Đức Phật nói: Tâm ly dục, ly ác pháp là nhập Sơ thiền, do ly dục sanh hỷ lạc nhưng chúng ta đang còn ở trong 5 chi thiền của nó: Tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm tức là chúng ta đang ở trạng thái Sơ Thiền Thiên. Còn nếu như chúng ta xả năm chi thiền này ra thì chúng ta đang ở trong trạng thái bất động, bất động đó là Niết Bàn. Lúc bấy giờ chúng ta có cần tu gì nữa không? Hay chỉ ly dục, ly ác pháp xả năm chi Sơ Thiền là nhập vào Bất động tâm định hay là Vô tướng tâm định là đủ. Mà đã ly dục, ly ác pháp là đạo đức của loài người, đạo đức không làm khổ mình, không làm khổ người. Cho nên lúc nảy Thầy nói đức Phật dạy:
“Ta nói: Ly dục ly ác pháp tức l à Ta nói giới luật”. Người nào sống đúng giới luật tức là ly dục, ly ác pháp, còn người nào sống không đúng giới luật là không ly dục, ly ác pháp. Nhưng muốn sống đúng giới luật mà không ức chế thân tâm, thì phải có pháp hành để tu. Pháp hành để tu như thế nào? Tứ Chánh Cần ngăn ác, diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện. Khi ngăn ác diệt ác xong, chúng ta tiếp tục quét sạch những pháp ác vi tế trên thân, thọ, tâm, pháp của chúng ta. Thân, thọ, tâm, pháp là thân ngũ uẩn của chúng ta. Thân ngũ uẩn của chúng ta gồm có: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Trên thân ngũ uẩn gồm đủ bốn, chỗ, thân, thọ, tâm và pháp. Nên đức Phật dạy chúng ta tu Tứ Niệm Xứ trên bốn chỗ này để chúng ta quan sát và đẩy lùi chướng ngại pháp trên đó. Nhờ có tu tập như vậy nên toàn bộ thân thọ, tâm, pháp của chúng ta thanh tịnh. Mà tâm đã thanh tịnh là tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm đã ly dục, ly ác pháp hoàn toàn.
Như vậy rõ ràng trong giai đoạn đầu chúng ta tu pháp gì?
Tu Tứ Chánh Cần, giai đoạn kế tu pháp Tứ Niệm Xứ. Tu pháp môn Tứ Niệm Xứ chúng ta chỉ có quan sát để quét sạch những ác pháp vi tế trên thân, thọ, tâm, pháp của chúng ta. Vậy thì, Tứ Chánh Cần chúng ta sống như các cư sĩ, đang chung đụng mọi pháp ác. Gặp pháp nào ác chúng ta đều ngăn và diệt ác pháp ấy, làm cho đời sống của chúng ta tràn đầy đạo đức không làm khổ mình khổ người. Còn bây giờ, với chiếc áo tu sĩ như Thầy thì vào thất, không có ai làm động mình hết, vì vậy mình ngồi đây quét sạch chướng ngại trên thân tâm của mình giống như ông Châu Lợi Bàn Đặc. Khi ông học bài kệ bốn câu không thuộc, thì người anh của ông, đuổi ông về nhà, ông ngồi khóc, đức Phật đi ngang qua thất ông, ông mới trình bày cho đức Phật biết nguyên do ông khóc. Đức Phật bảo: “Ta sẽ dạy con, chỉ cần quét cái tâm cho sạch”. Quét tâm cho sạch, tức là tu Tứ Niệm Xứ. Sau một thời gian ngắn ông thực hiện trọn vẹn lời dạy pháp môn Tứ Niệm Xứ, và chứng quả A La Hán, đầy đủ Tam Minh.
Cho nên trong giai đoạn đầu chúng ta tu Tứ Chánh Cần ngăn ác, diệt ác pháp, cuối cùng chúng ta vào trong tu viện, sống độc cư trầm lặng rồi chúng ta quét sạch những ác pháp vi tế trên thân, thọ, tâm, pháp của chúng ta, tức là tu Tứ Niệm Xứ. Khi tâm đã hoàn toàn sung mãn Tứ Niệm Xứ, thì có bốn Thần Túc đầy đủ trong thâm tâm Khi có bốn Thấn Túc đầy đủ thì nhập thiền định đâu còn có khó khăn, nên đức Phật bảo rằng: “Tâm định tỉnh như nhuyến dễ sử dụng thì nhập định không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức ”. Nghĩa là lúc bấy giờ mình chỉ dùng Định Như Ý Túc tức là Định Thần Túc, là muốn nhập định nào, thì sẽ nhập định như thế ấy một cách dễ dàng. Khi tâm đã thanh tịnh không còn tham, sân, si thì mình bảo: Diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền, tức thì tâm diệt tầm tứ và nhập vào trạng thái Nhị Thiền tức khắc.
Vậy ai diệt tầm tứ? Tâm thanh tịnh của chúng ta diệt tầm tứ, chứ không pháp nào khác hơn nữa, tức là tâm lực của chúng ta do tu tập Tứ Niệm Xứ sung mãn mà có, chứ không thể nào ngồi lâu mà chúng ta diệt nổi tầm tứ, diệt lỗ tai, diệt con mắt, mũi, miệng, thân và diệt ý thức của chúng ta được….Ở đây chúng ta ngồi nghỉ đừng cho khởi niệm là diệt nó sao? Diệt không thể được đâu? Vì vậy chúng ta chỉ cần tu tập Tứ Niệm Xứ sung mãn thì có Tứ Thần Túc, trong Tứ Thần Túc có Định Như Ý Túc như trên đã nói.
Các Phật tử có nghe đức Phật thuật lại: Khi đức Phật nhập định, cách đó 200 mét (200m) Trời sét đánh chết hai con bò. Tiếng sét to lớn như thế mà đức Phật trong định không nghe thấy gì cả. Bởi vì nhĩ căn đã ngưng hoạt động, nhĩ căn không hoạt động, thì giống như người điếc phải không quý Phật tử? Người điếc thì còn nghe được âm thanh gì nữa. Dù tiếng lớn cũng như tiếng nhỏ.
Không nghe nhưng chúng ta vẫn tỉnh bơ, vẫn biết như thường chỉ không nghe, không tác ý, không suy nghĩ. Lúc bây giờ cái biết của chúng ta giống như cái biết trong giấc mộng. Cho nên khi nhập Nhị Thiền thì chúng ta rơi vào thế giới tưởng. Khi bước vào chỗ này, thì đức Phật bảo phải ly tất cả hỷ (Ly hỷ trú xả), ly tất cả các trạng thái hỷ tưởng. Có 18 loại trạng thái hỷ tưởng, phải xả ra hết. Lúc bấy giờ xả cho sạch mới nhập được Tam Thiền có đúng như vậy không? Còn chúng ta nhập Nhị Thiền thấy hỷ lạc tưởng cho rằng định sanh hỷ lạc này là thật, nhưng không ngờ đó là trạng thái của xúc tưởng hỷ lạc. Xúc tưởng hỷ lạc là một trong 18 loại tưởng. Nếu không biết xả thì chúng ta sẽ bị rơi vào trong thế giới ma tưởng, chứ không phải là thiền định gì cả. Hầu hết các Sư Thầy hiện giờ đang rơi vào loại thiền định này mà họ tưởng rằng mình nhập được Chánh định. Ôi! Thật là vô minh, tội nghiệp thay! Một cuộc đời tu hành xả bỏ hết, nay còn gì đâu nữa.
Có những người tu ức chế tâm, thấy sắc tưởng hay thinh tưởng cho là định tướng xuất hiện. Những người này đã rơi vào mê hồn trận của định tưởng mà không biết. Khi rơi vào trong mê hồn trận này thì chẳng bao giờ họ nhập được Tam Thiền, họ chỉ còn loanh quanh trong cái thế giới tưởng này để đạt đến thần thông tưởng (ngũ thông).
Chúng ta muốn nhập Tứ Thiền thì sau khi đã dừng tất cả các trạng thái tưởng, được xem như người ngủ không còn chiêm bao, không còn chiêm bao thì lúc bấy giờ chúng ta nhập Tứ Thiền mới được an toàn. Chúng ta tịnh chỉ hơi thở, tức là chúng ta ra lệnh cho hơi thở phải tịnh chỉ, ngưng, nhập Tứ Thiền, chứ không phải chúng ta nín thở.
Ngay đó theo sự lệnh truyền của chúng ta, thì dần dần tuần tự hơi thở sẽ dừng lại. Nhưng khi dừng lại thân tâm của chúng ta không hoại diệt vì thân tâm chúng ta thanh tịnh, sống đúng giới luật, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Còn như cơ thể của chúng ta bất tịnh thì ngừng thở là chết ngay liền tức khắc. Bởi vì cơ thể của chúng ta đang tiếp xúc và đang được nuôi dưỡng với những chất ô nhiễm, ô trược…Tâm thì còn dẫy đầy tham, sân, si luôn sống trong đau khổ, mà bảo hơi thở dừng thì làm sao nó dừng được? Nếu nó dừng được thì đó chỉ là hơi thở tưởng dừng, chứ không phải hơi thở thật dừng.
Các nhà Yoga họ tập luyện, tâm họ chưa ly dục, ly ác pháp hoàn toàn mà họ dừng được hơi thở. Họ dừng được hơi thở là tại sao? Ở đây họ phải dùng tưởng để tu tập như: Tưởng thở bằng trán, bằng lỗ chân lông, v.v… họ thở được là nhờ năng lực của tưởng. Người tu theo tưởng định chỉ có Ngũ thông tưởng chứ nó không có Lục thông, Tam Minh, bởi vì không có Lậu Tận Minh nên nghiệp tái sanh vẫn còn, phải tiếp tục tái sanh luân hồi, tức là tâm tham, sân, si còn nguyên. Còn một người tu ly dục ly ác pháp hoàn toàn, tâm thanh tịnh thì sẽ lìa hết các lậu hoặc.
Lìa hết các lậu và tiếp tục tu các thiền định và Tam Minh thì mới chấm dứt nghiệp tái sanh luân hồi. Đó là con đường tu tập đúng của đạo Phật là như vậy. Tâm lực giúp chúng ta tự tại nhập Định, tự tại đưa tâm đến Tam Minh.
Ngoài sự tu tập này không còn có cách nào khác giúp chúng ta nhập định và thực hiện Tam Minh được. Cho nên chúng ta tu đúng pháp thì có giải thoát, còn tu không đúng thì không có giải thoát.
Vì thế căn bản sự tu tập thiền định của đạo Phật là ở chỗ giới luật, nhờ có giới luật tâm mới ly dục ly ác pháp, nhờ có ly dục ly ác pháp mà tâm mới bất động. Tâm bất động là giải thoát hoàn toàn, ra khỏi nhà sinh tử, chấm dứt luân hồi. Còn vấn đề thiền định và Tam Minh là vấn đề phụ.