45- BẬC A LA HÁN

LỜI PHẬT DẠY “Này Ràdha, có năm thủ uẩn này, Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn ”.

  “Này Ràdha! Khi nào Tỳ Kheo sau khi như thật biết rõ, sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của năm thủ uẩn này, vị ấy được giải thoát, không có chấp thủ; như vậy, gọi vị Tỳ Kheo là bậc A La Hán, đã đoạn tận các lậu hoặc, đã thành tựu Phạm hạnh, đã làm những việc phải làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, đã đoạn tận hữu kiết sử, đã giải thoát nhờ chánh trí”. (Tương ưng Kinh tập 3 trang 337).

CHÚ GIẢI:

Đọc qua đoạn kinh này, chúng ta thấy chứng quả A La Hán không phải khó khăn, chỉ có thật quán thân ngũ uẩn như thật, để thấu suốt năm uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta, nó vô thường, khổ, vô ngã, nó là người xa lạ, nó là nguy hại, là ổ bệnh tật khổ đau, v.v...

Chỉ cần chính quán như lý tác ý năm thủ uẩn này như vậy, thì chứng quả A La Hán không có khó khăn, không có mệt nhọc. Đọc hai bài kinh trong tập 3 Những Lời Phật Dạy này, thì quý vị Thấy Phật Giáo không phải là pháp môn tu tập không được. Nhưng chúng ta phải thấy rằng: Người tu theo Phật Giáo phải có nghị lực, phải gan dạ và bền chí thì mới thực sự thấy thân ngũ uẩn không phải là ta, là của ta.

Còn nếu không có nghị lực, không gan dạ và bền chí thì xin các bạn đừng tu theo Phật Giáo. Dù bạn có tu cũng chẳng có lợi ích gì cho bạn.

Đoạn kinh trên đã xác định rõ ràng đường lối và cách thức tu tập của Đạo Phật như thật quán thân ngũ uẩn thì sẽ chứng quả A La Hán rõ ràng và cụ thể. (Đến đây tạm dừng tập bốn này xin chúc các bạn tinh cần tu tập gặp được thắng duyên trên Đường Về Xứ Phật sớm thoát khổ đau.) (Hết Tập Bốn – Xin Mời Quí Phật Tử Đọc Tập Tiếp Theo)