36- LY DỤC THAM

LỜI PHẬT DẠY “Này Ràdha, phàm có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, hãy từ bỏ chúng. Như vậy sắc sẽ được đoạn tận, cắt tận gốc rễ, làm cho như thân cây ta la, làm cho không thể tái sanh, không thể sanh khởi trong tương lai”.

“Đối với thọ, tưởng, hành thức cũng vậy”.

CHÚ GIẢI:

Đọc đoạn kinh này chúng ta mới nhận ra pháp hành thiền định cụ thể của Phật Giáo là có dục nào, tham nào, hỷ nào, khát ái nào đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức thì hãy từ bỏ chúng, có nghĩa là không làm theo chúng, thì sắc, thọ, tưởng, hành, thức sẽ được đoạn tận, cắt tận gốc rễ không còn sanh khởi nữa.

Phương pháp tu này rất đơn giản chỉ cần không làm theo dục tham, dục sân, dục si ... thì cuối cùng thân ngũ uẩn này mới như thật không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta.

Có đoạn dứt được như vậy thì trước các cảm thọ ta mới có thể bất động tâm được. Nếu không từ bỏ được, không ngăn chặn được lòng tham dục thì chúng ta khó mà thành tựu pháp quán thân, thọ, tâm, pháp vô thường, khổ, vô ngã.

Và không thành tựu được pháp môn này thì khó cho ta thấy được quả giải thoát vô lậu A La Hán.

Từ bỏ lòng tham dục thì chúng ta phải nhận thấy rõ ràng từng tâm niệm dục, dù dục rất vi tế rất nhỏ nhặt. Ví dụ:

Tham dục ăn, tham dục ngủ, tham dục làm việc, tham dục nói chuyện, tham dục đọc kinh sách, tham dục nghe băng giảng, tham dục tu nhiều, tham dục hỷ lạc, tham dục khinh an v.v...

  Chúng ta chỉ có ly được dục là đoạn dứt được thân ngũ uẩn, đó là ý chính của bài kinh này và cũng là pháp hành độc đáo thiền định của Phật Giáo mà mọi người không thể ngờ được.