LỜI PHẬT DẠY “Nói trì giới là chỉ cho tâm ly dục, ly ác pháp.
Nói dục là chỉ cho bất tịnh.
Nói lậu hoặc là chỉ cho đau khổ.
Nói tịnh chỉ các hành trong thân là chỉ cho làm chủ sự sống chết.
Nói Tam Minh là chỉ cho tâm vô lậu. chấm dứt luân hồi tái sinh.
Nói Niết Bàn là chỉ cho tâm vô dục, bất động giải thoát”.
CHÚ GIẢI:
Trên đây là sáu điều mà người tu sĩ Phật Giáo cần phải ghi nhớ canh cánh bên lòng:
Điều thứ nhất: “Nói trì giới” thì chúng ta phải hiểu nghĩa là giữ gìn giới luật cho nghiêm chỉnh, không được vi phạm một lỗi lầm nhỏ nhặt nào. Thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt. Đó là vì mục đích ly dục ly ác pháp để tâm bất động hoàn toàn không bị các ác pháp tác động. Có như vậy mới gọi là tâm thanh tịnh giải thoát. Và chúng ta còn phải hiểu khi tâm ly dục ly ác pháp, thì chúng ta mới nhập được Sơ Thiền. Một loại thiền trong Tứ Thánh Định của Phật Giáo mà trên hành tinh này không có một tôn giáo nào có pháp môn thiền định như vậy được.
Điều thứ hai: “Nói dục” thì chúng ta phải hiểu nghĩa là lòng ham muốn. Nếu không xa lìa, từ bỏ lòng ham muốn thì cuộc đời tu hành của chúng ta chỉ hoài công vô ích mà thôi.
Nếu không ly dục thì không bao giờ tâm thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh thì khó cho chúng ta có đủ bảy năng lực Giác Chi để nhập các định chứng Tam Minh. Cho nên tâm còn ham muốn dù sự ham muốn ấy nhỏ như hạt cát thì chúng ta cũng khó mà tìm thấy sự giải thoát thân tâm mình.
Lời Phật dạy ngắn gọn, cô đọng: “Nói dục là chỉ cho tâm bất tịnh”. Còn dục là tâm không thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh dù có ngồi thiền năm, bảy ngày, một tháng, hai tháng, một năm…thì thiền định ấy vẫn là tà thiền, tà định.
Còn tâm ly dục ly ác pháp dù không ngồi thiền nhập định năm, bảy ngày thì tâm ấy cũng vẫn là tâm nhập định. Xin các bạn lưu ý ở điểm sai khác thiền định của Phật và thiền định của ngoại đạo là ở điểm này. Cho nên, Phật Giáo lấy giới luật tu tập mà thành thiền định. Còn những ai tu pháp môn nào mà Đại Thừa và Thiền Tông phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới nên dù ngồi thiền năm bảy ngày, một tháng hai tháng... vẫn là thiền tưởng mà thôi.
Điều thứ ba: “Nói lậu hoặc” thì chúng ta phải hiểu nghĩa là sự đau khổ, chứ đừng hiểu theo nghĩa của Đại Thừa là rò rỉ. Theo tự điển Phật Học Việt Nam thì lậu hoặc có nghĩa là phiền não. Nghĩa phiền não là chỉ cho tâm đau khổ thì chưa đủ nghĩa, còn thiếu phần thân. Cho nên, ý của đoạn kinh này, lậu hoặc là chỉ cho sự đau khổ của thân và tâm. Mục đích tu hành theo Phật Giáo là làm cho hết sự đau khổ của thân tâm. Hết sự đau khổ của thân tâm mới được gọi là vô lậu.
Ví dụ: Thân bị bệnh tật, đau nhức khổ sở cũng gọi là lậu hoặc, chứ không phải chỉ riêng có tâm phiền não. Cho nên nói lậu hoặc là chỉ chung cho sự đau khổ của thân và tâm.
Vì thế khi một vị chứng quả A La Hán gọi là bậc vô lậu, là bậc không còn đau khổ thân tâm, bậc bất động trước các pháp ác (Phiền não) và các cảm thọ (sự đau nhức).
Người còn phiền não giận hờn thương ghét...người còn bệnh tật khổ đau, rên rỉ thì không thể gọi là vô lậu. Cho nên Đức Phật xác định một câu ngắn gọn: “Nói lậu hoặc là chỉ đau khổ ”. Hết lậu hoặc là hết đau khổ. Con đường tu theo Phật Giáo là phải hết lậu hoặc. Bậc vô lậu là bậc giải thoát của Phật Giáo. Xin các bạn lưu ý lời dạy này để thấy rõ mục đích của Phật Giáo.
Điều thứ tư: “Nói tịnh chỉ các hành” thì chúng ta phải hiểu nghĩa là các sự hoạt động trong thân đều ngơi nghỉ, ngưng hoạt động. Tịnh chỉ các hành tức là đình chỉ hơi thở ra, vô.
Người có đủ năng lực làm ngừng hơi thở là người làm chủ sự sống chết. Người làm chủ được sự sống chết là người nhập Tứ Thiền.
Lời dạy này rất rõ ràng, đây là nhập Tứ thiền làm chủ sự sống chết. Tại sao chúng tôi biết đây là lời dạy nhập Tứ Thiền? Vì trong kinh Đức Phật có dạy: “Tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền” Và ở đây câu này Phật dạy: “Nói tịnh chỉ các hành trong thân”. Các hành trong thân, tức là hơi thở vô và hơi thở ra. Do kinh dạy tịnh chỉ các hành trong thân, nên chúng tôi biết là tịnh chỉ hơi thở. Tịnh chỉ hơi thở là nhập Tứ Thiền. Qua lời dạy này chúng tôi biết chắc chắn đây là nhập Tứ Thiền làm chủ sự sống chết. Các bạn cứ suy nghĩ xem lập luận như vậy có đúng không?
Theo nghĩa lời dạy trên của Đức Phật, khi muốn làm chủ sự sống chết thì phải nhập Tứ thiền. Tứ Thiền là một loại thiền định với mục đích của nó là giúp chúng ta tịnh chỉ hơi thở. Ngoài thiền định này ra thì không còn có một thứ thiền định nào làm chủ sống chết được. Đó là một sự xác quyết chắc chắn không thay đổi của Phật Giáo. Thiền mà làm chủ được sự sống chết như vậy, nên được gọi là Tứ Thánh Định. Chỉ có Tứ Thánh Định mới không hổ danh là Thiền Định của các bậc Thánh.
Một người tu hành muốn làm chủ sanh tử luân hồi thì phải tu tập Tứ Thánh Định. Tứ Thánh Định gồm có bốn Thiền:
- Sơ Thiền.
- Nhị Thiền.
- Tam Thiền.
- Tứ Thiền.
Muốn tu tập bốn thiền này thì phải tu tập ly dục ly ác pháp.
Và chúng ta ai cũng biết ly dục ly ác pháp là giới luật, là thiện pháp.
Tóm lại muốn tu tập làm chủ sự sống chết thì phải sống nghiêm chỉnh Giới luật và tu tập Tứ Niệm Xứ để tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thánh Định.
Điều thứ năm: “Nói Tam Minh là chỉ cho tâm vô lậu”.
Tam Minh nghĩa là gì? Tam Minh nghĩa là trí tuệ hiểu biết vượt ra khỏi không gian và thời gian, tức là sự hiểu biết vũ trụ như thật, chứ không phải sự hiểu biết hạn hẹp của ý thức. Sự hiểu biết như vậy còn được gọi một cái tên khác là liễu tri. Trí thức bị hạn chế trong không gian và thời gian nên thấy và hiểu biết mọi sự vật bằng tưởng, không như thật. Ví dụ: Thấy thế giới hữu hình này là thật. Thấy thế giới siêu hình là thật, linh hồn người chết, Thần Thánh, quỷ, ma... là có thật. Đó là cái hiểu biết của tưởng tri.
Người tu hành mà có được trí tuệ Tam Minh thì thấy thế giới hữu hình và vô hình là không có thật, chỉ là những thế giới ảo tưởng. Do thấy 2 thế giới không thật có nên không thấy có ta, của ta, bản ngã của ta. Do thật thấy không phải của ta như vậy, nên không thể tương ưng trong hai thế giới này. Không tương ưng tức là vô lậu, vô lậu nên chấm dứt tái sanh luân hồi. Cho nên Phật dạy: “Nói Tam Minh là chỉ tâm vô lậu”. Tâm vô lậu tức là tâm chấm dứt luân hồi tái sinh.
Như vậy, chúng ta đã hiểu rõ: Nhập được Tứ Thiền là làm chủ sự sống chết. Còn đạt được trí tuệ Tam Minh thì chấm dứt luân hồi tái sanh. Những lời dạy này các bạn cứ suy ngẫm rồi mới tin. Và khi tin thì các bạn hãy nên sống và tập luyện đúng pháp. Khi sống và tu tập đúng pháp thì chừng đó các bạn mới chứng minh lời Phật dạy là như thật.
Điều thứ sáu: “Nói Niết bàn là chỉ cho tâm vô dục, bất động giải thoát”. Lời dạy này chúng ta phải hiểu nghĩa những từ vô dục, bất động. Vậy vô dục và bất động nghĩa là gì?
Vô dục nghĩa là không còn ham muốn, còn bất động nghĩa là không bị lay động. Niết Bàn của Phật là ở chỗ trạng thái tâm không còn ham muốn và không bị lay động.
Với mục đích muốn được tâm vô dục và bất động thì phải tu tập tâm ly dục ly ác pháp. Vậy tu tập như thế nào để tâm ly dục ly ác pháp?
Ly dục tức là không làm theo lòng ham muốn của mình; ly ác pháp là lìa xa, không làm theo các pháp ác, ngăn chặn các pháp ác không cho xâm chiếm vào tâm. Khi tâm không còn ham muốn (vô dục) và tâm bất động trước các ác pháp, đó là mục đích Niết Bàn của Đạo Phật.
Niết Bàn của Đạo Phật là một sự thật, chứ không phải là một cảnh giới siêu hình. Bởi vậy Đạo Phật là đạo như thật, nên trong Đạo Phật không có một điều gì trừu tượng, ảo giác khiến cho mọi người khó hiểu. Khi Phật Giáo bị dìm mất thì Bà La Môn phát triển biến giáo pháp của mình thành giáo pháp của Đạo Phật. Vì thế Đạo Phật trở thành một tôn giáo mê tín, lạc hậu Đạo đức thì mất hết chỉ còn những việc làm mê tín như cúng bái cầu siêu, cầu an, cúng sao giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu, xin xâm bói quẻ, v.v...
Những việc làm này, hôm nay đã trở thành một nghề nghiệp cúng bái tụng niệm trong các chùa. Một nghề nghiệp lừa đảo mọi người, làm mọi người mất trí tuệ, mất sức tự lực, chỉ còn lại với tinh thần yếu đuối cầu cúng van xin thật là đau lòng. Phải không các bạn?