LỜI PHẬT DẠY “Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, pháp không phóng dật là đệ nhất. “Muốn tu pháp không phóng dật thì phải tu Tứ Ý Đoạn”.
CHÚ GIẢI:
Tứ Ý Đoạn tức là Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần là pháp ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện.
Trong cuộc đời tu hành theo Phật thì lúc nào, giờ nào phải thường cảnh giác ngăn và diệt các ác pháp, không cho chúng tác động vào thân, tâm. Khiến cho thân tâm lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự. Nhờ thế mà tâm không bị phóng dật, nên Đức Phật dạy: “Đệ nhất pháp tâm không phóng dật là Tứ Ý Đoạn”. Nhưng tâm không phóng dật là thành tựu đạo giải thoát, tức là viên mãn con đường tu tập.
Trước khi vào Niết Bàn Ngài di chúc lại: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật”.
Trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà pháp môn Tứ Chánh Cần là pháp môn đệ nhất ngăn ác diệt ác pháp khiến cho thân tâm bất động. Nhờ đó mà tiến tới các pháp cao hơn sâu hơn.
Tứ Chánh Cần là nền tảng đạo đức vững chắc nhất của Phật Giáo. Cho nên muốn tu tập Tứ Chánh Cần thì Đức Phật đã trang bị cho chúng ta bốn loại định:
- Định Sáng Suốt.
- Định Vô Lậu - Định Chánh Niệm Tỉnh Giác.
- Định Niệm Hơi Thở Trong Định Niệm Hơi Thở có 18 đề mục tu tập (xin đọc lại Định Niệm Hơi Thở). Định Niệm Hơi Thở là một pháp môn rất quan trọng. Nó được xem như là một chiếc “chổi thần” dùng để quét tất cả các chướng ngại pháp trên thân, thọ, tâm của Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ mà được viên mãn đều phải nhờ đến cây chổi thần này.
Định Niệm Hơi Thở được ví như những loại vũ khí tối tân và hiện đại nhất để chiến đấu trong chiến trận sanh tử.
Người tu sĩ Phật Giáo tu tập Định Niệm Hơi Thở cũng giống như một binh sĩ được huấn luyện trong trường võ bị.
Sự quan trọng của Định Niệm Hơi Thở như vậy, nên khi tu tập theo Phật Giáo phải tu tập rất kỹ lưỡng về Định Niệm Hơi Thở để cho nó có đủ năng lực đẩy lùi các chướng ngại pháp trên thân và tâm.
Ông Châu Lợi Bàn Đặc suốt ngày đêm trong thất chuyên quét tâm, cuối cùng chứng quả A La Hán.
Ông A Nan đi kinh hành quét tâm suốt đêm chứng quả A La Hán.
Tóm lại quét tâm có phương pháp để tâm bất động. Tâm bất động là tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật là đạt được giải thoát.