BỨC TÂM THƯ GỬI ĐỨC THÔNG

Tâm Thư Ngày 29-01-2009

HÃY LO CỨU MÌNH

Kính gửi: Đức Thông. Sau khi đọc tập sách Khoa Học Và Đạo Học của con, Thầy thấy đây là những kiến giải rất đúng. Nhưng thầy khuyên Đức Thông hãy tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi, rồi hãy viết sách, còn bây giờ thì không nên viết. Tại sao vậy?

Vì hiện giờ, viết là viết theo kiến tưởng giải vay mượn của người khác, nó không phải là của Đức Thông, mà kiến tưởng giải nó là một bằng chứng để chỉ rỏ người viết những điều này là tu hành chưa chứng đạo, vì chứng đạo không bao giờ viết vay mượn của bất cứ ai hết. Kiến tưởng giải là một bệnh thiền mà xưa nay các Tổ Thiền tông, Tịnh độ tông và Mật tông đều lạc vào con đường pháp tưởng này nên tu hành chẳng bao giờ làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi.

Hãy lo cứu mình, đừng viết sách, vì viết sách đó là mục đích đang tạo danh. Hãy cẩn thận đừng để tâm lừa mình con ạ! Tu hành chưa xong mà có danh là bị danh giết chết, còn đâu tu tập nữa.

Hãy lo cứu mình, đừng viết lách, vì viết lách sẽ làm mất thì giờ rất nhiều. Thời gian của Đức Thông hiện giờ quý hơn châu báu, ngọc ngà, vàng bạc, v.v... Nếu thời gian trôi qua thì không bao giờ lấy lại được. Vì thế, hãy để thời gian đó giữ gìn tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự là chân lí giải thoát của đạo Phật, nếu không chứng đạt chân lí này thì ngàn đời muôn kiếp vẫn mãi mãi tái sinh luân hồi và chịu biết bao điều cay đắng, phiền não, khổ đau, v.v... “Nước mắt chúng sinh nhiều hơn nước biển”, lời dạy năm xưa của đức Phật còn văng vẳng mãi bên tai, nhưng có mấy ai đã nhớ chăng?

Biết rõ như vậy mà không cố gắng tu tập thì phí bỏ cả một đời người. Tu tập không phải khó, khó là tại mình không buông bỏ các duyên nên tâm bị gián đoạn, vì thế tu mãi mà không CHỨNG ĐẠO. Nói đến hai chữ CHỨNG ĐẠO. Vậy CHỨNG ĐẠO là chứng cái gì?

Muốn biết chứng đạo thì phải hiểu nghĩa chứng đạo. Chứng đạo có nghĩa là SỐNG MÀ THÂN TÂM KHÔNG CÒN MỘT CHÚT XÍU KHỔ ĐAU NÀO nên đức Phật gọi là chứng “THÂN TÂM VÔ LẬU”. Cho nên người chứng đạo là người luôn luôn sống trong thân tâm như mọi người nhưng không một chút xíu nào phiền não, khổ đau cả. Đó là giải thoát của Phật giáo.

Còn viết lách hiện giờ là mọi người đang chịu ảnh hưởng tư tưởng của người khác, nên cứ lập đi lập lại mãi những danh từ thiền tông, Đại thừa, nguyên thủy và khoa học tâm linh. Hầu hết các Ngài viết là viết theo tưởng giải dựa theo kiến thức nghiên cứu, học hỏi hiểu biết rồi triển khai ra viết. Nhưng những bài viết ấy giống như chiếc áo vá chứ không có cái nào là của riêng mọi người.

Muốn viết lách thì phải đợi khi nào tu tập chứng quả “VÔ LẬU” làm chủ bốn sự đau khổ của thân tâm thì lúc ấy viết mới là của riêng mình và như vậy những bài viết mới có giá trị và lợi ích cho mọi người. Cho nên hiện giờ sách của Đức Thông viết, Thầy không có ý gì cả.

Thăm và chúc Đức Thông tu tập xả tâm tốt.

Kính ghi

Tu Viện Chơn Như