Trước đây chúng tôi đã giảng về Tứ Vô Lượng Tâm, nhưng chưa có nêu pháp hành rõ rệt; bây giờ chúng tôi sẽ trình bày những pháp hành cụ thể; cũng giống như sau khi có được địa danh, bây giờ ta lấy địa chỉ rõ ràng để đi đến nơi, đến chốn.
Tâm ta vốn dĩ đầy ắp tham, sân, si; không phải hàng ngày cứ nói diệt tham, sân, si mà nó hết đâu. Phật nói dùng tâm từ để diệt tâm sân, nhưng tâm chưa có từ thì làm sao diệt được sân? Vậy làm thế nào để trau dồi tâm từ? - Phải trau dồi, tập sống với tâm như tâm Phật (rộng lớn vô bờ bến); phải tập dứt ác và thể hiện tình thương rộng lớn. Thí dụ khi người chửi ta, liệu ta có thương họ mà tha thứ cho họ được không? Hầu hết chúng ta đều nhớ lời Phật dạy: “Lấy tâm từ để diệt lòng sân hận”, nhưng có mấy ai làm được? Và làm thế nào để thể hiện tâm từ vô biên?
Tu là phải thực tập, rèn luyện từng chút mới có được từ, bi, hỷ, xả. Nếu Thầy nói mà các con nghe chơi, và chẳng thực tập gì cả thì thật là uổng công, mệt sức, mất thì giờ vô ích. Khi vào đạo Phật, trước tiên chúng ta nhớ là phải thông hiểu; sau khi thông hiểu thì ta phải trau dồi (nhìn vào địa chỉ để mà đi).
Thế nào là Tứ Vô Lượng Tâm?
“Tứ” là bốn, “Vô lượng tâm” là tâm rộng lớn mênh mông, phủ trùm tất cả chúng sanh, không thể nào suy lường, tính toán được. Tâm này thoát ra khỏi sự ràng buộc dây mơ rễ má của mọi tình cảm thương, ghét, giận hờn, tỵ hiềm, kiêu căng, nghi ngờ, ngã mạn của phàm phu; phá vỡ mọi tà kiến, thân kiến, chấp kiến. Càng trau dồi tâm này thì nó càng rộng lớn và sự hiểu biết của ta càng phát triển; từ đó ta mới thực hiện tâm vô ngã. Nếu không có bốn tâm từ, bi, hỉ, xả, thì ta khó thực hiện được tâm vô ngã.
“Vô lượng tâm” còn có nghĩa là đẳng tâm, là tâm bình đẳng (xem người và vật như nhau). Tâm này tự nhiên, không so đo cao thấp, hơn kém, mà phổ biến, ban rải khắp mọi nơi, mọi chỗ, không giới hạn. Do trau dồi tâm bình đẳng này mà làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh thoát khổ. Tâm này có công năng mang lại cho chúng sanh vô lượng phước báo, nghĩa là không bao giờ làm phiền lòng ai. Biết rằng ở đời ai cũng có cái khổ, cái khó khăn, nên ta cần phải thường xuyên áp dụng tâm bi. Thí dụ khi có một người tức giận ta, ta hiểu là người ấy đang khổ (bởi vì tâm bình thường đâu có đau khổ). Khi thực hiện tâm bi là thực hiện ở chỗ đau khổ, tai nạn của người. Nếu thực hiện được tâm từ thì ta có thể đem lại lợi ích cho chúng sanh trong nước và các nước khác; ta sẽ sống an vui, không có chiến tranh, đau khổ.
“Vô lượng” phải hiểu qua năm trường hợp sau đây:
1- Vô lượng nhân lành: Đem lại nhân lành cho mọi người. Thí dụ khi người ta chửi mình thì mình không giận, mà còn năn nỉ để họ mát dạ, không chửi nữa. Đó là ta thông cảm và giúp đỡ họ.
2- Vô lượng quả đẹp: Luôn luôn đem đến sự tốt đẹp, không phiền toái, khiến cho chúng sanh nào cũng được an lành.
3- Vô lượng chúng sanh: Mang lại lợi ích cho rất nhiều chúng sanh. Thí dụ trong y áo của chúng ta có đầy kiến, học tập tâm từ thì ta không nên đập giũ mạnh khiến cho chúng có thể bị thương tích và chết mất. Vì mưa gió cho nên chúng mới chạy vào nhà tìm nơi trú ẩn. Nếu ta không muốn cho chúng vào thì phải ngăn chặn từ đầu. Bây giờ nó vô đầy trong nhà mà ta quét đổ hết ra ngoài mưa, hoặc đem đốt đi thì tội vô cùng!
4- Vô lượng thế giới: Cả thế giới trùng trùng, điệp điệp (không gian).
5- Vô lượng đời kiếp: Đời đời kiếp kiếp được an lành (thời gian).
✿✿✿