PHÁP TU CỦA PHẬT

Sau khi chứng đạt hai loại định Không Vô Biên Xứ Tưởng và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, tiếp đó thực hành 6 năm khổ hạnh tối đa, đức Phật nhận thấy không có sự giải thoát. Nhìn lại tâm mình, đức Phật thấy tâm tham, sân, si, mạn, nghi vẫn còn nguyên, và Ngài không thể làm chủ được 4 nỗi khổ: sinh, già, bệnh, chết.

Đức Phật tư duy suy nghĩ: các phương pháp tu tập như vậy của ngoại đạo không thể đem đến kết quả giải thoát, bởi chúng đều ức chế thân tâm và còn tạo ra sự đau khổ nhiều hơn. Vì vậy, đức Phật ném bỏ tất cả.

Dưới cội cây bồ đề bên dòng sông Ni Liên, đức Phật nhớ lại phương pháp ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền, mà khi còn bé Ngài ngồi dưới cội cây hồng táo tu tập bắt chước vua cha; đó cũng là pháp tu ức chế. Ngài suy nghĩ: “Tu tập Sơ Thiền ly dục, ly ác pháp như vậy là ức chế tâm. Cố gắng giữ gìn tâm không vọng niệm thì làm sao ly dục, ly ác pháp được?”.

Tự đặt ra câu hỏi, rồi Ngài lại tiếp tục tư duy suy nghĩ: “Dục là lòng ham muốn của mình, mà lòng còn ham muốn là còn đau khổ, cho nên phải dứt trừ lòng ham muốn. Nhưng dứt trừ lòng ham muốn bằng cách nào?”.

Câu hỏi được đặt ra, nhưng câu trả lời chưa có, nên Ngài lại tiếp tục tư duy: Trong tâm ta thường hay bị chướng ngại do các ác pháp bên ngoài tác động vào, làm cho nó khổ đau. Những đối tượng bên ngoài phần đông là ác pháp, nên khi chúng tác động vào thân hay tâm là chúng ta thấy bất an liền. Như vậy, mục đích ly dục, ly ác pháp còn có nghĩa là ngăn ngừa lòng dục bên trong, tức là không cho khởi lên lòng ham muốn, nếu có khởi lên lòng ham muốn thì phải quán xét tư duy diệt nó ngay liền”. Như vậy chúng ta mới có pháp tu tập ly dục, ly ác pháp, chớ chỉ nói suông Ly Dục, Ly Ác Pháp thì đâu có pháp hành, thì biết tu tập ly dục ly ác pháp như thế nào?

Bởi vậy, khi đức Phật ngồi dưới cội cây bồ đề, tư duy về các vị thầy ngoại đạo dạy tu tập Sơ Thiền: họ đều nói ly dục, ly ác pháp, nhưng kỳ thực là không có pháp ly dục ly ác pháp, mà chỉ có pháp ức chế ý thức, khiến cho ý thức không còn niệm khởi, vì thế tâm tham, sân, si, mạn, nghi không bao giờ ly và diệt nó được. Cho nên kinh sách Đại thừa và kinh sách Thiền tông dạy không bao giờ tu tập chứng đạo, làm chủ sinh, già, bệnh, chết được.

Nếu quý vị nghiên cứu kỹ, thì sẽ thấy giáo pháp của Phật dạy ly dục, ly ác pháp có pháp môn tu tập hẳn hoi.

Giới - Định - Tuệ là phương hướng xác định đường lối tu tập theo Phật giáo từ thấp đến cao. Nếu ai chưa tu Giới mà tu Định là tu sai pháp của Phật. Nếu ai chưa nhập được Định mà bảo mình có Trí Tuệ là người này lừa đảo người khác.

Căn cứ vào Giới - Định - Tuệ mà chúng ta biết được người tu đúng hay tu sai pháp Phật; biết được người tu theo pháp Phật hay tu theo pháp ngoại đạo. Đó là chúng ta chỉ căn cứ vào Giới, Định, Tuệ mà còn biết sai đúng như vậy, huống là chúng ta căn cứ vào Bát Chánh Đạo thì pháp môn ngoại đạo không thể lừa phật tử được.

Nhờ đó, kinh sách Đại thừa và kinh sách Thiền tông Trung Quốc không còn dối trá lừa người khác được. Những kinh sách này rất khôn ngoan, muốn biến kinh sách của mình thành những lời Phật thuyết, nên chúng dựng lên bộ sử 33 vị tổ sư Ấn Độ và Trung Hoa.

Trước giờ thị tịch, đức Phật chỉ di chúc: “Các thầy tỳ kheo! Sau khi ta tịch, hãy lấy Giới luật của Ta làm Thầy, đừng lấy ai làm Thầy”.

May mắn thay cho đời sau, nhờ có lời dạy của đức Phật như vậy, mà quý phật tử không bị lầm mưu kế gian xảo của Đại thừa và Thiền tông Trung Quốc.

Vào đầu kinh sách Đại thừa, cuốn nào cũng có câu này giới thiệu: “Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Xá Vệ quốc, kỳ thọ Cấp Cô Độc viên, dữ kỳ đà...”.Đọc câu này ít ai để ý, nên cứ lầm tưởng kinh sách đó do Phật thuyết. Cho nên từ xưa đến nay, có biết bao nhiêu người học tu theo các tổ Trung Quốc, mà cứ ngỡ mình tu theo Phật. Thật là tội nghiệp!

Trở lại với đức Phật, lúc này, Ngài đang âm thầm lặng lẽ một hình một bóng tu hành dưới cội cây bồ đề. Mỗi lần muốn ly dục, ly ác pháp, thì đức Phật lại tư duy cách thức tu tập như thế nào để không ức chế ý thức giống ngoại đạo. Do tư duy suy nghĩ như vậy, nên Ngài tự nghĩ ra pháp tu tập xả tâm, ngăn ác và diệt ác pháp, sinh thiện và tăng trưởng thiện pháp.

Từ đó, đức Phật nỗ lực tu tập hằng ngày không biếng trễ, dùng tri kiến quán xét vào tâm của mình rất tỉnh táo, từng phút, từng giây tác ý để ngăn và diệt lòng ham muốn. Nhờ chế ra pháp tu hành như vậy mà lòng ham muốn càng lúc càng giảm, càng lìa ra. Cuối cùng tâm dục lần lượt bị diệt mất.

Về ác pháp cũng tu tập như vậy, mỗi khi có ác pháp nào tác động vào thân tâm thì đức Phật liền quán xét tư duy ngăn chặn và diệt ác pháp đó ngay liền.

Nhờ phương pháp tu tập hiệu quả như vậy, nên đức Phật cảm thấy tâm mình càng lúc càng ly dục, ly bất thiện pháp rất nhiều. Cứ như vậy, Ngài tiếp tục tu hành cho đến khi tâm rất tự nhiên trở nên Bất Động, Thanh Thản, An Lạc và Vô Sự.

Do kết quả này và cộng với sự siêng năng cần mẫn tu tập, nên Ngài đặt tên phương pháp tu tập này là Tứ Chánh Cần, tức là bốn pháp chân chánh cần phải tu tập hằng ngày. Pháp môn này được sinh ra từ đức Phật. Cho nên người nào tu thiền theo Phật giáo, muốn ly dục, ly ác pháp đều phải tu tập Tứ Chánh Cần.

Kính ghi

Tu Viện Chơn Như