Câu hỏi của Nguyên Thanh
Hỏi:Kính Bạch Thầy Tôn Kính! Con chiến đấu với “ngũ ấm ma” bằng pháp môn Thân Hành Niệm kết hợp rất thiện xảo với Tứ Niệm Xứ sáng, chiều, tối, khuya. Hôm nay con đã chiến thắng được nó với pháp hành Thân Hành Niệm, nó đánh con, bây giờ con đánh lại nó bằng phương pháp “như lý tác ý” khắc phục cho bằng được.
Khi con bắt chân lên ngồi kiết già, con tác ý: “cái đầu không được xoay” 3 lần, nó nằm im lặng, có nhúc nhích, lực rất yếu, con tác ý bằng lời nói luôn, không tác ý bằng tâm, hai con mắt của con mở to ra và cương quyết, quyết chí điều khiển nó cho bằng được.
Con tư duy rằng: con sẽ khắc phục được nó bằng pháp hành, Thân Hành Niệm, con ôm chặt pháp và điều khiển nó. Mới đầu khó khăn lắm, nhưng với sự quyết chí của con, cái lực đó nó giảm dần dần… Trước khi vào thực hành, con quỳ trước tấm ảnh của Đức Phật và của Thầy (trong thất của con, có treo hình Đức Phật và Thầy), con nguyện rằng, con sẽ khắc phục nó cho bằng được, bằng pháp hành: Thân Hành Niệm, phải điều khiển cái thân này cho được, phải làmchủ nó, từ thân cho đến tâm. Những tư tưởng và ý tưởng của mình, con ước nguyện như thế, và lúc đó nước mắt của con tuôn rơi ra... Bởi Đức Phật và Thầy làm được, tu được, làm chủ sanh tử được, thật là vĩ đại và cao thượng quá! Nguyên Thanh con quyết chí chiến đấu đến tận cùng, dù con có chết con cũng sẽ ôm pháp Thân Hành Niệm. Và thế là con vào tu với trái tim đầy nhiệt huyết nóng bỏng, cố gắng nỗ lực khắc phục “ma lực” đó bằng pháp hành “Thân Hành Niệm”.
Hồi con còn đi học, con tâm đắc nhất câu nói của Bác Hồ: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển quyết chí sẽ thành công”.
Và thế là con ôm pháp Thân Hành Niệm với vũ khí sắc bén nhất là “như lý tác ý” để khắc phục nó bằng những câu tác ý sống động và sáng tạo của con. Cái thân của con nằm im, lực yếu dần, cái đầu trọc của con nó bớt xoay. Mỗi lần nó nhè nhẹ xoay hoặc lắc, con nhắc một câu: “thôi đừng có xoay hoặc lắc nữa, nằm im đi!” nó dễ thương lắm, nó nằm yên liền, con mừng và vui quá!
Khi con đi kinh hành, con tác ý “bước” trước khi tác ý “bước” con nhắc liền, “không được đẩy cái thân, đôi chân phải bám chặt nền nhà vững chắc lên” và thế là con bước. Ma lực đó có đẩy nhưng rất yếu, nhè nhẹ thôi.
Con đi Thân Hành Niệm rất thoải mái, và con cảm nhận vui ơi là vui! Vì con đã chiến thắng được nó bằng pháp hành Thân Hành Niệm. Với vũ khí sắc bén “như lý tác ý” và bây giờ đây con không sợ gì hết, tâm con vững mạnh, sau khi vượt qua được chướng ngại, con nhìn thấy trong con trưởngthành lên một chút xíu. Con không sợ một chướng ngại nào hết, bởi vì con có Thầy, có pháp hành của Phật, có những vũ khí sắc bén nhất đó là “như lý tác ý” của Phật của Thầy để lại…, cho nên Nguyên Thanh con, vững tin để tiến lên.
Nếu con khắc phục “ma lực ngũ ấm” bằng pháp môn Tứ Niệm Xứ đẩy lui chướng ngại pháp ra khỏi thân tâm. Con tư duyrằngkhắc phục bằng pháp môn Tứ Niệm Xứ nó dễ… cho nên con khắc phục nó bằng pháp môn: Thân Hành Niệm, vì con tu Thân Hành Niệm nó xuất hiện “ngũ ấm ma” thì bây giờ đây con sẽ sử dụng Thân Hành Niệm để khắc phục cho bằng được, bằng nghị lực, gan dạ, quyết chí của con để đẩy lui chướng ngại pháp ra khỏi thân tâm.
Và con thắc mắc rằng: tại sao lại do ngũ ấm ma tạo ra (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) cái lực đó do ngũ ấm tạo thành nó có liên quan gì đến Thất Giác Chi không?
Và tại sao khi tâm thanh tịnh có chánh niệm thì nó mới xuất hiện, còn nếu cái tâm không thanh tịnh nó không xuất hiện???
Còn cái đầu trọc của con nó xoay, tức là huyệt bạch hội hoạt động khai mở, tâm thanh tịnh thì huyệt bách hội nó mới hoạt động.
Con kính xin Thầy cho con thưa hỏi là: Huyệt bách hội nó có liên quan gì đến Bốn Thiền, Tam Minh không?
Và con thắc mắc rằng: tại sao với tâm thanh tịnh thì cái “lực đẩy” đó mới có? Còn với cái tâm không định tỉnh thì ôi thôi, nó không bao giờ xuất hiện???
Có nghĩa là khi tâm con, không phóng tâm, không phóng dật “cái lực đẩy” nó mới xuất hiện, và huyệt bách hội hoạt động (cái thân thì nhẹ nhàng, cái đầu thì rỗng suốt) nhưng vì cái lực đẩy đó, nó mạnh quá cho nên làm chướng ngại trên thân và tâm, vì thế con mới dùng pháp hành “Thân Hành Niệm” để khắc phục nó, khắc phục nó cũng không phải dễ dàng. Với sự quyết chí con cũng làm được, nhắc nó bằng những câu tácý sáng tạo của mình. Thì nó yếu dần thôi và giờ đây thân và tâm của con yên ổn rồi, không còn bị lực đẩy đó làm chướng ngại, lực đẩy yếu dần.
Con kính gửi lên Thầy bài viết nhỏ bé của mình khi con vượt qua được những chướng ngại trên pháp hành của mình. Bằng trái tim đầy nhiệt huyết, cố gắng nhiệt tâm tinh cần, quyết chí và dũng mãnh.
Con thành kính dâng lên Thầy, người đã trao truyền cho con sự dũng mãnh tràn đầy nghị lực, kiên cường, gan dạ, bền lòng vững chí, khi gặp khó khăn lòng không lo sợ, tâm phải luôn định tỉnh, kham nhẫn…
Con thành kính tri ân.
Kính ghi
Con của Thầy: Nguyên Thanh
Ngày 12 tháng 7 năm 2002.
NÊN PHÂN BIỆT BA LỰC
Đáp:Nên phân biệt ba lực trong thân ngũ ấm. Ba lực đó là:
1/ Ý thức lực (sắc ấm).
2/ Tưởng thức lực (tưởng ấm).
3/ Tâm thức lực (thức ấm).
Trong ba lực đối với đạo Phật chỉ được quyền sử dụng ý thức lực, tâm thức lực còn tưởng thức lực thì luôn luôn phải đề cao cảnh giác, để ngăn và diệt trừ nó, không cho nó phát triển, nếu nó phát triển sẽ đưa hành giả vào tà định. Vì lực của tưởng ấm là lực của ma ngũ ấm. Lực của ma ngũ ấm thì lấy dục mà tăng trưởng, tức là lấy lòng ham muốn của con người làm gốc mà phát triển. Vì thế, khi lực này phát triển thì tâm tham, sân, si càng gia tăng, ngã càng to lớn nhưng rất thiện xảo tinh vi lừa đảo trong lối lý luận bưng bít khiến ngay chính hành giả cũng lầm lạc. Lực này rất nguy hiểm trên đường tu tập xả tâm ly dục ly ác pháp. Vì nó không xả tâm dục và ác pháp mà lại nuôi lớn ngã và lòng tham dục danh lợi to lớn.
Lực của thức ấm là lực của Bảy Giác Chi (lực của tâm).
Lực của tưởng và lực của tâm không có liên quan nhau.
Khi tu tập tâm chưa ly dục ly ác pháp hoàn toàn thì lực của tưởng thường xuất hiện phá lực của tâm làm cho chúng ta khó phân biệt.
Cho nên, các huyệt trên thân khai mở tức là các huyệt dao động khi dao động thì lực tưởng xuất hiện. Ngoại đạo thường tu tập khai mở những huyệt đạo này để có thần thông. Có thần thông để lường gạt người làm danh, làm lợi trên mồ hôi nước mắt của kẻ khác. Những người tu tập có thần thông tưởng không bao giờ giải thoát.
Có chánh niệm, tức là ý thức thanh tịnh chứ không phải tâm thanh tịnh.
Có đủ Bảy Năng Lực Giác Chi thì tâm mới thanh tịnh, nói cách khác tâm thanh tịnh thì mới có Bảy Năng Lực Giác Chi.
Ý thức thanh tịnh thì có chánh niệm, có chánh niệm thì coi chừng có tưởng lực xuất hiện, có tưởng lực xuất hiện là do tâm ly dục ly ác pháp chưa thật sạch.
Khi chưa có Bảy Năng Lực Giác Chi thì không làm gì con nhập được Sơ Thiền. Chưa nhập được Sơ Thiền không làm gì có thân, tâm được thanh tịnh; thân tâm chưa thanh tịnh thì làm sao nhập lưu được quả Tu Đà Hoàn.
Cho nên, hiện giờ đang tu tập thì chỉ có ý thức thanh tịnh chứ không có tâm thanh tịnh.
Cái đầu con quay là huyệt bách hội khai mở, tức là ý thức bị ức chế không vọng tưởng, chứ không phải ý thức thanh tịnh. Vì thế, con nên ngăn và diệt tưởng lực đó để con tu tập Thân Hành Niệm cho tâm thật định tỉnh trên thân hành thì Xả Giác Chi sẽ xuất hiện, Xả Giác Chi xuất hiện thì mới giúp con xả sạch tâm tham, sân, si... tức là trên pháp Thân Hành Niệm ly dục ly ác pháp để vào Bất Động Tâm Định. Bất động Tâm Định là một trạng thái tâm không phóng niệm và không phóng dật, như Đức Phật đã dạy: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”.
Ngoại đạo tu tập dùng mọi pháp môn để ức chế ý thức, khiến cho ý thức không có vọng niệm. Không có vọng niệm ngỡ rằng cách thức tu tập như vậy làm cho ý thức thanh tịnh, nói cách khác là làm cho tâm thanh tịnh, nhưng nào ngờ khi ý thức bị ức chế, không hoạt động được, nhờ ý thức không hoạt động được, do đó tưởng thức hoạt động nên mới khai mở các huyệt đạo. Tu theo kinh sách phát triển thì không có tâm thanh tịnh, mà chỉ có tâm chạy theo dục lạc vật chất thế gian. Con cứ nên suy ngẫm lại xem (lời các học giả kinh sách phát triển) thì lời Thầy nói không sai. Chỉ khi nào ý thức ly dục ly ác pháp thì ý thức mới thanh tịnh.
Cho nên, tất cả các pháp môn Thiền: Thiền Đông Độ, Đại Thừa, Tịnh Độ Tông, Mật Tông, Minh Sát Tuệ, v.v.. đều là pháp môn ức chế tâm, do đó các vị thiền sư này tu sai pháp Phật nên đều nhập định tưởng, do nhập vào định tưởng nên không bao giờ có ý thức thanh tịnh, ý thức còn chưa thanh tịnh thì còn nói gì đến tâm thanh tịnh được. Do đó, các vị tu lâu năm thì danh lợi càng nhiều, nên đời sống các vị giống như những nhà giàu tỷ phú.
Huyệt bách hội không có liên quan đến Bốn Thiền và Tam Minh. Huyệt bách hội có liên quan với ngũ thông của ngoại đạo, vì nó thuộc về thiền tưởng.
Con đang nhận lầm ý thức thanh tịnh và tâm thức thanh tịnh. Ý thức thanh tịnh chỉ là một sự khởi đầu cho 7 năng lực giải thoát của Phật giáo (Thất Giác Chi) xuất hiện để thực hiện tâm thanh tịnh.
Khi nào con nhập Thiền Thứ Tư thì tâm thức con mới trỗi dậy, còn bây giờ con đang dùng dụng cụ rốt ráo Thân Hành Niệm để tu tập ly dục ly ác pháp, đó là ý thức thanh tịnh.
Hiện giờ con tu tập là để cho ý thức chánh niệm, ý thức tỉnh giác, ý thức định tỉnh, ý thức thanh tịnh, chứ làm gì có tâm thanh tịnh ở chỗ này được.
Hiện giờ con đang dùng ý thức tu tập pháp Thân Hành Niệm để ý thức thanh tịnh, nhưng ý thức của con có xả ly rất nhiều vì thế mà nó có được một ít thanh tịnh, nhờ vậy mà con đã nhận thấy những lực xuất hiện của Bảy Giác Chi nhưng chưa đủ trọn vẹn, thì lúc này con nên coi chừng sẽ có lực tưởng và lực này nó thoát ra khỏi sự điều khiển của ý thức con, nếu con không cảnh giác nó sẽ dẫn con vào thế giới Ma. Khi tu tập thấy có xuất hiện một trạng thái vượt ra ngoài pháp ý thức dẫn tâm của con thì nên cảnh giác và tìm mọi cách ngăn và diệt nó thì sự tu tập của con mới có đi đúng hướng và đúng đường thì sự tiến bộ nhanh chóng, mà Thầy bảo rằng sử dụng lực Ma chuyển thành Bảy Giác Chi là vậy. Nếu theo lực đẩy này thì con bị Ma xỏ mũi. Thầy thường gọi nó là Ngũ Ấm Ma có nghĩa Ma lưu xuất từ thân ngũ uẩn của con.
Lưu ý: Nên Cảnh giác những loại Ma chướng này. Đối với những Ma chướng này. Ta phải biết sử dụng lực Ma, chứ đừng để lực Ma sử dụng ta. Vì ta có pháp “Như Lý Tác Ý”, tức là ta có phương pháp sử dụng lực của ý thức để đối trị lực của tưởng thức và nương vào lực của tưởng thức để dùng nó chiến đấu với ngoại pháp.
Biết sử dụng lực Ma để tạo thành lực Bảy Giác Chi. Vì trong Bảy Giác Chi có lực Xả Giác Chi, Xả Giác Chi sẽ giúp cho ý thức ly dục ly ác pháp hoàn toàn. Nhờ ý thức ly dục ly ác pháp hoàn toàn thì ý thức thanh tịnh, ý thức thanh tịnh thì Trạch Pháp Giác Chi mới xuất hiện. Nhờ Trạch Pháp Giác Chi thì mới tâm định tỉnh, nhu nhuyễn, dễ sử dụng hoàn toàn, do đó ta mới nhập được Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền. Nhờ nhập được Tứ Thiền ta mới đánh thức tâm thức (thức uẩn). Nhờ tâm thức hoạt động ta mới hướng tâm để thực hiện Tam Minh, chứng quả A La Hán vô lậu.