1. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu chúng sanh thực hành mười pháp liền được sanh lên trời, lại thực hành mười pháp liền sanh trong đường ác, lại tu hành mười pháp liền được vào cảnh giới Niết-bàn.
Thế nào là thực hành mười pháp sanh trong đường ác? Ở đây, có người sát sanh, trộm cắp, dâm dục, nói dối, nói thêu dệt, nói lời ác, nói hai lưỡi đâm thọc gây rối đôi bên, tật đố, sân hận, tà kiến. Ðó là mười pháp, chúng sanh thực hành mười pháp này, sẽ đọa trong đường ác.
Thế nào là thực hành mười pháp được sanh lên trời? Khi người không sát sanh, không trộm cắp, không dâm dục, không nói dối, không nói thêu dệt, không nói lời ác, không nói hai lưỡi đâm thọc gây rối đôi bên, không tật đố, không sân hận, không khởi tà kiến. Ðó là mười pháp, chúng sinh thực hành mười pháp này liền được sanh lên trời.
Thế nào là thực hành mười pháp được vào Niết-bàn? Ðó là mười niệm: niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tỳ-kheo Tăng, niệm Thiên, niệm Giới, niệm Thí, niệm Hưu tức, niệm An-ban, niệm Thân, niệm Tử. Ðó là mười pháp, chúng sinh thực hành mười pháp này liền được vào Niết-bàn.
Các Tỳ-kheo nên biết! Nên rời bỏ những việc sanh lên trời và rơi trong đường ác, nên khéo vâng giữ tu tập theo mười pháp vào Niết-bàn. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
2. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Do gốc mười điều ác, ngoại vật còn suy giảm huống gì nội pháp. Thế nào là mười? Là sát sanh, trộm cắp, dâm dục, nói dối, nói thêu dệt, nói lời ác, nói hai lưỡi đâm thọc gây rối đôi bên, tật đố, sân hận, tà kiến.
Do quả báo của sát sanh nên thọ mạng của chúng sanh rất ngắn. Do quả báo trộm cắp nên chúng sanh sanh ra liền bị nghèo đói. Do quả báo của dâm dục nên gia đình chúng sanh không trinh bạch. Do quả báo nói thêu dệt, nên đất đai không bằng phẳng. Do quả báo của nói hai lưỡi đâm thọc nên đất đai sanh gai góc. Do quả báo nói lời ác nên có nhiều ngôn ngữ. Do quả báo tật đố nên lúa thóc không dồi dào. Do quả báo của sân hận nên có nhiều vật uế ác. Do quả báo của tà kiến nên tự nhiên sanh trong tám địa ngục lớn.
Do quả báo của mười điều ác này nên khiến vật bên ngoài bị suy giảm, huống chi vật bên trong. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên nhớ nghĩ xả bỏ xa lìa mười pháp ác, tu hành mười pháp lành. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
3. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên. Vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
- Chẳng biết Thế Tôn có nói lời nầy không, rằng: 'Bố thí cho Ta được phước nhiều, bố thí cho người khác được phước ít. Hãy bố thí đệ tử Ta, đừng bố thí người khác'?. Nếu có người nói những lời như vậy, há chẳng phải đã hủy báng pháp của Như Lai ư?
Ðức Phật bảo nhà vua:
- Ta không nói lời như thế, rằng chỉ nên bố thí cho Ta, đừng bố thí cho người khác. Ðại vương nên biết, Ta thường nói thế nầy: 'Nếu trong bát của Tỳ-kheo còn dư thức ăn, đem để vào nước cho các loài trùng nhỏ, cũng còn có phước, huống gì bố thí cho người mà không được phước sao?'.
Nhưng này Ðại Vương, Ta có nói thế này: Bố thí cho người trì giới, phước ấy càng tăng nhiều, hơn bố thí cho người phạm giới.
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn! Bố thí cho người trì giới, phước báu tăng nhiều hơn hẳn bố thí cho người phạm giới.
Nhà vua lại bạch Phật:
- Phạm chí Ni-kiền Tử đến nói với con rằng: 'Sa-môn Cù-đàm biết huyễn thuật có thể xoay chuyển người đời'. Bạch Thế Tôn, lời này là đúng hay không đúng chăng?
Phật bảo nhà vua:
- Ðúng thế, Ðại vương! Như lời đã nói, Ta có pháp huyễn thuật có thể làm thay đổi người thế gian.
Nhà vua bạch Phật:
- Thế nào gọi là pháp huyễn thuật xoay chuyển?
Phật bảo:
- Người sát sanh, tội ấy khó tính lường, người không sát sanh thọ phước vô lượng. Người trộm cắp chịu tội vô lượng, người không trộm cắp được phước vô lượng. Người dâm dục chịu tội vô lượng, người không dâm dục được phước vô lượng. Người tà kiến chịu tội vô lượng, người chánh kiến được phước vô lượng. Ta giải thích về huyền pháp chính là như thế.
Khi ấy, vua Ba-tư-nặc bạch Phật:
- Nếu Người, Ma, Thiên ma hoặc loài có hình sắc, hiểu sâu huyễn thuật này, ắt sẽ được hạnh phúc lớn. Từ nay về sau, con không cho phép các ngoại đạo dị học vào trong nước con. Con cho phép hàng bốn chúng thường ở tại cung điện của con, con sẽ thường cúng dường các vị tùy theo chỗ cần dùng.
Ðức Phật bảo:
- Ðại vương! Chớ nói như thế. Vì sao? Bố thí cho các loài súc sanh cũng được phước báo, bố thí cho người phạm giới cũng được phước báo, bố thí cho người trì giới thì phước báo khó lường, bố thí cho hàng tiên nhơn ngoại đạo được phước một ức lần, bố thí cho các vị Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm, A-la-hán, Bích-chi Phật và Phật, phước ấy không thể đo lường.
Thế nên, Ðại vương, nên phát khởi ý niệm cúng dường đệ tử Thanh văn của chư Phật thời quá khứ, vị lai. Như thế, Ðại vương, hãy học điều này!
Bấy giờ, vua Ba-tư-nặc nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
4. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, phần đông các Tỳ-kheo, sau khi thọ trai xong đều tụ tập tại giảng đường Phổ Hội, cùng nhau bàn luận về nghĩa này: Bàn luận về chuyện y phục, trang sức, ăn uống; bàn luận về những chuyện chiến tranh, giặc cướp của nước lân bang; bàn luận về rượu chè, dâm dục, ngũ dục; bàn luận về ca vũ, kỹ nhạc. Những chuyện vô ích như thế nhiều không thể tính kể.
Bấy giờ, Thế Tôn dùng Thiên nhĩ nghe các Tỳ-kheo bàn luận những chuyện ấy, liền đi đến giảng đường Phổ Hội, hỏi các Tỳ-kheo:
- Các Thầy nhóm họp ở đây bàn luận chuyện gì?
Khi ấy, các Tỳ-kheo bạch Phật:
- Chúng con nhóm họp ở đây cùng bàn luận những việc vô ích như thế.
Ðức Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Thôi, thôi! Các Tỳ-kheo, chớ bàn luận việc ấy. Vì sao? Những điều luận bàn ấy không có ý nghĩa và cũng không dẫn đến pháp lành. Không do những điều luận bàn này mà được tu Phạm hạnh; không đến được chỗ tịch diệt, Niết-bàn; không được đạo Sa-môn bình đẳng. Ðó là những điều luận bàn của thế tục, không phải luận của đường chánh. Các Thầy đã lìa thế tục, xuất gia học đạo, không nên suy nghĩ về những luận bại hoại.
Nếu các Thầy muốn bàn luận, nên bàn luận về mười việc công đức. Thế nào là mười? Là siêng năng tinh tấn; ít muốn biết đủ; có tâm dũng mãnh; đa văn, có thể thuyết pháp cho người; không sợ sệt kinh khủng; đầy đủ giới luật; thành tựu chánh định; thành tựu trí tuệ; thành tựu giải thoát; thành tựu giải thoát tri kiến. Nếu các Thầy muốn bàn luận thì nên bàn luận về mười điều này.
Vì sao? Vì chúng thấm nhuần tất cả, ích lợi nhiều, được tu Phạm hạnh, được đến chỗ tịch diệt, Niết-bàn. Hôm nay các Thầy là con nhà hào tộc, đã xuất gia học đạo, nên suy nghĩ về mười điều này. Luận này là luận của Chánh pháp, xa lìa đường ác. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
5. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, đa số các Tỳ-kheo nhóm họp tại giảng đường Phổ Hội, đều bàn luận thế này: 'Nay ở thành Xá-vệ, lúa bắp quí hiếm và đắt đỏ, đi khất thực khó. Ðức Thế Tôn lại nói nhờ ăn uống mà thân người được tồn tại; thân tứ đại nương vào pháp sở niệm của tâm, pháp là gốc của đường lành. Ngày nay, chúng ta nên cử người thứ lớp khất thực, khiến người ấy được hình sắc đẹp, được nhận sự cực diệu, được y phục, thức ăn uống, sàng tọa, ngọa cụ, thuốc men, cũng há chẳng là điều tốt ư?'
Bấy giờ, Thế Tôn dùng Thiên nhĩ thanh tịnh xa nghe các Tỳ-kheo bàn luận điều này, Ngài liền đi đến giảng đường Phổ Hội, vào ngồi tòa chính giữa, hỏi các Tỳ-kheo:
- Các Thầy nhóm họp ở đây bàn luận điều gì?
Các Tỳ-kheo thưa:
- Chúng con bàn luận về việc rằng nay ở thành Xá-vệ, khất thực khó được, muốn cử người thứ lớp khất thực, để tùy thời được hình sắc đẹp, y phục tốt, mền nệm, thức ăn uống, sàng tọa, thuốc men trị bệnh. Ðiều bàn luận của chúng con chính là điều này.
Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Nếu Tỳ-kheo đi xin để được cúng dường bốn thứ cần dùng như y phục, thức ăn, sàng tọa, thuốc men trị bệnh, lại dùng những thứ sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp thượng đẳng sao?
Ta thường dạy các Thầy, khất thực có hai việc, nên gần gũi và không nên gần gũi. Nếu như được y phục, thức ăn uống, sàng tọa, thuốc men trị bịnh mà tăng thêm pháp ác, không có pháp lành, thì không nên gần gũi. Nếu khất thực được y phục, thức ăn uống, sàng tọa, thuốc men trị bịnh mà tăng trưởng pháp lành, không tăng trưởng pháp ác, thì việc này nên gần gũi.
Tỳ-kheo các Thầy ở trong pháp này muốn bàn luận điều gì, mà điều luận bàn ấy, không phải là luận Chánh pháp, thì nên bỏ pháp ấy, chớ suy nghĩ vì không do điều này đạt đến Niết-bàn, an trú, diệt tận.
Nếu muốn bàn luận, nên bàn luận mười điều này. Thế nào là mười? Là siêng năng, ít muốn biết đủ, có tâm dũng mãnh, đa văn hay vì người thuyết pháp, không sợ sệt kinh khủng, đầy đủ giới luật, thành tựu chánh định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến. Nếu các Thầy muốn bàn luận, nên bàn luận về mười điều này. Vì cớ sao? Vì những điều này thấm nhuần tất cả, lợi ích nhiều, được tu Phạm hạnh, đến cảnh giới Niết-bàn, vô vi, diệt tận.
Luận này là nghĩa của Sa-môn, nên suy nghĩ ghi nhớ, chớ rời tâm. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
6. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, đa số các Tỳ-kheo nhóm họp tại giảng đường Phổ Hội, bàn luận khác nhau thế này:
- Nay ở thành Xá-vệ khất thực khó được, chẳng phải chỗ an ổn của Tỳ-kheo. Chúng ta nên cử người thứ lớp khất thực, Tỳ-kheo khất thực này sẽ được y phục, mền, nệm, thức ăn uống, sàng tọa, thuốc men trị bịnh không bị thiếu.
Bấy giờ, trong chúng có một Tỳ-kheo nói với mọi người rằng:
- Chúng ta không thể ở tại đây khất thực, nên cùng nhau đi sang nước Ma-kiệt-đà khất thực. Nước ấy lúa thóc nhiều và rẻ, thức ăn uống đầy đủ.
Lại có Tỳ-kheo nói:
- Chúng ta không nên sang nước đó khất thực. Vì sao? Vua A-xà-thế cai trị nước ấy, làm nhiều việc phi pháp, lại giết hại phụ vương, kết bạn với Ðề-bà-đạt-đa. Do nhân duyên này, nên không thể sang đó khất thực.
Lại có Tỳ-kheo nói:
- Nay tại nước Câu-lưu-xa, dân chúng đông đúc, giàu có nhiều tài bảo, nên đến nước đó khất thực.
Lại có Tỳ-kheo nói:
- Chúng ta không nên khất thực ở nước ấy. Vì sao? Vua Ác Sanh cai trị nước ấy rất hung ác, không nhân từ, dân chúng hung bạo ưa gây gổ, đánh nhau. Do nhân duyên này không nên khất thực tại nước ấy.
Lại có Tỳ-kheo nói:
- Chúng ta nên đến thành Câu-diệm Ba-la-nại, là nơi cai trị của vua Ưu Ðiền. Nhà vua một lòng tin Phật pháp, không đổi ý. Chúng ta nên đến nước đó khất thực, sở nguyện đều đầy đủ.
Bấy giờ, Thế tôn dùng Thiên nhĩ nghe các Tỳ-kheo bàn luận những điều như thế, liền chỉnh đốn y phục, đến chỗ các Tỳ-kheo, ngồi tòa chính giữa, hỏi các Tỳ-kheo rằng:
- Các Thầy nhóm họp ở đây bàn luận việc gì? Nói những việc gì?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
- Chúng con nhóm họp tại đây, bàn luận điều này: 'Nay trong thành Xá-vệ, lúa thóc quý hiếm và đắt, khất thực khó được, nên cùng đi sang nước Ma-kiệt-đà khất thực, vì nước ấy giàu có phong phú, việc khất thực dễ dàng'.
Trong đây, lại có Tỳ-kheo nói: 'Chúng ta không nên sang nước ấy khất thực. Vì sao? Vì vua A-xà-thế cai trị nước ấy hành động phi pháp, giết cha, kết bạn với Ðề-bà-đạt-đa. Do nhân duyên này, không nên sang đó khất thực'.
Trong đây, lại có Tỳ-kheo nói: 'Nay tại nước Câu-lưu-sa, dân chúng đông đúc giàu có nhiều tài bảo, nên sang đó khất thực'. Lại có Tỳ-kheo nói rằng: 'Chúng ta không nên khất thực ở nước ấy. Vì sao? Vì Vua Ác Sanh cai trị nước ấy là người hung bạo không nhân từ, ưa tranh tụng. Do nhân duyên này không thể sang đó khất thực'.
Lại có Tỳ-kheo nói: 'Chúng ta nên ở tại thành Câu diêm Ba-la-nại, xứ của vua Ưu Ðiền cai trị. Vua ấy dốc lòng tin Phật pháp, ý không thay đổi, nên khất thực ở nước đó thì sở nguyện đầy đủ'.
Chúng con bàn luận ở đây, chính là điều này.
Bấy giờ, Phật bảo các Tỳ-kheo:
- Các Thầy chớ khen chê việc cai trị của vua chúa, cũng chớ luận bàn sự hơn kém của vua chúa.
Bấy giờ, Thế Tôn bèn nói kệ:
Phàm người làm lành, dữ,
Hành động có căn nguyên,
Mỗi mỗi chịu quả báo,
Trọn không hủy, không mất.
Phàm người làm lành, dữ,
Hành động có căn nguyên,
Làm lành được báo lành,
Ác chịu quả báo ác.
Cho nên, các Tỳ-kheo! Chớ khởi ý bàn luận quốc sự, bởi không do bàn luận điều này mà được đến Niết-bàn diệt tận, cũng không phải là pháp chơn chánh của hạnh Sa-môn. Nếu bàn luận việc ấy chẳng phải là chánh nghiệp.
Các Thầy nên học bàn luận về mười việc? Thế nào là mười? Là tinh tấn siêng năng, ít muốn biết đủ, có tâm dũng mãnh, đa văn hay vì người thuyết pháp, không sợ sệt không kinh khủng, đầy đủ giới luật, thành tựu chánh định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến. Nếu các Thầy muốn bàn luận nên bàn luận về mười điều này. Vì sao? Vì chúng thấm nhuần tất cả, được tu Phạm hạnh, đạt đến Niết-bàn diệt tận. Các Thầy đã xuất gia học đạo, xa lìa thế tục, nên siêng năng ghi nhớ mười điều này, chớ rời tâm. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
7. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, đa số các Tỳ-kheo nhóm họp tại giảng đường Phổ Hội, cùng bàn luận điều này:
- Nay vua Ba-tư-nặc hành động phi pháp, phạm giáo luật Thánh, đoán biết Tỳ-kheo-ni đắc quả A-la-hán mà giữ trong cung mười hai năm, rồi cùng tư thông. Nhà vua lại không thừa sự Phật, Pháp, Tỳ-kheo Tăng, không có tâm kính tín đối với A-la-hán, ắt là không có tâm tin Phật, Pháp, Thánh chúng. Chúng ta nên xa lìa, đừng ở lại nước này. Vì sao? Khi nhà vua hành động phi pháp thì các quan đại thần cũng hành động phi pháp. Ðại thần đã hành động phi pháp thì kẻ tay chân tả hữu cũng hành động phi pháp. Kẻ nha lại hành động phi pháp thì thường dân cũng hành động phi pháp. Nay chúng ta nên đi nước khác khất thực, đừng ở lại nước này; lại có thể xem xét cách trị nước, phong tục nước ấy, thấy phong tục rồi sẽ thấy chỗ khác nhau.
Bấy giờ, Thế tôn dùng Thiên nhĩ thông nghe các Tỳ-kheo bàn luận điều này, liền đi đến chỗ các Tỳ-kheo, ngồi vào tòa chính giữa. Thế tôn hỏi các Tỳ-kheo:
- Các Thầy nhóm họp ở đây bàn luận điều gì?
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
- Chúng con ở đây bàn luận việc vua Ba-tư-nặc hành động phi pháp, phạm giáo luật Thánh, đoán biết Tỳ-kheo-ni đắc quả A-la-hán mà giữ trong cung mười hai năm, rồi dùng sắc tiếp đãi. Lại nữa, các bậc đắc đạo hành nghiệp vượt qua ba cõi nhưng nhà vua cũng không thừa sự Phật, Pháp, và Chúng Tăng, không có tâm kính tín đối với A-la-hán, đã không có tâm này ắt là không kính tín Tam Bảo. Chúng ta nên đi xa không nên ở đây. Vì sao? Khi nhà vua hành động phi pháp thì quan đại thần, kẻ tả hữu và nhân dân cũng làm ác. Lại chúng con muốn quan sát phong hóa ở thế gian.
Bấy giờ, Thế Tôn dạy:
- Các Thầy không nên luận bàn việc quốc gia. Nên tự khắc phục mình, bên trong suy nghĩ tỉnh giác, biết phân biệt lượng xét. Nói bàn những điều này thì không hợp lý đạo, cũng không khiến người được tu Phạm hạnh, đến chỗ diệt tận, Niết-bàn vô vi. Nên tự tu phần mình, làm cho pháp thạnh hành, tự quy bậc tối tôn.
Nếu Tỳ-kheo hay tự mình tu tập làm lớn mạnh niềm pháp lạc, hạng người đó là do chính Ta sanh ra. Thế nào gọi là Tỳ-kheo có thể tự làm lớn mạnh niềm pháp lạc, không hư vọng, tự quy bậc Tối tôn? Ở đây, Tỳ-kheo bên trong tự quán sát thân mình, thân ý dừng trụ, tự nhiếp phục tâm mình, trừ bỏ loạn tưởng, không lo buồn. Lại bên ngoài Tỳ-kheo tự quán thân, thân ý dừng trụ, tự nhiếp phục tâm mình, trừ bỏ loạn tưởng, không lo buồn. Tỳ-kheo lại quan sát thân trong và ngoài, thân ý dừng trụ. Tỳ-kheo bên trong quán thọ, bên ngoài quán thọ, trong và ngoài quán thọ; bên trong quán tâm, bên ngoài quán tâm, trong và ngoài quán tâm; bên trong quán pháp; bên ngoài quán pháp, trong và ngoài quán pháp; ý dừng trụ, tự nhiếp phục tâm mình, trừ bỏ loạn tưởng, không lo buồn.
Tỳ-kheo như thế gọi là có thể tự làm lớn mạnh hạnh tu của mình, tăng trưởng pháp lạc, tự quy bậc Tối tôn. Các Tỳ-kheo hiện tại và tương lai có thể tự làm lớn mạnh không mất bốn hạnh, chính là do Ta sanh ra.
Thế nên, này các Tỳ-kheo! Nếu muốn bàn luận, nên bàn luận về mười việc. Thế nào là mười? Là tinh tấn siêng năng, ít muốn và biết đủ, có tâm dũng mãnh, đa văn hay vì người thuyết pháp, không sợ sệt khủng bố, đầy đủ giới luật, thành tựu chánh định, thành tựu trí tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu giải thoát tri kiến. Các Thầy muốn bàn luận thì nên bàn luận về mười việc này. Vì sao? Vì mười việc này thấm nhuần tất cả, có nhiều lợi ích, được tu Phạm hạnh, đến Niết-bàn vô vi, chỗ diệt tận. Những điều luận bàn này là nghĩa của Sa-môn. Nên suy nghĩ ghi nhớ, đừng rời tâm. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
8. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ trong thành Xá-vệ, có một trưởng giả, dựng thiền thất cho La-vân. Bấy giờ, Tôn giả La-vân thường ngày nghỉ ngơi trong thất ấy, nhưng hôm nay Tôn giả đi du hóa nhơn gian. Khi ấy, trưởng giả khởi nghĩ: 'Ta nên đến tham Tôn giả La-vân'. Trưởng giả đến, thấy trong thất vắng vẻ, không có người, thấy rồi hỏi các Tỳ-kheo:
- Tôn giả La-vân hiện nay ở đâu?
Các Tỳ-kheo bảo:
- Tôn giả đi du hóa nhơn gian.
Trưởng giả thưa:
- Cúi xin chư Hiền cử người đến ở thất của tôi. Thế Tôn cũng dạy: 'Tạo lập vườn cây, bắt cầu, đóng thuyền, cất nhà xí sạch sẽ gần đường để cho mọi người sử dụng thì được phước báo lâu dài, được thành tựu giới pháp, khi chết sanh cõi Trời'. Do đó, tôi có tạo thất cho Tôn giả La-vân. Nay Tôn giả không thích thất của tôi, cúi xin chư Hiền cử người đến ở đó.
Các Tỳ-kheo trả lời:
- Chúng tôi sẽ làm như lời Trưởng giả thỉnh cầu.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo liền cử một Tỳ-kheo đến ở trong thất.
Khi ấy, Tôn giả La-vân khởi nghĩ: 'Ta xa cách Thế Tôn khá lâu, hiện nay có thể đến thăm hỏi Ngài'. Tôn giả La-vân bèn đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên. Trong giây lát, Tôn giả rời tòa đứng dậy trở về thất và thấy có Tỳ-kheo khác ở. Thấy thế, Tôn giả hỏi Tỳ-kheo ấy:
- Ai đưa thất tôi cho Thầy?
Tỳ-kheo ấy đáp:
- Chúng Tăng sai tôi, bảo ở thất nầy.
Khi ấy, Tôn giả La-vân trở lại chỗ đức Thế Tôn, đem câu chuyện thưa với Phật:
- Chẳng biết Thế Tôn có dạy chúng Tăng cử người ở tại thất của con, nghỉ ngơi trong ấy chăng?
Ðức Phật bảo La-vân:
- Thầy đến nhà trưởng giả mà hỏi trưởng giả rằng: 'Hành động của tôi, có lỗi về thân, miệng, ý chăng? Và tôi có ba điều lỗi của thân, bốn điều lỗi của miệng, và ba điều lỗi của ý chăng? Trưởng giả trước đã cúng thất cho tôi, sau lại đem cho Thánh chúng?'
Khi ấy, Tôn giả La-vân vâng lời Phật dạy, đến nhà trưởng giả, hỏi rằng:
- Tôi có ba điều lỗi của thân, bốn điều lỗi của miệng và ba điều lỗi của ý chăng?
Trưởng giả đáp:
- Tôi không thấy Tôn giả về thân, miệng, ý có lỗi.
La-vân bảo trưởng giả:
- Vì sao Ông lấy lại phòng nhà của tôi đem cho chúng Tăng?
Trưởng giả đáp:
- Tôi thấy nhà trống nên đem cúng chúng Tăng. Lúc đó tôi lại khởi nghĩ: 'Tôn giả La-vân chắc không thích ở trong thất của ta', nên tôi đem cúng.
Tôn giả La-vân nghe trưởng giả nói xong, liền trở lại chỗ đức Thế Tôn, thuật lại đầy đủ câu chuyện. Khi ấy, Thế Tôn liền bảo Tôn giả A-nan mau đánh kiền chùy, các Tỳ-kheo có mặt tại tịnh xá Kỳ Hoàn thảy đều đến nhóm tại giảng đường Phổ Hội. A-nan vâng lời Phật dạy, triệu tập các Tỳ-kheo tại giảng đường Phổ Hội.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Hôm nay Ta sẽ nói về sự bố thí thanh tịnh, các Thầy nên khéo suy nghĩ, ghi nhớ:
Các Tỳ-kheo đáp:
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Thế Tôn dạy:
- Thế nào gọi là bố thí thanh tịnh. Ở đây, Tỳ-kheo! Nếu có người đem vật bố thí, sau lại lấy lui và đem cho người khác. Ðây gọi là bố thí không chơn chánh, bố thí không bình đẳng. Nếu có người chiếm đoạt vật của người, đem bố thí cho Thánh chúng, hoặc có người chiếm đoạt vật của Thánh chúng, đem bố thí cho người. Ðây chẳng phải là bố thí bình đẳng, cũng không phải là bố thí thanh tịnh.
Chuyển luân Thánh vương ở nơi cảnh giới của mình còn được tự tại, Tỳ-kheo đối với y bát của chính mình cũng được tự tại. Nếu lại có người chưa được chính miệng người hứa cho mà lấy vật của người đem cho người khác thì đây chẳng phải là bố thí bình đẳng.
Nay Ta bảo các Tỳ-kheo, nếu thí chủ cho mà người nhận chưa thấy đưa thì đây chẳng phải là bố thí bình đẳng.
Nếu Tỳ-kheo ấy mệnh chung thì nên đưa phòng xá của người ấy ra giữa chúng để làm pháp yết ma. Một người xướng rằng: 'Tỳ-kheo pháp danh ...... mệnh chung, nay đem phòng xá này để chúng Tăng phân chia'. Muốn cử người nào ở phòng ấy, tùy theo lời chúng dạy: 'Chư Hiền! Nay sai Tỳ-kheo pháp danh ...... ở phòng ấy, mọi người cùng chấp nhận. Ai không đồng ý thì nói ra'. Nên nói như thế ba lần. Nếu trong chúng có một người không đồng ý mà đem cho thì không phải là bố thí bình đẳng, ắt là vật không thanh tịnh. Nay nên đem phòng trả lại cho Tỳ-kheo La-vân thanh tịnh thọ nhận.
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
9. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở tại thành La-duyệt, vườn trúc Ca-lan-đà cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người.
Bấy giờ, Tôn giả Ðại Quân-đầu ở tại chỗ vắng, khởi lên ý nghĩa như vầy: 'Làm sao biết được các kiến chấp về trước, về sau, và khoảng giữa?'
Lúc ấy, Ðại Quân-đầu đến thời đắp y mang bát, đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân Phật, lui ngồi một bên. Tôn giả bạch Phật:
- Nay có các kiến chấp này thích hợp trước và sau, làm sao diệt được chúng và khiến cho những kiến chấp khác không khởi lên?
Thế Tôn bảo:
- Này Quân-đầu! Chỗ phát sanh và chỗ tiêu diệt những kiến chấp ấy đều là vô thường, khổ, không. Quân-đầu! Biết như thế rồi nên khởi nghĩ thế này: Có sáu mươi hai kiến chấp, nên an trụ trong mười điều lành để trừ bỏ các kiến chấp ấy.
Thế nào là mười? Này Quân-đầu! Người kia ưa sát sanh, ta không sát sanh. Người kia ưa trộm cắp, ta không trộm cắp. Người kia phạm vào hạnh thanh tịnh, ta hành hạnh thanh tịnh. Người kia nói dối, ta không nói dối. Người kia nói thêu dệt, ta không nói thêu dệt. Người kia nói lời ác, ta không nói lời ác. Người kia nói hai lưỡi đâm thọc gây rối hai bên, ta không nói hai lưỡi đâm thọc gây rối hai bên. Người kia tật đố, ta không tật đố. Người kia sân nhuế, ta không sân nhuế. Người kia tà kiến, ta hành chánh kiến.
Quân-đầu nên biết, như từ đường ác được gặp đường chánh, như từ tà kiến được đến chánh kiến, bỏ tà về chánh. Như có người tự mình chìm đắm mà muốn cứu người, trọn không có lý. Mình chưa diệt độ mà muốn khiến người khác diệt độ, việc ấy không được. Như có người tự mình không chìm đắm mới có thể cứu người, lý ấy có thể được. Nay cũng lại như thế, tự mình được Niết-bàn, khiến cho người khác diệt độ, lý ấy có thể được.
Cho nên, này Quân-đầu! Nên nghĩ nhớ lìa sát sanh, không sát sanh được diệt độ; lìa trộm cắp, không trộm cắp được diệt độ; lìa dâm dục, không dâm dục được diệt độ; lìa nói dối, không nói dối được diệt độ; lìa thêu dệt, không thêu dệt được diệt độ; lìa nói lời ác, không nói lời ác được diệt độ; lìa nói hai lưỡi đâm thọc gây đấu tranh đôi bên, không nói hai lưỡi đâm thọc gây đấu tranh đôi bên được diệt độ; lìa tật đố, không tật đố được diệt độ; lìa sân nhuế, không sân nhuế được diệt độ; lìa tà kiến, được chánh kiến diệt độ.
Quân-đầu nên biết! Người thường sanh khởi ý niệm này: 'Là hữu ngã chăng? Là vô ngã chăng? Là hữu ngã vô ngã chăng? Cõi đời là thường ư? Cõi đời là vô thường ư? Cõi đời có giới hạn ư? Cõi đời không giới hạn ư? Mạng là thân ư? Mạng khác, thân khác ư? Như Lai có chết ư? Như Lai không chết ư? Là có chết ư? Là không chết ư? Ai tạo thế gian này?', lại sanh các tà kiến như: 'Phạm thiên tạo thế giới này? Hay là địa chủ dựng lập thế giới này? Phạm thiên tạo chúng sanh này? Hay là địa chủ tạo thế gian này? Chúng sanh vốn không nay có, đã có rồi lại diệt mất?'
Hạng người phàm phu không nghe không thấy, bèn sanh khởi ý niệm này.
Bấy giờ, Thế Tôn mới nói kệ:
Tự nhiên có Phạm thiên,
Ðây là lời Phạm chí,
Kiến chấp không chơn chánh,
Như chỗ thấy của họ.
Chúa ta sanh hoa sen,
Phạm thiên hiện trong ấy,
Ðịa chủ sanh Phạm thiên,
Tự sanh, không liên hệ.
Ðịa chủ dòng Sát-lợi,
Cha mẹ của Phạm chí,
Thế nào dòng Sát-lợi,
Phạm Chí cùng sanh nhau.
Tìm ra chỗ sanh ấy,
Lời nói của chư Thiên,
Ðây là lời khen ngợi,
Trở lại tự ràng buộc.
Phạm thiên sanh nhân dân,
Ðịa chủ tạo thế gian,
Hoặc nói nơi khác tạo,
Lời này ai xem xét?
Bị sân, dục, mê hoặc,
Ba việc chung nhóm họp,
Tâm không được tự tại,
Tự xưng ta tối thắng.
Thiên thần tạo thế gian,
Và chẳng Phạm thiên sanh,
Giả sử Phạm thiên tạo,
Ðây chẳng hư vọng ư?
Tìm dấu vết rất nhiều,
Xét kỹ lời nói vọng,
Hành tung mỗi mỗi khác,
Hành động ấy không thật.
Quân-đầu nên biết! Các loài chúng sanh có sự thấy không đồng nhau, ý nghĩ mỗi mỗi khác nhau. Những kiến chấp nầy đều là vô thường, chấp lấy những kiến chấp này cũng là pháp vô thường biến dị.
Nếu người khác sát sanh, ta nên lìa sát sanh. Nếu người khác trộm cắp, ta nên lìa trộm cắp, không tập theo hạnh ấy, giữ gìn tâm ý chuyên nhất không để làm loạn. Suy nghĩ xét nét chỗ dấy khởi của tà kiến, cho đến mười điều ác thảy nên trừ bỏ không tập theo hạnh ấy. Nếu người sân nhuế, ta học pháp nhẫn nhục. Người ôm lòng tật đố ta nên xả ly. Người kiêu mạn, ta cũng nhớ xả ly. Nếu người tự khen mình chê người, ta cũng không tự khen mình chê người. Người không biết thiểu dục, ta nên học thiểu dục. Người phạm giới, ta cần giữ giới. Người làm biếng, ta nên siêng năng. Người không tu chánh định, ta tu chánh định, nên học như thế. Người ngu si ta thực hành trí tuệ. Ai có thể quán sát phân biệt pháp như thế thì tà kiến tiêu diệt, các kiến chấp khác không sanh.
Khi ấy, Tôn giả Quân-đầu nghe Phật dạy xong, ở chỗ vắng suy nghĩ quán xét điều khiến cho con nhà hào tộc xuất gia học đạo, mặc ba pháp y, tu Phạm hạnh vô thượng, sanh tử đã hết, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, không thọ thân sau, biết một cách như thật. Khi ấy, Tôn giả Quân-đầu liền chứng quả A-la-hán.
Bấy giờ, Quân-đầu nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
10. Tôi nghe như vầy:
Một thời đức Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Chúng sanh trong địa ngục thọ quả báo tột cùng một kiếp, hoặc có khi giữa chừng mạng chung; chịu quả báo súc sanh tột cùng một kiếp, trong khoảng ấy có khi nửa chừng mạng chung; chịu quả báo ngạ quỷ tột cùng một kiếp, trong khoảng đó có khi yểu mạng nửa chừng.
Tỳ-kheo nên biết! Người ở châu Uất-đơn-việt tuổi thọ một ngàn năm, không chết yểu nửa chừng. Vì sao? Người cõi đó không bị ràng buộc, giả sử mệnh chung ở cõi này liền sanh cõi lành, lên trời, không bị đọa lạc. Người ở châu Phất-vu-đệ tuổi thọ năm trăm năm, cũng có chết nửa chừng. Người ở châu Cù-da-ni thọ hai trăm năm chục năm, cũng có chết nửa chừng. Người ở châu Diêm-phù-đề tuổi thọ tột cùng một trăm năm, cũng có nhiều người chết nửa chừng. Giả sử người thọ mạng tột cùng đến một trăm năm thì mỗi thập niên là biểu hiện cho một thời kỳ, hành động và tánh tình trong mỗi thời kỳ ấy khác nhau. Trong mười năm đầu, còn thơ ấu không hiểu biết. Trong mười năm thứ hai, có ít nhiều tri thức nhưng chưa thông suốt. Trong mười năm thứ ba, lòng ái dục mạnh mẽ, tham đắm sắc. Trong mười năm thứ tư, nhiều kỹ thuật, việc làm không đúng. Trong mười năm thứ năm, hiểu nghĩa rõ ràng, việc học không quên. Trong mười năm thứ sáu, tham tiếc tài sản, ý không quyết định. Trong mười năm thứ bảy, lười biếng ưa ngủ, thể tánh chậm chạp. Trong mười năm thứ tám không còn tâm ý mạnh mẽ, cũng không trang điểm sửa soạn. Trong mười năm thứ chín nhiều bệnh mệt mỏi, mặt nhăn. Trong mười năm thứ mười, các căn mờ kém, gân cốt lỏng lẻo, quên nhiều, lẫn lộn.
Tỳ-kheo nên biết! Giả sử người sống đến trăm tuổi, sẽ trải qua những hoạn nạn như vậy. Giả sử người thọ mạng trăm năm, sẽ trải qua ba trăm mùa đông, hạ, thu, so với thọ mạng kia không đủ nói. Nếu người thọ trăm tuổi sẽ ăn ba vạn sáu ngàn bữa ăn, trong khoảng đó hoặc có khi không ăn, như giận không ăn, không được cho không ăn, bệnh không ăn. Tính kể lúc ăn và không ăn và khi bú sữa mẹ, nói tóm lại thì có ba vạn sáu ngàn lần ăn. Này Tỳ-kheo! Nếu người sống trăm tuổi thì trạng thái ăn uống của người ấy theo giới hạn của số năm là như thế.
Tỳ-kheo nên biết! Nhân dân ở cõi Diêm-phù-đề, hoặc có khi thọ mạng rất dài, đồng như thọ mạng vô lượng. Về đời quá khứ lâu xa, không thể tính kể, có nhà vua tên Liệu Chúng Bệnh, thọ mạng rất dài, dung mạo đoan chánh, được vui vô lượng. Thời đó không có những tai họa về bệnh, già, chết. Bấy giờ có hai vợ chồng sanh một đứa con, đứa bé chết, lúc đó cha mẹ nó bồng dậy khiến ngồi và đưa thức ăn cho, nhưng đứa bé không ăn không uống cũng không ngồi lên. Vì sao thế? Vì nó đã chết. Khi ấy cha mẹ nó liền nghĩ: 'Hôm nay con ta vì sao giận hờn không chịu ăn uống, cũng chẳng nói năng?'. Vì sao? Vì nhân dân lúc ấy không hề nghe đến tiếng chết nên như vậy.
Bấy giờ, cha mẹ đứa bé bèn nghĩ: 'Con ta đã qua bảy ngày không ăn uống, cũng không biết lý do gì mà không nói năng. Nay chúng ta có thể đem việc này tâu lên nhà vua Liệu Chúng Bệnh mới biết được'. Họ bèn đến chỗ nhà vua, đem hết mọi chuyện tâu cho vua biết. Nhà vua nghĩ: 'Ngày nay đã nghe đến tiếng chết'. Vua bảo họ:
- 'Các Người có thể đem đứa bé đến chỗ ta'.
Bấy giờ, họ bồng đứa bé đến chỗ nhà vua, vua thấy rồi nói với họ:
- 'Ðứa bé này đã chết'.
Cha mẹ nó tâu nhà vua:
- 'Thế nào gọi là chết?'
Vua bảo:
- 'Ðứa bé này không đi đứng, nói năng, đối đáp, ăn uống, vui chơi. Thân thể cứng đơ không cử động, gọi là chết'.
Hai vợ chồng nọ tâu vua:
- 'Tình trạng này trải qua bao lâu?'
Vua bảo:
- 'Không bao lâu, thân thể nó sẽ thối rữa, sình trương, mùi hôi cùng khắp không chịu nổi'.
Cha mẹ đứa bé không tin lời nhà vua, lại bồng thây đứa bé về nhà, không bao lâu thân thể nó thối rữa, rất hôi hám. Lúc đó, họ mới tin lời nhà vua đã nói rằng 'Ðứa bé này không lâu, thân thể sẽ thối rữa, sình trương tan rã hết'. Họ lại ôm thi thể sình trương của đứa bé đến chỗ nhà vua và tâu rằng:
- 'Tâu Ðại vương, quả thật như vậy, nay đem đứa bé này cống hiến cho Ðại vương'.
Họ không khóc than. Vì sao? Vì không nghe tiếng 'chết' bao giờ.
Bấy giờ, nhà vua lột da đứa bé để làm trống lớn, rồi sai xây lầu bảy tầng, đem trống ấy đặt trên lầu, và ra lệnh cho một người:
- 'Ngươi nên biết, ta sai ngươi giữ gìn trống này, một trăm năm đánh một lần, đừng để sai thời.'
Người ấy vâng lời vua dạy, trăm năm đánh trống một lần. Khi nhân dân trong nước nghe tiếng trống này, lấy làm lạ chưa từng có, bảo nhau:
- 'Âm thanh gì thế? Ðó là tiếng gì? Phải tìm ra manh mối'.
Nhà vua bảo:
- 'Ðây là tiếng của da người chết'.
Mọi người nghe rồi, đều suy nghĩ: 'Thật lạ quá, mới nghe âm thanh như thế này'.
Này Tỳ-kheo! Nhà vua thuở ấy đâu phải người nào lạ. Chớ nghĩ thế ấy. Vì sao? Nhà vua thuở đó chính là thân Ta vậy. Do đây mà biết, ngày xưa thọ mạng của cõi Diêm-phù-đề rất dài, còn ngày nay thọ mạng của người Diêm-phù-đề rất ngắn. Sự giảm sút khó giới hạn. Vì sao? Vì họ sát hại quá nhiều, cho đến mạng sống ngắn ngủi tợ hoa rụng. Do nhân duyên này nên xảy ra các sự biến đổi quái lạ.
Tỳ-kheo nên biết! Năm mươi năm ở cõi Diêm-phù-đề bằng một ngày một đêm ở cõi trời Tứ thiên vương. Tính số ngày đêm ấy, ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm. Thọ mạng của cõi trời Tứ thiên vương là năm trăm năm, hoặc có khi chết nửa chừng, tính theo tuổi thọ của loài Người là mười tám ức năm.
Ở địa ngục Hoàn Hoạt một ngày một đêm, tính theo số ngày đêm ấy, ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm. Tuổi thọ cao nhất của địa ngục Hoàn Hoạt là một ngàn năm, cũng có khi chết nửa chừng, tính theo tuổi thọ loài Người là ba mươi sáu ức năm.
Một trăm năm ở cõi Người bằng một ngày một đêm ở cõi trời Ba mươi ba. Tính theo số ngày, tháng, năm của cõi ấy, Trời Ba mươi ba thọ một ngàn tuổi, trong khoảng đó có khi chết nửa chừng, tính theo cõi Người là thọ ba mươi sáu ức năm.
Một ngày một đêm ở địa ngục A-tỳ tính theo số ngày tháng cõi ấy, ba mươi ngày là một tháng, mười hai tháng là một năm, tính theo số ngày đêm ấy, tuổi thọ nơi đó là hai mươi vạn năm, còn tính theo tuổi thọ nhân gian là một trăm vạn năm.
Như thế, Tỳ-kheo! Tính tuổi thọ như thế chuyển tăng gấp bội, trừ cõi trời Vô tưởng, cõi trời Vô tưởng thọ tám vạn bốn ngàn kiếp, trừ cõi trời Tịnh Cư không trở lại cõi đời này. Cho nên, này các Tỳ-kheo, chớ buông lung, ngay đời này được dứt sạch hữu lậu. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ, các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.