6. Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Thế Tôn; cúi lạy Thế Tôn rồi ngồi một bên. Khi ấy, Xá-lợi-phất bạch Thế Tôn:
- Nay con đã nhập hạ ở thành Xá-vệ rồi, ý muốn đi du hóa trong nhân gian.
Thế Tôn bảo:
- Nay chính phải thời.
Xá-lợi-phất liền từ chỗ ngồi đứng dậy, cúi lạy và lui đi. Xá-lợi-phất đi chưa bao lâu, có một Tỳ-kheo ôm lòng phỉ báng, bạch Thế Tôn rằng:
- Xá-lợi-phất tranh cãi với các Tỳ-kheo mà không sám hối, nay lại du hành trong nhân gian.
Bấy giờ Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:
- Thầy mau đem lời Ta gọi Xá-lợi-phất đến!
Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn!
Phật dạy Tôn giả Mục-liên và Tôn giả A-nan:
- Các Thầy mời các Tỳ-kheo trong các phòng đến chỗ Thế Tôn. Vì sao thế? Xá-lợi-phất nhập tam-muội, nay sẽ ở trước Như Lai rống tiếng sư tử.
Các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, ai nấy đều tụ tập chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Khi ấy Tỳ-kheo kia vâng lời Phật dạy đi đến chỗ Xá-lợi-phất, bảo Xá-lợi-phất:
- Như Lai muốn gặp Tôn giả.
Tôn giả Xá-lợi-phất đến chỗ Thế Tôn; cúi lạy Thế Tôn rồi ngồi một bên. Phật bảo Xá-lợi-phất:
- Thầy vừa đi chưa bao lâu, có một Tỳ-kheo hạnh nhơ đến chỗ Ta, bạch Ta rằng: 'Tỳ-kheo Xá-lợi-phất tranh cãi với các Tỳ-kheo mà không sám hối, lại du hóa trong nhân gian'. Xem xét có thực vậy không?
Xá-lợi-phất bạch Phật:
- Như Lai tự biết việc này.
Như Lai bảo:
- Ta tự biết rồi, nhưng nay đại chúng hoài nghi. Nay Thầy ở trong đại chúng, nên tự biện minh mình trong sạch.
Xá-lợi-phất bạch Phật:
- Con từ khi sanh ra đến nay tuổi vừa tám mươi, mỗi lúc tự suy nghĩ: chưa từng sát sanh, cũng không nói dối, ngay cho khi đùa bỡn cũng không nói dối, cũng lại chưa hề cãi cọ kia đây. Ví thử lúc không chuyên ý, có thể làm điều này. Bạch Thế Tôn! Nay con tâm ý thanh tịnh há lại cùng người Phạm hạnh đấu tranh sao?
Cũng như đất này, chấp nhận vật sạch và cũng nhận vật không sạch, phân tiểu dơ uế thảy đều nhận cả, máu mủ đờm dãi trọn chẳng chống nghịch. Song đất này cũng chẳng nói xấu, cũng không nói tốt. Con cũng như vậy, bạch Thế Tôn! Tâm con không di động, há lại cùng người Phạm hạnh tranh cãi mà bỏ đi xa ư? Người tâm không chuyên thì mới như thế. Nay con tâm chánh, đâu lẽ cùng người Phạm hạnh tranh cãi mà bỏ đi xa ư?
Cũng như nước có thể rửa sạch vật tốt, cũng có thể rửa sạch vật xấu. Nước ấy cũng chẳng nghĩ rằng: 'Ta rửa sạch cái này, bỏ cái này'. Con cũng như thế, không có tưởng khác; há lại cùng người Phạm hạnh tranh cãi mà bỏ đi xa ư?
Ví như lửa mạnh đốt cháy núi rừng chẳng chọn tốt xấu, trọn không tưởng niệm. Con cũng như thế, há nên có ý cùng người Phạm hạnh tranh cãi sao?
Cũng như chổi quét không chọn tốt xấu, đều có thể quét sạch trọn không tưởng niệm. Giống như bò bị cưa hai sừng, hết sức hiền lành không có hung bạo; khéo có thể dẫn dắt, tùy ý đi đâu, trọn không nghi nan. Thật vậy, Thế Tôn! Tâm con như thế, cũng không khởi tưởng có điều làm thương tổn, há lại cùng người Phạm hạnh tranh cãi mà đi xa ư?
Cũng như cô gái Chiên-đà-la mặc áo cũ rách, ở trong nhân gian xin ăn cũng không cấm kỵ. Con cũng như thế, bạch Thế Tôn! Cũng không tưởng niệm sẽ khởi tranh tụng mà đi xa.
Cũng như chảo mỡ rỉ chảy khắp nơi, người có mắt thảy đều trông thấy mọi chỗ rỉ ra. Con cũng như thế, Thế Tôn! Trong chín lỗ rỉ chảy ra bất tịnh, há nên cùng người Phạm hạnh tranh cãi?
Ví như người nữ tuổi trẻ đoan chánh, lại lấy thây chết buộc vào cổ mình rồi chán ghét nó. Thế Tôn! Con cũng như thế, chán ghét thân này như thế không khác, há nên cùng người Phạm hạnh tranh cãi mà đi xa sao? Việc này chẳng đúng.
Thế Tôn nên tự biết cho. Tỳ-kheo kia cũng nên biết cho. Nếu có việc này, mong Tỳ-kheo ấy nhận sự sám hối của con.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo kia:
- Nay Thầy phải tự hối lỗi. Vì sao thế? Nếu không hối lỗi, đầu sẽ bể làm bảy mảnh.
Khi ấy, Tỳ-kheo kia sợ hãi, lông áo dựng đứng; liền từ chỗ ngồi đứng lên lễ chân Như Lai, bạch Thế Tôn:
- Nay con tự biết đã xúc phạm Tôn giả Xá-lợi-phất, cúi mong Thế Tôn cho con sám hối.
Thế Tôn bảo:
- Tỳ-kheo! Thầy hãy tự hướng về Xá-lợi-phất sám hối, nếu không đầu sẽ bể làm bảy mảnh.
Tỳ-kheo ấy liền hướng về Xá-lợi-phất cúi lạy và bạch Xá-lợi-phất rằng:
- Cúi mong ngài cho tôi sám hối, vì tôi ngu, không phân biệt lẽ chân thật.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
- Nay Thầy nên nhận Tỳ-kheo này hối lỗi, lại lấy tay xoa đầu thầy ấy. Vì sao thế? Nếu không cho Tỳ-kheo này sám hối, đầu Thầy ấy sẽ bể làm bảy mảnh.
Xá-lợi-phất lấy tay xoa đầu Tỳ-kheo, bảo rằng:
- Chấp nhận cho Thầy sám hối. Như ngu như mê, trong Phật pháp này rất là rộng lớn; lại có thể tùy thời hối lỗi. Lành thay! Nay cho Thầy sám hối, sau chớ phạm nữa.
Như thế ba lần. Bấy giờ Xá-lợi-phất bảo Tỳ-kheo kia rằng:
- Thầy chớ phạm nữa! Vì sao thế? Có sáu pháp vào địa ngục, sáu pháp sanh lên trời, sáu pháp đến Niết-bàn.
Thế nào là sáu pháp vào địa ngục? Muốn hại người khác; ta đã khởi tâm hại này liền hoan hỉ, hớn hở không thể dừng được; ta sẽ dạy người khiến hại người khác; trong đó khởi tâm hại; đã hại được người trong đó khởi hoan hỷ: 'Ta sẽ được tiếng tăm không tốt này'; chưa khởi việc này, liền ôm sầu lo. Ðó là có sáu pháp này khiến người đọa đường ác.
Thế nào là sáu pháp khiến người đến chỗ lành? Nghĩa là thân giới đầy đủ, khẩu giới đầy đủ, ý giới đầy đủ, mạng căn thanh tịnh, không tâm sát hại, không tâm tật đố. Ðó là có sáu pháp này sanh ở cõi lành.
Thế nào là tu sáu pháp đến Niết-bàn? Nghĩa là sáu pháp nghĩ nhớ. Thế nào là sáu? Nghĩa là thân hành từ, không tỳ vết; miệng hành từ không tỳ vết; ý hành từ không tỳ vết; nếu được lợi dưỡng hay chia cho mọi người không có lẫn tiếc; phụng trì cấm giới không tỳ vết; được người trí quý mến. Giới như thế có thể đầy đủ. Có các tà kiến, chánh kiến, Hiền Thánh xuất yếu có thể được dứt gốc khổ; các kiến như thế thảy đều phân biệt rành. Ðó là sáu nên cầu phương tiện tu hành sáu pháp này. Như thế, các Tỳ-kheo, nên học điều này.
Bấy giờ Tỳ-kheo kia lại từ chỗ ngồi đứng dậy, lễ chân Tôn giả Xá-lợi-phất một lần nữa:
- Nay con lại xin sám hối, như kẻ ngu mê, không phân biệt được chân thật. Cúi mong ngài Xá-lợi-phất cho con hối lỗi. Sau này con không phạm nữa.
Xá-lợi-phất nói:
- Cho Thầy hối lỗi. Trong pháp Hiền Thánh rất là quảng đại, phải tự sửa lỗi cũ, tu chính mới, chớ có phạm nữa.
Bấy giờ Tỳ-kheo kia nghe Xá-lợi-phất nói xong, hoan hỉ vâng làm.
*
7. Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nay Ta sẽ thuyết về pháp đệ nhất tối không. Các Thầy khéo suy nghĩ.
Các Tỳ-kheo đáp:
- Xin vâng, Thế Tôn.
Bấy giờ các Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy. Phật bảo:
- Sao gọi là pháp đệ nhất tối không? Nếu lúc mắt khởi thì khởi, cũng chẳng thấy chỗ đến; lúc diệt thì diệt cũng không thấy chỗ diệt, trừ pháp giả hiệu nhân duyên. Thế nào là giả hiệu nhân duyên? Nghĩa là cái này có thì cái kia có, cái này sanh thì cái kia sanh, vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên tử, tử duyên sầu lo, khổ não, chẳng thể tính kể. Như thế Khổ ấm thành tựu nhân duyên này.
Không đây là không kia, đây diệt thì kia diệt; vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì tử diệt, tử diệt thì sầu lo khổ não thảy đều diệt; tận trừ pháp giả hiệu.
Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng lại như thế; lúc khởi thì khởi cũng không biết chỗ đến, lúc diệt thì diệt cũng không biết chỗ diệt, trừ pháp giả hiệu. Pháp giả hiệu là đây khởi thì khởi, đây diệt thì diệt.
Sáu nhập này cũng không người tạo tác; cũng là pháp danh sắc lục nhập. Do cha mẹ mà có thai, cũng không nhân duyên mà có. Ðây cũng giả hiệu. Chỉ cần trước có đối đãi sau bèn có. Ví như dùi cây kiếm lửa. Vì trước có đối đãi, sau mới có lửa sanh, lửa cũng chẳng từ cây ra, cũng chẳng lìa cây. Nếu lại có người chẻ cây tìm lửa, cũng chẳng thể được, đều do nhân duyên hội họp rồi sau có lửa. Sáu tình này khởi bệnh cũng lại như thế, đều do nhân duyên hội họp, trong đó khởi bệnh. Lúc sáu nhập này khởi thì khởi cũng chẳng thấy chỗ đến, lúc diệt thì diệt, cũng chẳng thấy chỗ diệt, trừ pháp giả hiệu này. Nhân do cha mẹ hội họp mà có.
Bấy giờ Thế Tôn bèn nói kệ:
Trước hết thọ bào thai,
Dần dần như váng sữa,
Rồi lại như cục thịt,
Sau chuyển như tượng hình.
Trước sanh đầu, cổ, ót,
Dần sanh tay, chân, ngón,
Chi tiết mỗi mỗi sanh,
Tóc, lông, móng, răng thành.
Nếu lúc mẹ ăn uống,
Các thứ món ăn ngon,
Tinh khí làm sống mạng,
Nguồn gốc của thọ thai.
Hình thể đã hoàn thành,
Các căn không thiếu sót,
Do mẹ được sanh ra,
Thọ thai khổ như thế.
Tỳ-kheo nên biết, do nhân duyên hội họp mà có thân này. Lại nữa, Tỳ-kheo! Trong một thân người có ba trăm sáu mươi đốt xương, chín vạn chín ngàn lỗ chân lông, năm trăm mạch máu, năm trăm gân, tám vạn hộ trùng. Tỳ-kheo nên biết! Thân lục nhập có tai biến như thế. Tỳ-kheo nên nhớ tư duy họa hoạn như thế. Ai tạo xương này? Ai hợp gân mạch này? Ai tạo tám vạn hộ trùng này?
Bấy giờ, Tỳ-kheo nghĩ suy điều này, liền đạt nhị quả, A-na-hàm hoặc A-la-hán. Khi ấy Thế Tôn liền nói kệ:
Ba trăm sáu mươi xương,
Ở trong thân người này,
Chư Phật đã diễn nói,
Nay Ta cũng nói thế.
Gân có năm trăm sợi,
Số mạch cũng như thế,
Trùng có tám vạn thứ,
Chín vạn chín ngàn lông.
Nên quán thân như thế,
Tỳ-kheo cần tinh tấn,
Mau được đạo La-hán,
Và đến được Niết-bàn.
Pháp này đều không tịch.
Chỗ tham của người ngu.
Người trí tâm vui vẻ,
Nghe pháp bốn 'không' này.
Này Tỳ-kheo! Ðây gọi là pháp đệ nhất tối không. Ta vì các Thầy nói về pháp tu hành của Như Lai. Nay ta đã khởi tâm từ bi thương xót, việc Ta làm đã xong. Các Thầy thường nên nhớ tu hành pháp này. Ở chỗ vắng vẻ, ngồi Thiền tư duy, chớ có giải đãi. Nay không tu hành sau hối hận vô ích. Ðây là lời giáo huấn của Ta. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
*
8. Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Phạm chí Sanh Lậu đến chỗ Thế Tôn cùng thăm hỏi, ngồi một bên. Khi ấy, Phạm chí bạch Thế Tôn:
- Cù-đàm! Dòng Sát-lợi nay ý muốn cầu điều gì? Có hạnh nghiệp gì? Theo giáo lý nào? Cứu cánh việc gì?
Bà-la-môn ý muốn việc gì? Có hành nghiệp gì? Theo giáo lý nào? Cứu cánh việc gì?
Quốc vương ngày nay ý muốn cầu gì? Có hành nghiệp gì? Theo giáo lý nào? Cứu cánh việc gì?
Ðạo tặc ngày nay ý muốn cầu gì? Có hành nghiệp gì? Theo giáo lý nào? Cứu cánh việc gì?
Người nữ ý muốn cầu gì? Có hạnh nghiệp gì? Nghe giáo lý nào? Rốt ráo việc gì?
Bấy giờ Thế Tôn bảo Phạm chí:
- Dòng Sát-lợi thường ưa đấu tranh, nhiều kỹ thuật, ưa làm việc muốn cho rốt ráo không nghỉ giữa chừng.
Phạm chí hỏi:
- Phạm chí ý muốn cầu gì?
Thế Tôn bảo:
- Phạm chí ý thích chú thuật, cần ở nhà, thích chỗ vắng vẻ, ý để nơi Phạm thiên.
Phạm chí lại hỏi:
- Quốc vương cầu việc gì?
Thế Tôn bảo:
- Phạm chí nên biết! Ý vua muốn được việc nước, ý để nơi binh đao gậy gộc, tham đắm tài bảo.
Phạm chí lại hỏi:
- Trộm cướp ý muốn gì?
Thế Tôn bảo:
- Trộm thì có ý trộm cắp, tâm để chỗ gian tà, ý muốn khiến người không biết việc làm của mình.
Phạm chí lại hỏi:
- Người nữ ý muốn cầu gì?
Thế Tôn bảo:
- Người nữ ý để nơi người nam, tham đắm tài bảo, tâm ràng buộc việc nam nữ, tham dục tự do.
Bấy giờ Phạm chí bạch Thế Tôn:
- Thật là kỳ đặc! Thế Tôn biết hết bao nhiêu sự biến đổi, như thật không dối. Hôm nay Tỳ-kheo ý muốn cầu gì?
Thế Tôn bảo:
- Giới đức đầy đủ, tâm dạo nơi đạo pháp, ý để nơi Tứ đế, muốn đến Niết-bàn. Ðó là điều mong cầu của Tỳ-kheo.
Phạm chí Sanh Lậu bạch Thế Tôn:
- Ðúng vậy, Thế Tôn! Việc làm của Tỳ-kheo ý không thể di chuyển. Nghĩa ấy thật như vậy. Thưa Cù-đàm! Niết-bàn ấy thật là vui thích. Như Lai nói đã nhiều. Ví như người mù được thấy, người điếc được nghe, ở chỗ tối thấy sáng, ngày nay Như Lai nói cũng như thế, không có khác. Nay tôi việc nước bận rộn, muốn trở về.
Thế Tôn bảo:
- Nên biết đúng thời.
Khi ấy Phạm chí Sanh Lậu liền đứng dậy, nhiễu Phật ba vòng rồi lui đi.
Bấy giờ, Phạm chí Sanh Lậu nghe Phật nói xong, vui vẻ vâng làm.
*
9. Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Phạm chí Sanh Lậu đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên.
Khi ấy Phạm chí bạch Thế Tôn:
- Trong đây có Tỳ-kheo chăng? Làm sao được tu Phạm hạnh không có thiếu sót? Và thanh tịnh tu Phạm hạnh?
Thế Tôn bảo:
- Nếu có người giới luật đầy đủ không phạm điều gì, đấy gọi là thanh tịnh tu hành Phạm hạnh. Lại nữa, Phạm chí! Nếu có mắt thấy sắc mà không khởi tưởng dính mắc, không khởi thức niệm; trừ ác tưởng, bỏ pháp bất thiện, nhãn căn được toàn vẹn. Ðó là người này thanh tịnh tu Phạm hạnh. Nếu tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân biết xúc chạm, ý biết pháp đều không thức tưởng, không khởi tưởng niệm, thanh tịnh được tu Phạm hạnh, ý căn được toàn vẹn; người như thế tu Phạm hạnh không có thiếu sót.
Bà-la-môn bạch Phật:
- Những người nào không tu Phạm hạnh? Không đầy đủ hạnh thanh tịnh?
Thế Tôn bảo:
- Nếu có người cùng hội họp, đây gọi là không phải Phạm hạnh.
Bà-la-môn bạch Phật:
- Những người nào sơ sót không hành đầy đủ?
Thế Tôn bảo:
- Nếu có người cùng nữ nhân giao tiếp, hoặc đụng chạm tay chân, ấp ủ trong lòng không quên mất; đó là này Phạm chí, không hành đầy đủ, rơi vào các dâm dật, tương ưng với dâm, nộ, si. Lại nữa Phạm chí! Hoặc cùng nữ nhân đùa bỡn nói năng qua lại; đó là, này Phạm chí người này hành không đầy đủ, rơi vào dâm, nộ, si. Phạm hạnh chẳng đầy đủ để tu hành thanh tịnh. Lại nữa Phạm chí! Nếu có nữ nhân dùng mắt ác nhìn nhau mà không di chuyển, trong đó liền khởi tưởng dâm, nộ, si, sanh các loạn niệm; đó là, Phạm chí, người này Phạm hạnh chẳng sạch, chẳng tu Phạm hạnh. Lại nữa, Phạm chí! Hoặc có người nghe xa xa, hoặc nghe tiếng khóc, hoặc nghe tiếng cười, trong đó khởi dâm, nộ, si, khởi các loạn tưởng; đó là Phạm chí, người này chẳng thanh tịnh tu Phạm hạnh, tương ưng với dâm, nộ, si, hạnh không hoàn toàn. Lại nữa Phạm chí! Nếu có người từng thấy nữ nhân, sau lại khởi tưởng, nhớ đến đầu mắt cô gái, trong đó khởi tưởng, ở chỗ vắng vẻ sanh dâm, nộ, si, tương ưng với ác hạnh; đó là, Phạm chí người này chẳng tu Phạm hạnh.
Khi ấy, Phạm chí Sanh Lậu bạch Thế Tôn:
- Rất là kỳ đặc! Sa-môn Cù-đàm này cũng biết Phạm hạnh, cũng biết chẳng phải Phạm hạnh; cũng biết lậu hạnh, cũng biết bất lậu hạnh. Vì sao thế? Nay tôi cũng sanh niệm này: 'Có những người cùng nữ nhân đụng chạm tay chân, khởi các loạn tưởng'. Tôi liền sanh niệm này: 'Người này hạnh chẳng thanh tịnh, tương ứng với dâm, nộ, si'. Ðệ nhất thọ lạc là nữ nhân vậy. Ðáng ham muốn đệ nhất là mắt mắt nhìn nhau. Và nữ nhân ấy hoặc nói, hoặc cười ràng buộc đàn ông, hoặc cùng nói chuyện ràng buộc đàn ông. Khi ấy tôi liền sanh niệm này: 'Sáu điều này người trọn hành hạnh chẳng thanh tịnh'.
Hôm nay Như Lai nói đã nhiều. Ví như người mù được mắt, người mê thấy đường, người ngu nghe đạo, người có mắt thấy sắc; Như Lai thuyết pháp cũng lại như thế. Nay con tự quy y Phật, Pháp, Tăng chúng. Từ nay về sau con không sát sanh nữa, cúi mong Thế Tôn nhận con làm Ưu-bà-tắc.
Bấy giờ Phạm chí nghe Phật dạy xong, hoan hỉ vâng làm.
*
10. Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ở trong rừng phía ngoài thành Tỳ-xá-ly cùng chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người câu hội.
Bấy giờ Tôn giả Mã Sư đến giờ đắp y, ôm bát vào thành khất thực. Khi ấy Ni-kiền Tử Tát-giá xa thấy Mã Sư đến, liền nói với Mã Sư rằng:
- Thầy Ông thuyết những nghĩa gì? Có những giáo giới gì? Dùng lời dạy gì cho đệ tử?
Mã Sư đáp:
- Phạm chí! Sắc là vô thường, vô thường tức là khổ, khổ tức là vô ngã, vô ngã tức là không. Không là kia không phải sở hữu của ta, ta không phải sở hữu của kia. Như thế là điều người trí học, thọ, tưởng, hành, thức vô thường; ngũ thạnh ấm này vô thường, vô thường tức là khổ, khổ tức là vô ngã, vô ngã tức là không. Không là kia không phải sở hữu của ta, ta không phải sở hữu của kia. Ông muốn biết thì Thầy ta giáo giới nghĩa như thế, thuyết cho các đệ tử nghĩa như thế.
Khi ấy Ni-kiền Tử lấy hai tay bịt tai lại nói rằng:
- Thôi! Thôi! Mã Sư! Tôi không ưa nghe nói vậy. Nếu Sa-môn Cù-đàm có dạy vậy, tôi thực chẳng ưa nghe. Vì cớ sao? Như nghĩa của tôi: sắc là thường, nghĩa của Sa-môn là vô thường. Hôm nào sẽ gặp Sa-môn Cù-đàm để cùng luận nghị, sẽ trừ tâm điên đảo của Sa-môn Cù-đàm.
Bây giờ trong thành Tỳ-xá-ly có năm trăm đồng tử tụ tập một chỗ nhóm bàn luận. Ni-kiền Tử đến chỗ năm trăm đồng tử, bảo đồng tử rằng:
- Các em hãy cùng đến chỗ Sa-môn Cù-đàm. Vì sao thế? Ý ta muốn cùng Sa-môn kia thảo luận, khiến Sa-môn kia thấy được đạo chánh đế. Sa-môn nói sắc là vô thường nhưng như nghĩ của ta sắc là thường. Ví như lực sĩ tay nắm dê lông dài, tùy ý dẫn đi khắp nơi không nghi nan; nay ta cũng lại như thế, cùng Sa-môn kia luận nghị, tùy ta buông bắt không có nghi nan. Ví như voi mạnh hung bạo có sáu ngà ở trong núi sâu đùa chơi không khó gì; nay ta cũng lại như thế, cùng Sa-môn ấy luận nghị không có nghi nan. Ví như hai trượng phu mạnh mẽ bắt một người yếu đuối, đặt trên lửa nướng tùy ý xoay trở cũng không khó khăn; nay ta cùng ông ấy luận nghĩa cũng không nghi nan. Trong luận nghị của ta, voi còn có thể bị hại huống là người; cũng hay khiến voi chạy Ðông, Tây, Nam, Bắc há không bằng người sao? Nay kèo cột trong giảng đường này là vật vô tình còn có thể khiến cho di chuyển, hà huống cùng người luận nghị có thể thắng được ta? Ta sẽ khiến ông ấy phun máu từ mặt mũi ra mà chết.
Trong nhóm đó, hoặc có đồng tử nói:
- Ni-kiền Tử trọn chẳng thể luận nghị với Sa-môn, chỉ e Sa-môn Cù-đàm sẽ luận nghị lại Ni-kiền Tử.
Hoặc có người nói:
- Sa-môn chẳng thể cùng Ni-kiền Tử luận nghị; Ni-kiền Tử có thể cùng Sa-môn luận nghị.
Khi ấy Ni-kiền Tử liền nghĩ rằng: 'Nếu khiến Sa-môn Cù-đàm nói như Tỳ-kheo Mã Sư thì đủ cho ta đối đầu. Nếu lại có nghĩa khác thì nghe xong sẽ biết'.
Ni-kiền Tử liền dẫn năm trăm đồng tử, trước sau vây quanh đến chỗ Thế Tôn, thăm hỏi xong ngồi xuống một bên.
Khi ấy, Ni-kiền Tử bạch Thế Tôn:
- Thế nào, Cù-đàm có giáo giới gì, dùng giáo giới gì dạy các đệ tử?
Phật bảo Ni-kiền Tử:
- Ðiều của Ta nói sắc là vô thường, vô thường tức là khổ, khổ tức là vô ngã, vô ngã tức là không, không tức là kia không phải (do) sở hữu của ta, ta không phải sở hữu của kia; thọ, tưởng, hành, thức, năm thạnh ấm thảy đều vô thường, vô thường tức là khổ, khổ thì vô ngã, vô ngã là không. Không là kia không sở hữu của ta, ta không phải sở hữu của kia. Giáo giới của Ta, nghĩa này như vậy.
Ni-kiền Tử đáp:
- Tôi chẳng ưa nghe nghĩa này. Vì cớ sao? Như tôi hiểu nghĩa, sắc là thường.
Thế Tôn bảo:
- Nay Ông hãy chuyên tâm ý, tư duyên về diệu lý, sau hãy nói.
Ni-kiền Tử nói:
- Nay tôi nói sắc là thường, năm trăm đồng tử này, nghĩa này cũng thế.
Thế Tôn bảo:
- Nay Ông nói sắc là thường, năm trăm đồng tử này nghĩa cũng vậy.
Thế Tôn lại bảo:
- Nay Ông đã tự mình biện thuyết, vì sao lại dẫn năm trăm người kia?
Ni-kiền Tử đáp:
- Nay tôi nói sắc là thường. Sa-môn muốn nói năng những gì?
Thế Tôn bảo:
- Nay Ta nói: sắc là vô thường cũng lại vô ngã; tạm dối hội họp có sắc này; cũng không chân thật, không chắc chắn cũng như đám tuyết, là pháp môn diệt, là pháp biến đổi. Nay Ông vừa nói sắc là thường. Ta lại hỏi Ông, hãy tùy ý đáp Ta.
Thế nào Ni-kiền Tử? Chuyển luân Thánh vương lại ở nước mình được tự tại không? Lại Ðại vương ấy, người không đáng chết mà giết chết, người không đáng trói lại trói, có được không?
Ni-kiền Tử đáp:
- Thánh Vương này có sức tự tại ấy. Người chẳng đáng giết có thể giết, người chẳng đáng trói có thể trói.
Thế Tôn bảo:
- Thế nào, Ni-kiền Tử, Chuyển luân Thánh vương sẽ lại già chăng? Ðầu bạc, mặt nhăn, áo quần dơ bẩn?
Khi ấy Ni-kiền Tử làm thinh chẳng đáp. Thế Tôn hỏi hai ba lần. Ông ta cũng hai ba phen làm thinh chẳng đáp. Khi ấy lực sĩ Kim Cang Mật Tích, tay cầm chày kim cang, ở trên hư không bảo:
- Nay Ông không đáp lại luận này, thì ở trước Như Lai, ta sẽ đập đầu Ông thành bảy mảnh.
Bấy giờ Thế Tôn bảo Ni-kiền Tử:
- Ông hãy nhìn lên hư không.
Ni-kiền Tử ngước nhìn không trung, thấy lực sĩ Kim Cang Mật Tích, lại nghe nói giữa không: 'Ông không đáp luận của Như Lai, ta sẽ đập đầu Ông bể làm bảy mảnh'. Ni-kiền Tử thấy rồi kinh sợ, áo lông dựng lên, bạch Thế Tôn:
- Cúi mong Cù-đàm, hãy cứu giúp cho. Nay hãy hỏi luận, tôi sẽ đáp.
Thế Tôn bảo:
- Thế nào, Ni-kiền Tử, Chuyển luân Thánh vương có già chăng? Cũng lại đầu bạc, răng rụng, da dùn, mặt nhăn chăng?
Ni-kiền Tử đáp:
- Sa-môn Cù-đàm! Tuy có lời này nhưng theo nghĩa của tôi, sắc là thường.
Thế Tôn bảo:
- Ông khéo suy nghĩ rồi sau hãy đáp. Nghĩa trước và sau chẳng tương ưng với nhau, chỉ hãy luận rằng Chuyển luân Thánh vương rồi có già không? Cũng sẽ đầu bạc, răng rụng, da dùn, mặt nhăn chăng?
Ni-kiền Tử đáp:
- Chuyển luân Thánh vương cũng sẽ già.
Thế Tôn bảo:
- Chuyển luân Thánh vương thường hay ở nước mình tự do. Vì cớ sao chẳng thể khỏi già, khỏi bệnh, khỏi chết? (Bảo là) Ta không già, bệnh, chết, ta là thường thì đáng lẽ phải được như thế, nghĩa này có thể được không?
Ni-kiền Tử làm thinh không đáp, sầu lo chẳng vui, lặng lẽ chẳng nói, thân thể tuôn mồ hôi, thấm ướt y phục, thấm chỗ ngồi và ướt cả đất.
Thế Tôn bảo:
- Ni-kiền Tử! Ông ở trong đại chúng rống như sư tử. 'Ðồng tử các em! Cùng ta đến chỗ Cù-đàm để cùng luận nghị; ta sẽ hàng phục như bắt dê lông dài, tùy ý dắt đi khắp nơi không có nghi nan. Cũng như voi lớn vào trong nước sâu, tùy ý dạo chơi không có sợ. Cũng như hai trượng phu mạnh mẽ bắt một người yếu ớt, để trên lửa nướng tùy ý xoay trở'. Ông cũng lại nói: 'Ta thường hay luận bại voi lớn, cột kèo thảo mộc như thế, toàn là vô tình, cùng chúng luận nghị có thể khiến cho co duỗi, cúi, ngước, cũng có thể khiến dưới nách chảy mồ hôi'.
Bấy giờ Thế Tôn vén ba y lên, chỉ cho Ni-kiền Tử:
- Ông xem Như Lai không có chút mồ hôi chảy. Ngược lại bây giờ Ông mồ hôi thấm đất.
Ni-kiền Tử làm thinh chẳng đáp. Bấy giờ có một đồng tử tên là Ðầu-ma ở trong chúng kia. Khi ấy đồng tử Ðầu-ma bạch Thế Tôn:
- Nay con đủ sức nhận có điều thi hành, cũng muốn được nói.
Thế Tôn bảo:
- Tùy ý nói đi.
Ðồng tử Ðầu-ma bạch Phật:
- Ví như cách làng xóm không xa, có ao tắm tốt, nhưng ao tắm ấy có trùng nhiều chân. Nhân dân lớn, nhỏ, trai, gái trong làng đến ao tắm bắt trùng này ra, lấy đá ngói ném trùng này bị thương, chặt hết chân. Trùng này muốn trở vào nước, trọn không được. Ni-kiền Tử này cũng lại như thế, ban đầu hung hăng muốn cùng Như Lai tranh luận, ôm lòng tật đố và kiêu mạn. Như Lai trừ hết không sót chút nào. Ni-kiền Tử này không thể đến luận nghị với Như Lai lần nào nữa.
Bấy giờ Ni-kiền Tử bảo đồng tử Ðầu-ma rằng:
- Ông ngu mê không phân biệt được chân ngụy, ta không nghị luận với Ông, ta nghị luận với Sa-môn Cù-đàm.
Ni-kiền Tử bạch Phật:
- Xin hỏi nghĩa lý, tôi sẽ thuyết nữa.
Thế Tôn bảo:
- Thế nào Ni-kiền Tử? Chuyển luân Thánh vương muốn cho già, bịnh, chết chẳng đến, có thể được chăng? Vị Thánh Ðại vương kia quả có được toại nguyện chăng?
Ni-kiền Tử đáp:
- Quả không toại nguyện.
- Muốn cho có sắc này, muốn cho không có sắc này, có kết quả chăng?
Ni-kiền Tử đáp:
- Không kết quả, Cù-đàm!
Thế Tôn bảo:
- Thế nào, Ni-kiền Tử? Sắc là thường hay vô thường?
Ni-kiền Tử đáp:
- Sắc là vô thường.
- Nếu lại vô thường thì là pháp biến đổi, Ông lại thấy đây là ngã, cho ngã là sở hữu của kia chăng?
- Không, Cù-đàm!
- Thọ, tưởng, hành, thức là thường hay vô thường?
- Vô thường.
Thế Tôn bảo:
- Nếu lại vô thường, là pháp biến đổi, Ông thấy có chăng?
- Không.
Thế Tôn bảo:
- Ngũ thạnh ấm này thường hay vô thường?
Ni-kiền Tử đáp:
- Vô thường.
Phật nói:
- Nếu lại vô thường là pháp biến đổi, Ông có thấy có chăng?
- Không.
- Thế nào Ni-kiền Tử? Ông nói là thường. Lý này không trái với nghĩa sao?
Khi ấy, Ni-kiền Tử bạch Phật:
- Nay con ngu si không phân biệt chân đế nên mới khởi lòng muốn tranh luận với Cù-đàm mà nói sắc là thường. Ví như sư tử mạnh, từ xa thấy người đến mà có tâm sợ sệt sao? Không có việc đó. Hôm nay Như Lai cũng lại như thế, không có mảy may sợ sệt. Nay con cuống hoặc, không rõ nghĩa sâu, dám xúc nhiễu Sa-môn Cù-đàm.
Ngài đã nói quá nhiều, ví như người mù được mắt, người điếc được nghe suốt, người mê được thấy đường, người không mắt thấy sắc. Sa-môn Cù-đàm cũng lại như thế, dùng vô số phương tiện vì con thuyết pháp. Nay con xin quy y Sa-môn Cù-đàm, Pháp và Tỳ-kheo Tăng. Từ nay về sau con xin trọn đời làm Ưu-bà-tắc, không sát sanh nữa. Cúi mong Cù-đàm và Tỳ-kheo Tăng nhận lời con thỉnh. Con muốn cúng cơm trưa cho Phật và Tỳ-kheo Tăng.
Bấy giờ Thế Tôn yên lặng nhận lời. Ni-kiền Tử thấy Thế Tôn đã nhận lời mời, liền từ chỗ ngồi đứng dậy nhiễu Phật ba vòng, cúi lạy rồi đi. Ông ta đến chỗ của các đồng tử ở Tỳ-xá-ly, bảo các đồng tử rằng:
- Các Ông định cúng dường ta những gì thì ngay bây giờ cung cấp cho ta, chớ để lỡ thời. Nay ta thỉnh Sa-môn Cù-đàm và Tỳ-kheo Tăng ngày mai thọ thực.
Khi ấy các đồng tử mỗi người đều lo bày biện các thức ăn uống, đem đến cho ông ta. Rồi ngay đêm đó, Ni-kiền Tử bày biện đủ các thức ăn uống ngon ngọt, trải tọa cụ tốt đẹp, rồi đến bạch Phật:
- Ðúng thời, nay đã đến giờ, cúi mong hạ cố.
Bấy giờ Thế Tôn đến giờ, đắp y ôm bát cùng Tỳ-kheo Tăng vào thành Tỳ-xá-ly, đến nhà Ni-kiền Tử, ngồi vào chỗ theo thứ tự. Ni-kiền Tử thấy Phật và Tỳ-kheo Tăng ngồi yên rồi liền tự tay châm chước các món ăn uống. Khi thấy Phật và Tỳ-kheo Tăng ăn xong và rửa tay rồi, ông lấy một ghế nhỏ đến trước Như Lai ngồi, muốn được nghe pháp.
Bấy giờ Thế Tôn thuyết diệu luận cho ông ta. Nghĩa là thí luận, giới luận, luận sanh thiên, dục là uế ác, dâm là hạnh bất tịnh, xuất yếu là vui. Thế Tôn thấy Ni-kiền Tử tâm ý khai mở theo pháp chư Phật, Thế Tôn thường thuyết là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo, Ngài bèn thuyết hết cho Ni-kiền Tử. Khi đó, Ni-kiền Tử ở ngay chỗ ngồi, các trần cấu dứt sạch, được pháp nhãn thanh tịnh.
Thế Tôn liền nói kệ:
Tế tự, lửa trên hết
Thi thơ, tụng là đầu
Trong người, vua cao nhất
Các sông, biển là nguồn.
Trong sao, trăng sáng nhất
Ánh sáng, mặt trời hơn,
Trên dưới và bốn phương
Các vật ở dưới đất.
Trời cùng với nhân loại.
Phật là đấng vô thượng.
Người muốn cầu đức này
Chánh giác là tối thượng.
Bấy giờ Thế Tôn nói kệ xong, liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi. Khi đó, năm trăm đệ tử của Ni-kiền Tử nghe thầy mình nhận Phật giáo hóa, mới bảo nhau rằng:
- Ðại sư của chúng ta tại sao lại thờ Cù-đàm làm thầy?
Rồi các đệ tử này ra khỏi thành Tỳ-xá-ly, đứng ở giữa đường. Lúc ấy, Ni-kiền Tử muốn đến chỗ Phật nghe pháp. Thế Tôn thuyết pháp cho Ni-kiền Tử, khuyến khích cho hoan hỉ. Nghe pháp xong, Ni-kiền Tử liền từ chỗ ngồi đứng lên lễ Phật, và lui đi.
Ðệ tử Ni-kiền Tử từ xa thấy thầy mình đến liền bảo nhau:
- Ðệ tử Sa-môn Cù-đàm đang trên đường đi đến.
Rồi họ dùng đá ngói đánh chết ông ta. Các đồng tử nghe Ni-kiền Tử bị đệ tử giết chết, liền đến chỗ Thế Tôn cúi lạy, rồi ngồi xuống một bên. Các đồng tử bạch Thế Tôn:
- Ni-kiền Tử được Như Lai giáo hóa, bây giờ bị đệ tử giết chết rồi. Nay đã mạng chung, ông ấy sanh về chỗ nào?
Thế Tôn bảo:
- Ông ấy là người có đức, đầy đủ tứ đế, đã diệt ba kiết sử thành Tu-đà-hoàn, ắt dứt được mé khổ. Ngày nay mạng chung, ông ấy sanh lên cõi trời Ba mươi ba. Ông ta thấy Phật Di-lặc rồi sẽ hết mé khổ. Ðây là nghĩa ấy, nên nhớ tu hành.
Bấy giờ các đồng tử bạch Thế Tôn:
- Thật là kỳ lạ! Ni-kiền Tử này đến chỗ Thế Tôn đòi thi luận nghị, trở lại dùng sự luận nghị của mình để tự trói buộc, và nhận sự giáo hóa của Như Lai. Hễ người nào gặp Như Lai, thì hoàn toàn không có hư vọng. Ví như có người vào biển lấy của báu, chắc chắn sẽ lấy được, trọn không về tay không. Ðây cũng như thế, có chúng sanh nào đến chỗ Thế Tôn muốn được pháp bảo thì trọn chẳng về không.
Bấy giờ Thế Tôn thuyết pháp vi diệu cho các đồng tử, khiến cho hoan hỷ. Các đồng tử nghe Phật thuyết pháp xong, liền từ chỗ ngồi đứng lên, nhiễu Phật ba vòng, cúi lạy rồi lui đi.
Bấy giờ các đồng tử nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.