THÂN HÀNH NIỆM

Câu hỏi của Nguyên Thanh

Hỏi:Kính bạch Thầy! Con kính xin được thưa hỏi:

Tối và khuya 2 giờ sáng, con thực hành “Thân Hành Niệm”. Con ngồi kiết già rất vững chắc, vậy mà có một lực đẩy cái thân của con nằm sát chiếu, và khi đó con tác ý rằng: “Cái thân phải ngồi dậy, thẳng cái lưng lên”, thì cái lực đó, nó đẩy tiếp, rất nhanh đến nỗi con không cự lại được, giống như là một bài thể dục và con thấy vui quá!Và con cứ để cho cái lực đẩy đó, nó đẩy cái thân con, con theo dõi nó, càng mỗi lúc càng mạnh, sau rồi con tác ý: “Cái thân phải đứng yên không được nhúc nhích” thì nó dừng lại, khi nó dừng lại, thì bắt đầu, cái đầu trọc của con xoay liên tục, huyệt bách hội hoạt động rất mạnh (Luân xa số 7) và con tác ý: “Cái đầu phải đứng lại không xoay nữa” thì nó hết xoay, khi con đứng lên đi kinh hành thì ôi thôi! Không thể đứng vững có một cái lực đẩy cái thân của con nhào té, hai cái chân của con nhẹ hẫng. Con phải cố gắng bám chặt hai bàn chân xuống nền thì mới đứng vững, và khi con tác ý: “bước” thì ôi thôi! Một tiếng bước là cái thân của con giống như là bay luôn, con không ám thị tác ý nữa, và đứng một chỗ tay vịn vào cửa sổ để làm điểm tựa, không thôi con sẽ bay ra khỏi thất, một cái lực khủng khiếp chưa bao giờ con cảm nhận như thế. Và khi con ngồi xuống ghế nó đẩy cái thân của con, con tác ý: “Thôi đừng có đẩy nữa” tác ý xong nó hết, khoảng một phút sau nó đẩy tiếp và giờ đây khi viết như thế này nó cũng đẩy con luôn. Thật kỳ lạ! Con để ý, lúc ăn cơm cũng thế, lúc con ngồi rửa chén, và đi toilet cũng thế! Con giữ cái tâm của mình thanh thản, chánh niệm thì nó hoạt động rất mạnh.

Con kính xin Thầy từ bi hoan hỷ giảng trạch cho con được hiểu cái lực đó, nó xuất phát từ nơi đâu và nó có lợi hay có hại cho con???

Khuya nay con dậy 2 giờ 30’ con tu chỉ có một tiếng thôi, không hề có một niệm xen vào và cái lực đẩy nó đến hỏi thăm con như thế đấy. Vì hồi hôm con thức đến gần một giờ sáng, con ngồi kiết già với hai câu tác ý: “Tâm như cục đất từ bỏ tham, sân, si”, “biết rõ toàn thân” rất là tuyệt vời! Tâm của con nó im lặng không cự nự!

Con không có buồn ngủ, không mệt nhọc, cơ thể của con nhẹ nhàng lắm. Mặc dùcon ngủ chỉ có hai tiếng trong một ngày. Con thấy trong con có một cái gì vui lắm…

 Con cảm nhận trái tim con thương yêu cuộc đời này quá…! Sự tu hành rất khó, gian nan vô cùng. Nên con rất thương kínhThầy, bởi vì con đường tu hành rất khó… mà Thầy đi qua được. Thầy thật vĩ đại và cao thượng biết bao…! Vì thế, con cũng sẽ nối gót của Thầy, quyết chí cũng sẽ đi qua được. Và cuộc đời của con cũng sẽ nói lên những gì Phật đã nói, những gì Thầy đã nói và sẽ làm những gì Phật đã làm và những gì Thầy đã làm. Con sẽ sống như Phật đã sống, như Thầy đã sống v.v..

Đôi dòng con kính dâng lên Thầy.

Con kính chúc Thầy luôn được mạnh khỏe.

Kính ghi

Con của Thầy

Nguyên Thanh.

GIẢI TRÌNH NHỮNG TRẠNG THÁI

Đáp:1/ Trong thân ngũ ấm có “sắc ấm, tưởng ấm và thức ấm”.

Lực của sắc ấm là lực ám thị của ý thức (Ý thức lực).

Lực của tưởng ấm là lực của ma ngũ ấm (Tưởng thức lực).

Lực của thức ấm là lực của 7 giác chi (Tâm thức lực).

Lực của tưởng và lực của tâm không có liên quan nhau.

Khi tu tập tâm chưa ly dục ly ác pháp hoàn toàn thì lực của tưởng thường xuất hiện phá lực của ý thức làm cho chúng ta khó phân biệt.

Cho nên, các huyệt trên thân khai mở tức là dao động thì lực tưởng xuất hiện mà hầu hết ngoại đạo thường tu tập để khai mở những huyệt đạo này khiến cho năng lực này trở thành thần thông.

2/ Có chánh niệm, tức là ý thức thanh tịnh, chứ không phải tâm thanh tịnh.

Có đủ 7 năng lực giác chi thì thân tâm mới thanh tịnh hoàn toàn, nhưng phải biết do ý thức thanh tịnh thì mới có 7 năng lực giác chi xuất hiện. Có chánh niệm thì ý thức mới thanh tịnh, chưa có chánh niệm thì coi chừng có tưởng lực xuất hiện. Có tưởng lực xuất hiện thì cần phải dẹp. Một người tu khi chưa có Bảy Năng lực Giác Chi thì không làm sao nhập được Sơ Thiền. Chưa nhập được Sơ Thiền thì làm sao làm chủ thân tâm cho được. Phải không con?

Cho nên, hiện giờ con đang tu tập thì chỉ có ý thức thanh tịnh, chứ không có tâm thanh tịnh. Ý thức thanh tịnh lúc ban đầu là nhờ xả tâm ly dục ly ác pháp thô kế sau đó mới dùng pháp Thân Hành Niệm tu tập để thực hiện Tứ Thần Túc, Có Tứ Thần Túc mới nhập các định. Đó là đường đi của Phật giáo từ thấp đến cao, con nên lưu ý.

a/ Cái đầu con quay, tức là huyệt bách hội khai mở, lúc bây giờ ý thức con bất động vì bị ức chế bằng pháp Thân Hành Niệm. Ở đây con đã tu sai pháp Thân Hành Niệm, biến pháp môn Thân Hành Niệm trở thành pháp ức chế tâm. Con nên hiểu Pháp môn Thân Hành Niệm là pháp tu lệnh tác ý để sau này truyền lệnh thân tâm con làm theo. Đó là Pháp môn Tứ Như Ý Túc.

Ngoại đạo tu tập muốn cho ý thức thanh tịnh bằng cách dùng pháp ức chế, nên tạo cơ hội khai mở các huyệt đạo. Ngoại đạo không có ý thức thanh tịnh do ly dục ly ác pháp hoàn toàn, vì thế mà không có tâm thanh tịnh.

b/ Huyệt bách hội không có liên quan đến Bốn thiền và Tam Minh.

Huyệt bách hội có liên quan với ngũ thông của ngoại đạo.

Con đang nhận lầm ý thức và tâm thức. Khi nào con nhập Bốn thiền thì tâm thức con mới trỗi dậy, còn bây giờ con đang tu tập, toàn là dùng ý thức.

Cho nên, hiện giờ tu tập là tu tập ý thức thanh tịnh, ý thức chánh niệm, ý thức tỉnh giác, ý thức định tỉnh, chứ không phải ức chế ý thức. Chỗ này các con nên lưu ý: Pháp của Phật tu tập xả tâm, chứ không có ức chế tâm. Vì vậy, trong khi tu tập các con hãy coi chừng, tu sai là ức chế tâm đó, ức chế tâm thì tưởng lực xuất hiện. Cho nên, tu tập theo pháp của Phật thì tu tập một cách rất tự nhiên theo từng đặc tướng riêng của mình, không được chịu đựng, gồng mình, gò bó thân tâm bất cứ một sự việc gì đang xảy ra trên thân, thọ, tâm và pháp mà đức Phật gọi là đẩy lui các chướng ngại pháp. Chỉ trừ khi chúng ta tu hạnh nhẫn nhục, lúc ác pháp quá cực mạnh rất khó nhẫn thì Phật mới dạy: đưa lưỡi lên nóc họng và cắn chặt hai hàm răng để kham nhẫn cho bằng được lúc ấy ác pháp đang diễn biến tới tấp.

Những lực xuất hiện nơi thân tâm con hiện giờ chưa đủ 7 lực, thì nên coi chừng là lực của tưởng, mà lực của tưởng là lực của ma ngũ ấm.

Ta biết sử dụng lực ma chứ đừng để lực ma sử dụng ta.

Biết sử dụng lực ma để tạo thành lực Bảy Giác Chi. Vì lực Xả Giác Chi sẽ giúp cho ý thức ly dục ly ác pháp hoàn toàn. Nhờ đó tâm ta mới không phóng niệm và phóng dật, nhờ không phóng niệm, phóng dật nên tâm mới được định tỉnh. Tâm được định tỉnh thì Trạch Pháp Giác Chi mới xuất hiện. Trạch Pháp Giác Chi xuất hiện, nhờ nó mà ta nhập được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền, không có khó khăn, không có mệt nhọc. Nhờ nhập Tứ thiền ta mới đánh thức tâm thức, nhờ tâm thức hoạt động ta mới hướng tâm đến Tam Minh chứng quả A La Hán.