TẠP A-HÀM QUYỂN 24

KINH 605. NIỆM XỨ (1)[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Niệm xứ. Những gì là bốn? Đó là, niệm xứ quán thân trên thân; niệm xứ quán thọ, tâm, pháp trên pháp.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 606. NIỆM XỨ (2)[2]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có bốn Niệm xứ. Những gì là bốn? Đó là, niệm xứ quán thân trên thân; niệm xứ quán thọ, tâm, pháp trên pháp.

“Như vậy, Tỳ-kheo đối với bốn Niệm xứ này, tu tập đầy đủ, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, cần phải học.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 607. TỊNH[3]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc[4], rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có đạo nhất thừa[5] làm thanh tịnh chúng sanh, khiến vượt khỏi ưu bi, dứt khổ não và đạt được pháp như thật[6], đó là pháp bốn Niệm xứ. Những gì là bốn? Đó là, niệm xứ quán thân trên thân; niệm xứ quán thọ, tâm, pháp trên pháp.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 608. CAM LỘ[7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo nào lìa bốn Niệm xứ, là lìa Thánh pháp như thật. Người nào lìa Thánh pháp như thật, là sẽ lìa Thánh đạo. Ai lìa Thánh đạo, là lìa pháp cam lộ[8]. Người nào lìa pháp cam lộ, là không thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Ta nói người này không thoát được khổ. Nếu Tỳ-kheo nào không lìa bốn Niệm xứ, là không lìa Thánh pháp như thật; không lìa Thánh pháp như thật, là không lìa Thánh đạo; không lìa Thánh đạo, là không lìa pháp cam lộ; không lìa pháp cam lộ, là thoát khỏi sanh, lão, bệnh, tử, ưu, bi, khổ, não. Ta nói người này thoát khỏi các khổ.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 609. TẬP[9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nay Ta sẽ nói về sự tập khởi bốn Niệm xứ và sự tiêu thất của bốn Niệm xứ[10]. Hãy lắng nghe, khéo suy nghĩ.”

“Thế nào là tập khởi của bốn Niệm xứ? Tiêu thất của bốn Niệm xứ?

“Thức ăn tập khởi thì thân tập khởi. Thức ăn diệt thì thân tiêu thất. Như vậy, hãy sống tùy quán theo tập khởi của thân, sống tùy quán theo sự diệt tận thân. Sống tùy quán theo tập–diệt của thân là sống với sự không sở y, đối với các thế gian vĩnh viễn không chấp thủ. Cũng vậy, xúc tập khởi thì thọ tập khởi. Xúc diệt thì thọ tiêu thất. Như vậy, hãy sống tùy quán thọ theo tập pháp; sống tùy quán thọ theo diệt pháp. Sống tùy quán thọ theo tập diệt pháp là sống với sự không sở y, đối với tất cả pháp thế gian đều không chấp thủ.

“Danh sắc tập khởi thì tâm tập khởi. Danh sắc diệt thì tâm tiêu thất. Hãy sống tùy quán tâm tùy theo tập pháp; sống tùy quán tâm tùy theo diệt pháp. Sống tùy quán tâm tùy theo pháp tập–diệt là sống với sự không sở y, đối với các pháp thế gian thì không còn chấp thủ.

“Ức niệm tập thì pháp tập[11], ức niệm diệt thì pháp tiêu thất. Hãy sống tùy quán pháp tùy theo tập pháp; sống tùy quán pháp tùy theo diệt pháp. Sống tùy quán pháp tùy theo pháp tập–diệt là sống với sự không sở y, đối với các pháp thế gian thì không còn chấp thủ.

“Đó gọi là sự tập khởi bốn Niệm xứ và sự tiêu thất của bốn Niệm xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 610. CHÁNH NIỆM[12]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta sẽ dạy về sự tu tập bốn Niệm xứ. Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ!

“Thế nào là tu bốn Niệm xứ? Sống chánh niệm quán thân trên nội thân, tinh cần phương tiện, chánh niệm, chánh tri, điều phục lo buồn của thế gian; sống quán ngoại thân, nội ngoại thân, tinh cần phương tiện, chánh niệm chánh tri, điều phục sự lo buồn của thế gian. Cũng vậy sống chánh niệm quán thọ, tâm, pháp, nội pháp, ngoại pháp, nội ngoại pháp, tinh cần phương tiện, chánh niệm chánh tri, điều phục sự lo buồn của thế gian, thì đó gọi là Tỳ-kheo tu bốn Niệm xứ.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Thời quá khứ, vị lai, tu bốn Niệm xứ cũng được thuyết như vậy.

*

KINH 611. THIỆN TỤ[13]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có tụ thiện pháp và có tụ bất thiện pháp[14].

“Thế nào là tụ thiện pháp? Chỉ cho bốn Niệm xứ. Đó gọi là chánh thuyết. Vì sao? Vì đây là tụï hoàn toàn thuần nhất thanh tịnh. Những gì là bốn? Niệm xứ quán thân trên thân; niệm xứ quán thọ, tâm, pháp trên pháp.

“Thế nào là tụ bất thiện pháp? Chỉ cho năm cái[15], đây là thuyết chính. Vì sao? Vì đây là tụ hoàn toàn thuần nhất bất thiện. Những gì là năm? Tham dục cái, sân nhuế cái, thùy miên cái, trạo hối cái và nghi cái.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 612. CUNG[16]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Như người cầm bốn thứ cung cứng[17], dùng hết sức mạnh bắn vào bóng cây đa-la, qua nhanh không trở ngại. Cũng vậy, bốn hạng Thanh văn[18] của Như Lai, với tăng thượng phương tiện, lợi căn, trí tuệ, sống đến một trăm năm tuổi thọ; đối vối pháp được giảng thuyết, được truyền trao bởi Như Lai, chỉ trừ lúc ăn uống, ngủ nghỉ, bổ tả[19], trong khoảng trung gian, thường nói, thường nghe, với trí tuệ sáng suốt lanh lợi, đối với những gì Như Lai đã dạy, triệt để lãnh thọ, giữ gìn, không chướng ngại; ở chỗ Như Lai không có gì để hỏi thêm. Như Lai nói pháp không có chung cực. Nghe pháp suốt cả đời, cho đến khi trăm tuổi mạng chung, mà pháp được Như Lai nói vẫn không cùng tận. Nên biết, vô lượng vô biên; danh thân, cú thân, vị thân, mà Như Lai đã thuyết cũng lại vô lượng, không có chung cực; đó chính là bốn Niệm xứ. Những gì là bốn? Thân niệm xứ; thọ, tâm, pháp niệm xứ.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Tất cả kinh bốn Niệm xứ đều lấy câu tổng quát này. Tức là: “Cho nên, Tỳ-kheo đối với bốn Niệm xứ tu tập, phát khởi tăng thượng dục, tinh cần phương tiện, chánh niệm chánh tri, cần nên học.

*

KINH 613. BẤT THIỆN TỤ[20]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Có tụ bất thiện và tụ thiện.

“Tụ bất thiện là gì? Ba căn bất thiện. Đó gọi là chánh thuyết. Vì sao? Vì tích tụ các pháp thuần bất thiện là ba căn bất thiện. Những gì là ba? Đó là: tham bất thiện căn, nhuế bất thiện căn, si bất thiện căn.

“Tụ thiện là gì? Bốn Niệm xứ. Vì sao? Vì đầy đủ thuần thiện, là bốn Niệm xứ. Đó gọi là thiện thuyết. Những gì là bốn? Thân niệm xứ; thọ, tâm, pháp niệm xứ.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Cũng như ba bất thiện căn, cũng vậy ba ác hạnh là thân ác hạnh, miệng ác hạnh, ý ác hạnh.[21]

Ba tưởng là dục tưởng, nhuế tưởng, hại tưởng.

Ba giác là dục giác, nhuế giác, hại giác.[22]

Ba giới là Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới.[23]

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 614. ĐẠI TRƯỢNG PHU[24]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Tỳ-kheo nọ đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, như được nói, Đại trượng phu. Thế nào là Đại trượng phu, không phải là Đại trượng phu?”

Phật bảo Tỳ-kheo:

“Lành thay! Lành thay! Tỳ-kheo hỏi Như Lai về nghĩa Đại trượng phu. Hãy lắng nghe, suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói. Nếu Tỳ-kheo nào an trụ chánh niệm quán thân trên thân; sau khi an trụ chánh niệm quán thân trên thân này rồi, tâm không ly dục, không được giải thoát, dứt sạch các lậu, Ta nói người này không phải là Đại trượng phu. Vì sao? Vì tâm không giải thoát. Nếu Tỳ-kheo an trụ chánh niệm quán thọ, tâm, pháp trên pháp, mà tâm không ly dục, không được giải thoát, dứt sạch hết các lậu, Ta không nói người kia là Đại trượng phu. Vì sao? Vì tâm không được giải thoát. Nếu Tỳ-kheo nào an trụ chánh niệm quán thân trên thân; tâm đạt đến ly dục, tâm đạt đến giải thoát được, dứt sạch các lậu, Ta nói người này là Đại trượng phu. Vì sao? Vì tâm giải thoát. Nếu an trụ chánh niệm quán thọ, tâm, pháp trên pháp và khi an trụ chánh niệm quán thọ, tâm, pháp trên pháp rồi, mà tâm đạt đến ly dục, tâm đạt đến giải thoát được, dứt sạch các lậu, Ta nói người này là Đại trượng phu. Vì sao? Vì tâm giải thoát. Đó gọi là Tỳ-kheo Đại trượng phu và không phải Đại trượng phu.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 615. TỲ-KHEO-NI[25]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-nan sáng sớm đắp y, ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Dọc đường suy nghĩ: ‘Nay ta đến chùa Tỳ-kheo-ni trước.’ Liền đi đến chùa Tỳ-kheo-ni. Từ xa các Tỳ-kheo-ni thấy Tôn giả A-nan đến, vội vàng trải sàng tọa mời ngồi. Các Tỳ-kheo-ni đảnh lễ dưới chân Tôn giả A-nan, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Tôn giả A-nan:

“Các Tỳ-kheo-ni chúng con đang sống buộc tâm[26] tu bốn Niệm xứ, tự biết có sự trước sau lên xuống[27].”

Tôn giả A-nan bảo các Tỳ-kheo-ni:

“Lành thay! Lành thay! Các cô! Hãy như những gì các cô đã nói mà học. Phàm tu tập bốn Niệm xứ, an trú với tâm được buộc chặt, tự biết có sự trước sau lên xuống như vậy.”

Rồi, Tôn giả A-nan vì các Tỳ-kheo-ni thuyết pháp với nhiều hình thức. Sau khi thuyết pháp với nhiều hình thức xong, từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

Bấy giờ, Tôn giả A-nan sau khi vào thành Xá-vệ khất thực trở về, cất y bát, rửa chân xong, đi đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu lễ chân sát Phật, rồi ngồi lui qua một bên, đem những gì các Tỳ-kheo-ni đã nói, trình bày lại đầy đủ cho Thế Tôn. Phật bảo Tôn giả A-nan:

“Lành thay! Lành thay! Nên học như vậy, an trụ nơi bốn Niệm xứ với tâm được buộc chặt, biết có sự trước sau lên xuống. Vì sao? Tâm tìm cầu bên ngoài, sau đó mới chế phục khiến tìm cầu tâm ấy; tâm tán loạn, không giải thoát, thảy đều như thật biết. Nếu Tỳ-kheo an trụ niệm xứ quán thân trên thân; vị ấy sau khi an trụ niệm xứ quán thân trên thân, nếu thân ham ngủ, tâm pháp biếng nhác, thì Tỳ-kheo này nên khởi tịnh tín, nắm lấy tướng tịnh[28]. Sau khi khởi tín tâm thanh tịnh, nhớ nghĩ tướng tịnh rồi, tâm vị ấy sẽ khoan khoái; do tâm khoan khoái mà sanh hỷ. Do tâm hỷ nên thân khinh an. Sau khi thân khinh an thì sẽ được cảm thọ thân lạc. Sau khi cảm thọ thân lạc thì tâm sẽ định[29]. Với tâm định, Thánh đệ tử hãy học điều này: ‘Tôi đối với nghĩa này, nếu tâm còn phân tán ra ngoài, thì nên nhiếp phục khiến cho nó dừng nghỉ, không còn khởi giác tưởng và quán tưởng[30]. Không giác, không quán, an trụ lạc với xả và chánh niệm. Sau an trú lạc, thì biết như thật. Niệm xứ thọ, tâm, pháp cũng nói như vậy.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 616. TRÙ SĨ[31]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Hãy nắm chặt tướng tự tâm, chớ để phân tán ra ngoài. Vì sao? Vì nếu Tỳ-kheo ngu si, không hiểu biết rõ ràng[32], không khéo léo, không nắm lấy tướng nội tâm, mà chạy theo tướng bên ngoài, thì Tỳ-kheo này sau đó sẽ bị thoái giảm và tự sanh ra chướng ngại. Giống như người đầu bếp ngu si nếu không hiểu biết, không khéo léo điều hòa các vị để phụng dưỡng tôn chủ; chua, mặn, lạt, không vừa ý; không giỏi nắm bắt sở thích của chủ để điều các vị chua, mặn, lạt; không hay tự thân hầu hạ hai bên chủ, dò xem những nhu cầu của chủ, lắng nghe những sở thích của chủ, khéo nắm bắt được tâm ý chủ, rồi tùy ý pha chế điều hòa các vị để dâng cho chủ. Nếu không vừa ý, ông chủ sẽ không vui lòng; vì không vui lòng nên không ban thưởng và cũng không thương mến. Tỳ-kheo ngu si cũng lại như vậy, nếu không hiểu biết, không khéo léo, sống quán thân trên thân mà không thể dứt trừ tùy phiền não[33], không thể nhiếp giữ tâm mình; lại cũng không được nội tâm tịch tĩnh, không được chánh niệm, chánh tri thắng diệu; trong hiện tại, cũng không được bốn thứ pháp tăng thượng tâm sốngï an lạc nay trong hiện tại[34], cứu cánh Niết-bàn an ổn vốn chưa chứng đắc thì không thể chứng đắc. Đó gọi là Tỳ-kheo ngu si không hiểu biết, không khéo léo, không thể khéo thu nhiếp tướng nội tâm, mà chạy theo tướng bên ngoài, tự sanh chướng ngại.

“Nếu Tỳ-kheo nào, có trí tuệ biện tài, có phương tiện thiện xảo, sau khi nắm chặt nội tâm, rồi sau đó tiếp nhận tướng bên ngoài, thì Tỳ-kheo này về sau hoàn toàn không bị thoái giảm, hay tự tạo ra chướng ngại. Giống như người đầu bếp trí tuệ thông minh hiểu biết, có phương tiện thiện xảo, để cung phụng tôn chủ; có khả năng điều hòa các vị chua, ngọt, lạt, mặn; khéo bắt nắm dấu hiệu sở thích của chủ mà điều hòa các vị làm sao cho vừa lòng; lắng nghe vị mà chủ ưa thích, nhiều lần cung phụng. Khi chủ đã vừa lòng rồi, thì chắc chắn sẽ được yêu mến gấp bội và sẽ được trọng thưởng. Như vậy người đầu bếp có trí tuệ, khéo léo nắm bắt được tâm người chủ. Tỳ-kheo cũng lại như vậy, sống quán thân trên thân, đoạn trừ tùy phiền não, khéo biết nhiếp tâm mình, nội tâm tịch tĩnh, chánh niệm, chánh tri, đạt được bốn pháp tăng thượng tâm, sống an lạc ngay trong đời, đạt được cứu cánh an ổn Niết-bàn vốn chưa từng chứng đắc. Đó gọi là Tỳ-kheo có trí tuệ, biện tài, có phương tiện thiện xảo, hay nắm bắt tướng nội tâm và nắm bắt tướng bên ngoài, không bao giờ thoái giảm và tự bị chướng ngại.

“Quán thọ, tâm, pháp cũng như vậy.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 617. ĐIỂU[35]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thời quá khứ có một con chim tên là La-bà[36], bị chim Ưng bắt bay lên hư không. Ở giữa hư không nó kêu la: ‘Vì ta không tự cảnh giác nên bỗng gặp nạn này. Vì ta đã lìa bỏ chỗ ở của cha mẹ mà đi chơi chỗ khác nên mới gặp nạn này. Hôm nay bị kẻ khác làm khốn khổ, không được tự do!’

“Chim Ưng bảo La-bà:

“–Nơi nào là chỗ ở tự do của ngươi?

“La-bà đáp:

“–Tôi có cảnh giới của mình nơi rãnh cày trong đồng ruộng[37]. Đủ để tránh các tai nạn. Đó là nhà tôi, cảnh giới của cha mẹ nhà tôi.

“Chim Ưng tỏ vẻ kiêu mạn đối với La-bà, bảo:

“–Cho ngươi trở về nơi rãnh cày trong đồng ruộng, thử có thoát được không?

“La-bà này thoát khỏi móng vuốt chim Ưng trở về ở yên dưới một khối đất to nơi rãnh cày. Sau đó ở trên khối đất to, La-bà muốn khiêu chiến cùng chim Ưng. Chim Ưng phẫn nộ mắng: ‘Ngươi là loài chim nhỏ mà muốn giao chiến cùng ta sao?’

“Quá đỗi phẫn nộ chim Ưng bay lao thẳng tới bắt lấy, nhưng La-bà lại núp vào dưới khối đất to; chim Ưng đang đà lao tới, ngực bị va vào khối đất cứng, nát thân chết liền. Bấy giờ, chim La-bà đang phục sâu dưới khối đất, ngẩng lên nói kệ:

“Chim Ưng dùng sức đến,

La-bà trong cõi mình.

Sức cường thịnh theo sân,

Nên gây họa nát thân.

Ta thông đạt tất cả,

Nên nương trong cõi mình;

Dẹp oán, tâm tùy hỷ,

Tự vui xét sức mình.

Ngươi dầu có hung ác,

Sức trăm ngàn rồng, voi;

Không bằng trí tuệ ta,

Trong một phần mười sáu.

Xem trí ta thù thắng,

Tiêu diệt được chim Ưng.”

“Như vậy, này Tỳ-kheo, như chim Ưng kia, ngu si bỏ cảnh giới của cha mẹ, dạo chơi nơi khác, đến nỗi phải bị tai hoạn. Tỳ-kheo các ông cũng nên như vậy, phải ở nơi chính cảnh giới sở hành của mình, nên khéo giữ gìn và tránh xa cảnh giới kẻ khác. Hãy nên học.

“Này các Tỳ-kheo, chỗ của kẻ khác, cảnh giới của kẻ khác, là chỉ cho cảnh giới của năm dục: Sắc nhận thức bởi mắt, đẹp, đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ, được đắm nhiễm với dục tâm; tai biết tiếng, mũi biết mùi, lưỡi biết vị, thân biết xúc, đáng yêu, đáng thích, đáng nhớ, được đắm nhiễm vời dục tâm. Đó gọi là chỗ của kẻ khác, cảnh giới của kẻ khác đối với Tỳ-kheo.

“Này các Tỳ-kheo, ở nơi cảnh giới của cha mẹ mình, là chỉ cho bốn Niệm xứ. Những gì là bốn? Đó là niệm xứ quán thân trên thân; niệm xứ quán thọ, tâm, pháp trên pháp. Cho nên, Tỳ-kheo hãy đi dạo nơi cảnh giới của cha mẹ mình, tránh xa chỗ khác, cảnh giới kẻ khác. Hãy học như vậy.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ thực hành theo.

*

KINH 618. TỨ QUẢ

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Đối với bốn Niệm xứ mà tu tập, tu tập nhiều, sẽ đạt được bốn quả Thánh và, bốn loại phước lợi, đó là: Quả Tu-đà-hoàn, quả Tư-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A-la-hán.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 619. TƯ-ĐÀ-GIÀ[38]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật du hành trong nhân gian đến trong rừng Thân-thứ, tại phía Bắc xóm Tư-già-đà[39]. Bấy giờ, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Thời quá khứ có một nghệ sư leo phướn[40], dựng cột phướn trên vai và bảo học trò: ‘Các con hãy leo lên, leo xuống cột phướn. Hãy hộ trì ta, ta cũng hộ trì các con; thay đổi nhau mà hộ trì, đi dạo làm trò vui, chúng ta sẽ kiếm được nhiều tiền của.’ Lúc ấy, người học trò bạch thầy: ‘Không bằng nói như vầy: Chỉ cần mỗi người tự chăm sóc hộ trì chính mình, đi dạo làm trò vui, thì sẽ kiếm được nhiều tiền của, thân được thư thả an ổn mà lên xuống.’ Ông thầy đáp: ‘Đúng như lời con nói, mỗi người phải tự chăm sóc hộ trì chính mình. Nhưng nghĩa này cũng như ta đã nói. Khi hộ trì mình, tức là hộ trì người khác. Khi hộ trì người khác cũng là hộ trì chính mình.’

“Tâm tự thân cận, tu tập; tùy sự hộ trì mà tác chứùng. Đó gọi là tự hộ trì mình tức là hộ trì người[41]. Thế nào là tự hộ trì mình tức là hộ trì người? Không khủng bố người khác, không chống trái người khác, không hại người khác, có từ tâm thương xót người. Đó gọi là tự hộ trì mình tức là hộ trì người. Cho nên các Tỳ-kheo cần phải học như vậy. Người tự hộ trì là tu tập bốn Niệm xứ. Hộ trì người cũng là tu tập bốn Niệm xứ.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 620. DI HẦU[42]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà nơi thành Vương xá. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Trong núi Đại tuyết, chỗ hiểm trở băng giá, khỉ vượn sống còn không được, huống chi là con người. Hoặc có núi có khỉ, vượn ở mà không có người. Hoặc có núi nơi người và thú cùng ở chung. Trên lối đi của khỉ vượn, thợ săn dùng keo bôi lên cỏ. Những con vượn khỉ nào khôn ngoan thì tránh xa bỏ đi. Những vượn khỉ con ngu si không biết tránh xa, thì dùng tay chạm vào chút xíu, liền bị dính tay. Nó dùng tay kia để gỡ, tức thì dính cả hai tay. Nó lại dùng chân để gỡ, hai chân cũng bị keo dính luôn. Nó dùng miệng cắn cỏ, miệng cũng bị keo dính chặt. Năm chỗ đều bị dính keo, phải nằm co quắp trên đất. Thợ săn đi đến, vội lấy gậy xỏ vào khiêng đi.

“Tỳ-kheo nên biết, bọn vượn khỉ ngu si rời bỏ cảnh giới của mình, chỗ ở của cha mẹ, đi chơi nơi cảnh giới kẻ khác, nên bị khổ não này. Cũng vậy, Tỳ-kheo, phàm phu ngu si, sống nương ở nơi làng xóm, sáng sớm đắp y, mang bát vào thôn khất thực, không khéo hộ trì thân và không thủ hộ các căn. Mắt thấy sắc liền sanh ra nhiễm đắm; tai với âm thanh, mũi với mùi, lưỡi với vị, thân với xúc đều sanh ra nhiễm đắm. Tỳ-kheo ngu si sau khi các căn bên trong và các cảnh bên ngoài bị trói buộc năm chỗ, nên bị lệ thuộc vào ước muốn của ma. Cho nên các Tỳ-kheo cần nên học tập như vầy: ‘Hãy chỉ nơi đi lại của mình, chỗ ở của cha mẹ mà sống, chớ đi đến chỗ khác và cảnh giới kẻ khác.’

“Thế nào là nơi đi lại của mình, nơi ở của cha mẹ Tỳ-kheo? Là chỉ cho bốn Niệm xứ: Sống với chánh niệm quán thân trên thân, sống quán thọ, tâm, pháp trên pháp.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 621. NIÊN THIẾU TỲ-KHEO[43]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-nan cùng các Tỳ-kheo đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, các Tỳ-kheo trẻ tuổi này, nên dạy dỗ cho họ như thế nào? Nên nói pháp cho họ như thế nào?”

Phật bảo Tôn giả A-nan:

“Các Tỳ-kheo trẻ tuổi này, nên dùng bốn Niệm xứ dạy cho họ tu tập. Những gì là bốn? Đó là: Sống chánh niệm quán thân trên thân, phương tiện tinh cần, không hành buông lung, chánh trí, chánh niệm, tâm tịch định… cho đến, biết rõ thân[44]. Sống chánh niệm quán, thọ, tâm, pháp trên pháp, phương tiện tinh cần, không hành buông lung, chánh niệm, chánh trí, tâm định tĩnh… cho đến biết pháp. Vì sao? Vì nếu Tỳ-kheo còn trụ ở địa vị hữu học mà chưa thăng tiến được, nhưng đang chí cầu Niết-bàn an ổn, thì hãy sống chánh niệm quán thân trên thân, phương tiện tinh cần, không hành buông lung, chánh niệm, chánh trí, tâm tịch tịnh; sống quán thọ, tâm, pháp trên pháp, phương tiện tinh cần, không hạnh buông lung, chánh niệm, chánh trí, tâm tịch tịnh… cho đến xa lìa đối với pháp.

“Nếu A-la-hán, các lậu đã hết, việc làm đã xong, đã bỏ hết gánh nặng, dứt hẳn các kết sử, bằng chánh tri mà khéo giải thoát; nhưng chính lúc này, cũng tu, sống quán thân trên thân, phương tiện tinh cần, không hạnh buông lung, chánh niệm, chánh trí, tâm vắng lặng, sống quán niệm thọ, tâm, pháp trên pháp,… cho đến xa lìa đối với pháp.”

Bấy giờ, Tôn giả A-nan, tùy hỷ hoan hỷ, đảnh lễ mà lui.

*

KINH 622. AM-LA NỮ[45]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại Bạt-kỳ, du hành trong nhân gian, đến nghỉ trong vườn Am-la, nước Tỳ-xá-ly. Bấy giờ có nàng kỹ nữ Am-la nghe tin Đức Thế Tôn du hành từ Bạt-kỳ đến ở trong vườn Am-la, liền sửa soạn đánh xe ra khỏi thành Tỳ-xá-ly, đến chỗ Thế Tôn cung kính cúng dường. Khi đến cửa vườn Am-la, xuống xe đi bộ, từ xa trông thấy Thế Tôn thuyết pháp cho đại chúng đang vây quanh. Thế Tôn thấy nàng Am-la sắp đến, bảo các Tỳ-kheo:

“Này các Tỳ-kheo, các ông nên tinh cần nhiếp tâm an trụ, chánh niệm, chánh trí. Nay có cô gái Am-la đến, nên phải giáo giới các ông.

“Thế nào là Tỳ-kheo tinh cần nhiếp tâm an trụ? Nếu Tỳ-kheo nào đối với pháp ác bất thiện đã sanh thì nên đoạn trừ, phát khởi ý chí, phương tiện, tinh tấn, nhiếp tâm; đối với pháp ác bất thiện nếu chưa sanh, thì đừng để sanh. Đối với pháp thiện chưa sanh thì nên làm cho phát sanh; nếu pháp thiện đã sanh, thì khiến an trụ không để mất. Tu tập đầy đủ, phát khởi ý chí, phương tiện, tinh tấn, nhiếp tâm. Đó gọi là Tỳ-kheo tinh cần an trụ nhiếp tâm.

“Thế nào gọi là Tỳ-kheo chánh trí? Nếu Tỳ-kheo nào trong những oai nghi tới, lui, thường theo chánh trí; quay nhìn, trông, ngắm, co, duỗi, cúi, ngước, cầm y bát, đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, nghỉ, thức, nói, im lặng, đều an trụ với chánh trí. Đó là chánh trí.

“Thế nào là chánh niệm? Nếu Tỳ-kheo nào an trụ chánh niệm quán thân trên nội thân, tinh cần, phương tiện, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian; an trụ chánh niệm quán thọ, tâm, pháp trên pháp, tinh cần, phương tiện, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian. Đó gọi là Tỳ-kheo chánh niệm. Cho nên, các ông hãy tinh cần nhiếp tâm an trụ, chánh niệm, chánh trí. Nay có cô gái Am-la đến, nên phải giáo giới các ông.”

Khi nàng Am-la đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi đứng lui qua một bên. Bấy giờ, Thế Tôn vì người nữ Am-la nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ, sau đó Ngài im lặng.

Nàng Am-la sửa lại y phục đảnh lễ Phật, rồi chắp tay bạch Phật:

“Xin Thế Tôn và đại chúng nhận lời mời cúng dường trưa mai của con.”

Khi ấy, Thế Tôn im lặng nhận lời. Người nữ Am-la biết Thế Tôn đã im lặng nhận lời, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật rồi cáo từ về nhà mình, sửa soạn thức ăn, sắp xếp bàn ghế. Sáng sớm hôm sau cho người đến bạch Phật là đã đến giờ.

Bấy giờ, Thế Tôn và đại chúng cùng đi đến nhà người nữ Am-la, an tọa xong. Lúc này người nữ Am-la tự tay cúng dường các thứ đồ ăn thức uống. Sau khi thọ thực rồi, rửa tay, rửa bát xong, người nữ Am-la đặt một cái ghế nhỏ ngồi trước Phật, nghe Phật nói pháp. Bấy giờ, Thế Tôn vì người nữ Am-la nói kệ tùy hỷ:

Bố thí, người yêu mến,

Được nhiều người theo mình;

Tiếng tăm ngày càng rộng,

Gần xa đều nghe hết.

Trong chúng thường hòa nhã,

Lìa keo kiệt, không sợ;

Cho nên trí tuệ thí,

Đoạn keo lẫn không còn.

Sanh lên trời Đao-lợi,

Mãi mãi hưởng khoái lạc;

Suốt đời thường tu đức,

Vui chơi vườn Nan-đà[46].

Gồm trăm thứ nhạc trời,

Năm dục đẹp lòng mình;

Kia khi ở đời này,

Được nghe Phật nói pháp.

Làm đệ tử Thiện Thệ,

Vui hóa sanh về đó.

Sau khi Thế Tôn vì người nữ Am-la nói pháp, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, làm cho hoan hỷ xong, Ngài từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

*

KINH 623. THẾ GIAN[47]

Tôi nghe như vầy.

Một thời, Phật ở trong vườn Lộc dã, nơi Tiên nhân trú xứ tại nước Ba-la-nại. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Các sắc đẹp thế gian[48]; người có sắc đẹp thế gian có thể khiến cho mọi người tụ tập lại để ngắm nhìn chăng?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, đúng vậy!”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu sắc đẹp thế gian, người có sắc đẹp thế gian, lại có thể múa hát ca nhạc, có càng làm cho mọi người tụ tập lại để xem không?”

Các Tỳ-kheo bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, có vậy!”

Phật bảo các Tỳ-kheo:

“Hoặc có sắc đẹp thế gian, người có sắc đẹp thế gian mà ở một chỗ múa hát, ca nhạc, diễn trò, lại có đám đông tụ tập lại một nơi. Nếu có người không ngu, không si, ham vui, chán khổ, tham sống, sợ chết. Có người khác bảo nó rằng: ‘Người đàn ông kia, ngươi hãy bưng bát dầu đầy này, đi qua giữa người đẹp thế gian và đám đông. Ta sai một kẻ giỏi giết người cầm đao theo sau. Nếu ngươi làm rơi đi một giọt dầu, thì sẽ bị chém chết liền.’ Thế nào, Tỳ-kheo, người bưng bát dầu này có thể không nghĩ đến bát dầu, không nghĩ đến kẻ giết người mà chỉ nhìn xem kỹ nữ và mọi người kia chăng?”

Các Tỳ-kheo, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không thể! Vì sao? Bạch Thế Tôn, vì người này tự thấy ở sau mình có người cầm đao, nên lúc nào cũng nghĩ rằng: ‘Nếu ta làm rơi đi một giọt dầu, thì tên đao phủ kia sẽ chém đầu ta.’ Nên chỉ để hết tâm chú ý vào bát dầu, bước đi chậm rãi giữa mọi người và sắc đẹp thế gian mà không dám liếc ngó quay nhìn.”

“Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, nếu có Sa-môn và Bà-la-môn nào thân mình ngồi ngay thẳng, tự ổn cố, chuyên nhất tâm mình, không chạy theo âm thanh hình sắc, khéo thu nhiếp tất cả tâm pháp[49], trụ nơi thân niệm xứ, thì đó là đệ tử của Ta, vâng lời Ta dạy.

“Thế nào là Tỳ-kheo thân mình ngồi ngay thẳng, tự ổn cố, chuyên nhất tâm mình, không chạy theo âm thanh hình sắc, khéo thu nhiếp tất cả tâm pháp, trụ nơi thân niệm xứ, Như vậy, này các Tỳ-kheo sống quán niệm thân trên thân, phương tiện tinh cần, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian. Sống quán niệm thọ, tâm, pháp trên pháp, cũng lại như vậy, đó gọi là Tỳ-kheo thân mình ngồi ngay thẳng, tự ổn cố, chuyên nhất tâm mình, không chạy theo âm thanh hình sắc, khéo thu nhiếp tất cả tâm pháp, trụ nơi thân niệm xứ.”

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Chuyên tâm chánh niệm,

Giữ gìn bát dầu;

Tự tâm theo giữ,

Chưa từng tới đó.

Rất khó vượt qua,

Vi tế thắng diệu;

Những gì Phật dạy,

Là lời gươm bén.

Cần một lòng mình,

Chuyên tinh gìn giữ;

Không phải là việc;

Buông lung người đời.

Như vậy thâm nhập,

Giáo không buông lung.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 624. UẤT-ĐỂ-CA[50]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả Uất-để-ca[51] đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Lành thay, Đức Thế Tôn! Xin vì con nói pháp. Sau khi nghe pháp, con sẽ ở một mình chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung và suy nghĩ về lý do khiến người thiện nam cạo bỏ râu tóc, chánh tín xuất gia học đạo, sống không nhà. Nói đầy đủ như trên,… cho đến không còn tái sanh nữa.”

Phật bảo Tôn giả Uất-để-ca:

“Đúng vậy! Đúng vậy! Như những gì ngươi nói. Nhưng đối với những pháp mà Ta đã nói, mà không làm cho Ta hài lòng, thì sự nghiệp của người kia cũng không thành tựu. Tuy đi theo sau Ta nhưng không được lợi ích, trái lại còn sanh chướng ngại.”

Uất-để-ca bạch Phật:

“Theo những gì Thế Tôn đã nói, con có thể làm Thế Tôn hài lòng, sự nghiệp của con được thành tựu không sanh chướng ngại. Xin Thế Tôn vì con nói pháp, con sẽ ở một mình chỗ vắng, chuyên tinh tư duy sống không buông lung. Nói đầy đủ như trên,… cho đến không còn tái sanh nữa. Hai ba lần bạch thỉnh như vậy.”

Bấy giờ, Thế Tôn bảo Uất-để-ca:

“Trước hết ngươi nên làm thanh tịnh nghiệp bản sơ[52] của mình, sau đó tu tập phạm hạnh.”

Uất-để-ca bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nay con làm thế nào để tẩy sạch nghiệp bản sơ của mình để tu tập phạm hạnh?”

Phật dạy Uất-để-ca:

“Trước hết ngươi phải làm thanh tịnh cho giới, chánh trực cho tri kiến, ba nghiệp phải đầy đủ, sau đó tu tập bốn Niệm xứ. Những gì là bốn? Đó là: Sống an trú chánh niệm quán thân trên nội thân, phương tiện, tinh cần, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian. Cũng vậy, sống an trú chánh niệm quán ngoại thân, nội ngoại thân trên thân, sống an trú chánh niệm quán thọ, tâm, pháp trên pháp, cũng nói đầy đủ như vậy.”

Khi Uất-để-ca nghe Phật dạy xong, tùy hỷ hoan hỷ từ chỗ ngồi đứng dậy lui ra.

Sau khi nghe Phật chỉ dạy rồi, một mình Uất-để-ca ở chỗ vắng chuyên tinh tư duy, sống không buông lung, tự suy nghĩ về lý do khiến người thiện nam cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, sống không nhà,… cho đến không còn tái sanh nữa.

Như những gì Uất-để-ca hỏi. Cũng vậy, những gì Tỳ-kheo khác hỏi, cũng dạy như trên.

*

KINH 625. BÀ-HÊ-CA[53]

Tôi nghe như vậy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy có một Tỳ-kheo tên là Bà-hê-ca[54] đi đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, lành thay! Thế Tôn, xin vì con mà nói pháp.”

Như kinh đã nói đầy đủ với Tôn giả Uất-đề-ca ở trước, chỉ có sự sai biệt là:

“Như vậy, này Bà-hê-ca, Tỳ-kheo làm sạch nghiệp bản sơ, là an trú chánh niệm quán thân trên thân, vượt qua các ma, an trú chánh niệm quán thọ, tâm, pháp trên pháp vượt qua các ma.”

Sau khi Tỳ-kheo Bà-hê-ca nghe Phật nói pháp, chỉ dạy xong, tùy hỷ hoan hỷ đảnh lễ lui ra. Sau đó một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh tư duy, sống không buông lung… cho đến không còn tái sanh nữa.

*

KINH 626. TỲ-KHEO

Kinh thứ hai cũng nói như kinh trên, chỉ có sự sai khác là: Như vậy, Tỳ-kheo vượt qua sanh tử.

*

KINH 627. A-NA-LUẬT[55]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ Tôn giả A-na-luật-đà đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, nếu có Tỳ-kheo nào còn ở học địa chưa thăng tiến được, mà phương tiện tầm cầu an ổn Niết-bàn, Thánh đệ tử ấy đối với Chánh pháp luật phải làm thế nào để tu tập, tu tập nhiều, dứt sạch các lậu… cho đến tự biết không còn tái sanh nữa”.

Phật bảo A-na-luật:

“Nếu Thánh đệ tử còn ở học địa chưa thăng tiến được, mà phương tiện tầm cầu an ổn Niết-bàn, vị ấy lúc bấy giờ hãy chánh niệm an trú quán thân trên nội thân, phương tiện tinh cần, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian. Cũng vậy, chánh niệm an trú quán thọ, tâm, pháp trên pháp, phương tiện tinh cần, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian. Khi Thánh đệ tử tu tập nhiều như vậy rồi, thì sẽ sạch hết các lậu… cho đến tự biết không còn tái sanh nữa.”

Phật dạy kinh này xong, Tôn giả A-na-luật nghe những gì Phật dạy, tùy hỷ hoan hỷ làm lễ rồi lui.

*

KINH 628. GIỚI[56]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại tinh xá Kê lâm[57], ấp Ba-liên-phất[58]. Khi ấy các Tôn giả Ưu-đà-di, A-nan-đà cũng ở đó. Bấy giờ, Tôn giả Ưu-đà-di đến chỗ Tôn giả A-nan, cùng ân cần chào hỏi nhau, rồi ngồi lui qua một bên, nói với Tôn giả A-nan:

“Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là Đấng Tri Giả, Kiến Giả, đã vì các Tỳ-kheo nói về Thánh giới, khiến cho không đứt, không khuyết, không rạn[59], không lìa, không bị giới thủ[60], khéo rốt ráo, khéo thọ trì, được bậc trí khen ngợi, không bị ghét bỏ. Vì sao Như Lai Ứng Đẳng Chánh, là Đấng Tri Giả, Kiến Giả, vì các Tỳ-kheo nói về Thánh giới khiến cho không đứt, không khuyết,… cho đến được bậc trí khen ngợi, không bị ghét bỏ?”

Tôn giả A-nan bảo Tôn giả Ưu-đà-di:

“Vì để tu tập bốn Niệm xứ. Những gì là bốn? Đóù là, sống quán thân trên thân; sống quán thọ, tâm, pháp trên pháp.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, trở về chỗ ở của mình.

*

KINH 629. BẤT THOÁI CHUYỂN[61]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại tinh xá Kê lâm, ấp Ba-liên-phất. Các Tôn giả A-nan và Tôn giả Bạt-đà-la cũng ở đó. Bấy giờ, Tôn giả Bạt-đà-la hỏi Tôn giả A-nan:

“Có pháp nào tu tập, tu tập nhiều, mà không thoái chuyển không?”

Tôn giả A-nan bảo Tôn giả Bạt-đà-la:

“Có pháp tu tập, tu tập nhiều có thể khiến người tu hành không bị thoái chuyển, đó là bốn Niệm xứ. Những gì là bốn? Đó là, sống quán thân trên thân; sống quán thọ, tâm, pháp trên pháp.”

Sau khi hai Chánh sĩ bàn luận xong, trở về chỗ ở của mình.

*

KINH 630. THANH TỊNH[62]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại tinh xá Kê lâm, ấp Ba-liên-phất. Các Tôn giả A-nan và Tôn giả Bạt-đà-la cũng ở đó. Rồi, Tôn giả Bạt-đà-la hỏi Tôn giả A-nan:

“Có pháp nào tu tập, tu tập nhiều có thể khiến cho chúng sanh không thanh tịnh trở thành thanh tịnh và càng trở nên sáng chói không?”

Tôn giả A-nan bảo Tôn giả Bạt-đà-la:

“Có pháp tu tập, tu tập nhiều có thể khiến cho chúng sanh không thanh tịnh trở thành thanh tịnh và trở nên sáng chói, đó là bốn Niệm xứ. Những gì là bốn? Đóù là, sống quán thân trên thân; sống quán thọ, tâm, pháp trên pháp.”

Sau khi hai Tôn giả bàn luận xong, mỗi người trở về chỗ ở của mình.

*

KINH 631. ĐỘ BỈ NGẠN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại tinh xá Kê lâm, ấp Ba-liên-phất. Các Tôn giả A-nan và Tôn giả Bạt-đà-la cũng ở đó. Một hôm Tôn giả Bạt-đà-la hỏi Tôn giả A-nan:

“Có pháp nào tu tập, tu tập nhiều có thể khiến cho chúng sanh chưa qua bờ bên kia, được qua bờ bên kia không?”

Tôn giả A-nan bảo Tôn giả Bạt-đà-la:

“Có pháp tu tập, tu tập nhiều có thể khiến cho chúng sanh chưa qua bờ bên kia, sẽ được qua bờ bên kia, đó là bốn Niệm xứ. Những gì là bốn? Đóù là, sống quán thân trên thân; sống quán thọ, tâm, pháp trên pháp.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người trở về chỗ ở của mình.

*

KINH 632. A-LA-HÁN

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại tinh xá Kê lâm, ấp Ba-liên-phất. Các Tôn giả A-nan và Tôn giả Bạt-đà-la cũng ở đó. Bấy giờ, Tôn giả Bạt-đà-la hỏi Tôn giả A-nan:

“Có pháp nào tu tập, tu tập nhiều có thể đắc quả A-la-hán không?”

Tôn giả A-nan bảo Tôn giả Bạt-đà-la:

“Có pháp tu tập, tu tập nhiều có thể đắc quả A-la-hán, đó là bốn Niệm xứ. Những gì là bốn? Đóù là, sống quán thân trên thân; sống quán thọ, tâm, pháp trên pháp.”

Sau khi hai vị Chánh sĩ bàn luận xong, mỗi người trở về chỗ ở của mình.

*

KINH 633. NHẤT THIẾT PHÁP

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại tinh xá Kê lâm, ấp Ba-liên-phất. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Được nói là tất cả các pháp. Tất cả pháp là bốn Niệm xứ, đó gọi là chánh thuyết. Những gì là bốn? Đóù là, sống quán thân trên thân; sống quán thọ, tâm, pháp trên pháp.”

Một thời, Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ thực hành theo.

*

KINH 634. HIỀN THÁNH[63]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại tinh xá Kê lâm, ấp Ba-liên-phất. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo nào, tu tập, tu tập nhiều đối với bốn Niệm xứ, thì gọi đó là Hiền thánh xuất ly[64]. Những gì là bốn? Đóù là, sống quán thân trên thân; sống quán thọ, tâm, pháp trên pháp.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như xuất ly, cũng vậy chính thức hết khổ, giải thoát khổ, được quả vị lớn, được pháp cam lộ, cứu cánh cam lộ, chứng pháp cam lộ, cũng nói đầy đủ như vậy.[65]

*

KINH 635. QUANG TRẠCH

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại tinh xá Kê lâm, ấp Ba-liên-phất. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nếu Tỳ-kheo nào tu tập, tu tập nhiều đối với bốn Niệm xứ, có thể khiến cho chúng sanh không thanh tịnh trở thành thanh tịnh; chúng sanh đã thanh tịnh rồi khiến cho càng trở nên sáng chói. Những gì là bốn? Đóù là, sống quán thân trên thân; sống quán thọ, tâm, pháp trên pháp.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

Như thanh tịnh chúng sanh, cũng vậy chúng sanh chưa qua được bờ bên kia khiến cho qua, đắc A-la-hán, đắc Bích-chi-phật, đắc Vô thượng Bồ-đề cũng nói như trên.

*

KINH 636. TỲ-KHEO[66]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật trú tại tinh xá Kê lâm, ấp Ba-liên-phất. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Ta sẽ vì các Tỳ-kheo nói về bốn Niệm xứ.

“Thế nào là tu bốn Niệm xứ? Này các Tỳ-kheo, Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn, xuất hiện ở đời, giảng nói chánh pháp, những lời giảng nói ban đầu, khoảng giữa và sau cùng, tất cả đều lành, nghĩa lành, vị lành, hoàn toàn thuần nhất thanh tịnh, phạm hạnh được hiển hiện. Nếu có tộc tánh nam, hay tộc tánh nữ, nghe pháp từ Phật, được tín tâm thanh tịnh; tu học như vậy: thấy sự tai hại của tại gia liên hệ với dục lạc, là phiền não ràng buộc, nên thích sống ở nơi vắng vẻ, xuất gia học đạo, không thích tại gia, mà sống không nhà; chỉ muốn một mực thanh tịnh, suốt đời hoàn toàn thuần nhất trong sạch, phạm hạnh trong sáng, ‘Ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, sống không nhà.’ Suy nghĩ như vậy rồi, liền vất bỏ tiền tài, thân thuộc, cạo bỏ râu tóc, khoác áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, sống không nhà; thân hành đoan chánh, giữ gìn bốn sự lỗi lầm của miệng, chánh mạng thanh tịnh; tu tập giới Hiền thánh, giữ gìn cửa các căn, chánh niệm hộ tâm.

“Khi mắt thấy sắc thì không nắm giữ hình tướng; nếu đối với mắt mà an trụ bất luật nghi[67], tham ưu thế gian, pháp ác bất thiện hay lọt vào tâm. Nhưng hiện tại, đối với mắt mà khởi chánh luật nghi; và đối với tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng khởi chánh luật nghi như vậy.

“Người kia sau khi thành tựu được Giới luật Hiền thánh, lại khéo nhiếp thủ các căn, đi tới đi lui, quay nhìn, co duỗi, nằm ngồi, thức ngủ, nói năng, im lặng đều trụ ở trong chánh trí.

“Người kia sau khi thành tựu Thánh giới, phòng hộ các căn môn này, lại tu tập chánh trí chánh niệm, tịch tịnh viễn ly; chỗ vắng, dưới bóng cây, hay trong phòng vắng, ngồi một mình, chánh thân, chánh niệm, buộc tâm an trụ, đoạn tham ưu thế gian, lìa tham dục, trừ sạch tham dục; dứt trừ các triền cái ở đời là sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi; xa lìa các triền cái sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi; trừ sạch các triền cái sân nhuế, thùy miên, trạo hối, nghi; đoạn trừ năm triền cái chúng làm tâm suy yếu tuệ bạc nhược, chướng ngại các giác phần, không hướng đến Niết-bàn. Thế nên, vị ấy an trú chánh niệm quán niệm thân trên nội thân, phương tiện tinh cần, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu của thế gian. Cũng vậy, an trú chánh niệm quán ngoại thân, nội ngoại thân, thọ tâm pháp trên pháp, cũng nói như vậy. Đó gọi là Tỳ-kheo tu bốn Niệm xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 637. BA-LA-ĐỀ-MỘC-XOA[68]

Tôi nghe như vầy.

Một thời, Phật trú tại tinh xá Kê lâm, ấp Ba-liên-phất. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:

“Nên tu bốn Niệm xứ. Nói đầy đủ như trên, chỉ có sự sai biệt là:… cho đến xuất gia như vậy, rồi ở nơi yên tĩnh, nhiếp trì Ba-la-đề-mộc-xoa, thành tựu luật nghi đầy đủ; đối với tội nhỏ nhặt cũng sanh lòng sợ hãi lớn, thọ trì học giới, lìa sát sanh, dứt sát sanh, không thích sát sanh,… cho đến tất cả nghiệp đạo như đã nói ở trước, y bát luôn ở bên mình, như chim có hai cánh. Thành tựu học giới như vậy là nhờ tu bốn Niệm xứ.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe lời Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*

KINH 638. THUẦN-ĐÀ[69]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở trong vườn trúc Ca-lan-đà, tại thành Vương xá. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi phất đang ở trong làng Ma-kiệt-đề Na-la[70], bị bệnh và vào Niết-bàn. Sa-di Thuần-đà[71] chăm sóc, cúng dường. Tôn giả Xá-lợi-phất nhân bệnh mà Niết-bàn. Sa-di Thuần-đà sau khi cúng dường Tôn giả Xá-lợi-phất, nhặt lấy xá-lợi còn lại, mang theo cùng với y bát đến thành Vương xá. Đến nơi, thâu cất y bát, rửa chân xong, Sa-di Thuần-đà đi đến chỗ Tôn giả A-nan, đảnh lễ rồi, lui đứng một bên, bạch:

“Bạch Tôn giả, Hòa thượng của con là Tôn giả Xá-lợi-phất đã Niết-bàn. Con đem xá-lợi và y bát về đây.”

Tôn giả A-nan nghe Sa-di Thuần-đà báo tin ấy rồi, liền đi đến chỗ Phật, bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay con tưởng chừng thân thể rã rời, bốn phương đổi khác, mờ ám, nghẹn ngào không nói nên lời. Sa-di Thuần-đà nói với con rằng: ‘Hòa thượng Xá-lợi-phất đã Niết-bàn. Con đem xá-lợi và y bát về đây.’”

Phật dạy:

“Thế nào A-nan? Xá-lợi-phất đem cái thân đã thọ giới[72] mà Niết-bàn, hay là định thân, tuệ thân, giải thoát thân, hay giải thoát tri kiến thân Niết-bàn?”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không phải vậy.”

Phật bảo A-nan:

“Hay là pháp được thuyết mà Ta tự chứng tri, thành Đẳng chánh giác, tức là bốn Niệm xứ, bốn Chánh đoạn, bốn Như ý túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi và tám Thánh đạo; đem những pháp này mà nhập Niết-bàn?”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, không. Tuy không đem cái thân thọ giới… cho đến các pháp đạo phẩm mà Niết-bàn, nhưng Tôn giả Xá-lợi-phất giữ giới, học nhiều, ít muốn, biết đủ, thường tu hạnh viễn ly, tinh cần, phương tiện, nhiếp niệm an trụ, nhất tâm chánh định, trí tuệ bén nhạy, trí tuệ sâu xa, trí tuệ siêu việt, trí tuệ phân biệt, trí tuệ lớn, trí tuệ rộng, trí tuệ sâu, trí tuệ không ai bằng, trí báu thành tựu, hay chỉ bày, hay dạy dỗ, hay soi sáng, hay làm cho hoan hỷ, khéo léo khen ngợi, vì chúng nói pháp. Cho nên bạch Thế Tôn, con vì pháp, vì người lãnh thọ giáo pháp, cảm thấy buồn rầu khổ não.”

Phật dạy A-nan:

“Ngươi chớ buồn rầu khổ não! Vì sao? Hoặc sanh[73], hoặc khởi, hoặc tạo tác, đều là pháp hữu vi bại hoại; làm sao có thể không bại hoại? Muốn cho không hoại, không có trường hợp ấy. Trước đây Ta đã nói, tất cả những vật yêu thích, những việc hợp ý, tất cả đều là pháp trái lìa, chẳng thể giữ mãi[74]. Ví như cội cây to, rễ, cành, nhánh, lá, hoa, trái sum sê tươi tốt, cành lớn gãy trước. Như núi báu lớn, sườn lớn sụp đổ trước. Cũng vậy, trong hàng đại chúng quyến thuộc của Như Lai, Đại Thanh văn vào Niết-bàn trước. Nếu phương kia có Xá-lợi-phất an trụ thì ở phương ấy Ta vô sự, nhưng nơi ấy với Ta không phải trống không, vì có Xá-lợi-phất. Như trước đây Ta đã nói. Nay ngươi, này A-nan, như từ trước Ta đã nói, tất cả những thứ ưa thích, hợp ý đều là pháp biệt ly, bởi vậy cho nên A-nan đừng quá buồn rầu. A-nan nên biết, Như Lai chẳng bao lâu cũng sẽ ra đi. Cho nên, A-nan, hãy tự mình làm hòn đảo để tự nương tựa. Hãy lấy pháp làm nơi nương tựa, đừng lấy chỗ nào khác làm hòn đảo, đừng nương tựa vào chỗ nào khác.”

Tôn giả A-nan bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, thế nào là tự mình làm hòn đảo, tự nương tựa chính mình? Thế nào là lấy pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm nơi nương tựa? Thế nào là không lấy cái khác làm hòn đảo, không nương tựa cái khác?”

Phật đáp:

“Nếu Tỳ-kheo nào sống an trú chánh niệm quán thân trên thân, tinh cần, phương tiện, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian; cũng vậy, an trú chánh niệm quán ngoại thân, nội ngoại thân; thọ, tâm, pháp trên pháp, cũng nói như vậy. A-nan, đó gọi là tự mình làm hòn đảo, tự nương tựa chính mình, tự lấy pháp làm hòn đảo, tự lấy pháp làm chỗ nương tựa, không lấy chỗ nào khác làm hòn đảo, không nương tựa chỗ nào khác.”

Phật dạy kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ thực hành theo.

*

KINH 639. BỐ-TÁT[75]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong rừng Am-la râm mát, cạnh bờ sông Bạt-đà-la, nước Ma-thâu-la. Bấy giờ Tôn giả Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên vào Niết-bàn chưa bao lâu. Hôm ấy là ngày mười lăm bố-tát, Thế Tôn trải chỗ ngồi, ngồi trước đại chúng, nhìn khắp chúng hội rồi nói:

“Ta nhìn đại chúng, thấy đã trống không, vì Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên đã vào Niết-bàn. Trong chúng Thanh văn của Ta, chỉ có hai người này khéo thuyết pháp, giáo giới, dạy dỗ, biện thuyết đầy đủ. Có hai thứ tài sản: tiền tài và pháp tài. Tiền tài thì tìm cầu từ người thế gian. Pháp tài thì tìm cầu từ Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Như Lai đã lìa tiền tài[76] và pháp tài. Các ông chớ vì Xá-lợi-phất và Mục-kiền liên đã Niết-bàn mà sầu ưu khổ não.

“Ví như cây lớn, rễ, cành, nhánh, lá, hoa trái, sum sê tươi tốt, thì nhánh lớn sẽ gãy trước. Cũng như núi báu lớn, sườn lớn sụp đổ trước. Cũng vậy, trong đại chúng của Như Lai, hai vị Đại Thanh văn Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên vào Niết-bàn trước. Cho nên các Tỳ-kheo, các ông chớ sanh ưu sầu khổ não. Vì có pháp sanh, pháp khởi, pháp tạo tác, pháp hữu vi, pháp bại hoại nào, mà không tiêu mất. Nếu muốn khiến cho chúng không hoại, thì điều này không thể có được. Từ trước Ta đã nói: ‘Tất cả mọi vật đáng yêu thích đều đi đến ly tán.’ Chẳng bao lâu nữa Ta cũng sẽ ra đi. Vì thế cho nên các ông hãy tự làm hòn đảo, tự nương tựa chính mình; hãy lấy pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm nơi nương tựa; không lấy chỗ nào khác làm hòn đảo, không nương tựa chỗ nào khác. Nghĩa là sống an trú chánh niệm quán thân trên thân, tinh cần, phương tiện, chánh trí, chánh niệm, điều phục tham ưu thế gian; cũng vậy, an trú chánh niệm quán ngoại thân, nội ngoại thân; thọ, tâm, pháp trên pháp, cũng nói như vậy. Đó gọi là tự mình làm hòn đảo, tự nương tựa chính mình; tự lấy pháp làm hòn đảo, lấy pháp làm nơi nương tựa; không lấy chỗ nào khác làm hòn đảo, không nương tựa chỗ nào khác.”

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.

*


[1].    Đại Chánh, quyển 24, Tiểu đề: “Đệ ngũ tụng Đạo phẩm đệ nhất”, gồm các kinh số 605-639. –Quốc Dịch, quyển 22, tụng 5. Đạo phẩm, 1. Tương ưng Niệm xứ gồm Kinh số từ 1247-1299. –Phật Quang, quyển 24; y theo Ấn Thuận, Tụng 4. Đạo phẩm. –Ấn Thuận Hội Biên, Tụng 4. Đạo phẩm, 7. Tương ưng Niệm xứ, gồm năm mươi bốn kinh, từ số 760-813. Phần lớn tương đương Pāli: S.47. Sātipatthāna samyutta. Đại Chánh kinh 605, Pāli, S.47.24 Suddhaka.
[2].    Xem kinh 605 trên.
[3].    Pāli, S.47.18 Bramā.
[4].    Bản Pāli, tại Uruvelā, bên bờ sông Nerañjarā, lúc vừa thành đạo.
[5].    Nhất thừa đạo 一乘道. Pāli: ekāyano maggo.
[6].    Đắc như thật pháp 得如實法. Pāli: Ñayassa adhigamāya nibbānaṃ sacchikiriyāya, đạt chánh lý, thân chứng Niết-bàn.
[7].    Pāli, S.47.41 Amata.
[8].    Cam lộ pháp 甘露法. Pāli: amata, sự bất tử.
[9].    Pāli, 47.42 Samudaya.
[10]Tứ niệm xứ tập tứ niệm xứ một 念處集四念處沒. Pāli: satipaṭṭhānnāṃ samudayañca atthaṅgamañca.
[11]Pāli: manasikārasamudayā dhammasamudayo, do tập khởi của tác ý mà có sự tập khởi của pháp.
[12]Pāli, S.47.2. Sato. Tham chiếu, Hán: N0100(14).
[13]Pāli, S.47.5 Kusalarāsi.
[14]Thiện pháp tụ, bất thiện pháp tụ 善法聚,不善法聚. Pāli: kusalarāsi, akusalarāsi.
[15]Ngũ cái 五蓋. Pāli: pañca nīvaraṇā.
[16]Pāli, S. 20.6 Dhanuggaho.
[17]Tứ chủng cường cung 四種強弓. Pāli: cattāro daḷhadhammā dhanuggahā, bốn nhà thiện xạ cầm (bốn) cây cung cứng.
[18]Tứ chủng Thanh văn 四種聲聞, chỉ bốn chúng đệ tử Phật.
[19]Bổ tả 稈[25]寫. Có lẽ chỉ đại tiểu tiện.
[20]Pāli, S.47.47 Duccaritaṃ.
[21]Pāli, S.47.47 Duccaritaṃ.
[22]Pāli, S.42.49 Vedanā.
[23]Tóm tắt có bốn kinh.
[24]Pāli, S.47.11 Mahāpurisa.
[25]Pāli, S.47.10 Bhikkhunī.
[26]Pāli: suppatiṭṭhitacittā viharantiyo, an trụ với tâm hoàn toàn ổn định.
[27]Pāli: uḷāraṃ pubbenāparaṃ visesaṃ sañjānanti, nhận thức sự sai biệt lên xuống, trước sau.
[28]Tham chiếu Pāli: tassa kàye kayànupassiịo viharato kayàrammaịo và uppajjati kàyasmiư pariơàho, cetaso và lìnattaư, bahiddhà và cittaư vikkhipati, tenànanda bhikkhunà kismiĩcideva pasàdanìye nimitte cittaư paịidahitabbaư, “Vị ấy sống quán thân trên thân, hoặc sở duyên của thân khởi lên, hoặc có sự bức rức trong thân, hoặc tâm co rút, hoặc tâm tán loạn ra bên ngoài; Tỳ-kheo ấy hãy cố định tâm trên một ảnh tượng trong sáng nào đó”.
[29]Sau khi trụ tâm trên tịnh tướng, tuần tự các trạng thái khởi lên: pamudita, duyệt (vui thích), pīti, hỷ (khoan khoái), passadhakāya, thân ỷ tức hay khinh an (cảm giác thân thể nhẹ nhàng), sukha, an lạc và cuối cùng samādhi, định.
[30]Pāli: so paṭisaṃharati ceva na ca vitakketi na vicāreti, “Vị ấy khi nhiếp phục như vậy, không còn tầm cầu, không còn tư sát (trạng thái không tầm và không tứ).
[31]Người đầu bếp. Pāli, S.47.8 Sūda.
[32]Hán: bất biện 不辨. Pāli: avyatto, không thông minh, không năng lực.
[33]Hán: thượng phiền não 上煩惱. Pāli: upakkilesā.
[34]Tứ tăng tâm pháp, hiện pháp lạc trú 四種增上心法,現法樂住; bốn thiền cũng gọi là bốn tăng thượng tâm, hay bốn hiện pháp lạc trú.
[35]Pāli, S.47.6 Sakuṇaggahī. Cf. Jātaka 168.
[36]La-bà 羅婆. Pāli: lāpa, giống chim cút.
[37]Hán: điền canh lũng 田耕壟.
[38]Pāli, S.47.19 Sedaka.
[39]Tư-già-đà 私伽陀. Pāli: sumbhesu viharati sedakaṃ nāma sumbhānaṃ nigamo, giữa những người Sumbha, tại xóm Sedaka của người Sumbha.
[40]Duyên tràng kỹ sư 緣幢伎師: người nhào lộn trên cột phướn. Pāli: caṇḍālavaṃsika.
[41]Pāli: āsevanāya, bhāvanāya, bahulīkammena, evaṃ kho bhikkhave, attānaṃ rakkhanto paraṃ rakkhanti, “Bằng sự thân cận, bằng sự tu tập, bằng sự tu tập nhiều lần, như vậy là hộ trì người khác trong khi hộ trì chính mình”.
[42]Pāli, S.47.7 Makkaṭa.
[43]Pāli, S.47.4 Salla.
[44]Pāli: kāye kayānupassino viharatha ātāpino sampajānā ekodibhūtā vippasannacittā saṃhitā ekaggacittā kāya yathābhūtaṃ ñāṇāya, “Để có nhận thức như thực về thân, các người hãy sống quán thân trên thân, nhiệt hành, chánh trí, chuyên nhất, tâm trong sáng, định tĩnh, tâm nhất cảnh”.
[45]Pāli, S.47.1 AmbaPāli.
[46]Khu vườn trên trời Đao-lợi. Xem cht.2, kinh 576.
[47]Pāli, S.47.20 Janapada.
[48]Thế gian mỹ sắc 世間美色. Pāli: janapadakalyāṇī, mỹ nữ của cả nước, mỹ nhân quốc sắc.
[49]Hán: chánh thân tự trọng... 正身自重. Pāli: bahūlikatā yānikatā vatthukatā anuṭṭhitā paricitā susamāraddhā, (bốn Niệm xứ) được tu tập nhiều, được làm thành như cỗ xe, làm thành như nền đất, được thể nghiệm, được tích lũy, được khéo sách tiến.
[50]Pāli, S. 47.16; Uttiya; 47.15 Bāhiya.
[51]Uất-để-ca 鬱低迦. Pāli: Uttiya.
[52]Hán: tịnh kỳ sơ nghiệp 淨其初業. Pāli: ādim eva visodhehi kusalesu dhammesu, “Hãy làm thanh tịnh pháp căn bản (hay bản sơ) trong các thiện pháp”.
[53]Pāli, S.47.15 Bāhika.
[54]Bà-hê-ca 婆醯迦. Pāli: Bāhika (Bāhya).
[55]Pāli, tham chiếu S.47.26 Padesa.
[56]Pāli, S.47.21 Sīla.
[57]Kê lâm tinh xá 雞林精. Pāli: Kukkaṭārāma.
[58]Ba-liên-phất ấp 巴連弗邑. Pāli: Pāṭaliputta.
[59]Hán: bất trạch 不擇. Tham chiếu Pāli, D.iii. Saṅgīti:..akaṇḍehi acchidehi asabalehi akammāsehe bhujissehi viññuppasatthehi aparāmatthesi... không bị khuyết, không bị vỡ, không tì vết, không bị đốm, khiến cho tự do, không bị cố chấp, được kẻ trí khen ngợi...
[60]Bất giới thủ 不戒, giới bị cố chấp. Pāli: aparāmaṭṭha. xem cht. 59 trên.
[61]Pāli, S.47.23 Parihāna. Xem kinh 628 trên.
[62]Xem kinh 629 trên.
[63]Pāli, S.47.17 Ariya.
[64]Hiền thánh xuất ly 賢 聖出離 . Pāli: ariyā niyānikā, vị Thánh giả đã thoát ly (khổ).
[65]Tóm tắt có bảy kinh.
[66]Pāli, S.47.3 Bhikkhu.
[67]Trụ bất luật nghi 住不律儀, tức sống không phòng hộ. Pāli: asaṃvara.
[68]Pāli, S.47.46 Pāṭimokkha.
[69]Pāli, S.47.13 Cuṇḍa.
[70]Ma-kiệt-đề Na-la tụ lạc 摩竭提那羅聚落. Pāli: Magadha-Nalagāmaka, thôn Na-la ở Magadha.
[71]Thuần-đà 純陀. Pāli: Cuṇḍa.
[72] Thọ giới thân 授戒身. Pāli: Sīla-kkhanda, giới uẩn.
[73] Sanh 生, bản Cao-ly: tọa 坐. Tham chiếu Pāli: yaṃ taṃ jātaṃ bhūtaṃ sankhataṃ palokadhammaṃ, cái gì là sanh, là tồn tại, là hữu vi, là pháp bại hoại.
[74] Pāli sabbehi piyehi manāpehi nānābhāvo vinābhāvo aññathābhāvo, với tất những gì yêu thương, thích ý, đều là tánh khác biệt, là tánh ly tán, là tánh biến dị.
[75]Pāli, S.47.14 Ceḷa.
[76]Như lai dĩ ly thí tài: 如來已離[04]施財. Bản Tông-Nguyên-Minh: thế tài.

Source: Phật Việt, http://www.phatviet.com

[Đầu trang]


last upated: 24-02-2004