Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú tại thành Vương xá, trong vườn Trúc, khu Ca-lan-đà.
Bấy giờ, vào buổi sáng sớm, Thế Tôn đắp y, mang bát, cùng với Tỳ-kheo Tăng vào thành khất thực. Như bài kệ nói:
Sắc thân như núi vàng,
Rất đoan nghiêm vi diệu;
Bước đi như ngỗng chúa,
Mặt như trăng sáng đầy;
Thế Tôn cùng đại chúng.
Lúc ấy, Thế Tôn lấy chân giẫm lên phần đất giới hạn cửa thành tạo thành sáu thứ chấn động. Như bài kệ nói:
Biển lớn và đất bằng,
Thành quách cùng núi non,
Chân Mâu-ni giẫm lên,
Dao động như thuyền sóng.
Đức Phật biến hiện thần lực như thế, lúc đó nhân dân cùng cất tiếng xướng lớn rằng:
“Kỳ diệu thay, pháp chưa từng có, thần lực biến hiện như Đức Thế Tôn khi vào thành, hiển bày những việc chưa từng có như thế. Như bài kệ nói:
Đất thấp liền bằng lên,
Đất cao thành thấp xuống;
Do oai thần của Phật,
Nên gai góc, sỏi đá,
Đều chẳng còn thấy nữa.
Người mù, điếc, câm, ngọng,
Liền được thấy, nghe, nói;
Nhạc khí trong thành quách,
Chẳng đánh, phát diệu âm.”
Bấy giờ, Thế Tôn tỏa ánh sáng chiếu khắp như ánh sáng của ngàn mặt trời. Như kệ nói:
Thế Tôn thân sáng chói,
Chiếu khắp cả thành ấp.
Nhân dân nhờ ánh Phật,
Mát như thoa chiên-đàn.
Bấy giờ, Đức Phật thuận theo thành ấp mà đi. Lúc đó có hai em bé, một đẳng cấp thượng và một đẳng cấp thứ, cùng nhau vọc cát chơi đùa; một tên Xà-da, một tên Tỳ-xà-da[2]. Từ xa trông thấy Thế Tôn đầy đủ ba mươi hai tướng bậc Đại nhân trang nghiêm thân, đồng tử Xà-da nghĩ thầm: “Mình đem bột này cúng dường.” Rồi tay nắm một nắm cát mịn bỏ vào bát Thế Tôn. Khi ấy, Tỳ-xà-da chắp tay tùy hỷ. Như bài kệ nói:
Thấy Thế Tôn đại bi,
Toàn thân sáng một tầm.
Được nhìn thấy Thế Tôn,
Sanh lòng tin kính lớn,
Dâng nắm cát cúng dường,
Được thoát bờ sanh tử.
Bấy giờ, em bé kia phát nguyện rằng: “Nhờ căn lành của công đức huệ thí này, mong con được làm một vị Tản cái vương[3] của một thiên hạ, ngay đời này được cúng dường chư Phật.”
Như bài kệ đã nói:
Mâu-ni biết tâm kia,
Cùng ý kia mong muốn,
Được quả thêm căn lành,
Cùng với sức phước điền;
Phật với tâm đại bi,
Nhận nắm cát cúng dường.
Xà-da nhờ căn lành này được làm vua, vua xứ Diêm-phù-đề, cho đến thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên, Thế Tôn mỉm cười. A-nan thấy Phật mỉm cười, liền chắp tay hướng về Phật, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, chư Phật Thế Tôn, Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chẳng phải không nhân duyên gì mà mỉm cười.” Như kệ nói:
Thế Tôn lìa cười đùa.
Vô Thượng Tôn trên đời,
Răng trắng như ngọc quý,
Đấng Tối Thắng mỉm cười.
Dũng mãnh siêng tinh tấn,
Không Thầy mà tự giác;
Lời hay khiến thích nghe,
Tiếng dịu dàng siêu tuyệt,
Huyền ký đồng tử kia,
Bằng Phạm âm trong vắt.
Lưỡng Túc Tôn vô thượng,
Ghi nhận quả thí cát.
Khi ấy Thế Tôn bảo A-nan:
“Đúng thế! Đúng thế! Như lời ngươi nói. Chư Phật không có nhân duyên chẳng mỉm cười. Hôm nay Ta cười là vì có nhân duyên.”
“A-nan nên biết, sau khi Ta diệt độ một trăm năm, đồng tử này sẽ ở tại ấp Ba-liên-phất[4] thống lãnh một phương, làm Chuyển luân vương, họ Khổng Tước[5], tên A-dục[6], đem chánh pháp cai trị, giáo hóa nhân dân và lại còn phân bố rộng rãi xá-lợi của Ta, sẽ xây dựng tám muôn bốn ngàn tháp Pháp vương, đem lại sự an vui cho vô lượng chúng sanh.” Như kệ nói:
Sau khi Ta diệt độ,
Người này sẽ làm vua,
Họ Khổng Tước, tên Dục,
Ví như vua Đảnh sanh,
Nơi Diêm-phù-đề này,
Được tôn quý bậc nhất.
“A-nan! Hãy lấy nắm cát được bố thí trong bát đổ ra nơi chỗ Như Lai kinh hành. Ta sẽ đi nơi đó.”
A-nan vâng lời Phật dạy, liền lấy cát trong bát Phật rãi trên chỗ kinh hành.
Đức Phật dạy:
A-nan nên biết, sau này tại thành ấp Ba-liên-phất có vua hiệu là Nguyệt Hộ[7]. Vị vua ấy sẽ sanh con tên là Tần-đầu-sa-la[8], cai trị nước đó. Vua lại có một người con nữa tên là Tu-sư-ma[9]. Thời bấy giờ, nước Chiêm-bà có một thiếu nữ Bà-la-môn rất đẹp, khiến người ưa thích, nàng là trân bảo của đất nước. Các nhà tướng số xem tướng thiếu nữ này đều đoán rằng: ‘Nàng sẽ là vương phi và sẽ sanh ra hai người con. Một người sẽ thống lãnh thiên hạ và một người sẽ xuất gia học đạo, thành tựu Thánh đạo.’ Người Bà-la-môn nghe tướng sư nói vậy vui mừng vô hạn, liền đưa con gái của ông ta đến ấp Ba-liên-phất, sắm sửa trang điểm cho cô gái thật xinh đẹp. Ông muốn đem gả cho vương tử Tu-sư-ma. Tướng sư bảo: ‘Nên gả cho Tần-đầu-sa-la vương. Cô này sẽ sanh con phước đức. Đứa con sẽ nối cơ nghiệp của nhà vua.’ Bà-la-môn đem con gái gả cho nhà vua này. Vua thấy thiếu nữ đoan chánh, có đức hạnh, bèn phong làm phu nhân.
Những bà phu nhân trước và các thế nữ thấy phu nhân này đi đến liền nghĩ rằng: ‘Thiếu nữ này quá đoan chánh, là trân bảo của đất nước. Nếu nhà vua say đắm nàng, nhà vua sẽ bỏ chúng ta, cho đến mắt không nhìn tới nữa.’ Phu nhân và các cung phi bắt thiếu nữ ấy học nghề thợ cạo. Sau khi học xong, nàng lo việc cắt tỉa râu tóc cho vua. Khi cắt râu tóc, nhà vua rất hoan hỷ, bèn hỏi cô gái:
“Cô ước mơ điều gì?
Thiếu nữ tâu:
“Tôi chỉ mong được vua để tâm, thương yêu nghĩ đến.”
Nàng nói như vậy ba lần.
Lúc ấy vua bảo:
“Ta là vua Quán đảnh dòng Sát-lợi. Còn nàng là thợ cạo. Làm sao ta có thể thương tưởng nàng được?”
Thiếu nữ tâu:
“Tôi chẳng phải là con dòng hạ tiện. Tôi con gái của dòng họ cao quý Bà-la-môn. Các tướng sư nói với cha tôi rằng: ‘Cô gái này nên gả cho Quốc vương.’ Vì thế nên tôi mới đến đây.”
Vua lại hỏi:
“Nếu như thế, ai khiến nàng học tập cái nghề hèn mọn này?”
Thiếu nữ đáp:
“Phu nhân trước và các thế nữ bắt tôi phải học nghề này.”
Nhà vua liền ra lệnh:
“Từ nay về sau, nàng chớ làm nghề hạ tiện này nữa.”
Vua liền lập nàng làm Đệ nhất phu nhân. Nhà vua cùng nàng thụ hưởng dục lạc. Chẳng bao lâu nàng mang thai. Đầy tháng thì sanh con. Lúc sanh nở an ổn, mẹ không ưu não. Qua bảy ngài đặt tên là Vô Ưu[10]. Rồi lại sanh thêm một người nữa đặt tên là Ly Ưu[11]. Vô Ưu có thân thể thô nhám, vua cha không muốn đến gần bồng bế, không có tình quyến luyến. Nhà vua lại muốn thử hai người con, nên gọi Bà-la-môn Tân-già-la-a[12] bảo rằng:
“Hòa thượng xem giùm hai đứa con của ta. Sau khi ta từ trần, ai sẽ làm vua?”
Ba-la-môn đáp:
“Xin đem các thái tử này ra khỏi thành, đến lầu Kim điện trong công viên[13]. Ở nơi đó, tôi sẽ xem tướng.”
Bèn ra khỏi thành, đến khu vườn ấy. Trong khi ấy, mẹ vua A-dục nói với A-dục:
“Con hãy theo vua cha ra nơi dinh thự trong vườn Kim điện xem tướng các vương tử, sau khi nhà vua mất rồi ai sẽ làm vua? Sao con không đi?”
A-dục đáp:
“Vua cha chẳng nghĩ gì đến con và cũng chẳng vui khi thấy con.”
Bà mẹ lại bảo:
“Con chỉ đến nơi ấy thôi.”
A-dục thưa:
“Mẹ dạy con đi thì con vâng theo. Xin mẹ đưa đồ ăn uống đến cho con.”
Mẹ đáp:
“Được. Con hãy ra khỏi thành đi.”
A-dục đi ra khỏi thành. Lúc ra cửa, gặp một vị đại thần tên là A-nậu-la-đà[14]. Vị quan này hỏi A-dục:
“Vương tử đi đâu thế?”
A-dục đáp:
“Tôi nghe Đại vương ra ngoài thành, ở trong vườn Kim điện xem tướng các vương tử, để sau khi vua băng hà, ai sẽ làm vua. Bây giờ, tôi đi đến nơi ấy.”
Nhà vua đã ra lệnh cho các đại thần:
“Nếu A-dục đến thì phải khiến cưỡi con voi già chậm lụt mà đến và thêm người già làm tùy tùng.”
A-dục cưỡi voi già đến trong viên quán và ngồi dưới đất, giữa các vương tử. Bấy giờ, các vương tử soạn thức ăn uống. Mẹ của A-dục lấy chén nung đựng đầy sữa và cơm trao cho A-dục. Trong lúc các vương tử ăn uống như thế, vua cha hỏi thầy tướng:
“Trong đây ai có tướng vua, sẽ kế vị ta được?”
Thầy tướng nhìn kỹ các vương tử, thấy A-dục đầy đủ tướng vua, sẽ được kế vị. Nhưng lại nghĩ thầm: ‘Nhà vua không hài lòng về vương tử A-dục này. Nếu ta nói A-dục sẽ làm vua, chắc chắn Đại vương không vui.’ Ông liền nói rằng:
“Bấy giờ tôi xin ghi nhận chung chung.”
Vua nói lại:
“Cứ theo lời sư chỉ.”
Thầy tướng nói:
“Trong đây người nào cưỡi cỗ xe đẹp nhất thì người ấy sẽ làm vua.”
Các vương tử nghe nói như thế, mỗi người đều nghĩ rằng: ‘Cỗ xe của mình đẹp nhất.’ Lúc ấy A-dục nói:
“Tôi cưỡi con voi già, tôi được làm vua.”
Vua lại bảo thầy tướng:
“Xin xem lại rồi xác nhận.”
Thầy tướng lại đáp:
“Trong đây người nào có chỗ ngồi bậc nhất, người ấy sẽ làm vua.”
Các vương tử cùng bảo nhau.
“Chỗ ta ngồi là bậc nhất.”
A-dục nói:
“Nay tôi ngồi dưới đất, là chỗ ngồi bậc nhất, tôi sẽ làm vua.”
Vua lại bảo thầy tướng:
“Hãy xem lại một lần nữa.”
Thầy tướng lại bảo rằng:
“Trong đây vị nào có chén bát và thức ăn quý giá hơn hết, thì người ấy sẽ làm vua.”
Chi tiết, cho đến, A-dục nghĩ thầm: ‘Ta có cỗ xe tốt nhất; chỗ ngồi bậc nhất và thức ăn ngon nhất.’
Nhà vua xem tướng các con xong rồi, trở về cung. Mẹ của A-dục hỏi A-dục:
“Bà-la-môn tiên đoán người nào sẽ làm vua?”
A-dục thưa mẹ:
“Người có cỗ xe tốt nhất, người có chỗ ngồi bậc nhất và đồ dùng quý nhất, thức ăn ngon nhất, người ấy sẽ làm vua. Con tự thấy con sẽ làm vua. Vì con cưỡi con voi già, ngồi dưới đất, chén bát thuần khiết đựng đầy thức ăn như cơm gạo khô trộn sữa.”
Bà-la-môn biết A-dục sẽ làm vua nên tỏ vẻ cung kính mẹ của A-dục. Mẹ của A-dục cũng ban thưởng trọng hậu cho Bà-la-môn và tiện dịp hỏi:
“Sau khi Đại vương từ trần ai sẽ làm vua?”
Thầy tướng đáp:
“Điều này không thể nói được.”
Bà hỏi mãi ba lần ông mới đáp:
“Tôi sẽ nói nhưng lệnh bà hãy cẩn thận, chớ cho ai biết. Lệnh bà sanh được người con này là A-dục. Chính người này sẽ làm vua vậy.”
Phu nhân bảo rằng:
“Tôi nghe lời nói này hết sức vui mừng. Nếu nhà vua nghe được, đối với thầy tướng vua sẽ không còn tin kính nữa. Vậy thầy nên trở về chốn cũ. Nếu con tôi làm vua thì thầy cũng sẽ được tất cả những điều tốt đẹp. Tôi sẽ cúng dường suốt đời.”
Lúc ấy nước láng giềng Đức-xoa-thi-la[15] làm phản, vua Tần-đầu-la bảo A-dục:
“Con hãy đem bốn binh chủng đi bình phạt nước kia.”
Khi vương tử ra đi, chẳng cho binh giáp. Bấy giờ, người đi theo thưa với vương tử:
“Nay đi bình phạt nước kia, nhưng không có quân cụ, thì làm sao dẹp yên được?”
A-dục nói:
“Nếu ta sẽ làm vua thì do phước báu của căn lành, binh giáp tự nhiên đến.”
Ứng theo tiếng nói của A-dục, mặt đất liền nứt ra, binh giáp từ đất hiện ra. A-dục bèn đem bốn thứ quân binh đến bình phạt nước ấy.
Nhân dân các nước kia nghe A-dục đến liền sửa sang đường sá, trang nghiêm thành quách, mang bình quý đựng nước và các thức cúng dường, đón tiếp kính dâng vương tử và nói rằng:
“Chúng tôi không phản Đại vương và vương tử A-dục. Nhưng bọn quan lại làm hại chúng tôi, nên chúng tôi mới trái nghịch với Thánh hóa.”
Nhân dân đem các thức cúng dường vương tử; rước vương tử vào thành. Sau khi bình định nước này rồi, lai sai đi chinh phạt nước Khư-sa.
Đương thời có hai vị đại lực sĩ giúp vua sửa sang đường sá, dời các đá núi. Lại có chư Thiên đến tuyên lệnh cho nước này rằng: ‘A-dục sẽ làm vua thiên hạ này. Các người chớ nên khởi ý chống đối.’ Quốc vương kia bèn quy hàng. Như thế, chi tiết cho đến, bình định thiên hạ này cho đến bờ biển.
Một hôm vương tử Tu-sư-ma ra ngoài thành dạo chơi, lại gặp một vị đại thần. Vị đại thần này không chào vương tử theo nghi lễ. Vương tử liền sai người đánh đập đại thần. Đại thần nghĩ rằng: ‘Vương tử này chưa được ngôi vua, mà cách xử sự như thế. Nếu được làm vua thì không thể nào chịu nổi.’ Lại nghe A-dục được thiên hạ, chinh phục được năm trăm đại thần. Họ nói: ‘Chúng ta sẽ cùng nhau lập A-dục làm vua, thống lãnh thiên hạ này.’
Nước Đức-xoa-thi-la lại làm phản. Các quan cùng nhau luận bàn, đề nghị vương tử Tu-sư-ma đi dẹp loạn. Vua bằng lòng. Vương tử liền đi đến nước kia, nhưng không hàng phục được, vua cha lại bị bệnh nặng, bảo các quan:
“Nay ta muốn lập Tu-sư-ma làm vua. Hãy lệnh cho A-dục đến nước kia.”
Bấy giờ, các quan muốn lập A-dục lên làm vua. Họ lấy sắc vàng bôi lên thân thể, mặt mày và tay chân của A-dục. Rồi các quan tâu với vua:
“Vương tử A-dục nay đang bệnh nặng.”
Các quan trang nghiêm cho A-dục tề chỉnh rồi dẫn đến chỗ vua:
“Nay nên lập người con này làm vua. Chúng tôi từ từ sẽ lập Tu-sư-ma làm vua sau.”
Vua nghe những lời này không vui; lo lắng, buồn bực, im lặng không đáp.
Lúc ấy A-dục thầm suy nghĩ: ‘Nếu ta xứng đáng làm được ngôi vua, chư Thiên sẽ đến rưới nước trên đỉnh đầu ta, lấy lụa trắng quấn trên đầu.’
Nói vừa dứt, chư Thiên lấy nước rưới trên đỉnh đầu A-dục và lấy lụa trắng quấn lên đầu. Vua cha trông thấy cảnh tượng ấy thì vô cùng buồn bã, liền từ trần. A-dục lo việc tang lễ cho vua cha đúng theo nghi thức vương triều. A-dục kế vị xong, phong A-nậu-lâu-đà làm đại thần.
Trong khi ấy, vương tử Tu-sư-ma nghe vua cha băng hà, nay lại lập A-dục lên làm vua, sanh lòng bất bình, tập hợp binh lính kéo về đánh lại A-dục. Trong bốn cổng thành của A-dục, hai cổng có đặt hai lực sĩ. Cổng thứ ba thì đặt một đại thần. Tự mình giữ cửa Đông.
Đại thần A-nậu-lâu-đà làm con voi máy bằng gỗ và đúc tượng A-dục. Tượng A-dục cỡi voi, đặt ở ngoài cửa Đông. Lại làm hầm lửa không khói, lấy vật phủ lên. Khi Tu-sư-ma đi đến, đại thần A-nậu-lâu-đà nói với Tu-sư-ma:
“Vương tử muốn làm vua, A-dục đang ở cửa Đông, đến đó đánh thắng được ông ấy, tự nhiên được làm vua.”
Vương tử Tu-sư-ma vội vàng đi thẳng đến cửa Đông, liền bị rơi xuống hầm lửa mà chết.
Bấy giờ, có một đại lực sĩ tên là Bạt-đà-la-do-đà[16] nghe Tu-sư-ma đã chết, ông đâm ra chán đời, đem tất cả quyến thuộc vào trong Phật Pháp xuất gia học đạo, gắng sức tinh tấn, chẳng bao lâu sạch các lậu, thành A-la-hán.
Vua A-dục bằng chánh pháp trị hóa dân chúng. Bấy giờ bọn quần thần cậy vào thế đưa A-dục lên ngôi nên tỏ ra khinh mạn A-dục, không tuân hành nghi lễ vua tôi. Vua biết các quan khinh lời mình, bèn bảo bá quan:
“Các người hãy chặt cây hoa trái mà trồng gai góc.”
Các quan tâu:
“Chúng tôi chưa từng thấy nghe dẹp bỏ hoa trái mà trồng gai góc, chỉ thấy dẹp bỏ gai góc mà trồng hoa trái.”
Cho đến, ba lần vua ra lệnh phải chặt bỏ, nhưng các quan cũng chẳng làm theo.
Bấy giờ, vua A-duc tức giận các quan đại thần, liền lấy gươm bén giết chết hết năm trăm đại thần. Lại có lúc vua đem các thế nữ ra vườn ngoài chơi đùa. Vua thấy một gốc cây Vô ưu đang trổ đầy hoa. Nghĩ hoa này cùng tên với mình, trong lòng rất hoan hỷ. Vì vua có thân hình xấu xí, da dẻ sần sùi, nên các thể nữ không yêu mến. Họ chán ghét vua, nên dùng tay bẻ gãy hết cây Vô ưu. Nhà vua nghỉ, vừa thức giấc dậy, thấy cây Vô ưu trơ trọi, hoa thì nằm ngỗn ngang trên đất. Vua nổi trận lôi đình, bắt các thể nữ trói lại và đốt chết hết. Vì vua làm điều bạo ác nên gọi là Bạo ác A-dục vương[17].
Lúc ấy đại thần A-nậu-lâu-đà tâu:
“Vua không nên làm những điều đó. Sao lại tự tay giết các quan và thể nữ? Bây giờ, Đại vương nên lập ra một tên đao phủ. Ai có tọâi đáng chết thì giao cho người đó.”
Vua liền ra lệnh lập người đao phủ. Trong nước vua A-dục có hòn núi tên là Kỳ-lê, nơi đó có nhà người thợ dệt. Người này có một người con tên là Kỳ-lê[18], tánh tình rất hung ác, hay đánh đập, bắt trói các bé trai, bé gái và bắt các sanh vật trên đất cũng như dưới nước, cho đến ngỗ nghịch với cha mẹ. Vì thế người đời đồn đại là ‘Hung ác Kỳ-lê tử[19].’ Bấy giờ các sứ giả của vua đến nói với nó:
“Ngươi có thể vì vua làm đao phủ để chém những tội nhân không?”
Kỳ-lê đáp:
“Tất cả những người có tội ở Diêm-phù-đề này tôi đều có thể trừ sạch, huống chi chỉ có một xứ này!”
Các sứ giả trở về tâu vua:
“Người kia đã tìm được kẻ hung ác rồi.”
Vua ra lệnh:
“Hãy đem hắn về đây.”
Các sứ giả đi gọi nó. Nó đáp:
“Chờ một chút, để tôi từ giã cha mẹ trước đã.”
Nó nói đầy đủ những sự việc trên. Cha mẹ nó khuyên can:
“Con chớ làm việc ấy!”
Cha mẹ can ngăn ba lần, hắn sanh tâm bất nhân, giết chết cha mẹ sau đó mới đi.”
Các sứ giả hỏi:
“Sao lâu thế, không đến sớm?”
Tên hung ác ấy thuật lại đầu đuôi sự việc. Các sứ giả đem việc này tâu lại nhà vua. Vua ra lệnh cho hắn:
“Có tội nhân phạm tội đáng chết, ta giao cho ngươi phải biết đấy.”
Hắn tâu:
“Xin vua làm nhà cho tôi.”
Vua cho xây cất nhà cửa, phòng ốc cho Kỳ-lê rất đàng hoàng, nhưng chỉ mở một cửa. Cửa cũng rất nghiêm ngặt. Bên trong ấy bày la liệt các đồ trị tội như cảnh địa ngục. Ngục ấy rất đẹp. Khi ấy tên hung ác kia tâu vua:
“Bây giờ, xin vua một điều. Nếu người nào đã vào đây rồi thì không được ra.”
Vua trả lời:
“Ta chấp nhận như lời xin của ngươi.”
Một hôm tên đao phủ đi vào chùa, nghe các Tỳ-kheo nói về địa ngục. Lúc ấy có Tỳ-kheo đang giảng kinh Địa ngục: ‘Có chúng sanh rơi xuống địa ngục, ngục tốt nắm lấy tội nhân ấy, dùng kiềm sắt nóng banh miệng tội nhân, nhét viên sắt nóng vào trong miệng. Kế đó sau đó lấy búa sắt cắt chặt thân thể, rồi lại lấy gông cùm, xiềng xích trói buộc thân, rồi đến xe lửa, lò than, vạc sắt, đến sông tro, kế đến núi đao, cây kiếm.’ Đầy đủ như kinh Ngũ Thiên Sứ đã nói. Tên đao phủ nghe các Tỳ-kheo nói những việc như thế, liền lập chỗ ở ấy làm những cách trị tội nhân như các Tỳ-kheo đã nói, bắt chước theo pháp này để trị tội nhân.
Một thời kia, có người lái buôn cùng với vợ đi ra trên biển. Trong lúc đang ở ngoài biển khơi thì người vợ sanh con, đặt tên là Hải[20]. Gia đình này sống trên mặt biển như vậy hơn mười năm, thu nhặt châu báu, rồi trở về quê hương. Dọc đường họ bị năm trăm tên cướp giết chết và đoạt hết châu báu.
Bấy giờ, đứa con của người lái buôn thấy cha bị giết chết và của cải mất hết, nên sanh ra chán cái khổ của thế gian, bèn ở trong pháp của Như Lai xuất gia học đạo, rồi trở về nhà du hành qua các nước, dần dần đến ấp Ba-liên-phất.
Khi đêm đã qua, vào lúc sáng sớm, người này đắp y mang bát vào trong thành khất thực, đi lầm vào nhà tên đao phủ. Bấy giờ, Tỳ-kheo này từ xa nhìn thấy trong nhà nào là lò than, vạc dầu, xe lửa v.v… trừng trị tội nhân như ở trong ngục. Tỳ-kheo sợ hãi, lông dựng đứng, liền muốn quay ra khỏi cửa. Ngay khi ấy tên đao phủ hung ác liền đi tới nắm lấy Tỳ-kheo nói rằng:
“Ai đã vào đây rồi thì không thể ra được. Bây giờ người phải chết đây thôi.”
Tỳ-kheo nghe nói trong lòng hết sức buồn thảm, nước mắt đầm đìa. Tên đao phủ hỏi:
“Tại sao ông lại khóc lóc như trẻ con?”
Tỳ-kheo nói kệ đáp:
Tôi không phải sợ chết.
Chí nguyện cầu giải thoát;
Chỗ mong cầu chưa toại,
Vì thế nên tôi khóc.
Thân người rất khó được,
Xuất gia cũng như vậy.
Gặp Thích Sư tử vương,
Từ nay không thấy nữa.
Tên đao phủ hung ác nói với Tỳ-kheo:
“Ông nhất định phải chết, còn ưu não cái gì?”
Tỳ-kheo trả lời bằng những lời bi ai:
“Hãy cho tôi sống thời gian ngắn một tháng.”
Tên hung ác không chịu. Như vậy số ngày bớt dần lại còn bảy ngày hắn mới bằng lòng. Tỳ-kheo kia biết sắp chết, nên dũng mãnh tinh tấn, tọa thiền nhất tâm, cuối cùng cũng không thể đắc đạo được. Đến ngày thứ bảy, trong cung vua có cung nữ phạm tội nặng đến chết, bị đem giao cho tên đao phủ hung ác nay trị tội. Tên đao phủ đem nữ tội nhân bỏ vào cối dùng chày giã nát thân thể cô gái. Tỳ-kheo trông thấy việc đó nên rất chán ghét thân này: ‘Ôi, khổ thay chốc nữa ta cũng sẽ như vậy!’ Rồi nói kệ:
Ôi bậc Thầy đại bi,
Diễn nói Chánh diệu pháp:
Thân này như bọt nước,
Đúng nghĩa không có thật.
Sắc gái đẹp trước kia,
Nay đây còn đâu nữa?
Sanh tử rất đáng xả,
Kẻ ngu si tham đắm.
Buộc tâm vào nơi ấy,
Nay nên thoát gông cùm;
Vượt qua biển Tam hữu,
Rốt ráo không sanh lại.
Như thế siêng phương tiện,
Chuyên tinh tu Phật pháp;
Đoạn trừ tất cả kết,
Đắc thành A-la-hán.
Khi ấy tên đao phủ nói với Tỳ-kheo:
“Kỳ hạn đã hết.”
Tỳ-kheo hỏi:
“Tôi không hiểu điều ông nói.”
Tên đao phủ đáp:
“Trước đây người kỳ hạn bảy ngày, nay đã mãn.”
Tỳ-kheo nói kệ đáp:
Tâm tôi được giải thoát,
Vô minh tối tăm lớn.
Đoạn trừ các hữu cái[21],
Do giết giặc phiền não.
Mặt trời tuệ đã hiện,
Soi sáng tâm ý thức;
Rõ ràng thấy sanh tử,
Khởi lòng thương xót người.
Tùy thuận tu Chánh pháp,
Nay thân thể ta đây;
Muốn làm gì mặc ý,
Không còn có lẫn tiếc.
Lúc bấy giờ, tên hung ác kia bắt Tỳ-kheo bỏ vào trong vạc dầu sắt, lấy củi đun vào nhưng lửa không cháy. Dù có cháy nhưng chẳng nóng. Tên ấy thấy lửa không cháy, liền đánh đập người bị sai, rồi tự đốt lửa. Lửa bỗng cháy bừng dữ dội. Thật khá lâu, nó mở nắp vạc sắt; thấy Tỳ-kheo ấy giữa vạc dầu sôi ngồi trên hoa sen. Tên hung ác vô cùng ngạc nhiên, lạ lùng, liền đến tâu với Quốc vương. Nhà vua vội vàng sai thắng xe ngựa, dẫn theo đám đông vô số người, đến xem Tỳ-kheo. Tỳ-kheo biết đã đến lúc có thể điều phục vua, liền phóng thân lên hư không như con chim nhạn chúa, phô bày các thứ biến hóa. Như kệ sau đây:
Vua thấy Tỳ-kheo này,
Thân bay lên hư không;
Lòng vô cùng hoan hỷ,
Chắp tay nhìn vị Thánh:
Nay tôi xin được nói,
Điều không rõ trong ý:
Hình thể không khác người,
Thần thông chưa từng có.
Vì tôi phân biệt nói:
Tu tập những pháp gì;
Khiến ngài được thanh tịnh,
Xin vì tôi giảng rộng?
Khiến được pháp thắng diệu,
Tôi hiểu pháp tướng rồi;
Sẽ làm đệ tử ngài,
Hoàn toàn không hối tiếc.
Tỳ-kheo kia nghĩ thầm: ‘Nay ta đã điều phục được vị vua này, có nhiều điều cần phải hướng dẫn: Hộ trì Phật pháp, phân bố rộng rãi xá-lợi của Như Lai, đem an vui cho vô lượng chúng sanh, nơi cõi Diêm-phù-đề này, khiến mọi người đều tin Tam bảo.’ Vì nhân duyên này nên tự hiển lộ các đức kia. Tỳ-kheo hướng về vua nói kệ:
Tôi là đệ tử Phật,
Đã được sạch các lậu;
Lại nữa, là con Phật,
Không đắm tất cả hữu.
Nay tôi đã điều phục,
Đấng Lưỡng Túc Vô Thượng;
Tâm tĩnh chỉ, tịch tĩnh,
Mối sợ lớn sanh tử.
Nay tôi đều được thoát,
Trọn lìa được ba cõi;
Trong Thánh pháp Như Lai,
Được lợi ích như vậy.
Vua A-dục nghe Tỳ-kheo nói như vậy, khởi lòng tin kính Phật vô hạn. Vua lại thưa:
“Lúc Phật chưa diệt độ, Ngài đã huyền ký điều gì?”
Tỳ-kheo đáp:
“Phật huyền ký Đại vương: ‘Sau khi Phật diệt độ khoảng một trăm năm, tại thành Ba-liên-phất, có ba ức nhà. Nước ấy có vua tên A-dục, sẽ làm vua cõi Diêm-phù-đề này, làm Chuyển luân vương, dùng Chánh pháp cai trị giáo hóa và lại phân bố xá-lợi Ngài khắp Diêm-phù-đề, dựng tám vạn bốn ngàn tháp. Phật đã huyền ký Đại vương như vậy. Nhưng ngày nay Đại vương tạo ra địa ngục lớn này, giết hại vô lượng nhân dân. Bây giờ, vua nên mở lòng thương xót nghĩ đến tất cả chúng sanh, ban bố sự không sợ hãi, khiến họ an ổn. Như lời Phật huyền ký Đại vương, Đại vương nên như pháp tu hành.”
Và Tỳ-kheo nói kệ:
Nên thực hành từ tâm,
Chớ não hại chúng sanh;
Nên tu tập Phật pháp,
Rộng phân bố xá-lợi.
Bấy giờ, A-dục vô cùng kính tin Phật, chắp tay làm lễ Tỳ-kheo:
“Tôi phạm tội lớn, nay đối trước Tỳ-kheo xin sám hối. Những việc làm của tôi thật sự không thể tha thứ được. Nay nguyện làm Phật tử. Hãy nhận sự sám hối của tôi. Mong hỷ xả, chớ quở trách. Tôi là kẻ ngu si, nay lại quy y.”
Và vua nói kệ:
Tôi nay quy y Phật,
Pháp thắng diệu vô thượng;
Chúng Tỳ-kheo tôn kính;
Nay tôi trọn quy mạng.
Nay tôi phải dũng mãnh,
Vâng lời Thế Tôn dạy;
Nơi Diêm-phù-đề này,
Dựng khắp các tháp Phật.
Cúng dường đủ các thứ,
Treo lụa và tràng phan;
Trang nghiêm tháp Thế Tôn,
Tráng lệ đời ít có.
Tỳ-kheo độ A-dục xong, liền nương nơi hư không mà hóa. Nhà vua từ ngục mà ra, tên đao phủ tâu vua:
“Vua không đi được.”
Vua hỏi:
“Nay người muốn giết ta sao?”
Đáp:
“Đúng vậy.”
Vua nói:
“Ai là người đầu tiên vào ngục này?”
“Chính tôi.”
“Nếu như vậy, thì ngươi đáng chết trước.”
Vua ra lệnh đem tên hung ác này bỏ vào nhà có bôi keo, lấy lửa đốt cháy. Rồi ra lệnh phá hoại địa ngục này, ban sự không sợ hãi cho chúng sanh.
Bấy giờ, vua muốn xây tháp xá-lợi, đem bốn binh chủng đến thành Vương xá lấy xá-lợi trong tháp Phật của vua A-xà-thế, rồi trở về sửa sang tháp này giống như trước không khác. Như vậy, A-dục đã lấy xá-lợi từ bảy tháp Phật. Sau đó lại đưa đến thôn La-ma-la[22]. Rồi, các Long vương đưa vua vào Long cung. Vua đòi vua Rồng cúng dường xá-lợi. Long vương liền trao cho vua. Vua ra khỏi Long cung. Như bài kệ nói:
Trong thôn La-ma-la,
Nơi đó có tháp Phật;
Do Long vương thờ phụng,
Giữ gìn và cúng dường.
Vua đòi vua Rồng chia,
Các rồng sẵn lòng cho;
Vua cầm xá-lợi này,
Đem đến các phương khác.
Vua làm tám muôn bốn ngàn hộp bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê để đựng xá-lợi Phật. Lại làm tám muôn bốn ngàn bình tứ bảo để chứa các ngàn hộp này. Rồi làm vô lượng trăm ngàn tràng phan, tàn lọng lụa trắng, khiến cho các quỷ thần mỗi vị cầm giữ đồ vật cúng dường xá-lợi. Vua lại ra lệnh cho các quỷ thần rằng: ‘Diêm-phù-đề cho đến làng, xóm, thành ấp, ven biển, đầy một ức nhà, hãy lập tháp Xá-lợi để thờ Thế Tôn.’
Đương thời có nước tên là Đức[23]-xoa-thi-la có ba mươi sáu ức nhà. Người nước ấy nói với quỷ thần: ‘Hãy cho chúng tôi ba mươi sáu hộp xá-lợi. Chúng tôi sẽ dựng tháp Phật.’ Vua làm phương tiện: nước nào ít dân, chia thêm cho đủ số dân mà dựng tháp.
Bấy giờ, tại ấp Ba-liên-phất có Thượng tọa tên Da-xá. Vua đi đến chỗ Thượng tọa thưa:
“Tôi muốn một ngày dựng tám vạn bốn ngàn tháp khắp cả Diêm-phù-đề. Ý nguyện như vậy.”
Như kệ tán thán:
Đại vương tên A-dục,
Từ tám ngôi tháp trước,
Lấy ra xá-lợi Phật
Nơi Diêm-phù-đề này.
Xây dựng các tháp Phật,
Tám muôn và bốn ngàn;
Rộng rãi và thắng diệu,
Một ngày đều hoàn tất.
Thượng tọa nói với vua:
“Lành thay, Đại vương! Ấn định mười lăm ngày sau, khi nguyệt thực[24] cho xây các tháp Phật cõi Diêm-phù-đề.”
Như vậy chỉ trong một ngày, dựng tám muôn bốn ngàn tháp. Nhân dân thế gian vui mừng vô hạn cùng gọi là ‘Pháp A-dục vương’[25]. Tán thán như bài kệ sau:
Vua dòng thánh Khổng Tước,
An vui người thế gian.
Nơi Diêm-phù-đề này,
Kiến lập pháp thắng diệu.
Trước gọi là Ác vương,
Nay tạo nghiệp tốt lành;
Cùng xưng gọi Pháp vương,
Tương truyền mãi về sau.
Vua đã dựng tám muôn bốn ngàn tháp, nên lấy làm phấn khởi, vui mừng, đem các quần thần đi đến tinh xá Kê tước[26]. Vua thưa với Thượng tọa Da-xá:
“Có Tỳ-kheo nào được Phật thọ ký sẽ làm Phật sự chăng? Tôi sẽ đi đến Tỳ-kheo ấy cúng dường cung kính.”
Thượng tọa Da-xá đáp:
“Lúc Phật sắp Niết-bàn, hàng phục Long vương A-ba-la[27], thợ gốm Chiên-đà-la[28],rồng Cù-ba-lê[29], đi đến nước Ma-thâu-la[30],Phật bảo Tôn giả A-nan: ‘Sau khi Ta nhập Niết-bàn khoảng một trăm năm có trưởng giả tên là Cù-đà[31] có con tên là Ưu-ba-quật-đa[32]sẽ xuất gia học đạo, bằng Vô tướng Phật[33] mà dạy dỗ người, là bậc nhất, sẽ làm Phật sự.’ Phật bảo A-nan: ‘Có thấy núi xa kia chăng?’ A-nan bạch: ‘Bạch Thế Tôn, thấy.’ Phật bảo A-nan: ‘Núi này tên là Ưu-lưu-mạn-trà[34], đó là chỗ A-lan-nhã gọi là Na-trà-bà-đê[35], phù hợp với sự tịch tĩnh.’ Phật nói kệ ca ngợi:
Tỳ-kheo Ưu-ba-quật,
Vị Giáo thọ bậc nhất;
Tiếng đồn khắp bốn phương,
Được thọ ký tối thắng.
Sau khi Ta diệt độ,
Sẽ làm các Phật sự;
Độ tất cả chúng sanh,
Số lượng nhiều vô hạn.”
Nhà vua hỏi Thượng tọa Da-xá:
“Tôn giả Ưu-ba-quật nay đã ra đời chưa?”
Thượng tọa đáp:
“Vị ấy đã ra đời và xuất gia học đạo, hàng phục phiền não, là A-la-hán cùng với vô lượng Tỳ-kheo quyến thuộc một muôn tám ngàn đang trú tại A-lan-nhã ở núi Ưu-lưu-mạn-trà. Vì thương xót chúng sanh, nên nói pháp tịnh diệu như Phật, hóa độ vô lượng trời, người khiến cho được vào thành cam lộ.”
Nhà vua nghe xong vui mừng khôn xiết. Tức thì ra lệnh cho quần thần nhanh chóng sửa soạn xe cộ, đưa vô lượng quyến thuộc đến nơi ấy, để cung kính cúng dường Ưu-ba-quật-đa.
Bấy giờ, các quan tâu với vua rằng:
“Vị Thánh này đang ở tại nước của vua. Nên sai tín sứ rước vị ấy. Vị ấy sẽ tự mình đến.”
Vua trả lời các quan:
“Không nên sai tín sứ đến nơi ấy. Ta nên tự đến, không nên để vị ấy tới đây.”
Và vua nói kệ:
Ngươi được lưỡi Kim cang,
Vẫn không thể phá vỡ,
Ngăn ta đến nơi kia,
Gần gũi người nhà nông[36].”
Vua sai tín sứ đến báo Tôn giả: ‘Ngày nào đó, vua sẽ đến chỗ Tôn giả.’
Tôn giả suy nghĩ: ‘Nếu vua đến sẽ có rất đông người đi theo, chịu bao khổ sở, lại bức bách sát hại côn trùng và hại nhân dân làng xóm.’ Suy nghĩ xong, Tôn giả trả lời sứ giả rằng:
“Tôi sẽ tự đi đến cung vua.”
Khi vua nghe Tôn giả tự đến, vui mừng sung sướng vô hạn. Từ Ma-thâu-la đến Ba-liên-phất, ở khoảng giữa hai nơi, vua cho đặt thuyền bè, trên thuyền treo phướn lọng. Tôn giả Ưu-ba-quật, vì thương xót vua nên đem chúng A-la-hán một muôn tám ngàn vị theo đường thủy đến vương quốc. Bấy giờ, người trong nước tâu vua:
“Tôn giả Ưu-ba-quật đem một muôn tám ngàn Tỳ-kheo đến đây rồi.”
Vua sung sướng mừng rỡ khôn xiết, vội cởi chuỗi ngọc giá trị ngàn vàng trao cho họ. Rồi vua cùng các đại thần, quyến thuộc đi đến chỗ Tôn giả, cởi bỏ hành lý, năm vóc sát đất, làm lễ trước Tôn giả, quỳ gối chắp tay thưa rằng:
“Tôi nay thống lãnh cõi Diêm-phù-đề này, tuy ngồi ở ngôi vua mà không lấy làm vui. Hôm nay thấy được Tôn giả, vui mừng khôn xiết. Đệ tử của Như Lai mới có thể như vậy, thấy Tôn giả như thấy được Phật.”
Và vua nói kệ:
“Tịch diệt, đã qua đời,
Nay ngài làm Phật sự.
Dứt ngu si thế gian,
Như mặt trời Phật chiếu.
Vì đời làm Đạo sư,
Bậc thuyết pháp đệ nhất;
Chúng sanh đáng nương cậy,
Nay tôi rất hoan hỷ.”
Nhà vua ra lệnh cho sứ giả loan báo khắp nước rằng:
“Tôn giả Ưu-ba-quật ngày nay đến nước này.”
Bèn xướng lên rằng:
“Ai muốn được giàu sang,
Xa lìa khổ bần cùng;
Thường được vui cõi trời;
Ai giải thoát Niết-bàn.
Nên gặp Ưu-ba-quật,
Cung kính và cúng dường.
Ai chưa thấy chư Phật,
Nay thấy Ưu-ba-quật.”
Bấy giờ, nhà vua chỉnh trang bờ cõi, đắp đường bằng phẳng, treo lụa, phan, lọng, xông hương, rãi hoa, tấu nhạc. Nhân dân cả nước đều ra ngoài nghinh đón Tôn giả Ưu-ba-quật để cúng dường cung kính.
Bấy giờ, Tôn giả Ưu-ba-quật tâu vua:
“Tâu Đại vương, ngài nên đem chánh pháp cai trị, giáo hóa, thương xót chúng sanh. Vì Tam bảo khó gặp, nên đối với Tam bảo cúng dường, cung kính, tu niệm và khen ngợi, vì người giảng nói rộng. Vì sao? Vì Như Lai, Ứng Cúng, Đẳng Chánh Giác, là bậc Tri giả, Kiến giả, thường huyền ký rằng: ‘Chánh pháp của Ta được ký thác nơi Quốc vương và Tỳ-kheo Tăng của ta’.”
Và Tôn giả nói kệ:
“Bậc Thế Hùng tôn kính,
Chánh pháp rất thắng diệu;
Ký thác nơi Đại vương,
Cùng với Tỳ-kheo Tăng.”
Nhà vua thưa với Tôn giả Ưu-ba-quật:
“Tôi đã dựng lập Chánh pháp.”
Và vua nói kệ:
“Tôi đã tạo các tháp,
Trang nghiêm các bờ cõi;
Khởi cúng dường mọi thứ,
Phan, lọng cùng trân bảo.
Phân bố xá-lợi Phật,
Khắp cả Diêm-phù-đề;
Tôi tạo các phước này,
Ý nguyện đã trọn vẹn.
Chính mình và vợ con,
Trân bảo và đất đai;
Nay đều xả thí hết,
Cúng dường tháp Hiền thánh.”
Tôn giả Ưu-ba-quật khen ngợi vua:
“Lành thay! Lành thay, Đại vương nên thực hành pháp như vậy.”
Tôn giả nói kệ:
“Xả thân mạng của cải,
Đời đời không lo âu;
Được phước lành vô cùng,
Ắt được Vô thượng giác.”
Vua thỉnh Tôn giả Ưu-ba-quật vào thành, rồi sửa soạn chỗ ngồi các loại, mời Tôn giả an tọa. Còn chúng Tăng được mời đến tinh xá Kê tước. Vua thưa Tôn giả rằng:
“Tôn giả dung mạo đẹp đẽ, thân thể mềm mại, còn tôi hình thù xấu xí, da dẻ sần sùi.”
Tôn giả nói kệ:
“Lúc tôi hành bố thí,
Tâm tịnh, tài vật tốt;
Không bằng vua bố thí,
Đem cát cúng dường Phật.”
Vua nói kệ đáp:
“Khi trẫm còn trẻ thơ,
Cúng dường Phật nắm cát;
Nay được quả như vầy,
Huống chi thí vật tốt.”
Tôn giả nói kệ khen:
“Khoái thay! Thiện Đại vương,
Cúng dường nắm đất cát;
Trong ruộng phước Vô thượng,
Vun trồng quả vô tận.”
Bấy giờ, vua A-dục bảo các đại thần:
“Ta nhờ lấy nắm cát cúng dường Phật được quả báo như vầy; làm sao mà chẳng tin kính đối với Thế Tôn?”
Vua lại thưa với Tôn giả:
“Tôn giả chỉ cho tôi chỗ Phật nói pháp, những nơi Phật du hành, nên đến cúng dường lễ bái, vì các chúng sanh đời sau nhiếp thọ các căn lành.”
Và rồi nói kệ:
“Chỉ cho tôi Pháp Phật,
Các nước và trú xứ;
Cúng dường và tin kính,
Vì chúng sanh đời sau.”
Tôn giả nói:
“Lành thay! Lành thay Đại vương, có thể phát diệu nguyện, tôi sẽ chỉ cho Đại vương nơi chỗ, để vì chúng sanh đời sau.”
Bấy giờ, vua đem bốn loại binh chủng và các thứ cúng dường hương hoa, tràng phan và kỹ nhạc, đem luôn Tôn giả khởi hành đến rừng Long tần[37], chỉ đây là chỗ Như Lai đản sanh. Và Tôn giả nói kệ:
“Nơi Như Lai đản sanh,
Khi sanh đi bảy bước;
Xoay nhìn khắp bốn phương,
Đưa tay chỉ lên trời:
Nay Ta sanh lần cuối,
Sẽ đắc đạo Vô thượng;
Trên Trời và cõi Người,
Ta là Vô Thượng Tôn.”
Bấy giờ, nhà vua năm vóc sát đất, cúng dường lễ bái, liền dựng tháp Phật. Tôn giả tâu vua:
“Đại vương muốn thấy chư Thiên, thấy chỗ Đức Phật khi đản sanh đi bảy bước không?”
Nhà vua thưa:
“Rất muốn được thấy.”
Tôn giả đưa tay chỉ cành cây mà Ma-da Phu nhân đã vịn vào, Tôn giả bảo thần cây:
“Thọ thần, nay hãy hiện ra, để vua được thấy, sanh đại hoan hỷ.”
Vừa dứt tiếng, liền thấy thọ thần đứng bên Tôn giả nói rằng:
“Ngài dạy điều gì tôi sẽ vâng theo.”
Tôn giả nói với vua:
“Vị thần này đã thấy Phật lúc sanh.”
Vua nói kệ hỏi thần:
“Ngài thấy thân trang nghiêm,
Lúc sanh có hoa sen,
Chân bước đi bảy bước,
Miệng cất lên tiếng nói.”
Thần đáp lại bằng bài kệ:
“Tôi thấy thân tốt đẹp,
Đấng Thế Tôn mới sanh,
Chân bước đi bảy bước,
Miệng cất lên tiếng nói,
‘Ở trong trời và người,
Ta là Vô Thượng Tôn’.”
Vua hỏi thần:
“Khi Phật sanh có điềm lành gì?”
Thần đáp:
“Tôi không thể nói những việc quá mầu nhiệm. Nay lược nói phần ít:
Ánh sáng soi chiếu suốt,
Thân thể đủ tướng đẹp,
Khiến người vui mừng thấy,
Cảm động đến đất trời.”
Vua nghe thần nói, vui mừng ban cho thần mười muôn lượng trân bảo rồi đi. Tôn giả Ưu-ba-quật lại đưa vua vào trong thành nói.
“Nơi này Bồ-tát hiện ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, thân sắc vàng trang nghiêm sáng chói.”
Nhà vua liền hướng về nơi ấy làm lễ và cúng dường các thứ. Tôn giả lại đưa vua đến trong Thiên tự, bảo vua:
“Lúc Thái tử sanh ra được đưa đến vị thần ở Thiên tự kia lễ bái. Nhưng bấy giờ các thần đó đều lễ bái Bồ-tát. Khi đó, nhân dân mới lập danh Bồ-tát, rằng đó là Trời trên các Trời. Vua lại đem các thứ cúng dường.”
Tôn giả lại đưa vua đến chỉ chỗ và nói:
“Nơi đây vua cha đem Bồ-tát đến các chỗ cho các Bà-la-môn, bảo đoán xem tướng của Ngài.”
Vua lại cúng dường đủ thứ. Lại chỉ cho vua chỗ này là nhà học của Bồ-tát, chỗ này học cỡi voi, chỗ này học cỡi ngựa, cỡi xe, bắn cung, chỗ này Bồ-tát học các kỹ thuật, chỗ này Bồ-tát rèn luyện thân, chỗ này là nơi dạo chơi của sáu muôn phu nhân của Bồ-tát. Chỗ này Bồ-tát thấy người già, bệnh, chết, chỗ này Bồ-tát ngồi dưới cây Diêm-phù-đề, ngồi thiền đắc ly dục, bóng cây chẳng rời thân, phụ vương hướng về đó làm lễ. Chỗ này Bồ-tát đem trăm ngàn thiên thần ra khỏi thành và đi; chỗ này Bồ-tát cởi chuỗi ngọc trao cho Xa-nặc, sai đem ngựa trở về nước và nói kệ:
Bồ-tát ở nơi này,
Cởi chuỗi ngọc và mũ,
Trao cho chàng Xa-nặc,
Giục ngựa trở về nước,
Đi một mình không bạn,
Ngài vào núi học đạo.
Lại chỗ này Bồ-tát đổi lấy áo ca-sa của thợ săn, khoác áo này rồi xuất gia, chỗ này là chỗ chư Tiên nhân cung thỉnh Ngài, chỗ này là chỗ vua Bình-sa muốn chia cho Bồ-tát một nửa nước, chỗ này Bồ-tát hỏi đạo nơi Tiên nhân Ưu-lam-phất, chỗ này Bồ-tát sáu năm khổ hạnh. Như kệ nói:
Khổ hạnh trong sáu năm,
Chịu khổ não cùng cực,
Biết không phải chân đạo,
Liền bỏ hạnh tu đó.
Chỗ này hai người nữ dâng sữa cúng Bồ-tát. Như kệ nói:
Đại Thánh ở nơi đây,
Nhận sữa hai người nữ,
Từ đây đứng lên đi,
Đi đến cây Bồ-đề.
Chỗ này rồng Ca-lê[38] khen ngợi Bồ-tát. Như kệ nói:
Nơi này rồng Ca-lê
Khen ngợi đức Bồ-tát,
Nên theo đạo thời cổ,
Chứng diệu quả Vô thượng.
Vua hướng về Tôn giả và nói kệ:
Nay tôi muốn thấy rồng,
Rồng kia đã thấy Phật,
Từ đây đến Bồ-tát,
Chứng đắc quả thắng diệu.
Tôn giả lấy tay chỉ Long vương bảo:
“Này Long vương Ca-lê, ông đã thấy Phật, nay nên hiện thân.”
Long vương nghe tiếng liền xuất hiện, đứng trước Tôn giả, chắp tay thưa:
“Thưa Tôn giả có điều gì chỉ dạy?”
Tôn giả nói với vua:
“Long vương này thấy Phật, khen ngợi Như Lai.”
Vua chắp tay hướng về Long vương nói kệ:
“Ngài thấy thân Kim cương,
Thầy tôi, Bậc Vô Thượng,
Mặt như trăng sáng đầy,
Xin nói oai đức ngài,
Công đứùc của mười lực,
Lúc ngài đến đạo tràng.”
Long vương đáp lại:
“Nay tôi sẽ diễn nói,
Lúc chân đạp trên đất,
Cỡi đất sáu chấn động,
Ánh sáng nơi mặt trời,
Chiếu khắp ba ngàn cõi,
Đi đến cây Bồ-đề.”
Bấy giờ nhà vua ở các nơi ấy cúng dường các thứ và dựng tháp miếu. Kế đó Tôn giả đưa vua đến cội cây nơi Phật thành đạo, bảo vua rằng:
“Tại cây này, Đại Bồ-tát do sức tam-muội phá quân ma, đắc vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.”
Tôn giả nói kệ:
“Mâu-ni Ngưu Vương Tôn,
Ở cây Bồ-đề này,
Hàng phục quân ma ác,
Được thắng quả Bồ-đề,
Đáng kính trong trời, người,
Chẳng có ai sánh bằng.”
Vua cúng dường vô lượng trân bảo và các thứ, cùng dựng tháp miếu lớn. Chỗ này, Tứ thiên vương mỗi vị ôm một cái bát đem dưng cúng Phật, hợp lại thành một bát. Chỗ này là chỗ Như Lai nhạân những bữa ăn cúng dường của anh em khách buôn. Chỗ này khi Như Lai đến nước Ba-la-nại, có ngoại đạo A-thời-bà[39] hỏi Phật. Chỗ này là vườn Lôïc dã, Tiên nhân trú xứ. Như Lai ở trong đó, vì năm vị Tỳ-kheo ba lần chuyển Pháp luân mười hai hành.
Tôn giả nói kệ:
“Nơi đây vườn Lộc dã,
Như Lai chuyển pháp luân;
Ba chuyển mười hai hành,
Năm người được dấu đạo.”
Nhà vua cúng dường nơi này đủ thứ và xây dựng tháp miếu. Chỗ này Như Lai hóa độ tiên nhân Ưu-lâu-tần-loa Ca-diếp[40]. Chỗ này Như Lai nói pháp cho vua Bình-sa[41], vua thấy được chân lý cùng với vô lượng nhân dân, chư Thiên đắc đạo. Chỗ này Như Lai nói pháp cho Thiên đế Thích. Đế Thích cùng với tám muôn chư Thiên đắc đạo. Chỗ này Như Lai thị hiện thần lực, biến hóa các thứ. Chỗ này Như Lai lên trời vì mẹ thuyết pháp, dẫn theo vô lượng Thiên chúng xuống nhân gian. Vua lại cúng dường các thứ và cho xây dựng tháp miếu.
Tôn giả bảo vua A-dục:
“Đến nước Cưu-thi-la-kiệt[42], nơi đây Như Lai làm xong đầy đủ Phật sự, nhập Vô dư Niết-bàn.”
Tôn giả nói kệ:
“Độ thoát các Trời, Người,
Rồng, Tu-la, Dạ-xoa;
Kiến lập pháp vô tận,
Phật sự đã hoàn tất.
Nơi hữu được tịch diệt,
Đại bi vào Niết-bàn;
Như củi hết lửa tắt;
Rốt ráo được thường trụ.”
Vua nghe những lời này buồn bã, đau xót đến ngất xỉu trên đất. Bấy giờ các quan lấy nước rửa mặt cho vua. Một hồi lâu tỉnh lại, bật khóc, nước mắt ràn rụa. Sau đó vua cúng dường đủ thứ và cho xây dựng tháp miếu lớn.
Vua thưa Tôn giả:
“Ý nguyện tôi muốn được thấy các Đại đệ tử của Phật được thọ ký, muốn cúng dường xá-lợi các ngài. Xin Tôn giả chỉ cho!”
Tôn giả nói với vua:
“Lành thay! Lành thay Đại vương đã phát được diệu tâm như vậy.”
Tôn giả đem vua đến nước Xá-vệ vào tinh xá Kỳ-hoàn, đưa tay chỉ tháp:
“Đây là tháp của Tôn giả Xá-lợi-phất, vua nên cúng dường.”
Vua nói:
“Vị này có công đức gì?”
Tôn giả đáp:
“Đây là vị Pháp vương thứ nhì, tùy thuận chuyển pháp luân.”
Và Tôn giả nói kệ:
“Trí tất cả chúng sanh,
Sánh với Xá-lợi-phất,
Bằng một phần mười sáu;
Trừ trí của Như Lai.
Như Lai chuyển pháp luân,
Ngài có thể tùy chuyển;
Ngài có vô lượng đức,
Ai có thể nói hết!”
Nhà vua vui mừng vô hạn, bỏ ra mười muôn lượng trân bảo cúng dường tháp Xá-lợi-phất và nói kệ:
“Con lạy Xá-lợi-phất,
Giải thoát mọi sợ hãi;
Danh đồn khắp thế gian,
Trí tuệ không ai bằng.”
Kế đến, Tôn giả chỉ cho vua tháp Tôn giả Đại Mục-kiền-liên. Vua muốn cúng dường tháp này nên hỏi:
“Vị này có công đức gì?”
Tôn giả đáp:
“Vị này Thần túc bậc nhất. Lấy ngón chân ấn trên đất, đất liền chấn động, đến Long cung, hàng phục Long vương Nan-đà, Bạt-nan-đà[43].”
Và Tôn giả nói kệ:
“Ấn ngón chân động đất,
Đến tận cung Đế Thích;
Thần túc không ai bằng,
Ai có thể nói hết?
Hai vua rồng hung bạo,
Trông thấy đều sợ hãi;
Với sức thần túc kia,
Hàng phục hết sân nhuế.”
Bấy giờ, vua cúng dường tháp mười muôn lượng trân bảo và nói kệ khen:
“Bậc Thần túc đệ nhất,
Lìa khỏi già, bệnh, chết;
Có công đức như vậy,
Nay lễ Mục-kiền-liên.”
Kế đến, Tôn giả chỉ tháp Tôn giả Ma-ha Ca-diếp, nói với vua:
“Đây là tháp Ma-ha Ca-diếp, vua nên cúng dường.”
Vua hỏi:
“Vị này có công đức gì?”
Tôn giả đáp:
“Tôn giả này ít muốn, biết đủ, Đầu-đà bậc nhất, được Như Lai chia cho nửa tòa và y Tăng-già-lê. Tôn giả ấy thương xót chúng sanh, hưng lập Chánh pháp.”
Tôn giả nói kệ:
“Ruộng công đức bậc nhất,
Thương xót loài bần cùng;
Khoác Tăng-già-lê Phật,
Xây dựng nên Chánh pháp.
Tôn giả có đức lớn,
Ai có thể nói hết?”
Vua lại cúng dường mười muôn lượng trân bảo và nói kệ khen ngợi:
“Thường ưa thích tịch tịnh,
Nương náu nơi rừng rậm;
Ít muốn, biết đủ, giàu.
Nay lễ Đại Ca-diếp.”
Kế đến, Tôn giả lại chỉ tháp của Tôn giả Bạc-câu-la và nói với vua:
“Đây là tháp của Bạc-câu-la, vua nên cúng dường.”
Vua hỏi:
“Vị này có công đức gì?”
Tôn giả đáp:
“Tôn giả ấy được Bậc nhất không bệnh, cho đến, chẳng nói cho ai được một câu pháp, lặng lẽ không lời.”
Vua bảo:
“Đem một tiền cúng dường.”
Các quan tâu vua:
“Công đức như nhau vì sao nơi đây cúng một tiền?”
Vua bảo:
“Hãy nghe tôi nói,
Tuy trừ si, vô minh,
Trí tuệ hay soi xét,
Tuy có tên Bạc-câu,
Có ích gì cho đời?”
Bấy giờ, đồng tiền kia trở về lại chỗ vua. Các đại thần trông thấy, cho là việc lạ lùng hiếm có. Tất cả đồng lên tiếng khen ngợi:
“Ôi! Tôn giả! Ngài ít muốn, biết đủ, đến nỗi chẳng cần một đồng tiền.”
Tôn giả lại chỉ tháp của Tôn giả A-nan, nói với vua:
“Đây là tháp của Tôn giả A-nan, nên cúng dường.”
Vua hỏi:
“Tôn giả A-nan có công đức gì?”
“Tôn giả này là thị giả của Phật, Đa văn bậc nhất, kết tập kinh Phật.”
Và nói kệ:
“Giữ gìn bát Như Lai,
Giỏi nhớ, hay quyết đoán,
Học rộng như biển lớn,
Biện tài tiếng dịu dàng,
Làm vui lòng trời, người,
Khéo biết tâm chư Phật,
Tất cả điều sáng tỏ,
Là rương báu công đức,
Được khen ngợi tối thắng,
Hàng phục phiền não tránh,
Những công đức như thế,
Xứng đáng nên cúng dường.”
Vua liền cúng dường một trăm ức lượng trân bảo. Các quan tâu vua:
“Vì sao ở đây bệ hạ lại cúng dường nhiều hơn những nơi trước?”
Vua đáp:
“Hãy nghe tôi nói lý do trong tâm của mình:
Thân thể của Như Lai,
Pháp thân tánh thanh tịnh,
Vị này hay vâng giữ,
Vì thế cúng dường hơn.
Đèn Pháp còn ở đời,
Dứt lòng si tối này,
Đều nhờ nơi Tôn giả;
Vì thế cúng dường hơn.
Như nước trong biển lớn,
Dấu chân trâu không chứa;
Như biển trí của Phật,
Người khác khó phụng trì.
Duy Tôn giả A-nan,
Nghe qua đều nhớ hết,
Không khi nào quên mất;
Vì thế cúng dường hơn.
Khi vua cúng dường các thứ như thế xong, vua hướng về Tôn giả Ưu-ba-quật chắp tay và nói kệ:
“Nay tôi mang thân này,
Chẳng còn phụ thân này,
Tu vô lượng công đức,
Nay làm Vua loài người,
Tôi đem lòng kiên thật,
Tạo lập các tháp miếu,
Trang nghiêm nơi thế gian,
Như sao làm đẹp trăng.
Vâng pháp đệ tử Phật,
Thực hành các lễ tiết,
Nay tôi đã làm hết,
Cúi đầu trước Tôn giả.
Nhờ ân lực Tôn giả,
Nay thấy việc thắng diệu,
Chóng được lợi lành lớn,
Nhờ đây phân biệt pháp.”
Vua cúng dường như trên và thường đi đến Bồ-đề đạo tràng. Dưới cây này, Như Lai đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Bằng sự cúng dường trân bảo hiếm có trong thế gian, vua cúng dường cây Bồ-đề. Lúc ấy, phu nhân của vua tên là Đề-xá-la-hy-đa[44], phu nhân nghĩ rằng: ‘Vua yêu ta và ta cũng hết sức yêu vua. Ngày nay vua bỏ ta đi, đem châu báu đến chỗ cây Bồ-đề. Bấy giờ, ta sẽ làm cách chết cây Bồ-đề này. Khi cây đã chết khô, lá tàn rụng, vua sẽ không đến nữa, ngài sẽ cùng ta vui vầy.’ Phu nhân lại gọi Chú sư đến, bảo Chú sư bảo rằng:
“Ngươi có thể làm chết cây Bồ-đề này không?”
Chú sư đáp:
“Có thể, cho tôi một ngàn lượng vàng.”
Phu nhân liền trao cho người ấy một ngàn lượng tiền vàng. Chú sư đến cây Bồ-đề, dùng câu chú niệm chú nơi cây và lấy giải lụa buộc cây lại. Cây dần dần chết khô, lá úa tàn rụng. Cây chưa chết hẳn, lá xơ xác rơi rụng. Chú sư tâu phu nhân:
“Phải lấy sữa nóng rưới lên cây mới có thể làm cho cây khô.”
Phu nhân tâu vua:
“Tôi muốn đem sữa đến cúng dường cây Bồ-đề.”
Vua đáp:
“Tùy ý khanh chăng?”
Như thế, cho đến, lấy sữa nóng rưới lên cây Bồ-đề, cây bị khô héo. Các phu nhân tâu vua:
“Cây Bồ-đề bỗng nhiên chết khô, lá úa tàn rụng!”
Và họ nói kệ:
Cây Như Lai y cứ,
Gọi là cây Bồ-đề,
Tại đó thành Chánh giác,
Đầy đủ nhất thiết trí.
Nay Đại vương nên biết,
Cây này đang khô chết,
Sắc lá cũng biến khác,
Chẳng biết vì cớ sao?
Nhà vua nghe lời này, liền ngất xỉu trên đất. Đám quần thần lấy nước rải lên mặt vua, một hồi lâu vua mới tỉnh lại, rơi nước mắt rồi bảo:
Ta thấy cây Bồ-đề,
Như là thấy Như Lai,
Nay nghe cây này chết,
Ta cũng sẽ chết theo.
Phu nhân Đề-xá-la-hy-đa thấy vua ưu sầu, tâu vua:
“Xin Đại vương chớ buồn rầu. Tôi sẽ làm vui lòng Đại vương.”
Vua nói:
“Nếu không có cây ấy, mệnh sống của ta cũng không còn. Như Lai nơi cây này đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Nếu cây này không còn, ta sống để làm gì?”
Phu nhân nghe vua nói lời quyết định như thế, liền trở lại lấy sữa lạnh tưới dưới gốc cây Bồ-đề, cây từ từ sống lại. Vua nghe nói lấy sữa tưới cây sống lại, mỗi ngày vua cho ngàn thau sữa tưới gốc cây, cây sống lại như trước, các phu nhân tâu vua:
“Cây Bồ-đề tươi tốt lại như xưa. “
Nghe xong vua lấy làm mừng, vội đến dưới cây Bồ-đề nhìn chăm chăm không rời và nói kệ:
“Việc các vua chưa làm,
Vua Bình-sa, Trì quốc,
Nay ta nên cúng dường,
Ta tắm cây Bồ-đề,
Bằng sữa và nước thơm,
Hương hoa và hương xoa,
Sẽ lại cúng dường Tăng,
Hiền thánh năm bộ chúng.”
Vua cho bày bốn cái bồn báu bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê chứa đầy các thứ sữa thơm cùng các thứ nước thơm, đem các thứ thức ăn uống, tràng phan, bảo cái. Mỗi thứ có cả ngàn loại cùng với hương hoa kỹ nhạc. Vua thọ trì bát quan trai giới, mặc y phục sạch sẽ, ôm lò hương đến ở trên điện, hướng bốn phương làm lễ, tâm nghĩ miệng nói: ‘Đệ tử Hiền thánh của Như Lai ở các phương, xin thương xót con mà thọ nhận sự cúng dường của con’. Vua nói kệ:
“Thánh đệ tử Như Lai,
Các căn thuận tịch tĩnh,
Lìa dục cả ba cõi,
Chư Thiên nên cúng dường;
Xin hãy nhóm nơi đây,
Nhận tấm lòng biết ơn,
Thương xót theo ý con,
Khiến giống pháp lớn mạnh.
Thường thích nơi vắng lặng,
Giải thoát những chấp trước,
Chân tử của Như Lai,
Từ pháp mà hóa sanh,
Được chư Thiên cúng dường;
Nên vì thương xót con,
Nay xin đều nhóm lại,
Theo ý mọn của con.
Chư Thánh khắp các nơi,
Kế-tân, Đa-ba-bà,
Đại lâm, Ly-bà-đa,
Bên ao lớn A-nậu,
Khắp sông ngòi rừng núi,
Như thế tất cả chỗ,
Các Thánh ở trong đó,
Nay nên đến nhóm lại,
Xin vì thương xót con,
Theo ý mọn của con.
Lại ở trên cõi trời,
Cung điện Thi-lê-sa,
Trong thất đá Hương sơn,
Bậc thần thông đầy đủ,
Xin đều nhóm lại đây,
Vì thương xót con vậy.”
Lúc vua nói như vậy, ba mươi vạn Tỳ-kheo cùng tập hợp lại. Trong đại chúng ấy có mười vạn A-la-hán, hai mươi vạn các vị Hữu học và phàm phu Tỳ-kheo. Còn lại tòa của Thượng tọa không có người ngồi. Vua hỏi các Tỳ-kheo:
“Tòa của Thượng tọa sao không có người ngồi?”
Trong đại chúng có một Tỳ-kheo tên là Da-xá, là bậc A-la-hán đầy đủ lục thông, tâu vua:
“Tòa này là tòa của Thượng tọa, trong đây ai không dám ngồi.”
Vua lại hỏi:
“Ở chỗ Tôn giả có Thượng tọa chăng?”
Tôn giả Da-xá đáp:
“Tâu Đại vương, có Thượng tọa mà Phật đã huyền ký tên là Tân-đầu-lư[45]. Thượng tọa ấy xứng đáng ngồi chỗ ấy.”
Vua hết sức vui mừng nói rằng:
“Trong đây có Tỳ-kheo nào thấy Phật không?”
Tôn giả Da-xá đáp:
“Thưa Đại vương có ngài Tân-đầu-lư, ngài vẫn còn ở thế gian.”
Vua lại thưa:
“Có thể gặp được Tỳ-kheo ấy không?”
Tôn giả Da-xá đáp:
“Chẳng bao lâu sẽ gặp. Vị ấy sẽ đến ngay.”
Vua rấy hoan hỷ nói kệ:
Sung sướng được lợi ích,
Vì nhiếp thọ cho con,
Khiến con tự mắt thấy,
Tôn giả Tân-đầu-lư.
Bấy giờ, Tôn giả Tân-đầu-lư đem vô lượng A-la-hán thứ lớp đi theo, ví như con nhạn chúa từ hư không đến, ngồi vào chỗ Thượng tọa. Tỳ-kheo Tăng đều kính lễ, theo thứ lớp ngồi xuống. Nhà vua trông thấy Tôn giả Tân-đầu-lư râu tóc bạc trắng, như thân Bích-chi-phật. Vua sụp xuống lễ chân Ngài, quỳ dài chắp tay, chiêm ngưỡng dung mạo của Tôn giả và nói kệ:
Con nay ở ngôi vua,
Thống lãnh Diêm-phù-đề,
Chẳng lấy làm hoan hỷ,
Nay được thấy Tôn giả,
Con nay thấy Tôn giả,
Như thấy Phật tại thế,
Lòng con đầy phấn khởi.
Hơn cả thấy ngôi vua.
Vua lại thưa Tôn giả:
“Tôn giả đã từng thấy Thế Tôn, bậc ba cõi đều kính ngưỡng, tôn sùng chăng?”
Lúc đó Tôn giả Tân-đầu-lư lấy tay vén lông mày nhìn vua và nói:
“Tôi được thấy Như Lai,
Thế gian không gì sánh,
Toàn thân màu vàng sáng,
Ba mươi hai tướng đẹp,
Mặt tịnh như trăng rằm,
Tiếng Phạm âm êm ái,
Hàng phục phiền não tránh,
Thường an trú tịch diệt.”
Vua lại hỏi:
“Tôn giả thấy Phật nơi nào?”
“Tôn giả đáp:
“Khi Như Lai đem năm trăm vị A-la-hán đến thành Vương xá an cư lần đầu. Lúc ấy tôi cũng ở trong chúng đó.”
Và Tôn giả nói kệ:
“Thế Tôn Đại Mâu-ni,
Hạng lìa dục vây quanh,
Ở tại thành Vương xá,
Kiết hạ tròn ba tháng.
Tôi ở trong chúng ấy,
Thường ở bên Như Lai,
Nay Đại vương nên biết,
Chính mắt tôi thấy Phật.”
“Lại nữa, lúc Phật ở Xá-vệ, Như Lai hiện thần lực lớn, biến hóa đủ thứ, biến hình chư Phật đầy đủ khắp các phương cho đến cõi trời A-ca-ni-tra. Tôi lúc ấy cũng ở đó, trông thấy các tướng thần thông của Như Lai biến hóa.”
Tôn giả nói kệ:
“Sức thần thông Như Lai,
Hàng phục các ngoại đạo,
Phật dạo khắp mười phương,
Chính tôi thấy tướng kia.”
“Lại nữa, khi Như Lai ở tại cõi trời thuyết pháp cho Mẫu thân, tôi cũng có trong ấy. Khi thuyết pháp cho Mẫu thân xong, Ngài dẫn chư Thiên từ trời xuống nước Tăng-ca-xa[46]. Khi ấy tôi thấy hai việc này, trời, người điều phước lạc. Tỳ-kheo-ni Ưu-ba-la[47] hóa làm Chuyển luân vương đem vô lượng quyến thuộc nương hư không đến chỗ Thế Tôn, tôi cũng thấy việc này.”
Rồi Tôn giả nói kệ:
Như Lai trên cõi trời,
Ngài kiết hạ nơi đó,
Tôi cũng ở trong ấy,
Là quyến thuộc Như Lai.
“Lại nữa, lúc Như Lai ở tại nước Xá-vệ cùng với năm trăm A-la-hán. Khi ấy con gái của trưởng giả Cấp Cô Độc đang ở tại nước Phú-lâu-na-bạt-đà-na[48]. Một hôm cô này thỉnh Phật và Tỳ-kheo Tăng. Khi ấy các Tỳ-kheo mỗi vị đều nương hư không đến chỗ thỉnh. Tôi cũng dùng thần lực hiệp núi lớn lại mà đi đến chỗ được thỉnh. Thế Tôn quở trách tôi, ‘Ngươi đâu được hiện thần túc như thế. Bấy giờ, Ta phạt ngươi sống mãi ở thế gian, không được vào Niết-bàn, hộ trì Chánh pháp của Ta chớ khiến cho diệt mất’.”
Rồi Tôn giả nói kệ:
“Thế Tôn nhận lời thỉnh,
Cùng năm trăm Tỳ-kheo.
Tôi liền dùng thần lực,
Nhấc núi lớn mà đi.
Thế Tôn trách phạt tôi
Ở đời, khoan diệt độ,
Hộ trì Chánh pháp Phật,
Chớ để pháp diệt mất.”
“Lại nữa, Như Lai dẫn chư Tỳ-kheo Tăng vào thành khất thực. Khi ấy vua cùng với hai em bé chơi đùa trên đất cát, thấy Phật từ xa đi tới, nắm một nắm cát dâng cúng Phật. Lúc ấy Phật thọ ký cho đứa bé kia: ‘Sau khi Ta diệt độ khoảng một trăm năm, đứa bé này sẽ làm vua nước Ba-liên-phất, thống lĩnh Diêm-phù-đề, gọi là A-dục, sẽ phân bố rộng rãi xá-lợi của Ta; trong một ngày sẽ dựng tám muôn bốn ngàn tháp.’ Nay chính là nhà vua, lúc đó tôi cũng có mặt ở đó.”
Rồi Tôn giả nói bài kệ:
“Lúc vua còn thơ ấu,
Đem cát dâng cúng Phật;
Lúc Phật thọ ký vua,
Chính tôi cũng ở đấy.”
Vua thưa Tôn giả:
“Hiện nay Tôn giả ở đâu?”
Tôn giả đáp:
“Tôi ở tại Bắc sơn, núi tên là Kiền-đà-ma-la[49], cùng với các vị Tăng đồng phạm hạnh.”
Vua lại hỏi:
“Có bao nhiêu người?”
Tôn giả đáp:
“Có sáu muôn Tỳ-kheo A-la-hán.”
Tôn giả bảo vua:
“Vua cần gì hỏi nhiều. Nay vua nên sửa soạn cúng dường chư Tăng. Các vị ấy thọ thực xong, sẽ khiến cho vua hoan hỷ.”
Vua thưa:
“Vâng, đúng vậy thưa Tôn giả! Nhưng bây giờ, trước tiên là tôi cúng dường cây Bồ-đề, vì nghĩ đến nơi Phật giác ngộ. Sau đó cúng dường hương hoa, đồ ăn thức uống ngon cho chúng Tăng.”
Vua ban lệnh cho các quần thần tuyên bố khắp nước: ‘Ngày nay vua muốn xả mười muôn lượng vàng bố thí cho chúng Tăng, cả ngàn vò nước thơm rưới lên cây Bồ-đề.’ Vua tập hợp năm bộ chúng.
Bấy giờ có vương tử Câu-na-la[50] ở bên cạnh vua, đưa hai ngón tay mà không nói, ý muốn cúng dường gấp đôi. Đại chúng trông thấy vương tử như vậy đều phì cười. Vua cũng cười và bảo:
“Ô hay! Vương tử, chính con có thêm công đức cúng dường.”
Vua lại nói:
“Ta lại đem ba mươi muôn lượng vàng cúng dường chúng Tăng. Thêm một ngàn vò nước thơm rưới tắm cây Bồ-đề.”
Vương tử lại đưa lên bốn ngón tay, ý nói gấp bốn.
Lúc ấy vua nổi giận bảo các quan:
“Ai dạy vương tử làm như vậy? Cùng tranh với ta sao?”
Một vị quan thưa:
“Tâu Đại vương, không ai dám tranh với Đại vương. Nhưng vương tử thông tuệ, lợi căn vì muốn tăng thêm công đức nên làm như vậy.”
Nhà vua quay lại nhìn vương tử, rồi bạch Thượng tọa:
“Trừ các vật thuộc kho tàng của con, tất cả những vật ở Diêm-phù-đề, phu nhân, thể nữ, quần thần, quyến thuộc và con của con là Câu-na-la đều bố thí cho chúng Tăng Hiền thánh.”
Vua tuyên bố cho cả nước tập hợp năm chúng và nói kệ:
“Trừ vật kho tàng vua;
Phu nhân và thể nữ,
Thần dân tất cả chúng,
Bố thí Hiền thánh Tăng.
Thân ta cùng vương tử,
Cũng đều xả bỏ hết.”
Bấy giờ, vua, Thượng tọa và Tỳ-kheo Tăng lấy vò nước thơm tưới cây Bồ-đề. Cây Bồ-đề càng thêm tươi tốt, sum sê. Có bài kệ:
“Vua tưới cây Bồ-đề,
Nơi Vô thượng Giác ngộ;
Cây càng thêm tươi tốt,
Cây lá đều mơn mởn.”
Vua cùng quần thần vui mừng vô hạn. Vua tưới tắm cây Bồ-đề xong, kế đến vua lại cúng dường chúng Tăng. Bấy giờ, Thượng tọa Da-xá tâu vua:
“Đại vương, hôm nay có đông đảo Tỳ-kheo Tăng tụ tập, nên phát lòng tin thuần thục cúng dường.”
Nhà vua tự tay cúng dường từ trên xuống dưới. Khi ấy, có hai Sa-di ăn xong, mỗi người lấy lương khô vo thành viên kẹo ném nhau. Nhà vua trông thấy phì cười nói:
“Các Sa-di này chơi trò con nít.”
Cúng dường xong, vua trở lại đứng trước Thượng tọa. Thượng tọa nói với vua:
“Vua chớ sanh tâm bất tín kính.”
Vua thưa:
“Thượng tọa, con không có tâm không kính tin, nhưng thấy Sa-di chơi trò trẻ con. Như trẻ con thế gian lấy hòn đất ném nhau, còn hai Sa-di thì lấy bánh và kẹo ném nhau.”
Thượng tọa tâu vua:
“Hai chú Sa-di này đều là A-la-hán giải thoát, nên cúng dường thức ăn cho các vị ấy.”
Vua nghe rồi tăng thêm lòng tin và thầm nghĩ: ‘Hai Sa-di này có thể được bố thí bằng cách gián tiếp[51]. Hôm nay ta sẽ bố thí lụa và y kiếp-bối cho tất cả chúng Tăng.’
Bấy giờ, hai Sa-di biết tâm niệm của vua, nói với nhau: ‘Chúng ta làm cho vua thêm kính tín.’ Một Sa-di mang cái nồi trao cho vua, một Sa-di trao cho vua cỏ nhuộm màu.
Vua hỏi Sa-di kia:
“Những thứ này để làm gì?”
Hai Sa-di tâu vua:
“Nhà vua vì chúng tôi mà bố thí chúng Tăng lụa và y kiếp-bối. Chúng tôi muốn nhà vua nhuộm thành màu sắc để bố thí cho chúng Tăng.”
Vua nghĩ rằng: ‘Ta tuy đã nghĩ trong tâm, mà chưa nói ra, nhưng hai vị đạt sĩ này đắc tha tâm trí nên biết được tâm ta.
Vua liền cúi đầu kính lễ chúng Tăng và nói kệ:
“Tộc tánh là Khổng Tước,
Các quyến thuộc nội ngoại;
Do sự bố thí này,
Đều được lợi ích lớn.
Gặp được ruộng phước tốt,
Vui mừng đúng thời thí.”
Vua bảo Sa-di:
“Nay tôi nhân quý Tôn giả bố thí y cho chúng Tăng.”
Cúng y cho chúng Tăng rồi, vua lại đem ba y cùng với bốn ức muôn lượng trân bảo bố thí cho năm bộ chúng, chú nguyện xong, lại đem bốn mươi ức muôn lượng trân bảo, chuộc lấy cung nhân, thể nữ, thái tử, quần thần của cõi Diêm-phù-đề.
Vua A-dục đã tạo ra vô lượng công đức như vậy.”[52]
*
Source: Phật Việt, http://www.phatviet.com
last upated: 24-02-2004