Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú ở tại núi Ma-câu-la[2]. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà[3], vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, đến chỗ Phật, lạy sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Như Thế Tôn nói, ‘hữu lưu’[4]. Vậy, thế nào gọi là hữu lưu? Và thế nào gọi là hữu lưu diệt[5]?”
Phật bảo La-đà:
“Hay thay câu hỏi của ông! Ta sẽ vì ông mà nói. Nói hữu lưu, tức là, những kẻ phàm phu ngu si, không học, không biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Vì không biết như thật nên, đối với sắc lại ái lạc, tán thán, chấp chặt, đắm nhiễm. Do duyên ái lạc sắc nên có thủ; duyên thủ nên có hữu; duyên hữu nên có sanh; duyên sanh nên có già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não tăng trưởng; như vậy là tập khởi của thuần một khối khổ lớn. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là hữu lưu.
“Đa văn Thánh đệ tử biết như thật về sự tập khởi của sắc, về sự diệt tận của sắc, về vị ngọt của sắc, về sự tai hại của sắc, về sự xuất ly sắc. Do biết như thật nên, đối với sắc kia không khởi ái lạc, tán thán, chấp chặt, đắm nhiễm. Vì không ái lạc, tán thán, chấp chặt, đắm nhiễm nên, sắc ái diệt; do ái diệt nên thủ diệt; do thủ diệt nên hữu diệt; do hữu diệt nên sanh diệt; do sanh diệt nên già, bệnh, chết, ưu, bi, khổ, não thuần một tụ khổ lớn như vậy diệt. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Đó gọi là những lời dạy của Như Lai về hữu lưu và hữu lưu diệt.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú ở tại núi Ma-câu-la[7]. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà[8], vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, đến chỗ Phật, lạy sát chân Phật, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Bạch, như Thế Tôn nói, ‘Biến tri[9] sắc; biến tri thọ, tưởng, hành, thức.’ Bạch Thế Tôn, vậy thế nào là biến tri sắc; biến tri thọ, tưởng, hành, thức?”
Phật bảo La-đà:
“Hay thay câu hỏi của ông! Ta sẽ vì ông mà nói. Đối với sắc mà ưu, bi, khổ, não hết, ly dục, diệt, tịch tĩnh; thì đó gọi là biến tri sắc. Đối với thọ, tưởng, hành, thức mà ưu, bi, khổ, não hết, ly dục, diệt, tịch tĩnh; thì đó gọi là biến tri thọ, tưởng, hành, thức.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật trú ở tại núi Ma-câu-la. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà.
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo đến chỗ Tôn giả, cùng thăm hỏi nhau rồi, ngồi lui qua một bên, hỏi Tôn giả La-đà:
“Vì sao thầy theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”
Tôn giả La-đà trả lời:
“Vì tôi muốn đoạn trừ khổ, nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh.”
Lại hỏi:
“Thầy vì muốn đoạn trừ những thứ khổ nào, nên phải theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”
La-đà trả lời:
“Vì muốn đoạn trừ cái khổ về sắc, nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh. Vì muốn đoạn trừ cái khổ về thọ, tưởng, hành, thức nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh.”
Khi các xuất gia ngoại đạo nghe Tôn giả nói những lời như vậy, thì tâm họ không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy mắng chửi rồi bỏ đi.
Bấy giờ, Tôn giả La-đà biết các xuất gia ngoại đã ra đi rồi, liền tự nghĩ: ‘Vừa rồi, ta đã nói những lời như vậy, há không hủy báng Thế Tôn chăng? Nói như đúng như thuyết chăng? Nói đúng như pháp, hay là thuận thứ của pháp chăng? Sẽ không bị người khác đến nạn vấn, chỉ trích, làm cho bế tắc chăng?”
Vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, Tôn giả La-đà đến chỗ Phật, làm lễ dưới chân Phật, rồi ngồi sang một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
“Bạch Thế Tôn, những gì con đã nói không lỗi lầm chăng? Không hủy báng Thế Tôn chăng? Nói như đúng như thuyết chăng? Nói đúng như pháp, hay là thuận thứ của pháp chăng? Sẽ không bị người khác đến nạn vấn, chỉ trích, làm cho bế tắc chăng?”
Phật bảo La-đà:
“Những gì thầy nói đều là lời thật, không hủy báng Như Lai, nói như lời dạy của Ta, nói như pháp, nói pháp và thứ pháp. Vì sao? Này La-đà, vì sắc là khổ, vì muốn dứt cái khổ này nên xuất gia tu phạm hạnh; và đối với thọ, tưởng, hành, thức là khổ, vì muốn dứt những cái khổ này nên xuất gia tu phạm hạnh.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà.
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo, đến chỗ Tôn giả La-đà, cùng nhau thăm hỏi rồi ngồi lui qua một bên, hỏi La-đà:
“Vì những lý do gì mà thầy theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”
La-đà trả lời:
“Vì mục đích biết khổ[12] nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh.”
Khi các ngoại đạo nghe La-đà nói những lời như vậy, tâm không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy trách mắng rồi ra đi.
Bấy giờ vào buổi chiều, sau khi xuất thiền, La-đà đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân Phật rồi ngồi lui qua một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
“Bạch Thế Tôn, con đã nói những lời như trên, không hủy báng Thế Tôn chăng? Sẽ không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc chăng? Nói không như thuyết, nói không như pháp, nói không theo thuận thứ của pháp chăng?”
Phật bảo La-đà:
“Những lời ngươi nói là chân thật, không hủy báng Như Lai, không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc, nói như thuyết, nói như pháp, nói theo thuận thứ của pháp. Vì sao? Sắc là khổ. Vì để biết nó là khổ nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh. Thọ, tưởng, hành, thức là khổ. Vì để biết thức là khổ nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà.
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo, đến chỗ Tôn giả La-đà, cùng nhau thăm hỏi rồi ngồi lui qua một bên, hỏi La-đà:
“Vì những lý do gì mà thầy theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”
La-đà trả lời:
“Vì đối với sắc muốn dứt hết ưu, bi, khổ, não, ly dục, diệt, tịch tĩnh nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh. Vì đối với thọ, tưởng, hành, thức muốn dứt hết ưu, bi, khổ, não, ly dục, diệt, tịch tĩnh nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.”
Khi các xuất gia ngoại đạo nghe như vậy rồi tâm không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy quở mắng rồi ra đi.
Bấy giờ là buổi chiều, sau khi xuất thiền, La-đà đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
“Bạch Thế Tôn, con đã nói những lời như trên, không hủy báng Thế Tôn chăng? Sẽ không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc chăng? Nói không như thuyết, nói không như pháp, nói không theo thuận thứ của pháp chăng?”
Phật bảo La-đà:
“Những lời ngươi nói là chân thật, không hủy báng Như Lai, không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc, nói như thuyết, nói như pháp, nói theo thuận thứ của pháp. Vì sao? Này La-đà, sắc là ưu, bi, khổ, não. Vì muốn dứt hết nó nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh. Thọ, tưởng, hành, thức là ưu, bi, khổ, não vì muốn dứt hết chúng nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà[14].
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo, đến chỗ Tôn giả La-đà, cùng nhau thăm hỏi rồi ngồi lui qua một bên, hỏi La-đà:
“Vì những lý do gì mà thầy theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”
La-đà trả lời:
“Ở nơi sắc thấy là ngã, ngã sở, ngã mạn, các kết sử trói buộc[15], muốn dứt bỏ chúng, ly dục, diệt, tịch tĩnh. Ở nơi thọ, tưởng, hành, thức thấy là ngã, ngã sở, ngã mạn, các kết sử trói buộc, muốn dứt bỏ chúng, ly dục, diệt, tịch tĩnh, nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh.”
Khi các xuất gia ngoại đạo nghe như vậy rồi tâm không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy quở mắng rồi ra đi.
Bấy giờ là buổi chiều, sau khi xuất thiền, La-đà đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
“Bạch Thế Tôn, con đã nói những lời như trên, không hủy báng Thế Tôn chăng? Sẽ không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc chăng? Nói không như thuyết, nói không như pháp, nói không theo thuận thứ của pháp chăng?”
Phật bảo La-đà:
“Những lời ngươi nói là chân thật, không hủy báng Như Lai, không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc, nói như thuyết, nói như pháp, nói theo thuận thứ của pháp. Vì sao? Ở nơi sắc thấy là ngã, ngã sở, ngã mạn, các kết sử trói buộc, vì muốn dứt bỏ chúng, ly dục, diệt, tịch tĩnh. Ở nơi thọ, tưởng, hành, thức thấy là ngã, ngã sở, ngã mạn, các kết sử trói buộc, muốn dứt bỏ chúng, ly dục, diệt, tịch tĩnh, nên theo Thế Tôn xuất gia tu phạm hạnh.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà[16].
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo, đến chỗ Tôn giả La-đà, cùng nhau thăm hỏi rồi ngồi lui qua một bên, hỏi La-đà:
“Vì những lý do gì mà thầy theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”
La-đà trả lời:
“Sắc hữu lậu, chướng ngại, bức xúc, sầu lo; vì để dứt bỏ chúng, ly dục, diệt, tịch tĩnh; thọ, tưởng, hành, thức hữu lậu, chướng ngại, bức xúc, sầu lo; vì để dứt bỏ chúng, ly dục, diệt, tịch tĩnh nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.”
Khi các xuất gia ngoại đạo nghe như vậy rồi tâm không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy quở mắng rồi ra đi.
Bấy giờ là buổi chiều, sau khi xuất thiền, La-đà đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
“Bạch Thế Tôn, con đã nói những lời như trên, không hủy báng Thế Tôn chăng? Sẽ không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc chăng? Nói không như thuyết, nói không như pháp, nói không theo thuận thứ của pháp chăng?”
Phật bảo La-đà:
“Những lời ngươi nói là chân thật, không hủy báng Như Lai, không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc, nói như thuyết, nói như pháp, nói theo thuận thứ của pháp. Vì sao? Vì sắc hữu lậu, chướng ngại, bức xúc, sầu lo; vì để dứt bỏ chúng, ly dục, diệt, tịch tĩnh; thọ, tưởng, hành, thức hữu lậu, chướng ngại bức xúc, sầu lo; vì để dứt bỏ chúng, ly dục, diệt, tịch tĩnh nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà[17].
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo, đến chỗ Tôn giả La-đà, cùng nhau thăm hỏi rồi ngồi lui qua một bên, hỏi La-đà:
“Vì những lý do gì mà thầy theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”
La-đà trả lời:
“Vì mục đích ở nơi sắc mà đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh đối với tham, nhuế, si; ở nơi thọ tưởng, hành, thức mà đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh đối với tham, nhuế, si nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.”
Khi các xuất gia ngoại đạo nghe như vậy rồi tâm không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy quở mắng rồi ra đi.
Bấy giờ là buổi chiều, sau khi xuất thiền, La-đà đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
“Bạch Thế Tôn, con đã nói những lời như trên, không hủy báng Thế Tôn chăng? Sẽ không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc chăng? Nói không như thuyết, nói không như pháp, nói không theo thuận thứ của pháp chăng?”
Phật bảo La-đà:
“Những lời ngươi nói là chân thật, không hủy báng Như Lai, không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc, nói như thuyết, nói như pháp, nói theo thuận thứ của pháp. Vì sao? Vì mục đích ở nơi sắc mà đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh đối với tham, nhuế, si; ở nơi thọ tưởng, hành, thức mà đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh đối với tham, nhuế, si nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà[18].
Khi ấy, có một số đông chúng xuất gia ngoại đạo, đến chỗ Tôn giả La-đà, cùng nhau thăm hỏi rồi ngồi lui qua một bên, hỏi La-đà:
“Vì những lý do gì mà thầy theo Sa-môn Cù-đàm xuất gia tu phạm hạnh?”
La-đà trả lời:
“Ở nơi sắc mà có dục, ái, hỷ, vì để đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh; ở nơi thọ, tưởng, hành, thức mà có dục, ái, hỷ, vì để đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.”
Khi các xuất gia ngoại đạo nghe như vậy rồi tâm không vui, liền từ chỗ ngồi đứng dậy quở mắng rồi ra đi.
Bấy giờ là buổi chiều, sau khi xuất thiền, La-đà đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, đem sự việc trên đó, bạch Phật đầy đủ:
“Bạch Thế Tôn, con đã nói những lời như trên, không hủy báng Thế Tôn chăng? Sẽ không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc chăng? Nói không như thuyết, nói không như pháp, nói không theo thuận thứ của pháp chăng?”
Phật bảo La-đà:
“Những lời ngươi nói là chân thật, không hủy báng Như Lai, không khiến cho người khác đến nạn vấn, chỉ trích dồn vào chỗ bế tắc, nói như thuyết, nói như pháp, nói theo thuận thứ của pháp. Vì sao? Ở nơi sắc mà có ái, hỷ, vì để đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh; ở nơi thọ, tưởng, hành, thức mà có ái, hỷ, vì để đoạn tận, ly dục, diệt, tịch tĩnh nên theo Như Lai xuất gia tu phạm hạnh.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà.
Bấy giờ Thế Tôn nói với La-đà:
“Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, hãy quán sát tất cả chúng do ma tạo ra; và những gì thuộc về thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần, hãy quán sát tất cả chúng đều do ma tạo ra.”
Phật bảo La-đà:
“Sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”
Lại hỏi:
“Nếu là vô thường, thì khổ chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là khổ.”
Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
Lại hỏi:
“Này La-đà, nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Phật bảo La-đà:
“Nếu đa văn Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm này không thấy là ngã, là ngã sở nên đối với các pháp thế gian không chấp giữ. Vì không có gì chấp giữ nên không có gì để dính mắc. Vì không có gì để dính mắc nên tự giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà.
Bấy giớ Thế Tôn nói với La-đà:
“Những gì thuộc về sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều là pháp chết; những gì thuộc về thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều là pháp chết[21].”
Phật bảo La-đà:
“Sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”
Lại hỏi:
“Nếu là vô thường, thì khổ chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là khổ.”
Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
Lại hỏi:
“Này La-đà, nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy sắc là ngã, khác ngã, hay ở trong nhau chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
Phật bảo La-đà:
“Nếu đa văn Thánh đệ tử đối với năm thọ ấm này không thấy là ngã, là ngã sở nên đối với các pháp thế gian không chấp giữ. Vì không có gì chấp giữ nên không có gì để dính mắc. Vì không có gì để dính mắc nên tự giác ngộ Niết-bàn: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la.
Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà, bạch Phật:
“Bạch Thế Tôn, nói: ‘chúng sanh’. Vậy thế nào là chúng sanh?”
Phật bảo La-đà:
“Ở nơi sắc mà nhiễm đắm triền miên, do đó gọi là chúng sanh[23]. Ở nơi thọ, tưởng, hành, thức mà nhiễm đắm triền miên, nên gọi là chúng sanh.”
Phật bảo La-đà:
“Ta nói, ở nơi cảnh giới của sắc, hãy phá sập, tiêu diệt. Ở nơi cảnh giới của thọ, tưởng, hành, thức phá sập, tiêu diệt; đoạn tận ái dục. Ái tận thì khổ tận. Khổ tận, Ta nói đó là tận cùng biên tế của khổ[24].
“Giống như trong làng xóm, những trẻ con trai gái chơi đùa, nhóm đất lại tạo thành nhà cửa, thành quách. Tâm chúng yêu thích, say đắm. Khi tâm yêu thích chưa hết, ước muốn chưa tan, nhớ nghĩ chưa dứt, thèm khát chưa tiêu, thì tâm chúng luôn luôn có sự yêu thích, giữ gìn và bảo là thành quách của ta, nhà cửa ta. Đối với những đống đất kia mà lòng yêu thích hết đi, ước muốn không còn, nhớ nghĩ đã dẹp, thèm khát đã tan, thì tay xô, chân đạp, khiến cho tiêu tán. Cũng vậy, này La-đà, đối với sắc mà phá sập, tiêu diệt; đoạn tận ái dục. Ái tận thì khổ tận. Khổ tận, Ta nói đó là tận cùng biên tế của khổ.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la.
Bấy giờ có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà đi đến chỗ Phật, đảnh lễ dưới chân, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật:
“Lành thay, Thế Tôn! Vì con mà nói tóm lược pháp yếu. Sau khi nghe pháp rồi, con sẽ ở một mình nơi vắng vẻ, sống không buông lung, chuyên tâm suy nghĩ về mục đích mà người con trai của tông tộc[26] cạo bỏ râu tóc, mình mặc nhiễm y[27], chánh tín xuất gia học đạo, sống không gia đình, nỗ lực siêng năng tu các phạm hạnh, ngay trong đời này, tự tri, tự tác chứng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Bấy giờ, Phật bảo La-đà:
“Lành thay! La-đà có thể ở trước Phật hỏi ý nghĩa này! Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
“La-đà, nên biết, hữu thân, sự tập khởi của hữu thân, về sự diệt tận của hữu thân, về con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân. Những gì là hữu thân? Đó là cho năm thọ ấm: sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm.
“Thế nào là sự tập khởi của hữu thân? Đó là đương lai hữu ái[28], câu hữu với tham và hỷ, ái lạc nơi này nơi kia[29]. Đó gọi là sự tập khởi của hữu thân.
“Thế nào là sự diệt tận của hữu thân? Đương lai hữu ái[30], câu hữu với tham và hỷ, ái lạc nơi này nơi kia, hoàn toàn bị đoạn trừ, vất bỏ, nhổ sạch, ly dục, tịch diệt, tĩnh chỉ[31]. Đó gọi là sự diệt tận của hữu thân.
“Thế nào là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân? Là chỉ cho Bát chánh đạo: Chánh kiến, chánh chí, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh phương tiện, chánh niệm, chánh định. Đó gọi là con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân. Hữu thân, nên biết: sự tập khởi của hữu thân nên đoạn; sự diệt tận của hữu thân nên chứng; con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân nên tu.
“Này La-đà, nếu đa văn Thánh đệ tử, đối với hữu thân hoặc biết, hoặc đoạn; đối với sự tập khởi của hữu thân hoặc biết, hoặc đoạn; đối với sự diệt tận của hữu thân hoặc biết, hoặc chứng; đối với con đường đưa đến sự diệt tận của hữu thân hoặc biết, hoặc tu rồi, thì này La-đà, đó gọi là đoạn trừ ái, xả ly ái, chuyển đổi kết sử, đình chỉ mạn, chứng đắc vô gián đẳng[32], cứu cánh biên tế khổ.”
Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành, từ chỗ ngồi đứng dậy làm lễ rồi cáo lui.
Sau khi Đức Thế Tôn đã dạy như vậy rồi, thì Tỳ-kheo La-đà một mình ở chỗ vắng, chuyên tinh suy nghĩ về mục đích mà thiện gia nam tử cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín, xuất gia, học đạo, sống không gia đình, nỗ lực siêng năng tu các phạm hạnh, ngay trong đời này, tự tri, tự tác chứng, biết rằng: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’ Thành bậc A-la-hán, tâm khéo giải thoát.
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Khi ấy, có thị giả là Tỳ-kheo La-đà.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo La-đà:
“Tỳ-kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; hãy quán sát tất cả chúng đều là ma. Đối với thọ, tưởng, hành, thức, hoặc quá khứ, hoặc là vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; hãy quán sát tất cả chúng đều là ma.
“Này La-đà, ý ngươi nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”
Lại hỏi:
“Vô thường có phải là khổ chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là khổ.”
Lại hỏi:
“Nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
“Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Cho nên này La-đà, đa văn Thánh đệ tử, đối với sắc sanh tâm nhàm chán; và đối với thọ, tưởng, hành, thức sanh tâm nhàm chán. Vì đã nhàm chán nên không thích, vì đã không thích nên giải thoát và giải thoát tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Khi ấy, có thị giả là Tỳ-kheo La-đà.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo La-đà:
“Tỳ-kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần tất cả chúng đều là ma, tạo tác của ma. Và đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Phật bảo La-đà:
“Này La-đà, ý ngươi nghĩ thế nào, sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”
Lại hỏi:
“Vô thường có phải là khổ chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là khổ.”
Lại hỏi:
“Nếu vô thường, khổ là pháp biến dịch, đa văn Thánh đệ tử ở trong đó có thấy ngã, khác ngã, hay ở trong nhau không?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, không.”
“Vì vậy, này La-đà, đa văn Thánh đệ tử, đối với sắc nên sanh tâm nhàm chán. Vì đã nhàm chán nên không thích, vì đã không thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh thứ ba cũng như vậy, nhưng có chỗ khác là:
Phật bảo La-đà: Đa văn Thánh đệ tử ở nơi năm thọ ấm này mà quán sát là chẳng phải ngã, chẳng phải ngã sở. Khi đã quán sát, thì đối với các pháp trên thế gian đều không có gì để mà chấp giữ. Vì không có gì để chấp giữ nên không dính mắc, vì không dính mắc nên tự giác ngộ Niết-bàn: “Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Khi ấy, có thị giả là Tỳ-kheo La-đà.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo La-đà:
“Tỳ-kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; hãy quán sát tất cả chúng đều là pháp chết. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Ngoài ra như đã nói kinh trên.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Khi ấy, có thị giả là Tỳ-kheo La-đà.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Tỳ-kheo La-đà:
“Tỳ-kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc là vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; hãy quán sát tất cả chúng đều là pháp đoạn tận[37]. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Đa văn Thánh đệ tử quán sát như vậy đối với sắc mà sanh nhàm chán; đối với thọ, tưởng, hành, thức mà sanh nhàm chán. Vì đã nhàm chán nên không thích, vì không thích nên giải thoát, giải thoát tri kiến: ‘Ta, sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã lập, những gì cần làm đã làm xong, tự biết không còn tái sanh đời sau nữa.’”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như kinh “Ta quán sát pháp đoạn tận”, các kinh tiếp theo cũng vậy, gồm: [38]
1. Quán sát diệt pháp,
2. Quán sát khí xả pháp (vứt bỏ),
3. Quán sát vô thường pháp,
4. Quán sát khổ pháp,
5. Quán sát không pháp,
6. Quán sát phi ngã pháp,
7. Quán sát vô thường-khổ-không-phi ngã pháp,
8. Quán sát bệnh pháp,
9. Quán sát ung pháp (ung nhọt),
10. Quán sát thích pháp (gai nhọn),
11. Quán sát sát pháp (giết hại),
12. Quán sát sát căn bản pháp,
13. Quán sát bệnh, ung (ung nhọt), thích pháp (gai nhọn), sát (giết hại), sát căn bản.[39]
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Khi ấy có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo La-đà:
“Những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; quán sát tất cả chúng đều là pháp đoạn tận[41]. Đã quán sát như vậy rồi, thì đối với sắc, dục tham được đoạn trừ. Dục tham đã được đoạn trừ rồi, thì Ta nói đó là tâm khéo giải thoát. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng vậy, có mười bốn kinh, nội dung như trên.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại núi Ma-câu-la. Khi ấy có Tỳ-kheo thị giả tên là La-đà.
Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo La-đà:
“Những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; quán sát tất cả chúng đều là pháp đoạn tận[43]. Đã quán sát như vậy rồi, thì đối với sắc, dục tham được đoạn trừ. Dục tham đã được đoạn trừ rồi, thì Ta nói đó là tâm khéo giải thoát. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Phật nói kinh này xong, Tỳ-kheo La-đà nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Muốn đoạn trừ năm thọ ấm, thì phải cầu Đại sư. Những gì là năm? Sắc thọ ấm; thọ, tưởng, hành, thức thọ ấm. Muốn đoạn trừ năm thọ ấm này, thì phải cầu Đại sư.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cũng như kinh “Đương đoạn”, các kinh tiếp theo cũng vậy, có tên như sau:
- Đương thổ (hãy nhả ra);
- Đương tức (hãy đình chỉ);
- Đương xả (hãy xả bỏ).
Cũng như kinh “Cầu Đại sư”, các kinh sau đây có nội dung tương đồng (có năm mươi chín kinh):
- Cầu Thắng sư (bậc thầy cao cả),
- Thuận thứ sư (bậc thầy thuận theo thứ lớp),
- Giáo giới giả (người răn dạy),
- Thắng giáo giới giả (người răn dạy hơn nhất),
- Thuận thứ giáo giới giả (người răn dạy thuận theo thứ lớp),
- Thông giả (người thông suốt),
- Quảng thông giả (người thông suốt rộng rãi),
- Viên thông giả (người thông suốt tròn đầy),
- Đạo giả (người dẫn đường),
- Quảng đạo giả (người dẫn đường rộng rãi),
- Cứu cánh đạo giả (người dẫn đường rốt ráo),
- Thuyết giả (người thuyết giảng),
- Quảng thuyết giả (người thuyết giảng rộng rãi),
- Thuận thứ thuyết giả (người thuyết giảng theo thứ lớp),
- Chánh giả (người chân chánh),
- Bạn giả (người đồng hành),
- Chân tri thức giả (bằng hữu chân thật),
- Thân giả (người thân cận),
- Mẫn giả (người thương xót),
- Bi giả (người từ bi),
- Sùng nghĩa giả (người sùng nghĩa),
- An ủy giả (người an ủi),
- Sùng lạc giả (người sùng lạc),
- Sùng xúc giả (người sùng xúc),
- Sùng an ủy giả (người sùng sự an ủi),
- Dục giả (người muốn),
- Tinh tấn giả (người tinh tấn),
- Phương tiện giả (người phương tiện),
- Cần giả (người chuyên cần),
- Dũng mãnh giả (người dõng mãnh),
- Cố giả (người kiên cố),
- Cường giả (người mạnh mẽ),
- Kham năng giả (người có khả năng),
- Chuyên giả (người tinh chuyên),
- Tâm bất thoái giả (người tâm không thoái lui),
- Kiên chấp trì (người giữ gìn chắc chắn),
- Thường tập giả (người thường tu tập),
- Bất phóng dật giả (người không buông lung),
- Hòa hiệp giả (người hòa hợp),
- Tư lương giả (người suy xét),
- Ức niệm giả (người nhớ nghĩ),
- Giác giả (người tỉnh giác),
- Tri giả (người biết),
- Minh giả (người sáng suốt),
- Tuệ giả (người trí tuệ),
- Thọ giả (người lãnh thọ),
- Tư duy giả (người tư duy),
- Phạm hạnh giả (người phạm hạnh),
- Niệm xứ giả (người có niệm xứ),
- Chánh cần giả (người có chánh cần),
- Như ý túc (người được như ý túc),
- Căn giả (người được căn),
- Lực giả (người được lực),
- Giác phần giả (người được giác phần),
- Đạo phần giả (người được đạo phần),
- Chỉ giả (người được chỉ),
- Quán giả (người được quán),
- Niệm thân giả (người được niệm thân),
- Chánh ức niệm (người được chánh ức niệm).
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu có Sa-môn, Bà-la-môn nào tập cận với sắc, bị ma chi phối[46], rơi vào tay ma, theo ước muốn của ma, bị ma trói buộc, không thoát ra khỏi sợi dây trói của ma. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy. Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào không tập cận sắc, thì những Sa-môn, Bà-la-môn ấy không không bị ma chi phối, không rơi vào tay ma, không chạy theo ước muốn của ma, sẽ không bị ma trói buộc, thoát sợi dây trói của ma. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
*
Cũng như kinh “Tập cận”, các kinh sau đây có nội dung giống vậy:
- Tập trước giả (quen thói đam mê),
- Vị giả (hảo vị ngọt),
- Quyết định trước giả (đam mê thành tánh cố định),
- Chỉ giả (dừng nghỉ),
- Sử giả (sai sử),
- Vãng giả (đi đến),
- Tuyển trạch giả (lựa chọn),
- Bất xả (không xả),
- Bất thổ (không nhả ra),
“Những Sa-môn, Bà-la-môn nào như vậy không bị ma chi phối” như nói ở kinh trên. Như đã nói ở trên.
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Nếu Sa-môn, Bà-la-môn nào không tập cận sắc, thì những Sa-môn, Bà-la-môn ấy không bị ma chi phối, không rơi vào tay ma, không chạy theo ước muốn của ma, sẽ không bị ma trói buộc, thoát sợi dây trói của ma. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Cho đến “Thổ sắc” lại cũng như vậy[48].
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Do có cái gì, do sanh khởi cái gì, do hệ lụy cái gì mà có kiến chấp ngã, khiến cho chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái cột cổ, phải dong ruổi nơi đường dài, luân hồi theo sanh tử, lưu chuyển trong sanh tử, không biết biên tế tối sơ là gì[50]?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Xin thương xót mà nói rộng nghĩa này. Sau khi các Tỳ-kheo nghe xong sẽ vâng lời thực hành.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
“Này các Tỳ-kheo, vì có sắc, sanh khởi sự của sắc, hệ lụy sắc, nơi sắc mà thấy ngã, khiến cho chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái cột cổ, phải dong ruổi nơi đường dài, luân hồi theo sanh tử, lưu chuyển trong sanh tử. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Này các Tỳ-kheo, sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”
Lại hỏi:
“Nếu vô thường, là khổ phải chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là khổ.”
“Như vậy này các Tỳ-kheo, nếu vô thường là khổ, thì do có cái khổ này mà sự ấy sanh khởi, hệ lụy, thấy là ngã, khiến cho chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái cột cổ, phải dong ruổi nơi đường dài, luân hồi theo sanh tử, lưu chuyển trong sanh tử. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Cũng vậy, cái thấy, cái nghe, cái hay, cái biết, cái sở cầu, cái sở đắc, cái được nhớ nghĩ[51]; tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.
“Nếu có kiến chấp cho rằng có ngã, có thế gian, có đời này, là pháp thường hằng, không biến dịch, thì tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.
“Lại nữa, nếu có kiến chấp cho rằng không phải cái này là tôi, không phải cái này là của tôi, không phải là tôi trong tương lai, không phải là của tôi trong tương lai; thì tất cả chúng cũng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.
“Nếu đa văn Thánh đệ tử ở nơi sáu kiến xứ[52] này mà quán sát chẳng phải là ngã, chẳng phải ngã sở. Quán sát được như vậy rồi, thì dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Phật, dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Pháp và đối với Tăng. Đó gọi là, Tỳ-kheo, đa văn Thánh đệ tử không còn trở lại tạo nghiệp thân, miệng, ý để đưa đến ba đường ác; giả sử có buông lung, Thánh đệ tử cũng nhất định hướng đến giác ngộ, bảy lần qua lại trời người, rồi cứu cánh biên tế khổ.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
Nội dung chi tiết như kinh trên. Sai biệt ở chỗ:
“Nếu đa văn Thánh đệ tử ở nơi sáu kiến xứ[54] này mà quán sát chẳng phải là ngã, chẳng phải ngã sở. Quán sát được như vậy rồi, thì đoạn trừ hồ nghi đối với Khổ, Tập, Diệt, Đạo... cho đến, rồi cứu cánh biên tế khổ.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
Nội dung chi tiết như kinh trên. Sai biệt ở chỗ:
“Nếu đa văn Thánh đệ tử ở nơi sáu kiến xứ[55] này mà quán sát chẳng phải là ngã, chẳng phải ngã sở. Quán sát được như vậy rồi, thì đoạn trừ hồ nghi đối với Phật, Pháp, Tăng, Khổ, Tập, Diệt, Đạo... cho đến, rồi cứu cánh biên tế khổ.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Tôi nghe như vầy:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
“Do có cái gì, do sanh khởi cái gì, do hệ lụy cái gì mà có kiến chấp ngã, khiến cho chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái cột cổ, phải dong ruổi nơi đường dài, luân hồi theo sanh tử, lưu chuyển trong sanh tử, không biết biên tế tối sơ là gì[57]?”
Các Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thế Tôn là gốc pháp, là con mắt pháp, là sở y của pháp. Lành thay, Thế Tôn! Xin thương xót mà nói rộng nghĩa này. Sau khi các Tỳ-kheo nghe xong sẽ vâng lời thực hành.”
Phật bảo các Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì các ông mà nói.
“Này các Tỳ-kheo, vì có sắc, sanh khởi sự của sắc, hệ lụy sắc, nơi sắc mà thấy ngã, khiến cho chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái cột cổ, phải dong ruổi nơi đường dài, luân hồi theo sanh tử, lưu chuyển trong sanh tử. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Này các Tỳ-kheo, sắc là thường hay vô thường?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là vô thường.”
Lại hỏi:
“Nếu vô thường, là khổ phải chăng?”
Đáp:
“Bạch Thế Tôn, là khổ.”
“Như vậy này các Tỳ-kheo, nếu vô thường là khổ, thì do có cái khổ này mà sự ấy sanh khởi, hệ lụy, thấy là ngã, khiến cho chúng sanh bị vô minh che lấp, bị ái cột cổ, phải dong ruổi nơi đường dài, luân hồi theo sanh tử, lưu chuyển trong sanh tử. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Cho nên, này các Tỳ-kheo, những gì là sắc, hoặc quá khứ, hoặc vị lai, hoặc hiện tại; hoặc trong, hoặc ngoài; hoặc thô, hoặc tế; hoặc tốt, hoặc xấu; hoặc xa, hoặc gần; tất cả chúng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ. Đối với thọ, tưởng, hành, thức lại cũng như vậy.
“Cũng vậy, cái thấy, cái nghe, cái hay, cái biết, cái sở cầu, cái sở đắc, cái được nhớ nghĩ[58]; tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.
“Nếu có kiến chấp cho rằng có ngã, có thế gian, có đời này, là pháp thường hằng, không biến dịch, thì tất cả đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.
“Lại nữa, nếu có kiến chấp cho rằng không phải cái này là tôi, không phải cái này là của tôi, không phải là tôi trong tương lai, không phải là của tôi trong tương lai; thì tất cả chúng cũng đều chẳng phải ngã, chẳng phải khác ngã, chẳng ở trong nhau. Đó gọi là chánh tuệ.
“Nếu đa văn Thánh đệ tử ở nơi sáu kiến xứ[59] này mà quán sát chẳng phải là ngã, chẳng phải ngã sở. Quán sát được như vậy rồi, thì dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Phật, dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Pháp và đối với Tăng. Đó gọi là Tỳ-kheo, đa văn Thánh đệ tử không còn trở lại tạo nghiệp thân, miệng, ý để đưa đến ba đường ác; giả sử có buông lung, Thánh đệ tử cũng nhất định hướng đến giác ngộ, bảy lần qua lại trời người, rồi cứu cánh biên tế khổ.”
Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật dạy, hoan hỷ phụng hành.
Kinh tiếp theo, nội dung cũng như vậy, chỉ sai khác ở chỗ: “Dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Khổ-Tập-Diệt-Đạo.”
Kinh thứ ba cũng như vậy, chỉ khác nhau ở chỗ: “Dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Phật-Pháp-Tăng và dứt hết mọi sự hồ nghi đối với Khổ-Tập-Diệt-Đạo.”
*
[1]. Đại Chánh, quyển 6. Quốc Dịch xếp vào Tụng 1. Ấn Thuận xếp vào Tụng 7; “34. Tương ưng La-đà”, tổng thể có một trăm ba mươi ba kinh, nhưng chỉ có hai mươi hai kinh có nội dung được truyền. Tương đương Pāli, S. 23. Rādhasamyuttam, Roman iii. 188. Phật Quang, quyển 6, kinh 113. Quốc Dịch, đồng, kinh 192. Tương đương Pāli, 23. 3. Bhavaneti.
[2]. Ma-câu-la sơn 摩拘羅山. (Pāli: Makula), tên núi ở Kiều-thưởng-di. Bản Pāli nói: Sāvatthinidānam, nhân duyên ở Sāvatthi.
[6]. Pāli, S. 23. 4. Pariññeyyā.
[7]. Xem cht.2, kinh 111.
[8]. La-đà 羅陀. Pāli: Rādha.
[9]. Nguyên Hán: đoạn tri 斷知, chỉ cho sự đoạn trừ phiền não do nhận thức toàn diện về bốn Thánh đế. Pāli: pariññeyya.
[10]. Không thấy Pāli tương đương.
[11]. Pāli, S. 35. 81. Bhikkhu.
[12]. Tri khổ 知苦. Pāli: dhukkassa pariññatthaṃ, vì mục đích biến tri khổ. Xem cht.9, kinh112.
[13]. Không thấy Pāli tương đương.
[14]. Xem cht.2&3, kinh 111.
[15]. Ngã kiến, ngã sở, ngã mạn sử hệ trước 我見, 我所, 我慢使繫著. Pāli: ahaṃkāra-mamaṃkāra-mānānusayā, các tùy miên tác thành phức cảm cái tôi và của tôi.
[16]. Xem cht.2&3, kinh 111.
[17]. Xem cht.2&3, kinh 111.
[18]. Xem cht.2&3, kinh 111.
[19]. Pāli, S. 23. 1. Māro.
[20]. Pāli, S. 23. 12. Māradhamma.
[21]. Ma pháp 死法. Pāli: māradhamma, ma pháp hay tử pháp, quy luật của sự chết.
[22]. Pāli, S. 23. 2. Satto.
[23]. Nhiễm trước triền miên 染著纏綿 định nghĩa từ “chúng sanh”; Pāli: rūpe kho rādha yo chando yo rāga yā nandi yā taṇhā tatra satto tatra viatto tasmā sattoti vuccati, ở nơi sắc mà có dục vọng, đam mê, khoái cảm, khát ái; ở đó đắm nhiễm, ở đó đắm nhiễm triền miên, do đó được gọi là chúng sanh. Theo đây, chúng sanh, satta, được coi như là phân từ quá khứ của sajjati: đắm nhiễm hay cố chấp, bám chặt vào. Thông thường, satta được cho là danh từ phát sanh của động từ căn as: tồn tại, hiện hữu; nên satta được hiểu là “cái ở trong trạng thái đang tồn tại.”
[25]. Pāli, S. 23. 9-19. Chandarāgo.
[26]. Tộc tánh tử 族姓子, cũng nói là thiện nam tử, hay thiện gia nam tử. Pāli: kulaputta, con trai của gia tộc; thiện gia nam tử, hay lương gia tử đệ.
[28]. Đương lai hữu ái 當來有愛; Pāli: taṇhā ponobhavikā, khát ái về đời sống tương lai, khát vọng tồn tại đời sau.
[30]. Trong bản; đương hữu ái, tức đương lai hữu ái, xem cht.28 trên.
[31]. Pāli (S. iii. 138): yo tassāyeva taṇhā asesavirāganirodho cāgo paṭinissaggo mutti anālayo, khát ái ấy hoàn toàn được ly nhiễm, diệt tận, xả bỏ, xả ly, giải thoát, không chấp tàng.
[32]. Vô gián đẳng, xem cht.18 kinh 105; cht.39 kinh 109.
[33]. Pāli, S. 23. 11. Māro.
[34]. Pāli, S. 23. 23. Māro.
[35]. Pāli, S. 23. 24. Māradhamma.
[36]. Pāli, S.23. 19-22. Khaya.
[39]. Các kinh này được cho là có nội dung tương đồng với các kinh Pāli S. 23. 20. Vayadhamma; 21. Samudayadhamma; 22. Nirodhadhamma.
[40]. Quốc Dịch, phẩm iv. Phẩm này có tất cả mười lăm kinh, nhưng chỉ có hai kinh có nội dung được truyền. Còn lại chỉ có đầu đề. Phật Quang, kinh 130. Pāli, S. 23. 31. Khaya.
[41]. Đoạn pháp 斷法, có lẽ dư chữ pháp. Trong đây, hai kinh liên tiếp, một kinh nói về đoạn, một kinh nói đoạn pháp, tương đương Pàli là S.22. 31. Khaya và S. 22. 32. Khayadhamma.
[42]. Pāli, S. 23. 32. Khayadhamma.
[43]. Xem cht.41 kinh 128.
[44]. Pāli, S. 23. 35-46. Māro, v.v...
[45]. Phật Quang, kinh 133.
[47]. Phật Quang, kinh 134.
[48]. Tức là, chiếu theo kinh 131 và các kinh tiếp theo được liệt kê ở trên, các kinh tiếp theo kinh 132 này có nội dung tương phản. Nghĩa là, tiếp theo kinh 131 là kinh “Tập trước”, thì tiếp theo kinh 132 ở đây là “Bất tập trước” cho đến, “Thổ” và tương phản là “Bất thổ”.
[49]. Quốc Dịch, Tụng 1, “3. Tương ưng Kiến”. Ấn Thuận xếp vào Tụng 7, “35. Tương ưng kiến,” tổng thể có chín mươi ba kinh, trong đây chỉ có sáu kinh có nội dung. Tương đương Pāli, S. 24. Diṭṭhisamyuttam, Roman 3. 201. Pāli, S. 24. 2. Etaṃ mamaṃ (cái này là của tôi).
[50]. Pāli: kismiṃ nu kho bhikkhave sati kiṃ upādāya kiṃ abhinivissa evaṃ diṭṭhi uajjati: etaṃ mama eso’ham asmi eso me attā ti, Do cái gì đang hiện hữu, do chấp thủ cái gì, do tham luyến cái gì, mà khởi lên quan điểm này: “Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi”?
[51]. Kiến văn giác thức cầu đắc tùy ức 見聞覺識求得隨憶. Pāli: diṭṭham sutam mutam viññatam tattam anuvicaritam, cái được thấy, cái được nghe, cái được cảm nhận, cái được nhận thức, cái sở đắc, cái sở cầu, cái được nhớ nghĩ.
[52]. Lục kiến xứ 六見處, sáu căn cứ để chấp ngã.
[53]. Phật Quang, kinh 136.
[54]. Xem cht.52, kinh 133 trên.
[55]. Xem cht.52, kinh 133 trên.
[56]. Phật Quang, kinh 138.
[57]. Xem cht.50 kinh 133 trên.
[58]. Xem cht.51, kinh 133 trên.
[59]. Xem cht.52, kinh 133 trên.