TẠP A-HÀM QUYỂN 4

KINH 88. HIẾU DƯỠNG[1]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ có Bà-la-môn trẻ tuổi tên là Uất-đa-la[2] đến chỗ Đức Phật. Sau khi chào hỏi xong, lui qua ngồi một bên, bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, con thường đi khất thực như pháp, đem cúng dường cho cha mẹ, khiến cho ông bà được an vui, xa lìa khổ. Bạch Thế Tôn, việc làm của con như vậy có nhiều phước không?”

Phật bảo Uất-đa-la:

“Thật có nhiều phước. Vì sao? Vì nếu có người nào khất cầu đúng pháp, để cúng dường cha mẹ, làm cho an vui, trừ khổ não, thì thật là người có phước lớn.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói bài kệ rằng:

Như ngươi đối cha mẹ,
Cung kính và cúng dường,
Đời này lưu tiếng thơm,
Khi chết được lên trời.

Phật nói kinh này xong, các Tỳ-kheo nghe những gì Đức Phật đã dạy, hoan hỷ phụng hành.

  

KINH 89. ƯU-BA-CA (1)[3]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Bà-la-môn tuổi trẻ tên là Ưu-ba-ca[4] đến chỗ Đức Phật. Sau khi chào hỏi xong, lui ngồi qua một bên, bạch Phật rằng:

“Bạch Cù-đàm, các Bà-la-môn thường hay khen ngợi đại hội tà thạnh[5]. Còn Sa-môn Cù-đàm có khen ngợi đại hội tế lễ không?”

Phật bảo Ưu-ba-ca:

“Ta không khen ngợi một chiều. Hoặc có đại hội tà thạnh Ta tán thán. Cũng có đại hội tà thạnh Ta không tán thán.”

Ưu-ba-ca bạch Phật:

“Những đại hội tế lễ nào có thể được khen ngợi và những đại hội tế lễ nào không được khen ngợi?”

Phật bảo Ưu-ba-ca:

“Nếu có đại hội tế lễ nào mà cột trói cả bầy nghé, trâu đực, trâu cái, những con dê và những chúng sanh nhỏ bé khác, tất cả đều bị sát hại; hành hạ áp bức những kẻ nô tỳ, người làm công, đánh đập bằng chịu roi vọt, làm cho sợ hãi, buồn khổ, khóc la, kêu gào, không hoan hỷ, không sướng, lao dịch khổ nhọc. Những đại hội tế lễ như vậy, Ta không khen ngợi, vì chúng gây nên tai nạn lớn.

“Nếu những đại hội tế lễ mà không trói cột các súc vật, cho đến không khiến chúng sanh phải lao dịch khổ nhọc; những đại hội tế lễ như vậy được Ta khen ngợi tán thán, vì nó không mang lại tai nạn lớn.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn liền nói kệ rằng:

Đại hội như tế ngựa,[6]
Gây nên tai họa lớn;
Các tà thạnh như vậy,
Đại tiên không khen ngợi.
Trói cột các chúng sanh,
Sát hại côn trùng nhỏ,
Chẳng phải lễ hội chánh,
Đại tiên không tùy thuận.
Nếu không hại chúng sanh,
Không gây các tai họa,
Thì gọi lễ hội chánh,
Đại tiên thuận tán thán.
Bố thí và cúng dường,
Đúng pháp thiết đại tế;
Người thí, tâm thanh tịnh,
Phạm hạnh ruộng phước tốt;
Những đại hội như vậy,
Gọi lễ hội La-hán.
Hội này được quả lớn,
Chư Thiên đều hoan hỷ.
Tự mình cung kính thỉnh,
Tự tay ban phát cho,
Mình người đều thanh tịnh;
Cho này được quả lớn.
Kẻ trí cho như vậy,
Tín tâm được giải thoát.
Cõi đời vui, không tội,
Người trí sanh nơi đó.

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Ưu-ba-ca nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.

  

KINH 90. ƯU-BA-CA (2)[7]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ. Đức Phật cũng nói đầy đủ như kinh trên[8], tuy nhiên có sự sai khác nơi bài kệ, Ngài đã nói:

Vô vi, không các nạn,
Khi tế lễ thanh tịnh,
Thuận hành theo như pháp,
Giữ gìn các phạm hạnh,
Tiếng thơm khắp thế giới,
Vượt lên trên phàm tục.
Đối với tế đàn thiện,
Phật khen ngợi lễ này.
Bố thí và cúng dường,
Tế lễ phải tùy thời,
Tịnh tín, cho bình đẳng,
Phạm hạnh ruộng phước tốt,
Người ban cho như vậy,
Là cúng ruộng La-hán.
Cho rộng lớn như vậy,
Chư Thiên sẽ khen ngợi,
Tự mình cung kính thỉnh,
Tự tay ban phát cho,
Mình người đều thanh tịnh;
Cho này được quả lớn.
Kẻ trí cho như vậy,
Tín tâm được giải thoát.
Cõi đời vui, không tội,
Người trí sanh nơi đó.

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Ưu-ba-ca nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ mà lui.

  

KINH 91. UẤT-XÀ-CA[9]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ. Bấy giờ có Bà-la-môn tuổi trẻ tên là Uất-xà-ca[10] đến chỗ Phật, cúi đầu làm lễ sát chân Phật, rồi lui ngồi qua một bên, bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, người thế tục tại gia nên thực hành bao nhiêu pháp để được lợi ích hiện tại và an lạc ngay hiện tại[11]?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Có bốn pháp giúp cho người thế tục tại gia được lợi ích hiện tại và an lạc ngay hiện tại. Đó là: Phương tiện đầy đủ, Thủ hộ đầy đủ, Thiện tri thức đầy đủ, Chánh mạng đầy đủ.

“Thế nào là Phương tiện đầy đủ[12]? Người thiện nam tự nuôi sống bằng các nghề nghiệp kỹ xảo, như làm ruộng, buôn bán, phục vụ vương sự, chép sách, toán thuật, hội họa. Đối với những nghề nghiệp kỹ xảo đó, luôn tinh tấn siêng năng trau dồi. Đó gọi là Phương tiện đầy đủ.

“Thế nào là Thủ hộ đầy đủ? Người thiện nam có tiền bạc, gạo lúa, do nỗ lực mà thu hoạch, tự tay mình làm ra, đúng như pháp mà có được, tích cực giữ gìn, không để cho vua, giặc, nước, lửa, tước đoạt, hay trôi, chìm, mất mát. Ngược lại, nếu không khéo giữ gìn sẽ tiêu mất; hay nếu không lưu tâm đến chúng, thì sẽ bị người khác chiếm lấy, cùng những tai nạn sẽ làm cho hư hỏng. Đó gọi là người thiện nam khéo thủ hộ.

“Thế nào là Thiện tri thức đầy đủ? Có người thiện nam không mất điều độ, không buông lung, không dối trá, không hung hiểm. Những tri thức như vậy, có khả năng khéo léo an ủi; sự sầu khổ chưa sanh có thể khiến không sanh, sự sầu khổ đã sanh có thể khai mở, tĩnh giác; những điều vui thích chưa sanh có thể khiến sanh nhanh, những điều vui thích đã sanh khiến giữ gìn không để mất. Đó gọi là người thiện nam thiện tri thức đầy đủ.[13]

“Thế nào là Chánh mạng đầy đủ? Người thiện nam có được những tiền của, trong việc chi thu cân đối, bảo quản chu tất, không để cho việc nhập nhiều mà xuất ít, hay xuất nhiều mà nhập ít; như người cầm cân ít thì phải thêm, nhiều thì phải bớt, cho đến lúc nào biết cân bằng thì mới thôi. Như vậy, người thiện nam đã cân đối được tài vật của mình trong khi xuất nhập ngang nhau, không khiến cho nhập nhiều xuất ít, hay xuất nhiều nhập ít. Nếu người thiện nam không có tiền của nhiều mà sử dụng rộng rãi quá trớn, thì do sự sinh hoạt này mà người ta nói là ‘quả ưu-đàm-bát không có hạt giống’[14]; ham muốn ngu si, không biết nghĩ đến sau này. Hoặc có người thiện nam dư dật mà không dám tiêu dùng, mọi người ở gần đều nói: ‘Người ngu si này như con chó chết đói.’ Cho nên người thiện nam, những tiền của có được, nên tự mình cân đối, xuất nhập ngang nhau. Đó gọi là Chánh mạng đầy đủ. Như vậy Bà-la-môn, đây là bốn pháp thành tựu lợi ích hiện tại và an lạc hiện tại.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Bạch Thế Tôn, những người tại gia có bao nhiêu pháp để có thể làm cho lợi ích đời sau, an lạc đời sau?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Có bốn pháp có thể làm cho lợi ích đời sau, an lạc đời sau. Đó là: Tín đầy đủ, Giới đầy đủ, Thí đầy đủ, Tuệ đầy đủ.

“Thế nào là có Đức tin đầy đủ? Đối với Như-lai, người thiện nam có tâm kính tin, gốc rễ tín vững chắc, mà chư Thiên, Ma, Phạm cùng với loài người[15] không thể phá hoại. Đó gọi là người thiện nam có Đức tin đầy đủ.

“Thế nào là có Giới đầy đủ? Người thiện nam không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Đó gọi là có Giới đầy đủ.

“Thế nào là có Thí đầy đủ? Người thiện nam với tâm không vấy bẩn bởi sự keo kiệt, sống đời tại gia mà hành bố thí buông xả[16], thường tự tay mình cho, vui vẻ tu hạnh thí xả. Đó gọi là người thiện nam có Thí đầy đủ.

“Thế nào là có Tuệ đầy đủ? Người thiện nam biết như thật về Khổ Thánh đế; biết như thật về Tập, Diệt, Đạo Thánh đế. Đó gọi là người thiện nam có Tuệ đầy đủ.

“Nếu người thiện nam nào ở tại gia đình mà thực hành bốn pháp này, có thể thành tựu lợi ích hiện tại và an lạc hiện tại.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn, lại nói kệ rằng:

Phương tiện[17], tạo dựng nghiệp,
Tích tụ phải giữ gìn,
Người thiện nam thân hữu,
Chánh mạng trong tự sống.
Tịnh tín, giới đầy đủ,
Bố thí lìa xan tật,
Thanh tịnh đường thăng tiến[18],
Đời sau được an lạc.
Nếu sống đời tại gia,
Thành tựu tám pháp này,
Suy nghiệm lời Phật dạy,
Những điều Phật giác tri,
Thì hiện tại an ổn,
Sống hiện tại hỷ lạc,
Đời sau cũng hỷ lạc.

Phật nói kinh này xong, Uất-xà-ca nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ rồi lui.

 

KINH 92. KIÊU MẠN[19]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật từ nước Câu-tát-la du hành trong nhân gian đến vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ tại nước Xá-vệ có Bà-la-môn Kiêu Mạn[20], đang sống tại đây, dòng họ cha mẹ đều thuần tịnh không một tỳ vết nào đáng bị chê trách;[21] bảy đời nối tiếp nhau, tất cả đều thuần tịnh; là bậc thầy của các Bà-la-môn. Ngôn luận thông suốt; điển tịch các luận, có hàng vạn tên, thảy đều biết rõ; hiểu pháp hơn thua, phân biệt[22] tự nghĩa,[23] ghi nhớ từng câu; tướng mạo đoan chánh. Do tự cao về huyết thống, tự cao về dòng họ, tự cao về tướng mạo, tự cao về sự thông minh, tự cao về sự giàu sang; ông không kính trọng cha mẹ, các bậc tôn túc, sư trưởng. Khi ông nghe tin Sa-môn Cù-đàm đã từ nước Câu-tát-la du hành trong nhân gian đến vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, thuộc nước Xá-vệ này, ông liền nghĩ: “Ta sẽ đến chỗ Sa-môn Cù-đàm này. Nếu Sa-môn có nói gì, ta sẽ cùng Sa-môn bàn luận. Nếu không nói gì, ta sẽ im lặng ra về.”

Bấy giờ, Bà-la-môn Kiêu Mạn đi xe ngựa trắng, với các thiếu niên Bà-la-môn theo hầu trước sau, cầm lọng cán vàng, tay ôm bình vàng, đến gặp Đức Thế Tôn. Khi tới cửa vườn, ông xuống xe đi bộ vào. Lúc ấy, Đức Thế Tôn đang nói pháp cho đại chúng vây quanh.[24] Thế Tôn không hề để ý đến Bà-la-môn Kiêu Mạn. Bà-la-môn Kiêu Mạn tự nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm không để ý đến ta.[25] Thôi ta nên về.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết tâm niệm của Bà-la-môn Kiêu Mạn, nên nói kệ rằng:

Kiêu Mạn đã đến đây,
Bất thiện lại tăng trưởng.
Trước vì nghĩa mà đến,
Hãy tăng trưởng nghĩa ấy.[26]

Bây giờ, Bà-la-môn Kiêu Mạn lại nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm đã biết tâm ta.” Rồi ông sửa soạn hành lễ.[27] Đức Thế Tôn bảo Bà-la-môn Kiêu Mạn:

“Thôi! Thôi! Không cần phải làm lễ. Tâm tịnh là đủ rồi[28].”

Lúc ấy, mọi người đều lớn tiếng xướng rằng:

“Lạ thay! Thế Tôn, là Bậc Đại đức, Đại lực. Nay, Bà-la-môn Kiêu Mạn này, do tự cao về huyết thống, tự cao về dòng họ, tự cao về tướng mạo, tự cao về sự thông minh, tự cao về sự giàu sang; nên không kính trọng cha mẹ, các bậc tôn túc, sư trưởng, mà nay đối trước Sa-môn Cù-đàm lại khiêm hạ, hạ mình, muốn lễ sát chân Phật.”

Bà-la-môn Kiêu Mạn trước mọi người lớn tiếng bảo lặng, rồi nói kệ rằng:

Thế nào[29] chẳng khởi mạn?
Thế nào khởi cung kính?
Thế nào khéo an ủi?
Thế nào khéo cúng dường?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn đáp kệ rằng:

Đối cha mẹ, huynh trưởng,
Hòa thượng, các sư trưởng,
Cùng các bậc tôn trọng,
Không nên sanh kiêu mạn.
Phải khéo lòng cung kính,
Khiêm hạ và hỏi thăm,
Tận tâm mà phụng sự,
Cùng các việc cúng dường.
A-la-hán lậu tận,
Tâm lìa tham, nhuế, si,
Chánh trí khéo giải thoát,
Điều phục tâm kiêu mạn;
Đối các Hiền thánh này,
Chắp tay cúi đầu lễ.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Bà-la-môn Kiêu Mạn thuyết pháp bằng nhiều cách, khai thị, chỉ giáo, soi sáng, khiến hoan hỷ.[30] Đức Phật nói pháp theo tuần tự, nói về bố thí, trì giới, công đức sanh thiên, về vị ngọt, sự tai hại của ái dục, về sự phiền não, thanh tịnh, về xuất yếu viễn ly, về các phần thanh tịnh; nói rộng như vậy.[31] Như tấm vải trắng sạch, chưa bị nhuộm đen, thấm nhuộm màu nhanh chóng; Bà-la-môn Kiêu Mạn ngay tại chỗ ngồi hiểu rõ Bốn Thánh đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo, chứng đắc hiện quán[32]. Bấy giờ Bà-la-môn Kiêu Mạn, thấy pháp, đắc pháp, biết pháp, chứng nhập pháp, vượt qua khỏi mọi nghi hoặc, mà không do người khác độ thoát, ở trong chánh pháp được vô sở úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, lễ Phật, rồi chắp tay bạch Phật:

“Nay, con có được phép ở trong chánh pháp, xuất gia thọ cụ túc chăng?”

Đức Phật bảo Bà-la-môn Kiêu Mạn:

“Nay, ông có thể ở trong chánh pháp xuất gia thọ cụ túc.”

Bà-la-môn kia liền xuất gia, một mình âm thầm tư duy về lý do người thiện nam cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín xuất gia học đạo, sống không gia đình, cho đến, đắc A-la-hán, tâm khéo giải thoát.

 

KINH 93. TAM HỎA[33]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật từ Câu-tát-la du hành trong nhân gian đến vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Bà-la-môn Trường Thân tổ chức đại tế đàn[34] như vầy: đem bảy trăm con trâu đực sắp hàng cột vào trụ, còn những con trâu cái, trâu con, những con dê tơ, cùng những sanh vật nhỏ bé khác cũng đều bị trói cột. Rồi sửa soạn các món đồ ăn thức uống để bố thí một cách rộng rãi. Các nhóm ngoại đạo khác nhau từ nhiều nước khác nhau đều tụ tập trung đến đại tế đàn này.

Bấy giờ, Bà-la-môn Trường Thân[35] nghe Sa-môn Cù-đàm từ Câu-tát-la du hành trong nhân gian đến vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ này, thì tự nghĩ: “Nay, ta tổ chức đại tế đàn, đem bảy trăm con trâu đực sắp hàng cột vào trụ, cho đến những sanh vật bé nhỏ khác, tất cả đều bị trói cột. Các nhóm ngoại đạo khác nhau từ nhiều nước khác nhau đều tụ tập về dự đại tế đàn này. Nay, ta nên đến chỗ Sa-môn Cù-đàm hỏi về pháp tế tự, chớ để cho các phần số[36] trong đại tế đàn mà ta tổ chức bị thiếu sót.” Suy nghĩ như vậy rồi, đi xe ngựa trắng, dẫn theo trước sau nhiều thiếu niên Bà-la-môn, cầm lọng cán vàng, ôm bình nước vàng, ra khỏi thành Xá-vệ, đến chỗ Đức Thế Tôn, cung kính thừa sự. Khi đến cổng tinh xá, ông xuống xe, đi bộ đến trước Phật. Sau khi chào hỏi xong, ông lui ngồi qua một bên, bạch Phật rằng:

“Bạch Cù-đàm, nay tôi muốn tổ chức lễ hội lớn tế lễ, với bảy trăm con trâu đực sắp hàng cột vào trụ, cho đến các loài sanh vật nhỏ bé khác, tất cả đều bị trói cột. Các nhóm ngoại đạo khác nhau từ nhiều nước khác nhau đều tụ tập về dự đại tế đàn này. Nay, tôi lại nghe Cù-đàm từ Câu-tát-la du hành trong nhân gian đã đến vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà thuộc nước Xá-vệ, nên tôi đến đây để thỉnh vấn Cù-đàm về pháp tế tự và phần số của các phẩm vật, không để cho các phần số trong đại tế đàn mà tôi tổ chức bị thiếu sót.”

Đức Phật bảo Bà-la-môn:

“Có một thứ đại tế đàn, tuy người chủ thực hành việc bố thí làm phước nhưng lại sanh ra tội, gặt hái quả báo bất thiện, bị đâm chém bởi ba thứ đao kiếm. Ba loại ấy là: đao kiếm bởi thân, đao kiếm bởi miệng, đao kiếm bởi ý.

“Thế nào là đao kiếm bởi ý, sanh ra các quả báo khổ? Như có một người chủ tổ chức đại tế đàn, suy nghĩ: “Ta tổ chức đại hội tế tự, cần phải giết ngần ấy trâu đực mập mạnh, trâu cái, trâu con, dê tơ, cùng nhiều loài sanh vật nhỏ bé khác.” Đó gọi là đao kiếm bởi ý, sanh ra các quả báo khổ. Tuy người thí chủ có ý nghĩ là làm các việc bố thí và cúng dường như vậy, nhưng thật ra việc làm ấy sanh ra tội.

“Thế nào là đao kiếm bởi miệng, sanh ra các quả báo khổ? Có một người chủ tổ chức lễ hội lớn, bảo như vầy: “Nay, ta tổ chức lễ hội lớn tế lễ, các ngươi phải giết ngần ấy trâu đực mập mạnh, cho đến ngần ấy sanh vật nhỏ bé khác.” Đó gọi là đao kiếm bởi miệng, sanh ra các quả báo khổ. Người chủ lễ hội lớn, tuy làm các việc bố thí, cúng dường, nhưng thật ra việc làm ấy sanh ra tội.

“Thế nào là đao kiếm bởi thân, sanh ra các quả báo khổ? Có người chủ lễ hội lớn, tự tay mình giết trâu đực, cho đến giết hại các loài sanh vật bé nhỏ khác. Đó gọi là đao kiếm bởi thân sanh ra các quả báo khổ. Người chủ lễ hội lớn này, tuy nghĩ đến các việc bố thí, cúng dường, nhưng thật ra việc làm ấy sanh ra tội.

“Tuy nhiên, Bà-la-môn nào siêng năng tùy thời cúng dường ba thứ lửa, cung kính lễ bái, phụng sự, mang lại sự an lạc. Những gì là ba? Một là lửa căn bản, hai là lửa cư gia, ba là lửa phước điền.

“Thế nào là lửa căn bản, mà tùy thời cung kính, phụng sự, cúng dường, mang lại sự an lạc? Người thiện nam, nhờ phương tiện có được tiền của, hay do sự cần cù khó nhọc chân tay mà có được như pháp, đem phụng dưỡng cha mẹ, khiến cho họ được an lạc, đó gọi là lửa căn bản. Vì sao gọi là căn bản? Vì người thiện nam do cha mẹ sanh ra, nên cha mẹ được gọi là căn bản. Người thiện nam vì tôn sùng căn bản nên tùy thời cung kính, phụng sự, mang lại sự an lạc cho họ.

“Thế nào là lửa gia cư, mà người thiện nam tùy thời nuôi dưỡng, đem lại sự an lạc? Người thiện nam, nhờ phương tiện có được của cải, nhờ vào sự cần cù khổ cực của chân tay, có được như pháp, rồi đem cung cấp cho vợ con, bà con quyến thuộc, người giúp việc, khách thương, tùy thời mà cung cấp, với lòng tôn trọng, đem lại sự hạnh phúc cho họ. Đó gọi là lửa cư gia. Vì sao gọi là gia? Vì người thiện nam sống đời tại gia, vui thì cùng vui, khổ thì cùng khổ, mọi sinh hoạt trong gia đình đều tùy thuận lệ thuộc vào nhau, cho nên gọi là gia. Vì vậy, người thiện nam nên tùy thời mà cung cấp và mang lại sự an lạc cho họ.

“Thế nào là lửa phước điền, mà người thiện nam tùy thời cung kính, tôn trọng cúng dường, mang lại sự an lạc? Người thiện nam, phương tiện có được của cải, nhờ vào sự cần cù khổ cực của chân tay, có được như pháp, rồi đem phụng sự, cúng dường cho các Sa-môn, Bà-la-môn nào đã khéo điều phục tham, nhuế, si. Cúng dường những Sa-môn, Bà-la-môn như vậy là kiến lập phước điền, càng lúc càng tăng tiến, hiện tại an vui được báo tốt, tương lai sẽ sanh về cõi trời. Đó gọi là lửa phước điền. Vì sao gọi là điền? Vì đó là đám ruộng phước của thế gian, là nơi đáng được cúng dường, cho nên gọi là điền. Do vậy, người thiện nam nên tùy thời cung kính, phụng sự, cúng dường và mang lại sự an lạc cho họ.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn lại nói kệ rằng:

Căn bản và cư gia,
Lửa ruộng phước xứng đáng;
Luôn cúng dường lửa này,
Vui an ổn sung túc.
Cõi đời vui, không tội,
Người tuệ sanh về đó,
Của như pháp mở hội,
Cúng dường nơi đáng cúng;
Vì cúng dường đúng chỗ,
Nên tiếng thơm, sanh Thiên.

“Nhưng, này Bà-la-môn, người thiện nam, nay đối với với ba thứ lửa mà trước kia đã từng cúng dường, hãy đoạn trừ, dập tắt. Những gì là ba? Lửa tham dục, lửa sân hận, lửa ngu si. Vì sao? Vì lửa tham mà không được đoạn trừ, không bị dập tắt, thì sẽ tự mình hại mình, hại người; mình người đều bị hại; hiện tại mắc tội, đời sau mắc tội, hiện tại và đời sau đều mắc tội. Vì duyên vào những tội này nên sanh ra tâm pháp buồn lo, khổ não. Đối với lửa sân, lửa si cũng lại như vậy.

“Này Bà-la-môn, nếu người thiện nam phụng thờ thứ lửa do nhóm củi, thường xuyên phải khổ nhục, thường xuyên phải nhen nhóm, thường xuyên lửa tắt; vì những nhân duyên này mà chịu khổ.”

Bấy giờ, Trường Thân Bà-la-môn, ngồi im lặng. Lúc ấy, có người con của Bà-la-môn tên là Uất-đa-la đang ngồi trong hội. Trường Thân Bà-la-môn sau khi im lặng và suy giây lát, rồi bảo Uất-đa-la:

“Con trở về chỗ lễ hội tế lễ, hãy thả những con trâu bị cột nơi trụ; cùng những sanh vật đã bị trói cột, tất cả đều thả ra hết và nói lại với chúng rằng: “Trường Thân Bà-la-môn cho phép các ngươi tùy ý tự tại nơi núi đồi, đầm ao, đồng hoang… mặc sức ăn cỏ tươi, uống các dòng nước trong, gió mát bốn bề, hưởng thụ mọi sự khoái lạc.”

Uất-đa-la bạch rằng:

“Con xin vâng theo lời thầy dạy.”

Uất-đa-la liền đi đến chỗ lễ hội tế lễ, thả hết mọi sanh vật và nói với chúng rằng: “Trường Thân Bà-la-môn đã cho phép các ngươi tùy theo sở thích đối với núi đồi, đầm ao, đồng hoang… ăn cỏ, uống nước, gió mát bốn bề, tự theo ý thích.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn biết Uất-đa-la đã hoàn thành công việc xong, liền nói pháp cho Bà-la-môn Trường Thân, chỉ dạy, soi sáng, làm cho an vui, như cách thuyết pháp của các Đức Thế Tôn, theo thứ tự trước sau nói về việc trì giới, bố thí và công đức sanh lên cõi trời; về vị ngọt và sự tai hại của ái dục, về sự thanh tịnh của xuất ly, về sự thanh tịnh các phiền não[37]; khai thị, tỏ bày. Giống như tấm lụa trắng sạch dễ thấm màu nhuộm, Trường Thân Bà-la-môn lại cũng như vậy, ngay nơi chỗ ngồi thấy được Bốn chân đế, chứng đắc hiện quán.[38] Khi Trường Thân Bà-la-môn tự thân đã thấy pháp, đắc pháp, thâm nhập pháp, vượt qua khỏi những nghi hoặc, không do người khác độ thoát, ở trong chánh pháp đạt được vô sở úy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, sửa lại y phục, trịch áo vai hữu, chắp tay bạch Phật:

“Con đã được độ, bạch Thế Tôn. Con, từ ngày hôm nay cho đến suốt đời, xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tỳ-kheo Tăng, làm Ưu-bà-tắc. Ngưỡng mong Ngài chứng tri cho con. Ngưỡng mong Đức Thế Tôn và đại chúng nhận bữa ăn con cúng dường.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn im lặng nhận lời. Khi Trường Thân Bà-la-môn biết Phật đã nhận lời mời, làm lễ Phật, đi vòng bên hữu ba lần rồi lui. Trường Thân Bà-la-môn trở về lại chỗ tế lễ, sửa soạn đồ vật cúng dường thanh khiết, ngon lành và bố trí giường ghế, chỗ ngồi xong, sai người đến thỉnh Phật:

“Bạch Ngài đã đến giờ, xin Ngài biết cho!”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn khoác y cầm bát cùng với đại chúng theo sau, đi đến chỗ lễ hội của Trường Thân Bà-la-môn. Ngài ngồi trước đại chúng. Khi Trường Thân Bà-la-môn biết Đức Thế Tôn đã ngồi an định rồi, tự tay dâng cúng các thứ đồ ăn thức uống. Khi Đức Phật và đại chúng ăn xong; rửa tay, rửa bát xong, ông ngồi riêng ngay ngắn trên một chiếc ghế thấp đặt trước đại chúng để nghe pháp.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Trường Thân Bà-la-môn mà nói pháp bằng nhiều cách, chỉ dạy, soi sáng, làm cho an vui, rồi từ chỗ ngồi đứng dậy ra về.

KINH 94. MẶT TRĂNG[39]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Bà-la-môn tuổi trẻ tên là Tăng-ca-la đến chỗ Phật, cùng Đức Thế Tôn thăm hỏi sức khỏe lẫn nhau, rồi ngồi lui qua một bên bạch Phật rằng:

“Bạch Cù-đàm, làm sao để có thể biết người nam bất thiện?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Giống như trăng.”

Bà-la-môn lại hỏi:

“Làm sao để có thể biết người nam thiện?

Phật bảo Bà-la-môn:

“Giống như trăng.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Thế nào là người nam bất thiện giống như trăng?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Như trăng cuối tháng[40], ánh sáng mất, màu sắc cũng mất, sở hệ cũng mất, ngày đêm càng lúc càng tiêu giảm[41], cho đến không còn xuất hiện. Cũng vậy, có người đối với Như Lai mà tín tâm tịch tĩnh[42], thọ trì tịnh giới, khéo học, nghe nhiều, nhường bớt phần mình để bố thí, chánh kiến chân thật; nhưng sau đó lại thoái thất, tín tâm thanh tịnh đối với Như Lai, đối với sự trì giới, bố thí, nghe nhiều, chánh kiến chân thật ngay thẳng[43]; đối với sự bố thí, trì giới, đa văn, chánh kiến, tất cả đều bị đánh mất; ngày đêm càng lúc càng tiêu giảm, cho đến trong khoảnh khắc tất cả đều bị quên mất. Lại nữa, này Bà-la-môn, nếu người thiện nam nào, mà không thân quen gần gũi thiện tri thức, không thường xuyên nghe pháp, không suy nghĩ chân chánh, thân làm các hành vi ác, miệng nói lời ác, ý nghĩ về những điều ác, thì vì những nhân duyên ác đã tạo ra này, nên khi thân hoại mạng chung sẽ bị đọa vào trong đường ác, địa ngục. Như vậy, này Bà-la-môn, người nam bất thiện được ví như trăng.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Thế nào là người nam thiện được ví như trăng?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Như trăng đầu tháng[44], ánh sáng và màu sắc tươi sáng, ngày đêm càng lúc càng sáng dần, cho đến khi trăng đầy, hoàn toàn tròn đầy tươi sáng. Cũng vậy, người nam thiện đối với pháp luật của Như Lai mà có được tín tâm thanh tịnh, cho đến, chánh kiến chân thật, chân tịnh càng tươi sáng, giới tăng, thí tăng, đa văn tăng, tuệ tăng, ngày đêm càng lúc càng tăng. Rồi vào lúc khác, gần gũi thiện tri thức, nghe thuyết chánh pháp, bên trong suy nghĩ chân chánh, thân làm các việc lành, miệng nói những lời lành, ý nghĩ những điều lành; nhờ vào những nhân duyên này mà khi thân hoại mạng chung sẽ được hóa sanh lên cõi trời. Này Bà-la-môn, vì vậy cho nên người nam thiện được ví như trăng.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Như trăng trong không bợn,
Chu du khắp hư không;
Trong tất cả tinh tú,
Ánh trăng sáng hơn hết.
Tịnh tín cũng như vậy,
Giới, văn, rộng bố thí,
Lìa bỏn sẻn trong đời,
Bố thí này sáng ngời.

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Tăng-ca-la nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ từ chỗ ngồi đứng dậy cáo lui.

  

KINH 95. SANH VĂN[45]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có Bà-la-môn Sanh Văn đến chỗ Phật, cùng Thế Tôn thăm hỏi sức khỏe nhau, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:

“Bạch Cù-đàm, tôi nghe Ngài nói rằng: “Chỉ nên cúng dường cho Ta, không nên cúng dường cho người khác; cúng dường cho Ta sẽ được quả báo lớn, không phải cúng dường cho người khác mà được quả báo lớn. Nên cúng dường cho đệ tử của Ta, không nên cúng dường cho đệ tử người khác; cúng dường cho đệ tử của Ta sẽ được quả báo lớn, không phải cúng dường cho đệ tử của người khác mà được quả báo lớn.” Bạch Cù-đàm, thế nào, những lời nói ấy có phải là lời nói thật chăng? Chẳng phải là hủy báng Cù-đàm chăng? Nói đúng như thuyết, nói đúng như pháp, nói theo thuận thứ của pháp, không bị người khác dùng đồng pháp đến quở trách chăng?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Người nào nói những lời như vậy là hủy báng Ta; không nói đúng như thuyết, nói đúng như pháp, nói theo thuận thứ của pháp, bị người khác dùng đồng pháp đến quở trách. Vì sao? Vì Ta không nói như vầy: “Nên cúng dường cho Ta, không nên cúng dường cho người; cúng dường cho Ta sẽ được quả báo lớn, không phải cúng dường cho người khác là được quả báo lớn. Nên cúng dường cho đệ tử của Ta, cúng dường cho đệ tử của Ta sẽ được quả báo lớn; không phải cúng dường cho đệ tử của người khác mà được quả báo lớn.” Nhưng này Bà-la-môn Ta nói như vầy, những lời nói như trên sẽ tạo ra hai thứ chướng ngại: chướng ngại cho việc cúng dường của người thí chủ và làm chướng ngại cho người nhận đồ cúng dường.

“Này Bà-la-môn, cho đến bất cứ người nào, chỉ cần đem thức ăn trong khi rửa bát chén còn lại, đổ ở trên đất sạch, khiến cho những sanh vật nơi đó được sự lợi lạc, thì Ta nói những người đó đã được vào cửa phước rồi, huống chi là bố thí cho con người. Này Bà-la-môn, tuy nhiên Ta cũng nói, người nào cúng dường cho người trì giới, quả báo đó sẽ không đồng với sự bố thí cho người phạm giới.”

Bà-la-môn Sanh Văn bạch Phật rằng:

“Thưa Cù-đàm, đúng vậy, tôi cũng nói như vậy, cúng dường cho người trì giới sẽ được quả báo lớn, chứ không phải cúng dường cho người phạm giới.”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ rằng:

Hoặc đen, hoặc trắng tinh,
Hoặc đỏ, hoặc có màu,
Màu tạp cùng vàng ròng,
Thuần vàng cùng màu xám,
Những trâu cái như vậy,
Trâu con đẹp đẽ này,
Đầy đủ sức cường tráng,
Khéo huấn luyện, đi nhanh,
Chỉ khiến chuyên chở nặng,
Không hỏi màu sắc nó.
Con người cũng như vậy,
Tùy thuộc vào nơi sanh,
Sát-lợi, Bà-la-môn,
Tỳ-xá, Thủ-đà-la,
Hạ tiện Chiên-đà-la,
Nơi sanh thảy không đồng.
Giả sử giữ tịnh giới,
Lìa gánh nặng phiền não,
Thuần nhất tu phạm hạnh,
A-la-hán lậu tận,
Đấng Thiện Thệ trong đời:
Cúng các Ngài, quả lớn.
Người ngu không trí tuệ,
Chưa từng nghe chánh pháp:
Cúng kia không quả lớn,
Vì không gần bạn lành.
Nếu gần thiện tri thức,
Như Lai cùng Thanh văn,
Tín tịnh nơi Thiện Thệ,
Căn sanh, lực kiên cố,
Sẽ đi về đường lành,
Sanh vào dòng tôn quý,
Cứu cánh Bát-niết-bàn,
Đại Tiên nói như vậy.

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Sanh Văn nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ làm lễ cáo lui.

  

KINH 96. DỊ BÀ-LA-MÔN[46]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, Xá-vệ. Bấy giờ, vào buổi sáng, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Lúc ấy, có Bà-la-môn[47] tuổi già sức yếu, chống gậy, cầm bát, đi khất thực từng nhà một. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bà-la-môn:

“Nay ông đã tuổi già sức yếu rồi, sao lại còn phải chống gậy cầm bát đi khất thực từng nhà?”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, bao nhiêu tài vật có được ở trong nhà tôi, tất cả đều giao cho con trai, cưới vợ cho con trai. Nhưng sau đó chúng lại đuổi ra khỏi nhà, nên phải chống gậy, cầm bát đi khất thực từng nhà.”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Ông có thể học thuộc lòng một bài kệ của Ta, rồi trở về nhà, ở giữa mọi người Bà-la-môn, đọc cho con trai của ông nghe được không?”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Bạch Cù-đàm, có thể được.”

Bấy giờ, Đức Phật liền nói bài kệ:

Sanh con lòng vui mừng,
Vì con tích chứa của,
Rồi cưới vợ cho con.
Nhưng mình phải bỏ nhà.
Đứa con quê mùa kia,
Nghịch, phụ ân cha mẹ,
Thân người, tâm La-sát,
Xua đuổi bậc già cả.
Như ngựa già vô dụng,
Bị cướp mất thóc lúa,
Con trẻ mà cha già,
Phải xin ăn từng nhà.
Gậy cong này hơn hết,
Ân ái hơn con đẻ,
Vì ta ngừa trâu dữ,
Tránh đất hiểm, được an,
Xua đuổi loài chó dữ,
Giúp ta qua chỗ tối,
Tránh hầm sâu, giếng thẳm,
Cây cỏ và gai gốc;
Nhờ sức oai cây gậy,
Đứng vững không té ngã.

Sau khi nhận bài kệ từ Đức Thế Tôn, người Bà-la-môn liền trở về giữa đám đông Bà-la-môn, đọc lại cho con trai nghe. Trước hết ông cáo bạch mọi người: “Hãy nghe tôi nói.” Sau đó ông đọc lại bài kệ như trên. Người con trai vừa xấu hổ vừa sợ hãi, liền ôm choàng người cha mình đưa vào nhà, tắm rửa lau mình, mặc áo quần sạch sẽ và lập làm gia chủ.

Rồi thì, Bà-la-môn tự nghĩ: “Ta có được dòng họ tôn quý như hôm nay, là nhờ ân đức của Sa-môn Cù-đàm. Như kinh điển của ta đã dạy: ‘Là Thầy thì cúng dường như bậc Thầy; là Hòa thượng thì cúng dường như là Hòa thượng. Những gì ta đã được hôm nay đều nhờ vào oai lực của Sa-môn Cù-đàm, Ngài là Thầy của ta. Hôm nay ta sẽ đem chiếc y quí giá tốt đẹp nhất cúng dường cho Cù-đàm.”

Bấy giờ, Bà-la-môn đem chiếc y quí giá nhất đến chỗ Đức Thế Tôn. Trước mặt Thế Tôn, cùng thăm hỏi sức khỏe rồi, sau đó ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:

“Bạch Cù-đàm, ngày nay gia cư của con được thành tựu là nhờ vào oai lực của đức Cù-đàm. Như kinh điển bên con đã dạy: “Là Thầy thì cúng dường như là bậc Thầy, là Hòa thượng thì cúng dường như là Hòa thượng.” Ngày nay Cù-đàm là Thầy của con, xin thương xót con mà nhận chiếc y này.”

Vì thương xót mà Đức Thế Tôn đã nhận chiếc y.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Bà-la-môn mà nói đủ các pháp, chỉ dạy, làm sáng tỏ, làm cho vui mừng.

Bà-la-môn nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ cáo lui.

  

KINH 97. KHẤT THỰC[48]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ vào buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y cầm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Lúc ấy có một Bà-la-môn tuổi già sức yếu, chống gậy cầm bát đi khất thực từng nhà. Bà-la-môn này từ xa nhìn thấy Đức Thế Tôn liền tự nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm chống gậy bưng bát, đi khất thực từng nhà. Ta cũng chống gậy ôm bát đi khất thực từng nhà. Ta cùng Cù-đàm đều là Tỳ-kheo[49].”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ để trả lời:

Được gọi là Tỳ-kheo,
Chẳng chỉ vì khất thực.
Kẻ trì pháp tại gia,
Sao được gọi Tỳ-kheo?
Đã lìa dục tai hại,
Tu tập các chánh hạnh,
Tâm mình không sợ hãi,
Đó gọi là Tỳ-kheo.

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn kia nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ làm lễ cáo lui.

  

KINH 98. CANH ĐIỀN[50]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật từ Câu-tát-la du hành trong nhân gian đến trụ trong rừng Nhất-na-la[51], tại tụ lạc Nhất-na-la. Bấy giờ Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào tụ lạc Nhất-na-la khất thực. Rồi Thế Tôn nghĩ: “Nay trời còn quá sớm. Giờ Ta hãy đi đến chỗ phân phát ẩm thực[52] của Bà-la-môn làm ruộng là Bà-la-đậu-bà-giá[53].” Bà-la-môn chuẩn bị đủ năm trăm cái cày, đang phân phát ẩm thực. Từ xa Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá nhìn thấy Đức Thế Tôn, bèn thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, nay tôi cày ruộng, gieo giống để cung cấp lương thực. Vậy, Sa-môn Cù-đàm cũng nên cày ruộng gieo giống để cung cấp lương thực!”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Ta cũng cày ruộng gieo giống, để cung cấp lương thực.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Tôi không thấy Sa-môn Cù-đàm sắm cái cày, cái ách, dây buộc, cái bừa, hay cái roi, mà nay Cù-đàm lại nói: “Ta cũng cày ruộng, gieo giống, để cung cấp lương thực!”

Lúc ấy, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá liền nói kệ rằng:

Người tự nói cày ruộng,
Mà không thấy cái cày;
Lại bảo tôi cày ruộng.
Xin cho biết phép cày.

Bấy giờ, Đức Thế Tôn nói kệ đáp lại rằng:

Tín tâm là hạt giống,
Khổ hạnh mưa đúng mùa,
Trí tuệ là cày, ách,
Tàm quý là cán cày.
Tự gìn giữ chánh niệm,
Là người giỏi chế ngự.
Giữ kín nghiệp thân, miệng,
Như thực phẩm trong kho.
Chân thật là xe tốt,
Sống vui không biếng nhác,
Tinh tấn không bỏ hoang,
An ổn mà tiến nhanh,
Thẳng đến không trở lại,
Đến được chỗ không lo.
Người cày ruộng như vậy,
Chứng đắc quả Niết-bàn.
Người cày ruộng như vậy,
Không tái sinh các hữu.

Bấy giờ, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá bạch Phật rằng:

“Cù-đàm rất giỏi cày ruộng! Cù-đàm cày ruộng thật hay!”

Rồi thì, sau khi nghe Đức Thế Tôn nói kệ, tín tâm đối với ông càng tăng, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá đem dâng cúng Phật một bát đầy đồ ăn thức uống thơm ngon. Đức Thế Tôn không nhận, vì có được là do nói bài kệ. Ngài bèn nói kệ rằng:

Không vì việc nói pháp,
Nhận ăn thức ăn này.
Chỉ vì lợi ích người,
Nói pháp không thọ thực.

Nói rộng như đã nói rộng với Hỏa chủng Bà-la-môn ở trước như vậy.

Lúc này, Bà-la-môn cày ruộng Bà-la-đậu-bà-giá bạch Đức Phật rằng:

“Bạch Cù-đàm, giờ con đem thức ăn này để chỗ nào?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Ta không thấy chư Thiên, Ma, Phạm, Sa-môn, Bà-la-môn, thiên thần, hay người thế gian nào, mà dùng thức ăn này được an ổn được. Này Bà-la-môn, ông hãy đem thức ăn này để vào trong nước không có trùng hay chỗ đất nào ít cỏ tươi.”

Khi ấy, người Bà-la-môn này đem thức ăn đặt vào trong nước không có trùng, nước liền bốc khói, sôi bùng kêu xèo xèo. Như hòn sắt nóng được ném vào trong nước lạnh phát ra tiếng kêu xèo xèo; cũng vậy, thức ăn này được để vào trong nước không có trùng thì sôi bùng khói bốc lên và phát ra tiếng kêu xèo xèo. Bà-la-môn tự nghĩ: “Sa-môn Cù-đàm thật là kỳ đặc, có oai đức lớn, có oai lực lớn nên mới có thể làm cho đồ ăn thức uống thần biến như vậy.” Khi Bà-la-môn thấy thức ăn hiện điềm lành, lòng tin của ông càng tăng, lại bạch Phật rằng:

“Bạch Cù-đàm, nay con có thể được phép ở trong chánh pháp xuất gia thọ cụ túc không?”

Đức Phật bảo Bà-la-môn:

“Nay ông có thể được phép ở trong chánh pháp, xuất gia thọ cụ túc; được làm Tỳ-kheo.”

Sau khi Bà-la-môn này xuất gia rồi, một mình lặng lẽ tư duy về lý do người dòng họ quý tộc cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chánh tín, xuất gia, học đạo, sống không gia đình, cho đến đắc quả A-la-hán, tâm khéo giải thoát.

  

KINH 99. TỊNH THIÊN[54]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại thành Vương xá. Bấy giờ có Tôn giả tên là Tịnh Thiên[55], từ nước Tỳ-đề-ha du hành trong nhân gian đến trong vườn Am-la tại thành Di-hy-la. Sáng hôm ấy, Tôn giả Tịnh Thiên đắp y mang bát vào thành Di-hy-la khất thực, theo thứ tự khất thực, đi lần đến nhà cũ.

Cũng lúc ấy, mẹ của Tịnh Thiên, tuổi đã già, đang dâng lễ cúng thần lửa tại nhà giữa để cầu sanh lên cõi Phạm thiên, mà không biết Tôn giả Tịnh Thiên đang đứng ngoài cửa. Bấy giờ, Tỳ-sa-môn Thiên vương đối với Tôn giả Tịnh Thiên sanh lòng kính tin cực kỳ. Tỳ-sa-môn Thiên vương, cùng với các hàng Dạ-xoa theo sau, đang nương vào hư không mà đi, thấy Tôn giả Tịnh Thiên đang đứng ngoài cửa; lại thấy trong nhà giữa mẹ Tôn giả đang bưng đồ ăn thức uống dâng cúng thần lửa, mà không thấy con mình đang đứng ngoài cửa. Thấy vậy, từ không trung hạ xuống, đến trước mặt mẹ Tịnh Thiên nói kệ rằng:

Bà-la-môn-ni này,
Phạm thiên thật xa vời,
Vì muốn sanh nơi đó,
Ở đây thờ cúng lửa.
Chẳng phải đường Phạm thiên,
Thờ tự chi vô ích?
Này Bà-la-môn-ni,
Tịnh Thiên đứng ngoài cửa,
Cấu uế đã dứt sạch,
Là trời trong các trời.
Vắng lặng không có gì,
Một mình không tài sản,
Vì khất thực vào nhà,
Là người đáng cúng dường.
Tịnh Thiên khéo tu thân,
Ruộng phước tốt Trời, Người,
Xa lìa tất cả ác,
Không hề nhiễm, bị nhiễm,
Đức đồng với Phạm thiên.
Thân tuy ở nhân gian,
Mà không nhiễm pháp nào,
Như rồng đã thuần thục[56],
Tỳ-kheo sống chánh niệm,
Tâm mình khéo giải thoát.
Nên dâng nắm cơm đầu[57],
Là ruộng phước tối cao.
Nên đem tâm chánh tín,
Kịp thời cúng dường nhanh.
Nên dự lập hòn đảo,
Khiến vị lai an lạc.
Bà xem ẩn sĩ [58] này,
Đã qua dòng biển khổ.
Cho nên hãy tín tâm,
Kịp thời cúng dường nhanh;
Nên dự lập hòn đảo,
Khiến vị lai an lạc.
Thiên vương Tỳ-sa-môn,
Chỉ bày, bỏ thờ lửa.

Bấy giờ, Tôn giả Tịnh Thiên vì mẹ mình mà nói pháp bằng nhiều cách, soi sáng chỉ bày, làm cho an vui, rồi trở ra đường mà đi.

  

KINH 100. PHẬT (1)[59]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp cô độc, cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ có một Bà-la-môn đến chỗ Phật, cùng thăm hỏi sức khỏe, rồi ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:

“Bạch Cù-đàm, gọi là Phật, vậy thế nào là Phật? Là tên do cha mẹ đặt, hay là do Bà-la-môn đặt?”

Rồi Bà-la-môn liền nói kệ rằng:

Phật là tên hơn hết,
Vượt lên cả thế gian,
Là do cha mẹ đặt,
Gọi đó là Phật chăng?

Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ đáp rằng:

Phật thấy đời quá khứ,
Thấy vị lai cũng vậy,
Cũng thấy đời hiện tại,
Tất cả hành khởi diệt,
Trí sáng biết rõ ràng,
Điều cần tu đã tu,
Điều nên đoạn đã đoạn,
Cho nên gọi là Phật.
Nhiều kiếp tìm lựa chọn,
Thuần khổ không chút vui,
Có sanh ắt có diệt,
Xa lìa dứt bụi nhơ,
Nhổ gốc gai kết sử,
Đẳng giác gọi là Phật.

Phật nói kệ xong, Bà-la-môn nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi.

 

KINH 101. PHẬT (2)[60]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở tại nước Câu-tát-la, du hành trong nhân gian, ngồi nghỉ trưa[61] dưới một bóng cây giữa hai thôn Hữu-tùng-ca-đế[62] và Đọa-cưu-la[63]. Lúc ấy có một Bà-la-môn thuộc dòng họ Đậu-ma[64] đang đi trên con đường kia, đến sau Phật. Ông thấy dấu chân Phật hiện ra như bánh xe ngàn căm, dấu chỉ rõ ràng, chỉ bên trong thì đều, vòng chỉ bên ngoài thì tròn, tất cả đều đẹp đẽ và đầy đặn. Thấy vậy, liền tự nghĩ: “Ta chưa từng thấy người thế gian nào mà có dấu chân như vậy. Giờ ta phải theo dấu mà tìm ra người này.”

Ông liền theo dấu chân đưa đến chỗ Phật, thấy Đức Thế Tôn đang ngồi nghỉ trưa dưới một bóng cây, dung mạo đoan nghiêm tuyệt thế, các căn vắng lặng, tâm Ngài an định tịch tĩnh, điều phục đệ nhất, thành tựu chánh quán, ánh sáng rực rỡ, giống như núi vàng.

Sau khi đã thấy vậy rồi, liền bạch:

“Ngài là Trời chăng?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Ta chẳng phải là Trời.”

Lại hỏi:

“Là Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, Nhân, Phi nhân chăng?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Ta chẳng phải Rồng … cho đến Nhân, Phi nhân.”

Bà-la-môn bạch Phật:

“Nếu bảo rằng chẳng phải Trời, chẳng phải Rồng… cho đến chẳng phải Nhân, chẳng phải Phi nhân, vậy thì Ngài là ai?”

Bấy giờ, Đức Thế Tôn dùng kệ đáp rằng:

Trời, Rồng, Càn-thát-bà,
Khẩn-na-la, Dạ-xoa,
A-tu-la không lành,
Những La-hầu-la-già,
Nhân cùng chẳng phải Nhân,
Đều do phiền não sanh.
Lậu hoặc phiền não này,
Tất cả, Ta đã bỏ,
Đã phá, đã diệt sạch,
Như hoa Phân-đà-lợi,
Tuy sanh từ trong nước,
Nhưng chưa từng dính nước.
Ta tuy sanh thế gian,
Chẳng bị nhiễm thế gian,
Nhiều kiếp thường lựa chọn,
Thuần khổ không chút vui.
Tất cả hành hữu vi,
Thảy đều bị sanh diệt,
Trừ nhơ, không lay động,
Đã nhổ sạch gai góc,
Cùng tột bờ sanh tử,
Cho nên gọi là Phật.

Phật nói kinh này xong, Bà-la-môn Đậu-ma nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, rồi tiếp tục mà đi.

KINH 102. LÃNH QUẦN ĐẶC[65]

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ vào buổi sáng sớm, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Vương xá khất thực, theo thứ tự khất thực, đến nhà Bà-la-môn Bà-la-đậu-bà-giá[66]. Lúc ấy, Bà-la-môn tay cầm cái thìa gỗ đựng đầy thức ăn, sửa soạn cúng dường lửa, đang đứng ở bên cửa. Từ xa trông thấy Phật đi đến, ông liền gọi Phật rằng:

“Hãy dừng lại! Dừng lại! Này gã tiện dân[67], chớ đến gần cửa tôi.”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Ông có biết tiện dân và pháp của tiện dân không?”

Bà-la-môn nói:

“Tôi không biết tiện dân và cũng không biết pháp của tiện dân. Vậy, Sa-môn Cù-đàm có biết tiện dân và pháp của tiện dân không?”

Phật bảo:

“Ta biết rõ về tiện dân và pháp của tiện dân.”

Ngay lúc đó Bà-la-môn để xuống những dụng cụ thờ lửa, vội vàng trải giường ngồi, mời Đức Phật ngồi và thưa rằng:

“Bạch Cù-đàm, xin vì tôi mà nói về tiện dân và pháp của tiện dân.”

Đức Phật liền ngồi vào chỗ ngồi và nói kệ rằng:

Tâm sân nhuế ôm hận,|
Che giấu các lỗi lầm,
Khởi ác kiến, phạm giới,
Dối trá không chân thật;
Những con người [68] như vậy,
Nên biết, là tiện dân.
Hung bạo, tham, bủn xỉn,
Ác dục, keo, trá ngụy,
Tâm không hổ, không thẹn,
Nên biết, là tiện dân.
Loài một sanh, hai sanh,[69]
Tất cả đều sát hại,
Không có lòng thương xót,
Đó là hạng tiện dân.
Hoặc giết, trói, đánh, đập,
Thôn xóm cùng thành ấp,
Trách mắng cách vô đạo,[70]
Biết đó là tiện dân.
Ở, dừng và đi đường,
Dẫn đầu một nhóm đông,
Hành hạ người dưới tay,
Gây sợ hãi bức hiếp,
Thủ lợi về cho mình,
Biết đó là tiện dân.
Thôn xóm cùng đất trống,
Vật có chủ, không chủ,
Chiếm đoạt làm của mình,
Biết đó là tiện dân.
Tự bỏ bê vợ mình,
Lại không vào nhà điếm,
Mà xâm đoạt vợ người,
Biết đó là tiện dân.
Những thân thuộc trong ngoài,
Thiện tri thức đồng tâm,
Xâm phạm vật họ yêu,
Biết đó là tiện dân.
Nói dối lừa gạt người,
Gạt lấy của không chứng,
Người đòi mà không trả,
Biết đó là tiện dân.
Vì mình cũng vì người,
Vì trách, hoặc vì tiền,[71]
Mà hùa theo lời người,
Nói dối, chứng cho người;
Người nói dối như vậy,
Biết đó là tiện dân.
Tạo nghiệp ác, bất thiện,
Không có người hay biết,
Ẩn giấu che tội ác,
Biết đó là tiện dân.
Nếu người hỏi nghĩa này,
Lại đáp bằng phi nghĩa,
Điên đảo lừa dối người,
Biết đó là tiện dân.
Thật trống, không có gì,
Mà khinh chê người trí,
Ngu si vì lợi mình,
Biết đó là tiện dân.
Cao mạn tự huênh hoang,
Đi chê bai người khác,
Kiêu mạn thật thấp hèn,
Biết đó là tiện dân.
Tự tạo các lỗi lầm,
Lại đổ lỗi người khác,
Nói dối chê thanh bạch,
Biết đó là tiện dân.
Trước nhận lợi dưỡng người,
Khi người ấy đến mình,
Không có lòng đền đáp,
Biết đó là tiện dân.
Sa-môn, Bà-la-môn,
Đến khất cầu như pháp,
Không cho mà quở trách,
Biết đó là tiện dân.
Nếu cha mẹ tuổi già,
Khí lực trẻ đã suy,
Không chăm lo phụng dưỡng,
Biết đó là tiện dân.
Cha mẹ, bậc tôn trưởng,
Anh em, quyến thuộc thân.
Thật không phải La-hán,
Tự hiện đức La-hán,
Là giặc lớn thế gian,
Biết đó là tiện dân.
Sanh dòng họ tôn quý,
Học sách Bà-la-môn,
Mà ở trong chỗ đó,
Tập làm các nghiệp ác,
Không vì sanh nơi quý,
Mà khỏi tội, thoát đường ác;
Hiện tại bị quở trách,
Đời sau vào đường ác.
Sanh nhà Chiên-đà-la,
Đời gọi Tu-đà-di[72],
Tiếng đồn khắp thiên hạ,
Chiên-đà-la không có;
Bà-la-môn, Sát-lợi,
Đại tộc, thảy cúng dường.
Theo đường lên Tịnh thiên[73],
Sống bình đẳng chân thật,
Không vì chỗ sanh chướng,
Mà không sanh Phạm thiên,
Hiện tại tiếng đồn tốt,
Đời sau sanh cõi lành,
Hai đời ông nên biết,
Như Ta đã chỉ bày,
Không vì dòng họ sanh,
Mà gọi là tiện dân.
Không vì dòng họ sanh,
Mà gọi Bà-la-môn.
Hành nghiệp, thành tiện dân;
Hành nghiệp, Bà-la-môn.
Bà-la-môn bạch Phật rằng:
Đại Tinh Tấn, đúng vậy!
Đại Mâu-ni, đúng vậy!
Không vì chỗ sanh ra,
Mà gọi là tiện dân,
Không vì chỗ sanh ra,
Gọi là Bà-la-môn,
Hành nghiệp, thành tiện dân;
Hành nghiệp, Bà-la-môn.

Bấy giờ, Bà-la-môn thờ lửa Bà-la-đậu-bà-giá càng được thêm tín tâm, bèn lấy bát đựng đầy thức ăn thượng hảo dâng lên Đức Thế Tôn. Thế Tôn không nhận, vì nói bài kệ này mà có được, như bài kệ đã nói trên.

Bấy giờ, Bà-la-môn thờ lửa Bà-la-đậu-bà-giá thấy thức ăn hiện ra điềm lạ (như kinh 98) lòng tin của ông càng tăng, bạch Phật rằng:

“Bạch Thế Tôn, nay con có được phép ở trong Chánh pháp luật xuất gia thọ cụ túc không?”

Phật bảo Bà-la-môn:

“Nay ông được phép ở trong Chánh pháp luật xuất gia thọ cụ túc.”

Sau khi được xuất gia rồi, một mình lặng lẽ tư duy (như trước đã nói … cho đến đắc quả A-la-hán, tâm khéo giải thoát).

Khi Bà-la-môn Bà-la-đậu-bà-giá đã đắc A-la-hán, tâm khéo giải thoát rồi, thì tự biết được hỷ lạc, liền nói bài kệ rằng:

Trái đạo, cầu thanh tịnh,
Cúng dường tế thần lửa,
Không biết đạo thanh tịnh,
Như kẻ mù bẩm sinh.
Nay đã được an lạc,
Xuất gia thọ cụ túc,
Chứng đạt được ba minh.
Lời Phật dạy đã làm,
Trước Bà-la-môn khó,
Nay là Bà-la-môn,
Đã tắm, sạch bụi bẩn,
Vượt chư Thiên bờ kia.[74]

-ooOoo-


[1].   Ấn Thuận Hội Biên, tiếp theo Tụng 5 Bát chúng, 21. Tương ưng Bà-la-môn (Đại Chánh kinh 1151-1163, 88-102, 1178-1187). Đại Chánh, quyển 4, kinh 88, tương đương Pāli, S. 7. 19 Mātuposaka; Biệt dịch 100(88).

[2].    Uất-đa-la 鬱多羅; xem kinh 282. Pāli: Mātupasako brāhmaṇo: Bà-la-môn tên là Mātupasaka.

[3].    Pāli, A.iv. 39 Ujjaya. Cf. Biệt dịch, 100 (89).

[4].    Ưu-ba-ca 優波迦. Pāli: Ujjayo brāhmaṇo: Bà-la-môn tên là Ujjaya.

[5].    Tà thạnh đại hội 邪盛大會. №100(89): đại tự 大祀. Pāli: (mahā)yañña.

[6].    Mã tự, loại tế đàn trong đó là vật hy sinh. Bản Pāli liệt kê: assamedham, hy sinh ngựa; purisanedham, hy sinh người; sammāpāsam, lễ ném gậy; vājapeyya, lễ uống rượu (để thêm sức), niraggaḷa, vô già hội (lễ rút then).

[7].    Pāli, A.iv. 40. Udāyi. Cf. Biệt dịch, №100(90).

[8].    Bản Pāli, người hỏi là Bà-la-môn Udāyi.

[9].    Pāli, A. viii. 55. Ujjaya. Cf. Biệt dịch, №100(91).

[10].   Uất-xà-ca 鬱闍迦. Pāli, Ujjaya brāhmaṇa.

[11].   Hán: hiện pháp an cập hiện pháp lạc 現法安及現法樂. Pāli: diṭṭhadhammahitaya diṭṭhadhammasukhāya.

[12].   Hán: phương tiện cụ túc 方便具足. Pāli: uṭṭhānasampāda: thành tựu tinh cần.

[13].   Cf. Pāli: kalyāṇamittā... saddhasampannā, sīlasampannā, cāgasampannā, paññā-sampannā, bạn tốt... là những người có tín, có giới, có thí xả, có tuệ.

[14].   Bản Cao-li: ưu-đàm-bát quả 優曇鉢果; bản Tống-Nguyên-Minh: ưu-đàm-bát hoa. Bản Pāli: udumbarakhādīvāyam kulaputto bhoge khādātī ti, “thiện nam tử này thọ dụng như người ta ăn quả sung. Sớ giải: như người rung cây sung chín, làm rụng nhiều quả, nhưng chỉ ăn vài quả ăn được, còn thì vất bỏ hết.

[15].   Hán: cập dư thế nhân đồng pháp 及餘世人同法. Pāli: sadevamanussa, bản Hán hiểu tiền tố sa- (cùng với) là “đồng pháp”. Xem kinh 647 ở sau.

[16].   Hán: giải thoát thí 解脫施. Pāli: muttacāga.

[17].   Hán, phương tiện, đây nên hiểu “tinh cần”. Pāli: uṭṭhātā kammadheyyesu, hăng hái trong các sự nghiệp.

[18].   Để bản: tốc đạo 速道 ; bản Nguyên-Minh: mê đạo 迷道; Ấn Thuận cũng hiệu chính là “mê đạo”. Hiệu chính nhầm. Pāli: niccaṃ maggam, thường đạo. Đây chỉ con đường sinh thiên.

[19].   Pāli: S. 7. 35. Mānatthaddha. Cf. №100(258).

[20].   Kiêu mạn Bà-la-môn 憍慢婆羅門. Pāli: Mānatthaddo nāma brāhmaṇo, người Bà-la-môn tên là Mānatthaddha. №100(258): Cực Mạn ma-nạp 極慢摩納.

[21].   Nghĩa là, thuần chủng, không lai giống.

[22].   Để bản: phân minh 分明; Tống-Nguyên-Minh: phân biệt 分別.

[23].   Để bản: chư cú cú ký thuyết 諸句句記說; sau chữ chư 諸 , bản Nguyên Minh thêm: (chư) tự tất tri vạn sự cửu viễn, bản mạt nhân duyên (諸)字悉知萬事九遠本末因緣. “...biết rõ căn nguyên chung thủy, lịch sử lâu dài của vạn sự...”

[24].   Bản Pāli và №100(258) không có chi tiết này.

[25].   Pāli: nāyaṃ samaṇo gotamo kiñci jānati, “Sa-môn Cù-đàm này chẳng biết gì.”

[26].   Pāli: yena atthena āgacchi, tam evam anubrūhaye, “Ông hãy nói, đến đây với mục đích gì?”

[27].   Bản Pāli: Ông lễ dưới chân Phật và ôm hôn chân Phật.

[28].   Pāli: yato te mayi cittaṃ pasannaṃ, “Do đâu ông có tâm tịnh tín đối với Ta?”

[29].   Pāli: kesu, “đối với những ai”. Bản Hán hiểu “đối với cái gì?”

[30].   Hán: thị, giáo, chiếu, hỷ.

[31].   Xem các kinh 1158, 1323. So sánh Pāli, định cú, D.i. 110 và rải rác: anupubbiṃ kathaṃ kathesi... kāmānaṃ ādinavaṃ okāraṃ saṃkilesaṃ nekkhamme ānsaṃsaṃ pakāsesi, Phật thuyết pháp theo tuần tự... nói về sự nguy hiểm của các dục, sự thấp hèn, sự ô nhiễm, nói về lợi ích của sự xuất ly.

[32].   Nguyên Hán: vô gián đẳng 無間等; chỉ hiện quán hay hiện chứng bốn Thánh đế, giai đoạn chứng đắc Dự lưu chi. Tham chiếu Pāli, định cú, S.v. tr. 415:... catunnaṃ ariyasaccānaṃ yathābhūtaṃ abhisamayāya.

[33].   Pāli, A.vii.44 Aggi. Cf. №100(259).

[34].   Nguyên Hán: tà thạnh đại hội 邪盛大會; xem kinh 89 trên. Pāli: mahāyañña; xem thêm D. i. 138sq.

[35].   Trường Thân 長身. Pāli: Uggatasarīra.

[36].   Tà thạnh pháp 邪盛法 (Pāli: tividhaṃ yaññasampadaṃ), chỉ ba nghi thức tế tự. Phần số 分數, chỉ mười sáu tư cụ hay đạo cụ cho tế tự (Pāli: soḷasaparikkhāraṃ). Tham chiếu Pāli, Kūṭadantasutta, D. i. 129.

[37].   Xem cht. 31 kinh 92 trên.

[38].   Xem cht. 32 kinh 92 trên.

[39].   Cf. №100(260); N 26. 148 (kinh Hà Khổ, đoạn cuối); №125 (17.8); Cf. A.v. 31.

[40].   Hán: nguyệt hắc phần 月黑分, phần tối của tháng, phần nửa sau của mỗi tháng. Pāli: kāla-pakkha.

[41].   Để bản: diệt 滅. Đọc theo bản Tống: giảm 減.

[42].   Để bản: tín gia tâm 信家心. Tống-Nguyên-Minh: tín tịch tâm 信寂心. Đoạn dưới: tịnh tín 淨信.

[43].   Hán: chân trực 真直; đoạn trên: chân thật 真實.

[44].   Hán: nguyệt tịnh phần 月淨分, phần sáng của tháng. Pāli: sukka-pakkha.

[45].   A. iii. 57 Vacchagotta. Hán, №100(261).

[46].   S. 7. 14 Mahāsāla. Biệt dịch, №100(262).

[47].   Pāli: brāhmaṇamahāsālo, đại phú Bà-la-môn.

[48].   S.7. 20. Bhikkhaka. Biệt dịch, №100(263).

[49].   Pāli: Bhikkhako, người ăn xin, hành khất. Bản Hán hiểu là Bikkhu.

[50].   S. 7. 11. Kasi; Sn. 14. Biệt dịch, №100(264).

[51].   Nhất-na-la 一那羅. Pāli: Ekanālā.

[52].   Hán: tác ẩm thực xứ 作飲食處. Pāli: parivesanā, sự phân phối thực phẩm, hay sự dọn ăn.

[53].   Hán: canh điền Bà-la-đậu-bà-giá 耕田婆羅豆婆遮. Pāli: kasi-bhāradvāja-brāhmaṇa.

[54].   S. 6. 3. Brahmadeva. Biệt dịch, №100(265).

[55].   Tịnh Thiên 淨天. Pāli: brāhmaṇiyā brahmadevo nāma... pabbajito, con trai của một nữ Bà-la-môn, tên là Brahmadeva, đã xuất gia.

[56].   Hán: thuần thục long 淳熟龍; nên hiểu là “voi chúa đã được khéo huấn luyện”. Pāli: nāgavo danto.

[57].   Nguyên bản: sơ Phật 初佛. Bản Tống: sơ đoàn 初揣.

[58].   Nguyên Hán: mâu-ni 牟尼.

[59].   Biệt dịch, №100(266).

[60].   A. iv. 36 Loke. Biệt dịch, №100(267), №125(38.3).

[61].   Nguyên bản: nhập tận chánh thọ 入盡正受. Theo bản Tống, sửa lại: nhập trú... 入晝. Pāli: divāvihāra.

[62].   Hữu-tùng-ca-đế 有從迦帝. Bản Tống: Hữu-tỉ-ca-đế 有徙迦諦. Pāli: Ukkṭṭha.

[63].   Đọa cưu-la 墮鳩羅. Pāli: Setavya.

[64].   Đậu-ma chủng tánh 豆磨種姓. Pāli: Doṇo brāhmaṇo, Bà-la-môn Doṇa.

[65].   Sn. 1.7. Vasala. Biệt dịch, №100(268).

[66].   Bà-la-đậu-bà-giá 婆羅豆婆遮. Pāli: Aggika-Bhāradvāja, Bhāradvāja thờ lửa.

[67].   Nguyên Hán: lãnh quần đặc 領群特: gã chăn bò. Pāli: vasalaka, gã tiện dân, người hèn hạ. Bản Hán đọc là vacchalaka.

[68].   Nguyên Hán: sĩ phu 士夫.

[69].   Nhất sanh, nhị sanh 一生二生. Pāli: ekajaṃ vā dvijaṃ; Sớ giải: trừ loài sanh trứng, còn lại là loài một (lần) sanh. Hai lần sanh, là loài sanh trứng.

[70].   Pāli: niggāhako samaññāto, kẻ được gọi là áp bức. Bản Hán hiểu niggāhaka là kẻ trách mắng.

[71].   Để bản: (...) cập tài dữ 及財與: hoặc vì người cho tiền (mà làm chứng dối). Ấn Thuận theo Tống-Nguyên-Minh sửa lại là (...) cập vô trách 及無責 (không bị quở trách). Pāli: dhanahetu.

[72].   Tu-đà-di 須陀夷; có lẽ đồng nhất với Mātaṅga của Pāli: Bồ-tát sanh làm người Chiên-đà-la (giai cấp hạ tiện) tên là Mātaṅga, nhưng danh tiếng đồn vang, khiến các nhà đại tộc cũng phải cung kính. Xem Mātaṅga jātaka (№497).

[73].   Tịnh thiên đạo 淨天道 , tức đường dẫn lên Phạm thiên.

[74].   Bản Hán, “21. Tương ưng Bà-la-môn” đến đây bị cắt ngang do sự rối loạn số quyển. Tương ưng này được nối tiếp với kinh số 1178, quyển 44.