196. KINH CHÂU NA

Tôi nghe như vầy:[1]

Một thời Phật du hóa tại nước Bạt-kì, thôn Xá-di[2].

Bấy giờ sa-di Châu-na[3], kiết hạ ở Ba-hòa[4]. Tại xứ Ba-hòa có một Ni-kiền tên là Thân Tử[5]. Nơi đây, vị ấy qua đời. Sau khi qua đời không bao lâu, các đệ tử Ni-kiền Thân Tử chia rẽ và phá hoại nhau, nói những lời chia rẽ và phá hoại nhau. Họ tranh đấu, kiện tụng, cột trói nhau, thù nghịch nhau, tranh luận với nhau rằng, “Ta biết pháp này, ngươi không biết. Ngươi biết pháp sao bằng chỗ ta biết? Ta nói tề chỉnh, còn ngươi không tề chỉnh. Ta nói phù hợp, còn ngươi không phù hợp. Điều đáng nói trước, ngươi nói sau; điều đáng nói sau ngươi lại nói trước. Ta hơn, còn ngươi không bằng. Ta hỏi việc ngươi, ngươi không thể trả lời được. Ta đã chế phục ngươi, ngươi còn hỏi nữa. Nếu ngươi động thủ, ta sẽ cột trói ngươi lại.” Họ kiêu mạn và thách đố lẫn nhau. Ai cũng chỉ mong mình nói hơn, mà không có người nào để khiển trách. Nếu có những người bạch y tại gia, đệ tử của Ni-kiền Thân Tử, thấy vậy, họ đều chán nản và lãng xa các đệ tử của Ni-kiền Thân Tử này. Vì sao vậy? Bởi vì những điều họ nói ấy đều là ác pháp luật, không phải là pháp xuất yếu, không dẫn đến Chánh giác, cũng không phải là lời dạy của Đấng Thiện Thệ. Nó là sự băng hoại, không thể đứng vững, không nơi nương tựa và cậy nhờ. Bởi vì bậc thầy mà họ tôn sùng không phải là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.

Lúc bấy giờ Sa-di Châu-na đã qua ba tháng an cư mùa mưa, sửa vá lại y áo, rồi mang y cất bát đến thôn Xá-di, rồi qua phía bắc thôn Xá-di, đến rừng Thi-nhiếp-hòa. Sa-di Châu-na đến chỗ Tôn giả A-nan. Sau khi đến nơi, đảnh lễ sát chân Tôn giả A-nan, rồi ngồi qua một bên.

Tôn giả A-nan hỏi[6]:

“Này Hiền giả Châu-na, từ đâu đến đây? An cư mùa mưa ở đâu?”

Sa-di Châu-na đáp:

“Bạch Tôn giả A-nan, con từ Ba-hòa đến, và an cư mùa mưa ở Ba- hòa. Bạch Tôn giả A-nan, tại xứ Ba-hòa có một Ni-kiền tên là Thân Tử[7]. Nơi đây, vị ấy qua đời. Sau khi qua đời không bao lâu, các đệ tử Ni-kiền Thân Tử chia rẽ và phá hoại nhau, nói những lời chia rẽ và phá hoại nhau. Họ tranh đấu, kiện tụng, cột trói nhau, thù nghịch nhau, tranh luận với nhau rằng, ‘Ta biết pháp này, ngươi không biết. Ngươi biết pháp sao bằng chỗ ta biết? Ta nói tề chỉnh, còn ngươi không tề chỉnh. Ta nói phù hợp, còn ngươi không phù hợp. Điều đáng nói trước, ngươi nói sau; điều đáng nói sau ngươi lại nói trước. Ta hơn, còn ngươi không bằng. Ta hỏi việc ngươi, ngươi không thể trả lời được. Ta đã chế phục ngươi, ngươi còn hỏi nữa. Nếu ngươi động thủ, ta sẽ cột trói ngươi lại.’ Họ kiêu mạn và thách đố lẫn nhau. Ai cũng chỉ mong mình nói hơn, mà không có người nào để khiển trách. Nếu có những người bạch y tại gia, đệ tử của Ni-kiền Thân Tử, thấy vậy, họ đều chán nản và lãng xa các đệ tử của Ni-kiền Thân Tử này. Vì sao vậy? Bởi vì những điều họ nói ấy đều là ác pháp luật, không phải là pháp xuất yếu, không dẫn đến chánh giác, cũng không phải là lời dạy của đấng Thiện Thệ. Nó là sự băng hoại, không thể đứng vững, không nơi nương tựa và cậy nhờ. Bởi vì bậc thầy mà họ tôn sùng không phải là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.”

Tôn giả A-nan nghe xong, nói rằng:

“Hiền giả Châu-na, nhân dịp này, chúng ta có thể đến yết kiến Đức Phật, đem sự việc này trình bày lên Thế Tôn. Này Hiền giả Châu-na, bây giờ chúng ta cùng đi đến Đức Phật, đem tất cả sự việc này trình lên cho Đức Thế Tôn. Thảng hoặc, chúng ta có thể nhân đó mà được nghe pháp khác nữa từ Đức Thế Tôn.”

Rồi Tôn giả A-nan và Sa-di Châu-na cùng nhau đến chỗ Đức Phật, chắp tay cúi đầu đảnh lễ sát chân Ngài, Tôn giả A-nan đứng qua một bên và Sa-di Châu-na ngồi xuống một bên. Tôn giả A-nan bạch với Đức Thế Tôn:

“Bạch Thế Tôn, hôm nay Sa-di Châu-na đi đến chỗ con, cúi đầu đảnh lễ sát chân rồi ngồi qua một bên. Con hỏi: ‘Hiền giả Châu-na, từ nơi nào đến đây và an cư mùa mưa ở đâu?’ Sa-di Châu-na liền trả lời với con rằng: ‘Thưa Tôn giả A-nan, con từ Ba-hòa đến, an cư mùa mưa ở Ba-hòa. Bạch Tôn giả A-nan, tại Ba-hòa có một Ni-kiền tên là Thân Tử. Nơi đây, vị ấy qua đời. Sau khi qua đời không bao lâu, các đệ tử Ni-kiền Thân Tử chia rẽ và phá hoại nhau, nói những lời chia rẽ và phá hoại nhau. Họ tranh đấu, kiện tụng, cột trói nhau, thù nghịch nhau, tranh luận với nhau rằng, ‘Ta biết pháp này, ngươi không biết. Ngươi biết pháp sao bằng chỗ ta biết? Ta nói tề chỉnh, còn ngươi không tề chỉnh. Ta nói phù hợp, còn ngươi không phù hợp. Điều đáng nói trước, ngươi nói sau; điều đáng nói sau ngươi lại nói trước. Ta hơn, còn ngươi không bằng. Ta hỏi việc ngươi, ngươi không thể trả lời được. Ta đã chế phục ngươi, ngươi còn hỏi nữa. Nếu ngươi động thủ, ta sẽ cột trói ngươi lại.’ Họ kiêu mạn và thách đố lẫn nhau. Ai cũng chỉ mong mình nói hơn, mà không có người nào để khiển trách. Nếu có những người bạch y tại gia, đệ tử của Ni-kiền Thân Tử, thấy vậy, họ đều chán nản và lãng xa các đệ tử của Ni-kiền Thân Tử này. Vì sao vậy? Bởi vì những điều họ nói ấy đều là ác pháp luật, không phải là pháp xuất yếu, không dẫn đến chánh giác, cũng không phải là lời dạy của đấng Thiện Thệ. Nó là sự băng hoại, không thể đứng vững, không nơi nương tựa và cậy nhờ. Bởi vì bậc thầy mà họ tôn sùng không phải là Như Lai, Bậc Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác.’

“Bạch Thế Tôn, con nghe rồi kinh sợ hãi hùng, toàn thân lông tóc dựng đứng. Mong sau khi Thế Tôn khuất bóng, đừng có một vị Tỳ-kheo nào ở trong chúng mà gây ra sự đấu tranh như vậy. Sự đấu tranh ấy, không giúp gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi người. Nó không phải là sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn và khoái lạc, cho đến loài trời và loài người cũng phải chịu đau khổ và tai hoạn. Bạch Thế Tôn, khi con thấy một vị Tỳ-kheo ngồi trước Đức Thế Tôn chí tâm kính trọng Đức Thế Tôn, khéo hộ trì Thiện Thệ. Bạch Thế Tôn! Con thấy như vậy rồi liền nghĩ, ‘Nếu sau này khi Thế Tôn khuất bóng mà vị Tỳ-kheo ấy trong chúng gây sự đấu tranh, thì đấu tranh ấy không giúp ích gì cho ai mà chỉ gây đau khổ cho mọi người, nó không phải là sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn và khoái lạc cho đến loài trời, loài người cũng phải chịu đau khổ và tai hoạn’.”

Bấy giờ Đức Thế Tôn hỏi:

“Ngươi thấy những điều nào khiến chúng Tăng có sự đấu tranh, sự đấu tranh ấy không giúp ích gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi người. Không phải là sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn và khoái lạc cho đến loài trời, loài người cũng phải chịu đau khổ và tai hoạn?”

Tôn giả A-nan thưa:

“Bạch Thế Tôn, đó là do tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng quán[8] mà phát sanh sự đấu tranh ở trong chúng. Bạch Thế Tôn, sự đấu tranh ấy, không giúp gì cho ai mà chỉ gây đau khổ cho mọi người. Nó không phải là sự thiện lợi, không phải là sự hữu ích. Không phải là sự an ổn, khoái lạc cho đến loài trời, loài người cũng phải chịu tai hoạn, đau khổ.”

Đức Thế Tôn nói:

“Này A-nan, nếu đấu tranh do bởi giới tăng thượng, tâm tăng thượng, quán tăng thượng thì sự đấu tranh ấy quá nhỏ nhặt. Này A-nan! Nếu có sự đấu tranh trong chúng Tăng do đạo và đạo tích[9] thì sự đấu tranh ấy không giúp ích gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi người. Nó không phải là sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn khoái lạc.

“Này A-nan, khi ngươi thấy ở trong đấy có hai Tỳ-kheo vì mỗi người có mỗi ý kiến khác nhau mà gây ra cuộc đấu tranh mà nói rằng, ‘Đây là pháp, đây là phi pháp; đây là luật, đây là phi luật; đây là phạm, đây là phi phạm; hoặc nhẹ, hoặc nặng; có thể sám hối, không thể sám hối; có thể thủ hộ, không thể thủ hộ; dư tàn, không dư tàn; khởi, không khởi[10].

“Này A-nan, ý ngươi nghĩ sao đối với pháp tụ mà Ta tự giác, tự thân chứng ngộ, gồm Bốn niệm xứ, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Tám chi thánh đạo?

“Này A-nan, Ni-kiền Thân Tử thật sự không phải là Nhất thiết trí[11] nhưng tự cho là Nhất thiết trí.

“Này A-nan, nếu Ni-kiền Thân Tử là vị biết tất cả, thấy tất cả thì vị ấy đã vì đệ tử mà giảng giải sáu gốc rễ của đấu tranh; nghĩa là, có thể nghe để đình chỉ[12].”

Bấy giờ Tôn giả A Nan chắp tay hướng về Đức Phật bạch rằng:

“Bạch Thế Tôn! Nay thật là đúng lúc. Bạch Thiện Thệ, nay thật hợp thời, nếu Thế Tôn dạy về sáu gốc rễ của sự đấu tranh cho các Tỳ-kheo. Các Tỳ-kheo sau khi nghe Thế Tôn dạy sẽ khéo léo thọ trì.”

Đức Thế Tôn bảo:

“Này A-nan, hãy nghe kỹ; hãy suy nghĩ kỹ. Ta sẽ phân biệt đầy đủ.”

Tôn giả A Nan bạch rằng:

“Kính vâng, xin vâng lời lắng nghe.”

Đức Phật dạy:

“Này A-nan, ở đây có người bị kiết sử sân và não quấn chặt[13]. Này A-nan, người ấy bị kiết sử sân và não quấn chặt cho nên không cung kính Tôn sư, không thấy pháp, không giữ giới. Người ấy đã không cung kính Tôn sư, không thấy pháp, không giữ giới, ở trong chúng nó gây ra sự đấu tranh như vậy. Sự đấu tranh ấy không giúp gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi người, không phải sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn khoái lạc, cho đến trời người phải chịu đau khổ và tai hoạn. Này A-nan! Nếu ngươi thấy sự đấu tranh như vậy, ở bên trong hay bên ngoài, mà không dứt hết được, vậy, để đoạn trừ sự đấu tranh ấy, ngươi phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm, chánh trí, kiên nhẫn, đừng để thối thất. Này A-nan, ví như có người bị lửa đốt cháy đầu, đốt cháy áo, thì phải cấp tốc tìm phương tiện để chữa cháy đầu, chữa cháy áo. Cũng vậy, nếu ngươi thấy sự đấu tranh như vậy, ở bên trong hay bên ngoài, mà không dứt hết được, vậy để đoạn trừ sự đấu tranh ấy, ngươi phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm chánh trí, kiên nhẫn đừng để thối thất.

“Này A-nan, sự đấu tranh như vậy, bên trong hay bên ngoài, mà ngươi thấy đã được chấm dứt, ngươi phải thủ hộ cái tâm đó hơn nữa, luôn luôn không buông lung, vì để ngăn chặn sự đấu tranh ấy vậy. Như vậy, sự tranh chấp này được ngươi đoạn trừ từ gốc rễ. Này A-nan, ví như có người bị lửa đốt cháy đầu, đốt cháy áo, thì phải cấp tốc tìm phương tiện để chữa cháy đầu, chữa cháy áo. Cũng vậy, sự đấu tranh như vậy, bên trong hay bên ngoài, mà ngươi thấy đã được chấm dứt, ngươi phải thủ hộ cái tâm đó hơn nữa, luôn luôn không buông lung, vì để ngăn chặn sự đấu tranh ấy vậy. Như vậy, sự tranh chấp này được ngươi đoạn trừ từ gốc rễ.

“Cũng giống như vậy với các kiết sử phú tàng[14], bỏn sẻn, tật đố, dua nịnh, dối trá, vô tàm, vô quý, ác dục, tà kiến, và ác tánh không biết phục thiện[15].

“Này A-nan, nếu một người nào có ác dục, tà kiến, ác tánh không biết phục thiện thì không cung kính Tôn sư, không thấy pháp, không giữ giới. Người ấy đã không cung kính Tôn sư, không thấy pháp, không giữ giới, ở trong chúng nó gây ra sự đấu tranh như vậy. Sự đấu tranh ấy không giúp gì cho ai mà chỉ gây khổ cho mọi người, không phải sự thiện lợi và hữu ích, không phải là sự an ổn khoái lạc, cho đến trời người phải chịu đau khổ và tai hoạn. Này A-nan! Nếu ngươi thấy sự đấu tranh như vậy, ở bên trong hay bên ngoài, mà không dứt hết được, vậy, để đoạn trừ sự đấu tranh ấy, ngươi phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm, chánh trí, kiên nhẫn, đừng để thối thất. Này A-nan, ví như có người bị lửa đốt cháy đầu, đốt cháy áo, thì phải cấp tốc tìm phương tiện để chữa cháy đầu, chữa cháy áo. Cũng vậy, nếu ngươi thấy sự đấu tranh như vậy, ở bên trong hay bên ngoài, mà không dứt hết được, vậy để đoạn trừ sự đấu tranh ấy, ngươi phải nhanh chóng tìm cầu phương tiện, học tập tinh cần, chánh niệm chánh trí, kiên nhẫn đừng để thối thất.

“Này A-nan, sự đấu tranh như vậy, bên trong hay bên ngoài, mà ngươi thấy đã được chấm dứt, ngươi phải thủ hộ cái tâm đó hơn nữa, luôn luôn không buông lung, vì để ngăn chặn sự đấu tranh ấy vậy. Như vậy, sự tranh chấp này được ngươi đoạn trừ từ gốc rễ. Này A-nan, ví như có người bị lửa đốt cháy đầu, đốt cháy áo, thì phải cấp tốc tìm phương tiện để chữa cháy đầu, chữa cháy áo. Cũng vậy, nếu ngươi thấy sự đấu tranh như vậy, ở bên trong hay bên ngoài, mà ngươi thấy đã được chấm dứt, ngươi phải thủ hộ cái tâm đó hơn nữa, luôn luôn không buông lung, vì để ngăn chặn sự đấu tranh ấy vậy. Như vậy, sự tranh chấp này được ngươi đoạn trừ từ gốc rễ.

“Lại nữa, này A-nan, có bảy phương pháp đình chỉ đấu tranh[16]. Bảy phương pháp đó là: một là ưng dữ diện tiền chỉ tránh luật, hai là ưng dữ ức chỉ tránh luật, ba là ưng dữ bất si chỉ tránh luật, bốn là ưng dữ phát lồ chỉ tránh luật, năm là ưng dữ quân chỉ tránh luật, sáu là ưng dữ triển chuyển chỉ tránh luật, bảy là ưng dữ như khí phấn tảo chỉ tránh luật[17].

“Này A-nan, thế nào là ưng dữ diện tiền chỉ tránh luật[18]? Làm thế nào để đoạn trừ sự đấu tranh này? Tức là điều luật đình chỉ đấu tranh bằng sự hiện diện. Này A-nan, hoặc một người đối với một người, mà khuyến giáo, khiển trách, thủ hộ bằng pháp luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Một người đối với hai người, một người đối với nhiều người, một người đối với chúng Tăng mà khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Hai người đối với hai người mà khuyến giáo, khiển trách, thủ hộ bằng pháp luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Hai người đối với nhiều người, hai người đối với chúng Tăng, hai người đối với một người mà khuyến giáo, khiển trách, thủ hộ bằng pháp luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Nhiều người đối với nhiều người mà khuyến giáo, khiển trách, thủ hộ bằng pháp luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Nhiều người đối với chúng Tăng, nhiều người đối với một người, nhiều người đối với hai người mà khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp luật như Tôn sư đã chỉ giáo với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Chúng Tăng đối với một người, chúng Tăng đối với hai người, chúng Tăng đối với nhiều người mà khuyến giáo, khiển trách, được thủ hộ bằng pháp luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Này A-nan, như vậy gọi là ưng dữ hiện tiền chỉ tránh luật. Sự đấu tranh ấy được đoạn trừ như vậy, tức do luật chấm dứt đấu tranh bằng sự hiện diện.

“Này A-nan, thế nào là ưng dữ ức chỉ tránh luật[19]? làm thế nào để đoạn trừ sự tranh đấu này? Tức là do đình chỉ đấu tranh bằng nhớ lại. Này A-nan, nếu có một người nào phạm giới mà không nhớ lại giới mình đã phạm. Các Tỳ-kheo thấy vậy, nói với vị ấy rằng, ‘Thầy đã phạm giới mà không nhớ lại giới mình đã phạm. Thầy hãy đến trong chúng mà xin luật ức niệm. Tăng chúng sẽ ban cho Hiền giả luật ức niệm.’ Này A-nan, nếu ở một nơi nào có Tăng chúng hòa hợp mà nhóm họp vị Tỳ-kheo kia phải đến đó, trịch vai áo, bỏ guốc, vào trong chúng, cúi đầu đảnh lễ dưới chân các bậc Trưởng lão thượng tôn Tỳ-kheo, chắp tay quỳ mọp mà bạch với các trưởng lão thượng tôn rằng, ‘Bạch chư Tôn, mong các ngài nghe cho, con đã từng phạm giới mà không nhớ, nay con từ nơi chúng Tăng cầu xin luật ức niệm. Mong Tăng chúng hòa hợp ban cho con luật ức niệm.’ Này A-nan, Tăng chúng hòa hợp lại để ban cho vị Tỳ-kheo này luật ức niệm, bằng Pháp và Luật như Tôn sư đã chỉ dạy, với sự hiện diện khiến cho được hoan hỷ. Này A-nan, như vậy gọi là ưng dữ ức chỉ tránh luật. Sự đấu tranh ấy phải được đoạn trừ như vậy, tức do luật chấm dứt đấu tranh bằng cách nhớ lại.

“Này A-nan, thế nào là ưng dữ bất si chỉ tránh luật[20]? Làm thế nào để đoạn trừ sự đấu tranh ấy? Tức là luật đình chỉ đấu tranh bằng sự không si cuồng. Này A-nan, nếu có một người do phát cuồng mà tâm điên đảo, nên làm nhiều điều không thanh tịnh, không phải là pháp của Sa-môn, không tùy thuận theo pháp hành mà nói vi phạm. Người ấy sau khi trở lại tâm trạng như trước, gặp các Tỳ-kheo và được bảo rằng: ‘Thầy đã phát cuồng và tâm điên đảo, do phát cuồng và tâm điên đảo, nên làm nhiều điều không thanh tịnh, không phải là pháp của Sa-môn, không tùy thuận theo pháp hành mà nói vi phạm. Này Hiền giả, nếu Hiền giả sau khi trở lại tâm trạng như trước, Hiền giả có thể đến nơi chúng Tăng mà cầu xin luật bất si. Chúng Tăng sẽ ban cho Hiền giả luật bất si.’ Này A Nan, nếu một nơi nào đó Tăng chúng đang hòa hợp và nhóm hội, vị Tỳ-kheo ấy nên đến đó, trịch vai áo, bỏ guốc, vào trong Tăng chúng, cúi đầu lễ sát dưới chân các bậc Trưởng lão thượng tôn Tỳ-kheo chắp tay quì mọp, mà bạch với các Trưởng lão thượng tôn Tỳ-kheo rằng, ‘Bạch chư Tôn, xin nghe cho, con đã từng phát cuồng và tâm điên đảo. Do con đã phát cuồng và tâm điên đảo nên làm nhiều điều không thanh tịnh, không phải là pháp của Sa-môn, không tùy thuận theo pháp hành mà nói vi phạm. Về sau con trở lại tâm trạng như trước. Nay con từ nơi chúng Tăng xin cầu luật bất si. Mong chúng Tăng hòa hợp ban cho con luật bất si.’ Này A-nan, chúng Tăng cùng hòa hợp và nhóm hội, ban cho vị Tỳ-kheo ấy luật bất si, bằng Pháp và Luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện, khiến được hoan hỷ. Này A-nan, đó gọi là ưng dữ bất si chỉ tránh luật. Sự đấu tranh ấy được đoạn trừ như vậy, tức do luật chấm dứt đấu tranh bằng sự không si cuồng.

“Này A-nan, thế nào là ưng dữ tự phát lồ chỉ tranh luật[21]? Sự đấu tranh làm thế nào để chấm dứt? Tức do luật chấm dứt đấu tranh bằng sự tự thú nhận. Này A-nan, nếu có một người phạm giới, hoặc nói ra hay không nói ra, hoặc có nhớ hay không nhớ. Này A-nan, nếu tại nơi nào đó có chúng Tăng đang hòa hợp và nhóm hội. Vị Tỳ-kheo kia nên đến đó, trịch vai áo, bỏ guốc, vào trong chúng, cúi đầu đảnh lễ dưới chân các bậc Trưởng lão thượng tôn Tỳ-kheo, chắp tay quì mọp mà bạch rằng, “Bạch chư Tôn, xin nghe cho, con phạm giới đó, con nay hướng về các bậc Trưởng lão thượng tôn Tỳ-kheo, chí tâm phát lồ, tự mình nói và trưng bày rõ, không dám che giấu, từ nay về sau sẽ khéo léo hộ trì không tái phạm. Này A-nan, chúng Tỳ-kheo nên hỏi vị ấy rằng, ‘Này Hiền giả, có tự thấy điều mình phạm không?’ Vị Tỳ-kheo ấy đáp, ‘Con thật sự có thấy điều con phạm.’ Đại chúng cũng nên nói với vị ấy rằng, ‘Hiền giả nên cẩn thận giữ gìn đừng tái phạm.’ Này A-nan! Đó là ưng dữ tự phát lồ chỉ tránh luật. Sự đấu tranh ấy phải được đoạn trừ như vậy. Tức do luật chấm dứt đấu tranh bằng sự từ thú nhận.

“Này A-nan, thế nào là ưng dữ quân chỉ tranh luật[22]? Làm sao để đoạn trừ sự đấu tranh ấy? Tức do luật chấm dứt đấu tranh bằng chín đương nhân. Này A-nan! Nếu có người không biết xấu hổ, không hối hận những tội bị thấy, bị nghe và bị người khác nghi ngờ là ác dục. Người ấy đã phạm giới rồi nói là mình biết ở một nơi, mình thấy ở một nơi. Sau khi nói mình biết ở một nơi này, lại nói mình thấy ở một nơi. Sau khi nói mình thấy ở một nơi, lại nói mình biết ở một nơi. Ở trong Tăng chúng mà nói là mình biết ở một nơi, ở trong Tăng chúng mà nói là mình thấy ở một nơi. Nói mình biết ở một nơi, rồi lại nói mình thấy ở một nơi. Nói mình thấy ở một nơi rồi lại nói mình biết ở một nơi. Này A-nan! Vì vị Tỳ-kheo ấy, Tăng chúng hòa hợp và nhóm họp mà ban quân luật, nói rằng: ‘Nhà ngươi không đạo lý, nhà ngươi ác bất thiện. Vì sao? Vì ngươi đã phạm giới rồi lại nói mình biết ở một nơi, mình thấy ở một nơi. Nói mình biết ở một nơi, rồi lại nói mình thấy ở một nơi. Nói mình thấy ở một nơi, rồi lại nói mình biết ở một nơi. Ở trong chúng mà nói mình biết ở một nơi. Ở trong chúng mà nói mình thấy ở một nơi. Nói mình biết ở một nơi rồi lại nói mình thấy ở một nơi. Nói mình thấy ở một nơi rồi lại nói mình biết ở một nơi.’ Này A-nan, như vậy gọi là ưng dữ quân chỉ tránh luật. Sự đấu tranh ấy phải được đoạn trừ bằng sự như vậy. Tức do luật chấm dứt đấu tranh bằng chính đương nhân.

“Này A-nan, thế nào là ưng dữ triển chuyển chỉ tránh luật? Làm thế nào để đoạn trừ sự đấu tranh ấy? Tức là do luật chấm dứt đấu tranh bằng sự diễn tiến. Này A-nan, ở đây, giữa hai vị Tỳ-kheo vì một số ý kiến mà gây ra sự đấu tranh như vầy, ‘Đây là pháp, đây là phi pháp; đây là luật, đây là phi luật; đây là phạm, đây là phi phạm; đây là nhẹ, đây là nặng; khả thuyết, không khả thuyết[23]; có thể thủ hộ, không thể thủ hộ; dư tàn, không dư tàn; có thể sám hối, không thể sám hối[24]. Này A-nan, Tỳ-kheo kia ngay tại chỗ đang cãi vã ấy mà chấm dứt đấu tranh. Nếu ngay tại chỗ cãi vã mà chấm dứt đấu tranh, thì sự đấu tranh này được tuyên bố là chấm dứt. Nếu ngay tại chỗ cãi vã mà không chấm dứt, có thể đưa sự đấu tranh ra bạch với chúng Tăng. Nếu ở trong chúng Tăng mà chấm dứt, thì sự đấu tranh ấy được tuyên bố là chấm dứt. Nếu trong chúng Tăng không chấm dứt, thì này A-nan, gần đó có Tỳ-kheo giỏi kinh, giỏi luật, giỏi luận[25], các Tỳ-kheo kia cùng đến vị này thưa việc đấu tranh ấy. Nếu ngay trên đường đi mà chấm dứt, thì sự đấu tranh được tuyên bố là chấm dứt. Nếu ngay trên đường đi mà không chấm dứt, lại hãy đem sự đấu tranh ấy nói trước chúng Tăng. Nếu ở trước chúng Tăng mà chấm dứt, sự đấu tranh ấy được tuyên bố là chấm dứt. Nếu ở tại chúng Tăng mà không chấm dứt, thì này A-nan, nếu nhiều trợ bạn giỏi kinh, giỏi luật, giỏi luận, thì các vị này phải chấm dứt sự đấu tranh ấy bằng Pháp và Luật như Tôn sư đã chỉ giáo, với sự hiện diện khiến được hoan hỷ. Này A-nan, như vậy gọi là ưng dữ triển chuyển chỉ tránh luật. Sự đấu tranh ấy phải được đoạn trừ như vậy, tức là do luật chấm dứt đấu tranh bằng sự triển chuyển.

“Này A-nan, thế nào gọi là ưng dữ như khí phấn tảo chỉ tránh luật?[26] Làm sao để đoạn trừ sự đấu tranh ấy? Tức là luật chấm dứt đấu tranh như quăng bỏ giẻ rách. Này A-nan, nếu các vị Tỳ-kheo ở chung một chỗ tranh chấp, kiện tụng nhau, thù nghịch nhau, oán ghét nhau, này A-nan, do đó các Tỳ-kheo kia chia ra hai nhóm. Sau khi chia ra hai nhóm rồi, trong một nhóm có bậc Trưởng lão thượng tôn Tỳ-kheo, hay dưới trưởng lão một bậc; hoặc có người làm tông chủ hay nhỏ hơn tông chủ một bậc. Này A-nan, vị Tỳ-kheo này nói với các vị Tỳ-kheo kia rằng, ‘Này chư Hiền, xin nghe cho, chúng ta không có đạo lý, chúng ta là người ác bất thiện. Vì sao vậy? Vì chúng ta đối với Pháp và Luật được khéo giảng dạy mà chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, để học đạo, nhưng chúng ta tranh chấp kiện tụng nhau, thù nghịch nhau, oán ghét nhau, cãi vã nhau. Này chư Hiền, do sự tranh chấp này mà chúng ta đã phạm giới, ngoại trừ tội Thâu-lan-giá[27] và ngoại trừ tội tương ưng với hàng tại gia. Tôi vì chính mình và cũng vì chư Hiền nữa, nên hướng đến chư Hiền phát lồ, tự nói mà trình bày rõ ràng, không dám che giấu, lại cẩn thận giữ gìn sau không tái phạm nữa.’ Này A-nan, nếu ở trong nhóm này mà không có vị Tỳ-kheo nào ứng theo, thì này A-nan, Tỳ-kheo ấy nên đi đến nhóm thứ hai. Đến nơi rồi, cúi đầu đảnh lễ các bậc Thượng tôn trưởng lão Tỳ-kheo chắp tay quì mọp mà thưa rằng, ‘Thưa chư Tôn, xin nghe cho, chúng ta không có đạo lý, chúng ta là người ác bất thiện. Vì sao vậy? Vì chúng ta đối với Pháp và Luật được khéo giảng dạy mà chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình để học đạo, nhưng chúng ta tranh chấp, kiện tụng nhau, thù nghịch nhau, oán ghét nhau, cãi vã nhau. Này chư Hiền, do sự tranh đấu này mà chúng ta đã phạm giới, ngoại trừ tội Thâu-lan-giá, và ngoại trừ tội tương đương với hàng tại gia. Tôi vì chính mình và cũng vì chính chư Hiền nữa, nên hướng đến chư Hiền chí tâm phát lồ, tự nói mà trình bày rõ ràng, không dám che giấu, lại cẩn thận giữ gìn sau không tái phạm nữa.’ Này A-nan, các Tỳ-kheo kia nên nói với vị Tỳ-kheo này như vầy, ‘Này Hiền giả, thầy tự thấy mình phạm giới chăng?’ Vị Tỳ-kheo này đáp, ‘Quả thật tôi tự thấy mình đã phạm giới.’ Tỳ-kheo kia nên nói, ‘Vậy hãy cẩn thận giữ gìn, đừng để tái phạm.’ Nhóm thứ hai cũng làm như vậy. Này A-nan, như vậy gọi là ưng dữ như khí phấn tảo chỉ tránh luật. Này A-nan! Sự đấu tranh ấy phải được đoạn trừ như vậy. Tức do luật chấm dứt đấu tranh như quăng bỏ giẻ rách.

“Này A-nan! Nay ta nói cho ngươi sáu pháp ủy lao[28], hãy lắng nghe kỹ, hãy khéo suy nghĩ kỹ.”

Tôn giả A Nan bạch rằng:

“Kính vâng, con xin vâng lời lắng nghe.”

Phật nói:

“Thế nào là sáu? Thân nghiệp từ hòa hướng đến các vị đồng phạm hạnh, pháp ấy gọi là pháp ủy lao. Đó là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho đoàn kết, tác thành Sa-môn, tác thành nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.

“Khẩu nghiệp nói năng từ hòa, ý nghiệp từ hòa, cũng vậy.

“Có lợi lộc nào đúng pháp mà được, cho đến miếng cơm ở chính trong bình bát của mình, với phần lợi như vậy, mang chia xẻ cho các vị đồng phạm hạnh, pháp đó gọi là pháp ủy lao, là pháp khả ái, pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho đoàn kết, tác thành Sa-môn, tác thành nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.

“Nếu có giới nào không bị sứt mẻ, không bị hư thủng, không bị dơ, không bị đen, vững vàng như mặt đất, được Thánh khen ngợi, đầy đủ khéo thọ trì. Với giới phần như vậy, cùng chia xẻ với các vị đồng phạm hạnh, pháp đó là pháp ủy lao, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho đoàn kết, tác thành Sa-môn, tác thành nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.

“Nếu có kiến giải của Thánh có sự xuất yếu, được thông suốt bằng tuệ kiến, đưa đến sự chân chánh diệt khổ, với kiến phần như vậy, cùng chia xẻ với các vị đồng phạm hạnh, pháp đó là pháp ủy lao là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho đoàn kết, tác thành Sa-môn, tác thành nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết-bàn.

“Này A-nan, Ta vừa nói sáu pháp ủy lao, vì vậy mà ta giảng giải. Này A-nan, nếu các ngươi đối với sáu gốc rễ của đấu tranh mà đoạn tuyệt hoàn toàn, và với bảy pháp đình chỉ đấu tranh, khi trong Tăng chúng khởi lên đấu tranh, thì chấm dứt bằng luật đình chỉ đấu tranh như quăng bỏ giẻ rách, rồi lại thực hành sáu pháp ủy lao ấy, thì này A-nan, như vậy sau khi Ta khuất bóng, các con sống cộng đồng hòa hợp hoan hỷ không tranh chấp, cùng đồng nhất trong một tâm, cùng đồng nhất trong một giáo pháp, hòa hợp như nước với sữa, khoái lạc du hành như lúc Ta còn tại thế.”

Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-nan và chư Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.

-ooOoo-

Chú thích:

[01]. Tương đương Pāli: M.103. Sāmagāmasuttaṃ. Hán, biệt dịch No.85 Phật Thuyết Tức Tranh Nhân Duyên Kinh, Tống Thi Hộ dịch.
[02]. Bạt-kì 跋 耆, Xá-di 舍 彌. No.85: Xa-ma-ca tử tụ lạc. Pāli: Sakkesu viharti (...) Sāmagāme, là một ngôi làng của giòng họ Sakya.
[03]. Sa-di Châu-na 沙 彌 周 那. Pāli: Cunda samaṇuddesa. Được đồng với Mahā-Cunda em ruột ngài Sāriputta và đắc quả A-na-hàm trong lúc là Sa-di.
[04]. Ba-hòa 波 和. Pāli: Pāvā, một thị trấn của bộ tộc Malla. Đoạn đường cuối cùng của Phật, đi từ Pāvā ñeán Kusinārā và ngài dừng chân để nghỉ 25 lần trên đoạn đường ấy.
[05]. Ni-kiền danh Thân Tử 尼 犍 名 親 子. Pāli: Nigaṇṭha Nāṭaputta.
[06]. Ngài A-nan là Bổn sư của Châu-na.
[07]. Ni-kiền danh Thân Tử 尼 犍 名 親 子. Pāli: Nigaṇṭha Nāṭaputta.
[08]. Bản Pāli: do ajihājīva (tăng thượng hoạt mạng) và do adhipātimokkha (tăng thượng giới bổn), tranh chấp các vấn đề liên hệ sinh hoạt và giới bổn, cả hai đều chỉ liên hệ đến giới luật. Bản Hán nói do cả giới, định, và tuệ.
[09]. Đạo và đạo tích. Pāli: magge vā hi patipadāya, tranh chấp trong các vấn đề liên hệ Thánh đạo và sự tu tập Thánh đạo.
[10]. Có 18 tránh sự, theo các Luật tạng. Trong đây chỉ nêu 16. Hai điều thuyết và phi thuyết đề cập riêng.
[11]. Trong bản Hán: tát-vân-nhã 薩 云 若; Pāli: sabbaññu.
[12]. Khả văn nhi chỉ. Không rõ ý. Có lẽ, cần biết để dập tắt tranh chấp.
[13]. Sân não kết triền 瞋 惱 結 纏, tức phẫn và hận. Pāli: kodhano upanāhi, phẫn nộ và oán hận.
[14]. Trong nguyên bản, bất ngữ kết 不 語 結. Xem cht.6, kinh 183.
[15]. Ác tánh bất khả chế 惡 性 不 可 制, hoặc nói là ác tánh bất thọ nhân ngữ 惡 性 不 受 人 語. Tánh ương ngạnh không chịu nghe lời. Đoạn này tóm tắt, liệt kê các cặp kiết sử làm nguyên nhân cho đấu tranh, có thể xếp loại theo thuật ngữ thông dụng: Phẩn, hận; phú, não; tật, xan; cuồng, siểm; vô tàm, vô quý; ác dục, tà kiến. Xem thêm, đối chiếu kinh 98 trên. Xem giải thích Tập Dị 15 (No.1536, Đại tr.431a-b).
[16]. Chỉ tránh 止 諍 hay nói là diệt tránh pháp 滅 諍 法; Pāli: adhikaraṇa-samathā.
[17]. Thuật ngữ theo Luật Tứ Phần: 1. Hiện tiền tì-ni (Pāli: sammukhāvinaya), 2. Ức niệm tì-ni (sativinaya), 3. Bất si tì-ni (amūḷhavinaya), 4. Tự ngôn trị (paṭiññayā kāretabbaṃ), 5. Đa nhân ngữ (yebhuyyasikā), 6. Tội xứ sở (tassapāyikā), 7. Như thảo phú địa (tiṇavatthāraka)ø.
[18]. Ưng dữ diện tiền chỉ tránh luật 應 與 面 前 止 諍 律. Xem cht.17 trên.
[19]. Ưng dữ ức chỉ tránh luật 應 與 憶 止 諍 律. Xem cht.17 trên.
[20]. Ưng dữ bất si chỉ tránh luật 應 與 不 癡 止 諍 律. Xem cht.17 trên.
[21]. Ưng dữ phát lồ chỉ tránh luật應 與 發 露 止 諍 律. Xem cht.17 trên.
[22]. Ưng dữ quân chỉ tránh luật 應 與 君 止 諍 律. Xem cht.17 trên. Quân luật 君 律. Luật áp dụng cho chính ngài”. Vì vị này khi bị hỏi tội, cứ nói loanh quanh, nên Tăng chúng phải chỉ định ngay tội danh: “Chính ngài đã phạm tội”.
[23]. Đoạn trên, bản Hán thiếu hai sự này.
[24]. Đoạn trên nói là khởi và không khởi. Khởi, hay cử tội, nêu tội Tỳ-kheo; tức khởi tố.
[25]. Nguyên bản: trì mẫu 持 母; hay giỏi Ma-đắc-lặc-già (Pāli: Mātikā), chỉ Luận tạng.
[26]. Ưng dữ như khí phấn tảo chỉ tránh luật 應 與 如 棄 糞 掃 止 諍 律. Xem cht.17 trên.
[27]. Trong bản, Thâu-la-chá 偷 羅 柘, thường nói là thâu-lan-giá. Cố ý phạm các tọâi Ba-la-di và Tăng-già-bà-thi-sa mà chưa thành tựu thì gọi là Thâu-lan-giá, thô tội. Pāli: thullavajja.
[28]. Ủy lao pháp 慰 勞 法, thường được biết là sáu pháp hòa kỉnh hay lục hòa. Tập Dị 15 (No Đại 26.1536, tr.431b), gọi là sáu pháp khả hỷ. Pāli: cha sārāṇiyā dhammā.

-ooOoo-