Tôi nghe như vầy:
Một thời Đức Phật trú tại nước Xá-vệ, trong rừng Thắng, vườn Cấp cô độc.
Bấy giờ, A-na-luật-đà cũng ở tại nước Xá-vệ, trong núi Sa-la-la nham[02]. Lúc ấy đêm đã qua, trời sáng, Tôn giả A-na-luật-đà mang y, cầm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Tôn giả A-nan cũng vào buổi sáng đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Tôn giả A-na-luật-đà gặp Tôn giả A-nan cùng đi khất thực. Sau khi gặp, Tôn giả A-na-luật-đà hỏi:
“Này Hiền giả A-nan, nên biết, ba y của tôi đã rách nát hết. Này Hiền giả, nay đây có thể nhờ các Tỳ-kheo may y hộ cho tôi không?”
Tôn giả A-nan im lặng nhận lời Tôn giả A-na-luật-đà, hứa sẽ nhờ.
Bấy giờ, Tôn giả A-nan khất thực, sau khi vào Xá-vệ, ăn xong, sau buổi trưa, rửa tay chân, lấy Ni-sư-đàn vắt lên vai, tay cầm chìa khóa cửa, đến khắp các phòng gặp các Tỳ-kheo, liền nói rằng:
“Thưa các thầy, hôm nay qua núi Sa-la-la nham may y cho Tôn giả A-na-luật-đà”.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe lời Tôn giả A-nan, thảy đều đến Sa-la-la nham để may y cho Tôn giả A-na-luật-đà.
Lúc ấy, Đức Thế Tôn gặp Tôn giả A-nan tay cầm chìa khóa cửa, đến khắp các phòng. Sau khi gặp, Ngài hỏi:
“A-nan, ông vì việc gì tay cầm chìa khóa cửa, đến khắp các phòng?”
Tôn giả A-nan bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn, con nay nhờ các Tỳ-kheo may y cho Tôn giả A-na-luật-đà”.
Đức Thế Tôn bảo rằng:
“A-nan, sao ông không thỉnh Như Lai may y cho A-na-luật-đà?”
Khi ấây, Tôn giả A-nan liền chắp tay hướng về Đức Thế Tôn bạch rằng:
“Cúi mong Thế Tôn qua núi Sa-la-la nham may y cho Tôn giả A-na-luật-đà”.
Đức Thế Tôn im lặng nhận lời.
Bấy giờ Đức Thế Tôn dẫn Tôn giả A-nan qua núi Sa-la-la nham, ngồi trước mặt chúng Tỳ-kheo. Lúc ấy trong núi Sa-la-la nham có tám trăm Tỳ-kheo và Đức Thế Tôn cũng ngồi chung may y cho Tôn giả A-na-luật-đà.
Lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên cũng có trong chúng. Bấy giờ Đức Thế Tôn bảo:
“Đại Mục-kiền-liên, Ta có thể vì A-na-luật-đà trải rộng khuôn khổ tấm y, cắt rọc rồi khâu may lại thành y”.
Lúc đó, Tôn giả Đại Mục-kiền-liên từ chỗ ngồi đứng dậy, trịch vai hữu, chắp tay hướng về Đức Thế Tôn mà bạch rằng:
“Cúi mong Đức Thế Tôn trải rộng khuôn khổ tấm y, các vị Tỳ-kheo sẽ cùng nhau cắt rọc, khâu vá, may chung lại thành y”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền vì Tôn giả A-na-luật-đà trải rộng khuôn khổ tấm y, các vị Tỳ-kheo cùng nhau cắt rọc, khâu vá, may chung lại. Ngay trong ngày hôm ấy may xong ba y cho Tôn giả A-na-luật-đà. Đức Thế Tôn lúc ấy biết ba y của Tôn giả A-na-luật-đà đã may xong, liền bảo rằng:
“A-na-luật-đà, ông hãy nói pháp Ca-hi-na cho các Tỳ-kheo nghe. Ta đang đau lưng muốn nghỉ một lúc”.
Tôn giả A-na-luật-đà bạch rằng:
“Xin vâng, bạch Thế Tôn”.
Khi ấy, Đức Thế Tôn xếp chồng bốn lớp y Uất-đa-la-tăng để trải lên giường, gấp y Tăng-già-lê làm gối, nằm hông bên phải, hai chân chồng lên nhau, khởi quang minh tưởng, thường tác khởi tư tưởng nơi chánh niệm chánh trí.
Lúc đó Tôn giả A-na-luật-đà bảo các Tỳ-kheo:
“Này chư Hiền, xưa kia, lúc tôi chưa xuất gia học đạo, nhàm tởm cảnh sanh, già, bệnh, chết, khóc than, áo não, buồn tủi, lo lắng, muốn đoạn trừ cái khối đau khổ lớn lao này.
“Này chư Hiền, khi đã nhàm tởm, tôi quán sát như vầy: ‘Đời sống tại gia hết sức chật hẹp, đầy bụi bặm. Xuất gia học đạo, rộng rãi bao la. Ta nay sống tại gia bị kềm tỏa trong sự xiềng xích, không được trọn đời tu các phạm hạnh. Ta hãy từ bỏ những tài vật ít, và tài vật nhiều, từ bỏ thân tộc ít và thân tộc nhiều, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.
“Này chư Hiền, sau đó tôi từ bỏ những tài vật ít, và tài vật nhiều, từ bỏ thân tộc ít và thân tộc nhiều, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo.
“Này chư Hiền, khi tôi đã xuất gia học đạo, từ bỏ dòng họ rồi, thọ pháp Tỳ-kheo, tu hành cấm giới, thủ hộ Tùng giải thoát. Tôi lại khéo léo nhiếp phục các oai nghi lễ tiết, thấy tội nhỏ nhặt thường ôm lòng lo sợ, thọ trì thập giới.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa sát hại, đoạn trừ sát hại, vất bỏ dao gậy, có tàm có quý, có tâm từ bi, lợi ích tất cả, ngay đến cả côn trùng nhỏ nhặt. Với việc sát sanh, tôi đã đoạn trừ tâm đó.
“Này chư Hiền, tôi đã xa lìa sự lấy của không cho, đoạn trừ sự lấy của không cho, chỉ lấy những gì được cho, vui nơi việc lấy vật đã đuộc cho, thường ưa bố thí, hoan hỷ không keo kiết, không mong cầu báo đáp. Với sự lấy của không cho, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi đã xa lìa phi phạm hạnh, siêng năng tu phạm hạnh, tinh cần tịnh diệu, thanh tịnh không ô uế, lìa dục, đoạn dâm. Với việc phi phạm hạnh, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa nói láo, nói lời chân thật, thích sự chân thật, an trụ nơi chân thật không di động, thay đổi, mọi người đều tin theo, không dối gạt thế gian. Với lời nói láo, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa lời nói hai lưỡi, đoạn trừ lời nói hai lưỡi, thực hành không nói hai lưỡi, không phá hoại người khác; không nghe lời người này đem nói lại với người kia để phá hoại người này; không nghe lời người kia đem nói lại với người này để phá hoại người kia. Ai chia rẽ thì muốn làm cho hòa hiệp, ai hòa hiệp thì làm cho hoan hỷ; không bè đảng, không ham thích bè đảng, không rêu rao bè đảng. Với lời nói hai lưỡi, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa lời nói thô ác, đoạn trừ lời nói thô ác. Nếu có lời nói mà ngôn từ thô ác, hung hăng, tiếng dữ trái tai, mọi người không vui, mọi người không mến, khiến cho người khác khổ não, không được an định, thì tôi đoạn trừ lời nói ấy. Nếu có lời nói mà trong trẻo, hòa thuận, mềm mỏng, xuôi tai, đáng mến, khiến cho người khác an lạc, ngôn từ đầy đủ rõ ràng, không làm người sợ, khiến họ được an tịnh; nói những lời như vậy. Với lời nói thô ác, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa lời nói thêu dệt, đoạn trừ lời nói thêu dệt, nói lời hợp thời, lời chân thật, đúng pháp, đúng nghĩa, nói lời tịch tĩnh và ưa nói lời tịch tĩnh, hợp theo việc, hợp theo thời, dạy dỗ khéo léo, quở trách khéo léo. Với lời nói thêu dệt, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa sự buôn bán, đoạn trừ sự buôn bán, vất bỏ dụng cụ đong lường, cái đấu, cái hộc; không nhận lãnh hàng hóa, không buộc trói người, không mong bẻ đấu đong lường, không vì lợi nhỏ mà xâm lấn dối gạt người khác. Với sự buôn bán, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh quả phụ, đồng nữ, đoạn trừ việc nhận lãnh quả phụ, đồng nữ. Với việc nhận lãnh quả phụ, đồng nữ, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh tôi tớ, đoạn trừ việc nhận lãnh tôi tớ. Với việc nhận lãnh tôi tớ, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh voi, ngựa, bò, dê; đoạn trừ việc nhận lãnh voi, ngựa, bò, dê. Với việc nhận lãnh voi, ngựa, trâu, dê, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh gà, heo, đoạn trừ việc nhận lãnh gà, heo. Đối với việc nhận lãnh gà, heo, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh ruộng vườn, tiệm quán, đoạn trừ việc nhận lãnh ruộng vườn, tiệm quán. Với việc nhận lãnh ruộng vườn, tiệm quán, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh lúa, mè, đậu còn sống chưa chín; đoạn trừ việc nhận lãnh lúa, mè, đậu còn sống chưa chín. Với việc nhận lãnh lúa, mè, đậu còn sống chưa chín, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa rượu, đoạn trừ rượu. Với việc uống rượu, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa giường lớn, cao rộng; đoạn trừ giường lớn cao rộng. Với việc giường cao lớn rộng, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa tràng hoa, anh lạc, phấn sáp, thơm tho, bôi xoa thân thể; đoạn trừ tràng hoa, anh lạc, phấn sáp, thơm tho, bôi xoa thân thể. Với tràng hoa, anh lạc, phấn sáp, bôi xoa, thơm tho thân thể, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa ca múa, xướng hát, xem nghe; đoạn trừ ca múa, hát xướng, xem nghe. Với việc ca múa, hát xướng, xem nghe, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa việc nhận lãnh vàng bạc quý báu, đoạn trừ việc nhận lãnh vàng bạc quý báu. Với việc nhận lãnh vàng bạc quý báu, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi xa lìa việc ăn quá giờ ngọ, đoạn trừ việc ăn quá giờ ngọ; ăn một lần, không ăn đêm, học ăn đúng thời. Với việc ăn quá giờ ngọ, tâm tôi đã đoạn trừ.
“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu thánh giới tụ này, lại học theo hạnh hết sức tri túc, y chỉ đủ để che thân, ăn chỉ đủ để nuôi thân, đi đến đâu đều mang theo y bát, đi không luyến nhớ, như chim ưng mang theo đôi cánh bay lượn trên không trung. Này chư Hiền, tôi cũng vậy, đi đến đâu đều mang theo y bát, không luyến nhớ.
“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu thánh giới tụ này và hết sức tri túc. Tôi lại học giữ gìn các căn, thường niệm sự khép kín, niệm tưởng muốn minh đạt, thủ hộ niệm tâm mà được thành tựu, hằng muốn khởi ý. Khi mắt thấy sắc, không chấp thủ sắc tướng, không đắm sắc vị; vì sự phẫn tránh[03] mà thủ hộ căn con mắt, trong tâm không sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia[04], nên thủ hộ căn con mắt. Cũng vậy, tai, mũi, lưỡi, thân, khi ý biết pháp không chấp thủ pháp tướng, không đắm pháp vị; vì sự phẫn tránh mà thủ hộ ý căn, trong tâm không sanh tham lam, ưu não, ác bất thiện pháp, vì thú hướng đến kia, nên thủ hộ ý căn.
“Này chư Hiền, tôi đã thành tựu thánh giới tụ này, hết sức tri túc và giữ gìn các căn. Tôi lại học chánh tri khi ra, khi vào[05], khéo quán sát phân biệt[06]; co duỗi, cúi ngước, nghi dung chững chạc; khéo mang Tăng-già-lê và các y bát; đi, đứng, ngồi, nằm, ngủ, thức, nói năng hay im lặng đều có chánh tri.
“Này chư Hiền, khi tôi đã thành tựu thánh giới tụ này và hết sức tri túc, gìn giữ các căn, chánh trí xuất nhập. Tôi lại học hạnh viễn ly, cô độc một mình, ở chỗ vô sự, hoặc đến dưới gốc cây, nơi an tĩnh trống vắng, núi sâu, hốc đá, đất trống, hoặc ở trong núi rừng, hoặc ở nơi gò trũng.
“Này chư Hiền, khi tôi đã đến chỗ vô sự, hoặc dưới gốc cây, nơi an tĩnh không nhàn, trải Ni-sư-đàn, ngồi kiết già, chánh thân chánh nguyện[07], hướng niệm nội tâm[08], đoạn trừ tâm tham lam, tâm không tranh cãi[09], thấy tài vật và các nhu dụng sinh sống của người khác mà không khởi lòng tham muốn, muốn khiến về mình. Tôi đối vớùi sự tham lam, tâm đã tịnh trừ. Cũng vậy, sân nhuế, thụy miên, trạo hối, đoạn nghi trừ hoặc, đối với các thiện pháp không có do dự. Tôi đối với sự nghi hoặc, tâm đã tịnh trừ.
“Này chư Hiền, tôi đã đoạn trừ năm triền cái làm cho tâm ô uế, tuệ yếu kém; ly dục, ly ác bất thiện cho đến chứng đắc Tứ thiền, thành tựu và an trụ.
“Này chư Hiền, tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh không ô uế, không buồn phiền, nhu nhuyến, khéo an trụ, được tâm bất động, học chứng nghiệm Như ý túc trí thông.
“Này chư Hiền, tôi đã được vô lượng Như ý túc; đó là, phân một thành nhiều, hợp nhiều thành một, một thời trụ một, có tri có kiến, không trở ngại bởi vách đá, chẳng khác nào đi giữa hư không, vào đất như vào nước, đi trên nước như đi trên đất, ngồi kiết già mà bay lên không trung như chim bay. Ngay mặt trời này, mặt trăng này có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần, tôi sờ bắt được, thân tôi cao đến Phạm thiên.
“Này chư Hiền, khi tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh, không tạp uế, không buồn phiền, nhu nhuyến, khéo an trụ, được tâm bất động, tôi học chứng nghiệm Thiên nhĩ trí thông. Này chư Hiền, tôi dùng thiên nhĩ nghe âm thanh loài người và không phải loài người, gần xa, hay và không hay.
“Này chư Hiền, khi tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh không ô uế, nhu nhuyến, khéo an trụ, được bất động tâm, tôi học chứng nghiệm Tha tâm trí thông. Này chư Hiền, chúng sanh khác suy nghĩ, hành động, tôi dùng tha tâm trí biết được tâm của họ đúng như thật. Tâm có dục, tôi biết đúng như thật là tâm có dục. Tâm không dục, tôi cũng biết đúng như thật là tâm không dục. Nếu có giận, có nghi, không giận, không nghi, có uế, không uế, định tâm, tán loạn, cao thấp, lớn nhỏ, tu hay không tu, định hay không định, tôi đều biết đúng như thật. Không có tâm giải thoát, tôi biết không có tâm giải thoát. Có tâm giải thoát tôi cũng biết đúng như thật có tâm giải thoát.
“Này chư Hiền, tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh không ô uế, không buồn phiền, nhu nhuyến, khéo an trụ, được tâm bất động, tôi học Ức túc mạng trí thông. Này chư Hiền, có hạnh nghiệp, có tướng mạo, tôi đều nhớ xưa kia trải qua vô lượng, nào là một đời, hai đời, trăm đời, ngàn đời, thành kiếp, hoại kiếp, vô số thành hoại kiếp. Chúng sanh đến đó, đã từng sanh chỗ đó, tên họ như vậy, danh tự như vậy, sống như vậy, ăn uống như vậy, chịu khổ được vui như vậy, sống lâu như vậy, sống lâu rồi chết như vậy, chết đây sanh kia, chết kia sanh đây. Tôi sanh chỗ này, họ như vậy, tên như vậy, sống như vậy, ăn uống như vậy, chịu khổ như vậy, vui sướng như vậy, sống lâu như vậy, sống lâu rồi chết như vậy.
“Này chư Hiền, tôi đã được định tâm như vậy, thanh tịnh không ô uế, không buồn phiền, nhu nhuyến, khéo an trụ, được tâm bất động, tôi học Sanh tử trí thông. Này chư Hiền, tôi dùng thiên nhãn thanh tịnh, nhìn xa hơn người, thấy chúng sanh này lúc chết lúc sanh, sắc đẹp sắc xấu, vi diệu hoặc không vi diệu, qua lại chỗ thiện, chỗ bất thiện, tùy chỗ tạo nghiệp của chúng sanh này mà thấy họ đúng như thật. Nếu chúng sanh nào thành tựu ác hạnh về thân, ác hạnh về khẩu, ác hạnh về ý, phỉ báng Thánh nhân, tà kiến, thành tựu nghiệp tà kiến, thì chúng sanh ấy, bởi nhân duyên này, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn đến chỗ ác, sanh vào địa ngục. Nếu chúng sanh nào thành tựu diệu hạnh về thân, diệu hạnh về khẩu và diệu hạnh về ý, không phỉ báng Thánh nhân, chánh kiến, thành tựu nghiệp chánh kiến, thì chúng sanh ấy, bởi nhân duyên này, khi thân hoại mạng chung, chắc chắn sanh lên cõi thiện, sanh lên thiên giới.
“Này chư Hiền, tôi với định tâm như vậy, thanh tịnh, không ô uế, không phiền nhiệt, nhu nhuyến, khéo an trụ, chứng đắc tâm bất động, bèn hướng đến sự tác chứng lậu tận trí thông. Tôi liền biết như thật rằng: ‘Đây là Khổ’, ‘Đây là Khổ tập’, ‘Đây là Khổ diệt’, ‘Đây là Khổ diệt đạo’. Cũng biết như thật: ‘Đây là lậu’, ‘Đây là lậu tập’, ‘Đây là lậu diệt’, ‘Đây là lậu diệt đạo’. Tôi đã biết như vậy, thấy như vậy rồi, tâm giải thoát dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Giải thoát rồi liền biết là mình đã giải thoát, biết như thật rằng ‘Sự sanh đã dứt, phạm hạnh đã vững, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh nữa’.
“Này chư Hiền, nếu Tỳ-kheo nào phạm giới, giới bị vỡ, giới bị khuyết, giới bị thủng, giới tạp uế, giới đen, mà muốn nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lên lầu gác chánh pháp, nhất định không có điều đó.
“Này chư Hiền, ví như cách thôn không xa, nhà lớn, nhà nhỏ, lầu cao, lầu thấp, trong đó có một cái thang, nếu người nào đến cầu xin, leo lên nhà gác đó, nhưng nếu không leo lên nấc thang thứ nhất mà muốn leo lên nấc thang thứ hai thì không thể được. Nếu không leo lên nấc thang thứ hai, thứ ba, thứ tư mà lên đến nhà gác cũng không thể được. Này chư Hiền, cũng như thế, nếu có Tỳ-kheo nào phạm giới, giới bị vỡ, giới bị khuyết, giới bị thủng, giới tạp uế, giới đen, mà muốn nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lầu gác chánh pháp, nhất định không có điều đó.
“Này chư Hiền, nếu có Tỳ-kheo nào không phạm giới, giới không bị vỡ, giới không bị khuyết, giới không bị thủng, giới không tạp uế, giới không đen, nếu muốn nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lầu gác chánh pháp, điều đó chắc chắn có.
“Này chư Hiền, như cách thôn không xa có ngôi nhà gác, trong đó có một cái thang, hoặc có mười nấc thang hay mười hai nấc thang. Nếu có người muốn cầu xin, muốn được leo lên nhà gác đó, nếu leo lên nấc thứ nhất của thang ấy rồi, muốn leo lên nấc thứ hai thì chắc chắn có thể được. Nếu leo lên nấc thứ hai, rồi muốn leo lên nấc thức ba, thứ tư thì chắc chắn có thể được. Này chư Hiền, cũng như thế, nếu có Tỳ-kheo nào không phạm giới, giới không bị vỡ, giới không bị khuyết, giới không bị thủng, giới không tạp uế, giới không đen, muốn nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lầu gác chánh pháp, chắc chắn có điều đó.
“Này chư Hiền, tôi nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lầu gác chánh pháp, với phương tiện như quán sát ngàn thế giới.
“Này chư Hiền, như người có mắt đứng trên lầu cao, với phương tiện nhỏ, nhìn khoảng đất trống phía dưới, thấy ngàn ụ đất. Này chư Hiền, tôi cũng như vậy, nương tựa nơi giới, an lập nơi giới, lấy giới làm thang leo lên tòa nhà vô thượng tuệ, lầu gác chánh pháp, với phương tiện nhỏ thấy ngàn thế giới.
“Này chư Hiền, như con voi lớn của vua, hoặc có bảy báu, hoặc giảm tám, lấy lá đa-la mà che đi, như tôi che phủ nơi lục thông này.
“Này chư Hiền, đối với sự chứng đắc của tôi về Như ý túc trí thông, nếu có gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.
“Này chư Hiền, đối với Thiên nhĩ thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.
“Này chư Hiền, đối với Tha tâm trí thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.
“Này chư Hiền, đối với Túc mạng ý thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.
“Này chư Hiền, đối với Sanh tử trí thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời.
“Này chư Hiền, đối với Lậu tận trí thông của tôi, nếu có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi tôi, tôi sẽ trả lời”.
Bấy giờ Tôn giả A-nan bạch rằng:
“Bạch Tôn giả A-na-luật-đà, nay đây đang tập hợp ngồi trong núi Sa-la-la nham gồm có tám trăm Tỳ-kheo và Đức Thế Tôn để may y cho Tôn giả A-na-luật-đà. Nếu đối với Tôn giả A-na-luật-đà có điều gì nghi ngờ về sự chứng đắc Như ý túc trí thông thì vị ấy cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Nếu đối với Tôn giả A-na-luật-đà có điều gì nghi ngờ về sự chứng đắc Thiên nhãn trí thông thì vị ấy cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Nếu đối với Tôn giả A-na-luật-đà có điều gì nghi ngờ về Tha tâm trí thông thì vị ấy cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Nếu đối với Tôn giả A-na-luật-đà có điều gì nghi ngờ về Túc mạng trí thông thì vị ấy cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Nếu đối với Sanh tử trí thông, có điều gì nghi ngờ thì cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Có điều gì nghi ngờ về Lậu tận trí thông thì cứ hỏi, Tôn giả A-na-luật-đà sẽ trả lời. Nhưng trong một thời gian dài, chúng tôi đã dùng tâm biết được tâm của Tôn giả A-na-luật-đà đúng như Tôn giả A-na-luật-đà nói: Ngài có đại Như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần”. Khi ấy Đức Thế Tôn chỗ đau đã bớt và được an ổn, Ngài liền trở dậy ngồi kiết già. Sau khi ngồi, Đức Thế Tôn khen Tôn giả A-na-luật-đà:
“Lành thay! Lành thay! A-na-luật-đà, ông đã nói pháp Ca-hi-na cho các Tỳ-kheo nghe. Này A-na-luật-đà, ông lại nói pháp Ca-hi-na cho các Tỳ-kheo nghe. Này A-na-luật-đà, ông thường nói pháp Ca-hi-na cho các Tỳ-kheo nghe”.
Khi ấy Đức Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
“Này các Tỳ-kheo, các ông hãy vâng thọ Ca-hi-na pháp, đọc tụng, tu tập Ca-hi-na pháp, khéo giữ Ca-hi-na pháp. Vì sao? Vì Ca-hi-na pháp cùng tương ưng với pháp, là căn bản phạm hạnh, đưa đến sự thông suốt, đưa đến giác ngộ, đưa đến Niết-bàn. Nếu có người con nhà dòng dõi, cạo bỏ râu tóc, mặc áo ca-sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia học đạo thì hãy chí tâm vâng thọ Ca-hi-na pháp. Vì sao? Vì Ta không thấy trong quá khứ các Tỳ-kheo may y như vậy, như A-na-luật-đà Tỳ-kheo. Cũng như trong vị lai và hiện tại các Tỳ-kheo may y như vậy, như Tỳ-kheo A-na-luật-đà. Vì sao? Vì hôm nay tám trăm Tỳ-kheo cùng ngồi nơi núi Sa-la-la nham và Thế Tôn cũng có trong đó, may y cho Tỳ-kheo A-na-luật-đà. Như vậy, Tỳ-kheo A-na-luật-đà có đại như ý túc, có đại oai đức, có đại phước hựu, có đại oai thần”.
Phật thuyết như vậy. Tôn giả A-na-luật-đà và các Tỳ-kheo sau khi nghe Phật thuyết, hoan hỷ phụng hành.
-ooOoo-
-ooOoo-