Hỏi:Kính thưa Thầy, tại sao Thầy dạy chúng con phải tự kỷ ám thị, mà trong kinh Phật không có dạy, cuối mong Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ?
Đáp: Như lý tác ý là pháp môn tự kỷ ám thị, đó là một danh từ ngày xưa đức Phật dùng ám thị để thực hiện xa lìa tâm ham muốn và các ác pháp. Ngày nay, các nhà học giả không có kinh nghiệm tu hành, nên không hiểu pháp như lý tác ý là phương pháp tự kỷ ám thị.
Hầu hết các nhà học giả thuyết kinh điển Phật đều không hiểu pháp này, nên đã biến pháp môn của Phật thành một lý thuyết suông. Vì thế, hơn 25 thế kỷ không có người nào tu chứng và làm chủ sanh, già, bệnh, chết một cách cụ thể, chỉ huyền thuyết một vài mẩu chuyện thần thông cho vui mà thôi.
Nếu không có pháp“như lý tác ý” thì tu hành không có đạo lực, không có đạo lực thì không làm chủ sự sống, chết của con người được.
Nếu một người tu thiền định mà không biết sử dụng pháp như lý tác ý thì không thể nào nhập được các định.
Ở đây, chúng ta hãy nghe đức Phật dạy một người muốn tu thiền định phải dùng pháp như lý tác ý như thế nào để nhập được định, không giống như các hệ phái Phật giáo phát triển dạy.
“Chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo muốn thực hiện tu tăng thượng tâm thiền định thì cần phải thường tác ý năm tướng.
Thế nào là năm tướng?
Năm tướng là:
1- Tham
2- Sân
3- Si
4- Mạn
5- Nghi
“Ở đây Tỳ Kheo y cứ tướng nào, tác ý tướng nấy. Các ác bất thiện pháp liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến si, liên hệ đến mạn, và liên hệ đến nghi sanh khởi, thời này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ấy cần phảitác ý một tướng khác liên hệ đến thiện không phải tướng kia (ác bất thiện pháp liên hệ đến dục) thì các ác bất thiện tầm liên hệ đến dục (tham) liên hệ đến sân, liên hệ đến si, liên hệ đến mạn, liên hệ đến nghi được diệt trừ đi đến diệt vong. Chính nhờ diệt trừ chúng, nội tâm được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh”.
Đoạn kinh trên đây đức Phật dạy tu thiền, không phải chỗ nhiếp tâm hết vọng tưởng để nhập định và nhất tâm, định tỉnh. Ngược lại, Phật dạy dùng pháp như lý tác ý để trừ diệt, đi đến diệt vọng tâm tham, sân, si, mạn, nghi. Chính nhờ diệt trừ chúng mới đạt được nhất tâm, nhập được Tứ Thánh Định.
Bài kinh này chỉ dạy rất rõ ràng, thế mà thời nay người tu thiền cứ mải mê nhiếp tâm cho hết vọng tưởng. Tu như vậy gọi là thiền của Phật thật là oan cho Phật giáo biết chừng nào! Phật dạy như vậy mà bây giờ tu sĩ lại tu khác. Chỉ có Phật giáo Đại Thừa và Phật giáo Tối Thượng Thừa mới chấp nhận pháp ức chế tâm đó là chân chánh, vì thế tu sĩ ngày nay là tu theo pháp môn ngoại đạo mà cứ tưởng mình tu theo Phật giáo. Cho nên, tu từ đời ông đến đời cha mà chẳng có ai giải thoát cả.
Nếu khi gặp một hoàn cảnh, một đối tượng, một sự việc xảy đến khiến tâm đau khổ và phiền não, khi ấy hành giả dùng pháp như lý tác ý và tác ý với một tướng khác với tướng kia, tức là tướng không phiền não, đau khổ, tướng này liên hệ đến thiện, không tham, sân, si, mạn, nghi. Các ác pháp, bất thiện pháp có tầm liên hệ đến dục tham, sân, si, mạn, nghi kia không lìa ra được, hoặc đoạn diệt được, thì phải mau quán xét các niệm ác và bất thiện pháp kia là nguy hiểm, là khổ đau cho mình cho người. Những niệm như vậy là ác độc, là có tội lỗi và sẽ tạo ra khổ báo phiền não, đau khổ hiện giờ và mai sau.
Do quán xét và tác ý như vậy thì tâm ta sẽ xả được các ác pháp và trở về trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự.
Khi quán xét và tác ý như vậy, các ác bất thiện pháp tham, sân, si, mạn, nghi sẽ được diệt trừ và xả ly. Nhờ có quán xét và tùy ý như vậy tâm chúng ta mới xả ly được, nội tâm mới được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh và an lạc.
Nếu khi quán xét và tác ý các pháp ác đó là nguy hiểm, là tội khổ, là khổ báo mà tâm vẫn còn hậm hực, hờn giận, phiền não, sợ hãi, lo toan v.v.. Lại khởi lên các ác niệm nữa, thì ta không tác ý tâm như đất nữa và không quán xét nữa, ta để tâm tự nhiên rồi như lý tác ý: “Thân tâm thư giãn xuống, các cơ buông xuống, tâm buông xuống, thân tâm phải thoải mái, nhẹ nhàng, an lạc”. Hướng tâm xong, ta đi kinh hành hoặc ngồi hít thở, thỉnh thoảng ta lại hướng tâm như vậy thì các ác pháp kia sẽ tan biến và diệt trừ đoạn dứt tâm bất động, đau khổ và phiền não sẽ dứt sạch, nội tâm ta được an trú, an tịnh, nhất tâm, định tỉnh.
Nếu dùng pháp hướng tâm như lý tác ý và thư giãn thân tâm mà “ác niệm còn khởi tâm ta chưa an tịnh” thì lại dùng pháp hướng tâm đến các hành của các ác pháp thì các ác pháp bất thiện sẽ được diệt trừ, xa lìa đoạn dứt. Nhờ có đoạn trừ, diệt chúng được, nội tâm mới được thanh thản, an lạc, định tỉnh, nhất tâm.
Dùng pháp hướng tâm đến các hành như thế nào?
Muốn hiểu nghĩa này chúng tôi cho những ví dụ cụ thể mới dễ nhận ra rõ ràng nghĩa lý này.
Ví dụ: “Một người đang đi nhanh, họ suy nghĩ và hướng tâm như lý tác ý tại sao ta lại đi nhanh? Ta hãy đi chậm lại. Trong khi hướng tâm như vậy, người ấy đi chậm lại, người ấy suy nghĩ. Như lý tác ý: Tại sao ta lại đi chậm? Ta hãy dừng lại. Trong khi dừng lại, người ấy suy nghĩ và tác ý. Tại sao ta lại dừng lại? Ta hãy ngồi xuống. Trong khi ngồi người ấy suy nghĩ và hướng tâm như lý. Tại sao ta lại ngồi? Ta hãy nằm xuống”.
“Dùng pháp hướng tâm như lý tác ý bỏ dần các hành động thô của ác pháp đi đến những hành động tế nhị và cuối cùng xa lìa đoạn diệt các ác pháp liên hệ đến tâm tham, sân, si, mạn, nghi sẽ được diệt trừ đi đến đoạn diệt nên nội tâm được thanh thản, an lạc, nhất tâm, định tỉnh”.
Nếu dùng pháp hướng như lý tác ý đến các hành của ác pháp liên hệ đến niệm dục mà không diệt được và xa lìa được thì phải nghiến răng dán chặt lưỡi lên nóc họng lấy tâm và các cơ chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm bằng pháp hướng như lý tác ý: “Tâm tham dục phải đoạn dứt liền, phải lìa xa nơi niệm tham muốn, sân hận, phải đi đi, đi cho khỏi nơi đây”.
Dùng pháp hướng mạnh bạo để diệt trừ tâm tham dục, ngã chấp tạo nên đau khổ, phiền lụy cho mình cho người, phải đoạn dứt một cách nhanh chóng để phục hồi tâm lại bình thường, an lạc, thanh thản. “Dùng pháp hướng mạnh bạo ấy, ví như người lực sĩ nắm lấy đầu một người ốm yếu xách bổng họ và muốn ném đâu tuỳ ý”.
Tóm lại, muốn ly dục, ly ác pháp, diệt ngã, xả tâm thì phải dùng pháp như lý tác ý bằng năm cách như trên đã dạy mà trong Kinh Song Tầm và Kinh An Trú Tầm đức Phật đã dạy rất rõ ràng, để làm chủ được cuộc sống không còn khổ đau, và bất toại nguyện, luôn luôn lúc nào tâm hồn cũng thanh thản, an lạc, định tỉnh và vô sự.
Nên đức Phật dạy: “Chư Tỳ Kheo, Tỳ Kheo ấy được gọi là đã an trú trong “đoạn tầm pháp môn”. Vị ấy có thể tác ý đến tầm nào vị ấy muốn, có thể không tác ý đến tầm nào vị ấy không muốn, vị ấy đã đoạn trừ khả ái, đã giải thoát các kiết sử, khéo chinh phục kiêu mạn và đã chấm dứt khổ đau”.
Pháp thế gian mà kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ gọi là “vọng tưởng”,còn niệm thiện niệm ác và như lý tác ý thì kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy đó là tầm ác, tầm thiện và pháp như lý tác ý, biết tầm thiện, tầm ác và pháp như lý tác ý là biết pháp tu hành theo Phật giáo, ngược lại Đại Thừa và Thiền Đông Độ dạy người tu tập:
1- Biết vọng không theo.
2- Đối cảnh không tâm.
3- Không kẹt hai bên.
4- Hằng sống với cái chân thật, không theo cái giả.
Bốn cách tu tập này cũng nhắm vào diệt vọng tưởng mà thôi.
“Muốn thấy nó bạn đừng theo vọng tưởng,
Niệm lăng xăng chìm đắm biển thanh bình.
Đến đây rồi hạnh phúc khó thưa trình,
Chỉ xem thấy nụ cười luôn hé nở”.
Trên đây là một bài thơ của một thiền sư đã chứng đạo, để chứng minh pháp diệt vọng tưởng của họ.
Kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ nhắm vào chỗ “vọng tưởng”, vọng tưởng hết rồi thì viên mãn “niệm lăng xăng chìm đắm biển thanh bình’’. Nhưng đối với đạo Phật thì khác xa. Tầm ác, tức là vọng tưởng ác thì ngăn chặn và diệt sạch còn tầm thiện thì sanh khởi và tăng trưởng không diệt mà còn nuôi dưỡng, để không làm khổ mình, khổ người. Nhờ tầm thiện đó mà mỗi con người xây dựng cho mình một nền đạo đức nhân bản không làm khổ mình, khổ người.
Muốn diệt tầm ác (vọng tưởng ác, niệm ác) thì dùng pháp hướng tâm tác ý (như lý tác ý, sẽ ngăn chặn và diệt trừ) tăng trưởng tầm thiện (vọng tưởng thiện, niệm thiện) để giúp tâm không làm khổ mình, khổ người, để trở về trạng thái bình thường, thanh thản, an lạc, vô sự và định tỉnh.
Xét qua hai cách tu tập thì Đại Thừa và Thiền Đông Độ do ức chế tâm diệt vọng tưởng để đạt trạng thái yên lặng đến tĩnh lặng mà họ gọi là thiền định, còn Phật dạy dùng pháp hướng tâm như lý tác ý để ly dục, ly ác pháp, diệt ngã, xả tâm quét sạch ngũ triền cái, đoạn dứt thất kiết sử, tâm vô lậu thanh tịnh không còn đắm nhiễm sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp của thế gian, tâm được thanh tịnh đó gọi là định.
Vì thế, thiền định của Đại Thừa, Thiền Tông và thiền định của Phật không giống nhau; một bên thì tìm cái tĩnh lặng với trạng thái thường, lạc, ngã, tịnh (bốn tánh Niết Bàn). Lấy cái biết không niệm thiện niệm ác làm “Phật Tánh” để hằng sống với cái chân thật đó của mình.
Một bên thì tìm về cuộc sống, có một trạng thái an lạc, thanh thản, làm chủ bốn cái khổ của kiếp người sanh, già, bệnh, chết; còn một bên tu tập để tìm về thế giới vĩnh hằng của “Phật Tánh”, không có đạo lực, không có làm chủ sự sống chết, chỉ có đạo thông tưởng pháp, nói thiền nói đạo như gió thổi mưa sa; một bên tu tập vừa có đạo thông vừa có đạo lực điều khiển sự sống chết luân hồi theo ý muốn. Như vậy rõ ràng hai bên có hai lối tu và hai kết quả khác nhau.
Qua sự kinh nghiệm tu tập của chúng tôi và kinh sách Nguyên Thủy dạy rất rõ ràng và cụ thể, bằng ý thức chủ động điều khiển sự sống chết của con người, không mơ hồ, trừu tượng như thế giới tưởng của một số hệ phái khác. Cho nên, sự tu hành như vậy, cuộc sống của các thiền sư còn chìm đắm trong danh, lợi, tham, sân, si của thế gian.
Vọng tưởng là một đề tài của Đại Thừa và Thiền Đông Độ dùng làm đối tượng để tu tập thiền định, còn Phật giáo Nguyên Thủy “vọng tưởng” không thành vấn đề tu tập mà đối tượng tu tập là tâm tham, sân, si, mạn, nghi và thất kiết sử.
Muốn diệt trừ tâm tham, sân, si, mạn, nghi và thất kiết sử thì Phật giáo Nguyên Thủy lại dùng pháp môn như lý tác ý, (Thiền Tông cho là vọng tưởng) để tu tập, để rèn luyện Ngũ lực. Đại Thừa và Thiền Đông Độ lại chê là vọng, dẹp bỏ. Nguyên Thủy biến nó trở thành pháp môn hướng tâm như lý tác ý để diệt trừ tam độc và thất kiết sử, khiến cho tâm được giải thoát hoàn toàn, không còn khổ đau của kiếp người và biến pháp như lý tác ý trở thành một đạo lực siêu việt làm chủ điều khiển sự sống chết của kiếp con người và đó là thực hiện Tứ Như Ý Túc, Tam Minh một cách dễ dàng, không mấy khó khăn.