VỌNG TƯỞNG

Hỏi: Kính thưa Thầy! Trong khi tọa thiền hoặc đi kinh hành khéo giữ tâm đừng cho niệm khởi, niệm khởi tức là vọng tưởng, có vọng tưởng thì không thể nào gọi là thiền định, có phải vậy không thưa Thầy? Vậy cúi mong Thầy chỉ dạy cho chúng con hiểu rõ chỗ này.

Đáp:Ức chế vọng tưởng không cho niệm khởi, tức là ức chế tâm; ức chế tâm tức là ức chế tâm tham, sân, si; ức chế tâm tham, sân, si sẽ rơi vào định tưởng (Không Vô Biên Xứ Tưởng).

Vọng tưởng là gì?

Vọng tưởng là những tư niệm lăng xăng tự động khởi niệm trong đầu, phần nhiều thuộc về quá khứ và vị lai (hồi niệm, hồi ức). Những tư niệm này căn gốc đều do lòng ham muốn và ác pháp tham, sân, si sanh ra, nên kinh sách Nguyên Thủy gọi là tầm ác.

Tầm ác là những suy tư, nghĩ tưởng làm khổ mình, khổ người. Theo kinh sách Nguyên Thủy có hai loại tầm đi song song nhau. Vì thế, có bài kinh gọi là Kinh Song Tầm. Kinh Song Tầm dạy chúng ta tư duy quán xét để thấu rõ:

1-Tầm ác

2-Tầm thiện

Người tu theo đạo Phật lúc nào cũng cảnh giác, ngăn chặn và diệt tầm ác. Ngược lại lúc nào cũng tăng trưởng tầm thiện, sống trong tầm thiện.

Bài Kinh Song Tầm trong tập 1 Trung Bộ Kinh trang 261 Phật dạy: “Khi Ta chưa thành Chánh Giác còn đang tu, Ta suy nghĩ như sau: “Ta sống suy tư và chia sự suy tư làm hai phần. Phàm có dục tầm, sân tầm, hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ nhất. Phàm có ly dục tầm, vô sân tầm và vô hại tầm nào, Ta phân thành phần thứ hai”.

Như ở trên đã dạy, phàm làm người đều có hai sự suy tư:

1- Suy tư ác

2- Suy tư thiện

Suy tư ác thì phải ngăn chặn và đoạn diệt, suy tư thiện thì nuôi lớn và tăng trưởng, như trong kinh “Tứ Chánh Cần” Phật đã dạy: “Ngăn ác diệt ác, sanh khởi thiện tăng trưởng thiện”.

Suy tư nào ác sẽ làm khổ mình, khổ người thì phải chấm dứt ngay liền; suy tư nào thiện sẽ không làm khổ mình, khổ người thì cần phải phát triển những suy tư ấy. Đó là cách thức tu tập tâm ly dục, ly ác pháp, diệt ngã, xả tâm.

Khi phân ra được hai dạng suy tư. Bấy giờ chúng ta quyết tâm sống không phóng dật, nhiệt tâm siêng năng tỉnh giác từng hành động thân ý, từng sự việc, từng đối tượng, từng hoàn cảnh v.v.. Khi có niệm khởi lên, ta quán xét niệm ấy có làm khổ mình, khổ người không? Nếu niệm ấy đưa đến khiến ta phiền não, khiến ta mất an vui, thanh thản, cũng như niệm đó khiến cho người khác mất an vui thanh thản, thì đó là niệm ác. Khi ta biết nó là niệm ác thì niệm ấy liền biến mất, nếu không biến mất thì ta dùng pháp như lý tác ý diệt ngay niệm ác đó, nếu nó còn tới lui thì ta tiếp tục quán xét cho thông suốt để trừ bỏ, xả ly và đoạn dứt. Đó là cách thức tu tập thiền định của đạo Phật, đó là Định Vô Lậu.

Khi đã phân chia làm hai thứ niệm ác và niệm thiện xong, đức Phật khép mình trong khuôn khổ tu tập. “Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần. Khi dục tầm (niệm ưa thích) khởi lên. Ta tuệ tri: Dục tầm này khởi lên nơi Ta và dục tầm này đưa đến tự hại, đưa đến hại người, đưa đến hại cả hai diệt trí tuệ (làm mất trí tuệ) dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn. Chư Tỳ Kheo, khi Ta suy tư như vậy: “Dục tầm này đưa đến tự hại”, thì dục tầm này được biến mất. Chư Tỳ Kheo khi Ta suy tư: “Dục tầm này đưa đến hại người”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ Kheo khi Ta suy tư: “Dục tầm đưa đến hại cả hai”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ Kheo khi Ta suy tư: “Dục tầm diệt trí tuệ, dự phần vào phiền não, không đưa đến Niết Bàn”, dục tầm được biến mất. Chư Tỳ Kheo như vậy Ta tiếp tục trừ bỏ xả ly và đoạn tận dục tầm”.

Đọc đoạn kinh trên các bạn cần suy nghĩ kỹ. Phật dạy chúng ta xả tâm, ly dục, ly ác pháp, diệt ngã bằng những niệm ác khởi lên trong tâm, khi ta biết nó là niệm ác làm ta khổ, người khác khổ, làm hại ta, hại người khác và làm mất trí tuệ giải thoát của ta, đưa đến khổ đau, phiền não v.v.. Khi ta biết như vậy thì tự nó biến mất. Và cứ tiếp tục tu tập xả ly tâm và đoạn tận từng niệm như vậy, thì tâm chúng ta được thanh tịnh, đời sống chúng ta được giải thoát hoàn toàn không còn khổ đau, phiền não nữa.

Ở đây, các bạn chỉ cần thấy được niệm ác khởi lên trong tâm, nó là sự nguy hại, hạ liệt, uế nhiễm, đau khổ thì các bạn sẽ trừ bỏ, xả ly, đoạn tận, viễn ly, khi trừ bỏ, xả ly, đoạn tận thì sự lợi ích rất lớn đến với các bạn, sự thanh tịnh của tâm và các thiện pháp sẽ hiện tiền trước mắt, tâm các bạn sẽ được hoàn toàn an lạc và thanh thản.

“Chư Tỳ Kheo, trong khi Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần như vậy, khi ly dục tầm khởi lên. Ta tuệ tri như vầy: Ly dục tầm khởi lên nơi Ta và ly dục tầm này không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai; tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào phiền não đưa đến Niết Bàn. Chư Tỳ Kheo nếu ban đêm Ta suy tư quán xét (về sự ly tầm) mà không ly tầm ác thì Ta thấy sợ hãi, dùrằng ban ngày Ta cũng sợ hãi. Chư Tỳ Kheo nếu ban đêm lẫn ngày, Ta suy tư quán xét quá lâu, thân ta có thể mệt mỏi, khi thân mệt mỏi thì tâm bị dao động, khi tâm bị dao động thì tâm rất khó định tỉnh. Này chư Tỳ Kheo, rồi tự nội thân Ta trấn an tâm, trấn định tâm, khiến được nhất tâm, khiến thành định tỉnh. Vì sao vậy? Vì để tâm Ta khỏi dao động”.

Đọc đoạn kinh này các bạn thấy Phật dạy tu tập rất cụ thể: Khi ta tu tập ly dục, ly ác pháp do sự tư duy quán xét lâu quá khiến thân ta mỏi mệt và do mỏi mệt tâm ta bị dao động nhưng cuối cùng nội thân chúng ta phải tự trấn an, định tỉnh. Chỗ này chỉ cần chúng ta quán xét cố gắng ly tầm dục và ác pháp dù chúng ta có mỏi mệt nhưng phải cố gắng tiếp tục phán xét để ly tầm dục và ác pháp cho được. Ở đây chúng ta cũng phải hiểu sự mỏi mệt cũng là một ác pháp, vì thế chúng ta đừng nên dao động tâm mà tiếp tục sự tu hành đẩy lui các chướng ngại pháp trong đó có pháp mỏi mệt. Sự mệt mỏi đến mức độ nào đó là nội thân ta tự nhiên phản xạ hoặc ta quán xét trấn an và định tỉnh tâm, tức là tâm không dao động về sự mỏi mệt, khi đó ta liền đạt được nhất tâm.

Ở đây chúng ta quán xét để ly dục ly ác pháp (tầm dục) thì chúng ta đạt được nhất tâm, chứ không như kinh sách phát triển dạy tu ức chế tâm (chẳng niệm thiện niệm ác để được nhất tâm).

Hai cách thức tu tập khác nhau rất xa. Một bên thì ức chế không cho niệm thiện niệm ác khởi để được nhất tâm; một bên quán xét xả tâm ly dục ly ác pháp để được nhất tâm.

Một bên ức chế tâm để được nhất tâm, rơi vào định tưởng nên đạt được tưởng pháp, không làm chủ sanh, già, bệnh, tử chạy theo tưởng dục, sanh tâm ngã mạn cống cao, dính mắc kiến chấp Phật Tánh. Rơi vào tà đạo, không có đạo lực nên không điều khiển sự sống chết và thọ được, biến Phật giáo vô ngã ác pháp thành Phật giáo hữu ngã vô vi.

Một bên thì xả tâm ly dục ly ác pháp, nên tâm thanh tịnh, tham, sân, si mạn, nghi không còn. Do sự thanh tịnh tâm, nên tâm có đạo lực làm chủ được sự sống chết, thực hiện Tứ Như Ý Túc và Tam Minh.

Nếu một người quyết tâm ly dục ly ác pháp thường theo pháp như lý tác ý thì tâm có khuynh hướng sẽ ly dục ly ác pháp và tâm ly dục ly ác pháp thì nội thân được trấn an tâm, trấn tỉnh khiến tâm được nhất tâm và định tỉnh. Khi tâm tự nhất tâm, định tỉnh, lúc bây giờ tự tâm phát dũng mãnh, tinh tấn không có tiêu cực, niệm không tán loạn, được an trú, khinh an, không có cuồng nhiệt, tâm luôn định tỉnh, nhất tâm. Khi ấy ta nhập Bất Động Tâm, tư nơi Bất Động tâm ta có đủ Tứ Thần Túc, từ Tứ Thần Túc ta nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền bằng sức tịnh chỉ thanh tịnh của tâm. Cuối cùng sức thanh tịnh tịnh chỉ của tâm đó, ta thực hiện Tam Minh một cách dễ dàng không có mệt nhọc, không có khó khăn.

“Chư Tỳ Kheo, nếu Tỳ Kheo suy tư, quán xét nhiều về ly dục tầm, vị ấy từ bỏ dục tầm. Khi tâm đã đặt nặng về ly dục tầm, tâm vịấy có khuynh hướng về ly dục tầm... Chư Tỳ Kheo, ví như về cuối mùa hè, khi tất cả lúa gạo cất vào kho thóc, một người mục đồng giữ các con bò. Khi người mục đồng ở dưới gốc cây hay ở ngoài trời, người ấy có thể nghĩ đến có việc cần phải làm và người ấy nghĩ: “Đây là những con bò”. Chư Tỳ Kheo cũng vậy ở đây có việc cần phải làm và ta nghĩ: “Đây là những pháp”.

“Chư Tỳ Kheo. Ta phát tâm dũng mãnh, tinh tấn, không có tiêu cực, niệmkhông tán loạn được an trú, tâm được khinh an, không có cuồng nhiệt, tâm được định tỉnh, nhấttâm. Ta ly dục ly ác pháp chứng và trú Thiền Thứ Nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm tứ. Diệt tầm tứ, Ta chứng và trú Thiền Thứ Hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh. Không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú. Ta chứng và an trú Thiền Thứ Ba. Xả lạc, xả khổ diệthỷ ưu đã cảm thọ trước. Ta chứng và trú Thiền Thứ Tư không khổ, không lạc xả niệm thanh tịnh”.

Đến đây các bạn đã hiểu rõ bài kinh Song Tầm đức Phật đã chỉ dạy cặn kẽ rõ ràng chỉ còn chúng ta có quyết tâm tu hay là không tu mà thôi.

Đường lối tu tập của đạo Phật không phải diệt niệm thiện, niệm ác, mà phải xa lìa lòng ham muốn và các ác pháp trong tâm ta, sống và nuôi lớn thiện pháp, nghĩa là diệt tầm ác mà sống tầm thiện, tức là ly dục ly ác pháp, để đem lại cuộc sống an vui và hạnh phúc cho mình, cho người.

Khi sống với tầm thiện thì tâm ta thanh tịnh không có hoàn cảnh, đối tượng nào, khiến tâm ta dao động, do đó gọi là tâm giải thoát không còn khổ đau vì cuộc sống làm người. Người sống được như vậy gọi là nhập Bất Động Tâm Định hay là nhập Vô Tướng Tâm Định.

Tâm thanh tịnh (tâm như đất) là tâm thiền định của đạo Phật, chứ không phải tâm hết vọng tưởng (chẳng niệm thiện niệm ác). Tâm hết vọng tưởng chỉ là tà thiền, tà định của ngoại đạo.

Tâm thanh tịnh là tâm có đủ đạo lực sai khiến (điều khiển) và làm chủ được sanh già, bệnh, chết, tức làm chủ nhân quả hay còn gọi là làm chủ sự sống chết (muốn chết lúc nào chết cũng được, muốn sống lúc nào sống cũng được, gọi là tự tại sanh tử hay là ra vào nhà sanh tử).

 Bởi vậy, kinh sách Phật dạy tu tập thiền định không khó mà không sợ điên khùng loạn óc (tẩu hỏa nhập ma) chỉ có duy nhất chuyên tu xả tâm mà thôi, để đạt được một tâm hồn thanh thản, an lạc, và vô sự, từ đó nhập các định làm chủ sự sống chết dễ như trở bàn tay.

Tà kiến, ác pháp mà các bạn đang theo tu, không chịu xả tâm mà cứ mãi ức chế tâm cho hết niệm thiện, niệm ác thì các bạn rơi vào tà định, tà thiền thì ngàn đời muôn kiếp các bạn tu chẳng tới đâu cả, chỉ uổng công tu mà thôi.

Cho nên, Phật bảo chúng ta phải sống đúng tám nẻo gọi là “Bát Chánh Đạo”, tám nẻo dẫn tâm đến chỗ xả ly không còn đau khổ, phiền não làm chủ cuộc sống. Ngược lại, các bạn sống không hiểu rõ đường lối của Phật dạy bị kinh sách phát triển lừa đảo, tu chết người mà chẳng ra gì.

Nếu người trước dạy người sau này miệng nói Bát Chánh Đạo mà sống thì trong Bát Tà Đạo:

1-      Tà kiến

2-      Tà tư duy

3-      Tà ngữ

4-      Tà nghiệp

5-      Tà mạng

6-      Tà tinh tấn

7-      Tà niệm

8-      Tà định

Trong Kinh Song Tầm Phật nhắc nhở các vị Tỳ Kheo: “Chư Tỳ Kheo, con đườngnguy hiểm chỉ là con đường tà đạo có tám ngành, tức là tà tri kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định”.

 Những điều tu sai, ức chế tâm, đó là tà định, sống phạm giới, bẻ vụn giới, không lấy giới luật phòng hộ sáu căn, sống cuộc đời không thiểu dục tri túc, ăn uống phi thời là sống trong tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà niệm. Điều này chắc ai cũng biết, biết mà nói ra, nói ra sẽ đụng chạm với các Phật tử và tu sĩ Phật giáo Đại Thừa hiện giờ đều sống tu trong Bát Tà Đạo; vì con đường của Phật giáo hiện giờ tu sĩ đều thực hành pháp của ngoại đạo, từ pháp môn niệm Phật để được nhất tâm, đến pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh đều là hướng đi của ngoại đạo biến dần người tu sĩ Tịnh Độ làm thầy cúng giống như các vị Bà La Môn cúng tế. Chùa có cuộc sống như gia đình thế gian, có vợ con làm đủ mọi nghề sanh sống, thậm chí còn làm nghề bắt tôm, nuôi cá, tu sĩ chỉ còn là chiếc áo và cái đầu cạo trọc mà thôi.

 Mật Tông đưa các thầy tu tập đi đến đạt thần thông, phép lạ để làm thầy trị bệnh, trừ tà, ếm quỷ biến dần vị Tỳ Kheo thành một vị phù thủy. Những vị thầy này thường xưng là Giáo Chủ, bày nhiều trò, lừa đảo gạt người cúng tiền của và cả tình yêu. Pháp môn tu hành bày ra nhiều điều gợi tâm dục khiến cho con người dễ sa ngã vào đường tội lỗi.

Thiền Tông thì khéo léo hơn hai Tông trước, nhưng lại xây dựng một thế giới Niết Bàn thường, lạc, ngã, tịnh tuyệt vời, cao vòi vọi như “Phật tánh” qua những ngôn ngữ rất kêu. “Kiến tánh thành Phật”, “giác ngộ, triệt ngộ, chứng ngộ, v.v..” nhưng lại phạm giới, phá giới luật. Sống không thiểu dục tri túc, không phòng hộ sáu căn, tuy ngoài miệng nói không dính mắc nhưng cuộc sống đều dính mắc tất cả.

Đọc bài Kinh Song Tầm, các bạn hiểu rõ đạo Phật không diệt vọng tưởng cũng không dừng vọng tưởng, mà chỉ biết vọng thiện, vọng ác, để biết tâm mình có ly dục, ly ác pháp chưa, thì hãy cố gắng xả ly tâm ác của mình (tham, sân, si), còn tâm thiện thì luôn luôn sống với nó. Chỉ xả tâm ác chứ không phải xả niệm ác, còn Thiền Tông thì xả niệm ác, niệm thiện mà không xả tâm ác nên tu mãi, kết quả chẳng có gì, chỉ vì tu sai pháp.

 Trên đây là nói về phần “tầm”, còn “tứ” thì chưa nói đến. Bên Thiền Tông khi giữ tâm chẳng niệm thiện niệm ác, tự chủ khởi ra một niệm gì thì Thiền Tông cho đó là“vọng tưởng”. Nếu tác ý, tức là “tứ” thì Thiền Tông cũng không chấp nhận, cho đó là “vọng tưởng” và tu như vậy không đúng trạng thái tâm vô niệm của Thiền Tông vì còn tùy ý, phải giữ tâm niệm không có một niệm nào xen vào thì mới gọi là thiền định. Cho nên, vào thế kỷ thứ 18 các thiền sư Trung Hoa chế ra pháp môn tham thoại đầu và khán công án vốn những pháp này ức chế tâm rất cao độ, gọi là lấy độc diệt độc. Do chỗ ức chế tâm cao độ, nên con đường Thiền tông bế tắc không còn lối tu tiến tới được nữa.

Tuy chế ra pháp môn ức chế tâm như vậy, nhưng người tu khó đạt thành “tâm không”, vì ở tâm không niệm sanh ra nhiều trạng thái tưởng, dễ lạc vào tà thiền. Người có khả năng ức chế gom tâm được thì rơi vào Pháp tưởng mà Thiền Tông gọi là “Triệt ngộ” tưởng giải toàn bộ kinh sách và 1700 công án.

Người không ức chế và gom tâm được thì tu chẳng đến đâu, chỉ kiến giải lượm lặt như nhai lại bã mía của người xưa rồi nói thiền nói đạo chứ chẳng biết thiền đạo là gì.

Cho nên, người tu theo Thiền Tông nghe tác ý trong lúc ngồi thiền đều cho đó là vọng tưởng. Không ngờ sự tu tập “Như lý tác ý” lại biến thành một đạo lực siêu việt làm chủ được thân tâm, muốn sống muốn chết dễ dàng, không có khó khăn, không có mệt nhọc. Muốn ngồi nhập định bảy tám ngày hoặc một tháng, hai, ba tháng đều như ý muốn, không có khó khăn, không có mệt nhọc, ngồi bất động như gốc cây, cục đá, nhưng rất tỉnh táo không ai bằng, trời sét không nghe.

Thế mà Thiền Đông Độ chê pháp như lý tác ý là vọng tưởng, không ngờ pháp môn như lý tác ý là một pháp môn tuyệt vời, giải quyết được bốn sự đau khổ của con người và còn giúp cho chúng ta thực hiện ba loại thần thông mà không có một loại thần thông nào của ngoại đạo hơn được.

Toàn bộ giáo trình về pháp môn tu tập thực hành của đạo Phật thì pháp như lý tác ý là một pháp môn đôc đáo tuyệt vời nhất, cũng là một pháp môn nòng cốt nhất của đạo Phật, bắt đầu từ tu tập giới luật xả tâm đến tu tập Thiền Định và Tam Minh đều dùng nó. Do đó, duy nhất tu tập chúng ta phải nhiệt tâm với pháp môn này, nhờ đó mới có đủ đạo lực, mới có thể làm chủ sanh, lão, bịnh, chết.

Chỉ có pháp môn này tu tập mới trở thành một đạo lực siêu việt không thể nghĩ lường được.

Muốn xa lìa và đoạn dứt tâm tham, sân, si, mạn, nghi thì chỉ duy nhất có pháp môn này mới ly và đoạn dứt các dục và ác pháp, ngoài ra không còn có pháp môn nào khác nữa.

Muốn nhập các Định thì Tứ Như Ý Túc là pháp môn có đủ thần lực để giúp cho hành giả muốn nhập loại định nào thì tùy ý nhập được liền.

Muốn thực hiện được Tam Minh và Thần Túc Thông thì ngoài pháp môn này ra không có pháp môn nào thực hiện được.

Bởi vậy, pháp như lý tác ý là pháp môn độc nhất của đạo Phật để đưa con người thoát ra cảnh khổ của kiếp người và biến hành giả trở thành một siêu nhân, một Thánh nhân.

Một số hệ phái phát triển không hiểu chê nó là vọng tưởng thật là một việc sai lầm rất lớn.