1. Khi ấy, đức vua Milinda đã đi đến gặp đại đức Nāgasena, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đại đức Nāgasena, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã ngồi xuống một bên. Đại đức Nāgasena cũng đã tỏ bày vẻ thân thiện, chính vì thế đã làm hài lòng tâm ý của đức vua Milinda.
Khi ấy, đức vua Milinda đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Ngài đại đức được nhận biết bằng cách nào? Thưa ngài, ngài tên gì?” “Tâu đại vương, tôi được nhận biết là ‘Nāgasena.’ Tâu đại vương, các vị đồng Phạm hạnh gọi tôi là ‘Nāgasena.’ Hơn nữa, mẹ cha đặt tên là ‘Nāgasena,’ hoặc là ‘Sūrasena,’ hoặc là ‘Vīrasena,’ hoặc là ‘Sīhasena.’ Tâu đại vương, vả lại ‘Nāgasena’ cũng chỉ là từ phân biệt, là tên thừa nhận, là tên quy định, là tên gọi thông thường, bởi vì không người nào được tìm thấy ở đây.”
Khi ấy, đức vua Milinda đã nói với như vầy: “Xin quý vị năm trăm người xứ Yonaka và tám mươi ngàn vị tỳ khưu hãy lắng nghe trẫm. Vị Nāgasena này đã nói như vầy: ‘Bởi vì không người nào được tìm thấy ở đây.’ Vậy có hợp lý để chấp nhận điều ấy không?”
Khi ấy, đức vua Milinda đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Thưa ngài Nāgasena, nếu không người nào được tìm thấy, vậy thì ai bố thí y phục vật thực chỗ trú ngụ và thuốc men chữa bệnh cho ngài? Ai thọ dụng vật ấy? Ai trì giới? Ai gắn bó với sự tu tập? Ai chứng ngộ Đạo, Quả, và Niết Bàn? Ai sát hại mạng sống? Ai lấy vật không được cho? Ai tà hạnh trong các dục? Ai nói dối? Ai uống chất lên men? Ai gây nên năm nghiệp vô gián? Như thế thì không có thiện, không có bất thiện, không có người làm hoặc người sai bảo làm đối với các nghiệp thiện và bất thiện. Không có sự thành tựu quả đối với các nghiệp đã được làm tốt hoặc đã được làm xấu. Thưa ngài Nāgasena, nếu có người giết chết ngài, thì người ấy cũng không có tội giết hại mạng sống. Thưa ngài Nāgasena, ngài cũng không có thầy dạy học, không có thầy tế độ, không có sự tu lên bậc trên, điều ngài nói rằng: ‘Tâu đại vương, các vị đồng Phạm hạnh gọi tôi là Nāgasena,’ vậy ở đây cái gì là Nāgasena? Thưa ngài, có phải các sợi tóc là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Có phải các sợi lông là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Có phải các móng (tay chân) —(như trên)— các răng, da, thịt, gân, xương, tủy xương, thận, tim, gan, cơ hoành, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, thực phẩm chưa tiêu, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước mỡ (huyết tương), nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu, bộ não ở đầu là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Thưa ngài, có phải sắc là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Có phải thọ là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Có phải tưởng là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Có phải các hành là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Có phải thức là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Thưa ngài, vậy thì sắc-thọ-tưởng-hành-thức là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Thưa ngài, vậy thì trừ ra sắc-thọ-tưởng-hành-thức là Nāgasena?”
“Tâu đại vương, không phải.”
“Thưa ngài, trong khi lần lượt hỏi về điều ấy mà trẫm vẫn không thấy ra được Nāgasena. Thưa ngài, chẳng lẽ âm thanh lại là Nāgasena? Vậy thì ở đây người nào là Nāgasena? Thưa ngài, ngài nói không có Nāgasena là điều không thật là lời dối trá.”
Khi ấy, đại đức Nāgasena đã nói với đức vua Milinda điều này: “Tâu đại vương, đại vương quả là có sự thanh lịch của dòng dõi Sát-đế-lỵ, có sự thanh lịch tột bực. Tâu đại vương, đối với bệ hạ đây trong lúc dẫm đạp lên các miểng chai, đá, cát sần sùi ở lớp cát nóng của mặt đất hừng hực và đi bộ vào lúc giữa trưa, hẳn nhiên các bàn chân đau nhức, thân mệt nhọc, tâm bị lui sụt, thân thức gắn liền với khổ sanh khởi. Vậy thì bệ hạ đi đến bằng chân, hay bằng xe cộ?”
“Thưa ngài, trẫm không đi đến bằng chân, trẫm đi đến bằng cỗ xe.”
“Tâu đại vương, nếu bệ hạ đi đến bằng cỗ xe, xin bệ hạ hãy chỉ cỗ xe cho tôi. Tâu đại vương, có phải cái gọng là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Có phải cái trục là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Có phải các bánh xe là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Có phải thùng xe là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Có phải thanh chống là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Có phải cái ách là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Có phải dây cương là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Có phải gậy thúc là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Tâu đại vương, vậy có phải gọng-trục-bánh xe-thùng xe-thanh chống-ách-dây cương-gậy thúc là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Tâu đại vương, vậy thì trừ ra gọng-trục-bánh xe-thùng xe-thanh chống-ách-dây cương-gậy thúc là cỗ xe?”
“Thưa ngài, không phải.”
“Tâu đại vương, trong khi lần lượt hỏi về điều ấy mà tôi vẫn không thấy ra được cỗ xe. Tâu đại vương, chẳng lẽ âm thanh lại là cỗ xe? Vậy thì ở đây cái gì là cỗ xe? Tâu đại vương, đại vương nói không có cỗ xe là điều không thật là lời dối trá. Tâu đại vương, đại vương là vị vua tối cao của toàn cõi xứ Jambudīpa, tại sao đại vương lại sợ hãi và nói lời dối trá? Xin quý vị năm trăm người xứ Yonaka và tám mươi ngàn vị tỳ khưu hãy lắng nghe tôi. Đức vua Milinda này đã nói như vầy: ‘Trẫm đi đến bằng cỗ xe.’ Trong khi được nói rằng: ‘Tâu đại vương, nếu bệ hạ đi đến bằng cỗ xe, xin bệ hạ hãy chỉ cỗ xe cho tôi’ thì không trình ra được cỗ xe. Vậy có hợp lý để chấp nhận điều ấy không?”
Khi được nói như vậy, năm trăm người xứ Yonaka đã tán thưởng đại đức Nāgasena bằng tiếng “Lành thay!” rồi đã nói với đức vua Milinda điều này: “Tâu đại vương, lúc này trong khi đại vương có khả năng, xin đại vương hãy nói.”
Khi ấy, đức vua Milinda đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Thưa ngài Nāgasena, trẫm không nói lời dối trá. Do cái gọng, do cái trục, do các bánh xe, do thùng xe, do thanh chống mà có được từ phân biệt, tên thừa nhận, tên quy định, tên gọi thông thường là ‘cỗ xe’.”
“Tâu đại vương, thật tốt đẹp thay đại vương nhận ra được cỗ xe. Tâu đại vương, cũng tương tợ y như thế đối với tôi, do các sợi tóc, do các sợi lông, —(như trên)— do bộ não, do sắc, do thọ, do tưởng, do các hành, do thức mà có được từ phân biệt, tên thừa nhận, tên quy định, tên thông thường là ‘Nāgasena’. Tuy nhiên, theo ý nghĩa rốt ráo thì không người nào được tìm thấy ở đây. Tâu đại vương, điều này cũng đã được tỳ khưu ni Vajirā nói lên trong sự hiện diện của đức Thế Tôn rằng:
Giống y như việc ráp chung lại các bộ phận thì có tiếng gọi là ‘cỗ xe,’ tương tợ như vậy khi các uẩn hiện diện thì có sự công nhận là ‘con người’.”
“Thưa ngài Nāgasena, thật là kỳ diệu! Thưa ngài Nāgasena, thật là phi thường! Các sự ứng đối câu hỏi rất tuyệt vời đã được trình bày. Nếu đức Phật còn tại tiền thì Ngài cũng tán thưởng bằng tiếng ‘Lành thay!’ Này Nāgasena, thật tốt đẹp thay, thật tốt đẹp thay! Các sự ứng đối câu hỏi rất tuyệt vời đã được trình bày.”
2. “Thưa ngài Nāgasena, ngài được bao nhiêu năm tu?”
“Tâu đại vương, tôi được bảy năm tu.”
“Thưa ngài, bảy đó là gì? Ngài là bảy, hay sự tính đếm là bảy?”
Vào lúc bấy giờ, đức vua Milinda đã được chưng diện với mọi thứ trang sức, đã được trang điểm và phục sức, có bóng (chiếu xuống) được nhìn thấy ở mặt đất, có bóng (chiếu xuống) được nhìn thấy ở chậu nước nữa. Khi ấy, đại đức Nāgasena đã nói với đức vua Milinda điều này:
“Tâu đại vương, cái bóng này của đại vương được nhìn thấy ở mặt đất và ở chậu nước. Tâu đại vương, thế thì đại vương (đây) là đức vua hay cái bóng là đức vua?”
“Thưa ngài Nāgasena, trẫm (đây) là đức vua, cái bóng này không phải là đức vua. Tuy nhiên, nương vào trẫm (đây) mà có được cái bóng.”
“Tâu đại vương, tương tợ y như thế, việc tính đếm các năm tu là bảy, tôi (đây) không phải là bảy. Tuy nhiên, nương vào tôi (đây) mà có được con số bảy. Tâu đại vương, đại vương hãy hiểu như ví dụ về cái bóng.”
“Thưa ngài Nāgasena, thật là kỳ diệu! Thưa ngài Nāgasena, thật là phi thường! Các sự ứng đối câu hỏi rất tuyệt vời đã được trình bày.”
3. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, ngài sẽ trò chuyện với trẫm phải không?”
“Tâu đại vương, nếu đại vương trò chuyện theo lối nói của bậc trí thì tôi sẽ trò chuyện. Tuy nhiên, nếu đại vương trò chuyện theo lối nói của vị vua thì tôi sẽ không trò chuyện.”
“Thưa ngài Nāgasena, các bậc trí trò chuyện như thế nào?”
“Tâu đại vương, trong cuộc trò chuyện của các bậc trí thì việc gây rối cũng được làm, việc tháo gỡ cũng được làm, việc phê bình cũng được làm, việc công kích cũng được làm, nói khác đi cũng được làm, nói trái ngược cũng được làm, và không vì thế mà các bậc trí bực bội. Tâu đại vương, các bậc trí trò chuyện là như vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, thế còn các vị vua trò chuyện như thế nào?”
“Tâu đại vương, trong cuộc trò chuyện các vị vua thông báo một sự việc. Ai không ưng thuận sự việc ấy, các vị vua ra lệnh hình phạt người ấy: ‘Các khanh hãy ban hình phạt cho kẻ này.’ Tâu đại vương, các vị vua trò chuyện là như vậy.”
“Thưa ngài, trẫm sẽ trò chuyện theo lối nói của bậc trí, không theo lối nói của vị vua. Xin Ngài đại đức hãy yên tâm trò chuyện. Ngài trò chuyện với tỳ khưu, với sa-di, với nam cư sĩ, hoặc với người hộ tự như thế nào, xin ngài đại đức hãy yên tâm trò chuyện như thế, chớ lo sợ.”
“Tâu đại vương, thật tốt lắm.” Vị trưởng lão đã tán thành.
Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, trẫm sẽ hỏi?”
“Tâu đại vương, xin hãy hỏi.”
“Thưa ngài, ngài đã được trẫm hỏi rồi.”
“Tâu đại vương, đã được trả lời rồi.”
“Thưa ngài, vậy chớ điều gì đã được ngài trả lời?”
“Tâu đại vương, vậy chớ điều gì đã được đại vương hỏi?”
4. Khi ấy, đức vua Milinda đã khởi ý điều này: “Vị tỳ khưu này quả là sáng trí, có năng lực để trò chuyện với ta, và ta có nhiều sự việc cần phải hỏi. Cho đến khi các sự việc ấy còn chưa được hỏi xong thì mặt trời sẽ lặn, có lẽ ta nên trò chuyện vào ngày mai ở nội cung?”
Khi ấy, đức vua đã nói với Devamantiya điều này: “Này Devamantiya, như vậy thì khanh có thể thông báo cho ngài đại đức rằng: ‘Ngày mai sẽ có cuộc trò chuyện với đức vua ở nội cung.’” Nói xong điều này, đức vua Milinda đã rời chỗ ngồi đứng dậy, chào hỏi Nāgasena, leo lên ngựa, rồi ra đi trong khi còn đang lẩm nhẩm “Nāgasena, Nāgasena.”
Sau đó, Devamantiya đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Thưa ngài, đức vua Milinda đã nói như vầy: ‘Ngày mai sẽ có cuộc trò chuyện ở nội cung.’” “Thật tốt lắm.” Vị trưởng lão đã tán thành.
Sau đó, vào cuối đêm ấy Devamantiya, Anantakāya, Maṅkura, và Sabbadinna đã đi đến gặp đức vua Milinda, sau khi đến đã nói với đức vua Milinda điều này: “Tâu đại vương, có phải ngài đại đức Nāgasena sẽ đến?”
“Đúng vậy, hãy để ngài đến.”
“Hãy để ngài đến cùng với bao nhiêu vị tỳ khưu?”
“Ngài muốn bao nhiêu vị tỳ khưu thì hãy để ngài đến cùng với bấy nhiêu vị tỳ khưu.”
Khi ấy, Sabbadinna đã nói rằng: “Tâu đại vương, hãy để ngài đến cùng với mười vị tỳ khưu.” Đến lần thứ nhì, đức vua Milinda đã nói rằng: “Ngài muốn bao nhiêu vị tỳ khưu thì hãy để ngài đến cùng với bấy nhiêu vị tỳ khưu.” Đến lần thứ nhì, Sabbadinna đã nói rằng: “Tâu đại vương, hãy để ngài đến cùng với mười vị tỳ khưu.” Đến lần thứ ba, đức vua Milinda đã nói rằng: “Ngài muốn bao nhiêu vị tỳ khưu thì hãy để ngài đến cùng với bấy nhiêu vị tỳ khưu.” Đến lần thứ ba, Sabbadinna đã nói rằng: “Tâu đại vương, hãy để ngài đến cùng với mười vị tỳ khưu.”
“Tất cả việc tôn vinh này đã được chuẩn bị nên Trẫm nói rằng: ‘Ngài muốn bao nhiêu vị tỳ khưu thì hãy để ngài đến cùng với bấy nhiêu vị tỳ khưu.’ Này các khanh, Sabbadinna này lại nói khác đi. Chẳng lẽ chúng ta không có khả năng để dâng cơm đến các tỳ khưu?”
Khi được nói như vậy, Sabbadinna đã xấu hổ. Sau đó, Devamantiya, Anantakāya, và Maṅkura đã đi đến gặp đại đức Nāgasena, sau khi đến đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Thưa ngài, đức vua Milinda đã nói như vầy: ‘Ngài muốn bao nhiêu vị tỳ khưu thì hãy để ngài đến cùng với bấy nhiêu vị tỳ khưu.’”
Sau đó, đại đức Nāgasena vào buổi sáng sớm đã mặc y cầm lấy bình bát và y rồi cùng với tám mươi ngàn vị tỳ khưu đã đi vào thành Sāgala. Lúc ấy, Anantakāya khi đang đi gần đại đức Nāgasena đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Thưa ngài Nāgasena, điều mà tôi gọi là ‘Nāgasena,’ ở đây cái gì là Nāgasena?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Ngươi suy nghĩ xem ‘ở đây ai là Nāgasena?’”
“Thưa ngài, sự sống, tức là gió ở bên trong, đi vào rồi đi ra, tôi nghĩ rằng ‘cái ấy là Nāgasena’.”
“Vậy nếu gió ấy đi ra rồi không đi vào, hoặc đi vào rồi không đi ra, thì người ấy còn sống không?”
“Thưa ngài, không.”
“Những người thổi tù và vỏ ốc, khi thổi tù và vỏ ốc thì gió của họ có đi vào lại không?”
“Thưa ngài, không.”
“Những người thổi sáo, khi thổi sáo thì gió của họ có đi vào lại không?”
“Thưa ngài, không.”
“Những người thổi tù và sừng trâu, khi thổi tù và sừng trâu thì gió của họ có đi vào lại không?”
“Thưa ngài, không.”
“Thế thì tại sao họ lại không chết đi?”
“Thưa ngài, tôi không có khả năng để trò chuyện với nhà diễn thuyết như ngài. Thưa ngài, lành thay xin ngài nói về ý nghĩa.”
“Cái ấy không phải là sự sống. Hơi thở vào hơi thở ra, những cái này gọi là thân hành.”
Vị trưởng lão đã thuyết giảng về Vi Diệu Pháp, rồi Anantakāya đã tuyên bố mình trở thành người cận sự nam.
5. Sau đó, đại đức Nāgasena đã đi đến nơi trú ngụ của đức vua Milinda, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Khi ấy, đức vua Milinda đã tự tay làm hài lòng và toại ý đại đức Nāgasena và hội chúng với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm, rồi đã dâng mỗi một vị tỳ khưu mỗi một xấp vải đôi, đã dâng đại đức Nāgasena với ba y, rồi đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Thưa ngài Nāgasena, xin ngài hãy ngồi lại đây cùng với mười vị tỳ khưu, hãy cho các vị còn lại đi về.”
Sau đó, biết được đại đức Nāgasena đã thọ thực xong, bàn tay đã rời khỏi bình bát, đức vua Milinda đã cầm lấy một chiếc ghế thấp rồi ngồi xuống một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Milinda đã nói với đại đức Nāgasena điều này: “Thưa ngài Nāgasena, cuộc trao đổi trò chuyện là về điều gì?”
“Tâu đại vương, chúng ta là những người có sự mong cầu về mục đích, vậy hãy là cuộc trao đổi trò chuyện thuần về mục đích.”
Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, sự xuất gia của ngài là với mục đích gì? Và mục đích tối hậu của ngài là gì?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, làm cách nào để cho khổ này diệt, và khổ khác không thể sanh lên? Tâu đại vương, sự xuất gia của chúng tôi là với mục đích ấy. Còn mục đích tối hậu của chúng tôi là Niết Bàn không còn chấp thủ.”
“Thưa ngài Nāgasena, có phải tất cả đều xuất gia với mục đích này?”
“Tâu đại vương, không hẳn. Một số xuất gia với mục đích này. Một số xuất gia vì sợ hãi đức vua. Một số xuất gia vì sợ hãi kẻ đạo tặc. Một số xuất gia vì bị hành hạ bởi nợ nần. Một số xuất gia vì mục đích nuôi mạng. Những người nào xuất gia chân chánh, những người ấy xuất gia với mục đích này.”
“Thưa ngài, có phải ngài đã xuất gia với mục đích này?”
“Tâu đại vương, tôi đã xuất gia khi còn là đứa bé trai. Tôi không biết là ‘tôi xuất gia với mục đích này.’ Tuy nhiên, tôi đã khởi ý như vầy: ‘Các vị Sa-môn Thích tử này là các bậc trí. Các vị sẽ cho ta học tập.’ Tôi đây đã được học tập với họ, tôi biết và nhận thức rằng: ‘Sự xuất gia là với mục đích này.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
6. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, có người nào chết mà không tái sanh?”
Vị trưởng lão đã nói rằng: “Tâu đại vương, có người tái sanh, có người không tái sanh.”
“Người nào tái sanh? Người nào không tái sanh?”
“Tâu đại vương, người còn phiền não tái sanh. Người không còn phiền não không tái sanh.”
“Thưa ngài, có phải ngài sẽ tái sanh?”
“Tâu đại vương, nếu tôi còn chấp thủ, tôi sẽ tái sanh. Nếu tôi không còn chấp thủ, tôi sẽ không tái sanh.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
7. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, người nào không tái sanh, chẳng lẽ người ấy không tái sanh do tác ý đúng đường lối?”
“Tâu đại vương, do tác ý đúng đường lối, do tuệ, và do các thiện pháp khác.”
“Thưa ngài, chẳng lẽ tác ý đúng đường lối chính là tuệ?”
“Tâu đại vương, không phải. Tác ý đúng đường lối là cái khác, tuệ là cái khác. Tâu đại vương, đối với hai pháp này, thì các loài dê, cừu, bò, trâu, lạc đà, lừa có sự tác ý, tuy nhiên chúng không có tuệ.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
8. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài, tác ý có gì là tướng trạng, tuệ có gì là tướng trạng?”
“Tâu đại vương, tác ý có sự cân nhắc là tướng trạng, tuệ có sự cắt đứt là tướng trạng.”
“Thưa ngài, tác ý có sự cân nhắc là tướng trạng nghĩa là thế nào? Tuệ có sự cắt đứt là tướng trạng nghĩa là thế nào? Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, đại vương có biết về những người gặt lúa không?”
“Thưa ngài, đúng vậy. Trẫm có biết.”
“Tâu đại vương, những người gặt lúa cắt cây lúa như thế nào?”
“Thưa ngài, họ nắm bó lúa bằng tay trái, cầm cái liềm bằng tay phải, rồi cắt bằng cái liềm.”
“Tâu đại vương, giống như người gặt lúa nắm lấy bó lúa bằng tay trái, cầm cái liềm bằng tay phải, rồi cắt bằng cái liềm, tương tợ y như thế hành giả nắm lấy ý bằng sự tác ý rồi cắt đứt các phiền não bằng tuệ. Tâu đại vương, tác ý có sự cân nhắc là tướng trạng nghĩa là như vậy, tuệ có sự cắt đứt là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
9. “Thưa ngài Nāgasena, điều mà ngài đã nói là ‘các thiện pháp khác,’ các thiện pháp ấy là những gì?”
“Tâu đại vương, là giới, tín, tấn, niệm, định, những cái này là các thiện pháp ấy.”
“Thưa ngài, giới có gì là tướng trạng?”
“Tâu đại vương, giới có sự đặt nền tảng là tướng trạng. Giới là nền tảng của tất cả các thiện pháp, của các sự thể nhập các quyền, các lực, các chi phần đưa đến giác ngộ, các Đạo, các sự thiết lập niệm, các chánh tinh tấn, các nền tảng của thần thông, các thiền, các sự giải thoát, các tầng định. Tâu đại vương, đối với người đã đặt nền tảng ở giới thì tất cả các thiện pháp không bị suy giảm.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như các loại hột giống và các loài thảo mộc nào đạt được sự phát triển, tăng trưởng, lớn mạnh, tất cả các loại hột giống và các loài thảo mộc ấy đạt được sự phát triển, tăng trưởng, lớn mạnh như thế này đều nương tựa vào đất, đều đặt nền tảng ở đất. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, hành giả tu tập năm quyền: tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền đều nương tựa vào giới, đều đặt nền tảng ở giới.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như các công việc nặng nhọc[1]nào được thực hiện, tất cả các công việc nặng nhọc được thực hiện như thế này đều nương tựa vào đất, đều đặt nền tảng ở đất. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, hành giả tu tập năm quyền: tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền đều nương tựa vào giới, đều đặt nền tảng ở giới.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như nhà kiến trúc đô thị có ý định xây dựng thành phố thì trước tiên cho làm sạch sẽ khu vực thành phố, cho dời đi gốc cây và các gai góc, cho làm bằng phẳng, sau đó phân chia khu vực của các con đường, các lô đất vuông, các giao lộ, v.v... rồi mới xây dựng thành phố. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, hành giả tu tập năm quyền: tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền đều nương tựa vào giới, đều đặt nền tảng ở giới.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như diễn viên nhào lộn có ý định biễu diễn nghề nghiệp thì cho người đào đất, cho dời đi sạn sỏi mảnh sành, cho làm bằng phẳng, rồi biễu diễn nghề nghiệp ở mặt đất mềm. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, hành giả tu tập năm quyền: tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền đều nương tựa vào giới, đều đặt nền tảng ở giới. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến:
Sau khi đặt nền tảng ở giới, người có trí tu tập tâm và tuệ.
Vị tỳ khưu tinh cần, chín chắn, vị ấy có thể gỡ ra mối rối này.
Đây là nền tảng ví như trái đất đối với các sinh mạng,
và đây là gốc của sự phát triển các điều tốt đẹp,
và đây là phần đầu ở lời dạy của tất cả các đấng Chiến Thắng,
chính là giới uẩn thuộc về giới bổn Pātimokkha cao quý.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
10. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, tín có gì là tướng trạng?”
“Tâu đại vương, tín có sự thanh lọc là tướng trạng, và có sự tiến vào là tướng trạng.”
“Thưa ngài, tín có sự thanh lọc là tướng trạng nghĩa là thế nào?”
“Tâu đại vương, tín trong khi được sanh lên thì loại trừ các pháp che lấp, làm cho tâm thoát khỏi các pháp che lấp, không bị bợn nhơ, trong sạch, không bị vẩn đục. Tâu đại vương, tín có sự thanh lọc là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như đức chuyển luân vương di chuyển đường xa cùng với đạo quân gồm bốn binh chủng vượt qua vũng nước nhỏ; vũng nước nhỏ ấy bởi các con voi, bởi các con ngựa, bởi các cỗ xe, và bởi các bộ binh, bị khuấy động, bị vẩn đục, bị quậy lên, trở thành bùn lầy. Và khi đã vượt qua, đức chuyển luân vương ra lệnh cho mọi người rằng: ‘Này các khanh, hãy mang nước lại, trẫm sẽ uống nước.’ Và đức vua có viên ngọc ma-ni lọc nước. ‘Tâu bệ hạ, xin tuân lệnh.’ Những người ấy vâng lệnh đức chuyển luân vương và thả viên ngọc ma-ni lọc nước ấy vào trong nước. Ngay khi viên ngọc ấy được thả vào trong nước thì số lượng rong rêu biến mất, và bùn lắng xuống, nước trở nên không bị bợn nhơ, trong sạch, không bị vẩn đục, sau đó họ đã dâng nước uống đến đức chuyển luân vương: ‘Tâu bệ hạ, xin bệ hạ hãy uống nước.’
Tâu đại vương, nước là như thế nào thì tâm nên được xem xét như vậy. Những người ấy là như thế nào thì hành giả nên được xem xét như vậy. Số lượng rong rêu và bùn là như thế nào thì các phiền não nên được xem xét như vậy. Viên ngọc ma-ni lọc nước là như thế nào thì tín nên được xem xét như vậy. Giống như khi viên ngọc ma-ni lọc nước được thả vào trong nước thì số lượng rong rêu biến mất, và bùn lắng xuống, nước trở nên không bị bợn nhơ, trong sạch, không bị vẩn đục, tâu đại vương tương tợ y như thế, tín trong khi được sanh lên thì loại trừ các pháp che lấp, làm cho tâm thoát khỏi các pháp che lấp, không bị bợn nhơ, trong sạch, không bị vẩn đục. Tâu đại vương, tín có sự thanh lọc là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
11. “Thưa ngài, tín có sự tiến vào là tướng trạng nghĩa là thế nào?”
“Tâu đại vương, giống như sau khi nhìn thấy tâm của những người khác đã được giải thoát, vị hành giả tiến vào quả Nhập Lưu, hoặc quả Nhất Lai, hoặc quả Bất Lai, hoặc phẩm vị A-la-hán, thực hành việc tu luyện để đạt đến pháp chưa được đạt đến, để chứng đạt pháp chưa được chứng đạt, để chứng đắc pháp chưa được chứng đắc. Tâu đại vương, tín có sự tiến vào là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như đám mây lớn ở phía trên núi đổ mưa xuống, nước mưa ấy trong khi di chuyển xuống chỗ thấp, sau khi làm đầy các rãnh, các khe, các suối của ngọn núi, thì có thể làm đầy con sông; con sông trôi chảy ngập tràn hai con đê. Rồi có đám đông người đi đến, trong khi không biết mức độ cạn hay sâu của con sông, sợ hãi, ngần ngại, đứng ở bờ sông. Rồi một người nam đi đến, trong khi nhận biết thể lực và sức mạnh của mình đã buộc chặt chiếc khố rồi tiến vào và vượt qua. Sau khi nhìn thấy người ấy đã vượt qua được, đám đông người cũng vượt qua.
Tâu đại vương, giống như sau khi nhìn thấy tâm của những người khác đã được giải thoát, vị hành giả tiến vào quả Nhập Lưu, hoặc quả Nhất Lai, hoặc quả Bất Lai, hoặc phẩm vị A-la-hán, thực hành việc tu luyện để đạt đến pháp chưa được đạt đến, để chứng đạt pháp chưa được chứng đạt, để chứng đắc pháp chưa được chứng đắc. Tâu đại vương, tín có sự tiến vào là tướng trạng nghĩa là như vậy. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến ở Tương Ưng Bộ quý báu:
Vượt qua cơn lũ nhờ vào tín, vượt qua biển cả nhờ vào sự không xao lãng, vượt lên khổ đau nhờ vào sự tinh tấn, được hoàn toàn trong sạch nhờ vào tuệ.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
12. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, tấn có gì là tướng trạng?”
“Tâu đại vương, tấn có sự nâng đỡ là tướng trạng. Được nâng đỡ bởi tấn, tất cả các thiện pháp không bị suy giảm.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như khi ngôi nhà đang sụp đổ, người đàn ông nâng đỡ bằng thanh gỗ khác. Trong khi được nâng đỡ như vậy, ngôi nhà ấy không thể bị sụp đổ. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, tấn có sự nâng đỡ là tướng trạng. Được nâng đỡ bởi tấn, tất cả các thiện pháp không bị suy giảm.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như đội binh lớn có thể đánh tan đội binh nhỏ, vì thế có người báo cho đức vua, đức vua cho đội binh khác tiếp ứng, tiếp viện đội binh nhỏ, với đội binh tiếp viện ấy đội binh nhỏ có thể đánh tan đội binh lớn. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, tấn có sự nâng đỡ là tướng trạng. Được nâng đỡ bởi tấn, tất cả các thiện pháp không bị suy giảm. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, có sự tinh tấn vị Thánh đệ tử từ bỏ pháp bất thiện, tu tập pháp thiện, từ bỏ pháp bị chê trách, tu tập pháp không bị chê trách, gìn giữ bản thân trong sạch.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
13. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, niệm có gì là tướng trạng?”
“Tâu đại vương, niệm có sự không lơ đễnh là tướng trạng, có sự nắm lấy là tướng trạng?”
“Thưa ngài, niệm có sự không lơ đễnh là tướng trạng nghĩa là thế nào?”
“Tâu đại vương, niệm trong khi được sanh lên thì không lơ đễnh các pháp có sự xen lẫn là thiện, bất thiện, có tội, không có tội, hạ liệt, cao quý, đen, trắng rằng: ‘Đây là bốn sự thiết lập niệm, đây là bốn chánh cần, đây là bốn nền tảng của thần thông, đây là năm quyền, đây là năm lực, đây là bảy chi phần đưa đến giác ngộ, đây là Thánh đạo tám chi phần, đây là chỉ tịnh, đây là minh sát, đây là minh, đây là giải thoát.’ Nhờ đó, hành giả thực hành các pháp nên thực hành, không thực hành các pháp không nên thực hành, thân cận các pháp nên thân cận, không thân cận các pháp không nên thân cận. Tâu đại vương, niệm có sự không lơ đễnh là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như viên quan giữ kho của đức chuyển luân vương sáng chiều nhắc nhở cho đức chuyển luân vương về sự vinh quang rằng: ‘Tâu bệ hạ, bệ hạ có chừng này voi, chừng này ngựa, chừng này cỗ xe, chừng này bộ binh, chừng này vàng khối, chừng này vàng ròng, chừng này tài sản, xin bệ hạ hãy ghi nhớ điều ấy,’ và không lơ đễnh về tài sản của đức vua. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, niệm trong khi được sanh lên thì không lơ đễnh các pháp có sự xen lẫn là thiện, bất thiện, có tội, không có tội, hạ liệt, cao quý, đen, trắng rằng: ‘Đây là bốn sự thiết lập niệm, đây là bốn chánh cần, đây là bốn nền tảng của thần thông, đây là năm quyền, đây là năm lực, đây là bảy chi phần đưa đến giác ngộ, đây là Thánh đạo tám chi phần, đây là chỉ tịnh, đây là minh sát, đây là minh, đây là giải thoát.’ Nhờ đó, hành giả thực hành các pháp nên thực hành, không thực hành các pháp không nên thực hành, thân cận các pháp nên thân cận, không thân cận các pháp không nên thân cận. Tâu đại vương, niệm có sự không lơ đễnh là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
“Thưa ngài, niệm có sự nắm lấy là tướng trạng nghĩa là thế nào?”
“Tâu đại vương, niệm trong khi được sanh lên thì xem xét các hành vi của các pháp có lợi ích và không có lợi ích rằng: ‘Các pháp này có lợi ích, các pháp này không có lợi ích. Các pháp này hữu dụng, các pháp này không hữu dụng. Nhờ đó, hành giả bỏ đi các pháp không có lợi ích, nắm lấy các pháp có lợi ích, bỏ đi các pháp không hữu dụng, nắm lấy các pháp hữu dụng. Tâu đại vương, nắm lấy quả là như vậy. Tâu đại vương, niệm có sự nắm lấy là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như vị tướng quân báu của đức chuyển luân vương biết được điều lợi ích và không lợi ích cho đức vua rằng: ‘Đối với đức vua, các điều này có lợi ích, các điều này không có lợi ích, các điều này hữu dụng, các điều này không hữu dụng,’ nhờ đó bỏ đi các điều không có lợi ích, nắm lấy các điều có lợi ích, bỏ đi các điều không hữu dụng, nắm lấy các điều hữu dụng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, niệm trong khi được sanh lên thì xem xét các hành vi của các pháp có lợi ích và không có lợi ích rằng: ‘Các pháp này có lợi ích, các pháp này không có lợi ích. Các pháp này hữu dụng, các pháp này không hữu dụng. Nhờ đó, hành giả bỏ đi các pháp không có lợi ích, nắm lấy các pháp có lợi ích, bỏ đi các pháp không hữu dụng, nắm lấy các pháp hữu dụng. Tâu đại vương, niệm có sự nắm lấy là tướng trạng nghĩa là như vậy. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, ta nói rằng niệm quả là có lợi ích về mọi mặt.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
14. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, định có gì là tướng trạng?”
“Tâu đại vương, định có sự dẫn đầu là tướng trạng. Tất cả các thiện pháp đều có định là pháp dẫn đầu, có định là nơi quy về, có định là nơi hướng đến, có định là nơi tiến tới.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như tất cả các cây đà của ngôi nhà mái nhọn có chóp nhọn là nơi đi đến, có chóp nhọn là nơi quy về, có chóp nhọn là nơi hội tụ. Chóp nhọn được gọi là đỉnh của chúng. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, tất cả các thiện pháp đều có định là pháp dẫn đầu, có định là nơi quy về, có định là nơi hướng đến, có định là nơi tiến tới.”
“Xin ngài cho thêm ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như một vị vua lao vào cuộc chiến đấu cùng với đạo quân gồm có bốn binh chủng, và toàn thể đạo quân gồm các con voi, các con ngựa, các cỗ xe, và bộ binh có đức vua là vị dẫn đầu, có đức vua là nơi quy về, có đức vua là nơi hướng đến, có đức vua là nơi tiến tới, chúng di chuyển xung quanh đức vua. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, tất cả các thiện pháp đều có định là pháp dẫn đầu, có định là nơi quy về, có định là nơi hướng đến, có định là nơi tiến tới. Tâu đại vương, định có sự dẫn đầu là tướng trạng nghĩa là như vậy. Tâu đại vương, điều này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến: ‘Này các tỳ khưu, hãy tu tập về định. Vị đã định, nhận biết như thật.’”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
15. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, tuệ có gì là tướng trạng?”
“Tâu đại vương, quả là đã được tôi nói đến trước đây: ‘Tuệ có sự cắt đứt là tướng trạng.’ Và tuệ còn có sự soi sáng là tướng trạng.”
“Thưa ngài, tuệ có sự soi sáng là tướng trạng nghĩa là thế nào?”
“Tâu đại vương, tuệ trong khi được sanh lên thì xua tan bóng tối vô minh, tạo ra ánh sáng ngời của minh, phô bày ánh sáng của trí, làm cho các chân lý cao thượng được hiển hiện. Nhờ đó, hành giả nhìn thấy với tuệ chân chánh rằng: ‘là vô thường,’ hoặc ‘là khổ não,’ hoặc ‘là vô ngã’.”
“Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như người đàn ông đem cây đèn vào trong ngôi nhà tối tăm, cây đèn khi đã được đem vào thì xua tan bóng tối, tạo ra ánh sáng ngời, phô bày ánh sáng, làm cho các vật thể được hiển hiện. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, tuệ trong khi được sanh lên thì xua tan bóng tối vô minh, tạo ra ánh sáng ngời của minh, phô bày ánh sáng của trí, làm cho các chân lý cao thượng được hiển hiện. Nhờ đó, hành giả nhìn thấy với tuệ chân chánh rằng: ‘là vô thường,’ hoặc ‘là khổ não,’ hoặc ‘là vô ngã.’ Tâu đại vương, tuệ có sự soi sáng là tướng trạng nghĩa là như vậy.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
16. Đức vua đã nói rằng: “Thưa ngài Nāgasena, các pháp này là khác biệt, nhưng có phải chúng đạt tới cùng một mục đích?”
“Tâu đại vương, đúng vậy. Các pháp này là khác biệt, nhưng chúng đạt tới cùng một mục đích là diệt trừ các phiền não.”
“Thưa ngài, các pháp này là khác biệt, nhưng chúng đạt tới cùng một mục đích là diệt trừ các phiền não nghĩa là thế nào? Xin ngài cho ví dụ.”
“Tâu đại vương, giống như các đạo quân là khác nhau: các con voi, các con ngựa, các cỗ xe, và bộ binh, nhưng chúng đạt tới cùng một mục đích là chiến thắng đạo quân đối địch ở chiến trường. Tâu đại vương, tương tợ y như thế, các pháp này là khác biệt, nhưng chúng đạt tới cùng một mục đích là diệt trừ các phiền não.”
“Thưa ngài Nāgasena, ngài thật khôn khéo.”
Đại Phẩm là phần thứ nhất.
(Trong phẩm này có mười sáu câu hỏi)
*****