MƯỜI NĂM TRONG THẤT KHÔNG BẰNG TU MỘT NĂM TRONG ĐỘNG

Câu hỏi của Mỹ Linh

Hỏi: Về Pháp môn Thân Hành Niệm, nghe lời Thầy và Út con tu tập rất ít chỉ một hai vòng. Nhưng khi tâm con được thanh thản trước mọi hoàn cảnh mọi đối tượng, con hết sức biết ơn Thầy và cô Út đã khéo léo rèn luyện cho chúng con. Con hằng mong sao 100% thiền sinh của tu viện Chơn Như đều ý thức cao ở“giai đọan ly dục ly ác pháp” mà tự giác xin cô Út dạy cho cách thực hành, thì may ra mới có điểm tựa, mới có nền móng tiến xa hơn, nhập vào Tứ Thánh Định. Con có cái suy nghĩ như vậy có đúng không thưa Thầy? Con còn nhớ năm nào Thầy dạy: Mười năm trong thất không bằng một năm tu trong động.

Đáp:Đúng vậy, mười năm trong thất không bằng một năm tu trong động. Tu trong động có hai phần rất rõ nét:

1-        Ức chế tâm chịu đựng

2-        Xả tâm ly tham ly ác pháp

¨Ức chế tâm chịu đựng có nghĩa là khi gặp những chuyện bất toại nguyện, bị người khác vu oan, nóixấu hoặc bị chửimắng, mạ lị, mạt sát v.v.. tâm sinh ra tức giận, nhưng không dám nói thẳng ra, cứ ấm ức trong lòng, tâm hồn buồn bã, khóc than, khi gặp ai nói theo thì đem dòng tâm sự nói ra cho người khác nghe để vơi bớt nỗi khổ trong lòng. Khi dòng tâm sự tuôn trào thì thường nói những lời phê phán và kết án người khác ác độc, làm sai không đúng, có khi lại nói xấu kẻ khác để hả cơn giận, để trả đũa lại. Điều này tất cả mọi người tâm còn phàm phu thì không tránh khỏi những điều ác pháp này. Vì thế đức Phật dạy:

Không nên nhìn lỗi người

Người làm hay không làm

Nên tự nhìn thân ta

Có làm hay không làm”

(Kinh Pháp Cú)

Lời khuyên ấy rất tuyệt vời, nhưng người đời có mấy ai biết lời khuyên dạy quý báu này, nếu biết áp dụng vào đời sống hằng ngày thì tâm thanh thản, an lạc và vô sự, thật là hạnh phúc biết bao.

Trong đời tu hành của chúng ta tại tu viện, có được một người như cô Diệu Quang cũng rất hiếm. Cô dùng tất cả những ngôn ngữ để tận tình giúp đỡ chúng ta tu tập mau giải thoát, còn nếu tu tập không buông xả thì chỉ còn có nước là rút lui êm ái, nhưng lúc nào tâm cũng tức giận oán ghét cô Út không nguôi.

¨Xả tâm ly tham, ly ác pháp có nghĩa là sống và tu tập như ông Phú Lâu Na, luôn luôn thấy mọi người đều tốt, đều thương mình. Vì nghĩ mọi người khác đều tốt, đều thương yêu mình nên tâm mình không có đau khổ, không có phiền não, luôn luôn tâm thanh thản an lạc và vô sự. Do tâm thanh thản, an lạc và vô sự nên tâm không tức giận, phiền não. Không tức giận phiền não nên không nói xấu người. Vì thế, mới gọi là xả tâm, ly dục ly ác pháp, mới gọi là sinh thiện tăng trưởng thiện pháp.