MỘT VỊ A LA HÁN CÓ VÀO SANH RA TỬ ĐỂ ĐỘ CHÚNG SANH KHÔNG?

Câu hỏi của sư Thông Vân

Hỏi:Kính thưa Thầy! Một người đã chứng quả A La Hán Thanh Văn cũng như một người chứng quả A La Hán Độc Giác có thể thị hiện vào sanh ra tử hành Bồ Tát Đạo để thành tựu quả A La Hán Toàn Giác (như kinh sách phát triển nói) không? Hay người đã chứng A La Hán Thanh Văn Giác mà thôi, có nghĩa là chỉ thành Phật Thanh Văn Giác. Độc Giác cũng vậy, chứ không thểthành Phật Toàn Giác.

Kính thưa Thầy, con có lòng tin nơi Thầy, kính xin Thầy chỉ dạy cho con tất cả sự thật và hỗ trợ cho con để tương lai con thành một vị A La Hán Toàn Giác, làm lợi ích rộng lớn như huyễn cho tất cả chúng sanh.

Đáp:Ở đây con phải phân biệt cho rõ ràng:

1.    Pháp tu chứng

2.    Quả tu chứng

3.    Năng lực tu chứng

¨Pháp tu chứng như thế nào?

- Tự tìm pháp tu, chứng quả vô lậu, có đầy đủ năng lực như Phật, nên tên gọi là Độc Giác A La Hán hay là Độc Giác Phật

- Nghe Phật dạy hoặc đọc kinh sách thấu hiểu lời dạy của đức Phật mà tu tập chứng quả vô lậu, có đầy đủ năng lực như Phật, nên tên gọi là Thanh Văn A La Hán hay là Thanh Văn Phật.      

¨Quả tu chứng như thế nào?

Quả tu chứng là tâm vô lậu tên gọi của tâm vô lậu là A La Hán.

Nếu tự tìm pháp tu mà tâm vô lậu thì gọi là chứng quả A La Hán Độc Giác còn nếu nghe Phật dạy hay đọc kinh sách lời dạy của đức Phật mà tu chứng thì gọi là chứng quả A La Hán Thinh Văn.

Nếu quả vô lậu chưa tròn đủ có nghĩa tâm vô lậu từng phần, vô lậu từ ít đến nhiều, vô lậu từ thô đến tế, vô lậu từ từ. Vô lậu như vậy không được gọi là vô lậu trọn vẹn. Và như vậy không được gọi là vô lậu bậc A La Hán. Ví dụ: Một người tu tập vô lậu được 99 phần trăm, chỉ còn một phần trăm li ti nữa, thì cũng chưa được gọi là vô lậu trong đạo Phật. Mà chưa được gọi là vô lậu trong đạo Phật thì cũng chưa được gọi là chứng quả A La Hán. Phật giáo phát triển không hiểu vô lậu như thế nào, nên quá xem thường quả A La Hán vô lậu của Phật giáo. Do vì không biết tầm mức vô lậu của bậc A La Hán như thế nào, nên đặt ra có nhiều quả A La Hán để dễ đánh lận người khác và còn dùng câu để che mắt mọi người: “Chứng quả A la Hán mà còn thấy mình chứng quả A La Hán là chưa chứng quả A La Hán”.

¨Năng lực tu chứng như thế nào?

Năng lực tu chứng của Phật như thế nào thì năng lực tu chứng của các bậc A La Hán cũng như vậy có nghĩa là Phật có 10 lực và minh, hạnh đầy đủ thì các bậc A La Hán cũng có được như vậy. Phật có gì thì họ cũng đều có nấy. Họ chỉ thua Phật là vì Phật là người sáng lập ra đạo Phật mà thôi. Tại sao năng lực tu chứng lại giống nhau như vậy?

Bởi vì pháp tu của Phật giúp cho tâm mọi người thanh tịnh, vô lậu, chứ không phải pháp tu tập để tạo ra năng lực có cao có thấp, vì thế tâm mọi người thanh tịnh, vô lậu thì giống nhau, từ tâm thanh tịnh vô lậu lưu xuất ra bảy năng lực Giác Chi. Bảy năng lực Giác Chi tạo ra Bốn Thần Túc. Do đó người tu sĩ nào tu tập tu chứng đạt chân lí đều có Tứ Thần Túc, nên năng lực phải giống nhau.

Xin các bạn đừng hiểu rằng năng lực là do độ chúng sanh mà có, hiểu như vậy không đúng các bạn ạ! Bồ Tát Hạnh chẳng qua đó là trả nợ cơm ăn áo mặc cho đàn na thí chủ chứ chẳng có công đức gì cả.

Người tu Bồ Tát Đạo hành Bồ Tát Hạnh là người mang nợ đàn na thí chủ nhiều nhất, nên phải trả nợ, chứ không phải tu Bồ Tát Đạo hành Bồ Tát Hạnh là có nhiều công đức và năng lực. Người tu sĩ tu Bồ Tát Đạo hành Bồ Tát hạnh là những người tu chưa chứng của Phật giáo phát triển. Còn người tu theo Phật giáo đã chứng đạt chân lí, thực hành Bồ Tát Hạnh là để trả nợ cơm áo của đàn na thí chủ hoặc tạo duyên mới để độ mọi người nên gọi là hóa duyên độ chúng sanh.

Khi tâm thanh tịnh (Vô lậu) thì từ nơi tâm thanh tịnh đó lưu xuất ra năng lực mà chúng tôi đã nói ở trên, chứ không phải do pháp tu hành tạo ra năng lực.

Một người tập pháp môn thiền định để mong nhập được định thì định ấy là tà định không phải chánh định.

Người muốn tu tập thiền định để được nhập chánh định, thì phải tu pháp môn ly dục ly ác pháp. Khi tâm đã ly dục ác pháp sạch thì tâm thanh tịnh (hết tham, sân, si). Tâm hết tham sân si thì lưu xuất ra 7 năng lực (thất giác chi) để tự điều khiển thân tâm nhập định, chứ không phải do pháp tu mà nhập định được. Nhập định như vậy mới gọi là chánh định.

Muốn hành Bồ Tát Đạo thực hiện Bồ Tát Hạnh thì phải nên tu chứng quả A La Hán xong thì mới đi độ chúng sanh, còn tu tâm chưa vô lậu thì đừng mơ ước độ chúng sanh. Vì chúng sanh nghiệp chướng sâu dày, không độ được chúng sanh mà chúng sanh lại xỏ mũi, dắt mình theo danh và lợi thì rất uổng phí một đời tu hành của một kiếp người. Bằng chứng các nhà tu hành theo Phật giáo phát triển, các vị Thiền sư đang bị chúng sanh xỏ mũi trong danh lợi chức phẩm, tiền bạc, ăn ngủ phi thời, chùa to Phật lớn v.v..