09- BỐ THÍ CỦA CẢI

Hỏi: Từ bố thí cho một người hiền bằng bố thí cho 100 người ác, đến thiết lễ (cúng đường) 1000 ức vị Tam Thế Chư Phật không bằng cúng dường một vị vô niệm, vô trụ và vô chứng. Như vậy là như thế nào, xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ?

Đáp: Đúng là kinh phát triển dạy bố thí phi đạo đức, chứ kinh sách Nguyên Thủy không có dạy như vậy. Quý phật tử hãy suy nghĩ lời dạy này có đúng đạo lý không? Bố thí cho một trăm người ác, phước báo bằng bố thí cho một người thiện.

Kinh sách phát triển dám lấy một người thiện mà so với một trăm người ác. Theo thiển ý của chúng tôi, dù lấy một ngàn, một vạn, một triệu, mười triệu hay trăm triệu, vạn triệu cho đến vô lượng người ác cũng không thể so sánh với một người thiện, vì thiện và ác như hai đường song song, không thể gặp nhau trên một điểm nào cả thì làm sao so sánh được, hễ có cái thiện thì không có cái ác, có cái ác thì không có cái thiện. Thế sao các vị lại dùng thiện, ác mà so sánh như vậy, đây là cách tưởng giải để lừa đảo người không biết, chứ người biết thì kinh sách phát triển sẽ bị lật tẩy ra khỏi môi trường tôn giáo.

Đã bảo rằng Tam Thế Chư Phật, có nghĩa là ba đời chư Phật, Ba đời chư Phật là những người tu hành đã thành Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, những người này đã giải thoát hoàn toàn, thế mà một ngàn vị Phật như vậy... không bằng một vị vô niệm, vô trụ, vô chứng.

Vậy chúng ta thử tìm hiểu một vị vô niệm, vô trụ, vô chứng như thế nào mà các nhà Đại thừa ca ngợi, tán thán như vậy.

Vô niệm như thế nào? Vô niệm là không có niệm  thiện,  niệm  ác  trong  đầu  (Chẳng  niệm thiện, niệm ác, bản lai diện mục hiện tiền), công án Thiền tông và kinh Pháp Bảo Đàn.

Vô trụ như thế nào? Vô trụ là tâm không trụ bất cứ một nơi nào cả (Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm), kinh Kim Cang.

Vô chứng là gì? Vô chứng là không thấy mình chứng  đắc, còn  thấy mình  chứng đắc là chưa chứng đắc (Vô sở đắc) kinh Kim Cang...

Theo các nghĩa trên đây, chúng ta xác định một người tu theo Đại thừa và Thiền tông khi thành  tựu  họ  hoàn  toàn  vô  niệm,  vô  trụ, vô chứng, là một người được cúng dường xứng đáng hơn 1000 ức vị Phật trong ba đời. Như vậy vị vô niệm, vô trụ, vô chứng là một vị Phật tối thượng, phước báo hơn gấp 1000 lần Phật Thích Ca Mâu Ni. Bởi vì đức Phật Thích Ca Mâu Ni sống còn niệm, còn trụ, còn tu chứng. Tại sao chúng ta biết như vậy?

Tại vì đức Phật Thích Mâu Ni dạy: “ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”, như vậy chứng tỏ đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn niệm thiện, không như Thiền tông chẳng niệm thiện, niệm ác.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni còn dạy chúng ta tăng thiện pháp, tức là còn trụ trong thiện pháp để tăng trưởng nó lớn lên, do đó chúng ta biết đức Phật Thích Ca còn trụ trong thiện pháp vì lợi ích cho chúng sanh. Còn chúng ta trụ trong thiện pháp là để không làm khổ mình khổ người.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tự xưng mình tu chứng: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”, hay khi chứng đạo đức Phật đã nói lên bài kệ này:

“Thiên thượng thiên hạ Duy ngã độc tôn, Nhất thiết thế gian, Sanh, lão, bịnh, tử” Đối  với  kinh  sách  Đại  thừa  và  thiền Đông Độ, thì đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người chưa vô niệm, vô trụ, vô chứng, tức là người chưa chứng đạo. Người chưa chứng đạo mà làm giáo chủ sáng lập ra Phật giáo, còn vô niệm, vô trụ, vô chứng lại không phải là giáo chủ.

Vậy Phật giáo Đại thừa và Thiền tông là Phật giáo gì?

Dù không có đối tượng ác pháp nhưng thiện pháp vẫn còn mãi mãi, vì thiện pháp là nền tảng đạo đức làm người, là nền móng giải thoát của đạo Phật, cho nên người tu sĩ đạo Phật nào cũng đều phải trụ vào đó để không làm khổ mình, khổ người tức là tu giải thoát, tức là làm lợi ích cho chúng sanh.