“Người đi tu mà không học là tu mù, người có học mà không tu như cái tủ đựng kinh sách”.
Người tu có học hiểu mà không thưa hỏi kinh nghiệm của thiện hữu tri thức, tự kiến giải, tự tu thì cũng giống như người đi lạc trong rừng sâu chẳng biết đường ra, trăm ngàn người đều tu sai, tu không tới nơi tới chốn. Tự kiến giải tu, tu tập chưa tới đâu vội đem ra hướng dẫn người khác tu hành, thì cũng giống như người mù, dắt một bầy mù đi. Tất cả đều có thể sa hầm, lọt hố và chết chìm nhau cả đám.
Tất cả những người tu theo đạo Phật hiện giờ đều đang đi trên lộ trình này, đang lạc vào mê hồn trận của kiến giải, tưởng giải. Ngôn ngữ danh từ không đủ để diễn tả chính xác những trạng thái kinh nghiệm tu hành. Một khi muốn hành động tu tập thân tâm một điều gì thì cần phải thưa hỏi rất kỹ, đừng vội vàng nghe những lý thuyết suông của người khác, và cũng đừng tự nghĩ cho rằng mình đã hiểu, rồi cứ theo sự suy nghĩ hiểu đó mà tu tập thì chẳng bao giờ có kết quả. Hãy bắt đầu tu tập từng bước một, không vội vàng, không nôn nóng, mỗi bước tu tập là mỗi kết quả cụ thể. Tu tập như vậy càng ngày càng thấy tiến bộ rõ rệt, không sợ bị tà giáo, ngoại đạo phỉnh gạt mình. Nhận thức được điều ấy giúp cho mình vững niềm tin ở pháp môn mình đang tu chính là pháp môn của đức Phật, không còn sợ sai nữa. Tu sai lạc, nhất là đi vào chỗ thiền ức chế tâm rất là nguy hiểm có khi bị điên khùng, tẩu hỏa nhập ma. Đường tu bị dậm chân tại chỗ không tiến bộ, tu mãi chẳng đi đến đâu, chỉ uổng phí một đời tu, chẳng lợi gì cho mình, nói gì đến lợi ích cho người.
Trong giai đoạn Phật giáo hiện nay, người ta bảo rằng Phật giáo có tám mươi bốn ngàn pháp môn (84.000). Nếu không vấn đạo rõ ràng, chúng ta sẽ bị Đại thừa giáo lừa đảo bằng câu này:
“Pháp pháp đều vô ngại và dung thông”. Theo như Đại thừa thì pháp nào cũng của đạo Phật, người có duyên với pháp môn nào tu cũng đều tốt, cũng được giải thoát, cũng được giác ngộ tùy theo căn cơ của mỗi người có thấp, có cao, nên pháp môn tu hành cũng vậy. Thế là hiện giờ, tất cả mọi người ai cũng tin lời nói này. Không ngờ, nhiều người bỏ hết sự nghiệp, gia đình, vợ dại, con thơ, cha già, mẹ yếu và cả cuộc đời mình để đi tu, cuối cùng chẳng thấy gì là giải thoát sanh tử, luân hồi, làm chủ tâm tham, sân, si, mạn, nghi và phiền não của mình. Bởi vậy, kẻ nào cho tất cả các pháp môn tu cũng đều tốt, cũng được, cũng thiện, cũng được giải thoát, cũng chấm dứt đau khổ và luân hồi, thì đó là kẻ nông nổi, u mê, không biết tai hại về sau như thế nào, không trí tuệ, thiếu nhận xét, nhắm mắt tin càng, tin bừa, để rồi phải ân hận về sau. Thử hỏi, nếu các pháp tu đều tốt, đều thiện, đều tu tập có kết quả giải thoát như nhau, thì đạo Phật ra đời để làm gì? Có phải bằng dư thừa không?
Chúng ta còn nhớ, khi xưa đức Phật tu các pháp môn của ngoại đạo, nhập đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ định, nghiệm xét lại thấy thân tâm mình không giải thoát. Sáu năm trời khổ hạnh, Ngài tu tập mọi loại pháp môn ức chế tâm, nhất là pháp môn hơi thở, Ngài nín thở ức chế tâm tối đa, tưởng chừng như Ngài sắp chết. Nhận thấy pháp môn này không giải thoát, nên Ngài chuyển qua pháp môn ức chế thân khổ hạnh tối đa, ngày ăn bảy hạt mè hoặc một ít cháo đậu. Cơ thể vì tiết thực nên kiệt quệ, Ngài đi hết nổi.
Nhờ bát sữa dê, phục hồi cơ thể, Ngài tỉnh táo và tư duy, biết các pháp ức chế thân tâm không thể tu tập đi đến giải thoát được, Ngài từ bỏ và viễn ly các pháp đó.
Ngài đã ra đi, tự mình tìm ra một giáo pháp, một đường lối, một đạo lộ tu tập riêng đi đến giải thoát cứu kính, làm chủ sanh, già, bịnh, chết. Lục Sư ngoại đạo và các tôn giáo khác thời bây giờ không có pháp môn này, một giáo pháp chỉ có 49 ngày tu tập nhiệt tâm, quyết chí xả ly, lìa tâm ham muốn, từ bỏ ác pháp, Ngài đã thành tựu đạo giải thoát, chứng quả Bồ đề.
Qua sự tu tập của đức Phật, chúng ta rút tỉa ra được những kinh nghiệm thực tế và cụ thể. Có thể nói, các pháp môn khác không thể làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi của kiếp người. Giáo pháp Ngài tìm ra được là một giáo pháp không giống bất cứ một giáo pháp nào của Lục Sư ngoại đạo và các tôn giáo khác trên hành tinh này. Đạo Phật ra đời không nhai lại bã mía của các tôn giáo khác. Pháp môn của Ngài đi từ sự tu tập sức tỉnh giác để giữ tâm trong chánh niệm, tức là xả tâm, ly dục, ly ác pháp, không có một chút ức chế tâm nào cả.
Lấy tâm, nương hành động của thân nội và ngoại, tập tỉnh thức chánh niệm, để xả dục, xả ác pháp, tránh không đi vào trạng thái tĩnh lặng, ức chế tâm, mà đi vào trạng thái đoạn diệt tâm tham, sân, si, khiến cho tâm thanh thản, an lạc và vô sự, để đi vào trạng thái thanh tịnh, tức là định của đạo Phật.
Nếu đạo Phật mất đi thì loài người trên hành tinh này chịu thiệt thòi một điều rất lớn, một tai họa không thể lường được. Một bằng chứng hiển nhiên là trên hành tinh này không lúc nào mà chiến tranh chấm dứt (do đạo Phật không được phổ cập), con người giết con người không gớm tay và không thương xót. Tuy đạo Phật có mặt, nhưng đạo đức của đạo Phật đã mất từ lâu, con người thiếu đạo đức làm người, một đạo đức nhân quả không làm khổ mình, khổ người. Vì thế, khi khoa học tiến triển, phát minh những vật chất phục vụ đời sống con người rất tiện nghi, vì những vật chất tiện nghi này mà tâm dục con người tăng trưởng, biến con người dần trở thành ác thú, hung dữ. Từ đó con người tự sát mà không biết, tự làm khổ mà không hay, tự chuốc họa vào thân mà không ngờ, nếu không có một đạo đức quân bình với khoa học, thì quả địa cầu này một ngày nào đó sẽ bị hủy diệt bởi tâm tham đắm của con người.
Người muốn tu theo đúng chánh pháp của đức Phật thì phải chịu khó nghiên cứu cho kỹ các pháp môn. Bởi các kinh sách hiện giờ toàn là của các nhà học giả biên soạn, đụng đâu viết đó theo sở thích của mình, không có kinh nghiệm tu hành, viết mà chẳng thấy trách nhiệm của mình, chỉ biết nêu tên tuổi (cầu danh). Họ đâu hiểu rằng soạn viết ra kinh sách như vậy là để lại một tai hại cho bao nhiêu thế hệ con người sau này.
Muốn soạn viết kinh sách có lợi ích cho người đời sau thì phải có thực hành tu tập đến nơi, đến chốn, đời sống phải có một đạo hạnh hẳn hòi, phải nhập được các định, làm chủ được sự sống chết. Phải có Tam Minh, đoạn dứt các lậu hoặc, chấm dứt luân hồi thì soạn viết kinh sách mới có ích lợi thiết thực cho người đời sau. Còn ngược lại, tu hành chưa đến đâu, đời sống đạo hạnh chưa ra gì, đức hạnh không có, giới luật vi phạm, thiền định chỉ có hình thức ngồi thiền, sống với những cấp bằng và những kiến giải suông, dựa vào sở tri, và nhai lại bã mía của người xưa mà viết soạn kinh sách, thì loại kinh sách đó là kinh sách giết người, giết cả bao thế hệ.
Ngày nay, thiền định của đạo Phật đã biến thành thiền định ức chế tâm để nhập vào các định tưởng, triển khai tưởng tuệ, biến thành một loại thiền miệng (khẩu đầu thiền). Còn loại thiền làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi thì được xem là thiền phàm phu, ngoại đạo.
Cuối cùng, chúng tôi ngưỡng mong những bậc cao minh, giới đức, đạo hạnh, vì đạo đức xã hội, vì lợi ích thiết thực chung cho con người và vì đạo Phật, hãy vui lòng chỉ dạy cho chúng tôi những điều còn sai sót. Xin hãy cùng chúng tôi xây dựng lại một nền đạo đức cho con người, để không còn ai tự làm khổ mình, làm khổ người; để mang đến cho mọi cá nhân con người một nguồn tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Ước mong hãy cùng nhau thắp sáng lại ngọn đèn Phật giáo đang bị lu mờ.
Đến đây, chúng tôi xin tạm dừng và hẹn gặp lại quí vị ở tập II.
Kính ghi, Tu Viện Chơn Như Ngày 18-12-1998