Hỏi: Kính bạch Thầy, khi linh cữu đưa ra khỏi nhà, vào lúc hạ huyệt có phải xem giờ không thưa Thầy? Người mới chết có cần phải cúng cơm 49 ngày mới thôi không thưa Thầy?
Đáp: Theo sự mê tín, lạc hậu của những người xưa thường sống trong tưởng thức, nên dễ bị ảnh hưởng của sách vở mê tín, phi đạo đức của nền văn minh Trung Quốc, cho nên xem giờ tốt, xấu rồi mới được chôn cất để không ảnh hưởng xấu đến con cháu sau này.
Phật giáo truyền sang qua Trung Quốc, thấy dân chúng ở xứ này đang tin tưởng vào ngày, giờ, năm, tháng, tuổi tốt, xấu của những người giàu tưởng tượng, nên cũng chế ra những loại sách vở mê tín để bói toán, xem số mạng, vận nước tốt, xấu. Những nhà thiên văn, địa lý dựa vào luật âm dương, tạo ra sách vở chiêm tinh, bói toán, dịch số, như Châu Văn Vương sống trong tù bảy năm ở Vạn Lý Gia soạn bộ dịch số, Quỷ Cốc Tử, Tôn Tử, Trương Lương, Khổng Minh, đều là những tay bói toán thần kỳ, biết trước những sự việc xảy ra.
Thế mà Châu Văn Vương không tránh khỏi 7 năm tù ăn thịt con, Trương Lương vào núi ở ẩn, Khổng Minh tan mộng phục hưng nhà Hán.
Tất cả những sự thành bại trong đời người đều do nhân quả, không có nhà chiêm tinh bói toán nào giải quyết được luật nhân quả, không thể nào xem giờ tốt, xấu cất nhà, hạ huyệt, an táng mà tránh khỏi luật nhân quả.
Nếu là chiêm tinh gia, tiên tri mọi việc, sao quý vị không xem giờ tốt xấu để cãi lại luật nhân quả số phận của mình, để mình giàu sang và quyền cao quan tước trọng. Cớ sao lại đi ngồi ngoài hè đường phố, hoặc mở phòng xem bói, chiêm tinh, tử vi, hoặc ẩn náu trong chùa, mang hình thức tu sĩ Phật giáo làm chuyện phi Phật, phi pháp, phi đạo đức, lừa đảo tín đồ bằng cách xem ngày, giờ tốt, xấu như các nhà Nho lỗi thời.
Đúng là không biết nghề nào làm ăn, mượn ba thứ sách mê tín, dị đoan để gạt người nhẹ dạ.
Phần nhiều những hạng người có học Nho như các Thầy đồ Nho, học hành, thi cử thất bại, và các ông Thầy chùa, tu chẳng ra tu, mượn chiếc áo Tỳ kheo làm những điều mê tín, lường gạt người bằng những trò bịp bợm xem ngày, giờ tốt, xấu, cung mạng, sao hạn, để khiến người khác sợ hãi, bỏ tiền ra cúng bái, tế lễ và tiền tổ, tiền sư, đủ mọi thứ để rồi tiền mất, tật mang. Luật nhân quả rất công bằng và rất cụ thể, nếu ai làm điều ác, dù xem ngày, giờ tốt, xấu cũng không tránh khỏi tai họa, nếu ai làm một việc lành, dù chẳng xem ngày, giờ tốt, xấu, chẳng cúng sao hạn mà phước báo vẫn cứ đến.
Xưa, đức Phật dạy: “Nếu một người làm ác, như cục đá ném xuống hồ, dù cho tụng kinh niệm chú, cầu khẩn cho cục đá nổi lên thì nó chẳng bao giờ nổi. Nếu một người là thiện, giống như những giọt dầu nổi trên mặt nước, dù không cần tụng kinh, niệ chú và cầu khẩn, giọt dầu vẫn nổi, không ai làm nó chìm được”.
Theo đạo Phật, chết là nên thiêu đốt, và chôn cất không cần phải xem ngày, giờ tốt, xấu, vì thây người chết bất tịnh, uế trược, hôi thối, để lâu sình ra truyền nhiễm những bịnh tật khổ đau cho người còn sống.
Không có giờ, ngày nào là tốt hay xấu. Tốt xấu là do hành động thiện ác của con người tạo ra để rồi thọ lấy tai nạn, bịnh tật, khổ đau, chớ không phải người chết nhằm giờ, ngày xấu, hoặc hạ huyệt vào giờ, ngày xấu mà con cháu, những người thân trong gia đình xảy ra tai nạn, bịnh tật. Đạo Phật không hề có chủ trương sự mê tín như vậy. Đạo Phật xây dựng tôn giáo mình trên một nền đạo đức khoa học, phá vỡ những điều mê tín mù mờ, dị đoan, tưởng tượng của những loại kinh sách phản khoa học, phi đạo đức, v.v...
Đạo Phật chủ trương ai làm ác người ấy chịu quả, chứ không có kẻ này làm mà người khác chịu. Đạo Phật không có dạy rằng cha giết người mà con bị tù tội, cha ăn trộm mà con bị chặt tay.
Quý phật tử hãy tin nhân quả, và sống cho đúng nhân quả, đừng làm khổ mình, khổ người, thì cuộc đời sẽ được an vui và hạnh phúc, không bao giờ có tai nạn, bịnh tật nan y xảy đến. Chết muốn chôn giờ nào, ngày nào cũng đều tốt, vì ngày, giờ là thời gian tự nhiên của vũ trụ, không bao giờ có tốt, xấu. Nếu lúc nào chúng ta cũng làm thiện, làm lành, thì hà tất phải sợ những tai nạn, bịnh tật.
Xem ngày, giờ tốt, xấu để chôn cất là những người lạc hậu, mê tín, bị kẻ khác lừa đảo, tiền mất chẳng ích lợi gì. Hãy mạnh dạn, đừng sợ hãi, bất chấp mọi thử thách, lúc nào cũng làm lành, không làm khổ mình, khổ người rồi mọi sự tốt đẹp sẽ đến với mình.