56- THẦY TỤNG

Hỏi: Kính thưa Thầy, các cư sĩ tại gia ngày nay học hỏi kinh sách Đại thừa dạy về táng tụng, cúng bái làm Bồ Tát hạnh. Các vị ấy tự xem mình tài giỏi hơn ai hết, hơn cả các Thầy ở trong chùa nữa. Thưa Thầy, như vậy có đúng không?

Đáp: Đại thừa chế ra Bồ Tát giới để cho hàng cư sĩ thọ giới Bồ Tát làm việc từ thiện, giúp mọi người cúng bái, tế lễ. Đó là một hình thức của Bà La Môn giáo. Bà La Môn giáo chia người Bà La Môn làm ba giai đoạn:

1- Bà La Môn giáo còn nhỏ thì phải học tập thông suốt kinh điển cúng bái, tế lễ, đây là giai đoạn học tập.

2- Bà La Môn giáo trung niên chuyên cúng bái, tế lễ, sống ăn mặc như người thế tục giống như cư sĩ bây giờ, gọi là Phạm Chí. Đây là giai đoạn làm từ thiện (Bồ tát hạnh).

3- Bà La Môn giáo tuổi già, bỏ nhà cửa, gia đình thân quyến, xuất gia đi tu nhưng đầu không có cạo. Đây là giai đoạn tu hành của Bà La Môn giáo.

Người cư sĩ tụng niệm, cúng tế, làm Bồ Tát hạnh là Bà La Môn tụng niệm. Cho nên hình thức tổ chức của Đại thừa là của Bà La Môn giáo.

Người cư sĩ hành nghề cúng tế tụng niệm là một Bà La Môn. Họ không phải là một người tu, mà là một người bình thường như thế tục, chỉ hơn người khác là có đọc kinh sách Vệ Đà và các nghi thức cúng tế. Thọ giới Bồ Tát rồi tự xưng mình là Bồ Tát (giới Bồ Tát cũng tự họ đặt ra), nên bản chất ngã mạn tự kiêu của họ rất lớn. Những người này ta không nên trách, vì họ là cư sĩ Bà La Môn chứ không phải cư sĩ đạo Phật. Đáng trách là trách quý vị Tỳ kheo đầu cạo, mặc pháp y mà đi làm chuyện mê tín gạt người khác, chớ còn các vị cư sĩ Bà La Môn này họ hành nghề của họ, ta không nên trách họ làm gì.