Vừa rồi, chúng tôi được đọc một cuốn sách tựa đề “Sự Sống Sau Khi Chết”. Đọc xong cuốn sách này, nếu người nào không tu tập theo giáo lý Nguyên Thuỷ của đạo Phật và không có chứng nghiệm pháp hướng tâm, thì chắc chắn phải tin rằng có thế giới siêu hình. Toàn bộ cuốn sách, tác giả đã lượm lặt những mẫu chuyện “cận tử nghiệp”. Tác giả này chưa bao giờ tìm hiểu Phật giáo; và nếu bây giờ có tìm hiểu và nghiên cứu Phật giáo thì ông ta vẫn hiểu lầm lạc, vì một đám mây mù của giáo pháp Đại thừa đã che phủ và lấp kín lời dạy của đức Phật.
Những mẩu chuyện cận tử nghiệp của bao nhiêu người lâm sàng trên giường bệnh, trong bệnh viện, đều cho đó là trạng thái của cuộc sống sau khi chết. Họ đâu biết rằng, trong thân tứ đại này, khi con người còn sống, thì có cả hai thế giới hữu hình và vô hình, nhưng khi thân tứ đại này chết, thì cả hai thế giới đều diệt. Khi thân này còn sống, cái gì hoạt động trong thế giới hữu hình? Và cái gì hoạt động trong thế giới vô hình?
Khi còn sống, con người hoạt động trong thế giới hữu hình bằng SẮC THỨC. Sắc thức gồm có sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức; còn hoạt động trong thế giới vô hình thì chỉ bằng TƯỞNG THỨC. Bình thường, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta sống, làm mọi việc, thì ý thức điều khiển hoạt động do ý căn (bộ óc và thần kinh). Khi ý thức ngưng hoạt động giống như người đang ngủ, thì tưởng thức hoạt động, sinh ra giấc mộng (chiêm bao), cũng do ý căn (bộ óc và hệ thần kinh). Cho nên, nếu một người bị bệnh tim, gan, phèo, phổi, v.v... khi một trong những bộ phận đó ngưng hoạt động, người bệnh được xem như chết, nhưng thật sự chưa chết hẳn. Ý thức ngưng hoạt động, hơi thở dừng, tim không đập, nhưng hệ thần kinh tưởng còn hoạt động, tức là tưởng thức hoạt động (chiêm bao). Giấc chiêm bao đó mọi người gọi là “cận tử nghiệp”.
Thông thường, trong cuộc sống, họ ưa thích làm những điều thiện, điều ác, đi chùa, đi nhà thờ, cúng bái, tụng niệm, ngồi thiền, ước vọng được sanh lên Thiên Đàng gặp Chúa, được vãng sanh về Cực Lạc Tây Phương gặp đức Phật A Di Đà, được thấy hào quang, ánh sáng của chư Thiên, chư Phật, Bồ Tát, v.v... Đó là những người được theo các tôn giáo và được giáo pháp của các tôn giáo ghi những ấn tượng vào đầu óc của họ, bằng những hình ảnh Chúa, Phật, ánh sáng, hào quang, hoa sen, thì cận tử nghiệp của họ sẽ thể hiện giấc mộng y như hình ảnh đó. Lợi dụng cận tử nghiệp, Tịnh Độ tông sử dụng hộ niệm để giúp người sắp chết thực hiện giấc mộng trực vãng Tây Phương. Tịnh Độ tông nghĩ rằng nghiệp cuối cùng (cận tử nghiệp) có thể thực hiện được những ước ao và ý nguyện của con người lúc còn sống.
Đó là về phần của những người có tôn giáo.
Còn những người không tôn giáo, thì cận tử nghiệp thực hiện giấc mộng theo tâm ham muốn danh lợi, thương yêu, mến tiếc, giận hờn, tức tối, thù hận, căm ghét, la hét, sợ hãi, v.v... Đó là những điều làm ác, ngược lại, làm thiện thì cũng thấy cảnh vui tươi, hoan hỷ, sung sướng, v.v...
Vì huân tập thành thói quen (nghiệp lực), lúc sắp chết, tưởng thức hoạt động từa tựa như giấc chiêm bao. Giấc chiêm bao chỉ có sáu thức ngưng hoạt động, còn toàn bộ cơ thể đều hoạt động bình thường. Người sắp chết cũng ở trong trường hợp này. Sáu thức ngưng hoạt động là do một tạng phủ nào bị hư hoại, không hoạt động được, chớ không giống như người ngủ chiêm bao.
Khi tưởng thức hoạt động, người ta thấy mình xuất hồn ra khỏi thân và thấy thân đang nằm trên giường bệnh, các y, bác sĩ đang làm hô hấp, cứu chữa. Lúc bấy giờ, duyên năm uẩn chưa phân ly, nên tưởng thức hoạt động, bệnh nhân như nằm mộng, thấy hào quang, ánh sáng, chư Thiên Thần, chư Tiên, chư Phật, chư Bồ Tát, Ngọc Hoàng, Thượng Đế, Quỉ Sứ, Ngưu Đầu, Mã Diện, vua Diêm La, v.v... Nhờ hô hấp cứu chữa của y, bác sĩ, bệnh nhân tỉnh lại, giống như một giấc mộng, và kể lại cho những người thân nghe và cho rằng: “Chắc chắn có sự sống sau khi chết”.
Con người không ngờ, đó là một hình bóng do tâm ước muốn mà tưởng thức thể hiện qua giấc mộng.
Nếu thật sự năm duyên ngũ uẩn phân ly, tan rã, thì chẳng còn gì là của ta nữa hết, chỉ còn lưu lại nghiệp thiện, nghiệp ác, rồi cũng theo vô minh (tương ưng với vô minh theo hành động nhân quả của kẻ khác) mà tái sanh, luân hồi kiếp khác. Cứ mãi mãi như vậy, trôi lăn trong dòng nước nghiệp muôn kiếp, muôn đời.
Tóm lại, con người từ nhân quả sanh ra, sống trong nhân quả, và chết trở về nhân quả. Chẳng có thế giới siêu hình, chẳng có đấng tạo hoá nào cả, chẳng ai sanh ra chúng ta cả, và cũng chẳng có ai ban phước, giáng họa cho ta được. Nếu chính chúng ta biết dừng dòng nước nghiệp, thì tất cả tai nạn, bệnh tật, đau khổ và sự tái sanh, luân hồi đều chấm dứt.