51- KIẾP MÈO LÀ KIẾP SẮP LÀM NGƯỜI

Hỏi: Kính bạch Thầy, người chết đi sau khi được hành tội dưới Địa Ngục rồi mới đi đầu thai, lần lượt sanh đẻ 12 loài động vật: Chuột, trâu, cọp, mèo, rồng, rắn, ngựa, dê, khỉ, gà, chó, heo.

Khi sanh làm kiếp mèo là kiếp cuối cùng của loài động vật thì mới sanh làm người. Như vậy có đúng không, thưa Thầy?

Đáp: Đời  người  sanh  ra  với  trí  hữu  hạn, thường sống trong tưởng thức, nên sanh ra nhiều chuyện mê tín dị đoan.

1- Chưa bao giờ có ai biết Địa Ngục ở đâu, thế mà mọi người vẫn cho là có Địa Ngục.

2- Chưa bao giờ có ai biết linh hồn như thế nào, mà cho rằng chết linh hồn đi xuống Địa Ngục và đi đầu thai.

3- Chưa bao giờ có ai biết chính xác con người chết sanh làm thú vật và thú vật sanh làm người.

4- Có bao giờ ai biết chính xác con mèo chết sanh làm người chưa? Chỉ ước đoán loài vật nào được ăn trong chén, đĩa, nên cho nó sẽ chết làm người.

Ví dụ: Có người nào sanh ra mà tự ăn trong bát đĩa chưa? Hay là ăn bốc hốt bằng tay, bằng chân, bằng miệng? Muốn ăn trong bát đĩa cũng phải có sự tập luyện từng chút, rồi mới cầm đĩa, muỗng được.

Bảo rằng làm kiếp con mèo là kiếp cuối cùng của loài cầm thú thì không đúng. Đây chỉ là sự tưởng tượng của những người sống trong tưởng, dựa theo cách thức ăn uống của con người rồi tưởng ra. Chứ mèo rừng có chén đĩa đâu mà ăn?

Không phải chúng ăn dưới đất dưới cát sao?

Chính con người tự đặt ra năm, tháng, ngày, giờ, sau khi sanh rồi dùng tên của thú vật mà gọi là sanh năm “tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi”. Ai sanh năm nào đúng tên con vật đó liền gọi là tuổi đó.

Con người là con người, chớ không phải con người mà có tuổi trâu, chó, ngựa, heo, mèo, chuột, v.v... Con người là một loài động vật hơn muôn thú, cớ sao làm người mà còn lấy tuổi là con thú?

Đó là một điều ngu si, mê muội của con người còn lạc hậu, trình độ khoa học chưa có, nên sống trong vô minh, u tối, giàu tưởng tượng, sống thụt lùi. Sáu mươi hai lập luận của ngoại đạo ngày xưa đã bị đức Phật bài bác thẳng tay, khiến cho toàn bộ thế giới rung chuyển. Những học thuyết mê tín lạc hậu này đã làm cho con người điêu đứng, khổ sở. Từ cất nhà cửa đến cưới hỏi, ma chay, thậm chí đào giếng, đào ao, sửa bếp cũng xem tuổi tác, ngày giờ tốt, xấu.

Ảnh hưởng và truyền thống lạc hậu, mê tín này đã khiến cho bao nhiêu người khổ đau và bất hạnh. Người ta không biết rằng, mọi tai nạn và mọi sự khổ đau trên đời này đều do hành động nhân quả thiện hoặc ác mà ra, chứ đâu phải do tuổi tác tốt, xấu, mà thành tai nạn khổ ách, hoặc phước báu hạnh phúc. Cho nên, nếu một người cứ làm ác mà mỗi lần cất nhà, xây cửa, hay làm tất cả mọi thứ rồi đi coi tuổi tác, ngày giờ tốt, xấu, liệu người ấy có qua khỏi tai nạn không?

Nếu một người đi ăn trộm, xem năm nay hợp với tuổi, được tuổi tốt và ngày xuất hành (đi ăn trộm) cũng tốt. Nếu tuổi, ngày, tháng và năm đều tốt mà đi ăn trộm (làm điều ác) được trót lọt, thì xã hội loài người chịu sao cho nổi bọn đầu trộm đuôi cướp này.

Nếu ngày, giờ và tuổi tác tốt, xấu như kinh sách (bói quẻ) nói, thì con người sẽ bạc ác, và thế gian này mấy ai sống lương thiện? Bởi vậy, kinh sách xem ngày, giờ, tuổi tác tốt, xấu là những loại kinh sách phi đạo đức, cần phải diệt sạch, đốt sạch. Chính những kinh sách phi đạo đức này đã đưa con người vào đường tội ác và lạc hậu, mê tín.

Lấy 12 con thú vật làm 12 con giáp, rồi tính ra năm, tháng, ngày, giờ để chia thời gian làm ra lịch. Lúc đầu, lịch sách rất có ích lợi này cho loài người. Những người làm ra lịch phân chia thời gian để cho nhà nông biết thời vụ mà làm mùa, đó là sự ích lợi phục vụ rất lớn cho loài người, lấy nông nghiệp làm nghề chánh cho sự sống.

Từ lịch sách có lợi ích, những kẻ xấu bụng dựa vào sách lịch này triển khai biến thành khoa bói toán, xem ngày tốt, xấu để lừa đảo người khác, làm tiền một cách vô lương tâm, biến thành sự siêu hình vô đạo đức.

Đến giờ này, người ta còn tưởng tượng ra kiếp con mèo là kiếp cuối cùng của loài động vật, hết kiếp mèo sẽ tái sanh làm người. Đó là một lý luận mơ hồ, trừu tượng, không có sự chứng minh cụ thể, vậy mà mọi người vẫn tin theo và có người thì bán tín, bán nghi, chưa biết chắc đúng sai. Nếu chúng ta muốn trở thành những người có đạo đức, thì phải ăn ở như thế nào mà mọi người chấp nhận là người có đạo đức. Nếu chúng ta ăn ở đối xử với mọi người đầy tánh hung ác, đụng cái gì cũng chửi mắng người, rồi say sưa, rượu chè, đĩ thõa, điếm đàng, trộm cướp, thì làm sao chúng ta chấp nhận là người có đạo đức?

Cũng như chúng ta muốn làm một bậc Thánh nhân thì đâu phải chỉ có ăn hiền ở lành, mà phải có những Thánh hạnh cao thượng, chứ ăn ở như súc vật thì làm sao gọi là Thánh nhân được.

Không có con mèo nào ăn hiền ở lành cả. Bộ dáng thì dễ thương, nhưng bản chất hung ác, gặp chuột thì chụp ngay, xé xác liền, gặp cá thịt thì ăn quên thôi, tâm còn hung ác thì sanh ra làm người sao được? Thế mà người ta tưởng tượng ra kiếp làm con mèo là sắp làm kiếp người.

Đức Phật dạy, được thân người khó như con rùa mù tìm bọng cây giữa biển. Như vậy, được thân người không phải dễ đâu. Thân người chỉ sống có thời gian quá ngắn, 100 tuổi là cùng, thế mà người ta tiêu phí thời gian một cách vô ích. Đức Phật dạy:

“Tấc bóng thời gian một tấc vàng Tấc vàng tìm được không gì khó Tấc bóng thời gian khó hỏi han” Theo luật nhân quả, bất kỳ con thú vật nào  muốn  sanh  làm  người  đều  phải  sống trong thiện pháp, hoặc người nuôi chúng tạo môi trường cho chúng sống trong thiện pháp, thì chúng sẽ sanh làm người sớm. Ví dụ, chúng ta nuôi một con mèo mà cứ cho ăn thịt cá, thì đương nhiên hiện tại chúng ta được xem là thương chúng, nhưng chúng mãi mãi trôi lăn trong kiếp làm con mèo và những loài vật khác, không bao giờ sanh làm người được. Đó là ta hại chúng, chớ không phải ta thương chúng. Ta cho chúng cơm nước tương, đậu, dưa, chúng không thích ăn, nhưng hết kiếp làm con mèo thì chúng sanh làm người.

Đó là thương chúng, khiến cho chúng sanh làm người, hạnh phúc hơn làm loài chúng sanh. Luật nhân quả đối xử rất công bằng với tất cả mọi người, mọi vật trên hành tinh này.