44- THỜ CÚNG ĐÚNG CHÁNH PHÁP

Hỏi: Thờ cúng như thế nào cho đúng chánh pháp?

Đáp: Thờ cúng đúng chánh pháp là thờ đúng đạo nghĩa làm người. Vậy, thờ cúng đúng đạo nghĩa làm người là thờ cúng như thế nào? Thờ cúng đúng đạo nghĩa làm người tức là hành động cung kính, tôn trọng, tỏ lòng nhớ tưởng, biết ơn của mình với người đã khuất bóng.

Ví dụ 1: Thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ là một hành động đạo nghĩa để tỏ lòng cung kính, tôn trọng, nhớ tưởng đến ân đức, công lao khó nhọc của những người này đã gây dựng một gia đình êm ấm, một dòng họ tốt đẹp, một xã hội đoàn kết, một đất nước phồn vinh thịnh trị. Đó là thờ cúng đúng chánh pháp. Còn nếu như thờ cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ là để linh hồn của những người  đã khuất  bóng  này  về hưởng  của  dâng cúng, hay về để phù hộ cho con cháu mạnh khỏe, bình an, thì đó là thờ cúng không đúng chánh pháp. Đó là thờ cúng theo mê tín, lạc hậu.

Ví dụ 2: Thờ cúng đức Phật Thích Ca Mâu Ni là để tưởng nhớ công lao của người đã tìm ra chân lý, giúp con người thoát bốn sự đau khổ của kiếp làm người. Đó là thờ cúng đúng chánh pháp.

Còn ngược lại, thờ cúng Ngài để Ngài phù hộ cho tai qua, nạn khỏi, bịnh tật tiêu trừ, thì đó là thờ cúng không đúng chánh pháp, là mê tín, lạc hậu.

Đó là thờ cúng theo kiểu Đại thừa, biến chùa, nơi tu hành của tăng, ni và cư sĩ, trở thành nơi hành hương mê tín.

Thờ cúng đúng chánh pháp là phải thờ cúng những nhân vật có thật, là những con người được sanh ra và lớn lên trên hành tinh này, đã làm lợi ích cho gia đình, xã hội, tổ quốc và loài người.

Thờ cúng đúng chánh pháp không được thờ cúng những nhân vật huyền thoại, những nhân vật tiểu thuyết, những nhân vật bịa đặt ra như:

Phật Di Lặc, Phật Di Đà, Quan Thế Âm, Thế Chí, Tề Thiên Đại Thánh, Sa Tăng, Bát Giới, Nhiên Đăng Cổ Phật, Tỳ Lô Giá Na Phật, Phật Tỳ Bà Thi, v.v... Tất cả những nhân vật này là những nhân  vật  huyền  thoại,  tiểu  thuyết.  Thờ  cúng những nhân vật này là thờ cúng mê tín. Cho dù thờ cúng có thiêng cũng chỉ do tâm của chúng ta mà có thiêng, chứ riêng các vị này chẳng có thiêng gì cả, vì nó là những nhân vật không có thật.

Thần Sông, Thần Núi, Thổ Công, Thổ Địa, Thần Hoàng, Bổn Cảnh, Thủy Long, Long Vương, Hà Bá, Diêm Vương, Ngọc Hoàng, Thượng Đế, Nam Tào, Bắc Đẩu, v.v... đều là những nhân vật giả tưởng không có thật. Nếu thờ cúng những vị này là thờ cúng mê tín, lạc hậu, là thờ cúng không đúng chánh pháp.

Sự thờ cúng mê tín, không đúng chánh pháp làm hao tài, tốn của mà không có ích lợi gì cho mình, cho mọi người, cho xã hội, v.v... và không nói lên được ý nghĩa cao đẹp của lòng biết ơn sâu xa của chúng ta, phải không các bạn? Thờ cúng như vậy là vô minh, là ngu si, bị người khác lừa đảo làm tiền mà không biết, tức là tiền mất, tật mang.

Muốn thờ cúng đúng chánh pháp thì các con nên nhớ kỹ: “Bệnh tật, tai nạn là do hành động  thiếu  đạo  đức  là       m khổ  mình,  khổ người của chúng ta tạo ra”. Nếu muốn cho bệnh tật, tai nạn không xảy ra thì luôn luôn phải sống đúng đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người, chứ không phải thờ cúng mê tín,  cầu  khấn,  van  xin  với  Thánh,  Thần,  chư Phật, chư Bồ Tát mà tai qua, nạn khỏi, bệnh tật tiêu trừ được ư!

Thờ cúng đúng chánh pháp, trong tinh thần đạo lý, đạo nghĩa, ân đức và lòng hiếu sinh làm người, thì không được giết hại sinh linh làm cỗ bàn linh đình. Ngày ấy, chỉ nên cúng tế hoa quả, thực phẩm thực vật, tránh những sự khổ đau của sinh linh, máu đổ, thịt rơi của loài động vật. Có như vậy, thì ơn nghĩa của chúng ta đối với những người quá cố mới tròn đầy nghĩa tình đạo lý làm người.

Ngày ấy, nếu các con cúng tế bằng sự giết hại sinh linh, làm cỗ bàn linh đình, tiếng kêu la đau đớn của loài vật trong tuyệt vọng, trước những lưỡi dao sắc bén của những con người ác độc, những sự giãy giụa, run rẩy của loài vật để mong thoát chết nào có được đâu. Đôi mắt chúng long lanh nhìn vào những con người, như tha thiết cầu xin tha cho mạng sống. Nhưng con người như vô tình, nào để ý đến. Họ chỉ biết ăn uống, nhậu nhẹt vui chơi thỏa thích mà thôi.

Đạo đức ân nghĩa không thể lấy sự giết hại, lấy sự chết chóc và lấy sự đau khổ của sinh linh mà nói lên được ân nghĩa sao? Đạo đức ân nghĩa thì phải lấy sự an vui, hạnh phúc của muôn loài, dâng lên cúng tế những bậc tiên hiền, thánh đức, tổ tiên, ông bà, cha mẹ của chúng ta, thì mới có ý nghĩa tỏ hết lòng tri ân chân thành. Đó là sự thờ cúng đúng chánh pháp, nên ghi nhớ và cố gắng nhẫn nhục, tùy thuận, vui lòng mà thực hành cho đúng chánh pháp của Phật, để mang đầy đủ ý nghĩa cao đẹp của người đệ tử Phật, phải không hỡi các con?

Đến đây, Thầy xin dừng bút, kính lời thăm và chúc các bạn vui, mạnh, tu tập xả tâm tốt, và sống một đời sống đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.