PHẦN THẢO MỘC

ĐIỀU HỌC THỨ NHẤT:

[354] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Āḷavī, nơi tháp thờ Aggāḷava. Vào lúc bấy giờ, trong lúc thực hiện công trình mới, các tỳ khưu ở thành Āḷavī chặt cây và bảo người chặt. Có vị tỳ khưu nọ ở thành Āḷavī chặt cây. Vị thiên nhân ngụ ở trên cây ấy đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

 - Thưa ngài, ngài có ý định làm chỗ ở cho mình thì xin ngài chớ phá hủy chỗ ở của chúng tôi.

Vị tỳ khưu ấy trong lúc không lưu tâm đã chặt đi và đã đánh trúng cánh tay đứa bé trai của vị thiên nhân ấy. Khi ấy, vị thiên nhân ấy đã khởi ý điều này: “Có lẽ ta nên đoạt mạng sống của vị tỳ khưu này ngay tại nơi đây?” Rồi vị thiên nhân ấy đã khởi ý điều này: “Việc ta đoạt mạng sống của vị tỳ khưu này ngay tại nơi đây là không đúng đắn, có lẽ ta nên trình sự việc này lên đức Thế Tôn?”

Sau đó, vị thiên nhân ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này thiên nhân, lành thay, lành thay! Này thiên nhân, lành thay ngươi đã không đoạt lấy mạng sống của vị tỳ khưu ấy. Này thiên nhân, nếu hôm nay ngươi đã đoạt lấy mạng sống của vị tỳ khưu ấy, này thiên nhân ngươi đã gây ra nhiều sự vô phước. Này thiên nhân, hãy đi, ở chỗ kia có thân cây mọc riêng biệt. Hãy đi đến nơi ấy.

Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại chặt cây và bảo người chặt? Các sa-môn Thích tử giết hại mạng sống chỉ có một giác quan.

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu ở thành Āḷavī lại chặt cây và bảo người chặt?

Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi chặt cây và bảo người chặt, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại chặt cây và bảo người chặt vậy? Này những kẻ rồ dại, bởi vì dân chúng nghĩ rằng có mạng sống ở trong thân cây. Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Khi phá hoại sự sống của thảo mộc thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[355] Thảo mộc nghĩa là có năm sự sanh ra bởi mầm giống: mầm giống từ rễ, mầm giống từ thân, mầm giống từ mắt chồi, mầm giống từ phần ngọn, mầm giống từ hạt là loại thứ năm.

Mầm giống từ rễ nghĩa là củ nghệ, củ gừng, cây vacā, cây vacattaṃ, cây ngải cứu, cây lê lư (trị bệnh điên?), cây usīraṃ, cỏ bhaddamuttakaṃ, hoặc là có các loại nào khác được sanh ra từ rễ, được nảy mầm từ rễ, vật ấy được gọi là mầm giống từ rễ.

Mầm giống từ thân nghĩa là cây sung, cây đa, cây pilakkha, cây udumbara, cây tuyết tùng, cây kapiṭhana, hoặc là có các loại nào khác được sanh ra từ thân, được nảy mầm từ thân, vật ấy được gọi là mầm giống từ thân.

Mầm giống từ mắt chồi nghĩa là cây mía, cây tre, cây sậy, hoặc là có các loại nào khác được sanh ra từ đoạn nối, được nảy mầm từ đoạn nối, vật ấy được gọi là mầm giống từ mắt chồi.

Mầm giống từ phần ngọn nghĩa là cây húng quế, cỏ lạc đà (phaṇijjakaṃ), cỏ thơm hiriveraṃ, hoặc là có các loại nào khác được sanh ra từ phần ngọn, được nảy mầm từ phần ngọn, điều ấy được gọi là mầm giống từ phần ngọn.

Mầm giống từ hạt nghĩa là hạt lúa bắp, hạt rau cải, hoặc là có các loại nào khác được sanh ra từ hạt, được nảy mầm từ hạt, vật ấy được gọi là mầm giống từ hạt là loại thứ năm.

[356] Mầm giống, nhận biết là mầm giống, vị chặt, hoặc bảo chặt, hoặc làm vỡ ra, hoặc bảo làm vỡ ra, hoặc nấu, hoặc bảo nấu thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Mầm giống, có sự hoài nghi, vị chặt, hoặc bảo chặt, hoặc làm vỡ ra, hoặc bảo làm vỡ ra, hoặc nấu, hoặc bảo nấu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Mầm giống, (lầm) tưởng không phải là mầm giống, vị chặt, hoặc bảo chặt, hoặc làm vỡ ra, hoặc bảo làm vỡ ra, hoặc nấu, hoặc bảo nấu thì vô tội.

Không phải mầm giống, (lầm) tưởng là mầm giống, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là mầm giống, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Không phải là mầm giống, nhận biết không phải là mầm giống thì vô tội.

[357] Vị nói rằng: “Hãy tìm vật này, hãy bố thí vật này, hãy mang lại vật này, có nhu cầu về vật này, hãy làm vật này thành được phép,” không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ nhất.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ NHÌ:

[358] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Kosambī, ở tu viện Ghosita. Vào lúc bấy giờ, đại đức Channa tự mình hành xử sai nguyên tắc và trong lúc được xác định tội ở giữa hội chúng lại phản kháng cách này hoặc cách khác (nói rằng):

- Ai đã vi phạm? Đã vi phạm điều gì? Đã vi phạm ở đâu? Đã vi phạm thế nào? Ngươi nói ai? Ngươi nói điều gì?

Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Channa trong lúc được xác định tội ở giữa hội chúng lại phản kháng cách này hoặc cách khác (nói rằng): “Ai đã vi phạm? Đã vi phạm điều gì? Đã vi phạm ở đâu? Đã vi phạm thế nào? Ngươi nói ai? Ngươi nói điều gì?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã hỏi đại đức Channa rằng:

- Này Channa, nghe nói ngươi trong lúc được xác định tội ở giữa hội chúng lại phản kháng cách này hoặc cách khác (nói rằng): “Ai đã vi phạm? ...(như trên)... Ngươi nói điều gì?” có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi trong lúc được xác định tội ở giữa hội chúng lại phản kháng cách này hoặc cách khác (nói rằng): “Ai đã vi phạm? ...(như trên)... Ngươi nói điều gì?” Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)…

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, như thế thì hội chúng hãy phán quyết tội nói tránh né đến tỳ khưu Channa. Và này các tỳ khưu, nên phán quyết như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Channa này trong lúc được xác định tội ở giữa hội chúng lại phản kháng cách này hoặc cách khác. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên phán quyết tội nói tránh né đến tỳ khưu Channa. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Channa này trong lúc được xác định tội ở giữa hội chúng lại phản kháng cách này hoặc cách khác. Hội chúng phán quyết tội nói tránh né đến tỳ khưu Channa. Đại đức nào đồng ý việc phán quyết tội nói tránh né đến tỳ khưu Channa xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tội nói tránh né đã được hội chúng phán quyết đến tỳ khưu Channa. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[359] Sau đó, đức Thế Tôn đã khiển trách đại đức Channa bằng nhiều phương thức về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng, ...(như trên)... Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Khi nói tránh né thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[360] Vào lúc bấy giờ, trong lúc được xác định tội ở giữa hội chúng, đại đức Channa (nghĩ rằng): “Trong khi phản kháng cách này hoặc cách khác, ta sẽ vi phạm tội” nên đã im lặng gây khó khăn cho hội chúng.

Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Channa trong lúc được xác định tội ở giữa hội chúng lại im lặng gây khó khăn cho hội chúng?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)… Khi ấy, đức Thế Tôn đã hỏi đại đức Channa rằng:

- Này Channa, nghe nói ngươi trong lúc được xác định tội ở giữa hội chúng đã im lặng gây khó khăn cho hội chúng, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi trong lúc được xác định tội ở giữa hội chúng lại im lặng gây khó khăn cho hội chúng vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)…

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại và bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, như thế thì hội chúng hãy phán quyết tội gây khó khăn đến tỳ khưu Channa. Và này các tỳ khưu, nên phán quyết như vầy: Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Channa này trong lúc được xác định tội ở giữa hội chúng lại im lặng gây khó khăn cho hội chúng. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên phán quyết tội gây khó khăn đến tỳ khưu Channa. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Channa này trong lúc được xác định tội ở giữa hội chúng lại im lặng gây khó khăn cho hội chúng. Hội chúng phán quyết tội gây khó khăn đến tỳ khưu Channa. Đại đức nào đồng ý việc phán quyết tội gây khó khăn đến tỳ khưu Channa xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tội gây khó khăn đã được hội chúng phán quyết đến tỳ khưu Channa. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[361] Sau đó, đức Thế Tôn đã khiển trách đại đức Channa bằng nhiều phương thức về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng, ...(như trên)... Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Khi nói tránh né, gây khó khăn thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[362] Nói tránh né nghĩa là trong lúc được xác định sự việc hoặc tội ở giữa hội chúng, vị không có ý định nói lên điều ấy, không có ý định khơi lại điều ấy, rồi phản kháng cách này hoặc cách khác (nói rằng): “Ai đã vi phạm? Đã vi phạm điều gì? Đã vi phạm ở đâu? Đã vi phạm thế nào? Ngươi nói ai? Ngươi nói điều gì?” việc này nghĩa là nói tránh né.

[363] Gây khó khănnghĩa là trong lúc được xác định sự việc hoặc tội vi phạm ở giữa hội chúng, vị không có ý định nói lên điều ấy, không có ý định khơi lại điều ấy, rồi giữ im lặng và gây khó khăn cho hội chúng; việc này nghĩa là gây khó khăn.

[364] Khi tội nói tránh né chưa được phán quyết, trong lúc được xác định sự việc hay tội vi phạm ở giữa hội chúng, vị không có ý định nói lên điều ấy, không có ý định khơi lại điều ấy, rồi phản kháng cách này hoặc cách khác (nói rằng): “Ai đã vi phạm? Đã vi phạm điều gì? Đã vi phạm ở đâu? Đã vi phạm thế nào? Ngươi nói ai? Ngươi nói điều gì?” thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Khi tội gây khó khăn chưa được phán quyết, trong lúc được xác định sự việc hay tội vi phạm ở giữa hội chúng, vị không có ý định nói lên điều ấy, không có ý định khơi lại điều ấy, rồi giữ im lặng và gây khó khăn cho hội chúng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[365] Khi tội nói tránh né đã được phán quyết, trong lúc được xác định sự việc hay tội vi phạm ở giữa hội chúng, vị không có ý định nói lên điều ấy, không có ý định khơi lại điều ấy, rồi phản kháng cách này hoặc cách khác (nói rằng): “Ai đã vi phạm? ...(như trên)... Ngươi nói điều gì?” thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Khi tội gây khó khăn đã được phán quyết, trong lúc được xác định sự việc hay tội vi phạm ở giữa hội chúng, vị không có ý định nói lên điều ấy, không có ý định khơi lại điều ấy, rồi giữ im lặng và gây khó khăn cho hội chúng thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[366] Hành sự đúng pháp, nhận biết là hành sự đúng pháp, khi nói tránh né gây khó khăn thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Hành sự đúng pháp, có sự hoài nghi, khi nói tránh né gây khó khăn thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Hành sự đúng pháp, (lầm) tưởng là hành sự sai pháp, khi nói tránh né gây khó khăn thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Hành sự sai pháp, (lầm tưởng) là hành sự đúng pháp, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Hành sự sai pháp, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Hành sự sai pháp, nhận biết là hành sự sai pháp thì vô tội.

[367] Vị không biết rồi hỏi, vị bị bệnh rồi không nói, (nghĩ rằng): “Hội chúng sẽ có xung đột, hoặc cãi cọ, hoặc tranh luận, hoặc tranh cãi” rồi không nói, (nghĩ rằng): “Sẽ có sự chia rẽ hội chúng hoặc là sự bất đồng hội chúng” rồi không nói, (nghĩ rằng): “Sẽ thực hiện hành sự hoặc là sai pháp, hoặc là theo phe nhóm, hoặc là đến vị không xứng đáng với hành sự” rồi không nói, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ nhì.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ BA:

[368] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Dabba Mallaputta phân bố chỗ trú ngụ và sắp xếp các bữa ăn của hội chúng. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka chỉ là các vị mới tu có phước báu ít ỏi. Các vị ấy thường nhận được những chỗ trú ngụ kém thuộc về hội chúng và những bữa ăn tồi. Các vị ấy phàn nàn về đại đức Dabba Mallaputta với các tỳ khưu rằng:

- Dabba Mallaputta phân bố chỗ trú ngụ theo sự ưa thích và sắp xếp các bữa ăn theo sự ưa thích.

Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka lại phàn nàn về đại đức Dabba Mallaputta với các tỳ khưu?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn …(như trên)… đã hỏi các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka rằng:

- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi phàn nàn về Dabba Mallaputta với các tỳ khưu, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại phàn nàn về Dabba Mallaputta với các tỳ khưu vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Khi phàn nàn thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[369] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka (nghĩ rằng): “Việc phê phán đã bị đức Thế Tôn cấm đoán, đã thế thì các tỳ khưu chỉ sẽ được nghe thôi” rồi phê phán đại đức Dabba Mallaputta ở xung quanh các vị tỳ khưu rằng:

- Dabba Mallaputta phân bố chỗ trú ngụ theo sự ưa thích và sắp xếp các bữa ăn theo sự ưa thích.

Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka lại phê phán đại đức Dabba Mallaputta?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn …(như trên)… đã hỏi các tỳ khưu nhóm Mettiya và Bhummajaka rằng:

- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi phê phán Dabba Mallaputta, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi lại phê phán Dabba Mallaputta vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Khi phàn nàn, phê phán thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[370] Phê phán nghĩa là vị có ý định làm mất thể diện, có ý định làm mất danh dự, có ý định làm xấu hổ vị đã tu lên bậc trên được hội chúng chỉ định làm vị phân bố chỗ trú ngụ, hoặc là vị sắp xếp bữa ăn, hoặc là vị phân chia cháo, hoặc là vị phân chia trái cây, hoặc là vị phân chia thức ăn khô, hoặc là vị phân chia vật linh tinh rồi phàn nàn hoặc phê phán vị đã tu lên bậc trên thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[371] Hành sự đúng pháp, nhận biết là hành sự đúng pháp, khi phàn nàn phê phán thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Hành sự đúng pháp, có sự hoài nghi, khi phàn nàn phê phán thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Hành sự đúng pháp, (lầm) tưởng là hành sự sai pháp, khi phàn nàn phê phán thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[372] Vị phàn nàn hoặc phê phán người chưa tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vị có ý định làm mất thể diện, có ý định làm mất danh dự, có ý định làm xấu hổ vị đã tu lên bậc trên không được hội chúng chỉ định làm vị phân bố chỗ trú ngụ hoặc là vị sắp xếp bữa ăn, hoặc là vị phân chia cháo, hoặc là vị phân chia trái cây, hoặc là vị phân chia thức ăn khô, hoặc là vị phân chia vật linh tinh rồi phàn nàn hoặc phê phán với vị đã tu lên bậc trên hoặc với người chưa tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vị có ý định làm mất thể diện, có ý định làm mất danh dự, có ý định làm xấu hổ người chưa tu lên bậc trên được hội chúng chỉ định hoặc không được chỉ định làm vị phân bố chỗ trú ngụ, hoặc là vị sắp xếp bữa ăn, hoặc là vị phân chia cháo, hoặc là vị phân chia trái cây, hoặc là vị phân chia thức ăn khô, hoặc là vị phân chia vật linh tinh, rồi phê phán hoặc phàn nàn với vị đã tu lên bậc trên hoặc với người chưa tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Hành sự sai pháp, (lầm tưởng) là hành sự đúng pháp, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Hành sự sai pháp, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Hành sự sai pháp, nhận biết là hành sự sai pháp, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[373] Vị phàn nàn hoặc phê phán vị (khác) đang hành động theo thói thường vì ưa thích, vì sân hận, vì si mê, vì sợ hãi; vị bị điên; vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ ba.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ TƯ:

[374] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ nhằm lúc mùa lạnh, các tỳ khưu sắp đặt tọa cụ và ngọa cụ ở ngoài trời rồi sưởi ấm thân hình. Khi thời giờ được thông báo, các vị trong lúc rời đi đã không thu dọn cũng không bảo (người khác) thu dọn vật ấy, rồi đã ra đi không thông báo. Tọa cụ và ngọa cụ trở nên ẩm ướt.

Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu sau khi sắp đặt tọa cụ và ngọa cụ ở ngoài trời, trong lúc rời đi lại không thu dọn cũng không bảo (người khác) thu dọn vật ấy, rồi lại ra đi không thông báo khiến tọa cụ và ngọa cụ bị ẩm ướt?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã hỏi các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu sau khi sắp đặt tọa cụ và ngọa cụ ở ngoài trời, trong lúc rời đi không thu dọn cũng không bảo (người khác) thu dọn vật ấy, rồi ra đi không thông báo khiến tọa cụ và ngọa cụ bị ẩm ướt, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy sau khi sắp đặt tọa cụ và ngọa cụ ở ngoài trời, trong lúc rời đi lại không thu dọn cũng không bảo (người khác) thu dọn vật ấy, rồi lại ra đi không thông báo khiến tọa cụ và ngọa cụ bị ẩm ướt vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào sau khi tự trải ra hoặc bảo trải ra giường, hoặc ghế, hoặc nệm, hoặc gối kê thuộc về hội chúng ở ngoài trời, trong lúc rời đi không thu dọn cũng không bảo thu dọn vật ấy, hoặc ra đi không thông báo thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”Và điều học này đã được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu như thế.

[375] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu sau khi ngụ ở ngoài trời rồi mang cất tọa cụ và ngọa cụ lúc còn sớm. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy đang mang cất tọa cụ và ngọa cụ lúc còn sớm; sau khi nhìn thấy đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, trong tám tháng thông thường không có mưa ta cho phép cất giữ tọa cụ và ngọa cụ ở nơi mái che, hoặc ở gốc cây, hoặc ngay tại chỗ nào các con quạ hoặc chim kên kên không phóng uế.

[376] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Thuộc về hội chúng nghĩa là đã được dâng đến, đã được giao hẳn cho hội chúng.

Giường nghĩa là có bốn loại giường: giường lắp ráp (masārako), giường xếp (bundikābaddho), giường chân cong (kulirapādako), giường có chân tháo rời được (āhaccapādako).

Ghế nghĩa là có bốn loại ghế: ghế lắp ráp, ghế xếp, ghế chân cong, ghế có chân tháo rời được.

Nệm nghĩa là có năm loại nệm: nệm len, nệm bông vải, nệm vỏ cây, nệm cỏ, nệm lá.

Vật kê nghĩa là làm bằng bông vải, hoặc làm bằng cây usīra, hoặc làm bằng cỏ muñja, hoặc làm bằng cỏ pabbaja sau khi đã độn vào bên trong thì được buộc lại.

Sau khi tự trải ra: sau khi tự mình trải ra.

Sau khi bảo trải ra: sau khi bảo người khác trải ra. Vị bảo người chưa tu lên bậc trên trải ra thì trách nhiệm thuộc về vị ấy. Vị bảo người đã tu lên bậc trên trải ra thì trách nhiệm thuộc về người trải ra.

Trong lúc rời đi không thu dọn vật ấy: không tự mình thu dọn.

Cũng không bảo thu dọn: không bảo người khác thu dọn.

Hoặc ra đi không thông báo: không thông báo vị tỳ khưu, hoặc vị sa di, hoặc người giúp việc tu viện. Vị vượt quá chỗ rơi của cục đất được ném đi bởi người nam (có sức mạnh) bậc trung [1]thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[377] Thuộc về hội chúng, nhận biết là thuộc về hội chúng, sau khi trải ra hoặc bảo trải ra ở ngoài trời, trong lúc rời đi lại không thu dọn cũng không bảo thu dọn vật ấy, hoặc ra đi không thông báo thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Thuộc về hội chúng, có sự hoài nghi, sau khi trải ra hoặc bảo trải ra ở ngoài trời, trong lúc rời đi lại không thu dọn cũng không bảo thu dọn vật ấy, hoặc ra đi không thông báo thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Thuộc về hội chúng, (lầm) tưởng là thuộc về cá nhân, sau khi trải ra hoặc bảo trải ra ở ngoài trời, trong lúc rời đi lại không thu dọn cũng không bảo thu dọn vật ấy, hoặc ra đi không thông báo thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Sau khi trải ra hoặc bảo trải ra ở ngoài trời tấm lót nền hoặc vải phủ giường ghế hoặc thảm trải nền hoặc thảm lót ngồi hoặc tấm da thú hoặc thảm chùi chân hoặc ghế kê chân, trong lúc rời đi lại không thu dọn cũng không bảo thu dọn vật ấy, hoặc ra đi không thông báo thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân, (lầm tưởng) là thuộc về hội chúng, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân, (lầm tưởng) là thuộc về cá nhân (này) trong lúc lại thuộc về cá nhân khác, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân của mình thì vô tội.

[378] Sau khi thu dọn rồi đi, sau khi bảo thu dọn rồi đi, vị đi có thông báo, vị đi khi (các vật ấy) đang còn được phơi nắng,[2](vật) đã được bất cứ ai chiếm hữu, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ tư.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ NĂM:

[379] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư là bạn hữu. Các vị ấy trong khi sống thì sống chung, trong khi ra đi thì ra đi chung. Các vị ấy sau khi trải ra vật lót nằm ở trong trú xá thuộc về hội chúng, trong lúc rời đi đã không thu dọn cũng không bảo (người khác) thu dọn vật ấy, rồi đã ra đi không thông báo. Chỗ trú ngụ đã bị mối gặm nhấm.

Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư sau khi trải ra vật lót nằm ở trong trú xá thuộc về hội chúng, trong lúc rời đi lại không thu dọn cũng không bảo (người khác) thu dọn vật ấy, rồi lại ra đi không thông báo khiến chỗ trú ngụ bị mối gặm nhấm?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã hỏi các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư sau khi trải ra vật lót nằm ở trong trú xá thuộc về hội chúng, trong lúc rời đi không thu dọn cũng không bảo (người khác) thu dọn vật ấy, rồi ra đi không thông báo khiến chỗ trú ngụ bị mối gặm nhấm, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy sau khi trải ra vật lót nằm ở trong trú xá thuộc về hội chúng, trong lúc rời đi lại không thu dọn cũng không bảo (người khác) thu dọn vật ấy, rồi lại ra đi không thông báo khiến chỗ trú ngụ bị mối gặm nhấm vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào sau khi tự trải ra hoặc bảo trải ra vật lót nằm trong trú xá thuộc về hội chúng, trong lúc rời đi không thu dọn cũng không bảo thu dọn vật ấy, hoặc ra đi không thông báo thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”

[380] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Trú xá thuộc về hội chúng nghĩa là đã được dâng đến, đã được giao hẳn cho hội chúng.

Vật lót nằm nghĩa là nệm, tấm lót nền, vải phủ giường ghế, thảm trải nền, thảm lót ngồi, tấm da thú, tấm lót ngồi, tấm trải nằm, thảm cỏ, thảm lá.

Sau khi tự trải ra: sau khi tự mình trải ra.

Sau khi bảo trải ra: sau khi bảo người khác trải ra.

Trong lúc rời đi không thu dọn vật ấy: không tự mình thu dọn.

Cũng không bảo thu dọn: không bảo người khác thu dọn.

Hoặc ra đi không thông báo: không thông báo vị tỳ khưu, hoặc vị sa di, hoặc người giúp việc tu viện. Vị vượt quá hàng rào của tu viện được rào lại thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Vị vượt qua vùng phụ cận của tu viện không được rào lại thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[381] Thuộc về hội chúng, nhận biết là thuộc về hội chúng, vị sau khi trải ra hoặc bảo trải ra vật lót nằm, trong lúc rời đi lại không thu dọn cũng không bảo thu dọn vật ấy, hoặc ra đi không thông báo thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Thuộc về hội chúng, có sự hoài nghi, vị sau khi trải ra hoặc bảo trải ra vật lót nằm, trong lúc rời đi lại không thu dọn cũng không bảo thu dọn vật ấy, hoặc ra đi không thông báo thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Thuộc về hội chúng, (lầm) tưởng là thuộc về cá nhân, vị sau khi trải ra hoặc bảo trải ra vật lót nằm, trong lúc rời đi lại không thu dọn cũng không bảo thu dọn vật ấy, hoặc ra đi không thông báo thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Sau khi trải ra hoặc bảo trải ra vật lót nằm ở vùng phụ cận của trú xá hoặc trong phòng phục vụ hoặc ở mái che hoặc ở gốc cây, trong lúc rời đi lại không thu dọn cũng không bảo thu dọn vật ấy, hoặc ra đi không thông báo thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Sau khi trải ra hoặc bảo trải ra giường hoặc ghế ở trong trú xá hoặc ở vùng phụ cận của trú xá hoặc trong phòng phục vụ hoặc ở mái che hoặc ở gốc cây, trong lúc rời đi lại không thu dọn cũng không bảo thu dọn vật ấy, hoặc ra đi không thông báo thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân, (lầm tưởng) là thuộc về hội chúng, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân, (lầm tưởng) là thuộc về cá nhân (này) trong khi lại thuộc về cá nhân khác, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân của mình thì vô tội.

[382] Sau khi thu dọn rồi đi, sau khi bảo thu dọn rồi đi, vị đi có thông báo, (vật) đã được bất cứ ai chiếm hữu, vị có dự tính sau khi đi đến nơi ấy rồi (nhắn tin về) hỏi, vị bị cản trở bởi bất cứ điều gì, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ năm.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ SÁU:

[383] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư chiếm hữu các chỗ nằm tốt nhất; các tỳ khưu trưởng lão bảo các vị ấy đứng dậy. Khi ấy, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã khởi ý điều này: “Bằng phương kế gì chúng ta có thể sống mùa (an cư) mưa ở chính nơi này?” Sau đó, các tỳ khưu nhóm Lục Sư chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi nằm xuống (nghĩ rằng): “Người nào bực bội thì sẽ ra đi.”

Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi nằm xuống?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi nằm xuống, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồi dại ấy lại chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi nằm xuống vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào ở trong trú xá thuộc về hội chúng dầu biết vẫn chen vào (chỗ) của vị tỳ khưu đã đến trước rồi nằm xuống (nghĩ rằng): ‘Người nào bực bội thì sẽ ra đi.’ Sau khi thực hiện chỉ nguyên nhân ấy không điều nào khác thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”

[384] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Trú xá thuộc về hội chúng nghĩa là đã được dâng đến, đã được giao hẳn cho hội chúng.

Biết nghĩa là vị biết rằng: “Vị già cả;” vị biết rằng: “Vị bệnh;” vị biết rằng: “Đã được hội chúng giao cho.”

Chen vào: là sau khi lấn chiếm.

Nằm xuống: Sau khi trải ra hoặc bảo trải ra chỗ nằm ở khu vực lân cận của giường hoặc của ghế hoặc của lối vào hoặc của lối ra thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Vị nằm xuống hoặc ngồi xuống (ở chỗ ấy) thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Sau khi thực hiện chỉ nguyên nhân ấy không điều nào khác: không có bất cứ nguyên nhân nào khác khiến (vị ấy) chen vào rồi nằm xuống.

[385] Thuộc về hội chúng, nhận biết là thuộc về hội chúng, vị chen vào rồi nằm xuống thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Thuộc về hội chúng, có sự hoài nghi, vị chen vào rồi nằm xuống thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Thuộc về hội chúng, (lầm) tưởng là thuộc về cá nhân, vị chen vào rồi nằm xuống thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Vị trải ra hoặc bảo trải ra chỗ nằm không thuộc khu vực lân cận của giường hoặc của ghế hoặc của lối vào hoặc của lối ra thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Vị nằm xuống hoặc ngồi xuống (chỗ ấy) thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vị trải ra hoặc bảo trải ra vật lót nằm ở vùng phụ cận của trú xá hoặc trong phòng phục vụ hoặc ở mái che hoặc ở gốc cây hoặc ở ngoài trời thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Vị nằm xuống hoặc ngồi xuống (chỗ ấy) thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân, (lầm tưởng) là thuộc về hội chúng, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân, (lầm tưởng) là thuộc về cá nhân (này) trong khi lại thuộc về cá nhân khác, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân của mình thì vô tội.

[386] Vị đi vào khi bị bệnh, vị đi vào vì lạnh hoặc vì nóng hoặc bị áp bức, trong những lúc có sự cố, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ sáu.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ BẢY:

[387] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư đang sửa chữa ngôi trú xá lớn nọ ở vùng ven (nghĩ rằng): “Chúng ta sẽ sống mùa (an cư) mưa ở đây.” Các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã nhìn thấy các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư đang sửa chữa ngôi trú xá, sau khi nhìn thấy đã nói như vầy:

- Này các đại đức, các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư này đang sửa chữa ngôi trú xá. Giờ chúng ta sẽ bảo họ rút đi.

Một số vị đã nói như vầy:

- Này các đại đức, hãy chờ đợi trong lúc họ đang sửa chữa. Khi đã được sửa chữa xong thì chúng ta sẽ bảo họ rút đi.

Sau đó, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã nói với các tỳ khưu nhóm Mười Bảy Sư điều này:

- Này các đại đức, hãy đi đi, trú xá được giao cho chúng tôi.

- Này các đại đức, sao lại không nói cho biết trước, chúng tôi đã có thể sửa chữa cái khác?

- Này các đại đức, không phải trú xá thuộc về hội chúng hay sao?

- Này các đại đức, đúng vậy, trú xá thuộc về hội chúng.

- Này các đại đức, hãy đi đi, trú xá được giao cho chúng tôi.

- Này các đại đức, trú xá thì lớn, các vị ở được, thì chúng tôi cũng sẽ ở được.

- Này các đại đức, hãy đi đi, trú xá được giao cho chúng tôi.

Rồi đã nổi giận, bất bình nắm (các vị ấy) ở cổ lôi kéo ra ngoài. Trong lúc bị lôi kéo ra ngoài, các vị ấy khóc lóc. Các tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này các đại đức, vì sao các vị khóc lóc vậy?

- Thưa các đại đức, những tỳ khưu nhóm Lục Sư này nổi giận, bất bình rồi lôi kéo chúng tôi ra khỏi trú xá thuộc về hội chúng.

Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)… Các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư này khi nổi giận, bất bình lại lôi kéo các tỳ khưu ra khỏi trú xá thuộc về hội chúng?

Sau đó, các tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã hỏi các tỳ khưu nhóm Lục Sư rằng:

- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi nổi giận, bất bình rồi lôi kéo các tỳ khưu ra khỏi trú xá thuộc về hội chúng, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi khi nổi giận, bất bình lại lôi kéo các tỳ khưu ra khỏi trú xá thuộc về hội chúng vậy? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào nổi giận, bất bình rồi lôi kéo hoặc bảo lôi kéo vị tỳ khưu ra khỏi trú xá thuộc về hội chúng thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”

[388] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Vị tỳ khưu: là vị tỳ khưu khác.

Nổi giận, bất bình:không được hài lòng, có tâm bực bội, sanh khởi lòng cay cú.

[389] Trú xá thuộc về hội chúng nghĩa là đã được dâng đến, đã được giao hẳn cho hội chúng.

Lôi kéo ra: sau khi nắm lấy ở trong phòng rồi lôi kéo ra phía trước thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Sau khi nắm lấy ở phía trước rồi lôi kéo ra bên ngoài thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Với một lần ra sức, mặc dầu kéo đi qua nhiều cánh cửa phạm (chỉ một) tội pācittiya (ưng đối trị).

Bảo lôi kéo ra: vị ra lệnh người khác thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Được ra lệnh một lần, mặc dầu kéo đi qua nhiều cánh cửa (vị ra lệnh) phạm (chỉ một) tội pācittiya (ưng đối trị).

[390] Thuộc về hội chúng, nhận biết là thuộc về hội chúng, vị nổi giận bất bình rồi lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Thuộc về hội chúng, có sự hoài nghi, vị nổi giận bất bình rồi lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Thuộc về hội chúng, (lầm) tưởng là thuộc về cá nhân, vị nổi giận bất bình rồi lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Vị lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra vật dụng của vị kia thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vị lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra khỏi vùng phụ cận của trú xá, hoặc ra khỏi phòng phục vụ, hoặc ra khỏi mái che, hoặc ra khỏi gốc cây, hoặc ra khỏi khuôn viên bên ngoài thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Vị lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra vật dụng của vị kia thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vị lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo người chưa tu lên bậc trên ra khỏi trú xá, hoặc ra khỏi vùng phụ cận của trú xá, hoặc ra khỏi phòng phục vụ, hoặc ra khỏi mái che, hoặc ra khỏi gốc cây, hoặc ra khỏi khuôn viên bên ngoài thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Vị lôi kéo ra hoặc bảo lôi kéo ra vật dụng của vị kia thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân, (lầm tưởng) là thuộc về hội chúng, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân, (lầm tưởng) là thuộc về cá nhân (này) trong khi lại thuộc về cá nhân khác, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân của mình thì vô tội.

[391] Vị lôi kéo hoặc bảo lôi kéo ra vị không biết hổ thẹn, vị lôi kéo hoặc bảo lôi kéo ra vật dụng của vị kia; vị lôi kéo hoặc bảo lôi kéo ra vị bị điên, vị lôi kéo hoặc bảo lôi kéo ra vật dụng của vị kia; vị lôi kéo hoặc bảo lôi kéo ra vị thường gây nên các sự xung đột, hoặc vị thường gây nên các sự cãi cọ, hoặc vị thường gây nên các sự tranh luận, hoặc vị thường gây nên các sự nói chuyện nhảm nhí, hoặc vị thường gây nên các sự tranh tụng trong hội chúng, vị lôi kéo hoặc bảo lôi kéo ra vật dụng của vị kia; vị lôi kéo hoặc bảo lôi kéo ra người đệ tử hoặc người học trò không thực hành phận sự đúng đắn, vị lôi kéo hoặc bảo lôi kéo ra vật dụng của vị kia; vị bị điên; vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ bảy.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ TÁM:

[392] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có hai vị tỳ khưu sống trong trú xá của hội chúng có căn gác lầu, một vị ở bên dưới, một vị ở phía trên. Vị tỳ khưu ở trên đã ngồi lên một cách vội vã trên chiếc giường loại có chân tháo rời được. Chân giường đã rơi xuống và chạm vào đầu của vị tỳ khưu ở bên dưới. Vị tỳ khưu ấy đã thét lên. Các tỳ khưu đã chạy lại và đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

 - Này đại đức, vì sao đại đức đã thét lên?

Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao vị tỳ khưu lại ngồi lên một cách vội vã trên chiếc giường loại có chân tháo rời được ở căn gác lầu trong trú xá của hội chúng?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã hỏi vị tỳ khưu ấy rằng:

- Này tỳ khưu, nghe nói ngươi ngồi lên một cách vội vã trên chiếc giường loại có chân tháo rời được ở căn gác lầu trong trú xá của hội chúng, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại ngồi lên một cách vội vã trên chiếc giường loại có chân tháo rời được ở căn gác lầu trong trú xá của hội chúng vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào ngồi lên hoặc nằm lên trên chiếc giường hoặc ghế loại có chân tháo rời được ở căn gác lầu trong trú xá của hội chúng thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”

[393] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Vị tỳ khưu: là vị tỳ khưu khác.

Trú xá thuộc về hội chúng nghĩa là đã được dâng đến, đã được giao hẳn cho hội chúng.

[394] Căn gác lầu nghĩa là không đụng vào đầu của người đàn ông (có chiều cao) bậc trung.

Giường loại có chân tháo rời được nghĩa là sau khi khoan lỗ rồi được gắn vào.

Ghế loại có chân tháo rời được nghĩa là sau khi khoan lỗ rồi được gắn vào.

Ngồi lên: vị ngồi lên trên chỗ ấy thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Nằm lên: vị nằm lên trên chỗ ấy thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

[395] Thuộc về hội chúng, nhận biết là thuộc về hội chúng, vị ngồi lên hoặc nằm lên trên chiếc giường hoặc ghế loại có chân tháo rời được ở căn gác lầuthì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Thuộc về hội chúng, có sự hoài nghi, vị ngồi lên hoặc nằm lên trên chiếc giường hoặc ghế loại có chân tháo rời được ở căn gác lầuthì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Thuộc về hội chúng, (lầm) tưởng là thuộc về cá nhân, vị ngồi lên hoặc nằm lên trên chiếc giường hoặc ghế loại có chân tháo rời được ở căn gác lầuthì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Thuộc về cá nhân, (lầm tưởng) là thuộc về hội chúng, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân, (lầm tưởng) là thuộc về cá nhân (này) trong khi lại thuộc về cá nhân khác, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Thuộc về cá nhân của mình thì vô tội.

[396] Ở chỗ không phải là gác lầu, ở gác lầu (thấp) bị va chạm vào đầu, nhà dưới không được sử dụng, (gác lầu) đã được lót sàn, (giường ghế) đã được đóng đinh, vị đứng ở trên chỗ ấy lấy xuống hoặc treo lên, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ tám.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ CHÍN:

[397] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Kosambī, ở tu viện Ghosita. Vào lúc bấy giờ, vị quan đại thần người hộ độ cho đại đức Channa ra lệnh xây dựng trú xá cho đại đức Channa. Khi ấy, lúc trú xá đã được làm hoàn tất, đại đức Channa đã cho người lợp thêm ở mái nhiều lớp, tô trét thêm ở tường nhiều lớp, khiến trú xá trở nên quá nặng nề rồi sụp đổ xuống. Sau đó, đại đức Channa trong lúc gom góp cỏ và cây gỗ đã làm hư hỏng ruộng lúa mạch của người bà-la-môn nọ. Khi ấy, người bà-la-môn ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các ngài đại đức lại làm hư hỏng ruộng lúa mạch của chúng tôi?

Các tỳ khưu đã nghe được người bà-la-môn ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao lúc trú xá đã được làm hoàn tất, đại đức Channa lại cho người lợp thêm ở mái nhiều lớp, tô trét thêm ở tường nhiều lớp, khiến trú xá trở nên quá nặng nề rồi sụp đổ xuống?

Sau đó, các tỳ khưu ấy đã trình sự việc lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này Channa, nghe nói lúc trú xá đã được làm hoàn tất ngươi còn cho người lợp thêm ở mái nhiều lớp, tô trét thêm ở tường nhiều lớp, khiến trú xá trở nên quá nặng nề rồi sụp đổ xuống, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao lúc trú xá đã được làm hoàn tất, ngươi lại cho người lợp thêm ở mái nhiều lớp, tô trét thêm ở tường nhiều lớp, khiến trú xá trở nên quá nặng nề rồi sụp đổ xuống vậy? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Trong lúc cho xây dựng trú xá lớn, vị tỳ khưu nên đứng ở chỗ không trồng trọt mà quyết định phương thức của việc lợp mái hai ba lớp, của việc lắp đặt chốt cửa, của việc trang hoàng các lỗ thông hơi, cho đến khung cửa lớn. Nếu vượt quá phương thức ấy, cho dầu vị đứng ở chỗ không trồng trọt mà quyết định vẫn phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”

[398] Trú xá lớn: nghĩa là có thí chủ được đề cập đến.

Trú xá: nghĩa là được tô ở bên trong, hoặc được tô ở bên ngoài, hoặc được tô bên trong lẫn bên ngoài.

Trong lúc cho xây dựng: là (tự mình) đang làm hoặc đang bảo người làm.

Cho đến khung cửa lớn: là (khoảng rộng) một tầm tay (1,25 m) ở các khu vực xung quanh của đà ngang và trụ cửa.

Của việc lắp đặt chốt cửa: của việc lắp đặt cánh cửa lớn.

Của việc trang hoàng các lỗ thông hơi: là của việc trang hoàng các cửa sổ (gồm có các việc): sơn màu trắng, sơn màu đen, sơn màu đỏ, trang hoàng hình vòng hoa, trang hoàng hình tua, chốt treo bằng răng cá kiếm, vải trang hoàng năm loại.

Nên đứng ở chỗ không trồng trọt mà quyết định phương thức của việc lợp mái hai ba lớp: Được trồng trọt nghĩa là các loại lúa bắp và rau cải. Nếu đứng ở chỗ được trồng trọt mà xác định thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Khi đang lợp lượt thứ nhất, vị quyết định hai lượt, sau khi chỉ thị lượt thứ ba thì nên rời đi. Khi đang lợp theo phương thức thứ nhất, vị quyết định hai phương thức, sau khi chỉ thị phương thức thứ ba thì nên rời đi.

[399] Nếu vượt quá phương thức ấy, cho dầu vị đứng ở chỗ không trồng trọt mà quyết định: Vị đang lợp bằng ngói thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) theo từng viên ngói.

Vị đang lợp bằng đá phiến thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) theo từng viên đá phiến.

Vị đang lợp bằng vữa hồ thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) theo từng cục vữa hồ.

Vị đang lợp bằng cỏ thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) theo từng nắm cỏ.

Vị đang lợp bằng lá thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) theo từng tấm lá.

[400] Vượt quá hai hay ba phương thức, nhận biết là vượt quá, vị quyết định thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Vượt quá hai hay ba phương thức, có sự hoài nghi, vị quyết định thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Vượt quá hai hay ba phương thức, (lầm) tưởng là chưa quá, vị quyết định thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Chưa vượt quá hai hay ba phương thức, (lầm tưởng) là đã vượt quá, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Chưa vượt quá hai hay ba phương thức, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Chưa vượt quá hai hay ba phương thức, nhận biết là chưa quá thì vô tội.

[401] Trong hai hay ba phương thức, khi chưa đủ hai hay ba phương thức, trong hang đá, trong hang động, trong cốc liêu bằng cỏ, vì nhu cầu của vị khác, bằng vật sở hữu của bản thân, trừ ra nhà ở còn tất cả các nơi thì không phạm tội, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ chín.

*******

ĐIỀU HỌC THỨ MƯỜI:

[402] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Āḷavī, nơi tháp thờ Aggāḷava. Vào lúc bấy giờ, trong lúc thực hiện công trình mới các tỳ khưu ở thành Āḷavī dầu biết nước có sinh vật vẫn tưới và bảo tưới lên cỏ và đất sét. Các tỳ khưu ít ham muốn, …(như trên)…, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu ở thành Āḷavī dầu biết nước có sinh vật vẫn tưới và bảo tưới lên cỏ và đất sét?

Sau đó, các tỳ khưu ấy đã trình sự việc lên đức Thế Tôn. …(như trên)…

- Này các tỳ khưu, nghe nói các ngươi dầu biết nước có sinh vật vẫn tưới và bảo tưới lên cỏ và đất sét, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này những kẻ rồ dại, vì sao các ngươi dầu biết nước có sinh vật vẫn tưới và bảo tưới lên cỏ và đất sét vậy? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. …(như trên)… Và này các tỳ khưu, các ngươi nên phổ biến điều học này như vầy: “Vị tỳ khưu nào biết nước có sinh vật vẫn tưới hoặc bảo tưới lên cỏ hay đất sét thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).”

[403] Vị nào: là bất cứ vị nào ...(như trên)...

Tỳ khưu: ...(như trên)... Vị này là “vị tỳ khưu” được đề cập trong ý nghĩa này.

Biết nghĩa là tự mình biết hoặc các người khác thông báo cho vị ấy.

[404] Tưới: vị tự mình tưới thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Bảo tưới: Vị ra lệnh cho người khác thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị). Được ra lệnh một lần, mặc dầu (vị kia) tưới nhiều lần, (vị ra lệnh) phạm (chỉ một) tội pācittiya (ưng đối trị).

Khi có sinh vật, nhận biết là có sinh vật, vị tưới hoặc bảo tưới lên cỏ hay đất sétthì phạm tội pācittiya (ưng đối trị).

Khi có sinh vật, có sự hoài nghi, vị tưới hoặc bảo tưới lên cỏ hay đất sétthì phạm tội tội dukkaṭa (tác ác).

Khi có sinh vật, (lầm) tưởng là không có sinh vật, vị tưới hoặc bảo tưới lên cỏ hay đất sét thì vô tội.

Khi không có sinh vật, (lầm tưởng) là có sinh vật, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Khi không có sinh vật, có sự hoài nghi, phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Khi không có sinh vật, nhận biết là không có sinh vật thì vô tội.

[405] Không cố ý, khi thất niệm, vị không biết, vị bị điên, vị vi phạm đầu tiên thì vô tội.

Dứt điều học thứ mười.

Phần Thảo Mộc là phần thứ nhì.

*******

Tóm lược phần này:

Thảo mộc, nói tráo trở,
việc phê phán (phàn nàn),
hai điều khi bỏ đi,
vị đến trước, lôi ra,
(giường ghế) chân tháo rời,
cửa lớn, có sinh vật.

*******


[1]Tài liệu The Buddhist Monastic Code cho biết khoảng cách là 6 mét (không rõ nguồn trích dẫn).

[2]Nghĩ rằng: “Khi quay trở lại, ta sẽ thu dọn” (theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa).