XI- LUẬN VỀ SÓNG ĐÔI

«Yuganandhakathā»

*yuganandha: nđ cột lại thành cặp

1. [92] ‘Như vầy tôi nghe. Có một dạo, tôn giả Ānanda lưu trú ở Kosambi trong vườn Ghosita. Ở đấy, tôn giả nói với các tỳ kheo như vầy: ‘Này các đạo hữu tỳ kheo’ - Các tỳ kheo ấy trả lời: ‘Vâng, thưa đạo hữu’. Tôn giả Ānanda nói:

‘Này các đạo hữu tỳ kheo, bất cứ tỳ kheo hay tỳ kheo ni nào tuyên bố trước mặt tôi là đã chứng quả Arahant, sự chứng quả ấy luôn luôn nhờ bốn con đường hay nhờ vào một trong bốn con đường ấy. Bốn con đường nào?

‘Ở đây vị tỳ kheo tu quán thực tánh có thiền tĩnh lặng đi trước.*Làm như thế, con đường 2*mở ra trong vị ấy. Vị ấy lập lại, tu tập và làm cho phong phú con đường ấy. Khi làm như thế, các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt.

* samathapubbaṅgamaṁ vipassanaṁ: MA giải thích phương cách này như sau: ‘Ở đây, vị tỳ kheo đạt cận định hay nhập định; đây là sự tĩnh lặng. Vị ấy quán thực tánh thấy rằng sự tĩnh lặng và các trạng thái phụ thuộc vào sự tĩnh lặng đó đều là vô thường, ...; đây là tuệ thấy thực tánh. Như vậy tĩnh lặng xảy ra trước, quán thực tánh xảy ra sau (MA 1: 112). Đọc Henepola Gunaratana, The Path of Serenity and Insight, Motilal Banarsidass Publishers [Delhi, 1994] trang 149.

2* Theo chú giải, con đường này là đạo lộ siêu thế thứ nhất. Đọc F. L. Woodward, Gradual Sayings II [PTS, 1995] chú thích 1, tr. 162.

‘Lại nữa, vị tỳ kheo tu tập thiền tĩnh lặng có quán thực tánh đi trước.*Làm như thế, con đường mở ra trong vị ấy. Vị ấy lập lại, tu tập và làm cho phong phú con đường ấy. Khi làm như thế, các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt.

*vipassanāpubbaṅgamaṁ samathaṁ:MA giải thích phương thức này như sau: ‘Ở đây, vị tỳ kheo quán thực tánh thấy rằng năm tập hợp làm đối tượng cho bám níu là vô thường... mà không thiền các loại tĩnh lặng (cận định hay nhập định) như vừa nói; đây là quán thực tánh. Với sự hoàn tất quán thực tánh ấy, sự nhất tâm lấy sự xuất ly khỏi các trạng thái xảy ra trong vị ấy làm đối tượng; đây là sự tĩnh lặng. Như vậy quán thực tánh xảy ra trước, tĩnh lặng xảy ra sau (MA 1: 113). Đọc Henepola Gunaratana, sđd, trang 149. Đọc thêm S ii 124.

‘Lại nữa, vị tỳ kheo tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi.*Làm như thế, con đường mở ra trong vị ấy. Vị ấy lập lại, tu tập và làm cho phong phú con đường ấy. Khi làm như thế, các kết buộc của vị ấy [93] bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt.

* Hiển nhiên ở đây, chữ yuganandha (sóng đôi) có nghĩa là đồng bộ (samasīsa). Chú giải cắt nghĩa là ‘ở khoảnh khắc chứng nhập vị ấy làm an tịnh các hành vi tạo quả; ở khoảnh khắc an tịnh các hành vi tạo quả, vị ấy chứng nhập. Bằng cách nào? Vị ấy chứng nhập thiền thứ nhất. Xuất khỏi thiền thứ nhất, vị ấy làm an tịnh các hành vi tạo quả và nhập thiền thứ hai. Xuất khỏi thiền thứ hai, vị ấy... cứ như thế... Đọc F. L. Woodward, Gradual Sayings II [PTS, 1995], chú thích 1, tr 163.

‘Lại nữa, vì lượng giá quá mức các thể nghiệm [hiển bầy trong lúc quán tưởng], tâm của vị tỳ kheo bị dao động. [Về sau], khi [1]tâm của vị này bên trong bình lặng trở lại, tái ổn định, phục hồi trạng thái nhất tâm và được tập trung trở lại. [2]Rồi con đường mở ra trong vị ấy. Vị ấy lập lại, tu tập và làm cho phong phú con đường ấy. Khi làm như thế, các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt.

‘Khi bất cứ tỳ kheo hay tỳ kheo ni nào tuyên bố trước mặt tôi là đã chứng quả Arahant, sự chứng quả ấy luôn luôn nhờ bốn con đường hay nhờ vào một trong bốn con đường ấy.’’ (A ii 156)

2. Vị ấy tu quán thực tánh có thiền tĩnh lặng đi trước như thế nào?

Sự hợp nhất của tâm và không tán loạn nhờ xuất ly là định. Quán thực tánh theo nghĩa quán vô thường các trạng thái được tạo nên ở trong, theo nghĩa quán khổ não các trạng thái được tạo nên ở trong, theo nghĩa quán không phải là ngã các trạng thái được tạo nên ở trong. Như thế có tĩnh lặng trước và quán thực tánh sau. Vì thế nên nói ‘Vị ấy tu quán thực tánh có thiền tĩnh lặng đi trước’.

Vị ấy tu tập: có bốn loại tu tập: tu tập theo nghĩa không có sự vượt quá giữa các trạng thái khởi lên ở trong, tu tập theo nghĩa các năng lực gây ảnh hưởng có tác dụng (hương vị) duy nhất, tu tập theo nghĩa hiệu quả của nỗ lực thích đáng, tu tập theo nghĩa lập lại.

Con đường mở ra: Con đường ấy mở ra như thế nào? Chánh kiến theo nghĩa thấy rõ là con đường mở ra, chánh tư duy theo nghĩa hướng tâm trụ vào là con đường mở ra, chánh ngữ theo nghĩa giữ gìn lời nói là con đường mở ra, chánh hành theo nghĩa nguồn sanh khởi là con đường mở ra, chánh mạng theo nghĩa giữ cho sạch là con đường mở ra, chánh tinh tấn theo nghĩa nỗ lực là con đường mở ra, chánh niệm theo nghĩa thiết lập là con đường mở ra và chánh định theo nghĩa không phân tâm là con đường mở ra. Con đường ấy mở ra là như thế.

Vị ấy lập lại, tu tập và làm cho phong phú con đường ấy.

Vị ấy lập lại: Vị ấy lập lại như thế nào? Khi vị ấy chú ý, vị ấy lập lại. Khi vị ấy biết, vị ấy lập lại. Khi vị ấy thấy rõ,... quán sát,... [94] quyết tâm,... cả quyết với niềm tin,... nỗ lực tinh cần, ... thiết lập (xây dựng) quán niệm... định tâm,... Khi vị ấy hiểu bằng tuệ,... Khi vị ấy chứng biết trực tiếp điều cần được chứng biết trực tiếp,... Khi vị ấy hiểu trọn vẹn điều cần được hiểu trọn vẹn,... Khi vị ấy từ bỏ cái cần phải từ bỏ,... Khi vị ấy tu tập điều cần được tu tập,... Khi vị ấy thực chứng điều cần được thực chứng, vị ấy lập lại. Vị ấy lập lại như thế đấy.

Vị ấy tu tập: Vị ấy tu tập như thế nào? Khi vị ấy chú ý, vị ấy tu tập. Khi vị ấy biết, vị ấy tu tập... [và cứ thế như đoạn trên cho đến]... Khi vị ấy thực chứng điều cần được thực chứng, vị ấy tu tập. Vị ấy tu tập như thế đấy.

Vị ấylàm cho phong phú: Vị ấy làm cho phong phú như thế nào? Khi vị ấy chú ý, vị ấy làm cho phong phú. Khi vị ấy biết, vị ấy làm cho phong phú... [và cứ thế như đoạn trên cho đến]... Khi vị ấy thực chứng điều cần được thực chứng, vị ấy làm cho phong phú. Vị ấy làm cho phong phú như thế đấy.

Khi làm như thế, các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt. Các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt như thế nào?

Với đạo lộ nhập giòng: ba kết buộc bị từ bỏ, đó là: nhận thức [sai lạc] về bản ngã, hoài nghi, diễn giải sai lạc về giới nghi; và hai khuynh hướng ngủ ngầm, đó là: khuynh hướng về quan điểm ngủ ngầm và khuynh hướng hoài nghi ngủ ngầm bị tuyệt diệt.

Với đạo lộ trở lại một lần: hai kết buộc bị từ bỏ, đó là: kết buộc thô lậu về ham muốn ái dục và kết buộc thô lậu về đối ngại; và hai khuynh hướng ngủ ngầm, đó là: khuynh hướng thô lậu ngủ ngầm về ham muốn ái dục, khuynh hướng thô lậu về đối ngại bị tuyệt diệt.

Với đạo lộ không trở lại: hai kết buộc bị từ bỏ, đó là: kết buộc còn xót lại về ham muốn ái dục và kết buộc còn xót lại về đối ngại; [95] và hai khuynh hướng ngủ ngầm, đó là: khuynh hướng ngủ ngầm còn xót lại về ham muốn ái dục, khuynh hướng còn xót lại về đối ngại bị tuyệt diệt.

Với đạo lộ arahant: năm kết buộc bị từ bỏ, đó là: khao khát [làm sanh linh] cõi sắc giới, khao khát [làm sanh linh] cõi vô sắc giới, ngã mạn (kiêu mạn), dao động, vô minh; và ba khuynh hướng ngã mạn (kiêu mạn) ngủ ngầm, khuynh hướng khao khát hiện hữu ngủ ngầm, khuynh hướng vô minh ngủ ngầm bị tuyệt diệt.

Các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt như thế đấy.

3. Sự hợp nhất của tâm và không phân tâm nhờ không sân hận... [lập lại đ. 2].

4-70. ... [lập lại đ. 2 cho từng trường hợp sau: các trường hợp đối nghịch với 7 chướng ngại (I đ. 36)], 4 jhanas, 4 chứng đắc vô sắc, 10 đề mục thiền kasinas, 10 tưởng niệm, 10 loại bất tịnh và 32 hình thái quán niệm hơi thở, cho đến]...

71. Sự hợp nhất của tâm và không phân tâm nhờ thở ra quán buông bỏ là định. Quán thực tánh... [và cứ thế như ở đ. 2 cho đến hết].

Vị ấy tu tập quán thực tánh có thiền tĩnh lặng đi trước là như thế.

72. Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng có quán thực tánh đi trước như thế nào?

Quán thực tánh theo nghĩa quán vô thường, theo nghĩa quán khổ não, theo nghĩa quán không phải là ngã. Sự hợp nhất của tâm và không tán loạn vì những trạng thái phát sanh bên trong có buông bỏ làm đối tượng cho chúng là định. Như vậy, có tuệ quán thực tánh trước rồi có tĩnh lặng sau. Vì thế mới nói ‘Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng có quán thực tánh đi trước’.

Vị ấy tu tập:... [như ở đ. 2].

Con đường mở ra như thế nào? ...

73. Quán thực tánh theo nghĩa quán vật thể là vô thường, theo nghĩa quán vật thể là khổ não, theo nghĩa quán vật thể là không phải là ngã. Sự hợp nhất của tâm và không phân tâm vì ... [và cứ thế, lập lại đ. 72] ... [97]

74-272. ... [lập lại đ. 72 cho từng trường hợp của 201 ý niệm còn lại liệt kê ở Luận I đ. 5 cho đến]...

273. Quán thực tánh theo nghĩa quán già và chết  là vô thường... [lập lại đ. 72].

Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng có quán thực tánh đi trước là như thế.

274. Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi như thế nào?

Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo mười sáu khía cạnh: (1) theo nghĩa đối tượng, (2) theo nghĩa lãnh vực, (3) theo nghĩa từ bỏ, (4) theo nghĩa dứt bỏ, (5) theo nghĩa ngoi lên, (6) theo nghĩa quay đi, (7) theo nghĩa yên tịnh, (8) theo nghĩa cao thượng, (9) theo nghĩa giải thoát, (10) theo nghĩa không phiền não, (11) theo nghĩa vượt qua, (12) theo nghĩa không có điều kiện để còn sanh tử, (13) theo nghĩa không ước nguyện, (14) theo nghĩa tánh không, (15) theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất, (16) theo nghĩa không vượt quá và theo nghĩa sóng đôi.

275. (1) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa đối tượng như thế nào?

Khi vị ấy từ bỏ dao động thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định có đoạn diệt làm đối tượng. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng có đoạn diệt làm đối tượng cho nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa đối tượng có tác dụng (hương vị) duy nhất sóng đôi nhau, và không vượt quá nhau. Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa đối tượng.’

Vị ấy tu tập: Có bốn loại tu tập: ... [lập lại như ở đ. 2].

Đó là cách vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa đối tượng.

276. (2) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa lãnh vực như thế nào?

Khi vị ấy từ bỏ dao động thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa lãnh vực có tác dụng (hương vị) duy nhất, [98] sóng đôi nhau, và không vượt quá nhau. Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa lãnh vực.’

Vị ấy tu tập: ...

277. (3) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa từ bỏ như thế nào?

Khi vị ấy từ bỏ nhiễm lậu liên kết với dao động và từ bỏ các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ nhiễm lậu liên kết với vô minh và từ bỏ các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa từ bỏ có tác dụng (hương vị) duy nhất, sóng đôi nhau, và không vượt quá nhau. Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa từ bỏ.’

Vị ấy tu tập: ...

278. (4) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa dứt bỏ như thế nào?

Khi vị ấy dứt bỏ nhiễm lậu liên kết với dao động và dứt bỏ các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy dứt bỏ nhiễm lậu liên kết với vô minh và dứt bỏ các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì tuệ quán thực tánh của vị ấy... có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa dứt bỏ có tác dụng (hương vị) duy nhất, sóng đôi nhau, và không vượt quá nhau. Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa dứt bỏ.’

Vị ấy tu tập: ...

279. (5) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa ngoi lên như thế nào?

Khi vị ấy ngoi lên từ nhiễm lậu liên kết với dao động và ngoi lên từ các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy ngoi lên từ nhiễm lậu liên kết với vô minh và ngoi lên từ các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa ngoi lên có tác dụng (hương vị) duy nhất, sóng đôi nhau, và không vượt quá nhau. Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa ngoi lên.’

Vị ấy tu tập: ...

280. (6) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa quay đi như thế nào?

Khi vị ấy quay đi từ nhiễm lậu liên kết với dao động và quay đi từ các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy quay đi từ nhiễm lậu liên kết với vô minh và quay đi từ các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa quay đi có tác dụng (hương vị) duy nhất, sóng đôi nhau, và không vượt quá nhau. Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa quay đi.’

Vị ấy tu tập: ...

281. (7) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa yên tịnh như thế nào?

Khi vị ấy từ bỏ dao động, thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định yên tịnh có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, [99] thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng là yên tịnh, có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa yên tịnh... Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa yên tịnh.’

Vị ấy tu tập: ...

282. (8) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa cao thượng như thế nào?

Khi vị ấy từ bỏ dao động, thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định cao thượng có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng là cao thượng, có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa cao thượng... Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa cao thượng.’

Vị ấy tu tập: ...

283. (9) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa giải thoát như thế nào?

Khi vị ấy từ bỏ dao động, thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định được giải thoát tự tại có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng được giải thoát, có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa giải thoát... Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa giải thoát.’

Vị ấy tu tập: ...

284. (10) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa không phiền não như thế nào?

Khi vị ấy từ bỏ dao động, thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định được tự tại khỏi phiền não của khoái lạc giác quan và có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng được tự tại khỏi phiền não của vô minh, có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa tự tại khỏi phiền não... Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa không phiền não.’

Vị ấy tu tập: ...

285. (11) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa vượt qua như thế nào?

Khi vị ấy vượt qua nhiễm lậu liên kết với dao động và vượt qua các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy vượt qua nhiễm lậu liên kết với vô minh và vượt qua các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa vượt qua... Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa vượt qua.’

Vị ấy tu tập: ...

286. (12) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa không có điều kiện để còn sanh tử  như thế nào? [100]

Khi vị ấy từ bỏ dao động, thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định được tự tại khỏi tất cả các điều kiện để còn sanh tử có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa được tự tại khỏi tất cả các điều kiện để còn sanh tử, có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa không có điều kiện để còn sanh tử... Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa không có điều kiện để còn sanh tử.’

Vị ấy tu tập: ...

287. (13) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa không ước nguyện như thế nào?

Khi vị ấy từ bỏ dao động, thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định được tự tại khỏi tất cả các ước nguyện có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa được tự tại khỏi tất cả các ước nguyện, có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa không ước nguyện... Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa không ước nguyện.’

Vị ấy tu tập: ...

288. (14) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa không như thế nào?

Khi vị ấy từ bỏ dao động, thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định không có tất cả các diễn giải sai lạc có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán là không có tất cả các diễn giải sai lạc, có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa không... Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa không.’

Vị ấy tu tập: ... [3]

289. Như thế nào là tâm của vị tỳ kheo bị dao động vì lượng giá quá mức các thể nghiệm [hiển bầy trong lúc quán tưởng]?

Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, ánh sáng phát ra trong vị ấy. Vị ấy chú tâm hướng đến ánh sáng như vầy [101] ‘ánh sáng là thể nghiệm [của bậc Thánh]. Phân tâm vì sự kiện đó chính là dao động. Khi tâm của vị ấy bị dao động vì lượng giá quá mức, vị ấy không hiểu đúng như thật sự biểu hiện là vô thường, vị ấy không hiểu đúng như thật sự biểu hiện là khổ não, vị ấy không hiểu đúng như thật sự biểu hiện là không phải là ngã. Vì vậy mới nói tâm của vị tỳ kheo bị dao động vì lượng giá quá mức các thể nghiệm [hiển bầy trong lúc quán tưởng]. [Về sau], khi 1 tâm của vị này bên trong bình lặng trở lại, tái ổn định, phục hồi trạng thái nhất tâm và được tập trung trở lại. Rồi con đường mở ra trong vị ấy...

Con đường ấy mở ra như thế nào?... [lập lại như ở đ. 2]... Con đường mở ra như thế đấy.

... [lập lại như ở đ. 2]...

Các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt như thế đấy.

290. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, trí khởi lên trong vị ấy.

291. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, hoan hỉ  khởi lên...

292. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, an tịnh  khởi lên...

293. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, hạnh phúc toàn hảo khởi lên...

294. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, cả quyết khởi lên...

295. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, nỗ lực khởi lên...

296. Trong khi vị ấy chú tâm... an trú khởi lên... bình thản khởi lên...

297. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, quyến luyến* khởi lên trong vị ấy. Vị ấy chú tâm tới nó như vầy ‘Quyến luyến là thể nghiệm [của bậc Thánh]. Phân tâm vì sự kiện đó là sự dao động. Khi tâm của vị ấy bị dao động vì lượng giá quá mức, vị ấy không hiểu đúng như thật sự biểu hiện là vô thường, vị ấy không hiểu đúng như thật sự biểu hiện là khổ não, vị ấy không hiểu đúng như thật sự biểu hiện là không phải là ngã. Vì vậy mới nói tâm của vị tỳ kheo bị dao động vì lượng giá quá mức các thể nghiệm [hiển bầy trong lúc quán tưởng]. [Về sau], khi tâm của vị này bên trong bình lặng trở lại, tái ổn định, phục hồi trạng thái nhất tâm và được tập trung trở lại. Rồi con đường mở ra trong vị ấy...

* Quyến luyến (nikanti) phát xuất do tuệ quán thực tánh. Khi tuệ quán thực tánh được ánh sáng, trí, hoan hỉ,... (như đã nói ở đđ. 289-295) trang hoàng lộng lẫy, sự quyến luyến trông tinh tế an ổn khởi lên trong vị ấy. Quyến luyến phụ thuộc vào tuệ quán thực tánh, vị này không thể nhận biết rõ quyến luyến là nhiễm lậu, lại ngộ nhận cho rằng đã chứng đạo, chứng quả; cái không phải là đạo, không phải là quả lại cho là đạo, là quả nên tiến trình quán chiếu bị đứt đoạn. Bất toàn này có thể khởi lên. Đọc Vism. XX 124, đ. 122-124. Đọc thêm chú thích 2* ở đoạn 5743 sắp tới.

Con đường ấy mở ra như thế nào?... Con đường mở ra như thế đấy.

...

Các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt như thế đấy.

298-306. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét khổ não, ... [lập lại đđ 289-297, thay vô thường bằng khổ não...

307-315. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét không phải là ngã, ... [lập lại đđ 289-297, thay vô thường bằng không phải là ngã... [102]...

Các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt như thế đấy.

316-342. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vật thể là vô thường, ... là khổ não, ... là không phải là ngã...

343-5714. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét cảm nghiệm là vô thường, ... là khổ não, ... là không phải là ngã... [và cứ thế với từng trường hợp của 201 ý niệm liệt kê ở Luận I đ. 5 cho đến]...

5715-5742. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét già và chết là vô thường, ... là khổ não, ... là không phải là ngã...

Các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt như thế đấy.

Tâm của vị tỳ kheo bị dao động vì lượng giá quá mức các thể nghiệm [hiển bầy trong lúc quán tưởng] là như thế đấy.

5743.

Giao động vì ánh sáng

Vì trí, vì hoan hỉ,

Vì sự nhẹ nhõm, dễ chịu

Bởi thế, tâm vị ấy hoang mang;

Giao động vì cả quyết,

Nỗ lực, và vững chãi,

Bình thản trong hướng tâm *

Và bình thản, và quyến luyến.

Nhưng khi xét kỹ và

Hiểu rõ mười thể nghiệm 2*này

Vị ấy đối trị khéo giao động như thế

Thôi không còn hoang mang.

Giờ đây, nếu bị phân tâm và vấy nhiễm [4]

Sự tu tập của tâm tụt lùi; [103]

Và nếu  bị phân tâm và vấy nhiễm,

Sự tu tập sụt giảm.

Nếu được thanh lọc và không vấy nhiễm,

Sự tu tập không sụt giảm;

Nếu không bị phân tâm và không vấy nhiễm,

Tu tập sẽ không tụt lùi.

Như thế tâm vị ấy không bị phân tán

Vì mười thể nghiệm 2*ấy

Có thể hiểu theo bốn cách

Phân tán hay không phân tán này của tâm.

* Tác ý liên kết với hướng tâm về ý môn được gọi là ‘bình thản trong hướng tâm’ vì nó xảy ra khi hướng tâm với cái nhìn vô can [ajjhupekkhana] (Pm 819). Đọc Ñāṇamoli, The Path of Purification, BPS [Kandy, 1991], chú thích 37 chương XXI, trang 845.

2* nđ: trạng thái «phát sanh». Nếu không thấy đúng như thật, các thể nghiệm bất toàn này trở thành tai hại như bắt rắn đằng đuôi. Vì: ·nhận định sai lạc (ánh sáng đã phát sanh trong ta),·ngã mạn (thật là dễ chịu khi ánh sáng phát sanh), ·tham ái (thích hưởng thụ, quyến luyến ánh sáng ấy), ·coi ánh sáng ấy (là của tôi, là tôi, là bản ngã của tôi) (M i 135). Cùng cách hiểu như thế với 9 thể nghiệm còn lại. Nếu suy xét là: ·vô thường: theo nghĩa sau khi khởi lên, nó không còn nữa: Ánh sáng đã khởi lên, nhưng nó không bền, được tạo thành, khởi lên theo điều kiện, phải chịu hủy diệt, tàn lụi, hoại suy, chấm dứt; ·không phải là ngã theo nghĩa không có quyền năng nào có thể ảnh hưởng nó, ·không xứng ý theo nghĩa bị sanh diệt áp bức; ·vị ấy coi ánh sáng đó (không phải của tôi, không là tôi, không là bản ngã của tôi). Cùng cách hiểu như thế với 9 thể nghiệm còn lại. Đọc thêm Vism. ch. XX  đđ. 125-127.

LUẬN THUYẾT VỀ SÓNG ĐÔI.


[1]Ở đây và trong tất cả ví dụ điển hình (nêu ở A ii 156 và ở đ. 289 sau đây trong Luận này), nên viết là dhammuddhaccaviggahitamānaso. Hoti āvuso samayo... Cf. M iii 289.

[2]Cf. M iii 112.

[3]Trong khi sự giải thích hai đoạn kinh trước đề cập tới giai đoạn trước khi con đường siêu thế hiển bầy, thì sự giải thích của đoạn kinh thứ ba chỉ nói tới sát na đạo lộ (PsA 587, ấn bản PTS). <Như Mahānāma chú thích, trang 588, khía cạnh thứ 15 «theo nghĩa có tác dụng (hương vị) duy nhất»và khía cạnh thứ 16 «theo nghĩa không vượt quá», cũng như «theo nghĩa»‘sóng đôi’ cuối cùng, đã được bao gồm trong từng chú thích từ 1-14 nên sau đoạn 288, không có những lời giải thích riêng gì nữa.>

[4]Viết là Vikkhipati c’eva kilissati ca, và ở trang 103 1.1 cũng thế.