Cuốn Đạo Vô Ngại Giải (Paṭisambhidāmagga) này được thực hiện vì nhiều lý do. Thoạt tiên, tôi nghĩ rằng hình như cuốn này bổ túc quyển Phân Tích (Vibhaṅga), vì đã dịch quyển Phân Tích rồi thì dịch luôn Đạo Vô Ngại Giải cho trọn vẹn. Hơn nữa, với yêu cầu của Sư Chánh Kiến và sự hỏi han của Tiến sĩ Bình Anson đã khích lệ tôi phiên dịch cuốn Đạo Vô Ngại Giải này.
Cuốn Đạo Vô Ngại Giải này được dịch trọn vẹn từ cuốn The Path of Discrimination do tỳ kheo Ñāṇamoli dịch từ Paṭisambhidāmagga, tiếng Pāḷi. Đây là quyển thứ 12 trong Khuddakanikāya, Bộ Kinh Tiểu. Tôi rất tiếc không dịch, dù là tóm lược, phần giới thiệu giá trị của giáo sư A. K. Warder.
Chú giải của Đạo Vô Ngại Giải là cuốn Saddhammappakāsinī vốn được soạn dựa vào cuốn Visuddhimagga (bản Anh ngữ là The Path of Purification hay Con Đường Thanh Lọc). Cuốn Visuddhimagga được cẩn thận sắp xếp dựa theo dàn khung quyển Netti-pakaraṇaṁ (xin đọc The Guide, phần Giới Thiệu, trang liv) và trích dẫn ‘thoải mái’ từ cuốn Paṭisambhidāmagga (xin đọc The Path of Purification, phần Giới Thiệu, trang xliii). Vì mối liên hệ ấy, khi dịch cuốn này, tôi tham khảo cuốn The Path of Purification để không những lấy lời chú giải mà còn đối chiếu với những lời dịch trích dẫn từ Paṭisambhidāmagga vì cuốn The Path of Purification được tỳ kheo Ñāṇamoli hoàn chỉnh và duyệt lại lần cuối cùng, còn cuốn The Path of Discrimination thì không hẳn như thế. Tôi cũng tham khảo thêm hai cuốn của Ngài Kaccāna Thera soạn, được các Luận sư coi là ‘kim chỉ nam’ do tỳ kheo Ñāṇamoli dịch: Piṭaka Disclosure (Peṭakopadesa: Khai Mở Giáo Điển, nói đến phương pháp soạn chú giải), The Guide (Netti-pakaraṇaṁ: Luận về Hướng Dẫn Giải Thích, nói gọn Hướng Dẫn). Khi cần, tôi đối chiếu với bản Pāḷi của Vipassana Research Institute. Ở đôi chỗ, có vài chữ tôi dịch theo đề nghị của vị sư người Đức Nyāṇatiloka ghi trong cuốn The Buddha’s Path to Deliverance hay trong Buddhist Dictionary để cảm tạ nhà sư thông tuệ này và làm cho quyển Đạo Vô Ngại Giải thêm rõ ràng, linh động. Còn những nguồn tham khảo khác, tôi có liệt kê ở cuối sách.
Khi dịch, tôi coi trọng nguyên tắc căn bản sau đây: giữ vấn đề cho đơn giản. Tôi không phí một giây nghĩ đến việc tìm chữ văn hoa bóng bẩy để rồi phải định nghĩa nó và học thuộc lòng chữ ấy. Trong ba Tạng, những trường hợp như thế nhiều không kể xiết được. Tôi dịch theo mục đích hay theo nghĩa của nó. Như uống thuốc để trị bịnh, nếu uống thuốc để trị nhức đầu, ta gọi thuốc ấy là thuốc nhức đầu. Lối dùng chữ đi thẳng vào não như thế không gây hiểu lầm, không cần phải định nghĩa, không cần phải thuộc lòng và đỡ mất thì giờ. Chẳng hạn, như biết rằng quán vipassanā là để nhìn thấy ba thực tánh vô thường, khổ não và không phải là ngã của tất cả các hiện tượng nên tôi dịch vipassanā là quán thực tánh. Còn chữ saṅkhāra: nếu liên quan đến phát sanh do tùy thuộc (paṭicca samuppāda), tôi dịch là hành vi tạo quả; nếu là một trong năm tập hợp (khandha), tôi dịch là tạo lập tâm trạng như theo ý nghĩa trong Bộ Kinh Trung (M i 301). Tất cả những nghĩa ấy đã có trong ba Tạng. Giản dị như thế. Tôi không tạo chữ mới. Vì biết chắc rằng chỉ cần học Phật từ tạng Pāḷi là cũng dư đủ để vĩnh viễn giải thoát nên khi nghiên cứu học hỏi các dịch phẩm từ tạng này, tôi chỉ chú trọng đến việc suy xét, lãnh hội ý Phật để tìm cho ra ván gỗ và cách đóng bè vượt ra khỏi saṁsāra (luân hồi). Hoàn toàn không để ý gì đến việc tìm vật liệu đánh bóng các miếng ván ấy. Vì vật liệu đánh bóng ván bè, tự nó chả đưa ai qua đến bờ bên kia cả.
Với người không quen tiếng Pāḷi, xin cứ bỏ qua những chỗ này, quý vị không mất mát gì. Những chú thích ở cuối trang là của tỳ kheo Ñāṇamoli. Những chữ trong [...] do Ñāṇamoli thêm vào, trong (...) Ñāṇamoli cho là đồng nghĩa hay Pāḷi tương đương. Những chữ trong <...> là của giáo sư Warder. Riêng những chữ trong « ...» và các chú thích mang dấu hoa thị như *, 2*, 3*... n* ở bất cứ chỗ nào là của tôi.
Tôi dịch và ấn tống cuốn này để đền đáp phần nào thâm ân Đức Phật Gotama và giáo pháp của Ngài trong tạng Pāḷi đã dạy phương cách cụ thể để đương đầu hữu hiệu với khổ đau, nhờ đó, kinh nghiệm được hạnh phúc thanh thoát ở ngay đây và ngay bây giờ. Tôi cũng mang nặng ân Ngài Sāriputta đã giải thích có hệ thống, hướng dẫn thực tiễn cách lãnh hội giáo pháp căn bản của đức Phật như thế nào để có thể đưa đến giác ngộ. Nhưng vạn hạnh ấy chỉ có được nhờ đất nước, dân tộc Sri Lanka (Tích Lan) đã trông coi, lưu tồn nguyên vẹn Tam Tạng Pāḷi qua bao nhiêu thế kỷ; nhờ Hội Pali Text Society đã khuyến khích, trưởng dưỡng, phát huy việc học hỏi và sử dụng tiếng Pāḷi. Nhờ học hỏi các dịch phẩm tiên phong của Hội này, ước nguyện đi ngược giòng thời gian để tìm cho ra thông điệp ‘nguyên thủy’ của Đức Phật Gotama hai ngàn năm trăm năm trước nói gì có thể thành tựu được, để không còn khổ nạn đi từ bóng tối này sang bóng tối khác. Ở đây, xin chân thành ghi ân Hội Pali Text Society đã cho phép tôi dịch cuốn The Path of Discrimination (ấn bản 1997) sang tiếng Việt. Tôi cũng xin tri ân tỳ kheo Ñāṇamoli, người đã dịch cuốn Paṭisambhidāmagga sang tiếng Anh, và giáo sư A. K. Warder, người được Hội Pali Text Society trông cậy để thay mặt Ñāṇamoli duyệt lại lần cuối cùng trước khi in bản thảo gạch xóa chằng chịt trên những mảnh giấy tản mác, rời rạc. Tôi cũng mang ân tất cả các tác giả khác đã được tham khảo nơi đây.
Tôi thành kính ghi ân Tiến sĩ Bình Anson đã nỗ lực hỗ trợ sự nghiệp hoằng pháp bằng cách chuyển bản thảo lưu trữ dưới hình thức MS Word doc sang hình thức Unicode để có thể phổ biến quyển Đạo Vô Ngại Giải này trong mạng internet đến các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, những người học Phật Việt Nam. Tôi cũng xin cảm tạ nhà tôi đã tuyệt đối tôn trọng thì giờ dịch kinh của tôi.
Nếu trong quyển này có một đoạn nào, một câu nào, một chữ nào giúp quý vị đi sâu hơn, hiểu rõ hơn Giáo Pháp của Đức Phật, đấy là nhờ trí tuệ của ngài Sāriputta và của tỳ kheo Ñāṇamoli. Trái lại, bất cứ thiếu sót nào trong sách này là của riêng tôi. Tôi xin chịu trách nhiệm về những thiếu sót ấy.
Dịch giả.
Toronto, Canada.
Dịch xong tháng 11, 2005.
Duyệt xong tháng 02, 2006.