PHẦN MỘT: PHẨM CÓ KỆ
1. I. THIỀN ĐỊNH (S.iv,204)
1-2)...
3) – Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Đây, này các Tỷ-kheo, là ba thọ.
1) Vị đệ tử đức Phật,
Định, tỉnh giác, chánh niệm,
Hiểu rõ ràng các thọ,
Và xuất ly các thọ.
2) Chỗ này, chúng đoạn diệt,
Con đường đến đoạn diệt,
Tỷ-kheo đoạn các thọ,
Không khát ái, tịch tịnh.
2. II. AN LẠC (S.iv,204)
1-2)...
3) – Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Đây, này các Tỷ-kheo, là ba thọ.
1) Lạc thọ hay khổ thọ,
Cùng bất khổ bất lạc,
Nội thọ và ngoại thọ,
Phàm có cảm thọ gì.
2) Biết được: “Đây là khổ”,
Hư ngụy và biến hoại,
Thấy xúc, xúc biến diệt,
Ở đây, sống ly tham.
3. III. ĐOẠN TẬN (S.iv,205)
1-2)...
3) – Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.
4) Này các Tỷ-kheo, tham tùy miên đối với lạc thọ cần phải đoạn tận. Sân tùy miên đối với khổ thọ cần phải đoạn tận. Vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ cần phải đoạn tận.
5) Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo đoạn tận tham tùy miên đối với lạc thọ, đoạn tận sân tùy miên đối với khổ thọ, đoạn tận vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ; thời này các Tỷ-kheo, sự từ bỏ tham tùy miên của Tỷ-kheo được gọi là chánh kiến, ái được đoạn tận, kiết sử được hủy hoại. Với minh kiến chơn chánh đối với ngã mạn (sammà mànabhisamayà), vị ấy đoạn tận khổ đau.
1) Nếu cảm giác lạc thọ,
Không tuệ tri cảm thọ,
Đây gọi tham tùy miên,
Không thấy rõ xuất ly.
2) Nếu cảm giác khổ thọ,
Không tuệ tri cảm thọ,
Đây gọi sân tùy miên,
Không thấy rõ xuất ly.
3) Với bất khổ bất lạc,
Bậc Đại trí thuyết giảng,
Nếu hoan hỷ thọ ấy,
Không thoát được khổ đau.
4) Vị Tỷ-kheo nhiệt tình,
Tỉnh giác, không cuồng trí,
Đối với tất cả thọ,
Bậc Hiền trí liễu tri.
5) Vị ấy liễu tri thọ,
Hiện tại không lậu hoặc,
Thân hoại, bậc Pháp trú?
Đại trí vượt ước lường.
4. IV. VỰC THẲM (Pàtàla) (S.iv,206)
1-2)...
3) – Kẻ vô văn phàm phu nói như sau: “Ở giữa biển lớn, có vực thẳm”. Nhưng ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu đối với việc không có, không xảy ra, lại nói: “Ở giữa biển lớn, có vực thẳm”.
4) Này các Tỷ-kheo, đồng nghĩa với các khổ thọ về thân là vực thẳm này.
5) Kẻ vô văn phàm phu, khi cảm giác khổ thọ về thân, thời sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ vô văn phàm phu không đứng lên trên vực thẳm, không đạt tới chỗ chân đứng.
6) Còn bậc Đa văn Thánh đệ tử, này các Tỷ-kheo, khi cảm giác khổ thọ về thân, không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đấm ngực, không đi đến bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bậc Đa văn Thánh đệ tử đã đứng lên trên vực thẳm, đã đạt tới chỗ chân đứng.
1) Ai không chịu đựng nổi,
Các khổ thọ khởi lên,
Thân đau, hại mạng sống,
Cảm xúc khiến run rẩy.
Ai than vãn, khóc lóc,
Suy nhược, thiếu kiên cường,
Không đứng trên vực sâu,
Không đạt chỗ chân đứng.
2) Ai có thể chịu đựng,
Các khổ thọ khởi lên,
Thân đau, hại mạng sống,
Cảm xúc không run rẩy,
Vị ấy vượt vực sâu,
Đạt tới chỗ chân đứng.
5. V. CẦN PHẢI QUÁN KIẾN (S.iv,207)
1-2)...
3) – Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Lạc thọ, này các Tỷ-kheo, cần phải thấy là khổ. Khổ thọ cần phải thấy là mũi tên. Bất khổ bất lạc thọ cần phải thấy là vô thường.
4) Khi nào, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thấy được lạc thọ là khổ, thấy được khổ thọ là mũi tên, thấy được bất khổ bất lạc thọ là vô thường; thời này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo có chánh kiến, ái được đoạn tận, kiết sử được hủy hoại. Với minh kiến chơn chánh đối với ngã mạn, vị ấy đoạn tận khổ đau.
1) Ai thấy lạc là khổ,
Thấy khổ là mũi tên,
Với bất khổ bất lạc,
Thấy thọ là vô thường,
Tỷ-kheo ấy chánh kiến,
Liễu tri các cảm thọ.
2) Vị ấy liễu tri thọ,
Hiện tại không lậu hoặc,
Mạng chung, bậc Pháp trú,
Đại trí vượt ước lường.
6. VI. VỚI MŨI TÊN (S.iv,207)
1-2)...
3) – Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu, cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ.
4) Này các Tỷ-kheo, bậc Đa văn Thánh đệ tử cũng cảm thọ cảm giác lạc thọ, cảm thọ cảm giác khổ thọ, cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ.
5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, thế nào là đặc thù, thế nào là thù thắng, thế nào là sai biệt giữa bậc Đa văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu?
6) – Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
7) – Này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu khi cảm xúc khổ thọ, sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Vị ấy cảm giác hai cảm thọ, cảm thọ về thân và cảm thọ về tâm.
8) Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bị người ta bắn với mũi tên, rồi họ bắn người ấy với mũi tên thứ hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy cảm giác cảm thọ cả hai mũi tên. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu khi cảm xúc khổ thọ; thời sầu muộn, than vãn, khóc lóc, đấm ngực, đi đến bất tỉnh. Người ấy cảm giác hai cảm thọ, cảm thọ về thân và cảm thọ về tâm. Cảm xúc bởi khổ thọ ấy, người ấy cảm thấy sân hận (patigha). Do cảm thấy sân hận đối với khổ thọ ấy, sân tùy miên đối với khổ thọ được tồn chỉ tùy miên (anuseti). Cảm xúc bởi khổ thọ, người ấy hoan hỷ dục lạc. Vì sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không tìm thấy một sự xuất ly khổ thọ nào khác, ngoài dục lạc. Do hoan hỷ dục lạc ấy, tham tùy miên đối với lạc thọ tồn tại. Người ấy không như thật rõ biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy. Do người ấy không như thật rõ biết sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy, nên vô minh tùy miên đối với bất khổ bất lạc thọ tồn tại. Nếu người ấy cảm thọ cảm giác lạc thọ, người ấy cảm thọ cảm giác như người bị trói buộc (sannutto). Nếu người ấy cảm thọ cảm giác khổ thọ, người ấy cảm thọ cảm giác như người bị trói buộc. Nếu người ấy cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ, người ấy cảm thọ cảm giác như người bị trói buộc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là kẻ vô văn phàm phu bị trói buộc bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng người ấy bị trói buộc bởi đau khổ.
9) Và này các Tỷ-kheo, bậc Đa văn Thánh đệ tử khi cảm xúc khổ thọ thời không có sầu muộn, không có than vãn, không có khóc lóc, không có đấm ngực, không có đi đến bất tỉnh. Vị ấy chỉ cảm thọ cảm giác một cảm thọ, tức là cảm thọ về thân, không phải cảm thọ về tâm.
10) Ví như, này các Tỷ-kheo, có người bị người ta bắn một mũi tên. Họ không bắn tiếp người ấy với mũi tên thứ hai. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người ấy cảm giác cảm thọ của một mũi tên. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, bậc Đa văn Thánh đệ tử khi cảm xúc khổ thọ; vị ấy không sầu muộn, không than vãn, không khóc lóc, không đấm ngực, không đi đến bất tỉnh. Vị ấy cảm giác chỉ một cảm thọ, cảm thọ về thân, không phải cảm thọ về tâm. Vị ấy không cảm thấy sân hận đối với khổ thọ ấy. Do không cảm thấy sân hận đối với khổ thọ ấy, sân tùy miên đối với khổ thọ không có tồn tại. Cảm xúc bởi khổ thọ, vị ấy không hoan hỷ dục lạc. Vì sao? Vì bậc Đa văn Thánh đệ tử có tuệ tri một sự xuất ly khác đối với khổ thọ, ngoài dục lạc. Vì vị ấy không hoan hỷ dục lạc, tham tùy miên đối với dục lạc không có tồn tại. Vị ấy như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của những cảm thọ ấy. Vì rằng, vị ấy như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy. Vì rằng, vị ấy như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các cảm thọ ấy, đối với bất khổ bất bất lạc thọ, vô minh tùy miên không có tồn tại. Nếu vị ấy cảm thọ lạc thọ, vị ấy cảm thọ lạc thọ như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác khổ thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác như người không bị trói buộc. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Tỷ-kheo không bị trói buộc bởi sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta nói rằng vị ấy không bị trói buộc bởi đau khổ.
11) Này các Tỷ-kheo, đây là sự đặc thù, đây là thù thắng, đây là sự sai biệt giữa bậc Đa văn Thánh đệ tử và kẻ vô văn phàm phu.
1) Bậc Trí tuệ Đa văn,
Lạc khổ không chi phối,
Giữa kẻ trí, phàm phu,
Thiện sai biệt rất lớn.
2) Bậc Đa văn, Tầm pháp,
Thấy đời này, đời sau,
Ái pháp không phá tâm,
Không ái, không sân hận.
3) Tùy thuận hay đối nghịch,
Tiêu tán, diệt, không còn,
Vị ấy biết con đường,
Đường không cấu, không sầu,
Chánh trí, đoạn tái sanh,
Đến được bờ giác ngộ.
7. VII. TẬT BỆNH (S.iv,210)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Vesali, Đại Lâm, tại giảng đường của Ngôi nhà có Nóc nhọn.
2) Rồi Thế Tôn, vào buổi chiều, từ chỗ tịnh cư đứng dậy, đi đến gian phòng chữa bệnh; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
– Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải chánh niệm, tỉnh giác khi thời đã đến (khi mệnh chung). Đây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chánh niệm. Sống quán thọ trên các cảm thọ... quán tâm trên tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chánh niệm.
4) Và như thế nào, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tỉnh giác?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay, đều tỉnh giác; khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nếm đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, im lặng đều tỉnh giác. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo tỉnh giác.
5) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải chánh niệm tỉnh giác khi thời đã đến. Đây là lời giáo giới của Ta cho các Ông.
6) Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống chánh niệm, tỉnh giác, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, lạc thọ khởi lên. Vị ấy tuệ tri như sau: “Lạc thọ này khởi lên nơi ta. Lạc thọ ấy có duyên, không phải không duyên. Do duyên gì? Do duyên chính thân này, nhưng thân này là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do duyên thân khởi lên, và duyên này là vô thường, hữu vi, thời lạc thọ được khởi lên, làm sao thường trú được”. Vị ấy trú, quán vô thường đối với thân và lạc thọ. Vị ấy trú, quán tiêu vong (vaya). Vị ấy trú, quán ly tham. Vị ấy trú, quán đoạn diệt. Vị ấy trú, quán từ bỏ. Do vị ấy trú, quán vô thường; do vị ấy trú, quán tiêu vong; do vị ấy trú, quán ly tham; do vị ấy trú, quán đoạn diệt; do vị ấy trú, quán từ bỏ đối với thân và lạc thọ của vị ấy, nên tham tùy miên đối với thân và lạc thọ được đoạn diệt.
7) Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống chánh niệm, tỉnh giác, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, khổ thọ khởi lên. Vị ấy tuệ tri như sau: “Khổ thọ này khởi lên nơi ta. Khổ thọ ấy có duyên, không phải không duyên. Do duyên gì? Do duyên chính thân này. Nhưng thân này là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do duyên thân khởi lên, và duyên này là vô thường, hữu vi, thời khổ thọ được khởi lên, làm sao thường trú được”. Vị ấy trú, quán vô thường đối với thân và khổ thọ. Vị ấy trú, quán tiêu vong. Vị ấy trú, quán ly tham. Vị ấy trú, quán đoạn diệt. Vị ấy trú, quán từ bỏ. Do vị ấy trú, quán vô thường; do vị ấy trú, quán tiêu vong; do vị ấy trú, quán ly tham; do vị ấy trú, quán đoạn diệt; do vị ấy trú, quán từ bỏ đối với thân và khổ thọ của vị ấy, nên sân tùy miên đối với thân và khổ thọ được đoạn diệt.
8) Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống chánh niệm, tỉnh giác, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, bất khổ bất lạc thọ khởi lên. Vị ấy tuệ tri như sau: “Bất khổ bất lạc thọ này khởi lên nơi ta. Bất khổ bất lạc thọ ấy có duyên, không phải không duyên. Do duyên gì? Do duyên chính thân này. Nhưng thân này là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do duyên thân khởi lên, và duyên này là vô thường, hữu vi, do duyên sanh, thời bất khổ bất lạc thọ được khởi lên làm sao sẽ thường trú được?” Vị ấy trú, quán vô thường đối với thân và bất khổ bất lạc thọ. Vị ấy trú, quán tiêu vong. Vị ấy trú, quán ly tham. Vị ấy trú, quán đoạn diệt. Vị ấy trú, quán từ bỏ. Do vị ấy trú, quán vô thường; do vị ấy trú, quán tiêu vong; do vị ấy trú, quán ly tham; do vị ấy trú, quán đoạn diệt; do vị ấy trú, quán từ bỏ đối với thân và bất khổ bất lạc thọ của vị ấy, nên vô minh tùy miên đối với thân và bất khổ bất lạc thọ được đoạn diệt.
9) Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác lạc thọ, vị ấy tuệ tri: “Thọ ấy là vô thường”. Vị ấy tuệ tri: “Ta không chấp trước thọ ấy”. Vị ấy tuệ tri: “Ta không hoan hỷ thọ ấy”. Nếu vị ấy cảm thọ khổ thọ... Nếu vị ấy cảm thọ bất khổ bất lạc thọ, vị ấy tuệ tri: “Thọ ấy là vô thường”. Vị ấy tuệ tri: “Ta không chấp trước thọ ấy”. Vị ấy tuệ tri: “Ta không hoan hỷ thọ ấy”.
10) Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác lạc thọ, vị ấy cảm giác thọ ấy như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác khổ thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác thọ ấy như người không bị trói buộc. Nếu vị ấy cảm thọ cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị ấy cảm thọ cảm giác thọ ấy như người không bị trói buộc.
11) Khi vị ấy cảm thọ một cảm thọ cùng tận sức chịu đựng của thân, vị ấy tuệ tri: “Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của thân”. Khi vị ấy cảm thọ một cảm thọ cùng tận chịu đựng của sinh mạng, vị ấy tuệ tri: “Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của sinh mạng”. Vị ấy tuệ tri rằng: “Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây, một cảm thọ cảm giác không có gì đáng hoan hỷ, sẽ đi đến lắng dịu”.
12) Ví như, này các Tỷ-kheo, do duyên dầu và do duyên tim bấc, một ngọn đèn dầu được cháy đỏ. Khi dầu và tim bấc khô cạn, cháy hết, không được tiếp nhiên liệu thêm, ngọn đèn ấy bị tắt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi Tỷ-kheo cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của thân, vị ấy tuệ tri: “Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của thân”. Khi vị ấy đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của sinh mạng, vị ấy tuệ tri: “Ta đang cảm thọ một cảm thọ cùng tận đến sức chịu đựng của sinh mạng”. Vị ấy tuệ tri rằng: “Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây, mọi cảm thọ không có gì đáng hoan hỷ, sẽ đi đến lắng dịu”.
8. VIII. TẬT BỆNH (2) (S.iv,213)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Vesali, tại rừng Đại Lâm, tại giảng đường của Ngôi nhà có Nóc nhọn.
2) Rồi Thế Tôn vào buổi chiều...
3-5) – Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo chánh niệm?... (như kinh trước cho đến hết số 5) Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải chánh niệm, tỉnh giác khi thời đã đến. Đây là lời giáo giới của Ta cho các Ông...
6) Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo sống chánh niệm, tỉnh giác, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần như vậy, lạc thọ khởi lên. Vị ấy rõ biết như sau: “Lạc thọ này khởi lên nơi ta. Lạc thọ ấy khởi lên có duyên, không phải không duyên. Do duyên gì? Do duyên xúc này. Nhưng xúc này là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do duyên xúc khởi lên, và duyên này là vô thường, hữu vi, thời lạc thọ được khởi lên, làm sao có thể thường trú được?”. Vị ấy trú, quán vô thường đối với xúc và lạc thọ. Vị ấy trú, quán tiêu vong. Vị ấy trú, quán ly tham. Vị ấy trú, quán đoạn diệt. Vị ấy trú, quán từ bỏ. Do vị ấy trú, quán vô thường; do vị ấy trú, quán tiêu vong; do vị ấy trú, quán ly tham; do vị ấy trú, quán đoạn diệt; do vị ấy trú, quán từ bỏ đối với xúc và lạc thọ của vị ấy, nên tham tùy miên đối với xúc và lạc thọ bị đoạn diệt.
7-11) (Giống như kinh trước, từ số 7 đến số 11, chỉ khác ở đây là duyên xúc, chớ không phải thân này như kinh trước) “... Ở đây, mọi cảm thọ không có gì đáng hoan hỷ, sẽ đi đến lắng dịu”.
12) Ví như, này các Tỷ-kheo, do duyên dầu... sẽ đi đến lắng dịu. (như kinh trước).
9. IX. VÔ THƯỜNG (S.iv,214)
1-2)...
3) – Có ba thọ này, này các Tỷ-kheo, vô thường, hữu vi, do duyên sanh, chịu sự đoạn tận, chịu sự tiêu vong, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn diệt.
4) Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.
5) Ba thọ này, này các Tỷ-kheo, là vô thường, hữu vi, do duyên sanh, chịu sự đoạn tận, chịu sự tiêu vong, chịu sự ly tham, chịu sự đoạn diệt.
10. X. CĂN BẢN CỦA XÚC (S.iv,215)
1-2)...
3) – Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này do xúc sanh, lấy xúc làm căn bản, lấy xúc làm nhân duyên, lấy xúc làm trợ duyên.
4) Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.
5) Do xúc được cảm thọ là lạc, này các Tỷ-kheo, lạc thọ sanh. Do sự đoạn diệt của xúc ấy được cảm thọ là lạc, lạc thọ ấy khởi lên do duyên xúc tương ứng được cảm thọ là lạc, lạc thọ ấy đoạn diệt, được tịnh chỉ.
6) Do xúc được cảm thọ là khổ, này các Tỷ-kheo, khổ thọ sanh. Do sự đoạn diệt của xúc ấy được cảm thọ là khổ, khổ thọ ấy khởi lên do duyên xúc tương ứng được cảm thọ là khổ, khổ thọ ấy đoạn diệt, được tịnh chỉ.
7) Do xúc được cảm thọ là bất khổ bất lạc, này các Tỷ-kheo, bất khổ bất lạc thọ sanh. Do sự đoạn diệt của xúc ấy được cảm thọ là bất khổ bất lạc, bất khổ bất lạc ấy khởi lên do duyên xúc tương ứng được cảm thọ là bất khổ bất lạc, bất khổ bất lạc thọ ấy đoạn diệt, được tịnh chỉ.
8) Ví như, này các Tỷ-kheo, hai khúc gỗ cọ xát nhau, đem đến gần nhau, nên sức nóng sanh ra, lửa được hiện hữu. Khi hai khúc gỗ ấy bị phân ly tuyệt duyên, thời sức nóng khởi lên do duyên ấy được đoạn diệt, được tịnh chỉ.
9) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, ba thọ này do xúc sanh, lấy xúc làm căn bản, lấy xúc làm nhân duyên, lấy xúc làm trợ duyên, do duyên xúc tương ứng, các thọ tương ứng, tương ứng, khởi lên. Do sự đoạn diệt của xúc tương ứng, tương ứng các thọ tương ứng, tương ứng được đoạn diệt.
PHẦN HAI: PHẨM SỐNG MỘT MÌNH
11. I. SỐNG MỘT MÌNH (S.iv,216)
1)...
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Ở đây, bạch Thế Tôn, khi con sống một mình, Thiền tịnh, tâm tư như sau được khởi lên: “Thế Tôn dạy có ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ”. Ba thọ này được Thế Tôn thuyết dạy. Nhưng Thế Tôn lại nói: “Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy (nằm) trong đau khổ”. Do liên hệ đến cái gì, lời nói này được Thế Tôn nói lên: “Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy (nằm) trong đau khổ”?
4) – Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Này Tỷ-kheo, Ta nói rằng có ba thọ này: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ba thọ này được Ta nói đến. Nhưng này Tỷ-kheo, Ta lại nói: “Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy (nằm) trong đau khổ”. Chính vì liên hệ đến tánh vô thường của các hành mà lời ấy được Ta nói lên: “Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy nằm trong đau khổ”. Chính vì liên hệ đến tánh đoạn tận, tánh tiêu vong, tánh ly tham, tánh đoạn diệt, tánh biến hoại của các hành mà lời ấy được Ta nói lên: “Phàm cái gì được cảm thọ, cái ấy (nằm) trong đau khổ”.
5) Nhưng này Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự đoạn diệt các hành là tuần tự: khi chứng được Thiền thứ nhứt, lời nói được đoạn diệt; khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được đoạn diệt; khi chứng Thiền thứ ba, hỷ được đoạn diệt; khi chứng Thiền thứ tư, hơi thở vô, hơi thở ra được đoạn diệt; khi chứng Không vô biên xứ, sắc tưởng được đoạn diệt; khi chứng Thức vô biên xứ, không vô biên xứ tưởng được đoạn diệt; khi chứng Vô sở hữu xứ, thức vô biên xứ tưởng được đoạn diệt; khi chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vô sở hữu xứ tưởng được đoạn diệt; khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được đoạn diệt. Đối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được đoạn diệt, sân được đoạn diệt, si được đoạn diệt.
6) Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự tịnh chỉ các hành là tuần tự; khi chứng Thiền thứ nhứt, lời nói được tịnh chỉ; khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được tịnh chỉ... ... khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được tịnh chỉ. Đối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được tịnh chỉ, sân được tịnh chỉ, si được tịnh chỉ.
7) Này các Tỷ-kheo, có sáu khinh an này, khi chứng Thiền thứ nhứt, lời nói được khinh an; khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được khinh an; khi chứng Thiền thứ ba, hỷ được khinh an; khi chứng Thiền thứ tư, hơi thở vô, hơi thở ra được khinh an; khi chứng Không vô biên xứ, sắc tưởng được khinh an; khi chứng Vô sở hữu xứ, thức vô biên xứ tưởng được khinh an; khi chứng Phi tưởng phi phi tưởng xứ, vô sở hữu xứ tưởng được khinh an; khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được khinh an. Đối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được khinh an, sân được khinh an, si được khinh an.
12. II. HƯ KHÔNG (1)(S.iv,218)
1-2)...
3) – Ví như ở trên hư không có nhiều loại gió thổi. Có gió từ phương Đông thổi. Có gió từ phương Tây thổi. Có gió từ phương Bắc thổi. Có gió từ phương Nam thổi. Có gió có bụi thổi. Có gió không bụi thổi. Có gió lạnh thổi. Có gió nóng thổi. Có gió lượng nhỏ thổi, có gió lượng lớn thổi. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong cái thân này, có nhiều loại thọ sai biệt khởi lên. Lạc thọ khởi lên. Khổ thọ khởi lên. Bất khổ bất lạc thọ khởi lên.
1) Giống như giữa hư không,
Gió nhiều loại thổi lên,
Từ phương Đông, phương Tây,
Từ phương Bắc, phương Nam.
2) Gió có bụi, không bụi,
Có gió lạnh, gió nóng,
Có gió lớn, gió nhỏ,
Gió nhiều loại, thổi lên.
3) Cũng vậy, trong thân này,
Khởi lên nhiều cảm thọ,
Lạc thọ và khổ thọ,
Bất khổ bất lạc thọ.
4) Khi Tỷ-kheo nhiệt tâm,
Tỉnh giác, không sanh y,
Do vậy, bậc Hiền giả,
Liễu tri tất cả thọ.
5) Vị ấy liễu tri thọ,
Ngay hiện tại, vô lậu,
Thân hoại, bậc Pháp trú,
Đại trí, vượt ước lường.
13. III. HƯ KHÔNG (2)(S.iv,219)
(Như kinh trên chỉ khác là không có bài kệ)
14. IV. KHÁCH XÁ (S.iv,219)
1-2)...
3) – Ví như, này các Tỷ-kheo, một nhà khách, ở đấy, từ phương Đông có một người đến ở. Từ phương Tây, có người đến ở. Từ phương Bắc, có người đến ở. Từ phương Nam, có người đến ở. Những người Sát-đế-lỵ đến ở, những người Bà-la-môn đến ở, những người Phệ-xá (Vessa) đến ở, những người Thủ-đà (Suddà) đến ở. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, trong cái thân này có nhiều loại thọ sai biệt khởi lên. Lạc thọ khởi lên, khổ thọ khởi lên, bất khổ bất lạc thọ khởi lên.
4) Có những lạc thọ liên hệ đến vật chất khởi lên. Có những khổ thọ liên hệ đến vật chất khởi lên. Có những bất khổ bất lạc thọ liên hệ đến vật chất khởi lên. Có những lạc thọ không liên hệ đến vật chất khởi lên. Có những khổ thọ không liên hệ đến vật chất khởi lên. Có những bất khổ bất lạc thọ không liên hệ đến vật chất khởi lên.
15. V. THUỘC SỞ HỮU (1) (S,iv,219)
1)...
2) Rồi Tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến...
3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, thế nào là các thọ? Thế nào là thọ tập khởi? Thế nào là thọ đoạn diệt? Thế nào là con đường đưa đến thọ đoạn diệt? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự nguy hiểm của thọ? Thế nào là sự xuất ly của thọ?
4) – Có ba thọ này, này Ànanda, lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Ànanda, đây gọi là các thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Con đường Thánh đạo Tám ngành là con đường đưa đến thọ đoạn diệt, tức là chánh tri kiến... chánh định. Do duyên thọ khởi lên lạc hỷ nào, đấy là vị ngọt của thọ. Sự vô thường, khổ, biến hoại của thọ là sự nguy hiểm của thọ. Sự nhiếp phục dục và tham (chandaràga) đối với thọ, sự đoạn tận dục và tham là sự xuất ly của thọ.
5) Này Ànanda, Ta tuyên bố rằng đoạn diệt (nirodho) các hành là tuần tự. Khi chứng Thiền thứ nhất, lời nói được đoạn diệt. Khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được đoạn diệt... Khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được đoạn diệt. Đối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được đoạn diệt, sân được đoạn diệt, si được đoạn diệt.
6) Này Ànanda, Ta tuyên bố rằng tịnh chỉ (vùpasamo) các hành là tuần tự. Khi chứng Thiền thứ nhất, lời nói được tịnh chỉ. Khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được tịnh chỉ... Khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được tịnh chỉ. Đối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được tịnh chỉ, sân được tịnh chỉ, si được tịnh chỉ.
7) Này Ànanda, Ta tuyên bố rằng khinh an (passadhi) các hành là tuần tự. Khi chứng Thiền thứ nhất, lời nói được khinh an. Khi chứng Thiền thứ hai, tầm tứ được khinh an... Khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được khinh an. Đối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được khinh an, sân được khinh an, si được khinh an.
16. VI. THUỘC SỞ HỮU (2) (Santakam) (S.iv,221)
1)...
2) Rồi Tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn...
3) Thế Tôn nói với Tôn giả Ànanda đang ngồi một bên:
– Này Ànanda, thế nào là các thọ? Thế nào là thọ tập khởi? Thế nào là thọ đoạn diệt? Thế nào là con đường đưa đến thọ đoạn diệt? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự nguy hiểm của thọ? Thế nào là sự xuất ly của thọ?
4) – Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy Thế Tôn làm chỉ đạo, lấy Thế Tôn làm chỗ nương tựa. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn nói cho ý nghĩa của lời nói này! Sau khi nghe Thế Tôn, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
– Vậy này Ànanda, hãy lắng nghe và khéo tác ý, Ta sẽ giảng.
– Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ànanda vâng đáp Thế Tôn.
5-8) Thế Tôn nói như sau:
– Này Ànanda, có ba thọ này: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Ànanda, đây gọi là các thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt... (như kinh trên từ số 4 đến số 7). Đối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được khinh an, sân được khinh an, si được khinh an.
17. VII. TÁM LẦN (1) (Atthaka) (S.iv,221)
1)...
2) Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, thế nào là các thọ? Thế nào là thọ tập khởi? Thế nào là thọ đoạn diệt? Thế nào là con đường đưa đến thọ đoạn diệt? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự nguy hiểm của thọ? Thế nào là sự xuất ly của thọ?
4) – Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là các thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến thọ đoạn diệt, tức là chánh tri kiến... chánh định. Do duyên thọ khởi lên lạc hỷ gì, đấy là vị ngọt của thọ. Tánh vô thường, khổ, chịu sự biến hoại của thọ là sự nguy hiểm của thọ. Sự nhiếp phục dục tham, sự đoạn tận dục tham đối với thọ là sự xuất ly của thọ.
5) Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng sự đoạn diệt của thọ là tuần tự. Khi chứng Thiền thứ nhất, lời nói được đoạn diệt... Đối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được đoạn tận, sân được đoạn tận, si được đoạn tận.
6) Rồi, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng tịnh chỉ các hành là tuần tự. Khi chứng Thiền thứ nhất, các lời nói được tịnh chỉ... Đối với Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, tham được tịnh chỉ, sân được tịnh chỉ, si được tịnh chỉ.
7) Này các Tỷ-kheo, có sáu khinh an. Khi chứng Thiền thứ nhất, lời nói được khinh an. Khi chứng Thiền thứ hai, tầm và tứ được khinh an. Khi chứng Thiền thứ ba, hỷ được khinh an. Khi chứng Thiền thứ tư, hơi thở vô, hơi thở ra được khinh an. Khi chứng Diệt thọ tưởng định, tưởng và thọ được khinh an. Đối với Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, tham được khinh an, sân được khinh an, si được khinh an.
18. VIII. TÁM LẦN (2) (S.iv,222)
1)...
2) Rồi một số đông các Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
3) Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo ấy đang ngồi một bên:
– Này các Tỷ-kheo, thế nào là các thọ? Thế nào là thọ tập khởi? Thế nào là thọ đoạn diệt? Thế nào là con đường đưa đến thọ đoạn diệt? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự nguy hiểm của thọ? Thế nào là sự xuất ly của thọ?
4) – Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản...
5-8)... (giống như số 4-7 của kinh số 15)...
19. IX. NĂM VẬT DỤNG (S.iv,223)
1)...
2) Rồi người thợ mộc Pancakanga đi đến Tôn giả Udàyi; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Udàyi rồi ngồi xuống một bên.
3) Ngồi xuống một bên, thợ mộc Pancakanga thưa với Tôn giả Udàyi:
– Thưa Tôn giả Udàyi, Thế Tôn dạy có bao nhiêu thọ?
– Có ba thọ, này Pancakanga, được Thế Tôn nói đến: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ba thọ này, này Pancakanga, được Thế Tôn nói đến.
4) Được nghe nói vậy, thợ mộc Pancakanga thưa với Tôn giả Udàyi:
– Thưa Tôn giả Udàyi, Thế Tôn không dạy ba thọ. Thế Tôn dạy chỉ có hai thọ: lạc thọ và khổ thọ. Còn về bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn dạy thuộc vào tế nhị lạc thọ.
5) Lần thứ hai, Tôn giả Udàyi nói với thợ mộc Pancakanga:
– Này Pancakanga, Thế Tôn không dạy hai thọ. Thế Tôn dạy có ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ba thọ này được Thế Tôn nói đến.
Lần thứ hai, thợ mộc Pancakanga thưa với Tôn giả Udàyi:
– Thưa Tôn giả Udàyi, Thế Tôn không dạy có ba thọ. Thế Tôn dạy có hai thọ: lạc thọ và khổ thọ. Còn bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn dạy thuộc vào tế nhị lạc thọ.
6) Lần thứ ba, Tôn giả Udàyi nói với thợ mộc Pancakanga:
– Này Pancakanga, Thế Tôn không dạy hai thọ. Thế Tôn dạy có ba thọ: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Ba thọ này được Thế Tôn nói đến.
Lần thứ ba, thợ mộc Pancakanga thưa với Tôn giả Udàyi:
– Thưa Tôn giả Udàyi, Thế Tôn không dạy có ba thọ. Thế Tôn dạy có hai thọ: lạc thọ, khổ thọ. Còn bất khổ bất lạc thọ này, Thế Tôn dạy thuộc vào tế nhị lạc thọ.
Như vậy, Tôn giả Udàyi không có thể thuyết phục được thợ mộc Pancakanga, và thợ mộc Pancakanga không thể thuyết phục được Tôn giả Udàyi.
7) Tôn giả Ànanda nghe được câu chuyện này giữa Tôn giả Udàyi và thợ mộc Pancakanga.
8) Rồi Tôn giả Ànanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ànanda thuật lại với Thế Tôn tất cả câu chuyện xảy ra giữa Tôn giả Udàyi và thợ mộc Pancakanga.
9) – Dầu thật có pháp môn (pariyàyam), này Ànanda, nhưng thợ mộc Pancakanga không tín thọ Tỷ-kheo Udàyi. Và dầu thật có pháp môn, này Ànanda, nhưng Tỷ-kheo Udàyi không tín thọ thợ mộc Pancakanga. Có hai thọ, này Ànanda, theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có ba thọ theo pháp giải thích của Ta. Cũng có năm thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có sáu thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có 16 thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có 108 thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Như vậy, này Ànanda, là pháp được Ta tuyên bố tùy theo pháp môn.
10) Này Ànanda, dầu cho như vậy là pháp được Ta tuyên bố tùy theo pháp môn, này Ànanda, những ai không chịu chấp nhận, không chịu tán đồng, không chịu tùy hỷ lời khéo nói, khéo thuyết với nhau; đối với những người ấy sẽ xảy đến như sau: Họ sẽ sống đấu tranh nhau, hủy báng nhau, tranh luận nhau với những khí giới miệng lưỡi. Như vậy là pháp được Ta tuyên bố tùy theo pháp môn. Này Ànanda, dầu cho như vậy là pháp được Ta tuyên bố tùy theo pháp môn, những ai chịu chấp nhận, chịu tán đồng, chịu tùy hỷ lời khéo nói, khéo thuyết với nhau; đối với những người ấy, sẽ xảy đến như sau: Họ sẽ sống hòa hợp, hoan hỷ với nhau, không có tranh luận nhau, như nước với sữa, sống nhìn nhau với cặp mắt từ ái.
11) Và này Ànanda, có năm dục công đức này. Thế nào là năm? Có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn... Có những xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này Ànanda, có năm dục công đức này. Do duyên năm dục công đức này, này Ànanda, khởi lên lạc hỷ gì, đây gọi là dục lạc.
12) Này Ànanda, có thể có những người nói như sau: “Đây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Có lạc khác với lạc ấy, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn. Ở đây, này Ànanda, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng đạt và trú Thiền thứ nhất. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tốt đẹp hơn.
13) Này Ànanda, có thể có những người nói như sau: “Đây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn. Và này Ànanda, thế nào là lạc khác với lạc ấy còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn? Ở đây, này Ànanda, Tỷ-kheo tịnh chỉ các tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tỉnh nhứt tâm. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.
14) Này Ànanda, có thể có những người nói như sau: “Đây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn. Và này Ànanda, thế nào là lạc khác với lạc ấy còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn? Ở đây, này Ànanda, Tỷ-kheo ly hỷ, trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.
15) Này Ànanda, có thể có những người nói như sau: “Đây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn. Và này Ànanda, thế nào là lạc khác với lạc ấy còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn? Ở đây, này Ànanda, Tỷ-kheo xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.
16) Này Ànanda, có thể có những người nói như sau: “Đây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn. Và này Ànanda, thế nào là lạc khác với lạc ấy còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn? Ở đây, này Ànanda, Tỷ-kheo vượt qua các sắc tưởng một cách hoàn toàn, chấm dứt các đối ngại tưởng, không tác ý sai biệt tưởng, biết rằng: “Hư không là vô biên”, chứng và trú Không vô biên xứ. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.
17) Này Ànanda, có thể có những người nói như sau: “Đây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn... Ở đây, này Ànanda, Tỷ-kheo vượt qua Không vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Thức là vô biên”, chứng và trú Thức vô biên xứ. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.
18) Này Ànanda, có thể có những người nói như sau: “Đây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn... Ở đây, này Ànanda, Tỷ-kheo vượt qua Thức vô biên xứ một cách hoàn toàn, biết rằng: “Không có sở hữu gì”, chứng và trú Vô sở hữu xứ. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.
19) Này Ànanda, có thể có những người nói như sau: “Đây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn... Ở đây, này Ànanda, Tỷ-kheo vượt qua Vô sở hữu xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.
20) Này Ànanda, có thể có những người nói như sau: “Đây là lạc và hỷ tối thượng mà chúng sanh cảm thọ được”. Nhưng Ta không chấp nhận quan điểm này. Vì sao? Vì rằng có lạc khác với lạc ấy, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn... Ở đây, này Ànanda, Tỷ-kheo vượt qua Phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách hoàn toàn, chứng và trú Diệt thọ tưởng định. Lạc này là lạc khác với lạc kia, này Ànanda, còn vi diệu hơn, còn tế nhị hơn.
21) Sự kiện này xảy ra, này Ànanda. Có các du sĩ ngoại đạo có thể hỏi như sau: “Sa-môn Gotama nói đến Diệt thọ tưởng định, và tuyên bố là Diệt thọ tưởng định ấy thuộc về lạc. Ý nghĩa này là gì và như thế nào?”. Được nói vậy, này Ànanda, các du sĩ ngoại đạo cần được trả lời như sau: “Này chư Hiền, Thế Tôn không tuyên bố thuộc về lạc, dựa vào lạc thọ. Nhưng chỗ nào, này chư Hiền, lạc được cảm thọ, chỗ ấy, Thế Tôn tuyên bố cảm thọ thuộc vào lạc thọ”.
20. X. BỞI VỊ TỶ-KHEO (S.iv,228)
1-2)...
3) – Có hai thọ, này các Tỷ-kheo, theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có ba thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có năm thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có sáu thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có 16 thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có 36 thọ theo pháp môn giải thích của Ta. Cũng có 108 thọ theo pháp môn giải thích của Ta.
4-15)... (giống như đoạn sau của kinh trước, từ số 10 cho đến số 21, chỉ khác trong kinh trước, Thế Tôn nói với Tôn giả Ànanda, trong kinh này Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo).
PHẦN BA: PHẨM MỘT TRĂM LẺ TÁM PHÁP MÔN
21. I. SÌVAKA (S.iv,230)
1) Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha (Vương xá) tại Trúc lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Rồi du sĩ Moliya Sìvaka đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.
3) Ngồi một bên, du sĩ Moliya Sìvaka thưa với Thế Tôn:
– Thưa Tôn giả Gotama, có một số Sa-môn, Bà-la-môn thuyết như sau, thấy như sau: “Con người cảm thọ cảm giác gì, lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; tất cả thọ ấy đều do nhân đã làm trong quá khứ”. Ở đây, Tôn giả Gotama nói như thế nào?
4) – Này Sìvaka, ở đây, một số cảm thọ khởi lên, phát sanh từ mật (semhà). Này Sìvaka, hoặc là Ông phải tự mình (sàma) biết rằng: “Ở đây, một số cảm thọ khởi lên, phát sanh từ mật”. Hay là, này Sìvaka, thế giới chấp nhận là đúng sự thật rằng: “Ở đây, một số cảm thọ khởi lên phát sanh từ mật”. Ở đây, này Sìvaka, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào thuyết như sau, thấy như sau: “Con người cảm thọ cảm giác gì, lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ; tất cả thọ đều do nhân đã làm trong quá khứ”; nếu do họ tự mình biết, họ thật sự đi quá xa; nếu được thế giới chấp nhận là đúng sự thật, họ cũng đi quá xa. Do vậy, Ta tuyên bố rằng các Sa-môn, Bà-la-môn ấy thuộc về tà.
5) Này Sìvaka, ở đây, một số cảm thọ khởi lên, phát sanh từ đàm (niêm dịch)...
6) Này Sìvaka... khởi lên, phát sanh từ gió...
7) Này Sìvaka... khởi lên, phát sanh từ sự gặp gỡ các... nước trong thân thể (sannipitikàni).
8) Này Sìvaka... khởi lên, phát sanh từ sự gặp gỡ các thời tiết...
9) Này Sìvaka... khởi lên, phát sanh từ sự gặp gỡ các nghịch vận...
10) Này Sìvaka... khởi lên, phát sanh từ các công kích thình lình từ bên ngoài vào...
11) Do quả dị thục của nghiệp, này Sìvaka, ở đây, một số cảm thọ được khởi lên. Này Sìvaka, hoặc là Ông phải tự mình biết rằng: “Ở đây, một số cảm thọ khởi lên vì kết quả dị thục của nghiệp”. Hay là, này Sìvaka, thế giới chấp nhận là đúng sự thật rằng: “Ở đây, một số cảm thọ khởi lên vì kết quả dị thục của nghiệp”. Ở đây, này Sìvaka, những vị Sa-môn, Bà-la-môn nào thuyết như sau, thấy như sau: “Con người cảm thọ cảm giác gì, lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ; tất cả thọ đều do nhân đã làm trong quá khứ”; nếu do họ tự mình biết, họ thật sự đi quá xa; nếu được thế giới chấp nhận là đúng sự thật, họ cũng đi quá xa. Do vậy, Ta tuyên bố rằng các Sa-môn, Bà-la-môn ấy thuộc về tà.
12) Khi được nói vậy, du sĩ Moliya Sìvaka bạch Thế Tôn:
– Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn... từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng!
Mật, niêm dịch và gió,
Sự gặp gỡ các loại nước,
Sự thay đổi thời tiết,
Sự gặp gỡ các nghịch vận,
Sự công kích thình lình,
Nghiệp quả là thứ tám.
22. II. MỘT TRĂM LẺ TÁM (S.iv,231)
1)...
2) – Này các Tỷ-kheo, Ta sẽ giảng cho các Ông pháp môn về pháp theo 108 pháp môn. Hãy lắng nghe.
3) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là pháp môn về pháp theo 108 pháp môn? Có hai thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có ba thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có năm thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có sáu thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có 18 thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có 36 thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta. Có 108 thọ, theo pháp môn thuyết giảng của Ta.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hai thọ? Thọ về thân và thọ về tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hai thọ.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là ba thọ? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là ba thọ.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là năm thọ? Lạc căn, khổ căn, hỷ căn, ưu căn, xả căn. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là năm thọ.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sáu thọ? Thọ do nhãn xúc sanh, thọ do nhĩ xúc sanh, thọ do tỷ xúc sanh, thọ do thiệt xúc sanh, thọ do thân xúc sanh, thọ do ý xúc sanh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là sáu thọ.
8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là 18 thọ? Có sáu tư duy thân cận (upavicàrà) với hỷ; có sáu tư duy thân cận với ưu; có sáu tư duy thân cận với xả. Này các Tỷ-kheo, đây là 18 thọ.
9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là 36 thọ? Sáu hỷ liên hệ đến gia đình, sáu hỷ liên hệ đến ly dục; sáu ưu liên hệ đến gia đình, sáu ưu liên hệ đến ly dục; sáu xả liên hệ đến gia đình, sáu xả liên hệ đến ly dục. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là 36 thọ.
10) Thế nào là 108 thọ? 36 thọ về quá khứ, 36 thọ về tương lai, 36 thọ về hiện tại. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là 108 thọ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là pháp môn về pháp theo 108 pháp môn.
23. III. VỊ TỶ-KHEO (S.iv,232)
1)...
2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
3) Ngồi một bên, Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, thế nào là thọ? Thế nào là thọ tập khởi? Thế nào là con đường đưa đến thọ tập khởi? Thế nào là thọ đoạn diệt? Thế nào là con đường đưa đến thọ đoạn diệt? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự nguy hiểm của thọ? Thế nào là sự xuất ly của thọ?
4) – Này Tỷ-kheo, có ba thọ này: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này Tỷ-kheo, đây gọi là ba thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Khát ái là con đường đưa đến thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến thọ đoạn diệt, tức là chánh tri kiến... chánh định. Do duyên thọ khởi lên lạc hỷ nào, đó là vị ngọt của thọ. Tánh vô thường, khổ, chịu sự biến hoại của thọ là sự nguy hiểm của thọ. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham là sự xuất ly của thọ.
24. IV. TRÍ VỀ QUÁ KHỨ (S.iv,233)
1)...
2) – Này các Tỷ-kheo, trước khi Ta giác ngộ, chưa chứng Chánh đẳng Chánh giác, khi còn là Bồ-tát, Ta suy nghĩ như sau: “Thế nào là thọ? Thế nào là thọ tập khởi? Thế nào là con đường đưa đến thọ tập khởi? Thế nào là thọ đoạn diệt? Thế nào là con đường đưa đến thọ đoạn diệt? Thế nào là vị ngọt của thọ? Thế nào là sự nguy hiểm của thọ? Thế nào là sự xuất ly của thọ?”
3) Và này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: “Có ba thọ này: lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Do xúc tập khởi nên thọ tập khởi. Ái là con đường đưa đến thọ tập khởi. Do xúc đoạn diệt nên thọ đoạn diệt. Con đường Thánh đạo Tám ngành này là con đường đưa đến thọ đoạn diệt, tức là chánh tri kiến... chánh định. Sự nhiếp phục dục và tham, sự đoạn tận dục và tham là sự xuất ly của thọ”.
4) Này các Tỷ-kheo, đây là các thọ, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
5) Này các Tỷ-kheo, đây là các thọ tập khởi, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
6) Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến thọ tập khởi, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
7) Này các Tỷ-kheo, đây là thọ đoạn diệt, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
8) Này các Tỷ-kheo, đây là con đường đưa đến thọ đoạn diệt, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe...
9) Này các Tỷ-kheo, đây là vị ngọt của thọ, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe...
10) Này các Tỷ-kheo, đây là sự nguy hiểm của thọ...
11) Này các Tỷ-kheo, đây là sự xuất ly của thọ, đối với các pháp từ trước Ta chưa từng được nghe, nhãn khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh khởi lên, quang khởi lên.
25. V. BỞI VỊ TỶ-KHEO (S.iv,234)
1) Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...
... (Kinh này giống như kinh số 23)...
26. VI. SA-MÔN, BÀ-LA-MÔN (1) (S.iv,234)
1)...
2) – Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.
3) Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật tuệ tri sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của ba thọ này...
4)... như thật tuệ tri... với thắng trí, tự mình chứng ngộ, chứng đạt và an trú.
27. VII. SA-MÔN, BÀ-LA-MÔN (2) (S.iv,235)
1)...
2) – Này các Tỷ-kheo, có ba thọ. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ.
... (giống như kinh số 26)...
28. VIII. SA-MÔN, BÀ-LA-MÔN (3) (S.iv,235)
1-2)...
3) – Này các Tỷ-kheo, có những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không tuệ tri thọ, không tuệ tri thọ tập khởi, không tuệ tri con đường đưa đến thọ tập khởi, không tuệ tri thọ đoạn diệt, không tuệ tri con đường đưa đến thọ đoạn diệt...
4)... như thật tuệ tri... tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú...
29. IX. THANH TỊNH, KHÔNG LIÊN HỆ ĐẾN VẬT CHẤT (S.iv,235)
1)...
2) – Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đây là ba thọ.
3) Này các Tỷ-kheo, có hỷ liên hệ đến vật chất, có hỷ không liên hệ đến vật chất, có hỷ không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại hỷ không liên hệ đến vật chất kia; có lạc liên hệ đến vật chất, có lạc không liên hệ đến vật chất, có lạc không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại lạc không liên hệ đến vật chất kia; có xả liên hệ đến vật chất, có xả không liên hệ đến vật chất, có xả không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại xả không liên hệ đến vật chất kia; có giải thoát liên hệ đến vật chất, có giải thoát không liên hệ đến vật chất, có giải thoát không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại giải thoát không liên hệ đến vật chất kia.
4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hỷ liên hệ đến vật chất? Này các Tỷ-kheo, có năm dục công đức này. Thế nào là năm? Có các sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn... Có xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây là năm dục công đức này. Này các Tỷ-kheo, do duyên năm dục công đức này, hỷ khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hỷ liên hệ đến vật chất.
5) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hỷ không liên hệ đến vật chất? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Làm tịnh chỉ tầm và tứ, chứng đạt và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhất tâm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hỷ không liên hệ đến vật chất.
6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hỷ không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại hỷ không liên hệ đến vật chất kia? Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, khi quán sát tâm giải thoát khỏi tham, khi quán sát tâm giải thoát khỏi sân, khi quán sát tâm giải thoát khỏi si, hỷ được khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là hỷ không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại hỷ không liên hệ đến vật chất kia.
7) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lạc liên hệ đến vật chất? Này các Tỷ-kheo, có năm dục công đức. Thế nào là năm? Có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn... Có những xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, đây là năm dục công đức. Này các Tỷ-kheo, do duyên năm dục công đức này, khởi lên lạc hỷ gì, này các Tỷ-kheo, đây gọi là lạc liên hệ đến vật chất.
8) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lạc không liên hệ đến vật chất? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Tịnh chỉ các tầm và tứ, vị ấy chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh, nhứt tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, vị ấy chứng đạt và trú Thiền thứ ba. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là lạc không liên hệ đến vật chất.
9) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là lạc không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại lạc không liên hệ đến vật chất kia? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, khi quán sát tâm giải thoát khỏi tham, quan sát tâm giải thoát khỏi sân, quán sát tâm giải thoát khỏi si, lạc và hỷ khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là lạc không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại lạc không liên hệ đến vật chất kia.
10) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xả liên hệ đến vật chất? Này các Tỷ-kheo, có năm dục công đức này. Thế nào là năm? Có những sắc do mắt nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn... Có những xúc do thân nhận thức khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái, liên hệ đến dục, hấp dẫn. Này các Tỷ-kheo, do duyên năm dục công đức này, xả khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là xả liên hệ đến vật chất.
11) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xả không liên hệ đến vật chất? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đoạn lạc, đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ từ trước, chứng đạt và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là xả không liên hệ đến vật chất.
12) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là xả không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại xả không liên hệ đến vật chất kia? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã đoạn tận các lậu hoặc, quán sát tâm giải thoát khỏi tham, quán sát tâm giải thoát khỏi sân, quán sát tâm giải thoát khỏi si, xả khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là xả không liên hệ đến vật chất còn hơn cả loại xả không liên hệ đến vật chất kia.
13-14) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là giải thoát liên hệ đến vật chất? Sự giải thoát liên hệ đến sắc là liên hệ đến vật chất... Sự giải thoát liên hệ đến vô sắc là không liên hệ đến vật chất.
16) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sự giải thoát không liên hệ đến vật chất còn hơn cả sự giải thoát không liên hệ đến vật chất kia? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đoạn tận các lậu hoặc, quán sát tâm giải thoát khỏi tham, quán sát tâm giải thoát khỏi sân, quán sát tâm giải thoát khỏi si, giải thoát khởi lên. Này các Tỷ-kheo, đây là sự giải thoát không liên hệ đến vật chất còn hơn cả sự giải thoát không liên hệ đến vật chất kia.