I. PHẨM THỨ NHẤT (S.i,46)
I. KASSAPA: Ca-diếp (Tạp 49.24 - Ca-diếp, Đại 2,361c) (Biệt Tạp 15.19, Đại 2,480c)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc). Rồi Thiên tử Kassapa (Ca-diếp), sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên tử Kassapa bạch Thế Tôn:
– Thế Tôn đề cao Tỷ-kheo và sự giáo giới vị Tỷ-kheo cho chúng con.
2) – Vậy này Kassapa, hãy nói lên ở đây về vấn đề ấy.
3) (Kassapa):
Hãy học điều khéo nói,
Trong hạnh nghiệp Sa-môn,
Vắng lặng, ngồi một mình,
Với tâm tư an tịnh.
4) Thiên tử Kassapa nói như vậy. Bậc Đạo sư chấp nhận. Rồi Thiên tử Kassapa, sau khi được biết: “Bậc Đạo sư đã chấp nhận ta”, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, rồi biến mất từ chỗ ấy.
II. KASSAPA (S.i,46) (Tạp 49.25 Ca-diếp, Đại 2,361c) (Biệt Tạp 15.20, Đại 2,480a)
1) Tại Sàvatthi.
2) Đứng một bên, Thiên tử Kassapa nói lên bài kệ này trước Thế Tôn:
Với tâm tư giải thoát,
Vị Tỷ-kheo tu thiền,
Và với lòng ước vọng,
Đạt được tâm sở nguyện.
Sau khi biết cuộc đời,
Hưng thịnh và phế tàn,
Tâm thuần, không nương tựa,
Hưởng lợi quả như chơn.
III. MÀGHA (S.i,47) (Tạp 49.16 Ma-khứu, Đại 2,360c) (Biệt Tạp 15.11, Đại 2,478c)
1) Tại Sàvatthi.
2) Rồi Thiên tử Màgha, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên tử Màgha nói với Thế Tôn bài kệ:
3) Sát vật gì được lạc?
Sát vật gì không sầu?
Có một pháp loại gì,
Ngài tán đồng sát hại,
Tôn giả Gotama?
(Thế Tôn)
4) Sát phẫn nộ được lạc,
Sát phẫn nộ không sầu,
Phẫn nộ với độc căn,
Với vị ngọt tối thượng.
Pháp ấy bậc Thánh Hiền,
Tán đồng sự sát hại.
Sát pháp ấy không sầu,
Này Hiền giả Thiên nhân.
IV. MÀGADHA
1) Đứng một bên, Thiên tử Màgadha nói lên với Thế Tôn bài kệ:
Vật gì chiếu sáng đời,
Do chúng, đời chói sáng?
Con đến hỏi Thế Tôn,
Muốn nghe lời giải đáp.
Bốn vật chiếu sáng đời,
Thứ năm đây không có,
Ngày, mặt trời sáng chói,
Đêm, mặt trăng tỏ rạng,
Lửa cháy đỏ đêm ngày,
Chói sáng khắp mọi nơi,
Chánh giác sáng tối thắng,
Sáng này sáng vô thượng.
V. DÀMALI (Tạp 49.18, Đàm-ma, Đại 2,360c) (Biệt Tạp 15.13, Đại 2,478c)
1) Tại Sàvatthi.
2) Thiên tử Dàmali, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên tử Dàmali nói lên bài kệ này trước Thế Tôn:
3) Ở đây, Bà-la-môn,
Tinh cần, không biếng nhác,
Đoạn trừ các dục vọng,
Nhờ vậy không tái sanh.
4) Thế Tôn bèn trả lời:
Ôi này Dàmali,
Với vị Bà-la-môn,
Không còn gì phải làm,
Việc phải làm đã làm,
Chính là Bà-la-môn.
Chúng sanh đủ tay chân,
Không tìm được chân đứng,
Trôi giạt và chìm nổi,
Trong biển rộng, sông dài.
Tìm được chỗ chân đứng,
Khô ráo vị ấy đứng,
Đã đến bờ bên kia,
Vị ấy không trôi giạt.
Vậy này Dàmali,
Ví dụ ấy là vậy.
Cũng vậy Bà-la-môn,
Đoạn trừ các lậu hoặc,
Sáng suốt và kín đáo,
Tinh tấn tu Thiền định.
Vị ấy đã đạt được,
Tận cùng đường sanh tử,
Đã đến bờ bên kia,
Nên không còn trôi giạt.
VI. KÀMADA (S.i,48) (Tạp 49.20 Thực trí, Đại 2,361a) (Biệt Tạp 15.15, Đại 2, 479a)
1) Đứng một bên, Thiên tử Kàmada bạch Thế Tôn:
2) Khó làm, bạch Thế Tôn,
Thế Tôn, thật khó làm.
Tuy vậy, Kàmada,
Họ làm việc khó làm,
Chính các vị hữu học,
Kiên trì tu giới định,
Đã chọn đời xuất gia,
Biết đủ, đem an lạc.
3) Biết đủ, bạch Thế Tôn,
Biết đủ, thật khó được.
Tuy vậy, Kàmada,
Họ được điều khó được.
Những vị lòng ưa thích,
Tâm tư được điều tịnh,
Cả ngày và cả đêm,
Ý an lạc tu tập.
4) Khó tịnh, bạch Thế Tôn,
Tâm ấy, thật khó tịnh.
Tuy vậy, Kàmada,
Họ tịnh tâm khó tịnh.
Những vị lòng ưa thích,
Các căn được tịch tịnh,
Cắt đứt lưỡi tử thần,
Bậc Hiền Thánh đi tới.
5) Khó đi, bạch Thế Tôn,
Con đường thật lồi lõm.
Tuy vậy, Kàmada,
Bậc Hiền Thánh vẫn đi.
Trên con đường khó đi,
Và có nhiều lồi lõm,
Kẻ phàm phu vấp ngã,
Trên đường mất thăng bằng.
Con đường đối bậc Thánh,
Là con đường thăng bằng,
Bậc Thánh bước thăng bằng,
Trên đường mất thăng bằng.
VII. PANCÀLACANDA (S.i,48)( Tạp 49.12 Ban-xà-la, Đại 2,358b) (Biệt Tạp 15.7, Đại 2,477a)
1) Đứng một bên, Thiên tử Pancàlacanda nói lên bài kệ này trước Thế Tôn:
Dầu giữa những chướng ngại,
Bậc Đại trí Chánh giác,
Vẫn tìm được lối thoát,
Vượt qua mọi chướng ngại.
Bậc trí hiểu Thiền định,
Biết từ bỏ, tối thắng,
Bậc Mâu-ni, ẩn sĩ,
2) Thế Tôn lên tiếng:
Pancàlacanda,
Dầu giữa những chướng ngại,
Họ tìm được lối thoát,
Họ tìm được Chánh pháp
Đưa đến quả Niết-bàn.
Những vị đạt chánh niệm,
Kiên trì không dao động,
Họ là bậc chơn chánh,
Tâm điều phục, định tĩnh.
VIII. TÀYANA (S.i,49) (Dhammapada 313, 314, 311, 312 Thera G 277)
1) Rồi Thiên tử Tàyana, trước kia thuộc ngoại Đạo sư, sau khi đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên tử Tàyana nói lên bài kệ này trước Thế Tôn:
2) Ôi này Bà-la-môn,
Tinh tấn, cắt dòng nước,
Đoạn trừ và tiêu diệt,
Mọi tham đắm dục vọng.
Ẩn sĩ không đoạn dục,
Không chứng được nhứt tâm.
Nếu làm việc phải làm,
Cần kiên trì, tinh tấn.
Xuất gia, nếu biếng nhác,
Càng tung vãi bụi trần.
Không làm, hơn làm dở,
Làm dở sau khổ đau.
Đã làm nên làm tốt,
Làm tốt không khổ đau.
Như nắm vụng lá cỏ,
Có thể bị đứt tay.
Sa-môn hạnh vụng tu,
Kéo đến cõi địa ngục.
Mọi sở hành biếng nhác,
Mọi hạnh tu ô nhiễm,
Ác hạnh trong Phạm hạnh,
Không đưa đến quả lớn.
3) Thiên tử Tàyana nói như vậy. Sau khi nói xong, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ ấy.
4) Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã mãn, liền gọi các Tỷ-kheo.
5) – Này các Tỷ-kheo, đêm nay Thiên tử Tàyana, trước kia thuộc ngoại Đạo sư, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Ta, sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên tử Tàyana nói lên bài kệ này trước mặt Ta:
6) “Ôi này Bà-la-môn
Tinh tấn cắt dòng nước,
Đoạn trừ và tiêu diệt,
Mọi tham đắm dục vọng.
Ẩn sĩ không đoạn dục,
Không chứng được nhứt tâm.
Nếu làm việc khó làm,
Cần kiên trì tinh tấn,
Xuất gia nếu biếng nhác,
Càng tung vãi bụi trần.
Không làm, hơn làm dở,
Làm dở sau khổ đau.
Đã làm nên làm tốt,
Làm tốt không khổ đau.
Như nắm vụng lá cỏ,
Có thể bị đứt tay,
Sa-môn hạnh vụng tu,
Kéo đến cõi địa ngục.
Mọi sở hành biếng nhác,
Mọi hạnh tu ô nhiễm,
Ác hạnh trong Phạm hạnh,
Không đưa đến quả lớn”.
7) Này các Tỷ-kheo, Thiên tử Tàyana nói như vậy. Nói vậy xong, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta và biến mất tại chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy đọc bài kệ của Tàyana. Này các Tỷ-kheo, hãy học thuộc lòng bài kệ của Tàyana. Này các Tỷ-kheo, bài kệ của Tàyana có đầy đủ nghĩa lợi và chính là căn bản của Phạm hạnh.
IX. CANDIMA (S.i,50) Nguyệt Thiên tử (Tạp 22.8 Nguyệt Thiên tử, Đại 2, 155a) (Biệt Tạp 9.7, Đại 2, 436a)
1) Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ).
Lúc bấy giờ, Thiên tử Candima bị Ràhu, vua A-tu-la bắt. Rồi Thiên tử Candima, tưởng niệm đến Thế Tôn, trong lúc ấy nói lên bài kệ này:
2) Đảnh lễ đấng Giác Ngộ,
Bậc Anh Hùng muôn thuở,
Ngài là bậc Giải Thoát,
Thoát ly thật viên mãn,
Còn con bị trói buộc,
Hãy cho con quy ngưỡng.
3) Rồi Thế Tôn, vì Thiên tử Candima, nói lên bài kệ này cho Ràhu, vua A-tu-la:
Canda đã quy y,
Như Lai, bậc La-hán,
Ràhu, hãy thả nó,
Vì chư Phật thương đời.
4) Rồi Ràhu, vua A-tu-la, giải thoát cho Thiên tử Candima. Như bị hốt hoảng, Ràhu đi đến Vepacitti, vua A-tu-la, run sợ, lông tóc dựng ngược và đứng một bên. Và Vepacitti, vua A-tu-la, nói lên bài kệ cho Ràhu, vua A-tu-la, đang đứng một bên:
5) Vì sao, như hốt hoảng,
Ràhu thả Canda,
Ông đến, lòng run sợ,
Ông đứng, tâm kinh hoàng?
6) – Đầu con bể thành bảy,
Đời con không hạnh phúc,
Với lời kệ đức Phật,
Nếu không thả Canda.
X. SURIYA: (S.i,51) Nhật Thiên tử...
1) Lúc bấy giờ, Thiên tử Suriya bị Ràhu, vua A-tu-la bắt. Rồi Thiên tử Suriya tưởng niệm đến Thế Tôn, trong lúc ấy nói lên bài kệ này:
2) Đảnh lễ đấng Giác Ngộ,
Bậc Anh Hùng muôn thuở,
Ngài là bậc Giải Thoát,
Thoát ly thật viên mãn,
Còn con bị trói buộc,
Hãy cho con quy ngưỡng.
3) Rồi Thế Tôn, vì Thiên tử Suriya, nói lên bài kệ này cho Ràhu, vua A-tu-la:
Suriya đã quy y,
Như Lai bậc La-hán,
Ràhu, hãy thả nó,
Vì chư Phật thương đời.
Ông đi giữa hư không,
Chớ nuốt Suriya,
Trong thế giới tối tăm,
Đã đem lại ánh sáng,
Là mặt trời sáng chói,
Là dĩa tròn hực đỏ,
Là lò lửa cháy nóng,
Là bà con của Ta.
Này Ràhu, (Ta nói):
Hãy thả Suriya.
4) Rồi Ràhu, vua A-tu-la, giải thoát cho Thiên tử Suriya. Như bị hốt hoảng, Ràhu đi đến Vepacitti, vua A-tu-la run sợ, lông tóc dựng ngược và đứng một bên. Và Vepacitti, vua A-tu-la, nói lên bài kệ cho Ràhu, vua A-tu-la, đang đứng một bên:
5) Vì sao, như hốt hoảng,
Ràhu, thả Suriya,
Ông đến, lòng run sợ,
Ông đứng, tâm kinh hoàng?
6) – Đầu con bể thành bảy,
Đời con không hạnh phúc,
Với lời kệ đức Phật,
Nếu không thả Suriya.
II. PHẨM CẤP CÔ ĐỘC (S.i,51)
I. CANDIMASA
Tại Sàvatthi.
1) Rồi Thiên tử Candimasa, sau khi đêm đã gần mãn,với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên tử Candimasa nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
2) Họ sẽ đi an toàn,
Như thú, vùng không muỗi,
Sau khi chứng Thiền định,
Nhứt tâm, niệm tỉnh giác,
Họ sẽ đi bờ kia,
Như cá, phá rách lưới,
Sau khi chứng Thiền định,
Tự chế, vượt lỗi lầm.
II. VENDU (S.i,52)
1) Đứng một bên, Thiên tử Vendu nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
2) Hạnh phúc thay những người,
Sau khi hầu Thiện Thệ,
Tuân phụng lời Ngài dạy,
Tu học không phóng dật!
3) Thế Tôn nói: Vendu!
Những ai Thiền tu học.
Trong pháp cú Ta dạy,
Tinh cần, không phóng dật,
Đúng thời họ sẽ đi,
Thoát khỏi tay tử thần.
III. DÌGHALATTHI (S.i,52)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha (Vương xá), Trúc lâm, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Rồi Thiên tử Dìghalatthi, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên tử Dìghalatthi nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Với tâm tư giải thoát,
Vị Tỷ-kheo tu Thiền,
Và với lòng ước vọng,
Đạt được tâm sở nguyện,
Sau khi biết cuộc đời,
Sanh khởi rồi đoạn diệt,
Tâm thuần không chấp trước,
Hưởng lợi quả như chơn.
IV. NANDANA (S.i,52)
1) Đứng một bên, Thiên tử Nandana nói bài kệ với Thế Tôn:
Con hỏi Gotama,
Bậc Đại Giác toàn trí,
Con hỏi đấng Thế Tôn,
Với tri kiến vạn năng.
Người nào gọi trì giới?
Người nào gọi trí tuệ?
Người nào vượt sầu khổ?
Người nào chư Thiên lạy?
(Thế Tôn):
2) Ai hộ trì giới luật,
Trí tuệ, tâm tu trì,
Chú tâm, vui Thiền định,
Tâm tư trú chánh niệm,
Tất cả mọi sầu khổ,
Được trừ diệt, đoạn tận,
Các lậu hoặc tận trừ,
Sống với thân tối hậu,
Vị ấy gọi trì giới,
Vị ấy gọi trí tuệ,
Vị ấy vượt sầu khổ,
Vị ấy chư Thiên lạy.
V. CADANA: CHIÊN ĐÀN (S.i,53)
1) Đứng một bên, Thiên tử Candana nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Làm sao vượt bộc lưu,
Ngày đêm vững, kiên trì,
Không trú, không bám víu,
Ai không chìm vực sâu?
(Thế Tôn):
2) Vị luôn luôn trì giới,
Trí tuệ, khéo định tĩnh,
Chí siêng năng dõng mãnh,
Vượt bộc lưu khó vượt.
Vị đoạn, ly dục tưởng,
Vượt khỏi sắc triền phược,
Đoạn tận hỷ, hữu ái,
Không chìm xuống vực sâu.
VI. SUDATTA (Tu-đạt-đa)
1) Đứng một bên, Thiên tử Sudatta nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Như kiếm đã chạm da,
Như lửa cháy trên đầu,
Tỷ-kheo hãy chánh niệm,
Xuất gia, bỏ ái dục.
(Thế Tôn):
2) Như kiếm đã chạm da,
Như lửa cháy trên đầu,
Tỷ-kheo hãy chánh niệm,
Xuất gia, bỏ thân kiến.
VII. SUBRAHMÀ (S.i,53)
1) Đứng một bên, Thiên tử Subrahmà nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Tâm này thường sợ hãi,
Ý này thường dao động,
Điều mong ước không khởi,
Điều không mong lại khởi,
Nếu có, không sợ hãi,
Hãy nói điều con hỏi.
(Thế Tôn):
2) Không ngoài hạnh giác chi,
Không ngoài hộ trì căn,
Không ngoài bỏ tất cả,
Ta thấy các pháp ấy,
Đưa đến sự an toàn,
Cho tất cả chúng sanh.
3) Rồi Thiên tử biến mất tại chỗ ấy.
VIII. KAKUDHA (S.i,54)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàketa, rừng Anjana, tại vườn Nai. Rồi Thiên tử Kokudha, sau khi đêm đã gần mãn, với nhan sắc thù thắng chói sáng toàn khu rừng Anjana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
2) Đứng một bên, Thiên tử Kakudha bạch Thế Tôn:
– Thưa Sa-môn, Ngài có hoan hỷ không?
– Ta được cái gì, này Hiền giả, mà Ta hoan hỷ?
– Nếu vậy, thưa Sa-môn, có phải Ngài sầu muộn?
– Ta mòn mỏi cái gì, này Hiền giả, mà Ta sầu muộn?
– Vậy thời thưa Sa-môn, Ngài không hoan hỷ và không sầu muộn?
– Thật như vậy, này Hiền giả.
3) Làm sao, này Tỷ-kheo,
Ngài không có sầu muộn,
Tuy vậy, Ngài cũng không
Có được sự hoan hỷ?
Làm sao nay Ngài lại,
Ngồi cô độc một mình,
Không có được hoan hỷ,
Cũng không bị dao động?
4) Thật sự, này Dạ-xoa,
Ta không có sầu muộn,
Tuy vậy ở nơi Ta,
Hoan hỷ không khởi lên,
Dầu nay Ta có ngồi,
Riêng một mình cô độc,
Ta không có hoan hỷ,
Cũng không bị dao động.
5) Làm sao, này Tỷ-kheo,
Ngài không có sầu muộn,
Làm sao ở nơi Ngài,
Hoan hỷ không khởi lên?
Làm sao nay Ngài lại,
Ngồi cô độc một mình,
Không có được hoan hỷ,
Cũng không bị dao động?
6) Hoan hỷ chỉ có đến,
Với người tâm sầu muộn,
Sầu muộn chỉ có đến,
Với người tâm hoan hỷ.
Do vậy, vị Tỷ-kheo,
Không hoan hỷ, sầu muộn.
Vậy nên, này Hiền giả,
Ông phải biết như vậy.
7) Đã lâu, con mới thấy,
Bà-la-môn tịch tịnh,
Vị Tỷ-kheo không sầu,
Cũng không có hoan hỷ,
Đã an toàn vượt khỏi,
Chỗ người đời đắm say.
IX. UTTARA (S.i,54)
1) Nhân duyên tại thành Vương xá.
Đứng một bên, Thiên tử Uttara nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
2) Mạng sống bị dắt dẫn,
Tuổi thọ chẳng là bao,
Bị dẫn đến già nua,
Không có nơi dừng bước.
Ai đem tâm quán tưởng,
Sợ hãi tử vong này,
Hãy làm các công đức,
Đưa đến chơn an lạc.
3) Mạng sống bị dắt dẫn,
Tuổi thọ chẳng là bao,
Bị dẫn đến già nua,
Không có nơi dừng bước.
Ai đem tâm quán tưởng,
Sợ hãi tử vong này,
Hãy bỏ mọi thế lợi,
Tâm hướng cầu tịch tịnh.
X. ANÀTHAPINDIKA: Cấp Cô Độc (S.i,55)
1) Đứng một bên, Thiên tử Cấp Cô Độc nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Đây là rừng Kỳ Viên,
Chỗ trú xứ Thánh chúng,
Chỗ ở đấng Pháp Vương,
Khiến tâm con hoan hỷ.
Nghiệp, minh và tâm pháp,
Giới và tối thắng mạng,
Chính những diệu pháp ấy,
Khiến chúng sanh thanh tịnh,
Không phải vì dòng họ,
Không phải vì tài sản.
Do vậy bậc Hiền giả,
Thấy lợi ích chính mình,
Chánh giác sát tâm pháp,
Như vậy được thanh tịnh.
Như ngài Xá-lợi-phất,
Tuệ, giới và tịch tịnh,
Tỷ-kheo đến bờ giác,
Ở đây là tối thượng.
2) Thiên tử Anàthapindika nói như vậy, nói vậy xong, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, rồi biến mất tại chỗ ấy.
3) Rồi Thế Tôn sau khi đêm ấy đã qua, liền gọi các Tỷ-kheo và nói:
4) – Này các Tỷ-kheo, đêm nay có Thiên tử, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Ta, sau khi đến, đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Đứng một bên, này các Tỷ-kheo, vị Thiên tử ấy nói lên bài lệ này trước mặt Ta:
5) “Đây là rừng Kỳ Viên,
Chỗ trú xứ Thánh chúng,
Chỗ ở đấng Pháp Vương,
Khiến tâm con hoan hỷ.
Nghiệp, minh và tâm pháp,
Giới và tối thắng mạng,
Chính những diệu pháp ấy,
Khiến chúng sanh thanh tịnh,
Không phải vì dòng họ,
Không phải vì tài sản.
Do vậy bậc Hiền giả,
Thấy lợi ích chính mình,
Chánh giác sát tâm pháp,
Như vậy được thanh tịnh.
Như ngài Xá-lợi-phất,
Tuệ, giới và tịch tịnh,
Tỷ-kheo đến bờ giác,
Ở đây là tối thượng”.
6) Này các Tỷ-kheo, Thiên tử ấy nói như vậy, nói vậy xong, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ.
7) Được nghe nói như vậy, Tôn giả Ànanda bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, có phải vị Thiên tử ấy là Anàthapindika? Gia chủ Anàthapindika hết dạ tín thành đối với Tôn giả Sàriputta?
8) – Lành thay! Lành thay! Này Ànanda, cho đến những gì có thể đạt được nhờ suy diễn, này Ànanda, Ông đã đạt được. Này Ànanda, Anàthapindika là vị Thiên tử ấy.
III. PHẨM CÁC NGOẠI ĐẠO (S.i,56)
I. SIVA
1) Như vậy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Độc). Rồi Thiên tử Siva, sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, Thiên tử Siva nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
2) Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Chỉ tốt hơn, không xấu.
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Được tuệ, không gì khác.
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Không sầu giữa sầu muộn.
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Chói sáng giữa quyến thuộc.
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Chúng sanh sanh thiện thú.
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền
Chúng sanh thường hưởng lạc.
3) Rồi Thế Tôn đáp lại Thiên tử Siva với bài kệ:
Hãy thân với người lành,
Hãy gần gũi người thiện,
Biết diệu pháp người hiền,
Giải thoát mọi khổ đau.
II. KHEMA (S.i,57)
Đứng một bên, Thiên tử Khema nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Kẻ ngu không trí tuệ,
Lấy ngã làm kẻ thù,
Tự làm các ác nghiệp,
Đưa đến quả đắng cay.
Nghiệp nào không khéo làm,
Làm xong bị nung nấu,
Với mặt đầy nước mắt,
Khóc lóc chịu quả báo.
Và nghiệp nào khéo làm,
Làm xong, không nung nấu,
Tâm vui, ý thoải mái,
Vị ấy hưởng quả báo.
Biết điều lợi cho mình,
Làm trước điều phải làm,
Không tâm trạng đánh xe,
Kẻ trí lòng tinh tấn.
Như người chủ đánh xe,
Rời đại đạo thăng bằng,
Leo lên đường lồi lõm,
Ưu tư nạn gãy trục.
Cũng vậy bỏ Chánh pháp,
Người ngu theo phi pháp,
Rơi vào miệng tử thần,
Ưu tư như gãy trục.
III. SERÌ (S.i,57)
1) Đứng một bên, Thiên tử Serì nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Cả hai loại Trời, Người,
Đều ưa thích ăn uống,
Có Dạ-xoa tên nào,
Lại không thích ăn uống!
(Thế Tôn)
Ai cho với lòng tin,
Với tâm tư thanh tịnh,
Được phần món ăn ấy,
Đời này và đời sau.
Vậy hãy ngăn xan tham,
Bố thí, nhiếp cấu uế,
Chúng sanh vẫn hưởng thọ,
Công đức trong đời sau.
2) – Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã nói điều khéo nói như vậy:
“Ai cho với lòng tin,
Với tâm tư thanh tịnh,
Được phần món ăn ấy,
Đời này và đời sau.
Vậy hãy ngăn xan tham,
Bố thí, nhiếp cấu uế,
Chúng sanh vẫn hưởng thọ,
Công đức trong đời sau”.
3) Bạch Thế Tôn, thuở xưa con là vị vua tên Serì, ưa bố thí, là bậc thí chủ tán thán bố thí. Bạch Thế Tôn, tại bốn cửa thành, bố thí được phân phát nhân danh con, cho những ai đến xin, cho các vị Bà-la-môn và Sa-môn, cho các người nghèo đói và tàn phế, cho các nhà lữ hành và hành khất.
4) Bạch Thế Tôn, khi con đến các cung phi của con, họ thưa với con: “Đại vương thường hay bố thí, còn chúng con chưa bố thí. Lành thay nếu chúng con được nương tựa Đại vương để bố thí và làm các công đức”.
5) Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Ta là người ưa bố thí, là thí chủ tán thán bố thí. Nay ta phải trả lời như thế nào khi họ đến và thưa: “Chúng ta hãy bố thí”?”. Bạch Thế Tôn, con cho các cung phi cửa thành thứ nhất. Ở đây các cung phi được bố thí, và bố thí của con trở lui lại cho con.
6) Rồi bạch Thế Tôn, các Sát-đế-lỵ (Khattiya) chư hầu của con đến con và thưa: “Đại vương đã bố thí. Các cung phi đã bố thí. Chúng con chưa bố thí. Lành thay nếu chúng con được nương tựa Đại vương để bố thí và làm các công đức”.
Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Ta là người ưa bố thí, là thí chủ tán thán bố thí. Nay ta phải trả lời như thế nào khi họ đến và thưa: “Chúng ta hãy bố thí”?”. Bạch Thế Tôn, con cho các chư hầu Khattiya cửa thành thứ hai. Ở đây các chư hầu Khattiya được bố thí, và bố thí của con được trở lui lại cho con.
7) Rồi bạch Thế Tôn, quân đội đến con và thưa: “Đại vương đã bố thí. Các cung phi đã bố thí. Các chư hầu Khattiya đã bố thí. Chúng con chưa bố thí. Tốt lành thay nếu chúng con được nương tựa Đại vương để bố thí và làm các công đức”.
Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Ta là người ưa bố thí, là thí chủ tán thán bố thí. Nay ta phải trả lời như thế nào khi họ đến và thưa: “Chúng ta hãy bố thí”?”. Bạch Thế Tôn, con cho quân đội cửa thành thứ ba. Ở đây quân đội được bố thí và bố thí của con được trở lui lại cho con.
8) Rồi bạch Thế Tôn, các Bà-la-môn gia chủ đến con và thưa: “Đại vương đã bố thí. Các cung phi đã bố thí. Các chư hầu Khattiya đã bố thí. Quân đội đã bố thí. Chúng con chưa bố thí. Tốt lành thay nếu chúng con được nương tựa Đại vương để bố thí và làm các công đức!”.
Bạch Thế Tôn, con suy nghĩ như sau: “Ta là người ưa bố thí, là thí chủ tán thán bố thí. Nay ta phải trả lời như thế nào khi họ đến và thưa: “Chúng ta hãy bố thí”?”. Bạch Thế Tôn, con cho các Bà-la-môn gia chủ cửa thành thứ tư. Ở đây các Bà-la-môn gia chủ được bố thí và bố thí của con được trở lui lại cho con.
9) Rồi bạch Thế Tôn, các người của con đến con và thưa: “Nay Đại vương không còn bố thí nào để cho nữa”.
Khi được nói vậy, bạch Thế Tôn, con nói với các người ấy như sau: “Này các Ông, các thuế má thâu hoạch được từ các nước ngoài vào, một nửa hãy gửi vào trong nội thành, một nửa ngay tại chỗ ấy đem bố thí cho các vị Sa-môn, Bà-la-môn, các người nghèo và tàn tật, các nhà lữ hành và hành khất”.
10) Như vậy, bạch Thế Tôn, con không chấm dứt trong một thời gian dài các việc làm công đức, trong một thời gian dài các việc làm thiện, những việc làm được con xem như là công đức, hay như là công đức quả hay như là những điều kiện được sanh thiên giới.
11) Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã nói lên điều khéo nói như vầy:
“Ai cho với lòng tin,
Với tâm tư thanh tịnh,
Được phần món ăn ấy,
Đời này và đời sau.
Vậy hãy ngăn xan tham,
Bố thí, nhiếp cấu uế,
Chúng sanh vẫn hưởng thọ,
Công đức trong đời sau”.
IV. GHATÌKARA (S.i,60)
1) Đứng một bên, Thiên tử Ghatìkara nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Được sanh Vô phiền thiên,
Bảy Tỷ-kheo giải thoát,
Đoạn tận tham và sân,
Siêu thoát đời ái trược.
2) Vượt bùn, họ là ai?
Khó vượt lệnh thần chết,
Sau khi bỏ thân người,
Họ thoát ách chư Thiên.
3) Họ là Upaka,
Và Phalaganda,
Với Pukkusàti,
Hợp thành là ba vị.
Lại thêm Bhaddiya,
Với Khandadeva,
Và Bàhuraggi,
Cùng với Pingiya,
Sau khi bỏ thân người,
Họ thoát ách chư Thiên.
(Thế Tôn):
4) Ông nói điều tốt lành,
Về bảy Tỷ-kheo ấy,
Họ thoát ly, đoạn trừ,
Các cạm bẫy Ma vương.
Pháp họ biết, của ai
Đoạn được hữu kiết sử?
(Ghatìkara):
5) Không ai ngoài Thế Tôn,
Chính thật giáo lý Ngài,
Họ biết pháp của Ngài,
Đoạn được hữu kiết sử.
Chỗ nào danh và sắc,
Được đoạn diệt không dư,
Họ học được pháp ấy,
Ở đây từ nơi Ngài.
Nhờ vậy họ đoạn trừ,
Hữu kiết sử trói buộc.
(Thế Tôn):
6) Lời Ông nói thâm sâu,
Khó biết, khó chứng ngộ,
Pháp Ông biết của ai,
Sao Ông không nói được?
(Ghatìkara):
7) Thuở xưa, con thợ gốm,
Tại Vehalinga,
Và con được tên gọi,
Là Ghatìkara.
Chính con lo nuôi dưỡng
Cả mẹ lẫn cả cha,
Đối với Phật Ca-diếp,
Con đệ tử tại gia.
Con viễn ly dâm dục,
Phạm hạnh, không thế vật,
Thuở xưa, con đồng hương,
Cũng là bạn của họ
Do vậy con biết họ,
Bảy Tỷ-kheo giải thoát,
Đoạn tận tham và sân,
Vượt qua đời phiền trược.
(Thế Tôn):
8) Vậy này Bhaggava,
Chính như Ông vừa nói,
Thuở xưa, Ông thợ gốm,
Tại Vehalinga,
Và Ông được tên gọi,
Là Ghatìkara,
Chính Ông lo nuôi dưỡng
Cả mẹ lẫn cả cha,
Đối với Phật Ca-diếp,
Ông đệ tử tại gia,
Ông viễn ly dâm dục,
Phạm hạnh, không thế vật.
9) Thuở xưa, Ông đồng hương,
Cũng là bạn của Ta.
Như vậy là hội ngộ,
Giữa những bạn thuở xưa,
Cả hai khéo tu tập,
Mang thân này tối hậu.
V. JANTU ( S.i,61)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời một số đông Tỷ-kheo trú ở Kosala (Câu-tát-la), trên sườn núi Himavanta (Tuyết sơn), tại một cốc nhỏ trong rừng. Họ tự cao, tự mãn, dao động, lắm mồm lắm miệng, ăn nói huyên thuyên, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tư tán loạn, các căn không chế ngự.
2) Rồi Thiên tử Jantu, vào đêm Bố-tát, ngày rằm, đi đến các Tỷ-kheo ấy, sau khi đến nói lên bài kệ với các Tỷ-kheo ấy:
Các Tỷ-kheo thuở xưa,
Sống thật chơn an lạc,
Họ thật là đệ tử,
Bậc Đại Giác Cù-đàm.
Không ham tìm món ăn,
Không ham tìm chỗ trú,
Biết đời là vô thường,
Họ chấm dứt khổ đau.
Nay tự làm ác hạnh,
Như thôn trưởng trong làng.
Họ ăn, ăn ngả gục,
Thèm khát vật nhà người.
Con vái chào chúng Tăng,
Đảnh lễ một vài vị
Kẻ khác, sống vất vưởng,
Không chỉ đạo, hướng dẫn.
Họ giống như thân thể
Kẻ chết bị quăng bỏ.
Những ai sống phóng dật,
Vì họ con nói lên,
Những ai không phóng dật,
Chân thành, con đảnh lễ.
VI. ROHITA (S.i,61)
1) Tại Sàvatthi (Xá-vệ).
2) Đứng một bên, Thiên tử Rohitassa bạch Thế Tôn:
– Bạch Thế Tôn, tại chỗ nào không có sanh, không có già, không có chết, không có diệt, không có khởi, làm sao, bạch Thế Tôn, với bộ hành, có thể biết được, hay thấy được, hay đạt được sự tận cùng của thế giới?
3) – Này Hiền giả, tại chỗ nào không có sanh, không có già, không có chết, không có diệt, không có khởi, Ta nói rằng (tại chỗ ấy), không có thể với bộ hành, biết được, hay thấy được, hay đạt được sự tận cùng của thế giới.
4) – Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã nói lên điều khéo nói như vầy: “Này Hiền giả, tại chỗ nào không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi, Ta nói rằng tại chỗ ấy, không có thể với bộ hành biết được, hay thấy được, hay đạt được sự tận cùng của thế giới”.
5) Bạch Thế Tôn, thuở trước, con tên là Rohita con của Bhoja, có thần thông, có thể đi giữa hư không. Bạch Thế Tôn, tốc lực con mau lẹ cho đến con có thể bay, như người thợ bắn cung lão luyện, khéo tập, khéo luyện, thuần thục, thiện xảo, với một cây cung chắc mạnh không gì khó khăn, có thể bắn một mũi tên nhẹ bay vượt qua bóng tối của cây tala.
6) Và bạch Thế Tôn, bước đi của con dài cho đến con có thể bước từ biển phía Đông qua biển phía Tây. Và ở nơi con, bạch Thế Tôn, khởi lên sự ước muốn như sau: “Với bộ hành, ta có thể đạt đến được sự tận cùng của thế giới”.
7) Và bạch Thế Tôn, dầu cho tốc lực của con mau đến như vậy, và dầu cho con có bước dài đến như vậy, và dầu cho con không có dừng để ăn, hay uống, hay nhai, hay nếm, dầu cho con không có đại tiện, tiểu tiện, dầu cho con không ngủ, không bị mệt nhọc, không trừ cấu uế, dầu cho trăm năm là tuổi thọ thường tình, dầu cho trăm năm là mạng sống thường tình, tuy con đi hơn trăm năm và bị mệnh chung, con cũng không thể đạt đến sự tận cùng của thế giới.
8) Thật là vi diệu, bạch Thế Tôn! Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Thế Tôn đã nói lên điều khéo nói như vầy: “Này Hiền giả, tại chỗ nào không sanh, không già, không chết, không diệt, không khởi. Ta nói rằng tại chỗ ấy, không có thể bộ hành, biết được hay thấy được sự tận cùng của thế giới. Ta nói như vậy”.
9) – Này Hiền giả, nhưng Ta cũng không nói rằng không đạt được sự tận cùng của thế giới thời chấm dứt cuộc khổ đau. Này Hiền giả, chính trong cái thân thể dài một tầm có tưởng, có ý này, Ta tuyên bố thế giới, nguyên nhân của thế giới, sự đoạn diệt thế giới và con đường đưa đến sự đoạn diệt của thế giới.
10) Bộ hành không bao giờ
Đạt được thế giới tận,
Không đạt thế giới tận,
Không thể thoát khỏi khổ.
Do vậy, bậc Hiền thiện,
Thế gian giải, Thiện tuệ,
Đạt đến thế giới tận,
Phạm hạnh được viên thành.
Với tâm tư định tĩnh,
Biết được thế giới tận,
Không ước vọng đời này,
Không ước vọng đời sau.
VII. NANDA: (S.i,62) (Xem trước I, 1*4).
1) Đứng một bên, Thiên tử Nanda nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Thời gian lặng trôi qua,
Đêm ngày luôn di động,
Tuổi tác buổi thanh xuân,
Tiếp tục bỏ chúng ta.
Những ai chịu quán sát,
Sợ hãi tử vong này,
Hãy làm các công đức,
Được hưởng cảnh an lạc.
(Thế Tôn):
2) Thời gian lặng trôi qua,
Đêm ngày luôn di động,
Tuổi tác buổi thanh xuân,
Tiếp tục bỏ chúng ta.
Những ai chịu quán sát,
Sợ hãi tử vong này,
Hãy bỏ mọi thế lợi,
Được hưởng chơn tịch tịnh.
VIII. NANDIVISÀLA: (S.i,63)
1) Đứng một bên, Thiên tử Nandivisàla nói lên bài kệ với Thế Tôn:
Bốn bánh xe chín cửa,
Đầy uế, hệ lụy tham,
Chìm đắm trong bùn nhơ,
Ôi! Thưa bậc Đại Hùng,
Sanh thú Ngài như vậy,
Tương lai sẽ thế nào?
(Thế Tôn):
2) Cắt hỷ và buộc ràng,
Dục tham và tà ác,
Ái căn được đoạn tận,
Sanh thú sẽ như vậy.
IX. SUSIMA (S.i,63)
1) Nhân duyên ở Sàvatthi.
2) Rồi Đại đức Ànanda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Đại đức Ànanda đang ngồi một bên:
– Này Ànanda, Ông có hoan hỷ đối với Sàriputta không?
3) – Bạch Thế Tôn, ai là người không ngu si, không ác tâm, không si ám, không loạn tâm lại có thể không hoan hỷ đối với Tôn giả Sàriputta? Bạch Thế Tôn, hiền trí là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, đại tuệ là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, quảng tuệ là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, hỷ tuệ là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, tiệp tuệ là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, lợi tuệ là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, quyết trạch tuệ là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, ít dục là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, biết đủ là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, viễn ly là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, bất cộng trú là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, tinh cần, tinh tấn là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, biện tài là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, nghe lời trung ngôn là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, cáo tội trung thực là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, chỉ trích ác pháp là Tôn giả Sàriputta.
Bạch Thế Tôn, ai là người không ngu si, không ác tâm, không si ám, không loạn tâm lại có thể không hoan hỷ đối với Tôn giả Sàriputta!
4) – Như vậy là phải, này Ànanda. Như vậy là phải, này Ànanda. Này Ànanda, ai là người không ngu si, không ác tâm, không si ám, không loạn tâm lại có thể không hoan hỷ đối với Sàriputta? Này Ànanda, hiền trí là Sàriputta. Này Ànanda, đại tuệ là Sàriputta. Này Ànanda, quảng tuệ là Sàriputta. Này Ànanda, hỷ tuệ là Sàriputta. Này Ànanda, tiệp tuệ là Sàriputta. Này Ànanda, lợi tuệ là Sàriputta. Này Ànanda, quyết trạch tuệ là Sàriputta. Này Ànanda, ít dục là Sàriputta. Này Ànanda, biết đủ là Sàriputta. Này Ànanda, viễn ly là Sàriputta. Này Ànanda, bất cọng trú là Sàriputta. Này Ànanda, biện tài là Sàriputta. Này Ànanda, nghe lời trung ngôn là Sàriputta. Này Ànanda, cáo tội trung thực là Sàriputta. Này Ànanda, chỉ trích ác pháp là Sàriputta. Này Ànanda, ai là người không ngu si, không ác tâm, không si ám, không loạn tâm, lại có thể không hoan hỷ đối với Sàriputta?
5) Rồi Thiên tử Susima, trong khi được nghe lời tán thán về Tôn giả Sàriputta, với đại chúng Thiên tử đoanh vây, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
6) Đứng một bên, Thiên tử Susima bạch Thế Tôn:
– Như vậy là phải, bạch Thế Tôn. Như vậy là phải, bạch Thiện Thệ. Bạch Thế Tôn, ai là người không ngu si, không ác tâm, không si ám, không loạn tâm lại có thể không hoan hỷ đối với Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, hiền trí là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, đại tuệ là Tôn giả Sàriputta...... Bạch Thế Tôn, chỉ trích ác pháp là Tôn giả Sàriputta. Bạch Thế Tôn, ai là người không ngu si, không ác tâm, không si ám, không loạn tâm lại có thể không hoan hỷ đối với Tôn giả Sàriputta? Bạch Thế Tôn, con đi đến chúng Thiên tử nào, con đều được nghe nhiều lần tiếng nói như vậy: “Hiền trí là Tôn giả Sàriputta...... chỉ trích ác pháp là Tôn giả Sàriputta. Ai không ngu si, không ác tâm, không si ám, không loạn tâm lại có thể không hoan hỷ đối với Tôn giả Sàriputta?”
7) Rồi chúng Thiên tử của Thiên tử Susima, trong khi những lời tán thán Tôn giả Sàriputta được lớn tiếng nói lên, họ hoan hỷ, hỷ duyệt, hân hoan và thân chói sáng màu sắc thù thắng.
8) Ví như một hòn lưu ly bảo châu, đẹp đẽ, trong suốt, có tám mặt, khéo giũa, khéo mài, được đặt trên một tấm màn màu vàng da cam, chói sáng, chiếu sáng và bừng sáng. Cũng vậy, chúng Thiên tử của Thiên tử Susima, trong khi những lời tán thán Tôn giả Sàriputta được lớn tiếng nói lên, họ hoan hỷ, hỷ duyệt, hân hoan và thân chói sáng màu sắc thù thắng.
9) Ví như một đồ trang sức bằng vàng mịn được một người thợ vàng thiện xảo, khéo đập, khéo mài, đặt trên một tấm màn màu vàng da cam, chói sáng, chiếu sáng và bừng sáng. Cũng vậy, Thiên tử chúng của Thiên tử Susima...... và thân chói sáng màu sắc thù thắng.
10) Ví như trong khi đêm đã gần sáng, sao mai chói sáng, chiếu sáng và bừng sáng. Cũng vậy, chúng Thiên tử của Thiên tử Susima...... và thân chói sáng màu sắc thù thắng.
11) Ví như trong mùa thu, trên trời các vòng mây đã được bay sạch, mặt trời mọc lên giữa trời, đánh tan màn đêm, khắp giữa hư không chói sáng, chiếu sáng và bừng sáng. Cũng vậy, chúng Thiên tử của Thiên tử Susima, trong khi những lời tán thán Tôn giả Sàriputta được lớn tiếng nói lên, họ hoan hỷ, hỷ duyệt, hân hoan và thân chói sáng màu sắc thù thắng.
12) Rồi Thiên tử Susima, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn về Sàriputta:
Ngài Sàriputta,
Được mọi người xác nhận,
Là bậc Đại hiền trí,
Không phẫn hận, ít dục,
Nhu thuận và điều phục,
Được Đạo sư tán thán.
13) Rồi Thế Tôn nói lên bài kệ về Sàriputta cho Thiên tử Susima:
Về Sàriputta,
Mọi người đều xác nhận,
Là bậc Đại hiền trí,
Không phẫn hận, ít dục,
Nhu thuận và điều phục,
Như người khéo điều phục,
Chờ đợi thời giờ đến,
Để hưởng quả thuần thục.
X. CÁC NGOẠI ĐẠO SƯ (S.i,65)
1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở thành Vương xá, tại Trúc lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.
2) Rồi rất đông Thiên tử, là đệ tử của nhiều ngoại Đạo sư Asama, Sahalì, Ninka, Àkotaka, Vetambarì và Mànavà Gàmiya, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên.
3) Đứng một bên, Thiên tử Asama nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn về Pùrana Kassapa:
Ở đây nếu có người,
Chém giết hay hại người,
Kassapa không thấy,
Qua các hành động ấy,
Là ác nghiệp cho mình,
Hay công đức cho mình.
Ngài tuyên bố như vậy,
Làm căn bản đức tin,
Ngài thật bậc Đạo sư,
Đáng được tôn kính, lễ.
4) Rồi Thiên tử Sahali nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn về Makkhali Gosàla:
Khổ hạnh và yếm ly,
Khéo điều phục, tự chế,
Từ bỏ các lời nói,
Gây đấu tranh với người,
Thăng bằng, tránh phạm tội,
Nói những lời thực ngữ,
Ngài không bao giờ làm,
Các tội phạm như vậy.
5) Rồi Thiên tử Ninka nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn về Nigantha Nàtaputta:
Vị Tỷ-kheo yếm ly,
Sáng suốt theo tế hạnh,
Khéo theo bốn tự chế,
Chỉ nói điều nghe thấy,
Không phạm điều lỗi lầm.
6) Rồi Thiên tử Akotaka nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn về các ngoại Đạo sư:
Các ngoại Đạo sư này,
Như Pakudhaka,
Và Kàtiyàna,
Cùng với Nigantha,
Kể cả Makkhali,
Và cả Pùrana,
Mỗi vị là Đạo sư,
Chúng đệ tử của mình,
Đã đạt Sa-môn quả,
Không xa bậc Chân nhân.
7) Rồi Thiên tử Vetambarì nói lên bài kệ này với Thiên tử Akotaka:
Con giả can ghê tởm,
Có tru sủa thế nào,
Làm sao sánh bằng được,
Tiếng rống con sư tử.
Lỏa thể, nói vọng ngôn,
Lãnh đạo môn đồ chúng,
Làm các hạnh tà vạy,
Làm sao sanh thiện nhân?
8) Rồi Ác ma nhập vào Thiên tử Vetambarì nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:
Tu khổ hạnh yếm ly,
Sống viễn ly hành xác,
Đắm say trong sắc pháp,
Hoan lạc, mê Thiên giới.
Dầu họ bị tử vong,
Chắc chắn họ giảng dạy,
Hướng dẫn thật chơn chánh,
Đưa đến đời về sau.
9) Rồi Thế Tôn biết được chính là Ác ma, liền nói lên bài kệ cho Ác ma:
Phàm những sắc pháp gì,
Đời này hay đời sau,
Với màu sắc thù diệu,
Chói sáng giữa hư không,
Tất cả những sắc ấy,
Được Ma vương tán thán,
Chúng chỉ là bẫy mồi,
Quăng ra để diệt cá.
10) Rồi Thiên tử Mànava Gàmiya nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn về Thế Tôn:
Trong tất cả ngọn núi,
Ở tại Vương xá thành,
Ngọn núi Vipula,
Được gọi là tối thắng.
Trong dãy núi Tuyết sơn,
Ngọn Bạch Sơn tối thắng.
Giữa các loại không hành,
Mặt trời là tối thắng.
Giữa các loại thủy lộ,
Đại dương là tối thắng.
Trong các loài tinh tú,
Mặt trăng là tối thắng.
Giữa Thiên giới, địa giới,
Phật được gọi tối thượng.