Luật Tạng: Đại Phẩm

PHẦN GIỚI THIỆU

******

Mahāvagga (Đại Phẩm) và Cullavagga (Tiểu Phẩm) thuộc Vinayapiṭaka (Tạng Luật) gồm các vấn đề có liên quan với nhau đã được sắp xếp thành từng chương. Tên gọi chung cho hai phẩm này là Khandhaka (Chúng tôi tạm gọi tên là Bộ Hợp Phần; khandha có nghĩa là khối, nhóm, uẩn, ... Tiếp vĩ ngữ -ka trong trường hợp này có ý nghĩa là thuộc về, có liên quan, ...).

Mahāvagga (Đại Phẩm) được chia làm mười chương:

1. Chương 1 nói về sự khởi đầu của Giáo Pháp được tính từ lúc đức Thế Tôn chứng đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Giác và bao gồm quá trình hình thành nghi thức cho xuất gia và tu lên bậc trên trở thành tỳ khưu cùng một số vấn đề liên quan đến việc huấn luyện các vị xuất gia.

2. Chương 2 giảng giải về lễ Uposatha với nguyên nhân ban đầu là lời thỉnh cầu của đức vua Seniya Bimbisāra và nhiều vấn đề có liên quan đến việc tiến hành cuộc lễ như việc ấn định ranh giới (sīmā) và nhà hành lễ Uposatha, việc sám hối, việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha, v.v... Việc gìn giữ sự hợp nhất của hội chúng là điểm được nhấn mạnh ở chương này.

3. Chương 3 giảng giải về việc vào mùa (an cư) mưa. Tuy chỉ được ghi lại trong hai tụng phẩm nhưng nội dung của chương này trình bày những sự việc có liên quan đến 1/3 thời gian sống và tu tập của vị tỳ khưu. Chương này cần được xem xét kỹ lưỡng vì có những tư liệu mới chưa được trình bày trong các tài liệu về Luật đã được phổ biến.

4. Chương 4 giảng giải về lễ Pavāraṇā (Tự Tứ) tức là một trong những hình thức góp ý nhau về đời sống tu tập có liên quan đến giới luật. Hành sự của lễ Pavāraṇā tuy chỉ được tiến hành một lần trong năm sau ba tháng cư trú mùa mưa nhưng có tầm quan trọng tương đương với lễ Uposatha nhằm bảo tồn sự trong sạch đồng thời tính hợp nhất của hội chúng.

5. Chương 5 nói về da thú có liên quan đến đời sống của các vị tỳ khưu ví dụ như giày dép, v.v... Câu chuyện xuất gia của thanh niên Soṇa Koḷivisa ở đầu chương giới thiệu về sự nỗ lực tinh tấn của vị tỳ khưu trẻ tuổi này, dẫu rằng do chính sự tinh tấn quá mức này đã là chướng ngại cho sự đắc chứng của vị ấy nhưng cũng là một ví dụ để chúng ta thấy được động cơ tu tập của các vị xuất gia vào thời đức Phật còn tại tiền.

6. Chương 6 nói về dược phẩm và các cách thức chữa bệnh. Chương này gồm có 4 tụng phẩm đề cập đến cách thức chữa trị một số bệnh thông thường, về một số quy định đã được áp dụng trong thời kỳ khó khăn về vật thực, về đức tin vững chắc của nữ cư sĩ Suppiyā, về vấn đề thọ dụng cá và thịt trong Phật Giáo, ngoài ra còn có câu chuyện về kỷ nữ Ambapālī và một số vấn đề khác vẫn còn có được sự ứng dụng thực tiễn trong thời hiện tại.

7. Chương 7 giảng giải về lễ dâng y Kaṭhina. Đây là cuộc phước thí có tầm vóc quan trọng vì sự thành tựu của Kaṭhina không những có ảnh hưởng đến phước báu của người thí chủ mà còn có liên quan đến sự tu tập của các vị tỳ khưu. Sự giảng giải chi tiết với những sự việc tương phản của chương này có lẽ không ngoài mục đích trình bày một số điểm tế nhị cần đến sự chú tâm suy xét.

8. Chương 8 là chương về Y Phục giảng giải về loại y và các vấn đề có liên quan về nhiều phương diện. Điểm thú vị ở chương này là tụng phẩm mở đầu với câu chuyện về thầy thuốc Jīvaka Komārabhacca và tài năng chữa bệnh của vị này, đáng ngạc nhiên là việc giải phẩu ở đầu và ở bụng đã được tiến hành vào thời gian cách đây hơn 2,500 năm.

9. Chương 9 được đặt tên theo một sự kiện xảy ra ở Campā nêu lên một tiền lệ không tốt đẹp về việc sử dụng sức mạnh tập thể để áp đặt hành phạt sai trái lên cá nhân. Thời bấy giờ còn có đức Phật là vị quan tòa để phân xử, trong thời hiện tại trách nhiệm xem xét lại sự việc được trao cho các hội chúng tỳ khưu ở những trú xứ khác nếu có sự thỉnh cầu. Các điều giảng giải trong chương này không ngoài việc trình bày khuôn mẫu trong việc tiến hành các hành sự, khả năng thực hiện của hội chúng đối với các loại hành sự khác nhau tùy thuộc vào số lượng tỳ khưu hiện diện, và một số nguyên tắc cần được áp dụng để bảo đảm tính chất đúng Pháp đúng Luật của hành sự. Các hành sự của hội chúng cùng với việc thâu hồi các hành sự ấy cũng được trình bày ở chương này gồm có: hành sự khiển trách, hành sự chỉ dạy, hành sự xua đuổi, hành sự hòa giải, và ba loại hành sự án treo.

10. Chương thứ 10 nói về sự việc chia rẽ hội chúng ở Kosambī từ lúc khởi đầu đến hồi kết thúc. Mầm mống chia rẽ trong câu chuyện này chỉ là một sự tranh cãi về một điều Luật không quan trọng, từ sự xung đột cá nhân đã lan rộng đến tập thể và trở nên căng thẳng không những đưa đến ẩu đả giữa các tỳ khưu mà còn khiến cho đức Phật đã bỏ đi vào rừng sâu sống với sự phục vụ của voi và khỉ. Yếu tố đưa đến việc giải quyết sự chia rẽ này là hành động tẩy chay tích cực của các cư sĩ ở thành Kosambī, cuối cùng sự tranh tụng được giải quyết do sự phục thiện của vị tỳ khưu sai trái. Câu chuyện về hoàng tử Dīghāvu và nếp sống sinh hoạt của ba vị đại đức Anuruddha, Nandiya, Kimbila nhằm đề cao sự sống chung hòa ái và không thù hận lẫn nhau là yếu tố quan trọng cần được xây dựng và duy trì trong đời sống tập thể.

*

Bản dịch của chúng tôi được thực hiện và trình bày theo văn bản Pali La tinh từ Compact Disk BUDSIR IV của trường đại học Mahidol ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Phần mục lục chúng tôi thực hiện theo các chữ số đánh dấu ở đầu mỗi vấn đề; trình bày theo cách này sẽ giúp quý vị tiết kiệm được thời gian trong việc xác định vấn đề cần tham khảo.

Bản dịch này được hoàn thành là một sự nỗ lực học tập của bản thân. Chúng tôi cố ý ghi lại lời văn tiếng Việt rất gần với cấu trúc Pāli nhằm phục vụ các độc giả đang tiến hành nghiên cứu lời dạy của Đức Phật dựa vào văn bản gốc. Tài liệu này sẽ giảm bớt nỗi khó nhọc trong việc tra cứu từ điển đồng thời gợi ý cho quý vị phương thức giải quyết một số cấu trúc của câu văn Pāli. Các độc giả đã học xong phần văn phạm Pāli Sơ Cấp được khuyến khích nên đọc tài liệu này đối chiếu với văn bản gốc, tức là Vinayapiṭaka. Kiến thức về văn phạm Pāli của quý vị sẽ được trau giồi thêm mỗi khi đối diện vấn đề. Đối với quý độc giả phổ thông, hy vọng lời văn tiếng Việt tạm đủ phần trong sáng để giúp quý vị hiểu được vấn đề đang được trình bày. Xin quý vị lượng thứ về văn phong tiếng Việt vì việc đó nằm ngoài mục tiêu của chúng tôi. Ngưỡng mong sẽ nhận được những lời chỉ dạy của các bậc cao minh và các sự khuyến khích góp ý của quý độc giả. Xin quý vị email về: dinda@u.washington.edu 

Động cơ chính cho việc thực hiện bản dịch Đại Phẩm – Mahāvagga này nhờ vào sự khuyến khích và góp ý của các vị: Ven. Khánh Hỷ, Ven. Giác Nguyên, Ven. Chánh Kiến, Đại đức Tiến sĩ Trí Quảng, Đại đức Tâm An, Sư cô Liễu Pháp, Dr. Bình Anson, đạo hữu Lương Xuân Lộc, bà Diệu Đài, gia đình Nguyễn Ngọc Vivian. Không có sự khích lệ của quý vị, bản dịch này không thể hoàn thành. Phước báu này hoàn toàn thuộc về các vị. Mong sao các ước nguyện của quý vị sẽ được thành tựu như ý và nhanh chóng y như việc chúng tôi đã hoàn tất bản dịch này.

Xin chân thành ghi nhận công đức của Thượng Tọa Tiến Sĩ Bửu Chánh về CD Tam Tạng BUDSIR IV, Ven. Bodhinando (Canada), Đại đức Hộ Phạm, Đại đức Giác Hạnh, và Sư cô Nguyên Hương về CD Tam Tạng Chaṭṭha Saṅgāyana và các bản dịch Anh ngữ, cũng như những sự động viên và ý kiến đóng góp trong thời gian chúng tôi thực hiện bản dịch này.

Công đức này xin dâng đến Hòa Thượng trụ trì và chư Tăng chùa Sri Jayawardhanaramaya, Colombo, Tích Lan đã bảo bọc và tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong công việc học tập và nghiên cứu Phật Pháp trong thời gian qua.

Mong sao hết thảy chúng sanh đều được tấn hóa trong ánh hào quang của Chánh Pháp.

Colombo, ngày 27 tháng 10 năm 2003
Bhikkhu Indacanda
(Trương đình Dũng)

(Hiệu đính lần thứ nhất hoàn tất ngày 05/09/2004)

I. CHƯƠNG TRỌNG YẾU (MAHĀKHANDHAKAṂ)

1. Tụng phẩm thứ nhất

I. CHƯƠNG TRỌNG YẾU (MAHĀKHANDHAKAṂ):

[1] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā (Ni Liên Thiền) nơi cội cây bồ đề và vừa mới hoàn toàn giác ngộ. Khi ấy, đức Thế Tôn đã ngồi với thế kiết già ở cội cây bồ đề trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.

Khi ấy vào canh một của đêm, đức Thế Tôn đã suy nghiệm về sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện (paṭiccasamuppāda) thuận chiều và nghịch chiều rằng: “Vô Minh duyên cho các Hành (sanh khởi), các Hành duyên cho Thức (sanh khởi), Thức duyên cho Danh Sắc (sanh khởi), Danh Sắc duyên cho Sáu Xứ (sanh khởi), Sáu Xứ duyên cho Xúc (sanh khởi), Xúc duyên cho Thọ (sanh khởi), Thọ duyên cho Ái (sanh khởi), Ái duyên cho Thủ (sanh khởi), Thủ duyên cho Hữu (sanh khởi), Hữu duyên cho Sanh (sanh khởi), Sanh duyên cho Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi; như thế là sự sanh khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng chính do sự diệt tận của Vô Minh hoàn toàn không còn tham ái (đưa đến) sự diệt tận của các Hành, do sự diệt tận của các Hành (đưa đến) sự diệt tận của Thức, do sự diệt tận của Thức (đưa đến) sự diệt tận của Danh Sắc, do sự diệt tận của Danh Sắc (đưa đến) sự diệt tận của Sáu Xứ, do sự diệt tận của Sáu Xứ (đưa đến) sự diệt tận của Xúc, do sự diệt tận của Xúc (đưa đến) sự diệt tận của Thọ, do sự diệt tận của Thọ (đưa đến) sự diệt tận của Ái, do sự diệt tận của Ái (đưa đến) sự diệt tận của Thủ, do sự diệt tận của Thủ (đưa đến) sự diệt tận của Hữu, do sự diệt tận của Hữu khiến Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não bị diệt tận; như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”

Sau đó, khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:

Quả vậy, vào thời điểm
các pháp hiện rõ ràng
đến vị bà-la-môn
tinh cần tu thiền định,
và vị ấy rũ sạch
tất cả điều nghi hoặc
từ đó thấu hiểu được
(mọi) việc có nguyên nhân.

[2] Sau đó vào canh giữa của đêm, đức Thế Tôn đã suy nghiệm về sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện thuận chiều và nghịch chiều rằng: “Vô Minh duyên cho các Hành (sanh khởi), các Hành duyên cho Thức (sanh khởi), Thức duyên cho Danh Sắc (sanh khởi), Danh Sắc duyên cho Sáu Xứ (sanh khởi), Sáu Xứ duyên cho Xúc (sanh khởi), Xúc duyên cho Thọ (sanh khởi), Thọ duyên cho Ái (sanh khởi), Ái duyên cho Thủ (sanh khởi), Thủ duyên cho Hữu (sanh khởi), Hữu duyên cho Sanh (sanh khởi), Sanh duyên cho Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi; như thế là sự sanh khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng chính do sự diệt tận của Vô Minh hoàn toàn không còn tham ái (đưa đến) sự diệt tận của các Hành, do sự diệt tận của các Hành (đưa đến) sự diệt tận của Thức, do sự diệt tận của Thức (đưa đến) sự diệt tận của Danh Sắc, do sự diệt tận của Danh Sắc (đưa đến) sự diệt tận của Sáu Xứ, do sự diệt tận của Sáu Xứ (đưa đến) sự diệt tận của Xúc, do sự diệt tận của Xúc (đưa đến) sự diệt tận của Thọ, do sự diệt tận của Thọ (đưa đến) sự diệt tận của Ái, do sự diệt tận của Ái (đưa đến) sự diệt tận của Thủ, do sự diệt tận của Thủ (đưa đến) sự diệt tận của Hữu, do sự diệt tận của Hữu khiến Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não bị diệt tận; như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”

Sau đó, khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:

Quả vậy, vào thời điểm
các pháp hiện rõ ràng
đến vị bà-la-môn
tinh cần tu thiền định,
rồi vị ấy rũ sạch
tất cả điều nghi hoặc
từ đó đã hiểu được
sự tiêu hoại các duyên.

[3] Sau đó vào canh cuối của đêm, đức Thế Tôn đã suy nghiệm về sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện thuận chiều và nghịch chiều rằng: “Vô Minh duyên cho các Hành (sanh khởi), các Hành duyên cho Thức (sanh khởi), Thức duyên cho Danh Sắc (sanh khởi), Danh Sắc duyên cho Sáu Xứ (sanh khởi), Sáu Xứ duyên cho Xúc (sanh khởi), Xúc duyên cho Thọ (sanh khởi), Thọ duyên cho Ái (sanh khởi), Ái duyên cho Thủ (sanh khởi), Thủ duyên cho Hữu (sanh khởi), Hữu duyên cho Sanh (sanh khởi), Sanh duyên cho Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não sanh khởi; như thế là sự sanh khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Nhưng chính do sự diệt tận của Vô Minh hoàn toàn không còn tham ái (đưa đến) sự diệt tận của các Hành, do sự diệt tận của các Hành (đưa đến) sự diệt tận của Thức, do sự diệt tận của Thức (đưa đến) sự diệt tận của Danh Sắc, do sự diệt tận của Danh Sắc (đưa đến) sự diệt tận của Sáu Xứ, do sự diệt tận của Sáu Xứ (đưa đến) sự diệt tận của Xúc, do sự diệt tận của Xúc (đưa đến) sự diệt tận của Thọ, do sự diệt tận của Thọ (đưa đến) sự diệt tận của Ái, do sự diệt tận của Ái (đưa đến) sự diệt tận của Thủ, do sự diệt tận của Thủ (đưa đến) sự diệt tận của Hữu, do sự diệt tận của Hữu khiến Lão, Tử, Sầu, Bi, Khổ, Ưu, Não bị diệt tận; như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”

Sau đó, khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:

Quả vậy, vào thời điểm
các pháp hiện rõ ràng
đến vị bà-la-môn
tinh cần tu thiền định,
tồn tại, tiêu diệt sạch
binh đội của Ma Vương
giống như ánh mặt trời
đang rọi sáng không gian.

Dứt phần nói về sự Giác Ngộ.

[4] Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ cội cây Bồ Đề đã đi đến bên cội cây si của những người chăn dê, [1] sau khi đến đã ngồi xuống với thế kiết già ở gốc cây si của những người chăn dê trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.

Khi ấy, có vị bà-la-môn nọ thuộc nhóm chuyên luyện về âm “hum, hum” đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, vị bà-la-môn ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này ngài Gotama, (khả năng) đến đâu (mới gọi) là bà-la-môn? Việc trở thành bà-la-môn có bao nhiêu điều kiện?

Sau khi hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:

Vị bà-la-môn nào
ác pháp đã ngăn trừ
vị thoát điều ô nhiễm
không làm tiếng “hum hum,”
bản thân đã thu thúc
thông thạo bộ Vệ Đà
sống theo đời Phạm hạnh,
đúng pháp, vị ấy thuyết
lời nói của Phạm Thiên,
không gì trong thế giới
vượt qua được vị ấy.

Dứt phần nói về cội cây si của những người chăn dê.

[5] Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ gốc cây si của những người chăn dê đã đi đến cội cây Mucalinda, sau khi đến đã ngồi xuống với thế kiết già ở gốc cây Mucalinda trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.

Vào lúc bấy giờ, có đám mây đen lớn sái mùa xuất hiện. Trong bảy ngày, trời mưa có gió lạnh và đầy mây. Khi ấy, rồng chúa Mucalinda đã rời khỏi chỗ ngụ của mình dùng đuôi quấn quanh cơ thể của đức Thế Tôn bảy vòng và phồng lớn mang (che) phía trên đầu của đức Thế Tôn rồi giữ nguyên tư thế (nghĩ rằng): “Chớ để đức Thế Tôn bị lạnh, chớ để đức Thế Tôn bị nóng, chớ để đức Thế Tôn bị xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát.” Sau đó khi bảy ngày trôi qua, rồng chúa Mucalinda sau khi biết rằng bầu trời đã trở nên trong sáng và mây đã tan nên đã nới lỏng thân khỏi cơ thể của đức Thế Tôn, rồi thay đổi hình dạng của chính bản thân và biến thành hình dạng của người thanh niên đứng ở phía trước đức Thế Tôn, chắp tay, bày tỏ thái độ cung kính đến đức Thế Tôn.

Sau khi đã hiểu được ý nghĩa sự việc ấy, rồi chính vào lúc ấy đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này:

Vị có được an lạc,
(sống) cách ly, hoan hỷ,
vị ấy đã thấy được
Pháp đã được lắng nghe,
vị ấy đã thu thúc
việc hại mạng chúng sanh
và lạc thú cuộc đời.
Việc dứt được ái tình
là an lạc trên đời,
vượt lên trên các dục,
và bỏ rơi tự ngã
ấy an lạc tối thượng.

Dứt phần nói về cội cây Mucalinda.

[6] Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ gốc cây Mucalinda đã đi đến cội cây Rājāyatana, sau khi đến đã ngồi xuống với thế kiết già ở gốc cây Rājāyatana trong bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.

Vào lúc bấy giờ, có các thương buôn Tapussa và Bhallika đang đi đường xa đến khu vực ấy. Khi ấy, vị thiên thần là thân quyến cùng huyết thống của các thương buôn Tapussa và Bhallika đã nói với các thương buôn Tapussa và Bhallika điều này:

- Này các bác, đức Thế Tôn này đang ngự ở gốc cây Rājāyatana là vị vừa mới hoàn toàn giác ngộ. Hãy đi và bày tỏ lòng thành kính đến đức Thế Tôn ấy với bánh bột gạo và mật viên, điều ấy sẽ đem lại cho các bác sự lợi ích và sự an vui lâu dài.

Khi ấy, các thương buôn Tapussa và Bhallika đã mang theo bánh bột gạo và mật viên đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, các thương buôn Tapussa và Bhallika đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên của chúng tôi, điều ấy sẽ đem lại cho chúng tôi sự lợi ích và sự an vui lâu dài.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Các đức Như Lai không thọ nhận ở trong (hai) tay, vậy ta nên thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên bằng vật gì?” Khi ấy, bốn vị Đại Thiên Vương dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã dâng lên đức Thế Tôn bốn cái bình bát làm bằng đá từ ở bốn phương (nói rằng):

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên ở đây.

Đức Thế Tôn đã thọ lãnh bánh bột gạo và mật viên trong bình bát mới[2] làm bằng đá, và sau khi thọ lãnh đã thọ dụng.

Sau đó, các thương buôn Tapussa và Bhallika đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, chúng con đây xin quy y đức Thế Tôn và Giáo Pháp. Xin đức Thế Tôn chấp nhận chúng con là các nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

Và họ đã trở thành những nam cư sĩ chỉ đọc hai câu (dvevācikā)[3] đầu tiên ở thế gian.

Dứt phần nói về cội cây Rājāyatana.

 [7] Sau đó khi bảy ngày trôi qua, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy rồi từ gốc cây Rājāyatana đã đi đến bên cội cây si của những người chăn dê. Ở nơi ấy, đức Thế Tôn ngụ tại gốc cây si của những người chăn dê.

Sau đó, trong khi đức Thế Tôn đang thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Pháp này đã được ta chứng ngộ là (Pháp) thâm sâu, khó lĩnh hội, khó nhận thức, thanh tịnh, cao quý, vượt trên lý luận, tinh tế, nên được hiểu biết bởi các bậc trí. Hơn nữa, chúng sanh đời này có sự thỏa thích trong ngũ dục, được thỏa thích trong ngũ dục, được vui sướng trong ngũ dục, đối với chúng sanh có sự thỏa thích trong ngũ dục, được thỏa thích trong ngũ dục, được vui sướng trong ngũ dục thì vấn đề này khó lĩnh hội tức là quy luật nhân quả và sự sanh khởi tùy thuận theo điều kiện (idappaccayatāpaṭiccasamuppāda); có vấn đề này còn khó lĩnh hội hơn nữa tức là sự yên lặng của tất cả các Hành (sabbasaṅkhāra), sự dứt bỏ tất cả gốc rễ của sự tái sanh (sabbūpadhi), sự diệt tận ái (taṇhā), sự không còn dục tình (virāgo), sự tịch diệt, Niết Bàn. Nếu ta thuyết giảng Pháp và những người khác không hiểu được ta, điều ấy sẽ đem lại cho ta sự mệt mỏi và sự phiền toái.” Rồi những lời kệ kỳ diệu này chưa từng được nghe trước đây trong thời quá khứ đã hiện khởi đến đức Thế Tôn:

Khó khăn ta chứng ngộ
nay thuyết giảng, thôi đi!
Bởi những kẻ chìm đắm
trong ái dục, sân hận
không ngộ được Pháp này
Pháp đi ngược giòng (đời),
tinh tế, và thâm sâu,
khó lĩnh hội, vi diệu,
những kẻ mê ái dục
lắm si mê bao phủ
không thể nào lĩnh hội.

Trong khi đắn đo cân nhắc như thế ấy, tâm của đức Thế Tôn thiên về (khuynh hướng) không ra sức nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp.

[8] Khi ấy, vị Phạm thiên Sahampati dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã khởi ý điều này: “Như thế này thì thế gian bị tiêu diệt! Như thế này thì thế gian bị hủy hoại! Bởi vì tâm của đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri thiên về (khuynh hướng) không ra sức nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp.” Sau đó, cũng giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế vị Phạm thiên Sahampati đã biến mất ở cõi Phạm thiên và hiện ra ở phía trước đức Thế Tôn. Khi ấy, vị Phạm thiên Sahampati đã đắp thượng y một bên vai, quỳ đầu gối bên phải trên mặt đất, rồi chắp tay hướng về đức Thế Tôn và đã nói điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp, xin đấng Thiện Thệ hãy thuyết giảng Giáo Pháp. Có những hạng người sanh lên bị ít ô nhiễm[4] sẽ là những người hiểu được Giáo Pháp, (nhưng) do việc không nghe Giáo Pháp sẽ bị thoái hóa.

Phạm thiên Sahampati đã nói điều ấy, sau khi nói điều ấy còn nói thêm điều khác nữa:

Đã xuất hiện trước đây
trong xứ Ma Kiệt Đà
pháp không được thanh tịnh
đã được suy nghiệm ra
bởi những người ô nhiễm.
Cửa bất tử mở ra
hãy lắng nghe Giáo Pháp
bậc vô nhiễm chứng ngộ.
Như người đứng ở trên
đỉnh đầu hòn núi đá
nhìn quanh xem nhân loại,
cũng thế hỡi bậc trí,
hãy bước lên lầu đài
được xây bằng Giáo Pháp.
Hỡi bậc thông hiểu rộng,
vị thoát khỏi buồn đau
nhìn xuống xem nhân loại
đắm chìm trong sầu khổ,
bị sanh, già hành hạ.
Hỡi người thắng chiến trận,
người hùng, hãy đứng lên,
người hướng dẫn đoàn xe
không bị vướng nợ nần,
hãy đi khắp thế gian.

Xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp, sẽ có nhiều người hiểu được.

[5](Khi được nói như thế, đức Thế Tôn đã nói với Phạm thiên Sahampati điều này:

- Này Phạm thiên, ta đã khởi ý điều này: “Pháp này đã dược ta chứng ngộ là (Pháp) thâm sâu, ...(như trên)...sẽ đem lại cho ta sự mệt mỏi và sự phiền toái.” Này Phạm thiên, rồi những lời kệ kỳ diệu này chưa từng được nghe trước đây trong thời quá khứ đã hiện khởi đến ta: “Khó khăn ta chứng ngộ ...(như trên)...không thể nào lĩnh hội.” Này Phạm thiên, trong khi đắn đo cân nhắc như thế ấy tâm ta thiên về (khuynh hướng) không ra sức nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp.

Đến lần thứ nhì, Phạm thiên Sahampati đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp, ...(như trên)... sẽ có nhiều người hiểu được.

Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với Phạm thiên Sahampati điều này:

- Này Phạm thiên, ta đã khởi ý điều này: “Pháp này đã dược ta chứng ngộ là (Pháp) thâm sâu, ...(như trên)...sẽ đem lại cho ta sự mệt mỏi và sự phiền toái.” Này Phạm thiên, rồi những lời kệ kỳ diệu này chưa từng được nghe trước đây trong thời quá khứ đã hiện khởi đến ta: “Khó khăn ta chứng ngộ ...(như trên)...không thể nào lĩnh hội.” Này Phạm thiên, trong khi đắn đo cân nhắc như thế ấy tâm ta thiên về (khuynh hướng) không ra sức nỗ lực và không thuyết giảng Giáo Pháp.

Đến lần thứ ba, Phạm thiên Sahampati đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thuyết giảng Giáo Pháp, ...(như trên)... sẽ có nhiều người hiểu được.)

[9] Khi ấy, sau khi hiểu được yêu cầu của vị Phạm thiên, đức Thế Tôn thuận theo lòng thương tưởng chúng sanh đã dùng Phật nhãn quán xét thế gian. Trong khi dùng Phật nhãn quán xét thế gian, đức Thế Tôn đã nhìn thấy những chúng sanh bị ít ô nhiễm và bị nhiều ô nhiễm, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, có thể hiểu được một cách nhanh chóng và có thể hiểu được một cách khó khăn, (và nhìn thấy được) một số ít chúng sanh trong khi sống thấy được sự tội lỗi và sợ hãi trong sự (tái sanh) vào những đời sống khác. Cũng giống như trong hồ sen xanh hoặc trong hồ sen hồng hoặc trong hồ sen trắng, có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được sanh trưởng ở trong nước, không vươn ra khỏi nước, và được nuôi dưỡng chìm bên dưới (mặt nước); có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được sanh trưởng ở trong nước, sống ngang bằng mặt nước; và có một số sen xanh, hoặc sen hồng, hoặc sen trắng được sanh ra ở trong nước, được sanh trưởng ở trong nước, vươn lên ra khỏi nước, và tồn tại không bị thấm nước; tương tợ như thế, đức Thế Tôn trong khi dùng Phật nhãn quán xét thế gian đã nhìn thấy những chúng sanh bị ít ô nhiễm và bị nhiều ô nhiễm, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, có thể hiểu được một cách nhanh chóng và có thể hiểu được một cách khó khăn, (và nhìn thấy được) một số ít chúng sanh trong khi sống thấy được sự tội lỗi và sợ hãi trong sự (tái sanh) vào những đời sống khác; sau khi nhìn thấy, đức Thế Tôn đã nói với vị Phạm thiên Sahampati bằng bài kệ này:

Nghĩ về việc tổn hại,
này Phạm thiên, ta đã
không thuyết cho nhân loại
Pháp chứng ngộ cao thượng.
Các cánh cửa bất tử
(nay) đã được mở ra,
cho những người có tai
hãy bỏ đi tà tín.

Khi ấy, vị Phạm thiên Sahampati (nghĩ rằng): “Yêu cầu của ta về việc thuyết giảng Giáo Pháp đã được đức Thế Tôn chấp thuận” nên đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, và đã biến mất ngay tại chỗ ấy.

Dứt phần nói về việc thỉnh cầu của vị Phạm thiên.

[10] Sau đó, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Ta nên thuyết giảng Giáo Pháp đến ai trước tiên? Ai sẽ hiểu được Giáo Pháp này một cách thật nhanh chóng?” Khi ấy, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Vị Āḷāra Kālāma này là vị thông thái, kinh nghiệm, sáng suốt, đã lâu nay bản thể bị ít ô nhiễm, hay là ta nên nên thuyết giảng Giáo Pháp đến Āḷāra Kālāma trước tiên? Vị ấy sẽ hiểu được Giáo Pháp này một cách thật nhanh chóng.” Khi ấy, có vị thiên thần không hiện hình đã thông báo đến đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, vị Āḷāra Kālāma đã từ trần được bảy ngày rồi.

Và trí tuệ của đức Thế Tôn cũng đã khởi lên rằng: “Vị Āḷāra Kālāma đã từ trần được bảy ngày rồi.” Khi ấy, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Vị Āḷāra Kālāma thuộc hạng người cao cả, bởi vì nếu nghe được Giáo Pháp này vị ấy có thể hiểu được một cách thật nhanh chóng.”

Sau đó, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Ta nên thuyết giảng Giáo Pháp đến ai trước tiên? Ai sẽ hiểu được Giáo Pháp này một cách thật nhanh chóng?” Khi ấy, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Vị Uddaka Rāmaputta này là vị thông thái, kinh nghiệm, sáng suốt, đã lâu nay bản thể bị ít ô nhiễm, hay là ta nên nên thuyết giảng Giáo Pháp đến Uddaka Rāmaputta trước tiên? Vị ấy sẽ hiểu được Giáo Pháp này một cách thật nhanh chóng.” Khi ấy, có vị thiên thần không hiện hình đã thông báo đến đức Thế Tôn rằng:

- Bạch ngài, vị Uddaka Rāmaputta đã từ trần vào đêm qua.

Và trí tuệ của đức Thế Tôn cũng đã khởi lên rằng: “Vị Uddaka Rāmaputta đã từ trần vào đêm qua.” Khi ấy, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Vị Uddaka Rāmaputta thuộc hạng người cao cả, bởi vì nếu nghe được Giáo Pháp này vị ấy có thể hiểu được một cách thật nhanh chóng.”

Sau đó, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Ta nên thuyết giảng Giáo Pháp đến ai trước tiên? Ai sẽ hiểu được Giáo Pháp này một cách thật nhanh chóng?” Khi ấy, đức Thế tôn đã khởi ý điều này: “Các tỳ khưu nhóm năm vị có nhiều công đức đối với ta, các vị này đã phục vụ ta trong khi bản thân ta nỗ lực tinh tấn,[6]hay là ta nên nên thuyết giảng Giáo Pháp đến các tỳ khưu nhóm năm vị trước tiên?” Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Giờ đây, các tỳ khưu nhóm năm vị này trú ngụ ở nơi nào?” Với thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người, đức Thế Tôn đã nhìn thấy các tỳ khưu nhóm năm vị đang trú ngụ tại thành Bārāṇasī (Ba La Nại), ở Isipatana, nơi vườn nai. Sau đó, khi đã ngự tại Uruvelā theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Bārāṇasī.

[11] Đạo sĩ lõa thể Upaka đã nhìn thấy đức Thế Tôn đang đi bộ đường xa ở khoảng giữa Gayā và cội bồ đề, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này đạo hữu (āvuso), các giác quan của đạo hữu được trầm tĩnh, màu da được thanh tịnh và trong sáng. Này đạo hữu, nhờ ai mà đạo hữu đã xuất gia? Ai là thầy của đạo hữu? Đạo hữu hoan hỷ với pháp của vị nào?

Khi được nói như thế, đức Thế Tôn đã nói với đạo sĩ lõa thể Upaka bằng những lời kệ này:

Ta vượt trên tất cả
hiểu biết được toàn bộ,
không còn bị vướng mắc
trong tất cả các Pháp,
đã đoạn tận tất cả,
ái diệt, đã giải thoát,
do tự mình chứng đắc
còn ai dạy được ta?
Không có ai thầy ta,
bằng ta, tìm chẳng thấy,
trong thế giới người trời
bằng được ta, không ai.
Vì ta bậc Ứng Cúng
Vô Thượng Sư đời này
là bậc Chánh Đẳng Giác
ta tịch lặng Niết Bàn.
Ta đi thành Kāsī
vận hành bánh xe Pháp
đánh tiếng trống bất tử
trong thế gian người mù.

- Này đạo hữu, theo như đạo hữu cho biết thì đạo hữu xứng đáng là vị Jina (Chiến Thắng) vô biên.

(Đức Phật đáp lại rằng):

- Này Upaka,
các Jina giống ta,
các vị đạt lậu tận,
chiến thắng các ác pháp,
vậy ta là Jina.

Khi được nói như thế, đạo sĩ lõa thể Upaka đã nói rằng:

- Này đạo hữu, có thể là như vậy. Rồi đã gục gặc cái đầu, rẽ sang con đường khác, và bỏ đi.

[12] Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến thành Bārāṇasī, Isipatana, nơi vườn nai và đã đi đến gặp các tỳ khưu nhóm năm vị. Các tỳ khưu nhóm năm vị đã nhìn thấy đức Thế Tôn từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy các vị đã bàn bạc với nhau rằng:

- Này các vị, Sa-môn Gotama ấy đang đi đến. Ông ta là kẻ lợi dưỡng, đã bỏ dở dang việc nỗ lực và quay trở lại cuộc sống sung túc. Ông ta không đáng để đảnh lễ, không đáng để đứng dậy chào, y bát của ông ta không đáng để đón nhận, và chỗ ngồi cũng không cần đặt thêm, nếu ông ta muốn thì ông ta cứ việc ngồi.

Nhưng khi đức Thế Tôn càng đi đến gần thì các tỳ khưu nhóm năm vị ấy không còn tuân theo điều bàn bạc của họ nữa và đã đi ra tiếp đón đức Thế Tôn, một vị đã nhận lấy y bát của đức Thế Tôn, một vị đã sắp đặt chỗ ngồi, một vị đã đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã rửa hai chân. Tuy nhiên, các vị vẫn xưng hô với đức Thế Tôn bằng tên và bằng tiếng gọi “Đạo hữu” (āvuso). Khi được xưng hô như thế, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu nhóm năm vị điều này:

- Này các tỳ khưu, chớ có xưng hô với đức Như Lai bằng tên và bằng tiếng gọi “Đạo hữu.” Này các tỳ khưu, đức Như Lai là vị A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Này các tỳ khưu, hãy lắng tai nghe, ta sẽ chỉ dạy pháp Bất Tử đã đạt được, ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp. Trong khi thực hành theo như đã được chỉ dạy thì chẳng bao lâu sau ngay trong kiếp hiện tại này, các vị nhờ vào thắng trí sẽ tự mình thực chứng, đạt đến, và an trú vào điểm tối thượng ấy là đích cuối cùng của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà.

Khi được nói như thế, các tỳ khưu nhóm năm vị đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này đạo hữu Gotama, bằng hạnh kiểm ấy, bằng sự thực hành ấy, bằng việc theo đuổi khổ hạnh ấy còn không đạt đến pháp thượng nhân và sự siêu việt của tri kiến xứng đáng với bậc thánh, còn giờ đây là kẻ lợi dưỡng, đã bỏ dở dang việc nỗ lực, và quay trở lại cuộc sống sung túc, làm thế nào đạo hữư lại đạt đến pháp thượng nhân và sự siêu việt của tri kiến xứng đáng với bậc thánh?

Khi được nói như thế, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu nhóm năm vị điều này:

- Này các tỳ khưu, đức Như Lai không phải là kẻ lợi dưỡng, không bỏ dở dang việc nỗ lực, và không quay trở lại cuộc sống sung túc. Này các tỳ khưu, đức Như Lai là vị A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Này các tỳ khưu, hãy lắng tai nghe, ta sẽ chỉ dạy pháp Bất Tử đã đạt được, ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp. Trong khi thực hành theo như đã được chỉ dạy thì chẳng bao lâu sau ngay trong kiếp hiện tại này, các vị nhờ vào thắng trí sẽ tự mình thực chứng, đạt đến, và an trú vào điểm tối thượng ấy là đích cuối cùng của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà.

Đến lần thứ nhì, các tỳ khưu nhóm năm vị đã nói với đức Thế Tôn điều này:

...(như trên)...

Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu nhóm năm vị điều này:

...(như trên)...

Đến lần thứ ba, các tỳ khưu nhóm năm vị đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này đạo hữu Gotama, bằng hạnh kiểm ấy, bằng sự thực hành ấy, bằng việc theo đuổi khổ hạnh ấy còn không đạt đến pháp thượng nhân và sự siêu việt của tri kiến xứng đáng với bậc thánh, còn giờ đây là kẻ lợi dưỡng, đã bỏ dở dang việc nỗ lực, và quay trở lại cuộc sống sung túc, làm thế nào đạo hữư lại đạt đến pháp thượng nhân và sự siêu việt của tri kiến xứng đáng với bậc thánh?

Khi được nói như thế, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu nhóm năm vị rằng:

- Này các tỳ khưu, các vị có nhận ra rằng điều này đã không được ta nói ra trước đây hay không?

- Bạch ngài, điều này không có (được nói).

- Này các tỳ khưu, đức Như Lai là vị A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Này các tỳ khưu, hãy lắng tai nghe, ta sẽ chỉ dạy pháp Bất Tử đã đạt được, ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp. Trong khi thực hành theo như đã được chỉ dạy thì chẳng bao lâu sau ngay trong kiếp hiện tại này, các vị nhờ vào thắng trí sẽ tự mình thực chứng, đạt đến, và an trú vào điểm tối thượng ấy là đích cuối cùng của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà.

Đức Thế Tôn đã có thể thuyết phục các tỳ khưu nhóm năm vị. Sau đó, các tỳ khưu nhóm năm vị đã lắng nghe, đã lắng tai, đã phục vụ bằng tâm ý khác.

[13] Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu nhóm năm vị rằng:

- Này các tỳ khưu, đây là hai cực đoan mà bậc xuất gia không nên thực hành: Đây là sự say đắm về dục lạc trong các dục, kém cỏi, thô thiển, tầm thường, không cao thượng, không đem lại lợi ích, và đây là sự gắn bó với việc hành hạ bản thân, đau khổ, không cao thượng, không đem lại lợi ích. Này các tỳ khưu, sau khi không tiếp cận cả hai cực đoan ấy, lối thực hành trung hòa đã được đức Như lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn. Này các tỳ khưu, lối thực hành trung hòa ấy đã được đức Như lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn là thế nào? Đó chính là Thánh Đạo Tám Chi Phần tức là sự hiểu biết chân chánh, suy nghĩ chân chánh, nói lời chân chánh, nghề nghiệp chân chánh, nuôi mạng chân chánh, tinh tấn chân chánh, ghi nhớ chân chánh, định tâm chân chánh.[7] Này các tỳ khưu, lối thực hành trung hòa ấy đã được đức Như lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn.

[14] Này các tỳ khưu, đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Khổ: Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sự gắn bó với những gì không ưa thích là khổ, sự chia lìa với những gì ưa thích là khổ, không đạt được điều ước muốn là khổ, một cách tóm tắt năm thủ uẩn là khổ.

Này các tỳ khưu, đây là Chân Lý Cao Thượng tức là Nguyên Nhân của Khổ. Điều ấy chính là Ái đưa đến tái sanh, liên kết với khoái lạc và say đắm, có sự thỏa thích ở nơi này nơi khác tức là: Dục Ái, Hữu Ái, Phi Hữu Ái.

Này các tỳ khưu, đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Diệt Khổ. Điều ấy là sự dứt bỏ, sự dứt ra khỏi, sự giải thoát, sự không còn chỗ nương tựa, sự diệt tận và dứt bỏ lòng say đắm không còn dư sót của chính Ái ấy.

Này các tỳ khưu, đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Thực Hành theo Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ. Đó chính là Thánh Đạo Tám Chi Phần tức là sự hiểu biết chân chánh, ...(như trên)..., định tâm chân chánh.

[15] Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Khổ.” Này các tỳ khưu, ta có được ...(như trên)... “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Khổ cần được hiểu rõ.” Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Khổ đã được hiểu rõ.”

Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là Nguyên Nhân của Khổ.” Này các tỳ khưu, ta có được ...(như trên)... “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là Nguyên Nhân của Khổ cần được dứt bỏ.” Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là Nguyên Nhân của Khổ đã được dứt bỏ.”

Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Diệt Khổ.” Này các tỳ khưu, ta có được ...(như trên)... “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Diệt Khổ cần được chứng ngộ.” Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Diệt Khổ đã được chứng ngộ.”

Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Thực Hành theo Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ.” Này các tỳ khưu, ta có được ...(như trên)... “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Thực Hành theo Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ cần được tu tập.” Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: “Đây là Chân Lý Cao Thượng tức là sự Thực Hành theo Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ đã được tu tập.”

[16] Này các tỳ khưu, và cho đến khi nào tri kiến thấy đúng thực chất của ta về ba Luân (ba vòng xoay tròn) và mười hai Thể (tính chất) trong Bốn Chân Lý Cao Thượng này chưa được thực sự thanh tịnh; này các tỳ khưu, cho đến khi ấy ta chưa công bố về sự tối thượng Chánh Đẳng Giác: “Ta đã hoàn toàn giác ngộ” ở trong thế gian tính luôn cõi của chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi sa-môn, bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người. Và này các tỳ khưu, bởi vì tri kiến thấy đúng thực chất của ta về ba Luân và mười hai Thể trong Bốn Chân Lý Cao Thượng này đã được thực sự thanh tịnh; này các tỳ khưu, khi ấy ta đã công bố về sự tối thượng Chánh Đẳng Giác: “Ta đã hoàn toàn giác ngộ” ở trong thế gian tính luôn cõi của chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi sa-môn, bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người. Hơn nữa, trí tuệ và sự thấy biết của ta đã sanh khởi: “Sự giải thoát của ta không thể thay đổi, đây là lần sanh cuối cùng, từ nay không có việc tái sanh nữa.”

Trong khi bài kinh này được thuyết giảng, Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến đại đức Koṇḍañña: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

[17] Khi bánh xe Pháp được chuyển vận bởi đức Thế Tôn, chư thiên ở địa cầu đã đồn đãi lời rằng: “Bánh xe Pháp tối thượng ấy đã được đức Thế Tôn chuyển vận ở Bārāṇasī, tại Isipatana, nơi vườn nai không thể bị chuyển vận nghịch lại bởi sa-môn, bà-la-môn, Thiên nhân, Ma Vương, Phạm thiên, hoặc bất cứ ai ở trên đời.” Sau khi nghe được tiếng đồn của chư thiên ở địa cầu, chư thiên ở cõi Tứ Đại Thiên Vương đã đồn đãi lời rằng: ...(như trên)... Sau khi nghe được tiếng đồn của chư thiên ở cõi Tứ Đại Thiên Vương, chư thiên ở cõi Đạo Lợi đã đồn đãi lời rằng: ...(như trên)... chư thiên ở cõi Dạ Ma ...(như trên)... chư thiên ở cõi Đẩu Suất ...(như trên)... chư thiên ở cõi Hóa Lạc Thiên ...(như trên)... chư thiên ở cõi Tha Hóa Tự Tại ...(như trên)... chư thiên thuộc hàng Phạm thiên đã đồn đãi lời rằng: “Bánh xe Pháp tối thượng ấy đã được đức Thế Tôn chuyển vận ở Bārāṇasī, tại Isipatana, nơi vườn nai không thể bị chuyển vận nghịch lại bởi sa-môn, bà-la-môn, thiên nhân, Ma Vương, Phạm thiên, hoặc bất cứ ai ở trên đời.” Vào thời khắc ấy, vào giây phút ấy, lời đồn đãi ấy đã đi đến các cõi trời Phạm thiên. Và mười ngàn thế giới này đã bị lay chuyển, rung động, chấn động. Và ánh sáng tuyệt vời không thể đo lường đã hiện ra ở thế gian, vượt quá hào quang siêu phàm của chư thiên.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng rằng: “Koṇḍañña đã hiểu được! Koṇḍañña đã hiểu được!” Do đó, đại đức Koṇḍañña đã có tên là “Aññākoṇḍañña.”[8]

[18] Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, đại đức Aññākoṇḍañña đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Con có thể tu lên bậc trên không?

Đức Thế Tôn đã nói rằng:

- Này tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.

Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của đại đức ấy.

[19] Sau đó, đức Thế Tôn đã giáo huấn, đã chỉ dạy các vị tỳ khưu còn lại bằng bài Pháp thoại. Khi ấy, trong khi đang được giáo huấn, chỉ dạy bởi đức Thế Tôn bằng bài Pháp thoại, Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến đại đức Vappa và đại đức Bhaddiya: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, các vị ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không?

Đức Thế Tôn đã nói rằng:

- Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.

Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy.

Sau đó, với bữa ăn đã được mang lại, đức Thế Tôn đã giáo huấn, đã chỉ dạy các vị tỳ khưu còn lại bằng bài Pháp thoại. Nhóm sáu vị sống bằng vật mà ba vị tỳ khưu đã đi khất thực và mang về. Khi ấy, trong khi đang được giáo huấn, chỉ dạy bởi đức Thế Tôn bằng bài Pháp thoại, Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến đại đức Mahānāma và đại đức Assaji: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.” Khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, các vị ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không?

Đức Thế Tôn đã nói rằng:

- Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.

Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy.

[20] Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu nhóm năm vị rằng:

- Này các tỳ khưu, Sắc là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu Sắc này là Ngã thì Sắc này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở Sắc (theo ý muốn) rằng: “Sắc của ta hãy là như vầy, Sắc của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì Sắc là Vô Ngã do đó Sắc đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở Sắc (theo ý muốn) rằng: “Sắc của ta hãy là như vầy, Sắc của ta đừng trở thành như vầy.”

Này các tỳ khưu, Thọ là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu Thọ này là Ngã thì Thọ này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở Thọ (theo ý muốn) rằng: “Thọ của ta hãy là như vầy, Thọ của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì Thọ là Vô Ngã do đó Thọ đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở Thọ (theo ý muốn) rằng: “Thọ của ta hãy là như vầy, Thọ của ta đừng trở thành như vầy.”

Này các tỳ khưu, Tưởng là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu Tưởng này là Ngã thì Tưởng này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở Tưởng (theo ý muốn) rằng: “Tưởng của ta hãy là như vầy, Tưởng của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì Tưởng là Vô Ngã do đó Tưởng đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở Tưởng (theo ý muốn) rằng: “Tưởng của ta hãy là như vầy, Tưởng của ta đừng trở thành như vầy.”

Này các tỳ khưu, các Hành là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu các Hành này là Ngã thì các Hành này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở các Hành (theo ý muốn) rằng: “Các Hành của ta hãy là như vầy, các Hành của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì các Hành là Vô Ngã do đó các Hành đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở các Hành (theo ý muốn) rằng: “Các Hành của ta hãy là như vầy, các Hành của ta đừng trở thành như vầy.”

Này các tỳ khưu, Thức là Vô Ngã (anattā). Này các tỳ khưu, bởi vì nếu Thức này là Ngã thì Thức này không thể đi đến bệnh hoạn và có thể đạt được ở Thức (theo ý muốn) rằng: “Thức của ta hãy là như vầy, Thức của ta đừng trở thành như vầy.” Này các tỳ khưu, chính vì Thức là Vô Ngã do đó Thức đi đến bệnh hoạn và không thể đạt được ở Thức (theo ý muốn) rằng: “Thức của ta hãy là như vầy, Thức của ta đừng trở thành như vầy.”

[21] Này các tỳ khưu, các vị nghĩ gì về Sắc ấy, là thường hay vô thường?

- Bạch ngài, là vô thường.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc?

- Bạch ngài, là khổ.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?

- Bạch ngài, điều ấy không đúng.

Này các tỳ khưu, Thọ là thường hay vô thường?

- Bạch ngài, là vô thường.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc?

- Bạch ngài, là khổ.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?

- Bạch ngài, điều ấy không đúng.

Này các tỳ khưu, Tưởng là thường hay vô thường?

- Bạch ngài, là vô thường.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc?

- Bạch ngài, là khổ.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?

- Bạch ngài, điều ấy không đúng.

Này các tỳ khưu, các Hành là thường hay vô thường?

- Bạch ngài, là vô thường.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc?

- Bạch ngài, là khổ.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?

- Bạch ngài, điều ấy không đúng.

Này các tỳ khưu, Thức là thường hay vô thường?

- Bạch ngài, là vô thường.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường thì cái ấy là khổ hay lạc?

- Bạch ngài, là khổ.

- Vậy cái gì (đã) là vô thường, khổ, có trạng thái thay đổi, có phải là đúng đắn khi quán xét về cái ấy rằng: “Cái này là của ta, cái này là ta, cái này là tự ngã của ta”?

- Bạch ngài, điều ấy không đúng.

[22] Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ Sắc nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ Sắc ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.”

Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ Thọ nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ Thọ ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.”

Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ Tưởng nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ Tưởng ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.”

Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ các Hành nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ các Hành ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.”

Này các tỳ khưu, như thế trong trường hợp này, bất cứ Thức nào thuộc về quá khứ, hiện tại, vị lai, là trong thân, hay ngoài thân, hay thô kệch, hay vi tế, hay kém cỏi, hay cao quý, nên thấy được toàn bộ Thức ấy, dầu ở xa hay ở gần, đúng như bản chất thật sự bằng trí tuệ chân chánh (như vầy): “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta.”

[23] Này các tỳ khưu, khi đã thấy được như thế, vị Thinh Văn Thánh đệ tử không còn hứng thú trong Sắc, không còn hứng thú trong Thọ, không còn hứng thú trong Tưởng, không còn hứng thú trong các Hành, không còn hứng thú trong Thức; khi đã không còn hứng thú, vị ấy không còn say đắm; do không còn say đắm vị ấy được giải thoát; trong khi được giải thoát, trí khởi lên rằng: “Đã được giải thoát.” Vị ấy biết được rằng: “Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn (đưa đến) bản ngã nào khác (tương tợ) như vầy nữa.”

[24] Đức Thế Tôn đã giảng về điều ấy. Các tỳ khưu nhóm năm vị đã hoan hỷ thâu nhận lời dạy của đức Thế Tôn. Và trong khi bài kinh này được thuyết giảng, các tâm của các tỳ khưu nhóm năm vị đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc.

Vào lúc bấy giờ, trên thế gian có sáu vị A-la-hán.

Tụng phẩm thứ nhất.

2. Tụng phẩm thứ nhì

 

[25] Vào lúc bấy giờ, ở Bārāṇasī có người con trai gia đình danh giá tên Yasa. Yasa là con trai nhà đại phú và có vóc dáng mảnh mai. Chàng trai có ba tòa lâu đài: một dành cho mùa lạnh, một dành cho mùa nóng, và một dành cho mùa mưa. Vào bốn tháng mùa mưa ở trong tòa lâu đài, chàng luôn được vây quanh bởi các nữ công tấu nhạc và không bước xuống phía dưới của tòa lâu đài. Khi ấy, trong lúc được phú cho, được thừa hưởng, được phục vụ bởi năm phần dục lạc,[9] người con trai gia đình danh giá Yasa đã nằm xuống ngủ trước rồi sau đó đám hầu thiếp mới nằm xuống ngủ. Và cây đèn dầu thường được đốt thâu đêm.

Khi ấy, người con trai gia đình danh giá Yasa sau khi thức dậy trước đã nhìn thấy đám hầu thiếp của mình đang ngủ, cây đàn ở khuỷu tay của nàng nọ, cái trống con ở cổ của nàng kia, cái trống ở đùi của nàng khác, nàng nọ có (đầu tóc) xổ ra, nàng kia nhễu nước dãi, các nàng khác thì nói lảm nhảm, chàng nghĩ rằng bãi tha ma như đang ở đâu đây.[10] Sau khi nhìn thấy, chàng trai đã khởi lên sự chán nản và đã lập tâm từ bỏ. Khi ấy, người con trai gia đình danh giá Yasa đã thốt lên lời cảm thán rằng: “Thật là chán nản! Thật là khổ sở!” Sau đó, người con trai gia đình danh giá Yasa đã mang vào đôi hài bằng vàng và đi đến cánh cửa lớn của dinh thự. Các phi nhân đã mở cánh cửa ra (nghĩ rằng): “Chớ có ai gây trở ngại đến việc rời nhà xuất gia sống không nhà của người con trai gia đình danh giá Yasa.” Sau đó, người con trai gia đình danh giá Yasa đã đi đến cổng thành phố. Các phi nhân đã mở cánh cửa ra (nghĩ rằng): “Chớ có ai gây trở ngại đến việc rời nhà xuất gia sống không nhà của người con trai gia đình danh giá Yasa.” Sau đó, người con trai gia đình danh giá Yasa đã đi đến Isipatana, chỗ vườn nai.

[26] Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm đang đi kinh hành ở ngoài trời. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy người con trai gia đình danh giá Yasa từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã rời đường kinh hành và ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Khi ấy, ở không xa đức Thế Tôn lắm người con trai gia đình danh giá Yasa đã thốt lên lời cảm thán rằng: “Thật là chán nản! Thật là khổ sở!” Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với người con trai gia đình danh giá Yasa điều này:

- Này Yasa, việc này không chán nản, việc này không khổ sở. Này Yasa, hãy đến và ngồi xuống. Ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp cho ngươi.

Khi ấy, người con trai gia đình danh giá Yasa (nghĩ rằng): “Nghe nói việc này không chán nản, việc này không khổ sở” nên mừng rỡ phấn chấn rồi đã cởi ra đôi hài bằng vàng và đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến người con trai gia đình danh giá Yasa đang ngồi một bên. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của người con trai gia đình danh giá Yasa đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến người con trai gia đình danh giá Yasa: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

[27] Sau đó, mẹ của người con trai gia đình danh giá Yasa đã đi lên tòa lâu đài và không thấy người con trai gia đình danh giá Yasa nên đã đi đến gặp người gia chủ đại phú, sau khi đến đã nói với người gia chủ đại phú điều này:

- Gia chủ ơi, không có nhìn thấy con trai ông là Yasa.

Khi ấy, người gia chủ đại phú đã phân công cho các sứ giả phi ngựa bốn phương còn chính bản thân đã đi đến Isipatana, chỗ vườn nai. Người gia chủ đại phú đã nhìn thấy dấu vết in (xuống đất) của đôi hài bằng vàng nên đã đi theo dấu vết ấy. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy người gia chủ đại phú từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên thực hiện thần thông để cho người gia chủ đại phú ngồi ở đây không thể nhìn thấy người con trai gia đình danh giá Yasa đang ngồi ở đây.” Rồi đức Thế Tôn đã thực hiện thần thông như thế ấy. Sau đó, người gia chủ đại phú đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, vậy chớ đức Thế Tôn có thể nhìn thấy người con trai gia đình danh giá Yasa không?

- Này gia chủ, như thế thì ông hãy ngồi xuống đi. Có lẽ khi ông ngồi xuống ở đây, ông có thể nhìn thấy người con trai gia đình danh giá Yasa đang ngồi ở đây.

Khi ấy, người gia chủ đại phú (nghĩ rằng): “Nghe nói khi ta ngồi xuống ở chính nơi đây, ta sẽ nhìn thấy người con trai gia đình danh giá Yasa đang ngồi ở đây” nên mừng rỡ phấn chấn rồi đã đảnh lễ đức Thế Tôn và ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến người gia chủ đại phú đang ngồi một bên. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của người gia chủ đại phú đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến người gia chủ đại phú: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, người gia chủ đại phú đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;” tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

Và ông ta đã trở thành vị nam cư sĩ đọc ba câu (tevāciko)[11] đầu tiên ở thế gian.

[28] Sau đó, khi đang được giảng giải Giáo Pháp và trong khi quán sát bản chất như đã được thấy như đã được biết, tâm của người cha của người con trai gia đình danh giá Yasa đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Khi đang được giảng giải Giáo Pháp và trong khi quán sát bản chất như đã được thấy như đã được biết, tâm của người cha của người con trai gia đình danh giá Yasa đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Còn người con trai gia đình danh giá Yasa không thể nào quay lui đời sống thấp kém để thọ hưởng các dục lạc giống như trước đây khi còn ở tại gia, hay là ta nên thu hồi sự thể hiện thần thông ấy?”

Sau đó, đức Thế Tôn đã thu hồi sự thể hiện thần thông ấy. Người gia chủ đại phú đã nhìn thấy người con trai gia đình danh giá Yasa đang ngồi, sau khi nhìn thấy đã nói với người con trai gia đình danh giá Yasa điều này:

- Này Yasa yêu quý, mẹ của con bị sầu khổ đã than vãn. Hãy đem lại cho mẹ cuộc sống.

Khi ấy, người con trai gia đình danh giá Yasa đã nhìn lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với người gia chủ đại phú điều này:

- Này gia chủ, ngươi nghĩ gì về việc ấy đối với người con trai gia đình danh giá Yasa? Cũng giống như việc ngươi đã nhìn thấy Pháp bằng trí của vị hữu học, bằng sự hiểu biết của vị hữu học, chàng trai ấy trong khi quán sát bản chất như đã được thấy như đã được biết, tâm đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Này gia chủ, có thể nào Yasa quay lui đời sống thấp kém để thọ hưởng các dục lạc giống như trước đây khi còn ở tại gia hay không?

- Bạch ngài, điều ấy không thể nào.

- Này gia chủ, đối với người con trai gia đình danh giá Yasa cũng giống như việc ngươi đã nhìn thấy Pháp bằng trí của vị hữu học bằng sự hiểu biết của vị hữu học, chàng trai ấy trong khi quán sát bản chất như đã được thấy như đã được biết, tâm đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Này gia chủ, Yasa không thể nào quay lui đời sống thấp kém để thọ hưởng các dục lạc giống như trước đây khi còn ở tại gia.

- Bạch ngài, thật là lợi ích cho người con trai gia đình danh giá Yasa! Thật khéo thành tựu cho người con trai gia đình danh giá Yasa! Như là việc tâm của người con trai gia đình danh giá Yasa đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời con về bữa thọ trai ngày mai cùng với người con trai gia đình danh giá Yasa làm sa-môn thị giả.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, người gia chủ đại phú hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, khi người gia chủ đại phú ra đi không lâu, người con trai gia đình danh giá Yasa đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Con có thể tu lên bậc trên không?

Đức Thế Tôn đã nói rằng:

- Này tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.

Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của đại đức ấy.

Vào lúc bấy giờ, trên thế gian có bảy vị A-la-hán.

Dứt sự xuất gia của Yasa.

[29] Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, đi đến tư gia của người gia chủ đại phú cùng với đại đức Yasa làm sa-môn thị giả, sau khi đến đã ngồi xuống chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Khi ấy, người mẹ và người vợ cũ thứ nhì của đại đức Yasa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến các người nữ ấy. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của các người nữ ấy đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến các người nữ ấy: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, các người nữ ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;” tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, chúng con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận chúng con là các nữ cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

Và các người nữ ấy đã trở thành những nữ cư sĩ đọc ba câu (tevācikā) đầu tiên ở thế gian.

Sau đó, khi đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm, đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, người mẹ người cha và người vợ cũ thứ nhì của đại đức Yasa đã ngồi xuống ở một bên Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người mẹ người cha và người vợ cũ thứ nhì của đại đức Yasa bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi.

[30] Bốn người bạn tại gia của đại đức Yasa (tên) Vimala, Subāhu, Puṇṇaji, Gavampati là những người con trai của các gia đình đại phú và khá giả ở thành Bārāṇasī đã nghe được rằng: “Nghe nói người con trai gia đình danh giá Yasa đã cạo bỏ râu tóc, khoác lên các tấm vải màu ca-sa, và rời nhà xuất gia sống không nhà.” Sau khi nghe, các người ấy đã khởi ý điều này: “Pháp và Luật ấy chắc chắn không phải là tầm thường! Việc xuất gia ấy không phải là tầm thường khi mà người con trai gia đình danh giá Yasa đã cạo bỏ râu tóc, khoác lên các tấm vải màu ca-sa, và rời nhà xuất gia sống không nhà!” Các người ấy đã đi đến gặp đại đức Yasa, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Yasa rồi đứng ở một bên. Khi ấy, đại đức Yasa đã dẫn bốn người bạn tại gia ấy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Yasa đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, bốn người bạn tại gia này của con (tên) Vimala, Subāhu, Puṇṇaji, Gavampati là những người con trai của các gia đình đại phú và khá giả ở thành Bārāṇasī. Xin đức Thế Tôn hãy giáo huấn và chỉ dạy cho những người này.

Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến những người ấy. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của những người ấy đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến những người ấy: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, những người ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không?

Đức Thế Tôn đã nói rằng:

- Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.

Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy.

Sau đó, đức Thế Tôn đã giáo huấn và chỉ dạy cho các vị tỳ khưu ấy bằng bài Pháp thoại. Trong khi được đức Thế Tôn giáo huấn và chỉ dạy bằng bài Pháp thoại, tâm của các vị ấy đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc.

Vào lúc bấy giờ, trên thế gian có mười một vị A-la-hán.

Dứt sự xuất gia của bốn người bạn tại gia.

[31] Những người bạn tại gia của đại đức Yasa có số lượng năm mươi (người) là những người con trai của các gia đình đầu tiên hoặc kế tục trong xứ sở đã nghe được rằng: “Nghe nói người con trai gia đình danh giá Yasa đã cạo bỏ râu tóc, khoác lên các tấm vải màu ca-sa, và rời nhà xuất gia sống không nhà.” Sau khi nghe, các người ấy đã khởi ý điều này: “Pháp và Luật ấy chắc chắn không phải là tầm thường! Việc xuất gia ấy không phải là tầm thường khi mà người con trai gia đình danh giá Yasa đã cạo bỏ râu tóc, khoác lên các tấm vải màu ca-sa, và rời nhà xuất gia sống không nhà!” Các người ấy đã đi đến gặp đại đức Yasa, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Yasa rồi đứng ở một bên. Khi ấy, đại đức Yasa đã dẫn các người bạn tại gia có số lượng là năm mươi (người) ấy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Yasa đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, những người bạn tại gia này của con có số lượng năm mươi (người) là những người con trai của các gia đình đầu tiên hoặc kế tục trong xứ sở. Xin đức Thế Tôn hãy giáo huấn và chỉ dạy cho những người này.

Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến những người ấy. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của những người ấy đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến những người ấy: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, những người ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không?

Đức Thế Tôn đã nói rằng:

- Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.

Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy.

Sau đó, đức Thế Tôn đã giáo huấn và chỉ dạy cho các vị tỳ khưu ấy bằng bài Pháp thoại. Trong khi được đức Thế Tôn giáo huấn và chỉ dạy bằng bài Pháp thoại, tâm của các vị ấy đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc.

Vào lúc bấy giờ, trên thế gian có sáu mươi mốt vị A-la-hán.

[32] Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta đã thoát khỏi tất cả các sự trói buộc thuộc về cõi trời và loài người. Này các tỳ khưu, các ngươi cũng đã thoát khỏi tất cả các sự trói buộc thuộc về cõi trời và loài người. Này các tỳ khưu, hãy cất bước du hành vì lợi ích của nhiều người, vì an lạc của nhiều người, vì lòng thương xót thế gian, vì sự tiến hóa, sự lợi ích, sự an vui của chư thiên và nhân loại, chớ đi hai người chung một (đường). Này các tỳ khưu, hãy thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Có những hạng người sanh lên bị ít ô nhiễm sẽ là những người hiểu được Giáo Pháp, (nhưng) do việc không nghe Giáo Pháp sẽ bị thoái hóa. Này các tỳ khưu, ta cũng sẽ đi đến ngôi làng của Senāni ở Uruvelā cho việc thuyết giảng Giáo Pháp.

[33] Sau đó, Ma Vương đầy tội lỗi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn bằng những lời kệ này:

- Các cạm bẫy trời người
đã trói buộc ngài rồi,
ngài đã bị trói buộc
bởi gông cùm vĩ đại.
Hỡi này vị sa-môn,
người không thoát khỏi ta!

(Đức Thế Tôn đáp lại rằng):

- Các cạm bẫy trời người,
ta đây thoát ra rồi,
gông cùm dầu vĩ đại
ta đã tự do rồi.
Ngươi đã bị thua rồi,
hỡi kẻ gây tử vong.
-Di chuyển khắp bầu trời
bẫy này chiếm ngự tâm
ta sẽ dùng vật ấy
trói buộc chặt ngài lại.
Hỡi này vị sa-môn
người không thoát khỏi ta!
-Sắc đẹp, thinh, hương thơm
vị nếm, và cảm xúc,
tuyệt duyệt ở chốn này
ta không còn mong mỏi.
Ngươi đã bị bại rồi
hỡi kẻ gây tử vong.

Khi ấy, Ma Vương đầy tội lỗi (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã nhận ra ta rồi! Đấng Thiện Thệ đã nhận ra ta rồi!” nên xấu hổ, bực bội, rồi đã biến mất ngay tại chỗ ấy.

Dứt phần nói về Ma Vương.

[34] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu thuộc nhiều phương khác nhau, thuộc nhiều xứ sở khác nhau đã dẫn di theo những người có ý muốn xuất gia và những người có ý muốn tu lên bậc trên (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn sẽ cho họ xuất gia và sẽ cho tu lên bậc trên.” Trong trường hợp ấy, chính các vị tỳ khưu luôn cả những người có ý muốn xuất gia và những người có ý muốn tu lên bậc trên đều mệt nhọc.

Khi ấy, trong lúc đức Thế Tôn thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Hiện nay, các vị tỳ khưu thuộc nhiều phương khác nhau, thuộc nhiều xứ sở khác nhau đã dẫn di theo những người có ý muốn xuất gia và những người có ý muốn tu lên bậc trên (nghĩ rằng): ‘Đức Thế Tôn sẽ cho họ xuất gia và sẽ cho tu lên bậc trên.’ Trong trường hợp ấy, chính các vị tỳ khưu luôn cả những người có ý muốn xuất gia và những người có ý muốn tu lên bậc trên đều mệt nhọc; hay là ta nên cho phép các vị tỳ khưu rằng: ‘Này các tỳ khưu, kể từ nay ở trong mọi phương ở trong mọi xứ sở, chính các ngươi hãy cho xuất gia, hãy cho tu lên bậc trên’?” Sau đó vào lúc chiều tối, đức Thế Tôn đã xuất khỏi thiền tịnh rồi nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại, đã thuyết Pháp thoại, và đã bảo các vị tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ở đây trong lúc ta thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Hiện nay, các vị tỳ khưu thuộc nhiều phương khác nhau, thuộc nhiều xứ sở khác nhau đã dẫn di theo những người có ý muốn xuất gia và những người có ý muốn tu lên bậc trên (nghĩ rằng): ‘Đức Thế Tôn sẽ cho họ xuất gia và sẽ cho tu lên bậc trên.’ Trong trường hợp ấy, chính các vị tỳ khưu luôn cả những người có ý muốn xuất gia và những người có ý muốn tu lên bậc trên đều mệt nhọc; hay là ta nên cho phép các vị tỳ khưu rằng: ‘Này các tỳ khưu, kể từ nay ở trong mọi phương ở trong mọi xứ sở, chính các ngươi hãy cho xuất gia, hãy cho tu lên bậc trên’?” Này các tỳ khưu, ta cho phép kể từ nay ở trong mọi phương ở trong mọi xứ sở, chính các ngươi hãy cho xuất gia, hãy cho tu lên bậc trên.

Và này các tỳ khưu, nên cho xuất gia như vầy, nên cho tu lên bậc trên như vầy:

Trước tiên, nên bảo cạo bỏ râu tóc, bảo khoác lên các tấm vải màu ca-sa, bảo đắp thượng y một bên vai, bảo đảnh lễ ở chân các vị tỳ khưu, bảo ngồi chồm hổm, bảo chắp tay lên, và nên bảo rằng: “Ngươi hãy nói như vầy:

Tôi đến với đức Phật là nơi nương nhờ (Tôi xin quy y Phật).
Tôi đến với đức Pháp là nơi nương nhờ (Tôi xin quy y Pháp).
Tôi đến với đức Tăng là nơi nương nhờ (Tôi xin quy y Tăng).
[12]

Lần thứ nhì, tôi đến với đức Phật là nơi nương nhờ.
Lần thứ nhì, tôi đến với đức Pháp là nơi nương nhờ.
Lần thứ nhì, tôi đến với đức Tăng là nơi nương nhờ.

Lần thứ ba, tôi đến với đức Phật là nơi nương nhờ.
Lần thứ ba, tôi đến với đức Pháp là nơi nương nhờ.
Lần thứ ba, tôi đến với đức Tăng là nơi nương nhờ
.”

Này các tỳ khưu, ta cho phép sự xuất gia, sự tu lên bậc trên bằng Tam Quy (ba sự đi đến nương nhờ) này.

Dứt phần nói về sự tu lên bậc trên bằng Tam Quy.

[35] Sau đó, khi đã sống qua mùa mưa, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta có sự tác ý đúng đắn, có sự tinh tấn chân chánh đúng đắn, đã đạt đến sự giải thoát tối thượng, đã chứng ngộ sự giải thoát tối thượng. Này các tỳ khưu, các ngươi cũng có sự tác ý đúng đắn, có sự tinh tấn chân chánh đúng đắn, (các ngươi) hãy đạt đến sự giải thoát tối thượng, hãy chứng ngộ sự giải thoát tối thượng.

Sau đó, Ma Vương đầy tội lỗi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn bằng bài kệ này:

- Các cạm bẫy Ma Vương
các loại thuộc cung trời
và thuộc về nhân loại
đã trói buộc ngài rồi.
Ngài đã bị trói buộc
bởi gông cùm vĩ đại,
hỡi này vị sa-môn
người không thoát khỏi ta!

(Đức Thế Tôn đáp lại rằng):

- Các cạm bẫy Ma Vương
các loại thuộc cung trời
và thuộc về nhân loại
ta đây thoát ra rồi.
Gông cùm dầu vĩ đại
ta đã tự do rồi,
ngươi đã bị thua rồi,
hỡi kẻ gây tử vong.

Khi ấy, Ma Vương đầy tội lỗi (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã nhận ra ta rồi! Đấng Thiện Thệ đã nhận ra ta rồi!” nên xấu hổ, bực bội, rồi đã biến mất ngay tại chỗ ấy.

[36] Sau đó, khi đã ngự tại thành Bārāṇasī theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Uruvelā. Khi ấy, đức Thế Tôn đã rời đường lộ đi đến khu rừng rậm nọ, sau khi đến đã đi sâu vào trong khu rừng rậm ấy và đã ngồi xuống ở gốc cây nọ.

Vào lúc bấy giờ, những người bạn thuộc nhóm các vương tử có số lượng ba mươi (người) cùng với những người vợ đang du ngoạn ở trong khu rừng rậm ấy. Một người không có vợ. Cô gái điếm đã được dẫn đến cho nhu cầu của vị ấy. Rồi trong khi những người ấy đang lơ đễnh du ngoạn, cô gái điếm ấy đã cầm lấy gói đồ rồi tẩu thoát. Sau đó, những người bạn ấy trong lúc giúp đỡ bạn bè và trong lúc tìm kiếm người đàn bà ấy, đã lang thang đi đến khu rừng rậm ấy và đã nhìn thấy đức Thế Tôn đang ngồi ở gốc cây nọ, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, vậy chớ đức Thế Tôn có nhìn thấy người đàn bà không?

- Này các vương tử, các vị có điều gì với người đàn bà?

- Bạch ngài, trường hợp chúng tôi là những người bạn thuộc nhóm các vương tử có số lượng ba mươi (người) đã cùng với những người vợ du ngoạn ở trong khu rừng rậm này. Một người không có vợ. Cô gái điếm đã được dẫn đến cho nhu cầu của vị ấy. Bạch ngài, rồi trong khi chúng tôi đang lơ đễnh du ngoạn, cô gái điếm ấy đã cầm lấy gói đồ rồi tẩu thoát. Bạch ngài, vì thế trong lúc giúp đỡ bạn bè và trong lúc tìm kiếm người đàn bà ấy chúng tôi đã lang thang đi đến khu rừng rậm này.

- Này các vương tử, các vị nghĩ thế nào về việc các vị nên tìm kiếm người đàn bà và việc các vị nên tìm kiếm lấy chính mình, đối với các vị việc nào quan trọng hơn?

- Bạch ngài, đối với chúng tôi việc quan trọng hơn là việc chúng tôi nên tìm kiếm lấy chính mình.

- Này các vương tử, chính vì việc ấy các vị hãy ngồi xuống, ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp cho các vị.

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi những người bạn thuộc nhóm các vương tử ấy đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến các vị ấy. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của các vị ấy đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến các vị ấy: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, các vị ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không?

Đức Thế Tôn đã nói rằng:

- Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.

Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy.

Dứt câu chuyện về những người bạn thuộc nhóm các vương tử.

Tụng phẩm thứ nhì.

3. Tụng phẩm thứ ba

[37] Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Uruvelā. Vào lúc bấy giờ, có ba vị đạo sĩ bện tóc đang cư trú ở Uruvelā là Uruvelakassapa, Nadīkassapa, và Gayākassapa. Trong số các vị ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa là vị lãnh đạo, vị hướng dẫn, vị quan trọng nhất, vị đứng đầu, vị thủ lĩnh của năm trăm đạo sĩ bện tóc. Đạo sĩ bện tóc Nadīkassapa là vị lãnh đạo, vị hướng dẫn, vị quan trọng nhất, vị đứng đầu, vị thủ lĩnh của ba trăm đạo sĩ bện tóc. Đạo sĩ bện tóc Gayākassapa là vị lãnh đạo, vị hướng dẫn, vị quan trọng nhất, vị đứng đầu, vị thủ lĩnh của hai trăm đạo sĩ bện tóc. Khi ấy, đức Thế Tôn đã đi đến khu ẩn cư của đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa, sau khi đến đã nói với đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này:

- Này Kassapa, nếu không trở ngại cho ngươi thì chúng ta[13] có thể ngụ một đêm trong nhà thờ lửa.

- Này vị đại sa-môn, không trở ngại cho tôi, tuy nhiên có con rồng chúa dữ tợn, có pháp thuật, là con rắn có nọc độc khủng khiếp, không thể để cho nó hại ngài được.

Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này:

- Này Kassapa, nếu không trở ngại cho ngươi thì chúng ta có thể ngụ một đêm trong nhà thờ lửa.

- Này vị đại sa-môn, không trở ngại cho tôi, tuy nhiên có con rồng chúa dữ tợn, có pháp thuật, là con rắn có nọc độc khủng khiếp, không thể để cho nó hại ngài được.

Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã nói với đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này:

- Này Kassapa, nếu không trở ngại cho ngươi thì chúng ta có thể ngụ một đêm trong nhà thờ lửa.

- Này vị đại sa-môn, không trở ngại cho tôi, tuy nhiên có con rồng chúa dữ tợn, có pháp thuật, là con rắn có nọc độc khủng khiếp, không thể để cho nó hại ngài được.

- Biết đâu nó có thể không hại tôi. Này Kassapa, ngươi hãy cho phép (ta cư ngụ) nhà thờ lửa đi.

- Này vị đại sa-môn, vậy thì hãy cư ngụ một cách thoải mái.

Sau đó, đức Thế Tôn đã đi vào nhà thờ lửa, sắp đặt tấm thảm trải bằng cỏ, rồi ngồi xuống, xếp (chân) thế kiết già, giữ thân thẳng, tập trung niệm ở phía trước.

[38] Khi ấy, con rồng ấy đã nhìn thấy đức Thế Tôn đi vào, sau khi nhìn thấy trở nên không vui, bực bội, nên đã phun khói. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Có lẽ ta không nên làm thương tổn đến lớp vỏ, làn da, thịt, gân, xương, tủy của con rồng này mà chỉ nên dùng lửa (của ta) làm cho lửa (của nó) bị kiệt quệ thôi.” Sau đó, đức Thế Tôn đã thực hiện phép thần thông có hình thức tương tợ và đã phun khói. Khi ấy, con rồng không còn đè nén được cơn giận nên đã phun ra lửa. Đức Thế Tôn cũng đã nhập thiền đề mục lửa và đã phun ra lửa. Trong khi cả hai bên đều ở trong trạng thái rực sáng, ngôi nhà thờ lửa cũng ở trong trạng thái rực sáng như đang bị đốt cháy sáng rực vậy. Khi ấy, những đạo sĩ bện tóc ấy đã vây xung quanh nhà thờ lửa và nói như vầy:

- Quả thật vị đại sa-môn có vóc dáng xinh đẹp đã bị con rồng hãm hại!

Sau đó, khi trải qua đêm ấy đức Thế Tôn đã không làm thương tổn đến lớp vỏ, làn da, thịt, gân, xương, tủy của con rồng này mà đã dùng lửa (của ngài) làm cho lửa (của nó) bị kiệt quệ, rồi bỏ vào trong bình bát, và đưa cho đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa xem (nói rằng):

- Này Kassapa, đây là con rồng của ngươi. Lửa của nó đã bị lửa (của ta) làm cho kiệt quệ.

Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì vị ấy đã dùng lửa (của vị ấy) làm cho lửa của con rồng chúa dữ tợn, có pháp thuật, là con rắn có nọc độc khủng khiếp bị kiệt quệ nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

[39]

Ở Nerañjarā
đức Thế Tôn đã nói
với đạo sĩ bện tóc
xứ Uruvela
tên Kassapa rằng:
-Hỡi này Kassapa,
nếu không trở ngại
ngươi hãy cho ta ngụ
trong giảng đường thờ lửa
vào trong đêm trăng này.

- Này vị đại sa-môn,
tôi chẳng khó khăn gì
giúp ngài được an lạc.
Có rồng chúa dữ tợn
là rắn có pháp thuật,
nọc độc thật khủng khiếp
không để nó hại ngài.

-Biết đâu nó không thể
hãm hại được ta đây.
Hỡi này Kasspa,
thuận cho nhà thờ lửa
.
Được biết “Đã cho phép”
đi vào, không khiếp đảm,
hãi sợ đã không còn.

Thấy ẩn sĩ đi vào,
rồng chúa thành bực bội
đã phun ra đám khói.
Vị chúa của loài người
tâm hòa dịu, thản nhiên,
tại đó, phun khói lại.

Không nén nỗi bực tức
rồng chúa đã phun lửa
như là đám hỏa hoạn.
Vị chúa của loài người
thiện xảo đề mục lửa,
tại đó, phun lửa lại.
Cả hai chìm trong lửa
nhà thờ lửa rực lửa
toàn bộ đều sáng rực
với ánh sáng chói chang.

Các đạo sĩ bện tóc
bàn bạc: “Thật tuấn tú
là vị đại sa-môn
đã bị loài rắn hại!”
Rồi đêm đã qua đi,
lửa rồng chúa chẳng còn,
nhiều ngọn lửa đủ màu
của vị có thần lực
xanh, đỏ, hồng, vàng chói,
màu trong suốt từ thân
vị Aṅgirasa
.
Bỏ rồng vào bình bát,
vị ấy đã đưa ra
cho bà-la-môn thấy:
- Hỡi này bà-la-môn,
đây là rồng của ngươi
lửa nó bị kiệt quệ
vì ngọn lửa của ta
.[14]

Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa vô cùng hoan hỷ với sự kỳ diệu của thần thông này của đức Thế Tôn nên đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này vị đại sa-môn, hãy cư ngụ ngay tại đây, tôi có thức ăn trường kỳ cho ngài.

Điều kỳ diệu thứ nhất.

[40] Sau đó, đức Thế Tôn đã cư ngụ trong khu rừng rậm nọ không xa chỗ ẩn cư của đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa. Khi ấy vào lúc đêm khuya, bốn vị Đại Thiên Vương với hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở bốn phương giống như là những khối lửa khổng lồ. Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này vị đại sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong. Này vị đại sa-môn, trong lúc đêm khuya những ai có hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm rồi đi đến gặp ngài, sau khi đến đã đảnh lễ ngài rồi đứng ở bốn phương giống như là những khối lửa khổng lồ vậy?

- Này Kassapa, những vị ấy là bốn vị Đại Thiên Vương đã đi đến gặp ta để nghe Pháp.

Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì ngay cả bốn vị Đại Thiên Vương còn đi đến gặp để nghe Pháp, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy.

Điều kỳ diệu thứ nhì.

[41] Sau đó, trong lúc đêm khuya vị chúa của chư thiên Sakka với hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên giống như là khối lửa khổng lồ còn rực rỡ hơn và thù thắng hơn những hào quang đầy màu sắc trước đây nữa. Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này vị đại sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong. Này vị đại sa-môn, trong lúc đêm khuya ai có hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm rồi đi đến gặp ngài, sau khi đến đã đảnh lễ ngài rồi đứng ở một bên giống như là khối lửa khổng lồ còn rực rỡ hơn và thù thắng hơn những hào quang đầy màu sắc trước đây nữa vậy?

- Này Kassapa, vị ấy là chúa của chư thiên Sakka đã đi đến gặp ta để nghe Pháp.

Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì ngay cả chúa của chư thiên Sakka còn đi đến gặp để nghe Pháp, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy.

Điều kỳ diệu thứ ba.

[42] Sau đó, trong lúc đêm khuya vị Phạm thiên Sahampati với hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên giống như là khối lửa khổng lồ còn rực rỡ hơn và thù thắng hơn những hào quang đầy màu sắc trước đây nữa. Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này vị đại sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong. Này vị đại sa-môn, trong lúc đêm khuya ai có hào quang rực rỡ đã làm chói sáng toàn bộ khu rừng rậm rồi đi đến gặp ngài, sau khi đến đã đảnh lễ ngài rồi đứng ở một bên giống như là khối lửa khổng lồ còn rực rỡ hơn và thù thắng hơn những hào quang đầy màu sắc trước đây nữa vậy?

- Này Kassapa, vị ấy là Phạm thiên Sahampati đã đi đến gặp ta để nghe Pháp.

Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì vị Phạm thiên Sahampati còn đi đến gặp để nghe Pháp, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy.

Điều kỳ diệu thứ tư.

[43] Vào lúc bấy giờ, buổi đại lễ cúng tế của đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đến. Toàn bộ dân chúng ở Aṅga và Magadha đem lại nhiều thức ăn loại cứng loại mềm có ý muốn tham dự. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Lúc này đây buổi đại lễ cúng tế của ta đã đến, toàn bộ dân chúng ở Aṅga và Magadha sẽ đem lại nhiều thức ăn loại cứng loại mềm và tham dự, nếu vị đại sa-môn thực hiện sự kỳ diệu của thần thông trước đám đông thì lợi lộc và cung kỉnh sẽ tăng trưởng cho vị đại sa-môn còn lợi lộc và cung kỉnh của ta sẽ bị giảm đi; vậy thì vị đại sa-môn không nên đi đến vào ngày mai.” Khi ấy, đức Thế Tôn dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa nên đã đi đến xứ Kuru ở phương Bắc, rồi đem đồ ăn khất thực ở nơi ấy đến hồ Anotatta, sau khi thọ thực xong đã trú ngay tại nơi ấy trọn ngày.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này vị đại sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong. Này vị đại sa-môn, việc gì khiến ngài đã không đi đến ngày hôm qua? Tuy nhiên, chúng tôi cũng có nhớ đến ngài rằng: “Việc gì khiến vị đại sa-môn không đi đến?” và phần san sẽ về thức ăn đã được để dành cho ngài.

- Này Kassapa, thế không phải ngươi đã khởi ý điều này: “Lúc này đây buổi đại lễ cúng tế của ta đã đến, toàn bộ dân chúng ở Aṅga và Magadha sẽ đem lại nhiều thức ăn loại cứng loại mềm và tham dự, nếu vị đại sa-môn thực hiện sự kỳ diệu của thần thông trước đám đông thì lợi lộc và cung kỉnh sẽ tăng trưởng cho vị đại sa-môn còn lợi lộc và cung kỉnh của ta sẽ bị giảm đi, vậy thì vị đại sa-môn không nên đi đến vào ngày mai.” Này Kassapa, ta đây dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của ngươi nên đã đi đến xứ Kuru ở phương Bắc, rồi đem đồ ăn khất thực ở nơi ấy đến hồ Anotatta, sau khi thọ thực xong đã trú ngay tại nơi ấy trọn ngày.

Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì vị ấy còn biết được tâm bằng tâm, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy.

Điều kỳ diệu thứ năm.

[44] Vào lúc bấy giờ, có vải paṃsukūla[15] đã phát sanh đến đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Ta có thể giặt vải paṃsukūla ở đâu?” Khi ấy, vị chúa của chư thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã dùng tay đào thành cái hồ nước rồi nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy giặt vải paṃsukūla ở đây.

Sau đó, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Ta có thể nhồi vải paṃsukūla ở trên vật gì?” Khi ấy, vị chúa của chư thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã mang lại tảng đá lớn rồi nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy nhồi vải paṃsukūla ở đây.

Sau đó, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Ta có thể nắm vào vật gì và bước lên?” Khi ấy, vị thiên thần ngụ ở cây Kakudha dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã uốn cong cành cây xuống rồi nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy nắm vào đây và bước lên.

Sau đó, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Ta có thể phơi khô vải paṃsukūla ở trên vật gì?” Khi ấy, vị chúa của chư thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đức Thế Tôn nên đã mang lại tảng đá lớn rồi nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy phơi khô vải paṃsukūla ở đây.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này vị đại sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong. Này vị đại sa-môn, có phải trước kia ở đây không có cái hồ nước này, giờ ở đây lại có cái hồ nước này? Trước kia hòn đá này không được đem lại, do ai mà hòn đá này đã được đem lại? Trước kia cành của cây Kakudha này không bị uốn cong xuống, giờ cành cây này đã bị uốn cong xuống?

- Này Kassapa, trường hợp này là có vải paṃsukūla đã phát sanh đến ta. Sau đó, ta đây đã khởi ý điều này: “Ta có thể giặt vải paṃsukūla ở đâu?” Khi ấy, vị chúa của chư thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của ta nên đã dùng tay đào thành cái hồ nước rồi nói với ta điều này: “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy giặt vải paṃsukūla ở đây.” Chính cái hồ này đã được đào bằng tay bởi hạng không phải là người. Sau đó, ta đây đã khởi ý điều này: “Ta có thể nhồi vải paṃsukūla ở trên vật gì?” Khi ấy, vị chúa của chư thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của ta nên đã mang lại tảng đá lớn: “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy nhồi vải paṃsukūla ở đây.” Chính hòn đá này đã được đem lại bởi hạng không phải là người. Sau đó, ta đây đã khởi ý điều này: “Ta có thể nắm vào vật gì và bước lên?” Khi ấy, vị thiên thần ngụ ở cây Kakudha dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của ta nên đã uốn cong cành cây xuống: “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy nắm vào đây và bước lên.” Chính cây Kakudha này là vật để tay nắm vào. Sau đó, ta đây đã khởi ý điều này: “Ta có thể phơi khô vải paṃsukūla ở trên vật gì?” Khi ấy, vị chúa của chư thiên Sakka dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của ta nên đã mang lại tảng đá lớn: “Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy phơi khô vải paṃsukūla ở đây.” Chính hòn đá này đã được đem lại bởi hạng không phải là người.

Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì vị chúa của chư thiên Sakka còn phải phục vụ, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy.

[45] Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này vị đại sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

- Này Kassapa, ngươi hãy đi rồi ta theo sau.

Sau khi bảo vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đi, ngài đã hái trái cây từ cây Jambu, do cây Jambu mà Jambudīpa[16] được biết tiếng, rồi đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa. Vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã nhìn thấy đức Thế Tôn ngồi trong nhà thờ lửa, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này vị đại sa-môn, ngài đã đi đến bằng con đường nào? Tôi đã ra đi trước ngài, vậy mà ngài đây đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa.

- Này Kassapa, trong trường hợp này, sau khi bảo ngươi đi, ta đã hái trái cây từ cây Jambu, do cây Jambu mà Jambudīpa được biết tiếng, rồi đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa. Này Kassapa, trái cây Jambu này đạt được màu sắc, đạt được hương thơm, đạt được mùi vị, nếu ngươi thích thì hãy ăn đi.

- Này vị đại sa-môn, thôi đi. Chính ngài đã mang nó lại thì chính ngài hãy ăn nó.

Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì sau khi bảo ta đi, vị ấy đã hái trái cây từ cây Jambu, do cây Jambu mà Jambudīpa được biết tiếng, rồi đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

Sau đó, đức Thế Tôn đã thọ thực bữa ăn của vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa rồi đã cư ngụ ở ngay trong khu rừng rậm ấy.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này vị đại sa-môn, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

- Này Kassapa, ngươi hãy đi rồi ta theo sau.

Sau khi bảo vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đi, ngài đã hái trái xoài không xa cây Jambu lắm, do cây Jambu mà Jambudīpa được biết tiếng, ...(như trên)... trái Āmalakī không xa cây Jambu lắm, ...(như trên)... trái Harītakī không xa cây Jambu lắm, ...(như trên)... đã đi đến cõi trời Đạo Lợi hái bông hoa của cây san hô, rồi đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa. Vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã nhìn thấy đức Thế Tôn ngồi trong nhà thờ lửa, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này vị đại sa-môn, ngài đã đi đến bằng con đường nào? Tôi đã ra đi trước ngài vậy mà ngài đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa.

- Này Kassapa, trong trường hợp này, sau khi bảo ngươi đi ta đã đi đến cõi trời Đạo Lợi hái bông hoa của cây san hô, rồi đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa. Này Kassapa, bông hoa của cây san hô này đạt được màu sắc, đạt được hương thơm, nếu ngươi thích thì hãy lấy đi.

Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì sau khi bảo ta đi, vị ấy đã đi đến cõi trời Đạo Lợi hái bông hoa của cây san hô, rồi đã đi đến trước và ngồi ở nhà thờ lửa, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

[46] Vào lúc bấy giờ, các vị đạo sĩ bện tóc ấy có ước nguyện chăm sóc các ngọn lửa không thể chẻ nhỏ các thanh củi được. Khi ấy, các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là do năng lực thần thông của vị đại sa-môn nên chúng ta không thể nào chẻ nhỏ các thanh củi được!” Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này:

- Này Kassapa, hãy làm các thanh củi được chẻ nhỏ.

- Này vị đại sa-môn, hãy làm các thanh củi được chẻ nhỏ.

Ngay lập tức, năm trăm thanh củi đã được chẻ nhỏ. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì các thanh củi đã được chẻ nhỏ, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

[47] Vào lúc bấy giờ, các vị đạo sĩ bện tóc ấy có ước nguyện chăm sóc các ngọn lửa không thể đốt lên các ngọn lửa được. Khi ấy, các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là do năng lực thần thông của vị đại sa-môn nên chúng ta không thể nào đốt lên các ngọn lửa được!” Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này:

- Này Kassapa, hãy làm các ngọn lửa được đốt lên.

- Này vị đại sa-môn, hãy làm các ngọn lửa được đốt lên.

Ngay lập tức, năm trăm ngọn lửa đã được đốt lên. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì các ngọn lửa đã được đốt lên, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

[48] Vào lúc bấy giờ, các vị đạo sĩ bện tóc ấy có ước nguyện chăm sóc các ngọn lửa không thể dập tắt các ngọn lửa được. Khi ấy, các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là do năng lực thần thông của vị đại sa-môn nên chúng ta không thể nào dập tắt các ngọn lửa được!” Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này:

- Này Kassapa, hãy làm các ngọn lửa được dập tắt.

- Này vị đại sa-môn, hãy làm các ngọn lửa được dập tắt.

Ngay lập tức, năm trăm ngọn lửa đã được dập tắt. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì các ngọn lửa đã được dập tắt, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

[49] Vào lúc bấy giờ, trong khoảng thời gian tám đêm của mùa đông lạnh lẽo vào những lúc tuyết rơi, các vị đạo sĩ bện tóc ấy hụp xuống và trồi lên trong giòng sông Nerañjarāđã rồi lại thực hiện những hành động trồi lên hụp xuống. Khi ấy, đức Thế Tôn đã làm hiện ra các chảo lửa có số lượng năm trăm ở tại chỗ các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã lội lên và sưởi ấm.

Khi ấy, các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là do năng lực thần thông của vị đại sa-môn cho nên các chảo lửa này đã được hiện ra.”

Khi ấy, vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì vị ấy còn làm hiện ra các chảo lửa nhiều đến mức này, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

[50] Vào lúc bấy giờ, có đám mây đen lớn sái mùa đã đổ mưa tạo thành trận lũ lụt lớn. Trong khu vực nào đức Thế Tôn cư ngụ thì nước không tràn đến khu vực ấy. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên đẩy nước ra xung quanh rồi đi kinh hành ở khoảng giữa trên mặt đất được phủ đầy bụi?” Sau đó, đức Thế Tôn đã đẩy nước ra xung quanh rồi đi kinh hành ở khoảng giữa trên mặt đất được phủ đầy bụi. Khi ấy, vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa (nghĩ rằng): “Chỉ mong sao vị đại sa-môn không bị nước cuốn trôi đi!” rồi đã cùng nhiều vị đạo sĩ bện tóc đi thuyền đến khu vực đức Thế Tôn cư ngụ. Vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã nhìn thấy đức Thế Tôn đang đi kinh hành ở khoảng giữa trên mặt đất được phủ đầy bụi sau khi đã đẩy nước ra xung quanh, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này vị đại sa-môn, ngài có ở đây không?

- Này Kassapa, có ta đây.

Rồi đức Thế Tôn đã bay lên không trung và hạ xuống đứng trên chiếc thuyền. Khi ấy, vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực bởi vì nước không cuốn trôi đi, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.”

[51] Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Đã lâu ngay, gã khờ dại này chỉ khởi ý rằng:Vị đại sa-môn quả thật có đại thần lực, có đại oai lực, nhưng vị ấy không phải là vị A-la-hán giống như ta đây.Hay là ta nên làm cho vị đạo sĩ bện tóc này phải nao núng?

Sau đó, đức Thế Tôn đã nói với vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa điều này:

- Này Kassapa, ngươi chẳng phải là A-la-hán và cũng chẳng đạt được con đường đưa đến quả vị A-la-hán. Ngay cả đường lối thực hành để ngươi có thể trở thành A-la-hán hoặc đạt được con đường đưa đến quả vị A-la-hán ngươi cũng không có.

Khi ấy, vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Con có thể tu lên bậc trên không?

- Này Kassapa, ngươi là vị lãnh đạo, vị hướng dẫn, vị quan trọng nhất, vị đứng đầu, vị thủ lĩnh của năm trăm đạo sĩ bện tóc. Ngươi hãy thông báo đến các vị ấy và các vị ấy sẽ làm theo như điều các vị suy nghĩ.

Sau đó, vị đạo sĩ bện tóc Uruvelakassapa đã đi đến gặp các đạo sĩ bện tóc ấy, sau khi đến đã nói với các đạo sĩ bện tóc ấy điều này:

- Này các ông, ta muốn thực hành Phạm hạnh theo vị đại sa-môn, các ông hãy làm theo như điều các ông suy nghĩ.

- Ngài ơi, chúng tôi có niềm tin với vị đại sa-môn đã lâu nay. Nếu ngài thực hành Phạm hạnh theo vị đại sa-môn, hết thảy tất cả chúng tôi sẽ thực hành Phạm hạnh theo vị đại sa-môn.

Sau đó, các vị đạo sĩ bện tóc ấy đã quăng trôi theo giòng nước các chùm tóc, các bện tóc, các đồ đạc, các dụng cụ thờ lửa rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không?

Đức Thế Tôn đã nói rằng:

- Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.

Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy.

[52] Đạo sĩ tóc bện Nadīkassapa đã nhìn thấy giòng nước đang cuốn trôi đi các chùm tóc, các bện tóc, các đồ đạc, các dụng cụ thờ lửa. Sau khi nhìn thấy, vị ấy đã khởi ý điều này: “Chớ có việc gì nguy hiểm đã xảy ra cho anh trai của ta!” rồi đã phái các đạo sĩ bện tóc (nói rằng): “Các vị hãy đi và tìm hiểu xem anh trai của ta thế nào!” còn bản thân cùng với ba trăm đạo sĩ bện tóc đã đi đến gặp đại đức Uruvelakassapa, sau khi đến đã nói với đại đức Uruvelakassapa điều này:

- Này Kassapa, điều này là tốt hơn hay sao?

- Này đệ, đúng vậy. Điều này là tốt hơn.

Sau đó, các đạo sĩ bện tóc ấy đã quăng trôi theo giòng nước các chùm tóc, các bện tóc, các đồ đạc, các dụng cụ thờ lửa rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không?

Đức Thế Tôn đã nói rằng:

- Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.

Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy.

[53] Đạo sĩ tóc bện Gayākassapa đã nhìn thấy giòng nước đang cuốn trôi đi các chùm tóc, các bện tóc, các đồ đạc, các dụng cụ thờ lửa. Sau khi nhìn thấy, vị ấy đã khởi ý điều này: “Chớ có việc gì nguy hiểm đã xảy ra cho các anh trai của ta!” rồi đã phái các đạo sĩ bện tóc (nói rằng): “Các vị hãy đi và tìm hiểu xem các anh trai của ta thế nào!” còn bản thân cùng với hai trăm đạo sĩ bện tóc đã đi đến gặp đại đức Uruvelakassapa, sau khi đến đã nói với đại đức Uruvelakassapa điều này:

- Này Kassapa, điều này là tốt hơn hay sao?

- Này đệ, đúng vậy. Điều này là tốt hơn.

Sau đó, các đạo sĩ bện tóc ấy đã quăng trôi theo giòng nước các chùm tóc, các bện tóc, các đồ đạc, các dụng cụ thờ lửa rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không?

Đức Thế Tôn đã nói rằng:

- Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.

Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy.

[54] Do nguyện lực của đức Thế Tôn, năm trăm thanh củi không chẻ ra được đã được chẻ ra, các ngọn lửa không đốt lên được đã được đốt lên, không dập tắt được đã được dập tắt, năm trăm chảo lửa đã được làm cho hiện ra. Theo cách thức ấy, có được ba ngàn năm trăm điều kỳ diệu.

[55] Sau đó, khi đã ngự tại Uruvelā theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía đỉnh Gayā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn vị tỳ khưu, hết thảy tất cả đều là đạo sĩ bện tóc trước đây. Tại nơi đó ở Gayā, đức Thế Tôn ngự tại đỉnh Gayā cùng với một ngàn vị tỳ khưu. Tại đó, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, tất cả đều bị cháy rực. Và này các tỳ khưu, cái gì là tất cả đều bị cháy rực? Này các tỳ khưu, mắt bị cháy rực, các sắc bị cháy rực, sự nhận thức của mắt bị cháy rực, sự tiếp xúc của mắt bị cháy rực, tức là sự cảm thọ được sanh lên do duyên tiếp xúc của mắt là lạc, hay là khổ, hoặc không khổ không lạc cũng đều bị cháy rực. Bị cháy rực bởi điều gì? Ta nói rằng: “Bị cháy rực bởi lửa tham, bởi lửa sân, bởi lửa si. Bị cháy rực bởi sanh, bởi già và chết, bởi buồn rầu, bởi ta thán, bởi khổ đau, bởi bất mãn, bởi thất vọng.” Tai bị cháy rực, các âm thanh bị cháy rực, ...(như trên)... Mũi bị cháy rực, các mùi bị cháy rực, ...(như trên)... Lưỡi bị cháy rực, các vị nếm bị cháy rực, ...(như trên)... Thân bị cháy rực, các sự xúc chạm bị cháy rực, ...(như trên)... Ý bị cháy rực, các đối tượng của ý (dhammā) bị cháy rực, sự nhận thức của ý bị cháy rực, sự tiếp xúc của ý bị cháy rực, tức là sự cảm thọ được sanh lên do duyên tiếp xúc của ý là lạc, hay là khổ, hoặc không khổ không lạc cũng đều bị cháy rực. Bị cháy rực bởi điều gì? Ta nói rằng: “Bị cháy rực bởi lửa tham, bởi lửa sân, bởi lửa si. Bị cháy rực bởi sanh, bởi già và chết, bởi buồn rầu, bởi ta thán, bởi khổ đau, bởi bất mãn, bởi thất vọng.” Này các tỳ khưu, trong khi thấy như thế vị Thánh đệ tử có học hỏi không còn hứng thú đến mắt, không còn hứng thú đến các sắc, không còn hứng thú đến sự nhận thức của mắt, không còn hứng thú đến sự tiếp xúc của mắt, tức là không còn hứng thú đến sự cảm thọ được sanh lên do duyên tiếp xúc của mắt là lạc, hay là khổ, hoặc không khổ không lạc, không còn hứng thú đến tai, không còn hứng thú đến các âm thanh, ...(như trên)..., không còn hứng thú đến mũi, không còn hứng thú đến các mùi, ...(như trên)..., không còn hứng thú đến lưỡi, không còn hứng thú đến các vị nếm, ...(như trên)..., không còn hứng thú đến thân, không còn hứng thú đến các sự xúc chạm, ...(như trên)..., không còn hứng thú đến ý, không còn hứng thú đến các đối tượng của ý, không còn hứng thú đến sự nhận thức của ý, không còn hứng thú đến sự tiếp xúc của ý, tức là không còn hứng thú đến sự cảm thọ được sanh lên do duyên tiếp xúc của ý là lạc, hay là khổ, hoặc không khổ không lạc; khi đã không còn hứng thú, vị ấy không còn say đắm; do không còn say đắm vị ấy được giải thoát; trong khi được giải thoát, trí khởi lên rằng: “Đã được giải thoát.” Vị ấy biết được rằng: “Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn (đưa đến) bản ngã nào khác (tương tợ) như vầy nữa.” Và trong khi bài kinh này được thuyết giảng, các tâm của một ngàn vị tỳ khưu ấy đã không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc.

Dứt phần giảng về “Bị Cháy Rực.”

Dứt tụng phẩm “Sự Kỳ Diệu ở Uruvelā” là phần thứ ba.



[1] Bản dịch tiếng Anh của Rhys Davids and Hermann Oldenberg dẫn chứng tài liệu và giải thích rằng: 1. Các người chăn dê dùng bóng mát của cây si (nigrodha) để nghỉ ngơi nên được gọi là cây si của những người chăn dê. 2. Cây si đã được một đứa bé chăn dê trồng trong thời gian Bồ-tát Siddhattha hành khổ hạnh sáu năm.

[2] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng đức Phật đã chú nguyện thành một bình bát mới từ bốn bình bát bằng đá ấy.

[3] Chỉ tuyên bố quy y đức Thế Tôn và quy y Giáo Pháp vì Tăng Bảo chưa được hình thành.

[4] Apparajakkha = appa–raja–akkha = mắt có ít bụi.

[5] Phần trong ngoặc đơn cho đến hết phần [8] ở Tam Tạng của Thái Lan được ghi vào phần chú thích ở cuối trang.

[6] Đức Thế Tôn đề cập đến sự phục vụ của năm vị này trong thời gian Ngài hành khổ hạnh sáu năm. Điểm cần lưu ý là đức Thế Tôn dùng từ “bhikkhu” dịch là “tỳ khưu” để gọi năm vị này dầu các vị chưa trở thành đệ tử và chưa tu tập theo Giáo Pháp của Ngài (Chú thích của người dịch).

[7] Nói cho gọn hơn là Bát Chánh Đạo gồm có: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh cần, chánh niệm, chánh định.

[8]Aññākoṇḍañña”= Aññā +koṇḍañña nghĩa làKoṇḍañña đã hiểu. Aññā được trích từ lời nói của đức Phật là: “Aññāsivata bho Koṇḍañño, aññāsi vata bho Koṇḍañño” rồi ghép vào phía trước tên Koṇḍañña.

[9] Khoái lạc sanh lên do năm giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân.

[10] ... bãi tha ma đạt được trong tầm tay (dịch sát từ).

[11] Lúc ấy trên thế gian này đã có sáu vị tỳ khưu A-la-hán đại diện cho Tăng Bảo. Và người gia chủ này quy Tam Bảo vì đọc ba câu là: “Quy y đức Thế Tôn, Quy y Giáo Pháp, và Quy y Hội chúng tỳ khưu,” không như hai người thương buôn trước đây chỉ quy y Nhị Bảo là Phật Bảo và Pháp Bảo (chú thích của người dịch).

[12] Tăng (trong chữ Tăng-già) được ghi âm từ chữ “saṅgha” có ý nghĩa thông thường là hội chúng, tập thể, v.v... và được thiêng liêng hóa khi đề cập đến ba ngôi báu Phật, Pháp, Tăng (Tam Bảo). Điều cần lưu ý ở đây là từ saṅgha cũng được dùng cho tỳ khưu ni (bhikkhunīsaṅgha = hội chúng tỳ khưu ni, Tăng tỳ khưu ni; tương tợ như ở bhikkhusaṅgha = hội chúng tỳ khưu, Tăng tỳ khưu). Tuy nhiên, hiện nay có khuynh hướng dùng chữ “Tăng” chỉ dành riêng cho phái Nam ví dụ như: “Tứ chúng gồm có Tăng, Ni, Thiện Nam, Tín Nữ”.hoặc “Kính bạch chư đại đức Tăng Ni,” hoặc bình dân hơn như “ông Tăng bà Ni,” v.v... Chữ “Tăng” này chỉ tương đương với từ “bhikkhu = tỳ khưu” chứ không phải là “saṅgha” như ở trên.

[13] vaseyyāma: ngôi thứ nhất số nhiều.

[14] Ngài Buddhaghosa cho biết các bài kệ như vầy được lưu truyền về sau này.

[15] Chủ yếu là vải quấn thây người chết được đem bỏ ở bãi tha ma hoặc là vải nhặt ở các đống rác (chú thích của người dịch). Ở các nơi khác, chúng tôi dịch là “vải dơ bị quăng bỏ.”

[16] Jambudīpa, dịch là đảo Jambu, tức là bán đảo Ấn Độ (chú thích của người dịch).


4. Tụng phẩm thứ tư

[56] Sau đó, khi đã ngự tại Uruvelā theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Rājagaha (Vương Xá) cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn vị tỳ khưu, hết thảy tất cả đều là đạo sĩ bện tóc trước đây. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Rājagaha. Tại nơi đó ở thành Rājagaha, đức Thế Tôn ngự ở khu rừng Laṭṭhi, nơi điện thờ Suppatiṭṭha.

[57] Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha (Ma Kiệt Đà) đã nghe được rằng: “Chắc chắn là ngài Sa-môn Gotama, con trai dòng Sākya (Thích Ca), từ dòng dõi Sākya đã xuất gia, đã ngự đến thành Rājagaha và trú ở khu rừng Laṭṭhi, nơi điện thờ Suppatiṭṭha. Tiếng tăm tốt đẹp về ngài Gotama ấy đã được lan rộng ra như vầy: ‘Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Tối Thượng Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.’ Vị ấy sau khi tự mình chứng ngộ thắng trí đã công bố về thế gian này tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi sa-môn, bà-la-môn, chư thiên, và loài người. Vị ấy thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Tốt thay cho việc diện kiến các vị A-la-hán như thế ấy!”

Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha được tháp tùng bởi một trăm hai mươi ngàn[1] bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Còn một trăm hai mươi ngàn bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha ấy, một số đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, một số đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi ngồi xuống ở một bên, một số đã chắp tay cúi chào đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên, một số đã xưng tên họ trước đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên, một số có thái độ im lặng rồi ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, một trăm hai mươi ngàn bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha ấy đã khởi ý điều này: “Vị đại sa-môn thực hành Phạm hạnh theo Uruvelakassapa hay là Uruvelakassapa thực hành Phạm hạnh theo vị đại sa-môn?” Khi ấy, đức Thế Tôn dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của một trăm hai mươi ngàn bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha ấy nên đã nói với đại đức Uruvelakassapa bằng bài kệ này:

- Sau khi đã thấy gì
dân Uruvelā
nổi danh người chuộc tội
đã từ bỏ lửa thần?
Hỡi này Kassapa
ta hỏi ngươi điều này:
“Tại sao ngươi từ bỏ
việc thờ lửa của ngươi?”
- Việc cúng tế nói về
các hình sắc, âm thanh,
rồi đến các mùi vị,
dục lạc, và đàn bà.
Nhận thức các trói buộc
“Việc ấy là ghê tởm;”
vì thế, con chẳng thích
việc hy sinh cúng tế.

Đức Thế Tôn nói rằng:

- Ở đây Kassapa,
tâm ngươi không thích thú
các sắc, tiếng, mùi vị,
như thế có điều gì
ở thế giới nhân thiên
tâm ngươi được thỏa thích
nói ta nghe điều ấy.
- Đã thấy được lối đi
thanh tịnh, không tái sanh
không tội, không trói buộc
trong dục lạc, hiện hữu,
không còn sanh cõi khác,
chẳng gì lôi kéo được;
vì thế, con chẳng thích
việc hy sinh cúng tế.

[58] Sau đó, đại đức Uruvelakassapa đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo Sư của con, con là người đệ tử. Bạch ngài, đức Thế Tôn là bậc Đạo Sư của con, con là người đệ tử.

Khi ấy, một trăm hai mươi ngàn bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha ấy đã khởi ý điều này: “Uruvelakassapa thực hành Phạm hạnh theo vị đại sa-môn.”

Sau đó, đức Thế Tôn dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của một trăm hai mươi ngàn bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha ấy nên đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến những người ấy. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của những người ấy đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến một trăm hai mươi ngàn bà-la-môn và gia chủ người xứ Magadha ấy có đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đứng đầu: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Mười ngàn (ekanahutaṃ) người đã tuyên bố bản thân là cư sĩ.

[59] Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, trước đây khi còn là hoàng tử trẫm đã có năm điều ước nguyện, giờ đây trẫm đã được toại nguyện các điều ấy. Bạch ngài, trước đây khi còn là hoàng tử trẫm đã khởi ý điều này: “Ước gì người ta tấn phong ta làm vua!” Bạch ngài, đó là điều ước nguyện thứ nhất của trẫm, giờ đây trẫm đã được toại nguyện điều ấy. “Ước gì bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác đi vào vương quốc của ta!” Bạch ngài, đó là điều ước nguyện thứ nhì của trẫm, giờ đây trẫm đã được toại nguyện điều ấy. “Ước gì ta được tỏ lòng tôn kính đến đức Thế Tôn ấy!” Bạch ngài, đó là điều ước nguyện thứ ba của trẫm, giờ đây trẫm đã được toại nguyện điều ấy. “Ước gì đức Thế Tôn ấy thuyết giảng Giáo Pháp cho ta!” Bạch ngài, đó là điều ước nguyện thứ tư của trẫm, giờ đây trẫm đã được toại nguyện điều ấy. “Ước gì ta có thể hiểu được Giáo Pháp của đức Thế Tôn ấy!” Bạch ngài, đó là điều ước nguyện thứ năm của trẫm, giờ đây trẫm đã được toại nguyện điều ấy. Bạch ngài, trước đây khi còn là hoàng tử, trẫm đã có năm điều ước nguyện này; giờ đây trẫm đã được toại nguyện các điều ấy. Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;” tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, trẫm đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận trẫm là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời trẫm về bữa thọ trai vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

[60] Sau đó, khi trải qua đêm ấy đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã cho người chuẩn bị thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi sai người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:

- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, đi vào thành Rājagaha cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn vị tỳ khưu, hết thảy tất cả đều là đạo sĩ bện tóc trước đây

 [61] Vào lúc bấy giờ, chúa của chư thiên Sakka đã biến thành hình dáng của người thanh niên đi phía trước hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu ngâm nga những lời kệ này:

Vị đã tự điều phục
đã hoàn toàn giải thoát
cùng những vị trước đây
là đạo sĩ bện tóc
giờ đã được điều phục,
được hoàn toàn giải thoát.
Với sắc màu vàng khối,
đức Thế Tôn đi vào
thành Rājagaha.

Vị đã được tự do
đã hoàn toàn giải thoát
cùng những vị trước đây
là đạo sĩ bện tóc
giờ đã được tự do,
được hoàn toàn giải thoát.
Với sắc màu vàng khối,
đức Thế Tôn đi vào
thành Rājagaha.

Vị đã tự vượt qua
đã hoàn toàn giải thoát
cùng những vị trước đây
là đạo sĩ bện tóc
giờ đã được vượt qua,
được hoàn toàn giải thoát.
Với sắc màu vàng khối,
đức Thế Tôn đi vào
thành Rājagaha.

Vị đã được thanh tịnh
đã hoàn toàn giải thoát
cùng những vị trước đây
là đạo sĩ bện tóc
giờ đã được thanh tịnh,
được hoàn toàn giải thoát.
Với sắc màu vàng khối,
đức Thế Tôn đi vào
thành Rājagaha.

Đấng Thập Trú,
[2]Thập Lực,
vị thông hiểu mười pháp,
[3]
và thành đạt mười điều.[4]
một ngàn vị tháp tùng
Thế Tôn ấy đi vào
thành Rājagaha.

[62] Dân chúng khi nhìn thấy chúa của chư Thiên Sakka đã nói như vầy:

- Chàng thanh niên trẻ này thật đẹp trai! Chàng thanh niên trẻ này thật duyên dáng! Chàng thanh niên trẻ này thật dễ mến! Chàng thanh niên trẻ này là (thị giả) của ai vậy?

Khi được nói như thế, chúa của chư thiên Sakka đã nói với đám người ấy bằng bài kệ này:

Vị nào bậc trí tuệ
đã điều phục vẹn toàn,
thanh tịnh, chẳng ai bằng,
là vị A-la-hán,
đấng Thiện Thệ ở đời,
ta thị giả vị ấy.

[63] Sau đó, đức Thế Tôn đã đi đến tư dinh của đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn nên ngụ ở nơi nào đây? Đối với ngài, chỗ ấy không nên xa làng mạc lắm, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến khi nào có ước muốn, ban ngày không đông đảo, ban đêm ít tiếng động, không nhiều gió, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh.” Rồi đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã khởi ý điều này: “Khu vườn Veḷuvana (Trúc Lâm) này của chúng ta là không xa làng mạc lắm, cũng không quá gần, thuận tiện cho việc tới lui, dân chúng có thể đi đến khi nào có ước muốn, ban ngày không đông đảo, ban đêm ít tiếng động, không nhiều gió, tách biệt với dân chúng, thích hợp cho việc thiền tịnh, hay là ta nên dâng khu vườn Veḷuvana đến hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu?”

Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã cầm lấy bình nước làm bằng vàng rưới nước lên tay đức Thế Tôn (nói rằng):

- Bạch ngài, trẫm dâng khu vườn Veḷuvana này đến hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu. Xin đức Thế Tôn thọ lãnh khu vườn.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép khu vườn (ārāma).

[64] Vào lúc bấy giờ, vị du sĩ Sañjaya cư trú tại thành Rājagaha cùng với tập thể du sĩ đông đảo gồm có hai trăm năm chục vị du sĩ. Vào lúc bấy giờ, Sārīputta và Moggallāna thực hành Phạm hạnh theo du sĩ Sañjaya. Họ đã giao ước với nhau rằng: “Người nào chứng đạt sự bất tử trước phải thông báo cho vị kia hay.”

Khi ấy vào buổi sáng, đại đức Assaji đã mặc y cầm y bát đi vào thành Rājagaha để khất thực. Vị ấy có phong cách chững chạc, mắt nhìn xuống, với vẻ chăm chú khi đi tới bước lui, lúc nhìn ngắm, khi cử động co duỗi. Du sĩ Sārīputta đã nhìn thấy đại đức Assaji có phong cách chững chạc, mắt nhìn xuống, với vẻ chăm chú khi đi tới bước lui, lúc nhìn ngắm, khi cử động co duỗi đang đi khất thực trong thành Rājagaha, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: “Đây chính là vị tỳ khưu trong số các vị thật sự là A-la-hán trên thế gian hoặc là đã đạt được con đường đưa đến quả vị A-la-hán. Hay là ta nên đến gần vị tỳ khưu này và hỏi rằng: ‘Thưa đại đức, đại đức đã được xuất gia có liên quan đến vị nào?’ hoặc là ‘Ai là thầy của đại đức?’ hoặc là ‘Đại đức giảng giải pháp của vị nào?’”Khi ấy, du sĩ Sārīputta đã khởi ý điều này: “Không phải lúc để hỏi vị tỳ khưu này, vị ấy đã đi vào xóm nhà và đang đi khất thực, hay là ta nên đi sát theo sau vị tỳ khưu này là vị có đạo lộ đang được tầm cầu bởi những kẻ mong mỏi sự lợi ích?

Sau đó, khi đã đi khất thực ở trong thành Rājagaha xong đại đức Assaji đã cầm lấy đồ ăn khất thực đi trở về. Khi ấy, du sĩ Sārīputta đã đi đến gần đại đức Assaji, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đại đức Assaji, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên, du sĩ Sārīputta đã nói với đại đức Assaji điều này:

- Thưa đại đức, các giác quan của ngài thật thanh tịnh, màu sắc cơ thể thật trong sáng và thuần khiết. Thưa đại đức, đại đức đã được xuất gia có liên quan đến vị nào? Ai là thầy của đại đức? Đại đức giảng giải pháp của vị nào?

- Này đạo hữu, có vị đại sa-môn con trai dòng Sākya, từ dòng họ Sākya đã xuất gia. Ta đã được xuất gia có liên quan đến đức Thế Tôn ấy. Đức Thế Tôn ấy là đạo sư của ta và ta giảng giải Pháp của đức Thế Tôn ấy.

- Vị đạo sư của đại đức thuyết về điều gì? Giảng về điều gì?

- Này đạo hữu, ta là vị mới tu, được xuất gia chưa bao lâu, vừa mới đến với Pháp và Luật này, ta không thể thuyết giảng Giáo Pháp một cách chi tiết; tuy nhiên ta sẽ nói cho đạo hữu ý nghĩa một cách tóm tắt.

Khi ấy, du sĩ Sārīputta đã nói với đại đức Assaji điều này:

- Thưa đại đức, hãy là vậy đi.

Xin nói ít hoặc nhiều,
giảng ý nghĩa cho tôi.
Tôi chỉ cần ý nghĩa
nói nhiều từ làm chi?

[65] Khi ấy, đại đức Assaji đã nói với du sĩ Sārīputta lời dạy này thuộc về Giáo Pháp:

Pháp sanh lên do nhân
Như Lai giảng nhân ấy,
nhân diệt thời Pháp diệt
đại sa-môn nói vậy.

[66] Sau đó, khi đã nghe được lời dạy này thuộc về Giáo Pháp thì Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến du sĩ Sārīputta: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Chính đây là Giáo Pháp
nếu chỉ bấy nhiêu thôi
ngài cũng đã chỉ ra
con đường không sầu muộn
đã không được nhìn thấy,
đã không được nói ra
bởi muôn ngàn kiếp sống
(số lượng) nhiều vô số.

[67] Sau đó, du sĩ Sārīputta đã đi đến gặp du sĩ Moggallāna. Du sĩ Moggallāna đã nhìn thấy du sĩ Sārīputta từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã nói với du sĩ Sārīputta điều này:

- Này bạn, các giác quan của bạn thật thanh tịnh, màu sắc cơ thể thật trong sáng và thuần khiết. Này bạn, chắn hẳn là bạn đã chứng đạt sự bất tử?

- Này bạn, đúng vậy. Tôi đã chứng đạt sự bất tử.

- Này bạn, bạn đã chứng đạt sự bất tử bằng cách như thế nào?

- Này bạn, ở đây tôi đã nhìn thấy vị tỳ khưu Assaji có phong cách chững chạc, mắt nhìn xuống, với vẻ chăm chú khi đi tới bước lui, lúc nhìn ngắm, khi cử động co duỗi đang đi khất thực trong thành Rājagaha, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: “Đây chính là vị tỳ khưu trong số các vị thật sự là A-la-hán trên thế gian hoặc là đã đạt được con đường đưa đến quả vị A-la-hán. Hay là ta nên đến gần vị tỳ khưu này và hỏi rằng: ‘Thưa đại đức, đại đức đã được xuất gia có liên quan đến vị nào?’ hoặc là ‘Ai là thầy của đại đức?’ hoặc là ‘Đại đức giảng giải pháp của vị nào?’” Này bạn, khi ấy tôi đây đã khởi ý điều này:“Không phải lúc để hỏi vị tỳ khưu này, vị ấy đã đi vào xóm nhà và đang đi khất thực, hay là ta nên đi sát theo sau vị tỳ khưu này là vị có đạo lộ đang được tầm cầu bởi những kẻ mong mỏi sự lợi ích?” Này bạn, sau khi đi khất thực ở trong thành Rājagaha xong, vị tỳ khưu Assaji đã cầm lấy đồ ăn khất thực đi trở về. Này bạn, khi ấy tôi đã đi đến gần vị tỳ khưu Assaji, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với vị tỳ khưu Assaji, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Này bạn, khi đã đứng một bên tôi đã nói với vị tỳ khưu Assaji điều này: “Thưa đại đức, các giác quan của ngài thật thanh tịnh, màu sắc cơ thể thật trong sáng và thuần khiết. Thưa đại đức, đại đức đã được xuất gia có liên quan đến vị nào? Ai là thầy của đại đức? Đại đức giảng giải pháp của vị nào?” “Này đạo hữu, có vị đại sa-môn con trai dòng Sākya, từ dòng họ Sākya đã xuất gia. Ta đã được xuất gia có liên quan đến đức Thế Tôn ấy. Đức Thế Tôn ấy là đạo sư của ta và ta giảng giải Pháp của đức Thế Tôn ấy.” “Vị đạo sư của đại đức thuyết về điều gì? Giảng về điều gì?” “Này đạo hữu, ta là vị mới tu, được xuất gia chưa bao lâu, vừa mới đến với Pháp và Luật này, ta không thể thuyết giảng Giáo Pháp một cách chi tiết; tuy nhiên ta sẽ nói cho đạo hữu ý nghĩa một cách tóm tắt.” Này bạn, khi ấy tôi đã nói với đại đức Assaji điều này: “Thưa đại đức, hãy là vậy đi.

Xin nói ít hoặc nhiều,
giảng ý nghĩa cho tôi.
Tôi chỉ cần ý nghĩa
nói nhiều từ làm chi?

[68] Này bạn, khi ấy vị tỳ khưu Assaji đã nói với tôi lời dạy này thuộc về Giáo Pháp:

Pháp sanh lên do nhân
Như Lai giảng nhân ấy,
nhân diệt thời Pháp diệt
đại sa-môn nói vậy.

[69] Sau đó, khi đã nghe được lời dạy này thuộc về Giáo Pháp thì Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến du sĩ Moggallāna: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Chính đây là Giáo Pháp
nếu chỉ bấy nhiêu thôi
bạn cũng đã chỉ ra
con đường không sầu muộn
đã không được nhìn thấy,
đã không được nói ra
bởi muôn ngàn kiếp sống
(số lượng) nhiều vô số.

[70] Sau đó, du sĩ Moggallāna đã nói với du sĩ Sārīputta điều này:

- Này bạn, chúng ta hãy đi đến với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn ấy là bậc Đạo Sư của chúng ta.

- Này bạn, hai trăm năm mươi du sĩ này sống ở đây đang nương tựa vào chúng ta và biết rõ chúng ta, chúng ta hãy thông báo đến các vị ấy và các vị ấy sẽ làm theo như điều các vị suy nghĩ.

Sau đó, Sārīputta và Moggallāna đã đi đến gặp các vị du sĩ ấy, sau khi đến đã nói với các vị du sĩ ấy điều này:

- Này các đạo hữu, chúng tôi đi đến với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn ấy là bậc Đạo Sư của chúng tôi.

- Này các đại đức, chúng tôi sống ở đây nương tựa vào các đại đức và biết rõ các đại đức, nếu các đại đức sẽ thực hành Phạm hạnh theo vị đại sa-môn hết thảy tất cả chúng tôi sẽ thực hành Phạm hạnh theo vị đại sa-môn.

Sau đó, Sārīputta và Moggallāna đã đi đến gặp du sĩ Sañjaya, sau khi đến đã nói với du sĩ Sañjaya điều này:

- Này đại đức, chúng tôi đi đến với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn ấy là bậc Đạo Sư của chúng tôi.

- Này các đại đức, thôi đủ rồi. Chớ có đi. Chính tất cả ba chúng ta sẽ quản trị nhóm người này.

Đến lần thứ nhì, ...(như trên)...

Đến lần thứ ba, Sārīputta và Moggallāna đã nói với du sĩ Sañjaya điều này:

- Này đại đức, chúng tôi đi đến với đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn ấy là bậc Đạo Sư của chúng tôi.

- Này các đại đức, thôi đủ rồi. Chớ có đi. Chính tất cả ba chúng ta sẽ quản trị nhóm người này.

Sau đó, Sārīputta và Moggallāna đã đưa hai trăm năm mươi du sĩ ấy đi đến Veḷuvana. Về phần du sĩ Sañjaya, ngay tại chỗ ấy máu nóng đã ứa ra từ miệng.

[71] Khi ấy, đức Thế Tôn đã nhìn thấy Sārīputta và Moggallāna từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, hai người bạn là Kolita và Upatissa này đang đi đến. Hai người này sẽ trở thành một cặp đệ tử của ta và là một cặp (đệ tử) xuất sắc, đứng đầu.

Họ đã được giải thoát,
đã cạn nguồn tái sanh,
là những vị hàng đầu
về trí tuệ thâm sâu,
dẫu chưa vào Trúc Lâm
bậc Đạo Sư đã nói:
“Đây hai người bạn hữu
(tên là) Kolita
và Upatissa,
đang đi đến (nơi đây),
đệ tử ta cặp này
sẽ trở thành một cặp
xuất sắc, đứng hàng đầu.

[72] Sau đó, Sārīputta và Moggallāna đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã quỳ xuống đê đầu đảnh lễ ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, chúng con có thể xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn không? Chúng con có thể tu lên bậc trên không?

Đức Thế Tôn đã nói rằng:

- Này các tỳ khưu, hãy đến. Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn để chấm dứt khổ đau.

Chính điều ấy đã là sự tu lên bậc trên của các đại đức ấy.

[73] Vào lúc bấy giờ, những người con trai gia đình danh giá ở xứ Magadha là những người có nhiều tiếng tăm thực hành Phạm hạnh theo đức Thế Tôn. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Sa-môn Gotama đã tạo ra khuynh hướng không con cái, Sa-môn Gotama đã gây nên cảnh vợ không chồng, Sa-môn Gotama đã gây nên sự đổ vỡ của các gia đình. Hiện nay, một ngàn vị đạo sĩ bện tóc đã xuất gia theo ông ta, hai trăm năm mươi du sĩ này của Sañjaya đã xuất gia (theo ông ta), và những người con trai gia đình danh giá này ở xứ Magadha là những người có nhiều tiếng tăm thực hành Phạm hạnh theo Sa-môn Gotama.

Hơn nữa, khi gặp các vị tỳ khưu họ đã quở trách bằng bài kệ này:

Đại Sa-môn đã đến
thành Giribbaja
thuộc xứ Magadha,
sau khi đã dẫn đi
toàn bộ Sañjaya,
giờ sẽ dẫn ai đây?

[74] Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế tôn.

- Này các tỳ khưu, tiếng đồn đãi ấy sẽ không tồn tại lâu, chỉ tồn tại được bảy ngày, khi trải qua bảy ngày thì sẽ biến mất. Này các tỳ khưu, chính vì việc ấy những người nào quở trách các ngươi bằng bài kệ này:

Đại Sa-môn đã đến
thành Giribbaja
thuộc xứ Magadha,
sau khi đã dẫn đi
toàn bộ Sañjaya,
giờ sẽ dẫn ai đây?

[75] Các ngươi hãy quở trách lại họ bằng bài kệ này:

Thật sự các Như Lai
là những bậc Đại Hùng
dẫn đi bằng Chánh Pháp,
trong khi được dẫn đi
bằng Pháp của bậc trí,
ganh tỵ với ai đây?

Vào lúc bấy giờ, dân chúng khi gặp các vị tỳ khưu đã quở trách bằng bài kệ này:

Đại Sa-môn đã đến
thành Giribbaja
thuộc xứ Magadha,
sau khi đã dẫn đi
toàn bộ Sañjaya,
giờ sẽ dẫn ai đây?

Các vị tỳ khưu đã quở trách lại những người ấy bằng bài kệ này:

Thật sự các Như Lai
là những bậc Đại Hùng
dẫn đi bằng Chánh Pháp,
trong khi được dẫn đi
bằng Pháp của bậc trí,
ganh tỵ với ai đây?

[76] Dân chúng đã nói như vầy:

- Nghe nói các sa-môn Thích tử dẫn dắt bằng Chánh Pháp không phải bằng Phi Pháp.

Tiếng đồn ấy đã tồn tại chỉ có bảy ngày và đã biến mất sau khi trải qua bảy ngày.

Dứt sự xuất gia của Sārīputta và Moggallāna.

Dứt tụng phẩm thứ tư.

5. Tụng phẩm thứ năm

[77] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu không có thầy tế độ, trong khi không được giáo huấn và không được chỉ dạy nên mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, hoàn toàn không đúng quy cách rồi đi khất thực. Khi dân chúng đang ăn, các vị đưa bình bát đã mở ra (uttiṭṭhapattaṃ) ở phía trên thức ăn loại mềm (của dân chúng), các vị đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn loại cứng, các vị đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn có hương vị, các vị đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức uống, các vị tự mình yêu cầu xúp và cơm rồi thọ thực, và các vị sống (thường xuyên) gây nên sự náo nhiệt, sự ồn ào ở trong nhà ăn. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, hoàn toàn không đúng quy cách rồi đi khất thực, và khi dân chúng đang ăn các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn loại mềm (của dân chúng), các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn loại cứng, các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn có hương vị, các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức uống, các vị tự mình yêu cầu xúp và cơm rồi thọ thực, các vị sống (thường xuyên) gây nên sự náo nhiệt, sự ồn ào ở trong nhà ăn giống như các bà-la-môn trong bữa ăn của các bà-la-môn vậy?

[78] Các tỳ khưu đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, tự biết đủ, khiêm tốn, có hối hận, ưa thích sự học tập, các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các vị tỳ khưu lại mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, hoàn toàn không đúng quy cách rồi đi khất thực, và khi dân chúng đang ăn, các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn loại mềm (của dân chúng), các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn loại cứng, các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn có hương vị, các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức uống, các vị tự mình yêu cầu xúp và cơm rồi thọ thực, các vị sống (thường xuyên) gây nên sự náo nhiệt, sự ồn ào ở trong nhà ăn vậy?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

[79] Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, hoàn toàn không đúng quy cách rồi đi khất thực, và khi dân chúng đang ăn, các vị đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn loại mềm (của dân chúng), các vị đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn loại cứng, các vị đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn có hương vị, các vị đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức uống, các vị tự mình yêu cầu xúp và cơm rồi thọ thực, các vị sống (thường xuyên) gây nên sự náo nhiệt, sự ồn ào ở trong nhà ăn, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, thật không đúng đắn cho những kẻ rồ dại ấy, thật không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa-môn, không được phép, không nên làm! Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy lại mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, hoàn toàn không đúng quy cách rồi đi khất thực, và khi dân chúng đang ăn, các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn loại mềm (của dân chúng), các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn loại cứng, các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn có hương vị, các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức uống, các vị tự mình yêu cầu xúp và cơm rồi thọ thực, các vị sống (thường xuyên) gây nên sự náo nhiệt, sự ồn ào ở trong nhà ăn? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. Này các tỳ khưu, hơn nữa chính sự việc này đem lại sự không có niềm tin ở những kẻ chưa có đức tin và làm thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.

[80] Sau đó, đức Thế Tôn đã khiển trách các vị tỳ khưu ấy bằng nhiều phương thức. Ngài đã chê trách về sự khó khăn trong việc cấp dưỡng, sự khó khăn trong việc ăn uống, sự tầm cầu quá nhiều, sự không biết đủ, sự kết phe nhóm, sự biếng nhác; và bằng nhiều phương thức ngài đã ngợi khen về sự dễ dàng trong việc cấp dưỡng, sự dễ dàng trong việc ăn uống, sự ít tầm cầu, sự biết đủ, sự từ khước, sự tiết chế, sự thân thiện, sự không gom góp, sự ra sức nỗ lực. Ngài đã thuyết Pháp thoại thích đáng và phù hợp cho các tỳ khưu rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị thầy tế độ. Này các tỳ khưu, vị thầy tế độ sẽ gợi lên ở người đệ tử[5] tâm của người con và người đệ tử sẽ gợi lên ở vị thầy tế độ tâm của người cha. Như thế, trong khi sống cùng nhau có sự kính trọng, có sự vâng lời, có sự tiếp xúc với nhau, họ sẽ đạt đến sự lớn mạnh, sự tăng trưởng, sự phát triển trong Pháp và Luật này. Và này các tỳ khưu, vị thầy tế độ nên được xác định như vầy:

(Người đệ tử) nên đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy: “Bạch ngài, xin ngài hãy là thầy tế độ của con. Bạch ngài, xin ngài hãy là thầy tế độ của con. Bạch ngài, xin ngài hãy là thầy tế độ của con.”

(Vị thầy tế độ nên nói rằng): “Tốt rồi!” hay là “Được nhẹ nhàng rồi!” hay là “Đúng rồi!” hay là “Được phù hợp rồi!” hay là “Hãy tiếp tục với sự hoan hỷ!”

(Nếu) vị (thầy tế độ) bày tỏ bằng thân, bày tỏ bằng lời nói, bày tỏ bằng thân và lời nói, thì vị thầy tế độ đã được xác định. (Nếu) vị ấy không bày tỏ bằng thân, không bày tỏ bằng lời nói, không bày tỏ bằng thân và lời nói, vị thầy tế độ đã không được xác định.

[81] Này các tỳ khưu, người đệ tử nên thực hành phận sự đúng đắn đối với vị thầy tế độ. Đây là phận sự đúng đắn trong trường hợp này:

Nên thức dậy vào lúc sáng sớm, cởi dép ra, đắp thượng y một bên vai, rồi nên dâng lên gỗ chà răng, nên dâng nước súc miệng, và nên sắp xếp chỗ ngồi. Nếu có cháo, nên rửa sạch tô rồi dâng cháo. Khi thầy đã uống cháo xong, nên dâng nước, nên nhận lại tô để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không chà xát mạnh, rồi đem cất. Khi thầy tế độ đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nếu khu vực ấy có rác thì nên quét khu vực ấy.

Nếu thầy tế độ có ý định đi vào làng, nên trao y lót trong, và nhận lại y lót trong (khác từ vị thầy), nên trao dây thắt lưng, nên gấp y hai lớp gọn gàng rồi dâng lên. Nên trao bình bát còn đẫm nước (patto saudako) sau khi đã rửa sạch. Nếu thầy tế độ muốn có thị giả đi theo, vị ấy nên mặc y nội tròn đều với sự che phủ ba vòng tròn, buộc dây thắt lưng, sửa sang cho tề chỉnh rồi đắp y hai lớp lên, thắt lại dây buộc, rửa ráy, cầm lấy bình bát, rồi nên đi theo làm thị giả cho thầy tế độ. Không nên đi quá xa, không nên đi quá gần. Nên nhận lấy bình bát (của vị thầy) và vật được chứa đựng (trong đó). Khi thầy tế độ đang nói, không nên cắt ngang lời nói nửa chừng. Khi thầy tế độ có khả năng phạm tội lúc đang nói thì nên nhắc nhở.

Khi quay trở về, nên đi về trước tiên. Nên sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên đi ra rước y và bình bát. Nên trao y lót trong (trước đây) và nhận lại y lót trong (mặc lúc đi). Nếu y bị thấm mồ hôi, nên phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Và không nên phơi y ở chỗ nắng quá lâu. Nên gấp y lại. Khi gấp y nên lùi phần góc vào bốn ngón tay rồi gấp y lại (nghĩ rằng): “Không nên để nếp gấp ở phần chính giữa.”[6] Nên đặt dây thắt lưng ở phía trong rồi gấp lại.

Nếu có đồ ăn khất thực và thầy tế độ có ý muốn thọ dụng thì nên dâng nước (rửa) và đem đồ ăn khất thực để gần bên. Nên dâng lên thầy tế độ nước uống. Khi thầy ăn xong nên dâng nước (rửa). Nên nhận lại bình bát rồi đem để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không chà xát mạnh, nên làm ráo nước, rồi đem phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Không nên phơi bình bát ở chỗ nắng quá lâu. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Và không nên đặt bình bát trên mặt đất không có vật kê. Khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn chỗ gấp y lại ở bên này, rồi căng y ra. Khi thầy tế độ đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nên dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nếu khu vực ấy có rác thì nên quét khu vực ấy.

Nếu thầy tế độ có ý muốn tắm, nên chuẩn bị việc tắm. Nếu (thầy tế độ) thích nước lạnh, nên chuẩn bị nước lạnh; nếu thích nước nóng, nên chuẩn bị nước nóng. Nếu thầy tế độ có ý muốn đi vào nhà tắm hơi, nên trộn bột tắm, nên tẩm ướt đất sét. Nên lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi rồi đi đến từ phía sau lưng, nên trao ghế ngồi của nhà tắm hơi cho thầy tế độ, nên nhận lấy y và để ở một bên. Nên trao bột tắm, nên trao đất sét. Nếu có nỗ lực, nên đi vào nhà tắm hơi. Khi đi vào nhà tắm hơi, nên thoa đất sét lên mặt, nên đắp lên cả phía trước lẫn phía sau rồi đi vào nhà tắm hơi. Không nên chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống. Không nên xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi. Ở trong nhà tắm hơi nên kỳ cọ cho thầy tế độ. Khi rời khỏi nhà tắm hơi, nên cầm lấy cái ghế ngồi của nhà tắm hơi, nên che kín cả phía trước lẫn phía sau rồi rời khỏi nhà tắm hơi. Nên kỳ cọ cho thầy tế độ lúc ở trong nước. Khi tắm xong nên đi ra trước, nên lau khô nước ở thân thể của mình. Sau khi quấn y, nên lau khô nước ở thân thể của thầy tế độ. Nên trao y lót trong. Nên trao y hai lớp. Nên cầm lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi, đi về trước, và sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên dâng nước uống đến thầy tế độ. Nếu có ý muốn thỉnh (thầy) đọc tụng, nên thỉnh (thầy) đọc tụng. Nếu có ý muốn vấn đạo, nên thỉnh (thầy) vấn đạo.

Ở trú xá nào thầy tế độ cư ngụ, nếu trú xá ấy có rác rến, nên làm sạch sẽ nếu có nỗ lực. Khi làm sạch sẽ, trước tiên nên đem y bát ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem tọa cụ và ngọa cụ ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem nệm gối ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên hạ thấp cái giường rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn và để xuống ở một góc, nên hạ thấp cái ghế rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn và để xuống ở một góc, nên đem khung giường ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem ống nhổ ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem tấm ván gối đầu ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên xem xét tấm trải nền được xếp đặt như thế nào rồi đem ra ngoài và để xuống ở một góc. Nếu có mạng nhện ở trú xá, khi phát hiện trước tiên nên dời (chúng) khỏi lỗ hổng, nên lau chùi các cửa sổ và các hốc kẹt. Nếu tường được sơn màu đỏ và bị đốm loang lỗ nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền được sơn màu đen và bị đốm loang lỗ nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền không được thực hiện, nên rải nước rồi quét (nghĩ rằng): “Không nên để trú xá bị tràn ngập bụi bặm.” Sau khi gom rác lại rồi nên đem đổ bỏ ở một góc.

Sau khi phơi nắng tấm trải nền, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng khung giường, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng giường, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn, và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ghế, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn, và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng nệm gối, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng tọa cụ và ngọa cụ, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ống nhổ, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng tấm ván gối đầu, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Không nên đặt bình bát trên mặt đất không có vật kê. Khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn chỗ gấp y lại ở bên này, rồi căng y ra.

Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng đông, các cửa sổ hướng đông nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng tây, các cửa sổ hướng tây nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng bắc, các cửa sổ hướng bắc nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng nam, các cửa sổ hướng nam nên được khép lại. Nếu thời tiết lạnh, các cửa sổ nên mở ra vào ban ngày và khép lại vào ban đêm. Nếu thời tiết nóng, các cửa sổ nên khép lại vào ban ngày và mở ra vào ban đêm.

Nếu phòng có rác rến, nên quét phòng. Nếu cổng có rác rến, nên quét cổng. Nếu phòng hội họp có rác rến, nên quét phòng hội họp. Nếu nhà để đốt lửa có rác rến, nên quét nhà để đốt lửa. Nếu nhà vệ sinh có rác rến, nên quét nhà vệ sinh. Nếu nước uống không có, nên đem nước uống lại. Nếu nước rửa không có, nên đem nước rửa lại. Nếu hũ nước súc miệng không có nước, nên đổ nước vào hũ nước súc miệng.

Nếu sự không hoan hỷ sanh khởi ở thầy tế độ, người đệ tử nên làm cho dịu đi hoặc nhờ vị khác làm cho dịu đi, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị thầy. Nếu mối nghi ngờ sanh khởi ở thầy tế độ, người đệ tử nên làm cho tan biến hoặc nhờ vị khác làm cho tan biến, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị thầy. Nếu tà kiến sanh khởi ở thầy tế độ, người đệ tử nên phân giải hoặc nhờ vị khác phân giải, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị thầy. Nếu thầy tế độ bị phạm tội nặng xứng đáng hành phạt parivāsa, người đệ tử nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể ban hành phạt parivāsa cho thầy tế độ?” Nếu thầy tế độ xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, người đệ tử nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể cho thầy tế độ (thực hành) trở lại từ đầu?” Nếu thầy tế độ xứng đáng hành phạt mānatta, người đệ tử nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể ban hành phạt mānatta cho thầy tế độ?” Nếu thầy tế độ xứng đáng sự giải tội, người đệ tử nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể giải tội cho thầy tế độ?” Nếu hội chúng có ý định thực thi hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với thầy tế độ, người đệ tử nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể không thực thi hành sự đối với thầy tế độ, hoặc đổi thành nhẹ hơn?” Khi hội chúng đã thực thi hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với thầy tế độ, người đệ tử nên nỗ lực: “Làm thế nào để thầy tế độ có thể làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, và hội chúng có thể thâu hồi hành sự này?”

Nếu y của thầy tế độ cần phải giặt, người đệ tử nên giặt hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của thầy tế độ được giặt?” Nếu y của thầy tế độ cần phải may, người đệ tử nên may hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của thầy tế độ được may?” Nếu thuốc nhuộm của thầy tế độ cần phải nấu, người đệ tử nên nấu hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để thuốc nhuộm của thầy tế độ được nấu?” Nếu y của thầy tế độ cần phải nhuộm, người đệ tử nên nhuộm hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của thầy tế độ được nhuộm?” Trong khi nhuộm y, nên nhuộm bằng cách đảo tới đảo lui cho khéo léo. Không nên bỏ đi khi nước nhỏ giọt chưa ngừng.

Không có phép của thầy tế độ, không nên cho bình bát đến người khác. Không nên thọ lãnh bình bát của người khác. Không nên cho y đến người khác. Không nên thọ lãnh y của người khác. Không nên cho vật dụng đến người khác. Không nên thọ lãnh vật dụng của người khác. Không nên cạo tóc cho người khác. Không nên bảo người khác cạo tóc. Không nên kỳ cọ người khác. Không nên bảo người khác kỳ cọ. Không nên hầu hạ người khác. Không nên bảo người khác hầu hạ. Không nên làm thị giả người khác. Không nên nhận người khác làm thị giả. Không nên mang đồ ăn khất thực lại dùm người khác. Không nên nhờ người khác mang dùm đồ ăn khất thực lại. Chưa xin phép thầy tế độ không nên đi vào làng, không nên đi đến mộ địa, không nên bỏ đi hướng khác. Nếu thầy tế độ bị bệnh, nên phục vụ cho đến trọn đời hoặc chờ đến khi vị thầy khỏe lại.

Dứt phận sự đối với thầy tế độ.

[82] Này các tỳ khưu, vị thầy tế độ nên thực hành phận sự đúng đắn đối với người đệ tử. Đây là phận sự đúng đắn trong trường hợp này:

Này các tỳ khưu, thầy tế độ nên quan tâm đến người đệ tử, nên giúp đỡ bằng sự đọc tụng, bằng sự vấn hỏi, bằng sự giáo huấn, bằng sự chỉ dạy. Nếu thầy tế độ có bình bát và người đệ tử không có bình bát, thầy tế độ nên cho bình bát đến người đệ tử, hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để bình bát có thể phát sanh đến đệ tử?” Nếu thầy tế độ có y và người đệ tử không có y, thầy tế độ nên cho y đến người đệ tử, hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y có thể phát sanh đến đệ tử?” Nếu thầy tế độ có vật dụng và người đệ tử không có vật dụng, thầy tế độ nên cho vật dụng đến người đệ tử, hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để vật dụng có thể phát sanh đến đệ tử?”

Nếu người đệ tử bị bệnh, (vị thầy tế độ) nên thức dậy vào lúc sáng sớm. Nên trao gỗ chà răng. Nên trao nước súc miệng. Nên sắp xếp chỗ ngồi. Nếu có cháo, nên rửa sạch tô rồi đem cháo lại. Khi người đệ tử đã uống cháo xong, nên trao nước (rửa), nên nhận lại tô, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không chà xát mạnh, rồi đem cất. Khi người đệ tử đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nếu khu vực ấy có rác rến thì nên quét khu vực ấy.

Nếu người đệ tử có ý muốn đi vào làng, nên trao y lót trong, và nhận lại y lót trong (khác từ vị ấy), nên trao dây thắt lưng, nên gấp y hai lớp gọn gàng rồi trao cho. Nên trao bình bát còn đẫm nước sau khi đã rửa sạch. (Nghĩ rằng): “Đến lúc vị ấy sắp trở về,” nên sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên đi ra rước y và bình bát. Nên trao y lót trong (trước đây) và nhận lại y lót trong (mặc lúc đi). Nếu y bị thấm mồ hôi, nên phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Và không nên phơi y ở chỗ nắng quá lâu. Nên gấp y lại. Khi gấp y nên lùi phần góc vào bốn ngón tay rồi gấp y lại (nghĩ rằng): “Không nên để nếp gấp ở phần chính giữa.” Nên đặt dây thắt lưng ở phía trong rồi gấp lại.

Nếu có đồ ăn khất thực và người đệ tử có ý muốn ăn thì nên trao nước (rửa) và nên đem đồ ăn khất thực để gần bên. Nên đưa cho đệ tử nước uống. Khi người đệ tử ăn xong nên trao nước (rửa). Nên nhận lại bình bát, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không chà xát mạnh, nên làm ráo nước rồi đem phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Không nên phơi bình bát ở chỗ nắng quá lâu. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Và không nên đặt bình bát trên mặt đất không có vật kê. Khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn chỗ gấp y lại ở bên này, rồi căng y ra. Khi người đệ tử đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nên dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nếu khu vực ấy có rác rến thì nên quét khu vực ấy.

Nếu người đệ tử có ý muốn tắm, nên chuẩn bị việc tắm. Nếu (người đệ tử) thích nước lạnh, nên chuẩn bị nước lạnh; nếu thích nước nóng, nên chuẩn bị nước nóng. Nếu người đệ tử có ý muốn đi vào nhà tắm hơi, nên trộn bột tắm, nên tẩm ướt đất sét. Nên lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi, đi đến, trao ghế ngồi của nhà tắm hơi, nhận lấy y, rồi nên đem để ở một bên. Nên trao bột tắm. Nên trao đất sét. Nếu có nỗ lực, nên đi vào nhà tắm hơi. Khi đi vào nhà tắm hơi, nên thoa đất sét lên mặt, nên đắp lên cả phía trước lẫn phía sau rồi đi vào nhà tắm hơi. Không nên chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống. Không nên xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi. Ở trong nhà tắm hơi nên kỳ cọ cho người đệ tử. Khi rời khỏi nhà tắm hơi, nên cầm lấy cái ghế ngồi của nhà tắm hơi, sau khi che kín cả phía trước lẫn phía sau rồi rời khỏi nhà tắm hơi. Nên kỳ cọ cho người đệ tử lúc ở trong nước. Khi tắm xong nên đi ra trước, nên lau khô nước ở thân thể của mình. Sau khi quấn y, nên lau khô nước ở thân thể của người đệ tử. Nên trao y lót trong. Nên trao y hai lớp. Nên cầm lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi, đi về trước, và sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên đem nước uống đến cho người đệ tử.

Ở trú xá nào người đệ tử cư ngụ, nếu trú xá ấy có rác rến, nên làm sạch sẽ nếu có nỗ lực. Khi làm sạch sẽ, trước tiên nên đem y bát ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem tọa cụ và ngọa cụ ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem nệm gối ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên hạ thấp cái giường rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn và để xuống ở một góc, nên hạ thấp cái ghế rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn và để xuống ở một góc, nên đem khung giường ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem ống nhổ ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem tấm ván gối đầu ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên xem xét tấm trải nền được xếp đặt như thế nào rồi đem ra ngoài và để xuống ở một góc. Nếu có mạng nhện ở trú xá, khi phát hiện trước tiên nên dời (chúng) khỏi lỗ hổng, nên lau chùi các cửa sổ và các hốc kẹt. Nếu tường được sơn màu đỏ và bị đốm loang lỗ nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền được sơn màu đen và bị đốm loang lỗ nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền không được thực hiện, nên rải nước rồi quét (nghĩ rằng): “Không nên để trú xá bị tràn ngập bụi bặm.” Sau khi gom rác lại rồi nên đem đổ bỏ ở một góc.

Sau khi phơi nắng tấm trải nền, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng khung giường, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng giường, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn, và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ghế, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn, và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng nệm gối, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng tọa cụ và ngọa cụ, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ống nhổ, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng tấm ván gối đầu, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Không nên đặt bình bát trên mặt đất không có vật kê. Khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn chỗ gấp y lại ở bên này, rồi căng y ra.

Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng đông, các cửa sổ hướng đông nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng tây, các cửa sổ hướng tây nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng bắc, các cửa sổ hướng bắc nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng nam, các cửa sổ hướng nam nên được khép lại. Nếu thời tiết lạnh, các cửa sổ nên mở ra vào ban ngày và khép lại vào ban đêm. Nếu thời tiết nóng, các cửa sổ nên khép lại vào ban ngày và mở ra vào ban đêm.

Nếu phòng có rác rến, nên quét phòng. Nếu cổng có rác rến, nên quét cổng. Nếu phòng hội họp có rác rến, nên quét phòng hội họp. Nếu nhà để đốt lửa có rác rến, nên quét nhà để đốt lửa. Nếu nhà vệ sinh có rác rến, nên quét nhà vệ sinh. Nếu nước uống không có, nên đem nước uống lại. Nếu nước rửa không có, nên đem nước rửa lại. Nếu hũ nước súc miệng không có nước, nên đổ nước vào hũ nước súc miệng.

Nếu có sự không hoan hỷ sanh khởi ở người đệ tử, vị thầy tế độ nên làm cho dịu đi hoặc nhờ vị khác làm cho dịu đi, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy. Nếu mối nghi ngờ sanh khởi ở người đệ tử, vị thầy tế độ nên làm cho tan biến hoặc nhờ vị khác làm cho tan biến, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy. Nếu tà kiến sanh khởi ở người đệ tử, vị thầy tế độ nên phân giải hoặc nhờ vị khác phân giải, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy. Nếu người đệ tử bị phạm tội nặng xứng đáng hành phạt parivāsa, vị thầy tế độ nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể ban hành phạt parivāsa cho đệ tử?” Nếu người đệ tử xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, vị thầy tế độ nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể cho đệ tử (thực hành) trở lại từ đầu?” Nếu người đệ tử xứng đáng hành phạt mānatta, vị thầy tế độ nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể ban hành phạt mānatta cho đệ tử?” Nếu người đệ tử xứng đáng sự giải tội, vị thầy tế độ nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể giải tội cho đệ tử?” Nếu hội chúng có ý định thực thi hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với người đệ tử, vị thầy tế độ nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể không thực thi hành sự đối với đệ tử, hoặc đổi thành nhẹ hơn?” Khi hội chúng đã thực thi hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với người đệ tử, vị thầy tế độ nên nỗ lực: “Làm thế nào để đệ tử có thể làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, và hội chúng có thể thâu hồi hành sự này?”

Nếu y của người đệ tử cần phải giặt, vị thầy tế độ nên hướng dẫn: “Ngươi nên giặt như vầy,” hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của đệ tử được giặt?” Nếu y của người đệ tử cần phải may, vị thầy tế độ nên hướng dẫn: “Ngươi nên may như vầy,” hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của đệ tử được may?” Nếu thuốc nhuộm của người đệ tử cần phải nấu, vị thầy tế độ nên hướng dẫn: “Ngươi nên nấu như vầy,” hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để thuốc nhuộm của đệ tử được nấu?” Nếu y của người đệ tử cần phải nhuộm, vị thầy tế độ nên hướng dẫn: “Ngươi nên nhuộm như vầy,” hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của đệ tử được nhuộm?” Trong khi nhuộm y, nên đảo tới đảo lui cho khéo léo. Không nên bỏ đi khi nước nhỏ giọt chưa ngừng. Nếu người đệ tử bị bệnh, nên phục vụ cho đến trọn đời hoặc chờ đến khi người đệ tử khỏe lại.

Dứt phận sự đối với đệ tử.

[83] Vào lúc bấy giờ, các người đệ tử không thực hành phận sự đúng đắn đối với các vị thầy tế độ. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các người đệ tử lại không thực hành phận sự đúng đắn đối với các vị thầy tế độ?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các người đệ tử không thực hành phận sự đúng đắn đối với các vị thầy tế độ, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao các người đệ tử lại không thực hành phận sự đúng đắn đối với các vị thầy tế độ?

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, người đệ tử cần thực hành phận sự đúng đắn đối với các vị thầy tế độ; vị nào không thực hành đúng đắn thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

(Các người đệ tử) vẫn không thực hành phận sự đúng đắn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đuổi đi người (đệ tử) không thực hành phận sự đúng đắn. Và này các tỳ khưu, nên đuổi đi như vầy: “Ta đuổi ngươi đi,” hay là “Đừng có quay trở lại đây,” hay là “Hãy đem đi y bát của ngươi,” hay là “Ta không giúp đở ngươi nữa.” (Nếu) vị (thầy tế độ) bày tỏ bằng thân, bày tỏ bằng lời nói, bày tỏ bằng thân và lời nói, thì người đệ tử đã bị đuổi đi. (Nếu) vị ấy không bày tỏ bằng thân, không bày tỏ bằng lời nói, không bày tỏ bằng thân và lời nói, thì người đệ tử không bị đuổi đi

Vào lúc bấy giờ, những người đệ tử bị đuổi đi đã không xin lỗi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép xin lỗi.

Các người (đệ tử) vẫn không xin lỗi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, người (đệ tử) bị đuổi đi không nên không xin lỗi; vị nào không xin lỗi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, khi được xin lỗi các vị thầy tế độ không tha thứ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tha thứ.

Các vị (thầy tế độ) vẫn không tha thứ. Những người đệ tử bỏ đi, (hoặc) hoàn tục, (hoặc) theo ngoại đạo. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, khi được xin lỗi không nên không tha thứ; vị nào không tha thứ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[84] Vào lúc bấy giờ, các vị thầy tế độ đuổi đi những người (đệ tử) thực hành phận sự đúng đắn, không đuổi đi những người (đệ tử) không thực hành phận sự đúng đắn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đuổi đi người (đệ tử) thực hành phận sự đúng đắn; vị nào đuổi đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Và này các tỳ khưu, không nên không đuổi đi người (đệ tử) không thực hành phận sự đúng đắn; vị nào không đuổi đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, nên đuổi đi người đệ tử hội đủ năm điều kiện: Đối với thầy tế độ không có nhiều lòng yêu mến, không có nhiều niềm tin, không có nhiều nể nang, không có nhiều kính trọng, (và) không có nhiều sự rèn luyện.[7] Này các tỳ khưu, nên đuổi đi người đệ tử hội đủ năm điều kiện này.

Này các tỳ khưu, không nên đuổi đi người đệ tử hội đủ năm điều kiện: Đối với thầy tế độ có nhiều lòng yêu mến, có nhiều niềm tin, có nhiều nể nang, có nhiều kính trọng, (và) có nhiều sự rèn luyện. Này các tỳ khưu, không nên đuổi đi người đệ tử hội đủ năm điều kiện này.

Này các tỳ khưu, người đệ tử là đáng bị đuổi đi khi hội đủ năm điều kiện: Đối với thầy tế độ không có nhiều lòng yêu mến, không có nhiều niềm tin, không có nhiều nể nang, không có nhiều kính trọng, (và) không có nhiều sự rèn luyện. Này các tỳ khưu, người đệ tử là đáng bị đuổi đi khi hội đủ năm điều kiện này.

Này các tỳ khưu, người đệ tử là không đáng bị đuổi đi khi hội đủ năm điều kiện: Đối với thầy tế độ có nhiều lòng yêu mến, có nhiều niềm tin, có nhiều nể nang, có nhiều kính trọng, (và) có nhiều sự rèn luyện. Này các tỳ khưu, người đệ tử là không đáng bị đuổi đi khi hội đủ năm điều kiện này.

Này các tỳ khưu, vị thầy tế độ là vượt qua quy định khi không đuổi đi, không vượt qua quy định khi đuổi đi người đệ tử hội đủ năm điều kiện: Đối với thầy tế độ không có nhiều lòng yêu mến, không có nhiều niềm tin, không có nhiều nể nang, không có nhiều kính trọng, (và) không có nhiều sự rèn luyện. Này các tỳ khưu, vị thầy tế độ là vượt qua quy định khi không đuổi đi, không vượt qua quy định khi đuổi đi người đệ tử hội đủ năm điều kiện này.

Này các tỳ khưu, vị thầy tế độ là vượt qua quy định khi đuổi đi, không vượt qua quy định khi không đuổi đi người đệ tử hội đủ năm điều kiện: Đối với thầy tế độ có nhiều lòng yêu mến, có nhiều niềm tin, có nhiều nể nang, có nhiều kính trọng, (và) có nhiều sự rèn luyện. Này các tỳ khưu, vị thầy tế độ là vượt qua quy định khi đuổi đi, không vượt qua quy định khi không đuổi đi người đệ tử hội đủ năm điều kiện này.

[85] Vào lúc bấy giờ, có người bà-la-môn nọ đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã không ưng thuận cho người ấy xuất gia. Người ấy trong khi không đạt được sự xuất gia ở nơi các tỳ khưu đã trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy người bà-la-môn ấy ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân, sau khi nhìn thấy đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, việc gì khiến người bà-la-môn ấy ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân vậy?

- Bạch ngài, người bà-la-môn ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã không ưng thuận cho người ấy xuất gia. Người ấy trong khi không đạt được sự xuất gia ở nơi các tỳ khưu đã trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, có vị nào nhớ được điều tốt đẹp của người bà-la-môn ấy?

Khi được nói như vậy, đại đức Sārīputta đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, con nhớ được điều tốt đẹp của người bà-la-môn ấy.

- Này Sārīputta, ngươi nhớ được điều tốt đẹp gì của người bà-la-môn ấy?

- Bạch ngài, trường hợp này là khi con đang đi khất thực ở trong thành Rājagaha, người bà-la-môn ấy đã sai người cho một muỗng vật thực. Bạch ngài, đó là điều tốt đẹp của người bà-la-môn ấy mà con nhớ được.

- Này Sārīputta, tốt lắm, tốt lắm! Này Sārīputta, bởi vì những người tốt là những người biết ơn và nhớ ơn đã thọ. Này Sārīputta, chính vì điều ấy ngươi hãy cho người bà-la-môn ấy xuất gia và tu lên bậc trên.

- Bạch ngài, con cho người bà-la-môn ấy xuất gia và tu lên bậc trên như thế nào?

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, việc tu lên bậc trên bằng Tam Quy đã được ta cho phép, kể từ nay ta hủy bỏ việc ấy. Này các tỳ khưu, ta cho phép tu lên bậc trên bằng hành sự với lời thông báo đến lần thứ tư. Và này các tỳ khưu, nên cho tu lên bậc trên như vầy:

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho vị tên (như vầy) tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Hội chúng cho vị tên (như vầy) tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của vị tên (như vầy) với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Hội chúng cho vị tên (như vầy) tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của vị tên (như vầy) với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Hội chúng cho vị tên (như vầy) tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của vị tên (như vầy) với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Vị tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[86] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ vừa mới được tu lên bậc trên thực hiện hành động sai trái. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này đại đức, chớ có hành động như thế, điều ấy không được phép.

Vị ấy đã nói như vầy:

- Tôi đâu có cầu xin các đại đức rằng: “Các đại đức hãy cho tôi tu lên bậc trên.” Tại sao các ngài khi chưa được tôi cầu xin mà đã cho tu lên bậc trên?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên người không cầu xin; vị nào ban phép tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép ban phép tu lên bậc trên đối với người đã cầu xin. Và này các tỳ khưu, nên được cầu xin như vầy:

Vị có ý muốn tu lên bậc trên ấy nên đi đến hội chúng tỳ khưu, đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân các vị tỳ khưu, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với hội chúng như vầy:

- Bạch các ngài, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch các ngài, vì lòng thương xót xin hội chúng hãy tế độ tôi.

Nên được cầu xin đến lần thứ nhì. Nên được cầu xin đến lần thứ ba.

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Vị tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho vị tên (như vầy) tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Vị tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Hội chúng cho vị tên (như vầy) tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của vị tên (như vầy) với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: ...(như trên)...

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: ...(như trên)...

Vị tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[87] Vào lúc bấy giờ, ở trong thành Rājagaha sự tuần tự của các bữa ăn gồm các thức ăn hảo hạng đã được tiến hành đều đặn. Khi ấy, có người bà-la-môn nọ đã khởi ý điều này: “Những sa-môn Thích tử này có giới luật thoải mái, có sở hành thoải mái, sau khi thọ thực thức ăn ngon rồi nằm dài trên những cái giường kín gió, hay là ta nên xuất gia nơi các sa-môn Thích tử này?” Sau đó, người bà-la-môn ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã cho người ấy xuất gia và tu lên bậc trên. Khi người ấy đã được xuất gia, sự tuần tự của các bữa ăn đã bị ngưng lại. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này đại đức, hãy đến. Hôm nay chúng ta sẽ đi khất thực.

Vị ấy đã nói như vầy:

- Này các đại đức, tôi đã không xuất gia vì nguyên nhân này: “Ta sẽ đi khất thực.” Nếu các vị cho tôi thì tôi sẽ ăn, nếu các vị không cho tôi thì tôi sẽ hoàn tục.

- Này đại đức, có phải ngài đã xuất gia vì nguyên nhân của bao tử?

- Này các đại đức, đúng vậy.

Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao vị tỳ khưu lại xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy vì nguyên nhân của bao tử?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này tỳ khưu, nghe nói ngươi đã xuất gia vì nguyên nhân của bao tử, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy vì nguyên nhân của bao tử? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đang ban phép tu lên bậc trên giải thích về bốn vật nương nhờ:

Việc xuất gia nương vào thức ăn do khất thực, trong trường hợp ấy ngươi nên nỗ lực thực hiện cho đến hết đời; điều phụ trội được phép là bữa ăn dâng hội chúng, bữa ăn được chỉ định, sự mời thỉnh, bữa ăn theo thẻ, vào mỗi nửa tháng, vào ngày Uposatha, vào ngày đầu của mỗi nửa tháng.

Việc xuất gia nương vào y làm bằng vải dơ bị quăng bỏ; trong trường hợp ấy ngươi nên nỗ lực thực hiện cho đến hết đời; điều phụ trội được phép là (y làm bằng) sợi lanh (khomaṃ), bông vải (kappāsikaṃ), tơ lụa (koseyyaṃ), sợi len (kambalaṃ), gai thô (sāṇam), chỉ bố (bhaṅgaṃ).

Việc xuất gia nương vào chỗ trú ngụ là gốc cây; trong trường hợp ấy ngươi nên nỗ lực thực hiện cho đến hết đời; điều phụ trội được phép là trú xá (vihāraṃ), nhà một mái (aḍḍhayogaṃ), tòa nhà dài (pāsādaṃ), khu nhà lớn (hammiyaṃ), hang động (guhaṃ).

Việc xuất gia nương vào dược phẩm là nước tiểu gia súc, trong trường hợp ấy ngươi nên nỗ lực thực hiện cho đến hết đời; điều phụ trội được phép là bơ lỏng (sappi), bơ đặc (navanītaṃ), dầu ăn (telaṃ), mật ong (madhu), đường mía (phānitaṃ).

Dứt tụng phẩm về phận sự đối với thầy tế độ.

6. Tụng phẩm thứ sáu

[88] Vào lúc bấy giờ, có chàng thanh niên nọ đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã giải thích cho chàng trai về các vật nương nhờ trước. Chàng trai đã nói như vầy:

- Thưa các ngài, nếu khi tôi đã được xuất gia các ngài mới giải thích về các vật nương nhờ thì tôi còn có thể thỏa thích. Thưa các ngài, giờ đây tôi sẽ không xuất gia, đối với tôi các vật nương nhờ là ghê tởm và đáng ghét.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên giải thích về các vật nương nhờ trước; vị nào giải thích thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép giải thích về các vật nương nhờ ngay sau khi đã được tu lên bậc trên.

[89] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đã ban phép tu lên bậc trên với tập thể là nhóm hai vị, nhóm ba vị, nhóm bốn vị. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên ban phép tu lên bậc trên với tập thể là nhóm ít hơn mười vị; vị nào ban phép tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép ban phép tu lên bậc trên với tập thể là nhóm mười vị hoặc nhóm trên mười vị.

[90] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu chỉ được một năm, hai năm đã cho đệ tử tu lên bậc trên. Ngay cả đại đức Upasena con trai của Vaṅganta được một năm đã cho người đệ tử tu lên bậc trên. Khi đã sống qua mùa (an cư) mưa là được hai năm, vị ấy đã đưa người đệ tử được một năm đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên.

Điều này đã trở thành thông lệ của chư Phật Thế Tôn là niềm nở với các tỳ khưu đi đến. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Upasena con trai của Vaṅganta điều này:

- Này các tỳ khưu, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Các ngươi đi đến đường xa có được ít mệt nhọc không?

- Bạch Thế Tôn, sức khoẻ có khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc được tốt đẹp. Và bạch ngài, chúng con đi đường xa ít có mệt nhọc.

Các đấng Như Lai dầu biết vẫn hỏi, dầu biết các vị vẫn không hỏi, biết đúng thời các vị mới hỏi, biết đúng thời các vị vẫn không hỏi, có liên quan đến lợi ích các đấng Như lai mới hỏi và không (hỏi việc) không có liên quan đến lợi ích, khi không có liên quan đến lợi ích các đấng Như Lai có cách để cắt đứt vấn đề. Chư Phật Thế Tôn hỏi các tỳ khưu với hai lý do: “Chúng ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp hoặc là chúng ta sẽ quy định điều học cho các đệ tử.” Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Upasena con trai của Vaṅganta điều này:

- Này tỳ khưu, ngươi được bao nhiêu năm?

- Bạch Thế Tôn, con được hai năm.

- Còn vị tỳ khưu này được bao nhiêu năm?

- Bạch Thế Tôn, được một năm.

- Vị tỳ khưu này là gì của ngươi?

- Bạch Thế Tôn, là đệ tử của con

Đức Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa-môn, không được phép, không nên làm! Này kẻ rồ dại, vì sao (trong khi) ngươi còn cần được giáo huấn cần được chỉ dạy lại nghĩ đến giáo huấn và chỉ dạy những người khác? Này kẻ rồ dại, ngươi trở thành đa đoan quá nhanh chóng tức là việc kết nạp đồ chúng. Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, vị dưới mười năm không nên ban phép tu lên bậc trên; vị nào ban phép tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép vị mười năm hoặc trên mười năm được ban phép tu lên bậc trên.

[91] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu ngu dốt thiếu kinh nghiệm (nghĩ rằng): “Ta được mười năm! Ta được mười năm!” rồi ban phép tu lên bậc trên. (Các trường hợp) những thầy tế độ ngu dốt và các đệ tử thông thái được phát hiện, những thầy tế độ thiếu kinh nghiệm và các đệ tử có kinh nghiệm được phát hiện, những thầy tế độ nghe ít và các đệ tử nghe nhiều được phát hiện, những thầy tế độ trí kém và các đệ tử trí tuệ được phát hiện. Có vị nọ trước đây theo ngoại đạo trong khi được thầy tế độ nói về vấn đề thuộc Giáo Pháp đã bắt bẻ lời dạy của thầy tế độ rồi chuyển sang khu vực của chính ngoại đạo ấy. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các vị tỳ khưu ngu dốt thiếu kinh nghiệm (nghĩ rằng): “Ta được mười năm! Ta được mười năm!” rồi ban phép tu lên bậc trên khiến (các trường hợp) những thầy tế độ ngu dốt và các đệ tử thông thái được phát hiện, những thầy tế độ thiếu kinh nghiệm và các đệ tử có kinh nghiệm được phát hiện, những thầy tế độ nghe ít và các đệ tử nghe nhiều được phát hiện, những thầy tế độ trí kém và các đệ tử trí tuệ được phát hiện?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các vị tỳ khưu ngu dốt thiếu kinh nghiệm (nghĩ rằng): “Ta được mười năm! Ta được mười năm!” rồi ban phép tu lên bậc trên khiến (các trường hợp) những thầy tế độ ngu dốt và các đệ tử thông thái được phát hiện, những thầy tế độ thiếu kinh nghiệm và các đệ tử có kinh nghiệm được phát hiện, những thầy tế độ nghe ít và các đệ tử nghe nhiều được phát hiện, những thầy tế độ trí kém và các đệ tử trí tuệ được phát hiện, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy là ngu dốt thiếu kinh nghiệm lại (nghĩ rằng): “Ta được mười năm! Ta được mười năm!” rồi ban phép tu lên bậc trên khiến (các trường hợp) những thầy tế độ ngu dốt và các đệ tử thông thái được phát hiện, những thầy tế độ thiếu kinh nghiệm và các đệ tử có kinh nghiệm được phát hiện, những thầy tế độ nghe ít và các đệ tử nghe nhiều được phát hiện, những thầy tế độ trí kém và các đệ tử trí tuệ được phát hiện? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, vị ngu dốt thiếu kinh nghiệm không nên ban phép tu lên bậc trên; vị nào ban phép tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu kinh nghiệm có năng lực với mười năm hoặc trên mười năm được ban phép tu lên bậc trên.

[92] Vào lúc bấy giờ, trong khi các vị thầy tế độ bỏ đi, hoàn tục, từ trần, qua bên nhóm khác, các tỳ khưu trở thành không có thầy dạy học, và trong khi không được giáo huấn, không được chỉ dạy (nên đã) mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, hoàn toàn không đúng quy cách rồi đi khất thực. Khi dân chúng đang ăn, các vị đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn loại mềm (của dân chúng), ... ở phía trên thức ăn loại cứng, ... ở phía trên thức ăn có hương vị, các vị đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức uống, các vị tự mình yêu cầu xúp và cơm rồi thọ thực, và các vị sống (thường xuyên) gây nên sự náo nhiệt, sự ồn ào ở trong nhà ăn. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, hoàn toàn không đúng quy cách rồi đi khất thực, và khi dân chúng đang ăn, các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức ăn loại mềm (của dân chúng), ... ở phía trên thức ăn loại cứng, ... ở phía trên thức ăn có hương vị, các vị lại đưa bình bát đã mở ra ở phía trên thức uống, các vị tự mình yêu cầu xúp và cơm rồi thọ thực, các vị sống (thường xuyên) gây nên sự náo nhiệt, sự ồn ào ở trong nhà ăn giống như các bà-la-môn trong bữa ăn của các bà-la-môn vậy?

Các tỳ khưu đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các vị tỳ khưu lại mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, hoàn toàn không đúng quy cách ...(như trên)... sự ồn ào ở trong nhà ăn nữa?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu mặc y luộm thuộm, trùm y luộm thuộm, hoàn toàn không đúng quy cách ...(như trên)...  sự ồn ào ở trong nhà ăn nữa, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị thầy dạy học. Này các tỳ khưu, vị thầy dạy học sẽ gợi lên ở người học trò tâm của người con và người học trò sẽ gợi lên ở vị thầy dạy học tâm của người cha. Như thế, trong khi sống cùng nhau có nhiều kính trọng, có sự vâng lời, có sự tiếp xúc với nhau, họ sẽ đạt đến sự lớn mạnh, sự tăng trưởng, sự phát triển trong Pháp và Luật này. Này các tỳ khưu, ta cho phép sống nương nhờ mười năm và vị mười năm được ban cho sự nương nhờ. Và này các tỳ khưu, vị thầy dạy học nên được xác định như vầy:

(Người học trò) nên đắp thượng y một bên vai, đảnh lễ ở chân, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy: “Bạch ngài, xin ngài hãy là thầy dạy học của con. Con sẽ sống nương nhờ vào đại đức. Bạch ngài, xin ngài hãy là thầy dạy học của con. Con sẽ sống nương nhờ vào đại đức. Bạch ngài, xin ngài hãy là thầy dạy học của con. Con sẽ sống nương nhờ vào đại đức.”

(Vị thầy dạy học nên nói rằng): “Tốt rồi!” hay là “Được nhẹ nhàng rồi!” hay là “Đúng rồi!” hay là “Được phù hợp rồi!” hay là “Hãy tiếp tục với sự hoan hỷ!”

(Nếu) vị (thầy dạy học) bày tỏ bằng thân, bày tỏ bằng lời nói, bày tỏ bằng thân và lời nói, thì vị thầy dạy học đã được xác định. (Nếu) vị ấy không bày tỏ bằng thân, không bày tỏ bằng lời nói, không bày tỏ bằng thân và lời nói, vị thầy dạy học đã không được xác định.

[93] Này các tỳ khưu, người học trò nên thực hành phận sự đúng đắn đối với vị thầy dạy học. Đây là phận sự đúng đắn trong trường hợp này:

Nên thức dậy vào lúc sáng sớm, cởi dép ra, đắp thượng y một bên vai, rồi nên dâng lên gỗ chà răng, nên dâng nước súc miệng, nên sắp xếp chỗ ngồi. Nếu có cháo, nên rửa sạch tô rồi dâng cháo. Khi thầy đã uống cháo xong, nên dâng nước, nhận lại tô, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không chà xát mạnh, rồi đem cất. Khi thầy dạy học đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nếu khu vực ấy có rác rến thì nên quét khu vực ấy.

Nếu thầy dạy học có ý muốn đi vào làng, nên trao y lót trong, và nhận lại y lót trong (khác từ vị thầy), nên trao dây thắt lưng, nên gấp y hai lớp gọn gàng rồi dâng lên. Nên trao bình bát còn đẫm nước sau khi đã rửa sạch. Nếu thầy dạy học muốn có thị giả đi theo, vị ấy nên mặc y nội tròn đều với sự che phủ ba vòng tròn, buộc dây thắt lưng, sửa sang cho tề chỉnh rồi trùm y hai lớp lên, thắt lại dây buộc, rửa ráy, cầm lấy bình bát, rồi nên đi theo làm thị giả cho thầy dạy học. Không nên đi quá xa, không nên đi quá gần. Nên nhận lấy bình bát (của vị thầy) và vật được chứa đựng (trong đó). Khi thầy dạy học đang nói, không nên cắt ngang lời nói nửa chừng. Khi thầy dạy học có khả năng phạm tội lúc đang nói thì nên nhắc nhở.

Khi quay trở về, nên đi về trước tiên. Nên sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên đi ra rước y và bình bát. Nên trao y lót trong (trước đây) và nhận lại y lót trong (mặc lúc đi). Nếu y bị thấm mồ hôi, nên phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Và không nên phơi y ở chỗ nắng quá lâu. Nên gấp y lại. Khi gấp y nên lùi phần góc vào bốn ngón tay rồi gấp y lại (nghĩ rằng): “Không nên để nếp gấp ở phần chính giữa.” Nên đặt dây thắt lưng ở phía trong rồi gấp lại.

Nếu có đồ ăn khất thực và thầy dạy học có ý muốn ăn thì nên dâng nước (rửa) và nên đem đồ ăn khất thực để gần bên. Nên dâng lên thầy dạy học nước uống. Khi thầy ăn xong nên dâng nước (rửa). Nên nhận lại bình bát rồi đem để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không chà xát mạnh, nên làm ráo nước, rồi đem phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Không nên phơi bình bát ở chỗ nắng quá lâu. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Và không nên đặt bình bát trên mặt đất không có vật kê. Khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn chỗ gấp y lại ở bên này, rồi căng y ra. Khi thầy dạy học đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nên dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nếu khu vực ấy có rác rến thì nên quét khu vực ấy.

Nếu thầy dạy học có ý muốn tắm, nên chuẩn bị việc tắm. Nếu (thầy dạy học) thích nước lạnh, nên chuẩn bị nước lạnh; nếu thích nước nóng, nên chuẩn bị nước nóng. Nếu thầy dạy học có ý muốn đi vào nhà tắm hơi, nên trộn bột tắm, nên tẩm ướt đất sét. Nên lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi rồi đi đến từ phía sau lưng, nên trao ghế ngồi của nhà tắm hơi cho thầy dạy học, nhận lấy y, và để ở một bên. Nên trao bột tắm, nên trao đất sét. Nếu có nỗ lực, nên đi vào nhà tắm hơi. Khi đi vào nhà tắm hơi, nên thoa đất sét lên mặt, nên đắp lên cả phía trước lẫn phía sau rồi đi vào nhà tắm hơi. Không nên chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống. Không nên xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi. Ở trong nhà tắm hơi nên kỳ cọ cho thầy dạy học. Khi rời khỏi nhà tắm hơi, nên cầm lấy cái ghế ngồi của nhà tắm hơi, nên che kín cả phía trước lẫn phía sau rồi rời khỏi nhà tắm hơi. Nên kỳ cọ cho thầy dạy học lúc ở trong nước. Khi tắm xong nên đi ra trước, lau khô nước ở thân thể của mình. Sau khi quấn y, nên lau khô nước ở thân thể của thầy dạy học. Nên trao y lót trong. Nên trao y hai lớp. Nên cầm lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi, đi về trước, và sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên dâng nước uống đến thầy dạy học. Nếu có ý muốn thỉnh (thầy) đọc tụng, nên thỉnh (thầy) đọc tụng. Nếu có ý muốn vấn đạo, nên thỉnh (thầy) vấn đạo.

Ở trú xá nào thầy dạy học cư ngụ, nếu trú xá ấy có rác rến, nên làm sạch sẽ nếu có nỗ lực. Khi làm sạch sẽ, trước tiên nên đem y bát ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem tọa cụ và ngọa cụ ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem nệm gối ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên hạ thấp cái giường rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn và để xuống ở một góc, nên hạ thấp cái ghế rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn và để xuống ở một góc, nên đem khung giường ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem ống nhổ ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem tấm ván gối đầu ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên xem xét tấm trải nền được xếp đặt như thế nào rồi đem ra ngoài và để xuống ở một góc. Nếu có mạng nhện ở trú xá, khi phát hiện trước tiên nên dời (chúng) khỏi lỗ hổng, nên lau chùi các cửa sổ và các hốc kẹt. Nếu tường được sơn màu đỏ và bị đốm loang lỗ nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền được sơn màu đen và bị đốm loang lỗ nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền không được thực hiện, nên rải nước rồi quét (nghĩ rằng): “Không nên để trú xá bị tràn ngập bụi bặm.” Sau khi gom rác lại rồi nên đem đổ bỏ ở một góc.

Sau khi phơi nắng tấm trải nền, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng khung giường, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng giường, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn, và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ghế, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn, và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng nệm gối, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng tọa cụ và đồ trải nằm, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ống nhổ, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng tấm ván gối đầu, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Không nên đặt bình bát trên mặt đất không có vật kê. Khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn chỗ gấp y lại ở bên này, rồi căng y ra.

Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng đông, các cửa sổ hướng đông nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng tây, các cửa sổ hướng tây nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng bắc, các cửa sổ hướng bắc nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng nam, các cửa sổ hướng nam nên được khép lại. Nếu thời tiết lạnh, các cửa sổ nên mở ra vào ban ngày và khép lại vào ban đêm. Nếu thời tiết nóng, các cửa sổ nên khép lại vào ban ngày và mở ra vào ban đêm.

Nếu phòng có rác rến, nên quét phòng. Nếu cổng có rác rến, nên quét cổng. Nếu phòng hội họp có rác rến, nên quét phòng hội họp. Nếu nhà để đốt lửa có rác rến, nên quét nhà để đốt lửa. Nếu nhà vệ sinh có rác rến, nên quét nhà vệ sinh. Nếu nước uống không có, nên đem nước uống lại. Nếu nước rửa không có, nên đem nước rửa lại. Nếu hũ nước súc miệng không có nước, nên đổ nước vào hũ nước súc miệng.

Nếu sự không hoan hỷ sanh khởi ở thầy dạy học, người học trò nên làm cho dịu đi hoặc nhờ vị khác làm cho dịu đi, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị thầy. Nếu mối nghi ngờ sanh khởi ở thầy dạy học, người học trò nên làm cho tan biến hoặc nhờ vị khác làm cho tan biến, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị thầy. Nếu tà kiến sanh khởi ở thầy dạy học, người học trò nên phân giải hoặc nhờ vị khác phân giải, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị thầy. Nếu thầy dạy học bị phạm tội nặng xứng đáng hành phạt parivāsa, người học trò nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể ban hành phạt parivāsa cho thầy dạy học?” Nếu thầy dạy học xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, người học trò nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể cho thầy dạy học (thực hành) trở lại từ đầu?” Nếu thầy dạy học xứng đáng hành phạt mānatta, người học trò nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể ban hành phạt mānatta cho thầy dạy học?” Nếu thầy dạy học xứng đáng sự giải tội, người học trò nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể giải tội cho thầy dạy học?” Nếu hội chúng có ý định thực thi hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với thầy dạy học, người học trò nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể không thực thi hành sự đối với thầy dạy học, hoặc đổi thành nhẹ hơn?” Khi hội chúng đã thực thi hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với vị thầy dạy học, người học trò nên nỗ lực: “Làm thế nào để thầy dạy học có thể làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, và hội chúng có thể thâu hồi hành sự này?”

Nếu y của thầy dạy học cần phải giặt, người học trò nên giặt hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của thầy dạy học được giặt?” Nếu y của thầy dạy học cần phải may, người học trò nên may hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của thầy dạy học được may?” Nếu thuốc nhuộm của thầy dạy học cần phải nấu, người học trò nên nấu hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để thuốc nhuộm của thầy dạy học được nấu?” Nếu y của thầy dạy học cần phải nhuộm, người học trò nên nhuộm hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của thầy dạy học được nhuộm?” Trong khi nhuộm y, nên đảo tới đảo lui cho khéo léo. Không nên bỏ đi khi nước nhỏ giọt chưa ngừng.

Không có phép của thầy dạy học, không nên cho bình bát đến người khác. Không nên thọ lãnh bình bát của người khác. Không nên cho y đến người khác. Không nên thọ lãnh y của người khác. Không nên cho vật dụng đến người khác. Không nên thọ lãnh vật dụng của người khác. Không nên cạo tóc cho người khác. Không nên bảo người khác cạo tóc. Không nên kỳ cọ người khác. Không nên bảo người khác kỳ cọ. Không nên hầu hạ người khác. Không nên bảo người khác hầu hạ. Không nên làm thị giả người khác. Không nên nhận người khác làm thị giả. Không nên mang đồ ăn khất thực lại dùm người khác. Không nên nhờ người khác mang dùm đồ ăn khất thực lại. Chưa xin phép thầy dạy học không nên đi vào làng, không nên đi đến mộ địa, không nên bỏ đi hướng khác. Nếu thầy dạy học bị bệnh, nên phục vụ cho đến trọn đời hoặc chờ đến khi vị thầy khỏe lại.

Dứt phận sự đối với thầy dạy học.

[94] Này các tỳ khưu, vị thầy dạy học nên thực hành phận sự đúng đắn đối với người học trò. Đây là phận sự đúng đắn trong trường hợp này:

Này các tỳ khưu, thầy dạy học nên quan tâm đến người học trò, nên giúp đỡ bằng sự đọc tụng, bằng sự vấn hỏi, bằng sự giáo huấn, bằng sự chỉ dạy. Nếu thầy dạy học có bình bát và người học trò không có bình bát, thầy dạy học nên cho bình bát đến người học trò, hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để bình bát có thể phát sanh đến học trò?” Nếu thầy dạy học có y và người học trò không có y, thầy dạy học nên cho y đến người học trò, hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y có thể phát sanh đến học trò?” Nếu thầy dạy học có vật dụng và người học trò không có vật dụng, thầy dạy học nên cho vật dụng đến người học trò, hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để vật dụng có thể phát sanh đến học trò?”

Nếu người học trò bị bệnh, (vị thầy dạy học) nên thức dậy vào lúc sáng sớm. Nên trao gỗ chà răng. Nên trao nước súc miệng. Nên sắp xếp chỗ ngồi. Nếu có cháo, nên rửa sạch tô rồi đem cháo lại. Khi người học trò đã uống cháo xong, nên cho nước, nhận lại tô, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không chà xát mạnh, rồi đem cất. Khi người học trò đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nếu khu vực ấy có rác rến thì nên quét khu vực ấy.

Nếu người học trò có ý muốn đi vào làng, nên trao y lót trong, và nhận lại y lót trong (khác từ vị ấy), nên trao dây thắt lưng, nên gấp y hai lớp gọn gàng rồi trao cho. Nên trao bình bát còn đẫm nước sau khi đã rửa sạch. (Nghĩ rằng): “Đến lúc vị ấy sắp trở về,” nên sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên đi ra rước y và bình bát. Nên trao y lót trong (trước đây) và nhận lại y lót trong (mặc lúc đi). Nếu y bị thấm mồ hôi, nên phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Và không nên phơi y ở chỗ nắng quá lâu. Nên gấp y lại. Khi gấp y nên lùi phần góc vào bốn ngón tay rồi gấp y lại (nghĩ rằng): “Không nên để nếp gấp ở phần chính giữa.” Nên đặt dây thắt lưng ở phía trong rồi gấp lại.

Nếu có đồ ăn khất thực và người học trò có ý muốn ăn thì nên trao nước (rửa) và nên đem đồ ăn khất thực để gần bên. Nên đưa cho học trò nước uống. Khi người học trò ăn xong nên trao nước (rửa). Nên nhận lại bình bát, để ở chỗ thấp, rửa một cách cẩn thận không chà xát mạnh, nên làm ráo nước rồi đem phơi ở chỗ nắng trong chốc lát. Không nên phơi bình bát ở chỗ nắng quá lâu. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Và không nên đặt bình bát trên mặt đất không có vật kê. Khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn chỗ gấp y lại ở bên này, rồi căng y ra. Khi người học trò đứng dậy, nên thu xếp chỗ ngồi. Nên dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nếu khu vực ấy có rác rến thì nên quét khu vực ấy.

Nếu người học trò có ý muốn tắm, nên chuẩn bị việc tắm. Nếu (người học trò) thích nước lạnh, nên chuẩn bị nước lạnh; nếu thích nước nóng, nên chuẩn bị nước nóng. Nếu người học trò có ý muốn đi vào nhà tắm hơi, nên trộn bột tắm, nên tẩm ướt đất sét. Nên lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi, đi đến, trao ghế ngồi của nhà tắm hơi, nhận lấy y, rồi để ở một bên. Nên trao bột tắm. Nên trao đất sét. Nếu có nỗ lực, nên đi vào nhà tắm hơi. Khi đi vào nhà tắm hơi, nên thoa đất sét lên mặt, nên đắp lên cả phía trước lẫn phía sau rồi đi vào nhà tắm hơi. Không nên chen vào (chỗ) các tỳ khưu trưởng lão rồi ngồi xuống. Không nên xua đuổi các tỳ khưu mới tu khỏi chỗ ngồi. Ở trong nhà tắm hơi nên kỳ cọ cho người học trò. Khi rời khỏi nhà tắm hơi, nên cầm lấy cái ghế ngồi của nhà tắm hơi, sau khi che kín cả phía trước lẫn phía sau rồi rời khỏi nhà tắm hơi. Nên kỳ cọ cho người học trò lúc ở trong nước. Khi tắm xong nên đi ra trước, nên lau khô nước ở thân thể của mình. Sau khi quấn y, nên lau khô nước ở thân thể của người học trò. Nên trao y lót trong. Nên trao y hai lớp. Nên cầm lấy ghế ngồi của nhà tắm hơi, đi về trước, và sắp xếp chỗ ngồi. Nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân. Nên đem nước uống đến cho người học trò.

Ở trú xá nào người học trò cư ngụ, nếu trú xá ấy có rác rến, nên làm sạch sẽ nếu có nỗ lực. Khi làm sạch sẽ, trước tiên nên đem y bát ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem tọa cụ và ngọa cụ ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem nệm gối ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên hạ thấp cái giường rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn và để xuống ở một góc, nên hạ thấp cái ghế rồi đem ra ngoài một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn và để xuống ở một góc, nên đem khung giường ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem ống nhổ ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên đem tấm ván gối đầu ra ngoài rồi để xuống ở một góc, nên xem xét tấm trải nền được xếp đặt như thế nào rồi đem ra ngoài và để xuống ở một góc. Nếu có mạng nhện ở trú xá, khi phát hiện trước tiên nên dời (chúng) khỏi lỗ hổng, nên lau chùi các cửa sổ và các hốc kẹt. Nếu tường được sơn màu đỏ và bị đốm loang lỗ nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền được sơn màu đen và bị đốm loang lỗ nên thấm khăn ướt chà xát mạnh rồi lau sạch. Nếu nền không được thực hiện, nên rải nước rồi quét (nghĩ rằng): “Không nên để trú xá bị tràn ngập bụi bặm.” Sau khi gom rác lại rồi nên đem đổ bỏ ở một góc.

Sau khi phơi nắng tấm trải nền, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng khung giường, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng giường, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn, và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ghế, nên làm sạch sẽ, đập giũ, hạ thấp xuống, rồi đem vào trong một cách khéo léo không làm trầy hoặc va chạm vào phần dưới của cánh cửa lớn, và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng nệm gối, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng tọa cụ và ngọa cụ, nên làm sạch sẽ, đập giũ, rồi đem vào trong và sắp đặt như đã được sắp đặt (trước đây). Sau khi phơi nắng ống nhổ, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Sau khi phơi nắng tấm ván gối đầu, nên lau chùi, rồi đem vào trong và để lại ở vị trí như cũ. Nên đem cất y và bình bát. Trong khi đặt bình bát xuống, nên dùng một tay ôm bình bát, tay kia sờ ở phía dưới giường hoặc phía dưới ghế rồi nên đặt bình bát xuống. Không nên đặt bình bát trên mặt đất không có vật kê. Khi máng y, nên dùng một tay cầm y, tay kia vuốt sào treo y hoặc dây phơi y, nên để mép y phía bên kia, còn chỗ gấp y lại ở bên này, rồi căng y ra.

Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng đông, các cửa sổ hướng đông nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng tây, các cửa sổ hướng tây nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng bắc, các cửa sổ hướng bắc nên được khép lại. Nếu các cơn gió có bụi thổi từ hướng nam, các cửa sổ hướng nam nên được khép lại. Nếu thời tiết lạnh, các cửa sổ nên mở ra vào ban ngày và khép lại vào ban đêm. Nếu thời tiết nóng, các cửa sổ nên khép lại vào ban ngày và mở ra vào ban đêm.

Nếu phòng có rác rến, nên quét phòng. Nếu cổng có rác rến, nên quét cổng. Nếu phòng hội họp có rác rến, nên quét phòng hội họp. Nếu nhà để đốt lửa có rác rến, nên quét nhà để đốt lửa. Nếu nhà vệ sinh có rác rến, nên quét nhà vệ sinh. Nếu nước uống không có, nên đem nước uống lại. Nếu nước rửa không có, nên đem nước rửa lại. Nếu hũ nước súc miệng không có nước, nên đổ nước vào hũ nước súc miệng.

Nếu có sự không hoan hỷ sanh khởi ở người học trò, vị thầy dạy học nên làm cho dịu đi hoặc nhờ vị khác làm cho dịu đi, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy. Nếu mối nghi ngờ sanh khởi ở người học trò, vị thầy dạy học nên làm cho tan biến hoặc nhờ vị khác làm cho tan biến, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy. Nếu tà kiến sanh khởi ở người học trò, vị thầy dạy học nên phân giải hoặc nhờ vị khác phân giải, hoặc nên tiến hành việc giảng Pháp cho vị ấy. Nếu người học trò bị phạm tội nặng xứng đáng hành phạt parivāsa, vị thầy dạy học nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể ban hành phạt parivāsa cho học trò?” Nếu người học trò xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, vị thầy dạy học nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể cho học trò (thực hành) trở lại từ đầu?” Nếu người học trò xứng đáng hành phạt mānatta, vị thầy dạy học nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể ban hành phạt mānatta cho học trò?” Nếu người học trò xứng đáng sự giải tội, vị thầy dạy học nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể giải tội cho học trò?” Nếu hội chúng có ý định thực thi hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với người học trò, vị thầy dạy học nên nỗ lực: “Làm thế nào để hội chúng có thể không thực thi hành sự đối với học trò, hoặc đổi thành nhẹ hơn?” Khi hội chúng đã thực thi hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đối với người học trò, vị thầy dạy học nên nỗ lực: “Làm thế nào để học trò có thể làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, và hội chúng có thể thâu hồi hành sự này?”

Nếu y của người học trò cần phải giặt, vị thầy dạy học nên hướng dẫn: “Ngươi nên giặt như vầy,” hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của học trò được giặt?” Nếu y của học trò cần phải may, vị thầy dạy học nên hướng dẫn: “Ngươi nên may như vầy,” hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của học trò được may?” Nếu thuốc nhuộm của người học trò cần phải nấu, vị thầy dạy học nên hướng dẫn: “Ngươi nên nấu như vầy,” hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để thuốc nhuộm của học trò được nấu?” Nếu y của người học trò cần phải nhuộm, vị thầy dạy học nên hướng dẫn: “Ngươi nên nhuộm như vầy,” hoặc nên nỗ lực: “Làm thế nào để y của học trò được nhuộm?” Trong khi nhuộm y, nên đảo tới đảo lui cho khéo léo. Không nên bỏ đi khi nước nhỏ giọt chưa ngừng. Nếu người học trò bị bệnh, nên phục vụ cho đến trọn đời hoặc chờ đến khi người học trò khỏe lại.

Dứt phận sự đối với học trò.

(Dứt tụng phẩm thứ sáu).

7. Tụng phẩm thứ bảy

[95] Vào lúc bấy giờ, các người học trò không thực hành phận sự đúng đắn đối với các vị thầy dạy học. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, người học trò nên thực hành phận sự đúng đắn đối với các vị thầy dạy học; vị nào không thực hành đúng đắn thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

(Các người học trò) vẫn không thực hành phận sự đúng đắn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đuổi đi người (học trò) không thực hành phận sự đúng đắn. Và này các tỳ khưu, nên đuổi đi như vầy: “Ta đuổi ngươi đi,” hay là “Đừng có quay trở lại đây,” hay là “Hãy đem đi y bát của ngươi,” hay là “Ta không giúp đở ngươi nữa.” (Nếu) vị (thầy dạy học) bày tỏ bằng thân, bày tỏ bằng lời nói, bày tỏ bằng thân và lời nói, thì người học trò đã bị đuổi đi. (Nếu) vị ấy không bày tỏ bằng thân, không bày tỏ bằng lời nói, không bày tỏ bằng thân và lời nói, thì người học trò không bị đuổi đi

Vào lúc bấy giờ, những người học trò bị đuổi đi không xin lỗi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép xin lỗi.

Các người (học trò) vẫn không xin lỗi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, người (học trò) bị đuổi đi không nên không xin lỗi; vị nào không xin lỗi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, trong khi được xin lỗi các vị thầy dạy học không tha thứ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tha thứ.

Các vị (thầy dạy học) vẫn không tha thứ. Những người học trò bỏ đi, (hoặc) hoàn tục, (hoặc) theo ngoại đạo. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trong khi được xin lỗi không nên không tha thứ; vị nào không tha thứ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các vị thầy dạy học đuổi đi những người (học trò) thực hành phận sự đúng đắn, không đuổi đi những người (học trò) không thực hành phận sự đúng đắn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đuổi đi người (học trò) thực hành phận sự đúng đắn; vị nào đuổi đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, không nên không đuổi đi người (học trò) không thực hành phận sự đúng đắn; vị nào không đuổi đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, nên đuổi đi người học trò hội đủ năm điều kiện: Đối với thầy dạy học không có nhiều lòng yêu mến, không có nhiều đức tin, không có nhiều nể nang, không có nhiều kính trọng, (và) không có nhiều sự rèn luyện. Này các tỳ khưu, nên đuổi đi người học trò hội đủ năm điều kiện này.

Này các tỳ khưu, không nên đuổi đi người học trò hội đủ năm điều kiện: Đối với thầy dạy học có nhiều lòng yêu mến, có nhiều đức tin, có nhiều nể nang, có nhiều kính trọng, (và) có nhiều sự rèn luyện. Này các tỳ khưu, không nên đuổi đi người học trò hội đủ năm điều kiện này.

Này các tỳ khưu, người học trò là đáng bị đuổi đi khi hội đủ năm điều kiện: Đối với thầy dạy học không có nhiều lòng yêu mến, không có nhiều đức tin, không có nhiều nể nang, không có nhiều kính trọng, (và) không có nhiều sự rèn luyện. Này các tỳ khưu, người học trò là đáng bị đuổi đi khi hội đủ năm điều kiện này.

Này các tỳ khưu, người học trò là không đáng bị đuổi đi khi hội đủ năm điều kiện: Đối với thầy dạy học có nhiều lòng yêu mến, có nhiều đức tin, có nhiều nể nang, có nhiều kính trọng, (và) có nhiều sự rèn luyện. Này các tỳ khưu, người học trò là không đáng bị đuổi đi khi hội đủ năm điều kiện này.

Này các tỳ khưu, vị thầy dạy học là vượt qua quy định khi không đuổi đi, không vượt qua quy định khi đuổi đi người học trò hội đủ năm điều kiện: Đối với thầy dạy học không có nhiều lòng yêu mến, không có nhiều đức tin, không có nhiều nể nang, không có nhiều kính trọng, (và) không có nhiều sự rèn luyện. Này các tỳ khưu, vị thầy dạy học là vượt qua quy định khi không đuổi đi, không vượt qua quy định khi đuổi đi người học trò hội đủ năm điều kiện này.

Này các tỳ khưu, vị thầy dạy học là vượt qua quy định khi đuổi đi, không vượt qua quy định khi không đuổi đi người học trò hội đủ năm điều kiện: Đối với thầy dạy học có nhiều lòng yêu mến, có nhiều đức tin, có nhiều nể nang, có nhiều kính trọng, (và) có nhiều sự rèn luyện. Này các tỳ khưu, vị thầy dạy học là vượt qua quy định khi đuổi đi, không vượt qua quy định khi không đuổi đi người học trò hội đủ năm điều kiện này.

[96] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu ngu dốt thiếu kinh nghiệm (nghĩ rằng): “Ta được mười năm! Ta được mười năm!” rồi ban cho sự nương nhờ. (Các trường hợp) những thầy dạy học ngu dốt và các học trò thông thái được phát hiện, những thầy dạy học thiếu kinh nghiệm và các học trò có kinh nghiệm được phát hiện, những thầy dạy học nghe ít và các học trò nghe nhiều được phát hiện, những thầy dạy học trí kém và các học trò trí tuệ được phát hiện. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các vị tỳ khưu ngu dốt thiếu kinh nghiệm (nghĩ rằng): “Ta được mười năm! Ta được mười năm!” rồi ban cho sự nương nhờ khiến (các trường hợp) những thầy dạy học ngu dốt và các học trò thông thái được phát hiện, những thầy dạy học thiếu kinh nghiệm và các học trò có kinh nghiệm được phát hiện, những thầy dạy học nghe ít và các học trò nghe nhiều được phát hiện, những thầy dạy học trí kém và các học trò trí tuệ được phát hiện?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các vị tỳ khưu ngu dốt thiếu kinh nghiệm (nghĩ rằng): “Ta được mười năm! Ta được mười năm!” rồi ban cho sự nương nhờ khiến (các trường hợp) những thầy dạy học ngu dốt ...(như trên)... và các học trò trí tuệ được phát hiện, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng: ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, vị ngu dốt thiếu kinh nghiệm không nên ban phép tu lên bậc trên; vị nào ban phép tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu kinh nghiệm có năng lực với mười năm hoặc trên mười năm được ban cho sự nương nhờ.

[97] Vào lúc bấy giờ, khi các vị thầy tế độ bỏ đi, hoàn tục, từ trần, chuyển qua bên nhóm khác, các vị tỳ khưu không biết các trường hợp đình chỉ sự nương nhờ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, đây là năm trường hợp đình chỉ sự nương nhờ ở thầy tế độ: Thầy tế độ rời đi, hoặc hoàn tục, hoặc từ trần, hoặc chuyển qua bên nhóm khác, hoặc sự ra lệnh (đuổi đi) là thứ năm. Này các tỳ khưu, đây là năm trường hợp đình chỉ sự nương nhờ ở thầy tế độ.

Này các tỳ khưu, đây là sáu trường hợp đình chỉ sự nương nhờ ở thầy dạy học: Thầy dạy học rời đi, hoặc hoàn tục, hoặc từ trần, hoặc qua bên nhóm khác, hoặc sự ra lệnh (đuổi đi) là thứ năm, hoặc đã được gặp lại thầy tế độ. Này các tỳ khưu, đây là sáu trường hợp đình chỉ sự nương nhờ ở thầy dạy học.

[98] Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ: Là vị không thành tựu vô học giới uẩn, không thành tựu vô học định uẩn, không thành tựu vô học tuệ uẩn, không thành tựu vô học giải thoát uẩn, không thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ: Là vị thành tựu vô học giới uẩn, thành tựu vô học định uẩn, thành tựu vô học tuệ uẩn, thành tựu vô học giải thoát uẩn, thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ: Là vị bản thân không thành tựu vô học giới uẩn và không giúp người khác đạt được vô học giới uẩn, bản thân không thành tựu vô học định uẩn và không giúp người khác đạt được vô học định uẩn, bản thân không thành tựu vô học tuệ uẩn và không giúp người khác đạt được vô học tuệ uẩn, bản thân không thành tựu vô học giải thoát uẩn và không giúp người khác đạt được vô học giải thoát uẩn, bản thân không thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn và không giúp người khác đạt được vô học giải thoát tri kiến uẩn. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ: Là vị bản thân thành tựu vô học giới uẩn và giúp người khác đạt được vô học giới uẩn, bản thân thành tựu vô học định uẩn và giúp người khác đạt được vô học định uẩn, bản thân thành tựu vô học tuệ uẩn và giúp người khác đạt được vô học tuệ uẩn, bản thân thành tựu vô học giải thoát uẩn và giúp người khác đạt được vô học giải thoát uẩn, bản thân thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn và giúp người khác đạt được vô học giải thoát tri kiến uẩn. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ: Là vị không có đức tin, không có sự hổ thẹn (tội lỗi), không có sự ghê sợ (tội lỗi), biếng nhác, niệm bị quên lãng. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ: Là vị có đức tin, có sự hổ thẹn (tội lỗi), có sự ghê sợ (tội lỗi), có nỗ lực tinh tấn, có niệm được thiết lập. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ: Là vị bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới,[8] bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh,[9] bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến sái quấy,[10] ít học hỏi (appassuto), trí kém (duppañño) . Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ: Là vị không bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, không bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, không bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến sái quấy, nghe nhiều (bahussuto), có trí tuệ (paññāvā). Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ: Là vị không có khả năng để phục vụ hoặc kiếm người phục vụ khi đệ tử hay học trò bị bệnh, (không có khả năng để) khuyên giải hoặc nhờ người khuyên giải (khi đệ tử hay học trò) có sự chán nản, (không có khả năng để) giải tỏa hoặc nhờ người giải tỏa đúng theo Pháp (khi đệ tử hay học trò) có mối nghi ngờ sanh khởi, không biết về sự phạm tội, không biết cách thoát khỏi tội. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ: Là vị có khả năng để phục vụ hoặc kiếm người phục vụ khi đệ tử hay học trò bị bệnh, (có khả năng để) khuyên giải hoặc nhờ người khuyên giải (khi đệ tử hay học trò) có sự chán nản, (có khả năng để) giải tỏa hoặc nhờ người giải tỏa đúng theo Pháp (khi đệ tử hay học trò) có mối nghi ngờ sanh khởi, biết về sự phạm tội, biết cách thoát khỏi tội. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ: Là vị không có khả năng để huấn luyện các điều học thuộc về phận sự căn bản,[11] (không có khả năng) để hướng dẫn các điều học thuộc về phần đầu của Phạm hạnh,[12] (không có khả năng) để hướng dẫn về Thắng Pháp (abhidhamma), (không có khả năng) để hướng dẫn về Thắng Luật (abhivinaya),[13] (không có khả năng) để phân tách đúng theo Pháp xu hướng tà kiến đã được sanh khởi cho đệ tử hay học trò. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ: Là vị có khả năng để huấn luyện các điều học thuộc về phận sự căn bản, (có khả năng) để hướng dẫn các điều học thuộc về phần đầu của Phạm hạnh, (có khả năng) để hướng dẫn về Thắng Pháp, (có khả năng) để hướng dẫn về Thắng Luật, (có khả năng) để phân tách đúng theo Pháp xu hướng tà kiến đã được sanh khởi cho đệ tử hay học trò. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ: Là vị không biết về sự phạm tội, không biết về sự không phạm tội, không biết về sự phạm tội nhẹ, không biết về sự phạm tội nặng, không được khéo truyền thừa hai bộ giới bổn Pātimokkha một cách chi tiết, không khéo phân tích, không khéo thực hành, không khéo xác định theo từng điều hoặc từng phần phụ thuộc. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ: Là vị biết về sự phạm tội, biết về sự không phạm tội, biết về sự phạm tội nhẹ, biết về sự phạm tội nặng, được khéo truyền thừa hai bộ giới bổn Pātimokkha một cách chi tiết, khéo phân tích, khéo thực hành, khéo xác định theo từng điều hoặc từng phần phụ thuộc. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ: Là vị không biết về sự phạm tội, không biết về sự không phạm tội, không biết về sự phạm tội nhẹ, không biết về sự phạm tội nặng, chưa đủ mười năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ: Là vị biết về sự phạm tội, biết về sự không phạm tội, biết về sự phạm tội nhẹ, biết về sự phạm tội nặng, được mười năm hoặc hơn mười năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ.

Dứt mười sáu nhóm năm của phần “Nên ban phép tu lên bậc trên.”

[99] Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ: Là vị không thành tựu vô học giới uẩn, không thành tựu vô học định uẩn, không thành tựu vô học tuệ uẩn, không thành tựu vô học giải thoát uẩn, không thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn, chưa đủ mười năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ: Là vị thành tựu vô học giới uẩn, thành tựu vô học định uẩn, thành tựu vô học tuệ uẩn, thành tựu vô học giải thoát uẩn, thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn, được mười năm hoặc hơn mười năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện khác nữa không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ: Là vị bản thân không thành tựu vô học giới uẩn và không giúp người khác đạt được vô học giới uẩn, bản thân không thành tựu vô học định uẩn và không giúp người khác đạt được vô học định uẩn, bản thân không thành tựu vô học tuệ uẩn và không giúp người khác đạt được vô học tuệ uẩn, bản thân không thành tựu vô học giải thoát uẩn và không giúp người khác đạt được vô học giải thoát uẩn, bản thân không thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn và không giúp người khác đạt được vô học giải thoát tri kiến uẩn, chưa đủ mười năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ: Là vị bản thân thành tựu vô học giới uẩn và giúp người khác đạt được vô học giới uẩn, bản thân thành tựu vô học định uẩn và giúp người khác đạt được vô học định uẩn, bản thân thành tựu vô học tuệ uẩn và giúp người khác đạt được vô học tuệ uẩn, bản thân thành tựu vô học giải thoát uẩn và giúp người khác đạt được vô học giải thoát uẩn, bản thân thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn và giúp người khác đạt được vô học giải thoát tri kiến uẩn, được mười năm hoặc hơn mười năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện khác nữa không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ: Là vị không có đức tin, không có sự hổ thẹn (tội lỗi), không có sự ghê sợ (tội lỗi), biếng nhác, niệm bị quên lãng, chưa đủ mười năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện khác nữa nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ: Là vị có đức tin, có sự hổ thẹn (tội lỗi), có sự ghê sợ (tội lỗi), có nỗ lực tinh tấn, có niệm được thiết lập, được mười năm hoặc hơn mười năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện khác nữa không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ: Là vị bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến sái quấy, ít học hỏi, trí kém, chưa đủ mười năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện khác nữa nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ: Là vị không bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, không bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, không bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến sái quấy, nghe nhiều, có trí tuệ, được mười năm hoặc hơn mười năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện khác nữa không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ: Là vị không có khả năng để phục vụ hoặc kiếm người phục vụ khi đệ tử hay học trò bị bệnh, (không có khả năng để) khuyên giải hoặc nhờ người khuyên giải (khi đệ tử hay học trò) có sự chán nản, (không có khả năng để) giải tỏa hoặc nhờ người giải tỏa đúng theo Pháp (khi đệ tử hay học trò) có mối nghi ngờ sanh khởi, không biết về tội, không biết cách thoát khỏi tội, chưa đủ mười năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện khác nữa nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ: Là vị có khả năng để phục vụ hoặc kiếm người phục vụ khi đệ tử hay học trò bị bệnh, (có khả năng để) khuyên giải hoặc nhờ người khuyên giải (khi đệ tử hay học trò) có sự chán nản, (có khả năng để) giải tỏa hoặc nhờ người giải tỏa đúng theo Pháp (khi đệ tử hay học trò) có mối nghi ngờ sanh khởi, biết về tội, biết cách thoát khỏi tội, được mười năm hoặc hơn mười năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện khác nữa không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ: Là vị không có khả năng để huấn luyện các điều học thuộc về phận sự căn bản, (không có khả năng) để hướng dẫn các điều học thuộc về phần đầu của Phạm hạnh, (không có khả năng) để hướng dẫn về Thắng Pháp, (không có khả năng) để hướng dẫn về Thắng Luật, (không có khả năng) để phân tách đúng theo Pháp xu hướng tà kiến đã được sanh khởi cho đệ tử hay học trò, chưa đủ mười năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện khác nữa nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ: Là vị có khả năng để huấn luyện các điều học thuộc về phận sự căn bản, (có khả năng) để hướng dẫn các điều học thuộc về phần đầu của Phạm hạnh, (có khả năng) để hướng dẫn về Thắng Pháp, (có khả năng) để hướng dẫn về Thắng Luật, (có khả năng) để phân tách đúng theo Pháp xu hướng tà kiến đã được sanh khởi cho đệ tử hay học trò, được mười năm hoặc hơn mười năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện khác nữa không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ: Là vị không biết về sự phạm tội, không biết về sự không phạm tội, không biết về sự phạm tội nhẹ, không biết về sự phạm tội nặng, không được khéo truyền thừa hai bộ giới bổn Pātimokkha một cách chi tiết, không khéo phân tích, không khéo thực hành, không khéo xác định theo từng điều hoặc từng phần phụ thuộc, chưa đủ mười năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này không nên ban phép tu lên bậc trên, không nên cho nương nhờ, không nên để cho sa di phục vụ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện khác nữa nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ: Là vị biết về sự phạm tội, biết về sự không phạm tội, biết về sự phạm tội nhẹ, biết về sự phạm tội nặng, được khéo truyền thừa hai bộ giới bổn Pātimokkha một cách chi tiết, khéo phân tích, khéo thực hành, khéo xác định theo từng điều hoặc từng phần phụ thuộc, được mười năm hoặc hơn mười năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này nên ban phép tu lên bậc trên, nên cho nương nhờ, nên để cho sa di phục vụ.

(Dứt mười sáu[14] mhóm sáu của phần “Nên ban phép tu lên bậc trên.”)

[100] Vào lúc bấy giờ, có người trước đây theo ngoại đạo trong khi được thầy tế độ nói về vấn đề thuộc Giáo Pháp đã bắt bẻ lời dạy của thầy tế độ rồi chuyển sang khu vực của chính ngoại đạo ấy. Người ấy đã quay trở lại lần nữa và cầu xin các tỳ khưu sự tu lên bậc trên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, người nào trước đây theo ngoại đạo trong khi được thầy tế độ nói về vấn đề thuộc Giáo Pháp đã bắt bẻ lời dạy của thầy tế độ rồi chuyển sang khu vực của chính ngoại đạo ấy, người ấy đi đến thì không nên cho tu lên bậc trên. Này các tỳ khưu, người nào khác trước đây theo ngoại đạo mong mỏi sự xuất gia trong Pháp và Luật này, mong mỏi việc tu lên bậc trên, nên ban cho vị ấy bốn tháng parivāsa.[15] Này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy:

Trước tiên, nên bảo cạo bỏ râu tóc, bảo khoác lên các tấm vải màu ca-sa, bảo đắp thượng y một bên vai, bảo đảnh lễ ở chân các vị tỳ khưu, bảo ngồi chồm hổm, bảo chắp tay lên, và nên bảo rằng: “Ngươi hãy nói như vầy”:    

Tôi đến với đức Phật là nơi nương nhờ (Tôi xin quy y Phật).
Tôi đến với đức Pháp là nơi nương nhờ (Tôi xin quy y Pháp).
Tôi đến với đức Tăng là nơi nương nhờ (Tôi xin quy y Tăng).

Lần thứ nhì, tôi đến với đức Phật là nơi nương nhờ.
Lần thứ nhì, tôi đến với đức Pháp là nơi nương nhờ.
Lần thứ nhì, tôi đến với đức Tăng là nơi nương nhờ.

Lần thứ ba, tôi đến với đức Phật là nơi nương nhờ.
Lần thứ ba, tôi đến với đức Pháp là nơi nương nhờ.
Lần thứ ba, tôi đến với đức Tăng là nơi nương nhờ
.”

Này các tỳ khưu, người trước đây theo ngoại đạo ấy nên đi đến hội chúng, nên đắp thượng y một bên vai, nên đảnh lễ ở chân các tỳ khưu, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy:

Bạch các ngài, tôi tên (như vầy) trước đây theo ngoại đạo mong mỏi việc tu lên bậc trên trong Pháp và Luật này. Bạch các ngài, tôi đây cầu xin hội chúng bốn tháng parivāsa.”

Nên được cầu xin lần thứ nhì. Nên được cầu xin lần thứ ba.

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị này tên (như vầy) trước đây theo ngoại đạo mong mỏi việc tu lên bậc trên trong Pháp và Luật này. Vị ấy cầu xin hội chúng bốn tháng parivāsa. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ban cho vị tên (như vầy) trước đây theo ngoại đạo bốn tháng parivāsa. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị này tên (như vầy) trước đây theo ngoại đạo mong mỏi việc tu lên bậc trên trong Pháp và Luật này. Vị ấy cầu xin hội chúng bốn tháng parivāsa. Hội chúng ban cho vị tên (như vầy) trước đây theo ngoại đạo bốn tháng parivāsa. Đại đức nào đồng ý việc ban cho bốn tháng parivāsa đến vị tên (như vầy) trước đây theo ngoại đạo xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Bốn tháng parivāsa đã được hội chúng ban cho vị tên (như vầy) trước đây theo ngoại đạo. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Này các tỳ khưu, người trước đây theo ngoại đạo như thế này là người đạt yêu cầu (ārādhako), như thế này là người không đạt yêu cầu (anārādhako).

Này các tỳ khưu, người trước đây theo ngoại đạo như thế nào là người không đạt yêu cầu?

Này các tỳ khưu, trường hợp người trước đây theo ngoại đạo đi vào làng quá sớm và trở về quá trễ. Này các tỳ khưu, người trước đây theo ngoại đạo như thế ấy là người không đạt yêu cầu.

Này các tỳ khưu còn có điều khác nữa, người trước đây theo ngoại đạo lai vãng với đĩ điếm (vesiyāgocaro), lai vãng với góa phụ, lai vãng với gái lỡ thời, lai vãng với người vô căn,[16] lai vãng với tỳ khưu ni. Này các tỳ khưu, người trước đây theo ngoại đạo như thế ấy là người không đạt yêu cầu.

Này các tỳ khưu còn có điều khác nữa, có những công việc gì đó lớn nhỏ của các vị có Phạm hạnh cần phải làm, trong những trường hợp ấy người trước đây theo ngoại đạo lại không khéo léo, không kiên nhẫn, không có được những tìm tòi cách giải quyết các vấn đề ấy, không đủ khả năng làm, không đủ khả năng hướng dẫn người khác làm. Này các tỳ khưu, người trước đây theo ngoại đạo như thế ấy là người không đạt yêu cầu.

Này các tỳ khưu còn có điều khác nữa, người trước đây theo ngoại đạo không có ước muốn mãnh liệt trong việc đọc tụng, (không có ước muốn mãnh liệt) trong việc tìm hiểu ý nghĩa, (không có ước muốn mãnh liệt) trong tăng thượng giới, (không có ước muốn mãnh liệt) trong tăng thượng tâm, (không có ước muốn mãnh liệt) trong tăng thượng tuệ.[17] Này các tỳ khưu, người trước đây theo ngoại đạo như thế ấy là người không đạt yêu cầu.

Này các tỳ khưu còn có điều khác nữa, người trước đây theo ngoại đạo trở nên giận dữ, không hoan hỷ, không hài lòng khi được nghe lời chê bai về vị thầy, về quan điểm, về đức tin, về khuynh hướng của phái ngoại đạo mà từ đó người ấy đã chuyển sang; trở nên hoan hỷ, vui vẻ, hài lòng khi được nghe lời chê bai về Phật Pháp Tăng; trở nên hoan hỷ, vui vẻ, hài lòng khi được nghe lời khen ngợi về vị thầy, về quan điểm, về đức tin, về khuynh hướng của phái ngoại đạo mà từ đó người ấy đã chuyển sang; trở nên giận dữ, không hoan hỷ, không hài lòng khi được nghe lời khen ngợi về Phật Pháp Tăng. Này các tỳ khưu, đây là điểm chủ yếu trong việc không đạt yêu cầu của người trước đây theo ngoại đạo. Này các tỳ khưu, người trước đây theo ngoại đạo như thế ấy là người không đạt yêu cầu.

Này các tỳ khưu, người trước đây theo ngoại đạo đã đi đến (nếu) là người không đạt yêu cầu như thế ấy thì không nên cho tu lên bậc trên.

Này các tỳ khưu, người trước đây theo ngoại đạo như thế nào là người đạt yêu cầu?

Này các tỳ khưu, trường hợp người trước đây theo ngoại đạo đi vào làng không quá sớm và trở về không quá trễ. Này các tỳ khưu, người trước đây theo ngoại đạo như thế ấy là người đạt yêu cầu.

Này các tỳ khưu còn có điều khác nữa, người trước đây theo ngoại đạo không lai vãng với đĩ điếm, không lai vãng với góa phụ, không lai vãng với gái lỡ thời, không lai vãng với người vô căn, không lai vãng với tỳ khưu ni. Này các tỳ khưu, người trước đây theo ngoại đạo như thế ấy là người đạt yêu cầu.

Này các tỳ khưu còn có điều khác nữa, có những công việc gì đó lớn nhỏ của các vị có Phạm hạnh cần phải làm, trong những trường hợp ấy người trước đây theo ngoại đạo là khéo léo, kiên nhẫn, có được những tìm tòi cách giải quyết các vấn đề ấy, có đủ khả năng làm, có đủ khả năng hướng dẫn người khác làm. Này các tỳ khưu, người trước đây theo ngoại đạo như thế ấy là người đạt yêu cầu.

Này các tỳ khưu còn có điều khác nữa, người trước đây theo ngoại đạo có ước muốn mãnh liệt trong việc đọc tụng, (có ước muốn mãnh liệt) trong việc tìm hiểu ý nghĩa, (có ước muốn mãnh liệt) trong tăng thượng giới, (có ước muốn mãnh liệt) trong tăng thượng tâm, (có ước muốn mãnh liệt) trong tăng thượng tuệ. Này các tỳ khưu, người trước đây theo ngoại đạo như thế ấy là người đạt yêu cầu.

Này các tỳ khưu còn có điều khác nữa, người trước đây theo ngoại đạo trở nên hoan hỷ, vui vẻ, hài lòng khi được nghe lời chê bai về vị thầy, về quan điểm, về đức tin, về khuynh hướng của phái ngoại đạo mà từ đó người ấy đã chuyển sang; trở nên giận dữ, không hoan hỷ, không hài lòng khi được nghe lời chê bai về Phật Pháp Tăng; trở nên giận dữ, không hoan hỷ, không hài lòng khi được nghe lời khen ngợi về vị thầy, về quan điểm, về đức tin, về khuynh hướng của phái ngoại đạo mà từ đó người ấy đã chuyển sang; trở nên hoan hỷ, vui vẻ, hài lòng khi được nghe lời khen ngợi về Phật Pháp Tăng. Này các tỳ khưu, đây là điểm chủ yếu trong việc đạt yêu cầu của người trước đây theo ngoại đạo. Này các tỳ khưu, người trước đây theo ngoại đạo như thế ấy là người đạt yêu cầu.

Này các tỳ khưu, người trước đây theo ngoại đạo đã đi đến (nếu) là người đạt yêu cầu như thế ấy thì nên cho tu lên bậc trên.

Này các tỳ khưu, nếu người trước đây theo ngoại đạo là trần truồng đi đến, y là trách nhiệm thuộc về thầy tế độ cần được tìm kiếm. Nếu người có tóc chưa được cắt đi đến thì hội chúng nên được thông báo về việc cạo tóc (bhaṇḍukamma). Này các tỳ khưu, những người là các vị thờ lửa là các đạo sĩ bện tóc, (nếu) các vị ấy đã đi đến thì nên cho tu lên bậc trên, không cần ban cho parivāsa đến những người ấy. Lý do của điều ấy là gì? Này các tỳ khưu, những người ấy là những người thuyết về Nghiệp, là những người thuyết về Nhân Quả (kiriyavādī). Này các tỳ khưu, nếu người trước đây theo ngoại đạo là người thuộc dòng Sākya (Thích Ca) đi đến, khi người ấy đã đi đến thì nên cho tu lên bậc trên, không cần ban cho parivāsa đến người ấy. Này các tỳ khưu, ta ban cho đặc ân ngoại lệ này đến các thân quyến.

Phần nói về người trước đây theo ngoại đạo.

(Dứt Tụng phẩm thứ bảy)


[1] Dvādasa + nahuta = 12 nahuta. Chúng tôi theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa là: 1 nahuta = 10.000, như vậy 12 nahuta = 120.000. Từ điển “A dictionary of the Pali Language” của Robert Cæsar Childers ghi là: 1 nahuta = 10.000.0004, tức là 28 con số không (0) sau con số một, như thế 12 nahuta là một con số quá lớn, không hợp lý trong trường hợp này.

[2] Dasavāso: Ngài Buddhaghosa giải thích là “dasasu ariyavāsesu vutthavāso = sự cư trú trong mười pháp của bậc Thánh” (H.T. Minh Châu dịch là “Mười Thánh cư,” xem kinh Phúng Tụng, phần Mười Pháp, Kinh Trường Bộ, hoặc chương 10 pháp, phẩm 2, Kinh Tăng Chi Bộ).

[3] Ngài Buddhaghosa giải thích là vị thông hiểu về “dasakammapatha = mười đường lối tạo nghiệp” gồm có mười nghiệp bất thiện và mười nghiệp thiện (liên quan đến thân có 3, khẩu có 4, và ý có 3): không sát sanh, không trộm cắp, ..., không tà kiến ác.

[4] Ngài Buddhaghosa giải thích là “mười pháp của bậc vô học” gồm có: Chánh kiến, chánh tư duy, ..., chánh trí, chánh giải thoát (chương 10 pháp, phẩm 11, Kinh Tăng Chi Bộ)

[5] Saddhivihārika: vị sống chung trú xá (dịch theo từ).

[6] Theo lời giải thích của ngài Mahāsamaṇa Chao, nếu gấp đôi y lại sẽ có đường gấp ở chính giữa, phần giữa này sẽ ở phần sau lưng khi trùm y vào và là phần thường bị hư hỏng trước nhất do sự cọ xát. Cách gấp y như vầy để hạn chế điều ấy (Vinayamukha 2, trang 75).

[7] Ngài Buddhaghosa giải thích là sự rèn luyện về tâm từ.

[8] Tăng thượng giới (adhisīla) gồm bốn tội pārājika và mười ba tội saṅghādisesa.

[9] Tăng thượng hạnh (ajjhācāra) là các tội còn lại thuộc năm nhóm tội của giới bổn Pātimokkha.

[10] Ba điều này được ghi lại theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa.

[11] Ngài Buddhaghosa giải thích abhisamācārikā là phận sự được quy định ở trong Khandhaka tức là Mahāvagga (Đại Phẩm) và Cullavagga (Tiểu Phẩm).

[12] Ngài Buddhaghosa giải thích ādibrahmacariyakā là phần quy định dành cho bậc hữu học.

[13] Theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa: Hướng dẫn về Thắng Pháp là có khả năng hướng dẫn về sự phân biệt Danh Sắc, và hướng dẫn về Thắng Luật là hướng dẫn về toàn bộ Tạng Luật.

[14] Đếm lại chỉ có mười bốn nhóm sáu.

[15] Trường hợp vị tỳ khưu phạm tội saṅghādisesa (tăng tàng) có che giấu muốn được trong sạch trở lại phải xin hành phạt cũng có tên là parivāsa. Tuy có tên gọi giống nhau nhưng phận sự thực hành không giống nhau.

[16] Từ Pālipaṇḍaka nói về người nam paṇḍaka. Về người nữ các từ được tìm thấy là paṇḍikā, itthipaṇḍikā, itthipaṇḍaka. Từ tiếng Anh tương đương là “eunuch” được dịch sang tiếng Việt là “hoạn quan, thái giám.” Lâu nay, chúng tôi hiểu theo ý nghĩa thông thường đó. Gần đây, chúng tôi tìm thấy từ “jātipaṇḍaka” mới biết thêm được là có hạng người paṇḍaka bẩm sanh. Dựa theo phần giảng giải của giới pārājika (bất cộng trụ) thứ nhất ở Mahāvibhaṅga (Bộ Phân Tích Giới Bổn), chúng tôi có được khái niệm là hạng này không có bộ phận sinh dục (việc xác định nam hay nữ là do các đặc tính khác). Chúng tôi dùng từ “vô căn” để dịch từ paṇḍaka theo như đã được sử dụng trong một số bản dịch của các vị tiền bối. Đối nghịch với hạng người này, còn có hạng người “ubhatovyañjana,” chúng tôi tạm dùng từ Việt là “lưỡng căn” thì có luôn cả hai bộ phận sinh dục nam và nữ.

[17] Adhisīla: Tăng thượng giới là giới bổn Pātimokkha. Adhicitta: Tăng thượng tâm là sự tu tập các loại định hợp thế. Adhipaññā: Tăng thượng tuệ là sự tu tập (các tâm) Đạo Siêu Thế (theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa).

8. Tụng phẩm thứ tám

[101] Vào lúc bấy giờ, có năm thứ bệnh phát triển rộng khắp trong dân chúng xứ Magadha là: bệnh cùi (kuṭṭhaṃ), bệnh mụt nhọt (gaṇḍo), bệnh chàm (kilāso), bệnh lao phổi (soso), bệnh động kinh (apamāro). Những người mắc phải năm thứ bệnh đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca và nói như vầy:

- Thưa thầy, tốt đẹp thay thầy hãy điều trị cho chúng tôi.

- Các ngài ơi, tôi có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm. Và tôi còn phải phục vụ đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, các cung phi, và hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu nữa; tôi không thể điều trị (các ngài) được.

- Thưa thầy, tất cả tài sản hãy là của thầy và chúng tôi sẽ là đầy tớ của thầy. Tốt đẹp thay thầy hãy điều trị cho chúng tôi.

- Các ngài ơi, tôi có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm. Và tôi còn phải phục vụ đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, các cung phi, và hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu nữa; tôi không thể điều trị (các ngài) được.

Khi ấy, những người dân ấy đã khởi ý điều này: “Những sa-môn Thích tử này có giới luật thoải mái, có sở hành thoải mái, sau khi thọ thực thức ăn ngon rồi nằm dài trên những cái giường kín gió, hay là chúng ta nên xuất gia nơi các sa-môn Thích tử? Trong trường hợp ấy, chính các vị tỳ khưu sẽ chăm sóc (chúng ta) và Jīvaka Komārabhacca sẽ điều trị.” Sau đó, những người dân ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã cho họ xuất gia, đã cho tu lên bậc trên. Và chính các tỳ khưu đã chăm sóc họ và Jīvaka Komārabhacca đã điều trị.

Vào lúc bấy giờ, trong lúc chăm sóc nhiều tỳ khưu bị bệnh các vị tỳ khưu sống có nhiều sự xin xỏ, có nhiều sự yêu cầu: “Hãy bố thí vật thực dành cho người bệnh, hãy bố thí vật thực dành cho người chăm sóc bệnh, hãy bố thí dược phẩm dành cho người bệnh.” Ngay cả Jīvaka Komārabhacca, trong lúc điều trị nhiều tỳ khưu bị bệnh, đã xao lãng phận sự nào đó đối với đức vua.

Và có người đàn ông nọ cũng mắc phải năm thứ bệnh đã đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca và đã nói điều này:

- Thưa thầy, tốt đẹp thay thầy hãy điều trị cho tôi.

- Ngài ơi, tôi có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm. Và tôi còn phải phục vụ đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, các cung phi, và hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu nữa; tôi không thể điều trị (ngài) được.

- Thưa thầy, tất cả tài sản hãy là của thầy và tôi sẽ là đầy tớ của thầy. Tốt đẹp thay thầy hãy điều trị cho tôi.

- Ngài ơi, tôi có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm. Và tôi còn phải phục vụ đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, các cung phi, và hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu nữa; tôi không thể điều trị (ngài) được.

Khi ấy, người đàn ông ấy đã khởi ý điều này: “Những sa-môn Thích tử này có giới luật thoải mái, có sở hành thoải mái, sau khi thọ thực thức ăn ngon rồi nằm dài trên những cái giường kín gió, hay là ta nên xuất gia nơi các sa-môn Thích tử? Trong trường hợp ấy, chính các vị tỳ khưu sẽ chăm sóc (ta) và Jīvaka Komārabhacca sẽ điều trị, khi khỏi bệnh ta đây sẽ hoàn tục.” Sau đó, người đàn ông ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã cho người ấy xuất gia, đã cho tu lên bậc trên. Và chính các tỳ khưu đã chăm sóc người ấy và Jīvaka Komārabhacca đã điều trị. Người ấy khi khỏi bệnh đã hoàn tục. Jīvaka Komārabhacca đã nhìn thấy người đàn ông hoàn tục ấy, sau khi nhìn thấy đã nói với người đàn ông ấy điều này:

- Thưa ngài, có phải ngài đã xuất gia nơi các vị tỳ khưu không?

- Thưa thầy, đúng vậy.

- Thưa ngài, điều gì khiến ngài đã làm việc như thế?

Khi ấy, người đàn ông ấy đã kể lại sự việc ấy cho Jīvaka Komārabhacca. Jīvaka Komārabhacca phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các đại đức lại cho người bị mắc phải năm thứ bệnh xuất gia?

Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Jīvaka Komārabhacca đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, tốt đẹp thay các ngài đại đức không cho người bị mắc phải năm thứ bệnh xuất gia.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Jīvaka Komārabhacca bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Jīvaka Komārabhacca đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên cho người bị mắc phải năm chứng bệnh xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[102] Vào lúc bấy giờ, vùng biên địa của đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha bị (trộm cướp) dấy loạn. Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra lệnh cho các quan đại thần lãnh đạo quân đội rằng:

- Này các khanh, hãy đi và thâu hồi lại vùng biên địa.

- Tâu bệ hạ, xin vâng. Các quan đại thần lãnh đạo quân đội đã đáp lại đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.

Khi ấy, các chiến sĩ danh tiếng lẫy lừng đã khởi ý điều này: “Là những người say mê chiến trận, chúng ta tạo nghiệp ác và gây ra nhiều điều bất thiện trong khi đi (đánh trận). Với phương kế gì chúng ta có thể tránh được việc ác và thực hiện điều tốt đẹp?” Khi ấy, các chiến sĩ ấy đã khởi ý điều này: “Những vị sa-môn Thích tử này là những vị thực hành Giáo Pháp, thực hành sự bình thản, thực hành Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp, nếu chúng ta có thể xuất gia nơi các vị sa-môn Thích tử, như vậy chúng ta có thể tránh được việc ác và thực hiện điều tốt đẹp.” Sau đó, các chiến sĩ ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã cho họ xuất gia, đã cho tu lên bậc trên. Các quan đại thần lãnh đạo quân đội đã hỏi các binh sĩ của đức vua rằng:

- Này các khanh, sao các chiến sĩ tên (như vầy) và tên (như vầy) lại không hiện diện?

- Thưa tướng quân, các chiến sĩ tên (như vầy) và tên (như vầy) đã xuất gia nơi các vị tỳ khưu.

Các quan đại thần lãnh đạo quân đội phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại cho binh sĩ của đức vua xuất gia?

Các quan đại thần lãnh đạo quân đội đã trình sự việc ấy lên đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha. Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã hỏi các quan đại thần phụ trách tòa án rằng:

- Này các khanh, người cho binh sĩ của đức vua xuất gia phạm vào điều gì?

- Tâu bệ hạ, đầu của thầy tế độ nên bị chặt đi, lưỡi của vị đọc tuyên ngôn nên bị rút ra, một phần xương sườn của nhóm (các vị chứng minh) nên bị bẻ gãy.

Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, có những vị vua không có đức tin, không có tín ngưỡng, những vị ấy có thể hãm hại các tỳ khưu chỉ vì chuyện không đáng gì. Bạch ngài, tốt đẹp thay các ngài đại đức không cho binh sĩ của đức vua xuất gia.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên cho binh sĩ của đức vua xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[103] Vào lúc bấy giờ, kẻ cướp có mang chuỗi ngón tay[1] đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Dân chúng khi nhìn thấy trở nên sợ hãi, hoảng hốt, bỏ chạy, rẽ sang hướng khác, quay mặt chỗ khác, đóng cửa lại. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại cho kẻ cướp có mang biểu tượng xuất gia?

Các tỳ khưu đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ cướp có mang biểu tượng xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa (tác ác)

[104] Vào lúc bấy giờ, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra thông báo rằng: “Không được phép làm bất cứ điều gì đến những người đã xuất gia nơi các vị sa-môn Thích tử. Giáo Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy để các vị thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn ngõ hầu chấm dứt khổ đau.”

Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ sau khi thực hiện vụ trộm đã bị giam trong ngục. Người ấy đã phá ngục tẩu thoát và đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Dân chúng sau khi nhìn thấy đã nói như vầy:

- Chính người này là kẻ cướp phá ngục, chúng ta hãy dẫn gã ấy đi đi.

Một số người đã nói như vầy:

- Này các ngài, chớ có nói như thế. Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra thông báo rằng: “Không được phép làm bất cứ điều gì đến những người đã xuất gia nơi các vị sa-môn Thích tử. Giáo Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy để các vị thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn ngõ hầu chấm dứt khổ đau.”

Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Các vị sa-môn Thích tử này được an toàn và bảo đảm rồi vì không được phép làm bất cứ điều gì đến các vị này! Nhưng tại sao các sa-môn Thích tử lại cho kẻ cướp phá ngục xuất gia?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ cướp phá ngục xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa (tác ác)

[105] Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ sau khi thực hiện vụ trộm đã tẩu thoát và đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Người ấy đã bị cáo thị tầm nã ở hoàng cung rằng: “Được nhìn thấy tại đâu thì được giết tại đấy.” Dân chúng sau khi nhìn thấy đã nói như vầy:

- Chính người này là kẻ cướp bị cáo thị tầm nã, chúng ta hãy giết gã ấy đi.

Một số người đã nói như vầy:

- Này các ngài, chớ có nói như thế. Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra thông báo rằng: “Không được phép làm bất cứ điều gì đến những người đã xuất gia nơi các vị sa-môn Thích tử. Giáo Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy để các vị thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn ngõ hầu chấm dứt khổ đau.”

Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Các vị sa-môn Thích tử này được an toàn và bảo đảm rồi vì không được phép làm bất cứ điều gì đến các vị này! Nhưng tại sao các sa-môn Thích tử lại cho kẻ cướp bị cáo thị tầm nã xuất gia?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ cướp bị cáo thị tầm nã xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[106] Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ bị hành phạt đánh bằng roi đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại cho kẻ bị hành phạt đánh bằng roi xuất gia?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ bị hành phạt đánh bằng roi xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[107] Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ bị hành phạt đóng dấu đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại cho kẻ bị hành phạt đóng dấu xuất gia?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ bị hành phạt đóng dấu xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[108] Vào lúc bấy giờ, có người đàn ông nọ là kẻ thiếu nợ đã bỏ trốn và đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Những người chủ nợ đã nhìn thấy và nói như vầy:

- Chính người này là kẻ thiếu nợ của chúng ta, chúng ta hãy dẫn gã ấy đi đi.

Một số người đã nói như vầy:

- Này các ngài, chớ có nói như thế. Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra thông báo rằng: “Không được phép làm bất cứ điều gì đến những người đã xuất gia nơi các vị sa-môn Thích tử. Giáo Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy để các vị thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn ngõ hầu chấm dứt khổ đau.”

Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Các vị sa-môn Thích tử này được an toàn và bảo đảm rồi vì không được phép làm bất cứ điều gì đến các vị này! Nhưng tại sao các sa-môn Thích tử lại cho kẻ thiếu nợ xuất gia?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ thiếu nợ xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[109] Vào lúc bấy giờ, có người nô tỳ nọ đã bỏ trốn và đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Những người chủ đã nhìn thấy và nói như vầy:

- Chính người này là kẻ nô tỳ của chúng ta, chúng ta hãy dẫn gã ấy đi đi.

Một số người đã nói như vầy:

- Này các ngài, chớ có nói như thế. Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra thông báo rằng: “Không được phép làm bất cứ điều gì đến những người đã xuất gia nơi các vị sa-môn Thích tử. Giáo Pháp đã được khéo thuyết giảng, hãy để các vị thực hành Phạm hạnh một cách đúng đắn ngõ hầu chấm dứt khổ đau.”

Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Các vị sa-môn Thích tử này được an toàn và bảo đảm rồi vì không được phép làm bất cứ điều gì đến các vị này! Nhưng tại sao các sa-môn Thích tử lại cho kẻ nô tỳ xuất gia?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho kẻ nô tỳ xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[110] Vào lúc bấy giờ, có người thợ bạc nọ bị sói đầu sau khi cãi vả với cha mẹ đã đi đến tu viện và đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Sau đó, cha mẹ của người thợ bạc bị sói đầu ấy, trong khi tìm kiếm người thợ bạc bị sói đầu ấy, đã đi đến tu viện và đã hỏi các tỳ khưu rằng:

- Thưa các ngài, vậy chớ các ngài có nhìn thấy người trai trẻ hình dáng như thế này không?

Các vị tỳ khưu không biết đã nói rằng:

- Chúng tôi không biết.

Các vị tỳ khưu không nhìn thấy đã nói rằng:

- Chúng tôi không nhìn thấy.

Sau đó, cha mẹ của người thợ bạc bị sói đầu ấy, trong lúc tìm kiếm người thợ bạc bị sói đầu ấy, nhìn thấy (người ấy) đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu nên phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Những sa-môn Thích tử này thật vô liêm sỉ, giới hạnh xấu xa, là những kẻ nói láo trong khi biết lại nói rằng: “Chúng tôi không biết,” trong khi nhìn thấy lại nói rằng: “Chúng tôi không nhìn thấy.” Người người trai trẻ này đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu.

Các tỳ khưu đã nghe được cha mẹ của người thợ bạc bị sói đầu ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thông báo đến hội chúng về việc cạo tóc (bhaṇḍukamma).

[111] Vào lúc bấy giờ, trong thành Rājagaha có nhóm mười bảy thiếu niên là bạn bè. Thiếu niên Upāli là thủ lãnh của họ.

Khi ấy, cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Có phương kế gì để sau khi chúng ta từ trần, Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc?” Rồi cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Nếu Upāli có thể học chữ viết, như thế sau khi chúng ta từ trần Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc.” Rồi cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Nếu Upāli học chữ viết thì các ngón tay sẽ bị đau.” Rồi cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Nếu Upāli có thể học tính toán, như thế sau khi chúng ta từ trần Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc.” Rồi cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Nếu Upāli học tính toán thì ngực sẽ bị đau. Nếu Upāli có thể học hội họa, như thế sau khi chúng ta từ trần Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc.” Rồi cha mẹ của Upāli đã khởi ý điều này: “Nếu Upāli học hội họa thì các con mắt sẽ bị đau. Còn những sa-môn Thích tử này có giới luật thoải mái, có sở hành thoải mái, sau khi thọ thực thức ăn ngon rồi nằm dài trên những cái giường kín gió, nếu Upāli có thể xuất gia nơi các vị sa-môn Thích tử, như thế sau khi chúng ta từ trần Upāli có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc.”

Thiếu niên Upāli đã nghe được cuộc nói chuyện trao đổi ấy của cha mẹ. Sau đó, thiếu niên Upāli đã đi đến gặp những thiếu niên ấy, sau khi đến đã nói với những thiếu niên ấy điều này:

- Này các bạn, hãy đi. Chúng ta sẽ xuất gia nơi các vị sa-môn Thích tử.

- Này bạn, nếu bạn sẽ xuất gia, như thế chúng tôi cũng sẽ xuất gia.

Sau đó, những thiếu niên ấy đã đi đến gặp cha mẹ của mỗi một người và đã nói điều này:

- Hãy cho phép con rời nhà xuất gia sống không nhà.

Khi ấy, cha mẹ của những thiếu niên ấy (nghĩ rằng): “Tất cả những đứa trẻ này có ước muốn giống nhau, có ý định tốt đẹp” nên đã chấp thuận. Chúng đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã cho chúng xuất gia, đã cho tu lên bậc trên. Những thiếu niên ấy sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm đã khóc lóc:

- Hãy cho cháo, hãy cho thức ăn, hãy cho vật nhai.

Các tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này các sư đệ, hãy chờ đến khi trời sáng, nếu có cháo thì các đệ sẽ húp cháo, nếu có thức ăn thì các đệ sẽ ăn, nếu có vật nhai thì các đệ sẽ nhai; còn nếu không có cháo, hoặc thức ăn, hoặc vật nhai, thì các đệ sẽ ăn sau khi đi khất thực.

Trong khi được nói như thế bởi các tỳ khưu, các tỳ khưu (thiếu niên) ấy vẫn khóc lóc:

- Hãy cho cháo, hãy cho thức ăn, hãy cho vật nhai.

Rồi chúng đã đại điện tiểu tiện ở chỗ nằm ngồi.

Đức Thế Tôn sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm đã nghe tiếng của các đứa trẻ, sau khi nghe đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, tiếng của các đứa trẻ ấy là gì vậy?

Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu khi biết được vẫn cho tu lên bậc trên người chưa đến hai mươi tuổi, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy khi biết được vẫn cho tu lên bậc trên người chưa đến hai mươi tuổi? Này các tỳ khưu, người chưa đến hai mươi tuổi không có khả năng chịu đựng sự lạnh, sự nóng, sự đói, sự khát, các sự xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát, các lối nói lăng mạ, công kích, (chúng) có khuynh hướng không cam chịu các cảm thọ khổ, nhức nhối, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc về cơ thể đã sanh khởi. Này các tỳ khưu, người đã được hai mươi tuổi có khả năng chịu đựng sự lạnh, sự nóng, sự đói, sự khát, các sự xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát, các lối nói lăng mạ, công kích, (chúng) có khuynh hướng cam chịu các cảm thọ khổ, nhức nhối, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc về cơ thể đã sanh khởi. Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, hay làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin. ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, người chưa đến hai mươi tuổi khi biết được không nên cho tu lên bậc trên; vị nào cho tu lên bậc trên thì nên được hành xử theo Pháp.[2]

[112] Vào lúc bấy giờ, có gia đình nọ đã bị chết bởi bịnh dịch hạch (ahivātaka). Người cha và người con trai của gia đình ấy là (những người) còn sót lại. Họ đã xuất gia ở nơi các tỳ khưu rồi cùng nhau đi khất thực. Khi ấy, lúc đồ ăn khất thực được bố thí đến người cha, đứa trẻ ấy đã chạy lại gần và nói điều này:

- Cha yêu quý, hãy cho con với. Cha yêu quý, hãy cho con với.

Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Những sa-môn Thích tử này không có Phạm hạnh. Đứa trẻ này đã được sanh ra bởi tỳ khưu ni.

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, đứa trẻ dưới mười lăm tuổi không nên cho xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[113] Vào lúc bấy giờ, gia đình hộ độ có đức tin có tín ngưỡng của đại đức Ānanda đã bị chết bởi bịnh dịch hạch. Và có hai đứa trẻ trai là (những người) còn sót lại. Khi nhìn thấy các vị tỳ khưu, chúng theo thói quen được phép trước đây đã chạy đến gần. Các tỳ khưu đã đuổi (chúng) đi. Trong khi bị các vị tỳ khưu đuổi đi, chúng đã khóc. Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Đứa trẻ dưới mười lăm tuổi không nên cho xuất gia’ và những đứa trẻ này dưới mười lăm tuổi, vậy bằng phương cách gì để những đứa trẻ này không thể bị tiêu hoại đây?” Sau đó, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này Ānanda, những đứa trẻ ấy có khả năng để đuổi các con quạ bay đi không?

- Bạch Thế Tôn, chúng có khả năng.

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép xuất gia đứa trẻ dưới mười lăm tuổi là trẻ (có thể) đuổi được quạ.

[114] Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sākya có hai sa di là Kaṇṭaka và Mahaka. Chúng đã làm điều tồi bại với nhau (aññamaññaṃ dūsesuṃ). Các vị tỳ khưu phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các sa di lại thực hành điều sai trái có hình thức như thế ấy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, một vị không nên để cho hai sa di phục vụ; vị nào để cho phục vụ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[115] Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã sống mùa mưa ở ngay tại nơi ấy trong thành Rājagaha, đã sống mùa lạnh ở ngay tại nơi ấy, đã sống mùa nóng ở ngay tại nơi ấy. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Các hướng đi của các sa-môn Thích tử bị tắt nghẽn, tăm tối. Các hướng đi không còn được các vị này nhận ra nữa.

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, hãy đi, cầm lấy chìa khóa, và thông báo cho các vị tỳ khưu ở dãy phòng rằng: “Này các đại đức, đức Thế Tôn muốn ra đi du hành ở Dakkhiṇāgiri.[3]Đại đức nào có ý thích thì hãy đi.”

- Bạch Thế Tôn, xin vâng.

Rồi đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã cầm lấy chìa khóa và thông báo cho các vị tỳ khưu ở dãy phòng rằng:

- Này các đại đức, đức Thế Tôn muốn ra đi du hành ở Dakkhiṇāgiri. Đại đức nào có ý thích thì hãy đi.

Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này đại đức Ānanda, đức Thế Tôn đã quy định là sống nương nhờ mười năm, vị mười năm được cho nương nhờ. Và (nếu) chúng tôi đi nơi ấy thì sự nương nhờ sẽ cần được xác định (ở nơi ấy), vả lại việc cư trú sẽ là ngắn ngủi và sẽ quay trở về lại, rồi sự nương nhờ sẽ cần được xác định lại; nếu các thầy tế độ và thầy dạy học của chúng tôi sẽ đi thì chúng tôi cũng sẽ đi, nếu các thầy tế độ và thầy dạy học của chúng tôi sẽ không đi thì chúng tôi cũng sẽ không đi. Này đại đức Ānanda, tâm tư nhẹ nhàng là điều sẽ được nhận biết ở chúng tôi.

Sau đó, đức Thế Tôn đã ra đi du hành đến Dakkhiṇāgiri với nhóm chỉ có một số ít. Sau đó, khi đã ngự tại Dakkhiṇāgiri theo như ý thích, đức Thế Tôn đã quay trở về lại thành Rājagaha. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, vì sao Như lai đã ra đi du hành đến Dakkhiṇāgiri với hội chúng tỳ khưu là nhóm chỉ có một số ít?

Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu kinh nghiệm đủ khả năng sống nương nhờ năm năm, vị không có kinh nghiệm thì trọn đời.

[116] Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện không nên sống không nương nhờ: Là vị không thành tựu vô học giới uẩn, không thành tựu vô học định uẩn, không thành tựu vô học tuệ uẩn, không thành tựu vô học giải thoát uẩn, không thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này không nên sống không nương nhờ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện được sống không nương nhờ: Là vị thành tựu vô học giới uẩn, thành tựu vô học định uẩn, thành tựu vô học tuệ uẩn, thành tựu vô học giải thoát uẩn, thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này được sống không nương nhờ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị không có đức tin, không có sự hổ thẹn (tội lỗi), không có sự ghê sợ (tội lỗi), biếng nhác, niệm bị quên lãng. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này không nên sống không nương nhờ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa được sống không nương nhờ: Là vị có đức tin, có sự hổ thẹn (tội lỗi), có sự ghê sợ (tội lỗi), nỗ lực tinh tấn, niệm được thiết lập. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này được sống không nương nhờ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, bị hư hỏng về bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến sái quấy, ít học hỏi, trí kém. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này không nên sống không nương nhờ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa được sống không nương nhờ: Là vị không bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, không bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, không bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến sái quấy, nghe nhiều, có trí tuệ. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này được sống không nương nhờ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị không biết về sự phạm tội, không biết về sự không phạm tội, không biết về sự phạm tội nhẹ, không biết về sự phạm tội nặng, không được khéo truyền thừa hai bộ giới bổn Pātimokkha một cách chi tiết, không khéo phân tích, không khéo thực hành, không khéo xác định theo từng điều hoặc từng phần phụ thuộc. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này không nên sống không nương nhờ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa được sống không nương nhờ: Là vị biết về sự phạm tội, biết về sự không phạm tội, biết về sự phạm tội nhẹ, biết về sự phạm tội nặng, được khéo truyền thừa hai bộ giới bổn Pātimokkha một cách chi tiết, khéo phân tích, khéo thực hành, khéo xác định theo từng điều hoặc từng phần phụ thuộc. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này được sống không nương nhờ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị không biết về sự phạm tội, không biết về sự không phạm tội, không biết về sự phạm tội nhẹ, không biết về sự phạm tội nặng, chưa đủ năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này không nên sống không nương nhờ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện khác nữa được sống không nương nhờ: Là vị biết về sự phạm tội, biết về sự không phạm tội, biết về sự phạm tội nhẹ, biết về sự phạm tội nặng, được năm năm hoặc hơn năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ năm điều kiện này được sống không nương nhờ.

[117] Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này không nên sống không nương nhờ: Là vị không thành tựu vô học giới uẩn, không thành tựu vô học định uẩn, không thành tựu vô học tuệ uẩn, không thành tựu vô học giải thoát uẩn, không thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn, chưa đủ năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này không nên sống không nương nhờ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này được sống không nương nhờ: Là vị thành tựu vô học giới uẩn, thành tựu vô học định uẩn, thành tựu vô học tuệ uẩn, thành tựu vô học giải thoát uẩn, thành tựu vô học giải thoát tri kiến uẩn, được năm năm hoặc hơn năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này được sống không nương nhờ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị không có đức tin, không có sự hổ thẹn (tội lỗi), không có sự ghê sợ (tội lỗi), biếng nhác, niệm bị quên lãng, chưa đủ năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này không nên sống không nương nhờ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện khác nữa được sống không nương nhờ: Là vị có đức tin, có sự hổ thẹn (tội lỗi), có sự ghê sợ (tội lỗi), nỗ lực tinh tấn, niệm được thiết lập, được năm năm hoặc hơn năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này được sống không nương nhờ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến sái quấy, ít học hỏi, trí kém, chưa đủ năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này không nên sống không nương nhờ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện khác nữa được sống không nương nhờ: Là vị không bị hư hỏng về giới thuộc tăng thượng giới, không bị hư hỏng về hạnh kiểm thuộc tăng thượng hạnh, không bị hư hỏng về tri kiến thuộc tri kiến sái quấy, nghe nhiều, có trí tuệ, được năm năm hoặc hơn năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này được sống không nương nhờ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện khác nữa không nên sống không nương nhờ: Là vị không biết về sự phạm tội, không biết về sự không phạm tội, không biết về sự phạm tội nhẹ, không biết về sự phạm tội nặng, không được khéo truyền thừa hai bộ giới bổn Pātimokkha một cách chi tiết, không khéo phân tích, không khéo thực hành, không khéo xác định theo từng điều hoặc từng phần phụ thuộc, chưa đủ năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này không nên sống không nương nhờ.

Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện khác nữa được sống không nương nhờ: Là vị biết về sự phạm tội, biết về sự không phạm tội, biết về sự phạm tội nhẹ, biết về sự phạm tội nặng, được khéo truyền thừa hai bộ giới bổn Pātimokkha một cách chi tiết, khéo phân tích, khéo thực hành, khéo xác định theo từng điều hoặc từng phần phụ thuộc, được năm năm hoặc hơn năm năm. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu hội đủ sáu điều kiện này được sống không nương nhờ.

Dứt tụng phẩm “Được An Toàn và Bảo Đảm.”

9. Tụng phẩm thứ chín

[118] Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha (Vương Xá) theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ). Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Kapilavatthu. Tại nơi đó giữa dân chúng dòng Sākya (Thích Ca), đức Thế Tôn ngự ở thành Kapilavatthu, tại tu viện Nigrodha.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, đi đến tư dinh của Suddhodana[4] dòng Sākya, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Khi ấy, hoàng hậu mẹ của Rāhula (La Hầu La) đã nói với hoàng tử Rāhula điều này:

- Này Rāhula, người kia là cha của con. Hãy đi và cầu xin người ấy phần thừa kế.

Khi ấy, hoàng tử Rāhula đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đứng ở phía trước đức Thế Tôn (nói rằng):

- Này vị sa-môn, bóng che của ngài thật an lạc.

Sau đó, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Khi ấy, hoàng tử Rāhula đã theo sát phía sau của đức Thế Tôn (nói rằng):

- Này vị sa-môn, hãy ban cho con phần thừa kế. Này vị sa-môn, hãy ban cho con phần thừa kế.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Sārīputta rằng:

- Này Sārīputta, như thế thì ngươi hãy cho hoàng tử Rāhula xuất gia.

- Bạch ngài, con cho hoàng tử Rāhula xuất gia như thế nào?

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép việc xuất gia sa di bằng ba sự đi đến nương nhờ (Tam Quy). Và này các tỳ khưu, nên cho xuất gia như vầy: Trước tiên, nên cho cạo bỏ râu tóc, cho choàng lên các tấm vải màu ca-sa, cho đắp thượng y một bên vai, bảo đảnh lễ ở chân các vị tỳ khưu, bảo ngồi chồm hổm, bảo chắp tay lên, và nên bảo rằng: “Ngươi hãy nói như vầy:

Tôi đến với đức Phật là nơi nương nhờ (Tôi xin quy y Phật).
Tôi đến với đức Pháp là nơi nương nhờ (Tôi xin quy y Pháp).
Tôi đến với đức Tăng là nơi nương nhờ (Tôi xin quy y Tăng).

Lần thứ nhì, tôi đến với đức Phật là nơi nương nhờ.
Lần thứ nhì, tôi đến với đức Pháp là nơi nương nhờ.
Lần thứ nhì, tôi đến với đức Tăng là nơi nương nhờ.

Lần thứ ba, tôi đến với đức Phật là nơi nương nhờ.
Lần thứ ba, tôi đến với đức Pháp là nơi nương nhờ.
Lần thứ ba, tôi đến với đức Tăng là nơi nương nhờ
.”

Khi ấy, đại đức Sārīputta đã cho hoàng tử Rāhula xuất gia.

Sau đó, Suddhodana dòng Sākya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Suddhodana dòng Sākya đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, trẫm cầu xin đức Thế Tôn một điều ước muốn.

- Này vị Gotama, các đấng Như Lai đã vượt khỏi các điều ước muốn.

- Bạch ngài, điều ấy là hợp lý, điều ấy không bị chê trách.

- Này vị Gotama, hãy nói điều ấy đi.

- Bạch ngài, trong khi đức Thế Tôn đã xuất gia, đau khổ đã khởi lên ở trẫm không phải là ít. Tương tự như vậy trong việc Nandā,[5] (nhưng là sự đau khổ) vô cùng mãnh liệt trong việc Rāhula. Bạch ngài, lòng thương yêu đối với người con trai cắt vào da; sau khi để nó cắt vào da, nó cắt vào lớp da trong; sau khi để nó cắt vào lớp da trong, nó cắt vào thịt; sau khi để nó cắt vào thịt, nó cắt vào gân; sau khi để nó cắt vào gân, nó cắt vào xương; sau khi để nó cắt vào xương, nó đạt đến tủy xương rồi trú (ở đó). Bạch ngài, tốt đẹp thay các ngài đại đức không nên cho người con trai chưa được phép của cha mẹ xuất gia.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Suddhodana dòng Sākya bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Suddhodana dòng Sākya đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên cho người con trai chưa được phép của cha mẹ xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Sau đó, khi đã ngự tại thành Kapilavatthu theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Sāvatthi (Xá Vệ). Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi đó trong thành Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự ở Jetavana (Kỳ Viên), tu viện của ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc).

[119] Vào lúc bấy giờ, gia đình hộ độ của đại đức Sārīputta đã gởi đứa trẻ trai đến đại đức Sārīputta (nói rằng): “Xin ngài trưởng lão hãy cho đứa trẻ này xuất gia.” Khi ấy, đại đức Sārīputta đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Một vị không nên để cho hai sa di phục vụ’ và ta đây đã có sa di Rāhula. Vậy ta nên thực hành như thế nào?” Vị ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu có kinh nghiệm đủ năng lực một mình được để cho hai sa di phục vụ, hoặc để cho nhiều (sa di) phục vụ với số lượng mà vị ấy vẫn có đủ khả năng để giáo huấn và chỉ dạy.

[120] Sau đó, các vị sa di đã khởi ý điều này: “Chúng ta có bao nhiêu điều học? Vá chúng ta nên được học tập trong vấn đề gì?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép mười điều học đến các sa di và (cho phép) các sa di học tập trong các điều học ấy: Việc tránh xa sự giết hại mạng sống, việc tránh xa sự lấy vật không được cho, việc tránh xa điều phi Phạm hạnh (sự hành dâm), việc tránh xa sự nói dối, việc tránh xa trường hợp dễ duôi uống chất say là rượu và chất lên men, việc tránh xa sự ăn phi thời, việc tránh xa sự múa hát đờn và xem trình diễn, việc tránh xa trường hợp sử dụng vòng hoa vật thơm và tô điểm bằng đồ trang sức, việc tránh xa chỗ nằm ngồi cao và rộng lớn, việc tránh xa sự thọ lãnh vàng bạc. Này các tỳ khưu, ta cho phép mười điều học này đến các sa di và (cho phép) các sa di học tập trong các điều học này.

[121] Vào lúc bấy giờ, các sa di sống không tôn kính, không vâng lời, không cư xử theo phép tắc đối với các tỳ khưu. Các vị tỳ khưu phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các sa di lại sống không tôn kính, không vâng lời, không cư xử theo phép tắc đối với các tỳ khưu?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực thi hành phạt đối với vị sa di hội đủ năm điều kiện: Là vị ra sức làm cho các tỳ khưu không được lợi lộc, ra sức làm cho các tỳ khưu không được sự lợi ích, ra sức làm cho các tỳ khưu không có chỗ ngụ, mắng nhiếc gièm pha các tỳ khưu, chia rẽ các tỳ khưu (này) với các tỳ khưu (khác). Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện hành phạt đối với vị sa di hội đủ năm điều kiện này.

Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Hành phạt gì nên được thực hiện?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện sự ngăn cấm.

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu thực hiện sự ngăn cấm đối với các sa di trong toàn bộ khu vực tu viện của hội chúng. Các sa di trong khi không thể đi vào tu viện nên bỏ đi, hoàn tục, chuyển sang ngoại đạo. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên thực hiện sự ngăn cấm trong toàn bộ khu vực tu viện của hội chúng; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện sự ngăn cấm ở chỗ vị (sa di) sống hoặc ở chỗ vị (sa di) lui tới.

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu thực hiện sự ngăn cấm thức ăn theo đường miệng đối với các sa di. Dân chúng trong lúc làm nước cháo và bữa ăn dâng hội chúng nói với các sa di như vầy:

- Này các ngài, hãy đến và húp cháo. Này các ngài, hãy đến và thọ dụng bữa ăn.

Các vị sa di nói như vầy:

- Này các đạo hữu, không thể được. Các tỳ khưu đã thực hiện sự ngăn cấm.

Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các đại đức lại thực hiện sự ngăn cấm thức ăn theo đường miệng đối với các sa di?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên thực hiện sự ngăn cấm thức ăn theo đường miệng, vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Dứt câu chuyện về hành phạt.

[122] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư không hỏi các vị thầy tế độ lại thực hiện sự ngăn cấm đối với các sa di. Các vị thầy tế độ tìm kiếm (nghĩ rằng): “Vì sao các sa di của chúng ta lại không được nhìn thấy?” Các tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này các đại đức, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư đã thực hiện sự ngăn cấm.

Các vị thầy tế độ phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư không hỏi chúng tôi lại thực hiện sự ngăn cấm đối với các sa di của chúng tôi?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, chưa hỏi các vị thầy tế độ không nên thực hiện sự ngăn cấm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[123] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã dụ dỗ các sa di của các tỳ khưu trưởng lão khiến các vị trưởng lão bị mệt mỏi trong khi tự mình lấy gỗ chà răng và nước súc miệng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên dụ dỗ tập thể của vị khác; vị nào dụ dỗ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[124] Vào lúc bấy giờ, sa di tên Kan$ṭaka của đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã làm nhơ nhớp tỳ khưu ni tên Kaṇṭakī. Các tỳ khưu phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao vị sa di lại thực hành điều sai trái có hình thức như thế?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trục xuất sa di hội đủ mười điều kiện này: Là kẻ giết hại mạng sống, là kẻ lấy vật không được cho, là kẻ phi Phạm hạnh (hành dâm), là kẻ nói dối, là kẻ uống chất say, là kẻ phỉ báng đức Phật, phỉ báng đức Pháp, phỉ báng đức Tăng, là kẻ có tri kiến sai trái, là kẻ làm nhơ nhớp tỳ khưu ni. Này các tỳ khưu, ta cho phép trục xuất vị sa di hội đủ mười điều kiện này.

[125] Vào lúc bấy giờ, có người vô căn (paṇḍaka)[6] nọ đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Người ấy đi đến gặp các vị tỳ khưu hãy còn trẻ rồi nói như vầy:

- Này các đại đức, hãy đi đến. Hãy làm điều nhơ nhớp với tôi.

Các vị tỳ khưu đuổi đi:

- Này kẻ vô căn, tiêu mất đi! Này kẻ vô căn, chết mất đi! Ai mà cần đến ngươi?

Người ấy khi bị các vị tỳ khưu xua đuổi lại đi đến gặp các sa di lớn con to xác rồi nói như vầy:

- Này các đại đức, hãy đi đến. Hãy làm điều nhơ nhớp với tôi.

Các vị sa di đuổi đi:

- Này kẻ vô căn, tiêu mất đi! Này kẻ vô căn, chết mất đi! Ai mà cần đến ngươi?

Người ấy khi bị các vị sa di xua đuổi lại đi đến gặp những người chăn voi, những người giữ ngựa rồi nói như vầy:

- Này các đạo hữu, hãy đi đến. Hãy làm điều nhơ nhớp với tôi.

Những người chăn voi, những người giữ ngựa đã làm điều nhơ nhớp. Những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Những sa-môn Thích tử này là những kẻ vô căn, những người nào trong bọn họ không phải là những kẻ vô căn thì những người ấy làm điều nhơ nhớp với những kẻ vô căn. Như vậy, chính tất cả những người này không có Phạm hạnh.

Các tỳ khưu đã nghe được những người chăn voi những người giữ ngựa phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, kẻ vô căn chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã được tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.

[126] Vào lúc bấy giờ, có người con trai của gia đình cổ hủ bị khánh tận nọ là người mảnh mai. Khi ấy, người con trai của gia đình cổ hủ bị khánh tận ấy đã khởi ý điều này: “Ta là người mảnh mai, không đủ khả năng để đạt đến tài sản chưa có hoặc làm tăng trưởng tài sản đã có, với phương kế gì để ta có thể sống thoải mái và không bị cực nhọc?” Rồi người con trai của gia đình cổ hủ bị khánh tận ấy đã khởi ý điều này: “Những sa-môn Thích tử này có giới luật thoải mái, có sở hành thoải mái, sau khi thọ thực thức ăn ngon rồi nằm dài trên những cái giường kín gió, hay là ta nên tự mình chuẩn bị y và bình bát, cạo bỏ râu tóc, khoác lên các mảnh vải màu ca-sa, đi đến tu viện, và chung sống với các tỳ khưu?

Sau đó, người con trai của gia đình cổ hủ bị khánh tận ấy đã tự mình chuẩn bị y và bình bát, cạo bỏ râu tóc, khoác lên các mảnh vải màu ca-sa, đi đến tu viện, và đảnh lễ các vị tỳ khưu. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này đại đức, đại đức được bao nhiêu năm?

- Được bao nhiêu năm? Này các đại đức, điều ấy là gì vậy?

- Này đại đức, ai là thầy tế độ của đại đức?

- Thầy tế độ? Này các đại đức, điều ấy là gì vậy?

Các vị tỳ khưu đã nói với đại đức Upāli điều này:

- Này đại đức Upāli, hãy thẩm tra người đã xuất gia này đi.

Sau đó, trong khi được đại đức Upāli thẩm tra người con trai của gia đình cổ hủ bị khánh tận ấy đã kể lại sự việc ấy. Đại đức Upāli đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu)[7] chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã được tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất. Này các tỳ khưu, kẻ đã chuyển sang ngoại đạo chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã được tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.

[127] Vào lúc bấy giờ, có con rồng nọ lo ngại, xấu hổ, và chán ghét với sự xuất thân là loài rồng. Sau đó, con rồng ấy đã khởi ý điều này: “Với phương kế gì ta có thể hoàn toàn thoát khỏi sự xuất thân là loài rồng và có thể thành tựu bản thể của loài người một cách nhanh chóng?” Khi ấy, con rồng ấy đã khởi ý điều này: “Những vị sa-môn Thích tử này là những vị thực hành Giáo Pháp, thực hành sự bình thản, thực hành Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp; nếu ta có thể xuất gia nơi các vị sa-môn Thích tử, như thế ta có thể hoàn toàn thoát khỏi sự xuất thân là loài rồng và có thể thành tựu bản thể của loài người một cách nhanh chóng.” Sau đó, con rồng ấy với hình dáng của người thanh niên đã đi đến gặp các vị tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các vị tỳ khưu đã cho người ấy xuất gia, đã cho tu lên bậc trên.

Vào lúc bấy giờ, con rồng ấy cùng với vị tỳ khưu khác ngụ trong trú xá ở chỗ giáp ranh. Khi ấy vào lúc hừng sáng của đêm, vị tỳ khưu ấy thức dậy và đi kinh hành ở ngoài trời. Sau đó, trong khi vị tỳ khưu ấy đã đi ra ngoài con rồng ấy hết lo âu nên đã chìm vào giấc ngủ. Toàn bộ trú xá đã bị tràn ngập bởi (thân của) con rồng và các vòng thân còn ló ra ở các cửa sổ nữa.

Sau đó, vị tỳ khưu ấy (nghĩ rằng): “Ta sẽ đi vào trú xá” trong lúc mở cánh cửa ra đã nhìn thấy toàn bộ trú xá bị tràn ngập bởi (thân của) con rồng và các vòng thân còn ló ra ở các cửa sổ nữa, sau khi nhìn thấy (trở nên) sợ hãi và đã kêu thét lên. Các vị tỳ khưu đã chạy lại và nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này đại đức, vì sao đại đức lại kêu thét lên vậy?

- Này các đại đức, toàn bộ trú xá này bị tràn ngập bởi (thân của) con rồng và các vòng thân còn ló ra ở các cửa sổ nữa.

Khi ấy, con rồng ấy sau khi thức giấc bởi tiếng động ấy đã ngồi xuống trên chỗ ngồi của mình. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này đệ, ngươi là ai vậy?

- Thưa các ngài, tôi là rồng.

- Này đệ, vì sao ngươi lại biến thành hình dạng như thế này?

Khi ấy, con rồng ấy đã kể lại sự việc ấy cho các vị tỳ khưu. Các vị tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và nói với con rồng ấy điều này:

- Các ngươi là loài rồng không có được pháp tiến bộ trong Pháp và Luật này. Này rồng, ngươi hãy đi đi. Và hãy tiến hành Uposatha[8] vào ngày mười bốn, ngày mười lăm và ngày thứ tám của mỗi nửa tháng ở ngay nơi ấy, như thế ngươi sẽ hoàn toàn thoát khỏi sự xuất thân là loài rồng và sẽ thành tựu bản thể của loài người một cách nhanh chóng.

Khi ấy, con rồng ấy (nghĩ rằng): “Nghe nói ta không có được pháp tiến bộ trong Pháp và Luật này” (trở nên) đau khổ, rầu rĩ, và trong khi nước mắt trào ra đã khóc rống lên, rồi bỏ đi.

Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, đây là hai lý do đưa đến việc hiện ra bản thể thật của loài rồng là khi thực hành việc lứa đôi với rồng cái và khi hết lo âu rồi chìm vào giấc ngủ. Này các tỳ khưu, hai lý do này đưa đến việc hiện ra bản thể thật của loài rồng. Này các tỳ khưu, loài thú chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã được tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.

[128] Vào lúc bấy giờ, có người thanh niên nọ là kẻ đã đoạt đi mạng sống của người mẹ. Người ấy lo ngại, xấu hổ, và chán ghét với hành động ác độc ấy. Sau đó, người thanh niên ấy đã khởi ý điều này: “Với phương kế gì ta có thể thực hiện sự thoát khỏi nghiệp ác độc ấy?” Khi ấy, người thanh niên ấy đã khởi ý điều này: “Những vị sa-môn Thích tử này là những vị thực hành Giáo Pháp, thực hành sự bình thản, thực hành Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp; nếu ta có thể xuất gia nơi các vị sa-môn Thích tử, như thế ta có thể thực hiện sự thoát khỏi nghiệp ác độc ấy.” Sau đó, người thanh niên ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã nói với đại đức Upāli điều này:

- Này đại đức Upāli, cũng trước đây con rồng với hình dáng của người thanh niên đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Này đại đức Upāli, hãy thẩm tra người thanh niên này đi.

Sau đó, trong khi được đại đức Upāli thẩm tra người thanh niên ấy đã kể lại sự việc ấy. Đại đức Upāli đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, kẻ giết mẹ chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã được tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.

[129] Vào lúc bấy giờ, có người thanh niên nọ là kẻ đã đoạt đi mạng sống của người cha. Người ấy lo ngại, xấu hổ, và chán ghét với hành động ác độc ấy. Sau đó, người thanh niên ấy đã khởi ý điều này: “Với phương kế gì ta có thể thực hiện sự thoát khỏi nghiệp ác độc ấy?” Khi ấy, người thanh niên ấy đã khởi ý điều này: “Những vị sa-môn Thích tử này là những vị thực hành Giáo Pháp, thực hành sự bình thản, thực hành Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp; nếu ta có thể xuất gia nơi các vị sa-môn Thích tử, như thế ta có thể thực hiện sự thoát khỏi nghiệp ác độc ấy.” Sau đó, người thanh niên ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các tỳ khưu đã nói với đại đức Upāli điều này:

- Này đại đức Upāli, cũng trước đây con rồng với hình dáng của người thanh niên đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Này đại đức Upāli, hãy thẩm tra người thanh niên này đi.

Sau đó, trong khi được đại đức Upāli thẩm tra người thanh niên ấy đã kể lại sự việc ấy. Đại đức Upāli đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, kẻ giết cha chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã được tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.

[130] Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đi đường xa từ Sāketa đến thành Sāvatthi. Giữa đường bọn cướp đã xuất hiện, một số đã cướp bóc các vị tỳ khưu, một số đã giết chết các vị tỳ khưu. Các binh lính của đức vua phát xuất từ thành Sāvatthi đã bắt được một số kẻ cướp. Một số kẻ cướp đã tẩu thoát. Những kẻ tẩu thoát ấy đã xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Những kẻ bị bắt đã bị đưa đi tử hình. Những kẻ đã được xuất gia ấy đã nhìn thấy những kẻ cướp ấy đang bị đưa đi tử hình, sau khi nhìn thấy đã nói như vầy:

- May mắn thay chúng ta đã tẩu thoát, nếu không hôm nay chúng ta có thể đã bị bắt, chúng ta cũng có thể bị xử tử y như thế này.

Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này các đại đức, các vị đã nói điều gì vậy?

Khi ấy, những kẻ đã được xuất gia ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu kia là các vị A-la-hán. Này các tỳ khưu, kẻ giết A-la-hán chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã được tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.

[131] Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu ni đi đường xa từ Sāketa đến thành Sāvatthi. Giữa đường, bọn cướp đã xuất hiện, một số đã cướp bóc các tỳ khưu ni, một số đã làm nhơ nhớp tỳ khưu ni. Các binh lính của đức vua phát xuất từ thành Sāvatthi đã bắt được một số kẻ cướp. Một số kẻ cướp đã tẩu thoát. Những kẻ tẩu thoát ấy đã xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Những kẻ bị bắt đã bị đưa đi tử hình. Những kẻ đã được xuất gia ấy đã nhìn thấy những kẻ cướp ấy đang bị đưa đi tử hình, sau khi nhìn thấy đã nói như vầy:

- May mắn thay chúng ta đã tẩu thoát, nếu không hôm nay chúng ta có thể đã bị bắt, chúng ta cũng có thể bị xử tử y như thế này.

Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này các đại đức, các vị đã nói điều gì vậy?

Khi ấy, những kẻ đã được xuất gia ấy đã kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, kẻ làm nhơ nhớp tỳ khưu ni chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã được tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất. Này các tỳ khưu, kẻ làm chia rẽ hội chúng chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã được tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất. Này các tỳ khưu, kẻ làm chảy máu (đức Phật) chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã được tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.

[132] Vào lúc bấy giờ, có người lưỡng căn (ubhatobyañjanako) nọ đã được xuất gia ở nơi các tỳ khưu. Người ấy hành động (như người nam) rồi người ấy làm cho (thân thể) hành động (như người nữ). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, người lưỡng căn chưa được tu lên bậc trên thì không nên cho tu lên bậc trên, đã được tu lên bậc trên rồi thì nên trục xuất.

[133] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên người không có thầy tế độ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên người không có thầy tế độ; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên với hội chúng là thầy tế độ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên với hội chúng là thầy tế độ; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên với nhóm (hai hoặc ba vị tỳ khưu) là thầy tế độ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên với nhóm (hai hoặc ba vị tỳ khưu) là thầy tế độ; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên với kẻ vô căn là thầy tế độ. ...(như trên)... cho tu lên bậc trên với kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu) là thầy tế độ. ...(như trên)... cho tu lên bậc trên với kẻ đã chuyển sang ngoại đạo là thầy tế độ. ...(như trên)... cho tu lên bậc trên với loài thú là thầy tế độ. ...(như trên)... cho tu lên bậc trên với kẻ giết mẹ là thầy tế độ. ...(như trên)... cho tu lên bậc trên với kẻ giết cha là thầy tế độ. ...(như trên)... cho tu lên bậc trên với kẻ giết A-la-hán là thầy tế độ. ...(như trên)... cho tu lên bậc trên với kẻ làm nhơ nhớp tỳ khưu ni là thầy tế độ. ...(như trên)... cho tu lên bậc trên với kẻ chia rẽ hội chúng là thầy tế độ. ...(như trên)... cho tu lên bậc trên với kẻ làm chảy máu (đức Phật) là thầy tế độ. ...(như trên)... cho tu lên bậc trên với kẻ lưỡng căn là thầy tế độ.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên với kẻ vô căn là thầy tế độ. Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu) là thầy tế độ. Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ đã chuyển sang ngoại đạo là thầy tế độ. Không nên cho tu lên bậc trên với loài thú là thầy tế độ. Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ giết mẹ là thầy tế độ. Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ giết cha là thầy tế độ. Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ giết A-la-hán là thầy tế độ. Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ làm nhơ nhớp tỳ khưu ni là thầy tế độ. Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ chia rẽ hội chúng là thầy tế độ. Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ làm chảy máu (đức Phật) là thầy tế độ. Không nên cho tu lên bậc trên với kẻ lưỡng căn là thầy tế độ; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[134] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên người không có bình bát. Các vị đi khất thực bằng hai tay. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như là những kẻ ngoại đạo.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên người không có bình bát; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên người không có y. Các vị lõa thể đi khất thực. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như là những kẻ ngoại đạo.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên người không có y; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên người không có y và bình bát. Các vị lõa thể đi khất thực bằng hai tay. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như là những kẻ ngoại đạo.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên người không có y và bình bát; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên với bình bát của người đã được yêu cầu (tức là với bình bát mượn tạm thời). Khi đã được tu lên bậc trên, các vị trả lại bình bát. Các vị đi khất thực bằng hai tay. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như là những kẻ ngoại đạo.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên với bình bát mượn; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên với y của người đã được yêu cầu (tức là với y mượn tạm thời). Khi đã được tu lên bậc trên, các vị trả lại y. Các vị lõa thể đi khất thực. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như là những kẻ ngoại đạo.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên với y mượn; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho tu lên bậc trên với y và bình bát của người đã được yêu cầu (tức là với y và bình bát mượn tạm thời). Khi đã được tu lên bậc trên, các vị trả lại y và bình bát. Các vị lõa thể đi khất thực bằng hai tay. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như là những kẻ ngoại đạo.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho tu lên bậc trên với y và bình bát mượn; vị nào cho tu lên bậc trên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Dứt hai mươi trường hợp về người không nên cho tu lên bậc trên.

[135] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu cho người bị đứt cánh tay (hatthacchinnaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người bị đứt bàn chân (pādacchinnaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người bị đứt cánh tay và bàn chân (hatthapādacchinnaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người bị sứt tai (kaṇṇacchinnaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người bị sứt mũi (nāsacchinnaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người bị sứt tai và mũi (kaṇṇanāsacchinnaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người bị đứt ngón tay (aṅgulicchinnaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người bị đứt móng tay (aḷacchinnaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người bị đứt gân chân (kaṇḍaracchinnaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người có bàn tay dính liền giống cánh dơi (phaṇahatthakaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người gù lưng (khujjaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người lùn tịt (vāmanaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người có bướu cổ (galagaṇḍikaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người bị hành phạt đóng dấu (lakkhaṇāhataṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người bị hành phạt đánh bằng roi (kasāhataṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người bị cáo thị tầm nã (likhitakaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người phù chân voi (sīpadiṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người có bệnh trầm trọng (pāparogiṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người bôi nhọ tập thể (parisadūsakaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người chột mắt (kāṇaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người tứ chi bị co rút (kuṇiṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người què (khañjaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người bị liệt nửa thân (pakkhahataṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người đi khập khiễng (chinniriyāpathaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người già yếu (jarādubbalaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người mù (andhaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người câm (mūgaṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người điếc (badhiraṃ) xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người mù và câm xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người mù và điếc xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người câm và điếc xuất gia. ...(như trên)... Các vị cho người mù câm điếc xuất gia. ...(như trên)...

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cho người bị đứt cánh tay xuất gia. Không nên cho người bị đứt bàn chân xuất gia. Không nên cho người bị đứt cánh tay và bàn chân xuất gia. Không nên cho người sứt tai xuất gia. Không nên cho người bị sứt mũi xuất gia. Không nên cho người bị sứt tai và mũi xuất gia. Không nên cho người bị đứt ngón tay xuất gia. Không nên cho người bị đứt móng tay xuất gia. Không nên cho người bị đứt gân chân xuất gia. Không nên cho người có bàn tay dính liền giống cánh dơi xuất gia. Không nên cho người gù lưng xuất gia. Không nên cho người lùn tịt xuất gia. Không nên cho người có bướu cổ xuất gia. Không nên cho người bị hành phạt đóng dấu xuất gia. Không nên cho người bị hành phạt đánh bằng roi xuất gia. Không nên cho người bị cáo thị tầm nã xuất gia. Không nên cho người phù chân voi xuất gia. Không nên cho người có bệnh trầm trọng kinh niên xuất gia. Không nên cho người bôi nhọ tập thể xuất gia. Không nên cho người chột mắt xuất gia. Không nên cho người tứ chi bị co rút xuất gia. Không nên cho người què xuất gia. Không nên cho người bị liệt nửa thân xuất gia. Không nên cho người đi khập khiễng xuất gia. Không nên cho người già yếu xuất gia. Không nên cho người mù xuất gia. Không nên cho người câm xuất gia. Không nên cho người điếc xuất gia. Không nên cho người mù và câm xuất gia. Không nên cho người mù và điếc xuất gia. Không nên cho người câm và điếc xuất gia. Không nên cho người mù câm điếc xuất gia; vị nào cho xuất gia thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Dứt ba mươi hai trường hợp không nên cho xuất gia.

Dứt tụng phẩm “Phần Thừa Kế” là phần thứ chín.

10. Tụng phẩm thứ mười

[136] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư ban cho sự nương nhờ đến những vị không có liêm sỉ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên ban cho sự nương nhờ đến những vị không có liêm sỉ; vị nào ban cho thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu cư trú (với pháp) nương nhờ vào những vị không có liêm sỉ. Chẳng bao lâu sau, các vị ấy cũng trở thành các tỳ khưu ác xấu, không có liêm sỉ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên cư trú (với pháp) nương nhờ vào những vị không có liêm sỉ; vị nào cư trú thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên ban cho sự nương nhờ đến những vị không có liêm sỉ và không nên cư trú (với pháp) nương nhờ vào những vị không có liêm sỉ,’ vậy làm thế nào chúng ta biết được (vị nào) là có liêm sỉ hoặc không có liêm sỉ?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chờ đợi bốn năm ngày đến khi (xác định được rằng): “Ta biết được bản chất (sabhāgataṃ) của vị tỳ khưu.”

[137] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ du hành đường xa trong xứ Kosala. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên sống không nương nhờ,’ và ta là cần có sự nương nhờ nhưng đang du hành đường xa, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu đang du hành đường xa trong khi không đạt được sự nương nhờ thì được sống không nương nhờ.

[138] Vào lúc bấy giờ, có hai vị tỳ khưu du hành đường xa trong xứ Kosala. Họ đã đi đến gần trú xứ nọ. Ở đó có một vị tỳ khưu bị bệnh. Khi ấy, vị tỳ khưu bệnh ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên sống không nương nhờ,’ và ta là cần có sự nương nhờ nhưng bị bệnh, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu bị bệnh trong khi không đạt được sự nương nhờ thì được sống không nương nhờ.

Khi ấy, vị tỳ khưu chăm sóc vị bị bệnh ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên sống không nương nhờ,’ và ta là cần có sự nương nhờ nhưng vị tỳ khưu này thì bị bệnh, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu chăm sóc vị bị bệnh trong khi không đạt được sự nương nhờ thì được sống không nương nhờ (khi) được yêu cầu (bởi vị bị bệnh).

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ trú ngụ ở trong rừng. Và vị ấy có được sự thích hợp (cho việc tu tiến) ở chỗ trú ngụ ấy. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên sống không nương nhờ,’ và ta là cần có sự nương nhờ nhưng ta trú ngụ ở trong rừng và ta có sự thích hợp ở chỗ trú ngụ này, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu ở rừng quan tâm đến việc có chỗ cư trú thích hợp (cho việc tu tiến) trong khi không đạt được sự nương nhờ thì được sống không nương nhờ (nghĩ rằng): “Khi nào có vị đủ pháp cho nương nhờ phù hợp đi đến thì ta sẽ sống nương nhờ vào vị ấy.”

[139] Vào lúc bấy giờ, có người có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức Mahākassapa. Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã phái sứ giả đến gặp đại đức Ānanda nhắn rằng: “Ānanda hãy đi đến và tuyên ngôn cho người này.” Đại đức Ānanda đã nói như vầy:

- Tôi không thể đọc lên tên của ngài trưởng lão, ngài trưởng lão là bậc trưởng thượng của tôi.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc lên bằng tên của dòng họ.

[140] Vào lúc bấy giờ, có hai người có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức Mahākassapa. Họ tranh cãi rằng: “Tôi sẽ tu lên bậc trên trước, tôi sẽ tu lên bậc trên trước.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện hai (người) trong một lần tuyên ngôn.

Vào lúc bấy giờ, có những người có ý muốn tu lên bậc trên với nhiều vị trưởng lão. Họ tranh cãi rằng: “Tôi sẽ tu lên bậc trên trước tiên, tôi sẽ tu lên bậc trên trước tiên.” Các vị trưởng lão đã nói như vầy:

- Này các đại đức, chúng ta hãy thực hiện hết thảy tất cả trong một lần tuyên ngôn đi.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện hai hoặc ba (người) trong một lần tuyên ngôn. Và điều ấy là với cùng một thầy tế độ chứ không phải với thầy tế độ khác nhau.

[141] Vào lúc bấy giờ, đại đức Kumārakassapa là hai mươi tính theo thai bào đã được tu lên bậc trên. Sau đó, đại đức Kumārakassapa đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên cho tu lên bậc trên người chưa đủ hai mươi tuổi,’ và ta là hai mươi tính theo thai bào đã được tu lên bậc trên, vậy thì ta đã được tu lên bậc trên hay là chưa được tu lên bậc trên?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, khi tâm đầu tiên sanh khởi trong bụng của người mẹ thì thức đầu tiên đã xuất hiện; do điều ấy nên chính thời điểm đó là sự sanh ra của người ấy. Này các tỳ khưu, ta cho phép cho tu lên bậc trên người là hai mươi tính theo thai bào.

[142] Vào lúc bấy giờ, các vị đã tu lên bậc trên được phát hiện là có (liên quan đến) bệnh cùi, bệnh mụt nhọt, bệnh chàm, bệnh lao phổi, bệnh động kinh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đang ban phép tu lên bậc trên được hỏi về mười ba pháp chướng ngại. Và này các tỳ khưu, nên hỏi như vầy: “Ngươi có các bệnh như vầy không: Bệnh cùi (kuṭṭhaṃ)? Bệnh mụt nhọt (gaṇḍo)? Bệnh chàm (kilāso)? Bệnh lao phổi (soso)? Bệnh động kinh (apamāro)? Ngươi là loài người? Ngươi là người nam? Ngươi là người được tự do (không phải nô lệ)? Ngươi không bị thiếu nợ? Ngươi không phải là lính của đức vua? Ngươi đã được cha mẹ cho phép? Ngươi đã tròn hai mươi tuổi? Ngươi có đầy đủ y bát không? Ngươi tên gì? Vị thầy tế độ của ngươi tên gì?”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu hỏi các pháp chướng ngại đến các người có ý muốn tu lên bậc trên chưa được giảng giải trước. Các người có ý muốn tu lên bậc trên đã bị bối rối, trở nên mắc cở, rồi không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép giảng giải trước rồi hỏi các pháp chướng ngại sau.

Các vị đã giảng giải ngay tại chỗ ấy, ở giữa hội chúng. Như thế ấy, các người có ý muốn tu lên bậc trên đã bị bối rối, trở nên mắc cở, rồi không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép giảng giải ở một góc rồi hỏi các pháp chướng ngại ở giữa hội chúng. Và này các tỳ khưu, nên giảng giải như vầy:

Trước tiên, nên bảo chọn vị thầy tế độ. Sau khi đã bảo chọn vị thầy tế độ rồi nên chỉ y bát: “Đây là bình bát của ngươi, đây là y hai lớp (saṅghāṭi) của ngươi, đây là thượng y của ngươi, đây là y nội của ngươi. Hãy đi đến đứng ở chỗ trống đàng kia.”

Các vị (tỳ khưu) ngu dốt, thiếu kinh nghiệm đã giảng giải. Những người có ý muốn tu lên bậc trên do được giảng giải tồi nên đã bị bối rối, trở nên mắc cở, rồi không thể trả lời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, vị (tỳ khưu) ngu dốt thiếu kinh nghiệm không nên giảng giải; vị nào giảng giải thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ khả năng được giảng giải.

Những vị (tỳ khưu) không được chỉ định đã giảng giải. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, vị không được chỉ định không nên giảng giải; vị nào giảng giải thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép giảng giải đối với vị đã được chỉ định. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Tự mình chỉ định cho chính mình, hoặc người khác chỉ định cho người khác.

Thế nào là tự mình chỉ định cho chính mình?

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ giảng giải cho người tên (như vầy).”

Như vậy là tự mình chỉ định cho chính mình.

Thế nào là người khác chỉ định cho người khác?

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, vị tên (như vầy) sẽ giảng giải cho người tên (như vầy).”

Như vậy là người khác chỉ định cho người khác.

Vị tỳ khưu đã được chỉ định ấy nên đi đến gần người có ý muốn tu lên bậc trên và nên nói với như vầy:

Này người tên (như vầy), hãy lắng nghe. Đối với ngươi, bây giờ là thời điểm của sự thật, là thời điểm của bản chất. Trong khi được hỏi ở giữa hội chúng, điều gì được đề cập đến, nếu điều ấy là đúng thì nên nói: ‘Đúng;’ nếu không đúng, nên nói: ‘Không đúng.’ Không nên bối rối, không nên mắc cở. Các vị sẽ hỏi ngươi như vầy: ‘Ngươi có các bệnh như thế này không: Bệnh cùi? Bệnh mụt nhọt? Bệnh chàm? Bệnh lao phổi? Bệnh động kinh? Ngươi là loài người? Ngươi là người nam? Ngươi là người được tự do (không phải nô lệ)? Ngươi không bị thiếu nợ? Ngươi không phải là lính của đức vua? Ngươi đã được cha mẹ cho phép? Ngươi đã tròn hai mươi tuổi? Ngươi có đầy đủ y bát không? Ngươi tên gì? Vị thầy tế độ của ngươi tên gì?

Họ đi đến cùng một lúc.

- Này các tỳ khưu, không nên đi đến cùng một lúc. Vị giảng giải nên đi đến trước và thông báo cho hội chúng: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Tôi đã giảng giải cho ngưòi ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, nên cho người tên (như vầy) đi đến.” và nên nói rằng: “Hãy đi đến.

Nên bảo (người ấy) đắp thượng y một bên vai, bảo đảnh lễ ở chân các tỳ khưu, bảo ngồi chồm hổm, bảo chắp tay lên, và bảo (người ấy) cầu xin sự tu lên bậc trên:

Bạch các ngài, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót.

Bạch các ngài, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên lần thứ nhì. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót.

Bạch các ngài, tôi cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên lần thứ ba. Bạch các ngài, xin hội chúng hãy tế độ tôi vì lòng thương xót.”

Hội chúng nên được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ hỏi các pháp chướng ngại đến người tên (như vầy).”

Này người tên (như vầy), hãy lắng nghe. Đối với ngươi, bây giờ là thời điểm của sự thật, là thời điểm của bản chất. Trong khi được hỏi ở giữa hội chúng, điều gì được đề cập đến, nếu điều ấy là đúng thì nên nói: ‘Đúng;’ nếu không đúng, nên nói: ‘Không đúng.’ Ngươi có các bệnh như thế này không: Bệnh cùi? Bệnh mụt nhọt? Bệnh chàm? Bệnh lao phổi? Bệnh động kinh? Ngươi là loài người? Ngươi là người nam? Ngươi là người được tự do (không phải nô lệ)? Ngươi không bị thiếu nợ? Ngươi không phải là lính của đức vua? Ngươi đã được cha mẹ cho phép? Ngươi đã tròn hai mươi tuổi? Ngươi có đầy đủ y bát không? Ngươi tên gì? Vị thầy tế độ của ngươi tên gì?

Hội chúng nên được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Người này có đầy đủ y bát. Người tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho người tên (như vầy) tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Người này có đầy đủ y bát. Người tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Hội chúng cho ngưòi tên (như vầy) sự tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của người tên (như vầy) với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ nhì: Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Người này có đầy đủ y bát. Người tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Hội chúng cho ngưòi tên (như vầy) sự tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của người tên (như vầy) với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Tôi xin thông báo sự việc này lần thứ ba: Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Người này tên (như vầy) có ý muốn tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là người trong sạch về các pháp chướng ngại. Người này có đầy đủ y bát. Người tên (như vầy) cầu xin hội chúng sự tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Hội chúng cho ngưòi tên (như vầy) sự tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Đại đức nào đồng ý sự tu lên bậc trên của người tên (như vầy) với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Người tên (như vầy) đã được hội chúng cho tu lên bậc trên với đại đức tên (như vầy) là thầy tế độ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng. Tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Dứt hành sự tu lên bậc trên.

[143] Ngay khi ấy, bóng nắng cần được đo đạc, việc xác định mùa tiết nên được chỉ dạy, việc phân chia ngày (giờ) nên được chỉ dạy, điều đã được kết tập lại nên được chỉ dạy, bốn vật nương nhờ nên được chỉ dạy:

Việc xuất gia nương vào thức ăn do khất thực, trong trường hợp ấy ngươi nên nỗ lực thực hiện cho đến hết đời; điều phụ trội được phép là bữa ăn dâng hội chúng, bữa ăn được chỉ định, sự mời thỉnh, bữa ăn theo thẻ, vào mỗi nửa tháng, vào ngày Uposatha, vào ngày đầu của mỗi nửa tháng.

Việc xuất gia nương vào y làm bằng vải dơ bị quăng bỏ; trong trường hợp ấy ngươi nên nỗ lực thực hiện cho đến hết đời; điều phụ trội được phép là (y làm bằng) sợi lanh (khomaṃ), bông vải (kappāsikaṃ), tơ lụa (koseyyaṃ), sợi len (kambalaṃ), gai thô (sāṇam), chỉ bố (bhaṅgaṃ).

Việc xuất gia nương vào chỗ trú ngụ là gốc cây; trong trường hợp ấy ngươi nên nỗ lực thực hiện cho đến hết đời; điều phụ trội được phép là trú xá (vihāraṃ), nhà một mái (aḍḍhayogaṃ), tòa nhà dài (pāsādaṃ), khu nhà lớn (hammiyaṃ), hang động (guhaṃ).

Việc xuất gia nương vào dược phẩm là nước tiểu gia súc, trong trường hợp ấy ngươi nên nỗ lực thực hiện cho đến hết đời; điều phụ trội được phép là bơ lỏng (sappi), bơ đặc (navanītaṃ), dầu ăn (telaṃ), mật (madhu), đường mía (phānitaṃ).”

Dứt bốn vật nương nhờ.

[144] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu sau khi cho tu lên bậc trên vị tỳ khưu nọ đã bỏ lại mỗi một mình rồi ra đi. Sau đó trong khi đang đi chỉ mỗi một mình, giữa đường vị ấy đã gặp lại người vợ cũ. Cô ta đã nói như vầy:

- Nay chàng đã xuất gia rồi sao?

- Đúng vậy, tôi đã xuất gia.

- Việc đôi lứa đối với các vị xuất gia là khó đạt được. Hãy đến và thực hiện việc đôi lứa đi.

Vị ấy sau khi thực hiện việc đôi lứa với nàng ta đã đi về trễ sau cùng. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này sư đệ, vì sao sư đệ đã đi về trễ như vậy?

Khi ấy, vị ấy đã kể lại sự việc ấy cho các vị tỳ khưu. Các vị tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho người cộng sự và chỉ dạy bốn điều không nên làm ngay sau khi cho tu lên bậc trên:

Vị đã được tu lên bậc trên trở thành tỳ khưu không nên thực hành việc đôi lứa, thậm chí với loài thú cái. Vị tỳ khưu nào thực hành việc đôi lứa không còn là sa-môn không còn là Thích tử nữa. Giống như người đàn ông đã bị chặt đầu không thể sống với cái đầu ấy được gắn lại vào thân; tương tợ như thế, vị tỳ khưu sau khi thực hiện việc đôi lứa không còn là sa-môn không còn là Thích tử nữa. Ngươi không nên làm điều ấy cho đến hết đời.

Vị đã được tu lên bậc trên trở thành tỳ khưu không nên lấy vật không được cho như là kẻ trộm, thậm chí có liên quan đến cọng cỏ. Vị tỳ khưu nào lấy vật không được cho là một pāda hoặc tương đương một pāda hoặc hơn một pāda được xem là kẻ trộm không còn là sa-môn không còn là Thích tử nữa. Giống như chiếc lá vàng đã lìa cành không thể trở lại màu xanh; tương tợ như thế, vị tỳ khưu sau khi lấy vật không được cho là một pāda hoặc tương đương một pāda hoặc hơn một pāda được xem là kẻ trộm không còn là sa-môn không còn là Thích tử nữa. Ngươi không nên làm điều ấy cho đến hết đời.

Vị đã được tu lên bậc trên trở thành tỳ khưu không nên tước đoạt lấy mạng sống của chúng sanh một cách cố tình thậm chí có liên quan đến loài kiến. Vị tỳ khưu nào tước đoạt lấy mạng sống khỏi cơ thể con người một cách cố tình thậm chí có liên quan đến việc phá thai không còn là sa-môn không còn là Thích tử nữa. Giống như tảng đá lớn đã bị vỡ làm hai mảnh không gắn liền lại được; tương tợ như thế, vị tỳ khưu sau khi tước đoạt lấy mạng sống khỏi cơ thể con người một cách cố tình không còn là sa-môn không còn là Thích tử nữa. Ngươi không nên làm điều ấy cho đến hết đời.

Vị đã được tu lên bậc trên trở thành tỳ khưu không nên khẳng định về pháp của bậc thượng nhân thậm chí (nói rằng): ‘Tôi thỏa thích trong ngôi nhà trống vắng.’ Vị tỳ khưu nào có ước muốn xấu xa, bị thúc đẩy bởi ước muốn đó, rồi khẳng định về pháp của bậc thượng nhân (mà bản thân) không có, không thực chứng, là pháp thiền, hoặc là pháp giải thoát (vimokkhaṃ), hoặc là sự nhập định, hoặc là sự chứng đắc, hoặc là Đạo, hoặc là Quả không còn là sa-môn không còn là Thích tử nữa. Giống như cây thốt nốt (tāla) bị chặt ngọn không thể đâm chồi lại được nữa; tương tợ như thế, vị tỳ khưu có ước muốn xấu xa, bị thúc đẩy bởi ước muốn đó, sau khi khẳng định về pháp của bậc thượng nhân (mà bản thân) không có, không thực chứng không còn là sa-môn không còn là Thích tử nữa. Ngươi không nên làm điều ấy cho đến hết đời.”

Dứt bốn điều không nên làm.

[145] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ là người bị án treo trong việc không nhìn nhận tội đã hoàn tục. Vị ấy đã quay trở lại và cầu xin các vị tỳ khưu sự tu lên bậc trên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là người bị án treo trong việc không nhìn nhận tội lại hoàn tục. Vị ấy quay trở lại và cầu xin các vị tỳ khưu sự tu lên bậc trên. Vị ấy nên được nói như vầy về điều ấy: “Ngươi sẽ nhìn nhận tội ấy?” Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ nhìn nhận” thì nên cho xuất gia. Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ không nhìn nhận” thì không nên cho xuất gia. Sau khi cho xuất gia rồi, nên nói rằng: “Ngươi sẽ nhìn nhận tội ấy?” Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ nhìn nhận” thì nên cho tu lên bậc trên. Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ không nhìn nhận” thì không nên cho tu lên bậc trên. Sau khi đã cho tu lên bậc trên, nên nói rằng: “Ngươi sẽ nhìn nhận tội ấy?” Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ nhìn nhận” thì nên phục hồi (osāretabbo). Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ không nhìn nhận” thì không nên phục hồi. Sau khi đã phục hồi nên nói rằng: “Ngươi nhìn nhận tội ấy?” Nếu vị ấy nhìn nhận thì việc ấy được tốt đẹp, nhưng nếu vị ấy không nhìn nhận thì trong khi đạt được sự hợp nhất (của hội chúng) nên phạt án treo lại. Nếu không đạt được sự hợp nhất (của hội chúng) thì không phạm tội trong việc ăn chung, cư ngụ chung (với vị ấy).

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là người bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi lại hoàn tục. Vị ấy quay trở lại và cầu xin các vị tỳ khưu sự tu lên bậc trên. Vị ấy nên được nói như vầy về điều ấy: “Ngươi sẽ sửa chữa lỗi ấy?” Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ sửa chữa” thì nên cho xuất gia. Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ không sửa chữa” thì không nên cho xuất gia. Sau khi cho xuất gia rồi, nên nói rằng: “Ngươi sẽ sửa chữa lỗi ấy?” Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ sửa chữa” thì nên cho tu lên bậc trên. Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ không sửa chữa” thì không nên cho tu lên bậc trên. Sau khi đã cho tu lên bậc trên, nên nói rằng: “Ngươi sẽ sửa chữa lỗi ấy?” Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ sửa chữa” thì nên phục hồi. Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ không sửa chữa,” thì không nên phục hồi. Sau khi đã phục hồi nên nói rằng: “Ngươi sửa chữa lỗi ấy?” Nếu vị ấy sửa chữa thì việc ấy được tốt đẹp, nhưng nếu vị ấy không sửa chữa thì trong khi đạt được sự hợp nhất (của hội chúng) nên phạt án treo lại. Nếu không đạt được sự hợp nhất (của hội chúng) thì không phạm tội trong việc ăn chung, cư ngụ chung (với vị ấy).

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là người bị án treo trong việc không chịu từ bỏ tà kiến ác lại hoàn tục. Vị ấy quay trở lại và cầu xin các vị tỳ khưu sự tu lên bậc trên. Vị ấy nên được nói như vầy về điều ấy: “Ngươi sẽ chịu từ bỏ tà kiến ác ấy?” Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ chịu từ bỏ” thì nên cho xuất gia. Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ không chịu từ bỏ” thì không nên cho xuất gia. Sau khi cho xuất gia rồi, nên nói rằng: “Ngươi sẽ chịu từ bỏ tà kiến ác ấy?” Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ chịu từ bỏ” thì nên cho tu lên bậc trên. Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ không chịu từ bỏ” thì không nên cho tu lên bậc trên. Sau khi đã cho tu lên bậc trên, nên nói rằng: “Ngươi sẽ chịu từ bỏ tà kiến ác ấy?” Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ chịu từ bỏ” thì nên phục hồi. Nếu (vị ấy trả lời): “Tôi sẽ không chịu từ bỏ” thì không nên phục hồi. Sau khi đã phục hồi nên nói rằng: “Ngươi chịu từ bỏ tà kiến ác ấy?” Nếu vị ấy chịu từ bỏ thì việc ấy được tốt đẹp, nhưng nếu vị ấy không chịu từ bỏ thì trong khi đạt được sự hợp nhất (của hội chúng) nên phạt án treo lại. Nếu không đạt được sự hợp nhất (của hội chúng) thì không phạm tội trong việc ăn chung, cư ngụ chung (với vị ấy).

Chương Trọng Yếu là chương thứ nhất.

*******

Tóm lược chương này:

[146]

Các điều chính trong Luật
là nguồn đem an lạc
cho các thiện tỳ khưu
là các vị khiêm nhường
thoát khỏi điều ác xấu,
trong những việc nắm giữ
và duy trì Giáo Pháp,
hành xứ bậc Chiến Thắng
là của đấng Toàn Tri,
trong đối tượng quen thuộc
an toàn, khéo quy định,
không có điều nghi hoặc.
Và chính trong Tạng Luật
thuộc Đại Phẩm Tiểu Phẩm
ở nơi bộ Tập Yếu
và trong các tiêu đề,
như người tìm lợi ích
thiện xảo hành đúng đắn.
Không hiểu được loài bò
không chăn giữ đàn bò;
cũng vậy không biết giới,
trì giữ, thu thúc gì?
Khi Tạng Kinh quên lãng
và luôn Tạng Diệu Pháp,
còn Tạng Luật chưa hoại
Giáo Pháp vẫn tồn tại.
Do đó, tôi sẽ nói
nguyên nhân sự hình thành,
mở đầu theo thứ tự
theo như sự hiểu biết,
hãy lắng nghe tôi giảng.
Câu chuyện, nguồn gốc tội,

phương thức, phần tóm lược,
hãy hiểu rõ điều ấy
theo đúng như phương pháp,
vì thực hiện đầy đủ
việc ấy thật khó làm.
Ở cội cây Bồ Đề,
Rājayatana,
cội cây người chăn dê
vị Sahampati
Phạm thiên, Aḷāra,
và vị Uddaka,
đạo sĩ Upaka,
tỳ khưu Koṇḍañña,
Bhaddiya, Vappa,
rồi Mahānāma,
và vị Assaji,
Yasa, bốn, năm mươi,
ngài phái đi tất cả
về khắp các phương trời.
Câu chuyện với Ma Vương,
và ba mươi vương tử.
Ở Uruvelā
ba đạo sĩ bện tóc
ở trong nhà thờ lửa,
vị đại vương Sakka,
Phạm thiên và toàn bộ.
Y paṃsukūla
hồ nước, và tảng đá,
cành cây Kakudha,
và khối đá (phơi y).
Trái Jambu, trái xoài,
trái Āmalakī,
và bông hoa san hô
vị ấy đã mang lại.
Hỡi này Kassapa,
hãy chẻ, hãy đốt lên,
và hãy dập tắt đi.
Các vị hụp (xuống nước)
chảo lửa, đám mây đen.
Gayā, đi Laṭṭhi,
vua xứ Magadha.
Rồi Upatissa
và chàng Kolita
danh tiếng đã xuất gia.
Các y mặc luộm thuộm,
(cho phép) việc đuổi đi,
và vị bà-la-môn
bị ốm o cằn cỗi,
kẻ thực hành tồi bại,
bao tử, chàng trai trẻ,
hội chúng (là mười vị).

Rồi mùa an cư mưa,
với bọn ngu, bỏ đi,
mười năm sống nương nhờ.
Không thực hành, đuổi đi,
các vị dốt, đình chỉ,
năm điều kiện hoặc sáu.
Người đã theo ngoại đạo,
lõa thể, tóc chưa cắt,
vị bện tóc, Thích Ca.
Trong thành Magadha,
năm thứ bệnh, binh sĩ,
kẻ trộm, cướp đeo ngón,
và vua Magadha
đã ban điều cho phép.
Phá ngục, và án ghi,
phạt roi, bị đóng dấu,
kẻ nợ, và nô tỳ,
đầu sói, Upāli,
và cơn bệnh dịch hạch,
gia đình có đức tin,
sa di Kaṇṭaka,
và chuyện nghẽn hướng đi.
Về việc sống nương nhờ,
đứa trẻ, các điều học,
chúng sống, và gì nữa?
Cấm toàn bộ, vào miệng,
các vị thầy tế độ,
dụ dỗ, Kaṇṭaka.
Vô căn, trộm, bỏ đi,
con rồng, và kẻ giết
mẹ, cha, A-la-hán,
làm dơ tỳ khưu ni,
kẻ chia rẽ, đổ máu
và thêm kẻ lưỡng căn.
Thầy tế độ không có ,
với hội chúng, hoặc nhóm,
kẻ vô căn, không bát,
không y, hoặc cả hai,
với đồ mượn là ba.
Cụt tay, chân, tay chân,
tai, mũi, hoặc cả hai,
ngón, móng, và gân chân,
tay có màng, gù, lùn,
bướu cổ, bị đóng dấu,
bị phạt roi, tầm nã,
phù chân voi, bệnh nặng,
kẻ bôi nhọ hội chúng,
người chột, bệnh co rút,
và như thế người què,
người bị liệt nửa thân,
người tướng đi khập khiễng,
già yếu, mù, câm, điếc,
mù câm đều ở đó,
mù điếc đã nói đến
và câm điếc cũng thế,
đồng thời câm mù điếc.
Cho sự nương nhờ đến
những kẻ không liêm sỉ,
và có thể sống vậy
trường hợp đi đường xa.
Với vị được yêu cầu
các người mong muốn tu,
“Hãy đến,” chúng tranh cãi
chỉ một thầy tế độ
là ngài Kassapa.
Các vị đã được tu
được thấy bị khổ sở
bởi vì các thứ bệnh,
chưa được giảng, bối rối,
giảng giải ở ngay đó.
Kẻ ngu giữa hội chúng
chưa chỉ định, cùng lúc,
tế độ lên bậc trên,
vật nương, (về) một mình,
và ba điều còn lại.
Các sự việc chương này
là một trăm bảy hai.

Dứt phần tóm lược của Chương Trọng Yếu.


[1] Coro aṅgulimālo: mới xem qua dễ lầm tưởng với kẻ cướp tên Aṅgulimāla trong bài kệ tụng về Tám Phật Lực. Dịch giả I.B. Horner đã nêu lên điều này với lý do không có chữ “nāma = tên là” hoặc “ti” như được thường dùng trong trường hợp danh từ riêng; hơn nữa vị này được xuất gia ở nơi các tỳ khưu còn vị kia được xuất gia theo lối “ehi bhikkhu” với đức Phật. Thêm nữa, sự biến đổi từ nữ tánh sang nam tánh của “mālā” trong cụm từ “aṅgulimālo” xác định đây là trường hợp bahubbīhi.

[2] Liên quan đến tội pācittiya (ưng đối trị) 65.

[3] Nghĩa là ngọn núi ở phía Nam. Ở phía nam của thành Rājagaha có ngọn núi tên là Dakkhiṇāgiri nên được giữ nguyên không dịch.

[4] Tên vị này đã được dịch là Tịnh Phạn (Suddhodana), tức là cha của thái tử Sĩ Đạt Ta (Siddhattha). Thái tử đã lìa hoàng cung ra đi sau này trở thành đức Phật Thế Tôn.

[5] Nandā là con trai của đức vua Suddhodana và bà Mahāpajāpati Gotamī, tức em cùng cha khác mẹ với ngài.

[6] Chú giải phần này, ngài Buddhaghosa có nêu ra và giải thích về 5 hạng paṇḍaka là “āsittapaṇḍako usūyapaṇḍako opakkamikapaṇḍako pakkhapaṇḍako napuṃsakapaṇḍakoti.”Không cần thiết nên không chú thích rõ phần này.

[7] Theyyasaṃvāsaka nghĩa là sống chung theo lối trộm cắp. Ngài Buddhaghosa đề cập 3 loại theyyasaṃvāsaka và giải thích như sau: liṅgatthenaka (kẻ trộm tướng mạo) là tự mình xuất gia rồi đi đến tu viện và không biết gì về các điều quy định, saṃvāsatthenaka (kẻ trộm trong việc cộng trú) là sa di hoặc đã hoàn tục rồi đi đến tu viện nói dối là tỳ khưu và có biết về các điều quy định, hạng thứ ba ubhayatthenaka (kẻ trộm theo cả hai cách) là tự mình xuất gia rồi đi đến tu viện và có biết về các điều quy định.

[8] Vào các ngày này, các cư sĩ thường thọ trì tám giới hoặc mười giới một ngày đêm.

II. CHƯƠNG LỄ UPOSATHA (UPOSATHAKKHANDHAKAṂ)

[147] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha (Vương Xá) trên núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu). Vào lúc bấy giờ, các du sĩ ngoại đạo tụ hội lại và giảng pháp vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng. Dân chúng đi đến gần họ để nghe pháp. Họ có lòng mến chuộng và có niềm tin vào các du sĩ ngoại đạo; các du sĩ ngoại đạo có được đồ chúng.

Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha trong lúc đang thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Hiện nay, các du sĩ ngoại đạo tụ hội lại và giảng pháp vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng. Dân chúng đi đến gần họ để nghe pháp. Họ có lòng mến chuộng và có niềm tin vào các du sĩ ngoại đạo; các du sĩ ngoại đạo có được đồ chúng. Hay là các ngài đại đức cũng nên tụ hội vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng?” Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, trường hợp trẫm trong lúc đang thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Hiện nay, các du sĩ ngoại đạo tụ hội lại và giảng pháp vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng. Dân chúng đi đến gần họ để nghe pháp. Họ có lòng mến chuộng và có niềm tin vào các du sĩ ngoại đạo; các du sĩ ngoại đạo có được đồ chúng. Hay là các ngài đại đức cũng nên tụ hội vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng?” Bạch ngài, tốt đẹp thay các ngài đại đức cũng nên tụ hội vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tụ hội vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng.

[148] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cho phép tụ hội vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng” nên sau khi tụ hội vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng, các vị ấy ngồi im lặng. Dân chúng đi đến gần họ để nghe Pháp. Những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử sau khi tụ hội vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng lại ngồi im lặng giống như là các con heo đần độn [1] vậy? Sao các vị đã tụ hội lại mà không chịu giảng Pháp?

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép giảng Pháp sau khi tụ hội vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của mỗi nửa tháng.

[149] Khi ấy, đức Thế Tôn trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Hay là ta nên cho phép các vị ấy việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha gồm các điều học đã được ta quy định cho các tỳ khưu, việc ấy sẽ là hành sự Uposatha cho các vị ấy?” Sau đó vào lúc chiều tối, đức Thế Tôn đã xuất khỏi thiền tịnh rồi nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, trường hợp ta trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Hay là ta nên cho phép các vị ấy việc đọc tụng Pātimokkha gồm các điều học đã được ta quy định cho các tỳ khưu, việc ấy sẽ là hành sự Uposatha cho các vị ấy?” Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Và này các tỳ khưu, nên đọc tụng như vầy:

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Uposatha, nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Phận sự trước tiên của hội chúng là gì? Các đại đức hãy tuyên bố sự trong sạch rồi tôi sẽ đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Hết thảy tất cả các vị hiện diện (chúng ta) hãy nghiêm chỉnh lắng nghe và hãy chú tâm đến điều ấy. Nếu vị nào có phạm tội, vị ấy nên bày tỏ; vị không có phạm tội thì nên im lặng. Do thái độ im lặng, tôi sẽ nhận biết về các đại đức rằng: ‘(Các vị) được trong sạch.’ Giống như đối với mỗi lần được hỏi đến thì có câu trả lời; tương tợ như thế, trong hội chúng như thế này (câu hỏi) được thông báo đến lần thứ ba. Trong khi đang được thông báo đến lần thứ ba, vị tỳ khưu nào nhớ ra mà không bày tỏ tội đang có thì vị ấy cố tình nói dối. Bạch chư đại đức, việc cố tình nói dối là pháp chướng ngại đã được đức Thế Tôn đề cập đến; do đó, vị tỳ khưu bị phạm tội mà nhớ ra và có ý muốn được trong sạch thì nên bày tỏ ra tội đang có. Bởi vì khi (tội) đã được bày tỏ thì vị ấy sẽ được thoải mái.”

[150] Pātimokkha: điều này là đầu tiên, điều này là lối đưa vào, điều này là đứng đầu của các thiện pháp, do đó được gọi là “Pātimokkha.”

Các đại đức: điều này là lời nói lịch sự, điều này là lời nói kính trọng, điều này là lời nói có sự tôn kính và có sự phục tùng, tức là “các đại đức.”

Tôi sẽ đọc tụng: Tôi sẽ nóí ra, tôi sẽ giảng, tôi sẽ chỉ cho biết, tôi sẽ bày ra, tôi sẽ khai triển, tôi sẽ phân tích, tôi sẽ làm rõ ràng, tôi sẽ cho thấy rõ.

Điều ấy: được gọi là giới bổn Pātimokkha.

Hết thảy tất cả các vị hiện diện: trong hội chúng ấy cho đến các vị trưởng lão, các vị mới tu, hoặc các vị trung niên, các vị này được gọi là “Hết thảy tất cả các vị hiện diện.”

(Chúng ta) hãy nghiêm chỉnh lắng nghe: sau khi định thần, sau khi chú tâm, sau khi tập trung tất cả tâm ý.

(Chúng ta) hãy chú tâm: (chúng ta) hãy chăm chú với tâm trú vào một điểm, với tâm không bị xao lãng, với tâm không bị rối loạn.

Nếu vị nào có phạm tội: Bất cứ tội nào thuộc nhóm năm tội hoặc bất cứ tội nào thuộc nhóm bảy tội của vị trưởng lão, của vị mới tu, hoặc của vị trung niên.

Vị ấy nên bày tỏ: vị ấy nên sám hối, vị ấy nên khai ra, vị ấy nên làm rõ ràng, vị ấy nên cho thấy rõ ở giữa hội chúng, hoặc ở giữa nhóm, hoặc nơi một vị.

Không có: nghĩa là vị ấy không phạm tội, hoặc là sau khi phạm tội đã được thoát khỏi tội.

Nên im lặng: nên ưng thuận, không nên phát biểu.

Tôi sẽ nhận biết: “(Các vị) được trong sạch”: Tôi sẽ biết được, tôi sẽ ghi nhận.

Giống như đối với mỗi lần được hỏi đến thì có câu trả lời: Giống như việc một người được một người khác hỏi thì nên trả lời, tương tợ như thế đối với hội chúng ấy, điều cần được biết là: “Vị ấy hỏi tôi.”

Hội chúng như thế này: được gọi là hội chúng các tỳ khưu.

Được thông báo đến lần thứ ba: Được thông báo một lần, được thông báo đến lần thứ nhì, được thông báo đến lần thứ ba.

(Vị ấy) nhớ ra: vị ấy biết được, vị ấy nhận ra được.

Tội đang có: nghĩa là (vị ấy) đã phạm tội, hoặc là sau khi phạm tội chưa được thoát khỏi tội.

Không bày tỏ: (vị ấy) không sám hối, không khai ra, không làm rõ ràng, không cho thấy rõ ở giữa hội chúng, hoặc ở giữa nhóm, hoặc nơi một vị.

Vị ấy cố tình nói dối: Việc cố tình nói dối là gì? Là đã làm điều sai trái.

Pháp chướng ngại đã được đức Thế Tôn đề cập đến: Chướng ngại của điều gì? Là chướng ngại cho việc chứng đắc thiền thứ nhất, chướng ngại cho việc chứng đắc thiền thứ nhì, chướng ngại cho việc chứng đắc thiền thứ ba, chướng ngại cho việc chứng đắc thiền thứ tư, chướng ngại cho việc chứng đắc của các thiền, của các sự giải thoát, của các sự thể nhập vào các tầng định, của các sự xuất ly, của các sự ra khỏi (luân hồi), của các sự tịch tịnh, của các thiện pháp.

Do đó: Vì nguyên nhân ấy.

(Với) vị nhớ ra được: (Với) vị biết được, (với) vị nhận ra được.

Có ý muốn được trong sạch: có sự mong muốn được thoát ra, có sự mong muốn được làm cho trong sạch.

Tội đang có: nghĩa là (vị ấy) đã phạm tội, hoặc là sau khi phạm tội chưa được thoát khỏi tội.

Nên bày tỏ ra: Nên bày tỏ ra ở giữa hội chúng, hoặc ở giữa nhóm, hoặc nơi một vị.

Bởi vì khi (tội) đã được bày tỏ thì vị ấy sẽ được thoải mái: Thoải mái của điều gì? Là sự thoải mái trong việc chứng đắc thiền thứ nhất, là sự thoải mái trong việc chứng đắc thiền thứ nhì, là sự thoải mái trong việc chứng đắc thiền thứ ba, là sự thoải mái trong việc chứng đắc thiền thứ tư, là sự thoải mái trong việc chứng đắc của các thiền, của các sự giải thoát, của các sự thể nhập vào các tầng định, của các sự xuất ly, của các sự ra khỏi (luân hồi), của các sự tịch tịnh, của các thiện pháp.

[151] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu (nghĩ rằng): “Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha đã được đức Thế Tôn cho phép” nên đã đọc tụng giới bổn Pātimokkha hàng ngày. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha hàng ngày; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha vào ngày Uposatha.

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu (nghĩ rằng): “Việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha đã được đức Thế Tôn cho phép vào ngày Uposatha” nên đã đọc tụng giới bổn Pātimokkha ba lần trong nửa tháng vào ngày mười bốn, vào ngày mười lăm, và vào ngày thứ tám của nửa tháng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha ba lần trong nửa tháng; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha một lần vào ngày mười bốn hoặc ngày mười lăm của nửa tháng.

[152] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đọc tụng giới bổn Pātimokkha theo từng tập thể, theo tập thể riêng rẽ của từng vị. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha theo từng tập thể, theo tập thể riêng rẽ của từng vị; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép hành sự Uposatha hợp nhất.

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “‘Đức Thế Tôn đã quy định hành sự Uposatha hợp nhất,’ vậy sự hợp nhất có phạm vi đến tận đâu, trong phạm vi một trú xứ hay toàn bộ trái đất?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép sự hợp nhất trong phạm vi một trú xứ.

[153] Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākappina ngụ tại Rājagaha, ở Maddakucchi, nơi vườn nai. Khi ấy, đại đức Mahākappina trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Ta nên đi (tham dự) lễ Uposatha hay là không nên đi, ta nên đi (tham dự) hành sự của hội chúng hay là không nên đi, trong khi ta đã được thanh tịnh với sự thanh tịnh tối thượng?”

Khi ấy, đức Thế Tôn dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đại đức Mahākappina, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế (đức Thế Tôn) đã biến mất tại núi Gijjhakūṭa rồi hiện ra trước mặt đại đức Mahākappina ở Maddakucchi, nơi vườn nai. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt. Đại đức Mahākappina đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã nói với đại đức Mahākappina đang ngồi một bên điều này:

- Này Kappina, có phải ngươi trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng, có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Ta nên đi (tham dự) lễ Uposatha hay là không nên đi, ta nên đi (tham dự) hành sự của hội chúng hay là không nên đi, trong khi ta đã được thanh tịnh với sự thanh tịnh tối thượng?”

- Bạch ngài, đúng vậy.

- Nếu các ngươi là những người có Phạm hạnh không tôn trọng, không kính trọng, không quý trọng, không cúng dường lễ Uposatha thì còn ai sẽ tôn trọng, sẽ kính trọng, sẽ quý trọng, sẽ cúng dường lễ Uposatha nữa? Này người có Phạm hạnh, ngươi hãy đi (tham dự) lễ Uposatha, chớ có không đi. Ngươi hãy đi (tham dự) hành sự của hội chúng, chớ có không đi.

- Bạch ngài, xin vâng. Đại đức Mahākappina đã đáp lời đức Thế Tôn.

Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đại đức Mahākappina bằng bài Pháp thoại rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế (đức Thế Tôn) đã biến mất trước mặt đại đức Mahākappina ở Maddakucchi nơi vườn nai rồi hiện ra tại núi Gijjhakūṭa.

[154] Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “‘Đức Thế Tôn đã cho phép sự hợp nhất trong phạm vi một trú xứ,’ vậy (phạm vi của) một trú xứ là đến tận đâu?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ấn định ranh giới (sīmā). Và này các tỳ khưu, nên ấn định như vầy:

Trước tiên, các điểm mốc cần được định danh: điểm mốc là ngọn núi, điểm mốc là tảng đá, điểm mốc là khu rừng, điểm mốc là cội cây, điểm mốc là đường đi, điểm mốc là gò mối, điểm mốc là con sông, điểm mốc là vũng nước. Sau khi định danh các điểm mốc, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các điểm mốc cho toàn bộ (phạm vi) đã được định danh. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ấn định ranh giới với các điểm mốc ấy là (khu vực) đồng cộng trú chung một lễ Uposatha. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các điểm mốc cho toàn bộ (phạm vi) đã được định danh. Hội chúng ấn định ranh giới với các điểm mốc ấy là (khu vực) đồng cộng trú chung một lễ Uposatha. Đại đức nào đồng ý việc ấn định ranh giới với các điểm mốc ấy là (khu vực) đồng cộng trú chung một lễ Uposatha xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Ranh giới với các điểm mốc ấy đã được hội chúng ấn định là (khu vực) đồng cộng trú chung một lễ Uposatha. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.

[155] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cho phép việc ấn định ranh giới” rồi ấn định các ranh giới quá rộng lớn bốn do tuần (yojana),[2] năm do tuần, sáu do tuần. Các vị tỳ khưu đi (tham dự) lễ Uposatha đi đến trong khi giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng, đi đến khi vừa mới được đọc tụng xong, (hoặc) đã trú ngụ ở khoảng giữa (đường đi). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên ấn định ranh giới quá rộng lớn bốn do tuần (yojana), năm do tuần, hoặc sáu do tuần; vị nào ấn định thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép ấn định ranh giới tối đa ba do tuần.

[156] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư ấn định ranh giới đến bờ bên kia của giòng sông. Trong khi đi đến lễ Uposatha, các vị tỳ khưu đã bị cuốn trôi đi, các bình bát đã bị cuốn trôi đi, các y đã bị cuốn trôi đi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên ấn định ranh giới đến bờ bên kia của giòng sông; vị nào ấn định thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ở nơi nào có thuyền bè thường trực hoặc có cầu cố định ta cho phép ấn định ranh giới đến bờ bên kia của giòng sông theo hình thức như thế.

[157] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đọc tụng giới bổn Pātimokkha trong dãy phòng không xác định địa điểm. Các vị tỳ khưu vãng lai không biết được: “Hôm nay lễ Uposatha sẽ được thực hiện ở đâu?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha trong dãy phòng không xác định địa điểm; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện lễ Uposatha sau khi chỉ định nhà hành lễ Uposatha (Uposathāgāraṃ) tùy theo hội chúng mong muốn là trú xá (vihāraṃ), hoặc nhà một mái (aḍḍhayogaṃ), hoặc tòa nhà dài (pāsādaṃ), hoặc khu nhà lớn (hammiyaṃ), hoặc hang động (guhaṃ). Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy:

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định trú xá tên (như vầy) làm nhà hành lễ Uposatha. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định trú xá tên (như vầy) làm nhà hành lễ Uposatha. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định trú xá tên (như vầy) làm nhà hành lễ Uposatha xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Trú xá tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định làm nhà hành lễ Uposatha. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[158] Vào lúc bấy giờ, trong trú xứ nọ có hai nhà hành lễ Uposatha được chỉ định. Các tỳ khưu tụ hội ở cả hai nơi (nghĩ rằng): “Lễ Uposatha sẽ được thực hiện ở đây. Lễ Uposatha sẽ được thực hiện ở đây.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên chỉ định hai nhà hành lễ Uposatha ở trong một trú xứ; vị nào chỉ định thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép sau khi hủy bỏ một rồi thực hiện lễ Uposatha ở một nơi (còn lại). Và này các tỳ khưu nên hủy bỏ như vầy:

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên hủy bỏ nhà hành lễ Uposatha tên (như vầy). Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng hủy bỏ nhà hành lễ Uposatha tên (như vầy). Đại đức nào đồng ý việc hủy bỏ nhà hành lễ Uposatha tên (như vầy) xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Nhà hành lễ Uposatha tên (như vầy) đã được hội chúng hủy bỏ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[159] Vào lúc bấy giờ, ở trong trú xứ nọ nhà hành lễ Uposatha được ấn định quá nhỏ. Vào ngày Uposatha, đại chúng tỳ khưu đã tụ hội lại. Các vị tỳ khưu đã ngồi xuống ở khu vực không được ấn định và nghe giới bổn Pātimokkha. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Lễ Uposatha nên được thực hiện sau khi chỉ định nhà hành lễ Uposatha,’ còn chúng ta đây đã ngồi ở khu vực không được ấn định và nghe giới bổn Pātimokkha, như thế thì lễ Uposatha của chúng ta đã được thực hiện hay đã không được thực hiện?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, vị ngồi ở khu vực đã được ấn định hay không được ấn định và lắng nghe giới bổn Uposatha thì từ chỗ đó lễ Uposatha của vị ấy đã được thực hiện. Này các tỳ khưu, như thế thì hội chúng mong muốn mặt tiền của chỗ hành lễ Uposatha (Uposathamukhaṃ) rộng tới mức nào thì hội chúng hãy ấn định mặt tiền của chỗ hành lễ Uposatha rộng tới mức ấy. Và này các tỳ khưu, nên ấn định như vầy:

Trước tiên, các điểm mốc cần được định danh. Sau khi định danh các điểm mốc, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các điểm mốc cho toàn bộ (phạm vi) đã được định danh. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ấn định mặt tiền của chỗ hành lễ Uposatha với các điểm mốc ấy. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Các điểm mốc cho toàn bộ (phạm vi) đã được định danh. Hội chúng ấn định mặt tiền của chỗ hành lễ Uposatha với các điểm mốc ấy. Đại đức nào đồng ý việc ấn định mặt tiền của chỗ hành lễ Uposatha với các điểm mốc ấy xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Mặt tiền của chỗ hành lễ Uposatha với các điểm mốc ấy đã được hội chúng ấn định. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[160] Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha các vị tỳ khưu mới tu đã tụ hội trước tiên (nghĩ rằng): “Các vị trưởng lão vẫn chưa có đến” nên đã bỏ đi. Lễ Uposatha đã bị chậm trễ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các tỳ khưu trưởng lão tụ hội trước nhất vào ngày lễ Uposatha.

[161] Vào lúc bấy giờ, trong thành Rājagaha có nhiều trú xứ là cùng chung ranh giới. Các vị tỳ khưu ở đó tranh cãi rằng: “Lễ Uposatha hãy được thực hiện ở trú xứ của chúng tôi. Lễ Uposatha hãy được thực hiện ở trú xứ của chúng tôi.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trong trường hợp có nhiều trú xứ là cùng chung ranh giới và các vị tỳ khưu ở đó tranh cãi rằng: “Lễ Uposatha hãy được thực hiện ở trú xứ của chúng tôi. Lễ Uposatha hãy được thực hiện ở trú xứ của chúng tôi.” Này các tỳ khưu, toàn bộ tất cả các tỳ khưu ấy nên tụ hội lại một chỗ rồi thực hiện lễ Uposatha, nơi nào có vị tỳ khưu trưởng lão cư ngụ thì nên tụ hội ở nơi ấy rồi thực hiện lễ Uposatha. Và lễ Uposatha không được thực hiện bởi hội chúng phân theo nhóm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[162] Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākassapa từ Andhakavinda đang đi đến lễ Uposatha ở thành Rājagaha, trên đường đi trong khi vượt qua con sông[3] đã suýt bị nước cuốn trôi nên các y của vị ấy bị ướt. Các tỳ khưu đã nói với đại đức Mahākassapa điều này:

- Thưa ngài, vì sao các y của ngài bị ướt?

- Này các đại đức, trường hợp tôi từ Andhakavinda đang đi đến lễ Uposatha ở thành Rājagaha, trên đường đi trong khi vượt qua con sông tôi đã suýt bị nước cuốn trôi; vì thế các y của tôi bị ướt.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ranh giới nào đã được hội chúng ấn định là đồng cộng trú chung một lễ Uposatha thì hội chúng nên ấn định ranh giới ấy là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y (ticīvarena avippavāsaṃ).[4]Và này các tỳ khưu, nên ấn định như vầy:

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Ranh giới nào đã được hội chúng ấn định là đồng cộng trú chung một lễ Uposatha, nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ấn định ranh giới ấy là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Ranh giới nào đã được hội chúng ấn định là đồng cộng trú chung một lễ Uposatha, hội chúng ấn định ranh giới ấy là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y. Đại đức nào đồng ý việc ấn định ranh giới ấy là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Ranh giới ấy đã được hội chúng ấn định là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu (nghĩ rằng): “Sự ấn định về việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y đã được Đức Thế Tôn cho phép” nên để các y trong xóm nhà. Các y ấy bị mất, bị cháy, bị chuột gặm nhấm. Các vị tỳ khưu trở nên ăn mặc bê bối, y phục luộm thuộm. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này các đại đức, vì sao các vị ăn mặc bê bối, y phục luộm thuộm?

- Này các đại đức, trường hợp chúng tôi (nghĩ rằng): “Sự ấn định về việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y đã được Đức Thế Tôn cho phép” nên đã để các y trong xóm nhà. Các y ấy đã bị mất, đã bị cháy, đã bị chuột gặm nhấm; do đó, chúng tôi trở nên ăn mặc bê bối, y phục luộm thuộm.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ranh giới nào đã được hội chúng ấn định là đồng cộng trú chung một lễ Uposatha thì hội chúng nên ấn định ranh giới ấy là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y, ngoại trừ làng và vùng ven làng. Và này các tỳ khưu, nên ấn định như vầy:

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Ranh giới nào đã được hội chúng ấn định là đồng cộng trú chung một lễ Uposatha, nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ấn định ranh giới ấy là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y, ngoại trừ làng và vùng ven làng. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Ranh giới nào đã được hội chúng ấn định là đồng cộng trú chung một lễ Uposatha, hội chúng ấn định ranh giới ấy là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y, ngoại trừ làng và vùng ven làng. Đại đức nào đồng ý việc ấn định ranh giới ấy là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y, ngoại trừ làng và vùng ven làng xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Ranh giới ấy đã được hội chúng ấn định là không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y, ngoại trừ làng và vùng ven làng. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[163] Này các tỳ khưu, trong khi ấn định ranh giới trước tiên nên ấn định ranh giới đồng cộng trú, sau đó nên ấn định việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y. Này các tỳ khưu, trong khi hủy bỏ ranh giới trước tiên nên hủy bỏ việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y, sau đó nên hủy bỏ ranh giới đồng cộng trú. Và này các tỳ khưu, việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y nên được hủy bỏ như vầy:

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y nào đã được hội chúng ấn định, nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng hội chúng nên hủy bỏ việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y ấy. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y nào đã được hội chúng ấn định, hội chúng hủy bỏ việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y ấy. Đại đức nào đồng ý sự hủy bỏ việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y ấy xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Việc không (bị phạm tội vì) xa lìa ba y ấy đã được hội chúng hủy bỏ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Và này các tỳ khưu, ranh giới đồng cộng trú nên được hủy bỏ như vầy:

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Ranh giới nào đã được hội chúng ấn định là đồng cộng trú chung một lễ Uposatha, nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên hủy bỏ ranh giới ấy. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Ranh giới nào đã được hội chúng ấn định là đồng cộng trú chung một lễ Uposatha, hội chúng hủy bỏ ranh giới ấy. Đại đức nào đồng ý việc hủy bỏ của ranh giới đồng cộng trú chung một lễ Uposatha ấy xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Ranh giới đồng cộng trú chung một lễ Uposatha ấy đã được hội chúng hủy bỏ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[164] Này các tỳ khưu, khi ranh giới chưa được ấn định chưa được thiết lập, vị (tỳ khưu) sống nương tựa vào ngôi làng hoặc thị trấn nào, trong trường hợp ấy ranh giới làng của ngôi làng ấy hoặc ranh giới thị trấn của thị trấn ấy là (ranh giới) đồng cộng trú chung một lễ Uposatha.

Này các tỳ khưu, ở nơi không phải làng, ở trong rừng, trong trường hợp ấy (khu vực) bảy abbhantara[5] ở xung quanh là (ranh giới) đồng cộng trú chung một lễ Uposatha.

Này các tỳ khưu, toàn bộ giòng sông không phải là ranh giới, toàn bộ biển cả không phải là ranh giới, toàn bộ hồ thiên nhiên không phải là ranh giới. Này các tỳ khưu, trong giòng sông, trong biển cả, trong hồ thiên nhiên, trong trường hợp ấy (khu vực) do việc ném nước ra xung quanh của người đàn ông (có sức mạnh) trung bình là (ranh giới) đồng cộng trú chung một lễ Uposatha.

[165] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư làm ranh giới (mới) gối lên ranh giới (đã có). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ranh giới của các vị nào đã được ấn định trước, ranh giới ấy của các vị ấy là đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì. Này các tỳ khưu, ranh giới của các vị nào được ấn định sau, ranh giới ấy của các vị ấy là sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng duy trì. Này các tỳ khưu, không nên làm ranh giới (mới) gối lên ranh giới (đã có); vị nào làm gối lên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư làm ranh giới (mới) trùm lên ranh giới (đã có). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ranh giới của các vị nào đã được ấn định trước, ranh giới ấy của các vị ấy là đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì. Này các tỳ khưu, ranh giới của các vị nào được ấn định sau, ranh giới ấy của các vị ấy là sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng duy trì. Này các tỳ khưu, không nên làm ranh giới (mới) trùm lên ranh giới (đã có); vị nào làm trùm lên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép vị ấn định ranh giới được ấn định ranh giới sau khi đã chừa ra khoảng cách giữa các ranh giới.[6]

[166] Sau đó, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Có bao nhiêu lễ Uposatha?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, đây là hai lễ Uposatha: Lễ ngày mười bốn và lễ ngày mười lăm. Này các tỳ khưu, đây là hai lễ Uposatha.

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Có bao nhiêu hành sự Uposatha?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, đây là bốn hành sự Uposatha: Hành sự Uposatha sai Pháp theo phe nhóm, hành sự Uposatha sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự Uposatha đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự Uposatha đúng Pháp có sự hợp nhất.

Này các tỳ khưu, trường hợp này tức là hành sự Uposatha sai Pháp theo phe nhóm, này các tỳ khưu, không nên thực hiện hành sự Uposatha có hình thức như thế và hành sự Uposatha có hình thức như thế không được ta cho phép.

Này các tỳ khưu, trường hợp này tức là hành sự Uposatha sai Pháp có sự hợp nhất, này các tỳ khưu, không nên thực hiện hành sự Uposatha có hình thức như thế và hành sự Uposatha có hình thức như thế không được ta cho phép.

Này các tỳ khưu, trường hợp này tức là hành sự Uposatha đúng Pháp theo phe nhóm, này các tỳ khưu, không nên thực hiện hành sự Uposatha có hình thức như thế và hành sự Uposatha có hình thức như thế không được ta cho phép.

Này các tỳ khưu, trường hợp này tức là hành sự Uposatha đúng Pháp có sự hợp nhất, này các tỳ khưu, nên thực hiện hành sự Uposatha có hình thức như thế và hành sự Uposatha có hình thức như thế được ta cho phép. Này các tỳ khưu, do đó ở đây chúng ta sẽ thực hiện hành sự Uposatha có hình thức như thế tức là “Đúng Pháp có sự hợp nhất.” Này các tỳ khưu, các ngươi nên học tập theo đúng như thế.

[167] Sau đó, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Có bao nhiêu cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, đây là năm cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha: Sau khi đọc tụng phần mở đầu (nidānaṃ), nên thông báo phần còn lại bằng cách đã được nghe; đây là cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha thứ nhất. Sau khi đọc tụng phần mở đầu, sau khi đọc tụng bốn điều pārājika (bất cộng trụ), nên thông báo phần còn lại bằng cách đã được nghe; đây là cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha thứ hai. Sau khi đọc tụng phần mở đầu, sau khi đọc tụng bốn điều pārājika, sau khi đọc tụng mười ba điều saṅghādisesa (tăng tàng), nên thông báo phần còn lại bằng cách đã được nghe; đây là cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha thứ ba. Sau khi đọc tụng phần mở đầu, sau khi đọc tụng bốn điều pārājika, sau khi đọc tụng mười ba điều saṅghādisesa, sau khi đọc tụng hai điều aniyata (bất định), nên thông báo phần còn lại bằng cách đã được nghe; đây là cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha thứ tư. (Đọc tụng) một cách đầy đủ là cách thứ năm. Này các tỳ khưu, đây là năm cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha.

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cho phép cách đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt” rồi mọi lúc đều đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ trong nước Kosala vào ngày Uposatha có sự nguy hiểm vì đám lục lâm. Các vị tỳ khưu không thể đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách đầy đủ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt khi có sự nguy hiểm.

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt ngay cả khi không có sự nguy hiểm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt khi không có sự nguy hiểm; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt khi có sự nguy hiểm. Trong trường hợp ấy, đây là mười sự nguy hiểm: Sự nguy hiểm từ đức vua, sự nguy hiểm vì trộm cướp, sự nguy hiểm vì hỏa hoạn, sự nguy hiểm vì nước ngập, sự nguy hiểm vì loài người, sự nguy hiểm vì phi nhân, sự nguy hiểm vì thú dữ, sự nguy hiểm vì rắn, sự nguy hiểm cho mạng sống, sự nguy hiểm cho Phạm hạnh. Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt trong những (trường hợp) nguy hiểm có hình thức như thế và (đọc tụng giới bổn Pātimokkha) một cách đầy đủ khi không có sự nguy hiểm.

[168] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư thuyết Pháp ở giữa hội chúng khi không được thỉnh mời. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, vị không được thỉnh mời không nên thuyết Pháp ở giữa hội chúng; vị nào thuyết Pháp thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu trưởng lão đích thân thuyết Pháp hoặc thỉnh mời vị khác.

[169] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư khi chưa được chỉ định vẫn hỏi Luật ở giữa hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, vị không được chỉ định không nên hỏi Luật ở giữa hội chúng; vị nào hỏi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép vị được chỉ định hỏi Luật ở giữa hội chúng. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Tự mình chỉ định cho chính mình, hoặc người khác chỉ định cho người khác.

Thế nào là tự mình chỉ định cho chính mình?

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ hỏi vị tên (như vầy) về Luật.

Như vậy là tự mình chỉ định cho chính mình.

Thế nào là người khác chỉ định cho người khác?

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, vị tên (như vầy) sẽ hỏi vị tên (như vầy) về Luật.

Như vậy là người khác chỉ định cho người khác.

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu hiền thiện đã được chỉ định rồi hỏi Luật ở giữa hội chúng. Các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư có sự giận dữ, có sự không hài lòng, hăm dọa hãm hại. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đã được chỉ định quan sát tập thể và cân nhắc từng cá nhân rồi mới hỏi Luật ở giữa hội chúng.

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư trả lời về Luật ở giữa hội chúng khi không được chỉ định. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, vị không được chỉ định không nên trả lời về Luật ở giữa hội chúng; vị nào trả lời thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đã được chỉ định trả lời về Luật ở giữa hội chúng. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy: Tự mình chỉ định cho chính mình, hoặc người khác chỉ định cho người khác.

Thế nào là tự mình chỉ định cho chính mình?

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, tôi sẽ trả lời khi được vị tên (như vầy) hỏi về Luật.

Như vậy là tự mình chỉ định cho chính mình.

Thế nào là người khác chỉ định cho người khác?

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

- Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, vị tên (như vầy) sẽ trả lời khi được vị tên (như vầy) hỏi về Luật.

Như vậy là người khác chỉ định cho người khác.

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu hiền thiện đã được chỉ định rồi trả lời Luật ở giữa hội chúng. Các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư có sự giận dữ, có sự không hài lòng, hăm dọa hãm hại. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đã được chỉ định quan sát tập thể và cân nhắc từng cá nhân rồi mới trả lời về Luật ở giữa hội chúng.

[170] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư buộc tội vị tỳ khưu chưa được thỉnh ý trước (anokāsakataṃ). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên buộc tội vị tỳ khưu chưa được thỉnh ý trước; vị nào buộc tội thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc tội sau khi đã thỉnh ý trước rằng: “Này đại đức, hãy cho phép. Tôi muốn nói với ngài.”[7]

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu thỉnh ý trước các tỳ khưu nhóm Lục Sư rồi buộc tội. Các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư có sự giận dữ, có sự không hài lòng, hăm dọa hãm hại. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, mặc dầu đã thỉnh ý trước ta cho phép cân nhắc về nhân vật (ấy) rồi mới buộc tội.

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Các vị tỳ khưu hiền thiện (sẽ) thỉnh ý chúng ta trước tiên” liền tiến hành trước và thỉnh ý (để buộc tội) các vị tỳ khưu trong sạch không phạm tội khi không có sự việc, không có nguyên do. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên thỉnh ý (để buộc tội) các vị tỳ khưu trong sạch không phạm tội khi không có sự việc, không có nguyên do; vị nào thỉnh ý thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép cân nhắc về nhân vật (ấy) trước rồi mới thỉnh ý (để buộc tội).

[171] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư thực hiện hành sự sai Pháp ở giữa hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên thực hiện hành sự sai Pháp ở giữa hội chúng; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Các vị vẫn thực hiện hành sự sai Pháp. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trong khi hành sự sai Pháp đang được tiến hành, ta cho phép phản đối.

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu hiền thiện phản đối trong khi hành sự sai Pháp đang được tiến hành bởi các tỳ khưu nhóm Lục Sư. Các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư có sự giận dữ, có sự không hài lòng, hăm dọa hãm hại. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép bày tỏ quan điểm.

Các vị bày tỏ quan điểm trong sự hiện diện của chính các vị ấy. Các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư có sự giận dữ, có sự không hài lòng, hăm dọa hãm hại. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép phản đối với bốn năm vị, bày tỏ quan điểm với hai ba vị, còn một vị thì khẳng định rằng: “Tôi không đồng ý việc này.”

[172] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư trong lúc đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở giữa hội chúng cố ý không cho nghe được. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha không nên cố ý làm cho không nghe được; vị nào làm cho không nghe được thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, đại đức Udāyi là vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha của hội chúng có giọng (nói) như loài quạ. Khi ấy, đại đức Udāyi đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nên làm cho nghe được,’ còn ta có giọng (nói) như loài quạ, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đọc tụng giới bổn Pātimokkha nỗ lực (nghĩ rằng): “Bằng cách nào ta có thể làm cho (các vị) nghe được?” Đối với vị đang nỗ lực thì vô tội.

[173] Vào lúc bấy giờ, Devadatta đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở hội chúng có sự hiện diện của cư sĩ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở hội chúng có sự hiện diện của cư sĩ; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[174] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở giữa hội chúng dầu không được mời thỉnh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, vị không được mời thỉnh không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha ở giữa hội chúng; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép giới bổn Pātimokkha là trách nhiệm của vị trưởng lão.

Dứt tụng phẩm “Ngoại Đạo” là thứ mười một.

[175] Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích đức Thế Tôn đã ra đi du hành đến Codanāvatthu. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến Codanāvatthu.

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ có nhiều vị tỳ khưu cư ngụ. Ở đó, vị tỳ khưu trưởng lão là ngu dốt thiếu kinh nghiệm. Vị ấy không biết lễ Uposatha, hoặc là hành sự Uposatha, hoặc là giới bổn Pātimokkha, hoặc là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Giới bổn Pātimokkha là trách nhiệm của vị trưởng lão,’ và vị trưởng lão này của chúng ta thì ngu dốt thiếu kinh nghiệm không biết lễ Uposatha, hoặc là hành sự Uposatha, hoặc là giới bổn Pātimokkha, hoặc là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha, vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ở nơi đó vị tỳ khưu nào có kinh nghiệm, đủ năng lực thì giới bổn Pātimokkha là trách nhiệm của vị ấy.

[176] Vào lúc bấy giờ, vào ngày lễ Uposatha tại trú xứ nọ có nhiều vị tỳ khưu ngu dốt thiếu kinh nghiệm cư ngụ. Các vị ấy không biết lễ Uposatha, hoặc là hành sự Uposatha, hoặc là giới bổn Pātimokkha, hoặc là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Các vị ấy đã thỉnh mời vị trưởng lão rằng:

- Thưa ngài, xin trưởng lão hãy đọc tụng giới bổn Pātimokkha.

Vị ấy đã nói như vầy:

- Này các đại đức, tôi không làm được.

Các vị đã thỉnh mời vị trưởng lão thứ nhì:

- Thưa ngài, xin trưởng lão hãy đọc tụng giới bổn Pātimokkha.

Vị ấy cũng đã nói như vầy:

- Này các đại đức, tôi không làm được.

Các vị đã thỉnh mời vị trưởng lão thứ ba:

- Thưa ngài, xin trưởng lão hãy đọc tụng giới bổn Pātimokkha.

Vị ấy cũng đã nói như vầy:

- Này các đại đức, tôi không làm được.

Bằng chính phương thức ấy, các vị đã thỉnh mời đến vị mới tu của hội chúng:

- Xin đại đức hãy đọc tụng giới bổn Pātimokkha.

Vị ấy cũng đã nói như vầy:

- Thưa các ngài, tôi không làm được.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Uposatha tại trú xứ nọ có nhiều vị tỳ khưu ngu dốt thiếu kinh nghiệm cư ngụ. Các vị ấy không biết lễ Uposatha, hoặc là hành sự Uposatha, hoặc là giới bổn Pātimokkha, hoặc là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Các vị ấy thỉnh mời vị trưởng lão rằng: “Thưa ngài, xin trưởng lão hãy đọc tụng giới bổn Pātimokkha.” Vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không làm được.” Các vị thỉnh mời vị trưởng lão thứ nhì: “Thưa ngài, xin trưởng lão hãy đọc tụng giới bổn Pātimokkha.” Vị ấy cũng nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không làm được.” Các vị thỉnh mời vị trưởng lão thứ ba: “Thưa ngài, xin trưởng lão hãy đọc tụng giới bổn Pātimokkha.” Vị ấy cũng nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không làm được.” Bằng chính phương thức ấy, các vị thỉnh mời đến vị mới tu của hội chúng: “Xin đại đức hãy đọc tụng giới bổn Pātimokkha.” Vị ấy cũng nói như vầy: “Thưa các ngài, tôi không làm được.” Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy ngay trong hôm ấy nên phái một vị tỳ khưu đi đến trú xứ lân cận (bảo rằng): “Này đại đức, hãy đi và học thuộc lòng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt hoặc đầy đủ rồi trở về.”

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Người nào nên được phái đi?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu trưởng lão ra lệnh cho vị tỳ khưu mới tu.

Dầu được ra lệnh bởi vị trưởng lão, các vị tỳ khưu mới tu vẫn không đi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, khi được ra lệnh bởi vị trưởng lão, vị không bệnh không nên không đi; vị nào không đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[177] Sau đó, khi đã ngự tại Codanāvatthu theo như ý thích đức Thế Tôn đã quay trở vể lại thành Rājagaha.

Vào lúc bấy giờ, dân chúng hỏi các vị tỳ khưu đang đi khất thực rằng:

- Thưa ngài, là ngày thứ mấy của nửa tháng?

Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này các đạo hữu, chúng tôi không biết.

Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Các sa-môn Thích tử này không biết đến việc tính toán (ngày) của nửa tháng thì những người này còn biết được điều tốt đẹp gì khác nữa đây?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép học cách tính toán (ngày) của nửa tháng.

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Vị nào nên học cách tính toán (ngày) của nửa tháng?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép toàn bộ tất cả đều học cách tính toán (ngày) của nửa tháng.

Vào lúc bấy giờ, dân chúng hỏi các vị tỳ khưu đang đi khất thực rằng:

- Thưa ngài, có đến bao nhiêu vị tỳ khưu?

Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này các đạo hữu, chúng tôi không biết.

Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Các sa-môn Thích tử này không biết lẫn nhau thì những người này còn biết được điều tốt đẹp gì khác nữa đây?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đếm số các vị tỳ khưu.

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Khi nào thì nên đếm số các vị tỳ khưu?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đếm số vào ngày lễ Uposatha bằng cách gọi tên hoặc rút thẻ.

[178] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu không biết: “Hôm nay là ngày lễ Uposatha” nên đi khất thực ở làng xa. Các vị ấy trở lại trong khi giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng, các vị trở lại khi giới bổn Pātimokkha vừa mới đọc tụng xong. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thông báo: “Hôm nay là ngày lễ Uposatha.”

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Nên được thông báo bởi vị nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu trưởng lão thông báo vào sáng sớm.

Vào lúc bấy giờ, có vị trưởng lão nọ vào sáng sớm đã không nhớ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thông báo vào lúc thọ thực.

Ngay cả khi thọ thực, vị ấy đã không nhớ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép lúc nào nhớ thì thông báo vào lúc ấy.

[179] Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ nhà hành lễ Uposatha bị dơ bẩn. Các tỳ khưu vãng lai phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu lại không quét nhà hành lễ Uposatha?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép quét nhà hành lễ Uposatha.

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Ai nên quét nhà hành lễ Uposatha?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu trưởng lão ra lệnh cho vị tỳ khưu mới tu.

Được ra lệnh bởi vị trưởng lão, các vị tỳ khưu mới tu vẫn không quét. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, khi được ra lệnh bởi vị trưởng lão, vị không bệnh không nên không quét; vị nào không quét thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, chỗ ngồi không được sắp đặt trong nhà hành lễ Uposatha. Các tỳ khưu ngồi trên nền nhà. Các phần thân thể và các y bị dơ bẩn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép sắp đặt chỗ ngồi trong nhà hành lễ Uposatha.

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Ai nên sắp đặt chỗ ngồi trong nhà hành lễ Uposatha?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu trưởng lão ra lệnh cho vị tỳ khưu mới tu.

Được ra lệnh bởi vị trưởng lão, các vị tỳ khưu mới tu vẫn không sắp đặt chỗ ngồi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, khi được ra lệnh bởi vị trưởng lão, vị không bệnh không nên không sắp đặt; vị nào không sắp đặt thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, trong nhà hành lễ Uposatha không có đèn. Trong bóng tối, các vị tỳ khưu đạp nhầm cơ thể và y. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thắp sáng đèn trong nhà hành lễ Uposatha.

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Ai nên thắp sáng đèn trong nhà hành lễ Uposatha?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu trưởng lão ra lệnh cho vị tỳ khưu mới tu.

Được ra lệnh bởi vị trưởng lão, các vị tỳ khưu mới tu vẫn không thắp sáng đèn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, khi được ra lệnh bởi vị trưởng lão, vị không bệnh không nên không thắp sáng đèn; vị nào không thắp sáng đèn thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[8]Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ các tỳ khưu thường trú không cung ứng nước uống, không cung ứng nước rửa. Các tỳ khưu vãng lai phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu thường trú lại không cung ứng nước uống, không cung ứng nước rửa?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cung ứng nước uống, nước rửa.

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Ai nên cung ứng nước uống, nước rửa?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu trưởng lão ra lệnh cho vị tỳ khưu mới tu.

Được ra lệnh bởi vị trưởng lão, các vị tỳ khưu mới tu vẫn không cung ứng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, khi được ra lệnh bởi vị trưởng lão, vị không bệnh không nên không cung ứng; vị nào không cung ứng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[180] Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu ngu dốt, thiếu kinh nghiệm lên đường đi xa đã không xin phép các vị thầy tế độ và thầy dạy học. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp nhiều vị tỳ khưu ngu dốt, thiếu kinh nghiệm lên đường đi xa không xin phép các vị thầy tế độ và thầy dạy học. Này các tỳ khưu, các vị thầy tế độ và thầy dạy học nên hỏi các vị ấy rằng: “Các ngươi sẽ đi đâu? Các ngươi sẽ đi với ai?” Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu ngu dốt, thiếu kinh nghiệm ấy nêu lên các vị ngu dốt, thiếu kinh nghiệm khác, này các tỳ khưu, các vị thầy tế độ và thầy dạy học không nên cho phép; nếu các vị cho phép thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu ngu dốt, thiếu kinh nghiệm ấy khi không được các vị thầy tế độ và thầy dạy học cho phép mà vẫn đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp nhiều vị tỳ khưu ngu dốt, thiếu kinh nghiệm sống tại trú xứ nọ. Các vị ấy không biết lễ Uposatha, hoặc là hành sự Uposatha, hoặc là giới bổn Pātimokkha, hoặc là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Nơi ấy có vị tỳ khưu khác đi đến là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nọ nên được các vị tỳ khưu ấy tiếp đón nồng hậu, nên được quan tâm, nên được chăm sóc, nên được cung ứng bột tắm, đất sét (để tắm), gỗ chà răng, nước rửa mặt. Nếu các vị không tiếp đón nồng hậu, quan tâm, chăm sóc, cung ứng bột tắm, đất sét (để tắm), gỗ chà răng, nước rửa mặt thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp nhiều vị tỳ khưu ngu dốt, thiếu kinh nghiệm sống tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha. Các vị ấy không biết lễ Uposatha, hoặc là hành sự Uposatha, hoặc là giới bổn Pātimokkha, hoặc là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy ngay trong hôm ấy nên phái một vị tỳ khưu đi đến trú xứ lân cận (bảo rằng): “Này đại đức, hãy đi và học thuộc lòng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt hoặc đầy đủ rồi trở về.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì nơi nào có các vị biết về lễ Uposatha, hoặc là hành sự Uposatha, hoặc là giới bổn Pātimokkha, hoặc là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha, toàn bộ tất cả các vị tỳ khưu ấy nên đi đến trú xứ ấy, nếu các vị không đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp nhiều vị tỳ khưu ngu dốt, thiếu kinh nghiệm cư trú mùa mưa tại trú xứ nọ. Các vị ấy không biết lễ Uposatha, hoặc là hành sự Uposatha, hoặc là giới bổn Pātimokkha, hoặc là việc đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy ngay trong hôm ấy nên phái một vị tỳ khưu đi đến trú xứ lân cận (bảo rằng): “Này đại đức, hãy đi và học thuộc lòng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt hoặc đầy đủ rồi trở về.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì nên phái đi một vị tỳ khưu trong thời hạn bảy ngày (bảo rằng): “Này đại đức, hãy đi và học thuộc lòng giới bổn Pātimokkha một cách tóm tắt hoặc đầy đủ rồi trở về.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì các tỳ khưu ấy không nên cư trú mùa mưa tại trú xứ ấy. Nếu các vị ấy cư trú thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

 [181] Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, hãy tụ hội lại, hội chúng sẽ thực hiện lễ Uposatha.

Khi được nói như thế, có vị tỳ khưu nọ đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, có vị tỳ khưu bị bệnh. Vị ấy không đến.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu bị bệnh được bày tỏ sự trong sạch. Và này các tỳ khưu, nên bày tỏ như vầy: Vị tỳ khưu bị bệnh ấy nên đi đến gặp một vị tỳ khưu, nên đắp thượng y một bên vai, nên ngồi chồm hổm, chắp tay lên và nên nói như vầy: “Tôi xin bày tỏ sự trong sạch. Hãy chuyển đạt sự trong sạch của tôi. Hãy thông báo về sự trong sạch của tôi.”

(Nếu) vị ấy thể hiện bằng thân, thể hiện bằng lời nói, thể hiện bằng thân và lời nói, thì sự trong sạch đã được bày tỏ. (Nếu) vị ấy không thể hiện bằng thân, không thể hiện bằng lời nói, không thể hiện bằng thân và lời nói, thì sự trong sạch đã không được bày tỏ. Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì nên dùng cái giường hoặc cái ghế khiêng vị tỳ khưu bị bệnh ấy đến giữa hội chúng rồi thực hiện lễ Uposatha. Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu chăm sóc bệnh khởi ý như vầy: “Nếu chúng ta di chuyển vị bị bệnh dời khỏi chỗ thì bệnh sẽ trầm trọng hơn hoặc sẽ gây tử vong,” này các tỳ khưu, không nên di chuyển vị bị bệnh dời khỏi chỗ. Hội chúng nên đi đến và thực hiện lễ Uposatha ở nơi ấy. Nhưng không nên thực hiện lễ Uposatha bởi hội chúng theo phe nhóm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, khi sự trong sạch đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt sự trong sạch từ chính chỗ ấy bỏ đi (nơi khác) thì sự trong sạch nên được bày tỏ đến vị khác. Này các tỳ khưu, khi sự trong sạch đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt sự trong sạch ngay tại chỗ ấy hoàn tục, từ trần, được biết là vị (xuống lại) sa di, được biết là người đã từ bỏ điều học, được biết là vị phạm tội cực nặng, được biết là vị bị điên, được biết là bị loạn trí, được biết là bị thọ khổ hành hạ, được biết là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, được biết là kẻ vô căn, được biết là kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), được biết là kẻ đã chuyển sang ngoại đạo, được biết là loài thú, được biết là kẻ giết mẹ, được biết là kẻ giết cha, được biết là kẻ giết A-la-hán, được biết là kẻ làm nhơ nhớp tỳ khưu ni, được biết là kẻ chia rẽ hội chúng, được biết là kẻ làm chảy máu đức Phật, được biết là kẻ lưỡng căn thì sự trong sạch nên được bày tỏ đến vị khác.

Này các tỳ khưu, khi sự trong sạch đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt sự trong sạch ở khoảng giữa đường lại bỏ đi (nơi khác) thì sự trong sạch vẫn chưa được chuyển đạt. Này các tỳ khưu, khi sự trong sạch đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt sự trong sạch ở khoảng giữa đường lại hoàn tục, từ trần, ...(như trên)..., được biết là kẻ lưỡng căn thì sự trong sạch vẫn chưa được chuyển đạt.

Này các tỳ khưu, khi sự trong sạch đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt sự trong sạch đã đến được hội chúng rồi bỏ đi (nơi khác) thì sự trong sạch đã được chuyển đạt. Này các tỳ khưu, khi sự trong sạch đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt sự trong sạch đã đến được hội chúng rồi hoàn tục, từ trần, ...(như trên)..., được biết là kẻ lưỡng căn thì sự trong sạch đã được chuyển đạt.

Này các tỳ khưu, khi sự trong sạch đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt sự trong sạch đã đến được hội chúng rồi ngủ quên nên không thông báo, rồi lơ đễnh nên không thông báo, rồi nhập định nên không thông báo thì sự trong sạch đã được chuyển đạt. Vị chuyển đạt sự trong sạch không bị phạm tội.

Này các tỳ khưu, khi sự trong sạch đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt sự trong sạch đã đến được hội chúng rồi cố ý không thông báo thì sự trong sạch đã được chuyển đạt và vị chuyển đạt sự trong sạch bị phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[182] Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, hãy tụ hội lại, hội chúng sẽ thực hiện hành sự.

Khi được nói như thế, có vị tỳ khưu nọ đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, có vị tỳ khưu bị bệnh. Vị ấy không đến.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu bị bệnh được trao ra sự tùy thuận. Và này các tỳ khưu, nên trao ra như vầy: Vị tỳ khưu bị bệnh ấy nên đi đến gặp một vị tỳ khưu, nên đắp thượng y một bên vai, nên ngồi chồm hổm, chắp tay lên và nên nói như vầy: “Tôi xin trao ra sự tùy thuận. Hãy chuyển đạt sự tùy thuận của tôi. Hãy thông báo về sự tùy thuận của tôi.”

(Nếu) vị ấy thể hiện bằng thân, thể hiện bằng lời nói, thể hiện bằng thân và lời nói, thì sự tùy thuận đã được trao ra. (Nếu) vị ấy không thể hiện bằng thân, không thể hiện bằng lời nói, không thể hiện bằng thân và lời nói, thì sự tùy thuận đã không được trao ra. Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì nên dùng cái giường hoặc cái ghế khiêng vị tỳ khưu bị bệnh ấy đến giữa hội chúng rồi thực hiện hành sự. Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu chăm sóc bệnh khởi ý như vầy: “Nếu chúng ta di chuyển vị bị bệnh dời khỏi chỗ thì bệnh sẽ trầm trọng hơn hoặc sẽ gây tử vong,” này các tỳ khưu, không nên di chuyển vị bị bệnh dời khỏi chỗ. Hội chúng nên đi đến và thực hiện hành sự ở nơi ấy. Nhưng không nên thực hiện hành sự bởi hội chúng theo phe nhóm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, khi sự tùy thuận đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự tùy thuận từ chính chỗ ấy bỏ đi (nơi khác) thì sự tùy thuận nên được trao ra đến vị khác. Này các tỳ khưu, khi sự tùy thuận đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự tùy thuận ngay tại chỗ ấy hoàn tục, từ trần, được biết là vị (xuống lại) sa di, được biết là người đã từ bỏ điều học, được biết là vị phạm tội cực nặng, được biết là vị bị điên, được biết là bị loạn trí, được biết là bị thọ khổ hành hạ, được biết là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, được biết là kẻ vô căn, được biết là kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), được biết là kẻ đã chuyển sang ngoại đạo, được biết là loài thú, được biết là kẻ giết mẹ, được biết là kẻ giết cha, được biết là kẻ giết A-la-hán, được biết là kẻ làm nhơ nhớp tỳ khưu ni, được biết là kẻ chia rẽ hội chúng, được biết là kẻ làm chảy máu đức Phật, được biết là kẻ lưỡng căn thì sự tùy thuận nên được trao ra đến vị khác.

Này các tỳ khưu, khi sự tùy thuận đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự tùy thuận ở khoảng giữa đường lại bỏ đi (nơi khác) thì sự tùy thuận vẫn chưa được chuyển đạt. Này các tỳ khưu, khi sự tùy thuận đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự tùy thuận ở khoảng giữa đường lại hoàn tục, từ trần, ...(như trên)..., được biết là kẻ lưỡng căn thì sự tùy thuận vẫn chưa được chuyển đạt.

Này các tỳ khưu, khi sự tùy thuận đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự tùy thuận đã đến được hội chúng rồi bỏ đi (nơi khác) thì sự tùy thuận đã được chuyển đạt. Này các tỳ khưu, khi sự tùy thuận đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự tùy thuận đã đến được hội chúng rồi hoàn tục, từ trần, ...(như trên)..., được biết là kẻ lưỡng căn thì sự tùy thuận đã được chuyển đạt.

Này các tỳ khưu, khi sự tùy thuận đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự tùy thuận đã đến được hội chúng rồi ngủ quên nên không thông báo, rồi lơ đễnh nên không thông báo, rồi nhập định nên không thông báo thì sự tùy thuận đã được chuyển đạt. Vị chuyển đạt sự tùy thuận không bị phạm tội.

Này các tỳ khưu, khi sự tùy thuận đã được trao ra, nếu vị chuyển đạt sự tùy thuận đã đến được hội chúng rồi cố ý không thông báo thì sự tùy thuận đã được chuyển đạt và vị chuyển đạt sự tùy thuận bị phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, ta cho phép vào ngày lễ Uposatha vị bày tỏ sự trong sạch (đồng thời) trao ra sự tùy thuận (phòng khi) hội chúng có hành sự cần được thực hiện.

[183] Vào lúc bấy giờ, nhằm ngày lễ Uposatha các thân quyến đã cầm giữ lại vị tỳ khưu nọ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Uposatha các thân quyến cầm giữ vị tỳ khưu lại. Các thân quyến ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài,[9]các ngài hãy trả tự do cho vị tỳ khưu này trong chốc lát đến khi nào vị tỳ khưu này thực hiện lễ Uposatha xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), các thân quyến ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy tránh sang một bên trong chốc lát đến khi nào vị tỳ khưu này bày tỏ sự trong sạch xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), các thân quyến ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy dẫn vị tỳ khưu này ra khỏi ranh giới trong chốc lát đến khi nào hội chúng thực hiện lễ Uposatha xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), vẫn không nên thực hiện lễ Uposatha bởi hội chúng theo phe nhóm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Uposatha các đức vua cầm giữ vị tỳ khưu lại. ...(như trên)... Các kẻ trộm cướp cầm giữ ...(như trên)... Những kẻ bất lương cầm giữ ...(như trên)... Những kẻ đối nghịch tỳ khưu cầm giữ vị tỳ khưu lại. Những kẻ đối nghịch tỳ khưu ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy trả tự do cho vị tỳ khưu này trong chốc lát đến khi nào vị tỳ khưu này thực hiện lễ Uposatha xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), những kẻ đối nghịch tỳ khưu ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy tránh sang một bên trong chốc lát đến khi nào vị tỳ khưu này bày tỏ sự trong sạch xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không thể đạt được (như thế), những kẻ đối nghịch tỳ khưu ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy dẫn vị tỳ khưu này ra khỏi ranh giới trong chốc lát đến khi nào hội chúng thực hiện lễ Uposatha xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không thể đạt được (như thế), vẫn không nên thực hiện lễ Uposatha bởi hội chúng theo phe nhóm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[184] Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, hãy tụ hội lại, hội chúng có việc cần phải làm.

Khi được nói như thế, có vị tỳ khưu nọ đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, có vị tỳ khưu tên Gagga bị điên. Vị ấy không đến.

- Này các tỳ khưu, đây là hai trường hợp bị điên. Có vị tỳ khưu điên có khi nhớ đến lễ Uposatha có khi không nhớ, có khi nhớ đến hành sự của hội chúng có khi không nhớ; và có vị hoàn toàn không nhớ. (Có vị) có khi đi đến lễ Uposatha có khi không đi đến, có khi đi đến hành sự của hội chúng có khi không đi đến; và có vị không bao giờ đi đến. Này các tỳ khưu, trường hợp vị bị điên nào có khi nhớ đến lễ Uposatha có khi không nhớ, có khi nhớ đến hành sự của hội chúng có khi không nhớ, có khi đi đến lễ Uposatha có khi không đi đến, có khi đi đến hành sự của hội chúng có khi không đi đến; này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho sự đồng ý về bệnh điên đến vị bị điên có hình thức như thế. Và này các tỳ khưu, nên ban cho như vầy:

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Gagga này bị điên có khi nhớ đến lễ Uposatha có khi không nhớ, có khi nhớ đến hành sự của hội chúng có khi không nhớ, có khi đi đến lễ Uposatha có khi không đi đến, có khi đi đến hành sự của hội chúng có khi không đi đến. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên ban cho sự đồng ý về bệnh điên đến tỳ khưu Gagga là vị bị điên. Vị tỳ khưu Gagga có thể nhớ đến lễ Uposatha hoặc có thể không nhớ, có thể nhớ đến hành sự của hội chúng hoặc có thể không nhớ, có thể đi đến lễ Uposatha hoặc có thể không đi đến, có thể đi đến hành sự của hội chúng hoặc có thể không đi đến; hội chúng dầu có Gagga hay không có Gagga vẫn nên thực hiện lễ Uposatha, vẫn nên thực hiện hành sự của hội chúng. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Tỳ khưu Gagga này bị điên có khi nhớ đến lễ Uposatha có khi không nhớ, có khi nhớ đến hành sự của hội chúng có khi không nhớ, có khi đi đến lễ Uposatha có khi không đi đến, có khi đi đến hành sự của hội chúng có khi không đi đến. Hội chúng ban cho sự đồng ý về bệnh điên đến tỳ khưu Gagga là vị bị điên. Vị tỳ khưu Gagga có thể nhớ đến lễ Uposatha hoặc có thể không nhớ, có thể nhớ đến hành sự của hội chúng hoặc có thể không nhớ, có thể đi đến lễ Uposatha hoặc có thể không đi đến, có thể đi đến hành sự của hội chúng hoặc có thể không đi đến; hội chúng dầu có Gagga hay không có Gagga sẽ thực hiện lễ Uposatha, sẽ thực hiện hành sự của hội chúng. Đại đức nào đồng ý việc ban cho sự đồng ý về bệnh điên đến tỳ khưu Gagga là vị bị điên. Vị tỳ khưu Gagga có thể nhớ đến lễ Uposatha hoặc có thể không nhớ, có thể nhớ đến hành sự của hội chúng hoặc có thể không nhớ, có thể đi đến lễ Uposatha hoặc có thể không đi đến, có thể đi đến hành sự của hội chúng hoặc có thể không đi đến; hội chúng dầu có Gagga hay không có Gagga sẽ thực hiện lễ Uposatha, sẽ thực hiện hành sự của hội chúng xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Sự đồng ý về bệnh điên đã được hội chúng ban đến tỳ khưu Gagga là vị bị điên.Vị tỳ khưu Gagga có thể nhớ đến lễ Uposatha hoặc có thể không nhớ, có thể nhớ đến hành sự của hội chúng hoặc có thể không nhớ, có thể đi đến lễ Uposatha hoặc có thể không đi đến, có thể đi đến hành sự của hội chúng hoặc có thể không đi đến; hội chúng dầu có Gagga hay không có Gagga sẽ thực hiện lễ Uposatha, sẽ thực hiện hành sự của hội chúng. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[185] Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có bốn vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Nên tiến hành lễ Uposatha’ và chúng ta là bốn người, vậy chúng ta nên thực hiện lễ Uposatha như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha đối với bốn vị.

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có ba vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha đối với bốn vị và chúng ta là ba người, vậy chúng ta nên thực hiện lễ Uposatha như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện lễ Uposatha (bằng cách bày tỏ) sự trong sạch với nhau đối với ba vị. Và này các tỳ khưu, nên thực hiện như vầy:

Các vị tỳ khưu ấy cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Xin các đại đức hãy lắng nghe tôi, hôm nay là ngày lễ Uposatha vào ngày mười lăm. Nếu là thời điểm thích hợp cho các đại đức, chúng ta nên thực hiện lễ Uposatha (bằng cách bày tỏ) sự trong sạch với nhau.”

Vị tỳ khưu trưởng lão nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với các vị tỳ khưu ấy như vầy:

Này các sư đệ, tôi được trong sạch, các vị hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’

Này các sư đệ, tôi được trong sạch, các vị hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’

Này các sư đệ, tôi được trong sạch, các vị hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’”

Vị tỳ khưu mới tu nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với các vị tỳ khưu ấy như vầy:

Bạch các ngài, tôi được trong sạch, các vị hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’

Bạch các ngài, tôi được trong sạch, các vị hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’

Bạch các ngài, tôi được trong sạch, các vị hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có hai vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha đối với bốn vị, (cho phép) thực hiện lễ Uposatha (bằng cách bày tỏ) sự trong sạch với nhau đối với ba vị và chúng ta là hai người, vậy chúng ta nên thực hiện lễ Uposatha như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện lễ Uposatha (bằng cách bày tỏ) sự trong sạch với nhau đối với hai vị. Và này các tỳ khưu, nên thực hiện như vầy:

Vị tỳ khưu trưởng lão nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với vị tỳ khưu mới tu như vầy:

Này sư đệ, tôi được trong sạch, sư đệ hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’

Này sư đệ, tôi được trong sạch, sư đệ hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’

Này sư đệ, tôi được trong sạch, sư đệ hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’”

Vị tỳ khưu mới tu nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với vị tỳ khưu trưởng lão như vầy:

Bạch ngài, tôi được trong sạch, ngài hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’

Bạch ngài, tôi được trong sạch, ngài hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’

Bạch ngài, tôi được trong sạch, ngài hãy ghi nhận về tôi: ‘Là vị trong sạch.’”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có một vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã cho phép đọc tụng giới bổn Pātimokkha đối với bốn vị, (cho phép) thực hiện lễ Uposatha (bằng cách bày tỏ) sự trong sạch với nhau đối với ba vị, (cho phép) thực hiện lễ Uposatha (bằng cách bày tỏ) sự trong sạch với nhau đối với hai vị và ta chỉ có một mình, vậy ta nên thực hiện lễ Uposatha như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có một vị tỳ khưu cư ngụ. Này các tỳ khưu, chỗ nào các vị tỳ khưu thường quay trở về là ở giảng đường, hoặc ở mái che, hoặc ở gốc cây, vị tỳ khưu ấy nên quét khu vực ấy, nên đem lại nước uống, nước rửa, nên sắp đặt chỗ ngồi, nên thắp sáng đèn, rồi nên ngồi xuống. Nếu có các tỳ khưu khác đi đến thì nên thực hiện lễ Uposatha với các vị ấy; nếu không có ai đi đến thì nên chú nguyện rằng: “Hôm nay là lễ Uposatha của tôi;” nếu không chú nguyện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp ở nơi có bốn vị tỳ khưu cư ngụ, không nên chuyển đạt sự trong sạch của một vị rồi đọc tụng giới bổn Pātimokkha bởi ba vị; nếu các vị đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp ở nơi có ba vị tỳ khưu cư ngụ, không nên chuyển đạt sự trong sạch của một vị rồi thực hiện lễ Uposatha (bằng cách bày tỏ) sự trong sạch bởi hai vị; nếu các vị thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp ở nơi có hai vị tỳ khưu cư ngụ, không nên chuyển đạt sự trong sạch của một vị rồi chú nguyện bởi một vị; nếu chú nguyện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[186] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị phạm tội vào ngày lễ Uposatha. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Vị bị phạm tội không nên tiến hành lễ Uposatha’ và ta thì bị phạm tội, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu bị phạm tội vào ngày lễ Uposatha. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên đi đến gặp một vị tỳ khưu, nên đắp thượng y một bên vai, nên ngồi chồm hổm, nên chắp tay lên, và nên nói như vầy:

- Bạch đại đức, tôi đã phạm tội tên (như vầy), tôi xin sám hối tội ấy.

Vị kia nên nói rằng:

- (Đại đức) có thấy (tội ấy) không?

- Thưa có, tôi thấy.

- (Đại đức) hãy thu thúc trong tương lai.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu có nghi ngờ về sự phạm tội vào ngày lễ Uposatha. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên đi đến gặp một vị tỳ khưu, nên đắp thượng y một bên vai, nên ngồi chồm hổm, nên chắp tay lên, và nên nói như vầy:

- Bạch đại đức, tôi có nghi ngờ về sự phạm (một) tội tên (như vầy), khi nào tôi dứt khỏi hoài nghi khi ấy tôi sẽ sửa chữa tội ấy.

Nói xong thì lễ Uposatha nên được tiến hành, nên lắng nghe giới bổn Pātimokkha, nhưng không nên làm chướng ngại cho lễ Uposatha chỉ vì nguyên nhân ấy.

[187] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư sám hối tội (đã phạm) giống nhau. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên sám hối tội (đã phạm) giống nhau; vị nào sám hối thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư ghi nhận tội (đã phạm) giống nhau. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên ghi nhận tội (đã phạm) giống nhau; vị nào ghi nhận thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[188] Vào lúc bấy giờ, trong lúc giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng có vị tỳ khưu nọ nhớ ra tội. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Vị bị phạm tội không nên tiến hành lễ Uposatha’ và ta thì bị phạm tội, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu nhớ ra tội trong lúc giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên nói với vị tỳ khưu bên cạnh như vầy: “Bạch đại đức, tôi đã phạm tội tên (như vầy), sau khi đứng dậy khỏi đây tôi sẽ sửa chữa tội ấy.” Nói xong, thì lễ Uposatha nên được tiến hành, nên lắng nghe giới bổn Pātimokkha, nhưng không nên làm chướng ngại cho lễ Uposatha chỉ vì nguyên nhân ấy.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu có nghi ngờ về sự phạm tội trong lúc giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên nói với vị tỳ khưu bên cạnh như vầy: “Bạch đại đức, tôi có nghi ngờ về sự phạm (một) tội tên (như vầy), khi nào tôi dứt khỏi hoài nghi khi ấy tôi sẽ sửa chữa tội ấy.” Nói xong, thì lễ Uposatha nên được tiến hành, nên lắng nghe giới bổn Pātimokkha, nhưng không nên làm chướng ngại cho lễ Uposatha chỉ vì nguyên nhân ấy.

[189] Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha toàn bộ hội chúng đã phạm tội giống nhau. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên sám hối tội (đã phạm) giống nhau, không nên ghi nhận tội (đã phạm) giống nhau’ và toàn bộ hội chúng này đã phạm tội giống nhau, vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha toàn bộ hội chúng đã phạm tội giống nhau. Này các tỳ khưu, ngay trong hôm ấy các vị tỳ khưu ấy nên phái một vị tỳ khưu đi đến trú xứ lân cận (bảo rằng): “Này đại đức, hãy đi và sau khi sửa chữa tội ấy hãy quay trở về, chúng tôi sẽ sửa chữa lại tội ấy trong sự hiện diện của đại đức.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Toàn bộ hội chúng này đã phạm tội giống nhau, khi nào (hội chúng) nhìn thấy vị tỳ khưu khác trong sạch không phạm tội khi ấy (hội chúng) sẽ sửa chữa tội ấy trong sự hiện diện của vị ấy.” Nói xong, thì lễ Uposatha nên được tiến hành, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng, nhưng không nên làm chướng ngại cho lễ Uposatha chỉ vì nguyên nhân ấy.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha toàn bộ hội chúng có nghi ngờ về sự phạm tội giống nhau. Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Toàn bộ hội chúng này có nghi ngờ về sự phạm tội giống nhau, khi nào (hội chúng) dứt khỏi hoài nghi khi ấy (hội chúng) sẽ sửa chữa tội ấy.” Nói xong, thì lễ Uposatha nên được tiến hành, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng, nhưng không nên làm chướng ngại cho lễ Uposatha chỉ vì nguyên nhân ấy.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ khi đã vào mùa an cư mưa, hội chúng đã phạm tội giống nhau. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy nên phái một vị tỳ khưu ngay trong hôm ấy đi đến trú xứ lân cận (bảo rằng): “Này đại đức, hãy đi và sau khi sửa chữa tội ấy hãy quay trở về, chúng tôi sẽ sửa chữa lại tội ấy trong sự hiện diện của đại đức.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì nên phái đi một vị tỳ khưu trong thời hạn bảy ngày (bảo rằng): “Này đại đức, hãy đi và sau khi sửa chữa tội ấy hãy quay trở về, chúng tôi sẽ sửa chữa lại tội ấy trong sự hiện diện của đại đức.

[190] Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ toàn bộ hội chúng đã phạm tội giống nhau. Hội chúng ấy không biết tên và loại của tội ấy. Ở đó, có vị tỳ khưu khác đi đến là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập. Có vị tỳ khưu nọ đã đi đến gặp vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

- Thưa đại đức, vị hành động như vầy và như vầy thì vị ấy phạm tội tên gì?

Vị ấy đã nói như vầy:

- Này đại đức, vị hành động như vầy và như vầy thì vị ấy phạm tội tên nầy. Này đại đức, ngươi đã phạm tội tên nầy, ngươi hãy sửa chữa tội ấy.

Vị nọ đã nói như vầy:

- Thưa đại đức, không phải chỉ mình tôi đã phạm tội ấy. Toàn bộ hội chúng này đã phạm tội ấy.

Vị ấy đã nói như vầy:

- Này đại đức, người khác phạm tội hay không phạm tội thì điều gì sẽ xảy ra cho ngươi? Này đại đức, ngươi hãy tự thoát khỏi tội cho chính bản thân mình đi.

Khi ấy, vị tỳ khưu nọ sau khi đã sửa chữa tội ấy theo lời khuyên của vị tỳ khưu ấy rồi đã đi đến gặp các vị tỳ khưu kia, sau khi đến đã nói với các vị tỳ khưu kia điều này:

- Này các đại đức, nghe nói vị hành động như vầy và như vầy thì vị ấy phạm tội tên nầy. Này các đại đức, các vị đã phạm tội tên nầy, các vị hãy sửa chữa tội ấy.

Khi ấy, các vị tỳ khưu kia đã không muốn sửa chữa tội ấy theo lời khuyên của vị tỳ khưu nọ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ toàn bộ hội chúng đã phạm tội giống nhau. Hội chúng ấy không biết tên và loại của tội ấy. Ở đó, có vị tỳ khưu khác đi đến là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập. Có vị tỳ khưu nọ đã đi đến gặp vị tỳ khưu ấy, sau khi đến nói với vị tỳ khưu ấy như vầy: “Thưa đại đức, vị hành động như vầy và như vầy thì vị ấy phạm tội tên gì?” Vị ấy nói như vầy: “Này đại đức, vị hành động như vầy và như vầy thì vị ấy phạm tội tên nầy. Này đại đức, ngươi đã phạm tội tên nầy, ngươi hãy sửa chữa tội ấy.” Vị nọ nói như vầy: “Thưa đại đức, không phải chỉ mình tôi đã phạm tội ấy. Toàn bộ hội chúng này đã phạm tội ấy.” Vị ấy nói như vầy: “Này đại đức, người khác phạm tội hay không phạm tội thì điều gì sẽ xảy ra cho ngươi? Này đại đức, ngươi hãy tự thoát khỏi tội cho chính bản thân mình đi.” Này các tỳ khưu, nếu sau khi sửa chữa tội theo lời khuyên của vị tỳ khưu ấy, vị tỳ khưu nọ đã đi đến gặp các vị tỳ khưu kia, sau khi đến đã nói với các vị tỳ khưu kia như vầy: “Này các đại đức, nghe nói vị hành động như vầy và như vầy thì vị ấy phạm tội tên nầy. Này các đại đức, các vị đã phạm tội tên nầy, các vị hãy sửa chữa tội ấy.” Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu kia sửa chữa tội ấy theo lời khuyên của vị tỳ khưu nọ, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu các vị không chịu sửa chữa, vị tỳ khưu nọ không nên khuyên các vị tỳ khưu ấy (vì họ) không có mong muốn.

Dứt tụng phẩm “Codanāvatthu.”

[191] Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú đã tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy đã không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi đã thực hiện lễ Uposatha và đã đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Trong khi giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng bởi các vị ấy, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đã đi đến. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Trong khi giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng bởi các vị ấy, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng lại bởi các vị tỳ khưu ấy. Vô tội đối với các vị đọc tụng.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Trong khi giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng bởi các vị ấy, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. Phần đã được đọc tụng là đã được đọc tụng tốt đẹp, phần còn lại nên được lắng nghe. Vô tội đối với các vị đọc tụng.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Trong khi giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng bởi các vị ấy, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) ít hơn đi đến. Phần đã được đọc tụng là đã được đọc tụng tốt đẹp, phần còn lại nên được lắng nghe. Vô tội đối với các vị đọc tụng.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Khi giới bổn Pātimokkha vừa được đọc tụng xong bởi các vị ấy, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng lại bởi các vị ấy. Vô tội đối với các vị đọc tụng.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Khi giới bổn Pātimokkha vừa được đọc tụng xong bởi các vị ấy, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. Phần đã được đọc tụng là đã được đọc tụng tốt đẹp, sự trong sạch nên được bày tỏ trong sự hiện diện của các vị ấy. Vô tội đối với các vị đọc tụng.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Khi giới bổn Pātimokkha vừa được đọc tụng xong bởi các vị ấy, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) ít hơn đi đến. Phần đã được đọc tụng là đã được đọc tụng tốt đẹp, sự trong sạch nên được bày tỏ trong sự hiện diện của các vị ấy. Vô tội đối với các vị đọc tụng.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Khi giới bổn Pātimokkha vừa được đọc tụng xong bởi các vị ấy, trong khi hội chúng còn chưa đứng lên, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng lại bởi các vị ấy. Vô tội đối với các vị đọc tụng.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Khi giới bổn Pātimokkha vừa được đọc tụng xong bởi các vị ấy, trong khi hội chúng còn chưa đứng lên, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Phần đã được đọc tụng là đã được đọc tụng tốt đẹp, sự trong sạch nên được bày tỏ trong sự hiện diện của các vị ấy. Vô tội đối với các vị đọc tụng.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Khi giới bổn Pātimokkha vừa được đọc tụng xong bởi các vị ấy, một số thuộc hội chúng đã đứng lên, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng lại bởi các vị ấy. Vô tội đối với các vị đọc tụng.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Khi giới bổn Pātimokkha vừa được đọc tụng xong bởi các vị ấy, một số thuộc hội chúng đã đứng lên, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Phần đã được đọc tụng là đã được đọc tụng tốt đẹp, sự trong sạch nên được bày tỏ trong sự hiện diện của các vị ấy. Vô tội đối với các vị đọc tụng.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Khi giới bổn Pātimokkha vừa được đọc tụng xong bởi các vị ấy, toàn bộ hội chúng đã đứng lên, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng lại bởi các vị ấy. Vô tội đối với các vị đọc tụng.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Khi giới bổn Pātimokkha vừa được đọc tụng xong bởi các vị ấy, toàn bộ hội chúng đã đứng lên, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Phần đã được đọc tụng là đã được đọc tụng tốt đẹp, sự trong sạch nên được bày tỏ trong sự hiện diện của các vị ấy. Vô tội đối với các vị đọc tụng.

Dứt mười lăm trường hợp vô tội.

[192] Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Trong khi giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng bởi các vị ấy, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng lại bởi các vị tỳ khưu ấy. Các vị đọc tụng phạm tội dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Phần đã được đọc tụng là đã được đọc tụng tốt đẹp, phần còn lại nên được lắng nghe. Các vị đọc tụng phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Khi giới bổn Pātimokkha vừa được đọc tụng xong bởi các vị ấy, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng lại bởi các vị ấy. Các vị đọc tụng phạm tội dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Phần đã được đọc tụng là đã được đọc tụng tốt đẹp, sự trong sạch nên được bày tỏ trong sự hiện diện của các vị ấy. Các vị đọc tụng phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Khi giới bổn Pātimokkha vừa được đọc tụng xong bởi các vị ấy, trong khi hội chúng còn chưa đứng lên ...(như trên)... một số thuộc hội chúng đã đứng lên ...(như trên)... toàn bộ hội chúng đã đứng lên thì có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng lại bởi các vị ấy. Các vị đọc tụng phạm tội dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Phần đã được đọc tụng là đã được đọc tụng tốt đẹp, sự trong sạch nên được bày tỏ trong sự hiện diện của các vị ấy. Các vị đọc tụng phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Dứt mười lăm trường hợp là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất.

[193] Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy có sự nghi ngờ rằng: “Lễ Uposatha của chúng ta được phép thực hiện hay không được phép?” rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Trong khi giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng bởi các vị ấy, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng lại bởi các vị tỳ khưu ấy. Các vị đọc tụng phạm tội dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Phần đã được đọc tụng là đã được đọc tụng tốt đẹp, phần còn lại nên được lắng nghe. Các vị đọc tụng phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy có sự nghi ngờ rằng: “Lễ Uposatha của chúng ta được phép thực hiện hay không được phép?” rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Khi giới bổn Pātimokkha vừa được đọc tụng xong bởi các vị ấy ...(như trên)... trong khi hội chúng còn chưa đứng lên ...(như trên)... một số thuộc hội chúng đã đứng lên ...(như trên)... toàn bộ hội chúng đã đứng lên thì có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng lại bởi các vị ấy. Các vị đọc tụng phạm tội dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Phần đã được đọc tụng là đã được đọc tụng tốt đẹp, sự trong sạch nên được bày tỏ trong sự hiện diện của các vị ấy. Các vị đọc tụng phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Dứt mười lăm trường hợp nghi ngờ.

[194] Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị có sự ngần ngại rằng: “Lễ Uposatha vẫn được phép thực hiện đối với chúng ta, chứ không phải không được phép đối với chúng ta” rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Trong khi giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng bởi các vị ấy, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng lại bởi các vị tỳ khưu ấy. Các vị đọc tụng phạm tội dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Phần đã được đọc tụng là đã được đọc tụng tốt đẹp, phần còn lại nên được lắng nghe. Các vị đọc tụng phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy có sự ngần ngại rằng: “Lễ Uposatha vẫn được phép thực hiện đối với chúng ta, chứ không phải không được phép đối với chúng ta” rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Khi giới bổn Pātimokkha vừa được đọc tụng xong bởi các vị ấy ...(như trên)... trong khi hội chúng còn chưa đứng lên ...(như trên)... một số thuộc hội chúng đã đứng lên ...(như trên)... toàn bộ hội chúng đã đứng lên thì có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng lại bởi các vị ấy. Các vị đọc tụng phạm tội dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Phần đã được đọc tụng là đã được đọc tụng tốt đẹp, sự trong sạch nên được bày tỏ trong sự hiện diện của các vị ấy. Các vị đọc tụng phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Dứt mười lăm trường hợp có sự ngần ngại.

[195] Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy có dự tính chia rẽ (nghĩ rằng): “Các vị nầy tiêu mất đi! Các vị nầy chết mất đi! Ai mà cần đến các vị ấy?” rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Trong khi giới bổn Pātimokkha đang được đọc tụng bởi các vị ấy, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng lại bởi các vị tỳ khưu ấy. Các vị đọc tụng phạm tội thullaccaya (trọng tội). ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Phần đã được đọc tụng là đã được đọc tụng tốt đẹp, phần còn lại nên được lắng nghe. Các vị đọc tụng phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy có dự tính chia rẽ (nghĩ rằng): “Các vị nầy tiêu mất đi! Các vị nầy chết mất đi! Ai mà cần đến các vị ấy?” rồi thực hiện lễ Uposatha và đọc tụng giới bổn Pātimokkha. Khi giới bổn Pātimokkha vừa được đọc tụng xong bởi các vị ấy ...(như trên)... trong khi hội chúng còn chưa đứng lên ...(như trên)... một số thuộc hội chúng đã đứng lên ...(như trên)... toàn bộ hội chúng đã đứng lên thì có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng lại bởi các vị ấy. Các vị đọc tụng phạm tội thullaccaya (trọng tội). ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Phần đã được đọc tụng là đã được đọc tụng tốt đẹp, sự trong sạch nên được bày tỏ trong sự hiện diện của các vị ấy. Các vị đọc tụng phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Dứt mười lăm trường hợp có dự tính chia rẽ.

Dứt bảy mươi lăm trường hợp.

[196] Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Uposatha có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là bốn vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Các vị tỳ khưu thường trú khác đang đi vào trong ranh giới,” ...(như trên)... Các vị ấy không biết rằng: “Các vị tỳ khưu thường trú khác đã đi vào trong ranh giới,” ...(như trên)... Các vị ấy không nhìn thấy các vị tỳ khưu thường trú khác đang đi vào trong ranh giới, ...(như trên)... Các vị ấy không nhìn thấy các vị tỳ khưu thường trú khác đã đi vào trong ranh giới, ...(như trên)... Các vị ấy không nghe rằng: “Các vị tỳ khưu thường trú khác đang đi vào trong ranh giới,” ...(như trên)... Các vị ấy không nghe rằng: “Các vị tỳ khưu thường trú khác đã đi vào trong ranh giới,” ...(như trên)... Theo phương thức của một trăm bảy mươi lăm nhóm ba của vị thường trú với vị thường trú, của vị vãng lai với vị thường trú, của vị thường trú với vị vãng lai, của vị vãng lai với vị vãng lai, theo cách thức thêm vào những phần tương tợ thì tạo ra được bảy trăm nhóm ba.

[197] Này các tỳ khưu, trường hợp ngày mười bốn là của các tỳ khưu thường trú, ngày mười lăm là của các tỳ khưu vãng lai. Nếu các vị thường trú (có số lượng) nhiều hơn thì các vị vãng lai nên thuận theo các vị thường trú. Nếu (có số lượng) bằng nhau thì các vị vãng lai nên thuận theo các vị thường trú. Nếu các vị vãng lai (có số lượng) nhiều hơn thì các vị thường trú nên thuận theo các vị vãng lai.

Này các tỳ khưu, trường hợp ngày mười lăm là của các tỳ khưu thường trú, ngày mười bốn là của các tỳ khưu vãng lai. Nếu các vị thường trú (có số lượng) nhiều hơn thì các vị vãng lai nên thuận theo các vị thường trú. Nếu (có số lượng) bằng nhau thì các vị vãng lai nên thuận theo các vị thường trú. Nếu các vị vãng lai (có số lượng) nhiều hơn thì các vị thường trú nên thuận theo các vị vãng lai.

Này các tỳ khưu, trường hợp ngày đầu tháng là của các tỳ khưu thường trú, ngày mười lăm là của các tỳ khưu vãng lai. Nếu các vị thường trú (có số lượng) nhiều hơn và các vị thường trú không mong muốn thì không nên ban cho sự hợp nhất đến các vị vãng lai; các vị vãng lai nên đi ra khỏi ranh giới rồi lễ Uposatha nên được tiến hành. Nếu (có số lượng) bằng nhau và các vị thường trú không mong muốn thì không nên ban cho sự hợp nhất đến các vị vãng lai; các vị vãng lai nên đi ra khỏi ranh giới rồi lễ Uposatha nên được tiến hành. Nếu các vị vãng lai (có số lượng) nhiều hơn thì các vị thường trú nên ban cho sự hợp nhất đến các vị vãng lai hoặc là nên đi ra khỏi ranh giới.

Này các tỳ khưu, trường hợp ngày mười lăm là của các tỳ khưu thường trú, ngày đầu tháng là của các tỳ khưu vãng lai. Nếu các vị thường trú (có số lượng) nhiều hơn thì các vị vãng lai nên ban cho sự hợp nhất đến các vị thường trú hoặc là nên đi ra khỏi ranh giới. Nếu (có số lượng) bằng nhau thì các vị vãng lai nên ban cho sự hợp nhất đến các vị thường trú hoặc là nên đi ra khỏi ranh giới. Nếu các vị vãng lai (có số lượng) nhiều hơn và các vị vãng lai không mong muốn thì không nên ban cho sự hợp nhất đến các vị thường trú; các vị thường trú nên đi ra khỏi ranh giới rồi lễ Uposatha nên được tiến hành.

[198] Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu vãng lai nhìn thấy sự biểu hiện của việc cư trú, đặc điểm của việc cư trú, hiện tướng của việc cư trú, dấu hiệu của việc cư trú của các tỳ khưu thường trú (như là) giường ghế nệm gối được sắp xếp cẩn thận, nước uống nước rửa khéo được bố trí, phòng ốc được quét dọn sạch sẽ, sau khi nhìn thấy khởi lên nghi ngờ: “Có các vị tỳ khưu thường trú hay không có?” Các vị nghi ngờ nhưng không tìm kiếm, sau khi không tìm kiếm rồi tiến hành lễ Uposatha thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm không nhìn thấy, sau khi không nhìn thấy rồi tiến hành lễ Uposatha thì vô tội. Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy rồi tiến hành lễ Uposatha chung thì vô tội. Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy rồi tiến hành lễ Uposatha riêng rẽ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy có dự tính chia rẽ (nói rằng): “Các vị nầy tiêu mất đi! Các vị nầy chết mất đi! Ai mà cần đến các vị ấy?” rồi tiến hành lễ Uposatha thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu vãng lai nghe được sự biểu hiện của việc cư trú, đặc điểm của việc cư trú, hiện tướng của việc cư trú, dấu hiệu của việc cư trú của các tỳ khưu thường trú (như là) tiếng bước chân của những vị đang đi kinh hành, tiếng học bài, tiếng đằng hắng, tiếng hắt hơi, sau khi nghe khởi lên nghi ngờ: “Có các vị tỳ khưu thường trú hay không có?” Các vị nghi ngờ nhưng không tìm kiếm, sau khi không tìm kiếm rồi tiến hành lễ Uposatha thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm không nhìn thấy, sau khi không nhìn thấy rồi tiến hành lễ Uposatha thì vô tội. Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy rồi tiến hành lễ Uposatha chung thì vô tội. Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy rồi tiến hành lễ Uposatha riêng rẽ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy có dự tính chia rẽ (nói rằng): “Các vị nầy tiêu mất đi! Các vị nầy chết mất đi! Ai mà cần đến các vị ấy?” rồi tiến hành lễ Uposatha thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu thường trú nhìn thấy sự biểu hiện của việc đi đến, đặc điểm của việc đi đến, hiện tướng của việc đi đến, dấu hiệu của việc đi đến của các tỳ khưu vãng lai (như là) bình bát khác lạ, y khác lạ, tọa cụ khác lạ, sự vung vãi nước rửa các bàn chân, sau khi nhìn thấy khởi lên nghi ngờ: “Có các vị tỳ khưu vãng lai hay không có?” Các vị nghi ngờ nhưng không tìm kiếm, sau khi không tìm kiếm rồi tiến hành lễ Uposatha thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm không nhìn thấy, sau khi không nhìn thấy rồi tiến hành lễ Uposatha thì vô tội. Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy rồi tiến hành lễ Uposatha chung thì vô tội. Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy rồi tiến hành lễ Uposatha riêng rẽ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy có dự tính chia rẽ (nói rằng): “Các vị nầy tiêu mất đi! Các vị nầy chết mất đi! Ai mà cần đến các vị ấy?” rồi tiến hành lễ Uposatha thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu thường trú nghe được sự biểu hiện của việc đi đến, đặc điểm của việc đi đến, hiện tướng của việc đi đến, dấu hiệu của việc đi đến của các tỳ khưu vãng lai (như là) tiếng bước chân của các vị đang đi đến, tiếng động gây nên bởi các đôi dép, tiếng đằng hắng, tiếng hắt hơi, sau khi nghe khởi lên nghi ngờ: “Có các vị tỳ khưu vãng lai hay không có?” Các vị nghi ngờ nhưng không tìm kiếm, sau khi không tìm kiếm rồi tiến hành lễ Uposatha thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm không nhìn thấy, sau khi không nhìn thấy rồi tiến hành lễ Uposatha thì vô tội. Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy rồi tiến hành lễ Uposatha chung thì vô tội. Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy rồi tiến hành lễ Uposatha riêng rẽ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy có dự tính chia rẽ (nói rằng): “Các vị nầy tiêu mất đi! Các vị nầy chết mất đi! Ai mà cần đến các vị ấy?” rồi tiến hành lễ Uposatha thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

[199] Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu vãng lai nhìn thấy các tỳ khưu thường trú là các vị thuộc nhóm cộng trú khác (nānāsaṃvāsaka). Các vị ấy nhận lầm là thuộc cùng nhóm cộng trú (samānasaṃsāsaka), sau khi nhận lầm là thuộc cùng nhóm cộng trú rồi không hỏi, sau khi không hỏi rồi tiến hành lễ Uposatha chung thì vô tội. ...(như trên)... Các vị ấy hỏi, sau khi hỏi vẫn không thay đổi (quan điểm), sau khi không thay đổi (quan điểm) lại tiến hành lễ Uposatha chung thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị ấy hỏi, sau khi hỏi vẫn không thay đổi (quan điểm), sau khi không thay đổi (quan điểm) rồi tiến hành lễ Uposatha riêng rẽ thì vô tội.

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu vãng lai nhìn thấy các tỳ khưu thường trú là các vị thuộc cùng nhóm cộng trú. Các vị ấy nhận lầm là các vị thuộc nhóm cộng trú khác, sau khi nhận lầm là các vị thuộc nhóm cộng trú khác rồi không hỏi, sau khi không hỏi lại tiến hành lễ Uposatha chung thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị ấy hỏi, sau khi hỏi rồi thay đổi (quan điểm), sau khi thay đổi (quan điểm) lại tiến hành lễ Uposatha riêng rẽ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị ấy hỏi, sau khi hỏi rồi thay đổi (quan điểm), sau khi thay đổi (quan điểm) rồi tiến hành lễ Uposatha chung thì vô tội.

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu thường trú nhìn thấy các tỳ khưu vãng lai là các vị thuộc nhóm cộng trú khác. Các vị ấy nhận lầm là các vị thuộc cùng nhóm cộng trú, sau khi nhận lầm là các vị thuộc cùng nhóm cộng trú rồi không hỏi, sau khi không hỏi rồi tiến hành lễ Uposatha chung thì vô tội. Các vị ấy hỏi, sau khi hỏi vẫn không thay đổi (quan điểm), sau khi không thay đổi (quan điểm) lại tiến hành lễ Uposatha chung thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị ấy hỏi, sau khi hỏi vẫn không thay đổi (quan điểm), sau khi không thay đổi (quan điểm) rồi tiến hành lễ Uposatha riêng rẽ thì vô tội.

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu thường trú nhìn thấy các tỳ khưu vãng lai là các vị thuộc cùng nhóm cộng trú. Các vị ấy nhận lầm là các vị thuộc nhóm cộng trú khác, sau khi nhận lầm là các vị thuộc nhóm cộng trú khác rồi không hỏi, sau khi không hỏi lại tiến hành lễ Uposatha chung thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị ấy hỏi, sau khi hỏi rồi thay đổi (quan điểm), sau khi thay đổi (quan điểm) lại tiến hành lễ Uposatha riêng rẽ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị ấy hỏi, sau khi hỏi rồi thay đổi (quan điểm), sau khi thay đổi (quan điểm) rồi tiến hành lễ Uposatha chung thì vô tội.

[200] Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Uposatha từ chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ không có tỳ khưu trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Uposatha từ chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến nơi không phải là chỗ trú ngụ không có tỳ khưu trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Uposatha từ chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ không có tỳ khưu trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm.

Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Uposatha từ nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ không có tỳ khưu ... nơi không phải là chỗ trú ngụ không có tỳ khưu ... chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ không có tỳ khưu trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm.

Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Uposatha từ chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ không có tỳ khưu ... nơi không phải là chỗ trú ngụ không có tỳ khưu ... chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ không có tỳ khưu trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm.

Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Uposatha từ chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ có tỳ khưu nhưng các tỳ khưu ở nơi ấy là thuộc nhóm cộng trú khác trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Uposatha từ chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu nhưng các tỳ khưu ở nơi ấy là thuộc nhóm cộng trú khác trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Uposatha từ chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu nhưng các tỳ khưu ở nơi ấy là thuộc nhóm cộng trú khác trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm.

Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Uposatha từ nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ có tỳ khưu ... nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu ... chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu nhưng các tỳ khưu ở nơi ấy là thuộc nhóm cộng trú khác trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm.

Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Uposatha từ chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ có tỳ khưu ... nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu ... chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu nhưng các tỳ khưu ở nơi ấy là thuộc nhóm cộng trú khác trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm.

Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Uposatha từ chỗ trú ngụ có tỳ khưu có thể đi đến chỗ trú ngụ có tỳ khưu và các tỳ khưu ở nơi ấy thuộc cùng nhóm cộng trú, nếu biết rằng: “Ta có thể đi đến nội trong ngày nay.” Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Uposatha từ chỗ trú ngụ có tỳ khưu có thể đi đến nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu ... chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu và các tỳ khưu ở nơi ấy thuộc cùng nhóm cộng trú, nếu biết rằng: “Ta có thể đi đến nội trong ngày nay.”

Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Uposatha vị tỳ khưu từ nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu có thể đi đến chỗ trú ngụ có tỳ khưu ... nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu ... chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu và các tỳ khưu ở nơi ấy thuộc cùng nhóm cộng trú, nếu biết rằng: “Ta có thể đi đến nội trong ngày nay.”

Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Uposatha vị tỳ khưu từ chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu có thể đi đến chỗ trú ngụ có tỳ khưu ... nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu ... chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu và các tỳ khưu ở nơi ấy thuộc cùng nhóm cộng trú, nếu biết rằng: “Ta có thể đi đến nội trong ngày nay.”

[201] Này các tỳ khưu, không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha đến hội chúng đã ngồi xuống có vị tỳ khưu ni; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha đến hội chúng đã ngồi xuống có cô ni tu tập sự ... có vị sa di ... có vị sa di ni ... có người đã từ bỏ điều học ... có vị đã phạm tội cực nặng; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha đến hội chúng đã ngồi xuống có vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội; vị nào đọc tụng thì nên được hành xử theo pháp. Không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha đến hội chúng đã ngồi xuống có vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi ... đến hội chúng đã ngồi xuống có vị bị án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác; vị nào đọc tụng thì nên được hành xử theo pháp.[10]

Này các tỳ khưu, không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha đến hội chúng đã ngồi xuống có kẻ vô căn; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Không nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha đến hội chúng đã ngồi xuống có kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu) ... có kẻ đã chuyển sang ngoại đạo ... có loài thú ... có kẻ giết mẹ ... có kẻ giết cha ... có kẻ giết A-la-hán ... có kẻ làm nhơ nhớp tỳ khưu ni ... có kẻ chia rẽ hội chúng ... có kẻ làm chảy máu đức Phật ... có kẻ lưỡng căn; vị nào đọc tụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[202] Này các tỳ khưu, lễ Uposatha không nên tiến hành với việc bày tỏ sự trong sạch của vị hành parivāsa, trừ trường hợp tập thể không bị cách ly (avuṭṭhitāya parisāya).[11]

[203] Này các tỳ khưu, không nên tiến hành lễ Uposatha không nhằm ngày Uposatha trừ phi vào lúc hợp nhất hội chúng.

Dứt Chương Uposatha.

Tụng phẩm thứ ba.

Trong chương này có tám mươi sáu sự việc.

******

Tóm lược chương này:

[204]

Vua Bimbisāra
và những người ngoại đạo,
tụ hội lại lặng thinh
giảng Pháp, nơi thanh vắng
giới Pātimokkha
hàng ngày, rồi một lần.
Như là sự hợp nhất,
sự hợp nhất hội chúng
chuyện Maddakucchi.
Ranh giới lớn, giòng sông,
tùy thuận, ở hai nơi,
và các chỗ nhỏ hẹp.
Các vị mới tu lên,
và chuyện thành Vương Xá,
ranh giới lìa xa y,
trước ấn định ranh giới
sau hủy bỏ ranh giới,
ranh làng không ấn định,
việc ném ra bụm nước
ở sông, biển, ao hồ.
Các vị làm gối lên,
cũng như vậy bao trùm.
Bao nhiêu cách hành sự?
Bao nhiêu lối đọc tụng?
Những bọn người lục lâm,
và những lúc không có,
Pháp, Luật, họ hăm dọa,
lại hăm dọa vì Luật,
kết tội xin thỉnh ý,
phản đối việc sai Pháp,
là có bốn năm vị,
quan điểm, có ý định,
và (một thì) khẳng định,
có cư sĩ, chưa thỉnh.
Ở vùng Codanā
vị ấy không biết được,
nhiều vị cũng không biết,
trong ngày, không chịu đi.
Thứ mấy? Có bao nhiêu?
(Khất thực) ở vùng xa,
vị không nhớ thông báo,
rác rưởi, chỗ ngồi, đèn,
các vị đi phương xa,
có vị khác nghe nhiều,
ngay hôm ấy, mùa mưa,
lễ Uposatha,
trong sạch và hành sự,
các thân quyến, Gagga,
bốn, ba, hai, hoặc một,
tội đồng phạm, nhớ ra,
cả hội chúng nghi ngờ,
không biết, vị nghe nhiều.
Nhiều hơn, bằng, ít hơn,
hội chúng chưa đứng lên,
một số đã đứng lên,
tất cả đã đứng lên.
Các vị biết, nghi ngờ,
“Được phép,” rồi hối hận,
đã biết, nhìn, và nghe,
thường trú và vãng lai,
lại mười bốn, mười lăm,
đầu tháng, và mười lăm,
cả hai về hiện tướng
và việc đồng cộng trú.
Vị parivāsa,
ngày Uposatha
không kể đến trường hợp
hội chúng hợp nhất lại.
Những điều tóm tắt này
chia chẻ là đầu mối

làm rõ các vấn đề.


[1] Ngài Buddhaghosa giải thích “mūgasūkarā” là “thūlasarīrasūkarā” (những con heo có thân hình to lớn, thô kệch).

[2] Theo từ điển Pali-English Dictionary của hội Pali Text Society thì 1 yojana có chiều dài khoảng 7 miles, từ điển của Childers thì 12 miles, còn tài liệu The Buddhist Monastic Code cho biết là 10 miles tức vào khoảng 16 km.

[3] Theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa, từ chỗ ngài Mahākassapa trú ngụ đến thành Rājagaha là 3 gāvuta (1 gāvuta = 1/4 yojana), như vậy vào khoảng 12 km (tính theo tài liệu The Buddhist Monastic Code). Trong thành Rājagaha có 18 trú xá lớn (mahāvihāra) nhưng có cùng chung một ranh giới do đức Thế Tôn kết. Và Veḷuvana (Trúc Lâm) là chỗ các vị tỳ khưu ở trong ranh giới ấy tụ hội để thực hiện lễ Uposatha. Con sông được đề cập tên là Sippinī phát xuất từ núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu) và có giòng chảy rất mạnh.

[4] Các bản dịch tiếng Anh dịch sát theo từ khiến ý nghĩa bị lầm lẫn: “Ranh giới ấy là nơi vị tỳ khưu không xa lìa ba y.” Họ đã dịch đúng theo từ: (từ phủ định) a+vippavāso (sự xa cách, sự vắng mặt) = sự không xa lìa. Các vị tỳ khưu thường nói theo thói quen là “sīmā xa lìa tam y” cũng không được chính xác vì tiếp đầu ngữ “a” nghĩa là không và “vippavāsa” là sự xa lìa, sự vắng mặt. Muốn giải thích trường hợp này phải trở lại giới ưng xả đối trị thứ 2: “... ce bhikkhu ticīvarena vippavaseyya...” và xem “vippavāsa” có ý nghĩa một cách tổng quát là “Sự phạm tội vì xa lìa ba y.” Và “a+vippavāsa” là “Không có+ sự phạm tội vì xa lìa ba y” ở trong ranh giới ấy. Điều này và việc “được phép xa lìa ba y” có sự khác biệt rất rõ rệt.

[5] Ngài Buddhaghosa giải thích 1 abbhantara là 28 hattha (cánh tay). Từ Điển của Childers giải thích hattha là chiều dài tính từ cùi chỏ của cánh tay đến đầu ngón tay út. Tài liệu Buddhist Monastic Code của Thanissaro Bhikkhu cho khoảng cách của 7 abbhantara = 98 mét (1 abbhantara = 14 mét).

[6] Theo ngài Buddhaghosa, khoảng cách là một cánh tay (hattha).

[7] Pāli văn là: “Karotu āyasmā okāsaṃ ahantaṃ vattukāmo.”

[8] Tam Tạng Thái Lan của CD Budsir IV trình bày phần nước uống và nước rửa ở phần cước chú.

[9] Lối xưng hô tỏ vẻ kính trọng “āyasmanto” được các vị tỳ khưu sử dụng trong trường hợp này.

[10] Ba trường hợp này liên quan đến tội pācittiya (ưng đối trị) 69.

[11] Nghĩa là tập thể này không phải là các vị đang chịu hành phạt parivāsa. Chúng tôi chọn nghĩa như trên dựa vào lời giải thích của nhóm từ “vuṭṭhitāya parisāya = với tập thể đã bị cách ly” là “với việc ban cho sự thỏa thuận từcác vị (tỳ khưu) đang chịu hành phạt parivāsa” được tìm thấy ở bộ Phân Tích Giới Tỳ Khưu Ni (Bhikkhunīvibhaṅga [436]). Từ “avut,t,hitāya" còn có nghĩa là “chưa đứng lên, chưa được thoát tội.”

III. CHƯƠNG VÀO MÙA MƯA (VASSŪPANĀYIKAKKHANDHAKAṂ)

[205] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha (Vương Xá), Veḷuvana (Trúc Lâm), nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, việc cư trú mùa mưa chưa được đức Thế Tôn quy định cho các tỳ khưu. Trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa? Các vị đang dẫm đạp lên các loại cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan, và đang gây nên việc giết hại hàng loạt nhiều chúng sanh nhỏ nhoi. Ngay cả các du sĩ ngoại đạo này có giáo lý được thuyết tồi tệ vẫn bám víu và sống cố định trong mùa cư trú mưa, ngay cả những con chim này sau khi làm tổ trên các ngọn cây cũng bám víu và sống cố định trong mùa cư trú mưa; còn các sa-môn Thích tử này lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa. Các vị đang dẫm đạp lên các loại cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan, và đang gây nên việc giết hại hàng loạt nhiều chúng sanh nhỏ nhoi.

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vào mùa (an cư) mưa (vassaṃ).

[206] Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Khi nào thì nên vào mùa (an cư) mưa?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vào mùa (an cư) mưa trong mùa mưa.

Sau đó, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Có bao nhiêu thời điểm vào mùa (an cư) mưa?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, đây là hai thời điểm vào mùa (an cư) mưa: thời điểm trước và thời điểm sau. Thời điểm trước thì nên vào nhằm ngày kế của (ngày trăng tròn) tháng Āsāḷha, thời điểm sau thì nên vào khi (ngày trăng tròn) tháng Āsāḷha đã trôi qua một tháng.[1]Này các tỳ khưu, đây là hai thời điểm vào mùa (an cư) mưa.

[207] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sau khi đã vào mùa (an cư) mưa vẫn đi du hành trong mùa (an cư) mưa. Dân chúng lại phàn nàn, phê phán, chê bai giống y như thế:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa? Các vị đang dẫm đạp lên các loại cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan, và đang gây nên việc giết hại hàng loạt nhiều chúng sanh nhỏ nhoi. Ngay cả các du sĩ ngoại đạo này có giáo lý được thuyết tồi tệ vẫn bám víu và sống cố định trong mùa cư trú mưa, ngay cả những con chim này sau khi làm tổ trên các ngọn cây cũng bám víu và sống cố định trong mùa cư trú mưa; còn các sa-môn Thích tử này lại đi du hành trong mùa lạnh, trong mùa nóng, và cả trong mùa mưa nữa. Các vị đang dẫm đạp lên các loại cỏ xanh, đang hãm hại mạng sống của loài chỉ có một giác quan, và đang gây nên việc giết hại hàng loạt nhiều chúng sanh nhỏ nhoi.

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư sau khi đã vào mùa (an cư) mưa vẫn đi du hành trong mùa (an cư) mưa?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, sau khi đã vào mùa mưa, không nên không an cư ba tháng thời điểm trước hoặc ba tháng thời điểm sau và không nên ra đi du hành; vị nào ra đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[208] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư không chịu vào mùa (an cư) mưa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên không vào mùa (an cư) mưa; vị nào không vào thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư có ý định không vào mùa (an cư) mưa nên cố tình bỏ đi khỏi chỗ trú ngụ vào ngày (đầu tiên) của thời điểm vào mùa (an cư) mưa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, vào ngày (đầu tiên) của thời điểm vào mùa (an cư) mưa vị có ý định không vào mùa (an cư) mưa không nên cố tình bỏ đi khỏi chỗ trú ngụ; vị nào bỏ đi thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[209] Vào lúc bấy giờ, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha có ý định dời lại mùa (an cư) mưa nên đã phái sứ giả đến gặp các tỳ khưu nói rằng:

- Nếu các ngài đại đức chờ đợi đến tháng tới rồi mới vào mùa (an cư) mưa?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thuận theo các vị vua.

[210] Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích đức Thế Tôn đã ra đi du hành đến thành Sāvatthi (Xá Vệ). Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi đó ở Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana (Kỳ Viên), tu viện của ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc).

Vào lúc bấy giờ, ở trong xứ Kosala trú xá dành cho hội chúng được cho xây dựng bởi nam cư sĩ Udena. Vị ấy đã phái sứ giả đến gặp các tỳ khưu nói rằng:

- Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi muốn cúng dường vật thí, muốn nghe Pháp, và muốn nhìn thấy các vị tỳ khưu.

Các tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này đạo hữu, đức Thế Tôn đã quy định rằng: “Sau khi đã vào mùa mưa, không nên không an cư ba tháng thời điểm trước hoặc ba tháng thời điểm sau và không nên ra đi du hành.” Nam cư sĩ Udena hãy chờ đợi trong khi các tỳ khưu sống mùa (an cư) mưa, khi đã sống qua mùa (an cư) mưa rồi (các vị) sẽ đi. Nếu vị ấy có việc cấp bách cần làm thì hãy cho thiết lập trú xá trong sự hiện diện của các tỳ khưu thường trú ở ngay tại nơi ấy.

Nam cư sĩ Udena phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao trong khi ta đã phái người đi (thỉnh mời), các ngài đại đức lại không đi đến? Mà ta lại là người thí chủ, là người phục vụ, và là người hộ độ hội chúng nữa.

Các tỳ khưu đã nghe được nam cư sĩ Udena phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đi khi được thỉnh mời với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày của bảy hạng người là tỳ khưu, tỳ khưu ni, cô ni tu tập sự, sa di, sa di ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, nhưng không (nên đi) khi không được thỉnh mời. Này các tỳ khưu, ta cho phép đi khi được thỉnh mời với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày của bảy hạng người này, nhưng không (nên đi) khi không được thỉnh mời. Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp trú xá dành cho hội chúng được cho xây dựng bởi vị nam cư sĩ. Nếu vị ấy phái sứ giả đến gặp các tỳ khưu nói rằng: “Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi muốn cúng dường vật thí, muốn nghe Pháp, và muốn nhìn thấy các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, nên đi đến khi được thỉnh mời với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày, nhưng không (nên đi) khi không được thỉnh mời. Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp nhà một mái dành cho hội chúng được cho xây dựng ...(như trên)... tòa nhà dài được cho xây dựng ...(như trên)... khu nhà lớn được cho xây dựng ...(như trên)... hang động được cho xây dựng ...(như trên)... phòng ở được cho xây dựng ...(như trên)... cổng ra vào được cho xây dựng ...(như trên)... nhà phục vụ được cho xây dựng ...(như trên)... nhà đốt lửa được cho xây dựng ...(như trên)... nhà làm thành được phép được cho xây dựng ...(như trên)... nhà vệ sinh được cho xây dựng ...(như trên)... đường kinh hành được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở đường kinh hành được cho xây dựng ...(như trên)... giếng nước được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở giếng nước được cho xây dựng ...(như trên)... phòng tắm hơi được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở phòng tắm hơi được cho xây dựng ...(như trên)... hồ trữ nước được cho xây dựng ...(như trên)... mái che được cho xây dựng ...(như trên)... tu viện được cho xây dựng ...(như trên)... khuôn viên của tu viện được cho xây dựng bởi vị nam cư sĩ. Nếu vị ấy phái sứ giả đến gặp các tỳ khưu nói rằng: “Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi muốn cúng dường vật thí, muốn nghe Pháp, và muốn nhìn thấy các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, nên đi đến khi được thỉnh mời với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày, nhưng không (nên đi) khi không được thỉnh mời. Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp trú xá dành cho nhiều vị tỳ khưu được cho xây dựng ...(như trên)... trú xá được cho xây dựng dành cho một vị tỳ khưu. ...(như trên)... nhà một mái được cho xây dựng ...(như trên)... tòa nhà dài được cho xây dựng ...(như trên)... khu nhà lớn được cho xây dựng ...(như trên)... hang động được cho xây dựng ...(như trên)... phòng ở được cho xây dựng ...(như trên)... cổng ra vào được cho xây dựng ...(như trên)... nhà phục vụ được cho xây dựng ...(như trên)... nhà đốt lửa được cho xây dựng ...(như trên)... nhà làm thành được phép được cho xây dựng ...(như trên)... nhà vệ sinh được cho xây dựng ...(như trên)... đường kinh hành được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở đường kinh hành được cho xây dựng ...(như trên)... giếng nước được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở giếng nước được cho xây dựng ...(như trên)... phòng tắm hơi được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở phòng tắm hơi được cho xây dựng ...(như trên)... hồ trữ nước được cho xây dựng ...(như trên)... mái che được cho xây dựng ...(như trên)... tu viện được cho xây dựng ...(như trên)... khuôn viên của tu viện được cho xây dựng bởi vị nam cư sĩ. Nếu vị ấy phái sứ giả đến gặp các tỳ khưu nói rằng: “Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi muốn cúng dường vật thí, muốn nghe Pháp, và muốn nhìn thấy các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, nên đi đến khi được thỉnh mời với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày, nhưng không (nên đi) khi không được thỉnh mời. Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp trú xá dành cho hội chúng tỳ khưu ni được cho xây dựng ...(như trên)... dành cho nhiều vị tỳ khưu ni, dành cho một vị tỳ khưu ni, dành cho nhiều cô ni tu tập sự, dành cho một cô ni tu tập sự, dành cho nhiều vị sa di, dành cho một vị sa di, dành cho nhiều vị sa di ni, dành cho một vị sa di ni ...(như trên)... nhà một mái được cho xây dựng ...(như trên)... tòa nhà dài được cho xây dựng ...(như trên)... khu nhà lớn được cho xây dựng ...(như trên)... hang động được cho xây dựng ...(như trên)... phòng ở được cho xây dựng ...(như trên)... cổng ra vào được cho xây dựng ...(như trên)... nhà phục vụ được cho xây dựng ...(như trên)... nhà đốt lửa được cho xây dựng ...(như trên)... nhà làm thành được phép được cho xây dựng ...(như trên)... đường kinh hành được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở đường kinh hành được cho xây dựng ...(như trên)... giếng nước được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở giếng nước được cho xây dựng ...(như trên)... hồ trữ nước được cho xây dựng ...(như trên)... mái che được cho xây dựng ...(như trên)... tu viện được cho xây dựng ...(như trên)... khuôn viên của tu viện được cho xây dựng bởi vị nam cư sĩ.[2]Nếu vị ấy phái sứ giả đến gặp các tỳ khưu[3]nói rằng: “Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi muốn cúng dường vật thí, muốn nghe Pháp, và muốn nhìn thấy các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, nên đi đến khi được thỉnh mời với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày, nhưng không (nên đi) khi không được thỉnh mời. Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp căn nhà được cho xây dựng bởi vị nam cư sĩ vì nhu cầu của bản thân. ...(như trên)... phòng ngủ được cho xây dựng ...(như trên)... chuồng trại được cho xây dựng ...(như trên)... tháp ngắm được cho xây dựng ...(như trên)... tòa nhà bốn góc được cho xây dựng ...(như trên)... cửa hiệu được cho xây dựng ...(như trên)... gian hàng được cho xây dựng ...(như trên)... tòa nhà dài được cho xây dựng ...(như trên)... khu nhà lớn được cho xây dựng ...(như trên)... hang động được cho xây dựng ...(như trên)... phòng ở được cho xây dựng ...(như trên)... cổng ra vào được cho xây dựng ...(như trên)... nhà phục vụ được cho xây dựng ...(như trên)... nhà đốt lửa được cho xây dựng ...(như trên)... nhà bếp được cho xây dựng ...(như trên)... nhà vệ sinh được cho xây dựng ...(như trên)... đường kinh hành được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở đường kinh hành được cho xây dựng ...(như trên)... giếng nước được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở giếng nước được cho xây dựng ...(như trên)... phòng tắm hơi được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở phòng tắm hơi được cho xây dựng ...(như trên)... hồ trữ nước được cho xây dựng ...(như trên)... mái che được cho xây dựng ...(như trên)... khu vườn được cho xây dựng ...(như trên)... khuôn viên của khu vườn được cho xây dựng ...(như trên)... có đám cưới của con trai hoặc có đám cưới của con gái hoặc vị ấy bị bệnh hoặc vị ấy đọc lại bài kinh nổi tiếng. Nếu vị ấy phái sứ giả đến gặp các tỳ khưu nói rằng: “Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Các vị sẽ học bài kinh này trước khi bài kinh này bị quên lãng.” Hoặc vị ấy có công việc gì khác cần phải làm. Nếu vị ấy phái sứ giả đến gặp các tỳ khưu nói rằng: “Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi muốn cúng dường vật thí, muốn nghe Pháp, và muốn nhìn thấy các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, nên đi đến khi được thỉnh mời với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày, nhưng không (nên đi) khi không được thỉnh mời. Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp trú xá dành cho hội chúng được cho xây dựng bởi vị nữ cư sĩ. Nếu người nữ ấy phái sứ giả đến gặp các tỳ khưu nói rằng: “Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi muốn cúng dường vật thí, muốn nghe Pháp, và muốn nhìn thấy các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, nên đi đến khi được thỉnh mời với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày, nhưng không (nên đi) khi không được thỉnh mời. Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp nhà một mái dành cho hội chúng được cho xây dựng ...(như trên)... tòa nhà dài được cho xây dựng ...(như trên)... khu nhà lớn được cho xây dựng ...(như trên)... hang động được cho xây dựng ...(như trên)... phòng ở được cho xây dựng ...(như trên)... cổng ra vào được cho xây dựng ...(như trên)... nhà phục vụ được cho xây dựng ...(như trên)... nhà đốt lửa được cho xây dựng ...(như trên)... nhà làm thành được phép được cho xây dựng ...(như trên)... nhà vệ sinh được cho xây dựng ...(như trên)... đường kinh hành được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở đường kinh hành được cho xây dựng ...(như trên)... giếng nước được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở giếng nước được cho xây dựng ...(như trên)... phòng tắm hơi được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở phòng tắm hơi được cho xây dựng ...(như trên)... hồ trữ nước được cho xây dựng ...(như trên)... mái che được cho xây dựng ...(như trên)... tu viện được cho xây dựng ...(như trên)... khuôn viên của tu viện được cho xây dựng bởi vị nữ cư sĩ. Nếu người nữ ấy phái sứ giả đến gặp các tỳ khưu nói rằng: “Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi muốn cúng dường vật thí, muốn nghe Pháp, và muốn nhìn thấy các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, nên đi đến khi được thỉnh mời với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày, nhưng không (nên đi) khi không được thỉnh mời. Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp trú xá dành cho nhiều vị tỳ khưu được cho xây dựng bởi vị nữ cư sĩ. ...(như trên)... dành cho một vị tỳ khưu, dành cho hội chúng tỳ khưu ni, dành cho nhiều vị tỳ khưu ni, dành cho một vị tỳ khưu ni, dành cho nhiều cô ni tu tập sự, dành cho một cô ni tu tập sự, dành cho nhiều vị sa di, dành cho một vị sa di, dành cho nhiều vị sa di ni, dành cho một vị sa di ni. ...(như trên)... căn nhà được cho xây dựng vì nhu cầu của bản thân. ...(như trên)... phòng ngủ được cho xây dựng ...(như trên)... chuồng trại được cho xây dựng ...(như trên)... tháp ngắm được cho xây dựng ...(như trên)... tòa nhà bốn góc được cho xây dựng ...(như trên)... cửa hiệu được cho xây dựng ...(như trên)... gian hàng được cho xây dựng ...(như trên)... tòa nhà dài được cho xây dựng ...(như trên)... khu nhà lớn được cho xây dựng ...(như trên)... hang động được cho xây dựng ...(như trên)... phòng ở được cho xây dựng ...(như trên)... cổng ra vào được cho xây dựng ...(như trên)... nhà phục vụ được cho xây dựng ...(như trên)... nhà đốt lửa được cho xây dựng ...(như trên)... nhà bếp được cho xây dựng ...(như trên)... nhà vệ sinh được cho xây dựng ...(như trên)... đường kinh hành được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở đường kinh hành được cho xây dựng ...(như trên)... giếng nước được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở giếng nước được cho xây dựng ...(như trên)... hồ trữ nước được cho xây dựng ...(như trên)... mái che được cho xây dựng ...(như trên)... khu vườn được cho xây dựng ...(như trên)... khuôn viên của khu vườn được cho xây dựng [4]  ...(như trên)... có đám cưới của con trai hoặc có đám cưới của con gái hoặc vị ấy bị bệnh hoặc vị ấy đọc lại bài kinh nổi tiếng. Nếu người nữ ấy phái sứ giả đến gặp các tỳ khưu nói rằng: “Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Các vị sẽ học bài kinh này trước khi bài kinh này bị quên lãng.” Hoặc người nữ ấy có công việc gì khác cần phải làm. Nếu người nữ ấy phái sứ giả đến gặp các tỳ khưu nói rằng: “Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi muốn cúng dường vật thí, muốn nghe Pháp, và muốn nhìn thấy các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, nên đi đến khi được thỉnh mời với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày, nhưng không (nên đi) khi không được thỉnh mời. Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp trú xá dành cho hội chúng được cho xây dựng bởi vị tỳ khưu, dành cho hội chúng ... bởi vị tỳ khưu ni, dành cho hội chúng ... bởi cô ni tu tập sự, dành cho hội chúng ... bởi vị vị sa di, dành cho hội chúng được cho xây dựng bởi vị sa di ni, dành cho nhiều vị tỳ khưu, dành cho một vị tỳ khưu, dành cho hội chúng tỳ khưu ni, dành cho nhiều vị tỳ khưu ni, dành cho một vị tỳ khưu ni, dành cho nhiều cô ni tu tập sự, dành cho một cô ni tu tập sự, dành cho nhiều vị sa di, dành cho một vị sa di, dành cho nhiều vị sa di ni, dành cho một vị sa di ni, ...(như trên)... trú xá vì nhu cầu của bản thân được cho xây dựng ...(như trên)... nhà một mái được cho xây dựng ...(như trên)... tòa nhà dài được cho xây dựng ...(như trên)... khu nhà lớn được cho xây dựng ...(như trên)... hang động được cho xây dựng ...(như trên)... phòng ở được cho xây dựng ...(như trên)... cổng ra vào được cho xây dựng ...(như trên)... nhà phục vụ được cho xây dựng ...(như trên)... nhà đốt lửa được cho xây dựng ...(như trên)... nhà làm thành được phép được cho xây dựng ...(như trên)... [5]đường kinh hành được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở đường kinh hành được cho xây dựng ...(như trên)... giếng nước được cho xây dựng ...(như trên)... gian nhà ở giếng nước được cho xây dựng ...(như trên)... hồ trữ nước được cho xây dựng ...(như trên)... mái che được cho xây dựng ...(như trên)... tu viện được cho xây dựng ...(như trên)... khuôn viên của tu viện được cho xây dựng (bởi vị sa di ni). Nếu cô ấy phái sứ giả đến gặp các tỳ khưu nói rằng: “Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi muốn cúng dường vật thí, muốn nghe Pháp, và muốn nhìn thấy các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, nên đi đến khi được thỉnh mời với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày, nhưng không (nên đi) khi không được thỉnh mời. Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

[211] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Vị ấy đã phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi bị bệnh. Xin các vị tỳ khưu hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các vị tỳ khưu.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày của năm hạng người là tỳ khưu, tỳ khưu ni, cô ni tu tập sự, sa di, sa di ni, ta cho phép đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt. Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày của năm hạng người này, ta cho phép đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt. Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu bị bệnh. Nếu vị ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi bị bệnh. Xin các vị tỳ khưu hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ tìm kiếm thức ăn cho người bệnh, hoặc ta sẽ tìm kiếm thức ăn cho người nuôi bệnh, hoặc ta sẽ tìm kiếm dược phẩm cho người bệnh, hoặc ta sẽ hỏi han, hoặc ta sẽ phục vụ.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp có sự bực bội sanh khởi đến vị tỳ khưu. Nếu vị ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Có sự bực bội đã sanh khởi đến tôi. Xin các vị tỳ khưu hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ làm dịu đi sự bực bội, hoặc ta sẽ nhờ người làm dịu đi, hoặc ta sẽ thuyết Pháp thoại cho vị ấy.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp có sự hối hận sanh khởi đến vị tỳ khưu. Nếu vị ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Có sự hối hận đã sanh khởi đến tôi. Xin các vị tỳ khưu hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ làm cho tan biến sự bực bội, hoặc ta sẽ nhờ người làm cho tan biến, hoặc ta sẽ thuyết Pháp thoại cho vị ấy.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp có tà kiến sanh khởi đến vị tỳ khưu. Nếu vị ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Có tà kiến đã sanh khởi đến tôi. Xin các vị tỳ khưu hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ phân giải tà kiến, hoặc ta sẽ nhờ người phân giải, hoặc ta sẽ thuyết Pháp thoại cho vị ấy.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu phạm tội nặng và là vị xứng đáng hành phạt parivāsa. Nếu vị ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi đã phạm tội nặng và là vị xứng đáng hành phạt parivāsa. Xin các vị tỳ khưu hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ nỗ lực về việc ban cho hành phạt parivāsa, hoặc ta sẽ đọc tuyên ngôn, hoặc ta sẽ là người làm cho đủ nhóm.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu. Nếu vị ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi là vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu. Xin các vị tỳ khưu hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ nỗ lực về việc ban cho sự (thực hành) trở lại từ đầu, hoặc ta sẽ đọc tuyên ngôn, hoặc ta sẽ là người làm cho đủ nhóm.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là vị xứng đáng hành phạt mānatta. Nếu vị ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi là vị xứng đáng hành phạt mānatta. Xin các vị tỳ khưu hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ nỗ lực về việc ban cho hành phạt mānatta, hoặc ta sẽ đọc tuyên ngôn, hoặc ta sẽ là người làm cho đủ nhóm.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là vị xứng đáng sự giải tội. Nếu vị ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi là vị xứng đáng sự giải tội. Xin các vị tỳ khưu hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ nỗ lực về việc giải tội, hoặc ta sẽ đọc tuyên ngôn, hoặc ta sẽ là người làm cho đủ nhóm.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp hội chúng có ý định thực thi hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đến vị tỳ khưu. Nếu vị ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Hội chúng có ý định thực thi hành sự đến tôi. Xin các vị tỳ khưu hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Làm thế nào để hội chúng có thể không thực thi hành sự hoặc đổi sang (hành phạt) nhẹ hơn?” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Hoặc là khi hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đã được thực thi đến vị ấy. Nếu vị ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Hội chúng đã thực thi hành sự đến tôi. Xin các vị tỳ khưu hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Làm thế nào để vị ấy có thể làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, và hội chúng có thể thâu hồi hành sự ấy?” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu ni bị bệnh. Nếu vị ni ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi bị bệnh. Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các ngài đại đức.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ tìm kiếm thức ăn cho người bệnh, hoặc ta sẽ tìm kiếm thức ăn cho người nuôi bệnh, hoặc ta sẽ tìm kiếm dược phẩm cho người bệnh, hoặc ta sẽ hỏi han, hoặc ta sẽ phục vụ.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp có sự bực bội sanh khởi đến vị tỳ khưu ni. Nếu vị ni ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Có sự bực bội đã sanh khởi đến tôi. Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các ngài đại đức.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ làm dịu đi sự bực bội, hoặc ta sẽ nhờ người làm dịu đi, hoặc ta sẽ thuyết Pháp thoại cho vị ni ấy.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp có sự hối hận sanh khởi đến vị tỳ khưu ni. Nếu vị ni ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Có sự hối hận đã sanh khởi đến tôi. Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các ngài đại đức.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ làm cho tan biến sự hối hận, hoặc ta sẽ nhờ người làm cho tan biến, hoặc ta sẽ thuyết Pháp thoại cho vị ni ấy.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp có tà kiến sanh khởi đến vị tỳ khưu ni. Nếu vị ni ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Có tà kiến đã sanh khởi đến tôi. Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các ngài đại đức.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ phân giải tà kiến, hoặc ta sẽ nhờ người phân giải, hoặc ta sẽ thuyết Pháp thoại cho vị ni ấy.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu ni phạm tội nặng và là vị xứng đáng hành phạt mānatta. Nếu vị ni ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi là vị đã phạm tội nặng và là vị xứng đáng hành phạt mānatta. Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các ngài đại đức.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ nỗ lực về việc ban cho hành phạt mānatta.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu ni là vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu. Nếu vị ni ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi là vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu. Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các ngài đại đức.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ nỗ lực về việc ban cho sự (thực hành) trở lại từ đầu.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu ni là vị xứng đáng sự giải tội. Nếu vị ni ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi là vị xứng đáng sự giải tội. Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các ngài đại đức.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ nỗ lực về việc giải tội.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp hội chúng có ý định thực thi hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đến vị tỳ khưu ni. Nếu vị ni ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Hội chúng có ý định thực thi hành sự đến tôi. Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các ngài đại đức.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Làm thế nào để hội chúng có thể không thực thi hành sự hoặc đổi sang (hành phạt) nhẹ hơn?” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Hoặc là khi hành sự khiển trách, hoặc chỉ dạy, hoặc xua đuổi, hoặc hòa giải, hoặc án treo đã được thực thi đến vị ni ấy. Nếu vị ni ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Hội chúng đã thực thi hành sự đến tôi. Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các ngài đại đức.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Làm thế nào để vị ấy có thể làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, và hội chúng có thể thâu hồi hành sự ấy?” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị ni tu tập sự bị bệnh. Nếu vị ni ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi bị bệnh. Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các ngài đại đức.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ tìm kiếm thức ăn cho người bệnh, hoặc ta sẽ tìm kiếm thức ăn cho người nuôi bệnh, hoặc ta sẽ tìm kiếm dược phẩm cho người bệnh, hoặc ta sẽ hỏi han, hoặc ta sẽ phục vụ.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp có sự bực bội sanh khởi ...(như trên)... có sự hối hận sanh khởi ...(như trên)... có tà kiến sanh khởi đến vị ni tu tập sự. ...(như trên)... (vị ni tu tập sự) có các điều học bị gián đoạn. Nếu vị ni ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Các điều học của tôi bị gián đoạn. Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các ngài đại đức.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ nỗ lực về việc thọ trì các điều học.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị ni tu tập sự có ý muốn được tu lên bậc trên. Nếu vị ni ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi có ý muốn được tu lên bậc trên. Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các ngài đại đức.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ nỗ lực về việc tu lên bậc trên, hoặc ta sẽ đọc tuyên ngôn, hoặc ta sẽ là người làm cho đủ nhóm.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị sa di bị bệnh. Nếu vị ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi bị bệnh. Xin các vị tỳ khưu hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ tìm kiếm thức ăn cho người bệnh, hoặc ta sẽ tìm kiếm thức ăn cho người nuôi bệnh, hoặc ta sẽ tìm kiếm dược phẩm cho người bệnh, hoặc ta sẽ hỏi han, hoặc ta sẽ phục vụ.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp có sự bực bội sanh khởi ...(như trên)... có sự hối hận sanh khởi ...(như trên)... có tà kiến sanh khởi đến vị sa di. ...(như trên)... vị sa di có ý muốn hỏi về mùa (an cư) mưa. Nếu vị ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi có ý muốn hỏi về mùa (an cư) mưa. Xin các vị tỳ khưu hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ hỏi hoặc ta sẽ giảng giải.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị sa di có ý muốn được tu lên bậc trên. Nếu vị ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi có ý muốn được tu lên bậc trên. Xin các vị tỳ khưu hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ nỗ lực về việc tu lên bậc trên, hoặc ta sẽ đọc tuyên ngôn, hoặc ta sẽ là người làm cho đủ nhóm.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị sa di ni bị bệnh. Nếu vị ni ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi bị bệnh. Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các ngài đại đức.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ tìm kiếm thức ăn cho người bệnh, hoặc ta sẽ tìm kiếm thức ăn cho người nuôi bệnh, hoặc ta sẽ tìm kiếm dược phẩm cho người bệnh, hoặc ta sẽ hỏi han, hoặc ta sẽ phục vụ.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp có sự bực bội sanh khởi ...(như trên)... có sự hối hận sanh khởi ...(như trên)... có tà kiến sanh khởi đến vị sa di ni. ...(như trên)... vị sa di ni có ý muốn hỏi về mùa (an cư) mưa. ...(như trên)... có ý muốn thọ trì điều học. Nếu vị ni ấy phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi có ý muốn thọ trì điều học. Xin các ngài đại đức hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các ngài đại đức.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ nỗ lực về việc thọ trì các điều học.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

[212] Vào lúc bấy giờ, người mẹ của vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Bà ấy đã nhờ sứ giả đi đến gặp người con trai (nói rằng): “Bởi vì tôi bị bệnh. Tôi mong muốn sự đi đến của đứa con trai.” Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày của bảy hạng người thì nên đi khi được thỉnh mời,, nhưng không (nên đi) khi không được thỉnh mời. Với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày của năm hạng người thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt,’ và người này là mẹ của ta lại bị bệnh. Bà ta không phải là nữ cư sĩ, vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày của bảy hạng người là tỳ khưu, tỳ khưu ni, cô ni tu tập sự, sa di, sa di ni, mẹ, và cha thì được đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt. Này các tỳ khưu, ta cho phép với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày của bảy hạng người này thì được đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt. Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp người mẹ của vị tỳ khưu bị bệnh. Nếu bà ấy nhờ sứ giả đi đến gặp người con trai (nói rằng): “Bởi vì tôi bị bệnh. Con trai của tôi hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của đứa con trai.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ tìm kiếm thức ăn cho người bệnh, hoặc ta sẽ tìm kiếm thức ăn cho người nuôi bệnh, hoặc ta sẽ tìm kiếm dược phẩm cho người bệnh, hoặc ta sẽ hỏi han, hoặc ta sẽ phục vụ.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp người cha của vị tỳ khưu bị bệnh. Nếu ông ấy nhờ sứ giả đi đến gặp người con trai (nói rằng): “Bởi vì tôi bị bệnh. Con trai của tôi hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của đứa con trai.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi dầu không được thỉnh mời, nếu được thỉnh mời thì càng tốt (nghĩ rằng): “Ta sẽ tìm kiếm thức ăn cho người bệnh, hoặc ta sẽ tìm kiếm thức ăn cho người nuôi bệnh, hoặc ta sẽ tìm kiếm dược phẩm cho người bệnh, hoặc ta sẽ hỏi han, hoặc ta sẽ phục vụ.” Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp người anh (em) trai của vị tỳ khưu bị bệnh. Nếu người ấy nhờ sứ giả đi đến gặp người con trai (nói rằng): “Bởi vì tôi bị bệnh. Anh (em) trai của tôi hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của người anh (em) trai.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi nếu được thỉnh mời, không (nên đi) khi không được thỉnh mời. Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp người chị (em) gái của vị tỳ khưu bị bệnh. Nếu cô ấy nhờ sứ giả đi đến gặp vị tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi bị bệnh. Anh (em) trai của tôi hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của người anh (em) trai.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi nếu được thỉnh mời, không (nên đi) khi không được thỉnh mời. Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp thân quyến của vị tỳ khưu bị bệnh. Nếu người ấy nhờ sứ giả đi đến gặp vị tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi bị bệnh. Đại đức hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của đại đức.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi nếu được thỉnh mời, không (nên đi) khi không được thỉnh mời. Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Này các tỳ khưu, trường hợp người làm công việc cho vị tỳ khưu (bhikkhussa bhatiko) bị bệnh. Nếu người ấy nhờ sứ giả đi đến gặp vị tỳ khưu (nói rằng): “Bởi vì tôi bị bệnh. Các vị tỳ khưu hãy đi đến. Tôi mong muốn sự đi đến của các vị tỳ khưu.” Này các tỳ khưu, với công việc có thể giải quyết trong bảy ngày thì nên đi nếu được thỉnh mời, không (nên đi) khi không được thỉnh mời. Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

[213] Vào lúc bấy giờ, trú xá lớn của hội chúng bị sụp đổ. Có nam cư sĩ nọ đã cho xẻ một số gỗ ở trong rừng. Người ấy đã phái sứ giả đi đến gặp các tỳ khưu (nói rằng): “Nếu các đại đức có thể chuyển đi số gỗ ấy thì tôi sẽ dâng số gỗ ấy.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đi với công việc cần phải làm của hội chúng. Việc quay trở về nên được thực hiện trong bảy ngày.

Dứt tụng phẩm “Việc Cư Trú Mùa Mưa” là phần thứ nhất.

[214] Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ ở trong xứ Kosala, các vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa bị khuấy nhiễu bởi các thú dữ. Chúng đã vồ lấy, chúng đã giết hại. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp các vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa bị khuấy nhiễu bởi các thú dữ. Chúng vồ lấy, chúng giết hại. (Nghĩ rằng): “Chính điều này là sự chướng ngại!” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Trường hợp các vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa bị khuấy nhiễu bởi các loài rắn. Chúng cắn, chúng giết hại. (Nghĩ rằng): “Chính điều này là sự chướng ngại!” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Trường hợp các vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa bị khuấy nhiễu bởi những kẻ trộm cướp. Chúng cướp đoạt, chúng đánh đập. (Nghĩ rằng): “Chính điều này là sự chướng ngại!” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Trường hợp các vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa bị khuấy nhiễu bởi các yêu tinh. Chúng nhập vào (thân), chúng đoạt lấy (thân). (Nghĩ rằng): “Chính điều này là sự chướng ngại!” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Trường hợp ngôi làng mà các vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa bị lửa đốt cháy. Các vị tỳ khưu bị khó nhọc bởi đồ ăn khất thực. (Nghĩ rằng): “Chính điều này là sự chướng ngại!” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Trường hợp chỗ trú ngụ mà các vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa bị lửa đốt cháy. Các vị tỳ khưu bị khó nhọc với việc nằm ngồi . (Nghĩ rằng): “Chính điều này là sự chướng ngại!” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Trường hợp ngôi làng mà các vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa bị nước ngập. Các vị tỳ khưu bị khó nhọc bởi đồ ăn khất thực. (Nghĩ rằng): “Chính điều này là sự chướng ngại!” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Trường hợp chỗ trú ngụ mà các vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa bị nước ngập. Các vị tỳ khưu bị khó nhọc với việc nằm ngồi . (Nghĩ rằng): “Chính điều này là sự chướng ngại!” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

[215] Vào lúc bấy giờ, ngôi làng mà các vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa ở tại trú xứ nọ đã di chuyển vì bọn trộm cướp. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đi đến ngôi làng.[6]

Ngôi làng đã bị tách ra làm hai. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đi đến nhóm đông hơn.

Nhóm đông hơn không có đức tin, không có ngưỡng mộ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đi đến nhóm có niềm tin đã được an trú.

[216] Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ trong xứ Kosala các vị tỳ khưu vào mùa (an cư) mưa đã không nhận được đầy đủ theo nhu cầu về thức ăn thô thiển hoặc thượng hạng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp các vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa không nhận được đầy đủ theo nhu cầu về thức ăn thô thiển hoặc thượng hạng. (Nghĩ rằng): “Chính điều này là sự chướng ngại!” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Này các tỳ khưu, trường hợp các vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa nhận được đầy đủ theo nhu cầu về thức ăn thô thiển hoặc thượng hạng, (nhưng) không nhận được thức ăn thích hợp. (Nghĩ rằng): “Chính điều này là sự chướng ngại!” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Này các tỳ khưu, trường hợp các vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa nhận được đầy đủ theo nhu cầu về thức ăn thô thiển hoặc thượng hạng, nhận được thức ăn thích hợp, (nhưng) không nhận được dược phẩm thích hợp. (Nghĩ rằng): “Chính điều này là sự chướng ngại!” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Này các tỳ khưu, trường hợp các vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa nhận được đầy đủ theo nhu cầu về thức ăn thô thiển hoặc thượng hạng, nhận được thức ăn thích hợp, nhận được dược phẩm thích hợp, (nhưng) không nhận được người phục vụ (upaṭṭhāko) phù hợp. (Nghĩ rằng): “Chính điều này là sự chướng ngại!” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Này các tỳ khưu, trường hợp người phụ nữ thỉnh mời vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa (nói rằng): “Thưa ngài, hãy đến, tôi cho ngài vàng, hoặc tôi cho ngài vàng nén, hoặc tôi cho ngài ruộng, hoặc tôi cho ngài vườn, hoặc tôi cho ngài bò đực, hoặc tôi cho ngài bò cái, hoặc tôi cho ngài tôi trai, hoặc tôi cho ngài tớ gái, hoặc tôi cho ngài con gái ruột để làm vợ, hoặc tôi trở thành vợ của ngài, hoặc tôi đưa đến cho ngài người vợ khác.” Trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu khởi ý như vầy: “Đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Tâm thay đổi nhanh chóng,’ (việc này) có thể là nguy hiểm cho Phạm hạnh của ta” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Này các tỳ khưu, trường hợp cô gái điếm thỉnh mời vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa ...(như trên)... cô gái lở thời thỉnh mời, kẻ vô căn thỉnh mời, các thân quyến thỉnh mời, các vị vua thỉnh mời, những kẻ trộm cướp thỉnh mời, những kẻ vô lại thỉnh mời rằng: “Thưa ngài, hãy đến, chúng tôi cho ngài vàng, hoặc chúng tôi cho ngài vàng nén, hoặc chúng tôi cho ngài ruộng, hoặc chúng tôi cho ngài vườn, hoặc chúng tôi cho ngài bò đực, hoặc chúng tôi cho ngài bò cái, hoặc chúng tôi cho ngài tôi trai, hoặc chúng tôi cho ngài tớ gái, hoặc chúng tôi cho ngài con gái ruột để làm vợ, hoặc chúng tôi đưa đến cho ngài người vợ khác.” Trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu khởi ý như vầy: “Đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Tâm thay đổi nhanh chóng,’ (việc này) có thể là nguy hiểm cho Phạm hạnh của ta” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa nhìn thấy của chôn giấu không có chủ. Trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu khởi ý như vầy: “Đức Thế Tôn đã nói rằng: ‘Tâm thay đổi nhanh chóng,’ (việc này) có thể là nguy hiểm cho Phạm hạnh của ta” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa nhìn thấy nhiều vị tỳ khưu đang ra sức chia rẽ hội chúng. Trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu khởi ý như vầy: “Đức Thế Tôn đã nói rằng việc chia rẽ hội chúng là nghiêm trọng, hội chúng chớ có bị chia rẽ trong khi ta còn hiện diện” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa nghe được rằng: “Nghe nói nhiều vị tỳ khưu ra sức chia rẽ hội chúng.” Trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu khởi ý như vầy: “Đức Thế Tôn đã nói rằng việc chia rẽ hội chúng là nghiêm trọng, hội chúng chớ có bị chia rẽ trong khi ta còn hiện diện” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa nghe được rằng: “Nghe nói ở trú xứ kia nhiều vị tỳ khưu ra sức chia rẽ hội chúng.” Trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu khởi ý như vầy: “Các vị tỳ khưu ấy là bạn của ta, ta sẽ nói với họ rằng: ‘Này các đại đức, đức Thế Tôn đã nói rằng việc chia rẽ hội chúng là nghiêm trọng, các đại đức chớ có thích thú với việc chia rẽ hội chúng.’ Họ sẽ làm theo lời nói của ta, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ để vào tai” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa nghe được rằng: “Nghe nói ở trú xứ kia nhiều vị tỳ khưu ra sức chia rẽ hội chúng.” Trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu khởi ý như vầy: “Các vị tỳ khưu ấy không phải là bạn của ta, tuy nhiên những người bạn của những người ấy là bạn của ta. Vậy ta sẽ nói với những người bạn của ta, khi họ đã được nói, họ sẽ nói với những người ấy rằng: ‘Này các đại đức, đức Thế Tôn đã nói rằng việc chia rẽ hội chúng là nghiêm trọng, các đại đức chớ có thích thú với việc chia rẽ hội chúng.’ Họ sẽ làm theo lời nói của ta, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ để vào tai” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa nghe được rằng: “Nghe nói ở trú xứ kia nhiều vị tỳ khưu đã chia rẽ hội chúng.” Trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu khởi ý như vầy: “Các vị tỳ khưu ấy là bạn của ta, ta sẽ nói với họ rằng: ‘Này các đại đức, đức Thế Tôn đã nói rằng việc chia rẽ hội chúng là nghiêm trọng, các đại đức chớ có thích thú với việc chia rẽ hội chúng.’ Họ sẽ làm theo lời nói của ta, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ để vào tai” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa nghe được rằng: “Nghe nói ở trú xứ kia nhiều vị tỳ khưu đã chia rẽ hội chúng.” Trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu khởi ý như vầy: “Các vị tỳ khưu ấy không phải là bạn của ta, tuy nhiên những người bạn của những người ấy là bạn của ta. Vậy ta sẽ nói với những người bạn của ta, khi họ đã được nói, họ sẽ nói với những người ấy rằng: ‘Này các đại đức, đức Thế Tôn đã nói rằng việc chia rẽ hội chúng là nghiêm trọng, các đại đức chớ có thích thú với việc chia rẽ hội chúng.’ Họ sẽ làm theo lời nói của ta, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ để vào tai” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa nghe được rằng: “Nghe nói ở trú xứ kia nhiều vị tỳ khưu ni ra sức chia rẽ hội chúng.” Trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu khởi ý như vầy: “Các vị tỳ khưu ni ấy là bạn của ta, ta sẽ nói với các cô ấy rằng: ‘Này các chị gái, đức Thế Tôn đã nói rằng việc chia rẽ hội chúng là nghiêm trọng, các chị gái chớ có thích thú với việc chia rẽ hội chúng.’ Họ sẽ làm theo lời nói của ta, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ để vào tai” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa nghe được rằng: “Nghe nói ở trú xứ kia nhiều vị tỳ khưu ni ra sức chia rẽ hội chúng.” Trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu khởi ý như vầy: “Các vị tỳ khưu ni ấy không phải là bạn của ta, tuy nhiên các cô bạn của những cô ấy là bạn của ta. Vậy ta sẽ nói với các cô bạn của ta, khi họ đã được nói, họ sẽ nói với những cô ấy rằng: ‘Này các chị gái, đức Thế Tôn đã nói rằng việc chia rẽ hội chúng là nghiêm trọng, các chị gái chớ có thích thú với việc chia rẽ hội chúng.’ Họ sẽ làm theo lời nói của ta, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ để vào tai” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa nghe được rằng: “Nghe nói ở trú xứ kia nhiều vị tỳ khưu ni đã chia rẽ hội chúng.” Trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu khởi ý như vầy: “Các vị tỳ khưu ni ấy là bạn của ta, ta sẽ nói với các cô ấy rằng: ‘Này các chị gái, đức Thế Tôn đã nói rằng việc chia rẽ hội chúng là nghiêm trọng, các chị gái chớ có thích thú với việc chia rẽ hội chúng.’ Họ sẽ làm theo lời nói của ta, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ để vào tai” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa nghe được rằng: “Nghe nói ở trú xứ kia nhiều vị tỳ khưu ni đã chia rẽ hội chúng.” Trường hợp ấy, nếu vị tỳ khưu khởi ý như vầy: “Các vị tỳ khưu ni ấy không phải là bạn của ta, tuy nhiên các cô bạn của những cô ấy là bạn của ta. Vậy ta sẽ nói với các cô bạn của ta, khi họ đã được nói, họ sẽ nói với những cô ấy rằng: ‘Này các chị gái, đức Thế Tôn đã nói rằng việc chia rẽ hội chúng là nghiêm trọng, các chị gái chớ có vui mừng với việc chia rẽ hội chúng.’ Họ sẽ làm theo lời nói của ta, họ sẽ lắng nghe, họ sẽ để vào tai” rồi nên ra đi. Vô tội cho việc đứt mùa (an cư) mưa.

[217] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có ý định vào mùa (an cư) mưa ở khu rào gia súc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vào mùa (an cư) mưa ở khu rào gia súc.

Khu rào gia súc di chuyển. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép di chuyển theo khu rào gia súc.[7]

Vào lúc bấy giờ, khi việc vào mùa (an cư) mưa đang đến gần, có vị tỳ khưu nọ có ý định đi theo đoàn xe tải. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vào mùa (an cư) mưa ở trong xe tải.

Vào lúc bấy giờ, khi việc vào mùa (an cư) mưa đang đến gần, có vị tỳ khưu nọ có ý định đi theo chiếc thuyền. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vào mùa (an cư) mưa ở trong chiếc thuyền.

[218] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ vào mùa (an cư) mưa ở trong bọng cây. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như là các yêu tinh.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên vào mùa (an cư) mưa ở trong bọng cây; vị nào vào thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đã vào mùa (an cư) mưa ở trên chạc ba của cây. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như là các người săn thú.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên vào mùa (an cư) mưa ở trên chạc ba của cây; vị nào vào thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[219] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu vào mùa (an cư) mưa ở ngoài trời. Khi trời mưa, các vị chạy đến gốc cây, đến hốc cây nimba. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên vào mùa (an cư) mưa ở ngoài trời; vị nào vào thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu vào mùa (an cư) mưa không có chỗ trú ngụ nên bị khó nhọc vì lạnh và nóng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, vị không có chỗ trú ngụ không nên vào mùa (an cư) mưa; vị nào vào thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu vào mùa (an cư) mưa ở nhà quàng tử thi. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như là những người thiêu xác chết.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên vào mùa (an cư) mưa ở nhà quàng tử thi; vị nào vào thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu vào mùa (an cư) mưa ở mái che tạm. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như là những người chăn bò.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên vào mùa (an cư) mưa ở mái che tạm; vị nào vào thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu vào mùa (an cư) mưa ở trong vại đất nung. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như là những kẻ ngoại đạo.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên vào mùa (an cư) mưa ở trong vại đất nung; vị nào vào thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[220] Vào lúc bấy giờ, hội chúng ở thành Sāvatthi thực hiện điều thỏa thuận là: “Không được cho xuất gia trong mùa (an cư) mưa.” Người cháu trai của bà Visākhā mẹ của Migāra đã đi đến gặp các vị tỳ khưu và cầu xin sự xuất gia. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này đạo hữu, hội chúng thực hiện điều thỏa thuận là: “Không được cho xuất gia trong mùa (an cư) mưa.” Này đạo hữu, hãy chờ đến khi nào các vị tỳ khưu trải qua mùa (an cư) mưa; khi đã trải qua mùa (an cư) mưa các vị sẽ cho xuất gia.

Sau đó, khi đã trải qua mùa (an cư) mưa, các vị tỳ khưu ấy đã nói với người cháu trai của bà Visākhā mẹ của Migāra điều này:

- Này đạo hữu, hãy đi đến hôm nay và hãy xuất gia.

Người ấy đã nói như vầy:

- Thưa các ngài, nếu tôi đã được xuất gia thì tôi còn có thể thỏa thích. Thưa các ngài, giờ đây tôi sẽ không xuất gia.

Bà Visākhā mẹ của Migāra phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các ngài đại đức lại thực hiện điều thỏa thuận có hình thức như vầy: “Không được cho xuất gia trong mùa (an cư) mưa,” có khi nào mà Giáo Pháp lại không được thực hành?

Các tỳ khưu đã nghe được bà Visākhā mẹ của Migāra phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên thực hiện điều thỏa thuận có hình thức như vầy: “Không được cho xuất gia trong mùa (an cư) mưa.” Vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[221] Vào lúc bấy giờ, chỗ cư trú mùa mưa của đức vua Pasenadi xứ Kosala đã được đại đức Upananda con trai dòng Sākya (Thích Ca) hứa hẹn cho thời điểm trước. Trong khi đi đến chỗ cư trú ấy, vào khoảng giữa đường vị ấy đã nhìn thấy hai trú xứ có nhiều y. Vị ấy đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên sống mùa (an cư) mưa ở hai trú xứ này, như thế có nhiều y sẽ được phát sanh đến ta?” Vị ấy đã sống mùa (an cư) mưa ở hai trú xứ ấy. Đức vua Pasenadi xứ Kosala phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao ngài đại đức Upananda con trai dòng Sākya sau khi hứa hẹn chỗ cư trú mùa mưa của chúng tôi lại nuốt lời? Không phải rằng đức Thế Tôn bằng nhiều phương thức đã khiển trách việc nói láo và khen ngợi việc tránh xa sự nói láo hay sao?

Các tỳ khưu đã nghe được đức vua Pasenadi xứ Kosala phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Upananda con trai dòng Sākya sau khi hứa hẹn chỗ cư trú mùa mưa của đức vua Pasenadi xứ Kosala lại nuốt lời? Không phải rằng đức Thế Tôn bằng nhiều phương thức đã khiển trách việc nói láo và khen ngợi việc tránh xa sự nói láo hay sao?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và đã hỏi đại đức Upananda con trai dòng Sākya rằng:

- Này Upananda, nghe nói ngươi sau khi hứa hẹn chỗ cư trú mùa mưa của đức vua Pasenadi xứ Kosala lại nuốt lời, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi sau khi hứa hẹn chỗ cư trú mùa mưa của đức vua Pasenadi xứ Kosala lại nuốt lời? Này kẻ rồ dại, không phải rằng ta bằng nhiều phương thức đã khiển trách việc nói láo và khen ngợi việc tránh xa sự nói láo hay sao? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, trường hợp chỗ cư trú mùa mưa đã được vị tỳ khưu hứa hẹn cho thời điểm trước. Trong khi đi đến chỗ cư trú ấy, vào khoảng giữa đường vị ấy nhìn thấy hai trú xứ có nhiều y. Vị ấy khởi ý như vầy: “Hay là ta nên sống mùa (an cư) mưa ở hai trú xứ này, như thế có nhiều y sẽ được phát sanh đến ta?” Vị ấy sống mùa (an cư) mưa ở hai trú xứ ấy. Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu ấy thời điểm trước không được ghi nhận và tội dukkaṭa (tác ác) ở sự hứa hẹn.

Này các tỳ khưu, trường hợp chỗ cư trú mùa mưa đã được vị tỳ khưu hứa hẹn cho thời điểm trước. Trong khi đi đến chỗ cư trú ấy, vị ấy thực hiện lễ Uposatha ở bên ngoài và đến được trú xá vào ngày đầu tháng.[8]Vị ấy sắp đặt chỗ trú ngụ, đem lại nước uống nước rửa, quét phòng ốc. Rồi không phải vì công việc cần thiết, vị ấy ra đi ngay ngày hôm ấy. Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu ấy thời điểm trước không được ghi nhận và tội dukkaṭa (tác ác) ở sự hứa hẹn.

Này các tỳ khưu, trường hợp chỗ cư trú mùa mưa đã được vị tỳ khưu hứa hẹn cho thời điểm trước. Trong khi đi đến chỗ cư trú ấy, vị ấy thực hiện lễ Uposatha ở bên ngoài và đến được trú xá vào ngày đầu tháng. Vị ấy sắp đặt chỗ trú ngụ, đem lại nước uống nước rửa, quét phòng ốc. Rồi do công việc cần thiết, vị ấy ra đi ngay ngày hôm ấy. Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu ấy thời điểm trước không được ghi nhận và tội dukkaṭa (tác ác) ở sự hứa hẹn.

Này các tỳ khưu, trường hợp chỗ cư trú mùa mưa đã được vị tỳ khưu hứa hẹn cho thời điểm trước. Trong khi đi đến chỗ cư trú ấy, vị ấy thực hiện lễ Uposatha ở bên ngoài và đến được trú xá vào ngày đầu tháng. Vị ấy sắp đặt chỗ trú ngụ, đem lại nước uống nước rửa, quét phòng ốc. Vị ấy sau khi sống hai ba ngày rồi ra đi không phải vì công việc cần thiết. Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu ấy thời điểm trước không được ghi nhận và tội dukkaṭa (tác ác) ở sự hứa hẹn.

Này các tỳ khưu, trường hợp chỗ cư trú mùa mưa đã được vị tỳ khưu hứa hẹn cho thời điểm trước. Trong khi đi đến chỗ cư trú ấy, vị ấy thực hiện lễ Uposatha ở bên ngoài và đến được trú xá vào ngày đầu tháng. Vị ấy sắp đặt chỗ trú ngụ, đem lại nước uống nước rửa, quét phòng ốc. Vị ấy sau khi sống hai ba ngày rồi ra đi do công việc cần thiết. Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu ấy thời điểm trước không được ghi nhận và tội dukkaṭa (tác ác) ở sự hứa hẹn.

Này các tỳ khưu, trường hợp chỗ cư trú mùa mưa đã được vị tỳ khưu hứa hẹn cho thời điểm trước. Trong khi đi đến chỗ cư trú ấy, vị ấy thực hiện lễ Uposatha ở bên ngoài và đến được trú xá vào ngày đầu tháng. Vị ấy sắp đặt chỗ trú ngụ, đem lại nước uống nước rửa, quét phòng ốc. Vị ấy sau khi sống hai ba ngày rồi ra đi bởi công việc có thể giải quyết trong bảy ngày. Vị ấy vượt quá (thời hạn) bảy ngày ấy. Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu ấy thời điểm trước không được ghi nhận và tội dukkaṭa (tác ác) ở sự hứa hẹn.

Này các tỳ khưu, trường hợp chỗ cư trú mùa mưa đã được vị tỳ khưu hứa hẹn cho thời điểm trước. ...(như trên)... Vị ấy sau khi sống hai ba ngày rồi ra đi bởi công việc có thể giải quyết trong bảy ngày. Vị ấy thực hiện việc quay trở về trong (thời hạn) bảy ngày ấy. Này các tỳ khưu, thời điểm trước của vị tỳ khưu ấy được ghi nhận và vô tội ở sự hứa hẹn.

Này các tỳ khưu, trường hợp chỗ cư trú mùa mưa đã được vị tỳ khưu hứa hẹn cho thời điểm trước. Trong khi đi đến chỗ cư trú ấy, vị ấy thực hiện lễ Uposatha ở bên ngoài và đến được trú xá vào ngày đầu tháng. Vị ấy sắp đặt chỗ trú ngụ, đem lại nước uống nước rửa, quét phòng ốc. Bảy ngày trước ngày lễ Pavāraṇā, vị ấy ra đi do công việc cần thiết. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy có thể trở lại chỗ cư trú ấy hoặc không thể trở lại.[9]Này các tỳ khưu, thời điểm trước của vị tỳ khưu ấy được ghi nhận và vô tội ở sự hứa hẹn.

Này các tỳ khưu, trường hợp chỗ cư trú mùa mưa đã được vị tỳ khưu hứa hẹn cho thời điểm trước. Vị ấy sau khi đi đến chỗ cư trú ấy, thực hiện lễ Uposatha, và đến được trú xá vào ngày đầu tháng. Vị ấy sắp đặt chỗ trú ngụ, đem lại nước uống nước rửa, quét phòng ốc. Rồi không phải vì công việc cần thiết, vị ấy ra đi ngay ngày hôm ấy. Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu ấy thời điểm trước không được ghi nhận và tội dukkaṭa (tác ác) ở sự hứa hẹn.

Này các tỳ khưu, trường hợp chỗ cư trú mùa mưa đã được vị tỳ khưu hứa hẹn cho thời điểm trước. Vị ấy sau khi đi đến chỗ cư trú ấy, thực hiện lễ Uposatha, và đến được trú xá vào ngày đầu tháng. Vị ấy sắp đặt chỗ trú ngụ, đem lại nước uống nước rửa, quét phòng ốc. Rồi do công việc cần thiết, vị ấy ra đi ngay ngày hôm ấy. ...(như trên)... Vị ấy sau khi sống hai ba ngày rồi ra đi không phải vì công việc cần thiết. ...(như trên)... Vị ấy sau khi sống hai ba ngày rồi ra đi do công việc cần thiết. ...(như trên)... Vị ấy sau khi sống hai ba ngày rồi ra đi bởi công việc có thể giải quyết trong bảy ngày. Vị ấy vượt quá (thời hạn) bảy ngày ấy. Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu ấy thời điểm trước không được ghi nhận và tội dukkaṭa (tác ác) ở sự hứa hẹn.

...(như trên)... Vị ấy sau khi sống hai ba ngày rồi ra đi bởi công việc có thể giải quyết trong bảy ngày. Vị ấy thực hiện việc quay trở về trong (thời hạn) bảy ngày ấy. Này các tỳ khưu, thời điểm trước của vị tỳ khưu ấy được ghi nhận và vô tội ở sự hứa hẹn.

Này các tỳ khưu, trường hợp chỗ cư trú mùa mưa đã được vị tỳ khưu hứa hẹn cho thời điểm trước. Vị ấy sau khi đi đến chỗ cư trú ấy, thực hiện lễ Uposatha, và đến được trú xá vào ngày đầu tháng. Vị ấy sắp đặt chỗ trú ngụ, đem lại nước uống nước rửa, quét phòng ốc. Bảy ngày trước ngày lễ Pavāraṇā, vị ấy do công việc cần thiết rồi ra đi. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy có thể trở lại chỗ cư trú ấy hoặc không thể trở lại. Này các tỳ khưu, thời điểm trước của vị tỳ khưu ấy được ghi nhận và vô tội ở sự hứa hẹn.

[222] Này các tỳ khưu, trường hợp chỗ cư trú mùa mưa đã được vị tỳ khưu hứa hẹn cho thời điểm sau. Trong khi đi đến chỗ cư trú ấy, vị ấy thực hiện lễ Uposatha ở bên ngoài và đến được trú xá vào ngày đầu tháng. Vị ấy sắp đặt chỗ trú ngụ, đem lại nước uống nước rửa, quét phòng ốc. Rồi không phải vì công việc cần thiết, vị ấy ra đi ngay ngày hôm ấy. Này các tỳ khưu, thời điểm sau của vị tỳ khưu ấy không được ghi nhận và tội dukkaṭa (tác ác) ở sự hứa hẹn.

Này các tỳ khưu, trường hợp chỗ cư trú mùa mưa đã được vị tỳ khưu hứa hẹn cho thời điểm sau. Trong khi đi đến chỗ cư trú ấy, vị ấy thực hiện lễ Uposatha ở bên ngoài và đến được trú xá vào ngày đầu tháng. Vị ấy sắp đặt chỗ trú ngụ, đem lại nước uống nước rửa, quét phòng ốc. Rồi do công việc cần thiết, vị ấy ra đi ngay ngày hôm ấy. ...(như trên)... Vị ấy sau khi sống hai ba ngày rồi ra đi không phải vì công việc cần thiết. ...(như trên)... Vị ấy sau khi sống hai ba ngày rồi ra đi do công việc cần thiết. ...(như trên)... Vị ấy sau khi sống hai ba ngày rồi ra đi bởi công việc có thể giải quyết trong bảy ngày. Vị ấy vượt quá (thời hạn) bảy ngày ấy. Này các tỳ khưu, thời điểm sau của vị tỳ khưu ấy không được ghi nhận và tội dukkaṭa (tác ác) ở sự hứa hẹn.

Này các tỳ khưu, trường hợp chỗ cư trú mùa mưa đã được vị tỳ khưu hứa hẹn cho thời điểm sau. Trong khi đi đến chỗ cư trú ấy, vị ấy thực hiện lễ Uposatha ở bên ngoài và đến được trú xá vào ngày đầu tháng. Vị ấy sắp đặt chỗ trú ngụ, đem lại nước uống nước rửa, quét phòng ốc. Vị ấy sau khi sống hai ba ngày rồi ra đi bởi công việc có thể giải quyết trong bảy ngày. Vị ấy thực hiện việc quay trở về trong (thời hạn) bảy ngày ấy. Này các tỳ khưu, thời điểm sau của vị tỳ khưu ấy được ghi nhận và vô tội ở sự hứa hẹn.

Này các tỳ khưu, trường hợp chỗ cư trú mùa mưa đã được vị tỳ khưu hứa hẹn cho thời điểm sau. ...(như trên)... Bảy ngày trước ngày trăng tròn tháng Kattika là ngày lễ hội Cātumāsinī,[10]vị ấy ra đi do công việc cần thiết. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy có thể trở lại chỗ cư trú ấy hoặc không thể trở lại. Này các tỳ khưu, thời điểm sau của vị tỳ khưu ấy được ghi nhận và vô tội ở sự hứa hẹn.

Này các tỳ khưu, trường hợp chỗ cư trú mùa mưa đã được vị tỳ khưu hứa hẹn cho thời điểm sau. Vị ấy sau khi đi đến chỗ cư trú ấy, thực hiện lễ Uposatha, và đến được trú xá vào ngày đầu tháng. Vị ấy sắp đặt chỗ trú ngụ, đem lại nước uống nước rửa, quét phòng ốc. Rồi không phải vì công việc cần thiết, vị ấy ra đi ngay ngày hôm ấy. ...(như trên)... Rồi do công việc cần thiết, vị ấy ra đi ngay ngày hôm ấy. ...(như trên)... Vị ấy sau khi sống hai ba ngày rồi ra đi không phải vì công việc cần thiết. ...(như trên)... Vị ấy sau khi sống hai ba ngày rồi ra đi do công việc cần thiết. ...(như trên)... Vị ấy sau khi sống hai ba ngày rồi ra đi bởi công việc có thể giải quyết trong bảy ngày. Vị ấy vượt quá (thời hạn) bảy ngày ấy. Này các tỳ khưu, thời điểm sau của vị tỳ khưu ấy không được ghi nhận và tội dukkaṭa (tác ác) ở sự hứa hẹn.

...(như trên)... Vị ấy sau khi sống hai ba ngày rồi ra đi bởi công việc có thể giải quyết trong bảy ngày. Vị ấy thực hiện việc quay trở về trong (thời hạn) bảy ngày ấy. Này các tỳ khưu, thời điểm sau của vị tỳ khưu ấy được ghi nhận và vô tội ở sự hứa hẹn.

Này các tỳ khưu, trường hợp chỗ cư trú mùa mưa đã được vị tỳ khưu hứa hẹn cho thời điểm sau. ...(như trên)... Bảy ngày trước ngày trăng tròn tháng Kattika là ngày lễ hội Cātumāsinī, vị ấy ra đi do công việc cần thiết. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy có thể trở lại chỗ cư trú ấy hoặc không thể trở lại. Này các tỳ khưu, thời điểm sau của vị tỳ khưu ấy được ghi nhận và vô tội ở sự hứa hẹn.

Chương Vào Mùa Mưa là chương thứ ba.

******

Tóm lược chương này:

[223]

Vào mùa (an cư) mưa,
khi nào? và bao lần?
vào khoảng giữa mùa mưa
không muốn và cố ý,
dời lại, nam cư sĩ,
mẹ và cha bị bệnh,
anh em, và thân quyến,
người làm của tỳ khưu.
Trú xá, các thú dữ,
lại thêm các loại rắn,
trộm cướp, và yêu tinh,
với cả hai bị cháy,
bị nước lũ cuốn trôi,
(ngôi làng) lại dời đi
các thí chủ nhiều hơn,
thô thiển và hảo hạng,
dược phẩm được thích hợp,
và có người phục vụ.
Người nữ, cô gái điếm,
lở thời, kẻ vô căn,
thân quyến, và đức vua,
kẻ cướp, bọn bất lương,
của chôn, sự chia rẽ
có được tám trường hợp.
Bãi nhốt thú, đoàn xe,
chiếc thuyền, và bọng cây,
và ở chạc ba cây,
cư trú mưa ngoài trời,
và vị không chỗ ngụ,
nhà quàng xác, mái che,
và ở vại đất nung.
Các vị ấy đạt đến
thỏa hiệp, đã hứa hẹn,
lễ Bố Tát bên ngoài,
thời điểm trước và sau,
kết hợp theo cách ấy.
Ra đi việc không cần,
việc cần làm cũng thế,
lại nữa hai ba ngày,
với việc trong bảy ngày,
và bảy ngày sắp đến,
về lại hoặc không về,
nên xem xét đường lối
liên kết theo thứ tự                      
hợp thành các sự việc.

Trong chương này có năm mươi hai sự việc.


[1] Tính theo âm lịch của Việt Nam nếu không có tháng nhuần thì thời điểm trước là ngày 16 tháng 6, thời điểm sau là ngày 16 tháng 7.

[2] Tam Tạng Thái Lan không đề cập đến phòng tắm hơi, gian nhà ở phòng tắm hơi ở danh sách các công trình xây dựng phục vụ cho tỳ khưu ni và chú thích rằng Tam Tạng của các nước khác không có luôn cả nhà vệ sinh trong danh sách này (Xem Tiểu Phẩm – Cullavagga, chương X, [606] để có thêm tài liệu về vấn đề nhà vệ sinh của tỳ khưu ni). Về nhà tắm hơi thì tỳ khưu ni không được phép sử dụng (Sđd. [609]).

[3] Dường như các vị tỳ khưu đại diện để thọ lãnh cho dù các công trình trên được xây dựng không dành cho các vị.

[4] Danh sách các công trình để phục vụ cho người nữ cư sĩ cũngkhông có phòng tắm hơi và gian nhà ở phòng tắm hơi nhưng có nhà vệ sinh.

[5] Tam Tạng Thái Lan vẫn để nhà vệ sinh trong danh sách này. Vì người sử dụng là sa di ni nên chúng tôi theo Tam Tạng Miến Điện và loại công trình này ra khỏi danh sách.

[6] Nếu ngôi làng di chuyển không xa thì nên cư trú tại chính trú xá ấy và đi đến chỗ ở mới của ngôi làng để khất thực; nếu xa thì có thể đi theo trường hợp bảy ngày (theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa).

[7] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng vị tỳ khưu bị đứt mùa (an cư) mưa trong trường hợp này không phạm tội.

[8] Tức là ngày mười sáu tháng sáu theo âm lịch của Việt Nam nếu không có tháng nhuần. Không như âm lịch của Việt Nam, lịch này được tính theo nửa tháng trăng và hiện đang còn được sử dụng ở một số quốc gia.

[9] “... na vā āgaccheyya” = “không có thể trở lại” không nên hiểu là: “có thể không trở lại” (Không tìm được lời giải thích của ngài Buddhaghosa về việc này).

[10] Tức là rằm tháng mười âm lịch.

IV. CHƯƠNG PAVĀRAṆĀ (PAVĀRAṆĀKKHANDHAKAṂ)

[224] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ ở trong xứ Kosala có nhiều vị tỳ khưu là bạn bè đồng quan điểm đã vào mùa (an cư) mưa. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Chúng ta có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau, vậy bằng phương thức nào có thể sống mùa (an cư) mưa một cách thoải mái và không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực?” Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Nếu chúng ta có thể không nói với nhau và cũng không chuyện trò: Vị nào đi khất thực từ làng trở về trước tiên vị ấy sắp xếp chỗ ngồi, chuẩn bị nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi đem lại, cung ứng nước uống nước rửa. Vị nào đi khất thực từ làng trở về sau cùng, nếu vật thực được ăn còn thừa lại, nếu muốn có thể ăn; nếu không muốn có thể đem quăng bỏ ở nơi không có cỏ xanh hoặc đổ xuống nước không có sinh vật. Vị ấy xếp chỗ ngồi lại, dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi cất đi, dọn dẹp nước uống nước rửa, và quét nhà ăn. Vị nào thấy lu nước uống, hoặc lu nước rửa, hoặc lu nước nhà vệ sinh hết nước, trống trơn, vị ấy có thể đem (nước) lại. Nếu vị ấy không làm nổi, có thể ra hiệu bằng tay mời vị thứ hai và có thể đem (nước) lại với dấu hiệu bằng tay, nhưng không vì lý do đó lại có thể phát ra lời nói. Như thế, chúng ta có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau có thể sống mùa (an cư) mưa một cách thoải mái và không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực.” Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã không nói với nhau và cũng không chuyện trò. Vị nào đi khất thực từ làng trở về trước tiên vị ấy sắp xếp chỗ ngồi, chuẩn bị nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi đem lại, cung ứng nước uống nước rửa. Vị nào đi khất thực từ làng trở về sau cùng, nếu vật thực được ăn còn thừa lại, nếu muốn thì vị ấy ăn; nếu không muốn thì đem quăng bỏ ở nơi không có cỏ xanh hoặc đổ xuống nước không có sinh vật. Vị ấy xếp chỗ ngồi lại, dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi cất đi, dọn dẹp nước uống nước rửa, và quét nhà ăn. Vị nào thấy lu nước uống, hoặc lu nước rửa, hoặc lu nước nhà vệ sinh hết nước, trống trơn, vị ấy đem (nước) lại. Nếu không làm nổi, vị ấy ra hiệu bằng tay mời vị thứ hai và đem (nước) lại với dấu hiệu bằng tay, nhưng không vì lý do đó mà phát ra lời nói.

[225] Điều này đã trở thành thông lệ của các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa là đi đến để diện kiến đức Thế Tôn. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy khi đã sống qua mùa (an cư) mưa với thời gian ba tháng đã thu xếp chỗ trú ngụ, cầm y bát, ra đi về phía thành Sāvatthi. Tuần tự, các vị đã đi đến Jetavana tu viện của ông Anāthapiṇḍika gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên.

Điều này đã trở thành thông lệ của chư Phật Thế Tôn là niềm nở với các vị tỳ khưu đi đến. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Các ngươi có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau có phải đã sống mùa (an cư) mưa một cách thoải mái và không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực không?

- Bạch Thế Tôn, sức khoẻ khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc được tốt đẹp. Và bạch ngài, chúng con có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau đã sống mùa (an cư) mưa một cách thoải mái và không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực.

Các đấng Như Lai dầu biết vẫn hỏi, dầu biết các vị vẫn không hỏi, biết đúng thời các vị mới hỏi, biết đúng thời các vị vẫn không hỏi, có liên quan đến lợi ích các đấng Như lai mới hỏi và không (hỏi việc) không có liên quan đến lợi ích, khi không có liên quan đến lợi ích các đấng Như Lai có cách để cắt đứt vấn đề. Chư Phật Thế Tôn hỏi các vị tỳ khưu với hai lý do: “Chúng ta sẽ thuyết giảng Giáo Pháp hoặc là chúng ta sẽ quy định điều học cho các đệ tử.”

Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, các ngươi có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau đã sống mùa (an cư) mưa một cách thoải mái và không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực là như thế nào?

- Bạch ngài, trường hợp chúng con gồm nhiều vị tỳ khưu là bạn bè đồng quan điểm đã vào mùa (an cư) mưa tại trú xứ nọ ở trong xứ Kosala. Bạch ngài, chúng con đây đã khởi ý điều này: “Chúng ta có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau, vậy bằng phương thức nào có thể sống mùa (an cư) mưa một cách thoải mái và không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực?” Bạch ngài, chúng con đây đã khởi ý điều này: “Nếu chúng ta có thể không nói với nhau và cũng không chuyện trò: Vị nào đi khất thực từ làng trở về trước tiên vị ấy sắp xếp chỗ ngồi, chuẩn bị nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi đem lại, cung ứng nước uống nước rửa. Vị nào đi khất thực từ làng trở về sau cùng, nếu vật thực được ăn còn thừa lại, nếu muốn có thể ăn; nếu không muốn có thể đem quăng bỏ ở nơi không có cỏ xanh hoặc đổ xuống nước không có sinh vật. Vị ấy xếp chỗ ngồi lại, dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi cất đi, dọn dẹp nước uống nước rửa, và quét nhà ăn. Vị nào thấy lu nước uống, hoặc lu nước rửa, hoặc lu nước nhà vệ sinh hết nước, trống trơn, vị ấy có thể đem (nước) lại. Nếu vị ấy không làm nổi, có thể ra hiệu bằng tay mời vị thứ hai và có thể đem (nước) lại với dấu hiệu bằng tay, nhưng không vì lý do đó lại có thể phát ra lời nói. Như thế, chúng ta có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau có thể sống mùa (an cư) mưa một cách thoải mái và không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực.” Bạch ngài, sau đó chúng con đã không nói với nhau và cũng không chuyện trò. Vị nào đi khất thực từ làng trở về trước tiên vị ấy sắp xếp chỗ ngồi, chuẩn bị nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi đem lại, cung ứng nước uống nước rửa. Vị nào đi khất thực từ làng trở về sau cùng, nếu vật thực được ăn còn thừa lại, nếu muốn thì vị ấy ăn; nếu không muốn có thể đem quăng bỏ ở nơi không có cỏ xanh hoặc đổ xuống nước không có sinh vật. Vị ấy xếp chỗ ngồi lại, dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi cất đi, dọn dẹp nước uống nước rửa, và quét nhà ăn. Vị nào thấy lu nước uống, hoặc lu nước rửa, hoặc lu nước nhà vệ sinh hết nước, trống trơn, vị ấy đem (nước) lại. Nếu không làm nổi, vị ấy ra hiệu bằng tay mời vị thứ hai và đem (nước) lại với dấu hiệu bằng tay, nhưng không vì lý do đó mà phát ra lời nói. Bạch ngài, chúng con có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau đã sống mùa (an cư) mưa một cách thoải mái và không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực là như thế.

[226] Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, thật ra những kẻ rồ dại này trong khi đã sống một cách không thoải mái lại bảo rằng: “Chúng con đã sống một cách thoải mái.” Này các tỳ khưu, thật ra những kẻ rồ dại này trong khi đã sống với lối sống chung của loài thú lại bảo rằng: “Chúng con đã sống một cách thoải mái.” Này các tỳ khưu, thật ra những kẻ rồ dại này trong khi đã sống với lối sống chung của loài cừu lại bảo rằng: “Chúng con đã sống một cách thoải mái.” Này các tỳ khưu, thật ra những kẻ rồ dại này trong khi đã sống với lối cộng trú của những kẻ lười biếng lại bảo rằng: “Chúng con đã sống một cách thoải mái.” Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại này lại thọ trì lối thực hành của ngoại đạo là bắt chước kẻ câm. Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)... Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên thọ trì lối thực hành của ngoại đạo là bắt chước kẻ câm; vị nào thọ trì thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, đối với các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa ta cho phép thỉnh cầu dựa trên ba tình huống là do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ. Bằng cách ấy, các ngươi sẽ có được sự hòa thuận lẫn nhau, có được sự thoát ra khỏi tội, và có được sự hiểu rõ thêm về Luật. Và này các tỳ khưu, nên thỉnh cầu như vầy:

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hôm nay là ngày lễ Pavāraṇā. [1]Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.”

Vị tỳ khưu trưởng lão nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy:

Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu hội chúng. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng trắc ẩn xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu hội chúng lần thứ nhì. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng trắc ẩn xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu hội chúng lần thứ ba. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng trắc ẩn xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.”

Vị tỳ khưu mới tu nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy:

Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu hội chúng. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu hội chúng lần thứ nhì. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu hội chúng lần thứ ba. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.”

[227] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư ngồi yên trên chỗ ngồi trong lúc các tỳ khưu trưởng lão đang ngồi chồm hổm thỉnh cầu. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại ngồi yên trên chỗ ngồi trong lúc các tỳ khưu trưởng lão đang ngồi chồm hổm thỉnh cầu?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Lục Sư ngồi yên trên chỗ ngồi trong lúc các tỳ khưu trưởng lão đang ngồi chồm hổm thỉnh cầu, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại ngồi yên trên chỗ ngồi trong lúc các tỳ khưu trưởng lão đang ngồi chồm hổm thỉnh cầu. Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ..(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên ngồi yên trên chỗ ngồi trong lúc các tỳ khưu trưởng lão đang ngồi chồm hổm thỉnh cầu; vị nào ngồi yên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép toàn bộ tất cả ngồi chồm hổm để thỉnh cầu.

Vào lúc bấy giờ, có vị trưởng lão nọ già yếu ngồi chồm hổm (nghĩ rằng): “Đến khi tất cả thỉnh cầu xong,” trong lúc chờ đợi bị choáng váng rồi té xuống. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ngồi chồm hổm trong lúc chờ đến phiên thỉnh cầu, sau khi thỉnh cầu được ngồi xuống trên chỗ ngồi.

[228] Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Có bao nhiêu lễ Pavāraṇā?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, đây là hai lễ Pavāraṇā: Lễ ngày mười bốn và lễ ngày mười lăm. Này các tỳ khưu, đây là hai lễ Pavāraṇā.

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Có bao nhiêu hành sự Pavāraṇā?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, đây là bốn hành sự Pavāraṇā: Hành sự Pavāraṇā sai Pháp theo phe nhóm, hành sự Pavāraṇā sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự Pavāraṇā đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự Pavāraṇā đúng Pháp có sự hợp nhất.

Này các tỳ khưu, trường hợp này tức là hành sự Pavāraṇā sai Pháp theo phe nhóm, này các tỳ khưu, không nên thực hiện hành sự Pavāraṇā có hình thức như thế và hành sự Pavāraṇā có hình thức như thế không được ta cho phép.

Này các tỳ khưu, trường hợp này tức là hành sự Pavāraṇā sai Pháp có sự hợp nhất, này các tỳ khưu, không nên thực hiện hành sự Pavāraṇā có hình thức như thế và hành sự Pavāraṇā có hình thức như thế không được ta cho phép.

Này các tỳ khưu, trường hợp này tức là hành sự Pavāraṇā đúng Pháp theo phe nhóm, này các tỳ khưu, không nên thực hiện hành sự Pavāraṇā có hình thức như thế và hành sự Pavāraṇā có hình thức như thế không được ta cho phép.

Này các tỳ khưu, trường hợp này tức là hành sự Pavāraṇā đúng Pháp có sự hợp nhất, này các tỳ khưu, nên thực hiện hành sự Pavāraṇā có hình thức như thế và hành sự Pavāraṇā có hình thức như thế được ta cho phép. Này các tỳ khưu, do đó ở đây chúng ta sẽ thực hiện hành sự Pavāraṇā có hình thức như thế tức là “Đúng Pháp có sự hợp nhất.” Này các tỳ khưu, các ngươi nên học tập theo đúng như thế.

[229] Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, hãy tụ hội lại, hội chúng sẽ thực hiện lễ Pavāraṇā.

Khi được nói như thế, có vị tỳ khưu nọ đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, có vị tỳ khưu bệnh. Vị ấy không đến.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu bệnh được bày tỏ lời thỉnh cầu. Và này các tỳ khưu, nên bày tỏ như vầy:

Vị tỳ khưu bệnh nên đi đến gặp một vị tỳ khưu, nên đắp thượng y một bên vai, nên ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói như vầy:

Tôi xin bày tỏ lời thỉnh cầu. Hãy chuyển đạt lời thỉnh cầu của tôi. (Hãy thông báo lời thỉnh cầu của tôi.)[2]Hãy thỉnh cầu vì sự lợi ích của tôi.”

(Nếu) vị ấy thể hiện bằng thân, thể hiện bằng lời nói, thể hiện bằng thân và lời nói, thì lời thỉnh cầu đã được bày tỏ. (Nếu) vị ấy không thể hiện bằng thân, không thể hiện bằng lời nói, không thể hiện bằng thân và lời nói, thì lời thỉnh cầu đã không được bày tỏ. Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì nên dùng cái giường hoặc cái ghế khiêng vị tỳ khưu bệnh ấy đến giữa hội chúng rồi nên thực hiện lễ Pavāraṇā. Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu chăm sóc bệnh khởi ý như vầy: “Nếu chúng ta di chuyển vị bị bệnh dời khỏi chỗ, bệnh sẽ trầm trọng hơn hoặc sẽ gây tử vong,” này các tỳ khưu, không nên di chuyển vị bị bệnh dời khỏi chỗ. Hội chúng nên đi đến và thực hiện lễ Pavāraṇā ở nơi ấy. Nhưng không nên thực hiện lễ Pavāraṇā bởi hội chúng theo phe nhóm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu từ chính chỗ ấy bỏ đi (nơi khác) thì lời thỉnh cầu nên được bày tỏ đến vị khác. Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu ngay tại chỗ ấy hoàn tục, ...(như trên)..., từ trần, được biết là vị (xuống lại) sa di, được biết là người đã từ bỏ điều học, được biết là vị phạm tội cực nặng, được biết là vị bị điên, được biết là bị loạn trí, được biết là bị thọ khổ hành hạ, được biết là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, được biết là kẻ vô căn, được biết là kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), được biết là kẻ đã chuyển sang ngoại đạo, được biết là loài thú, được biết là kẻ giết mẹ, được biết là kẻ giết cha, được biết là kẻ giết A-la-hán, được biết là kẻ làm nhơ nhớp tỳ khưu ni, được biết là kẻ chia rẽ hội chúng, được biết là kẻ làm chảy máu đức Phật, được biết là kẻ lưỡng căn thì lời thỉnh cầu nên được bày tỏ đến vị khác.

Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu ở khoảng giữa đường lại bỏ đi (nơi khác) thì lời thỉnh cầu vẫn chưa được chuyển đạt. Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu ở khoảng giữa đường lại hoàn tục, từ trần, ...(như trên)..., được biết là kẻ lưỡng căn thì lời thỉnh cầu vẫn chưa được chuyển đạt.

Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu đã đến được hội chúng rồi bỏ đi (nơi khác) thì lời thỉnh cầu đã được chuyển đạt. Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu đã đến được hội chúng rồi hoàn tục, từ trần, ...(như trên)..., được biết là kẻ lưỡng căn thì lời thỉnh cầu đã được chuyển đạt.

Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu đã đến được hội chúng rồi ngủ quên nên không thông báo thì lời thỉnh cầu đã được chuyển đạt. Vị chuyển đạt lời thỉnh cầu không bị phạm tội.

Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu đã đến được hội chúng rồi nhập định nên không thông báo thì lời thỉnh cầu đã được chuyển đạt. Vị chuyển đạt lời thỉnh cầu không bị phạm tội.

Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu đã đến được hội chúng rồi lơ đễnh nên không thông báo thì lời thỉnh cầu đã được chuyển đạt. Vị chuyển đạt lời thỉnh cầu không bị phạm tội.

Này các tỳ khưu, khi lời thỉnh cầu đã được bày tỏ, nếu vị chuyển đạt lời thỉnh cầu đã đến được hội chúng rồi cố ý không thông báo thì lời thỉnh cầu đã được chuyển đạt và vị chuyển đạt lời thỉnh cầu bị phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, ta cho phép vào ngày lễ Pavāraṇā vị bày tỏ lời thỉnh cầu (đồng thời) bày tỏ sự tùy thuận (phòng khi) hội chúng có hành sự cần được thực hiện.

[230] Vào lúc bấy giờ, vào ngày lễ Pavāraṇā các thân quyến đã cầm giữ lại vị tỳ khưu nọ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā các thân quyến cầm giữ vị tỳ khưu lại. Các thân quyến ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy trả tự do cho vị tỳ khưu này trong chốc lát đến khi nào vị tỳ khưu này thực hiện lễ Pavāraṇā xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), các thân quyến ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy tránh sang một bên trong chốc lát đến khi nào vị tỳ khưu này bày tỏ lời thỉnh cầu xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), các thân quyến ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy dẫn vị tỳ khưu này ra khỏi ranh giới trong chốc lát đến khi nào hội chúng thực hiện lễ Pavāraṇā xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), vẫn không nên thực hiện lễ Pavāraṇā bởi hội chúng theo phe nhóm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā các đức vua cầm giữ vị tỳ khưu lại. ...(như trên)... Các kẻ trộm cướp cầm giữ ...(như trên)... Những kẻ bất lương cầm giữ ...(như trên)... Những kẻ đối nghịch tỳ khưu cầm giữ vị tỳ khưu lại. Những kẻ đối nghịch tỳ khưu ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy trả tự do cho vị tỳ khưu này trong chốc lát đến khi nào vị tỳ khưu này thực hiện lễ Pavāraṇā xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), những kẻ đối nghịch tỳ khưu ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các ngài, các ngài hãy tránh sang một bên trong chốc lát đến khi nào vị tỳ khưu này bày tỏ lời thỉnh cầu xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), những kẻ đối nghịch tỳ khưu ấy nên được các tỳ khưu nói như vầy: “Này các đạo hữu, các người hãy dẫn vị tỳ khưu này ra khỏi ranh giới trong chốc lát đến khi nào hội chúng thực hiện lễ Pavāraṇā xong.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không thể đạt được (như thế), vẫn không nên thực hiện lễ Pavāraṇā bởi hội chúng theo phe nhóm; vị nào thực hiện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[231] Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có năm vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā’ và chúng ta là năm người, vậy chúng ta nên thực hiện lễ Pavāraṇā như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thỉnh cầu hội chúng đối với năm (vị).

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có bốn vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã cho phép thỉnh cầu hội chúng đối với năm (vị) và chúng ta là bốn người, vậy chúng ta nên thực hiện lễ Pavāraṇā như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thỉnh cầu lẫn nhau đối với bốn (vị). Và này các tỳ khưu, nên thỉnh cầu như vầy:

Các vị tỳ khưu ấy nên được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Xin các đại đức hãy lắng nghe tôi, hôm nay là ngày lễ Pavāraṇā vào ngày mười lăm. Nếu là thời điểm thích hợp cho các đại đức, chúng ta nên thỉnh cầu lẫn nhau.”

Vị tỳ khưu trưởng lão nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với các vị tỳ khưu ấy như vầy:

Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu các đại đức. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu các đại đức lần thứ nhì. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu các đại đức lần thứ ba. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.”

Vị tỳ khưu mới tu nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với vị các tỳ khưu ấy như vầy:

Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu các đại đức. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu các đại đức lần thứ nhì. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu các đại đức lần thứ ba. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có ba vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã cho phép thỉnh cầu hội chúng đối với năm (vị), thỉnh cầu lẫn nhau đối với bốn (vị) và chúng ta là ba người, vậy chúng ta nên thực hiện lễ Pavāraṇā như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thỉnh cầu lẫn nhau đối với ba (vị). Và này các tỳ khưu, nên thỉnh cầu như vầy:

Các vị tỳ khưu ấy cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Xin các đại đức hãy lắng nghe tôi, hôm nay là ngày lễ Pavāraṇā vào ngày mười lăm. Nếu là thời điểm thích hợp cho các đại đức, chúng ta nên thỉnh cầu lẫn nhau.”

Vị tỳ khưu trưởng lão nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với vị các tỳ khưu ấy như vầy:

Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu các đại đức. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu các đại đức lần thứ nhì. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Này các sư đệ, tôi xin thỉnh cầu các đại đức lần thứ ba. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.”

Vị tỳ khưu mới tu nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với các vị tỳ khưu ấy như vầy:

Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu các đại đức. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu các đại đức lần thứ nhì. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Bạch các ngài, tôi xin thỉnh cầu các đại đức lần thứ ba. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin các đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có hai vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã cho phép thỉnh cầu hội chúng đối với năm (vị), thỉnh cầu lẫn nhau đối với bốn (vị),thỉnh cầu lẫn nhau đối với ba (vị) và chúng ta là hai người, vậy chúng ta nên thực hiện lễ Pavāraṇā như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thỉnh cầu lẫn nhau đối với hai (vị). Và này các tỳ khưu, nên thỉnh cầu như vầy:

Vị tỳ khưu trưởng lão nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với vị tỳ khưu mới tu như vầy:

Này sư đệ, tôi xin thỉnh cầu đại đức. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Này sư đệ, tôi xin thỉnh cầu đại đức lần thứ nhì. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Này sư đệ, tôi xin thỉnh cầu đại đức lần thứ ba. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.”

Vị tỳ khưu mới tu nên đắp thượng y một bên vai, ngồi chồm hổm, chắp tay lên, và nên nói với vị tỳ khưu trưởng lão như vầy:

Bạch ngài, tôi xin thỉnh cầu đại đức. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Bạch ngài, tôi xin thỉnh cầu đại đức lần thứ nhì. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.

Bạch ngài, tôi xin thỉnh cầu đại đức lần thứ ba. Do đã được thấy, hoặc do đã được nghe, hoặc do sự nghi ngờ, vì lòng thương xót xin đại đức hãy nói với tôi. Khi nhận ra tôi sẽ sửa chữa.”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có một vị tỳ khưu cư ngụ. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã cho phép thỉnh cầu hội chúng đối với năm (vị), thỉnh cầu lẫn nhau đối với bốn (vị), thỉnh cầu lẫn nhau đối với ba (vị), thỉnh cầu lẫn nhau đối với hai (vị) và ta chỉ có một mình, vậy ta nên thực hiện lễ Pavāraṇā như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có một vị tỳ khưu cư ngụ. Này các tỳ khưu, chỗ nào các vị tỳ khưu thường quay trở về là ở giảng đường, hoặc ở mái che, hoặc ở gốc cây, vị tỳ khưu ấy nên quét khu vực ấy, nên đem lại nước uống nước rửa, nên sắp đặt chỗ ngồi, nên thắp sáng đèn, rồi nên ngồi xuống. Nếu có các tỳ khưu khác đi đến thì nên thực hiện lễ Pavāraṇā với các vị ấy; nếu không có ai đi đến thì nên chú nguyện rằng: “Hôm nay là lễ Pavāraṇā của tôi.” Nếu không chú nguyện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp ở nơi có năm vị tỳ khưu cư ngụ, không nên chuyển đạt lời thỉnh cầu của một vị rồi thỉnh cầu hội chúng bởi bốn vị. Nếu các vị thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp ở nơi có bốn vị tỳ khưu cư ngụ, không nên chuyển đạt lời thỉnh cầu của một vị rồi thỉnh cầu lẫn nhau bởi ba (vị). Nếu các vị thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp ở nơi có ba vị tỳ khưu cư ngụ, không nên chuyển đạt lời thỉnh cầu của một vị rồi thỉnh cầu lẫn nhau bởi hai (vị). Nếu các vị thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp ở nơi có hai vị tỳ khưu cư ngụ, không nên chuyển đạt lời thỉnh cầu của một vị rồi chú nguyện bởi một (vị). Nếu chú nguyện thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[232] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị phạm tội vào ngày lễ Pavāraṇā. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Vị bị phạm tội không nên tiến hành lễ Pavāraṇā’ và ta thì bị phạm tội; vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu bị phạm tội vào ngày lễ Pavāraṇā. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên đi đến gặp một vị tỳ khưu, nên đắp thượng y một bên vai, nên ngồi chồm hổm, nên chắp tay lên, và nên nói như vầy:

- Bạch đại đức, tôi đã phạm tội tên (như vầy), tôi xin sám hối tội ấy.

Vị kia nên nói rằng:

- (Đại đức) có thấy (tội ấy) không?

- Thưa có, tôi thấy.

- (Đại đức) hãy thu thúc trong tương lai.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu có nghi ngờ về sự phạm tội vào ngày lễ Pavāraṇā. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên đi đến gặp một vị tỳ khưu, nên đắp thượng y một bên vai, nên ngồi chồm hổm, nên chắp tay lên, và nên nói như vầy:

- Bạch đại đức, tôi có nghi ngờ về sự phạm (một) tội tên (như vầy), khi nào tôi dứt khỏi hoài nghi khi ấy tôi sẽ sửa chữa tội ấy.

Nói xong thì lễ Pavāraṇā nên được tiến hành, nhưng không nên làm chướng ngại cho lễ Pavāraṇā chỉ vì nguyên nhân ấy.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ trong lúc đang được thỉnh cầu thì nhớ ra tội. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Vị bị phạm tội không nên thỉnh cầu’ và ta thì bị phạm tội; vậy ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu trong lúc đang được thỉnh cầu thì nhớ ra tội. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên nói với vị tỳ khưu bên cạnh như vầy: “Bạch đại đức, tôi đã phạm tội tên (như vầy), sau khi đứng dậy khỏi đây tôi sẽ sửa chữa tội ấy.” Nói xong thì nên thỉnh cầu, nhưng không nên làm chướng ngại cho việc thỉnh cầu chỉ vì nguyên nhân ấy.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu trong lúc đang được thỉnh cầu thì có nghi ngờ về sự phạm tội. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy nên nói với vị tỳ khưu bên cạnh như vầy: “Bạch đại đức, tôi có nghi ngờ về sự phạm (một) tội tên (như vầy), khi nào tôi dứt khỏi hoài nghi khi ấy tôi sẽ sửa chữa tội ấy.” Nói xong thì nên thỉnh cầu, nhưng không nên làm chướng ngại cho việc thỉnh cầu chỉ vì nguyên nhân ấy.

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā toàn bộ hội chúng đã phạm tội giống nhau. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên sám hối tội (đã phạm) giống nhau, không nên ghi nhận tội (đã phạm) giống nhau’ và toàn bộ hội chúng này đã phạm tội giống nhau, vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā toàn bộ hội chúng đã phạm tội giống nhau. Này các tỳ khưu, ngay trong hôm ấy các vị tỳ khưu ấy nên phái một vị tỳ khưu đi đến trú xứ lân cận (bảo rằng): “Này đại đức, hãy đi và sau khi sửa chữa tội ấy hãy quay trở về, chúng tôi sẽ sửa chữa lại tội ấy trong sự hiện diện của đại đức.” Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Này các tỳ khưu, nếu không đạt được (như thế) thì hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Toàn bộ hội chúng này đã phạm tội giống nhau, khi nào (hội chúng) nhìn thấy vị tỳ khưu khác trong sạch không phạm tội khi ấy (hội chúng) sẽ sửa chữa tội ấy trong sự hiện diện của vị ấy.” Nói xong, thì lễ Pavāraṇā nên được tiến hành, nhưng không nên làm chướng ngại cho lễ Pavāraṇā chỉ vì nguyên nhân ấy.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā toàn bộ hội chúng có nghi ngờ về sự phạm tội giống nhau. Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Toàn bộ hội chúng này có nghi ngờ về sự phạm tội giống nhau, khi nào (hội chúng) dứt khỏi hoài nghi khi ấy (hội chúng) sẽ sửa chữa tội ấy.” Nói xong, thì lễ Pavāraṇā nên được tiến hành, nhưng không nên làm chướng ngại cho lễ Pavāraṇā chỉ vì nguyên nhân ấy.

Dứt tụng phẩm thứ nhất.

[233] Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có nhiều vị tỳ khưu thường trú đã tụ hội lại là năm vị hoặc hơn. Các vị ấy đã không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi đã thực hiện lễ Pavāraṇā. Trong khi các vị ấy đang thỉnh cầu, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đã đi đến. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là năm vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Pavāraṇā. Trong khi các vị ấy đang thỉnh cầu thì có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy nên thỉnh cầu lại. Vô tội đối với các vị đã thỉnh cầu.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là năm vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Pavāraṇā. Trong khi các vị ấy đang thỉnh cầu, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. Các vị đã thỉnh cầu là đã thỉnh cầu tốt đẹp, các vị còn lại nên thỉnh cầu. Vô tội đối với các vị đã thỉnh cầu.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là năm vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Pavāraṇā. Trong khi các vị ấy đang thỉnh cầu, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) ít hơn đi đến. Các vị đã thỉnh cầu là đã thỉnh cầu tốt đẹp, các vị còn lại nên thỉnh cầu. Vô tội đối với các vị đã thỉnh cầu.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là năm vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Pavāraṇā. Khi các vị ấy vừa thỉnh cầu xong, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy nên thỉnh cầu lại. Vô tội đối với các vị đã thỉnh cầu. ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. Các vị đã thỉnh cầu là đã thỉnh cầu tốt đẹp, (các vị đến sau) nên thỉnh cầu trong sự hiện diện của các vị ấy. Vô tội đối với các vị đã thỉnh cầu. ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) ít hơn đi đến. Các vị đã thỉnh cầu là đã thỉnh cầu tốt đẹp, (các vị đến sau) nên thỉnh cầu trong sự hiện diện của các vị ấy. Vô tội đối với các vị đã thỉnh cầu.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là năm vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Pavāraṇā. Khi các vị ấy vừa thỉnh cầu xong, trong khi hội chúng còn chưa đứng lên, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy nên thỉnh cầu lại. Vô tội đối với các vị đã thỉnh cầu. ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Các vị đã thỉnh cầu là đã thỉnh cầu tốt đẹp, (các vị đến sau) nên thỉnh cầu trong sự hiện diện của các vị ấy. Vô tội đối với các vị đã thỉnh cầu.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là năm vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Pavāraṇā. Khi các vị ấy vừa thỉnh cầu xong, một số thuộc hội chúng đã đứng lên, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy nên thỉnh cầu lại. Vô tội đối với các vị đã thỉnh cầu. ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Các vị đã thỉnh cầu là đã thỉnh cầu tốt đẹp, (các vị đến sau) nên thỉnh cầu trong sự hiện diện của các vị ấy. Vô tội đối với các vị đã thỉnh cầu.

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là năm vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Pavāraṇā. Khi các vị ấy vừa thỉnh cầu xong, toàn bộ hội chúng đã đứng lên, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy nên thỉnh cầu lại. Vô tội đối với các vị đã thỉnh cầu. ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Các vị đã thỉnh cầu là đã thỉnh cầu tốt đẹp, (các vị đến sau) nên thỉnh cầu trong sự hiện diện của các vị ấy. Vô tội đối với các vị đã thỉnh cầu.

Dứt mười lăm trường hợp vô tội.

[234] Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là năm vị hoặc hơn. Các vị ấy biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Pavāraṇā. Trong khi các vị ấy đang thỉnh cầu, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy nên thỉnh cầu lại. Các vị đã thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Các vị đã thỉnh cầu là đã thỉnh cầu tốt đẹp, các vị còn lại nên thỉnh cầu. Các vị đã thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là năm vị hoặc hơn. Các vị ấy biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy tưởng là đúng Pháp, tưởng là đúng Luật, là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất rồi thực hiện lễ Pavāraṇā. Khi các vị ấy vừa thỉnh cầu xong, ...(như trên)... trong khi hội chúng còn chưa đứng lên, ...(như trên)... một số thuộc hội chúng đã đứng lên, ...(như trên)... toàn bộ hội chúng đã đứng lên, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Các vị đã thỉnh cầu là đã thỉnh cầu tốt đẹp, (các vị đến sau) nên thỉnh cầu trong sự hiện diện của các vị ấy. Các vị đã thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Dứt mười lăm trường hợp là phe nhóm lại tưởng là hợp nhất.

[235] Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là năm vị hoặc hơn. Các vị ấy biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy có sự nghi ngờ rằng: “Lễ Pavāraṇā của chúng ta được phép thực hiện hay không được phép?” rồi thực hiện lễ Pavāraṇā. Trong khi các vị ấy đang thỉnh cầu, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy nên thỉnh cầu lại. Các vị đã thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Các vị đã thỉnh cầu là đã thỉnh cầu tốt đẹp, các vị còn lại nên thỉnh cầu. Các vị đã thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là năm vị hoặc hơn. Các vị ấy biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy có sự nghi ngờ rằng: “Lễ Pavāraṇā của chúng ta được phép thực hiện hay không được phép?” rồi thực hiện lễ Pavāraṇā. Khi các vị ấy vừa thỉnh cầu xong, ...(như trên)... trong khi hội chúng còn chưa đứng lên, ...(như trên)... một số thuộc hội chúng đã đứng lên, ...(như trên)... toàn bộ hội chúng đã đứng lên, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Các vị đã thỉnh cầu là đã thỉnh cầu tốt đẹp, (các vị đến sau) nên thỉnh cầu trong sự hiện diện của các vị ấy. Các vị đã thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Dứt mười lăm trường hợp nghi ngờ.

[236] Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là năm vị hoặc hơn. Các vị ấy biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị có sự ngần ngại rằng: “Lễ Pavāraṇā vẫn được phép thực hiện đối với chúng ta, chứ không phải không được phép đối với chúng ta” rồi thực hiện lễ Pavāraṇā. Trong khi các vị ấy đang thỉnh cầu, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy nên thỉnh cầu lại. Các vị đã thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Các vị đã thỉnh cầu là đã thỉnh cầu tốt đẹp, các vị còn lại nên thỉnh cầu. Các vị đã thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là năm vị hoặc hơn. Các vị ấy biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy có sự ngần ngại rằng: “Lễ Pavāraṇā vẫn được phép thực hiện đối với chúng ta, chứ không phải không được phép đối với chúng ta” rồi thực hiện lễ Pavāraṇā. Khi các vị ấy vừa thỉnh cầu xong, ...(như trên)... trong khi hội chúng còn chưa đứng lên, ...(như trên)... một số thuộc hội chúng đã đứng lên, ...(như trên)... toàn bộ hội chúng đã đứng lên, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Các vị đã thỉnh cầu là đã thỉnh cầu tốt đẹp, (các vị đến sau) nên thỉnh cầu trong sự hiện diện của các vị ấy. Các vị đã thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Dứt mười lăm trường hợp có sự ngần ngại.

[237] Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là năm vị hoặc hơn. Các vị ấy biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy có dự tính chia rẽ (nghĩ rằng): “Các vị nầy tiêu mất đi! Các vị nầy chết mất đi! Ai mà cần đến các vị ấy?” rồi thực hiện lễ Pavāraṇā. Trong khi các vị ấy đang thỉnh cầu, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy nên thỉnh cầu lại. Các vị đã thỉnh cầu thì phạm tội thullaccaya (trọng tội). ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Các vị đã thỉnh cầu là đã thỉnh cầu tốt đẹp, các vị còn lại nên thỉnh cầu. Các vị đã thỉnh cầu thì phạm tội thullaccaya (trọng tội). 

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là năm vị hoặc hơn. Các vị ấy biết rằng: “Có những tỳ khưu thường trú khác chưa đi đến.” Các vị ấy có dự tính chia rẽ (nghĩ rằng): “Các vị nầy tiêu mất đi! Các vị nầy chết mất đi! Ai mà cần đến các vị ấy?” rồi thực hiện lễ Pavāraṇā. Khi các vị ấy vừa thỉnh cầu xong, ...(như trên)... trong khi hội chúng còn chưa đứng lên, ...(như trên)... một số thuộc hội chúng đã đứng lên, ...(như trên)... toàn bộ hội chúng đã đứng lên, có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) nhiều hơn đi đến. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy nên thỉnh cầu lại. Các vị đã thỉnh cầu thì phạm tội thullaccaya (trọng tội). ...(như trên)... có các vị tỳ khưu thường trú khác (có số lượng) tương đương đi đến. ...(như trên)... (có số lượng) ít hơn đi đến. Các vị đã thỉnh cầu là đã thỉnh cầu tốt đẹp, (các vị đến sau) nên thỉnh cầu trong sự hiện diện của các vị ấy. Các vị đã thỉnh cầu thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Dứt mười lăm trường hợp có dự tính chia rẽ.

[238] Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā có nhiều vị tỳ khưu thường trú tụ hội lại là năm vị hoặc hơn. Các vị ấy không biết rằng: “Các vị tỳ khưu thường trú khác đang đi vào trong ranh giới,” ...(như trên)... Các vị ấy không biết rằng: “Các vị tỳ khưu thường trú khác đã đi vào trong ranh giới,” ...(như trên)... Các vị ấy không nhìn thấy các vị tỳ khưu thường trú khác đang đi vào trong ranh giới, ...(như trên)... Các vị ấy không nhìn thấy các vị tỳ khưu thường trú khác đã đi vào trong ranh giới, ...(như trên)... Các vị ấy không nghe rằng: “Các vị tỳ khưu thường trú khác đang đi vào trong ranh giới,” ...(như trên)... Các vị ấy không nghe rằng: “Các vị tỳ khưu thường trú khác đã đi vào trong ranh giới,” ...(như trên)... Theo phương thức của một trăm bảy mươi lăm nhóm ba của vị thường trú với vị thường trú, của vị vãng lai với vị thường trú, của vị thường trú với vị vãng lai, của vị vãng lai với vị vãng lai; theo cách thức thêm vào những phần tương tợ thì tạo ra được bảy trăm nhóm ba.

[239] Này các tỳ khưu, trường hợp ngày mười bốn là của các tỳ khưu thường trú, ngày mười lăm là của các tỳ khưu vãng lai. Nếu các vị thường trú (có số lượng) nhiều hơn thì các vị vãng lai nên thuận theo các vị thường trú. Nếu (có số lượng) bằng nhau thì các vị vãng lai nên thuận theo các vị thường trú. Nếu các vị vãng lai (có số lượng) nhiều hơn thì các vị thường trú nên thuận theo các vị vãng lai.

Này các tỳ khưu, trường hợp ngày mười lăm là của các tỳ khưu thường trú, ngày mười bốn là của các tỳ khưu vãng lai. Nếu các vị thường trú (có số lượng) nhiều hơn thì các vị vãng lai nên thuận theo các vị thường trú. Nếu (có số lượng) bằng nhau thì các vị vãng lai nên thuận theo các vị thường trú. Nếu các vị vãng lai (có số lượng) nhiều hơn thì các vị thường trú nên thuận theo các vị vãng lai.

Này các tỳ khưu, trường hợp ngày đầu tháng là của các tỳ khưu thường trú, ngày mười lăm là của các tỳ khưu vãng lai. Nếu các vị thường trú (có số lượng) nhiều hơn và các vị thường trú không mong muốn thì không nên ban cho sự hợp nhất đến các vị vãng lai; các vị vãng lai nên đi ra khỏi ranh giới rồi tiến hành lễ Pavāraṇā. Nếu (có số lượng) bằng nhau và các vị thường trú không mong muốn thì không nên ban cho sự hợp nhất đến các vị vãng lai; các vị vãng lai nên đi ra khỏi ranh giới rồi tiến hành lễ Pavāraṇā.  Nếu các vị vãng lai (có số lượng) nhiều hơn thì các vị thường trú nên ban cho sự hợp nhất đến các vị vãng lai hoặc là nên đi ra khỏi ranh giới.

Này các tỳ khưu, trường hợp ngày mười lăm là của các tỳ khưu thường trú, ngày đầu tháng là của các tỳ khưu vãng lai. Nếu các vị thường trú (có số lượng) nhiều hơn thì các vị vãng lai nên ban cho sự hợp nhất đến các vị thường trú hoặc là nên đi ra khỏi ranh giới. Nếu (có số lượng) bằng nhau thì các vị vãng lai nên ban cho sự hợp nhất đến các vị thường trú hoặc là nên đi ra khỏi ranh giới. Nếu các vị vãng lai (có số lượng) nhiều hơn và các vị vãng lai không mong muốn thì không nên ban cho sự hợp nhất đến các vị thường trú; các vị thường trú nên đi ra khỏi ranh giới rồi tiến hành lễ Pavāraṇā.

[240] Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu vãng lai nhìn thấy sự biểu hiện của việc cư trú, đặc điểm của việc cư trú, hiện tướng của việc cư trú, dấu hiệu của việc cư trú của các vị tỳ khưu thường trú (như là) giường ghế nệm gối được sắp xếp cẩn thận, nước uống nước rửa khéo được bố trí, phòng ốc được quét dọn sạch sẽ, sau khi nhìn thấy khởi lên nghi ngờ: “Có các vị tỳ khưu thường trú hay không có?” Các vị nghi ngờ nhưng không tìm kiếm, sau khi không tìm kiếm rồi tiến hành lễ Pavāraṇā thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm không nhìn thấy, sau khi không nhìn thấy rồi tiến hành lễ Pavāraṇā thì vô tội. Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy rồi tiến hành lễ Pavāraṇā chung thì vô tội. Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy rồi tiến hành lễ Pavāraṇā riêng rẽ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy có dự tính chia rẽ (nói rằng): “Các vị nầy tiêu mất đi! Các vị nầy chết mất đi! Ai mà cần đến các vị ấy?” rồi tiến hành lễ Pavāraṇā thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu vãng lai nghe được sự biểu hiện của việc cư trú, đặc điểm của việc cư trú, hiện tướng của việc cư trú, dấu hiệu của việc cư trú của các vị tỳ khưu thường trú (như là) tiếng bước chân của những vị đang đi kinh hành, tiếng học bài, tiếng đằng hắng, tiếng hắt hơi, sau khi nghe khởi lên nghi ngờ: “Có các vị tỳ khưu thường trú hay không có?” Các vị nghi ngờ nhưng không tìm kiếm, sau khi không tìm kiếm rồi tiến hành lễ Pavāraṇā thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm không nhìn thấy, sau khi không nhìn thấy rồi tiến hành lễ Pavāraṇā thì vô tội. Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy rồi tiến hành lễ Pavāraṇā chung thì vô tội. Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy rồi tiến hành lễ Pavāraṇā riêng rẽ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy có dự tính chia rẽ (nói rằng): “Các vị nầy tiêu mất đi! Các vị nầy chết mất đi! Ai mà cần đến các vị ấy?” rồi tiến hành lễ Pavāraṇā thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu thường trú nhìn thấy sự biểu hiện của việc đi đến, đặc điểm của việc đi đến, hiện tướng của việc đi đến, dấu hiệu của việc đi đến của các tỳ khưu vãng lai (như là) bình bát khác lạ, y khác lạ, tọa cụ khác lạ, sự vung vãi nước rửa các bàn chân, sau khi nhìn thấy khởi lên nghi ngờ: “Có các vị tỳ khưu vãng lai hay không có?” Các vị nghi ngờ nhưng không tìm kiếm, sau khi không tìm kiếm rồi tiến hành lễ Pavāraṇā thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm không nhìn thấy, sau khi không nhìn thấy rồi tiến hành lễ Pavāraṇā thì vô tội. Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy rồi tiến hành lễ Pavāraṇā chung thì vô tội. Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy rồi tiến hành lễ Pavāraṇā riêng rẽ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy có dự tính chia rẽ (nói rằng): “Các vị nầy tiêu mất đi! Các vị nầy chết mất đi! Ai mà cần đến các vị ấy?” rồi tiến hành lễ Pavāraṇā thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu thường trú nghe được sự biểu hiện của việc đi đến, đặc điểm của việc đi đến, hiện tướng của việc đi đến, dấu hiệu của việc đi đến của các tỳ khưu vãng lai (như là) tiếng bước chân của các vị đang đi đến, tiếng động gây nên bởi các đôi dép, tiếng đằng hắng, tiếng hắt hơi, sau khi nghe khởi lên nghi ngờ: “Có các vị tỳ khưu vãng lai hay không có?” Các vị nghi ngờ nhưng không tìm kiếm, sau khi không tìm kiếm rồi tiến hành lễ Pavāraṇā thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm không nhìn thấy, sau khi không nhìn thấy rồi tiến hành lễ Pavāraṇā thì vô tội. Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy rồi tiến hành lễ Pavāraṇā chung thì vô tội. Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy rồi tiến hành lễ Pavāraṇā riêng rẽ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị nghi ngờ rồi tìm kiếm, sau khi tìm kiếm thì nhìn thấy, sau khi nhìn thấy có dự tính chia rẽ (nói rằng): “Các vị nầy tiêu mất đi! Các vị nầy chết mất đi! Ai mà cần đến các vị ấy?” rồi tiến hành lễ Pavāraṇā thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

[241] Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu vãng lai nhìn thấy các tỳ khưu thường trú là các vị thuộc nhóm cộng trú khác (nānāsaṃvāsaka). Các vị ấy nhận lầm là thuộc cùng nhóm cộng trú (samānasaṃsāsaka), sau khi nhận lầm là thuộc cùng nhóm cộng trú rồi không hỏi, sau khi không hỏi rồi tiến hành lễ Pavāraṇā chung thì vô tội. ...(như trên)... Các vị ấy hỏi, sau khi hỏi vẫn không thay đổi (quan điểm), sau khi không thay đổi (quan điểm) lại tiến hành lễ Pavāraṇā chung thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị ấy hỏi, sau khi hỏi vẫn không thay đổi (quan điểm), sau khi không thay đổi (quan điểm) rồi tiến hành lễ Pavāraṇā riêng rẽ thì vô tội.

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu vãng lai nhìn thấy các tỳ khưu thường trú là các vị thuộc cùng nhóm cộng trú. Các vị ấy nhận lầm là các vị thuộc nhóm cộng trú khác, sau khi nhận lầm là các vị thuộc nhóm cộng trú khác lại không hỏi, sau khi không hỏi lại tiến hành lễ Pavāraṇā chung thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... Các vị ấy hỏi, sau khi hỏi rồi thay đổi (quan điểm), sau khi thay đổi (quan điểm) lại tiến hành lễ Pavāraṇā riêng rẽ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị ấy hỏi, sau khi hỏi rồi thay đổi (quan điểm), sau khi thay đổi (quan điểm) rồi tiến hành lễ Pavāraṇā chung thì vô tội.

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu thường trú nhìn thấy các tỳ khưu vãng lai là các vị thuộc nhóm cộng trú khác. Các vị ấy nhận lầm là các vị thuộc cùng nhóm cộng trú, sau khi nhận lầm là thuộc cùng nhóm cộng trú rồi không hỏi, sau khi không hỏi rồi tiến hành lễ Pavāraṇā chung thì vô tội. ...(như trên)... Các vị ấy hỏi, sau khi hỏi vẫn không thay đổi (quan điểm), sau khi không thay đổi (quan điểm) lại tiến hành lễ Pavāraṇā chung thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị ấy hỏi, sau khi hỏi vẫn không thay đổi (quan điểm), sau khi không thay đổi (quan điểm) rồi tiến hành lễ Pavāraṇā riêng rẽ thì vô tội.

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu thường trú nhìn thấy các tỳ khưu vãng lai là các vị thuộc cùng nhóm cộng trú. Các vị ấy nhận lầm là các vị thuộc nhóm cộng trú khác, sau khi nhận lầm là các vị thuộc nhóm cộng trú khác rồi không hỏi, sau khi không hỏi lại tiến hành lễ Pavāraṇā chung thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... Các vị ấy hỏi, sau khi hỏi rồi thay đổi (quan điểm), sau khi thay đổi (quan điểm) lại tiến hành lễ Pavāraṇā riêng rẽ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Các vị ấy hỏi, sau khi hỏi rồi thay đổi (quan điểm), sau khi thay đổi (quan điểm) rồi tiến hành lễ Pavāraṇā chung thì vô tội.

[242] Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Pavāraṇā từ chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ không có tỳ khưu trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Pavāraṇā từ chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến nơi không phải là chỗ trú ngụ không có tỳ khưu trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Pavāraṇā từ chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ không có tỳ khưu trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm.

Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Pavāraṇā từ nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ không có tỳ khưu trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Pavāraṇā từ nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến nơi không phải là chỗ trú ngụ không có tỳ khưu trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Pavāraṇā từ nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ không có tỳ khưu trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm.

Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Pavāraṇā từ chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ không có tỳ khưu trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Pavāraṇā từ chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến nơi không phải là chỗ trú ngụ không có tỳ khưu trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Pavāraṇā từ chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ không có tỳ khưu trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm.

Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Pavāraṇā từ chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ có tỳ khưu nhưng các tỳ khưu ở nơi ấy là thuộc nhóm cộng trú khác trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Pavāraṇā từ chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu nhưng các tỳ khưu ở nơi ấy là thuộc nhóm cộng trú khác trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm. Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Pavāraṇā từ chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu nhưng các tỳ khưu ở nơi ấy là thuộc nhóm cộng trú khác trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm.

Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Pavāraṇā từ nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ có tỳ khưu ...(như trên)... nơi không phải là chỗ trú ngụ ...(như trên)... chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu nhưng các tỳ khưu ở nơi ấy là thuộc nhóm cộng trú khác trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm.

Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Pavāraṇā từ chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu không nên đi đến chỗ trú ngụ có tỳ khưu ...(như trên)... nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu ...(như trên)... chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu nhưng các tỳ khưu ở nơi ấy là thuộc nhóm cộng trú khác trừ phi (đi cùng) với hội chúng, trừ phi có nguy hiểm.

Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Pavāraṇā từ chỗ trú ngụ có tỳ khưu có thể đi đến chỗ trú ngụ có tỳ khưu ...(như trên)... nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu ...(như trên)... chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu và các tỳ khưu ở nơi ấy thuộc cùng nhóm cộng trú, nếu vị ấy biết rằng: “Ta có thể đi đến nội trong ngày nay.”

Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Pavāraṇā vị tỳ khưu từ nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu có thể đi đến chỗ trú ngụ có tỳ khưu ...(như trên)... nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu ...(như trên)... chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu và các tỳ khưu ở nơi ấy thuộc cùng nhóm cộng trú, nếu vị ấy biết rằng: “Ta có thể đi đến nội trong ngày nay.”

Này các tỳ khưu, vào ngày lễ Pavāraṇā vị tỳ khưu từ chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu có thể đi đến chỗ trú ngụ có tỳ khưu ...(như trên)... nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu ...(như trên)... chỗ trú ngụ hoặc nơi không phải là chỗ trú ngụ có tỳ khưu và các tỳ khưu ở nơi ấy thuộc cùng nhóm cộng trú, nếu vị ấy biết rằng: “Ta có thể đi đến nội trong ngày nay.”

[243] Này các tỳ khưu, không nên thỉnh cầu với hội chúng đã ngồi xuống có vị tỳ khưu ni; vị nào thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, không nên thỉnh cầu với hội chúng đã ngồi xuống có cô ni tu tập sự ... có vị sa di ... có vị sa di ni ... có người đã từ bỏ điều học ... có vị đã phạm tội cực nặng; vị nào thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Không nên thỉnh cầu với hội chúng đã ngồi xuống có vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội; vị nào thỉnh cầu thì nên được hành xử theo pháp. Không nên thỉnh cầu với hội chúng đã ngồi xuống có vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi ... có vị bị án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác; vị nào thỉnh cầu thì nên được hành xử theo pháp.[3]

Này các tỳ khưu, không nên thỉnh cầu với hội chúng đã ngồi xuống có kẻ vô căn; vị nào thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Không nên thỉnh cầu với hội chúng đã ngồi xuống có kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu) ... có kẻ đã chuyển sang ngoại đạo ... có loài thú ... có kẻ giết mẹ ... có kẻ giết cha ... có kẻ giết A-la-hán ... có kẻ làm nhơ nhớp tỳ khưu ni ... có kẻ chia rẽ hội chúng ... có kẻ làm chảy máu đức Phật ... có kẻ lưỡng căn; vị nào thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, lễ Pavāraṇā không nên tiến hành với việc bày tỏ lời thỉnh cầu của vị hành parivāsa, trừ trường hợp tập thể không bị cách ly (avuṭṭhitāya parisāya).[4]

Này các tỳ khưu, không nên tiến hành lễ Pavāraṇā không nhằm ngày Pavāraṇā trừ phi vào lúc hợp nhất hội chúng.

Dứt tụng phẩm thứ nhì.

[244] Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ trong xứ Kosala vào ngày lễ Pavāraṇā đã có sự sợ hãi vì bọn người hung tợn. Các vị tỳ khưu đã không thể thỉnh cầu ba lần đọc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thỉnh cầu hai lần đọc.

Đã có sự sợ hãi dữ dội hơn vì bọn người hung tợn. Các vị tỳ khưu đã không thể thỉnh cầu hai lần đọc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thỉnh cầu một lần đọc.

Đã có sự sợ hãi dữ dội hơn vì bọn người hung tợn. Các vị tỳ khưu đã không thể thỉnh cầu một lần đọc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thỉnh cầu (cùng một lượt) theo sự đồng năm tu (samānavassikaṃ).

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā trong khi dân chúng còn đang cúng dường vật thí thì đêm đã gần tàn. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý rằng: “Trong khi những người này còn đang cúng dường vật thí thì đêm đã gần tàn, nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và khi ấy đêm nay sẽ hừng sáng, vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā trong khi dân chúng còn đang cúng dường vật thí thì đêm đã gần tàn. Nếu các vị tỳ khưu ở đó khởi ý như vầy: “Trong khi những người này còn đang cúng dường vật thí thì đêm đã gần tàn, nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và khi ấy đêm nay sẽ hừng sáng.” Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi, trong khi dân chúng còn đang cúng dường vật thí thì đêm đã gần tàn, nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và khi ấy đêm nay sẽ hừng sáng. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thỉnh cầu hai lần đọc, (hoặc) một lần đọc, (hoặc) theo sự đồng năm tu.”

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā, trong khi các vị tỳ khưu đang giảng Pháp, trong khi các vị chuyên về Kinh đang trùng tụng về Kinh, trong khi các vị chuyên về Luật đang hỏi về Luật, trong khi các vị Pháp sư đang thảo luận về Pháp, trong khi các vị tỳ khưu đang tranh cãi thì đêm đã gần tàn, nếu các vị tỳ khưu ở đó khởi ý như vầy: “Trong khi các vị tỳ khưu đang tranh cãi thì đêm đã gần tàn, nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và khi ấy đêm nay sẽ hừng sáng.” Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi các vị tỳ khưu đang tranh cãi thì đêm đã gần tàn, nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và khi ấy đêm nay sẽ hừng sáng. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thỉnh cầu hai lần đọc, (hoặc) một lần đọc, (hoặc) theo sự đồng năm tu.”

Vào lúc bấy giờ, tại trú xứ nọ trong xứ Kosala vào ngày lễ Pavāraṇā, có hội chúng tỳ khưu đông đảo đã tụ hội lại. Chỗ trú mưa thì ít oi và đám mây đen lớn đã kéo đến. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Hội chúng tỳ khưu đông đảo này đã tụ hội lại. Chỗ trú mưa thì ít oi và đám mây đen lớn đã kéo đến. Nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và đám mây đen này sẽ đổ mưa, vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā, có hội chúng tỳ khưu đông đảo tụ hội lại. Chỗ trú mưa thì ít oi và đám mây đen lớn kéo đến. Nếu các vị tỳ khưu ở đó khởi ý như vầy: “Hội chúng tỳ khưu đông đảo này đã tụ hội lại. Chỗ trú mưa thì ít oi và đám mây đen lớn đã kéo đến. Nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và đám mây đen này sẽ đổ mưa.” Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng tỳ khưu đông đảo này đã tụ hội lại. Chỗ trú mưa thì ít oi và đám mây đen lớn đã kéo đến. Nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và đám mây đen này sẽ đổ mưa. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thỉnh cầu hai lần đọc, (hoặc) một lần đọc, (hoặc) theo sự đồng năm tu.”

Này các tỳ khưu, trường hợp tại trú xứ nọ vào ngày lễ Pavāraṇā, có sự nguy hiểm từ đức vua. ...(như trên)... có sự nguy hiểm vì trộm cướp, có sự nguy hiểm vì hỏa hoạn, có sự nguy hiểm vì nước ngập, có sự nguy hiểm vì loài người, có sự nguy hiểm vì phi nhân, có sự nguy hiểm vì thú dữ, có sự nguy hiểm vì rắn, có sự nguy hiểm cho mạng sống, có sự nguy hiểm cho Phạm hạnh. Nếu các vị tỳ khưu ở đó khởi ý như vầy: “Đây là sự nguy hiểm cho Phạm hạnh. Nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và điều này sẽ là sự nguy hiểm cho Phạm hạnh.” Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Đây là sự nguy hiểm cho Phạm hạnh. Nếu hội chúng sẽ thỉnh cầu ba lần đọc thì hội chúng sẽ không thỉnh cầu xong và điều này sẽ là sự nguy hiểm cho Phạm hạnh. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thỉnh cầu hai lần đọc, (hoặc) một lần đọc, (hoặc) theo sự đồng năm tu.”

[245] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư là những vị có phạm tội tiến hành lễ Pavāraṇā. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, vị có phạm tội không nên thỉnh cầu; vị nào thỉnh cầu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, vị nào có phạm tội mà thỉnh cầu thì ta cho phép buộc tội vị ấy sau khi đã thỉnh ý trước.

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư trong khi được thỉnh ý trước đã không ưng thuận để cho thỉnh ý (okāsaṃ kātuṃ). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đình chỉ lễ Pavāraṇā đối với vị không để cho thỉnh ý. Và này các tỳ khưu, nên đình chỉ như vầy: Vào ngày lễ Pavāraṇā là ngày mười bốn hoặc mười lăm, trong khi nhân vật ấy có hiện diện ở giữa hội chúng, nên trình lên rằng: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nhân vật tên (như vầy) có phạm tội vẫn thỉnh cầu. Tôi đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ Pavāraṇā)[5]của vị ấy. Không nên thỉnh cầu (tiến hành lễ Pavāraṇā) trong sự hiện diện của vị ấy.” Sự thỉnh cầu (lễ Pavāraṇā) đã được đình chỉ.

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Trước hết, các vị tỳ khưu hiền thiện sẽ đình chỉ lễ Pavāraṇā của chúng ta” nên ra tay trước đình chỉ lễ Pavāraṇā của các vị tỳ khưu trong sạch không phạm tội không có cơ sở không có nguyên nhân, (đồng thời) đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ Pavāraṇā) của các vị đã thỉnh cầu xong (đã hành xong lễ Pavāraṇā). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đình chỉ lễ Pavāraṇā của các vị tỳ khưu trong sạch không phạm tội khi không có cơ sở không có nguyên nhân; vị nào đình chỉ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Và này các tỳ khưu, không nên đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ Pavāraṇā) của các vị đã thỉnh cầu xong (đã hành xong lễ Pavāraṇā); vị nào đình chỉ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[246] Này các tỳ khưu, như vầy là lễ Pavāraṇā bị đình chỉ, như vầy là không bị đình chỉ.

Này các tỳ khưu, thế nào là lễ Pavāraṇā không bị đình chỉ?

Này các tỳ khưu, trong lễ Pavāraṇā ba lần đọc, nếu đình chỉ lễ Pavāraṇā vào lúc đã đọc, đã nói, đã hoàn tất thì lễ Pavāraṇā không bị đình chỉ. Này các tỳ khưu, trong lễ Pavāraṇā hai lần đọc, nếu ... Này các tỳ khưu, trong lễ Pavāraṇā một lần đọc, nếu ... Này các tỳ khưu, trong lễ Pavāraṇā (đọc một lượt) theo sự đồng năm tu, nếu đình chỉ lễ Pavāraṇā vào lúc đã đọc, đã nói, đã hoàn tất thì lễ Pavāraṇā không bị đình chỉ. Này các tỳ khưu, như thế là lễ Pavāraṇā không bị đình chỉ.

Này các tỳ khưu, thế nào là lễ Pavāraṇā bị đình chỉ?

Này các tỳ khưu, trong lễ Pavāraṇā ba lần đọc, nếu đình chỉ lễ Pavāraṇā trong lúc được đọc, được nói, (nhưng) chưa được hoàn tất thì lễ Pavāraṇā bị đình chỉ. Này các tỳ khưu, trong lễ Pavāraṇā hai lần đọc, nếu ... Này các tỳ khưu, trong lễ Pavāraṇā một lần đọc, nếu ... Này các tỳ khưu, trong lễ Pavāraṇā (đọc một lượt) theo sự đồng năm tu, nếu đình chỉ lễ Pavāraṇā trong lúc được đọc, được nói, (nhưng) chưa được hoàn tất thì lễ Pavāraṇā bị đình chỉ. Này các tỳ khưu, như thế là lễ Pavāraṇā bị đình chỉ.

[247] Này các tỳ khưu, trường hợp trong ngày lễ Pavāraṇā, có vị tỳ khưu đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ Pavāraṇā) của vị tỳ khưu. Nếu các vị tỳ khưu khác biết về vị tỳ khưu ấy rằng: “Đại đức này có sở hành về thân không được trong sạch, có sở hành về khẩu không được trong sạch, có sự nuôi mạng không được trong sạch, (là vị) ngu dốt, không kinh nghiệm, không có năng lực đối đáp lại khi bị tra hỏi.” Sau khi đã răn đe rằng: “Này tỳ khưu, thôi đi! Chớ có sự xung đột, chớ có sự cãi cọ, chớ có sự tranh luận, chớ có sự tranh tụng!” rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.

Này các tỳ khưu, trường hợp trong ngày lễ Pavāraṇā, có vị tỳ khưu đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ Pavāraṇā) của vị tỳ khưu. Nếu các vị tỳ khưu khác biết về vị tỳ khưu (đình chỉ) ấy rằng: “Đại đức này có sở hành về thân được trong sạch, có sở hành về khẩu không được trong sạch, có sự nuôi mạng không được trong sạch, (là vị) ngu dốt, không kinh nghiệm, không có năng lực đối đáp lại khi bị tra hỏi.” Sau khi đã răn đe rằng: “Này tỳ khưu, thôi đi! Chớ có sự xung đột, chớ có sự cãi cọ, chớ có sự tranh luận, chớ có sự tranh tụng!” rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.

Này các tỳ khưu, trường hợp trong ngày lễ Pavāraṇā, có vị tỳ khưu đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ Pavāraṇā) của vị tỳ khưu. Nếu các vị tỳ khưu khác biết về vị tỳ khưu (đình chỉ) ấy rằng: “Đại đức này có sở hành về thân được trong sạch, có sở hành về khẩu được trong sạch, có sự nuôi mạng không được trong sạch, (là vị) ngu dốt, không kinh nghiệm, không có năng lực đối đáp lại khi bị tra hỏi.” Sau khi đã răn đe rằng: “Này tỳ khưu, thôi đi! Chớ có sự xung đột, chớ có sự cãi cọ, chớ có sự tranh luận, chớ có sự tranh tụng!” rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.

Này các tỳ khưu, trường hợp trong ngày lễ Pavāraṇā, có vị tỳ khưu đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ Pavāraṇā) của vị tỳ khưu. Nếu các vị tỳ khưu khác biết về vị tỳ khưu (đình chỉ) ấy rằng: “Đại đức này có sở hành về thân được trong sạch, có sở hành về khẩu được trong sạch, có sự nuôi mạng được trong sạch, (là vị) ngu dốt, không kinh nghiệm, không có năng lực đối đáp lại khi bị tra hỏi.” Sau khi đã răn đe rằng: “Này tỳ khưu, thôi đi! Chớ có sự xung đột, chớ có sự cãi cọ, chớ có sự tranh luận, chớ có sự tranh tụng!” rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.

Này các tỳ khưu, trường hợp trong ngày lễ Pavāraṇā, có vị tỳ khưu đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ Pavāraṇā) của vị tỳ khưu. Nếu các vị tỳ khưu khác biết về vị tỳ khưu (đình chỉ) ấy rằng: “Đại đức này có sở hành về thân được trong sạch, có sở hành về khẩu được trong sạch, có sự nuôi mạng được trong sạch, (là vị) thông thái, có kinh nghiệm, thông minh, có năng lực đối đáp lại khi bị tra hỏi.” Vị (đình chỉ) ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc đại đức đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này, đại đức đình chỉ vị này do điều gì? Đại đức đình chỉ do sự hư hỏng về giới? Đại đức đình chỉ do sự hư hỏng về hạnh kiểm? Đại đức đình chỉ do sự hư hỏng về tri kiến?”

Nếu vị ấy nói như vầy: “Tôi đình chỉ do sự hư hỏng về giới. Tôi đình chỉ do sự hư hỏng về hạnh kiểm. Tôi đình chỉ do sự hư hỏng về tri kiến.” Vị (đình chỉ) ấy nên được nói như sau: “Đại đức có biết sự hư hỏng về giới không? Đại đức có biết sự hư hỏng về hạnh kiểm không? Đại đức có biết sự hư hỏng về tri kiến không?

Nếu vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi biết sự hư hỏng về giới. Tôi biết sự hư hỏng về hạnh kiểm. Tôi biết sự hư hỏng về tri kiến.” Vị (đình chỉ) ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, điều gì là sự hư hỏng về giới? Điều gì là sự hư hỏng về hạnh kiểm? Điều gì là sự hư hỏng về tri kiến?

Nếu vị ấy nói như vầy: “Bốn pārājika (bất cộng trụ), mười ba saṅghādisesa (tăng tàng), đó là sự hư hỏng về giới. Tội thullaccaya (trọng tội), pācittiya (ưng đối trị), pāṭidesanīya (ưng phát lộ), dukkaṭa (tác ác), dubbhāsita (ác khẩu), đó là sự hư hỏng về hạnh kiểm. Tà kiến, tri kiến cực đoan, đó là sự hư hỏng về tri kiến.” Vị (đình chỉ) ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc đại đức đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này, có phải đại đức đình chỉ do đã được thấy,? Có phải đại đức đình chỉ do đã được nghe? Có phải đại đức đình chỉ do sự nghi ngờ?

Nếu vị ấy nói như vầy: “Tôi đình chỉ do đã được thấy,. Hoặc là tôi đình chỉ do đã được nghe. Hoặc là tôi đình chỉ do sự nghi ngờ.” Vị (đình chỉ) ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc đại đức đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này do đã được thấy, đại đức đã thấy gì? Đại đức đã thấy thế nào? Đại đức đã thấy khi nào? Đại đức đã thấy ở đâu? Có phải đại đức đã thấy vị này đang phạm pārājika? Đã thấy (vị này) đang phạm saṅghādisesa? Đã thấy (vị này) đang phạm thullaccaya, pācittiya, pāṭidesanīya, dukkaṭa, dubbhāsita? Và đại đức đã ở đâu? Và vị tỳ khưu này đã ở đâu? Và đại đức đã làm gì? Và vị tỳ khưu này đã làm gì?

Nếu vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này do đã được thấy, tuy nhiên tôi đình chỉ lễ Pavāraṇā do đã được nghe.” Vị (đình chỉ) ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc đại đức đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này do đã được nghe, đại đức đã nghe gì? Đại đức đã nghe thế nào? Đại đức đã nghe khi nào? Đại đức đã nghe ở đâu? (Có phải đại đức) đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm pārājika’? (Có phải đại đức) đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm saṅghādisesa’? (Có phải đại đức) đã nghe rằng: ‘Vị này đã phạm thullaccaya, pācittiya, pāṭidesanīya, dukkaṭa, dubbhāsita’? Có phải đại đức đã nghe từ vị tỳ khưu? Đã nghe từ vị tỳ khưu ni? Đã nghe từ cô ni tu tập sự? Đã nghe từ vị sa di? Đã nghe từ vị sa di ni? Đã nghe từ nam cư sĩ? Đã nghe từ nữ cư sĩ? Đã nghe từ các đức vua? Đã nghe từ các quan đại thần của đức vua? Đã nghe từ các ngoại đạo? Đã nghe từ các đệ tử của ngoại đạo?

Nếu vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này do đã được nghe, tuy nhiên tôi đình chỉ lễ Pavāraṇā do sự nghi ngờ.” Vị (đình chỉ) ấy nên được nói như sau: “Này đại đức, việc đại đức đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này do sự nghi ngờ, đại đức nghi ngờ gì? Đại đức nghi ngờ như thế nào? Đại đức nghi ngờ khi nào? Đại đức nghi ngờ ở đâu? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm pārājika’? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm saṅghādisesa’? Có phải đại đức nghi ngờ rằng: ‘Vị này đã phạm thullaccaya, pācittiya, pāṭidesanīya, dukkaṭa, dubbhāsita’? Có phải đại đức nghi ngờ sau khi nghe từ vị tỳ khưu? Nghi ngờ sau khi nghe từ vị tỳ khưu ni? Nghi ngờ sau khi nghe từ cô ni tu tập sự? Nghi ngờ sau khi nghe từ vị sa di? Nghi ngờ sau khi nghe từ vị sa di ni? Nghi ngờ sau khi nghe từ nam cư sĩ? Nghi ngờ sau khi nghe từ nữ cư sĩ? Nghi ngờ sau khi nghe từ các đức vua? Nghi ngờ sau khi nghe từ các quan đại thần của đức vua? Nghi ngờ sau khi nghe từ các ngoại đạo? Nghi ngờ sau khi nghe từ các đệ tử của ngoại đạo?

Nếu vị ấy nói như vầy: “Này các đại đức, tôi không đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này do sự nghi ngờ, tuy nhiên tôi cũng không biết do điều gì tôi đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu này.” Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu buộc tội không làm thỏa mãn tâm của các vị đồng Phạm hạnh thông minh bằng lời đối đáp thì vừa đủ cho lời nói rằng: “Vị bị buộc tội là không có tội.” Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu buộc tội làm thỏa mãn tâm của các vị đồng Phạm hạnh thông minh bằng lời đối đáp thì vừa đủ cho lời nói rằng: “Vị bị buộc tội là có tội.”

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu buộc tội thú nhận là (vị kia) đã bị bôi nhọ với tội pārājika không có căn cứ, sau khi khép (vị buộc tội) vào tội saṅghādisesa rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā. Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu buộc tội thú nhận là (vị kia) đã bị bôi nhọ với tội saṅghādisesa không có căn cứ, sau khi cho hành xử (vị buộc tội) theo Pháp[6] rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā. Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu buộc tội thú nhận là (vị kia) đã bị bôi nhọ với tội thullaccaya, pācittiya, pāṭidesanīya, dukkaṭa, dubbhāsita không có căn cứ, sau khi cho hành xử (vị buộc tội) theo Pháp rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu bị buộc tội thú nhận rằng: “Đã phạm tội pārājika,” sau khi trục xuất rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā. Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu bị buộc tội thú nhận rằng: “Đã phạm tội saṅghādisesa,” sau khi khép vào tội saṅghādisesa rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā. Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu bị buộc tội thú nhận rằng: “Đã phạm tội thullaccaya, pācittiya, pāṭidesanīya, dukkaṭa, dubbhāsita,” sau khi cho hành xử (vị ấy) theo Pháp rồi hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.

[248] Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu phạm tội thullaccaya (trọng tội). Một số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội saṅghādisesa (tăng tàng). Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào có quan điểm là tội thullaccaya, này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn vị ấy đi ra một góc, sau khi cho (vị ấy) hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy đã được sửa chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu phạm tội thullaccaya (trọng tội). Một số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội pācittiya (ưng đối trị), ...(như trên)... Một số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội pāṭidesanīya (ưng phát lộ). ...(như trên)... Một số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội dukkaṭa (tác ác). ...(như trên)... Một số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya, một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita (ác khẩu). Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào có quan điểm là tội thullaccaya, này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn vị ấy đi ra một góc, sau khi cho (vị ấy) hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy đã được sửa chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu đã phạm pācittiya (ưng đối trị), đã phạm tội pāṭidesanīya (ưng phát lộ), đã phạm tội dukkaṭa (tác ác), đã phạm tội dubbhāsita (ác khẩu). Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita, một số tỳ khưu có quan điểm là tội saṅghādisesa. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào có quan điểm là tội dubbhāsita (ác khẩu), này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn vị ấy đi ra một góc, sau khi cho (vị ấy) hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy đã được sửa chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu đã phạm tội dubbhāsita (ác khẩu). Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita, một số tỳ khưu có quan điểm là tội thullaccaya (trọng tội). ...(như trên)... Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita, một số tỳ khưu có quan điểm là tội pācittiya (ưng đối trị). ...(như trên)... Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita, một số tỳ khưu có quan điểm là tội pāṭidesanīya (ưng phát lộ). ...(như trên)... Một số tỳ khưu có quan điểm là tội dubbhāsita, một số tỳ khưu có quan điểm là tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào có quan điểm là tội dubbhāsita, này các tỳ khưu, các vị ấy nên dẫn vị ấy đi ra một góc, sau khi cho (vị ấy) hành xử theo Pháp, rồi đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu ấy phạm tội nào, tội ấy đã được sửa chữa theo Pháp cho vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành lễ Pavāraṇā.

[249] Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu nêu lên ở giữa hội chúng rằng: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Sự việc này được biết và nhân sự thì không (biết). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên loại trừ sự việc rồi tiến hành lễ Pavāraṇā.” Vị ấy nên được nói như vầy: “Này đại đức, đức Thế Tôn đã quy định lễ Pavāraṇā là của các vị trong sạch. Nếu sự việc này được biết và nhân vật thì không (biết). Ngay bây giờ, đại đức hãy nói về việc ấy.”

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu nêu lên ở giữa hội chúng rằng: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nhân vật này được biết và sự việc thì không (biết). Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên loại trừ nhân vật rồi tiến hành lễ Pavāraṇā.” Vị ấy nên được nói như vầy: “Này đại đức, đức Thế Tôn đã quy định lễ Pavāraṇā là của các sự hợp nhất. Nếu nhân vật này được biết và sự việc thì không (biết). Ngay bây giờ, đại đức hãy nói về việc ấy.”

Này các tỳ khưu, trường hợp vào ngày lễ Pavāraṇā có vị tỳ khưu nêu lên ở giữa hội chúng rằng: “Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Sự việc này và nhân vật được biết. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên loại trừ sự việc và nhân vật rồi tiến hành lễ Pavāraṇā.” Vị ấy nên được nói như vầy: “Này đại đức, đức Thế Tôn đã quy định lễ Pavāraṇā là của các vị trong sạch và của các sự hợp nhất. Nếu sự việc và nhân vật được biết. Ngay bây giờ, đại đức hãy nói về việc ấy.”

Này các tỳ khưu, nếu sự việc được biết trước ngày lễ Pavāraṇā, còn nhân vật (được biết) sau đó thì thích hợp cho lời nói. Này các tỳ khưu, nếu nhân vật được biết trước ngày lễ Pavāraṇā, còn sự việc (được biết) sau đó thì thích hợp cho lời nói. Này các tỳ khưu, nếu sự việc và nhân vật được biết trước ngày lễ Pavāraṇā và khi lễ Pavāraṇā đã được thực hiện, nếu khơi lại việc ấy thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) về việc bươi móc.

[250] Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu là bạn bè đồng quan điểm đã vào mùa (an cư) mưa tại trú xứ nọ ở trong xứ Kosala. Ở khu vực lân cận của các vị ấy, có những tỳ khưu khác là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng (cũng) đã vào mùa (an cư) mưa (nói rằng):

- Khi các vị tỳ khưu ấy đã sống qua mùa (an cư) mưa, chúng tôi sẽ đình chỉ sự thỉnh cầu (của các vị ấy) vào ngày lễ Pavāraṇā.

Các vị tỳ khưu ấy đã nghe được rằng: “Nghe nói ở khu vực lân cận của chúng ta, có những tỳ khưu khác là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng (cũng) đã vào mùa (an cư) mưa (nói rằng): ‘Khi các vị tỳ khưu ấy đã sống qua mùa (an cư) mưa, chúng tôi sẽ đình chỉ sự thỉnh cầu (của các vị ấy) vào ngày lễ Pavāraṇā,’ vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp nhiều vị tỳ khưu là bạn bè đồng quan điểm vào mùa (an cư) mưa tại trú xứ nọ. Ở khu vực lân cận của các vị ấy, có những tỳ khưu khác là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng (cũng) vào mùa (an cư) mưa (nói rằng): “Khi các vị tỳ khưu ấy đã sống qua mùa (an cư) mưa, chúng tôi sẽ đình chỉ sự thỉnh cầu (của các vị ấy) vào ngày lễ Pavāraṇā.” Này các tỳ khưu, ta cho phép các vị tỳ khưu ấy thực hiện hai hay ba lễ Uposatha vào ngày mười bốn (nghĩ rằng): “Làm thế nào chúng ta có thể tiến hành lễ Pavāraṇā sớm hơn các vị tỳ khưu ấy?”

Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng đi đến chỗ trú xứ ấy, này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu thường trú ấy nên tụ hội lại thật nhanh chóng và tiến hành lễ Pavāraṇā. Sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā nên nói rằng: “Này các đại đức, chúng tôi đã thực hiện lễ Pavāraṇā, các đại đức hãy làm theo như điều mà các vị suy nghĩ.”

Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng đi đến trú xứ ấy không báo trước, này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu thường trú ấy nên sắp đặt chỗ ngồi, nên đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rồi đi ra đón, nên rước y và bình bát, và nên dâng nước uống. Sau khi xem chừng các vị ấy rồi nên đi ra khỏi ranh giới và nên tiến hành lễ Pavāraṇā. Sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā nên nói rằng: “Này các đại đức, chúng tôi đã thực hiện lễ Pavāraṇā, các đại đức hãy làm theo như điều mà các vị suy nghĩ.”

Nếu việc ấy đạt được như thế, việc ấy như vậy là tốt đẹp. Nếu không đạt được (như thế), các vị tỳ khưu thường trú ấy cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Xin các đại đức thường trú hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho các đại đức, giờ đây chúng ta nên tiến hành lễ Uposatha, chúng ta nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha, chúng ta nên tiến hành lễ Pavāraṇā vào kỳ tới.” Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng nói với các vị tỳ khưu ấy như vầy: “Này các đại đức, tốt thôi! Ngay chính hôm nay các vị hãy tiến hành lễ Pavāraṇā với chúng tôi.” Các vị tỳ khưu ấy nên nói như vầy: “Này các đại đức, các vị không phải là những người ra lệnh, chưa đến ngày lễ Pavāraṇā của chúng tôi chúng tôi sẽ không thỉnh cầu.”

Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng cư ngụ cho đến thời gian ấy, các vị tỳ khưu thường trú ấy cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực: “Xin các đại đức thường trú hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho các đại đức, giờ đây chúng ta nên tiến hành lễ Uposatha, chúng ta nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha, chúng ta nên tiến hành lễ Pavāraṇā vào ngày trăng tròn tới.” Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng nói với các vị tỳ khưu ấy như vầy: “Này các đại đức, tốt thôi! Ngay chính hôm nay các vị hãy tiến hành lễ Pavāraṇā với chúng tôi.” Các vị tỳ khưu ấy nên nói như vầy: “Này các đại đức, các vị không phải là những người ra lệnh, chưa đến ngày lễ Pavāraṇā của chúng tôi chúng tôi sẽ không thỉnh cầu.”

Này các tỳ khưu, nếu các vị tỳ khưu là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng cư ngụ cho đến ngày trăng tròn ấy, này các tỳ khưu, tất cả các vị tỳ khưu nên tiến hành lễ Pavāraṇā vào ngày trăng tròn tháng Kattika sắp đến tức là ngày lễ hội Cātumāsinī cho dầu không muốn.

Này các tỳ khưu, nếu trong khi các vị tỳ khưu ấy đang tiến hành lễ Pavāraṇā, vị bị bệnh đình chỉ sự thỉnh cầu của vị không bệnh. Vị ấy nên được nói như vầy: “Đại đức đang bị bệnh. Và đức Thế Tôn đã nói rằng vị bị bệnh không chịu đựng được sự thẩm vấn. Này đại đức, hãy chờ đến khi đại đức hết bệnh. Khi hết bệnh thì đại đức sẽ buộc tội nếu mong muốn.” Và khi được nói như thế mà vẫn buộc tội thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) trong việc không tôn trọng.[7]

Này các tỳ khưu, nếu trong khi các vị tỳ khưu ấy đang tiến hành lễ Pavāraṇā, vị không bị bệnh đình chỉ sự thỉnh cầu của vị bị bệnh. Vị ấy nên được nói như vầy: “Này đại đức, vị tỳ khưu này bị bệnh. Và đức Thế Tôn đã nói rằng vị bị bệnh không chịu đựng được sự thẩm vấn. Này đại đức, hãy chờ cho đến khi vị tỳ khưu này hết bệnh. Rồi đại đức sẽ buộc tội vị không bệnh nếu mong muốn.” Và khi được nói như thế mà vẫn buộc tội thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) trong việc không tôn trọng.

 Này các tỳ khưu, nếu trong khi các vị tỳ khưu ấy đang tiến hành lễ Pavāraṇā, vị bị bệnh đình chỉ sự thỉnh cầu của vị bị bệnh. Vị ấy nên được nói như vầy: “Các đại đức đang bị bệnh. Và đức Thế Tôn đã nói rằng vị bị bệnh không chịu đựng được sự thẩm vấn. Này đại đức, hãy chờ đến khi (các đại đức) hết bệnh. Rồi vị không bệnh sẽ buộc tội vị không bệnh nếu mong muốn.” Và khi được nói như thế mà vẫn buộc tội thì phạm tội pācittiya (ưng đối trị) trong việc không tôn trọng.

Này các tỳ khưu, nếu trong khi các vị tỳ khưu ấy đang tiến hành lễ Pavāraṇā, vị không bệnh đình chỉ sự thỉnh cầu của vị không bệnh. Cả hai nên được hội chúng thẩm vấn, tra hỏi cặn kẽ, cho hành xử theo Pháp, rồi hội chúng nên thỉnh cầu.

[251] Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu là bạn bè đồng quan điểm đã vào mùa (an cư) mưa tại trú xứ nọ ở trong xứ Kosala. Trong khi các vị ấy sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau, có (trạng thái) an trú lạc nào đó đã được đạt đến. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Trong khi chúng ta sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau, có (trạng thái) an trú lạc nào đó đã được đạt đến. Nếu bây giờ chúng ta sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā và trường hợp sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā các vị tỳ khưu có thể ra đi du hành, như thế chúng ta sẽ bị ra khỏi (trạng thái) an trú lạc này; vậy chúng ta nên thực hành như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp có nhiều vị tỳ khưu là bạn bè đồng quan điểm đã vào mùa (an cư) mưa tại trú xứ nọ. Trong khi các vị ấy sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau, có (trạng thái) an trú lạc nào đó đã được đạt đến. Nếu các vị tỳ khưu ở đó khởi ý như vầy: “Trong khi chúng ta sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau, có (trạng thái) an trú lạc nào đó đã được đạt đến. Nếu bây giờ chúng ta sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā và trường hợp sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā các vị tỳ khưu có thể ra đi du hành, như thế chúng ta sẽ bị ra khỏi (trạng thái) an trú lạc này.” Này các tỳ khưu, ta cho phép các vị tỳ khưu ấy thực hiện sự đồng thuận về lễ Pavāraṇā (Pavāraṇāsaṅgahaṃ). Và này các tỳ khưu, nên thực hiện như vầy:

Toàn bộ tất cả (các vị ấy) nên tụ hội lại một chỗ. Sau khi đã tụ hội lại, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi chúng ta sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau, có (trạng thái) an trú lạc nào đó đã được đạt đến. Nếu bây giờ chúng ta sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā và trường hợp sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā các vị tỳ khưu có thể ra đi du hành, như thế chúng ta sẽ bị ra khỏi (trạng thái) an trú lạc này. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên thực hiện sự đồng thuận về lễ Pavāraṇā, bây giờ chúng ta nên tiến hành lễ Uposatha, nên đọc tụng giới bổn Pātimokkha, và nên tiến hành lễ Pavāraṇā vào ngày trăng tròn tháng Kattika sắp đến tức là ngày lễ hội Cātumāsinī. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong khi chúng ta sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi vả nhau, có (trạng thái) an trú lạc nào đó đã được đạt đến. Nếu bây giờ chúng ta sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā và trường hợp sau khi tiến hành lễ Pavāraṇā các vị tỳ khưu có thể ra đi du hành, như thế chúng ta sẽ bị ra khỏi (trạng thái) an trú lạc này. Hội chúng thực hiện sự đồng thuận về lễ Pavāraṇā, bây giờ chúng ta sẽ tiến hành lễ Uposatha, sẽ đọc tụng giới bổn Pātimokkha, và sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā vào ngày trăng tròn tháng Kattika sắp đến tức là ngày lễ hội Cātumāsinī. Đại đức nào đồng ý việc thực hiện thực hiện sự đồng thuận về lễ Pavāraṇā, bây giờ (hội chúng) sẽ tiến hành lễ Uposatha, sẽ đọc tụng giới bổn Pātimokkha, và sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā vào ngày trăng tròn tháng Kattika sắp đến tức là ngày lễ hội Cātumāsinī xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Sự đồng thuận về lễ Pavāraṇā đã được hội chúng thực hiện, bây giờ (hội chúng) sẽ tiến hành lễ Uposatha, sẽ đọc tụng giới bổn Pātimokkha, và sẽ tiến hành lễ Pavāraṇā vào ngày trăng tròn tháng Kattika sắp đến tức là ngày lễ hội Cātumāsinī. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Này các tỳ khưu, khi sự đồng thuận về lễ Pavāraṇā đã được hội chúng thực hiện, có vị tỳ khưu nọ nói như vầy: “Này các đại đức, tôi muốn ra đi du hành ở trong xứ sở. Tôi có công việc cần làm ở trong xứ sở.” Vị ấy nên được nói như vầy: “Này đại đức, tốt lắm! Hãy thực hiện sự thỉnh cầu rồi hãy đi.” Này các tỳ khưu, nếu trong khi đang thỉnh cầu vị tỳ khưu ấy đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu khác. Vị ấy nên được nói như vầy: “Này đại đức, đại đức không phải là người ra lệnh, chưa đến ngày lễ Pavāraṇā của tôi, tôi sẽ không thỉnh cầu.” Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ấy trong khi đang thỉnh cầu, có vị tỳ khưu khác đình chỉ lễ Pavāraṇā của vị tỳ khưu ấy. Cả hai nên được hội chúng thẩm vấn, tra hỏi cặn kẽ, rồi cho hành xử theo Pháp.

Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ấy sau khi hoàn tất công việc cần làm ở trong xứ sở trở về lại trú xứ ấy trước ngày trăng tròn tháng Kattika sắp đến tức là ngày lễ hội Cātumāsinī. Này các tỳ khưu, nếu trong khi các vị tỳ khưu ấy đang thỉnh cầu, có vị tỳ khưu nọ đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ Pavāraṇā) của vị tỳ khưu ấy. Vị nọ nên được nói như vầy: “Này đại đức, đại đức không phải là người ra lệnh cho tôi. Tôi đã thỉnh cầu trong ngày lễ Pavāraṇā rồi.” Này các tỳ khưu, nếu trong khi các vị tỳ khưu ấy đang thỉnh cầu, vị tỳ khưu ấy đình chỉ sự thỉnh cầu (lễ Pavāraṇā) của vị tỳ khưu khác. Cả hai nên được hội chúng thẩm vấn, tra hỏi cặn kẽ, cho hành xử theo Pháp, rồi hội chúng nên thỉnh cầu.

Dứt chương Lễ Pavāraṇā là chương thứ tư.

Trong chương này có bốn mươi sáu sự việc.

*******

Tóm lược chương này:

[252]

Đã sống qua mùa mưa
trong xứ Kosala
đi diện kiến Đạo Sư
sống chung như loài thú
không chút nào thoải mái,
thích hợp đối với nhau.
Trong khi đang cầu thỉnh
(ngồi yên) trên chỗ ngồi,
và có hai (ngày lễ),
hành sự, người bị bệnh,
thân quyến, rồi đức vua,
bọn cướp, lũ bất lương,
các kẻ nghịch tỳ khưu,
cũng giống y như thế.
Năm, bốn, ba, hai, một,
phạm tội, có nghi ngờ,
và vị đã nhớ lại.
Cả hội chúng nghi ngờ,
nhiều hơn, bằng, hoặc kém,
thường trú, ngày mười bốn,
dấu hiệu, đồng cộng trú,
cả hai, nên đi đến,
hạng người ngồi không thỉnh,
khi bày tỏ tùy thuận
lễ Pavāraṇā.
Bởi bọn người hung tợn,
đêm hết, đám mây đen,
và các điều chướng ngại
trong những sự thỉnh cầu.
Không làm, trước chúng ta,
đã không bị đình chỉ,
và của vị tỳ khưu.
Điều gì? Và thế nào?
bởi thấy, nghe, nghi ngờ,
vị (nguyên cáo) kết tội,
và vị bị kết tội,
câu chuyện về trọng tội,
và vấn đề xung đột,
ngày thỉnh cầu đồng thuận
không phải người ra lệnh,
vị có thể thỉnh cầu.


[1] Pavāraṇā: nghĩa là “sự thỉnh cầu” đồng thời là tên của buổi lễ dành cho các tỳ khưu đã hoàn tất mùa (an cư) mưa thời điểm trước (Lễ này đã được dịch là Tự Tứ, chúng tôi mạn phép giữ nguyên từ Pāli). Pavāreti là động từ. Với động từ này, chúng tôi sẽ dịch theo hai lối là “thỉnh cầu” hoặc “tiến hành lễ Pavāraṇā” tùy theo ngữ cảnh.

[2] Ở CD của trường đại học Mahidol không có câu này. Được thêm vào từ CD Chaṭṭhasaṅgāyana.

[3] Ba trường hợp này liên quan đến tội pācittiya (ưng đối trị) 69.

[4] Nghĩa là tập thể này không phải là các vị đang chịu hành phạt parivāsa. Chúng tôi chọn nghĩa như trên dựa vào lời giải thích của nhóm từ “vuṭṭhitāya parisāya = với tập thể đã bị cách ly” là “với việc ban cho sự thỏa thuận từcác vị (tỳ khưu) đang chịu hành phạt parivāsa” được tìm thấy ở bộ Phân Tích Giới Tỳ Khưu Ni (Bhikkhunīvibhaṅga [436]). Từ “avut,t,hitāya" còn có nghĩa là “chưa đứng lên, chưa được thoát tội.” Việc này tương tợ như ở chương Lễ Uposatha [202].

[5] Với từ “Pavāraṇā,” chúng tôi dịch là “Sự thỉnh cầu” hoặc “Lễ Pavāraṇā.” Trường hợp nào quý vị thấy ý nghĩa không được rõ ràng thì dùng từ còn lại thay thế vào. Áp dụng tương tợ với động từ “Pavāreti” như đã giải thích ở trên.

[6] Liên quan đến tội pācittiya (ưng đối trị) 76.

[7] Liên quan đến tội pācittiya (ưng đối trị) 54.

V. CHƯƠNG DA THÚ (CAMMAKKHANDHAKAṂ)

[1] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha (Vương Xá) trên núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu). Vào lúc bấy giờ, đức vua Seniya Bimbisāra (Bình Sa Vương) xứ Magadha (Ma Kiệt Đà) cai trị vương quốc bằng quyền thống lãnh tối cao trong tám mươi ngàn ngôi làng. Vào lúc bấy giờ, ở trong xứ Campā, con trai nhà đại phú tên Soṇa Koḷivisa là người (có vóc dáng) mảnh mai. Ở các lòng hai bàn chân của vị đó có lông mọc.

Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāsa xứ Magadha sau khi cho triệu tập tám mươi ngàn người trưởng làng ấy lại vì công việc cần làm nào đó rồi đã sai sứ giả đi đến gặp Soṇa Koḷivisa (nói rằng):

- Soṇa hãy đến. Trẫm muốn Soṇa đến.

Khi ấy, cha mẹ của Soṇa Koḷivisa đã nói với Soṇa Koḷivisa điều này:

- Này Soṇa yêu quý, đức vua muốn xem hai bàn chân của con. Này Soṇa yêu quý, con chớ có duỗi thẳng hai bàn chân về hướng đức vua, con hãy ngồi kiết già phía trước đức vua, đức vua sẽ thấy được hai bàn chân của con trong tư thế ngồi.

Rồi họ đã đưa Soṇa Koḷivisa đi bằng kiệu. Sau đó, Soṇa Koḷivisa đã đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã cung kính chào đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha rồi đã ngồi kiết già phía trước đức vua. Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nhìn thấy lông mọc ở các lòng hai bàn chân của Soṇa Koḷivisa. Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã giảng giải về các điều lợi ích trong thời hiện tại đến tám mươi ngàn người trưởng làng ấy rồi khuyến khích rằng:

- Này các khanh, ở đây các khanh đã được ta giảng giải về các điều lợi ích trong thời hiện tại. Giờ hãy đi và ngồi quanh đức Thế Tôn, ngài sẽ giảng giải cho chúng ta về các điều lợi ích trong thời vị lai.

Sau đó, tám mươi ngàn người trưởng làng ấy đã đi đến núi Gijjhakūṭa.

Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāgata là thị giả của đức Thế Tôn. Khi ấy, tám mươi ngàn người trưởng làng ấy đã đi đến gặp đại đức Sāgata, sau khi đến đã nói với đại đức Sāgata điều này:

- Thưa ngài, tám mươi ngàn người trưởng làng này đi đến đây để diện kiến đức Thế Tôn. Thưa ngài, tốt đẹp thay nếu chúng tôi có thể diện kiến đức Thế Tôn.

- Này quý vị, nếu vậy thì các vị hãy ở ngay tại đây trong chốc lát chờ tôi báo cho đức Thế Tôn biết.

Sau đó, đại đức Sāgata đã biến mất ở nơi bậc cấp trước tám mươi ngàn người trưởng làng ấy đang chăm chú nhìn rồi đã hiện ra ở trước đức Thế Tôn và đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, tám mươi ngàn người trưởng làng này đi đến đây để diện kiến đức Thế Tôn. Bạch ngài, giờ đây xin đức Thế Tôn hãy suy nghĩ về thời điểm của việc ấy.

- Này Sāgata, nếu vậy thì ngươi hãy sắp đặt chỗ ngồi ở nơi có bóng râm của trú xá.

- Bạch ngài, xin vâng.

Đại đức Sāgata nghe theo đức Thế Tôn đã cầm lấy chiếc ghế rồi biến mất ở trước đức Thế Tôn và hiện ra ở bậc cấp trước tám mươi ngàn người trưởng làng đang chăm chú nhìn, rồi đã sắp đặt chỗ ngồi ở nơi có bóng râm của trú xá. Sau đó, đức Thế Tôn đã từ trú xá đi ra và ngồi xuống trên chỗ ngồi đã được sắp đặt ở nơi có bóng râm của trú xá. Khi ấy, tám mươi ngàn người trưởng làng ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Sau đó, tám mươi ngàn người trưởng làng ấy chỉ hướng tâm đến chính đại đức Sāgata, còn đức Thế Tôn thì không được như thế. Khi ấy, đức Thế Tôn đã dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của tám mươi ngàn người trưởng làng ấy nên đã bảo đại đức Sāgata rằng:

- Này Sāgata, nếu vậy thì ngươi hãy phô bày sự diệu kỳ của thần thông là pháp thượng nhân với nhiều hình thức hơn nữa.

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi đại đức Sāgata nghe theo đức Thế Tôn đã bay lên không trung, đi qua lại ở khoảng không trên bầu trời, rồi đứng lại, ngồi xuống, nằm xuống, phun khói, phát sáng, rồi biến mất. Sau đó, khi đã phô bày sự diệu kỳ của thần thông là pháp thượng nhân bằng nhiều hình thức ở khoảng không trên bầu trời, đại đức Sāgata đã đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn rồi nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, đức Thế Tôn là bậc đạo sư của tôi, tôi là người đệ tử. Bạch ngài, đức Thế Tôn là bậc đạo sư của tôi, tôi là người đệ tử.

Khi ấy, tám mươi ngàn người trưởng làng ấy (nghĩ rằng): “Thật kỳ diệu thay! Thật phi thường thay! Bởi vì vị đệ tử còn có đại thần lực như thế này, đại oai lực như thế này, ắt hẳn vị đạo sư sẽ còn hơn thế nữa!” rồi đã hướng tâm đến chính đức Thế Tôn, còn đại đức Sāgata thì không được như thế.

Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của tám mươi ngàn người trưởng làng ấy rồi đã thuyết Pháp theo thứ lớp. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của những người ấy đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến tám mươi ngàn người trưởng làng ấy: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, những người ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những ai có mắt sẽ thấy được các hình dáng;” tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, chúng con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận chúng con là những nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

[2] Khi ấy, Soṇa Koḷivisa đã khởi ý điều này: “Theo như ta hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch, hay là ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà?” Sau đó, khi đã được hoan hỷ đã được hài lòng với lời giảng dạy của đức Thế Tôn, tám mươi ngàn người trưởng làng ấy đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, khi tám mươi ngàn người trưởng làng ra đi không lâu, Soṇa Koḷivisa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Soṇa Koḷivisa đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, theo như con hiểu về Pháp đã được đức Thế Tôn thuyết giảng thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Bạch ngài, con muốn cạo bỏ râu tóc, khoác các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy cho con xuất gia.

Rồi Soṇa Koḷivisa đã được xuất gia với đức Thế Tôn và đã được tu lên bậc trên.

Và khi đã được tu lên bậc trên không bao lâu, đại đức Soṇa sống ở khu rừng Sīta. Trong khi vị ấy đang đi kinh hành với sự tinh tấn nỗ lực cao, các bàn chân đã bị rách. Đường kinh hành trở nên vấy đầy máu như là chỗ giết trâu bò. Sau đó, đại đức Soṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Ta là một trong số các vị đệ tử của đức Thế Tôn sống có sự tinh tấn nỗ lực cao, nhưng tâm của ta vẫn còn chấp thủ và không được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Hơn nữa, ở gia đình của ta lại có các tài sản, có thể thọ dụng những tài sản (ấy) và làm các việc phước báu; hay là ta nên quay về cuộc sống thấp kém rồi thọ dụng những tài sản (ấy) và làm các việc phước báu?” Khi ấy, sau khi dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đại đức Soṇa, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế đức Thế Tôn đã biến mất tại núi Gijjhakūṭa và hiện ra ở khu rừng Sīta. Sau đó, trong khi cùng với nhiều vị tỳ khưu đi dạo quanh các chỗ trú ngụ, đức Thế Tôn đã đi đến đường kinh hành của đại đức Soṇa. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đường kinh hành của đại đức Soṇa bị vấy đầy máu, sau khi nhìn thấy đã nói với các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, đường kinh hành này của vị nào lại bị vấy đầy máu giống như là chỗ giết trâu bò vậy?

- Bạch ngài, đại đức Soṇa trong khi đi kinh hành với sự tinh tấn nỗ lực cao nên hai bàn chân đã bị rách. Đường kinh hành bị vấy đầy máu này là của vị ấy, giống như là chỗ giết trâu bò vậy.

Sau đó, đức Thế Tôn đã đi đến trú xá của đại đức Soṇa, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Đại đức Soṇa đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã nói với đại đức Soṇa đang ngồi một bên điều này:

- Này Soṇa, có phải ngươi trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Ta là một trong số các vị đệ tử của đức Thế Tôn sống có sự tinh tấn nỗ lực cao, nhưng tâm của ta vẫn còn chấp thủ và không được giải thoát khỏi các lậu hoặc. Hơn nữa, ở gia đình của ta lại có các tài sản, có thể thọ dụng những tài sản (ấy) và làm các việc phước báu; hay là ta nên quay về cuộc sống thấp kém rồi thọ dụng những tài sản (ấy) và làm các việc phước báu?”

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

- Này Soṇa, ngươi nghĩ thế nào về điều này: Có phải trước đây khi còn là kẻ tại gia ngươi rành rẽ về âm điệu của sợi dây ở đàn tỳ bà? [1]

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

- Này Soṇa, ngươi nghĩ thế nào về điều này: Khi những sợi dây ở đàn tỳ bà của ngươi là căng thẳng, phải chăng vào lúc ấy cây đàn tỳ bà của ngươi là có âm thanh hoặc thích hợp để sử dụng?

- Bạch ngài, điều ấy không đúng.

- Này Soṇa, ngươi nghĩ thế nào về điều này: Khi những sợi dây ở đàn tỳ bà của ngươi là quá chùng, phải chăng vào lúc ấy cây đàn tỳ bà của ngươi là có âm thanh hoặc thích hợp để sử dụng?

- Bạch ngài, điều ấy không đúng.

- Này Soṇa, ngươi nghĩ thế nào về điều này: Khi những sợi dây ở đàn tỳ bà của ngươi không là căng thẳng và cũng không quá chùng, được đặt vào đúng vị thế, phải chăng vào lúc ấy cây đàn tỳ bà của ngươi là có âm thanh hoặc thích hợp để sử dụng?

- Bạch ngài, đúng vậy.

- Này Soṇa, cũng tương tợ như thế sự tinh tấn nỗ lực cao đưa đến sự loạn động, sự tinh tấn quá uể oải đưa đến sự biếng nhác. Này Soṇa, do đó ở đây ngươi phải xác định mức đều đều trong sự tinh tấn, phải hiểu rõ được sự cân bằng của các quyền (indriya), và vào lúc ấy ngươi phải nắm giữ ấn chứng.

- Bạch ngài, xin vâng. Đại đức Soṇa đã trả lời đức Thế Tôn.

Sau đó, khi đã giáo huấn cho đại đức Soṇa bằng lời giáo huấn ấy, rồi giống như một người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế tại khu rừng Sīta đức Thế Tôn đã biến mất trước mặt đại đức Soṇa rồi hiện ra ở núi Gijjhakūṭa.

Sau đó, đại đức Soṇa đã xác định mức đều đều trong sự tinh tấn, hiểu rõ được sự cân bằng của các quyền (indriya), và vào lúc ấy đã nắm giữ được ấn chứng. Khi ấy, đại đức Soṇa đã tách riêng một mình, và sống không lười biếng, nỗ lực, quyết tâm nên chẳng bao lâu sau ngay trong kiếp hiện tại này đã tự mình nhận thức, chứng đạt, và an trú vào thắng trí, mục đích tối thượng của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà. Vị ấy biết rằng: “Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn (đưa đến) bản ngã nào khác (tương tợ) như vầy nữa.” Và trong số các vị A-la-hán có thêm một vị nữa là đại đức Soṇa.

[3] Sau đó, khi đã chứng đạt quả vị A-la-hán đại đức Soṇa đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên công bố sự chứng ngộ này trong sự hiện diện của đức Thế Tôn?” Khi ấy, đại đức Soṇa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Soṇa đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, vị tỳ khưu nào là bậc A-la-hán, có các lậu hoặc đã diệt tận, đạt đến hoàn thiện, việc cần làm đã làm, gánh nặng đã được đặt xuống, mục đích của bản thân đã đạt được, sự ràng buộc vào việc tái sanh đã được phá hủy, đã được giải thoát nhờ vào trí tuệ chân chánh, vị ấy đã thành tựu sáu sự việc: vị ấy đã thành tựu sự từ bỏ, vị ấy đã thành tựu sự tĩnh lặng, vị ấy đã thành tựu sự không còn hãm hại, vị ấy đã thành tựu sự hoại diệt của chấp thủ, vị ấy đã thành tựu sự hoại diệt của ái dục, vị ấy đã thành tựu sự không còn si mê.

Bạch ngài, ở đây có thể một vị đại đức nào đó sẽ khởi ý như vầy: “Không lẽ vị đại đức này đã thành tựu sự từ bỏ chỉ hoàn toàn nhờ vào đức tin?” Bạch ngài, điều ấy không thể được xem xét như thế. Bạch ngài, vị tỳ khưu có lậu hoặc đã được diệt tận, đạt đến hoàn thiện, việc cần làm đã làm xong, không còn quán xét đến việc cần phải làm của bản thân hoặc (quán xét) đến sự tích lũy của (việc) đã làm, nhờ vào sự hoại diệt của tham ái và bản thân không còn tham ái mà vị ấy đã thành tựu sự từ bỏ, nhờ vào sự hoại diệt của sân hận và bản thân không còn sân hận mà vị ấy đã thành tựu sự từ bỏ, nhờ vào sự hoại diệt của si mê và bản thân không còn si mê mà vị ấy đã thành tựu sự từ bỏ.

Bạch ngài, ở đây có thể một vị đại đức nào đó sẽ khởi ý như vầy: “Không lẽ vị đại đức này đã thành tựu sự tĩnh lặng trong khi còn thèm muốn lợi lộc, vinh quang, và danh vọng?” Bạch ngài, điều ấy không thể được xem xét như thế. Bạch ngài, vị tỳ khưu có lậu hoặc đã được diệt tận, đạt đến hoàn thiện, việc cần làm đã làm xong, không còn quán xét đến việc cần phải làm của bản thân hoặc (quán xét) đến sự tích lũy của (việc) đã làm, nhờ vào sự hoại diệt của tham ái và bản thân không còn tham ái mà vị ấy đã thành tựu sự tĩnh lặng, nhờ vào sự hoại diệt của sân hận và bản thân không còn sân hận mà vị ấy đã thành tựu sự tĩnh lặng, nhờ vào sự hoại diệt của si mê và bản thân không còn si mê mà vị ấy đã thành tựu sự tĩnh lặng.

Bạch ngài, ở đây có thể một vị đại đức nào đó sẽ khởi ý như vầy: “Không lẽ vị đại đức này đã thành tựu sự không còn hãm hại trong khi quay về lại với giới cấm và tập quán từ bản chất?” Bạch ngài, điều ấy không thể được xem xét như thế. Bạch ngài, vị tỳ khưu có lậu hoặc đã được diệt tận, đạt đến hoàn thiện, việc cần làm đã làm xong, không còn quán xét đến việc cần phải làm của bản thân hoặc (quán xét) đến sự tích lũy của (việc) đã làm, nhờ vào sự hoại diệt của tham ái và bản thân không còn tham ái mà vị ấy đã thành tựu sự không còn hãm hại, nhờ vào sự hoại diệt của sân hận và bản thân không còn sân hận mà vị ấy đã thành tựu sự không còn hãm hại, nhờ vào sự hoại diệt của si mê và bản thân không còn si mê mà vị ấy đã thành tựu sự không còn hãm hại.

Nhờ vào sự hoại diệt của tham ái và bản thân không còn tham ái mà vị ấy đã thành tựu sự hoại diệt của chấp thủ, nhờ vào sự hoại diệt của sân hận và bản thân không còn sân hận mà vị ấy đã thành tựu sự hoại diệt của chấp thủ, nhờ vào sự hoại diệt của si mê và bản thân không còn si mê mà vị ấy đã thành tựu sự hoại diệt của chấp thủ. Nhờ vào sự hoại diệt của tham ái và bản thân không còn tham ái mà vị ấy đã thành tựu sự hoại diệt của ái dục, nhờ vào sự hoại diệt của sân hận và bản thân không còn sân hận mà vị ấy đã thành tựu sự hoại diệt của ái dục, nhờ vào sự hoại diệt của si mê và bản thân không còn si mê mà vị ấy đã thành tựu sự hoại diệt của ái dục. Nhờ vào sự hoại diệt của tham ái và bản thân không còn tham ái mà vị ấy đã thành tựu sự không còn si mê, nhờ vào sự hoại diệt của sân hận và bản thân không còn sân hận mà vị ấy đã thành tựu sự không còn si mê, nhờ vào sự hoại diệt của si mê và bản thân không còn si mê mà vị ấy đã thành tựu sự không còn si mê.

Bạch ngài, đối với vị tỳ khưu có tâm đã được hoàn toàn giải thoát, nếu các hình dáng (cảnh sắc) được nhận biết bởi mắt, dầu cho nổi bật, đi vào nhãn giới cũng không xâm chiếm được tâm của vị ấy bởi vì tâm của vị ấy không còn bị xáo trộn, bền vững, đạt đến bất động, và vị ấy quan sát sự diệt đi của điều ấy.[2] Nếu các âm thanh (cảnh thinh) được nhận thức bởi tai ... các mùi hương (cảnh khí) được nhận thức bởi mũi ... các vị nếm (cảnh vị) được nhận thức bởi lưỡi ... các sự xúc chạm (cảnh xúc) được nhận thức bởi thân ... các pháp (cảnh pháp) được nhận thức bởi ý, dầu cho nổi bật, đi vào ý giới cũng không xâm chiếm được tâm của vị ấy bởi vì tâm của vị ấy không còn bị xáo trộn, bền vững, đạt đến bất động, và vị ấy quan sát sự diệt đi của điều ấy. Bạch ngài, cũng giống như hòn núi đá không có kẽ nứt, không có lỗ hổng, liền lặn một khối, nếu có cơn mưa bão dữ dội đi đến từ hướng đông cũng không thể làm nó rung chuyển, lay động, chấn động. Nếu có cơn mưa bão dữ dội đi đến từ hướng tây ... Nếu có cơn mưa bão dữ dội đi đến từ hướng bắc ... Nếu có cơn mưa bão dữ dội đi đến từ hướng nam cũng không thể làm nó rung chuyển, lay động, chấn động. Bạch ngài, tương tợ như thế đối với vị tỳ khưu có tâm đã được hoàn toàn giải thoát, nếu các hình dáng (cảnh sắc) được nhận thức bởi mắt, dầu cho nổi bật, đi vào nhãn giới cũng không xâm chiếm được tâm của vị ấy bởi vì tâm của vị ấy không còn bị xáo trộn, bền vững, đạt đến bất động, và vị ấy quan sát sự diệt đi của điều ấy. Nếu các âm thanh (cảnh thinh) được nhận thức bởi tai ... các mùi hương (cảnh khí) được nhận thức bởi mũi ... các vị nếm (cảnh vị) được nhận thức bởi lưỡi ... các sự xúc chạm (cảnh xúc) được nhận thức bởi thân ... các pháp (cảnh pháp) được nhận thức bởi ý, dầu cho nổi bật, đi vào ý giới cũng không xâm chiếm được tâm của vị ấy bởi vì tâm của vị ấy không còn bị xáo trộn, bền vững, đạt đến bất động, và vị ấy quan sát sự diệt đi của điều ấy.

[4]

Vị giải thoát từ bỏ
tâm đạt đến tĩnh lặng
vị giải thoát không hại
và diệt tận chấp thủ.
Vị đạt được ái diệt
và tâm không si mê
nhận thức nguồn sanh khởi
tâm giải thoát hoàn toàn.
Tâm tỳ khưu thanh tịnh
vị hoàn toàn giải thoát
không gì nữa phải làm
việc cần làm không có.
Như đá liền một khối
gió không lay chuyển được
cũng vậy sắc, thinh, vị,
và hết thảy hương, xúc,
các pháp thích, không thích
không lay động các vị
tâm bền vững, giải thoát
vị ấy quán sự diệt.

[5] Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, những người con trai của các gia đình danh tiếng công bố sự chứng ngộ như thế ấy. Kết quả đã được nói lên nhưng bản thân (cơ thể) còn chưa khắc phục được. Hơn nữa, ở đây ta nghĩ rằng có một số kẻ rồ dại công bố sự chứng ngộ như là việc đùa giỡn, những kẻ ấy sau này sẽ bị rơi vào bất hạnh.

Sau đó, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Soṇa rằng:

- Này Soṇa, ngươi là người (có vóc dáng) mảnh mai. Này Soṇa, đối với ngươi ta cho phép (sử dụng) dép (upāhanā) loại một lớp.

- Bạch ngài, con đã từ bỏ vàng được chứa đầy tám mươi xe hàng với bầy voi gồm bảy con và đã rời nhà xuất gia sống không nhà. Sẽ có những người nói về con rằng: “Soṇa Koḷivisa đã từ bỏ vàng được chứa đầy tám mươi xe hàng với bầy voi gồm bảy con và đã rời nhà xuất gia sống không nhà. Giờ đây, chính vị ấy lại bám víu vào những đôi dép loại một lớp.” Nếu đức Thế Tôn cho phép hội chúng tỳ khưu thì con sẽ sử dụng; nếu đức Thế Tôn không cho phép hội chúng tỳ khưu thì con cũng sẽ không sử dụng.

 Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) dép loại một lớp. Này các tỳ khưu, không nên mang những đôi dép loại hai lớp, không nên mang những đôi dép loại ba lớp, không nên mang những đôi dép loại nhiều lớp; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[6] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư mang những đôi dép toàn màu xanh, ...(như trên)... mang những đôi dép toàn màu vàng, mang những đôi dép toàn màu đỏ, mang những đôi dép toàn màu đỏ sậm, mang những đôi dép toàn màu đen, mang những đôi dép nhuộm toàn màu nổi bật, mang những đôi dép nhuộm toàn màu sáng chói. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên mang những đôi dép toàn màu xanh, không nên mang những đôi dép toàn màu vàng, không nên mang những đôi dép toàn màu đỏ, không nên mang những đôi dép toàn màu đỏ sậm, không nên mang những đôi dép toàn màu đen, không nên mang những đôi dép nhuộm toàn màu nổi bật, không nên mang những đôi dép nhuộm toàn màu sáng chói; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư mang những đôi dép có dây buộc màu xanh (nīlavaddhikā), mang những đôi dép có dây buộc màu vàng, mang những đôi dép có dây buộc màu đỏ, mang những đôi dép có dây buộc màu đỏ sậm, mang những đôi dép có dây buộc màu đen, mang những đôi dép có dây buộc nhuộm màu nổi bật, mang những đôi dép có dây buộc nhuộm màu sáng chói. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên mang những đôi dép có dây buộc màu xanh, không nên mang những đôi dép có dây buộc màu vàng, không nên mang những đôi dép có dây buộc màu đỏ, không nên mang những đôi dép có dây buộc màu đỏ sậm, không nên mang những đôi dép có dây buộc màu đen, không nên mang những đôi dép có dây buộc nhuộm màu nổi bật, không nên mang những đôi dép có dây buộc nhuộm màu sáng chói; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư mang những đôi dép phủ gót chân (khallavaddhā), mang những đôi dép trùm đến gối (puṭavaddhā), mang những đôi dép trùm đến ống chân (pāliguṇṭhimā), mang những đôi dép lót bông gòn (tūlapuṇṇikā), mang những đôi dép giống cánh của gà gô (tittirapattikā), mang những đôi dép có gắn sừng cừu (meṇḍavisāṇavaddhikā), mang những đôi dép có gắn sừng dê (ajavisāṇavaddhikā), mang những đôi dép có gắn đuôi bọ cạp (vicchikāḷikā), mang những đôi dép có khâu lông công (morapiñjaparisibbitā), mang những đôi dép đủ các loại. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên mang những đôi dép phủ gót chân, không nên mang những đôi dép trùm đến gối, không nên mang những đôi dép trùm đến ống chân, không nên mang những đôi dép lót bông gòn, không nên mang những đôi dép giống cánh của gà gô, không nên mang những đôi dép có gắn sừng cừu, không nên mang những đôi dép có gắn sừng dê, không nên mang những đôi dép có gắn đuôi bọ cạp, không nên mang những đôi dép có khâu lông công, không nên mang những đôi dép đủ các loại; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư mang những đôi dép làm bằng da sư tử, mang những đôi dép làm bằng da cọp, mang những đôi dép làm bằng da beo, mang những đôi dép làm bằng da hươu, mang những đôi dép làm bằng da rái cá, mang những đôi dép làm bằng da mèo, mang những đôi dép làm bằng da sóc, mang những đôi dép làm bằng da cú mèo. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên mang những đôi dép làm bằng da sư tử, không nên mang những đôi dép làm bằng da cọp, không nên mang những đôi dép làm bằng da beo, không nên mang những đôi dép làm bằng da hươu, không nên mang những đôi dép làm bằng da rái cá, không nên mang những đôi dép làm bằng da mèo, không nên mang những đôi dép làm bằng da sóc, không nên mang những đôi dép làm bằng da cú mèo; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[7] Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi vào thành Rājagaha để khất thực với vị tỳ khưu nào đó làm sa-môn hầu cận. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đi khập khiễng theo sát phía sau đức Thế Tôn. Có nam cư sĩ nọ sau khi mang vào đôi dép loại nhiều lớp đã nhìn thấy đức Thế Tôn từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã tháo đôi dép ra rồi đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đi đến gần vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã đảnh lễ vị tỳ khưu ấy rồi nói điều này:

- Thưa ngài, vì sao ngài đi khập khiễng?

- Này đạo hữu, hai bàn chân tôi bị rách.

- Thưa ngài, hãy nhận lấy đôi dép.

- Này đạo hữu, thôi đi. Những đôi dép có nhiều lớp đã bị đức Thế Tôn cấm đoán.

(Đức Thế Tôn đã nói rằng):

- Này tỳ khưu, hãy thọ lãnh đôi dép ấy.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) dép loại nhiều lớp đã bị bỏ đi. Này các tỳ khưu, không nên mang những đôi dép loại nhiều lớp còn mới; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[8] Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đi kinh hành ngoài trời không mang dép. (Nghĩ rằng): “Bậc Đạo Sư đi kinh hành không mang dép” nên các tỳ khưu trưởng lão đi kinh hành không mang dép. Trong khi bậc Đạo Sư đi kinh hành không mang dép và trong khi các tỳ khưu trưởng lão đi kinh hành không mang dép, các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại đi kinh hành có mang dép. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao trong khi bậc Đạo Sư đi kinh hành không mang dép và trong khi các tỳ khưu trưởng lão đi kinh hành không mang dép, các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại đi kinh hành có mang dép?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói trong khi bậc Đạo Sư đi kinh hành không mang dép và trong khi các tỳ khưu trưởng lão đi kinh hành không mang dép, các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại đi kinh hành có mang dép, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao trong khi bậc Đạo Sư đi kinh hành không mang dép và trong khi các tỳ khưu trưởng lão đi kinh hành không mang dép, những kẻ rồ dại ấy lại đi kinh hành có mang dép? Này các tỳ khưu, ngay cả những người tại gia choàng vải trắng thực hành nghề nghiệp để nuôi mạng vẫn sống có sự tôn kính, có sự phục tùng, có sự quan tâm đến các vị thầy. Này các tỳ khưu, ở đây hãy làm rạng rỡ việc các ngươi đã được xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy, các ngươi nên sống có sự tôn kính, có sự phục tùng, có sự quan tâm đến các vị thầy dạy học, đến các vị tương đương thầy dạy học, đến các vị thầy tế độ, đến các vị tương đương thầy tế độ. Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, trong khi các vị thầy dạy học, các vị tương đương thầy dạy học, các vị thầy tế độ, các vị tương đương thầy tế độ đang đi kinh hành không mang dép, không nên đi kinh hành có mang dép; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, trong khuôn viên tu viện không nên mang dép; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[9] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh khối u ở bàn chân. Các tỳ khưu khiêng vị ấy đưa ra bên ngoài cho việc tiểu tiện, đại tiện. Đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã nhìn thấy các tỳ khưu ấy đang khiêng vị tỳ khưu ấy đưa ra bên ngoài cho việc tiểu tiện, đại tiện, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần các tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với các tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu này có bệnh gì vậy?

- Bạch ngài, đại đức này có bệnh khối u ở bàn chân. Chúng con khiêng vị này đưa ra bên ngoài cho việc tiểu tiện, đại tiện.

[10] Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị có các bàn chân bị đau, hoặc có các bàn chân bị rách, hoặc có bệnh khối u ở bàn chân được mang dép.

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu bước lên giường ghế với các bàn chân chưa rửa khiến y và chỗ nằm ngồi bị dơ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép mang dép khi nghĩ rằng: “Bây giờ ta sẽ bước lên giường hoặc ghế.”

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu trong khi đi đến nhà hành lễ Uposatha (Bố Tát) và buổi hội họp vào ban đêm đã đạp nhằm gốc cây, (đạp nhằm) gai nhọn khiến các bàn chân bị đau. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trong khuôn viên tu viện ta cho phép sử dụng dép, cây đuốc, cây đèn, và cây gậy để chống.

Vào lúc bấy giờ, sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm các tỳ khưu nhóm Lục Sư mang các đôi guốc gỗ (kaṭṭhapādukā) đi kinh hành ở ngoài trời, trong khi nói chuyện to giọng, lớn tiếng, với âm thanh ồn ào về các chuyện nhảm nhí liên quan đến nhiều vấn đề như là: chuyện đức vua, chuyện kẻ trộm, chuyện quan đại thần, chuyện binh lính, chuyện ghê rợn, chuyện vũ khí, chuyện thức ăn, chuyện nước uống, chuyện vải vóc, chuyện giường nằm, chuyện vòng hoa, chuyện hương thơm, chuyện thân quyến, chuyện xe cộ, chuyện làng xóm, chuyện thị trấn, chuyện thành thị, chuyện quốc gia, chuyện đàn bà, chuyện đàn ông, chuyện người hùng, chuyện đường xá, chuyện về chỗ có hũ (của cải chôn giấu), chuyện ma quỷ, chuyện linh tinh, chuyện tiên đoán về thế gian, chuyện tiên đoán về đại dương, chuyện sẽ xảy ra và sẽ không xảy ra như vầy hay là như vầy, các vị vừa dẫm đạp giết chết côn trùng vừa làm cho các tỳ khưu không tập trung được thiền định.

Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm lại mang các đôi guốc gỗ đi kinh hành ở ngoài trời còn nói chuyện to giọng, lớn tiếng, với âm thanh ồn ào về các chuyện nhảm nhí liên quan đến nhiều vấn đề như là: chuyện đức vua, chuyện kẻ trộm, ...(như trên)..., chuyện sẽ xảy ra và sẽ không xảy ra như vầy hay là như vầy, các vị vừa dẫm đạp giết chết côn trùng vừa làm cho các tỳ khưu không tập trung được thiền định?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Lục Sư sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm lại mang các đôi guốc gỗ đi kinh hành ở ngoài trời còn nói chuyện to giọng, lớn tiếng, với âm thanh ồn ào về các chuyện nhảm nhí liên quan đến nhiều vấn đề như là: chuyện đức vua, chuyện kẻ trộm, ...(như trên)... chuyện sẽ xảy ra và sẽ không xảy ra như vầy hay là như vầy, các vị vừa dẫm đạp giết chết côn trùng vừa làm cho các tỳ khưu không tập trung được thiền định, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

...(như trên)... Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

-Này các tỳ khưu không nên mang các đôi guốc gỗ; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[11] Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Bārāṇasī (Ba La Nại). Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Bārāṇasī Tại nơi ấy trong thành Bārāṇasī, đức Thế Tôn ngự tại Isipatana, ở khu vườn nai. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Những đôi guốc gỗ đã bị đức Thế Tôn cấm đoán” nên đã cho chặt những cây thốt nốt (tāla) còn non rồi mang những đôi guốc làm bằng lá cây thốt nốt. Những cây thốt nốt còn non bị chặt đã héo úa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại cho chặt những cây thốt nốt còn non rồi mang những đôi guốc làm bằng lá cây thốt nốt khiến những cây thốt nốt còn non bị chặt đã héo úa? Các sa-môn Thích tử hãm hại mạng sống của loài có một giác quan.

Các tỳ khưu đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Lục Sư đã cho chặt những cây thốt nốt còn non rồi mang những đôi guốc làm bằng lá cây thốt nốt khiến những cây thốt nốt còn non bị chặt đã héo úa, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại kia lại cho chặt những cây thốt nốt còn non rồi mang những đôi guốc làm bằng lá cây thốt nốt khiến những cây thốt nốt còn non bị chặt đã héo úa. Này các tỳ khưu, bởi vì dân chúng nghĩ rằng có mạng sống ở trong thân cây. Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên mang những đôi guốc làm bằng lá cây thốt nốt; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Những đôi guốc làm bằng lá cây thốt nốt đã bị đức Thế Tôn cấm đoán” nên đã cho chặt những cây tre còn non rồi mang những đôi guốc làm bằng lá cây tre. Những cây tre còn non bị chặt đã héo úa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các sa-môn Thích tử lại cho chặt những cây tre còn non rồi mang những đôi guốc làm bằng lá cây tre khiến những cây tre còn non bị chặt đã héo úa? Các sa-môn Thích tử hãm hại mạng sống của loài có một giác quan.

Các tỳ khưu đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. ...(như trên)...

- Này các tỳ khưu, không nên mang những đôi guốc làm bằng lá cây tre; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[12] Sau đó, khi đã ngự tại thành Bārāṇasī theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Bhaddiya. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Bhaddiya. Tại nơi ấy trong thành Bhaddiya, đức Thế Tôn ngự tại khu rừng Jātiyā. Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu ở Bhaddiya sống say mê và gắn bó với việc trang hoàng đôi giày bằng nhiều cách. Các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ (tiṇa), các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ tranh (muñja), các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ sậy (pabbaja), các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cây dừa nước (hintāla), các vị tự làm và bảo người làm giày bằng lá sen (kamala), các vị tự làm và bảo người làm giày bằng len. Các vị xao lãng việc trì tụng, việc học hỏi, tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ.

Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu ở Bhaddiya lại sống say mê và gắn bó với việc trang hoàng đôi giày bằng nhiều cách. Các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ tranh, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ sậy, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cây dừa nước, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng lá sen, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng len. Các vị xao lãng việc trì tụng, việc học hỏi, tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ở Bhaddiya sống say mê và gắn bó với việc trang hoàng đôi giày bằng nhiều cách. Các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ tranh, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cỏ sậy, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng cây dừa nước, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng lá sen, các vị tự làm và bảo người làm giày bằng len. Các vị xao lãng việc trì tụng, việc học hỏi, tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại này lại sống say mê và gắn bó với việc trang hoàng đôi giày bằng nhiều cách. Chúng làm và bảo người làm giày bằng cỏ, chúng làm và bảo người làm giày bằng cỏ tranh, chúng làm và bảo người làm giày bằng cỏ sậy, chúng làm và bảo người làm giày bằng cây dừa nước, chúng làm và bảo người làm giày bằng lá sen, chúng làm và bảo người làm giày bằng len. Chúng xao lãng việc trì tụng, việc học hỏi, tăng thượng giới, tăng thượng tâm, tăng thượng tuệ? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên mang giày làm bằng cỏ, không nên mang giày làm bằng cỏ tranh, không nên mang giày làm bằng cỏ sậy, không nên mang giày làm bằng cây dừa nước, không nên mang giày làm bằng lá sen, không nên mang giày làm bằng len, không nên mang giày làm bằng vàng, không nên mang giày làm bằng bạc, không nên mang giày làm bằng ngọc ma-ni, không nên mang giày làm bằng ngọc mắt mèo, không nên mang giày làm bằng pha-lê, không nên mang giày làm bằng đồng thau, không nên mang giày làm bằng thủy tinh, không nên mang giày làm bằng thiếc, không nên mang giày làm bằng chì, không nên mang giày làm bằng đồng đỏ; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, không nên mang bất cứ loại giày nào dùng cho việc đi lại; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép ba loại giày đặt ở chỗ nhất định, không thể mang đi (nơi khác) là: giày ở nhà tiểu, giày ở nhà tiêu, giày ở chỗ súc miệng.

[13] Sau đó, khi đã ngự tại thành Bhaddiya theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi ấy trong thành Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana (Kỳ Viên), tu viện của ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư nắm lấy các sừng của những con bò cái đang lội qua sông Aciravatī, các vị nắm lấy tai, các vị nắm lấy cổ, các vị nắm lấy đuôi, các vị cỡi lên lưng, các vị sờ vào bộ phận sinh dục do tâm dâm dục, các vị dìm nước các con bò cái tơ và giết chết. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại nắm lấy các sừng của những con bò cái đang lội qua sông Aciravatī, các vị nắm lấy các tai, các vị nắm lấy các cổ, các vị nắm lấy các đuôi, các vị cỡi lên lưng, các vị sờ mó bộ phận sinh dục do tâm dâm dục, các vị dìm nước các con bò cái tơ và giết chết giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các tỳ khưu đã nghe được dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên nắm lấy các sừng, không nên nắm lấy các tai, không nên nắm lấy các cổ, không nên nắm lấy các đuôi, không nên cỡi lên lưng của những con bò cái; vị nào cỡi lên thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Không nên sờ mó bộ phận sinh dục do tâm dâm dục; vị nào sờ mó thì phạm tội thullaccaya (trọng tội). Không nên giết chết những con bò cái tơ; vị nào giết chết thì nên hành xử theo Pháp.[3]

[14] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư di chuyển bằng xe được kéo bởi các con bò cái với con bò đực ở giữa, hoặc được kéo bởi các con bò đực với con bò cái ở giữa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như lễ hội ở vùng Gaṅgā và Mahī vậy.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên di chuyển bằng xe; vị nào di chuyển thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, ở trong xứ Kosala có vị tỳ khưu nọ đang đi đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn, ở giữa đường bị bệnh. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã rời đường đi và ngồi xuống ở gốc cây nọ. Dân chúng đã nhìn thấy rồi nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

- Thưa ngài, ngài sẽ đi đâu vậy?

- Này các đạo hữu, tôi sẽ đi Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn.

- Thưa ngài, hãy đến đây, chúng ta sẽ cùng đi.

- Này các đạo hữu, tôi không thể (đi được). Tôi bị bệnh.

- Thưa ngài, hãy đến đây. Hãy leo lên xe.

- Này các đạo hữu, thôi đi. Xe đã bị đức Thế Tôn cấm đoán.

Trong khi ngần ngại, vị ấy đã không leo lên xe.

Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã đi đến thành Sāvatthi và kể lại sự việc ấy cho các tỳ khưu. Các tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) xe đối với vị bị bệnh.

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Vậy được kéo bởi bò cái? Hay được kéo bởi bò đực?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) toa xe được kéo bởi bò đực.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã bị khó chịu dữ dội vì sự dằn xóc của xe. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) kiệu khiêng, ghế khiêng.

[15] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sử dụng chỗ nằm cao và chỗ nằm rộng lớn như là: ghế cao, ghế nệm lông thú, thảm lông cừu, thảm nhiều màu, thảm màu trắng, thảm thêu bông hoa, thảm bông gòn, thảm dệt có nhiều hình vẽ, thảm lông rái cá, thảm có lông một góc, tấm lụa có kết ngọc quý, thảm lụa, thảm lớn để nhảy múa, thảm da voi, thảm da ngựa, thảm lót xe, thảm da beo, thảm da nai giống quý, thảm có che phủ ở trên, thảm có màu đỏ ở cả hai đầu.

Dân chúng trong lúc đi dạo quanh các trú xá nhìn thấy nên phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng chỗ nằm cao và chỗ nằm rộng lớn như là: ghế cao, ghế nệm lông thú, thảm lông cừu, thảm nhiều màu, thảm màu trắng, thảm thêu bông hoa, thảm bông gòn, thảm dệt có nhiều hình vẽ, thảm lông rái cá, thảm có lông một góc, tấm lụa có kết ngọc quý, thảm lụa, thảm lớn để nhảy múa, thảm da voi, thảm da ngựa, thảm lót xe, thảm da beo, thảm da nai giống quý, thảm có che phủ ở trên, thảm có màu đỏ ở cả hai đầu; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[16] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Chỗ nằm cao và chỗ nằm rộng lớn đã bị đức Thế Tôn cấm đoán” nên sử dụng những tấm da thú lớn là da sư tử, da cọp, da beo. Các tấm da được cắt theo kích thước của giường, chúng được cắt theo kích thước của ghế, chúng được xếp đặt ở giường phía bên trong, chúng được xếp đặt ở giường phía bên ngoài, chúng được xếp đặt ở ghế phía bên trong, chúng được xếp đặt ở ghế phía bên ngoài. Dân chúng trong lúc đi dạo quanh các trú xá nhìn thấy nên phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng những tấm da thú lớn là da sư tử, da cọp, da beo; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[17] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Những tấm da thú lớn đã bị đức Thế Tôn cấm đoán” nên sử dụng những tấm da bò. Những tấm da bò được cắt theo kích thước của giường, chúng được cắt theo kích thước của ghế, chúng được xếp đặt ở giường phía bên trong, chúng được xếp đặt ở giường phía bên ngoài, chúng được xếp đặt ở ghế phía bên trong, chúng được xếp đặt ở ghế phía bên ngoài. Có vị tỳ khưu xấu xa nọ thường hay lui tới với người cư sĩ xấu xa nọ. Khi ấy vào buổi sáng, vị tỳ khưu xấu xa ấy đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến nhà ở của người cư sĩ xấu xa ấy, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau đó, người cư sĩ xấu xa ấy đã đi đến gặp vị tỳ khưu xấu xa ấy, sau khi đến đã đảnh lễ vị tỳ khưu xấu xa ấy rồi ngồi xuống ở một bên. Vào lúc bấy giờ, con bê của người cư sĩ xấu xa ấy còn nhỏ, đẹp đẽ, xinh xắn, duyên dáng, có nhiều màu như là con beo con vậy. Khi ấy, vị tỳ khưu xấu xa ấy chăm chú nhìn con bê con ấy một cách kỹ lưỡng. Sau đó, người cư sĩ xấu xa ấy đã nói với vị tỳ khưu xấu xa ấy điều này:

- Thưa ngài, vì sao ngài lại chăm chú nhìn con bê con ấy một cách kỹ lưỡng vậy?

- Này đạo hữu, ta có việc cần dùng với da của con bê này.

Khi ấy, người cư sĩ xấu xa ấy đã giết chết con bê ấy, lột tấm da, rồi dâng cho vị tỳ khưu xấu xa ấy. Sau đó, vị tỳ khưu xấu xa ấy dùng y hai lớp (saṅghāṭi) che đậy tấm da ấy rồi ra đi. Khi ấy, con bò cái ấy nhớ đến con bê nên đã đi theo phía sau vị tỳ khưu xấu xa ấy. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này đại đức, vì sao con bò cái này cứ đi theo phía sau đại đức vậy?

- Này các đại đức, tôi cũng không biết vì sao con bò cái này cứ đi theo phía sau tôi nữa?

Vào lúc bấy giờ, y hai lớp của vị tỳ khưu xấu xa ấy đã bị vấy máu. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này đại đức, điều gì đã xảy ra cho cái y hai lớp này của đại đức vậy?

Khi ấy, vị tỳ khưu xấu xa ấy đã kể lại sự việc ấy cho các vị tỳ khưu.

- Này đại đức, có phải đại đức đã xúi kẻ khác giết hại mạng sống?

- Này các đại đức, đúng vậy.

Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao vị tỳ khưu lại xúi kẻ khác giết hại mạng sống? Không phải sự giết hại mạng sống đã bị đức Thế Tôn khiển trách bằng nhiều phương cách và việc từ bỏ giết hại mạng sống đã được khen ngợi hay sao?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

[18] Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi vị tỳ khưu xấu xa ấy rằng:

- Này tỳ khưu, nghe nói ngươi đã xúi kẻ khác giết hại mạng sống, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi lại xúi kẻ khác giết hại mạng sống? Không phải sự giết hại mạng sống đã bị ta khiển trách bằng nhiều phương cách và việc từ bỏ giết hại mạng sống đã được khen ngợi hay sao? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên xúi kẻ khác giết hại mạng sống, vị nào xúi thì nên được hành xử theo Pháp.[4] Và này các tỳ khưu, không nên sử dụng da bò; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Và này các tỳ khưu, không nên sử dụng bất cứ loại da nào; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, giường và ghế của dân chúng được bọc da và được phủ da. Các vị tỳ khưu ngần ngại không ngồi lên. Các vị đã trình sự việc lên đức Thê Tôn.

- Này các tỳ khưu, Ta cho phép ngồi lên chỗ đã được làm sẵn bởi cư sĩ nhưng không được nằm lên.

Vào lúc bấy giờ, các trú xá được buộc lại bằng những sợi dây da. Các vị tỳ khưu ngần ngại không ngồi lên. Các vị đã trình sự việc lên đức Thê Tôn.

- Này các tỳ khưu, Ta cho phép ngồi lên vật được buộc lại (bởi các sợi dây da).

 [19] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư đi vào làng có mang những đôi dép. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đi vào làng có mang dép; vị nào đi vào thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh không thể đi vào làng không có mang dép. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đi vào làng có mang dép đối với vị tỳ khưu bị bệnh.

[20] Lúc bấy giờ, đại đức Mahākaccāna (Đại Ca Chiên Diên) ngụ tại xứ Avanti, ở Kuraraghara, núi Papāta. Vào lúc bấy giờ, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa là người hộ độ cho đại dức Mahākaccāna. Khi ấy, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã đi đến gặp đại đức Mahākaccāna, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāna rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã nói với đại đức Mahākaccāna điều này:

- Thưa ngài, theo như con hiểu về Pháp đã được ngài Mahākaccāna thuyết giảng thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Thưa ngài, con muốn cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà. Thưa ngài, xin ngài đại đức Mahākaccāna hãy cho con xuất gia.

Khi được nói như vậy, đại đức Mahākaccāna đã nói với nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa điều này:

- Này Soṇa, việc khó làm là thực hành Phạm hạnh, ngủ một mình, ăn một bữa cho đến trọn đời. Này Soṇa, vậy thì ngay chính ở chỗ này, trong khi còn là người tại gia ngươi hãy thực tập lời dạy của chư Phật tức là Phạm hạnh, ngủ một mình, ăn một bữa trong một khoảng thời gian quy định.

Khi ấy, ước muốn xuất gia của nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã được dịu đi.

Đến lần thứ nhì, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa ...(như trên)...

Đến lần thứ ba, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã đi đến gặp đại đức Mahākaccāna, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāna rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã nói với đại đức Mahākaccāna điều này:

- Bạch ngài, theo như con hiểu về Pháp đã được ngài Mahākaccāna thuyết giảng thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Bạch ngài, con muốn cạo bỏ râu tóc, khoác các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà. Bạch ngài, xin ngài đại đức Mahākaccāna hãy cho con xuất gia.

Khi ấy, đại đức Mahākaccāna đã cho nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa xuất gia.

Vào lúc bấy giờ, ở xứ Avanti và khu vực phía nam có ít tỳ khưu. Khi ấy, đại đức Mahākaccāna trải qua ba năm với nỗi cực nhọc khó khăn đã triệu tập được hội chúng tỳ khưu gồm mười vị từ nơi này nơi khác rồi đã cho đại đức Soṇa tu lên bậc trên. Sau đó, khi đã sống qua mùa (an cư) mưa, đại đức Soṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Ta đã được nghe rằng: ‘Đức Thế Tôn ấy là vị như vầy và như vầy,’ nhưng ta chưa được nhìn thấy tận mặt, vậy ta nên đi để diện kiến đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác nếu thầy tế độ cho phép ta.” Sau đó vào lúc chiều tối, đại đức Soṇa đã xuất khỏi thiền tịnh rồi đi đến gặp đại đức Mahākaccāna, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāna rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Soṇa đã nói với đại đức Mahākaccāna điều này:

- Thưa ngài, trường hợp con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Ta đã được nghe rằng: ‘Đức Thế Tôn ấy là vị như vầy và như vầy,’ nhưng ta chưa được thấy tận mặt, vậy ta nên đi để diện kiến đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác nếu thầy tế độ cho phép ta.” Thưa ngài, con có nên đi để diện kiến đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác nếu thầy tế độ cho phép con?

- Này Soṇa, tốt lắm, tốt lắm. Này Soṇa, ngươi hãy đi để diện kiến đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác. Này Soṇa, ngươi sẽ thấy đức Thế Tôn ấy nhã nhặn, tạo nên niềm hoan hỷ, giác quan thanh tịnh, tâm ý thanh tịnh, đã đạt đến mức tột đỉnh trong sự thu thúc và tĩnh lặng, là đấng voi chúa có các giác quan đã được huấn luyện và bảo vệ. Này Soṇa, nếu vậy thì ngươi hãy đê đầu đảnh lễ ở chân của đức Thế Tôn với lời của ta rằng: “Bạch ngài, thầy tế độ của con là đại đức Mahākaccāna xin đê đầu đảnh lễ đức Thế Tôn.” Rồi ngươi hãy nói như vầy: “Bạch ngài, xứ Avanti và khu vực phía nam có ít tỳ khưu. Con trải qua ba năm với nỗi cực nhọc khó khăn mới triệu tập được hội chúng tỳ khưu gồm mười vị từ nơi này nơi khác và đã thành tựu việc tu lên bậc trên. Có lẽ ở xứ Avanti và khu vực phía nam đức Thế Tôn nên cho phép việc tu lên bậc trên bằng nhóm (có nhân sự) ít hơn. Bạch ngài, ở xứ Avanti và khu vực phía nam, mặt đất sẫm màu hơn, rắn chắc, bị dẫm đạp bởi móng chân bò, có lẽ ở xứ Avanti và khu vực phía nam đức Thế Tôn nên cho phép (sử dụng) dép có nhiều lớp. Bạch ngài, ở xứ Avanti và khu vực phía nam dân chúng xem trọng việc tắm và được sạch sẽ nhờ nước, có lẽ ở xứ Avanti và khu vực phía nam đức Thế Tôn nên cho phép việc tắm rửa thường xuyên. Bạch ngài, ở xứ Avanti và khu vực phía nam các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót. Bạch ngài, cũng giống như ở các xứ ở trung tâm (các loại cỏ) eragu, moragu, majjāru, jantu (là vật dùng để trải lót), bạch ngài, tương tợ như thế ở xứ Avanti và khu vực phía nam các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót; có lẽ ở xứ Avanti và khu vực phía nam đức Thế Tôn nên cho phép các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót. Bạch ngài, hiện nay dân chúng dâng y đến các vị tỳ khưu đã đi ra khỏi ranh giới (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng y này cho vị tên (như vầy).’ Các vị ấy khi trở lại được (các tỳ khưu) thông báo rằng: ‘Này các đại đức, y đã được dâng cho các đại đức bởi những người tên (như vầy),’ các vị ấy ngần ngại không nhận (nói rằng): ‘Chớ để chúng tôi bị phạm tội nissaggiya (ưng xả);’ có lẽ đức Thế Tôn nên giải thích chi tiết về vấn đề y.”

- Bạch ngài, xin vâng.

Sau khi lắng nghe đại đức Mahākaccāna, đại đức Soṇa đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đại đức Mahākaccāna, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi thu xếp chỗ trú ngụ, cầm y bát, ra đi về phía thành Sāvatthi. Tuần tự vị ấy đã đi đến thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika, gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, hãy sắp đặt chỗ trú ngụ cho vị tỳ khưu vãng lai này.

 Khi ấy, đại đức Ānanda (suy nghĩ rằng): “Liên quan đến vị nào mà đức Thế Tôn ra lệnh cho ta rằng: ‘Này Ānanda, hãy sắp đặt chỗ trú ngụ cho vị tỳ khưu vãng lai này’? Có phải đức Thế Tôn muốn ngụ trong cùng một trú xá với vị tỷ kheo ấy? Có phải đức Thế Tôn muốn ngụ trong cùng một trú xá với đại đức Soṇa?” rồi đã sắp đặt chỗ trú ngụ cho đại đức Soṇa trong trú xá đức Thế Tôn đang ngự.

[21] Sau đó, khi đã trải qua gần trọn đêm ở ngoài trời đức Thế Tôn đã đi vào trú xá. Đại đức Soṇa sau khi trải qua gần trọn đêm ở ngoài trời cũng đã đi vào trú xá. Sau đó, khi đã thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm, đức Thế Tôn đã yêu cầu đại đức Soṇa rằng:

- Này tỳ khưu, hãy thuyết giảng Pháp mà ngươi biết rõ.

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi đại đức Soṇa nghe theo đức Thế Tôn đã thuyết lại theo trí nhớ đầy đủ toàn bộ phẩm Nhóm Tám (Aṭṭhakavaggikāni). Sau đó, vào lúc chấm dứt việc thuyết lại theo trí nhớ của đại đức Soṇa đức Thế Tôn đã khen ngợi rằng:

- Này tỳ khưu, tốt lắm, tốt lắm. Này tỳ khưu, phẩm Nhóm Tám đã được ngươi khéo học tập, khéo suy nghĩ, khéo ghi nhớ. Ngươi có giọng nói êm dịu, rõ ràng, không có khó nghe, làm rõ được ý nghĩa. Này tỳ khưu, ngươi (xuất gia) được bao nhiêu năm?

- Bạch đức Thế Tôn, con được một năm.

- Này tỳ khưu, tại sao ngươi thực hiện (việc tu lên bậc trên) chậm trễ như vậy?

- Bạch ngài, từ lâu con đã thấy được sự tai hại trong các dục, nhưng vì cuộc sống tại gia có nhiều cản trở, có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm.

Sau đó, khi đã hiểu ra sự việc ấy, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Thấy hiểm họa ở đời,
sau khi hiểu rõ Pháp,
không đam mê, chấp thủ,
bậc Thánh không thích ác,
không thích thú điều ác,
vị ấy được trong sạch.

[22] Khi ấy, đại đức Soṇa (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn hoan hỷ với ta, lúc này chính là lúc của việc mà thầy tế độ ta đã căn dặn kỹ càng” nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, quỳ xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn rồi nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, thầy tế độ của con là đại đức Mahākaccāna xin đê đầu đảnh lễ ở hai chân của đức Thế Tôn và nói như vầy: “Bạch ngài, xứ Avanti và khu vực phía nam có ít tỳ khưu. Con trải qua ba năm với nỗi cực nhọc khó khăn mới triệu tập được hội chúng tỳ khưu gồm mười vị từ nơi này nơi khác và đã thành tựu việc tu lên bậc trên. Có lẽ ở xứ Avanti và khu vực phía nam đức Thế Tôn nên cho phép việc tu lên bậc trên bằng nhóm (có nhân sự) ít hơn. Bạch ngài, ở xứ Avanti và khu vực phía nam mặt đất sẫm màu hơn, rắn chắc, bị dẫm đạp bởi móng chân bò, có lẽ ở xứ Avanti và khu vực phía nam đức Thế Tôn nên cho phép (sử dụng) dép có nhiều lớp. Bạch ngài, ở xứ Avanti và khu vực phía nam dân chúng xem trọng việc tắm và được sạch sẽ nhờ nước, có lẽ ở xứ Avanti và khu vực phía nam đức Thế Tôn nên cho phép việc tắm rửa thường xuyên. Bạch ngài, ở xứ Avanti và khu vực phía nam các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót. Bạch ngài, cũng giống như ở các xứ ở trung tâm (các loại cỏ) eragu, moragu, majjāru, jantu (là vật dùng để trải lót), bạch ngài, tương tợ như thế ở xứ Avanti và khu vực phía nam các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót; có lẽ ở xứ Avanti và khu vực phía nam đức Thế Tôn nên cho phép các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót. Bạch ngài, hiện nay dân chúng dâng y đến các vị tỳ khưu đã đi ra khỏi ranh giới (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng y này cho vị tên (như vầy).’ Các vị ấy khi trở lại được (các tỳ khưu) thông báo rằng: ‘Này các đại đức, y đã được dâng cho các đại đức bởi những người tên (như vầy) ,’ các vị ấy ngần ngại không nhận (nói rằng): ‘Chớ để chúng tôi bị phạm tội nissaggiya (ưng xả);’ có lẽ đức Thế Tôn nên giải thích chi tiết về vấn đề y.”

[23] Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, xứ Avanti và khu vực phía nam có ít tỳ khưu. Này các tỳ khưu, trong tất cả các xứ thuộc vùng biên địa (sabbapaccantimesu janapadesu) ta cho phép việc tu lên bậc trên với nhóm có vị thứ năm là vị rành rẽ về Luật (vinayadharapañcamena). Trong trường hợp này, các xứ thuộc vùng biên địa là: Ở hướng bắc có thị trấn tên là Kajaṅgala, xa hơn chỗ đó là Mahāsālā, từ đó trở đi là các xứ thuộc vùng biên địa, từ đó trở lại là thuộc trung tâm. Ở hướng nam, có thị trấn tên là Setakaṇṇika, từ đó trở đi là các xứ thuộc vùng biên địa, từ đó trở lại là thuộc trung tâm. Ở hướng tây, có làng bà-la-môn tên là Thūna, từ đó trở đi là các xứ thuộc vùng biên địa, từ đó trở lại là thuộc trung tâm. Ở hướng đông, có ngọn núi tên là Usīraddhaja, từ đó trở đi là các xứ thuộc vùng biên địa, từ đó trở lại là thuộc trung tâm. Này các tỳ khưu, trong các xứ thuộc vùng biên địa như thế ta cho phép việc tu lên bậc trên với nhóm có vị thứ năm là vị rành rẽ về Luật.

Này các tỳ khưu, ở xứ Avanti và khu vực phía nam mặt đất sẫm màu hơn, rắn chắc, bị dẫm đạp bởi móng chân bò. Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) dép có nhiều lớp trong tất cả các xứ thuộc vùng biên địa.Này các tỳ khưu, ở xứ Avanti và khu vực phía nam dân chúng xem trọng việc tắm và được sạch sẽ nhờ nước. Này các tỳ khưu, ta cho phép việc tắm rửa thường xuyên trong tất cả các xứ thuộc vùng biên địa. Này các tỳ khưu, ở xứ Avanti và khu vực phía nam các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót. Này các tỳ khưu, cũng giống như ở các xứ ở trung tâm (các loại cỏ) eragu, moragu, majjāru, jantu (là vật dùng để trải lót), này các tỳ khưu, tương tợ như thế ở xứ Avanti và khu vực phía nam các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót. Này các tỳ khưu, ta cho phép các loại da thú như là da cừu, da dê, da nai là vật dùng để trải lót trong tất cả các xứ thuộc vùng biên địa. Này các tỳ khưu, trường hợp dân chúng dâng y đến các vị tỳ khưu đã đi ra khỏi ranh giới (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng y này cho vị tên (như vầy).’ Này các tỳ khưu, ta cho phép nhận lãnh, khi nào chưa đến tay thì chưa tính việc đếm (ngày đã cất giữ) ấy.

Chương Da Thú là chương thứ năm.

Trong chương này có sáu mươi ba sự việc.

******

Tóm lược chương này:

[24]

Vua xứ Magadha
và thanh niên Soṇa,
trưởng làng tám muôn vị,
ở Gijjhakūṭa,
Sāgata phô bày
nhiều Pháp bậc thượng nhân,
xuất gia rồi nỗ lực,
(các bàn chân) bị rách,
cây đàn, dép một lớp.
Màu xanh, vàng, và đỏ,
đỏ sậm, và đen nữa,
màu nổi bật, sáng chói,
và cấm đoán dây buộc,
phủ gót, gối, ống chân,
lót bông, giống cánh gà,
gắn sừng cừu, và dê,
đuôi bọ cạp, lông công,
và có đủ các loại.
Dép bằng da sư tử,
da cọp, và da beo,
da hươu, rái cá, mèo,
da sóc, và cú mèo.
Đôi dép, chân bị rách,
bị khối u, chân rửa,
gốc cây, tiếng ồn ào.
Cây thốt nốt, cây tre,
và cỏ, tranh, cỏ sậy,
dừa nước, lá sen, len,
vàng, bạc, ngọc ma-ni,
ngọc mắt mèo, pha lê,
đồng thau, và thủy tinh,
thiếc, chì, và đồng đỏ.
Bò cái, xe, vị bệnh,
bò đực kéo, ghế nệm.
Chỗ nằm, da loại lớn,
da bò và kẻ ác.
Của cư sĩ, dây da,
họ đi vào, vị bệnh.
Soṇa và đại đức
Mahākaccāna,
“Nhóm Tám” bằng trí nhớ,
tu lên với năm vị,
dép nhiều lớp, tắm đều,
cho phép thảm bằng da,
không tính việc đếm ngày,
vị Lãnh Đạo đã ban
đến trưởng lão Soṇa
năm điều đặc ân ấy.


[1] Vīṇā là một loại đàn dây, tạm dịch là đàn tỳ-bà.

[2] Ở đây, điều ấy tức là sự ghi nhận bởi mắt (tâm nhãn thức). Theo khả năng hiểu biết của chúng tôi dựa vào lời giải thích của ngài Buddhaghosa thì vị tỳ khưu này chỉ ghi nhận tâm nhãn thức (sự ghi nhận bởi mắt) sanh lên và diệt đi, và không sanh khởi sự thích thú (tham), sự chán ghét (sân), hay sự thờ ơ (si) đối với cảnh sắc đã ghi nhận được.

[3] Liên quan đến tội pācittiya (ưng đối trị) 61.

[4] Liên quan đến tội pārājika (bất cộng trụ) 3 và tội pācittiya (ưng đối trị) 11, 61, 62.

VI. CHƯƠNG DƯỢC PHẨM (BHESAJJAKKHANDHAKAṂ)

[25] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi (Xá Vệ), Jetavana (Kỳ Viên), tu viện của ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc). Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị nhiễm cơn bệnh vào mùa thu khiến cháo đã húp vào bị ói ra, thức ăn đã ăn vào bị mửa ra. Vì thế, các vị trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân, sau khi nhìn thấy đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, điều gì khiến các vị tỳ khưu trong lúc này lại ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân vậy?

- Bạch ngài, trong lúc này các vị tỳ khưu bị nhiễm cơn bệnh vào mùa thu khiến cháo đã húp vào bị ói ra, thức ăn đã ăn vào bị mửa ra. Vì thế, các vị trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân.

Sau đó, đức Thế Tôn trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Trong lúc này các vị tỳ khưu bị nhiễm cơn bệnh vào mùa thu khiến cháo đã húp vào bị ói ra, thức ăn đã ăn vào bị mửa ra. Vì thế, các vị trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Vậy ta nên cho phép các vị tỳ khưu loại dược phẩm gì mà chính loại dược phẩm ấy tuy đã được quy định là dược phẩm lại có thể được dùng theo mục đích của thức ăn cho cơ thể, nhưng không được xem là loại thức ăn thông thường?”

Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Năm loại dược phẩm này như là bơ lỏng (sappi), bơ đặc (navanītaṃ), dầu ăn (telaṃ), mật ong (madhu), đường mía (phāṇitaṃ) là các loại dược phẩm, tuy đã được quy định là dược phẩm và được dùng theo mục đích của thức ăn cho cơ thể, nhưng không được xem là loại thức ăn thông thường; có lẽ ta nên cho phép các tỳ khưu được thọ lãnh năm loại dược phẩm này đúng thời và thọ dụng đúng thời?”

Sau đó vào lúc chiều tối, đức Thế Tôn xuất khỏi thiền tịnh rồi nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ở đây ta trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Trong lúc này các vị tỳ khưu bị nhiễm cơn bệnh vào mùa thu khiến cháo đã húp vào bị ói ra, thức ăn đã ăn vào bị mửa ra. Vì thế, các vị trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Vậy ta nên cho phép loại dược phẩm gì cho các tỳ khưu mà chính loại dược phẩm ấy tuy đã được quy định là dược phẩm lại có thể được dùng theo mục đích của thức ăn cho cơ thể, nhưng không được xem là loại thức ăn thông thường?” Này các tỳ khưu, ta đây đã khởi ý điều này: “Năm loại dược phẩm này như là bơ lỏng (sappi), bơ đặc (navanītaṃ), dầu ăn (telaṃ), mật ong (madhu), đường mía (phāṇitaṃ) là các loại dược phẩm tuy đã được quy định là dược phẩm và được dùng theo mục đích của thức ăn cho cơ thể, nhưng không được xem là loại thức ăn thông thường; có lẽ ta nên cho phép các tỳ khưu được thọ lãnh năm loại dược phẩm này đúng thời và thọ dụng đúng thời?” Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ lãnh năm loại dược phẩm ấy đúng thời và thọ dụng đúng thời. [1]

[26] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu sau khi nhận lãnh năm loại dược phẩm ấy đúng thời và thọ dụng đúng thời. Các vị đã không ăn các loại thức ăn thô thông thường và (ăn) các loại (thức ăn) có dầu mỡ còn ít hơn nữa. Các vị không những đã bị nhiễm cơn bệnh vào mùa thu ấy lại thêm vào việc không chịu thu nạp thức ăn này nữa, vì hai điều ấy vóc dáng (của các vị) càng trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, tăng vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân hơn trước kia nữa. Và đức Thế Tôn đã nhận thấy các vị tỳ khưu ấy có vóc dáng càng ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, tăng vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân hơn trước kia nữa, sau khi nhìn thấy đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, trong lúc này điều gì khiến các vị tỳ khưu có vóc dáng càng ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, tăng vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân hơn trước kia nữa?

- Bạch ngài, trong lúc này các vị tỳ khưu sau khi nhận lãnh năm loại dược phẩm ấy đúng thời và thọ dụng đúng thời. Các vị đã không ăn các loại thức ăn thô thông thường và (ăn) các loại (thức ăn) có dầu mỡ còn ít hơn nữa. Các vị không những đã bị nhiễm cơn bệnh vào mùa thu ấy lại thêm vào việc không chịu thu nạp thức ăn này nữa, vì hai điều ấy vóc dáng (của các vị) càng trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, tăng vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân hơn trước kia nữa.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ lãnh năm loại dược phẩm này và thọ dụng đúng thời luôn cả phi thời.

[27] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại dược phẩm là các loại mỡ (thú vật). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng chung với dầu ăn các loại dược phẩm là các loại mỡ (thú vật) như mỡ gấu, mỡ cá, mỡ cá sấu, mỡ heo rừng, mỡ lừa đã được thọ lãnh đúng thời, đã được nấu đúng thời, và đã được trộn chung đúng thời. Này các tỳ khưu, nếu vật ấy đã được thọ lãnh phi thời, đã được nấu phi thời, và đã được trộn chung phi thời, vị thọ dụng (vật ấy) phạm ba tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vật ấy đã được thọ lãnh đúng thời, đã được nấu phi thời, và đã được trộn chung phi thời, vị thọ dụng (vật ấy) phạm hai tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vật ấy đã được thọ lãnh đúng thời, đã được nấu đúng thời, và đã được trộn chung phi thời, vị thọ dụng (vật ấy) phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vật ấy đã được thọ lãnh đúng thời, đã được nấu đúng thời, và đã được trộn chung đúng thời, vị thọ dụng (vật ấy) vô tội.

[28] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại dược phẩm là các loại rễ cây. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các loại dược phẩm là các loại rễ cây như củ nghệ, củ gừng, rễ cây vacaṃ (?),[2] rễ cây vaca trắng (?), rễ cây ngải cứu, rễ cây kaṭukarohiṇī (?), rễ loại cây có mùi thơm usīra (?), rễ loại cỏ có mùi thơm bhaddamuttaka (?), hoặc có các loại dược phẩm là các rễ cây khác nữa (tuy) thuộc về loại vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về loại vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm. Sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ; vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại dược phẩm dạng bột là các loại rễ cây. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cối đá xay và cối đá xay loại nhỏ.

[29] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại dược phẩm là các loại nước sắc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các loại dược phẩm là các loại nước sắc như nước sắc của cây nimba (?), nước sắc của cây kuṭaja (?), nước sắc của loại dưa dài paṭola (?), nước sắc của loại dây leo phaggava (?), nước sắc của cây nattamāla (?), hoặc có các loại dược phẩm là các loại nước sắc khác nữa (tuy) thuộc về loại vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về loại vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm. Sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ; vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[30] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại lá cây làm dược phẩm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các loại lá cây làm dược phẩm như lá cây nimba (?), lá cây kuṭaja (?), lá cây của loại dưa dài paṭola (?), lá cây húng quế, lá cây bông vải, hoặc có các loại dược phẩm là các loại lá cây khác nữa (tuy) thuộc về loại vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về loại vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm. Sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ; vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[31] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại dược phẩm là các loại trái cây. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các loại dược phẩm là các loại trái cây như trái cây vilaṅga (?), hạt tiêu dài (pipphali), hạt tiêu đen (marica), trái cây harītaka (?), trái cây vibhītaka (?), trái cây āmalaka (?), trái cây goṭha (?) hoặc có các loại dược phẩm là các loại trái cây khác nữa (tuy) thuộc về loại vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về loại vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm. Sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ; vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[32] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại nhựa cây làm dược phẩm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các loại nhựa cây làm dược phẩm như hiṅgu (?), nhựa cây hiṅgu (hiṅgujatu), mủ cây hiṅgu (hiṅgusipātika), các loại sản phẩm từ mủ cây là taka (?), takapatti (?), takapaṇṇi (?), nhựa thông (sajjulasa), hoặc có các loại dược phẩm là các loại nhựa cây khác nữa (tuy) thuộc về loại vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về loại vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm. Sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ; vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[33] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại dược phẩm là các loại muối. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các loại dược phẩm là các loại muối (loṇa) như muối biển (sāmudda), muối đen (kāḷaloṇa), muối ở đá (sindhava), muối nấu ăn (ubbhida), muối mỏ (bila), hoặc có các loại dược phẩm là các loại muối khác nữa (tuy) thuộc về loại vật thực cứng nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực cứng và (tuy) thuộc về loại vật thực mềm nhưng không được dùng theo mục đích của vật thực mềm. Sau khi thọ lãnh các loại ấy, được cất giữ đến trọn đời và được thọ dụng khi có duyên cớ; vị thọ dụng khi không có duyên cớ phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[34] Vào lúc bấy giờ, thầy tế độ của đại đức Ānanda là đại đức Velaṭṭhasīsa có bệnh ghẻ sần sùi (thullakacchābādho). Các y của vị ấy bị dính vào thân vì chất máu mủ. Các vị tỳ khưu liên tục tẩm ướt các y với nước và kéo ra. Đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy liên tục tẩm ướt các y với nước và kéo ra, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến gần đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu này bị bệnh gì vậy?

- Bạch ngài, đại đức này bị bệnh ghẻ sần sùi, các y bị dính vào thân vì chất máu mủ, chúng con liên tục tẩm ướt các y với nước và kéo ra.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép các loại dược phẩm là các loại bột tắm đến vị bị ghẻ ngứa, hoặc bị nhọt, hoặc có vết thương chảy mủ, hoặc bị ghẻ sần sùi, hoặc cơ thể có mùi hôi, và phân bò (chakana), đất sét (mattika), chất màu đã được nấu (rajananipakka) đến vị không bị bệnh. Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cối giã và chày.

[35] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu bị bệnh có nhu cầu về các loại dược phẩm là các loại bột tắm đã được rây mịn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cái rây bột tắm.

Có nhu cầu về hạt rất mịn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cái rây bằng vải.

[36] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh liên quan đến phi nhân. Các vị thầy dạy học và thầy tế độ thường xuyên chăm sóc vị ấy nhưng không thể làm cho khỏi bệnh. Vị ấy đã đi đến lò mổ heo ăn thịt sống và uống máu tươi. Bệnh liên quan đến phi nhân của vị ấy giảm bớt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) thịt sống và máu tươi trong khi bị bệnh liên quan đến phi nhân.

[37] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh ở mắt. Các tỳ khưu đã khiêng vị ấy đưa ra bên ngoài cho việc tiểu tiện, đại tiện. Đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy đang khiêng vị tỳ khưu ấy đưa ra bên ngoài cho việc tiểu tiện, đại tiện, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến gần đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu này có bệnh gì vậy?

- Bạch ngài, đại đức này có bệnh ở mắt. Chúng con khiêng vị này đưa ra bên ngoài cho việc tiểu tiện, đại tiện.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) thuốc bôi, thuốc bôi màu đen, thuốc bôi loại tinh chất, thuốc bôi vào tai, bột phấn đỏ, muội đèn.

Có nhu cầu về bột mịn để làm thuốc bôi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) gỗ đàn hương, loại cây có mùi hương tagara (?), gỗ trầm (kāḷānusāri), gỗ cây tālīsa (?), loại cỏ có mùi thơm bhaddamuttaka (?).

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu để các loại thuốc bôi được nghiền nát ở trong các tô nhỏ và trong các chén. Chúng đã bị rác cỏ, bụi bặm rơi vào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) hộp chứa thuốc bôi.

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sử dụng các hộp chứa thuốc bôi loại đặc biệt làm bằng vàng, làm bằng bạc. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng các hộp chứa thuốc bôi loại đặc biệt; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép (hộp chứa thuốc bôi) làm bằng xương, làm bằng ngà răng, làm bằng sừng, làm bằng ống sậy, làm bằng tre, làm bằng gỗ, làm bằng nhựa cây, làm bằng trái cây, làm bằng đồng, làm bằng vỏ sò.

Vào lúc bấy giờ, các hộp chứa thuốc bôi không được đậy lại. Chúng đã bị rác cỏ, bụi bặm rơi vào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nắp đậy.

Nắp đậy bị rơi xuống.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (nắp đậy) với sợi chỉ rồi buộc vào hộp chứa thuốc bôi.

 Hộp chứa thuốc bôi bị bung ra.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép khâu lại bằng sợi chỉ.

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu dùng ngón tay bôi thuốc. Các con mắt bị đau. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) que bôi thuốc.

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sử dụng các que bôi thuốc loại đặc biệt làm bằng vàng, làm bằng bạc. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng các que bôi thuốc loại đặc biệt; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép làm bằng xương, làm bằng ngà răng, làm bằng sừng, ...(như trên)..., làm bằng vỏ sò.

Vào lúc bấy giờ, que bôi thuốc bị rơi trên mặt đất và trở nên sần sùi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) hộp đựng que bôi thuốc.

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu mang theo hộp chứa thuốc bôi và các que bôi thuốc bằng tay. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) túi đựng các hộp chứa thuốc bôi.

Dây mang vai không có. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) dây mang vai là chỉ thắt lại.

[38] Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindavaccha bị nóng ở đầu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (bôi) dầu ở trên đầu.

(Vị ấy) không được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) việc chữa trị ở mũi.

Mũi bị chảy nước. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cái muỗng đặt ở mũi (natthukaraṇī).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sử dụng các muỗng đặt ở mũi loại đặc biệt làm bằng vàng, làm bằng bạc. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng các muỗng đặt ở mũi loại đặc biệt; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép làm bằng xương, làm bằng ngà răng, làm bằng sừng, ...(như trên)..., làm bằng vỏ sò.

(Hai lỗ) mũi đã không được nhỏ đồng đều. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) cái muỗng đặt ở mũi loại kép.

(Vị ấy) không được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép hít khói.

Các vị sau khi đốt cháy sợi bấc rồi hít khói vào. Cổ họng bị (lửa) đốt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) ống dẫn khói.

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư sử dụng các ống dẫn khói loại đặc biệt làm bằng vàng, làm bằng bạc. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng các ống dẫn khói loại đặc biệt; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép làm bằng xương, làm bằng ngà răng, làm bằng sừng, ...(như trên)..., làm bằng vỏ sò.

Vào lúc bấy giờ, các ống dẫn khói không có nắp đậy, các sinh vật nhỏ đã đi vào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nắp đậy.

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu mang theo các ống dẫn khói bằng tay. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) túi đựng các ống dẫn khói.

Chúng bị cọ xát với nhau. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) túi đôi.

Dây mang vai không có. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) dây mang vai là chỉ thắt lại.

[39] Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindavaccha bị bệnh gió. Các thầy thuốc đã nói như vầy:

- Dầu cần được nấu.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

-Này các tỳ khưu, ta cho phép việc nấu dầu.

Rượu mạnh cần được thêm vào trong dầu nấu ấy. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

-Này các tỳ khưu, ta cho phép thêm rượu mạnh vào trong dầu nấu.

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư nấu các loại dầu được thêm vào quá nhiều rượu mạnh. Các vị uống các thứ ấy và bị say. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

-Này các tỳ khưu, không nên uống dầu được thêm vào quá nhiều rượu mạnh; vị nào uống thì nên được hành xử theo Pháp.[3] Này các tỳ khưu, trong loại dầu nấu nào (được thêm vào rượu mạnh) mà màu sắc, mùi, vị của rượu mạnh không nhận ra được, ta cho phép uống dầu được thêm vào rượu mạnh loại như thế.

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu có nhiều dầu nấu được thêm vào quá nhiều rượu mạnh. Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Nên thực hành như thế nào với các thứ dầu đã được thêm vào quá nhiều rượu mạnh?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

-Này các tỳ khưu, ta cho phép quy định làm thuốc thoa.

Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindavaccha có nhiều dầu đã được nấu. Vị ấy không có đồ chứa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

-Này các tỳ khưu, ta cho phép ba loại bình chứa: bình chứa bằng đồng, bình chứa bằng gỗ, bình chứa làm bằng trái cây.

Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindavaccha bị phong thấp (aṅgavāta). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

-Này các tỳ khưu, ta cho phép việc điều trị bằng hơi nóng.

(Vị ấy) không được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) hơi nóng của nhiều loại lá cây.

(Vị ấy) không được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nhiều hơi nóng.

(Vị ấy) không được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nước nấu của nhiều loại lá cây.

(Vị ấy) không được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) bể nước lớn (để ngâm mình).

[40] Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindavaccha bị thấp khớp (pabbavāta). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

-Này các tỳ khưu, ta cho phép trích máu.

(Vị ấy) không được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trích máu rồi lấy ra bằng ống sừng.

[41] Vào lúc bấy giờ, các bàn chân của đại đức Pilindavaccha bị nứt nẻ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

-Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) thuốc bôi chân.

(Vị ấy) không được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép áp dụng phương pháp phòng ngừa.

[42] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị mụt nhọt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép việc mổ xẻ.

Có nhu cầu về nước làm đông máu.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nước làm đông máu.

Có nhu cầu về thuốc cao làm từ mè.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) thuốc cao làm từ mè.

Có nhu cầu về vải cầm máu.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) vải cầm máu.

Có nhu cầu về vải băng vết thương.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) vải băng vết thương.

Vết thương gây ngứa.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép rửa với bột mù-tạt (sāsapakuḍḍa).

Vết thương bị làm mủ.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thực hiện việc xông khói.

Thịt ở vết thương bị lồi lên (như cây gai).

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cắt bằng mảnh sứ tẩm muối.

Vết thương không liền lại.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) dầu xức vết thương.

Dầu bị chảy.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) băng vải và tất cả các cách chữa trị vết thương.

[43] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị rắn cắn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép bố thí bốn loại vật dơ có tính quan trọng là: phân, nước tiểu, tro, và đất sét.

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “(Có thể sử dụng bốn vật này) khi chưa được thọ lãnh hay cần phải được thọ lãnh?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ lãnh nếu có người làm cho đúng phép, nếu không có người làm cho đúng phép thì tự mình thu nhặt và thọ dụng .

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị uống nhằm thuốc độc. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (vị ấy) uống phân.

Khi ấy, các vị tỳ khưu khởi ý điều này: “(Có thể sử dụng vật ấy) khi chưa được thọ lãnh hay cần phải được thọ lãnh?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị ấy thọ lãnh trong khi thực hiện vật ấy, khi vật ấy đã thọ lãnh và đã được thực hiện xong không cần phải thọ lãnh lại lần nữa.

[44] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh yểm bùa (gharadinnakābādho).[4] Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (vị ấy) uống nước bùn lấy từ đất ở lưỡi cày vừa mới cày đất lên.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh trĩ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (vị ấy) uống nước tro của cơm khô.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh vàng da. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (vị ấy) uống (hợp chất) nước tiểu và harīṭaka.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh ngoài da. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) mỡ có mùi thơm.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có cơ thể bốc mùi hôi khủng khiếp. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc (vị ấy) uống thuốc xổ.

Có nhu cầu về nước cháo trắng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nước cháo trắng.

Có nhu cầu về nước xúp không có chất béo. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nước xúp không có chất béo.

Có nhu cầu về nước xúp đã thêm chút ít chất béo. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) nước xúp đã thêm chút ít chất béo.

Có nhu cầu về mùi vị của thịt. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) mùi vị của thịt.

[45] Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindavaccha có ý muốn làm chỗ trú ngụ nên cho người dọn sạch sẽ hang núi ở thành Rājagaha (Vương Xá). Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra (Bình Sa Vương) xứ Magadha (Ma Kiệt Đà) đã đi đến gặp đại đức Pilindavaccha, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Pilindavaccha rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với đại đức Pilindavaccha điều này:

- Thưa ngài, ngài trưởng lão cho làm cái gì vậy?

- Tâu đại vương, tôi có ý muốn làm chỗ trú ngụ nên cho người dọn sạch sẽ hang núi.

- Thưa ngài, ngài có nhu cầu về người giúp việc tu viện (ārāmika) không?

- Tâu đại vương, đức Thế Tôn chưa cho phép về người giúp việc tu viện.

- Thưa ngài, chính vì việc đó ngài hãy hỏi đức Thế Tôn rồi báo cho trẫm biết.

- Tâu đại vương, xin vâng. Đại đức Pilindavaccha đã đáp lời đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.

Khi ấy, đại đức Pilindavaccha đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đại đức Pilindavaccha chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đại đức Pilindavaccha, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, đại đức Pilindavaccha đã phái sứ giả đi đến gặp đức Thế Tôn (thưa rằng):

- Bạch ngài, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha có ý muốn ban cho người giúp việc tu viện. Bạch ngài, vậy nên thực hành như thế nào?

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép người giúp việc tu viện.

Đến lần thứ nhì, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi đến gặp đại đức Pilindavaccha, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Pilindavaccha rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với đại đức Pilindavaccha điều này:

- Thưa ngài, người giúp việc tu viện có được đức Thế Tôn cho phép không?

- Tâu đại vương, đã được rồi.

- Thưa ngài, như vậy thì trẫm ban cho ngài người giúp việc tu viện.

Sau đó, khi đã hứa với đại đức Pilindavaccha về người giúp việc tu viện, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã không ghi nhớ. Một thời gian sau, khi đã phục hồi lại ký ức đức vua đã bảo viên quan đại thần nọ là vị tổng quản rằng:

- Này khanh, người giúp việc tu viện đã được trẫm hứa với ngài đại đức, người giúp việc tu viện ấy đã được ban cho chưa?

- Tâu bệ hạ, người giúp việc tu viện chưa được ban đến ngài đại đức.

- Này khanh, tính đến đêm nay là đã bao lâu rồi vậy?

Khi ấy, viên quan đại thần ấy sau khi tính đếm số lượng đêm rồi đã tâu với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này:

- Tâu bệ hạ, năm trăm đêm.

- Này khanh, như vậy thì hãy ban cho ngài đại đức năm trăm người giúp việc tu viện.

- Tâu bệ hạ, xin vâng.

Rồi vị quan đại thần ấy đã vâng lệnh đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha và dâng đến đại đức Pilindavaccha năm trăm người giúp việc tu viện. Một ngôi làng riêng biệt đã được thiết lập. Họ đã gọi ngôi làng ấy là “Ngôi làng của những người giúp việc tu viện.” Họ cũng đã gọi ngôi làng ấy là “Ngôi làng Pilindavaccha.”

[46] Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindavaccha là vị thường hay lui tới trong ngôi làng ấy. Khi ấy vào buổi sáng, đại đức Pilindavaccha đã mặc y, cầm y bát, rồi đi vào ngôi làng Pilindavaccha để khất thực. Vào lúc bấy giờ, trong ngôi làng ấy có lễ hội. Những đứa trẻ nhỏ được trang điểm, đeo vòng hoa, và chơi đùa. Khi ấy, trong khi đi khất thực tuần tự từng nhà ở ngôi làng Pilindavaccha, đại đức Pilindavaccha đã đi đến căn nhà của người giúp việc tu viện nọ, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Vào lúc bấy giờ, đứa bé gái con của người đàn bà giúp việc tu viện ấy nhìn thấy những đứa trẻ con khác được trang điểm, đeo vòng hoa, nên đã oà khóc:

- Cho con vòng hoa, cho con đồ trang sức.

Khi ấy, đại đức Pilindavaccha đã nói với người đàn bà giúp việc tu viện ấy điều này:

- Vì sao đứa bé gái này khóc vậy?

- Thưa ngài, đứa bé gái này nhìn thấy những đứa trẻ con khác được trang điểm, đeo vòng hoa, nên đã oà khóc: “Cho con vòng hoa, cho con đồ trang sức.” Chúng tôi lâm cảnh khó khăn, lấy đâu ra vòng hoa, lấy đâu ra đồ trang sức?

Khi ấy, đại đức Pilindavaccha đã nhặt lấy một nắm cỏ nọ rồi nói với người đàn bà giúp việc tu viện ấy điều này:

- Vậy hãy đội nắm cỏ này lên đầu của đứa bé gái kia đi.

Khi ấy, người đàn bà giúp việc tu viện ấy đã cầm lấy nắm cỏ ấy rồi đội lên đầu của đứa bé gái ấy. Vòng cỏ ấy đã trở thành vòng hoa bằng vàng, đẹp đẽ, xinh xắn, duyên dáng; ngay cả trong nội cung của đức vua cũng không có được vòng hoa bằng vàng như thế ấy. Dân chúng đã trình báo lên đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha rằng:

- Tâu bệ hạ, trong nhà của người giúp việc tu viện kia có vòng hoa bằng vàng đẹp đẽ, xinh xắn, duyên dáng; ngay cả trong nội cung của bệ hạ cũng không có được vòng hoa bằng vàng như thế ấy. Đối với kẻ lâm cảnh khó khăn ấy thì lấy đâu ra? Chắc chắn là có được do trộm cắp.

Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã cho lệnh bắt giữ gia đình của người giúp việc tu viện ấy.

Đến lần thứ nhì, vào buổi sáng đại đức Pilindavaccha đã mặc y, cầm y bát, rồi đi vào ngôi làng Pilindavaccha để khất thực. Trong khi đi khất thực tuần tự từng nhà ở ngôi làng Pilindavaccha, đại đức Pilindavaccha đã đi đến căn nhà của người giúp việc tu viện nọ, sau khi đến đã hỏi những người hàng xóm rằng:

- Gia đình của người giúp việc tu viện này đã đi đâu?

- Thưa ngài, bọn họ đã bị đức vua ra lệnh bắt giữ vì nguyên nhân vòng hoa bằng vàng ấy.

Sau đó, đại đức Pilindavaccha đã đi đến ngự viện của đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi đến gặp đại đức Pilindavaccha, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Pilindavaccha rồi ngồi xuống ở một bên. Đại đức Pilindavaccha đã nói với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đang ngồi một bên điều này:

- Tâu đại vương, vì sao gia đình của người giúp việc tu viện lại bị ra lệnh bắt giữ?

- Thưa ngài, trong nhà của người giúp việc tu viện ấy có vòng hoa bằng vàng đẹp đẽ, xinh xắn, duyên dáng; ngay cả trong nội cung của trẫm cũng không có được vòng hoa bằng vàng như thế ấy. Đối với kẻ lâm cảnh khó khăn ấy thì lấy đâu ra? Chắc chắn là có được do trộm cắp.

Khi ấy, đại đức Pilindavaccha đã chú nguyện rằng: “Cung điện của đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha là vàng;” cung điện ấy đã trở thành hoàn toàn làm bằng vàng.

- Tâu đại vương, do đâu đại vương lại có nhiều vàng đến thế này?

- Thưa ngài, trẫm đã hiểu rồi. Chính việc ấy là năng lực thần thông của ngài đại đức.

Rồi đức vua đã ra lệnh thả gia đình của người giúp việc tu viện ấy.

[47] Dân chúng (đồn rằng): “Nghe nói ngài đại đức Pilindavaccha đã phô bày điều kỳ diệu của thần thông là pháp thượng nhân trước triều thần có cả đức vua nữa!” nên đã hoan hỷ, có niềm tin cao độ, rồi đã đem đến dâng đại đức Pilindavaccha năm loại dược phẩm như là bơ lỏng, bơ đặc, dầu ăn, mật ong, đường mía. Và đại đức Pilindavaccha trở thành người thường xuyên thọ lãnh năm loại dược phẩm và phân phát cho hội chúng mỗi khi được thọ lãnh. Rồi tiếp tục được thọ lãnh và hội chúng của vị ấy trở nên dư dã. Sau khi chứa đầy các hũ và các chum, các vị xếp chúng một bên; sau khi chứa đầy các túi lọc nước và các túi xách, các vị treo lên ở các cửa sổ. Các loại dược phẩm ấy đã bị rỉ xuống chảy ra và vẫn ở nguyên chỗ. Các trú xá đã có các con chuột xuất hiện rải rác rồi tràn ngập. Dân chúng trong khi đi dạo quanh các trú xá nhìn thấy nên phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Các sa-môn Thích tử này là những người tích trữ đồ đạc trong nhà giống như là đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha vậy.

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu lại chấp nhận sự thặng dư như thế này?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu chấp nhận sự thặng dư như thế ấy, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

...(như trên)... Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, các loại dược phẩm thích hợp cho các tỳ khưu bị bệnh như là bơ lỏng, bơ đặc, dầu ăn, mật ong, đường mía, sau khi thọ lãnh chúng rồi nên được thọ dụng và thời hạn tối đa bảy ngày là thời hạn tích trữ; nếu vượt quá thời hạn ấy thì nên được hành xử theo Pháp.[5]

Tụng phẩm “Dược Phẩm Được Cho Phép” là phần thứ nhất.

[48] Sau đó, khi đã ngự tại thành Sāvatthi theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Rājagaha. Trên đường đi, đại đức Kaṅkhārevata[6] đã nhìn thấy lò nấu đường nên đã bước sang một bên. Sau khi nhìn thấy (những người thợ) bỏ bột mì và tro vào trong mật đường, vị ấy (nghĩ rằng): “Mật đường trộn với vật thực là không được phép, (vì thế) đường không được thọ dụng lúc phi thời” nên ngần ngại rồi cùng với tập thể không thọ dụng đường. Thậm chí nhiều vị nghĩ rằng nên nghe theo vị ấy rồi cũng không thọ dụng đường. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, vì mục đích gì mà họ bỏ bột mì và tro vào trong mật đường vậy?

- Bạch Thế Tôn, vì mục đích kết tinh.

- Này các tỳ khưu, nếu vì mục đích kết tinh mà họ bỏ bột mì và tro vào trong mật đường, (hỗn hợp) ấy kết thành khối vẫn gọi là “Đường” vậy. Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng đường một cách thoải mái.

Trên đường đi, đại đức Kaṅkhārevata đã nhìn thấy cây đậu tây (mugga)[7] sinh trưởng ở bãi phân. Sau khi nhìn thấy, vị ấy (nghĩ rằng): “Các hạt đậu tây là không được phép, mặc dầu đã được nấu chín các hạt đậu tây vẫn sinh trưởng” nên ngần ngại rồi cùng với tập thể không thọ dụng đậu tây. Thậm chí nhiều vị nghĩ rằng nên nghe theo vị ấy rồi cũng không thọ dụng đậu tây. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, mặc dù đã được nấu chín đậu tây vẫn sinh trưởng. Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng đậu tây một cách thoải mái.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh đau bụng bão (udaravātābādha). Vị ấy đã húp cháo chua có bỏ muối. Bệnh đau bụng bão ấy của vị ấy đã được thuyên giảm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng cháo chua có bỏ muối một cách thoải mái đối với vị bị bệnh, đối với vị không bệnh (ta cho phép thọ dụng cháo chua có bỏ muối) đã được pha trộn với nước như là thức uống.

[49] Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến thành Rājagaha. Tại nơi đó trong thành Rājagaha, đức Thế Tôn ngự tại Veḷuvana (Trúc Lâm), nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn bị bệnh đau bụng bão. Khi ấy, đại đức Ānanda (nghĩ rằng): “Trước đây, bệnh đau bụng bão của đức Thế Tôn được dịu đi nhờ cháo gồm có ba thứ” nên đã đích thân đi xin mè, gạo lức, và đậu tây rồi chuẩn bị ở trong khuôn viên (anto),[8] đích thân nấu ở trong khuôn viên, và đã đem đến dâng lên đức Thế Tôn:

- Xin Thế Tôn hãy húp cháo gồm có ba thứ.

 Các đấng Như Lai dầu biết vẫn hỏi, dầu biết các vị vẫn không hỏi, biết đúng thời các vị mới hỏi, biết đúng thời các vị vẫn không hỏi, có liên quan đến lợi ích các đấng Như lai mới hỏi và không (hỏi việc) không có liên quan đến lợi ích, khi không có liên quan đến lợi ích các đấng Như Lai có cách để cắt đứt vấn đề. Chư Phật Thế Tôn hỏi các vị tỳ khưu vì hai lý do: “Hoặc là chúng ta sẽ thuyết Pháp hoặc là chúng ta sẽ quy định điều học cho các đệ tử.” Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, cháo này từ đâu vậy?

Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này Ānanda, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa-môn, không được phép, không nên làm. Này Ānanda, vì sao ngươi lại nghĩ đến việc đa đoan như thế này? Này Ānanda, vật đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên là không được phép, vật đã được nấu ở trong khuôn viên là không được phép, vật đã được tự mình nấu là không được phép. Này Ānanda, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng (vật) đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được tự mình nấu; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vị ấy thọ dụng vật đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được tự mình nấu thì phạm ba tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vị ấy thọ dụng vật đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được những người khác nấu thì phạm hai tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vị ấy thọ dụng vật đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở ngoài khuôn viên (bahi),[9] đã được tự mình nấu thì phạm hai tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vị ấy thọ dụng vật đã được chuẩn bị ở ngoài khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được tự mình nấu thì phạm hai tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vị ấy thọ dụng vật đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở ngoài khuôn viên, đã được những người khác nấu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vị ấy thọ dụng vật đã được chuẩn bị ở ngoài khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được những người khác nấu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vị ấy thọ dụng vật đã được chuẩn bị ở ngoài khuôn viên, đã được nấu ở ngoài khuôn viên, đã được tự mình nấu thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, nếu vị ấy thọ dụng vật đã được chuẩn bị ở ngoài khuôn viên, đã được nấu ở ngoài khuôn viên, đã được những người khác nấu thì vô tội.

[50] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu (nghĩ rằng): “Việc tự mình nấu đã được đức Thế Tôn cấm đoán” nên đã ngần ngại trong việc nấu lại lần nữa (hâm nóng thức ăn). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép nấu (lại) vật đã được nấu.

[51] Vào lúc bấy giờ, thành Rājagaha bị khó khăn về vật thực. Dân chúng đã đem đến tu viện muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực cứng. Các vị tỳ khưu đã chuẩn bị các thức ấy ở ngoài khuôn viên và các con thú hoang ăn đi, những kẻ trộm lấy đi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chuẩn bị ở trong khuôn viên.

Sau khi chuẩn bị ở trong khuôn viên, các vị nấu ở ngoài khuôn viên. Những người chuyên ăn vật thực thừa vây quanh. Các vị tỳ khưu thọ dụng không được thoải mái. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép nấu ở trong khuôn viên.

Trong thời gian khó khăn về vật thực, những người làm các vật trở thành đúng phép (cho các vị tỳ khưu sử dụng) đã mang đi nhiều nhưng dâng cho các vị tỳ khưu ít hơn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tự mình nấu. Này các tỳ khưu, ta cho phép (vật) đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được tự mình nấu.[10]

[52] Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu khi đã trải mùa (an cư) mưa ở xứ Kāsī đang đi đến thành Rājagaha để diện kiến đức Thế Tôn. Trên đường đi, các vị đã không đạt được sự đầy đủ về vật thực dầu tầm thường hay hảo hạng theo như nhu cầu và có nhiều vật ăn được là trái cây nhưng lại không có người làm (các trái cây ấy) trở thành đúng phép. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy với vóc dáng mệt mỏi đã đi đến thành Rājagaha, Veḷuvana (Trúc Lâm), nơi nuôi dưỡng các con sóc, gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên.

Điều này đã trở thành thông lệ đối với chư Phật Thế Tôn là niềm nở đối với các tỳ khưu đi đến. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỷ-kheo, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Các ngươi đi đến đường xa có được ít mệt nhọc không? Và này các tỳ khưu, các ngươi từ đâu đến vậy?

- Bạch Thế Tôn, sức khoẻ khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc đều tốt đẹp. Bạch ngài, trường hợp chúng con khi đã trải mùa (an cư) mưa ở xứ Kāsī và đang đi đến Rājagaha để diện kiến đức Thế Tôn. Trên đường đi, chúng con đã không đạt được sự đầy đủ về vật thực dầu tầm thường hay hảo hạng theo như nhu cầu và có nhiều vật ăn được là trái cây nhưng lại không có người làm (các trái cây ấy) trở thành đúng phép; vì thế, chúng con đã đi đến đường xa đến với vóc dáng mệt mỏi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ở nơi nào thấy trái cây có thể ăn được và không có người làm (trái cây) trở thành đúng phép thì tự mình nhặt lấy, mang đi, đến khi gặp được người làm (trái cây) trở thành đúng phép thì đặt (trái cây) trên mặt đất, bảo (người ấy) trao lại, rồi thọ dụng. Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ lãnh (trái cây) đã được nhặt lên.

[53] Vào lúc bấy giờ, có người bà-la-môn nọ thâu hoạch mè mới và mật đường mới. Khi ấy, người bà-la-môn ấy đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên dâng mè mới và mật đường mới đến hội chúng có đức Phật đứng đầu?” Sau đó, người bà-la-môn ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, người bà-la-môn ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, người bà-la-môn ấy hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã ra đi. Sau đó, khi trải qua đêm ấy người bà-la-môn ấy đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:

- Bạch ngài Gotama, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư gia của người bà-la-môn ấy, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, người bà-la-môn ấy đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng cứng mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, người bà-la-môn ấy đã ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người bà-la-môn ấy đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Sau đó, khi đức Thế Tôn ra đi không lâu, người bà-la-môn ấy đã khởi ý điều này: “Hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được ta thỉnh mời vì mục đích của những thứ này: ‘Ta sẽ dâng mè mới và mật đường mới,’ nhưng ta đã quên dâng chúng rồi. Hay là ta sẽ cho người mang mè mới và mật đường mới bằng các vại và hũ đến tu viện vậy?” Sau đó, người bà-la-môn ấy đã cho người mang mè mới và mật đường mới bằng các vại và hũ đến tu viện rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, người bà-la-môn ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài Gotama, hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được tôi thỉnh mời vì mục đích của những thứ này: ‘Ta sẽ dâng mè mới và mật đường mới,’ nhưng tôi đã quên dâng chúng rồi. Bạch ngài Gotama, xin hãy thọ lãnh mè mới và mật đường mới của tôi.

- Này bà-la-môn, như vậy thì ngươi hãy dâng đến các vị tỳ khưu đi.

Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực các vị tỳ khưu chỉ được thỉnh cầu những khẩu phần ít ỏi nên có sự suy nghĩ rồi từ chối. Và toàn bộ hội chúng đã được thỉnh cầu, nhưng các vị tỳ khưu ngần ngại nên không thọ lãnh.

- Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng. Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đã ăn xong khi được yêu cầu thì được thọ dụng vật không phải còn thừa và đã được đem lại từ chỗ đã ăn xong.

[54] Vào lúc bấy giờ, gia đình hộ độ của tỳ khưu Upananda con trai dòng Sākya đã cho người đem lại vật thực loại cứng nhằm dâng đến hội chúng (dặn dò) rằng: “Nên trình cho ngài đại đức Upananda thấy rồi mới dâng đến hội chúng.” Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai dòng Sākya đã đi vào làng để khất thực. Khi ấy, những người ấy sau khi đi đến tu viện đã hỏi các vị tỳ khưu rằng:

- Thưa các ngài, ngài đại đức Upananda ở đâu vậy?

- Này các đạo hữu, đại đức Upananda con trai dòng Sākya này đã đi vào làng để khất thực.

- Thưa các ngài, vật thực loại cứng này nên được trình cho ngài đại đức Upananda thấy rồi mới dâng đến hội chúng.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, như vậy thì sau khi thọ lãnh các ngươi hãy để riêng ra đến khi Upananda trở về.

Khi ấy, đại đức Upananda con trai dòng Sākya trước bữa ăn đã đi giao thiệp với các gia đình rồi về lại trong ngày. Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực các vị tỳ khưu chỉ được thỉnh cầu những khẩu phần ít ỏi nên có sự suy nghĩ rồi từ chối. Và toàn bộ hội chúng đã được thỉnh cầu, nhưng các vị tỳ khưu ngần ngại nên không thọ lãnh.

- Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng. Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đã ăn xong khi được yêu cầu thì được thọ dụng vật không phải còn thừa đã được thọ lãnh trước bữa ăn.

[55] Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi đó ở Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta (Xá Lợi Phất) bị bệnh sốt toàn thân. Khi ấy, đại đức Mahāmoggallāna (Mục Kiền Liên) đã đi đến gặp đại đức Sāriputta, sau khi đến đã nói với đại đức Sāriputta điều này:

- Này đại đức Sāriputta, trước đây bịnh sốt toàn thân của đại đức được dịu đi nhờ vào thứ gì?

 - Này đại đức, tôi nhờ vào các cọng súng và cọng sen.

Sau đó, giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế đại đức Mahāmoggallāna đã biến mất tại Jetavana rồi hiện ra ở bờ hồ sen Mandākinī. Có con long tượng nọ đã nhìn thấy đại đức Mahāmoggallāna từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã nói với đại đức Mahāmoggallāna điều này:

- Thưa ngài, xin ngài đại đức Mahāmoggallāna hãy đến. Thưa ngài, xin hoan nghênh ngài đại đức Mahāmoggallāna. Thưa ngài, ngài đại đức có nhu cầu gì? Tôi có thể dâng vật gì?

- Này đạo hữu, ta có nhu cầu về các cọng súng và cọng sen.

Khi ấy, con long tượng ấy đã ra lệnh cho con long tượng khác.

- Này bạn, như vậy bạn hãy dâng đến ngài đại đức các cọng súng và cọng sen theo như nhu cầu.

Sau đó, con long tượng ấy đã lội xuống hồ sen Mandākinī dùng vòi nhổ các cọng súng và cọng sen rồi rửa sạch sẽ, sau khi rửa xong đã buộc lại thành bó rồi đi đến gặp đại đức Mahāmoggallāna. Khi ấy, giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế đại đức Mahāmoggallāna đã biến mất tại bờ hồ sen Mandākinī rồi hiện ra ở Jetavana. Con long tượng ấy cũng đã biến mất tại bờ hồ sen Mandākinī và hiện ra ở Jetavana. Khi ấy, con long tượng ấy sau khi đã dâng đến đại đức Mahāmoggallāna các cọng súng và cọng sen rồi đã biến mất tại Jetavana và hiện ra ở bờ hồ sen Mandākinī. Sau đó, đại đức Mahāmoggallāna đã đem lại các cọng súng và cọng sen cho đại đức Sāriputta. Khi ấy, đại đức Sāriputta đã thọ dụng các cọng súng và cọng sen, bệnh sốt toàn thân đã được thuyên giảm. Nhiều cọng súng và cọng sen còn thừa lại. Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực các vị tỳ khưu chỉ được thỉnh cầu những khẩu phần ít ỏi nên có sự suy nghĩ rồi từ chối. Và toàn bộ hội chúng đã được thỉnh cầu, nhưng các vị tỳ khưu ngần ngại nên không thọ lãnh.

- Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng. Này các tỳ khưu, ta cho phép vị đã ăn xong khi được yêu cầu thì được thọ dụng vật không phải còn thừa đã được mọc ở rừng (hoặc) đã được mọc ở hồ nước.

[56] Vào lúc bấy giờ, ở thành Sāvatthi có vô số trái cây có thể ăn được nhưng lại không có người làm (các trái cây ấy) trở thành đúng phép. Các vị tỳ khưu ngần ngại nên không thọ dụng trái cây. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thọ dụng trái cây không có hột, hoặc không còn hột, (cho dù) chưa được làm trở thành đúng phép.

[57] Sau đó, khi đã ngự tại thành Sāvatthi theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Rājagaha. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Rājagaha. Tại nơi đó trong thành Rājagaha, đức Thế Tôn ngự tại Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh lở loét. Thầy thuốc Ākāsagotta đã thực hiện việc mổ xẻ. Sau đó, đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã đi đến trú xá của vị tỳ khưu nọ. Thầy thuốc Ākāsagotta đã nhìn thấy đức Thế Tôn từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài Gotama, xin hãy lại đây. Xin hãy nhìn xem hậu môn của vị tỳ khưu này, giống như là miệng của con kỳ nhông vậy.

Khi ấy, đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Kẻ rồ dại này (muốn) đùa cợt ta!” rồi đã từ nơi ấy quay trở về và nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, có phải trong trú xá ở đàng kia có vị tỳ khưu bị bệnh?

- Bạch Thế Tôn, thưa có.

- Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy bị bệnh gì?

- Bạch ngài, đại đức ấy bị bệnh lở loét. Thầy thuốc Ākāsagotta đã thực hiện việc mổ xẻ.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, thật không đúng đắn cho kẻ rồ dại ấy, thật không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa-môn, không được phép, không nên làm. Này các tỳ khưu, vì sao kẻ rồ dại ấy lại cho người thực hiện việc mổ xẻ ở chỗ kín (của cơ thể)? Này các tỳ khưu, da ở chỗ kín (của cơ thể) thì mỏng, vết thương khó liền da, dao khó điều khiển. Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên cho người thực hiện việc mổ xẻ ở chỗ kín (của cơ thể); vị nào cho người thực hiện thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cấm đoán việc mổ xẻ” nên đã cho người thực hiện việc bơm thụt. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại cho người thực hiện việc bơm thụt?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Lục Sư cho người thực hiện việc bơm thụt, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

...(như trên)... Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên cho người thực hiện việc mổ xẻ hoặc việc bơm thụt xung quanh chỗ kín (của cơ thể) hai lóng tay; vị nào cho người thực hiện thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

[58] Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Bārāṇasī (Ba La Nại). Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Bārāṇasī. Tại nơi đó trong thành Bārāṇasī, đức Thế Tôn ngự tại Isipatana, ở vườn nai.

Vào lúc bấy giờ, trong thành Bārāṇasī có nam cư sĩ Suppiya và nữ cư sĩ Suppiyā. Cả hai đều ngưỡng mộ, là thí chủ, là người phục vụ, là người hộ độ cho hội chúng. Khi ấy, nữ cư sĩ Suppiyā đi đến tu viện rồi đi từ trú xá này đến trú xá khác, từ phòng này đến phòng khác và hỏi các vị tỳ khưu rằng:

- Thưa các ngài, vị nào bị bệnh? Vật gì cần được mang lại? Cho vị nào?

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã uống thuốc xổ. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã nói với nữ cư sĩ Suppiyā điều này:

- Này chị gái, tôi đã uống thuốc xổ. Tôi có nhu cầu về mùi vị của thịt.

- Thưa ngài, tốt lắm. (Vật ấy) sẽ được mang lại.

Sau khi về nhà, nữ cư sĩ Suppiyā đã bảo người giúp việc rằng:

- Này chú em, hãy đi và tìm (mua) loại thịt đã được làm sẵn (pavattamaṃsaṃ).

- Thưa cô chủ, xin vâng.

Rồi người đàn ông ấy nghe theo nữ cư sĩ Suppiyā đã đi rảo khắp cả thành Bārāṇasī nhưng vẫn không thấy loại thịt đã được làm sẵn. Sau đó, người đàn ông ấy đã đi đến gặp nữ cư sĩ Suppiyā, sau khi đến đã nói với nữ cư sĩ Suppiyā điều này:

- Thưa cô chủ, không có thịt đã được làm sẵn. Hôm nay là ngày kiêng sát sanh.

Khi ấy, nữ cư sĩ Suppiyā đã khởi ý điều này: “Vị tỳ khưu bị bệnh ấy mà không có được mùi vị của thịt thì bệnh sẽ trầm trọng hơn hoặc sẽ chết. Đối với ta, việc ta đã hứa mà không cho người đem lại là việc không đúng đắn” nên đã lấy con dao găm cắt miếng thịt ở đùi rồi trao cho người tớ gái (nói rằng):

- Này em, hãy chuẩn bị miếng thịt này rồi dâng đến vị tỳ khưu bị bệnh ấy ở trong trú xá kia. Và ai hỏi ta thì hãy báo cho biết là: “Cô chủ bị bệnh.”

Rồi nàng đã lấy thượng y quấn quanh đùi, đi vào phòng trong, và nằm xuống trên giường. Sau đó, nam cư sĩ Suppiya đã trở về nhà và hỏi người tớ gái rằng:

- Suppiyā đâu rồi?

- Thưa ông chủ, bà nằm ở phòng trong.

Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya đã đi đến gặp nữ cư sĩ Suppiyā, sau khi đến đã nói với nữ cư sĩ Suppiyā điều này:

- Vì sao nàng lại nằm vậy?

- Thiếp bị bệnh.

- Nàng bị bệnh gì vậy?

Sau đó, nữ cư sĩ Suppiyā đã kể lại sự việc ấy cho nam cư sĩ Suppiya. Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya (nghĩ rằng): “Thật kỳ diệu thay! Thật phi thường thay! Nàng Suppiyā đã được an trú vào niềm tin đến thế. Bởi vì ngay cả thịt của chính bản thân còn được dứt bỏ thì còn có gì khác nữa mà nàng không thể bố thí?” nên mừng rỡ, phấn chấn đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Suppiya đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.

Đức Thế tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, và ra đi.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy nam cư sĩ Suppiya đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:

- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư gia của nam cư sĩ Suppiya, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, nam cư sĩ Suppiya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Đức Thế Tôn đã nói với nam cư sĩ Suppiya đang đứng một bên điều này:

- Suppiyā đâu rồi?

- Bạch Thế Tôn, nàng bị bệnh.

- Như vậy thì (nàng) hãy đi đến đây.

- Bạch Thế Tôn, nàng không đủ sức.

- Như vậy thì hãy ẵm rồi đưa (nàng) lại đây.

Sau đó, nam cư sĩ Suppiya đã ẵm và đưa nữ cư sĩ Suppiyā lại. Khi đức Thế Tôn nhìn thấy nàng, ngay khi ấy vết thương lớn như thế đã được liền lại, có làn da đẹp, và lông tơ đã mọc. Khi ấy, nam cư sĩ Suppiya và nữ cư sĩ Suppiyā (nghĩ rằng): “Thật kỳ diệu thay! Thật phi thường thay! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì ở đây chỉ với ánh nhìn của đức Thế Tôn, vết thương lớn như thế đã được liền lại, có làn da đẹp, và lông tơ đã mọc” nên mừng rỡ phấn chấn rồi đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, họ đã ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho nam cư sĩ Suppiya và nữ cư sĩ Suppiyā bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

[59] Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, vị nào đã yêu cầu nữ cư sĩ Suppiyā về thịt?

Khi được nói như thế, vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, chính con đã yêu cầu nữ cư sĩ Suppiyā về thịt.

- Này tỳ khưu, có phải (thịt) đã được đem đến đây?

- Bạch Thế Tôn, (thịt) đã được đem đến đây.

- Này tỳ khưu, có phải ngươi đã thọ dụng?

- Bạch Thế Tôn, con đã thọ dụng.

- Này tỳ khưu, ngươi có quán xét (là thịt gì) hay không?

- Bạch Thế Tôn, con đã không quán xét (là thịt gì).

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi chưa quán xét mà lại thọ dụng thịt? Này kẻ rồ dại, ngươi đã thọ dụng thịt người. Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, có những người có niềm tin đã được an trú, ngay thịt của chính bản thân còn được những người này dứt bỏ. Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt người; vị nào thọ dụng thì phạm tội thullaccaya (trọng tội). Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt khi chưa quán xét; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[60] Vào lúc bấy giờ, các con voi của đức vua bị chết. Trong thời kỳ khó khăn về vật thực nên dân chúng ăn thịt voi và bố thí thịt voi đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt voi. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại thọ dụng thịt voi? Các con voi là vật biểu tượng của hoàng gia, nếu đức vua biết ngài sẽ không hoan hỷ với các vị nữa đâu.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt voi; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, các con ngựa của đức vua bị chết. Trong thời kỳ khó khăn về vật thực nên dân chúng ăn thịt ngựa và bố thí thịt ngựa đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt ngựa. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại thọ dụng thịt ngựa? Các con ngựa là vật biểu tượng của hoàng gia, nếu đức vua biết ngài sẽ không hoan hỷ với các vị nữa đâu.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt ngựa; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực dân chúng ăn thịt chó và bố thí thịt chó đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt chó. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại thọ dụng thịt chó? Loài chó thì ghê tởm và đáng ghét.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt chó; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, trong thời kỳ khó khăn về vật thực dân chúng ăn thịt rắn và bố thí thịt rắn đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu thọ dụng thịt rắn. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử lại thọ dụng thịt rắn? Loài rắn thì ghê tởm và đáng ghét.

Vua của loài rắn là Supassa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, Supassa vua của loài rắn đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, có những loài rắn không có đức tin, không có ngưỡng mộ, chúng có thể hãm hại các vị tỳ khưu dầu là việc không đáng. Bạch ngài, thật tốt đẹp thay các ngài đại đức chớ nên thọ dụng thịt rắn.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Supassa vua của loài rắn bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Supassa vua của loài rắn đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt rắn; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con sư tử rồi ăn thịt sư tử và bố thí thịt sư tử đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt sư tử rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con sư tử (nhận biết được) mùi thịt sư tử nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt sư tử; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con hổ rồi ăn thịt hổ và bố thí thịt hổ đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt hổ rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con hổ (nhận biết được) mùi thịt hổ nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt hổ; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con beo rồi ăn thịt beo và bố thí thịt beo đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt beo rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con beo (nhận biết được) mùi thịt beo nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt beo; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con gấu rồi ăn thịt gấu và bố thí thịt gấu đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt gấu rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con gấu (nhận biết được) mùi thịt gấu nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt gấu; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, những người thợ săn giết chết con chó sói rồi ăn thịt chó sói và bố thí thịt chó sói đến các tỳ khưu đang đi khất thực. Các vị tỳ khưu sau khi thọ dụng thịt chó sói rồi vào ngụ ở trong rừng. Những con chó sói (nhận biết được) mùi thịt chó sói nên đã vồ lấy các vị tỳ khưu.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng thịt chó sói; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Dứt tụng phẩm “Suppiya” là phần thứ nhì.

[61] Sau đó, khi đã ngự tại thành Bārāṇasī theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Andhakavindaṃ cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu. Vào lúc bấy giờ, dân chúng trong xứ sở cho người chất lên các xe hàng nhiều muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng rồi lần lượt nối đuôi theo sau hội chúng tỳ khưu có đức Thế Tôn đứng đầu (nghĩ rằng): “Khi nào chúng tôi đến phiên, khi ấy chúng tôi sẽ thực hiện bữa trai phạn” và có số lượng là năm trăm người ăn thức ăn còn thừa. Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Andhakavindaṃ. Khi ấy, có người bà-la-môn nọ không nhận được phiên nên đã khởi ý điều này: “Hơn hai tháng nay, ta đã theo sau hội chúng tỳ khưu có đức Thế Tôn đứng đầu (nghĩ rằng): ‘Khi nào ta đến phiên, khi ấy ta sẽ thực hiện bữa trai phạn,’ và ta không nhận được phiên. Mà ta thì đơn chiếc, nhiều công việc gia đình đã bị ta bỏ bê. Hay là ta nên nhìn xem ở nhà ăn và ta nên chuẩn bị sẵn sàng món gì ở nhà ăn không có?” Sau đó, người bà-la-môn ấy trong khi nhìn xem ở nhà ăn đã không thấy hai món là cháo và mật viên. Khi ấy, người bà-la-môn ấy đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã nói với đại đức Ānanda điều này:

- Thưa ngài Ānanda, ở đây tôi không nhận được phiên nên đã khởi ý điều này: “Hơn hai tháng nay, ta đã theo sau hội chúng tỳ khưu có đức Thế Tôn đứng đầu (nghĩ rằng): ‘Khi nào ta đến phiên, khi ấy ta sẽ thực hiện bữa trai phạn,’ và ta không nhận được phiên. Mà ta thì đơn chiếc, nhiều công việc gia đình đã bị ta bỏ bê. Hay là ta nên nhìn xem ở nhà ăn và ta nên chuẩn bị sẵn sàng món gì ở nhà ăn không có?” Thưa ngài Ānanda, trong khi nhìn xem ở nhà ăn tôi đây đã không thấy hai món là cháo và mật viên. Thưa ngài Ānanda, nếu tôi chuẩn bị sẵn sàng thì Ngài Gotama có thọ nhận cháo và mật viên của tôi hay không?

- Này ông bà-la-môn, như thế thì tôi sẽ hỏi đức Thế Tôn.

Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế tôn.

- Này Ānanda, như vậy thì bảo ông ta hãy cho chuẩn bị sẵn sàng.

(Sau đó, đại đức Ānanda đã nói với người bà-la-môn như vầy):

- Này ông bà-la-môn, như vậy thì ông hãy cho chuẩn bị sẵn sàng.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy người bà-la-môn ấy đã cho người chuẩn bị sẵn sàng nhiều cháo và mật viên rồi đem dâng đến đức Thế Tôn:

- Bạch Ngài Gotama, xin hãy thọ lãnh cháo và mật viên của tôi.

- Này bà-la-môn, như thế thì hãy dâng đến các vị tỳ khưu.

Các vị tỳ khưu ngần ngại nên không thọ lãnh.

- Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng.

Khi ấy, người bà-la-môn ấy đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với nhiều cháo và mật viên. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong có cánh tay đã được rửa và bàn tay đã rời khỏi bình bát, người bà-la-môn ấy đã ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với người bà-la-môn ấy đang ngồi một bên điều này:

- Này bà-la-môn, đây là mười điều lợi ích của cháo. Mười điều ấy là gì? Trong khi bố thí cháo (người ấy) bố thí tuổi thọ, bố thí sắc đẹp, bố thí sự an lạc, bố thí sức mạnh, bố thí trí tuệ, người đã húp cháo dứt hẳn cơn đói, chận đứng cơn khát, điều hòa gió, làm sạch bàng quang, và làm tiêu hóa phần (vật thực) thô còn lại chưa được tiêu hóa. Này bà-la-môn, đây là mười điều lợi ích của cháo.

[62]

Người nào bố thí cháo
cung kính và hợp thời
đến những ai thu thúc
ăn vật kẻ khác cho
là đã cho vị ấy
được mười điều lợi ích:
tuổi thọ, và sắc đẹp,
an vui, và sức mạnh,
nhờ đó được sanh khởi
trí tuệ cho vị ấy,
xua đi được cơn đói
cơn khát, gió (điều hòa),
làm trong sạch bàng quang,
tiêu hóa vật ăn vào.
Vật ấy là dược phẩm
đấng Thiện Thệ ngợi khen.
Bởi thế, người khao khát
an lạc chốn thiên đường
hoặc là đang mong muốn
sự phồn vinh nhân loại
nên thường xuyên bố thí
cháo đầy đủ đến vị
có nhu cầu an lạc.

[63] Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi tùy hỷ công đức của người bà-la-môn bằng những lời kệ này rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thọ dụng) cháo và mật viên.

[64] Dân chúng đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn cho phép cháo và mật viên.” Vào buổi sáng sớm, họ đã cho chuẩn bị sẵn sàng cháo đặc và mật viên. Các tỳ khưu vào buổi sáng sớm được thỏa mãn với cháo đặc và mật viên nên không thọ thực được như ý ở chỗ thọ thực.

Vào lúc bấy giờ, hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được vị quan đại thần nọ mới có đức tin thỉnh mời vào ngày hôm sau. Khi ấy, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên chuẩn bị sẵn sàng một ngàn hai trăm năm mươi đĩa thịt cho một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu rồi sẽ dâng đến cứ mỗi một vị tỳ khưu là một đĩa thịt?” Sau đó, khi trải qua đêm ấy vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm và một ngàn hai trăm năm mươi đĩa thịt rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:

- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư dinh của vị quan đại thần mới có đức tin ấy, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, vị quan đại thần mới có đức tin ấy phục vụ các vị tỳ khưu ở trong nhà ăn. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này đạo hữu, chỉ dâng chút ít thôi. Này đạo hữu, chỉ dâng chút ít thôi.

- Thưa các ngài, chớ có thọ lãnh chỉ chút ít (vì nghĩ rằng): “Vị quan đại thần này mới có đức tin.” Tôi đã cho chuẩn bị nhiều vật thực loại cứng loại mềm và một ngàn hai trăm năm mươi đĩa thịt, tôi sẽ dâng đến mỗi một vị tỳ khưu là một đĩa thịt. Thưa các ngài, hãy thọ lãnh theo như ước muốn.

- Này đạo hữu, không phải vì lý do ấy mà chúng tôi thọ lãnh chỉ chút ít; tuy nhiên vì vào sáng sớm chúng tôi đã được thỏa mãn với cháo đặc và mật viên rồi, cho nên chúng tôi thọ lãnh chỉ chút ít.

Khi ấy, vị quan đại thần mới có đức tin ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các đại đức đã được tôi thỉnh mời lại thọ dụng cháo đặc của người khác? Không lẽ tôi không đủ khả năng để bố thí theo như ước muốn hay sao?

Rồi trở nên giận dữ, không còn hoan hỷ, và có ý muốn lăng mạ nên đã đi đến và trong khi để đầy bình bát của các vị tỳ khưu (nói rằng):

- Hãy ăn đi hoặc hãy mang đi.

Sau đó, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho vị quan đại thần mới có đức tin ấy đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Khi đức Thế Tôn ra đi không lâu, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã khởi lên sự ăn năn, đã khởi lên nỗi ân hận: “Thật là điều không lợi ích đã có cho ta! Thật là điều lợi ích đã không có cho ta! Ta đã đạt được điều xấu! Ta đã không đạt được điều tốt! Là việc ta đã trở nên giận dữ, không còn hoan hỷ, và có ý muốn lăng mạ nên đã đi đến và trong khi để đầy bình bát của các vị tỳ khưu (nói rằng): ‘Hãy ăn đi hoặc hãy mang đi.’ Ta đã tạo ra được nhiều điều gì, là phước báu hay là tội lỗi?”

Sau đó, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, vị quan đại thần mới có đức tin ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, ở đây khi đức Thế Tôn ra đi không lâu, con đã khởi lên sự ăn năn, đã khởi lên nỗi ân hận: “Thật là điều không lợi ích đã có cho ta! Thật là điều lợi ích đã không có cho ta! Ta đã đạt được điều xấu! Ta đã không đạt được điều tốt! Là việc ta đã trở nên giận dữ, không còn hoan hỷ, và có ý muốn lăng mạ nên đã đi đến và trong khi để đầy bình bát của các vị tỳ khưu (nói rằng): ‘Hãy ăn đi hoặc hãy mang đi.’ Ta đã tạo ra được nhiều điều gì, là phước báu hay là tội lỗi?” Bạch ngài, con đã tạo ra được nhiều điều gì, là phước báu hay là tội lỗi?

- Này đạo hữu, kể từ lúc ngươi thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu cho ngày hôm sau, từ lúc ấy ngươi đã tạo ra được nhiều phước báu. Kể từ lúc mỗi một phần cơm của ngươi được mỗi một vị tỳ khưu thọ lãnh, từ lúc ấy ngươi đã tạo ra được nhiều phước báu. Các cõi trời đã được thành tựu cho ngươi rồi.

Khi ấy, vị quan đại thần mới có đức tin ấy (nghĩ rằng): “Nghe nói ta có được điều lợi ích! Nghe nói ta đã đạt được điều tốt! Nghe nói ta đã tạo ra được nhiều phước báu! Nghe nói các cõi trời đã được thành tựu cho ta!” nên mừng rỡ phấn chấn đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, và ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại và hỏi các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu thọ dụng cháo đặc của người khác khi đã được thỉnh mời của một nơi khác, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, vì sao những kẻ rồ dại ấy lại thọ dụng cháo đặc của người khác khi đã được thỉnh mời của một nơi khác? Này các tỳ khưu, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng cháo đặc của người khác khi đã được thỉnh mời của một nơi khác; vị nào thọ dụng thì nên được hành xử theo Pháp.[11]

[65] Sau đó, khi đã ngự tại Andhakavinda theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Rājagaha cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu. Vào lúc bấy giờ, Velaṭṭha Kaccāna đang trên đường xa từ thành Rājagaha đi Andhakavinda cùng với năm trăm xe hàng toàn bộ đều chất đầy các hũ mật đường. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy Velaṭṭha Kaccāna từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã rời đường lộ và ngồi xuống ở gốc cây nọ. Sau đó, Velaṭṭha Kaccāna đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, Velaṭṭha Kaccāna đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, con muốn dâng đến mỗi một vị tỳ khưu một hũ mật đường

- Này Kaccāna, như vậy thì ngươi hãy mang lại chỉ một hũ mật đường thôi.

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi Velaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn đã cầm lấy chỉ một hũ mật đường rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đứcThế Tôn điều này:

- Bạch ngài, hũ mật đường đã được mang lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?

- Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy dâng mật đường đến các vị tỳ khưu.      

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi Velaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn sau khi dâng mật đường đến các vị tỳ khưu rồi đã nói đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, mật đường đã được dâng đến các vị tỳ khưu, và nhiều mật đường như vầy vẫn còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?

- Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy dâng mật đường đến các vị tỳ khưu theo như ước muốn.

 - Bạch ngài, xin vâng.

Rồi Velaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn sau khi dâng mật đường đến các vị tỳ khưu theo như ước muốn rồi đã nói đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, mật đường đã được dâng đến các vị tỳ khưu theo như ước muốn, và nhiều mật đường như vầy vẫn còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?

- Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy làm cho các vị tỳ khưu được thỏa mãn với nhiều mật đường.

 - Bạch ngài, xin vâng.

Rồi Velaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn đã làm cho các vị tỳ khưu được thỏa mãn với nhiều mật đường. Một số các vị tỳ khưu đã chứa đầy các bình bát, (một số) đã chứa đầy các túi lọc nước và các túi xách. Rồi Velaṭṭha Kaccāna sau khi đã làm cho các vị tỳ khưu được thỏa mãn với nhiều mật đường rồi đã nói đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, các vị tỳ khưu đã được thỏa mãn với nhiều mật đường, và nhiều mật đường như vầy vẫn còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?

- Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy cho mật đường đến những người ăn thức ăn còn thừa.

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi Velaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn sau khi đã cho mật đường đến những người ăn thức ăn còn thừa rồi đã nói đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, mật đường đã được cho đến những người ăn thức ăn còn thừa, và nhiều mật đường như vầy vẫn còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?

- Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy cho mật đường đến những người ăn thức ăn còn thừa theo như ước muốn.

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi Velaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn sau khi đã cho mật đường đến những người ăn thức ăn còn thừa theo như ước muốn rồi đã nói đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, mật đường đã được cho đến những người ăn thức ăn còn thừa theo như ước muốn, và nhiều mật đường như vầy vẫn còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?

- Này Kaccāna, như thế thì ngươi hãy làm cho những người ăn thức ăn còn thừa được thỏa mãn với nhiều mật đường.

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi Velaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn đã làm cho những người ăn thức ăn còn thừa được thỏa mãn với nhiều mật đường. Một số người ăn thức ăn còn thừa đã chứa đầy các lọ, các bình, (một số) đã chứa đầy các giỏ, và dùng luôn cả phần y ở phía trước (túm lại để chứa đường). Rồi Velaṭṭha Kaccāna sau khi đã làm cho những người ăn thức ăn còn thừa được thỏa mãn với nhiều mật đường rồi đã nói đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, những người ăn thức ăn còn thừa đã được thỏa mãn với nhiều mật đường, và nhiều mật đường như vầy vẫn còn thừa lại. Bạch ngài, con sẽ thực hành như thế nào đây?

- Này Kaccāna, ta không thấy người nào trong thế gian tính luôn cõi của chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi sa-môn, bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người mà đường này khi được người ấy ăn vào có thể đem lại sự tiêu hóa đúng đắn, ngoại trừ Như Lai hay đệ tử của Như Lai. Này Kaccāna, chính vì điều ấy ngươi hãy đổ bỏ đường ấy ở nơi không có cỏ xanh hoặc đổ xuống nước không có sinh vật.

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi Velaṭṭha Kaccāna nghe theo đức Thế Tôn đã đổ mật đường ấy xuống nước không có sinh vật. Khi ấy, mật đường ấy khi được đổ vào trong nước liền sủi bọt xì xèo, bốc hơi, và tỏa khói. Cũng giống như lưỡi cày đã được nung đỏ trọn ngày khi được bỏ vào trong nước liền sủi bọt xì xèo, bốc hơi, và tỏa khói; tương tợ như thế, mật đường ấy khi được đổ vào trong nước liền sủi bọt xì xèo, bốc hơi, và tỏa khói.

Khi ấy, Velaṭṭha Kaccāna trở nên hoảng hốt, lông dựng đứng lên, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Rồi đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến Velaṭṭha Kaccāna đang ngồi một bên. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của Velaṭṭha Kaccāna đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến Velaṭṭha Kaccāna: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, Velaṭṭha Kaccāna đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những ai có mắt sẽ thấy được các hình dáng;” tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

[66] Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến thành Rājagaha. Tại nơi đó trong thành Rājagaha, đức Thế Tôn ngự tại Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, ở trong thành Rājagaha mật đường được dồi dào. Các tỳ khưu (nghĩ rằng): “Mật đường đã được đức Thế Tôn cho phép đến chính vị bị bệnh, còn chúng ta thì không bị bệnh” nên ngần ngại không thọ dụng mật đường. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép mật đường (guḷa) đối với vị bị bệnh và nước (có pha) mật đường (guḷodaka) đối với vị không bị bệnh

[67] Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Pāṭaligàma[12] cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu. Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Pāṭaligàma. Các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã ngự đến Pāṭaligàma.” Sau đó, các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời (trú tại) nhà nghỉ trọ cùng với hội chúng Tỳ khưu.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đi đến nhà nghỉ trọ, sau khi đến đã trải ra tất cả thảm trải ở nhà nghỉ trọ, cho sắp đặt các chỗ ngồi, cho bố trí lu nước, chuẩn bị cây đèn dầu, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, tất cả thảm trải ở nhà nghỉ trọ đã được trải ra, các chỗ ngồi đã được cho sắp đặt, lu nước đã được cho bố trí, cây đèn dầu đã được chuẩn bị. Bạch ngài, bây giờ là thời điểm của việc gì xin đức Thế Tôn hãy suy tính về việc ấy.

Sau đó, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi cùng với đại chúng tỳ khưu đi đến nhà nghỉ trọ, sau khi đến đã rửa sạch hai bàn chân rồi đi vào nhà nghỉ trọ và ngồi xuống chỗ cột nhà ở chính giữa, mặt nhìn về hướng đông. Hội chúng tỳ khưu cũng đã rửa sạch các bàn chân, rồi đi vào nhà nghỉ trọ và ngồi xuống chỗ bức tường ở phía tây, mặt nhìn về hướng đông, và có đức Thế Tôn trong tầm nhìn. Các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma cũng đã rửa sạch các bàn chân, rồi đi vào nhà nghỉ trọ và ngồi xuống chỗ bức tường ở phía đông, mặt nhìn về hướng tây, và có đức Thế Tôn trong tầm nhìn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma rằng:

[68] - Này các cư sĩ, đây là năm điều tai hại của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới. Năm điều ấy là gì?

Này các cư sĩ, ở đây kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới gánh chịu sự mất mát lớn về tài sản do nguyên nhân xao lãng. Đây là điều tai hại thứ nhất của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là tiếng đồn xấu xa của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới lan rộng. Đây là điều tai hại thứ nhì của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới đi vào tập thể nào khác dầu là tập thể những người sát-đế-lỵ (khattiya), dầu là tập thể những người bà-la-môn (brāhmaṇa), dầu là tập thể các gia chủ, dầu là tập thể các sa-môn, kẻ ấy đi vào thiếu sự tự chủ và trở nên bối rối. Đây là điều tai hại thứ ba của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới có sự mê mờ khi từ trần. Đây là điều tai hại thứ tư của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới khi thân này bị tan rã, sau khi chết đi sẽ tái sanh vào chốn bất hạnh, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục. Đây là điều tai hại thứ năm của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới.

Này các cư sĩ, đây là năm điều tai hại của kẻ ác giới có sự hư hỏng về giới.

[69] Này các cư sĩ, đây là năm điều lợi ích của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Năm điều ấy là gì?

Này các cư sĩ, người giữ giới có sự thành tựu về giới thành tựu số lượng lớn về tài sản do nguyên nhân không xao lãng. Đây là điều lợi ích thứ nhất của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là tiếng đồn tốt đẹp của người giữ giới có sự thành tựu về giới lan rộng. Đây là điều lợi ích thứ nhì của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là người giữ giới có sự thành tựu về giới đi vào tập thể nào khác dầu là tập thể những người sát-đế-lỵ (khattiya), dầu là tập thể những người bà-la-môn (brāhmaṇa), dầu là tập thể các gia chủ, dầu là tập thể các sa-môn, người ấy đi vào có sự tự chủ và không có bối rối. Đây là điều lợi ích thứ ba của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là người giữ giới có sự thành tựu về giới có sự không mê mờ khi từ trần. Đây là điều lợi ích thứ tư của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là người giữ giới có sự thành tựu về giới khi thân này bị tan rã, sau khi chết đi sẽ tái sanh vào chốn an vui, cõi trời, cõi người. Đây là điều lợi ích thứ năm của người giữ giới có sự thành tựu về giới.

Này các cư sĩ, đây là năm điều lợi ích của người giữ giới có sự thành tựu về giới.

[70] Sau đó, khi đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma bằng bài Pháp thoại đến tận đêm khuya, đức Thế Tôn đã giải tán (bảo rằng):

- Này các cư sĩ, đêm đã khuya. Bây giờ là thời điểm của việc gì thì các ngươi hãy suy tính về việc ấy.

- Bạch ngài, xin vâng.

Các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma nghe theo đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, khi các cư sĩ ở tại Pāṭaligàma ra đi không lâu, đức Thế Tôn đã đi vào ngôi nhà trống vắng.

[71] Vào lúc bấy giờ, hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra cho xây thành lũy ở trong Pāṭaligàma để ngăn cản người Vajjī. Và đức Thế Tôn, sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm, đã nhìn thấy bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt xa loài người nhiều vị trời đang chiếm giữ các khu vực ở trong Pāṭaligàma. Các vị trời có oai lực lớn chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực lớn ở khu vực đó cho xây các dinh thự. Các vị trời có oai lực trung bình chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực trung bình ở khu vực đó cho xây các dinh thự. Các vị trời có oai lực kém chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực kém ở khu vực đó cho xây các dinh thự. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, những ai là người cho xây thành lũy ở Pāṭaligàma vậy?

- Bạch ngài, hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra là người cho xây thành lũy ở Pāṭaligàma để ngăn cản người Vajjī.

- Này Ānanda, cũng giống như là đã thỉnh ý với chư thiên ở cõi Tāvatiṃsa (Tam Thập Tam Thiên), này Ānanda, tương tợ như thế hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra đã cho xây thành lũy ở Pāṭaligàma để ngăn cản người Vajjī. Này Ānanda, ở đây sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm, ta đã nhìn thấy bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt trên loài người nhiều vị trời đang chiếm giữ các khu vực ở trong Pāṭaligàma. Các vị trời có oai lực lớn chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực lớn ở khu vực đó cho xây các dinh thự. Các vị trời có oai lực trung bình chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực trung bình ở khu vực đó cho xây các dinh thự. Các vị trời có oai lực kém chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các quan đại thần của các vị vua có oai lực kém ở khu vực đó cho xây các dinh thự. Này Ānanda, cho đến tận lãnh thổ của những người Ariyan và đến tận con đường của những nhà thương buôn, Pāṭaliputta này sẽ trở thành thành phố hàng đầu, là nơi phân phối các loại hàng hóa. Này Ānanada, thành Pāṭaliputta sẽ xảy ra ba tai họa hoặc do lửa, hoặc do nước, hoặc do sự chia hai từ trong nội bộ.

[72] Sau đó, hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Xin ngài Gotama hãy nhận lời chúng tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã ra đi.

Sau đó, hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:

- Bạch ngài Gotama, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến nơi phân phối thức ăn của hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Khi ấy, hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, hai vị quan đại thần đã ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã tùy hỷ công đức cho hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra đang ngồi một bên bằng những lời kệ này:

[72]

Ở tại xứ sở nào,
khi đã dâng thức ăn
đến những người có giới,
thu thúc, hành Phạm hạnh,
người ấy sắp trú xứ
cho các bậc trí thức.
Chỗ ấy, chư thiên ngụ
người ấy trọng chư thiên,
chư thiên được cúng dường
sẽ cúng dường người ấy,
chư thiên được cung kỉnh
sẽ cung kỉnh người ấy.
Nhờ vậy, chư thiên ấy
thương mến đến người ấy,      
như người mẹ thương xót
con trai ruột của mình,
được chư thiên thương mến
người ấy sẽ thấy được
điều tốt lành luôn luôn.

Sau đó, đức Thế Tôn khi đã tùy hỷ công đức cho hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra đang ngồi một bên bằng những lời kệ ấy rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Vào lúc bấy giờ, hai vị quan đại thần của xứ Magadha là Sunīdha và Vassakāra đã đi theo phía sau đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Hôm nay, Sa-môn Gotama đi ra bằng cửa thành nào thì cửa thành ấy sẽ có tên là Cửa thành Gotama, và băng qua sông Gaṅgā (Hằng-hà) bằng bến tàu nào thì bến tàu ấy sẽ có tên là Bến tàu Gotama.” Sau đó, cửa thành nào mà đức Thế Tôn đã đi ra, cửa thành ấy đã có tên là Cửa thành Gotama. Rồi đức Thế Tôn đã đi đến sông Gaṅgā.

Vào lúc bấy giờ, sông Gaṅgā luôn tràn đầy, mấp mé bờ khiến chim quạ có thể uống nước. Một số dân chúng đi kiếm thuyền, một số đi kiếm xuồng, một số buộc thành chiếc bè với ước muốn đi sang bờ bên kia. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy những người ấy, một số đang đi kiếm thuyền, một số đang đi kiếm xuồng, một số đang buộc thành chiếc bè với ước muốn đi sang bờ bên kia. Sau khi nhìn thấy, cũng giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra; tương tợ như thế, đức Thế Tôn đã biến mất tại bờ bên này của sông Gaṅgā và hiện ra đứng ở bờ bên kia cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, khi đã hiểu ra sự việc ấy, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:

Sau khi dựng cây cầu,
vượt qua các hồ nhỏ,
những người nào băng qua
biển cả hoặc ao hồ
người bởi vì loay hoay
buộc thành chiếc bè nhỏ
trong khi các bậc trí
đã vượt đến bờ kia.

[75] Sau đó, đức Thế Tôn đã đi đến Koṭigāma. Tại nơi ấy, đức Thế Tôn ngự tại Koṭigāma. Ở đó, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, do sự không giác ngộ, không thấu triệt được bốn Chân Lý Cao Thượng, chính vì như thế mà ngay cả ta và các ngươi đã trải qua, đã luân hồi thời gian dài thăm thẳm. Bốn điều ấy là gì? Này các tỳ khưu, do sự không giác ngộ, không thấu triệt được Chân Lý Cao Thượng của Khổ, chính vì như thế mà ngay cả ta và các ngươi đã trải qua, đã luân hồi thời gian dài thăm thẳm. ...(như trên)... Chân Lý Cao Thượng của Nguồn Gốc Sanh Khởi của Khổ, ...(như trên)... Chân Lý Cao Thượng của Sự Chấm Dứt của Khổ, ...(như trên)... Chân Lý Cao Thượng của Sự Thực Hành đưa đến Sự Chấm Dứt của Khổ, chính vì như thế mà ngay cả ta và các ngươi đã trải qua, đã luân hồi thời gian dài thăm thẳm.

Này các tỳ khưu, khi Chân Lý Cao Thượng của Khổ này đã được giác ngộ đã được thấu triệt, Chân Lý Cao Thượng của Nguồn Gốc Sanh Khởi của Khổ đã được giác ngộ đã được thấu triệt, Chân Lý Cao Thượng của Sự Chấm Dứt của Khổ đã được giác ngộ đã được thấu triệt, Chân Lý Cao Thượng của Sự Thực Hành đưa đến Sự Chấm Dứt của Khổ đã được giác ngộ đã được thấu triệt, sự khao khát về sự tái sanh đã được cắt đứt, lối đưa đến sự tái sanh đã cạn kiệt, giờ đây không còn sự tái sanh lần nữa.

[76]

Không thấy được như thật
bốn Chân Lý Cao Thượng
luân hồi dài thăm thẳm
sanh kiếp này kiếp khác.
Những điều ấy thấy được
lối tái sanh không còn,
nguồn sanh khổ đã đoạn
sanh lại nay hết rồi.

[77] Nàng kỷ nữ Ambapālī đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã ngự đến Koṭigāma.” Sau đó, nàng kỷ nữ Ambapālī đã cho thắng (ngựa vào) những cỗ xe vô cùng lộng lẫy, rồi bước lên cỗ xe vô cùng lộng lẫy, sau đó rời khỏi thành Vesālī (Vệ Xá) bằng những cỗ xe vô cùng lộng lẫy để diện kiến đức Thế Tôn. Sau khi đã đi hết khoảng đường dành cho cỗ xe, nàng đã xuống xe rồi bằng chính đôi chân đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho nàng kỷ nữ Ambapālī đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, nàng kỷ nữ Ambapālī đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn cùng với hội chúng Tỳ khưu nhận lời bữa thọ trai vào ngày mai của con.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, nàng kỷ nữ Ambapālī hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Các vương tử dòng Licchavi ở Vesālī đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã ngự đến Koṭigāma.” Sau đó, các vương tử dòng Licchavi ở Vesālī đã cho thắng (ngựa vào) những cỗ xe vô cùng lộng lẫy, rồi bước lên cỗ xe vô cùng lộng lẫy, sau đó rời khỏi thành Vesālī bằng những cỗ xe vô cùng lộng lẫy để diện kiến đức Thế Tôn. Một số các vị vương tử dòng Licchavi chuộng màu xanh, có vẻ bên ngoài màu xanh, y phục màu xanh, đồ trang sức màu xanh. Một số các vị vương tử dòng Licchavi chuộng màu vàng, có vẻ bên ngoài màu vàng, y phục màu vàng, đồ trang sức màu vàng. Một số các vị vương tử dòng Licchavi chuộng màu đỏ, có vẻ bên ngoài màu đỏ, y phục màu đỏ, đồ trang sức màu đỏ. Một số các vị vương tử dòng Licchavi chuộng màu trắng, có vẻ bên ngoài màu trắng, y phục màu trắng, đồ trang sức màu trắng. Khi ấy, nàng kỷ nữ Ambapālī di chuyển song song gọng xe với gọng xe, càng xe với càng xe, bánh xe với bánh xe, trục bánh xe với trục bánh xe của các vương tử rất trẻ tuổi dòng Licchavi. Khi ấy, các vương tử dòng Licchavi ấy đã nói với nàng kỷ nữ Ambapālī điều này:

- Này nàng Ambapālī, vì sao nàng lại di chuyển song song gọng xe với gọng xe, càng xe với càng xe, bánh xe với bánh xe, trục bánh xe với trục bánh xe của các vương tử rất trẻ tuổi dòng Licchavi của chúng tôi vậy?

- Này các cậu công tử, chính là vì tôi đã thỉnh mời được hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu vào ngày mai.

- Này nàng Ambapālī, hãy nhường lại cho chúng tôi bữa thọ trai ấy với giá một trăm ngàn.

- Này các cậu công tử, cho dù các cậu chịu nhường lại thành Vesālī luôn cả dân cư cho tôi, tôi cũng không chịu nhường lại bữa thọ trai ấy.

Khi ấy, các vương tử dòng Licchavi ấy đã búng ngón tay (nói rằng):

- Đúng là cô nàng vườn xoài đã cho chúng ta đo ván rồi! Đúng là cô nàng vườn xoài đã cho chúng ta đo ván rồi!

Sau đó, các vương tử dòng Licchavi ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy các vương tử dòng Licchavi ấy từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã bảo các vị tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, chư thiên ở cõi Tāvatiṃsa chưa được các tỳ khưu nhìn thấy trước đây. Này các tỳ khưu, hãy nhìn tập thể các vương tử dòng Licchavi. Này các tỳ khưu, hãy nhìn tập thể các vương tử dòng Licchavi. Này các tỳ khưu, hãy so sánh tập thể các vương tử dòng Licchavi với tập thể chư thiên cõi Tāvatiṃsa.

Khi ấy, sau khi đã đi hết khoảng đường dành cho cỗ xe, các vương tử dòng Licchavi ấy đã xuống xe rồi bằng chính đôi chân đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các vương tử dòng Licchavi ấy đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, các vương tử dòng Licchavi ấy đã nói đã với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn cùng với hội chúng Tỳ khưu nhận lời bữa thọ trai vào ngày mai của chúng con.

- Này các vị Licchavi, ta đã nhận lời nàng kỷ nữ Ambapālī về bữa thọ trai vào ngày mai rồi.

Khi ấy, các vương tử dòng Licchavi ấy đã búng ngón tay (nói rằng):

- Đúng là cô nàng vườn xoài đã cho chúng ta đo ván rồi! Đúng là cô nàng vườn xoài đã cho chúng ta đo ván rồi!

Sau đó, khi đã được hoan hỷ và thỏa mãn với lời nói của đức Thế Tôn, các vương tử dòng Licchavi ấy đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, khi đã ngự tại Koṭigāma như ý thích, đức Thế Tôn đã đi đến Nādikā. Tại nơi ấy ở Nākikā, đức Thế Tôn ngự trong căn nhà bằng gạch.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy nàng kỷ nữ Ambapālī đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm trong khu vườn của mình rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:

- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến chỗ dâng cúng vật thực của nàng kỷ nữ Ambapālī, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, nàng kỷ nữ Ambapālī đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, nàng đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, nàng kỷ nữ Ambapālī đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, con xin dâng khu vườn Ambapāli này đến hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu.

Đức Thế Tôn đã thọ nhận khu vườn. Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho nàng kỷ nữ Ambapālī bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và đi đến Mahāvana (Đại Lâm). Tại nơi ấy ở Vesālī, đức Thế Tôn ngự tại Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra.

Dứt tụng phẩm “Licchavi.”

[78] Vào lúc bấy giờ, các vương tử dòng Licchavi rất nổi tiếng tụ hội lại ngồi chung trong nhà hội họp rồi tán thán đức Phật, tán thán đức Pháp, tán thán đức Tăng bằng nhiều phương thức. Vào lúc bấy giờ, tướng quân Sīha là đệ tử của Nigaṇṭha đang ngồi trong tập thể ấy. Khi ấy, tướng quân Sīha đã khởi ý điều này: “Không còn nghi ngờ gì nữa đức Thế Tôn ấy phải là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác bởi vì chính các vương tử dòng Licchavi rất nổi tiếng này khi tụ hội lại ngồi chung trong nhà hội họp đều tán thán đức Phật, tán thán đức Pháp, tán thán đức Tăng bằng nhiều phương thức; có lẽ ta nên đi đến để diện kiến đức Thế Tôn là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy?” Sau đó, tướng quân Sīha đã đi đến gặp Nigaṇṭha Nāṭaputta,[13] sau khi đến đã đảnh lễ Nigaṇṭha Nāṭaputta rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, tướng quân Sīha đã nói với Nigaṇṭha Nāṭaputta điều này:

- Thưa ngài, tôi muốn đi đến để diện kiến Sa-môn Gotama.

- Này Sīha, ngươi là người theo thuyết hành động, sao lại đi đến diện kiến Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động? Này Sīha, chính Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.

Khi ấy, ước muốn đi đến để diện kiến đức Thế Tôn của tướng quân Sīha đã được lắng dịu đi.

Đến lần thứ nhì, ...(như trên)...

Đến lần thứ ba, các vương tử dòng Licchavi rất nổi tiếng tụ hội lại ngồi chung trong nhà hội họp rồi tán thán đức Phật, tán thán đức Pháp, tán thán đức Tăng bằng nhiều phương thức. Đến lần thứ ba tướng quân Sīha đã khởi ý điều này: “Không còn nghi ngờ gì nữa đức Thế Tôn ấy phải là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác bởi vì chính các vương tử dòng Licchavi rất nổi tiếng này khi tụ hội lại ngồi chung trong nhà hội họp đều tán thán đức Phật, tán thán đức Pháp, tán thán đức Tăng bằng nhiều phương thức. Những người Nigaṇṭha dầu có được hỏi ý kiến hay không được hỏi ý kiến thì sẽ làm được điều gì đối với ta? Có lẽ ta không cần hỏi ý kiến các Nigaṇṭha và nên đi đến để diện kiến đức Thế Tôn là bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ấy?”

Sau đó, tướng quân Sīha cùng với năm trăm cỗ xe đã rời thành Vesālī vào ban ngày để diện kiến đức Thế Tôn. Sau khi đi hết khoảng đường dành cho cỗ xe, tướng quân Sīha đã xuống xe rồi bằng chính đôi chân đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi ngồi xuống một bên, tướng quân Sīha đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, tôi được nghe rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.” Bạch ngài, những người nào đã nói như vầy: “Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy,” bạch ngài, phải chăng những người ấy nói đúng về đức Thế Tôn, không gièm pha đức Thế Tôn với sự sai trái, và tuyên bố về pháp phù hợp với Pháp (của ngài) không? Và có phải bất cứ người nào sống theo pháp có lời nói hợp với giáo lý đều không có cơ sở để chê bai? Bạch ngài, chúng tôi thật tình không có ý lên án đức Thế Tôn.

[79] - Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”

Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về hành động, giảng về pháp hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”

Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về đoạn diệt, giảng về pháp đoạn diệt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”

Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người có sự ghê tởm, giảng về pháp ghê tởm, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”

Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người từ bỏ, giảng về pháp từ bỏ, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”

Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thiêu đốt, giảng về pháp thiêu đốt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”

Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thoát khỏi thai bào, giảng về pháp thoát khỏi thai bào, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”

Này Sīha, có pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người tự tin, giảng về pháp tự tin, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”

Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta giảng về không hành động của thân làm ác, của miệng nói ác, của ý nghĩ ác; ta giảng về không hành động của các pháp ác bất thiện có nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”

Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về hành động, giảng về pháp hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta giảng về hành động của thân làm thiện, của miệng nói thiện, của ý nghĩ thiện; ta giảng về hành động của các thiện pháp dưới nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về hành động, giảng về pháp hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”

Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về đoạn diệt, giảng về pháp đoạn diệt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta giảng về sự đoạn diệt của luyến ái, của sân, của si; ta giảng về sự đoạn diệt của các pháp ác bất thiện có nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thuyết về đoạn diệt, giảng về pháp đoạn diệt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”

Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người có sự ghê tởm, giảng về pháp ghê tởm, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta ghê tởm với việc làm ác của thân, với lờì nói ác của miệng, với suy nghĩ ác của ý; ta giảng pháp về điều ghê tởm trong sự tạo thành các pháp ác bất thiện có nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người có sự ghê tởm, giảng về pháp ghê tởm, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”

Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người từ bỏ, giảng về pháp từ bỏ, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta giảng pháp về sự từ bỏ luyến ái, sân, si; ta giảng pháp về sự từ bỏ các pháp ác bất thiện có nhiều dạng. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người từ bỏ, giảng về pháp từ bỏ, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”

Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thiêu đốt, giảng về pháp thiêu đốt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, ta giảng về các pháp ác và bất thiện là việc làm ác của thân, lờì nói ác của miệng, suy nghĩ ác của ý cần được thiêu đốt. Này Sīha, người nào có các pháp ác và bất thiện cần được thiêu đốt đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; ta gọi người ấy là: “Người thiêu đốt.” Này Sīha, các pháp ác và bất thiện cần được thiêu đốt của Như Lai đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thiêu đốt, giảng về pháp thiêu đốt, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”

Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thoát khỏi thai bào, giảng về pháp thoát khỏi thai bào, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, sự sanh vào bào thai trong ngày vị lai của người nào, tức là sự tái sanh và hiện hữu lần nữa đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai; ta gọi người ấy là: “Người thoát khỏi thai bào.” Này Sīha, sự sanh vào bào thai trong ngày vị lai của Như Lai, tức là sự hiện hữu lần nữa và là sự tái sanh đã được diệt tận, các rễ đã được cắt lìa, như cây thốt nốt đã bị bứng gốc, đã bị làm cho không còn sự sống, không còn các điều kiện sanh khởi trong tương lai. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người thoát khỏi thai bào, giảng về pháp thoát khỏi thai bào, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”

Này Sīha, thế nào là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người tự tin, giảng về pháp tự tin, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy”? Này Sīha, bởi vì ta là người tự tin, ta giảng về sự tự tin với sự tự tin tối thượng, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy. Này Sīha, đây là pháp môn mà với pháp môn ấy, trong khi nói một cách đúng đắn về ta, có thể nói rằng: “Sa-môn Gotama là người tự tin, giảng về pháp tự tin, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.”

[80] Khi được nói như thế, tướng quân Sīha đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những ai có mắt sẽ thấy được các hình dáng;” tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

- Này Sīha, ông hãy tiến hành việc suy xét, việc suy xét đối với những người nổi tiếng như ông là tốt đẹp.

- Bạch ngài, với lời nói này của đức Thế Tôn con càng thêm hoan hỷ và phấn khởi bởi vì đức Thế Tôn đã nói với con như vầy: “Này Sīha, ông hãy tiến hành việc suy xét, việc suy xét đối với những người nổi tiếng như ông là tốt đẹp.” Bạch ngài, bởi vì các ngoại đạo sau khi thâu nhận con làm đệ tử có thể vác cờ đi khắp cả Vesālī (rêu rao) rằng: “Tướng quân Sīha đã tự nguyện trở thành đệ tử của chúng tôi!” thế mà đức Thế Tôn đã nói với con như vầy: “Này Sīha, ông hãy tiến hành việc suy xét, việc suy xét đối với những người nổi tiếng như ông là tốt đẹp.” Bạch ngài, lần thứ nhì con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

- Này Sīha, lâu nay gia đình ông là nguồn nước cho những người Nigaṇṭha, vì thế ông nên suy nghĩ đến việc vật thực cần được bố thí cho những người đã đi đến ấy.

- Bạch ngài, với lời nói này của đức Thế Tôn con càng thêm hoan hỷ và phấn khởi bởi vì đức Thế Tôn đã nói với con như vầy: “Này Sīha, lâu nay gia đình ông là nguồn nước cho những người Nigaṇṭha, vì thế ông nên suy nghĩ đến việc vật thực cần được bố thí cho những người đã đi đến ấy.” Bạch ngài, con đã được nghe điều này: “Sa-môn Gotama nói như vầy: Vật cúng dường chỉ nên dâng đến ta thôi, vật cúng dường không nên dâng đến những người khác. Vật cúng dường chỉ nên dâng đến các đệ tử của ta thôi, vật cúng dường không nên dâng đến các đệ tử của những người khác. Đã dâng đến riêng ta thôi thì có quả báu lớn, đã dâng đến những người khác thì không có quả báu lớn. Đã dâng đến các đệ tử của riêng ta thôi thì có quả báu lớn, đã dâng đến các đệ tử của những người khác thì không có quả báu lớn,’” thế mà đức Thế Tôn lại khuyến khích con việc bố thí cho những người Nigaṇṭha. Bạch ngài, vả lại trong trường hợp này chúng con sẽ biết thời điểm. Bạch ngài, lần thứ ba con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

Sau đó, đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến tướng quân Sīha. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của tướng quân Sīha đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến tướng quân Sīha: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, tướng quân Sīha đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn và hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, tướng quân Sīha hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, tướng quân Sīha đã ra lệnh cho người đàn ông nọ rằng:

- Này khanh, hãy đi và tìm (mua) loại thịt đã được làm sẵn (pavattamaṃsaṃ).

Sau đó, khi trải qua đêm ấy tướng quân Sīha đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:

- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư dinh của tướng quân Sīha, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Vào lúc bấy giờ, có nhiều người Nigaṇṭha, từ đường phố (này) đến đường phố (khác) từ giao lộ (này) đến giao lộ (khác), huơ tay kêu gào rằng: “Hôm nay, tướng quân Sīha đã giết con thú lớn và làm bữa trai phạn cho Sa-môn Gotama. Sa-môn Gotama tuy biết được điều ấy, vẫn cố tình thọ dụng thịt được làm với sự xác định (người thọ dụng); (đó là) nghiệp có tính cách liên đới.” Sau đó, có người đàn ông nọ đã đi đến gặp tướng quân Sīha, sau khi đến đã thì thầm vào tai của tướng quân Sīha rằng:

- Thưa tướng quân, ngài cần biết điều này. Những người Nigaṇṭha ấy, từ đường phố (này) đến đường phố (khác) từ giao lộ (này) đến giao lộ (khác), huơ tay kêu gào rằng: “Hôm nay, tướng quân Sīha đã giết con thú lớn và đã làm bữa trai phạn cho Sa-môn Gotama. Sa-môn Gotama vẫn cố tình thọ dụng thịt được làm với sự xác định (người thọ dụng); (đó là) nghiệp có tính cách liên đới.”

- Ông bạn ơi, thôi đi! Đã từ lâu nay, các ngài đại đức ấy có ý muốn phỉ báng đức Phật, có ý muốn phỉ báng đức Pháp, có ý muốn phỉ báng đức Tăng nhưng các ngài đại đức ấy không lượng sức, phí công, láo khoét, đã vu khống với điều không thật mà vẫn không làm tổn hại được đức Thế Tôn ấy. Và cho dầu vì lý do sống còn, chúng tôi cũng không cố ý tước đoạt mạng sống của chúng sanh.

Sau đó, tướng quân Sīha đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, tướng quân Sīha đã ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho tướng quân Sīha đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, và ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, khi biết thịt được làm (giết) có liên quan (đến bản thân) không nên thọ dụng; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép (thọ dụng) cá và thịt có được ba điều tuyệt đối thanh tịnh: không được thấy, không được nghe, không nghi ngờ.[14]

[81] Vào lúc bấy giờ, thành Vesālī có sự sung túc về vật thực, các vụ mùa tốt đẹp, vật thực kiếm được dễ dàng, sự sinh sống được dễ dàng bằng sự mót nhặt hoặc sự tốt bụng (của người khác). Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Những điều gì mà ta đã cho phép các tỳ khưu trong lúc khó khăn về vật thực, mùa màng bị thất thu, vật thực kiếm được khó khăn như là (vật thực) đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được tự mình nấu, do việc thọ lãnh (trái cây) đã được nhặt lên, (vật thực) đã được đem lại từ chỗ đã ăn xong, đã được thọ lãnh trước bữa ăn, đã được mọc ở rừng (hoặc) đã được mọc ở hồ nước, và phải chăng ngay cả hôm nay các tỳ khưu vẫn còn thọ dụng những thứ ấy?

Sau đó vào lúc chiều tối, khi xuất khỏi thiền tịnh đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, những điều gì mà ta đã cho phép các tỳ khưu trong lúc khó khăn về vật thực, mùa màng bị thất thu, vật thực kiếm được khó khăn như là (vật thực) đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được tự mình nấu, do việc thọ lãnh (trái cây) đã được nhặt lên, đã được đem lại từ chỗ đã ăn xong, đã được thọ lãnh trước bữa ăn, đã được mọc ở rừng (hoặc) đã được mọc ở hồ nước, và phải chăng ngay cả hôm nay các tỳ khưu vẫn còn thọ dụng những thứ ấy?

- Bạch đức Thế Tôn, các vị vẫn thọ dụng.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, những điều gì mà ta đã cho phép các tỳ khưu trong lúc khó khăn về vật thực, mùa màng bị thất thu, vật thực kiếm được khó khăn như là (vật thực) đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được tự mình nấu, do việc thọ lãnh (trái cây) đã được nhặt lên, (vật thực) đã được đem lại từ chỗ đã ăn xong, đã được thọ lãnh trước bữa ăn, đã được mọc ở rừng (hoặc) đã được mọc ở hồ nước, kể từ hôm nay ta hủy bỏ những điều ấy. Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng (vật thực) đã được chuẩn bị ở trong khuôn viên, đã được nấu ở trong khuôn viên, đã được tự mình nấu, do việc thọ lãnh (trái cây) đã được nhặt lên; vị nào thọ dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, không nên thọ dụng (vật thực) đã được đem lại từ chỗ đã ăn xong, đã được thọ lãnh trước bữa ăn, đã được mọc ở rừng (hoặc) đã được mọc ở hồ nước; vị nào thọ dụng thì nên được hành xử theo Pháp.[15]

[82] Vào lúc bấy giờ, dân chúng trong xứ sở cho người chất lên các xe hàng nhiều muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng rồi đánh xe quây thành vòng tròn ở phía bên ngoài cổng lớn của tu viện và chờ đợi (nghĩ rằng): “Khi nào chúng tôi nhận được phiên, chúng tôi sẽ thực hiện bữa trai phạn.” Và có đám mây đen lớn kéo đến. Khi ấy, những người ấy đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã nói với đại đức Ānanda điều này:

- Thưa ngài Ānanda, ở đây nhiều muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng đã được chất trong các xe hàng và chúng đang còn đó. Giờ có đám mây đen lớn kéo đến. Thưa ngài Ānanda, vậy chúng tôi nên thực hành như thế nào?

Khi ấy, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này Ānanda, như thế thì hội chúng hãy chỉ định trú xá ở ven rào là khu vực làm thành được phép (kappiyabhūmi); hãy tích trữ (vāsetu) vật mà hội chúng mong muốn ở nơi ấy, (có thể) là trú xá (vihāraṃ), hoặc nhà một mái (aḍḍhayogaṃ), hoặc tòa nhà dài (pāsādaṃ), hoặc khu nhà lớn (hammiyaṃ), hoặc hang động (guhaṃ). Và này các tỳ khưu, nên được chỉ định như vầy:

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định trú xá tên (như vầy) là khu vực làm thành được phép. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định trú xá tên (như vầy) là khu vực làm thành được phép. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định trú xá tên (như vầy) là khu vực làm thành được phép xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Trú xá tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là khu vực làm thành được phép. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Vào lúc bấy giờ, ngay tại chỗ đã được chỉ định là khu vực làm thành được phép, dân chúng nấu các loại cháo, nấu các món thức ăn, chuẩn bị các món xúp, băm các thứ thịt, chẻ những thanh củi. Sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm, đức Thế Tôn đã nghe tiếng ồn ào, tiếng ầm ĩ, tiếng kêu của những con quạ, sau khi nghe đã hỏi đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, tiếng ồn ào, tiếng ầm ĩ ấy, tiếng kêu của những con quạ là gì vậy?

- Bạch ngài, hiện nay dân chúng nấu các loại cháo, nấu các món thức ăn, chuẩn bị các món xúp, băm các thứ thịt, chẻ những thanh củi ngay tại chỗ đã được chỉ định là khu vực làm thành được phép; bạch Thế Tôn, đó chính là tiếng ồn ào, tiếng ầm ĩ, tiếng kêu của những con quạ.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng khu vực làm thành được phép đã được chỉ định; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, ta cho phép ba loại khu vực làm thành được phép là loại do sự công bố (ussāvanantikaṃ), loại do sự ngẫu nhiên (gonisādikaṃ), và loại có liên quan gia chủ (gahapatikaṃ).

Vào lúc bấy giờ, đại đức Yasoja bị bệnh. Các dược phẩm thuộc về nhu cầu của vị ấy được mang đến. Các vị tỳ khưu đã tích trữ chúng ở ngoài khuôn viên. Các con thú hoang đã ăn đi. Những kẻ trộm đã lấy đi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép sử dụng khu vực làm thành được phép đã được chỉ định. Này các tỳ khưu, ta cho phép bốn loại khu vực làm thành được phép là loại do sự công bố (ussāvanantikaṃ), loại do sự ngẫu nhiên (gonisādikaṃ), loại có liên quan đến gia chủ (gahapatikaṃ), và loại đã được chỉ định (sammatikaṃ).

[83] Vào lúc bấy giờ, gia chủ Meṇḍaka cư ngụ ở thành phố Bhaddiya. Vị ấy có năng lực thần thông như vầy: Sau khi gội rửa đầu và bảo người quét kho lúa rồi vị ấy ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa thì có trận mưa thóc từ trên trời rơi xuống và làm ngập đầy kho lúa. Người vợ có năng lực thần thông như vầy: Sau khi ngồi xuống bên cạnh cái tô bằng kim loại dung tích chỉ một āḷhaka và có một phần xúp, nàng phân phát thức ăn cho nô tỳ, người làm công, và người hầu; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái tô vẫn không hết. Cậu con trai có năng lực thần thông như vầy: Sau khi cầm cái túi chỉ chứa một ngàn đồng, cậu ta trả lương sáu tháng cho nô tỳ, người làm công, và người hầu; cho đến khi nào tay của cậu ta chưa rời khỏi thì cái túi vẫn không cạn (tiền). Cô con dâu có năng lực thần thông như vầy: Sau khi ngồi xuống bên cạnh chỉ một cái giỏ có dung tích bốn doṇi, nàng cho nô tỳ, người làm công, và người hầu thức ăn sáu tháng; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái giỏ vẫn không cạn. Người tớ trai có năng lực thần thông như vầy: Khi anh ta kéo cày một đường thì bảy luống cày xuất hiện.

Đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nghe rằng: “Nghe nói trong vương quốc của chúng ta có gia chủ Meṇḍaka cư ngụ ở thành phố Bhaddiya. Vị ấy có năng lực thần thông như vầy: Sau khi gội rửa đầu và bảo người quét kho lúa rồi vị ấy ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa thì có trận mưa thóc từ trên trời rơi xuống và làm ngập đầy kho lúa. Người vợ có năng lực thần thông như vầy: Sau khi ngồi xuống bên cạnh cái tô bằng kim loại dung tích chỉ một āḷhaka và có một phần xúp, nàng phân phát thức ăn cho nô tỳ, người làm công, và người hầu; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái tô vẫn không hết. Cậu con trai có năng lực thần thông như vầy: Sau khi cầm cái túi chỉ chứa một ngàn đồng, cậu ta trả lương sáu tháng cho nô tỳ, người làm công, và người hầu; cho đến khi nào tay của cậu ta chưa rời khỏi thì cái túi vẫn không cạn (tiền). Cô con dâu có năng lực thần thông như vầy: Sau khi ngồi xuống bên cạnh chỉ một cái giỏ có dung tích bốn doṇi, nàng cho nô tỳ, người làm công, và người hầu thức ăn sáu tháng; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái giỏ vẫn không cạn. Người tớ trai có năng lực thần thông như vầy: Khi anh ta kéo cày một đường thì bảy luống cày xuất hiện.” Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã bảo viên quan đại thần nọ là vị tổng quản rằng:

- Này khanh, nghe nói trong vương quốc của chúng ta có gia chủ Meṇḍaka cư ngụ ở thành phố Bhaddiya. Vị ấy có năng lực thần thông như vầy: Sau khi gội rửa đầu và bảo người quét kho lúa rồi vị ấy ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa thì có trận mưa thóc từ trên trời rơi xuống và làm ngập đầy kho lúa. ...(như trên)... Người tớ trai có năng lực thần thông như vầy: Khi anh ta kéo cày một đường thì bảy luống cày xuất hiện. Này khanh, hãy đi và tìm hiểu, ngươi sẽ nhìn thấy như thế nào thì cũng như đích thân ta nhìn thấy vậy.

- Tâu đại vương, xin tuân lệnh.

Rồi viên quan đại thần ấy nghe theo đức vua Seniya Bimbisāsa xứ Magadha cùng với đội quân gồm bốn loại binh chủng đã khởi hành đi thành phố Bhaddiya, tuần tự đã đến thành phố Bhaddiya gặp gia chủ Meṇḍaka, sau khi đến đã nói với gia chủ Meṇḍaka điều này:

- Này gia chủ, bởi vì ta được lệnh của đức vua rằng: “Này khanh, nghe nói trong vương quốc của chúng ta có gia chủ Meṇḍaka cư ngụ ở thành phố Bhaddiya. Vị ấy có năng lực thần thông như vầy: Sau khi gội rửa đầu và bảo người quét kho lúa rồi vị ấy ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa thì có trận mưa thóc từ trên trời rơi xuống và làm ngập đầy kho lúa. ...(như trên)... Người tớ trai có năng lực thần thông như vầy: Khi anh ta kéo cày một đường thì bảy luống cày xuất hiện. Này khanh, hãy đi và tìm hiểu, ngươi sẽ nhìn thấy như thế nào thì cũng như đích thân ta nhìn thấy vậy.” Này gia chủ, hãy cho chúng ta thấy năng lực thần thông của ngươi.

Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã gội rửa đầu và bảo người quét kho lúa rồi ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa thì có trận mưa thóc từ trên trời rơi xuống và làm ngập đầy kho lúa.

- Này gia chủ, năng lực thần thông của ngươi đã được thấy rồi. Hãy cho chúng ta thấy năng lực thần thông của vợ ngươi.

Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã ra lệnh cho người vợ rằng:

- Như vậy thì nàng hãy phân phát thức ăn cho đội quân gồm bốn loại binh chủng đi.

Khi ấy, sau khi ngồi xuống bên cạnh cái tô bằng kim loại dung tích chỉ một āḷhaka và có một phần xúp, người vợ của gia chủ Meṇḍaka đã phân phát thức ăn cho đội quân gồm bốn loại binh chủng; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái tô vẫn không hết.

- Này gia chủ, năng lực thần thông của vợ ngươi đã được thấy rồi. Hãy cho chúng ta thấy năng lực thần thông của con trai ngươi.

Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã ra lệnh cho người con trai rằng:

- Như vậy thì con hãy trả lương sáu tháng chođội quân gồm bốn loại binh chủng đi.

Khi ấy, sau khi cầm một cái túi chỉ chứa một ngàn đồng, người con trai của gia chủ Meṇḍaka đã trả lương sáu tháng cho đội quân gồm bốn loại binh chủng; cho đến khi nào tay của cậu ta chưa rời khỏi thì cái túi vẫn không cạn (tiền).

- Này gia chủ, năng lực thần thông của con trai ngươi đã được thấy rồi. Hãy cho chúng ta thấy năng lực thần thông của con dâu ngươi.

Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã ra lệnh cho người con dâu rằng:

- Như vậy thì con hãy chođội quân gồm bốn loại binh chủng thức ăn sáu tháng đi.

Khi ấy, sau khi ngồi xuống bên cạnh một cái giỏ có dung tích bốn doṇi, người con dâu của gia chủ Meṇḍakanàng đã cho đội quân gồm bốn loại binh chủng thức ăn sáu tháng; cho đến khi nào nàng chưa đứng dậy thì cái giỏ vẫn không cạn.

- Này gia chủ, năng lực thần thông của con dâu ngươi đã được thấy rồi. Hãy cho chúng ta thấy năng lực thần thông của người tớ trai của ngươi.

- Thưa ngài, năng lực thần thông của người tớ trai của tôi sẽ được nhìn thấy ở ngoài ruộng.

- Này gia chủ, đủ rồi. Năng lực thần thông của người tớ trai của ngươi cũng đã được nhìn thấy rồi.

Sau đó, viên quan đại thần ấy cùng với đội quân gồm bốn loại binh chủng đã quay trở về lại thành Rājagaha rồi đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã trình sự việc ấy lên đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.

 [84] Sau đó, khi đã ngự tại thành Vesālī theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Bhaddiya cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu. Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Bhaddiya. Tại nơi đó ở Bhaddiya, đức Thế Tôn ngự tại khu rừng Jātiyā.

Gia chủ Meṇḍaka đã nghe rằng: “Quả thật ngài Sa-môn Gotama con trai dòng Sākya (Thích Ca), từ dòng dõi Sākya đã xuất gia, nay đã ngự đến Bhaddiya và ngụ tại khu rừng Jātiyā. Tiếng đồn tốt đẹp về ngài Gotama ấy đã được lan rộng ra như vầy: ‘Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Tối Thượng Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.’ Vị ấy sau khi tự mình chứng ngộ thắng trí đã thấu suốt thế gian này tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi sa-môn, bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người. Vị ấy thuyết giảng Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Tốt thay cho việc diện kiến các vị A-la-hán như thế ấy.”

Sau đó, gia chủ Meṇḍaka đã cho thắng (ngựa vào) những cỗ xe vô cùng lộng lẫy, rồi bước lên cỗ xe vô cùng lộng lẫy, sau đó rời khỏi Bhaddiya bằng những cỗ xe vô cùng lộng lẫy để diện kiến đức Thế Tôn. Nhiều du sĩ ngoại đạo đã nhìn thấy gia chủ Meṇḍaka từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã nói với gia chủ Meṇḍaka điều này:

- Này gia chủ, ngươi đi đâu vậy?

- Thưa các ngài, tôi đi để diện kiến Sa-môn Gotama.

- Này gia chủ, ngươi là người theo thuyết hành động, sao lại đi đến diện kiến Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động? Này gia chủ, chính Sa-môn Gotama là người thuyết về không hành động, giảng về Pháp không hành động, và huấn luyện các đệ tử với điều ấy.

Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã khởi ý điều này: “Những người du sĩ ngoại đạo ganh tị như thế này thì không còn nghi ngờ gì về đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác nữa.” Sau khi đã đi hết khoảng đường dành cho cỗ xe, gia chủ Meṇḍaka đã xuống xe rồi bằng chính đôi chân đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến gia chủ Meṇḍaka đang ngồi một bên. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của Gia chủ Meṇḍaka đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến gia chủ Meṇḍaka: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, gia chủ Meṇḍaka đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những ai có mắt sẽ thấy được các hình dáng;” tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời con về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy gia chủ Meṇḍaka đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:

- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến tư gia của gia chủ Meṇḍaka, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, người vợ của gia chủ Meṇḍaka cùng với con trai, con dâu, và người tớ trai đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến những người ấy. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của những người ấy đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến những người ấy: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, những người ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, thật là tuyệt vời! Bạch ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): “Những ai có mắt sẽ thấy được các hình dáng;” tương tợ như thế, Pháp đã được đức Thế Tôn chỉ rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch ngài, chúng con đây xin quy y đức Thế Tôn, Giáo Pháp, và Hội chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận chúng con là những cư sĩ đã được quy y kể từ hôm nay cho đến trọn đời.

Sau đó, gia chủ Meṇḍaka đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, gia chủ Meṇḍaka đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, gia chủ Meṇḍaka đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, cho đến khi nào đức Thế Tôn còn ngụ tại Bhaddiya thì con xin dâng vật thực thường xuyên đến hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu cho đến khi ấy.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho gia chủ Meṇḍaka bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

[85] Sau đó, khi đã ngự tại Bhaddiya theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Aṅguttarāpa cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu mà không thông báo cho gia chủ Meṇḍaka. Gia chủ Meṇḍaka đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Aṅguttarāpa cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu.” Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã ra lệnh cho những người nô lệ và những người làm công rằng:

- Này các người, như thế thì sau khi chất lên các xe hàng nhiều muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng rồi hãy ra đi. Và một ngàn hai trăm năm mươi người chăn bò sau khi lấy ra một ngàn hai trăm năm mươi con bò cái rồi hãy ra đi. Nơi nào chúng ta gặp được đức Thế Tôn, ở nơi ấy chúng ta sẽ dâng sữa tươi để (ngài) thọ dụng.

Sau đó, gia chủ Meṇḍaka đã gặp được đức Thế Tôn ở khu rừng vắng trên đường đi. Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, gia chủ Meṇḍaka đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời con về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy gia chủ Meṇḍaka đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:

- Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến chỗ cúng dường thức ăn của gia chủ Meṇḍaka, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã ra lệnh cho một ngàn hai trăm năm mươi người chăn bò rằng:

- Này các người, như vậy thì hãy dắt mỗi một con bò cái đến đứng gần mỗi một vị tỳ khưu rồi dâng sữa tươi để (các vị) thọ dụng.

Khi ấy, gia chủ Meṇḍaka đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm và sữa tươi. Các vị tỳ khưu ngần ngại không thọ lãnh sữa.

- Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng.

Sau đó, gia chủ Meṇḍaka đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm và sữa tươi. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, gia chủ Meṇḍaka đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, gia chủ Meṇḍaka đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, có những con đường, những khu rừng vắng, ít nước, ít vật thực, công việc không được thuận tiện nếu đi đường không tiên liệu trước. Bạch ngài, tốt thay xin đức Thế Tôn hãy cho phép sự tiên liệu (về hành trình đường xa) đến các vị tỳ khưu.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho gia chủ Meṇḍaka bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép năm sản phẩm từ bò là sữa tươi (khīraṃ), sữa đông (dadhi), sữa bơ (takkaṃ), bơ đặc (navanītaṃ), bơ lỏng (sappi). Này các tỳ khưu, có những con đường, những khu rừng vắng, ít nước, ít vật thực, sẽ không được thuận tiện khi đi đường nếu không tiên liệu trước. Này các tỳ khưu, vì sự tiên liệu (về hành trình đường xa) ta cho phép tầm cầu về gạo lức với vị có nhu cầu về gạo lức, đậu xanh với vị có nhu cầu về đậu xanh, đậu māsa (?) với vị có nhu cầu về đậu māsa, muối với vị có nhu cầu về muối, đường với vị có nhu cầu về đường, dầu ăn với vị có nhu cầu về dầu ăn, bơ lỏng với vị có nhu cầu về bơ lỏng. Này các tỳ khưu, có những người dân có niềm tin đã được an trú, những người này để tiền vàng ở tay của những người làm các vật trở thành đúng phép (kappiyakāraka) (nói rằng): “Hãy dâng đến ngài đại đức vật đã làm trở thành đúng phép từ (số tiền) này.” Này các tỳ khưu, ta cho phép chấp nhận vật đã làm trở thành đúng phép từ điều ấy, nhưng này các tỳ khưu ta không nói rằng: “Vàng và bạc có thể được chấp nhận, có thể được tầm cầu bởi bất cứ cách thức nào.”

[86] Sau đó, đức Thế Tôn trong khi tuần tự du hành đã ngự đến Āpaṇa. Đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nghe rằng: “Quả thật ngài Sa-môn Gotama con trai dòng Sākya, từ dòng dõi Sākya đã xuất gia, nay đã ngự đến Bhaddiya và ngụ tại khu rừng Jātiyā. Tiếng đồn tốt đẹp về ngài Gotama ấy đã được lan rộng ra như vầy: ‘Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Tối Thượng Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.’ Vị ấy sau khi tự mình chứng ngộ thắng trí đã thấu suốt thế gian này tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi sa-môn, bà-la-môn, các hạng chư thiên và loài người. Vị ấy thuyết giảng Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Tốt thay cho việc diện kiến các vị A-la-hán như thế ấy.” Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã khởi ý điều này: “Ta nên cho người đem đến cho Sa-môn Gotama vật gì đây?” Sau đó, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã khởi ý điều này: “Những người ẩn sĩ trước đây là bà-la-môn, là những người làm ra chú thuật, là những người sử dụng chú thuật, những người ấy có hình thức chú thuật cổ điển đã được ca, đã được nói ra, đã được thực hiện mà những người bà-la-môn hiện nay cũng ca theo hình thức ấy, nói ra theo hình thức ấy, giảng giải theo điều đã được giảng giải, nói lại điều đã được nói, (các vị ấy) như là: Aṭṭhako, Vāmako, Vāmadevo, Vessāmitto, Yamataggi, Aṅgiraso, Bhāradvājo, Vāseṭṭho, Kassapo, Bhagu đã không ăn vào buổi tối, đã cử kiêng việc ăn sau ngọ, các vị ấy chấp nhận các thức uống có hình thức như vầy. Sa-môn Gotama cũng không ăn vào buổi tối và kiêng cử việc ăn sau ngọ nên Sa-môn Gotama cũng xứng đáng được chấp nhận các thức uống có hình thức như vầy” nên đã cho người chuẩn bị sẵn sàng rất nhiều thức uống và cho người đem đi bằng những giỏ mang sau vai rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Xin ngài Gotama hãy thọ lãnh thức uống của tôi.

- Này Keṇiya, như vậy thì hãy dâng cho các vị tỳ khưu.

Các vị tỳ khưu ngần ngại không thọ lãnh.

- Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng.

Sau đó, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với rất nhiều thức uống. Đến khi đức Thế Tôn có cánh tay đã được rửa bàn tay đã rời khỏi bình bát, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đạo sĩ bện tóc Keṇiya bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.

- Này Keṇiya, hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu và ngươi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị bà-la-môn.

Đến lần thứ nhì, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài Gotama, dầu cho hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu và (dầu cho) tôi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị bà-la-môn, xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.

- Này Keṇiya, hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu và ngươi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị bà-la-môn.

Đến lần thứ ba, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài Gotama, dầu cho hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu và (dầu cho) tôi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị bà-la-môn, xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Keṇiya hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tám loại thức uống: nước xoài (amba), nước táo hồng (jambu), nước chuối hột (coca), nước chuối không hột (moca), nước mật ong (madhu), nước nho (muddika), nước ngó sen (sāluka), nước dâu (phārusaka). Này các tỳ khưu, ta cho phép tất cả các loại nước cốt trái cây (phalarasaṃ) ngoại trừ nước cốt của ngũ cốc. Này các tỳ khưu, ta cho phép tất cả các loại nước cốt của lá cây (pattarasaṃ) ngoại trừ nước cốt của loại rau cải nấu chín. Này các tỳ khưu, ta cho phép tất cả các loại nước cốt của bông hoa (puppharasaṃ) ngoại trừ nước cốt của bông cây cam thảo (madhukapuppharasaṃ). Này các tỳ khưu, ta cho phép nước cốt của cây mía.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm tại khu ẩn dật của mình rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn:

- Bạch ngài Gotama, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.

Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi đến khu ẩn dật của đạo sĩ bện tóc Keṇiya, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã tùy hỷ công đức cho đạo sĩ bện tóc Keṇiya đang ngồi một bên bằng những lời kệ này:

[87]

Trong các loại cúng tế
cúng dường lửa hạng nhất,
kinh cổ Sāvittī
đứng đầu về niêm luật.
vua đứng đầu loài người
biển đứng đầu các sông,
trăng đứng đầu các sao
mặt trời nóng nhất hạng.
Những người mong mỏi phước
cúng dường Tăng nhất hạng. 

Sau khi tùy hỷ công đức cho đạo sĩ bện tóc Keṇiya đang ngồi một bên bằng những lời kệ ấy, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

[88] Sau đó, khi đã ngự tại Bhaddiya theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Kusinārā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu. Những người dân Malla ở Kusinārā đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đi đến Kusinārā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu.” Họ đã ra quy định là: “Ai không đi ra đón đức Thế Tôn sẽ bị hành phạt là năm trăm.”

Vào lúc bấy giờ, Roja người Malla là bạn của đại đức Ānanda. Khi ấy, đức Thế Tôn trong khi tuần tự du hành đã ngự đến Kusinārā. Những người dân Malla ở Kusinārā đã đi ra đón đức Thế Tôn. Khi ấy, Roja người Malla đã đi ra đón đức Thế Tôn rồi đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Ānanda rồi đứng ở một bên. Đại đức Ānanda đã nói với Roja người Malla đang đứng một bên điều này:

- Này bạn Roja, thật là tuyệt vời khi bạn đã đi ra đón đức Thế Tôn.

- Thưa ngài Ānanda, tôi không có nhiều niềm tin đối với đức Phật, đức Pháp, hay đức Tăng, chỉ vì thân quyến đã ra quy định là: “Ai không đi ra đón đức Thế Tôn sẽ bị hành phạt là năm trăm.” Thưa ngài Ānanda, tôi vì sợ hành phạt như thế của thân quyến nên đã đi ra để đón đức Thế Tôn.

Khi ấy, đại đức Ānanda đã không được hoan hỷ (nghĩ rằng): “Vì sao Roja người Malla lại nói như thế?” Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồì xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, Roja này người Malla được nổi tiếng, là người có danh tiếng, những người có danh tiếng như thế nếu có được niềm tin trong Pháp và Luật này sẽ là người có nhiều sự lợi ích. Bạch ngài, thật tốt đẹp thay xin đức Thế Tôn hãy làm như thế nào đó để Roja người Malla có thể an trú niềm tin vào Pháp và Luật này.

- Này Ānanda, điều ấy không phải là việc khó làm đối với đức Như Lai như là việc Roja người Malla có thể an trú niềm tin vào Pháp và Luật này.

Sau đó, đức Thế Tôn đã phát ra luồng tâm bác ái đến Roja người Malla rồi từ chỗ ngồi đứng dậy và đi vào trú xá.

Khi ấy, Roja người Malla bị tràn ngập bởi luồng tâm bác ái của đức Thế Tôn. Cũng giống như con bê con (đi tìm) bò mẹ, tương tợ như thế (Roja người Malla )đi đến trú xá này đến trú xá khác, phòng này đến phòng khác và hỏi các vị tỳ khưu rằng:

- Thưa ngài, bây giờ đức Thế Tôn bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác ấy đang ngụ ở đâu vậy, bởi vì chúng tôi có ý muốn diện kiến đức Thế Tôn bậc A-la-hán đấng Chánh Đẳng Giác ấy?

- Này đạo hữu Roja, hãy đi đến trú xá có cánh cửa đóng lại kia với sự nhẹ nhàng và chớ có vượt qua (cánh cửa), hãy bước vào hành lang, đằng hắng, và gõ vào thanh cài cửa, rồi đức Thế Tôn sẽ mở cửa cho đạo hữu.

Sau đó, Roja người Malla đã đi đến trú xá có cánh cửa đóng lại kia với sự nhẹ nhàng, không có vượt qua (cánh cửa), rồi bước vào hành lang, đằng hắng, và gõ vào thanh cài cửa. Đức Thế Tôn đã mở cánh cửa ra. Khi ấy, Roja người Malla đã bước vào trú xá, đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã thuyết Pháp theo thứ lớp đến Roja người Malla. Tức là ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới cấm, bài thuyết về cõi trời, sự ô nhiễm hạ liệt tai hại của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của Roja người Malla đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tĩnh lặng, ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải sạch chưa bị vết nhơ có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tợ như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến Roja người Malla: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”

Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc đạo sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, Roja người Malla đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, tốt đẹp thay nếu các ngài đại đức có thể thọ lãnh vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men trị bịnh của riêng mình con thôi, không phải của người khác.

- Này Roja, nếu những người đã thấy được Pháp với trí tuệ của vị hữu học, với tầm nhìn của vị hữu học như là ngươi đây thì những người ấy cũng khởi ý như vầy: “Đương nhiên các ngài đại đức có thể thọ lãnh vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men trị bịnh của riêng mình chúng ta thôi, không phải của người khác.” Này Roja, như thế thì các vị (tỳ khưu) sẽ thọ lãnh của chính ngươi và của những người khác nữa.

Vào lúc bấy giờ, ở Kusinārā sự dâng vật thực theo tuần tự của các bữa ăn hảo hạng đã được quy định. Khi ấy, Roja người Malla đã không nhận được phiên nên đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên nhìn vào nhà ăn, trong nhà ăn không có món gì thì ta nên cho chuẩn bị sẵn sàng món đó?” Sau đó, Roja người Malla trong khi nhìn vào nhà ăn đã thấy không có hai món là rau xanh và bánh bột. Khi ấy, Roja người Malla đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã nói với đại đức Ānanda điều này:

- Thưa ngài Ānanda, ở đây trong khi tôi không nhận được phiên nên đã khởi ý điều này: “Hay là ta nên nhìn vào nhà ăn, trong nhà ăn không có món gì thì ta nên cho chuẩn bị sẵn sàng món đó?” Thưa ngài Ānanda, rồi trong khi nhìn vào nhà ăn tôi đây đã thấy không có hai món là rau xanh và bánh bột. Thưa ngài Ānanda, nếu tôi cho chuẩn bị sẵn sàng đức Thế Tôn có thể nhận lãnh rau xanh và bánh bột của tôi không?

- Này Roja, như thế thì tôi sẽ hỏi đức Thế Tôn.

Sau đó, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này Ānanda, như thế thì (Roja) hãy cho chuẩn bị sẵn sàng.

- Này Roja, như thế thì bạn hãy cho chuẩn bị sẵn sàng.

Sau đó, khi trải qua đêm ấy Roja người Malla đã cho chuẩn bị sẵn sàng rau cải và bánh bột rồi đã đem dâng đến đức Thế Tôn.

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy nhận lãnh rau cải và bánh bột.

- Này Roja, như vậy thì hãy dâng cho các vị tỳ khưu.

Các vị tỳ khưu ngần ngại không thọ lãnh.

- Này các tỳ khưu, hãy thọ lãnh và hãy thọ dụng.

Sau đó, Roja người Malla đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với rất nhiều rau cải và bánh bột. Đến khi đức Thế Tôn có cánh tay đã được rửa bàn tay đã rời khỏi bình bát, Roja người Malla đã ngồi xuống ở một bên. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Roja người Malla bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Sau đó, đức Thế tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tất cả các loại rau xanh và tất cả các loại bánh bột.

[89] Sau đó, khi đã ngự tại Kusināra theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía Ātumā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu.

Vào lúc bấy giờ, có vị nọ trước đây là người thợ cạo và đã xuất gia lúc tuổi già đang ngụ tại Ātumā. Vị ấy có hai người con trai dễ mến, khôn ngoan, khéo léo, thiện nghệ trong nghề thợ cạo từ thầy của họ. Vị xuất gia lúc tuổi già ấy đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đi đến Ātumā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu.” Khi ấy, vị xuất gia lúc tuổi già ấy đã nói với hai người con trai ấy rằng:

- Này hai con thương, nghe nói đức Thế Tôn đi đến Ātumā cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu. Này hai con thương, hai con hãy mang theo thùng dao cạo đi từ nhà này qua nhà khác với sự thưởng công và hãy gom góp muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng; khi đức Thế Tôn đến chúng ta sẽ làm món nước cháo.

- Thưa cha, xin vâng.

Rồi hai người con trai ấy nghe theo lời vị xuất gia lúc tuổi già ấy mang theo thùng dao cạo đi từ nhà này qua nhà khác với sự thưởng công đồng thời gom góp muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng. Dân chúng sau khi nhìn thấy hai người con trai ấy dễ mến, khôn ngoan, dầu không có ý muốn thuê làm cũng đã bảo chúng làm, và sau khi bảo chúng làm xong đã thưởng rất nhiều. Khi ấy, hai người con trai ấy đã gom góp nhiều muối, dầu ăn, gạo lức, và vật thực loại cứng.

Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến Ātumā. Tại nơi ấy ở Ātumā, đức Thế Tôn ngự tại Bhūsāgāra. Sau đó, khi trải qua đêm ấy vị xuất gia lúc tuổi già ấy đã cho chuẩn bị sẵn sàng rất nhiều cháo rồi đã đem dâng đến đức Thế Tôn.

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy thọ lãnh cháo của con.

Các đấng Như Lai dầu biết vẫn hỏi, dầu biết các vị vẫn không hỏi, biết đúng thời các vị mới hỏi, biết đúng thời các vị vẫn không hỏi, có liên quan đến lợi ích các đấng Như lai mới hỏi và không (hỏi việc) không có liên quan đến lợi ích, khi không có liên quan đến lợi ích các đấng Như Lai có cách để cắt đứt vấn đề. Chư Phật Thế Tôn hỏi các vị tỳ khưu vì hai lý do: “Hoặc là chúng ta sẽ thuyết Pháp hoặc là chúng ta sẽ quy định điều học cho các đệ tử.” Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với vị xuất gia lúc tuổi già ấy điều này:

- Này tỳ khưu, cháo này từ đâu vậy?

Khi ấy, vị xuất gia lúc tuổi già ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa-môn, không được phép, không nên làm. Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi là vị xuất gia lại bảo người khác làm việc không được phép? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, vị xuất gia không nên bảo người khác làm việc không được phép; vị nào bảo làm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác). Này các tỳ khưu, vị trước đây là thợ cạo không nên mang theo thùng dao cạo; vị nào mang theo thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Sau đó, khi đã ngự tại Ātumā theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Sāvatthi. Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi ấy ở thành Sāvatthi, đức Thế Tôn ngụ tại Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

Vào lúc bấy giờ, ở trong thành Sāvatthi loại vật thực cứng là trái cây được dồi dào. Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Loại vật thực cứng là trái cây nào đã được cho phép, loại nào không được cho phép?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tất cả các loại vật thực cứng là trái cây.

[91] Vào lúc bấy giờ, các hạt giống của hội chúng được gieo trồng trên vùng đất của cá nhân, các hạt giống của các cá nhân được gieo trồng trên vùng đất của hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, các hạt giống của hội chúng đã được gieo trồng trên vùng đất của cá nhân nên được thọ dụng sau khi đã cho chia phần. Các hạt giống của các cá nhân đã được gieo trồng trên vùng đất của hội chúng nên được thọ dụng sau khi đã cho chia phần.

[92] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu khởi lên sự ngần ngại về vấn đề này về vấn đề nọ: “Điều nào đã được đức Thế Tôn cho phép, điều nào đã không được cho phép?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, điều nào ta chưa cấm rằng: “Điều này không được phép,” và điều ấy phù hợp với điều không được phép và trái nghịch với điều được phép, đối với các ngươi điều ấy là không được phép.

Này các tỳ khưu, điều nào ta chưa cấm rằng: “Điều này không được phép,” và điều ấy phù hợp với điều được phép và trái nghịch với điều không được phép, đối với các ngươi điều ấy là được phép.

Này các tỳ khưu, điều nào ta chưa cho phép rằng: “Điều này được phép,” và điều ấy phù hợp với điều không được phép và trái nghịch với điều được phép, đối với các ngươi điều ấy là không được phép.

Này các tỳ khưu, điều nào ta chưa cho phép rằng: “Điều này được phép,” và điều ấy phù hợp với điều được phép và trái nghịch với điều không được phép, đối với các ngươi điều ấy là được phép.

[93] Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Vật dùng đến hết đêm (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ là được phép, hay là không được phép? Vật dùng trong bảy ngày (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ là được phép, hay là không được phép? Vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ là được phép, hay là không được phép?[16]

Vật dùng trong bảy ngày (trộn lẫn) với vật dùng đến hết đêm là được phép, hay là không được phép? Vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng đến hết đêm là được phép, hay là không được phép?

Vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng trong bảy ngày là được phép, hay là không được phép?”

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, vật dùng đến hết đêm (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép lúc hợp thời, phi thời không được phép. Vật dùng trong bảy ngày (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép lúc hợp thời, phi thời không được phép. Vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng đến hết ngọ (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép lúc hợp thời, phi thời không được phép.

Này các tỳ khưu, vật dùng trong bảy ngày (trộn lẫn) với vật dùng đến hết đêm (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép trong đêm, không được phép khi đêm đã trôi qua. Vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng đến hết đêm (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép trong đêm, không được phép khi đêm đã trôi qua.

Này các tỳ khưu, vật dùng suốt đời (trộn lẫn) với vật dùng trong bảy ngày (nếu) được thọ lãnh trong ngày hôm ấy thì được phép trong bảy ngày, không được phép khi bảy ngày đã trôi qua.

Dứt Chương Dược Phẩm là chương thứ sáu.

Trong chương này có một trăm lẻ sáu sự việc.

******

Tóm lược chương này:

[94]

Vào mùa thu, sái giờ,
mỡ thú, trong rễ cây,
với các loại bột nghiền,
các nước sắc, lá cây,
trái cây, nhựa thân cây,
và muối gồm sáu loại.
bột tắm, rây, thịt sống,
thuốc bôi, bột nghiền nát,
hộp thuốc bôi các loại,
không đậy, que bôi thuốc,
hộp đựng que bôi thuốc,
túi mang vai, thắt lại,
sợi chỉ, dầu xoa đầu,
lỗ mũi, muỗng ở mũi,
hít khói, và ống dẫn,
nắp đậy, và túi đựng.
Và rượu trong dầu nấu,
đổ nhiều, làm thuốc thoa
bình chứa, dùng hơi nóng,
của nhiều loại lá cây,
nhiều hơi, nước lá cây,                
bể nước ngâm, trích máu,
ống sừng, cao bôi chân,
sự phòng ngừa, dao mổ,
nước đông máu, cao mè,
vải cầm máu, băng vải,
bột mù-tạt, xông khói,
thịt lồi, dầu vết thương,
băng vải, các lối chữa,
được thọ lãnh, phân dơ,
đang thực hiện, đất cày,
tro, nước tiểu, da vàng,
mùi thơm, và thuốc xổ,
nước xúp không chất béo,
thêm chút ít chất béo,
mùi vị thịt, hang núi,
tu viện, và bảy ngày,
đường, đậu tây, cháo chua,
tự mình nấu, nấu lại,
lại cho phép, thiếu ăn,
trái cây, mè, vật nhai,
trước bữa, sốt toàn thân
lấy hết hột, lở loét,
và công việc bơm thụt.
Chuyện nàng Suppiyā
lại thêm chuyện thịt người,
voi, ngựa, và chó nhà,
rắn, sư tử, và beo,
thịt gấu rừng, chó sói.
Chờ đến phiên, và cháo,
(đức tin) còn non trẻ,
thêm chuyện nữa về đường.
Sunīdha, nhà nghỉ,
sông Hằng, làng Koṭi,
thuyết giảng về Chân Lý
nàng Ambapālī,
các vị Licchavi,
đã làm được chỉ định,
lúc vật thực dễ dàng,
ngài đã cấm trở lại.
Mây đen, Yasoja,
và chuyện Meṇḍaka,
sản phẩm từ loài bò,
tiên liệu cho đường xa.
Đạo sĩ Keṇiya,
nước xoài, nước táo hồng
chuối có hột, không hột,
nước mật, nước trái nho,
nước ngó sen, nước dâu,
rau xanh và bánh bột,
thợ cạo Ātumā.
(Về lại) Sāvatthi,
trái cây, hột giống trồng.
Thuộc về trường hợp nào?
và thời gian quy định.


[1] Trong trường hợp liên quan đến vật thực, đúng thời là trước ngọ, phi thời là sau ngọ cho đến rạng đông của ngày kế.

[2] Các từ điển và lời giải thích của ngài Buddhaghosa không được hữu dụng lắm để tìm ra ý nghĩa rõ ràng của các loại thảo mộc.

[3] Liên quan đến tội pācittiya (ưng đối trị) 51.

[4] Được ghi lại nghĩa theo lời giải thích của ngài Buddhaghosa. Một số trường hợp khác cũng được dịch theo cách như vậy, trong trường hợp cần thiết, chúng tôi có đính kèm từ Pāli.

[5] Liên quan đến tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị) 23.

[6] Kaṅkhā có nghĩa là sự hoài nghi, sự nghi ngờ, sự không chắc chắn. Sau khi dịch tiếp phần dưới, chúng tôi nghĩ rằng đây có thể là biệt hiệu của vị tỳ khưu tên Revata; như thế tên vị ấy có thể dịch là “Revata đa nghi.”

[7] Không rõ loại đậu này là loại đậu gì? Ngài Buddhaghosa giải thích: “Chúng được phép vì đã được nấu chín.” Theo mạch văn, chúng tôi nghĩ rằng loại hạt này dầu đã được nấu chín, và trải qua quá trình tiêu hóa, rồi được thải ra theo đường phân vẫn có thể nẩy mầm và mọc thành cây; nhưng vẫn không nghĩ ra được loại hạt gì có khả năng ấy.

[8] Ngài Buddhaghosa giải thích antoakappiyakuṭiyaṃ nghĩa là không phải ở nhà làm thành được phép. Xem thêm kappiyabhūmi là khu vực làm thành được phép ở bên dưới [82].

[9] Dựa vào lời giải thích ở phần trên của ngài Buddhaghosa thì bên ngoài (bahi) là ở nhà làm thành được phép.

[10] Nên lưu ý rằng một số điều được đức Thế Tôn cho phép như điều này và các điều kế tiếp chỉ được áp dụng trong thời kỳ vật thực khó khăn.

[11] Liên quan đến tội pācittiya (ưng đối trị) 33.

[12] Pāṭaligāma là một làng (gāma) và Pāṭaliputta thuộc xứ Magadha, nay là thành phố Patna, Ấn Độ.

[13] Một trong sáu vị đứng đầu sáu nhóm ngoại đạo thời đó.

[14] Nếu cá và thú ấy bị giết với sự xác định là sẽ làm thức ăn cho một cá nhân nào đó thọ dụng thì cá nhân người ấy không nên ăn.

[15] Liên quan đến tội pācittiya (ưng đối trị) 35.

[16] Vật dùng đến hết ngọ: Yāvakālika. Vật dùng đến hết đêm: Yāmakālika.Vật dùng trong bảy ngày: Sattāhakālika. Vật dùng suốt đời: Yāvajīvika.

VII. CHƯƠNG KAṬHINA (KAṬHINAKKHANDHAKAṂ)

 

[95] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhóm ba mươi vị tỳ khưu xứ Pāvā: tất cả đều là các vị chuyên ngụ ở rừng, tất cả đều là các vị chuyên đi khất thực, tất cả đều là các vị mặc y may từ vải dơ bị quăng bỏ, tất cả đều là các vị chỉ sử dụng ba y. Trong khi đang đi đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn, do việc vào mùa (an cư) mưa đã đến gần nên các vị không thể đến được Sāvatthi cho việc vào mùa (an cư) mưa. Các vị đã vào mùa (an cư) mưa ở Sāketa, vào khoảng giữa lộ trình. Các vị đã sống qua mùa (an cư) mưa với vẻ phiền muộn (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn ngự rất gần chúng ta cách đây chỉ sáu do tuần, vậy mà chúng ta không được diện kiến đức Thế Tôn.” Sau đó, khi đã sống qua mùa (an cư) mưa trong thời gian ba tháng, khi đã thực hiện lễ Pavāraṇā (Tự Tứ), trong lúc trời còn đang mưa, trong khi có sự gom tụ nước lại thành vũng bùn lầy, các vị tỳ khưu ấy với các y bị đẫm nước và có dáng điệu mệt mỏi đã đi đến thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên.

Điều này đã trở thành thông lệ đối với chư Phật Thế Tôn là niềm nở với các tỳ khưu đi đến. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Các ngươi đã sống qua mùa (an cư) mưa có được thoải mái, có sự đoàn kết, thân thiện, không cãi cọ nhau không? Và các ngươi có không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực không?

- Bạch Thế Tôn, sức khoẻ khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc đều tốt đẹp. Và bạch ngài, chúng con đã sống qua mùa (an cư) mưa có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi cọ nhau, và không bị khó nhọc vì đồ ăn khất thực. Bạch ngài, trường hợp chúng con là nhóm ba mươi vị tỳ khưu xứ Pāvā trong khi đang đi đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn, do việc vào mùa (an cư) mưa đã đến gần nên không thể đến được Sāvatthi cho việc vào mùa (an cư) mưa. Chúng con đã vào mùa (an cư) mưa ở Sāketa, vào khoảng giữa lộ trình. Bạch ngài, chúng con đây đã sống qua mùa (an cư) mưa với vẻ phiền muộn (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn ngự rất gần chúng ta cách đây chỉ sáu do tuần, vậy mà chúng ta không được diện kiến đức Thế Tôn.” Bạch ngài, sau khi đã sống qua mùa (an cư) mưa trong thời gian ba tháng, khi đã thực hiện lễ Pavāraṇā, trong lúc trời còn đang mưa, trong khi có sự gom tụ nước lại thành vũng bùn lầy, chúng con với các y bị đẫm nước và có dáng điệu mệt mỏi đã đi đường xa đến.

[96] Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thành tựu Kaṭhina cho các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa. Này các tỳ khưu, khi các ngươi có Kaṭhina đã được thành tựu, năm điều này sẽ trở thành được phép (đối với các ngươi): việc ra đi không phải báo (anāmantacāro), việc ra đi không mang theo (đủ cả ba y) (asamādānacāro), sự thọ thực thành nhóm (gaṇabhojanaṃ), (sử dụng được nhiều) y theo như nhu cầu (yāvadatthacīvaraṃ), sự phát sanh về y tại nơi ấy sẽ là của các vị ấy (yo ca tattha cīvaruppādo so nesaṃ bhavissati). Này các tỳ khưu, khi các ngươi có Kaṭhina đã được thành tựu, năm điều này sẽ được phép đối với các ngươi. Và này các tỳ khưu, Kaṭhina nên được thành tựu như vầy:

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vải Kaṭhina này đã được phát sanh đến hội chúng. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên trao vải Kaṭhina này đến vị tỳ khưu tên (như vầy) để thành tựu Kaṭhina. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vải Kaṭhina này đã được phát sanh đến hội chúng. Hội chúng trao vải Kaṭhina này đến vị tỳ khưu tên (như vầy) để thành tựu Kaṭhina. Đại đức nào đồng ý việc trao vải Kaṭhina này đến vị tỳ khưu tên (như vầy) để thành tựu Kaṭhina xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Vải Kaṭhina này đã được hội chúng trao đến vị tỳ khưu tên (như vầy) để thành tựu Kaṭhina. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.

Này các tỳ khưu, Kaṭhina đã được thành tựu như vầy, không được thành tựu như vầy.

[97] Và này các tỳ khưu, thế nào là Kaṭhina không được thành tựu? [1]

Kaṭhina không được thành tựu ở giai đoạn đánh dấu về chiều dài, chiều rộng (ullikhitamattena). Kaṭhina không được thành tựu ở giai đoạn giặt (dhovanamattena). Kaṭhina không được thành tựu ở giai đoạn tính toán về y năm điều, hoặc bảy điều, hoặc chín điều, v.v... (cīvaravicāraṇamattena). Kaṭhina không được thành tựu ở giai đoạn cắt theo sự đã tính toán (chedanamattena). Kaṭhina không được thành tựu ở giai đoạn kết chỉ tạm (bandhanamattena). Kaṭhina không được thành tựu ở giai đoạn may lại theo đường chỉ lược cho chắc (ovaṭṭikakaraṇamattena). Kaṭhina không được thành tựu ở giai đoạn gắn miếng vải làm dấu (kaṇḍasakaraṇamattena). Kaṭhina không được thành tựu ở giai đoạn may chắc chắn (daḷhīkammakaraṇamattena). Kaṭhina không được thành tựu ở giai đoạn may đường viền (anuvātakaraṇamattena). Kaṭhina không được thành tựu ở giai đoạn kết lại phần giữa (paribhandakaraṇamattena). Kaṭhina không được thành tựu ở giai đoạn đắp thêm một lớp nữa (ovaṭṭeyyakaraṇamattena). Kaṭhina không được thành tựu ở giai đoạn nhuộm (kambalamaddanamattena). Kaṭhina không được thành tựu do sự ra dấu hiệu gợi ý để thí chủ dâng (nimittakatena). Kaṭhina không được thành tựu do sự giảng giải về Kaṭhina rồi kêu gọi (parikathākatena). Kaṭhina không được thành tựu với sự làm y có tính cách tạm thời (kukkukatena). Kaṭhina không được thành tựu với sự tích trữ (sannidhikatena). Kaṭhina không được thành tựu do sự hủy bỏ vì để qua đêm (nissagiyena). Kaṭhina không được thành tựu với sự không làm thành được phép tức là không làm dấu hoại y (akappakatena). Kaṭhina không được thành tựu với y không phải là y saṅghāṭi tức là y hai lớp. Kaṭhina không được thành tựu với y không phải là thượng y, thường gọi là y vai trái (uttarasaṅgena). Kaṭhina không được thành tựu với y không phải là y nội (antaravāsakena). Kaṭhina không được thành tựu với y không phải là năm điều hoặc nhiều hơn năm điều, không được cắt và kết lại nội trong ngày hôm ấy. Kaṭhina không được thành tựu trừ phi do sự thành tựu bởi cá nhân. Nếu Kaṭhina đã được thành tựu đúng đắn nhưng vị tùy hỷ việc ấy đứng ngoài ranh giới (sīmā), như vậy Kaṭhina vẫn không được thành tựu.

Này các tỳ khưu, như thế ấy là Kaṭhina không được thành tựu.

[98] Và này các tỳ khưu, thế nào là Kaṭhina đã được thành tựu?

Kaṭhina được thành tựu với (vải) mới.[2] Kaṭhina được thành tựu với (vải) được xem như mới (ahatakappena). Kaṭhina được thành tựu với vải áo choàng cũ (pilotikāya). Kaṭhina được thành tựu với vải dơ bị quăng bỏ (paṃsukūlena). Kaṭhina được thành tựu với vải đã được bỏ ở trước cửa tiệm, có người nhặt lấy rồi đem dâng (pāpaṇikena). Kaṭhina được thành tựu với sự không ra dấu hiệu gợi ý để thí chủ dâng (animittakatena). Kaṭhina được thành tựu không do sự giảng giải về Kaṭhina rồi kêu gọi (aparikathākatena). Kaṭhina được thành tựu với sự làm không phải là tạm thời (akukkukatena). Kaṭhina được thành tựu với với sự không tích trữ (asannidhikatena). Kaṭhina được thành tựu do không để qua đêm (anissaggiyena). Kaṭhina được thành tựu với với sự làm thành được phép tức là làm dấu hoại y (kappakatena). Kaṭhina được thành tựu với y saṅghāṭi tức là y hai lớp. Kaṭhina được thành tựu với thượng y thường gọi là y vai trái (uttarāsaṅgena). Kaṭhina được thành tựu với y nội (antaravāsakena). Kaṭhina được thành tựu với y là năm điều hoặc nhiều hơn năm điều, được cắt và kết lại nội trong ngày hôm ấy. Kaṭhina được thành tựu do sự thành tựu bởi cá nhân. Nếu Kaṭhina đã được thành tựu đúng đắn và vị tùy hỷ việc ấy đứng trong ranh giới (sīmā), như vậy Kaṭhina được thành tựu.

Này các tỳ khưu, như thế ấy là Kaṭhina được thành tựu.

[99] Và này các tỳ khưu, thế nào là Kaṭhina hết hiệu lực (ubbhataṃ)?

Này các tỳ khưu, đây là tám điều tiêu đề (mātikā) về sự hết hiệu lực của Kaṭhina: do sự ra đi, do (y) được hoàn tất, do tự mình quyết định, do bị mất, do nghe được (tin), do sự tan vỡ của niềm mong mỏi, do sự vượt qua ranh giới, do sự hết hiệu lực cùng một lúc.[3]

[100] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy (ādāya) y đã được làm xong, ra đi (nghĩ rằng) “Ta sẽ không trở về.” Sự việc ra đi là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới (sīmā) thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, nghe được (tin) rằng: “Nghe nói Kaṭhina tại trú xứ ấy đã được thâu hồi.”[4] Sự việc nghe được (tin) là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về, ta sẽ trở về” rồi chờ đợi sự hết hiệu lực Kaṭhina ở bên ngoài. Sự việc vượt qua ranh giới là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về, ta sẽ trở về.” Thời điểm hết hiệu lực Kaṭhina đã đến. Sự hết hiệu lực Kaṭhina của vị tỳ khưu ấy là chung (lượt) với các vị tỳ khưu.

Dứt bảy trường hợp cầm lấy là phần thứ nhất.

[101] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo (samādāya)[5] y đã được làm xong, ra đi (nghĩ rằng) “Ta sẽ không trở về.” Sự việc ra đi là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y (chưa được làm), ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y (chưa được làm), ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y (chưa được làm), ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y (chưa được làm), ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, nghe được (tin) rằng: “Nghe nói Kaṭhina tại trú xứ ấy đã được thâu hồi.” Sự việc nghe được (tin) là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y (chưa được làm), ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về, ta sẽ trở về,” và chờ đời sự hết hiệu lực Kaṭhina ở bên ngoài. Sự việc vượt qua ranh giới là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y (chưa được làm), ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về, ta sẽ trở về.” Thời điểm hết hiệu lực Kaṭhina đã đến. Sự hết hiệu lực Kaṭhina của vị tỳ khưu ấy là chung (lượt) với các vị tỳ khưu.

Dứt bảy trường hợp mang theo là phần thứ nhì.

[102] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y chưa được hoàn tất, ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y chưa được hoàn tất, ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y chưa được hoàn tất, ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y chưa được hoàn tất, ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, nghe được (tin) rằng: “Nghe nói Kaṭhina tại trú xứ ấy đã được thâu hồi.” Sự việc nghe được (tin) là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y chưa được hoàn tất, ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về, ta sẽ trở về” và chờ đợi sự hết hiệu lực Kaṭhina ở bên ngoài. Sự việc vượt qua ranh giới là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y chưa được hoàn tất, ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về, ta sẽ trở về.” Thời điểm hết hiệu lực Kaṭhina đã đến. Sự hết hiệu lực Kaṭhina của vị tỳ khưu ấy là chung (lượt) với các vị tỳ khưu.

Dứt sáu trường hợp cầm lấy là phần thứ ba.

[103] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, nghe được (tin) rằng: “Nghe nói Kaṭhina tại trú xứ ấy đã được thâu hồi.” Sự việc nghe được (tin) là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về, ta sẽ trở về” và chờ đợi sự hết hiệu lực Kaṭhina ở bên ngoài. Sự việc vượt qua ranh giới là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về, ta sẽ trở về.” Thời điểm hết hiệu lực Kaṭhina đã đến. Sự hết hiệu lực Kaṭhina của vị tỳ khưu ấy là chung (lượt) với các vị tỳ khưu.

Dứt sáu trường hợp mang theo là phần thứ tư.

[104] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

[105] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

[106] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi không có dứt khoát; vị ấy không khởi ý rằng: “Ta sẽ trở về” và vị ấy cũng không khởi ý rằng: “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi không có dứt khoát; vị ấy không khởi ý rằng: “Ta sẽ trở về” và vị ấy cũng không khởi ý rằng: “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi không có dứt khoát; vị ấy không khởi ý rằng: “Ta sẽ trở về” và vị ấy cũng không khởi ý rằng: “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

[107] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, nghe được (tin) rằng: “Nghe nói Kaṭhina tại trú xứ ấy đã được thâu hồi.” Sự việc nghe được (tin) là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về, ta sẽ trở về” và chờ đợi sự hết hiệu lực Kaṭhina ở bên ngoài. Sự việc vượt qua ranh giới là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được làm), ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về, ta sẽ trở về.” Thời điểm hết hiệu lực Kaṭhina đã đến. Sự hết hiệu lực Kaṭhina của vị tỳ khưu ấy là chung (lượt) với các vị tỳ khưu.

[108] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y (chưa được làm), ra đi. (Tương tợ như ở trường hợp “cầm lấy,” nên được giải thích đầy đủ như thế).

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, cầm lấy y (chưa được hoàn tất), ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy. (Tương tợ như ở trường hợp “mang theo,” nên được giải thích đầy đủ như thế).

[109] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

[110] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

[111] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi không có dứt khoát; vị ấy không khởi ý rằng: “Ta sẽ trở về” và vị ấy cũng không khởi ý rằng: “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi không có dứt khoát; vị ấy không khởi ý rằng: “Ta sẽ trở về” và vị ấy cũng không khởi ý rằng: “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi không có dứt khoát; vị ấy không khởi ý rằng: “Ta sẽ trở về” và vị ấy cũng không khởi ý rằng: “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

[112] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, nghe được (tin) rằng: “Nghe nói Kaṭhina tại trú xứ ấy đã được thâu hồi.” Sự việc nghe được (tin) là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về, ta sẽ trở về” và chờ đợi sự hết hiệu lực Kaṭhina ở bên ngoài. Sự việc vượt qua ranh giới là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu, mang theo y chưa được hoàn tất, ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về, ta sẽ trở về.” Thời điểm hết hiệu lực Kaṭhina đã đến. Sự hết hiệu lực Kaṭhina của vị tỳ khưu ấy là chung (lượt) với các vị tỳ khưu.

Dứt tụng phẩm “Cầm Lấy.”

[113] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y. Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y. Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y. Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ lưu tâm đến niềm mong mỏi về y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Niềm mong mỏi về y ấy của vị ấy bị tan vỡ. Sự đổ vỡ trong niềm mong mỏi về y là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

[114] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y (nghĩ rằng): “Ta sẽ không trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y (nghĩ rằng): “Ta sẽ không trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y (nghĩ rằng): “Ta sẽ không trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y (nghĩ rằng): “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ lưu tâm đến niềm mong mỏi về y này ở chỗ kia.” Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Niềm mong mỏi về y ấy của vị ấy bị tan vỡ. Sự đổ vỡ trong niềm mong mỏi về y là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

[115] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y và không có dứt khoát; vị ấy không khởi ý rằng: “Ta sẽ trở về” và vị ấy cũng không khởi ý rằng: “Ta sẽ không trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y và không có dứt khoát; vị ấy không khởi ý rằng: “Ta sẽ trở về” và vị ấy cũng không khởi ý rằng: “Ta sẽ không trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y và không có dứt khoát; vị ấy không khởi ý rằng: “Ta sẽ trở về” và vị ấy cũng không khởi ý rằng: “Ta sẽ không trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y và không có dứt khoát; vị ấy không khởi ý rằng: “Ta sẽ trở về” và vị ấy cũng không khởi ý rằng: “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ lưu tâm đến niềm mong mỏi về y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Niềm mong mỏi về y ấy của vị ấy bị tan vỡ. Sự đổ vỡ trong niềm mong mỏi về y là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Dứt mười hai trường hợp không như ý mong mỏi.

[116] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được như ý mong mỏi và không nhận được không như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được như ý mong mỏi và không nhận được không như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được như ý mong mỏi và không nhận được không như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ lưu tâm đến niềm mong mỏi về y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Niềm mong mỏi về y ấy của vị ấy bị tan vỡ. Sự đổ vỡ trong niềm mong mỏi về y là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

[117] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nghe được (tin) rằng: “Nghe nói Kaṭhina tại trú xứ ấy đã được thâu hồi.” Vị ấy khởi ý như vầy: “Bởi vì Kaṭhina tại trú xứ ấy đã được thâu hồi, vậy ta sẽ lưu tâm đến niềm mong mỏi về y này ở chỗ kia.” Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được như ý mong mỏi và không nhận được không như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nghe được (tin) rằng: “Nghe nói Kaṭhina tại trú xứ ấy đã được thâu hồi.” Vị ấy khởi ý như vầy: “Bởi vì Kaṭhina tại trú xứ ấy đã được thâu hồi, vậy ta sẽ lưu tâm đến niềm mong mỏi về y này ở chỗ kia.” Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được như ý mong mỏi và không nhận được không như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nghe được (tin) rằng: “Nghe nói Kaṭhina tại trú xứ ấy đã được thâu hồi.” Vị ấy khởi ý như vầy: “Bởi vì Kaṭhina tại trú xứ ấy đã được thâu hồi, vậy ta sẽ lưu tâm đến niềm mong mỏi về y này ở chỗ kia.” Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được như ý mong mỏi và không nhận được không như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nghe được (tin) rằng: “Nghe nói Kaṭhina tại trú xứ ấy đã được thâu hồi.” Vị ấy khởi ý như vầy: “Bởi vì Kaṭhina tại trú xứ ấy đã được thâu hồi, vậy ta sẽ lưu tâm đến niềm mong mỏi về y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Niềm mong mỏi về y ấy của vị ấy bị tan vỡ. Sự đổ vỡ trong niềm mong mỏi về y là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

[118] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được như ý mong mỏi và không nhận được không như ý mong mỏi. Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, nghe được (tin) rằng: “Nghe nói Kaṭhina tại trú xứ ấy đã được thâu hồi.” Sự việc nghe được (tin) là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ lưu tâm đến niềm mong mỏi về y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Niềm mong mỏi về y ấy của vị ấy bị tan vỡ. Sự đổ vỡ trong niềm mong mỏi về y là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được như ý mong mỏi và không nhận được không như ý mong mỏi. Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về, ta sẽ trở về” và chờ đợi sự hết hiệu lực Kaṭhina ở bên ngoài. Sự việc vượt qua ranh giới là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi với niềm mong mỏi về y (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được như ý mong mỏi và không nhận được không như ý mong mỏi. Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về, ta sẽ trở về.” Thời điểm hết hiệu lực Kaṭhina đã đến. Sự hết hiệu lực Kaṭhina của vị tỳ khưu ấy là chung (lượt) với các vị tỳ khưu.

Dứt mười hai trường hợp như ý mong mỏi.

[119] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi chính vì có công việc cần làm nào đó. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì niềm mong mỏi về y sanh khởi. Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

 Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi chính vì có công việc cần làm nào đó. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì niềm mong mỏi về y sanh khởi. Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi chính vì có công việc cần làm nào đó. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì niềm mong mỏi về y sanh khởi. Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi chính vì có công việc cần làm nào đó. Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì niềm mong mỏi về y sanh khởi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ lưu tâm đến niềm mong mỏi về y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Niềm mong mỏi về y ấy của vị ấy bị tan vỡ. Sự đổ vỡ trong niềm mong mỏi về y là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

[120] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi chính vì có công việc cần làm nào đó (nghĩ rằng): “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì niềm mong mỏi về y sanh khởi. Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

 Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi chính vì có công việc cần làm nào đó (nghĩ rằng): “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì niềm mong mỏi về y sanh khởi. Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi chính vì có công việc cần làm nào đó (nghĩ rằng): “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì niềm mong mỏi về y sanh khởi. Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi chính vì có công việc cần làm nào đó (nghĩ rằng): “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì niềm mong mỏi về y sanh khởi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ lưu tâm đến niềm mong mỏi về y này ở chỗ kia.” Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Niềm mong mỏi về y ấy của vị ấy bị tan vỡ. Sự đổ vỡ trong niềm mong mỏi về y là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

[121] Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi chính vì có công việc cần làm nào đó và không có dứt khoát; vị ấy không khởi ý rằng: “Ta sẽ trở về” và vị ấy cũng không khởi ý rằng: “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì niềm mong mỏi về y sanh khởi. Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

 Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi chính vì có công việc cần làm nào đó và không có dứt khoát; vị ấy không khởi ý rằng: “Ta sẽ trở về” và vị ấy cũng không khởi ý rằng: “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì niềm mong mỏi về y sanh khởi. Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi chính vì có công việc cần làm nào đó và không có dứt khoát; vị ấy không khởi ý rằng: “Ta sẽ trở về” và vị ấy cũng không khởi ý rằng: “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì niềm mong mỏi về y sanh khởi. Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Vị ấy nhận được không như ý mong mỏi và không nhận được như ý mong mỏi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Vị tỳ khưu có Kaṭhina đã được thành tựu ra đi chính vì có công việc cần làm nào đó và không có dứt khoát; vị ấy không khởi ý rằng: “Ta sẽ trở về” và vị ấy cũng không khởi ý rằng: “Ta sẽ không trở về.” Khi vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới thì niềm mong mỏi về y sanh khởi. Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ lưu tâm đến niềm mong mỏi về y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy lưu tâm đến niềm mong mỏi về y ấy. Niềm mong mỏi về y ấy của vị ấy bị tan vỡ. Sự đổ vỡ trong niềm mong mỏi về y là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Dứt mười hai trường hợp có công việc cần làm.

[122] Có vị tỳ khưu, có Kaṭhina đã được thành tựu và là vị du hành phương xa, ra đi không mang theo phần chia về y. Các vị tỳ khưu đã hỏi vị du hành phương xa ấy rằng:

- Này đại đức, ngài đã trú mùa (an cư) mưa ở đâu? Và phần chia về y của ngài đâu?

Vị ấy nói như vầy:

- Tôi đã trú mùa (an cư) mưa ở trú xứ kia và phần chia về y của tôi còn ở nơi ấy.

Các vị ấy nói như vầy:

- Này đại đức, hãy đi và đem y ấy lại. Chúng tôi sẽ làm y cho ngài ở đây.

Vị ấy đi về lại trú xứ ấy và hỏi các vị tỳ khưu rằng:

- Này các đại đức, phần chia y của tôi đâu?

Các vị ấy nói như vầy:

- Này đại đức, đây là phần chia y của ngài. Ngài sẽ đi đâu vậy?

Vị ấy nói như vầy:

- Tôi sẽ đi trú xứ kia, các vị tỳ khưu ở đó sẽ làm y cho tôi.

Các vị ấy nói như vầy:

- Này đại đức, được rồi, ngài chớ có đi. Chúng tôi sẽ làm y cho ngài ở đây.

Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Có vị tỳ khưu, có Kaṭhina đã được thành tựu và là vị du hành phương xa, ra đi ...(như trên)... Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Có vị tỳ khưu, có Kaṭhina đã được thành tựu và là vị du hành phương xa, ra đi ...(như trên)... Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

[123] Có vị tỳ khưu, có Kaṭhina đã được thành tựu và là vị du hành phương xa, ra đi không mang theo phần chia về y. Các vị tỳ khưu đã hỏi vị du hành phương xa ấy rằng:

- Này đại đức, ngài đã trú mùa (an cư) mưa ở đâu? Và phần chia về y của ngài đâu?

Vị ấy nói như vầy:

- Tôi đã trú mùa (an cư) mưa ở trú xứ kia và phần chia về y của tôi còn ở nơi ấy.

Các vị ấy nói như vầy:

- Này đại đức, hãy đi và đem y ấy lại. Chúng tôi sẽ làm y cho ngài ở đây.

Vị ấy đi về lại trú xứ ấy và hỏi các vị tỳ khưu rằng:

- Này các đại đức, phần chia y của tôi đâu?

Các vị ấy nói như vầy:

- Này đại đức, đây là phần chia y của ngài.

Vị ấy cầm lấy y ấy và đi đến trú xứ kia. Giữa đường đi, các vị tỳ khưu hỏi vị ấy rằng:

- Này đại đức, ngài sẽ đi đâu?

Vị ấy nói như vầy:

- Tôi sẽ đi trú xứ kia, các vị tỳ khưu ở đó sẽ làm y cho tôi.

Các vị ấy nói như vầy:

- Này đại đức, được rồi, ngài chớ có đi. Chúng tôi sẽ làm y cho ngài ở đây.

Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chính chỗ này và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Có vị tỳ khưu, có Kaṭhina đã được thành tựu và là vị du hành phương xa, ra đi không mang theo phần chia về y. Các vị tỳ khưu đã hỏi vị du hành phương xa ấy rằng:

- Này đại đức, ngài đã trú mùa (an cư) mưa ở đâu? Và phần chia về y của ngài đâu?

Vị ấy nói như vầy:

- Tôi đã trú mùa (an cư) mưa ở trú xứ kia và phần chia về y của tôi còn ở nơi ấy.

Các vị ấy nói như vầy:

- Này đại đức, hãy đi và đem y ấy lại. Chúng tôi sẽ làm y cho ngài ở đây.

Vị ấy đi về lại trú xứ ấy và hỏi các vị tỳ khưu rằng:

- Này các đại đức, phần chia y của tôi đâu?

Các vị ấy nói như vầy:

- Này đại đức, đây là phần chia y của ngài.

Vị ấy cầm lấy y ấy và đi đến trú xứ kia. Giữa đường đi, các vị tỳ khưu hỏi vị ấy rằng:

- Này đại đức, ngài sẽ đi đâu?

Vị ấy nói như vầy:

- Tôi sẽ đi trú xứ kia, các vị tỳ khưu ở đó sẽ làm y cho tôi.

Các vị ấy nói như vầy:

- Này đại đức, được rồi, ngài chớ có đi. Chúng tôi sẽ làm y cho ngài ở đây.

Vị ấy khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Có vị tỳ khưu, có Kaṭhina đã được thành tựu và là vị du hành phương xa, ra đi không mang theo phần chia về y. Các vị tỳ khưu đã hỏi vị du hành phương xa ấy rằng:

- Này đại đức, ngài đã trú mùa (an cư) mưa ở đâu? Và phần chia về y của ngài đâu?

Vị ấy nói như vầy:

- Tôi đã trú mùa (an cư) mưa ở trú xứ kia và phần chia về y của tôi còn ở nơi ấy.

Các vị ấy nói như vầy:

- Này đại đức, hãy đi và đem y ấy lại. Chúng tôi sẽ làm y cho ngài ở đây.

Vị ấy đi về lại trú xứ ấy và hỏi các vị tỳ khưu rằng:

- Này các đại đức, phần chia y của tôi đâu?

Các vị ấy nói như vầy:

- Này đại đức, đây là phần chia y của ngài.

Vị ấy cầm lấy y ấy và đi đến trú xứ kia. Giữa đường đi, các vị tỳ khưu hỏi vị ấy rằng:

- Này đại đức, ngài sẽ đi đâu?

Vị ấy nói như vầy:

- Tôi sẽ đi trú xứ kia, các vị tỳ khưu ở đó sẽ làm y cho tôi.

Các vị ấy nói như vầy:

- Này đại đức, được rồi, ngài chớ có đi. Chúng tôi sẽ làm y cho ngài ở đây.

Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

[124] Có vị tỳ khưu, có Kaṭhina đã được thành tựu và là vị du hành phương xa, ra đi không mang theo phần chia về y. Các vị tỳ khưu đã hỏi vị du hành phương xa ấy rằng:

- Này đại đức, ngài đã trú mùa (an cư) mưa ở đâu? Và phần chia về y của ngài đâu?

Vị ấy nói như vầy:

- Tôi đã trú mùa (an cư) mưa ở trú xứ kia và phần chia về y của tôi còn ở nơi ấy.

Các vị ấy nói như vầy:

- Này đại đức, hãy đi và đem y ấy lại. Chúng tôi sẽ làm y cho ngài ở đây.

Vị ấy đi về lại trú xứ ấy và hỏi các vị tỳ khưu rằng:

- Này các đại đức, phần chia y của tôi đâu?

Các vị ấy nói như vầy:

- Này đại đức, đây là phần chia y của ngài.

Vị ấy cầm lấy y ấy và đi đến trú xứ kia. Khi đã đi đến trú xứ kia, vị ấy đã khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chính chỗ này và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Có vị tỳ khưu, có Kaṭhina đã được thành tựu và là vị du hành phương xa, ra đi ...(như trên)... “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Có vị tỳ khưu, có Kaṭhina đã được thành tựu và là vị du hành phương xa, ra đi ...(như trên)... “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Dứt chín trường hợp không mang theo.

[125] Có vị tỳ khưu, có Kaṭhina đã được thành tựu và là vị sống ở trú xá với sự an lạc, đã cầm lấy y rồi ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ đi đến trú xứ ấy. Nếu ở nơi ấy có sự an lạc cho ta, ta sẽ cư ngụ. Nếu không có sự an lạc cho ta, ta sẽ đi đến trú xứ kia. Nếu ở nơi kia có sự an lạc cho ta, ta sẽ cư ngụ. Nếu không có sự an lạc cho ta, ta sẽ đi đến trú xứ nọ. Nếu ở nơi nọ có sự an lạc cho ta, ta sẽ cư ngụ. Nếu không có sự an lạc cho ta, ta sẽ trở về.” Khi vị ấy đi khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Sự việc (y) được hoàn tất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Có vị tỳ khưu, có Kaṭhina đã được thành tựu và là vị sống ở trú xá với sự an lạc, đã cầm lấy y rồi ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ đi đến trú xứ ấy. Nếu ở nơi ấy có sự an lạc cho ta, ta sẽ cư ngụ. Nếu không có sự an lạc cho ta, ta sẽ đi đến trú xứ kia. Nếu ở nơi kia có sự an lạc cho ta, ta sẽ cư ngụ. Nếu không có sự an lạc cho ta, ta sẽ đi đến trú xứ nọ. Nếu ở nơi nọ có sự an lạc cho ta, ta sẽ cư ngụ. Nếu không có sự an lạc cho ta, ta sẽ trở về.” Khi vị ấy đi khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ không nhờ (người) làm y này nữa và sẽ không trở về.” Sự việc tự mình quyết định là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Có vị tỳ khưu, có Kaṭhina đã được thành tựu và là vị sống ở trú xá với sự an lạc, đã cầm lấy y rồi ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ đi đến trú xứ ấy. Nếu ở nơi ấy có sự an lạc cho ta, ta sẽ cư ngụ. Nếu không có sự an lạc cho ta, ta sẽ đi đến trú xứ kia. Nếu ở nơi kia có sự an lạc cho ta, ta sẽ cư ngụ. Nếu không có sự an lạc cho ta, ta sẽ đi đến trú xứ nọ. Nếu ở nơi nọ có sự an lạc cho ta, ta sẽ cư ngụ. Nếu không có sự an lạc cho ta, ta sẽ trở về.” Khi vị ấy đi khỏi ranh giới thì khởi ý như vầy: “Ta sẽ nhờ (người) làm y này ở chỗ kia và sẽ không trở về.” Vị ấy nhờ (người) làm y ấy. Trong khi y ấy của vị ấy đang được làm thì bị mất. Sự việc bị mất là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Có vị tỳ khưu, có Kaṭhina đã được thành tựu và là vị sống ở trú xá với sự an lạc, đã cầm lấy y rồi ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ đi đến trú xứ ấy. Nếu ở nơi ấy có sự an lạc cho ta, ta sẽ cư ngụ. Nếu không có sự an lạc cho ta, ta sẽ đi đến trú xứ kia. Nếu ở nơi kia có sự an lạc cho ta, ta sẽ cư ngụ. Nếu không có sự an lạc cho ta, ta sẽ đi đến trú xứ nọ. Nếu ở nơi nọ có sự an lạc cho ta, ta sẽ cư ngụ. Nếu không có sự an lạc cho ta, ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về, ta sẽ trở về” rồi chờ đợi sự hết hiệu lực Kaṭhina ở bên ngoài. Sự việc vượt qua ranh giới là sự hết hiệu lực Kaṭhina đối với vị tỳ khưu ấy.

Có vị tỳ khưu, có Kaṭhina đã được thành tựu và là vị sống ở trú xá với sự an lạc, đã cầm lấy y rồi ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ đi đến trú xứ ấy. Nếu ở nơi ấy có sự an lạc cho ta, ta sẽ cư ngụ. Nếu không có sự an lạc cho ta, ta sẽ đi đến trú xứ kia. Nếu ở nơi kia có sự an lạc cho ta, ta sẽ cư ngụ. Nếu không có sự an lạc cho ta, ta sẽ đi đến trú xứ nọ. Nếu ở nơi nọ có sự an lạc cho ta, ta sẽ cư ngụ. Nếu không có sự an lạc cho ta, ta sẽ trở về.” Vị ấy đã đi ra khỏi ranh giới và nhờ (người) làm y ấy. Vị ấy, có y đã được làm xong, (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về, ta sẽ trở về.” Thời điểm hết hiệu lực Kaṭhina đã đến. Sự hết hiệu lực Kaṭhina của vị tỳ khưu ấy là chung (lượt) với các vị tỳ khưu.

Dứt năm trường hợp trú xá với sự an lạc.

[126] Này các tỳ khưu, đây là hai điều vướng bận (palibodha), hai điều không vướng bận (apalibodha) của Kaṭhina.

Và này các tỳ khưu, hai điều vướng bận của Kaṭhina là gì?

- Sự vướng bận về trú xứ và sự vướng bận về y.

Và này các tỳ khưu, thế nào là sự vướng bận về trú xứ?

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu cư ngụ tại trú xứ nọ khởi lên ước muốn rồi ra đi (nghĩ rằng): “Ta sẽ trở về.” Này các tỳ khưu, như vậy là có sự vướng bận về trú xứ.

Và này các tỳ khưu, thế nào là sự vướng bận về y?

- Này các tỳ khưu, trường hợp y của vị tỳ khưu chưa được làm, hoặc là chưa được hoàn tất, hoặc là niềm mong mỏi về y chưa bị tan vỡ. Này các tỳ khưu, như vậy là có sự vướng bận về y.

Này các tỳ khưu, đây là hai điều vướng bận của Kaṭhina.

Và này các tỳ khưu, hai điều không vướng bận (apalibodha) của Kaṭhina là gì?

- Sự không vướng bận về trú xứ và sự không vướng bận về y.

Và này các tỳ khưu, thế nào là sự không vướng bận về trú xứ?

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu ra đi từ trú xứ ấy với sự buông bỏ, với sự từ bỏ, với sự dứt bỏ, với sự không quan tâm (nghĩ rằng): “Ta sẽ không trở về.” Này các tỳ khưu, như vậy là có sự không vướng bận về trú xứ.

Và này các tỳ khưu, thế nào là sự không vướng bận về y?

- Này các tỳ khưu, trường hợp y của vị tỳ khưu đã được làm xong, hoặc bị mất, hoặc bị hư hỏng, hoặc bị cháy, hoặc là niềm mong mỏi về y bị tan vỡ. Này các tỳ khưu, như vậy là có sự không vướng bận về y.

Này các tỳ khưu, đây là hai điều không vướng bận của Kaṭhina.

Dứt Chương Kaṭhina là chương thứ bảy.

Trong chương này có mười hai sự việc và một trăm mười tám vấn đề được lặp lại.

*******

Tóm lược chương này:

[127]

Ba mươi vị tỳ khưu
người ở xứ Pāvā
với tâm chẳng hài lòng
trú ở Sāketa.
Qua mùa an cư mưa,
các vị đã ra đi
diện kiến bậc Chiến Thắng
với (y) thấm đầy nước.
Đây chuyện Kaṭhina
và năm điều được phép:
không báo, không mang theo,
cũng thế ăn thành nhóm,
và giữ y tùy thích,
y phát sanh sẽ có
cho các vị thành tựu.
Lời đề nghị như thế,
và cũng thế thành tựu,
không thành tựu cũng thế:
được đánh dấu, và giặt,
tính toán, và việc cắt,
kết chỉ tạm, may thêm,
gắn miếng vải làm dấu,
may chắc chắn, may viền,
phần giữa, đắp lớp nữa,
nhuộm, dấu hiệu, lời giảng,
tạm thời, việc trì hoãn,
hủy bỏ, chưa được phép,
ngoại trừ ba y ấy,
ngoại trừ y năm điều,
hoặc nhiều điều hơn nữa,
được cắt rồi kết lại,
không ngoại trừ cá nhân
là được làm đúng đắn,
tùy hỷ đứng ngoài ranh
Kaṭhina không thành,
như thế đức Phật thuyết.
Không dơ, như không dơ,
choàng cũ, đồ quăng bỏ,
vải rơi nơi cửa tiệm,
không ra hiệu, thuyết giảng,
không tạm thời, không hoãn,
không hủy, dấu đã làm,
cũng thế là ba y,
năm điều hoặc hơn thế,
đã cắt, được kết lại,
thành tựu bởi cá nhân,
là việc làm đúng đắn,
tùy hỷ trong ranh giới,
như thế là thành tựu
của việc Kaṭhina.
Sự thu hồi tám điều:
sự ra đi, hoàn tất,
tự quyết định, mất đi,
nghe được, hết mong mỏi,
ranh giới, sự thu hồi
đồng lúc là thứ tám.
Cầm lấy y đã làm,
vị đi “không trở lại,”
Kaṭhina vị ấy
là đã được thu hồi
trong trường hợp ra đi.
Cầm lấy y chưa làm,
ra đi khỏi ranh giới,
vị ấy đã nghĩ rằng:
“Nơi đây ta sẽ làm
và không quay trở lại,”
trong khi được hoàn tất,
thu hồi Kaṭhina.
Cầm lấy, khỏi ranh giới,
vị ấy không nghĩ rằng:
“Ta không quay trở về;”
việc Kaṭhina ấy
của vị ấy thu hồi
là trong khi quyết định.
Cầm lấy y ra đi
khỏi ranh giới đã nghĩ:
“Nơi đây, ta sẽ làm
và không quay về nữa,”
trong khi làm bị mất;
việc Kaṭhina ấy
của vị ấy thu hồi
là trong trường hợp mất.
Cầm lấy rồi ra đi,
“Ta sẽ quay trở về,”
ở ngoài nhờ làm y,
y đã làm nghe được,
Kaṭhina nơi kia
đã được cho thu hồi;
việc Kaṭhina ấy
của vị ấy thu hồi
là trong trường hợp nghe.
Cầm lấy rồi ra đi,
“Ta sẽ quay trở về,”
ở ngoài nhờ làm y,
y đã được làm xong,
ở bên ngoài chờ đợi
thu hồi Kaṭhina;
việc Kaṭhina ấy
của vị ấy thu hồi
là do vượt qua ranh.
Cầm lấy rồi ra đi,
“Ta sẽ quay trở về,”
ở ngoài nhờ làm y,
y đã được làm xong,
“Ta sẽ quay trở về,”
đã đến thời của việc
thu hồi Kaṭhina;
việc Kaṭhina ấy
của vị ấy thu hồi
sanh lên đồng một lượt
với các vị tỳ khưu.
Cầm lấy và mang theo,
có bảy, bảy phương thức,
những trường hợp ra đi,
không có trong nhóm sáu
đường lối chưa hoàn tất.
Cầm lấy đi khỏi ranh,
khởi ý “Sẽ nhờ làm”
làm xong, tự quyết định
bị mất, ba điều này.
Cầm lấy, “Ta không về,
ta làm ngoài ranh giới,”
làm xong, tự quyết định,
bị mất, ba điều này.
Khi không được dứt khoát,
cũng không cho vị ấy,
ba phương thức bên dưới.
Cầm lấy và ra đi
“Ta sẽ quay trở về,
ta làm ngoài ranh giới,”
“Ta sẽ không quay về”
vị nhờ làm hoàn tất,
thu hồi Kaṭhina.
Tự quyết định, bị mất,
nghe được, vượt qua ranh,
được sanh khởi đồng thời
với các vị tỳ khưu,
như vầy mười lăm cách.
Mang theo, chưa hoàn tất,
mang theo như thế nữa,
bốn trường hợp này đây
toàn bộ mười lăm cách.
Không theo sự ước mốn,
và như sự mong mỏi,
có công việc cần làm,
ba điều ấy, nên hiểu
việc ấy từ phương thức
ba, mười hai, mười hai,
không thu gom, an lạc,
năm đường lối, nơi đây,               
vướng bận, không vướng bận,
sự tóm tắt được làm
từ điều đã hướng dẫn.


[1] Hai phần [97] và [98] được dịch theo nghĩa dựa vào lời giải thích của ngài Buddhaghosa.

[2] Dịch sát nghĩa là vải chưa bị dơ, chưa bị hư hoại (ahatena). Câu kế là: được xem như là không bị dơ, ngài Buddhaghosa giải thích là đã được giặt hai hoặc ba lần.

[3] Các phần kế tiếp chỉ để giải thích tám điều này. Nên đọc kỹ [126] nói về hai điều vướng bận (palibodha) để nắm được ý nghĩa của các phần kế tiếp từ đây trở đi. Một cách tổng quát, nếu còn được một trong hai điều vướng bận thì Kaṭhina vẫn còn hiệu lực.

[4] Vấn đề thâu hồi Kaṭhina được ghi lại ở Phân Tích Giới Bổn Tỳ Khưu Ni - Bhikkhunīvibhaṅga (điều pācittiya 30, [253]).

[5] Phần [100] và [101] chỉ khác nhau ở chỗ bất biến động từ “ādāya” và “samādāya” là “cầm lấy” và “tự mình cầm lấy,” chúng tôi tạm dùng từ “mang theo” cho trường hợp sau, và không nhận ra tầm quan trọng trong sự việc được nhấn mạnh ở đây.

VIII. CHƯƠNG Y PHỤC (CĪVARAKKHANDHAKAṂ)

[128] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, thành Vesālī được phồn thịnh, giàu có, đông dân, nhiều người chen chúc, vật thực dễ dàng, có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy tòa nhà dài, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy lầu mái nhọn, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy công viên, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy hồ sen, có nàng kỷ nữ Ambapālī xinh đẹp, duyên dáng, yêu kiều, được phú cho làn da đẹp hạng nhất, thiện xảo về múa, hát, đàn, được những người đàn ông có lòng say đắm cầu cạnh, nàng qua đêm (với giá) năm mươi (kahāpaṇa). Và có nàng thành Vesālī càng thêm phần rạng rỡ.

Khi ấy, viên thị trưởng thành Rājagaha đã đi đến Vesālī do công việc cần thiết. Viên thị trưởng thành Rājagaha đã nhìn thấy thành Vesālī là phồn thịnh, giàu có, đông dân, nhiều người chen chúc, vật thực dễ dàng, có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy tòa nhà dài, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy lầu mái nhọn, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy công viên, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy hồ sen, có nàng kỷ nữ Ambapālī xinh đẹp, duyên dáng, yêu kiều, được phú cho làn da đẹp hạng nhất, thiện xảo về múa, hát, đàn, được những người đàn ông có lòng say đắm cầu cạnh, nàng qua đêm (với giá) năm mươi (kahāpaṇa), và có nàng thành Vesālī càng thêm phần rạng rỡ. Sau đó, khi đã hoàn tất công việc cần làm ấy ở Vesālī, viên thị trưởng thành Rājagaha đã quay về lại thành Rājagaha và đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã nói với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này:

- Tâu bệ hạ, thành Vesālī là phồn thịnh, giàu có, đông dân, nhiều người chen chúc, vật thực dễ dàng, có bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy tòa nhà dài, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy lầu mái nhọn, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy công viên, bảy ngàn bảy trăm lẻ bảy hồ sen, có nàng kỷ nữ Ambapālī xinh đẹp, duyên dáng, yêu kiều, được phú cho làn da đẹp hạng nhất, thiện xảo về múa, hát, đàn, được những người đàn ông có lòng say đắm cầu cạnh, nàng qua đêm (với giá) năm mươi (kahāpaṇa), và có nàng thành Vesālī càng thêm phần rạng rỡ. Tâu bệ hạ, tốt đẹp thay nếu chúng ta cũng có thể đào tạo thành kỷ nữ.

- Này khanh, như thế thì khanh hãy tìm người con gái tương tợ rồi đào tạo nàng thành kỷ nữ.

Vào lúc bấy giờ, trong thành Rājagaha có người con gái tên Sālavatī là người xinh đẹp, duyên dáng, yêu kiều, được phú cho làn da đẹp hạng nhất. Khi ấy, viên thị trưởng thành Rājagaha đã đào tạo người con gái Sālavatī thành kỷ nữ. Sau đó chẳng bao lâu, nàng kỷ nữ Sālavatī đã trở nên thiện xảo về múa hát đàn, được những người đàn ông có lòng say đắm cầu cạnh, và nàng qua đêm (với giá) một trăm. Sau đó chẳng bao lâu, nàng kỷ nữ Sālavatī đã mang thai. Khi ấy, nàng kỷ nữ Sālavatī đã khởi ý điều này: “Đàn bà mang thai đâu còn được đàn ông ưa thích. Nếu có người biết rằng: ‘Kỷ nữ Sālavatī mang thai’ thì tất cả các người đeo đuổi sẽ bỏ rơi ta. Hay là ta nên cáo bệnh?” Sau đó, nàng kỷ nữ Sālavatī đã bảo người gác cổng rằng:

- Này chú em gác cổng, chớ để bất cứ người đàn ông nào vào. Và ai hỏi ta thì bảo rằng: “Bị bệnh.”

- Thưa cô chủ, xin vâng. Người gác cổng ấy đã đáp lại nàng kỷ nữ Sālavatī.

Sau đó, khi bào thai ấy được phát triển đầy đủ, nàng kỷ nữ Sālavatī đã sanh ra đứa bé trai. Khi ấy, nàng kỷ nữ Sālavatī đã bảo người tớ gái rằng:

- Này em, giờ hãy đặt đứa bé trai này vào trong giỏ đan loại nhỏ rồi mang đi quăng bỏ ở đống rác.

- Thưa cô chủ, xin vâng.

Rồi người tớ gái ấy nghe theo nàng kỷ nữ Sālavatī đã đặt đứa bé trai ấy vào trong giỏ đan loại nhỏ rồi mang đi quăng bỏ ở đống rác.

Vào lúc bấy giờ, có vương tử tên là Abhaya đang đi chầu vua vào sáng sớm đã nhìn thấy đứa bé trai ấy đang bị bầy quạ bu quanh, sau khi nhìn thấy đã hỏi mọi người rằng:

- Này các khanh, vật gì bị bầy quạ bu quanh vậy?

- Thưa ngài, đứa bé trai.

- Này các khanh, còn sống không?

- Thưa ngài, còn sống.

- Này các khanh, như thế thì hãy mang đứa bé trai ấy về hậu cung của chúng ta và giao cho các vú nuôi chăm sóc.

- Thưa ngài, xin vâng.

Rồi những người dân ấy nghe theo vương tử Abhaya đã mang đứa bé trai ấy về hậu cung của vương tử Abhaya rồi giao cho các vú nuôi (nói rằng):

- Các người hãy chăm sóc.

Họ đã đặt tên đứa bé là “Jīvaka ” (vì khi vương tử Abhaya hỏi là “Cái gì?” thì mọi ngưòi trả lời là “Jīvati” nghĩa là “còn sống”). Và bởi vì “được nuôi dưỡng bởi vương tử” (kumārena posāpitoti) nên đã được đặt tên là “Komārabhacca.”

Sau đó chẳng bao lâu, Jīvaka Komārabhacca đã đạt đến tuổi hiểu biết. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp vương tử Abhaya, sau khi đến đã nói với vương tử Abhaya điều này:

- Thưa ngài, ai là mẹ của con, ai là cha của con?

- Này Jīvaka thương, ta cũng không biết mẹ của con; tuy nhiên ta là cha của con vì con đã được ta nuôi dưỡng.

Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Không có nghề nghiệp không dễ gì sống nhờ vả vào các gia đình vương giả này, hay là ta nên học lấy nghề nghiệp?”

[129] Vào lúc bấy giờ, có người thầy thuốc tiếng tăm lẫy lừng sống ở Takkasilā. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca không xin phép vương tử Abhaya đã đi đến Takkasilā, tuần tự đã đi đến Takkasilā gặp người thầy thuốc ấy, sau khi đến đã nói với người thầy thuốc ấy điều này:

- Thưa thầy, con muốn học nghề.

- Này Jīvaka mến, như vậy thì con có thể học.

Sau đó, Jīvaka Komārabhacca học nhiều, học nhanh chóng, suy nghiệm chính xác, và điều đã được học thì không quên đi. Sau đó, khi trải qua bảy năm Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý rằng: “Ta học nhiều, học nhanh chóng, suy nghiệm chính xác, và điều đã được học thì không quên đi. Và trong khi ta đã học được bảy năm rồi mà đích cuối cùng của nghề này vẫn không được biết đến, vậy thì khi nào đích cuối cùng của nghề này mới được biết đến?” Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp người thầy thuốc ấy, sau khi đến đã nói với người thầy thuốc ấy điều này:

- Thưa thầy, con học nhiều, học nhanh chóng, suy nghiệm chính xác, và điều đã được học thì không quên đi. Và trong khi con đã học được bảy năm rồi mà đích cuối cùng của nghề này vẫn không được biết đến, vậy thì khi nào đích cuối cùng của nghề này mới được biết đến?

- Này Jīvaka mến, như vậy thì con hãy cầm lấy cái thuổng, đi dạo xung quanh Takkasilā một do tuần, nếu con thấy được bất cứ vật gì không phải là dược phẩm thì hãy đem vật ấy về đây.

- Thưa thầy, xin vâng.

Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo người thuốc ấy đã cầm lấy cái thuổng, và trong khi đi dạo xung quanh Takkasilā một do tuần, đã không nhìn thấy bất cứ vật gì không phải là dược phẩm. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp người thầy thuốc ấy, sau khi đến đã nói với người thầy thuốc ấy điều này:

- Thưa thầy, trong khi đi dạo xung quanh Takkasilā một do tuần con đã không thấy được bất cứ vật gì không phải là dược phẩm.

- Này Jīvaka mến, con đã học xong. Bấy nhiêu đó đã đủ cho cuộc sống của con rồi.

Rồi người thầy thuốc ấy đã trao cho Jīvaka Komārabhacca chút ít (tiền) dự phòng đường xa. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã nhận lấy chút ít (tiền) dự phòng đường xa rồi ra đi về phía thành Rājagaha. Sau đó, vào khoảng giữa cuộc hành trình, ở Sāketa chút ít (tiền) dự phòng đường xa ấy đã hết. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Những con đường này hoang vắng, ít nước, ít thức ăn, không có (tiền) dự phòng đường xa không phải dễ dàng để đi, hay là ta nên kiếm (tiền) dự phòng đường xa?”

[130] Vào lúc bấy giờ, ở Sāketa có người vợ của nhà đại phú bị bệnh đau đầu đã bảy năm. Nhiều thầy thuốc vô cùng nổi danh và tiếng tăm lừng lẫy đã đi đến và chữa trị dài ngày vẫn không đủ khả năng làm lành bệnh; họ đã nhận lãnh nhiều vàng rồi ra đi. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã đi vào Sāketa và hỏi dân chúng rằng:

- Này các người, ai bị bệnh? Tôi chữa trị ai đây?

- Này ông thầy, người vợ nhà đại phú kia bị bệnh đau đầu đã bảy năm. Này ông thầy, hãy đi và chữa trị người vợ nhà đại phú.

Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến tư gia của vị đại phú, sau khi đến đã bảo người gác cổng rằng:

- Này chú gác cổng, hãy đi và báo cho người vợ nhà đại phú điều này: “Thưa bà, người thầy thuốc đã đến, ông ấy có ý muốn gặp bà.”

- Thưa thầy, xin vâng.

Rồi người gác cổng ấy nghe theo Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp người vợ nhà đại phú, sau khi đến đã nói với người vợ nhà đại phú điều này:

- Thưa bà, người thầy thuốc đã đến, ông ấy có ý muốn gặp bà.

- Này chú gác cổng, người thầy thuốc ra làm sao?

- Thưa bà, còn trẻ lắm.

- Này chú gác cổng, thôi đủ rồi! Thầy thuốc còn trẻ lắm thì sẽ làm được gì cho ta? Nhiều thầy thuốc vô cùng nổi danh và tiếng tăm lừng lẫy đã đi đến và chữa trị dài ngày vẫn không đủ khả năng làm lành bệnh; họ đã nhận lãnh nhiều vàng rồi ra đi.

Sau đó, người gác cổng ấy đã đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca, sau khi đến đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này:

- Thưa thầy, người vợ nhà đại phú đã nói như vầy: “Này chú gác cổng, thôi đủ rồi! Thầy thuốc còn trẻ lắm thì sẽ làm được gì cho ta? Nhiều thầy thuốc vô cùng nổi danh và tiếng tăm lừng lẫy đã đi đến và chữa trị dài ngày vẫn không đủ khả năng làm lành bệnh; họ đã nhận lãnh nhiều vàng rồi ra đi.”

- Này chú gác cổng, hãy đi và báo cho người vợ nhà đại phú như vầy: “Thưa bà, người thầy thuốc đã nói như vầy: ‘Thưa bà, bà không phải đưa trước vật gì. Khi nào khỏi bệnh, khi ấy bà muốn cho vật gì thì bà cứ việc cho vật ấy’.

- Thưa thầy, xin vâng.

Rồi người gác cổng ấy nghe theo Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp người vợ nhà đại phú, sau khi đến đã nói với người vợ nhà đại phú điều này:

- Thưa bà, người thầy thuốc đã nói như vầy: “Thưa bà, bà không phải đưa trước vật gì. Khi nào khỏi bệnh, khi ấy bà muốn cho vật gì thì bà cứ việc cho vật ấy.

- Này chú gác cổng, như thế thì hãy bảo người thầy thuốc đi đến.

- Thưa bà, xin vâng.

Rồi người gác cổng ấy nghe theo người vợ nhà đại phú đã đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca, sau khi đến đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này:

- Thưa thầy, người vợ nhà đại phú cho gọi thầy.

Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp người vợ nhà đại phú, sau khi đến đã xem xét sự biến đổi ở sắc mặt của người vợ nhà đại phú rồi nói với người vợ nhà đại phú điều này:

- Thưa bà, tôi cần một bụm tay bơ lỏng.

Khi ấy, người vợ nhà đại phú đã bảo người trao cho Jīvaka Komārabhacca một bụm tay bơ lỏng. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã nấu sôi bụm tay bơ lỏng ấy với nhiều loại dược phẩm rồi bảo người vợ nhà đại phú nằm ngửa ở trên giường và cho vào theo đường mũi. Sau đó, bơ lỏng đã được cho vào theo đường mũi ấy đã đi ra theo đường miệng. Khi ấy, người vợ nhà đại phú đã nhổ bơ lỏng ấy vào vật đựng rồi bảo người tớ gái rằng:

- Này em, hãy thu hồi lại bơ lỏng này bằng lớp gòn.

Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ lạ! Bà chủ nhà này thật là hà tiện! Bởi vì thứ bơ lỏng chỉ đáng quăng bỏ này còn được bảo thu hồi lại bằng lớp gòn! Và nhiều thứ thuốc vô cùng quý giá của ta đã được sử dụng, rồi bà ta sẽ trả công cán cho ta bằng cái gì đây?” Khi ấy, sau khi xem xét sự biến đổi ở sắc mặt của Jīvaka Komārabhacca, người vợ nhà đại phú đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này:

- Thưa thầy, sao thầy có vẻ lo âu vậy?

- Trong trường hợp này, tôi đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ lạ! Bà chủ nhà này thật là hà tiện! Bởi vì thứ bơ lỏng chỉ đáng quăng bỏ này còn được bảo thu hồi lại bằng lớp gòn! Và nhiều thứ thuốc vô cùng quý giá của ta đã được sử dụng, rồi bà ta sẽ trả công cán cho ta bằng cái gì đây?”

- Thưa thầy, chúng tôi là những gia chủ hiểu về điều ấy là sự tiết kiệm. Bơ lỏng ấy là thuốc xoa chân rất tốt cho các tôi tớ và các người làm công, hoặc là dầu cho việc đốt đèn. Thưa thầy, thầy chớ có lo âu. Sự trả công cho thầy sẽ không phải bỏ phí.

Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã trị dứt chứng bệnh đau đầu bảy năm của người vợ nhà đại phú chỉ bằng có mỗi một việc làm ở mũi. Sau đó, khi được khỏi bệnh người vợ nhà đại phú đã thưởng cho Jīvaka Komārabhacca bốn ngàn. Người con trai (nghĩ rằng): “Mẹ ta đã khỏi bệnh!” nên đã thưởng cho Jīvaka Komārabhacca bốn ngàn. Người con dâu (nghĩ rằng): “Mẹ chồng ta đã khỏi bệnh!” nên đã thưởng cho Jīvaka Komārabhacca bốn ngàn. Người gia chủ đại phú (nghĩ rằng): “Vợ ta đã khỏi bệnh!” nên đã thưởng cho Jīvaka Komārabhacca bốn ngàn, một tôi trai, một tớ gái, và chiếc xe ngựa. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã cầm lấy mười sáu ngàn ấy, một tôi trai, một tớ gái, và chiếc xe ngựa rồi ra đi đến thành Rājagaha. Tuần tự, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến thành Rājagaha gặp vương tử Abhaya, sau khi đến đã nói với vương tử Abhaya điều này:

- Thưa ngài, đây là công việc đầu tiên của con gồm có mười sáu ngàn, một tôi trai, một tớ gái, và chiếc xe ngựa. Thưa ngài, xin ngài hãy nhận lấy cho việc đã nuôi dưỡng con.

- Này Jīvaka thương, thôi đi, hãy để cho chính con. Con hãy cho xây biệt thự trong tư dinh của chúng ta.

- Thưa ngài, xin vâng.

Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo vương tử Abhaya đã cho xây biệt thự trong tư dinh của vương tử Abhaya

[131] Vào lúc bấy giờ, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha bị bệnh rò rỉ (bhagandalābādha). Các vải choàng đều bị lấm lem bởi máu. Các vương phi thấy được trêu ghẹo rằng:

- Bữa nay, chúa công tới chu kỳ. Kinh nguyệt của chúa công đã có. Chẳng bao lâu nữa chúa công sẽ sanh con.

Vì chuyện ấy, đức vua bị xấu hổ. Sau đó, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã nói với vương tử Abhaya điều này:

- Này khanh Abhaya, trẫm có bệnh giống như vầy. Các vải choàng đều bị lấm lem bởi máu. Các vương phi thấy được trêu ghẹo rằng: “Bữa nay, chúa công tới chu kỳ. Kinh nguyệt của chúa công đã có. Chẳng bao lâu nữa chúa công sẽ sanh con.” Này khanh Abhaya, hãy tìm thầy thuốc hạng nào đó có thể điều trị cho trẫm.

- Tâu bệ hạ, Jīvaka này của thần là thầy thuốc trẻ, giỏi giang, cậu ta sẽ điều trị cho bệ hạ.

- Này khanh Abhaya, như thế thì hãy ra lệnh cho thầy thuốc Jīvaka. Vị ấy sẽ điều trị cho trẫm.

Sau đó, vương tử Abhaya đã truyền lệnh cho Jīvaka Komārabhacca rằng:

- Này con Jīvaka, hãy đi và điều trị cho đức vua.

- Thưa ngài, xin vâng.

Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo vương tử Abhaya sau khi nhét dược phẩm vào trong móng tay rồi đã đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã nói với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này:

- Tâu bệ hạ, hãy để thần xem bệnh của bệ hạ.

Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã trị dứt căn bệnh rò rỉ của đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha chỉ bằng có mỗi một liều thuốc thoa. Sau đó, khi được khỏi bệnh đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã cho người trang điểm năm trăm người nữ với tất cả các đồ trang sức, xong bảo tháo ra, cho chất thành đống, rồi nói với Jīvaka Komārabhacca điều này:

- Này khanh Jīvaka, tất cả các đồ trang sức này từ năm trăm người nữ là của khanh.

- Tâu bệ hạ, không dám, chỉ xin bệ hạ hãy nhớ cho chức vụ của thần.

- Này khanh Jīvaka, như vậy thì khanh hãy phục vụ trẫm, các cung phi, và hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu.

- Tâu bệ hạ, xin vâng. Jīvaka Komārabhacca đã trả lời đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.

[132] Vào lúc bấy giờ, có nhà đại phú ở thành Rājagaha bị bệnh đau đầu đã được bảy năm. Nhiều thầy thuốc vô cùng nổi danh và tiếng tăm lừng lẫy đã đi đến và chữa trị dài ngày vẫn không đủ khả năng làm lành bệnh; họ đã nhận lãnh nhiều vàng rồi ra đi. Hơn nữa, ông ta đã bị các thầy thuốc từ chối. Một số thầy thuốc đã nói như vầy: “Trong năm ngày nữa, người gia chủ đại phú này sẽ chết.” Một số thầy thuốc khác đã nói như vầy: “Trong bảy ngày nữa, người gia chủ đại phú này sẽ chết.” Khi ấy, vị thị trưởng thành Rājagaha đã khởi ý điều này: “Người gia chủ đại phú này có nhiều cống hiến cho đức vua và cho thị trấn nữa. Tuy nhiên, ông ta đã bị các thầy thuốc từ chối. Một số thầy thuốc đã nói như vầy: ‘Trong năm ngày nữa, người gia chủ đại phú này sẽ chết.’ Một số thầy thuốc khác đã nói như vầy: ‘Trong bảy ngày nữa, người gia chủ đại phú này sẽ chết.’ Và Jīvaka này là thầy thuốc của đức vua, trẻ tuổi, và giỏi giang, hay là chúng ta nên cầu xin đức vua phái thầy thuốc Jīvaka điều trị cho người gia chủ đại phú vậy?” Sau đó, viên thị trưởng thành Rājagaha đã đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã nói với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này:

- Tâu bệ hạ, người gia chủ đại phú này có nhiều cống hiến cho đức vua và cho thị trấn nữa. Tuy nhiên, ông ta đã bị các thầy thuốc từ chối. Một số thầy thuốc đã nói như vầy: “Trong năm ngày nữa, người gia chủ đại phú này sẽ chết.” Một số thầy thuốc khác đã nói như vầy: “Trong bảy ngày nữa, người gia chủ đại phú này sẽ chết.”Tâu bệ hạ, tốt đẹp thay xin bệ hạ hãy ra lệnh cho thầy thuốc Jīvaka điều trị cho người gia chủ đại phú.

Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra lệnh cho Jīvaka Komārabhacca rằng:

- Này khanh Jīvaka, hãy đi và điều trị cho người gia chủ đại phú.

- Tâu bệ hạ, xin vâng.

Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo lời đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi đến gặp người gia chủ đại phú, sau khi đến đã xem xét sự biến đổi ở sắc mặt của người gia chủ đại phú rồi đã nói với người gia chủ đại phú điều này:

- Này gia chủ, nếu tôi chữa ông khỏi bệnh ấy, tôi sẽ được công cán gì đây?

- Thưa thầy, tất cả tài sản sẽ là của thầy và tôi sẽ là đầy tớ của thầy.

- Này gia chủ, ông có thể nằm một bên hông trong bảy tháng không?

- Thưa thầy, tôi có thể nằm một bên hông trong bảy tháng.

- Này gia chủ, ông có thể nằm bên hông kia trong bảy tháng không?

- Thưa thầy, tôi có thể nằm bên hông kia trong bảy tháng.

- Này gia chủ, ông có thể nằm ngửa trong bảy tháng không?

- Thưa thầy, tôi có thể nằm ngửa trong bảy tháng.

Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã bảo người gia chủ đại phú nằm xuống trên giường, sau khi buộc chặt ở trên giường rồi đã cắt làn da đầu, tách đôi vết mổ, rồi lôi ra hai con sâu đưa cho mọi người thấy (nói rằng):

- Hãy xem hai con sâu một nhỏ một lớn này. Các vị thầy nào đã nói như vầy: “Trong năm ngày nữa, người gia chủ đại phú này sẽ chết,” các vị ấy đã thấy con sâu lớn này trong năm ngày nữa sẽ xâm nhập bộ não của người gia chủ đại phú; do sự xâm nhập vào bộ não mà người gia chủ đại phú sẽ phải chết. Các vị thầy ấy đã nhìn thấy đúng. Còn các vị thầy nào đã nói như vầy: “Trong bảy ngày nữa, người gia chủ đại phú này sẽ chết,” các vị ấy đã thấy con sâu nhỏ này trong bảy ngày nữa sẽ xâm nhập bộ não của người gia chủ đại phú; do sự xâm nhập vào bộ não mà người gia chủ đại phú sẽ phải chết. Các vị thầy ấy đã nhìn thấy đúng.

Rồi Jīvaka Komārabhacca đã khép lại vết mổ, khâu lại đường cắt ở đầu, và bôi thuốc mỡ vào.

Sau đó, khi trải qua bảy ngày người gia chủ đại phú đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này:

- Thưa thầy, tôi không thể nằm một bên hông trong bảy tháng.

- Này gia chủ, không phải ông đã cam đoan với tôi rằng: “Thưa thầy, tôi có thể nằm một bên hông trong bảy tháng” hay sao?

- Thưa thầy, đúng vậy. Tôi đã cam đoan, nhưng mà tôi sẽ chết mất. Tôi không thể nằm một bên hông trong bảy tháng.

- Này gia chủ, như thế thì ngươi hãy nằm bên hông kia trong bảy tháng.

Sau đó, khi trải qua bảy ngày người gia chủ đại phú đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này:

- Thưa thầy, tôi không thể nằm bên hông kia trong bảy tháng.

- Này gia chủ, không phải ông đã cam đoan với tôi rằng: “Thưa thầy, tôi có thể nằm bên hông kia trong bảy tháng” hay sao?

- Thưa thầy, đúng vậy. Tôi đã cam đoan, nhưng mà tôi sẽ chết mất. Tôi không thể nằm một bên hông trong bảy tháng.

- Này gia chủ, như thế thì ngươi hãy nằm ngửa trong bảy tháng.

Sau đó, khi trải qua bảy ngày người gia chủ đại phú đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này:

- Thưa thầy, tôi không thể nằm ngửa trong bảy tháng.

- Này gia chủ, không phải ông đã cam đoan với tôi rằng: “Thưa thầy, tôi có thể nằm ngửa trong bảy tháng” hay sao?

- Thưa thầy, đúng vậy. Tôi đã cam đoan, nhưng mà tôi sẽ chết. Tôi không thể nằm ngửa trong bảy tháng.

- Này gia chủ, nếu tôi không nói nhiều lên như thế thì ông không thể nằm xuống được như vầy. Hơn nữa, tôi đã tính trước và biết rằng: “Trong ba lần bảy ngày, người gia chủ đại phú sẽ khỏi bệnh.” Này gia chủ, hãy đứng dậy, ông đã khỏi bệnh. Ông hãy xem coi “Công cán của tôi là cái gì?”

- Thưa thầy, tất cả tài sản hãy là của thầy và tôi sẽ là đầy tớ của thầy.

- Này gia chủ, thôi đi. Ông chớ có cho tôi tất cả tài sản và chớ có là đầy tớ của tôi. Hãy trao cho đức vua một trăm ngàn và tôi một trăm ngàn.

 Sau đó, người gia chủ đại phú được khỏi bệnh đã trao cho đức vua một trăm ngàn và Jīvaka Komārabhacca một trăm ngàn.

[133] Vào lúc bấy giờ, người con trai của nhà đại phú ở Bārāṇasī (Ba La Nại) trong lúc chơi giỡn trò nhào lộn bị bệnh xoắn ruột. Vì thế, ngay cả cháo húp vào cũng không được tiêu hóa đúng đắn, vật thực ăn vào cũng không được tiêu hóa đúng đắn, thậm chí việc tiểu tiện đại tiện cũng không bình thường. Do đó, cậu trai trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Khi ấy, nhà đại phú thành Bārāṇasī đã khởi ý điều này: “Con trai ta có chứng bệnh như thế này. Ngay cả cháo húp vào cũng không được tiêu hóa đúng đắn, vật thực ăn vào cũng không được tiêu hóa đúng đắn, thậm chí việc tiểu tiện đại tiện cũng không bình thường. Do đó, con trai ta trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Hay là ta nên đi đến thành Rājagaha cầu xin đức vua phái thầy thuốc Jīvaka điều trị cho con trai của ta vậy?” Sau đó, nhà đại phú ở Bārāṇasī đã đi đến gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã nói với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha điều này:

- Tâu bệ hạ, con trai thần có chứng bệnh như thế này. Ngay cả cháo húp vào cũng không được tiêu hóa đúng đắn, vật thực ăn vào cũng không được tiêu hóa đúng đắn, thậm chí việc tiểu tiện đại tiện cũng không bình thường. Do đó, con trai thần trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân. Tâu bệ hạ, tốt đẹp thay xin bệ hạ hãy ra lệnh cho thầy thuốc Jīvaka điều trị cho con trai của thần.

Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra lệnh cho Jīvaka Komārabhacca rằng:

- Này khanh Jīvaka, hãy đi. Sau khi đi đến Bārāṇasī khanh hãy điều trị cho con trai nhà đại phú ở Bārāṇasī.

- Tâu bệ hạ, xin vâng.

Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo lời đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi Bārāṇasī gặp người con trai nhà đại phú ở Bārāṇasī, sau khi đến đã xem xét sự biến đổi ở sắc mặt của người con trai nhà đại phú ở Bārāṇasī rồi bảo mọi người tránh đi, dùng màn che vây kín lại, cột chặt (người con trai) vào cây cột nhà, bảo người vợ đứng ở phía trước, rồi cắt làn da ở bụng, lấy ruột ra, đưa cho người vợ thấy (nói rằng):

- Hãy nhìn xem bệnh của tướng công bà. Vì điều này mà ngay cả cháo húp vào cũng không được tiêu hóa đúng đắn, vật thực ăn vào cũng không được tiêu hóa đúng đắn, thậm chí việc tiểu tiện đại tiện cũng không bình thường. Vì điều ấy, người này trở nên ốm o, cằn cỗi, xuống sắc, có vẻ xanh xao, thân hình nổi đầy gân.

Rồi Jīvaka Komārabhacca đã tháo gở phần ruột bị xoắn, đặt các thứ ruột vào trở lại, khâu lại làn da bụng, rồi bôi thuốc mỡ vào.

Sau đó chẳng bao lâu, người con trai nhà đại phú ở Bārāṇasī đã được khỏi bệnh. Khi ấy, người con trai nhà đại phú ở Bārāṇasī (nghĩ rằng): “Ta đã được khỏi bệnh” rồi đã thưởng cho Jīvaka Komārabhacca mười sáu ngàn. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã cầm lấy mười sáu ngàn ấy rồi quay trở về lại thành Rājagaha.

[134] Vào lúc bấy giờ, đức vua Pajjota xứ Ujjenī bị bệnh vàng da. Nhiều thầy thuốc vô cùng nổi danh và tiếng tăm lừng lẫy đã đi đến và chữa trị dài ngày vẫn không đủ khả năng làm lành bệnh; họ đã nhận lãnh nhiều vàng rồi ra đi. Sau đó, đức vua Pajjota đã phái sứ giả đi đến tâu trực tiếp với đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha rằng:

- Tâu bệ hạ, tôi bị bệnh như thế này. Tâu bệ hạ, tốt đẹp thay xin bệ hạ hãy ra lệnh cho thầy thuốc Jīvaka điều trị cho tôi.

Khi ấy, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã ra lệnh cho Jīvaka Komārabhacca rằng:

- Này khanh Jīvaka, hãy đi. Sau khi đi đến Ujjenī khanh hãy điều trị cho đức vua Pajjota.

- Tâu bệ hạ, xin vâng.

Rồi Jīvaka Komārabhacca nghe theo lời đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha đã đi Ujjenī gặp đức vua Pajjota, sau khi đến đã xem xét sự biến đổi ở sắc mặt của đức vua Pajjota rồi đã nói điều này:

- Tâu bệ hạ, thần sẽ đun sôi bơ lỏng và bệ hạ sẽ uống thứ ấy.

- Này khanh Jīvaka, thôi đi. Ngươi hãy làm khỏi bệnh bằng cách nào mà có thể không dùng bơ lỏng. Đối với ta, bơ lỏng ghê tởm và không thích hợp.

Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Bệnh của đức vua này là như thế ấy; không dùng bơ lỏng ta không thể nào làm khỏi bệnh được. Hay là ta nên nấu sôi bơ lỏng có màu cam, hương của cam, và vị của cam?” Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã nấu sôi bơ lỏng có màu cam, hương của cam, và vị của cam với nhiều loại dược phẩm. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Bơ lỏng khi đã được đức vua này uống vào, trong khi được tiêu hóa sẽ làm ợ chua. Đức vua này thì tàn bạo có thể cho người giết ta, hay là ta nên hỏi phòng xa trước?” Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp đức vua Pajjota, sau khi đến đã nói với đức vua Pajjota điều này:

- Tâu bệ hạ, những người thầy thuốc chúng tôi nhổ các thứ rễ cây, thu hoạch các thứ dược phẩm vào thời điểm thích hợp. Tốt đẹp thay xin bệ hạ hãy ra lệnh cho các trạm xe và các cổng thành rằng: “Jīvaka muốn đi bằng xe nào thì hãy để cho đi bằng xe đó, muốn đi ra bằng cổng nào thì hãy để cho đi ra bằng cổng đó, muốn đi ra lúc nào thì hãy cho đi ra lúc đó, muốn đi vào lúc nào thì hãy cho đi vào lúc đó.”

Sau đó, đức vua Pajjota đã ra lệnh cho các trạm xe và các cổng thành rằng:

- Jīvaka muốn đi bằng xe nào thì hãy để cho đi bằng xe đó, muốn đi ra bằng cổng nào thì hãy để cho đi ra bằng cổng đó, muốn đi ra lúc nào thì hãy cho đi ra lúc đó, muốn đi vào lúc nào thì hãy cho đi vào lúc đó.

Vào lúc bấy giờ, đức vua Pajjota có con voi cái tên là Bhaddavatikā có thể đi năm mươi do tuần (trong một ngày). Rồi Jīvaka Komārabhacca đã đem lại thứ bơ lỏng ấy cho đức vua Pajjota (nói rằng):

- Xin bệ hạ hãy uống cam.

Sau đó, khi đã cho đức vua Pajjota uống bơ lỏng xong, Jīvaka Komārabhacca đã đi ra chuồng voi và vội vã rời thành phố bằng con voi cái Bhaddavatikā. Sau đó, khi đã được đức vua Pajjota uống vào và trong khi tiêu hóa, bơ lỏng ấy đã làm ợ chua.Khi ấy, đức vua Pajjota đã nói với mọi người điều này:

- Này các khanh, Jīvaka xảo trá đã làm cho ta phải uống bơ lỏng. Như thế thì các khanh hãy truy nã thầy thuốc Jīvaka.

- Tâu bệ hạ, (thầy thuốc Jīvaka) đã vội vã rời thành phố bằng con voi cái Bhaddavatikā rồi.

Vào lúc bấy giờ, đức vua Pajjota có nam nô lệ tên là Kāka được sanh ra có nguồn gốc phi nhân có thể đi sáu mươi do tuần (trong một ngày). Khi ấy, đức vua Pajjota đã ra lệnh cho nô lệ Kāka rằng:

- Này khanh Kāka, hãy đi và hãy đem thầy thuốc Jīvaka quay trở về (nói rằng): “Thưa thầy, đức vua bảo đem thầy quay trở về.” Này khanh Kāka, bọn thầy thuốc ấy vốn vô cùng quỷ quyệt nên khanh chớ có nhận lãnh bất cứ vật gì từ ông ta.

Sau đó, vào khoảng giữa đường đi tại thành Kosambī, người nô lệ Kāka đã bắt gặp Jīvaka Komārabhacca đang dùng điểm tâm. Khi ấy, người nô lệ Kāka đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này:

- Thưa thầy, đức vua bảo đem thầy quay trở về.

- Này chú em Kāka, hãy chờ cho ta ăn. Này chú em Kāka, ngươi cũng nên ăn đi.

- Thưa thầy, thôi đi. Tôi đã được đức vua ra lệnh rằng: “Này khanh Kāka, bọn thầy thuốc ấy vốn vô cùng quỷ quyệt nên khanh chớ có nhận lãnh bất cứ vật gì từ ông ta.”

Vào lúc bấy giờ, Jīvaka Komārabhacca đã dùng móng tay khảy lấy (chút) dược phẩm rồi ăn trái cây āmalaka và uống nước. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã nói với nô lệ Kāka điều này:

- Này chú em Kāka, ngươi hãy ăn trái cây āmalaka và nên uống nước.

Khi ấy, nô lệ Kāka (nghĩ rằng): “Thầy thuốc này ăn trái cây āmalaka và uống nước. Điều ấy xem ra không có điều gì là sai trái cả” rồi đã ăn nửa trái āmalaka và uống nước. Khi người nô lệ ấy vừa ăn vào nửa phần của trái āmalaka ấy liền bị ói ra ngay tại chỗ ấy. Khi ấy, nô lệ Kāka đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này:

- Thưa thầy, tôi có được còn mạng sống không?

- Này chú em Kāka, chớ có sợ. Rồi chính ngươi sẽ được khỏi bệnh. Còn đức vua thì tàn bạo, đức vua ấy cũng có thể ra lệnh giết ta; vì thế ta không quay trở lại.

Sau khi đã trao con voi cái Bhaddavatikā cho nô lệ Kāka dắt trở về, Jīvaka Komārabhacca đã ra đi về phía thành Rājagaha, tuần tự đã đi đến thành Rājagaha gặp đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha, sau khi đến đã trình sự việc ấy cho đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.

- Này khanh Jīvaka, khanh đã làm tuyệt lắm. Bởi vì nếu khanh không vội vã ra đi, đức vua Pajjota tàn bạo ấy cũng có thể ra lệnh giết khanh.

Sau đó, đức vua Pajjota khi được khỏi bệnh đã phái sứ giả đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca (nói rằng):

- Jīvaka hãy đi đến. Trẫm sẽ ban đặc ân.

(Jīvaka Komārabhacca đã nhắn lại rằng:)

- Tâu bệ hạ, thôi đi. Chỉ xin bệ hạ nhớ cho chức vụ của thần.

Vào lúc bấy giờ, đức vua Pajjota được phát sanh xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi là loại hạng nhất, phẩm chất tốt, nổi tiếng, cao quý, và sang trọng trong vô số các loại vải, trong vô số các xấp vải đôi, trong hàng trăm xấp vải đôi, trong hàng ngàn xấp vải đôi, trong hàng trăm ngàn xấp vải đôi. Sau đó, đức vua Pajjota đã phái người đem xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi ban cho Jīvaka Komārabhacca. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi đã được đức vua Pajjota gởi đến cho ta là loại hạng nhất, phẩm chất tốt, nổi tiếng, cao quý, và sang trọng trong vô số các loại vải, trong vô số các xấp vải đôi, trong hàng trăm xấp vải đôi, trong hàng ngàn xấp vải đôi, trong hàng trăm ngàn xấp vải đôi; không ai xứng đáng để sử dụng xấp vải đôi này ngoại trừ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy hoặc là đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha.”

[135] Vào lúc bấy giờ, cơ thể của đức Thế Tôn phát ra mùi khó chịu. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo với đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, cơ thể của Như Lai phát ra mùi khó chịu. Như Lai muốn uống liều thuốc xổ.

Sau đó, đại đức Ānanda đã đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca, sau khi đến đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này:

- Này đạo hữu Jīvaka, cơ thể của Như Lai phát ra mùi khó chịu. Như Lai muốn uống liều thuốc xổ.

- Thưa ngài Ānanda, như thế thì ngài hãy thoa dầu nơi cơ thể của đức Thế Tôn một vài ngày.

Sau đó, khi đã thoa dầu nơi cơ thể của đức Thế Tôn một vài ngày, đại đức Ānanda đã đi đến gặp Jīvaka Komārabhacca, sau khi đến đã nói với Jīvaka Komārabhacca điều này:

- Này đạo hữu Jīvaka, cơ thể của Như Lai đã được thoa dầu, đạo hữu hãy suy nghĩ xem bây giờ là thời điểm của việc gì.

Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Thật là không đúng đắn cho ta việc ta dâng đức Thế Tôn liều thuốc xổ thô tháo, hay là ta nên dùng ba nắm sen và nhiều loại dược phẩm trộn lẫn nhau rồi dâng đến đức Như Lai?” Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã dùng ba nắm sen và nhiều loại dược phẩm trộn lẫn nhau rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã dâng lên đức Thế Tôn một nắm sen (nói rằng):

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hít vào nắm sen thứ nhất này, liều này sẽ làm đức Thế Tôn xổ mười lần.

Rồi đã dâng đức Thế Tôn nắm sen thứ hai (nói rằng):

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hít vào nắm sen thứ hai này, liều này sẽ làm đức Thế Tôn xổ mười lần.

Rồi đã dâng đức Thế Tôn nắm sen thứ ba (nói rằng):

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hít vào nắm sen thứ ba này, liều này sẽ làm đức Thế Tôn xổ mười lần. Như thế đức Thế Tôn sẽ có liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần.

Sau đó, khi đã dâng đức Thế Tôn liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần, Jīvaka Komārabhacca đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Khi ấy, trong khi đang đi ra khỏi cổng ra vào, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Ta đã dâng lên đức Thế Tôn liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần nhưng do cơ thể của đức Như Lai đã bị phát ra mùi khó chịu nên sẽ không làm đức Thế Tôn xổ đầy đủ ba mươi lần mà chỉ làm đức Thế Tôn xổ hai mươi chín lần. Tuy nhiên, khi đức Thế Tôn đã được xổ, ngài sẽ tắm; và khi tắm, liều thuốc sẽ làm đức Thế Tôn xổ một lần nữa. Như thế, đức Thế Tôn sẽ có được liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần.”

Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của Jīvaka Komārabhacca nên đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, ở đây trong khi đang đi ra khỏi cổng ra vào, Jīvaka Komārabhacca đã khởi ý điều này: “Ta đã dâng lên đức Thế Tôn liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần nhưng do cơ thể của đức Như Lai đã bị phát ra mùi khó chịu nên sẽ không làm đức Thế Tôn xổ đầy đủ ba mươi lần mà chỉ làm đức Thế Tôn xổ hai mươi chín lần. Tuy nhiên, khi đức Thế Tôn đã được xổ, ngài sẽ tắm; và khi tắm, liều thuốc sẽ làm đức Thế Tôn xổ một lần nữa. Như thế, đức Thế Tôn sẽ có được liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần.” Này Ānanda, như thế thì ngươi hãy chuẩn bị sẵn sàng nước nóng.

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã chuẩn bị sẵn sàng nước nóng.

Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Jīvaka Komārabhacca đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, đức Thế Tôn đã được xổ chưa?

- Này Jīvaka, ta đã được xổ.

- Bạch ngài, ở đây trong khi đang đi ra khỏi cổng ra vào, con đã khởi ý điều này: “Ta đã dâng lên đức Thế Tôn liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần nhưng do cơ thể của đức Như Lai đã bị phát ra mùi khó chịu nên sẽ không làm đức Thế Tôn xổ đầy đủ ba mươi lần mà chỉ làm đức Thế Tôn xổ hai mươi chín lần. Tuy nhiên, khi đức Thế Tôn đã được xổ, ngài sẽ tắm; và khi tắm, liều thuốc sẽ làm đức Thế Tôn xổ một lần nữa. Như thế, đức Thế Tôn sẽ có được liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần.” Bạch ngài, xin đức Thế Tôn hãy tắm, xin đấng Thiện Thệ hãy tắm.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã tắm nước nóng. Khi tắm, (liều thuốc) đã làm đức Thế Tôn xổ một lần nữa. Như thế, đức Thế Tôn đã có được liều thuốc xổ tổng cộng ba mươi lần. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, cho đến khi cơ thể của đức Thế Tôn trở lại bình thường, cần kiêng đồ khất thực là nước trái cây.

Sau đó chẳng bao lâu, cơ thể của đức Thế Tôn đã được bình thường. Khi ấy, Jīvaka Komārabhacca đã cầm lấy xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi ấy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, Jīvaka Komārabhacca đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, con cầu xin đức Thế Tôn một điều ước muốn.

- Này Jīvaka, các đấng Như Lai đã vượt khỏi các điều ước muốn.

- Bạch ngài, điều ấy là hợp lý, điều ấy không bị chê trách.

- Này Jīvaka, hãy nói đi.

- Bạch ngài, đức Thế Tôn là vị sử dụng y may từ vải bị quăng bỏ, và hội chúng tỳ khưu cũng vậy. Bạch ngài, xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi này của con đã được gởi đến từ vua Pajjota là loại hạng nhất, phẩm chất tốt, nổi tiếng, cao quý, và sang trọng trong vô số các loại vải, trong vô số các xấp vải đôi, trong hàng trăm xấp vải đôi, trong hàng ngàn xấp vải đôi, trong hàng trăm ngàn xấp vải đôi. Bạch ngài, xin ngài thọ lãnh xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi này của con và cho phép y của gia chủ (gahapaticīvaraṃ) [1] đến hội chúng tỳ khưu.

Đức Thế Tôn đã thọ lãnh xấp vải đôi sản xuất tại xứ Sivi. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Jīvaka Komārabhacca bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Jīvaka Komārabhacca đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép y của gia chủ. Vị nào thích thì hãy là vị sử dụng y may từ vải bị quăng bỏ, vị nào thích thì hãy chấp nhận y của gia chủ. Và này các tỳ khưu, ta ngợi khen sự biết đủ (dầu) với loại này hay loại kia (itarītarena).

[136] Rồi dân chúng trong thành Rājagaha đã nghe được rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã cho phép y của gia chủ đến các vị tỳ khưu.” Và những người dân ấy đã trở nên mừng rỡ phấn chấn (nghĩ rằng): “Giờ đây, chúng ta sẽ dâng các vật bố thí, chúng ta sẽ làm các việc phước thiện, bởi vì đức Thế đã cho phép y của gia chủ đến các vị tỳ khưu.” Và chỉ trong một ngày, ở trong thành Rājagaha nhiều ngàn y đã được phát sanh.

Rồi dân chúng trong nước đã nghe được rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn đã cho phép y của gia chủ đến các vị tỳ khưu.” Và những người dân ấy đã trở nên mừng rỡ phấn chấn (nghĩ rằng): “Giờ đây, chúng ta sẽ dâng các vật bố thí, chúng ta sẽ làm các việc phước thiện, bởi vì đức Thế đã cho phép y của gia chủ đến các vị tỳ khưu.” Và chỉ trong một ngày, ở trong nước nhiều ngàn y đã được phát sanh.

[137] Vào lúc bấy giờ, có tấm vải choàng (pāvāro) được phát sanh đến hội chúng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tấm vải choàng.

Có tấm vải choàng bằng tơ lụa (koseyyapāvāro) được phát sanh đến hội chúng.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tấm vải choàng bằng tơ lụa.

Có tấm choàng lông (kojava) được phát sanh đến hội chúng.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép tấm choàng lông.

Dứt tụng phẩm thứ nhất.

[138] Vào lúc bấy giờ, đức vua xứ Kāsī đã gởi đến Jīvaka Komārabhacca tấm mền len (kambalaṃ) trị giá nửa kāsī[2] hoặc tương đương với nửa kāsī. Sau đó, Jīvaka Komārabhacca đã cầm lấy tấm mền len trị giá nửa kāsī ấy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Sau khi đã ngồi xuống một bên, Jīvaka Komārabhacca đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, tấm mền len này của con trị giá nửa kāsī hoặc tương đương với nửa kāsī đã được đức vua xứ Kāsī gởi đến. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lãnh tấm mền, điều ấy sẽ đem lại sự lợi ích và sự an lạc lâu dài cho con.

Đức Thế Tôn đã thọ lãnh tấm mền len. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho Jīvaka Komārabhacca bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Jīvaka Komārabhacca đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) tấm mền len.

[139] Vào lúc bấy giờ, có các y loại đặc biệt phát sanh đến hội chúng. Khi ấy, các tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Loại y nào đã được đức Thế Tôn cho phép, loại nào không được cho phép?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép sáu loại y: loại bằng sợi lanh (khomaṃ), loại bằng bông vải (kappāsikaṃ), loại bằng tơ lụa (koseyyaṃ), loại bằng sợi len (kambalaṃ), loại bằng gai thô (sāṇam), loại bằng chỉ bố (bhaṅgaṃ).

Vào lúc bấy giờ, những vị tỳ khưu nào chấp nhận y của gia chủ, những vị ấy ngần ngại không chấp nhận loại vải dơ bị quăng bỏ (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn cho phép chỉ một loại y chứ không phải hai.” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vị chấp nhận y của gia chủ chấp nhận luôn cả loại vải dơ bị quăng bỏ và này các tỳ khưu ta ngợi khen sự biết đủ với cả hai loại ấy,

[140] Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đang đi đường xa ở trong xứ Kosala. Một số tỳ khưu đã đi vào bãi tha ma để kiếm vải dơ bị quăng bỏ. Một số tỳ khưu đã không chờ đợi. Những vị tỳ khưu đi vào bãi tha ma đã nhặt được nhiều vải quấn tử thi. Những vị tỳ khưu không chờ đợi đã nói như vầy:

- Này các đại đức, hãy chia phần cho cả chúng tôi nữa.

Những vị kia đã nói như vầy:

- Này các đại đức, chúng tôi sẽ không chia phần cho các vị. Tại sao các vị đã không chờ đợi?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép không chia phần cho các vị không chờ đợi nếu không có ý muốn.

Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đang đi đường xa ở trong xứ Kosala. Một số tỳ khưu đã đi vào bãi tha ma để kiếm vải dơ bị quăng bỏ. Một số tỳ khưu đã chờ đợi. Những vị tỳ khưu đi vào bãi tha ma đã nhặt được nhiều vải quấn tử thi. Những tỳ khưu chờ đợi đã nói như vầy:

- Này các đại đức, hãy chia phần cho cả chúng tôi nữa.

Những vị kia đã nói như vầy:

- Này các đại đức, chúng tôi sẽ không chia phần cho các vị. Tại sao các vị đã không đi vào?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chia phần cho các vị đã chờ đợi mặc dầu không muốn.

Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đang đi đường xa ở trong xứ Kosala. Một số tỳ khưu đã đi vào bãi tha ma trước để kiếm vải dơ bị quăng bỏ. Một số tỳ khưu đã đi vào sau. Những vị tỳ khưu đi vào bãi tha ma trước đã nhặt được nhiều vải quấn tử thi. Những vị tỳ khưu đi vào sau đã không nhặt được. Những vị ấy đã nói như vầy:

- Này các đại đức, hãy chia phần cho cả chúng tôi nữa.

Những vị kia đã nói như vầy:

- Này các đại đức, chúng tôi sẽ không chia phần cho các vị. Tại sao các vị đã đi vào sau?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép không chia phần cho các vị đi vào sau nếu không có ý muốn.

Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đang đi đường xa ở trong xứ Kosala. Các vị đã đi vào bãi tha ma cùng một lúc để kiếm vải dơ bị quăng bỏ. Một số vị tỳ khưu đã nhặt được nhiều vải quấn tử thi. Một số vị tỳ khưu đã không nhặt được. Những vị tỳ khưu không nhặt được đã nói như vầy:

- Này các đại đức, hãy chia phần cho cả chúng tôi nữa.

Những vị kia đã nói như vầy:

- Này các đại đức, chúng tôi sẽ không chia phần cho các vị. Tại sao các vị đã không nhặt được?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chia phần cho các vị đi vào cùng một lúc mặc dầu không muốn.

Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu đang đi đường xa ở trong xứ Kosala. Các vị đã cam kết với nhau rồi đi vào bãi tha ma để kiếm vải dơ bị quăng bỏ. Một số vị tỳ khưu đã nhặt được nhiều vải quấn tử thi. Một số vị tỳ khưu đã không nhặt được. Những vị tỳ khưu không nhặt được đã nói như vầy:

- Này các đại đức, hãy chia phần cho cả chúng tôi nữa.

Những vị kia đã nói như vầy:

- Này các đại đức, chúng tôi sẽ không chia phần cho các vị. Tại sao các vị đã không nhặt được?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chia phần cho các vị đã đi vào sau khi cam kết mặc dầu không muốn.

[141] Vào lúc bấy giờ, dân chúng cầm y đi đến tu viện. Họ không gặp được vị có trách nhiệm tiếp nhận nên đã mang về. Y phát sanh lên bị ít đi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị tiếp nhận y (cīvarapaṭiggāhaka) là vị tỳ khưu hội đủ năm điều: vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết (vật) được nhận hay không được nhận. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy:

Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị tiếp nhận y. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị tiếp nhận y. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị tiếp nhận y xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị tiếp nhận y. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[142] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu là các vị tiếp nhận y sau khi thọ lãnh y bỏ ngay tại chỗ ấy rồi ra đi. Y bị mất. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị cất giữ y (cīvaranidāhaka) là vị tỳ khưu hội đủ năm điều: vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết (vật) đã được cất giữ hay đã không được cất giữ. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy:

Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị cất giữ y. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị cất giữ y. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị cất giữ y xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị cất giữ y. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[143] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu là các vị cất giữ y cất giữ y ở mái che, ở gốc cây, ở hốc cây nimba, và ở ngoài trời. Các y đã bị gặm nhấm bởi các con chuột và loài mối. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định nhà kho chứa đồ (bhaṇḍāgāraṃ) thuộc loại nào mà hội chúng thích là trú xá (vihāraṃ), nhà một mái (aḍḍhayogaṃ), tòa nhà dài (pāsādaṃ), khu nhà lớn (hammiyaṃ), hang động (guhaṃ). Và này các tỳ khưu, nên được chỉ định như vầy:

Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định trú xá tên (như vầy) là nhà kho chứa đồ. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định trú xá tên (như vầy) là nhà kho chứa đồ. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định trú xá tên (như vầy) là nhà kho chứa đồ xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Trú xá tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là nhà kho chứa đồ. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[144] Vào lúc bấy giờ, y ở trong nhà kho chứa đồ không được bảo quản. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị quản lý nhà kho (bhaṇḍāgārika) là vị tỳ khưu hội đủ năm điều: vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể bị chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết (vật) đã được bảo quản hay đã không được bảo quản. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy:

Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quản lý nhà kho. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quản lý nhà kho. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị quản lý nhà kho xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị quản lý nhà kho. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

[145] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư làm cho vị quản lý nhà kho xao lãng (phận sự). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên làm vị giữ nhà kho xao lãng (phận sự); vị nào làm xao lãng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[146] Vào lúc bấy giờ, trong nhà kho chứa đồ của hội chúng y được dồi dào. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép hội chúng chia phần theo sự hiện diện.

Vào lúc bấy giờ, tất cả hội chúng trong lúc chia phần y đã gây ra cảnh náo động. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chỉ định vị chia y (cīvarabhājaka) là vị tỳ khưu hội đủ năm điều: vị không thể bị chi phối bởi sự ưa thích, không thể bị chi phối bởi sự sân hận, không thể chi phối bởi sự si mê, không thể bị chi phối bởi sự sợ hãi, vị biết (y) đã được phân chia hay chưa được phân chia. Và này các tỳ khưu, nên chỉ định như vầy:

Trước hết, vị tỳ khưu cần được yêu cầu; sau khi yêu cầu, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị chia y. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Hội chúng chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị chia y. Đại đức nào đồng ý việc chỉ định vị tỳ khưu tên (như vầy) là vị chia y xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã được hội chúng chỉ định là vị chia y. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Sau đó, các tỳ khưu là vị chia y đã khởi ý điều này: “Y nên được chia như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trước tiên phân loại, phỏng định giá trị, làm cho đồng đều (giá trị), đếm số tỳ khưu, gom lại thành nhóm, rồi xác định phần chia về y.

Khi ấy, các vị tỳ khưu chia y đã khởi ý điều này: “Phần chia về y có nên được cho đến sa di hay không?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cho các sa di một nửa của phần chia về y.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có ý muốn vượt qua (uttaritukāmo) (sông hoặc đoạn đường hoang vắng) với phần chia của bản thân. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trao cho phần chia của bản thân đến vị đang (chuẩn bị) vượt qua (sông hoặc đoạn đường hoang vắng).

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có ý muốn vượt qua (sông hoặc đoạn đường hoang vắng) với phần chia nhiều hơn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép trao cho phần chia nhiều hơn khi vật đền bù được trao lại.

Sau đó, các vị tỳ khưu chia y đã khởi ý điều này: “Phần chia về y nên được trao cho như thế nào, theo thứ tự đi đến hay là theo thâm niên?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép bốc thăm để làm hoan hỷ các vị không được phần (vikalake tosetvā kusapātaṃ kātunti).

[147] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhuộm y với phân bò và đất sét đỏ. Y có màu sắc xấu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép sáu loại thuốc nhuộm: thuốc nhuộm từ rễ cây, thuốc nhuộm từ thân cây, thuốc nhuộm từ vỏ cây, thuốc nhuộm từ lá cây, thuốc nhuộm từ bông hoa, thuốc nhuộm từ trái cây.

 Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhuộm y với nước lạnh. Y có mùi hôi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép nồi nhuộm loại nhỏ để nấu thuốc nhuộm.

Thuốc nhuộm bị tràn ra. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc vòng đế tròn (uttarāḷuvaṃ bandhituṃ) (ở phần trên mặt nước của nồi thuốc nhuộm).

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu không biết thuốc nhuộm đã được nấu hay chưa được nấu. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép nhỏ giọt vào trong nước hoặc ở bề lưng của móng tay.

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu khi đổ thuốc nhuộm ra, cái nồi bị xoay tròn. Cái nồi bị bể. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cái môi múc thuốc nhuộm, cái gàu có cán.

Vào lúc bấy giờ, cái thùng để nhuộm của các vị tỳ khưu chưa được sử dụng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chậu nhuộm, lu nhuộm.

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu vò nhồi y trong cái đĩa, trong bình bát. Y đã bị thủng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép máng nhuộm.

Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu trải y ra ở trên nền đất. Y bị lấm bụi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép thảm cỏ.

Thảm cỏ bị mối nhấm. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép sào máng y, dây treo y.

Các vị treo cao lên ở giữa. Thuốc nhuộm chảy ra hai bên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép buộc ở các góc (y).

Góc (y) bị sờn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép sợi chỉ ở các góc (y).

Thuốc nhuộm chảy ở một bên. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép nhuộm bằng cách trở y đầu này, rồi đảo trở lại, và không được bỏ đi khi nước chưa ngừng nhỏ giọt.

Vào lúc bấy giờ, y bị cứng. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép ngâm trong nước

Vào lúc bấy giờ, y bị thô nhám. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đập bằng bàn tay.

[148] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu nhóm Lục Sư mặc các y chưa được cắt, mặc các y màu ngà voi. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên mặc các y chưa được cắt; vị nào mặc thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[149] Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành đến Dakkhiṇāgiri. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy mảnh ruộng ở Magadha được kết nối bằng những khoảnh vuông vức, được kết nối bằng những đường biên dài rộng xung quanh, được kết nối bằng những đường biên ở giữa, được kết nối bằng những mảnh vuông giao nhau, sau khi nhìn thấy đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, ngươi có nhìn thấy mảnh ruộng ở Magadha của chúng ta được kết nối bằng những khoảnh vuông vức, được kết nối bằng những đường biên dài rộng xung quanh, được kết nối bằng những đường biên ở giữa, được kết nối bằng những mảnh vuông giao nhau không?

- Bạch ngài, thưa có.

- Này Ānanda, ngươi có khả năng thực hiện các y có kiểu mẫu như thế cho các vị tỳ khưu không?

- Bạch Thế Tôn, con có khả năng.

Sau đó, khi đã ngự tại Dakkhiṇāgiri theo như ý thích, đức Thế Tôn đã quay trở về lại thành Rājagaha. Khi ấy, đại đức Ānanda sau khi thực hiện các y cho nhiều vị tỳ khưu đã đi đ ến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin Thế Tôn hãy nhìn xem các y con đã thực hiện.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, Ānanda thật thông thái. Này các tỳ khưu, Ānanda có đại trí tuệ bởi vì vị ấy hiểu ý nghĩa một cách đầy đủ của điều đã được ta nói ra một cách vắn tắt. Vị ấy làm được dải nối theo chiều dọc (của y), vị ấy làm được dải nối theo chiều ngang (của y), vị ấy làm được mảnh lớn thuộc dải điều (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc dải điều (của y), vị ấy làm được mảnh lớn thuộc dải điều giữa (của y), vị ấy làm được mảnh lớn thuộc các dải điều bên (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc dải điều giữa (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc các dải điều kế (của y), vị ấy làm được mảnh nhỏ thuộc hai dải điều biên (của y), (như thế y) sẽ được cắt ra, sần sùi khi được ráp lại, phù hợp với sa-môn, không còn được mong mỏi bởi những kẻ đối nghịch.

Này các tỳ khưu, ta cho phép y hai lớp (saṅghāṭi) đã được cắt ra, thượng y (uttarāsaṅgaṃ) đã được cắt ra, y nội (antaravāsakaṃ) đã được cắt ra (rồi ráp lại).

[150] Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành đến thành Vesālī. Khi đang đi trên đoạn đường xa giữa Rājagaha và Vesālī, đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều vị tỳ khưu đang đi ngược chiều với các y được túm lại thành đống, các vị đã làm cuộn y ở trên đầu, các vị đã làm cuộn y ở vai, các vị đã làm cuộn y ở hông; sau khi nhìn thấy đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Những kẻ rồ dại này đã xoay xở được nhiều y thật mau mắn, hay là ta nên xác định sự hạn chế về y và quy định sự giới hạn về y?”

Sau đó, trong khi tuần tự du hành đức Thế Tôn đã ngự đến thành Vesālī. Tại nơi đó ở Vesālī, đức Thế Tôn ngụ tại điện thờ Gotamaka.

Vào lúc bấy giờ, trong khoảng thời gian tám đêm của mùa đông lạnh lẽo vào những lúc tuyết rơi, đức Thế Tôn đã ngồi ở ngoài trời vào ban đêm chỉ với một y và đức Thế Tôn đã không có cảm giác lạnh. Khi canh đầu đã qua, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở đức Thế Tôn, đức Thế Tôn đã trùm lên y thứ hai và đức Thế Tôn đã không còn cảm giác lạnh. Khi canh giữa đã qua, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở đức Thế Tôn, đức Thế Tôn đã trùm lên y thứ ba và đức Thế Tôn đã không còn cảm giác lạnh. Khi canh cuối đã qua, hừng đông đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở đức Thế Tôn, đức Thế Tôn đã trùm lên y thứ tư và đức Thế Tôn đã không còn cảm giác lạnh. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Các vị nào ở trong Pháp và Luật này là con trai của những nhà danh giá thường bị ảnh hưởng bởi sự lạnh và khiếp sợ sự lạnh, các vị ấy có thể đối phó (với sự lạnh) bằng ba y, hay là ta nên xác định sự hạn chế về y và quy định sự giới hạn về y cho các tỳ khưu, (hay là) ta nên cho phép ba y?” Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ở đây trong khi đi trên đoạn đường xa giữa Rājagaha và Vesālī, ta đã nhìn thấy nhiều vị tỳ khưu đang đi ngược chiều với các y được túm lại thành đống, các vị đã làm cuộn y ở trên đầu, các vị đã làm cuộn y ở vai, các vị đã làm cuộn y ở hông, sau khi nhìn thấy ta đã khởi ý điều này: “Những kẻ rồ dại này đã xoay xở được nhiều y thật mau mắn, hay là ta nên xác định sự hạn chế về y và quy định sự giới hạn về y?” Này các tỳ khưu, ở đây trong khoảng thời gian tám đêm của mùa đông lạnh lẽo vào những lúc tuyết rơi, ta đã ngồi ở ngoài trời vào ban đêm chỉ với một y và ta đã không có cảm giác lạnh. Khi canh đầu đã qua, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở ta, ta đã trùm lên y thứ hai và ta đã không còn cảm giác lạnh. Khi canh giữa đã qua, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở ta, ta đã trùm lên y thứ ba và ta đã không còn cảm giác lạnh. Khi canh cuối đã qua, khi hừng đông đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, cảm giác lạnh đã xuất hiện ở ta, ta đã trùm lên y thứ tư và ta đã không còn cảm giác lạnh. Khi ấy, ta đã khởi ý điều này: “Các vị nào ở trong Pháp và Luật này là con trai của những nhà danh giá thường bị ảnh hưởng bởi sự lạnh và khiếp sợ sự lạnh, các vị ấy có thể đối phó (với sự lạnh) bằng ba y, hay là ta nên xác định sự hạn chế về y và quy định sự giới hạn về y cho các tỳ khưu, (hay là) ta nên cho phép ba y?” Này các tỳ khưu, ta cho phép ba y gồm có y saṅghāṭi (tăng-già-lê) hai lớp, thượng y (uttarāsaṅgaṃ) một lớp, và y nội (antaravāsakaṃ) một lớp.

[151] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư (nghĩ rằng): “Đức Thế Tôn đã cho phép ba y” rồi đi vào làng với ba y nọ, mặc ở trong tu viện với ba y khác, và đi xuống tắm với ba y khác nữa. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại sử dụng y phụ trội (atirekacīvaraṃ)?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên sử dụng y phụ trội, vị nào sử dụng thì nên được hành xử theo Pháp.[3]

Vào lúc bấy giờ, y phụ trội đã phát sanh đến đại đức Ānanda. Và đại đức Ānanda có ý muốn dâng y ấy đến đại đức Sāriputta. Đại đức Sāriputta đang ngụ ở Sāketa. Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Không nên sử dụng y phụ trội.’ Và y phụ trội này đã phát sanh đến ta. Và ta có ý muốn dâng y này đến đại đức Sāriputta mà đại đức Sāriputta lại đang ngụ ở Sāketa. Vậy ta nên thực hành như thế nào?” Sau đó, đại đức Ānanda đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này Ānanda, bao lâu nữa Sāriputta sẽ đi lại đây?

- Bạch Thế Tôn, ngày thứ chín hoặc ngày thứ mười.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cất giữ y phụ trội tối đa mười ngày.

Vào lúc bấy giờ, có y phụ trội phát sanh đến các tỳ khưu. Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Chúng ta nên thực hành như thế nào đối với các y phụ trội?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chú nguyện để dùng chung (vikappetuṃ) y phụ trội.

[152] Sau đó, khi đã ngự tại thành Vesālī theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Bāraṇasī. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Bārāṇasī. Tại nơi đó ở Bārāṇasī, đức Thế Tôn ngự tại Isipatana, nơi vườn nai.

Vào lúc bấy giờ, y nội của vị tỳ khưu nọ bị rách. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã cho phép ba y gồm có y saṅghāṭi hai lớp, thượng y một lớp, và y nội một lớp. Và y nội này của ta bị rách, hay là ta nên đắp thêm miếng vá, như thế xung quanh sẽ là hai lớp và ở giữa là một lớp?” Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã đắp thêm miếng vá. Đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã nhìn thấy vị tỳ khưu ấy đang đắp thêm miếng vá, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này tỳ khưu, ngươi làm gì vậy?

- Bạch Thế Tôn, con đắp thêm miếng vá.

- Này tỳ khưu, thật tốt thay, thật tốt thay! Này tỳ khưu, thật tốt thay việc ngươi đắp thêm miếng vá!

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép khi vải còn mới hoặc được xem như mới thì y saṅghāṭi là hai lớp, thượng y là một lớp, và y nội là một lớp. Khi vải đã bị sờn bởi thời gian thì y saṅghāṭi là bốn lớp, thượng y là hai lớp, và y nội là hai lớp. Nên thực hiện việc nỗ lực (tìm kiếm) vải dơ bị quăng bỏ hay (được bỏ rơi) ở các cửa tiệm theo như nhu cầu. Này các tỳ khưu, ta cho phép (đắp thêm) miếng vá, (dùng) chỉ mạng, (đắp chồng) lớp nữa, miếng vá nhỏ, và việc may lại cho chắc chắn.

[153] Sau đó, khi đã ngự tại thành Rājagaha theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành về phía thành Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi đó ở Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho bà Visākhā mẹ của Migāra đang ngồi một bên bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, bà Visākhā mẹ của Migāra đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời con về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.

Vào lúc bấy giờ, khi trải qua đêm ấy có đám mây lớn khắp cả bốn châu đã đổ mưa xuống. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, trời mưa ở Jetavana như thế nào thì trời mưa ở bốn châu cũng như thế ấy. Này các tỳ khưu, hãy để cho thân thể ướt đẫm nước mưa, đây là trận mưa lớn khắp cả bốn châu lần cuối cùng.

- Bạch ngài, xin vâng. Rồi các vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn cởi các y ra và để cho thân thể ướt đẫm nước mưa.

Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra đã cho chuẩn bị sẵn sàng vật thực thượng hạng loại cứng loại mềm rồi bảo người tớ gái rằng:

- Này em, hãy đi. Sau khi đến tu viện, hãy thông báo thời giờ rằng: “Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.”

- Thưa bà, xin vâng.

Rồi người tớ gái nghe theo bà Visākhā mẹ của Migāra đã đi đến tu viện và nhìn thấy các vị tỳ khưu có các y đã được cởi ra và đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa, sau khi nhìn thấy (nghĩ rằng): “Các tỳ khưu không có ở trong tu viện, (chỉ có) các đạo sĩ lõa thể đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa” rồi đã đi đến gặp bà Visākhā mẹ của Migāra, sau khi đến đã nói với bà Visākhā mẹ của Migāra điều này:

- Thưa bà, các tỳ khưu không có ở trong tu viện, (chỉ có) các đạo sĩ lõa thể đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa.

Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra là người trí tuệ, kinh nghiệm, thông minh đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là các ngài đại đức có các y đã được cởi ra và để cho thân thể ướt đẫm nước mưa! Cô gái đần độn này đây đã nghĩ rằng: Các tỳ khưu không có ở trong tu viện, (chỉ có) các đạo sĩ lõa thể đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa,’” nên đã bảo người tớ gái rằng:

- Này em, hãy đi. Sau khi đến tu viện, hãy thông báo thời giờ rằng: “Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.”

Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy sau khi đã làm cho mát mẻ thân hình, có cơ thể được khoẻ khoắn, nên đã mặc y rồi đi vào trú xá của mình. Sau đó, người tớ gái ấy đã đi đến tu viện, trong khi không nhìn thấy các vị tỳ khưu (nên nghĩ rằng): “Các tỳ khưu không có ở trong tu viện, tu viện thì trống không” rồi đã đi đến gặp bà Visākhā mẹ của Migāra, sau khi đến đã nói với bà Visākhā mẹ của Migāra điều này:

- Thưa bà, các tỳ khưu không có ở trong tu viện, tu viện thì trống không.

Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra là người trí tuệ, kinh nghiệm, thông minh đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là các ngài đại đức sau khi đã làm cho mát mẻ thân hình, có cơ thể được khoẻ khoắn, nên đã mặc y rồi đi vào trú xá của mình. Cô gái đần độn này đây đã nghĩ rằng: ‘Các tỳ khưu không có ở trong tu viện, tu viện thì trống không,’” nên lại bảo người tớ gái rằng:

- Này em, hãy đi. Sau khi đến tu viện, hãy thông báo thời giờ rằng: “Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.”

Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, hãy sẵn sàng y bát, đã đến thời điểm của bữa ăn.

- Bạch ngài, xin vâng. Các vị tỳ khưu ấy đã đáp lời đức Thế Tôn

Sau đó, giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tợ như thế đức Thế Tôn đã biến mất tại Jetavana rồi hiện ra ở cổng nhà của bà Visākhā mẹ của Migāra. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống trên chỗ ngồi đã được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu.

Khi ấy , bà Visākhā mẹ của Migāra (nghĩ rằng): “Thật kỳ diệu thay! Thật phi thường thay! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì trong khi cơn lụt đang dâng tới mức đầu gối, trong khi cơn lụt đang dâng lên tới hông thế mà không một vị tỳ khưu nào có các bàn chân hoặc các y bị ướt!” nên mừng rỡ phấn chấn rồi đã tự tay làm hài lòng và thỏa mãn hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn thượng hạng loại cứng loại mềm. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong bàn tay đã rời khỏi bình bát, bà Visākhā mẹ của Migāra đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, bà Visākhā mẹ của Migāra đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, con cầu xin đức Thế Tôn tám điều ước muốn.

- Này Visākhā, các đấng Như Lai đã vượt khỏi các điều ước muốn.

- Bạch ngài, các điều ấy là hợp lý, các điều ấy không bị chê trách.

- Này Visākhā, hãy nói đi.

- Bạch ngài, con muốn dâng vải choàng (tắm) mưa đến hội chúng, dâng bữa ăn dành cho vị vãng lai (āgantukabhattaṃ), dâng bữa ăn dành cho vị ra đi (gamikabhattaṃ), dâng bữa ăn dành cho vị bị bệnh (gilānabhattaṃ), dâng bữa ăn dành cho vị chăm sóc bệnh (gilānupaṭṭhākabhattaṃ), dâng dược phẩm dành cho vị bị bệnh (gilānabhesajjaṃ), dâng cháo hàng ngày (dhuvayāguṃ), dâng vải choàng tắm (udakasāṭikaṃ) đến hội chúng tỳ khưu ni đến trọn đời.

- Này Visākhā, trong khi thấy rõ sự hữu dụng gì mà bà lại cầu xin Như Lai tám điều ước muốn?

- Bạch ngài, ở đây con đã bảo người tớ gái rằng: “Này em, hãy đi. Sau khi đến tu viện, hãy thông báo thời giờ rằng: ‘Bạch ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong’.” Khi ấy, người tớ gái ấy đã đi đến tu viện và nhìn thấy các vị tỳ khưu có các y đã được cởi ra và đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa, sau khi nhìn thấy (nghĩ rằng): “Các tỳ khưu không có ở trong tu viện, (chỉ có) các đạo sĩ lõa thể đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa” rồi đã đi đến gặp con, sau khi đến đã nói với con điều này: “Thưa bà, các tỳ khưu không có ở trong tu viện, (chỉ có) các đạo sĩ lõa thể đang để cho thân thể ướt đẫm nước mưa.” Bạch ngài, sự trần truồng là không tinh khiết, ghê tởm, bị lên án. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng vải choàng (tắm) mưa đến trọn đời.

Bạch ngài còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu vãng lai không rành rẽ đường xá, không rành rẽ khu vực, đi khất thực trong khi đang mệt nhọc. Vị ấy sau khi thọ thực bữa ăn dành cho vị vãng lai của con được rành rẽ đường xá, được rành rẽ khu vực, sẽ đi khất thực trong khi không còn mệt nhọc. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng bữa ăn dành cho vị vãng lai đến trọn đời.

Bạch ngài còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu ra đi trong khi tự mình tìm kiếm vật thực sẽ bị trễ đoàn lữ hành, hoặc sẽ đến nơi (mà vị ấy) có ý muốn đi đến vào lúc trời tối, sẽ phải đi đường xa trong khi đang mệt nhọc. Vị ấy sau khi thọ thực bữa ăn dành cho vị ra đi của con sẽ không bị trễ đoàn lữ hành, sẽ không đến nơi (mà vị ấy) có ý muốn đi đến vào lúc trời tối, sẽ đi đường xa trong khi không mệt nhọc. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng bữa ăn dành cho vị ra đi đến trọn đời.

Bạch ngài còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu bị bệnh trong khi không nhận được các thức ăn thích hợp, bệnh tình sẽ trầm trọng, hoặc sẽ chết đi. Trong khi vị ấy thọ dụng bữa ăn dành cho vị bệnh của con, bệnh tình sẽ không trầm trọng, sẽ không chết đi. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng bữa ăn dành cho vị bị bệnh đến trọn đời.

Bạch ngài còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu là vị chăm sóc bệnh trong khi tự mình tìm kiếm thức ăn sẽ đem lại bữa ăn của vị bệnh lúc mặt trời đã lên (cao) và sẽ bị lỡ bữa ăn. Vị ấy sau khi thọ dụng bữa ăn dành cho vị chăm sóc bệnh của con sẽ đem lại thức ăn của vị bệnh lúc đúng thời và sẽ không bị lỡ bữa ăn. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng bữa ăn dành cho vị chăm sóc bệnh đến trọn đời.

Bạch ngài còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu bị bệnh trong khi không nhận được các loại dược phẩm thích hợp, bệnh tình sẽ trầm trọng, hoặc sẽ chết đi. Trong khi vị ấy thọ dụng dược phẩm dành cho vị bệnh của con, bệnh tình sẽ không trầm trọng, sẽ không chết đi. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng dược phẩm dành cho vị bị bệnh đến trọn đời.

Bạch ngài còn có điều khác nữa, ở Andhakavinda do thấy rõ mười điều lợi ích mà đức Thế Tôn đã cho phép (thọ dụng) cháo. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng cháo hàng ngày đến trọn đời.

Bạch ngài còn có điều khác nữa, các tỳ khưu ni trong khi tắm trần truồng với các cô điếm ở một bãi tắm của sông Aciravatī, bạch ngài các cô điếm ấy đã chế giễu các tỳ khưu ni rằng: “Các bà đại đức ơi, vì điều gì mà các bà thực hành Phạm hạnh trong lúc đang còn trẻ vậy? Chớ không phải là các dục lạc nên được thỏa thích hay sao? Khi nào trở nên già cả, các bà sẽ thực hành Phạm hạnh, như thế các bà sẽ vớ được cả hai đầu mối.” Bạch ngài, khi bị các cô điếm chế giễu các tỳ khưu ni ấy đã mắc cở. Bạch ngài, sự trần truồng của phụ nữ là không tinh khiết, ghê tởm, bị lên án. Bạch ngài, trong khi thấy rõ sự hữu dụng này mà con muốn dâng đến hội chúng tỳ khưu ni vải choàng tắm đến trọn đời.

- Này Visākhā, trong khi thấy rõ lợi ích gì mà bà lại cầu xin Như Lai tám điều ước muốn?

- Bạch ngài, ở đây các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa ở các phương sẽ đi đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn, các vị ấy sau khi đi đến gặp đức Thế Tôn sẽ hỏi rằng: “Bạch ngài, vị tỳ khưu tên (như vầy) đã từ trần. Cõi tái sanh của vị ấy là gì? Cảnh giới tương lai của vị ấy là gì?” Đức Thế Tôn sẽ nói về vị ấy rằng: “Trong quả vị Nhập Lưu, hoặc là trong quả vị Nhất Lai, hoặc là trong quả vị Bất Lai, hoặc là trong quả vị A-la-hán.” Con sẽ đi đến gặp (các vị) và hỏi rằng: “Thưa các ngài, có phải vị đại đức ấy trước đây đã đi đến Sāvatthi?” Nếu các vị trả lời con rằng: “Vị tỳ khưu ấy trước đây đã đi đến Sāvatthi.” Trường hợp ấy, con sẽ đi đến kết luận là: “Chắc chắn rằng vị đại đức ấy đã thọ dụng hoặc là vải choàng (tắm) mưa, hoặc là bữa ăn dành cho vị vãng lai, hoặc là bữa ăn dành cho vị ra đi, hoặc là bữa ăn dành cho vị bị bệnh, hoặc là bữa ăn dành cho vị chăm sóc bệnh, hoặc là dược phẩm dành cho vị bị bệnh, hoặc là cháo hàng ngày.” Trong khi nhớ lại điều ấy, sự hân hoan sẽ được sanh khởi ở con đây, do sự hân hoan mà hỷ sẽ được sanh khởi, do tâm có hỷ mà thân sẽ khinh an, do thân được khinh an con sẽ cảm giác sự an lạc, có sự an lạc tâm sẽ được định, con sẽ có được sự tu tập về Căn Quyền, có sự tu tập về Lực, có sự tu tập về Giác Chi. Bạch ngài, trong khi thấy rõ lợi ích này mà con cầu xin Như Lai tám điều ước muốn.

- Này Visākhā, thật tốt lắm, thật tốt lắm! Này Visākhā, thật tốt thay trong khi thấy rõ lợi ích này mà bà cầu xin Như Lai tám điều ước muốn. Này Visākhā, ta cho phép bà tám điều ước muốn.

Sau đó, đức Thế Tôn đã tùy hỷ công đức cho bà Visākhā mẹ của Migāra bằng những lời kệ này:

[154]

Trong khi dâng cơm nước
nữ nhân được hân hoan,
thành tựu về giới luật
là đệ tử Thiện Thệ.
Vượt qua được bỏn xẻn,
người cúng dường vật thí
được hứa hẹn cõi trời,
hết sầu được an lạc.
Cô ấy đạt sức mạnh
và tuổi thọ của trời
đã đi vào đạo lộ
không nhiễm ô, thanh tịnh.
Cô ấy mong tạo phước
được an lạc, vô bệnh,
và vui hưởng dài lâu,
trong cuộc sống thiên đình.

[155] Sau đó, khi đã tùy hỷ công đức cho bà Visākhā mẹ của Migāra bằng những lời kệ này, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép vải choàng (tắm) mưa, bữa ăn dành cho vị vãng lai, bữa ăn dành cho vị ra đi, bữa ăn dành cho vị bị bệnh, bữa ăn dành cho vị chăm sóc bệnh, dược phẩm dành cho vị bị bệnh, cháo hàng ngày, vải choàng tắm đến hội chúng tỳ khưu ni.

Dứt tụng phẩm Visākhā.

[156] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu sau khi thọ thực thức ăn thượng hạng, có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ. Trong khi các vị có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ rồi tinh dịch bị xuất ra do chiêm bao khiến chỗ nằm ngồi bị lấm lem vì chất dơ. Khi ấy, đức Thế Tôn trong lúc đang đi dạo quanh các trú xá cùng với đại đức Ānanda là sa-môn hầu cận đã nhìn thấy chỗ nằm ngồi bị lấm lem vì chất dơ, sau khi nhìn thấy đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, tại sao chỗ nằm ngồi này bị lấm lem?

- Bạch ngài, hiện nay các vị tỳ khưu sau khi thọ thực thức ăn thượng hạng, có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ. Trong khi các vị có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ rồi tinh dịch bị xuất ra do chiêm bao. Bạch đức Thế Tôn, do đó chỗ nằm ngồi này bị lấm lem vì chất dơ.

- Này Ānanda, điều ấy là như thế! Này Ānanda, điều ấy là như thế! Này Ānanda, tinh dịch bị xuất ra do chiêm bao vì các vị ấy có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ. Này Ānanda, các vị tỳ khưu nào có niệm được thiết lập, được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ, tinh dịch của các vị ấy không bị xuất ra. Này Ānanda, các vị nào dầu là phàm nhân đã xa lìa sự tham đắm trong các dục, tinh dịch của các vị ấy không bị xuất ra. Này Ānanda, tinh dịch của vị A-la-hán có thể bị xuất ra là điều không có thực tế, không có cơ sở.

Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ở đây trong lúc đang đi dạo quanh các trú xá cùng với Ānanda là sa-môn hầu cận ta đã nhìn thấy chỗ nằm ngồi bị lấm lem vì chất dơ, sau khi nhìn thấy đã hỏi Ānanda rằng: “Này Ānanda, tại sao chỗ nằm ngồi này bị lấm lem?” “Bạch ngài, hiện nay các vị tỳ khưu sau khi thọ thực thức ăn thượng hạng, có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ. Trong khi các vị có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ, rồi tinh dịch bị xuất ra do chiêm bao. Bạch đức Thế Tôn, do đó chỗ nằm ngồi này đã bị lấm lem vì chất dơ.” “Này Ānanda, điều ấy là như thế! Này Ānanda, điều ấy là như thế! Này Ānanda, tinh dịch bị xuất ra do chiêm bao vì các vị ấy có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ. Này Ānanda, các vị tỳ khưu nào có niệm được thiết lập, được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ, tinh dịch của các vị ấy không bị xuất ra. Này Ānanda, các vị nào dầu là phàm nhân đã xa lìa sự tham đắm trong các dục, tinh dịch của các vị ấy không bị xuất ra. Này Ānanda, tinh dịch của vị A-la-hán có thể bị xuất ra là điều không có thực tế, không có cơ sở.” Này các tỳ khưu, đây là năm điều bất lợi của vị có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ: (Vị ấy) ngủ khổ sở, thức dậy khổ sở, thấy mộng điều ác xấu, chư thiên không hộ trì, tinh dịch bị xuất ra. Này các tỳ khưu, đây là năm điều bất lợi của vị có niệm bị xao lãng, không được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ. Này các tỳ khưu, đây là năm điều thuận lợi của vị có niệm được thiết lập, được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ: (Vị ấy) ngủ an lạc, thức dậy an lạc, không thấy mộng điều ác xấu, chư thiên hộ trì, tinh dịch không bị xuất ra. Này các tỳ khưu, đây là năm điều thuận lợi của vị có niệm được thiết lập, được giác tĩnh, và rơi vào giấc ngủ. Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) y lót ngồi (nisīdanaṃ) để bảo vệ cơ thể, để bảo vệ y, để bảo vệ chỗ ngồi.

Vào lúc bấy giờ, y lót ngồi quá nhỏ nên không bảo vệ được toàn bộ chỗ ngồi. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép làm tấm trải nằm (paccattharanaṃ)[4] lớn theo như (kích thước) mong muốn.

[157] Vào lúc bấy giờ, thầy tế độ của đại đức Ānanda là đại đức Velaṭṭhasīsa có bệnh ghẻ sần sùi (thullakacchābādho). Các y của vị ấy bị dính vào thân vì chất máu mủ, các vị tỳ khưu phải liên tục tẩm ướt các y với nước và kéo ra. Đức Thế Tôn trong khi đi dạo quanh các chỗ trú ngụ đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy liên tục tẩm ướt các y với nước và kéo ra, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu này bị bệnh gì vậy?

- Bạch ngài, đại đức này bị bệnh ghẻ sần sùi, các y bị dính vào thân vì chất máu mủ, chúng con phải liên tục tẩm ướt các y với nước và kéo ra.

Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) y đắp ghẻ (kaṇḍupaṭicchādī) đến vị nào bị ghẻ ngứa, hoặc bị nhọt, hoặc có vết thương chảy mủ, hoặc bị ghẻ sần sùi.

[158] Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra cầm cái khăn lau mặt đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, bà Visākhā mẹ của Migāra đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin hãy thọ lãnh cái khăn lau mặt của con vì điều ấy đem lại sự lợi ích và sự an vui lâu dài cho con.

Đức Thế Tôn đã thọ nhận cái khăn lau mặt. Khi ấy, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho bà Visākhā mẹ của Migāra bằng bài Pháp thoại. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, bà Visākhā mẹ của Migāra đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (sử dụng) khăn lau mặt (mukhapuñchanacolaṃ).

[159] Vào lúc bấy giờ, Roja người Malla là bạn của đại đức Ānanda. Tấm vải dệt bằng sợi lanh của Roja người Malla đã bị đánh rơi nơi khuôn viên của đại đức Ānanda. Và đại đức Ānanda có nhu cầu về vải dệt bằng sợi lanh. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép lấy do sự thân thiết (đồ vật) của người hội đủ năm điều: là vị quen biết, thân thiết, (vị ấy) đã nói trước, (vị ấy) còn sống, và vị lấy biết được rằng: “Khi được ta lấy thì vị ấy sẽ hoan hỷ.” Này các tỳ khưu, ta cho phép lấy do sự thân thiết (đồ vật) của người hội đủ năm điều này.

[160] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu có được đầy đủ ba y nhưng có nhu cầu về các đồ lọc nước và túi mang. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép miếng vải phụ tùng (parikkhāracolaṃ).

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Các vật nào đã được đức Thế Tôn cho phép như là ‘Ba y,’ hoặc là ‘Vải choàng (tắm) mưa,’ hoặc là ‘Y lót ngồi,’ hoặc là ‘Tấm trải nằm,’ hoặc là ‘Y đắp ghẻ,’ hoặc là ‘Khăn lau mặt,’ hoặc là ‘Miếng vải phụ tùng,’ tất cả các thứ ấy cần được chú nguyện để dùng riêng (adhiṭṭhātuṃ) hay là chú nguyện để dùng chung (vikappetuṃ)?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chú nguyện để dùng riêng ba y không được chú nguyện để dùng chung, chú nguyện để dùng riêng vải choàng (tắm) mưa trong bốn tháng của mùa mưa sau đó chú nguyện để dùng chung vào các tháng khác, chú nguyện để dùng riêng y lót ngồi không được chú nguyện để dùng chung, chú nguyện để dùng riêng tấm trải nằm không được chú nguyện để dùng chung, chú nguyện để dùng riêng y đắp ghẻ lúc còn bị bệnh sau đó chú nguyện để dùng chung vào lúc khác, chú nguyện để dùng riêng khăn lau mặt không được chú nguyện để dùng chung, chú nguyện để dùng riêng miếng vải phụ tùng không được chú nguyện để dùng chung.

Khi ấy, các vị tỳ khưu đã khởi ý điều này: “Y nên được chú nguyện để dùng chung (có kích thước) tối thiểu là bao nhiêu?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chú nguyện để dùng chung y (có kích thước) tối thiểu với chiều dài là tám ngón tay với chiều rộng là bốn ngón tay theo ngón tay tiêu chuẩn (sugataṅgulena).

Vào lúc bấy giờ, y làm bằng vải dơ bị quăng bỏ của đại đức Mahākassapa là nặng nề. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép (thực hiện) việc mạng bằng chỉ.

(Y) có góc bị thừa. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cắt góc bị thừa.

Các mối chỉ bị xổ ra (ở chỗ bị cắt). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép gắn vào miếng vải viền hoặc miếng vải bọc lại.

Vào lúc bấy giờ, các mảnh vải của y hai lớp (saṅghāṭi) bị tưa ra (lujjanti). Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép làm (đường chỉ may) ở tám chỗ (aṭṭhapadakam kātuṃ).

[161] Vào lúc bấy giờ, trong lúc y của vị tỳ khưu nọ đang được làm, toàn bộ các mảnh cắt không đủ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép hai (y) đã được cắt, một (y) không cắt.

Hai (y) đã được cắt một (y) không cắt không đủ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép hai (y) không cắt, một (y) đã được cắt.

Hai (y) không cắt một (y) đã được cắt không đủ. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép đặt vào miếng vải khác loại (anvādhikaṃ). Và này các tỳ khưu, không nên sử dụng toàn bộ (ba y) không cắt; vị nào sử dụng thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[162] Vào lúc bấy giờ, có nhiều y được phát sanh đến vị tỳ khưu nọ. Và vị ấy có ý muốn cho đến cha mẹ y ấy. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, điều gì ta có thể nói trong khi vị ấy cho đến cha mẹ? Này các tỳ khưu, ta cho phép cho đến cha mẹ. Và này các tỳ khưu, không nên lãng phí vật bố thí vì đức tin; vị nào lãng phí thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[163] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ đã để y hai lớp (saṅghāṭi) trong khu rừng Andhavana rồi đi vào làng để khất thực với y nội và thượng y. Những kẻ trộm đã lấy trộm y ấy. Vị tỳ khưu ấy trở thành ăn mặc bê bối y phục luộm thuộm. Các tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này đại đức, vì sao ngài lại trở thành ăn mặc bê bối y phục luộm thuộm?

- Này các đại đức, ở đây tôi đã để y ở trong khu rừng Andhavana rồi đi vào làng để khất thực với y nội và thượng y. Những kẻ trộm đã lấy trộm y ấy, vì thế tôi trở thành ăn mặc bê bối y phục luộm thuộm.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên đi vào làng với y nội và thượng y; vị nào đi vào thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, đại đức Ānanda vì thiếu sự ghi nhớ nên đã đi vào làng để khất thực với y nội và thượng y. Các tỳ khưu đã nói với đại đức Ānanda điều này:

- Này đại đức Ānanda, không phải đức Thế Tôn đã quy định rằng: “Không nên đi vào làng với y nội và thượng y” hay sao? Này đại đức, vì sao ngài đã đi vào làng với y nội và thượng y?

- Này các đại đức, điều đã được đức Thế Tôn quy định rằng: “Không nên đi vào làng với y nội và thượng y” là sự thật. Này các đại đức, tuy nhiên vì thiếu sự ghi nhớ nên tôi đã đi vào (làng như thế).

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, có năm điều kiện cho việc để lại y hai lớp (saṅghāṭi): vị bị bệnh, hoặc là sự quy định về mùa mưa (vassikasaṅketaṃ),[5] hoặc là phải đi qua bên kia sông, hoặc là trú xá có sự an toàn với then cài, hoặc là vị có Kaṭhina đã được thành tựu. Này các tỳ khưu, đây là năm điều kiện cho việc để lại y hai lớp.

Này các tỳ khưu, có năm điều kiện cho việc để lại thượng y (uttarāsaṅga): vị bị bệnh, hoặc là sự quy định về mùa mưa, hoặc là phải đi qua bên kia sông, hoặc là trú xá có sự an toàn với then cài, hoặc là vị có Kaṭhina đã được thành tựu. Này các tỳ khưu, đây là năm điều kiện cho việc để lại thượng y.

Này các tỳ khưu, có năm điều kiện cho việc để lại y nội (antaravāsaka): vị bị bệnh, hoặc là sự quy định về mùa mưa, hoặc là phải đi qua bên kia sông, hoặc là trú xá có sự an toàn với then cài, hoặc là vị có Kaṭhina đã được thành tựu. Này các tỳ khưu, đây là năm điều kiện cho việc để lại y nội.

Này các tỳ khưu, có năm điều kiện cho việc để lại vải choàng (tắm) mưa (vassikasāṭikā): vị bị bệnh, hoặc là sự quy định về mùa mưa, hoặc là phải đi ra khỏi ranh giới, hoặc là phải đi qua bên kia sông, hoặc là trú xá có sự an toàn với then cài, hoặc là vải choàng (tắm) mưa không được làm hoặc được làm chưa hoàn tất. Này các tỳ khưu, đây là năm điều kiện cho việc để lại vải choàng (tắm) mưa.

[164] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ sống mùa (an cư) mưa có một mình. Ở đó, dân chúng đã dâng các y (nói rằng): “Chúng tôi dâng đến hội chúng.” Khi ấy, vị tỳ khưu ấy khởi đã ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Hội chúng tối thiểu là nhóm bốn vị’ và ta chỉ có mỗi một mình. Và các người này đã dâng các y (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng đến hội chúng,’ hay là ta nên đem các y thuộc về hội chúng này đến Sāvatthi?” Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã cầm lấy các y ấy đi đến Sāvatthi và trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này tỳ khưu, các y ấy là của chính ngươi cho đến khi hết hiệu lực của Kaṭhina. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu sống mùa (an cư) mưa có một mình. Ở đó, dân chúng dâng các y (nói rằng): “Chúng tôi dâng đến hội chúng.” Này các tỳ khưu, ta cho phép các y ấy là của chính vị ấy cho đến khi hết hiệu lực của Kaṭhina.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ sống ngoài mùa (an cư) mưa có một mình. Ở đó, dân chúng đã dâng các y (nói rằng): “Chúng tôi dâng đến hội chúng.” Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Hội chúng ít nhất là nhóm bốn vị’ và ta chỉ có mỗi một mình. Và các người này đã dâng các y (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng đến hội chúng,’ hay là ta nên đem các y thuộc về hội chúng này đến Sāvatthi?” Sau đó, vị tỳ khưu ấy đã cầm lấy các y ấy đi đến Sāvatthi và trình sự việc ấy đến các vị tỳ khưu. Các vị tỳ khưu đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép chia ra cho hội chúng đang hiện diện. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu sống ngoài mùa (an cư) mưa có một mình. Ở đó, dân chúng dâng các y (nói rằng): “Chúng tôi dâng đến hội chúng.” Này các tỳ khưu, ta cho phép vị tỳ khưu ấy chú nguyện các y ấy rằng: “Những y này là của tôi.” Này các tỳ khưu, nếu trong khi y ấy chưa được chú nguyện thành của vị tỳ khưu ấy thì có vị tỳ khưu khác đi đến, nên chia thành phần đồng đều nhau. Này các tỳ khưu, nếu trong khi y ấy đang được chia bởi các vị tỳ khưu ấy nhưng chưa được bốc thăm thì có vị tỳ khưu khác đi đến, nên chia thành phần đồng đều nhau. Này các tỳ khưu, nếu trong khi y ấy đang được chia bởi các vị tỳ khưu ấy và đã được bốc thăm thì có tỳ khưu khác đi đến, không cần phải chia phần nếu không thích.

Vào lúc bấy giờ, có hai vị trưởng lão là anh em: đại đức Isidāsa và đại đức Isibhatta đã sống qua mùa (an cư) mưa ở Sāvatthi rồi đã đi đến chỗ trú ngụ là ngôi làng nọ. Dân chúng (nghĩ rằng): “Đã lâu lắm các trưởng lão mới ghé đến” rồi đã dâng các thức ăn cùng với các y. Các tỳ khưu thường trú đã hỏi hai vị trưởng lão rằng:

- Thưa các ngài, những y thuộc hội chúng này đã được phát sanh nhờ vào (niềm tin nơi) các trưởng lão, các trưởng lão sẽ hoan hỷ phần chia hay không?

Hai vị trưởng lão đã nói như vầy:

- Này các đại đức, theo như chúng tôi biết về Pháp đã được thuyết giảng bởi đức Thế Tôn thì các y ấy là thuộc về của chính các vị cho đến khi Kaṭhina hết hiệu lực.

Vào lúc bấy giờ, có ba vị tỳ khưu sống mùa (an cư) mưa ở trong thành Rājagaha. Ở đó, dân chúng dâng các y (nói rằng): “Chúng tôi dâng đến hội chúng.” Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Đức Thế Tôn đã quy định rằng: ‘Hội chúng ít nhất là nhóm bốn vị” và chúng ta chỉ có ba người. Và các người này dâng các y (nói rằng): ‘Chúng tôi dâng đến hội chúng,’ vậy chúng ta nên thực hành thế nào?” Vào lúc bấy giờ, có nhiều trưởng lão là đại đức Nīlavāsī, đại đức Sāṇavāsī, đại đức Gopaka, đại đức Bhagu, và đại đức Phalikasandāna cư ngụ tại Pāṭaliputta ở tu viện Kukkuṭa. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã đi đến Pāṭaliputta và hỏi các vị trưởng lão. Các vị trưởng lão đã nói như vầy:

- Này các đại đức, theo như chúng tôi biết về Pháp đã được thuyết giảng bởi đức Thế Tôn thì các y ấy là thuộc về của chính các vị cho đến khi Kaṭhina hết hiệu lực.

[165] Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda con trai giòng Sākya đã sống qua mùa (an cư) mưa ở Sāvatthi rồi đã đi đến chỗ trú ngụ là ngôi làng nọ. Ở đó, các vị tỳ khưu đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy đã nói như vầy:

- Này đại đức, các y này thuộc về hội chúng sẽ được chia ra, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?

- Này các đại đức, xin vâng, tôi sẽ chấp nhận.

 Sau khi nhận phần y ở nơi đó, vị ấy đã đi sang trú xứ khác. Ở nơi đó, các vị tỳ khưu đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy cũng đã nói như vầy:

- Này đại đức, các y này thuộc về hội chúng sẽ được chia ra, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?

- Này các đại đức, xin vâng, tôi sẽ chấp nhận.

 Sau khi nhận phần y ở nơi đó nữa, vị ấy đã đi sang trú xứ khác. Ở nơi đó, các vị tỳ khưu đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy cũng đã nói như vầy:

- Này đại đức, các y này thuộc về hội chúng sẽ được chia ra, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?

- Này các đại đức, xin vâng, tôi sẽ chấp nhận.

 Sau khi nhận phần y ở nơi đó nữa, vị ấy đã cầm lấy gói y lớn rồi quay trở về lại Sāvatthi. Các vị tỳ khưu đã nói như vầy:

- Này đại đức Upananda, ngài có được nhiều phước báu. Nhiều y đã được phát sanh đến ngài.

- Này các đại đức, tôi có phước báu là do đâu? Ở đây, tôi đã sống qua mùa (an cư) mưa ở Sāvatthi rồi đã đi đến chỗ trú ngụ là ngôi làng nọ. Ở đó, các vị tỳ khưu đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy đã nói với tôi như vầy: “Này đại đức, các y này thuộc về hội chúng sẽ được chia ra, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?” “Này các đại đức, xin vâng, tôi sẽ chấp nhận.” Sau khi nhận phần y ở nơi đó, tôi đã đi sang trú xứ khác. Ở nơi đó, các vị tỳ khưu đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy cũng đã nói với tôi như vầy: “Này đại đức, các y này thuộc về hội chúng sẽ được chia ra, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?” “Này các đại đức, xin vâng, tôi sẽ chấp nhận.” Sau khi nhận phần y ở nơi đó nữa, tôi đã đi sang trú xứ khác. Ở nơi đó, các vị tỳ khưu đã tụ hội lại với ý định chia y. Các vị ấy cũng đã nói với tôi như vầy: “Này đại đức, các y này thuộc về hội chúng sẽ được chia ra, ngài sẽ chấp nhận phần chia hay không?” “Này các đại đức, xin vâng, tôi sẽ chấp nhận.” Tôi đã nhận phần chia y ở nơi đó nữa, như thế mà nhiều y đã được phát sanh đến tôi.

- Này đại đức Upananda, có phải ngài đã sống mùa (an cư) mưa ở nơi khác và chấp nhận phần chia y ở nơi khác?

- Này các đại đức, đúng vậy.

Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao đại đức Upananda đã sống mùa (an cư) mưa ở nơi khác lại chấp nhận phần chia y ở nơi khác?

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này Upananda, nghe nói ngươi đã sống mùa (an cư) mưa ở nơi khác và chấp nhận phần chia y ở nơi khác, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, vì sao ngươi sống mùa (an cư) mưa ở nơi khác lại chấp nhận phần chia y ở nơi khác? Này kẻ rồ dại, việc sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, …(như trên)…

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, vị sống mùa (an cư) mưa ở nơi khác không nên chấp nhận phần chia y ở nơi khác; vị nào chấp nhận thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Vào lúc bấy giờ, đại đức Upananda một mình đã sống mùa (an cư) mưa ở hai trú xứ (nghĩ rằng): “Như vầy nhiều y sẽ được phát sanh đến ta.” Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý điều này: “Phần san sẻ về y nên được cho đến đại đức Upananda như thế nào?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, hãy cho đến kẻ rồ dại phần của một người. Này các tỳ khưu, trường hợp một vị tỳ khưu sống mùa (an cư) mưa ở hai trú xứ[6] (nghĩ rằng): “Như vầy nhiều y sẽ được phát sanh đến ta.” Nếu vị ấy sống chỗ này một nửa (thời gian) chỗ kia một nửa (thời gian) thì nên cho phần san sẻ về y (cīvarapaṭiviso) gồm một nửa của nơi này một nửa của nơi kia, hoặc ở chỗ nào vị ấy sống nhiều hơn thì phần san sẻ về y nên được cho từ chỗ đó.

[166] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh kiết lỵ. Vị ấy đã bị té vào đống phân và nước tiểu của chính mình. Khi ấy, trong lúc đang đi dạo quanh các trú xá cùng với đại đức Ānanda là sa-môn hầu cận, đức Thế Tôn đã đi đến trú xá của vị tỳ khưu ấy. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy vị tỳ khưu ấy té và đang nằm trên đống phân và nước tiểu của chính mình, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này tỳ khưu, ngươi bị bệnh gì?

- Bạch Thế Tôn, con bị bệnh kiết lỵ.

- Này tỳ khưu, ngươi không có người phục vụ?

- Bạch Thế Tôn, không có.

- Vì sao các vị tỳ khưu lại không phục vụ ngươi?

- Bạch ngài, con là người không có làm gì cho các vị tỳ khưu, do đó các vị tỳ khưu không phục vụ con.

Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng:

- Này Ānanda, hãy đi và mang nước lại. Chúng ta sẽ tắm cho vị tỳ khưu này.

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã mang nước lại. Đức Thế Tôn đã xối nước và đại đức Ānanda đã rửa ráy toàn bộ. Rồi đức Thế Tôn đã đỡ phần đầu còn đại đức Ānanda nâng lên ở phần chân và đặt ở trên giường. Sau đó, đức Thế Tôn nhân lý do ấy nhân sự kiện ấy đã triệu tập hội chúng tỳ khưu lại rồi hỏi các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, có phải có vị tỷ kheo trong trú xá ở đàng kia bị bệnh?

- Bạch Thế Tôn, thưa có.

- Này các tỳ khưu, vị ấy bị bệnh gì?

- Bạch ngài, đại đức ấy bị bệnh kiết lỵ.

- Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu ấy có người phục vụ không?

- Bạch Thế Tôn, không có.

- Vì sao các tỳ khưu lại không phục vụ vị ấy?

- Bạch ngài, vị tỳ khưu ấy là người không có làm gì cho các tỳ khưu, do đó các tỳ khưu không phục vụ vị ấy.

- Này các tỳ khưu, các ngươi không có mẹ, không có cha là những người có thể phục vụ các ngươi. Này các tỳ khưu, nếu các ngươi không phục vụ lẫn nhau thì khi ấy lấy ai sẽ phục vụ đây? Này các tỳ khưu, vị nào có thể phục vụ ta, vị ấy nên phục vụ những người bệnh. Nếu có thầy tế độ, thầy tế độ nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu có thầy dạy học, thầy dạy học nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu có đệ tử, người đệ tử nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu có học trò, người học trò nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu có vị đồng thầy tế độ, vị đồng thầy tế độ nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu có vị đồng thầy dạy học, vị đồng thầy dạy học nên phục vụ đến hết đời hoặc nên chờ đợi vị ấy được hồi phục. Nếu không có thầy tế độ, hoặc thầy dạy học, hoặc người đệ tử, hoặc người học trò, hoặc vị đồng thầy tế độ, hoặc vị đồng thầy dạy học, hội chúng nên phục vụ; nếu không phục vụ thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Này các tỳ khưu, vị bị bệnh là khó phục vụ khi hội đủ năm điều: Là vị không làm việc cần làm; là vị không biết sự vừa phải trong việc cần làm; là vị không quen dùng dược phẩm; là vị không giải thích cho người phục vụ bệnh nhân luôn muốn điều tốt đẹp một cách rõ ràng, đúng theo thực trạng như (bệnh) đã tăng thêm là “(Bệnh) đã tăng thêm,” (bệnh) đã giảm là: “(Bệnh) đã giảm,” (bệnh) ổn định là: “(Bệnh) ổn định;” là loại người không chịu đựng được các cảm thọ khổ, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc cơ thể đã sanh khởi. Này các tỳ khưu, người bệnh hội đủ năm điều này là khó phục vụ.

 Này các tỳ khưu, vị bị bệnh là dễ phục vụ khi hội đủ năm điều: Là vị làm việc cần làm; là vị biết sự vừa phải trong việc cần làm; là vị quen dùng dược phẩm; là vị giải thích cho người phục vụ bệnh nhân luôn muốn điều tốt đẹp một cách rõ ràng, đúng theo thực trạng như (bệnh) đã tăng thêm là “(Bệnh) đã tăng thêm,” (bệnh) đã giảm là: “(Bệnh) đã giảm,” (bệnh) ổn định là: “(Bệnh) ổn định;” là loại người chịu đựng được các cảm thọ khổ, khốc liệt, sắc bén, gay gắt, không chút thích thú, khó chịu, chết người thuộc cơ thể đã sanh khởi. Này các tỳ khưu, người bệnh hội đủ năm điều này là dễ phục vụ.

Này các tỳ khưu, người phục vụ bệnh nhân không thích hợp để phục vụ người bệnh là vị hội đủ năm điều: Là vị không có khả năng để phân phát thuốc men; không biết điều gì cần làm và điều gì không cần làm, làm điều không cần thiết và không làm điều cần thiết; phục vụ người bệnh vì mục đích tài vật và không có tâm từ; ghê tởm việc dọn dẹp nước tiểu, phân, nước giải, vật nôn mửa; không có khả năng để chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người bệnh bằng bài Pháp thoại lúc này lúc khác. Này các tỳ khưu, người phục vụ bệnh nhân hội đủ năm điều này là không thích hợp để phục vụ người bệnh.

Này các tỳ khưu, người phục vụ bệnh nhân thích hợp để phục vụ người bệnh là vị hội đủ năm điều: Là vị có khả năng để phân phát thuốc men; biết điều gì cần làm và điều gì không cần làm, không làm điều không cần thiết và làm điều cần thiết; có tâm từ và phục vụ người bệnh không vì mục đích tài vật; không ghê tởm việc dọn dẹp nước tiểu, phân, nước giải, vật nôn mửa; có khả năng để chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người bệnh bằng bài Pháp thoại lúc này lúc khác. Này các tỳ khưu, người phục vụ bệnh nhân hội đủ năm điều này là thích hợp để phục vụ người bệnh.

[167] Vào lúc bấy giờ, có hai vị tỳ khưu đang đi đường xa trong xứ Kosala. Hai vị ấy đã đi đến trú xứ nọ. Ở đó, có vị tỳ khưu nọ bị bệnh. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã bàn bạc điều này: “Này đại đức, việc phục vụ người bệnh đã được đức Thế Tôn khen ngợi. Này đại đức, vậy chúng ta hãy phục vụ vị tỳ khưu này.” Các vị ấy đã phục vụ vị kia. Trong khi được các vị ấy phục vụ, vị kia đã từ trần. Sau đó, các vị tỳ khưu đã cầm lấy y bát của vị tỳ khưu kia đi đến Sāvatthi và đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu khi từ trần, hội chúng là chủ của các y và bình bát, tuy nhiên các vị phục vụ người bệnh lại có nhiều công đức. Này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho các vị phục vụ người bệnh ba y và bình bát thông qua hội chúng. Và này các tỳ khưu, nên được ban cho như vầy:

Vị tỳ khưu phục vụ người bệnh ấy nên đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Bạch các ngài, vị tỳ khưu tên (như vầy) đã từ trần, đây là ba y và bình bát của vị ấy.” Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã từ trần, đây là ba y và bình bát của vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho ba y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị tỳ khưu tên (như vầy) đã từ trần, đây là ba y và bình bát của vị ấy. Hội chúng cho ba y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh. Đại đức nào đồng ý việc cho ba y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Ba y và bình bát này đã được hội chúng cho đến các vị phục vụ người bệnh. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Vào lúc bấy giờ, có vị sa di nọ từ trần. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, đối với vị sa di khi từ trần, hội chúng là chủ của các y và bình bát, tuy nhiên các vị phục vụ người bệnh lại có nhiều công đức. Này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho các vị phục vụ người bệnh y và bình bát thông qua hội chúng. Và này các tỳ khưu, nên được ban cho như vầy:

Vị tỳ khưu phục vụ người bệnh ấy nên đi đến gặp hội chúng và nên nói như vầy: “Bạch các ngài, vị sa di tên (như vầy) đã từ trần, đây là y và bình bát của vị ấy.” Hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị sa di tên (như vầy) đã từ trần, đây là y và bình bát của vị ấy. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên cho y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Vị sa di tên (như vầy) đã từ trần, đây là y và bình bát của vị ấy. Hội chúng cho y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh. Đại đức nào đồng ý việc cho y và bình bát này đến các vị phục vụ người bệnh xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Y và bình bát này đã được hội chúng cho đến các vị phục vụ người bệnh. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ và vị sa di đã phục vụ vị bị bệnh. Trong khi được các vị ấy phục vụ, vị kia đã từ trần. Khi ấy, vị tỳ khưu phục vụ người bệnh đã khởi ý điều này: “Phần san sẻ về y của vị sa di là vị phục vụ người bệnh nên được cho như thế nào đây?” Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, ta cho phép cho đến vị sa di là vị phục vụ người bệnh phần san sẻ đồng đều.

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ có nhiều đồ đạc và có nhiều vật dụng đã từ trần. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu khi từ trần, hội chúng là chủ của các y và bình bát, tuy nhiên các vị phục vụ người bệnh lại có nhiều công đức. Này các tỳ khưu, ta cho phép ban cho các vị phục vụ người bệnh ba y và bình bát thông qua hội chúng, (cho phép) hội chúng đang hiện diện phân chia đồ đạc loại nhẹ và vật dụng loại nhẹ ở nơi ấy, (cho phép) đồ đạc loại nặng và vật dụng cần thiết loại nặng ở nơi ấy là của hội chúng bốn phương đã đi đến hoặc sẽ đi đến, không được phân tán, không được phân chia.

[168] Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ sau khi làm cho trở thành trần truồng rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, đức Thế Tôn là người thường ngợi khen về sự ít ham muốn, sự biết đủ, sự tận diệt, sự đoạn trừ, sự hài lòng, sự không gom góp, sự ra sức tinh tấn bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, sự trần truồng này đưa đến sự ít ham muốn, sự biết đủ, sự tận diệt, sự đoạn trừ, sự hài lòng, sự không gom góp, sự ra sức tinh tấn theo nhiều phương thức. Bạch ngài, tốt đẹp thay xin đức Thế Tôn hãy cho phép sự trần truồng đến các tỳ khưu.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, ...(như trên)... Này kẻ rồ dại, tại sao ngươi lại thực hành nghi thức của ngoại đạo là sự lõa thể? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên thực hành nghi thức của ngoại đạo là sự lõa thể; vị nào thực hành thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ che thân bằng cỏ kusa ...(như trên)... che thân bằng vỏ cây ...(như trên)... che thân bằng tấm ván gỗ ...(như trên)... che thân bằng mền dệt bằng tóc ...(như trên)... che thân bằng mền dệt bằng lông ngựa ...(như trên)... che thân bằng cánh chim cú ...(như trên)... che thân bằng da linh dương rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, đức Thế Tôn là người thường ngợi khen về sự ít ham muốn, sự biết đủ, sự tận diệt, sự đoạn trừ, sự hài lòng, sự không gom góp, sự ra sức tinh tấn bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, (việc che thân bằng) da linh dương này đưa đến sự ít ham muốn, sự biết đủ, sự tận diệt, sự đoạn trừ, sự hài lòng, sự không gom góp, sự ra sức tinh tấn theo nhiều phương thức. Bạch ngài, tốt đẹp thay xin đức Thế Tôn hãy cho phép (việc che thân bằng) da linh dương đến các tỳ khưu.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, ...(như trên)... Này kẻ rồ dại, tại sao ngươi lại mặc biểu tượng của ngoại đạo là (che thân bằng) da linh dương? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên mặc biểu tượng của ngoại đạo là (che thân bằng) da linh dương; vị nào mặc thì phạm tội thullaccaya (trọng tội).

Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ mặc (y làm bằng) sợi của cây akka, ...(như trên)... mặc (y làm bằng) sợi của cây makaci rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, đức Thế Tôn là người thường ngợi khen về sự ít ham muốn, sự biết đủ, sự tận diệt, sự đoạn trừ, sự hài lòng, sự không gom góp, sự ra sức tinh tấn bằng nhiều phương thức. Bạch ngài, (y làm bằng) sợi của cây makaci này đưa đến sự ít ham muốn, sự biết đủ, sự tận diệt, sự đoạn trừ, sự hài lòng, sự không gom góp, sự ra sức tinh tấn theo nhiều phương thức. Bạch ngài, tốt đẹp thay xin đức Thế Tôn hãy cho phép (y làm bằng) sợi của cây makaci đến các tỳ khưu.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này kẻ rồ dại, thật không đúng đắn, ...(như trên)... Này kẻ rồ dại, tại sao ngươi lại mặc (y làm bằng) sợi của cây makaci? Này kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên mặc (y làm bằng) sợi của cây makaci; vị nào mặc thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[169] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư mặc các y toàn màu xanh đậm, mặc các y toàn màu vàng, mặc các y toàn màu đỏ, mặc các y toàn màu đỏ sậm, mặc các y toàn màu đen, mặc các y toàn màu nổi bật, mặc các y toàn màu sáng chói, mặc các y không cắt đường viền, mặc các y có đường viền rộng, mặc các y có đường viền vẽ bông hoa, mặc các y có đường viền vẽ hình rắn hổ mang, mặc áo choàng ngắn, mặc loại vải dệt bằng sợi vỏ cây tirīṭaka, mang khăn xếp đội đầu. Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Giống như các kẻ tại gia hưởng dục vậy?

Các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, không nên mặc các y toàn màu xanh đậm, không nên mặc các y toàn màu vàng, không nên mặc các y toàn màu đỏ, không nên mặc các y toàn màu đỏ sậm, không nên mặc các y toàn màu đen, không nên mặc các y toàn màu nổi bật, không nên mặc các y toàn màu sáng chói, không nên mặc các y không cắt đường viền, không nên mặc các y có đường viền rộng, không nên mặc các y có đường viền vẽ bông hoa, không nên mặc các y có đường viền vẽ hình rắn hổ mang, không nên mặc áo choàng ngắn, không nên mặc loại vải dệt bằng sợi vỏ cây tirīṭaka, không nên mang khăn xếp đội đầu; vị nào mang thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

[170] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y chưa phát sanh lại ra đi, hoàn tục, từ trần, được biết là sa di, được biết là người xả bỏ điều học, được biết là vị phạm tội cực nặng, được biết là vị bị điên, được biết là vị có tâm rối loạn, được biết là vị bị thọ khổ, được biết là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, được biết là kẻ vô căn, được biết là kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), được biết là kẻ đi theo ngoại đạo, được biết là thú vật, được biết là kẻ giết mẹ, được biết là kẻ giết cha, được biết là kẻ giết A-la-hán, được biết là kẻ làm ô uế tỳ khưu ni, được biết là kẻ chia rẽ hội chúng, được biết là kẻ làm đức Phật chảy máu, được biết là kẻ lưỡng căn. Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y chưa phát sanh lại ra đi, nên trao cho vị nhận thế thích hợp đang hiện diện. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y chưa phát sanh lại hoàn tục, từ trần, được biết là (xuống) sa di, được biết là người xả bỏ điều học, được biết là vị phạm tội cực nặng, hội chúng là chủ quản. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y chưa phát sanh thì được biết là vị bị điên, được biết là vị có tâm rối loạn, được biết là vị bị thọ khổ, được biết là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, nên trao cho vị nhận thế thích hợp đang hiện diện. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y chưa phát sanh được biết là kẻ vô căn, ...(như trên)..., được biết là kẻ lưỡng căn, hội chúng là chủ quản.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y đã được phát sanh nhưng chưa phân chia lại ra đi, nên trao cho vị nhận thế thích hợp đang hiện diện. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y đã được phát sanh nhưng chưa phân chia lại hoàn tục, từ trần, được biết là (xuống) sa di, được biết là người xả bỏ điều học, được biết là vị phạm tội cực nặng, hội chúng là chủ quản. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y đã được phát sanh nhưng chưa phân chia thì được biết là vị bị điên, được biết là vị có tâm rối loạn, được biết là vị bị thọ khổ, được biết là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, được biết là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, được biết là vị bị án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, nên trao cho vị nhận thế thích hợp đang hiện diện. Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa khi y đã được phát sanh nhưng chưa phân chia được biết là kẻ vô căn, ...(như trên)..., được biết là kẻ lưỡng căn, hội chúng là chủ quản.

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa và y chưa được phát sanh thì hội chúng bị chia rẽ. Ở đó, dân chúng dâng nước cho một nhóm và dâng y cho một nhóm (nói rằng): “Chúng tôi dâng y đến hội chúng.” (Y) ấy là của hội chúng. Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa và y chưa được phát sanh thì hội chúng bị chia rẽ. Ở đó, dân chúng dâng nước cho một nhóm và dâng y cho chính nhóm ấy (nói rằng): “Chúng tôi dâng y đến hội chúng.” (Y) ấy là của hội chúng.

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa và y chưa được phát sanh thì hội chúng bị chia rẽ. Ở đó, dân chúng dâng nước cho một nhóm và dâng y cho một nhóm (nói rằng): “Chúng tôi dâng y đến nhóm.” (Y) ấy là (riêng) của nhóm. Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa và y chưa được phát sanh thì hội chúng bị chia rẽ. Ở đó, dân chúng dâng nước cho một nhóm và dâng y cho chính nhóm ấy (nói rằng): “Chúng tôi dâng y đến nhóm.” (Y) ấy là (riêng) của nhóm.

Này các tỳ khưu, trường hợp các tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa và y đã được phát sanh nhưng chưa chia phần thì hội chúng bị chia rẽ. Nên chia đồng đều cho tất cả.

[171] Vào lúc bấy giờ, đại đức Revata gởi y cho đại đức Sāriputta qua tay của vị tỳ khưu nọ (nói rằng): “Hãy trao y này đến vị trưởng lão.” Sau đó ở khoảng giữa đường đi, vị tỳ khưu ấy đã lấy y ấy do sự thân thiết với đại đức Revata. Sau đó, đại đức Revata đã đích thân đi đến đại đức Sāriputta và hỏi rằng:

- Thưa ngài, tôi đã gởi y cho ngài trưởng lão. Y ấy đã đến chưa?

- Này sư đệ, ta không nhìn thấy y ấy.

Sau đó, đại đức Revata đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này đại đức, tôi đã gởi y của ngài trưởng lão qua tay của đại đức. Y ấy đâu rồi?

- Thưa đại đức, tôi đã lấy y ấy do sự thân thiết với đại đức.

Các vị đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Hãy trao y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi đi; (y) đã được lấy đúng đắn. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy sai trái.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Hãy trao y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy sai trái. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi đi; (y) đã được lấy đúng đắn.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Hãy trao y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: “Vị gởi (y) đã từ trần” rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị ấy; (y) đã được xác định đúng đắn. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy sai trái.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Hãy trao y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: “Vị sẽ nhận (y) đã từ trần” rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị ấy; (y) đã được xác định sai trái. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi; (y) đã được lấy đúng đắn.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Hãy trao y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: “Cả hai đã từ trần” rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị gởi đi; (y) đã được xác định đúng đắn. Vị ấy xác định y của người đã chết là thuộc về vị sẽ nhận; (y) đã được xác định sai trái.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Tôi cho y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi; (y) đã được lấy sai trái. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy đúng đắn.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Tôi cho y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy đúng đắn. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi; (y) đã được lấy sai trái.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Tôi cho y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: “Vị gởi (y) đã từ trần” rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị ấy; (y) đã được xác định sai trái. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị sẽ nhận; (y) đã được lấy đúng đắn.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Tôi cho y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: “Vị sẽ nhận (y) đã từ trần” rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị ấy; (y) đã được xác định đúng đắn. Vị ấy lấy (y ấy) do sự thân thiết với vị gởi; (y) đã được lấy sai trái.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu gởi y qua tay của vị tỳ khưu (nói rằng): “Tôi cho y này đến vị tên (như vầy).” Ở khoảng giữa đường đi, vị ấy nghe rằng: “Cả hai đã từ trần” rồi xác định y của người đã chết là thuộc về vị gởi đi; (y) đã được xác định sai trái. Vị ấy xác định y của người đã chết là thuộc về vị sẽ nhận; (y) đã được xác định đúng đắn.

[172] Này các tỳ khưu, có tám tiêu đề về việc phát sanh y: (thí chủ) dâng trong ranh giới (sīmā), (thí chủ) dâng theo sự thỏa thuận, (thí chủ) dâng theo sự thông báo về vật thực, (thí chủ) dâng đến hội chúng, (thí chủ) dâng đến cả hai hội chúng (tỳ khưu và tỳ khưu ni), (thí chủ) dâng đến hội chúng đã sống qua mùa (an cư) mưa, (thí chủ) dâng sau khi đã thông báo, (thí chủ) dâng đến cá nhân.

(Thí chủ) dâng trong ranh giới (sīmāya deti) thì nên chia phần cho hết thảy các vị tỳ khưu đang ở trong ranh giới. (Thí chủ) dâng theo sự thỏa thuận (katikāya deti) thì toàn bộ các trú xứ đều có phần nhận lãnh đồng đều, (nghĩa là) khi được dâng ở một trú xứ thì được dâng cho tất cả. (Thí chủ) dâng theo sự thông báo về vật thực (bhikkhāpaññattiyā deti) là nơi nào các sự hộ độ thường xuyên được thực hiện đến hội chúng thì dâng nơi ấy. (Thí chủ) dâng đến hội chúng thì nên chia phần đến hội chúng đang hiện diện. (Thí chủ) dâng đến cả hai hội chúng thì dù cho có nhiều tỳ khưu mà có một tỳ khưu ni cũng nên được chia một nửa. Dù cho có nhiều tỳ khưu ni mà có một tỳ khưu cũng nên được chia một nửa. (Thí chủ) dâng đến hội chúng đã sống qua mùa (an cư) mưa (vassaṃ vutthassa saṅghassa deti) thì nên chia phần cho hết thảy các vị tỳ khưu đã sống qua mùa (an cư) mưa ở trú xứ ấy. (Thí chủ) dâng sau khi đã thông báo (ādissa deti) về cháo, hoặc về bữa ăn, hoặc về vật thực cứng, hoặc về y, hoặc về chỗ trú ngụ, hoặc về dược phẩm. (Thí chủ) dâng đến cá nhân (puggalassa deti) là (nói rằng): “Tôi đã dâng y này đến vị tên (như vầy).”

Dứt Chương Y Phục là chương thứ tám.

Trong chương này có chín mươi sáu sự việc.

******

Tóm lược chương này:

[173]

Thị trưởng Vương Xá nhìn
kỷ nữ Vesālī
đến khi quay về lại
thành Rājagaha
báo điều ấy đến vua.
Người con trai kỷ nữ
Sālavatikā
con (nuôi) Abhaya
bởi vì vương tử hỏi:
“Jīvati?” “Còn sống?”
gọi tên “Jīvaka.”
Rồi chàng trai đi đến
thành Takkasilā
học xong được thành tài
trị lành bệnh bảy năm
bằng việc làm ở mũi.
Bệnh rò rỉ của vua
trị dứt bằng thuốc thoa,
“Hãy phục vụ cho ta,
các cung phi hoàng tộc,
đức Phật và Tăng-già.
Và chuyện đại phú gia
thành Rājagaha,
điều trị chứng xoắn ruột,
trị dứt bệnh rất nặng
của vua Pajjota
bằng bơ lỏng uống vào.
Chức vụ, vải Sivi,
bôi dầu bệnh bốc mùi,
với ba nắm sen xanh,
là ba mươi lần xổ,
lành bệnh xin điều ước,
Ngài nhận vải Sivi,
đức Như Lai cho phép
y dâng của gia chủ,
choàng vải, choàng tơ lụa,
choàng lông, nửa Kāsī,
và nhiều loại, hoan hỷ.
Các vị chờ, không chờ,
vào trước như vào sau,
cam kết, họ mang lại,
kho chứa, không bảo quản,
cũng thế làm xao lãng.
Có nhiều, cảnh náo động,
nên chia như thế nào?
Nên cho như thế nào?
Với phần chia nhiều hơn,
san sẻ cho làm sao?
Với phân và nước lạnh,
bị trào ra, không biết,
đổ ra, và chậu nhuộm,
trong đĩa, và nền đất,
mối, ở giữa, bị sờn,
một bên, và bị cứng,
thô, không cắt, kết lại.
Ngài thấy mang đống y,
sau khi đã suy xét,
đấng Thích Ca Mâu Ni
đã cho phép ba y,
với y phụ trội khác,
phát sanh, và y rách.
(Mây đen) bốn châu lục,
bà cầu xin điều ước
được dâng choàng tắm mưa,
vị vãng lai, xuất hành,
vị bệnh, người nuôi bệnh,
dược phẩm, cháo thường xuyên,
và choàng tắm (các ni).
Thượng hạng, y quá nhỏ,
ghẻ sần sùi, khăn mặt,
sợi lanh, được đầy đủ,
chú nguyện, việc cuối cùng,
điều quan trọng đã làm.
Không vuông, chỉ bị rời,
bị tưa, làm không đủ,
thêm vải khác, có nhiều,
rừng Andha, thiếu niệm,
sống an cư một mình,
và trong những mùa khác.
Hai vị là anh em,
chuyện Rājagaha,
vị Upananda
cũng ở hai (chỗ ngụ).
Vị bị bệnh kiết lỵ,
cả hai và vị bệnh,
lõa thể, cỏ kusa,
vỏ cây, tấm ván gỗ,
và mền dệt bằng tóc,
lông ngựa, cánh cú mèo,
sợi của cây akka,
của cây makaci,
màu xanh, và màu vàng,
màu đỏ, và đỏ sậm,
đen, nổi bật, sáng chói,
và đường viền không cắt,
rộng, vẽ hoa, rắn hổ,
áo choàng, sợi vỏ cây,
và khăn xếp đội đầu.
Chưa phát sanh, ra đi,
đến hội chúng chia rẽ,
dâng đến nhóm, hội chúng.
Ngài Revata gởi,
vị lấy do thân thiết,
và vị ấy chú nguyện.
Tiêu đề nói về y
thì có được tám điều.


[1] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng y được dâng bởi gia chủ.

[2] Ngài Buddhaghosa giải thích rằng 1 kāsī là một ngàn (?), có thể là loại tiền vàng kahāpaṇa.

[3] Liên quan đến tội nissaggiya pācittiya (ưng xả đối trị) thứ nhất.

[4] Tấm trải nằm (paccattharanaṃ) tức là ngọa cụ, y lót ngồi (nisīdanaṃ) tức là tọa cụ.

[5] Ngài Buddhaghosa giải thích là trong bốn tháng mùa mưa.

[6] Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên về trường hợp một vị tỳ khưu sống mùa (an cư) mưa ở hai nơi. Ngài Buddhaghosa giải thích vị ấy sống thay đổi chỗ ở trong thời hạn từ một ngày đến bảy ngày theo quy định về mùa (an cư) mưa. Quý vị nếu có thắc mắc nên kiểm tra lại ở bản chú giải Samantapāsādikā.

IX. CHƯƠNG CAMPĀ (CAMPEYYAKKHANDHAKAṂ)

[174] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại Campā ở bờ hồ sen Gaggarā. Vào lúc bấy giờ, trong xứ Kāsī có ngôi làng tên là Vāsabha. Ở đó có vị tỳ khưu tên Kassapagotta là vị thường trú, gắn bó với truyền thống, thực hiện sự nỗ lực (nghĩ rằng): “Làm thế nào để các vị tỳ khưu hiền thiện chưa đi đến có thể đi đến, các vị tỳ khưu hiền thiện đã đến rồi có thể sống an lạc, và trú xứ này có thể đạt được sự lớn mạnh, sự tăng trưởng, và sự phát triển?”

Vào lúc bấy giờ, có nhiều vị tỳ khưu trong khi đi du hành ở xứ Kāsī đã đến trú ngụ tại làng Vāsabha. Tỳ khưu Kassapagotta đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã sắp xếp chỗ ngồi, đã đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rồi đã đi ra tiếp rước y bát, dâng nước uống, đã nỗ lực trong việc tắm (của các vị ấy), và cũng đã nỗ lực trong vấn đề cháo, vật thực cứng, và bữa ăn nữa. Khi ấy, các vị tỳ khưu vãng lai ấy đã bàn bạc điều này: “Này các đại đức, vị tỳ khưu thường trú này tốt thật! Vị ấy đã nỗ lực trong việc tắm (của chúng ta), và cũng đã nỗ lực trong vấn đề cháo, vật thực cứng, và bữa ăn nữa. Này các đại đức, vậy thì chúng ta hãy sắp xếp việc định cư ngay tại nơi đây trong làng Vāsabha.” Sau đó, các vị tỳ khưu vãng lai ấy đã sắp xếp việc định cư ngay tại nơi ấy trong làng Vāsabha.

Khi ấy, tỳ khưu Kassapagotta đã khởi ý điều này: “Sự mệt nhọc vì việc đi đến của các vị tỳ khưu vãng lai này (nay) đã được tiêu tan. Các vị này (trước đây) không biết các chỗ đi khất thực, bây giờ các vị ấy biết các chỗ đi khất thực. Thật khó khăn khi phải nỗ lực trọn đời cho những người khác gia tộc, và sự gợi ý (yêu cầu) lại không được dân chúng hoan hỷ. Hay là ta sẽ không nỗ lực trong vấn đề cháo, vật thực cứng, và bữa ăn nữa?” Vị ấy đã không nỗ lực trong vấn đề cháo, vật thực cứng, và bữa ăn nữa. Sau đó, các tỳ khưu vãng lai đã bàn bạc điều này: “Này các đại đức, trước đây chính vị tỳ khưu thường trú này đã nỗ lực trong việc tắm (của chúng ta) và cũng đã nỗ lực trong vấn đề cháo, vật thực cứng, và bữa ăn nữa. Hiện nay, vị này đây không nỗ lực trong vấn đề cháo, vật thực cứng, và bữa ăn nữa. Này các đại đức, giờ đây vị tỳ khưu thường trú này đã trở nên hư hỏng. Này các đại đức, vậy chúng ta hãy thi hành án treo đối với vị tỳ khưu thường trú này đi.” Sau đó, các vị tỳ khưu vãng lai ấy đã tụ họp lại và nói với tỳ khưu Kassapagotta điều này:

- Này đại đức, trước đây chính đại đức đã nỗ lực trong việc tắm (của chúng tôi) và cũng đã nỗ lực trong vấn đề cháo, vật thực cứng, và bữa ăn nữa. Hiện nay, đại đức đây không nỗ lực trong vấn đề cháo, vật thực cứng, và bữa ăn nữa. Này đại đức, đại đức đã phạm tội. Đại đức có nhìn nhận tội ấy không?

- Này các đại đức, tôi không có tội cho nên tôi không thể nhìn nhận được.

Khi ấy, các tỳ khưu vãng lai ấy đã thi hành án treo trong việc không nhìn nhận tội đối với tỳ khưu Kassapagotta.

Khi ấy, tỳ khưu Kassapagotta đã khởi ý điều này: “Thật sự ta không hiểu được sự việc này: ‘Điều ấy là tội hay không phải tội, ta có phạm tội hay không phạm, và ta đã bị án treo hay không bị án treo, đúng Pháp hay không đúng Pháp, có thể sửa đổi hay không thể sửa đổi, đáng được duy trì hay không đáng được duy trì?’ Hay là ta nên đi Campā và hỏi đức Thế Tôn về sự việc này?” Sau đó, tỳ khưu Kassapagotta đã thu xếp chỗ trú ngụ rồi cầm y bát ra đi về phía Campā. Tuần tự, vị ấy đã đến Campā gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên.

Điều này đã trở thành thông lệ của chư Phật Thế Tôn là niềm nở đối với các tỳ khưu đi đến. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với tỳ khưu Kassapagotta điều này:

- Này tỳ khưu, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Ngươi đi đường xa có được ít mệt nhọc không? Và này tỳ khưu, ngươi từ đâu đến vậy?

- Bạch Thế Tôn, sức khoẻ khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc được tốt đẹp. Và bạch ngài, con đi đường xa ít có mệt nhọc. Bạch ngài, trong xứ Kāsī có ngôi làng tên là Vāsabha. Ở đó, con là vị thường trú, gắn bó với truyền thống, thực hiện sự nỗ lực (nghĩ rằng): “Làm thế nào để các vị tỳ khưu hiền thiện chưa đi đến có thể đi đến, các vị tỳ khưu hiền thiện đã đến rồi có thể sống an lạc, và trú xứ này có thể đạt được sự lớn mạnh, sự tăng trưởng, và sự phát triển?” Bạch ngài, sau đó có nhiều vị tỳ khưu trong khi đi du hành ở xứ Kāsī đã đến trú ngụ tại làng Vāsabha. Bạch ngài, con đã nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã sắp xếp chỗ ngồi, đã đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rồi đã đi ra tiếp rước y bát, dâng nước uống, đã nỗ lực trong việc tắm (của các vị ấy), và cũng đã nỗ lực trong vấn đề cháo, vật thực cứng, và bữa ăn nữa. Bạch ngài, khi ấy các vị tỳ khưu vãng lai ấy đã bàn bạc điều này: “Này các đại đức, vị tỳ khưu thường trú này tốt thật! Vị ấy đã nỗ lực trong việc tắm (của chúng ta), và cũng đã nỗ lực trong vấn đề cháo, vật thực cứng, và bữa ăn nữa. Này các đại đức, vậy thì chúng ta hãy sắp xếp việc định cư ngay tại nơi đây trong làng Vāsabha.” Bạch ngài, sau đó các vị tỳ khưu vãng lai ấy đã sắp xếp việc định cư ngay tại nơi ấy trong làng Vāsabha. Bạch ngài, khi ấy con đây đã khởi ý điều này: “Sự mệt nhọc vì việc đi đến của các vị tỳ khưu vãng lai này (nay) đã được tiêu tan. Các vị này (trước đây) không biết các chỗ đi khất thực, bây giờ các vị ấy biết các chỗ đi khất thực. Thật khó khăn khi phải nỗ lực trọn đời cho những người khác gia tộc, và sự gợi ý (yêu cầu) lại không được dân chúng hoan hỷ. Hay là ta sẽ không nỗ lực trong vấn đề cháo, vật thực cứng, và bữa ăn nữa?” Bạch ngài, con đây đã không nỗ lực trong vấn đề cháo, vật thực cứng, và bữa ăn nữa. Bạch ngài, sau đó các tỳ khưu vãng lai ấy đã bàn bạc điều này: “Này các đại đức, trước đây chính vị tỳ khưu thường trú này đã nỗ lực trong việc tắm (của chúng ta) và cũng đã nỗ lực trong vấn đề cháo, vật thực cứng, và bữa ăn nữa. Hiện nay, vị này đây không nỗ lực trong vấn đề cháo, vật thực cứng, và bữa ăn nữa. Này các đại đức, giờ đây vị tỳ khưu thường trú này đã trở nên hư hỏng. Này các đại đức, vậy chúng ta hãy thi hành án treo đối với vị tỳ khưu thường trú này đi.” Bạch ngài, sau đó các vị tỳ khưu vãng lai ấy đã tụ họp lại và nói với con điều này: “Này đại đức, trước đây chính đại đức đã nỗ lực trong việc tắm (của chúng tôi) và cũng đã nỗ lực trong vấn đề cháo, vật thực cứng, và bữa ăn nữa. Hiện nay, đại đức đây không nỗ lực trong vấn đề cháo, vật thực cứng, và bữa ăn nữa. Này đại đức, đại đức đã phạm tội. Đại đức có nhìn nhận tội ấy không?” “Này các đại đức, tôi không có tội cho nên tôi không thể nhìn nhận được.” Bạch ngài, khi ấy các tỳ khưu vãng lai ấy đã thi hành án treo trong việc không nhìn nhận tội đối với con. Bạch ngài, khi ấy con đã khởi ý điều này: “Thật sự ta không hiểu được sự việc này: ‘Điều ấy là tội hay không phải tội, ta có phạm tội hay không phạm, và ta đã bị án treo hay không bị án treo, đúng Pháp hay không đúng Pháp, có thể sửa đổi hay không thể sửa đổi, đáng được duy trì hay không đáng được duy trì?’ Hay là ta nên đi Campā và hỏi đức Thế Tôn về sự việc này?” Bạch Thế Tôn, con từ nơi đó đi đến.

- Này tỳ khưu, việc ấy là vô tội, việc ấy không phải là tội. Ngươi là không có tội, ngươi không có phạm tội. Ngươi là không bị án treo, ngươi không có bị án treo. Ngươi đã bị án treo bởi hành sự không đúng Pháp, có thể sửa đổi, không đáng được duy trì. Này tỳ khưu, ngươi hãy đi và hãy sắp xếp việc định cư ngay tại nơi ấy trong làng Vāsabha.

- Bạch ngài, xin vâng.

Rồi vị tỳ khưu Kassapagotta nghe theo đức Thế Tôn, đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi về làng Vāsabha.

Khi ấy, các vị tỳ khưu vãng lai ấy đã trở nên hối hận, đã trở nên ăn năn (nghĩ rằng): “Thật là bất lợi cho chúng ta, thật là không có lợi ích cho chúng ta, rồi chúng ta sẽ gặt quả xấu, rồi chúng ta sẽ không được quả tốt; chúng ta đã thi hành án treo không có cơ sở không có nguyên nhân đối với vị tỳ khưu trong sạch không có phạm tội. Này các đại đức, vậy chúng ta hãy đi Campā và sám hối sự sai trái trong tội lỗi ấy nơi đức Thế Tôn.” Sau đó, các vị tỳ khưu vãng lai ấy đã thu xếp chỗ trú ngụ rồi cầm y bát ra đi về hướng Campā. Tuần tự, các vị ấy đã đến Campā gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên.

Điều này đã trở thành thông lệ của chư Phật Thế Tôn là niềm nở đối với các tỳ khưu đi đến. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, sức khoẻ có khá không ? Mọi việc có được tốt đẹp không? Các ngươi đi đường xa có được ít mệt nhọc không? Và này các tỳ khưu, các ngươi từ đâu đi đến vậy?

- Bạch Thế Tôn, sức khoẻ khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc được tốt đẹp. Và bạch ngài, chúng con đi đường xa ít có mệt nhọc. Bạch ngài, trong xứ Kāsī có ngôi làng tên là Vāsabha. Bạch Thế Tôn, chúng con từ nơi đó đi đến.

- Này các tỳ khưu, các ngươi đã thi hành án treo vị tỳ khưu thường trú có phải không?

- Bạch Thế Tôn, thưa phải.

- Này các tỳ khưu, dựa trên cơ sở gì vậy, dựa vào nguyên nhân gì vậy?

- Bạch Thế Tôn, không có cơ sở, không có nguyên nhân.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

- Này các tỳ khưu, thật không đúng đắn, không hợp lẽ, không tốt đẹp, không xứng pháp sa-môn, không được phép, không nên làm. Vì sao những kẻ rồ dại các ngươi lại thi hành án treo không có cơ sở, không có nguyên nhân đối với vị tỳ khưu trong sạch không có phạm tội? Này những kẻ rồ dại, sự việc này không đem lại niềm tin cho những kẻ chưa có đức tin, ...(như trên)...

Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, không nên thi hành án treo không có cơ sở, không có nguyên nhân đối với vị tỳ khưu trong sạch không có phạm tội; vị nào thi hành án treo thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, quỳ xuống đê đầu ở hai chân của đức Thế Tôn, rồi nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, tội lỗi đã chiếm ngự lấy chúng con khiến chúng con trở nên đần độn, ngu si, không có đạo đức là việc chúng con thi hành án treo không có cơ sở, không có nguyên nhân đối với vị tỳ khưu trong sạch không có phạm tội. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn ghi nhận sự sai trái trong tội lỗi ấy của chúng con hầu để ngăn ngừa trong tương lai.

- Này các tỳ khưu, đúng như vậy. Tội lỗi đã chiếm ngự lấy các ngươi khiến các ngươi trở nên đần độn, ngu si, không có đạo đức là việc các ngươi thi hành án treo không có cơ sở, không có nguyên nhân đối với vị tỳ khưu trong sạch không có phạm tội. Này các tỳ khưu, chính từ việc đó các ngươi đã thấy được sự sai trái trong tội lỗi và sửa đổi đúng theo Pháp, chúng ta nhận biết điều ấy cho các ngươi. Này các tỳ khưu, chính điều này là sự tiến bộ trong giới luật của bậc Thánh: “Người nào sau khi thấy được sự sai trái trong tội lỗi và sửa đổi đúng theo Pháp sẽ có được sự ngăn ngừa trong tương lai.”

[175] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ở Campā đã thực thi các hành sự có hình thức như vầy: Các vị thực thi hành sự sai Pháp theo phe nhóm, các vị thực thi hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, các vị thực thi hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, các vị thực thi hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp (dhammapaṭirūpakena) theo phe nhóm, các vị thực thi hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, chỉ một vị thi hành án treo một vị, chỉ một vị thi hành án treo hai vị, chỉ một vị thi hành án treo một số vị, chỉ một vị thi hành án treo cả hội chúng, chỉ hai vị thi hành án treo một vị, chỉ hai vị thi hành án treo hai vị, chỉ hai vị thi hành án treo một số vị, chỉ hai vị thi hành án treo cả hội chúng, chỉ một số vị thi hành án treo một vị, chỉ một số vị thi hành án treo hai vị, chỉ một số vị thi hành án treo một số vị, chỉ một số vị thi hành án treo cả hội chúng, hội chúng thi hành án treo hội chúng.

Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu ở Campā lại thực thi các hành sự có hình thức như vầy: Các vị thực thi hành sự sai Pháp theo phe nhóm, ...(như trên)..., hội chúng thi hành án treo hội chúng?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu ở Campā thực thi các hành sự có hình thức như vầy: Các vị thực thi hành sự sai Pháp theo phe nhóm, ...(như trên)..., hội chúng thi hành án treo hội chúng, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

...(như trên)... Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại và bảo các tỳ khưu rằng:

[176] - Này các tỳ khưu, nếu hành sự là sai Pháp, theo phe nhóm thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu hành sự là sai Pháp, có sự hợp nhất thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu hành sự là đúng Pháp, theo phe nhóm thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp, theo phe nhóm thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp, có sự hợp nhất, thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Chỉ một vị thi hành án treo một vị thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Chỉ một vị thi hành án treo hai vị thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Chỉ một vị thi hành án treo một số vị thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Chỉ một vị thi hành án treo cả hội chúng thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Chỉ hai vị thi hành án treo một vị thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Chỉ hai vị thi hành án treo hai vị thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Chỉ hai vị thi hành án treo một số vị thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Chỉ hai vị thi hành án treo cả hội chúng thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Chỉ một số vị thi hành án treo một vị thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Chỉ một số vị thi hành án treo hai vị thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Chỉ một số vị thi hành án treo một số vị thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Chỉ một số vị thi hành án treo cả hội chúng thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Hội chúng thi hành án treo hội chúng thì không phải là hành sự và không nên thực thi.

[177] Này các tỳ khưu, đây là bốn loại hành sự: Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự đúng Pháp có sự hợp nhất.

Này các tỳ khưu, trường hợp ấy tức là hành sự sai Pháp theo phe nhóm. Này các tỳ khưu, hành sự này có bản chất sai Pháp, có bản chất phe nhóm, có thể sửa đổi, không đáng được duy trì. Này các tỳ khưu, hành sự như thế không nên thực thi và hành sự như thế không được ta cho phép.

Này các tỳ khưu, trường hợp ấy tức là hành sự sai Pháp có sự hợp nhất. Này các tỳ khưu, hành sự này có bản chất sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng được duy trì. Này các tỳ khưu, hành sự như thế không nên thực thi và hành sự như thế không được ta cho phép.

Này các tỳ khưu, trường hợp ấy tức là hành sự đúng Pháp theo phe nhóm. Này các tỳ khưu, hành sự này có bản chất phe nhóm, có thể sửa đổi, không đáng được duy trì. Này các tỳ khưu, hành sự như thế không nên thực thi và hành sự như thế không được ta cho phép.

Này các tỳ khưu, trường hợp ấy tức là hành sự đúng Pháp có sự hợp nhất. Này các tỳ khưu, hành sự này có bản chất đúng Pháp, có bản chất hợp nhất, không thể sửa đổi, đáng được duy trì. Này các tỳ khưu, hành sự như thế nên được thực thi và hành sự như thế được ta cho phép.

Này các tỳ khưu, do đó ở đây: “Chúng ta sẽ thực thi hành sự như vầy tức là đúng Pháp có sự hợp nhất.” Này các tỳ khưu, các ngươi nên học tập theo đúng như thế.

[178] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu nhóm Lục Sư thực thi các hành sự như vầy: Các vị thực thi hành sự sai Pháp theo phe nhóm, các vị thực thi hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, các vị thực thi hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, các vị thực thi hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, các vị thực thi hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, các vị thực thi hành sự thiếu lời đề nghị (ñatti) nhưng có các lời khẳng định (anussāvana), các vị thực thi hành sự thiếu các lời khẳng định nhưng có lời đề nghị, các vị thực thi hành sự thiếu lời đề nghị và thiếu luôn các lời khẳng định, các vị thực thi hành sự đối nghịch với Pháp, các vị thực thi hành sự đối nghịch với Luật, các vị thực thi hành sự đối nghịch với lời dạy của bậc Đạo Sư, các vị thực thi hành sự đã bị chê trách khi được thực thi, không đúng Pháp, có thể sửa đổi, không đáng được duy trì. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu nhóm Lục Sư lại thực thi các hành sự như vầy: Các vị thực thi hành sự sai Pháp theo phe nhóm, ...(như trên)..., các vị thực thi hành sự đã bị chê trách khi được thực thi, không đúng Pháp, có thể sửa đổi, không đáng được duy trì?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu nhóm Lục Sư thực thi các hành sự như vầy: Các vị thực thi hành sự sai Pháp theo phe nhóm, ...(như trên)..., các vị thực thi hành sự đã bị chê trách khi được thực thi, không đúng Pháp, có thể sửa đổi, không đáng được duy trì,, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

...(như trên)... Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại và bảo các tỳ khưu rằng:

[179] - Này các tỳ khưu, nếu là hành sự sai Pháp theo phe nhóm thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu là hành sự sai Pháp có sự hợp nhất thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu là hành sự đúng Pháp theo phe nhóm thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu là hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu là hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu là hành sự thiếu lời đề nghị nhưng có các lời khẳng định thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu là hành sự thiếu các lời khẳng định nhưng có lời đề nghị thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu là hành sự thiếu lời đề nghị và thiếu luôn các lời khẳng định thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu là hành sự đối nghịch với Pháp thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu đối nghịch với Luật thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu là hành sự đối nghịch với lời dạy của bậc Đạo Sư thì không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu là hành sự đã bị chê trách khi được thực thi, không đúng Pháp, có thể sửa đổi, không đáng được duy trì thì không phải là hành sự và không nên thực thi.

[180] Này các tỳ khưu, đây là sáu loại hành sự: Hành sự sai Pháp, hành sự theo phe nhóm, hành sự có sự hợp nhất, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp có sự hợp nhất.

[181] Và này các tỳ khưu, thế nào là hành sự sai Pháp?

Này các tỳ khưu, trong hành sự được thông báo đến lần thứ hai (ñattidutiya kamma), nếu thực thi hành sự với một lời đề nghị và không công bố lời khẳng định của hành sự, (như thế là) hành sự sai Pháp. Này các tỳ khưu, trong hành sự được thông báo đến lần thứ hai, nếu thực thi hành sự với hai lời đề nghị và không công bố lời khẳng định của hành sự, (như thế là) hành sự sai Pháp. Này các tỳ khưu, trong hành sự được thông báo đến lần thứ hai, nếu thực thi hành sự với một lời khẳng định của hành sự và không xác định lời đề nghị, (như thế là) hành sự sai Pháp. Này các tỳ khưu, trong hành sự được thông báo đến lần thứ hai, nếu thực thi hành sự với hai lời khẳng định của hành sự và không xác định lời đề nghị, (như thế là) hành sự sai Pháp.

Này các tỳ khưu, trong hành sự được thông báo đến lần thứ tư (ñatticatuttha kamma), nếu thực thi hành sự với một lời đề nghị và không công bố lời khẳng định của hành sự, (như thế là) hành sự sai Pháp. Này các tỳ khưu, trong hành sự được thông báo đến lần thứ tư, nếu thực thi hành sự với hai lời đề nghị và không công bố lời khẳng định của hành sự, (như thế là) hành sự sai Pháp. Này các tỳ khưu, trong hành sự được thông báo đến lần thứ tư, nếu thực thi hành sự với một lời khẳng định của hành sự và không xác định lời đề nghị, (như thế là) hành sự sai Pháp. Này các tỳ khưu, trong hành sự được thông báo đến lần thứ tư, nếu thực thi hành sự với hai lời khẳng định của hành sự, với ba lời khẳng định của hành sự, với bốn lời khẳng định của hành sự và không xác định lời đề nghị, (như thế là) hành sự sai Pháp.

Này các tỳ khưu, đây được gọi là hành sự sai Pháp.

[182] Và này các tỳ khưu, thế nào là hành sự theo phe nhóm?

Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ hai (ñattidutiya kamma), các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết chohành sự (kammappattā) các vị ấy không đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận không được đem đến, các vị hiện diện phản đối, (như thế là) hành sự theo phe nhóm. Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ hai, các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết cho hành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận không được đem đến, các vị hiện diện phản đối, (như thế là) hành sự theo phe nhóm. Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ hai, các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết chohành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận đã được đem đến, các vị hiện diện phản đối, (như thế là) hành sự theo phe nhóm.

Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ tư (ñatticatuttha kamma), các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết chohành sự các vị ấy không đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận không được đem đến, các vị hiện diện phản đối, (như thế là) hành sự theo phe nhóm. Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ tư, các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết chohành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận không được đem đến, các vị hiện diện phản đối, (như thế là) hành sự theo phe nhóm. Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ tư, các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết chohành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận đã được đem đến, các vị hiện diện phản đối, (như thế là) hành sự theo phe nhóm.

Này các tỳ khưu, đây được gọi là hành sự theo phe nhóm.

[183] Và này các tỳ khưu, thế nào là hành sự có sự hợp nhất?

Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ hai, các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết chohành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận đã được đem đến, các vị hiện diện không phản đối, (như thế là) hành sự có sự hợp nhất. Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ tư, các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết chohành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận đã được đem đến, các vị hiện diện không phản đối, (như thế là) hành sự có sự hợp nhất.

Này các tỳ khưu, đây được gọi là hành sự có sự hợp nhất.

[184] Này các tỳ khưu, thế nào là hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm?

Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ hai, (vị tỳ khưu) công bố lời khẳng định trước và xác định lời đề nghị sau, các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết cho hành sự các vị ấy chưa đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận chưa được đem đến, các vị hiện diện phản đối, (như thế là) hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm. Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ hai, (vị tỳ khưu) công bố lời khẳng định trước và xác định lời đề nghị sau, các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết cho hành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận chưa được đem đến, các vị hiện diện phản đối, (như thế là) hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm. Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ hai, (vị tỳ khưu) công bố lời khẳng định trước và xác định lời đề nghị sau, các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết cho hành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận đã được đem đến, các vị hiện diện phản đối, (như thế là) hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm.

Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ tư, (vị tỳ khưu) công bố lời khẳng định trước và xác định lời đề nghị sau, các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết cho hành sự các vị ấy chưa đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận chưa được đem đến, các vị hiện diện phản đối, (như thế là) hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm. Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ tư, (vị tỳ khưu) công bố lời khẳng định trước và xác định lời đề nghị sau, các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết cho hành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận chưa được đem đến, các vị hiện diện phản đối, (như thế là) hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm. Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ tư, (vị tỳ khưu) công bố lời khẳng định trước và xác định lời đề nghị sau, các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết cho hành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận đã được đem đến, các vị hiện diện phản đối, (như thế là) hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm.

Này các tỳ khưu, đây được gọi là hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm.

[185] Này các tỳ khưu, thế nào là hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất?

Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ hai, (vị tỳ khưu) công bố lời khẳng định trước và xác định lời đề nghị sau, các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết cho hành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận đã được đem đến, các vị hiện diện không phản đối, (như thế là) hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ tư, (vị tỳ khưu) công bố lời khẳng định trước và xác định lời đề nghị sau, các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết cho hành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận đã được đem đến, các vị hiện diện không phản đối, (như thế là) hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất.

Này các tỳ khưu, đây được gọi là hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất.

[186] Này các tỳ khưu, thế nào là hành sự đúng Pháp có sự hợp nhất?

Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ hai, (vị tỳ khưu) xác định lời đề nghị trước và thực thi hành sự với một lời khẳng định của hành sự sau, các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết cho hành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận đã được đem đến, các vị hiện diện không phản đối, (như thế là) hành sự đúng Pháp có sự hợp nhất. Này các tỳ khưu, nếu trong hành sự được thông báo đến lần thứ tư, (vị tỳ khưu) xác định lời đề nghị trước và thực thi hành sự với ba lời khẳng định của hành sự sau, các vị tỳ khưu với số lượng cần thiết cho hành sự các vị ấy đã đến, sự tùy thuận của các vị cần phải gởi tùy thuận đã được đem đến, các vị hiện diện không phản đối, (như thế là) hành sự đúng Pháp có sự hợp nhất.

Này các tỳ khưu, đây được gọi là hành sự đúng Pháp có sự hợp nhất.

[187] Có năm hội chúng: Hội chúng tỳ khưu với nhóm bốn vị, hội chúng tỳ khưu với nhóm năm vị, hội chúng tỳ khưu với nhóm mười vị, hội chúng tỳ khưu với nhóm hai mươi vị, hội chúng tỳ khưu với nhóm trên hai mươi vị.

Này các tỳ khưu, ở đây hội chúng tỳ khưu với nhóm bốn vị này có thể thành tựu đúng Pháp với sự hợp nhất tất cả các loại hành sự ngoại trừ ba hành sự: tu lên bậc trên, lễ Pavāraṇā (Tự Tứ), và sự giải tội (abbhāna).

Này các tỳ khưu, ở đây hội chúng tỳ khưu với nhóm năm vị này có thể thành tựu đúng Pháp với sự hợp nhất tất cả các loại hành sự ngoại trừ hai hành sự: tu lên bậc trên ở các nước trung tâm (majjhimesu janapadesu) và sự giải tội.

Này các tỳ khưu, ở đây hội chúng tỳ khưu với nhóm mười vị này có thể thành tựu đúng Pháp với sự hợp nhất tất cả các loại hành sự ngoại trừ một hành sự là sự giải tội.

Này các tỳ khưu, ở đây hội chúng tỳ khưu với nhóm hai mươi vị này có thể thành tựu đúng Pháp với sự hợp nhất tất cả các loại hành sự.

Này các tỳ khưu, ở đây hội chúng tỳ khưu với nhóm trên hai mươi vị này có thể thành tựu đúng Pháp với sự hợp nhất tất cả các loại hành sự.

[188] Này các tỳ khưu, nếu hành sự là công việc của nhóm bốn vị và thực thi hành sự (với nhóm) có vị thứ tư là tỳ khưu ni thì (hành sự ấy) không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu hành sự là công việc của nhóm bốn vị và thực thi hành sự (với nhóm) có vị thứ tư là cô ni tu tập sự ...(như trên)... có vị thứ tư là sa di, có vị thứ tư là sa di ni, có vị thứ tư là vị xả bỏ điều học, có vị thứ tư là vị bị phạm tội cực nặng, có vị thứ tư là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, có vị thứ tư là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, có vị thứ tư là vị bị án treo trong việc không chịu từ bỏ tà kiến ác, có vị thứ tư là kẻ vô căn, có vị thứ tư là kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), có vị thứ tư là kẻ đã đi theo ngoại đạo, có vị thứ tư là loài thú, có vị thứ tư là kẻ giết mẹ, có vị thứ tư là kẻ giết cha, có vị thứ tư là kẻ giết A-la-hán, có vị thứ tư là kẻ làm ô uế tỳ khưu ni, có vị thứ tư là kẻ chia rẽ hội chúng, có vị thứ tư là kẻ làm chảy máu (đức Phật), có vị thứ tư là kẻ lưỡng căn, có vị thứ tư là vị không đồng cộng trú, có vị thứ tư đứng ở ranh giới khác (nānāsīmāya), có vị thứ tư đứng trên không trung nhờ vào thần thông ... Nếu hành sự là công việc của nhóm bốn vị và thực thi hành sự (với nhóm) có vị thứ tư là đối tượng mà hội chúng thực thi hành sự đến, thì (hành sự ấy) không phải là hành sự và không nên thực thi.

Công việc của nhóm bốn vị.

[189] Này các tỳ khưu, nếu hành sự là công việc của nhóm năm vị và thực thi hành sự (với nhóm) có vị thứ năm là tỳ khưu ni thì (hành sự ấy) không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu hành sự là công việc của nhóm năm vị và thực thi hành sự (với nhóm) có vị thứ năm là cô ni tu tập sự ...(như trên)... có vị thứ năm là sa di, có vị thứ năm là sa di ni, có vị thứ năm là vị xả bỏ điều học, có vị thứ năm là vị bị phạm tội cực nặng, có vị thứ năm là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, có vị thứ năm là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, có vị thứ năm là vị bị án treo trong việc không chịu từ bỏ tà kiến ác, có vị thứ năm là kẻ vô căn, có vị thứ năm là kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), có vị thứ năm là kẻ đã đi theo ngoại đạo, có vị thứ năm là loài thú, có vị thứ năm là kẻ giết mẹ, có vị thứ năm là kẻ giết cha, có vị thứ năm là kẻ giết A-la-hán, có vị thứ năm là kẻ làm ô uế tỳ khưu ni, có vị thứ năm là kẻ chia rẽ hội chúng, có vị thứ năm là kẻ làm chảy máu (đức Phật), có vị thứ năm là kẻ lưỡng căn, có vị thứ năm là vị không đồng cộng trú, có vị thứ năm đứng ở ranh giới khác, có vị thứ năm đứng trên không trung nhờ vào thần thông ... Nếu hành sự là công việc của nhóm năm vị và thực thi hành sự (với nhóm) có vị thứ năm là đối tượng mà hội chúng thực thi hành sự đến, thì (hành sự ấy) không phải là hành sự và không nên thực thi.

Công việc của nhóm năm vị.

[190] Này các tỳ khưu, nếu hành sự là công việc của nhóm mười vị và thực thi hành sự (với nhóm) có vị thứ mười là tỳ khưu ni thì (hành sự ấy) không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu hành sự là công việc của nhóm mười vị và thực thi hành sự (với nhóm) có vị thứ mười là cô ni tu tập sự ...(như trên)... có vị thứ mười là sa di, có vị thứ mười là sa di ni, có vị thứ mười là vị xả bỏ điều học, có vị thứ mười là vị bị phạm tội cực nặng, có vị thứ mười là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, có vị thứ mười là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, có vị thứ mười là vị bị án treo trong việc không chịu từ bỏ tà kiến ác, có vị thứ mười là kẻ vô căn, có vị thứ mười là kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), có vị thứ mười là kẻ đã đi theo ngoại đạo, có vị thứ mười là loài thú, có vị thứ mười là kẻ giết mẹ, có vị thứ mười là kẻ giết cha, có vị thứ mười là kẻ giết A-la-hán, có vị thứ mười là kẻ làm ô uế tỳ khưu ni, có vị thứ mười là kẻ chia rẽ hội chúng, có vị thứ mười là kẻ làm chảy máu (đức Phật), có vị thứ mười là kẻ lưỡng căn, có vị thứ mười là vị không đồng cộng trú, có vị thứ mười đứng ở ranh giới khác, có vị thứ mười đứng trên không trung nhờ vào thần thông ... Nếu hành sự là công việc của nhóm mười vị và thực thi hành sự (với nhóm) có vị thứ mười là đối tượng mà hội chúng thực thi hành sự đến, thì (hành sự ấy) không phải là hành sự và không nên thực thi.

Công việc của nhóm mười vị.

[191] Này các tỳ khưu, nếu hành sự là công việc của nhóm hai mươi vị và thực thi hành sự (với nhóm) có vị thứ hai mươi là tỳ khưu ni thì (hành sự ấy) không phải là hành sự và không nên thực thi. Này các tỳ khưu, nếu hành sự là công việc của nhóm hai mươi vị và thực thi hành sự (với nhóm) có vị thứ hai mươi là cô ni tu tập sự ...(như trên)... có vị thứ hai mươi là sa di, có vị thứ hai mươi là sa di ni, có vị thứ hai mươi là vị xả bỏ điều học, có vị thứ hai mươi là vị bị phạm tội cực nặng, có vị thứ hai mươi là vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội, có vị thứ hai mươi là vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi, có vị thứ hai mươi là vị bị án treo trong việc không chịu từ bỏ tà kiến ác, có vị thứ hai mươi là kẻ vô căn, có vị thứ hai mươi là kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu), có vị thứ hai mươi là kẻ đã đi theo ngoại đạo, có vị thứ hai mươi là loài thú, có vị thứ hai mươi là kẻ giết mẹ, có vị thứ hai mươi là kẻ giết cha, có vị thứ hai mươi là kẻ giết A-la-hán, có vị thứ hai mươi là kẻ làm ô uế tỳ khưu ni, có vị thứ hai mươi là kẻ chia rẽ hội chúng, có vị thứ hai mươi là kẻ làm chảy máu (đức Phật), có vị thứ hai mươi là kẻ lưỡng căn, có vị thứ hai mươi là vị không đồng cộng trú, có vị thứ hai mươi đứng ở ranh giới khác ... Nếu hành sự là công việc của nhóm hai mươi vị và thực thi hành sự (với nhóm) có vị thứ hai mươi là đối tượng mà hội chúng thực thi hành sự đến, thì (hành sự ấy) không phải là hành sự và không nên thực thi.

Công việc của nhóm hai mươi vị.

[192] Này các tỳ khưu, nếu (hội chúng có) vị thứ tư là vị đang thực thi hành phạt parivāsa rồi ban cho hành phạt parivāsa, cho (thực hành) trở lại từ đầu, ban cho hành phạt mānatta, có vị ấy là vị thứ hai mươi rồi giải tội thì (hành sự ấy) không phải là hành sự và không nên thực thi.

Này các tỳ khưu, nếu (hội chúng có) vị thứ tư là vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu rồi ban cho hành phạt parivāsa, cho (thực hành) trở lại từ đầu, ban cho hành phạt mānatta, có vị ấy là vị thứ hai mươi rồi giải tội thì (hành sự ấy) không phải là hành sự và không nên thực thi.

Này các tỳ khưu, nếu (hội chúng có) vị thứ tư là vị xứng đáng hành phạt mānatta rồi ban cho hành phạt parivāsa, cho (thực hành) trở lại từ đầu, ban cho hành phạt mānatta, có vị ấy là vị thứ hai mươi rồi giải tội thì (hành sự ấy) không phải là hành sự và không nên thực thi.

Này các tỳ khưu, nếu (hội chúng có) vị thứ tư là vị đang thực thi hành phạt mānatta rồi ban cho hành phạt parivāsa, cho (thực hành) trở lại từ đầu, ban cho hành phạt mānatta, có vị ấy là vị thứ hai mươi rồi giải tội thì (hành sự ấy) không phải là hành sự và không nên thực thi.

Này các tỳ khưu, nếu (hội chúng có) vị thứ tư là vị xứng đáng sự giải tội rồi ban cho hành phạt parivāsa, cho (thực hành) trở lại từ đầu, ban cho hành phạt mānatta, có vị ấy là vị thứ hai mươi rồi giải tội thì (hành sự ấy) không phải là hành sự và không nên thực thi.

[193] Này các tỳ khưu, sự phản đối giữa hội chúng của một hạng người có giá trị, của một hạng người không có giá trị.

Này các tỳ khưu, sự phản đối giữa hội chúng của hạng người nào không có giá trị?

Này các tỳ khưu, sự phản đối giữa hội chúng của vị tỳ khưu ni không có giá trị. Này các tỳ khưu, của cô ni tu tập sự ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của sa di ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của sa di ni ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của vị xả bỏ điều học ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của vị bị phạm tội cực nặng ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của vị bị điên ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của vị có tâm bị rối loạn ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của vị bị thọ khổ hành hạ ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của vị bị án treo trong việc không nhìn nhận tội ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của vị bị án treo trong việc không sửa chữa lỗi ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của vị bị án treo trong việc không chịu từ bỏ tà kiến ác ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của kẻ vô căn ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu) ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của kẻ đã đi theo ngoại đạo ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của loài thú ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của kẻ giết mẹ ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của kẻ giết cha ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của kẻ giết A-la-hán ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của kẻ làm ô uế tỳ khưu ni ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của kẻ chia rẽ hội chúng ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của kẻ làm chảy máu (đức Phật) ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của kẻ lưỡng căn ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của vị không đồng cộng trú ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của vị đứng ở ranh giới khác ...(như trên)... Này các tỳ khưu, của vị đứng trên không trung nhờ vào thần thông ...(như trên)... Này các tỳ khưu, vị nào mà hội chúng (đang) thực thi hành sự cho, sự phản đối giữa hội chúng của vị ấy không có giá trị.

Này các tỳ khưu, sự phản đối giữa hội chúng của những hạng người này không có giá trị.

Này các tỳ khưu, sự phản đối giữa hội chúng của hạng người nào có giá trị?

Này các tỳ khưu, sự phản đối giữa hội chúng có giá trị là (sự phản đối) của vị tỳ khưu trong sạch (pakatatta bhikkhu), đồng cộng trú, đứng chung ranh giới, cho dù vị ấy chỉ báo cho vị tỳ khưu kế bên biết.

Này các tỳ khưu, sự phản đối giữa hội chúng của hạng người này có giá trị.

[194] Này các tỳ khưu, đây là hai trường hợp mời ra (nissāraṇā). Này các tỳ khưu, có người không đáng để bị sự mời ra, nhưng nếu hội chúng mời vị ấy ra, một vị đã được mời ra đúng, một vị đã bị mời ra sai.

Và này các tỳ khưu, thế nào là người không đáng để bị sự mời ra, nhưng nếu hội chúng mời vị ấy ra, thì (vị ấy) đã bị mời ra sai? Này các tỳ khưu, trong trường hợp này vị tỳ khưu là trong sạch, không có phạm tội, nhưng nếu hội chúng mời vị ấy ra thì (vị ấy) đã bị mời ra sai. Này các tỳ khưu, vị này được gọi là người không đáng để bị sự mời ra, nhưng nếu hội chúng mời vị ấy ra thì (vị ấy) đã bị mời ra sai.

Và này các tỳ khưu, thế nào là người không đáng để bị sự mời ra, nhưng nếu hội chúng mời vị ấy ra thì (vị ấy) đã được mời ra đúng? Này các tỳ khưu, trong trường hợp này vị tỳ khưu là ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không chịu giải tội, năng thân cận giới tục gia, sống không nghiêm chỉnh lẫn lộn cùng người thế tục, nhưng nếu hội chúng mời vị ấy ra thì (vị ấy) đã được mời ra đúng. Này các tỳ khưu, vị này được gọi là người không đáng để bị sự mời ra, nhưng nếu hội chúng mời vị ấy ra thì (vị ấy) đã được mời ra đúng.

[195] Này các tỳ khưu, đây là hai trường hợp phục hồi. Này các tỳ khưu, có người không đáng để được sự phục hồi, nhưng nếu hội chúng phục hồi vị ấy, một vị đã được phục hồi đúng, một vị đã được phục hồi sai.

Và này các tỳ khưu, thế nào là người không đáng để được sự phục hồi, nhưng nếu hội chúng phục hồi vị ấy thì (vị ấy) đã được phục hồi sai? Này các tỳ khưu, kẻ vô căn (paṇḍako) không đáng để được sự phục hồi, nhưng nếu hội chúng phục hồi vị ấy thì (vị ấy) đã được phục hồi sai. Này các tỳ khưu, kẻ trộm tướng mạo (tỳ khưu) ...(như trên)... Này các tỳ khưu, kẻ đã đi theo ngoại đạo. Này các tỳ khưu, loài thú. Này các tỳ khưu, kẻ giết mẹ. Này các tỳ khưu, kẻ giết cha. Này các tỳ khưu, kẻ giết A-la-hán. Này các tỳ khưu, kẻ làm ô uế tỳ khưu ni. Này các tỳ khưu, kẻ chia rẽ hội chúng. Này các tỳ khưu, kẻ làm chảy máu (đức Phật). Này các tỳ khưu, kẻ lưỡng căn không đáng để được sự phục hồi, nhưng nếu hội chúng phục hồi vị ấy thì (vị ấy) đã được phục hồi sai. Này các tỳ khưu, vị này được gọi là người không đáng để được sự phục hồi, nhưng nếu hội chúng phục hồi vị ấy thì (những vị ấy) đã được phục hồi sai.

Và này các tỳ khưu, thế nào là người không đáng để được sự phục hồi, nhưng nếu hội chúng phục hồi vị ấy thì (vị ấy) đã được phục hồi đúng? Này các tỳ khưu, vị bị đứt cánh tay không đáng để được sự phục hồi, nhưng nếu hội chúng phục hồi vị ấy, thì (vị ấy) đã được phục hồi đúng. Này các tỳ khưu, vị bị đứt bàn chân ...(như trên)... Này các tỳ khưu, vị bị đứt cánh tay và bàn chân. Này các tỳ khưu, vị bị sứt tai. Này các tỳ khưu, vị bị sứt mũi. Này các tỳ khưu, vị bị sứt tai và mũi. Này các tỳ khưu, vị bị đứt ngón tay. Này các tỳ khưu, vị bị đứt móng tay. Này các tỳ khưu, vị bị đứt gân chân. Này các tỳ khưu, vị có bàn tay dính liền giống cánh dơi. Này các tỳ khưu, vị gù lưng. Này các tỳ khưu, vị lùn tịt. Này các tỳ khưu, vị có bướu cổ. Này các tỳ khưu, vị bị hành phạt đóng dấu. Này các tỳ khưu, vị bị hành phạt đánh bằng roi. Này các tỳ khưu, vị bị cáo thị tầm nã. Này các tỳ khưu, vị bị phù chân voi. Này các tỳ khưu, vị bị bệnh trầm trọng kinh niên. Này các tỳ khưu, vị bôi nhọ tập thể. Này các tỳ khưu, vị bị chột mắt. Này các tỳ khưu, vị tứ chi bị co rút. Này các tỳ khưu, vị bị què. Này các tỳ khưu, vị bị liệt nửa thân. Này các tỳ khưu, vị đi khập khiễng. Này các tỳ khưu, vị già yếu. Này các tỳ khưu, vị bị mù. Này các tỳ khưu, vị bị câm. Này các tỳ khưu, vị bị điếc. Này các tỳ khưu, vị bị mù và câm. Này các tỳ khưu, vị bị mù và điếc. Này các tỳ khưu, vị bị câm và điếc. Này các tỳ khưu, vị bị mù câm và điếc không đáng để được sự phục hồi, nhưng nếu hội chúng phục hồi vị ấy, thì (vị ấy) đã được phục hồi đúng. Này các tỳ khưu, vị này được gọi là người không đáng để được sự phục hồi, nhưng nếu hội chúng phục hồi vị ấy, thì (vị ấy) đã được phục hồi đúng.

Tụng phẩm “Làng Vāsabha” là phần thứ nhất.

[196] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu không có tội cần phải được nhìn nhận. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị quở trách vị ấy về việc ấy: “Này đại đức, đại đức đã phạm tội, đại đức có thấy tội ấy không?” Vị ấy đáp như vầy: “Này đại đức, không có tội gì ở tôi để tôi có thể thấy.” Hội chúng phạt án treo vị ấy trong việc không nhìn nhận tội; (như vậy) là hành sự sai Pháp.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu không có tội cần phải được sửa đổi. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị quở trách vị ấy về việc ấy: “Này đại đức, đại đức đã phạm tội, đại đức hãy sửa đổi tội ấy.” Vị ấy đáp như vầy: “Này đại đức, không có tội gì ở tôi để tôi có thể sửa đổi.” Hội chúng phạt án treo vị ấy trong việc không sửa chữa lỗi; (như vậy) là hành sự sai Pháp.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu không có tà kiến ác cần phải được từ bỏ. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị quở trách vị ấy về việc ấy: “Này đại đức, tri kiến của đại đức là ác xấu, đại đức hãy từ bỏ tà kiến ác ấy.” Vị ấy đáp như vầy: “Này đại đức, không có tà kiến ác gì ở tôi để tôi có thể từ bỏ.” Hội chúng phạt án treo vị ấy trong việc không từ bỏ tà kiến ác; (như vậy) là hành sự sai Pháp.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu không có tội cần phải được nhìn nhận, không có tội cần phải được sửa đổi. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị quở trách vị ấy về việc ấy: “Này đại đức, đại đức đã phạm tội, đại đức có thấy tội ấy không? Đại đức hãy sửa đổi tội ấy” Vị ấy đáp như vầy: “Này đại đức, không có tội gì ở tôi để tôi có thể thấy. Không có tội gì ở tôi để tôi có thể sửa đổi.” Hội chúng phạt án treo vị ấy trong việc không nhìn nhận (tội) hay là trong việc không sửa chữa (lỗi); (như vậy) là hành sự sai Pháp.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu không có tội cần phải được nhìn nhận, không có tà kiến ác cần phải được từ bỏ. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị quở trách vị ấy về việc ấy: “Này đại đức, đại đức đã phạm tội, đại đức có thấy tội ấy không? Tri kiến của đại đức là ác xấu, đại đức hãy từ bỏ tà kiến ác ấy.” Vị ấy đáp như vầy: “Này đại đức, không có tội gì ở tôi để tôi có thể thấy. Không có tà kiến ác gì ở tôi để tôi có thể từ bỏ.” Hội chúng phạt án treo vị ấy trong việc không nhìn nhận (tội) hay là trong việc không từ bỏ (tà kiến ác); (như vậy) là hành sự sai Pháp.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu không có tội cần phải được sửa đổi, không có tà kiến ác cần phải được từ bỏ. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị quở trách vị ấy về việc ấy: “Này đại đức, đại đức đã phạm tội, đại đức hãy sửa đổi tội ấy. Tri kiến của đại đức là ác xấu, đại đức hãy từ bỏ tà kiến ác ấy.” Vị ấy đáp như vầy: “Này đại đức, không có tội gì ở tôi để tôi có thể sửa đổi. Không có tà kiến ác gì ở tôi để tôi có thể từ bỏ.” Hội chúng phạt án treo vị ấy trong việc không sửa chữa (lỗi) hay là trong việc không từ bỏ (tà kiến ác); (như vậy) là hành sự sai Pháp.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu không có tội cần phải được nhìn nhận, không có tội cần phải được sửa đổi, không có tà kiến ác cần phải được từ bỏ. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị quở trách vị ấy về việc ấy: “Này đại đức, đại đức đã phạm tội, đại đức có thấy tội ấy không? Đại đức hãy sửa đổi tội ấy. Tri kiến của đại đức là ác xấu, đại đức hãy từ bỏ tà kiến ác ấy.” Vị ấy đáp như vầy: “Này đại đức, không có tội gì ở tôi để tôi có thể thấy. Không có tội gì ở tôi để tôi có thể sửa đổi. Không có tà kiến ác gì ở tôi để tôi có thể từ bỏ.” Hội chúng phạt án treo vị ấy trong việc không nhìn nhận (tội), hay là trong việc không sửa chữa (lỗi), hay là trong việc không từ bỏ (tà kiến ác); (như vậy) là hành sự sai Pháp.

[197] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu có tội cần phải được nhìn nhận. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị quở trách vị ấy về việc ấy: “Này đại đức, đại đức đã phạm tội, đại đức có thấy tội ấy không?” Vị ấy đáp như vầy: “Này đại đức, đúng vậy, tôi có thấy.” Hội chúng phạt án treo vị ấy trong việc không nhìn nhận tội; (như vậy) là hành sự sai Pháp.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu có tội cần phải được sửa đổi. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị quở trách vị ấy về việc ấy: “Này đại đức, đại đức đã phạm tội, đại đức hãy sửa đổi tội ấy.” Vị ấy đáp như vầy: “Này đại đức, đúng vậy, tôi sẽ sửa đổi.” Hội chúng phạt án treo vị ấy trong việc không sửa chữa lỗi; (như vậy) là hành sự sai Pháp.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu có tà kiến ác cần phải được từ bỏ. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị quở trách vị ấy về việc ấy: “Này đại đức, tri kiến của đại đức là ác xấu, đại đức hãy từ bỏ tà kiến ác ấy.” Vị ấy đáp như vầy: “Này đại đức, đúng vậy, tôi sẽ từ bỏ.” Hội chúng phạt án treo vị ấy trong việc không từ bỏ tà kiến ác; (như vậy) là hành sự sai Pháp.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu có tội cần phải được nhìn nhận, có tội cần phải được sửa đổi. ...(như trên)... có tội cần phải được nhìn nhận, có tà kiến ác cần phải được từ bỏ. ...(như trên)... có tội cần phải được sửa đổi, có tà kiến ác cần phải được từ bỏ. ...(như trên)... có tội cần phải được nhìn nhận, có tội cần phải được sửa đổi, có tà kiến ác cần phải được từ bỏ. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị quở trách vị ấy về việc ấy: “Này đại đức, đại đức đã phạm tội, đại đức có thấy tội ấy không? Đại đức hãy sửa đổi tội ấy. Tri kiến của đại đức là ác xấu, đại đức hãy từ bỏ tà kiến ác ấy.” Vị ấy đáp như vầy: “Này đại đức, đúng vậy, tôi có thấy. Đúng vậy, tôi sẽ sửa đổi. Đúng vậy, tôi sẽ từ bỏ.” Hội chúng phạt án treo vị ấy trong việc không nhìn nhận (tội), hay là trong việc không sửa chữa (lỗi), hay là trong việc không từ bỏ (tà kiến ác); (như vậy) là hành sự sai Pháp.

[198] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu có tội cần phải được nhìn nhận. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị quở trách vị ấy về việc ấy: “Này đại đức, đại đức đã phạm tội, đại đức có thấy tội ấy không?” Vị ấy đáp như vầy: “Này đại đức, không có tội gì ở tôi để tôi có thể thấy.” Hội chúng phạt án treo vị ấy trong việc không nhìn nhận tội; (như vậy) là hành sự đúng Pháp.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu có tội cần phải được sửa đổi. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị quở trách vị ấy về việc ấy: “Này đại đức, đại đức đã phạm tội, đại đức hãy sửa đổi tội ấy.” Vị ấy đáp như vầy: “Không có tội gì ở tôi để tôi có thể sửa đổi.” Hội chúng phạt án treo vị ấy trong việc không sửa chữa lỗi; (như vậy) là hành sự đúng Pháp.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu có tà kiến ác cần phải được từ bỏ. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị quở trách vị ấy về việc ấy: “Này đại đức, tri kiến của đại đức là ác xấu, đại đức hãy từ bỏ tà kiến ác ấy.” Vị ấy đáp như vầy: “Không có tà kiến ác gì ở tôi để tôi có thể từ bỏ.” Hội chúng phạt án treo vị ấy trong việc không từ bỏ tà kiến ác; (như vậy) là hành sự đúng Pháp.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu có tội cần phải được nhìn nhận, có tội cần phải được sửa đổi. ...(như trên)... có tội cần phải được nhìn nhận, có tà kiến ác cần phải được từ bỏ. ...(như trên)... có tội cần phải được sửa đổi, có tà kiến ác cần phải được từ bỏ. ...(như trên)... có tội cần phải được nhìn nhận, có tội cần phải được sửa đổi, có tà kiến ác cần phải được từ bỏ. Hội chúng, hoặc nhiều vị, hoặc một vị quở trách vị ấy về việc ấy: “Này đại đức, đại đức đã phạm tội, đại đức có thấy tội ấy không? Đại đức hãy sửa đổi tội ấy. Tri kiến của đại đức là ác xấu, đại đức hãy từ bỏ tà kiến ác ấy.” Vị ấy đáp như vầy: “Này đại đức, không có tội gì ở tôi để tôi có thể thấy. Không có tội gì ở tôi để tôi có thể sửa đổi. Không có tà kiến ác gì ở tôi để tôi có thể từ bỏ.” Hội chúng phạt án treo vị ấy trong việc không nhìn nhận (tội), hay là trong việc không sửa chữa (lỗi), hay là trong việc không từ bỏ (tà kiến ác); (như vậy) là hành sự đúng Pháp.

[199] Khi ấy, đại đức Upāli đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Upāli đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, việc hội chúng hợp nhất thực thi hành sự cần được thực thi với sự hiện diện nhưng không có sự hiện diện, bạch ngài có phải việc ấy là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật?

- Này Upāli, việc ấy là hành sự sai Pháp, là hành sự sai Luật.

- Bạch ngài, việc hội chúng hợp nhất thực thi hành sự cần được thực thi với sự tra hỏi nhưng không có sự tra hỏi, thực thi hành sự cần được thực thi với sự thừa nhận nhưng không có sự thừa nhận, ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, thực thi hành sự khiển trách đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, thực thi hành sự chỉ dạy đến vị xứng đáng hành sự khiển trách, thực thi hành sự xua đuổi đến vị xứng đáng hành sự chỉ dạy, thực thi hành sự hòa giải đến vị xứng đáng hành sự xua đuổi, thực thi hành sự án treo đến vị xứng đáng hành sự hòa giải, ban cho hành phạt parivāsa đến vị xứng đáng hành sự án treo, cho (thực hành) trở lại từ đầu vị xứng đáng hành phạt parivāsa, ban cho hành phạt mānatta đến vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, giải tội cho vị xứng đáng hành phạt mānatta, ban phép tu lên bậc trên đến vị xứng đáng sự giải tội, bạch ngài có phải việc ấy là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật?

- Này Upāli, việc ấy là hành sự sai Pháp, là hành sự sai Luật. Này Upāli, việc hội chúng hợp nhất thực thi hành sự cần được thực thi với sự hiện diện nhưng không có sự hiện diện, này Upāli, như thế là hành sự sai Pháp, là hành sự sai Luật, và như thế hội chúng có sự vượt quá chức năng. Này Upāli, việc hội chúng hợp nhất thực thi hành sự cần được thực thi với sự tra hỏi nhưng không có sự tra hỏi, thực thi hành sự cần được thực thi với sự thừa nhận nhưng không có sự thừa nhận, ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, thực thi hành sự khiển trách đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, thực thi hành sự chỉ dạy đến vị xứng đáng hành sự khiển trách, thực thi hành sự xua đuổi đến vị xứng đáng hành sự chỉ dạy, thực thi hành sự hòa giải đến vị xứng đáng hành sự xua đuổi, thực thi hành sự án treo đến vị xứng đáng hành sự hòa giải, ban cho hành phạt parivāsa đến vị xứng đáng hành sự án treo, cho (thực hành) trở lại từ đầu vị xứng đáng hành phạt parivāsa, ban cho hành phạt mānatta đến vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, giải tội cho vị xứng đáng hành phạt mānatta, ban phép tu lên bậc trên đến vị xứng đáng sự giải tội, này Upāli, như thế là hành sự sai Pháp, là hành sự sai Luật, và như thế hội chúng có sự vượt quá chức năng.

[200] - Bạch ngài, việc hội chúng hợp nhất thực thi hành sự cần được thực thi với sự hiện diện (và) có sự hiện diện, bạch ngài có phải việc ấy là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật?

- Này Upāli, việc ấy là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật.

- Bạch ngài, việc hội chúng hợp nhất thực thi hành sự cần được thực thi với sự tra hỏi (và) có sự tra hỏi, thực thi hành sự cần được thực thi với sự thừa nhận (và) có sự thừa nhận, ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, thực thi hành sự khiển trách đến vị xứng đáng hành sự khiển trách, thực thi hành sự chỉ dạy đến vị xứng đáng hành sự chỉ dạy, thực thi hành sự xua đuổi đến vị xứng đáng hành sự xua đuổi, thực thi hành sự hòa giải đến vị xứng đáng hành sự hòa giải, thực thi hành sự án treo đến vị xứng đáng hành sự án treo, ban cho hành phạt parivāsa đến vị xứng đáng hành phạt parivāsa, cho (thực hành) trở lại từ đầu đến vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, ban cho hành phạt mānatta đến vị xứng đáng hành phạt mānatta, giải tội cho vị xứng đáng sự giải tội, ban phép tu lên bậc trên đến vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, bạch ngài có phải việc ấy là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật?

- Này Upāli, việc ấy là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật. Này Upāli, việc hội chúng hợp nhất thực thi hành sự cần được thực thi với sự hiện diện (và) có sự hiện diện, này Upāli, như thế là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật, và như thế hội chúng không có sự vượt quá chức năng. Này Upāli, việc hội chúng hợp nhất thực thi hành sự cần được thực thi với sự tra hỏi (và) có sự tra hỏi, thực thi hành sự cần được thực thi với sự thừa nhận (và) có sự thừa nhận, ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, thực thi hành sự khiển trách đến vị xứng đáng hành sự khiển trách, thực thi hành sự chỉ dạy đến vị xứng đáng hành sự chỉ dạy, thực thi hành sự xua đuổi đến vị xứng đáng hành sự xua đuổi, thực thi hành sự hòa giải đến vị xứng đáng hành sự hòa giải, thực thi hành sự án treo đến vị xứng đáng hành sự án treo, ban cho hành phạt parivāsa đến vị xứng đáng hành phạt parivāsa, cho (thực hành) trở lại từ đầu đến vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, ban cho hành phạt mānatta đến vị xứng đáng hành phạt mānatta, giải tội cho vị xứng đáng sự giải tội, ban phép tu lên bậc trên đến vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, này Upāli, như thế là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật, và như thế hội chúng không có sự vượt quá chức năng.

[201] - Bạch ngài, việc hội chúng hợp nhất ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, bạch ngài có phải việc ấy là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật?

- Này Upāli, việc ấy là hành sự sai Pháp, là hành sự sai Luật.

- Bạch ngài, việc hội chúng hợp nhất thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, thực thi hành sự khiển trách đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến vị xứng đáng hành sự khiển trách, thực thi hành sự chỉ dạy đến vị xứng đáng hành sự khiển trách, thực thi hành sự khiển trách đến vị xứng đáng hành sự chỉ dạy, thực thi hành sự xua đuổi đến vị xứng đáng hành sự chỉ dạy, thực thi hành sự chỉ dạy đến vị xứng đáng hành sự xua đuổi, thực thi hành sự hòa giải đến vị xứng đáng hành sự xua đuổi, thực thi hành sự xua đuổi đến vị xứng đáng hành sự hòa giải, thực thi hành sự án treo đến vị xứng đáng hành sự hòa giải, thực thi hành sự hòa giải đến vị xứng đáng hành sự án treo, ban cho hành phạt parivāsa đến vị xứng đáng hành sự án treo, thực thi hành sự án treo đến vị xứng đáng hành phạt parivāsa, cho (thực hành) trở lại từ đầu vị xứng đáng hành phạt parivāsa, ban cho hành phạt parivāsa đến vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, ban cho hành phạt mānatta đến vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, cho (thực hành) trở lại từ đầu vị xứng đáng hành phạt mānatta, giải tội cho vị xứng đáng hành phạt mānatta, ban cho hành phạt mānatta đến vị xứng đáng sự giải tội, ban phép tu lên bậc trên đến vị xứng đáng sự giải tội, giải tội cho vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, bạch ngài có phải việc ấy là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật?

- Này Upāli, như thế là hành sự sai Pháp, là hành sự sai Luật. Này Upāli, việc hội chúng hợp nhất ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, này Upāli, như thế là hành sự sai Pháp, là hành sự sai Luật, và như thế hội chúng có sự vượt quá chức năng. Này Upāli, việc hội chúng hợp nhất thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, thực thi hành sự khiển trách đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến vị xứng đáng hành sự khiển trách, thực thi hành sự chỉ dạy đến vị xứng đáng hành sự khiển trách, thực thi hành sự khiển trách đến vị xứng đáng hành sự chỉ dạy, thực thi hành sự xua đuổi đến vị xứng đáng hành sự chỉ dạy, thực thi hành sự chỉ dạy đến vị xứng đáng hành sự xua đuổi, thực thi hành sự hòa giải đến vị xứng đáng hành sự xua đuổi, thực thi hành sự xua đuổi đến vị xứng đáng hành sự hòa giải, thực thi hành sự án treo đến vị xứng đáng hành sự hòa giải, thực thi hành sự hòa giải đến vị xứng đáng hành sự án treo, ban cho hành phạt parivāsa đến vị xứng đáng hành sự án treo, thực thi hành sự án treo đến vị xứng đáng hành phạt parivāsa, cho (thực hành) trở lại từ đầu vị xứng đáng hành phạt parivāsa, ban cho hành phạt parivāsa đến vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, ban cho hành phạt mānatta đến vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, cho (thực hành) trở lại từ đầu vị xứng đáng hành phạt mānatta, giải tội cho vị xứng đáng hành phạt mānatta, ban cho hành phạt mānatta đến vị xứng đáng sự giải tội, ban phép tu lên bậc trên đến vị xứng đáng sự giải tội, giải tội cho vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, này Upāli, như thế là hành sự sai Pháp, là hành sự sai Luật, và như thế hội chúng có sự vượt quá chức năng.

[202] - Bạch ngài, việc hội chúng hợp nhất ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, bạch ngài có phải việc ấy là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật?

- Này Upāli, việc ấy là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật.

- Bạch ngài, việc hội chúng hợp nhất ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, thực thi hành sự khiển trách đến vị xứng đáng hành sự khiển trách, thực thi hành sự chỉ dạy đến vị xứng đáng hành sự chỉ dạy, thực thi hành sự xua đuổi đến vị xứng đáng hành sự xua đuổi, thực thi hành sự hòa giải đến vị xứng đáng hành sự hòa giải, thực thi hành sự án treo đến vị xứng đáng hành sự án treo, ban cho hành phạt parivāsa đến vị xứng đáng hành phạt parivāsa, cho (thực hành) trở lại từ đầu đến vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, ban cho hành phạt mānatta đến vị xứng đáng hành phạt mānatta, giải tội cho vị xứng đáng sự giải tội, ban phép tu lên bậc trên đến vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, bạch ngài có phải việc ấy là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật?

- Này Upāli, việc ấy là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật. Này Upāli, việc hội chúng hợp nhất ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, này Upāli, như thế là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật, và như thế hội chúng không có sự vượt quá chức năng. Này Upāli, việc hội chúng hợp nhất ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, thực thi hành sự khiển trách đến vị xứng đáng hành sự khiển trách, thực thi hành sự chỉ dạy đến vị xứng đáng hành sự chỉ dạy, thực thi hành sự xua đuổi đến vị xứng đáng hành sự xua đuổi, thực thi hành sự hòa giải đến vị xứng đáng hành sự hòa giải, thực thi hành sự án treo đến vị xứng đáng hành sự án treo, ban cho hành phạt parivāsa đến vị xứng đáng hành phạt parivāsa, cho (thực hành) trở lại từ đầu đến vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, ban cho hành phạt mānatta đến vị xứng đáng hành phạt mānatta, giải tội cho vị xứng đáng sự giải tội, ban phép tu lên bậc trên đến vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, này Upāli, như thế là hành sự đúng Pháp, là hành sự đúng Luật, và như thế hội chúng không có sự vượt quá chức năng.

[203] Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, việc hội chúng hợp nhất ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, này các tỳ khưu, như thế là hành sự sai Pháp, là hành sự sai Luật, và như thế hội chúng có sự vượt quá chức năng. Này các tỳ khưu, việc hội chúng hợp nhất thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, thực thi hành sự khiển trách đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, thực thi hành sự chỉ dạy đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, thực thi hành sự xua đuổi đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, thực thi hành sự hòa giải đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, thực thi hành sự án treo đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, ban cho hành phạt parivāsa đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, cho (thực hành) trở lại từ đầu vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, ban cho hành phạt mānatta đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, giải tội cho vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, ban phép tu lên bậc trên đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ, này các tỳ khưu, như thế là hành sự sai Pháp, là hành sự sai Luật, và như thế hội chúng có sự vượt quá chức năng.

Này các tỳ khưu, việc hội chúng hợp nhất thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, này các tỳ khưu, như thế là hành sự sai Pháp, là hành sự sai Luật, và như thế hội chúng có sự vượt quá chức năng. Này các tỳ khưu, việc hội chúng hợp nhất thực thi hành sự khiển trách đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, thực thi hành sự chỉ dạy đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, thực thi hành sự xua đuổi đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, thực thi hành sự hòa giải đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, thực thi hành sự án treo đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, ban cho hành phạt parivāsa đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, cho (thực hành) trở lại từ đầu vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, ban cho hành phạt mānatta đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, giải tội cho vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, ban phép tu lên bậc trên đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến vị xứng đáng với cách hành xử Luật khi không điên cuồng, này các tỳ khưu, như thế là hành sự sai Pháp, là hành sự sai Luật, và như thế hội chúng có sự vượt quá chức năng.

Này các tỳ khưu, việc hội chúng hợp nhất thực thi hành sự khiển trách đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, thực thi hành sự chỉ dạy đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, thực thi hành sự xua đuổi đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, thực thi hành sự hòa giải đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, thực thi hành sự án treo đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, ban cho hành phạt parivāsa đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, ...(như trên)..., ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị xứng đáng hành sự theo tội của vị ấy, này các tỳ khưu, như thế là hành sự sai Pháp, là hành sự sai Luật, và như thế hội chúng có sự vượt quá chức năng.

Này các tỳ khưu, việc hội chúng hợp nhất ...(như trên)... đến vị xứng đáng hành sự khiển trách, đến vị xứng đáng hành sự chỉ dạy, đến vị xứng đáng hành sự xua đuổi, đến vị xứng đáng hành sự hòa giải, đến vị xứng đáng hành sự án treo, đến vị xứng đáng hành phạt parivāsa, đến vị xứng đáng (thực hành) trở lại từ đầu, đến vị xứng đáng hành phạt mānatta, đến vị xứng đáng sự giải tội, ban cho cách hành xử Luật bằng sự ghi nhớ đến vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, ban cho cách hành xử Luật khi không điên cuồng đến vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, thực thi hành sự theo tội của vị ấy đến vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, thực thi hành sự khiển trách đến vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, thực thi hành sự chỉ dạy đến vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, thực thi hành sự xua đuổi đến vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, thực thi hành sự hòa giải đến vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, thực thi hành sự án treo đến vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, ban cho hành phạt parivāsa đến vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, cho (thực hành) trở lại từ đầu vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, ban cho hành phạt mānatta đến vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, giải tội cho vị xứng đáng việc tu lên bậc trên, này các tỳ khưu, như thế là hành sự sai Pháp, là hành sự sai Luật, và như thế hội chúng có sự vượt quá chức năng

Tụng phẩm “Những câu hỏi của Upāli” là phần thứ nhì.

[204] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách sai Pháp theo phe nhóm, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy sai Pháp có sự hợp nhất. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách sai Pháp có sự hợp nhất, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy đúng Pháp theo phe nhóm. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách đúng Pháp theo phe nhóm, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy có hình thức bên ngoài đúng Pháp (dhammapaṭirūpakena) theo phe nhóm. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất.

[205] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy sai Pháp có sự hợp nhất. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách sai Pháp có sự hợp nhất, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy đúng Pháp theo phe nhóm. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách đúng Pháp theo phe nhóm, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm.

[206] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy đúng Pháp theo phe nhóm. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách đúng Pháp theo phe nhóm, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách sai Pháp theo phe nhóm, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy sai Pháp có sự hợp nhất.

[207] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách sai Pháp theo phe nhóm, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy sai Pháp có sự hợp nhất. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách sai Pháp có sự hợp nhất, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy đúng Pháp theo phe nhóm.

[208] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách sai Pháp theo phe nhóm, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy sai Pháp có sự hợp nhất. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách sai Pháp có sự hợp nhất, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy đúng Pháp theo phe nhóm. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự khiển trách đúng Pháp theo phe nhóm, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm.

[209] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không chịu giải tội, năng thân cận giới tục gia, sống không nghiêm chỉnh lẫn lộn cùng người thế tục. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này là ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không chịu giải tội, năng thân cận giới tục gia, sống không nghiêm chỉnh lẫn lộn cùng người thế tục, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự chỉ dạy đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự chỉ dạy đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự chỉ dạy sai Pháp theo phe nhóm, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự chỉ dạy đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự chỉ dạy đến vị ấy sai Pháp có sự hợp nhất. ...(như trên)... đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. (Nên thực hiện tròn đủ giống như ở phần bên dưới).

[210] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là vị làm hư hỏng các gia đình và có hạnh kiểm xấu xa. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này là vị làm hư hỏng các gia đình và có hạnh kiểm xấu xa, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự xua đuổi đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự xua đuổi đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thực thi hành sự xua đuổi sai Pháp theo phe nhóm, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự xua đuổi đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự xua đuổi đến vị ấy sai Pháp có sự hợp nhất. ...(như trên)... đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. (Nên thực hiện tròn đủ).

[211] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu mắng nhiếc nói xấu các gia chủ. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này mắng nhiếc nói xấu các gia chủ, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự hòa giải đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự hòa giải đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. (Nên thực hiện tròn đủ).

[212] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu sau khi phạm tội lại không muốn nhìn nhận tội. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này sau khi phạm tội lại không muốn nhìn nhận tội, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự án treo trong việc không nhìn nhận tội đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự án treo trong việc không nhìn nhận tội đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. (Nên thực hiện tròn đủ).

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu sau khi phạm tội lại không muốn sửa chữa lỗi. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này sau khi phạm tội lại không muốn sửa chữa lỗi, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự án treo trong việc không sửa chữa lỗi đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự án treo trong việc không sửa chữa lỗi đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. (Nên thực hiện tròn đủ).

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu không muốn từ bỏ tà kiến ác. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này không muốn từ bỏ tà kiến ác, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. (Nên thực hiện tròn đủ).

[213] Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự khiển trách cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự khiển trách cho vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. Vị ấy từ trú xứ ấy đi đến trú xứ khác. Tại nơi ấy, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này đã được hội chúng thu hồi hành sự khiển trách sai Pháp theo phe nhóm, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự khiển trách cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự khiển trách cho vị ấy sai Pháp có sự hợp nhất. ...(như trên)... đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất.

Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự khiển trách cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự khiển trách cho vị ấy sai Pháp có sự hợp nhất. ...(như trên)... đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, sai Pháp theo phe nhóm.

Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự khiển trách cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự khiển trách cho vị ấy đúng Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, sai Pháp theo phe nhóm, sai Pháp có sự hợp nhất.

Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự khiển trách cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự khiển trách cho vị ấy có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, sai Pháp theo phe nhóm, sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm.

Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự khiển trách cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự khiển trách cho vị ấy có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. ...(như trên)... sai Pháp theo phe nhóm, sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm.

[214] Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự chỉ dạy, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự chỉ dạy. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự chỉ dạy, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự chỉ dạy, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự chỉ dạy cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự chỉ dạy cho vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. (Nên thực hiện tròn đủ).

[215] Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự xua đuổi, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự xua đuổi. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự xua đuổi, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự xua đuổi, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự xua đuổi cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự xua đuổi cho vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. (Nên thực hiện tròn đủ).

[216] Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự hòa giải, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự hòa giải. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự hòa giải, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự hòa giải, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự hòa giải cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự hòa giải cho vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. (Nên thực hiện tròn đủ).

[217] Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự án treo trong việc không nhìn nhận tội, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự án treo trong việc không nhìn nhận tội. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự án treo trong việc không nhìn nhận tội, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự án treo trong việc không nhìn nhận tội, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự án treo trong việc không nhìn nhận tội cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự án treo trong việc không nhìn nhận tội cho vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. (Nên thực hiện tròn đủ).

Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự án treo trong việc không sửa chữa lỗi, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự án treo trong việc không sửa chữa lỗi. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự án treo trong việc không sửa chữa lỗi, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự án treo trong việc không sửa chữa lỗi, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự án treo trong việc không sửa chữa lỗi cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự án treo trong việc không sửa chữa lỗi cho vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. (Nên thực hiện tròn đủ).

Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác cho vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. (Nên thực hiện tròn đủ).

[218] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

[219] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy sai Pháp có sự hợp nhất. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự sai Pháp có sự hợp nhất” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

[220] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy đúng Pháp theo phe nhóm. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự đúng Pháp theo phe nhóm” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này. các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

[221] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

[222] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này là vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự khiển trách đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự khiển trách đến vị ấy có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

[223] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không chịu giải tội, năng thân cận giới tục gia, sống không nghiêm chỉnh lẫn lộn cùng người thế tục. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này là ngu si, thiếu kinh nghiệm, phạm nhiều tội, không chịu giải tội, năng thân cận giới tục gia, sống không nghiêm chỉnh lẫn lộn cùng người thế tục, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự chỉ dạy đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự chỉ dạy đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

Năm trường hợp này đã được tóm lược lại.

[224] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu là vị làm hư hỏng các gia đình và có hạnh kiểm xấu xa. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này là vị làm hư hỏng các gia đình và có hạnh kiểm xấu xa, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự xua đuổi đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự xua đuổi đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

Năm trường hợp này đã được tóm lược lại.

[225] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu mắng nhiếc nói xấu các gia chủ. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này mắng nhiếc nói xấu các gia chủ, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự hòa giải đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự hòa giải đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

Năm trường hợp này đã được tóm lược lại.

[226] Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu sau khi phạm tội lại không muốn nhìn nhận tội. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này sau khi phạm tội lại không muốn nhìn nhận tội, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự án treo trong việc không nhìn nhận tội đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự án treo trong việc không nhìn nhận tội đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

Năm trường hợp này đã được tóm lược lại.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu sau khi phạm tội lại không muốn sửa chữa lỗi. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này sau khi phạm tội lại không muốn sửa chữa lỗi, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự án treo trong việc không sửa chữa lỗi đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự án treo trong việc không sửa chữa lỗi đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

Năm trường hợp này đã được tóm lược lại.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu không muốn từ bỏ tà kiến ác. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, vị tỳ khưu này không muốn từ bỏ tà kiến ác, vậy chúng ta hãy thực thi hành sự án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác đến vị này.” Các vị ấy thực thi hành sự án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác đến vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

Năm trường hợp này đã được tóm lược lại.

[227] Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự khiển trách cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự khiển trách cho vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

[228] Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự khiển trách cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự khiển trách cho vị ấy sai Pháp có sự hợp nhất. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự sai Pháp có sự hợp nhất” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

[229] Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự khiển trách cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự khiển trách cho vị ấy đúng Pháp theo phe nhóm. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự đúng Pháp theo phe nhóm” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

[230] Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự khiển trách cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự khiển trách cho vị ấy có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

[231] Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự khiển trách, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự khiển trách, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự khiển trách cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự khiển trách cho vị ấy có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

[232] Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự chỉ dạy, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự chỉ dạy. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự chỉ dạy, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự chỉ dạy, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự chỉ dạy cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự chỉ dạy cho vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

Năm trường hợp này đã được tóm lược lại.

[233] Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự xua đuổi, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự xua đuổi. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự xua đuổi, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự xua đuổi, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự xua đuổi cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự xua đuổi cho vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

Năm trường hợp này đã được tóm lược lại.

[234] Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự hòa giải, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự hòa giải. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự hòa giải, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự hòa giải, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự hòa giải cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự chỉ dạy cho vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

Năm trường hợp này đã được tóm lược lại.

[235] Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự án treo trong việc không nhìn nhận tội, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự án treo trong việc không nhìn nhận tội. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự án treo trong việc không nhìn nhận tội, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự án treo trong việc không nhìn nhận tội, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự án treo trong việc không nhìn nhận tội cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự án treo trong việc không nhìn nhận tội cho vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

Năm trường hợp này đã được tóm lược lại.

Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự án treo trong việc không sửa chữa lỗi, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự án treo trong việc không sửa chữa lỗi. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự án treo trong việc không sửa chữa lỗi, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự án treo trong việc không sửa chữa lỗi, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự án treo trong việc không sửa chữa lỗi cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự án treo trong việc không sửa chữa lỗi cho vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

Năm trường hợp này đã được tóm lược lại.

[236] Này các tỳ khưu, trường hợp được hội chúng thực thi hành sự án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, vị tỳ khưu làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, rồi cầu xin sự thu hồi hành sự án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác. Nếu ở đó, các vị tỳ khưu (bàn bạc) như vầy: “Này các đại đức, khi được hội chúng thực thi hành sự án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, vị tỳ khưu này làm bổn phận một cách nghiêm chỉnh, trở nên thu thúc, làm bổn phận để sửa đổi, giờ cầu xin sự thu hồi hành sự án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác, vậy chúng ta hãy thu hồi hành sự án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác cho vị này.” Các vị ấy thu hồi hành sự án treo trong việc không từ bỏ tà kiến ác cho vị ấy sai Pháp theo phe nhóm. ...(như trên)... sai Pháp có sự hợp nhất, đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất. Ở tại nơi ấy, hội chúng tranh cãi rằng: “Hành sự sai Pháp theo phe nhóm, hành sự sai Pháp có sự hợp nhất, hành sự đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp theo phe nhóm, hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất, hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại.” Này các tỳ khưu, tại đó các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự có hình thức bên ngoài đúng Pháp có sự hợp nhất” và các vị tỳ khưu nào đã nói như vầy: “Hành sự chưa được thực hiện, hành sự đã được thực hiện sai, hành sự cần được thực hiện lại,” trong trường hợp này, các vị tỳ khưu ấy là các vị nói đúng Pháp.

Năm trường hợp này đã được tóm lược lại.

Chương Campā là chương thứ chín.

Trong chương này có ba mươi sáu sự kiện.

*******

Tóm lược chương này:

[237]

Đức Thế Tôn đã ngự
ở trong xứ Campā
chuyện làng Vasabha
vị ấy đã nỗ lực
ước muốn khách vãng lai.
“Các vị biết được làm”
biết rồi, kể từ đây
không ra sức nỗ lực
“Treo tội vị không làm.”
Vị ấy đến bên Phật,
hành sự không đúng Pháp
lại còn phe nhóm nữa,
hợp nhất và sai Pháp,
đúng Pháp và phe nhóm,
hình thức đúng phe nhóm,
hình thức đúng hợp nhất,
một treo tội một vị,
một treo hai, nhiều vị,
một treo cả hội chúng.
Bậc Toàn Tri hàng đầu
nghe qua liền bác bỏ:
“Hành sự là sai Pháp.”
Hành sự thiếu đề nghị
và đủ lời khẳng định,
thiếu đi lời khẳng định
nhưng có lời đề nghị,
cả hai đều khiếm khuyết,
và đối nghịch Chánh Pháp,
và không theo đúng Luật,
bậc Đạo Sư chê trách,
có thể sửa đổi lại,
không đáng được duy trì.
Sai Pháp theo phe nhóm,
sai Pháp có hợp nhất,
hai hình thức đúng pháp,
và Như Lai chấp nhận
đúng Pháp có hợp nhất.
Nhóm bốn, nhóm năm vị,
nhóm mười, và hai mươi,
và nhóm hơn hai mươi
như thế là hội chúng
có được năm hình thức.
Ngoại trừ tu bậc trên,
và hành sự Tự Tứ,
với công việc phục vị,
thuộc hành sự nhóm bốn.
Trừ đi hai hành sự:
tu bậc trên trung độ
phục vị, thuộc nhóm năm.
Tất cả mọi hành sự
trừ mỗi việc phục vị
thuộc nhóm mười tỳ khưu.
Thực hiện mọi hành sự
hội chúng có hai mươi
thực thi được mọi chỗ.
Tỳ khưu ni, học nữ,
sa di, sa di ni,
xả giới, tội cực nặng,
án treo không thấy tội,
không sửa đổi, tà kiến,
vô căn, trộm tướng mạo,
ngoại đạo, loài thú vật,
giết mẹ, cha, La Hán,
làm xấu tỳ khưu ni,
chia rẽ, chảy máu Phật,
lưỡng căn, khác cộng trú,
khác ranh giới, thần thông,
hội chúng đang thực thi
hành sự chính vị ấy,
các thứ là hai mươi
đấng Toàn Giác phủ nhận
chúng không đủ lập nhóm.
Vị pārivāsa
chính là vị thứ tư
ban hành phạt biệt trú,
cho trở lại từ đầu,
hành phạt mānatta,
hoặc là sự phục vị,
không phải là hành sự,
và không nên thực hành.
Vị xứng trở lại đầu,
hành phạt mānatta,
xứng đáng sự phục vị,
đức Toàn Giác giảng rõ
năm hạng không hành sự.
Tỳ khưu ni, học nữ,
sa di, sa di ni,
xả giới, tội cực nặng,
án treo không thấy tội,
không sửa đổi, tà kiến,
vô căn, trộm tướng mạo,
ngoại đạo, loài thú vật,
giết mẹ, cha, La Hán,
làm xấu tỳ khưu ni,
chia rẽ, chảy máu Phật,
lưỡng căn, khác cộng trú,
khác ranh giới, thần thông,
hội chúng đang thực thi
hành sự chính vị ấy,
hai mươi bảy người này
phản đối không hiệu qủa,
của tỳ khưu bình thường
lời phản đối giá trị.
Mời ra vị trong sạch
là sai, còn vị dốt
là đã mời ra đúng.
Phục hồi kẻ vô căn,
trộm tướng mạo (tỳ khưu),
theo ngoại đạo, thú vật,
giết mẹ, cha, La Hán,
làm xấu, chia rẽ chúng,
và đổ máu đức Phật,
và thêm người lưỡng căn,
cả mười một người này,
không đáng sự phục hồi.
Tay, chân, hoặc cả hai,
tai, mũi, hoặc cả hai,
ngón tai, móng, và gân,
tay liền ngón, gù lưng,
lùn tịt, và bướu cổ,
bị đóng dấu, roi đánh,
bị ghi tên, chân phù,
bệnh nặng, và chột mắt,
tật tứ chi, khập khiễng,
và bị liệt nửa người,
không đi đứng, già yếu,
mù lòa, câm, và điếc,
mù câm, và mù điếc,
và luôn cả câm điếc,
hoặc cả mù câm điếc,
hết thảy ba mươi hai,
phục hồi các vị ấy,
đấng Toàn Giác đã giảng.
Không có không thấy được,
không sửa đổi, không bỏ,
hành án treo vị ấy,
bảy trường hợp sai Pháp.
Đã phạm, chịu sửa đổi
bảy trường hợp sai Pháp,
đã phạm, không hành theo
bảy trường hợp đúng Pháp.
Hiện diện, có tra hỏi,
thực hành theo thú nhận,
có niệm, không si mê,
theo tội, nên khiển trách,
nên xua đuổi, hòa giải,
án treo, và biệt trú,
cho trở lại từ đầu,
hành phạt mānatta,
giải tội, tu bậc trên,
tội này, phạt tội khác,
mười sáu việc sai Pháp,
tội nào xử tội nấy,
thực thi tội đúng người
mười sáu việc đúng Pháp.
Tương xứng, nếu đổi lại,
mười sáu là sai Pháp.
Theo gốc ấy từng cặp,
đã làm đến vị ấy,
mười sáu là đúng Pháp,
mỗi một gốc tròn đủ,
“là hành sự sai Pháp”
bậc Chiến Thắng đã dạy.
Hội chúng đã thực thi
loại hành sự khiển trách
là vị gây cãi cọ,
hành sự không đúng Pháp,
theo nhóm đã ra đi
đến nơi trú xứ khác,
họ hành sự vị ấy
loại khiển trách như vậy
sai Pháp có hợp nhất,
ở một nơi khác nữa,
họ hành sự vị ấy
loại khiển trách như vậy
đúng Pháp theo phe nhóm,
cũng thế, họ hành sự
có hình thức phe nhóm
nhưng được sự hợp nhất,
sai Pháp có hợp nhất.,
đúng Pháp theo phe nhóm,
có hình thức phe nhóm,
và các trường hợp này
có được sự hợp nhất,
thực hiện mỗi một gốc
khéo léo buộc tròn vòng.
Ngu si, thiếu kinh nghiệm
là hành sự chỉ dạy,
làm xấu các gia đình
là (hành sự) xua đuổi,
và hành sự hòa giải
làm cho vị chửi mắng,
không thấy không sửa đổi,
vị không bỏ tà kiến,
hành án treo các vị
bậc Đạo Sư giảng rồi.
Trí tuệ các hành sự
khuôn mẫu ở phần trên,
bậc trí nên áp dụng
vào hành sự khiển trách.
Các vị đã phù hợp,
thực hành được đúng đắn
vị nêu lên cầu thỉnh
thâu hồi các hành sự
của các vị theo đúng
như hành sự dưới đây.
Ở đây vị tranh cãi
hành sự nơi này nọ,
“Chưa làm và làm sai,
cần phải được làm lại,”
trong thâu hồi hành sự
các vị tỳ khưu ấy
các vị nói đúng Pháp.
Đại Hiền sĩ thấy được
việc thành tựu hành sự
bị khiếm khuyết hư hỏng
vị ấy bảo thâu hồi
như một nhà phẩu thuật
chỉ dạy về phương thuốc.

X. CHƯƠNG KOSAMBĪ (KOSAMBIKKHANDHAKAṂ)

[238] Lúc bấy giờ, đức Phật Thế Tôn ngự tại Kosambī, tu viện Ghosita. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ phạm tội. Vị ấy có quan điểm về tội ấy là có tội còn các tỳ khưu khác có quan điểm về tội ấy là vô tội. Vào một lúc khác, vị ấy có quan điểm về tội ấy là vô tội còn các tỳ khưu khác có quan điểm về tội ấy là có tội. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này:

- Này đại đức, đại đức đã phạm tội, đại đức có thấy tội ấy không?

- Này các đại đức, không có tội gì ở tôi để tôi có thể thấy.

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã đạt được sự hợp nhất và phạt án treo vị tỳ khưu ấy trong việc không nhìn nhận tội. Và vị tỳ khưu ấy là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu thân thiết đồng quan điểm và đã nói điều này:

- Này các đại đức, điều ấy là vô tội, điều ấy không phải là tội. Tôi là không phạm (tội), tôi không phải là phạm (tội). Tôi là không bị án treo, tôi không phải là bị án treo, tôi đã bị án treo bởi hành sự sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng duy trì. Vì Pháp vì Luật, các đại đức hãy về phe của tôi.

Rồi vị tỳ khưu ấy đã có được các tỳ khưu thân thiết đồng quan điểm về cùng phe. Vị ấy cũng đã phái sứ giả đến gặp các vị tỳ khưu thân thiết đồng quan điểm trong cả nước (nói rằng): “Này các đại đức, điều ấy là vô tội, điều ấy không phải là tội. Tôi là không phạm (tội), tôi không phải là phạm (tội). Tôi là không bị án treo, tôi không phải là bị án treo, tôi đã bị án treo bởi hành sự sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng duy trì. Vì Pháp vì Luật, các đại đức hãy về phe của tôi.” Rồi vị tỳ khưu ấy đã có được các vị tỳ khưu thân thiết đồng quan điểm trong cả nước về cùng phe.

Sau đó, các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu đã ban án treo, sau khi đến đã nói với các tỳ khưu đã ban án treo điều này:

- Này các đại đức, điều ấy là vô tội, điều ấy không phải là tội. Vị tỳ khưu ấy là không phạm (tội), vị tỳ khưu ấy không phải là phạm (tội). Vị tỳ khưu ấy là không bị án treo, vị tỳ khưu ấy không phải là bị án treo, vị tỳ khưu ấy đã bị án treo bởi hành sự sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng duy trì.

Khi được nói như thế, các tỳ khưu đã ban án treo đã nói với các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo điều này:

- Điều ấy là có tội, điều ấy không phải là vô tội. Vị tỳ khưu ấy là phạm (tội), vị tỳ khưu ấy không phải là không phạm (tội). Vị tỳ khưu ấy đã bị án treo, vị tỳ khưu ấy không phải là không bị án treo, vị tỳ khưu ấy đã bị án treo bằng hành sự đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì. Này các đại đức, chớ có ủng hộ, chớ có theo phe vị tỳ khưu đã bị án treo ấy.

Trong khi các tỳ khưu đã ban án treo nói như thế, các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy cũng đã ủng hộ và đã theo phe vị tỳ khưu đã bị án treo ấy y như trước đây.

[239] Sau đó, có vị tỳ khưu nọ đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, trường hợp có vị tỳ khưu nọ đã phạm tội, vị ấy đã có quan điểm về tội ấy là có tội còn các vị tỳ khưu khác đã có quan điểm về tội ấy là vô tội. Vào một lúc khác, vị ấy đã có quan điểm về tội ấy là vô tội còn các vị tỳ khưu khác đã có quan điểm về tội ấy là có tội. Bạch ngài, khi ấy các vị tỳ khưu ấy đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này: “Này đại đức, đại đức đã phạm tội, đại đức có thấy tội ấy không?” “Này các đại đức, không có tội gì ở tôi để tôi có thể thấy.” Bạch ngài, sau đó các vị tỳ khưu ấy đã đạt được sự hợp nhất và đã phạt án treo vị tỳ khưu ấy trong việc không nhìn nhận tội. Và bạch ngài, vị tỳ khưu ấy là vị nghe nhiều, kinh điển được truyền thừa, rành rẽ về Pháp, rành rẽ về Luật, rành rẽ về các đầu đề, là bậc trí tuệ, có khả năng, thông minh, khiêm nhường, có hối hận, ưa thích sự học tập. Bạch ngài, khi ấy vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu thân thiết đồng quan điểm và đã nói điều này: “Này các đại đức, điều ấy là vô tội, điều ấy không phải là tội. Tôi là không phạm (tội), tôi không phải là phạm (tội). Tôi là không bị án treo, tôi không phải là bị án treo, tôi đã bị án treo bởi hành sự sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng duy trì. Vì Pháp vì Luật, các đại đức hãy về phe của tôi.” Bạch ngài, rồi vị tỳ khưu ấy đã có được các tỳ khưu thân thiết đồng quan điểm về cùng phe. Vị ấy cũng đã phái sứ giả đến gặp trực tiếp các tỳ khưu thân thiết đồng quan điểm trong cả nước (nói rằng): “Này các đại đức, điều ấy là vô tội, điều ấy không phải là tội. Tôi là không phạm (tội), tôi không phải là phạm (tội). Tôi là không bị án treo, tôi không phải là bị án treo, tôi đã bị án treo bởi hành sự sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng duy trì. Vì Pháp vì Luật, các đại đức hãy về phe của tôi.” Bạch ngài, rồi vị tỳ khưu ấy đã có được các tỳ khưu thân thiết đồng quan điểm trong cả nước về cùng phe. Bạch ngài, sau đó các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu đã ban án treo, sau khi đến đã nói với các tỳ khưu đã ban án treo điều này: “Này các đại đức, điều ấy là vô tội, điều ấy không phải là tội. Vị tỳ khưu ấy là không phạm (tội), vị tỳ khưu ấy không phải là phạm (tội). Vị tỳ khưu ấy là không bị án treo, vị tỳ khưu ấy không phải là bị án treo, vị tỳ khưu ấy đã bị án treo bởi hành sự sai Pháp, có thể sửa đổi, không đáng duy trì.” Bạch ngài, khi được nói như thế các tỳ khưu đã ban án treo đã nói với các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo điều này: “Điều ấy là có tội, điều ấy không phải là vô tội. Vị tỳ khưu ấy là phạm (tội), vị tỳ khưu ấy không phải là không phạm (tội). Vị tỳ khưu ấy đã bị án treo, vị tỳ khưu ấy không phải là không bị án treo, vị tỳ khưu ấy đã bị án treo bằng hành sự đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì. Này các đại đức, chớ có ủng hộ, chớ có theo phe vị tỳ khưu đã bị án treo ấy.” Bạch ngài, trong khi các tỳ khưu đã ban án treo nói như thế, các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy cũng đã ủng hộ và đã theo phe vị tỳ khưu đã bị án treo y như trước đây.

Khi ấy, đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Hội chúng tỳ khưu đã bị chia rẽ! Hội chúng tỳ khưu đã bị chia rẽ!” rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến gặp các vị tỳ khưu đã ban án treo, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã nói với các vị tỳ khưu đã ban án treo điều này:

- Này các tỳ khưu, các ngươi chớ có nghĩ rằng vị tỳ khưu nên được ban án treo trong mọi trường hợp (lập luận rằng): “Đối với chúng tôi, điều ấy là rõ ràng! Đối với chúng tôi, điều ấy là rõ ràng!” Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu phạm tội, vị ấy có quan điểm về tội ấy là vô tội còn các tỳ khưu khác có quan điểm về tội ấy là có tội. Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy nghĩ về vị tỳ khưu ấy như vầy: “Vị đại đức này là vị nghe nhiều, ...(như trên)..., là vị ưa thích sự học tập. Nếu chúng ta sẽ ban án treo trong việc không nhìn nhận tội cho vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ không thực hành lễ Uposatha (Bố Tát) với vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ thực hành lễ Uposatha không có vị tỳ khưu này; từ nguyên nhân ấy, hội chúng sẽ có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng.” Này các tỳ khưu, các tỳ khưu có quan tâm về sự chia rẽ không nên ban án treo trong việc không nhìn nhận tội đến vị tỳ khưu ấy.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu phạm tội, vị ấy có quan điểm về tội ấy là vô tội còn các tỳ khưu khác có quan điểm về tội ấy là có tội. Này các tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ấy nghĩ về vị tỳ khưu ấy như vầy: “Vị đại đức này là vị nghe nhiều, ...(như trên)..., là vị ưa thích sự học tập. Nếu chúng ta sẽ ban án treo trong việc không nhìn nhận tội cho vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ không thực hành lễ Pavāraṇā (Tự Tứ) với vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ thực hành lễ Pavāraṇā không có vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ không làm hành sự của hội chúng với vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ làm hành sự của hội chúng không có vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ không ngồi chung chỗ ngồi với vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ ngồi ở chỗ ngồi không có vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ không ngồi ăn cháo với vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ ngồi ăn cháo không có vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ không ngồi trong nhà ăn với vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ ngồi trong nhà ăn không có vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ không trú trong một mái che với vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ trú trong một mái che không có vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ không thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, hành động thích hợp theo sự thâm niên với vị tỳ khưu này, chúng ta sẽ thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, hành động thích hợp theo sự thâm niên không với vị tỳ khưu này; từ nguyên nhân ấy, hội chúng sẽ có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng.” Này các tỳ khưu, các tỳ khưu có quan tâm về sự chia rẽ không nên ban án treo trong việc không nhìn nhận tội đến vị tỳ khưu ấy.

Sau đó, khi đã giảng giải sự việc ấy cho các tỳ khưu đã ban án treo, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến gặp các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo điều này:

- Này các tỳ khưu, các ngươi sau khi phạm tội chớ có nghĩ rằng không nên sửa chữa lỗi (cho rằng): “Chúng tôi không phạm! Chúng tôi không phạm!” Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu phạm tội, vị ấy có quan điểm về tội ấy là vô tội còn các tỳ khưu khác có quan điểm về tội ấy là có tội. Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ấy nghĩ về các tỳ khưu kia như vầy: “Các vị đại đức này là các vị nghe nhiều, ...(như trên)..., là các vị ưa thích sự học tập, không thể nào vì nguyên nhân là ta hay vì nguyên nhân là vị khác (mà các vị ấy) bị chi phối bởi sự ưa thích, bởi sự sân hận, bởi sự si mê, bởi sự sợ hãi. Nếu các vị tỳ khưu này ban án treo trong việc không nhìn nhận tội đến ta, các vị sẽ không thực hành lễ Uposatha với ta, các vị sẽ thực hành lễ Uposatha không có ta; từ nguyên nhân ấy, hội chúng sẽ có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng.” Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có quan tâm về sự chia rẽ nên sám hối tội ấy vì niềm tin của các vị khác.

Này các tỳ khưu, trường hợp vị tỳ khưu phạm tội. Vị ấy có quan điểm về tội ấy là vô tội còn các tỳ khưu khác có quan điểm về tội ấy là có tội. Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ấy nghĩ về các tỳ khưu kia như vầy: “Các vị đại đức này là các vị nghe nhiều, ...(như trên)..., là các vị ưa thích sự học tập, không thể nào vì nguyên nhân là ta hay vì nguyên nhân là vị khác (mà các vị ấy) bị chi phối bởi sự ưa thích, bởi sự sân hận, bởi sự si mê, bởi sự sợ hãi. Nếu các vị tỳ khưu này ban án treo trong việc không nhìn nhận tội đến ta, các vị sẽ không thực hành lễ Pavāraṇā với ta, các vị sẽ thực hành lễ Pavāraṇā không có ta, các vị sẽ không làm hành sự của hội chúng với ta, các vị sẽ làm hành sự của hội chúng không có ta, các vị sẽ không ngồi chung chỗ ngồi với ta, các vị sẽ ngồi ở chỗ ngồi không có ta, các vị sẽ không ngồi ăn cháo với ta, các vị sẽ ngồi ăn cháo không có ta, các vị sẽ không ngồi trong nhà ăn với ta, các vị sẽ ngồi trong nhà ăn không có ta, các vị sẽ không trú trong một mái che với ta, các vị sẽ trú trong một mái che không có ta, các vị sẽ không thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, hành động thích hợp theo sự thâm niên với ta, các vị sẽ thực hiện sự đảnh lễ, sự đứng dậy chào, sự chắp tay, hành động thích hợp theo sự thâm niên không với ta; từ nguyên nhân ấy, hội chúng sẽ có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng.” Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có quan tâm về sự chia rẽ nên sám hối tội ấy vì niềm tin của các vị khác.

Sau đó, khi đã giảng giải sự việc ấy cho các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

[240] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo đã tiến hành lễ Uposatha và làm hành sự của hội chúng ngay tại nơi ấy bên trong ranh giới. Còn các tỳ khưu đã ban án treo đi ra khỏi ranh giới rồi mới tiến hành lễ Uposatha và làm hành sự của hội chúng. Sau đó, có vị tỳ khưu nọ (thuộc phe) đã ban án treo đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy đã tiến hành lễ Uposatha và làm hành sự của hội chúng ngay tại nơi ấy bên trong ranh giới. Bạch ngài, còn chúng con là các tỳ khưu đã ban án treo phải đi ra khỏi ranh giới rồi mới tiến hành lễ Uposatha và làm hành sự của hội chúng.

- Này tỳ khưu, nếu các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy tiến hành lễ Uposatha và làm hành sự của hội chúng ngay tại nơi ấy bên trong ranh giới, các hành sự ấy của các vị ấy sẽ là đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì theo như lời đề nghị và các lời khẳng định đã được ta quy định. Này tỳ khưu, nếu các tỳ khưu đã ban án treo các ngươi tiến hành lễ Uposatha và làm hành sự của hội chúng ngay tại nơi ấy bên trong ranh giới, các hành sự ấy của các ngươi sẽ là đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì theo như lời đề nghị và các lời khẳng định đã được ta quy định. Nguyên nhân của việc ấy là gì? Này tỳ khưu, các vị ấy là không đồng cộng trú với các ngươi và các ngươi là không đồng cộng trú với các vị ấy.

Này tỳ khưu, có hai nền tảng của việc không đồng cộng trú: Tự bản thân thực hiện việc không đồng cộng trú cho bản thân hoặc là hội chúng hợp nhất ban án treo vị ấy trong việc không nhìn nhận (tội), hoặc trong việc không sửa chữa (lỗi), hoặc trong việc không từ bỏ (tà kiến ác). Này tỳ khưu, đây là hai nền tảng của việc không đồng cộng trú.

Này tỳ khưu, có hai nền tảng của việc đồng cộng trú: Tự bản thân thực hiện việc đồng cộng trú cho bản thân hoặc là hội chúng hợp nhất phục hồi cho vị đã bị án treo trong việc không nhìn nhận (tội), hoặc trong việc không sửa chữa (lỗi), hoặc trong việc không từ bỏ (tà kiến ác). Này tỳ khưu, đây là hai nền tảng của việc đồng cộng trú.

[241] Vào lúc bấy giờ, các vị tỳ khưu gây ra xung đột, gây ra cãi cọ, đưa đến tranh luận lẫn nhau ở trong nhà ăn, nơi xóm nhà thể hiện thân nghiệp khẩu nghiệp không thích hợp rồi đánh nhau. [1] Dân chúng phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Tại sao các sa-môn Thích tử gây ra xung đột, gây ra cãi cọ, đưa đến tranh luận lẫn nhau ở trong nhà ăn, nơi xóm nhà lại thể hiện thân nghiệp khẩu nghiệp không thích hợp rồi lại đánh nhau nữa?

Các tỳ khưu đã nghe được những người ấy phàn nàn, phê phán, chê bai. Các tỳ khưu ít ham muốn, ...(như trên)..., các vị ấy phàn nàn, phê phán, chê bai rằng:

- Vì sao các tỳ khưu gây ra xung đột, ...(như trên)... ở trong nhà ăn, nơi xóm nhà lại thể hiện thân nghiệp khẩu nghiệp không thích hợp rồi lại đánh nhau nữa?

Sau đó, các vị tỳ khưu ấy đã trình sự việc ấy lên đức Thế Tôn.

- Này các tỳ khưu, nghe nói các tỳ khưu gây ra xung đột, ...(như trên)... ở trong nhà ăn, nơi xóm nhà thể hiện thân nghiệp khẩu nghiệp không thích hợp rồi đánh nhau nữa, có đúng không vậy?

- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.

Đức Phật Thế Tôn đã khiển trách rằng:

...(như trên)... Sau khi khiển trách, ngài đã thuyết Pháp thoại rồi bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, khi hội chúng bị chia rẽ, trong khi hành xử sai Pháp đưa đến việc không hài hòa thì nên ngồi xuống chỗ ngồi (nghĩ rằng): “Ít ra chúng ta sẽ không thể hiện thân nghiệp khẩu nghiệp không thích hợp với nhau, chúng ta sẽ không đánh nhau.” Này các tỳ khưu, khi hội chúng bị chia rẽ, trong khi hành xử đúng Pháp đưa đến việc hài hòa, thì nên ngồi xuống chỗ ngồi kế cận nhau.

[242] Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu gây ra xung đột, gây ra cãi cọ, đưa đến tranh luận giữa hội chúng sống châm chích lẫn nhau bằng sức mạnh của mồm miệng. Các vị ấy không thể giải quyết được sự tranh tụng ấy. Khi ấy, có vị tỳ khưu nọ đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên, vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, ở đây các tỳ khưu gây ra xung đột, gây ra cãi cọ, đưa đến tranh luận giữa hội chúng sống châm chích lẫn nhau bằng sức mạnh của mồm miệng. Các vị ấy không thể giải quyết được sự tranh tụng ấy. Bạch ngài, tốt thay xin đức Thế Tôn vì lòng thương xót hãy đi đến gặp các tỳ khưu ấy.

Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Sau đó, đức Thế Tôn đã đi đến gặp các tỳ khưu ấy, sau khi đến đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, thôi đủ rồi. Chớ có (gây ra) sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận nữa.

Khi được nói như thế, có vị tỳ khưu nọ là vị nói sai Pháp đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn là bậc Pháp Chủ hãy chờ đợi. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn bớt lo nghĩ, hãy sống gắn bó với việc trú vào an lạc trong đời hiện tại; chúng con sẽ làm cho rõ ràng bằng sự xung đột, bằng sự cãi cọ, bằng sự lý luận, và bằng sự tranh luận này.

Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, thôi đủ rồi. Chớ có (gây ra) sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận nữa.

Đến lần thứ nhì, vị tỳ khưu là vị nói sai Pháp ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn là bậc Pháp Chủ hãy chờ đợi. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn bớt lo nghĩ, hãy sống gắn bó với việc trú vào an lạc trong đời hiện tại; chúng con sẽ làm cho rõ ràng bằng sự xung đột, bằng sự cãi cọ, bằng sự lý luận, và bằng sự tranh luận này.

[243] Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng:

- Này các tỳ khưu, trong thời quá khứ ở thành Bārāṇasī (Ba La Nại) đức vua của xứ Kāsī tên Brahmadatta là giàu sang, có nhiều tài sản, nhiều của cải, có binh lực vĩ đại, nhiều xe cộ, lãnh thổ rộng lớn, có các kho hàng và vựa lúa đầy ắp. Còn đức vua xứ Kosala tên Dīghīti thì nghèo, có ít tài sản, ít của cải, có binh lực kém, ít xe cộ, lãnh thổ bé, có các kho hàng và vựa lúa không đầy. Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã dàn trận đội quân gồm bốn loại binh chủng và đối đầu với đức vua Dīghīti xứ Kosala. Này các tỳ khưu, đức vua Dīghīti xứ Kosala đã nghe rằng: “Nghe nói đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã dàn trận đội quân gồm bốn loại binh chủng và đối đầu với ta.” Khi ấy, đức vua Dīghīti xứ Kosala đã khởi ý điều này: “Đức vua Brahmadatta xứ Kāsī là giàu sang, có nhiều tài sản, nhiều của cải, có binh lực vĩ đại, nhiều xe cộ, lãnh thổ rộng lớn, có các kho hàng và vựa lúa đầy ắp, còn ta thì nghèo, có ít tài sản, ít của cải, có binh lực kém, ít xe cộ, lãnh thổ bé, có các kho hàng và vựa lúa không đầy. Ta không có khả năng để chịu đựng chỉ một cuộc tấn công của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī, hay là ta nên bỏ chạy khỏi thành phố trước?” Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Dīghīti xứ Kosala đã đem theo hoàng hậu và bỏ chạy khỏi thành phố trước. Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã chiến thắng và làm chủ binh lực, xe cộ, xứ sở, kho hàng, và vựa lúa của đức vua Dīghīti xứ Kosala.

Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng người vợ đã ra đi về phía thành Bārāṇasī, tuần tự đã đến sống ở thành Bārāṇasī. Này các tỳ khưu, tại đó ở khu vực ngoại ô nọ nơi thành Bārāṇasī, đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng với người vợ ngụ trong nhà của người làm đồ gốm dưới hình thức khác là cải trang thành du sĩ. Này các tỳ khưu, sau đó chẳng bao lâu hoàng hậu của đức vua Dīghīti xứ Kosala đã mang thai. Nàng khởi lên niềm khao khát có hình thức như vầy: Nàng mong muốn vào lúc mặt trời mọc nhìn thấy đội quân gồm bốn loại binh chủng vũ trang, dàn trận, đứng ở trên mặt đất bằng phẳng và được uống nước rửa đao kiếm. Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng hậu của đức vua Dīghīti xứ Kosala đã nói với đức vua Dīghīti xứ Kosala điều này: “Tâu bệ hạ, thiếp đang mang thai. Thiếp đây khởi lên niềm khao khát có hình thức như vầy: Thiếp mong muốn vào lúc mặt trời mọc nhìn thấy đội quân gồm bốn loại binh chủng vũ trang, dàn trận, đứng ở trên mặt đất bằng phẳng và được uống nước rửa đao kiếm.” “Này ái hậu, trong lúc chúng ta đang lâm cảnh khốn cùng thì lấy đâu ra đội quân gồm bốn loại binh chủng vũ trang, dàn trận, đứng ở trên mặt đất bằng phẳng và nước rửa đao kiếm.” “Tâu bệ hạ, nếu không đạt được thì thiếp sẽ chết mất.”

Này các tỳ khưu, vào lúc bấy giờ vị bà-la-môn giữ chức tế tự của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī là bạn của đức vua Dīghīti xứ Kosala. Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Dīghīti xứ Kosala đã đi đến gặp vị bà-la-môn giữ chức tế tự của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī, sau khi đến đã nói với vị bà-la-môn giữ chức tế tự của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī điều này: “Này bạn, (hoàng hậu) người bạn gái của bạn đang mang thai. Nàng khởi lên niềm khao khát có hình thức như vầy: Nàng mong muốn vào lúc mặt trời mọc nhìn thấy đội quân gồm bốn loại binh chủng vũ trang, dàn trận, đứng ở trên mặt đất bằng phẳng và được uống nước rửa đao kiếm.” “Tâu bệ hạ, như thế thì chúng ta hãy gặp hoàng hậu.” Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng hậu của đức vua Dīghīti xứ Kosala đã đi đến gặp vị bà-la-môn giữ chức tế tự của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī. Này các tỳ khưu, rồi vị bà-la-môn giữ chức tế tự của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã nhìn thấy hoàng hậu của đức vua Dīghīti xứ Kosala từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay cúi chào hoàng hậu của đức vua Dīghīti xứ Kosala và đã ba lần thốt lên lời cảm hứng rằng: “Quả đúng là vua xứ Kosala đã nhập thai! Quả đúng là vua xứ Kosala đã nhập thai!” (rồi nói rằng): “Tâu hoàng hậu, xin chớ lo âu, vào lúc mặt trời mọc hoàng hậu sẽ được nhìn thấy đội quân gồm bốn loại binh chủng vũ trang, dàn trận, đứng ở trên mặt đất bằng phẳng và được uống nước rửa đao kiếm.

Này các tỳ khưu, sau đó vị bà-la-môn giữ chức tế tự của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã đi đến gặp đức vua Brahmadatta xứ Kāsī, sau khi đến đã nói với đức vua Brahmadatta xứ Kāsī điều này: “Tâu bệ hạ, theo như các điềm báo hiệu cho thấy: Ngày mai vào lúc mặt trời mọc, đội quân gồm bốn loại binh chủng vũ trang, dàn trận hãy đứng ở trên mặt đất bằng phẳng và các đao kiếm hãy được rửa.” Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã ra lệnh cho mọi người rằng: “Này các khanh, vị bà-la-môn giữ chức tế tự nói như thế nào thì các khanh hãy làm theo như thế ấy.”

Này các tỳ khưu, rồi vào lúc mặt trời mọc hoàng hậu của đức vua Dīghīti xứ Kosala đã được nhìn thấy đội quân gồm bốn loại binh chủng vũ trang, dàn trận, đứng ở trên mặt đất bằng phẳng và được uống nước rửa đao kiếm. Này các tỳ khưu, sau đó khi bào thai ấy đã được phát triển đầy đủ, hoàng hậu của đức vua Dīghīti xứ Kosala đã sanh ra người con trai. Đứa bé đã được đặt tên là Dīghāvu. Này các tỳ khưu, sau đó chẳng bao lâu hoàng tử Dīghāvu đã đạt được sự hiểu biết. Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Dīghīti xứ Kosala đã khởi ý điều này: “Đức vua Brahmadatta xứ Kāsī này là người đã làm nhiều việc thất lợi cho chúng ta. Binh lực, xe cộ, xứ sở, kho hàng, và vựa lúa của chúng ta đã bị người này chiếm đoạt. Nếu người này biết được chúng ta thì sẽ ra lệnh giết chết luôn cả ba. Hay là ta nên cho hoàng tử Dīghāvu sống ở bên ngoài thành phố?” Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Dīghīti xứ Kosala đã cho hoàng tử Dīghāvu sống ở bên ngoài thành phố. Này các tỳ khưu, sau đó chẳng bao lâu hoàng tử Dīghāvu trong khi sống ở bên ngoài thành phố đã học được tất cả các tài nghệ.

[244] Này các tỳ khưu, vào lúc bấy giờ người thợ hớt tóc của đức vua Dīghīti xứ Kosala sống (dưới quyền hạn) của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī. Này các tỳ khưu, người thợ hớt tóc của đức vua Dīghīti xứ Kosala đã nhìn thấy đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng với người vợ đang sống ở khu vực ngoại ô nọ nơi thành Bārāṇasī, trong nhà của người làm đồ gốm dưới hình thức khác là cải trang thành du sĩ, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp đức vua Brahmadatta xứ Kāsī, sau khi đến đã nói với đức vua Brahmadatta xứ Kāsī điều này: “Tâu bệ hạ, đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng với người vợ đang sống ở khu vực ngoại ô nọ nơi thành Bārāṇasī, trong nhà của người làm đồ gốm dưới hình thức khác là cải trang thành du sĩ.” Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã ra lệnh cho mọi người rằng: “Này các khanh, như thế thì hãy dẫn đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng với người vợ đến.” “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Này các tỳ khưu, rồi những người ấy nghe theo đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã dẫn đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng với người vợ đến.

Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã ra lệnh cho mọi người rằng: “Này các khanh, như thế thì hãy trói chặt đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng với người vợ ở hai tay vào phía sau bằng dây thừng chắc chắn, cạo trọc đầu, rồi dẫn đi quanh từ đường phố này sang đường phố khác, từ giao lộ này sang giao lộ khác với tiếng trống có âm thanh inh ỏi, sau khi đưa đi ra bằng cổng thành phía nam, hãy chặt thành bốn khúc ngay tại cổng thành phía nam, rồi quăng bỏ các phần ấy ở bốn hướng.” “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Này các tỳ khưu, rồi những người ấy nghe theo đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã trói chặt đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng với người vợ bằng dây thừng chắc chắn, cạo trọc đầu, rồi dẫn đi quanh từ đường phố này sang đường phố khác, từ giao lộ này sang giao lộ khác với tiếng trống có âm thanh inh ỏi.

Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng tử Dīghāvu đã khởi ý điều này: “Đã lâu, ta không được nhìn thấy mẹ và cha, hay là ta nên gặp mẹ và cha?” Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng tử Dīghāvu đã đi vào thành Bārāṇasī và nhìn thấy mẹ và cha bị trói chặt ở hai tay vào phía sau bằng dây thừng chắc chắn, bị cạo trọc đầu, và đang bị dẫn đi quanh từ đường phố này sang đường phố khác, từ giao lộ này sang giao lộ khác với tiếng trống có âm thanh inh ỏi, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp mẹ và cha.

Này các tỳ khưu, đức vua Dīghīti xứ Kosala đã nhìn thấy hoàng tử Dīghāvu từ đàng xa đang đi lại, sau khi thấy đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều này: “Này Dīghāvu thương, con hãy nhìn chớ có xa, chớ có gần. Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu.” Này các tỳ khưu, khi được nói như thế những người ấy đã nói với đức vua Dīghīti xứ Kosala điều này: “Đức vua Dīghīti xứ Kosala này là người điên nên nói nhảm. Ai là Dīghāvu của ông ta? Ông ta đã nói với ai như vầy:Này Dīghāvu thương, con hãy nhìn chớ có xa, chớ có gần. Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu’?” “Này các khanh, ta không là người điên mà nói nhảm. Tuy nhiên, người nào thông minh thì người ấy sẽ hiểu được rõ ràng.” Này các tỳ khưu, đến lần thứ nhì ...(như trên)... Này các tỳ khưu, đến lần thứ ba đức vua Dīghīti xứ Kosala đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều này: “Này Dīghāvu thương, con hãy nhìn chớ có xa, chớ có gần. Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu.” Này các tỳ khưu, đến lần thứ ba những người ấy đã nói với đức vua Dīghīti xứ Kosala điều này: “Đức vua Dīghīti xứ Kosala này là người điên nên nói nhảm. Ai là Dīghāvu của ông ta? Ông ta đã nói với ai như vầy:Này Dīghāvu thương, con hãy nhìn chớ có xa, chớ có gần. Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu’?” “Này các khanh, ta không là người điên mà nói nhảm. Tuy nhiên, người nào thông minh thì người ấy sẽ hiểu được rõ ràng.” Này các tỳ khưu, sau đó những người ấy khi đã dẫn đức vua Dīghīti xứ Kosala cùng với người vợ đi quanh từ đường phố này sang đường phố khác, từ giao lộ này sang giao lộ khác với tiếng trống có âm thanh inh ỏi rồi đã đưa đi ra bằng cổng thành phía nam, chặt thành bốn khúc ngay tại cổng thành phía nam, quăng bỏ các phần ấy ở bốn hướng, ổn định lại hàng ngũ, rồi đã bỏ đi.

Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng tử Dīghāvu đã đi vào thành Bārāṇasī đem lại rượu và cho các người lính gác uống. Đến khi những người lính đã bị say và té xuống, hoàng tử Dīghāvu đã tự mình gom góp các thanh củi, đặt thi thể của mẹ và cha lên giàn hỏa thiêu, châm lửa, chắp tay lên, và hướng vai phải nhiễu quanh giàn hỏa thiêu ba vòng. Này các tỳ khưu, vào lúc bấy giờ đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đang đi ở nơi sân thượng của tòa lâu đài sang trọng. Này các tỳ khưu, đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã nhìn thấy hoàng tử Dīghāvu chắp tay lên và đang hướng vai phải nhiễu quanh giàn hỏa thiêu ba vòng, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: “Chắc chắn rằng người đàn ông này là thân quyến hoặc là có cùng huyết thống với đức vua Dīghīti xứ Kosala. Hừ, chẳng có ích lợi gì cho ta vì không ai sẽ nói cho ta hay!”

Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng tử Dīghāvu đã đi vào rừng và than van khóc lóc cho đến nguôi ngoai, rồi đã lau khô nước mắt, trở vào thành Bārāṇasī, đi đến chuồng voi ở cạnh hoàng cung, và đã nói với người thầy huấn luyện voi điều này: “Thưa thầy, tôi muốn học nghề.” “Này chàng trai trẻ mến, như thế thì cứ việc học.” Này các tỳ khưu, sau đó hoàng tử Dīghāvu, khi đã thức dậy vào canh cuối của đêm ở nơi chuồng voi, đã đánh đàn và ca hát với giọng du dương. Này các tỳ khưu, rồi đức vua Brahmadatta xứ Kāsī sau khi thức dậy vào canh cuối của đêm đã nghe tiếng đánh đàn và tiếng ca hát với giọng du dương ở nơi chuồng voi nên đã hỏi mọi người rằng: “Này các khanh, người nào sau khi thức dậy vào canh cuối của đêm ở nơi chuồng voi đã đánh đàn và ca hát với giọng du dương?” “Tâu bệ hạ, chàng trai trẻ học trò của người thầy huấn luyện voi kia, sau khi thức dậy vào canh cuối của đêm ở nơi chuồng voi, đã đánh đàn và ca hát với giọng du dương.” “Này các khanh, như thế thì hãy dẫn chàng trai trẻ ấy đến.” “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Này các tỳ khưu, rồi các người ấy nghe theo đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã đưa hoàng tử Dīghāvu lại. Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều này: “Này khanh chàng trai trẻ, có phải khanh sau khi thức dậy vào canh cuối của đêm ở nơi chuồng voi đã đánh đàn và ca hát với giọng du dương?” “Tâu bệ hạ, thưa phải.” “Này khanh chàng trai trẻ, như thế thì khanh hãy ca hát và đánh đàn đi.” “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Này các tỳ khưu, rồi hoàng tử Dīghāvu nghe theo đức vua Brahmadatta xứ Kāsī và có ý định làm (đức vua) hài lòng nên đã đánh đàn và ca hát với giọng du dương. Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều này: “Này khanh chàng trai trẻ, khanh hãy hầu hạ ta.”“Tâu bệ hạ, xin vâng.” Này các tỳ khưu, hoàng tử Dīghāvu đã đáp lời đức vua Brahmadatta xứ Kāsī.

Này các tỳ khưu, sau đó hoàng tử Dīghāvu đã trở thành người thức dậy trước và đi ngủ sau, là người sẵn sàng làm mọi việc, có hành động chiều chuộng, có nói lời êm dịu đối với đức vua Brahmadatta xứ Kāsī. Này các tỳ khưu, sau đó chẳng bao lâu đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã bổ nhiệm hoàng tử Dīghāvu vào vai trò cận thần được tín nhiệm.

Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều này: “Này khanh chàng trai trẻ, như vậy thì khanh hãy thắng (ngựa) vào xe, chúng ta sẽ đi săn thú.” “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Này các tỳ khưu, rồi hoàng tử Dīghāvu nghe theo đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã thắng (ngựa) vào xe rồi đã nói với đức vua Brahmadatta xứ Kāsī điều này: “Tâu bệ hạ, xe đã được thắng (ngựa) vào, xin bệ hạ hãy suy nghĩ bây giờ là thời điểm của việc gì.” Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã bước lên xe và hoàng tử Dīghāvu đã điều khiển xe và đã điều khiển xe như thế nào đó để đội quân lính đã đi theo hướng khác còn chiếc xe theo hướng khác.

Này các tỳ khưu, sau đó khi đã đi xa, đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều này: “Này khanh chàng trai trẻ, hãy dừng xe lại. Trẫm đã mệt và sẽ nằm xuống.” “Tâu bệ hạ, xin vâng.” Này các tỳ khưu, rồi hoàng tử Dīghāvu nghe theo đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã dừng xe lại và ngồi xuống với thế kiết già ở trên mặt đất. Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã kê đầu lên bắp vế của hoàng tử Dīghāvu và nằm xuống. Trong khi mệt mỏi, chỉ trong chốc lát đức vua đã rơi vào giấc ngủ. Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng tử Dīghāvu đã khởi ý điều này: “Đức vua Brahmadatta xứ Kāsī này là người đã làm nhiều việc thất lợi cho chúng ta. Binh lực, xe cộ, xứ sở, kho hàng, và vựa lúa của chúng ta đã bị người này chiếm đoạt. Mẹ và cha ta đã bị người này giết. Đây có thể là thời điểm để ta có thể thanh toán mối thù hận” rồi đã rút gươm ra khỏi vỏ. Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng tử Dīghāvu đã khởi ý điều này: “Vào lúc chết, cha đã nói với ta rằng: ‘Này Dīghāvu thương, con hãy nhìn chớ có xa, chớ có gần. Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu.’ Đối với ta việc này không thích hợp là việc ta có thể làm trái lời dạy của cha” nên đã tra gươm vào vỏ. Này các tỳ khưu, đến lần thứ nhì ...(như trên)... Này các tỳ khưu, đến lần thứ ba hoàng tử Dīghāvu đã khởi ý điều này: “Đức vua Brahmadatta xứ Kāsī này là người đã làm nhiều việc thất lợi cho chúng ta. Binh lực, xe cộ, xứ sở, kho hàng, và vựa lúa của chúng ta đã bị người này chiếm đoạt. Mẹ và cha ta đã bị người này giết. Đây có thể là thời điểm để ta có thể thanh toán mối thù hận” rồi đã rút gươm ra khỏi vỏ. Này các tỳ khưu, đến lần thứ ba hoàng tử Dīghāvu đã khởi ý điều này: “Vào lúc chết, cha đã nói với ta rằng: ‘Này Dīghāvu thương, con hãy nhìn chớ có xa, chớ có gần. Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu.’ Đối với ta việc này không thích hợp là việc ta có thể làm trái lời dạy của cha” nên lại tra gươm vào vỏ.

Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī trở nên hoảng sợ, kinh hoàng, hốt hoảng, dáo dác, đã tức thời chồm dậy. Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng tử Dīghāvu đã nói với đức vua Brahmadatta xứ Kāsī điều này: “Tâu bệ hạ, vì sao bệ hạ lại trở nên hoảng sợ, kinh hoàng, hốt hoảng, dáo dác, và tức thời chồm dậy?” “Này khanh chàng trai trẻ, ở đây con trai của đức vua Dīghīti xứ Kosala là hoàng tử Dīghāvu đã dùng gươm tấn công ta trong giấc ngủ mơ, vì thế trẫm trở nên hoảng sợ, kinh hoàng, hốt hoảng, dáo dác, và đã tức thời chồm dậy.” Này các tỳ khưu, khi ấy hoàng tử Dīghāvu đã dùng bàn tay trái mân mê đầu của đức vua Brahmadatta xứ Kāsī và dùng bàn tay phải rút gươm ra rồi nói với đức vua Brahmadatta xứ Kāsī điều này: “Tâu bệ hạ, thần chính là hoàng tử Dīghāvu con trai của đức vua Dīghīti xứ Kosala. Bệ hạ là người đã làm nhiều việc thất lợi cho chúng tôi. Binh lực, xe cộ, xứ sở, kho hàng, và vựa lúa của chúng tôi đã bị bệ hạ chiếm đoạt. Mẹ và cha tôi đã bị bệ hạ giết. Đây có thể là thời điểm để thần có thể thanh toán mối thù hận.” Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã quỳ mọp xuống đê đầu ở hai bàn chân của hoàng tử Dīghāvu và đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều nầy: “Này Dīghāvu yêu quý, hãy ban cho trẫm mạng sống. Này Dīghāvu yêu quý, hãy ban cho trẫm mạng sống.” “Sao thần lại có thể ban cho bệ hạ mạng sống được, chính bệ hạ mới có thể ban cho thần mạng sống?” “Này Dīghāvu yêu quý, như thế thì khanh hãy ban cho trẫm mạng sống, và trẫm sẽ ban mạng sống cho khanh.” Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī và hoàng tử Dīghāvu đã ban cho mạng sống lẫn nhau, đã nắm lấy bàn tay, và đã thề không phản bội nhau.

Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều này: “Này Dīghāvu yêu quý, như thế thì khanh hãy thắng (ngựa) vào xe, chúng ta sẽ đi về.”Tâu bệ hạ, xin vâng.” Này các tỳ khưu, rồi hoàng tử Dīghāvu nghe theo đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã thắng (ngựa) vào xe rồi đã nói với đức vua Brahmadatta xứ Kāsī điều này: “Tâu bệ hạ, xe đã được thắng (ngựa) vào, xin bệ hạ hãy suy nghĩ bây giờ là thời điểm của việc gì.” Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã bước lên xe và hoàng tử Dīghāvu đã điều khiển xe và đã điều khiển xe theo như thế nào đó để chẳng bao lâu sau gặp lại đội quân lính.

Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã đi vào thành Bārāṇasī, cho triệu tập các viên quan đại thần cố vấn lại, và đã nói điều này: “Này các khanh, nếu các khanh có thể nhìn thấy hoàng tử Dīghāvu con trai của đức vua Dīghīti xứ Kosala thì các khanh nên làm gì người ấy?” Một số quan đại thần đã nói như vầy: “Tâu bệ hạ, chúng ta nên chặt hai tay. Tâu bệ hạ, chúng ta nên chặt hai chân. Tâu bệ hạ, chúng ta nên chặt hai tay và hai chân. Tâu bệ hạ, chúng ta nên xẻo hai tai. Tâu bệ hạ, chúng ta nên xẻo lỗ mũi. Tâu bệ hạ, chúng ta nên xẻo hai tai và lỗ mũi. Tâu bệ hạ, chúng ta nên chặt đầu.” “Này các khanh, đây chính là hoàng tử Dīghāvu con trai của đức vua Dīghīti xứ Kosala. Không được phép làm bất cứ điều gì đối với người này. Người này đã ban cho trẫm mạng sống và trẫm đã ban mạng sống cho người này.”

Này các tỳ khưu, sau đó đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã nói với hoàng tử Dīghāvu điều này: “Này Dīghāvu yêu quý, điều mà người cha vào lúc chết đã nói rằng: ‘Này Dīghāvu thương, con hãy nhìn chớ có xa, chớ có gần. Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu,’ người cha của khanh đã ám chỉ điều gì vậy?” “Tâu bệ hạ, điều mà cha của thần vào lúc chết đã nói rằng: ‘Chớ có xa,’ (ý nói rằng) ‘Chớ có gây nên thù hận lâu dài.’ Tâu bệ hạ, (ám chỉ) điều này mà cha của thần vào lúc chết đã nói rằng: ‘Chớ có xa.’ Tâu bệ hạ, điều mà cha của thần vào lúc chết đã nói rằng: ‘Chớ có gần,’ (ý nói rằng) ‘Chớ có mau chóng gây đổ vỡ với các bạn bè.’ Tâu bệ hạ, (ám chỉ) điều này mà cha của thần vào lúc chết đã nói rằng: ‘Chớ có gần.’ Tâu bệ hạ, điều mà cha của thần vào lúc chết đã nói rằng: ‘Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu,’ (ý nói rằng) ‘Mẹ và cha của thần đã bị bệ hạ giết hại,’ như thế nếu thần có thể tước đoạt mạng sống của bệ hạ thì những người mong mỏi sự lợi ích cho bệ hạ có thể tước đoạt mạng sống của thần, rồi những người mong mỏi sự lợi ích cho thần có thể tước đoạt mạng sống của những người ấy; như vậy thù hận ấy không thể giải quyết bằng thù hận. Giờ đây, bệ hạ đã ban mạng sống cho thần và thần cũng đã ban mạng sống cho bệ hạ; như vậy thù hận ấy đã được giải quyết bằng sự không thù hận. Tâu bệ hạ, (ám chỉ) điều này mà cha của thần vào lúc chết đã nói rằng: Này Dīghāvu thương, bởi vì các sự thù hận không được làm lắng dịu bởi thù hận. Này Dīghāvu thương, chính vì không thù hận mà các sự thù hận được lắng dịu.’”

Này các tỳ khưu, khi ấy đức vua Brahmadatta xứ Kāsī đã khởi ý điều này: “Thật kỳ diệu thay! Thật phi thường thay! Hoàng tử Dīghāvu này thật thông thái bởi vì hiểu được ý nghĩa một cách chi tiết của điều đã được người cha nói ra một cách vắn tắt” rồi đã trả lại binh lực, xe cộ, xứ sở, kho hàng, và vựa lúa của người cha, và còn ban cho người con gái (của mình) nữa. Này các tỳ khưu, ngay chính những người ấy là các vị vua đã cầm lấy gậy, đã cầm lấy gươm mà còn có sự kham nhẫn và khoan dung như thế ấy. Này các tỳ khưu, ở đây các ngươi hãy làm rạng rỡ việc các ngươi đang được xuất gia trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng như vầy, các ngươi hãy nên bày tỏ sự kham nhẫn và lòng khoan dung.

[245] Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu ấy điều này:

- Này các tỳ khưu, thôi đủ rồi. Chớ có (gây ra) sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận nữa.

Đến lần thứ ba, vị tỳ khưu là vị nói sai Pháp ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, xin đức Thế Tôn là bậc Pháp Chủ hãy chờ đợi. Bạch ngài, xin đức Thế Tôn bớt lo nghĩ, hãy sống gắn bó với việc trú vào an lạc trong đời hiện tại; chúng con sẽ làm cho rõ ràng bằng sự xung đột, bằng sự cãi cọ, bằng sự lý luận, và bằng sự tranh luận này.

Khi ấy, đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Những kẻ rồ dại này đã tới mức lộng hành, những kẻ này không dễ gì mà nhắc nhở” rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.

Tụng phẩm “Dīghāvu” là phần thứ nhất.

[246] Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế tôn đã mặc y, cầm y bát, rồi đi vào thành Kosambī để khất thực. Sau khi đã đi khất thực trong thành Kosambī, trên đường khất thực trở về sau bữa ăn, đức Thế Tôn đã thu xếp chỗ trú ngụ, cầm y bát, rồi đứng giữa hội chúng tỳ khưu nói lên những lời kệ này:

[247]

Chúng phàm phu náo nhiệt
chẳng ai nghĩ mình ngu,
dầu hội chúng tan vỡ
chúng nghĩ chẳng ai hơn.
Lời kẻ trí cởi mở
nói đủ chuyện trên đời
chúng muốn miệng há rộng
bị lôi đi chẳng biết.
Những ai cố chấp rằng:
“Ngươi chửi ta, đánh ta,
thắng ta, cướp bóc ta!”
người ấy hận không tan.
Những ai không cố chấp:
“Ngươi chửi ta, đánh ta,
thắng ta, cướp bóc ta!”
người ấy hận tiêu tan.
Hận thù chẳng bao giờ
tiêu tan do thù hận
nhưng bởi không thù hận
Pháp ấy có từ xưa.
Những người khác không biết
nơi đây ta kềm chế,
kia mọi người đều rõ
tranh cãi tự nhiên tan.
Xương tan, mạng chẳng còn,
cướp ngựa, bò, tài sản,
trong khi xâm chiếm đất
chúng còn biết hợp đoàn;
sao các người lại không?
Nếu người có bạn hữu
trí tuệ, cùng đi chung,
thông minh, sống khôn khéo,
vưọt qua mọi gian khổ
nhờ thế vị ấy sống
hoan hỷ, trú được niệm.
Nếu người không bạn hữu
trí tuệ, cùng đi chung,
thông minh, sống khôn khéo,
như vua bỏ vương quốc,
như voi và rừng rậm  
voi đi chỉ một mình.
Tốt hơn đi một mình
không kẻ ngu làm bạn
vị ấy sống đơn độc
ác không làm, chẳng lo,
như voi và rừng rậm
voi đi chỉ một mình.

[248] Khi ấy, đức Thế Tôn đứng giữa hội chúng tỳ khưu đã nói lên những lời kệ này rồi đi đến ngôi làng Bālakaloṇakāraka. Vào lúc bấy giờ, đại đức Bhagu đang trú tại ngôi làng Bālakaloṇakāraka. Đại đức Bhagu đã nhìn thấy đức Thế Tôn từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã sắp đặt chỗ ngồi, đem lại nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rồi đã đi ra rước lấy y bát. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn, sau khi ngồi xuống đã rửa hai bàn chân. Đại đức Bhagu đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã nói với đại đức Bhagu đang ngồi một bên điều này:

- Này tỳ khưu, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có tốt đẹp không? Việc đi khất thực có khỏi bị khó nhọc không?

- Bạch Thế Tôn, sức khoẻ khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc được tốt đẹp. Và bạch ngài, việc đi khất thực không có bị khó nhọc.

Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đại đức Bhagu bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và đi đến khu vườn cây Pācīnavaṃsa.

Vào lúc bấy giờ, đại đức Anuruddha, đại đức Nandiya, và đại đức Kimbila trú tại khu vườn cây Pācīnavaṃsa. Người giữ khu vườn cây đã nhìn thấy đức Thế Tôn từ đàng xa đang đi lại, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Này ông sa-môn, chớ có đi vào khu vườn cây này. Ở đây, có ba người con trai gia đình danh giá và có tính tự trọng trú ngụ. Chớ có gây phiền nhiễu đến họ.

Đại đức Anuruddha đã nghe được người giữ khu vườn cây đang căn dặn đức Thế Tôn, sau khi nghe đã nói với người giữ khu vườn cây điều này:

- Này đạo hữu giữ vườn, chớ có ngăn cản đức Thế Tôn. Bậc Đạo Sư của chúng tôi là đức Thế Tôn đã đến.

Sau đó, đại đức Anuruddha đã đi đến gặp đại đức Nandiya và đại đức Kimbila, sau khi đến đã nói với đại đức Nandiya và đại đức Kimbila điều này:

- Các đại đức hãy đi ra. Các đại đức hãy đi ra. Bậc Đạo Sư của chúng ta là đức Thế Tôn đã đến.

Khi ấy, đại đức Anuruddha, đại đức Nandiya, và đại đức Kimbila đã đi ra đón đức Thế Tôn, một vị đã nhận lấy y bát của đức Thế Tôn, một vị đã sắp xếp chỗ ngồi, một vị đã mang lại nước rửa chân, ghế kê chân, và tấm chà chân. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống trên chỗ ngồi được sắp đặt sẵn, sau khi ngồi xuống đã rửa hai bàn chân. Các vị đại đức ấy đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Đức Thế Tôn đã nói với đại đức Anuruddha đang ngồi một bên điều này:

- Này các vị Anuruddha, các ngươi sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Việc đi khất thực có khỏi bị khó nhọc không?

- Bạch Thế Tôn, sức khoẻ khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc được tốt đẹp. Và bạch ngài, việc đi khất thực không có bị khó nhọc.

- Này các vị Anuruddha, các ngươi sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi cọ, có được trạng thái như sữa với nước, có nhìn nhau bằng những ánh mắt trìu mến không?

- Bạch Thế Tôn, chắc chắn là vậy! Chúng con đây sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi cọ, được trạng thái như sữa với nước, và nhìn nhau bằng những ánh mắt trìu mến.

- Này các vị Anuruddha, các ngươi sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi cọ, được trạng thái như sữa với nước, và nhìn nhau bằng những ánh mắt trìu mến là như thế nào?

- Bạch ngài, ở đây con khởi ý như vầy: “Thật lợi ích cho ta! Thật ta đã khéo đạt được khi ta sống với các vị đồng Phạm hạnh như thế này!” Bạch ngài, đối với các đại đức này sự thân thiện của con đây qua thân nghiệp đã được khởi lên công khai hoặc kín đáo, sự thân thiện qua khẩu nghiệp, sự thân thiện qua ý nghiệp đã được khởi lên công khai hoặc kín đáo, và bạch ngài con đây đã khởi ý như vầy: “Hay là ta nên buông rơi tâm của ta và hành động thuận theo tâm của các đại đức này?” Bạch ngài, rồi con đã buông rơi tâm con và hành động thuận theo tâm của các đại đức này. Bạch ngài, chúng con tuy có các thân khác nhau nhưng con nghĩ rằng chỉ có một tâm.

Rồi đại đức Nandiya và đại đức Kimbila cũng đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, ở đây con khởi ý như vầy: “Thật lợi ích cho ta! Thật ta đã khéo đạt được khi ta sống với các vị đồng Phạm hạnh như thế này!” Bạch ngài, đối với các đại đức này sự thân thiện của con đây qua thân nghiệp đã được khởi lên công khai hoặc kín đáo, sự thân thiện qua khẩu nghiệp, sự thân thiện qua ý nghiệp đã được khởi lên công khai hoặc kín đáo, và bạch ngài con đây đã khởi ý như vầy: “Hay là ta nên buông rơi tâm của ta và hành động thuận theo tâm của các đại đức này?” Bạch ngài, rồi con đã buông rơi tâm con và hành động thuận theo tâm của các đại đức này. Bạch ngài, chúng con tuy có các thân khác nhau nhưng con nghĩ rằng chỉ có một tâm. Bạch ngài, chúng con sống có sự hợp nhất, thân thiện, không cãi cọ, được trạng thái như sữa với nước, và nhìn nhau bằng những ánh mắt trìu mến là như thế ấy.

- Này các vị Anuruddha, các ngươi sống có ít bị xao lãng, có sự tinh tấn và nỗ lực của bản thân hay không?

- Bạch ngài, chắc chắn là vậy! Chúng con đây sống ít bị xao lãng, có sự tinh tấn và nỗ lực của bản thân.

- Này các vị Anuruddha, các ngươi sống ít bị xao lãng, có sự tinh tấn và nỗ lực của bản thân là như thế nào?

- Bạch ngài, ở đây vị nào trong chúng con đi khất thực từ làng trở về trước tiên vị ấy sắp xếp chỗ ngồi, chuẩn bị nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi đem lại, đem lại nước uống và nước rửa. Vị nào đi khất thực từ làng trở về sau cùng, nếu vật thực được ăn còn thừa lại, nếu muốn thì vị ấy có thể ăn; nếu không muốn, thì đem quăng bỏ ở nơi không có cỏ xanh hoặc đổ xuống nước không có sinh vật. Vị ấy xếp chỗ ngồi lại, dọn dẹp nước rửa chân, ghế kê chân, tấm chà chân, rửa chậu đựng đồ thừa rồi cất đi, dọn dẹp nước uống, nước rửa, và quét nhà ăn. Vị nào thấy lu nước uống, hoặc lu nước rửa, hoặc lu nước nhà vệ sinh hết nước, trống trơn, vị ấy đổ nước vào. Nếu vị ấy không làm nổi, sau khi ra hiệu bằng tay mời vị thứ hai lại, chúng con nhờ (vị kia) phụ giúp với hành động bằng tay và bạch ngài, nhưng không vì lý do đó mà chúng con nói ra lời. Bạch ngài, cứ mỗi năm ngày, chúng con ngồi lại cho việc thảo luận Giáo Pháp trọn đêm. Bạch ngài, chúng con sống ít bị xao lãng, có sự tinh tấn và nỗ lực của bản thân là như thế ấy.

Sau đó, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đại đức Anuruddha, đại đức Nandiya, và đại đức Kimbila bằng bài Pháp thoại rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi du hành về phía Pārileyyaka. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến Pārileyyaka. Tại nơi đó, ở Pārileyyaka đức Thế Tôn sống trong khu rừng cây được bảo vệ, dưới gốc cây Sāla xinh đẹp.

[249] Khi ấy, đức Thế Tôn trong khi thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Trước đây, ta đã sống không thoải mái bị quấy rầy bởi các tỳ khưu ở Kosambī ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng. Bây giờ, ta đây sống an lạc, thoải mái, một mình, không người thứ hai, thoát khỏi các tỳ khưu ở Kosambī ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng.”

Có con long tượng nọ sống bị quấy rầy bởi những con voi, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé, và còn phải nhai các thứ cỏ đã bị đứt ngọn. Chúng nhai các nhánh cây đã được nó bẻ gãy rời ra. Và nó uống các thứ nước đã bị khuấy đục. Khi nó vượt qua dòng sông cạn thì những con voi cái chạy lại cọ xát vào thân. Khi ấy, con long tượng ấy đã khởi ý điều này: “Ta sống bị quấy rầy bởi những con voi, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé, và còn phải nhai các thứ cỏ đã bị đứt ngọn. Chúng nhai các nhánh cây đã được ta bẻ gãy rời ra. Và ta uống các thứ nước đã bị khuấy đục. Khi ta vượt qua dòng sông cạn thì những con voi cái chạy lại cọ xát vào thân. Hay là ta nên sống một mình, tách ra khỏi đám đông?” Sau đó, con long tượng ấy tách khỏi bầy đi đến Pārileyyaka, chỗ khu rừng cây được bảo vệ, nơi gốc cây Sāla xinh đẹp, gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã dùng vòi phục vụ đức Thế Tôn nước uống, nước rửa, và dọn sạch cây cỏ. Khi ấy, con long tượng ấy đã khởi ý điều này: “Trước đây ta đã sống bị quấy rầy bởi những con voi, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé, và đã nhai các thứ cỏ đã bị đứt ngọn. Chúng đã nhai các nhánh cây đã được ta bẻ gãy rời ra. Và ta đã uống các thứ nước đã bị khuấy đục. Khi ta vượt qua dòng sông cạn thì những con voi cái đã chạy lại cọ xát vào thân. Bây giờ, ta đây sống an lạc, thoải mái, một mình, không hai, thoát khỏi các con voi, các con voi cái, các con voi tơ, và các con voi bé.”Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi hiểu được sự tách ly của bản thân đã dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của con long tượng ấy, rồi vào lúc ấy đã thốt lên lời cảm hứng rằng:

Voi chúa có ngà bự
cùng với chúa loài người,
tâm với tâm hợp nhất
vui rừng thẳm một mình.

[250] Sau đó, khi đã ngự tại Pārileyyaka theo như ý thích, đức Thế Tôn đã ra đi du hành đến thành Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, ngài đã ngự đến thành Sāvatthi. Tại nơi đó ở thành Sāvatthi, đức Thế Tôn ngự tại Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.

[251] Khi ấy, các cư sĩ ở Kosambī đã khởi ý điều này: “Các ngài tỳ khưu ở Kosambī này là những người đã làm nhiều điều không lợi ích cho chúng ta. Đức Thế Tôn bị quấy rầy bởi các vị này nên đã bỏ đi, vậy thì chúng ta không nên đảnh lễ các ngài tỳ khưu ở Kosambī, không nên đứng dậy chào, không nên thực hiện việc chắp tay và hành động thích hợp, không nên tôn trọng, không nên cung kỉnh, không nên sùng bái, không nên cúng dường, không nên bố thí đồ ăn khất thực cho các vị đi đến; như thế ấy các vị này trong khi không được tôn trọng, không được cung kỉnh, không được sùng bái, không được cúng dường bởi chúng ta, và khi đã không còn được tôn trọng các vị hoặc là sẽ bỏ đi, hoặc là sẽ hoàn tục, hoặc là sẽ có niềm tin nơi đức Thế Tôn.” Sau đó, các cư sĩ ở Kosambī đã không đảnh lễ, không đứng dậy chào, không thực hiện việc chắp tay và hành động thích hợp, không tôn trọng, không cung kỉnh, không sùng bái, không cúng dường, không bố thí đồ ăn khất thực cho các vị đi đến. Khi ấy, các tỳ khưu ở Kosambī trong khi không được tôn trọng, không được cung kỉnh, không được sùng bái, không được cúng dường bởi các cư sĩ ở Kosambī, và khi đã không còn được tôn trọng nữa đã nói như vầy:

- Này các đại đức, vậy thì chúng ta nên đi Sāvatthi và giải quyết sự tranh tụng này trong sự hiện diện của đức Thế Tôn.

Sau đó, các tỳ khưu ở Kosambī đã thu xếp chỗ trú ngụ rồi cầm y bát đi đến thành Sāvatthi.

[252] Đại đức Sāriputta đã nghe rằng: “Nghe nói các tỳ khưu ở Kosambī ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi.” Khi ấy, đại đức Sāriputta đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Sāriputta đã nói với đức Thế tôn điều này:

- Bạch ngài, nghe nói các tỳ khưu ở Kosambī ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi. Bạch ngài, con nên thực hành đối với các tỳ khưu ấy như thế nào?

- Này Sāriputta, như thế thì ngươi hãy hỗ trợ (các vị nào) đúng Pháp.

- Bạch ngài, con nên hiểu đúng Pháp và sai Pháp như thế nào?

- Này Sāriputta, người nói sai Pháp sẽ được nhận biết do mười tám sự việc. Này Sāriputta, trường hợp vị tỳ khưu tuyên bố phi Pháp là “Pháp;” tuyên bố Pháp là: “Phi Pháp;” tuyên bố phi Luật là: “Luật;” tuyên bố Luật là: “Phi Luật;” tuyên bố điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai là: “Điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai là: “Điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều không được thực hành bởi đức Như Lai là: “Điều đã được thực hành bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều được thực hành bởi đức Như Lai là: “Điều đã không được thực hành bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều không được quy định bởi đức Như Lai là: “Điều đã được quy định bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều được quy định bởi đức Như Lai là: “Điều đã không được quy định bởi đức Như Lai;” tuyên bố vô tội là: “Phạm tội;” tuyên bố phạm tội là: “Vô tội;” tuyên bố tội nặng là: “Tội nhẹ;” tuyên bố tội nhẹ là: “Tội nặng;” tuyên bố tội còn dư sót là: “Tội không còn dư sót;” tuyên bố tội không còn dư sót là: “Tội còn dư sót;” tuyên bố tội xấu xa là: “Tội không xấu xa;” tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội xấu xa.” Này Sāriputta, người nói sai Pháp sẽ được nhận biết do mười tám sự việc này.

Này Sāriputta, người nói đúng Pháp sẽ được nhận biết do mười tám sự việc. Này Sāriputta, trường hợp vị tỳ khưu tuyên bố phi Pháp là “Phi Pháp;” tuyên bố Pháp là: “Pháp;” tuyên bố phi Luật là: “Phi Luật;” tuyên bố Luật là: “Luật;” tuyên bố điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai là: “Điều đã không được giảng, không được nói bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai là: “Điều đã được giảng, đã được nói bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều không được thực hành bởi đức Như Lai là: “Điều không được thực hành bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều đã được thực hành bởi đức Như Lai là: “Điều đã được thực hành bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều đã không được quy định bởi đức Như Lai là: “Điều đã không được quy định bởi đức Như Lai;” tuyên bố điều đã được quy định bởi đức Như Lai là: “Điều đã được quy định bởi đức Như Lai;” tuyên bố vô tội là: “Vô tội;” tuyên bố phạm tội là: “Phạm tội;” tuyên bố tội nhẹ là: “Tội nhẹ;” tuyên bố tội nặng là: “Tội nặng;” tuyên bố tội còn dư sót là: “Tội còn dư sót;” tuyên bố tội không còn dư sót là: “Tội không còn dư sót;” tuyên bố tội xấu xa là: “Tội xấu xa;” tuyên bố tội không xấu xa là: “Tội không xấu xa.” Này Sāriputta, người nói đúng Pháp sẽ được nhận biết do mười tám sự việc này.

[253] Rồi đại đức Mahāmoggallāna đã nghe rằng: ...(như trên)... Rồi đại đức Mahākassapa đã nghe, rồi đại đức Mahākaccāna đã nghe, rồi đại đức Mahākoṭṭhita đã nghe, rồi đại đức Mahākappina đã nghe, rồi đại đức Mahācunda đã nghe, rồi đại đức Anuruddha đã nghe, rồi đại đức Revata đã nghe, rồi đại đức Upāli đã nghe, rồi đại đức Ānanda đã nghe, rồi đại đức Rāhula đã nghe rằng: “Nghe nói các tỳ khưu ở Kosambī ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi.” Khi ấy, đại đức Rāhula đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Rāhula đã nói với đức Thế tôn điều này:

- Bạch ngài, nghe nói các tỳ khưu ở Kosambī ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi. Bạch ngài, con nên thực hành đối với các tỳ khưu ấy như thế nào?

- Này Rāhula, như thế thì ngươi hãy hỗ trợ (các vị nào) đúng Pháp.

- Bạch ngài, con nên hiểu đúng Pháp và sai Pháp như thế nào?

- Này Rāhula, người nói sai Pháp sẽ được nhận biết do mười tám sự việc. ...(như trên)... Này Rāhula, người nói sai Pháp sẽ được nhận biết do mười tám sự việc này.

Này Rāhula, người nói đúng Pháp sẽ được nhận biết do mười tám sự việc. ...(như trên)... Này Rāhula, người nói đúng Pháp sẽ được nhận biết do mười tám sự việc này.

[254] Rồi bà Mahāpajāpatī Gotamī đã nghe rằng: : “Nghe nói các tỳ khưu ở Kosambī ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi.” Khi ấy, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng một bên, bà Mahāpajāpatī Gotamī đã nói với đức Thế tôn điều này:

- Bạch ngài, nghe nói các tỳ khưu ở Kosambī ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi. Bạch ngài, con nên thực hành đối với các tỳ khưu ấy như thế nào?

- Này Gotamī, như thế thì bà hãy nghe Pháp ở cả hai bên; sau khi nghe Pháp ở cả hai bên, các tỳ khưu bên nào là các vị nói đúng Pháp thì bà hãy thuận theo quan điểm, niềm tin, khuynh hướng, và lập luận của các vị ấy. Và bất cứ điều gì hội chúng tỳ khưu ni cần mong mỏi từ hội chúng tỳ khưu thì nên mong mỏi tất cả các điều ấy từ các vị nói đúng Pháp.

[255] Rồi gia chủ Anāthapiṇḍika đã nghe rằng: “Nghe nói các tỳ khưu ở Kosambī ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi.” Khi ấy, gia chủ Anāthapiṇḍika đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, gia chủ Anāthapiṇḍika đã nói với đức Thế tôn điều này:

- Bạch ngài, nghe nói các tỳ khưu ở Kosambī ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi. Bạch ngài, con nên thực hành đối với các tỳ khưu ấy như thế nào?

- Này gia chủ, như thế thì ngươi hãy nên dâng vật cúng dường cả hai bên; sau khi dâng vật cúng dường rồi hãy nghe Pháp cả hai bên; sau khi nghe Pháp cả hai bên, các tỳ khưu bên nào là các vị nói đúng Pháp thì hãy thuận theo quan điểm, niềm tin, khuynh hướng, và lập luận của các vị ấy.

[256] Rồi bà Visākhā mẹ của Migāra đã nghe rằng: “Nghe nói các tỳ khưu ở Kosambī ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi.” Khi ấy, bà Visākhā mẹ của Migāra đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, bà Visākhā mẹ của Migāra đã nói với đức Thế tôn điều này:

- Bạch ngài, nghe nói các tỳ khưu ở Kosambī ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng đang đi đến thành Sāvatthi. Bạch ngài, con nên thực hành đối với các tỳ khưu ấy như thế nào?

- Này bà Visākhā, như thế thì ngươi hãy nên dâng vật cúng dường cả hai bên; sau khi dâng vật cúng dường rồi hãy nghe Pháp cả hai bên; sau khi nghe Pháp cả hai bên, các tỳ khưu bên nào là các vị nói đúng Pháp thì hãy thuận theo quan điểm, niềm tin, khuynh hướng, và lập luận của các vị ấy.

[257] Sau đó, theo tuần tự các tỳ khưu ở Kosambī đã đến được thành Sāvatthi. Khi ấy, đại đức Sāriputta đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Sāriputta đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, nghe nói các tỳ khưu ở Kosambī ấy là những vị thường gây nên các sự xung đột, cãi cọ, tranh luận, nói chuyện nhảm nhí, và tranh tụng trong hội chúng đã đến thành Sāvatthi. Bạch ngài, con nên tiến hành chỗ trú ngụ cho các tỳ khưu ấy như thế nào?

- Này Sāriputta, như thế thì ngươi nên cho chỗ trú ngụ cách biệt.

- Bạch ngài, nếu không được cách biệt thì nên thực hành như thế nào?

- Này Sāriputta, như thế thì nên làm thành cách biệt rồi giao cho. Này Sāriputta, nhưng không vì bất cứ lý do gì mà ta nói rằng: “Được xâm phạm chỗ trú ngụ của vị tỳ khưu thâm niên hơn;” vị nào xâm phạm thì phạm tội dukkaṭa (tác ác).

- Bạch ngài, nên thực hành như thế nào về tài vật?

- Này Sāriputta, tài vật nên được chia phần đồng đều cho tất cả.

[258] Sau đó, vị tỳ khưu bị án treo ấy trong khi suy xét về Pháp và Luật đã khởi ý điều này: “Điều ấy là có tội, điều ấy không phải là vô tội. Ta bị phạm (tội), ta không phải là không phạm (tội). Ta bị án treo, ta không phải là không bị án treo. Ta đã bị án treo bằng hành sự đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì.” Khi ấy, vị tỳ khưu bị án treo ấy đã đi đến gặp các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo, sau khi đến đã nói với các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo điều này:

- Này các đại đức, điều ấy là có tội, điều ấy không phải là vô tội. Tôi bị phạm (tội), tôi không phải là không phạm (tội). Tôi bị án treo, tôi không phải là không bị án treo. Tôi đã bị án treo bằng hành sự đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì. Xin các đại đức hãy đến và phục hồi cho tôi.

Khi ấy, các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy đã đưa vị tỳ khưu bị án treo ấy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, vị tỳ khưu bị án treo này đã nói như vầy: “Này các đại đức, điều ấy là có tội, điều ấy không phải là vô tội. Tôi bị phạm (tội), tôi không phải là không phạm (tội). Tôi bị án treo, tôi không phải là không bị án treo. Tôi đã bị án treo bằng hành sự đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì. Xin các đại đức hãy đến và phục hồi cho tôi.” Bạch ngài, giờ nên được thực hành như thế nào?

- Này các tỳ khưu, điều ấy là có tội, điều ấy không phải là vô tội. Vị tỳ khưu ấy bị phạm (tội), vị tỳ khưu ấy không phải là không phạm (tội). Vị tỳ khưu ấy bị án treo, vị tỳ khưu ấy không phải là không bị án treo. Vị tỳ khưu ấy đã bị án treo bằng hành sự đúng Pháp, không thể sửa đổi, đáng được duy trì. Này các tỳ khưu, bởi vì vị tỳ khưu ấy đã phạm (tội), đã bị án treo, và nhìn nhận. Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy hãy phục hồi cho vị tỳ khưu ấy.

Sau đó, các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy đã phục hồi cho vị tỳ khưu bị án treo ấy rồi đã đi đến gặp các tỳ khưu đã ban án treo, sau khi đến đã nói với các tỳ khưu đã ban án treo điều này:

- Này các đại đức, trong sự kiện mà hội chúng có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng, vị tỳ khưu này đây đã phạm (tội), đã bị án treo, đã nhìn nhận, và đã được phục hồi. Này các đại đức, vậy chúng ta hãy tiến hành sự hợp nhất hội chúng để giải quyết sự kiện ấy.

Sau đó, các tỳ khưu đã ban án treo ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, các tỳ khưu đã ban án treo ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, các tỳ khưu ủng hộ vị bị án treo ấy đã nói như vầy: “Này các đại đức, trong sự kiện mà hội chúng có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng, vị tỳ khưu này đây đã phạm (tội), đã bị án treo, đã nhìn nhận, và đã được phục hồi. Này các đại đức, vậy chúng ta hãy tiến hành sự hợp nhất hội chúng để giải quyết sự kiện ấy.” Bạch ngài, giờ nên được thực hành như thế nào?

- Này các tỳ khưu, bởi vì vị tỳ khưu ấy đã phạm (tội), đã bị án treo, đã nhìn nhận, và đã được phục hồi. Này các tỳ khưu, chính vì điều ấy hội chúng hãy tiến hành sự hợp nhất hội chúng để giải quyết sự kiện ấy. Và này các tỳ khưu, nên được tiến hành như vầy:

Toàn bộ tất cả gồm các vị bị bệnh và không bị bệnh nên tụ hội lại một chỗ, và không một ai được phép gởi lời tùy thuận. Sau khi đã tụ hội lại, hội chúng cần được thông báo bởi vị tỳ khưu có kinh nghiệm, đủ năng lực:

“Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong sự kiện mà hội chúng có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng, vị tỳ khưu này đây đã phạm (tội), đã bị án treo, đã nhìn nhận, và đã được phục hồi. Nếu là thời điểm thích hợp cho hội chúng, hội chúng nên tiến hành sự hợp nhất hội chúng để giải quyết sự kiện ấy. Đây là lời đề nghị.

Bạch các ngài, xin hội chúng hãy lắng nghe tôi. Trong sự kiện mà hội chúng có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng, vị tỳ khưu này đây đã phạm (tội), đã bị án treo, đã nhìn nhận, và đã được phục hồi. Hội chúng tiến hành sự hợp nhất hội chúng để giải quyết sự kiện ấy. Đại đức nào đồng ý việc tiến hành sự hợp nhất hội chúng để giải quyết sự kiện ấy xin im lặng; vị nào không đồng ý có thể nói lên.

Sự hợp nhất hội chúng để giải quyết sự kiện ấy đã được hội chúng tiến hành. Sự chia rẽ hội chúng đã được dàn xếp. Sự bất đồng hội chúng đã được dàn xếp. Sự đấu khẩu trong hội chúng đã được dàn xếp. Sự khác biệt trong hội chúng đã được dàn xếp. Sự việc được hội chúng đồng ý nên mới im lặng, tôi ghi nhận sự việc này là như vậy.”

Lập tức sau đó, lễ Uposatha nên được tiến hành. Giới bổn Pātimokkha nên được đọc tụng.

[259] Sau đó, đại đức Upāli đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Upāli đã nói với đức Thế Tôn điều này:

- Bạch ngài, trong sự kiện mà hội chúng có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng, hội chúng không điều tra sự kiện ấy và xác định nguyên nhân không đúng rồi tiến hành sự hợp nhất hội chúng; bạch ngài, có phải sự hợp nhất hội chúng ấy là đúng Pháp?

- Này Upāli, trong sự kiện mà hội chúng có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng, hội chúng không điều tra sự kiện ấy và xác định không đúng nguyên nhân rồi tiến hành sự hợp nhất; này Upāli, sự hợp nhất hội chúng ấy là sai Pháp.

- Bạch ngài, trong sự kiện mà hội chúng có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng, hội chúng điều tra sự kiện ấy và xác định đúng nguyên nhân rồi tiến hành sự hợp nhất; bạch ngài, có phải sự hợp nhất hội chúng ấy là đúng Pháp?

- Này Upāli, trong sự kiện mà hội chúng có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng, hội chúng điều tra sự kiện ấy và xác định đúng nguyên nhân rồi tiến hành sự hợp nhất; này Upāli, sự hợp nhất hội chúng ấy là đúng Pháp.

- Bạch ngài, sự hợp nhất hội chúng có bao nhiêu loại?

- Này Upāli, sự hợp nhất hội chúng có hai loại. Này Upāli, có sự hợp nhất hội chúng không đạt được mục đích (atthāpetā) chỉ đạt được từ ngữ (byañjanupetā) và có loại vừa đạt được mục đích vừa đạt được từ ngữ.[2] Này Upāli, thế nào sự hợp nhất hội chúng không đạt được mục đích chỉ đạt được từ ngữ? Này Upāli, trong sự kiện mà hội chúng có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng, hội chúng không điều tra sự kiện ấy và xác định không đúng nguyên nhân rồi tiến hành sự hợp nhất; này Upāli, việc này gọi là sự hợp nhất hội chúng không đạt được mục đích chỉ đạt được từ ngữ. Này Upāli, thế nào sự hợp nhất hội chúng vừa đạt được mục đích vừa đạt được từ ngữ? Này Upāli, trong sự kiện mà hội chúng có sự xung đột, sự cãi cọ, sự lý luận, sự tranh luận, sự chia rẽ hội chúng, sự bất đồng trong hội chúng, sự đấu khẩu trong hội chúng, sự khác biệt trong hội chúng, hội chúng điều tra sự kiện ấy và xác định đúng nguyên nhân rồi tiến hành sự hợp nhất; này Upāli, việc này gọi là sự hợp nhất hội chúng vừa đạt được mục đích vừa đạt được từ ngữ. Này Upāli, đây là hai sự hợp nhất hội chúng.

Sau đó, đại đức Upāli đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay lên cúi chào đức Thế Tôn, rồi trình lên đức Thế Tôn những lời kệ này:

[260]

Trong những việc phận sự,
cuộc thảo luận, điều tra,
những vấn đề sanh khởi
thuộc về của hội chúng,
ở đây hạng người nào
đem lại nhiều lợi ích?
ở đây tỳ khưu nào
xứng là vị tiên phong?
Giới luật được xét đầu
vị không bị chê bai
sở hành được xem xét,
(sáu) căn được canh phòng.
Ngay những kẻ đối đầu
đúng Pháp không thể trách
hay gièm pha vị ấy
bởi vì chẳng có chi.
Vị như thế tồn tại
nhờ giới đã thanh tịnh
vị có niềm tự tín
đối đáp được suốt thông,
vị đi vào đám đông
không run không sợ hãi
vị nói có mục đích
không bỏ lở chủ đề.
Cũng thế giữa hội chúng
được hỏi một vấn đề
vị ấy không ngần ngại
và không gì xấu hổ
vị ấy nói đúng thời
lời giải thích xứng đáng
vị thông minh rạng rỡ
hội chúng bậc thức tri.
Vị ấy luôn tôn kính
các tỳ khưu trưởng thượng
và đặt trọn niềm tin
ở bậc thầy vị ấy,
có khả năng nắm bắt
rành rẽ điều được học
vị biết cách chận đứng
(lời) những kẻ nghịch thù.
Những kẻ là đối thủ
đành chịu thế quy hàng
đám đông người hành theo
điều được người giảng rõ.
Bản thân không xao lãng
niềm tin của chính mình,
có những câu hỏi đáp
không thương tổn tha nhân.
Có khả năng hiểu rõ
trong công việc đưa tin
hành sự của hội chúng
theo như lời căn dặn.
Chuyển việc làm lời nhắn
của nhóm các tỳ khưu
không vì thế suy nghĩ
“Ta đang làm công việc.”
Khi một ai phạm tội
dẫu có lắm nguồn cơn
như thế nào các tội
và phương thức thoát ra,
các bộ phân tích ấy
lưỡng phái được truyền thừa
vị thiện xảo chi tiết
việc thoát ra các tội.
Vị bị phạt cách ly
từ những sở hành nào,
và vị bị tách ra
các phận sự thế nào,
việc phục hồi điều ấy
cho vị đã sống qua
rành rẽ việc phân tích
điều ấy cũng được biết.
Vị ấy luôn tôn kính
các tỳ khưu trưởng thượng
mới tu và trưởng lão,
hoặc các vị trung niên,
ở đây bậc trí tuệ
đem lợi ích nhiều người
tỳ khưu như thế ấy
xứng lãnh đạo nơi đây.

Chương Kosambī là chương thứ mười.

******

Tóm lược chương này:

[261]

Bậc Chiến Thắng cao cả
ở tại Kosambī
tranh cãi việc thấy tội
có thể ban án treo
trong tội ấy là tội
mà vị ấy thấy được,
nơi ấy trong ranh giới.
Ngôi làng Bālaka
vườn cây Pācīna,
rừng Pārileyyā,
và thành Sāvatthi,
ngài Sāriputta,
và ngài Kolita,
Mahākassapa,
Mahākaccāna,
ngài Mahācunda,
ngài Anuruddha,
rồi ngài Revata,
và ngài Upāli,
cả ngài Ānanda,
ngài Rāhula nữa,
vị ni Gotamī,
rồi ông Cấp Cô Độc,
và bà Visākhā
mẹ của Migāra,
chỗ trú ngụ cách biệt
tài vật được đồng đều,
không ai gởi tùy thuận.
Upāli vấn hỏi
sự không bị chê trách
do giới thành hợp nhất
lời dạy bậc Chiến Thắng.

Đại Phẩm được đầy đủ.


[1] ... đã thực hiện sự va chạm bằng tay (dịch sát nghĩa).

[2] Chúng tôi nghĩ rằng có thể dùng hai từ “nội dung” và “hình thức” trong trường hợp này.