--ooOoo--
Tam Tạng Song Ngữ Pāḷi - Việt tập 28 trình bày bốn tập Kinh đầu tiên của Khuddakanikāya - Tiểu Bộ, cụ thể là:
- Khuddakapāṭhapāḷi - Tiểu Tụng
- Dhammapadapāḷi - Pháp Cú
- Udānapāḷi - Phật Tự Thuyết
- Itivuttakapāḷi - Phật Thuyết Như Vậy.
Các tựa đề tiếng Việt của bốn tập Kinh này đã được giữ lại giống như các tựa đề ở các bản dịch của Ngài Hòa Thượng Thích Minh Châu.
Sau đây là phần giới thiệu sơ lược của từng tập Kinh một:
Tập Kinh Khuddakapāṭhapāḷi - Tiểu Tụng, tập Kinh thứ nhất thuộc Khuddakanikāya - Tiểu Bộ, được ghi nhận là tập Kinh ngắn nhất trong toàn bộ Tam Tạng Pāḷi. Nội dung của tập Kinh gồm 9 phần, 4 phần đầu trình bày những kiến thức Phật học căn bản gồm có: 3 sự nương nhờ (tam quy), 10 giới của vị Sa-di, 32 phần của cơ thể (32 đề mục tham thiền về thể trược), và một số câu hỏi đáp liên quan đến phần giáo lý. Kế đến là 5 bài Kinh (sutta) thường được dùng để đọc tụng hàng ngày. Chín phần này còn được tìm thấy ở những văn bản khác thuộc Tam Tạng Pāḷi. Ở các nước quốc giáo, tập Kinh này là phần kiến thức căn bản cần phải học thuộc lòng dành cho các giới tử trước khi thọ giới Sa-di. Các tựa đề của 9 phần ấy như sau:
1. Saraṇagamanaṃ - Việc Đi Đến Nương Tựa
2. Dasasikkhāpadaṃ - Mười Điều Học
3. Dvattiṃsākāraṃ - Ba Mươi Hai thể
4. Kumārapañhā - Các Câu Hỏi Dành Cho Thiếu Niên
5. Maṅgalasuttaṃ - Kinh Điềm Lành
6. Ratanasuttaṃ - Kinh Châu Báu
7. Tirokuḍḍasuttaṃ - Kinh Bên Ngoài Vách Tường
8. Nidhikaṇḍasuttaṃ - Kinh Phần Của Cải Để Dành
9. Mettasuttaṃ - Kinh Từ Ái.
Chú Giải của tập Kinh này có tên là Paramatthajotikā, đã được thực hiện tại đảo quốc Tích Lan (Sri Lanka) vào khoảng cuối thế kỷ thứ 5 theo Tây lịch do công sức của Chú Giải Sư Buddhaghosa thuộc phái Mahāvihāra (Đại Tự).
Tập Kinh Dhammapadapāḷi - Pháp Cú là tập Kinh được phổ biến rộng rãi nhất với nhiều bản dịch của nhiều dịch giả qua nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tập Kinh gồm có 423 kệ ngôn (gāthā) được sắp xếp thành 26 phẩm (vagga) theo các chủ đề khác nhau với nội dung cô đọng trình bày những giáo lý căn bản cũng như tiêu chuẩn đạo đức chủ yếu của người tu Phật. Các kệ ngôn này đã được ghi lại số thứ tự theo sự phân loại truyền thống tính theo từng phẩm, thêm vào đó còn được liệt kê theo số thứ tự từ 1 đến 423 được đặt trong ngoặc [] ở đầu mỗi câu kệ để tiện việc trích lục tham khảo.
Chú Giải của tập Kinh này có tên là Dhammapadaṭṭhakathā và đã được thực hiện do công sức của Chú Giải Sư Buddhaghosa. Bài kệ mở đầu của tập Chú Giải cho biết tài liệu này đã được lưu truyền ở hòn đảo Tambapaṇṇī (Sri Lanka ngày nay) và đã được sưu tập lại bằng ngôn ngữ của đảo quốc này do sự yêu cầu của vị trưởng lão tên Kumārakassapa. Chú Giải cung cấp nhiều câu chuyện giải thích các sự kiện có liên quan và còn có thêm phần phân tích một số từ ngữ khó ở kệ ngôn.
Tập Kinh Udānapāḷi - Phật Tự Thuyết thuộc Tiểu Bộ, Tạng Kinh, là tập Kinh thứ ba sau tập Kinh Dhammapadapāḷi - Pháp Cú, và trước tập Kinh Itivuttakapāḷi - Phật Thuyết Như Vậy. Tập này gồm có 80 bài Kinh (sutta) được chia thành 8 phẩm (vagga), mỗi phẩm có đúng 10 bài Kinh. Nội dung của tập Kinh trình bày những lời cảm hứng của đức Phật, đa phần ở thể kệ ngôn (gāthā), được đặt ở cuối bài Kinh theo sau phần văn xuôi giới thiệu. Những lời cảm hứng này đã được đức Phật thốt lên do nỗi vui mừng của Ngài trước những sự việc xảy ra (pītivegasamuṭṭhāpito udāhāro, UdA. 01). Ngoài những tư liệu liên quan đến cuộc sống của đức Phật, còn có nhiều tích chuyện về các vị Thinh Văn đệ tử của Ngài như các vị Sāriputta, Mahāmoggallāna, Mahākassapa, Mahākaccāna, Nanda, Saṅgāmaji, Dabba, v.v... hoặc hàng nam nữ cư sĩ tại gia như là đức vua Pasenadi xứ Kosala, đức vua Udena, bà Visākhā, kỹ nữ Sundarī, v.v... Xét về thể loại (aṅga), tập Kinh Udānapāḷi - Phật Tự Thuyết đã được xếp vào thể loại Udāna là một trong chín thể loại của Giáo Pháp.[1]
Chú Giải Paramatthadīpanī đã được thực hiện bởi Giáo Thọ Sư Ācariya Dhammapāla trong lúc cư ngụ tại tu viện Badaratitthavihāra, và cũng được tuân thủ theo phương thức thực hiện của phái Mahāvihāra (Đại Tự). Thời điểm thực hiện cũng được xác định vào cuối thế kỷ thứ 5 theo Tây Lịch, sau thời kỳ của Chú Giải Sư Buddhaghosa.
Tập Kinh Itivuttakapāḷi - Phật Thuyết Như Vậy là tập thứ tư thuộc Tiểu Bộ, Tạng Kinh, kế tiếp tập Kinh Udānapāḷi - Phật Tự Thuyết. Tập Kinh này gồm có 112 bài kinh được chia thành bốn Nhóm (nipāta) phân loại của Pháp số theo thứ tự từ thấp lên cao, gồm nhóm Một Pháp, Hai Pháp, Ba Pháp, và Bốn Pháp. Ba nhóm đầu được chia thành nhiều Phẩm (vagga), mỗi phẩm có nhiều bài Kinh (sutta): Nhóm Một Pháp có 27 bài Kinh được chia làm 3 Phẩm, Nhóm Hai Pháp có 22 bài Kinh được chia làm 2 Phẩm, Nhóm Ba Pháp có 50 bài Kinh được chia làm 5 Phẩm, riêng Nhóm Bốn có 13 bài Kinh và không được chia thành Phẩm. Mỗi bài Kinh có phần đầu bằng văn xuôi sau đó là câu kệ ngôn (gāthā), hai phần này bổ sung ý nghĩa cho nhau. Ngoài sự trình bày theo sự phân loại của các Nhóm (nipāta), các bài Kinh còn được ghi theo số thứ tự từ 1 đến 112 đặt trong dấu ngoặc [] ở đầu mỗi bài Kinh để tiện việc trích lục tham khảo. Một số bài Kinh đã được tìm thấy ở các nơi khác thuộc Tam Tạng Pāḷi, đặc biệt là ở Aṅguttaranikāya - Bộ Tăng Chi, phần còn lại chỉ thấy có ở riêng tập Kinh này. Xét về thể loại (aṅga), tập Kinh Itivuttakapāḷi - Phật Thuyết Như Vậy có thể được xếp vào thể loại Itivuttaka xét về tên của tựa đề và chữ “iti”[2] được thấy ở câu mở đầu và câu kết luận: “Vuttaṃ h’ etaṃ bhagavatā, vuttamarahatā ’ti me sutaṃ” (Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy) và “Ayampi attho vutto bhagavatā. Iti me sutan ti” (Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế).
Chú Giải của tập Kinh này có tên là Paramatthadīpanī đã được thực hiện bởi Giáo Thọ Sư Ācariya Dhammapāla trong lúc cư ngụ tại tu viện Badaratitthavihāra; điều này được tìm thấy ở phần cuối của tập sách. Thêm nữa, phần mở đầu (ganthārambhakathā) của tập Chú Giải này cho biết rằng: Các bài Kinh này đã được Khujjutarā, nữ hầu của nàng Sāmāvatī, nghe trực tiếp từ đức Phật tại thành Kosambī, sau đó thuyết lại cho nữ chủ và các người phụ nữ khác ở trong cung nghe (ItA. 29-32). Cũng cần giải thích thêm, nàng Sāmāvatī là phi tần của đức vua Udena, người đã bị chết thiêu cùng với 500 cung nữ khác khi nội cung của đức vua Udena bị đốt cháy; câu chuyện này được ghi lại ở tập Kinh Udānapāḷi - Phật Tự Thuyết (Udenasuttaṃ - Kinh Udena, thuộc phẩm thứ bảy, Cullavagga - Phẩm Nhỏ).
*****
Văn bản Pāḷi Roman trình bày ở đây đã được phiên âm lại từ văn bản Pāḷi - Sinhala, ấn bản Buddha Jayanti Tripitaka Series của nước quốc giáo Sri Lanka. Chúng tôi cũng xin thành tâm tán dương công đức của Ven. Mettāvihārī đã hoan hỷ cho phép chúng tôi sử dụng văn bản đã được phiên âm sẵn đang phổ biến trên mạng internet. Điểm đóng góp của chúng tôi trong việc thực hiện văn bản Pāḷi Roman này là dò lại kỹ lưỡng văn bản đã được phiên âm và so sánh kiểm tra những điểm khác biệt về văn tự ở Tam Tạng của các nước Thái Lan, Miến Điện, và Anh Quốc được ghi ở phần cước chú, đồng thời bổ sung thêm một số điểm khác biệt đã phát hiện được trong lúc so sánh các văn bản với nhau.
Về phương diện dịch thuật và trình bày văn bản tiếng Việt, chúng tôi đã ghi nghĩa Việt của các kệ ngôn bằng văn xuôi nhằm diễn tả trọn vẹn ý nghĩa của văn bản gốc. Một điểm cần ghi rõ ở đây là đối với một số các câu kệ Pāḷi 3, 4 dòng, có thứ tự gần với câu văn tiếng Việt, trong trường hợp này, câu tiếng Việt đã được ngắt thành từng dòng riêng biệt tương ứng với câu Pāḷi để tiện việc đối chiếu, so sánh, tìm hiểu, học hỏi. Về văn phong của lời dịch, chúng tôi chủ trương ghi lại lời tiếng Việt sát theo văn bản gốc và cố gắng không bỏ sót từ nào không dịch. Lời văn tiếng Việt của chúng tôi có chứa đựng những mấu chốt giúp cho những ai có ý thích nghiên cứu Pāḷi thấy ra được cấu trúc của loại ngôn ngữ này, đồng thời tạo sự thuận tiện cho công việc hiệu đính trong tương lai. Việc làm này của chúng tôi không hẳn đã được hoàn hảo, dẫu sao cũng là bước khởi đầu nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu cổ ngữ Phật Học của người Việt Nam. Tuy nhiên, một số sai sót trong quá trình phiên dịch đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ yếu kém.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành ghi nhận sự quan tâm chăm sóc trực tiếp hoặc gián tiếp đối với công tác phiên dịch của chúng tôi về phương diện vật thực bồi dưỡng và thuốc men chữa bệnh của các vị hữu ân sau: Phật tử Phạm Thu Hương (Hongkong), Phật tử Tuệ Vân, Phật tử Tường Vân, Phật tử Tịnh Vân, Phật tử Paññavara Tuệ Ân, Phật tử Nguyễn Thế Anh, Phật tử Nguyễn Hoàng Bách (Hà Nội), gia đình Phật tử Hoàng Thị Lựu (Đà Nẵng), và còn nhiều Phật tử khác nữa đã hỗ trợ và quan tâm đến sức khỏe của chúng tôi trong thời gian qua, tiếc rằng không thể liệt kê ra tất cả vì quá dài. Nói rõ hơn, công việc soạn thảo này được thông suốt, không bị gián đoạn, chính là nhờ có sự hỗ trợ nhiệt tình và quý báu của quý vị. Thành tâm cầu chúc quý vị luôn giữ vững niềm tin và thành tựu được nhiều kết quả trong công việc tu tập giải thoát.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng không quên ghi nhận sự nhiệt tình của Sư Cô Mỹ Thúy và Phật tử Trương Hồng Hạnh đã sắp xếp thời gian để đọc lại bản thảo một cách kỹ lưỡng và đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc giúp cho chúng tôi tránh được một số điểm vụng về trong việc sử dụng từ ngữ tiếng Việt.
Chúng tôi cũng xin thành tâm tùy hỷ và tán dương công đức của các thí chủ đã nhiệt tâm đóng góp tài chánh giúp cho Công Trình Ấn Tống Tam Tạng Song Ngữ Pāḷi - Việt được tồn tại và phát triển. Mong sao phước báu Pháp thí này luôn dẫn dắt quý vị vào con đường tu tập đúng theo Chánh Pháp, thành tựu Chánh Trí, chứng ngộ Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử nữa.
Chúng tôi xin thành kính tri ân công đức của Ngài Hòa Thượng Ven. Devahandiye Paññāsekara Nāyaka Mahāthera, tu viện trưởng tu viện Sri Jayawardhanaramaya Colombo 8 - Sri Lanka, và Ngài Hòa Thượng Pháp Nhẫn, trụ trì Chùa Liên Hoa, Irving, Texas - USA, đã cung cấp trú xứ và các vật dụng cần thiết giúp cho chúng tôi có thể tập trung toàn thời gian cho công việc thực hiện tập Kinh này.
Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc soạn thảo tập Kinh này được thành tựu đến thầy tổ, song thân, và tất cả chúng sanh trong tam giới. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ, và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.
Kính bút,
ngày 05 tháng 08 năm 2013
Tỳ Khưu Indacanda (Trương đình Dũng)
[1] Chín thể loại (aṅga): sutta, geyya, veyyākaraṇa, gāthā, udāna, itivuttaka, jātaka, abbhūtadhamma, vedalla. Xem lời giải thích chi tiết về chín thể loại này ở tập sách Saddhammasaṅgaha - Diệu Pháp Yếu Lược, trang 31.
[2] Concise Pāli - English Dictionary của A. P. Buddhadatta Mahāthera ghi như sau: - Iti. in. thus (used to point out something just mentioned or about to be mentioned, and to show that a sentence is finished). Very often its former i is elided and ti only is remaining. Hòa Thượng Bửu Chơn ghi nghĩa Việt như sau: - Iti. in. như vậy (dùng để ám chỉ vật, người đã nói phía trước và chỉ chỗ chấm dứt câu nói). Thường chữ i trước biến mất, chỉ còn lại ti mà thôi.
--ooOoo--
Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!
Tôi đi đến nương nhờ Đức Phật,
Tôi đi đến nương nhờ Giáo Pháp,
Tôi đi đến nương nhờ Tăng Chúng.
Tôi đi đến nương nhờ Đức Phật lần thứ nhì,
Tôi đi đến nương nhờ Giáo Pháp lần thứ nhì,
Tôi đi đến nương nhờ Tăng Chúng lần thứ nhì.
Tôi đi đến nương nhờ Đức Phật lần thứ ba,
Tôi đi đến nương nhờ Giáo Pháp lần thứ ba,
Tôi đi đến nương nhờ Tăng Chúng lần thứ ba.
Việc Đi Đến Nương nhờ.[1]
*****
Tôi thọ trì điều học là tránh xa việc giết hại sinh mạng.
Tôi thọ trì điều học là tránh xa việc lấy vật không được cho.
Tôi thọ trì điều học là tránh xa việc phi Phạm hạnh (hành dâm).
Tôi thọ trì điều học là tránh xa việc nói dối.
Tôi thọ trì điều học là tránh xa trường hợp dễ duôi uống chất say là rượu và chất lên men.
Tôi thọ trì điều học là tránh xa việc ăn sái giờ.
Tôi thọ trì điều học là tránh xa việc múa, hát, đờn, và xem trình diễn.
Tôi thọ trì điều học là tránh xa trường hợp đeo vòng hoa, thoa vật thơm, và tô điểm bằng đồ trang sức.
Tôi thọ trì điều học là tránh xa chỗ nằm ngồi cao và rộng lớn.
Tôi thọ trì điều học là tránh xa việc thọ lãnh vàng bạc.
Mười Điều Học.
*****
Ở thân này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy xương, thận, tim, gan, cơ hoành, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, thực phẩm chưa tiêu, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, nước mỡ (huyết tương), nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu, não bộ ở đầu.
Ba Mươi Hai Thể.
*****
Một là gì? Tất cả chúng sanh có sự tồn tại nhờ vào vật thực.
Hai là gì? Danh và sắc.
Ba là gì? Ba cảm thọ.
Bốn là gì? Bốn Chân Lý cao thượng.
Năm là gì? Năm thủ uẩn.
Sáu là gì? Sáu xứ thuộc nội phần.
Bảy là gì? Bảy chi phần đưa đến giác ngộ.
Tám là gì? Thánh Đạo tám chi phần.
Chín là gì? Chín trú xứ của chúng sanh.[2]
Mười là gì? Vị hội đủ mười chi phần được gọi là ‘A-la-hán.’[3]
Các Câu Hỏi Dành Cho Thiếu Niên.
*****
Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy, lúc đêm đã khuya, một vị Thiên nhân nọ với màu sắc vượt trội đã làm cho toàn bộ Jetavana rực sáng rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Đứng ở một bên, vị Thiên nhân ấy đã bạch với đức Thế Tôn bằng lời kệ rằng:
1. “Nhiều chư Thiên và nhân loại, trong khi mong mỏi các điều hưng thịnh, đã suy nghĩ về các điềm lành, xin Ngài hãy nói về điềm lành tối thượng.”
2. “Không thân cận những kẻ ác, thân cận các bậc sáng suốt, và cúng dường các bậc xứng đáng cúng dường, điều này là điềm lành tối thượng.
3. Cư ngụ ở địa phương thích hợp, tính cách đã làm việc phước thiện trong quá khứ, và quyết định đúng đắn cho bản thân, điều này là điềm lành tối thượng.
4. Kiến thức rộng và (giỏi) nghề thủ công, khéo học tập rèn luyện, và lời nói được khéo nói, điều này là điềm lành tối thượng.
5. Phụng dưỡng mẹ và cha, cấp dưỡng các con và vợ, các nghề nghiệp không có xung đột (thuần là công việc), điều này là điềm lành tối thượng.
6. Bố thí và thực hành Giáo Pháp, trợ giúp các thân quyến, những việc làm không bị chê trách, điều này là điềm lành tối thượng.
7. Sự kiêng cữ, xa lánh điều ác, tự chế ngự trong việc uống các chất say, và không xao lãng trong các (thiện) pháp, điều này là điềm lành tối thượng.
8. Sự cung kính, khiêm nhường, tự biết đủ, và biết ơn, sự lắng nghe Giáo Pháp vào đúng thời điểm, điều này là điềm lành tối thượng.
9. Sự nhẫn nại, trạng thái người dễ dạy, và việc yết kiến các bậc Sa-môn, sự bàn luận Giáo Pháp lúc hợp thời, điều này là điềm lành tối thượng.
10. Sự khắc khổ, và thực hành Phạm hạnh, sự nhận thức các Chân Lý Cao Thượng, và việc chứng ngộ Niết Bàn, điều này là điềm lành tối thượng.
11. Tâm không dao động khi tiếp xúc với các pháp thế gian, không sầu muộn, có sự xa lìa bợn nhơ, được an ổn, điều này là điềm lành tối thượng.
12. (Những người) đã thực hành những điều như thế này thì không bị thất bại ở mọi nơi, đi đến mọi nơi một cách hưng thịnh; đối với họ (những) điều ấy là điềm lành tối thượng.”
Kinh Điềm Lành.
*****
1. Các hạng sanh linh[4] nào đã tụ hội nơi đây,
là các hạng ở địa cầu, hoặc các hạng nào ở hư không,
mong rằng toàn thể tất cả sanh linh đều được hoan hỷ,
rồi xin hãy nghiêm trang lắng nghe lời nói này.
2. Chính vì thế, hỡi các sanh linh, mong rằng tất cả hãy lắng tai,
xin các vị hãy thể hiện tâm từ đến dòng dõi nhân loại,
là những người ngày và đêm mang lại vật phẩm cúng tế,
chính vì thế xin các vị hãy hộ trì những người ấy, không xao lãng.
3. Bất cứ của cải nào ở đời này hoặc đời sau,
hoặc loại châu báu hảo hạng nào ở các cõi Trời,
thật vậy, không có gì sánh bằng đức Như Lai.
Châu báu hảo hạng này cũng có ở đức Phật;
do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.
4. Sự diệt trừ, sự xa lìa tham ái, sự Bất Tử hảo hạng,
bậc Hiền Trí dòng Sakya, (với tâm) định tĩnh, đã chứng đắc điều ấy,
không có bất cứ cái gì sánh bằng Pháp ấy.
Châu báu hảo hạng này cũng có ở Giáo Pháp;
do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.
5. Điều mà đức Phật tối thắng đã ca ngợi là trong sạch,
Ngài đã nói điều ấy là định cho quả không bị gián đoạn,
pháp sánh bằng định ấy không được biết đến.
Châu báu hảo hạng này cũng có ở Giáo Pháp;
do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.
6. Tám hạng người nào đã được các bậc thiện nhân ca tụng,
các vị này là bốn cặp;[5]
họ là các đệ tử của đấng Thiện Thệ, xứng đáng cúng dường,
các sự bố thí ở các vị này có quả báu lớn lao.
Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;
do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.
7. Các vị nào đã khéo gắn bó với tâm ý vững chãi,
không còn dục vọng, theo lời dạy của đức Gotama,
các vị ấy đã đạt được sự chứng đạt, sau khi đã thể nhập Bất Tử,
các vị đã đạt được không nhọc sức, đang thọ hưởng trạng thái Tịch Diệt.
Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;
do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.
8. Giống như cột trụ đá được nương vào lòng đất,
sẽ không bị lay động bởi các cơn gió từ bốn phương,
với sự so sánh như thế Ta nói về bậc chân nhân,
là vị nào nhìn thấy rõ ràng bốn Chân Lý Cao Thượng.
Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;
do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.
9. Các vị nào hiểu rõ về bốn Chân Lý Cao Thượng
đã khéo được thuyết giảng bởi tuệ thâm sâu,
dầu cho các vị ấy thường xuyên bị xao lãng,
các vị ấy cũng không nhận lấy kiếp sống thứ tám.
Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;
do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.
10. Đối với vị này, nhờ thành tựu về nhận thức,
có ba pháp được từ bỏ:
sự nhận thức sai trái về thân, sự hoài nghi,
giới và phận sự, hoặc thậm chí bất cứ điều gì có liên quan,
và (vị này) được thoát khỏi bốn khổ cảnh,[6]
không thể nào gây nên sáu tội nghiêm trọng.[7]
Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;
do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.
11. Ngay cả khi vị ấy tạo nên bất cứ nghiệp gì ác xấu,
bằng thân, bằng khẩu, hoặc bằng ý,
vị ấy không thể nào che giấu điều ấy,
tính chất không thể của vị chứng đạt Niết Bàn đã được nói đến.
Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;
do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.
12. Giống như cây cối ở trong rừng đã được trổ hoa ở ngọn
trong cái nóng ở tháng đầu tiên của mùa hạ,
với sự so sánh như thế, Ngài đã thuyết giảng về Giáo Pháp cao quý,
có khả năng dẫn đến Niết Bàn, tối thắng về lợi ích.
Châu báu hảo hạng này cũng có ở đức Phật;
do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.
13. Bậc cao quý, biết pháp cao quý, thí pháp cao quý, đem lại pháp cao quý,
đấng Vô Thượng đã thuyết giảng về Giáo Pháp cao quý.
Châu báu hảo hạng này cũng có ở đức Phật;
do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.
14. Nghiệp cũ đã được cạn kiệt, nguồn sanh khởi mới không có,
với tâm không còn luyến ái vào sự hiện hữu ở tương lai,
các vị ấy có mầm giống đã cạn kiệt, mong muốn tăng trưởng không còn,
các bậc sáng trí tịch diệt, giống như ngọn đèn này vậy.
Châu báu hảo hạng này cũng có ở Tăng Chúng;
do sự chân thật này mong rằng hãy có sự hưng thịnh.
15. Các hạng sanh linh nào đã tụ hội nơi đây, là các hạng ở địa cầu hoặc các hạng nào ở hư không, chúng ta hãy lễ bái đức Phật đã ngự đến như thế, được chư Thiên và nhân loại cúng dường, mong rằng hãy có sự hưng thịnh.
Các hạng sanh linh nào đã tụ hội nơi đây, là các hạng ở địa cầu hoặc các hạng nào ở hư không, chúng ta hãy lễ bái Giáo Pháp đã ngự đến như thế, được chư Thiên và nhân loại cúng dường, mong rằng hãy có sự hưng thịnh.
Các hạng sanh linh nào đã tụ hội nơi đây, là các hạng ở địa cầu hoặc các hạng nào ở hư không, chúng ta hãy lễ bái Tăng Chúng đã ngự đến như thế, được chư Thiên và nhân loại cúng dường, mong rằng hãy có sự hưng thịnh.
Kinh Châu Báu.
*****
1. “(Các ngạ quỷ) đứng bên ngoài các vách tường và ở các ngã tư ngã ba đường, chúng trở về căn nhà của mình rồi đứng ở các trụ cửa ra vào.
2. Khi nhiều thức ăn nước uống vật thực cứng mềm được bày ra, bởi vì duyên nghiệp của các chúng sanh nên không ai nhớ đến họ.
3. Những người nào có lòng thương tưởng, (những người ấy thường) ban phát thức ăn nước uống tinh khiết, hảo hạng, phù hợp, đúng thời đến các quyến thuộc như vầy:
4. ‘Vật thí này hãy thuộc về các quyến thuộc, mong rằng các quyến thuộc được an vui.’ Và các ngạ quỷ quyến thuộc ấy đã đi đến tụ hội ở chỗ ấy.
5. Họ tùy hỷ một cách trân trọng về các thức ăn nước uống dồi dào rằng: ‘Mong rằng các quyến thuộc của chúng tôi được sống lâu. Nhờ vào các thân quyến mà chúng tôi được thọ hưởng. Việc cúng dường đến chúng tôi đã được thực hiện, các thí chủ không phải là không có quả báo.’
6. Bởi vì nơi ấy không có trồng trọt, việc chăn nuôi bò ở nơi này không được biết đến, việc thương mại ví như việc buôn bán bằng vàng là không có; các ngạ quỷ ở nơi ấy, những người đã chết, duy trì sự sống với vật đã được bố thí từ nơi đây.
7. Giống như nước mưa rơi xuống ở nơi cao chảy xuống chỗ thấp, tương tự y như thế, vật được bố thí từ nơi đây đem lại lợi ích cho các ngạ quỷ.
8. Giống như các dòng sông được tràn ngập thì làm đầy biển cả, tương tự y như thế, vật được bố thí từ nơi đây đem lại lợi ích cho các ngạ quỷ.
9. ‘Họ đã cho ta, họ đã làm cho ta, họ là các quyến thuộc, thân hữu, bạn bè của ta,’ trong khi nhớ lại việc đã làm trước đây, nên ban phát sự cúng dường đến các ngạ quỷ.
10. Sự khóc lóc, và sầu muộn, hay sự than vãn khác là không nên, bởi vì điều ấy không đem lại lợi ích cho hàng ngạ quỷ, (cho dầu) các thân quyến duy trì (hành động) như vậy.
11. Quả vậy, việc cúng dường đã được dâng cúng này, được khéo thiết lập ở Tăng Chúng, lập tức thành tựu lợi ích lâu dài đến ngạ quỷ ấy.
12. Việc ấy là bổn phận đối với thân quyến, và điều này đã được chỉ bảo. Việc cúng dường cao quý đến các ngạ quỷ đã được làm. Và sức lực đã được trao đến các vị tỳ khưu. Phước báu được tạo ra bởi quý vị không phải là ít.
Kinh Bên Ngoài Vách Tường.
*****
1. Con người chôn cất của cải để dành[8] ở nơi sâu thẳm, gần mé nước (nghĩ rằng): ‘Khi nhu cầu, công việc cần làm sanh khởi, nó sẽ đem lại lợi ích cho ta.
2. Trong việc thoát khỏi lời kết tội từ đức vua, khỏi việc bị hành hạ bởi giặc cướp, hay khỏi nợ nần, khi có nạn đói kém, hoặc trong những lúc rủi ro; vì mục đích này, ở thế gian vật gọi là của cải để dành được đem chôn cất.
3. Trong khi đã được chôn cất cẩn thận ở nơi sâu thẳm, gần mé nước đến như vậy, toàn bộ (của cải để dành ấy) không hẳn luôn luôn thành tựu lợi ích cho người ấy.
4. Của cải chôn cất di chuyển khỏi vị trí, hoặc sự nhận biết của người này bị rối loạn, hoặc các loài rồng dời đi, hoặc các Dạ-xoa mang vật ấy đi.
5. Hoặc những kẻ thừa tự không được yêu thích đào lên một cách lén lút, khi nào có sự chấm dứt phước báu thì toàn bộ của cải chôn cất bị tiêu hoại.
6. Của cải để dành được chôn cất cẩn thận cho người nữ hoặc người nam do việc bố thí, do giữ giới, do tự chế ngự, và do việc rèn luyện của người ấy ...
7. ... ở nơi bảo tháp, hoặc ở Tăng Chúng, hoặc ở cá nhân, hoặc ở những người khách, ở người mẹ, hoặc luôn cả ở người cha, rồi ở người anh trưởng.
8. Của cải để dành ấy là được chôn cất cẩn thận, không bị chiếm đoạt, là vật đồng hành. Trong số các vật phải ra đi do sự từ bỏ (vào lúc từ trần), người ra đi mang theo của cải để dành này.
9. Của cải để dành (này) không san sẻ đến những người khác, không thể mang đi bởi những kẻ trộm cướp. Người sáng trí nên thực hành các việc phước báu, việc này là của cải để dành, là vật đồng hành.
10. Việc (phước báu) ấy ban cho chư Thiên và nhân loại mọi điều ước muốn. Bất cứ điều nào mà họ ước nguyện, tất cả đều được thành tựu nhờ vào việc (phước báu) này.
11. Trạng thái có làn da xinh đẹp, trạng thái có giọng nói thanh tao, trạng thái có tướng mạo thanh tú và có dáng vóc xinh xắn, địa vị thủ lãnh và đám tùy tùng, tất cả đều được thành tựu nhờ vào việc (phước báu) này.
12. Quyền cai quản địa phận, vương quyền cả nước, hạnh phúc của địa vị Chuyển Luân yêu quý, luôn cả quyền cai quản chư Thiên ở các cõi Trời, tất cả đều được thành tựu nhờ vào việc (phước báu) này.
13. Sự thành đạt thuộc về cõi người, sự vui sướng ở thế giới chư Thiên, và sự chứng đạt Niết Bàn, tất cả đều được thành tựu nhờ vào việc (phước báu) này.
14. Nhờ vào sự thành tựu về bạn hữu và của việc thực hành đúng phương pháp mà có được năng lực của Minh và Giải Thoát, tất cả đều được thành tựu nhờ vào việc (phước báu) này.
15. Các tuệ phân tích, các pháp giải thoát,[9] và sự toàn hảo của bậc Thinh Văn, quả vị Độc Giác, và lãnh địa của đức Phật (Toàn Giác), tất cả đều được thành tựu nhờ vào việc (phước báu) này.
16. Việc ấy có lợi ích lớn lao như vậy, tức là sự thành tựu về phước báu. Vì thế, các bậc sáng trí, các bậc sáng suốt ngợi khen trạng thái của người có phước báu đã được tạo lập.
Kinh Phần Của Cải Để Dành.
*****
1. Việc cần làm bởi vị thiện xảo trong việc thực hành
sau khi đã thấu hiểu về vị thế an tịnh ấy là:
có khả năng, ngay thẳng, chánh trực,
dễ dạy, hòa nhã, và không ngã mạn thái quá.
2. Là người tự biết đủ, và dễ cấp dưỡng,
ít bận rộn công việc, và có lối sống nhẹ nhàng,
có giác quan an tịnh, và chín chắn,
không hỗn xược, không tham đắm theo các gia tộc.
3. Và không nên thực hành bất cứ điều gì nhỏ nhặt
mà các bậc hiểu biết khác đã khiển trách.
Mong rằng tất cả chúng sanh có được sự an lạc, có được sự an toàn.
Mong rằng tất cả chúng sanh có bản thân được an lạc.
4. Bất cứ những chúng sanh nào dầu là:
yếu hoặc mạnh (tất cả) không bỏ sót,
(có thân hình) dài hoặc to lớn,
trung bình hoặc ngắn, nhỏ bé hay mập.
5. Được nhìn thấy, hoặc không được nhìn thấy,
cư ngụ ở nơi xa và không xa,
đã được hiện hữu hoặc đang tầm cầu sự thành hình,
mong rằng tất cả chúng sanh có bản thân được an lạc.
6. Người này không nên lường gạt kẻ khác,
không nên khi dễ bất cứ người nào ở bất cứ nơi đâu.
Do sự giận dữ, do ý tưởng bất bình,
không nên mong mỏi sự khổ đau cho lẫn nhau.
7. Giống như người mẹ đối với đứa con trai của mình
nên bảo vệ đứa con trai độc nhất đến trọn đời,
cũng như vậy, đối với tất cả các sanh linh,
nên phát triển tâm ý vô hạn lượng.
8. Và tâm từ ái ở tất cả thế giới,
nên phát triển tâm ý vô hạn lượng,
bên trên, bên dưới, và chiều ngang,
không bị ngăn trở, không thù oán, không đối nghịch.
9. Trong khi đứng, trong khi đi, hoặc khi đã ngồi xuống,
hoặc trong khi nằm, cho đến khi nào sự buồn ngủ được xa lìa,
nên chuyên chú vào niệm này,
ở đây việc này được gọi là sự an trú cao thượng.
10. Và sau khi không đeo đuổi tà kiến,
là người có giới, được thành tựu về nhận thức,
sau khi xua đi sự thèm khát ở các dục,
thì chắc chắn không đi đến thai bào lần nữa.
Kinh Từ Ái.
--ooOoo--
[1] Cụm từ “đi đến nương tựa” đã được dịch là “quy y” ( Quy y Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng).
[2] Chín trú xứ của chúng sanh (sattāvāsā): Xem phần Chín Pháp của bài Kinh Saṅgītisuttaṃ (Kinh Thập Thượng, Trường Bộ 3).
[3] Vị hội đủ mười chi phần được gọi là ‘A-la-hán’: tức là mười pháp của bậc Vô Học, gồm có: vô học chánh kiến, vô học chánh tư duy, vô học chánh ngữ, vô học chánh nghiệp, vô học chánh mạng, vô học chánh cần, vô học chánh niệm, vô học chánh định, vô học chánh trí, vô học chánh giải thoát (Xem phần Mười Pháp, cũng ở bài Kinh đã trích dẫn ở trên).
[4] Các hạng sanh linh (bhūtāni): nói đến các hàng chư Thiên (amanussesu) không có phân biệt (KhpA. 166).
[5] Tức là các bậc Thánh nhân, gồm có bốn Đạo và bốn Quả (ND).
[6] Bốn khổ cảnh (apāyā): địa ngục, súc sanh, quỷ đói, và A-tu-la (KhpA. 189).
[7] Sáu tội nghiêm trọng (abhiṭhānāni): gồm có: giết mẹ, giết cha, giết bậc Thánh A-la-hán, làm chảy máu thân Phật, chia rẽ Hội Chúng, tuyên bố vị khác là bậc đạo sư (Sđd.).
[8] nidhi: nghĩa chính là ‘của cải chôn cất,’ tuy nhiên một vài chỗ đã được ghi theo nghĩa ‘của cải để dành’ để tiện cho việc hành văn (ND).
[9] Các pháp giải thoát (aṭṭha vimokkhā): xem lời giải thích về ‘tám giải thoát’ ở Saṅgītisuttaṃ (Kinh Phúng Tụng, Trường Bộ 3).
Ðây là quyển kinh thứ nhất của Tiểu Bộ Kinh (Khuddhaka Nikaya), có lẽ đã được tổng hợp thành một quyển cẩm nang cho các Sa-di và Sa-di-ni. Quyển nầy gồm 9 bài kinh, bao gồm các đề tài cơ bản cho những vị xuất gia bắt đầu đời sống tu hành tại các tu viện. Tuy nhiên, nhiều đoạn kinh cũng được dùng để giới thiệu các căn bản Phật Pháp cho các cư sĩ.
Bài kinh thứ nhất và thứ hai dùng trong các buổi lễ xuất gia của Sa-di và Sa-di-ni. Bài kinh thứ ba là các hướng dẫn tiên khởi để quán thân thể, một bài tập để vượt thắng lòng tham dục. Bài kinh thứ tư giới thiệu các phân loại cơ bản để phân tích, phát triển tuệ tri, bắt đầu là nguyên lý duyên sinh, trọng tâm của đạo Phật.
Bài kinh thứ năm đưa ra một tổng quan về sự tu tập - bắt đầu từ nhu cầu gần gũi các bậc thiện tri thức, và chấm dứt khi đắc Niết-bàn. Bài kinh đề cập đến các phước hạnh như là một sự phòng hộ thiện lành, không phải từ các nghi lễ rườm rà mà từ các hành động bố thí, giới đức và trí tuệ. Bài kinh thứ sáu khai triển từ bài kinh thứ nhất và thứ năm, đề cập chi tiết về Tam Bảo Phật-Pháp-Tăng, và đồng thời trình bày cách thức tu thiền để đắc quả Dự lưu, quả đầu tiên đưa đến Niết-bàn.
Bài kinh thứ bảy có chủ đề về lòng bố thí quảng đại, công đức từ sự cúng dường chư Tăng được hồi hướng đến các thân nhân đã qua đời. Bài kinh thứ tám giảng về các hành động từ thiện, bố thí sẽ đưa đến lợi lạc lâu bền, tốt hơn là các đầu tư về vật chất. Cuối cùng, bài kinh thứ chín trở về đề tài hành thiền, chú trọng đến việc phát triển lòng từ mẫn, thiện ý, yêu thương mọi người, mọi loài.
Tất cả 9 bài kinh này, trong những ý nghĩa khác nhau, thường được tụng đọc và suy niệm trong các cộng đồng Phật giáo Nguyên thủy từ xưa cho đến hiện nay. Hằng ngày, cư sĩ lẫn tu sĩ đều tụng đọc bài kinh đầu tiên về quy y Tam Bảo để tự nhắc nhở. Các tu sĩ thường tụng các đoạn kinh trích trong các bài kinh thứ năm cho đến thứ chín khi nhận lãnh sự cúng dường của cư sĩ, và thường dùng bài kinh thứ năm (Kinh Phước Ðức) làm đề tài trong các buổi thuyết pháp.
Tóm lại, quyển Tiểu Tụng này được dùng như một quyển kinh dẫn nhập hữu ích trong bước đầu của đời sống tu sĩ và trong đời sống của mọi Phật tử hiện thời.
Tỳ-kheo Thanissaro
(Bình Anson lược dịch, tháng 01-2001)
Ðệ tử quy y Phật,
Ðệ tử quy y Pháp,
Ðệ tử quy y Tăng.Lần thứ hai đệ tử quy y Phật,
Lần thứ hai đệ tử quy y Pháp,
Lần thứ hai đệ tử quy y Tăng.Lần thứ ba đệ tử quy y Phật
Lần thứ ba đệ tử quy y Pháp.
Lần thứ ba đệ tử quy y Tăng.
1. Đệ tử thực hành giới tránh sát sanh.
2. Đệ tử thực hành giới tránh lấy của không cho.
3. Đệ tử thực hành giới tránh tà hạnh trong các dục.
4. Đệ tử thực hành giới tránh nói láo.
5. Đệ tử thực hành giới tránh mọi cơ hội buông lung phóng dật do uống rượu hoặc các thứ men say.
6. Đệ tử thực hành giới tránh ăn phi thời.
7. Đệ tử thực hành giới tránh múa, hát, nhạc, kịch.
8. Đệ tử thực hành giới tránh cơ hội đeo vòng hoa và trang điểm với hương liệu, dầu xoa.
9. Đệ tử thực hành giới tránh dùng giường cao và rộng.
10. Đệ tử thực hành giới tránh nhận vàng bạc.
Trong thân này có: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, chất nhờn ở khớp, nước tiểu và não trong đầu.
Thế nào là một? - Mọi loài hữu tình đều tồn tại nhờ thức ăn.
Thế nào là hai? - Danh và sắc.
Thế nào là ba? - Ba loại cảm thọ.
Thế nào là bốn? - Bốn Thánh đế.
Thế nào là năm? - Năm thủ uẩn.
Thế nào là sáu? - Sáu nội xứ.
Thế nào là bảy? - Bảy giác chi.
Thế nào là tám? - Thánh đạo tám ngành.
Thế nào là chín? - Chín nơi cư trú của các loài hữu tình.
Thế nào là mười? - Vị nào có đủ mười đức tánh được gọi là vị A-la-hán.
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi một Thiên tử, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Đứng một bên, vị Thiên tử ấy bạch Thế Tôn với bài kệ:
Thiên tử:
1. Nhiều Thiên tử và người,
Suy nghĩ đến điềm lành,
Mong ước và đợi chờ,
Một nếp sống an toàn,
Xin Ngài hãy nói lên,
Về điềm lành tối thượng.
(Đức Phật giảng:)
2. Không thân cận kẻ ngu,
Nhưng gần gũi bậc Trí,
Đảnh lễ người đáng lễ,
Là điềm lành tối thượng.
3. Ở trú xứ thích hợp,
Công đức trước đã làm,
Chân chánh hướng tự tâm,
Là điềm lành tối thượng.
4. Học nhiều, nghề nghiệp giỏi,
Khéo huấn luyện học tập,
Nói những lời khéo nói,
Là điềm lành tối thượng.
5. Hiếu dưỡng mẹ và cha,
Nuôi nấng vợ và con.
Làm nghề không rắc rối,
Là điềm lành tối thượng.
6. Bố thí, hành, đúng pháp,
Săn sóc các bà con,
Làm nghiệp không lỗi lầm,
Là điềm lành tối thượng.
7. Chấm dứt, từ bỏ ác,
Chế ngự đam mê rượu,
Trong Pháp, không phóng dật,
Là điềm lành tối thượng.
8. Kính lễ và hạ mình,
Biết đủ và biết ơn,
Đúng thời, nghe Chánh Pháp,
Là điềm lành tối thượng.
9. Nhẫn nhục, lời hòa nhã,
Yết kiến các Sa-môn,
Đúng thời, đàm luận Pháp,
Là điềm lành tối thượng.
10. Khắc khổ và Phạm hạnh,
Thấy được lý Thánh đế.
Giác ngộ quả: "Niết Bàn"
Là điềm lành tối thượng.
11. Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động, không sầu,
Không uế nhiễm, an ổn,
Là điềm lành tối thượng.
12. Làm sự việc như vầy,
Không chỗ nào thất bại,
Khắp nơi được an toàn,
Là điềm lành tối thượng.
1. Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Mong rằng mọi sanh linh,
Được đẹp ý vui lòng,
Vậy, hãy nên cẩn thận,
Lắng nghe lời dạy này.
2. Do vậy các sanh linh,
Tất cả hãy chú tâm,
Khởi lên lòng từ mẫn,
Đối với thảy mọi loài,
Ban ngày và ban đêm,
Họ đem vật cúng dường,
Do vậy không phóng dật,
Hãy giúp hộ trì họ.
3. Phàm có tài sản gì,
Đời này hay đời sau,
Hay ở tại thiên giới,
Có châu báu thù thắng,
Không gì sánh bằng được,
Với Như Lai Thiện Thệ,
Như vậy, nơi Đức Phật,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
4. Đoạn diệt và ly tham,
Bất tử và thù diệu.
Phật Thích-ca Mâu-ni,
Chứng Pháp ấy trong thiền,
Không gì sánh bằng được,
Với Pháp thù diệu ấy.
Như vậy, nơi Chánh Pháp,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
5. Phật, Thế Tôn thù thắng,
Nói lên lời tán thán,
Pháp thù diệu trong sạch,
Liên tục không gián đoạn,
Không gì sánh bằng được,
Pháp thiền vi diệu ấy.
Như vậy, nơi Chánh Pháp,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
6. Tám vị bốn đôi này,
Được bậc thiện tán thán.
Chúng đệ tử Thiện Thệ,
Xứng đáng được cúng dường.
Bố thí các vị ấy,
Được kết quả to lớn.
Như vậy, nơi tăng chúng,
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
7. Các vị lòng ít dục,
Với ý thật kiên trì,
Khéo liên hệ mật thiết,
Lời dạy Gô-ta-ma!
Họ đạt được quả vị,
Họ thể nhập bất tử,
Họ chứng đắc dễ dàng,
Hưởng thọ sự tịch tịnh,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
8. Như cây trụ cột đá,
Khéo y tựa lòng đất.
Dầu có gió bốn phương,
Cũng không thể dao động.
Ta nói bậc Chơn nhân,
Giống như thí dụ này,
Vị thể nhập với tuệ,
Thấy được những Thánh đế,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
9. Những vị khéo giải thích,
Những sự thật Thánh đế,
Những vị khéo thuyết giảng,
Với trí tuệ thâm sâu.
Dầu họ có hết sức,
Phóng dật không chế ngự,
Họ cũng không đến nỗi,
Sanh hữu lần thứ tám,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
10. Vị ấy nhờ đầy đủ,
Với chánh kiến sáng suốt,
Do vậy có ba pháp,
Được hoàn toàn từ bỏ,
Thân kiến và nghi hoặc,
Giới cấm thủ cũng không,
Đối với bốn đọa xứ,
Hoàn toàn được giải thoát.
Vị ấy không thể làm,
Sáu điều ác căn bản,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
11. Dầu vị ấy có làm,
Điều gì ác đi nữa,
Với thân hay với lời,
Kể cả với tâm ý,
Vị ấy không có thể,
Che đậy việc làm ấy,
Việc ấy được nói rằng,
Không thể thấy ác đạo.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
12. Đẹp là những cây rừng,
Có bông hoa đầu ngọn,
Trong tháng hạ nóng bức,
Những ngày hạ đầu tiên,
Pháp thù thắng thuyết giảng,
Được ví dụ như vậy.
Pháp đưa đến Niết Bàn,
Pháp hạnh phúc tối thượng,
Như vậy, nơi Đức Phật,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
13. Cao thượng biết cao thượng,
Cho đem lại cao thượng,
Bậc Vô thượng thuyết giảng,
Pháp cao thượng thù thắng,
Như vậy nơi đức Phật,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
14. Nghiệp cũ đã đoạn tận,
Nghiệp mới không tạo nên,
Với tâm tư từ bỏ,
Trong sanh hữu tương lai,
Các hột giống đoạn tận,
Ước muốn không tăng trưởng
Bậc trí chứng Niết Bàn,
Ví như ngọn đèn này,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Được sống chơn hạnh phúc.
15. Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Hãy đảnh lễ Đức Phật,
Đã như thực đến đây,
Được loài Trời, loài Người,
Đảnh lễ và cúng dường,
Mong rằng, với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.
16. Phàm ở tại nơi này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Hãy đảnh lễ Chánh pháp,
Đã như thực đến đây,
Được loài Trời, loài Người,;
Đảnh lễ và cúng dường,
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.
17. Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Hãy đảnh lễ chúng Tăng,
Đảnh lễ và cúng dường,
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.
1. Ở bên ngoài bức tường,
Bọn họ đứng chờ đợi,
Giao lộ, ngã ba đường,
Trở về mái nhà xưa,
Đợi chờ bên cạnh cổng.
2. Nhưng khi tiệc thịnh soạn,
Được bày biện sẵn sàng,
Đủ mọi thức uống ăn,
Không một ai nhớ họ.
Sự kiện này phát sinh
Từ nghiệp xưa của họ.
3. Vậy ai có từ tâm,
Nhớ cho các thân nhân,
Thức uống ăn thanh tịnh,
Tốt đẹp và đúng thời.
4. Món này cho bà con,
Mong bà con an lạc,
Đám ngạ quỷ thân bằng,
Đã tề tựu chỗ đó.
5. Sẽ mong muốn chúc lành,
Vì thực phẩm đầy đủ,
Mong quyến thuộc sống lâu,
Nhờ người, ta hưởng lợi,.
6. Vì đã kính lễ ta,
Thí chủ không thiếu quả
Tại đó không cấy cày,
Cũng không nuôi súc vật.
7. Cũng không có buôn bán,
Không trao đổi tiền vàng,
Các ngạ quỷ họ hàng,
Chỉ sống nhờ bố thí.
8. Như nước đổ xuống đồi,
Chảy xuống tận vực sâu,
Bố thí tại chỗ này,
Cung cấp loài ngạ quỷ.
9. Như lòng sông tràn đầy,
Đưa nước đổ xuống biển,
Bố thí tại chỗ này,
Cung cấp loài ngạ quỷ.
10. Người ấy đã cho ta,
Đã làm việc vì ta,
Người ấy là quyến thuộc,
Người ấy chính thân bằng.
Hãy bố thí ngạ quỷ,
Nhớ việc xưa chúng làm.
11. Không khóc than, sầu muộn,
Không thương tiếc cách gì,
Giúp ích loài ngạ quỷ,
Quyến thuộc làm như vầy,
Không lợi cho ngạ quỷ.
12. Nhưng khi vật cúng dường,
Khéo đặt vào chư Tăng
Ích lợi chúng lâu dài,
Bây giờ, về sau nữa.
13 Chánh pháp được giảng bày,
Như vậy cho quyến thuowc,
Kính trọng biết chừng nào,
Đối với người đã khuất,
Chư Tăng được cúng dường,
Cũng tăng thêm dõng mãnh,
Người tích tụ công đức,
Thật to lớn biết bao.
1. Một người cất kho báu,
Ở tận dưới giếng sâu,
Nghĩ: "Nếu cần giúp đỡ,
Nó ích lợi cho ta".
2. Nếu bị vua kết án,
Hoặc trả các nợ nần,
Hoặc bị cướp giam cầm,
Và đòi tiền chuộc mạng,
Khi mất mùa, tai nạn,
Với mục đích như vầy,
Ở trên cõi đời này,
Sẽ đến giành kho báu.
3. Dẫu nó không bao giờ,
Được cất kỹ như vậy,
Ở tận dưới giếng sâu,
Vẫn không đủ hoàn toàn,
Giúp ích người mọi lúc.
4. Kho báu bị dời chỗ,
Hoặc người quên dấu vết,
Hoặc rắn thần lấy đi,
Hoặc thần linh tẩu tán,
5. Hoặc đám người thừa kế,
Kẻ ấy không chấp nhận,
Di chuyển kho báu đí,
Khi kẻ ấy không thấy.
Và khi phước đức tận,
Tất cả đều tiêu tan.
6. Những khi người nam, nữ,
Có bố thí, trì giới
Hoặc thiền định, trí tuệ,
Kho báu khéo để dành.
7. Trong chùa, tháp, Tăng đoàn,
Một cá nhân, lữ khách,
Hoặc người mẹ, người cha,
Hoặc là người anh nữa.
8. Kho này khéo để dành,
Đi theo người, không mất,
Giữa mọi vật phải rời,
Người cùng đi với nó.
9. Không ai khác chia phần,
Không cướp nào lấy được.
Vậy những kẻ tinh cần,
Hãy làm việc phước đức,
Kho báu ấy theo người,
Sẽ không bao giờ mất.
10. Đây là một kho báu,
Có thể làm thỏa mãn,
Mọi ước vọng thiên, nhân,
Dù họ mong muốn gì,
Đều đạt được tất cả,
Nhờ công đức phước nghiệp.
11. Vẻ đẹp của màu da,
Vẻ đẹp của âm thanh,
Vẻ đẹp của dáng hình,
Vẻ đẹp của toàn thân,
Địa vị thật cao sang,
Cùng với đoàn hầu cận,
Tất cả đều đạt được,
Nhờ phước nghiệp công đức.
12. Ngôi đế vương một cõi,
Cực lạc Chuyển luân vương,
Và ngự trên Thiên đường,
Tất cả đều đạt được,
Nhờ phước nghiệp công đức.
13. Vẻ tối thắng của người,
Mọi hoan lạc cõi trời,
Hay tịch diệt tối thắng,
Tất cả đều đạt được
Nhờ phước nghiệp công đức.
14. Đạt tối thắng bằng hữu,
Chuyên tu tập chánh chân,
Đạt minh trí giải thoát,
Tất cả đều đạt được.
Nhờ phước nghiệp công đức.
15. Tứ vô ngại giải đạo,
Tám cấp độ giải thoát,
Viên mãn trí Thanh văn,
Cả hai cách giác ngộ:
Độc giác, Chánh Đẳng giác,
Tất cả đều đạt được,
Nhờ phước nghiệp công đức.
16. Phước báo thật lớn lao,
Do công đức thù thắng,
Vì thế kẻ tinh cần,
Và những người có trí,
Đã tạo nện kho tàng.
Công đức nhờ phước nghiệp.
1. Vị thiện xảo mục đích,
Cần phải làm như sau:
Sau khi hiểu thông suốt,
Con đường an tịnh ấy,
Có khả năng trực tánh,
Thật sự, khéo chân trực,
Dễ nói và nhu hòa,
Không có gì cao mạn.
2. Sống cảm thấy vừa đủ,
Nuôi sống thật dễ dàng,
Ít có sự rộn ràng,
Sống đạm bạc, giản dị.
Các căn được tịnh lạc,
Khôn ngoan và thận trọng,
Không xông xáo gia đình,
Không tham ái, tham vọng.
3. Các hành sở của mình,
Không nhỏ nhen, vụn vặt,
Khiến người khác có trí,
Có thể sanh chỉ trích,
Mong mọi loài chúng sanh,
Được an lạc, an ổn,
Mong chúng chứng đạt được,
Hạnh phúc và an lạc.
4. Mong tất cả những ai,
Hữu tình có mạng sống,
Kẻ yếu hay kẻ mạnh,
Không bỏ sót một ai,
Kẻ dài hay kẻ lớn,
Trung thấp, loài lớn, nhỏ.
5. Loài được thấy, không thấy,
Loài sống xa, không xa,
Các loài hiện đang sống,
Các loài sẽ được sanh,
Mong mọi loài chúng sanh,
Sống hạnh phúc an lạc.
6. Mong rằng không có ai,
Lường gạt, lừa dối ai,
Không có ai khinh mạn,
Tại bất cứ chỗ nào,
Không vì giận hờn nhau,,
Không vì tưởng chống đối.
Lại có người mong muốn,
Làm đau khổ cho nhau.
7. Như tấm lòng người mẹ,
Đối với con của mình,
Trọn đời lo che chở,
Con độc nhất mình sanh.
Cũng vậy, đối tất cả
Các hữu tình chúng sanh,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng, rộng lớn.
8. Hãy tu tập từ tâm,
Trong tất cả thế giới,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng, rộng lớn,
Phía trên và phía dưới,
Cũng vậy cả bề ngang,
Không hạn chế, trói buộc,
Không hận, không thù địch.
9. Khi đứng hay khi ngồi,
Khi ngồi hay khi nằm,
Lâu cho đến khi nào,
Khi đang còn tỉnh thức,
Hãy an trú niệm này,
Nếp sống này như vậy.
Được đời đề cập đến,
Là nếp sống tối thượng.
10. Ai từ bỏ tà kiến,
Giữ giói, đủ chánh kiến,
Nhiếp phục được tham ái,
Đối với các dục vọng,
Không còn phải tái sanh,
Đi đến thai tạng nữa.
Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!
[01] 1. Các pháp (sở hữu tâm) có tâm là sự dẫn đầu, có tâm là chủ đạo, được tạo ra bởi tâm. Nếu (người nào) nói hay làm với tâm xấu xa, do điều ấy khổ đau đi theo người ấy ví như bánh xe (đi theo) bước chân của con vật đang kéo xe.
[02] 2. Các pháp (sở hữu tâm) có tâm là sự dẫn đầu, có tâm là chủ đạo, được tạo ra bởi tâm. Nếu (người nào) nói hay làm với tâm trong sạch, do điều ấy hạnh phúc đi theo người ấy ví như bóng có sự không lìa khỏi (hình).
[03] 3. Nó đã sỉ vả tôi, nó đã đánh đập tôi, nó đã chế ngự tôi, nó đã tước đoạt của tôi. Những người nào ấp ủ điều ấy, sự thù hận của những người ấy không được lặng yên.
[04] 4. Nó đã sỉ vả tôi, nó đã đánh đập tôi, nó đã chế ngự tôi, nó đã tước đoạt của tôi. Những người nào không ấp ủ điều ấy, sự thù hận ở những người ấy được lặng yên.
[05] 5. Ở thế gian này, các sự thù hận không bao giờ được lặng yên bởi sự hận thù, và chúng được lặng yên bởi sự không thù hận; điều này là quy luật cổ xưa.
[06] 6. Và những kẻ khác không nhận thức được, ở đây chúng ta nên tự kiềm chế. Còn những ai tại nơi ấy nhận thức được (điều ấy), nhờ thế các sự tranh chấp được lặng yên.
[07] 7. Trong khi sống có sự quan sát về tịnh tướng, không thu thúc ở các giác quan, không biết chừng mực về vật thực, lười biếng, có sự tinh tấn thấp kém, Ma Vương quả nhiên ngự trị người ấy, ví như cơn gió (đè bẹp) thân cây yếu ớt.
[08] 8. Trong khi sống có sự quan sát về bất tịnh tướng, khéo thu thúc ở các giác quan, biết chừng mực về vật thực, có niềm tin, có sự ra sức tinh tấn, Ma Vương quả nhiên không ngự trị người ấy, ví như cơn gió (không đè bẹp được) ngọn núi đá.
[09] 9. Kẻ nào có uế trược chưa lìa, sẽ khoác lên tấm vải ca-sa, (mà) bỏ bê việc rèn luyện và sự chân thật, kẻ ấy không xứng với y ca-sa.
[10] 10. Còn vị nào có uế trược đã được tẩy trừ, khéo định tĩnh trong các giới, gắn bó với việc rèn luyện và chân thật, người ấy quả nhiên xứng với y ca-sa.
[11] 11. Những người có quan niệm về điều vô ích là cốt lõi, và có nhận thức về điều cốt lõi là vô ích, những người ấy không đạt đến điều cốt lõi, có hành xứ là những tư tuy sai trái.
[12] 12. Và sau khi biết được điều cốt lõi là cốt lõi, và điều vô ích là vô ích, những người ấy đạt đến điều cốt lõi, có hành xứ là những tư tuy đúng đắn.
[13] 13. Giống như mưa xuyên thủng ngôi nhà được lợp (mái) vụng về, tương tự như thế ấy luyến ái xuyên thủng tâm không tu tập.
[14] 14. Giống như mưa không xuyên thủng ngôi nhà được lợp (mái) khéo léo, tương tự như thế ấy luyến ái không xuyên thủng tâm khéo được tu tập.
[15] 15. Kẻ làm ác sầu muộn ở đời này, sầu muộn sau khi chết, sầu muộn ở cả hai nơi. Sau khi nhìn thấy sự ô nhiễm ở việc làm của bản thân, kẻ ấy sầu muộn, kẻ ấy sầu khổ.
[16] 16. Người đã làm việc phước thiện vui sướng ở đời này, vui sướng sau khi chết, vui sướng ở cả hai nơi. Sau khi nhìn thấy sự trong sạch ở việc làm của bản thân, người ấy vui sướng, người ấy thích thú.
[17] 17. Kẻ làm ác bị bứt rứt ở đời này, bị bứt rứt sau khi chết, bị bứt rứt ở cả hai nơi, bị bứt rứt (nghĩ rằng): ‘Ta đã làm việc ác,’ bị đi đến khổ cảnh (kẻ ấy) bị bứt rứt nhiều hơn nữa.
[18] 18. Người đã làm phước thiện hân hoan ở đời này, hân hoan sau khi chết, hân hoan ở cả hai nơi, hân hoan (nghĩ rằng): ‘Ta đã làm việc phước thiện,’ được đi đến nhàn cảnh (người ấy) hân hoan nhiều hơn nữa.
[19] 19. Nếu là người dẫu đang nói nhiều về Kinh điển
mà là người bị xao lãng, không làm điều ấy,
được ví như kẻ chăn bò đang tính đếm đàn bò cho những người khác,
không có phần Sa-môn hạnh.
[20] 20. Nếu là người dẫu đang nói ít về Kinh điển
mà có sự hành trì thuận pháp đối với Giáo Pháp,
sau khi dứt bỏ ái dục, sân hận và si mê,
có sự nhận thức đúng đắn, có tâm khéo được giải thoát,
trong khi không chấp thủ đời này hoặc đời kế tiếp,
người ấy được hưởng phần Sa-môn hạnh.
Phẩm Song Đối là thứ nhất.
[21] 1. Sự không xao lãng là đạo lộ Bất Tử (Niết Bàn), sự xao lãng là con đường đưa đến sự chết. Những người không xao lãng không chết, những người nào xao lãng giống như đã chết.
[22] 2. Sau khi biết rõ điều ấy ở sự không xao lãng, thích thú trong hành xứ của các bậc Thánh, các bậc sáng suốt vui sướng ở sự không xao lãng.
[23] 3. Có thiền chứng, kiên trì, thường xuyên có sự nỗ lực vững chãi, sáng trí, các vị ấy đạt đến Niết Bàn, sự an toàn tối thượng đối với các trói buộc.
[24] 4. Đối với người có sự tích cực, có niệm, có việc làm trong sạch, có hành động đã được cân nhắc, tự chế ngự, sống đúng pháp, không bị xao lãng, thì danh tiếng được tăng trưởng.
[25] 5. Bằng sự tích cực, bằng sự không xao lãng, bằng sự tự chế ngự, và bằng sự rèn luyện, bậc thông minh nên xây dựng hòn đảo mà cơn lũ không tràn ngập được.
[26] 6. Những kẻ ngu, trí tồi, chiều theo sự xao lãng, còn vị thông minh gìn giữ sự không xao lãng như là (gìn giữ) tài sản quý nhất.
[27] 7. Chớ nên chiều theo sự xao lãng, chớ có (nghĩ đến) sự thân mật, thích thú trong các dục, bởi vì người không xao lãng trong khi tham thiền đạt được sự an lạc bao la.
[28] 8. Khi nào bậc sáng suốt xua đi sự xao lãng bằng không xao lãng, (khi ấy) sau khi leo lên tòa lâu đài trí tuệ, không còn sầu muộn, bậc sáng trí nhìn xuống đám người bị sầu muộn, ví như người đứng ở ngọn núi nhìn xuống những kẻ ngu dốt đứng ở mặt đất.
[29] 9. Là người không xao lãng giữa những kẻ bị xao lãng, là người có nhiều sự tỉnh thức giữa những kẻ bị ngủ mê, bậc sáng trí từ bỏ (những kẻ ấy) và ra đi, ví như con tuấn mã ra đi bỏ lại con ngựa yếu đuối (ở phía sau).
[30] 10. Nhờ sự không xao lãng, đức Trời Đế Thích (Maghavā) đi đến vị trí hàng đầu trong số chư Thiên. (Người người) ngợi ca sự không xao lãng; sự xao lãng luôn luôn bị quở trách.
[31] 11. Vị tỳ khưu thích thú ở sự không xao lãng, nhìn thấy nỗi hiểm nguy ở sự xao lãng, ra đi ví như ngọn lửa đang thiêu đốt sự trói buộc nhỏ nhoi và to lớn.
[32] 12. Vị tỳ khưu thích thú ở sự không xao lãng, nhìn thấy nỗi hiểm nguy ở sự xao lãng, không thể đi đến thối đọa, (mà còn) ở rất gần Niết Bàn.
Phẩm Không Xao Lãng là thứ nhì.
[33] 1. Tâm chao đảo, thay đổi, khó hộ trì, khó ngăn chặn, người thông minh làm cho tâm được ngay thẳng, ví như thợ làm tên uốn thẳng cây tên.
[34] 2. Ví như con cá bị vớt ra khỏi nước và bị ném ở trên đất liền, tâm này giãy giụa hầu thoát khỏi tầm khống chế của Ma Vương.
[35] 3. Tâm khó kiểm soát, nhanh nhạy, có sự lao theo cảnh nó muốn. Tốt đẹp thay sự rèn luyện của tâm! Tâm đã được rèn luyện là nguồn đem lại niềm an lạc.
[36] 4. Tâm rất khó nhận biết, vô cùng vi tế, có sự lao theo cảnh nó muốn, người thông minh nên bảo vệ tâm. Tâm đã được hộ trì là nguồn đem lại niềm an lạc.
[37] 5. Tâm có sự di chuyển đến nơi xa xôi, độc hành, không có thân xác, có chỗ trú ẩn là hang sâu (trái tim). Những ai sẽ thu thúc tâm thì (sẽ) được thoát khỏi sự trói buộc của Ma Vương.
[38] 6. Đối với kẻ có tâm không được ổn định, không nhận thức được Chánh Pháp, có niềm tin bị dao động, thì tuệ không hoàn hảo.
[39] 7. Đối với người đang tỉnh thức, có tâm không bị nhiễm (bởi dục), có ý không bị công kích (bởi sân), đã dứt bỏ thiện và ác, thì không có sự sợ hãi.
[40] 8. Sau khi biết được thân này tương tợ chậu đất nung,
sau khi thiết lập tâm này tương tợ thành trì,
nên tấn công Ma Vương bằng vũ khí trí tuệ,
và nên bảo vệ điều đã chiến thắng, nên có sự không ngơi nghỉ.
[41] 9. Không bao lâu nữa, thân này quả nhiên sẽ nằm dài ở trên đất, bị liệng bỏ đi, tâm thức đã xa lìa, ví như khúc gỗ mục không còn sự lợi ích.
[42] 10. Tâm hướng đến sự sai trái có thể gây nên cho người ấy điều còn tồi tệ hơn so với việc mà kẻ địch có thể làm đối với kẻ địch, hoặc kẻ thù hằn đối với kẻ thù hằn.
[43] 11. Tâm hướng đến sự chân chánh có thể tạo ra cho người ấy điều còn tốt đẹp hơn so với việc mà mẹ cha hoặc luôn cả các thân quyến khác có thể làm cho người ấy.
Phẩm Tâm là thứ ba.
[44] 1. Ai sẽ thấu triệt trái đất này,
và thế giới Dạ Ma, thế giới (nhân loại) này luôn cả chư Thiên?
Ai sẽ thu thập lời dạy về Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng,
ví như người thiện xảo sẽ thu thập bông hoa?
[45] 2. Vị Hữu Học sẽ thấu triệt trái đất này,
và thế giới Dạ Ma, thế giới (nhân loại) này luôn cả chư Thiên.
Vị Hữu Học sẽ thu thập lời dạy về Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng,
ví như người thiện xảo sẽ thu thập bông hoa.
[46] 3. Sau khi biết được thân này ví như bọt nước,
trong khi biết rõ nó có tính chất giả tạm,
nên chặt đứt những nụ hoa của Ma Vương
và vượt khỏi tầm nhìn của Thần Chết.
[47] 4. Thần Chết ra đi mang theo người có tâm ý bị đắm nhiễm đang thu thập chỉ mỗi các bông hoa, ví như cơn lũ lớn cuốn trôi ngôi làng đã ngủ say.
[48] 5. Thần Chết thể hiện quyền lực với người có tâm ý bị đắm nhiễm đang thu thập chỉ mỗi các bông hoa, nhưng chưa được thỏa mãn về các dục.
[49] 6. Cũng giống như loài ong lấy nhụy rồi bay đi mà không gây tổn hại đến bông hoa, vẻ đẹp, và hương thơm (của nó), bậc hiền trí đi (khất thực) ở trong làng là tương tự như thế.
[50] 7. Không nên (soi mói) các việc sái quấy của những người khác, không nên (soi mói) việc đã làm hoặc chưa làm của họ, mà nên xem xét những việc đã làm và chưa làm của chính bản thân.
[51] 8. Cũng giống như bông hoa xinh đẹp có sắc không hương, tương tự như vậy lời nói được khéo nói của người không thực hành thì không có kết quả.
[52] 9. Cũng giống như bông hoa xinh đẹp có sắc có hương, tương tự như vậy lời nói được khéo nói của người có thực hành thì có kết quả.
[53] 10. Cũng giống như từ đống bông hoa người ta có thể tạo thành nhiều loại tràng hoa, tương tự như thế nhiều việc thiện nên được làm bởi người đã được sanh ra (ở trên đời).
[54] 11. Hương thơm của bông hoa không bay ngược chiều gió, (hương thơm của) gỗ trầm, gỗ tagara, hoặc hoa nhài cũng không. Còn hương thơm của những người tốt bay ngược chiều gió, bậc chân nhân tỏa hương (thơm giới hạnh) tất cả các phương.
[55] 12. Gỗ trầm, gỗ tagara, hoặc ngay cả hoa sen, rồi hoa nhài, trong số các loại có hương thơm này, hương thơm của giới là vô thượng.
[56] 13. Hương thơm này của gỗ tagara hay gỗ trầm có phẩm lượng ít ỏi, còn hương thơm của các bậc có giới hạnh thổi giữa chư Thiên là tối thượng.
[57] 14. Đối với những vị có giới đã được thành tựu, đang sống không xao lãng, đã được giải thoát nhờ vào hiểu biết chân chánh, Ma Vương không tìm ra đạo lộ của những vị ấy.
[58] 15. Giống như tại đống rác đã được quăng bỏ ở con đường lớn, tại nơi ấy hoa sen có thể sanh trưởng, có mùi thơm tinh khiết, làm thích ý.
[59] 16. Tương tự như thế, ở giữa các chúng sanh rác rưởi, ở giữa hạng phàm nhân có trạng thái tăm tối, vị Thinh Văn của đấng Chánh Đẳng Giác rực sáng với trí tuệ.
Phẩm Bông Hoa là thứ tư.
[60] 1. Đêm là dài đối với người đang thức, một do-tuần là dài đối với người bị mệt mỏi, luân hồi là dài đối với những kẻ ngu không nhận biết Diệu Pháp.
[61] 2. Trong khi du hành, nếu không đạt được người giỏi hơn (hoặc) tương đương so với bản thân, nên vững chãi thực hiện việc du hành một mình; không có tình bạn hữu ở kẻ ngu.
[62] 3. ‘Tôi có các con trai, tôi có tài sản,’ (nghĩ thế) kẻ ngu bị sầu khổ. Chính bản thân của mình còn không có, từ đâu mà có các con trai, từ đâu mà có tài sản?
[63] 4. Người ngu nào biết được sự ngu dốt (của mình), do việc ấy người ấy cũng là sáng suốt. Còn kẻ ngu (nào) có sự tự hào là sáng suốt, chính kẻ ấy được gọi là ‘ngu.’
[64] 5. Kẻ ngu nếu thân cận bậc trí cho đến trọn đời mà kẻ ấy không nhận thức được Giáo Pháp thì giống như cái muỗng (không biết được) vị của món xúp.
[65] 6. Người hiểu biết nếu thân cận bậc trí dầu chỉ phút chốc mà mau chóng nhận thức được Giáo Pháp thì giống như cái lưỡi (biết được) vị của món xúp.
[66] 7. Trong khi làm nghiệp ác là việc làm có quả báo đắng cay, những kẻ ngu có trí tồi cư xử đối với bản thân như là (cư xử đối với) kẻ thù.
[67] 8. Việc gì sau khi làm mà bị hối hận, và nhận lãnh quả thành tựu của việc ấy với khuôn mặt đầy nước mắt, khóc lóc, thì việc làm ấy đã được làm một cách không tốt đẹp.
[68] 9. Còn việc gì sau khi làm mà không bị hối hận, và nhận lãnh quả thành tựu của việc ấy được vừa lòng thích ý, thì việc làm ấy đã được làm một cách tốt đẹp.
[69] 10. Cho đến khi nào điều ác chưa được chín muồi thì kẻ ngu còn nghĩ về nó như là mật ngọt, nhưng đến khi điều ác được chín muồi thì kẻ ngu đọa vào khổ đau.
[70] 11. Kẻ ngu có thể thọ dụng vật thực bằng đầu ngọn cỏ kusa theo từng tháng một, kẻ ấy không giá trị bằng một phần mười sáu so với những người đã hiểu được Giáo Pháp.
[71] 12. Ví như sữa không trở chua ngay lập tức, nghiệp ác đã làm không trổ quả liền liền, nó theo đuổi kẻ ngu, đốt nóng, ví như ngọn lửa đã được phủ tro.
[72] 13. Trạng thái được nổi tiếng sanh lên cho kẻ ngu cũng chỉ đem lại điều bất lợi, nó làm vỡ tan cái đầu (trí tuệ) và hủy hoại phần thánh thiện của kẻ ngu này.
[73] 14. (Kẻ ngu) có thể ước ao sự tiến bộ không có thực, sự nổi bật trong số các vị tỳ khưu, quyền hành ở các trú xứ, và sự cúng dường ở các gia đình khác.
[74] 15. ‘Mong sao cả hai hàng tại gia và xuất gia đều nghĩ rằng việc đã được làm bởi chính ta, mong sao họ đều chịu sự điều khiển của chính ta trong mọi công việc lớn nhỏ,’ suy nghĩ của kẻ ngu là thế ấy, lòng ham muốn và ngã mạn của kẻ ấy tăng trưởng.
[75] 16. Phương thức đưa đến lợi lộc là cái khác, còn đường lối đi đến Niết Bàn là cái khác, sau khi biết rõ điều này như thế, vị tỳ khưu đệ tử của đức Phật chớ nên thích thú sự tôn vinh, nên thực hành hạnh độc cư.
Phẩm Kẻ Ngu là thứ năm.
[76] 1. Nên nhận biết người thông minh, có sự nhìn thấy được lỗi lầm, có lời nói khiển trách, như là người chỉ ra những của cải chôn giấu (cho mình); nên giao thiệp với người sáng suốt như thế ấy. Đối với người giao thiệp với vị như thế ấy, thì trở nên tốt hơn, không có xấu hơn.
[77] 2. Người (nào) có thể giáo giới, có thể chỉ dạy, có thể ngăn chặn điều không tốt lành, thật vậy đối với những người tốt thì người ấy được yêu mến, đối với những người xấu thì không được yêu mến.
[78] 3. Không nên giao thiệp với những bạn xấu, không nên giao thiệp với những người đê tiện. Nên giao thiệp với những người bạn lành, nên giao thiệp với những người cao thượng.
[79] 4. Người có sự hoan hỷ trong Giáo Pháp ngủ một cách an lạc với tâm ý thanh tịnh. Người sáng suốt luôn luôn hứng thú trong Giáo Pháp đã được các bậc Thánh tuyên thuyết.
[80] 5. Thật vậy, những người đào kênh dẫn nước, những thợ làm tên uốn nắn cây tên, những người thợ mộc tạo dáng thanh gỗ, những người sáng suốt rèn luyện bản thân.
[81] 6. Giống như tảng đá rắn chắc không bị lay động bởi gió, tương tự như thế các bậc sáng suốt không dao động ở các sự chê khen.
[82] 7. Cũng giống như hồ nước sâu, trong sạch, không bị vẩn đục, tương tự như thế, sau khi lắng nghe (các lời giảng về) Giáo Pháp các bậc sáng suốt được an tịnh.
[83] 8. Thật vậy, các bậc chân nhân từ bỏ mọi thứ,
các bậc đạo đức không đề cập đến các ước muốn về dục lạc.
Bị xúc chạm bởi hạnh phúc hay bởi khổ đau,
các bậc sáng suốt không tỏ ra phấn khởi hay chán nản.
[84] 9. Người không vì lý do của bản thân, không vì lý do của kẻ khác,
không ao ước con trai, không ao ước tài sản, không ao ước quốc độ,
không mong muốn sự thành tựu cho bản thân một cách sái quấy,
người ấy là người chân chánh, có giới hạnh, có trí tuệ.
[85] 10. Ở loài người, những người có sự đi đến bờ kia là ít ỏi, trái lại những người khác chỉ chạy dọc theo bờ (bên này).
[86] 11. Và những người nào, khi pháp đã được tuyên thuyết đúng đắn, có sự hành trì theo pháp, những người ấy sẽ đi đến bờ kia, (sau khi vượt qua) lãnh vực của Ma Vương rất khó vượt qua.
[87] 12. Bậc sáng suốt, sau khi lìa bỏ pháp đen, nên phát triển pháp trắng, sau khi từ nhà đi đến trạng thái không nhà, ở chỗ tách biệt là nơi khó có sự thích thú.
[88] 13. Sau khi từ bỏ các dục, không còn có vật gì, vị sáng suốt nên mong mỏi sự thỏa thích ở nơi ấy, nên thanh lọc bản thân khỏi các điều ô nhiễm của tâm.
[89] 14. Những vị nào có tâm đã khéo được tu tập ở các chi phần đưa đến Giác Ngộ, được thích thú trong việc xả bỏ các sự bám víu, không còn chấp thủ, những vị ấy có các lậu hoặc đã được cạn kiệt, có sự chói sáng, đã đạt Niết Bàn ở thế gian.
Phẩm Bậc Sáng Suốt là thứ sáu.
[90] 1. Đối với người đã trải qua cuộc hành trình, không còn sầu muộn, đã được giải thoát về mọi phương diện, đã dứt bỏ mọi trói buộc, sự bực bội là không được biết đến.
[91] 2. Các vị nỗ lực, có niệm, các vị ấy không thích thú về chỗ ở. Ví như những con thiên nga từ bỏ hồ nước, các vị ấy từ bỏ mọi trú xứ.
[92] 3. Các vị nào không có sự tích lũy, đã hiểu biết toàn diện về vật thực, có không tánh và vô tướng giải thoát là hành xứ của họ, lộ trình của các vị ấy là khó theo dõi, ví như đường bay của những con chim ở trên không trung.
[93] 4. Vị nào có các lậu hoặc đã được hoàn toàn cạn kiệt, và không bị lệ thuộc về vật thực, có không tánh và vô tướng giải thoát là hành xứ của mình, vết chân của vị ấy là khó theo dõi, ví như đường bay của những con chim ở trên không trung.
[94] 5. Vị nào có các giác quan đã đi đến sự yên lặng, giống như những con ngựa đã khéo được huấn luyện bởi người đánh xe, có ngã mạn đã được dứt bỏ, không còn lậu hoặc, ngay cả chư Thiên cũng yêu mến vị có đức hạnh như thế ấy.
[95] 6. Giống như trái đất không chống đối, tựa như cột trụ chống, vị có sự hành trì tốt đẹp như thế ấy ví như hồ nước đã được vét bùn, không còn các việc luân hồi đối với vị như thế ấy.
[96] 7. Đối với vị đã được giải thoát do sự hiểu biết đúng đắn, đã được an tịnh như thế ấy, suy nghĩ của vị ấy là thanh tịnh, lời nói và hành động đều thanh tịnh.
[97] 8. Người nào không tà tín, biết sự không tạo tác (Niết Bàn), cắt đứt sự tiếp nối (tái sanh), đã tiêu diệt duyên cớ, đã buông bỏ niềm ước muốn, chính vị ấy là con người tối thượng.
[98] 9. Cho dầu ở làng, hoặc là ở rừng, cho dầu ở thung lũng hoặc ở cao nguyên, nơi nào các vị A-la-hán cư ngụ, vùng đất ấy thật đáng ưa thích.
[99] 10. Các khu rừng đáng ưa thích là nơi dân chúng không ưa thích. Những vị có tham ái đã lìa sẽ thích thú, họ không có sự tầm cầu dục lạc.
Phẩm A-la-hán là thứ bảy.
[100] 1. Nếu một ngàn lời nói mà chỉ chứa đựng những từ vô nghĩa, thì một từ có ý nghĩa là tốt hơn, sau khi nghe nó được an tịnh.
[101] 2. Nếu một ngàn câu kệ mà chỉ chứa đựng những từ vô nghĩa, thì một chữ của câu kệ là tốt hơn, sau khi nghe nó được an tịnh.
[102] 3. Nếu người nào nói một trăm câu kệ chứa đựng những từ vô nghĩa, thì (nói) một câu Pháp là tốt hơn, sau khi nghe nó được an tịnh.
[103] 4. Người nào có thể chiến thắng một ngàn người một ngàn lần ở chiến trường, và người có thể chiến thắng mỗi một bản thân mình, người ấy quả thật là tối thượng trong số những người chiến thắng ở chiến trường.
[104] 5. Đúng vậy, đối với con người đã rèn luyện bản thân, có hành vi được chế ngự thường xuyên, chiến thắng bản thân là tốt hơn chiến thắng những người khác.
[105] 6. Không phải vị Trời, không phải vị Càn-thát-bà, không phải Ma Vương cùng với Phạm Thiên có thể làm cho sự chiến thắng của con người có tính chất như thế trở thành chiến bại.
[106] 7. Người cúng tế một ngàn (đồng tiền) hàng tháng trong một trăm năm, và người lễ bái đến một vị có bản thân đã được tu tập dầu chỉ trong phút chốc, chính việc lễ bái ấy là tốt hơn việc tế lễ một trăm năm.
[107] 8. Người hầu cận ngọn lửa ở khu rừng trong một trăm năm, và người lễ bái đến một vị có bản thân đã được tu tập dầu chỉ trong phút chốc, chính việc lễ bái ấy là tốt hơn việc tế lễ một trăm năm.
[108] 9. Người mong mỏi phước báu có thể cúng tế bất cứ vật cúng tế hoặc vật tế lễ nào ở thế gian trọn năm, toàn bộ việc ấy cũng không đạt được một phần tư, việc đảnh lễ ở các vị chánh trực là tốt hơn.
[109] 10. Bốn pháp: tuổi thọ, sắc đẹp, an vui, sức mạnh tăng trưởng đến người có tập tính đảnh lễ và thường xuyên có sự kính trọng đến các bậc trưởng thượng.
[110] 11. Và người nào có thể sống một trăm năm, có giới xấu xa, không định tĩnh, mạng sống một ngày của người có giới hạnh, có thiền, là tốt hơn.
[111] 12. Và người nào có thể sống một trăm năm, thiếu trí tuệ, không định tĩnh, mạng sống một ngày của người có tuệ, có thiền, là tốt hơn.
[112] 13. Và người nào có thể sống một trăm năm, lười biếng, có sự tinh tấn thấp kém, mạng sống một ngày của người đang ra sức tinh tấn một cách vững chãi là tốt hơn.
[113] 14. Và người nào có thể sống một trăm năm, không nhìn thấy sự sanh và diệt, mạng sống một ngày của người nhìn thấy sự sanh và diệt là tốt hơn.
[114] 15. Và người nào có thể sống một trăm năm, không nhìn thấy vị thế Bất Tử, mạng sống một ngày của người nhìn thấy vị thế Bất Tử là tốt hơn.
[115] 16. Và người nào có thể sống một trăm năm, không nhìn thấy Giáo Pháp tối thượng, mạng sống một ngày của người nhìn thấy Giáo Pháp tối thượng là tốt hơn.
Phẩm Một Ngàn là thứ tám.
[116] 1. Nên mau mắn trong việc tốt, nên ngăn chặn tâm khỏi điều ác, bởi vì khi người làm việc phước thiện một cách chậm chạp, tâm của người thích thú trong việc ác.
[117] 2. Nếu người làm việc ác, không nên tiếp tục làm việc ấy nữa. Không nên tạo ra sự mong muốn về việc ấy, sự tích lũy việc ác là khổ đau.
[118] 3. Nếu người làm việc phước thiện, nên tiếp tục làm việc ấy. Nên tạo ra sự mong muốn về việc ấy, sự tích lũy việc phước thiện là hạnh phúc.
[119] 4. Người làm ác cũng gặp được điều lành khi nào việc ác chưa được chín muồi. Và khi nào việc ác được chín muồi, khi ấy người làm ác gặp những điều xấu xa.
[120] 5. Người làm lành cũng gặp điều xấu xa khi nào việc lành chưa được chín muồi. Và khi nào việc lành được chín muồi, khi ấy người làm lành gặp những điều tốt lành.
[121] 6. Chớ xem thường việc ác (nghĩ rằng): ‘Điều ấy sẽ không đến cho ta.’ Với việc nhỏ xuống từng giọt nước, bình nước cũng được tràn đầy, trong khi tích lũy (việc ác) dầu chỉ từng chút từng chút, kẻ ngu bị ngập tràn việc ác.
[122] 7. Chớ xem thường việc phước (nghĩ rằng): ‘Điều ấy sẽ không đến cho ta.’ Với việc nhỏ xuống từng giọt nước, bình nước cũng được tràn đầy, trong khi tích lũy (việc phước) dầu chỉ từng chút từng chút, người sáng trí được ngập tràn việc phước.
[123] 8. Nên lánh xa các việc ác, ví như người thương buôn có đoàn lữ hành ít ỏi mà có tài sản lớn lao nên lánh xa con đường nguy hiểm, ví như người có ý muốn sống nên lánh xa thuốc độc.
[124] 9. Có thể nắm lấy thuốc độc bằng bàn tay nếu ở bàn tay không có vết thương; thuốc độc không ngấm vào chỗ không có vết thương, không có điều ác cho người không làm (ác).
[125] 10. Kẻ nào bôi nhọ người không bị ô nhiễm,
người trong sạch, không vết nhơ,
điều xấu xa quay về chính kẻ ngu ấy,
ví như bụi bặm li ti được tung ra ngược chiều gió.
[126] 11. Một số sanh vào bào thai, những kẻ có nghiệp ác sanh vào địa ngục, những người có hạnh lành đi đến cõi trời, các bậc vô lậu viên tịch Niết Bàn.
[127] 12. Không phải ở bầu trời, không phải ở giữa biển khơi,
không phải đã đi vào khe của những ngọn núi,
không tìm thấy khu vực ấy ở trên trái đất,
nơi mà người đứng ở đó có thể thoát khỏi nghiệp ác.
[128] 13. Không phải ở bầu trời, không phải ở giữa biển khơi,
không phải đã đi vào khe của những ngọn núi,
không tìm thấy khu vực ấy ở trên trái đất,
nơi mà người đứng ở đó thì Tử Thần không thể khống chế.
Phẩm Ác là thứ chín.
[129] 1. Tất cả khiếp sợ hành phạt, tất cả sợ hãi Tử Thần. Sau khi lấy bản thân làm ví dụ, chớ nên giết hại, chớ nên bảo (kẻ khác) giết hại.
[130] 2. Tất cả khiếp sợ hành phạt, tất cả xem mạng sống là yêu quý. Sau khi lấy bản thân làm ví dụ, chớ nên giết hại, chớ nên bảo (kẻ khác) giết hại.
[131] 3. Kẻ nào hãm hại các chúng sanh có sự mong mỏi hạnh phúc bằng hành phạt trong khi tầm cầu hạnh phúc cho mình, kẻ ấy không đạt được hạnh phúc sau khi chết.
[132] 4. Kẻ nào không hãm hại các chúng sanh có sự mong mỏi hạnh phúc bằng hành phạt trong khi tầm cầu hạnh phúc cho mình, kẻ ấy đạt được hạnh phúc sau khi chết.
[133] 5. Ngươi chớ nói điều thô lỗ đến bất cứ ai. Những người đã bị (ngươi) nói có thể nói lại ngươi. Những lời nói cộc cằn quả là tai hại, (bởi vì) các sự đánh trả lại có thể giáng xuống cho ngươi.
[134] 6. Nếu ngươi không dao động bản thân giống như cái chuông đã bị bể, chính ngươi đã đạt đến Niết Bàn, sự thù hằn không tìm thấy ở ngươi.
[135] 7. Giống như người chăn bò dùng gậy gộc lùa bầy bò ra đồng cỏ, tương tự như thế sự già và sự chết xua đuổi tuổi thọ của các chúng sanh.
[136] 8. Và trong khi làm các việc ác, kẻ ngu không được sáng suốt. Kẻ có trí tồi bị hối hận bởi các hành động của mình, ví như bị đốt thiêu bởi ngọn lửa.
[137] 9. Kẻ nào dùng gậy gộc gây hại đến các bậc không có gậy gộc, không bị ô nhiễm, ngay lập tức bị đọa vào một trong mười trường hợp:
[138] 10. (Kẻ ấy) có thể gánh chịu cảm thọ khốc liệt, sự mất mát tài sản, và sự tổn thương của cơ thể, hoặc là bịnh hoạn trầm trọng, hoặc sự mất trí.
[139] 11. Hoặc là sự phiền hà từ nhà vua, hay sự cáo tội khắc nghiệt, hoặc là sự tổn thất về thân quyến, hay sự tiêu tán về các của cải.
[140] 12. Hoặc là ngọn lửa phát khởi thiêu đốt các gian nhà của kẻ ấy. Do sự hoại rã của thân, kẻ thiếu trí tuệ ấy bị sanh vào địa ngục.
[141] 13. Không phải sự thực hành lõa thể, không phải các búi tóc, không phải (sự bôi trét) các bùn đất, không phải sự tuyệt thực, hoặc sự nằm trên mặt đất, không phải bụi bặm và cáu ghét, không phải sự ra sức ngồi chồm hổm làm trong sạch con người chưa vượt qua sự nghi hoặc.
[142] 14. Mặc dầu đã được trang sức, mà có thể thực hành sự trầm tĩnh,
được an tịnh, đã được rèn luyện, quả quyết, có Phạm hạnh,
đã buông bỏ sự hành hạ đối với tất cả chúng sanh,
vị ấy là Bà-la-môn, vị ấy là Sa-môn, vị ấy là tỳ khưu.
[143] 15. Người có sự tự ngăn ngừa bằng pháp hổ thẹn (tội lỗi) khó tìm thấy ở thế gian, là người không khơi dậy lời chê trách, ví như con ngựa hiền không phải dùng đến cây roi.
[144] 16. Giống như con ngựa hiền được điều khiển bởi cây roi,
các ngươi hãy có sự nhiệt tâm, có sự năng nổ.
Với tín, với giới, và với tấn,
với định, và với sự thẩm định về pháp,
có minh và hạnh đầy đủ, có niệm,
các ngươi hãy dứt bỏ sự khổ đau không phải là nhỏ nhoi này.
[145] 17. Thật vậy, những người đào kênh dẫn nước, những thợ làm tên uốn nắn cây tên, những người thợ mộc tạo dáng thanh gỗ, những vị có sự hành trì tốt đẹp rèn luyện bản thân.
Phẩm Hình Phạt là thứ mười.
[146] 1. Nụ cười gì đây, tại sao có niềm vui, khi thường xuyên bị đốt cháy? Bị bao trùm bởi bóng tối, phải chăng các ngươi sẽ không tìm kiếm ngọn đèn?
[147] 2. Hãy nhìn xem hình bóng đã được tô điểm, tập hợp những vết thương, đã được dựng đứng lên (với những mảnh xương), bệnh hoạn, có nhiều suy tư, đối với nó không có sự bền vững, ổn định.
[148] 3. Thể xác này là hoàn toàn tàn tạ, ổ bệnh tật, mỏng manh. Xác thân hôi thối (sẽ) bị tan rã bởi vì mạng sống có sự chết là điểm cuối cùng.
[149] 4. Có sự thích thú gì sau khi nhìn thấy những mảnh xương có màu trắng xám này bị quăng bỏ tứ tán tựa như những trái bầu ở vào mùa thu?
[150] 5. (Thân này) là thành trì được làm bằng những mảnh xương, có sự bôi trét bằng thịt và máu, là nơi mà sự già, sự chết, ngã mạn, và đố kỵ ẩn náu.
[151] 6. Các cỗ xe của đức vua, khéo được trang điểm, đương nhiên (sẽ) trở thành tàn tạ, rồi thân xác cũng đi đến sự già nua, nhưng Giáo Pháp của các bậc Thánh không đi đến sự già nua. Đúng vậy, các bậc Thánh tuyên thuyết đến các người tốt lành.
[152] 7. Người nam này, ít chịu học hỏi, trở thành già cỗi ví như con bò mộng, các bắp thịt của kẻ ấy tăng trưởng, trí tuệ của kẻ ấy không tăng trưởng.
[153] 8. Ta đã trải qua luân hồi trong nhiều kiếp sống không ngừng nghỉ, trong khi tìm kiếm người thợ làm nhà; sự sanh tái diễn là khổ đau.
[154] 9. Hỡi người thợ làm nhà, ngươi đã bị nhìn thấy. Ngươi sẽ không xây dựng nhà nữa. Tất cả các rường cột của ngươi đã bị gãy đổ, mái nhà đã bị phá tan. Tâm (của Ta) đã đi đến sự không còn tạo tác, Ta đã chứng đạt sự diệt tận của các tham ái.
[155] 10. Những người đã không thực hành Phạm hạnh, đã không đạt được tài sản lúc còn trẻ, ví như những con cò già bị tàn tạ ở hồ nước cạn, không còn cá.
[156] 11. Những người đã không thực hành Phạm hạnh, đã không thành tựu tài sản lúc còn trẻ, nằm dài thở than về các việc quá khứ, ví như những (mũi tên) hết đà bắn ra từ cây cung, rơi xuống đất.
Phẩm Già là thứ mười một.
[157] 1. Nếu biết bản thân là đáng yêu thì nên bảo vệ nó một cách cẩn thận. Người sáng suốt nên cảnh tỉnh (bản thân) vào một trong ba thời.[1]
[158] 2. Trước tiên nên huân tập chính bản thân ở việc đúng đắn, rồi mới nên chỉ dạy người khác, (như thế) người sáng suốt không thể bị ô nhiễm.
[159] 3. Nếu chỉ dạy người khác như thế nào thì nên thực hành đối với bản thân như vậy. Đúng vậy, người đã khéo được rèn luyện thì có thể rèn luyện (kẻ khác), bởi vì bản thân quả là khó rèn luyện.
[160] 4. Chính ta là người bảo hộ cho ta, còn người nào khác nữa có thể là người bảo hộ (cho ta)? Khi chính ta đã khéo được rèn luyện, thì đạt được người bảo hộ là việc khó mà đạt được.
[161] 5. Việc ác đã do chính ta làm, đã do ta gây ra, có nguồn sanh khởi từ nơi ta. Việc ác nghiền nát kẻ kém trí tuệ, ví như kim cương nghiền nát viên ngọc ma-ni làm bằng đá.
[162] 6. Ví như dây leo māluva trùm lên cây sālā, người có giới tồi tệ quá mức tạo ra cho bản thân điều mà kẻ thù mong muốn gây ra cho người ấy.
[163] 7. Những việc không tốt đẹp và không có lợi ích cho bản thân là những việc dễ làm. Đúng vậy, việc gì có lợi ích và tốt đẹp, việc ấy hiển nhiên là việc vô cùng khó làm.
[164] 8. Kẻ nào kém trí tuệ, nương tựa ác tà kiến, khinh miệt lời giảng dạy của các bậc A-la-hán, của các vị Thánh Nhân có đời sống đúng đắn, (kẻ ấy) gây nên hậu quả đưa đến sự tiêu hoại cho bản thân, ví như các trái của cây tre (khi trổ hoa kết trái thì hại chết cây tre).
[165] 9. Việc ác đã được làm bởi chính bản thân, trở thành ô nhiễm bởi bản thân. Việc ác đã không được làm bởi bản thân, trở thành trong sạch bởi chính bản thân. Trong sạch (hay) không trong sạch tùy thuộc vào bản thân, không ai có thể làm cho người khác trở thành trong sạch.
[166] 10. Không nên buông bỏ lợi ích của bản thân vì lợi ích của kẻ khác cho dầu là lớn lao. Sau khi biết rõ lợi ích của bản thân, nên quan tâm đến lợi ích của mình.
Phẩm Tự Ngã là thứ mười hai.
[167] 1. Không nên thân cận với pháp thấp kém (ngũ dục). Không nên sống với sự xao lãng. Không nên thân cận với tà kiến. Không nên bận rộn với thế gian.
[168] 2. Nên nỗ lực, không nên xao lãng. Nên thực hành pháp một cách tốt đẹp. Người có sự thực hành pháp sống[2] an lạc trong đời này và trong đời sau.
[169] 3. Nên thực hành pháp một cách tốt đẹp, không nên thực hành việc ấy một cách sai trái. Người có sự thực hành pháp sống an lạc trong đời này và trong đời sau.
[170] 4. Nên xem (thế gian) như bọt nước, nên xem (thế gian) như ảo ảnh, Thần Chết không nhìn thấy người đang quan sát thế gian như vậy.
[171] 5. Hãy đến, hãy xem thế gian này đã được tô điểm tương tự như cỗ xe của đức vua, những kẻ ngu chìm đắm ở nơi ấy, không có sự dính líu đối với những người đang nhận thức (như thế).
[172] 6. Và người nào trước đây xao lãng, về sau người ấy không xao lãng, người ấy chiếu sáng thế gian này, ví như mặt trăng được ra khỏi đám mây.
[173] 7. Nghiệp ác đã làm của người nào được đóng lại bởi việc thiện, người ấy chiếu sáng thế gian này, ví như mặt trăng được ra khỏi đám mây.
[174] 8. Thế gian này là mù quáng, ở đây số ít nhìn thấy rõ. Ví như (số lượng) con chim được thoát khỏi tấm lưới, ít người đi đến cõi trời.
[175] 9. Các con thiên nga di chuyển theo đường đi của mặt trời. Những người đi ở không gian nhờ vào thần thông. Các bậc sáng trí lìa khỏi thế gian sau khi chiến thắng Ma Vương cùng với đám quân binh.
[176] 10. Đối với người đã vượt qua một pháp (chân thật), có lời nói dối trá, đã không quan tâm đến đời sau, không có việc ác nào là sẽ không làm.
[177] 11. Đương nhiên, những kẻ keo kiệt không đi đến Thiên giới.
Đúng vậy, những kẻ ngu không khen ngợi việc bố thí.
Và người sáng trí, trong khi tùy hỷ việc bố thí,
do chính việc ấy vị ấy có được sự an vui ở đời sau.
[178] 12. Quả vị Nhập Lưu là cao quý so với vương quyền độc nhất ở trái đất, hoặc việc đi đến cõi trời, hoặc quyền chúa tể của toàn thể thế gian.
Phẩm Thế Gian là thứ mười ba.
[179] 1. Chiến thắng của vị nào không bị hạ thấp, chiến thắng của vị nào không một ai ở thế gian đạt đến, vị ấy là đức Phật, có hành xứ không bị giới hạn, không dấu vết, vậy ngươi sẽ dẫn dắt Ngài đi theo lối nào?
[180] 2. Tham ái, tấm lưới bẫy, sự vướng mắc của vị nào là không còn để dẫn dắt đi bất cứ đâu, vị ấy là đức Phật, có hành xứ không bị giới hạn, không dấu vết, vậy ngươi sẽ dẫn dắt Ngài đi theo lối nào?
[181] 3. Các vị nào chuyên chú tham thiền, sáng trí, thích thú ở sự an tịnh của việc xuất ly, chư Thiên cũng mong mỏi các vị ấy, các bậc Chánh Đẳng Giác, có niệm.
[182] 4. Sự đạt được thân người là khó, mạng sống của loài người là khó, (cơ hội) lắng nghe Chánh Pháp là khó, sự hiện khởi của chư Phật là khó.
[183] 5. Không làm mọi điều ác, thành tựu việc thiện, thanh lọc tâm của mình, điều này là lời giáo huấn của chư Phật.
[184] 6. Nhẫn nại, chịu đựng là sự khổ hạnh tối thượng.
Chư Phật nói Niết Bàn là tối thượng.
Kẻ có sự hãm hại người khác đương nhiên không phải là bậc xuất gia,
kẻ ức hiếp người khác không phải là Sa-môn.
[185] 7. Không phỉ báng, không giết hại, sự thu thúc theo giới bổn Pātimokkha, sự biết đủ về vật thực, chỗ nằm ngồi thanh vắng, và sự gắn bó vào tăng thượng tâm, điều này là lời giáo huấn của chư Phật.
[186] 8. Không phải do trận mưa tiền vàng mà sự thỏa mãn ở các dục được tìm thấy. Bậc sáng suốt đã biết rằng: ‘Các dục là khổ đau, có ít khoái lạc.’
[187] 9. Vị ấy không tầm cầu sự thích thú ở các dục, dầu là của cõi Trời. Người đệ tử của đấng Chánh Đẳng Giác thích thú sự diệt trừ tham ái.
[188] 10. Bị đe dọa bởi nỗi sợ hãi, loài người đi đến nhiều nơi nương nhờ: những ngọn núi, những khu rừng, những ngôi chùa, những cội cây, và những bảo tháp.
[189] 11. Nơi nương nhờ ấy quả thật là không an toàn, nơi nương nhờ ấy là không tối thượng, Sau khi đi đến nơi nương nhờ ấy không được thoát khỏi mọi khổ đau.
[190] 12. Người nào đi đến nương nhờ đức Phật, Giáo Pháp, và Tăng Chúng, (người ấy) thấy được bốn Chân Lý cao thượng bằng trí tuệ chân chánh.
[191] 13. (Người ấy) thấy được Khổ, sự sanh lên của Khổ, sự vượt qua khỏi Khổ, và Thánh Đạo tám chi phần đưa đến sự yên lặng của Khổ.
[192] 14. Nơi nương nhờ ấy quả nhiên là an toàn, nơi nương nhờ ấy là tối thượng. Sau khi đi đến nơi nương nhờ ấy được thoát khỏi mọi khổ đau.
[193] 15. Người ưu việt là điều khó đạt được, vị ấy không được sanh ra ở mọi nơi. Nơi nào bậc sáng trí ấy sanh ra, gia tộc ấy thành đạt hạnh phúc.
[194] 16. Sự hiện khởi của chư Phật là an vui. Việc thuyết giảng Chánh Pháp là an vui. Sự hợp nhất của Tăng Chúng là an vui. Sự khắc khổ của các vị hợp nhất là an vui.
[195] 17. Đối với người đang cúng dường đến các đối tượng xứng đáng sự cúng dường như là chư Phật hoặc là các vị Thinh Văn đang vượt qua chướng ngại, hoặc đã vượt qua sầu muộn và than vãn, ...
[196] 18. ... đối với người đang cúng dường đến các vị đã đạt Niết Bàn không còn hãi sợ như thế ấy, không thể nào ước định phước báu (của người ấy) là thế này (hay thế kia), bởi bất cứ ai (hoặc bằng bất cứ cách thức gì).
Phẩm Đức Phật là thứ mười bốn.
Tụng Phẩm thứ nhất.
[197] 1. Thật vậy, chúng ta sống vô cùng an lạc, không thù hận giữa những người thù hận. Giữa những người thù hận, chúng ta hãy sống không thù hận.
[198] 2. Thật vậy, chúng ta sống vô cùng an lạc, không bệnh[3] giữa những người bệnh. Giữa những người bệnh, chúng ta hãy sống không bệnh.
[199] 3. Thật vậy, chúng ta sống vô cùng an lạc, không khao khát giữa những người khao khát. Giữa những người khao khát, chúng ta hãy sống không khao khát.
[200] 4. Thật vậy, chúng ta sống vô cùng an lạc, không có vật gì thuộc về chúng ta. Chúng ta sẽ là những người có sự nuôi dưỡng bằng pháp hỷ, giống như chư Thiên ở cõi Quang Âm.
[201] 5. Chiến thắng làm nảy sanh thù hận. Kẻ bị chiến bại ngủ một cách khổ sở. Người an tịnh, ngủ một cách an lạc, sau khi đã từ bỏ thắng và bại.
[202] 6. Không có lửa nào sánh bằng tham, không có tội nào sánh bằng sân, không có khổ nào sánh bằng các uẩn, không có lạc nào vượt trội Niết Bàn.
[203] 7. Đói là bệnh tối thượng, các hành là khổ tối thượng. Sau khi biết được điều ấy đúng theo bản thể, Niết Bàn là an lạc tối thượng.
[204] 8. Không bệnh là lợi ích tối thượng, tự biết đủ là tài sản tối thượng, sự tự tin là thân quyến tối thượng, Niết Bàn là an lạc tối thượng.
[205] 9. Sau khi đã uống hương vị của sự ẩn cư và hương vị của sự an tịnh, người uống hương vị hoan hỷ của Giáo Pháp trở nên không còn buồn bực, không còn ác xấu.
[206] 10. Việc nhìn thấy các bậc Thánh là tốt lành, việc sống chung (với các bậc Thánh) thì luôn luôn an lạc, do việc không gặp gỡ những kẻ ngu, có thể có được sự an lạc thường xuyên.
[207] 11. Người có sự sinh hoạt gần gũi với kẻ ngu sầu muộn thời gian lâu dài. Sự cộng trú với những kẻ ngu là khổ sở, ví như sống với kẻ thù vào mọi lúc. Còn sự sống chung với người sáng trí là an lạc, như là sự gặp gỡ với những người thân.
[208] 12. Chính vì thế, các ngươi nên giao thiệp với người ấy, vị như thế ấy, bậc chân nhân, khôn ngoan, sáng trí, có trí tuệ, nghe nhiều, giới được kiên trì, đầy đủ phận sự, thánh thiện, ví như mặt trăng liên kết với hành trình của các ngôi sao.
Phẩm An Lạc là thứ mười lăm.
[209] 1. Trong khi gắn bó bản thân vào việc không đáng gắn bó và không gắn bó bản thân vào việc đáng gắn bó, kẻ có sự nắm bắt những điều yêu thích, sau khi từ bỏ mục đích, ganh tị với vị có sự gắn bó bản thân (vào việc tu tập).
[210] 2. Chớ nên tiếp cận với những gì yêu thích và những gì không yêu thích vào bất cứ lúc nào. Không nhìn thấy những gì yêu thích và nhìn thấy những gì không yêu thích là khổ đau.
[211] 3. Vì thế, chớ tạo ra đối tượng yêu thích, bởi vì sự xa lìa những gì yêu thích là điều xấu. Những vị nào không có đối tượng yêu thích và đối tượng không yêu thích, sự ràng buộc không hiện hữu đối với những vị ấy.
[212] 4. Do yêu thích sầu muộn được sanh ra, do yêu thích lo sợ được sanh ra. Đối với người đã thoát ra khỏi sự yêu thích, sầu muộn không có, lo sợ từ đâu có?
[213] 5. Do mến thương sầu muộn được sanh ra, do mến thương lo sợ được sanh ra. Đối với người đã thoát ra khỏi sự mến thương, sầu muộn không có, lo sợ từ đâu có?
[214] 6. Do luyến ái sầu muộn được sanh ra, do luyến ái lo sợ được sanh ra. Đối với người đã thoát ra khỏi sự luyến ái, sầu muộn không có, lo sợ từ đâu có?
[215] 7. Do ham muốn sầu muộn được sanh ra, do ham muốn lo sợ được sanh ra. Đối với người đã thoát ra khỏi sự ham muốn, sầu muộn không có, lo sợ từ đâu có?
[216] 8. Do tham ái sầu muộn được sanh ra, do tham ái lo sợ được sanh ra. Đối với người đã thoát ra khỏi sự tham ái, sầu muộn không có, lo sợ từ đâu có?
[217] 9. (Vị nào) được đầy đủ về giới hạnh và sự nhận thức, đã đứng vững ở Thánh Pháp, có sự hiểu biết về Chân Lý, đang thực hành công việc của mình, dân chúng thể hiện sự yêu mến đối với vị ấy.
[218] 10. Vị đã khởi lên mong muốn về pháp không định nghĩa được (Niết Bàn), nếu được thấm nhuần bởi ý, và có tâm không bị trói buộc ở các dục, được gọi là ‘Bậc Thượng Lưu.’
[219] 11. Khi người có cuộc sống ly hương lâu dài đã trở về an toàn từ phương xa, thân quyến bạn bè và người quen vui mừng người đã trở về.
[220] 12. Tương tợ y như thế, khi người đã làm việc phước thiện từ thế giới này đi đến thế giới khác, các phước báu tiếp đón (người ấy), ví như các quyến thuộc tiếp đón người thân yêu đã trở về.
Phẩm Yêu Thích là thứ mười sáu.
[221] 1. Nên từ bỏ sự giận dữ, nên dứt bỏ hẳn sự ngã mạn,
nên vượt qua tất cả ràng buộc.
Trong khi vị ấy không bám víu vào danh và sắc,
các khổ đau không xảy đến cho vị không có vật gì.
[222] 2. Quả vậy, người nào có thể kiềm chế sự giận dữ đã sanh lên, ví như cỗ xe bị chao đảo, Ta gọi người ấy là ‘xa phu,’ người khác là kẻ vịn dây cương.
[223] 3. Nên chinh phục người giận dữ bằng sự không giận dữ, nên chinh phục người xấu bằng điều tốt, nên chinh phục người bỏn xẻn bằng sự bố thí, (nên chinh phục) người có lời nói sai trái bằng sự chân thật.
[224] 4. Nên nói sự thật, không nên giận dữ. Khi được yêu cầu, nên bố thí dầu chỉ có chút ít. Với ba yếu tố này, có thể đi đến nơi hiện diện của chư Thiên.
[225] 5. Các bậc hiền trí nào là những người không hãm hại, thường xuyên thu thúc về thân, các vị ấy đi đến vị thế Bất Tử, là nơi không sầu muộn sau khi đi đến.
[226] 6. Đối với những người luôn luôn tỉnh giác, có sự tu tập ngày đêm, đã hướng tâm đến Niết Bàn, các lậu hoặc (của các vị ấy) đi đến tiêu diệt.
[227] 7. Này A-tu-la, chuyện này là cổ xưa, chuyện này không chỉ là ngày nay, họ chê trách người ngồi im lặng, họ chê trách người nói nhiều, và họ cũng chê trách người nói vừa phải; ở trên đời không có người không bị chê trách.
[228] 8. Đã không có (ở quá khứ), sẽ không có (ở vị lai), và không tìm thấy ở hiện tại người chỉ thuần bị chê trách hoặc chỉ thuần được ngợi khen.
[229] 9. Sau khi xem xét ngày ngày, các bậc tri thức ngợi khen người có hành vi không lỗi lầm, thông minh, được thành tựu trí tuệ và giới hạnh.
[230] 10. Tựa như đồng tiền bằng vàng ròng, ai xứng đáng để chê trách vị ấy? Chư Thiên cũng khen ngợi vị ấy. Vị ấy còn được khen ngợi bởi đấng Phạm Thiên.
[231] 11. Nên canh phòng sự giận dữ (bột phát) ở thân, nên là người đã được thu thúc về thân. Sau khi từ bỏ uế hạnh do thân, nên thực hành thiện hạnh do thân.
[232] 12. Nên canh phòng sự giận dữ của khẩu, nên là người đã được thu thúc về khẩu. Sau khi từ bỏ uế hạnh do khẩu, nên thực hành thiện hạnh do khẩu.
[233] 13. Nên canh phòng sự giận dữ của ý, nên là người đã được thu thúc về ý. Sau khi từ bỏ uế hạnh do ý, nên thực hành thiện hạnh do ý.
[234] 14. Các bậc sáng trí đã được thu thúc về thân, rồi đã được thu thúc về khẩu. Các bậc sáng trí đã được thu thúc về ý. Đúng vậy, các vị ấy đã khéo thu thúc toàn diện.
Phẩm Giận Dữ là thứ mười bảy.
[235] 1. Ngươi giờ đây ví như là chiếc lá úa vàng, và sứ giả của Thần Chết cũng đã đứng gần ngươi. Ngươi (đang) đứng ở ngưỡng cửa của sự tiêu vong, và lương thực đi đường của ngươi cũng không có.
[236] 2. Ngươi đây hãy tạo lập hòn đảo cho bản thân, hãy mau mau nỗ lực, hãy trở nên sáng suốt. Với vết nhơ đã được giũ bỏ, không còn nhơ nhớp, ngươi sẽ đi đến địa phận thuộc cõi trời của các bậc Thánh nhân.
[237] 3. Và giờ đây người có sự diệt vong đã đến gần, ngươi đã tự đi đến gần Thần Chết. Không có chỗ trú ngụ cho ngươi ở khoảng giữa, và lương thực đi đường của ngươi cũng không có.
[238] 4. Ngươi đây hãy tạo lập hòn đảo cho bản thân, hãy mau mau nỗ lực, hãy trở nên sáng suốt. Với vết nhơ đã được giũ bỏ, không còn nhơ nhuốc, ngươi sẽ không đi đến sự sanh và sự già lại nữa.
[239] 5. Ví như thợ rèn giũ bỏ bụi dơ của bạc, bậc thông minh nên tuần tự giũ bỏ vết nhơ của bản thân từng chút từng chút theo từng giây từng phút.
[240] 6. Ví như chất rỉ sét đã được sanh lên từ mảnh sắt, sau khi sanh lên từ mảnh sắt nó ăn mòn chính mảnh sắt ấy, tương tự như thế các việc làm của bản thân dẫn dắt kẻ có sự thọ dụng bốn món vật dụng thiếu sự quán xét[4] đi đến cảnh giới khổ đau.
[241] 7. Các chú thuật có sự không tụng đọc là vết nhơ. Các ngôi nhà có sự không cư ngụ là vết nhơ. Biếng nhác là vết nhơ của sắc đẹp. Xao lãng là vết nhơ của người đang canh gác.
[242] 8. Tà hạnh là vết nhơ của người nữ. Bỏn xẻn là vết nhơ của người đang bố thí. Thật vậy các vết nhơ là các pháp ác xấu ở đời này và đời sau.
[243] 9. Vô minh là vết nhơ tối thượng, nhơ nhuốc hơn các vết nhơ kia. Này các tỳ khưu, hãy dứt bỏ vết nhơ ấy, hãy trở thành người không có vết nhơ.
[244] 10. Sự sinh sống bởi kẻ không biết hổ thẹn, trơ tráo như loài quạ, nói xấu sau lưng, khoác lác, xấc xược, nhơ nhuốc là cách sống dễ dàng.
[245] 11. Và (sự sinh sống) bởi người có sự hổ thẹn, thường xuyên tầm cầu sự trong sạch, không cố chấp, không xấc xược, có sự nuôi mạng trong sạch, hiểu biết là cách sống khó khăn.
[246] 12. Kẻ nào giết hại sanh mạng, và nói lời dối trá, lấy vật không được cho ở thế gian, và đi đến với vợ của người khác, ...
[247] 13. ... và người nam nào đam mê việc uống rượu và chất lên men, kẻ ấy đào bới gốc rễ của chính mình ở thế gian, ngay tại nơi này.
[248] 14. Này nam nhân, như vậy ngươi hãy biết rằng các ác pháp là không kiềm chế được, chớ để tham lam và phi pháp đẩy đưa ngươi đến sự khổ đau lâu dài.
[249] 15. Quả vậy, người ta bố thí tùy theo đức tin, tùy theo sự tín thành, tại đó kẻ nào bất mãn về thức ăn nước uống của những người khác (bố thí), kẻ ấy không chứng được định vào ban ngày hoặc ban đêm.
[250] 16. Tuy nhiên, đối với vị nào có điều này đã được cắt đứt, gốc rễ đã được tiêu diệt, đã được bứng lên, vị ấy quả nhiên chứng được định vào ban ngày hoặc ban đêm.
[251] 17. Không có lửa nào sánh bằng tham, không có sự kìm kẹp nào sánh bằng sân, không có màng lưới nào sánh bằng si, không có dòng sông nào sánh bằng tham ái.
[252] 18. Lỗi của những người khác dễ thấy, trái lại của mình khó thấy. Kẻ ấy sàng lọc các lỗi của chính những người khác như là sàng lọc hạt lúa (lẫn trong gạo), trái lại che giấu (lỗi) của mình như là kẻ bẫy chim che giấu thân hình.
[253] 19. Đối với kẻ tìm tòi lỗi của người khác, thường xuyên có ý tưởng phê phán, các lậu hoặc của kẻ ấy tăng trưởng, kẻ ấy cách xa sự diệt trừ các lậu hoặc.
[254] 20. Không có vết chân (lưu lại) ở không trung, không có Sa-môn ở bên ngoài (Giáo Pháp), người đời thích thú các pháp chướng ngại, các đức Như Lai không còn các pháp chướng ngại.
[255] 21. Không có vết chân (lưu lại) ở không trung, không có Sa-môn ở bên ngoài (Giáo Pháp), các hành trường tồn là không có, chư Phật không có sự dao động.
Phẩm Vết Nhơ là thứ mười tám.
[256] 1. Kẻ phân xử sự việc theo lối áp đặt, như thế không có công minh. Còn bậc sáng suốt là người có thể xác định cả hai: sự việc đúng và không đúng.
[257] 2. Người phân xử những kẻ khác không theo lối áp đặt, đúng pháp, công bằng, được bảo vệ bởi pháp, thông minh, được gọi là ‘công minh.’
[258] 3. Dầu cho nói nhiều, không vì thế trở thành sáng suốt. Người có sự điềm tĩnh, không thù hận, không lo sợ, được gọi là ‘sáng suốt.’
[259] 4. Dầu cho nói nhiều, không vì thế là người nắm giữ Giáo Pháp. Nhưng vị nào dầu chỉ nghe chút ít mà nhìn thấy Giáo Pháp bằng thân, thật vậy vị ấy là người nắm giữ Giáo Pháp, là người không xao lãng Giáo Pháp.
[260] 5. Mặc dầu đầu của vị ấy bạc tóc, không vì thế trở thành trưởng lão. Vị có tuổi thọ đã được chín muồi ấy được gọi là ‘già vô vị.’
[261] 6. Sự chân thật, sự đúng đắn, việc không hãm hại, việc chế ngự, việc rèn luyện có ở vị nào, vị ấy quả thật là bậc sáng trí, có ô nhiễm đã được tẩy trừ, được gọi là ‘trưởng lão.’
[262] 7. Không phải chỉ do việc nói năng hay trạng thái xinh đẹp của dáng vóc mà người trở thành mẫu mực (trong khi) là người có sự ganh tỵ, bỏn xẻn, xảo trá.
[263] 8. Tuy nhiên, đối với vị nào điều ấy đã được cắt đứt, gốc rễ đã được tiêu diệt, đã được bứng lên, vị ấy, có tật xấu đã được tẩy trừ, thông minh, được gọi là ‘mẫu mực.’
[264] 9. Không phải do đầu cạo trọc mà trở thành Sa-môn nếu là kẻ không có sự hành trì, kẻ nói lời giả dối. Làm sao kẻ có sự ham muốn và tham lam sẽ trở thành Sa-môn được?
[265] 10. Còn người nào lắng dịu các điều ác lớn nhỏ về mọi mặt, chính do trạng thái đã lắng dịu đối với các điều ác mà được gọi là ‘Sa-môn.’
[266] 11. Cho dầu đi khất thực nơi những kẻ khác, không vì thế trở thành tỳ khưu. Người chấp nhận pháp thế tục, do vậy mà không trở thành tỳ khưu.
[267] 12. Ở đây, người nào đã lìa khỏi việc phước thiện và điều ác xấu, có thực hành Phạm hạnh, sống ở đời với sự hiểu biết, thật vậy người ấy được gọi là ‘tỳ khưu.’
[268] 13. Kẻ có dáng vẻ khờ khạo, ngu dốt, dầu với trạng thái im lặng cũng không trở thành bậc hiền trí. Nhưng người nào, tựa như người nắm lấy cái cân, chọn lấy điều cao quý là người sáng suốt.
[269] 14. Người lánh xa hẳn các điều ác, người ấy là bậc hiền trí, do việc ấy người ấy trở thành bậc hiền trí. Người nào hiểu rõ cả hai thế giới (nội tâm và ngoại cảnh), do việc ấy được gọi là hiền trí.
[270] 15. Kẻ hãm hại các sinh mạng, vì thế không phải là thánh thiện. Do việc không hãm hại tất cả các sinh mạng, được gọi là ‘thánh thiện.’
[271] 16. Không phải chỉ do giới hạnh và việc hành trì, hay do sự học nhiều, hoặc do việc đạt được thiền định, hay do sự nằm ngủ đơn độc, ...
[272] 17. ... (mà nghĩ rằng): ‘Ta chạm đến sự an lạc của xuất ly mà những kẻ phàm phu không được hưởng,’ vị tỳ khưu không thể đạt đến sự tự tin khi chưa đạt được sự diệt trừ các lậu hoặc.
Phẩm Công Minh là thứ mười chín.
[273] 1. Trong số các đạo lộ, (đạo lộ) Tám Chi Phần là tối cao. Trong số các chân lý, bốn Lời Nói (là tối cao). Trong số các pháp, không luyến ái là tối cao. Và trong số các loài hai chân, bậc Hữu Nhãn (đức Như Lai là tối cao).
[274] 2. Chính cái này là đạo lộ, không có cái (đạo lộ) khác, đưa đến sự thanh tịnh của nhận thức. Vì thế, các ngươi hãy thực hành đạo lộ này, đạo lộ này là sự mê mờ đối với Ma Vương.
[275] 3. Bởi vì khi đã thực hành đạo lộ này, các ngươi sẽ làm chấm dứt khổ đau. Đạo lộ quả thật đã được thuyết giảng bởi Ta, sau khi biết được cách nhổ bỏ mũi tên.
[276] 4. Các ngươi phải thể hiện sự nhiệt tâm, các đấng Như Lai (chỉ) là bậc thuyết giảng. Những người đã thực hành (đạo lộ), chứng thiền, sẽ thoát khỏi sự trói buộc của Ma Vương.
[277] 5. Khi nhận thức bằng trí tuệ rằng: ‘Tất cả các pháp hữu vi là vô thường’ thì nhàm chán khổ đau, đây là con đường đưa đến sự thanh tịnh.
[278] 6. Khi nhận thức bằng trí tuệ rằng: ‘Tất cả các pháp hữu vi là khổ đau’ thì nhàm chán khổ đau, đây là con đường đưa đến sự thanh tịnh.
[279] 7. Khi nhận thức bằng trí tuệ rằng: ‘Tất cả các pháp là vô ngã’ thì nhàm chán khổ đau, đây là con đường đưa đến sự thanh tịnh.
[280] 8. Trong khi không nỗ lực vào thời điểm cần nỗ lực,
người trẻ tuổi, có sức mạnh, buông xuôi theo sự lười biếng,
với suy tư và tâm ý bị trì trệ, biếng nhác,
kẻ lười biếng không tìm thấy đạo lộ bằng trí tuệ.
[281] 9. Người có sự gìn giữ lời nói, đã khéo thu thúc về tâm,
không nên làm việc bất thiện bằng thân,
nên làm trong sạch ba đường lối tạo nghiệp này,
nên thành đạt đạo lộ đã được tuyên thuyết bởi các bậc Ẩn Sĩ.
[282] 10. Đúng vậy, do sự tu luyện (về thiền) trí tuệ được phát sanh, do sự không tu luyện (về thiền) có sự tiêu hoại của trí tuệ. Sau khi biết được con đường hai lối này đưa đến hiện hữu và đưa đến không hiện hữu, nên rèn luyện bản thân sao cho trí tuệ tăng trưởng.
[283] 11. Các ngươi hãy đốn rừng (ô nhiễm), chớ đốn cây cối. Sợ hãi được sanh ra từ rừng (ô nhiễm). Này các tỳ khưu, sau khi đốn rừng và lùm bụi (ô nhiễm), hãy trở thành những người không còn rừng (ô nhiễm).
[284] 12. Cho đến khi nào dục vọng của người nam đối với các người nữ, dầu là nhỏ nhoi, còn chưa được chặt đứt, cho đến khi ấy người nam ấy vẫn còn có tâm bị trói buộc, ví như con bê bú sữa ở bò mẹ.
[285] 13. Hãy cắt đứt lòng yêu thương đối với bản thân, ví như dùng bàn tay (ngắt đi) hoa súng trắng của mùa thu. Hãy phát triển chính Đạo Lộ Thanh Tịnh, Niết Bàn, đã được thuyết giảng bởi đấng Thiện Thệ.
[286] 14. ‘Ta sẽ sống ở đây vào mùa mưa, ở đây vào mùa lạnh và mùa nóng,’ kẻ ngu suy nghĩ như thế, không giác ngộ được nỗi nguy hiểm.
[287] 15. Thần chết nắm lấy và mang đi người nam ấy, kẻ đã bị say đắm đối với con cái và gia súc ấy, có tâm ý bị quyến luyến, ví như cơn lũ lớn chộp lấy và cuốn đi ngôi làng đã ngủ say.
[288] 16. Không phải những người con đem lại sự bảo vệ, không phải người cha, cũng không phải các quyến thuộc. Đối với người đã bị chế ngự bởi cái chết, không có sự bảo vệ ở các thân quyến.
[289] 17. Sau khi biết được tác động của việc này, bậc sáng suốt, đã thu thúc ở giới, nên làm trong sạch đạo lộ đưa đến Niết Bàn thật nhanh chóng.
Phẩm Đạo Lộ là thứ hai mươi.
[290] 1. Nếu do việc dứt bỏ hạnh phúc nhỏ nhoi có thể nhìn thấy hạnh phúc lớn lao, người sáng trí nên từ bỏ hạnh phúc nhỏ nhoi trong khi nhận thức được hạnh phúc lớn lao.
[291] 2. Kẻ mong muốn hạnh phúc cho bản thân bằng việc gây ra khổ đau cho người khác, kẻ ấy, bị vướng mắc trong sự ràng buộc của hận thù, không thoát ra khỏi hận thù.
[292] 3. Bởi vì việc cần làm thì bị bỏ qua, trái lại việc không cần làm lại được làm, các lậu hoặc của những kẻ cao ngạo, bị xao lãng ấy tăng trưởng.
[293] 4. Còn đối với những vị nào khéo nỗ lực, thường xuyên có niệm hướng đến thân, các vị ấy không phụng sự việc không cần làm, có sự thực hiện đều đặn các việc cần làm. Đối với những vị có niệm, có sự nhận biết rõ, các lậu hoặc đi đến tiêu diệt.
[294] 5. Sau khi giết mẹ và cha, và hai vị vua dòng Sát-đế-lỵ, sau khi tiêu diệt vương quốc cùng quan lại tùy tùng, vị Bà-la-môn ra đi không phiền muộn.
[295] 6. Sau khi giết mẹ và cha, và hai vị vua dòng Bà-la-môn, sau khi tiêu diệt con cọp là thứ năm, vị Bà-la-môn ra đi không phiền muộn.
[296] 7. Các đệ tử của đức Gotama luôn luôn tỉnh thức một cách tỉnh thức tốt đẹp, niệm của các vị này ngày và đêm thường xuyên hướng đến đức Phật.
[297] 8. Các đệ tử của đức Gotama luôn luôn tỉnh thức một cách tỉnh thức tốt đẹp, niệm của các vị này ngày và đêm thường xuyên hướng đến Giáo Pháp.
[298] 9. Các đệ tử của đức Gotama luôn luôn tỉnh thức một cách tỉnh thức tốt đẹp, niệm của các vị này ngày và đêm thường xuyên hướng đến Tăng Chúng.
[299] 10. Các đệ tử của đức Gotama luôn luôn tỉnh thức một cách tỉnh thức tốt đẹp, niệm của các vị này ngày và đêm thường xuyên hướng đến thân.
[300] 11. Các đệ tử của đức Gotama luôn luôn tỉnh thức một cách tỉnh thức tốt đẹp, tâm của các vị này ngày và đêm thường xuyên vui thích về việc không hãm hại.
[301] 12. Các đệ tử của đức Gotama luôn luôn tỉnh thức một cách tỉnh thức tốt đẹp, tâm của các vị này ngày và đêm thường xuyên vui thích về việc tu tập (tham thiền).
[302] 13. Việc xuất gia là khó, sự thích thú là khó, cuộc đời tại gia có việc cư ngụ khó khăn là khổ, sống chung với kẻ không tương đồng là khổ, kẻ lữ hành (ở luân hồi) bị rơi vào khổ đau; do đó không nên là kẻ lữ hành (ở luân hồi), không nên bị rơi vào khổ đau.
[303] 14. Người có đức tin, đầy đủ về giới, đạt được danh vọng và của cải, giao thiệp bất cứ địa phương nào đều được tôn vinh tại chính mỗi một nơi ấy.
[304] 15. Những người tốt tỏa sáng ở nơi xa, ví như núi Hi-mã-lạp. Những kẻ xấu ở đây (vẫn) không được nhìn thấy, giống như những mũi tên được bắn ra vào ban đêm.
[305] 16. Ngồi một mình, nằm một mình, đi một mình, không lười biếng, một mình, trong khi thuần hóa bản thân, nên thích thú ở cuối khu rừng.
Phẩm Linh Tinh là thứ hai mươi mốt.
[306] 1. Kẻ có lời nói không thật đi đến địa ngục, hoặc thậm chí người nào, sau khi làm, đã nói là: ‘Tôi không làm;’ cả hai hạng người có nghiệp hạ liệt ấy, sau khi chết, là giống như nhau ở cảnh giới khác.
[307] 2. Có nhiều kẻ, cổ quấn y casa, (hành) theo pháp ác, không tự chế ngự, những kẻ xấu xa ấy, do các nghiệp ác, bị sanh vào địa ngục.
[308] 3. Hòn sắt, bị cháy rực tựa như ngọn lửa được ăn vào là tốt hơn so với kẻ có giới tồi, không tự chế ngự, ăn đồ ăn khất thực của xứ sở.
[309] 4. Nam nhân phóng dật quyến rũ vợ người khác gánh chịu bốn trường hợp: nhận lãnh điều vô phước, ngủ không thoải mái, sự chê trách là thứ ba, địa ngục là thứ tư.
[310] 5. Sự nhận lãnh điều vô phước và cảnh giới tái sanh xấu xa,
sự vui thích của người nam bị hoảng sợ với người nữ bị hoảng sợ là ít ỏi,
và đức vua áp dụng hành phạt nặng nề;
vì thế nam nhân không nên ve vãn vợ người khác.
[311] 6. Giống như cọng cỏ kusa được nắm vụng về cắt đứt bàn tay (cầm nó). Cũng vậy, đời Sa-môn được duy trì cẩu thả kéo lôi (kẻ ấy) vào địa ngục.
[312] 7. Bất cứ hành động nào bị chểnh mảng, bất cứ hành trì nào bị nhiễm ô, (bất cứ) phạm hạnh (nào) bị ngờ vực, (các) việc ấy là không có quả báu lớn.
[313] 8. Nếu cần phải làm (điều gì) thì nên làm điều ấy, nên ra sức cho việc ấy một cách bền bỉ, bởi vì vị xuất gia bị chểnh mảng làm khuấy động bụi bẩn còn nhiều hơn.
[314] 9. Ác hạnh không làm thì tốt hơn, ác hạnh gây bực bội về sau này; còn thiện hạnh được làm thì tốt hơn, sau khi làm điều ấy không tiếc nuối.
[315] 10. Giống như thành trì có vùng ven được canh phòng trong ngoài, ngươi hãy gìn giữ bản thân như vậy. Chớ để thời khắc trôi qua đối với ngươi, bởi vì những kẻ để thời khắc trôi qua than vãn khi bị đọa vào địa ngục.
[316] 11. Xấu hổ về điều không đáng xấu hổ, không xấu hổ về điều đáng xấu hổ, các chúng sanh có sự nắm giữ tà kiến đi đến khổ cảnh.
[317] 12. Thấy sợ hãi về điều không đáng sợ hãi, và thấy không sợ hãi về điều đáng sợ hãi, các chúng sanh có sự nắm giữ tà kiến đi đến khổ cảnh.
[318] 13. Nghĩ là tội lỗi về điều không tội lỗi, và thấy không tội lỗi về điều tội lỗi, các chúng sanh có sự nắm giữ tà kiến đi đến khổ cảnh.
[319] 14. Sau khi biết rằng tội lỗi là tội lỗi, và không tội lỗi là không tội lỗi, các chúng sanh có sự nắm giữ chánh kiến đi đến nhàn cảnh.
Phẩm Địa Ngục là thứ hai mươi hai.
[320] 1. Ví như con voi ở chiến trường chịu đựng mũi tên bắn ra từ cây cung, Ta sẽ chịu đựng lời mắng nhiếc bởi vì kẻ ác giới là số đông.
[321] 2. Người ta đưa (voi) đã được rèn luyện đến nơi tụ hội. Đức vua cỡi lên (voi) đã được rèn luyện. Người đã được rèn luyện chịu đựng lời mắng nhiếc là hạng nhất giữa đám người.
[322] 3. Cao quý thay những con lừa đã được thuần hóa, những con ngựa Sindhu thuần chủng, và những con voi thuộc loài khổng tượng, người đã tự rèn luyện bản thân là cao quý hơn cả.
[323] 4. Bởi vì chẳng phải nhờ vào những cỗ xe ấy mà có thể đi đến nơi chưa đi đến (Niết Bàn), như là nhờ vào bản thân đã khéo được rèn luyện. Do nhờ đã được rèn luyện mà người đã được rèn luyện đi đến (Niết Bàn).
[324] 5. Con voi tên Dhanapālaka có cơn phát dục khó kiềm chế. Bị trói buộc, nó không ăn miếng nào, con voi tưởng nhớ đến khu rừng của loài voi.
[325] 6. Lúc biếng nhác và ăn nhiều, mê ngủ, nằm trăn trở, ví như con heo bự được nuôi bằng cám thừa, kẻ ngu sanh vào bào thai lượt này đến lượt khác.
[326] 7. Trước kia tâm này đã suy nghĩ vẩn vơ
đến nơi nào theo ước muốn, theo như ý thích, thuận theo khoái lạc,
hôm nay ta sẽ khuất phục nó đúng theo đường lối,
ví như viên quản tượng khống chế sự phá quấy của con voi.
[327] 8. Các ngươi hãy thỏa thích việc không xao lãng, hãy phòng hộ tâm của mình, hãy nâng bản thân vượt khỏi chốn hiểm nghèo, ví như con voi bị sa vào vũng bùn (cố gắng đem thân ra khỏi bãi lầy).
[328] 9. Nếu có thể đạt được người bạn khôn ngoan,
làm người đồng hành, có cách cư xử tốt đẹp, sáng trí,
sau khi vượt qua mọi hiểm nạn
nên đi với người ấy, hoan hỷ, có niệm.
[329] 10. Nếu không thể đạt được người bạn khôn ngoan,
làm người đồng hành, có cách cư xử tốt đẹp, sáng trí,
ví như vị vua đã từ bỏ vương quốc thâu phục được,
nên sống một mình như là voi Mātaṅga ở trong rừng.
[330] 11. Sống một mình là tốt hơn,
không có tình bằng hữu ở kẻ ngu.
Nên sống một mình và không nên làm các điều ác,
ít ham muốn như là voi Mātaṅga ở trong rừng.
[331] 12. Khi có nhu cầu sanh khởi, bạn bè là hạnh phúc,
hoan hỷ với bất cứ vật nào (có được) là hạnh phúc,
vào lúc chấm dứt mạng sống, phước báu là hạnh phúc,
từ bỏ mọi khổ đau là hạnh phúc.
[332] 13. Ở đời, phụng dưỡng mẹ là hạnh phúc, phụng dưỡng cha là hạnh phúc. Ở đời, phục vụ Sa-môn là hạnh phúc, phục vụ Bà-la-môn là hạnh phúc.
[333] 14. Giới hạnh cho đến già là hạnh phúc. Niềm tin được thiết lập là hạnh phúc. Thành tựu trí tuệ là hạnh phúc. Không làm các điều ác là hạnh phúc.
Phẩm Voi là thứ hai mươi ba.
[334] 1. Tham ái của kẻ sống xao lãng tăng trưởng giống như dây leo. Kẻ ấy lao từ kiếp sống này sang kiếp sống khác, ví như loài khỉ đang mong muốn trái cây trong rừng (chuyền từ cành cây này sang cành cây khác).
[335] 2. Tham ái thấp hèn, sự vướng mắc vào thế gian, chế ngự kẻ nào, các sầu muộn của kẻ ấy tăng trưởng, ví như cỏ bīraṇa được trời mưa.
[336] 3. Nếu ai chế ngự được tham ái thấp hèn ấy, điều khó dứt bỏ ở thế gian, các sầu muộn rời khỏi người ấy, ví như giọt nước lìa khỏi (lá) sen.
[337] 4. Ta nói với các con điều này: -Mong sao điều tốt đẹp sẽ đến với hết thảy các con đã tụ hội tại đây. Các con hãy đào xới gốc rễ của tham ái, ví, như người có sự cần dùng rễ ngọt usīra (đào xới) cỏ bīraṇa. Chớ để Ma Vương đốn ngã các con đợt này đến đợt khác, ví như dòng nước bẻ gãy cây cỏ sậy.
[338] 5. Giống như khi bộ rễ vẫn chưa bị tổn hại và còn vững chắc,
cội cây, mặc dầu đã bị đốn ngã, cũng vẫn đâm chồi trở lại,
cũng như vậy, khi sự tiềm ẩn của tham ái chưa bị tận diệt,
khổ đau này còn sanh lên đợt này này đến đợt khác.
[339] 6. Người nào có ba mươi sáu dòng chảy[5] hướng đến sự hài lòng thích ý là mạnh mẽ, thì các suy tầm chiều theo luyến ái là luồng chuyển vận cuốn trôi kẻ có quan điểm sái quấy (ấy).
[340] 7. Các dòng chảy trôi đi khắp mọi nơi, loại dây leo tồn tại sau khi đâm chồi. Và sau khi nhìn thấy loại dây leo ấy sanh ra, các ngươi hãy chặt đứt gốc rễ bằng trí tuệ.
[341] 8. Các nỗi niềm yêu thương được tuôn trào và các tâm khoan khoái hiện hữu ở chúng sanh. Những kẻ ấy chiều theo lạc thú, tầm cầu sung sướng, thật vậy những kẻ ấy đi đến sanh và già.
[342] 9. Bị vây hãm bởi tham ái chúng sanh di chuyển loanh quanh, ví như con thỏ bị trói buộc bò vòng quanh. Bị dính mắc bởi các sự trói buộc và quyến luyến, chúng đi đến khổ đau lượt này đến lượt khác trong thời gian lâu dài.
[343] 10. Bị vây hãm bởi tham ái chúng sanh di chuyển loanh quanh, ví như con thỏ bị trói buộc bò vòng quanh. Vì thế, vị tỳ khưu có sự mong muốn xa lìa luyến ái cho bản thân nên tiêu diệt tham ái.
[344] 11. Hãy đến nhìn xem cá nhân kẻ đứng bên ngoài rừng lại bị ám ảnh bởi rừng, đã được thoát ra khỏi rừng lại chạy vào trong rừng, đã được tự do lại chạy đến với sự giam cầm.
[345] 12. Các bậc sáng trí đã nói rằng sự trói buộc làm bằng sắt, bằng gỗ, và bằng dây gai là không chắc chắn. Sự mong muốn, bị luyến ái dính mắc ở các bông tai gắn ngọc ma-ni, ở những người con, và ở những người vợ, ...
[346] 13. ... các bậc sáng trí đã nói rằng sự trói buộc này là chắc chắn,
có sự trì xuống, dẻo dai, khó tháo gỡ.
Sau khi cắt đứt luôn cả sự trói buộc này, các vị xuất gia,
không có mong cầu, sau khi đã dứt bỏ khoái lạc của các dục.
[347] 14. Những người nào, bị luyến ái dục tình, rơi theo dòng chảy,
được tạo ra bởi bản thân, ví như con nhện rơi vào cái lưới do nó tạo ra.
Sau khi cắt đứt luôn cả điều này, các vị ra đi,
không có mong cầu, sau khi đã dứt bỏ tất cả khổ đau.
[348] 15. Hãy buông phía trước (quá khứ), hãy buông phía sau (vị lai), hãy buông phần giữa (hiện tại), sau khi đã đi đến bờ kia của hiện hữu, có tâm đã được giải thoát về mọi phương diện, ngươi sẽ không đi đến sanh và già nữa.
[349] 16. Tham ái gia tăng nhiều hơn nữa đối với kẻ bị suy tư khuấy động, có luyến ái mãnh liệt, thường xem xét về cái đẹp; kẻ ấy quả nhiên làm cho sự trói buộc trở nên bền chắc.
[350] 17. Còn người nào thích thú ở sự tịnh lặng của suy tư, tu tập về bất tịnh (đề mục tử thi), luôn luôn có niệm, người ấy quả nhiên sẽ làm chấm dứt (ái dục), người ấy sẽ cắt đứt sự trói buộc của Ma Vương.
[351] 18. Người đã đạt đến sự hoàn thành, không sợ hãi, tham ái đã lìa, không vết nhơ, đã cắt đứt những mũi tên của hiện hữu; thân này là cuối cùng.
[352] 19. Người có tham ái đã lìa, không nắm giữ, thông thạo về từ ngữ, biết sự kết hợp của các mẫu tự và các thứ tự trước sau; vị ấy quả nhiên có xác thân cuối cùng, có đại trí tuệ, được gọi là ‘đại nhân.’
[353] 20. Ta là vị khuất phục tất cả, vị biết rõ tất cả,
không bị nhiễm ô trong tất cả các pháp.
Từ bỏ tất cả, được giải thoát trong sự diệt tận về tham ái,
sau khi tự mình biết rõ, Ta có thể chỉ định ai (là thầy)?
[354] 21. Bố thí pháp thắng mọi sự bố thí,
hương vị của pháp thắng mọi hương vị,
sự thích thú trong pháp thắng mọi sự thích thú,
sự diệt trừ tham ái thắng mọi khổ đau.
[355] 22. Các của cải giết hại kẻ ngu si, nhưng không (giết hại) những vị tầm cầu đến bờ kia (Niết Bàn). Do tham đắm của cải, kẻ ngu si giết hại bản thân ví như (giết hại) những người khác.
[356] 23. Những thửa ruộng có các cỏ dại là khuyết điểm. Con người này có luyến ái là khuyết điểm. Chính vì điều ấy, vật đã được bố thí ở các vị đã xa lìa luyến ái là có quả báu lớn lao.
[357] 24. Những thửa ruộng có các cỏ dại là khuyết điểm. Con người này có sân hận là khuyết điểm. Chính vì điều ấy, vật đã được bố thí ở các vị đã xa lìa sân hận là có quả báu lớn lao.
[358] 25. Những thửa ruộng có các cỏ dại là khuyết điểm. Con người này có si mê là khuyết điểm. Chính vì điều ấy, vật đã được bố thí ở các vị đã xa lìa si mê là có quả báu lớn lao.
[359] 26. Những thửa ruộng có các cỏ dại là khuyết điểm. Con người này có ước muốn là khuyết điểm. Chính vì điều ấy, vật đã được bố thí ở các vị đã xa lìa ước muốn là có quả báu lớn lao.
Phẩm Tham Ái là thứ hai mươi bốn.
[360] 1. Tốt đẹp thay sự thu thúc ở mắt! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở tai! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở mũi! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở lưỡi!
[361] 2. Tốt đẹp thay sự thu thúc ở thân! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở khẩu! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở ý! Tốt đẹp thay sự thu thúc ở tất cả các nơi (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, khẩu, ý)! Vị tỳ khưu thu thúc ở tất cả các nơi được thoát khỏi mọi khổ đau.
[362] 3. Vị đã chế ngự bàn tay, đã chế ngự bàn chân,
đã chế ngự lời nói, đã chế ngự bản thân,
được thích thú ở nội tâm, định tĩnh,
đơn độc, hài lòng, (người ta) đã gọi vị ấy là tỳ khưu.
[363] 4. Vị tỳ khưu nào đã chế ngự miệng, có lời nói khôn khéo, không cao ngạo, làm sáng tỏ ý nghĩa và Giáo Pháp; lời nói của vị ấy là ngọt ngào.
[364] 5. Có chỗ trú là Giáo Pháp, được vui thích với Giáo Pháp, suy nghĩ về Giáo Pháp, tùy niệm về Giáo Pháp, vị tỳ khưu không rời bỏ Chánh Pháp.
[365] 6. Không nên khinh chê phần thọ lãnh của mình, không nên thể hiện sự thèm muốn (phần) của những người khác, trong khi thèm muốn (phần) của những người khác, vị tỳ khưu không đạt được định.
[366] 7. Thậm chí nếu phần thọ lãnh là ít ỏi, vị tỳ khưu không nên khinh chê phần thọ lãnh của mình. Chư Thiên quả thật ca ngợi vị có sự nuôi mạng trong sạch, không lười biếng ấy.
[367] 8. Vị nào không có việc chấp là ‘của ta’ ở danh và sắc về mọi mặt, và không sầu muộn về những gì không có; thật vậy vị ấy được gọi là ‘tỳ khưu.’
[368] 9. Vị tỳ khưu trú tâm từ, tịnh tín lời dạy của đức Phật, có thể đạt đến vị thế an tịnh, sự vắng lặng của các hành, an lạc.
[369] 10. Này tỳ khưu, hãy tát cạn chiếc thuyền này. Được tát cạn, nó sẽ đi nhanh cho ngươi. Hãy chặt đứt luyến ái và sân hận, nhờ đó ngươi sẽ đi đến Niết Bàn.
[370] 11. Nên chặt đứt năm (năm sự ràng buộc ở phần dưới), nên từ bỏ năm (năm sự ràng buộc ở phần trên), nên tu tập hơn nữa về năm (quyền). Là người đã vượt qua năm sự dính líu (tham, sân, si, ngã mạn, tà kiến), vị tỳ khưu được gọi là ‘đã vượt qua (bốn) dòng nước lũ.’[6]
[371] 12. Này tỳ khưu, hãy tham thiền, và chớ có xao lãng.
Chớ để tâm của ngươi quanh quẩn ở các loại dục.
Chớ bị xao lãng, có việc nuốt hòn sắt (ở địa ngục).
Trong khi bị đốt nóng, chớ khóc than rằng: ‘Đây là khổ.’
[372] 13. Không có thiền đối với kẻ không có trí tuệ, không có trí tuệ đối với kẻ không thiền. Ở vị nào có thiền và trí tuệ, vị ấy quả nhiên ở gần Niết Bàn.
[373] 14. Có sự thỏa thích không thuộc loài người cho vị tỳ khưu đã đi vào ngôi nhà trống vắng, có tâm an tịnh, đang minh sát pháp một cách đúng đắn.
[374] 15. Mỗi một khi nắm bắt được sự sanh diệt của các uẩn, (vị ấy) đạt được hỷ và hân hoan; điều ấy, đối với các vị đang nhận thức, là Bất Tử.
[375] 16. Tại nơi ấy, điều này là sự khởi đầu của vị tỳ khưu có trí tuệ trong Giáo Pháp này: sự phòng hộ các giác quan, sự tự biết đủ, và sự thu thúc trong giới bổn Pātimokkha.
[376] 17. Hãy thân cận các bạn hữu tốt lành có sự nuôi mạng trong sạch, không lười biếng. Nên có thói quen tiếp rước hậu hỹ, nên khéo léo trong lối cư xử. Từ đó, có nhiều hân hoan, (vị ấy) sẽ làm chấm dứt khổ đau.
[377] 18. Này các tỳ khưu, giống như cây hoa nhài rũ bỏ những bông hoa úa tàn, tương tự như thế các ngươi hãy buông bỏ luyến ái và sân hận.
[378] 19. Vị tỳ khưu có thân an tịnh, có khẩu an tịnh, có sự an tịnh ở tâm, khéo được định tĩnh, có vật chất thế gian đã được tẩy trừ, được gọi là ‘bậc an tịnh.’
[379] 20. Hãy tự mình quở trách bản thân, hãy tự mình dò xét bản thân. Này tỳ khưu, ngươi đây được hộ trì bởi bản thân, có niệm, sẽ sống an lạc.
[380] 21. Chính ta là người chủ của ta, chính ta là nơi nương tựa của ta. Vì thế, hãy tự chế ngự bản thân, ví như người thương buôn chế ngự con ngựa hiền.
[381] 22. Vị tỳ khưu có nhiều sự hân hoan, tịnh tín lời dạy của đức Phật, có thể đạt đến vị thế an tịnh, sự vắng lặng của các hành, an lạc.
[382] 23. Thật vậy, vị tỳ khưu trẻ tuổi, gắn bó vào lời dạy của đức Phật, vị ấy chiếu sáng thế gian này, ví như mặt trăng ra khỏi đám mây.
Phẩm Tỳ Khưu là thứ hai mươi lăm.
[383] 1. Này Bà-la-môn, hãy cắt đứt dòng chảy (luân hồi), hãy nỗ lực, hãy xua đuổi các dục. Này Bà-la-môn, sau khi biết được sự hoại diệt của các hành, ngươi trở thành người biết được vô vi (Niết Bàn).
[384] 2. Khi vị Bà-la-môn trở thành người đã đạt đến bờ kia về cả hai pháp,[7] trong lúc vị này đang nhận biết, tất cả các sự ràng buộc đối với vị này đi đến tiêu tan.
[385] 3. Đối với vị nào, bờ này hoặc bờ kia, hoặc bờ này lẫn bờ kia đều không tìm thấy, đã xa lìa sầu khổ, không bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[386] 4. Vị có thiền, không còn ô nhiễm, đã ngồi xuống (đơn độc ở khu rừng), đã làm xong phận sự, không còn lậu hoặc, đã đạt đến mục đích tối thượng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[387] 5. Mặt trời tỏa sáng ban ngày, mặt trăng chiếu sáng ban đêm,
khoác áo giáp vị Sát-đế-lỵ tỏa sáng, có thiền vị Bà-la-môn tỏa sáng,
còn đức Phật tỏa sáng hào quang trọn ngày đêm.
[388] 6. Có điều ác đã được xa lánh được gọi là ‘Bà-la-môn,’ có sở hành bình lặng được gọi là ‘Sa-môn.’ Vị đã dứt bỏ ô nhiễm của bản thân, vì thế được gọi là ‘bậc xuất gia.’
[389] 7. Không nên đánh đập vị Bà-la-môn, vị Bà-la-môn không nên bộc phát (sự giận dữ) đến kẻ đã đánh mình. Xấu hổ thay kẻ đánh đập vị Bà-la-môn, càng xấu hổ hơn cho vị bộc phát (sự giận dữ) đến kẻ đã đánh mình.
[390] 8. Vị Bà-la-môn không có việc nào khác tốt hơn việc này,
là lúc có sự đình chỉ của tâm đối với các vật đáng yêu.
Chừng nào tâm ý hãm hại được dừng lại,
chừng ấy khổ đau được thật sự yên lặng .
[391] 9. Đối với vị nào, không có việc làm quấy do thân, do khẩu, do ý, (và) đã được thu thúc ở ba nơi (thân khẩu ý), Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[392] 10. Do vị nào mà ta có thể hiểu biết Giáo Pháp đã được đấng Chánh Đẳng Giác thuyết giảng, ta nên kính lễ vị ấy một cách nghiêm trang, ví như người Bà-la-môn kính lễ ngọn lửa tế thần.
[393] 11. Không do những búi tóc bện, không do dòng họ, không do gia tộc mà trở thành Bà-la-môn. Ở vị nào có sự chân thật và sự ngay thẳng, vị ấy có sự trong sạch, chính vị ấy là Bà-la-môn.
[394] 12. Này kẻ kém trí, có ích gì với những búi tóc bện của ngươi? Có ích gì với y phục bằng da dê của ngươi? Ngươi đánh bóng bên ngoài, bên trong của ngươi là rừng rậm (ô nhiễm).
[395] 13. Người mang y may bằng vải bị quăng bỏ, gầy ốm, nổi đầy gân, một mình đang tham thiền trong rừng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[396] 14. Và Ta không gọi là Bà-la-môn với kẻ đã được sanh ra từ tử cung (của nữ Bà-la-môn), có sự xuất thân theo người mẹ, kẻ ấy được gọi là ‘người có sự xưng hô với từ Ông’ nếu người ấy có sở hữu gì đó. Còn vị không sở hữu gì, không nắm giữ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[397] 15. Thật vậy, người nào đã cắt đứt tất cả ràng buộc, không run sợ, đã vượt qua các sự dính líu, không còn bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[398] 16. Người đã cắt đứt dây buộc (sân hận), dây trói (tham ái), dây thừng (62 tà kiến), cùng với vật phụ tùng (các pháp tiềm ẩn), đã nâng lên thanh chắn (vô minh), đã được giác ngộ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.[8]
[399] 17. Người nào chịu đựng lời khiển trách, sự trừng phạt và giam cầm, mà không sân hận, người có kham nhẫn là sức mạnh, có sức mạnh là quân đội, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[400] 18. Người không nóng giận, có sự hành trì, có giới, không nhiễm dục vọng, đã được rèn luyện, có thân xác cuối cùng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[401] 19. Ví như nước ở lá sen, ví như hột cải ở đầu mũi kim, người nào không nhiễm bẩn trong các dục, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[402] 20. Người nào nhận biết sự diệt trừ khổ đau của bản thân ngay tại chỗ này, đã đặt xuống gánh nặng, không bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[403] 21. Người có tuệ thâm sâu, thông minh, rành rẽ về Đạo Lộ và không phải Đạo Lộ, đã đạt đến mục đích tối thượng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[404] 22. Người không gần gũi với cả hai hạng tại gia và hạng xuất gia, sống không trú xứ, ít ham muốn, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[405] 23. Sau khi bỏ xuống gậy gộc đối với các chúng sanh di động hay đứng yên, người nào không giết hại, không bảo giết hại, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[406] 24. Người không thù nghịch giữa những kẻ thù nghịch, tịnh lặng giữa những kẻ có gậy gộc, không cố chấp giữa những kẻ cố chấp, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[407] 25. Người nào có sự luyến ái, sân hận, ngã mạn, và gièm pha đã được rơi rụng, ví như hột cải ở đầu mũi kim, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[408] 26. Người thốt lên lời nói chân thật, không thô lỗ, ý nghĩa rõ ràng, không làm mất lòng bất cứ ai với lời nói ấy, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[409] 27. Ở thế gian này, người nào không lấy đi vật không được cho, dầu là dài hay ngắn, nhỏ hay lớn, đẹp hay xấu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[410] 28. Những mong cầu của người nào về đời này và đời sau không còn tìm thấy, người không mong cầu, không bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[411] 29. Những ước muốn của người nào không còn tìm thấy, sau khi biết rõ không có nghi ngờ, đã đạt đến sự thể nhập Bất Tử, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[412] 30. Ở thế gian này, người nào đã vượt qua sự dính líu cả hai pháp thiện và ác, không sầu muộn, không ô nhiễm, trong sạch, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[413] 31. Ví như mặt trăng không bị lấm nhơ, trong sạch, người có tâm thanh tịnh, không bị vẩn đục, đã hoàn toàn cạn kiệt sự vui thích và hiện hữu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[414] 32. Người nào đã vượt qua con đường hiểm trở, khó đi này, (vòng quay) luân hồi, và sự si mê, đã vượt qua, đã đi đến bờ kia, có thiền, không dục vọng, không nghi ngờ, không chấp thủ, đã tịnh lặng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[415] 33. Người nào ở đây có thể dứt bỏ các dục, sống hạnh du sĩ, không nhà, đã hoàn toàn cạn kiệt các dục và hiện hữu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[416] 34. Người nào ở đây có thể dứt bỏ tham ái, sống hạnh du sĩ, không nhà, đã hoàn toàn cạn kiệt tham ái và hiện hữu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[417] 35. Người đã từ bỏ sự gắn bó thuộc cõi người, đã vượt lên sự gắn bó thuộc cõi trời, không bị ràng buộc với mọi sự gắn bó, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[418] 36. Người đã từ bỏ sự thích thú và không thích thú, có trạng thái mát mẻ, không còn mầm tái sanh, vị đã chế ngự tất cả thế gian, bậc anh hùng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[419] 37. Người nào đã hiểu biết sự chết và sự tái sanh của chúng sanh về mọi phương diện, không bám víu, đã đi đến nơi an lạc, đã được giác ngộ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[420] 38. Cảnh giới tái sanh của người nào mà chư Thiên, Càn-thát-bà, và loài người không biết được, người có lậu hoặc đã được cạn kiệt, là bậc A-la-hán, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[421] 39. Đối với người nào, phía trước (quá khứ), phía sau (vị lai), và phần giữa (hiện tại) không sở hữu gì, người không sở hữu gì, không nắm giữ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[422] 40. Đấng nhân ngưu, bậc cao quý, bậc anh hùng, bậc đại ẩn sĩ, bậc chiến thắng, bậc không còn dục vọng, người đã rửa sạch (mọi nhiễm ô), đã được giác ngộ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
[423] 41. Người nào biết về kiếp sống trước, nhìn thấy cõi trời và đọa xứ, rồi đạt đến sự diệt trừ tái sanh, là bậc hiền trí, đã được hoàn hảo về thắng trí, có mọi sự hoàn hảo đã được hoàn hảo, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
Phẩm Bà-la-môn là thứ hai mươi sáu.
1. Song Đối, Không Xao Lãng, Tâm, Bông Hoa, với Kẻ Ngu, Sáng Suốt, A-La-Hán, Một Ngàn, Ác, với Hình Phạt, chúng là mười.
2. Già, Tự Ngã, Thế Gian, Đức Phật, với An Lạc, và Yêu Thích, Giận Dữ, và Vết Nhơ, Công Minh, với phẩm Đạo Lộ là hai mươi.
3. Linh Tinh, Địa Ngục, Voi, Tham Ái, Tỳ Khưu, và Bà-La-Môn, hai mươi sáu phẩm này đã được thuyết giảng bởi vị Thân Quyến của Mặt Trời.
1. Hai mươi câu kệ ở phẩm Song Đối, mười hai ở phẩm Không Xao Lãng, mười một ở phẩm Tâm, mười sáu ở phẩm Bông Hoa.
2. Và mười sáu câu kệ ở phẩm Kẻ Ngu, mười bốn ở phẩm Sáng Suốt, mười câu kệ ở phẩm A-La-Hán, mười sáu là ở phẩm Một Ngàn.
3. Mười ba ở phẩm Ác, và mười bảy ở phẩm Hình Phạt, mười một ở phẩm Già, mười là ở phẩm Tự Ngã.
4. Mười hai ở phẩm Thế Gian, và mười tám là ở phẩm Đức Phật, mười hai câu kệ là ở phẩm An Lạc, và phẩm Yêu Thích.
5. Mười bốn ở phẩm Giận Dữ, hai mươi mốt ở phẩm Vết Nhơ, và mười bảy ở phẩm Công Minh, và tương tự y như thế ở phẩm Đạo Lộ.
6. Mười sáu câu kệ ở phẩm Linh Tinh, mười bốn ở phẩm Địa Ngục, và ở phẩm Voi, hai mươi sáu ở phẩm Tham Ái, hai mươi ba thuộc phẩm Tỳ Khưu.
7. Bốn mươi mốt câu kệ ở phẩm Bà-La-Môn, phẩm hay nhất. Thêm điều này nữa, bốn trăm hai mươi ba câu kệ đã được thuyết giảng bởi vị Thân Quyến của Mặt Trời ở tập Dhammapada - Pháp Cú.
[1] tiṇṇamaññataraṃ yāmaṃ: Chú giải giải thích là một trong ba giai đoạn của cuộc đời, chứ không phải một trong ba canh của đêm (DhA. iii, 138).
[2] Không ghi theo nghĩa thông thường của seti là ‘nằm, ngủ.’ Chú Giải giải thích từ seti là viharati: ‘sống, sinh hoạt’ (DhA. iii, 165).
[3] Theo Chú Giải, bệnh (ātura) ở đây có nghĩa là ô nhiễm (kilesa), không bệnh nghĩa là không có ô nhiễm (DhA. iii, 257).
[4] atidhonacārinaṃ: ‘kẻ có sự thọ dụng bốn món vật dụng thiếu sự quán xét’ ý nghĩa này được ghi theo lời giải thích của Chú Giải (DhA. iii, 344).
[5] Ba mươi sáu dòng chảy: nói đến sáu ái liên quan nội phần và sáu ái liên quan ngoại phần, ở vào ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai (DhA. iv, 48).
[6] Các chú thích ở trong ngoặc đơn được thêm vào căn cứ theo Chú Giải (DhA. iv, 108).
[7] Về cả hai pháp: nói đến samathavipassanā, chỉ tịnh và minh sát (DhA. iv, 140).
[8] Các chú thích ở trong ngoặc đơn được thêm vào căn cứ theo Chú Giải (DhA. iv, 160).
Kinh Pháp Cú (Dhammapada) là một trong 15 quyển kinh thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khuddaka Nikaya) trong Kinh tạng Pali (Suttanta Pitaka). Ðây là một quyển kinh Phật giáo phổ thông nhất và đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới. Pháp (Dhamma) có nghĩa là đạo lý, chân lý, lời dạy của Ðức Phật; Cú (Pada) là lời nói, câu kệ. Ngoài ra, trong ngữ văn Pali, "Pada" còn có nghĩa là con đường. Do đó, Dhammapada thường được dịch là Con đường Chân lý (Path of Truth), Con đường Phật Pháp (Path of the Buddha's Teaching).
Dhammapada là tập hợp 423 bài kệ do đức Phật nói ra trong nhiều dịp khác nhau, trong suốt 45 năm hoằng dương Chánh Pháp của Ngài. Các bài kệ nầy được sắp xếp trong 26 phẩm, do các vị đại đệ tử thu xếp và tụng đọc trong Ðại hội Kết tập Kinh điển lần đầu tiên sau khi Ðức Phật nhập diệt. Mỗi bài kệ chứa đựng một nội dung tu học rất sâu sắc và phong phú, không thể nào chỉ đọc một lần mà hiểu hết được. Cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần, tra cứu các bản chú giải, và suy nghiệm từ các tu chứng tự thân thì mới mong thông ngộ và thấu đạt ý nghĩa của các lời dạy cao quý đó. Mỗi bài kệ là một nguồn cảm hứng cao đẹp, một lối đi mới lạ, một sức mạnh kỳ diệu giúp chúng ta có một niềm tin vững chắc hơn trên con đường tu học để tiến đến giác ngộ, giải thoát. (...)
Bình Anson,
tháng 6 - 1998,
Perth, Western Australia
1. "Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo".
2. "Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo,
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình".
3. "Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi"
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.
4. "Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi,"
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.
5. "Với hận diệt hận thù,
Đời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu".
6. "Người khác không hiểu biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm."
7. "Ai sống nhìn tịnh tướng,
không hộ trì các căn,
ăn uống thiếu tiết độ,
biếng nhác, chẳng tinh cần.
Ma uy hiếp kẻ ấy,
như cây yếu trước gió".
8. "Ai sống quán bất tịnh,
Khéo hộ trì các căn,
ăn uống có tiết độ,
có lòng tin, tinh cần,
Ma không uy hiếp được,
Như núi đá, trước gió"
9. "Ai mặc áo cà sa,
tâm chưa rời uế trược,
không tự chế, không thực,
không xứng áo cà sa".
10. "Ai rời bỏ uế trược,
giới luật khéo nghiêm trì,
tự chế, sống chơn thực,
thật xứng áo cà sa."
11. "Không chân, tưởng chân thật,
Chân thật, thấy không chân:
Chúng không đạt chân thật,
Do tà tư, tà hạnh."
12. "Chân thật, biết chân thật,
Không chân, biết không chân.
Chúng đạt được chân thật,
do chánh tư, chánh hạnh."
13. "Như ngôi nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập."
14. "Như ngôi nhà khéo lợp,
Mưa không xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm khéo tu,
Tham dục không xâm nhập."
15. "Nay sầu, đời sau sầu,
Kẻ ác, hai đời sầu;
Nó sầu, nó ưu não,
Thấy nghiệp uế mình làm."
16. "Nay vui, đời sau vui,
Làm phước, hai đời vui.
Nó vui, nó an vui,
Thấy nghiệp tịnh mình làm."
17. "Nay than, đời sau than,
Kẻ ác, hai đời than,
Nó than : "Ta làm ác"
Đọa cõi dữ, than hơn."
18. "Nay sướng, đời sau sướng,
Làm phước, hai đời sướng.
Nó sướng : "Ta làm thiện",
Sanh cõi lành, sướng hơn."
19. "Nếu người nói nhiều kinh,
Không hành trì, phóng dật;
Như kẻ chăn bò người,
Không phần Sa môn hạnh."
20. "Dầu nói ít kinh điển,
Nhưng hành pháp, tùy pháp,
Từ bỏ tham, sân, si,
Tĩnh giác, tâm giải thoát,
Không chấp thủ hai đời,
Dự phần Sa môn hạnh."
21. "Không phóng dật, đường sống,
Phóng dật là đường chết.
Không phóng dật, không chết,
Phóng dật như chết rồi."
22. "Biết rõ sai biệt ấy,
Người trí không phóng dật,
Hoan hỷ, không phóng dật,
An vui hạnh bậc Thánh."
23. "Người hằng tu thiền định,
Thường kiên trì tinh tấn.
Bậc trí hưởng Niết Bàn,
Ách an tịnh vô thượng."
24. "Nỗ lực, giữ chánh niệm,
Tịnh hạnh, hành thận trọng
Tự điều, sống theo pháp,
Ai sống không phóng dật,
Tiếng lành ngày tăng trưởng."
25. "Nỗ lực, không phóng dật,
Tự điều, khéo chế ngự.
Bậc trí xây hòn đảo,
Nước lụt khó ngập tràn."
26. "Chúng ngu si thiếu trí,
Chuyên sống đời phóng dật.
Người trí, không phóng dật,
Như giữ tài sản quý."
27. "Chớ sống đời phóng dật,
Chớ mê say dục lạc.
Không phóng dật, thiền định,
Đạt được an lạc lớn."
28. "Người trí dẹp phóng dật,
Với hạnh không phóng dật,
Leo lầu cao trí tuệ,
Không sầu, nhìn khổ sầu,
Bậc trí đứng núi cao,
Nhìn kẻ ngu, đất bằng."
29. "Tinh cần giữa phóng dật,
Tỉnh thức giữa quần mê.
Người trí như ngựa phi,
Bỏ sau con ngựa hèn."
30. "Đế Thích không phóng dật,
Đạt ngôi vị Thiên chủ.
Không phóng dật, được khen;
Phóng dật, thường bị trách."
31. "Vui thích không phóng dật,
Tỷ kheo sợ phóng dật,
Bước tới như lửa hừng,
Thiêu kiết sử lớn nhỏ."
32. "Vui thích không phóng dật,
Tỷ kheo sợ phóng dật,
Không thể bị thối đọa,
Nhất định gần Niết Bàn."
33. "Tâm hoảng hốt giao động,
Khó hộ trì, khó nhiếp,
Người trí làm tâm thẳng,
Như thợ tên, làm tên."
34. "Như cá quăng lên bờ,
Vất ra ngoài thủy giới;
Tâm này vũng vẫy mạnh,
Hãy đoạn thế lực Ma."
35. "Khó nắm giữ, khinh động,
Theo các dục quay cuồng.
Lành thay, điều phục tâm;
Tâm điều, an lạc đến."
36. "Tâm khó thấy, tế nhị,
Theo các dục quay cuồng.
Người trí phòng hộ tâm,
Tâm hộ, an lạc đến."
37. "Chạy xa, sống một mình,
Không thân, ẩn hang sâu
Ai điều phục được tâm,
Thoát khỏi Ma trói buộc"
38. "Ai tâm không an trú,
Không biết chân diệu pháp,
Tịnh tín bị rúng động,
Trí tuệ không viên thành."
39. "Tâm không đầy tràn dục,
Tâm không (hận) công phá,
Đoạn tuyệt mọi thiện ác,
Kẻ tỉnh không sợ hãi,"
40. "Biết thân như đồ gốm,
Trú tâm như thành trì,
Chống ma với gươm trí;
Giữ chiến thắng không tham"
41. "Không bao lâu thân này,
Sẽ nằm dài trên đất,
Bị vất bỏ, vô thức,
Như khúc cây vô dụng."
42. "Kẻ thù hại kẻ thù,
Oan gia hại oan gia,
Không bằng tâm hướng tà,
Gây ác cho tự thân."
43. "Điều mẹ cha bà con,
Không có thể làm được
Tâm hướng chánh làm được
Làm được tốt đẹp hơn."
44. "Ai chinh phục đất này
Dạ ma, Thiên giới này ?
Ai khéo giảng Pháp cú,
Như người khéo hái hoa ?"
45. "Hữu học chinh phục đất,
Dạ ma, Thiên giới này.
Hữu học giảng Pháp cú,
Như người khéo hái hoa."
46. "Biết thân như bọt nước,
Ngộ thân là như huyễn,
Bẻ tên hoa của ma,
Vượt tầm mắt thần chết."
47. "Người nhặt các loại hoa,
Ý đắm say, tham nhiễm,
Bị thần chết mang đi,
Như lụt trôi làng ngủ."
48. "Người nhặt các loại hoa,
Ý đắm say tham nhiễm,
Các dục chưa thỏa mãn,
Đã bị chết chinh phục."
49. "Như ong đến với hoa,
Không hại sắc và hương,
Che chở hoa, lấy nhụy.
Bậc Thánh đi vào làng".
50. "Không nên nhìn lỗi người,
Người làm hay không làm.
Nên nhìn tự chính mình.
Có làm hay không làm."
51. "Như bông hoa tươi đẹp,
Có sắc nhưng không hương.
Cũng vậy, lời khéo nói,
Không làm, không kết quả."
52. "Như bông hoa tươi đẹp,
Có sắc lại thêm hương;
Cũng vậy, lời khéo nói,
Có làm, có kết quả."
53. "Như từ một đống hoa,
Nhiều tràng hoa được làm.
Cũng vậy, thân sanh tử,
Làm được nhiều việc lành."
54. "Hương các loại hoa thơm
Không ngược bay chiều gió
Nhưng hương người đức hạnh
Ngược gió khắp tung bay
Chỉ có bậc chân nhân
Tỏa khắp mọi phương trời."
55. "Hoa chiên đàn, già la,
Hoa sen, hoa vũ quý,
Giữa những hương hoa ấy,
Giới hương là vô thượng."
56. "Ít giá trị hương này,
Hương già la, chiên đàn;
Chỉ hương người đức hạnh,
Tối thượng tỏa Thiên giới."
57. "Giữa ai có giới hạnh,
An trú không phóng dật,
Chánh trí, chơn giải thoát,
Ác ma không thấy đường."
58. "Như giữa đống rác nhớp,
Quăng bỏ trên đường lớn,
Chỗ ấy hoa sen nở,
Thơm sạch, đẹp ý người."
59. "Cũng vậy giữa quần sanh,
Uế nhiễm, mù, phàm tục,
Đệ tử bậc Chánh Giác,
Sáng ngời với Tuệ Trí."
60. "Đêm dài cho kẻ thức,
Đường dài cho kẻ mệt,
Luân hồi dài, kẻ ngu,
Không biết chơn diệu pháp."
61. "Tìm không được bạn đường,
Hơn mình hay bằng mình,
Thà quyết sống một mình,
Không bè bạn kẻ ngu."
62. "Con tôi, tài sản tôi,
Người ngu sanh ưu não,
Tự ta, ta không có,
Con đâu, tài sản đâu."
63. "Người ngu nghĩ mình ngu,
Nhờ vậy thành có trí.
Người ngu tưởng có trí,
Thật xứng gọi chí ngu."
64. "Người ngu, dầu trọn đời,
Thân cận người có trí,
Không biết được Chánh pháp,
Như muỗng với vị canh."
65. "Người trí, dầu một khắc,
Thân cận người có trí,
Biết ngay chân diệu pháp,
Như lưỡi với vị canh."
66. "Người ngu si thiếu trí,
Tự ngã thành kẻ thù.
Làm các nghiệp không thiện,
Phải chịu quả đắng cay."
67. "Nghiệp làm không chánh thiện,
Làm rồi sanh ăn năn,
Mặt nhuốm lệ, khóc than,
Lãnh chịu quả dị thục."
68. "Và nghiệp làm chánh thiện,
Làm rồi không ăn năn,
Hoan hỷ, ý đẹp lòng,
Hưởng thọ quả dị thục."
69. "Người ngu nghĩ là ngọt,
Khi ác chưa chín muồi;
Ác nghiệp chín muồi rồi,
Người ngu chịu khổ đau."
70. "Tháng tháng với ngọn cỏ,
Người ngu có ăn uống
Không bằng phần mười sáu
Người hiểu pháp hữu vi."
71. "Nghiệp ác đã được làm,
Như sữa, không đông ngay,
Cháy ngầm theo kẻ ngu,
Như lửa tro che đậy."
72. "Tự nó chịu bất hạnh,
Khi danh đến kẻ ngu.
Vận may bị tổn hại,
Đầu nó bị nát tan."
73. "Ưa danh không tương xứng,
Muốn ngồi trước tỷ kheo,
Ưa quyền tại tịnh xá,
Muốn mọi người lễ kính."
74. "Mong cả hai tăng, tục,
Nghĩ rằng (chính ta làm).
Trong mọi việc lớn nhỏ,
Phải theo mệnh lệnh ta"
Người ngu nghĩ như vậy
Dục và mạn tăng trưởng.
75. "Khác thay duyên thế lợi,
Khác thay đường Niết Bàn.
Tỷ kheo, đệ tử Phật,
Hãy như vậy thắng tri.
Chớ ưa thích cung kính,
Hãy tu hạnh viễn ly."
76. "Nếu thấy bậc hiền trí,
Chỉ lỗi và khiển trách,
Như chỉ chỗ chôn vàng
Hãy thân cận người trí !
Thân cận người như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu."
77. "Những người hay khuyên dạy,
Ngăn người khác làm ác,
Được người hiền kính yêu,
Bị người ác không thích."
78. "Chớ thân với bạn ác,
Chớ thân kẻ tiểu nhân.
Hãy thân người bạn lành,
Hãy thân bậc thượng nhân."
79. "Pháp hỷ đem an lạc,
Với tâm tư thuần tịnh;
Người trí thường hoan hỷ,
Với pháp bậc Thánh thuyết."
80. "Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn gỗ,
Bậc trí nhiếp tự thân."
81. "Như đá tảng kiên cố,
Không gió nào lay động,
Cũng vậy, giữa khen chê,
Người trí không giao động."
82. "Như hồ nước sâu thẳm,
Trong sáng, không khuấy đục,
Cũng vậy, nghe chánh pháp,
Người trí hưởng tịnh lạc."
83. "Người hiền bỏ tất cả,
Người lành không bàn dục,
Dầu cảm thọ lạc khổ,
Bậc trí không vui buồn."
84. "Không vì mình, vì người.
Không cầu được con cái,
Không tài sản quốc độ,
Không cầu mình thành tựu,
Với việc làm phi pháp.
Vị ấy thật trì giới,
Có trí tuệ, đúng pháp."
85. "Ít người giữa nhân loại,
Đến được bờ bên kia
Còn số người còn lại,
Xuôi ngược chạy bờ này."
86. "Những ai hành trì pháp,
Theo chánh pháp khéo dạy,
Sẽ đến bờ bên kia,
Vượt ma lực khó thoát."
87. Kẻ trí bỏ pháp đen,
Tu tập theo pháp trắng.
Bỏ nhà, sống không nhà,
Sống viễn ly khó lạc."
88. "Hãy cầu vui Niết Bàn,
Bỏ dục, không sở hữu,
Kẻ trí tự rửa sạch,
Cấu uế từ nội tâm."
89. "Những ai với chánh tâm,
Khéo tu tập giác chi,
Từ bỏ mọi ái nhiễm,
Hoan hỷ không chấp thủ.
Không lậu hoặc, sáng chói,
Sống tịch tịnh ở đời."
90. "Đích đã đến, không sầu,
Giải thoát ngoài tất cả,
Đoạn trừ mọi buộc ràng,
Vị ấy không nhiệt não."
91. "Tự sách tấn, chánh niệm,
Không thích cư xá nào,
Như ngỗng trời rời ao,
Bỏ sau mọi trú ẩn."
92. "Tài sản không chất chứa,
Ăn uống biết liễu tri,
Tự tại trong hành xứ,
"Không vô tướng, giải thoát,"
Như chim giữa hư không,
Hướng chúng đi khó tìm."
93. "Ai lậu hoặc đoạn sạch,
Ăn uống không tham đắm,
Tự tại trong hành xứ,
"Không, vô tướng giải thoát."
Như chim giữa hư không,
Dấu chân thật khó tìm."
94. "Ai nhiếp phục các căn,
Như đánh xe điều ngự,
Mạn trừ, lậu hoặc dứt,
Người vậy, Chư Thiên mến."
95. "Như đất, không hiềm hận,
Như cột trụ, kiên trì,
Như hồ, không bùn nhơ,
Không luân hồi, vị ấy."
96. "Người tâm ý an tịnh,
Lời an, nghiệp cũng an,
Chánh trí, chơn giải thoát,
Tịnh lạc là vị ấy."
97. "Không tin, hiểu vô vi.
Người cắt mọi hệ lụy
Cơ hội tận, xã ly
Vị ấy thật tối thượng."
98. "Làng mạc hay rừng núi
Thung lũng hay đồi cao,
La Hán trú chỗ nào,
Đất ấy thật khả ái".
99. "Khả ái thay núi rừng,
Chỗ người phàm không ưa,
Vị ly tham ưa thích,
Vì không tìm dục lạc."
100. "Dầu nói ngàn ngàn lời,
Nhưng không gì lợi ích ,
Tốt hơn một câu nghĩa,
Nghe xong, được tịnh lạc."
101. "Dầu nói ngàn câu kệ
Nhưng không gì lợi ích,
Tốt hơn nói một câu,
Nghe xong, được tịnh lạc."
102. "Dầu nói trăm câu kệ
Nhưng không gì lợi ích,
Tốt hơn một câu pháp,
Nghe xong, được tịnh lạc."
103. "Dầu tại bãi chiến trường
Thắng ngàn ngàn quân địch,
Tự thắng mình tốt hơn,
Thật chiến thắng tối thượng."
104. "Tự thắng, tốt đẹp hơn,
Hơn chiến thắng người khác.
Người khéo điều phục mình,
Thường sống tự chế ngự."
105. "Dầu Thiên Thần, Thát Bà,
Dầu Ma vương, Phạm Thiên
Không ai chiến thắng nổi,
Người tự thắng như vậy."
106. "Tháng tháng bỏ ngàn vàng,
Tế tự cả trăm năm,
Chẳng bằng trong giây lát,
Cúng dường bậc tự tu.
Cùng dường vậy tốt hơn,
Hơn trăm năm tế tự."
107. "Dầu trải một trăm năm,
Thờ lửa tại rừng sâu,
Chẳng bằng trong giây lát,
Cúng dường bậc tự tu.
Cúng dường vậy tốt hơn,
Hơn trăm năm tế tự."
108. "Suốt năm cúng tế vật,
Để cầu phước ở đời.
Không bằng một phần tư
Kính lễ bậc chánh trực."
109. "Thường tôn trọng, kính lễ
Bậc kỳ lão trưởng thượng,
Bốn pháp được tăng trưởng:
Thọ, sắc, lạc, sức mạnh."
110. Dầu sống một trăm năm
Ác giới, không thiền định,
Không bằng sống một ngày,
Trì giới, tu thiền định."
111. "Ai sống một trăm năm,
Ác tuệ, không thiền định.
Không bằng sống một ngày,
Có tuệ, tu thiền định."
112. "Ai sống một trăm năm,
Lười nhác không tinh tấn,
Không bằng sống một ngày
Tinh tấn tận sức mình."
113. "Ai sống một trăm năm,
Không thấy pháp sinh diệt,
Không bằng sống một ngày,
Thấy được pháp sinh diệt."
114. "Ai sống một trăm năm,
Không thấy câu bất tử,
Không bằng sống một ngày,
Thấy được câu bất tử."
115. "Ai sống một trăm năm,
Không thấy pháp tối thượng,
Không bằng sống một ngày,
Thấy được pháp tối thượng."
116. "Hãy gấp làm điều lành,
Ngăn tâm làm điều ác.
Ai chậm làm việc lành,
Ý ưa thích việc ác."
117. "Nếu người làm điều ác,
Chớ tiếp tục làm thêm.
Chớ ước muốn điều ác,
Chứa ác, tất chịu khổ."
118. "Nếu người làm điều thiện,
Nên tiếp tục làm thêm.
Hãy ước muốn điều thiện,
Chứa thiện, được an lạc."
119. "Người ác thấy là hiền.
Khi ác chưa chín muồi,
Khi ác nghiệp chín muồi,
Người ác mới thấy ác."
120. "Người hiền thấy là ác,
Khi thiện chưa chín muồi.
Khi thiện được chín muồi,
Người hiền thấy là thiện."
121. "Chớ chê khinh điều ác,
Cho rằng "chưa đến mình",
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn.
Người ngu chứa đầy ác
Do chất chứa dần dần."
122. "Chớ chê khinh điều thiện
Cho rằng "Chưa đến mình,"
Như nước nhỏ từng giọt,
Rồi bình cũng đầy tràn.
Người trí chứa đầy thiện,
Do chất chứa dần dần."
123. "Ít bạn đường, nhiều tiền,
Người buôn tránh đường hiểm.
Muốn sống, tránh thuốc độc,
Hãy tránh ác như vậy."
124. "Bàn tay không thương tích,
Có thể cầm thuốc độc.
Không thương tích, tránh độc,
Không làm, không có ác."
125. "Hại người không ác tâm,
Người thanh tịnh, không uế,
Tội ác đến kẻ ngu,
Như ngược gió tung bụi."
126. "Một số sinh bào thai,
Kẻ ác sinh địa ngục,
Người thiện lên cõi trời,
Vô lậu chứng Niết Bàn."
127. "Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn được quả ác nghiệp."
128. "Không trên trời, giữa biển,
Không lánh vào động núi,
Không chỗ nào trên đời,
Trốn khỏi tay thần chết."
129. "Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người sợ tử vong.
Lấy mình làm ví dụ
Không giết, không bảo giết."
130. "Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người thương sống còn;
Lấy mình làm ví dụ,
Không giết, không bảo giết."
131. "Chúng sanh cầu an lạc,
Ai dùng trượng hại người,
Để tìm lạc cho mình,
Đời sau không được lạc."
132. "Chúng sanh cầu an lạc,
Không dùng trượng hại người,
Để tìm lạc cho mình,
Đời sau được hưởng lạc."
133. "Chớ nói lời ác độc,
Nói ác, bị nói lại,
Khổ thay lời phẩn nộ,
Đao trượng phản chạm người."
134. "Nếu tự mình yên lặng,
Như chiếc chuông bị bể.
Ngươi đã chứng Niết Bàn
Ngươi không còn phẩn nộ."
135. "Với gậy người chăn bò,
Lùa bò ra bãi cỏ;
Cũng vậy, già và chết,
Lùa người đến mạng chung."
136. "Người ngu làm điều ác,
Không ý thức việc làm.
Do tự nghiệp, người ngu
Bị nung nấu, như lửa."
137. "Dùng trượng phạt không trượng,
Làm ác người không ác.
Trong mười loại khổ đau,
Chịu gấp một loại khổ."
138. "Hoặc khổ thọ khốc liệt,
Thân thể bị thương vong,
Hoặc thọ bệnh kịch liệt,
Hay loạn ý tán tâm."
139. "Hoặc tai họa từ vua,
Hay bị vu trọng tội;
Bà con phải ly tán,
Tài sản bị nát tan."
140. "Hoặc phòng ốc nhà cửa
Bị hỏa tai thiêu đốt.
Khi thân hoại mạng chung,
Ác tuệ sanh địa ngục."
141. "Không phải sống lõa thể
Bện tóc, tro trét mình,
Tuyệt thực, lăn trên đất,
Sống nhớp, siêng ngồi xổm,
Làm con người được sạch,
Nếu không trừ nghi hoặc."
142. "Ai sống tự trang sức,
Nhưng an tịnh, nhiếp phục,
Sống kiên trì, phạm hạnh,
Không hại mọi sinh linh,
Vị ấy là phạm chí,
Hay sa môn, khất sĩ."
143. "Thật khó tìm ở đời,
Người biết thẹn, tự chế,
Biết tránh né chỉ trích
Như ngựa hiền tránh roi."
144. "Như ngựa hiền chạm roi,
Hãy nhiệt tâm, hăng hái,
Với tín, giới, tinh tấn,
Thiền định cùng trạch pháp.
Minh hạnh đủ, chánh niệm,
Đoạn khổ này vô lượng."
145. "Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn ván,
Bậc tự điều, điều thân."
146. "Cười gì, hân hoan gì,
Khi đời mãi bị thiêu ?
Bị tối tăm bao trùm,
Sao không tìm ngọn đèn ?"
147. "Hãy xem bong bóng đẹp,
Chỗ chất chứa vết thương,
Bệnh hoạn nhiều suy tư,
Thật không gì trường cửu."
148. "Sắc này bị suy già,
Ổ tật bệnh, mỏng manh,
Nhóm bất tịnh, đỗ vỡ,
Chết chấm dứt mạng sống."
149. "Như trái bầu mùa thu,
Bị vất bỏ quăng đi,
Nhóm xương trắng bồ câu,
Thấy chúng còn vui gì ?"
150. "Thành này làm bằng xương,
Quét tô bằng thịt máu,
Ở đây già và chết,
Mạn, lừa đảo chất chứa."
151. "Xe vua đẹp cũng già.
Thân này rồi sẽ già,
Pháp bậc thiện, không già.
Như vậy bậc chí thiện
Nói lên cho bậc thiện."
152. "Người ít nghe kém học,
Lớn già như trâu đực.
Thịt nó tuy lớn lên,
Nhưng tuệ không tăng trưởng."
153. "Lang thang bao kiếp sống
Ta tìm nhưng chẳng gặp,
Người xây dựng nhà này,
Khổ thay, phải tái sanh."
154. "Ôi ! Người làm nhà kia
Nay ta đã thấy ngươi !
Ngươi không làm nhà nữa.
Đòn tay ngươi bị gẫy,
Kèo cột ngươi bị tan
Tâm ta đạt tịch diệt,
Tham ái thảy tiêu vong."
155. "Lúc trẻ, không phạm hạnh,
Không tìm kiếm bạc tiền.
Như cò già bên ao,
Ủ rũ, không tôm cá."
156. "Lúc trẻ không phạm hạnh,
Không tìm kiếm bạc tiền;
Như cây cung bị gẫy,
Thở than những ngày qua."
157. "Nếu biết yêu tự ngã,
Phải khéo bảo vệ mình,
Người trí trong ba canh,
Phải luôn luôn tỉnh thức."
158. "Trước hết tự đặt mình,
Vào những gì thích đáng.
Sau mới giáo hóa người,
Người trí khỏi bị nhiễm."
159. "Hãy tự làm cho mình,
Như điều mình dạy người.
Khéo tự điều, điều người,
Khó thay, tự điều phục !"
160. "Tự mình y chỉ mình,
Nào có y chỉ khác.
Nhờ khéo điều phục mình,
Được y chỉ khó được."
161. "Điều ác tự mình làm,
Tự mình sanh, mình tạo.
Nghiền nát kẻ ngu si,
Như kim cương, ngọc báu."
162. "Phá giới quá trầm trọng,
Như dây leo bám cây
Gieo hại cho tự thân,
Như kẻ thù mong ước."
163. "Dễ làm các điều ác,
Dễ làm tự hại mình.
Còn việc lành, việc tốt,
Thật tối thượng khó làm."
164. "Kẻ ngu si miệt thị,
Giáo pháp bậc La Hán,
Bậc Thánh, bậc chánh mạng.
Chính do ác kiến này,
Như quả loại cây lau
Mang quả tự hoại diệt."
165. "Tự mình, điều ác làm,
Tự mình làm nhiễm ô,
Tự mình ác không làm,
Tự mình làm thanh tịnh.
Tịnh, không tịnh tự mình,
Không ai thanh tịnh ai !"
166. "Dầu lợi người bao nhiêu,
Chớ quên phần tư lợi,
Nhờ thắng trí tư lợi.
Hãy chuyên tâm lợi mình."
167. "Chớ theo pháp hạ liệt.
Chớ sống mặc, buông lung;
Chớ tin theo tà kiến,
Chớ tăng trưởng tục trần."
168. "Nỗ lực, chớ phóng dật !
Hãy sống theo chánh hạnh;
Người chánh hạnh hưởng lạc,
Cả đời này, đời sau."
169. "Hãy khéo sống chánh hạnh,
Chớ sống theo tà hạnh !
Người chánh hạnh hưởng lạc,
Cả đời này, đời sau."
170. "Hãy nhìn như bọt nước,
Hãy nhìn như cảnh huyển !
Quán nhìn đời như vậy,
Thần chết không bắt gặp."
171. "Hãy đến nhìn đời này,
Như xe vua lộng lẫy,
Người ngu mới tham đắm,
Kẻ trí nào đắm say."
172. "Ai sống trước buông lung,
Sau sống không phóng dật,
Chói sáng rực đời này.
Như trăng thoát mây che."
173. "Ai dùng các hạnh lành,
Làm xóa mờ nghiệp ác,
Chói sáng rực đời này,
Như trăng thoát mây che."
174. "Đời này thật mù quáng,
Ít kẻ thấy rõ ràng.
Như chim thoát khỏi lưới,
Rất ít đi thiên giới."
175. "Như chim thiên nga bay,
Thần thông liệng giữa trời;
Chiến thắng ma, ma quân,
Kẻ trí thoát đời này."
176. "Ai vi phạm một pháp,
Ai nói lời vọng ngữ,
Ai bác bỏ đời sau,
Không ác nào không làm."
177. "Keo kiết không sanh thiên,
Kẻ ngu ghét bố thí,
Người trí thích bố thí,
Đời sau, được hưởng lạc."
178. "Hơn thống lãnh cõi đất,
Hơn được sanh cõi trời,
Hơn chủ trì vũ trụ,
Quả Dự Lưu tối thắng."
179. "Vị chiến thắng không bại,
Vị bước đi trên đời,
Không dấu tích chiến thắng,
Phật giới rộng mênh mông,
Ai dùng chân theo dõi
Bậc không để dấu tích ?"
180. "Ai giải tỏa lưới tham,
Ái phược hết dắt dẫn,
Phật giới rộng mênh mông,
Ai dùng chân theo dõi,
Bậc không để dấu tích ?"
181. "Người trí chuyên thiền định,
Thích an tịnh viễn ly,
Chư thiên đều ái kính,
Bậc chánh giác, chánh niệm."
182. "Khó thay, được làm người,
Khó thay, được sống còn,
Khó thay, nghe diệu pháp,
Khó thay, Phật ra đời !"
183. "Không làm mọi điều ác.
Thành tựu các hạnh lành,
Tâm ý giữ trong sạch,
Chính lời chư Phật dạy."
184. "Chư Phật thường giảng dạy;
Nhẫn, khổ hạnh tối thượng,
Niết bàn, quả tối thượng;
Xuất gia không phá người;
Sa môn không hại người."
185. "Không phỉ báng, phá hoại,
Hộ trì giới căn bản,
Ăn uống có tiết độ,
Sàng tọa chỗ nhàn tịnh
Chuyên chú tăng thượng tâm,
Chính lời chư Phật dạy."
186. "Dầu mưa bằng tiền vàng,
Các dục khó thỏa mãn.
Dục đắng nhiều ngọt ít,
Biết vậy là bậc trí."
187. "Đệ tử bậc chánh giác,
Không tìm cầu dục lạc,
Dầu là dục chư thiên,
Chỉ ưa thích ái diệt."
188. "Loài người sợ hoảng hốt,
Tìm nhiều chỗ quy y,
Hoặc rừng rậm, núi non,
Hoặc vườn cây, đền tháp."
189. "Quy y ấy không ổn,
Không quy y tối thượng.
Quy y các chỗ ấy,
Không thoát mọi khổ đau ?"
190. "Ai quy y Đức Phật,
Chánh pháp và chư tăng,
Ai dùng chánh tri kiến,
Thấy được bốn Thánh đế."
191. "Thấy khổ và khổ tập,
Thấy sự khổ vượt qua,
Thấy đường Thánh tám ngành,
Đưa đến khổ não tận."
192. "Thật quy y an ổn,
Thật quy y tối thượng,
Có quy y như vậy,
Mới thoát mọi khổ đau."
193. "Khó gặp bậc thánh nhơn,
Không phải đâu cũng có.
Chỗ nào bậc trí sanh,
Gia đình tất an lạc."
194. "Vui thay, Phật ra đời !
Vui thay, Pháp được giảng !
Vui thay, Tăng hòa hợp !
Hòa hợp tu, vui thay !"
195. "Cúng dường bậc đáng cúng,
Chư Phật hoặc đệ tử,
Các bậc vượt hý luận,
Đoạn diệt mọi sầu bi."
196. "Cúng dường bậc như vậy,
Tịch tịnh, không sợ hãi,
Các công đức như vậy,
Không ai ước lường được."
197. "Vui thay, chúng ta sống,
Không hận, giữa hận thù !
Giữa những người thù hận,
Ta sống, không hận thù !"
198. "Vui thay, chúng ta sống,
Không bệnh, giữa ốm đau !
Giữa những người bệnh hoạn,
Ta sống, không ốm đau."
199. "Vui thay, chúng ta sống,
Không rộn giữa rộn ràng;
Giữa những người rộn ràng,
Ta sống, không rộn ràng."
200. "Vui thay chúng ta sống,
Không gì, gọi của ta.
Ta sẽ hưởng hỷ lạc,
Như chư thiên Quang Âm."
201. "Chiến thắng sinh thù oán,
Thất bại chịu khổ đau,
Sống tịch tịnh an lạc.
Bỏ sau mọi thắng bại."
202. "Lửa nào sánh lửa tham ?
Ác nào bằng sân hận ?
Khổ nào sánh khổ uẩn,
Lạc nào bằng tịnh lạc."
203. "Đói ăn, bệnh tối thượng,
Các hành, khổ tối thượng,
Hiểu như thực là vậy,
Niết Bàn, lạc tối thượng."
204. "Không bệnh, lợi tối thượng,
Biết đủ, tiền tối thượng,
Thành tín đối với nhau,
Là bà con tối thượng.
Niết Bàn, lạc tối thượng."
205. "Đã nếm vị độc cư,
Được hưởng vị nhàn tịnh,
Không sợ hải, không ác,
Nếm được vị pháp hỷ."
206. "Lành thay, thấy thánh nhân,
Sống chung thường hưởng lạc.
Không thấy những người ngu,
Thường thường được an lạc."
207. "Sống chung với người ngu,
Lâu dài bị lo buồn.
Khổ thay gần người ngu,
Như thường sống kẻ thù.
Vui thay, gần người trí,
Như chung sống bà con."
208. "Do vậy :
Bậc hiền sĩ, trí tuệ
Bậc nghe nhiều, trì giới,
Bậc tự chế, Thánh nhân;
Hãy gần gũi, thân cận
Thiện nhân, trí giả ấy,
Như trăng theo đường sao."
209. "Tự chuyên, không đáng chuyên
Không chuyên, việc đáng chuyên.
Bỏ đích, theo hỷ ái,
Ganh tị bậc tự chuyên."
210. "Chớ gần gũi người yêu,
Trọn đời xa kẻ ghét.
Yêu không gặp là khổ,
Oán phải gặp cũng đau."
211. "Do vậy chớ yêu ai,
Ái biệt ly là ác;
Những ai không yêu ghét,
Không thể có buộc ràng."
212. "Do ái sinh sầu ưu,
Do ái sinh sợ hãi,
Ai thoát khỏi tham ái,
Không sầu, đâu sợ hãi ?"
213. "Ái luyến sinh sầu ưu,
Ái luyến sinh sợ hải.
Ai giải thoát ái luyến
Không sầu, đâu sợ hải ?"
214. "Hỷ ái sinh sầu ưu,
Hỷ ái sinh sợ hãi.
Ai giải thoát hỷ ái,
Không sầu, đâu sợ hãi ?
215. "Dục ái sinh sầu ưu,
Dục ái sinh sợ hãi,
Ai thoát khỏi dục ái,
Không sầu, đâu sợ hãi ?"
216. "Tham ái sinh sầu ưu,
Tham ái sinh sợ hãi.
Ai giải thoát tham ái,
Không sầu, đâu sợ hãi."
217. "Đủ giới đức, chánh kiến;
Trú pháp, chứng chân lý,
Tự làm công việc mình,
Được quần chúng ái kính."
218. "Ước vọng pháp ly ngôn
Ý cảm xúc thượng quả
Tâm thoát ly các dục,
Xứng gọi bậc Thượng Lưu."
219. "Khách lâu ngày ly hương,
An toàn từ xa về,
Bà con cùng thân hữu,
Hân hoan đón chào mừng."
220. "Cũng vậy các phước nghiệp,
Đón chào người làm lành,
Đời này đến đời kia.
Như thân nhân, đón chào."
221. "Bỏ phẫn nộ, ly mạn,
Vượt qua mọi kiết sử,
Không chấp trước danh sắc.
Khổ không theo vô sản."
222. "Ai chận được phẫn nộ,
Như dừng xe đang lăn,
Ta gọi người đánh xe,
Kẻ khác, cầm cương hờ."
223. "Lấy không giận thắng giận,
Lấy thiện thắng không thiện,
Lấy thí thắng xan tham,
Lấy chơn thắng hư ngụy."
224. "Nói thật, không phẫn nộ,
Của ít, thí người xin,
Nhờ ba việc lành này,
Người đến gần thiên giới."
225. "Bậc hiền không hại ai,
Thân thường được chế ngự,
Đạt được cảnh bất tử,
Đến đây, không ưu sầu."
226. "Những người thường giác tỉnh,
Ngày đêm siêng tu học,
Chuyên tâm hướng Niết Bàn,
Mọi lậu hoặc được tiêu."
227. "A-tu-la, nên biết,
Xưa vậy, nay cũng vậy,
Ngồi im, bị người chê,
Nói nhiều bị người chê.
Nói vừa phải, bị chê.
Làm người không bị chê,
Thật khó tìm ở đời."
228. "Xưa, vị lai, và nay,
Đâu có sự kiện này,
Người hoàn toàn bị chê,
Người trọn vẹn được khen."
229. "Sáng sáng, thẩm xét kỹ.
Bậc có trí tán thán.
Bậc trí không tỳ vết,
Đầy đủ giới định tuệ."
230. "Hạnh sáng như vàng ròng,
Ai dám chê vị ấy ?
Chư thiên phải khen thưởng,
Phạm Thiên cũng tán dương".
231. "Giữ thân đừng phẫn nộ,
Phòng thân khéo bảo vệ,
Từ bỏ thân làm ác,
Với thân làm hạnh lành."
232. "Giữ lời đừng phẫn nộ,
Phòng lời, khéo bảo vệ,
Từ bỏ lời thô ác,
Với lời, nói điều lành."
233. "Giữ ý đừng phẫn nộ,
Phòng ý, khéo bảo vệ,
Từ bỏ ý nghĩ ác,
Với ý, nghĩ hạnh lành.'
234. "Bậc trí bảo vệ thân,
Bảo vệ luôn lời nói
Bảo vệ cả tâm tư,
Ba nghiệp khéo bảo vệ."
235. "Ngươi nay giống lá héo,
Diêm sứ đang chờ ngươi,
Ngươi đứng trước cửa chết,
Đường trường thiếu tư lương."
236. "Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp, sáng suốt.
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Đến Thánh địa chư Thiên."
237. "Đời ngươi nay sắp tàn,
Tiến gần đến Diêm Vương.
Giữa đường không nơi nghỉ,
Đường trường thiếu tư lương."
238. "Hãy tự làm hòn đảo,
Tinh cần gấp sáng suốt.
Trừ cấu uế, thanh tịnh,
Chẳng trở lại sanh già."
239. "Bậc trí theo tuần tự.
Từng sát na trừ dần.
Như thợ vàng lọc bụi
Trừ cấu uế nơi mình."
240. "Như sét từ sắt sinh,
Sắt sanh lại ăn sắt,
Cũng vậy, quá lợi dưỡng
Tự nghiệp dẫn cõi ác."
241. "Không tụng làm nhớp kinh,
Không đứng dậy, bẩn nhà,
Biếng nhác làm nhơ sắc,
Phóng dật uế người canh"
242. "Tà hạnh nhơ đàn bà,
Xan tham nhớp kẻ thí,
Ác pháp là vết nhơ,
Đời này và đời sau."
243. "Trong hàng cấu uế ấy,
Vô minh, nhơ tối thượng,
Đoạn nhơ ấy, tỷ kheo,
Thành bậc không uế nhiễm."
244. "Dễ thay, sống không hổ
Sống lỗ mãng như quạ,
Sống công kích huênh hoang,
Sống liều lĩnh, nhiễm ô."
245. "Khó thay, sống xấu hổ,
Thường thường cầu thanh tịnh.
Sống vô tư, khiêm tốn,
Trong sạch và sáng suốt."
246. "Ai ở đời sát sinh,
Nói láo không chân thật,
Ở đời lấy không cho,
Qua lại với vợ người."
247. "Uống rượu men, rượu nấu,
Người sống đam mê vậy,
Chính ngay tại đời này,
Tự đào bới gốc mình."
248. "Vậy người, hãy nên biết,
Không chế ngự là ác.
Chớ để tham phi pháp,
Làm người đau khổ dài."
249. "Do tín tâm, hỷ tâm
Loài người mới bố thí.
Ở đây ai bất mãn
Người khác được ăn uống,
Người ấy ngày hoặc đêm,
Không đạt được tâm định ?"
250. "Ai cắt được, phá được,
Tận gốc nhổ tâm ấy.
Người ấy ngày hoặc đêm,
Tất đến được tâm định."
251. "Lửa nào bằng lửa tham !
Chấp nào bằng sân hận !
Lưới nào bằng lưới si !
Sông nào bằng sông ái !"
252. "Dễ thay thấy lỗi người,
Lỗi mình thấy mới khó.
Lỗi người ta phanh tìm,
Như sàng trấu trong gạo,
Còn lỗi mình, che đậy,
Như kẻ gian dấu bài."
253. "Ai thấy lỗi của người,
Thường sanh lòng chỉ trích,
Người ấy lậu hoặc tăng,
Rất xa lậu hoặc diệt."
254. "Hư không, không dấu chân,
Ngoài đây, không sa môn,
Chúng sanh thích hý luận,
Như lai, hý luận trừ."
255. "Hư không, không dấu chân,
Ngoài đây, không sa môn.
Các hành không thường trú,
Chư Phật không giao động."
256. "Ngươi đâu phải pháp trụ,
Xử sự quá chuyên chế,
Bậc trí cần phân biệt
Cả hai chánh và tà !"
257. "Không chuyên chế, đúng pháp,
Công bằng, dắt dẫn người,
Bậc trí sống đúng pháp,
Thật xứng danh pháp trụ."
258. "Không phải vì nói nhiều,
Mới xứng danh bậc trí.
An ổn, không oán sợ.
Thật đáng gọi bậc trí."
259. "Không phải vì nói nhiều,
Mới xứng danh trì pháp,
Những ai tuy nghe ít,
Nhưng thân hành đúng pháp,
Không phóng túng chánh pháp,
Mới xứng danh trì pháp."
260. "Không phải là trưởng lão,
Nếu cho có bạc đầu.
Người chỉ tuổi tác cao,
Được gọi là : "Lão ngu."
261. "Ai chân thật, đúng pháp,
Không hại, biết chế phục,
Bậc trí không cấu uế,
Mới xứng danh Trưởng Lão."
262. "Không phải nói lưu loát,
Không phải sắc mặt đẹp,
Thành được người lương thiện,
Nếu ganh, tham, dối trá."
263. "Ai cắt được, phá được
Tận gốc nhổ tâm ấy
Người trí ấy diệt sân,
Được gọi người hiền thiện."
264. "Đầu trọc, không sa môn
Nếu phóng túng, nói láo.
Ai còn đầy dục tham,
Sao được gọi sa môn ?"
265. "Ai lắng dịu hoàn toàn,
Các điều ác lớn nhỏ,
Vì lắng dịu ác pháp,
Được gọi là Sa môn."
266. "Chỉ khất thực nhờ người,
Đâu phải là tỷ kheo !
Phải theo pháp toàn diện,
Khất sĩ không, không đủ."
267. "Ai vượt qua thiện ác,
Chuyên sống đời Phạm Hạnh,
Sống thẩm sát ở đời,
Mới xứng danh tỷ kheo."
268. "Im lặng nhưng ngu si,
Đâu được gọi ẩn sĩ ?
Như người cầm cán cân,
Bậc trí chọn điều lành."
269. "Từ bỏ các ác pháp,
Mới thật là ẩn sĩ.
Ai thật hiểu hai đời
Mới được gọi ẩn sĩ."
270. "Còn sát hại sinh linh,
Đâu được gọi Hiền thánh.
Không hại mọi hữu tình,
Mới được gọi Hiền Thánh."
271. "Chẳng phải chỉ giới cấm
Cũng không phải học nhiều,
Chẳng phải chứng thiền định,
Sống thanh vắng một mình."
272. "Ta hưởng an ổn lạc,
Phàm phu chưa hưởng được.
Tỷ kheo, chớ tự tín
Khi lậu hoặc chưa diệt."
273. "Tám chánh, đường thù thắng,
Bốn cậu, lý thù thắng.
Ly tham, pháp thù thắng,
Giữa các loài hai chân,
Pháp nhãn, người thù thắng."
274. "Đường này, không đường khác
Đưa đến kiến thanh tịnh.
Nếu ngươi theo đường này,
Ma quân sẽ mê loạn."
275. "Nếu ngươi theo đường này,
Đau khổ được đoạn tận.
Ta dạy ngươi con đường.
Với trí, gai chướng diệt."
276. "Ngươi hãy nhiệt tình làm,
Như Lai chỉ thuyết dạy.
Người hành trì thiền định
Thoát trói buộc Ác ma."
277. "Tất cả hành vô thường"
Với Tuệ, quán thấy vậy
Đau khổ được nhàm chán;
Chính con đường thanh tịnh."
278. "Tất cả hành khổ đau
Với Tuệ quán thấy vậy,
Đau khổ được nhàm chán;
Chính con đường thanh tịnh."
279. "Tất cả pháp vô ngã,
Với Tuệ quán thấy vậy,
Đau khổ được nhàm chán
Chính con đường thanh tịnh."
280. "Khi cần, không nỗ lực,
Tuy trẻ mạnh, nhưng lười
Chí nhu nhược, biếng nhác.
Với trí tuệ thụ động,
Sao tìm được chánh đạo ?"
281. "Lời nói được thận trọng,
Tâm tư khéo hộ phòng,
Thân chớ làm điều ác,
Hãy giữ ba nghiệp tịnh,
Chứng đạo thánh nhân dạy."
282. "Tu thiền, trí huệ sanh,
Bỏ Thiền, trí huệ diệt.
Biết con đường hai ngả
Đưa đến hữu, phi hữu,
Hãy tự mình nỗ lực,
Khiến trí tuệ tăng trưởng."
283. "Đốn rừng không đốn cây
Từ rừng, sinh sợ hãi;
Đốn rừng và ái dục,
Tỷ kheo, hãy tịch tịnh."
284. "Khi nào chưa cắt tiệt,
Ái dục giữa gái trai,
Tâm ý vẫn buộc ràng,
Như bò con vú mẹ."
285. "Tự cắt giây ái dục,
Như tay bẻ sen thu,
Hãy tu đạo tịch tịnh,
Niết bàn, Thiện Thệ dạy."
286. "Mùa mưa ta ở đây
Đông, hạ cũng ở đây,
Người ngu tâm tưởng vậy,
Không tự giác hiểm nguy."
287. "Người tâm ý đắm say
Con cái và súc vật,
Tử thần bắt người ấy,
Như lụt trôi làng ngủ."
288. "Một khi tử thần đến,
Không có con che chở,
Không cha, không bà con,
Không thân thích che chở."
289. "Biết rõ ý nghĩa này,
Bậc trí lo trì giới,
Mau lẹ làm thanh tịnh,
Con đường đến Niết Bàn."
290. 'Nhờ từ bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn,
Bậc trí bỏ lạc nhỏ,
Thấy được lạc lớn hơn."
291. "Gieo khổ đau cho người,
Mong cầu lạc cho mình,
Bị hận thù buộc ràng
Không sao thoát hận thù."
292. "Việc đáng làm, không làm,
Không đáng làm, lại làm,
Người ngạo mạn, phóng dật,
Lậu hoặc ắt tăng trưởng."
293. "Người siêng năng cần mẫn,
Thường thường quán thân niệm,
Không làm việc không đáng,
Gắng làm việc đáng làm,
Người tư niệm giác tỉnh,
Lậu hoặc được tiêu trừ."
294. "Sau khi giết mẹ cha,
Giết hại Vua Sát lỵ,
Giết vương quốc, quần thần
Vô ưu, phạm chí sống."
295. "Sau khi giết mẹ cha,
Hai vua Bà la môn,
Giết hổ tướng thứ năm
Vô ưu, phạm chí sống."
296. "Đệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm Phật Đà."
297. "Đệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm Chánh Pháp"
298. "Đệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm Tăng Già."
299. "Đệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Thường tưởng niệm sắc thân."
300. "Đệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Ý vui niềm bất hại."
301. "Đệ tử Gotama,
Luôn luôn tự tỉnh giác,
Vô luận ngày hay đêm,
Ý vui tu thiền quán."
302. "Vui hạnh xuất gia khó,
Tại gia sinh hoạt khó,
Sống bạn không đồng, khổ,
Trôi lăn luân hồi, khổ,
Vậy chớ sống luân hồi,
Chớ chạy theo đau khổ."
303. "Tín tâm, sống giới hạnh
Đủ danh xưng tài sản,
Chỗ nào người ấy đến,
Chỗ ấy được cung kính."
304. "Người lành dầu ở xa
Sáng tỏ như núi tuyết,
Người ác dầu ở gần
Như tên bắn đêm đen."
305. "Ai ngồi nằm một mình.
Độc hành không buồn chán,
Tự điều phục một mình
Sống thoải mái rừng sâu."
306. "Nói láo đọa địa ngục
Có làm nói không làm,
Cả hai chết đồng đẳng,
Làm người, nghiệp hạ liệt."
307. "Nhiều người khoác cà sa,
Ác hạnh không nhiếp phục.
Người ác, do ác hạnh,
Phải sanh cõi Địa ngục."
308. "Tốt hơn nuốt hòn sắt
Cháy đỏ như lửa hừng,
Hơn ác giới, buông lung
Ăn đồ ăn quốc độ."
309. "Bốn nạn chờ đợi người,
Phóng dật theo vợ người;
Mắc họa, ngủ không yên,
Bị chê là thứ ba,
Đọa địa ngục, thứ bốn."
310. "Mắc họa, đọa ác thú,
Bị hoảng sợ, ít vui.
Quốc vương phạt trọng hình.
Vậy chớ theo vợ người."
311. "Như cỏ sa vụng nắm,
Tất bị họa đứt tay
Hạnh Sa môn tà vạy,
Tất bị đọa địa ngục."
312. "Sóng phóng đãng buông lung,
Theo giới cấm ô nhiễm,
Sống Phạm hạnh đáng nghi
Sao chứng được quả lớn ?
313. "Cần phải làm, nên làm
Làm cùng tận khả năng
Xuất gia sống phóng đãng,
Chi tăng loạn bụi đời."
314. "Ác hạnh không nên làm,
Làm xong, chịu khổ lụy,
Thiện hạnh, ắt nên làm,
Làm xong, không ăn năn."
315. "Như thành ở biên thùy,
Trong ngoài đều phòng hộ
Cũng vậy, phòng hộ mình,
Sát na chớ buông lung.
Giây phút qua, sầu muộn.
Khi rơi vào địa ngục."
316. "Không đáng hổ, lại hổ.
Việc đáng hổ, lại không.
Do chấp nhận tà kiến,
Chúng sanh đi ác thú."
317. "Không đáng sợ, lại sợ,
Đáng sợ, lại thấy không,
Do chấp nhận tà kiến.
Chúng sanh đi ác thú."
318. "Không lỗi, lại thấy lỗi,
Có lỗi, lại thấy không,
Do chấp nhận tà kiến,
Chúng sanh đi ác thú."
319. "Có lỗi, biết có lỗi,
Không lỗi, biết là không,
Do chấp nhận chánh kiến,
Chúng sanh đi cõi lành."
320. "Ta như voi giữa trận,
Hứng chịu cung tên rơi,
Chịu đựng mọi phỉ báng.
Ác giới rất nhiều người."
321. "Voi luyện, đưa dự hội,
Ngựa luyện, được vua cưỡi,
Người luyện, bậc tối thượng
Chịu đựng mọi phỉ báng."
322. "Tốt thay, con la thuần,
Thuần chủng loài ngựa Sin.
Đại tượng, voi có ngà.
Tự điều mới tối thượng."
323. "Chẳng phải loài cưỡi ấy,
Đưa người đến Niết bàn,
Chỉ có người tự điều,
Đến đích, nhờ điều phục."
324. "Con voi tên Tài Hộ,
Phát dục, khó điều phục,
Trói buộc, không ăn uống.
Voi nhớ đến rừng voi."
325. "Người ưa ngủ, ăn lớn
Nằm lăn lóc qua lại,
Chẳng khác heo no bụng,
Kẻ ngu nhập thai mãi."
326. "Trước tâm này buông lung,
Chạy theo ái, dục, lạc.
Nay Ta chánh chế ngự,
Như cầm móc điều voi."
327. "Hãy vui không phóng dật,
Khéo phòng hộ tâm ý.
Kéo mình khỏi ác đạo,
Như voi bị sa lầy."
328. "Nếu được bạn hiền trí
Đáng sống chung, hạnh lành,
Nhiếp phục mọi hiểm nguy
Hoan hỷ sống chánh niệm."
329. "Không gặp bạn hiền trí.
Đáng sống chung, hạnh lành
Như vua bỏ nước bại,
Hãy sống riêng cô độc,
Như voi sống rừng voi."
330. "Thà riêng sống một mình,
Không kết bạn người ngu.
Độc thân, không ác hạnh
Sống vô tư vô lự,
Như voi sống rừng voi."
331. "Vui thay, bạn lúc cần !
Vui thay, sống biết đủ,
Vui thay, chết có đức !
Vui thay, mọi khổ đoạn."
332. "Vui thay, hiếu kính mẹ,
Vui thay, hiếu kính cha,
Vui thay, kính Sa môn,
Vui thay, kính Hiền Thánh."
333. "Vui thay, già có giới !
Vui thay, tín an trú !
Vui thay, được trí tuệ,
Vui thay, ác không làm."
334. "Người sống đời phóng dật,
Ái tăng như giây leo.
Nhảy đời này đời khác,
Như vượn tham quả rừng."
335. "Ai sống trong đời này,
Bị ái dục buộc ràng
Sầu khổ sẽ tăng trưởng,
Như cỏ Bi gặp mưa."
336. "Ai sống trong đời này
Ái dục được hàng phục
Sầu rơi khỏi người ấy
Như giọt nước lá sen."
337. "Đây điều lành Ta dạy,
Các người tụ họp đây.
Hãy nhổ tận gốc ái
Như nhổ gốc cỏ Bi.
Chớ để ma phá hoại,
Như giòng nước cỏ lau."
338. "Như cây bị chặt đốn,
Gốc chưa hại vẫn bền
Ái tùy miên chưa nhổ,
Khổ này vẫn sanh hoài."
339. "Ba mươi sáu dòng Ái,
Trôi người đến khả ái.
Các tư tưởng tham ái.
Cuốn trôi người tà kiến."
340. "Dòng ái dục chảy khắp,
Như giây leo mọc tràn,
Thấy giây leo vừa sanh,
Với tuệ, hãy đoạn gốc."
341. "Người đời nhớ ái dục,
Ưa thích các hỷ lạc.
Tuy mong cầu an lạc,
Chúng vẫn phải sanh già."
342. "Người bị ái buộc ràng,
Vùng vẫy và hoảng sợ,
Như thỏ bị sa lưới.
Chúng sanh ái trói buộc,
Chịu khổ đau dài dài."
343. "Người bị ái buộc ràng,
Vùng vẫy và hoảng sợ,
Như thỏ bị sa lưới.
Do vậy vị tỷ kheo,
Mong cầu mình ly tham
Nên nhiếp phục ái dục."
344. "Lìa rừng lại hướng rừng
Thoát rừng chạy theo rừng.
Nên xem người như vậy,
Được thoát khỏi buộc ràng.
Lại chạy theo ràng buộc."
345. "Sắt, cây, gai trói buộc
Người trí xem chưa bền.
Tham châu báu, trang sức
Tham vọng vợ và con."
346. "Người có trí nói rằng:
"Trói buộc này thật bền.
Rì kéo xuống, lún xuống,
Nhưng thật sự khó thoát.
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ dục lạc, không màng."
347. "Người đắm say ái dục
Tự lao mình xuống dòng
Như nhện sa lưới dệt.
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ mọi khổ, không màng."
348. "Bỏ quá, hiện, vị lai,
Đến bờ kia cuộc đời,
Ý giải thoát tất cả,
Chớ vướng lại sanh già."
349. "Người tà ý nhiếp phục,
Tham sắc bén nhìn tịnh,
Người ấy ái tăng trưởng,
Làm giây trói mình chặt."
350. "Ai vui, an tịnh ý,
Quán bất tịnh, thường niệm,
Người ấy sẽ diệt ái,
Cắt đứt Ma trói buộc."
351. "Ai tới đích, không sợ,
Ly ái, không nhiễm ô
Nhổ mũi tên sanh tử,
Thân này thân cuối cùng."
352. "Ái lìa, không chấp thủ.
Cú pháp khéo biện tài
Thấu suốt từ vô ngại,
Hiểu thứ lớp trước sau.
Thân này thân cuối cùng
Vị như vậy được gọi,
Bậc Đại trí, đại nhân."
353. "Ta hàng phục tất cả,
Ta rõ biết tất cả,
Không bị nhiễm pháp nào.
Ta từ bỏ tất cả
Ái diệt, tự giải thoát.
Đã tự mình thắng trí,
Ta gọi ai thầy ta ?"
354. "Pháp thí, thắng mọi thí !
Pháp vị, thắng mọi vị !
Pháp hỷ, thắng mọi hỷ !
Ái diệt, dứt mọi khổ !"
355. "Tài sản hại người ngu.
Không người tìm bờ kia
Kẻ ngu vì tham giàu,
Hại mình và hại người."
356. "Cỏ làm hại ruộng vườn,
Tham làm hại người đời.
Bố thí người ly tham,
Do vậy được quả lớn."
357. "Cỏ làm hại ruộng vườn,
Sân làm hại người đời.
Bố thí người ly sân,
Do vậy được quả lớn."
358. "Cỏ làm hại ruộng vườn,
Si làm hại người đời,
Bố thí người ly si,
Do vậy được quả lớn."
359. "Cỏ làm hại ruộng vườn,
Dục làm hại người đời.
Bố thí người ly dục,
Do vậy được quả lớn."
360. "Lành thay, phòng hộ mắt !
Lành thay, phòng hộ tai.
Lành thay, phòng hộ mũi,
Lành thay, phòng hộ lưỡi."
361. "Lành thay, phòng hộ thân !
Lành thay, phòng hộ lời,
Lành thay, phòng hộ ý.
Lành thay, phòng tất cả.
Tỷ kheo phòng tất cả.
Thoát được mọi khổ đau."
362. "Người chế ngự tay chân,
Chế ngự lời và đầu,
Vui thích nội thiền định.
Độc thân, biết vừa đủ,
Thật xứng gọi tỷ kheo."
363. "Tỷ kheo chế ngự miệng,
Vừa lời, không cống cao,
Khi trình bày pháp nghĩa,
Lời lẽ dịu ngọt ngào."
364. "Vị tỷ kheo thích pháp,
Mến pháp, suy tư Pháp.
Tâm tư niệm chánh Pháp,
Không rời bỏ chánh Pháp."
365. "Không khinh điều mình được,
Không ganh người khác được
Tỷ kheo ganh tị người,
Không sao chứng Thiền Định."
366. "Tỷ kheo dầu được ít,
Không khinh điều mình được,
Sống thanh tịnh không nhác,
Chư thiên khen vị này."
367. "Hoàn toàn, đối danh sắc,
Không chấp Ta, của Ta.
Không chấp, không sầu não.
Thật xứng danh Tỷ kheo."
368. "Tỷ kheo trú từ bi,
Tín thành giáo Pháp Phật,
Chứng cảnh giới tịch tỉnh.
Các hạnh an tịnh lạc."
369. "Tỷ kheo, tát thuyền này,
Thuyền không, nhẹ đi mau.
Trừ tham, diệt sân hận,
Tất chứng đạt Niết Bàn."
370. "Đoạn năm, từ bỏ năm
Tụ tập năm tối thượng
Tỷ kheo vượt năm ái
Xứng danh "Vượt bộc lưu"
371. "Tỷ kheo, hãy tu thiền,
Chớ buông lung phóng dật,
Tâm chớ đắm say dục,
Phóng dật, nuốt sắt nóng
Bị đốt, chớ than khổ !"
372. "Không trí tuệ, không thiền,
Không thiền, không trí tuệ.
Người có thiền có tuệ,
Nhất định gần Niết Bàn."
373. "Bước vào ngôi nhà trống,
Tỷ kheo tâm an tịnh,
Thọ hưởng vui siêu nhân
Tịnh quán theo chánh pháp."
374. "Người luôn luôn chánh niệm,
Sự sanh diệt các uẩn,
Được hoan hỷ, hân hoan,
Chỉ bậc bất tử biết."
375. "Đây Tỷ kheo có trí,
Tụ tập pháp căn bản
Hộ căn, biết vừa đủ,
Giữ gìn căn bản giới,
Thường gần gũi bạn lành,
Sống thanh tịnh tinh cần."
376. "Giao thiệp khéo thân thiện,
Cử chỉ mực đoan trang.
Do vậy hưởng vui nhiều,
Sẽ dứt mọi khổ đau."
377. "Như hoa Vassikà,
Quăng bỏ cánh úa tàn,
Cũng vậy vị Tỷ kheo,
Hãy giải thoát tham sân."
378. "Thân tịnh, lời an tịnh,
An tịnh, khéo thiền tịnh.
Tỷ kheo bỏ thế vật,
Xứng danh "bậc tịch tịnh".
379. "Tự mình chỉ trích mình,
Tự mình dò xét mình,
Tỷ kheo tự phòng hộ
Chánh niệm, trú an lạc."
380. "Tự mình y chỉ mình,
Tự mình đi đến mình,
Vậy hãy tự điều phục,
Như khách buôn ngựa hiền."
381. "Tỷ kheo nhiều hân hoan,
Tịnh tín giáo pháp Phật,
Chứng cảnh giới tịch tịnh,
Các hạnh an tịnh lạc."
382. "Tỷ kheo tuy tuổi nhỏ
Siêng tu giáo pháp Phật,
Soi sáng thế gian này,
Như trăng thoát khỏi mây."
383. "Hỡi này Bà là môn,
Hãy tinh tấn đoạn dòng,
Từ bỏ các dục lạc,
Biết được hành đoạn diệt,
Người là bậc vô vi."
384. "Nhờ thường trú hai pháp
Đến được bờ bên kia.
Bà la môn có trí,
Mọi kiết sử dứt sạch."
385. "Không bờ này, bờ kia
Cả hai bờ không có,
Lìa khổ, không trói buộc
Ta gọi Bà la môn."
386. "Tu thiền, trú ly trần
Phận sự xong, vô lậu,
Đạt được đích tối thượng,
Ta gọi Bà la môn."
387. "Mặt trời sáng ban ngàn,
Mặt trăng sáng ban đêm.
Khí giới sáng Sát lỵ,
Thiền định sáng Phạm chí.
Còn hào quang đức Phật,
Chói sáng cả ngày đêm."
388. "Dứt ác gọi Phạm chí,
Tịnh hạnh gọi Sa môn,
Tự mình xuất cấu uế,
Nên gọi bậc xuất gia."
389. "Chớ có đập Phạm chí !
Phạm chí chớ đập lại !
Xấu thay đập Phạm chí
Đập trả lại xấu hơn !"
390. "Đối vị Bà la môn,
Đây không lợi ích nhỏ.
Khi ý không ái luyến,
Tâm hại được chận đứng,
Chỉ khi ấy khổ diệt,"
391. "Với người thân miệng ý,
Không làm các ác hạnh
Ba nghiệp được phòng hộ,
Ta gọi Bà la môn."
392. "Từ ai, biết chánh pháp
Bậc Chánh Giác thuyết giảng,
Hãy kính lễ vị ấy,
Như phạm chí thờ lửa."
393. "Được gọi Bà la môn,
Không vì đầu bện tóc,
Không chủng tộc, thọ sanh,
Ai thật chân, chánh, tịnh,
Mới gọi Bà la môn."
394. "Kẻ ngu, có ích gì
Bện tóc với da dê,
Nội tâm toàn phiền não,
Ngoài mặt đánh bóng suông."
395. "Người mặc áo đống rác,
Gầy ốm, lộ mạch gân,
Độc thân thiền trong rừng.
Ta gọi Bà la môn."
396. "Ta không gọi Phạm Chí,
Vì chỗ sanh, mẹ sanh.
Chỉ được gọi tên suông
Nếu tâm còn phiền não.
Không phiền não, chấp trước
Ta gọi Bà la môn."
397. "Đoạn hết các kiết sử,
Không còn gì lo sợ
Không đắm trước buộc ràng
Ta gọi Bà la môn
398. "Bỏ đai da, bỏ cương
Bỏ dây, đồ sở thuộc,
Bỏ then chốt, sáng suốt,
Ta gọi Bà la môn."
399. "Không ác ý, nhẫn chịu,
Phỉ báng, đánh, phạt hình,
Lấy nhẫn làm quân lực,
Ta gọi Bà la môn."
400. "Không hận, hết bổn phận,
Trì giới, không tham ái,
Nhiếp phục, thân cuối cùng,
Ta gọi Bà la môn."
401. "Như nước trên lá sen,
Như hột cải đầu kim,
Người không nhiễm ái dục,
Ta gọi Bà la môn."
402. "Ai tự trên đời này,
Giác khổ, diệt trừ khổ,
Bỏ gánh nặng, giải thoát,
Ta gọi Bà la môn."
403. "Người trí tuệ sâu xa,
Khéo biết đạo, phi đạo
Chứng đạt đích vô thượng,
Ta gọi Bà la môn."
404. "Không liên hệ cả hai,
Xuất gia và thế tục,
Sống độc thân, ít dục,
Ta gọi Bà la môn."
405. "Bỏ trượng, đối chúng sanh,
Yếu kém hay kiên cường,
Không giết, không bảo giết,
Ta gọi Bà la môn."
406. "Thân thiện giữa thù địch
Ôn hòa giữa hung hăng.
Không nhiễm, giữa nhiễm trước,
Ta gọi Bà la môn."
407. "Người bỏ rơi tham sân,
Không mạn không ganh tị,
Như hột cải đầu kim,
Ta gọi Bà la môn."
408. "Nói lên lời ôn hòa,
Lợi ích và chân thật,
Không mất lòng một ai,
Ta gọi Bà la môn."
409. "Ởi đời, vật dài, ngắn,
Nhỏ, lớn, đẹp hay xấu
Phàm không cho không lấy,
Ta gọi Bà la môn."
410. "Người không có hy cầu,
Đời này và đời sau,
Không hy cầu, giải thoát,
Ta gọi Bà la môn."
411. "Người không còn tham ái,
Có trí, không nghi hoặc,
Thể nhập vào bất tử,
Ta gọi Bà la môn."
412. "Người sống ở đời này
Không nhiễm cả thiện ác,
Không sầu, sạch không bụi
Ta gọi Bà la môn."
413. "Như trăng, sạch không uế
Sáng trong và tịnh lặng,
Hữu ái, được đoạn tận,
Ta gọi Bà là môn."
414. "Vượt đường nguy hiểm này,
Nhiếp phục luân hồi, si,
Đến bờ kia thiền định
Không dục ái, không nghi,
Không chấp trước, tịch tịnh,
Ta gọi Bà la môn."
415. "Ai ở đời, đoạn dục,
Bỏ nhà, sống xuất gia,
Dục hữu được đoạn tận,
Ta gọi Bà la môn."
416. "Ai ở đời đoạn ái
Bỏ nhà, sống xuất gia,
Ái hữu được đoạn tận,
Ta gọi Bà la môn."
417. "Bỏ trói buộc loài người,
Vượt trói buộc cõi trời.
Giải thoát mọi buộc ràng,
Ta gọi Bà la môn."
418. "Bỏ điều ưa, điều ghét,
Mát lạnh, diệt sanh y
Bậc anh hùng chiến thắng,
Nhiếp phục mọi thế giới,
Ta gọi Bà la môn."
419. "Ai hiểu rõ hoàn toàn
Sanh tử các chúng sanh,
Không nhiễm, khéo vượt qua,
Sáng suốt chân giác ngộ,
Ta gọi Bà la môn."
420. "Với ai, loài trời, người
Cùng với Càn thát bà,
Không biết chỗ thọ sanh
Lậu tận bậc La hán.
Ta gọi Bà la môn."
421. "Ai quá, hiện, vị lai
Không một sở hữu gì,
Không sở hữu không nắm,
Ta gọi Bà la môn."
422. "Bậc trâu chúa, thù thắng
Bậc anh hùng, đại sĩ,
Bậc chiến thắng, không nhiễm,
Bậc tẩy sạch, giác ngộ,
Ta gọi Bà la môn."
423. "Ai biết được đời trước,
Thấy thiên giới, đọa xứ,
Đạt được sanh diệt tận
Thắng trí, tự viên thành
Bậc mâu ni đạo sĩ.
Viên mãn mọi thành tựu
Ta gọi Bà la môn."
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi gốc cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
2. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, sau khi đã ra khỏi định ấy, đức Thế Tôn vào canh một của đêm đã khéo léo tác ý thuận chiều về sự sanh khởi tùy thuộc vào điều kiện rằng: “Như thế là khi cái này hiện hữu thì cái kia hiện hữu, do sự sanh khởi của cái này thì cái kia được sanh khởi, tức là: Do duyên vô minh, các hành (sanh khởi); do duyên các hành, thức (sanh khởi); do duyên thức, danh sắc (sanh khởi); do duyên danh sắc, sáu xứ (sanh khởi); do duyên sáu xứ, xúc (sanh khởi); do duyên xúc, thọ (sanh khởi); do duyên thọ, ái (sanh khởi); do duyên ái, thủ (sanh khởi); do duyên thủ, hữu (sanh khởi); do duyên hữu, sanh (sanh khởi); do duyên sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như thế là sự sanh lên của toàn bộ khổ uẩn này.”[1]
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn có nhiệt tâm đang tham thiền thì tất cả điều nghi hoặc của vị ấy được rũ sạch, từ đó vị ấy nhận biết rằng (mọi) việc là có nguyên nhân.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi cội cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
2. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, sau khi đã ra khỏi định ấy, đức Thế Tôn vào canh giữa của đêm đã khéo léo tác ý nghịch chiều về sự sanh khởi tùy thuộc vào điều kiện rằng: “Như thế là khi cái này không hiện hữu thì cái kia không hiện hữu, do sự diệt tận của cái này thì cái kia được diệt tận, tức là: Do sự diệt tận của vô minh (đưa đến) sự diệt tận của các hành, do sự diệt tận của các hành (đưa đến) sự diệt tận của thức, do sự diệt tận của thức (đưa đến) sự diệt tận của danh sắc, do sự diệt tận của danh sắc (đưa đến) sự diệt tận của sáu xứ, do sự diệt tận của sáu xứ (đưa đến) sự diệt tận của xúc, do sự diệt tận của xúc (đưa đến) sự diệt tận của thọ, do sự diệt tận của thọ (đưa đến) sự diệt tận của ái, do sự diệt tận của ái (đưa đến) sự diệt tận của thủ, do sự diệt tận của thủ (đưa đến) sự diệt tận của hữu, do sự diệt tận của hữu (đưa đến) sự diệt tận của sanh, do sự diệt tận của sanh (đưa đến) lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não được diệt tận. Như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn có nhiệt tâm đang tham thiền thì tất cả điều nghi hoặc của vị ấy được rũ sạch, từ đó nhận biết rằng (mọi) việc là có nguyên nhân.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi cội cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
2. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, sau khi đã ra khỏi định ấy, đức Thế Tôn vào canh cuối của đêm đã khéo léo tác ý thuận chiều và nghịch chiều về sự sanh khởi tùy thuộc vào điều kiện rằng: “Như thế là khi cái này hiện hữu thì cái kia hiện hữu, do sự sanh khởi của cái này thì cái kia được sanh khởi, khi cái này không hiện hữu thì cái kia không hiện hữu, do sự diệt tận của cái này thì cái kia được diệt tận, tức là: Do duyên vô minh, các hành (sanh khởi); do duyên các hành, thức (sanh khởi); do duyên thức, danh sắc (sanh khởi); do duyên danh sắc, sáu xứ (sanh khởi); do duyên sáu xứ, xúc (sanh khởi); do duyên xúc, thọ (sanh khởi); do duyên thọ, ái (sanh khởi); do duyên ái, thủ (sanh khởi); do duyên thủ, hữu (sanh khởi); do duyên hữu, sanh (sanh khởi); do duyên sanh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh khởi. Như thế là sự sanh lên của toàn bộ khổ uẩn này.
Nhưng chính do sự diệt tận của vô minh hoàn toàn không còn tham ái (đưa đến) sự diệt tận của các hành, do sự diệt tận của các hành (đưa đến) sự diệt tận của thức, do sự diệt tận của thức (đưa đến) sự diệt tận của danh sắc, do sự diệt tận của danh sắc (đưa đến) sự diệt tận của sáu xứ, do sự diệt tận của sáu xứ (đưa đến) sự diệt tận của xúc, do sự diệt tận của xúc (đưa đến) sự diệt tận của thọ, do sự diệt tận của thọ (đưa đến) sự diệt tận của ái, do sự diệt tận của ái (đưa đến) sự diệt tận của thủ, do sự diệt tận của thủ (đưa đến) sự diệt tận của hữu, do sự diệt tận của hữu (đưa đến) sự diệt tận của sanh, do sự diệt tận của sanh (đưa đến) lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não được diệt tận. Như thế là sự diệt tận của toàn bộ khổ uẩn này.”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Quả vậy, khi các pháp hiện rõ đến vị Bà-la-môn có nhiệt tâm đang tham thiền, trong khi đánh tan binh đội của Ma Vương, (vị ấy) hiển hiện tựa như ánh mặt trời đang làm rực sáng không gian.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi cội cây si của những người chăn dê và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
2. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy. Khi ấy, có vị Bà-la-môn nọ thuộc nhóm chuyên luyện về âm “hum, hum” đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên, vị Bà-la-môn ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Thưa Ngài Gotama, (khả năng) đến đâu (mới gọi) là Bà-la-môn? Và các pháp nào tạo nên bản thể Bà-la-môn?”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Vị Bà-la-môn nào có ác pháp đã được ngăn trừ, là vị không làm tiếng ‘hum hum,’ đã thoát khỏi điều ô nhiễm, có bản thân đã được chế ngự, là vị thông thạo các bộ Vệ Đà, sống theo đời Phạm hạnh, vị ấy có thể thuyết giảng một cách đúng đắn lời nói của Phạm Thiên, vị ấy không có sai sót về bất cứ điều gì ở trên thế gian.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta, đại đức Mahāmoggallāna, đại đức Mahākassapa, đại đức Mahākaccāyana, đại đức Mahākoṭṭhita, đại đức Mahākappina, đại đức Mahācunda, đại đức Anuruddha, đại đức Revata, đại đức Ānanda, đã đi đến gặp đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy các vị đại đức ấy từ đằng xa đang đi đến, sau khi thấy đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, các vị Bà-la-môn này đi đến. Này các tỳ khưu, các vị Bà-la-môn này đi đến.”
Khi được nói như vậy, một vị tỳ khưu xuất thân Bà-la-môn đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, (khả năng) đến đâu (mới gọi) là Bà-la-môn? Và các pháp nào tạo nên bản thể Bà-la-môn?”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Sau khi lánh xa các ác pháp, các vị nào sống thường xuyên có niệm, có các sự ràng buộc đã được cạn kiệt, đã được giác ngộ, các vị ấy quả thật là các Bà-la-môn ở thế gian.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākassapa trú ở hang động Pipphali, là người bệnh, bị khổ sở, có bệnh trầm trọng. Rồi sau một thời gian, đại đức Mahākassapa đã thoát khỏi cơn bệnh ấy.
2. Lúc ấy, điều này đã khởi đến đại đức Mahākassapa khỉ đã thoát khỏi cơn bệnh ấy: “Có lẽ ta nên đi vào thành Rājagaha để khất thực.”
Vào lúc bấy giờ, các Thiên nhân với số lượng năm trăm vị đang có sự sốt sắng về việc thọ nhận đồ ăn khất thực của đại đức Mahākassapa.
Lúc ấy, đại đức Mahākassapa đã từ chối các Thiên nhân với số lượng năm trăm vị ấy, sau đó vào buổi sáng đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Rājagaha để khất thực, nơi đường lộ của những người nghèo khổ, nơi đường lộ của những người khốn khó, nơi đường lộ của những người thợ dệt.
Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Mahākassapa đang đi khất thực trong thành Rājagaha, nơi đường lộ của những người nghèo khổ, nơi đường lộ của những người khốn khó, nơi đường lộ của những người thợ dệt.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Vị không nuôi dưỡng kẻ khác, đã được biết tiếng, đã được rèn luyện, đã đứng vững ở cốt lõi, có lậu hoặc đã được cạn kiệt, có sân hận đã được tẩy trừ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Pāvā, ở bảo tháp Ajakalāpaka, nơi cung điện của Dạ-xoa Ajakalāpaka. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ngồi ở ngoài trời, trong đêm tối đen mù mịt. Và trời đổ mưa từng hạt. Khi ấy, với ý định làm sanh khởi sự sợ hãi, tê cứng, lông dựng đứng đến đức Thế Tôn, Dạ-xoa Ajakalāpaka đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã gây nên tiếng gào thét hỗn loạn “á-kú-lô pá-kú-lô” ba lần ở nơi không xa đức Thế Tôn (nói rằng): “Này Sa-môn, con yêu tinh này là dành cho ông.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Khi đã đi đến bờ kia đối với các pháp của chính mình, trở thành vị Bà-la-môn, thì vượt qua con yêu tinh ấy và tiếng gào thét (của nó).”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sangāmaji đã ngự đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn. Người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã nghe được rằng: “Nghe nói ngài Sangāmaji đã ngự đến Sāvatthi.” Cô ấy đã ẵm lấy đứa bé trai và đã đi đến Jetavana.
Vào lúc bấy giờ, đại đức Sangāmaji ngồi nghỉ trưa ở gốc cây nọ. Khi ấy, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã đi đến gặp đại đức Sangāmaji, sau khi đến đã nói với đại đức Sangāmaji điều này: “Này ông Sa-môn, tôi có đứa con trai nhỏ. Hãy nuôi dưỡng tôi.” Khi được nói như vậy, đại đức Sangāmaji đã im lặng.
Đến lần thứ nhì, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã nói với đại đức Sangāmaji điều này: “Này ông Sa-môn, tôi có đứa con trai nhỏ. Hãy nuôi dưỡng tôi.” Đến lần thứ nhì, đại đức Sangāmaji đã im lặng. Đến lần thứ ba, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã nói với đại đức Sangāmaji điều này: “Này ông Sa-môn, tôi có đứa con trai nhỏ. Hãy nuôi dưỡng tôi.” Đến lần thứ ba, đại đức Sangāmaji đã im lặng.
Khi ấy, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã đặt xuống đứa con trai ấy ở phía trước đại đức Sangāmaji rồi bỏ đi (nói rằng): “Này ông Sa-môn, đây là con trai của ông. Hãy nuôi dưỡng nó.”
2. Khi ấy, đại đức Sangāmaji đã không ngó đến cũng chẳng chuyện trò với đứa bé trai ấy. Khi ấy, người vợ cũ của đại đức Sangāmaji đã đi đến một nơi không xa, trong khi ngó lại, đã nhìn thấy đại đức Sangāmaji không ngó đến cũng chẳng chuyện trò với đứa bé trai ấy. Sau khi nhìn thấy, cô ấy đã khởi ý rằng: “Ông Sa-môn này không cần đến đứa con trai,” từ nơi ấy đã quay trở lại, ẵm lấy đứa bé trai rồi ra đi. Đức Thế Tôn với Thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người đã nhìn thấy việc làm trái khuấy của người vợ cũ của đại đức Sangāmaji.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Chẳng thỏa thích khi nàng đi đến, không sầu muộn lúc nàng bỏ đi;
Sangāmaji đã thoát khỏi sự dính mắc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại làng Gayā, ở đỉnh núi Gayā. Vào lúc bấy giờ, trong khoảng thời gian tám đêm của mùa đông lạnh lẽo vào lúc tuyết rơi, ở tại dòng sông có nhiều vị đạo sĩ bện tóc trồi lên, hụp xuống, rồi lại thực hiện hành động trồi lên hụp xuống, rưới nước, cúng tế thần lửa (nghĩ rằng): “Nhờ vào việc này mà có sự trong sạch.”
Và đức Thế tôn đã nhìn thấy trong khoảng thời gian tám đêm của mùa đông lạnh lẽo vào lúc tuyết rơi, ở tại dòng sông có nhiều vị đạo sĩ bện tóc trồi lên, hụp xuống, rồi lại thực hiện hành động trồi lên hụp xuống, rưới nước, cúng tế thần lửa (nghĩ rằng): “Nhờ vào việc này mà có sự trong sạch.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Không do nước mà trở nên trong sạch. Nhiều người tắm ở nơi này. Ở người nào có sự chân thật và có Giáo Pháp, người ấy là trong sạch, và người ấy là Bà-la-môn.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, Bāhiya Dārucīriya[2] cư ngụ tại Suppāraka, ở bờ biển, được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Những ai là các bậc A-la-hán ở thế gian, hoặc đã đạt đến A-la-hán đạo, ta là một vị trong số các vị ấy.”
Khi ấy, có vị Thiên nhân, trước đây là thân nhân cùng huyết thống của Bāhiya Dārucīriya, có lòng thương tưởng, có sự mong mỏi điều lợi ích, sau khi bằng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của Bāhiya Dārucīriya, đã đi đến gặp Bāhiya Dārucīriya, sau khi đến đã nói với Bāhiya Dārucīriya điều này: “Này Bāhiya, ngươi hiển nhiên không phải là vị A-la-hán, hoặc đã đạt đến A-la-hán đạo. Thậm chí ở ngươi không có đường lối thực hành ấy, nhờ nó ngươi có thể trở thành vị A-la-hán, hoặc đạt đến A-la-hán đạo.” “Vậy ở thế gian luôn cả chư Thiên có vị nào là bậc A-la-hán hoặc đã đạt đến A-la-hán đạo?” “Này Bāhiya, ở những xứ sở ở phía bắc có thành phố tên là Sāvatthi. Ở nơi ấy, hiện nay có đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy cư ngụ. Này Bāhiya, chính đức Thế Tôn ấy không những là bậc A-la-hán mà còn thuyết giảng Pháp đưa đến phẩm vị A-la-hán nữa.”
Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya bị làm cho chấn động bởi vị Thiên nhân ấy ngay lập tức đã rời khỏi Suppāraka, và đã đi đến thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika; toàn bộ cuộc hành trình chỉ trú lại một đêm. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu đang đi kinh hành ở ngoài trời. Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya đã đi đến gặp các vị tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với các vị tỳ khưu ấy điều này: “Thưa các ngài, hiện nay đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy ngụ ở đâu? Chúng tôi có ước muốn diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy.” “Này Bāhiya, đức Thế Tôn đã đi vào trong xóm nhà để khất thực.”
2. Khi ấy, Bāhiya Dārucīriya với vẻ vội vã đã rời khỏi Jetavana rồi đi vào thành Sāvatthi và đã nhìn thấy đức Thế Tôn, với vẻ đáng mến, khơi dậy niềm tin, có giác quan an tịnh, tâm ý an tịnh, đã đạt đến sự rèn luyện và tịnh lặng tối thượng, loài long tượng đã được huấn luyện, đã được hộ trì, có giác quan đã được kiểm soát, đang đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau khi nhìn thấy đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã cúi xuống đê đầu ở bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói điều này: “Thưa Ngài, xin đức Thế Tôn hãy giảng Pháp cho tôi, xin bậc Thiện Thệ hãy giảng Pháp cho tôi, việc ấy có thể đem lại cho tôi sự lợi ích, sự an lạc lâu dài.”
Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với Bāhiya Dārucīriya điều này: “Này Bāhiya, giờ không phải là lúc, chúng tôi đã đi vào trong xóm nhà để khất thực.”
Đến lần thứ nhì, Bāhiya Dārucīriya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Thưa Ngài, điều này quả là khó biết được đối với các sự nguy hiểm cho mạng sống của đức Thế Tôn, hay là các sự hiểm nguy cho mạng sống của tôi. Thưa Ngài, xin đức Thế Tôn hãy giảng Pháp cho tôi, xin bậc Thiện Thệ hãy giảng Pháp cho tôi, việc ấy có thể đem lại cho tôi sự lợi ích, sự an lạc lâu dài.”
Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với Bāhiya Dārucīriya điều này: “Này Bāhiya, giờ không phải là lúc, chúng tôi đã đi vào trong xóm nhà để khất thực.”
Đến lần thứ ba, Bāhiya Dārucīriya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Thưa Ngài, điều này quả là khó biết được đối với các sự nguy hiểm cho mạng sống của đức Thế Tôn, hay là các sự hiểm nguy cho mạng sống của tôi. Thưa Ngài, xin đức Thế Tôn hãy giảng Pháp cho tôi, xin bậc Thiện Thệ hãy giảng Pháp cho tôi, việc ấy có thể đem lại cho tôi sự lợi ích, sự an lạc lâu dài.”
“Này Bāhiya, như thế thì ngươi nên học tập như vầy: ‘Trong việc thấy sẽ là thuần túy việc thấy, trong việc nghe sẽ là thuần túy việc nghe, trong việc cảm giác sẽ là thuần túy việc cảm giác, trong việc nhận thức sẽ là thuần túy việc nhận thức.’ Này Bāhiya, ngươi nên học tập theo đúng như vậy.
Này Bāhiya, khi nào đối với ngươi, trong việc thấy sẽ là thuần túy việc thấy, trong việc nghe sẽ là thuần túy việc nghe, trong việc cảm giác sẽ là thuần túy việc cảm giác, trong việc nhận thức sẽ là thuần túy việc nhận thức, này Bāhiya, khi ấy ngươi không là với điều ấy. Này Bāhiya, khi nào ngươi không là với điều ấy, này Bāhiya khi ấy ngươi không là trong đó. Này Bāhiya, khi nào ngươi không là trong đó, này Bāhiya khi ấy ngươi đương nhiên không là ở đây, không là ở kia, không là ở khoảng giữa của cả hai. Chính điều này là sự chấm dứt của khổ.”
3. Khi ấy, với lời giảng Pháp tóm tắt này của đức Thế Tôn ngay khi ấy tâm của Bāhiya Dārucīriya không còn chấp thủ và đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc.
Khi ấy, sau khi giáo huấn cho Bāhiya Dārucīriya với lời giáo huấn tóm tắt này, đức Thế Tôn đã ra đi.
Sau đó, trong khi đức Thế Tôn ra đi không bao lâu, một con bò cái với con bê non đã húc ngã và đã đoạt lấy mạng sống của Bāhiya Dārucīriya.
Sau đó, đức Thế Tôn sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về cùng với nhiều vị tỳ khưu, sau khi đi ra khỏi thành đã nhìn thấy Bāhiya Dārucīriya đã từ trần, sau khi nhìn thấy đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, hãy mang thi thể của Bāhiya Dārucīriya đặt lên cáng khiêng đi và hỏa thiêu. Và hãy xây dựng bảo tháp cho vị này. Này các tỳ khưu, vị đồng Phạm hạnh của các ngươi đã từ trần.”
“Bạch Ngài, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đặt thi thể của Bāhiya Dārucīriya lên cáng rồi khiêng đi và hỏa thiêu, và sau khi xây dựng bảo tháp cho vị này đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên.
Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thi thể của Bāhiya Dārucīriya đã được thiêu đốt, và bảo tháp đã được xây dựng cho vị này. Cảnh giới tái sanh của vị ấy là gì? Đời sau của vị ấy là gì?”
“Này các tỳ khưu, Bāhiya Dārucīriya là vị sáng suốt đã thực hành Pháp tuần tự đốī với Giáo Pháp, và đã không quấy rầy Ta với sự việc liên quan đến Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, Bāhiya Dārucīriya đã viên tịch Niết Bàn.”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Nơi nào nước và đất, lửa, gió không bám chắc,
nơi ấy các vì sao không lấp lánh, mặt trời không chói sáng,
nơi ấy mặt trăng không chiếu sáng, nơi ấy sự tối tăm không tìm thấy.
Và vào lúc bậc hiền trí, vị Bà-la-môn tự mình hiểu biết bằng trí tuệ,
khi ấy được giải thoát khỏi sắc, khỏi vô sắc, khỏi hạnh phúc và khổ đau.”
Lời cảm hứng này đã được Thế Tôn nói lên, tôi đã nghe thế ấy.
Phẩm Giác Ngộ là thứ nhất.
Ba chuyện về giác ngộ, cây si, các vị trưởng lão ấy, với vị Kassapa, ở Pāvā, vị Saṅgāmaji, các đạo sĩ bện tóc, với vị Bāhiya, chúng là mười bài Kinh.
--ooOoo--
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi gốc cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
2. Vào lúc bấy giờ, có đám mây đen lớn sái mùa xuất hiện, có mưa tầm tã trong bảy ngày, có gió lạnh và đầy mây. Khi ấy, rồng chúa Mucalinda đã rời khỏi chỗ ngụ của mình dùng thân quấn quanh cơ thể của đức Thế Tôn bảy vòng và phồng lớn mang rồi duy trì ở phía trên đầu của đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Chớ để đức Thế Tôn bị lạnh, chớ để đức Thế Tôn bị nóng, chớ để đức Thế Tôn bị xúc chạm bởi ruồi, muỗi, gió, nắng, và các loài bò sát.” Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định ấy.
Khi ấy, rồng chúa Mucalinda sau khi biết rằng bầu trời đã trở nên trong sáng và mây đã tan nên đã nới lỏng thân khỏi cơ thể của đức Thế Tôn, rồi thay đổi hình dạng của chính bản thân và biến thành hình dạng của người thanh niên đứng ở phía trước đức Thế Tôn, tay chắp lại, bày tỏ thái độ cung kính đến đức Thế Tôn.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Sự sống cách ly là an lạc đối với vị hoan hỷ, đối với vị có Pháp đã được nghe, đối với vị đang xem xét. Sự không oán hận, sự chế ngự đối với các chúng sanh có mạng sống là niềm hạnh phúc ở trên đời.
Việc xa lìa luyến ái, sự vượt qua các dục là niềm an lạc ở trên đời. Điều gì là sự thoát ra khỏi tự mãn về bản ngã, điều ấy chính là sự an lạc tối thượng.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
2. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở hội trường; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa các vị ấy:
“Này các đại đức, ai trong số hai vị vua này là người có tài sản lớn hơn, hoặc có của cải lớn hơn, hoặc có kho tàng lớn hơn, hoặc có lãnh thổ lớn hơn, hoặc có phương tiện di chuyển lớn hơn, hoặc có quân đội lớn hơn, hoặc có thần lực lớn hơn, hoặc có oai lực lớn hơn, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha hay đức vua Pasenadi xứ Kosala?” Và câu chuyện trao đổi này của các vị tỳ khưu ấy đã bị gián đoạn.
3. Khi ấy vào buổi chiều, đức Thế Tôn, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến hội trường, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, ở đây bây giờ các ngươi đã cùng ngồi xuống tụ hội vì câu chuyện gì vậy? Và câu chuyện trao đổi gì của các ngươi đã bị gián đoạn?”
“Bạch Ngài, ở đây chúng con sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở hội trường; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa chúng con: ‘Này các đại đức, ai trong số hai vị vua này là người có tài sản lớn hơn, hoặc có của cải lớn hơn, hoặc có kho tàng lớn hơn, hoặc có lãnh thổ lớn hơn, hoặc có phương tiện di chuyển lớn hơn, hoặc có quân đội lớn hơn, hoặc có thần lực lớn hơn, hoặc có oai lực lớn hơn, đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha hay đức vua Pasenadi xứ Kosala?’ Bạch Ngài, câu chuyện trao đổi này của chúng con đã bị gián đoạn. Khi ấy đức Thế Tôn đi đến.”
“Này các tỳ khưu, điều này quả không thích đáng cho các ngươi, những người con trai gia đình danh giá đã vì niềm tin rời nhà xuất gia sống không nhà, là việc các ngươi có thể nói về đề tài có hình thức như thế. Này các tỳ khưu, đối với các ngươi, khi tụ hội lại, có hai việc nên làm là trao đổi về Giáo Pháp hoặc (giữ) trạng thái im lặng thánh thiện.”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Khoái lạc ngũ dục nào ở thế gian, và sự an lạc nào thuộc cõi Trời, các điều này có mười sáu phần không giá trị bằng (một phần) an lạc của sự diệt tận tham ái.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, nhiều đứa trẻ trai đánh đập con rắn bằng cây gậy ở khoảng giữa Sāvatthi và Jetavana. Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều đứa trẻ trai đang đánh đập con rắn bằng cây gậy ở khoảng giữa Sāvatthi và Jetavana.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Kẻ nào trong lúc tầm cầu hạnh phúc cho bản thân mà hãm hại các chúng sanh có lòng mong mỏi hạnh phúc bằng gậy gộc, kẻ ấy không đạt được hạnh phúc sau khi chết.
Kẻ nào trong lúc tầm cầu hạnh phúc cho bản thân mà không hãm hại các chúng sanh có lòng mong mỏi hạnh phúc bằng gậy gộc, kẻ ấy đạt được hạnh phúc sau khi chết.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
2. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Hội chúng tỳ khưu cũng được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh.
Trái lại, các du sĩ ngoại đạo không được tôn vinh, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Khi ấy, các du sĩ ngoại đạo ấy không chịu đựng được sự tôn vinh đối với đức Thế Tôn và hội chúng tỳ khưu; sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu ở làng và ở rừng, họ sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng các lời nói không lịch sự, thô lỗ.
3. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, hiện nay đức Thế Tôn được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Hội chúng tỳ khưu cũng được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Trái lại, các du sĩ ngoại đạo không được tôn vinh, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Khi ấy, các du sĩ ngoại đạo ấy không chịu đựng được sự tôn vinh đối với đức Thế Tôn và hội chúng tỳ khưu; sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu ở làng và ở rừng, họ sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng các lời nói không lịch sự, thô lỗ.”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Ở làng, ở rừng, kẻ bị tiếp xúc với lạc và khổ không nên đổ thừa cho bản thân hoặc cho người khác. Các xúc chạm đến tùy theo sự bám víu; đối với người không còn bám víu thì các xúc có thể chạm đến bằng cách nào?”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, có nam cư sĩ nọ người làng Icchānaṅgala đã đi đến thành Sāvatthi vì công việc cần làm nào đó. Khi ấy, nam cư sĩ ấy sau khi giải quyết xong công việc cần làm ấy ở Sāvatthi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với nam cư sĩ ấy điều này: “Này nam cư sĩ, đã lâu lắm ngươi mới tạo được cơ hội này, tức là việc đi đến đây.”
“Bạch Ngài, từ lâu nay con có ước muốn đi đến để diện kiến đức Thế Tôn, tuy nhiên con bị bận rộn với những công việc cần làm này nọ. Bởi vậy, con đã không thể đi đến để diện kiến đức Thế Tôn được.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Quả thật là hạnh phúc cho vị ấy, bậc không sở hữu gì, có Pháp đã được thành tựu, có sự nghe nhiều. Hãy nhìn xem người có sở hữu gì đó đang bị sầu khổ; con người có tình trạng bị trói buộc vào người (khác).”[3]
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, một cô gái Bà-la-môn trẻ tuổi, vợ của một du sĩ ngoại đạo, là người sản phụ gần đến lúc sanh.
Khi ấy, người nữ du sĩ ấy đã nói với người nam du sĩ ấy điều này: “Ông Bà-la-môn à, ông hãy đi và đem dầu ăn về, vật ấy sẽ dùng cho việc sanh đẻ của thiếp.” Khi được nói như vậy, người nam du sĩ ấy đã nói với người nữ du sĩ ấy điều này: “Nàng ơi, dầu ăn ở đâu cho tôi đem về?”
Đến lần thứ nhì, người nữ du sĩ ấy đã nói với người nam du sĩ ấy điều này: “Ông Bà-la-môn à, ông hãy đi và đem dầu ăn về, vật ấy sẽ dùng cho việc sanh đẻ của thiếp.” Đến lần thứ nhì, người nam du sĩ ấy đã nói với người nữ du sĩ ấy điều này: “Nàng ơi, dầu ăn ở đâu cho tôi đem về?”
Đến lần thứ ba, người nữ du sĩ ấy đã nói với người nam du sĩ ấy điều này: “Ông Bà-la-môn à, ông hãy đi và đem dầu ăn về, vật ấy sẽ dùng cho việc sanh đẻ của thiếp.”
2. Vào lúc bấy giờ, tại nhà kho của đức vua Pasenadi xứ Kosala, vị Sa-môn hay Bà-la-môn được phép uống bơ lỏng hoặc dầu ăn theo như nhu cầu, không được mang đi.
Khi ấy, người nam du sĩ ấy đã khởi ý rằng: “Tại nhà kho của đức vua Pasenadi xứ Kosala, vị Sa-môn hay Bà-la-môn được phép uống bơ lỏng hoặc dầu ăn theo như nhu cầu, không được mang đi. Có lẽ ta nên đi đến nhà kho của đức vua Pasenadi xứ Kosala và uống dầu ăn theo như nhu cầu, sau đó trở về nhà rồi ói ra, vật ấy sẽ dùng cho việc sanh đẻ của nàng ấy.”
Sau đó, người nam du sĩ ấy đã đi đến nhà kho của đức vua Pasenadi xứ Kosala và uống dầu ăn theo như nhu cầu, sau đó trở về nhà nhưng không thể làm cho ói ra lẫn không xổ ra được. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, người ấy quằn quại, lăn lộn.
Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội) rồi cầm bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy người nam du sĩ ấy bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, đang quằn quại, đang lăn lộn.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Những người nào không sở hữu gì quả thật là hạnh phúc, chính các bậc hiểu biết sâu sắc là những người không sở hữu gì cả. Hãy nhìn xem người có sở hữu gì đó đang bị sầu khổ; con người có tâm tư bị trói buộc vào người (khác).”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, người con trai nhỏ độc nhất đáng yêu, đáng mến của người nam cư sĩ nọ lìa đời. Khi ấy, nhiều người nam cư sĩ với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, vào lúc giữa ngày đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi họ đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với các nam cư sĩ ấy điều này: “Này các nam cư sĩ, việc gì mà các người với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, đã đi đến nơi đây vào lúc giữa ngày vậy?”
Khi được nói như vậy, nam cư sĩ ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, người con trai nhỏ độc nhất đáng yêu, đáng mến của chúng con đã lìa đời. Vì thế, chúng con với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, đã đi đến nơi đây vào lúc giữa ngày.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Bị buộc trói vào sự khoái lạc ở các sắc đáng yêu, tập thể chư Thiên và số đông nhân loại bị sầu khổ, bị suy sụp, sa vào quyền lực của Thần Chết.
Còn những người nào ngày và đêm không xao lãng, từ bỏ sắc đáng yêu, thật vậy những người ấy đào bới gốc rễ của sự sầu khổ, mồi nhử của tử thần, khó vượt qua được.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Kuṇḍiyā, ở khu rừng Kuṇḍadhāna.
Vào lúc bấy giờ, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, nàng ấy chịu đựng nhờ vào ba điều suy tư rằng:
“Quả thật, đức Thế Tôn bậc Chánh Đẳng Giác ấy thuyết giảng Giáo Pháp nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, hội chúng Thinh Văn của đức Thế Tôn ấy đã khéo thực hành, các ngài thực hành nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, Niết Bàn ấy là vô cùng an lạc, nơi ấy không biết đến khổ đau có hình thức như thế này.”
2. Khi ấy, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã bảo người chồng rằng: “Tướng công ơi, chàng hãy lại đây. Chàng hãy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến hãy đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn với lời nói của thiếp, hãy hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài) rằng: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài).’ Và chàng hãy nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, nàng ấy chịu đựng nhờ vào ba điều suy tư rằng: Quả thật, đức Thế Tôn bậc Chánh Đẳng Giác ấy thuyết giảng Giáo Pháp nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, hội chúng Thinh Văn của đức Thế Tôn ấy đã khéo thực hành, các ngài thực hành nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, Niết Bàn ấy là vô cùng an lạc, nơi ấy không biết đến khổ đau có hình thức như thế này.’”
3. “Tốt lắm.” Người con trai bộ tộc Koliya ấy[4] nghe theo Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, người con trai bộ tộc Koliya ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài). Và nàng nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Bị tác động bởi các cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, nàng ấy chịu đựng nhờ vào ba điều suy tư rằng: Quả thật, đức Thế Tôn bậc Chánh Đẳng Giác ấy thuyết giảng Giáo Pháp nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, hội chúng Thinh Văn của đức Thế Tôn ấy đã khéo thực hành, các ngài thực hành nhằm dứt bỏ khổ đau có hình thức như thế này. Quả thật, Niết Bàn ấy là vô cùng an lạc, nơi ấy không biết đến khổ đau có hình thức như thế này.’”
“Mong rằng Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya có được sự an lạc, không có bệnh. Mong rằng đứa con trai được sanh ra không có bệnh.” Và chỉ với lời nói của đức Thế Tôn, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya có được sự an lạc, không có bệnh đã sanh ra đứa con trai không có bệnh.
“Bạch Ngài, xin vâng.” Người con trai bộ tộc Koliya ấy sau khi thỏa thích, tùy hỷ với lời nói của đức Thế Tôn, đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đi về lại nhà của mình.
4. Người con trai bộ tộc Koliya đã nhìn thấy Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya có được sự an lạc, không có bệnh và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Sau khi nhìn thấy, vị ấy đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ diệu! Thật là phi thường! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya này, chỉ với lời nói của đức Thế Tôn, thì có được sự an lạc, không có bệnh, và sanh ra đứa con trai không có bệnh.” Vị ấy đã trở nên hoan hỷ, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc.
5. Sau đó, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã bảo người chồng rằng: “Tướng công ơi, chàng hãy lại đây. Chàng hãy đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến hãy đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn với lời nói của thiếp rằng: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn.’ Và chàng hãy nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Bạch Ngài, mong rằng đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời về bảy bữa thọ trai của Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya.’”
6. “Tốt lắm.” Người con trai bộ tộc Koliya ấy nghe theo Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, người con trai bộ tộc Koliya ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn. Và nàng nói như vầy: ‘Bạch Ngài, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Bạch Ngài, mong rằng đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời về bảy bữa thọ trai của Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya.’”
7. Vào lúc bấy giờ, hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu đã được một nam cư sĩ thỉnh mời với bữa thọ trai ngày mai. Và nam cư sĩ ấy là người hộ độ của đại đức Mahāmoggallāna. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Mahāmoggallāna rằng: Này Moggallāna, hãy lại đây. Ngươi nên đi đến gặp nam cư sĩ ấy, sau khi đến hãy nói với nam cư sĩ ấy như vầy: ‘Này đạo hữu, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, đạo hữu sẽ làm sau.’ Vị ấy là người hộ độ của ngươi.”
8. “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Mahāmoggallāna nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp nam cư sĩ ấy, sau khi đến đã nói với nam cư sĩ ấy điều này: “Này đạo hữu, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã mang thai bảy năm, có bào thai bị chuyển dạ bảy ngày. Giờ đây, nàng ấy có được sự an lạc, không có bệnh, và đã sanh ra đứa con trai không có bệnh. Nàng ấy thỉnh mời hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với bữa thọ trai trong bảy ngày. Hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, đạo hữu sẽ làm sau.” “Thưa ngài, nếu ngài đại đức Mahāmoggallāna là người bảo đảm cho tôi về ba pháp: về của cải, về mạng sống, và về niềm tin, thì hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, tôi sẽ làm sau.” “Này đạo hữu, ta là người bảo đảm cho đạo hữu về hai pháp: về của cải và về mạng sống. Trái lại, chính ngươi là người bảo đảm về niềm tin.” “Thưa ngài, nếu ngài đại đức Mahāmoggallāna là người bảo đảm cho tôi về hai pháp: về của cải và về mạng sống, thì hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, tôi sẽ làm sau.”
Khi ấy, đại đức Mahāmoggallāna sau khi thuyết phục nam cư sĩ ấy đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, nam cư sĩ ấy đã được con thuyết phục. Hãy để cho Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya thực hiện bảy bữa thọ trai, người ấy sẽ làm sau.”
9. Sau đó, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm trong bảy ngày. Và nàng đã bảo đứa bé trai đảnh lễ đức Phật và toàn thể hội chúng tỳ khưu.
10. Khi ấy, đại đức Sāriputta đã nói với đứa bé trai ấy điều này: “Này cậu bé, sức khoẻ của ngươi có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Không có khổ sở gì phải không?” “Thưa ngài Sāriputta, do đâu mà có sức khỏe khá? Do đâu mà mọi việc được tốt đẹp? Con đã sống ở trong cái chậu máu bảy năm.”
11. Khi ấy, Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya (nghĩ rằng): “Con trai ta chuyện trò với vị Tướng quân Chánh Pháp,” đã trở nên hoan hỷ, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc.
12. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi nhìn thấy Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya hoan hỷ, vui mừng, sanh tâm phỉ lạc đã nói với Suppavāsā người con gái bộ tộc Koliya điều này: “Này Suppavāsā, con có còn ước muốn một người con trai khác như thế này nữa không?” “Bạch đức Thế Tôn, con cũng còn ước muốn bảy người con trai khác như thế này nữa.”
13. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Không khoái lạc dưới hình thức khoái lạc, không đáng yêu dưới hình thức đáng yêu, khổ đau dưới hình thức hạnh phúc chế ngự kẻ bị xao lãng.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, tu viện Pubba, ở tòa nhà dài của Mẹ của Migāra.[5] Vào lúc bấy giờ, bà Visākhā, Mẹ của Migāra, có công việc nào đó dính líu đến đức vua Pasenadi xứ Kosala. Đức vua Pasenadi xứ Kosala không giải quyết công việc ấy theo như dự tính.
Khi ấy, bà Visākhā, Mẹ của Migāra, vào lúc giữa ngày đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi bà ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với bà Visākhā, Mẹ của Migāra, điều này: “Này Visākhā, bà từ đâu mà đi đến vào lúc giữa ngày?”
“Bạch Ngài, ở đây con có công việc nào đó dính líu đến đức vua Pasenadi xứ Kosala. Đức vua Pasenadi xứ Kosala không giải quyết công việc ấy theo như dự tính.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Mọi việc thuộc quyền kiểm soát của kẻ khác là khổ, mọi việc có chủ quyền là hạnh phúc. Trong việc chung chúng sầu khổ, bởi vì sự ràng buộc là khó vượt qua.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Anupiyā, nơi Ambavana (rừng xoài). Vào lúc bấy giờ, đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: “Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!”[6] Nhiều vị tỳ khưu đã nghe được đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: “Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!” Sau khi nghe được, các vị ấy đã khởi ý rằng: “Chắc chắn rằng đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā không thỏa thích thực hành Phạm hạnh, là việc trong khi hồi tưởng lại sự khoái lạc vương giả trước đây, vị ấy mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng đã nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’”
2. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ Bạch Ngài, chắc chắn rằng đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā không thỏa thích thực hành Phạm hạnh, là việc trong khi hồi tưởng lại sự khoái lạc vương giả trước đây, vị ấy mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’”
3, Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo một vị tỳ khưu khác rằng: “Này tỳ khưu, hãy lại đây. Ngươi hãy bảo tỳ khưu Bhaddiya với lời nói của Ta rằng: ‘Này đại đức Bhaddiya, bậc Đạo Sư gọi đại đức.’”
“Bạch Ngài, xin vâng.” Vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā, sau khi đến đã nói với đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā điều này: “Này đại đức Bhaddiya, bậc Đạo Sư gọi đại đức.”
“Này đại đức, xin vâng.” Đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā nghe theo vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā điều này: “Này Bhaddiya, nghe nói ngươi mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ có đúng không vậy?” “Bạch Ngài, đúng vậy.” “Này Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā, trong khi cảm nhận được lợi ích gì khiến ngươi mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng, vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’ vậy?”
“Bạch Ngài, trước đây khi con còn là người thế tục đang cai quản vương quốc, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong hậu cung, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài hậu cung, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong thành phố, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài thành phố, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên trong xứ sở, mặc dầu có sự bảo vệ được sắp đặt cẩn thận bên ngoài xứ sở, bạch Ngài, trong khi được bảo vệ và được an toàn như vậy, con đây sống vẫn cảm thấy sợ hãi, khiếp đảm, lo âu, hồi hộp. Bạch Ngài, thế mà giờ đây con mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng, một mình, vẫn không sợ hãi, không khiếp đảm, không lo âu, không hồi hộp, vô tư lự, điềm tĩnh, tùy thuận sự bố thí của người khác, sống với tâm như loài thú rừng. Bạch Ngài, trong khi cảm nhận được lợi ích này nên con mặc dầu ở trong rừng, mặc dầu ở dưới cội cây, mặc dầu ở nơi trống vắng, vẫn nhiều lần thốt lên lời cảm hứng rằng: ‘Ôi sự an lạc! Ôi sự an lạc!’”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với người nào mà các sự bực tức không hiện diện ở trong tâm, đã vượt qua khỏi hữu và phi hữu như thế, vị ấy đã không còn sự sợ hãi, có sự an lạc, không sầu muộn, chư Thiên không đạt được việc nhìn thấy vị ấy.”
Phẩm Mucalinda là thứ nhì.
Mucalinda, đức vua, với gậy gộc, tôn vinh, và với người nam cư sĩ, sản phụ, và con trai độc nhất, nàng Suppavāsā và Bà Visākhā, vị Bhaddiya con trai của Kāḷigodhā.
--ooOoo--
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu nọ ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang chịu đựng cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, sanh ra do quả thành tựu của nghiệp cũ, có niệm, có sự nhận biết rõ, không sầu khổ.
2. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy vị tỳ khưu ấy ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang chịu đựng cảm thọ khổ đau, xót xa, nhức nhối, khốc liệt, sanh ra do quả thành tựu của nghiệp cũ, có niệm, có sự nhận biết rõ, không sầu khổ.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với vị tỳ khưu có sự từ bỏ tất cả các nghiệp, đang giũ bỏ bụi bặm (ô nhiễm) đã được tạo ra trước đây, không sở hữu, đã đứng vững, tự tại, thì nhu cầu chuyện vãn với người là không có.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Nanda, em họ của đức Thế Tôn, con trai của người dì,[7] nói với nhiều vị tỳ khưu như vầy: “Này các đại đức, tôi không thỏa thích thực hành Phạm hạnh; tôi không thể duy trì Phạm hạnh; tôi sẽ lìa bỏ sự học tập và trở lại cuộc sống tại gia tầm thường.”
2. Sau đó, có vị tỳ khưu nọ đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, vị ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đại đức Nanda, em họ, con trai của người dì của đức Thế Tôn, nói với nhiều vị tỳ khưu như vầy: ‘Này các đại đức, tôi không thỏa thích thực hành Phạm hạnh; tôi không thể duy trì Phạm hạnh; tôi sẽ lìa bỏ sự học tập và trở lại cuộc sống tại gia tầm thường.’”
3. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo một vị tỳ khưu khác rằng: “Này tỳ khưu, hãy lại đây. Ngươi hãy bảo tỳ khưu Nanda với lời nói của Ta rằng: ‘Này đại đức Nanda, bậc Đạo Sư gọi đại đức.’” “Bạch Ngài, xin vâng.” Vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp đại đức Nanda, sau khi đến đã nói với đại đức Nanda điều này: “Này đại đức Nanda, bậc Đạo Sư gọi đại đức.”
4. “Này đại đức, xin vâng.” Đại đức Nanda nghe theo vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Nanda điều này: “Này Nanda, nghe nói ngươi đã nói với nhiều vị tỳ khưu như vầy: ‘Này các đại đức, tôi không thỏa thích thực hành Phạm hạnh; tôi không thể duy trì Phạm hạnh; tôi sẽ lìa bỏ sự học tập và trở lại cuộc sống tại gia tầm thường,’ có đúng không vậy?” “Bạch Ngài, đúng vậy.” “Này Nanda, tại sao ngươi lại không thỏa thích thực hành Phạm hạnh, lại không thể duy trì Phạm hạnh, sẽ lìa bỏ sự học tập và trở lại cuộc sống tại gia tầm thường?” “Bạch Ngài, khi con rời khỏi căn nhà, người con gái dòng Sakya mỹ nhân của xứ sở, với những lọn tóc được chải một nửa, đã ngước nhìn con và nói điều này: ‘Công tử ơi, chàng mau mau trở lại.’ Bạch Ngài, con đây trong lúc tưởng nhớ đến điều ấy, con không thỏa thích thực hành Phạm hạnh, con không thể duy trì Phạm hạnh, con sẽ lìa bỏ sự học tập và trở lại cuộc sống tại gia tầm thường.”
5. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nắm lấy đại đức Nanda ở cánh tay, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại, hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tự y như thế, Ngài đã biến mất ở Jetavana và đã hiện ra giữa chư Thiên ở cõi Ba Mươi Ba.
6. Vào lúc bấy giờ, các tiên nữ với số lượng năm trăm có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu đã đi đến hầu cận Thiên Chủ Sakka. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Nanda rằng: “Này Nanda, ngươi có nhìn thấy năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu này không?” “Bạch Ngài, thưa có.”
7. “Này Nanda, ngươi nghĩ gì về điều ấy? Người nào đẹp hơn, đáng nhìn hơn, và đáng mến hơn, người con gái dòng Sakya mỹ nhân của xứ sở hay là năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu này?”
“Bạch Ngài, cũng giống như con khỉ cái bị cháy, bị xẻo lỗ tai và lỗ mũi, bạch Ngài tương tự y như thế người con gái dòng Sakya, mỹ nhân của xứ sở, khi so sánh với năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu này thì chẳng được tính, chẳng được một phần, chẳng được phần chia của một phần, chẳng đáng so sánh. Năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu này đẹp hơn, đáng nhìn hơn, và đáng mến hơn.”
“Này Nanda, ngươi hãy thỏa thích. Này Nanda, ngươi hãy thỏa thích. Ta là người bảo đảm cho ngươi về việc đạt được năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu.”
“Bạch Ngài, nếu đức Thế Tôn là người bảo đảm cho con về việc đạt được năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu, bạch Ngài, con sẽ thỏa thích thực hành Phạm hạnh ở nơi đức Thế Tôn.”
8. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nắm lấy đại đức Nanda ở cánh tay, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại, hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tự y như thế, Ngài đã biến mất giữa chư Thiên ở cõi Ba Mươi Ba và đã hiện ra ở Jetavana.
9. Các vị tỳ khưu đã nghe rằng: “Nghe nói đại đức Nanda, em họ, con trai của người dì của đức Thế Tôn, thực hành Phạm hạnh vì lý do các tiên nữ. Nghe nói đức Thế Tôn là người bảo đảm cho vị này về việc đạt được năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu.” Sau đó, các vị tỳ khưu bạn hữu của đại đức Nanda đối xử với đại đức Nanda bằng tiếng xưng hô là kẻ làm thuê và bằng tiếng xưng hô là kẻ thu mua (nói rằng): “Nghe nói đại đức Nanda là kẻ làm thuê, nghe nói đại đức Nanda là kẻ thu mua, vì lý do các tiên nữ mà thực hành Phạm hạnh. Nghe nói đức Thế Tôn là người bảo đảm cho vị này về việc đạt được năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu.”
10. Sau đó, đại đức Nanda, trong khi bị khổ sở, trong khi bị hổ thẹn, trong khi chán ghét, một mình đã tách riêng, rồi trong khi sống không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có bản tánh cương quyết nên chẳng bao lâu sau, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình, đã chứng ngộ, đã đạt đến, và an trú vào mục đích tối thượng ấy của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà. Vị ấy đã biết rõ rằng: “Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn gì khác (phải làm) đối với bản thể (A-la-hán) này nữa.” Và thêm một vị nữa là đại đức Nanda đã trở thành vị A-la-hán.
11. Sau đó, lúc đêm đã khuya, một vị Thiên nhân nọ với màu sắc vượt trội đã làm cho toàn bộ Jetavana rực sáng rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Đứng ở một bên, vị Thiên nhân ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đại đức Nanda, em họ, con trai của người dì của đức Thế Tôn, do sự cạn kiệt của các lậu hoặc, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình đã chứng ngộ, đã đạt đến, và an trú vào sự không còn lậu hoặc, sự giải thoát của tâm, sự giải thoát của tuệ.” Và trí của đức Thế Tôn cũng đã khởi lên rằng: “Nanda do sự cạn kiệt của các lậu hoặc, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình đã chứng ngộ, đã đạt đến, và an trú vào sự không còn lậu hoặc, sự giải thoát của tâm, sự giải thoát của tuệ.”
12. Sau đó, đại đức Nanda vào cuối đêm ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Nanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, về việc đức Thế Tôn là người bảo đảm cho con về việc đạt được năm trăm tiên nữ có các bàn chân (thon hồng) như của chim bồ câu, bạch Ngài, con xin tháo gỡ cho đức Thế Tôn về lời hứa hẹn ấy.” “Này Nanda, sau khi dùng tâm biết được tâm của ngươi, Ta cũng đã biết rằng: ‘Nanda do sự cạn kiệt của các lậu hoặc, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình đã chứng ngộ, đã đạt đến, và an trú vào sự không còn lậu hoặc, sự giải thoát của tâm, sự giải thoát của tuệ.’
13. Vị Thiên nhân cũng đã thông báo cho Ta về sự việc này: ‘Bạch Ngài, đại đức Nanda, em họ, con trai của người dì của đức Thế Tôn, do sự cạn kiệt của các lậu hoặc, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình đã chứng ngộ, đã đạt đến, và an trú vào sự không còn lậu hoặc, sự giải thoát của tâm, sự giải thoát của tuệ.’ Này Nanda, đúng vào lúc tâm của ngươi không còn chấp thủ và được giải thoát khỏi các lậu hoặc thì Ta được tháo gỡ khỏi lời hứa hẹn ấy.”
14. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với người nào, bãi lầy đã được vượt qua khỏi, gai nhọn của các dục đã được nghiền nát, là người đã đạt đến sự diệt tận si mê, vị tỳ khưu ấy không xao động ở hạnh phúc hay khổ đau.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, các tỳ khưu số lượng năm trăm vị đứng đầu là Yasoja đã đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn. Và các tỳ khưu vãng lai ấy, trong khi trao đổi lời xã giao thân thiện với các tỳ khưu thường trú, trong khi sắp xếp các chỗ trú ngụ, trong khi đem cất các bình bát và y, đã có các âm thanh ồn ào, các âm thanh ầm ĩ. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, các âm thanh ồn ào, các âm thanh ầm ĩ này là gì vậy? Ta nghĩ là những người đánh cá tranh giành cá.”
“Bạch Ngài, các tỳ khưu số lượng năm trăm vị này đứng đầu là Yasoja đã đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn. Và các tỳ khưu vãng lai này đây, trong khi trao đổi lời xã giao thân thiện với các tỳ khưu thường trú, trong khi sắp xếp các chỗ trú ngụ, trong khi đem cất các bình bát và y, đã có các âm thanh ồn ào, các âm thanh ầm ĩ.”
“Này Ānanda, như vậy ngươi hãy bảo các tỳ khưu ấy với lời nói của Ta rằng: ‘Bậc Đạo Sư gọi các đại đức.’” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp các tỳ khưu ấy, sau khi đến đã nói với các tỳ khưu ấy điều này: “Bậc Đạo Sư gọi các đại đức.”
“Này đại đức, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy nghe theo đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi các vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với các tỳ khưu ấy điều này: “Này các tỳ khưu, vì sao các ngươi lại có các âm thanh ồn ào, các âm thanh ầm ĩ? Ta nghĩ là những người đánh cá tranh giành cá.”
2. Khi được nói như vậy, đại đức Yasoja đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, các tỳ khưu số lượng năm trăm vị này đã đến Sāvatthi để diện kiến đức Thế Tôn. Các tỳ khưu vãng lai này đây, trong khi trao đổi lời xã giao thân thiện với các tỳ khưu thường trú, trong khi sắp xếp các chỗ trú ngụ, trong khi đem cất các bình bát và y, đã có các âm thanh ồn ào, các âm thanh ầm ĩ.”
“Này các tỳ khưu, các ngươi hãy đi đi. Ta đuổi các ngươi đi, các ngươi không được cư trú gần Ta.”
“Bạch Ngài, xin vâng.” Các tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi thu xếp chỗ nằm ngồi, cầm bình bát và y, ra đi du hành đến xứ Vajjī. Trong khi tuần tự du hành ở xứ Vajjī, các vị đã đi đến sông Vaggumudā, sau khi đến đã làm các chòi lá ở bờ sông Vaggumudā và đã vào mùa (an cư) mưa.
3. Sau đó, khi đến mùa (an cư) mưa, đại đức Yasoja đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các đại đức, chúng ta đã bị đức Thế Tôn đuổi đi vì mong mỏi sự tốt đẹp, vì tầm cầu sự lợi ích, vì lòng thương tưởng, liên quan đến sự thương xót. Này các đại đức, giờ đây chúng ta hãy sắp xếp sự sinh sống như thế nào để trong khi chúng ta sinh sống như vậy thì đức Thế Tôn có thể hài lòng.”
“Thưa đại đức, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy đã nghe theo đại đức Yasoja. Sau đó, các vị tỳ khưu ấy trong khi sống tách biệt, không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có bản tánh cương quyết, ngay trong thời hạn của mùa (an cư) mưa ấy toàn bộ tất cả đã chứng ngộ ba Minh.
4. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi ngụ tại thành Bārāṇasī theo như ý thích, đã ra đi du hành đến thành Vesālī. Trong khi tuần tự du hành, Ngài đã ngự đến thành Vesālī. Tại đó, nơi thành Vesālī, đức Thế Tôn ngụ tại Mahāvana, ở giảng đường Kūṭāgāra. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi dùng tâm biết được tâm của các vị tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā, sau khi tác ý đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, phương hướng này đối với Ta như là phát ra ánh sáng. Này Ānanda, phương hướng này đối với Ta như là phát ra hào quang. Là phương hướng mà các tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā cư ngụ. Đi đến (nơi ấy), hướng tâm đến (nơi ấy) là hứng khởi đối với Ta. Này Ānanda, ngươi nên phái sứ giả đi đến các vị tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā (nói rằng): ‘Bậc Đạo Sư gọi các đại đức. Bậc Đạo Sư có ý muốn gặp các đại đức.’”
“Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp vị tỳ khưu nọ, sau khi đến đã nói với vị tỳ khưu ấy điều này: “Này đại đức, hãy lại đây. Đại đức nên đi đến gặp các vị tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā, sau khi đến hãy nói với các vị tỳ khưu ở bờ sông Vaggumudā như vầy: ‘Bậc Đạo Sư gọi các đại đức. Bậc Đạo Sư có ý muốn gặp các đại đức.’”
“Thưa đại đức, xin vâng.” Vị tỳ khưu ấy đáp lời đại đức Ānanda, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại, hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tự y như thế, vị ấy đã biến mất ở Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra, và đã hiện ra phía trước các vị tỳ khưu ấy ở bờ sông Vaggumudā. Khi ấy, vị tỳ khưu ấy đã nói với các vị tỳ khưu ấy ở bờ sông Vaggumudā điều này: “Bậc Đạo Sư gọi các đại đức. Bậc Đạo Sư có ý muốn gặp các đại đức.”
“Thưa đại đức, xin vâng.” Các vị tỳ khưu ấy nghe theo vị tỳ khưu ấy đã thu xếp chỗ nằm ngồi, cầm bình bát và y, rồi giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại, hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tự y như thế, các vị ấy đã biến mất ở bờ sông Vaggumudā, và đã hiện ra ở Mahāvana, giảng đường Kūṭāgāra, trước mặt đức Thế Tôn.
5. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang ngồi với trạng thái định kiên cố. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý rằng: “Hiện giờ, đức Thế Tôn đang an trú với loại an trú nào?” Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã khởi ý rằng: “Hiện giờ, đức Thế Tôn đang an trú với loại an trú kiên cố.” Toàn bộ tất cả đã ngồi với trạng thái định kiên cố.
6. Sau đó, lúc đêm đã khuya canh một đã tàn, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya canh một đã tàn. Các vị tỳ khưu vãng lai ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy trao đổi lời xã giao thân thiện với các vị tỳ khưu vãng lai.”
7. Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã im lặng. Đến lần thứ nhì, lúc đêm đã khuya canh giữa đã tàn, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya canh một đã tàn. Các vị tỳ khưu vãng lai ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy trao đổi lời xã giao thân thiện với các vị tỳ khưu vãng lai.” Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã im lặng.
Đến lần thứ ba, lúc đêm đã khuya canh cuối đã tàn, bình minh đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay lên hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya canh cuối đã tàn, bình minh đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, hội chúng tỳ khưu ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy trao đổi lời xã giao thân thiện với các vị tỳ khưu vãng lai.”
Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi xuất khỏi định ấy đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, nếu ngươi có thể biết thì không thể khiến ngươi bày tỏ nhiều đến chừng ấy. Này Ānanda, Ta và năm trăm vị tỳ khưu này toàn bộ tất cả đã ngồi với trạng thái định kiên cố.”
8. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với người nào, gai nhọn của các dục, sự sỉ vả, sự hành hạ, sự giam cầm đã được chiến thắng, người ấy tồn tại, bền vững tựa như ngọn núi, vị tỳ khưu ấy không xao động ở hạnh phúc hay khổ đau.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, và thiết lập niệm luôn hiện diện. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, và thiết lập niệm luôn hiện diện.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Cũng giống như ngọn núi đá, không lay động, được thiết lập vững chắc, tương tự như thế vị tỳ khưu do sự diệt tận si mê không xao động tựa như ngọn núi.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.
Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahāmoggallāna ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, với niệm hướng đến thân đã khéo được thiết lập ở nội phần. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Mahāmoggallāna ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, với niệm hướng đến thân đã khéo được thiết lập ở nội phần.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Với niệm hướng đến thân đã được thiết lập, vị tỳ khưu đã thu thúc ở sáu xúc xứ, thường xuyên được định tĩnh, có thể biết được sự diệt tắt (ô nhiễm) của bản thân.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Pilindivaccha đối xử với các vị tỳ khưu bằng tiếng xưng hô kẻ hạ tiện. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đại đức Pilindivaccha đối xử với các vị tỳ khưu bằng tiếng xưng hô kẻ hạ tiện.”
2. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo một vị tỳ khưu khác rằng: “Này tỳ khưu, hãy lại đây. Ngươi hãy bảo tỳ khưu Pilindivaccha với lời nói của Ta rằng: ‘Này đại đức Pilindivaccha, bậc Đạo Sư gọi đại đức.’” “Bạch Ngài, xin vâng.” Vị tỳ khưu ấy nghe theo đức Thế Tôn đã đi đến gặp đại đức Pilindivaccha, sau khi đến đã nói với đại đức Pilindivaccha điều này: “Này đại đức, bậc Đạo Sư gọi đại đức.” “Này đại đức, xin vâng.” Đại đức Pilindivaccha nghe theo vị tỳ khưu ấy đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi vị ấy đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Pilindivaccha điều này: “Này Pilindivaccha, nghe nói ngươi đối xử với các vị tỳ khưu bằng tiếng xưng hô kẻ hạ tiện, có đúng không vậy?” “Bạch Ngài, đúng vậy.”
3. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi tác ý đến đời sống trước đây của đại đức Pilindivaccha rồi đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các vị tỳ khưu, các ngươi chớ có phàn nàn tỳ khưu Vaccha. Này các tỳ khưu, không phải Vaccha có nội tâm sân hận mà đối xử với các vị tỳ khưu bằng tiếng xưng hô kẻ hạ tiện. Này các tỳ khưu, tỳ khưu Vaccha có năm trăm kiếp sống không gián đoạn đã được tái sanh ở gia tộc Bà-la-môn. Đối với vị ấy, tiếng xưng hô kẻ hạ tiện ấy đã bị tập nhiễm lâu dài. Vì thế, Vaccha này đối xử với các vị tỳ khưu bằng tiếng xưng hô kẻ hạ tiện.”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Ở người nào không có xảo quyệt trú ngụ, không có ngã mạn, người nào có tham đã lìa, không sở hữu, không mong mỏi, có sự giận dữ đã được xua đi, có bản thân đã được tịch tịnh, người ấy là Bà-la-môn, người ấy là Sa-môn, người ấy là tỳ khưu.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākassapa ngụ ở hang động Pipphali, đã thể nhập vào một loại định nọ rồi ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày.
2. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, đại đức Mahākassapa đã ra khỏi định ấy. Rồi khi ra khỏi định ấy, đại đức Mahākassapa đã khởi ý rằng: “Có lẽ ta nên đi vào thành Rājagaha để khất thực?” Vào lúc bấy giờ, các Thiên nhân với số lượng năm trăm vị đang có sự sốt sắng về việc thọ nhận đồ ăn khất thực của đại đức Mahākassapa. Khi ấy, sau khi từ chối các Thiên nhân với số lượng năm trăm vị, đại đức Mahākassapa vào buổi sáng đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Rājagaha để khất thực.
3. Vào lúc bấy giờ, Thiên Chủ Sakka có ý muốn dâng đồ ăn khất thực đến đại đức Mahākassapa, nên đã biến thành hình dạng người thợ dệt đang dệt chỉ, và Sujā con gái của Chúa Atula đang cuốn đầy thoi chỉ.
4. Khi ấy, đại đức Mahākassapa trong khi đi khất thực tuần tự theo từng nhà ở thành Rājagaha đã đi đến gần chỗ ngụ của Thiên Chủ Sakka. Thiên Chủ Sakka đã nhìn thấy đại đức Mahākassapa từ đằng xa đang đi lại. Sau khi nhìn thấy đã đi ra khỏi nhà, tiếp rước, nhận lấy bình bát tận tay rồi đi vào nhà xới cơm từ nồi để đầy bình bát và dâng đến đại đức Mahākassapa. Phần cơm ấy đã trở thành đồ ăn khất thực có nhiều nước xúp, có nhiều món ăn, có nhiều món ăn có nước xúp và hương vị.
5. Khi ấy, đại đức Mahākassapa đã khởi ý điều này: “Người này là ai mà lại có năng lực thần thông này?” Rồi đại đức Mahākassapa đã khởi ý điều này: “Đây là Thiên Chủ Sakka,” sau khi biết được thế ấy, đã nói với Thiên Chủ Sakka điều này: “Này Kosiya, có phải việc này đã do ông làm? Ông chớ có làm như thế này nữa.”
6. “Thưa ngài Kassapa, chúng tôi cũng cần phước báu; chúng tôi cũng nên làm phước báu.” Sau đó, Thiên Chủ Sakka đã đảnh lễ đại đức Mahākassapa, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi bay lên không trung, và ở bầu trời giữa hư không đã ba lần thốt lên lời cảm hứng rằng: “Ôi sự dâng cúng! Sự dâng cúng tối thượng đã khéo được thiết lập ở Kassapa! Ôi sự dâng cúng! Sự dâng cúng tối thượng đã khéo được thiết lập ở Kassapa!”
7. Đức Thế Tôn với Thiên nhĩ giới thanh tịnh vượt trội loài người đã nghe được Thiên Chủ Sakka đang bay lên không trung, và ở bầu trời giữa hư không đang thốt lên ba lần lời cảm hứng rằng: “Ôi sự dâng cúng! Sự dâng cúng tối thượng đã khéo được thiết lập ở Kassapa! Ôi sự dâng cúng! Sự dâng cúng tối thượng đã khéo được thiết lập ở Kassapa!”
8. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với vị tỳ khưu hành pháp khất thực, tự chu cấp bản thân, không nuôi dưỡng kẻ khác, chư Thiên mong cầu vị như thế ấy, vị an tịnh, luôn có niệm.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở mái che tròn ở cây Kareri; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa các vị ấy:
“Này các đại đức, vị tỳ khưu hành pháp khất thực trong khi đi khất thực thỉnh thoảng được nhìn thấy bằng mắt các sắc làm thích ý, thỉnh thoảng được nghe bằng tai các âm thanh làm thích ý, thỉnh thoảng được ngửi bằng mũi các hương làm thích ý, thỉnh thoảng được nếm bằng lưỡi các vị nếm làm thích ý, thỉnh thoảng được đụng chạm bằng thân các xúc làm thích ý. Này các đại đức, vị tỳ khưu hành pháp khất thực đi khất thực được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang. Này các đại đức, giờ chúng ta cũng hãy trở thành các vị hành pháp khất thực. Chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được nhìn thấy bằng mắt các sắc làm thích ý, chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được nghe bằng tai các âm thanh làm thích ý, chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được ngửi bằng mũi các hương làm thích ý, chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được nếm bằng lưỡi các vị nếm làm thích ý, chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được đụng chạm bằng thân các xúc làm thích ý, chúng ta cũng sẽ đi khất thực, được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang.”
2. Khi ấy vào buổi chiều, đức Thế Tôn, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến mái che tròn ở cây Kareri, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, ở đây bây giờ các ngươi đã cùng ngồi xuống tụ hội vì câu chuyện gì vậy? Và câu chuyện trao đổi gì của các ngươi đã bị gián đoạn?”
3. “Bạch Ngài, ở đây chúng con sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở mái che tròn tại cây Kareri; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa chúng con: ‘Này các đại đức, vị tỳ khưu hành pháp khất thực trong khi đi khất thực thỉnh thoảng được nhìn thấy bằng mắt các sắc làm thích ý, thỉnh thoảng được nghe bằng tai các âm thanh làm thích ý, thỉnh thoảng được ngửi bằng mũi các hương làm thích ý, thỉnh thoảng được nếm bằng lưỡi các vị nếm làm thích ý, thỉnh thoảng được đụng chạm bằng thân các xúc làm thích ý. Này các đại đức, vị tỳ khưu hành pháp khất thực đi khất thực được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang. Này các đại đức, giờ chúng ta cũng hãy trở thành các vị hành pháp khất thực. Chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được nhìn thấy bằng mắt các sắc làm thích ý, —như trên— chúng ta thỉnh thoảng cũng sẽ được đụng chạm bằng thân các xúc làm thích ý, chúng ta cũng sẽ đi khất thực, được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang.’ Bạch Ngài, câu chuyện trao đổi này của chúng con đã bị gián đoạn. Khi ấy đức Thế Tôn đi đến.”
4. “Này các tỳ khưu, điều này quả không thích đáng cho các ngươi, những người con trai gia đình danh giá đã vì niềm tin rời nhà xuất gia sống không nhà, là việc các ngươi có thể nói về đề tài có hình thức như thế. Này các tỳ khưu, đối với các ngươi, khi tụ hội lại, có hai việc nên làm là trao đổi về Giáo Pháp hoặc (giữ) trạng thái im lặng thánh thiện.”
5. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với vị tỳ khưu hành pháp khất thực, tự chu cấp bản thân, không nuôi dưỡng kẻ khác, chư Thiên mong cầu vị như thế ấy, nếu vị ấy không bị lệ thuộc vào lời trầm trồ và tiếng tăm.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở mái che tròn; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa các vị ấy: “Này các đại đức, vị nào biết nghề? Vị nào đã học nghề gì? Nghề nào là hạng nhất trong số các nghề?”
2. Tại nơi ấy, một số vị đã nói thế này: “Nghề huấn luyện voi là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề huấn luyện ngựa là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề đóng xe là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề bắn cung là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề gươm đao là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề ra dấu hiệu là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề kế toán là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề ước lượng là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề khắc chữ là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề thơ ca là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề lý luận là nghề hạng nhất.” Một số vị đã nói thế này: “Nghề quản trị là nghề hạng nhất.” Và câu chuyện trao đổi này của các vị tỳ khưu ấy đã bị gián đoạn.
3. Khi ấy vào buổi chiều, đức Thế Tôn, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến mái che tròn ở cây, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, ở đây bây giờ các ngươi đã cùng ngồi xuống tụ hội vì câu chuyện gì vậy? Và câu chuyện trao đổi gì của các ngươi đã bị gián đoạn?”
4. “Bạch Ngài, ở đây chúng con sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã cùng ngồi xuống tụ hội ở mái che tròn; có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa chúng con: ‘Này các đại đức, vị nào biết nghề? Vị nào đã học nghề gì? Nghề nào là hạng nhất trong số các nghề?’ Tại nơi ấy, một số vị đã nói thế này: ‘Nghề huấn luyện voi là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề huấn luyện ngựa là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề đóng xe là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề bắn cung là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề gươm đao là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề ra dấu hiệu là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề kế toán là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề ước lượng là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề khắc chữ là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề thơ ca là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề lý luận là nghề hạng nhất.’ Một số vị đã nói thế này: ‘Nghề quản trị là nghề hạng nhất.’ Bạch Ngài, câu chuyện trao đổi này của chúng con đã bị gián đoạn. Khi ấy đức Thế Tôn đi đến.”
5. “Này các tỳ khưu, điều này quả không thích đáng cho các ngươi, những người con trai gia đình danh giá đã vì niềm tin rời nhà xuất gia sống không nhà, là việc các ngươi có thể nói về đề tài có hình thức như thế. Này các tỳ khưu, đối với các ngươi, khi tụ hội lại, có hai việc nên làm là trao đổi về Giáo Pháp hoặc (giữ) trạng thái im lặng thánh thiện.”
6. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Có cuộc sống không nghề nghiệp, nhẹ nhàng, có ước muốn mục đích, có giác quan đã được chế ngự, đã được giải thoát về mọi mặt, phiêu bạt không nhà, không sở hữu, không mong mỏi, sau khi từ bỏ ngã mạn, sống một mình, vị ấy là tỳ khưu.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Uruvelā bên bờ sông Nerañjarā nơi gốc cây bồ đề và vừa mới thành tựu quả vị Chánh Đẳng Giác. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã ngồi với một tư thế kiết già suốt bảy ngày, hưởng niềm an lạc của sự giải thoát.
2. Sau đó, trải qua bảy ngày ấy, sau khi đã ra khỏi định ấy, đức Thế Tôn đã xem xét thế gian bằng Phật nhãn. Trong khi xem xét thế gian bằng Phật nhãn, đức Thế Tôn đã nhìn thấy các chúng sanh đang bị đốt nóng bởi nhiều sự đốt nóng (khổ đau), và đang bị đốt cháy bởi nhiều sự đốt cháy sanh ra bởi luyến ái, sanh ra bởi sân hận, và sanh ra bởi si mê.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Bị đốt nóng,[8] bị quấy nhiễu bởi (sáu) xúc, thế gian này nói rằng bệnh là bản ngã, dầu suy nghĩ theo cách này cách kia, nó hình thành theo một cách khác so với cái ấy.
Có sự hình thành theo một cách khác, bị dính mắc vào hữu, bị quấy nhiễu bởi hữu, lại thỏa thích hữu ấy. Thỏa thích cái nào, cái ấy là sự sợ hãi. Bị sợ hãi đối với cái nào, cái ấy là khổ. Quả vậy, Phạm hạnh này được sống nhằm lìa bỏ hữu.
Bất cứ các vị Sa-môn hoặc các Bà-la-môn nào đã nói rằng sự giải thoát khỏi hữu nhờ vào hữu, Ta nói rằng tất cả các vị đó không được giải thoát khỏi hữu.
Bất cứ các vị Sa-môn hoặc các Bà-la-môn nào đã nói rằng sự tách ly khỏi hữu nhờ vào phi hữu, Ta nói rằng tất cả các vị đó không được tách ly khỏi hữu.
Tùy thuận vào sự bám víu, khổ này được hình thành.
Do sự cạn kiệt của mọi chấp thủ, không có sự hình thành của khổ.
Hãy nhìn xem thế gian này, số đông
bị quấy nhiễu bởi vô minh, được hiện hữu, thích thú sự hiện hữu,
không được giải thoát hoàn toàn khỏi hữu.
Bất cứ các hữu nào,
ở mọi nơi, với mọi tính chất,
tất cả các hữu ấy là vô thường,
khổ đau, có tính chất đổi thay.
Tương tự, đối với vị đang nhìn thấy điều này đúng theo bản thể bằng tuệ chơn chánh, hữu ái của vị ấy được dứt bỏ, vị ấy không thỏa thích phi hữu, do sự cạn kiệt của các tham ái một cách trọn vẹn, có sự lìa ái luyến và sự diệt tận không còn dư sót, Niết Bàn.
Đối với vị tỳ khưu đã được tịch tịnh ấy, do không còn chấp thủ, sự hiện hữu lại nữa là không có, Ma Vương đã bị chế ngự, cuộc chiến đã được chiến thắng, bậc tự tại đã vượt qua khỏi tất cả các hữu.”
Phẩm Nanda là thứ ba.
Nghiệp, vị Nanda, và vị Yasoja, vị Sāriputta, và vị Kolita, vị Pilindi, vị Kassapa, vị khất thực, nghề nghiệp, với thế gian, chúng là mười (bài Kinh).
--ooOoo--
[1] Bốn bài Kinh từ 1.1 đến 1.4 (132 - 137) được thấy ở Tạng Luật, Đại Phẩm (TTPV 04, 01-07).
[2] Bāhiya Dārucīriya nghĩa là vị được sanh ra ở vương quốc Bāhiya và chuyên mặc y phục làm bằng vỏ (cīra) của cây cối (dāru).
[3] Chú Giải giới thiệu câu kệ Pháp Cú 62 để làm rõ vấn đề (UdA. 117): ‘Tôi có các con trai, tôi có tài sản,’ (nghĩ thế) kẻ ngu bị sầu khổ. Chính bản thân của mình còn không có, từ đâu mà có các con trai, từ đâu mà có tài sản?
[4] Koliyaputto không phải tên gọi của người chồng. Chánh Tạng chỉ đề cập người chồng là koliyaputto (con trai bộ tộc Koliya) và người vợ là koliyadhītā (con gái bộ tộc Koliya) với tên gọi là Suppavāsā. Chú Giải cho biết thêm hai người này là con của đức vua trị vì bộ tộc này, koliyarājaputtaṃ và koliyarājaputtī (UdA. 125).
[5] Tòa nhà này được xây dựng bởi Mẹ của Migāra, tức là nữ cư sĩ Visākhā. Thật ra, Migāra là cha chồng của nữ cư sĩ này. Do được chăm sóc kỹ lưỡng bởi người con dâu giống như mẹ nên ông Migāra đã gọi Visākhā, người con dâu của mình, là “Mẹ của Migāra” Tòa nhà này có 1000 căn phòng, được xây thành 2 tầng, 5oo phòng ở trên, 500 phòng ở dưới (UdA. 158).
[6] Câu chuyện này cũng được thấy ở Tạng Luật, Tiểu Phẩm 2 (TTPV 07, 254-257).
[7] Nanda là em cùng cha khác mẹ của đức Phật, cha là đức vua Suddhodana và mẹ là dì mẫu Mahāpajāpatigotamī (UdA. 168).
[8] đã sanh lên sự đốt nóng (ND).
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Cālikā, ở núi Cālika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Meghiya là thị giả của đức Thế Tôn. Khi ấy, đại đức Meghiya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, con muốn đi vào làng Jantu để khất thực.” “Này Meghiya, ngươi hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào.”
2. Sau đó, vào buổi sáng đại đức Meghiya đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào làng Jantu để khất thực. Sau khi đi khất thực ở làng Jantu, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đại đức Meghiya đã đi đến bờ sông Kimikālā. Sau khi đi đến và trong khi đi kinh hành, trong khi đi lang thang để thư giãn ống chân ở bờ sông Kimikālā, đại đức Meghiya đã nhìn thấy khu rừng xoài đáng mến, đáng yêu, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: “Khu rừng xoài này quả thật đáng mến, đáng yêu! Nơi này quả thật thích hợp cho việc nỗ lực của người con trai gia đình cao quý, là người mong muốn sự nỗ lực. Nếu đức Thế Tôn cho phép ta, thì ta có thể đi đến khu rừng xoài này cho việc nỗ lực.”
3. Sau đó, đại đức Meghiya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây vào buổi sáng, con đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào làng Jantu để khất thực. Sau khi đi khất thực ở làng Jantu, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, con đã đi đến bờ sông Kimikālā. Sau khi đi đến và trong khi đi kinh hành, trong khi đi lang thang để thư giãn ống chân ở bờ sông Kimikālā, con đã nhìn thấy khu rừng xoài đáng mến, đáng yêu, sau khi nhìn thấy con đã khởi ý điều này: ‘Khu rừng xoài này quả thật đáng mến, đáng yêu! Nơi này quả thật thích hợp cho việc nỗ lực của người con trai gia đình cao quý, là người mong muốn sự nỗ lực. Nếu đức Thế Tôn cho phép ta, thì ta có thể đi đến khu rừng xoài này cho việc nỗ lực.’ Bạch Ngài, nếu đức Thế Tôn cho phép con, thì con có thể đi đến khu rừng xoài này cho việc nỗ lực.”
4. Khi được nghe nói vậy, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Meghiya điều này: “Này Meghiya, chúng ta là đơn độc. Ngươi hãy chờ cho đến lúc có vị tỳ khưu nào khác đi đến.” Đến lần thứ nhì, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đối với đức Thế Tôn thì không có bất cứ việc cần phải làm thêm nữa, hoặc không có sự tích lũy thêm đối với việc đã làm. Bạch Ngài, trái lại đối với con thì có việc cần phải làm thêm nữa, hoặc có sự tích lũy thêm đối với việc đã làm. Bạch Ngài, nếu đức Thế Tôn cho phép con, thì con có thể đi đến khu rừng xoài này cho việc nỗ lực.” Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Meghiya điều này: “Này Meghiya, chúng ta là đơn độc. Ngươi hãy chờ cho đến lúc có vị tỳ khưu nào khác đi đến.” Đến lần thứ ba, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đối với đức Thế Tôn thì không có bất cứ việc gì thêm nữa cần phải làm, hoặc không có sự tích lũy thêm đối với việc đã làm. Bạch Ngài, trái lại đối với con thì có việc thêm nữa cần phải làm, hoặc có sự tích lũy thêm đối với việc đã làm. Bạch Ngài, nếu đức Thế Tôn cho phép con, thì con có thể đi đến khu rừng xoài này cho việc nỗ lực.”
5. “Này Meghiya, trong khi ngươi nói về ‘sự nỗ lực’ thì chúng ta có thể nói gì? Này Meghiya, ngươi hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào.” Khi ấy, đại đức Meghiya đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đã đi đến khu rừng xoài ấy, sau khi đến đã đi sâu vào khu rừng xoài rồi đã ngồi xuống nghỉ trưa ở gốc cây nọ. Sau đó, trong khi đại đức Meghiya đang trú ở khu rừng xoài ấy, ba ác bất thiện tầm, tức là: ‘dục tầm, sân tầm, hại tầm,’ thường xuyên khởi lên cho vị ấy. Khi ấy, đại đức Meghiya đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ lạ! Thật là bất thường! Quả thật ta đã vì niềm tin rời nhà xuất gia sống không nhà, vậy mà ta lại bị ám ảnh bởi ba ác bất thiện tầm này, tức là: ‘bởi dục tầm, bởi sân tầm, bởi hại tầm.’”
6. Sau đó vào buổi chiều, đại đức Meghiya, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây trong khi con đang trú ở khu rừng xoài ấy, ba ác bất thiện tầm, tức là: ‘dục tầm, sân tầm, hại tầm,’ thường xuyên xảy đến với con. Khi ấy, con đây đã khởi ý điều này: ‘Thật là kỳ lạ! Thật là bất thường! Quả thật ta đã vì niềm tin rời nhà xuất gia sống không nhà, vậy mà ta lại bị ám ảnh bởi ba ác bất thiện tầm này, tức là: bởi dục tầm, bởi sân tầm, bởi hại tầm.’”
7. “Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, có năm pháp đưa đến sự chín muồi. Năm pháp nào? Này Meghiya, ở đây vị tỳ khưu có bạn hữu tốt lành, có bạn đồng hành tốt lành, có bạn thâm niên tốt lành. Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, đây là pháp thứ nhất đưa đến sự chín muồi.
Và này Meghiya, còn có pháp khác nữa, vị tỳ khưu là người có giới, sống thu thúc với sự thu thúc trong giới bổn Pātimokkha, được thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhặt, thọ trì và thực hành trong các điều học. Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, đây là pháp thứ nhì đưa đến sự chín muồi.
Và này Meghiya, còn có pháp khác nữa, lời nói nào liên quan đến việc giảm thiểu, thuận lợi cho việc khơi mở tâm, đưa đến sự hoàn toàn nhàm chán, đến việc xa lìa luyến ái, đến sự tịch diệt, đến sự tịch tịnh, đến thắng trí, đến sự giác ngộ, đến Niết-bàn, tức là lời nói về ít ham muốn, lời nói về sự tự biết đủ, lời nói về sự tách ly, lời nói về sự không kết giao, lời nói về việc khởi sự tinh tấn, lời nói về giới, lời nói về định, lời nói về tuệ, lời nói về giải thoát, lời nói về trí tuệ và nhận thức về sự giải thoát; với lời nói có hình thức như thế thì vị tỳ khưu có sự đạt được theo như ước muốn, có sự đạt được không mệt nhọc, có sự đạt được không khó khăn. Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, đây là pháp thứ ba đưa đến sự chín muồi.
Và này Meghiya, còn có pháp khác nữa, vị tỳ khưu sống có sự ra sức tinh tấn nhằm dứt bỏ các bất thiện pháp, nhằm thành tựu các thiện pháp, có sự kiên định, có sự ra sức vững chãi, không buông bỏ nhiệm vụ đối với các thiện pháp. Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, đây là pháp thứ tư đưa đến sự chín muồi.
Và này Meghiya, còn có pháp khác nữa, vị tỳ khưu có tuệ hướng đến sự sanh diệt, đầy đủ tuệ cho việc thấu triệt thánh thiện hướng đến sự diệt tận khổ đau một cách đúng đắn. Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, đây là pháp thứ năm đưa đến sự chín muồi.
Này Meghiya, khi sự giải thoát của tâm chưa được chín muồi, năm pháp này đưa đến sự chín muồi.
8. Này Meghiya, điều này là được trông đợi đối với vị tỳ khưu có bạn hữu tốt lành, có bạn đồng hành tốt lành, có bạn thâm niên tốt lành là việc sẽ là người có giới, sẽ sống thu thúc với sự thu thúc trong giới bổn Pātimokkha, được thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhặt, sẽ thọ trì và thực hành trong các điều học.
Này Meghiya, điều này là được trông đợi đối với vị tỳ khưu có bạn hữu tốt lành, có bạn đồng hành tốt lành, có bạn thâm niên tốt lành là lời nói nào liên quan đến việc giảm thiểu, thuận lợi cho việc khơi mở tâm, đưa đến sự hoàn toàn nhàm chán, đến việc xa lìa luyến ái, đến sự tịch diệt, đến sự tịch tịnh, đến thắng trí, đến sự giác ngộ, đến Niết-bàn, tức là lời nói về ít ham muốn, lời nói về sự tự biết đủ, lời nói về sự tách ly, lời nói về sự không kết giao, lời nói về việc khởi sự tinh tấn, lời nói về giới, lời nói về định, lời nói về tuệ, lời nói về giải thoát, lời nói về trí tuệ và nhận thức về sự giải thoát; với lời nói có hình thức như thế thì vị tỳ khưu sẽ có sự đạt được theo như ước muốn, có sự đạt được không mệt nhọc, có sự đạt được không khó khăn.
Này Meghiya, điều này là được trông đợi đối với vị tỳ khưu có bạn hữu tốt lành, có bạn đồng hành tốt lành, có bạn thâm niên tốt lành là sẽ có sự ra sức tinh tấn nhằm dứt bỏ các bất thiện pháp, nhằm thành tựu các thiện pháp, có sự kiên định, có sự ra sức vững chãi, không buông bỏ nhiệm vụ đối với các thiện pháp.
Này Meghiya, điều này là được trông đợi đối với vị tỳ khưu có bạn hữu tốt lành, có bạn đồng hành tốt lành, có bạn thâm niên tốt lành là việc sẽ có tuệ hướng đến sự sanh diệt, được đầy đủ tuệ hướng đến sự diệt tận khổ đau một cách đúng đắn đối với việc thấu triệt của bậc Thánh.
Và này Meghiya, hơn nữa vị tỳ khưu ấy sau khi thiết lập ở năm pháp này, nên tu tập bốn pháp thêm nữa, nên tu tập về bất tịnh nhằm dứt bỏ luyến ái, nên tu tập từ ái nhằm dứt bỏ sân hận, nên tu tập niệm hơi thở vào hơi thở ra nhằm cắt đứt tầm, nên tu tập tưởng vô thường nhằm thủ tiêu ngã mạn ‘tôi là.’ Này Meghiya, đối với vị có tưởng vô thưởng thì tưởng vô ngã được vững trú, vị có tưởng vô ngã thì đạt được việc thủ tiêu ngã mạn ‘tôi là,’ (đạt được) Niết Bàn ngay trong đời hiện tại.”
9. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Các suy tư nhỏ nhoi, các suy tư vi tế được đeo đuổi là các sự trỗi dậy của tâm. Người không biết được các suy tư này của tâm, chạy từ nơi này đến nơi khác, có tâm rối loạn.
Và sau khi biết được các suy tư này của tâm, người có nhiệt tâm, có niệm, thu thúc các suy tư đã được đeo đuổi, các sự trỗi dậy của tâm; bậc giác ngộ đã dứt bỏ chúng không còn dư sót.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Kusinārā, ở Upavattana, khu rừng cây sālā của xứ Malla. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị tỳ khưu trú ngụ trong các chòi nhỏ trong rừng ở nơi không xa đức Thế Tôn, náo động, khoác lác, lao chao, lắm mồm, có lời nói linh tinh, thất niệm, không có sự tỉnh giác, không được định tĩnh, có tâm bị tán loạn, có các giác quan buông thả.
2. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều vị tỳ khưu ấy đang trú ngụ trong các chòi nhỏ trong rừng ở nơi không xa, náo động, khoác lác, lao chao, lắm mồm, có lời nói linh tinh, thất niệm, không có sự tỉnh giác, không được định tĩnh, có tâm bị tán loạn, có các giác quan buông thả.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Do thân không được phòng hộ, và do đã đi theo tà kiến, do bị ngự trị bởi dã dượi và buồn ngủ, người sa vào quyền lực của Ma Vương.
Vì thế, nên là người có tâm đã được phòng hộ, có chánh tư duy là hành xứ, là người ngự trị dã dượi và buồn ngủ, vị tỳ khưu từ bỏ mọi cảnh giới tái sanh xấu xa.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn đi du hành ở xứ sở của những người Kosala cùng với đại chúng tỳ khưu. Khi ấy, đức Thế Tôn đã rời con đường lộ rồi đi đến gần gốc cây nọ, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt sẵn. Sau đó, có người chăn bò nọ đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi người chăn bò đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người chăn bò ấy bằng bài Pháp thoại.
2. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, người chăn bò ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, người chăn bò ấy hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Sau đó, khi trải qua đêm ấy, người chăn bò ấy đã cho chuẩn bị dồi dào cơm sữa ráo nước và bơ lỏng mới tại tư gia, rồi cho thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: “Bạch Ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.”
3. Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm bình bát và y cùng với hội chúng tỳ khưu đi đến tư gia của người chăn bò ấy, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Sau đó, người chăn bò ấy đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với cơm sữa ráo nước và bơ lỏng mới. Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong, bàn tay đã rời khỏi bình bát, người chăn bò ấy đã cầm lấy một chiếc ghế thấp nào đó và đã ngồi xuống ở một bên. Khi người chăn bò đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người chăn bò ấy bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Sau đó, trong khi đức Thế Tôn ra đi không bao lâu, một người đàn ông nọ đã đoạt lấy mạng sống của người chăn bò ấy tại khu vực giáp ranh.
4. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, người chăn bò hôm nay đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với cơm sữa ráo nước và bơ lỏng mới, bạch Ngài, nghe nói người chăn bò ấy đã bị một người đàn ông nọ đoạt lấy mạng sống tại khu vực giáp ranh.”
5. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Việc nào mà kẻ địch có thể làm đối với kẻ địch, hoặc kẻ thù (có thể làm) đối với kẻ thù, thì tâm thiên về sự sai tráī có thể làm điều ác xấu đến người ấy còn hơn việc ấy (hai việc trên) nữa.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta và đại đức Mahāmoggallāna ngụ tại Kapotakandarā.[1] Lúc bấy giờ, vào đêm trăng sáng đại đức Sāriputta ngồi ở ngoài trời với tóc vừa mới được cạo và đã thể nhập vào một trạng thái định nào đó. Vào lúc bấy giờ, có hai Dạ Xoa là bạn đồng hành di chuyển từ hướng Bắc về hướng Nam vì công việc cần làm nào đó. Các Dạ Xoa ấy đã nhìn thấy đại đức Sāriputta vào đêm trăng sáng ngồi ở ngoài trời với tóc vừa mới được cạo. Sau khi nhìn thấy, một Dạ Xoa đã nói với Dạ Xoa thứ hai điều này: “Này bạn, bỗng nhiên tôi muốn giáng một cú đánh vào đầu của vị Sa-môn này.” Khi được nói như vậy, Dạ Xoa kia đã nói với Dạ Xoa ấy điều này: “Này bạn, đủ rồi! Chớ công kích vị Sa-môn. Này bạn, vị Sa-môn này cao cả, có đại thần lực, có đại oai lực.” Đến lần thứ nhì, Dạ Xoa ấy đã nói với Dạ Xoa kia điều này: “Này bạn, bỗng nhiên tôi muốn giáng một cú đánh vào đầu của vị Sa-môn này.” Đến lần thứ nhì, Dạ Xoa kia đã nói với Dạ Xoa ấy điều này: “Này bạn, đủ rồi! Chớ công kích vị Sa-môn. Này bạn, vị Sa-môn này cao cả, có đại thần lực, có đại oai lực.” Đến lần thứ ba, Dạ Xoa ấy đã nói với Dạ Xoa kia điều này: “Này bạn, bỗng nhiên tôi muốn giáng một cú đánh vào đầu của vị Sa-môn này.” Đến lần thứ ba, Dạ Xoa kia đã nói với Dạ Xoa ấy điều này: “Này bạn, đủ rồi! Chớ công kích vị Sa-môn. Này bạn, vị Sa-môn này cao cả, có đại thần lực, có đại oai lực.”
2. Khi ấy, Dạ Xoa ấy không đếm xỉa đến Dạ Xoa kia và đã giáng một cú đánh vào đầu của đại đức Sāriputta. Cú đánh đã mạnh đến mức thậm chí bằng cú đánh ấy có thể nhấn chìm (vào lòng đất) con long tượng cao bảy ratana[2] hoặc bảy ratana rưỡi, hay phá vỡ chóp đỉnh của ngọn núi lớn. Thế mà khi ấy, Dạ Xoa ấy (đã thét lên): “Tôi bị đốt cháy, tôi bị đốt cháy,” rồi ngay tại chỗ ấy đã rơi xuống đại địa ngục.
3. Đại đức Mahāmoggallāna với Thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người đã nhìn thấy cú đánh đang giáng vào đầu của đại đức Sāriputta bởi Dạ Xoa ấy, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp đại đức Sāriputta, sau khi đến đã nói với đại đức Sāriputta điều này: “Này đại đức, sức khoẻ của đại đức có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Không có khổ sở gì phải không?” “Này đại đức Mahāmoggallāna, sức khoẻ của tôi khá. Này đại đức Mahāmoggallāna, mọi việc của tôi được tốt đẹp.[3] Tuy nhiên, có sự khó chịu chút ít ở đầu của tôi.”
4. “Này đại đức Sāriputta, thật là kỳ diệu! Này đại đức Sāriputta, thật là phi thường! Đại đức Sāriputta có đại thần lực, có đại oai lực đến như thế! Này đại đức Sāriputta, ở đây một Dạ Xoa nào đó đã giáng cú đánh vào đầu của đại đức. Cú đánh đã mạnh đến mức thậm chí bằng cú đánh ấy có thể nhấn chìm (vào lòng đất) con long tượng cao bảy ratana hoặc bảy ratana rưỡi, hay phá vỡ chóp đỉnh của ngọn núi lớn. Trái lại, đại đức Sāriputta đã nói như vầy: “Này đại đức Mahāmoggallāna, sức khoẻ của tôi khá. Này đại đức Mahāmoggallāna, mọi việc của tôi được tốt đẹp. Tuy nhiên, có sự khó chịu chút ít ở đầu của tôi.” “Này đại đức Mahāmoggallāna, thật là kỳ diệu! Này đại đức Mahāmoggallāna, thật là phi thường! Đại đức Mahāmoggallāna có đại thần lực, có đại oai lực đến như thế! Bởi vì vị ấy thật sự nhìn thấy ngay cả loài Dạ Xoa, trái lại chúng tôi hiện giờ cũng không nhìn thấy được loài quỷ đói ở đống rác.” Đức Thế Tôn với Thiên nhĩ giới thanh tịnh vượt trội loài người đã nghe được cuộc trò chuyện trao đổi có hình thức như thế này của cả hai bậc đại long tượng ấy.
5. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Tâm của người nào giống như tảng đá, đứng yên, không rung động, không luyến ái ở các vật đáng bị luyến ái, không bị bực tức đối với việc đáng bị bực tức? Tâm của người nào được tu tập như vậy, do đâu khổ đau sẽ đến với người ấy?”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Kosambī, ở tu viện Ghosita. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn sống bị quấy rầy bởi các tỳ khưu, bởi các tỳ khưu ni, bởi các nam cư sĩ, bởi các nữ cư sĩ, bởi các vị vua, bởi các quan đại thần của vua, bởi các ngoại đạo, bởi các đệ tử của ngoại đạo. Bị quấy rầy, đức Thế Tôn sống không an lạc, không thoải mái.
2. Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Hiện nay, Ta sống bị quấy rầy bởi các tỳ khưu, bởi các tỳ khưu ni, bởi các nam cư sĩ, bởi các nữ cư sĩ, bởi các vị vua, bởi các quan đại thần của vua, bởi các ngoại đạo, bởi các đệ tử của ngoại đạo. Bị quấy rầy, Ta sống không an lạc, không thoải mái. Có lẽ Ta nên sống một mình, tách ra khỏi đám đông?”
3. Sau đó vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội) rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Kosambī để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Kosambī, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đức Thế Tôn đã tự mình thu dọn chỗ trú ngụ rồi cầm lấy bình bát và y, không nói cho các thị giả biết, không thông báo cho hội chúng tỳ khưu, một mình, không người thứ hai, ra đi du hành đến Pārileyyaka. Trong khi tuần tự du hành, Ngài đã ngự đến Pārileyyaka. Tại đó, đức Thế Tôn ngụ tại Pārileyyaka, ở khu rừng cây được bảo vệ, nơi gốc cây sālā xinh đẹp.
4. Cũng có con long tượng nọ sống bị quấy rầy bởi những con voi đực, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé. Nó còn phải phải nhai các thứ cỏ đã bị đứt ngọn. Chúng nhai các nhánh cây đã được nó bẻ gãy lượt này lượt khác. Và nó uống các thứ nước đã bị khuấy đục. Khi nó vượt qua dòng sông cạn thì những con voi cái chạy lại cọ xát vào thân. Bị quấy rầy, nó sống không an lạc, không thoải mái. Khi ấy, con long tượng ấy đã khởi ý điều này: “Hiện nay, ta sống bị quấy rầy bởi những con voi đực, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé. Ta còn phải nhai các thứ cỏ đã bị đứt ngọn. Chúng nhai các nhánh cây đã được ta bẻ gãy lượt này lượt khác. Và ta uống các thứ nước đã bị khuấy đục. Khi ta vượt qua dòng sông cạn thì những con voi cái chạy lại cọ xát vào thân. Bị quấy rầy, ta sống không an lạc, không thoải mái. Có lẽ ta nên sống một mình, tách ra khỏi đám đông?”
5. Sau đó, con long tượng ấy đã tách khỏi bầy đi đến Pārileyyaka, chỗ khu rừng cây được bảo vệ, nơi gốc cây sālā xinh đẹp, gần bên đức Thế Tôn. Tại đó, ở khu vực nào đức Thế Tôn trú ngụ, con long tượng ấy dọn dẹp khu vực ấy bớt đi cây cỏ, rồi dùng vòi cung cấp nước uống và nước rửa đến đức Thế Tôn.
6. Sau đó, đức Thế Tôn trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Trước đây, Ta đã sống bị quấy rầy bởi các tỳ khưu, bởi các tỳ khưu ni, bởi các nam cư sĩ, bởi các nữ cư sĩ, bởi các vị vua, bởi các quan đại thần của vua, bởi các ngoại đạo, bởi các đệ tử của ngoại đạo. Bị quấy rầy, Ta đã sống không an lạc, không thoải mái. Hiện nay, Ta sống không bị quấy rầy bởi các tỳ khưu, bởi các tỳ khưu ni, bởi các nam cư sĩ, bởi các nữ cư sĩ, bởi các vị vua, bởi các quan đại thần của vua, bởi các ngoại đạo, bởi các đệ tử của ngoại đạo. Không bị quấy rầy, Ta sống an lạc, thoải mái.”
7. Luôn cả con long tượng ấy cũng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Trước đây, ta đã sống bị quấy rầy bởi những con voi đực, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé. Ta đã phải nhai các thứ cỏ đã bị đứt ngọn. Chúng đã nhai các nhánh cây đã được ta bẻ gãy lượt này lượt khác. Và ta đã uống các thứ nước đã bị khuấy đục. Khi ta vượt qua dòng sông cạn thì những con voi cái đã chạy lại cọ xát vào thân. Bị quấy rầy, ta đã sống không an lạc, không thoải mái. Hiện nay, ta sống không bị quấy rầy bởi những con voi đực, bởi những con voi cái, bởi những con voi tơ, bởi những con voi bé. Ta nhai các thứ cỏ còn chưa bị đứt ngọn. Chúng không nhai các nhánh cây đã được ta bẻ gãy lượt này lượt khác. Và ta đã uống các thứ nước không bị khuấy đục. Khi ta vượt qua dòng sông cạn thì không có những con voi cái chạy lại cọ xát vào thân. Không bị quấy rầy, ta sống an lạc, thoải mái.”
8. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi nhận biết sự tách ly của bản thân đã dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của con long tượng ấy, rồi vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Tâm của con Long tượng, là con voi có ngà dài, cùng với chúa loài người có tâm được tương đồng về việc một mình vui thích ở khu rừng.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Piṇḍolabhāradvāja ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, là vị ngụ ở rừng, chuyên đi khất thực, chỉ mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, chỉ sử dụng ba y, ít ham muốn, tự biết đủ, sống tách ly, không kết giao, có sự ra sức tinh tấn, nói về hạnh từ khước, gắn bó với tăng thượng tâm.
2. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Piṇḍolabhāradvāja ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, là vị ngụ ở rừng, chuyên đi khất thực, chỉ mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, chỉ sử dụng ba y, ít ham muốn, tự biết đủ, sống tách ly, không kết giao, có sự ra sức tinh tấn, nói về hạnh từ khước, gắn bó với tăng thượng tâm.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Sự không phỉ báng, sự không giết hại, sự thu thúc trong giới bổn Pātimokkha, sự biết đủ về vật thực, chỗ nằm ngồi thanh vắng, và sự gắn bó vào tăng thượng tâm, điều này là lời giáo huấn của chư Phật.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, là vị ít ham muốn, tự biết đủ, sống tách ly, không kết giao, có sự ra sức tinh tấn, nói về hạnh từ khước, gắn bó với tăng thượng tâm. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, là vị ngụ ở rừng, chuyên đi khất thực, chỉ mặc y may bằng vải bị quăng bỏ, chỉ sử dụng ba y, ít ham muốn, tự biết đủ, sống tách ly, không kết giao, có sự ra sức tinh tấn, nói về hạnh từ khước, gắn bó với tăng thượng tâm.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với vị hiền trí có tăng thượng tâm, không bị xao lãng, đang rèn luyện trong các đạo lộ trí tuệ, an tịnh, luôn có niệm, các sự sầu muộn không hiện hữu ở vị như thế ấy.”[4]
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Hội chúng tỳ khưu cũng được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Trái lại, các du sĩ ngoại đạo không được tôn vinh, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh.
2. Khi ấy, các du sĩ ngoại đạo ấy không chịu đựng nỗi sự tôn vinh đối với đức Thế Tôn và đối với hội chúng tỳ khưu nên đã đi đến gặp nữ du sĩ ngoại đạo Sundarī, sau khi đến đã nói với nữ du sĩ ngoại đạo Sundarī điều này: “Này chị gái, chị có khả năng làm việc lợi ích cho thân quyến không?” “Thưa các ngài, tôi làm việc gì? Điều gì mà tôi không có thể làm? Thậm chí mạng sống tôi còn buông bỏ cho việc lợi ích của thân quyến.”
3. “Này chị gái, chính vì việc ấy chị hãy thường xuyên đi đến Jetavana.” “Thưa các ngài, xin vâng.” Nữ du sĩ ngoại đạo Sundarī nghe theo các du sĩ ngoại đạo ấy đã thường xuyên đi đến Jetavana. Đến khi các du sĩ ngoại đạo ấy đã biết rằng: “Việc nữ du sĩ ngoại đạo Sundarī thường xuyên đi đến Jetavana đã được nhiều người nhìn thấy rõ ràng,” khi ấy đã cho người đoạt lấy mạng sống của nàng rồi chôn xuống ngay tại chỗ ấy, ở cái hố của đường mương, sau đó đã đi đến gặp đức vua Pasenadi xứ Kosala, sau khi đến đã nói với đức vua Pasenadi xứ Kosala điều này: “Tâu đại vương, chúng tôi không nhìn thấy nữ du sĩ Sundarī.” “Vậy các ngươi nghi ngờ là ở đâu?” “Tâu đại vương, ở Jetavana.” “Chính vì việc ấy các ngươi hãy kiểm tra Jetavana.”
4. Khi ấy, các du sĩ ngoại đạo ấy sau khi kiểm tra Jetavana đã lấy lên từ cái hố của đường mương (thi thể của nàng) theo như cách đã được chôn xuống. Sau khi đặt ở chiếc giường nhỏ, họ đã đưa vào thành Sāvatthi rồi đi từ đường lộ này đến đường lộ khác, từ giao lộ này đến giao lộ khác, và đã khích động dân chúng rằng:
“Thưa các ngài, các ngài hãy nhìn xem việc làm của các Sa-môn Thích tử. Các Sa-môn Thích tử này vô liêm sỉ, giới hạnh xấu xa, nói láo, không có Phạm hạnh. Chính các vị này làm ra vẻ là có sự thực hành Pháp, có thực hành sự bình lặng, có Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp! Các vị này không có Sa-môn hạnh, các vị này không có Phạm hạnh! Sa-môn hạnh của các vị này đã bị hư hỏng, Phạm hạnh của các vị này đã bị hư hỏng! Sa-môn hạnh của các vị này đâu rồi? Phạm hạnh của các vị này đâu rồi? Sa-môn hạnh của các vị này đã không còn! Phạm hạnh của các vị này đã không còn! Vì cớ gì mà người nam sau khi làm cái việc cần làm của người nam rồi lại đoạt lấy mạng sống của người nữ?”
5. Vào lúc bấy giờ, ở thành Sāvatthi dân chúng sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu liền sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng những lời nói không lịch sự, thô lỗ rằng: “Các Sa-môn Thích tử này vô liêm sỉ, giới hạnh xấu xa, nói láo, không có Phạm hạnh. Chính các vị này làm ra vẻ là có sự thực hành Pháp, có thực hành sự bình lặng, có Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp! Các vị này không có Sa-môn hạnh, các vị này không có Phạm hạnh! Sa-môn hạnh của các vị này đã bị hư hỏng, Phạm hạnh của các vị này đã bị hư hỏng! Sa-môn hạnh của các vị này đâu rồi? Phạm hạnh của các vị này đâu rồi? Sa-môn hạnh của các vị này đã không còn! Phạm hạnh của các vị này đã không còn! Vì cớ gì mà người nam sau khi làm cái việc cần làm của người nam rồi lại đoạt lấy mạng sống của người nữ?”
6. Khi ấy, vào buổi sáng nhiều vị tỳ khưu đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, hiện nay ở thành Sāvatthi dân chúng sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu liền sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng những lời nói không lịch sự, thô lỗ rằng: ‘Các Sa-môn Thích tử này vô liêm sỉ, giới hạnh xấu xa, nói láo, không có Phạm hạnh. Chính các vị này làm ra vẻ là có sự thực hành Pháp, có thực hành sự bình lặng, có Phạm hạnh, nói lời chân thật, có giới hạnh, có thiện pháp! Các vị này không có Sa-môn hạnh, các vị này không có Phạm hạnh! Sa-môn hạnh của các vị này đã bị hư hỏng, Phạm hạnh của các vị này đã bị hư hỏng! Sa-môn hạnh của các vị này đâu rồi? Phạm hạnh của các vị này đâu rồi? Sa-môn hạnh của các vị này đã không còn! Phạm hạnh của các vị này đã không còn! Vì cớ gì mà người nam sau khi làm cái việc cần làm của người nam rồi lại đoạt lấy mạng sống của người nữ?’”
7. “Này các tỳ khưu, tiếng đồn đại ấy sẽ không tồn tại lâu, sẽ tồn tại chỉ được bảy ngày, khi trải qua bảy ngày thì sẽ biến mất. Này các tỳ khưu, chính vì việc ấy những người nào sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu mà sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng những lời nói không lịch sự, thô lỗ, thì các ngươi hãy quở trách họ bằng câu kệ này:
Người có lời nói không thật đi địa ngục, và luôn cả người nào sau khi làm đã nói là: ‘Tôi không làm;’ cả hai người ấy, có hành động thấp kém, sau khi chết (đọa) vào cảnh giới khác là giống như nhau.”[5]
8. Khi ấy, các vị tỳ khưu ấy đã học thuộc lòng câu kệ ấy ở nơi đức Thế Tôn. Rồi những người nào sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu mà sỉ vả, chê bai, khiêu khích, chọc tức bằng những lời nói không lịch sự, thô lỗ, thì các vị tỳ khưu quở trách những người ấy bằng câu kệ này:
“Người có lời nói không thật đi địa ngục, và luôn cả người nào sau khi làm đã nói là: ‘Tôi không làm;’ cả hai người ấy, có hành động thấp kém, sau khi chết (đọa) vào cảnh giới khác là giống như nhau.”
9. Điều này đã khởi lên ở dân chúng: “Các Sa-môn Thích tử này không phải là người làm; việc đã được làm không phải do những vị này; các Sa-môn Thích tử này khẳng định.” Tiếng đồn đại ấy đã không tồn tại lâu, đã tồn tại chỉ bảy ngày, khi trải qua bảy ngày thì đã biến mất. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thật là kỳ diệu! Bạch Ngài, thật là phi thường! Và Bạch Ngài, điều này thật sự đã được khéo nói bởi đức Thế Tôn rằng: ‘Này các tỳ khưu, tiếng đồn đại ấy sẽ không tồn tại lâu, sẽ tồn tại chỉ được bảy ngày, khi trải qua bảy ngày thì sẽ biến mất.’ Bạch Ngài, tiếng đồn đại ấy đã được biến mất.”
10. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Những người không chế ngự châm chích (người khác) bằng lời nói,
tựa như châm chích con voi tham gia chiến trận bằng những mũi tên,
sau khi nghe lời nói thô lỗ đã được thốt lên,
vị tỳ khưu nên chịu đựng, tâm không ác xấu.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Khi ấy, đại đức Upasena, con trai của Vaṅganta, trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Thật lợi ích cho ta! Thật đã khéo đạt được cho ta! Bậc Đạo Sư của ta là đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác. Ta đã rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật được khéo thuyết giảng. Các vị đồng Phạm hạnh của ta là những vị có giới, có thiện pháp. Ta là người có sự thực hành đầy đủ về các giới. Ta được định tĩnh, có tâm chuyên nhất. Ta là bậc A-la-hán, có lậu hoặc đã được cạn kiệt. Ta có đại thần lực, có đại oai lực. Đời sống của ta là tốt đẹp, cái chết của ta là tốt đẹp.”
2. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi dùng tâm biết được ý nghĩ suy tầm của đại đức Upasena, con trai của Vaṅganta, rồi vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Vị nào không bị bực bội về đời sống, vào giai đoạn cuối của cái chết không sầu muộn, quả thật vị ấy đã nhìn thấy Niết Bàn, là bậc sáng trí, ở giữa sầu muộn không sầu muộn.
Đối với vị tỳ khưu có hữu ái đã được trừ tuyệt, có tâm an tịnh, việc luân hồi tái sanh đã được triệt tiêu, không có sự hiện hữu lại nữa đối với vị ấy.”[6]
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự tịnh lặng của bản thân. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Sāriputta ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự tịnh lặng của bản thân.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với vị tỳ khưu có tâm yên tịnh và an tịnh, đã chặt đứt hữu ái, việc luân hồi tái sanh đã được triệt tiêu, vị ấy đã được thoát khỏi sự trói buộc của Ma Vương.”
Phẩm Meghiya là thứ tư.
Vị Meghiya, bị náo động, người chăn bò, thượng huyền, với long tượng là thứ năm, vị Piṇḍola, vị Sāriputta, và nàng Sundarī là thứ tám, vị Upasena con trai của Vaṅganta, và vị Sāriputta; chúng là mười.
--ooOoo--
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức vua Pasenadi xứ Kosala cùng với hoàng hậu Mallikā đã đi lên tầng trên của tòa lâu đài cao quý. Khi ấy, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nói với hoàng hậu Mallikā điều này:
“Này Mallikā, đối với nàng có ai khác đáng yêu hơn là bản thân không?”
“Tâu đại vương, đối với thiếp không có ai khác đáng yêu hơn là bản thân. Tâu đại vương, ngược lại đối với ngài có ai khác đáng yêu hơn là bản thân không?”
“Này Mallikā, đối với trẫm cũng vậy, không có ai khác đáng yêu hơn là bản thân.”
2. Sau đó, đức vua Pasenadi xứ Kosala từ tòa lâu đài đã đi xuống rồi đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, ở đây trẫm cùng với hoàng hậu Mallikā đã đi lên tầng trên của tòa lâu đài cao quý rồi trẫm đã nói với hoàng hậu Mallikā điều này: ‘Này Mallikā, đối với nàng có ai khác đáng yêu hơn là bản thân không?’ Khi được nói như vậy, hoàng hậu Mallikā đã nói với trẫm điều này: ‘Tâu đại vương, đối với thiếp không có ai khác đáng yêu hơn là bản thân. Tâu đại vương, ngược lại đối với ngài có ai khác đáng yêu hơn là bản thân không?’ Khi được nói như vậy, trẫm đã nói với hoàng hậu Mallikā điều này: ‘Này Mallikā, đối với trẫm cũng vậy, không có ai khác đáng yêu hơn là bản thân.’”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Sau khi đi vòng quanh tất cả các phương bằng tâm, vẫn không đạt được người đáng yêu hơn bản thân ở bất cứ đâu. Tương tự như vậy, bản thân của những người khác là đáng yêu đối với chính họ; vì thế người yêu mến bản thân không nên hãm hại người khác.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy vào buổi chiều, đại đức Ānanda, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Meghiya đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, thật là kỳ diệu! Bạch Ngài, thật là phi thường! Bạch Ngài, mẹ của đức Thế Tôn có tuổi thọ ít ỏi đến chừng ấy. Khi đức Thế Tôn được sanh ra bảy ngày, mẹ của đức Thế Tôn đã từ trần, và đã được sanh về tập thế cõi Đẩu Suất.”
“Này Ānanda, điều ấy là như vậy. Này Ānanda, những người mẹ của các đức Bồ Tát quả là có tuổi thọ ít ỏi, khi các đức Bồ Tát được sanh ra bảy ngày, những người mẹ của các đức Bồ Tát từ trần, và được sanh về tập thể cõi Đẩu Suất.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Tất cả mọi loài đã được sanh hoặc sẽ được sanh ra,
tất cả sẽ ra đi sau khi buông bỏ thân xác.
Sau khi biết được mọi sự mất mát ấy, bậc thiện xảo
có nhiệt tâm nên thực hành Phạm hạnh.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, ở Rājagaha gã cùi tên Suppabuddha đã là người nghèo khó nhất, khốn khổ nhất, bần cùng nhất.
2. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn, được vây quanh bởi hội chúng đông đảo, đang ngồi thuyết Pháp. Gã cùi Suppabuddha đã nhìn thấy từ đằng xa đám đông người tụ hội lại, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: “Chắc chắn là ở đây có vật thực cứng hay vật thực mềm gì đó sẽ được phân phát! Có lẽ ta nên đi đến gần đám đông người ấy, có lẽ ở đây ta có thể nhận được vật thực cứng hay vật thực mềm gì đó.”
3. Sau đó, gã cùi Suppabuddha đã đi đến gần đám đông người ấy. Gã cùi Suppabuddha đã nhìn thấy đức Thế Tôn, được vây quanh bởi hội chúng đông đảo, đang ngồi thuyết Pháp. Sau khi nhìn thấy, gã ấy đã khởi ý điều này: “Ở đây, không có vật thực cứng hay vật thực mềm gì đó được phân phát! Vị Sa-môn Gotama này thuyết Pháp cho hội chúng. Có lẽ ta cũng nên nghe Pháp.” Rồi đã ngồi xuống ngay tại chỗ ấy (nghĩ rằng): “Ta cũng sẽ nghe Pháp.” Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi dùng tâm biết được tâm toàn thể hội chúng, đã tác ý rằng: “Ở đây người nào có khả năng hiểu được Giáo Pháp?”
4. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy gã cùi Suppabuddha đang ngồi ở hội chúng ấy, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: “Ở đây người này có khả năng hiểu được Giáo Pháp.” Và Ngài đã thuyết Pháp theo thứ lớp liên quan đến gã cùi Suppabuddha. Tức là Ngài đã giảng giải bài thuyết về bố thí, bài thuyết về giới, bài thuyết về cõi Trời, sự tai hại sự thấp kém sự ô nhiễm của các dục, sự lợi ích của việc xuất ly. Khi đức Thế Tôn biết được tâm của gã cùi Suppabuddha đã sẵn sàng, dễ uốn nắn, không còn chướng ngại, hướng thượng, tịnh tín, Ngài đã phô bày Pháp thuyết giảng đã được Chư Phật khai mở là: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Cũng giống như tấm vải đã được làm sạch, không còn vết nhơ, có thể nhuộm màu một cách toàn vẹn; tương tự như thế, ngay tại chỗ ngồi ấy Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến gã cùi Suppabuddha: “Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.”
5. Sau đó, khi đã thấy được Pháp, đã thành tựu được Pháp, đã hiểu được Pháp, đã thấm nhuần Pháp, hoài nghi đã không còn, sự lưỡng lự đã dứt hẳn, đã thành tựu niềm tin vào Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, không còn cần sự trợ duyên của người khác, gã cùi Suppabuddha đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thật là tuyệt vời! Bạch Ngài, thật là tuyệt vời! Bạch Ngài, giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;’ tương tự như thế Pháp đã được đức Thế Tôn giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Bạch Ngài, con đây xin đi đến nương nhờ đức Thế Tôn ấy, Giáo Pháp, và Tăng Chúng tỳ khưu. Xin đức Thế Tôn chấp nhận con là nam cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.”
6. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, gã cùi Suppabuddha đã thích thú, đã tùy hỷ lời dạy của đức Thế Tôn, đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
Sau đó, khi gã cùi Suppabuddha ra đi không bao lâu, một con bò cái với con bê non đã húc ngã và đã đoạt lấy mạng sống của gã cùi Suppabuddha.
7. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, người cùi tên Suppabuddha đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, người ấy đã qua đời. Đối với người ấy, cảnh giới tái sanh là gì, kiếp kế tiếp là gì?”
8. “Này các tỳ khưu, gã cùi Suppabuddha là người sáng suốt, đã thực hành Pháp tuần tự đốī với Giáo Pháp, và đã không quấy rầy Ta với sự việc liên quan đến Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, gã cùi Suppabuddha do sự diệt tận ba sự ràng buộc là vị Nhập Lưu, có pháp không bị thối đọa, có sự tiến đến giác ngộ đã được chắc chắn.”
9. Khi được nói như vậy, một vị tỳ khưu nọ đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, nhân gì, duyên gì khiến gã cùi Suppabuddha đã là người nghèo khó nhất, khốn khổ nhất, bần cùng nhất?”
10. “Này các tỳ khưu, vào thời quá khứ gã cùi Suppabuddha đã là con trai nhà triệu phú ở ngay tại thành Rājagaha này. Người ấy, trong khi được đưa đến khu vườn giải trí, đã nhìn thấy vị Phật Độc Giác đang đi vào thành để khất thực, sau khi nhìn thấy đã khởi ý điều này: ‘Gã cùi này là ai mà đi lang thang với y phục của người cùi vậy?’ rồi đã khạc nhổ, hướng vai trái (về phía vị Phật Độc Giác), và ra đi. Người ấy, do quả thành tựu của nghiệp ấy, đã bị nung nấu ở địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm, với phần còn lại của chính nghiệp quả ấy, đã là người cùi ở ngay tại thành Rājagaha này, là người nghèo khó nhất, khốn khổ nhất, bần cùng nhất. Sau khi đi đến với Pháp và Luật đã được công bố bởi đức Như Lai, người ấy đã thọ trì niềm tin, đã thọ trì giới, đã thọ trì điều đã được nghe, đã thọ trì sự xả thí, đã thọ trì trí tuệ. Sau khi thọ trì niềm tin, sau khi thọ trì giới, sau khi thọ trì điều đã được nghe, sau khi thọ trì sự xả thí, sau khi thọ trì trí tuệ, người ấy do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, được sanh vào chốn an vui, cõi Trời, có sự cộng trú với chư Thiên cõi Ba Mươi Ba. Tại nơi ấy, người ấy chói sáng vượt trội chư Thiên khác không những về sắc đẹp mà còn về danh tiếng nữa.”
11. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Tựa như người có mắt, trong khi đang có sự ra sức, nên tránh xa những nơi trắc trở, bậc sáng suốt, ở thế gian cuộc sống, nên tránh xa những điều ác.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều thiếu niên hành hạ các con cá nhỏ, ở khoảng giữa Sāvatthi và Jetavana. Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều thiếu niên đang hành hạ các con cá nhỏ, ở khoảng giữa Sāvatthi và Jetavana. Sau khi nhìn thấy, đức Thế Tôn đã đi đến gần các thiếu niên ấy, sau khi đến đã nói với các thiếu niên ấy điều này: “Này các cậu bé trai, các con có sợ hãi sự khổ đau không? Đối với các con có phải sự khổ đau là không được ưa thích?” “Bạch Ngài, đúng vậy. Chúng con sợ hãi sự khổ đau. Đối với chúng con sự khổ đau là không được ưa thích.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Nếu các con sợ hãi sự khổ đau, nếu đối với các con sự khổ đau là không được ưa thích, các con chớ làm việc ác dầu là công khai hay kín đáo.
Và nếu các con sẽ làm việc ác, hoặc đang làm, thì không có sự thoát ra khỏi khổ đau cho các con, cho dầu các con lánh xa và trốn chạy.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, tu viện Pubba, ở tòa nhà dài của Mẹ của Migāra.[7] Vào lúc bấy giờ, nhằm ngày Uposatha, đức Thế Tôn đang ngồi, được vây quanh bởi hội chúng tỳ khưu. Khi ấy, lúc đêm đã khuya canh một đã tàn, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya, canh một đã tàn, hội chúng tỳ khưu ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn tuyên đọc giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu.” Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã im lặng. Đến lần thứ nhì, lúc đêm đã khuya canh giữa đã tàn, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay lên hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya, canh giữa đã tàn, hội chúng tỳ khưu ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn tuyên đọc giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu.” Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã im lặng. Đến lần thứ ba, lúc đêm đã khuya canh cuối đã tàn, bình minh đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, đại đức Ānanda đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay lên hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, đêm đã khuya, canh cuối đã tàn, bình minh đã rạng, trời đêm lộ vẻ rạng rỡ, hội chúng tỳ khưu ngồi đã lâu. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn tuyên đọc giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu.” “Này Ānanda, hội chúng không thanh tịnh.”
2. Khi ấy, đại đức Mahāmoggallāna đã khởi ý điều này: “Liên quan đến nhân vật nào khiến đức Thế Tôn đã nói như vầy: ‘Này Ānanda, hội chúng không thanh tịnh’?” Sau đó, đại đức Mahāmoggallāna đã tác ý dùng tâm biết được tâm của toàn thể hội chúng tỳ khưu. Đại đức Mahāmoggallāna đã nhìn thấy nhân vật ấy, kẻ có ác giới, có ác pháp, sở hành bất tịnh và đáng nghi ngờ, có hành động che giấu, không phải là Sa-môn, tự xưng là Sa-môn, không có Phạm hạnh, tự xưng là có Phạm hạnh, nội tâm thối nát, nhiễm dục vọng, có bản chất dơ bẩn, đang ngồi giữa hội chúng tỳ khưu; sau khi nhìn thấy đã từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến gần nhân vật ấy, sau khi đến gần đã nói với nhân vật ấy điều này: “Này ông bạn, hãy đứng dậy. Ngươi đã bị đức Thế Tôn nhìn thấy rồi. Việc cộng trú với các tỳ khưu là không có cho ngươi.” Khi ấy, nhân vật ấy đã im lặng. Đến lần thứ nhì, đại đức Mahāmoggallāna đã nói với nhân vật ấy điều này: “Này ông bạn, hãy đứng dậy. Ngươi đã bị đức Thế Tôn nhìn thấy rồi. Việc cộng trú với các tỳ khưu là không có cho ngươi.” Đến lần thứ nhì, nhân vật ấy đã im lặng. Đến lần thứ ba, đại đức Mahāmoggallāna đã nói với nhân vật ấy điều này: “Này ông bạn, hãy đứng dậy. Ngươi đã bị đức Thế Tôn nhìn thấy rồi. Việc cộng trú với các tỳ khưu là không có cho ngươi.” Đến lần thứ ba, nhân vật ấy đã im lặng.
3. Khi ấy, đại đức Mahāmoggallāna đã nắm lấy nhân vật ấy ở cánh tay đẩy ra bên ngoài cánh cửa của cổng ra vào, gài chốt cửa lại, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, nhân vật ấy đã bị con đẩy ra ngoài rồi; hội chúng được thanh tịnh. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn tuyên đọc giới bổn Pātimokkha cho các tỳ khưu.” “Này Moggallāna, thật kỳ lạ thay! Này Moggallāna thật khác thường thay! Gã rồ dại ấy lại chờ đợi cho đến lúc bị nắm lấy cánh tay.”
4. Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo các tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, giờ đây kể từ nay về sau Ta sẽ không tiến hành lễ Uposatha, sẽ không tuyên đọc giới bổn. Này các tỳ khưu, giờ đây kể từ nay về sau chính các ngươi sẽ tiến hành lễ Uposatha, sẽ tụng đọc giới bổn Pātimokkha. Này các tỳ khưu, việc này không hợp lý không có cơ sở là việc đức Như Lai có thể tiến hành lễ Uposatha, có thể tuyên đọc giới bổn Pātimokkha ở hội chúng không thanh tịnh.
5. Này các tỳ khưu, đây là tám pháp kỳ diệu phi thường về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét những pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả. Tám pháp ấy là gì?
(1.) Này các tỳ khưu, biển cả sâu xuống dần dần, có độ dốc xuống dần dần, có sự lõm xuống dần dần, không có vực sâu một cách đột ngột. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả sâu xuống dần dần, có độ dốc xuống dần dần, có sự lõm xuống dần dần, không có vực sâu một cách đột ngột. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ nhất về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(2.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, biển cả có pháp ổn định, không tràn qua khỏi bờ. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả có pháp ổn định, không tràn qua khỏi bờ. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ nhì về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(3.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, biển cả không sống chung với xác chết, nghĩa là khi ở trong biển cả có xác chết, nó tức thời đưa xác chết ấy vào bờ rồi hất lên đất liền. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả không sống chung với xác chết, nghĩa là khi ở trong biển cả có xác chết, nó tức thời đưa xác chết ấy vào bờ rồi hất lên đất liền. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ ba về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(4.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, các con sông lớn như là Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī khi đã ra đến biển cả thì từ bỏ các tên họ trước đây và đi đến tên gọi là ‘Biển cả.’ Này các tỳ khưu, sự việc các con sông lớn như là Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī khi đã ra đến biển cả thì từ bỏ các tên họ trước đây và đi đến tên gọi là ‘Biển cả.’ Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ tư về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(5.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, có các dòng nước ở thế gian đổ vào biển cả và các trận mưa từ không trung rơi xuống, nhưng không vì điều ấy mà biển cả được xem là vơi hay đầy. Này các tỳ khưu, sự việc có các dòng nước ở thế gian đổ vào biển cả và các trận mưa từ không trung rơi xuống nhưng không vì điều ấy mà biển cả được xem là vơi hay đầy. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ năm về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(6.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, biển cả có một vị là vị của muối. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả chỉ có một vị là vị của muối. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ sáu về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(7.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, biển cả có nhiều vật quý, có vô số vật quý. Ở đó, các vật quý ấy như là ngọc trai, ngọc ma-ni, ngọc bích, xà cừ, đá quý, san hô, bạc, vàng, ngọc ru-by, ngọc mắt mèo. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả có nhiều vật quý, có vô số vật quý; ở đó, các vật quý ấy như là ngọc trai, ngọc ma-ni, ngọc bích, xà cừ, đá quý, san hô, bạc, vàng, ngọc ru-by, ngọc mắt mèo. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ bảy về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
(8.) Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, biển cả là nơi cư trú của các chúng sanh to lớn. Ở đó, các chúng sanh ấy là cá ông, cá voi, cá ông voi, các A-tu-la, các loài rồng, các Càn-thát-bà. Trong biển cả còn có những loài hữu hình lớn đến trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến hai trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến ba trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến bốn trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến năm trăm do tuần. Này các tỳ khưu, sự việc biển cả là nơi cư trú của các chúng sanh to lớn; ở đó, các chúng sanh ấy là cá ông, cá voi, cá ông voi, các A-tu-la, các loài rồng, các Càn-thát-bà. Trong biển cả còn có những loài hữu hình lớn đến trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến hai trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến ba trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến bốn trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến năm trăm do tuần. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ tám về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
Này các tỳ khưu, đây là tám pháp kỳ diệu phi thường về biển cả, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các A-tu-la thỏa thích trong biển cả.
6. Này các tỳ khưu, tương tự y như thế trong Pháp và Luật này có tám pháp kỳ diệu phi thường, sau khi thường xuyên xem xét những pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này. Tám pháp ấy là gì?
(1.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả sâu xuống dần dần, có độ dốc xuống dần dần, có sự lõm xuống dần dần, không có vực sâu một cách đột ngột, này các tỳ khưu, tương tự như thế trong Pháp và Luật này có sự học tập theo thứ lớp, có sự thực hành theo thứ lớp, có sự tiến bộ theo thứ lớp, không có sự chứng ngộ đột ngột nào khác. Này các tỳ khưu, sự việc trong Pháp và Luật này có sự học tập theo thứ lớp, có sự thực hành theo thứ lớp, có sự tiến bộ theo thứ lớp, không có sự chứng ngộ đột ngột nào khác. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ nhất trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(2.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả có pháp ổn định, không tràn qua khỏi bờ, này các tỳ khưu, tương tự như thế điều học nào đã được Ta quy định cho các đệ tử của Ta, các đệ tử của Ta không vượt qua điều học ấy dù là nguyên nhân mạng sống. Này các tỳ khưu, sự việc điều học nào đã được Ta quy định cho các đệ tử, các đệ tử của Ta không vượt qua điều học ấy dù là nguyên nhân mạng sống. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ nhì trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(3.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả không sống chung với xác chết nghĩa là khi ở trong biển cả có xác chết, nó tức thời đưa xác chết ấy vào bờ rồi hất lên đất liền, này các tỳ khưu, tương tự như thế nhân vật nào là kẻ có ác giới, có ác pháp, sở hành bất tịnh và đáng nghi ngờ, có hành động che giấu, phi Sa-môn, giả mạo Sa-môn, phi Phạm hạnh, giả mạo Phạm hạnh, nội tâm thối nát, nhiễm dục vọng, có bản chất dơ bẩn, Tăng chúng không sống chung với kẻ ấy, mà tức thời tụ hội lại loại trừ kẻ ấy ra.
Cho dù kẻ ấy ngồi giữa Tăng chúng tỳ khưu nhưng kẻ ấy vẫn bị tách ly khỏi Tăng chúng và Tăng chúng vẫn được tách ly với kẻ ấy. Này các tỳ khưu, sự việc nhân vật nào là kẻ có ác giới, có ác pháp, sở hành bất tịnh và đáng nghi ngờ, có hành động che giấu, phi Sa-môn, giả mạo Sa-môn, phi Phạm hạnh, giả mạo Phạm hạnh, nội tâm thối nát, nhiễm dục vọng, có bản chất dơ bẩn, Tăng chúng không sống chung với nhân vật ấy, mà tức thời tụ hội lại loại trừ kẻ ấy ra; cho dù kẻ ấy ngồi giữa Tăng chúng tỳ khưu nhưng kẻ ấy vẫn bị tách ly khỏi Tăng chúng và Tăng chúng vẫn được tách ly với kẻ ấy. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ ba trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(4.) Này các tỳ khưu, cũng giống như các con sông lớn như là Gaṅgā, Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, Mahī khi đã ra đến biển cả thì từ bỏ các tên họ trước đây và đi đến tên gọi là ‘Biển cả,’ này các tỳ khưu, tương tự như thế bốn loại giai cấp này là vua chúa, Bà-la-môn, thương buôn, và nô bộc, khi họ đã rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật được công bố bởi đức Như Lai thì từ bỏ các tên họ trước đây và đi đến tên gọi là ‘Các Sa-môn Thích tử.’ Này các tỳ khưu, sự việc bốn loại giai cấp này là vua chúa, Bà-la-môn, thương buôn, và nô bộc, khi họ đã rời nhà xuất gia sống không nhà trong Pháp và Luật được công bố bởi đức Như Lai thì từ bỏ các tên họ trước đây và đi đến tên gọi là ‘Các Sa-môn Thích tử.’ Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ tư trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(5.) Này các tỳ khưu, cũng giống như các dòng nước ở thế gian đổ vào biển cả và các trận mưa từ không trung rơi xuống, nhưng không vì điều ấy mà biển cả được xem là vơi hay đầy, này các tỳ khưu, tương tự như thế cho dù nhiều vị tỳ khưu Vô Dư Niết Bàn trong cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót, nhưng không vì điều ấy mà cảnh giới Niết Bàn được xem là vơi hay đầy. Này các tỳ khưu, sự việc cho dù nhiều vị tỳ khưu Vô Dư Niết Bàn trong cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót, nhưng không vì điều ấy mà cảnh giới Niết Bàn được xem là vơi hay đầy. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ năm trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(6.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả có một vị là vị của muối, này các tỳ khưu, tương tự như thế Pháp và Luật này có một vị là vị của giải thoát. Này các tỳ khưu, sự việc Pháp và Luật này có một vị là vị của giải thoát. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ sáu trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(7.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả có nhiều vật quý, có vô số vật quý; ở đó, các vật quý ấy như là ngọc trai, ngọc ma-ni, ngọc bích, xà cừ, đá quý, san hô, bạc, vàng, ngọc ru-by, ngọc mắt mèo, này các tỳ khưu, tương tự y như thế Pháp và Luật này có nhiều vật quý, có vô số vật quý; ở đây, các vật quý ấy như là bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy pháp đưa đến giác ngộ, Thánh đạo tám ngành. Này các tỳ khưu, sự việc Pháp và Luật này có nhiều vật quý, có vô số vật quý; ở đây, các vật quý ấy như là bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy pháp đưa đến giác ngộ, Thánh đạo tám ngành. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ bảy trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
(8.) Này các tỳ khưu, cũng giống như biển cả là nơi cư trú của các chúng sanh to lớn; ở đó, các chúng sanh ấy là cá ông, cá voi, cá ông voi, các A-tu-la, các loài rồng, các Càn-thát-bà. Trong biển cả còn có những loài hữu hình lớn đến trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến hai trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến ba trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến bốn trăm do tuần, những loài hữu hình lớn đến năm trăm do tuần. Này các tỳ khưu, tương tự như thế Pháp và Luật này là nơi cư trú của các chúng sanh vĩ đại; ở đây, các chúng sanh ấy là vị Nhập Lưu, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Nhập Lưu, vị Nhất Lai, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Nhất Lai, vị Bất Lai, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Bất Lai, vị A-la-hán, vị đang thực hành để chứng ngộ quả A-la-hán. Này các tỳ khưu, sự việc Pháp và Luật này là nơi cư trú của các chúng sanh vĩ đại; ở đây, các chúng sanh ấy là vị Nhập Lưu, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Nhập Lưu, vị Nhất Lai, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Nhất Lai, vị Bất Lai, vị đang thực hành để chứng ngộ quả Bất Lai, vị A-la-hán, vị đang thực hành để chứng ngộ quả A-la-hán. Này các tỳ khưu, đây là pháp kỳ diệu phi thường thứ tám trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.
Này các tỳ khưu đây là tám pháp kỳ diệu phi thường trong Pháp và Luật này, sau khi thường xuyên xem xét những pháp ấy các tỳ khưu thỏa thích trong Pháp và Luật này.”
7. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Mưa rơi nhiều ở vật đã được che đậy, mưa không rơi nhiều ở vật đã được mở ra. Vì thế, hãy mở ra vật đã được che đậy, như vậy mưa không rơi nhiều ở vật ấy.”[8]
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākaccāyana ngụ trong xứ Avanti, ở thành Kuraraghara, tại núi Pavatta.[9] Vào lúc bấy giờ, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa là người hộ độ cho đại đức Mahākaccāyana. Khi ấy, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà?”
2. Khi ấy, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã đi đến gặp đại đức Mahākaccāyana, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã nói với đại đức Mahākaccāyana điều này: “Thưa ngài, ở đây con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: ‘Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.’ Thưa ngài, xin ngài đại đức Mahākaccāyana hãy cho con xuất gia.”
3. Khi được nói như vậy, đại đức Mahākaccāyana đã nói với nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa điều này: “Này Soṇa, việc ăn một bữa, ngủ một mình, hành Phạm hạnh cho đến trọn đời là việc khó làm. Này Soṇa, vậy ngay ở chỗ này, trong khi là người tại gia, ngươi hãy thực tập lời dạy của chư Phật tức là ăn một bữa, ngủ một mình, hành Phạm hạnh trong khoảng thời gian quy định.” Khi ấy, ước muốn xuất gia của nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã được dịu đi.
4. Đến lần thứ nhì, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.” Đến lần thứ nhì, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã đi đến gặp đại đức Mahākaccāyana, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã nói với đại đức Mahākaccāyana điều này: “Thưa ngài, ở đây con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: ‘Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.’ Thưa ngài, xin ngài đại đức Mahākaccāyana hãy cho con xuất gia.”
5. Đến lần thứ nhì, đại đức Mahākaccāyana đã nói với nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa điều này: “Này Soṇa, việc ăn một bữa, ngủ một mình, hành Phạm hạnh cho đến trọn đời là việc khó làm. Này Soṇa, vậy thì ngay ở chỗ này, trong khi là người tại gia, ngươi hãy thực tập lời dạy của chư Phật tức là ăn một bữa, ngủ một mình, hành Phạm hạnh trong khoảng thời gian quy định.” Đến lần thứ nhì, ước muốn xuất gia của nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã được dịu đi.
6. Đến lần thứ ba, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.”
Đến lần thứ ba, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã đi đến gặp đại đức Mahākaccāyana, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa đã nói với đại đức Mahākaccāyana điều này: “Thưa ngài, ở đây con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: ‘Theo như ngài đại đức Mahākaccāyana thuyết Pháp thì việc ấy không phải là việc dễ làm đối với người đang sống ở gia đình để thực hành Phạm hạnh một cách đầy đủ trọn vẹn, hoàn toàn trong sạch như vỏ ốc được cạo sạch. Có lẽ ta nên cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, rời nhà xuất gia sống không nhà.’ Thưa ngài, xin ngài đại đức Mahākaccāyana hãy cho con xuất gia.”
7. Khi ấy, đại đức Mahākaccāyana đã cho nam cư sĩ Soṇa Kuṭikaṇṇa xuất gia. Vào lúc bấy giờ, ở khu vực phía nam của xứ Avanti có ít tỳ khưu. Khi ấy, đại đức Mahākaccāyana trải qua ba năm với nỗi cực nhọc khó khăn đã triệu tập được hội chúng tỳ khưu gồm mười vị từ nơi này nơi khác rồi đã cho đại đức Soṇa tu lên bậc trên.
8. Sau đó, khi đã sống qua mùa (an cư) mưa, đại đức Soṇa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: “Ta chưa được nhìn thấy tận mặt đức Thế Tôn ấy, tuy nhiên ta đã được nghe rằng: ‘Đức Thế Tôn ấy là vị như vầy và như vầy.’ Nếu thầy tế độ cho phép ta, thì ta nên đi để diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy.”
Sau đó vào lúc chiều tối, đại đức Soṇa đã xuất khỏi thiền tịnh rồi đi đến gặp đại đức Mahākaccāyana, sau khi đến đã đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Soṇa đã nói với đại đức Mahākaccāyana điều này: “Thưa ngài, ở đây con trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã sanh khởi: - Ta chưa được nhìn thấy tận mặt đức Thế Tôn ấy, tuy nhiên ta đã được nghe rằng: ‘Đức Thế Tôn ấy là vị như vầy và như vầy.’ Nếu thầy tế độ cho phép ta, thì ta nên đi để diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy.” “Này Soṇa, tốt lắm, tốt lắm. Này Soṇa, ngươi hãy đi để diện kiến đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác ấy.”
9. “Này Soṇa, ngươi sẽ thấy đức Thế Tôn ấy dễ mến, đáng tin, có giác quan thanh tịnh, có tâm ý thanh tịnh, đã đạt đến sự tĩnh lặng và thu thúc tột đỉnh, là đấng voi chúa đã được huấn luyện, đã được hộ trì, có giác quan đã được kiểm soát. Sau khi nhìn thấy, ngươi hãy đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn, hãy hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài) với lời của ta rằng: ‘Bạch Ngài, thầy tế độ của con là đại đức Mahākaccāyana xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn, và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài).’” “Thưa ngài, xin vâng.” Đại đức Soṇa đã thích thú và tùy hỷ với lời nói của đại đức Mahākaccāyana, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đại đức Mahākaccāyana, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi thu xếp chỗ trú ngụ, cầm bình bát và y, ra đi về phía thành Sāvatthi. Trong khi tuần tự du hành, vị ấy đã đi đến thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika, gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Soṇa đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thầy tế độ của con là đại đức Mahākaccāyana xin đê đầu đảnh lễ hai bàn chân của đức Thế Tôn, và hỏi thăm về sự ít bệnh, ít mỏi mệt, trạng thái nhẹ nhàng, khỏe mạnh, sống thoải mái (của Ngài).” “Này tỳ khưu, sức khoẻ có khá không? Mọi việc có được tốt đẹp không? Ngươi đi đến đường xa có được ít mệt nhọc không? Và ngươi không có mệt nhọc với việc khất thực phải không?” “Bạch Thế Tôn, sức khoẻ có khá. Bạch Thế Tôn, mọi việc được tốt đẹp. Và Bạch Ngài, con đi đường xa ít có mệt nhọc và con không có mệt nhọc với việc khất thực.”
10. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, hãy sắp đặt chỗ trú ngụ cho vị tỳ khưu vãng lai này.” Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Liên quan đến vị nào mà đức Thế Tôn ra lệnh cho ta rằng: ‘Này Ānanda, hãy sắp đặt chỗ trú ngụ cho vị tỳ khưu vãng lai này’? Có phải đức Thế Tôn muốn ngụ trong cùng một trú xá với vị tỳ khưu ấy? Có phải đức Thế Tôn muốn ngụ trong cùng một trú xá với đại đức Soṇa?” rồi đã sắp đặt chỗ trú ngụ cho đại đức Soṇa trong trú xá đức Thế Tôn đang ngự. Sau đó, đức Thế Tôn, sau khi đã ngồi và trải qua gần trọn đêm ở ngoài trời, đã rửa chân rồi đi vào trú xá. Đại đức Soṇa, sau khi cũng đã ngồi và trải qua gần trọn đêm ở ngoài trời, đã rửa chân rồi đi vào trú xá. Sau đó, khi đã thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm, đức Thế Tôn đã yêu cầu đại đức Soṇa rằng: “Này tỳ khưu, mong rằng có đề tài Pháp gây hứng thú cho ngươi để thuyết giảng.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Nghe theo đức Thế Tôn, đại đức Soṇa đã thuyết lại đầy đủ toàn bộ mười sáu phần của phẩm Nhóm Tám một cách mạch lạc. Sau đó, vào lúc kết thúc cuộc thuyết giảng mạch lạc của đại đức Soṇa, đức Thế Tôn đã khen ngợi rằng: “Này tỳ khưu, tốt lắm, tốt lắm! Này tỳ khưu, mười sáu phần của phẩm Nhóm Tám đã được ngươi khéo học tập, khéo suy nghĩ, khéo ghi nhớ. Ngươi có giọng nói êm dịu, rõ ràng, không có khó nghe, làm rõ được ý nghĩa. Này tỳ khưu, ngươi (xuất gia) được bao nhiêu năm?” “Bạch đức Thế Tôn, con được một năm.” “Này tỳ khưu, tại sao ngươi thực hiện (việc tu lên bậc trên) chậm trễ như vậy?” “Bạch Ngài, từ lâu con đã thấy được sự tai hại trong các dục, nhưng vì cuộc sống tại gia có nhiều cản trở, có nhiều phận sự, có nhiều việc cần phải làm.”
11. Sau đó, khi đã hiểu ra sự việc ấy, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Sau khi nhìn thấy sự tai hại ở thế gian, sau khi hiểu được Pháp không đưa đến tái sanh, bậc Thánh không thích thú điều ác, vị trong sạch không thích thú điều ác.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika.Vào lúc bấy giờ, đại đức Kaṅkhārevata ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự thanh tịnh do vượt qua hoài nghi của bản thân. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Kaṅkhārevata ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự thanh tịnh do vượt qua hoài nghi của bản thân.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Bất cứ những hoài nghi nào, ở đời này hoặc đời sau, sẽ được cảm nhận bởi chính mình hoặc sẽ được cảm nhận bởi người khác, các vị chứng thiền, có nhiệt tâm, đang thực hành Phạm hạnh, dứt bỏ tất cả các hoài nghi ấy.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, nhằm ngày Uposatha, vào buổi sáng đại đức Ānanda đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Rājagaha để khất thực.[10] Devadatta đã nhìn thấy đại đức Ānanda đang đi khất thực ở trong thành Rājagaha, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp đại đức Ānanda, sau khi đến đã nói với đại đức Ānanda điều này: “Này đại đức Ānanda, giờ đây kể từ hôm nay tôi sẽ hành lễ Uposatha và sẽ thực hiện các hành sự của hội chúng không cần đến đức Thế Tôn, không cần đến hội chúng tỳ khưu.” Sau đó, khi đã đi khất thực ở trong thành Rājagaha, đại đức Ānanda sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, nơi đây vào buổi sáng, con đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Rājagaha để khất thực. Bạch Ngài, Devadatta đã nhìn thấy con đang đi khất thực ở trong thành Rājagaha, sau khi nhìn thấy đã đi đến gặp con, sau khi đến đã nói với con điều này: ‘Này đại đức Ānanda, giờ đây kể từ hôm nay tôi sẽ thực hiện lễ Uposatha và các hành sự của hội chúng không cần đến đức Thế Tôn, không cần đến hội chúng tỳ khưu.’ Bạch Ngài, hôm nay Devadatta sẽ chia rẽ hội chúng, sẽ thực hiện lễ Uposatha và các hành sự của hội chúng.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Điều tốt là dễ làm bởi người tốt, điều tốt là khó làm bởi kẻ xấu. Điều ác là dễ làm bởi kẻ xấu, điều ác là khó làm bởi các vị Thánh.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn đi du hành ở xứ sở của những người Kosala cùng với đại chúng tỳ khưu. Vào lúc bấy giờ, nhiều thanh niên Bà-la-môn đi ngang qua ở nơi không xa đức Thế Tôn có vẻ đang nhạo báng. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều thanh niên Bà-la-môn đang đi ngang qua ở nơi không xa có vẻ đang nhạo báng.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Những kẻ bị lẫn lộn, làm ra vẻ người sáng suốt, có lời phát biểu thuộc lãnh vực của lời nói (mà không hiểu nghĩa), có miệng há rộng theo như chúng muốn; điều gì dẫn dắt chúng thì chúng không biết.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Cullapanthaka ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, và thiết lập niệm luôn hiện diện. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Cullapanthaka ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, và thiết lập niệm luôn hiện diện.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Với thân vững chãi, với tâm vững chãi,
dầu đang đứng, hoặc đã ngồi xuống, hay đang nằm,
vị tỳ khưu duy trì vững chắc niệm như vậy
có thể đạt được sự chứng đắc theo tuần tự.
Sau khi đạt được sự chứng đắc theo tuần tự,
có thể đi đến nơi ngoài tầm nhìn của Thần Chết.”
Phẩm Soṇa là thứ năm.
Đức vua, tuổi thọ ít ỏi, gã cùi, các thiếu niên, và lễ Uposatha, vị Soṇa, và vị Revata, vị Nanda, với việc nhạo báng, và với vị Panthaka.
--ooOoo--
[1] Kapotakandarā (hang Bồ câu): là tên của một hang động (kandarā) có nhiều chim bồ câu (kapota). Về sau, tại đây một trú xá đã được xây dựng và có tên gọi như vậy (UdA. 244).
[2] 1 ratana = 0.25 mét, đơn vị đo chiều dài.
[3] Đoạn thăm hỏi sức khỏe đã không được dịch sát từ (ND).
[4] Kệ ngôn này được thấy ở Pācittiyapāḷi - Phân Tích Giới Tỳ Khưu tập 2 (TTPV 02, 129); Theragāthāpāḷi - Trưởng Lão Kệ, Ekakanipāta, Ekudāniyattheragāthā (TTPV 31, 31).
[5] Dhammapadapāḷi - Pháp Cú, Nirayavaggo - Phẩm Địa Ngục, câu kệ 306.
[6] Kệ ngôn này được thấy ở Suttanipātapāḷi - Kinh Tập, kệ ngôn 749 (TTPV 29, 233).
[7] Câu chuyện tương tự được thấy ở Cullavaggapāḷi - Tiểu Phẩm (TTPV 07, từ trang 427).
[8] Người phạm tội mà che giấu (vật đã được che đậy) thì sẽ tiếp tục phạm tội (mưa rơi nhiều), còn người đã phạm tội mà sám hối (vật đã được mở ra) thì sẽ không tiếp tục phạm tội nữa (UdA. 306; ThagA. ii, 188; VinA. vi, 1287). Câu kệ này cũng được thấy ở Cullavaggapāḷi - Tiểu Phẩm (TTPV 07), 435; Theragāthāpāḷi - Trưởng Lão Kệ, câu kệ 447 (TTPV 31, 131).
[9] Câu chuyện tương tự được thấy ở Mahāvaggapāḷi - Đại Phẩm (TTPV 04, từ trang 507).
[10] Câu chuyện tương tự được thấy ở Cullavaggapāḷi - Tiểu Phẩm (TTPV 07, 305).
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Vesālī, Mahāvana (Đại Lâm), nơi giảng đường Kūṭāgāra. Khi ấy, vào buổi sáng đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Vesālī để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Vesālī, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, hãy lấy tấm lót ngồi. Chúng ta sẽ đi đến bảo điện Cāpāla để nghỉ trưa.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thê Tôn đã cầm lấy tấm lót ngồi rồi nối tiếp theo sau đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn đã đi đến bảo điện Cāpāla, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được xếp đặt. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, Vesālī thật đáng yêu! Bảo điện Udena thật đáng yêu! Bảo điện Gotamaka thật đáng yêu! Bảo điện Sattamba thật đáng yêu! Bảo điện Bahuputta thật đáng yêu! Bảo điện Sārandada thật đáng yêu! Bảo điện Cāpāla thật đáng yêu! Này Ānanda, đối với người nào, bốn nền tảng của thần thông đã được tu tập, được thực hành thường xuyên, được tạo thành phương tiện, được tạo thành nền tảng, được thiết lập, được tích lũy, được khởi đầu tốt đẹp, thì người ấy trong khi mong muốn có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp. Này Ānanda, đối với Như Lai, bốn nền tảng của thần thông đã được tu tập, được thực hành thường xuyên, được tạo thành phương tiện, được tạo thành nền tảng, được thiết lập, được tích lũy, được khởi đầu tốt đẹp, này Ānanda, trong khi mong muốn Như Lai có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp.” Tuy nhiên, đại đức Ānanda trong khi được ra dấu hiệu rõ ràng, trong khi được làm biểu hiện rõ rệt bởi đức Thế Tôn như thế, đã không thể thấu hiểu, đã không cầu khẩn đức Thế Tôn rằng: “Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy tồn tại trọn kiếp, xin đấng Thiện Thệ hãy tồn tại trọn kiếp vì sự lợi ích cho nhiều người, vì sự an lạc cho nhiều người, vì lòng bi mẫn đối với thế gian, vì sự tấn hoá, vì sự lợi ích, vì sự an lạc của chư Thiên và nhân loại,” như là có tâm đã bị Ma Vương xâm nhập.
Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, Vesālī thật đáng yêu! —như trên— Như Lai có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp.” Tuy nhiên, đại đức Ānanda —như trên— như là có tâm đã bị Ma Vương xâm nhập. Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, Vesālī thật đáng yêu! —như trên— Như Lai có thể tồn tại một kiếp hoặc hơn một kiếp.” Tuy nhiên, đại đức Ānanda —như trên— như là có tâm đã bị Ma Vương xâm nhập.
2. Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, ngươi hãy đi, ngươi hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đã ngồi xuống ở gốc cây nọ ở nơi không xa.
3. Sau đó, khi đại đức Ānanda ra đi không bao lâu, Ma Vương ác độc đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên, Ma Vương ác độc đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, xin đấng Thiện Thệ hãy viên tịch Niết Bàn. Bạch Ngài, giờ đây là thời điểm viên tịch Niết Bàn của đức Thế Tôn. Bạch Ngài, hơn nữa lời nói này đã được đức Thế Tôn nói: ‘Này kẻ ác độc, Ta sẽ không viên tịch Niết Bàn khi nào các tỳ khưu của Ta còn chưa trở thành các Thinh Văn có kinh nghiệm, được huấn luyện, có tự tin, có sự an toàn đối với các trói buộc, nghe nhiều, có sự ghi nhớ về Giáo Pháp, đã thực hành đúng pháp và thuận pháp, đã thực hành đúng đắn, có sự hành xử theo pháp, sau khi học pháp từ thầy của mình sẽ thuật lại, sẽ thuyết giảng, sẽ quy định, sẽ thiết lập, sẽ khai mở, sẽ phân tích, sẽ làm rõ ràng, khi học thuyết của những kẻ khác đã được khởi lên thì sẽ khuất phục một cách khéo léo đúng theo Pháp và sẽ thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông.’
Bạch Ngài, vả lại hiện nay các vị tỳ khưu Thinh Văn của đức Thế Tôn là có kinh nghiệm, được huấn luyện, có tự tin, có sự an toàn đối với các trói buộc, nghe nhiều, có sự ghi nhớ về Giáo Pháp, đã thực hành đúng pháp và thuận pháp, đã thực hành đúng đắn, có sự hành xử theo pháp, sau khi học pháp từ thầy của mình rồi thuật lại, thuyết giảng, quy định, thiết lập, khai mở, phân tích, làm rõ ràng, khi học thuyết của những kẻ khác đã được khởi lên thì khuất phục một cách khéo léo đúng theo Pháp và thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, xin đấng Thiện Thệ hãy viên tịch Niết Bàn. Bạch Ngài, giờ đây là thời điểm viên tịch Niết Bàn của đức Thế Tôn.
4. Bạch Ngài, hơn nữa lời nói này đã được đức Thế Tôn nói: ‘Này kẻ ác độc, Ta sẽ không viên tịch Niết Bàn khi nào các tỳ khưu ni của Ta còn chưa trở thành các Thinh Văn có kinh nghiệm, —như trên— có sự hành xử theo pháp, —như trên— sẽ thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông.’ Bạch Ngài, vả lại hiện nay các vị tỳ khưu ni Thinh Văn của đức Thế Tôn là có kinh nghiệm, —như trên— thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, —như trên—.
Bạch Ngài, hơn nữa lời nói này đã được đức Thế Tôn nói: ‘Này kẻ ác độc, Ta sẽ không viên tịch Niết Bàn khi nào các nam cư sĩ của Ta còn chưa trở thành các Thinh Văn có kinh nghiệm, —như trên— có sự hành xử theo pháp, —như trên— sẽ thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông.’ Bạch Ngài, vả lại hiện nay các vị tỳ khưu ni Thinh Văn của đức Thế Tôn là có kinh nghiệm, —như trên— thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, —như trên—.
5. Bạch Ngài, hơn nữa lời nói này đã được đức Thế Tôn nói: ‘Này kẻ ác độc, Ta sẽ không viên tịch Niết Bàn khi nào các nữ cư sĩ của Ta còn chưa trở thành các Thinh Văn có kinh nghiệm, —như trên— có sự hành xử theo pháp, —như trên— sẽ thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông.’ Bạch Ngài, vả lại hiện nay các vị tỳ khưu ni Thinh Văn của đức Thế Tôn là có kinh nghiệm, —như trên— thuyết giảng Giáo Pháp có cả thần thông. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, —như trên—.
6. Bạch Ngài, hơn nữa lời nói này đã được đức Thế Tôn nói: ‘Này kẻ ác độc, Ta sẽ không viên tịch Niết Bàn khi nào Phạm hạnh này của Ta vẫn còn chưa được thành tựu, phát triển, phổ biến, phổ thông, trở nên phổ cập, và vẫn còn chưa được khéo giảng giải bởi loài người.’ Bạch Ngài, vả lại hiện nay Phạm hạnh của đức Thế Tôn không những được thành tựu, phát triển, phổ biến, phổ thông, trở nên phổ cập, mà còn được khéo giảng giải bởi loài người. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy viên tịch Niết Bàn, xin đấng Thiện Thệ hãy viên tịch Niết Bàn. Bạch Ngài, giờ đây là thời điểm viên tịch Niết Bàn của đức Thế Tôn.”
Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với Ma Vương ác độc điều này: “Này kẻ ác độc, ngươi hãy bình tĩnh. Không lâu nữa sẽ là sự viên tịch Niết Bàn của Như Lai. Từ nay cho đến hết ba tháng, Như Lai sẽ viên tịch Niết Bàn.” Khi ấy, ở tại bảo điện Cāpāla, đức Thế Tôn có niệm, có sự nhận biết rõ, đã buông bỏ thọ hành. Và khi đức Thế Tôn buông bỏ thọ hành, đã có sự lay động của đại địa cầu, làm kinh sợ, khiến dựng đứng lông; và các tiếng sấm trời đã bùng nổ.
7. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Trong khi cân nhắc Niết Bàn và nguồn sanh khởi (của hữu), bậc hiền trí đã buông bỏ sự tạo tác dẫn đến hữu. Thích thú ở nội tâm, được định tĩnh, người đã phá tan nguồn sanh khởi của tự ngã, tựa như phá tan tấm áo giáp.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, tu viện Pubba, ở tòa nhà dài của Mẹ của Migāra. Vào lúc bấy giờ, nhằm lúc chiều tối đức Thế Tôn đã xuất khỏi thiền tịnh rồi đã ngồi xuống ở bên ngoài cánh cửa chánh.
Khi ấy, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Vào lúc bấy giờ, có bảy đạo sĩ tóc bện, bảy đạo sĩ Nigaṇṭha, bảy đạo sĩ lõa thể, bảy đạo sĩ theo hạnh mặc một tấm choàng, và bảy du sĩ, có móng tay chân, có lông ở nách và ở thân thể được để mọc dài, mang theo túi vật dụng đi ngang qua ở nơi không xa đức Thế Tôn.
2. Đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nhìn thấy bảy đạo sĩ tóc bện, bảy đạo sĩ Nigaṇṭha, bảy đạo sĩ lõa thể, bảy đạo sĩ theo hạnh mặc một tấm choàng, và bảy du sĩ ấy, có móng tay chân, có lông ở nách và ở thân thể được để mọc dài, mang theo túi vật dụng đang đi ngang qua ở nơi không xa đức Thế Tôn. Sau khi nhìn thấy, đức vua đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, quỳ đầu gối bên phải ở trên đất, chắp tay hướng về bảy đạo sĩ tóc bện, bảy đạo sĩ Nigaṇṭha, bảy đạo sĩ lõa thể, bảy đạo sĩ theo hạnh mặc một tấm choàng, và bảy du sĩ ấy, thông báo danh tánh ba lần: “Thưa các ngài, trẫm là vua Pasenadi xứ Kosala.”
3. Sau đó, trong khi bảy đạo sĩ tóc bện, bảy đạo sĩ Nigaṇṭha, bảy đạo sĩ lõa thể, bảy đạo sĩ theo hạnh mặc một tấm choàng, và bảy du sĩ ấy ra đi không bao lâu, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đức vua Pasenadi xứ Kosala đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, những người này là những vị nào đó trong số các vị A-la-hán hoặc các vị đang thực hành đạo lộ A-la-hán ở thế gian.”
“Thưa đại vương, điều này quả là khó biết được đối với đại vương là người tại gia, có sự thọ hưởng ngũ dục, đang sống chung đụng với con cái, đang thưởng thức trầm hương của xứ Kāsī, đang đeo tràng hoa, dầu thơm, và son phấn, đang chấp nhận vàng bạc: ‘Những người này là các vị A-la-hán hay những người này đang thực hành đạo lộ A-la-hán.’ Thưa đại vương, do cộng trú, giới có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài không phải ngắn hạn, bởi người chú ý không phải bởi người không chú ý, bởi người có trí tuệ không phải bởi người có tuệ tồi. Thưa đại vương, do giao tiếp, sự liêm khiết có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài —như trên— không phải do người có tuệ tồi. Thưa đại vương, khi có những nỗi bất hạnh, sự vững chãi có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài —như trên— không phải do người có tuệ tồi. Thưa đại vương, do đàm luận, trí tuệ có thể được nhận biết. Và điều ấy là với thời gian dài —như trên— không phải do người có tuệ tồi.”
4. “Bạch Ngài, thật là kỳ diệu! Bạch Ngài, thật là phi thường! Và Bạch Ngài, điều này thật sự đã được khéo nói bởi đức Thế Tôn rằng: ‘Thưa đại vương, điều này quả là khó biết được —như trên— đang thực hành đạo lộ A-la-hán.’ Thưa đại vương, do cộng trú —như trên— không phải do người có tuệ tồi.’ Bạch Ngài, những người này là những nam nhân, những kẻ cải trang, những người trinh sát của trẫm, họ trở về sau khi đã đi thanh tra xứ sở. Sự việc được họ điều tra trước, sau đó trẫm sẽ duyệt lại. Bạch Ngài, giờ đây sau khi rũ bỏ bụi bặm và cáu ghét, họ được tắm, được thoa dầu kỹ lưỡng, có tóc râu được sửa soạn, mặc vải trắng, được thọ hưởng, được cung ứng năm loại dục lạc, họ sẽ tiêu khiển.”
5. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Không nên nỗ lực ở mọi nơi, không nên là người (phục vụ) của kẻ khác, không nên sống nương nhờ kẻ khác, không nên làm thương mại với Giáo Pháp.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang ngồi quán xét lại vô số ác bất thiện pháp của bản thân đã được dứt bỏ và vô số thiện pháp của bản thân đã đạt đến sự đầy đủ do việc tu tập.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Trước đây đã có rồi không có, trước đây không có rồi đã có,
đã không có và sẽ không có, trong hiện tại cũng không tìm thấy.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư ngụ ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau.
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (1)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Thế giới là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (2)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Thế giới là có giới hạn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (3)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Thế giới là không có giới hạn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (4)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Mạng sống là vật ấy thân thể là vật ấy; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (5)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Mạng sống là vật khác thân thể là vật khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (6)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Đức Như Lai hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (7)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Đức Như Lai không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (8)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Đức Như Lai hiện hữu và không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (9)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (10)
Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): “Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
2. Khi ấy, vào buổi sáng nhiều vị tỳ khưu đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư trú ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau. Có một số —như trên— Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
3. “Này các tỳ khưu, các du sĩ ngoại đạo là bị mù, không có mắt (tuệ nhãn), không biết điều lợi ích, không biết điều không lợi ích, không biết pháp, không biết phi pháp. Trong khi không biết điều lợi ích, trong khi không biết điều không lợi ích, trong khi không biết pháp, trong khi không biết phi pháp, họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): ‘Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.’
4. Này các tỳ khưu, vào thời quá khứ ngay tại thành Sāvatthi này đã có vị vua nọ. Này các tỳ khưu, khi ấy vị vua ấy đã bảo một người đàn ông nọ rằng: ‘Này nam nhân, hãy đến. Ở thành Sāvatthi có bao nhiêu người mù bẩm sinh thì ngươi hãy tập trung tất cả bọn họ lại một chỗ.’ ‘Tâu bệ hạ, xin vâng.’ Này các tỳ khưu, người đàn ông ấy nghe theo vị vua ấy, rồi ở thành Sāvatthi có bao nhiêu người mù bẩm sinh thì đã bắt hết tất cả bọn họ, sau đó đã đi đến gặp vị vua ấy, sau khi đến đã nói với vị vua ấy điều này: ‘Tâu bệ hạ, ở thành Sāvatthi có bao nhiêu người mù bẩm sinh thì bọn họ đã được tập trung lại.’ ‘Này khanh, như thế thì người hãy phô bày con voi cho những người mù bẩm sinh.’ ‘Tâu bệ hạ, xin vâng.’ Này các tỳ khưu, người đàn ông ấy nghe theo vị vua ấy đã phô bày con voi cho những người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’
Rồi đã phô bày đầu của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày cái tai của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày ngà của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày cái vòi của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày thân của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày chân của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày bắp vế của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’
Rồi đã phô bày đuôi của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’ Rồi đã phô bày chùm lông đuôi của con voi cho một số người mù bẩm sinh (nói rằng): ‘Này các người mù, con voi là như thế này.’
Này các tỳ khưu, rồi người đàn ông ấy sau khi phô bày con voi cho những người mù bẩm sinh đã đi đến gặp vị vua ấy, sau khi đến đã nói với vị vua ấy điều này: ‘Tâu bệ hạ, con voi đã được những người mù ấy nhìn thấy. Xin bệ hạ hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào.’
5. Này các tỳ khưu, sau đó vị vua ấy đã đi đến gặp những người mù bẩm sinh ấy, sau khi đến đã nói với những người mù bẩm sinh ấy điều này: ‘Này các người mù, có phải các ngươi đã thấy con voi?’ ‘Tâu bệ hạ, đúng vậy. Chúng tôi đã thấy con voi.’ ‘Này các người mù, các ngươi hãy nói con voi là như thế nào.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy đầu của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cái chum.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy cái tai của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cái nia.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy ngà của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là lưỡi cày.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy cái vòi của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cán cày.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy thân của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là nhà kho.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy chân của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cột trụ.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy bắp vế của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cái cối giã.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy đuôi của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cái chày.’ Này các tỳ khưu, những người mù nào đã thấy chùm lông đuôi của con voi thì họ đã nói như sau: ‘Tâu bệ hạ, con voi là như thế này, giống như là cái chổi.’ Bọn họ (đã cãi vã): ‘Con voi là như thế này, con voi là không như thế kia. Con voi là không như thế kia, con voi là như thế này,’ đã gây hấn lẫn nhau bằng những nắm đấm. Này các tỳ khưu, trái lại vị vua ấy đã thích chí vì việc ấy.
Này các tỳ khưu, tương tự y như thế các du sĩ ngoại đạo là bị mù, không có mắt (tuệ nhãn), —như trên— Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
6. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Quả vậy, một số Sa-môn và Bà-la-môn bám víu vào những điều này, rồi gây gổ, cãi cọ về điều ấy, (giống như) những người nhìn thấy một góc cạnh.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư ngụ ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau.
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (1)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (2)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là trường tồn và không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (3)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới không phải là trường tồn mà cũng không phải là không trường tồn;’ chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (4)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (5)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (6)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân và được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (7)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới không phải là sự tạo ra của bản thân, không phải là sự tạo ra của kẻ khác, mà được tự động sanh lên.” (8)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (9)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (10)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là trường tồn và không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (11)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới không phải là trường tồn mà cũng không phải là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (12)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (13)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (14)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân và được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (15)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới không phải là sự tạo ra của bản thân, không phải là sự tạo ra của kẻ khác, mà được tự động sanh lên.” (16)
Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): “Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
2. Khi ấy, vào buổi sáng nhiều vị tỳ khưu đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, ở đây nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư trú ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau. Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: ‘Tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.’—như trên— Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
3. “Này các tỳ khưu, các du sĩ ngoại đạo là bị mù, không có mắt (tuệ nhãn), không biết điều lợi ích, không biết điều không lợi ích, không biết pháp, không biết phi pháp. Trong khi không biết điều lợi ích, trong khi không biết điều không lợi ích, trong khi không biết pháp, trong khi không biết phi pháp, họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): ‘Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.’”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Quả vậy, một số Sa-môn và Bà-la-môn bám víu vào những điều này, chìm xuống ngay ở giữa dòng, sau khi còn chưa đạt đến vị thế nâng đỡ ấy.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư ngụ ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau.
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (1)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (2)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là trường tồn và không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (3)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới không phải là trường tồn mà cũng không phải là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (4)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (5)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (6)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân và được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (7)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Tự ngã và thế giới không phải là sự tạo ra của bản thân, không phải là sự tạo ra của kẻ khác, mà được tự động sanh lên.” (8)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (9)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (10)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là trường tồn và không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (11)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới không phải là trường tồn mà cũng không phải là không trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (12)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (13)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (14)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới là được tạo ra bởi bản thân và được tạo ra bởi kẻ khác; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.” (15)
Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: “Hạnh phúc và khổ đau, tự ngã và thế giới không phải là sự tạo ra của bản thân, không phải là sự tạo ra của kẻ khác, mà được tự động sanh lên.” (16)
Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): “Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.”
2. Khi ấy, vào buổi sáng nhiều vị tỳ khưu đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, ở đây nhiều Sa-môn, Bà-la-môn, và du sĩ thuộc các giáo phái khác nhau cư trú ở Sāvatthi có quan điểm khác nhau, có sự chấp nhận khác nhau, có sự ưa thích khác nhau, nương tựa vào sự nâng đỡ của những quan điểm khác nhau. Có một số Sa-môn và Bà-la-môn có học thuyết như vầy, có quan điểm như vầy: ‘Tự ngã và thế giới là trường tồn; chỉ điều này là sự thật, cái khác là rỗng không.’—như trên— Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): ‘Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.’”
3. “Này các tỳ khưu, các du sĩ ngoại đạo là bị mù, không có mắt (tuệ nhãn), không biết điều lợi ích, không biết điều không lợi ích, không biết pháp, không biết phi pháp. Trong khi không biết điều lợi ích, trong khi không biết điều không lợi ích, trong khi không biết pháp, trong khi không biết phi pháp, họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, sống châm chích lẫn nhau bằng các vũ khí của mồm miệng (nói rằng): ‘Pháp là như thế này, pháp không phải là như thế kia. Pháp không phải là như thế kia, pháp là như thế này.’”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Loại người này bị gắn bó (với ý nghĩ) ‘Tôi là người tạo ra,’ bị gắn liền (với ý nghĩ) ‘Kẻ khác là người tạo ra,’ nhiều người đã không biết rõ điều ấy, đã không thấy điều ấy là ‘mũi tên.’
Và đối với vị trước đây nhìn thấy điều ấy là mũi tên, (ý nghĩ) ‘Tôi tạo ra’ là không có đối với vị ấy, (ý nghĩ) ‘Kẻ khác tạo ra’ là không có đối với vị ấy.
Bị nhiễm bởi ngã mạn, bị trói buộc bởi ngã mạn, bị trói chặt bởi ngã mạn, có lời nói công kích về các quan điểm, loại người này không vượt qua luân hồi.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Subhūti ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, thể nhập định vô tầm. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Subhūti ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang thể nhập định vô tầm.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với vị nào, các tầm đã được tiêu tan,
khéo được xếp đặt ở nội tâm, không còn dư sót,
sau khi vượt lên sự dính mắc ấy, có sự nhận biết về vô sắc,
(vị ấy) vượt qua bốn sự gắn bó,[1] chắc chắn không trở lại.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, ở thành Rājagaha có hai nhóm người bị ái luyến, có tâm quyến luyến đối với một kỹ nữ nọ. Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, rồi công kích lẫn nhau bằng những bàn tay, công kích lẫn nhau bằng những cục đất, công kích lẫn nhau bằng những gậy gộc, công kích lẫn nhau bằng những gươm dao. Tại nơi ấy, những người ấy đi đến sự chết, và sự khổ đau kề cận cái chết.
2. Khi ấy, nhiều vị tỳ khưu vào buổi sáng đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Rājagaha để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Rājagaha, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, các vị đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây trong thành Rājagaha, có hai nhóm người bị ái luyến, có tâm quyến luyến đối với một kỹ nữ nọ. Họ đã nảy sanh sự xung đột, đã nảy sanh sự cãi cọ, đã tiến đến sự tranh luận, rồi công kích lẫn nhau bằng những bàn tay, công kích lẫn nhau bằng những cục đất, công kích lẫn nhau bằng những gậy gộc, công kích lẫn nhau bằng những gươm dao. Tại nơi ấy, những người ấy đi đến sự chết, và sự khổ đau kề cận cái chết.”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Cái nào đã được đạt đến và cái nào sẽ được đạt đến, cả hai cái này đều bị lấm bụi (ô nhiễm) đối với người bị bệnh đang còn học tập (người có tà kiến).
Những người nào có việc học tập là cốt lõi, có sự phục vụ là cốt lõi đối với giới, phận sự, sự nuôi mạng, và Phạm hạnh; đây là một cực đoan (hành xác).
Và những người nào có học thuyết như vầy: ‘Không có lỗi lầm ở các dục;’ đây là cực đoan thứ hai (hưởng dục). Cả hai cực đoan này là sự tăng trưởng của các bãi tha ma (tham ái và vô minh). Các bãi tha ma làm tăng trưởng tà kiến. Những người này không biết rõ cả hai cực đoan ấy, một số thụ động (hưởng dục), một số chạy quá mức (hành xác). Và những người nào sau khi biết rõ chúng, đã không ở nơi ấy (đã dứt bỏ hai cực đoan), và nhờ thế đã không suy nghĩ về chúng (đã không bị tác động của tham ái, tà kiến, và ngã mạn). Đối với các vị ấy, không có luân hồi để mô tả.”[2]
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn ngồi ở ngoài trời trong bóng tối dày đặc của ban đêm, khi những cây đèn dầu đang cháy sáng. Vào lúc bấy giờ, nhiều côn trùng có cánh sa vào tai nạn, lâm cảnh bất hạnh do việc lao vào và bay vòng quanh ở những cây đèn dầu đang cháy sáng. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy nhiều côn trùng có cánh ấy đang sa vào tai nạn, đang lâm cảnh bất hạnh do việc lao vào và bay vòng quanh ở những cây đèn dầu đang cháy sáng.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Chúng chạy đến gần rồi vượt qua, không đi đến cốt lõi, chúng làm tăng thêm sự trói buộc mới hơn nữa, một số người lao theo điều đã được thấy, điều đã được nghe nói lại như thế, rồi sa đọa, tựa như các côn trùng có cánh rơi vào ngọn đèn.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này:
“Bạch Ngài, cho đến khi nào các đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không hiện khởi ở thế gian, cho đến khi ấy các du sĩ ngoại đạo là được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Bạch Ngài, và từ khi các đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác hiện khởi ở thế gian, khi ấy các du sĩ ngoại đạo là không được tôn vinh, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Bạch Ngài, hiện nay chính đức Thế Tôn là được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh, và luôn cả hội chúng tỳ khưu.”
2. “Này Ānanda, việc ấy là như vậy. Này Ānanda, cho đến khi nào các đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác không hiện khởi ở thế gian, cho đến khi ấy các du sĩ ngoại đạo là được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Này Ānanda, và từ khi các đức Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác hiện khởi ở thế gian, khi ấy các du sĩ ngoại đạo là không được tôn vinh, không được cung kính, không được sùng bái, không được cúng dường, không được nể nang, không có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Hiện nay, chính Như Lai là được tôn vinh, được cung kính, được sùng bái, được cúng dường, được nể nang, có nhận được các vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh, và luôn cả hội chúng tỳ khưu.”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Khi nào mặt trời chưa mọc lên, khi ấy con đôm đốm ấy còn chiếu sáng. Khi mặt trời đã mọc lên, nó có ánh sáng bị diệt đi và cũng không phát sáng.
Tương tự như thế, các nhà lý luận vẫn còn tỏa sáng khi nào các bậc Chánh Đẳng Giác còn chưa hiện khởi ở thế gian. Các nhà lý luận không thanh tịnh và các đệ tử cũng không (thanh tịnh); những người có quan điểm xấu xa không giải thoát khỏi khổ đau.”
Phẩm Mù Bẩm Sanh là thứ sáu.
Tuổi thọ, đạo sĩ tóc bện, quán xét lại, ba chuyện ngoại đạo, vị Subhūti, người kỹ nữ, đến gần rồi vượt qua là thứ chín, và các vị sanh lên; chúng là mười.
--ooOoo--
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta đang chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đại đức Lakuṇṭakabhaddiyaṃ[3] bằng bài Pháp thoại với nhiều phương thức. Khi ấy, trong lúc đại đức Lakuṇṭakabhaddiyaṃ đang được đại đức Sāriputta chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại với nhiều phương thức, tâm của vị ấy đã không còn chấp thủ và đã giải thoát khỏi các lậu hoặc. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Lakuṇṭakabhaddiyaṃ đang được đại đức Sāriputta chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại với nhiều phương thức, tâm của vị ấy đã không còn chấp thủ và đang được giải thoát khỏi các lậu hoặc.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Bên trên, bên dưới, tất cả các nơi, người đã được giải thoát
không có sự suy xét rằng: ‘Tôi là cái này.’
Người được giải thoát như vậy đã vượt lên dòng chảy
trước đây chưa vượt qua, do việc không còn hiện hữu lại nữa.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Sāriputta, nghĩ rằng đại đức Lakuṇṭakabhaddiyaṃ là vị Hữu Học, nên chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho vị ấy bằng bài Pháp thoại với nhiều phương thức thêm hơn nữa. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Sāriputta, nghĩ rằng đại đức Lakuṇṭakabhaddiyaṃ là vị Hữu Học, đang chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho vị ấy bằng bài Pháp thoại với nhiều phương thức thêm hơn nữa.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Vị đã cắt đứt vòng luân hồi, đã đạt đến chốn không còn mong mỏi. Dòng nước được khô cạn không còn trôi chảy. Vòng luân hồi đã bị cắt đứt không còn xoay vòng; chính điều này là sự chấm dứt của khổ.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, trong thành Sāvatthi dân chúng phần nhiều bị dính mắc quá mức vào các dục; họ sống, bị luyến ái, bị thèm khát, bị buộc trói, bị mê mẩn, bị gần gũi, bị sanh khởi sự say đắm vào các dục. Khi ấy, vào buổi sáng nhiều vị tỳ khưu đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Sāvatthi, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, các vị đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây trong thành Sāvatthi dân chúng phần nhiều bị dính mắc quá mức vào các dục; họ sống, bị luyến ái, bị thèm khát, bị buộc trói, bị mê mẩn, bị gần gũi, bị sanh khởi sự say đắm vào các dục.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Bị dính mắc vào các dục, bị dính mắc do sự dính líu vào các dục, trong khi không nhìn thấy tội lỗi ở sự ràng buộc, những người bị dính mắc do sự dính líu vào các sự ràng buộc, chắc chắn không thể vượt qua dòng chảy bao la rộng lớn.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, trong thành Sāvatthi dân chúng phần nhiều bị dính mắc vào các dục; họ sống, bị luyến ái, bị thèm khát, bị buộc trói, bị mê mẩn, bị gần gũi, bị làm thành mù quáng, bị sanh khởi sự say đắm vào các dục. Khi ấy, vào buổi sáng đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y đi vào thành Sāvatthi để khất thực. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy trong thành Sāvatthi dân chúng ấy phần nhiều bị dính mắc vào các dục; họ đang sống, bị luyến ái, bị thèm khát, bị buộc trói, bị mê mẩn, bị gần gũi, bị làm thành mù quáng, bị sanh khởi sự say đắm vào các dục.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Bị mù quáng bởi dục vọng, bị bao trùm bởi tấm lưới, bị che đậy bởi tấm choàng tham ái, bị trói buộc bởi kẻ thân quyến lơ đễnh (Ma Vương), tựa như những con cá ở nơi cửa miệng của tấm lưới,[4] chúng đi đến già và chết, tựa như con bê bú sữa mẹ.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Lakuṇṭaka-bhaddiya, theo sau nhiều vị tỳ khưu, đã đi đến gặp đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Lakuṇṭakabhaddiya từ ở đằng xa, đang đi theo sau nhiều vị tỳ khưu, xấu tướng, khó nhìn, có vẻ bị xem thường bởi phần đông các vị tỳ khưu. Sau khi nhìn thấy, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu, các ngươi có nhìn thấy vị tỳ khưu này từ ở đằng xa, đang đi theo sau nhiều vị tỳ khưu, xấu tướng, khó nhìn, có vẻ bị xem thường bởi phần đông các vị tỳ khưu?”
2. “Bạch Ngài, đúng vậy.” “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu này có đại thần lực, có đại oai lực. Và sự chứng đạt nào còn chưa được vị tỳ khưu ấy chứng đạt trước đây thì sự chứng đạt ấy không phải là dễ dàng đạt được. Vị ấy, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình, chứng ngộ, đạt đến, và an trú vào cứu cánh tối thượng của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà.”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Không chút lỗi lầm, có mái che màu trắng, chiếc xe có một căm lăn bánh. Hãy nhìn vị đang từ từ đi đến, vị không phiền muộn, có dòng chảy đã bị chặt đứt, không còn sự trói buộc.”[5]
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Aññāta-koṇḍañña ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự giải thoát do diệt tận tham ái. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Aññātakoṇḍañña ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, đang quán xét lại sự giải thoát do diệt tận tham ái.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với người nào không có các rễ cây, nền đất, không có các lá cây, từ đâu mà có dây leo? Ai có khả năng để chê trách bậc sáng trí ấy, là vị đã được thoát khỏi sự trói buộc; chư Thiên cũng ca ngợi vị ấy, vị ấy còn được ca ngợi bởi đấng Phạm Thiên nữa.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đang ngồi quán xét lại sự dứt bỏ các phần chướng ngại và tưởng của bản thân.
2. Khi ấy, sau khi biết được sự dứt bỏ các phần chướng ngại và tưởng của bản thân, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với vị nào, các chướng ngại và sự tồn tại (ở luân hồi) là không có, vị đã vượt lên trên sợi xích (tham ái) và thanh chắn (tà kiến), thế gian luôn cả chư Thiên không coi thường vị hiền trí ấy, vị đang sống không còn tham ái.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đại đức Mahākaccāna ngồi ở nơi không xa đức Thế Tôn, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, với niệm hướng đến thân đã khéo được thiết lập luôn hiện diện ở nội phần. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy đại đức Mahākaccāna ngồi ở nơi không xa, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng, với niệm hướng đến thân đã khéo được thiết lập luôn hiện diện ở nội phần.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với vị nào, niệm hướng đến thân có thể được thiết lập thường xuyên vào mọi lúc (rằng): ‘Nó không có và nó không là của tôi,[6] nó sẽ không có và nó sẽ không là của tôi,’ với sự an trú theo tuần tự tại nơi ấy, vào đúng thời điểm vị ấy có thể vượt qua sự vướng mắc (tham ái).”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn, trong khi đi du hành ở xứ sở của những người Mallā cùng với đại chúng tỳ khưu, đã ngự đến ngôi làng Bà-la-môn của những người Mallā có tên là Thūna. Các Bà-la-môn và các gia chủ ở Thūna đã nghe rằng: “Chắn chắn là Ngài Sa-môn Gotama, con trai dòng Sakya, từ dòng dõi Sakya đã xuất gia, trong khi đi du hành ở xứ sở của những người Mallā cùng với đại chúng tỳ khưu, đã ngự đến Thūna.” Họ đã cho lấp đầy cái giếng lên đến miệng với cỏ và vỏ trấu (nghĩ rằng): “Chớ để các Sa-môn đầu trọc ấy uống nước.”
2. Khi ấy, đức Thế Tôn đã rời con đường lộ rồi đi đến gần gốc cây nọ, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt sẵn. Sau khi đã ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy đem lại cho Ta nước uống từ cái giếng kia.” Khi được nói như vậy, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, giờ đây cái giếng ấy đã bị lấp đầy lên đến miệng với cỏ và vỏ trấu bởi các Bà-la-môn và các gia chủ ở Thūna (nghĩ rằng): ‘Chớ để các Sa-môn đầu trọc ấy uống nước.’” Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy —như trên— uống nước.” Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy đem lại cho Ta nước uống từ cái giếng này.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã cầm lấy cái bình bát đi đến gần cái giếng ấy.
3. Sau đó, trong khi đại đức Ānanda đang đi đến gần, cái giếng ấy đã tống ra khỏi miệng tất cả cỏ và vỏ trấu ấy, và đã được ổn định, được tràn đầy lên đến miệng với nước trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, tưởng chừng như đang trào ra. Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ diệu! Thật là phi thường! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì trong khi ta đang đi đến gần, cái giếng này đây đã tống ra khỏi miệng tất cả cỏ và vỏ trấu ấy, và đã được ổn định, được tràn đầy lên đến miệng với nước trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, tưởng chừng như đang trào ra.” Sau khi lấy nước uống bằng cái bình bát, đại đức Ānanda đã đi gặp đến đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thật là kỳ diệu! Bạch Ngài, thật là phi thường! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bạch Ngài, bởi vì trong khi con đang đi đến gần, cái giếng này đây đã tống ra khỏi miệng tất cả cỏ và vỏ trấu ấy, và đã được ổn định, được tràn đầy lên đến miệng với nước trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, tưởng chừng như đang trào ra. Xin đức Thế Tôn hãy uống nước, xin đấng Thiện Thệ hãy uống nước.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Có thể làm gì với cái giếng nếu nước uống luôn luôn có sẵn? Sau khi đã chặt đứt tham ái tận gốc rễ, tại sao lại đi lang thang tìm kiếm?”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Kosambī, ở tu viện Ghosita. Vào lúc bấy giờ, khi đức vua Udena đi đến vườn hoa thì nội cung của đức vua bị cháy, và năm trăm nữ nhân đứng đầu là Sāmāvatī đã bị chết. Sau đó, nhiều vị tỳ khưu vào buổi sáng đã quấn y (nội), cầm lấy bình bát và y, rồi đã đi vào thành Kosambī để khất thực. Sau khi đi khất thực ở thành Kosambī, sau bữa ăn trong khi đi khất thực trở về, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các vị tỳ khưu ấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây khi đức vua Udena đi đến vườn hoa thì nội cung của đức vua bị cháy, và năm trăm nữ nhân đứng đầu là Sāmāvatī đã bị chết. Bạch Ngài, cảnh giới tái sanh của các nữ cư sĩ ấy là gì? Đời sau của các nữ cư sĩ ấy là gì?”
2. “Này các tỳ khưu, ở đây có những nữ cư sĩ là các bậc Nhập Lưu, là các bậc Nhất Lai, là các bậc Bất Lai. Này các tỳ khưu, tất cả các nàng ấy chết không phải là không có kết quả.”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Thế gian với sự trói buộc của si mê được thấy như là có khả năng, kẻ ngu với sự trói buộc của mầm tái sanh bị bao quanh bởi bóng tối, nó (tự ngã) được xem tựa như có sự trường tồn; đối với người nhìn thấy thì không có bất cứ gì.”
Phẩm Nhỏ là thứ bảy.
Hai chuyện Bhaddiya, và hai chuyện bị dính mắc, vị Lakuṇṭaka, sự diệt tận ái, sự diệt tận chướng ngại, và vị Kaccāna, giếng nước, và vua Udena.
--ooOoo--
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các vị tỳ khưu bằng bài Pháp thoại liên quan đến Niết Bàn. Và các vị tỳ khưu ấy đã xác định mục đích, đã chú tâm, và tập trung tất cả tâm tư lắng tai nghe Pháp.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Này các tỳ khưu, có xứ ấy,[7] là nơi không có yếu tố đất, không có nước, không có lửa, không có gió, không có Không vô biên xứ, không có Thức vô biên xứ, không có Vô sở hữu xứ, không có Phi tưởng phi phi tưởng xứ, không có đời này, không có đời sau, không có cả hai mặt trăng và mặt trời. Này các tỳ khưu, thậm chí ở nơi ấy Ta nói rằng không có đi đến, không có ra đi, không có trụ lại, không có tử, không có sanh, nơi này không có thành lập, không có vận hành, không có đối tượng (của sáu căn). Chính nơi này là sự chấm dứt của khổ.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các vị tỳ khưu bằng bài Pháp thoại liên quan đến Niết Bàn. Và các vị tỳ khưu ấy đã xác định mục đích, đã chú tâm, và tập trung tất cả tâm tư lắng tai nghe Pháp.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Khó thấy cái được gọi là không bị thiên lệch, bởi vì sự thật không phải là điều dễ thấy. Tham ái được thấu triệt đối với người biết, không có cái gì đối với người thấy.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các vị tỳ khưu bằng bài Pháp thoại liên quan đến Niết Bàn. Và các vị tỳ khưu ấy đã xác định mục đích, đã chú tâm, và tập trung tất cả tâm tư lắng tai nghe Pháp.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Này các tỳ khưu, có cái không sanh—không hiện hữu—không làm ra—không tạo tác. Này các tỳ khưu, nếu không có cái không sanh—không hiện hữu—không làm ra—không tạo tác ấy thì ở đây việc ra khỏi cái sanh—hiện hữu—làm ra—tạo tác không được biết đến. Này các tỳ khưu, bởi vì có cái không sanh—không hiện hữu—không làm ra—không tạo tác, cho nên việc ra khỏi cái sanh—hiện hữu—làm ra—tạo tác được biết đến.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các vị tỳ khưu bằng bài Pháp thoại liên quan đến Niết Bàn. Và các vị tỳ khưu ấy đã xác định mục đích, đã chú tâm, và tập trung tất cả tâm tư lắng tai nghe Pháp.
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Đối với người nương tựa thì có dao động, đối với người không nương tựa thì không có dao động, khi không có dao dộng thì có an tịnh, khi có an tịnh thì không có thiên lệch, khi không có thiên lệch thì không có đến và đi, khi không có đến và đi thì không có tử và sanh, khi không có tử và sanh thì không có đời này, không có đời sau, không ở khoảng giữa của cả hai. Chính điều này là sự chấm dứt của khổ.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn, trong khi đi du hành ở xứ sở của những người Mallā cùng với đại chúng tỳ khưu, đã ngự đến thành Pāvā. Tại đó, nơi thành Pāvā, đức Thế Tôn ngụ ở vườn xoài của Cunda, con trai người thợ rèn.
2. Cunda, con trai người thợ rèn, đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn trong khi đi du hành ở xứ sở của những người Mallā cùng với đại chúng tỳ khưu, đã đi đến thành Pāvā. Ở thành Pāvā, Ngài ngụ ở vườn xoài của ta.” Sau đó, Cunda, con trai người thợ rèn, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi Cunda, con trai người thợ rèn, đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người ấy bằng bài Pháp thoại.
3. Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, Cunda, con trai người thợ rèn, đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn cùng với hội chúng tỳ khưu nhận lời bữa trai phạn của con vào ngày mai.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. Khi ấy, Cunda, con trai người thợ rèn, hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi.
4. Sau đó, khi trải qua đêm ấy, Cunda, con trai người thợ rèn, đã cho chuẩn bị vật thực cứng mềm hảo hạng và dồi dào món thịt heo hầm tại tư gia, rồi cho thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: “Bạch Ngài, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.” Khi ấy, vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm bình bát và y cùng với hội chúng tỳ khưu đi đến tư gia của Cunda, con trai người thợ rèn, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Sau khi đã ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo Cunda, con trai người thợ rèn, rằng: “Này Cunda, món thịt heo hầm nào đã được ngươi chuẩn bị thì hãy dọn cho Ta món ấy. Còn các vật thực cứng mềm nào khác đã được chuẩn bị thì hãy dọn cho hội chúng tỳ khưu món ấy.”
5. “Bạch Ngài, xin vâng.” Cunda, con trai người thợ rèn, nghe theo đức Thế Tôn và món thịt heo hầm nào đã được chuẩn bị thì đã dọn cho đức Thế Tôn món ấy. Còn vật thực cứng mềm nào khác đã được chuẩn bị thì đã dọn cho hội chúng tỳ khưu món ấy.
6. Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo với Cunda, con trai người thợ rèn, rằng: “Này Cunda, phần thịt heo hầm của ngươi còn thừa lại, hãy chôn nó xuống ở hố. Này Cunda, Ta không nhìn thấy người nào ở thế gian, tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người, mà món ăn ấy khi đã được người ấy ăn vào có thể đi đến sự tiêu hóa tốt đẹp, ngoại trừ đức Như Lai.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Cunda, con trai người thợ rèn, nghe theo đức Thế Tôn đã chôn phần thịt heo hầm còn thừa lại xuống ở hố, rồi đã đi đến gặp đức Thế tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi Cunda, con trai người thợ rèn, đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho người ấy bằng bài Pháp thoại, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
7. Sau đó, khi đức Thế Tôn đã ăn xong bữa ăn của Cunda, con trai người thợ rèn, có cơn bệnh dữ dội đã phát khởi đến Ngài, với triệu chứng tiêu chảy ra máu và các cảm thọ khốc liệt kề cận cái chết. Tại đó, đức Thế Tôn đã chịu đựng, có niệm, có sự nhận biết rõ, không sầu khổ.
8. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, chúng ta hãy đến, chúng ta sẽ đi đến Kusinārā.” “Bạch Ngài, xin vâng,” đại đức Ānanda đã đáp lời đức Thế Tôn.
“Tôi đã nghe rằng: Sau khi thọ thực bữa ăn của người thợ rèn Cunda,
bậc Sáng Trí đã tiếp cận cơn bệnh khốc liệt, kề cận cái chết.
Và khi đã ăn vào món thịt heo hầm,
cơn bệnh khốc liệt đã phát khởi đến bậc Đạo Sư.
Trong khi được xổ, đức Thế Tôn đã nói rằng:
‘Chúng ta hãy đi đến thành Kusinārā.’”
9. Khi ấy, đức Thế Tôn đã rời con đường lộ rồi đi đến gần gốc cây nọ, sau khi đến đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy xếp đặt y hai lớp được gấp tư lại. Này Ānanda, Ta đang mệt, Ta sẽ ngồi xuống.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã xếp đặt y hai lớp được gấp tư lại. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt sẵn. Sau khi ngồi xuống, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy mang nước lại. Này Ānanda, Ta bị khát, Ta sẽ uống nước.” Khi được nói như vậy, đại đức Ānanda đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, giờ đây các cỗ xe hàng số lượng năm trăm vừa đi qua. Nước ấy, bị bánh xe chạy qua, trở nên ít ỏi, bị quậy lên, bị vẩn đục, trôi chảy. Bạch Ngài, con sông Kukutthā ở nơi không xa, có nước trong, có nước lành, có nước mát, có nước sạch, có bến nước xinh xắn. Ở nơi này, đức Thế Tôn sẽ uống nước và sẽ làm mát mẻ cơ thể.” Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy mang nước lại. Này Ānanda, Ta bị khát, Ta sẽ uống nước.” Đến lần thứ nhì, —như trên— sẽ làm mát mẻ cơ thể.” Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, vậy ngươi hãy mang nước lại. Này Ānanda, Ta bị khát, Ta sẽ uống nước.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Ānanda nghe theo đức Thế Tôn đã cầm lấy cái bình bát đi đến gần con sông ấy.
10. Khi ấy, con sông ấy, bị bánh xe chạy qua, trở nên ít ỏi, bị quậy lên, bị vẩn đục, đang trôi chảy, trong khi đại đức Ānanda đang đi đến gần, thì trở nên trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, trôi chảy. Khi ấy, đại đức Ānanda đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ diệu! Thật là phi thường! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bởi vì con sông này đây, bị bánh xe chạy qua, trở nên ít ỏi, bị quậy lên, bị vẩn đục, đang trôi chảy, trong khi ta đang đi đến gần, thì trở nên trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, trôi chảy.” Sau khi lấy nước uống bằng cái bình bát, đại đức Ānanda đã đi gặp đến đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, thật là kỳ diệu! Bạch Ngài, thật là phi thường! Đức Như Lai có đại thần lực, có đại oai lực! Bạch Ngài, bởi vì con sông này đây, bị bánh xe chạy qua, trở nên ít ỏi, bị quậy lên, bị vẩn đục, đang trôi chảy, trong khi con đang đi đến gần, thì trở nên trong sạch, không bị vẩn đục, tinh khiết, trôi chảy. Xin đức Thế Tôn hãy uống nước, xin đấng Thiện Thệ hãy uống nước.” Khi ấy, đức Thế Tôn đã uống nước.
11. Sau đó, đức Thế Tôn cùng với đại chúng tỳ khưu đã đi đến sông Kukutthā, sau khi đến đã đi xuống sông Kukutthā, tắm, và đi trở lên rồi đi đến vườn xoài, sau khi đến đã bảo đại đức Cundaka rằng: “Này Cundaka, vậy ngươi hãy xếp đặt y hai lớp được gấp tư lại. Này Ānanda, Ta đang mệt, Ta sẽ nằm xuống.” “Bạch Ngài, xin vâng.” Đại đức Cundaka nghe theo đức Thế Tôn đã xếp đặt y hai lớp được gấp tư lại. Sau đó, đức Thế Tôn đã nằm thế nằm của loài sư tử bằng hông bên phải, đặt bàn chân này lên bàn chân kia, có niệm, có sự nhận biết rõ, sau khi đã tác ý đến tư tưởng về việc đứng dậy, còn đại đức Cundaka đã ngồi xuống ngay tại chỗ ấy, phía trước đức Thế Tôn.
“Đức Phật sau khi đi đến con sông Kukutthā,
có nước trong sạch, có nước lành, có nước tinh khiết,
bậc Đạo Sư, với dáng vẻ vô cùng mệt nhọc, đã lội xuống,
đức Như Lai, không người sánh bằng, ở thế gian này.
Bậc Đạo Sư, sau khi tắm và uống nước, đã đi lên,
được tôn vinh, ở giữa một nhóm tỳ khưu,
bậc Đạo Sư, đức Thế Tôn, người chuyển vận Giáo Pháp ở nơi này,
vị ẩn sĩ vĩ đại đã đi đến vườn xoài.
Ngài đã bảo vị tỳ khưu tên Cundaka rằng:
‘Hãy trải ra (y hai lớp) được gấp tư lại làm chỗ nằm cho Ta,
được nhắc nhở bởi bậc có bản thân đã được tu tập, vị Cunda ấy
ngay lập tức đã trải ra (y hai lớp) được gấp tư lại.
Bậc Đạo Sư, với dáng vẻ vô cùng mệt nhọc, đã nằm xuống,
vị Cunda cũng đã ngồi tại nơi ấy, ở phía trước mặt.”
12. Sau đó, đức Thế Tôn đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, hơn nữa nếu người nào khơi dậy sự ân hận cho Cunda, con trai người thợ rèn, rằng: ‘Này đạo hữu Cunda, thật là điều không lợi ích đã có cho ngươi đây! Này đạo hữu Cunda, thật là điều đạt được xấu xa đã có cho ngươi đây! Bởi vì đức Thế Tôn sau khi thọ thực món thí thực cuối cùng của ngươi đây đã viên tịch Niết Bàn.’ Này Ānanda, nỗi ân hận như thế của Cunda, con trai người thợ rèn, cần được xua tan rằng: ‘‘Này đạo hữu Cunda, thật là điều lợi ích đã có cho ngươi đây! Này đạo hữu Cunda, thật là điều đạt được tốt đẹp đã có cho ngươi đây! Bởi vì đức Thế Tôn sau khi thọ thực món thí thực cuối cùng của ngươi đây đã viên tịch Niết Bàn. Này đạo hữu Cunda, điều này đã được tôi trực tiếp nghe, trực tiếp thọ nhận từ đức Thế Tôn rằng: ‘Hai phần thí thực này có quả báu như nhau, có quả thành tựu như nhau, có quả báu lớn hơn và phước báu lớn hơn rất nhiều so với các món thí thực khác. Hai phần thí thực nào? Phần thí thực mà sau khi thọ dụng đức Như Lai giác ngộ phẩm vị Chánh Đẳng Giác tối thượng, và phần thí thực sau khi thọ dụng đức Như Lai viên tịch Niết Bàn ở cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót. Hai phần thí thực này có quả báu như nhau, có quả thành tựu như nhau, có quả báu lớn hơn và phước báu lớn hơn rất nhiều so với các món thí thực khác. Nghiệp đưa đến tuổi thọ đã được vị đáng kính Cunda tích lũy. Nghiệp đưa đến sắc đẹp đã được vị đáng kính Cunda tích lũy. Nghiệp đưa đến hạnh phúc đã được vị đáng kính Cunda tích lũy. Nghiệp đưa đến danh tiếng đã được vị đáng kính Cunda tích lũy. Nghiệp đưa đến cõi Trời đã được vị đáng kính Cunda tích lũy. Nghiệp đưa đến uy quyền đã được vị đáng kính Cunda tích lũy.’ Này Ānanda, nỗi ân hận như thế của Cunda, con trai người thợ rèn, cần được xua tan.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Phước thiện tăng trưởng cho người bố thí, sự thù oán không được tích lũy đối với người đang tự chế ngự, và người hiền thiện từ bỏ điều ác, do sự diệt tận luyến ái, sân hận, và si mê, vị ấy được tịch diệt.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn, trong khi đi du hành ở xứ sở của những người Magadha cùng với đại chúng tỳ khưu, đã ngự đến ngôi làng Pāṭali. Các cư sĩ người làng Pāṭali đã nghe rằng: “Nghe nói đức Thế Tôn trong khi đi du hành ở xứ sở của những người Magadha cùng với đại chúng tỳ khưu, đã đi đến ngôi làng Pāṭali.” Sau đó, các cư sĩ người làng Pāṭali đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, các cư sĩ người làng Pāṭali đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn nhận lời về ngôi nhà nghỉ trọ.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng.[8]
2. Khi ấy, các cư sĩ người làng Pāṭali hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đi đến ngôi nhà nghỉ trọ, sau khi đến đã trải thảm toàn bộ nhà nghỉ trọ với thảm trải, cho sắp đặt các chỗ ngồi, cho bố trí lu nước, cho treo lên cây đèn dầu, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên, các cư sĩ người làng Pāṭali đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, nhà nghỉ trọ đã trải thảm toàn bộ với thảm trải, các chỗ ngồi đã được cho sắp đặt, lu nước đã được cho bố trí, cây đèn dầu đã được treo lên. Bạch Ngài, xin đức Thế Tôn hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào.”
3. Sau đó, đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y cùng với đại chúng tỳ khưu đi đến nhà nghỉ trọ, sau khi đến đã rửa sạch hai bàn chân rồi đi vào nhà nghỉ trọ và ngồi xuống chỗ cột nhà ở chính giữa, mặt nhìn về hướng đông. Hội chúng tỳ khưu cũng đã rửa sạch các bàn chân, rồi đi vào nhà nghỉ trọ và ngồi xuống chỗ bức tường ở phía tây, mặt nhìn về hướng đông, và có đức Thế Tôn trong tầm nhìn. Các cư sĩ người làng Pāṭali cũng đã rửa sạch các bàn chân, rồi đi vào nhà nghỉ trọ và ngồi xuống chỗ bức tường ở phía đông, mặt nhìn về hướng tây, và có đức Thế Tôn trong tầm nhìn.
4. Khi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các cư sĩ người làng Pāṭali rằng: “Này các cư sĩ, đây là năm điều tai hại của kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới. Năm điều nào?
Này các cư sĩ, ở đây kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới gánh chịu sự mất mát lớn về tài sản do nguyên nhân xao lãng. Đây là điều tai hại thứ nhất của kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới.
Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là tiếng đồn xấu xa của kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới lan rộng. Đây là điều tai hại thứ nhì của kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới.
Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới đi vào tập thể nào khác dầu là tập thể những người Sát-đế-lỵ, dầu là tập thể những người Bà-la-môn, dầu là tập thể các gia chủ, dầu là tập thể các Sa-môn, kẻ ấy đi vào thiếu sự tự chủ và trở nên bối rối. Đây là điều tai hại thứ ba của kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới.
Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới bị mê muội khi từ trần. Đây là điều tai hại thứ tư của kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới.
Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới khi thân này bị tan rã, sau khi chết đi sẽ tái sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục. Đây là điều tai hại thứ năm của kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới.
Này các cư sĩ, đây là năm điều tai hại của kẻ không giữ giới có sự hư hỏng về giới.
5. Này các cư sĩ, đây là năm điều lợi ích của người giữ giới có sự thành tựu về giới. Năm điều nào?
Này các cư sĩ, người giữ giới có sự thành tựu về giới thành tựu khối lượng tài sản lớn do nguyên nhân không xao lãng. Đây là điều lợi ích thứ nhất của người giữ giới có sự thành tựu về giới.
Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là tiếng đồn tốt đẹp của người giữ giới có sự thành tựu về giới lan rộng. Đây là điều lợi ích thứ nhì của người giữ giới có sự thành tựu về giới.
Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là người giữ giới có sự thành tựu về giới đi vào tập thể nào khác dầu là tập thể những người Sát-đế-lỵ, dầu là tập thể những người Bà-la-môn, dầu là tập thể các gia chủ, dầu là tập thể các Sa-môn, người ấy đi vào có sự tự chủ và không có bối rối. Đây là điều lợi ích thứ ba của người giữ giới có sự thành tựu về giới.
Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là người giữ giới có sự thành tựu về giới không bị mê muội khi từ trần. Đây là điều lợi ích thứ tư của người giữ giới có sự thành tựu về giới.
Này các cư sĩ, còn có điều khác nữa là người giữ giới có sự thành tựu về giới khi thân này bị tan rã, sau khi chết đi sẽ tái sanh vào chốn an vui, cõi Trời, cõi người. Đây là điều lợi ích thứ năm của người giữ giới có sự thành tựu về giới.
Này các cư sĩ, đây là năm điều lợi ích của người giữ giới có sự thành tựu về giới.”
6. Sau đó, khi đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho các cư sĩ người làng Pāṭali bằng bài Pháp thoại đến tận đêm khuya, đức Thế Tôn đã giải tán (bảo rằng): “Này các cư sĩ, đêm đã khuya. Các ngươi hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào” Khi ấy, các cư sĩ người làng Pāṭali đã thích thú, đã tùy hỷ lời dạy của đức Thế Tôn, rồi đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, và ra đi.
Sau đó, khi các cư sĩ người làng Pāṭali ra đi không lâu, đức Thế Tôn đã đi vào ngôi nhà trống vắng.
7. Vào lúc bấy giờ, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, cho xây thành ở làng Pāṭali để ngăn cản các người Vajji. Vào lúc bấy giờ, nhiều vị Trời đến hàng ngàn vị chiếm giữ các khu vực ở làng Pāṭali. Các vị Trời có oai lực lớn chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực lớn ở nơi đó cho xây các dinh thự. Các vị Trời có oai lực trung bình chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực trung bình ở nơi đó cho xây các dinh thự. Các vị Trời có oai lực kém chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực kém ở nơi đó cho xây các dinh thự. Và đức Thế Tôn bằng Thiên nhãn thanh tịnh vượt xa loài người đã nhìn thấy các vị Trời ấy đến hàng ngàn vị đang chiếm giữ các khu vực ở làng Pāṭali. Các vị Trời có oai lực lớn chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực lớn ở nơi đó cho xây các dinh thự. Các vị Trời có oai lực trung bình chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực trung bình ở nơi đó cho xây các dinh thự. Các vị Trời có oai lực kém chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực kém ở nơi đó cho xây các dinh thự.”
8. Khi ấy, đức Thế Tôn sau khi thức dậy vào lúc hừng sáng của đêm ấy đã bảo đại đức Ānanda rằng: “Này Ānanda, ai là người cho xây thành ở làng Pāṭali vậy?”
“Bạch Ngài, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, cho xây thành ở làng Pāṭali để ngăn cản các người Vajji.”
“Này Ānanda, cũng giống như là đã thỉnh ý với chư Thiên ở cõi Trời Ba Mươi Ba, này Ānanda, tương tự y như thế Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã cho xây thành ở làng Pāṭali để ngăn cản các người Vajji.
9. Này Ānanda, ở đây sau khi thức dậy trong đêm vào lúc hừng sáng, bằng Thiên nhãn thanh tịnh vượt trên loài người Ta đã nhìn thấy nhiều vị Trời đang chiếm giữ các khu vực ở trong làng Pāṭali. Các vị Trời có oai lực lớn chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực lớn ở nơi đó cho xây các dinh thự. Các vị Trời có oai lực trung bình chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực trung bình ở nơi đó cho xây các dinh thự. Các vị Trời có oai lực kém chiếm giữ khu vực nào thì các vị sai khiến tâm của các vị vua và của các quan đại thần của vua có oai lực kém ở nơi đó cho xây các dinh thự.
10. Này Ānanda, cho đến tận lãnh thổ của những người Ariyan và đến tận con đường của những nhà thương buôn, nơi này sẽ trở thành thành phố hàng đầu Pāṭaliputta, nơi trao đổi các loại hàng hóa. Này Ānanda, thành Pāṭaliputta sẽ xảy ra ba tai họa hoặc do lửa, hoặc do nước, hoặc do sự chia rẽ mối liên kết.”
11. Sau đó, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã đứng ở một bên. Khi đã đứng ở một bên, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã nói với đức Thế Tôn điều này: - “Xin Ngài Gotama hãy nhận lời chúng tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.” Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng.
12. Khi ấy, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, sau khi hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn, đã đi đến chỗ trú ngụ của mình, sau khi đến đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm tại chỗ trú ngụ của mình, rồi đã cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn rằng: “Bạch Ngài Gotama, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.” Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội), rồi cầm lấy bình bát và y cùng với hội chúng tỳ khưu đi đến chỗ trú ngụ của Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi đã được sắp đặt. Khi ấy, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm.
13. Sau đó, khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong có bàn tay đã rời khỏi bình bát, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần đã cầm lấy chiếc ghế thấp khác, rồi đã ngồi xuống ở một bên. Khi Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã ngồi xuống ở một bên, Đức Thế Tôn đã nói lời tùy hỷ đến họ bằng những lời kệ này:
“Ở tại khu vực nào, chỗ trú ngụ được sắp đặt cho các bậc có bản chất sáng suốt, tại nơi ấy nên dâng thức ăn đến các vị có giới, đã tự chế ngự, có Phạm hạnh.
Nên tỏ sự kính trọng đến chư Thiên đã ngụ ở nơi ấy. Chư Thiên ấy, được cúng dường, sẽ cúng dường người ấy, được tôn kính, sẽ tôn kính người ấy.
Do đó, chư Thiên thương mến người ấy, như người mẹ thương xót đứa con trai ruột thịt. Được chư Thiên thương mến, người ấy sẽ luôn luôn gặp được các điều tốt lành.”
14. Sau đó, khi đã nói lời tùy hỷ đến Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, bằng những lời kệ này, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Vào lúc bấy giờ, Sunīdha và Vassakāra, hai vị quan đại thần xứ Magadha, đã đi theo phía sau đức Thế Tôn (nghĩ rằng): “Hôm nay, Sa-môn Gotama đi ra bằng cửa thành nào thì cửa thành ấy sẽ có tên là Cửa thành Gotama, và băng qua sông Gaṅgā bằng bến tàu nào thì bến tàu ấy sẽ có tên là Bến tàu Gotama.”
15. Sau đó, đức Thế Tôn đã đi ra bằng cửa thành nào thì cửa thành ấy đã có tên là Cửa thành Gotama. Rồi đức Thế Tôn đã đi đến sông Gaṅgā. Vào lúc bấy giờ, sông Gaṅgā là tràn đầy, mấp mé bờ khiến chim quạ có thể uống nước. Dân chúng, một số đi kiếm thuyền, một số đi kiếm xuồng, một số buộc thành chiếc bè với ước muốn đi từ bờ này sang bờ kia. Khi ấy, cũng giống như người đàn ông có sức mạnh có thể duỗi ra cánh tay đã được co lại hoặc có thể co lại cánh tay đã được duỗi ra, tương tự như thế đức Thế Tôn đã biến mất tại bờ bên này của sông Gaṅgā và hiện ra đứng ở bờ bên kia cùng với hội chúng tỳ khưu. Đức Thế Tôn đã nhìn thấy những người ấy, một số đang đi kiếm thuyền, một số đang đi kiếm xuồng, một số đang buộc thành chiếc bè với ước muốn đi từ bờ này sang bờ kia.
16. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Những người băng qua biển hồ sông suối, sau khi xây dựng cây cầu, sau khi vượt qua các hồ nhỏ. (Trong khi) người còn đang buộc chiếc bè nhỏ thì các bậc thông minh đã vượt qua (bờ kia).”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn đang đi đường xa ở xứ sở của những người Kosala cùng với đại đức Nāgasamāla là Sa-môn hầu cận. Dọc theo đường đi, đại đức Nāgasamāla đã nhìn thấy đường rẽ hai nhánh, sau khi nhìn thấy đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài Thế Tôn,[9] đây là đường đi. Chúng ta hãy đi lối này.” Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Nāgasamāla điều này: “Này Nāgasamāla, đây là đường đi. Chúng ta hãy đi lối này.” Đến lần thứ nhì, —như trên— Đến lần thứ ba, đại đức Nāgasamāla đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài Thế Tôn, đây là đường đi. Chúng ta hãy đi lối này.” Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với đại đức Nāgasamāla điều này: “Này Nāgasamāla, đây là đường đi. Chúng ta hãy đi lối này.” Khi ấy, đại đức Nāgasamāla đã để bình bát và y của đức Thế Tôn ở trên mặt đất ngay tại nơi ấy (nói rằng): “Bạch Ngài, đây là bình bát và y của đức Thế Tôn.”
2. Khi ấy, trong lúc đại đức Nāgasamāla đang đi theo con đường ấy, dọc theo đường đi bọn cướp đã bước ra và đã gây hại bằng những cú đánh và những cú đá, đã đập bể bình bát, và đã xé nát y hai lớp. Sau đó, đại đức Nāgasamāla với bình bát bị đập bể, với y hai lớp bị xé nát, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Nāgasamāla đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch Ngài, ở đây trong lúc con đang đi bằng con đường ấy, dọc theo đường đi bọn cướp đã bước ra và đã gây hại bằng những cú đánh và những cú đá, đã đập bể bình bát, và đã xé nát y hai lớp.”
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Trong khi đi cùng, trong khi sống chung, người hiểu biết sâu sắc bị lẫn lộn với người không biết. Sau khi biết được thì dứt bỏ kẻ ác, tựa như con diệc, loài uống sữa loại bỏ nước.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, tu viện Pubba, ở tòa nhà dài của Mẹ của Migāra. Vào lúc bấy giờ, đứa cháu đáng yêu, thích ý của bà Visākhā, Mẹ của Migāra, bị từ trần. Khi ấy, bà Visākhā, Mẹ của Migāra, với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, vào lúc giữa trưa đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi bà Visākhā, Mẹ của Migāra, đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói với bà ấy điều này: “Này Visākhā, bà từ đâu đi đến với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, và đã đến đây vào lúc giữa trưa vậy?”
“Bạch Ngài, đứa cháu đáng yêu, thích ý của con bị từ trần. Vì thế, con với y phục ướt đẫm, với đầu tóc ướt đẫm, đã đến đây vào lúc giữa trưa.”
“Này Visākhā, vậy bà có muốn có các con và các cháu nhiều như dân chúng ở thành Sāvatthi không?”
“Bạch đức Thế Tôn, con muốn có các con và các cháu nhiều như dân chúng ở thành Sāvatthī vậy.”
2. “Này Visākhā, vậy có bao nhiêu người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày?”
“Bạch Ngài, mười người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, chín người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, tám người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, bảy người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, sáu người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, năm người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, bốn người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, ba người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, hai người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, một người ở thành Sāvatthi từ trần mỗi ngày cũng có. Bạch Ngài, thành Sāvatthi là không thiếu những người đang từ trần.”
“Này Visākhā, bà nghĩ gì về điều ấy, có phải là đôi khi bà cũng có lúc không có y phục ướt đẫm, không có đầu tóc ướt đẫm?”
3. “Bạch Ngài, điều ấy không phải vậy. Bạch Ngài, quá đủ với con về việc có các con và các cháu nhiều chừng ấy.”
“Này Visākhā, những ai có một trăm người đáng yêu, những kẻ ấy có một trăm cái khổ. Những ai có chín mươi người đáng yêu, những kẻ ấy có chín mươi cái khổ. Những ai có tám mươi người đáng yêu, những kẻ ấy có tám mươi cái khổ. Những ai có bảy mươi người đáng yêu, những kẻ ấy có bảy mươi cái khổ. Những ai có sáu mươi người đáng yêu, những kẻ ấy có sáu mươi cái khổ. Những ai có năm mươi người đáng yêu, những kẻ ấy có năm mươi cái khổ. Những ai có bốn mươi người đáng yêu, những kẻ ấy có bốn mươi cái khổ. Những ai có ba mươi người đáng yêu, những kẻ ấy có ba mươi cái khổ. Những ai có hai mươi người đáng yêu, những kẻ ấy có hai mươi cái khổ. Những ai có mười người đáng yêu, những kẻ ấy có mười cái khổ. Những ai có chín người đáng yêu, những kẻ ấy có chín cái khổ. Những ai có tám người đáng yêu, những kẻ ấy có tám cái khổ. Những ai có bảy người đáng yêu, những kẻ ấy có bảy cái khổ. Những ai có sáu người đáng yêu, những kẻ ấy có sáu cái khổ. Những ai có năm người đáng yêu, những kẻ ấy có năm cái khổ. Những ai có bốn người đáng yêu, những kẻ ấy có bốn cái khổ. Những ai có ba người đáng yêu, những kẻ ấy có ba cái khổ. Những ai có hai người đáng yêu, những kẻ ấy có hai cái khổ. Những ai có một người đáng yêu, những kẻ ấy có một cái khổ. Những ai không có người đáng yêu, những kẻ ấy không có khổ. Ta nói rằng những kẻ ấy không có sầu muộn, không còn ô nhiễm, không có thất vọng.”
4. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Mọi sầu muộn hoặc than vãn, và những khổ đau ở thế gian với nhiều hình thức, những điều này phát khởi có liên quan đến đối tượng đáng yêu; khi đối tượng đáng yêu không có thì những điều này không có. Chính vì thế, đối với những người nào không có đối tượng đáng yêu ở bất cứ nơi đâu trên thế gian, những người ấy có sự an lạc, không còn sầu muộn. Vì thế, kẻ ước mong không sầu muộn, không còn ô nhiễm, không nên tạo ra đối tượng đáng yêu ở bất cứ nơi đâu trên thế gian.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, đại đức Dabba Mallaputta đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Dabba Mallaputta đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Bạch đấng Thiện Thệ, giờ đây là thời điểm viên tịch Niết Bàn của con.” “Này Dabba, ngươi hãy biết giờ này là thời điểm của việc nào.”
2. Khi ấy, đại đức Dabba Mallaputta đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi đã bay lên không trung, đã ngồi xuống với thế kiết già ở giữa hư không trên bầu trời, đã thể nhập hỏa giới, đã xuất ra, và đã viên tịch Niết Bàn. Khi ấy, lúc đại đức Dabba Mallaputta đã bay lên không trung, đã ngồi xuống với thế kiết già ở giữa hư không trên bầu trời, đã thể nhập hỏa giới, đã xuất ra, và đã viên tịch Niết Bàn, lúc cơ thể của vị ấy đang được thiêu cháy, đang được đốt cháy, thì không có than và không có tro được nhận biết. Cũng giống như bơ lỏng hay dầu ăn lúc đang được thiêu cháy, đang được đốt cháy, thì không có than và không có tro được nhận biết, tương tự y như thế lúc đại đức Dabba Mallaputta đã bay lên không trung, đã ngồi xuống với thế kiết già ở giữa hư không trên bầu trời, đã thể nhập hỏa giới, đã xuất ra, và đã viên tịch Niết Bàn, lúc cơ thể của vị ấy đang được thiêu cháy, đang được đốt cháy, thì không có than và không có tro được nhận biết.
3. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Thân xác đã rã tan, tưởng đã tịch diệt, tất cả các thọ đã trở thành mát lạnh, các hành đã yên lặng, thức đã đi đến sự tiêu diệt.”
1. Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Tại nơi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu.” “Bạch Ngài,” các vị tỳ khưu ấy đã đáp lời đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nói điều này: “Này các tỳ khưu, lúc đại đức Dabba Mallaputta đã bay lên không trung, đã ngồi xuống với thế kiết già ở giữa hư không trên bầu trời, đã thể nhập hỏa giới, đã xuất ra, và đã viên tịch Niết Bàn, lúc cơ thể của vị ấy đang được thiêu cháy, đang được đốt cháy, thì không có than và không có tro được nhận biết. Cũng giống như bơ lỏng hay dầu ăn lúc đang được thiêu cháy, đang được đốt cháy, thì không có than và không có tro được nhận biết, tương tự y như thế lúc đại đức Dabba Mallaputta đã bay lên không trung, đã ngồi xuống với thế kiết già ở giữa hư không trên bầu trời, đã thể nhập hỏa giới, đã xuất ra, và đã viên tịch Niết Bàn, lúc cơ thể của vị ấy đang được thiêu cháy, đang được đốt cháy, thì không có than và không có tro được nhận biết.”
2. Sau đó, khi hiểu ra sự việc này, đức Thế Tôn vào thời điểm ấy đã thốt lên lời cảm hứng này:
“Giống như điểm đến của ngọn lửa (của vật) đang cháy sáng, bị đập vỗ bởi cái búa sắt, được từ từ lắng dịu, là không được biết đến, tương tự như thế cảnh giới tái sanh của các vị đã được giải thoát chân chánh, đã vượt qua dòng chảy của sự trói buộc vào các dục, đã đạt đến sự an lạc bất động, là không có để công bố.”
Phẩm Dân Làng Pāṭali là thứ tám.
Bốn Kinh về Niết Bàn đã được nói đến, vị Cunda, các dân làng Pāṭali, đường rẽ hai nhánh, và bà Visākhā, với hai chuyện về vị Dabba; chúng là mười.
*****
Đây là phẩm thứ nhất: Sự giác ngộ cao quý, đây là phẩm thứ hai: Mucalinda, còn phẩm cao quý về vị Nanda là thứ ba, và phẩm cao quý về vị Meghiya là thứ tư, ở đây phẩm cao quý thứ năm là vị Soṇa, phẩm cao quý thứ sáu là Mù Bẩm Sinh, và phẩm cao quý thứ bảy là Tiểu Phẩm, phẩm thứ tám cao quý về làng Pāṭali. Đầy đủ tám mươi bài Kinh cao quý đã khéo được phân chia thành tám phẩm ở đây. Họ đã nói điều này: “Chắc chắn tập Phật Tự Thuyết ấy đã được trình bày bởi bậc Hữu Nhãn, đấng Vô Nhiễm.”
--ooOoo--
[1] Bốn sự gắn bó: là tứ kết, gồm có: dục kết, hữu kết, tà kiến kết, và vô minh kết (kāmayogo bhavayogo diṭṭhiyogo avijjāyogo).
[2] Các lời giải thích trong ngoặc đơn được căn cứ vào Chú Giải (UdA. 350-353).
[3] Lakuṇṭakabhaddiyaṃ: vị này có tên là Bhaddiya và có thân hình thấp (lakuṇṭaka) nên được gọi như trên (UdA. 360).
[4] Hai dòng kệ đầu giống như câu kệ 297 của Theragāthāpāḷi - Trưởng Lão Kệ (TTPV 31, 99).
[5] ‘Chiếc xe’ được so sánh với vị tỳ khưu Lakuṇṭaka-bhaddiya, ‘không chút lỗi lầm’ nghĩa là hoàn toàn trong sạch, ‘có mái che màu trắng’ nghĩa là quả vị A-la-hán, ‘có một căm’ tức là niệm, ‘dòng chảy’ nghĩa là tham ái (UdA. 370).
[6] ‘Nó’ ở đây nên hiểu là ‘attā,’ tự ngã, bản ngã (UdA. 376).
[7] Xứ (āyatana) ở đây nên hiểu là pháp xứ (dhammāyatana).
[8] Bài Kinh này cũng được thấy ở Tạng Luật, Đại Phẩm (Xem TTPV 05, từ trang 55).
[9] Hô cách sử dụng ở đây có phần khách sáo là ‘bhante bhagavā’ thay vì chỉ là ‘bhante’ (ND).
Hoà thượng Thích Minh Châu
Kinh Udàna, được dịch là Phật tự thuyết kinh, nghĩa là những kinh này đức Phật tự nói, do cảm xúc mạnh đột khởi, không ai thỉnh Phật thuyết. Cũng có khi dịch là "Vô vấn tự thuyết", nghĩa là không có người hỏi đức Phật tự nói. Có khi được dịch là "Những lời cảm hứng", nghĩa là lời nói đột khởi, do cảm xúc mạnh thúc đẩy, khi đức Phật tự mình chứng kiến những sự việc xảy ra xung quanh. Theo tập Upanishads, chữ Udàna có nghĩa là các hơi thở sinh mệnh (pràna, apàna, sumàna, vyàna, udàna), ở trung tâm cổ họng được phát ra.
Tập này gồm tám chương. Mỗi chương có 10 kinh. Như vậy có tám mươi kinh tất cả. Ðể tiện tìm kiếm, khi viết "I, 2" thời hiểu là chương I, kinh số 2; khi ghi "IV, 7", thời hiểu là chương IV kinh 7 v.v... Mỗi kinh gồm hai phần, phần đầu văn xuôi, ghi nhận một câu chuyện do đức Phật chứng kiến hay do các tỷ kheo kể lại, và phần thứ hai là lời cảm hứng của đức Phật, phần lớn là bằng những bài kệ (gàthà), chỉ có 1, 2 bài kinh Udàna được chép bằng văn xuôi.
Trước hết là một số kinh do liên hệ đến đời sống của đức Phật, như ba kinh đầu, Phẩm Bồ Ðề diễn tả đức Phật khi mới thành đạo, ngồi nhập định dưới gốc cây Bồ Ðề, suy tưởng đến lý 12 nhân duyên, thuận chiều và nghịch chiều rồi nói lên cảm hứng. (xem I. 1, 2, 3). Kinh II, 1 nói đến tích đức Phật ngồi nhập định gặp mưa to gió lớn, có con rắn Mucalinda quấn thân mình chung quanh đức Phật để che chở cho Ngài. Kinh IV, 5 đề cập đến tích đức Phật bị các vị xuất gia, tại gia, vua chúa đến làm phiền nhiễu nên Ngài bỏ đi vào núi một mình và sống với một con voi, con voi này cũng bị đàn voi quấy rầy nên đến sống một mình với đức Phật. Sự tích khi đức Phật từ bỏ thọ hành và tuyên bố sau ba tháng sẽ nhập Niết bàn được kinh VI, 1 diễn tả. Và cũng được diễn tả là bữa cơm cuối cùng do thợ rèn Cunda cúng dường đức Phật. Sau bữa cơm ấy, đức Phật nhuốm bệnh và không bao lâu đức Phật nhập Niết bàn. Những sự tích trên giúp chúng ta có thêm một số tài liệu về lịch sử đức Phật.
Song song với các sự tích về đời sống đức Phật, tập Udàna nói đến khá nhiều về các đệ tử của đức Phật, như Sàriputta, Moggallàna, Kaccàna, Subbùti, Mahakassapa, Nanda... Mahakassapa bị bệnh tu định luôn 7 ngày để trị bệnh (Kinh III, 7); Nanda ban đầu mê các tiên nữ nên tu hành, sau bị các đồng Phạm hạnh chỉ trích nên tinh tấn tu hành chứng được quả A la hán (III, 2); Sàriputta ngồi nhập định bị quỷ Dạ xoa đánh trên đầu (IV. 4, 7); 500 tỷ kheo do Yasoja cầm đầu làm ồn bị đức Phật đuổi đi, sau tinh tấn tu hành, chứng được quả A la hán (III, 3). Ðức Phật khen tôn giả Lakunlaka Bhaddiya trong dung sắc xấu xí nhưng đã chứng quả giải thoát (VII, 5) Tôn giả Dabba Mallaputta nhập định hỏa giới tự thiêu trước chúng Tăng, không để lại tro tàn gì (VIII, 9, 10).
Tiếp đến là các đệ tử tại gia, như nữ cư sĩ Visàkhà hai lần đến yết kiến đức Phật, một lần vì có sự việc cần phải giải quyết với Vua Pasenadi (II, 9), một lần có đứa cháu trai chết nên đến báo cáo đức Phật (VIII, 8). Sự tích 500 cung nữ của Vua Udena, trong ấy có Sàmavati bị chết thiêu cũng được đề cập. Vua Pasenadi nước Kosala được nói đến nhiều lần và một lần vua hỏi đức Phật có thể biết được các người tu hành có chứng quả hay không, thời đức Phật trả lời với những người như Vua Pasenadi sống trong dục lạc, khó lòng biết được quả chứng của các nhà tu hành (VI, 2).
Bao giờ cũng vậy, giữa đức Phật và các ngoại đạo cũng có những va chạm, những xung khắc, và các tích này được nghe nhận khá nhiều trong tập Udàna. Trước hết là sự kiện khi Như Lai chưa xuất hiện thời các ngoại đạo được quần chúng cung kính cúng dường, nhưng khi Như Lai xuất hiện, thời sự cung kính cúng dường bị chấm dứt (Vi, 9; II, 9). Cũng vì vậy, ngoại đạo thù hằn đức Phật và chúng Tăng, giết kỹ nữ tên Sundarì đem chôn ở Jetavana để vu oan cho chúng Tăng (IV, 8). Và dân chúng ở Thùma do ngoại đạo xúi dục đổ cỏ và rác xuống giếng để ngăn đức Phật không được uống nước (VII, 9).
Thường thường đức Phật dùng một vài hình ảnh châm biếm để nói đến các ngoại đạo. Chúng ta nhớ câu chuyện các người mù rờ voi, diễn tả các ngoại đạo mỗi người chấp chặt chủ thuyết của mình (VI, 4). Cũng mỉa mai là câu chuyện một du sĩ ngoại đạo, tìm dầu cho vợ mình sắp sinh đẻ, vào kho vua uống quá nhiều dầu để đem về cho vợ, nhưng vì uống quá nhiều dầu nên bị đau đớn, lăn lộn, khốn khổ (II, 6). Ngoài ra nhiều vấn đề xã hội, rất bình thường cũng được nói đến. Như đức Phật thấy đứa con nít hành hạ con rắn (II, 3), các dân chúng Vương xá tranh nhau người kỹ nữ (VI, 8), dân Sàvatthi quá đắm say về dục (VII, 3, 4) cũng được đức Phật đề cập và nói lên lời cảm hứng.
Trong 80 kinh của tập Udàna, 80 trường hợp được ghi nhận là đức Phật thốt lên những lời cảm hứng, sau khi cảm thấy xúc động trước một số sự kiện, và chính những lời cảm hứng mới thật là quan trọng trong tập Udàna này. Vì đây là dịp đức Phật nói lên quan điểm của mình đối với những sự việc đã xảy ra ở xung quanh; và chính những quan điểm ấy đã trở thành những giáo lý chính đức Phật đã giảng dạy và trình bày. Chúng ta đã tìm được những pháp và tùy pháp đức Phật đã thuyết giảng ngay qua các lời cảm hứng ấy.
Trước hết là lý 12 nhân duyên hay lý duyên khởi được trình bày ba lần, trong ba kinh đầu I. 1, 2, 3, thuận chiều, nghịch chiều, thuận chiều và nghịch chiều, từ vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc cho đến duyên sanh, lão tử, sầu bi khổ ưu não. Quá trình sanh tử của con người, từ quá khứ đến hiện tại, từ hiện tại đến tương lai được khéo cô động trong thuyết duyên khởi. Bao giờ cũng vậy, đức Phật nhắm trong dây chuyền sanh tử, hai pháp "dục" và "ái" rất là quan trọng. Và do vậy nhiều lời cảm hứng đề cập đến dục và ái. Trong kinh VII, 4, dân chúng Sàvatthi quá đắm say về dục nên đức Phật đã than :
"Bị mù bởi các dục,
Bị lưới dục bao phủ,
Bị ái dục bao trùm,
Lại còn bị trói buộc,
Bởi trói buộc phóng dật,
Như cá mắc miệng lưới,
Chúng đi đến già chết,
Như con bê bú sữa,
Ði đến với mẹ nó."
Với ái, có thân yêu là có đau khổ. Khi Visakhà đến than với đức Phật có đứa cháu trai mới chết, đức Phật đã nói : "Những ai có 100 quả thân yêu là có 100 đau khổ; 90 người thân yêu là 90 người đau khổ... cho đến 1 người thân yêu là 1 người đau khổ." (VIII, 8)
"Sầu than và đau khổ,
Sai biệt có ở đời,
Duyên thân ái chúng có,
Không thân ái chúng không.
Do vậy, người an lạc,
Người không có sầu muộn
Là những ai ở đời,
Không có người thân ái,
Do vậy ai tha thiết,
Ðược không sầu, không tham,
Chớ làm thân, làm ái,
Với một ai ở đời".
Dục và ái đã có mặt, thời có sanh y, có sự tiếp nối một đời sống, nên có sanh y là có đau khổ :
"Giữa làng, tại núi rừng,
Cảm thọ khổ và lạc,
Chớ quy về tự mình,
Chớ quy về người khác.
Các xúc được cảm thọ,
Là do duyên sanh y.
Với vị không sanh y,
Do đâu, xúc cảm thọ?!" (II, 4)
Khi đức Phật từ bỏ thọ hành (VI, 1) Ngài muốn cắt đứt mọi hành động sanh hữu :
"Bậc ẩn sĩ từ bỏ,
Các hành động sanh hữu,
Sanh hữu có cân lượng,
Sanh hữu không có cân lượng.
Ưa thích hướng nội tâm,
Thật định tỉnh an tịnh,
Phá đổ ngã sanh hữu,
Như cởi thoát áo giáp."
Trong những kinh, đức Phật tán thán các đệ tử tu thiền định vì đó là con đường đưa đến giải thoát. Trong kinh III, 5, Ngài Mục Kiền Liên ngồi thiền định tu thân hành niệm được đức Phật nói lên cảm hứng :
"Thân hành niệm an lập,
Sáu xúc xứ chế ngự,
Tỷ kheo thường thiền định,
Tự chứng tri Niết bàn."
Trong kinh III, 4, Ngài Xá Lợi Phật ngồi thiền định, để niệm trước mặt, không xa Thế Tôn bao nhiêu và Thế Tôn nói lên lời cảm hứng :
"Như ngọn núi bằng đá,
Không động khéo an trú,
Cũng vậy vị tỷ kheo,
Ðoạn diệt được ngu si,
Như ngọn núi bằng đá,
Không có bị giao động."
Ngài Tu Bồ Ðề (Sudhùti), tu định không tầm (avitakkam samàdhim) và được Thế Tôn tán thán và nói lời cảm hứng :
"Với ai tâm quét sạch,
Nội tâm khéo cắt đứt,
Không còn chút dư tàn,
Vượt qua ái nhiễm ấy.
Ðạt được tưởng vô sắc,
Vượt khỏi bốn ách nạn,
Không đi đến thọ sanh". (Kinh VI, 7)
Nhưng đức Phật ấy nhận thấy đối với chúng sanh, khó thấy là vô ngã, khó thấy là sự thật. Nên đức Phật thường dạy cho các đệ tử một cái nhìn "vô ngã":
"Trên dưới, khắp tất cả
Ðược giải thoát hoàn toàn,
Không còn có tùy quán
"Cái này chính là tôi".
Giải thoát vậy vượt giòng,
Trước chưa từng vượt qua,
Không còn có rơi rớt.
Vào sanh tử thọ sanh".
Mục đích cuối cùng của sự tu hành là giải thoát Niết bàn và trong tập Udàna có nhiều kinh và lời cảm hứng đề cập đến trạng thái Niết bàn, một trạng thái khó lấy danh từ để diễn tả.
Bàhiya Darucìriya tu tập, tưởng mình đã chứng quả A la hán nhờ đức Phật dạy cho:
"Vậy này Bàhiya, ngươi cần phải học tập như sau: "Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri... Như vậy, này Bàhiya, nhà ngươi cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, như với ngươi, trong thấy chỉ là cái thấy, trong cái nghe chỉ là cái nghe, trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng, trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiya, ngươi không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya ngươi không là chỗ ấy. Do vậy, này Bàhiya, ngươi không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau" (Kinh I, 10).
Ðoạn sau đây cũng là đoạn diễn tả Niết bàn trong lời cảm hứng bằng văn xuôi (VIII, 1).
"Này các tỷ kheo, có xứ này (Ayatana), tại đấy không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió; không có hư không vô biên xứ; không có thức vô biên xứ; không có vô sở hữu xứ; không có phi tưởng phi phi tưởng xứ, không có đời này; không có đời sau, không có cả hai mặt trăng mặt trời. Do vậy, này các tỷ kheo, Ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có trú, không có diệt, không có sanh, không có an trú, không có chuyển vận, không có sở duyên. Ðây là sự đoạn tận khổ đau."
Ðoạn tiếp cũng diễn tả trạng thái Niết bàn:
"Này các tỷ kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi. Này các tỷ kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thời ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các tỷ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, nên có trình bày sự xuất ly khỏi sự sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi". (VIII, 3)
Ðây cũng là lời cảm hứng của Phật về trạng thái Niết bàn giải thoát:
"Cái gì có nương tựa, cái ấy có giao động, cái gì không nương tựa, cái ấy không giao động. Không có giao động thời có khinh an. Có khinh an thời không có thiên về. Không có thiên về, thời không có đến và đi. Không có đến và đi, thời không có diệt và sanh. Không có diệt và sanh, thời không có đời này, không có đời sau, không có đời ở giữa. Ðây là sự đoạn diệt khổ đau". (VIII, 4)
Như vậy trong tập Udàna này, ngang qua các câu cảm hứng do đức Phật thuyết lên một số giáo lý căn bản được đề cập một số pháp môn tu hành được đề cao và mục đích tối hậu trong sứ mệnh hoằng pháp của đức Phật cũng được diễn tả đến.
Hòa thượng Thích Minh Châu
Thiền viện Vạn Hạnh
Sài Gòn, 1982 (PL. 2526)
(I) (Ud 1)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ đề, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ, Thế Tôn trong bảy ngày ngồi trong một thế ngồi kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy, trong đêm canh thứ nhứt, khéo thuận chiều tác ý lý Duyên khởi: "Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Tức là duyên vô minh, có các hành; duyên các hành, có thức; duyên thức, có danh sắc; duyên danh sắc, có sáu xứ; duyên sáu xứ, có xúc; duyên xúc, có thọ; duyên thọ, có ái; duyên ái, có thủ; duyên thủ, có hữu; duyên hữu, có sanh; duyên sanh, có già, chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là sự tập khởi của khổ uẩn này".
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
1. Thật sự, khi các pháp,
Có mặt, hiện khởi lên,
Ðối vị Bà-la-môn,
Nhiệt tâm hành thiền định,
Khi ấy, với vị ấy,
Các nghi hoặc tiêu trừ,
Vì quản tri hoàn toàn,
Pháp cùng với các nhân.
(II) (Ud 2)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở tại Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ-đề, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày, ngồi trong một thế ngồi kiết-già thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy, trong đêm canh giữa, khéo nghịch chiều tác ý lý Duyên khởi: "Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là, do vô minh diệt nên hành diệt; do hành diệt, nên thức diêt; do thức diệt, nên danh sắc diệt; do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt; do sáu xứ diệt nên xúc diệt, do xúc diệt nên thọ diệt, do thọ diệt, nên ái diệt; do ái diệt, nên thủ diệt; do thủ diệt, nên hữu diệt; do hữu diệt, nên sanh diệt; do sanh diệt, nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu não diệt. Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này".
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này.
2. Thật sự khi các pháp,
Có mặt, hiện khởi lên,
Ðối với vị Bà-la-môn,
Nhiệt tâm, hành thiền định,
Khi ấy, với vị ấy,
Các nghi hoặc tiêu trừ,
Vì đã biết hoàn toàn,
Sự tiêu diệt các duyên.
(III) (Ud 2)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Bồ-đề, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày, ngồi trong một thế ngồi Kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn, sau bảy ngày, ra khỏi định ấy, trong đêm canh cuối cùng, khéo thuận chiều và nghịch chiều tác ý lý duyên khởi: "Do cái này có mặt, cái kia hiện hữu. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này không có mặt, cái kia không hiện hữu. Do cái này diệt, cái kia diệt". Tức là duyên vô minh có các hành. Duyên các hành có thức... Duyên sanh, có già chết, sầu bi khổ ưu não. Như vậy là tập khởi của khổ uẩn này. Do đoạn diệt, ly tham, vô minh không có dư tàn, nên các hành diệt. Do các hành diệt, nên thức diệt... Như vậy là đoạn diệt của khổ uẩn này".
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Thật sự khi các pháp
Có mặt, hiện khởi lên,
Ðối với vị Bà-la-môn,
Nhiệt tâm hành thiền định,
Quét sạch các ma quân,
Vị ấy đứng, an trú,
Như ánh sáng mặt trời,
Chói sáng khắp hư không.
(IV) (Ud 3)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây bàng ajapala, khi mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ, Thế Tôn trong bảy ngày ngồi trong một thế ngồi kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy ra khỏi định. Có một Bà-la-môn thuộc dòng họ Huhunka, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên lời chào hỏi, sau khi nói lời chào hỏi thân hữu, rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Bà-la-môn ấy nói với Thế Tôn:
- Tôn giả Gotama, cho đến như thế nào là Bà-la-môn, và những pháp nào tác thành Bà-la-môn?
Thế Tôn sau khi biết được ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
4. Vị Bà-la-môn nào,
Loại trừ các ác pháp,
Không kiêu, không uế nhiễm,
Tự ngã khéo chế ngự,
Vệ-đà được thông đạt,
Phạm hạnh được viên thành,
Vị Bà-la-môn ấy,
Có thể nói lên được,
Lời Phạm ngữ đúng pháp,
Vị ấy ở đời này,
Không hề có mạn tâm
Bất cứ ở nơi nào.
(V) (Ud 3)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ) tại Jetavana (Kỳ-đà-lâm), khu vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc). Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất), Tôn giả Mahàmoggallàna (Ðại Mục-kiền-liên) Tôn giả Mahàkassapa (Ðại Ca-diếp), Tôn giả Mahàkaccayàna (Ðại Ca-chiên-diên), Tôn giả Mahàkotthita (Ðại Câu-thi-la), Tôn giả Mahàkappina (Ðại kiếp-tân-na), Tôn giả Mahàcunda (Ðại-Thuần-đà), Tôn giả Anuruddha (A-na-luật-đà), Tôn giả Revata (Ly-bà-đà), Tôn giả Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa), Tôn giả Ananda (A-nan) đi đến Thế Tôn. Thế Tôn thấy các Tôn giả ấy từ xa đi đến, thấy vậy liền nói với các Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, các Bà-la-môn này đang đi đến. Này các Tỳ-kheo, các Bà-la-môn này đang đi đến.
Khi được nói vậy, một Tỳ-kheo, thọ sanh là Bà-la-môn, bạch Thế Tôn:
- Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là Bà-la-môn, và có bao nhiêu pháp, tác thành Bà-la-môn?
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
5. Sau khi loại ác pháp,
Ai thường hành chánh niệm,
Kiết sử đoạn, giác ngộ,
Những vị ấy ở đời,
Thật là Bà-la-môn.
(VI) (Ud 4)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, tại Trúc lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn giả Mahakassapa trú ở hang Pipphali, đang bị bệnh rất khổ đau, bệnh trầm trọng. Rồi Tôn giả Mahàkassapa sau một thời gian, thoát khỏi bệnh ấy. Rồi Tôn giả Mahàkassapa thoát khỏi bệnh ấy, suy nghĩ như sau: "Ta hãy đi vào Vương Xá để khất thực ". Lúc bấy giờ, khoảng năm trăm Thiên nhân, đang cố gắng sửa soạn để Tôn giả Mahàkassapa nhận đựoc đồ ăn khất thực. Nhưng Tôn giả Mahàkassapa gạt bỏ năm trăm Thiên nhân ấy, vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Vương Xá để khất thực, đi ngang những con đường những con người nghèo, con đường những người ăn xin, con đường những người thợ dệt.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
6. Ai sống không nhờ người,
Không được người biết đến,
Sống tự mình chế ngự,
An trú trên lõi cây,
Các lậu hoặc đã đoạn,
Sân hận được trừ diệt,
Vị ấy được Ta gọi,
Là vị Bà-la-môn.
(VII) (Ud 4)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Pàtali tại Ajakalàpaka, chỗ ở của Dạ-xoa Ajakalàpa. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi ngoài trời, trong đêm tối đen, và trời mưa từng hột xuống. Rồi Dạ-xoa Ajakalàpaka muốn làm cho Thế Tôn sợ hãi, hoảng sợ, lông tóc dựng ngược, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, ba lần nói lên gần Thế Tôn tiếng gào thét của mình là Akkulopakkulo: "Này Sa môn, có con quỷ cho Ông ". Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
7. Khi nào Bà-la-môn
Ðối với pháp của mình,
Ðã đạt được bờ kia,
Vị ấy vượt qua được,
Ác quỷ yêu ma này.
(VIII) (Ud 5)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Sangamàji đã đi đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji nghe được tin Tôn giả Sangamàji đã đến Sàvattthi. Nàng liền dắt người con đi đến Jetavana. Lúc bấy giờ Tôn giả Sangamàji đang ngồi dưới gốc cây đề nghỉ ban ngày. Rồi người vợ trước đây của Tôn giả Sangamàji, đi đến Tông Giả Sangamàji, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Sangamàji:
- Này Sa môn, hãy nuôi dưỡng tôi và đứa con nhỏ!
Khi nghe nói vậy, Tôn giả Sangamàji, giữ im lặng. Lần thứ hai, người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji nói với Tôn giả Sangamàji:
- Này Sa-môn, hãy nuôi dưỡng tôi và đứa con nhỏ!
Lần thứ hai, Tôn giả Sangamàji giữ im lặng. Lần thứ ba người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji nói với Tôn giả Sangamàji:
- Này Sa-môn, hãy nuôi dưỡng tôi và đứa con nhỏ!
Lần thứ ba, Tôn giả Sangamàji vẫn giữ im lặng. Rồi người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji đặt đứa nhỏ trước mặt Tôn giả Sangamàji rồi bỏ đi, nói rằng:
- Này Sa-môn, đây là đứa con trai của Sa-môn. Hãy nuôi dưỡng nó!
Tôn giả Sangamàji không có ngó đến đứa nhỏ ấy, cũng không nói gì. Rồi người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji sau khi đi không xa, ngó lui lại thấy Tôn giả Sangamàji không ngó đứa con nhỏ ấy, cũng không nói; thấy vậy liền suy nghĩ: "Sa môn này không muốn ngó đến người con ". Nàng liền trở lui lại, bồng lấy đứa con rồi ra đi. Thế Tôn với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy cử chỉ thô bạo như vậy của người vợ trước kia của Tôn giả Sangamàji.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết được ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
8. Không hoan hỷ, nàng đến,
Không sầu muộn, nàng đi,
Giải thoát khỏi ái phược,
Là Sangamàji
Ta gọi người như vậy,
Là vị Bà-la-môn.
(IX) (Ud 6)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Gayà, tại Gayasisa. Lúc bấy giờ, nhiều kẻ bện tóc, trong những đêm gió lạnh mùa đông, giữa những ngày mồng tám, trong thời tuyết rơi, đang lặn xuống và nổi lên trong nước, làm việc lặn xuống nổi lên, tưới nước và tế lửa, nghĩ rằng: "Với hành động này, được thanh tịnh ".
Thế Tôn thấy nhiều kẻ bện tóc ấy, trong những đêm gió lạnh mùa đông, giữa những ngày mồng tám, trong thời tuyết rơi, đang lặng xuống và nổi lên trong nước, làm việc lặn xuống nổi lên, tưới nước và tế lửa, nghĩ rằng: "Với hành động này, được thanh tịnh ".
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
9. Thanh tịnh không có nước,
Ở đây nhiều người tắm,
Trong ai có chân thật,
Lại thêm có Chánh pháp,
Người ấy là Thanh tịnh,
Người ấy là Phạm chí.
(X) (Ud 6)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Bàhiya Daruciriya trú ở Suppàraka, trên bờ biển, được cung kính, tôn trọng đảnh lễ, cúng dường và nhận được y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Rồi Bàhiya Dàcuciriya khởi lên tư tưởng như sau: "Với ai là bậc A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán, ta là một trong những vị ấy ". Rồi một Thiên nhân, trước là bà con huyết thống với Bàhiya Dàruciriya, vì lòng từ mẫn, vì muốn lợi ích, với tâm của mình biết tâm tư của Bàhiya Dàruciriya, đi đến Bàhiya Dàruciriya và nói như sau:
- Này Bàhiya. Ông không phải là A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán. Ông không có đạo lộ ấy, với đạo lộ này Ông có thể trở thành A-la-hán hay đang đi trên con đường đưa đến A-la-hán.
- Nhưng ai là những vị, trong thế giới này, với thế giới chư Thiên là những vị A-la-hán hay đang đi trên con đường A-la-hán?
- Này Bàhiya, có thành phố tên là Sàvatthi trên những quốc lộ phương Bắc. Tại đấy có Thế Tôn hiện đang trú, bậc A-la-hán. Chánh Ðẳng Giác. Vị ấy là bậc A-la-hán và thuyết pháp đưa đến quả A-la-hán.
Rồi Bàhiya Dàruciriya, được Thiên nhân ấy thúc dục, đi ra khỏi Sappàraka, trong suốt đường trường, chỉ nghỉ một đêm, đi đến chỗ Thế Tôn đang trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn Anàthapindika. Lúc bấy giờ nhiều Tỷ-kheo đang đi kinh hành giữa trời. Bàhiya Dàruciritya đi đến các Tỳ-kheo ấy, sau khi đến nói như sau:
- Thưa các Tôn giả, nay Thế Tôn, bậc A-la-hán Chánh Ðẳng Giác ở đâu? Chúng tôi muốn được yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác.
- Này Bàhiya, Thế Tôn đã đi vào giữa các nhà để khất thực.
Rồi Bàhiya Dàraciriva mau chóng ra khỏi Jetavana, đi vào Sàvatthi, và thấy Thế Tôn đang đi khất thực, khả ái, khởi lên tịnh tin, các căn an tịnh, tâm ý an tịnh, đạt được an chỉ, chế ngự tối thượng, giống như một con voi được điều phục, phòng hộ với các căn an tịnh. Thấy vậy, Bàhiya Dàruciriya liền đi đến Thế Tôn, sau khi đến, cúi đầu xuống chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con, Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Bàhiya Dàruciriya:
- Không phải thời, này Bàhiya, Ta đang khất thực.
Lần thứ hai Bàhiya Dàruciriya Bạch Thế Tôn:
- Thật khó biết, bạch Thế Tôn, là chướng ngại cho mạng sống của Thế Tôn, hay chướng ngại cho mạng sống của con. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con. Thiện Thệ hãy thuyết pháp cho con, nhờ vậy con có thể được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Màhiya Dàruciriya:
- Không phải thời, này Bàhiya, Ta đang khất thực.
Lần thứ ba, Bàhiya Dàruciriya bạch Thế Tôn:
- Thật khó biết... hạnh phúc lâu dài.
- Vậy này Bàhiya, Ông cần phải học tập như sau: "Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri ". Như vậy, này Bàhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bàhiya, nếu với Ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiva, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.
Nhờ lời thuyết pháp tóm tắt này của Thế Tôn, tâm của Bàhiya Dàruciriya được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Thế Tôn sau khi thuyết cho Bàhiya Dàruciriya lời giáo giới tóm tắt này, liền ra đi. Thế Tôn ra đi không bao lâu, một con bò con húc chết Bàhiya Dàruciriya. Thế Tôn sau khi khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, trên con đường đi khất thực trở về, đi ra khỏi thành với nhiều Tỷ-kheo, thấy Bàhiya Dàruciriya bị chết, thấy vậy liền nói với các Tỳ-kheo:
- Này các Tỳ-kheo, hãy lấy thân xác Bàhiya Dàruciriya, đặt lên trên cái chõng, đem đi hỏa thiêu, rồi xây tháp lên trên. Này các Tỷ-kheo, một vị đồng Phạm hạnh với các Thầy đã qua đời!
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, sau khi đặt xác thân của Bàhiya Dàruciriya lên trên cái chõng, đem đi hỏa thiêu, xây dựng cái tháp cho vị ấy, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, thân xác của Bàhiya Dàruciriya đã được hỏa thiêu, tháp đã được xây dựng xong cho vị ấy. Sanh thứ cho vị ấy là gì? Ðời sau vị ấy là gì?
- Này các Tỷ-kheo, Hiền trí là Bàhiya Dàruciriya đã hành trì tùy pháp, đúng pháp và không có phiền nhiễu Ta với những tranh luận về pháp. Này các Tỷ-kheo, Bàhiya Dàruciriya đã nhập Niết Bàn.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
10. Chỗ nào nước và đất,
Lửa, gió không chấp trước,
Tại đây sao không chói,
Mặt trời không chiếu sáng,
Tại đây trăng không chiếu,
Tại đây u ám không,
Khi ẩn sĩ Phạm chí,
Tự mình với trí tuệ,
Thể nhập vào Chánh pháp,
Vị ấy được giải thoát
Khỏi sắc và vô sắc,
Khỏi an lạc, đau khổ.
Lời cảm hứng này được Thế Tôn thuyết giảng và tôi được nghe như vậy.
(I) (Ud 10)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Uruvela, trên bờ sông Neranjarà, dưới gốc cây Mucalinda, khi Ngài mới chứng Chánh Ðẳng Giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn, trong bảy ngày ngồi một thế ngồi kiết-già, thọ hưởng lạc giải thoát. Lúc bấy giờ, một cơn giông tố lớn trái mùa khởi lên và trong bảy ngày, trời mưa gió lạnh, bầu trời u ám. Rồi thần rắn Mucalinda ra khỏi chỗ ở của mình, với thân cuốn vòng quanh bảy vòng thân của Thế Tôn, và đứng thẳng, vươn cao các mang lớn trên đầu (Thế Tôn) với ý nghĩ: "Mong Thế Tôn khỏi lạnh! Mong Thế Tôn khỏi nóng! Mong Thế Tôn khỏi xúc chạm với ruồi, muỗi, gió, sức nóng, các loài bò sát ".
Rồi Thế Tôn sau bảy ngày ấy, ra khỏi định ấy. Rồi Mucalinda, vua các loài rắn, sau khi biết trời đã sáng tỏ, mây đã được thoát đi, cởi mở thân mình khỏi thân Thế Tôn, biến dạng thân sắc của mình, hóa hiện thân sắc một thanh niên đứng trước mặt Thế Tôn, chắp tay đảnh lễ Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
1. Viễn ly là an lạc,
Với người biết tri túc,
Với người có nghe pháp,
Với người có chánh kiến
Không sân là an lạc,
Những ai ở trên đời,
Ðối hữu tình chúng sanh
Biết tự chế, ngăn ngừa.
Ly tham là an lạc,
Vượt các dục ở đời,
Ai nhiếp phục ngã mạn,
Ðây an lạc tối thượng.
(II) (Ud 10)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều vị Tỳ-kheo, sau bữa ăn, đi khất thực trở về, ngồi họp tại hội trườong, và câu chuyện này được khởi lên:
"Này chư Hiền, giữa hai vị vua này, vua Seniya Bimlisàra ở Magdha, và vua Pasenadi ở xứ Kosala, ai giàu có hơn, ai tài sản lớn hơn, ai kho tàng lớn hơn, ai quốc độ lớn hơn, ai xe cộ lớn hơn, ai sức mạnh lớn hơn, ai thần lực lớn hơn, ai uy lực lớn hơn? ". Rồi câu chuyện này giữa các Tỳ-kheo ấy chưa được chấm dứt.
Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến hội trường, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với các Tỳ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, ở đây, nay các Thầy ngồi hội họp với câu chuyện gì? Và câu chuyện gì giữa chừng chưa chấm dứt giữa các Thầy?
- Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con sau bữa ăn, đi khất thực trở về... câu chuyện này được khơi lên... ai uy lực lớn hơn " Câu chuyện này giữa chúng con, bạch Thế Tôn, chưa được chấm dứt thời Thế Tôn đã đến.
- Này các Tỷ-kheo, thật không thích đáng cho các Thầy, những thiện nam tử vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại nói câu chuyện như vậy. Này các Tỳ-kheo, khi các Thầy hội họp với nhau, có hai việc cần phải làm: Ðàm luận về Chánh pháp hay giữ sự im lặng của bậc Thánh.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
2. Dục lạc gì ở đời,
Kể cả thiên lạc này,
Không bằng phần mười sáu,
Lạc do ái đoạn diệt.
(III) (Ud 11)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi tại Jetavana khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ một số đông đứa trẻ đang hành hạ con rắn với cây gậy, giữa Sàvatthi và Jetavana. Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Thế Tôn thấy giữa Sàvatthi và Jetavana nhiều đứa trẻ đang hành hạ con rắn với cây gậy.
Thế Tôn sau khi hiểu hết ý nghĩa này, ngay lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Ai làm hại với trượng,
Kẻ tìm lạc cho mình,
Người ấy sau khi chết,
Không tìm được an lạc.
Ai không hại với trượng,
Kẻ tìm lạc cho mình,
Ðời sau tìm được lạc.
(IV) (Ud 13)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn được cung kính, tôn trọng đảnh lễ, cúng dường, tôn kính, nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Chúng Tăng cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ cúng dường, tôn kính, nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng các du sĩ ngoại đạo không được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính, không nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Các du sĩ ấy không kham nhẫn được việc ấy Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo được kính trọng. Khi nào gặp các Tỷ-kheo ở làng và ở trong rừng, họ dùng những lời nói không tốt lành, thô ác, mắng nhiếc, phỉ báng, công kích não hại các Tỷ-kheo. Rồi một số đông Tỷ-kheo, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỳ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn được cung kính, tôn trọng... dược phẩm trị bệnh. Chúng Tỷ-kheo cũng được cung kính tôn trọng... dược phẩm trị bệnh nhưng các du sĩ ngoại đạo không được tôn kính, tôn trọng... dược phẩm trị bệnh. Rồi bạch Thế Tôn, các ngoại đạo du sĩ ấy không kham nhẫn được sự việc Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo được kính trọng... não hại chúng.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này.
4. Giữa làng, tại núi rừng,
Cảm thọ khổ và lạc,
Chớ quy về tự mình,
Chớ quy về người khác,
Các xúc được cảm thọ,
Là do duyên sanh y,
Với vị không sanh y,
Do đâu, xúc cảm thọ.
(V) (Ud 13)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, một nam cư sĩ tên là Icchànanga-laka đi đến Sàvatthi vì một vài công việc phải làm. Nam cư sĩ ấy, sau khi làm công việc xong ở Sàvatthi, đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với nam cư sĩ ấy đang ngồi một bên:
- Ðã lâu rồi, này Nam cư sĩ, ông tạo nên cơ hội này, tức là đến đây!
- Bạch Thế Tôn, đã lâu rồi, con muốn yết kiến Thế Tôn. Nhưng con bị bận bịu lợi bởi những công việc phải làm này nên con không thể đi đến yết kiến Thế Tôn được.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
5. Ai lão luyện Chánh pháp,
Ðược nghe nhiều Chánh pháp,
Không xem bất cứ gì
Là an lạc của mình.
Hãy xem, não hại thay,
Những ai có sở hữu,
Khiến cho con người này,
Bị trói buộc người khác.
(VI) (Ud 13)
Như vậy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, thanh nữ trẻ Bà-la-môn, vợ của một du sĩ có thai sắp sinh. Vợ của du sĩ ấy nói với du sĩ:
- Này Bà-la-môn, hãy đi và đem dầu về. Tôi cần dùng khi sanh con!
Khi được nói vậy, du sĩ ngoại đạo nói với nữ du sĩ:
- Ở đâu, ta có thể đem dầu về cho nàng?
Lần thứ hai, nữ du sĩ nói với du sĩ:
- Này Bà-la-môn, hãy đi và đem dầu về. Tôi cần dùng khi sanh con!
Lần thứ hai du sĩ nói với nữ du sĩ:
- Ở đâu, ta có thể đem dầu về cho nàng?
Lần thứ ba, nữ du sĩ nói với du sĩ:
- Này Bà-la-môn, hãy đi và đem dầu về. Tôi cần dùng khi sanh con!
Lúc bấy giờ, tại một kho của vua Pasenadi nước Kosala, một Sa-môn hay Bà-la-môn có thể uống bơ hay dầu cho đến thỏa thích, nhưng không được mang đi. Người du sĩ ấy suy nghĩ: "Tại một kho của vua Pasenadi nước Kosala... không được mang đi. Vậy ta hãy đi đến nhà kho của vua Pasnadi nước Kosala, uống dầu cho đến thỏa thích, sau khi về đến nhà, mửa dầu ấy ra và ta cho nữ du sĩ dùng khi sanh con ". Rồi du sĩ ấy đi đến nhà kho của vua Pasenadi nước Kosala, uống dầu cho đến thỏa thích, sau khi về nhà không có thể mửa lên hay mửa xuống; có cảm thọ khổ đau, nhói đau, đau khốc liệt thống khổ, lăn lộn qua lại.
Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Thế Tôn thấy người du sĩ ấy cảm thọ khổ đau, nhói đau khốc liệt, thống khổ, lăn lộn qua lại. Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
6. An lạc thay là người
Không có gì sở hữu,
Người chánh tri hiểu biết,
Không có gì sở hữu.
Hãy xem não hại thay,
Những ai có sở hữu,
Khiến cho con người này,
Bị trói buộc người khác.
(VIII) (Ud 14)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthaphindika. Lúc bấy giờ, con trai độc nhất của một nam cư sĩ, khả ái, đáng yêu bị mệnh chung. Rồi nhiều nam cư sĩ, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các cư sĩ ấy đang ngồi một bên.
- Này các Cư sĩ, sao các Ông, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, lại đến đây, trong lúc quá sớm như vậy?
Khi được nói vậy, người cư sĩ ấy thưa với Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, người con trai độc nhất của con khả ái, khả ý đã mệnh chung. Do vậy chúng con với áo ướt đẫm, với tóc ướt đẫm đã đến đây trong lúc quá sớm!
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
7. Bị khả ái, dễ thương
Trói buộc và chi phối,
Rất nhiều chư Thiên chúng,
Và nhiều hạng con người
Ðau khổ và héo mòn,
Bị thần chết nhiếp phục.
Ngày đêm không phóng dật,
Từ bỏ dung sắc đẹp,
Vị ấy đào gốc khổ,
Mồi nhử của ác ma,
Thật khó vượt qua được.
(VIII) (Ud 15)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Kundiyàya, trong rừng Kunditthàna. Lúc bấy giờ, Suppavàsà, con gái của vua xứ Koliya có thai đến bảy năm và nay bị đau đẻ đến ngày thứ bảy. Dầu nàng cảm giác những cảm thọ khổ đau, nhức nhối, khốc liệt, thống khổ, nàng vẫn duy trì ba niệm: "Thế Tôn thật là bậc Chánh Ðẳng Giác, Ngài thuyết pháp để đoạn tận đau khổ này. Chúng đệ tử của bậc Thế Tôn ấy là khéo hành trì. Chúng hành trì để đoạn tận đau khổ này. Thật sự an lạc là Niết-bàn, tại đây khổ đau này không có mặt ". Rồi Suppavàsà, con vua Koliya gọi ngưòi chồng của mình:
- Này Phu quân, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đến nhân danh tôi, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh ít não, khinh an khỏe mạnh, lạc trú và thưa: "-Bạch Thế Tôn, Suppavàsà con gái vua Koliya cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh ít não, khinh an khỏe mạnh, lạc trú ". Rồi hãy nói như sau: "Bạch Thế Tôn, Suppavàsà, con gái vua Koliya, có thai đến bảy năm và nay bị đau đẻ đến ngày thứ bảy. Dầu nàng cảm giác những cảm thọ.... tại đấy khổ đau này không có mặt! "
- Thật là tốt lành.
Koliyaputta đáp lại Suppavàsà, con gái vua Koliya, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Koliyaputta bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Suppavàsà, con vua Koliya, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn,.... lạc trú.... tại đấy khổ đau này không có mặt.
- Mong rằng Suppavàsà, con gái vua Koliya được an lạc, không bệnh, sanh đứa con không có bệnh hoạn. Với lời nói này của Thế Tôn, Suppavàsà, con gái Koliya, được an lạc không bệnh, đẻ đứa con trai không bệnh.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Koliyaputta hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi trở về nhà của mình. Koliyaputta thấy Suppavàsà, con gái vua Koliya, được an lạc, không bệnh, sanh đứa con trai không bệnh, thấy vậy liền suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay, thần lực và đại uy lực của Thế Tôn, khiến cho Suppavàsà con gái vua Koliya này, với lời nói của Thế Tôn được an lạc, không bệnh, sanh con trai không bệnh!". Nghĩ vậy, Koliyaputta hoan hỷ, thích thú, tâm sanh hỷ lạc. Rồi Suppavàsà, con gái vua Koliya, bảo người chồng mình:
- Hãy đi, này Phu quân, hãy đi đến Thế Tôn, sau khi đếnc nhân danh tôi, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và thưa: " - Bạch Thế Tôn, Suppavàsà, con vua Koliya, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, có thai đến bảy năm và nay bị đau đẻ đến ngày thú bảy. Nàng được an lạc, không bệnh và sanh đứa con trai không bệnh. Nay nàng muốn mời chúng Tỳ-kheo dùng cơm trong bảy ngày. Mong Thế Tôn hãy nhận lời thọ bảy bữa cơm của Suppavàsà với chúng Tỷ-kheo".
- Thật là tốt lành.
Koliyaputta đáp lại Suppavàsà, con gái vua Koliya, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Koliyaputta bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Suppavàsà, con gái vua Koliya, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và nói như sau: Suppavàsà, có thai đến bảy năm... đau đẻ đến ngày thứ bảy. Nay nàng được an lạc, không bệnh và sanh đứa con trai không bệnh. Nay nàng muốn mời chúng Tỳ-kheo... với chúng Tỷ-kheo!
Lúc bấy giờ một nam cư sĩ khác đã mời chúng Tỷ-kheo với Thế Tôn là vị cầm đầu, ngày mai dùng cơm người cư sĩ ấy là người hộ trì cho Tôn giả Moggallàna. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Mahà Mogallàna:
- Này Moggallàna, hãy đến người cư sĩ, sau khi đến, nói với người cư sĩ ấy như sau: "Này Hiền giả, Suppavàsà con của vua Koliya.. có thai đến bảy năm... đến ngày thứ bảy. Nay nàng được an lạc.. Nay nàng muốn mời chúng Tỷ-kheo... với chúng Tỷ-kheo. Hãy để cho Suppavàsà tổ chức bảy ngày cơm trước. Sau sẽ đến lượt người hộ trì cho người".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!.
Tôn giả Mahà Moggallàna vâng đáp Thế Tôn rồi đi đến người cư sĩ ấy, sau khi đến nói với người cư sĩ:
- Này Hiền giả Suppavàsà... Hãy để cho Suppavàsà con của Koliya tổ chức bảy ngày cơm trước, sau sẽ đến phiên Ông.
- Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả bảo đảm cho con ba pháp về tài sản, về thọ mạng, về lòng tin, hãy để cho Suppavàsà, con gái của vua Koliya, tổ chức trước, rồi sau đến phiên con.
- Này Hiền giả, về hai pháp ta sẽ bảo đảm cho ông, về tài sản và về thọ mạng. Còn về lòng tin, thời ông phải tự bảo đảm!.
- Thưa Tôn giả, nếu Tôn giả bảo đảm cho con hai pháp, về tài sản và về thọ mạng, hãy để cho Suppavàsà, con gái vua Koliya, tổ chức bảy ngày con trước. Rồi sẽ đến phiên con.
Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna, sau khi thuyết phục được người cư sĩ ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, cư sĩ ấy đã được con thuyết phục. Hãy để cho Suppavàsà, con gái vua Koliya, tổ chức bảy ngày cơm trước, sau sẽ đến phiên người cư sĩ ấy.
Rồi Suppavàsà, con gái vua Koliya, trong bảy ngày mời chúng Tỷ-kheo với Thế Tôn là bậc dẫn đầu, tự tay mời và làm cho thỏa mãn với những món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm và khiến cho đứa trẻ đảnh lễ Thế Tôn và toàn thể chúng Tỷ-kheo. Rồi Tôn giả Sàriputta nói với đứa trẻ:
- Này Con, Con có kham nhẫn được không? Con có nuôi sống được không? Con có đau khổ gì không?
- Thưa Tôn giả, từ đâu con có thể kham nhẫn? Từ đâu con có thể nuôi sống? Từ đâu con không có đau khổ? Con đã sống bảy năm trong các ghè đầy máu!
Rồi Suppavàsà, con gái vua Koliya, nghĩ rằng: "Con ta đang nói chuyện với vị tướng quân về Pháp, hoan hỷ, tín thọ, với tâm hỷ lạc."
Rồi Thế Tôn nói với Suppavàsà, con gái vua Koliya:
- Này Suppavàsà. Con có muốn một người con trai khác như vậy không?
- Bạch Thế Tôn, con muốn có bảy người con trai như vậy!
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này,ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
8. Không vui, giả dạng vui,
Không ái, giả dạng ái,
Khổ đau, giả dạng lạc,
Nhiếp phục kẻ phóng dật.
(IX) (Ud 18)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Ðông Viên, ngôi lầu của mẹ Migàra.
Mẹ Migàra có công việc liên hệ đến vua Pasenadi nước Kosala và vua Pasenadi nước Kosala chưa có quyết định về việc ấy. Rồi Visàkhà, mẹ của Migàra, vào buổi sáng sớm đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn nói với Visàkhà, mẹ của Migàra, đang ngồi một bên:
- Này Visàkhà, Bà từ đâu đi đến sớm như vậy?
- Bạch Thế Tôn con có công việc liên hệ đến vua Pasenadi nước Kosala... về việc ấy.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
9. Mọi tùng thuộc là khổ,
Mọi chủ quyền là lạc,
Chung dùng làm não hại,
Trói buộc khó vượt qua.
(X) (Ud 18)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Anupiya tại rừng xoài. Lúc bấy giờ, Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha, đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, và thường hay nói lên lời cảm hứng: "Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! " Một số đông Tỳ-kheo nghe Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, thường nói lên lời cảm hứng: "Ôi, an lạc thay! Ôi an lạc thay! ". Nghe vậy, các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: "Không gì nghi ngờ chư Hiền, Tôn giả Bhaddiya con của Kàlighodha sống Phạm hạnh không có hoan hỷ, vì trước khi còn ở gia đình được hưởng an lạc nhà vua, vì Tôn giả nhớ đến an lạc ấy, nên khi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây... thường nói lên lời cảm hứng: "Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! " Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Bhaddiya con của Kàligodha khi đi đến rừng... nói lên lời cảm hứng: "Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! "... không có nghi ngờ gì nữa.. sống Phạm hạnh không có hoan hỷ... "Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! ".
Rồi Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:
- Này Tỳ-kheo, hãy đi và nhân danh Ta nói với Bhaddiya, con của Kàligodha: "Thưa hiền giả, bậc Ðạo sư gọi Hiền giả! ".
- Thưa vâng bạch Thế Tôn.
Vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha:
- Thưa Hiền giả, bậc Ðạo sư gọi Hiền giả.
- Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha, vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Bhaddiya, con của Kàligodha, đang ngồi một bên:
- Có thật chăng, này Bhaddiya, Thầy đi đến khu rừng "... Ôi, an lạc thay! Ôi, an lạc thay! "?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Do thấy mục đích gì đi đến khu rừng "... an lạc? ".
- Bạch Thế Tôn, thuở trước khi còn ở trong gia đình, được hưởng an lạc nhà vua, trong nội cung có đặt người khéo bảo vệ, ngoại nội cung có đặt người khéo bảo vệ; trong thành nội có đặt người khéo bảo vệ, ngoài thành có đặt người khéo bảo vệ. Trong nước cũng có đặt người khéo bảo vệ, ngoài nước cũng có đặt người khéo bảo vệ. Bạch Thế Tôn, con được bảo vệ phòng giữ như vậy, nhưng con vẫn sống sợ hãi, hồi hộp, run sợ, hoảng sợ. Nhưng nay con đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, đi đến ngôi nhà trống, con sống một mình, con sống không sợ hãi, không hồi hộp, không run sợ, không hoảng sợ, không rộn ràng, không hốt hoảng, lắng dịu, nhẹ nhàng, tâm như con thú rừng. Bạch Thế Tôn, do thấy mục đích như vậy, nên con khi đi đến khu rừng... con nói lên lời cảm hứng "... an lạc thay! ".
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
10. Với ai, trong nội tâm,
Không có lòng phẫn nộ,
Vượt qua hữu, phi hữu,
Vị ấy thoát sợ hãi,
An lạc, không sầu muộn,
Chư Thiên không thấy được.
(I) (Ud 21)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana trong khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo ngồi không xa Thế Tôn, ngồi kiết già, lưng thẳng, chịu đựng sự đau đớn, kết quả của nghiệp về trước, nhói đau, cực khổ, thống khổ, chánh niệm, tỉnh giác, không có sầu não.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
1. Tỷ-kheo bỏ mọi nghiệp,
Tẩy sạch bụi làm trước,
An trú, không ngã sở,
Không cần nói với người.
(II) (Ud 21)
Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàhapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Nanda, em của Thế Tôn, con của người dì, nói như sau với nhiều Tỷ-kheo: "Này các Hiền giả, tôi sống Phạm hạnh không có hoan hỷ, tôi không chịu nổi đời sống Phạm hạnh; sau khi bỏ học tập, tôi sẽ hoàn tục!" Một Tỷ-kheo khác đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Nanda, em của Thế Tôn, con của người dì, nói như sau: "... Tôi sẽ hoàn tục ". Rồi Thế Tôn bảo một Tỷ-kheo:
- Này Tỷ-kheo, hãy đi và nhân danh Ta bảo Tỷ-kheo Nanda: "Hiền giả Nanda, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả ".
- Thưa vâng, Bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, đi đến Tôn giả Nanda, sau khi đến nói với Tôn giả Nanda:
- Hiền giả Nanda, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả!
- Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Nanda vâng đáp vị Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn; sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Nanda đang ngồi một bên:
- Có thật chăng này Nanda, Thầy nói như sau với nhiều Tỷ-kheo: "Này các Hiền giả tôi sống Phạm hạnh không có hoan hỷ... tôi sẽ hoàn tục!".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Nhưng này, không hoan hỷ cái gì, Thầy sống Phạm hạnh, khiến Thầy không chịu nổi sống Phạm hạnh, từ bỏ học tập, Thầy sẽ hoàn tục?
- Bạch Thế Tôn, khi con từ bỏ gia đình, một Thích ca nữ cô gái đẹp trong nước, với tóc chải mới nửa phần, ngó nhìn con và nói: "Quý tử hãy về gấp!" Bạch Thế Tôn, vì con không thể quên nàng, nên con sống Phạm hạnh không có hoan hỷ, con không có thể chịu nổi đời sống Phạm hạnh, sau khi từ bỏ học tập, con sẽ hoàn tục".
Rồi Thế Tôn cầm tay Tôn giả Nanda như người lực sĩ duỗi bàn tay dang co lại, hay co lại bàn tay đang duỗi ra, biến mất ở Jetavana, và hiện ra tại cõi trời Ba mươi ba. Lúc bấy giờ, khoảng năm trăm Thiên nữ đi đến để hầu hạ Thiên chủ Sakka, và họ được gọi là "có chân như chim bồ câu". Lúc bấy giờ Thế Tôn bảo Tôn giả Nanda:
- Này Nanda, Thầy có thấy năm trăm Thiên nữ này, có chân như chim bồ câu không?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Này Nanda, Thầy nghĩ thế nào? Ai đẹp đẽ hơn, hay ai đáng ưa nhìn hơn, hay ai khả ái hơn, Thích ca nữ cô gái đẹp trong nước hay năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu này? ".
- Bạch Thế Tôn, ví như một con khỉ cái bị thương, tai mũi bị chặt đứt; cũng vậy là Thích ca nữ cô gái đẹp trong nước, nếu đem so sánh với năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu này, không thể ước lường so sánh, không bằng một phần nhỏ, không thể so sánh với chúng. Năm trăm Thiên nữ này đẹp hơn, dáng ưa nhìn hơn, khả ái hơn.
- Hãy hoan hỷ, này Nanda! Hãy hoan hỷ, này Nanda! Ta đền cho Thầy năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu ấy!
- Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đền cho con năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu, thời bạch Thế Tôn, con sẽ sống hoan hỷ trong đời sống Phạm hạnh.
Rồi Thế Tôn cầm cánh tay của Tôn giả Nanda, như người lực sĩ... đang duỗi ra, như vậy biến mất ở chư Thiên cõi trời Ba mươi ba, hiện ra ở Jetavana.
Các Tỷ-kheo được nghe: "Tôn giả Nanda, em Thế Tôn, con của bà dì sống Phạm hạnh vì mục đích Thiên nữ. Họ nói Thế Tôn có hứa đền cho năm trăm Thiên nữ với chân như chân chim bồ câu". Rồi các Tỷ-kheo bạn của Tôn giả Nanda, gọi Tôn giả Nanda là người làm thuê, là người buôn bán: "Tôn giả Nanda là người làm thuê, Tôn giả Nanda là người buôn bán. Vì mục đích Thiên nữ, Tôn giả Nanda sống Phạm hạnh. Thế Tôn có hứa đền cho năm trăm Thiên nữ có chân như chim bồ câu!" Rồi Tôn giả Nanda, bị bực phiền, tủi nhục, chán ngấy, bởi bị gọi là người làm thuê, là người buôn bán, sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, tự tin, không bao lâu, do mục đích mà thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình... vô thượng cứu cánh Phạm hạnh ấy, ngay trong hiện tại vị ấy tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú. Vị ấy rõ biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không trở lui trạng thái này nữa". Tôn giả Nanda đã trở thành một vị A-la-hán.
Rồi một thiên nhân, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên nhân ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Tôn giả Nanda con trai của bà dì, do đoạn trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng tri chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát.
Trí khởi lên nơi Thế Tôn: "Nanda, do đoạn trừ các lậu hoặc... vô lậu tâm giải thoát". Rồi Tôn giả Nanda, sau khi đêm ấy đã mãn, đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên Tôn giả Nanda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn có hứa đền cho con năm trăm Thiên nữ với chân như chim bồ câu. Bạch Thế Tôn, con xin giải tỏa cho Thế Tôn lời hứa đền ấy.
- Này Nanda, với tâm cuả Ta, Ta rõ biết tâm của Thầy: "Do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại... tuệ giải thoát". Lại nữa một Thiên nhân có báo cho Ta tin ấy: "Bạch Thế Tôn, Tôn giả Nanda... tuệ giải thoát". Vì rằng, này Nanda, tâm của Thầy được giải thoát khỏi các lậu hoặc không còn chấp thủ, nên Ta được giải thoát khỏi lời hứa này.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, chính trong lúc ấy, nó lên lời cảm hứng này:
2. Ai vượt khỏi bùn này,
Ðè bẹp gai của dục,
Ðạt được si đoạn diệt,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Không cảm thọ khổ lạc!
(III) (Ud 24)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, khoảng năm trăm Tỷ-kheo do Yasoja dẫn đầu, đã đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Các Tỷ-kheo mới đến ấy, trong khi chào thăm các Tỷ-kheo sở tại, sắp đặt sàng tọa, sửa soạn y bát, gây tiếng ồn ào to lớn. Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, tiếng ồn ào to lớn này là gì, như các người đánh cá cướp giật cá?
- Bạch Thế Tôn, có năm trăm Tỷ-kheo này, dẫn đầu là Yasoja, đã đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Các Tỷ-kheo mới đến ấy... gây nên tiếng ồn ào to lớn.
- Này Ananda, hãy nhân danh Ta nói với các Tỷ-kheo ấy: "Bậc Ðạo Sư gọi các Tôn giả ".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, đi đến các Tỷ-kheo ấy, sau khi đến nói với các Tỷ-kheo ấy:
- Bậc Ðạo Sư gọi các Tôn giả!
- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo ấy đang ngồi một bên:
- Này các Tỷ-kheo, tiếng ồn ào to lớn này là gì, như các người đánh cá cướp giựt cá?
Tôn giả Yasoja bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, có năm trăm Tỷ-kheo này đã đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Các Tỳ-kheo mới đến này... gây nên tiếng ồn ào to lớn.
- Này các Tỷ-kheo, hãy đi đi! Ta đuổi các Thầy, các Thầy không xứng đáng được sống gần Ta!
- Thưa vâng! Bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân hữu hướng về Ngài, dọn dẹp, sàng tọa, cầm lấy y bát, đi đến dân chúng Vajjì, tiếp tục bộ hành giữa dân chúng Vajjì rồi đi đến con sông Vaggamudà; sau khi đến, dựng lên chòi lá trên sông Vaggamudà, an cư mùa mưa tại chỗ ấy. Rồi Tôn giả Yasoja, sửa soạn an cư bảo các Tỳ-kheo:
- Thưa các Hiền giả, Thế Tôn đuổi chúng ta, vì lợi ích, vì hạnh phúc cho chúng ta, vì khởi lên lòng từ mẫn đối với chúng ta. Này chư Hiền, chúng ta hãy sống cho thật đúng pháp, chúng ta sống như thế nào để Thế Tôn có thể hoan hỷ!
- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo vâng đáp Tôn giả Yasoja. Rồi các Tỷ-kheo ấy sống viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, và trong thời gian an cư, tất cả đều giác ngộ ba minh.
Rồi Thế Tôn, sau khi ở tại Sàvatthi cho đến khi vừa ý, liền bộ hành đi đến Vesàli, tiếp tục bộ hành đến Vesàli. Tại đấy, Thế Tôn trú ở Ðại Lâm, tại ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn với tâm cuả mình tác ý đến tâm các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà, gọi Tôn giả Ananda: "Như có hào quang, này Ananda, là phương này, như có ánh sáng, này Ananda, là phương này. Tại phương ấy, các Tỷ-kheo đang sống trên bờ sông Vagumudà. Thật là không nhàm chán cho Ta nếu được đi và tác ý đến phương ấy. Này Ananda, hãy gửi một sứ giả đến các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà và nói: "Bậc Ðạo sư cho gọi các Tôn giả! Bậc Ðạo sư muốn gặp các Tôn giả!".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, đi đến một Tỷ-kheo, sau khi đến, nói với Tỷ-kheo ấy:
- Hãy đi, này Hiền giả, hãy đi đến các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà; sau khi đến, nói với các Tỷ-kheo ấy như sau: "Bậc Ðạo sư cho gọi các Tôn giả!".
- Thưa vâng, Hiền giả.
Vị Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Ananda, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại hay co lại cánh tay đang duỗi ra, cũng vậy vị ấy biến mất ở ngôi nhà có nóc nhọn tại Ðại Lâm, và hiện ra trước mắt các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà. Rồi Tỷ-kheo ấy nói với các Tỷ-kheo ở trên bờ sông Vaggumudà:
- Bậc Ðạo Sư gọi các Tôn giả! Bậc Ðạo sư muốn gặp các Tôn giả.
- Thưa vâng, Hiền giả.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp vị Tỷ-kheo ấy, sau khi dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát, ví như một nhà lực sĩ... co lại bàn tay đang duỗi ra, cũng vậy các Tỳ-kheo ấy biến mất ở trên bờ sông Vaggumudà, và hiện ra ở Ðại Lâm, tại nhà có nóc nhọn, trước mặt Thế Tôn. Lúc bấy giờ Thế Tôn đang ngồi trong thiền định bất động. Các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: "Nay Thế Tôn đang an trú trong loại an trú nào?". Rồi các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: "Thế Tôn nay đang an trú trong loại an trú bất động".
Và tất cả các Tỷ-kheo ấy ngồi xuống trong định bất động.
Tôn giả Ananda khi đêm đã gần mãn, canh một đã gần qua, từ chỗ ngôi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:
- Ðêm đã gần tàn, canh một đã gần qua. Các Tỷ-kheo mới đến ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy chào đón các Tỷ-kheo mới đến.
Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ hai, Tôn giả Ananda, sau khi đêm đã gần mãn, canh giữa đã gần qua, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn và Bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn. Canh giữa đã gần qua. Các Tỷ-kheo mới đến ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy chào đón các Tỷ-kheo mới đến.
Lần thứ hai, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ ba, Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, canh cuối đã gần qua, rạng đông đã ló dạng, đêm đã có bộ mặt hoan hỷ, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên, chắp tay hướng về Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh cuối đã gần qua, rạng đông đã ló dạng, đêm đã có bộ mặt hoan hỷ, các Tỷ-kheo mới đến ngồi đã lâu... Thế Tôn hãy chào đón các Tỷ-kheo mới đến!
Rồi Thế Tôn xuất khỏi định ấy bảo Tôn giả Ananda:
- Nếu Thầy có hiểu biết, này Ananda, Thầy sẽ không nói như vậy. Này Ananda, Ta và năm trăm Tỷ-kheo này tất cả đang nhập định bất động.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Ai đã thắng gai dục,
Nắng, gia hại, trói buộc,
Vị ấy đứng bất động,
Như núi vững an trú,
Vị Tỷ-kheo như vầy,
Lạc khổ không dao động.
(IV) (Ud 27)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, đặt niệm trước mặt. Thế Tôn thấy Tôn giả Sàriputta ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, đặt niệm trước mặt, rồi sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
4. Như ngọn núi bằng đá,
Không động, khéo an trú,
Cũng vậy vị Tỳ-kheo,
Ðoạn diệt được ngu si,
Như ngọn núi bằng đá,
Không có bị dao động.
(V) (Ud 27)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Maha Moggallàna ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, nội tâm khéo an trú thân hành niệm. Thế Tôn thấy Tôn giả Maha Moggallàna ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết-già lưng thẳng nội tâm khéo an trú thân hành niệm.
Rồi Thế Tôn, sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
5. Thân hành niệm an lập,
Sáu xúc xứ chế ngự,
Tỷ-kheo thường thiền định,
Tự chứng tri Niết Bàn.
(VI) (Ud 28)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, Tôn giả Pilindavaccha, thường hay gọi Tỳ-kheo với danh từ bần tiện. Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Tôn giả Pilindavaccha thường hay gọi các Tỷ-kheo với danh từ bần tiện.
Rồi Thế Tôn bảo một Tỷ-kheo:
- Hãy đi, này Tỷ-kheo, và nhân danh Ta, bảo Tỷ-kheo Pilindavaccha: "Này Hiền giả, bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả! ".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn đi đến Tôn giả Pilindavaccha, sau khi đến nói với Pilindavaccha:
- Bậc Ðạo Sư gọi Hiền giả!
- Thưa vâng, Hiền giả.
Tôn giả Pilindavaccha vâng đáp Tỷ-kheo ấy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Tôn giả Pilindavaccha đang ngồi một bên:
- Có thật chăng, này Vaccha. Thầy thường gọi các Tỷ-kheo với danh từ bần tiện?
- Thưa có, bạch Thế Tôn.
Rồi Thế Tôn sau khi tác ý đến đời sống trước của Pilindavaccha, liền bảo các Tỷ-kheo:
- Này, các Tỷ-kheo, chớ có bực phiền với Tỷ-kheo Pilindavaccha. Này các Tỷ-kheo, không phải vì trong lòng có sân hận mà Vaccha thường gọi các Tỷ-kheo với danh từ bần tiện. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo Vaccha trong năm trăm năm nối tiếp nhau đã sanh trong gia đình Bà-la-môn. Danh từ bần tiện đã lâu ngay được chứa chấp trong vị ấy. Do vậy, Vaccha thường gọi Tỷ-kheo với danh từ bần tiện.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng này:
6. Trong ai không man trá,
Không mạn, tham đoạn tận,
Không ngã sở, không dục,
Phẫn nộ được trừ diệt,
Tự ngã thành mát lạnh
Vị ấy là Phạm chí,
Là Sa môn Tỷ-kheo.
(VII) (Ud 29)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn giả Mahakassapa, trú ở hang Pipphali, ngồi một thế ngồi kiết-già trong bảy ngày, sau khi nhập vào một loại thiền định. Rồi Tôn giả Mahakassapa, sau bảy ngày, xuất khỏi định ấy, Tôn giả Mahakassapa, sau khi xuất khỏi định ấy, suy nghĩ như sau: "Ta hãy đi vào Ràjagaha để khất thực! ". Lúc bấy giờ năm trăm chư Thiên đang cố gắng lo cho Tôn giả Mahakassapa được đồ ăn khất thực. Rồi Tôn giả Mahakassapa sau khi khước từ năm trăm Thiên nhân ấy, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Ràjagaha để khất thực.
Lúc bấy giờ, Thiên chủ Sakka muốn cúng dường đồ ăn khất thực cho Tôn giả Mahakassapa, hóa thân làm người thợ dệt đang dệt chỉ Sujàta, thiếu nữ Asura đang làm cho đầy cái thoi. Rồi Tôn giả Mahakassapa, sau khi đi từng nhà khất thực ở Ràjagaha, đi đến trú xứ của Thiên chủ Sakka. Thiên chủ Sakka thấy Tôn giả Mahakassapa từ xa đi đến, sau khi thấy, liền ra khỏi nhà, tiếp đón, lấy bát từ nơi tay cầm đem vào nhà, bới cơm từ nơi nồi, đựng đầy bát và đưa lại cho Tôn giả Mahakassapa. Ðồ ăn khất thực ấy gồm có nhiều loại canh, nhiều loại món ăn, nhiều loại gia vị, món ăn trộn lẫn với nhau.
Rồi Tôn giả Mahakassapa suy nghĩ: "Ai là chúng sanh này, lại có thần lực uy lực như vậy? ". Rồi Tôn giả Mahakassapa suy nghĩ: "Chính là Thiên chủ Sakka", sau khi biết vậy, nói với Thiên chủ Sakka:
- "Này Kosiya, chính Ông đã làm sự việc này. Chớ làm như vậy nữa!".
- Thưa Tôn giả Kassapa, mục đích của chúng tôi là được phước. Ðiều chúng tôi cần làm là được phước.
Rồi Thiên chủ Sakka, sau khi đảnh lễ Tôn giả Mahakassaspa, thân phía hữu hướng về Ngài, bay lên trên hư không, và ở giữa hư không nói lên ba lần cảm hứng: "Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kassapa! Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kasapa! ".
Thế Tôn với Thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân nghe giữa hư không Thiên chủ Sakka nói lên ba lần lời cảm hứng: "Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kassapa! Ôi, bố thí tối thượng là bố thí khéo an trú vào Kassapa!.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
7. Vị Tỷ-kheo khất thực,
Tự sống không nhờ người,
Chư Thiên thương vị ấy,
Thường an tịnh chánh niệm.
(VIII) (Ud 30)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, ngồi hội họp tại rạp tròn có cây kareri và câu chuyện sau đây được khởi lên: "Tỷ-kheo đi khất thực, thưa các Hiền giả, thỉnh thoảng mắt được thấy sắc khả ái, thỉnh thoảng tai được nghe tiếng khả ái, thỉnh thoảng mũi được ngửi hương khả ái, thỉnh thoảng lưỡi được nếm khả ái, thỉnh thoảng thân được cảm giác xúc khả ái.
Thưa các Hiền giả, Tỷ-kheo khất thực được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính khi đi khất thực. Vậy này chư Hiền, chúng ta hãy là ngưòi đi khất thực, thỉnh thoảng, mắt chúng ta được thấy sắc khả ái, thỉnh thoảng tai chúng ta được nghe tiếng khả ái, thỉnh thoảng mũi chúng ta được ngửi hương khả ái, thỉnh thoảng lưỡi chúng ta được nếm vị khả ái, thỉnh thoảng thân chúng ta được cảm giác xúc khả ái. Chúng ta cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính khi chúng ta sẽ đi khất thực".
Câu chuyện này giữa các Tỷ-kheo ấy chưa được nói xong, thì Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền định đứng dậy, đi đến rạp tròn có cây kareri, sau khi đến ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, này các Thày ngồi ở đây nói câu chuyện gì? Và câu chuyện gì giữa các Thầy chưa được nói xong?
- Ở đây, bạch Thế Tôn, chúng con sau bữa ăn, sau khi đi khất thực trở về, chúng con ngồi hội họp tại rạp tròn có cây kareri, và câu chuyện sau đây được khởi lên giữa chúng con: "Tỷ-kheo đi khất thực, thưa các Hiền giả, thỉnh thoảng mắt được thấy sắc khả ái... chúng ta cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn kính, khi chúng ta sẽ đi khất thực ". Bạch Thế Tôn đây là câu chuyện giữa chúng con chưa được nói xong thì Thế Tôn đến.
- Này các Tỳ-kheo, chuyện này thật không xứng đáng cho các Thầy, là những thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, khi các Thầy nói lên câu chuyện như vậy. Khi các Thầy ngồi hội họp với nhau, này các Tỷ-kheo, có hai công việc cần phải làm: Nói pháp hay giữ im lặng của bậc Thánh!.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
8. Vị Tỷ-kheo khất thực,
Tự sống không nhờ người,
Chư Thiên thương vị ấy,
Nhưng nếu Tỷ-kheo ấy,
Y tựa vào danh vọng,
Chư Thiên không có thương.
(IX) (Ud 31)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ nhiều Tỷ-kheo... (như kinh trên)... câu chuyện này khởi lên: "Này chư Hiền, ai biết nghề gì? Ai học tập nghề gì? Nghề gì là tối thượng? "
Ở đây, một số người nói như sau: "Huấn luyện voi là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Huấn luyện ngựa là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Làm xe là nghề tối thượng." Một số người nói như sau: "Nghề bắn cung là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề đao kiếm là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề ấn hiệu là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề tính toán là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề ước lượng là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề viết bài là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề làm thơ là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề phỏng đoán các nguyên nhân tự nhiên là nghề tối thượng". Một số người nói như sau: "Nghề điều khiển bộ máy quốc gia là nghề tối thượng". Ðây là câu chuyện xảy ra giữa chúng con chưa được nói xong.
Rồi Thế Tôn vào buổi chiều... (Xem III,8...) chưa được nói xong... "Ở đây, bạch Thế Tôn... khởi lên: "Này hiền giả ai biết nghề gì... nghề điều khiển bộ máy quốc gia là nghề tối thượng ". Bạch Thế Tôn đây là câu chuyện xảy ra giữa chúng con chưa được nói xong, thì Thế Tôn đã đến".
- Này các Tỷ-kheo, chuyện này thật không xứng đáng cho các Thầy... khi các Thầy ngồi hội họp với nhau, có hai công việc cần phải làm: Nói pháp hay giữ im lặng của bậc Thánh.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
9. Ai sống không nghề nghiệp,
Nhẹ nhàng, muốn lợi ích,
Các căn được chế ngự,
Toàn diện được giải thoát,
Không nhà, không ngã sở,
Không dục, giết ác ma,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Sống cô độc một mình.
(X) (Ud 32)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Uruvelà, trên bờ sông Neranjara, dưới gốc cây Bồ-đề, khi mới thành Chánh giác. Lúc bấy giờ Thế Tôn trong bảy ngày ngồi một thế ngồi kiết già, hưởng thọ giải thoát lạc. Rồi Thế Tôn, sau bảy ngày ấy, từ định ấy xuất khởi, nhìn đời với Phật nhãn, thấy các chúng sanh bị thiêu đốt với nhiều loại thiêu đốt, bị nhiệt não bởi nhiều loại nhiệt não, bởi tham, bởi sân, bởi si.
Rồi Thế Tôn, sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
10. Ðời này bị thiêu đốt,
Chi phần bởi cảm xúc,
Tự mình nói rõ lên,
Chứng bệnh của chính mình,
Bởi vì nó nghĩ đến,
Do đó bị đổi khác,
Bị đổi khác vi hữu,
Bị lệ thuộc vì hữu,
Ðời này hữu chi phối,
Lại hoan hỷ với hữu,
Khi nào có hoan hỷ,
Ở đấy có sợ hãi,
Với ai có sợ hãi,
Ðấy tức là đau khổ,
Chính do đoạn diệt hữu,
Phạm hạnh này được sống.
Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào đã tuyên bố rằng sự giải thoát khỏi hữu là do hữu. Ta nói rằng tất cả những vị ấy không giải thoát khỏi hữu.
Những Sa môn hay những Bà-la-môn nào đã tuyên bố rằng sự xuất ly khỏi hữu là do phi hữu, tất cả những vị ấy, Ta tuyên bố rằng chúng không nương tựa nơi hữu.
Do duyên sanh y, khổ này được sanh khởi. Chính do đoạn diệt tất cả sanh y, khổ không có hiện hữu.
11. Hãy xem đời rộng này,
Bị vô minh chi phối,
Các sanh loại được sanh,
Ưa thích được sanh khởi,
Không thoát được sanh hữu.
Với ai đốt sanh hữu,
Tất cả mọi thời, xứ,
Tất cả sanh hữu này,
Vô thường khổ biến hoại,
Như vậy, thấy như thật,
Với chơn chánh trí tuệ,
Hữu ái được đoạn tận,
Phi hữu ái hoan hỷ
Ðoạn diệt ái hoàn toàn,
Ly tham, diệt, hoàn toàn,
Như vậy là Niết Bàn,
Tỷ-kheo ấy mát lạnh,
Không chấp thủ tái sanh,
Nhiếp phục được ma vương,
Trận chiến đã chiến thắng,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Vượt qua mọi sanh hữu.
(I) (Ud 34)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Càlikà, tại núi Càlikà Lúc bấy giờ Tôn giả Meghiya là người thị giả Thế Tôn. Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, con muốn vào làng Jantu để khất thực.
- Này Meghiya, hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời.
Rồi Tôn giả Meghiya, vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào làng Jantu để khất thực. Khất thực ở làng Jantu xong, sau buổi ăn, khi khất thực trở về, đi đến bờ sông Kimikàkà, sau khi đến, bộ hành qua lại trên bờ sông Kimikàlà, thấy rừng xoài tươi đẹp, khả ái, thấy vậy Tôn giả Meghiya suy nghĩ: "Thật tươi đẹp thay, khả ái thay rừng xoài này. Rừng xoài này thật là vừa đủ để một thiện nam tử tinh cần, hành trì hạnh tinh cần. Nếu Thế Tôn cho phép ta, ta sẽ đến rừng xoài này để tinh cần hành trì". Rồi Tôn giả Meghiya đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, ngồi xuống một bên, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào làng Jantu để khất thực. Khất thực ở Jantu xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, con đi đến bờ sông Kimikàlà, sau khi đến, con bộ hành qua lại trên bờ sông Kimikàlà, con thấy rừng xoài tươi đẹp, khả ái, thấy vậy, con suy nghĩ: "Thật tươi đẹp thay, khả ái thay là rừng xoài này. Rừng xoài này thật là vừa đủ để một thiện nam tử tinh cần, hành trì hạnh tinh cần". Nếu Thế Tôn cho phép con, con sẽ đi đến rừng xoài ấy để tinh cần hành trì.
Ðược nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Meghiya:
- Hãy chờ đợi, này Meghiya. Chúng ta nay chỉ có một mình, chờ cho đến khi một Tỳ-kheo khác đến!.
Lần thứ hai, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn, không có gì cần phải làm thêm nữa, không có gì cộng thêm vào việc đã làm. Nhưng đối với con, bạch Thế Tôn, có việc cần phải làm thêm nữa, có việc cộng thêm vào việc đã làm. Bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn cho phép con, con sẽ đi đến rừng xoài này để tinh cần tu hành.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Tôn giả Meghiya:
- Hãy chờ đợi này Meghiya! Chúng ta nay chỉ có một mình, chờ cho đến khi một Tỷ-kheo khác đến.
Lần thưa ba, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đối với Thế Tôn không có gì cần phải làm thêm nữa, không có gì cộng thêm vào việc đã làm... con sẽ đi đế rừng xoài này để tinh cần tu hành.
- Này Meghiya, khi Thầy nói tinh cần, thời Ta có thể nói gì được! Này Meghiya, nay Thầy hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời!.
Rồi Tôn giả Meghiya từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài đi đến rừng xoài ấy, sau khi đến, đi sâu vào rừng xoài và ngồi trú ban ngày dưới một gốc cây. Trong khi Tôn giả Meghiya trú trong rừng xoài ấy, phần lớn ba tâm ác, không thiện hiện hành, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm.
Rồi Tôn giả Meghiya suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay, thật hi hữu thay! Ta vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, lại bị ba tâm ác, không thiện này xâm nhập, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm". Rồi Tôn giả Meghiya vào buổi chiều từ thiền tịnh đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Meghiya bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi con sống trong rừng xoài ấy, phần lớn ba tầm ác, không thiện hiện hành, tức là dục tầm, sân tầm, hại tầm. Bạch Thế Tôn, rồi con suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay... hại tầm".
- Này Meghiya, khi tâm giải thoát chưa được thuần thục, năm pháp đưa đến sự thuần thục. Thế nào là năm? Ở đây thiện bạn hữu, thiện thân hữu là pháp thứ nhất, này Meghiya, khiến tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thực. Lại nữa, này Meghiya, Tỷ-kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokha, đầy đủ uy nghĩ chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Ðây là pháp thứ hai, này Meghiya, khiến tâm giải thoát chưa thuần thục, đi đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, phàm có những câu chuyện nào nghiêm túc, thích ứng khai mở tâm, đưa đến nhất hướng nhàm chán, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn, như câu chuyện về ít dục, câu chuyện về biết đủ, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về hòa hợp, câu chuyện về tinh cần, tinh tấn, câu chuyện về giới luật, câu chuyện về thiền định, câu chuyện về trí tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến. Những câu chuyện như vậy có thể được không có khó khăn, có thể được không có mệt nhọc, có thể được không có phí sức. Ðây là giải pháp thứ ba, này Meghiya, khiến cho tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, vị Tỷ-kheo sống tinh cần, tinh tấn, để đoạn tận các pháp không thiện, để làm sanh khởi các pháp thiện, kiên trì, cương quyết, không từ bỏ gánh nặng đối với pháp thiện. Ðây là pháp thứ tư, này Meghiya, khiến cho tâm giải thoát chưa thuần thục, đi đến thuần thục. Lại nữa, này Meghiya, vị Tỷ-kheo có trí tuệ, đầy đủ trí tuệ, đi đến thẩm sát sanh diệt, với Thánh thể nhập đưa đến đoạn tận khổ đau. Ðây là pháp thứ năm. Này Meghiya, khiến tâm thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục. Này Meghiya, đây là năm pháp khiến tâm giải thoát chưa thuần thục đi đến thuần thục.
Này Meghiya, với vị Tỷ-kheo thiện thân hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, được chờ đợi là vị ấy sẽ giữ giới, sẽ sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, đầy đủ uy nghi chánh hạnh thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và tu tập trong các học pháp. Với vị Tỷ-kheo thiện thân hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, sẽ giữ giới, sẽ sống chế ngự... tu tập trong các học pháp, được chờ đợi là phàm có những câu chuyện nào nghiêm túc, thích ứng, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Như câu chuyện về ít dục, câu chuyện về viễn ly, câu chuyện về hòa hợp, câu chuyện về tinh cần tinh tấn, câu chuyện về giới luật, câu chuyện về thiền định, câu chuyện về trí tuệ, câu chuyện về giải thoát, câu chuyện về giải thoát tri kiến; những câu chuyện như vậy có thể có được không khó khăn, có được không mệt nhọc, có được không phí sức. Với vị Tỷ-kheo thiện thân hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, được chờ đợi là vị ấy sống tinh cần, tinh tấn để đoạn tận các pháp không thiện, để làm sanh khởi các pháp thiện, kiên trì, cương quyết, không từ bỏ gánh nặng đối với pháp thiện. Với vị Tỷ-kheo thiện thân bằng hữu, thiện bạn hữu, thiện bằng hữu, được chờ đợi là vị Tỷ-kheo sẽ có trí tuệ, đầy đủ trí đi đến thẩm sát sanh diệt với thánh thể nhập đưa đến đoạn tận khổ đau.
Lại nữa, này Meghiya, với vị Tỷ-kheo khéo an trú trong năm pháp này, bốn pháp cần phải tu tập thêm: Bất tịnh cần phải tu tập để đoạn tận tham; Từ cần phải tu tập để đoạn tận sân; Niệm hơi thở vô hơi thở ra cần phải tu tập để trừ khử tầm tư; Vô thường tưởng cần phải tu tập để nhổ lên kiêu mạn, tôi là. Này Meghiya, với ai có tưởng vô thường, tưởng vô ngã được an trú. Với ai có tưởng vô ngã, vị ấy đạt được sự nhổ lên kiêu mạn: tôi là, Niết-bàn ngay trong hiện tại.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
1. Các tầm nhỏ tế nhị,
Hiện hành ý hoan hỷ,
Do không biết đến chúng,
Tâm động chạy nhiều đời,
Nếu biết chúng tầm tư,
Nhiệt tâm và chánh niệm,
Chế ngự được tư tưởng,
Khi ý không hoan hỷ,
Bậc Chánh giác bỏ chúng,
Không còn chút dư tàn.
(II) (Ud 37)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Kusinàra, tại Upavatama, trong ngôi rừng Pàla của dân chúng Mallà. Lúc bấy giờ nhiều Tỷ-kheo, đang sống trong những cốc ở trong rừng không xa Thế Tôn bao nhiêu, tháo động, kiêu căng, dao động, lắm mồm, lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giấc, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn thả lỏng. Thế Tôn thấy số đông các Tỷ-kheo ấy, đang sống trong những cốc ở trong rừng, tháo động, kiêu căng, dao động, lắm mồm, lắm miệng, lắm lời, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, các căn thả lỏng.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
2. Với thân không hộ trì,
Với tà kiến chi phối,
Bị hôn trầm thụy miên,
Nhiếp phục và chế ngự,
Kẻ ấy bị rơi vào
Uy lực của Ma vương
Do vậy hộ trì tâm,
Sở hành chánh tư duy,
Ðặt chánh kiến hàng đầu,
Rõ biết tánh sanh diệt,
Nhiếp phục và chế ngự,
Hôn trầm và thụy miên
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Từ bỏ mọi ác thú.
(III) (Ud 38)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Kosala với đại chúng Tỷ-kheo. Rồi Thế Tôn từ con đường bước xuống, đi đến một gốc cây, sau khi đến ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Hỏi một kẻ chăn bò đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn chấn, làm cho hoan hỷ người chăn bò đang ngồi một bên ấy. Rồi người chăn bò ấy, sau khi được Thế Tôn, với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn chấn, làm cho phấn khởi, bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời, ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo". Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi người chăn bò ấy, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Rồi người chăn bò ấy, sau khi đêm ấy đã mãn, sau khi dự trữ sẵn sàng một số lớn cơm sữa đặc và bơ tươi và báo thời giờ cho Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời, cơm đã sẵn sàng.
Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi đến trú xứ của người chăn bò ấy, với chúng Tỷ-kheo, sau khi đến ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Người chăn bò ấy, tự tay mời, làm cho thỏa mãn chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu, với cơm sữa đặc và bơ tươi. Rồi người chăn bò, khi đức Phật đã dùng xong, tay đã rời khỏi bát, liền lấy một ghế ngồi thấp, ngồi xuống một bên, Thế Tôn với pháp thoại, trình bày, khích lê, làm cho phấn chấn, làm cho hoan hỷ, người chăn bò đang ngồi một bên, từ chỗ ngồi đứng dậy rồi ra đi. Thế Tôn ra đi không bao lâu, có ngưòi đoạt mạng sống người chăn bò ấy tại biên giới của làng. Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, hôm nay chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị dẫn đầu đã được người chăn bò ấy tự tay mời ăn và làm cho thỏa mãn với cơm sữa đặc và bơ tươi. Người chăn bò ấy, bạch Thế Tôn, đã bị một người đoạt mạng sống tại biên giói của làng.
Thế Tôn sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
3. Nếu có độc ác gì,
Kẻ thù hại người thù,
Tâm định hướng tà vạy,
Còn làm ác hơn nữa.
(VI) (Ud 39)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Veluvana chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta và Tôn giả Mahà Moggallàna trú ở động chim bồ câu. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta, trong đêm có sáng trăng, ngồi giữa trời với tóc mới được cạo xong, đang nhập định. Có hai Dạ-xoa là bạn với nhau đang đi từ phương Nam lên phương Bắc vì một vài công việc. Các Dạ-xoa ấy thấy Tôn giả Sàriputta trong đêm có sáng trăng, ngồi giữa trời với tóc mới cạo xong.
Thấy vậy, một Dạ-xoa nói với Dạ-xoa thứ hai: "Này bạn, ta có ý muốn đánh trên đầu vị Sa-môn này". Ðược nghe nói vậy, vị Dạ-xoa này nói với Dạ-xoa ấy: "Chớ có làm, này bạn, không làm gì được với vị Sa-môn! Này bạn, Sa-môn ấy vĩ đại, có đại thần lực, có đại uy lực " Lần thứ hai, vị Dạ-xoa ấy nói vị Dạ-xoa này: "Này bạn, ta có ý muốn đánh trên đầu vị Sa-môn này". Lần thứ hai, vị Dạ-xoa này nói với vị Dạ-xoa ấy: "Chớ có làm, này bạn, không làm gì được với vị Sa-môn!. Này bạn, Sa-môn ấy vĩ đại, có đại thần lực, có đại uy lực". Lần thứ ba, vị Dạ-xoa ấy, nói với vị Dạ-xoa này: "Này bạn, ta có ý muốn đánh trên đầu của vị Sa-môn này". Lần thứ ba, vị Dạ-xoa này nói với vị Dạ-xoa ấy: "Chớ có làm này bạn, không làm gì được với vị Sa-môn. Này bạn, Sa-môn ấy vĩ đại, có đại thần lực, có đại uy lực".
Rồi Dạ-xoa ấy không nghe theo, Dạ-xoa này liền đánh trên đầu Tôn giả Sàriputta. Với cái đánh này, có thể làm ngã con voi bảy đến tám khuỷu tay cao hay làm bề tan ngọn núi lớn. Ngay lúc ấy, Dạ-xoa ấy hét lớn: "Tôi bị cháy! Tôi bị cháy! " và rơi vào đại địa ngục.
Tôn giả Mahà Moggallàna với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, thấy Tôn giả Sàriputta bị đánh trên đầu, thấy vậy liền đến Tôn giả Sàriputta, sau khi đến, nói với Tôn giả Sàriputta:
- Mong rằng Hiền giả có thể kham nhẫn! Mong rằng Hiền giả có thể chịu đựng. Mong rằng Hiền giả không có đau đớn!
- Này Hiền giả Moggallàna, tôi có thể kham nhẫn! Hiền giả Moggallàna, tôi có thể chịu đựng! Hiền giả Moggallàna, nhưng đầu tôi có đau.
- Thật vi diệu thay, Hiền giả Sàriputta!. Hiền giả Sàriputta thật có thần lực lớn, thật có uy lực lớn! Ở đây, thưa Hiền giả Sàriputta, có con Dạ-xoa đánh trên đầu Hiền giả, đánh thật mạnh. Với cái đánh ấy, có thể làm ngã con voi bảy đến tám khuỷu tay cao, hay làm bể tan ngọn núi lớn và Tôn giả Sàriputta đã nói như sau: "Này Hiền giả Moggallàna, tôi có thể kham nhẫn! Này Hiền giả Moggallàna, tôi có thể chịu đựng! Nhưng tôi có hơi đau đầu!" Thật vi diệu thay, Hiền giả Moggallàna! Thật hy hữu thay Hiền giả Moggallàna! Có đại thần lực là tôn giả Mahà Moggallàna, có đại uy lực, vì rằng Hiền giả có thể thấy được Dạ-xoa, nhưng tôi này không thấy được một con quỷ đói.
Thế Tôn với Thiên nhĩ thanh tịnh siêu nhân, nghe được câu chuyện như vậy giữa hai vị long tượng ấy.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
4. Tâm ai như tảng đá,
An trú không dao động,
Không tham vật khả ái,
Ðáng phẫn nộ, không sân,
Tâm ai tu như vậy,
Từ đâu khổ đến được?
(V) (Ud 41)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi, tại khu vuờn Ghosita. Lúc bấy giờ Thế Tôn sống bị các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni, nam cư sĩ, nữ cư sĩ, các vua, các đại thần của vua, các ngoại đạo, các đệ tử ngoại đạo quấy rầy, bị quấy rầy nên khổ, không có thoải mái an ổn. Rồi Thế Tôn suy nghĩ như sau: "Nay Ta sống bị các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni... quấy rầy, vì bị quấy rầy nên khổ, không có thoải mái an ổn. Vậy Ta hãy sống một mình, xa rời đại chúng".
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Kosambi để khất thực. Khất thực ở Kosambi xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, liền dọn dẹp sàng tọa của mình, cầm y bát, không nói cho thị giả biết, không báo cho chúng Tỷ-kheo biết, một mình không có người thứ hai ra đi, bộ hành hướng đến Pàlileyyaka, tiếp tục bộ hành và đi đến Pàlileyyaka. Tại đây, Thế Tôn sống ở Pàlileyyaka, khóm rừng Rakkhita, dưới gốc cây Sàla Bhadda.
Rồi một con voi, bị các con voi, các con voi cái, các con voi con, các con voi còn bú quấy rầy, ăn cỏ với đầu ngọn bị cắt đứt, ăn các cành cây bị gẫy, uống nước bị vẩn đục, khi hụp lặn xong lên khỏi nước nó bị các con voi cái cọ xát thân hình, vì bị quấy rầy nên khổ, không có thoải mái an ổn. Rồi con voi ấy suy nghĩ: "Ta bị các con voi, các con voi cái... Ta vì bị phiền quấy rầy nên khổ, không có thoải mái, an ổn. Vậy Ta hãy sống một mình, xa rời khỏi đàn voi".
Rồi con voi ấy, rời khỏi đàn voi, đi đến Pàlileyyaka, tại khóm rừng Rakkita, ở gốc cây sàla Bhadda. Tại đấy, con voi ấy tại chỗ nào Thế Tôn ở, tại chỗ ấy nó dọn sạch cỏ với cái vòi của mình, đem nước uống, đồ ăn để Thế Tôn dùng.
Rồi Thế Tôn trong khi sống độc cư thiền định, tư tưởng như sau được khởi lên: "Ta trước đây bị các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni... quấy rầy không có thoải mái an ổn. Nay Ta sống không có bị các Tỷ-kheo... không có bị các ngoại đạo, đệ tử các ngoại đạo quấy rầy, vì không bị quấy rầy, Ta sống an lạc thoải mái".
Còn con voi ấy cũng khởi lên suy nghĩ như sau: "Trước đây ta sống bị các con voi.. quấy rầy, vì bị quấy rầy nên khổ, không có thoải mái an ổn. Nay ta sống không bị các con voi... quầy rầy. Ta ăn cỏ với đầu ngọn không bị cắt đứt, ăn các cành cây không bị bẽ gãy, uống nước không bị vẫn đục, khi hụp lặn xong lên khỏi nước, ta không bị các con voi cái cọ xát thân hình, ta không bị quấy rầy nên sống an lạc, thoải mái an ổn".
Rồi Thế Tôn, sau khi biết hạnh viễn ly của mình, với tâm của mình biết được tâm của con voi ấy, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
5. Ðây là voi với voi,
Với voi có ngà lớn
Với tâm điều phục tâm,
Một mình vui thích rừng.
(VI) (Ud 42)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Pindolabhàradvàja ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết-già lưng thẳng, sống ở rừng, đi khất thực, mặc y lượm từ đống rác, chỉ mang ba y, ít dục, biết đủ, viễn ly, không ưa thích hội họp, tinh cần tinh tấn, nói hạnh đầu đà, chú tâm vào tăng thượng tâm. Thế Tôn thấy Tôn giả Pindolabhàradvàja ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng... chú tâm vào tăng thượng tâm.
Rồi Thế Tôn sau khi rõ biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
6. Không mắng, không gia hại,
Chế ngự trong giới bổn,
Tiết độ trong ăn uống,
Nằm ngồi chỉ một mình,
Chú tâm vào tăng thượng,
Chính lời chư Phật dạy.
(VII) (Ud 43)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, kiết-già lưng thẳng, ít dục, biết đủ, viễn ly, không ưa hội họp, tinh cần tinh tấn, chú tâm vào tăng thượng tâm. Thế Tôn thấy Tôn giả Sàriputta ngồi không xa bao nhiêu, kiết già lưng thẳng, ít dục, biết đủ, viễn ly, không ưa hội họp, tinh cần tinh tấn, chú tâm vào tăng thượng tâm.
Rồi Thế Tôn sau khi biết ý nghĩa này, ngay lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
7. Tâm tăng thượng ẩn sĩ,
Không phóng dật, tu tập,
Trên con đường chánh trí,
Vị ấy không cầu muộn,
Luôn luôn được an tịnh,
Thường nắm giữ chánh niệm.
(VIII) (Ud 44)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Thế Tôn được cung kính, tôn trọng, đảnh lể, cúng dường, tôn kính nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Chúng Tỷ-kheo cũng được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường tôn kính, cũng nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng các du sĩ ngoại đạo không được cung kính... Cũng không nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Các du sĩ ngoại đạo ấy, không có thể chịu nổi sự cung kính đối với Thế Tôn và chúng Tỷ-kheo, đi đến nữ du sĩ Sundari, sau khi đến, nói với nữ du sĩ Sundari:
- Này chị, chị có thể làm lợi ích cho các bà con?
- Thưa các Tôn giả, con có thể làm gì? Việc gì con có thể làm được? Ðời sống của con là một vật hy sinh cho các bà con.
- Vậy Chị hãy thường đi đến Jetavana.
- Thưa vâng, các Tôn giả.
Nữ du sĩ Sundari, sau khi vâng đáp các du sĩ ngoại đạo ấy thường xuyên đi đến Jetavana. Khi các du sĩ ngoại đạo ấy được biết rằng nữ du sĩ Sundari được nhiều người thấy thường xuyên đi đến Jetavana, họ đoạt mạng sống của nữ du sĩ Sundari, tại đấy, chôn nàng vào cái hố trong các mương của Jetavana, rồi đi đến Vua Pasenadi nước Kosala, sau khi đến thưa với vua Pasenadi nước Kosala:
- Thưa Ðại vương, nữ du sĩ Sundari không được thấy nữa.
- Nhưng các Người nghĩ ở tại đâu?
- Ở tại Jetavana, thưa Ðại vương.
- Vậy hãy đi tìm ở Jetavana.
Các du sĩ ngoại đạo ấy đi tìm ở Jetavana, đào mương tại chỗ đã quăng nàng xuống, đặt nàng trên giường, đi vào Sàvatthi từ đường này đến đường khác, từ ngã ba đường này đến ngã ba đường khác, họ làm cho dân chúng tức giận nói rằng: "Các Ông hãy xem công việc làm của các Thích tử! Vô liêm sỉ là các Sa-môn Thích tử này, theo ác giới, theo ác pháp, nói láo, không Phạm hạnh họ tự cho là sống đúng pháp, sống thăng bằng, sống Phạm hạnh, nói lời chân thật, giữ giới, theo thiện pháp. Không có Sa-môn hạnh trong những vị này. Không có Bà-la-môn hạnh trong những vị này. Từ đâu họ có Sa-môn hạnh? Từ đâu họ có Bà-la-môn hạnh? Sa-môn hạnh của họ đã đi mất. Sau khi làm xong phận sự của đàn ông, họ đoạt mạng sống của nữ nhân này".
Lúc bấy giờ, các người ở Sàvatthi, khi thấy các Tỷ-kheo, với những lời không tốt, ác độc, mắng nhiếc, mạ lỵ, phỉ báng, bức não nói rằng: "Vô liêm sỉ là các Sa-môn Thích tử này, theo ác giới, theo ác pháp... họ đoạt mạng sống của nữ nhân này".
Rồi một số đông Tỷ-kheo vào buổi sáng đáp y cầm bát, vào Sàvatthi để khất thực, khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, đi khất thực trở về đi đến Thế Tôn, sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên, ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Nay các người ở Sàvatthi khi thấy các Tỷ-kheo... họ đoạt mạng sống của nữ nhân này.
- Này các Tỷ-kheo, tiếng đồn này sẽ không còn tồn tại lâu dài, chỉ có một tuần thôi, sau một tuần sẽ biến mất.
Này các Tỷ-kheo, những ai thấy Tỷ-kheo... bức não, các Thầy hãy chỉ trích lại với bài kệ này:
8. Ai nói lời không thật,
Phải đi đến địa ngục,
Ai có làm lại nói
Việc ấy tôi không làm,
Cả hai sau khi chết,
Sẽ đồng đẳng như nhau.
Họ là những hạng người,
Làm các hạnh hạ liệt,
Trong một đời sống khác.
Rồi các Tỷ-kheo ấy sau khi học thuộc lòng bài kệ này từ nơi Thế Tôn, nếu có những người thấy các Tỷ-kheo với những lời không tốt, ác độc, mắng nhiếc, mạ lỵ, phỉ báng, bức não, các vị liền chỉ trích lại với bài kệ này: "Ai nói lời không thật... Trong một đời sống khác ", những người suy nghĩ như sau: "Các Thích tử Sa-môn không có phạm tội. Sự việc ấy không phải do họ làm. Các Sa-môn Thích tử này đã thề như vậy." Và lời nói ấy không có lâu dài, lời nói ấy chỉ có tồn tại có một tuần, sau một tuần được biến mất. Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi một bên, ngồi một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật hy hữu thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, thật là khéo nói, lời này của Thế Tôn: "Này các Tỷ-kheo, tiếng đồ này sẽ không tồn tại lâu dài, chỉ có một tuần thôi, sau một tuần sẽ biến mất". Bạch Thế Tôn, tiếng đồn ấy đã biến mất.
Rồi Thế Tôn sau khi rõ biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
9. Người không biết chế ngự,
Với lời đâm người khác,
Giống như voi bị đâm,
Khi tham gia chiến trận.
Nghe những lời thô ác,
Tỷ-kheo hãy chịu đựng,
Giữ gìn không nói lên,
Tâm không có hiềm hận.
(IX) (Ud 45)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ Tôn giả Upasena Vangantaputta trong khi độc cư thiền định, ý nghĩa như sau được khởi lên: "Thật lợi ích thay cho ta, thật khéo lợi ích thay cho ta, bậc Ðạo sư của ta, bậc Thế Tôn của ta là bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng-Giác. Chúng ta được xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, trong Pháp Luật khéo nói. Các vị đồng Phạm hạnh với ta là những người có giới, theo thiện pháp. Chúng ta là những người làm đầy đủ trong giới luật. Chúng ta có thiền định. Chúng ta có nhất tâm, là bậc A-la-hán, đoạn tận các lậu hoặc, chúng ta có đại thần lực, đại uy lực. Hiền thiện là mạng sống của ta. Hiền thiện là sự chết của ta."
Rồi Thế Tôn với tâm của mình, biết được tâm của Tôn giả Upasena Vangantaputta, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng:
10. Ai sống không nhiệt não
Khi chết không sầu muộn,
Bậc trí nếu thấy đường
Giữa sầu, không sầu muộn,
Tỷ-kheo đoạn hữu ái,
Tâm tư được an tịnh,
Luân hồi sanh tử tận,
Vị ấy không tái sanh.
(X) (Ud 46)
Như vậy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Sàriputta ngồi xa Thế Tôn không bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng, quán sát sự an tịnh của mình. Thế Tôn thấy Tôn giả Sàriuptta, ngồi xa Thế Tôn không bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng, quán sát sự an tịnh của mình.
Rồi Thế Tôn sau khi biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
11. Tỷ-kheo tâm an tịnh,
Chặt đứt dây sanh tử,
Luân hồi sanh tử tận,
Thoát khỏi ma trói buộc.
(I) (Ud 47)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, vua Pasenadi nước Kosala có mặt với hoàng hậu Mallikà trên lầu thượng của hoàng cung, rồi vua Pasenadi nước Kosala nói với hoàng hậu Mallikà:
- Này Mallikà có ai khác thân ái với hoàng hậu hơn là tự ngã của Hoàng hậu?
- Thưa Ðại vương, không có khác thân ái với thiếp hơn là tự ngã của thiếp. Nhưng thưa Ðại vương, có ai khác thân ái với Ðại vương hơn là tự ngã của Ðại vương?
- Này Mallikà, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala bước xuống lầu và đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bê. Ngồi xuống một bên, vua Pesenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi lên lầu thượng của hoàng cung với Hoàng hậu Mallikà và con nói với Hoàng hậu Mallikà: "Này Mallikà, có ai khác thân ái với Hoàng hậu hơn là tự ngã của Hoàng hậu?".
Khi được nói như vậy, bạch Thế Tôn, Hoàng hậu Mallikà trả lời với con: "Thưa Ðại vương, không có ai khác thân ai với Thiếp hơn là tự ngã của Thiếp. Nhưng thưa Ðại vương, có ai khác thân ái với Ðại vương hơn là tự ngã của Ðại vương? " Ðược nói vậy, bạch Thế Tôn, con trả lời cho Hoàng hậu Mallikà: Này Mallikà, không có ai khác thân ái với ta hơn là tự ngã của ta".
Rồi Thế Tôn, sau khi biết rõ ý nghĩa này trong lúc ấy liền nói lên bài kệ này:
1. Tâm ta đi cùng khắp,
Tất cả mọi phương trời,
Cũng không tìm thấy được,
Ai thân hơn tự ngã,
Tự ngã đối mọi người,
Quá thân ái như vậy,
Vậy ai yêu tự ngã,
Chớ hại tự ngã người.
(II) (Ud 48)
Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, chỗ khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Tôn giả Ananda, vào buổi chiều, từ thiền định đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi một bên. Ngồi một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn. Thật hi hữu thay, bạch Thế Tôn. Thọ mạng ít thay, bạch Thế Tôn, là mẹ của Thế Tôn! Sau khi sanh Thế Tôn bảy ngày, mẹ Thế Tôn mệnh chung, được sanh ở cõi trời Ðâu-suất".
- Chính là như vậy, này Ananda! Thọ mạng ít thay là mẹ vị Bồ Tát. Sau khi sanh Thế Tôn bảy ngày, mẹ Thế Tôn mệnh chung, được sanh ở cõi trời Ðâu suất! Thọ mạng ít thay là các bà mẹ của các Bồ Tát. Sau khi sanh bảy ngày, các bà mẹ của Bồ-tát mệnh chung, và được sanh lên cõi trời Ðâu suất.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu rõ ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời kệ:
2. Tất cả hữu tình nào,
Sẽ có mặt ở đời,
Tất cả chúng sẽ đi,
Sau khi bỏ sắc thân,
Hiểu tất cả là vậy,
Bậc thiện sanh nhiệt tâm,
Sống đời sống Phạm hạnh.
(III) (Ud 49)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagha, Veluvana, tại chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, một người bị bệnh hủi tên là Suppabuddha, nghèo đói, ăn xin, khốn cùng. Lúc bấy giờ, Thế Tôn với đại chúng đoanh vây, đang ngồi thuyết pháp. Người hủi Suppabuddha thấy từ đàng xa đại chúng đang tụ hội, thấy vậy liền suy nghĩ: "Không nghi ngờ gì nữa, ở đấy, có thể có chia phần cái gì ăn được, loại cứng hay loại mềm. Vậy ta hãy đi đến đại chúng ấy, mong rằng ta sẽ được chút gì ăn được, loại cứng hay loại mềm". Rồi người hủi Suppabuddha đi đến đại chúng ấy.
Người hủi Suppabuddha thấy Thế Tôn đang thuyết pháp cho đại chúng đang đoanh vây xung quanh, thấy vậy liền suy nghĩ: "Ở đây không có cái gì ăn được, loại cứng hay loại mềm để chia phần. Sa-môn Gotama này đang thuyết pháp cho hội chúng. Vậy ta hãy nghe pháp". Tại đấy, người hủi ngồi xuống và nghĩ: "Ta sẽ nghe pháp".
Rồi Thế Tôn, với tâm của mình duyên với tâm của toàn thể hội chúng tác ý rằng: "Ở đây, ai có thể hiểu được pháp". Thế Tôn thấy người hủi Suppabuddha đang ngồi trong hội chúng, thấy vậy liền suy nghĩ: "Ở đây, ngưòi này có thể hiểu pháp".
Vì người hủi Suppabuddha, Thế Tôn tuần tự thuyết pháp, tức là thuyết bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về thiên giới, thuyết về sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự ô nhiễm cuả các dục, sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết tâm của người hủi Suppabuddha đã sẵn sàng, đã nhu thuận không còn chướng ngại, được phấn khởi, được tín thành, liền thuyết pháp mà chư Phật đã chứng ngộ, tức là Khổ, Tập, Diệt, Ðạo.
Cũng như tấm vải thuần bạch, được gội rửa các vết đen, sẽ rất dễ thấm màu nhuộm, cũng vậy chính tại chỗ ngồi này, pháp nhãn xa trần ly cấu khởi lên trong tâm người hủi Suppabuddha: "Phàm cái gì được khởi lên, tất cả đều bị đoạn diệt". Khi ấy người hủi Suppabuddha thấy pháp, chứng pháp, ngộ pháp, thể nhập vào pháp, nghi ngờ tiêu trừ, do dự diệt tận, chứng được tự tín, không y cứ nơi người khác đối với lời dạy của đức Bổn Sư, từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, người hủi Supabuddha bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mặt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích, Bạch Thế Tôn, con xin quy y Thế Tôn, quy y Pháp, quy y chúng Tỳ-kheo, mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
Rồi người hủi Suppabuddha được Thế Tôn với bài pháp thoại thuyết giảng, khích lệ, làm cho phấn chấn, làm cho hoan hỷ, sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Rồi một con bò húc vào người hủi Suppabuddha và đoạt mạng sống. Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, người hủi tên Suppabuddha được Thế Tôn với bài pháp thoại thuyết giảng,, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ đã mạng chung. Sanh thú của vị ấy là gì? Tương lai của vị ấy thế nào?
- Này các Tỷ-kheo, Hiền trí là người hủi Suppabuddha, đã thực hành tuỳ pháp đúng pháp, không có làm phiền nhiễu Ta với những tranh luận về pháp. Người hủi Suppabuddha sau khi đoạn tận ba kiết sử, đã chứng được quả Dự lưu, không còn bị thối đọa, chắc chắn đạt được Chánh giác.
Khi nghe nói vậy một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn do nhân gì, do duyên gì, người hủi Suppabuddha lại là người nghèo đói, là người ăn xin, là người khốn cùng?
- Thuở xưa, này các Tỷ-kheo, người hủi Suppabuddha là con một nhà triệu phú ở Ràjagaha khi đi ngang qua một khu vườn, vị ấy thấy đức Phật Ðộc giác Tagarasikhi đang đi vào thành khất thực. Thấy vậy, vị ấy suy nghĩ: "Ai là người hủi này lại đi dạo chơi " và vị ấy nhổ nước miếng và xây lưng phía trái rồi bỏ đi. Do hành động này của vị ấy được thuần thục, nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm, nhiều trăm ngàn năm, vị ấy bị nấu trong địa ngục. Do sự thanh thục thêm nữa của nghiệp ấy, chính tại Ràjagala này, vị ấy là một người nghèo đói, là người ăn xin, là người khốn cùng! Nay vị ấy do y cứ vào pháp luật được Như Lai thuyết giảng, vị ấy được lòng tin, vị ấy được giới, vị ấy được nghe pháp, vị ấy được từ bỏ, vị ấy được trí tuệ, sau khi thân hoại mạng chung, vị ấy được sanh thiện thú, thiên giới, đời này, được cộng trú với chư Thiên ở cõi Ba mươi ba. Tại đấy, vị ấy chói sáng hơn các chư Thiên khác về dung sắc và danh xưng.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Như người có mắt nhìn,
Cố gắng tránh lồi lõm,
Cũng vậy kẻ trí tránh,
Ðiều ác giữa đời này.
(IV) (Ud 50)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều thiếu niên giữa Sàvatthi và Jetavana, đang hành hạ các con cá. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Thế Tôn thấy nhiều thiếu niên giữa Sàvatthi và Jetavana đang hành hạ các con cá, thấy vậy đi đến các thiếu niên ấy, sau khi đến nói với chúng:
- Này các Thiếu niên, các Em có sợ đau khổ không? Các Em không ưa thích khổ phải không?".
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn, chúng con sợ đau khổ. Chúng con không ưa thích khổ.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
4. Nếu con không ưa khổ,
Dầu bất cứ chỗ nào,
Chớ làm các nghiệp ác,
Trước mặt hay sau lưng
Nếu Con làm, sẽ làm,
Các nghiệp ác, bất thiện,
Con không giải thoát khổ,
Dầu nhảy vọt và chạy.
(V) (Ud 51)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Dubbarà, trong lầu mẹ của Migàra. Lúc bấy giờ Thế Tôn, vào ngày trai giới đang ngồi có chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi Tôn giả Ananda, sau khi đêm đã gần mãn, canh một sắp qua, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng dẫn đến Thế Tôn, và Bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh một đã sắp qua, chúng Tỷ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giới bổn Pàtimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
Khi được nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ hai, Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, canh giữa đã sắp qua. Chúng Tỳ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giới bổn Pàtimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
Lần thứ hai, Thế Tôn giữ im lặng. Lần thứ ba, Tôn giả Ananda, khi đêm đã gần mãn, canh cuối đã sắp qua, rạng đông đã ló dạng đêm đã nở nụ cười, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng dẫn đến rồi bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đêm đã gần mãn, canh cuối đã sắp qua, rạng đông đã ló dạng, đêm đã nở nụ cười, chúng Tỷ-kheo ngồi đã lâu. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết giới Pàtimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
- Này Ananda, hội chứng không thanh tịnh. Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna suy nghĩ: "Vì người nào mà Thế Tôn nói: 'Này Ananda, hội chúng này không thanh tịnh'?" Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna với tâm của mình tác ý đến tâm toàn thể chúng Tỷ-kheo. Tôn giả Mahà Moggallàna thấy một người ác giới, theo ác pháp, không thanh tịnh, sở hành đáng nghi ngờ, hành động được che đậy, không phải Sa-môn tự xưng là Sa-môn, không theo Phạm hạnh tự xưng là Phạm hạnh, nội tâm hủ hóa, đầy ứ dục vọng, một đống rác ô uế đang ngồi giữa chúng Tỷ-kheo, thấy vậy từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến người ấy, sau khi đến nói với người ấy:
- Hiền giả hãy đứng dậy, Thế Tôn đã thấy Hiền giả. Hiền giả không được cộng trú với chúng Tỷ-kheo.
Người ấy giữ im lặng. Lần thứ hai, Tôn giả Moggallàna nói với người ấy:
- Hiền giã hãy đứng dậy. Thế Tôn đã thấy Hiền giả. Hiền giả không được cộng trú với chúng Tỷ-kheo.
Lần thứ hai, người ấy im lặng. Lần thứ ba, Tôn giả Mahà Moggallàna. Lần thứ ba, Hiền giả ấy im lặng. Rồi Tôn giả Mahà Moggallàna nắm tay người ấy, dắt tay khỏi ngoài cửa, gài then cửa lại, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Hiền giả ấy đã bị con đuổi ra rồi. Hội chúng nay thanh tịnh Bạch Thế Tôn. Thế Tôn hãy thuyết giảng giới bổn Pàtimokkha cho chúng Tỷ-kheo.
- Thật vi diệu thay, Moggallàna! Thật hy hữu thay, Moggallàna! Cho đến khi bị cầm tay, người ngu si mới đi ra.
Rồi Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, bắt đầu từ nay Ta sẽ không làm Uposastha nữa, Ta sẽ không tụng đọc giới bổn Pàtimokkha nữa. Bắt đầu từ nay, các Thầy hãy làm Uposastha, các Thầy hãy tụng đọc giới bổn. Sự kiện không có được. Này các Tỷ-kheo, cơ hội không có được là Như Lai có thể làm Uposastha với hội chúng không thanh tịnh, có thể đọc giới bổn. Này các Tỷ-kheo, biển lớn có tám pháp vi diệu hy hữu này, do thấy chúng như vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn. Thế nào là tám?
Này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẩm. Này các Tỷ-kheo, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ nhất. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ, không có vượt qua bờ. Này các Tỷ-kheo, đây là sự vi diệu chưa từng có thứ hai. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng trên bờ hay vất lên đất liền. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng lên bờ hay vất lên đất liền. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ ba. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravati, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển liền bỏ tên họ cũ, trở thành biển lớn. Vì rằng phàm có con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciravati, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển liền bỏ tên họ cũ, trở thành biển lớn. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ tư. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy biển lớn được thấy có giảm tăng. Này các Tỷ-kheo vì rằng, phàm có dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy mà biển lớn được thấy có giảm tăng. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ năm. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu, chưa từng có thứ sáu. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những châu báu này như trân châu, ma ni châu, lưu ly, xa-cừ, ngọc bích, san-hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những loại châu báu này như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xa-cừ, ngọc bích, san hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã não. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ bảy. Do thấy vậy, thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, biển lớn là trú xứ các loài sinh vật lớn. Tại đây có những sinh vật này như các con timi, timingalà, timiramingalà. Những loại A-tu-la, các loại Nàgà, các loại Gandhabhà. Trong biển lớn có các loại hữu tình dài một trăm do-tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần. Vì rằng, này các Tỳ-kheo, biển lớn là trú xứ các sanh vật lớn. Tại đây có những sinh vật này như các con timi, timingalà, timiramingalà. Những loại A-tu-la, các loại Nàgà, các loại Gandhabhà. Trong biển lớn có các loại hữu tình dài một trăm do-tuần, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ tám. Do thấy vậy, các A-tu-la thích thú biển lớn.
Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có tám pháp, vi diệu chưa từng có trong Pháp và Luật này, do thấy chúng, thấy chúng, các Tỳ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này. Thế nào là tám?
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn tuần tự thuận xuôi, tuần tự thuận hướng, tuần tự sâu dần, không có thình lình như một vực thẳm. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, các học pháp và tuần tự, các quả dị thục là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí, thình lình. Này Paharada, vì rằng trong Pháp và Luật này, các học pháp là tuần tự, các quả dị thực là tuần tự, các con đường là tuần tự, không có sự thể nhập chánh trí thình lình. Này các Tỷ-kheo, đây là vi diệu chưa từng có thứ nhứt. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn đứng một chỗ không có vượt qua bờ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua. Này các Tỷ-kheo, vì rằng các học pháp được Ta sửa soạn cho các đệ tử, các đệ tử của Ta, dầu cho vì nhân sinh mạng, cũng không vượt qua. Này các Tỷ kheo trong Pháp và Luật này, đây là Pháp vi diệu chưa từng có thứ hai. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú, trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn không có chứa chấp xác chết. Nếu có xác chết trong biển lớn, lập tức bị quăng trên bờ hay vất lên đất liền. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, người nào là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh đáng nghi ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn nhưng tự nhận là Sa-môn, không sống Phạm hạnh nhưng tự nhận là có Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất định. Chúng Tăng không sống chung với người ấy, lập tức hội họp lại và đuổi người ấy ra khỏi. Dầu cho người ấy có ngồi giữa chúng Tỷ-kheo tăng, nhưng người ấy sống xa chúng Tăng và chúng Tăng sống xa người ấy. Vì rằng này các Tỷ-kheo, người ấy là ác giới, theo ác pháp... tánh tình bất định... và chúng Tăng sống xa vị ấy. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ ba. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, phàm có các con sông lớn nào, ví như sông Hằng, sông Yamunà, sông Aciracati, sông Sarabhù, sông Mahi, các con sông ấy khi chảy đến biển, liền bỏ tên họ trước, trở thành biển lớn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có bốn giai cấp này: Sát-đế-lị, Bà-la-môn, Phệ-xá, Thủ-đà, sau khi từ bỏ gia đình, sống không gia đình, xuất gia trong Pháp và Luật được Như Lai tuyên bố sau này, chúng từ bỏ tên và họ của chúng từ trước, và chúng trở thành những Sa môn Thích tử. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tư. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và luật này.
Ví` như, này các Tỷ kheo, phàm có những dòng nước gì ở đời chảy vào biển lớn, phàm có những nước mưa từ trời rơi xuống, nhưng không vì vậy mà biển lớn có giảm tăng. Cũng vậy này các Tỷ Kheo, nếu có những vị Tỷ kheo nhập vào Niết Bàn giới, không có dư y, Niết bàn giới cũng không vì vậy được thấy có giảm tăng. Này các Tỳ Kheo, nếu có nhiều vị Tỷ kheo nhập vào Niết Bàn giới không có dư y, Niết bàn giới cũng không vì vậy, được thấy có giảm tăng. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu thứ năm. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn chỉ có một vị là vị mặn. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, pháp này cũng chỉ có một vị là vị giải thoát. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ sáu. Do thấy vậy, thấy vậy, Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn có nhiều châu báu, ở đấy có những châu báu này, như trân châu, ma-ni châu, lưu-ly, xà-cừ, ngọc bích, san-hô, bạc, vàng, ngọc đỏ, mã-não. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, Pháp và Luật này có nhiều châu báu, nhiều loại châu báu, ở đấy có những loại châu báu này, như Bốn niệm xứ, Bốn chánh cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy giác chi, Thánh đạo tám ngành. Này các Tỷ-kheo, vì rằng Pháp và Luật này có nhiều châu báu này như Bốn niệm xứ... Thánh đạo tám ngành. Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là vi diệu chưa từng có thứ bảy. Do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Ví như, này các Tỷ-kheo, biển lớn là trú xứ các loại sinh vật lớn, tại đấy có những sinh vật như các con timi, timigalà, timiramingalà, những loại Asurà, các loài Nàgà, các loài Gandhabbà. Trong biển lớn có các loài hữu tình dài một trăm, hai trăm, ba trăm, bốn trăm, năm trăm do-tuần. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Pháp và Luật này là trú xứ của các loại sinh vật lớn. Ở đấy có những sinh vật này. Bậc Dự lưu, bậc đang hướng đến chứng ngộ Dự lưu quả; bậc Nhất lai, bậc đang hướng đến chứng Nhất lai quả; bậc Bất lai, bậc đang hướng đến chứng Bất lai quả;bậc A-la-hán, bậc đang hướng đến chứng ngộ quả A-la-hán. Này các Tỷ-kheo, vì rằng Pháp và Luật này là trú xứ của các sinh vật lớn. Ở đấy có những sinh vật này... quả A-la-hán.
Này các Tỷ-kheo, trong Pháp và Luật này, đây là pháp vi diệu chưa từng có thứ tám. Do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Này các Tỷ-kheo, đây là tám pháp vi diệu, chưa từng có trong Pháp và Luật này, do thấy vậy, thấy vậy, các Tỷ-kheo thích thú trong Pháp và Luật này.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong khi ấy, nói lên lời cảm hứng:
5. Che kín, trời có mưa,
Mở rộng, trời không mưa,
Do vậy, hãy mở rộng
Cái gì bị che kín,
Như vậy sẽ không mưa.
(VI) (Ud 57)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahàkaccàna trú ở giữa dân chúng Avanti, gần Kuraraghara, trên ngọn núi tên Pavatta. Lúc bấy giờ nam cư sĩ Sona Kotikanna là thị giả của Tôn giả Mahàkaccàna. Rồi nam cư sĩ Sona Kotikanna trong khi độc cư thiền định, tư tưởng như sau được khởi lên: "Như Tôn giả Mahàkaccàna thuyết pháp, thật không dễ dàng cho một người sống trong gia đình có thể thực hành một cách viên mãn Phạm hạnh thuần tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta hãy cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Nam cư sĩ Sona Kotikanna đi đến Tôn giả Mahàkaccàna, sau khi đến đảnh lễ Tôn giả rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Sona Kotikanna thưa Tôn giả Mahàakaccàna.
- Thưa Tôn giả, ở đây trong khi con độc cư thiền tịnh... sống không gia đình. Thưa Tôn giả, Tôn giả hãy cho con xuất gia.
Nghe nói vậy, Tôn giả Mahàkaccàna nói với nam cư sĩ Sona Kotikanna:
- Này Sona, thật khó thay đời sống Phạm hạnh, ăn một bữa ăn, nằm một mình cho đến trọn đời. Này Sona, tại đây hãy sống trong gia đình, chú tâm vào lời dạy của chư Phật, tạm thời hiện tại sống Phạm hạnh, ăn một ngày một bữa, nằm ngủ một mình. Như vậy lòng ham muốn xuất gia của nam cư sĩ Sona Kotikanna được giảm nhẹ bớt.
Lần thứ hai, trong khi độc cư thiền định... sống không gia đình. Lần thứ hai nam cư sĩ Sona Kotikanna đi đến Tôn giả Mahàkaccàna..."... Hãy cho con xuất gia". Lần thứ hai, Tôn giả Mahàkaccàna nói với nam cư sĩ Sona Kotipanna:
- Này Sona, thật khó thay... được giảm nhẹ bớt. Lần thứ ba, nam cư sĩ Sona Kotikanna trong khi độc cư thiền định... sống không gia đình.
Lần thứ ba, nam cư sĩ Sona Kotikanna đi đến Tôn giả Mahàkaccàna và thưa "... Hãy cho con xuất gia". Rồi Tôn giả Mahàkaccàna cho nam cư sĩ Sona Kotikanna xuất gia. Lúc bấy giờ, tại Avantisudakhhinàpatha, có ít Tỷ-kheo. Rồi Tôn giả Mahàkaccàna, sau ba kỳ an cư mùa mưa, một cách khó khăn, một cách mệt nhọc tụ tập được một nhóm mười Tỷ-kheo và trao Ðại giới cho Tôn giả Sona.
Tôn giả Sona sau khi an cư mùa mưa cô độc thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Ta chưa được thấy tận mắt Thế Tôn, tuy rằng ta có nghe Thế Tôn là vị như vậy, như vậy. Nếu vị Giáo thọ sư của ta cho phép ta sẽ đi đến yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác". Rồi Tôn giả Sona vào buổi chiều từ độc cư thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Mahàkaccàna, sau khi đảnh lễ Tôn giả Mahàkacàna rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên Tôn giả Sona thưa với Tôn giả Mahàkaccàna:
- Thưa Tôn giả, trong khi con độc cư thiền tịnh, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Ta chưa được thấy tận mặt Thế Tôn... Chánh Ðẳng Giác".
- Lành thay, lành thay Sona! Hãy đi này Sona, để yết kiến Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng-Giác. Này Sona, người sẽ thấy Thế Tôn khả ái, khởi dậy lòng tin, các căn an tịnh, tâm ý thanh tịnh, đã đạt được an chỉ chế ngự tối thượng, bậc long tượng được điều phục, hộ trì, các căn nhiếp phục. Sau khi thấy, hãy nhân danh ta, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, hỏi thăm có ít bệnh, ít não nhẹ nhàng, khoẻ mạnh, an ổn không!.
- Thưa vâng, Tôn giả.
Tôn giả Sona hoan hỷ tín thọ lời dạy của Tôn giả Mahàkaccàna, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Tôn giả Mahàkaccàna, thân bên hữu hướng về Tôn giả dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát bộ hành hướng về Tôn giả dọn dẹp sàng tọa, cầm y bát bộ hành hướng đến Sàvatthi, tiếp tục bộ hành đi đến Sàvatthi,Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika, đến chỗ Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Sona bạch Thế Tôn:
- Bậc giáo thọ sư của con, bạch Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ, hỏi thăm... có an ổn không?
- Này Tỷ-kheo, Thầy có kham nhẫn được không? Thầy có sống dễ dàng không? Ði đường đến đây có mệt mỏi không? Khất thực có mệt mỏi không?
- Bạch Thế Tôn, con có thể kham nhẫn! Bạch Thế Tôn, con có thể sống dễ dàng. Bạch Thế Tôn, con đi đường không có mệt nhọc! Khất thực không có mệt nhọc.
Rồi Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy sửa soạn sàng tọa cho Tỷ-kheo mới đến này.
Tôn giả Ananda suy nghĩ: "Thế Tôn bảo ta: "Này Ananda, hãy sửa soạn sàng tọa cho Tỷ-kheo mới đến này". Như vậy Thế Tôn muốn ở chung một chỗ với Tỷ-kheo ấy. Như vậy Thế Tôn muốn ở chung với Tôn giả Sona ấy". Nên chỗ nào Thế Tôn ở, tại chỗ ấy Tôn giả Ananda sửa soạn sàng tọa cho Tôn giả Sona. Rồi Thế Tôn, sau khi ngồi ở ngoài trời đã quá khuya, rửa chân và đi vào tịnh xá. Tôn giả Sona, sau khi ngồi ngoài trời đã quá khuya, rửa chân và đi vào Tịnh xá. Rồi Thế Tôn, khi đêm đã gần sáng, thức dậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Sona:
- Hãy nói pháp cho các Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Sona vâng đáp Thế Tôn, đọc thuộc lòng mười sáu phần của phẩm tám một cách đầy đủ. Rồi Thế Tôn, sau khi Tôn giả Sona chấm dứt tụng đọc của mình, Thế Tôn cám ơn và nói:
- Lành thay, lành thay Tỷ-kheo! Tỷ-kheo đã khéo nắm giữ, khéo tác ý, khéo thọ trì toàn bộ mười sáu phần trong phẩm thứ tám. Người được đầy đủ thiện ngôn, minh bạch, phát ngôn rõ ràng, ý nghĩa minh xác. Này Tỷ-kheo, Thầy có bao nhiêu tuổi an cư mùa mưa?
- Bạch Thế Tôn, con có một tuổi an cư mùa mưa.
- Này Tỷ-kheo, vì sao Thầy lại để chậm như thế?
- Bạch Thế Tôn, đã lâu con thấy sự nguy hại trong các dục, sự bó buộc của đời sống gia đình, nhiều phận sự, nhiều công việc phải làm.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
6. Thấy nguy hại ở đời,
Biết pháp không sanh y,
Bậc Thánh không ưa ác,
Bậc tịnh không ưa ác!
(VII) (Ud 58)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Kankharevata ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng, tự mình quán sát sự thanh tịnh do vượt qua được nghi ngờ. Thế Tôn thấy Tôn giả Kankharevata ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng tự mình quán sát sự thanh tịnh do vượt qua được nghi ngờ.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
7. Phàm những nghi hoặc gì,
Ðời này hay đời sau,
Tự mình chưa cảm thọ,
Hay người khác cảm thọ,
Người hành thiền từ bỏ,
Hoàn toàn tất cả chúng,
Nhiệt tâm hành Phạm hạnh.
(VIII) (Ud 59)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana chỗ nuôi các con sóc. Lúc bấy giờ, Tôn giả Ananda trong ngày trai giới, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, vào Ràjagaha để khất thực. Devadatta thấy Tôn giả Ananda đi khất thực ở Ràjagaha, sau khi thấy, đi đến Tôn giả Ananda và nói với Tôn giả Ananda.
- Bắt đầu từ hôm nay, Hiền giả Ananda, ta sẽ làm lễ trai giới và sẽ tác thành các tăng sự, khác với Thế Tôn, khác với chúng Tỷ-kheo.
Tôn giả Ananda, sau khi đi khất thực ở Ràjagaha, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Theá Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con vào buổi sáng đắp y, cầm bát, vào Ràjagaha để khất thực. Bạch Thế Tôn, Devadatta thấy con đi khất thực ở Ràjagaha, thấy vậy liền đi đến con và nói: "Bắt đầu từ hôm nay, Hiền giả Ananda.. khác với chúng Tỷ-kheo!". Hôm nay, bạch Thế Tôn, Devadatta sẽ phá hòa hợp Tăng, làm lễ trai giới và hành các tăng sự.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
8. Dễ làm là việc lành,
Ðối với kẻ làm lành;
Khó làm là việc ác,
Ðối với kẻ làm lành;
Dễ làm là việc ác,
Ðối với kẻ làm ác;
Khó làm là việc ác,
Ðối với các bậc Thánh.
(IX) (Ud 60)
Như vậy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn bộ hành giữa dân chúng Kosala cùng với đại chúng Tỷ-kheo. Lúc bấy giờ, nhiều thanh niên Bà-la-môn, không xa Thế Tôn bao nhiêu, dùng những lời nhiếc mắng vượt đà quá xa. Thế Tôn thấy nhiều thanh niên, không xa bao nhiêu, dùng những lời nhiếc mắng, vượt đà quá xa.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
9. Lời nói của kẻ trí,
Khi bối rối luống cuống,
Rơi vào nhiều đề tài,
Nhiều lãnh vực sai khác,
Họ muốn miệng mở rộng,
Cái gì dắt dẫn họ,
Họ đâu có biết rõ.
(X) (Ud 61)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Cùlapanthaka ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng để niệm trước mặt. Thế Tôn thấy Tôn giả Cùlapanthaka ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng để niệm trước mặt.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
10. Với thân, tâm an trú,
Ðứng, ngồi hay nằm xuống,
Tỷ-kheo an trú niệm,
Trước sau được thù thắng,
Trước sau được thù thắng,
Vượt tầm mắt ác ma.
(I) (Ud 62)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli tại Ðại Lâm chỗ ngôi nhà có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm bát, đi vào Vesàli để khất thực. Khất thực ở Vesàli xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, Thế Tôn gọi Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy cầm tọa cụ, Ta sẽ đi đến điện Càpàla để nghỉ ban ngày.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, cầm tọa cụ và đi sau lưng Thế Tôn. Thế Tôn đi đến đền Càpàla, khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, khả ái thay Vesàli! Khả ái thay Vesàli! Khả ái thay đền Udena! Khả ái thay đền Gotamaka! Khả ái thay đền Sattambaka! Khả ái thay đền Bahuputta! Khả ái thay đền Sàrandada! Khả ái thay đền Càpàla!
Này Ananda, những ai đã tụ tập Bốn như ý túc, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, được an trú, tích lũy, khéo thực hành, nếu muốn, người ấy có thể sống đến một kiếp hay phần kiếp còn lại. Này Ananda, nay Như Lai đã tu tập Bốn như ý túc, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, được an trú, tích lũy, khéo thực hành. Này Ananda, nếu muốn Như Lai có thể sống đến một kiếp hay phần còn lại!
Nhưng Tôn giả Ananda không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Thế Tôn, không thỉnh cầu Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp! Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người". Vì tâm Tôn giả bị Ma vương ám ảnh. Lần thứ hai... Lần thứ ba Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda: "Này Ananda, khả ái thay Vesàli! Khả ái thay đền Udena! Khả ái thay đền Gotamaka! Khả ái thay đền Sattambaka! Khả ái thay đền Bahyputta! Khả ái thay đền Sàrandada! Khả ái thay đền Càpàla!... " Nhưng Tôn giả Ananda không thể nhận hiểu sự gợi ý quá rõ ràng, sự hiện tướng quá rõ ràng của Thế Tôn, không thỉnh cầu Thế Tôn: "Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy ở lại cho đến trọn kiếp! Thiện Thệ hãy ở lại cho đến trọn kiếp, vì lợi ích cho chúng sanh, vì hạnh phúc cho chúng sanh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho loài Trời và loài Người!". Vì tâm Tôn giả bị Ma vương ám ảnh. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đi và làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời!.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ngồi xuống một gốc cây không xa bao nhiêu.
Tôn giả Ananda ra đi không bao lâu, Ác ma đi đến Thế Tôn, sau khi đến liền đứng một bên. Ðứng một bên, Ác ma nói với Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ! Thiện thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ. Bạch Thế Tôn, đấy là lời Thế Tôn đã nói:
- Này Ác ma, Ta sẽ chưa diệt độ, khi nào những Tỷ-kheo của Ta chưa trở thành những đệ tử có tài năng được huấn luyện, đạt được tự tín, an ổn khỏi các khổ ách, nghe nhiều, trì pháp, thực hành Chánh pháp và tuỳ pháp, sống chánh hạnh, sống tùy pháp, sau khi học hỏi giáo lý từ Thầy của mình; khi nào họ chưa có thể tuyên bố, diễn giảng, trình bày, xác định, khai mở, phân tích rõ ràng Chánh pháp; khi nào có tà đạo khởi lên, họ chưa có thể, sau khi chất vấn, khéo hàng phục một cách đúng pháp, chưa có thể thuyết pháp thần diệu.
- Bạch Thế Tôn, nay có những Tỷ-kheo, đệ tử của Thế Tôn có tài năng, được huấn luyện, đạt được tự tín, an ổn khỏi các khổ ách, nghe nhiều, trì pháp, thực hành Chánh pháp và tùy pháp, sống chánh hạnh, sống tùy pháp; sau khi học hỏi giáo lý từ Thầy của mình, họ tuyên bố diễn giảng trình bày, xác định, khai mở, phân tích và giải thích rõ ràng Chánh pháp. Khi có tà đạo khởi lên, sau khi chất vấn, họ khéo hàng phục một cách đúng pháp, thuyết pháp thần diệu. Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn hãy diệt độ; Thiện Thệ hãy diệt độ. Bạch Thế Tôn, nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói.
- Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào những Tỷ-kheo ni của Ta... Những nam cư sĩ của Ta... Những nữ cư sĩ của Ta chưa trở thành những đệ tử có tài năng... chưa có thể thuyết pháp thần diệu.
- Bạch Thế Tôn, nay có những Tỷ-kheo ni... Những nam cư sĩ... Những nữ cư sĩ đệ tử của Thế Tôn có tài năng, được huấn luyện, đạt được tự tín... có thể thuyết pháp thần diệu. Như vậy, nay Thế Tôn hãy diệt độ, Thiện Thệ hãy diệt độ! Bạch Thế Tôn,nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ! Bạch Thế Tôn, đây là lời Thế Tôn đã nói.
- Này Ác ma, Ta sẽ không diệt độ khi nào Phạm hạnh Ta giảng dạy chưa được thành tựu, thành đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn, nghĩa là được khéo giảng dạy, cho chư Thiên và loài Người.
- Bạch Thế Tôn, nay Phạm hạnh Thế Tôn giảng dạy đã được thành tựu, thịnh đạt, phổ biến, quảng bá, biến mãn, nghĩa được khéo giảng dạy cho chư Thiên và loài Người. Như vậy, nay Thế Tôn hãy diệt độ; Thiện Thệ hãy diệt độ! Bạch Thế Tôn! Nay đã đến thời Thế Tôn diệt độ! Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Ác ma:
- Này Ác ma, hãy yên tâm, không bao lâu Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như Lai sẽ diệt độ.
Và tại đền Càpàla, Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, từ bỏ thọ hành, không duy trì mạng sống lâu hơn nữa. Khi Thế Tôn từ bỏ thọ hành, thời đại địa chấn động, ghê rợn, lông tóc dựng ngược, sấm trời vang dậy.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
1. Bậc ẩn sĩ từ bỏ,
Các hành động sanh hữu,
Sanh hữu có cân lượng,
Sanh hữu không cân lượng,
Ưa thích hướng nội tâm,
Thật định tỉnh an tịnh,
Phá đổ ngã sanh hữu,
Như cởi thoát áo giáp.
(II) (Ud 64)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Ðông Viên, lâu đài mẹ của Migàra. Lúc bấy giờ Thế Tôn vào buổi chiều, từ độc cư thiền tịnh đứng dậy và đến ngồi tại một ngôi nhà nhỏ phía cửa ngoài.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi xuống một bên. Lúc bấy giờ bảy vị bện tóc, bảy vị Ni-kiền Tử, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ, với nách đầy lông, với móng tay dài, mang các dụng cụ khất sĩ, đã đi ngang qua Thế Tôn không xa bao nhiêu.
Rồi vua Pasenadi nước Kosala, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y một bên vai, quỳ xuống trên đầu gối tay mặt, chấp tay hướng về bảy vị bện tóc, bảy vị Ni-kiền Tử, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y và bảy vị du sĩ ấy, nói lên ba lần tên của mình: "Thưa chư Tôn giả, con là vua Pasenadi nước Kosala!".
Rồi vua Pasenadi nước Kosala, khi bảy vị bện tóc, bảy vị Ni-kiền Tử, bảy vị Ni-kiền Tử, bảy vị lõa thể, bảy vị mặc một y, và bảy vị du sĩ ấy đã đi ngang qua không bao lâu, liền đi đến Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, vua Pasenadi nước Kosala bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, có phải những Tôn giả ấy là những vị A-la-hán trên đời này, hay là những vị đang đi trên con đường hướng đến đạo quả A-la-hán?
- Thưa Ðại vương, khi Ðại vương còn là cư sĩ trong khi còn sống với gia đình, thọ hưởng dục lạc, bị vợ con trói buộc, quen dùng các loại chiên đàn ở xứ Kàsi, trang sức với vòng hoa, hương thơm, dầu sáp, thọ hưởng vàng và bạc thời Ðại vương thật khó biết được các vị ấy là bậc A-la-hán hay là bậc đang đi con đường hướng đến A-la-hán quả. Thưa Ðại vương, chính phải cộng trú mới biết được giới đức của một người và như vậy phải trong một thời gian dài không thể ít ngày được, phải có tác ý không phải không có tác ý; phải có trí tuệ không phải với ác tuệ. Thưa Ðại vương, chính phải có liên hệ mới biết được sự thanh liêm của một người, phải trong một thời gian dài không thể ít ngày được, phải có tác ý, không phải không có tác ý, phải có trí tuệ không phải với ác tuệ. Thưa Ðại vương, chính trong thời gian bất hạnh biết được sự trung kiên của một người, phải trong một thời gian dài không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không tác ý; phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ. Thưa Ðại vương, chính phải đàm luận biết được trí tuệ của một người, và như vậy phải trong một thời gian dài không thể ít ngày được; phải có tác ý, không phải không tác ý, phải có trí tuệ, không phải với ác tuệ.
- Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn, khi Thế Tôn đã khéo nói như sau: "Thưa Ðại vương, khi Ðại vương còn là cư sĩ... không phải với ác tuệ". Bạch Thế Tôn, có những trinh thám này của con những người trinh sát sau khi đi trinh sát mặt nước, chúng đến con. Trước hết họ báo cáo rồi con mới đúc kết. Bạch Thế Tôn, ở đây những người ấy sau khi tẩy sạch bụi và nhớp, sau khi tắm rửa và xoa dầu, sau khi chải sạch râu tóc, mặc áo vải trắng, chúng được hầu hạ săn sóc và cho thọ hưởng năm dục công đức.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên bài kệ này:
2. Phải siêng năng cố gắng,
Tại bất cứ chỗ nào,
Chớ trở thành là người
Thuộc vào con người khác,
Chớ có sống ỷ lại,
Nương tựa vào ngưòi khác,
Chớ sống nghề buôn bán,
Ðem pháp để kiếm lời.
(III) (Ud 65)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Thế Tôn ngồi quán sát của pháp bất thiện của mình được trừ diệt, và các pháp thiện của mình được tu tập, làm cho tăng trưởng. Rồi Thế Tôn sau khi biết các pháp bất thiện của mình đã được trừ diệt và các pháp thiện của mình được tu tập, được làm cho sung mãn, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Trước có nay không có,
Trước không có nay có,
Ðã không và sẽ không,
Và nay hiện không có.
(IV) (Ud 66)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ một số đông các ngoại đạo sai khác. Các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ ngoại đạo đều vào Sàvatthi để khất thực. Họ có quan điểm khác nhau, có kham nhẫn khác nhau, có sở thích khác nhau, y cứ nương tựa vào quan điểm khác nhau. Một số Sa-môn, Bà-la-môn, luận thuyết như sau: "Thế giới là thường còn, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Thế giới là vô thường, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Thế giới là có biên tế, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, có quan điểm như sau: "Thế giới là vô biên, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Sanh mạng và thân thể là một, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Sanh mạng và thân thể là khác, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai không có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai có tồn tại và không có tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Bà-la-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp".
Rồi nhiều Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi, để khất thực, Khất thực ở Sàvatthi xong sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, một số đông ngoại đạo sai khác, các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ ngoại đạo đều vào Sàvatthi để khất thực..."... như thế này không phải pháp, như thế này là pháp".
- Này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết mục đích, không biết phải mục đích, không biết pháp, không biết phi pháp. Do họ không biết mục đích, do họ không biết không phải mục đích, do không biết pháp, do không biết phi pháp, họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh... như thế này là pháp. Này các Tỷ-kheo, thưở xưa tại thành Sàvatthi này, có một ông vua. Này các Tỷ-kheo, ông vua ấy bảo một người: "Này người kia, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi hãy nhóm lại một chỗ tất cả " - "Thưa vâng, Ðại vương". Này các Tỷ-kheo, người ấy vâng đáp ông vua ấy, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi, người ấy giữ lại tất cả, rồi đi đến ông vua ấy, sau khi đến thưa với vị vua: "Thưa Ðại vương, phàm có bao nhiêu những người sanh ra đã mù ở Sàvatthi đã được tụ tập lại".
- Này khanh, hãy đưa ra một con voi cho những người mù.
Thưa vâng, Ðại vương. Này các Tỷ-kheo, người ấy vâng đáp ông vua ấy, đưa ra một con voi cho những người mù: "Này các người mù, đây là con voi". Với một số người mù, ông ta đưa cái đầu và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lỗ tai con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa các ngà con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái vòi con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái thân con voi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái chân... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lưng... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái đuôi... Ðối với một số người mù, ông ta đưa cái lông đuôi và nói: "Này các người mù, đây là con voi". Này các Tỷ-kheo, rồi người ấy sau khi đưa con voi cho các người mù, đi đến ông vua ấy, sau khi đến tâu với vua: "Thưa Ðại vương, con voi đã được các người mù thấy, nay Ðại vương hãy làm những gì Ðại vương nghĩ là hợp thời! " Rồi này các Tỷ-kheo, ông vua đi đến các người mù ấy, sau khi đến nói với họ: "Này các người mù, các ông đã thấy con voi chưa? " - "Thưa Ðại vương, chúng tôi đã thấy con voi". - Này các người mù, hãy nói con voi là như thế nào? " Này các Tỷ-kheo, những ai thấy đầu con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái ghè! " Này các Tỷ-kheo, những ai được thấy cái tai con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái rổ sàng gạo. " Này các Tỷ-kheo, những ai được thấy cái ngà con voi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái lưỡi cày. " Những ai... được thấy cái vòi..."... như cái cày". Những ai... được thấy cái thân..."... như cái kho chứa. " Những ai... được thấy cái chân..."... như cái cột. " Những ai... được thấy cái lưng..."... như cái cối. " Những ai... được thấy cái đuôi, họ nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái chày". Những ai được thấy cái nhóm lông đuôi, chúng nói như sau: "Thưa Ðại vương, con voi là như thế này, như cái chổi " - "Con voi các ông nói như vậy không phải là con voi. Con voi không phải như vậy. Con voi không phải vậy. Như thế này là con voi". Cho đến khi họ đánh lộn nhau bằng tay. Rồi này các Tỷ-kheo, ông vua ấy hoan hỷ. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt... như vậy là pháp.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
4. Có một số Sa-môn,
Cùng với Bà-la-môn,
Họ chấp trước, giành giật,
Trong các luận thuyết này,
Họ tranh luận tranh chấp,
Họ nhìn chỉ một phía.
(V) (Ud 69)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều ngoại đạo sai khác, các Sa-môn, Bà-la-môn, các di sĩ trú ở Sàvatthi. Họ có quan điểm khác nhau. Họ có kham nhẫn khác nhau. Họ có sở thích khác nhau. Họ y cứ nương tựa vào quan điểm khác nhau. Một số Sa-môn, Bà-la-môn luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Tự ngã và thế giới là thường còn, chỉ đây là sự thật, ngoài ra là hư vọng". Một số Sa-môn, Bà-la-môn... "Tự ngã và thế giới là vô thường"... "Tự ngã và thế giới là thường còn và vô thường"... "Tự ngã và thế giới là không thường còn và không vô thường... " "Tự ngã và thế giới do tự mình tạo ra"... "Tự ngã và thế giới do người khác tạo ra"... "Tự ngã và thế giới do tự mình và người khác tạo ra"... "Tự ngã và thế giới do không tự mình tạo ra, không do người khác tạo ra, do vô nhân sanh, tự nhiên"... "Lạc khổ, tự ngã và thế giới là thường còn"... "Lạc khổ, tự ngã và thế giới là vô thường"... "Lạc khổ, tự ngã và thế giới là thường còn và vô thường"... "Lạc khổ, tự ngã và thế giới là không thường còn và không vô thường"... Có một số Sa-môn, Bà-la-môn có luận thuyết như sau, quan điểm như sau: "Lạc khổ, tự ngã và thế giới là không tự mình tạo ra, không người khác tạo ra do vô nhân sanh". Họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau, bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này không phải là pháp. Như thế này không phải pháp, như thế này là pháp".
Rồi nhiều Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm y bát vào Vương Xá để khất thực. Khất thực ở Vương Xá xong, sau buổi ăn, đi khất thực trở về, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, có nhiều ngoại đạo sai khác, các Sa-môn, Bà-la-môn, các du sĩ, trú ở Sàvatthi... họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đả thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp, như thế này là pháp".
- Này các Tỷ-kheo, các du sĩ ngoại đạo là những người mù, không có mắt, không biết mục đích, không biết không phải mục đích, không biết pháp, không biết phi pháp. Do họ không biết mục đích, do họ không biết không phải mục đích, do không biết pháp, do không biết phi pháp, họ sống cạnh tranh, luận tranh, đấu tranh, đã thương nhau bằng binh khí miệng lưỡi: "Như thế này là pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này không phải pháp. Như thế này là pháp".
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
5. Có một số Sa-môn,
Cùng với Bà-la-môn,
Họ chấp trước giành giật,
Trong các luận thuyết này,
Họ bị chìm đắm xuống,
Khi đang còn giữa dòng,
Họ không đạt đến được,
Ðất cứng trên bờ kia.
(VI) (Ud 70)
(Giống như kinh VI, 5, tức là kinh trước, với đoạn kết luận khác nhau như sau:)
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
6. Có người ở đời này,
Chấp người làm là ta,
Trói buộc với tư tưởng,
Người làm là người khác,
Họ không biết sự này,
Họ thấy là mũi tên,
Ai nhìn mũi tên này,
Với thận trọng cần thiết,
Người ấy không còn chấp,
"Người làm chính là ta",
Người ấy cũng không chấp,
"Người làm là người khác",
Loài người ở đời này,
Bị kiêu nạn khiếp phục,
Bị cột bởi kiêu mạn,
Bị trói bởi kiêu mạn,
Trong các loài chủ thuyết,
Họ cạnh tranh, luận tranh,
Họ không thể vượt qua,
Luân chuyển trong sanh tử.
(VII) (Ud 71)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn Giả Subhùti ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết-già lưng thẳng, nhập định không tầm. Thế Tôn thấy Tôn giả Subhùti ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết-già lưng thẳng, nhập định không tầm. Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nỗi lên lời cảm hứng:
7. Với ai, tầm quét sạch,
Nội tâm khéo cắt đứt,
Không còn chút dư tàn
Vượt qua ái nhiễm ấy,
Ðạt được tưởng vô sắc,
Vượt khỏi bốn ách nạn,
Không đi đến thọ sanh.
(VIII) (Ud 71)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, ở Vương xá, có hai nhóm say đắm một ngưòi kỹ nữ, tâm bị ám ảnh, họ cạnh tranh, đấu tranh nhau. Họ đi đến đánh nhau bằng nắm tay, đánh nhau bằng cục đất, đánh nhau bằng gậy gộc, đánh nhau bằng kiếm. Họ đi đến chết, đi đến đau khổ gần như chết. Rồi nhiều Tỷ-kheo, vào buổi sáng đắp y, cầm bát, đi vào Vương Xá để khất thực. Khất thực ở Vương Xá xong, sau buổi ăn, khi đi khất thực trở về, các Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, ở Vương Xá có hai nhóm say đắm một người kỷ nữ... họ đi đến chết, đi đến đâu khổ gần như chết.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
8. Phàm cái gì đạt được,
Cái gì cần phải đạt,
Cả hai vướng bụi trần,
Với kẻ bị bệnh hoạn,
Học tập chưa thuần thục,
Kẻ tinh chuyên học tập,
Sống giữ gìn giới cấm,
Tinh chuyên chú Phạm hạnh,
Ðây là một cực đoan,
Ðây là một chủ thuyết,
Trong dục không lỗi lầm,
Là cực đoan thứ hai,
Cả hai cực đoan này,
Làm mộ phần tăng trưởng,
Chính do các tà kiến,
Làm tăng trưởng mộ phần.
Những ai không thắng tri,
Cả hai cực đoan này,
Có kẻ bị chìm đắm,
Có kẻ chạy quá mau,
Những ai thắng tri chúng,
Không có suy tư vậy,
Không có tự quá mạn,
Họ không có luân chuyển,
Ðể được tuyên bố lên.
(IX) (Ud 72)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàathapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi giữa trời, trong đêm tối mù mịt, với những cây đèn dầu đang chói sáng. Lúc bấy giờ, nhiều loại côn trùng có cánh tiếp tục rơi vào trong những đèn dầu ấy và gặp phải tai nạn, gặp phải hoại diệt, gặp phải tai nạn hoại diệt. Thế Tôn thấy nhiều loại côn trùng có cánh tiếp tục rơi vào...
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy nói lên lời cảm hứng:
9. Họ chạy gấp vượt qua,
Nhưng bỏ mất lối cây,
Họ làm cho tăng trưởng,
Các trói buộc mới mẻ,
Như các loại côn trùng,
Rơi vào trong ánh sáng,
Có người sống dựa vào
Ðiều được thấy được nghe.
(X) (Ud 73)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavena, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Tôn giả Ananda, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, cho đến khi nào, các Như Lai không hiện hữu ở đời, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng-Giác, cho đến khi ấy các du sĩ ngoại đạo được cung kính, được tôn trọng, được đảnh lễ, được cúng dường, được tôn kính, nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Nhưng đến khi các Như Lai hiện hữu ở đời, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng-Giác, cho đến khi ấy, các du sĩ ngoại đạo, không được cung kính, không được tôn trọng, không được đảnh lễ, không được cúng dường, không nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh. Bạch Thế Tôn, nay Thế Tôn được cung kính, tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường, tôn trọng, nhận được các vật dụng như y, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh; chúng Tỷ-kheo cũng như vậy.
- Ðúng như vậy, này Ananda. Cho đến khi nào, các Như Lai không xuất hiện ở đời... dược phẩm trị bệnh. Nhưng đến khi các Như Lai xuất hiện ở đời... dược phẩm trị bệnh. Này Ananda nay Thế Tôn được cung kính... chúng Tỷ-kheo cũng vậy.
Sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, Thế Tôn nói lên lời cảm hứng:
10. Con đôm đốm chiếu sáng,
Khi mặt trời chưa mọc,
Khi mặt trời mọc lên,
Ánh sáng đôm đốm diệt,
Cũng vậy là ánh sáng,
Của các nhà ngoại đạo,
Khi bậc Chánh Ðẳng Giác
Chưa xuất hiện ở đời,
Các nhà ưa biện luận.
Không có được ánh sáng,
Cũng vậy đệ tử chúng,
Còn các nhà tà kiến,
Họ không được giải thoát,
Khỏi các sự đau khổ.
(I) (Ud 74)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi tại Jetavana, khu vườn cuả ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Sàriputta, với pháp thoại gồm nhiều pháp môn đang trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ Tôn giả Lakumthakabbaddiya. Do Tôn giả Sàriputta, với pháp thoại gồm nhiều pháp môn trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ nên tâm của Tôn giả Lakumthakabhaddiya được giải thoát các lậu hoặc không có chấp thủ. Thế Tôn thấy Tôn giả Lakumthakabbaddiya, do Tôn giả Sàriputta với pháp thoại gồm nhiều pháp môn trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ nên tâm được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
1. Trên dưới khắp tất cả,
Ðược giải thoát hoàn toàn,
Không còn có tùy quán
"Cái này chính là tôi".
Giải thoát vậy vượt dòng,
Trước chưa từng vượt qua,
Không còn có rơi rớt
Vào sanh hữu thọ sanh.
(II) (Ud 74)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ Tôn giả Sàriputta, với pháp thoại gồm nhiều pháp môn, đang thuyết trình, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, Tôn giả Bhaddiya người lùn; lại càng nhiệt tình hơn lên khi Tôn giả Sàriputta nghĩ rằng: "Tôn giả Bhaddiya người lùn là một vị hữu học". Thế Tôn thấy Tôn giả Sàriputta với pháp thoại gồm nhiều pháp môn, là một vị hữu học. Sau khi hiểu biết ý nghĩa này, Thế Tôn ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
2. Cắt đứt được luân chuyển,
Ðạt được sự không dục,
Hoàn toàn được khô cạn,
Nước sông không chảy nữa,
Cắt đứt, lưu chuyển đứng,
Là giải thoát đau khổ.
(III) (Ud 75)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều người ở Sàvatthi, phần lớn đắm say quá độ về các dục, sống say đắm, tham đắm, tham muốn, tham mê, bị trói buộc, bị mê say trong các dục. Rồi một số đông Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Khất thực ở Sàvatthi xong, sau buổi ăn, khi đã khất thực trở về, họ đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, họ bạch Thế Tôn:
Ở đây, bạch Thế Tôn, những người ở Sàvatthi,... bị mê say trong các dục.
Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
3. Chúng sanh bị tham đắm,
Trong các loại ái dục,
Họ không thấy lỗi lầm,
Trong phiền não kiết sử,
Chắc chắn các chúng sanh,
Tham đắm trong ái dục,
Họ không vượt qua được,
Thác nước rộng và lớn.
(IV) (Ud 75)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều người ở Sàvatthi phần lớn đắm say quá độ về các dục (như trên III)... trong các dục. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Sàvatthi để khất thực. Rồi Thế Tôn thấy các người ấy ở Sàvatthi... trong các dục.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
4. Bị mù bởi các dục,
Bị bao phủ bởi lưới,
Bị ái dục bao trùm,
Lại còn bị trói buộc,
Bởi trói buộc phóng dật,
Như cá mắc miệng lưới,
Họ đi đến già chết,
Như con bê bú sữa.
(V) (Ud 76)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvtthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Lakumthakabhaddiya đi theo sau lưng nhiều Tỷ-kheo, đi đến Thế Tôn, Thế Tôn thấy Tôn giả Lakumthakabhaddiya đi theo sau lưng nhiều Tỷ-kheo, xấu xí, khó nhìn, khòm lưng, phần lớn bị các Tỷ-kheo khinh bỉ; thấy vậy, nói với các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thấy chăng Thầy Tỷ-kheo này từ đàng xa... bị các Tỷ-kheo khinh bỉ?
- Thưa có, bạch Thế Tôn. Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, có đại thần lực, có đại uy lực, thiền chứng không dễ gì chứng được, thiền chứng ấy trước đây Tỷ-kheo ấy không thực hành tốt đẹp. Và vì mục đích gì các thiện nam tử chơn chánh xuất gia từ bỏ gia đình, sống không gia đình, tức là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh, vị ấy ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ chứng đạt và an trú.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
5. Bộ phận không khuyết thiếu,
Có tán trắng che trên,
Chỉ có một bánh xe,
Chiếc xe được di chuyển.
Hãy thấy vị ấy đến,
Không phiền muộn khó khăn,
Dòng nước đã cắt đứt,
Vị ấy không trói buộc.
(VI) (Ud 77)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Annatakondanna ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng, suy tư đến sự giải thoát do ái được diệt. Thế Tôn thấy Tôn giả Annatakondanna ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già lưng thẳng, suy tư đến sự giải thoát do ái được diệt.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
6. Rễ không có bén đất,
Không lá, đâu dây leo,
Bậc trí thoát trói buộc,
Ai xứng đáng được khen,
Chư Thiên khen người ấy,
Phạm Thiên cũng ngợi khen.
(VII) (Ud 77)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang ngồi quán sát sự từ bỏ, đoạn diệt các hý luận tưởng. Rồi Thế Tôn sau khi biết sự từ bỏ, đoạn diệt các tưởng hý luận của mình, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
7. Với ai các hý luận,
Không còn có an trú,
Thoát ly được liên hệ,
Thoát ly được ảo tưởng,
Chư Thiên và thế giới,
Không thể nào rõ biết,
Sở hành vị ẩn sĩ,
Ðã vượt khỏi tham ái.
(VIII) (Ud 77)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Mahàkaccàna ngồi không xa Thế Tôn bao nhiêu, ngồi kiết-già, lưng thẳng, với thân hành niệm khéo an trú trước mặt và trong nội tâm. Thế Tôn thấy Tôn giả Mahàkaccàna ngồi không xa bao nhiêu, ngồi kiết già, lưng thẳng, với thân hành niệm khéo an trú trước mặt trong nội tâm.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
8. Với ai thường thường niệm,
Liên tục trú thân hành,
"Trước không thể có được,
Với tôi, nay không có,
Sẽ không thể có được,
Với tôi, nay sẽ không".
Tiếp tục trú như vậy,
Ðúng thời vượt dục ái.
(IX) (Ud 78)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Mallà cùng với đại chúng Tỷ-kheo, đi đến làng Bà-la-môn của dân chúng Malà tên là Thùna. Các Bà-la-môn gia chủ ở Thùna được nghe: "Sa-môn Gotama từ dòng họ Thích Ca xuất gia, đang bộ hành giữa dân chúng Mallà cùng với đại chúng Tỷ-kheo, nay đã đến Thùna". Họ đổ đầy miệng giếng với cỏ và trấu với ý nghĩ: "Mong rằng các Sa-môn trọc đầu ấy không có nước uống".
Rồi Thế Tôn từ trên đường bước xuống, đi đến dưới một gốc cây, sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đem nước uống từ nơi giếng này cho Ta.
Khi được nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, nay các giếng ấy bị các gia chủ Bà-la-môn ở Thùna lắp đầy miệng với cỏ và trấu với ý nghĩ: "Mong rằng các Sa-môn trọc đầu ấy không có nước uống".
Lần thứ hai, Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đem nước uống từ nơi giếng này cho Ta!.
Lần thứ hai, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Nay các giếng ấy... không có nước uống.
Lần thứ ba, Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đem nước uống từ nơi giếng này cho Ta.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, lấy bình bát, đi đến cái giếng ấy. Tại cái giếng ấy, khi Tôn giả Ananda đi đến, phun ra tất cả cỏ và trấu khỏi miệng giếng, và nước trong sáng không cấu uế, trong lặng, tràn đầy miệng, cho đến như là tràn ra ngoài. Rồi Tôn giả Ananda suy nghĩ: "Thật vi diệu thay!. Thật hy hữu thay là đại thần lực, đại uy lực của Như Lai. Cái giếng này khi ta đến, phun ra tất cả cỏ và trấu khỏi miệng giếng... như là tràn ra ngoài". Rồi Tôn giả Ananda cầm lấy bát nước, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay là đại thần lực... như là tràn ra ngoài! Bạch Thế Tôn hãy uống nước. Bạch Thiện Thệ, hãy uống nước!.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
9. Cần làm gì với giếng,
Khi nước có cùng khắp,
Chắt đứt ái từ gốc,
Cần hành tầm cầu gì?
(X) (Ud 79)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Kosambi tại khu vườn Ghosita. Lúc bấy giờ, vua Udena đang đi ngoài vườn, thì nội cung bị cháy và năm trăm nữ nhân bị chết, đứng đầu là Sàmavati. Rồi nhiều Tỷ-kheo vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi vào Kosambi để khất thực. Các Tỷ-kheo ấy khất thực ở Kosambi xong, sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi vua Udena đi ra ngoài vườn, nội cung bị cháy, năm trăm nữ nhân bị chết, đứng đầu là Sàmàvati. Các nữ cư sĩ ấy, sanh thú họ là gì? Tương lai họ thế nào?
- Này các Tỷ-kheo, có nữ cư sĩ là bậc Dự lưu, có nhất bậc Nhất lai, có bậc Bất Lai. Này các Tỷ-kheo, tất cả các nữ cư sĩ ấy mạng chung không phải không có kết quả.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
10. Ðời bị si trói buộc,
Ðược thấy bị tái sanh,
Bị trói bởi sanh y,
Kẻ ngu bị mù vây,
Tự thấy mình thường còn,
Nhưng với ai thấy được,
Sẽ không có vật gì.
(I) (Ud 80)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana ngôi vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đang thuyết giảng pháp thoại liên tưởng đến Niết-bàn cho các Tỷ-kheo, khích lệ làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Các Tỷ-kheo ấy chú tâm, tác ý, dồn tất cả tâm tư lắng nghe pháp.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
- Này các Tỷ-kheo, có xứ này, tại đây không có đất, không có nước, không có lửa, không có gió; không có Hư không vô biên, không có Thức vô biên xứ, không có Vô sở hữu xứ, không có Phi tưởng phi phi tưởng xứ; không có đời này, không có đời sau, không có cả hai mặt trăng mặt trời. Do vậy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố không có đến, không có đi, không có trú, không có diệt, không có sanh; không có an trú, không có chuyện vận, không có sở duyên, đây là sự đoạn tận khổ đau.
(II) (Ud 81)
(Như kinh trên (I), chỉ khác lời cảm hứng)
1. Khó thấy là vô ngã,
Không dễ thấy, sự thật,
Với bậc có hiểu biết,
Khéo xâm nhập được ái,
Với vị ấy thấy rõ,
Ðâu còn có vật gì.
(III) (Ud 82)
(Như kinh trên, chỉ khác lời cảm hứng)
- Này các Tỷ-kheo, có sự không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, này các Tỷ-kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, thì ở đây không thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không bị làm, không hữu vi, nên có trình bày sự xuất ly khỏi sanh, hiện hữu, bị làm, hữu vi.
(IV) (Ud 83)
(Như các kinh trước, chỉ khác lời cảm hứng).
- Cái gì có nương tựa, cái ấy có dao động. Cái gì không nương tựa, cái ấy không dao động. Không có dao động thì có khinh an. Có khinh an thì không có thiên về. Không có thiên về thì không có đến và đi; không có đến và đi thì không có diệt và sanh; không có diệt và sanh thì không có đời này, không có đời sau, không có đời ở giữa. Ðây là sự đoạn tận khổ đau.
(V) (Ud 84)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn đang bộ hành đi giữa dân chúng Mallà, cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến Pàvà. Rồi Thế Tôn trú ở Pàvà, tại rừng xoài của thợ rèn Cunda. Thợ rèn Cunda được nghe: "Thế Tôn đang bộ hành giữa dân chúng Mallà, đã đến Pàvà cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và trú ở Pàvà, trong rừng xoài của ta". Thợ rèn Cunda đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn thuyết pháp thoại cho thợ rèn Cunda đang ngồi một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. Thợ rèn Cunda sau khi được Thế Tôn thuyết pháp, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, liền bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn nhận lời mời của con ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo.
Thế Tôn im lặng nhận lời. Thợ rèn Cunda, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Thợ rèn Cunda, sau khi đêm đã mãn, liền cho sửa soạn tại nhà của mình các món ăn thượng vị, loại cứng, loại mềm và nhiều thứ mộc nhĩ và báo tin cho Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, giờ đã đến, cơm đã sẵn sàng.
Thế Tôn buổi sáng đắp y, mang theo y bát, cùng với chúng Tỷ-kheo đến nhà thợ rèn Cunda, khi đến liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với thợ rèn Cunda:
- Này Cunda, loại mộc nhĩ đã soạn sẵn, hãy dọn cho Ta. Còn các món ăn khác đã soạn sẵn, loại cứng và loại mềm, hãy dọn cho chúng Tỷ-kheo.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Thợ rèn Cunda vâng lời Thế Tôn, dọn cho Thế Tôn các món mộc nhĩ đã soạn sẵn, và dọn cho chúng Tỷ-kheo các món ăn khác, loại cứng và loại mềm. Rồi Thế Tôn nói với thợ rèn Cunda:
- Này Cunda, món ăn mộc nhĩ còn lại, hãy đem chôn. Này Cunda, Ta không thấy một ai, ở cõi trời, cõi Người, ở Ma giới, ở Phạm thiên giới, không một người nào trong chúng Sa-môn và chúng Bà-la-môn, giữa những Thiên nhân, ăn món mộc nhĩ này mà có thể tiêu hóa được, trừ Như Lai.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Thợ rèn Cunda vâng đáp Thế Tôn, đem chôn món ăn mộc nhĩ còn lại vào một lỗ, đi đến chỗ Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho thợ rèn Cunda đang ngồi xuống một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ rồi từ chỗ đứng dậy và ra đi.
Sau khi dùng cơm của thợ rèn Cunda. Thế Tôn bị nhiễm bịnh nặng, bệnh ly huyết, đau đớn gần như đến chết, và Thế Tôn chánh niệm tỉnh giác, nhẫn nại chịu đựng cơn bệnh.
Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, chúng ta hãy đi đến Kusinàra. Xin vâng, bạch Thế Tôn, Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn:
2. Dùng cơm Cunda xong,
Như vậy tôi được nghe,
Bậc trí cảm bệnh nặng,
Bạo bệnh, gần như chết,
Khi ăn loại mộc nhĩ
Ðạo Sư bị bệnh nặng,
Khi bệnh được lắng dịu,
Thế Tôn nói như sau:
"Ta nay sẽ đi đến,
Ðến Kusinàra".
Rồi Thế Tôn bước xuống đường, đến một góc cây và nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy xếp tư áo Sanghàti. Ta cảm thấy mệt mỏi và muốn ngồi nghỉ, này Ananda.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn và xếp áo Sanghàti lại. Thế Tôn ngồi trên chỗ đã soạn sẵn, và nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đem nước cho Ta. Này Ananda. Ta nay đang khát và muốn uống nước.
Khi được nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn vừa mới có khoảng năm trăm cỗ xe chạy qua. Do bánh xe khấy lên nước trở thành nông cạn, khuấy động và vẫn đục. Bạch Thế Tôn, sông Kakutthà không xa ở đây, nước thuần tịnh, dễ chịu, mát mẻ, trong sáng, dễ đến và khả ái. Tại đó, Thế Tôn có thể uống nước và làm mát dịu chân tay.
Lần thứ hai, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đem nước uống cho Ta. Này Ananda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.
Lần thứ hai, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, vừa mới có khoảng năm trăm cỗ xe chạy qua. Do bánh xe khuấy lên, nước trở thành nông cạn, khuấy động và vẫn đục. Bạch Thế Tôn, sông Kakutthà không xa ở đây, nước thuần tịnh, dễ chịu, mát mẻ, trong sáng, dễ đến và khả ái. Tại đó, Thế Tôn có thể uống nước và làm mát dịu chân tay.
Lần thứ ba, Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đem nước uống cho Ta. Này Ananda, Ta nay đang khát và muốn uống nước.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Ananda vâng đáp Thế Tôn, lấy bát và đi đến con sông nhỏ. Con sông đang chảy nông cạn, khuấy động và vẫn đục, khi Tôn giả Ananda đến, liền chảy trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục.
Tôn giả Ananda tự nghĩ: "Thật kỳ diệu thay! Thật hi hữu thay! Thần lực và uy lực của Như Lai. Con sông nhỏ đang chảy nông cạn, khuấy động và vẫn đục này, khi ta đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục". Sau khi dùng bát lấy nước,Ananda đến chỗ Thế Tôn và bạch với Ngài:
- Bạch Thế Tôn, thật là kỳ diệu! Bạch Thế Tôn, thật là hy hữu! Bạch Thế Tôn, con sông nhỏ đang chảy nông cạn, khuấy động và vẫn đục này, khi con đến, liền trở thành trong trẻo, sáng lặng và không vẩn đục. Xin thỉnh Thế Tôn dùng nước, xin thỉnh Thiện Thệ dùng nước và Thế Tôn uống nước.
Rồi Thế Tôn cùng với đại chúng Tỷ-kheo đi đến con sông Kakutthà, xuống sông tắm và uống nước, rồi lội qua bờ bên kia, đi đến rừng xoài và tại đây, nói với Tôn giả Cundaka:
- Này Cundaka, hãy xếp áo Sanghati làm bốn cho Ta, này Cundaka, Ta nay mệt mỏi, muốn nằm nghỉ.
- Xin vâng, bạch Thế Tôn.
Tôn giả Cundaka vâng lời Thế Tôn và xếp áo Sanghati làm bốn. Rồi Thế Tôn nằm xuống phía hông bên mặt như dáng điệu con sư tử, hai chân để trên nhau, chánh niệm, tỉnh giác, tác ý đến tưởng ngồi dậy, Tôn giả Cundaka ngồi phía trước Thế Tôn.
3. Ðức Phật tự đi đến,
Con sông Kakutthà,
Con sông chảy trong sáng,
Mát lạnh và thanh tịnh,
Vị Ðạo Sư mỏi mệt,
Ði dần xuống mé sông,
Như Lai đấng vô thượng
Ngự trị ở trên đời.
Tắm xong uống nước xong,
Lội qua bên kia sông,
Bậc Ðạo sư đi trước,
Giữa Tăng chúng Tỷ-kheo,
Vừa đi vừa diễn giảng,
Chánh pháp thật vi diệu,
Rồi bậc Ðại Sĩ đến,
Tại khu vực rừng xoài,
Cho gọi vị Tỷ-kheo,
Tên họ Cundaka;
"Hãy gấp tư áo lại,
Trải áo cho Ta nằm"
Nghe dạy, Cundaka,
Lập tức vâng lời dạy,
Gấp tư và trải áo,
Một cách thật mau lẹ,
Bậc Ðạo Sư nằm xuống,
Thân mình thật mệt mỏi.
Tại đây Cundaka,
Ngồi ngay ngắn trước mặt.
Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, rất có thể có người làm cho thợ rèn Cunda hối hận: "Này Hiền giả Cunda, thật không lợi ích gì cho Ông, thật là tai hại cho Ông, vì Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ Ông cúng dường, và nhập diệt". Này Ananda, cần phải làm tiêu tan sự hối hận ấy của thợ rèn Cunda: "Này Hiền giả, thật lợi ích cho bạn, thật là công đức cho bạn, vì được Như Lai dùng bữa ăn cuối cùng từ bạn cúng dường, và nhập diệt. Nay Hiền giả Cunda, tôi tự thân nghe, tôi tự thân lãnh thọ lời nói này của Thế Tôn: "Có hai sự cúng dường ăn uống đồng một quả báo, đồng một di thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác. Thế nào là hai? Một là, bữa ăn trước khi Như Lai chứng Vô thượng Chánh Ðẳng Giác; hai là, bữa ăn trước khi Như Lai diệt độ Niết-bàn giới, không còn di hưởng sanh tử". Hai bữa ăn này đồng một quả báo, đồng một dị thục quả, quả báo lớn hơn, lợi ích hơn các sự cúng dường ăn uống khác. Nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưỏng tuổi thọ; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng sắc đẹp; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng an lạc; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng danh tiếng; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng cõi Trời; nhờ hành động này, Tôn giả Cunda sẽ được hưởng uy quyền".
Này Ananda, cần phải làm cho thợ rèn tiêu tan hối hận.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu ý nghĩa này, liền thốt lời cảm khái như sau:
4. Công đức người bố thí,
Luôn luôn được tăng trưởng,
Trừ được tâm hận thù,
Không chất chứa chế ngự,
Kẻ chí thiện từ bỏ,
Mọi ác hạnh bất thiện,
Diệt trừ tham, sân, si.
Tâm giải thoát thanh tịnh.
(VI) (Ud 85)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn đang đi bộ hành giữa dân chúng Magadha cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến làng Magadha cùng với đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến làng Pàtali. Các nam cư sĩ ở làng Pàtali được nghe: "Thế Tôn đang đi bộ hành giữa dân chúng Magadha với đại chúng Tỷ-kheo, và đã đến làng Pàtali". Rồi các nam cư sĩ ở làng Pàtali đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các nam cư sĩ làng Pàtali bạch Thế Tôn:
- Mong Thế Tôn trú ở giảng đường chúng con.
Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi các nam cư sĩ ở làng Pàtali, sau khi được biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi đi đến giảng đường, sau khi đến chúng cho trải thảm toàn bộ giảng đường, sửa soạn các chỗ ngồi, đặt một ghè nước, cho treo đèn dầu, rồi đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, các nam cư sĩ ở làng Pàtali, bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, giảng đường đã được trải thảm, các chỗ ngồi đã sửa soạn, ghè nước đã đặt xong, đèn dầu đã được treo, Thế Tôn hãy làm những gì Thế Tôn nghĩ là hợp thời.
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát, cùng với chúng Tỷ-kheo, đi đến giảng đường, sau khi đến rửa chân, bước vào giảng đường, dựa nơi cây cột ở giữa, ngồi hướng mặt về phía đông. Chúng Tỷ-kheo, sau khi rửa chân, bước vào giảng đường, ngồi xuống dựa vào tường giữa, mặt hướng về phía đông có đức Phật trước mặt. Các nam cư sĩ ở làng Pàtalli, sau khi rửa chân, bước vào giảng đường, dựa vào tường phía đông, mặt hướng về phía Tây, và ngồi xuống, với đức Phật ở trước mặt.
Rồi Thế Tôn bảo các nam cư sĩ ở làng Pàtali:
- Này các Gia Chủ, có năm điều nguy hiểm này cho người ác giới, người phạm giới. Thế nào là năm? Ở đây, này các Gia chủ, người ác giới, phạm giới, do nhân duyên phóng dật, nên hao mất tài sản lớn. Ðây là nguy hiểm thứ nhất cho người ác giới, người phạm giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người ác giới, phạm giới, tiếng xấu đồn xa. Ðây là nguy hiểm thứ hai cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người ác giới, người phạm giới khi đến hội chúng nào, hoặc là hội chúng Sát-đế-lỵ, hoặc là hội chúng Bà-la-môn, hoặc là hội chúng gia chủ, hoặc là hội chúng Sa-môn, vị ấy đến với sự sợ hãi, với sự ngỡ ngàng. Ðây là nguy hiểm thứ ba cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người ác giới, phạm giới, khi chết bị si ám. Ðây là nguy hiểm thứ tư cho người ác giới, cho người phạm giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người ác giới, người phạm giới, khi thân hoại mạng chung bị sanh vào ác xứ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Ðây là nguy hiểm thứ năm của người ác giới, của người phạm giới. Này các Gia chủ, có năm điều nguy hiểm này cho người ác giới, cho người phạm giới.
Này các Gia chủ, có năm điều lợi ích này cho người giữ giới, cho người đầy đủ giới. Thế nào là năm? Ở đây, này các Gia chủ người giữ giới, người đầy đủ giới, do nhân duyên không phóng dật được tài sản lớn. Ðây là lợi ích thứ nhất cho người giữ giới, cho người đầy đủ giới. Lại nữa, này các Gia chủ, với người giữ giới, người đầy đủ giới, tiếng tốt lành được đồn xa. Ðây là lợi ích thứ hai cho người giữ giới, cho người đầy đủ giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, người đầy đủ giới khi đi đến hội chúng nào, hoặc là Sát-đế-lỵ hoặc là Bà-la-môn, hoặc là gia-chủ, hoặc là Sa-môn, người ấy đi đến không có sợ hãi, không có ngỡ ngàng. Ðây là lợi ích thứ ba cho người giữ giới cho người có đầy đủ giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, người đầy đủ giới, khi chết không có si ám. Ðây là lợi ích thứ tư cho người giữ giới, cho ngưòi có đầy đủ giới. Lại nữa, này các Gia chủ, người giữ giới, người đầy đủ giới khi thân hoại mạng chung được sanh thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Ðây là lợi ích thứ năm cho người giữ giới, cho người đầy đủ giới. Này các Gia chủ, có năm lợi ích này cho người giữ giới, cho ngưòi đầy đủ giới.
Rồi Thế Tôn, sau khi thuyết giảng pháp thoại cho đến đêm khuya cho các cư sĩ ở làng Pàtali, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, liền giải tán chúng, nói rằng:
- Ðêm đã khuya, này các Gia chủ, hãy làm những gì các vị nghĩ là hợp thời!.
Rồi các Gia chủ ở làng Pàtali hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.
Rồi Thế Tôn, sau khi các nam cư sĩ ở làng Pàtali ra đi không bao lâu, đi vào căn nhà trống. Lúc bấy giờ, Sunìdha và Vassakàra đại thần ở Magadha đang cho xây dựng một thành phố ở Pàtaligàma để ngăn chận các người Vajjì. Lúc bấy giờ, rất nhiều chư Thiên có đến con số ngàn, đang trú ở các trú xứ ở làng Pàtali. Tại chỗ nào các chư Thiên có đại uy lực trú ở tại chỗ ấy chúng làm cho tâm các vua, các đại thần có đại uy lực thiên về, hướng về xây dựng các trú xứ. Tại chỗ nào các chư Thiên có uy lực trung bình trú ở, tại chỗ ấy chúng làm cho tâm các vua, các vị đại thần có uy lực trung bình thiên về, hướng về xây dựng các trú xứ. Tại chỗ nào các chư Thiên thấp kém trú ở, tại chỗ ấy, chúng làm cho tâm các vua, các đại thần có uy lực thấp kém thiên về, hướng về xây dựng các trú xứ.
Thế Tôn với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân thấy hàng ngàn chư Thiên ở làng Pàtali đang trú ở các trú xứ ở làng Pàtali. Tại chỗ nào các chư Thiên có đại uy lục trú ở... Họ làm cho tâm các vua, các đại thần uy lực thấp kém thiên về, hướng về xây dựng các trú xứ.
Rồi Thế Tôn, vào lúc tảng sáng đêm ấy, thức dậy và bảo Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, ai cho xây dựng thành phố ở làng Pàtali?
- Bạch Thế Tôn, các đại thần Sunìdha và Vassa-kàra cho xây dựng thành phố ở làng Pàtali để ngăn chận các người Vajjì.
- Này Ananda, ví như họ làm như vậy sau khi đã hỏi chư Thiên ở cõi trời Ba mươi ba. Cũng vậy, Sunìdha và Vasakàra đại thần ở Magadha, đang cho xây dựng thành phố ở làng Pàtali để ngăn chận các người Vajjì.
Ở đây, này Ananda, với Thiên nhãn thanh tịnh siêu nhân, Ta thấy hàng ngàn chư Thiên ở làng Pàtali... hướng về xây dựng các trú xứ. Này Ananda, xa cho đến thánh xứ, xa cho đến con người buôn bán đây sẽ trở thành một thành phố tối thượng, một chỗ mà các kiện hàng được mở ra. Này Ananda, ba tai nạn sẽ đến với Pàtaliuputta, nạn lửa, nạn lụt và nạn phản bội.
Rồi Sunìdha và Vassakàra đại thần ở Magadha đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón thăm hỏi, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi đứng một bên. Ðứng một bên, các Sunìdha và Vassakàra, đại thần xứ Magadha, bạch Thế Tôn:
- Mong Tôn giả Gotama hôm nay nhận lời mời dùng cơm của chúng con với chúng Tỷ-kheo!
Thế Tôn im lặng nhận lời.;
Rồi Sunìdha và Vassakara đại thần Magadha, sau khi biết Thế Tôn đã nhận lời, đi đến chỗ của mình, sau khi đến sửa soạn các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm và báo thời giờ cho Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, nay đã đến thời. Cơm đã sẵn sàng.
Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát cùng với chúng Tỷ-kheo đi đến trú xứ của Sunìdha và Vassakara, đại thần xứ Magadha, sau khi đến ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Sunìdha và Vassakara, đại thần xứ Magadha tự tay thân mời chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị Thượng thủ và làm cho thỏa mãn với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. Rồi Sunìdha và Vassakara, đại thần xứ Magadha, sau khi Thế Tôn ăn đã xong, tay đã rời khỏi bát, lấy một ghế ngồi thấp khác. Thế Tôn với những bài kệ này, nói lên lời tuỳ hỷ công đức với Sunìdha và Vassakara, đại thần xứ Magadha:
5. Tại chỗ nào bậc trí,
Làm thành chỗ an trú,
Hãy cúng các món ăn,
Cho những người giữ giới,
Cho người biết chế ngự,
Sống đời sống Phạm hạnh,
Ở đấy chư Thiên trú,
Hãy cúng dường chư Thiên
Ðược cúng dường, chư Thiên,
Cúng dường lại vị ấy,
Ðược cung kính, chư Thiên,
Cung kính lại vị ấy,
Họ từ mẫn vị ấy
Như mẹ thương con mình,
Người được chư Thiên thương,
Luôn luôn thấy hiền thiện.
Rồi Thế Tôn sau khi nói lời tuỳ hỷ công đức với những bài kệ này cho Sunìdha và Vasakara, đại thần xứ Magadha, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. Lúc bấy giờ Sunìdha và Vassakara, đại thần xứ Magadha đi theo sau lưng Thế Tôn và nghĩ rằng: "Hôm nay, Sa-môn Gotama đi ra cửa nào, cửa ấy sẽ đặt tên là cửa thành Gotama. Tại bến nước nào Sa-môn Gotama sẽ đi qua sông Hằng, bến nước ấy sẽ đặt tên là bến nước Gotama". Và cửa nào Thế Tôn đã đi ra khỏi, các vị ấy đặt tên là cửa thành Gotama. Và Thế Tôn đi đến sông Hằng, nước sông tràn đầy đến bờ, con quạ có thể uống được, một số người đi tìm thuyền, một số người đi tìm bè, một số người cột chiếc bè để đi qua sông. Rồi như người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại bàn tay đang duỗi ra, cũng vậy Thế Tôn biến mất từ bờ bên này sông Hằng và đứng qua bờ bên kia với chúng Tỷ-kheo. Thế Tôn thấy các người ấy, một số người đi tìm thuyền, một số người đi tìm bè, một số người cột lại chiếc bè để qua sông, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, Thế Tôn ngay trong lúc ấy, nói lên bài kệ:
6. Sau khi làm cái cầu,
Họ vượt qua thác nước,
Họ vượt qua hồ nước,
Họ vượt qua đầm lầy,
Có người cột chiếc bè,
Bậc trí đã qua sông.
(VII) (Ud 90)
Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn đang đi giữa đường cùng với Tôn giả Nàgasamàla là Sa-môn tuỳ tùng. Tôn giả Nàgasamàla giữa đường thấy một con đường rẽ, thấy vậy bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đây là con đường, chúng ta đi con đường này.
Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Tôn giả Nàgasamàla:
- Này Nàgasasmàla, đây là con đường. Chúng ta sẽ đi con đường này.
Lần thứ ba, Tôn giả Nàgasamàla bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, đây là con đường, chúng ta hãy đi con đường này.
Lần thứ ba, Thế Tôn nói:
- Này Nàgasamàla, đây là con đường. Chúng ta đi con đường này.
Rồi Tôn giả Nàgasamàla đặt xuống đất y và bát của Thế Tôn, bỏ đi và nói:
- Bạch Thế Tôn, đây là y bát của Thế Tôn.
Rồi Tôn giả Nàgassamàla đi theo con đường ấy, giữa đường bị các tên cướp xuất hiện đánh bằng tay hay chân, đập vỡ bình bát và xé rách thượng y của Tôn giả. Rồi Tôn giả Nàgasamàla với bình bát bị vỡ, với thương y bị xé rách đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Nàgasamàla bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, con đi con đường ấy các tên cướp xuất hiện, đánh con bằng tay hay bằng chân, đập vỡ bình bát và xé rách thượng y.
Rồi Thế Tôn, sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
7. Cùng đi với kẻ ngu,
Kẻ trí phải chen vai,
Khi biết nó là ác,
Lập tức từ bỏ nó,
Như con bò bỏ nước,
Ðược nuôi ăn với sữa.
(VIII) (Ud 91)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Ðông Viên, Lộc Mẫu giảng đường. Lúc bấy giờ, người cháu trai của Visàkhà mẹ của Migàra khả ái và dễ thương bị mệnh chung. Và Visàkhà mẹ của Migàra, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, thật sáng sớm đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với Visàkhà, mẹ của Migàra, đang ngồi một bên:
- Này Visàkhà, Bà từ đâu đến, với áo ướt đẫm, với tóc đẫm ướt, đi đến đây quá sớm như vậy?
- Bạch Thế Tôn, đứa cháu khả ái dễ thương của con đã mệnh chung. Cho nên con, với áo đẫm ướt, với tóc đẫm ướt, con đến đây sáng sớm như vậy.
- Này Visàkhà, Bà có muốn tất cả người ở Sàvatthi là con và là cháu của Bà không?
- Bạch Thế Tôn, con muốn tất cả người ở Sàvatthi là con và cháu của con.
- Nhưng này Visàkhà, có bao nhiêu người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày?
- Bạch Thế Tôn, có mười người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày, chín... tám... bảy.. sáu... năm... bốn... ba.. hai. Bạch Thế Tôn có một người ở Sàvatthi mạng chung hàng ngày. Bạch Thế Tôn, Sàvatthi không có thoát được số người bị chết!
- Bà nghĩ thế nào, này Visàkhà? Như vậy Bà có khi nào được khỏi vải bị ướt, hay tóc khỏi bị ướt không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn! Thật là vừa đủ cho con, bạch Thế Tôn, số nhiều như vậy về con và về cháu!
- Này Visàkhà, những ai có một trăm người thân yêu, những người ấy có trăm sự đau khổ! Những ai có chín mươi người thân yêu, những người ấy có chín mươi sự đau khổ! Những ai có tám mươi người thân yêu, những người ấy có tám mươi sự đau khổ! Những ai có bảy mươi.. có sáu mươi... có năm mươi... có bốn mươi... có ba mươi.. có hai mươi... có mười.. có chín... có tám... có bảy..có sáu.. có năm... có bốn... có ba... có hai... có một người thân yêu, những người ấy có một sự đau khổ. Những ai không có người thân yêu, những người ấy không có sự đau khổ. Ta nói rằng họ là người không có sầu, không có tham đắm, không có ưu não.
8. Sầu, than và đau khổ,
Sai biệt có ở đời,
Duyên thân ái, chúng có,
Không thân ái, chúng không,
Do vậy, người an lạc,
Người không có sầu muộn,
Là những ai ở đời,
Không có người thân ái,
Do vậy ai tha thiết,
Ðược không sầu, không tham,
Chớ làm thân làm ái,
Với một ai ở đời.
(IX) (Ud 92)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Vương Xá, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Rồi Tôn giả Dabha Mallputta đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Dabha Mallaputta bạch Thế Tôn:
- Nay đã đến thời, con nhập Niết Bàn, bạch Thiện Thệ.
- Này Dabba, Thầy hãy làm những gì Thầy nghĩ là hợp thời!.
Rồi Tôn giả Dabha Mallaputta từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài, bay lên hư không, ngồi kiết-già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết-bàn. Khi Tôn giả Dabha Mallaputta bay lên hư không, ngồi kiết-già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết Bàn, thân của Tôn giả được cháy sạch, đốt sạch, không còn có than hay có tro có thể thấy được. Ví như bơ hay dầu được cháy, được đốt, không còn có than hay có tro có thể thấy được. Cũng vậy, khi Tôn giả Dabha Mallaputta bay lên hư không, ngồi kiết già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết-bàn, thân của Tôn giả được cháy sạch, đốt sạch, không còn có than hay có tro có thể thấy được.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
9. Thân bị hoại, tưởng diệt,
Mọi thọ được nguội lạnh,
Các hành được lắng dịu,
Thức đạt được mục đích.
(X) (Ud 93)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Tại đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Thế Tôn nói như sau:
- Này các Tỷ-kheo, Dabbha Mallaputta bay lên hư không, ngồi kiết-già giữa hư không, nhập định hỏa giới, xuất khỏi định và nhập Niết Bàn... hay có tro có thể thấy được. Ví như bơ hay dầu... hay có tro có thể thấy được... không còn có tro có thể thấy được.
Rồi Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng:
10. Như tia lửa cháy sáng,
Phát từ búa sắt đập,
Dần dần được nguội lạnh,
Sanh thú không biết được,
Cũng vậy là những bậc
Ðã chân chánh giải thoát,
Ðã vượt qua thác nước,
Trói buộc bởi các dục,
Họ đạt được an lạc,
Không có bị dao động,
Họ không có sanh thú,
Ðể có thể chỉ bày.
Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!
[1]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy dứt bỏ một pháp; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai. Một pháp nào? Này các tỳ khưu, tham là một pháp mà các ngươi hãy dứt bỏ; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Do tham nào chúng sinh bị khởi tham rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về tham ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[2]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy dứt bỏ một pháp; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai. Một pháp nào? Này các tỳ khưu, sân là một pháp mà các ngươi hãy dứt bỏ; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Do sân nào chúng sinh bị sân hận rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về sân ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[3]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy dứt bỏ một pháp; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai. Một pháp nào? Này các tỳ khưu, si là một pháp mà các ngươi hãy dứt bỏ; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Do si nào chúng sinh bị si mê rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về si ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[4]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy dứt bỏ một pháp; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai. Một pháp nào? Này các tỳ khưu, giận dữ là một pháp mà các ngươi hãy dứt bỏ; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Do sự giận dữ nào chúng sinh bị tức giận rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về sự giận dữ ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[5]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy dứt bỏ một pháp; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai. Một pháp nào? Này các tỳ khưu, gièm pha là một pháp mà các ngươi hãy dứt bỏ; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Do sự gièm pha nào chúng sinh gièm pha rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về sự gièm pha ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[6]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy dứt bỏ một pháp; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai. Một pháp nào? Này các tỳ khưu, ngã mạn là một pháp mà các ngươi hãy dứt bỏ; Ta là người bảo đảm cho các ngươi về phẩm vị Bất Lai.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Do ngã mạn nào chúng sinh bị đắm say rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về ngã mạn ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[7]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, người không biết rõ, không biết toàn diện tất cả, tâm không xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, không dứt bỏ (vô minh, ái, thủ), thì không thể diệt trừ khổ đau. Này các tỳ khưu, còn người biết rõ, biết toàn diện tất cả, tâm xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, dứt bỏ (vô minh, ái, thủ), thì có thể diệt trừ khổ đau.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Người nào biết tất cả về mọi phương diện, không bị ái luyến ở tất cả các pháp, chắc hẳn rằng sau khi biết toàn diện tất cả, người ấy đã vượt qua tất cả khổ đau.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[8]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, người không biết rõ, không biết toàn diện ngã mạn, tâm không xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, không dứt bỏ, thì không thể diệt trừ khổ đau. Này các tỳ khưu, còn người biết rõ, biết toàn diện ngã mạn, tâm xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, dứt bỏ, thì có thể diệt trừ khổ đau.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Các sinh mạng này sở hữu ngã mạn, bị trói buộc bởi ngã mạn, thích thú ở hữu, trong khi không biết toàn diện ngã mạn là những người đi đến sự hiện hữu lại nữa.
Còn những ai đã dứt bỏ ngã mạn, được giải thoát ở sự diệt trừ hoàn toàn ngã mạn, họ là những người chiến thắng sự trói buộc của ngã mạn, đã vượt qua tất cả khổ đau.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[9]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, người không biết rõ, không biết toàn diện tham, tâm không xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, không dứt bỏ, thì không thể diệt trừ khổ đau. Này các tỳ khưu, còn người biết rõ, biết toàn diện tham, tâm xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, dứt bỏ, thì có thể diệt trừ khổ đau.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Do tham nào chúng sinh bị khởi tham rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về tham ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[10]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, người không biết rõ, không biết toàn diện sân, tâm không xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, không dứt bỏ, thì không thể diệt trừ khổ đau. Này các tỳ khưu, còn người biết rõ, biết toàn diện sân, tâm xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, dứt bỏ, thì có thể diệt trừ khổ đau.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Do sân nào chúng sinh bị sân hận rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về sân ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
Phẩm Người Bảo Đảm là thứ nhất.
Tham, sân, rồi si, giận dữ, gièm pha, ngã mạn, tất cả,
từ ngã mạn, tham, sân đã được trình bày lần nữa, gọi là phẩm thứ nhất.
--ooOoo--
[11]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, người không biết rõ, không biết toàn diện si, tâm không xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, không dứt bỏ, thì không thể diệt trừ khổ đau. Này các tỳ khưu, còn người biết rõ, biết toàn diện si, tâm xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, dứt bỏ, thì có thể diệt trừ khổ đau.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Do si nào chúng sinh bị si mê rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về si ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[12]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, người không biết rõ, không biết toàn diện giận dữ, tâm không xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, không dứt bỏ, thì không thể diệt trừ khổ đau. Này các tỳ khưu, còn người biết rõ, biết toàn diện giận dữ, tâm xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, dứt bỏ, thì có thể diệt trừ khổ đau.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Do sự giận dữ nào chúng sinh bị tức giận rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về sự giận dữ ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[13]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, người không biết rõ, không biết toàn diện gièm pha, tâm không xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, không dứt bỏ, thì không thể diệt trừ khổ đau. Này các tỳ khưu, còn người biết rõ, biết toàn diện gièm pha, tâm xa lìa sự luyến ái ở nơi ấy, dứt bỏ, thì có thể diệt trừ khổ đau.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Do sự gièm pha nào chúng sinh gièm pha rồi đi đến khổ cảnh, các vị hành minh sát hiểu biết đúng đắn về sự gièm pha ấy và dứt bỏ nó, sau khi dứt bỏ thì không trở lại thế gian này một lần nào nữa.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[14]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, Ta không nhận thấy một sự che lấp nào khác, mà bị che lấp bởi sự che lấp ấy các sinh mạng rong ruổi luân chuyển một thời gian dài, này các tỳ khưu như là sự che lấp bởi vô minh. Này các tỳ khưu, chính vì bị che lấp bởi sự che lấp bởi vô minh, các sinh mạng rong ruổi luân chuyển một thời gian dài.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Không có một pháp nào khác, mà các sinh mạng bị che lấp như thế bởi nó, phải luân chuyển ngày và đêm, như là bị che khuất bởi si mê.
3. Còn những ai đã dứt bỏ si mê và đã phá vỡ khối đống tăm tối, những người ấy không luân chuyển trở lại; nhân của những người ấy không tìm thấy.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[15]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, Ta không nhận thấy một sự ràng buộc nào khác, mà bị ràng buộc bởi sự ràng buộc ấy các sinh mạng rong ruổi luân chuyển một thời gian dài, này các tỳ khưu như là sự ràng buộc bởi tham ái. Này các tỳ khưu, chính vì bị ràng buộc với sự ràng buộc bởi tham ái, chúng sinh rong ruổi luân chuyển một thời gian dài.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Có tham ái là bạn lữ, trong khi luân chuyển một thời gian dài đến cõi này và cõi khác, con người không vượt qua được luân hồi.
3. Sau khi biết được sự bất lợi như vậy, (biết được) tham ái là nguồn sanh khởi của khổ, vị tỳ khưu, đã xa lìa tham ái, không có nắm giữ, có niệm, nên ra đi du phương.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[16]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu là bậc hữu học, còn chưa đạt được mục đích, đang sống, đang ước nguyện sự an toàn vô thượng đối với các trói buộc, Ta không nhận thấy một yếu tố nào khác sau khi tạo thành yếu tố ở nội phần có nhiều sự hỗ trợ như vầy, này các tỳ khưu như là tác ý đúng đường lối. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu, trong khi tác ý đúng đường lối, dứt bỏ bất thiện, phát triển thiện.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Tác ý đúng đường lối là pháp của vị tỳ khưu hữu học, không có cái khác có nhiều sự ích lợi như vậy đối với việc đạt đến mục đích tối thượng. Trong khi nỗ lực đúng đường lối, vị tỳ khưu có thể đạt được sự diệt trừ khổ đau.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[17]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu là bậc hữu học, còn chưa đạt được mục đích, đang sống, đang ước nguyện sự an toàn vô thượng đối với các trói buộc, Ta không nhận thấy một yếu tố nào khác, sau khi tạo thành yếu tố ở ngoại phần, có nhiều sự hỗ trợ như vầy, này các tỳ khưu như là trạng thái có bạn tốt lành. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu, có bạn tốt lành, dứt bỏ bất thiện, phát triển thiện.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Vị tỳ khưu nào có bạn tốt lành, có sự tôn trọng, có sự tôn kính, trong khi thực hành theo lời nói của những người bạn, có sự nhận biết rõ, có niệm, có thể đạt được theo tuần tự sự diệt trừ tất cả các ràng buộc.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[18]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, có một pháp, trong khi sanh lên ở thế gian, sanh lên đem lại sự bất lợi cho nhiều người, đem lại sự bất an cho nhiều người, đem lại sự tai hại, đem lại sự bất lợi, đem lại sự khổ đau cho nhiều người, cho chư Thiên và nhân loại. Một pháp nào? Sự chia rẽ hội chúng. Này các tỳ khưu, hơn nữa khi hội chúng bị chia rẽ, không những có sự xung đột lẫn nhau, mà còn có sự mắng nhiếc lẫn nhau, sự ngăn cách lẫn nhau, sự tẩy chay lẫn nhau. Tại nơi ấy, những kẻ chưa có đức tin chẳng những không có niềm tin, mà còn có sự thay đổi (niềm tin) của một số người đã có đức tin.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Kẻ chia rẽ hội chúng là kẻ sanh đọa xứ, kẻ đi địa ngục, phải chịu đựng trọn kiếp. Kẻ có sự ưa thích phe nhóm, trú ở phi pháp, bị tiêu hoại sự an toàn đối với các trói buộc, sau khi chia rẽ hội chúng hợp nhất bị nung nấu ở địa ngục trọn kiếp.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[19]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, có một pháp, trong khi sanh lên ở thế gian, sanh lên đem lại sự lợi ích cho nhiều người, đem lại sự an lạc cho nhiều người, đem lại sự tấn hóa, đem lại sự lợi ích, đem lại sự an lạc cho nhiều người, cho chư Thiên và nhân loại. Một pháp nào? Sự hợp nhất hội chúng. Này các tỳ khưu, hơn nữa khi hội chúng có sự hợp nhất, chẳng những không có sự xung đột lẫn nhau, mà còn không có sự mắng nhiếc lẫn nhau, không có sự ngăn cách lẫn nhau, không có sự tẩy chay lẫn nhau. Tại nơi ấy, những người chưa có đức tin chẳng những có niềm tin, mà còn có sự làm tăng thêm niềm tin của những người đã có đức tin.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “An lạc thay sự hợp nhất của hội chúng, và sự tán đồng với những ai sống hợp nhất. Vị thích thú với sự hợp nhất, trú ở Pháp, không bị tiêu hoại sự an toàn đối với các trói buộc, sau khi đã làm cho hội chúng có sự hợp nhất, được vui hưởng ở cõi Trời trọn kiếp.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[20]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, ở đây sau khi biết được tâm bằng tâm Ta nhận biết về một người nào đó có tâm xấu xa rằng: Vào lúc này, người này có thể từ trần, bị rơi xuống ở địa ngục như vậy, giống như là bị đưa đẩy. Điều ấy có nguyên nhân là gì? Này các tỳ khưu, bởi vì tâm của người này xấu xa. Này các tỳ khưu, hơn nữa do nhân xấu xa ở tâm, ở đây một số chúng sinh do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, bị sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Sau khi biết được người nào đó ở đây có tâm xấu xa, đức Phật đã giải thích ý nghĩa này trong sự hiện diện của các vị tỳ khưu.
3. Và vào lúc này người này có thể từ trần, có thể sanh vào địa ngục bởi vì tâm của người này xấu xa.
4. Giống như là được đưa đi, người này có thể rơi xuống tương tự y như vậy, theo cách thức như thế. Bởi vì do nhân xấu xa ở tâm, các chúng sinh đi đến cõi khổ.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
Phẩm thứ nhì.
Si mê, giận dữ, rồi gièm pha, vô minh, tham ái, hai bài Kinh về hữu học, chia rẽ, hợp nhất, và người (xấu xa), đã nói là phẩm, được gọi là thứ nhì.
--ooOoo--
[21]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, ở đây sau khi biết được tâm bằng tâm ta nhận biết về một người nào đó có tâm tịnh tín rằng: Vào lúc này, người này có thể từ trần, được sanh vào ở cõi Trời như vậy, giống như là bị đưa đẩy. Điều ấy có nguyên nhân là gì? Này các tỳ khưu, bởi vì tâm của người này tịnh tín. Này các tỳ khưu, hơn nữa do nhân tịnh tín ở tâm, ở đây một số chúng sinh do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, được sanh vào chốn an vui, cõi Trời.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Sau khi biết được người nào đó ở đây có tâm tịnh tín, đức Phật đã giải thích ý nghĩa này trong sự hiện diện của các vị tỳ khưu.
3. Và vào lúc này người này có thể từ trần, có thể sanh vào chốn an vui bởi vì tâm của người này tịnh tín.
4. Giống như là được đưa đi, người này có thể đáp xuống tương tự y như vậy, theo cách thức như thế. Bởi vì d0 nhân tịnh tín ở tâm, các chúng sinh đi đến chốn an vui.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[22]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, chớ sợ hãi đối với các phước thiện. Này các tỳ khưu, điều này là từ biểu trưng của sự an lạc, của điều được thích, được muốn, đáng mến, đáng yêu, tức là các phước thiện. Này các tỳ khưu, hơn nữa Ta biết rõ về quả thành tựu được thích, được muốn, đáng mến, đáng yêu, đã được kinh nghiệm, của các việc phước thiện đã làm trong một thời gian dài. Sau khi tu tập tâm từ trong bảy năm, Ta đã không trở lại thế gian này trong bảy thành và hoại kiếp. Này các tỳ khưu, vào giai đoạn thành kiếp Ta đi đến cõi Quang Âm Thiên, vào giai đoạn hoại kiếp Ta sanh lên Phạm Thiên Cung trống vắng. Này các tỳ khưu, tại nơi ấy Ta là Phạm Thiên, Đại Phạm Thiên, đấng chiến thắng, bậc không bị chế ngự, bậc nhìn thấy tất cả, bậc vận hành quyền lực. Này các tỳ khưu, hơn nữa ba mươi sáu lần Ta đã là Sakka, Chúa của chư Thiên. Nhiều trăm lần Ta đã là vị vua, Chuyển Luân Vương, bậc công minh, đấng Pháp vương, bậc cai trị bốn phương, bậc chiến thắng bậc đã đạt được sự ổn định của xứ sở, bậc có đầy đủ bảy vật báu. Còn nói gì đến vương quyền của địa phận. Này các tỳ khưu, Ta đây đã khởi ý điều này: ‘Đối với Ta, quả báu này là của nghiệp nào, quả thành tựu này là của nghiệp nào, nhờ vào nó hiện nay Ta có đại thần lực như vầy, có đại oai lực như vầy?’ Này các tỳ khưu, Ta đây đã khởi ý điều này: ‘Đối với Ta, quả báu này là của ba nghiệp, quả thành tựu này là của ba nghiệp, nhờ vào nó hiện nay Ta có đại thần lực như vầy, có đại oai lực như vầy;’ tức là của sự bố thí, của sự thuần hóa, của sự chế ngự.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Nên học tập thuần về phước thiện làm sanh lên an lạc tối cao kéo dài, nên tu tập bố thí, sự thực hành bình lặng, và tâm từ ái.
3. Sau khi tu tập ba pháp làm sanh lên an lạc này, bậc sáng suốt sanh lên cõi an lạc, không khổ sầu.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[23]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, một pháp được tu tập, được thực hành thường xuyên, đạt được và tồn tại cả hai lợi ích, lợi ích ở đời hiện tại và ở đời vị lai. Một pháp nào? Không xao lãng trong các thiện pháp. Này các tỳ khưu, một pháp này được tu tập, được thực hành thường xuyên, đạt được và tồn tại cả hai lợi ích, lợi ích ở đời hiện tại và ở đời vị lai.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Các bậc sáng suốt ca ngợi sự không xao lãng trong các hành động phước thiện. Không xao lãng, bậc sáng suốt đạt được cả hai lợi ích.
3. Lợi ích ở đời hiện tại và lợi ích ở đời vị lai. Do lãnh hội được sự lợi ích, người sáng trí được gọi là ‘bậc sáng suốt.’”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[24]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, phần xương khối xương đống xương của một cá nhân đang rong ruổi, đang luân chuyển trong thời gian một đại kiếp có thể to lớn như vầy, giống như là ngọn núi Vepulla này, nếu có người thâu gom lại và sự gom góp lại không bị tiêu hoại.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “‘Sự tích lũy các xương của một cá nhân trong thời gian một kiếp có thể là một đống sánh bằng ngọn núi,’ bậc Đại Ẩn Sĩ đã nói thế ấy.
3. Hơn nữa, vị ấy đã nói đống này là (bằng) ngọn núi Vepulla to lớn, ở phía bắc của núi Gijjhakūṭa, ở gần thành Rājagaha của xứ Magadha.
4. Khi nhìn thấy bằng trí tuệ chân chánh các Sự Thật Cao Thượng: khổ, nguồn sanh khởi của khổ, sự vượt qua khổ, và đạo lộ cao thượng tám chi phần đưa đến sự yên lặng của khổ.
5. Và cá nhân (ấy), sau khi rong ruổi tối đa bảy lần, là người thực hiện việc chấm dứt khổ do sự diệt trừ tất cả các ràng buộc.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[25]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đối với cá nhân con người đã vượt qua một pháp, Ta nói rằng đối với người ấy không có bất cứ việc ác nào là sẽ không làm. Một pháp nào? Này các tỳ khưu, như là việc cố tình nói dối.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Đối với người đã vượt qua một pháp, có lời nói dối, đối với người đã buông bỏ đời sau, không có việc ác nào là sẽ không làm.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[26]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, nếu chúng sinh có thể biết về quả thành tựu của sự bố thí và san sẻ giống như Ta biết, họ không thể thụ hưởng khi chưa bố thí, và sự ô nhiễm của bỏn xẻn không thể chiếm cứ tâm của họ và tồn tại. Cho dầu là miếng thức ăn cuối cùng, vắt thức ăn cuối cùng của họ, họ không thể ăn khi chưa san sẻ phần đó nếu có người thọ nhận (phần san sẻ) của họ. Này các tỳ khưu, và bởi vì chúng sinh không biết về quả thành tựu của sự bố thí và san sẻ giống như Ta biết, cho nên họ thụ hưởng khi chưa bố thí, và sự ô nhiễm của bỏn xẻn chiếm cứ tâm của họ và tồn tại.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Nếu chúng sinh có thể biết như vậy, giống như điều bậc Đại Ẩn Sĩ đã nói: Quả thành tựu của sự san sẻ là có quả báu to lớn.
3. Họ có thể xua đi sự ô nhiễm của bỏn xẻn bằng tâm ý thanh tịnh, có thể bố thí hợp thời đến các bậc Thánh nhân; vật đã bố thí ở các vị ấy có quả báu to lớn.
4. Và sau khi bố thí thức ăn, là vật cúng dường đến các bậc xứng đáng cúng dường, nhiều thí chủ, từ trần khỏi bản thể nhân loại ở nơi đây, đi đến cõi Trời.
5. Và những người ấy đã đi đến cõi Trời. Là những người có ước muốn về dục, họ vui hưởng tại nơi ấy. Những người không bỏn xẻn hưởng thụ quả thành tựu của sự san sẻ.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[27]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, bất cứ các nền tảng của hành động phước thiện nào có liên quan đến tái sanh, tất cả chúng không giá trị bằng một phần mười sáu sự giải thoát của tâm thông qua từ ái. Chính sự giải thoát của tâm thông qua từ ái vượt trội chúng, chiếu sáng, rực sáng, và chói sáng. Này các tỳ khưu, cũng giống như bất cứ ánh sáng nào của các vì tinh tú, tất cả chúng không giá trị bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng. Chính ánh sáng của mặt trăng vượt trội chúng, chiếu sáng, rực sáng, và chói sáng. Này các tỳ khưu, tương tự như thế bất cứ các nền tảng của hành động phước thiện nào có liên quan đến tái sanh, tất cả chúng không giá trị bằng một phần mười sáu sự giải thoát của tâm thông qua từ ái. Chính sự giải thoát của tâm thông qua từ ái vượt trội chúng, chiếu sáng, rực sáng, và chói sáng.
2. Này các tỳ khưu, cũng giống như vào tháng cuối cùng của mùa mưa, vào tiết thu, trên bầu trời trong vắt, mây đen đã tan, mặt trời đang vươn lên ở bầu trời, xua tan tất cả tăm tối ở không trung, chiếu sáng, rực sáng, và chói sáng, này các tỳ khưu, tương tự y như thế bất cứ các nền tảng của hành động phước thiện nào có liên quan đến tái sanh, tất cả chúng không giá trị bằng một phần mười sáu sự giải thoát của tâm thông qua từ ái. Chính sự giải thoát của tâm thông qua từ ái vượt trội chúng, chiếu sáng, rực sáng, và chói sáng.
Này các tỳ khưu, cũng giống như vào lúc hừng sáng của đêm, ngôi sao mai chiếu sáng, rực sáng, và chói sáng. Này các tỳ khưu, tương tự y như thế bất cứ các nền tảng của hành động phước thiện nào có liên quan đến tái sanh, tất cả chúng không giá trị bằng một phần mười sáu sự giải thoát của tâm thông qua từ ái. Chính sự giải thoát của tâm thông qua từ ái vượt trội chúng, chiếu sáng, rực sáng, và chói sáng.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
3. “Và người nào tu tập tâm từ ái vô lượng, có niệm, các sự ràng buộc giảm thiểu đối với người nhìn thấy sự diệt trừ mầm tái sanh.
4. Nếu với tâm không xấu xa khởi tâm từ đến chỉ một sinh mạng, do việc ấy trở nên tốt lành, còn bậc Thánh tạo ra phước thiện vô số trong khi có tâm thương tưởng đến tất cả sinh mạng.
5. Các vị vua công minh, sau khi chinh phục trái đất có đông đảo chúng sinh, đã đi khắp nơi cống hiến lễ cúng tế ngựa, lễ cúng tế người, lễ ném cọc nhọn, lễ nếm rượu thánh, lễ hiến tế không hạn chế.
6. Đối với người đã khéo tu tập về tâm từ ái thì các việc ấy không sánh bằng dầu là một phần mười sáu, tựa như tất cả quần thể các vì sao không sánh bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng.
7. Người nào không giết hại, không bảo giết hại, không thống trị, không bảo thống trị, có tâm từ ái đối với tất cả sanh linh, người ấy không có oán thù với bất cứ ai.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
Phẩm thứ ba.
Tâm (tịnh tín), có sự sợ hãi, về cả hai lợi ích, đống (xương) là ngọn núi Vepulla, cố tình nói dối, bố thí, và sự tu tập về từ ái.
Bảy bài Kinh ở đây và hai mươi bài Kinh ở trước, tổng hợp lại có hai mươi bảy bài Kinh về một pháp.
NHÓM MỘT PHÁP ĐƯỢC CHẤM DỨT.
--ooOoo--
[28]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu thành tựu hai pháp, ngay trong đời hiện tại sống khổ sở, có sự buồn phiền, thất vọng, bực bội, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, khổ cảnh là điều chờ đợi. Với hai pháp nào? Cửa vào các giác quan không được canh phòng và không biết chừng mực về vật thực. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu thành tựu hai pháp, ngay trong đời hiện tại sống khổ sở, có sự buồn phiền, thất vọng, bực bội, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, khổ cảnh là điều chờ đợi.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý, ở đây các giác quan này của vị tỳ khưu nào là không được canh phòng, ...
3. ... vị không biết chừng mực về vật thực, không thu thúc ở các giác quan, vị ấy đi đến khổ đau, khổ đau ở thân, khổ đau ở tâm.
4. Với thân đang bị đốt nóng, với tâm đang bị đốt nóng, vị như thế ấy sống khổ sở, dầu cho là ngày hay đêm.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[29]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu thành tựu hai pháp, ngay trong đời hiện tại sống an lạc, không có buồn phiền, không có thất vọng, không có bực bội, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, nhàn cảnh là điều chờ đợi. Với hai pháp nào? Cửa vào các giác quan được canh phòng và biết chừng mực về vật thực. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu thành tựu hai pháp, ngay trong đời hiện tại sống không có buồn phiền, không có thất vọng, không có bực bội, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, nhàn cảnh là điều chờ đợi.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý, ở đây các giác quan này của vị tỳ khưu nào là khéo được canh phòng, ...
3. ... vị biết chừng mực về vật thực, và thu thúc ở các giác quan, vị ấy đi đến an lạc, an lạc ở thân, an lạc ở tâm.
4. Với thân không bị đốt nóng, với tâm không bị đốt nóng, vị như thế ấy sống an lạc, dầu cho là ngày hay đêm.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[30]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, có hai pháp làm cho bứt rứt. Hai pháp nào? Này các tỳ khưu, ở đây có người đã không làm việc tốt, đã không làm việc thiện, đã không che chở cho kẻ bị sợ hãi, đã làm điều ác, đã làm việc tàn bạo, đã làm việc sái quấy. Người ấy bị bứt rứt (nghĩ rằng): ‘Ta đã không làm việc tốt,’ bị bứt rứt (nghĩ rằng): ‘Ta đã làm điều ác.’ Này các tỳ khưu, hai pháp này làm cho bứt rứt.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Sau khi làm uế hạnh do thân và các uế hạnh do khẩu, sau khi làm uế hạnh do ý và điều nào khác liên quan đến tội lỗi, ...
3. ... sau khi không làm hành động thiện, sau khi làm nhiều việc bất thiện, do sự hoại rã của thân, kẻ thiếu trí tuệ ấy sanh vào địa ngục.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[31]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, có hai pháp không làm cho bứt rứt. Hai pháp nào? Này các tỳ khưu, ở đây có người đã làm việc tốt, đã làm việc thiện, đã che chở cho kẻ bị sợ hãi, đã không làm điều ác, đã không làm việc tàn bạo, đã không làm việc sái quấy. Người ấy không bị bứt rứt (nghĩ rằng): ‘Ta đã làm việc tốt,’ không bị bứt rứt (nghĩ rằng): ‘Ta đã không làm điều ác.’ Này các tỳ khưu, hai pháp này không làm cho bứt rứt.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Sau khi từ bỏ uế hạnh do thân và các uế hạnh do khẩu, sau khi từ bỏ uế hạnh do ý và điều nào khác liên quan đến tội lỗi, ...
3. ... sau khi không làm hành động bất thiện, sau khi làm nhiều việc thiện, do sự hoại rã của thân, người có trí tuệ ấy sanh vào cõi Trời.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[32]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, người thành tựu hai pháp bị rơi xuống ở địa ngục như vậy, giống như là bị đưa đẩy. Với hai pháp nào? Giới ác xấu và kiến ác xấu. Này các tỳ khưu, người thành tựu hai pháp này bị rơi xuống ở địa ngục như vậy, giống như là bị đưa đẩy.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Với giới ác xấu và với kiến ác xấu,
người nào thành tựu hai pháp này,
do sự hoại rã của thân, kẻ thiếu trí tuệ ấy sanh vào địa ngục.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[33]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, người thành tựu hai pháp được sanh vào ở cõi Trời như vậy, giống như là bị đưa đẩy. Với hai pháp nào? Giới hiền thiện và kiến hiền thiện. Này các tỳ khưu, người thành tựu hai pháp này bị rơi xuống ở địa ngục như vậy, giống như là bị đưa đẩy.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Với giới hiền thiện và với kiến hiền thiện,
người nào thành tựu hai pháp này,
do sự hoại rã của thân, người có trí tuệ ấy sanh vào cõi Trời.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[34]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu không có nhiệt tâm, không có ghê sợ tội lỗi không có khả năng về việc giác ngộ, không có khả năng về Niết Bàn, không có khả năng về việc chứng đắc sự an toàn vô thượng đối với các trói buộc. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi có khả năng về việc giác ngộ, có khả năng về Niết Bàn, có khả năng về việc chứng đắc sự an toàn vô thượng đối với các trói buộc.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Người không có nhiệt tâm, không có ghê sợ tội lỗi, biếng nhác, có sự tinh tấn thấp kém, nhiều dã dượi buồn ngủ, người vô liêm sỉ, không có sự tôn trọng, vị tỳ khưu như thế ấy không có khả năng chạm đến phẩm vị giác ngộ tối thượng.
3. Và người có niệm, chín chắn, có thiền, có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, và không xao lãng, sau khi cắt đứt sự trói buộc với sanh và lão có thể chạm đến phẩm vị giác ngộ tối thượng ngay tại nơi đây.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[35]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, Phạm hạnh này được thực hành không nhằm mục đích dối gạt dân chúng, không nhằm mục đích phỉnh phờ dân chúng, không nhằm mục đích các quả báu về lợi lộc, tôn vinh, tiếng tăm, không vì (ý nghĩ): ‘Mong rằng dân chúng biết đến ta.’ Này các tỳ khưu, thật ra Phạm hạnh này được thực hành nhằm mục đích thu thúc và nhằm mục đích dứt bỏ.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Đức Thế Tôn ấy đã thuyết giảng về Phạm hạnh, có sự tiêu diệt các điều bất hạnh, nhằm mục đích thu thúc, nhằm mục đích dứt bỏ, đưa đến việc thể nhập Niết Bàn.
3. Đạo lộ này được các bậc đại nhân, được các bậc đại ẩn sĩ theo đuổi. Những ai thực hành đạo lộ theo như đức Phật đã thuyết giảng, có sự thực hành theo lời giáo huấn của bậc Đạo Sư, sẽ thực hiện việc chấm dứt khổ.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[36]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, Phạm hạnh này được thực hành không nhằm mục đích dối gạt dân chúng, không nhằm mục đích phỉnh phờ dân chúng, không nhằm mục đích các quả báu về lợi lộc, tôn vinh, tiếng tăm, không vì (ý nghĩ): ‘Mong rằng dân chúng biết đến ta.’ Này các tỳ khưu, thật ra Phạm hạnh này được thực hành nhằm mục đích biết rõ và nhằm mục đích biết toàn diện.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Đức Thế Tôn ấy đã thuyết giảng về Phạm hạnh, có sự tiêu diệt các điều bất hạnh, nhằm mục đích thu thúc, nhằm mục đích dứt bỏ, đưa đến việc thể nhập Niết Bàn.
3. Đạo lộ này được các bậc đại nhân, được các bậc đại ẩn sĩ theo đuổi. Những ai thực hành đạo lộ theo như đức Phật đã thuyết giảng, có sự thực hành theo lời giáo huấn của bậc Đạo Sư, sẽ thực hiện việc chấm dứt khổ.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[37]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu thành tựu hai pháp, ngay trong đời hiện tại sống có nhiều an lạc và tâm hỷ, và động lực của vị này được khởi sự nhằm diệt trừ các lậu hoặc. Với hai pháp nào? Với sự chấn động ở các trường hợp đáng bị chấn động và với sự nỗ lực đúng đường lối khi đã bị chấn động. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu thành tựu hai pháp này, ngay trong đời hiện tại sống có nhiều an lạc và tâm hỷ, và động lực của vị này được khởi sự nhằm diệt trừ các lậu hoặc.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Và bậc sáng suốt bị chấn động ở các trường hợp đáng bị chấn động. Vị tỳ khưu có nhiệt tâm, chín chắn, nên quán xét đúng đắn bằng trí tuệ.
3. Vị có sự an trú như vậy, có nhiệt tâm, có hành vi an tịnh, không kiêu căng, được gắn bó với sự vắng lặng của tâm, có thể đạt được sự diệt trừ khổ.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
Phẩm thứ nhất.
Và hai vị tỳ khưu, làm cho bứt rứt, không làm cho bứt rứt, hai khác nữa, không có nhiệt tâm, và hai về dối gạt, với thiện tâm; chúng là mười.
--ooOoo--
[38]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, ở đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác, có hai suy tầm thường xuyên khởi lên là: sự an toàn và sự tách ly. Này các tỳ khưu, đức Như Lai, bậc có sự ưa thích không hãm hại, thích thú không hãm hại. Này các tỳ khưu, ở đức Như Lai ấy đấy, bậc có sự thích thú không hãm hại, thích thú không hãm hại, chính sự suy tầm này thường xuyên khởi lên: ‘Với oai nghi này, ta không hãm hại bất cứ vật gì, dầu là di động hay bất động.’ Này các tỳ khưu, đức Như Lai, bậc có sự ưa thích việc tách ly, thích thú việc tách ly. Này các tỳ khưu, ở đức Như Lai ấy đấy, bậc có sự ưa thích việc tách ly, thích thú việc tách ly, chính sự suy tầm này thường xuyên khởi lên rằng: ‘Cái gì bất thiện, cái ấy được dứt bỏ.’
2. Này các tỳ khưu, bởi thế chính các ngươi hãy sống có sự ưa thích không hãm hại, thích thú không hãm hại. Này các tỳ khưu, khi các ngươi đây sống có sự ưa thích không hãm hại, thích thú không hãm hại, chính sự suy tầm này sẽ thường xuyên khởi lên cho các ngươi: ‘Với oai nghi này, chúng ta không hãm hại bất cứ vật gì, dầu là di động hay bất động.’ Này các tỳ khưu, hãy sống có sự ưa thích việc tách ly, thích thú việc tách ly. Này các tỳ khưu, khi các ngươi đây sống có sự ưa thích việc tách ly, thích thú việc tách ly, chính sự suy tầm này sẽ thường xuyên khởi lên cho các ngươi: ‘Cái gì bất thiện, cái ấy được dứt bỏ.’”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
3. “Ở đức Như Lai, bậc Giác Ngộ có sự chịu đựng điều không thể chịu đựng, có hai suy tầm khởi lên ở Ngài: an toàn là suy tầm thứ nhất đã được nói lên, kế đó tách ly là thứ nhì đã được giảng giải.
4. Bậc Đại ẩn sĩ, vị xua tan bóng tối, đã đi đến bờ kia, vị ấy đã đạt đến sự thành đạt, có quyền lực, không còn lậu hoặc, vượt qua sự bất bình đẳng, đã được giải thoát trong việc diệt trừ tham ái, vị ấy quả thật là bậc hiền trí, mang thân mạng cuối cùng, từ bỏ Ma Vương, Ta nói đã đi đến bờ kia của sự già.
5. Giống như người đứng ở đỉnh đầu của ngọn núi đá, cũng giống như người có thể nhìn thấy dân chúng ở xung quanh, tương tự như thế ấy sau khi bước lên tòa lâu đài làm bằng Giáo Pháp, bậc Trí Tuệ, đấng Toàn Nhãn, bậc đã xa lìa sầu muộn quan sát dân chúng bị rơi vào sầu muộn, bị ngự trị bởi sanh và già.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[39]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, có hai sự thuyết giảng Giáo Pháp của đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri là theo trình tự. Hai sự thuyết giảng nào? ‘Các ngươi hãy nhìn thấy ác là ác,’ đây là sự thuyết giảng Pháp thứ nhất. ‘Sau khi nhìn thấy ác là ác, các ngươi hãy nhàm chán, hãy xa lìa sự luyến ái, hãy giải thoát,’ đây là sự thuyết giảng Giáo Pháp thứ hai. Này các tỳ khưu, hai sự thuyết giảng Giáo Pháp này của đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri là theo trình tự.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Hãy nhìn xem lời nói theo trình tự của đức Như Lai, bậc Giác Ngộ, có lòng thương tưởng đến tất cả sanh linh. Và hai pháp đã được giảng giải.
3. Các ngươi hãy nhìn thấy điều này là ác, và các ngươi cũng hãy xa lìa sự luyến ái ở điều ấy, sau đó với tâm đã được xa lìa luyến ái, các ngươi sẽ thực hiện việc chấm dứt khổ.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[40]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, vô minh đi trước trong việc thành tựu các pháp bất thiện, theo sau là không hổ thẹn (tội lỗi), không sợ hãi (tội lỗi). Này các tỳ khưu, minh đi trước trong việc thành tựu các pháp thiện, theo sau là hổ thẹn (tội lỗi), sợ hãi (tội lỗi).”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Bất cứ những khổ cảnh nào ở đời này hoặc đời sau, tất cả đều có gốc rễ ở vô minh, với sự tích lũy bởi ước muốn và tham lam.
3. Bởi vì có ước muốn xấu xa, không hổ thẹn (tội lỗi), không có sự tôn trọng, cho nên người tạo ra việc ác; do việc ấy đi đến đọa xứ.
4. Vì thế, trong khi xa lìa sự mong muốn, tham lam, và vô minh, trong khi làm sanh khởi minh, vị tỳ khưu từ bỏ mọi cảnh giới khổ đau.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
Tụng Phẩm thứ nhất.
[41]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, các chúng sinh ấy vô cùng thấp kém, là những người thấp kém về tuệ cao thượng. Những người ấy ngay trong đời hiện tại sống khổ sở, có sự buồn phiền, thất vọng, bực bội, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, khổ cảnh là điều chờ đợi. Này các tỳ khưu, các chúng sinh ấy không thấp kém, là những người không thấp kém về tuệ cao thượng. Những người ấy ngay trong đời hiện tại sống không có buồn phiền, không có thất vọng, không có bực bội, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, nhàn cảnh là điều chờ đợi.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Do sự thấp kém về tuệ, hãy nhìn thế gian luôn cả chư Thiên đã được xác lập ở danh và sắc, nghĩ rằng: ‘Đây là sự thật.’
3. Bởi vì tuệ là tối thượng ở thế gian, cái này dẫn đến sự thấu triệt, nhờ nó mà nhận biết đúng đắn sự diệt tận của sanh và hữu.
4. Chư Thiên và nhân loại yêu mến các vị ấy, các bậc Chánh Đẳng Giác, có niệm, có tuệ vi tiếu, mang thân xác cuối cùng.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[42]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, hai pháp trắng này hộ trì thế gian. Hai pháp nào? Hổ thẹn (tội lỗi) và ghê sợ (tội lỗi). Này các tỳ khưu, nếu hai pháp trắng này không hộ trì thế gian, ở đây không được nhận biết là ‘Mẹ,’ hoặc là ‘Dì,’ hoặc là ‘Mợ,’ hoặc là ‘Vợ của thầy,’ hoặc là ‘Vợ của các bậc đáng kính.’ Thế gian hỗn độn như là dê và cừu, gà và heo, chó nhà và chó rừng. Này các tỳ khưu, bởi vì hai pháp trắng này hộ trì thế gian, cho nên được nhận biết là ‘Mẹ,’ hoặc là ‘Dì,’ hoặc là ‘Mợ,’ hoặc là ‘Vợ của thầy,’ hoặc là ‘Vợ của các bậc đáng kính.’”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Đối với những người nào hổ thẹn (tội lỗi) và ghê sợ (tội lỗi) thường xuyên không được biết đến, những người ấy, bị lệch khỏi gốc rễ trắng, đi đến sanh và tử.
3. Còn đối những người nào hổ thẹn (tội lỗi) và ghê sợ (tội lỗi) luôn luôn được thiết lập đúng đắn, Phạm hạnh được tăng tiến, những người ấy được an tịnh, đã được cạn kiệt sự hiện hữu lại nữa.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[43]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, có cái không sanh—không hiện hữu—không làm ra—không tạo tác. Này các tỳ khưu, nếu không có cái không sanh—không hiện hữu—không làm ra—không tạo tác ấy thì ở đây việc thoát ly khỏi cái sanh—hiện hữu—làm ra—tạo tác không được biết đến. Này các tỳ khưu, bởi vì có cái không sanh—không hiện hữu—không làm ra—không tạo tác, cho nên việc thoát ly khỏi cái sanh—hiện hữu—làm ra—tạo tác được biết đến.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Cái sanh—hiện hữu—phát khởi—làm ra—tạo tác là không bền vững, gắn liền với già và chết, cái ổ của bệnh tật, dễ tiêu hoại, có thức ăn và tham ái là nguồn sanh khởi, không xứng đáng để thích thú.
3. Sự ra khỏi cái ấy là an tịnh, vượt ngoài suy luận, bền vững, không sanh, không phát khởi, không sầu, xa lìa luyến ái, là chỗ tựa, sự tịch diệt các pháp khổ, sự yên lặng các pháp tạo tác, an lạc.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[44]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là hai bản thể của Niết Bàn. Hai bản thể nào? Bản thể Niết bàn còn dư sót và bản thể Niết Bàn không còn dư sót.
2. Và này các tỳ khưu, cái nào là bản thể Niết bàn còn dư sót?
Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu là bậc A-la-hán, có lậu hoặc đã được cạn kiệt, đã được hoàn mãn, có việc cần làm đã làm, có gánh nặng đã được đặt xuống, có mục đích của mình đã được đạt đến, có sự trói buộc ở hữu đã được đoạn tận, đã hiểu biết đúng đắn và đã được giải thoát. Đối với vị ấy, năm giác quan vẫn tồn tại, thông qua trạng thái không bị hủy hoại của chúng vị ấy tiếp nhận đối tượng thích ý hoặc không thích ý, và cảm thọ hạnh phúc hay khổ đau. Cái có cho vị ấy là sự diệt trừ tham, sự diệt trừ sân, sự diệt trừ si. Này các tỳ khưu, cái này gọi là bản thể Niết bàn còn dư sót.
3. Và này các tỳ khưu, cái nào là bản thể Niết bàn không còn dư sót?
Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu là bậc A-la-hán, có lậu hoặc đã được cạn kiệt, đã được hoàn mãn, có việc cần làm đã làm, có gánh nặng đã được đặt xuống, có mục đích của mình đã được đạt đến, có sự trói buộc ở hữu đã được đoạn tận, đã hiểu biết đúng đắn và đã được giải thoát. Này các tỳ khưu, đối với vị ấy, ngay ở nơi đây tất cả những gì được cảm thọ là không được thích thú, sẽ trở thành mát lạnh. Này các tỳ khưu, cái này gọi là bản thể Niết bàn không còn dư sót. Này các tỳ khưu, đây là hai bản thể của Niết Bàn.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Hai bản thể Niết bàn này đã được giảng giải bởi đấng Hữu Nhãn, bậc không bị lệ thuộc, bậc tự tại: Một bản thể, tại đây, ở thời hiện tại, còn dư sót, có sự diệt tận lối dẫn đến các hữu, hơn nữa là (bản thể Niết bàn) không còn dư sót ở thời vị lai, lúc các hữu được diệt tận toàn bộ.
3. Các vị nào biết được vị thế không còn tạo tác này, có tâm đã được giải thoát, có sự diệt tận lối dẫn đến hữu, có sự chứng đắc về cốt lõi của Giáo Pháp, các vị ấy thích thú ở sự diệt trừ, các vị như thế ấy đã dứt bỏ tất cả các hữu.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[45]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy sống có sự ưa thích thiền tịnh, thích thú thiền tịnh, gắn bó với sự vắng lặng của tâm ở nội phần, không bỏ bê việc tham thiền, hội đủ pháp minh sát, là những người thường lai vãng các khu vực trống vắng. Này các tỳ khưu, đối với các vị sống có sự ưa thích thiền tịnh, thích thú thiền tịnh, gắn bó với sự vắng lặng của tâm ở nội phần, không bỏ bê việc tham thiền, hội đủ pháp minh sát, là những người thường lai vãng các khu vực trống vắng, một quả báu nào đó trong hai quả báu là điều chờ đợi: trí giải thoát ở đời hiện tại, hoặc nếu còn dư sót thì phẩm vị Bất Lai.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Những vị nào có tâm an tịnh, chín chắn, có niệm, và có thiền, thấy rõ pháp một cách đúng đắn, không có sự mong mỏi về các dục.
3. Trong khi thích thú ở việc không xao lãng, có sự nhìn thấy nỗi sợ hãi ở việc xao lãng, không thể đi đến sự thấp kém, các vị ở gần Niết Bàn.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[46]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy sống, có việc học tập là sự lợi ích, có tuệ là tối thượng, có giải thoát là cốt lõi, có niệm là chủ đạo. Này các tỳ khưu, đối với các vị sống có việc học tập là sự lợi ích, có tuệ là tối thượng, có giải thoát là cốt lõi, có niệm là chủ đạo, một quả báu nào đó trong hai quả báu là điều chờ đợi: trí giải thoát ở đời hiện tại, hoặc nếu còn dư sót thì phẩm vị Bất Lai.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Vị có việc học tập đã được đầy đủ, có pháp không bị hư hoại, có tuệ là tối thượng, có nhìn thấy sự diệt trừ và chấm dứt của sự sanh, vị ấy quả thật là bậc hiền trí, mang thân mạng cuối cùng, từ bỏ ngã mạn, Ta nói đã đi đến bờ kia của sự già.
3. Do đó, luôn luôn thích thú việc tham thiền, định tĩnh, có nhiệt tâm, có nhìn thấy sự diệt trừ và chấm dứt của sự sanh, sau khi khuất phục Ma Vương cùng với đạo quân binh, này các tỳ khưu, các ngươi hãy trở thành những vị đã đi đến bờ kia của sanh tử.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[47]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nên tỉnh thức, nên sống có niệm, có sự nhận biết rõ, định tĩnh, hoan hỷ, thành tín, và tại nơi ấy nhìn thấy rõ thời điểm thích hợp cho các thiện pháp. Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu tỉnh thức nên sống có niệm, có sự nhận biết rõ, định tĩnh, hoan hỷ, thành tín, và tại nơi ấy nhìn thấy rõ thời điểm thích hợp cho các thiện pháp, một quả báu nào đó trong hai quả báu là điều chờ đợi: trí giải thoát ở đời hiện tại, hoặc nếu còn dư sót thì phẩm vị Bất Lai.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Hỡi những người tỉnh thức, hãy lắng nghe điều này. Các vị nào đang ngủ, xin các vị hãy thức dậy. Tỉnh thức là tốt hơn ngủ. Không có nỗi sợ hãi cho người tỉnh thức.
3. Người nào tỉnh thức, và có niệm, có sự nhận biết rõ, định tĩnh, hoan hỷ, thành tín, đang cân nhắc suy xét pháp một cách đúng đắn vào thời điểm thích hợp, có trạng thái tập trung, người ấy có thể tiêu diệt bóng tối.
4. Do đó, đương nhiên nên duy trì sự tỉnh thức. Vị tỳ khưu có nhiệt tâm, chín chắn, đạt được thiền, sau khi cắt đứt sự trói buộc với sanh và lão, có thể chạm đến phẩm vị giác ngộ tối thượng ngay tại nơi đây.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[48]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, hai hạng người này là những kẻ sanh đọa xứ, những kẻ đi địa ngục, sau khi không dứt bỏ điều này. Hai hạng nào? Kẻ không có Phạm hạnh tự nhận là có Phạm hạnh, và kẻ nào bôi nhọ vị đang thực hành Phạm hạnh trọn vẹn thanh tịnh bằng điều phi Phạm hạnh không có nguyên cớ. Này các tỳ khưu, hai hạng người này là những kẻ sanh đọa xứ, những kẻ đi địa ngục, sau khi không dứt bỏ điều này.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Kẻ có lời nói không thật đi đến địa ngục, hoặc thậm chí người nào, sau khi làm, đã nói là: ‘Tôi không làm;’ cả hai hạng người có nghiệp hạ liệt ấy, sau khi chết, là giống như nhau ở cảnh giới khác.
3. Có nhiều kẻ, cổ quấn y casa, (hành) theo pháp ác, không tự chế ngự, những kẻ xấu xa ấy, do các nghiệp ác, bị sanh vào địa ngục.
4. Hòn sắt cháy rực tựa như ngọn lửa được ăn vào là tốt hơn so với kẻ có giới tồi, không tự chế ngự, ăn đồ ăn khất thực của xứ sở.”[1]
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[49]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, chư Thiên và nhân loại bị xâm nhập bởi hai tà kiến, một số chấp chặt, một số chạy quá mức, và những vị có mắt nhìn thấy.
2. Và này các tỳ khưu, một số chấp chặt nghĩa là thế nào?
Này các tỳ khưu, có sự ưa thích ở hữu, chư Thiên và nhân loại thích thú ở hữu, vui thích ở hữu. Đối với các vị ấy, trong khi Giáo Pháp về sự diệt tận của hữu đang được thuyết giảng, tâm của họ không hướng đến, không tin tưởng, không trú vào, không thiên về. Này các tỳ khưu, một số chấp chặt nghĩa là như thế.
3. Và này các tỳ khưu, một số chạy quá mức nghĩa là thế nào?
Trái lại, trong khi bị khổ sở, trong khi bị hổ thẹn, trong khi chán ghét bởi vì hữu, một số thỏa thích phi hữu (nói rằng): ‘Này ông, khi tự ngã này, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, bị tiêu diệt, bị hoại diệt, không hiện hữu sau khi chết đi. Điều này là an tịnh, điều này là hảo hạng, điều này là đúng như vậy.’ Này các tỳ khưu, một số chạy quá mức nghĩa là như thế.
4. Và này các tỳ khưu, những vị có mắt nhìn thấy nghĩa là thế nào?
Ở đây, vị tỳ khưu nhìn thấy hiện hữu là hiện hữu, sau khi nhìn thấy hiện hữu là hiện hữu vị ấy thực hành đưa đến nhàm chán, đưa đến xa lìa luyến ái, đưa đến tịch diệt đối với hiện hữu. Này các tỳ khưu, những vị có mắt nhìn thấy nghĩa là như thế.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
5. “Những người nào sau khi thấy được hiện hữu là hiện hữu, và có sự vượt qua hiện hữu, họ được giải thoát ở hiện hữu như thế nhờ vào sự diệt tận tham ái ở hữu.
6. Với sự hiểu biết toàn diện về hiện hữu, vị ấy quả thật đã xa lìa tham ái ở hữu và phi hữu. Do sự không hình thành của hiện hữu, vị tỳ khưu không đi đến sự hiện hữu lại nữa.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
Phẩm thứ nhì.
Hai bài Kinh về giác quan, hai làm cho nóng này, hai bài Kinh khác về giới, không ghê sợ tội lỗi, và hai về dối gạt, với đáng bị chấn động; chúng là mười.
Suy tầm, sự thuyết giảng, minh, tuệ, với pháp (trắng) là thứ năm, không sanh, bản thể, thiền tịnh, học tập, và với tỉnh thức, đọa xứ, và với tà kiến nữa, hai mươi hai bài Kinh đã được giảng giải.
NHÓM HAI PHÁP.
--ooOoo--
[50]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba bất thiện căn. Ba căn nào? Tham là bất thiện căn, sân là bất thiện căn, si là bất thiện căn, Này các tỳ khưu, đây là ba bất thiện căn.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Tham, sân, và si, được sanh ra từ bản thân, hãm hại người có tâm ác xấu, tựa như (hoa) trái của chính cây tre hại chết cây tre.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[51]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba giới. Ba giới nào? Sắc giới, vô sắc giới, tịch diệt giới. Này các tỳ khưu, đây là ba giới.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Sau khi hiểu toàn diện về sắc giới, không đứng vững ở vô sắc, những ai được giải thoát ở tịch diệt, những vị ấy có sự loại bỏ Tử Thần.
3. Với thân, sau khi chạm đến bản thể Bất Tử, không còn mầm tái sanh, sau khi chứng ngộ sự xả bỏ mầm tái sanh, bậc không còn lậu hoặc, Chánh Đẳng Giác thuyết giảng vị thế không còn sầu muộn, xa lìa ô nhiễm.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[52]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba thọ. Ba thọ nào? Thọ lạc, thọ khổ, thọ bất khổ bất lạc. Này các tỳ khưu, đây là ba thọ.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Vị đệ tử của đức Phật, định tĩnh, có sự nhận biết đúng đắn, có niệm, và nhận biết về thọ, sự phát sanh của các thọ, ...
3. ... nơi các thọ được diệt tận, và đạo lộ dẫn đến sự diệt trừ. Do sự diệt trừ các thọ, vị tỳ khưu không còn khao khát, được tịch tịnh.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[53]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba thọ. Ba thọ nào? Thọ lạc, thọ khổ, thọ bất khổ bất lạc.
Này các tỳ khưu, thọ lạc nên được nhìn thấy là khổ. Thọ khổ nên được nhìn thấy là mũi tên. Thọ không khổ không lạc nên được nhìn thấy là vô thường. Này các tỳ khưu, bởi vì với vị tỳ khưu thọ lạc đã được nhìn thấy là khổ, thọ khổ đã được nhìn thấy là mũi tên, thọ không khổ không lạc đã được nhìn thấy là vô thường, này các tỳ khưu, vị tỳ khưu này được gọi là Thánh nhân, có cái nhìn đúng đắn, đã cắt đứt tham ái, đã bứng gốc sự trói buộc, nhờ vào sự lĩnh hội về ngã mạn một cách đúng đắn đã thực hiện việc chấm dứt khổ.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Vị nào đã nhìn thấy lạc là khổ, đã nhìn thấy khổ là mũi tên, đã nhìn thấy không khổ không lạc, an tịnh ấy là vô thường ...
3. ... vị tỳ khưu ấy, thật vậy, với việc nhìn thấy đúng đắn, nhờ thế được giải thoát khỏi nơi ấy, được hoàn mãn về thắng trí, được an tịnh, vị hiền trí ấy quả thật đã vượt qua các sự ràng buộc.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[54]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba sự tầm cầu. Ba sự tầm cầu nào? Sự tầm cầu về dục, sự tầm cầu về hữu, sự tầm cầu về Phạm hạnh.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Vị đệ tử của đức Phật, định tĩnh, có sự nhận biết đúng đắn, có niệm, và nhận biết về tầm cầu, sự phát sanh của các tầm cầu, ...
3. ... nơi các tầm cầu được diệt tận, và đạo lộ dẫn đến sự diệt trừ. Do sự diệt trừ các tầm cầu, vị tỳ khưu không còn khao khát, được tịch tịnh.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[55]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba sự tầm cầu. Ba sự tầm cầu nào? Sự tầm cầu về dục, sự tầm cầu về hữu, sự tầm cầu về Phạm hạnh.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Sự tầm cầu về dục, sự tầm cầu về hữu, cùng với sự tầm cầu về Phạm hạnh, sự bám víu vào ‘sự thật là thế ấy,’ chỗ đứng của tà kiến, (tất cả) là sự tích lũy (các ô nhiễm).
3. Đối với vị đã xa lìa luyến ái ở mọi ái luyến, đối với vị có sự giải thoát do diệt trừ tham ái, các sự tầm cầu đã được xả bỏ, các chỗ đứng của tà kiến đã được nhổ bỏ; do sự diệt trừ các sự tầm cầu, vị tỳ khưu không còn mong mỏi, không còn hoài nghi.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[56]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba lậu hoặc. Ba lậu hoặc nào? Lậu hoặc liên quan đến các dục, lậu hoặc liên quan đến hữu, lậu hoặc liên quan đến vô minh.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Vị đệ tử của đức Phật, định tĩnh, có sự nhận biết đúng đắn, có niệm, và nhận biết về lậu hoặc, sự phát sanh của các lậu hoặc, ...
3. ... nơi các lậu hoặc được diệt tận, và đạo lộ dẫn đến sự diệt trừ. Do sự diệt trừ các lậu hoặc, vị tỳ khưu không còn khao khát, được tịch tịnh.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[57]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba lậu hoặc. Ba lậu hoặc nào? Lậu hoặc liên quan đến các dục, lậu hoặc liên quan đến hữu, lậu hoặc liên quan đến vô minh.”[2]
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Đối với vị nào, dục lậu đã được cạn kiệt, vô minh đã được xa lìa, hữu lậu đã được hoàn toàn cạn kiệt, (vị ấy) đã được giải thoát, không còn mầm tái sanh, mang thân mạng cuối cùng, sau khi đã chiến thắng Ma Vương cùng với đạo quân binh.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[58]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba tham ái. Ba tham ái nào? Tham ái liên quan đến các dục, tham ái liên quan đến hữu, tham ái liên quan đến phi hữu.”[3]
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Bị ràng buộc bởi sự ràng buộc của tham ái, có tâm bị ái luyến ở hữu và phi hữu, những người ấy, bị trói buộc bởi sự trói buộc của Ma Vương, không có sự an toàn đối với các trói buộc; bị dính mắc, họ đi đến luân hồi, với việc đi đến sanh và tử.
3. Và những vị nào, sau khi tiêu diệt tham ái, có tham ái đã được xa lìa ở hữu và phi hữu, đã đạt đến sự diệt trừ các lậu hoặc, những vị ấy đã đi đến bờ kia, ở thế gian.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[59]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu thành tựu ba pháp vượt qua phạm vi của Ma Vương và chói sáng ví như mặt trời. Với ba pháp nào? Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu được thành tựu vô học giới uẩn, được thành tựu vô học định uẩn, được thành tựu vô học tuệ uẩn.
Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu thành tựu ba pháp vượt qua phạm vi của Ma Vương và chói sáng ví như mặt trời.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Giới, định, và tuệ, đối với vị nào các pháp này khéo được tu tập, (vị ấy) vượt qua phạm vi của Ma Vương và chói sáng ví như mặt trời.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
Phẩm thứ nhất.
Căn, giới, rồi hai bài Kinh về thọ, hai về tầm cầu, và hai về lậu hoặc, tham ái, và phạm vi của Ma Vương; các vị đã gọi là phẩm thứ nhất tối thượng.
--ooOoo--
[60]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba nền tảng của hành động phước thiện. Ba nền tảng nào? Nền tảng của hành động phước thiện gồm có bố thí, nền tảng của hành động phước thiện gồm có giới, nền tảng của hành động phước thiện gồm có tu tập (tham thiền). Này các tỳ khưu, đây là ba nền tảng của hành động phước thiện.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Vị ấy nên học tập thuần về phước thiện làm sanh lên an lạc tối cao kéo dài, nên tu tập bố thí, sự thực hành bình lặng, và tâm từ ái.
3. Sau khi tu tập ba pháp làm sanh lên an lạc này, bậc sáng suốt sanh lên cõi an lạc, không khổ sầu.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[61]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba loại nhãn (con mắt). Ba loại nào? Nhục nhãn, thiên nhãn, và tuệ nhãn. Này các tỳ khưu, đây là ba loại nhãn.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Nhục nhãn, thiên nhãn, tuệ nhãn là vô thượng, đấng Tối Thượng Nhân đã nói về ba loại nhãn này.
3. Việc sanh lên của nhục nhãn là con đường đưa đến thiên nhãn. Khi trí tuệ đã sanh khởi, tuệ nhãn là tối thượng. Do việc đạt được nhãn ấy, được giải thoát khỏi tất cả khổ đau.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[62]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba quyền. Ba quyền nào? Vị tri quyền, dĩ tri quyền, cụ tri quyền.[4] Này các tỳ khưu, đây là ba quyền.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Đối với vị hữu học đang học tập, đi theo đạo lộ ngay thẳng, tuệ thứ nhất về sự diệt trừ, kế đó không bị gián đoạn là trí giác ngộ.
3. Sau đó, trí giác ngộ của vị đã giải thoát chắc chắn trở thành trí của bậc tự tại, nhờ vào sự diệt trừ tất cả các điều ràng buộc (tuyên bố rằng:) ‘Sự giải thoát của tôi là không bị chuyển dịch.’
4. Vị ấy quả thật được thành tựu các quyền, trở nên an tịnh, được thích thú ở vị thế an tịnh, (vị ấy) mang thân mạng cuối cùng, sau khi đã chiến thắng Ma Vương cùng với đạo quân binh.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[63]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba khoảng thời gian. Khoảng thời gian quá khứ, khoảng thời gian vị lai, khoảng thời gian hiện tại. Này các tỳ khưu, đây là ba khoảng thời gian.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Có sự nhận biết về điều được thuyết giảng, chúng sinh đứng vững ở điều được thuyết giảng. Không biết toàn diện về điều được thuyết giảng chúng sinh đi đến sự trói buộc của thần chết.
3. Và sau khi biết toàn diện về điều được thuyết giảng, không nghĩ đến người thuyết giảng, tâm chạm dến sự giải thoát, vị thế an tịnh vô thượng.
4. Vị ấy quả thật đã thành tựu điều được thuyết giảng, được an tịnh, được thích thú ở vị thế an tịnh, có sự thực hành sau khi đã suy xét, đã đứng ở pháp, bậc hiểu biết sâu sắc không đi đến sự suy xét.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[64]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba uế hạnh. Ba uế hạnh nào? Uế hạnh do thân, uế hạnh do khẩu, uế hạnh do ý. Này các tỳ khưu, đây là ba uế hạnh.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Sau khi làm uế hạnh do thân và các uế hạnh do khẩu, sau khi làm uế hạnh do ý và điều nào khác liên quan đến tội lỗi, ...
3. ... sau khi không làm hành động thiện, sau khi làm nhiều việc bất thiện, do sự hoại rã của thân, kẻ thiếu trí tuệ ấy sanh vào địa ngục.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[65]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba thiện hạnh. Ba thiện hạnh nào? Thiện hạnh do thân, thiện hạnh do khẩu, thiện hạnh do ý. Này các tỳ khưu, đây là ba thiện hạnh.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Sau khi từ bỏ uế hạnh do thân và các uế hạnh do khẩu, sau khi từ bỏ uế hạnh do ý và điều nào khác liên quan đến tội lỗi, ...
3. ... sau khi không làm hành động bất thiện, sau khi làm nhiều việc thiện, do sự hoại rã của thân, người có trí tuệ ấy sanh vào cõi Trời.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[66]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba sự thanh tịnh. Ba sự thanh tịnh nào? Sự thanh tịnh ở thân, thanh tịnh ở khẩu, thanh tịnh ở ý. Này các tỳ khưu, đây là ba sự thanh tịnh.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Có sự thanh tịnh ở thân, có sự thanh tịnh ở khẩu, có sự thanh tịnh ở ý, không còn lậu hoặc, bậc thanh tịnh, thành tựu sự thanh tịnh, được gọi là có sự dứt bỏ tất cả.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[67]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba hiền trí hạnh. Ba hiền trí hạnh nào? Hiền trí hạnh về thân, hiền trí hạnh về khẩu, hiền trí hạnh về ý. Này các tỳ khưu, đây là ba hiền trí hạnh.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Có hiền trí hạnh về thân, có hiền trí hạnh về khẩu, có hiền trí hạnh về ý, không còn lậu hoặc, bậc hiền trí, thành tựu hiền trí hạnh, được gọi là người đã gột rửa điều ác xấu.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[68]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đối với bất cứ người nào luyến ái chưa được dứt bỏ, sân hận chưa được dứt bỏ, si mê chưa được dứt bỏ, này các tỳ khưu, người này được gọi là bị trói buộc bởi Ma Vương, bẫy sập của Ma Vương đã được đóng lại đối với người này, và bị hành động theo như ý muốn của kẻ Ác Độc.
Này các tỳ khưu, đối với bất cứ người nào luyến ái đã được dứt bỏ, sân đã được dứt bỏ, si đã được dứt bỏ, này các tỳ khưu, người này được gọi là không bị trói buộc bởi Ma Vương, bẫy sập của Ma Vương đã được mở ra đối với người này, và không bị hành động theo như ý muốn của kẻ Ác Độc.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Đối với người nào, luyến ái, sân hận, và vô minh đã được xa lìa, người ấy đã được gọi là một vị khác nữa có bản thân đã được tu tập, đã trở nên cao thượng, đã đi đến như thế, đã được giác ngộ, đã vượt qua oán thù và sợ hãi, đã có sự dứt bỏ tất cả.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[69]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đối với bất cứ vị tỳ khưu hoặc tỳ khưu ni nào luyến ái chưa được dứt bỏ, sân hận chưa được dứt bỏ, si mê chưa được dứt bỏ, này các tỳ khưu, vị này được gọi là chưa vượt qua biển cả có sóng, có sóng dữ, có dòng nước xoáy, có cá sấu, có quỷ sứ.
Này các tỳ khưu, đối với bất cứ vị tỳ khưu hoặc tỳ khưu ni nào luyến ái đã được dứt bỏ, sân hận đã được dứt bỏ, si mê đã được dứt bỏ, này các tỳ khưu, vị này được gọi là đã vượt qua biển cả có sóng, có sóng dữ, có dòng nước xoáy, có cá sấu, có quỷ sứ, đã vượt qua, đã đi đến bờ kia, đã đứng ở đất liền, là vị Bà-la-môn.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Đối với vị nào, luyến ái, sân hận, và vô minh đã được xa lìa, vị ấy đã vượt qua biển cả có cá sấu, có quỷ sứ, có sóng ghê rợn, khó vượt qua được.
Là người đã vượt qua sự dính mắc, đã từ bỏ Tử Thần, không còn mầm tái sanh, đã dứt bỏ khổ đau cùng với việc không còn sự hiện hữu lại nữa, đã đi đến mục đích, vị ấy đi đến sự không là hạn lượng, Ta nói rằng: ‘Vị ấy đã làm cho Ma Vương mê muội.’”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
Phẩm thứ nhì.
Phước thiện, nhãn (mắt), rồi các quyền, khoảng thời gian, hai về hạnh, thanh tịnh, hiền trí, rồi hai về luyến ái; các vị cũng đã gọi là phẩm thứ nhì tối thượng.
--ooOoo--
[1] Ba kệ ngôn này giống ba kệ ngôn 306-308 của Pháp Cú, Phẩm Địa Ngục.
[2] Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu (ND).
[3] Dục ái, hữu ái, phi hữu ái (ND).
[4] Vị tri quyền (anaññātaññassāmītindriya = khả năng về “Tôi sẽ biết điều chưa được biết”) tức là trí tuệ đưa đến việc thấy được Niết Bàn lần đầu tiên của đạo Nhập Lưu. Dĩ tri quyền (aññindriya = khả năng về điều đã được biết) tức là trí tuệ biết được Niết Bàn các lần sau từ quả Nhập Lưu cho đến đạo A-la-hán. Cụ tri quyền (aññātāvindriya = khả năng có điều đã được biết) tức là trí tuệ giác ngộ hoàn toàn của quả A-la-hán (ND).
[70]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, Ta đã nhìn thấy các chúng sinh thành tựu uế hạnh do thân, thành tựu uế hạnh do khẩu, thành tựu uế hạnh do ý, những kẻ phỉ báng các bậc Thánh, những kẻ tà kiến có sự thọ trì các nghiệp do tà kiến, những kẻ ấy do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, bị sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục.
Này các tỳ khưu, tuy nhiên Ta nói điều ấy không phải đã nghe được từ Sa- môn hoặc Bà-la- môn khác.
Này các tỳ khưu, Ta đã nhìn thấy các chúng sinh thành tựu uế hạnh do thân, thành tựu uế hạnh do khẩu, thành tựu uế hạnh do ý, những kẻ phỉ báng các bậc Thánh, những kẻ tà kiến có sự thọ trì các nghiệp do tà kiến, những kẻ ấy do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, bị sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục.
Này các tỳ khưu, hơn nữa chỉ có điều nào tự mình đã biết, tự mình đã thấy, tự mình đã hiểu, thì Ta nói về điều ấy.
Này các tỳ khưu, Ta đã nhìn thấy các chúng sinh thành tựu uế hạnh do thân, thành tựu uế hạnh do khẩu, thành tựu uế hạnh do ý, những kẻ phỉ báng các bậc Thánh, những kẻ tà kiến có sự thọ trì các nghiệp do tà kiến, những kẻ ấy do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, bị sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Con người ở nơi đây quyết định ý nghĩ sai trái, nói lời nói sai trái, và làm các hành động sai trái bằng thân.
3. Kẻ ít lắng nghe (học hỏi), kẻ hành động tội lỗi trong mạng sống ít ỏi ở nơi đây, do sự hoại rã của thân kẻ có tuệ tồi ấy sanh vào địa ngục.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[71]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, Ta đã nhìn thấy các chúng sinh thành tựu thiện hạnh do thân, thành tựu thiện hạnh do khẩu, thành tựu thiện hạnh do ý, những người không phỉ báng các bậc Thánh, những người chánh kiến có sự thọ trì các nghiệp do chánh kiến, những người ấy do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, được sanh vào chốn an vui, cõi Trời.
Này các tỳ khưu, tuy nhiên Ta nói điều ấy không phải đã nghe được từ Sa- môn hoặc Bà-la- môn khác.
Này các tỳ khưu, Ta đã nhìn thấy các chúng sinh thành tựu thiện hạnh do thân, thành tựu thiện hạnh do khẩu, thành tựu thiện hạnh do ý, những người không phỉ báng các bậc Thánh, những người chánh kiến có sự thọ trì các nghiệp do chánh kiến, những người ấy do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, được sanh vào chốn an vui, cõi Trời.
Này các tỳ khưu, hơn nữa chỉ có điều nào tự mình đã biết, tự mình đã thấy, tự mình đã hiểu, thì Ta nói về điều ấy.
Này các tỳ khưu, Ta đã nhìn thấy các chúng sinh thành tựu thiện hạnh do thân, thành tựu thiện hạnh do khẩu, thành tựu thiện hạnh do ý, những người không phỉ báng các bậc Thánh, những người chánh kiến có sự thọ trì các nghiệp do chánh kiến, những người ấy do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, được sanh vào chốn an vui, cõi Trời.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Con người ở nơi đây, quyết định ý nghĩ chân chánh, nói lời nói chân chánh, và làm các hành động chân chánh bằng thân.
3. Người nghe (học hỏi) nhiều, người hành động phước thiện trong mạng sống ít ỏi ở nơi đây, do sự hoại rã của thân người có trí tuệ ấy sanh vào cõi Trời.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[72]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba tính chất của việc thoát ly. Ba tính chất nào? Thoát ly khỏi các dục, tức là sự xuất ly. Thoát ly khỏi các sắc, tức là vô sắc. Hơn nữa, bất cứ cái gì được hiện hữu, được tạo tác, được sanh khởi tùy thuận (điều kiện), thoát ly khỏi cái ấy là sự tịch diệt. Này các tỳ khưu, đây là ba tính chất của việc thoát ly.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Sau khi biết được sự thoát ly khỏi các dục, và sự vượt qua các sắc, trong khi chạm đến sự vắng lặng của tất cả các hành, luôn luôn có sự nhiệt tâm ...
3. ... vị tỳ khưu ấy, thật vậy, với việc nhìn thấy đúng đắn, nhờ thế được giải thoát khỏi nơi ấy, được hoàn mãn về thắng trí, được an tịnh, vị hiền trí ấy quả thật đã vượt qua các sự ràng buộc.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[73]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, các pháp vô sắc là an tịnh hơn so với các sắc pháp. Sự tịch diệt là an tịnh hơn so với các pháp vô sắc.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Các chúng sinh nào tiếp cận các sắc pháp và những ai có sự thiết lập ở các pháp vô sắc, trong khi không nhận biết về sự tịch diệt, là những người đi đến sự hiện hữu lại nữa.
3. Và những người nào sau khi đã hiểu toàn diện về các sắc, không an trú ở các pháp vô sắc, những người nào được giải thoát ở sự tịch diệt, những người ấy có sự từ bỏ tử thần.
4. Sau khi đã chạm đến bản thể bất tử bằng thân, không mầm tái sanh, sau khi đã chứng đắc sự từ bỏ mầm tái sanh, không còn lậu hoặc, đấng Chánh Đẳng Giác thuyết giảng về vị thế không sầu muộn, không bụi ô nhiễm.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[74]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, ba hạng con trai này đang tồn tại, đang hiện hữu ở thế gian. Ba hạng nào? Ưu sanh, tùy sanh, liệt sanh.
Và này các tỳ khưu, con trai hạng ưu sanh nghĩa là thế nào? Này các tỳ khưu, ở đây mẹ và cha của người con trai không đi đến nương nhờ đức Phật, không đi đến nương nhờ Giáo Pháp, không đi đến nương nhờ Tăng Chúng, không kiêng cữ việc giết hại mạng sống, không kiêng cữ việc lấy vật chưa được cho, không kiêng cữ hành vi sai trái trong các dục, không kiêng cữ việc nói lời dối trá, không kiêng cữ trường hợp dễ duôi uống chất say là rượu và chất lên men, có giới tồi, có ác pháp. Và con trai của những người ấy đi đến nương nhờ đức Phật, đi đến nương nhờ Giáo Pháp, đi đến nương nhờ Tăng Chúng, kiêng cữ việc giết hại mạng sống, kiêng cữ việc lấy vật chưa được cho, kiêng cữ hành vi sai trái trong các dục, kiêng cữ việc nói lời dối trá, kiêng cữ trường hợp dễ duôi uống chất say là rượu và chất lên men, có giới hạnh, có thiện pháp. Này các tỳ khưu, con trai hạng ưu sanh nghĩa là như thế.
Và này các tỳ khưu, con trai hạng tùy sanh nghĩa là thế nào? Này các tỳ khưu, ở đây mẹ và cha của người con trai đi đến nương nhờ đức Phật, đi đến nương nhờ Giáo Pháp, đi đến nương nhờ Tăng Chúng, kiêng cữ việc giết hại mạng sống, kiêng cữ việc lấy vật chưa được cho, kiêng cữ hành vi sai trái trong các dục, kiêng cữ việc nói lời dối trá, kiêng cữ trường hợp dễ duôi uống chất say là rượu và chất lên men, có giới hạnh, có thiện pháp. Và con trai của những người ấy đi đến nương nhờ đức Phật, đi đến nương nhờ Giáo Pháp, đi đến nương nhờ Tăng Chúng, kiêng cữ việc giết hại mạng sống, kiêng cữ việc lấy vật chưa được cho, kiêng cữ hành vi sai trái trong các dục, kiêng cữ việc nói lời dối trá, kiêng cữ trường hợp dễ duôi uống chất say là rượu và chất lên men, có giới hạnh, có thiện pháp. Này các tỳ khưu, con trai hạng tùy sanh nghĩa là như thế.
Và này các tỳ khưu, con trai hạng liệt sanh nghĩa là thế nào? Này các tỳ khưu, ở đây mẹ và cha của người con trai đi đến nương nhờ đức Phật, đi đến nương nhờ Giáo Pháp, đi đến nương nhờ Tăng Chúng, kiêng cữ việc giết hại mạng sống, kiêng cữ việc lấy vật chưa được cho, kiêng cữ hành vi sai trái trong các dục, kiêng cữ việc nói lời dối trá, kiêng cữ trường hợp dễ duôi uống chất say là rượu và chất lên men, có giới hạnh, có thiện pháp. Và con trai của những người ấy không đi đến nương nhờ đức Phật, không đi đến nương nhờ Giáo Pháp, không đi đến nương nhờ Tăng Chúng, không kiêng cữ việc giết hại mạng sống, không kiêng cữ việc lấy vật chưa được cho, không kiêng cữ hành vi sai trái trong các dục, không kiêng cữ việc nói lời dối trá, không kiêng cữ trường hợp dễ duôi uống chất say là rượu và chất lên men, có giới tồi, có các pháp. Này các tỳ khưu, con trai hạng liệt sanh nghĩa là như thế. Này các tỳ khưu, ba hạng con trai này đang tồn tại, đang hiện hữu ở thế gian.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Các bậc sáng suốt ước muốn con trai hạng ưu sanh, hạng tùy sanh, không ước muốn hạng liệt sanh, là hạng phá hỏng gia đình.
3. Những người con trai này là những nam cư sĩ ở thế gian, có đức tin, được đầy đủ về giới, rộng lượng, xa lìa sự bỏn xẻn, chói sáng ở các tập thể (tựa như) mặt trăng được thoát khỏi đám mây.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[75]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, ba hạng người này đang tồn tại, đang hiện hữu ở thế gian. Ba hạng nào? Hạng tương tự đám mây không mưa, hạng có mưa ở khu vực, hạng có mưa đều ở tất cả các nơi.
Và này các tỳ khưu, hạng người tương tự đám mây không mưa nghĩa là thế nào? Này các tỳ khưu, ở đây có hạng người không là thí chủ đến toàn bộ tất cả Sa-môn, Bà-la-môn, những người khốn khổ, lang bạt, nghèo khó, hành khất, về cơm ăn, nước uống, vải vóc, phương tiện di chuyển, tràng hoa, hương thơm, vật thoa, giường nằm, chỗ ngụ, đèn đuốc . Này các tỳ khưu, hạng người tương tự đám mây không mưa nghĩa là như thế.
Và này các tỳ khưu, hạng người có mưa ở khu vực nghĩa là thế nào? Này các tỳ khưu, ở đây có hạng người là thí chủ đến một số, không là thí chủ đến một số Sa-môn, Bà-la-môn, những người khốn khổ, lang bạt, nghèo khó, hành khất, về cơm ăn, nước uống, vải vóc, phương tiện di chuyển, tràng hoa, hương thơm, vật thoa, giường nằm, chỗ ngụ, đèn đuốc. Này các tỳ khưu, hạng người có mưa ở khu vực nghĩa là như thế.
Và này các tỳ khưu, hạng người có mưa đều ở tất cả các nơi nghĩa là thế nào? Này các tỳ khưu, ở đây có hạng người bố thí đến tất cả Sa-môn, Bà-la-môn, những người khốn khổ, lang bạt, nghèo khó, hành khất, về cơm ăn, nước uống, vải vóc, phương tiện di chuyển, tràng hoa, hương thơm, vật thoa, giường nằm, chỗ ngụ, đèn đuốc. Này các tỳ khưu, hạng người có mưa đều ở tất cả các nơi nghĩa là như thế. Này các tỳ khưu, đây là ba hạng người đang tồn tại, đang hiện hữu ở thế gian.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Sau khi có được cơm ăn, nước uống, vật thực mà không san sẻ đến các Sa-môn, Bà-la-môn, những người khốn khổ, lang bạt, nghèo khó, người ta đã nói về kẻ hạ tiện ấy là: ‘Người tương tự đám mây không mưa.’
3. Không bố thí đến một số người, ban tặng đến một số người, những người thông minh đã nói về kẻ ấy là: ‘Người có mưa ở khu vực.’
4. Người có lời nói đem đến sự dễ dàng về vật thực, người có lòng thương tưởng đến tất cả sanh linh, trong khi tùy hỷ, ban phát và nói rằng: “Các người hãy bố thí, các người hãy bố thí.’
5. Cũng giống như đám mây gào thét, gầm rống rồi đổ mưa, ngay trong khi đang tuôn ra nước, làm tràn đầy đất bằng và chỗ trũng.
6. Tương tự y như vậy, ở đây có hạng người như thế ấy, sau khi thâu thập tài sản đạt được một cách hợp pháp nhờ vào nghị lực, rồi với cơm ăn và nước uống hoàn toàn làm toại ý những người nghèo khó đã đi đến.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[76]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, trong lúc ước nguyện ba điều hạnh phúc này, người sáng suốt nên gìn giữ giới. Ba điều nào? ‘Mong rằng sự ca ngợi hãy đến cho tôi.’ (nghĩ thế) người sáng suốt nên gìn giữ giới, ‘Mong rằng của cải hãy sanh lên cho tôi,’ (nghĩ thế) người sáng suốt nên gìn giữ giới, ‘Do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, tôi sẽ sanh về chốn an vui, cõi Trời,’ (nghĩ thế) người sáng suốt nên gìn giữ giới. Này các tỳ khưu, trong khi ước nguyện ba điều hạnh phúc này, người sáng suốt nên gìn giữ giới.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Người thông minh nên gìn giữ giới trong lúc ước nguyện ba điều hạnh phúc: sự ca ngợi, sự đạt được của cải, sự vui sướng ở cõi Trời sau khi chết.
3. Tuy nhiên, nếu trong lúc không làm ác, mà thân cận người đang làm, thì bị nghi ngờ về điều ác, và tiếng xấu của người ấy tăng trưởng.
4. Kết bạn với người như thế nào, và thân cận người như thế nào, kẻ ấy chắc chắn trở thành người như thế ấy, việc cộng trú chung cũng là như thế ấy.
5. Người đang cộng sự và đối tượng đang cộng sự, người đang tiếp xúc và người khác là đối tượng đang tiếp xúc, tựa như mũi tên bị nhiễm độc làm nhơ nhuốc bó tên còn chưa bị nhơ nhuốc, người sáng trí, do nỗi sợ hãi sự nhơ nhuốc, không nên có bạn ác.
6. Người nào gói lại con cá thối bằng phần ngọn của cọng cỏ kusa, các cọng cỏ kusa cũng tỏa ra các mùi thối; sự thân cận với kẻ ngu là tương tự.
7. Còn người nào gói lại cỏ thơm tagara bằng lá cây, luôn cả các lá cây cũng tỏa ra mùi thơm; sự thân cận với người sáng trí là tương tự.
8. Vì thế, sau khi biết được kết quả đối với bản thân tựa như đối với giỏ lá cây, người sáng suốt không nên thân cận những kẻ không tốt, nên thân cận những người tốt; những kẻ không tốt dẫn đến địa ngục, những người tốt giúp cho đạt được nhàn cảnh.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[77]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, thân này là dễ tan vỡ, thức có tính chất rã tan, tất cả các mầm tái sanh là vô thường, khổ đau, có tính chất đổi thay.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Sau khi biết rằng thân là dễ tan vỡ, và thức có thể rã tan, sau khi nhìn thấy nỗi sợ hãi ở các mầm tái sanh, (vị ấy) đã vượt qua sanh và tử; sau khi đạt đến sự an tịnh tối cao, vị có bản thân đã được tu tập chờ đợi thời điểm.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[78]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, tùy theo bản chất các chúng sinh cùng với các chúng sinh kết hợp, gặp gỡ nhau. Các chúng sinh có khuynh hướng thấp kém cùng với các chúng sinh có khuynh hướng thấp kém kết hợp, gặp gỡ nhau. Các chúng sinh có khuynh hướng tốt lành cùng với các chúng sinh có khuynh hướng tốt lành kết hợp, gặp gỡ nhau.
Này các tỳ khưu, ngay cả ở thời kỳ quá khứ, tùy theo bản chất các chúng sinh cùng với các chúng sinh đã kết hợp, đã gặp gỡ nhau. Các chúng sinh có khuynh hướng thấp kém cùng với các chúng sinh có khuynh hướng thấp kém đã kết hợp, đã gặp gỡ nhau. Các chúng sinh có khuynh hướng tốt lành cùng với các chúng sinh có khuynh hướng tốt lành đã kết hợp, đã gặp gỡ nhau.
Này các tỳ khưu, luôn cả ở thời kỳ vị lai, tùy theo bản chất các chúng sinh cùng với các chúng sinh sẽ kết hợp, sẽ gặp gỡ nhau. Các chúng sinh có khuynh hướng thấp kém cùng với các chúng sinh có khuynh hướng thấp kém sẽ kết hợp, sẽ gặp gỡ nhau. Các chúng sinh có khuynh hướng tốt lành cùng với các chúng sinh có khuynh hướng tốt lành sẽ kết hợp, sẽ gặp gỡ nhau.
Này các tỳ khưu, ngay cả hiện nay ở thời kỳ hiện tại, tùy theo bản chất các chúng sinh cùng với các chúng sinh kết hợp, gặp gỡ nhau. Các chúng sinh có khuynh hướng thấp kém cùng với các chúng sinh có khuynh hướng thấp kém kết hợp, gặp gỡ nhau. Các chúng sinh có khuynh hướng tốt lành cùng với các chúng sinh có khuynh hướng tốt lành kết hợp, gặp gỡ nhau.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Ô nhiễm sanh lên do sự kết giao, bị chặt đứt do sự không kết giao. Giống như người leo lên miếng gỗ nhỏ có thể chìm xuống ở đại dương, ...
3. ... Tương tự như thế, người có đời sống tốt lành đi đến với người biếng nhác cũng chìm xuống. Vì thế nên xa lánh kẻ biếng nhác có sự tinh tấn thấp kém ấy.
4. Nên sống cùng với các bậc sáng suốt, sống tách ly, cao thượng, có bản tánh cương quyết, có thiền, thường xuyên có sự ra sức tinh tấn.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[79]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, ba pháp này vận hành đưa đến sự thoái hóa cho vị tỳ khưu hữu học. Ba pháp nào? Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu hữu học có sự ưa thích công việc, thích thú công việc, gắn bó với sự ưa thích công việc; có sự ưa thích nói chuyện, thích thú nói chuyện, gắn bó với sự ưa thích nói chuyện; có sự ưa thích ngủ nghê, thích thú ngủ nghê, gắn bó với sự ưa thích ngủ nghê. Này các tỳ khưu, ba pháp này vận hành đưa đến sự thoái hóa cho vị tỳ khưu hữu học.
Này các tỳ khưu, ba pháp này vận hành không đưa đến sự thoái hóa cho vị tỳ khưu hữu học. Ba pháp nào? Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu hữu học không có sự ưa thích công việc, không thích thú công việc, không gắn bó với sự ưa thích công việc; không có sự ưa thích nói chuyện, không thích thú nói chuyện, không gắn bó với sự ưa thích nói chuyện; không có sự ưa thích ngủ nghê, không thích thú ngủ nghê, không gắn bó với sự ưa thích ngủ nghê. Này các tỳ khưu, ba pháp này vận hành không đưa đến sự thoái hóa cho vị tỳ khưu hữu học.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Có sự ưa thích công việc, thích thú nói chuyện, có sự ưa thích ngủ nghê, và náo động, vị tỳ khưu như thế ấy không có khả năng chạm đến phẩm vị giác ngộ tối thượng.
3. Chính vì thế, vị ấy nên có ít phận sự, ít buồn ngủ, không náo động, vị tỳ khưu như thế ấy có khả năng chạm đến phẩm vị giác ngộ tối thượng.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
Phẩm thứ ba.
Hai bài Kinh về kiến, sự thoát ly, sắc pháp, con trai, và với hạng người không mưa, hạnh phúc, và sự tan vỡ, bản chất, với sự thoái hóa; chúng là mười.
--ooOoo--
[80]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba suy tầm bất thiện. Ba suy tầm nào? Sự suy tầm liên quan đến việc không bị khi dễ, sự suy tầm liên quan đến lợi lộc, tôn vinh, và tiếng tăm, sự suy tầm liên quan đến việc quan tâm về người khác. Này các tỳ khưu, ba pháp này là suy tầm bất thiện.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Vị gắn bó với việc không bị khi dễ, có sự sùng kính về lợi lộc và sự tôn vinh, có sự vui mừng với các đồng sự, thì cách xa sự diệt trừ các ràng buộc.
3. Và vị nào từ bỏ con cái, đàn gia súc, các đám rước dâu, và những sự gom góp (vật dụng), vị tỳ khưu như thế ấy có khả năng chạm đến phẩm vị giác ngộ tối thượng.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[81]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, Ta đã nhìn thấy do sự tôn vinh các chúng sanh bị chế ngự, có tâm bị nắm giữ, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, bị sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục. Này các tỳ khưu, Ta đã nhìn thấy do sự không tôn vinh các chúng sanh bị chế ngự, có tâm bị nắm giữ, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, bị sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục. Này các tỳ khưu, Ta đã nhìn thấy do sự tôn vinh và do sự không tôn vinh các chúng sanh bị chế ngự, có tâm bị nắm giữ, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, bị sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục.
Này các tỳ khưu, hơn nữa không phải đã nghe từ vị Sa- môn hoặc Bà-la- môn nào khác mà Ta nói điều ấy. Này các tỳ khưu, chỉ có điều nào mà Ta tự mình đã biết, tự mình đã thấy, tự mình đã hiểu, thì Ta nói về điều ấy.
Này các tỳ khưu, Ta đã nhìn thấy do sự tôn vinh các chúng sanh bị chế ngự, có tâm bị nắm giữ, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, bị sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục. Này các tỳ khưu, Ta đã nhìn thấy do sự không tôn vinh các chúng sanh bị chế ngự, có tâm bị nắm giữ, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, bị sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục. Này các tỳ khưu, Ta đã nhìn thấy do sự tôn vinh và do sự không tôn vinh các chúng sanh bị chế ngự, có tâm bị nắm giữ, do sự hoại rã của thân, do sự chết đi, bị sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Ở cả hai trường hợp, trong khi được tôn vinh và với sự không tôn vinh, vị nào có định không dao động, có nếp sống không xao lãng, ...
3. ... vị ấy, có thiền, thường xuyên hành minh sát với nhận thức vi tế, có sự ưa thích việc diệt trừ chấp thủ, được gọi là ‘bậc chân nhân.’”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[82]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, ba âm thanh này của chư Thiên phát ra ở giữa chư Thiên tùy theo lúc này lúc khác. Ba âm thanh nào?
Này các tỳ khưu, vào lúc nào vị đệ tử của bậc Thánh cạo bỏ râu tóc, khoác lên các y màu ca-sa, nghĩ đến việc xuất gia rời nhà sống không nhà, vào lúc ấy âm thanh của chư Thiên phát ra ở giữa chư Thiên rằng: ‘Vị đệ tử này của bậc Thánh nghĩ đến việc chiến đấu với Ma Vương.’ Này các tỳ khưu, đây là âm thanh thứ nhất của chư Thiên phát ra ở giữa chư Thiên tùy theo lúc này lúc khác.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, vào lúc nào vị đệ tử của bậc Thánh sống gắn bó với sự tu tập và rèn luyện bảy pháp góp phần vào việc giác ngộ, này các tỳ khưu, vào lúc ấy âm thanh của chư Thiên phát ra ở giữa chư Thiên rằng: ‘Vị đệ tử này của bậc Thánh chiến đấu với Ma Vương.’ Này các tỳ khưu, đây là âm thanh thứ nhì của chư Thiên phát ra ở giữa chư Thiên tùy theo lúc này lúc khác.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, vào lúc nào vị đệ tử của bậc Thánh với sự diệt trừ các lậu hoặc, không còn lậu hoặc, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình, chứng ngộ, đạt đến, và an trú vào sự giải thoát của tâm, sự giải thoát của tuệ, này các tỳ khưu, vào lúc ấy âm thanh của chư Thiên phát ra ở giữa chư Thiên rằng: ‘Vị đệ tử này của bậc Thánh đã chiến thắng cuộc chiến đấu, sau khi chiến thắng và an trú ở chính vị trí đứng đầu của cuộc chiến đấu ấy.’ Này các tỳ khưu, đây là âm thanh thứ ba của chư Thiên phát ra ở giữa chư Thiên tùy theo lúc này lúc khác.
Này các tỳ khưu, ba âm thanh này của chư Thiên phát ra ở giữa chư Thiên tùy theo lúc này lúc khác.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Sau khi nhìn thấy vị đệ tử của đấng Chánh Đẳng Giác đã chiến thắng cuộc chiến đấu, ngay cả chư Thiên cũng lễ bái bậc vĩ đại, có sự tự tin.
3. Ôi bậc thuần chủng của nhân loại, xin kính lễ người. Sau khi chiến thắng đạo quân không bị chướng ngại của Tử Thần bằng sự giải thoát, Ngài là người đã đạt được sự chiến thắng khó khăn.
4. Chư Thiên cúi chào vị có tâm ý đã đạt này, bởi vì họ không nhìn thấy ở vị ấy điều gì khiến cho vị ấy có thể rơi vào sự thống trị của Tử thần.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[83]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, khi vị Thiên nhân có hiện tượng lìa đời khỏi tập thể chư Thiên, có năm dấu hiệu báo trước xuất hiện cho vị ấy: các tràng hoa bị héo úa, các y phục bị ô uế, mồ hôi xuất ra từ hai nách, màu sắc xấu hiện ra ở cơ thể, vị Thiên nhân không thích thú ở chỗ ngồi chư Thiên của mình.
Này các tỳ khưu, sau khi biết về vị ấy rằng: ‘Vị Thiên tử này có hiện tượng lìa đời,’ chư Thiên làm cho vị ấy tùy hỷ bằng ba lời nói: ‘Thưa ngài, từ đây hãy đi đến nhàn cảnh. Sau khi đi đến nhàn cảnh, hãy nhận lãnh phần được nhận tốt đẹp. Sau khi nhận lãnh phần được nhận tốt đẹp, ngài hãy khéo được thiết lập.’
Khi được nói như vậy, một vị tỳ khưu nọ đã nói với đức Thế Tôn điều này: ‘Bạch Ngài, điều mà chư Thiên gọi là đi đến nhàn cảnh là gì? Và bạch Ngài, điều mà chư Thiên gọi là phần được nhận tốt đẹp là gì? Bạch Ngài, hơn nữa điều mà chư Thiên gọi là khéo được thiết lập là gì?’
‘Này tỳ khưu, điều mà chư Thiên gọi là đi đến nhàn cảnh là trạng thái con người, trong khi đang có bản thể loài người thì đạt được niềm tin ở Pháp và Luật đã được đức Như Lai công bố, này các tỳ khưu, điều này gọi là phần được nhận tốt đẹp. Thêm nữa, niềm tin ấy của vị này được xác định, được mọc rễ, được thiết lập, là vững chắc, không bị lấy đi bởi vị Sa- môn, bởi vị Bà-la- môn, bởi Thiên nhân, bởi Ma Vương, bởi Phạm Thiên, hoặc bởi bất cứ ai ở thế gian. Này các tỳ khưu, điều này chư Thiên gọi là khéo được thiết lập.’”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Khi vị Thiên nhân lìa đời khỏi tập thể chư Thiên do hết tuổi thọ, có ba âm thanh phát ra của chư Thiên đang tùy hỷ rằng:
3. ‘Thưa ngài, từ đây hãy đi đến nhàn cảnh, có sự sống chung với loài người. Với bản thể loài người, hãy đạt được niềm tin vô thượng ở Diệu Pháp.
4. Niềm tin ấy của ngài nên được xác định, được mọc rễ, được thiết lập ở Diệu Pháp khéo được công bố cho đến trọn đời không bị lấy đi.
5. Sau khi từ bỏ uế hạnh do thân và các uế hạnh do khẩu, sau khi từ bỏ uế hạnh do ý và điều nào khác liên quan đến tội lỗi, ...
6. ... sau khi làm việc thiện bằng thân, nhiều việc thiện bằng khẩu, sau khi làm vô lượng việc thiện không mầm tái sanh bằng ý, ...
7. ... kế đó, sau khi làm nhiều việc phước đưa đi tái sanh ấy bằng việc bố thí, hãy tạo điều kiện cho những người khác cũng trú vào Diệu Pháp, vào Phạm hạnh.’
8. Với lòng thương tưởng này, chư Thiên khi biết được một vị Thiên nhân đang lìa đời thì tùy hỷ rằng: ‘Này Thiên nhân, hãy trở lại, lần này lần khác.’”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[84]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, ba hạng người này, trong khi sanh lên ở thế gian, sanh lên đem lại sự lợi ích cho nhiều người, đem lại sự an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng thế gian, đem lại sự tấn hóa, đem lại sự lợi ích, đem lại sự an lạc cho chư Thiên và nhân loại. Ba hạng người nào?
Này các tỳ khưu, ở đây đức Như Lai sanh lên ở thế gian, là bậc A-la-hán, đấng Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Vị ấy thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự. Vị ấy giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Này các tỳ khưu, đây là hạng người thứ nhất, trong khi sanh lên ở thế gian, sanh lên đem lại sự lợi ích cho nhiều người, đem lại sự an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng thế gian, đem lại sự tấn hóa, đem lại sự lợi ích, đem lại sự an lạc cho chư Thiên và nhân loại.
Này các tỳ khưu, còn có hạng người khác nữa, vị đệ tử của chính bậc Đạo Sư ấy là vị A-la-hán, có lậu hoặc đã được cạn kiệt, đã được hoàn mãn, có việc cần làm đã làm, có gánh nặng đã được đặt xuống, có mục đích của mình đã được đạt đến, có sự trói buộc ở hữu đã được đoạn tận, đã hiểu biết đúng đắn và đã được giải thoát. Vị ấy thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự. Vị ấy giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Này các tỳ khưu, đây là hạng người thứ nhì, trong khi sanh lên ở thế gian, sanh lên đem lại sự lợi ích cho nhiều người, đem lại sự an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng thế gian, đem lại sự tấn hóa, đem lại sự lợi ích, đem lại sự an lạc cho chư Thiên và nhân loại.
Này các tỳ khưu, còn có hạng người khác nữa, vị đệ tử của chính bậc Đạo Sư ấy là vị hữu học, có sự thực hành, nghe nhiều, thành tựu về giới và phận sự. Vị ấy cũng thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự. Vị ấy giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Này các tỳ khưu, đây là hạng người thứ ba, trong khi sanh lên ở thế gian, sanh lên đem lại sự lợi ích cho nhiều người, đem lại sự an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng thế gian, đem lại sự tấn hóa, đem lại sự lợi ích, đem lại sự an lạc cho chư Thiên và nhân loại.
Này các tỳ khưu, ba hạng người này, trong khi sanh lên ở thế gian, sanh lên đem lại sự lợi ích cho nhiều người, đem lại sự an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng thế gian, đem lại sự tấn hóa, đem lại sự lợi ích, đem lại sự an lạc cho chư Thiên và nhân loại.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Chính bậc Đạo Sư là vị đại ẩn sĩ thứ nhất ở thế gian, đệ tử tiếp nối vị ấy có bản thân đã được tu tập, rồi vị khác nữa cũng có sự thực hành là vị hữu học, nghe nhiều, thành tựu về giới và phận sự.
3. Ba vị này là tối thượng ở chư Thiên và nhân loại, các bậc phát ra ánh sáng, trong khi nói lên Giáo Pháp, mở ra cánh cửa của sự Bất Tử, các vị ấy giúp cho nhiều người giải thoát khỏi sự ràng buộc.
4. Những ai lần theo Đạo Lộ đã khéo được thuyết giảng bởi bậc Lãnh Đạo đoàn xe, bởi bậc Vô Thượng, những ai không xao lãng về lời dạy của đấng Thiện Thệ thực hiện việc chấm dứt khổ đau ngay tại nơi đây.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[85]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, hãy sống có sự quan sát bất tịnh ở cơ thể. Và niệm hơi thở vào hơi thở ra của các ngươi hãy khéo được thiết lập luôn hiện diện ở nội phần. Các ngươi hãy sống có sự quan sát vô thường ở tất cả các hành. Này các tỳ khưu, đối với vị trong khi sống có sự quan sát bất tịnh ở cơ thể, sự tiềm ẩn về luyến ái ở tịnh giới được dứt bỏ. Khi niệm hơi thở vào hơi thở ra là khéo được thiết lập luôn hiện diện ở nội phần, các khuynh hướng suy tầm ở ngoại phần đem đến sự buồn phiền là không tồn tại. Đối với vị sống có sự quan sát vô thường ở tất cả các hành, vô minh được dứt bỏ, minh được sanh khởi.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Vị (tỳ khưu nào) có sự quan sát bất tịnh ở cơ thể, có niệm ở hơi thở vào hơi thở ra, đang nhìn thấy sự yên lặng của tất cả các hành, luôn luôn có sự nhiệt tâm, ...
3. ... vị tỳ khưu ấy, thật vậy, với việc nhìn thấy đúng đắn, nhờ thế được giải thoát khỏi nơi ấy, được hoàn mãn về thắng trí, được an tịnh, vị hiền trí ấy quả thật, đã vượt qua các sự ràng buộc.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[86]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Đối với vị tỳ khưu thực hành pháp thuận theo pháp, việc này là thuận theo pháp nhằm giải thích việc ‘vị này thực hành pháp thuận theo pháp’: Trong khi nói, thì nói thuần về Giáo Pháp, không nói phi Pháp, hoặc trong khi suy tư thì suy tư thuần về Giáo Pháp, không suy tư phi Pháp, sau khi lìa khỏi cả hai việc này là người hành xả, sống, có niệm, có sự nhận biết rõ.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Có sự ưa thích Giáo Pháp, thích thú Giáo Pháp, trong lúc suy nghiệm về Giáo Pháp, trong lúc niệm tưởng về Giáo Pháp, vị tỳ khưu không buông lơi Diệu Pháp.
3. Trong lúc đi, hoặc trong lúc đứng, trong lúc ngồi hoặc trong lúc nằm, trong lúc làm cho tâm được yên lặng ở nội phần, (vị ấy) đạt đến sự an tịnh tuyệt đối.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[87]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, ba suy tầm bất thiện này là sự tạo ra tăm tối, sự không tạo thành mắt, sự tạo ra vô trí, sự diệt tận tuệ, đem đến sự buồn phiền, không vận hành đến Niết Bàn. Ba suy tầm nào?
Này các tỳ khưu, sự suy tầm về (ngũ) dục là sự tạo ra tăm tối, sự không tạo thành mắt, sự tạo ra vô trí, sự diệt tận tuệ, đem đến sự buồn phiền, không vận hành đến Niết Bàn. Này các tỳ khưu, sự suy tầm về oán hận là sự tạo ra tăm tối, sự không tạo thành mắt, sự tạo ra vô trí, sự diệt tận tuệ, đem đến sự buồn phiền, không vận hành đến Niết Bàn. Này các tỳ khưu, sự suy tầm về hãm hại là sự tạo ra tăm tối, sự không tạo thành mắt, sự tạo ra vô trí, sự diệt tận tuệ, đem đến sự buồn phiền, không vận hành đến Niết Bàn.
Này các tỳ khưu, ba suy tầm bất thiện này là sự tạo ra tăm tối, sự không tạo thành mắt, sự tạo ra vô trí, sự diệt tận tuệ, đem đến sự buồn phiền, không vận hành đến Niết Bàn.
Này các tỳ khưu, ba suy tầm thiện này là sự không tạo ra tăm tối, sự tạo thành mắt, sự tạo ra trí, sự tăng trưởng tuệ, không đem đến sự buồn phiền, vận hành đến Niết Bàn. Ba suy tầm nào?
Này các tỳ khưu, sự suy tầm về xuất ly là sự không tạo ra tăm tối, sự tạo thành mắt, sự tạo ra trí, sự tăng trưởng tuệ, không đem đến sự buồn phiền, vận hành đến Niết Bàn. Này các tỳ khưu, sự suy tầm về không oán hận là sự không tạo ra tăm tối, sự tạo thành mắt, sự tạo ra trí, sự tăng trưởng tuệ, không đem đến sự buồn phiền, vận hành đến Niết Bàn. Này các tỳ khưu, sự suy tầm về không hãm hại là sự không tạo ra tăm tối, sự tạo thành mắt, sự tạo ra trí, sự tăng trưởng tuệ, không đem đến sự buồn phiền, vận hành đến Niết Bàn.
Này các tỳ khưu, ba suy tầm thiện này là sự không tạo ra tăm tối, sự tạo thành mắt, sự tạo ra trí, sự tăng trưởng tuệ, không đem đến sự buồn phiền, vận hành đến Niết Bàn.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Hãy suy tầm ba suy tầm thiện, hơn nữa nên loại trừ ba (suy tầm) bất thiện. Vị ấy, thật vậy, làm yên lặng các suy tầm đã được nghĩ đến, tựa như cơn mưa làm yên lặng bụi bặm đã được gom lại. Vị ấy, thật vậy, với tâm được yên lặng các suy tầm, ngay tại nơi đây vị ấy đã chứng đạt vị thế an tịnh.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[88]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, ba cái này là các vết nhơ ở bên trong, các kẻ thù ở bên trong, các đối thủ ở bên trong, các sát thủ ở bên trong, các kẻ nghịch ở bên trong. Ba cái gì?
Này các tỳ khưu, tham là vết nhơ ở bên trong, kẻ thù ở bên trong, đối thủ ở bên trong, sát thủ ở bên trong, kẻ nghịch ở bên trong. Này các tỳ khưu, sân là vết nhơ ở bên trong, kẻ thù ở bên trong, đối thủ ở bên trong, sát thủ ở bên trong, kẻ nghịch ở bên trong. Này các tỳ khưu, si là vết nhơ ở bên trong, kẻ thù ở bên trong, đối thủ ở bên trong, sát thủ ở bên trong, kẻ nghịch ở bên trong.
Này các tỳ khưu, ba cái này là các vết nhơ ở bên trong, các kẻ thù ở bên trong, các đối thủ ở bên trong, các sát thủ ở bên trong, các kẻ nghịch ở bên trong.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Tham là sự sanh ra điều bất lợi, tham là sự kích động của tâm. Người đời không thấu hiểu sự nguy hiểm ấy đã được sanh ra từ bên trong.
3. Người bị khởi tham không biết được sự lợi ích, người bị khởi tham không nhìn thấy lý lẽ. Tham ngự trị người nào, khi ấy người bị mù quáng tối tăm.
4. Và người nào sau khi dứt bỏ tham và không bị khởi tham ở vật gợi tham, tham được dứt bỏ khỏi người ấy, tựa như giọt nước lìa khỏi lá sen.
5. Sân là sự sanh ra điều bất lợi, sân là sự kích động của tâm. Người đời không thấu hiểu sự nguy hiểm ấy đã được sanh ra từ bên trong.
6. Người bị nóng giận không biết được sự lợi ích, người bị nóng giận không nhìn thấy lý lẽ. Sự nóng giận ngự trị người nào, khi ấy người bị mù quáng tối tăm.
7. Và người nào sau khi dứt bỏ sân và không bị khởi sân ở vật gợi sân, sân được dứt bỏ khỏi người ấy, tựa như trái cây tālā lìa khỏi cuống.
8. Si là sự sanh ra điều bất lợi, si là sự kích động của tâm. Người đời không thấu hiểu sự nguy hiểm ấy đã được sanh ra từ bên trong.
9. Người bị si mê không biết được sự lợi ích, người bị si mê không nhìn thấy lý lẽ. Si ngự trị người nào, khi ấy người bị mù quáng tối tăm.
10. Và người nào sau khi dứt bỏ si và không bị khởi si ở vật gợi si, vị ấy tiêu diệt tất cả si mê, tựa như mặt trời đang mọc tiêu diệt sự tối tăm.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[89]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, bị chế ngự, có tâm bị nắm giữ bởi ba điều phi diệu pháp, Devadatta là kẻ sanh đọa xứ, là kẻ đi địa ngục, phải chịu đựng trọn kiếp, không thể cứu chữa được. Ba điều nào?
Này các tỳ khưu, bị chế ngự, có tâm bị nắm giữ bởi ước muốn ác xấu, Devadatta là kẻ sanh đọa xứ, là kẻ đi địa ngục, phải chịu đựng trọn kiếp, không thể cứu chữa được. Này các tỳ khưu, bị chế ngự, có tâm bị nắm giữ bởi bạn hữu ác xấu, Devadatta là kẻ sanh đọa xứ, là kẻ đi địa ngục, phải chịu đựng trọn kiếp, không thể cứu chữa được. Hơn nữa, trong khi có việc hơn nữa cần phải làm, Devadatta đã đạt đến việc dừng lại ở khoảng giữa với sự đắc chứng đặc biệt có tính chất thấp thỏi (là các tầng thiền và các pháp thần thông).
Này các tỳ khưu, bị chế ngự, có tâm bị nắm giữ bởi ba điều phi diệu pháp, Devadatta là kẻ sanh đọa xứ, là kẻ đi địa ngục, phải chịu đựng trọn kiếp, không thể cứu chữa được.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Đương nhiên, bất cứ người nào có ước muốn xấu xa chớ được sanh lên ở thế gian. Cũng bởi điều này đây, các ngươi hãy biết là có cảnh giới tương ứng dành cho những kẻ có ước muốn xấu xa.
3. Được nhận biết là ‘người sáng suốt,’ được công nhận ‘bản thân đã chứng thiền,’ Devadatta được nổi tiếng là ‘đã trụ vững tựa như đang chói sáng với danh tiếng.’
4. Kẻ ấy, thực hành có hạn lượng, sau khi công kích đấng Như Lai ấy, đã đi đến địa ngục Avīci có bốn cửa, chốn gây nên nỗi kinh hoàng.
5. Bởi vì kẻ nào gây hại đến bậc không (có tâm) xấu xa, đến bậc không làm hành động ác xấu, (quả) ác xấu xảy đến cho chính kẻ có tâm xấu xa, không có sự tôn trọng ấy.
6. Kẻ nào suy nghĩ để làm ô nhiễm đại dương bằng lọ thuốc độc, với vật ấy kẻ ấy không thể làm ô nhiễm bởi vì đại dương là bao la, to lớn.
7. Tương tự y như thế, kẻ nào dùng lời nói hãm hại đấng Thiện Thệ, bậc đã đạt đến sự hoàn hảo, có tâm thanh tịnh; lời nói (bôi nhọ) không có tác động ở nơi vị ấy.
8. Người sáng suốt nên kết bạn hữu với bậc như thế ấy, và nên phục vụ bậc ấy. Vị tỳ khưu đi theo đường lối của bậc ấy sẽ đạt được sự diệt trừ khổ đau.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
Phẩm thứ tư.
Sự suy tầm, sự tôn vinh, âm thanh, trong khi lìa đời, ở thế gian, bất tịnh, (thuận theo) Pháp, sự tăm tối, vết nhơ, vị Devadatta; chúng là mười.
--ooOoo--
[90]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba sự tịnh tín tối cao. Ba sự tịnh tín nào?
Này các tỳ khưu, so sánh với các chúng sanh không chân, hoặc hai chân, hoặc bốn chân, hoặc nhiều chân, hoặc có sắc, hoặc vô sắc, hoặc có tưởng hoặc vô tưởng, hoặc phi tưởng phi phi tưởng, đức Như Lai được gọi là tối cao trong số ấy, tức là bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác. Này các tỳ khưu, những ai tịnh tín ở đức Phật, những người ấy tịnh tín ở đối tượng tối cao. Hơn nữa, đối với những ai tịnh tín ở đối tượng tối cao, quả thành tựu của họ là tối cao.
Này các tỳ khưu, so sánh với các pháp hữu vi hoặc vô vi, sự xa lìa luyến ái được gọi là tối cao trong số các pháp ấy, tức là sự nghiền nát say đắm, sự xua đi khao khát, sự thủ tiêu các pháp ngủ ngầm, sự bẻ gãy vòng xoay, sự diệt trừ tham ái, sự xa lìa luyến ái, sự tịch diệt, Niết Bàn. Này các tỳ khưu, những ai tịnh tín ở pháp xa lìa luyến ái, những người ấy tịnh tín ở đối tượng tối cao. Hơn nữa, đối với những ai tịnh tín ở đối tượng tối cao, quả thành tựu của họ là tối cao.
Này các tỳ khưu, so sánh với hội chúng hoặc tập thể, hội chúng Thinh Văn của đức Như Lai được gọi là tối cao trong số ấy, tức là bốn cặp hạng người (bốn đôi Đạo Quả), tám hạng người tính đơn (bốn Đạo và bốn Quả là tám). Hội chúng Thinh Văn ấy của đức Thế Tôn đáng được hiến cúng, đáng được hiến dâng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là nơi để gieo trồng phước báu của thế gian không gì hơn được. Này các tỳ khưu, những ai tịnh tín ở Tăng Chúng, những người ấy tịnh tín ở đối tượng tối cao. Hơn nữa, đối với những ai tịnh tín ở đối tượng tối cao, quả thành tựu của họ là tối cao.
Này các tỳ khưu, đây là ba sự tịnh tín tối cao.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Thật vậy, đối với những người tịnh tín đang nhận biết Giáo Pháp tối cao là tối cao, đối với những người tịnh tín ở đức Phật tối cao, bậc xứng đáng cúng dường, đấng Vô Thượng, ...
3. Thật vậy, đối với những người tịnh tín ở Giáo Pháp tối cao, xa lìa luyến ái, yên tịnh, an lạc, đối với những người tịnh tín ở Tăng Chúng tối cao, ruộng phước vô thượng, ...
4. Đối với những người đang dâng cúng vật thí ở đối tượng tối cao, phước thiện tối cao tăng trưởng, tuổi thọ, sắc đẹp, danh vọng, tiếng tăm, hạnh phúc, sức mạnh tối cao.
5. Người bố thí đến đối tượng tối cao là bậc thông minh, đã được tập trung ở Giáo Pháp tối cao, dầu có bản thể chư Thiên hay là nhân loại, người đã đạt đến trạng thái tối cao thì vui sướng.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[91]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, việc này là tận cùng trong các việc nuôi mạng, tức là sự khất thực. Này các tỳ khưu, có lời nguyền rủa này ở thế gian: ‘Ông là kẻ khất thực, đi lang thang, tay cầm bình bát.’ Và này các tỳ khưu, những người con trai gia đình danh giá, những người sống cho tự ngã, tùy thuận tác động của tự ngã đi đến với việc khất thực ấy, chẳng phải bị thúc ép bởi vua, chẳng phải bị thúc ép bởi quân cướp, không vì có nợ nần, không vì có sợ hãi, không phải do tác động bởi sự nuôi mạng. Nhưng (vì nghĩ rằng): ‘Chúng tôi bị sa đọa bởi sự sanh, sự già, sự chết, các sự sầu bi khổ ưu não, bị chất chồng bởi khổ, bị quấy nhiễu bởi khổ, mong sao việc làm chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này có thể được nhận biết.’
Và này các tỳ khưu, được xuất gia như vậy, người con trai gia đình danh giá này bị tham đắm trong các dục, có sự luyến ái sắc bén, có tâm bị sái quấy, có ý suy tư bị tồi bại, có niệm bị quên lãng, không có sự nhận biết rõ, không định tĩnh, có tâm bị tán loạn, có giác quan bị buông lơi.
Này các tỳ khưu, cũng giống như thanh gỗ ở lò thiêu xác chết bị đốt cháy ở hai đầu, bị lấm phân ở khoảng giữa, không sử dụng được vì mục đích củi đốt không chỉ ở làng mà luôn cả ở rừng, này các tỳ khưu, Ta nói về người này với ví dụ như thế, người này đã buông bỏ các sự hưởng thụ tại gia nhưng không làm đầy đủ mục đích của hạnh Sa-môn.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Kẻ đã buông bỏ các sự hưởng thụ tại gia và có phần yếu kém về mục đích của hạnh Sa-môn, trong khi đang bị hủy hoại, kẻ ấy buông lung, rồi bị tiêu hoại như thanh gỗ ở lò thiêu xác chết.
3. Có nhiều kẻ, cổ quấn y casa, (hành) theo pháp ác, không tự chế ngự, những kẻ xấu xa ấy, do các nghiệp ác, bị sanh vào địa ngục.
4. Hòn sắt cháy rực tựa như ngọn lửa được ăn vào là tốt hơn so với kẻ có giới tồi, không tự chế ngự, ăn đồ ăn khất thực của xứ sở.”[1]
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[92]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, cho dầu vị tỳ khưu có thể nắm lấy chéo y hai lớp rồi theo sát phía sau, trong khi đặt xuống bàn chân theo từng vết bàn chân. Và vị ấy bị tham đắm, có sự luyến ái sắc nét ở các dục, có tâm bị sái quấy, có ý suy tư bị tồi bại, có niệm bị quên lãng, không có sự nhận biết rõ, không định tĩnh, có tâm bị tán loạn, có giác quan bị buông lơi. Khi ấy, vị ấy vẫn xa cách Ta, và Ta xa cách vị ấy. Điều ấy có nguyên nhân là gì? Này các tỳ khưu, bởi vì vị tỳ khưu ấy không nhìn thấy pháp, trong khi không nhìn thấy pháp thì không nhìn thấy Ta.
Này các tỳ khưu, cho dầu vị tỳ khưu ấy có thể sống xa một trăm do-tuần, và vị ấy không bị tham đắm, không có sự luyến ái sắc nét ở các dục, có tâm không bị sái quấy, có ý suy tư không bị tồi bại, có niệm được thiết lập, có sự nhận biết rõ, được định tĩnh, có tâm được chuyên nhất, có giác quan đã được thu thúc. Khi ấy, vị ấy rất gần Ta, và Ta rất gần vị ấy. Điều ấy có nguyên nhân là gì? Này các tỳ khưu, bởi vì vị tỳ khưu ấy nhìn thấy pháp, trong khi nhìn thấy pháp thì nhìn thấy Ta.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Cho dầu theo sát, nhưng có ước muốn lớn lao và có sự buồn phiền, kẻ đeo đuổi dục vọng đối với người không dục vọng, kẻ chưa diệt tắt đối với người đã diệt tắt, kẻ thèm khát đối với người đã lìa sự thèm khát, ngươi hãy nhìn xem xa cách đến chừng nào.
3. Và sau khi biết rõ pháp, sau khi hiểu được pháp, bậc sáng suốt ấy không còn dục vọng, được yên lặng, tựa như hồ nước khi đứng gió.
4. Vị không dục vọng ấy đối với người không dục vọng, đã diệt tắt đối với người đã diệt tắt, không thèm khát đối với người đã lìa sự thèm khát, ngươi hãy nhìn xem gần gũi đến chừng nào.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[93]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba loại lửa. Ba loại nào? Lửa tham ái, lửa sân hận, lửa si mê. Này các tỳ khưu, đây là ba loại lửa.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Lửa tham ái thiêu đốt những kẻ bị luyến ái, bị mê mẩn về các dục, còn lửa sân hận thiêu đốt những kẻ có tâm sái quấy, những kẻ giết hại các sinh mạng.
3. Và lửa si mê thiêu đốt những kẻ bị mê muội, không rành rẽ về pháp bậc Thánh. Những kẻ thỏa thích với thân (ngũ uẩn) không biết những ngọn lửa này.
4. Những kẻ ấy khiến cho địa ngục, các thai bào của các loài súc sanh, hạng A-tu-la, cảnh giới ngạ quỷ được tăng trưởng; họ không thoát khỏi sự trói buộc của Ma Vương.
5. Và những người nào ngày đêm gắn bó vào lời dạy của đấng Chánh Đẳng Giác, những người ấy diệt tắt lửa luyến ái, thường xuyên có sự suy tưởng về bất tịnh.
6. Hơn nữa, các bậc tối thượng nhân diệt tắt lửa sân hận bằng từ ái, và (diệt tắt) lửa si mê bằng trí tuệ, đây là pháp đưa đến sự thấu triệt.
7. Sau khi đã diệt tắt (ba loại lửa), các bậc chín chắn ấy, ngày đêm không thụ động, rồi viên tịch Niết Bàn không còn dư sót, các vị đã vượt qua khổ đau không còn dư sót.
8. Các bậc hiểu biết sâu sắc, đã nhìn thấy pháp của bậc Thánh, các bậc sáng suốt, sau khi hiểu biết đúng đắn, sau khi biết rõ sự diệt trừ việc sanh ra, không đi đến sự hiện hữu lại nữa.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[94]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu nên khảo sát theo đường lối như thế nào đó để trong khi đang khảo sát, thức của vị này không bị tản mạn, không bị tỏa rộng ở ngoại phần, không bị gắn chặt ở nội phần, không nên chấp thủ và không nên trông ngóng. Và này các tỳ khưu, khi thức của vị này không bị tản mạn, không bị tỏa rộng ở ngoại phần, không bị gắn chặt ở nội phần, đối với vị không chấp thủ và không khao khát, thì không có nhân sanh khởi và sự hình thành của sanh, già, chết, khổ.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Đối với vị tỳ khưu đã dứt bỏ bảy điều dính mắc,[2] đã chặt dứt lối dẫn đi tái sanh, sự luân hồi tái sanh đã được chấm dứt, không có sự hiện hữu lại nữa đối với vị ấy.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[95]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là ba sự sanh khởi của các dục. Ba sự sanh khởi nào? Các dục đã được hiện diện, các sự thích thú vật do tự mình biến hóa ra, các sự thể hiện quyền lực đối với các dục do người khác biến hóa ra. Này các tỳ khưu, đây là ba sự sanh khởi của các dục.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Hạng có các dục đã được hiện diện, chư Thiên có sự thể hiện quyền lực, chư Thiên có sự thích thú vật do tự mình biến hóa ra, và các hạng khác có sự hưởng thụ các dục, ...
3. ... họ không vượt qua luân hồi, sự hiện hữu ở nơi này hay sự hiện hữu ở nơi khác. Sau khi biết được bất lợi này ở các sự hưởng thụ dục, bậc sáng suốt nên buông bỏ tất cả các dục thuộc cõi trời và thuộc loài người.
4. Sau khi chặt đứt sự trói buộc dễ chịu ở các sắc đáng yêu, dòng chảy khó thể vượt qua, rồi viên tịch Niết Bàn không còn dư sót, các vị đã vượt qua khổ đau không còn dư sót.
5. Các bậc hiểu biết sâu sắc, đã nhìn thấy pháp của bậc Thánh, các bậc sáng suốt, sau khi hiểu biết đúng đắn, sau khi biết rõ sự diệt trừ việc sanh ra, không đi đến sự hiện hữu lại nữa.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[96]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, bị gắn bó với sự gắn bó của dục, bị gắn bó với sự gắn bó của hữu, là vị hữu lai, người trở về lại trạng thái này.
Này các tỳ khưu, không còn bị ràng buộc với sự gắn bó của dục, bị gắn bó với sự gắn bó của hữu, là vị Bất Lai, người không trở về lại trạng thái này.
Này các tỳ khưu, không còn bị ràng buộc với sự gắn bó của dục, không còn bị ràng buộc với sự gắn bó của hữu, là vị A-la-hán, có lậu hoặc đã cạn kiệt.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Bị ràng buộc với cả hai: với sự gắn bó của dục và với sự gắn bó của hữu, chúng sanh đi đến luân hồi, đi đến sanh và tử.
3. Và những ai sau khi dứt bỏ các dục, không đạt đến sự diệt trừ các lậu hoặc, bị ràng buộc với sự gắn bó của hữu, được gọi là vị ‘Bất Lai.’
4. Còn những vị nào có hoài nghi đã được chặt đứt, có ngã mạn và sự hiện hữu lại nữa đã được cạn kiệt, những vị nào đã đạt đến sự diệt trừ các lậu hoặc, thật vậy những vị ấy đã đi đến bờ kia ở thế gian.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
Tụng Phẩm thứ ba.
[97]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có giới tốt đẹp, có pháp tốt đẹp, có tuệ tốt đẹp ở Pháp và Luật này được gọi là ‘vị toàn hảo, đã được hoàn mãn, con người tối thượng.’
Và này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có giới tốt đẹp nghĩa là thế nào? Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu là vị có giới, sống thu thúc trong sự thu thúc của giới bổn Pātimokkha, được thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhặt, thọ trì và thực hành trong các điều học. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có giới tốt đẹp nghĩa là như vậy. Có giới tốt đẹp là thế ấy.
Và có pháp tốt đẹp nghĩa là thế nào? Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu sống gắn liền với sự tu tập bảy pháp góp phần vào việc giác ngộ. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có pháp tốt đẹp nghĩa là như vậy. Có giới tốt đẹp, có pháp tốt đẹp là thế ấy.
Và có tuệ tốt đẹp nghĩa là thế nào? Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu với sự diệt trừ các lậu hoặc, không còn lậu hoặc, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình, chứng ngộ, đạt đến, và an trú vào sự giải thoát của tâm, sự giải thoát của tuệ. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu có tuệ tốt đẹp nghĩa là như vậy. Có giới tốt đẹp, có pháp tốt đẹp, có tuệ tốt đẹp ở Pháp và Luật này được gọi là ‘vị toàn hảo, đã được hoàn mãn, con người tối thượng’ là thế ấy.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Đối với vị nào không có việc đã làm sái quấy về thân, về khẩu, về ý, thật vậy, người ta đã gọi vị tỳ khưu có liêm sỉ ấy là ‘vị có giới tốt đẹp.’
3. Đối với vị nào bảy pháp dẫn đến sự giác ngộ khéo được tu tập, thật vậy, người ta đã gọi vị tỳ khưu không tự cao ấy là ‘vị có pháp tốt đẹp.’
4. Đối với vị nào nhận biết sự diệt trừ khổ của bản thân ngay tại chỗ này, người ta đã gọi vị tỳ khưu không còn lậu hoặc ấy là ‘vị có tuệ tốt đẹp.’
5. Người ta đã gọi vị thành tựu những pháp ấy, không phiền muộn, có hoài nghi đã được chặt đứt, không bị lệ thuộc đối với tất cả thế gian là vị đã dứt bỏ tất cả.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[98]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là hai loại bố thí: bố thí tài vật và bố thí pháp. Này các tỳ khưu, việc này là cao thượng trong số hai loại bố thí này, tức là bố thí pháp. Này các tỳ khưu, đây là hai loại san sẻ: san sẻ tài vật và san sẻ pháp. Này các tỳ khưu, việc này là cao thượng trong số hai loại san sẻ này, tức là san sẻ pháp. Này các tỳ khưu, đây là hai loại tương trợ: tương trợ tài vật và tương trợ pháp. Này các tỳ khưu, việc này là cao thượng trong số hai loại tương trợ này, tức là tương trợ pháp.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Người ta đã nói sự bố thí nào là tối cao vô thượng, đức Thế Tôn đã ngợi khen sự san sẻ nào (là tối cao vô thượng); là người hiểu biết, đang nhận biết, có tâm tịnh tín ở thửa ruộng (phước) cao thượng, ai có thể không hy sinh vào lúc đúng thời?
3. Những người nào không những nói mà còn lắng nghe, có cả hai hành động, có tâm tịnh tín ở lời dạy của bậc Thiện Thệ, những người nào không xao lãng về lời dạy của đấng Thiện Thệ, mục đích tối cao ấy của những người ấy được thanh tịnh.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[99]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, Ta tuyên bố (một người là) Bà-la-môn có ba Minh được căn cứ vào pháp, không phải chỉ vì lời nói lảm nhảm được thốt lên.
Và này các tỳ khưu, Ta tuyên bố (một người là) Bà-la-môn có ba Minh được căn cứ vào pháp, không phải chỉ vì lời nói lảm nhảm được thốt lên nghĩa là thế nào?
Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu nhớ lại nhiều kiếp sống trước như là một lần sanh, hai lần sanh, ba lần sanh, bốn lần sanh, năm lần sanh, mười lần sanh, hai mươi lần sanh, ba mươi lần sanh, bốn mươi lần sanh, năm mươi lần sanh, một trăm lần sanh, một ngàn lần sanh, một trăm ngàn lần sanh, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp: ‘Ở nơi ấy, ta đã có tên như vầy, dòng họ như vầy, giai cấp như vầy, thức ăn như vầy, kinh nghiệm lạc và khổ như vầy, có giới hạn tuổi thọ như vầy. Từ chỗ ấy, ta đây đã chết đi rồi đã sanh lên tại chỗ kia. Ở nơi kia, ta đã có tên như vầy, dòng họ như vầy, giai cấp như vầy, thức ăn như vầy, kinh nghiệm lạc và khổ như vầy, có giới hạn tuổi thọ như vầy. Từ nơi kia, ta đây đã chết đi rồi đã sanh lên tại nơi này.’ Như thế, vị ấy nhớ lại nhiều kiếp sống trước với các nét đại cương và cá biệt. Đối với vị này, đây là Minh thứ nhất được chứng đạt, vô minh được diệt tận, minh được sanh khởi, bóng tối được diệt tận, ánh sáng được sanh khởi như thế trong khi vị này sống không xao lãng, nhiệt tâm, quyết tâm.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu với Thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người nhìn thấy các chúng sanh trong khi chết đi rồi sanh lại (trở thành) hạ tiện, cao quý, đẹp đẽ, xấu xí, sung sướng, (hay) đau khổ, vị ấy biết được rằng các chúng sanh đều đi theo nghiệp tương ứng (như vầy): ‘Quả đúng như vậy, những chúng sanh đang hiện hữu này có hành động xấu xa bằng thân, có hành động xấu xa bằng lời nói, có suy nghĩ xấu xa bằng ý, vu khống các bậc Thánh, theo tà kiến, tán thành các hành động do tà kiến. Những kẻ ấy, khi tan rã thân xác và chết đi, bị sanh vào đọa xứ, cõi khổ, nơi trừng phạt, địa ngục. Trái lại, những chúng sanh đang hiện hữu này có hành động tốt đẹp bằng thân, có hành động tốt đẹp bằng lời nói, có suy nghĩ tốt đẹp bằng ý, không vu khống các bậc Thánh, theo chánh kiến, tán thành các hành động do chánh kiến. Những người ấy, khi tan rã thân xác và chết đi, được sanh vào chốn an vui, cõi Trời.’ Như thế, bằng Thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người, vị ấy nhìn thấy các chúng sanh trong khi chết đi rồi sanh lại (trở thành) hạ tiện, cao quý, đẹp đẽ, xấu xí, sung sướng, (hay) đau khổ, vị ấy biết được rằng các chúng sanh đều đi theo nghiệp tương ứng. Đối với vị này, đây là Minh thứ nhì được chứng đạt, vô minh được diệt tận, minh được sanh khởi, bóng tối được diệt tận, ánh sáng được sanh khởi như thế trong khi vị này sống không xao lãng, nhiệt tâm, quyết tâm.
Này các tỳ khưu, còn có điều khác nữa, vị tỳ khưu do sự diệt tận các lậu hoặc, nhờ vào thắng trí của bản thân, ngay trong thời hiện tại chứng ngộ sự giải thoát của tâm, sự giải thoát của tuệ, sự không còn lậu hoặc, rồi thể nhập và an trú. Đối với vị này, đây là Minh thứ ba được chứng đạt, vô minh được diệt tận, minh được sanh khởi, bóng tối được diệt tận, ánh sáng được sanh khởi như thế trong khi vị này sống không xao lãng, nhiệt tâm, quyết tâm.
Này các tỳ khưu, Ta tuyên bố (một người là) Bà-la-môn có ba Minh được căn cứ vào pháp, không phải chỉ vì lời nói lảm nhảm được thốt lên nghĩa là như thế.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Vị nào biết về kiếp sống trước, nhìn thấy cõi Trời và đọa xứ, rồi đạt đến sự diệt trừ tái sanh, là bậc hiền trí, đã được hoàn hảo về thắng trí.
3. Với ba Minh này, trở thành vị Bà-la- môn có ba Minh, Ta nói vị ấy là vị Tam Minh, chứ không phải kẻ khác với lời nói lảm nhảm được thốt lên.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
Phẩm thứ năm.
Sự tịnh tín, nuôi mạng, (chéo) y hai lớp, lửa, sự khảo sát, sự sanh khởi, (gắn bó) các dục, giới tốt đẹp, bố thí, căn cứ vào pháp; chúng là mười.
NHÓM BA PHÁP ĐƯỢC CHẤM DỨT.
--ooOoo--
[100]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, Ta là vị Bà-la-môn, có sự đáp ứng việc cầu xin (Giáo Pháp) vào mọi lúc, luôn luôn có bàn tay trong sạch, mang thân mạng cuối cùng, là nhà thầy thuốc phẫu thuật vô thượng. Đối với Ta đây, các ngươi là những người con trai chính thống, được sanh ra từ miệng, được sanh ra từ Giáo Pháp, được tạo ra từ Giáo Pháp, là những người thừa hưởng Giáo Pháp, không là những người thừa hưởng tài vật.
Này các tỳ khưu, đây là hai loại bố thí: bố thí tài vật và bố thí Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, việc này là cao thượng trong số hai loại bố thí này, tức là bố thí Giáo Pháp.
Này các tỳ khưu, đây là hai loại san sẻ: san sẻ tài vật và san sẻ Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, việc này là cao thượng trong số hai loại san sẻ này, tức là san sẻ Giáo Pháp.
Này các tỳ khưu, đây là hai loại tương trợ: tương trợ tài vật và tương trợ Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, việc này là cao thượng trong số hai loại tương trợ này, tức là tương trợ Giáo Pháp.
Này các tỳ khưu, đây là hai loại dâng hiến: dâng hiến tài vật và dâng hiến Giáo Pháp. Này các tỳ khưu, việc này là cao thượng trong số hai loại dâng hiến này, tức là dâng hiến Giáo Pháp.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Vị nào đã dâng hiến sự dâng hiến Giáo Pháp, không bỏn xẻn, là đức Như Lai, có lòng thương tưởng đến tất cả sanh linh, chúng sinh kính lễ vị ấy, con người như thế ấy, bậc tối thượng của chư Thiên và nhân loại, vị đã đi đến bờ kia của hiện hữu.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[101]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, bốn vật này là tầm thường, dễ đạt được, và các vật ấy không bị khiển trách. Bốn vật nào?
Này các tỳ khưu, y làm bằng vải dơ bị quăng bỏ là tầm thường và dễ đạt được trong số các loại y, và vật ấy không bị khiển trách. Này các tỳ khưu, miếng ăn khất thực là tầm thường và dễ đạt được trong số các loại vật thực, và vật ấy không bị khiển trách. Này các tỳ khưu, gốc cây là tầm thường và dễ đạt được trong số các chỗ trú ngụ, và vật ấy không bị khiển trách. Này các tỳ khưu, nước tiểu hôi thối là tầm thường và dễ đạt được trong số các loại dược phẩm, và vật ấy không bị khiển trách.
Này các tỳ khưu, bốn vật này là tầm thường, dễ đạt được, và các vật ấy không bị khiển trách.
Này các tỳ khưu, khi vị tỳ khưu được hài lòng với vật tầm thường và dễ đạt được, Ta nói rằng: ‘Vị này có được một yếu tố của hạnh Sa- môn.’”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Vị hài lòng với vật không bị khiển trách, tầm thường, và dễ đạt được, thì có tâm không có buồn phiền liên quan đến chỗ trú ngụ, y phục, nước uống, vật thực, và không bị ưu phiền về các phương (đi đến).
3. Và các pháp nào được tuyên bố phù hợp với hạnh Sa-môn, được vượt trội, là dành cho vị tỳ khưu hài lòng, không bị xao lãng này.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[102]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, Ta nói về sự diệt trừ các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không cho người không biết, không cho người không thấy. Và này các tỳ khưu, sự diệt trừ các lậu hoặc cho người biết gì, cho người thấy gì?
Này các tỳ khưu, sự diệt trừ các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: ‘Đây là khổ.’ Sự diệt trừ các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: ‘Đây là nhân sanh của khổ.’ Sự diệt trừ các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: ‘Đây là sự diệt tận khổ.’ Sự diệt trừ các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy: ‘Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận khổ.’ Và này các tỳ khưu, sự diệt trừ các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy là như vậy.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Đối với vị hữu học đang học tập, có sự hành trì theo đạo lộ ngay thẳng, thứ nhất là trí về sự diệt trừ, sau đó là sự hiểu biết vô thượng.
3. Kế đó là sự hiểu biết của vị đã được giải thoát, trí giải thoát tối thượng, trí về sự diệt trừ sanh khởi rằng: ‘Các ràng buộc đã được cạn kiệt.’
4. Niết Bàn này, sự giải thoát tất cả trói buộc, không thể nào được chứng đạt bởi kẻ biếng nhác, ngu dốt, không nhận thức.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[103]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, bất cứ các vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào không nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là Khổ,’ không nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là nhân sanh Khổ,’ không nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự diệt tận Khổ,’ không nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự thực hành đưa đến diệt tận Khổ,’ này các tỳ khưu, các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy không được Ta công nhận là Sa-môn trong số các Sa-môn, không được Ta công nhận là Bà-la-môn trong số các Bà-la-môn, và hơn nữa không có trường hợp các vị đại đức này, ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình, chứng ngộ, đạt đến, và an trú mục đích của hạnh Sa-môn hoặc mục đích của hạnh Bà-la-môn.
Và bất cứ các vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là nhân sanh Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự diệt tận Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự thực hành đưa đến diệt tận Khổ,’ này các tỳ khưu, các vị Sa-môn hay Bà-la-môn ấy được Ta công nhận là Sa-môn trong số các Sa-môn, được Ta công nhận là Bà-la-môn trong số các Bà-la-môn, và hơn nữa các vị đại đức ấy ngay trong kiếp hiện tại, nhờ vào thắng trí của mình, chứng ngộ, đạt đến, và an trú mục đích của hạnh Sa-môn hoặc mục đích của hạnh Bà-la-môn.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Những người nào không nhận biết về khổ, rồi nguồn sanh khởi của khổ, và nơi nào khổ được tiêu hoại toàn bộ không dư sót, và không biết về đạo lộ ấy, (đạo lộ) đưa đến sự yên lặng của khổ.
3. Những người ấy là thấp kém về sự giải thoát của tâm, rồi sự giải thoát của tuệ, những người ấy không thể thực hiện việc chấm dứt, quả thật họ đi đến sanh và già.
4. Và những người nào nhận biết về khổ, rồi nguồn sanh khởi của khổ, và nơi nào khổ được tiêu hoại toàn bộ không dư sót, và nhận biết về đạo lộ ấy, (đạo lộ) đưa đến sự yên lặng của khổ.
5. Những người ấy thành tựu sự giải thoát của tâm, rồi sự giải thoát của tuệ, những người ấy có thể thực hiện việc chấm dứt, quả thật họ không đi đến sanh và già.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[104]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, những vị tỳ khưu nào thành tựu giới, thành tựu định, thành tựu tuệ, thành tựu giải thoát, thành tựu trí và sự nhận thức về giải thoát, là những vị giáo giới, những vị giảng giải, những vị chỉ dạy, những vị thức tỉnh, những vị khuyến khích, những vị tạo niềm phấn khởi, những vị thuyết giáo đầy đủ và đúng đắn về Diệu Pháp.
Này các tỳ khưu, Ta nói rằng việc nhìn thấy các vị tỳ khưu ấy cũng có nhiều sự hỗ trợ. Này các tỳ khưu, Ta nói rằng việc lắng nghe các vị tỳ khưu ấy cũng có nhiều sự hỗ trợ. Này các tỳ khưu, Ta nói rằng việc đi đến gần các vị tỳ khưu ấy cũng có nhiều sự hỗ trợ. Này các tỳ khưu, Ta nói rằng việc hầu cận các vị tỳ khưu ấy cũng có nhiều sự hỗ trợ. Này các tỳ khưu, Ta nói rằng việc nhớ đến các vị tỳ khưu ấy cũng có nhiều sự hỗ trợ. Này các tỳ khưu, Ta nói rằng việc xuất gia theo các vị tỳ khưu ấy cũng có nhiều sự hỗ trợ.
Điều ấy có nguyên nhân là gì?
Này các tỳ khưu, đối với người đang phục vụ, đang cộng sự, đang hầu cận các vị tỳ khưu như thế, giới uẩn dầu chưa được đầy đủ cũng đi đến sự đầy đủ của việc phát triển, định uẩn dầu chưa được đầy đủ cũng đi đến sự đầy đủ của việc phát triển, tuệ uẩn dầu chưa được đầy đủ cũng đi đến sự đầy đủ của việc phát triển, giải thoát uẩn dầu chưa được đầy đủ cũng đi đến sự đầy đủ của việc phát triển, trí và sự nhận thức về giải thoát uẩn dầu chưa được đầy đủ cũng đi đến sự đầy đủ của việc phát triển.
Và này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu như thế ấy còn được gọi là ‘các vị đạo sư,’ còn được gọi là ‘các vị lãnh đạo đoàn xe,’ còn được gọi là ‘các vị từ bỏ ô nhiễm,’ còn được gọi là ‘các vị xua tan bóng tối,’ còn được gọi là ‘các vị tạo ra ánh sáng,’ còn được gọi là ‘các vị tạo ra hào quang,’ còn được gọi là ‘các vị tạo ra cây đèn,’ còn được gọi là ‘các vị cầm cây đuốc,’ còn được gọi là ‘các vị tạo ra nguồn sáng,’ còn được gọi là ‘các bậc Thánh,’ còn được gọi là ‘các vị có mắt.’”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Như vậy là cơ sở tạo ra sự hoan hỷ cho những người đang nhận thức, tức là những vị có bản thân đã được tu tập, của các bậc Thánh có mạng sống đúng theo Pháp.
3. Các vị ấy, các bậc tạo ra nguồn sáng, các bậc tạo ra ánh sáng, các bậc sáng trí, các bậc có mắt, các bậc từ bỏ ô nhiễm. làm sáng tỏ, làm chói sáng Diệu Pháp.
4. Thật vậy, những người sáng suốt, sau khi lắng nghe lời dạy của các vị này, sau khi hiểu biết đúng đắn, sau khi biết rõ sự diệt trừ việc sanh ra, không đi đến sự hiện hữu lại nữa.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[105]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, đây là bốn sự sanh khởi của tham ái, tại đó tham ái đang sanh khởi được sanh khởi đến vị tỳ khưu. Bốn sự sanh khởi nào?
Này các tỳ khưu, do nhân y phục tham ái đang sanh khởi được sanh khởi đến vị tỳ khưu. Này các tỳ khưu, do nhân đồ ăn khất thực tham ái đang sanh khởi được sanh khởi đến vị tỳ khưu. Này các tỳ khưu, do nhân chỗ trú ngụ tham ái đang sanh khởi được sanh khởi đến vị tỳ khưu. Này các tỳ khưu, do nhân có hay không có như thế, tham ái đang sanh khởi được sanh khởi đến vị tỳ khưu.
Này các tỳ khưu, đây là bốn sự sanh khởi của tham ái, tại đó tham ái đang sanh khởi được sanh khởi đến vị tỳ khưu.
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Có tham ái là bạn lữ, trong khi luân chuyển một thời gian dài đến cõi này và cõi khác, con người không vượt qua được luân hồi.
3. Sau khi biết được sự bất lợi như vậy, (biết được) tham ái là nguồn sanh khởi của khổ, vị tỳ khưu, đã xa lìa tham ái, không có nắm giữ, có niệm, nên ra đi du phương.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[106]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, ở những gia đình nào mẹ và cha được các con tôn vinh ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là có Phạm Thiên. Này các tỳ khưu, ở những gia đình nào mẹ và cha được các con tôn vinh ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là có chư Thiên đầu tiên. Này các tỳ khưu, ở những gia đình nào mẹ và cha được các con tôn vinh ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là có các vị thầy đầu tiên. Này các tỳ khưu, ở những gia đình nào mẹ và cha được các con tôn vinh ở trong nhà, những gia đình ấy được xem là có các bậc đáng được cống hiến.
Này các tỳ khưu, ‘Phạm Thiên’ là từ biểu trưng của mẹ và cha. Này các tỳ khưu, ‘chư Thiên đầu tiên’ là từ biểu trưng của mẹ và cha. Này các tỳ khưu, ‘các vị thầy đầu tiên’ là từ biểu trưng của mẹ và cha. Này các tỳ khưu, ‘các bậc xứng đáng sự cống hiến’ là từ biểu trưng của mẹ và cha. Điều ấy có nguyên nhân là gì?
Này các tỳ khưu, mẹ và cha đối với các con là có nhiều sự hỗ trợ, là những người chăm sóc, là những người nuôi dưỡng, là những người chỉ dạy về thế gian này.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Mẹ và cha được gọi là ‘Phạm Thiên,’ ‘các vị thầy đầu tiên,’ và ‘các bậc xứng đáng sự cống hiến’ của các con, là những người có lòng thương tưởng đến hàng con cháu.
3. Chính vì thế, đối với mẹ và cha, bậc sáng suốt nên kính lễ và tôn vinh với cơm ăn, nước uống, vải vóc, và giường nằm, với sự xoa bóp, với việc tắm, và việc rửa sạch các bàn chân.
4. Với việc phục vụ ấy đến mẹ và cha, ngay ở kiếp này các bậc sáng suốt ca ngợi người ấy, sau khi chết vui hưởng ở cõi Trời.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[107]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, các Bà-la-môn và các gia chủ là có nhiều ích lợi cho các ngươi, họ cung cấp cho các ngươi với những vật dụng là y phục, vật thực, chỗ trú ngụ, và thuốc men chữa bệnh. Này các tỳ khưu, các ngươi cũng có nhiều sự hỗ trợ cho các Bà-la-môn và các gia chủ là việc các ngươi thuyết giảng Giáo Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, và toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, các ngươi giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Này các tỳ khưu, như vậy Phạm hạnh này được tồn tại nhờ vào nương tựa lẫn nhau nhằm mục đích vượt qua khỏi cơn lũ, nhằm làm chấm dứt khổ một cách đúng đắn.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Những người có nhà (tại gia) và các vị không nhà (xuất gia), cả hai, được nương tựa lẫn nhau, làm thành tựu Diệu Pháp, sự an toàn vô thượng đối với các trói buộc.
3. Ở những người có nhà, các vị không nhà thọ nhận y phục, vật dụng cần thiết, chỗ nằm ngồi, (có tác dụng) xua đi các hiểm họa.
4. Vả lại, nương tựa vào đấng Thiện Thệ, những người tại gia, có sự tầm cầu ngôi nhà, đang có niềm tin vào các bậc A-la-hán, vào bậc có thiền chứng bằng Thánh tuệ.
5. Ở nơi đây, sau khi thực hành Giáo Pháp, đạo lộ đưa đến chốn an vui, họ có niềm vui, có sự mong muốn các dục, vui hưởng ở thế giới chư Thiên.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[108]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào là dối trá, ương ngạnh, nói nhiều, lừa đảo, khoác lác, không định tĩnh, này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy không phải là những người tận tụy, và này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy đã lìa khỏi Pháp và Luật này. Và này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy không đạt được sự phát triển, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này.
Và này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu nào là không dối trá, không nói nhiều, sáng trí, không ương ngạnh, khéo định tĩnh, này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy là những người tận tụy, và này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy là không lìa khỏi Pháp và Luật này. Này các tỳ khưu, các vị tỳ khưu ấy đạt được sự phát triển, tăng trưởng, lớn mạnh trong Pháp và Luật này.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Những người dối trá, ương ngạnh, nói nhiều, lừa đảo, khoác lác, không định tĩnh, những người ấy không tiến triển trong Giáo Pháp đã được đấng Chánh Đẳng Giác thuyết giảng.
3. Các vị không dối trá, không nói nhiều, sáng trí, không ương ngạnh, khéo định tĩnh, thật vậy các vị ấy tiến triển trong Giáo Pháp đã được đấng Chánh Đẳng Giác thuyết giảng.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[109]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, cũng giống như người bị cuốn trôi bởi dòng chảy của con sông có sắc đáng yêu, có sắc khoái lạc. Có người sáng mắt đứng ở bờ sông nhìn thấy người ấy và nói như vầy: ‘Này ông, mặc dầu ông bị cuốn trôi bởi dòng chảy của con sông có sắc đáng yêu có sắc khoái lạc, tuy nhiên nơi đây ở bên dưới có cái hồ nước lớn có sóng, có dòng nước xoáy, có cá dữ, có quỷ sứ. Này ông, sau khi đến nơi ấy, ông phải gánh chịu sự chết hoặc khổ đau gần như chết.’ Này các tỳ khưu, khi ấy người ấy, sau khi lắng nghe lời nói của người đàn ông ấy, thì nỗ lực bằng các cánh tay và các bàn chân lội ngược dòng.
Này các tỳ khưu, ví dụ này của Ta được tạo ra nhằm làm cho hiểu biết về ý nghĩa. Đây là ý nghĩa ở câu chuyện này:
Này các tỳ khưu, ‘dòng chảy của con sông’ là từ biểu trưng của tham ái. Này các tỳ khưu, ‘có sắc đáng yêu có sắc khoái lạc’ là từ biểu trưng của sáu nội xứ. Này các tỳ khưu, ‘hồ nước lớn ở bên dưới’ là từ biểu trưng của năm sự ràng buộc ở phần dưới. Này các tỳ khưu, ‘có sóng’ là từ biểu trưng của giận dữ và buồn phiền. Này các tỳ khưu, ‘có xoáy nước’ là từ biểu trưng của năm loại dục. Này các tỳ khưu, ‘có cá dữ, có quỷ sứ’ là từ biểu trưng của phụ nữ. Này các tỳ khưu, ‘ngược dòng’ là từ biểu trưng của việc xuất ly. Này các tỳ khưu, ‘nỗ lực bằng các cánh tay và các bàn chân’ là từ biểu trưng của vị đang ra sức tinh tấn. Này các tỳ khưu, ‘người sáng mắt đứng ở bờ sông’ là từ biểu trưng của đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri.”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Người ước nguyện sự an toàn đối với các trói buộc trong ngày vị lai nên từ bỏ các dục cho dầu có sự khổ đau.
Trong khi nhận biết một cách đúng đắn, người có tâm khéo được giải thoát có thể chạm đến sự giải thoát vào chính thời điểm ấy.
Vị hiểu biết sâu sắc ấy, có Phạm hạnh đã được hoàn mãn được gọi là ‘vị đã đi đến tận cùng thế giới, vị đã đi đến bờ kia.’”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[110]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang bước đi có sự suy tầm về dục, hoặc sự suy tầm về oán hận, hoặc sự suy tầm về hãm hại khởi lên, này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu chịu đựng điều ấy, không dứt bỏ, không xua đi, không làm chấm dứt, không khiến cho không còn hiện hữu, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang bước đi vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘không có nhiệt tâm, không có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục biếng nhác, có sự tinh tấn hạ liệt.’
Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang đứng có sự suy tầm về dục, hoặc sự suy tầm về oán hận, hoặc sự suy tầm về hãm hại khởi lên, này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu chịu đựng điều ấy, không dứt bỏ, không xua đi, không làm chấm dứt, không khiến cho không còn hiện hữu, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang đứng vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘không có nhiệt tâm, không có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục biếng nhác, có sự tinh tấn hạ liệt.’
Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang ngồi có sự suy tầm về dục, hoặc sự suy tầm về oán hận, hoặc sự suy tầm về hãm hại khởi lên, này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu chịu đựng điều ấy, không dứt bỏ, không xua đi, không làm chấm dứt, không khiến cho không còn hiện hữu, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang ngồi vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘không có nhiệt tâm, không có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục biếng nhác, có sự tinh tấn hạ liệt.’
Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang nằm còn thức tỉnh có sự suy tầm về dục, hoặc sự suy tầm về oán hận, hoặc sự suy tầm về hãm hại khởi lên, này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu chịu đựng điều ấy, không dứt bỏ, không xua đi, không làm chấm dứt, không khiến cho không còn hiện hữu, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang nằm còn thức tỉnh vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘không có nhiệt tâm, không có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục biếng nhác, có sự tinh tấn hạ liệt.’
Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang bước đi có sự suy tầm về dục, hoặc sự suy tầm về oán hận, hoặc sự suy tầm về hãm hại khởi lên, này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu không chịu đựng điều ấy, dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, khiến cho không còn hiện hữu, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang bước đi vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục có sự ra sức tinh tấn, có bản tánh cương quyết.’
Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang đứng có sự suy tầm về dục, hoặc sự suy tầm về oán hận, hoặc sự suy tầm về hãm hại khởi lên, này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu không chịu đựng điều ấy, dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, khiến cho không còn hiện hữu, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang đứng vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục có sự ra sức tinh tấn, có bản tánh cương quyết.’
Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang ngồi có sự suy tầm về dục, hoặc sự suy tầm về oán hận, hoặc sự suy tầm về hãm hại khởi lên, này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu không chịu đựng điều ấy, dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, khiến cho không còn hiện hữu, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang ngồi vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục có sự ra sức tinh tấn, có bản tánh cương quyết.’
Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang nằm còn thức tỉnh có sự suy tầm về dục, hoặc sự suy tầm về oán hận, hoặc sự suy tầm về hãm hại khởi lên, này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu không chịu đựng điều ấy, dứt bỏ, xua đi, làm chấm dứt, khiến cho không còn hiện hữu, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang nằm còn thức tỉnh vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục có sự ra sức tinh tấn, có bản tánh cương quyết.’
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Nếu trong lúc đang đi, hoặc đang đứng, đang ngồi, hoặc đang nằm, vị nào suy tầm sự suy tầm ác xấu, liên hệ đến đời sống gia đình.
3. Vị ấy thực hành đường lối sai trái, bị mê mẩn ở những sự việc làm cho si mê, vị tỳ khưu như thế ấy không có khả năng chạm đến phẩm vị giác ngộ tối thượng.
4. Còn vị nào, trong lúc đang đi, hoặc đang đứng, đang ngồi, hoặc đang nằm, làm cho sự suy tầm được yên lặng, thích thú trong sự an tịnh các suy tầm, vị tỳ khưu như thế ấy có khả năng chạm đến phẩm vị giác ngộ tối thượng.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[111]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy sống với giới được thành tựu, với giới bổn Pātimokkha được thành tựu. Các ngươi hãy sống thu thúc trong sự thu thúc của giới bổn Pātimokkha, được thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhặt, thọ trì và thực hành trong các điều học.
Này các tỳ khưu, trong khi sống với giới được thành tựu, với giới bổn Pātimokkha được thành tựu, trong khi sống thu thúc trong sự thu thúc của giới bổn Pātimokkha, được thành tựu về hạnh kiểm và hành xứ, thấy sự sợ hãi trong các tội nhỏ nhặt, trong khi thọ trì và thực hành trong các điều học, này các tỳ khưu, có việc gì hơn nữa cần phải làm?
Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang bước đi có tham đắm được xa lìa, oán hận được xa lìa, dã dượi buồn ngủ được xa lìa, phóng dật và hối hận được xa lìa, hoài nghi được dứt bỏ, tinh tấn được ra sức không sút giảm, niệm được thiết lập không bị lơ là, thân được khinh an không bị kích động, tâm được định tĩnh chuyên nhất, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang bước đi vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục có sự ra sức tinh tấn, có bản tánh cương quyết.’
Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang đứng có tham đắm được xa lìa, oán hận được xa lìa, dã dượi buồn ngủ được xa lìa, phóng dật và hối hận được xa lìa, hoài nghi được dứt bỏ, tinh tấn được ra sức không sút giảm, niệm được thiết lập không bị lơ là, thân được khinh an không bị kích động, tâm được định tĩnh chuyên nhất, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang đứng vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục có sự ra sức tinh tấn, có bản tánh cương quyết.’
Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang ngồi có tham đắm được xa lìa, oán hận được xa lìa, dã dượi buồn ngủ được xa lìa, phóng dật và hối hận được xa lìa, hoài nghi được dứt bỏ, tinh tấn được ra sức không sút giảm, niệm được thiết lập không bị lơ là, thân được khinh an không bị kích động, tâm được định tĩnh chuyên nhất, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang ngồi vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục có sự ra sức tinh tấn, có bản tánh cương quyết.’
Này các tỳ khưu, nếu vị tỳ khưu ngay trong lúc đang nằm có tham đắm được xa lìa, oán hận được xa lìa, dã dượi buồn ngủ được xa lìa, phóng dật và hối hận được xa lìa, hoài nghi được dứt bỏ, tinh tấn được ra sức không sút giảm, niệm được thiết lập không bị lơ là, thân được khinh an không bị kích động, tâm được định tĩnh chuyên nhất, này các tỳ khưu, ngay trong lúc đang nằm vị tỳ khưu có trạng thái như vậy được gọi là ‘có nhiệt tâm, có ghê sợ tội lỗi, thường xuyên liên tục có sự ra sức tinh tấn, có bản tánh cương quyết.’”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Vị tỳ khưu trong khi ra sức, nên bước đi; trong khi ra sức, nên đứng; trong khi ra sức, nên ngồi; trong khi ra sức, nên nằm; trong khi ra sức, nên co (tay chân) lại; trong khi ra sức việc ấy, nên duỗi (tay chân) ra.
3. Ở phía trên, ở bề ngang, ở bên dưới, cho đến phạm vi của thế giới, là người quán sát đúng đắn sự sanh và diệt của các pháp, của các uẩn.
4. Vị có sự an trú như vậy, có sự nhiệt tâm, có hành vi an tịnh, không kiêu hãnh, có sự đúng đắn trong sự vắng lặng của tâm, đang học tập, luôn luôn có niệm, người ta gọi vị tỳ khưu thuộc hạng như thế là ‘vị thường xuyên có bản tánh cương quyết.’”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
[112]. Ðiều này đã được đức Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, tôi đã nghe như vầy:
1. “Này các tỳ khưu, thế giới đã được đức Như Lai hoàn toàn thấu hiểu. Đức Như Lai đã không còn bị gắn bó với thế giới. Này các tỳ khưu, nhân sanh khởi của thế giới đã được đức Như Lai hoàn toàn thấu hiểu, nhân sanh khởi của thế giới đã được đức Như Lai dứt bỏ. Này các tỳ khưu, sự diệt tận của thế giới đã được đức Như Lai hoàn toàn thấu hiểu, sự diệt tận của thế giới đã được đức Như Lai chứng ngộ. Này các tỳ khưu, sự thực hành đưa đến sự diệt tận của thế giới đã được đức Như Lai hoàn toàn thấu hiểu, sự thực hành đưa đến sự diệt tận của thế giới đã được đức Như Lai tu tập.
Này các tỳ khưu, điều đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, đã được nhận thức, đã đạt đến, đã được tầm cầu, đã được đeo đuổi bởi tâm ý của thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người, bởi vì điều ấy đã được đức Như Lai hoàn toàn thấu hiểu; vì thế được gọi là ‘Như Lai.’
Và này các tỳ khưu, vào đêm đức Như Lai hoàn toàn thấu hiểu quả vị Chánh Đẳng Giác vô thượng, và vào đêm Ngài Vô Dư Niết Bàn ở cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót, điều mà Ngài thuyết giảng, nói ra, chỉ dạy trong khoảng thời gian này, tất cả điều ấy đều là như thế, không sai khác; vì thế được gọi là ‘Như Lai.’
Này các tỳ khưu, đức Như Lai nói như thế nào làm như thế ấy, làm như thế nào nói như thế ấy. Như vậy, nói như thế nào làm như thế ấy, làm như thế nào nói như thế ấy; vì thế được gọi là ‘Như Lai.’
Này các tỳ khưu, ở thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người, đức Như Lai là đấng chiến thắng, bậc không bị chế ngự, bậc nhìn thấy tất cả, bậc vận hành quyền lực; vì thế được gọi là ‘Như Lai.’”
Đức Thế Tôn đã nói ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói như vầy:
2. “Sau khi biết rõ tất cả thế giới, (biết rõ) đúng theo thực thể về tất cả thế giới, không còn bị gắn bó với tất cả thế giới, không có sự dính líu ở tất cả thế giới.
3. Đấng Chiến Thắng, bậc sáng trí, có sự giải thoát tất cả trói buộc, vị này đã chạm đến sự an tịnh tối thượng, Niết Bàn, không có sự sợ hãi từ bất cứ đâu.
4. Vị này có lậu hoặc đã được cạn kiệt, đã được giác ngộ, không bị khổ sở, sự nghi ngờ đã được cắt đứt, đã đạt đến sự diệt trừ tất cả các nghiệp, đã được giải thoát ở sự tiêu diệt của các mầm tái sanh.
5. Vị này đây là đức Thế Tôn, bậc Giác Ngộ, vị này là loài sư tử vô thượng, đã chuyển vận bánh xe (Pháp) cao thượng của thế gian luôn cả chư Thiên.
6. Như thế, chư Thiên và nhân loại, những người nào đi đến nương nhờ đức Phật, sau khi tụ hội lại, họ lễ bái Ngài, bậc vĩ đại, có sự tự tin.
7. Vị đã được rèn luyện, bậc tối thượng trong số những người đang rèn luyện; vị an tịnh, bậc ẩn sĩ trong số những người đang tu tập sự an tịnh; vị đã được thoát ra, bậc tối cao trong số những người đang tự thoát ra; vị đã vượt qua, bậc cao quý trong số những người đang tự vượt qua.
8. Chính vì như thế, họ lễ bái Ngài, bậc vĩ đại, có sự tự tin. Ở thế gian luôn cả chư Thiên, không có kẻ nào sánh bằng Ngài.”
Ý nghĩa này cũng đã được đức Thế Tôn nói đến. Tôi đã nghe như thế.
Nhóm Bốn Pháp được chấm dứt.
*****
Bà-la-môn, bốn (vật không bị khiển trách), người biết, vị Sa-môn, (thành tựu) giới, tham ái, Phạm Thiên, nhiều sự lợi ích, dối trá, người, bước đi, với (giới) được thành tựu, và thế giới là mười ba.
Nhóm một pháp có hai mươi bảy bài Kinh, nhóm hai pháp được gom lại hai mươi hai bài Kinh, còn nhóm ba pháp có đúng năm mươi bài Kinh, và nhóm bốn pháp là mười ba bài kinh, tập Kinh này là như thế.
Trước đây, sau khi trùng tụng và tập hợp lại một trăm mười hai bài kinh vô thượng, các bậc A-la-hán đã gọi tập Kinh ấy với tên là Itivuttaka (Phật Thuyết Như Vậy) nhằm sự tồn tại lâu dài.
--ooOoo--
Tỳ kheo Thanissaro
Tập kinh Phật Thuyết Như Vậy (Itivuttaka), thuộc Tiểu Bộ Kinh (Khudaka Nikaya), là một tập hợp 112 bài kinh ngắn, có tựa đề bắt nguồn từ câu "Ðức Thế Tôn thuyết giảng như vầy" (Itivuttam). Tập kinh chia thành bốn chương: chương một pháp, chương hai pháp, chương ba pháp, và chương bốn pháp.
Tập kinh nầy do một vị nữ cư sĩ tên là Khujjuttara kết hợp sau khi thuật lại các lời giảng của Ðức Phật, cho Hoàng hậu Samavati và các cung nữ khác của Vua Udena, xứ Kosambi. Hoàng hậu không thể rời hoàng cung để đến nơi Phật ngụ nghe Phật thuyết giảng, cho nên Hoàng hậu sai bà Khujjuttara đi nghe thuyết giảng, ghi nhớ, rồi trở về hoàng cung để thuật lại cho bà và 500 vị cung phi khác nghe. Bà Khujjuttara có trí nhớ lạ thường và rất thông minh, khéo giảng pháp, nên Ðức Phật đã từng khen ngợi rằng bà là vị Ðệ Nhất Thanh Văn trong hàng nữ đệ tử cư sĩ (Tăng Chi Bộ I.14). Bà cũng là một vị thầy tài giỏi để hướng dẫn hoàng hậu và các cung phi khác trong việc hành trì Chánh Pháp. Khi nội cung bị hỏa hoạn làm thiệt mạng hoàng hậu và tất cả các cung phi, Ðức Phật cho biết rằng tất cả các vị đó đã đắc quả giải thoát, tối thiểu là quả Nhập Lưu (Tu Ðà Hoàn) - như đã ghi lại trong kinh Phật Tự Thuyết (Ud VII.10).
Tên gọi "Itivuttaka" cũng được dùng trong bảng phân loại đầu tiên về 9 thể tài kinh điển Phật Giáo (*), một bảng phân loại có mặt trước khi có sự sắp đặt Tam Tạng Pali như chúng ta biết hiện nay. Thật khó mà biết chắc chắn rằng bản Itivuttaka Pali ngày nay có phải hoàn toàn là bản Itivuttaka nêu ra trong bảng phân loại đó hay không. Kinh tạng Hán văn có chứa bản dịch của Itivuttaka, thường cho rằng do ngài Huyền Trang dịch. Bản dịch nầy có rất nhiều đoạn giống như bản Itivuttaka Pali. Sự khác biệt chính yếu là bản dịch của ngài Huyền Trang không có nhiều bài kinh trong Chương III và hoàn toàn không có Chương IV. Có thể là những phần nầy đã được kết tập về sau trong tạng Pali, nhưng không được kết tập vào tạng Sanskrit để dịch ra Hán văn. Cũng có thể là ngài Huyền Trang không hoàn tất bản dịch vì nó được dịch trong những tháng cuối trong đời của ngài.
Lịch sử nguyên thủy của kinh Phật Thuyết Như Vậy có nhiều vấn đề phức tạp vì khởi thủy, kinh chỉ được truyền khẫu qua nhiều thế kỷ rồi mới được viết xuống giấy. Tuy nhiên đây là một trong những bộ kinh trong tạng Pali rất được nhiều người quý chuộng vì tập kinh bao gồm các bài giảng của Ðức Phật với nhiều đề tài giáo lý căn bản - từ giản dị đến sâu sắc - trong một hình thức rõ ràng, ngắn gọn và trực tiếp.
(*) 9 thể tài: Kinh (sutta), Ứng tụng (geyya), Biện giải (veyyākarana), Kệ tụng (gātha), Cảm hứng ngữ (hay Tự thuyết) (udāna), Như thị ngữ (hay Bổn sự) (itivuttaka), Bổn sanh (jātaka), Vị tằng hữu (abbhutadhamma), và Phương quảng (vedalla).
Tỳ kheo Thanissaro
(Bình Anson lược dịch)
Hòa thượng Thích Minh Châu
Tập Itivuttaka - "Kinh thuyết như vậy", thuộc Bộ Khuddaka Nikàya (Tiểu Bộ Kinh) gồm có 112 kinh với các bài kệ, chia thành 4 chương, chương một pháp, chương hai pháp, chương ba pháp, chương bốn pháp. Như vậy là một sự phân loại các đề tài theo pháp số, như kiểu tập Tăng Chi Bộ Kinh. Sở dĩ được gọi là "Itivuttaka: Thuyết như vậy", là vì phần lớn các kinh này đều bắt đầu với câu: "Ðây là điều đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A la hán nói đến và tôi đã được nghe", và được kết luận với câu: "Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe". Có một số kinh ở chặng giữa không có các câu mở đầu và câu kết như thế này, nhưng đến các kinh cuối lại được ghi trở lại.
Theo truyền thống, như đã được ghi trong tập sớ được xem là của tôn giả Dhammapàla, Khujjuttarà một nữ cư sĩ, thường đi nghe Thế Tôn thuyết pháp cho chúng tỷ kheo, nàng ngồi sau lưng một bức màn trở thành một bậc đa văn, nghe nhiều, giỏi về chánh pháp và giỏi về trí tuệ. Nàng được nội cung của Vua Udena yêu cầu nói lại những điều đã được nghe và sau khi nghe, học thuộc lòng những điều đã được nghe. Nàng được Thế Tôn khen và gọi là đa văn đệ nhất. Theo truyền thống, chính là tập Itivuttaka này, nàng đã được nghe và truyền tụng lại. Tập sớ có ghi rằng chúng tỷ kheo cũng học thuộc lòng tập kinh này, và chính tôn giả Ananda đã đọc lại bộ kinh này, trong kỳ kiết tập thứ nhất ở Ràjagahà (Vương xá). Các kinh ở chương bốn pháp dài hơn và không có kinh Hán tạng tương đương và được xem là ghi chép về sau. Một số kinh trong tập này được tìm thấy trong tập Tăng Chi Bộ Kinh và Puggala-pannatti. (Theo sự chú giải của bản dịch Anh văn).
Về phương diện nội dung tập Itivuttaka không đề cập tới đời sống đức Phật, đời sống các đại đệ tử của đức Phật như chúng ta được thấy trong tập Udàna. Tập này chú trọng nhiều hơn đến phần giáo lý căn bản, định nghĩa những pháp số, phân loại theo bốn chương một pháp, hai pháp, ba pháp, bốn pháp. Nói một cách khác, một số đề tài đã được lựa chọn, định nghĩa, giải thích một cách ngắn gọn để các đệ tử có thể tìm hiểu, học thuộc lòng và nắm giữ được phần căn bản trong giáo lý của đức Phật. Như vậy, giải thích được truyền thống: xem rằng chính Khujjuttarà, nghe được những lời Thế Tôn dạy, nhớ lấy rồi thuyết lại cho các đệ tử khác, nhờ vậy tập nầy được lưu truyền.
Kinh "Phật thuyết như vậy", xuất xứ từ kinh Tạng Pàli là kinh thuộc kinh điển Thượng Tọa Bộ, trung thành gìn giữ lời dạy của đức Phật.
Trước hết, kinh này không đề cập đến Abhidhamma (Thắng Pháp, Vi Diệu Pháp), không đề cập đến các chuyện tiền thân (Jàtaka) và như vậy kinh này không thuộc về văn học Abhidhamma và văn học Jàtaka -- hai văn học này chỉ được bắt nguồn, kết thành trong giai đoạn thứ hai là giai đoạn các học phái, từ khoảng 300 năm đến 100 năm trước kỷ nguyên. Kinh này không nằm trong giai đoạn phát triển thứ ba là thời hưng khởi của Ðại thừa (100 năm trước kỷ nguyên đến 100 năm sau kỷ nguyên). Như vậy, kinh này nằm trong giai đoạn đạo Phật nguyên thủy khoảng 450 năm đến 350 năm trước kỷ nguyên khi lời dạy của đức Phật chưa bị pha trộn, xen lẫn bởi những phát triển về sau. Sự kiện này được phần nội dung của kinh này chứng minh như chúng ta sẽ rõ sau này, và cũng được xác định theo truyền thống, vì kinh này được nữ cư sĩ Khujjuttarà đích thân nghe đức Phật rồi về thuyết giảng lại để được học hỏi ghi nhớ và truyền lại cho đến ngày nay.
Nói về đức Phật hiện tại và rộng hơn nữa, nói về Như Lai (Tathagata), chúng ta sẽ thấy đức Phật chưa được thần thánh hóa, chưa dùng thần thông để hóa độ chúng sanh.
Như Lai được diễn tả như một bực đã giác ngộ thế giới, "Thế giới tập khởi, thế giới đoạn diệt, con đường đưa đến thế giới đoạn diệt."
"Này các tỷ kheo, thế giới được Như Lai Chánh đẳng giác, Như Lai không hệ lụy đối với đời. Này các tỷ kheo, thế giới tập khởi được Như Lai Chánh Ðẳng Giác. Thế giới tập khởi được Như Lai đoạn tận. Này các tỷ kheo, Thế giới đoạn diệt được Như Lai giác ngộ. Này các tỷ kheo, con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai Chánh đẳng giác; con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai đã tu tập."
"Cái gì này các tỷ kheo, trong toàn thế giới với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới cùng với quần chúng Sa môn, Bà la môn chư Thiên và loài người được thấy, được nghe, được thọ tưởng, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý tư sát, tất cả đều được Như Lai Chánh đẳng giác. Do vậy được gọi là Như Lai. Này các tỷ kheo, từ đêm Như Lai chứng ngộ vô thượng Chánh đẳng giác đến đêm Ngài nhập Niết bàn, không có dư y, trong thời gian ấy điều gì Ngài nói, tuyên bố nêu rõ lên, tất cả là như vậy, không có khác được, do vậy được gọi là Như Lai.
"Này các tỷ kheo, Như Lai nói gì làm vậy, làm gì nói vậy; vì rằng nói gì làm vậy, làm gì nói vậy, nên được gọi Như Lai.
"Này các tỷ kheo, trong toàn thể thế giới, Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa môn, Bà la môn, chư Thiên và loài người, Như Lai là bậc chiến thắng, không bị chiến bại, toàn tri, toàn kiến, được tự tại, do vậy được gọi là Như Lai (Kinh số 112)."
Hình ảnh Như Lai là vậy, hình ảnh Thế Tôn không có khác hơn, ở đây Thế Tôn tượng trưng cho Pháp và những ai thấy pháp, sống theo Pháp, người ấy mới gần Thế Tôn như kinh số 92 nêu rõ:
"Này các tỷ kheo, nếu một tỷ kheo nắm lấy viền áo Tăng già lê đi theo sau lưng Ta, chân bước theo chân, nhưng vị ấy có tham ái trong các dục, với lòng sắc xảo, với tâm sân hận, ý tư duy nhiễm ác, thất niệm, không tỉnh giác, không định tỉnh, tâm tán loạn, với các căn hoang dại, vị ấy xa hẳn Ta và Ta xa vị ấy.
"Vì cớ sao? Này các tỷ kheo, tỷ kheo ấy không thấy pháp. Do không thấy pháp nên không thấy Ta. Này các tỷ kheo, nếu tỷ kheo sống xa đến 100 do tuần và vị ấy không có tham ái trong các dục, với lòng tham không sắc xảo, tâm không sân hận, ý tư duy không nhiễm ác, chánh niệm tỉnh giác, định tỉnh nhất tâm, các căn được chế ngự, vị ấy gần hẳn Ta và Ta gần vị ấy.
"Vì cớ sao? Này các tỷ kheo, tỷ kheo ấy thấy pháp. Do thấy pháp nên thấy Ta".
Trong kinh số 100, chính Ðức Phật tự tả mình như sau:
"Này các tỷ kheo, Ta là Bà la môn, người được đến yêu cầu (yàcayogo), tay luôn luôn thanh tịnh (payatapàni) mang thân cuối cùng, vô thượng y sĩ chữa trị (bhisakko) y sĩ giải phẫu (sallakatta). Các ngươi thật là con của Ta (arasà) từ miệng sanh, từ pháp sanh, từ pháp tạo thành, thừa tự pháp, không thừa tự tài vật."
Ðức Phật tự xưng là y sĩ chữa trị (bhisakkà), tự xưng là y sĩ giải phẫu (sallakatta). Ngài xem các đệ tử như con của Ngài, từ miệng sanh, từ pháp sanh, là những con cháu thừa tự pháp. Ðâu đâu cũng thấy vai trò trọng yếu của chánh pháp, vì đức Phật là tượng trưng cho Pháp, tự miệng mình thuyết pháp độ chúng sanh. Rõ hơn nữa là xác nhận hai loại thuyết pháp của đức Phật, như kinh 35 đã nêu rõ:
"Có hai loại thuyết pháp của Như Lai, bậc A la hán, chánh đẳng giác, cái này tiếp nối cái kia. Thế nào là hai? Hãy thấy Ác là ác. Ðây là thuyết pháp thứ nhất. Sau khi thấy ác là ác, ở đây hãy nhàm chán, hãy từ bỏ, hãy thoát ly! Ðây là thuyết pháp thứ hai!"
Ðức Phật đã là đức Phật nguyên thủy, thời mục đích của sự tu hành, sự cứu cánh của Phạm hạnh và mục tiêu giải thoát giác ngộ là những mục tiêu trung thành với giáo pháp chánh thống nguyên thủy.
Mục đích của đạo Phật là giải quyết vấn đề sanh lão bệnh tử, tức là chấm dứt sự đau khổ cho con người. Và đoạn kinh sau này xác chứng rằng sự đau khổ có thể được chấm dứt và trạng thái đau khổ được chấm dứt là Niết bàn. Dưới đây là định nghĩa của Niết bàn ấy trong kinh số 44:
"Này các tỷ kheo, có hai Niết bàn giới này. Thế nào là hai? Niết bàn giới có dư y và Niết bàn giới không dư y.
"Này các tỷ kheo, thế nào là Niết bàn giới có dư y? Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo là bậc A la hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích: hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Trong vị ấy, năm căn còn tồn tại. Ngang qua các căn ấy, vị ấy hưởng thọ khả ý, không khả ý, vì rằng tự ngã không có thương hại nên cảm giác lạc khổ. Với vị ấy, tham diệt, sân diệt, si diệt. Này các tỷ kheo, đây gọi là Niết bàn có dư y.
"Này các tỷ kheo, thế nào là Niết bàn không có dư y? Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo là bậc A la hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Ở đây, đối vị ấy, mọi cảm thọ đều không có hoan hỷ ưa thích, sẽ được lắng dịu".
Một kinh nữa, kinh số 43 xác nhận sự hiện diện của trạng thái giải thoát này, ngay trong đời hiện tại, có mặt trên quả đất này:
"Này các tỷ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra. Này các tỷ kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra, thời ở đây không có thể trình bày sự xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra. Do vì này các tỷ kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra, nên có thể trình bày được sự xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra".
Ở đây, có hai nhận xét quan trọng. Ðức Phật khi nhập Niết bàn có dư y ở Kusinàra, không phải là mất hẳn, tiêu diệt hoàn toàn, vì như vậy là theo thuyết đoạn diệt đạo Phật không chấp nhận. Ở đây, tham sân si không còn, lạc thọ khổ thọ không khởi lên, nhưng mọi cảm thọ đều được lắng dịu, mát lạnh, thanh lương. Nhận xét quan trọng thứ hai là sự đau khổ có thể đoạn diệt ngay trong đời sống hiện tại với những vị đã chứng quả A la hán. Và dầu chưa chứng được quả A la hán, nếu hành trì theo lời Phật dạy, thời có thể đoạn trừ dần dần các sự khổ đau.
Vấn đề quan trọng thứ hai, sau mục đích giải thoát và giác ngộ là những pháp môn giúp người tu hành đạt đến mục đích đoạn tận khổ đau. Chúng ta sẽ thấy pháp môn tuy nhiều, nhưng không bao giờ ra ngoài pháp môn Giới-Ðịnh-Tuệ, pháp môn duy nhất để đưa người hành trì đoạn tận khổ đau.
"Này các tỷ kheo, một tỷ kheo có giới tốt lành (kalyàmasìlo), có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành, được gọi trong pháp và luật này là vị toàn hảo.
"Này các tỷ kheo, một tỷ kheo có giới tốt lành, có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành được gọi trong pháp và luật này là vị toàn hảo (kevalì). Này các tỷ kheo, thế nào là giới tốt lành? Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Như vậy này các tỷ kheo, là tỷ kheo có giới tốt lành. Và thế nào là có pháp tốt lành? Ở đây, này các tỷ kheo, tỷ kheo sống chuyên tâm chuyên chú tu tập bảy pháp giác chi. Như vậy này các tỷ kheo, là tỷ kheo có pháp tốt lành. Và thế nào là tuệ tốt lành? Ở đây này các tỷ kheo, tỷ kheo do diệt trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng tri chứng ngộ chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các tỷ kheo là tỷ kheo có tuệ tốt lành. Như vậy, một người có giới tốt lành, có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành được gọi trong pháp và luật này là vị toàn hảo (kevalì) (Kinh số 97)."
Cũng theo chiều hướng trên, ba hình ảnh được phát họa diễn tả ba hạng người, tùy theo mức độ đối trị được với dục và hữu:
"Này các tỷ kheo, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của dục, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của hữu, là những bậc đến lại, đi đến lại có mặt ở đây. Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục, này các tỷ kheo, nhưng còn bị trói buộc bởi trói buộc của hữu, những vị ấy là hạng bất lai, không trở lui lại có mặt ở đây. Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục, chế ngự được sự trói buộc của hữu, những vị ấy là những bậc A la hán, đã đoạn tận các lậu hoặc (Kinh 97)."
Tiếp theo là một số phương pháp tu học, một nếp sống đưa đến hai quả Chánh trí hay nếu có dư y thời được quả Bất lai, những quả cao nhất trong con đường tu hành, nghĩa là đoạn tận được khổ đau.
"Này các tỷ kheo, hãy sống ưa muốn ẩn dật, thiền tịnh, thích thú ẩn dật thiền tịnh, thành tựu quán tri, hành trì hạnh đi đến các ngôi nhà trống (Kinh số 45)."
"Này các tỷ kheo, hãy an trú vào lợi ích của học tập, cho trí tuệ tối thượng, cho lỏi cây giải thoát, cho niệm được tăng trưởng... (Kinh số 46)."
"Này các tỷ kheo, tỷ kheo phải sống cảnh giác, chánh niệm tỉnh giác, thiền tịnh, hoan hỷ, tín thanh và ở đây quán tri đúng thời trong các pháp thiện... (Kinh số 47)"
Những vị thực hành theo pháp môn này thời có hy vọng đoạn trừ được khổ đau.
Ðức Phật còn dạy tỷ kheo làm thế nào đã đối trị 3 cảm thọ -- lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ:
"Này các tỷ kheo, lạc thọ cần phải được xem như là khổ, khổ thọ cần phải được xem như là vô thường. Vì rằng, này các tỷ kheo, tỷ kheo đã xem lạc thọ như là khổ, đã xem khổ thọ như là mũi tên, đã xem bất khổ bất lạc thọ như là vô thường. Này các tỷ kheo, tỷ kheo này gọi là bậc Thánh, đã chân chánh thấy, đã chặt đứt ái, đã giải tỏa kiết sử, đã chân chánh thắng tri mạn, đã đoạn tận khổ đau." (Kinh số 53)
"Này các tỷ kheo, cần phải quán sát một cách như thế nào, do quán sát như vậy, thức của vị ấy đối với ngoại trần không có tán loạn, không có tản rộng, tâm không trú trước nội tâm, không chấp thủ không bị khủng bố, sẽ không có sự sanh, tập khởi của khổ về sanh già chết trong tương lai (Kinh số 94)."
"Này các tỷ kheo, những Sa môn hay Bà la môn nào không như thật quán tri đây là khổ tập, không như thật quán tri đây là khổ diệt, không như thật quán tri đây là con đường đưa đến khổ diệt. Những Bà là môn ấy, này các tỷ kheo, không được Ta chấp nhận là Sa môn trong các hạng Sa môn hay Bà la môn trong các hạng Bà la môn. Với các vị tôn giả ấy ngay trong hiện tại cũng không tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích Sa môn hạnh hay mục đích Bà la môn hạnh. Những Sa môn hay Bà la môn nào, này các tỷ kheo, như thật quán tri đây là khổ, như thật quán tri đây là khổ tập, như thật quán tri đây là khổ diệt, như thật quán tri đây là con đường đưa đến khổ diệt, thời, này các tỷ kheo, các Sa môn hay Bà la môn ấy được Ta chấp nhận là Sa môn trong các hạng Sa môn hay Bà la môn trong các hạng Bà la môn và các vị tôn giả ấy, ngay trong hiện tại tự mình với thắng trí chứng ngộ chứng đạt và an trú mục đích Sa môn hạnh hay mục đích Bà la môn hạnh (Kinh số 103)." (...)
Hòa thượng Thích Minh Châu
Thiền viện Vạn Hạnh
Sài Gòn, 1978 (PL. 2522)
(I) (Ek I, 1) (It. 1)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Tham, này các Tỷ-kheo, là một pháp, các Thầy hãy từ bỏ! Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Với tham bị tham đắm,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí,
Từ bỏ tham ái ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(II) (Ek I, 2) (It. 1)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Sân, này các Tỷ-kheo, là một pháp các Thầy hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến:
Với sân bị sân hận,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ sân hận ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(III) (Ek I, 3) (It. 2)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Si, này các Tỷ-kheo, là một pháp các Thầy hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với si bị si mê
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ si mê ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(IV) (Ek I, 4) (It. 2)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Phẫn nộ, này các Tỷ-kheo, là một pháp các Thầy hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với phẫn nộ phẫn uất.
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ phẫn nộ ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ðây là ý nghĩa đã được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(V) (Ek 1,5) (It. 3)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Gièm pha, này các Tỷ kheo, là một pháp các Thầy hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với gièm pha, gièm người,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ gièm pha ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(VI) (Ek1,6) (It.3)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, hãy từ bỏ một pháp. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh. Thế nào là một pháp? Mạn, này các Tỷ kheo, là một pháp các Thầy hãy từ bỏ. Ta bảo đảm cho các Thầy không có tái sanh.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với kiêu mạn kiêu căng,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ kiêu mạn ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(VII) (Ek I, 7) (It. 3)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri, không liễu tri tất cả, ở đây tâm không ly tham, từ bỏ, không thể diệt được khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri, liễu tri tất cả, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai hiểu, rõ biết được,
Tất cả là tất cả,
Ðối với tất cả chỗ,
Không có sự tham đắm,
Vị như vậy chắc chắn,
Liễu tri được tất cả,
Và có thể vượt qua,
Tất cả mọi đau khổ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(VIII) (Ek I, 8) (It. 4)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Mạn, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, thời không có thể diệt được khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Mạn, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Người bị mạn chi phối,
Do bị mạn trói buộc,
Nên hoan hỷ sanh hữu,
Do không liễu tri mạn,
Nên đi đến tái sanh.
Những ai đoạn diệt mạn,
Giải thoát, mạn hoại diệt,
Họ thắng mạn trói buộc,
Họ vượt qua nhiếp phục,
Tất cả mọi đau khổ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(IX) (Ek I, 9) (It. 5)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Tham, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Tham, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, thời có thể diệt được khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Với tham, bị tham đắm,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ tham ái ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(X) (Ek I, 10) (It. 5)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Sân, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng liễu tri Sân, ở đây, tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Với sân bị sân hận,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ sân hận ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XI) (Ek II, 1) (It. 6)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri, không liễu tri Si, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Si, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với si, bị si mê,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ si mê ấy,
Từ bỏ không bao giờ,
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XII) Ek II, 2) (It. 7)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Phẫn nộ, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Phẫn nộ, ở đây tâm ly tham, từ bỏ có thể diệt được khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với phẫn nộ phẫn uất,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí,
Từ bỏ phẫn nộ ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XIII) (Ek II, 3) (It. 7)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, ai không thắng tri không liễu tri Gièm pha, ở đây tâm không ly tham, không từ bỏ, không có thể diệt trừ khổ đau. Này các Tỷ-kheo, ai thắng tri liễu tri Gièm pha, ở đây tâm ly tham, từ bỏ, có thể diệt được khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với gièm pha gièm người,
Chúng sanh đi ác thú,
Bậc thiền quán, chánh trí
Từ bỏ, gièm pha ấy,
Từ bỏ, không bao giờ
Trở lại tại đời này.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XIV) (Ek II, 4) (It. 7)
Ðiều này được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một triền cái nào khác, do bị bao trùm bởi triền cái ấy, chúng sanh trong một thời gian dài, lưu chuyển. Này các Tỷ-kheo, tức là Vô minh triền cái. Này các Tỷ-kheo, bị bao trùm bởi Vô minh triền cái, chúng sanh trong một thời gian dài chạy dài, lưu chuyển.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Không có một pháp khác,
Quần sanh bị bao phủ,
Ngày đêm chạy lưu chuyển,
Như bao phủ bởi si
Và ai đoạn diệt si,
Ðâm thủng khối u ám,
Họ không lưu chuyển nữa,
Trong họ, nhân không còn.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XV) (Ek II, 5) (It. 8)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một kiết sử nào khác, do bị cột bởi kiết sử ấy, chúng sanh trong một thời gian dài, chạy dài, lưu chuyển, này các Tỷ-kheo tức là Ái kiết sử. Này các Tỷ-kheo, bị cột với ái kiết sử, chúng sanh trong một thời gian dài, chạy dài lưu chuyển.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Người có ái làm bạn,
Thời gian dài, lưu chuyển,
Không vượt được lưu chuyển,
Sanh hữu vậy hay khác.
Ai biết nguy hiểm này,
Biết ái tác thành khổ,
Bỏ ái, không chấp trước,
Tỷ-kheo giữ chánh niệm,
Bỏ gia đình xuất gia,
Sống nếp sống như vậy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XVI) (Ek II. 6) (It. 9)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, với vị Tỷ-kheo hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các triền ách, sau khi làm thành nội chi phần, Ta không thấy một chi phần nào khác, được nhiều lợi ích như vậy, này các Tỷ-kheo, tức là Như lý tác ý. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo tác như lý tác ý, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Vị Tỷ kheo hữu học,
Hành như lý tác ý,
Không một pháp nào khác,
Nhiều lợi ích như vậy.
Ðể đạt cho bằng được,
Lợi ích thật tối thượng.
Vị Tỷ kheo như lý,
Tinh tấn và tinh cần,
Có thể thành đạt được,
Sư đoạn diệt khổ đau.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XVII) (Ek II. 7) (It. 10)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, với vị Tỷ-kheo hữu học, tâm chưa thành tựu, đang sống cần cầu vô thượng an ổn khỏi các triền ách, sau khi làm thành ngoại chi phần, Ta không thấy một chi phần nào khác, được nhiều lợi ích như vậy, này các Tỷ-kheo, tức là làm bạn với thiện. Này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo làm bạn với thiện, từ bỏ bất thiện, tu tập thiện.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Tỷ-kheo làm bạn thiện,
Tôn kính và kính trọng,
Làm theo những lời nói,
Của bạn bè thân hữu,
Tỉnh giấc và chánh niệm,
Vị ấy sẽ tuần tự,
Ðạt được sự hoại diệt,
Tất cả mọi kiết sử.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XVIII) (Ek II, 8) (It. 10)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại bất hạnh cho nhiều người, đem lại bất lợi cho nhiều người, đem lại không lợi ích cho nhiều người, đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người.
Thế nào là một pháp? Phá hòa hợp Tăng. Này các Tỷ-kheo, khi chúng Tăng bị phá hoại, thì có những tranh luận với nhau, có những mắng nhiếc lẫn nhau, có những ngăn cách lẫn nhau, có những từ bỏ lẫn nhau. Ở tại đấy, những người không hòa hợp, không đi đến hòa hợp và những người có hòa hợp, sự nhất trí đi đến nơi khác.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Bị rơi vào đọa xứ,
Bị rơi vào địa ngục,
Trú đến trọn cả kiếp,
Người phá hòa hợp Tăng.
Ưa thích phá hòa hợp,
An trú trên phi pháp,
Rơi rớt, vượt ra khỏi.
An ổn khỏi khổ ách;
Kẻ phá sự hòa hợp,
Của Tăng chúng hòa hợp,
Bị nung nấu trọn kiếp,
Trong cảnh giới địa ngục.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XIX) (Ek II, 9) (It. 11)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo có một pháp khởi lên ở đời, khi khởi lên đem lại hạnh phúc cho nhiều người, đem lại lợi ích cho nhiều người, không đem lại lợi ích cho nhiều người, không đem lại bất hạnh, đau khổ cho chư Thiên và loài Người.
Thế nào là một pháp? Sự hòa hợp chúng Tăng. Này các Tỷ-kheo, khi chư Tăng được hòa hợp, không có những tranh luận với nhau, không có những mắng nhiếc lẫn nhau, không có những ngăn cách lẫn nhau, không có những từ bỏ lẫn nhau. Ở tại đây, những người không hòa hợp đi đến hòa hợp, và những người hòa hợp lại càng hòa hợp hơn nữa.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Hạnh phúc là chúng Tăng,
Ðược sống trong hòa hợp,
Giúp đỡ, ưa hòa hợp,
Thích hòa hợp, trú pháp
Không rơi rớt, vượt khỏi,
An ổn khỏi khổ ách,
Kẻ tạo được hòa hợp,
Giữa Tăng chúng Tỷ-kheo,
Trọn kiếp được an vui,
Trong cảnh giới chư Thiên.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XX) (Ek II, 11) (It. 12)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ở đây này các Tỷ-kheo, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của một người ác ý như vậy, và nếu trong thời gian này, người này mạng chung, như vậy tương xứng người này bị rơi vào địa ngục. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì tâm người ấy ác ý. Này các Tỷ-kheo, vì nhân tâm ác ý, như vậy ở đây một số loài hữu tình su khi thân hoại mạng chung bị sanh vào cõi ác, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Biết được tâm ác ý,
Của hạng người ở đời,
Ðức Phật giữa Tỷ-kheo,
Ðã nói ý nghĩa này.
Chính trong thời gian này,
Người ấy bị mạng chung,
Sẽ bị sanh địa ngục,
Vì tâm nó ác độc,
Tùy theo lấy những gì,
Tương xứng bị rơi xuống,
Như vậy được tương xứng,
Do nhân tâm ác ý,
Chúng sanh đi ác thú.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XXI) (Ek III, 1) (It. 13)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ở đây, này các Tỷ-kheo, với tâm của Ta, Ta rõ biết tâm của một người thiện ý như vậy, và nếu trong thời gian này, người này mạng chung, như vậy tương xứng, người này được sanh lên thiên giới. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì tâm người ấy thiện ý. Này các Tỷ-kheo, vì nhân tâm thiện ý, như vậy ở đây, một số loài hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Biết được tâm thiện ý,
Của hạng người ở đời,
Ðức Phật giữa Tỷ-kheo,
Ðã nói ý nghĩa này,
Chính trong thời gian này,
Người ấy bị mạng chung,
Người ấy sẽ được sanh,
Lên thiên giới thiện thú,
Vì tâm có thiện ý,
Tuỳ theo lấy những gì,
Tương xứng được lãnh thọ,
Như vậy được tương xứng.
Do nhân tâm thiện ý,
Chúng sanh đi thiện thú.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXII) (Ek III, 2) (It. 14)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, chớ có sợ hãi các công đức. Này các Tỷ-kheo, công đức là đồng nghĩa với an lạc, cái gì khả lạc, khả hỷ, khả ái, khả ý, tức là công đức. Này các Tỷ-kheo, Ta thắng tri thọ hưởng quả dị thục, khả lạc, khả hỷ, khả ái, khả ý trong một thời gian dài của các công đức đã làm trong một thời gian dài. Sau khi tu tập từ tâm trong bảy năm, Ta đã không trở lui lại đời này trong bảy tăng kiếp và hoại kiếp. Trong thời kỳ kiếp tăng, Ta là chư Thiên Quang Âm; Trong thời kỳ kiếp giảm, Ta sanh trong lâu đài trống không ở Phạm Thiên. Tại đấy Ta là Phạm Thiên, Ðại Phạm Thiên bậc chinh phục, bậc không bị ai chinh phục, bậc nhìn thấy tất cả, bậc có quyền lực. Này các Tỷ-kheo, ba mươi sáu lần Ta đã là Thiên chủ Ðế Thích. Nhiều trăm lần, Ta đã làm vua, vị vua Chuyển Luân, trị vì đúng pháp, bậc Pháp vương, bậc chiến thắng bốn phương, bậc đã đạt được sự an ổn trong quốc độ, bậc đầy đủ bảy báu. Còn nói gì khi Ta là vị vua ở địa phương. Này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Quả này là do nghiệp nào Ta đã làm, là quả dị thục của nghiệp nào mà nay, Ta được đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy?". Rồi này các Tỷ-kheo, Ta suy nghĩ như sau: "Ðây là quả ba nghiệp Ta đã làm, là quả dị thục của ba nghiệp, do vậy Ta nay đựơc đại thần lực như vậy, đại uy lực như vậy. Tức là bố thí, nhiếp phục, chế ngự".
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Hãy để cho vị ấy,
Học tập về công đức,
Công đức là lạc căn,
Tối thượng trong tương lai,
Hãy tu tập bố thí,
Sống nếp sống an tịnh,
Và tu tập từ tâm.
Sau khi đã tu tập,
Các pháp này như vậy,
Tức là cả ba pháp,
Khiến an lạc sanh khởi,
Bậc Hiền trí được sanh
Trong thế giới an lạc,
Thế giới không sân hận.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXIII) (Ek III,3) (It. 16)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Có một pháp, này các Tỷ-kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, đem lại hai lợi ích, an trú ngay hiện tại và lợi ích cho tương lai.
Thế nào là một pháp? Không phóng dật trong các thiện pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là một pháp được tu tập, được làm cho sung mãn, đem lại được hai lợi ích, an trú ngay trong hiện tại và lợi ích cho tương lai.
Thế Tôn đã nói lên lợi ích này. Ở đây, điều này được nói đến.
Bậc Hiền trí tán thán,
Không phóng dật hành thiện,
Bậc Hiền không phóng dật,
Ðem lại hai lợi ích,
Lợi ích ngay đời này,
Và lợi ích tương lai
Bậc trí do thắng trí,
Chứng đắc được lợi ích,
Nên được gọi bậc trí.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXIV) (Ek III, 4) (It. 17)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Các xương của một người, này các Tỷ-kheo, chạy dài, lưu chuyển có thể lớn như một đồi xương, một chồng xương, một đống xương, như núi Vepulla này, nếu có người thâu người lượm xương lại, gìn giữ chúng không làm chúng hủy hoại.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây điều này được nói đến.
Chồng chất như xương người,
Chỉ sống có một kiếp,
Chất đống bằng hòn núi,
Bậc Ðại sĩ nói vậy,
Ðống xương ấy được nói,
Lớn như Vepulla,
Phía Bắc núi Linh Thứu,
Thành núi Magadha,
Người thấy bốn sự thật,
Với chân chánh trí tuệ
Khổ và khổ tập khởi
Sẽ vượt qua đau khổ
Con đường Thánh tám ngành,
Dẫn đến khổ tịnh chỉ,
Người ấy phải luân chuyển,
Tối đa là bảy lần,
Là vị đoạn tận khổ,
Ðoạn diệt mọi kiết sử.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXV) (Ek III, 5) (It. 18)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe.
Phàm một người nào đã vi phạm một pháp, Ta nói rằng không có ác nghiệp nào vị ấy không làm được. Thế nào là một pháp? Này các Tỷ-kheo, tức là rõ biết mà nói láo.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Người nào đã nói láo,
Là vi phạm một pháp,
Không kể đến đời sau,
Không ác gì không làm.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXVI) (Ek III, 6) (It. 18)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, nếu các chúng sanh có thể biết như Ta đã biết, quả dị thục của sự san sẻ bố thí họ sẽ không thụ hưởng nếu họ không bố thí và uế nhiễm xan tham không có ám ảnh tâm của họ và an trú. Dầu là miếng cuối cùng của họ, dầu là miếng ăn tối hậu, họ sẽ không thọ hưởng nếu họ không san sẻ, khi có người nhận của họ. Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu các chúng sanh không biết như Ta đã biết quả dị thục của san sẻ bố thí họ sẽ thọ hưởng, không có bố thí, và uế nhiễm xan tham ám ảnh tâm của họ và an trú.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đấy, điều này được nói đến.
Nếu các hàng chúng sanh,
Có thể biết như vậy,
Như bậc Ðại ẩn sĩ,
Ðã nói, tuyên bố lên,
Qua dị thục lớn thay,
Của san sẻ bố thí!
Nhiếp phục uế xan tham,
Với tâm thật thanh tịnh
Ðúng thời họ bố thí,
Ðối với các thánh nhân,
Tại đây bố thí vậy,
Có quả thật to lớn
Cho nhiều các thức ăn,
Kính lễ người đáng kính,
Từ đãy xả, từ bỏ,
Ðịa vị làm con người,
Các người làm bố thí
Ðược đi đến cõi Trời,
Họ đi đến cõi trời,
Tại đấy chúng hoan hỷ,
Với mọi điều sở thích,
Họ thọ hưởng như ý,
Vị không có xan tham,
Ðược thọ hưởng đầy đủ,
Quả dị thục của chúng,
Nhờ san sẻ bố thí.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XXVII) (Ek III, 7) (It. 19)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, phàm có những phước nghiệp sự nào đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp sự ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát vượt qua chúng những nghiệp sự ấy, chói sáng, bừng sáng và rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, ví như ánh sáng của chùm sao, tất cả ánh sáng ấy không bằng một phần mười sáu ánh sáng của mặt trăng. Ánh sáng của mặt trăng vượt quả ánh sáng của chùm sao chói sáng, bừng sáng, và rực sáng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những nghiệp vụ đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp vụ ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát, vượt qua chúng, chói sáng, bừng sáng và rực sáng.
Này các Tỷ-kheo, ví như vào tháng cuối mùa mưa, vào mùa thu, trên bầu trời thanh tịnh, các mây được quét sạch, mặt trời mọc lên trên bầu trời, phá tan mọi tối tăm ở hư không, chói sáng, bừng sáng và rực sáng. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, phàm có những nghiệp vụ đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp vụ ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát, vượt qua chúng, chói sáng, bừng sáng và rực sáng.
Ví như này các Tỷ-kheo, vào tháng cuối mùa mưa, vào tiết mùa thu, khi hư không mở rộng không có mây mù, mặt trời vươn thẳng lên trời không, quét sạch mọi tối tăm trên trời, chói sáng, bừng sáng và rực sáng. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, phàm có những nghiệp vụ nào đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp vụ ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát vượt qua chúng, chói sáng, bừng sáng và rực sáng.
Ví như này các Tỷ-kheo, khi đêm đã gần tàn, sao mai chói sáng, bừng sáng và rực sáng. Cũng vậy này các Tỷ-kheo, phàm có những nghiệp vụ nào đưa đến sanh y, tất cả những nghiệp vụ ấy không bằng một phần mười sáu từ tâm giải thoát. Chỉ có từ tâm giải thoát vượt qua chúng, chói sáng, bừng sáng và rực sáng.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Ai tu tập từ tâm,
Không phóng dật chánh niệm,
Các kiết sử giảm thiểu,
Nhờ thấy sanh y diệt.
Nếu tâm không độc ác,
Ðối với một hữu tình,
Với từ tâm như vậy,
Vị ấy là bậc Thiện,
Với tâm tư từ mẫn,
Ðối tất cả hữu tình,
Bậc Thánh tự tác thành,
Công đức thật vô lượng.
Ai chiến thắng quả đất,
Ðầy dẫy những hữu tình,
Bậc vua chúa chơn chánh,
Như các vị tiên nhân,
Tổ chức khắp mọi nơi,
Ðủ các loại tế đàn,
Lễ tế đàn với ngựa,
Lễ tế đàn với người,
Quăng cọc, rượu chiến thắng,
Lễ chốt cửa dẹp lại,
Họ không tác thành được
Một phần thứ mười sáu,
Với người khéo tu tập,
Tâm ý thật từ mẫn,
Như ánh sáng mặt trăng,
Thắng sáng mọi vì sao,
Ai không có giết hại,
Không khiến người giết hại,
Không có chinh phục người,
Không khiến người chinh phục,
Với tâm tư từ mẫn,
Ðối với mọi chúng sanh,
Vị ấy không hận thù,
Ðối với bất cứ ai.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXVIII) (Duk. I, 1) (It. 22)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ hai pháp, ngay trong hiện tại, an trú đau khổ có hoạn nạn, có ưu não, có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là ác thú. Thế nào là hai? Không hộ trì các căn và không tiết độ trong ăn uống. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ hai pháp này, ngay trong hiện tại an trú đau khổ, có hoạn nạn, có ưu não, có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là ác thú.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Mắt, tai, mũi và lưỡi,
Kể cả thân và ý,
Những cửa này ở đây,
Tỷ-kheo không hộ trì,
Ăn uống không tiết độ,
Ðau khổ về thân thể,
Các căn không hộ trì,
Ðau khổ về tâm tư
Vị ấy phải thọ lãnh
Những đau khổ như vậy,
Thân thể bị thiêu đốt,
Tâm tư bị thiêu đốt,
Dầu là đêm hay ngày,
An trú khổ như vậy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXIX) (Duk. I, 2) (It. 23)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ hai pháp, ngay trong hiện tại, an trú an lạc, không có hoạn nạn, không có ưu não, không có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là thiện thú. Thế nào là hai? Hộ trì các căn và tiết độ trong ăn uống. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ hai pháp này, ngay trong hiện tại, an trú an lạc, không có hoạn nạn, không có ưu não, không có nhiệt não, sau khi thân hoại mạng chung, được chờ đợi là thiện thú.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Mắt, tai, mũi và lưỡi,
Kể cả thân và ý,
Những cửa này ở đây,
Tỷ-kheo khéo hộ trì,
Ăn uống có tiết độ,
An lạc về thân thể,
Các căn có hộ trì,
An lạc về tâm tư,
Vị ấy được thọ lãnh
Những an lạc như vậy.
Thân không bị thiêu đốt,
Tâm không bị thiêu đốt,
Dầu là đêm hay ngày,
An trú lạc như vậy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXX) (Duk. I, 3) (It. 24)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai pháp này làm cho nung nấu. Thế nào là hai? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không làm điều lành, không làm điều thiện, không che chở người sợ hãi, làm điều ác, ngoan cố trong việc làm, làm điều không thiện. Người ấy bị nung nấu bởi ý nghĩ: "Ta đã làm điều ác". Này các Tỷ-kho, hai pháp này làm cho nung nấu.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Làm xong thân ác hạnh,
Hay nói các lời ác,
Làm xong ý ác hạnh,
Hay bất cứ gì khác
Có liên hệ lỗi lầm.
Không làm các nghiệp lành,
Làm các điều bất thiện,
Khi thân hoại mạng chung,
Người có ác trí tuệ
Bị sanh vào địa ngục.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXXI) (Duk. I,4) (It. 25)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai pháp không làm cho nung nấu. Thế nào là hai? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm điều lành, làm điều thiện, che chở người sợ hãi, không làm điều ác, không ngoan cố trong việc làm, làm điều thiện. Người ấy không bị nung nấu vì nghĩ rằng: "Ta đã làm điều lành", không bị nung nấu vì nghĩ rằng: "Ta không làm điều ác". Này các Tỷ-kheo, hai pháp này không làm cho nung nấu.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Từ bỏ thân làm ác,
Hay nói các lời ác,
Từ bỏ ý ác hành,
Hay bất cứ gì khác
Có liên hệ lỗi lầm.
Không làm các nghiệp ác,
Làm nhiều điều thiện sự,
Khi thân hoại mạng chung,
Người có thiện trí tuệ,
Ðược sanh lên cõi trời.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXXII) (Duk. I,5) (It. 26)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, đầy đủ hai pháp, một người như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là hai? Ác giới và ác kiến. Này các Tỷ-kheo, đầy đủ hai pháp này, một người, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Người nào được thành tựu,
Ðầy đủ hai pháp này,
Ðầy đủ với ác giới,
Và đầy đủ ác kiến,
Khi thân hoại mạng chung,
Người có ác trí tuệ,
Người ấy phải bị sanh,
Vào cảnh giới địa ngục.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXXIII) (Duk. I,6) (It. 26)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ðầy đủ hai pháp, này các Tỷ-kheo, một người như vậy tương xứng được sanh lên thiên giới. Thế nào là hai? Giới hiền thiện và Kiến hiền thiện. Ðầy đủ hai pháp này, này các Tỷ-kheo, một người như vậy tương xứng được sanh lên thiên giới. Thế nào là hai? Giới hiền thiện và Kiến hiền thiện. Ðầy đủ hai pháp này, này các Tỷ-kheo, một người như vậy tương xứng được sanh lên thiên giới.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Người nào được thành tựu,
Ðầy đủ hai pháp này,
Ðầy đủ Giới hiền thiện,
Ðầy đủ Kiến hiền thiện
Khi thân hoại mạng chung,
Người có chánh trí tuệ,
Người ấy sẽ được sanh
Vào cảnh giới cõi trời
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(XXXIV) (Duk. I,7) (It. 27)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có nhiệt tình, không có sợ hãi, không có thể chứng được Chánh giác, không có thể chứng được Niết-bàn, không có thể chứng được vô thượng an ổn khỏi các khổ ách. Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có nhiệt tình, có sợ hãi, có thể chứng được giác ngộ, có thể chứng được Niết-bàn, có thể chứng được vô thượng an ổn khỏi các khổ ách.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Người không có nhiệt tình,
Không có biết sợ hãi,
Biếng nhác, không tinh cần,
Nhiều hôn trầm thụy miên,
Không biết đến xấu hổ,
Không có lòng tôn kính,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Không có thể đạt tới,
Tối thượng Chánh-Ðẳng-Giác.
Ai giữ được chánh niệm,
Thông minh, tu thiền định,
Nhiệt tình, biết sợ hãi,
Và không có phóng dật,
Sau khi chặt đứt được
Kiết sử sanh và già,
Ở đây có thể đạt,
Chánh Ðẳng Giác vô thượng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XXXV) (Duk. I,8) (It. 28)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh được sống, không vì mục đích lừa dối quần chúng, không vì mục đích nịnh hót quần chúng, không vì mục đích được lợi ích, lợi dưỡng, cung kính, danh vọng, nghĩ rằng: "Mong rằng quần chúng biết đến ta". Này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh được sống vì mục đích chế ngự và vì mục đích đoạn tận.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nghe:
Với mục đích chế ngự,
Với mục đích đoạn tận,
Không kể người nói gì,
Thế Tôn đã thuyết giảng
Về nếp sống Phạm hạnh,
Một nếp sống đưa đến
Thể nhập vào Niết-bàn,
Ðường này là con đường
Ðược các bậc Ðại nhân,
Ðược các Ðại ẩn sĩ,
Noi theo và thực hiện,
Và những ai dấn bước,
Chính trên con đường ấy,
Như đức Phật đã dạy,
Sẽ làm khổ lắng dịu,
Và thực hành làm đúng,
Như lời Ðạo sư dạy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XXXVI) (Duk. I,9) (It. 26)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh được sống, không vì mục đích lừa dối quần chúng, không vì mục đích nịnh hót quần chúng, không vì mục đích được lợi ích, lợi dưỡng, cung kính, danh vọng, nghĩ rằng: "Mong rằng quần chúng biết đến ta". Này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh được sống vì mục đích thắng tri, vì mục đích liễu tri.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điêù này được nói đến:
Với mục đích thắng tri,
Với mục đích liễu tri
Không kể ngưòi nói gì,
Thế Tôn đã thuyết giảng
Về nếp sống Phạm hạnh,
Một nếp sống đưa đến,
Thể nhập vào Niết-bàn,
Ðường này là con đường
Ðược các bậc Ðại nhân,
Ðược các Ðại ẩn sĩ
Noi theo và thực hiện,
Và những ai dấn bước,
Chính trên con đường ấy,
Như đức Phật đã dạy.
Sẽ làm khổ lắng dịu,
Và thực hành làm đúng,
Như lời Ðạo sư dạy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XXXVII) (Duk. I,10) (It. 27)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ðầy đủ hai pháp, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại an trú với nhiều lạc hỷ, như lý nỗ lực để diệt tận các lậu hoặc. Thế nào là hai? Với sự hứng khởi đối với những trường hợp đáng phấn khởi, và như lý tinh cần đối với phấn khởi. Thành tựu hai pháp này, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ngay trong hiện tại sống với nhiều lạc hỷ, như lý nỗ lực để diệt tận các lậu hoặc.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Bậc có trí phấn khởi,
Trường hợp đáng phấn khởi,
Vị Tỷ-kheo nhiệt tình,
Thông minh và cẩn trọng,
Quán xuyến nhìn sự vật,
Với trí tuệ Bát-nhã,
Nhiệt tình trú như vậy,
Sống đời sống an tịnh,
Không bồng bột hăng say,
Chú lực tâm tịnh chỉ,
Có thể đạt chứng được,
Ðoạn diệt các khổ đau.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XXXVIII) (Duk. II, 1) (It. 31)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo. Với Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, hai tầm tứ được hành trì nhiều đó là an ổn và ẩn dật. Này các Tỷ-kheo, Như Lai ưa thích không làm hại, thích thú không làm hại. Với Như Lai ấy, này các Tỷ-kheo, ưa thích không làm hại này, thích thú không làm hại này, tầm tứ này được hành trì nhiều. "Với cử chỉ uy nghi này Ta không làm hại một ai, dầu là loài động vật hay không động vật". Này các Tỷ-kheo, Như Lai ưa thích ẩn dật, thích thú ẩn dật. Với Như Lai ấy, này các Tỷ-kheo, ưa thích ẩn dật này, thích thú ẩn dật. Với Như Lai ấy, này các Tỷ-kheo, ưa thích ẩn dật này, thích thú ẩn dật này, tầm tứ này được hành trì nhiều! Phàm có bất thiện gì, thì đều được đoạn tận. Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy hãy an trú, hân hoan trong không làm hại, thích thú trong không làm hại. Này các Tỷ-kheo, với các Thầy an trú, hân hoan trong không làm hại, thích thú trong không làm hại, tầm tứ này sẽ được hành trì nhiều. "Với cử chỉ uy nghi naỳ, chúng ta không làm hại một ai, dầu là loài động vật hay không động vật". Này các Tỷ-kheo, hãy an trú hân hoan trong ẩn dật, thích thú trong ẩn dật. Này các Tỷ-kheo, với các Thầy an trú hân hoan trong ẩn dật, thích thú trong ẩn dật, tầm tứ này sẽ được hành trì nhiều. Còn có gì bất thiện, còn có gì chưa đoạn tận, còn có gì chúng ta phải từ bỏ nữa đâu?
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Như Lai, bậc Giác ngộ,
Bậc có thể nhẫn nại,
Những gì mà người khác,
Không có thể nhẫn nại,
Hai tầm tứ, vị ấy
Hành trì và thực hiện,
Trước hết được nói đến,
Là an ổn tầm tứ,
Thứ đến là ẩn dật,
Thứ hai được trình bày,
Phá tan màn hắc ám,
Ðã đến bờ bên kia,
Bậc Ðại sĩ đạt được,
Quyền lực không lậu hoặc,
Ðạt thân mạng tối hậu
Trong ái diệt, giải thoát.
Vị ẩn sĩ như vậy,
Chắc mang thân tối hậu,
Ta nói rằng vị ấy
Từ bỏ được kiêu mạn,
Thoát khỏi được già lão,
Ðạt được bờ bên kia.
Như đứng trên tảng đá,
Trên đỉnh núi đầu non,
Ðưa mắt nhìn xung quanh,
Quần chúng dưới chân mình,
Cũng vậy bậc Thiện tuệ,
Leo lên lầu Chánh pháp
Biến nhãn không sầu muộn,
Nhìn xuống đám quần sanh,
Bị ưu tư sầu khổ,
Bị sanh già áp bức.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XXXIX) (Duk. II, 2) (It. 33)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Có hai loại thuyết pháp của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh-Ðẳng Giác, cái này tiếp nối cái kia. Thế nào là hai? "Hãy thấy ác là ác", đây là thuyết pháp thứ nhất. Sau khi thấy ác là ác, ở đây, "Hãy nhàm chán, hãy từ bỏ, hãy thoát ly", đây là thuyết pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, có hai loại thuyết pháp này của Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, cái này tiếp nối cái kia.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với Như Lai, Phật Ðà,
Từ mẫn mọi chúng sanh,
Hãy thấy lời thuyết giảng,
Tuần tự pháp theo pháp,
Hai pháp được trình bày,
Một là hãy nhìn rõ,
Pháp ác là pháp ác
Và chính tại ở đây,
Từ bỏ, không tham đắm.
Từ đây, không tham đắm,
Hãy làm cho an tịnh,
Mọi khổ đau phiền não.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XL) (Duk. II, 3) (It. 34)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, vô minh đi trước, làm cho đạt được các pháp bất thiện; tiếp theo là không xấu hổ, không sợ hãi. Này các Tỷ-kheo, minh đi trước, làm cho đạt được các pháp thiện; tiếp theo là xấu hổ và sợ hãi.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Phàm có ác thú gì,
Ðời này và đời sau,
Tất cả do vô minh,
Làm gốc, làm cội rễ,
Dục tham được cất chứa,
Vì rằng kẻ ác dục,
Không xấu hổ, không kính,
Từ đó nó khởi ác,
Do vậy đi đọa xứ.
Vậy hãy nên từ bỏ,
Dục tham và vô minh,
Muốn minh được sanh khởi,
Tỷ-kheo cần từ bỏ
Tất cả mọi ác thú.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLI) (Duk. II, 4) (It. 35)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, những chúng sanh nào bị thối đọa khỏi Thánh trí tuệ, những chúng sanh ấy là khéo thối đọa, ngay trong hiện tại, họ an trú trong đau khổ, với tàn hại, với ưu não, với nhiệt não. Sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là ác thú. Này các Tỷ-kheo, những chúng sanh nào không bị thối đọa khỏi Thánh trí tuệ, những chúng sanh ấy không có thối đọa. Ngay trong hiện tại, họ an trú trong an lạc, không có tàn hại, không có ưu não, không có nhiệt não. Sau khi thân hoại mạng chung, chờ đợi là thiện thú.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Thối đọa khỏi trí tuệ,
Hãy nhìn xem, thế giới
Với hàng ngũ chư Thiên,
An trú trong danh sắc,
Nghĩ rằng: "Ðây sự thật"
Nhưng thù thắng ở đời,
Lại chính là trí tuệ,
Chính tuệ dắt dẫn đến
Thể nhập được Niết-bàn,
Và chơn chánh quán tri,
Sự hoại diệt sanh hữu,
Chư Thiên và loài Người,
Hoan hỷ được chiêm ngưỡng,
Chư Phật Chánh Ðẳng Giác,
Những bậc giữ chánh niệm,
Ðầy đủ với trí tuệ,
Mang thâm này cuối cùng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLLII) (Duk. II, 5) (It. 36)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai pháp trắng này che chở cho đời. Thế nào là hai? Xấu hổ và sợ hãi. Này các Tỷ-kheo, nếu hai pháp này không che chở cho đời, thời ở đây không có sự phân biệt giữa mẹ, chị em của mẹ, vợ của anh em của mẹ hay giữa vợ của bậc giáo thọ sư, giữa những người vợ của những bậc đáng được kính trọng; thế giới sẽ rơi vào loạn luân như các loài dê cừu, gia cầm, heo, chó và các con chó rừng. Vì rằng, này các Tỷ-kheo, có hai pháp trắng này che chở cho đời, cho nên ở đây có sự phân biệt giữa mẹ, chị em của mẹ, vợ của anh em của mẹ, hay vợ của bậc giáo thọ sư, giữa những người vợ của những bậc đáng được kính trọng.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với những ai không có,
Xấu hổ và sợ hãi,
Liên tục và thường xuyên,
Họ đi xuống bào thai,
Dựa trên gốc tinh dịch
Họ đi đến sanh tử,
Với những ai chánh trí,
Xấu hổ và sợ hãi,
Liên tục và thường xuyên,
Vững trú trên Phạm hạnh,
Họ được sự an tịnh,
Tái sanh được diệt tận.
ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLIII) (Duk. II, 6) (It. 37)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra. Này các Tỷ-kheo, nếu không có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra, thì ở đây không thể trình bày được sự xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra. Do vì, này các Tỷ-kheo, có cái không sanh, không hiện hữu, không tác thành, không làm ra, nên có thể trình bày được sự xuất ly khỏi sanh, khỏi hiện hữu, khỏi tác thành, khỏi làm ra.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Có cái sanh, hiện hữu,
Cái khởi lên làm ra,
Hữu vi không thường hằng,
Tác thành ra già chết,
Một ổ của bệnh hoạn,
Mỏng manh, giòn, dễ vỡ,
Nhờ đồ ăn nuôi dưỡng,
Nên mới được hiện hữu,
Vật ấy thật không đủ
Ðể hoan hỷ ưa thích,
Thật có cái xuất ly,
Ra khỏi được cái ấy,
Thật có vượt lý luận,
Thường hằng, không sanh khởi,
Không có cái khởi lên,
Con đường không cấu uế,
Không đưa đến sầu muộn,
Ðoạn diệt các pháp khổ,
Sự tịnh chỉ mọi hành,
An lạc thật tịnh lạc.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLIV) (Duk. III, 7) (It. 38)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai Niết-bàn giới này. Thế nào là hai? Niết-bàn giới có dư y và Niết-bàn giới không có dư y.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Niết-bàn giới có dư y? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Trong vị ấy, năm căn còn tồn tại, ngang qua các căn ấy, vị ấy hưởng thọ khả ý, không khả ý vì rằng tự ngã không có thương hại cảm giác lạc khổ. Với vị ấy, tham diệt, sân diệt, si diệt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Niết-bàn có dư y.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Niết-bàn giới không có dư y? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo là bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, hữu kiết sử đã diệt, đã giải thoát nhờ chánh trí. Ở đây, đối vị ấy, mọi cảm thọ đều không có hoan hỷ ưa thích, sẽ được lắng dịu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là Niết-bàn không có dư y. Này các Tỷ-kheo có hai Niết-bàn giới này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này, ở đây điều này được nói đến.
Hai Niết-bàn giới này,
Ðược vị có pháp nhãn,
Trình bày và thuyết giảng,
Không y tựa như vậy,
Một loại Niết-bàn giới,
Ở đây, thuộc hiện tại
Còn có các dư y,
Nuôi dưỡng hữu bị diệt.
Không dư y Niết bàn,
Lại thuộc về tương lai,
Với vị đạt giới này,
Mọi hữu diệt hoàn toàn.
Những ai với chánh trí,
Biết con đường vô vi,
Tâm tư được giải thoát,
Nuôi dưỡng hữu bị diệt,
Những ai chứng đạt được
Gốc lõi của các pháp,
Hoan hỷ trong diệt tận,
Những vị ấy như vậy,
Ðã từ bỏ hoàn toàn,
Tất cả mọi sanh hữu.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLV) (Duk. II, 8) (It 39)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, hãy sống ưa muốn ẩn dật thiền định, thích thú ẩn dật thiền định, chuyên chú nội tâm tịnh chỉ, không gián đoạn thiền tịnh, thành tựu quán tri, hành trì hạnh đi đến các ngôi nhà trống. Này các Tỷ-kheo sống ưa muốn ẩn dật thiền định, thích thú ẩn dật thiền tịnh, chuyên chú vào nội tâm tịnh chỉ, không gián đoạn thiền tịnh, thành tựu quán trí, hành tri hạnh đi đến các ngôi nhà trống, thời được chờ đợi là một trong hai quả này: ngay trong hiện tại được chánh trí, hay nếu có dư y, được quả Bất Lai.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Những ai tâm an tịnh,
Thông minh và thận trọng,
Chánh niệm tu thiền định,
Quán nhìn pháp chơn chánh,
Không chờ đợi ham muốn,
Ðối với các loại dục,
Ưa muốn không phóng dật,
Sống an tịnh có mặt,
Thấy được sự sợ hãi,
Trong nếp sống phóng dật,
Họ không bị thối đọa,
Họ đến gần Niết bàn.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLVI) (Duk. II, 9) (It. 40).
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, hãy an trú cho lợi ích của học tập, cho trí tuệ tối thượng, cho lõi cây giải thoát, cho niệm được tăng thượng. Này các Tỷ-kheo, an trú cho lợi ích của học tập, cho trí tuệ tối thượng, cho lõi cây giải thoát, cho niệm được tăng thượng, thời được chờ đợi là một trong hai quả này: được chánh tri ngay trong hiện tại, hay nếu có dư y, chứng được Bất-lai.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Bậc hữu học viên mãn,
Không còn bị thối đọa,
Ðạt tối thượng trí tuệ,
Thấy sanh được diệt tận.
Ta nói chắc chắn rằng,
Ẩn sĩ Mâu-ni ấy,
Mang sắc thân cuối cùng.
Ðã từ bỏ kiêu mạn,
Ðã vượt qua bờ kia,
Thoát khỏi sự già yếu.
Do vậy hãy luôn luôn,
Vui trong thiền, thiền định,
Nhiệt tâm và nỗ lực,
Thấy sanh được diệt tận,
Hỡi này các Tỷ-kheo,
Hãy nhiếp phục ma quân,
Tu tập vượt qua được,
Thoát khỏi sự già chết.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LVIII) (Duk. II, 10) (It. 41)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo phải sống cảnh giác, chánh niệm, tỉnh giác, thiền định, hoan hỷ, tín thành, và ở đây quán tri đúng thời trong các pháp thiện. Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo sống cảnh giác, chánh niệm, tỉnh giác, thiền định, hoan hỷ, tín thành, quán tri đúng thời trong các pháp thiện, thời được chờ đợi là một trong hai quả này: Ðược chánh tri ngay trong hiện tại, hay nếu có dư y, chứng được Bất lai.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Hỡi các bậc cảnh giác,
Hãy lắng nghe điều này,
Những ai còn nằm ngủ,
Hãy thức dậy tỉnh thức,
Thức tỉnh là tốt hơn,
Hơn kẻ đang nằm ngủ,
Ðối với người thức tỉnh,
Không có sự sợ hãi,
Người thức tỉnh, thức giấc,
Chánh niệm và tỉnh giấc,
Thiền định, tâm hoan hỷ,
Nhiệt tình đầy tín thành,
Chơn chánh biết thời giờ,
Thắng quán đến Chánh pháp,
Ðạt được sự nhất tâm,
Quét sạch mọi tăm tối.
Do vậy hãy tu tập,
Thức tỉnh và nhiệt tình,
Vị Tỷ-kheo thông minh,
Thận trọng, chứng cảnh thiền,
Chặt đứt các kiết sử,
Trói buộc sanh với già,
Chính tại ở đời này,
Chứng chánh giác Vô thượng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLVIII) (Duk. II, 11) (It. 42)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có hai hạng người bị đọa lạc, bị đọa vào địa ngục nếu họ không đoạn tận lỗi lầm của họ. Thế nào là hai? Ai sống phi Phạm hạnh, lại tự cho sống Phạm hạnh. Ai đối với người sống Phạm hạnh viên mãn, thanh tịnh, lại buộc tội chỉ trích là phi Phạm hạnh không có căn cứ. Này các Tỷ-kheo, hai hạng người này bị đọa lạc, bị đọa vào địa ngục, nếu họ không đoạn tận lỗi lầm của họ.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai nói lời không chơn,
Rơi vào cõi địa ngục,
Ai sau khi đã làm,
Lại nói tôi không làm,
Cả hai sau khi chết,
Ðều đồng đẳng như nhau,
Họ đều là những người,
Làm các nghiệp hạ liệt,
Thuộc về cảnh đời sau,
Lại có rất nhiều người,
Tuy mang áo cà-sa,
Họ không có chế ngự,
Ðối với các pháp ác,
Do họ làm nghiệp ác,
Họ phải sanh địa ngục,
Tốt hơn đối với họ,
Là nuốt cục sắt tròn
Cháy đỏ như đống lửa,
Còn hơn kẻ ác giới,
Không biết có chế ngự,
Nếu có ăn dùng gì,
Các món ăn quốc độ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XLIX) (Duk. II, 12) (It. 43)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, chư Thiên và loài Người bị xâm chiếm bởi hai tà kiến, một số người chấp chặt, một số người đi quá trớn, một số người có mắt thấy được.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là một số người chấp chặt? Này các Tỷ-kheo, có chư Thiên và loài Người ưa muốn sanh hữu, khi các pháp đoạn diệt sanh hữu được giảng cho họ, tâm họ không có phấn khởi, không có tín thành, không có an trú, không có bị lôi cuốn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đó là một số người chấp chặt.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là một số người đi quá trớn? Nhưng có một số người lo âu, xấu hổ, nhàm chán với sanh hữu, hoan hỷ, phi sanh hữu. Họ nói: "Vì rằng khi thân hoại mạng chung, tự ngã này bị chặt đứt, bị hoại diệt, không có tồn tại sau khi chết. Quan điểm này là thiết thực, là thù thắng, là chân thật". Như vậy này các Tỷ-kheo, đó là một số người đi quá trớn.
Và này các Tỳ Kheo, thế nào là một số có mắt được thấy? Ở đây, Tỷ-kheo thấy sự sanh hữu là sanh hữu, sau khi thấy sự sanh hữu, vị ấy hướng đến nhàm chán, ly tham, đoạn diệt. Như vậy này các Tỷ-kheo, đó là những người có mắt được thấy.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Những ai đã thấy được
Sanh hữu là sanh hữu,
Thấy được sự vượt qua
Của sự sanh hữu ấy.
Những vị ấy giải thoát,
Ðối như thật hiện hữu,
Vì nhờ đoạn diệt được
Tham ái đối sanh hữu.
Nếu vị ấy liễu tri,
Sanh hữu là sanh hữu,
Vị ấy ly tham ái
Ðối hữu và phi hữu,
Tỷ-kheo quyết phi hữu,
Ðối với chính sanh hữu,
Sẽ không còn đi đến
Sanh đi rồi sanh lại.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(L) (Tik. I, 1) (It. 45)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba căn bản bất thiện này. Thế nào là ba? Tham là căn bản bất thiện; Sân là căn bản bất thiện; Si là căn bản bất thiện. Này các Tỷ-kheo, có ba căn bản bất thiện này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Tham, sân, si làm hại,
Người có tâm ác độc,
Họ tự mình hiện hữu,
Như giả từ lõi, vỏ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LI) (Tik. I, 2) (It. 45)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba giới này. Thế nào là ba? Sắc giới, vô sắc giới, diệt giới. Này các Tỷ-kheo, có ba giới này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai liễu tri sắc giới,
Không an trú vô sắc,
Những ai được giải thoát,
Ðối với đoạn diệt giới,
Các chúng sanh như vậy,
Xả ly được thần chết,
Với thân cảm giác được,
Bất tử, không sanh y,
Xả ly, từ bỏ hẳn,
Sanh y đưa đến hữu,
Sau khi tự chứng được,
Không còn có lậu hoặc,
Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác,
Thuyết pháp con đường chánh,
Không có gì sầu muộn,
Trong sạch không cấu uế.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LII) (Tik. I, 3) (It. 46)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ðịnh tĩnh và tỉnh giác,
Chánh niệm đệ tử Phật,
Quán tri các cảm thọ,
Và hiện hữu các thọ.
Tại đấy, tâm được diệt,
Con đường đưa đến diệt,
Tỷ-kheo nhờ diệt thọ,
Không ham muốn, tịch tịnh.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LIII) (Tik. I, 4) (It. 47)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba cảm thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, bất khổ bất lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, lạc thọ cần phải được xem như là khổ. Khổ thọ cần phải được xem như là mũi tên. Bất khổ bất lạc thọ cần phải được xem như là vô thường. Vì rằng này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đã xem lạc thọ như là khổ, đã xem khổ thọ như là mũi tên, đã xem bất khổ bất lạc thọ như là vô thường, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo này gọi là bậc Thánh đã chơn chánh thấy, đã chặt đứt ái, đã giải toả kiết sử đã chơn chánh thắng tri mạn, đã đoạn tận khổ đau.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai thấy lạc là khổ,
Thấy khổ là mũi tên,
Thấy bất khổ bất lạc
Thọ ấy là vô thường,
Tỷ-kheo ấy thật sự
Ðã thấy thật chơn chánh,
Chính tại ở nơi đây,
Từ đấy được giải thoát.
Thành tựu được thắng trí,
Bậc ẩn sĩ an tịnh
Chắc chắn đã vượt qua
Các ách nạn trói buộc.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LIV) (Tik. I, 5) (It. 48)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba tầm cầu này. Thế nào là ba? Dục tầm cầu, hữu tầm cầu, Phạm hạnh tầm cầu. Này các Tỷ-kheo, có ba tầm cầu này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ðịnh tĩnh và tỉnh giác,
Chánh niệm đệ tử Phật,
Quán tri các tầm cầu,
Và hiện hữu tầm cầu,
Ở đây, tâm ấy diệt.
Và con đường đến diệt.
Tỷ-kheo do diệt tận,
Các loại tầm cầu ấy,
Không còn có ước muốn
Ðược lắng dịu tịch tịnh.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LV) (Tik. I, 6) (It. 48)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba tầm cầu này. Thế nào là ba? Dục tầm cầu, hữu tầm cầu, Phạm hạnh tầm cầu. Này các Tỷ-kheo, có ba tầm cầu này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Dục và hữu tầm cầu,
Cùng Phạm hạnh tầm cầu
Nếu chấp trước nắm giữ
Chính đây là sự thật,
Như vậy là chất chứa,
Ðủ mọi loại kiến xứ,
Với ai không ham muốn
Ðối với các loại tham,
Vị ấy được giải thoát,
Nhờ diệt được khả ái,
Tầm cầu được từ bỏ,
Kiến xứ được nhổ lên,
Tỷ-kheo do diệt tận
Các loại tầm cầu ấy,
Không còn có mong cầu,
Không còn có nghi hoặc.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LVI) (Tik. I, 7) (It. 49)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba lậu hoặc này. Thế nào là ba? Dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu. Này các Tỷ-kheo, có ba lậu hoặc này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ðịnh tĩnh và tỉnh giác
Chánh niệm đệ tử Phật,
Quán tri các lậu hoặc,
Và hiện hữu lậu hoặc,
Ở đây tâm được diệt,
Và con đường đến diệt,
Tỷ-kheo đã diệt tận,
Các loại lậu hoặc ấy,
Không còn có ước muốn,
Ðược lắng dịu, tịch tịnh.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LVII) (Tik. I,8) (It. 49)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba loại lậu hoặc này. Thế nào là ba? Dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Này các Tỷ-kheo, có ba lậu hoặc này. Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, ý nghĩa này được nói đến.
Ai đoạn trừ dục lậu,
Ly tham thoát vô minh,
Hữu lậu được đoạn trừ,
Giải thoát khỏi sanh y,
Mang cái thân cuối cùng,
Dẹp tan cỗ xe ma.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LVIII) (Tik. I, 9) (It. 50)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba khát ái này. Thế nào là ba? Dục ái, hữu ái, phi hữu ái. Này các Tỷ-kheo, có ba khát ái này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, ý nghĩa này được nói đến.
Trói buộc bởi ái triền,
Tâm ưa hữu, phi hữu,
Bị ma triền trói buộc,
Chúng sanh ấy không được,
An ổn khỏi ách nạn.
Chúng sanh đi luân chuyển,
Ðến sanh rồi đến chết.
Những ai đoạn được ái,
Ly ái hữu, phi hữu,
Họ đến bờ bên kia,
Trong thế giới hiện tại,
Họ đã chứng đạt được,
Các lậu hoặc đoạn tận.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LIX) (Tik. I, 10) (It. 50).
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Thành tựu với ba pháp, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo vượt qua được thế lực của Ác ma, và chói sáng như mặt trời. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo thành tựu vô học giới uẩn, thành tựu vô học định uẩn, thành tựu vô học tuệ uẩn. Thành tựu với ba pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo vượt qua được thế lực của Ác-ma, và chói sáng như mặt trời.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Giới, định và trí tuệ,
Với ai khéo tu tập,
Vị ấy vượt qua khỏi
Thế lực của Ác ma,
Và chói sáng rực sáng,,
Như mặt trời chói sáng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LX) (Tik. II, 1) (It. 51)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba phước nghiệp sự này. Thế nào là ba? Phước nghiệp sự do bố thí tác thành, phước nghiệp sự do giới tác thành, và phước nghiệp do sự tu tập tác thành. Này các Tỷ-kheo, có ba phước nghiệp sự này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Hãy để cho người ấy,
Học tập làm công đức,
Hướng dẫn đến tương lai
Ðem lại căn an lạc.
Hãy tu tập bố thí,
Tập sở hành an tịnh,
Và tu tập từ tâm,
Tu xong ba pháp ấy,
Những pháp khởi lạc thọ.
Bậc Hiền trí được sanh,
Tại thế giới an lạc,
Không phiền não hận thù.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXI) (Tik. II, 2) (It. 52)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba con mắt này. Thế nào là ba? Mắt thịt, mắt chư Thiên và mắt trí tuệ. Này các Tỷ-kheo có ba loại mắt này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Mắt thịt, mắt chư Thiên,
Vô thượng mắt trí tuệ,
Có ba loại mắt ấy,
Ðược bậc Vô thượng nhân,
Ðã tuyên bố trình bày,
Sanh khởi của mắt thịt,
Con đường mắt chư Thiên,
Từ đấy, trí khởi lên,
Tuệ nhãn là tối thượng,
Ai chứng được mắt ấy,
Giải thoát mọi đau khổ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXII) (Tik. II, 3) (It. 53)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba căn này. Thế nào là ba? Vị tri đương tri căn, tri căn, cụ tri căn (căn: "Tôi sẽ biết điều chưa được biết"; căn về sự biết; căn của người đã biết). Này các Tỷ-kheo, có ba loại căn này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Vị hữu học học tập,
Ði theo con đường thẳng,
Ở trong sự diệt tận,
Trí thứ nhất khởi lên,
Từ đó không gián đoạn,
Tiếp theo là chơn trí,
Chính từ chơn trí ấy,
Ðạt được sự giải thoát
Chắc chắn vị như vậy,
Là vị có chánh trí,
Giải thoát ta bất động,
Nhờ diệt hữu kiết sử,
Vị đầy đủ các căn
Chắc chắn được an tịnh,
Và ưa thích con đường,
Ðưa đến sự an tịnh,
Mang thân thể cuối cùng,
Sau khi đánh bại được
Ác ma với con voi
Ðược cỡi khi lâm trận.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXIII) (Tip. II, 4) (It. 53)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba thời gian này. Thế nào là ba? Thời gian quá khứ, thời gian tương lại, thời gian hiện tại. Này các Tỷ-kheo, có ba thời gian này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Chúng sanh cần tưởng đến
Những gì được tuyên bố,
An trú thật vững vàng,
Trên điều được tuyên bố
Nếu không có liễu tri,
Ðiều đáng được tuyên bố,
Họ đi đến ách nạn,
Dưới ách của thần chết.
Nếu đã liễu tri được
Ðiều đáng được tuyên bố,
Vị ấy không nghĩ đến,
Ðiều đã được nói lên,
Chính nhờ có tâm ý,
Giải thoát được cảm giác,
Về con đường an tịnh
Vô thượng không gì hơn.
Ai thật được đầy đủ,
Về điều đáng tuyên bố,
Tự mình được an tịnh,
Ưa thích đường an tịnh,
Sống bình tĩnh tinh tấn.
An trú trên chánh pháp,
Vị ấy vượt tên gọi,
Thành đạt được trí tuệ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXIV) (Tik. II, 5) (It. 54)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba ác hành này. Thế nào là ba? Thân ác hành, ngữ ác hành, ý ác hành. Này các Tỷ-kheo, có ba ác hành này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Làm ác hạnh về thân,
Làm ác hạnh về lời,
Làm ác hạnh về ý,
Và bất cứ hạnh gì,
Ðều được gọi hạnh ác,
Không làm nghiệp lành nào,
Làm nhiều nghiệp không thiện,
Khi thân hoại mạng chung,
Với trí tuệ hạ liệt,
Vị ấy phải sanh vào
Trong cảnh giới địa ngục.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXV) (Tik. II, 6) (It. 55)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba thiện hành này. Thế nào là ba? Thân thiện hành, ngữ thiện hành, ý thiện hành. Này các Tỷ-kheo, có ba thiện hành này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Từ bỏ thân làm ác,
Từ bỏ lời nói ác,
Từ bỏ ý nghĩ ác,
Và bất cứ hạnh gì,
Ðược gọi là hạnh ác,
Không làm các điều ác,
Làm nhiêù những hạnh lành,
Khi thân hoại mạng chung,
Với trí tuệ thù thắng,
Vị ấy được sanh lên,
Trong cảnh giới chư Thiên.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXVI) (Tik. II, 7) (It. 55)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba thanh tịnh này. Thế nào là ba? Thân thanh tịnh, lời thanh tịnh, ý thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, có ba thanh tịnh này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Thân và lời thanh tịnh
Và ý cũng thanh tịnh,
Không có các lậu hoặc,
Ðầy đủ sự thanh tịnh,
Vị như vậy được gọi
Ðã từ bỏ tất cả.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXVII) (Tik. II, 8) (It. 56)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba trầm lặng này. Thế nào là ba? Thân trầm lặng, lời trầm lặng, ý trầm lặng. Này các Tỷ-kheo, có ba trầm lặng này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Thân và lời trầm lặng
Và ý cũng trầm lặng,
Không có các lậu hoặc,
Ðầy đủ với trầm lặng
Của các bậc chân ẩn sĩ,
Ðuợc tên gọi là vị
Ðã tắm sạch điều ác.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXVIII) (Tik. II, 9) (It. 56)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, với ai tham chưa đoạn tận, sân chưa đoạn tận, si chưa đoạn tận. Này các Tỷ-kheo, người ấy được gọi là người bị trói buộc với Ác ma, bị bẫy lưới của Ác ma bao trùm, bị làm theo ý Ác ma muốn. Này các Tỷ-kheo, với ai tham đã đoạn tận, sân đã đoạn tận, si đã đoạn tận, này các Tỷ-kheo, người ấy được gọi là người không trói buộc với Ác ma, được thoát khỏi bẫy lưới của Ác ma, không bị làm theo Ác ma muốn.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến
Với ai đã từ bỏ
Tham, sân và vô minh,
Vị ấy được gọi là
Ðã tu tập tự ngã,
Ðã trở thành Phạm Thiên
Bậc Như Lai, Phật-đà,
Bậc đã vượt qua được,
Hận thù và sợ hãi,
Bậc đoạn tận tất cả,
Ðược gọi danh như vậy.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXIX) (Tik. II, 10) (It. 57)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Với Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào, này các Tỷ-kheo, tham chưa đoạn tận, sân chưa đoạn tận, si chưa đoạn tận; này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là vị chưa vượt qua đại dương, với sóng biển, với sóng ngầm, với nước xoáy, với cá mập, với các loài La-sát. Này các Tỷ-kheo, với Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo ni nào, tham đã đoạn tận, sân đã đoạn tận, si đã đoạn tận; này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là: "Ðã vượt qua đại dương, với sóng biển, với sóng ngầm, với nước xoáy, với cá mập, với các loài la-sát, đã vượt qua bờ kia, là vị Bà-la-môn đã đứng trên đất liền.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Với ai đã từ bỏ
Tham, sanh và vô minh,
Vị ấy được gọi là
Ðã vượt qua biển này,
Với cá mập, Dạ-xoa,
Với sóng biển hãi hùng,
Rất khó được vượt qua,
Là vị vượt ác triền,
Ðã từ bỏ thần chết,
Không còn có sanh y,
Ðã từ bỏ đau khổ,
Không còn có tái sanh,
Ðã đi đến mục đích,
Không thể ước lượng được,
Ta nói rằng vị ấy
Làm ma vương si ám.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXX) (Tik. III, 1) (It. 58)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ta đã thấy, này các Tỷ-kheo, các chúng sanh thành tựu thân làm ác, thành tựu lời nói ác, thành tựu ý nghĩ ác, chỉ trích các bậc Thánh, có tà kiến, chấp nhận các nghiệp bị tà kiến chi phối. Sau khi thân hoại mạng chung, họ bị sanh vào cõi dữ, ác thú đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, sau khi không nghe một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác nói lên, Ta nói nên lời nói này: "Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh thành tựu thân làm ác, thành tựu lời nói ác, thành tựu ý nghĩ ác, chỉ trích các bậc Thánh, có tà kiến, chấp nhận các nghiệp bị tà kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, chúng phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục". Và này các Tỷ-kheo, vì rằng Ta tự mình biết, tự mình thấy, tự mình tìm ra, nên Ta tuyên bố rằng: "Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, thành tựu thân làm ác, thành tựu lời nói ác, thành tựu ý nghĩ ác, chỉ trích các bậc Thánh, có tà kiến, chấp nhận các nghiệp bị tà kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, họ phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục".
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này đã được nói đến.
Dẫn ý vào đường tà
Nói những lời tà ngữ,
Với thân làm nghiệp tà,
Người ở đời làm vậy.
Ít nghe, ít học hỏi,
Không làm các công đức,
Ở đây sống trong đời,
Với sanh mạng ít oi,
Khi thân hoại mạng chung,
Người ấy với liệt tuệ,
Bị sanh vào địa ngục.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXI) (Tik, III, 2) (It. 59)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Ta đã thấy, này các Tỷ-kheo, các chúng sanh thành tựu thân làm thiện, thành tựu nói lời thiện, thành tựu ý nghĩ thiện, không chỉ trích các bậc Thánh, có chánh kiến, chấp nhận các nghiệp được chánh kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, họ được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này. Này các Tỷ-kheo, sau khi không nghe một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác nói lên, Ta nói lên lời nói này: "Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh thành tựu thân làm thiện, thành tựu lời nói thiện, thành tựu ý nghĩa thiện không chỉ trích các bậc Thánh, có chánh kiến, chấp nhận các nghiệp được chánh kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, họ được sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này". Và này các Tỷ-kheo, vì rằng Ta tự mình biết, tự mình thấy, tự mình tìm ra, nên Ta tuyên bố rằng: "Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, thành tựu thân làm thiện, thành tựu lời nói thiện, thành tựu ý nghĩ thiện, không chỉ trích các bậc Thánh, có chánh kiến, chấp nhận các nghiệp được chánh kiến chi phối, sau khi thân hoại mạng chung, họ sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này".
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Dẫn ý vào đường chánh,
Nói những lời chánh ngữ,
Với thân làm nghiệp chánh,
Người ở đời làm vậy.
Nghe nhiều học hỏi nhiều
Làm các việc công đức,
Ở đây sống trong đời,
Với sanh mạng ít oi,
Khi thân hoại mạng chung,
Người ấy với trí tuệ.
Người ấy làm như vậy,
Ðược sanh lên cõi Trời.
Ý nghĩa này đã được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXII) (Tik, III, 3) (It. 60)
Ðiều này được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba xuất ly giới này. Thế nào là ba? Sự xuất ly này khỏi các dục, tức là viễn ly. Sự xuất ly này khỏi các sắc, tức là vô sắc. Sự đoạn diệt cái gì được hiện hữu, được làm ra, được duyên khởi, là sự xuất ly cái ấy. Này các Tỷ-kheo, có ba xuất ly giới này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Biết được xuất ly dục,
Vượt qua được các sắc,
Tịnh chỉ tất cả hành,
Luôn luôn cảm nhiệt tình,
Tỷ-kheo ấy thấy chánh,
Từ đấy, chính ở đây,
Vị ấy được giải thoát,
Thắng trí được viên thành,
Sống nếp sống an tịnh
Vị ấy sống như vậy,
Thật sự là ẩn sĩ,
Ðã vượt khỏi các ách.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(LXXIII) (Tik. III, 4) (It. 61)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, các pháp vô sắc an tịnh tốt hơn các sắc pháp; đoạn diệt an tịnh tốt hơn các pháp vô sắc.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Chúng sanh đi đến sắc,
Có chúng trú vô sắc,
Không quán tri đoạn diệt,
Họ đi đến tái sanh.
Những ai liễu tri sắc,
Không an trú vô sắc,
Chính trong sự đoạn diệt,
Họ đạt được giải thoát,
Các hạng người như vậy,
Họ bỏ rơi thần chết.
Với thân cảm xúc được,
Bất tử không sanh y,
Sanh y được xả ly,
Chứng được, không lậu hoặc,
Vị Chánh đẳng Chánh giác,
Thuyết giảng về con đường
Con đường không sầu muộn
Con đường không cấu uế.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe:
(LXXIV) (Tik. III, 5) (It. 62)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, các ba hạng con trai này xuất hiện, có mặt ở đời. Thế nào là ba? Ưu sanh, tùy sanh, liệt sanh.
Và này các Tỷ-kheo. Thế nào là ưu sanh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, cha mẹ của người con không quy y Phật, không quy y Pháp, không quy y Tăng, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà hạnh trong các dục, không từ bỏ nói láo, không từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, ác giới theo ác pháp. Còn người con của họ quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới, theo pháp lành. Như vậy, này các Tỷ-kheo, người con ấy được ưu sanh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào người con trai tùy sanh? Ở đây này các Tỷ-kheo, cha mẹ của người con quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới, theo các pháp lành. Người con trai của họ cũng quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, giữ giới, theo các pháp lành. Như vậy này các Tỷ-kheo, là người con tùy sanh.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người con trai liệt sanh? Ở đây, này các Tỷ-kheo, cha mẹ của người con trai này quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu, giữ giới, theo các pháp lành. Và người con của họ không quy y Phật, không quy y Pháp, không quy y Tăng, không từ bỏ sát sanh, không từ bỏ lấy của không cho, không từ bỏ tà hạnh trong các dục, không từ bỏ nói láo, không từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu, ác giới, theo ác pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người con liệt sanh. Này các Tỷ-kheo, có ba hạng con trai này có mặt, xuất hiện ở đời.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Bậc Hiền trí ước muốn,
Con trai ưu, tùy sanh,
Không ước muốn liệt sanh,
Một gánh nặng gia đình,
Ðời có những con này,
Trở thành nam cư sĩ,
Sống đầy đủ tín giới,
Biết nghe lời người khác,
Xa lìa sự xan tham.
Những người con như vậy,
Như trăng thoát đám mây,
Chói sáng giữa hội chúng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXV) (Tik. III, 6) (It. 64)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời. Thế nào là ba? Hạng người như hạn hán, hạng người như chỉ mưa trong địa phương và hạng người như mưa đổ xuống khắp tất cả.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như hạn hán? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người không bố thí cho ai cả, không cho đồ ăn, đồ uống, vải, xe cộ, vòng hoa, hương, dầu xoa, sàng tọa, đèn đuốc cho Sa-môn, Bà-la-môn, cho các người ăn xin nghèo khổ khốn cùng. Này các Tỷ-kheo, hạng người như vậy như hạn hán không mưa.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như chỉ mưa trong địa phương? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người có bố thí cho một số người, nhưng không bố thí cho một số người. Dầu số người đó là Sa-môn, Bà-la-môn hay các người ăn xin nghèo khổ, khốn cùng, họ không bố thí đồ ăn đồ uống, vải, xe cộ, vòng hoa, hương dầu xoa, sàng tọa, đèn đuốc. Này các Tỷ-kheo, hạng người như vậy là hạng người như mưa chỉ trong địa phương.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người như mưa đổ xuống khắp tất cả? Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người cho tất cả mọi người, cho đồ ăn, đồ uống, vải mặc, xe cộ, vòng hoa, hương, dầu xoa, sàng tọa, đèn đuốc, cho các người Sa-môn, Bà-la-môn cho các người ăn xin nghèo đói khốn cùng. Này các Tỷ-kheo, có ba hạng người này, có mặt, hiện hữu ở đời.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Không cho hạng Sa-môn,
Không cho Bà-la-môn,
Không cho kẻ khốn cùng,
Không cho người ăn xin
Không san sẻ cho người,
Những đồ thâu hoạch được,
Như đồ ăn, đồ uống,
Cùng các vật thực khác,
Hạng ấy thật giống như,
Hạn hán không mưa móc,
Hạng người ấy được gọi
Là hạng người hạ liệt.Không cho một hạng người,
Chỉ lựa cho một số,
Hạng ấy được Hiền trí,
Gọi là những hạng người
Chỉ mưa tại địa phương,
Không mưa tại chỗ khác.Hạng người mưa bố thí,
Cùng khắp tất cả chỗ,
Có lòng thương từ mẫn,
Ðối với mọi loại hữu tình,
Với tâm thật hoan hỷ,
Tung vải cho cùng khắp.
Hãy cho! Hãy cho nữa,
Vị ấy luôn nói vậy.
Như mây giông gầm thét
Chớp sáng mưa đổ xuống,
Tràn ngập chỗ đất cao,
Tràn đầy chỗ đất trũng,
Chảy tràn với nước ngập.
Cũng vậy ở đời này,
Có một số hạng người,
Hạng người giống như vậy.
Thâu hoạch được đúng pháp,
Tài sản do nỗ lực.
Với đồ ăn đồ uống
Vị ấy chơn chánh đãi,
Những chúng sanh khốn cùng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXVI) (Tik, III, 7) (It. 67)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Do hy vọng được ba lạc này, bậc Hiền trí hộ trì giới. Thế nào là ba? "Mong rằng lời tán thán sẽ đến với ta", bậc Hiền trí hộ trì giới. "Mong rằng, tài sản sẽ khởi lên cho ta", bậc Hiền trí hộ trì giới. "Mong rằng khi thân hoại mạng chung, ta sẽ sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này" bậc Hiền trí hộ trì giới. Này các Tỷ-kheo, do hy vọng được ba lạc này, bậc Hiền trí hộ trì giới.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, ý nghĩa này được nói đến.
Bậc trí hộ trì giới,
Hy vọng được ba lạc,
Ðược khen, được tài sản,
Ðời sau sống hoan hỷ,
Trong cảnh giới chư Thiên.
Nếu không làm điều ác,
Nhưng theo kẻ làm ác,
Thì bị nghi làm ác,
Và bị tăng tiếng xấu.
Giống như người làm bạn,
Giống như người làm theo,
Người này giống người ấy
Giống như người cộng trú.
Người theo, người được theo,
Xúc chạm, được xúc chạm,
Như cây tên nhiễm độc
Nhiễm bó tên chưa nhiễm,
Bậc Trí vì sợ nhiễm,
Nên không bạn kẻ ác.
Với ngọn cỏ kusa,
Dùng gói đồ cá thúi,
Kusa hay mùi thúi,
Cũng vậy, gần kẻ ngu.
Còn người dùng ngọn lá,
Gói hương Ta-ga-ra,
Ngọn lá bay mùi thơm
Cũng vậy, gần bậc Trí.
Do vậy, nhờ nghĩ đến
Cái giỏ bằng lá ấy,
Biết được những cái gì
Sẽ rơi vào tự mình,
Bậc Hiền trí không theo,
Những hạng người bất thiện,
Chỉ biết làm bạn thân,
Những người lành hiền thiện.
Những kẻ ác, bất thiện,
Dắt dẫn đến địa ngục,
Còn những kẻ tốt lành,
Ðạt đến cảnh thiện thú.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXVII) (Tik. III, 8) (It. 69)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, thân này bị hủy hoại, thức bị lụn tàn, tất cả sanh y là vô thường, khổ, chịu sự biến hoại.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, ý nghĩa này được nói đến.
Biết thân bị huỷ hoại,
Còn thức bị lụn tàn,
Thấy sợ trong sanh y,
Hiểu được sanh và chết.
Sau khi chứng đạt được,
Sự an tịnh tối thượng,
Tự ngã được tu tập,
Chỉ còn đợi thời gian.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXVIII) (Tik. III, 9) (It. 69)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, các chúng sanh tùy theo giới, giao thân chung dòng với các chúng sanh. Hạng chúng sanh hướng hạ giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng hạ. Các chúng sanh hướng thượng giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng thượng.
Này các Tỷ-kheo, trong thời gian quá khứ, các chúng sanh tùy theo giới đã giao thân, chung dòng với các chúng sanh. Hạng chúng sanh hướng hạ đã giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng hạ. Hạng chúng sanh hướng thượng đã giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng thượng.
Này các Tỷ-kheo, trong thời tương lai, các chúng sanh tùy theo giới, sẽ giao thân, sẽ chung dòng với các chúng sanh. Hạng chúng sanh hướng hạ sẽ giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng hạ. Hạng chúng sanh hướng thượng sẽ giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng thượng.
Này các Tỷ-kheo, hiện nay cũng vậy, trong thời hiện tại, các chúng sanh tùy theo giới, giao thân chung dòng với các chúng sanh. Hạng chúng sanh hướng hạ giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng hạ. Hạng chúng sanh hướng thượng giao thân, chung dòng với các chúng sanh hướng thượng.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Rừng dục được sanh lên,
Chính do sự cộng trú,
Rừng dục được chặt đứt,
Chính nhờ không cộng trú,
Như leo tấm gỗ nhỏ,
Bị chìm dưới sông lớn,
Cũng vậy, nếu đi đến
Với kẻ lười, biếng nhác,
Bậc sống đời tốt lành,
Rồi cũng bị chìm luôn.
Do vậy hãy tránh xa,
Kẻ lười không tinh tấn,
Hãy chung sống cộng trú,
Với bậc Thánh viễn ly,
Với những bậc tinh cần
Sống trong cảnh thiền định,
Với những vị thường xuyên,
Siêng năng và cần mẫn.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXIX) (Tik. III, 10) (It. 71)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này đưa đến tổn giảm cho Tỷ-kheo hữu học. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hữu học ưa thích công việc, thích thú công việc, đam mê ưa thích công việc; ưa thích nói chuyện, thích thú nói chuyện, đam mê ưa thích nói chuyện; ưa thích nằm ngủ, thích thú nằm ngủ, đam mê ưa thích nằm ngủ. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này đưa đến sự tổn giảm cho Tỷ-kheo hữu học.
Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này không đưa đến tổn giảm cho Tỷ-kheo hữu học. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo hữu học không ưa thích công việc, không thích thú công việc, không đam mê ưa thích công việc; không ưa thích nói chuyện, không thích thú nói chuyện, không đam mê ưa thích nói chuyện; không ưa thích nằm ngủ, không thích thú nằm ngủ, không đam mê ưa thích nằm ngủ. Này các Tỷ-kheo, có ba pháp này không đưa đến tổn giảm cho Tỷ-kheo hữu học.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Tỷ-kheo thích công việc,
Thích thú trong nói chuyện,
Và ưa thích nằm ngủ,
Sống dao động trạo cử;
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Không thể nào chứng ngộ,
Chứng Bồ-đề tối thượng,
Do vậy, đối vị ấy,
Cần phải ít công việc,
Phải ít sự nằm ngủ,
Không được có tháo động,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Mới có thể chứng được,
Chứng tối thượng Bồ-đề.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(LXXX) (Tik. IV, 1) (It. 72)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba tầm tư bất thiện này. Thế nào là ba? Tầm tư liên hệ đến tự đề cao mình; tầm tư liên hệ đến lợi dưỡng, cung kính, danh vọng; tầm tư liên hệ đến lo lắng cho người khác. Này các Tỷ-kheo, có ba tầm tư bất thiện này.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai có sự liên hệ,
Tự đề cao chính mình,
Liên hệ đến lợi dưỡng
Cung kính và tôn trọng,
Ai ưa thích, vui thích,
Làm thân, làm bạn hữu,
Những vị ấy đứng xa
Diệt tận các kiết sử.
Ai từ bỏ con cái,
Từ bỏ các loài vật,
Từ bỏ các lễ cưới
Bỏ cất chứa tài sản
Tỷ-kheo ấy có thể,
Chứng Bồ-đề vô thượng.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(LXXXI) (Tik. IV, 2) (It. 73)
Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh bị cung kính chinh phục, bị tâm cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh bị không cung kính chinh phục, tâm bị không cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh khi tâm bị chinh phục, bị xâm chiếm bởi cả hai cung kính và không cung kính, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, sau khi không nghe một Sa-môn hay Bà-la-môn nào khác nói lên, Ta nói lên lời nói này: "Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, bị cung kính chinh phục, tâm bị cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, khi bị không cung kính chinh phục, tâm bị không cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.
Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh khi bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm bởi cả hai cung kính và không cung kính, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục".
Và này các Tỷ-kheo, vì rằng Ta tự mình biết, tự mình thấy, tự mình tìm ra nên Ta tuyên bố rằng: "Này các Tỷ-kheo, ta đã thấy các chúng sanh, khi bị cung kính chinh phục, tâm bị cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, khi bị không cung kính chinh phục, tâm bị không cung kính xâm chiếm, sau khi thân hoại mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục. Này các Tỷ-kheo, Ta đã thấy các chúng sanh, khi bị chinh phục, tâm bị xâm chiếm bởi cả hai cung kính và không cung kính, sau khi thân hoại mạng chung bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục".
Ai khi được cung kính,
Khi không được cung kính,
Trong cả hai trường hợp,
Tâm định không lay chuyển.
Sống hạnh không phóng dật,
Tâm thường nhập thiền tư,
Với tâm tưởng tế nhị,
Chánh quán các sở kiến,
Ưa thích chấp thủ diệt,
Ðược gọi bậc chân nhân.
(LXXXII) (Tik. IV, 3) (It. 75)
Này các Tỷ-kheo, giữa chư Thiên, có ba tiếng chư Thiên này thỉnh thoảng được vang lên, tuỳ thời được khởi lên. Thế nào là ba?
Này các Tỷ-kheo, khi nào bậc Thánh đệ tử cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, nghĩ đến xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, tiếng chư Thiên được vang lên: "Vị Thánh đệ tử này nghĩ đến chiến đấu với Ác ma". Này các Tỷ-kheo, đây là tiếng chư Thiên thứ nhất, thỉnh thoảng được vang lên giữa chư Thiên, tùy thời được khởi lên.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi nào bậc Thánh đệ tử sống chuyên tâm tu tập về Bảy Bồ-đề phần; trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, tiếng chư Thiên được vang lên: "Vị Thánh đệ tử này chiến đấu với Ác ma". Này các Tỷ-kheo, đây là tiếng chư Thiên thứ hai, thỉnh thoảng được vang lên giữa chư Thiên, tùy thời được khởi lên.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi nào bậc Thánh đệ tử, với sự diệt tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát, trong khi ấy, này các Tỷ-kheo, tiếng chư Thiên vang lên: "Vị Thánh đệ tử này đã chiến thắng trong chiến trận. Ðứng đầu trong chiến trận, sau khi chiến thắng, vị ấy an trú". Này các Tỷ-kheo, đây là tiếng chư Thiên thứ ba, thỉnh thoảng được vang lên giữa chư Thiên, tùy thời được khởi lên.
Này các Tỷ-kheo, giữa chư Thiên có tiếng chư Thiên này, thỉnh thoảng được vang lên, tuỳ thời được khởi lên.
Thấy đệ tử chánh giác
Chiến thắng trong chiến trận,
Chư Thiên cũng đảnh lễ,
Bậc vĩ đại như vậy,
Bậc trí tuệ chín muồi.
Chúng tôi đảnh lễ Ngài,
Người được luyện thuần thục,
Vì Ngài đã chiến thắng,
Trận đánh rất khó thắng.
Ngài đã chiến thắng được
Quân đội của thần chết,
Không còn trở ngại gì,
Nhờ giải thoát của Ngài.
Như vậy các Thiên nhân,
Ðảnh lễ vị như vậy,
Vị đạt được mục đích,
Chắc chắn các Thiên nhân,
Ðảnh lễ trong vị ấy,
Pháp gì giúp thoát được,
Khỏi thần chết chi phối.
(LXXXIII) (Tik. IV, 4) (It. 76)
Này các Tỷ-kheo, khi nào một Thiên nhân mệnh chung từ bỏ thân chư Thiên, có năm tướng xuất hiện ra trước: "Các vòng hoa héo úa, áo quần bị uế nhiễm, mồ hôi chảy ra từ nách, thân sắc trở thành xấu xí, Thiên nhân không hoan hỷ tại chỗ ngồi chư Thiên". Này các Tỷ-kheo, chư Thiên sau khi biết Thiên tử này mệnh chung, nói ba lời để cổ vũ: "Từ đây, Hiền giả hãy đi đến cõi lành! Sau khi đi đến cõi lành, hãy nhận được những gì khéo nhận được. Sau khi nhận được những gì khéo nhận, hãy khéo an trú".
Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, thế nào được gọi là đi đến cõi lành của chư Thiên? Bạch Thế Tôn, thế nào được gọi là nhận được những gì khéo nhận được của chư Thiên? Bạch Thế Tôn, thế nào được gọi là khéo an trú của chư Thiên?
- Này các Tỷ-kheo, được địa vị làm người được gọi là đi đến cõi lành của chư Thiên. Khi được địa vị làm người, được lòng tin trong Pháp và Luật do Như Lai thuyết giảng, này các Tỷ-kheo, đây được gọi là nhận được những gì khéo nhận được của chư Thiên. Khi lòng tin được nhập vào, được an trú thành gốc rễ, kiên trì, không bị làm tan nát bởi Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên nhân, Ác ma, Phạm thiên hay bất cứ ai ở đời thì được gọi là khéo an trú của chư Thiên.
Khi nào vị Thiên nhân,
Từ bỏ thân chư Thiên,
Vì thọ mạng đã hết,
Ba tiếng được thốt lên,
Do chư Thiên an ủi,
Cổ vũ khiến hoan hỷ.
Từ đây, này Hiền giả,
Hãy đi đến cõi lành,
Cộng trú với loài Người.
Khi đã được làm người,
Trong Chánh pháp vi diệu,
Hãy lấy được lòng tin,
Lòng tin ấy vô thượng.
Hiền giả hãy thâm nhập,
Vào trong lòng tin ấy,
An trú thành gốc rễ,
Cho đến trọn sanh mạng,
Không bị làm tan nát,
Trong điệu pháp khéo giảng.
Từ bỏ thân làm ác,
Từ bỏ lời nói ác,
Từ bỏ ý nghĩ ác,
Và mọi hành động khác,
Ðược xem là thuộc ác.
Thân làm các hạnh lành,
Làm nhiều lời nói lành,
Sau khi ý nghĩ lành,
Vô lượng, không sanh y.
Rồi làm các công đức
Cho sanh y đời sau
Làm xong nhiều công đức
Với bố thí rộng rãi,
Rồi an trú người khác,
Bị tử vong chi phối,
Trong đời sống Phạm hạnh,
Trong Chánh pháp vi diệu.
Với lòng từ mẫn này,
Chư Thiên khi biết được.
Một Thiên nhân mệnh chung,
Liền nói lời cổ vũ.
Thiên nhân hãy đến đây,
Hãy đến lại nhiều lần.
(LXXXIV) (Tik. IV, 5) (It. 78)
Có ba hạng người này xuất hiện ở đời, xuất hiện đem lại hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Thế nào là ba?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, Như Lai xuất hiện ở đời, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ nhất xuất hiện ở đời, xuất hiện đem lại hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc, cho chư Thiên và loài Người.
Lại nữa này các Tỷ-kheo, đệ tử của bậc Ðạo Sư ấy, bậc A-la-hán, các lậu hoặc đã đoạn tận, Phạm hạnh đã thành tựu, việc cần làm đã làm, gánh nặng đã đặt xuống, mục đích của mình đã đạt được, hữu kiết sử đã đoạn tận, đã giải thoát nhờ chánh trí. Vị ấy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ hai xuất hiện ở đời, xuất hiện đem đến hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, đệ tử bậc Ðạo Sư ấy là bậc hữu học, đang đi trên con đường, vị nghe nhiều, giới cấm được gìn giữ. Vị ấy cũng thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn, trình bày Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Này các Tỷ-kheo, đây là hạng người thứ ba xuất hiện ở đời, xuất hiện đem đến hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người. Này các Tỷ-kheo, có ba hạng người xuất hiện ở đời, xuất hiện đem đến hạnh phúc cho nhiều người, an lạc cho nhiều người, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài Người.
Bậc Ðạo Sư ở đời,
Ðại ẩn sĩ thứ nhất,
Tiếp nối theo vị ấy
Là đệ tử Ðạo Sư,
Ðã tu tập tự ngã,
Tiếp đến bậc hữu học,
Ðang đi trên con đường,
Bậc nghe nhiều học nhiều,
Bậc giới cấm đầy đủ.Ba vị tối thượng này,
Giữa chư Thiên, loài Người,
Bậc tác thành hào quang,
Bậc tuyên bố Chánh pháp
Mở toang cửa bất tử,
Ðã giúp đỡ nhiều người.
Thoát ly khỏi ách nạn.Những ai tùy bước theo,
Con đường khéo thuyết giảng,
Bởi bậc Vô Thượng Sĩ,
Bậc cầm đầu lữ hành,
Vị ấy tại đời này,
Chấm dứt mọi khổ đau,
Những vị không phóng dật,
Trong giáo lý Thiện Thệ.
(LXXXV) (Tik. IV, 6) (It. 80)
Này các Tỷ-kheo, hãy sống tuỳ quán bất tịnh trên thân, hãy khéo an trú niệm hơi thở vô hơi thở ra, đặt niệm trước mặt, hướng về nội tâm; hãy sống tùy quán vô thường trong tất cả các hành.
Này các Tỷ-kheo, khi sống tùy quán bất tịnh trên thân tham tùy miên đối với tịnh giới được đoạn trừ; khi khéo an trú niệm hơi thở vô hơi thở ra, đặt niệm trước mặt, hướng về nội tâm, thời các tâm hướng ngoại, dự phần vào tổn hại không có; khi sống tùy quán vô thường trong tất cả hành, thời vô minh trừ diệt, minh được khởi lên.
Quán bất tịnh trên thân,
Niệm thở vô thở ra,
Tịnh chỉ tất cả hành,
Thường nhiệt tâm, chánh kiến,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Ðã thấy rất chơn chánh,
Từ đấy ở nơi đây,
Vị ấy được giải thoát,
Thắng trí được thành tựu,
Lắng dịu thật an tịnh,
Vị ẩn sĩ như vậy,
Chắc vượt khỏi ách nạn.
(LXXXVI) (Tik. IV, 7) (It, 81)
Với vị Tỷ-kheo hành trì tùy pháp đúng pháp, đây là cách thức đúng đắn để giải thoát những chữ: "Thực hành tùy pháp đúng pháp". Khi vị ấy nói vị ấy nói đúng pháp không phải phi pháp; khi vị ấy suy tư, vị ấy suy tư với suy tư đúng pháp, không phải suy tư phi pháp. Do từ bỏ hai điều ấy, vị ấy trú xả, chánh niệm tỉnh giác.
Thích pháp, hân hoan pháp,
Suy tư trên Chánh pháp,
Tỷ-kheo tùy niệm pháp,
Chánh pháp không tổn giảm,
Khi đi hoặc khi đứng,
Khi ngồi hoặc khi nằm,
Nội tâm được chế ngự
Vị ấy đạt an tịnh.
(LXXXVII) (Tik. IV, 8) (It. 82)
Này các Tỷ-kheo, có ba tầm bất thiện này, tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Thế nào là ba?
Này các Tỷ-kheo, dục tầm tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, sân tầm tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, hại tầm tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, có ba tầm bất thiện này, tác thành mù, tác thành không mắt, tác thành không trí, đưa đến tuệ đoạn diệt, dự phần vào tổn hại, không đưa đến Niết-bàn.
Này các Tỷ-kheo, có ba thiện tầm này, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự vào phần tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Thế nào là ba? An ổn tầm, này các Tỷ-kheo, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần làm tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Vô sân tầm, này các Tỷ-kheo, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Vô hại tầm, này các Tỷ-kheo, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, có ba thiện tầm này, tác thành không mù, tác thành mắt, tác thành trí, làm tăng trưởng trí tuệ, không dự phần vào tổn hại, đưa đến Niết-bàn.
Hãy suy tư, suy tầm,
Ba tầm thuộc chánh thiện,
Ðối ba tư duy ác,
Hãy từ bỏ, lánh xa.
Vị ấy chăc chế ngự,
Hành tướng các tư duy,
Như cơn mưa dẹp sạch,
Các bụi bậm chất chứa.
Vị ấy thật chắc chắn
An tịnh tầm với tâm.
Ở đây vị ấy đạt,
Con đường an tịnh đạo.
(LXXXVIII) (Tik. IV, 9) (It. 83)
Này các Tỷ-kheo, có ba nội uế, nội thù này, nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch này. Thế nào là ba?
Tham, này các Tỷ-kheo, là nội uế, nội thù, nội đối thủ, nội sát thủ, nội sát nhân, nội thù địch. Sân, này các Tỷ-kheo, là nội uế, nội thù, nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch. Si, này các Tỷ-kheo, là nội uế, nội thù, nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch. Này các Tỷ-kheo, có ba nội uế, nội thù, nội đối thủ, nội sát nhân, nội thù địch này.
Tham sanh ra bất hạnh,
Tham làm tâm dao động,
Tham chính là sợ hãi,
Sanh ra từ bên trong,
Loài Người không rõ biết
Loại tham đặc biệt ấy.
Người tham không biết rõ
Ðâu chính là lợi ích,
Người tham không thấy được
Ðâu chính là Chánh pháp.
Mù lòa và tối tăm,
Sẽ xuất hiện, có mặt,
Ở nơi một người nào,
Có tham cùng chung sống.
Ai đoạn trừ được tham,
Không tham vật đáng tham,
Với ai tham đoạn trừ
Như giọt nước lá sen.
Sân sanh ra bất hạnh,
Sân làm tâm dao động.
Sân chính là sợ hãi,
Sanh ra từ bên trong
Loài Người không rõ biết,
Lòng sân đặc biệt ấy.
Người sân không biết rõ
Ðâu chính là lợi ích,
Người sân không thấy được
Ðâu chính là Chánh pháp,
Mù lòa và tối tăm,
Sẽ xuất hiện, có mặt,
Ở nơi sân người nào,
Có sân cùng chung sống.
Ai đoạn trừ được sân,
Không sân việc đáng sân,
Với ai, sân đoạn trừ,
Như quả cây ta-la
Ðược chặt đứt khỏi cành.
Si sanh ra bất hạnh,
Si làm tâm dao động,
Si chính là sợ hãi,
Sanh ra từ bên trong,
Loài Người không rõ biết
Lòng si đặc biệt ấy
Người si không rõ biết
Ðâu chính là lợi ích,
Người si không thấy được
Ðâu chính là Chánh pháp,
Mù lòa và tối tăm
Sẽ xuất hiện, có mặt,
Ở nơi một người nào,
Có si cùng chung sống.
Ai đoạn trừ được si,
Không si việc đáng si,
Vị ấy quét sạch được
Tất cả mọi si ám,
Như mặt trời mọc lên,
Quét sạch mọi tăm tối.
(LXXXIX) (Tik. IV, 10) (It. 85)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, bị chinh phục bởi ba phi diệu pháp, với tâm bị chúng xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đây, không thể cứu chữa. Thế nào là ba? Bị chinh phục bởi ác dục tâm bị ác dục xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đoạ xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đấy, không thể cứu chữa. Bị chinh phục bởi ác bằng hữu, với tâm bị ác bằng hữu xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đấy, không thể cứu chữa. Dầu cho còn có những thượng pháp cần phải làm, do đạt được những chứng đắc đặc biệt, nhưng chỉ có giá trị tầm thường, Devadatta đã dừng lại giữa đường. Này các Tỷ-kheo, bị chinh phục bởi ba phi diệu pháp này, với tâm bị chúng xâm chiếm, Devadatta bị rơi vào đọa xứ, bị rơi vào địa ngục, trú cả kiếp ở đấy, không thể cứu chữa.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Người khởi lên ác dục,
Không được sanh đời này,
Hãy biết nhờ điểm này,
Sanh thú người ác dục.
Ta được nghe như sau
Về Ðề-va-đát-ta:
Ðược biết là Hiền trí,
Ðược nhận có tự ngã,
Ðã đứng, được chói sáng,
Chói sáng với danh vọng.
Tự xem mình bằng Ngài
Ðã chống lại Như Lai,
Do vậy, bị rơi vào,
Cõi địa ngục A-tỳ,
Với bốn cửa đóng chặt,
Ðầy đủ những sợ hãi.
Chắc chắn ai xâm phạm,
Vị không có ác tâm,
Vị không làm điều ác,
Phải cảm xúc ác ấy,
Vì tâm bị uế nhiễm,
Không có biết tôn trọng.
Ai nghĩ làm ô nhiễm,
Toàn cả bể đại dương,
Với các ghè đựng đầy,
Ðầy cả với thuốc độc.
Không thể ô nhiễm được,
Vì đại dương quá lớn.
Cũng vậy đối với Như Lai,
Ai lấy lời làm hại,
Vị đường đi chơn chánh,
Vị có tâm an tịnh,
Lời nói không dùng tới,
Bậc chứng ngộ như vậy.
Bậc trí cần làm bạn
Với một người như vậy,
Cần phải gần thân cận,
Với người được như vậy,
Tỷ-kheo cùng đi theo,
Một tuyến đường người ấy,
Vị ấy sẽ đạt đến,
Sự đoạn diệt khổ đau.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XC) (Tik. V, 1) (It. 87)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, có ba tín thành tối thượng này. Thế nào là ba?
Này các Tỷ-kheo, so sánh các chúng sanh, không chân, hai chân, bốn chân hay nhiều chân, có sắc hay không có sắc, có tưởng, không có tưởng, hay không có tưởng không không có tưởng. Như Lai được xem là tối thượng đối với chúng, tức là bậc A-la-hán, Chánh đẳng Chánh giác. Này các Tỷ-kheo, những ai có lòng tin thành với đức Phật, những vị ấy có lòng tín thành nơi tối thượng. Với những ai có lòng tín thành nơi tối thượng, quả dị thục là quả tối thượng.
Này các Tỷ-kheo, so sánh các pháp hữu vi hay vô vi, ly tham được xem là tối thượng đối với họ, tức là kiêu mạn bị nhiếp phục, khát ái bị chế ngự, chấp nhận được nhổ lên, lưu chuyển bị cắt đứt, ái diệt, ly tham, đoạn diệt, Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, những ai có lòng tín thành nơi ly tham, những vị ấy có lòng tín thành nơi tối thượng; với những ai có lòng tin nơi tối thượng, quả dị thục là quả tối thượng.
Này các Tỷ-kheo, so sánh Tăng chúng hay hội chúng, Tăng chúng đệ tử của Như Lai được xem là tối thượng, tức là bốn đôi, tám vị. Chúng đệ tử này của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng tôn trọng, đáng cúng dường, đáng chắp tay, là ruộng phước vô thượng ở đời. Này các Tỷ-kheo, những ai có lòng tín thành nơi Tăng chúng, những vị ấy có lòng tín thành nơi tối thượng. Với những ai có lòng tín thành nơi tối thượng, này các Tỷ-kheo có ba quả dị thục là quả tối thượng.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây điều này được nói đến.
Những ai có lòng tin,
Lòng tín nơi tối thượng,
Chính là sự rõ biết,
Biết Chánh pháp tối thượng.
Những ai có lòng tin,
Nơi đức Phật tối thượng,
Bậc Vô thượng xứng đáng,
Xứng đáng được cúng dường.
Những ai có lòng tin,
Nơi Chánh pháp tối thượng,
Những pháp rời bỏ tham,
An tịnh, thật tịnh lạc.
Những ai có lòng tin,
Nơi Tăng chúng tối thượng.
Những ruộng phước công đức,
Vô thượng không gì hơn.Những ai đã bố thí,
Với đối tượng tối thượng,
Công đức được tăng trưởng,
Tăng trưởng đến tối thượng.
Thọ mạng được tối thượng,
Dung sắc cũng tối thượng,
Danh vọng, tiếng đồn tốt,
An lạc và sức mạnh.
Bậc trí có bố thí,
Bố thí vị tối thượng,
Vị định tĩnh, thiền định,
Trong Chánh pháp tối thượng,
Chư Thiên hay loài Người,
Ðạt được sự tối thượng,
Họ sung sướng hân hoan.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(XCI) (Tik. V, 2) (It. 89)
Này các Tỷ-kheo, nghĩa này là nghề tận cùng trong các nghề nuôi sống, tức là đi bát khất thực; Này các Tỷ-kheo, danh từ nhiếc mắng ở trong đời là nói rằng: "Ông là kẻ đi bát, với bát cầm tay, ông đi khắp mọi nơi". Tuy vậy chính nghề nuôi sống này được các thiện gia nam tử chấp nhận, những người sống vì lý tưởng, vì duyên sống với lý tưởng, không bị thúc đẩy làm nghề ấy vì sợ vua, vì sợ ăn trộm, vì mắc nợ, vì sợ hãi, không phải vì mất nghề nuôi sống; nhưng vì nghĩ rằng: "Nay ta bị rơi vào sanh, già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, bị khổ tràn đầy, bị khổ chinh phục. Rất có thể, một số phương pháp chấm dứt toàn bộ khổ uẩn này có thể trình bày".
Này các Tỷ-kheo, thiện nam tử này xuất gia như vậy, tham ái trong các dục, với lòng tham sắc xảo, với tâm sân hận, ý tư duy nhiễm ác, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, với các căn hoang dại. Này các Tỷ-kheo, như một que lửa lấy từ chỗ thiêu xác, cả hai đầu đều cháy đỏ, ở giữa lại lắm phân, không hoàn thành được mục đích làm que củi ở trong làng hay ở trong rừng. Này các Tỷ-kheo, Ta nói người này như ví dụ như vậy, dầu cho bỏ tài sản gia đình nhưng không làm viên mãn mục đích Sa-môn hạnh.
Tài sản ở gia đình,
Ðược đoạn tận từ bỏ,
Nhưng khó dự phần được,
Mục đích Sa-môn hạnh,
Tự đưa đến tổn hại,
Và đưa đến tán loạn,
Giống que lửa thiêu xác,
Ði đến chỗ hoại vong.
Tốt hơn nuốt hòn sắt,
Chảy đỏ, một cục lửa,
Nếu kẻ hành ác giới,
Ăn đồ ăn quốc độ,
Không biết có chế ngự.
(XCII) (Tik. V, 3) (It. 90)
Này các Tỷ-kheo, nếu một Tỷ-kheo nắm lấy viền áo Tăng-già lê đi theo sau lưng Ta, chân bước theo chân, nhưng vị ấy có tham ái trong các dục, với lòng sắc xảo, với tâm sân hận, ý tư duy nhiễm ác, thất niệm, không tỉnh giác, không định tĩnh, tâm tán loạn, với các căn hoang dại, vị ấy xa hẳn Ta và Ta xa vị ấy. Vì cớ sao?
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy không thấy Pháp. Do không thấy Pháp nên không thấy Ta. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo sống xa đến một trăm do-tuần và vị ấy không có tham ái trong các dục, với lòng tham không sắc xảo, tâm không sân hận, ý tư duy không nhiễm ác, chánh niệm tỉnh giác, định tĩnh nhất tâm, các căn được chế ngự, vị ấy gần hẳn Ta và Ta gần vị ấy. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy thấy Pháp. Do thấy Pháp nên thấy Ta.
Nếu có thể bước theo,
Nhưng nhiều dục bực phiền.
Hãy xem người như vậy,
Thật là xa, rất xa,
Xa giữa người ái dục
Và người không ái dục,
Xa giữa người lắng dịu
Và người không lắng dịu,
Xa giữa người tham ái
Và người đã trừ ái.
Sau khi thắng tri Pháp,
Bậc Hiền trí biết Pháp,
Như ao không gió thổi,
Không dao động, tịnh chỉ.
Hãy xem người như vậy,
Thật là gần, rất gần,
Gần giữa người không ái,
Và người không có ái,
Gần giữa người lắng dịu,
Và người được lắng dịu,
Gần giữa người không tham,
Và người trừ tham ái.
(XCIII) (Tik. V, 4) (It. 92)
Này các Tỷ-kheo, có ba loại lửa này. Thế nào là ba? Lửa tham, lửa sân, lửa si. Này các Tỷ-kheo, có ba loại lửa này.
Lửa tham đốt cháy người,
Say mê trong các dục,
Còn lửa sân đốt cháy,
Những người có sân hận,
Những người giết, sát hại,
Các loại có sanh mạng.
Còn lửa si đốt cháy,
Những kẻ bị mê muội,
Những kẻ không tinh luyện,
Trong giáo pháp bậc Thánh,
Do không được biết rõ
Các loại lửa như vậy,
Nên loài Người ưa thích,
Vui thích với có thân.
Họ làm cảnh dịa ngục,
Ðược lớn mạnh tăng trưởng,
Kể cả giới bàng sanh,
Chỗ sanh xứ súc vật,
Cùng với A-tu-la,
Với cảnh giới quỷ đói,
Họ không được thoát khỏi,
Trói buộc của Ác ma.
Nhưng ai ngày và đêm,
Chú tâm vào, chuyên học,
Học những lời giảng dạy,
Bậc Chánh đẳng Chánh giác.
Họ làm cho lắng dịu
Ngọn lửa của lòng tham,
Luôn luôn ý thức được,
Tánh bất tịnh sự vật.
Với lòng thương, từ mẫn,
Những hạng người tối thượng,
Làm lắng dịu, chỉ tịnh,
Ngọn lửa của sân hận.
Còn ngọn lửa si mê,
Với trí tuệ dập tắt,
Trí tuệ này đưa đến
Thể nhập vào chân lý,
Bậc thận trọng sáng suốt,
Ngày đêm làm lắng dịu
Các loại lửa như vậy,
Không có biết mệt mỏi,
Họ làm cho lắng dịu,
Không một chút dư tàn,
Những bậc Thánh đã thấy,
Bậc trí tuệ hiểu biết,
Là những bậc Hiền trí,
Thấy được nhờ chánh trí
Do họ thắng tri được,
Sự diệt tận của sanh,
Nên họ không đi đến,
Sanh đi rồi sanh lại.
(XCIV) (Tik. V, 5) (It. 93)
Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo cần phải quán sát một cách như thế nào, như thế nào, do quán sát như vậy, thức của vị ấy đối với ngoại trần không có tán loạn, không có tản rộng, tâm không trú trước nội trần, không chấp thủ, không bị khủng bố, sẽ không có sự sanh khởi, sự tập khởi của khổ về sanh gìa, chết, trong tương lai.
Tỷ-kheo đã đoạn tận,
Cả bảy loại trói buộc,
Ðã chấm dứt sợi dây,
Vòng sanh tử luân chuyển,
Ðã đoạn tận chặn đứng,
Vị ấy không tái sanh.
(XCV) (Tik. V, 6) (It. 94)
Này các Tỷ-kheo, có ba sanh khởi của dục. Thế nào là ba? Dục đối với sự vật hiện tại, sự thích thú đối với sự vật mình tạo ra, sự chấp nhận sự vật do người khác tạo ra. Này các Tỷ-kheo, có ba sanh khởi này của dục.
Những ai có lòng dục,
Ðối sự vật hiện tại,
Và các loại chư Thiên,
Chi phối các sự vật
Do người khác tạo ra,
Chư thiên ưa thích thú,
Ðối sự vật mình tạo,
Cùng các chúng sanh khác,
Thọ dụng các loại dục.
Thái độ người Hiền trí,
Ðối thọ dụng các dục,
Trong đời này đời khác,
Từ bỏ tất cả dục,
Dầu thuộc về chư Thiên
Và dục thuộc loài Người.
Những ai được chặt đứt
Dòng nước khó vượt qua,
Sự say đắm sự vật,
Thân ái và tốt đẹp,
Họ làm cho lắng dịu,
Không có vật dư thừa,
Họ vượt qua đau khổ,
Không còn chút dư tàn,
Những bậc Thánh đã thấy.
Bậc trí tuệ hiểu biết,
Là những bậc Hiền trí,
Thấy được nhờ chánh trí.
Do họ thắng tri được
Sự diệt tận của sanh,
Nên họ không đi đến,
Sanh đi rồi sanh lại.
(XCVI) (Tik. V, 7) (It. 95)
Này các Tỷ-kheo, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của dục, những ai bị trói buộc bởi trói buộc của hữu là những bậc đến lại, đi đến lại có mặt ở đây. Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục, này các Tỷ-kheo, nhưng còn bị trói buộc bởi trói buộc của hữu, những vị ấy là hạng Bất lai, không trở lui lại có mặt ở đây. Những ai chế ngự được sự trói buộc của dục, chế ngự được sự trói buộc của hữu, những vị ấy là bậc A-la-hán, đã đoạn tận các lậu hoặc.
Những ai bị nhiếp phục,
Bởi trói buộc của dục,
Bởi trói buộc của hữu,
Bởi trói buộc cả hai,
Chúng sanh ấy đi đến,
Luân chuyển trong luân hồi,
Họ đi đến sanh tử.
Những ai đoạn tận dục,
Nhưng chưa đạt thành được,
Sự diệt tận lậu hoặc,
Họ còn bị nhiếp phục,
Bởi trói buộc của hữu,
Họ được gọi Bất lai.
Những ai chặt đứt được,
Mọi nghi hoặc phân vân,
Ðoạn tận được kiêu mạn,
Ðoạn tận được tái sanh,
Chắc chắn trong đời này,
Họ đi đến bờ kia,
Vì họ đã đạt tới,
Sự đoạn diệt lậu hoặc.
(XCVII) (Tik. V,8) (It. 96)
Này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo, có giới tốt lành, có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành được gọi trong Pháp và Luật này là vị toàn hảo.
Này các Tỷ-kheo, thế nào là Giới tốt lành? Ở đây này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo giữ giới, sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Patimokkha, đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong những lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị Tỷ-kheo có giới tốt lành.
Và thế nào là có Pháp tốt lành? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sống chuyên tâm chuyên chú tu tập Bảy pháp giác chi. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị có pháp tốt lành. Như vậy là giới tốt lành và pháp tốt lành.
Và thế nào là Tuệ tốt lành? Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo do diệt trừ các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là vị Tỷ-kheo có tuệ tốt lành.
Như vậy, một người có giới tốt lành, có pháp tốt lành, có tuệ tốt lành được gọi trong Pháp và Luật là vị toàn hảo.
Ai với thân, với lời,
Với ý, không làm ác,
Vị ấy giới tốt lành,
Ðược gọi là Tỷ-kheo
Có được lòng xấu hổ,
Ai, pháp khéo tu tập,
Những pháp giúp đạt đến,
Chứng được quả Bồ-đề,
Vị ấy pháp tốt lành,
Ðược gọi là Tỷ-kheo
Không có dục trào ra.
Ai quán tri đau khổ,
Ở đây, diệt trừ khổ,
Vị ấy tuệ tốt lành,
Ðược gọi là Tỷ-kheo
Không có các lậu hoặc,
Ðầy đủ những pháp ấy,
Thoát khỏi sự phiền muộn
Chặt đứt mọi nghi ngờ,
Không luyến ái tham đắm
Mọi sự vật ở đời,
Vị ấy được xưng gọi
Vị đoạn tận tất cả.
(XCVIII) (Tik. V, 9) (It. 98)
Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố thí: Bố thí tài vật và bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí tối thượng trong hai loại bố thí này, tức là bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai sự phân phát này: Phân phát tài vật và phân phát Pháp. Ðây là phân phát tối thượng trong hai loại phân phát này, tức là phân phát Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai loại nhiêu ích này, nhiêu ích tài vật và nhiêu ích Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là nhiêu ích tối thượng trong hai loại nhiêu ích này, tức là nhiêu ích Pháp.
Ðiều được gọi bố thí,
Thù thắng và vô thượng,
Và sự phân phát nào,
Ðược Thế Tôn tán thán,
Với tâm tư tín thành,
Trong ruộng phước tối thượng,
Bậc trí rõ biết vậy,
Ai lại không cúng dường,
Ai làm được cả hai,
Nói lên và lắng nghe,
Với tâm tư tịnh tín,
Trong lời dạy Thiện Thệ,
Lợi ích ấy của họ,
Là tối thắng thanh tịnh,
Những ai không phóng dật,
Trong lời dạy Thiện Thệ.
(XCIX) (Tik. V,10) (It. 98)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng: "Một Bà-la-môn có được ba minh, một cách đúng pháp, không phải người nào khác được gọi vậy chỉ vì người này bập bẹ nói lên". Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Ta tuyên bố rằng một Bà-la-môn có được ba minh một cách đúng pháp, không phải người nào khác được gọi vậy chỉ vì người này bập bẹ nói lên?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo nhớ đến người đời quá khứ, ví như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, hai trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp, nhiều thành hoại kiếp. Vị ấy nhớ rằng: "Tại chỗ kia ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ nọ, ta được sanh ra ở đây". Như vậy, Tỷ-kheo nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Ðây là minh thứ nhất, vị ấy chứng đạt; vô minh diệt, minh sanh; tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng, chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng. Các vị chúng sanh này làm những ác hạnh về thân, về lời, về ý, phỉ báng các bậc Thánh theo tà kiến, tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục. Còn những vị chúng sanh này làm những thiện hạnh về thân, về lời, về ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến, tạo các nghiệp theo chánh kiến. Những người này, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiện thú, Thiên giới, cõi đời này. Như vậy với Thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh, đều do hạnh nghiệp của chúng. Ðây là minh thứ hai vị ấy chứng đạt; vô minh diệt, minh sanh; tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo do diệt tận các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Ðây là minh thứ ba, vị ấy chứng đạt, vô minh diệt, minh sanh; tối tăm diệt, ánh sáng sanh, do vị ấy sống không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng một Bà-la-môn có được ba minh một cách đúng pháp, không phải người nào khác được gọi vậy chỉ vì người này bập bẹ nói lên.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai biết được đời trước,
Với Thiên giới đọa xứ,
Người ấy, Ta tuyên bố,
Là vị Bà-la-môn,
Chớ không phải ai khác,
Chỉ mở miệng bập bẹ.
Ai biết được đời trước,
Thấy Thiên giới, đọa xứ,
Vị ấy đạt sanh diệt,
Thật là bậc ẩn sĩ,
Ðã thành tựu thắng trí.
Ba minh này thành tựu,
Là Phạm chí ba minh,
Ta gọi vị như vậy,
Chính là bậc Ba minh,
Chớ không phải ai khác,
Do nói lời bập bẹ.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(C) (Cat. I) (It. 101)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến, và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, Ta là Bà-la-môn, người được đến yêu cầu, tay luôn luôn thanh tịnh, mang thân cuối cùng, vô thượng y sĩ chữa trị, y sĩ giải phẫu. Các Thầy thật là con của Ta từ miệng sanh, từ Pháp sanh, từ Pháp tạo thành, thừa tự Pháp, không thừa tự tài vật.
Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố thí. Bố thí tài vật và bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là tối thượng trong hai bố thí này, tức là bố thí Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai loại phân phát này, phân phát tài vật và phân phát Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là tối thượng trong hai phân phát này, tức là phân phát Pháp.
Này các Tỷ-kheo, có hai nhiêu ích này, nhiêu ích tài vật và nhiêu ích Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là tối thượng trong hai nhiêu ích này, tức là nhiêu ích Pháp. Này các Tỷ-kheo, có hai loại tế tự này. Tế tự tài vật và tế tự Pháp. Này các Tỷ-kheo, đây là tối thượng trong hai tế tự này, tức là tế tự Pháp.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây, điều này được nói đến.
Ai tế tự Chánh pháp,
Tế tự, không xan tham,
Như Lai có lòng từ,
Ðối tất cả sinh vật,
Bậc tối thắng như vậy,
Giữa chư Thiên loài Người,
Chúng sanh kính đảnh lễ,
Vị đã vượt qua được,
Vượt qua dòng sanh hữu,
Ðến được bờ bên kia.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
(CI) (Cat. 2) (It. 102)
Này các Tỷ-kheo, có bốn pháp này ít oi, dễ được và không có phạm lỗi. Thế nào là bốn? Trong các loại y, này các Tỷ-kheo, y phấn tảo lượm từ đống rác là ít oi, dễ được và không phạm lỗi. Trong các loại, để ăn, này các Tỷ-kheo, đi khất thực từng miếng là ít oi, dễ được và không có phạm lỗi. Trong các sàng tọa, này các Tỷ-kheo, gốc cây là ít oi, dễ được và không có phạm lỗi. Trong các loại dược phẩm, này các Tỷ-kheo, nước tiểu hôi là ít oi, dễ được, không có phạm lỗi. Này các Tỷ-kheo, có bốn loại ít oi, dễ được, không có phạm lỗi nào. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo biết đủ, với các loại ít oi, dễ được này, Ta tuyên bố rằng đây là một chi phần Sa-môn hạnh của vị ấy.
Biết đủ với sự vật,
Ít oi, dễ tìm được,
Lại không có phạm tội,
Tâm không bị phiền nhiễu,
Về vấn đề sàng tọa,
Y áo và ăn uống;
Tâm không bị lo lắng,
Về phương hướng phải đi,
Các pháp được tuyên bố,
Thuận lợi Sa-môn hạnh,
Họ được có đầy đủ,
Với Tỷ-kheo biết đủ,
Với vị không phóng dật.
(CII) (Cat. 3) (It. 103)
Này các Tỷ-kheo, Ta thuyết sự diệt tận các lậu hoặc cho người biết, cho người thấy, không phải cho người không biết, cho người không thấy. Và này các Tỷ-kheo, cho người biết gì, cho người thấy gì là sự diệt tận các lậu hoặc?
Này các Tỷ-kheo, cho người biết, cho người thấy rằng: "Ðây là Khổ ", là sự diệt tận các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, cho người biết, cho người thấy rằng: "Ðây là Khổ tập ", là sự diệt tận các lậu hoặc. Này các Tỷ-kheo, cho người biết, cho người thấy rằng: "Ðây là khổ diệt " Là sự diệt tận các lậu hoặc. Như vậy, này các Tỷ-kheo, cho người biết, cho người thấy, "Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt ". là sự diệt tận các lậu hoặc. Như vậy này các Tỷ Kheo cho người biết cho người thấy là sự diệt tận các lậu hoặc.
Vị hữu học học tập,
Hành trì đường chánh trực,
Trong diệt tận ác pháp,
Là trí bậc thứ nhất,
Tiếp đến là chánh trí,
Chánh trí này vô thượng,
Tiếp theo chánh trí ấy,
Chính là sự giải thoát,
Giải thoát trí vô thượng,
Trong diệt tận, trí khôn,
Với các loại, kiết sử,
Ðược đoạn tận ở đây,
Không phải kẻ biếng nhác,
Kẻ ngu, không biết gì,
Có thể chứng ngộ được
Niết-bàn vô thượng này,
Sự giải thoát hoàn toàn,
Tất cả mọi trói buộc.
(CIII) (Cat. 4) (It. 104)
Này các Tỷ-kheo, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào không như thật quán tri: "Ðây là Khổ", không như thật quán tri: "Ðây là Khổ tập", không như thật quán tri: "Ðây là Khổ diệt", không như thật quán tri: "Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt". Những Sa-môn, Bà-la-môn ấy, này các Tỷ-kheo, không được Ta chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay là Bà-la-môn trong các Bà-la-môn. Và các vị Tôn giả ấy, ngay trong hiện tại cũng không tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh hay mục đích Bà-la-môn hạnh.
Những Sa-môn hay Bà-la-môn nào, này các Tỷ-kheo, như thật quán tri: "Ðây là Khổ", như thật quán tri: "Ðây là Khổ tập", như thật quán tri: "Ðây là Khổ diệt", như thật quán tri: "Ðây là Con đường đưa đến khổ diệt", thời này các Tỷ-kheo, các Sa-môn hay Bà-la-môn ấy được Ta chấp nhận là Sa-môn trong các hàng Sa-môn, hay Bà-la-môn trong các hàng Bà-la-môn. Và các vị Tôn giả ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí chứng ngộ, chứng đạt và an trú mục đích Sa-môn hạnh hay mục đích Bà-la-môn hạnh.
Những ai không quán tri,
Khổ và khổ hiện hữu,
Ở đấy, khổ hoàn toàn,
Ðược đoạn tận, không dư,
Và không biết đường ấy,
Ðưa đến chỉ tịnh khổ,
Những vị ấy không có
Tâm và tuệ giải thoát,
Họ không thể chấm dứt,
Phải đi đến sanh già.Những vị nào quán tri,
Khổ và khổ tập khởi,
Ở đấy, khổ hoàn toàn,
Ðược đoạn tận, không dư;
Rõ biết con đường ấy,
Ðưa đến chỉ tịnh khổ,
Tâm giải thoát thành tựu,
Và cả tuệ giải thoát,
Họ có thể chấm dứt,
Không đi đến sanh già.
(CIV) (Cat. 5) (It. 106)
Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào đầy đủ giới, đầy đủ định, đầy đủ tuệ, đầy đủ giải thoát, đầy đủ giải thoát tri kiến, những vị giáo giới, những vị giảng dạy, những vị tuyên bố, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, những bậc xứng đáng thuyết minh diệu pháp, này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ thấy các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy; này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ nghe các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy; này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ đi đến yết kiến các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy; này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ thân cận các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy; này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ nhớ nghĩ đến các vị như vậy là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy. Này các Tỷ-kheo, Ta tuyên bố rằng chỉ tùy theo các vị như vậy xuất gia là lợi ích nhiều cho các Tỷ-kheo ấy. Vì cớ sao?
Này các Tỷ-kheo, khi phục vụ, chia sẻ, thân cận những Tỷ-kheo như vậy, thời giới uẩn chưa được đầy đủ đi đến được tu tập đầy đủ, định uẩn chưa được đầy đủ đi đến được tu tập đầy đủ, tuệ uẩn chưa được đầy đủ đi đến tu tập đầy đủ, giải thoát uẩn chưa được đầy đủ, đi đến được tu tập đầy đủ, giải thoát tri kiến uẩn chưa được đầy đủ đi đến được tu tập đầy đủ. Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo như vậy được gọi là những bậc Ðạo sư, được gọi là những người cầm đầu đoàn lữ hành, được gọi là những vị đã từ bỏ những nguyên nhân tác hại, được gọi là những vị quét sạch tối tăm, được gọi là những vị tác thành minh, được gọi là những vị tác thành quang; được gọi là những vị tác thành ánh sáng, được gọi là những vị cầm bó đuốc, được gọi là những vị phóng quang, được gọi là những bậc Thánh, được gọi là những người có mắt.
Ðây là căn cứ địa
Những vị phóng hào quang,
Chính nhờ hiểu biết vậy,
Tức là, đối tự ngã,
Những vị có tu tập,
Là những bậc Hiền Thánh,
Sống đúng theo Chánh pháp,
Họ chói sáng diệu pháp,
Họ nói lên diệu pháp,
Họ phóng được hào quang
Là những bậc có trí,
Tác thành ra ánh sáng,
Họ là người có mắt,
Họ từ bỏ nguyên nhân
Tạo ra điều tác hại,
Bậc trí với chánh trí,
Nghe lời dạy vị ấy,
Do thắng tri sanh diệt,
Không đi đến tái sanh.
(CV) (Cat. 6) (It. 109)
Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sanh khởi này của ái, ở đây ái sanh khởi lên cho Tỷ-kheo. Thế nào là bốn? Do nhân y áo, này các Tỷ-kheo, ái sanh khởi cho Tỷ-kheo. Do nhân đồ ăn khất thực, này các Tỷ-kheo, ái khởi sanh cho Tỷ-kheo. Do nhân sàng tọa, này các Tỷ-kheo, ái khởi sanh cho Tỷ-kheo. Do nhân sanh hữu, không sanh hữu, này các Tỷ-kheo, ái sanh khởi cho Tỷ-kheo. Này các Tỷ-kheo, có bốn sự sanh khởi này của ái. Ở đây, ái sanh khởi lên cho Tỷ-kheo.
Người có ái làm bạn,
Bị luân hồi dài dài,
Nó không vượt luân hồi,
Ðời này qua đời khác.
Do biết nguy hại vậy,
Ái tác thành ra khổ,
Không còn có khát ái,
Không còn có chấp trước,
Vị Tỷ-kheo chánh niệm
Du hành khắp đó đây.
(CVI) (Cat. 7) (It. 109)
Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng với Phạm thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy các con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận như các đạo sư thời xưa. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy con cái kính lễ mẹ cha ở trong nhà, những gia đình ấy được chấp nhận là đáng được cúng dường.
Phạm thiên, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Các đạo sư thời xưa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Ðáng được cúng dường, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha. Vì cớ sao? Giúp đỡ rất nhiều, này các Tỷ-kheo, là mẹ cha đối với con cái, nuôi chúng lớn, dưỡng dục chúng, giới thiệu chúng vào đời.
Mẹ cha gọi Phạm thiên,
Bậc Ðạo Sư thời trước,
Xứng đáng để con cháu,
Nuôi dưỡng và cúng dường.
Do vậy, bậc hiền triết,
Ðảnh lễ và tôn trọng,
Dâng đồ ăn đồ uống,
Vải mặc và giường nằm,
Thoa bóp cả thân mình,
Tắm rửa cả chân tay,
Với sở hành như vậy,
Ðối với mẹ và cha,
Ðời này người hiền khen,
Dời sau hưởng Thiên lạc.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến, và tôi đã được nghe.
(CVII) (Cat. 8) (It. 111)
Này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn gia chủ rất có lợi ích cho các Thầy, chính họ đã sắp đặt y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh cho các Thầy. Này các Tỷ-kheo, các Thầy cũng rất có lợi ích cho các người Bà-la-môn gia chủ, vì các Thầy thuyết pháp cho họ, pháp ấy sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa có văn, nói lên Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Phạm hạnh này được sống, do tương duyên với nhau, với mục đích vượt qua dòng nước mạnh, đoạn tận khổ đau.
Có nhà và không nhà,
Cả hai nương tựa nhau,
Chứng đạt được diệu pháp,
Ách an ổn, vô thượng,
Từ các vị có nhà,
Vị không nhà nhận được
Y áo, các vật dụng,
Giường nằm và chỗ ngồi,
Nhờ vậy tránh khỏi được,
Các nguy hiểm nhọc nhằn.
Các vị trú gia đình,
Ước mong mến gia đình,
Nương tựa bậc Thiện Thệ,
Lòng tin bậc Ứng Cúng,
Lòng tin Thánh trí tuệ,
Họ tu tập thiền định,
Ở đây, hành trì pháp,
Con đường đến cõi lành,
Hân hoan trong thiên giới,
Họ sống được hoan hỷ,
Như điều họ mong muốn.
(CVIII) (Cat. 9) It. 112)
Này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo nào lừa đảo ngoan cố, lắm mồm, lắm miệng, buông thả hỗn hào vô lễ không định tỉnh, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy không phải đệ tử của Ta; này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy rơi khỏi Pháp và Luật này; và này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy không đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, tăng rộng trong Pháp và Luật này. Và này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo nào không lừa đảo, không lắm mồm, lắm miệng, nghiêm trang, không ngoan cố, khéo định tĩnh; này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy là đệ tử của Ta; này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy không rơi khỏi Pháp và Luật này; và này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo ấy đi đến tăng trưởng, tăng thịnh, tăng rộng trong Pháp và Luật này.
Lừa đảo và ngoan cố,
Lắm mồm và buông thả,
Hỗn hào không định tĩnh,
Những hạng người như vậy,
Không lớn mạnh trong Pháp,
Ðược bậc Chánh giác giảng.
Không lừa đảo lắm mồm,
Nghiêm trang và bình tĩnh
Không ngoan cố, khéo định,
Họ lớn mạnh trong Pháp,
Ðược bậc Chánh giác giảng.
(CIX) (Cat. 10) (It. 113)
Này các Tỷ-kheo, ví như có người bị dòng sông cuốn trôi, dòng sông đẹp đẽ, dễ thương. Có người có mắt, đứng trên bờ thấy người ấy, nói rằng: "Này người kia, tuy người bị cuốn trôi bởi dòng sông đẹp đẽ dễ thương nhưng ở dưới kia có một cái hồ, đầy sóng và nước xoáy, đầy cá sấu và quỷ Dạ-xoa; nếu Ông đến chỗ ấy, Ông sẽ bị chết, hay đau khổ gần như chết. Rồi người ấy, sau khi nghe tiếng của người kia, liền với tay và với chân, bơi ngược dòng".
Này các Tỷ-kheo, Ta ví dụ này là để giải thích ý nghĩa. Ở đây, ý nghĩa là như sau: "Dòng sông, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với ái. Sắc khả ái dễ thương, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với sáu nội xứ. Cái hồ ở dưới, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm hạ phần kiết sử. Sóng, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với phẫn nộ, ưu não. Nước xoáy, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với năm dục tăng trưởng. Cá sấu, với quỷ Dạ-xoa, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với đàn bà; ngược dòng, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa xuất ly. Tinh tấn với tay với chân là đồng nghĩa với tinh cần tinh tấn. Người có mắt đứng trên bờ, này các Tỷ-kheo, là Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác".
Cùng với sự đau khổ,
Hãy từ bỏ các dục,
Mong cầu trong tương lai,
An ổn khỏi khổ ách,
Chơn chánh hiểu biết rõ,
Tâm khéo được giải thoát,
Tại đấy, ở tại đấy,
Cảm xúc được giải thoát,
Vị ấy đạt hiểu biết,
Phạm hạnh được thành tựu,
Ðến tận cùng thế giới,
Ðến được bờ bên kia.
Vị ấy được gọi vậy.
(CX) (Cat. 11) (It. 115)
Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đi khởi lên dục tầm, sân tầm hay hại tầm, nếu Tỷ-kheo chấp nhận không có từ bỏ, không có tẩy sạch, không có chấm dứt, không đi đến, không hiện hữu. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo đang đi có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người không có nhiệt tình, không có sợ hãi, liên tục thường hằng biếng nhác, tinh tấn hạ liệt.
Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đứng.... khi đang ngồi... khi đang nằm thức khởi lên dục tầm, hay sân tầm, hay hại tầm. Nếu Tỷ-kheo chấp nhận, không có từ bỏ, không có tẩy sạch, không có chấm dứt, không đi đến, không hiện hữu, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang nằm thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là vị không có nhiệt tình, không có sợ hãi, liên tục thường hằng biếng nhác, tinh tấn hạ liệt.
Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đi khởi lên dục tầm, sân tầm hay hại tầm; nếu Tỷ-kheo không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không hiện hữu; thì này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang đi có sở hành như vậy, vị ấy là có nhiệt tình, có sợ hãi, liên tục thường hằng tinh cần tinh tấn, siêng năng. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang ngồi. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang nằm thức khởi lên dục tầm, sân tầm hay hại tầm, nếu Tỷ-kheo không chấp nhận, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không hiện hữu... thì này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo khi đang nằm thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là vị có nhiệt tình, có sợ hãi, liên tục thường hằng tinh cần tinh tấn, siêng năng.
Khi đi hoặc khi đứng,
Khi ngồi hay khi nằm,
Khởi lên ác tâm tư,
Liên hệ đến gia đình,
Thực hành theo ác đạo,
Mờ ám bởi si mê,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Không chứng Vô thượng giác.
Ai khi đi, khi đứng,
Khi ngồi hay khi nằm,
Tập trung được tâm tư,
Ưa thích tầm chỉ tịnh,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Chứng được Vô thượng giác.
(CXI) (Cat. 12) (5 It. 118)
Này các Tỷ-kheo, hãy sống đầy đủ giới, đầy đủ giới bổn Pàtimokkha, được chế ngự với chế ngự giới bổn Pàtimokkha. Hãy sống đầy đủ oai nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp. Ðã sống đầy đủ giới, này các Tỷ-kheo, đầy đủ giới bổn Pàtimokkha, được chế ngự với sự chế ngự của giới bổn Pàtimokkha, sống đầy đủ uy nghi chánh hạnh, thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, chấp nhận và học tập trong các học pháp, còn có gì cần phải làm thêm nữa?
Nếu Tỷ-kheo trong khi đi, tham, sân được từ bỏ, hôn trầm thụy miên được từ bỏ, trạo hối được từ bỏ, nghi được đoạn tận, tinh cần tinh tấn, không có thụ động, niệm được an trú không có thất niệm, thân được khinh an không có cuồng nhiệt, tâm được định tĩnh nhất tâm. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi đi có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người có nhiệt tâm, có sợ hãi liên tục thường hằng tinh tấn, siêng năng.
Nếu Tỷ-kheo trong khi đứng... nếu Tỷ-kheo trong khi ngồi... nếu Tỷ-kheo trong khi nằm, thức, tham được trừ bỏ, sân được từ bỏ, hôn trầm thụy miên được từ bỏ, trạo hối được từ bỏ, nghi được đoạn tận, tinh cần tinh tấn, không có thụ động, niệm được an trú, không có thất niệm, thân được khinh an, không có cuồng nhiệt, tâm được định tĩnh, nhất tâm. Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo trong khi đang nằm thức có sở hành như vậy, vị ấy được gọi là người nhiệt tâm, có sợ hãi, liên tục thường hằng, tinh tấn, siêng năng.
Ði đứng biết tự chế,
Ngồi nằm biết tự chế,
Tỷ-kheo biết tự chế,
Khi co tay, duỗi tay.
Phía trên, ngang, cùng khắp,
Xa cho đến cùng tột,
Bất cứ sanh thú nào,
Ở tại thế giới này,
Khéo quán sát sanh diệt,
Của tất cả pháp uẩn,
Sống như vậy nhiệt tâm,
Tâm chỉ tịnh, đúng pháp,
Tâm an tịnh, không động,
Thường xuyên chuyên học tập,
Liên tục, thường siêng năng,
Tỷ-kheo được gọi vậy.
(CXII) (Cat. 13) (It. 121)
Ðiều này đã được Thế Tôn nói đến, đã được bậc A-la-hán nói đến và tôi đã được nghe:
Này các Tỷ-kheo, thế giới được Như Lai Chánh đẳng giác. Như Lai không hệ lụy đối với đời. Này các Tỷ-kheo, thế giới tập khởi được Như Lai Chánh đẳng giác; thế giới tập khởi được Như Lai đoạn tận. Này các Tỷ-kheo, thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác; thế giới đoạn diệt được Như Lai giác ngộ. Này các Tỷ-kheo, con đường đưa đến thế giới đoạn diệt được Như Lai chánh đẳng giác; con đường đưa đến thế giới đoạn diệt Như Lai đã tu tập.
Cái gì này các Tỷ-kheo, trong toàn thế giới với Thiên giới, Mạ giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, được thấy, được nghe, được thọ tưởng, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu, được ý tư sát, tất cả đều được Như Lai chánh đẳng giác. Do vậy được gọi là Như Lai. Này các Tỷ-kheo, từ đêm Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác đến đêm Ngài nhập Niết-bàn không có dư y trong thời gian ấy, điều gì Ngài nói, tuyên bố, nêu rõ lên tất cả là như vậy, không có khác được. Do vậy Ngài được gọi là Như Lai.
Này các Tỷ-kheo, Như Lai nói gì làm vậy, làm gì nói vậy. Vì rằng nói gì làm vậy, làm gì nói vậy, nên Ngài được gọi Như Lai.
Này các Tỷ-kheo, trong toàn thể thế giới, Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, cùng với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, Như Lai là bậc chiến thắng, không bị ai chiến bại, toàn tri, toàn kiến, đại tự tại, do vậy Ngài được gọi là Như Lai.
Thế Tôn đã nói lên ý nghĩa này. Ở đây điều này được nói đến:
Thắng tri mọi thế giới,
Mọi thế giới như thật,
Ly hệ mọi thế giới,
Không giống mọi thế giới.
Thắng tất cả bậc trí,
Giải thoát mọi buộc ràng.
Cảm thọ tối thắng tịnh,
Niết-bàn, không sợ hãi,
Vị này đoạn lậu hoặc,
Bậc giác ngộ trí giả,
Không dao động nhiễu loạn,
Nghi ngờ được chặt đứt,
Ðạt diệt tận mọi nghiệp
Giải thoát diệt sanh y,
Là Thế Tôn, là Phật
Bậc Sư tử vô thượng,
Trong thế giới thiên giới
Chuyển bánh xe Phạm luân.
Như vậy loài Trời, Người,
Ðến quy y đức Phật,
Gặp nhau, đảnh lễ Ngài,
Vĩ đại không sanh hữu,
Ðiều phục, bậc Tối thượng,
Trong người được điều phục
An tịnh, bậc ẩn sĩ,
Những người được an tịnh.
Giải thoát bậc tối thượng,
Những người được giải thoát
Vượt qua bậc tối thắng,
Những người được vượt qua.
Như vậy họ lễ Ngài
Vĩ đại, không sanh hữu,
Thiên giới, thế giới này,
Không ai được bằng Ngài.
Ý nghĩa này được Thế Tôn nói đến và tôi đã được nghe.
8. DHAMMA (NĀVĀ) SUTTAṂ
|
8. KINH GIÁO PHÁP (CHIẾC THUYỀN)
|
8. KINH CHIẾC THUYỀN
|
318. Yasmā hi dhammaṃ puriso vijaññā | 318. Do bởi vị nào mà một người có thể nhận thức được Giáo Pháp, thì nên tôn vinh vị ấy, tựa như vị Thiên nhân tôn vinh Thiên Chủ Inda. Được tôn vinh, có tâm hoan hỷ ở người (học trò) ấy, vị đa văn ấy (sẽ) bày tỏ về Giáo Pháp. | 316. Từ vị nào một người,
|
319. Tadaṭṭhikatvāna nisamma dhīro | 319. Người nào thân cận với vị (thầy) như thế ấy, không xao lãng, là người sáng trí, sau khi lấy điều ấy làm mục đích, sau khi lắng tai nghe, trong khi thực hành đúng pháp và thuận pháp, trở thành người hiểu biết, thông suốt, và khôn khéo. | 317. Vị sáng suốt chú tâm, |
320. Khuddañca bālaṃ upasevamāno | 320. Trong khi phục vụ vị (thầy) nhỏ mọn và ngu dốt, còn chưa đạt đến mục đích và có tánh ganh tỵ, ngay tại nơi này người (học trò) không thông suốt Giáo Pháp và đi đến cái chết, còn chưa vượt qua sự nghi hoặc. | 318. Ai phục vụ kẻ ngu, |
321. Yathā naro āpagaṃ otaritvā | 321. Giống như người đàn ông sau khi lội xuống dòng sông có nước lớn, tràn lan, có dòng nước chảy xiết, trong khi bị cuốn trôi xuôi theo dòng nước, người ấy có khả năng để giúp những kẻ khác vượt qua không? | 319. Như người nhảy xuống sông, |
322. Tatheva dhammaṃ avibhāvayitvā | 322. Tương tự như thế ấy, người không thông suốt Giáo Pháp, không lắng tai nghe ý nghĩa ở những vị đa văn, trong khi chính mình không biết, còn chưa vượt qua sự nghi hoặc, người ấy có khả năng để giúp cho những kẻ khác lĩnh hội không? | 320. Cũng vậy, với người nào, |
323. Yathāpi nāvaṃ daḷhamāruhitvā | 323. Cũng giống như người, sau khi leo lên chiếc thuyền vững chắc, được cung cấp mái chèo và bánh lái, là người thiện xảo, biết xử trí, hiểu biết cách thức (điều khiển) ở nơi ấy (chiếc thuyền), người ấy có thể giúp cho nhiều người khác nữa vượt qua nơi ấy. | 321. Như người được leo lên, |
324. Evampi yo vedagū bhāvitatto | 324. Cũng như vậy, vị nào đã đạt được tri kiến, có bản thân đã được tu tập, là vị nghe nhiều, có bản tánh không bị dao động, quả thật vị ấy, trong khi nhận biết, có thể giúp cho những người khác lĩnh hội, những người có sự lắng tai nghe và có được điều kiện căn bản (của sự chứng ngộ). | 322. Như vậy, bậc sáng suốt, |
325. Tasmā have sappurisaṃ bhajetha | 325. Vì thế, thật vậy nên thân cận với bậc chân nhân, vị có sự thông minh và có sự nghe nhiều. Sau khi hiểu được ý nghĩa, trong khi thực hành, với Giáo Pháp đã được nhận thức, người ấy có thể đạt được sự an lạc. | 323. Do vậy, hãy thân cận, |
Dhammasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
|
Dứt Kinh Giáo Pháp.
|
|
9. KIṂSĪLASUTTAṂ |
9. KINH VỚI GIỚI GÌ |
9. KINH THẾ NÀO LÀ GIỚI
|
326. Kiṃsīlo kiṃsamācāro kāni kammāni brūhayaṃ, | 326. Với giới gì, với sở hành gì, trong lúc làm tăng trưởng các nghiệp gì, một người có thể được tiến vào một cách đúng đắn và có thể đạt được mục đích tối thượng? | 324. Thế nào là giới đức? |
327. Vuddhāpacāyī anusuyyako siyā | 327. Nên có sự tôn kính các bậc trưởng thượng, không nên ganh tỵ, và nên biết thời điểm để yết kiến các vị thầy, nên biết thời khắc buổi thuyết giảng Pháp được bắt đầu, nên nghiêm chỉnh lắng nghe các lời đã được khéo nói. | 325. Kính lễ bậc trưởng thượng, |
328. Kālena gacche garunaṃ sakāsaṃ | 328. Nên đi đến trình diện các vị thầy đúng thời điểm, nên dẹp bỏ sự bướng bỉnh, có lối cư xử khiêm nhường, về ý nghĩa (lời giảng), Giáo Pháp, sự tự kiềm chế, và Phạm hạnh, chẳng những nên ghi nhớ mà còn nên hành trì. | 326. Hãy đi đến đúng thời, |
329. Dhammārāmo dhammarato |
329. Có sự vui thích ở Giáo Pháp, ưa thích Giáo Pháp, đứng vững ở Giáo Pháp, biết xét đoán về Giáo Pháp, không nên tạo ra lời nói gây hại cho Giáo Pháp, nên được dẫn dắt bởi những sự thật đã được khéo nói.
| 327. Vui thích trong Chánh Pháp |
330. Hassaṃ jappaṃ paridevaṃ padosaṃ | 330. Nên từ bỏ sự cười giỡn, việc nói vô bổ, sự than vãn, sự nổi sân, việc làm xảo trá, sự giả dối, sự thèm khát, và ngã mạn, sự hung hăng, sự thô lỗ, các uế trược, sự mê mẩn, và nên sống xa lìa sự đam mê, với bản thân đã được ổn định. | 328. Bỏ cười đùa, lắm miệng, |
331. Viññātasārāni subhāsitāni | 331. Các cốt lõi đã được nhận thức là các lời đã được khéo nói. Điều đã được nghe và điều đã được nhận thức là cốt lõi của định. Người nam nào nóng nảy và xao lãng, tuệ và điều đã được nghe của người ấy không tăng trưởng. | 329. Thức tri được cốt lõi, |
332. Dhamme ca ye ariyapavedite ratā | 332. Những người nào thích thú ở Giáo Pháp đã được tuyên thuyết bởi bậc Thánh nhân, những người ấy là không vượt hơn được về lời nói, về ý, và về hành động, những người ấy đã đứng vững ở sự an tịnh, ở sự hiền hòa, và ở định, họ đã đạt đến cốt lõi của điều đã được nghe và của tuệ. | 330. An vui thích Chánh pháp, |
Kiṃsīlasuttaṃ niṭṭhitaṃ. |
Dứt Kinh Với Giới Gì.
|
|
10. UṬṬHĀNASUTTAṂ |
10. KINH ĐỨNG LÊN
|
10. KINH ĐỨNG DẬY
|
333. Uṭṭhahatha nisīdatha ko attho supitena vo, | 333. Hãy đứng lên! Hãy ngồi dậy! Lợi ích gì cho các ngươi với việc ngủ? Bởi vì ngủ nghê gì đối với những kẻ bệnh, bị mũi tên xuyên thủng, đang bị khổ sở? | 331. Hãy đứng dậy, ngồi dậy, |
334. Uṭṭhahatha nisīdatha daḷhaṃ sikkhatha santiyā, | 334. Hãy đứng lên! Hãy ngồi dậy! Các ngươi hãy rèn luyện vững chắc về sự an tịnh. Chớ để Ma Vương biết được các ngươi xao lãng rồi gạt gẫm các ngươi trở thành những kẻ chịu sự sai khiến. | 332. Hãy đứng dậy, ngồi dậy, |
335. Yāya devā manussā ca sitā tiṭṭhanti atthikā, | 335. Chư Thiên và nhân loại bị lệ thuộc vào điều nào mà tồn tại và có sự mong cầu, các ngươi hãy vượt qua điều vướng mắc ấy. Chớ để thời khắc trôi qua đối với ngươi, bởi vì những kẻ để thời khắc trôi qua (sẽ) sầu muộn khi bị đọa vào địa ngục. | 333. Chư Thiên và loài Người, |
336. Pamādo rajo pamādo pamādānupatito rajo, | 336. Sự xao lãng là bụi bặm, sự xao lãng kế tiếp sự xao lãng là bụi bặm. Nhờ không xao lãng, nhờ vào minh, có thể nhổ lên mũi tên của bản thân. | 334. Phóng dật là bụi nhơ, |
Uṭṭhānasuttaṃ niṭṭhitaṃ. |
Dứt Kinh Đứng Lên.
|
|
11. RĀHULASUTTAṂ
|
11. KINH RĀHULA
|
11. KINH RĀHULA
|
337. Kacci abhiṇhasaṃvāsā nāvajānāsi paṇḍitaṃ, | 337. Con có coi thường bậc sáng suốt do việc cộng trú thường xuyên hay không? Bậc nắm giữ ngọn đuốc của loài người có được con tôn kính hay không? | Thế Tôn: 335. Thường chung sống người hiền, |
338. Nāhaṃ abhiṇhasaṃvāsā avajānāmi paṇḍitaṃ, | 338. Con không coi thường bậc sáng suốt do việc cộng trú thường xuyên. Bậc nắm giữ ngọn đuốc của loài người luôn luôn được con tôn kính. | Ràhula: 336. Thường chung sống người hiền, |
339. Pañca kāmaguṇe hitvā piyarūpe manorame, | 339. Sau khi từ bỏ năm loại dục có hình thức đáng yêu, làm thích ý, sau khi rời căn nhà ra đi vì niềm tin, con hãy thực hiện việc chấm dứt khổ đau. | Thế Tôn: 337. Bỏ năm dục trưởng dưỡng, |
340. Mitte bhajassu kalyāṇe pantañca sayanāsanaṃ, | 340. Con hãy thân cận những người bạn tốt lành và chỗ nằm ngồi thanh vắng, cô quạnh, ít tiếng động. Con hãy biết chừng mực về vật thực. | 338. Thân cận với bạn lành, |
341. Cīvare piṇḍapāte ca paccaye sayanāsane, | 341. Con chớ tạo ra sự tham ái ở những vật này: ở y phục, ở đồ ăn khất thực, ở thuốc men chữa bệnh, ở chỗ nằm ngồi. Con chớ đi đến thế gian lần nữa. | 339. Y áo, đồ khất thực, |
342. Saṃvuto pātimokkhasmiṃ indriyesu ca pañcasu, | 342. Con hãy thu thúc theo giới bổn Pātimokkha và ở năm giác quan. Con hãy có niệm đặt ở thân. Con hãy có nhiều nhàm chán (về thế gian). | 340. Chế ngự trong giới bổn, |
343. Nimittaṃ parivajjehi subhaṃ rāgūpasaṃhitaṃ, | 343. Con hãy xa lánh hiện tướng xinh đẹp, được gắn liền với luyến ái. Con hãy tu tập tâm về đề mục tử thi, có sự chuyên nhất, khéo định tĩnh. | 341. Hãy từ bỏ tịnh tướng, |
344. Animittañca bhāvehi mānānusayamujjaha, | 344. Và con hãy tu tập về vô tướng. Con hãy nhổ bỏ sự tiềm ẩn của ngã mạn. Từ đó, nhờ vào sự lĩnh hội về ngã mạn, con sẽ sống được an tịnh.” | 342. Hãy tu tập vô tướng, |
Itthaṃ sudaṃ bhagavā āyasmantaṃ rāhulaṃ imāhi gāthāhi abhiṇhaṃ ovadatīti. | Như thế, đức Thế Tôn thường xuyên giáo huấn đại đức Rāhula bằng những lời kệ này. | Như vậy, Thế Tôn thường giáo giới Tôn giả Ràhula với những bài kệ này.
|
Rāhulasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
|
Dứt Kinh Rāhula.
|
|
12. NIGRODHAKAPPASUTTAṂ
|
12. KINH NIGRODHAKAPPA
|
12. KINH VANGĪSA
|
Evaṃ me sutaṃ: Ekaṃ samayaṃ bhagavā āḷaviyaṃ viharati aggāḷave cetiye. Tena kho pana samayena āyasmato vaṅgīsassa upajjhāyo nigrodhakappo nāma thero aggāḷave cetiye aciraparinibbuto hoti. | Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Āḷavī, ở bảo tháp Aggāḷava. Vào lúc bấy giờ, thầy tế độ của đại đức Vaṅgīsa, vị trưởng lão tên Nigrodhakappa, vửa viên tịch Niết Bàn không bao lâu tại bảo tháp Aggāḷava. | Như vầy tôi nghe: Một thời Thế tôn sống ờ Alavi, tại điện Aggàlava. Lúc bấy giờ, giáo sư thọ sư của Tôn giả Vangìsa, tên là Nigrodhakappa tại điện Aggalava, mệnh chung không bao lâu.
|
Atha kho āyasmato vaṅgīsassa rahogatassa paṭisallīnassa evaṃ cetaso parivitakko udapādi: Parinibbuto nu kho me upajjhāyo udāhu no parinibbutoti. | Sau đó, đại đức Vaṅgīsa trong lúc thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: “Thầy tế độ của ta là viên tịch Niết Bàn hay là không phải viên tịch Niết Bàn?”
| Rồi Tôn giả Vangìsa, trong khi thiền định độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Không biết bậc giáo thọ sư của ta có hoàn toàn nhập Niết-bàn hay không hoàn toàn nhập Niết-bàn?". |
Atha kho ayasvā vaṅgīso sāyanhasamayaṃ paṭisallānā vuṭṭhito yena bhagavā tenupasaṅkami, upasaṅkamitvā bhagavantaṃ abhivādetvā ekamantaṃ nisīdi. Ekamantaṃ nisinno kho āyasmā vaṅgīso bhagavantaṃ etadavoca: | Sau đó vào buổi chiều, đại đức Vaṅgīsa, xuất khỏi thiền tịnh, đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, đại đức Vaṅgīsa đã nói với đức Thế Tôn điều này:
| Rồi Tôn giả Vangìsa vào buổi chiều, từ thiền tịnh đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Vangìsa bạch Thế Tôn:
|
Idha mayhaṃ bhante rahogatassa paṭisallīnassa evaṃ cetaso parivitakko udapādi: Parinibbuto nu kho me upajjhāyo udāhu no parinibbutoti. | “Bạch Ngài, ở đây trong lúc con thiền tịnh ở nơi thanh vắng có ý nghĩ suy tầm như vầy đã khởi lên: ‘Thầy tế độ của ta là viên tịch Niết Bàn hay là không phải viên tịch Niết Bàn?’” | - Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi Thiền tịnh độc cư, con khởi lên tư tưởng như sau: "Không biết bậc giáo thọ sư của con có hoàn toàn nhập Niết Bàn hay không, hoàn toàn nhập Niết-bàn?"
|
Atha kho āyasmā vaṅgīso uṭṭhāyāsanā ekaṃsaṃ cīvaraṃ katvā yena bhagavā tenañjaliṃ paṇāmetvā bhagavantaṃ gāthāya ajjhabhāsi: | Sau đó, đại đức Vaṅgīsa đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn bằng lời kệ rằng: | Rồi Tôn giả Vangìsa, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chấp tay vái chào Thế Tôn và với bài kệ, nói lên với Thế Tôn:
|
345. Pucchāma satthāraṃ anomapaññaṃ | 345. "Chúng con hỏi đấng Đạo Sư, bậc có trí tuệ tột đỉnh, bậc đã cắt đứt các sự hoài nghi ở thế giới hiện hữu, về vị tỳ khưu đã từ trần ở Aggāḷava, được biết tiếng, có danh vọng, có bản thể đã được tịch tịnh.
| Vangìsa: 343. Con hỏi bậc Ðạo Sư, |
346. Nigrodhakappo iti tassa nāmaṃ, | 346. Bạch đức Thế Tôn, ‘Nigrodhakappa’ là tên đã được Ngài đặt cho vị Bà-la-môn ấy. Bạch đấng có sự nhìn thấy pháp vững chắc, vị ấy, mong mỏi sự giải thoát, trong lúc lễ bái Ngài, đã sống, có sự nỗ lực tinh tấn. | 344. Nigrodhakappa, |
347. Taṃ sāvakaṃ sakka mayampi sabbe | 347. Bạch ngài Sakya, bạch đấng Toàn Nhãn, tất cả chúng con cũng muốn được biết về vị Thinh Văn ấy; những lỗ tai của chúng con đã sẵn sàng cho việc nghe. Ngài là bậc Đạo Sư của chúng con. Ngài là bậc Vô Thượng.
| 345. Bạch Thích Ca, chúng con |
348. Chindeva no vicikicchaṃ brūhi metaṃ | 348. Xin Ngài hãy cắt đứt hẳn sự hoài nghi của chúng con, xin hãy nói cho con điều ấy. Bạch đấng có trí tuệ quảng đại, xin Ngài hãy cho biết về việc viên tịch Niết Bàn (của vị ấy). Bạch đấng Toàn Nhãn, xin Ngài hãy nói ở ngay giữa chúng con, tựa như vị Trời Sakka có ngàn mắt ở giữa chư Thiên. | 346. Hãy đoạn nghi chúng con, |
349. Ye keci ganthā idha mohamaggā, | 349. Ở đây, bất cứ những mối buộc thắt nào, những con đường của si mê, những phe nhóm của vô trí, những chỗ đứng của hoài nghi, sau khi đạt đến đức Như Lai, chúng đều không tồn tại, bởi vì con mắt ấy là tối thượng giữa những con người. | 347. Phàm những cột gút gì, |
350. No ce hi jātu puriso kilese | 350. Bởi vì, nếu chắc chắn không có người tiêu diệt các phiền não, giống như làn gió làm tiêu tan đám mây, thì toàn bộ thế gian, bị bao trùm, sẽ vô cùng tối tăm, ngay cả những người có hào quang (trí tuệ) cũng không thể tỏa sáng. | 348. Nếu không có người nào, |
351. Dhīrā ca pajjotakarā bhavanti | 351. Và các bậc thông minh là những người tạo ra ánh sáng. Vì thế, bạch đấng Thông Minh, con nghĩ rằng Ngài là vị tương tự như thế ấy. Chúng con đã đi đến với bậc có sự minh sát và hiểu biết, xin Ngài hãy bày tỏ về vị Kappa cho chúng con ở các hội chúng.
| 349. Bậc trí là những vị |
352. Khippaṃ giraṃ eraya vagguvagguṃ | 352. Hỡi bậc có sự thu hút, xin Ngài hãy mau mau thốt lên giọng nói có sự thu hút. Tựa như chim thiên nga vươn cao (cái cổ), xin Ngài hãy dịu dàng thốt lên bằng âm thanh trọn vẹn khéo được điều khiển; toàn bộ tất cả chúng con đều tập trung lắng nghe. | 350. Hãy gấp phát tiếng lên, |
353. Pahīnajātimaraṇaṃ asesaṃ | 353. Sau khi thúc giục bậc có sự sanh tử đã được dứt bỏ không còn dư sót, con sẽ thỉnh bậc đã rũ sạch (phiền não) thuyết Pháp; bởi vì trong số các phàm nhân không có người có thể làm được điều mong muốn, và người hành động đúng theo dự tính chỉ có trong số các đức Như Lai. | 351. Vị đoạn tận sanh tử, |
354. Sampannaveyyākaraṇaṃ tavedaṃ | 354. Lời giải thích đầy đủ này của Ngài, bậc có trí tuệ ngay thẳng, đã được tiếp nhận. Sự chắp tay sau cùng này đã được cúi chào tốt đẹp. Hỡi bậc có trí tuệ tột đỉnh, trong khi Ngài biết, xin Ngài chớ làm mê mờ. | 352. Câu trả lời của Ngài |
355. Parovaraṃ ariyadhammaṃ viditvā | 355. Hỡi đấng Anh Hùng tột bực, Ngài đã hiểu biết về Giáo Pháp cao thượng từ thấp đến cao, trong khi Ngài biết, xin Ngài chớ làm mê mờ. Giống như người có bản thân bị nóng bức, trong lúc nóng nực mong mỏi nước, con mong mỏi lời nói (của Ngài); xin Ngài hãy đổ cơn mưa âm thanh. | 353. Sau khi đã được biết |
356. Yadatthikaṃ brahmacariyaṃ acāri | 356. Vị Kappāyana đã sống Phạm hạnh với mục đích nào, phải chăng điều ấy không phải là rỗng không? Có phải vị ấy đã Niết Bàn (không còn dư sót), hay là vẫn còn dư sót? Vị ấy đã được giải thoát như thế nào, hãy cho chúng con được nghe điều ấy.” | 354. Kappa, sống Phạm hạnh, |
357. Acchecchi taṇhaṃ idha nāmarūpe (iti bhagavā) | 357. “Vị ấy đã cắt đứt tham ái ở danh và sắc ở nơi đây (lời của đức Thế Tôn), dòng nước của Ma Vương đã được tiềm ẩn bấy lâu. Vị ấy đã vượt qua sự sanh và sự chết.” Đức Thế Tôn, bậc đứng đầu về năm pháp, đã nói như thế. | Thế Tôn: 355. Vị ấy trên danh sắc, |
358. Esa sutvā pasīdāmi vaco te isisattama, | 358. “Bạch bậc Ẩn Sĩ tối thượng, sau khi nghe điều ấy, con tin tưởng vào lời nói của Ngài. Thật vậy, điều đã được con hỏi là không vô ích, vị Bà-la-môn đã không dối gạt con. | Vangìsa: 356. Nghe vậy, con tịnh tín, |
359. Yathāvādī tathākārī ahu buddhassa sāvako, | 359. Vị có lời nói như thế nào thì có hành động như thế ấy đã là đệ tử của đức Phật. Vị ấy đã cắt đứt tấm lưới chắc chắn của Thần Chết xảo quyệt đã được giăng ra. | 357. Nói gì thời làm vậy, |
360. Addasa bhagavā ādiṃ upādānassa kappiyo, | 360. Bạch đức Thế Tôn, vị Kappiya đã nhìn thấy sự khởi đầu của chấp thủ. Quả thật, vị Kappāyana đã băng qua lãnh địa của Thần Chết, là nơi rất khó vượt qua.” | 358. Ôi! Thế Tôn, Kappa |
|
Dứt Kinh Nigrodhakappa. |
|
13. SAMMĀPARIBBĀJANĪYASUTTAṂ
|
13. KINH DU HÀNH CHÂN CHÁNH
|
13. KINH CHÁNH XUẤT GIA
|
361. Pucchāmi muniṃ pahūtapaññaṃ | 361. “Con hỏi bậc hiền trí, bậc có tuệ bao la, bậc đã vượt qua, đã đi đến bờ kia, đã hữu dư Niết Bàn, có bản thân ổn định rằng: ‘Sau khi rời nhà ra đi, sau khi đã xua đuổi các dục, vị tỳ khưu ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian như thế nào?’” | Người hỏi: 359. Tôi hỏi bậc ẩn sĩ, |
362. Yassa maṅgalā samūhatā (iti bhagavā) | 362. (Lời của đức Thế Tôn) “Đối với vị nào các điềm lành đã được bứng lên, các (hiện tượng) sao băng, các giấc chiêm bao, và các hiện tướng (cũng như vậy), vị tỳ khưu ấy đã dứt bỏ hẳn các điềm lành và điềm xấu, vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian. | Thế Tôn: 360. Ai nhổ lên điềm lành, |
363. Rāgaṃ vinayetha mānusesu | 363. Vị tỳ khưu nên xua đi sự luyến ái ở các dục thuộc về nhân loại luôn cả thuộc về cõi trời. Sau khi vượt qua hữu, sau khi hiểu rõ Giáo Pháp (Tứ Diệu Đế), vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian. | 361. Tỷ-kheo nhiếp phục tham, |
364. Vipiṭṭhi katvāna pesunāni | 364. Sau khi đã bỏ lại sau lưng các việc nói đâm thọc, vị tỳ khưu nên từ bỏ sự giận dữ và keo kiệt, đã dứt bỏ hẳn sự tùy thuận và chống đối, vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian. | 362. Tỷ kheo bỏ hai lưỡi, |
365. Hitvāna piyañca appiyañca | 365. Sau khi từ bỏ thương và ghét, sau khi không còn chấp thủ, không bị lệ thuộc vào bất cứ nơi nào, được hoàn toàn thoát khỏi các sự trói buộc, vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian. | 363. Sau khi đã từ bỏ, |
366. Na so upadhīsu sārameti | 366. Không có việc vị ấy đi đến cốt lõi ở các mầm tái sanh, sau khi xua đi sự mong muốn và luyến ái ở các chấp thủ, vị ấy không bị lệ thuộc, không bị dẫn dắt bởi kẻ khác, vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian. | 364. Ai không tìm lõi cây, |
367. Vacasā manasā ca kammanā ca | 367. Không chống đối bằng lời nói, bằng ý nghĩ, và bằng hành động, sau khi hiểu biết Giáo Pháp một cách đúng đắn, trong khi ước nguyện trạng thái Niết Bàn, vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.
| 365. Với lời và với ý, |
368. Yo vandati maṃ na uṇṇameyya | 368. Vị nào không kiêu hãnh (nghĩ rằng) ‘Họ đảnh lễ ta,’ ngay cả khi bị sỉ vả, vị tỳ khưu cũng không kết nối (thù hận), sau khi thọ lãnh vật thực của người khác, không đắc chí (tự mãn), vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian. | 366. Tỷ-kheo không tự cao, |
369. Lobhañca bhavañca vippahāya | 369. Sau khi dứt bỏ hẳn tham và hữu, vị tỳ khưu lánh xa việc hãm hại và trói buộc (các chúng sanh khác), vị ấy đã vượt qua sự nghi ngờ, không còn mũi tên, vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian. | 367. Tỷ-kheo sau khi đoạn, |
370. Sāruppamattano viditvā | 370. Sau khi biết được điều thích hợp cho bản thân, vị tỳ khưu không hãm hại bất cứ ai ở thế gian, sau khi biết được Giáo Pháp đúng theo bản thể, vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian. | 368. Tỷ-kheo sau khi biết, |
371. Yassānusayā na santi keci | 371. Đối với vị nào, không còn có bất cứ các pháp tiềm ẩn nào, các gốc rễ bất thiện đã được nhổ lên, vị ấy không còn ước ao (tham vọng), không có khao khát, vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian. | 369. Với ai, các tuỳ miên, |
372. Āsavakhīṇo pahīnamāno | 372. Có lậu hoặc đã được cạn kiệt, đã dứt bỏ ngã mạn, đã vượt lên trên tất cả lộ trình của luyến ái, đã được huấn luyện, đã hữu dư Niết Bàn, có bản thân ổn định vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian. | 370. Ai đoạn tận lậu hoặc, |
373. Saddho sutavā niyāmadassī | 373. Có đức tin, có sự lắng nghe, có sự nhìn thấy quy luật, vị sáng trí không xuôi theo bè phái giữa những kẻ đi theo bè phái, sau khi xua đi tham lam, sân hận, bất bình, vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian. | 371. Có lòng tin, nghe pháp, |
374. Saṃsuddhajino vivattacchaddo | 374. Vị chiến thắng thanh tịnh, có màn che đã được cuốn lên, có năng lực ở các pháp, đã đi đến bờ kia, không dục vọng, được thiện xảo ở trí về sự tịch diệt của các hành, vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian. | 372. Thanh tịnh và chiến thắng, |
375. Atītesu anāgatesu cāpi | 375. Vị đã vượt qua suy tưởng (về tham ái và tà kiến) ở các thời quá khứ và còn ở các thời vị lai nữa, sau khi đã vượt qua, có tuệ trong sạch, được hoàn toàn thoát khỏi tất cả các xứ (sáu nội xứ và sáu ngoại xứ), vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian. | 373. Trong những thời quá khứ, |
376. Aññāya padaṃ samecca dhammaṃ | 376. Sau khi hiểu biết nền tảng (Tứ Đế), sau khi hiểu rõ Giáo Pháp, sau khi nhìn thấy sự dứt bỏ của các lậu hoặc một cách rõ rệt, nhờ vào sự diệt tận của tất cả các mầm tái sanh, vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.
| 374. Rõ biết được Pháp cú, |
377. Addhā hi bhagavā tatheva etaṃ | 377. “Bạch đức Thế Tôn, thật vậy, bởi vì điều ấy đúng y như thế, vị tỳ khưu ấy đã sống như vậy, đã được huấn luyện và đã vượt qua khỏi tất cả các sự trói buộc, vị ấy có thể du hành chân chánh ở thế gian.”
| Người hỏi: 375. Bạch Thế Tôn, chắc chắn, |
Sammāparibbājanīyasuttaṃ niṭṭhitaṃ. |
Dứt Kinh Du Hành Chân Chánh.
|
|
14. DHAMMIKASUTTAṂ
|
14. KINH DHAMMIKA
|
14. KINH DHAMMIKA
|
Evaṃ me sutaṃ: Ekaṃ samayaṃ bhagavā sāvatthiyaṃ viharati jetavane anāthapiṇḍikassa ārāme. Atha kho dhammiko upāsako pañcahi upāsakasatehi saddhiṃ yena bhagavā tenupasaṅkami, upasaṅkamitvā bhagavantaṃ abhivādetvā ekamantaṃ nisīdi. Ekamantaṃ nisinno kho dhammiko upāsako bhagavantaṃ gāthāya ajjhabhāsi: | Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy, cư sĩ Dhammika cùng với năm trăm cư sĩ đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, cư sĩ Dhammika đã nói với đức Thế Tôn bằng lời kệ rằng: | Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn ông Anàthapindika. Rồi nam cư sĩ Dhammika đi đến Thế Tôn với năm trăm nam cư sĩ, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Dhammika nói lên những bài kệ với Thế Tôn:
|
378. Pucchāmi taṃ gotama bhūripañña | 378. “Bạch ngài Gotama, bạch đấng có trí tuệ quảng đại, con xin hỏi Ngài: Người đệ tử tốt lành là người có hành động như thế nào, người (đệ tử) này hoặc là vị (xuất gia) rời nhà đi đến đời sống không nhà, hoặc là những vị cư sĩ có sở hữu căn nhà? | Dhammika: 376. Kính thưa Gotama, |
379. Tuvaṃ hi lokassa sadevakassa | 379. Bởi vì Ngài nhận biết cảnh giới tái sanh và việc đi đến bờ kia của thế gian luôn cả chư Thiên, và người có sự nhìn thấy ý nghĩa vi tế có thể sánh bằng (với Ngài) là không có, bởi vì người ta nói Ngài là đức Phật quý cao. | 377. Ngài rõ biết đường đi, |
380. Sabbaṃ tuvaṃ ñāṇamavecca dhammaṃ | 380. Sau khi biết mọi loại trí tuệ, trong lúc thương tưởng đến chúng sanh, Ngài (đã) giảng giải Giáo Pháp. Bạch đấng Toàn Nhãn, Ngài có màn che đã được cuốn lên. Không bị vết nhơ, Ngài chiếu sáng tất cả thế gian. | 378. Ngài biết tất cả trí, |
381. Āgañchi te santike nāgarājā | 381. Vị vua của loài voi tên là Erāvaṇa đã đi đến gặp Ngài. Sau khi nghe rằng: ‘Đấng Chiến Thắng,’ vị ấy cũng đã thảo luận với Ngài, đã lắng nghe và (đã nói) rằng: ‘Lành thay,’ rồi đã ra đi với dáng vẻ hân hoan. | 379. Vị vua loài Nàgà |
382. Rājāpi taṃ vessavaṇo kuvero | 382. Vị vua Vessavaṇa Kuvera cũng đã đi đến gặp Ngài hỏi han về Giáo Pháp. Bạch bậc Sáng Trí, ngay cả đối với vị ấy, Ngài đã trả lời khi được hỏi. Và vị ấy nữa, sau khi lắng nghe cũng có dáng vẻ hân hoan. | 380. Vua Vessavana, |
383. Ye kecime titthiyā vādasīlā | 383. Những ngoại đạo này, bất cứ những vị nào có bản tánh tranh luận, dầu là các đạo sĩ khổ hạnh hay là các đạo sĩ lõa thể, tất cả không vượt qua được Ngài về tuệ, tựa như kẻ đứng lại không vượt qua được người đi nhanh đang tiến bước.
| 381. Các bậc ngoại đạo này |
384. Ye kecime brāhmaṇā vādasīlā | 384. Những Bà-la-môn này, bất cứ những vị nào có bản tánh tranh luận, và có cả những vị Bà-la-môn trưởng thượng nào đó nữa, luôn cả những kẻ khác đang nghĩ họ là những người tranh luận, tất cả đều bám vào ý nghĩa (của lời giải đáp) ở nơi Ngài. | 382. Các Bà-la-môn này, |
385. Ayaṃ hi dhammo nipuṇo sukho ca | 385. Bạch đức Thế Tôn, bởi vì Giáo Pháp này là vi tế và (đem lại) an lạc, đã khéo được tuyên thuyết bởi Ngài. Tất cả đang mong muốn lắng nghe chính điều ấy. Bạch đức Phật tối thượng, đã được hỏi, xin Ngài hãy nói cho chúng con điều ấy. | 383. Pháp này là tế nhị, |
386. Sabbepime bhikkhavo sannisinnā | 386. Tất cả các vị tỳ khưu này cũng đã cùng nhau ngồi xuống để lắng nghe, các cư sĩ cũng tương tự y như thế. Hãy để họ lắng nghe Giáo Pháp đã được giác ngộ bởi bậc Vô Nhiễm, tựa như chư Thiên lắng nghe lời khéo nói của (Thiên Vương) Vāsava. | 384. Các vị Tỷ-kheo này, |
387. Suṇātha me bhikkhavo sāvayāmi vo | 387. “Này các tỳ khưu, các ngươi hãy lắng nghe Ta. Ta nói cho các ngươi nghe về pháp từ khước; và tất cả hãy ghi nhớ điều ấy. Vị có sự nhìn thấy điều lợi ích, có niệm, nên thực hành (bốn) oai nghi phù hợp đối với các bậc xuất gia. | Thế Tôn: 385. Tỷ-kheo, hãy nghe Ta, |
388. Na ve vikāle vicareyya bhikkhu | 388. Thật vậy, vị tỳ khưu không nên đi đâu vào lúc không đúng thời, và nên đi vào làng để khất thực lúc đúng thời. Bởi vì, sự quyến luyến bám vào kẻ du hành không đúng thời. Vì thế, chư Phật không đi vào lúc không đúng thời.
| 386. Tỷ-kheo chớ ra ngoài, |
389. Rūpā ca saddā ca rasā ca gandhā | 389. Các sắc, các thinh, các vị, các hương, và các xúc, chúng làm say đắm các chúng sanh. Sau khi xua đi sự mong muốn ở các pháp ấy, vị ấy vào lúc đúng thời có thể đi vào (làng để khất thực) cho buổi ăn sáng.
| 387. Các sắc và các tiếng, |
390. Piṇḍañca bhikkhu samayena laddhā | 390. Và sau khi đã nhận được vật thực hợp thời, vị tỳ khưu, một mình, sau khi quay trở về nên ngồi xuống ở nơi vắng vẻ, có tâm hướng nội phần, có bản ngã đã được nắm giữ tốt đẹp, không để cho ý buông lung ở ngoại cảnh. | 388. Tỷ-kheo được đúng thời, |
391. Sace pi so sallape sāvakena | 391. Thậm chí, nếu vị ấy phải chuyện trò với người đệ tử, hoặc với kẻ khác, hoặc với bất cứ vị tỳ khưu nào, thì nên đề cập đến Giáo Pháp hảo hạng ấy, không nói đâm thọc, cũng không nói chỉ trích kẻ khác.
| 389. Nếu vị ấy có nói, |
392. Vādaṃ hi eke paṭiseniyanti | 392. Bởi vì một số người phản kháng lại lời nói, chúng ta không ca ngợi những kẻ có tuệ nhỏ nhoi ấy. Các sự quyến luyến từ nơi này nơi khác đeo bám những kẻ ấy, bởi vì những kẻ ấy để cho tâm đi xa khỏi nơi ấy.
| 390. Nhưng có những hạng người, |
393. Piṇḍaṃ vihāraṃ sayanāsanañca | 393. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp được thuyết giảng bởi bậc Thiện Thệ, vị đệ tử có tuệ cao quý suy xét rồi thọ dụng đồ ăn khất thực, trú xá, chỗ nằm ngồi (giường ghế), và nước gột sạch bụi bám ở y hai lớp. | 391. Ðồ khất thực, tinh xá, |
394. Tasmā hi piṇḍe sayanāsane ca | 394. Chính vì thế, về đồ ăn khất thực, về chỗ nằm ngồi (giường ghế), và về nước gột sạch bụi bám ở y hai lớp, vị tỳ khưu không bám víu vào những pháp này, giống như những giọt nước ở lá sen. | 392. Do vậy đồ khất thực, |
395. Gahaṭṭhavattaṃ pana vo vadāmi | 395. Giờ đây, Ta nói về phận sự của người tại gia cho các ngươi. Có hành động như thế nào thì trở nên người đệ tử tốt lành. Bởi vì toàn bộ pháp hành ấy của tỳ khưu, người có vật sở hữu thì không thể nào đạt đến. | 393. Trách nhiệm của gia chủ, |
396. Pāṇaṃ na hāne na ca ghātayeyya | 396. Không nên giết hại mạng sống và không nên bảo (kẻ khác) giết hại, không nên chấp thuận cho những kẻ khác đang giết hại. Sau khi bỏ xuống gậy gộc đối với tất cả chúng sanh, những loài không di động và những loài di động hiện hữu ở thế gian. | 394. Chớ giết loài hữu tình, |
397. Tato adinnaṃ parivajjayeyya | 397. Kế đến, người đệ tử sáng suốt nên xa lánh bất cứ vật gì không được cho, ở bất cứ nơi đâu. Không nên bảo (kẻ khác) lấy trộm, không nên chấp nhận những kẻ đang lấy trộm, nên xa lánh mọi vật không được cho. | 385. Rồi hãy quyết từ bỏ, |
398. Abrahmacariyaṃ parivajjayeyya | 398. Người có sự hiểu biết nên xa lánh việc phi Phạm hạnh, tựa như (xa lánh) đống than hừng đang cháy rực. Hơn nữa, trong khi không đủ khả năng (sống) Phạm hạnh, không nên xâm phạm vợ của người khác. | 396. Hãy từ bỏ, tránh xa |
399. Sabhaggato vā parisaggato vā | 399. Một người đi đến cuộc hội họp hoặc đi đến hội chúng không nên nói lời dối trá đối với người khác, không nên bảo (kẻ khác) nói (dối), không nên chấp nhận những kẻ đang nói (dối), nên xa lánh mọi điều không phải sự thật. | 397. Khi đi đến hội chúng, |
400. Majjañca pānaṃ na samācareyya | 400. Người tại gia nào thích thú với Giáo Pháp này không nên thực hành việc uống chất say, không nên bảo (kẻ khác) uống (chất say), không nên chấp nhận những kẻ đang uống (chất say), sau khi biết rằng việc (uống chất say) ấy có sự điên cuồng là kết cuộc. | 398. Chớ sống theo nếp sống, |
401. Madā hi pāpāni karonti bālā | 401. Bởi vì do say sưa, những kẻ ngu làm những việc xấu xa và còn làm cho những người khác cũng bị xao lãng. Nên xa lánh hẳn việc này, lãnh vực không có phước báu, sự điên cuồng, sự đần độn, được ưa thích bởi kẻ ngu. | 399. Chỉ kẻ ngu say rượu, |
402. Pāṇaṃ na hāne na cadinnamādiye | 402. Không nên giết hại sinh mạng, và không nên lấy vật không được cho, không nên nói lời dối trá, và không nên uống chất say, nên kiêng cử việc đôi lứa, việc phi Phạm hạnh, không nên ăn vật thực lúc phi thời, vào ban đêm.
| 400. Chớ có giết hữu tình, |
403. Mālaṃ na dhāre na ca gandhamācare | 403. Không nên đeo tràng hoa, và không nên sử dụng chất thơm, nên nằm ở chiếc giường, hoặc ở mặt đất đã được trải lót. Bởi vì việc ấy được gọi là là hạnh trai giới gồm có tám chi phần, đã được giảng giải bởi đức Phật, bậc đã đi đến sự chấm dứt của khổ đau.
| 401. Chớ mang các vòng hoa, |
404. Tato ca pakkhassupavassuposathaṃ | 404. Và kế đó, sau khi hành trì ngày trai giới hội đủ tám chi phần, có hình thức được hoàn toàn đầy đủ, với tâm tịnh tín, vào ngày mười bốn, ngày mười lăm, ngày thứ tám của nửa tháng, và (các) ngày phụ trội của nửa tháng,[1] ... | 402. Từ nay ngày trai giới, |
[1] Vào mỗi nửa tháng, ba ngày trai giới mồng tám, mười bốn, mười lăm, cộng thêm ngày rước và ngày đưa là các ngày bảy, ngày chín, ngày mười ba, và mồng một (ND). | ||
405. Tato ca pāto upavutthuposatho | 405. ... và sau đó vào buổi sáng, khi ngày trai giới đã được hành trì xong, người có sự hiểu biết, với tâm tịnh tín, trong khi đang hoan hỷ, nên dâng cúng cơm nước phù hợp với khả năng đến hội chúng tỳ khưu. | 403. Do vậy, vào buổi sáng, |
406. Dhammena mātāpitaro bhareyya | 406. Người ấy nên phụng dưỡng mẹ cha đúng theo bổn phận, nên áp dụng việc buôn bán một cách đúng pháp. Người tại gia này, trong lúc duy trì cuộc sống (như vậy), không xao lãng, (sẽ) đi đến với chư Thiên có tên là ‘Sayaṃpabhā’ (tự mình có hào quang). | 404. Hãy nuôi dưỡng mẹ cha, |
Dhammikasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
|
Dứt Kinh Dhammika.
Tiểu Phẩm là thứ nhì.
|
|
TASSUDDĀNAṂ |
TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
|
|
Ratanaṃ āmagandhañca hiriṃ maṅgalamuttamaṃ,
| Kinh châu báu, và kinh mùi tanh hôi, kinh hổ thẹn, kinh điềm lành tối thượng, kinh Sūciloma, kinh Kapila, và kinh truyền thống Bà-la-môn nữa, kinh Giáo Pháp, kinh với giới gì, kinh đứng lên, và kinh Rāhula, kinh Kappa, kinh du hành (chân chánh), và còn có kinh Dhammika khác nữa; mười bốn bài kinh này gọi là Tiểu Phẩm. |
|
1. PABBAJJĀSUTTAṂ
|
1. KINH XUẤT GIA
|
1. KINH XUẤT GIA
|
407. Pabbajjaṃ kittayissāmi yathā pabbaji cakkhumā, | 407. Tôi[1] sẽ thuật lại việc xuất gia: Bậc Hữu Nhãn đã xuất gia ra sao, trong khi suy xét thế nào mà Ngài đã tỏ ra thích thú việc xuất gia. [1] Lời của Ngài Ānanda (SnA. 2, 381). | Ananda: 405. Xuất gia, tôi tán thán, |
408. Sambādho ’yaṃ gharāvāso rajassāyatanaṃ iti, | 408. Ngài đã xuất gia sau khi nhìn thấy rằng: ‘Cuộc sống tại gia này có sự chướng ngại, là địa bàn của ô nhiễm; việc xuất gia quả là bầu trời mở rộng.’ | 406.Trói buộc, sống gia đình, |
409. Pabbajitvāna kāyena pāpaṃ kammaṃ vivajjayi, | 409. Sau khi xuất gia, Ngài đã lánh xa nghiệp ác do thân. Sau khi từ bỏ uế hạnh về khẩu, Ngài đã làm trong sạch việc nuôi mạng. | 407. Sau khi Ngài xuất gia, |
410. Agamā rājagahaṃ buddho magadhānaṃ giribbajaṃ, | 410. Đức Phật đã đi đến thành Rājagaha, vùng đất ở giữa các ngọn núi của xứ Magadha. Ngài đã dấn thân vào việc khất thực, với tướng mạo cao quý nổi bật. | 408. Phật đi đến Vương Xá, |
411. Tamaddasā bimbisāro pāsādasmiṃ patiṭṭhito, | 411. Đứng ở tòa lâu đài, đức vua Bimbisāra đã nhìn thấy Ngài. Sau khi nhìn thấy bậc có đầy đủ tướng mạo, đức vua đã nói lên ý nghĩa này: | 409. Bình Sa vương thấy Ngài, |
412. Imaṃ bhonto nisāmetha abhirūpo brahā suci, | 412. ‘Này các khanh, hãy nhìn xem người này, vị có vóc dáng đẹp, cao cả, (làn da) trong sáng, và còn thành tựu về cử chỉ nữa; và vị này nhìn chỉ trong tầm của một cán cày. | 410. Các Ông hãy chăm sóc |
413. Okkhittacakkhu satimā nāyaṃ nīcā kulāmiva, | 413. Với mắt nhìn xuống, có niệm, vị này dường như không thuộc gia tộc hạ liệt. Hãy cho các sứ giả của vua chạy đến (hỏi xem) vị tỳ khưu (ấy) sẽ đi đến nơi nào?' | 411. Mắt nhìn xuống, chánh niệm, |
414. Te pesitā rājadūtā piṭṭhito anubandhisuṃ, | 414. Được phái đi, các sứ giả ấy của vua đã đi theo sát ở phía sau (nghĩ rằng): ‘Vị tỳ khưu sẽ đi đến nơi nào? Chỗ trú ngụ sẽ là nơi đâu?’ | 412. Ðược sai, sứ giả ấy |
415. Sapadānaṃ caramāno guttadvāro susaṃvuto, | 415. Trong khi bước đi (khất thực) tuần tự theo từng nhà, vị ấy có các căn đã được canh phòng, khéo thu thúc ở các giác quan, đã nhận đầy bình bát một cách nhanh chóng, có sự nhận biết rõ, có niệm. | 413. Khất thực, từng nhà một, |
416. Piṇḍacāraṃ caritvāna nikkhamma nagarā muni, | 416. Sau khi đi khất thực, vị hiền trí đã rời khỏi thành phố rồi đã leo lên núi Paṇḍava (nghĩ rằng): ‘Nơi này sẽ là chỗ trú ngụ.’
| 414. Sau khi đi khất thực, |
417. Disvāna vāsūpagataṃ tato dūtā upāvisuṃ, | 417. Sau khi nhìn thấy vị ấy đi đến gần chỗ trú ngụ, do đó các sứ giả đã dừng lại. Và chỉ một vị sứ giả đã trở về thông báo cho đức vua rằng:
| 415. Thấy vị ấy đến chỗ, |
418. Esa bhikkhu māhārāja paṇḍavassa purakkhato,
| 418. ‘Tâu đại vương, vị tỳ khưu ấy ngồi tựa như con hổ hay con bò mộng ở phía trước núi Paṇḍava, tựa như con sư tử ở trong hang núi.’
| 416. Ðại vương, Tỷ-kheo ấy, |
419. Sutvāna dūtavacanaṃ bhaddayānena khattiyo, | 419. Sau khi đã nghe lời nói của viên sứ giả, vị Sát-đế-lỵ với dáng vẻ vội vã đã ra đi về phía núi Paṇḍava bằng cỗ xe xinh đẹp.
| 417. Nghe sứ giả, đức vua |
420. Sa yānabhūmiṃ yāyitvā yānā oruyha khattiyo, | 420. Sau khi đã đi hết vùng đất có thể đi bằng cỗ xe, đức vua ấy đã leo xuống cỗ xe rồi đã đi bộ đến gần, sau khi đến nơi đã ngồi kế cận vị tỳ khưu ấy.
| 418. Ði được, vua đi xe, |
421. Nisajja rājā sammodi kathaṃ sārāṇīyaṃ tato, | 421. Sau khi ngồi xuống, đức vua đã nói lời xã giao thân thiện. Kế đó, sau khi trao đổi lời chào hỏi, đức vua ấy đã nói ý nghĩa này: | 419. Ngồi xuống, vua nói lên |
422. Yuvā ca daharo cāsi paṭhamuppatito susu, | 422. ‘Ngươi là thanh niên và trẻ trung, vừa mới lớn, còn non trẻ, đươc thành tựu màu da và dáng vóc, có dòng dõi tựa như là Sát đế-lỵ.
| 420. Người thanh niên tuổi trẻ, |
423. Sobhayanto aṇikaggaṃ nāgasaṃghapurakkhato, | 423. Dẫn đầu đoàn voi trận, ngươi làm rạng rỡ đội binh tiên phong. Trẫm ban cho các của cải, ngươi hãy hưởng thụ. Đã được hỏi, ngươi hãy nói về dòng dõi.’
| 421. Trang hoàng binh đội ngũ, |
424. Ujuṃ jānapado rājā himavantassa passato, | 424. ‘Tâu đức vua, thẳng ngay hướng này có một chủng tộc (sống) ở sườn núi Hi-mã-lạp, có đầy đủ tài sản và nghị lực, thuộc dân bản địa của xứ sở Kosala.
| Thế Tôn: 422. Trên sườn núi Tuyết sơn, |
425. Ādiccā nāma gottena sākiyā nāma jātiyā, | 425. Với dòng họ có tên là Mặt Trời, với dòng dõi có tên là Sākiya (Thích Ca), tâu đức vua, trong khi không mong mỏi các dục, từ gia tộc ấy tôi đã xuất gia.
| 423. Dòng họ thuộc mặt trời, |
426. Kāmesvādīnavaṃ disvā nekkhammaṃ daṭṭhu khemato, | 426. Sau khi nhìn thấy sự tai hại ở các dục, sau khi nhìn thấy sự xuất ly là an toàn, tôi sẽ ra đi nhằm (mục đích) ra sức nỗ lực, trong việc này tâm ý của tôi được vui thích.’
| 424. Thấy nguy hiểm trong dục, |
Pabbajjāsuttaṃ niṭṭhitaṃ.
|
Dứt Kinh Xuất Gia.
|
2. PADHĀNASUTTAṂ
|
2. KINH NỖ LỰC
|
2. KINH TINH CẦN
|
427. Taṃ maṃ padhānapahitattaṃ nadiṃ nerañjaraṃ pati, | 427. Trong lúc ta đây,[1] với bản tánh cương quyết về việc nỗ lực, đang gắng hết sức tham thiền cạnh dòng sông Nerañjarā nhằm đạt đến sự an toàn đối với các trói buộc (Niết Bàn). [1] Lời thuật lại của đức Phật về thời kỳ thực hành khổ hạnh (SnA. ii, 386). | Thế Tôn: 425. Bên sông Ni-liên-thuyền, |
428. Namucī karuṇaṃ vācaṃ bhāsamāno upāgamī, | 428. Namuci[1] đã đi đến gần, thốt lên lời nói thương xót rằng: ‘Ông trở nên ốm o, xuống sắc; cái chết là ở cạnh ông rồi.’ [1] Namuci: Ma Vương, sở dĩ được gọi như vậy vì không ai thoát khỏi (na muñcati) quyền cai quản của người này (sđd.). | 426. Ác ma đến gần Ta, |
429. Sahassabhāgo maraṇassa ekaṃso tava jīvitaṃ, | 429. Đối với ông, có đến một ngàn phần chết, chỉ còn một phần sống. Này ông, hãy sống đi, mạng sống là tốt hơn. Trong khi sống, ông sẽ làm các việc phước đức. | 427. Cả ngàn phần, Ông chết, |
430. Carato va te brahmacariyaṃ aggihuttañca juhano, | 430. Nhiều phước báu (sẽ) được tích lũy cho ông ngay trong khi ông thực hành Phạm hạnh,và dâng cúng vật tế thần lửa, ông sẽ làm gì với việc nỗ lực? | 428. Như Ông sống Phạm hạnh, |
431. Duggo maggo padhānāya dukkaro durabhisambhavo, | 431. Con đường đưa đến sự nỗ lực là khó đi, khó làm, khó hoàn thành,’ trong khi nói những lời kệ này Ma Vương đã đứng gần đức Phật. | 429. Khó thay, đường tinh tấn, |
432. Taṃ tathāvādīnaṃ māraṃ bhagavā etadabravī, | 432. Khi Ác ma có lời nói như thế, đức Thế Tôn đã nói với Ác Ma ấy điều này: ‘Này kẻ thân quyến của xao lãng, này Ác Ma, ngươi đến đây với mục dích gì? | 430. Thế Tôn đã đáp lại |
433. Aṇumattenapi puññena attho mayhaṃ na vijjati, | 433. Ta không có mục đích về phước báu dầu chỉ là một phần nhỏ nhoi, Ma Vương nên nói với những người nào có mục đích về các việc phước báu. | 431. Với công đức nhỏ bé, |
434. Atthi saddhā tathā viriyaṃ paññā ca mama vijjati, | 434. Ta có đức tin cũng như tinh tấn, và trí tuệ được tìm thấy ở ta, ta còn là người có bản tánh cương quyết như vậy, sao ngươi còn hỏi ‘hãy sống’ đối với ta? | 432. Ðây có tín, tinh tấn, |
435. Nadīnamapi sotāni ayaṃ vāto visosaye, | 435. Gió này có thể làm khô cạn các dòng nước thậm chí của các con sông, nhưng sao máu của người có bản tánh cương quyết như ta không bị làm khô kiệt? | 433. Gió này làm khô cạn, |
436. Lohite sussamānamhi pittaṃ semhañca sussati, | 436. Trong khi máu bị khô cạn, mật và đàm bị khô cạn, trong khi các phần xác thịt bị hủy hoại, thì tâm (của ta) càng thêm tịnh tín; niệm, tuệ, và định của ta càng thêm vững chải. | 434. Dầu máu có khô cạn, |
437. Tassa mevaṃ viharato pattassuttamavedanaṃ, | 437. Trong khi sống như vậy ta đây đã đạt đến cảm thọ (khổ) cùng tột, tâm của ta (vẫn) không mong cầu các dục. Ngươi hãy nhìn xem trạng thái trong sạch của chúng sanh. | 435. Do Ta sống như vậy, |
438. Kāmā te paṭhamā senā dutiyā arati vuccati, | 438. Các dục là đạo binh thứ nhất của ngươi, thứ nhì gọi là sự không hứng thú, thứ ba của ngươi là đói và khát, thứ tư gọi là tham ái. | 436. Dục, đội quân thứ nhất. |
439. Pañcamī thīnamiddhaṃ te chaṭṭhā bhīrū pavuccati, | 439. Thứ năm của ngươi là dã dượi và buồn ngủ, thứ sáu gọi là sợ sệt, thứ bảy của ngươi là hoài nghi, thứ tám của ngươi là gièm pha, bướng bỉnh. | 437. Năm, hôn trầm thụy miên, |
440. Lābho siloko sakkāro micchā laddho ca yo yaso, | 440. Lợi lộc, danh tiếng, tôn vinh, và danh vọng nào đã đạt được sai trái, kẻ nào đề cao bản thân và khi dễ những người khác, ... | 438. Lợi, danh và cung kính, |
441. Esā namuci te senā kaṇhassābhippahāriṇī, | 441. ... Này Namuci, chúng là đạo binh của ngươi, là toán xung kích của Kaṇha. Kẻ khiếp nhược không chiến thắng nó, còn (người nào) sau khi chiến thắng thì đạt được sự an lạc. | 439. Ôi, này Na-mu-ci, |
442. Esa muñjaṃ parihare dhiratthu mama jīvitaṃ, | 442. Ta đây có nên gắn lên cọng cỏ muñja?[1] Thật xấu hổ thay mạng sống của ta! Đối với ta, việc chết ở chiến trường là tốt hơn việc có thể sống còn mà bị thua trận. [1] Chiến sĩ ở trận tiền gắn cọng cỏ muñja ở đầu, ở cờ hiệu, hoặc ở vũ khí để khẳng định việc không đầu hàng (SnA. ii, 390). | 440. Ta mang cỏ munja, |
443. Pagāḷhā ettha na dissanti eke samaṇabrāhmaṇā. | 443. Bị chìm đắm ở đây, một số Sa-môn và Bà-la-môn không được tỏa sáng và họ không biết được đạo lộ mà những vị có sự hành trì tốt đẹp[1] đã đi qua. [1] Những vị có sự hành trì tốt đẹp (subbatā) là chư Phật Toàn Giác và Độc Giác (Sđd. 391). | 441. Bị thấy đắm ở đây, |
444. Samantā dhajiniṃ disvā yuttaṃ māraṃ savāhiniṃ, | 444. Sau khi nhìn thấy Ma Vương cùng với đạo quân binh có cờ hiệu dàn trận ở xung quanh, ta tiến ra đối đầu ở chiến trường. Chớ để Ma Vương loại ta rời khỏi vị trí. | 442. Thấy khắp quân đội dàn, |
445. Yante taṃ nappasahati senaṃ loko sadevako, | 445. Thế gian luôn cả chư Thiên không chế ngự được đạo binh ấy của ngươi. Ta sẽ phá tan đạo binh ấy của ngươi bằng trí tuệ, tựa như đập vỡ cái bình bát chưa nung bằng viên đá.
| 443. Ðội ngũ quân nhà Ngươi, |
446. Vasiṃ karitvā saṃkappaṃ satiñca suppatiṭṭhitaṃ, | 446. Sau khi chế ngự được tầm (sự suy tư), và niệm đã khéo được thiết lập, trong khi huấn luyện các đệ tử đông đảo, ta sẽ du hành từ xứ sở này đến xứ sở khác.
| 444. Nhiếp phục được tâm tư, |
447. Te appamattā pahitattā mama sāsanakārakā, | 447. Họ là những người hành theo lời chỉ dạy của ta, không xao lãng, có bản tánh cương quyết. Dầu ngươi không muốn, họ sẽ đi đến nơi mà họ không sầu muộn sau khi đi đến.
| 445. Không phóng dật, tinh cần, |
448. Sattavassāni bhagavantaṃ anubandhiṃ padā padaṃ, | 447. ‘Suốt bảy năm,[1] ta đã theo sát đức Thế Tôn từng bước chân một. Ta đã không tìm được khuyết điểm nào của đấng Chánh Đẳng Giác, bậc có niệm. [1] Lời của Ma Vương (SnA. ii, 392). | Ác-ma: 446. Bảy năm, ta bước theo, |
449. Medavaṇṇaṃva pāsāṇaṃ vāyaso anupariyagā, | 449. Ví như con quạ lượn vòng vòng quanh hòn đá giống như miếng mỡ (nghĩ rằng): ‘Ở đây chúng ta cũng có thể kiếm được vật gì mềm mại, thậm chí là miếng ăn ngọt ngào?’ | 447. Như quạ bay xung quanh, |
450. Aladdhā tattha assādaṃ vāyasetto apakkami, | 450. Không đạt được miếng ăn ngọt ngào ở nơi ấy, con quạ đã lìa bỏ nơi ấy. Tựa như con quạ với hòn đá, chúng ta đã đến với Gotama, đã chán nản và đã bỏ đi.’ | 448. Không tìm được gì ngọt, |
451. Tassa sokaparetassa vīṇā kacchā abhassatha, | 451. Khi ấy, cây đàn vīṇā đã rơi xuống từ nách của kẻ bị sầu muộn tác động ấy. Sau đó, với tâm trí buồn bã, gã Dạ Xoa ấy đã biến mất ngay tại chỗ ấy. | 449. Bị sầu muộn chi phối, |
Padhānasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
|
Dứt Kinh Nỗ Lực.
|
|
3. SUBHĀSITASUTTAṂ
|
3. KINH KHÉO NÓI
|
3. KINH KHÉO THUYẾT
|
Evaṃ me sutaṃ: Ekaṃ samayaṃ bhagavā sāvatthiyaṃ viharati jetavane ―pe― Bhagavā etadavoca: | Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. ―như trên― Đức Thế Tôn đã nói điều này:
| Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana... Thế Tôn nói như sau: |
“Catuhi bhikkhave aṅgehi samannāgatā vācā subhāsitā hoti na dubbhāsitā, anavajjā ca ananuvajjā ca viññūnaṃ. Katamehi catuhi? | “Này các tỳ khưu, hội đủ với bốn yếu tố lời nói là được khéo nói, không bị vụng nói, không có lỗi lầm, và không có sự chê trách của các bậc hiểu biết. Với bốn (yếu tố) nào?
| - Thành tựu bốn chi phần, này các Tỷ-kheo, lời nói được khéo nói, không phải vụng nói, không có lỗi lầm, không bị người trí quở trách. Thế nào là bốn? |
Idha bhikkhave bhikkhu subhāsitaṃ yeva bhāsati no dubbhāsitaṃ dhammaṃ yeva bhāsati no adhammaṃ, piyaṃ yeva bhāsati no appiyaṃ, saccaṃ yeva bhāsati no alikaṃ. Imehi kho bhikkhave catuhi aṅgehi samannāgatā vācā subhāsitā hoti na dubbhāsitā, anavajjā ca ananuvajjā ca viññūnan ”ti. | Này các tỳ khưu, ở đây (trong Giáo Pháp này), vị tỳ khưu chỉ nói lời khéo nói, không bị vụng nói, chỉ nói lời chính đáng, không phải sái quấy, chỉ nói lời khả ái, không phải không khả ái, chỉ nói lời chân thật, không phải giả dối. Này các tỳ khưu, hội đủ với bốn yếu tố này lời nói là được khéo nói, không bị vụng nói, không có lỗi lầm, và không có sự chê trách của các bậc hiểu biết.”
| Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chỉ nói lời khéo nói, không nói lời vụng nói; chỉ nói lời đúng pháp, không nói lời phi pháp; chỉ nói lời khả ái, không nói lời phi khả ái; chỉ nói lời đúng sự thật, không nói lời không đúng sự thật. Thành tựu với bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, lời nói là được khéo nói không phải vụng nói, không có lỗi lầm, không bị người trí quở trách. |
Idamavoca bhagavā idaṃ vatvā sugato athāparaṃ etadavoca satthā: | Đức Thế Tôn đã nói điều này. Sau khi nói điều này, đấng Thiện Thệ, bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:
| Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ thuyết như vậy xong bậc Ðạo Sư lại nói thêm như sau: |
452. Subhāsitaṃ uttamamāhu santo | 452. Các bậc đức độ đã nói lời khéo nói là tối thượng. Nên nói lời chính đáng, không phải sái quấy; điều ấy là thứ nhì, nên nói lời khả ái, không phải không khả ái; điều ấy là thứ ba, nên nói lời chân thật, không phải giả dối; điều ấy là thứ tư. | 450. Bậc Thiện nhân nói lên, |
Atha kho āyasmā vaṅgīso uṭṭhāyāsanā ekaṃsaṃ cīvaraṃ katvā yena bhagavā tenañjaliṃ paṇāmetvā bhagavantaṃ etadavoca: | Khi ấy, đại đức Vaṅgīsa đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn điều này:
| Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn: |
‘Paṭibhāti maṃ bhagavā paṭibhāti maṃ bhagavā ’ti.
| “Bạch đức Thế Tôn, có điều này sáng tỏ cho con. Bạch đức Thế Tôn, có điều này sáng tỏ cho con.”
| - Ý nghĩ này đến với con, bạch Thiện Thệ. |
‘Paṭibhātu taṃ vaṅgīsā ’ti bhagavā avoca. | Đức Thế Tôn đã nói rằng: “Này Vaṅgīsa, hãy làm sáng tỏ điều ấy cho ngươi.”
| - Hãy nói lên ý kiến ấy, này Vangìsa!.
|
Atha kho āyasmā vaṅgīso bhagavantaṃ sammukhā sāruppāhi gāthāhi abhitthavi: | Khi ấy, đại đức Vaṅgīsa đã trực diện ca ngợi đức Thế Tôn bằng những lời kệ thích hợp rằng:
| Rồi Tôn giả Vangìsa, trước mặt Thế Tôn, nói lên lời tán thán với những bài kệ thích ứng:
|
453. Tameva bhāsaṃ bhāseyya yāyattātaṃ na tāpaye, | 453. Chỉ nên nói lời nói nào không làm bản thân nóng nảy, và không hãm hại những người khác; chính lời nói ấy là khéo nói. | Vangìsa: 451. Hãy nói lên lời nói, |
454. Piyavācameva bhāseyya yā vācā patinanditā, | 454. Chỉ nên nói lời nói khả ái, là lời nói làm cho vui thích. Nên nói lời khả ái, là lời nói không mang lại những điều xấu xa cho những người khác. | 452. Hãy nói lời khả ái, |
455. Saccaṃ ve amatā vācā esa dhammo sanantano, | 455. Quả vậy, chân thật là lời nói bất tử. Điều này là quy luật muôn đời, Người ta đã nói rằng các bậc đức độ được thiết lập ở sự chân thật, ở mục đích, và ở sự chính trực. | 453. Chân thật, lời bất tử, |
456. Yaṃ buddho bhāsati vācaṃ khemaṃ nibbānapattiyā, | 456. Lời nói nào đức Phật nói về sự an toàn đưa đến sự chứng đạt Niết Bàn, đưa đến việc làm chấm dứt khổ đau, lời nói ấy quả là tối thượng trong số các lời nói. | 454. Lời gì đức Phật nói, |
Subhāsitasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
|
Dứt Kinh Khéo Nói.
|
|
4. SUNDARIKABHĀRADVĀJASUTTAṂ | 4. KINH SUNDARIKABHĀRADVĀJA | 4. KINH SUNDARIKA BHĀRADVĀJA |
Evaṃ me sutaṃ: Ekaṃ samayaṃ bhagavā kosalesu viharati sundarikāya nadiyā tīre. Tena kho pana samayena sundarikabhāradvājo brāhmaṇo sundarikāya nadiyā tīre aggiṃ juhati, aggihuttaṃ paricarati. Atha kho sundarikabhāradvājo brāhmaṇo aggiṃ juhitvā aggihuttaṃ paricaritvā uṭṭhāyāsanā samantā catuddisā anuvilokesi: “Ko nu kho imaṃ havyasesaṃ bhuñjeyyā ”ti. | Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại xứ sở Kosala, bên bờ sông Sundarikā. Vào lúc bấy giờ, Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja[1] cúng tế lửa, chăm sóc việc cúng tế lửa ở bờ sông Sundarikā. Lúc ấy, sau khi đã cúng tế lửa, sau khi đã chăm sóc việc cúng tế lửa, Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja đã từ chỗ ngồi đứng dậy nhìn ngắm bốn phương ở xung quanh (rồi nghĩ rằng): “Người nào có thể ăn phần còn lại của phẩm vật cúng tế này?” [1] Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja: vị Bà-la-môn này cư ngụ ở bờ sông Sundarikā và cúng tế lửa, và họ của vị ấy là Bhāradvāja nên được gọi như trên (SnA. ii, 401). | Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú ở phía dân chúng Kosala, trên bờ sông Sundarikà. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja đốt lửa thiêng trên bờ sông Sundarikà và đang cử hành các tế lễ lửa. Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradavàja, sau khi đốt lửa thiêng, sau khi cử hành các lễ tế lửa, từ chỗ ngồi đứng dậy và ngó xung quanh bốn phương nghĩ rằng: "Ai có thể ăn đồ ăn còn lại của lễ tế tự này?". |
Addasā kho sundarikabhāradvājo brāhmaṇo bhagavantaṃ avidūre aññatarasmiṃ rukkhamūle sasīsaṃ pārutaṃ nisinnaṃ disvāna vāmena hatthena havyasesaṃ gahetvā dakkhiṇena hatthena kamaṇḍalaṃ gahetvā yena bhagavā tenupasaṅkami.
| Rồi Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja đã nhìn thấy đức Thế Tôn, có đầu được trùm lại, đang ngồi ở gốc cây nọ không xa lắm, sau khi nhìn thấy đã cầm lấy phần còn lại của phẩm vật cúng tế bằng tay trái, và cầm lấy bình nước bằng tay phải, rồi đã đi về phía đức Thế Tôn.
| Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây, không bao xa, đầu che trùm lại; thấy vậy, tay trái cầm đồ tế tự còn lại, tay mặt cầm cái bình nước, đi đến Thế Tôn. |
Atha kho bhagavā sundarikabhāradvājassa brāhmaṇassa padasaddena sīsaṃ vivari. Atha kho sundarikabhāradvājo brāhmaṇo “muṇḍo ayaṃ bhavaṃ muṇḍako ayaṃ bhavan ”ti tato va puna nivattitukāmo ahosi. Atha kho sundarikabhāradvājassa brāhmaṇassa etadahosi:
| Khi ấy, do tiếng chân của Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja, đức Thế Tôn đã cởi (vải trùm) đầu ra. Khi ấy, Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja (nghĩ rằng): “Vị này trọc đầu! Vị này là kẻ đầu trọc!” ngay tại nơi ấy đã có ý định quay trở lại. Khi ấy, Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja đã khởi ý điều này:
| Thế Tôn nghe tiếng chân của Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja liền mở đầu ra. Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja nghĩ rằng: "Ðầu trọc là vị này. Một kẻ đầu trọc là vị này", và muốn đi trở lại. Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja suy nghĩ: |
“Muṇḍāpi hi idhekacce brāhmaṇā bhavanti yannūnāhaṃ upasaṅkamitvā jātiṃ puccheyyan ”ti. Atha kho sundarikabhāradvājo brāhmaṇo yena bhagavā tenupasaṅgami, upasaṅkamitvā bhagavantaṃ etadavoca:
| “Ở đây, một số Bà-la-môn cũng trọc đầu vậy, hay là ta nên đi đến gần và hỏi về dòng dõi?” Rồi Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja đã đi đến gần đức Thế Tôn, sau khi đến đã nói với đức Thế Tôn điều này:
| "Ở đây, cũng có một số Bà-la-môn trọc đầu. Vậy ta hãy đi đến vị này và hỏi về thọ sanh". Rồi Bà-la-môn Sundaikabhàradvàja đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói với Thế Tôn: |
“Kiṃjacco bhavan ”ti.
| “Ông thuộc dòng dõi nào?” | - Thọ sanh của Tôn giả là thế nào? |
Atha kho bhagavā sundarikabhāradvājaṃ brāhmaṇaṃ gāthāhi ajjhabhāsi:
| Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói với Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja bằng những lời kệ này: | Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja những bài kệ: |
457. Na brāhmaṇo no’mhi na rājaputto | 457. “Ta không là Bà-la-môn, không là con của vua chúa, Ta không là thương buôn hay bất cứ hạng người nào. Sau khi biết toàn diện về dòng dõi của những kẻ phàm phu, Ta không sở hữu gì, là bậc trí, Ta du hành ở thế gian. | Thế Tôn: 455. Ta không phải Phạm chí, |
458. Saṅghāṭivāsī agaho carāmi | 458. Khoác tấm y hai lớp, không nhà, Ta du hành, có tóc đã được cạo sạch, có bản thân đã được tịch tịnh, không bị vướng bận ở đời này với loài người, này Bà-la-môn, ông hỏi Ta câu hỏi về dòng dõi là không hợp lẽ.” | 456. Mang áo Tăng-già-lê, |
459. Pucchanti ve bho brāhmaṇā brāhmaṇehi | 459. “Thưa ông, quả thật các Bà-la-môn có hỏi với các Bà-la-môn rằng: ‘Vậy ông có phải là Bà-la-môn?” | Bà-la-môn: 457. Thật sự, thưa Tôn giả, |
ce tvaṃ brūsi mañca brūsi abrāhmaṇantaṃ | “Nếu ông xưng là Bà-la-môn và bảo Ta không phải là Bà-la-môn, vậy hãy để Ta hỏi ông về Kinh Sāvittī gồm ba câu và hai mươi bốn chữ.” | Thế Tôn: Nếu Ông nói lên rằng: |
460. Kiṃ nissitā isayo manujā khattiyā brāhmaṇā | 460. “Mục đích gì mà số đông các ẩn sĩ, loài người, các Sát-đế-lỵ, các Bà-la-môn đã chuẩn bị lễ hiến tế đến chư Thiên ở nơi này, tại thế gian?” | Bà-la-môn: 458. Do y tựa vào gì, |
yadantagū vedagū yaññakāle, | “Vào thời điểm của lễ hiến tế, vật cúng tế của người nào (được dâng) đến vị đã đạt được mục đích cuối cùng, đến vị đã đạt được sự thông hiểu, Ta nói rằng vật cúng tế ấy có thể thành tựu kết quả cho người ấy.” | Thế Tôn: Vị nào đạt cứu cánh, |
461. Addhā hi tassa hutamijjhe (iti brāhmaṇo) | 461. (Vị Bà-la-môn nói): “Đương nhiên vật cúng tế của tôi đây có thể đạt kết quả vì tôi đã nhìn thấy vị đạt được sự thông hiểu như thế ấy. Với việc không gặp được vị tương tự như ông thì người nào khác sẽ thọ hưởng phần bánh cúng tế.” | Bà-la-môn: 459. Chắc chắn tế đàn ấy, |
462. Tasmātiha tvaṃ brāhmaṇa atthena | 462. “Bởi thế, này Bà-la-môn, ở đây ông là người tầm cầu lợi ích, nên ông hãy đến gần và hãy hỏi. Biết đâu ở nơi đây ông có thể tìm được bậc an tịnh, không còn sân hận, không phiền muộn, không mong cầu, có trí tuệ cao cả.” | Thế Tôn: 460. Vì Ông, này Phạm chí, |
463. Yaññe ratāhaṃ bho gotama | 463. “Thưa ngài Gotama, tôi ưa thích các lễ hiến tế, có sự mong muốn cống hiến lễ hiến tế. Tôi không biết rõ, xin ngài hãy chỉ dạy tôi. Vật cống hiến ở nơi nào có thể đạt kết quả, xin ngài hãy nói cho tôi điều ấy.” | Bà-la-môn: 461. Tôi vui trong tế đàn, |
464. Tena hi tvaṃ brāhmaṇa odahassu sotaṃ | 464. “Này Bà-la-môn, như thế thì người hãy lắng tai nghe, Ta sẽ giảng giải Giáo Pháp cho ngươi.”
| Thế Tôn: Vậy này Bà-la-môn, |
465. Mā jātiṃ pucchi caraṇañca puccha | 465. “Chớ hỏi về dòng giống, hãy hỏi về tánh hạnh. Thật vậy, ngọn lửa được sanh ra từ khúc củi gỗ. Bậc hiền trí, dầu có gia tộc hạ liệt, cũng vẫn có trí hiểu biết, là vị thuần chủng, có sự ngăn ngừa nhờ vào hổ thẹn (tội lỗi). | 462. Chớ hỏi về thọ sanh, |
466. Saccena danto damasā upeto | 466. Được thuần thục với sự chân thật, đã đạt đến sự chế ngự các giác quan, là người đã đi đến tận cùng của hiểu biết, đã sống đời Phạm hạnh, vào đúng thời điểm nên dâng vật cúng hiến đến vị ấy, người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng. | 463. Ðược chân thật huấn luyện, |
467. Ye kāme hitvā agahā caranti | 467. Những vị nào đã từ bỏ các dục, sống không nhà, có bản thân đã khéo tự chế ngự, ngay thẳng tựa như con thoi, vào đúng thời điểm nên dâng vật cúng hiến đến các vị ấy, người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.
| 464. Những vị nào, bỏ dục, |
468. Ye vītarāgā susamāhitindriyā | 468. Những vị nào đã xa lìa luyến ái, có các giác quan đã khéo được tập trung, đã được giải thoát tựa như mặt trăng đã thoát khỏi sự nắm giữ của thần Rāhu,[1] vào đúng thời điểm nên dâng vật cúng hiến đến các vị ấy, người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng. [1] Tựa như mặt trăng đã thoát khỏi sự nắm giữ của thần Rāhu: tựa như mặt trăng đã qua khỏi thời gian xảy ra hiện tượng nguyệt thực (ND). | 465. Những vị đã ly tham, |
469. Asajjamānā vicaranti loke | 469. Các vị du hành ở thế gian, không bám víu, luôn luôn có niệm, sau khi đã từ bỏ các vật đã được chấp là của tôi,[1] vào đúng thời điểm nên dâng vật cúng hiến đến các vị ấy, người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng. [1] Các vật đã được chấp là của tôi: được giải thích là tham ái và tà kiến (SnA. ii, 407). | 466. Không tham dính vật gì, |
470. Ye kāme hitvā abhibhuyyacārī | 470. Là vị du hành sau khi đã từ bỏ và chế ngự các dục, là vị biết sự chấm dứt của sanh và tử, đã được tịch tịnh tựa như hồ nước mát lạnh, đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế.
| 467. Ai từ bỏ các dục, |
471. Samo samehi visamehi dūre | 471. Đồng đẳng với những vị đồng đẳng, cách xa những kẻ không đồng đẳng, đức Như Lai là vị có tuệ vô biên, không bị nhiễm ô ở đời này hoặc đời sau, đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế.
| 468. Bình đẳng kẻ bình đẳng, |
472. Yamhi na māyā vasatī na māno | 472. Ở vị nào không có sự xảo quyệt trú ngụ, không có ngã mạn, là vị có tham đã được xa lìa, không sở hữu, không mong cầu, có sự giận dữ đã được xua đi, có bản thân đã được tịch tịnh, là vị Bà-la-môn đã từ bỏ vết nhơ của sầu muộn, đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế. | 469. Trong ai không man trá, |
473. Nivesanaṃ yo manaso ahāsi | 473. Là vị đã từ bỏ chỗ cư trú của ý, là vị không có bất cứ các vật sở hữu nào, trong khi không chấp thủ đời này hoặc đời sau, đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế. | 470. Ai đoạn diệt hoàn toàn |
474. Samāhito yo udatāri oghaṃ | 474. Là vị đã được định tĩnh, đã vượt lên trên dòng lũ, đã hiểu được pháp bằng sự nhận thức cùng tột, có lậu hoặc đã được cạn kiệt, mang thân mạng cuối cùng, đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế. | 471. Tâm ai thật định tĩnh, |
475. Bhavāsavā yassa vacī kharā ca | 475. Là vị có các hữu lậu và các lời nói thô lỗ đã được thiêu hủy, đã được tiêu hoại, không còn hiện hữu, vị ấy đã đạt được sự thông hiểu, đã được giải thoát về mọi phương diện,đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế. | 472. Với ai, các hữu lậu, |
476. Saṅgātigo yassa na santi saṅgā | 476. Là vị đã vượt qua các sự dính líu, không còn các sự dính líu, vị ấy không bị dính mắc ở ngã mạn giữa những kẻ bị dính mắc ở ngã mạn, vị đã biết toàn diện về khổ cùng với chốn hoạt động và nền tảng của nó, đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế. | 473. Giữa những người nhiễm trước, |
477. Āsaṃ anissāya vivekadassī | 477. Không trông cậy vào sự mong mỏi, là vị đã nhìn thấy sự tách biệt, đã vượt qua kiến thức có thể hiểu biểt được bởi những người khác, là vị không còn có bất cứ duyên cớ (tái sanh) nào nữa, đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế. | 474. Không dựa vào ước vọng, |
478. Parovarā yassa samecca dhammā | 478. Là vị đã thấu suốt về các pháp từ nội phần đến ngoại phần đã được thiêu hủy, đã được tiêu hoại, không còn hiện hữu, là vị an tịnh, đã được giải thoát ở sự cạn kiệt của chấp thủ, đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế. | 475. Vị ấy chứng tri được |
479. Saṃyojanaṃ jātikhayantadassī | 479. Là vị nhìn thấy sự cạn kiệt và chấm dứt của sự trói buộc và của sự sanh, là vị đã xua đuổi trọn vẹn đường đi của luyến ái, là vị trong sạch, hết lỗi lầm, lìa khỏi vết nhơ, không khuyết điểm, đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế.
| 476. Thấy được sự đoạn tận, |
480. Yo attanāttānaṃ nānupassati | 480. Là vị không nhìn thấy tự ngã (ở năm uẩn) của bản thân, được định tĩnh, đã đi đến sự ngay thẳng, có bản thân vững chãi, vị ấy quả thật không có dục vọng, không bướng bỉnh, không nghi ngờ, đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế. | 477. Ai không thấy tự ngã, |
481. Mohantarā yassa na santi keci | 481. Là vị không còn có bất cứ những lý do si mê nào nữa, có sự nhìn thấy bằng trí tuệ về tất cả các pháp, đang mang thân mạng cuối cùng, và đã đạt đến quả vị Toàn Giác là sự an toàn tối thượng; trạng thái trong sạch của con người là đến mức này, đức Như Lai xứng đáng phần bánh cúng tế.” | 478. Với ai không còn nữa, |
482. Hutaṃ ca mayhaṃ hutamatthu saccaṃ | 482. “Mong rằng vật hiến cúng của tôi hãy là vật hiến cúng thật sự, là việc tôi đã đạt được người có sự thông hiểu như là ngài, rõ ràng ngài chính là Phạm Thiên, xin đức Thế Tôn hãy thọ nhận cho tôi, xin đức Thế Tôn hãy thọ hưởng phần bánh cúng tế của tôi.”
| Bà-la-môn: 479. Ðây đồ con cúng dường, |
483. Gāthābhigītaṃ me abhojaneyyaṃ | 483. “Vật nhận được sau khi ngâm nga kệ ngôn là không được thọ dụng bởi Ta. Này Bà-la-môn, điều ấy không phải là pháp của những bậc có nhận thức đúng đắn. Chư Phật khước từ vật nhận được sau khi ngâm nga kệ ngôn. Này Bà-la-môn, khi Giáo Pháp hiện hữu, điều ấy là cung cách thực hành. | Thế Tôn: 480. Ta không có thọ dụng |
484. Aññena ca kevalinaṃ mahesiṃ | 484. Ngươi hãy dâng cúng với cơm ăn nước uống khác đến vị toàn hảo (đức hạnh), đến bậc đại ẩn sĩ có các lậu hoặc đã được cạn kiệt, có các trạng thái hối hận đã được lắng dịu, bởi vì đó chính là thửa ruộng của người mong mỏi phước báu.”
| 481. Ông cần phải cúng dường, |
485. Sādhāhaṃ bhagavā tathā vijaññaṃ | 485. “Lành thay, thưa Thế Tôn! như vậy tôi có thể biết được vị nào có thể thọ dụng vật cúng dường của người như tôi, trong khi tôi đang tìm kiếm vị ấy vào thời điểm của lễ hiến tế, sau khi đã có được lời chỉ dạy của ngài.”
| Bà-la-môn: 482. Thế Tôn, con muốn biết, |
486. Sārambhā yassa vigatā cittaṃ yassa anāvilaṃ, | 486. “Tánh nóng nảy của vị nào đã được xa lìa, tâm của vị nào không bị vẩn đục, vị nào đã được thoát ra khỏi các dục, sự dã dượi của vị nào đã được xua đi, ... | Thế Tôn: 483. Với ai, không xông xáo, |
487. Sīmantānaṃ vinetāraṃ jātimaraṇakovidaṃ, | 487. ... vị rèn luyện về giới hạn và kỹ cương, vị rành rẽ về sanh và tử, khi bậc hiền trí đầy đủ trí tuệ như thế ấy đi đến lễ hiến tế, ... | 484. Lãnh đạo kẻ biên giới, |
488. Bhukuṭiṃ vinayitvāna pañjalikā namassatha, | 488. ... nên ngăn lại việc nhíu mày, nên chắp tay cúi chào, nên cúng dường với cơm nước, như vậy các việc cúng dường được thành tựu.” | 485. Nhiếp phục kiêu ngạo xong, |
| 489. “Đức Phật, bậc đức độ, xứng đáng phần bánh cúng tế, Ngài là thửa ruộng phước tối thượng, bậc đáng được hiến cúng của khắp cả thế gian, vật đã được bố thí đến Ngài có quả báu lớn lao.” | Bà-la-môn: 486. Ngài là bậc Giác Ngộ, |
Atha kho sundarikabhāradvājo brāhmaṇo bhagavantaṃ etadavoca:
| Khi ấy, Bà-la-môn đã nói với đức Thế Tôn điều này: | Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja bạch Thế Tôn: |
“Abhikkantaṃ bho gotama, abhikkantaṃ bho gotama, seyyathāpi bho gotama nikkujjitaṃ vā ukkujjeyya, paṭicchannaṃ vā vivareyya, mūḷhassa vā maggaṃ ācikkheyya, andhakāre vā telapajjotaṃ dhāreyya cakkhumanto rūpāni dakkhintīti, evamevaṃ bhotā gotamena anekapariyāyena dhammo pakāsito. Esāhaṃ bhavantaṃ gotamaṃ saraṇaṃ gacchāmi dhammañca bhikkhusaṅghañca. Labheyyāhaṃ bhoto gotamassa santike pabbajjaṃ labheyyaṃ upasampadanti. | “Bạch ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Bạch ngài Gotama, thật là tuyệt vời! Bạch ngài Gotama, cũng giống như người có thể lật ngửa vật đã được úp lại, mở ra vật đã bị che kín, chỉ đường cho kẻ lạc lối, đem lại cây đèn dầu nơi bóng tối (nghĩ rằng): ‘Những người có mắt sẽ nhìn thấy được các hình dáng;’ tương tự như thế Pháp đã được ngài Gotama giảng rõ bằng nhiều phương tiện. Tôi đây xin đi đến nương nhờ ngài Gotama, Giáo Pháp, và Hội Chúng tỳ khưu. Tôi có thể xuất gia trong sự hiện diện của ngài Gotama không? Tôi có thể tu lên bậc trên không?”
| - Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, hay phơi bày ra những gì bị che kín, hay chỉ đường cho kẻ lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mặt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con nay quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Hãy cho con được xuất gia với Tôn giả Gotama. Hãy cho con thọ đại giới. |
Alattha kho sundarikabhāradvājo brāhmaṇo —pe— arahataṃ ahosīti.
| Rồi Bà-la-môn Sundarikabhāradvāja đã đạt được —như trên— đã trở thành vị A-la-hán.
| Và Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja... trở thành một vị A-la-hán. |
Sundarikabhāradvājasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
|
Dứt Kinh Sundarikabhāradvāja.
|
|
5. MĀGHASUTTAṂ
|
5. KINH MĀGHA |
5. KINH MĀGHA |
Evaṃ me sutaṃ Ekaṃ samayaṃ bhagavā rājagahe viharati gijjhakūṭe pabbate. Atha kho māgho māṇavo yena bhagavā tenupasaṅkami, upasaṅkamitvā bhagavatā saddhiṃ sammodi, sammodanīyaṃ kathaṃ sārāṇīyaṃ vītisāretvā ekamantaṃ nisīdi. Ekamantaṃ nisinno kho māgho māṇavo bhagavantaṃ etadavoca: | Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở núi Gijjhakūṭa. Lúc bấy giờ, thanh niên Bà-la-môn Māgha đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, thanh niên Bà-la-môn Māgha đã nói với đức Thế Tôn điều này:
| Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, trên núi Gijjhakàta. Rồi thanh niên Màgha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Màgha bạch Thế Tôn: |
Ahaṃ hi bho gotama, dāyako dānapatī vadaññū yācayogo dhammena bhoge pariyesāmi, dhammena bhoge pariyesitvā dhammaladdhehi bhogehi dhammādhigatehi ekassāpi dadāmi dvinnampi dadāmi tiṇṇampi dadāmi catunnampi dadāmi pañcannampi dadāmi channampi dadāmi sattannampi dadāmi aṭṭhannampi dadāmi navannampi dadāmi dasannampi dadāmi vīsāyapi dadāmi tiṃsāyapi dadāmi cattārīsāyapi dadāmi paññāsāyapi dadāmi satassapi dadāmi bhiyyopi dadāmi. Kaccāhaṃ gotama evaṃ dadanto evaṃ yajanto bahuṃ puññaṃ pasavāmīti. | “Thưa ngài Gotama, chính tôi là người bố thí, người thí chủ, ân cần, hào phóng, tôi tầm cầu các của cải một cách chân chánh; sau khi tầm cầu các của cải một cách chân chánh, với các của cải đã nhận được một cách chân chánh, đã thành đạt một cách chân chánh, tôi cho đến một người, tôi cho đến hai người, tôi cho đến ba người, tôi cho đến bốn người, tôi cho đến năm người, tôi cho đến sáu người, tôi cho đến bảy người, tôi cho đến tám người, tôi cho đến chín người, tôi cho đến mười người, tôi cho đến hai chục người, tôi cho đến ba chục người, tôi cho đến bốn chục người, tôi cho đến năm chục người, tôi cho đến một trăm người, tôi cho dến nhiều người hơn nữa. Thưa vị Gotama, trong khi cho như vậy, trong khi cống hiến như vậy, phải chăng tôi tạo ra được nhiều phước báu?”
| - Thưa Tôn giả Gotama, con là người bố thí, là thí chủ, rộng rãi, mong muốn được yêu cầu. Con tầm cầu tài sản đúng pháp, sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp, với những tài sản thâu hoạch đúng pháp, tạo dựng đúng pháp, con cho một nguời, con cho hai người, con cho ba người, con cho bốn người, con cho năm người, con cho sáu người, con cho bảy người, con cho tám người, con cho chín người, con cho mười người, con cho hai mươi người, con cho ba mươi người, con cho bốn mươi người, con cho năm mươi người, con cho một trăm người, con cho nhiều hơn nữa. Thưa Tôn giả Gotama, con cho như vậy, con bố thí như vậy, con có được nhiều phưóc đức không? |
Taggha tvaṃ māṇava, evaṃ dadanto evaṃ yajanto bahuṃ puññaṃ pasavasi; yo ca kho māṇava dāyako dānapatī vadaññū yācayogo dhammena bhoge pariyesati dhammena bhoge pariyesitvā dhammaladdhehi bhogehi dhammādhigatehi ekassapi dadāti —pe— satassapi dadāti bhiyyopi dadāti, bahuṃ so puññaṃ pasavatīti. | “Này thanh niên Bà-la-môn, đúng thế. Trong khi cho như vậy, trong khi cống hiến như vậy, ngươi tạo ra được nhiều phước báu. Và này thanh niên Bà-la-môn, người nào là người bố thí, người thí chủ, rộng rãi, hào phóng, tầm cầu các của cải một cách chân chánh; sau khi tầm cầu các của cải một cách chân chánh, với các của cải đã nhận được một cách chân chánh, đã thành đạt một cách chân chánh, (người ấy) cho đến một người, —như trên—cho đến một trăm người, cho dến nhiều người hơn nữa, người ấy tạo ra được nhiều phước báu.”
| - Này thanh niên, Con cho như vậy, Con bố thí như vậy Con được nhiều phước đức. Này thanh niên, ai là người bố thí, là người thí chủ rộng rãi, mong muốn được yêu cầu, ai tầm cầu tài sản đúng pháp sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp, với những tài sản thâu hoạch đúng pháp, tạo dựng đúng pháp, ngưòi ấy cho một người... cho một trăm người, cho nhiều hơn nữa, người ấy được nhiều công đức. |
Atha kho māgho māṇavo bhagavantaṃ gāthāya ajjhabhāsi:
| Khi ấy, thanh niên Bà-la-môn Māgha đã nói với đức Thế Tôn bằng lời kệ này:
| Rồi thanh niên Màgha nói lên lời Thế Tôn những bài kệ: |
490. Pucchāmahaṃ gotamaṃ vadaññuṃ (iti māgho māṇavo) | 490. (Lời thanh niên Bà-la-môn Māgha) “Tôi hỏi vị Gotama ân cần, mặc y màu ca-sa, không nhà, đang du hành rằng: Người thí chủ hào phóng, sống tại gia, có sự tầm cầu phước báu, cống hiến có sự mong mỏi phước báu, đang cho cơm nước đến những kẻ khác ở đây, như thế nào để vật cúng tế của người đang cống hiến có thể được trong sạch (có thể thành đạt phước báu)?” | Thanh niên Màgha: 487. Thanh niên Màgha thưa: |
491. Yo yācayogo dānapatī gahaṭṭho (māghāti bhagavā) | 491. (Lời đức Thế Tôn: “Này Māgha,) người thí chủ hào phóng, sống tại gia, có sự tầm cầu phước báu, cống hiến có sự mong mỏi phước báu, đang cho cơm nước đến những những kẻ khác ở đây, người như thế ấy có thể thành đạt (phước báu) nhờ vào những bậc xứng đáng được cúng dường.” | Thế Tôn: 488. Thế Tôn bèn trả lời: |
492. Yo yācayogo dānapatī gahaṭṭho (iti māgho māṇavo) | 492. (Lời thanh niên Bà-la-môn Māgha) “Người thí chủ hào phóng, sống tại gia, có sự tầm cầu phước báu, cống hiến có sự mong mỏi phước báu, đang cho cơm nước đến những những kẻ khác ở đây, xin đức Thế Tôn hãy giải thích cho tôi về những bậc xứng đáng được cúng dường.” | Màgha: 489. Thanh niên Màgha thưa: |
493. Ye ve asattā vicaranti loke | 493. “Quả vậy, những vị nào không bị dính mắc, du hành ở thế gian, không sở hữu gì, toàn hảo (đức hạnh), có bản thân đã được chế ngự, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng. | Thế Tôn: 490. Những ai sống ở đời, |
494. Ye sabbasaṃyojanabandhanacchidā | 494. Những vị nào đã cắt đứt tất cả các sự trói buộc, đã được huấn luyện, đã được giải thoát, không phiền muộn, không mong cầu, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng. | 491. Những ai đã chặt đứt, |
495. Ye sabbasaṃyojanavippamuttā | 495. Những vị nào đã được thoát ra khỏi tất cả các sự trói buộc, đã được huấn luyện, đã được giải thoát, không phiền muộn, không mong cầu, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.
| 492. Những ai đã giải thoát |
496. Rāgañca dosañca pahāya mohaṃ | 496. (Những vị nào) sau khi từ bỏ tham ái sân hận và si mê, có lậu hoặc đã được cạn kiệt, đã sống đời Phạm hạnh, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng. | 493. Vị nào đã đoạn tận, |
497. Yesu na māyā vasati na māno | 497. Ở những vị nào không có sự xảo quyệt trú ngụ, không có ngã mạn, là những vị có tham đã được xa lìa, không ích kỷ, không mong cầu, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng. | 494. Ai sống không man trá, |
498. Ye ve na taṇhāsu upātipannā | 498. Thật vậy, những vị nào không bị sa đọa ở các tham ái, sau khi đã vượt qua dòng lũ, sống không ích kỷ, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng. | 495. Những ai đối với ai, |
499. Yesaṃ taṇhā natthi kuhiñci loke | 499. Những vị nào không có tham ái về bất cứ điều gì ở thế gian, ở hữu hoặc phi hữu, ở đời này hoặc đời sau, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng. | 496. Với ai không tham ái, |
500. Ye kāme hitvā agihā caranti | 500. Những vị nào, sau khi từ bỏ các dục, không nhà, đang du hành, có bản thân đã khéo tự chế ngự, ngay thẳng tựa như con thoi, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng. | 497. Những ai từ bỏ dục, |
501. Ye vītarāgā susamāhit’ indriyā | 501. Những vị nào đã xa lìa luyến ái, có các giác quan đã khéo được định tĩnh, đã được giải thoát tựa như mặt trăng đã thoát khỏi sự nắm giữ của thần Rāhu, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng. | 498. Những ai, ly tham ái, |
502. Samitāvino vītarāgā akopā | 502. Những vị đã được yên lặng, đã xa lìa luyến ái, không còn giận dữ, là những vị không có cảnh giới tái sanh sau khi lìa bỏ nơi này, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng. | 499. Những ai được an tịnh, |
503. Jahitvā jātimaraṇaṃ asesaṃ | 503. (Những vị nào) sau khi đã từ bỏ hoàn toàn sanh và tử, đã vượt lên trên tất cả hoài nghi, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng. | 500. Ðoạn sanh tử đã xong, |
504. Ye attadīpā cīvaranti loke | 504. Những vị nào du hành ở thế gian, có (đức hạnh là) hòn đảo (nương nhờ) của bản thân, không sở hữu gì, đã được giải thoát về mọi phương diện, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng. | 501. Những ai sống ở đời |
505. Ye hettha jānanti yathā yathā idaṃ | 505. Những vị nào ở đây biết được điều này đúng theo bản thể: ‘Đây là lần cuối cùng, không còn tái sanh lại nữa,’ vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến các vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng. | 502. Những ai ngay đời này, |
506. Yo vedagū jhānarato satīmā | 506. Vị nào là bậc đã đạt được sự thông hiểu, ưa thích việc tham thiền, có niệm, đã đạt đến quả vị Toàn Giác, nơi nương nhờ của nhiều người, vào đúng thời điểm nên dâng phẩm vật hiến cúng đến vị ấy. Người Bà-la-môn nào có sự mong mỏi về phước báu nên hiến dâng.” | 503. Ai đạt tuệ tối thượng, |
507. Addhā amoghā mama pucchanā ahū (iti māgho māṇāvo) | 507. (Lời thanh niên Bà-la-môn Māgha) “Thật vậy, câu hỏi của tôi đã không vô ích, đức Thế Tôn giải thích cho tôi về những bậc xứng đáng được cúng dường, bởi vì ở đây ngài biết điều này đúng theo bản thể, ngài biết pháp ấy đúng như thế. | Màgha: 504. Thật sự câu con hỏi, |
508. Yo yācayogo dānapatī gahaṭṭho | 508. Người nào là thí chủ hào phóng, sống tại gia, có sự tầm cầu phước báu, cống hiến có sự mong mỏi phước báu, đang cho cơm nước đến những những kẻ khác ở đây, xin đức Thế Tôn hãy giải thích cho tôi về sự thành tựu của lễ hiến tế.” | 505. Rồi thanh niên Màgha, |
509. Yajassu yajamāno māghāti bhagavā | 509. Đức Thế Tôn: “Này Māgha, hãy hiến dâng; trong lúc hiến dâng hãy khiến cho tâm được tịnh tín về mọi phương diện. Đối tượng của người đang hiến dâng là lễ hiến tế, do sự đứng vững ở tại nơi này người (ấy) từ bỏ sân hận.
| Thế Tôn: 506. Thế Tôn nói Màgha, |
510. So vītarāgo pavineyya dosaṃ | 510. Người ấy có luyến ái đã được xa lìa, có thể loại trừ sân hận. Trong khi phát triển tâm từ ái vô lượng, đêm và ngày, thường xuyên, không xao lãng, (người ấy) nên lan tỏa (tâm từ ái) không hạn lượng khắp tất cả các phương.” | 507. Vị ấy đoạn tận tham, |
511. Ko sujjhati muccati bajjhatī ca | 511. “Ai trở nên trong sạch, ai được giải thoát, và ai bị trói buộc? Tự mình đi đến thế giới Phạm Thiên bằng cách nào? Thưa bậc hiền trí, được hỏi xin ngài hãy nói cho tôi, là kẻ không biết. Bởi vì đức Thế Tôn được tôi thấy rõ ràng hôm nay là đấng Phạm Thiên, bởi vì ngài ngang bằng dấng Phạm Thiên của chúng tôi’ là sự thật. Thưa bậc sáng chói, làm thế nào để được sanh về thế giới Phạm Thiên?” | Màgha: 508. Ai trong sạch, giải thoát, |
512. Yo yajati tividhaṃ puññasampadaṃ (māghāti bhagavā) | 512. (Lời đức Thế Tôn: “Này Māgha,) người nào cống hiến có sự thành tựu phước báu với ba yếu tố (ở vào ba thời điểm), người như thế ấy có thể thành đạt (phước báu) nhờ vào những bậc xứng đáng được cúng dường. Ta nói rằng: ‘Sau khi cống hiến một cách đúng đắn như vậy, người hào phóng được sanh về thế giới Phạm Thiên.’” | Thế Tôn: 509. Thế Tôn đáp Màgha: |
Evaṃ vutte māgho māṇavo bhagavantaṃ etadavoca:
| Khi được nói như vậy, thanh niên Bà-la-môn đã nói với đức Thế Tôn điều này:
| Khi nói được như vậy, thanh niên Màgha bạch Thế Tôn: |
“Abhikkantaṃ bho gotama —pe— ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gatanti. | “Bạch ngài Gotama, thật là tuyệt vời!—như trên— đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.”
| - Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama!. Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama!... Từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng. |
Māghasuttaṃ niṭṭhitaṃ. |
Dứt Kinh Māgha.
|
|
6. SABHIYASUTTAṂ
|
6. KINH SABHIYA
|
6. KINH SABHIYA
|
Evaṃ me sutaṃ Ekaṃ samayaṃ bhagavā rājagahe viharati veḷuvane kalandakanivāpe. Tena kho pana samayena sabhiyassa paribbājakassa purāṇasālohitāya devatāya pañhā uddiṭṭhā honti: Yo te sabhiya samano vā brāhmaṇo vā ime pañhe puṭṭho vyākaroti, tassa santike brahmacariyaṃ careyyāsīti. | Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Rājagaha, ở Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc. Vào lúc bấy giờ, có vị Thiên nhân, trước đây là thân nhân cùng huyết thống của du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã nêu lên những câu hỏi rằng: “Này Sabhiya, vị Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào (có thể) trả lời khi được ngươi hỏi những câu hỏi này, thỉ ngươi nên thực hành Phạm hạnh ở nơi vị ấy.” | Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, du sĩ Sabhiya, một du sĩ ngoại đạo, được một Thiên nhân trước kia là bà con huyết thống, nói lên những câu hỏi sau đây: "Này Sabhiya, vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, khi được hỏi những câu hỏi này, trả lời cho Ông, thời Ông hãy sống Phạm hạnh với người ấy". |
Atha kho sabhiyo paribbajāko tassā devatāya santike te pañhe uggahetvā ye te samaṇabrāhmaṇā saṅghino gaṇino gaṇācariyā ñātā yasassino titthakarā sādhusammatā bahujanassa, seyyathīdaṃ: Pūraṇo kassapo makkhali gosālo ajito kesakambalo pakudho kaccāyano sañjayo bellaṭṭhiputto nigaṇṭho nātaputto. Te upasaṅkamitvā te pañhe pucchati, te sabhiyena paribbājakena pañhe puṭṭhā na sampāyanti, asampāyantā kopañca dosañca appaccayañca pātukaronti, api ca sabhiyaññeva paribbājakaṃ paṭipucchanti. | Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã học những câu hỏi ấy ở nơi vị Thiên nhân ấy, rồi đã đi đến gặp những Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào là những vị có hội chúng, có đồ chúng, là giáo thọ sư của tập thể, được biết tiếng, có danh vọng, là các giáo chủ, được nhiều người đánh giá cao, như là Pūraṇa Kassapa, Makkhalī Gosāla, Ajita Kesakambala, Pakudha Kaccāyana, Sañjaya Bellaṭṭhiputta, Nigaṇṭha Nātaputta, sau khi đến đã hỏi các vị ấy những câu hỏi. Các vị ấy, khi được du sĩ ngoại đạo Sabhiya hỏi những câu hỏi, thì không thể trả lời. Trong khi không thể trả lời, các vị ấy trở nên giận dữ, sân hận, tỏ vẻ sự bực bội, và thậm chí còn hỏi ngược lại chính du sĩ ngoại đạo Sabhiya nữa.
| Rồi du sĩ Sabhiya, sau khi học những câu hỏi ấy từ vị Thiên nhân ấy, phàm có những Sa-môn, Bà-la-môn nào có hội chúng, có đồ chúng, bậc đạo sư đồ chúng được biết đến, có danh vọng, các ngoại đạo sư, được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kacsapa, Makkhali Gosàla, Ajita Kesa Kambali, Pakudha Kacàyana, Sanjaya Belatthiputta, Nigantha Nàtaputta, Sabhiya đi đến các vị ấy và hỏi những câu hỏi ấy. Các vị ấy, được du sĩ Sabhiya hỏi những câu hỏi ấy, không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn. Họ vặn hỏi trở lại du sĩ Sabhiya.
|
Atha kho sabhiyassa paribbājakassa etadahosi: Ye kho te bhonto samaṇabrāhmaṇā saṅghino gaṇino gaṇācariyā ñātā yasassino titthakarā sādhusammatā bahujanassa, seyyathīdaṃ: Pūraṇo kassapo —pe— nigaṇṭho nātaputto, te mayā pañhe puṭṭhā na sampāyanti, asampāyantā kopañca dosañca appaccayañca pātukaronti, api ca mamaññevettha paṭipucchanti, yannunāhaṃ hīnāyāvattitvā kāme paribhuñjeyyanti. | Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã khởi ý điều này: “Những Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào là những vị có hội chúng, có đồ chúng, là giáo thọ sư của tập thể, được biết tiếng, có danh vọng, là các giáo chủ, được nhiều người đánh giá cao, như là Pūraṇa Kassapa, —như trên— Nigaṇṭha Nātaputta, các vị ấy khi được ta hỏi những câu hỏi, thì không thể trả lời. Trong khi không thể trả lời, các vị ấy trở nên giận dữ, sân hận, tỏ vẻ sự bực bội, thậm chí ở đây còn hỏi ngược lại chính ta nữa; có lẽ ta nên quay trở lại đời sống thấp kém và thọ hưởng các dục?”
| Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: "Các vị Tôn giả, Sa-môn, Bà-la-môn ấy có hội chúng, có đồ chúng, bậc đạo sư, đồ chúng được biết đến, có danh vọng, có ngoại đạo sư, được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kassapa... Nigantha Nàtaputta. Các vị ấy được ta hỏi những câu hỏi không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn họ vặn hỏi trở lại ta. Vậy ta haỹ trở lui đời sống hạ liệt, thọ hưởng các dục". |
Atha kho sabhiyassa paribbājakassa etadahosi: Ayampi samaṇo gotamo saṅghī ceva gaṇī ca gaṇācariyo ca ñāto yasassī titthakaro sādhusammato bahujanassa, yannūnāhaṃ samaṇaṃ gotamaṃ upasaṅkamitvā ime pañhe puccheyyanti.
| Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã khởi ý điều này: “Sa-môn Gotama này cũng là vị có hội chúng, có đồ chúng, là giáo thọ sư của tập thể, được biết tiếng, có danh vọng, là giáo chủ, được nhiều người đánh giá cao, có lẽ ta nên đi đến gặp Sa-môn Gotama và hỏi những câu hỏi này?” | Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: "Có Sa-môn Gotama này, có hội chúng, có đồ chúng, bậc lãnh đạo hội chúng, được biết đến, có danh vọng, sáng lập ra giáo phái, được quần chúng ái mộ, vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và hỏi những câu hỏi này. |
Atha kho sabhiyassa paribbajākassa etadahosi: Yepi kho te bhonto samaṇabrāhmaṇā jiṇṇā vuddhā mahallakā addhagatā vayo anuppattā therā rattaññū cirapabbajitā saṅghino gaṇino gaṇācariyā ñātā yasassino titthakarā sādhusammatā bahujanassa, seyyathīdaṃ: Pūraṇo kassapo —pe— nigaṇṭho nātaputto. Tepi mayā pañhe puṭṭhā na sampāyanti, asampāyantā kopañca dosañca appaccayañca pātukaronti, api ca maññevettha paṭipucchanti. Kiṃ pana me samaṇo gotamo ime pañhe puṭṭho vyākarissati, samaṇo hi gotamo daharo ceva jātiyā navo ca pabbajjāyāti. | Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã khởi ý điều này: “Thậm chí các ngài Sa-môn và Bà-la-môn già cả, lão niên, lớn tuổi, đã sống thọ, đã đạt đến đoạn cuối cuộc đời, là các vị trưởng lão, thâm niên, xuất gia đã lâu, có hội chúng, có đồ chúng, là giáo thọ sư của tập thể, được biết tiếng, có danh vọng, là các giáo chủ, được nhiều người đánh giá cao, như là Pūraṇa Kassapa, —như trên— Nigaṇṭha Nātaputta. Ngay cả các ngài ấy, khi được ta hỏi những câu hỏi, còn không thể trả lời. Trong khi không thể trả lời, các ngài ấy trở nên giận dữ, sân hận, tỏ vẻ sự bực bội, thậm chí ở đây còn hỏi ngược lại chính ta nữa. Vậy thì Sa-môn Gotama, khi được ta hỏi những câu hỏi này, sẽ có trả lời chăng? Bởi vì Sa-môn Gotama còn trẻ về tuổi tác và còn mới mẻ trong việc xuất gia.”
| Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya suy nghĩ như sau: "Các vị Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy đã già, đã lớn tuổi, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đi quá nửa đời người, đã đạt đến mức cuối tuổi thọ, là những bậc trưởng lão, được nhiều người biết đến, xuất gia đã lâu ngày, có hội chúng, có đồ chúng, bậc lãnh đạo hội chúng, được biết đến, có danh vọng, các ngoại đạo sư được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kassapa... Nigantha Nàtaputta. Các vị ấy được ta hỏi những câu hỏi, không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn. Và họ vặn hỏi trở lại ta. Không biết Sa-môn Gotama có thể trả lời những câu hỏi này của ta. Sa-môn Gotama còn trẻ và mới được xuất gia". |
Atha kho sabhiyassa paribbājakassa etadahosi: Samaṇo kho daharoti [na uññātabbo] na paribhotabbo daharopi cesa samaṇo gotamo mahiddhiko hoti mahānubhāvo, yannūnāhaṃ samaṇaṃ gotamaṃ upasaṅkamitvā ime pañhe puccheyyanti. | Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã khởi ý điều này: “Quả [không nên khi dễ,[ không nên xem thường vị Sa-môn còn trẻ; mặc dầu còn trẻ, nhưng Sa-môn Gotama ấy có đại thần lực, có đại oai lực; có lẽ ta nên đi đến gặp Sa-môn Gotama và hỏi những câu hỏi này?”
| Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya suy nghĩ như sau: "Không nên gạt bỏ, không nên khinh thường một Sa-môn vì vị ấy còn trẻ tuổi; nếu vị Sa-môn còn trẻ, nhưng vị ấy có đại thần, đại uy lực. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và hỏi những câu hỏi này". |
Atha kho sabhiyo paribbājako yena rājagahaṃ tena cārikaṃ pakkāmi. Anupubbena cārikaṃ caramāno yena rājagahaṃ veḷuvanaṃ kalandakanivāpo, yena bhagavā tenupasaṅkami, upasaṅkamitvā bhagavatā saddhiṃ sammodi, sammodanīyaṃ kathaṃ sārāṇīyaṃ vītisāretvā ekamantaṃ nisīdi. Ekamantaṃ nisinno kho sabhiyo paribbājako bhagavantaṃ gāthāya ajjhabhāsi:
| Sau đó, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã ra đi du hành về phía thành Rājagaha, trong khi tuần tự du hành đã đi đến thành Rājagaha, Veḷuvana, nơi nuôi dưỡng các con sóc, và đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã nói với đức Thế Tôn bằng lời kệ rằng: | Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya bộ hành ra đi đến Ràjagaha, tiếp tục bộ hành, đi đến Vương Xá Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên du sĩ Sabhiya nói lên với Thế Tôn những bài kệ: |
513. Kaṅkhī vecikicchī āgamaṃ (iti sabhiyo) | 513. (Sabhiya nói) “Có sự phân vân, có sự hoài nghi, tôi đã đi đến, trong khi mong muốn hỏi những câu hỏi, xin ngài hãy là người giải quyết dứt điểm chúng. Được tôi hỏi những câu hỏi, xin ngài hãy tuần tự trả lời tôi thuận theo pháp.” | Sabhiya: 510. Sabhiya nói rằng: |
514. Dūrato āgato si sabhiyā (ti bhagavā) | 514. (Đức Thế Tôn nói) “Này Sabhiya, ngươi đã từ xa đi đến, trong khi mong muốn hỏi những câu hỏi, Ta là người giải quyết dứt điểm chúng. Được hỏi, Ta (sẽ) tuần tự trả lời ngươi thuận theo pháp. | Thế Tôn: 511. Thế Tôn đáp du sĩ: |
515. Puccha maṃ sabhiya pañhaṃ yaṃ kiñci manasicchasi, | 515. Này Sabhiya ngươi hãy hỏi Ta bất cứ câu hỏi nào mà ngươi muốn ở trong tâm, Ta (sẽ) giải quyết dứt điểm từng câu hỏi một cho ngươi.” | 512. Du sĩ Sabhiya, |
Atha kho sabhiyassa paribbājakassa etadahosi: Acchariyaṃ vata bho abbhutaṃ vata bho yaṃ vatāhaṃ aññesu samaṇabrāhmaṇesu okāsakammamattampi nālatthaṃ, taṃ me idaṃ samaṇena gotamena okāsakammaṃ katanti attamano pamodito udaggo pītisomanassajāto bhagavantaṃ pañhaṃ apucchi:
| Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã khởi ý điều này: “Thật là kỳ diệu! Thật là phi thường! Quả thật là việc mà ta đã không đạt được mảy may cơ hội ở các Sa-môn và Bà-la-môn khác, cơ hội ấy đã được tạo ra cho ta bởi Sa-môn Gotama.” Được hoan hỷ, vui mừng, phấn khởi, sanh tâm phỉ lạc, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã hỏi đức Thế Tôn câu hỏi rằng:
| Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Ta không bao giờ có được cơ hội, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn khác. Nay cơ hội này được Sa-môn Gotama tạo ra cho ta, hân hoan, hoan hỷ, phấn chấn, hỷ lạc " Sabhiya hỏi Thế Tôn câu hỏi: |
516. Kiṃ pattinamāhu bhikkhunaṃ (iti sabhiyo) | 516. (Sabhiya nói) “Đã đạt được điều gì khiến người ta gọi là ‘tỳ khưu’? Do (thành tựu) cái gì (gọi là) ‘khéo an tịnh’? Và như thế nào được gọi là ‘đã được huấn luyện’? Như thế nào được gọi là ‘đức Phật’? Thưa đức Thế Tôn, được tôi hỏi, xin ngài hãy trả lời.” | Sabhiya: 513. Sabhiya hỏi rằng: |
517. Pajjena katena attanā (sabhiyāti bhagavā) | 517. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya,) vị đã tự mình thực hành theo đường lối, đã đi đến sự tịch diệt hoàn toàn (ô nhiễm), đã vượt qua sự hoài nghi, đã lìa bỏ (hai thái cực) phi hữu và hữu, đã được hoàn mãn, có sự tái sanh đã được cạn kiệt, vị ấy là ‘tỳ khưu.’ | Thế Tôn: 514. Thế Tôn bèn đáp lại: |
518. Sabbattha upekkhako satīmā | 518. Vị hành xả trong mọi trường hợp, có niệm, vị ấy không hãm hại bất cứ ai ở toàn thể thế gian, vị đã vượt qua, được tịnh lặng, không bị vẩn đục, vị nào không có các (thái độ) kiêu ngạo, vị ấy là ‘khéo an tịnh.’
| 515. Vị trú xả, chánh niệm, |
519. Yassindriyāni bhāvitāni | 519. Vị nào có các giác quan đã được tu tập, ở nội phần và ở ngoại phần, ở toàn thể thế gian, sau khi thấu triệt đời này và đời sau, vị đã được tu tập chờ đợi thời điểm, vị ấy là ‘đã được huấn luyện.’ | 516. Vị nào có các căn, |
520. Kappāni viceyya kevalāni | 520. Vị đã hiểu rõ toàn bộ các kiếp sống, về sự luân hồi ở cả hai trường hợp chết và tái sanh, vị có ô nhiễm đã được xa lìa, không còn vết nhơ, hoàn toàn trong sạch, vị đã đạt đến sự diệt trừ tái sanh, người ta gọi vị ấy là ‘đức Phật.’ | 517. Ai phân tích các kiếp, |
Atha kho sabhiyo paribbājako bhagavato bhāsitaṃ abhinanditvā anumoditvā attamano pamodito udaggo pītisomanassajāto bhagavantaṃ uttariṃ pañhaṃ apucchi:
| Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã thích thú, đã tùy hỷ với lời giảng giải của đức Thế Tôn. Được hoan hỷ, vui mừng, phấn khởi, sanh tâm phỉ lạc, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã hỏi đức Thế Tôn thêm câu hỏi nữa rằng:
| Rồi du sĩ Sabhiya, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, hoan hỷ, hân hoạn, phấn khởi, phát sanh hỷ tâm, liền hỏi Thế Tôn thêm câu nữa. |
521. Kiṃ pattinamāhu brāhmaṇaṃ (iti sabhiyo) | 521. (Sabhiya nói) “Đã đạt được điều gì khiến người ta gọi là ‘Bà-la-môn’? Do (thành tựu) cái gì (gọi là) ‘Sa-môn’? Và như thế nào được gọi là ‘người gột rửa (tội)’? Như thế nào được gọi là ‘bậc Long Tượng’? Thưa đức Thế Tôn, được tôi hỏi, xin ngài hãy trả lời.” | Sabhiya: 518. Sabhiya hỏi rằng: |
522. Bāhitvā sabbapāpāni (sabhiyāti bhagavā) | 522. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya,) sau khi loại trừ tất cả các điều ác, là người không còn bợn nhơ, tốt lành, định tỉnh, có bản thân vững chãi, vị ấy đã vượt qua luân hồi, có sự thành tựu, không bị lệ thuộc, tự tại, được gọi là Bà-la-môn.” | Thế Tôn: 519. Thế Tôn liền đáp lại: |
523. Samitāvi pahāya puññapāpaṃ | 523. Vị đã được yên lặng, sau khi từ bỏ thiện và ác, lìa khỏi ô nhiễm, sau khi biết được đời này và đời sau, đã vượt lên trên sanh và tử, vị tự tại, có bản thể như thế, được gọi là ‘Sa-môn.’ | 520. Ðược an tịnh, tịch tịnh, |
524. Ninhāya sabbapāpakāni | 524. Sau khi đã gột rửa sạch tất cả các điều ác, nội phần và ngoại phần, ở toàn thể thế gian; giữa chư Thiên và nhân loại chịu sự phân hạng, vị không đi đến sự phân hạng, người ta gọi vị ấy là ‘người gột rửa (tội).’ | 521. Ai gột sạch, tắm sạch |
525. Āguṃ na karoti kiñci loke | 525. Vị không làm bất cứ điều ác xấu nào ở thế gian, sau khi tháo gở tất cả các sự ràng buộc (và) các sự trói buộc, không bám víu vào bất cứ nơi đâu, đã được giải thoát, vị tự tại, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc Long Tượng.’” | 522. Ai không làm điều ác, |
Atha kho sabhiyo paribbājako —pe— bhagavantaṃ uttariṃ pañhaṃ apucchi:
| Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya —như trên— đã hỏi đức Thế Tôn thêm câu hỏi nữa rằng: | Rồi du sĩ Sabhiya lại hỏi thêm câu nữa:
|
526. Kaṃ khettajinaṃ vadanti buddhā (iti sabhiyo) | 526. (Sabhiya nói) “Người nào chư Phật nói là ‘bậc chiến thắng đồng ruộng’? Do (thành tựu) cái gì (gọi là) ‘bậc thiện xảo’? Và như thế nào được gọi là ‘bậc sáng suốt? Như thế nào được gọi là ‘bậc hiền trí’? Thưa đức Thế Tôn, được tôi hỏi, xin ngài hãy trả lời.” | Sabhiya: 523. Sabhiya hỏi rằng: |
527. Khettāni viceyya kevalāni (sabhiyāti bhagavā) | 527. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya,) Vị đã hiểu rõ toàn diện về các đồng ruộng (mười hai xứ) thuộc cõi trời, thuộc loài người, và đồng ruộng thuộc Phạm Thiên, được thoát khỏi sự trói buộc căn bản của tất cả các đồng ruộng, vị tự tại, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc chiến thắng đồng ruộng.’ | Thế Tôn: 524. Thế Tôn bèn đáp lại: |
528. Kosāni viceyya kevalāni | 528. Vị đã hiểu rõ toàn diện về các kho chứa (nghiệp) thuộc cõi trời, thuộc loài người, và kho chứa thuộc Phạm Thiên, được thoát khỏi sự trói buộc căn bản của tất cả các kho chứa, vị tự tại, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc thiện xảo.’ | 525. Ai quán sát nhiếp phục, |
529. Tadubhayāni viceyya paṇḍarāni | 529. Vị đã hiểu rõ các xứ về cả hai lãnh vực, nội phần và ngoại phần, vị có sự trong sạch và trí tuệ, đã vượt lên trên đen và trắng, vị tự tại, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc sáng suốt.’ | 526. Ai quán sát nhiếp phục, |
530. Asatañca satañca ñatvā dhammaṃ | 530. Vị đã biết được bản chất của những kẻ xấu và của những người tốt, nội phần và ngoại phần, ở tất cả thế gian, vị được tôn vinh bởi chư Thiên và nhân loại, vị đã vượt qua sự quyến luyến và mạng lưới, vị ấy là ‘bậc hiền trí.’” | 527. Sau khi đã biết được, |
Atha kho sabhiyo paribbājako —pe— bhagavantaṃ uttariṃ pañhaṃ apucchi:
| Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya —như trên— đã hỏi đức Thế Tôn thêm câu hỏi nữa rằng: | Rồi du sĩ Sabhiya... lại hỏi Thế Tôn thêm câu hỏi nữa: |
531. Kiṃ pattinamāhu vedaguṃ (iti sabhiyo) | 531. (Sabhiya nói) “Đã đạt được điều gì khiến người ta gọi là ‘bậc đã đạt được sự thông hiểu’? Do (thành tựu) cái gì (gọi là) ‘bậc đã nhận biết được’? Và như thế nào được gọi là ‘bậc có sự tinh tấn’? Như thế nào được có tên là ‘bậc thuần chủng’? Thưa đức Thế Tôn, được tôi hỏi, xin ngài hãy trả lời.”
| Sabhiya: 528. Sabhiya hỏi rằng: |
532. Vedāni viceyya kevalāni (sabhiyāti bhagavā) | 532. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya,) Vị đã hiểu rõ toàn diện về kiến thức các loại thuộc về các Sa- môn, thuộc về các Bà-la- môn, vị đã xa lìa sự luyến ái ở tất cả các cảm thọ, vị đã vượt qua mọi kiến thức, vị ấy là ‘bậc đã đạt được sự thông hiểu.’ | Thế Tôn: 529. Thế Tôn liền đáp lại: |
533. Anuvicca papañcanāmarūpaṃ | 533. Vị đã nhận biết được các pháp chướng ngại, danh và sắc nội phần và ngoại phần, nền tảng của các tật bệnh, vị đã được thoát khỏi sự trói buộc căn bản của tất cả các tật bệnh, vị tự tại, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc đã nhận biết được.’ | 530. Do quán sát, quán triệt, |
534. Virato idha sabbapāpakehi | 534. Vị đã lánh xa tất cả các việc ác xấu ở đời này, đã vượt qua sự khổ đau ở địa ngục, có tinh tấn là nơi cư ngụ, vị ấy, có sự nỗ lực, sáng suốt, vị tự tại, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc có sự tinh tấn.’ | 531. Vị ở đời từ bỏ |
535. Yassassu lutāni bandhanāni | 535. Đối với vị nào, các sự trói buộc có thể đã được cắt lìa, nội phần và ngoại phần, gốc rễ của sự quyến luyến, vị đã được thoát khỏi sự trói buộc căn bản của tất cả các sự quyến luyến, vị tự tại, có bản thể như thế, được gọi là ‘bậc thuần chủng.’” | 532. Với ai các trói buộc, |
Atha kho sabhiyo paribbājako —pe— bhagavantaṃ uttariṃ pañhaṃ apucchi:
| Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya —như trên— đã hỏi đức Thế Tôn thêm câu hỏi nữa rằng:
| Rồi du sĩ Sabhiya ... lại hỏi Thế Tôn thêm câu hỏi nữa:
|
536. Kiṃ pattinamāhu sottiyaṃ (iti sabhiyo) | 536. (Sabhiya nói) “Đã đạt được điều gì khiến người ta gọi là ‘bậc thiện tri thức’? Do (thành tựu) cái gì (gọi là) ‘bậc Thánh’? Và như thế nào được gọi là ‘có tánh hạnh’? Như thế nào được có tên là ‘bậc du sĩ’? Thưa đức Thế Tôn, được tôi hỏi, xin ngài hãy trả lời.” | Sahiya: 533. Sabhiya hỏi rằng: |
537. Sutvā sabbadhammaṃ abhiññāya loke (sabhiyāti bhagavā) | 537. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sabhiya,) vị đã lắng nghe và biết rõ mọi pháp ở thế gian, bất cứ điều gì có tội hay không có tội, vị đã chế ngự, không còn hoài nghi, đã được giải thoát, không phiền muộn về mọi phương diện, người ta đã gọi là ‘bậc thiện tri thức.’ | Thế Tôn: 534. Thế Tôn bèn đáp lại: |
538. Chetvā āsavāni ālayāni | 538. Vị đã cắt đứt các lậu hoặc, (và) các pháp tiềm ẩn,[1] sau khi đã hiểu biết, vị ấy không đi đến việc trú ở thai bào, sau khi đã xua đi ba loại tưởng, (và) bãi lầy (ngũ dục), vị không đi đến sự phân hạng, người ta gọi vị ấy là ‘bậc Thánh.’ [1] Āsavāni: là bốn lậu gồm có: dục lậu, hữu lậu, tà kiến lậu, và vô minh lậu. Ālayāni: là hai pháp tiềm ẩn: tham ái và tà kiến (SnA. ii, 433). | 535. Sau khi đoạn, chặt đứt, |
539. Yo idha caraṇesu pattipatto | 539. Vị nào đã đạt được mục đích về các tánh hạnh ở trong Giáo Pháp này, vị thiện xảo vào mọi lúc, đã hiểu biết Giáo Pháp, không bám víu vào bất cứ nơi đâu, đã được giải thoát, vị nào không có các sự bất bình, vị ấy là ‘có tánh hạnh.’ | 536. Vị nào ở nơi đây, |
540. Dukkhavepakkaṃ yadatthi kammaṃ | 540. Sau khi đã lánh xa bất kỳ nghiệp nào có quả báu khổ đau, ở bên trên và bên dưới, luôn cả bên ngang và khoảng giữa, có sự du hành với trí tuệ, vị đã làm chấm dứt sự xảo quyệt, ngã mạn, luôn cả tham lam và giận dữ, danh và sắc, người ta đã gọi vị ấy là ‘bậc du sĩ” đã đạt được mục đích.” | 537. Ai không làm các nghiệp |
Atha kho sabhiyo paribbājako bhagavato bhāsitaṃ abhinanditvā anumoditvā attamano pamūdito udaggo pītisomanassajāto uṭṭhāyāsanā ekaṃsaṃ uttarāsaṅgaṃ karitvā yena bhagavā tenañjaliṃ paṇāmetvā bhagavantaṃ sammukhā sāruppāhi gāthāhi abhitthavi: | Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã thích thú, đã tùy hỷ với lời nói của đức Thế Tôn. Được hoan hỷ, vui mừng, phấn khởi, sanh tâm phỉ lạc, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thượng y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã ca ngợi trực tiếp đến đức Thế Tôn bằng những lời kệ thích đáng rằng:
| Rồi du sĩ Sabhiya hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy; hoan hỷ, hân hoan, phấn chấn, hỷ duyệt sanh khởi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thương y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn, trước mặt Thế Tôn, thốt lên những câu kệ thích đáng:
|
541. Yāni ca tīṇi yāni ca saṭṭhi | 541. “Thưa bậc có tuệ bao la, bậc đã đi đến nơi tận cùng của các dòng lũ, sau khi đã xua tan ba và sáu mươi tà thuyết[1] được dựa vào giáo điều của các Sa-môn (ngoại đạo), được nương tựa vào tưởng và sự suy diễn của tưởng. [1] Ba và sáu mươi tà thuyết; tức là sáu mươi hai tà kiến đã được đề cập ở Brahmajālasutta (Kinh Phạm Võng thuộc Trường Bộ 1) cộng với sakkāyadiṭṭhi - thân kiến (SnA. ii, 434-435).
| 538. Ôi, bậc tuệ rộng lớn! |
542. Antagū ’si pāragū dukkhassa | 542. Ngài là bậc đã đi đến tận cùng, bậc đã đi đến bờ kia của khổ đau. Ngài là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, con nghĩ rằng Ngài có lậu hoặc đã được cạn kiệt. Ngài sáng láng, sâu sắc, có trí tuệ dồi dào. Thưa bậc đã làm chấm dứt khổ đau, ngài đã đưa con vượt qua (hoài nghi). | 539. Ngài đi đến tận cùng, |
543. Yaṃ me kaṃkhitamaññāsi | 543. Khi ngài đã biết con có điều nghi ngờ, ngài đã đưa con vượt qua sự hoài nghi, xin kính lễ ngài. Thưa bậc hiền trí, vị đã đạt được mục đích ở đạo lộ trí tuệ, bậc không cứng nhắc, vị thân quyến của mặt trời, ngài là khéo an tịnh. | 540. Ngài thấy, Ngài biết rõ |
544. Yā me kaṅkhā pure āsi taṃ me vyākāsi cakkhumā, | 544. Thưa bậc hữu nhãn, nghi ngờ nào của con đã có trước đây, ngài đều giải thích điều ấy cho con. Ngài quả thật là bậc hiền trí đã được hoàn toàn giác ngộ, không có sự che lấp nào đối với ngài. | 541. Ðiều xưa con nghi ngờ, |
545. Upāyāsā ca te sabbe viddhastā vinalīkatā, | 545. Và mọi sự sầu muộn của ngài đều đã được tan vỡ, đã được làm cho tiêu hoại. Ngài có trạng thái mát lạnh, đã đạt đến sự thu thúc, có sự kiên quyết, có thế mạnh là sự chân thật. | 542. Với Ngài, mọi ưu não, |
546. Tassa te nāganāgassa mahāvīrassa bhāsato, | 546. Trong khi ngài đây, bậc long tượng của các loài long tượng, bậc đại anh hùng đang nói, tất cả chư Thiên, luôn cả hai nhóm Nārada và Pabbata, đều tùy hỷ. | 543. Ngài là bậc long tượng, |
547. Namo te purisājañña namo te purisuttama, | 547. Thưa bậc siêu nhân, xin kính lễ ngài. Thưa bậc tối thượng nhân, xin kính lễ ngài. Ở thế gian luôn cả chư Thiên, không có kẻ nào sánh bằng ngài. | 544. Chúng con xin đảnh lễ, |
548. Tuvaṃ buddho tuvaṃ satthā tuvaṃ mārābhibhū muni, | 548. Ngài là đức Phật, ngài là bậc đạo sư, ngài là bậc hiền trí, đấng chế ngự Ma Vương. Sau khi cắt đứt các pháp tiềm ẩn và đã vượt qua, ngài đưa dòng dõi này vượt qua. | 545. Ngài chính là Ðức Phật, |
549. Upadhī te samatikkantā āsavā te padāḷitā, | 549. Các mầm tái sanh đã được ngài vượt qua, các lậu hoặc đã được ngài phá tan. Ngài là loài sư tử, không còn chấp thủ, đã dứt bỏ nỗi sợ hãi và khiếp đảm. | 546. Ngài vượt khỏi sanh y, |
550. Puṇḍarīkaṃ yathā vaggu toye na upalippati, | 550. Giống như đóa sen trắng xinh đẹp không bị vấy bẩn ở nước, tương tự như thế, ngài không bị vướng bận ở thiện và ác, cả hai loại. Thưa đấng anh hùng, xin ngài hãy duỗi ra hai bàn chân, Sabhiya xin đảnh lễ hai bản chân của đấng đạo sư.” | 547. Như hoa sen tươi đẹp. |
Atha kho sabhiyo paribbājako bhagavato pādesu sirasā nipatitvā bhagavantaṃ etadavoca:
| Khi ấy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã cúi xuống đê đầu ở hai bàn chân của đức Thế Tôn và đã nói điều này:
| Rồi du sĩ Sabhiya lấy đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
|
Abhikkantaṃ bho gotama, —pe— dhammañca bhikkhusaṅghañca labheyyāhaṃ bhante, bhagavato santike pabbajjaṃ labheyyaṃ upasampadanti. | “Bạch ngài Gotama, thật là tuyệt vời! —như trên— Giáo Pháp, và Hội Chúng tỳ khưu. Con có thể xuất gia trong sự hiện diện của ngài Gotama không? Con có thể tu lên bậc trên không?” | - Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!... Con xin quy y Thế Tôn, Pháp và chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, mong cho con thọ đại giới.
|
Yo kho sabhiya, aññatitthiyapubbo imasmiṃ dhammavinaye ākaṅkhati pabbajaṃ ākaṅkhati upasampadaṃ so cattāro māse parivasati, catunnaṃ māsānaṃ accayena [parivuṭṭhaparivāsaṃ ] āraddhacittā bhikkhū pabbājenti upasampādenti bhikkhubhāvāya, apica mettha puggalavemattatā viditāti. | “Này Sabhiya, người nào, trước đây theo ngoại đạo, mong mỏi sự xuất gia trong Pháp và Luật này, mong mỏi việc tu lên bậc trên, người ấy (phải) sống thử thách bốn tháng. Sau bốn tháng, có tâm được hài lòng, các vị tỳ khưu (sẽ) cho xuất gia, (sẽ) cho tu lên bậc trên để trở thành tỳ khưu; tuy nhiên ở đây Ta biết được tính chất khác biệt của mỗi cá nhân.”
| - Này Sabhiya, ai trước kia thuộc ngoại đạo, nay xin xuất gia, xin thọ đại giới trong Pháp Luật này cần phải sống biệt trú trong bốn tháng. Sau bốn tháng, nếu tâm các Tỷ-kheo thỏa thuận, có thể cho vị ấy xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo. Nhưng ở đây, Ta biết sự sai biệt giữa các chúng sanh.
|
Sace bhante, aññatitthiyapubbā imasmiṃ dhammavinaye ākaṅkhantā pabbajjaṃ ākaṅkhantā upasampadaṃ cattāro māse parivasanti, catunnaṃ māsānaṃ accayena [parivuṭṭhaparivāse] āraddhacittā bhikkhū pabbājenti upasampādenti bhikkhubhāvāya, ahaṃ cattāri vassāni parivasissāmi, catunnaṃ vassānaṃ accayena [parivuṭṭhaparivāsaṃ] āraddhacittā bhikkhū pabbājentu upasampādentu bhikkhubhāvāyāti.
| “Thưa ngài, nếu người trước đây theo ngoại đạo mong mỏi sự xuất gia trong Pháp và Luật này, mong mỏi việc tu lên bậc trên, (phải) sống thử thách bốn tháng. Sau bốn tháng, có tâm được hài lòng, các vị tỳ khưu (sẽ) cho xuất gia, (sẽ) cho tu lên bậc trên để trở thành tỳ khưu, thì con sẽ sống thử thách bốn năm. Sau bốn năm, có tâm được hài lòng, các vị tỳ khưu hãy cho xuất gia, hãy cho tu lên bậc trên để trở thành tỳ khưu.” | - Bạch Thế Tôn, nếu những ai trước kia thuộc ngoại đạo, nay xin xuất gia, xin thọ đại giới trong Pháp Luật này, sống biệt trú bốn tháng. Sau bốn tháng, nếu tâm các Tỷ-kheo thỏa thuận, có thể cho vị ấy xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo, con sẽ sống biệt trú bốn năm. Sau bốn năm, nếu tâm con thỏa thuận hãy cho xuất gia, cho con thọ đại giới để trở thành Tỷ-kheo.
|
Alattha kho sabhiyo paribbājako bhagavato santike pabbajjaṃ alattha upasampadaṃ, —pe— aññataro ca kho panāyasmā sabhiyo arahattaṃ ahosīti.
| Quả vậy, du sĩ ngoại đạo Sabhiya đã đạt được sự xuất gia trong sự hiện diện của đức Thế Tôn, đã đạt được sự tu lên bậc trên. —như trên— Và thêm một vị nữa là đại đức Sabhiya đã trở thành vị A-la-hán. | Du sĩ Sabhiya được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới... rồi Tôn giả Sabhiya trở thành một vị A-la-hán.
|
Sabhiyasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
|
Dứt Kinh Sabhiya.
|
7. SELASUTTAṂ
|
7. KINH SELA
|
7. KINH SELA (Xem kinh Sela, Trung Bộ Kinh, Tập II) |
Evaṃ me sutaṃ: Ekaṃ samayaṃ bhagavā aṅguttarāpesu cārikaṃ caramāno mahatā bhikkhusaṅghena saddhiṃ aḍḍhateḷasehi bhikkhusatehi yena āpaṇaṃ nāma aṅguttarāpānaṃ nigamo tadavasari. | Tôi đã nghe như vầy:[1] Một thời, đức Thế Tôn trong khi đi du hành ở xứ sở Aṅguttarāpa cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu, đã ngự đến phố chợ của xứ sở Aṅguttarāpa có tên là Āpaṇa. [1] Bài kinh này giống như Selasuttaṃ, Majjhimanikāya ii (Kinh Sela, Trung Bộ 2).
| Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn du hành ở Anguttarapa cùng với đại chúng Tỷ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, và đi đến một thị trấn của Anguttarapa tên là Apana. |
Assosi kho keṇiyo jaṭilo samaṇo khalu bho gotamo sakyaputto sakyakulā pabbajito aṅguttarāpesu cārikaṃ caramāno mahatā bhikkhusaṅghena saddhiṃ aḍḍhateḷasehi bhikkhusatehi āpaṇaṃ anuppatto, taṃ kho pana bhavantaṃ gotamaṃ evaṃ kalyāṇo kittisaddo abbhuggato “itipi so bhagavā arahaṃ sammāsambuddho vijjācaraṇasampanno sugato lokavidū anuttaro purisadammasārathi satthā devamanussānaṃ buddho bhagavā ”ti so imaṃ lokaṃ sadevakaṃ samārakaṃ sabrahmakaṃ sassamaṇabrāhmaṇiṃ pajaṃ sadevamunassaṃ sayaṃ abhiññā sacchikatvā pavedeti, so dhammaṃ deseti ādikalyāṇaṃ majjhe kalyāṇaṃ pariyosānakalyāṇaṃ sātthaṃ sabyañjanaṃ kevalaparipuṇṇaṃ parisuddhaṃ brahmacariyaṃ pakāseti, sādhu kho pana tathārūpānaṃ arahataṃ dassanaṃ hotī ”ti. | Đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nghe rằng: “Chắn chắn là ngài Sa-môn Gotama, con trai dòng Sakya, từ dòng dõi Sakya đã xuất gia, trong khi đi du hành ở xứ sở Aṅguttarāpa cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu, đã ngự đến Āpaṇa. Hơn nữa, về ngài Gotama ấy có tiếng đồn tốt đẹp đã được lan rộng ra như vầy: ‘Đức Thế Tôn ấy là bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Tối Thượng, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.’ Với thắng trí của mình, vị ấy chứng ngộ và công bố về thế gian này tính luôn cõi chư Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, các hạng chư Thiên và loài người. Vị ấy thuyết giảng Pháp toàn hảo ở đoạn đầu, toàn hảo ở đoạn giữa, toàn hảo ở đoạn kết, thành tựu về ý nghĩa, thành tựu về văn tự, giảng giải về Phạm hạnh thanh tịnh một cách trọn vẹn và đầy đủ. Tốt thay cho việc diện kiến các vị A-la-hán như thế ấy.”
| Bện tóc Keniya được nghe: "Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Sakya, du hành ở Anguttarapa cùng với đại chúng Tỷ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, và đã đến Apana. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây về Tôn giả Gotama được khởi lên: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn. Với thắng trí, Ngài tự thân chứng ngộ thế giới này cùng với Thiên giới, Phạm thiên giới, cùng với chúng Sa-môn, Bà-la-môn, các loài Trời và loài Người. Khi đã chứng ngộ, Ngài còn tuyên thuyết điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện văn nghĩa đầy đủ. Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, trong sạch. Tốt đẹp thay sự chiêm ngưỡng một vị A-la-hán như vậy!". |
Atha kho keṇiyo jaṭilo yena bhagavā tenupasaṅkami, upasaṅkamitvā bhagavatā saddhiṃ sammodi, sammodanīyaṃ kathaṃ sārāṇīyaṃ vītisāretvā ekamantaṃ nisīdi. Ekamantaṃ nisinnaṃ kho keṇiyaṃ jaṭilaṃ bhagavā dhammiyā kathāya sandassesi samādapesi samuttejesi sampahaṃsesi. | Sau đó, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã ngồi xuống ở một bên. Khi đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã ngồi xuống ở một bên, Đức Thế Tôn đã chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi cho đạo sĩ bện tóc Keṇiya bằng bài Pháp thoại. | Rồi bện tóc Keniya đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên những lời chào đón hỏi thăm với Thế Tôn, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, liền ngồi xuống một bên. Thế Tôn với pháp thoại khai thị cho bện tóc Keniya đang ngồi một bên, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ. |
Atha kho keṇiyo jaṭilo bhagavatā dhammiyā kathāya sandassito samādapito samuttejito sampahaṃsito bhagavantaṃ etadavoca: Adhivāsetu me bhavaṃ gotamo svātanāya bhattaṃ saddhiṃ bhikkhusaṅghenāti. | Sau đó, khi đã được đức Thế Tôn chỉ dạy, thức tỉnh, khuyến khích, và tạo niềm phấn khởi bằng bài Pháp thoại, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.”
| Bện tóc Keniya sau khi được Thế Tôn với pháp thoại khai thị, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ, liền bạch Thế Tôn: -- Mong Tôn giả Gotama nhận lời mời của con ngày mai dùng cơm với chúng Tỷ-kheo. |
Evaṃ vutte bhagavā keṇiyaṃ jaṭilaṃ etadavoca: Mahā kho keṇiya, bhikkhusaṅgho aḍḍhateḷasāni bhikkhusatāni, tvañca kho brāhmaṇesu abhippasannoti. | Khi được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với đạo sĩ bện tóc Keṇiya điều này: “Này Keṇiya, hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu, và ngươi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị Bà-la-môn.” | Ðược nghe nói vậy, Thế Tôn nói với bện tóc Keniya: -- Này Keniya, chúng Tỷ-kheo rất lớn, đến một ngàn hai trăm năm mươi Tỷ-kheo, và Ông có lòng tín thành với các Bà-la-môn. |
Dutiyampi kho keṇiyo jaṭilo bhagavantaṃ etadavoca: Kiñcāpi bho gotama, mahā bhikkhusaṅgho aḍḍhateḷasāni bhikkhusatāni, ahañca brāhmaṇesu abhippasanno, adhivāsetu me bhavaṃ gotamo svātanāya bhattaṃ saddhiṃ bhikkhusaṅghenāti. | Đến lần thứ nhì, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Thưa ngài Gotama, dầu cho hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu và (dầu cho) tôi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị Bà-la-môn, xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.”
| Lần thứ hai, bện tóc Keniya bạch Thế Tôn: -- Thưa Tôn giả Gotama, dầu chúng Tỷ-kheo rất lớn, đến một ngàn hai trăm năm mươi Tỷ-kheo, và dầu con có lòng tín thành với các Bà-la-môn, mong Tôn giả Gotama nhận lời mời của con, ngày mai dùng cơm với chúng Tỷ-kheo! |
Dutiyampi kho bhagavā keṇiyaṃ jaṭilaṃ etadavoca: Mahā kho keṇiya, bhikkhusaṅgho aḍḍhateḷasāni bhikkhusatāni, tvañca kho brāhmaṇesu abhippasannoti. | Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với đạo sĩ bện tóc Keṇiya điều này: “Này Keṇiya, hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu, và ngươi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị Bà-la-môn.” | Lần thứ hai, Thế Tôn nói với bện tóc Keniya: -- Này Keniya, chúng Tỷ-kheo rất lớn, đến một ngàn hai trăm năm mươi Tỷ-kheo, và Ông có lòng tín thành với các Bà-la-môn. |
Tatiyampi kho keṇiyo jaṭilo bhagavantaṃ etadavoca: Kiñcāpi bho gotama, mahā bhikkhusaṅgho aḍḍhateḷasāni bhikkhusatāni, ahañca kho brāhmaṇesu abhippasanno, adhivāsetveva me bhavaṃ gotamo svātanāya bhattaṃ saddhiṃ bhikkhusaṅghenāti. | Đến lần thứ ba, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nói với đức Thế Tôn điều này: “Thưa ngài Gotama, dầu cho hội chúng tỳ khưu rất đông có đến một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu và (dầu cho) tôi đã đặt nhiều niềm tin vào các vị Bà-la-môn, xin ngài Gotama hãy nhận lời tôi về bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.”
| Lần thứ ba, bện tóc Keniya bạch Thế Tôn: -- Thưa Tôn giả Gotama, dầu chúng Tỷ-kheo rất lớn, đến một ngàn hai trăm năm mươi Tỷ-kheo, và dầu con có lòng tín thành với các vị Bà-la-môn, mong Tôn giả Gotama nhận lời mời của con, ngày mai dùng cơm với chúng Tỷ-kheo! |
Adhivāsesi bhagavā tuṇhībhāvena. | Đức Thế Tôn đã nhận lời bằng thái độ im lặng. | Thế Tôn im lặng nhận lời. |
Atha kho keṇiyo jaṭilo bhagavantaṃ adhivāsanaṃ viditvā uṭṭhāyāsanā yena sako assamo tenupasaṅkami, upasaṅkamitvā mittāmacce ñātisālohite āmantesi: | Khi ấy, đạo sĩ bện tóc Keṇiya hiểu được sự nhận lời của đức Thế Tôn nên đã từ chỗ ngồi đứng dậy và đi về nơi cư ngụ của mình, sau khi về đến đã bảo các bạn bè thân hữu và thân quyến cùng huyết thống rằng:
| Bện tóc Keniya, sau khi được biết Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến tịnh xá của mình, sau khi đến liền bảo các thân hữu, bà con huyết thống: |
Suṇantu me bhavanto mittāmaccā ñātisālohitā samaṇo me gotamo nimantito svātanāya bhattaṃ saddhiṃ bhikkhusaṅghena yena me kāyaveyyāvaṭikaṃ kareyyāthāti. | “Xin quý vị bạn bè thân hữu và thân quyến cùng huyết thống hãy lắng nghe tôi, Sa-môn Gotama đã được tôi thỉnh mời bữa trai phạn vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu, vì thế mong các vị có thể làm giúp công việc phục dịch.” | -- Quý vị Thân hữu, bà con huyết thống hãy nghe tôi. Sa-môn Gotama đã được tôi mời ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo. Vậy Quý vị hãy tự thân giúp việc cho tôi.
|
Evaṃ bhoti kho keṇiyassa jaṭilassa mittāmaccā ñātisālohitā keṇiyassa jaṭilassa paṭissutvā appekacce uddhanāni khaṇanti, appekacce kaṭṭhāni phālenti, appekacce bhājanāni dhovanti, appekacce udakamaṇikaṃ patiṭṭhāpenti, appekacce āsanāni paññāpenti. Keṇiyo pana jaṭilo sāmaṃyeva maṇḍalamālaṃ paṭiyādeti. | “Thưa ngài, xin vâng,” các bạn bè thân hữu và thân quyến cùng huyết thống của đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã nghe theo đạo sĩ bện tóc Keṇiya, một số đào bếp lữa, một số chẻ củi, một số rửa bát đĩa, một số xếp đặt lu nước, một số bố trí các chỗ ngồi, còn đạo sĩ bện tóc Keṇiya tự mình thiết lập lều trại có mái che. | -- Thưa vâng, Tôn giả. Các thân hữu, bà con huyết thống của bện tóc Keniya vâng đáp bện tóc Keniya. Có người thời đào hố (làm lò nấu); có người bửa củi; có người rửa chén bát; có người sắp đặt ghè nước; có người sửa soạn ghế ngồi; còn bện tóc Keniya tự mình dựng lên một giàn hoa hình tròn (Mandalamala).
|
Tena kho pana samayena selo brāhmaṇo āpaṇe paṭivasati tiṇṇaṃ vedānaṃ pāragū sanighaṇṭukeṭubhānaṃ sākkharappabhedānaṃ itihāsapañcamānaṃ padako veyyākaraṇo lokāyatamahāpurisalakkhaṇesu anavayo tīṇi māṇavakasatāni mante vāceti. | Vào lúc bấy giờ, Bà-la-môn Sela cư trú ở Āpaṇa, là vị tinh thông về ba tập Vệ Đà, về các từ vựng và nghi thức, luôn cả về âm từ với sự phân tích, về truyền thống là thứ năm, là nhà ngữ học, nhà văn phạm, tinh thông về thế gian luận và các tướng của bậc đại nhân, đang chỉ dạy các chú thuật cho ba trăm thanh niên Bà-la-môn.
| Lúc bấy giờ Bà-la-môn Sela trú tại Apana, vị này tinh thông ba tập Veda, với tự vựng, lễ nghi, ngữ nguyên và thứ năm là các cổ truyện, thông hiểu từ ngữ và văn phạm, thâm hiểu Thuận thế luận và Ðại nhân tướng. Vị này dạy chú thuật (manta) cho ba trăm thanh niên Bà-la-môn. |
Tena kho samayena keṇiye jaṭile selo brāhmaṇo abhippasanno hoti. Atha kho selo brāhmaṇo tīhi māṇavakasatehi parivuto jaṅghāvihāraṃ anucaṅkamamāno anuvicaramāno yena keṇiyassa jaṭilassa assamo tenupasaṅkami. Addasā kho selo brāhmaṇo keṇiyasmiṃ jaṭile appekacce uddhanāni khaṇante, —pe— appekacce āsanāni paññāpente. Keṇiyaṃ pana jaṭilaṃ sāmaṃyeva maṇḍalamālaṃ paṭiyādentaṃ, disvāna keṇiyaṃ jaṭilaṃ etadavoca: | Vào lúc bấy giờ, Bà-la-môn Sela đặt nhiều niềm tin vào đạo sĩ bện tóc Keṇiya. Khi ấy, Bà-la-môn Sela được tháp tùng bởi ba trăm thanh niên Bà-la-môn, trong lúc đi kinh hành, trong lúc đi tản bộ cho việc thư giãn chân cẳng, đã đi đến nơi cư ngụ của đạo sĩ bện tóc Keṇiya. Bà-la-môn Sela đã nhìn thấy ở nơi đạo sĩ bện tóc Keṇiya một số người đang đào bếp lữa, —như trên— một số bố trí các chỗ ngồi, còn đạo sĩ bện tóc Keṇiya đang tự mình thiết lập lều trại có mái che, sau khi nhìn thấy đã nói với đạo sĩ bện tóc Keṇiya điều này:
| Lúc bấy giờ bện tóc Keniya có lòng tín thành với Bà-la-môn Sela. Rồi Bà-la-môn Sela, với ba trăm thanh niên Bà-la-môn vây quanh, tản bộ du hành đi đến tinh xá của bện tóc Keniya. Bà-la-môn Sela thấy tại tinh xá của bện tóc Keniya, có người thời đào hố (làm lò nấu); có người bửa củi; có người rửa chén bát; có người sắp đặt ghè nước; có người sửa soạn ghế ngồi; còn bện tóc Keniya tự mình dựng lên một giàn hoa hình tròn. Thấy vậy, Bà-la-môn Sela bèn nói với bện tóc Keniya: |
Kinnu bhoto keṇiyassa āvāho vā bhavissati, vihāho vā bhavissati, mahāyañño vā paccupaṭṭhito, rājā vā māgadho seniyo bimbisāro nimantito svātanāya saddhiṃ balakāyenāti. | “Không lẽ ông Keṇiya sẽ có đám rước dâu, hay là sẽ có đám đưa dâu, hay là sắp xếp cho buổi đại lễ hiến tế, hay là đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha được mời thỉnh vào ngày mai cùng với đội quân binh?” | -- Có phải bện tóc Keniya sẽ rước dâu hay sẽ đưa dâu, hay một đại tế đàn được chuẩn bị, hay vua Seniya Bimbisara nước Magadha được mời ngày mai với cả binh lực? |
Na me sela, āvāho bhavissati napi vivāho bhavissati, napi rājā māgadho seniyo bimbisāro nimantito svātanāya saddhiṃ balakāyena, api ca kho me mahāyañño paccupaṭṭhito atthi. Samaṇo gotamo sakyaputto sakyakulā pabbajito aṅguttarāpesu cārikaṃ caramāno mahatā bhikkhusaṅghena saddhiṃ aḍḍhateḷasehi bhikkhusatehi āpaṇaṃ anuppatto, taṃ kho pana bhavantaṃ gotamaṃ —pe— buddho bhagavā ’ti, so me nimantito svātanāya saddhiṃ bhikkhusaṅghenāti. | “Này Sela, không phải tôi sẽ có đám rước dâu, cũng sẽ không có đám đưa dâu, cũng không phải đức vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha được mời thỉnh vào ngày mai cùng với đội quân binh, nhưng mà tôi có cuộc đại lễ hiến tế đã được sắp xếp. Sa-môn Gotama, con trai dòng Sakya, từ dòng dõi Sakya đã xuất gia, trong khi đi du hành ở xứ sở Aṅguttarāpa cùng với đại chúng tỳ khưu gồm có một ngàn hai trăm năm mươi vị tỳ khưu, đã ngự đến Āpaṇa. Hơn nữa, về ngài Gotama ấy —như trên— Phật, Thế Tôn.’ Vị ấy đã được tôi thỉnh mời vào ngày mai cùng với hội chúng tỳ khưu.” | -- Thưa Tôn giả Sela, tôi không có rước dâu, cũng không đưa dâu, vua Seniya Bimbisara nước Magadha không có được mời ngày mai với cả binh lực, nhưng tôi chuẩn bị một đại tế đàn. Sa-môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Sakya, du hành ở Anguttarapa cùng với đại chúng Tỷ-kheo một ngàn hai trăm năm mươi vị, và đã đến Apana. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây về Tôn giả Gotama được khởi lên: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn." Vị ấy được con mời ngày mai đến dùng cơm với chúng Tỷ-kheo. |
Buddhoti kho bho keṇiya, vadesi? Buddhoti bho sela, vadāmi. Buddhoti bho keṇiya, vadesi? Buddhoti bho sela vadāmīti. | “Này ông Keṇiya, có phải ông nói: ‘Đức Phật’?” “Ồ ông Sela, tôi nói là: ‘Đức Phật.’” “Này ông Keṇiya, có phải ông nói: ‘Đức Phật’?” “Ồ ông Sela, tôi nói là: ‘Đức Phật.’” | -- Tôn giả Keniya, có phải Ông nói đức Phật? -- Tôn giả Sela, vâng, tôi nói đức Phật. -- Tôn giả Keniya, có phải Ông nói đức Phật? -- Tôn giả Sela, vâng, tôi nói đức Phật. |
Atha kho selassa brahmaṇassa etadahosi: Ghosopi kho eso dullabho lokasmiṃ yadidaṃ buddho’ti. Āgatāni kho pana asmākaṃ mantesu dvattiṃsamahāpurisalakkhanāni yehi samannāgatassa mahāpurisassa dveva gatiyo bhavanti anaññā. Sace agāraṃ ajjhāvasati, rājā hoti cakkavattī dhammiko dhammarājā cāturanto vijitāvī janapadatthāvariyappatto sattaratanasamannāgato. | Khi ấy, Bà-la-môn Sela đã khởi ý điều này: “Cái âm này thật khó được nghe ở thế gian, đó là từ: ‘Đức Phật.’ Hơn nữa, ba mươi hai tướng của bậc đại nhân đã được lưu truyền ở các kinh thơ của chúng ta, bậc đại nhân có được các tướng này chỉ có hai con đường, không có con đường khác: Nếu ở tại gia thì trở thành vua Chuyển Luân, bậc công chính, vị vua công minh, bậc chinh phục bốn phương, đạt được sự bền vững của xứ sở, có được bảy báu vật.
| Rồi Tôn giả Bà-la-môn Sela suy nghĩ: "Chỉ một âm thanh đức Phật này cũng khó tìm được trong đời. Theo Thánh điển của chúng ta được truyền lại về ba mươi hai Ðại nhân tướng, những ai có ba mươi hai tướng ấy sẽ chọn một trong hai con đường, không có con đường nào khác: nếu là tại gia, sẽ thành vị Chuyển luân Thánh vương chinh phục mọi quốc độ, đầy đủ bảy món báu. |
Tassimāni sattaratanāni bhavanti, seyyathīdaṃ: cakkaratanaṃ hatthiratanaṃ assaratanaṃ maṇiratanaṃ itthiratanaṃ gahapatiratanaṃ pariṇāyakaratanameva sattamaṃ, parosahassaṃ kho panassa puttā bhavanti sūrā vīraṅgarūpā parasenappamaddanā, so imaṃ paṭhaviṃ sāgarapariyantaṃ adaṇḍena asatthena dhammena abhivijiya ajjhāvasati. Sace kho panāgārasmā anagāriyaṃ pabbajati arahaṃ hoti sammāsambuddho loke vivattacchaddo. | Bảy báu vật này là thuộc về vị ấy, gồm có: bánh xe báu, voi báu, ngựa báu, ngọc ma-ni báu, nữ nhân báu, gia chủ báu, và tướng quân báu là thứ bảy. Hơn nữa, vị này có hơn một ngàn con trai là những dũng sĩ, có vóc dáng anh hùng, có khả năng tiêu diệt quân đội của kẻ thù. Vị ấy chinh phục và ngự trị trái đất được biển bao quanh này một cách công minh, không gậy gộc, không gươm đao. Nhưng nếu rời nhà xuất gia sống không nhà thì trở thành bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác, khơi mở sự che lấp ở thế gian.”
| Bảy món báu này là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, ngọc nữ báu, cư sĩ báu và thứ bảy là tướng quân báu. Và vị này có hơn một ngàn con trai là những vị anh hùng, oai phong lẫm liệt, chiến thắng ngoại quân. Vị này sống thống lãnh quả đất cùng tận cho đến đại dương, và trị vì với Chánh pháp, không dùng gậy, không dùng đao. Nếu vị này xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị này sẽ chứng quả A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, quét sạch mê lầm ở đời." và ông ta nói: |
Kahaṃ pana bho keṇiya, etarahi so bhavaṃ gotamo viharati arahaṃ sammāsambuddho’ti. | “Này ông Keṇiya, vậy bây giờ ngài Gotama, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác ấy trú ở đâu?
| -- Này Tôn giả Keniya, nay Tôn giả Gotama ấy, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ấy trú ở đâu? |
Evaṃ vutte keṇiyo jaṭilo dakkhiṇaṃ bāhaṃ paggahetvā selaṃ brāhmaṇaṃ etadavoca: Yenesā bho sela nīlavanarājīti. | Khi được nói như vậy, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã vươn cánh tay mặt và đã nói với Bà-la-môn Sela điều này: “Này ông Sela, ở dải rừng xanh biếc kia.”
| Khi nghe nói vậy, bện tóc Keniya, duỗi cánh tay mặt, nói với Bà-la-môn Sela: -- Tôn giả Sela, tại ngôi rừng xanh kia.
|
Atha kho selo brāhmaṇo tīhi māṇavakasatehi saddhiṃ yena bhagavā tenupasaṅkakami. Atha kho selo brāhmaṇo te māṇavake āmantesi: Appasaddā bhonto āgacchantu pade padaṃ nikkhipantā, durāsadā hi te bhagavanto sīhāva ekacarā, yadā cāhaṃ bhonto, samaṇena gotamena saddhiṃ manteyyaṃ mā me bhonto, antarantarā kathaṃ opātetha, kathāpariyosānaṃ me bhavanto āgamentūti. | Sau đó, Bà-la-môn Sela cùng với ba trăm thanh niên Bà-la-môn đã đi đến gặp đức Thế Tôn. Khi ấy, Bà-la-môn Sela đã bảo các thanh niên Bà-la-môn ấy rằng: “Này quý vị, hãy đi đến ít có tiếng động trong khi đặt bàn chân xuống từng bước một, bởi vì các đức Thế Tôn ấy là khó tiếp cận, tựa như loài sư tử sống một mình. Và này quý vị, khi ta chuyện trò với Sa-môn Gotama, quý vị chớ làm gián đoạn cuộc nói chuyện ở khoảng giữa, quý vị hãy chờ đợi đến khi ta dứt lời.”
| Rồi Bà-la-môn Sela, với ba trăm thanh niên đi đến Thế Tôn. Bà-la-môn bảo những thanh niên ấy: -- Quý vị hãy đến một cách im lặng, đặt chân xuống từng bước một, các bậc Thế Tôn ấy như con sư tử sống một mình, rất khó đến gần (hay ưa thích an tịnh -- Durasada). Nếu ta có thảo luận với Sa-môn Gotama, chư Tôn giả chớ ngắt lời ta. Chư Tôn giả hãy chờ ta nói xong.
|
Atha kho selo brāhmaṇo yena bhagavā tenupasaṅkami, upasaṅkamitvā bhagavatā saddhiṃ sammodi, sammodanīyaṃ kathaṃ sārāṇīyaṃ vītisāretvā ekamantaṃ nisīdi. | Sau đó, Bà-la-môn Sela đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã ngồi xuống ở một bên.
| Rồi Bà-la-môn Sela đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu rồi ngồi xuống một bên. |
Ekamantaṃ nisinno kho selo brāhmaṇo bhagavato kāye dvattiṃsamahāpurisalakkhaṇāni samannesi. Addasā kho selo brāhmaṇo bhagavato kāye dvattiṃsamahāpurisalakkhaṇāni yebhuyyena ṭhapetvā dve, dvīsu mahāpurisalakkhaṇesu kaṅkhati vicikicchati nādhimuccati na sampasīdati, kosohite ca vatthaguyhe pahūtajivhatāya ca. | Khi đã ngồi xuống ở một bên, Bà-la-môn Sela đã tìm xem ba mươi hai tướng của bậc đại nhân ở thân thể của đức Thế Tôn. Bà-la-môn Sela quả đã nhìn thấy hầu hết ba mươi hai tướng của bậc đại nhân ở thân thể của đức Thế Tôn ngoại trừ hai tướng, nên phân vân, hoài nghi, chưa xác quyết, chưa hài lòng về hai tướng của bậc đại nhân là nam căn được bọc lại và lưỡi lớn. [1] [1] Nam căn được bọc lại (kosohite vatthaguyhe): kosohite là được che đậy lại bởi lớp vỏ bọc bằng da, vatthaguyhe là dương vật (SnA. ii, 452). | Ngồi xuống một bên, Bà-la-môn Sela tìm xem ba mươi hai Ðại nhân tướng trên thân Thế Tôn, Bà-la-môn Sela thấy phần lớn ba mươi hai Ðại nhân tướng trên thân Thế Tôn, trừ hai tướng. Ðối với hai Ðại nhân tướng ấy, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài. |
Atha kho bhagavato etadahosi: Passati kho me ayaṃ selo brāhmaṇo dvattiṃsamahāpurisalakkhaṇāni yebhuyyena ṭhapetvā dve, dvīsu mahāpurisalakkhaṇesu kaṅkhati vicikicchati nādhimuccati na sampasīdati, kosohite ca vatthaguyhe pahūtajivhatāya cāti. | Khi ấy, đức Thế Tôn đã khởi ý điều này: “Bà-la-môn Sela này nhìn thấy hầu hết ba mươi hai tướng của bậc đại nhân ở thân thể của Ta ngoại trừ hai tướng, nên phân vân, hoài nghi, chưa xác quyết, chưa hài lòng về hai tướng của bậc đại nhân là nam căn được bọc lại và lưỡi lớn.” | Rồi Thế Tôn suy nghĩ: "Bà-la-môn Sela này thấy trên thân Ta phần lớn ba mươi hai Ðại nhân tướng, trừ hai tướng, đối với hai Ðại nhân tướng ấy, nghi hoặc sanh, do dự sanh, chưa được thỏa mãn, chưa được hài lòng, tức là tướng mã âm tàng và tướng lưỡi rộng dài".
|
Atha kho bhagavā tathārūpaṃ iddhābhisaṅkhāraṃ abhisaṅkhāsi yathā addasa selo brāhmaṇo bhagavato kosohitaṃ vatthaguyhaṃ. Atha kho bhagavā jivhaṃ ninnāmetvā ubhopi kaṇṇasotāni anumasi paṭimasi, ubhopi nāsikasotāni anumasi paṭimasi, kevalampi laḷāṭamaṇḍalaṃ jivhāya chādesi. | Khi ấy, đức Thế Tôn đã thể hiện thần thông khiến cho Bà-la-môn Sela đã nhìn thấy nam căn được bọc lại của đức Thế Tôn. Sau đó, đức Thế Tôn đã nhe lưỡi ra rồi đã liếm xuôi liếm ngược cả hai lỗ tai, đã liếm xuôi liếm ngược cả hai lỗ mũi, rồi đã dùng lưỡi che kín toàn bộ vầng trán.
| Thế Tôn liền dùng thần thông khiến Bà-la-môn Sela thấy được tướng mã âm tàng của Thế Tôn, và Thế Tôn le lưỡi, rờ đến, liếm đến hai lỗ tai; rờ đến, liếm đến hai lỗ mũi, và dùng lưỡi le khắp cả vùng trán.
|
Atha kho selassa brahmaṇassa etahosi: Samannāgato kho samaṇo gotamo dvattiṃsa mahāpurisalakkhaṇehi paripuṇṇehi no aparipuṇṇehi no ca kho naṃ jānāmi buddho vā no vā, sutaṃ kho pana metaṃ brāhmaṇānaṃ vuddhānaṃ mahallakānaṃ ācariyapācariyānaṃ bhāsamānānaṃ, ye te bhavanti arahanto sammāsambuddhā te sake vaṇṇe bhaññamāne attānaṃ pātukarontīti, yannūnāhaṃ samaṇaṃ gotamaṃ sammukhā sāruppāhi gāthāhi abhitthaveyyanti. Atha kho sele brāhmaṇo bhagavantaṃ sammukhā sāruppāhi gāthāhi abhitthavi: | Khi ấy, Bà-la-môn Sela đã khởi ý điều này: “Sa-môn Gotama quả đã có đầy đủ ba mươi hai tướng của bậc đại nhân, không phải không đầy đủ, nhưng ta không biết vị ấy có phải là đức Phật hay không phải. Vả lại, điều này đã được ta nghe từ các vị Bà-la-môn lão niên, lớn tuổi nói rằng: ‘Các vị nào là bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác, các vị ấy phô bày bản thân trong khi ân đức của mình đang được nói lên. Hay là ta nên trực diện ca ngợi Sa-môn Gotama bằng những lời kệ thích đáng? Khi ấy, Bà-la-môn Sela đã trực diện ca ngợi đức Thế Tôn bằng những lời kệ thích đáng rằng:
| Rồi Bà-la-môn Sela suy nghĩ: "Sa-môn Gotama thành tựu ba mươi hai Ðại nhân tướng một cách đầy đủ, không phải không đầy đủ, nhưng ta chưa biết vị ấy là Phật hay không phải Phật. Tuy vậy, ta có nghe các vị Bà-la-môn niên cao, lạp lớn, các bậc Tôn sư, Ðại Tôn sư, nói như sau: "Các Thế Tôn ấy, những bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, khi những lời tán thán của những bậc ấy được nói đến, các bậc ấy tự hiện hình ra". Vậy ta hãy trước mặt Thế Tôn tán thán những bài kệ xứng đáng". Rồi Bà-la-môn Sela, tán thán trước mặt Sa-môn Gotama những bài kệ xứng đáng như sau: |
551. Paripuṇṇakāyo suruci sujāto cārudassano, | 551. “‘Bạch Thế Tôn, ngài có thân hình vẹn toàn, có ánh sáng rực rỡ, đã được thiện sanh, có vẻ đáng mến, có màu da như vàng, có răng trắng tinh, có sự tinh tấn.[1] [1] Các câu kệ 551-570 được thấy ở Selattheragāthā - Kệ ngôn của trưởng lão Sela, xem TTPV tập 31, các câu kệ 818-837, các trang 204-207 (ND).
| Thân trọn đủ chói sáng,
|
552. Narassa hi sujātassa ye bhavanti viyañjanā, | 552. Bởi vì những đặc điểm nào hiện hữu ở người đã được thiện sanh, tất cả các đặc điểm ấy, những tướng trạng của bậc đại nhân, đều có ở thân thể của Ngài. | Ðối với người khéo sanh, |
553. Pasannanetto sumukho brahā uju patāpavā, | 553. Ngài có cặp mắt trong sáng, khuôn mặt đầy đặn, cao to, đứng ngay thẳng, oai vệ; ở giữa hội chúng Sa-môn, Ngài chói sáng tựa như mặt trời. | Mắt sáng, mặt tròn đầy, |
554. Kalyāṇadassano bhikkhu kañcanasannibhattaco, | 554. Là vị tỳ khưu có vóc dáng đẹp đẽ, có làn da giống như vàng, có màu da tối thượng như vậy, Ngài cần gì với bản thể Sa-môn?
| Ðẹp mắt vị Tỷ-kheo,
|
555. Rājā arahasi bhavituṃ cakkavatti rathesabho, | 555. Ngài xứng đáng để trở thành vị vua, đấng Chuyển Luân, người xa phu xuất sắc, bậc có sự chiến thắng khắp bốn phương, chúa tể của Jambusaṇḍa. | Ngài xứng bậc Ðại vương, |
556. Khattiyā bhojarājāno anuyuttā bhavanti te, | 556. Các vị Sát-đế-lỵ, các tộc trưởng và các vị vua đều phục tùng ngài; ngài là vị vua đứng đầu các vị vua, là chúa của loài người. Thưa ngài Gotama, xin ngài hãy cai trị vương quốc.” | Vương tộc, hào phú vương, |
557. Rājāhamasmi sela (iti bhagavā) dhammarājā anuttaro, | 557. (Đức Thế Tôn nói) “Này Sela, Ta là đức vua, đấng Pháp vương vô thượng. Ta chuyển vận bánh xe theo Giáo Pháp, là bánh xe không thể bị chuyển vận ngược lại.” | Thế Tôn liền trả lời: Sela, Ta là vua, |
558. Sambuddho paṭijānāsi (iti selo brāhmaṇo) dhammarājā anuttaro, | 558. (Bà-la-môn Sela nói) “Ngài tự nhận là bậc Toàn Giác, đấng Pháp vương vô thượng. Thưa ngài Gotama, Ngài nói rằng: ‘Ngài chuyển vận bánh xe theo Giáo Pháp.’ | (Sela): Ngài tự nhận Giác giả |
559. Ko nu senāpati bhoto sāvako satthudanvayo, | 559. Vậy vị nào là tướng quân của ngài, là đệ tử tiếp nối bậc đạo sư? Vị nào tiếp tục vận chuyển cho Ngài bánh xe Pháp đã được chuyển vận này?” | Tôn giả Gotama, |
560. Mayā pavattitaṃ cakkaṃ (selāti bhagavā) dhammacakkaṃ anuttaraṃ, | 560. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sela,) bánh xe đã được Ta chuyển vận là bánh xe Pháp vô thượng. Sāriputta kế thừa đức Như Lai tiếp tục chuyển vận.
| (Thế Tôn): Này Sela, |
561. Abhiññeyyaṃ abhiññātaṃ bhāvetabbañca bhāvitaṃ, | 561. Điều cần biết rõ đã được biết rõ, việc cần tu tập đã được tu tập, cái cần dứt bỏ đã được dứt bỏ bởi Ta; này Bà-la-môn, vì thế Ta là đức Phật.
| Cần biết, Ta đã biết, |
562. Vinayassu mayi kaṅkhaṃ adhimuccassu brāhmaṇa, | 562. Này Bà-la-môn, ngươi hãy dẹp bỏ sự hoài nghi về Ta, ngươi hãy xác quyết; việc gặp gỡ các bậc Toàn Giác thường xuyên là điều khó đạt được.
| Còn gì nghi ở Ta, |
563. Yesaṃ vo dullabho loke pātubhāvo abhiṇhaso, | 563. Quả vậy, việc tái xuất hiện ở thế gian của những vị này là điều khó đạt được. Này Bà-la-môn, Ta đây là bậc Toàn Giác, phẫu thuật gia vô thượng.
| Thấy được bậc Chánh Giác, Ta là bậc Chánh Giác, |
564. Brahmabhūto atitulo mārasenappamaddano, | 564. Ta có tư cách Phạm Thiên, bậc không thể so sánh, người có sự tiêu diệt các đạo binh của Ma Vương, sau khi chế ngự tất cả đối thủ, Ta hân hoan, không có sự sợ hãi từ bất cứ đâu.”
| Là Phạm thiên khó sánh, |
565. Imaṃ bhonto nisāmetha yathā bhāsati cakkhumā, | 565. “Này quý vị, quý vị hãy lắng nghe lời mà bậc Hữu Nhãn, nhà phẫu thuật, đấng Đại Hùng phát biểu, tựa như con sư tử rống ở khu rừng. | (Sela): Chư Tôn giả, hãy nghe! |
566. Brahmabhūtaṃ atitulaṃ mārasenappamaddanaṃ, | 566. Người nào, cho dầu là kẻ có dòng dõi thấp kém, sau khi nhìn thấy bậc có tư cách Phạm Thiên, bậc không thể so sánh, người có sự tiêu diệt các đạo binh của Ma Vương, mà không tịnh tín? | Thấy Phạm thiên vô tỷ, |
567. Yo maṃ icchati anvetu yo vā nicchati gacchatu, | 567. Ai là người muốn theo ta, hoặc ai không muốn thì hãy đi đi. Tại đây, ta sẽ xuất gia trong sự chứng minh của bậc có trí tuệ cao quý.”
| Ai muốn, hãy theo Ta, |
568. Etañce ruccati bhoto sammāsambuddhasāsanaṃ, | 568. “Nếu Giáo Pháp này của đấng Chánh Đẳng Giác được thích thú đối với ngài, chúng tôi cũng sẽ xuất gia trong sự chứng minh của bậc có trí tuệ cao quý.” | (Các Bà-la-môn): Nếu Tôn giả tín thành, |
569. Brāhmaṇā tisatā ime yācanti pañjalikatā, | 569. Ba trăm vị Bà-la-môn này đã chắp tay thỉnh cầu: “Bạch đức Thế Tôn, chúng con sẽ sống Phạm hạnh trong sự hiện diện của Ngài.”
| (Sela): Ba trăm Phạm chí ấy, |
570. Svākkhātaṃ brahmacariyaṃ (selāti bhagavā) sandiṭṭhikamakālikaṃ, | 570. (Đức Thế Tôn nói: “Này Sela,) Phạm hạnh đã khéo được thuyết giảng, hoàn toàn hiển nhiên, không bị chi phối bởi thời gian, việc xuất gia trong Giáo Pháp ấy không phải là vô ích đối với người đang (ra sức) học tập, không bị xao lãng.” | Thế Tôn đáp: Nầy Sela, |
Alattha kho selo brāhmaṇo sapariso bhagavato santike pabbajjaṃ alattha upasampadaṃ. | Quả vậy, Bà-la-môn Sela cùng với đồ chúng đã đạt được sự xuất gia, đã đạt được sự tu lên bậc trên trong sự hiện diện của đức Thế Tôn. | Bà-la-môn Sela cùng với hội chúng được xuất gia dưới sự lãnh đạo Thế Tôn, được thọ đại giới.
|
Atha kho keṇiyo jaṭilo tassā rattiyā accayena sake assame paṇītaṃ khādanīyaṃ bhojanīyaṃ paṭiyādāpetvā bhagavato kālaṃ ārocāpesi: Kālo bho gotama niṭṭhitaṃ bhattanti. | Sau đó, khi trải qua đêm ấy đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã cho chuẩn bị sẵn sàng thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm tại nơi cư ngụ của mình rồi cho người thông báo thời giờ đến đức Thế Tôn: “Bạch ngài Gotama, đã đến giờ, thức ăn đã chuẩn bị xong.”
| Rồi Bà-la-môn Keniya, sau đêm ấy, tại tinh xá của mình, sau khi cho sửa soạn các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm xong, liền báo thời giờ lên Thế Tôn: "Tôn giả Gotama, đã đến giờ! Cơm đã sửa soạn xong". |
Atha kho bhagavā pubbanhasamayaṃ nivāsetvā pattacīvaramādāya yena keṇiyassa jaṭilassa assamo tenupasaṅkami, upasaṅkamitvā paññatte āsane nisīdi, saddhiṃ bhikkhusaṅghena. Atha kho keṇiyo jaṭilo buddhapamukhaṃ bhikkhusaṅghaṃ paṇītena khādanīyena bhojanīyena sahatthā santappesi sampavāresi.
| Khi ấy vào buổi sáng, đức Thế Tôn đã quấn y (nội) rồi cầm bình bát và y đi đến nơi cư ngụ của đạo sĩ bện tóc Keṇiya, sau khi đến đã ngồi xuống ở chỗ ngồi được sắp đặt sẵn cùng với hội chúng tỳ khưu. Sau đó, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã tự tay làm hài lòng và toại ý hội chúng tỳ khưu có đức Phật đứng đầu với thức ăn hảo hạng loại cứng loại mềm.
| Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến tinh xá của bện tóc Keniya, sau khi đến, liền ngồi trên chỗ đã soạn sẵn cùng với chúng Tỷ-kheo. Rồi bện tóc Keniya sau khi tự tay mời chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu và làm cho thỏa mãn với các món ăn thượng vị, loại cứng và loại mềm. |
Atha kho keṇiyo jaṭilo bhagavantaṃ bhuttāviṃ onītapattapāṇiṃ aññataraṃ nīcaṃ āsanaṃ gahetvā ekamantaṃ nisīdi. Ekamantaṃ nisinnaṃ kho keṇiyaṃ jaṭilaṃ bhagavā imāhi gāthāhi anumodi: | Đến khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong có bàn tay đã rời khỏi bình bát, đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã cầm lấy một chiếc ghế thấp rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đạo sĩ bện tóc Keṇiya đã ngồi xuống ở một bên, đức Thế Tôn đã nói lời tùy hỷ đến đạo sĩ bện tóc Keṇiya bằng những lời kệ này:
| Rồi bện tóc Keniya, sau khi Thế Tôn ăn xong, tay đã rời khỏi bát, liền lấy một ghế ngồi thấp khác và ngồi xuống một bên. Thế Tôn nói với bện tóc Keniya lời tùy hỷ công đức với những bài kệ sau đây:
|
571. Aggihuttamukhā yaññā sāvitti chandaso mukhaṃ, | 571. “Các lễ hiến tế có sự cúng tế ngọn lửa là đứng đầu, kinh cổ Sāvittī là đứng đầu về niêm luật, đức vua là đứng đầu loài người, biển cả đứng đầu các con sông. | Tế đàn là tối thượng, Vua là bậc tối thượng, |
572. Nakkhattānaṃ mukhaṃ cando ādicco tapataṃ mukhaṃ, | 572. Mặt trăng đứng đầu các vì sao, mặt trời đứng đầu các vật tỏa sáng. Đối với những người mong mỏi phước báu đang cúng dường thì Tăng Chúng là đứng đầu.”[1] [1] Hai câu kệ 571 và 572 được thấy ở Tạng Luật (xem TTPV tập 5, trang 97) | Mặt trăng là tối thượng, |
Atha kho bhagavā keṇiyaṃ jaṭilaṃ imāhi gāthāhi anumoditvā uṭṭhāyāsanā pakkāmi. | Sau đó, khi đã nói lời tùy hỷ đến đạo sĩ bện tóc Keṇiya bằng những lời kệ này, đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi. | Thế Tôn sau khi dùng bài kệ này nói những lời tùy hỷ công đức với bện tóc Keniya, từ chỗ ngồi đứng dậy và ra đi.
|
Atha kho āyasmā selo sapariso eko vūpakaṭṭho appamatto ātāpī pahitatto viharanto na cirasseva yassatthāya kulaputtā sammadeva agārasmā anagāriyaṃ pabbajanti, tadanuttaraṃ brahmacariyapariyosānaṃ diṭṭheva dhamme sayaṃ abhiññā sacchikatvā upasampajja vihāsi. Khīṇā jāti vusitaṃ brahmacariyaṃ kataṃ karaṇīyaṃ nāparaṃ itthattāyāti abbhaññāsi. Aññataro ca kho panāyasmā selo sapariso arahataṃ ahosi. | Sau đó, đại đức Sela cùng với đồ chúng , một mình đã tách riêng, rồi trong khi sống không bị xao lãng, có sự nỗ lực, có sự quyết tâm nên chẳng bao lâu sau, ngay trong kiếp hiện tại này, nhờ vào thắng trí của mình đã chứng ngộ, đạt đến, và an trú vào mục đích tối thượng của Phạm hạnh, vì mục đích này mà những người con trai của các gia đình cao quý rời nhà xuất gia một cách chân chánh sống không nhà. Vị ấy đã biết rằng: “Sự tái sanh đã cạn kiệt, Phạm hạnh đã sống, việc cần làm đã làm, không còn gì khác (phải làm) đối với bản thể (A-la-hán) này nữa.” Và thêm một vị nữa là đại đức Sela cùng với đồ chúng đã trở thành vị A-la-hán. | Rồi Tôn giả Sela với đồ chúng sống một mình an tịnh, không phóng dật, nhiệt tâm, cần mẫn. Và không bao lâu, Tôn giả chứng được mục đích tối cao mà các Thiện nam tử đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình hướng đến. Ðó là vô thượng Phạm hạnh ngay trong hiện tại, tự chứng đạt và an trú. Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có đời sống khác nữa. Vị này biết như vậy và Tôn giả Sela với hội chúng trở thành các vị A-la-hán. |
Atha kho āyasmā selo sapariso yena bhagavā tenupasaṅkami, upasaṅkamitvā ekaṃsaṃ cīvaraṃ katvā yena bhagavā tenañjaliṃ paṇāmetvā bhagavantaṃ gāthāhi ajjhabhāsi. | Sau đó, đại đức Sela cùng với đồ chúng đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đắp y một bên vai, chắp tay hướng về đức Thế Tôn, và đã nói với đức Thế Tôn bằng những lời kệ rằng:
| Rồi Tôn giả Sela với đồ chúng đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn và đọc lên Thế Tôn bài kệ sau đây: |
573. Yaṃ taṃ saraṇamāgamma ito aṭṭhami cakkhuma, | 573. “Bạch đấng Hữu Nhãn, việc chúng con đi đến nương tựa vào Ngài đến nay là ngày thứ tám. Bạch đức Thế Tôn, chúng con đã được huấn luyện trong Giáo Pháp của Ngài bảy đêm. | Kính bạch bậc Pháp Nhãn, Thế Tôn trong bảy đêm, |
574. Tuvaṃ buddho tuvaṃ satthā tuvaṃ mārābhibhū muni, | 574. Ngài là đức Phật, Ngài là bậc Đạo Sư, Ngài là bậc hiền trí, đấng chế ngự Ma Vương. Sau khi cắt đứt các pháp tiềm ẩn và đã vượt qua, Ngài đưa dòng dõi này vượt qua. | Ngài là bậc Giác Giả, Sau khi Ngài đoạn trừ, |
575. Upadhī te samatikkantā āsavā te padālitā, | 575. Các mầm tái sanh đã được Ngài hoàn toàn vượt qua, các lậu hoặc đã được Ngài phá tan, tựa như con sư tử, không còn chấp thủ, có sự sợ hãi và khiếp đảm đã được dứt bỏ. | Sanh y Ngài vượt qua, |
576. Bhikkhavo tisatā ime tiṭṭhanti pañjalīkatā, | 576. Ba trăm vị tỳ khưu này đứng yên, chắp tay. Bạch đấng Anh Hùng, xin Ngài hãy duỗi ra các bàn chân. Các bậc long tượng hãy đảnh lễ (bàn chân của) bậc Đạo Sư.” | Ba trăm Tỷ-kheo này, |
Selasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
|
Dứt Kinh Sela.
|
|
8. SALLASUTTAṂ |
8. KINH MŨI TÊN |
8. KINH MŨI TÊN |
577. Animittamanaññātaṃ maccānaṃ idha jīvitaṃ, | 577. Mạng sống của loài người ở đây là không có sự báo hiệu, không được biết chắc, khó khăn, ngắn ngủi, và nó bị gắn liền với khổ đau. | 574. Sinh mạng của loài Người, |
578. Na hi so upakkamo atthi yena jātā na mīyare, | 578. Thật sự không có phương thức nào khiến cho những kẻ đã được sanh ra (sẽ) không chết; sau khi đạt đến tuổi già (hay chưa đạt đến) cũng sẽ có cái chết, bởi vì các sinh mạng có quy luật là như vậy. | 575. Không có sự gắng nào, |
579. Phalānamiva pakkānaṃ pāto patanato bhayaṃ, | 579. Tựa như nỗi sợ hãi về sự rơi rụng vào buổi sáng của những trái cây đã chín, nỗi sợ hãi thường xuyên về sự chết của những con người đã được sanh ra là như vậy. | 576. Như các trái chín muồi, |
580. Yathāpi kumbhakārassa katā mattikabhājanā, | 580. Cũng giống như bát đĩa bằng đất sét đã được làm ra bởi người thợ gốm, tất cả có sự bể vỡ là chặng cuối, mạng sống của loài người là như vậy. | 577. Như người thợ làm ghè |
581. Daharā ca mahantā ca ye bālā ye ca paṇḍitā, | 581. Những ai ngu si và những ai sáng suốt, các trẻ con và những người lớn, tất cả đều sa vào quyền lực của thần chết, tất cả đều có sự chết là nơi cuối cùng. | 578. Trẻ tuổi và lớn tuổi, |
582. Tesaṃ maccuparetānaṃ gacchataṃ paralokato, | 582. Khi những người ấy đã bị chế ngự bởi thần chết và đang đi đến thế giới khác, người cha không thể bảo vệ con trai, hoặc ngay cả thân nhân không thể bảo vệ các quyến thuộc. | 579. Những ai chết chi phối, |
583. Pekkhataṃ yeva ñātīnaṃ passa lālapataṃ puthu, | 583. Ngươi hãy nhìn xem,[1] trong số các thân quyến thật sự đang xem xét, đang than khóc thê thảm, từng người một trong số loài người bị đưa đi, ví như loài bò là để giết thịt. [1] Theo Chú Giải, đức Phật có nam cư sĩ là người hộ độ. Người này có đứa con trai vừa mới mất, và vì sầu muộn nên không dùng vật thực đã bảy ngày. Thương tình, đức Phật đã ngự đến nhà nam cư sĩ ấy để giáo hóa (SnA. ii, 457). | 580. Hãy xem, các bà con |
584. Evamabbhāhato loko maccunā ca jarāya ca, | 584. Thế gian bị hành hạ như vậy bởi cái chết và sự già; vì thế sau khi biết được bản thể của thế gian các bậc sáng trí không sầu muộn. | 581. Như vậy, thế giới này |
585. Yassa maggaṃ na jānāsi āgatassa gatassa vā, | 585. Ngươi không biết lộ trình đi đến (sanh) hoặc ra đi (chết) của kẻ ấy, trong khi không nhìn thấy cả hai chặng, ngươi than vãn một cách vô ích. | 582. Ai không biết con đường, |
586. Paridevayamāno ce kañci atthaṃ udabbahe, | 586. Nếu trong lúc than vãn, trong lúc hành hạ bản thân, kẻ bị mê muội có thể tạo nên lợi ích nào đó, thì người khôn khéo cũng nên làm điều ấy. | 583. Nếu thật sự than khóc, |
587. Na hi runtena sokena santiṃ pappoti cetaso, | 587. Hiển nhiên với việc khóc lóc, với sự sầu muộn, thì không đạt được sự an tịnh của tâm, khổ đau sanh lên cho người này còn nhiều hơn; cơ thể của người này bị tổn hại. | 584. Không với sầu, nước mắt, |
588. Kiso vivaṇṇo bhavati hiṃsamattānamattanā, | 588. Trong khi tự mình hãm hại mình, (người này) trở nên gầy ốm, xuống sắc, những người đã quá vãng không được trợ giúp do việc ấy; sự than vãn là không có lợi ích. | 585. Ốm yếu, sắc da tái, |
589. Sokamappajahaṃ jantu bhiyyo dukkhaṃ nigacchati, | 589. Trong khi không dứt bỏ sầu muộn, con người đọa vào khổ đau nhiều hơn nữa; trong khi khóc lóc kẻ đã quá vãng, con người chịu sự tác động của sầu muộn. | 586. Chúng sanh không bỏ sầu, |
590. Aññepi passa gamine yathākammūpage nare, | 590. Hãy nhìn xem những kẻ khác cũng có sự ra đi, những con người đi theo nghiệp lực, các sinh mạng ở nơi này quả nhiên run rẩy sau khi rơi vào quyền lực của thần chết. | 587. Hãy xem các người khác |
591. Yena yena hi maññanti tato taṃ hoti aññathā, | 591. Dầu họ suy nghĩ thế này thế khác, kết quả từ đó trở nên khác hẳn. Việc chia cách là như thế ấy; ngươi hãy nhìn xem bản thể của thế gian. | 588. Loài Người còn mong ước, |
592. Api ce vassasataṃ jīve bhīyo vā pana mānavo, | 592. Thậm chí nếu người trai trẻ có thể sống một trăm năm, hoặc hơn thế nữa, rồi cũng (sẽ) tách rời khỏi tập thể thân quyến, cũng (sẽ) từ bỏ mạng sống ở nơi này. | 589. Nếu loài Người sống được, |
593. Tasmā arahato sutvā vineyya paridevitaṃ, | 593. Bởi thế, sau khi lắng nghe (lời giảng dạy của) bậc A-la-hán, nên chừa bỏ việc than vãn. Sau khi nhìn thấy người quá vãng đã lìa đời, (nên biết rằng) ‘Người ấy không thể nào (trở lại) với ta.’ | 590. Do vậy, sau khi nghe |
594. Yathā saraṇamādittaṃ vārinā parinibbuto, | 594. Giống như người có thể dùng nước dập tắt chỗ ở bị đốt cháy, cũng tương tự như thế, người can đảm, có trí tuệ, sáng suốt, thiện xảo có thể mau chóng xua tan sự sầu muộn đã được sanh khởi, tựa như làn gió thổi bay sợi bông gòn. | 591. Như nhà lửa bị cháy, |
595. Paridevaṃ pajappañca domanassañca attano, | 595. Người tầm cầu sự an lạc cho bản thân nên nhổ lên mũi tên của mình, sự than vãn, sự khởi tham muốn, và nỗi ưu phiền của bản thân. | 592. Ai tự tìm hạnh phúc, |
596. Abbūḷhasallo asito santiṃ pappuyya cetaso, | 596. Người có mũi tên đã được nhổ lên, không còn lệ thuộc, sau khi đã đạt được sự an tịnh của tâm, trong khi vượt qua mọi sầu muộn, trở thành không còn sầu muộn, được tịch tịnh. | 593. Ai đã rút mũi tên, |
Sallasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
| Dứt Kinh Mũi Tên.
|
9. VĀSEṬṬHASUTTAṂ
| 9. KINHVĀSEṬṬHA
| 7. KINH VÀSETTHA (Kinh này giống với kinh Vàsettha, số 98 của Trung Bộ Kinh, Tập II)
|
Evaṃ me sutaṃ: Ekaṃ samayaṃ bhagavā icchānaṅgale viharati icchānaṅgalavanasaṇḍe. | Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Icchānaṅgala, ở khu rừng Icchānaṅgala. | Như vầy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Icchanankala (Y-xa-năng -gia-la), tại khu rừng Icchanankala. |
Tena kho pana samayena sambahulā abhiññātā brāhmaṇamahāsāḷā icchānaṅgale paṭivasanti, seyyathīdaṃ: Caṅkī brāhmaṇo tārukkho brāhmaṇo pokkharasāti brāhmaṇo jānussoni brahmaṇo todeyyo brāhmaṇo aññe ca abhiññātā abhiññātā brāhmaṇamahāsāḷā. Athakho vāseṭṭhabhāradvājānaṃ māṇavānaṃ jaṅghāvihāraṃ anucaṅkamamānānaṃ anuvicaramānānaṃ ayamantarākathā udapādi: kathaṃ bho brāhmaṇo hotīti.
| Vào lúc bấy giờ, nhiều Bà-la-môn nổi tiếng và giàu có cư ngụ tại Icchānaṅgala, như là: Bà-la-môn Caṅkī, Bà-la-môn Tārukkha, Bà-la-môn Pokkharasāti, Bà-la-môn Jānussoni, Bà-la-môn Todeyya, và nhiều Bà-la-môn vô cùng nổi tiếng và giàu có khác nữa. Khi ấy, trong lúc hai thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha và Bhāradvāja đang đi kinh hành, đang đi tản bộ cho thư giãn chân cẳng, có câu chuyện trao đổi này đã khởi lên giữa hai vị ấy: “Này bạn, như thế nào là vị Bà-la-môn?” | Lúc bấy giờ có rất nhiều Bà-la-môn danh tiếng và giàu có trú tại Icchanankala như Bà-la-môn Canki, Bà-la-môn Tarukkha, Bà-la-môn Pokkharasati, Bà-la-môn Janussoni, Bà-la-môn Todeyya cùng rất nhiều Bà-la-môn danh tiếng và giàu có khác. Rồi trong khi các thanh niên Bà-la-môn Vasettha và Bharadvaja đang tản bộ du hành, câu chuyện sau đây được khởi lên: "Thế nào là một vị Bà-la-môn?" |
Bhāradvājo māṇavo evamāha: Yato kho bho ubhato sujāto hoti mātito ca pitito ca saṃsuddhagahaṇiko yāva sattamā pitāmahayugā akkhitto anupakkuṭṭho jātivādena ettāvatā kho brāhmaṇo hotīti. | Thanh niên Bà-la-môn Bhāradvāja đã nói như vầy: “Này bạn, khi nào thật sự là người được thiện sanh ở cả hai bên, phía mẹ và phía cha, có sự thụ thai được hoàn toàn trong sạch cho đến tổ tiên nội ngoại đời thứ bảy, không bị khinh bỉ, không bị chỉ trích về phương diện nòi giống; đến chừng ấy là Bà-la-môn.”
| Thanh niên Bharadvaja nói như sau: -- Nếu ai thiện sanh từ mẫu hệ và phụ hệ, huyết thống thanh tịnh cho đến bảy đời tổ phụ, không bị một vết nhơ nào, không bị một dèm pha nào về vấn đề huyết thống thọ sanh, như vậy là làm một vị Bà-la-môn. |
Vāseṭṭho māṇavo eva māha: Yato kho bho sīlavā ca hoti vattasampanno ca ettāvatā kho brāhmaṇo hotīti. | Thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha đã nói như vầy: “Này bạn, khi nào thật sự là người có giới và đầy đủ tánh hạnh; đến chừng ấy là Bà-la-môn.” | Thanh niên Vasettha nói như sau: -- Nếu ai có giới hạnh và thành tựu các cấm giới, như vậy là một vị Bà-la-môn. |
Neva kho asakkhi bhāradvājo māṇavo vāseṭṭhaṃ māṇavaṃ saññapetuṃ, na pana asakkhi vāseṭṭho māṇavo bhāradvājaṃ māṇavañca saññapetuṃ. | Thanh niên Bhāradvāja đã không thể thuyết phục thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha, và thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha cũng đã không thể thuyết phục thanh niên Bhāradvāja.
| Thanh niên Bà-la-môn Bharadvaja không thể thuyết phục thanh niên Bà-la-môn Vasettha, và thanh niên Bà-la-môn Vasettha không thể thuyết phục thanh niên Bharadvaja. |
Atha kho vāseṭṭho māṇavo bhāradvājaṃ māṇavaṃ āmantesi: Ayaṃ kho6 bhāradvāja samaṇo gotamo sakyaputto sakyakulā pabbajito icchānaṅgale viharati icchānaṅgalavanasaṇḍe, taṃ kho pana bhavantaṃ gotamaṃ evaṃ kalyāṇo kittisaddo abbhuggato: Itipi —pe— buddho bhagavāti. Āyāma bho bhāradvāja, yena samaṇo gotamo tenupasaṅkamissāma, upasaṅkamitvā samaṇaṃ gotamaṃ etamatthaṃ pucchissāma, yathā no samaṇo gotamo vyākarissati tathā naṃ dhāressāmāti. | Khi ấy, thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha đã bảo thanh niên Bhāradvāja rằng: “Này Bhāradvāja, chắn chắn là vị Sa-môn Gotama này, con trai dòng Sakya, từ dòng dõi Sakya đã xuất gia, ngự tại Icchānaṅgala, ở khu rừng Icchānaṅgala. Hơn nữa, về ngài Gotama ấy có tiếng đồn tốt đẹp đã được lan rộng ra như vầy: ‘—như trên— Phật, Thế Tôn.’ Này bạn Bhāradvāja, hãy đến. Chúng ta sẽ đi đến gặp Sa-môn Gotama, sau khi đến chúng ta sẽ hỏi Sa-môn Gotama về ý nghĩa này. Sa-môn Gotama sẽ trả lời chúng ta thế nào thì chúng ta sẽ ghi nhận điều ấy như thế ấy.” | Rồi thanh niên Bà-la-môn Vasettha nói với thanh niên Bà-la-môn Bharadvaja: -- Này Bharadvaja, Sa-môn Gotama này là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích-ca, nay đang trú ở Icchanankala, tại khu rừng Icchanankala. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Tôn giả Gotama: "Ðây là Thế Tôn... Phật, Thế Tôn". Này Tôn giả Bharadvaja, chúng ta hãy đến Sa-môn Gotama, sau khi đến hãy hỏi Tôn giả Gotama về nghĩa lý này, và Sa-môn Gotama trả lời như thế nào, chúng ta sẽ như vậy thọ trì. |
Evaṃ bhoti kho bhāradvājo māṇavo vāseṭṭhassa māṇavassa paccassosi. | “Này bạn, như vậy đi.” Thanh niên Bà-la-môn Bhāradvāja đã đáp lại thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha. | -- Thưa vâng. Thanh niên Bà-la-môn Bharadvaja vâng đáp thanh niên Vasettha. |
Atha kho vāseṭṭhabhāradvājā māṇavā yena bhagavā tenupasaṅkamiṃsu, upasaṅkamitvā bhagavatā saddhiṃ sammodiṃsu sammodanīyaṃ kathaṃ sārāṇīyaṃ vītisāretvā ekamantaṃ nisīdiṃsu. Ekamantaṃ nisinno kho vāseṭṭho māṇavo bhagavantaṃ gāthāya ajjhabhāsi: | Sau đó, hai thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha và Bhāradvāja đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã tỏ vẻ thân thiện với đức Thế Tôn, sau khi trao đổi lời xã giao thân thiện rồi đã ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha đã nói với đức Thế Tôn bằng những lời kệ này: | Rồi thanh niên Bà-la-môn Vasettha và Bharadvaja cùng đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Bà-la-môn Vasettha dùng những bài kệ bạch Thế Tôn: |
597. Anuññātapaṭiññātā tevijjā mayamasma bho, | 597. “Thưa ngài, chúng tôi tinh thông ba tập Vệ Đà, đã được truyền thụ và đã được công nhận. Tôi là (học trò) của Pokkharasāti, và thanh niên này là (học trò) của Tārukkha. | Chúng con cả hai người, Con là đệ tử Ngài, |
598. Tevijjānaṃ yadakkhātaṃ tatra kevalino ’sma se, | 598. Điều nào đã được thuyết giảng bởi các vị tinh thông ba tập Vệ Đà, chúng tôi đã được hoàn hảo về lãnh vực ấy. Chúng tôi là nhà ngữ học, nhà văn phạm, tương đương với các vị thầy về sự hiểu biết. | Ba Vệ-đà nói gì, |
599. Tesaṃ no jātivādasmiṃ vivādo atthi gotama, | 599. Thưa ngài Gotama, giữa chúng tôi đây có sự tranh cãi về đề tài nòi giống: ‘Bà-la-môn là do nòi giống,’ Bhāradvāja nói như thế; còn tôi nói là do hành động. Thưa bậc Hữu Nhãn, xin ngài nhận biết như vậy. | Tôn giả Gotama, Bharadvaja nói: Mong bậc có Pháp nhãn, |
600. Te na sakkoma saññapetuṃ aññamaññaṃ mayaṃ ubho, | 600. Cả hai chúng tôi đây không thể thuyết phục lẫn nhau, và đã đi đến để hỏi đức Thế Tôn, vị được biết tiếng là ‘bậc Toàn Giác.’ | Cả hai người chúng con, |
601. Candaṃ yathā khayātītaṃ pecca pañjalikā janā, | 601. Giống như những người tiến đến, tay chắp lại, nghiêng mình đảnh lễ mặt trăng đã qua thời kỳ khuyết (đang tròn dần), tương tự như vậy chúng tôi nghiêng mình đảnh lễ đức Gotama ở thế gian. | Như trăng được tròn đầy, |
602. Cakkhuṃ loke samuppannaṃ mayaṃ pucchāma gotamaṃ, | 602. Chúng tôi hỏi đức Gotama, bậc đã thành tựu con mắt ở thế gian rằng: ‘Do nòi giống là Bà-la-môn, hay trở thành (Bà-la-môn) là do hành động? Xin ngài hãy nói lên cho chúng tôi, những người không biết, nhờ vậy chúng tôi có thể biết được về vị Bà-la-môn.” | Chúng con đến hỏi Ngài, |
603. Tesaṃ vohaṃ vyakkhissaṃ (vāseṭṭhāti bhagavā) anupubbaṃ yathātathaṃ, | 603. (Đức Thế Tôn nói “Này Vāseṭṭha,) Ta sẽ giải thích cho các ngươi đây sự phân loại về nòi giống của các loài sinh vật một cách tuần tự, đúng theo bản thể; chính các sự khác biệt là các nòi giống. | Ðức Thế Tôn bèn nói: Này Ông Vasettha, |
604. Tiṇarukkhepi jānātha na cāpi paṭijānare, | 604. Các ngươi hãy nhận biết về cỏ và cây cối. Dầu chúng không cho biết (về nòi giống), đặc điểm của chúng tạo nên nòi giống; chính các sự khác biệt là các nòi giống. | Hãy xem cỏ và cây, |
605. Tato kīṭe paṭaṅge ca yāva kuntakipillike, | 605. Kế đến, (hãy nhận biết) về các loại côn trùng, và các loại châu chấu, cho đến các loại kiến, mối, đặc điểm của chúng tạo nên nòi giống; chính các sự khác biệt là các nòi giống. | Hãy xem loại côn trùng, |
606. Catuppade pi jānātha khuddake ca mahallake, | 606. Các ngươi cũng hãy nhận biết về các loài bốn chân, nhỏ bé và to lớn, đặc điểm của chúng tạo nên nòi giống; chính các sự khác biệt là các nòi giống.
| Hãy xem loại bốn chân, |
607. Pādudare’pi jānātha urage dīghapiṭṭhike, | 607. Các ngươi cũng hãy nhận biết về các loài rắn, về các loài bò sát có lưng dài, đặc điểm của chúng tạo nên nòi giống; chính các sự khác biệt là các nòi giống. | Hãy xem loài bò sát, |
608. Tato macche’pi jānātha odake vārigocare, | 608. Kế đến, các ngươi cũng hãy nhận biết về các loài cá, về các loài thủy tộc, sống ở trong nước, đặc điểm của chúng tạo nên nòi giống; chính các sự khác biệt là các nòi giống. | Hãy xem các loại cá, |
609. Tato pakkhīpi jānātha pattayāne vihaṅgame, | 609. Kế đến, các ngươi cũng hãy nhận biết về các loài chim, về các loài có sự di chuyển bằng cặp cánh, đi lại ở không trung, đặc điểm của chúng tạo nên nòi giống; chính các sự khác biệt là các nòi giống. | Hãy xem các loại chim, |
610. Yathā etāsu jātīsu liṅgaṃ jātimayaṃ puthu, | 610. Giống như ở các nòi giống này, đặc điểm tạo nên nòi giống là đa dạng, còn đặc điểm tạo nên nòi giống ở loài người thì không đa dạng như vậy. | Tùy theo sự thọ sanh, |
611. Na kesehi na sīsena na kaṇṇehi na akkhīhi | 611. Không phải bởi mái tóc, không phải bởi đầu, không phải bởi các tai, không phải bởi các con mắt, không phải bởi miệng, không phải bởi mũi, không phải bởi đôi môi, hoặc bởi cặp lông mày. | Không ở đầu mái tóc, |
612. Na gīvāya na aṃsehi na udarena na piṭṭhiyā, | 612. Không phải do cổ, không phải do hai vai, không phải do bụng, không phải do lưng, không phải do tử cung, không phải do bộ ngực, không phải ở vật kín (nữ căn), không phải ở tinh hoàn. | Không ở cổ, ở nách, |
613. Na hatthehi na pādehi nāṅgulīhi nakhehi vā, | 613. Không phải bởi hai tay, không phải bởi hai chân, không phải bởi các ngón hoặc bởi các móng (tay chân), không phải bởi các bắp đùi, không phải bởi các bắp vế, không phải bởi màu da, hoặc bởi giọng nói, đặc điểm không tạo nên nòi giống (ở loài người) như là ở các nòi giống khác. | Không ở tay, ở chân, Không tướng, do tùy sanh, |
614. Paccattaṃ ca sarīresu manussesvetaṃ na vijjati, | 614. Tính chất khác biệt này ở các (phần) thân thể không tìm thấy ở loài người. Và cách gọi thông dụng ở loài người được nói lên là do sự định đặt.
| Trên tự thân con người, |
615. Yo hi koci manussesu gorakkhaṃ upajīvati, | 615. Bởi vì kẻ nào ở loài người nuôi sống bằng việc chăn giữ bò, kẻ ấy là nông dân không phải Bà-la-môn, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy. | Ðối người tự sinh sống. |
616. Yo hi koci manussesu puthu sippena jīvati, | 615. Bởi vì kẻ nào ở loài người sinh sống bằng nghề nghiệp khác nhau, kẻ ấy là thợ thuyền không phải Bà-la-môn, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy. | Ai sống theo nghề nghiệp, |
617. Yo hi koci manussesu vohāraṃ upajīvati, | 616. Bởi vì kẻ nào ở loài người nuôi sống bằng việc mua bán, kẻ ấy là thương gia không phải Bà-la-môn, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy.
| Ai sống nghề buôn bán, |
618. Yo hi koci manussesu parapessena jīvati, | 618. Bởi vì kẻ nào ở loài người sinh sống bằng việc hầu hạ người khác, kẻ ấy là tôi tớ không phải Bà-la-môn, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy. | Ai sống hầu hạ người, |
619. Yo hi koci manussesu adinnaṃ upajīvati, | 619. Bởi vì kẻ nào ở loài người nuôi sống bằng vật không được cho, kẻ ấy là trộm cướp không phải Bà-la-môn, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy. | Ai sống lấy của người, |
620. Yo hi koci manussesu issatthaṃ upajīvati, | 620. Bởi vì kẻ nào ở loài người nuôi sống bằng thuật bằng thuật bắn cung, kẻ ấy là chiến sĩ không phải Bà-la-môn, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy. | Ai sống nghề cung tên, |
621. Yo hi koci manussesu porohiccena jīvati, | 621. Bởi vì kẻ nào ở loài người sinh sống bằng việc tế lễ, kẻ ấy là người cống hiến không phải Bà-la-môn, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy. | Ai sống nghề tế tự, |
622. Yo hi koci manussesu gāmaṃ raṭṭhañca bhuñjati, | 622. Bởi vì kẻ nào ở loài người hưởng thụ làng mạc và xứ sở, kẻ ấy là nhà vua không phải Bà-la-môn, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy. | Ai sống giữa loài Người, |
623. Na cāhaṃ brāhmaṇaṃ brūmi yonijaṃ mattisambhavaṃ, | 623. Và Ta không gọi là Bà-la-môn với kẻ đã được sanh ra từ tử cung (của nữ Bà-la-môn), có sự xuất thân theo người mẹ, kẻ ấy được gọi là ‘người có sự xưng hô với từ Ông’ nếu kẻ ấy có sở hữu gì đó. Còn vị không sở hữu gì, không nắm giữ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Và Ta không có gọi, Không tham lam thế lợi, |
624. Sabbasaṃyojanaṃ chetvā yo ve na paritassati, | 624. Thật vậy, người nào đã cắt đứt tất cả ràng buộc, không run sợ, đã vượt qua các sự dính líu, không còn bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Vị đoạn tận kiết sử, |
625. Chetvā naddhiṃ varattañca sandānaṃ sahanukkamaṃ, | 625. Người đã cắt đứt dây buộc (sân hận), dây trói (tham ái), dây thừng (62 tà kiến), cùng với vật phụ tùng (các pháp tiềm ẩn), đã nâng lên thanh chắn (vô minh), đã được giác ngộ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Cắt dây thừng, dây ách, |
626. Akkosaṃ vadhabandhañca aduṭṭho yo titikkhati, | 626. Người nào chịu đựng lời khiển trách, sự trừng phạt và giam cầm, mà không sân hận, người có kham nhẫn là sức mạnh, có sức mạnh là quân đội, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Ai không lỗi, chịu đựng, |
627. Akkodhanaṃ vatavantaṃ sīlavantaṃ anussadaṃ, | 627. Người không nóng giận, có sự hành trì, có giới, không nhiễm dục vọng, đã được rèn luyện, có thân xác cuối cùng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Không phẫn nộ, giữ luật, |
628. Vāri pokkharapatteva āraggeriva sāsapo, | 628. Ví như nước ở lá sen, ví như hột cải ở đầu mũi kim, người nào không nhiễm bẩn trong các dục, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Như nước trên lá sen, |
629. Yo dukkhassa pajānāti idh’ eva khayamattano, | 629. Người nào nhận biết sự diệt trừ khổ đau của bản thân ngay tại chỗ này, đã đặt xuống gánh nặng, không bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Ai biết ngay đời này |
630. Gambhīrapaññaṃ medhāviṃ maggāmaggassa kovidaṃ, | 630. Người có tuệ thâm sâu, thông minh, rành rẽ về Đạo Lộ và không phải Đạo Lộ, đã đạt đến mục đích tối thượng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Tuệ thâm sâu, có trí |
631. Asaṃsaṭṭhaṃ gahaṭṭhehi anāgārehi cūbhayaṃ, | 631. Người không gần gũi với cả hai hạng: những người tại gia và những bậc xuất gia, sống không trú xứ, ít ham muốn, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Ai không còn liên hệ, |
632. Nidhāya daṇḍaṃ bhūtesu tasesu thāvaresu ca, | 632. Sau khi bỏ xuống gậy gộc đối với các chúng sanh di chuyển và đứng yên, người nào không giết hại, không bảo giết hại, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Bỏ gậy đối chúng sanh, |
633. Aviruddhaṃ viruddhesu attadaṇḍesu nibbutaṃ, | 633. Người không thù nghịch giữa những kẻ thù nghịch, tịnh lặng giữa những kẻ có gậy gộc, không cố chấp giữa những kẻ cố chấp, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Giữa kẻ thù, không thù, |
634. Yassa rāgo ca doso ca māno makkho ca pātito, | 634. Người nào có sự luyến ái, sân hận, ngã mạn, và gièm pha đã được rơi rụng, ví như hột cải rơi khỏi đầu mũi kim, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Dối, tham, sân, mạn, phú, |
635. Akakkasaṃ viññapaniṃ giraṃ saccaṃ udīraye, | 635. Người thốt lên lời nói chân thật, không thô lỗ, ý nghĩa rõ ràng, không làm mất lòng bất cứ ai với lời nói ấy, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Ai dạy thật nhỏ nhẹ, |
636. Yo ’dha dīghaṃ va rassaṃ vā aṇuṃ thūlaṃ subhāsubhaṃ, | 636. Ở thế gian này, người nào không lấy đi vật không được cho, dầu là dài hay ngắn, nhỏ hay lớn, đẹp hay xấu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Dài ngắn hay lớn nhỏ, |
637. Āsā yassa na vijjanti asmiṃ loke paramhi ca, | 637. Những mong cầu của người nào về đời này và đời sau không còn tìm thấy, người không mong cầu, không bị ràng buộc, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Với ai không tham cầu, |
638. Yassālayā na vijjanti aññāya akathaṃkathī, | 638. Những tham muốn của người nào không còn tìm thấy, là vị đã biết rõ, không còn nghi ngờ, đã đạt đến sự thể nhập Bất Tử, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Ai không có chấp tàng, |
639. Yodha puññaṃ ca pāpaṃ ca ubho saṅgaṃ upaccagā, | 639. Ở thế gian này, người nào đã vượt qua sự quyến luyến và cả hai pháp thiện và ác, không sầu muộn, không ô nhiễm, trong sạch, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Ở đời ai vượt khỏi, |
640. Candaṃ va vimalaṃ suddhaṃ vippasannamanāvilaṃ, | 640. Ví như mặt trăng không bị lấm nhơ, trong sạch, người có tâm thanh tịnh, không bị vẩn đục, đã hoàn toàn cạn kiệt sự vui thích và hiện hữu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Ai không uế, thanh tịnh, |
641. Yo imaṃ palipathaṃ duggaṃ saṃsāraṃ mohamaccagā, | 641. Người nào đã vượt qua con đường hiểm trở này, khó đi, (vòng quay) luân hồi, và sự si mê, đã băng qua, đã đi đến bờ kia, có thiền, không dục vọng, không nghi ngờ, không chấp thủ, đã tịnh lặng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Ai vượt qua hiểm lộ, |
642. Yodha kāme pahatvāna anāgāro paribbaje, | 642. Người nào ở đây có thể dứt bỏ các dục, sống hạnh du sĩ, không nhà, đã hoàn toàn cạn kiệt các dục và hiện hữu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Ở đời, bỏ dục vọng, |
643. Yodha taṇhaṃ pahatvāna anāgāro paribbaje, | 643. Người nào ở đây có thể dứt bỏ tham ái, sống hạnh du sĩ, không nhà, đã hoàn toàn cạn kiệt tham ái và hiện hữu, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn.
| Ở đời, bỏ tham ác, |
644. Hitvā mānusakaṃ yogaṃ dibbaṃ yogaṃ upaccagā, | 644. Người đã từ bỏ sự gắn bó thuộc cõi người, đã vượt lên sự gắn bó thuộc cõi trời, không bị ràng buộc với mọi sự gắn bó, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Ai từ bỏ nhân ách, |
645. Hitvā ratiñca aratiñca sītibhūtaṃ nirūpadhiṃ, | 645. Người đã từ bỏ sự thích thú và không thích thú, có trạng thái mát mẻ, không còn mầm tái sanh, vị đã chế ngự tất cả thế gian, bậc anh hùng, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Từ bỏ lạc, bất lạc, |
646. Cutiṃ yo vedi sattānaṃ upapattiñca sabbaso, | 646. Người nào đã hiểu biết sự chết và sự tái sanh của chúng sinh về mọi phương diện, không bám víu, đã đi đến nơi an lạc, đã được giác ngộ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Ai biết thật hoàn toàn, |
647. Yassa gatiṃ na jānanti devā gandhabbamānusā, | 647. Cảnh giới tái sanh của người nào mà chư Thiên, Càn-thát-bà, và loài người không biết được, người có lậu hoặc đã được cạn kiệt, là bậc A-la-hán, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Không biết chỗ sở thủ, |
648. Yassa pure ca pacchā ca majjhe ca natthi kiñcanaṃ, | 648. Đối với người nào, ở phía trước (quá khứ), phía sau (vị lai), và ở phần giữa (hiện tại) không có sở hữu gì, người không sở hữu gì, không nắm giữ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Ai không có chấp trước, |
649. Usabhaṃ pavaraṃ vīraṃ mahesiṃ vijitāvinaṃ, | 649. Đấng nhân ngưu, bậc cao quý, bậc anh hùng, bậc đại ẩn sĩ, bậc chiến thắng, bậc không còn dục vọng, người đã rửa sạch (mọi nhiễm ô), đã được giác ngộ, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Ngưu vương, bậc Tối thắng, |
650. Pubbe nivāsaṃ yo vedi saggāpāyañca passati, | 650. Người nào biết về kiếp sống trước, nhìn thấy cõi Trời và đọa xứ, rồi đạt đến sự diệt trừ tái sanh, Ta gọi vị ấy là Bà-la-môn. | Ai biết được đời trước, |
651. Samaññā hesā lokasmiṃ nāmagottaṃ pakappitaṃ, | 651. Việc ấy chỉ là sự định đặt ở thế gian, tên và họ là đã được sắp xếp, đã được khởi lên do sự thỏa thuận chung, đã được xếp dặt ở từng trường hợp. | Ðiều thế giới cho gọi, |
652. Dīgharattamanusayitaṃ diṭṭhigatamajānataṃ, | 652. Tà kiến của những kẻ không biết đã được tiềm ẩn một cách lâu dài. Trong khi không biết, chúng tuyên bố rằng: ‘Bà-la-môn là do nòi giống.’
| Ðã lâu đời chấp trước, |
653. Na jaccā brāhmaṇo hoti na jaccā hoti abrāhmaṇo, | 653. Không phải do nòi giống là Bà-la-môn, không phải do nòi giống là phi Bà-la-môn, do hành động là Bà-la-môn, do hành động là phi Bà-la-môn. | Không phải do sanh đẻ, Chính do sự hành động |
654. Kassako kammanā hoti sippiko hoti kammanā, | 654. Nông dân là do hành động, thợ thuyền là do hành động, thương gia là do hành động, tôi tớ là do hành động. | Hành động làm nông phu, |
655. Coropi kammanā hoti yodhājīvopi kammanā, | 655. Trộm cướp cũng là do hành động, chiến sĩ cũng là do hành động, người cống hiến là do hành động, nhà vua cũng là do hành động.
| Hành động làm ăn trộm, |
656. Evametaṃ yathābhūtaṃ kammaṃ passanti paṇḍitā, | 656. Việc này là như vậy, các bậc sáng suốt, có sự nhìn thấy pháp tùy thuận sanh khởi, rành rẽ về quả thành tựu của nghiệp, nhìn thấy hành động đúng theo bản thể. | Kẻ trí thấy hành động, |
657. Kammānā vattati loko kammanā vattati pajā, | 657. Thế gian xoay vần do hành động, loài người xoay vần do hành động, chúng sinh có sự gắn chặt vào hành động, tựa như cái chốt ở trục của chiếc xe đang di chuyển. | Do nghiệp, đời luân chuyển |
658. Tapena brahmacariyena saṃyamena damena ca, | 658. Do khắc khổ, do sự thực hành Phạm hạnh, do sự kiềm chế bản thân, và do sự rèn luyện, do điều ấy trở thành Bà-la-môn; tư cách Bà-la-môn này là tối thượng. | Do khổ hạnh, Phạm hạnh, |
659. Tīhi vijjāhi sampanno santo khīṇāpunabbhavo, | 659. Đối với những người hiểu biết, người đã được thành tựu ba Minh, an tịnh, có sự tái sanh đã được cạn kiệt, là đấng Phạm Thiên, là Thiên Chủ Sakka, này Vāseṭṭha, ngươi hãy biết như vậy.” | Ba Vệ-đà thành tựu, |
Evaṃ vutte vāseṭṭhabhāradvājā māṇavā bhagavantaṃ etadavocuṃ: | Khi được nói như vậy, hai thanh niên Bà-la-môn Vāseṭṭha và Bhāradvāja đã nói với đức Thế Tôn điều này:
| Khi được nghe nói vậy, hai thanh niên Bà-la-môn Vasettha và Bharadvaja bạch Thế Tôn: |
Abhikkantaṃ bho gotama —pe— ete mayaṃ bhavantaṃ gotamaṃ saraṇaṃ gacchāma dhammañca bhikkhusaṅghañca, upāsake no bhavaṃ gotamo dhāretu ajjatagge pāṇupetaṃ saraṇaṃ gateti. | “Thưa Ngài Gotama, thật là tuyệt vời! —như trên—Chúng tôi đây xin đi đến nương nhờ Ngài Gotama, Giáo Pháp, và Tăng Chúng tỳ khưu. Xin Ngài Gotama hãy ghi nhận chúng tôi là những nam cư sĩ đã đi đến nương nhờ kể từ hôm nay cho đến trọn đời.” | -- Thật vi diệu thay, tôn giả Gotama ! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama ! Như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, phơi bày ra những gì bị che kín, chỉ đường cho người bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mắt có thể thấy sắc; cũng vậy, Chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Thưa Tôn giả Gotama, nay con xin quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận chúng con làm cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng. |
Vāseṭṭhasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
| Dứt Kinh Vāseṭṭha.
|
10. KOKĀLIKASUTTAṂ
|
10. KINH KOKĀLIKA |
10. KINH KOKĀLIYA
|
Evaṃ me sutaṃ: Ekaṃ samayaṃ bhagavā sāvatthiyaṃ viharati jetavane anāthapiṇḍakassa ārāme. | Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Sāvatthi, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. | Như vầy tôi nghe: Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn của ông Anàthapindika. |
Atha kho kokāliko bhikkhu yena bhagavā tenupasaṅkami, upasaṅkamitvā bhagavantaṃ abhivādetvā ekamantaṃ nisīdi. Ekamantaṃ nisinno kho kokāliko bhikkhu bhagavantaṃ etadavoca:
| Khi ấy, tỳ khưu Kokālika đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống ở một bên, tỳ khưu Kokālika đã nói với đức Thế Tôn điều này: | Rồi Tỷ-kheo Kokàliya đi đến Thế Tôn sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kokàliya bạch Thế Tôn:
|
Pāpicchā bhante sāriputtamoggallānā pāpikānaṃ icchānaṃ vasaṃ gatāti. | “Bạch Ngài, Sāriputta và Moggallāna có lòng tham muốn sái quấy, bị chi phối bởi lòng tham muốn sái quấy.”
| - Bạch Thế Tôn, Sàiputta và Moggallàna là ác dục, bị ác dục chinh phục. |
Evaṃ vutte bhagavā kokakālikaṃ bhikkhuṃ etadavoca: | Được nói như vậy, đức Thế Tôn đã nói với tỳ khưu Kokālika điều này: |
|
Mā hevaṃ kokālika mā hevaṃ kokālika, pasādehi kokālika sāriputtamoggallānesu cittaṃ, pesalā sāriputtamoggallānāti.
| “Này Kokālika, chớ (nói) như vậy. Này Kokālika, chớ (nói) như vậy. Này Kokālika, hãy tín tâm với Sāriputta và Moggallāna. Sāriputta và Moggallāna là hiền thiện.” | - Này Kokàliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, tâm hãy tinh tấn đối với Sàriputta và Moggallàna. Hiền thiện Sàriputta và Moggallàna. |
Dutiyampi kho kokāliko bhikkhu bhagavantaṃ etadavoca: | Đến lần thứ nhì, tỳ khưu Kokālika đã nói với đức Thế Tôn điều này: | Lần thứ hai, Tỷ-kheo Kokàliya bạch Thế Tôn: |
Kiñcāpi me bhante bhagavā saddhāyiko paccayiko, atha kho pāpicchāva sāriputtamoggallānā pāpikānaṃ icchānaṃ vasaṃ gatāti. | “Bạch Ngài, mặc dầu đối với con đức Thế Tôn là đáng tin tưởng và đáng tin cậy, nhưng Sāriputta và Moggallāna quả thật có lòng tham muốn sái quấy, bị chi phối bởi lòng tham muốn sái quấy.”
| - Bạch Thế Tôn, dầu Thế Tôn có lòng tin và tin tưởng, đối với con, Sàriputta và Moggalàna là ác dục, bị ác dục chinh phục. |
Dutiyampi kho bhagavā kokālikaṃ bhikkhuṃ etadavoca: Mā hevaṃ kokālika mā hevaṃ kokālika pasādehi kokālika sāriputtamoggallānesu cittaṃ, pesalā sāriputtamoggallānāti. | Đến lần thứ nhì, đức Thế Tôn đã nói với tỳ khưu Kokālika điều này: “Này Kokālika, chớ (nói) như vậy. Này Kokālika, chớ (nói) như vậy. Này Kokālika, hãy tín tâm với Sāriputta và Moggallāna. Sāriputta và Moggallāna là hiền thiện.”
| - Này Kokàaliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, tâm hãy tinh tấn đối với Sàriputta và Moggallàna. Hiền thiện Sàriputta và Moggallàna
|
Tatiyampi kho kokāliko bhikkhu bhagavantaṃ etadavoca: | Đến lần thứ ba, tỳ khưu Kokālika đã nói với đức Thế Tôn điều này: | Lần thứ ba, Tỷ-kheo Kokàliya bạch Thế Tôn ...
|
Kiñcāpi me bhante bhagavā saddhāyiko paccayiko, atha kho pāpicchāva sāriputtamoggallānā pāpikānaṃ icchānaṃ vasaṃ gatāti. | “Bạch Ngài, mặc dầu đối với con đức Thế Tôn là đáng tin tưởng và đáng tin cậy, nhưng Sāriputta và Moggallāna quả thật có lòng tham muốn sái quấy, bị chi phối bởi lòng tham muốn sái quấy.”
|
|
Tatiyampi kho bhagavā kokālikaṃ bhikkhuṃ etadavoca: Mā hevaṃ kokālika mā hevaṃ kokālika pasādehi kokālika sāriputtamoggallānesu cittaṃ, pesalā sāriputtamoggallānāti.
| Đến lần thứ ba, đức Thế Tôn đã nói với tỳ khưu Kokālika điều này: “Này Kokālika, chớ (nói) như vậy. Này Kokālika, chớ (nói) như vậy. Này Kokālika, hãy tín tâm với Sāriputta và Moggallāna. Sāriputta và Moggallāna là hiền thiện.”
|
... Hiền thiện là Sàriputta và Moggallàna.. |
Atha kho kokāliko bhikkhu uṭṭhāyāsanā bhagavantaṃ abhivādetvā padakkhiṇaṃ katvā pakkāmi. Acirapakkantassa ca kokālikassa bhikkhuno sāsapamattīhi piḷakāhi sabbo kāyo phuṭho ahosi. Sāsapamattiyo hutvā muggamattiyo ahesuṃ. Muggamattiyo hutvā kaḷāyamattiyo ahesuṃ. Kaḷāyamattiyo hutvā kolaṭṭhimattiyo ahesuṃ. Kolaṭṭhimattiyo hutvā kolamattiyo ahesuṃ. Kolamattiyo hutvā āmalakamattiyo ahesuṃ. Āmalakamattiyo hutvā beluva salāṭukamattiyo ahesuṃ. Beluvasalāṭukamattiyo hutvā billamattiyo ahesuṃ. Billamattiyo hutvā pabhijjiṃsu, pubbañca lohitañca pagghariṃsu. | Khi ấy, tỳ khưu Kokālika đã từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi ra đi. Và trong khi tỳ khưu Kokālika ra đi không bao lâu, toàn thân của vị ấy đã bị lan tràn bởi những mụt nhọt kích cỡ hạt cải. Sau khi trở thành kích cỡ hạt cải, chúng trở thành kích cỡ hạt đậu xanh. Sau khi trở thành kích cỡ hạt đậu xanh, chúng trở thành kích cỡ hạt đậu lớn. Sau khi trở thành kích cỡ hạt đậu lớn, chúng trở thành kích cỡ hột táo. Sau khi trở thành kích cỡ hột táo, chúng trở thành kích cỡ trái táo. Sau khi trở thành kích cỡ trái táo, chúng trở thành kích cỡ trái āmalaka. Sau khi trở thành kích cỡ trái āmalaka, chúng trở thành kích cỡ trái beluva. Sau khi trở thành kích cỡ trái beluva, chúng trở thành kích cỡ trái billa. Sau khi trở thành kích cỡ trái billa, chúng vỡ tung, tiết ra mủ và máu. | Rồi Tỷ-kheo Kokàliya từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Tỷ-kheo Kokàliya ra đi không lâu, toàn thân của Tỷ-kheo Kokàliya nổi lên những mụt to bằng hạt cải; sau khi lớn lên bằng hột đậu; chúng lớn lên bằng hột đậu lớn; sau khi lớn bằng hột đậu lớn, chúng lớn lên bằng hòn đá; sau khi lớn lên bằng hòn đá, chúng lớn lên bằng trái táo; sau khi lớn lên bằng trái táo, chúng lớn lên bằng trái àmala; sau khi lớn lên bằng trái àmala, chúng lớn lên bằng trái vilva; sau khi lớn lên bằng trái vilva, chúng lớn lên bằng trái billi, chúng bị phá vỡ, mủ và máu chảy ra. |
Atha kho kokāliko bhikkhu teneva ābādhena kālamakāsi, kālakato ca kho kokāliko bhikkhu padumanirayaṃ upapajji sāriputtamoggallānesu cittaṃ āghātetvā.
| Khi ấy, tỳ khưu Kokālika đã qua đời bởi chính bệnh ấy. Và khi bị qua đời, tỳ khưu Kokālika đã sanh vào địa ngục Paduma sau khi khởi tâm thù hằn với Sāriputta và Moggallāna.
| Rồi Tỷ-kheo Kokàliya do bệnh này bị mệnh chung. Bị mệnh chung, Tỷ-kheo Kokàliya sanh trong địa ngục Sen hồng, với tâm hận thù đối với Sàriputta và Moggallàna. |
Atha kho brahmā sahampati abhikkantāya rattiyā abhikkantavaṇṇo kevalakappaṃ jetavanaṃ obhāsetvā yena bhagavā tenupasaṅkami, upasaṅkamitvā bhagavantaṃ abhivādetvā ekamantaṃ aṭṭhāsi. Ekamantaṃ ṭhito kho brahmā sahampati bhagavantaṃ etadavoca: | Sau đó, vị Phạm Thiên Sahampati, lúc đêm đã khuya, với màu sắc vượt trội đã làm cho toàn bộ Jetavana rực sáng, rồi đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi đứng ở một bên. Đứng ở một bên, Phạm Thiên Sahampati đã nói với đức Thế Tôn điều này:
| Rồi Phạm thiên Sahampati sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên. Ðứng một bên, Phạm thiên Sahampati bạch Thế Tôn: |
Kokāliko bhante bhikkhu kālakato. Kālakato ca bhante kokāliko bhikkhu padumanirayaṃ upapanno sāriputtamoggallānesu cittaṃ āghātetvāti. | “Bạch Ngài, tỳ khưu Kokālika đã qua đời. Và bạch Ngài, khi bị qua đời, tỳ khưu Kokālika đã sanh vào địa ngục Paduma sau khi khởi tâm thù hằn với Sāriputta và Moggallāna.”
| - Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàliya phải sanh vào địa ngục Sen hồng, với tâm hận thù đối với Sàriputta và Moggallàna. |
Idamavoca brahmā sahampati, idaṃ vatvā bhagavantaṃ abhivādetvā padakkhiṇaṃ katvā tatthevantaradhāyi. | Phạm Thiên Sahampati đã nói điều này, sau khi đã nói điều này, đã đảnh lễ đức Thế Tôn, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi biết mất ở ngay tại chỗ ấy. | Phạm thiên Sahampati nói như vậy, sau khi nói xong, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ ấy. |
Atha kho bhagavā tassā rattiyā accayena bhikkhū āmantesi: | Sau đó, vào cuối đêm ấy đức Thế tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng: | Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã qua, liền bảo các Tỷ-kheo: |
Idaṃ bhikkhave rattiṃ brahmā sahampati abhikkantāya rattiyā —pe— | “Này các tỳ khưu, đêm nay vị Phạm Thiên Sahampati, lúc đêm đã khuya, —như trên—” | - Này các Tỷ-kheo, hồi hôm Phạm thiên Sahampati, khi đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Ta, sau khi đến đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Ðứng một bên, này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati bạch với Ta: "Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàliya đã mệnh chung và Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàliya sau khi mệnh chung đã sanh địa ngục Sen hồng với tâm hận thù đối với Sàriputta và Moggallàna". |
Idamavoca brahmā sahampati, idaṃ vatvā maṃ abhivādetvā padakkhiṇaṃ katvā tatthevantaradhāyi. | Phạm Thiên Sahampati đã nói điều này, sau khi đã nói điều này, đã đảnh lễ Ta, hướng vai phải nhiễu quanh, rồi biết mất ở ngay tại chỗ ấy. | Này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati nói như vậy. Sau khi nói xong, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ. |
Evaṃ vutte aññataro bhikkhu bhagavantaṃ etadavoca: | Được nói như vậy, một vị tỳ khưu nọ đã nói với đức Thế Tôn điều này: | Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn: |
Kīvadīghaṃ nu kho bhante padume niraye āyuppamāṇanti? | “Bạch Ngài, ước lượng tuổi thọ ở địa ngục Paduma dài đến chừng nào?” | - Bạch Thế Tôn, bao nhiêu là tuổi thọ trong địa ngục Sen hồng? |
Dīghaṃ kho bhikkhu padume niraye āyuppamāṇaṃ, taṃ na sukaraṃ saṅkhātuṃ ettakāni vassāni iti vā ettakāni vassasatāni iti vā ettakāni vassasahassāni iti vā ettakāni vassasatasahassāni iti vāti. | “Này tỳ khưu, ước lượng tuổi thọ ở địa ngục Paduma quả là dài, việc ấy không phải là việc dễ làm để tính toán là ‘chừng này năm,’ hay ‘chừng này trăm năm,’ hay ‘chừng này ngàn năm,’ hay ‘chừng này trăm ngàn năm.’” | - Thật dài, này Tỷ-kheo, là tuổi thọ trong địa ngục Sen hồng, không dễ gì tính được bao nhiêu năm, bao nhiêu trăm năm, bao nhiêu ngàn năm, hay bao nhiêu trăm ngàn năm.
|
Sakkā pana bhante upamaṃ kātunti. | “Bạch Ngài, có thể làm một ví dụ không?” | - Bạch Thế Tôn, có thể tính được chăng bằng ví dụ?
|
Sakkā bhikkhūti bhagavā avoca: Seyyathāpi bhikkhu vīsati khāriko kosalako tilavāho tato puriso vassasatassa vassasahassassa accayena ekamekaṃ tilaṃ uddhareyya khippataraṃ kho so bhikkhu vīsati khāriko kosalako tilavāho iminā upakkamena parikkhayaṃ pariyādānaṃ gaccheyya, nattheva eko abbudo nirayo, seyyathāpi bhikkhu vīsati abbudā nirayā evameko nirabbudo nirayo, seyyathāpi bhikkhu vīsati nirabbudā nirayā evameko ababo nirayo, seyyathāpi bhikkhu vīsati ababā nirayā evameko ahaho nirayo. | “Này tỳ khưu, có thể.” Đức Thế Tôn đã nói rằng: “Này tỳ khưu, cũng giống như một cỗ xe chở hạt mè ở xứ Kosala có dung tích hai mươi khārika, rồi từ cỗ xe đó vào cuối thời hạn của một trăm năm, của một ngàn năm, người ta lấy bớt ra một hạt mè, này tỳ khưu, theo cách thức này một cỗ xe chở hạt mè ở xứ Kosala có dung tích hai mươi khārika ấy đi đến sự hoàn toàn cạn kiệt, hoàn toàn hết sạch là còn nhanh hơn (số lượng tuổi thọ ở địa ngục Paduma). Không phải chỉ có một địa ngục Abbuda. Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Abbuda là một địa ngục Nirabbuda. Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Nirabbuda là một địa ngục Ababa. Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Ababa là một địa ngục Ahaha. | Thế Tôn đáp: - Có thể được, này Tỷ-kheo. Này Tỷ-kheo, ví như có hột đậu mè nặng hai mươi khàrika, theo đo lường nước Kosala. Ví dụ sau một trăm năm, một người lấy ra một lần một hột mè. Này Tỷ-kheo, còn mau hơn là bao hột mè, nặng hai mươi ngàn khàrika ấy, theo đo lường của nước Kosala, đi đến tiêu hao, đi đến hao mòn do phương tiện ấy, so sánh với tuổi thọ ở địa ngục Abbuda. Này Tỷ-kheo hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Abbuda; bằng một tuổi thọ ở địa ngục Nirabbuda. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Nirabbuda, bằng một tuổi thọ ở địa ngục Ababa. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Ahaha bằng một tuổi thọ ở địa ngục Atata. |
Seyyathāpi bhikkhu vīsati ahahā nirayā evameko aṭaṭo nirayo, seyyathāpi bhikkhu vīsati aṭaṭā nirayā evameko kumudo nirayo, seyyathāpi bhikkhu vīsati kumudā nirayā evameko sogandhiko nirayo, seyyathāpi bhikkhu vīsati sogandhikā nirayā evameko uppalako nirayo, seyyathāpi bhikkhu vīsati uppalakā nirayā evameko puṇḍarīko nirayo, seyyathāpi bhikkhu vīsati puṇḍarīkā nirayā evameko padumo nirayo. Padumaṃ kho pana bhikkhu nirayaṃ kokāliko bhikkhu upapanno sāriputtamoggallānesu cittaṃ āghātetvāti. | Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Ahaha là một địa ngục Aṭata. Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Aṭata là một địa ngục Kumuda. Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Kumuda là một địa ngục Sogandhika. Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Sogandhika là một địa ngục Uppalaka. Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Uppalaka là một địa ngục Puṇḍarīka. Này tỳ khưu, cũng giống như hai mươi địa ngục Puṇḍarīka là một địa ngục Paduma. Này tỳ khưu, tỳ khưu Kokālika đã sanh vào địa ngục Paduma sau khi khởi tâm thù hằn với Sāriputta và Moggallāna.” | Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Atata bằng một tuổi thọ ở địa ngục Kumuda. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Kumuda bằng một tuổi thọ ở địa ngục Sogandhika. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Sogandhika bằng một tuổi thọ ở địa ngục Uppala (Hoa sen xanh). Này các Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Uppala bằng một tuổi thọ ở địa ngục Pundarika (Hoa sen). Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Pundarika bằng một tuổi thọ ở địa ngục Pudumà. Này Tỷ Kheo Kokàliya sanh tại địa ngục Pudumà với tâm hận thù Sàripputta và Moggallàna.
|
Idamavoca bhagavā, idaṃ vatvā sugato athāparaṃ etadavoca satthā: | Đức Thế Tôn đã nói điều này. Sau khi nói điều này, đấng Thiện Thệ, bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:
| Thế Tôn nói như vậy. Sau khi nói như vậy, bậc Thiện Thệ lại nói thêm:
|
660. Purisassa hi jātassa kuṭhārī jāyate mukhe, | 660. “Bởi vì đối với người đã được sanh ra, có lưỡi rìu được sanh ra cho người ấy, kẻ ngu tự cắt đứt bản thân với nó, trong khi nói lời nói xấu xa. | 657. Phàm con người đã sanh, |
661. Yo nindiyaṃ pasaṃsati taṃ vā nindati yo pasaṃsiyo, | 661. Kẻ nào khen ngợi người đáng bị chê bai, hoặc chê bai người đáng được khen ngợi, kẻ ấy tích lũy lầm lỗi bởi cái miệng, do lầm lỗi ấy không tìm thấy sự an lạc. | 658. Ai khen kẻ đáng chê, |
662. Appamatto ayaṃ kali yo akkhesu dhanaparājayo, | 662. Lầm lỗi này, việc thất thoát tài sản thậm chí toàn bộ (của cải) cùng với bản thân ở các con súc sắc, là có tầm cỡ nhỏ nhoi. Kẻ nào khởi tâm ý xấu xa dối với các bậc đã đi đến trạng thái tốt lành, chính lầm lỗi này là lớn lao hơn. | 659. Nhỏ thay bất hạnh này, |
663. Sataṃ sahassānaṃ nirabbudānaṃ | 663. Sau khi buông xuống lời nói và ý nghĩ ác xấu, kẻ quở trách các bậc Thánh nhân đi đến địa ngục là ba triệu sáu trăm ngàn (địa ngục) Nirabbuda và năm (địa ngục) Abbuda. | 660. Trải thời gian trăm ngàn |
664. Abhūtavādī nirayaṃ upeti | 664. Người có lời nói không thật đi địa ngục, hoặc luôn cả người nào sau khi làm đã nói rằng: ‘Tôi không làm;’ cả hai người ấy, có hành động thấp kém, sau khi chết (đọa) vào cảnh giới khác là giống như nhau. | 661. Kẻ nói không chân thật, |
665. Yo appaduṭṭhassa narassa dussati | 665. Kẻ nào bôi nhọ người không bị ô nhiễm, người trong sạch, không vết nhơ, điều xấu xa quay về chính kẻ ngu ấy, ví như bụi bặm li ti được tung ra ngược chiều gió. | 662. Ai khởi lên ác tâm, |
666. Yo lobhaguṇe anuyutto | 666. Kẻ nào đeo bám các bản chất của tham, kẻ ấy chê bai những người khác bàng lời nói, là kẻ không có niềm tin, keo kiệt, là kẻ không biết đến lời giảng huấn, bỏn xẻn, là kẻ đeo đuổi việc nói đâm thọc. | 663. Ai hệ lụy đắm trước, |
667. Mukhadugga vibhūta anariya | 667. Này kẻ ăn nói thô lỗ, thiếu chân thật, không thánh thiện, kẻ đồi trụy, ác độc, kẻ làm hành động xấu xa, kẻ khốn cùng, xúi quẩy, kẻ hạ căn, ngươi chớ nói nhiều ở nơi đây; ngươi là hạng người ở địa ngục. | 664. Này Ông, miệng ác độc, |
668. Rajamākirasi ahitāya | 668. Ngươi gieo rắc bụi bặm (phiền não) vào sự bất hạnh (của chinh ngươi), ngươi quở trách những bậc đức độ, ngươi là kẻ làm điều sái quấy. Và sau khi thực hành nhiều uế hạnh, ngươi đương nhiên sẽ đi đến đọa xứ trong thời gian lâu dài. | 665. Ông rắc rải bụi trần, |
669. Na hi nassati kassaci kammaṃ | 669. Bởi vì nghiệp của bất cứ một ai đều không bị tiêu hoại, chủ nhân (của việc đã làm) đương nhiên gánh chịu nghiệp ấy. Kẻ ngu muội, kẻ làm điều sái quấy, nhìn thấy khổ đau ở bản thân mình vào đời sau. | 666. Hành động bất cứ ai, |
670. Ayosaṃkusamāhataṭṭhānaṃ | 670. Kẻ ấy đi đến cọc sắt có cạnh sắc bén, nơi chốn (có hình phạt) bị đâm xuyên bằng giáo sắt, rồi có vật thực giống như hòn sắt bị nung cháy đỏ, tương xứng (với nghiệp đã làm) như thế ấy. | 667. Nó đi đến tại chỗ |
671. Na hi vaggu vadanti vadantā | 671. Trong khi nói, đương nhiên họ (những cai ngục) không nói ngọt ngào, họ không vồn vã (tiếp đón). Chúng (những kẻ đọa địa ngục) đi đến nơi không phải là chốn nương thân. Chúng nằm ở nơi đã được lót trải than hừng, chúng đi vào đám lửa đã được bốc cháy. | 668. Tại đấy không ai nói |
672. Jālena ca onahiyānā | 672. Và sau khi chụp xuống bằng tấm lưới (sắt), tại nơi ấy họ (những cai ngục) đánh đập (chúng) với những chiếc búa làm bằng sắt. Chúng (những kẻ đọa địa ngục) đi đến bóng tối vô cùng mờ mịt, bóng tối ấy trải rộng khắp giống như sương mù.
| 669. Với lưới, kẻ giữ ngục, |
673. Atha lohamayaṃ pana kumbhiṃ | 673. Rồi chúng còn đi vào cái lu làm bằng đồng có đám lửa đã được bốc cháy. Thật vậy, chúng bị nung nấu trong những cái lu ấy một thời gian dài, trồi lên hụp xuống trong những đám lửa. | 670. Họ đi đến bước vào |
674. Atha pubbalohitamisse | 674. Rồi trong đám máu mủ bị trộn lẫn, kẻ làm điều sái quấy bị nung nấu ở tại nơi ấy. Bất kỳ phương hướng nào gã nương tựa vào, tại nơi ấy gã đều bị lem luốc trong khi xúc chạm (với mủ và máu). | 671. Rồi kẻ làm điều ác, |
675. Puḷavāvasathe salilasmiṃ | 675. Ở trong nước, chỗ trú ngụ của các loài giòi bọ, kẻ làm điều sái quấy bị nung nấu ở tại nơi ấy. Cũng chẳng có bến bờ để đi ra, bởi vì xung quanh cái chảo nấu tất cả đều bằng phẳng. | 672. Trong nước, chỗ trú ẩn |
676. Asipattavanaṃ pana tiṇhaṃ | 676. Hơn nữa, chúng (những kẻ đọa địa ngục) còn đi vào khu rừng Asipatta (Gươm Lá) sắc bén, (và) có thân thể bị băm nát. Họ (những cai ngục) nắm lấy cái lưỡi với các móc câu, kéo tới kéo lui, rồi đánh đập (chúng). | 673. Trong rừng đầy lá gươm, |
677. Atha vetaraṇiṃ pana duggaṃ | 677. Rồi chúng còn đi đến (dòng sông) Vetaraṇī, có cạnh sắc bén, có lưỡi dao cạo, khó lội qua. Kẻ ngu muội, kẻ làm điều ác đọa vào nơi ấy sau khi đã làm các điều ác. | 674. Họ đi vào cảnh giới, |
678. Khādanti hi tattha rudante | 678. Bởi vì trong khi chúng đang khóc lóc ở tại nơi ấy, những con chó màu đen, có đốm, và những bầy quạ đen gặm nhấm chúng, những con chó rừng thèm khát, những con diều hâu và những con chim quạ rỉa rói chúng. | 675. Tại đấy, các chim thú, |
679. Kicchā vatāyaṃ idha vutti | 679. Lối hành xử này ở nơi đây quả là khó khăn, hạng người làm điều sái quấy nhìn thấy điều này. Vì thế, trong quãng đời còn lại ở thế gian này, nên là người thực hành phận sự, không nên xao lãng.
| 676. Thật rất là đau khổ |
680. Te gaṇitā vidūhi tilavāhā | 680. Những cỗ xe chở hạt mè so sánh với (thời gian ở) địa ngục Paduma đã được các bậc hiểu biết tính đếm là năm mươi nghìn koṭi (5 x 10.000 x 10 triệu = 500 tỷ) thêm vào một ngàn hai trăm koṭi (12 x 100 x 10 triệu = 12 tỷ) nữa. | 677. Những hột mè mang lại, |
681. Yāva dukkhā nirayā idha vuttā | 681. Các địa ngục khổ đau đến chừng nào, thậm chí còn phải sống lâu ở nơi ấy đến chừng ấy, đã được nói đến ở đây; vì thế, nên thận trọng giữ gìn lời nói và ý nghĩ đối với những bậc có đức hạnh trong sạch, hiền thiện, và tốt lành.”
| 678. Khổ cho đến như vậy, |
Kokālikasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
| Dứt Kinh Kokālika.
|
11. NĀLAKASUTTAṂ |
11. KINH NĀLAKA |
11. KINH NĀLAKA |
682. Ānandajāte tidasagaṇe patīte | 682. Vị ẩn sĩ Asita, vào lúc nghỉ trưa, đã nhìn thấy chư Thiên thuộc hội chúng cõi Tam Thập tràn đầy niềm hoan hỷ, vui thích, có y phục sạch sẽ, tôn kính Thiên Chủ Inda, đang cầm lấy vải vóc, và tán dương một cách nhiệt liệt. | 679. Ẩn sĩ Asita (A-tư-đà), |
683. Disvāna deve muditamane udagge | 683. Sau khi nhìn thấy chư Thiên có tâm ý vui mừng, phấn khởi, vị ấy đã thể hiện sự quan tâm, và tại nơi ấy đã nói điều này: “Tại sao hội chúng chư Thiên có dáng vẻ vô cùng mừng rỡ thế? Liên quan đến việc gì mà quý vị cầm lấy vải vóc quây vòng vòng vậy? | 680. Thấy chư Thiên hoan hỷ, Asita: Vì sao chúng chư Thiên |
684. Yadāpi āsi asurehi saṅgamo | 684. Mặc dầu vào lúc có cuộc chiến tranh với các A-tu-la, chiến thắng là thuộc về chư Thiên, còn các A-tu-la bị thất trận, vào lúc ấy cũng đã không có việc rởn lông như thế này. Vậy sau khi nhìn thấy điều phi thường gì mà các vị Thiên Thần thích thú? | 681. Trong thời gian chiến trận, |
685. Selenti gāyanti ca vādayanti ca | 685. Các vị hú vang, ca hát, tấu nhạc, đập vỗ các cánh tay, và nhảy múa. Thưa các ngài, tôi xin hỏi các ngài, những cư dân ở đỉnh núi Meru, xin các ngài hãy mau chóng giũ bỏ điều nghi hoặc của tôi.” | 682. Họ la lớn ca hát, |
686. So bodhisatto ratanavaro atulyo | 686. “Đức Bồ Tát ấy là vật báu quý giá, không thể sánh bằng, vì sự lợi ích và hạnh phúc (của chúng sanh) đã sanh ra ở thế giới loài người, tại ngôi làng của những người Sakya, thuộc xứ sở Lumbinī; chúng tôi phấn chấn, có dáng vẻ vô cùng mừng rỡ bởi vì điều ấy. | Chư Thiên: 683. Tại xứ Lumbini (Lâm-tì-ni) |
687. So sabbasattuttamo aggapuggalo | 687. Ngài là bậc tối thượng của tất cả chúng sanh, là con người cao cả, đấng Nhân Ngưu, bậc tối thượng của tất cả loài người. Tựa như con sư tử hùng mạnh, chúa tể của loài thú, đang gầm thét, Ngài sẽ chuyển vận bánh xe ở khu rừng tên Isi.” | 684. Ngài, chúng sanh tối thượng, |
688. Taṃ saddaṃ sutvā turitamavaṃsarī so | 688. Sau khi nghe được lời nói ấy, vị ấy đã vội vã đi xuống, rồi đã đi đến chỗ cư ngụ của (vua) Suddhodana, sau khi ngồi xuống ở tại chỗ ấy, đã nói với các vị dòng Sakya điều này: “Hoàng tử ở đâu? Tôi cũng muốn chiêm ngưỡng.” | 685. Sau khi nghe lời ấy, |
689. Tato kumāraṃ jalitamiva suvaṇṇaṃ | 689. Sau đó, các vị dòng Sakya đã trình cho vị (ẩn sĩ) tên Asita thấy người con trai (của họ), vị hoàng tử sáng chói với sự vinh quang, có màu sắc tuyệt vời, tựa như khối vàng đã được đốt cháy, đã được nung nấu ở ngay cửa miệng của bễ lò rèn bởi người (thợ rèn) vô cùng thiện xảo. | 686. Thấy Thái tử chói sáng |
690. Disvā kumāraṃ sikhimiva pajjalantaṃ | 690. Sau khi nhìn thấy vị hoàng tử tựa như ngọn lửa đang phát sáng, thanh tịnh tựa như chúa của các vì sao (mặt trăng) đang di chuyển ở bầu trời, tựa như mặt trời đang cháy sáng sau khi đã được thoát khỏi đám mây mùa thu, (vị ẩn sĩ) tràn đầy niềm hoan hỷ, đã đạt được pháp hỷ tràn trề. | 687. Sau khi thấy Thái tử |
691. Anekasākhañca sahassamaṇḍalaṃ | 691. Các vị Thiên Thần đã nắm giữ ở không trung chiếc lọng có nhiều thanh nan, có ngàn khoanh tròn, và phe phẩy tới lui những cây phất trần có tay cầm bằng vàng; những người nắm giữ các cây phất trần và chiếc lọng không được nhìn thấy. | 688. Chư Thiên cầm ngôi lọng |
692. Disvā jaṭī kaṇhasirivhayo isi | 692. Sau khi nhìn thấy (vị hoàng tử) tựa như vật trang sức bằng vàng ở tấm chăn len màu đỏ, có chiếc lọng trắng đang được duy trì ở trên đầu, vị ẩn sĩ bện tóc tên Kaṇhasiri, với tâm phấn khởi, thích ý, đã (đưa tay) tiếp nhận. | 689. Bậc ẩn sĩ bện tóc, |
693. Paṭiggahetvā pana sakyapuṅgavaṃ | 693. Hơn nữa, sau khi (đưa tay) tiếp nhận con người quý phái dòng Sakya, trong lúc xem xét, bậc tinh thông về tướng số và chú thuật, với tâm tịnh tín đã thốt lên lời nói rằng: “Vị này là bậc vô thượng, là đấng tối thượng của loài người.” | 690. Sau khi ẩm bồng lên |
694. Athattano gamanamanussaranto | 694. Rồi trong khi suy xét về số phận của bản thân, (vị ẩn sĩ) với dáng vẻ sầu thảm, tuôn rơi những giọt nước mắt. Sau khi nhìn thấy vị ẩn sĩ đang khóc lóc, những người dòng Sakya đã nói rằng: “Sẽ không có tai họa gì cho hoàng tử phải không?” | 691. Khi vị ấy nghĩ đến, |
695. Disvāna sakye isimavoca akalye | 695. Sau khi nhìn thấy những người dòng Sakya sầu thảm, vị ẩn sĩ đã nói rằng: “Tôi không nghiệm thấy điều gì bất lợi cho hoàng tử, và cũng sẽ không có tai họa gì cho vị này. Vị này không phải là thấp thỏi, các người hãy an tâm. | 692. Thấy họ Thích lo lắng, |
696. Sambodhiyaggaṃ phusissatāyaṃ kumāro | 696. Vị hoàng tử này sẽ thành tựu quả vị Toàn Giác tối cao. Vị này, có sự nhìn thấy (Niết Bàn) thanh tịnh tối thượng, có lòng thương tưởng đến sự lợi ích cho nhiều người, sẽ chuyển vận bánh xe Pháp. Phạm hạnh (Giáo Pháp) của vị này sẽ được lan rộng. | 693. Thái tử này sẽ chứng |
697. Mamañca āyu na ciramidhāvaseso | 697. Và tuổi thọ của tôi còn lại ở nơi này không bao lâu, việc qua đời sẽ xảy đến cho tôi trước khi ấy. Tôi đây sẽ không được nghe Giáo Pháp của bậc tinh tấn không kẻ sánh bằng; vì thế tôi phiền muộn, đưa đến bất hạnh, sầu khổ.” | 694. Thọ mạng ta ở đời |
698. So sākiyānaṃ vipulaṃ janetvā pītiṃ | 698. Bậc hành Phạm hạnh ấy, sau khi làm sanh khởi sự vui mừng cho những người dòng Sakya, đã rời khỏi nội cung. Trong lúc thương tưởng đến người cháu trai (con chị) của mình, vị ấy đã khuyên nó tiếp thu Giáo Pháp của bậc tinh tấn không kẻ sánh bằng: | 695. Sau khi khiến họ Thích, |
699. Buddhoti ghosaṃ yadaparato suṇāsi | 699. “Khi nào con nghe được từ người khác âm thanh ‘Đức Phật,’ và bậc đã đạt được phẩm vị Toàn Giác khai mở Giáo Pháp tối cao, con hãy đi đến nơi ấy. Trong lúc tìm hiểu về đạo lý, con hãy thực hành Phạm hạnh ở nơi đức Thế Tôn ấy.” | 696. Khi Ông nghe tiếng Phật, |
700. Tenānusiṭṭho hitamanasena tādinā | 700. Được chỉ dạy bởi vị ấy, bởi con người có tâm ý về sự lợi ích như thế ấy, bởi vị có sự nhìn thấy pháp thanh tịnh tối thượng trong ngày vị lai, Nālaka ấy, có sự tích lũy phước báu đã được hội tụ, trong lúc chờ đợi đấng Chiến Thắng, đã sống (với tư cách đạo sĩ khổ hạnh), có giác quan đã được gìn giữ. | 697. Như vậy, được khuyên bảo, |
701. Sutvāna ghosaṃ jinavaracakkavattane | 701. Sau khi nghe được âm thanh về sự chuyển vận bánh xe cao quý của đấng Chiến Thắng, Nālaka đã đi đến, đã nhìn thấy vị chúa của các bậc ẩn sĩ. Được tịnh tín, Nālaka đã hỏi bậc Hiền Trí quý cao về trí tuệ tối thượng vào lúc lời giáo huấn của vị (ẩn sĩ) tên Asita đã được viên mãn. | 698. Khi nghe tin Pháp luân, |
|
(Dứt) Các Kệ Ngôn Giới Thiệu. |
(Kệ mở đầu đã xong)
|
702. Aññātametaṃ vacanaṃ asitassa yathātathaṃ, | 702. Lời nói ấy của vị Asita đã được nhận biết là đúng như thật. Thưa ngài Gotama, vì thế chúng tôi hỏi ngài, bậc đã đi đến bờ kia của tất cả các pháp. | 699. Lời A-tư-đà này, |
703. Anagāriyupetassa bhikkhacariyaṃ jigiṃsato, | 703. Tôi là người đã đi đến cuộc sống không nhà, đang tầm cầu việc hành pháp khất thực. Thưa bậc Hiền Trí, được tôi hỏi, xin ngài hãy nói về đường lối thực hành tối thượng của hiền trí hạnh. | 700. Không nhà, con đi đến |
704. Moneyyaṃ te apaññissaṃ (iti bhagavā) | 704. (Đức Thế Tôn nói) “Ta sẽ giúp cho ngươi hiểu về hiền trí hạnh, là điều khó làm, ;à điều khó thành tựu. Vậy Ta sẽ tuyên thuyết về điều ấy cho ngươi. Ngươi hãy cứng cỏi. Ngươi hãy kiên định. | 701. Thế Tôn đáp như sau: |
705. Samānabhāgaṃ kubbetha gāme akkuṭṭhavanditaṃ, | 705. Nên thực hành sự bình thản khi có sự bị mắng nhiếc hoặc được lễ bái ở trong làng, nên canh phòng sự sai trái ở tâm, nên sống an tịnh, không cao ngạo. | 702. Hãy tu hạnh Sa-môn, |
706. Uccāvacā niccharanti dāye aggisikhūpamā, | 706. Các hiện tượng tốt xấu (nhiều loại) bộc phát, tương tự như ngọn lửa ở khu rừng. Các phụ nữ quyến rủ bậc hiền trí, mong sao các cô ấy chớ quyến rũ ngươi. | 703. Tiếng cao thấp phát ra, |
707. Virato methunā dhammā hitvā kāme parovare. | 707. Sau khi từ bỏ các dục nhiềm loại, đã được xa lìa pháp đôi lứa, không chống đối, không bị đắm say ở các sinh vật di động hay đứng yên. | 704. Hãy từ bỏ dâm dục, |
708. Yathā ahaṃ tathā ete yathā ete tathā ahaṃ, | 708. ‘Ta như thế nào, chúng như thế ấy; chúng như thế nào, ta như thế ấy,’ sau khi lấy bản thân làm ví dụ, không nên giết hại, không nên bảo (kẻ khác) giết hại. | 705. Ta thế nào, họ vậy, |
709. Hitvā icchañca lobhañca yattha satto puthujjano, | 709. Sau khi từ bỏ ước muốn và tham lam mà phàm phu bị dính mắc, bậc hữu nhãn nên thực hành (hiền trí hạnh), nên vượt qua địa ngục này. | 706. Hãy bỏ dục, bỏ tham, |
710. Ūnūdaro mitāhāro appicchassa alolupo, | 710. Nên có bao tử vơi, nên có vật thực giới hạn, nên ít ham muốn, không tham lam. Vị ấy quả thật không có sự khao khát do ước muốn, là vị không cón ước muốn, được tịch tịnh. | 707. Bụng đói, ăn chừng mực, |
711. Sapiṇḍacāraṃ caritvā vanantamabhihāraye, | 711. Sau khi hành hạnh khất thực, bậc hiền trí nên đi đến ven rừng, đứng cạnh gốc cây, rồi tiến đến chỗ ngồi. | 708. Sau khi đi khất thực, |
712. Sa jhānapasuto dhīro vanante ramito siyā, | 712. Đeo đuổi việc tham thiền, bậc sáng trí ấy nên vui thích nơi ven rừng; trong lúc làm hài lòng bản thân, nên tham thiền ở gốc cây. | 709. Bậc Hiền trí hành thiền, |
713. Tato ratyā vivasane gāmantamabhihāraye, | 713. Kế đó, khi tàn đêm, nên đi vào trong làng, không nên thích thú lời mời mọc và tặng phẩm từ ngôi làng. | 710. Khi đêm hết, sáng đến, |
714. Na munī gāmamāgamma kulesu sahasā care, | 714. Sau khi đi đến làng, bậc hiền trí không nên đi lại vội vàng ở các gia đình, việc chuyện vãn được cắt đứt, không nên nói lời nói gợi ý tầm cầu về vật thực. | 711. Ẩn sĩ không đi gấp, |
715. Alatthaṃ yadidaṃ sādhu nālatthaṃ kusalaṃ iti, | 715. ‘Ta đã nhận được, việc này là tốt đẹp. Ta đã không nhận được, lành thay!” (nghĩ thế) với cả hai trường hợp, vị ấy đều tự tại, tựa như người đến gần cội cây rồi bỏ đi (dầu có hái được trái cây hay không cũng bình thản). | 712. Nếu được, thật là tốt, |
716. Sa pattapāṇī vicaranto amūgo mūgasammato, | 716. Vị ấy với bình bát ở bàn tay, trong khi đi đó đây, không là người câm, được xem như người câm, không nên khinh chê vật thí ít ỏi, không nên xem thường thí chủ. | 713. Ði với bát cầm tay, |
717. Uccāvacā hi paṭipadā samaṇena pakāsitā, | 717. Bởi vì đường lối thực hành cao và thấp đã được vị Sa-môn giảng giải. Họ không đi đến bờ kia hai lần; điều này được cảm giác không chỉ một lần. | 714. Bậc Sa-môn thuyết giảng, |
718. Yassa ca visatā natthi chinnasotassa bhikkhuno, | 718. Đối với vị tỳ khưu nào không có tham ái, đã cắt đứt dòng chảy, đã dứt bỏ việc cần làm và không cần làm, sự bực bội (của vị ấy) không hiện hữu. | 715. Với ai, không có tham, |
719. Moneyyaṃ te upaññissaṃ (iti bhagavā) | 719. (Đức Thế Tôn nói) Ta sẽ giúp cho ngươi hiểu về hiền trí hạnh. Nên giống như là lưỡi dao cạo. Nên áp chặt cái lưỡi vào nóc họng, nên tự chế ngự ở bao tử. | 716. Thế Tôn lại nói thêm: |
720. Alīnacitto ca siyā na cāpi bahu cintaye, | 720. Và nên có tâm không bị trì trệ, và cũng không nên suy nghĩ nhiều, không còn mùi hôi thối (phiền não), không lệ thuộc, có Phạm hạnh là mục đích. | 717. Tâm chớ có thụ động, |
721. Ekāsanassa sikkhetha samaṇūpāsanassa ca, | 721. Nên học tập về hạnh độc cư và về sự rèn luyện của bậc Sa-môn. Trạng thái đơn độc được gọi là hiền trí. Hiển nhiên, một mình sẽ thỏa thích. | 718. Hãy tập ngồi một mình, |
722. Atha bhāsihi dasadisā. | 722. Rồi ngươi sẽ chiếu sáng mười phương. Sau khi nghe được danh tiếng của các bậc sáng trí, có thiền, có sự xả bỏ các dục, từ đó đệ tử của Ta nên làm tăng trưởng sự hổ thẹn tội lỗi và niềm tin. | 719. Hãy chói sáng mười phương, |
723. Taṃ nadīhi vijānātha sobbhesu padaresu ca, | 723. Nên nhận biết điều ấy từ các con sông ở các hố nước và các khe nước, các dòng nước nhỏ di chuyển gây tiếng động, đại dương im lặng di chuyển. | 720. Hãy học các dòng nước, |
724. Yadūnakaṃ taṃ saṇati yaṃ pūraṃ santameva taṃ, | 724. Cái gì thiếu kém cái ấy làm thành tiếng vang, cái gì đầy ắp cái ấy thật yên tịnh. Kẻ ngu tương tự cái chum đầy một nửa, bậc sáng suốt tựa như hồ nước đầy tràn. | 721. Cái gì trống kêu to, |
725. Yaṃ samaṇo bahu bhāsati upetaṃ atthasaṃhitaṃ, | 725. Điều mà Sa-môn nói nhiều là điều được liên quan, chứa đựng sự lợi ích. Có chủ tâm vị ấy thuyết giảng Giáo Pháp, có chủ tâm vị ấy nói nhiều. | 722. Khi Sa-môn nói nhiều, |
726. Yo ca jānaṃ samaṃ yutto jānaṃ na bahu bhāsati, | 726. Và vị nào có chủ tâm gắn bó sự an tịnh, có chủ tâm không nói nhiều, vị hiền trí ấy xứng đáng bản thể hiền trí, vị hiền trí ấy đã chứng đạt bản thể hiền trí." | 723. Ai biết, biết tự chế, |
Nālakasuttaṃ niṭṭhitaṃ. | Dứt Kinh Nālaka.
|
12. DVAYATĀNUPASSANĀSUTTAṂ |
12. KINH QUÁN XÉT HAI KHÍA CẠNH |
12. KINH HAI PHÁP TÚY QUÁN
|
Evaṃ me sutaṃ: Ekaṃ samayaṃ bhagavā sāvatthiyaṃ viharati pubbārāme migāramātu pāsāde. Tena kho pana samayena bhagavā tadahuposathe pannarase puṇṇāya puṇṇamāya rattiyā bhikkhusaṅgha-parivuto abbhokāse nisinno hoti. Atha kho bhagavā tuṇhībhūtaṃ tuṇhībhūtaṃ bhikkhusaṅghaṃ anuviloketvā bhikkhū āmantesi: | Tôi đã nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại thành Sāvatthi, tu viện Pubba, ở tòa nhà dài của Mẹ của Migāra Vào lúc bấy giờ, nhằm ngày Uposatha, vào ngày mười lăm, trong đêm trăng tròn vằng vặc, đức Thế Tôn ngồi ở ngoài trời, được vây quanh bởi hội chúng tỳ khưu. Khi ấy, sau khi xem xét thấy hội chúng tỳ khưu có trạng thái im lặng hoàn toàn, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng: | Như vầy tôi nghe: Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Ðông Viên, tại lâu đài mẹ của Migàra. Lúc bấy giờ, trong ngày trai giới Uposatha, vào ngày rằm, trăng tròn, trong đêm rằm, Thế Tôn ngồi giữa trời với chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi Thế Tôn nhìn xung quanh chúng Tỷ-kheo đang yên lặng, nói với các Tỷ-kheo: |
Ye te bhikkhave, kusalā dhammā ariyā niyyānikā sambodhagāmino, tesaṃ vo bhikkhave, kusalānaṃ dhammānaṃ ariyānaṃ niyyānikānaṃ sambodhagāminaṃ kā upanisā savaṇāyāti. Iti ce bhikkhave, pucchitāro assu te evamassu vacanīyā: Yāvadeva dvayatānaṃ dhammānaṃ yathābhūtaṃ ñāṇāyāti. | “Này các tỳ khưu, các pháp thiện nào là cao thượng, dẫn dắt ra khỏi, đưa đến giác ngộ, này các tỳ khưu, lý do gì khiến các ngươi lắng nghe các pháp thiện, cao thượng, dẫn dắt ra khỏi, đưa đến giác ngộ ấy? Này các tỳ khưu, nếu có những người hỏi như thế, những người ấy nên được nói như vầy: ‘Chỉ để đưa đến sự nhận biết đúng theo bản thể đối với các pháp có hai khía cạnh.’ | - Này các Tỷ-kheo, phàm có những thiện pháp nào thuộc bậc Thánh có khả năng hướng thượng, đưa đến giác ngộ; này các Tỷ-kheo, đối với các thiện pháp thuộc bậc Thánh có khả năng hướng thượng đưa đến giác ngộ ấy do lý do gì các Thầy nghe những pháp ấy? Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thể được hỏi như vậy, các Thầy có thể trả lời cho những người câu hỏi ấy như sau: "Vì muốn có như thật trí đối với hai pháp". |
Kiñca dvayataṃ vadetha:
| ‘Và các vị nói cái gì là hai khía cạnh?’ | Và nếu các Thầy nói: "Thế nào là hai?". |
Idaṃ dukkhaṃ ayaṃ dukkhasamudayo ’ti ayamekānupassanā. Ayaṃ dukkhanirodho ayaṃ dukkhanirodhagāminīpaṭipadā ’ti ayaṃ dutiyānupassanā.
| ‘Đây là Khổ, đây là Nguyên Nhân của Khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Đây là sự Diệt Khổ, đây là sự Thực Hành theo Con Đường đưa đến sự Diệt Khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì. | - "Ðây là khổ, đây là khổ tập", đây là tuỳ quán thứ nhất. "Ðây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt", đây là tùy quán thứ hai. |
Evaṃ sammā dvayatānupassino kho bhikkhave, bhikkhuno appamattassa ātāpino pahitattassa viharato dvinnaṃ phalānaṃ aññataraṃ phalaṃ pāṭikaṅkhaṃ diṭṭheva dhamme aññā, sati vā upādisese anāgāmitāti.
| Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh một cách đúng đắn như vậy, không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có bản tánh cương quyết, một quả báu nào đó trong hai quả báu là điều chờ đợi: trí giải thoát ở đời hiện tại, hoặc nếu còn dư sót thì phẩm vị Bất Lai.” | Này các Tỷ-kheo, như vậy do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn. |
Idamavoca bhagavā. Idaṃ vatvā sugato athāparaṃ etadavoca satthā:
| Đức Thế Tôn đã nói điều này. Sau khi nói điều này, đấng Thiện Thệ, bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:
| Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm: |
727. Ye dukkhaṃ nappajānanti atho dukkhassa sambhavaṃ, | 727. “Những người nào không nhận biết khổ, rồi nguồn sanh khởi của khổ, và nơi nào khổ được tiêu hoại toàn bộ không dư sót, và không biết về đạo lộ ấy, (đạo lộ) đưa đến sự yên lặng của khổ. | 724. Ai không tuệ tri khổ, |
728. Cetovimuttihīnā te atho paññāvimuttiyā, | 728. Những người ấy là thấp kém về sự giải thoát của tâm, rồi sự giải thoát của tuệ, những người ấy không thể thực hiện việc chấm dứt, quả thật họ đi đến sanh và già. | 725. Không có tâm giải thoát, |
729. Ye ca dukkhaṃ pajānanti atho dukkhassa sambhavaṃ, | 729. Và những người nào nhận biết khổ, rồi nguồn sanh khởi của khổ, và nơi nào khổ được tiêu hoại toàn bộ không dư sót, và nhận biết đạo lộ ấy, (đạo lộ) đưa đến sự yên lặng của khổ. | 726. Những ai tuệ tri khổ |
730. Cetovimuttisampannā atho paññāvimuttiyā, | 730. Những người ấy thành tựu sự giải thoát của tâm, rồi sự giải thoát của tuệ, những người ấy có thể thực hiện việc chấm dứt, quả thật họ không đi đến sanh và già.” | 727. Ðầy đủ tâm giải thoát, |
Siyā aññenapi pariyāyena sammā dvayatānupassanāti, iti ce bhikkhave, pucchitāro assu siyātissu vacanīyā, kathañca siyā? Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti sabbaṃ upadhipaccayāti, ayamekānupassanā. Upādhīnaṃ tveva asesavirāganirodhā natthi dukkhassa sambhavoti, ayaṃ dutiyānupassanā. | ‘Có thể có sự quán xét hai khía cạnh một cách đúng đắn bằng một phương thức khác,’ này các tỳ khưu, nếu có những người hỏi như thế, những người ấy nên được nói như vầy: ‘Có thể.’ Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do mầm tái sanh là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của các mầm tái sanh, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.
| Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có chân chánh tuỳ quán hai pháp, theo một pháp môn khác không?" Các Thầy cần phải trả lời: "Có thể có". Có thể có như thế nào? "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên sanh y", đây là tuỳ quán pháp thứ nhất. "Do sự đoạn diệt, ly tham, các sanh y không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán thứ hai. |
Evaṃ sammā —pe— athāparaṃ etadavoca satthā: | (Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa: | - Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tuỳ quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn. Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm: |
731. Upadhinidānā pabhavanti dukkhā | 731. “Bất cứ các khổ nào, với nhiều hình thức, phát khởi ở thế gian đều có mầm tái sanh là căn nguyên. Thật vậy, kẻ ngu nào, không biết, tạo ra mầm tái sanh, (sẽ) đi đến khổ lần này lần khác. Vì thế, người có sự quán xét về sự sanh ra và phát khởi của khổ, trong khi nhận biết, không nên tạo ra mầm tái sanh.” | 728. Chính do duyên sanh y, |
Siyā aññenapi pariyāyena sammā dvayatānupassanāti iti ce bhikkhave, pucchitāro assu siyātissu vacanīyā, kathañca siyā? Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti sabbaṃ avijjāpaccayāti, ayamekānupassanā. Avijjāya tveva asesavirāganirodhā natthi dukkhassa sambhavoti, ayaṃ dutiyānupassanā. | ‘Có thể có sự quán xét hai khía cạnh một cách đúng đắn bằng một phương thức khác,’ này các tỳ khưu, nếu có những người hỏi như thế, những người ấy nên được nói như vầy: ‘Có thể.’ Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do vô minh là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của vô minh, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.
| Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có chân chánh tùy quán hai pháp theo một pháp môn khác không?" Các Thầy cần phải trả lời: "Có thể có". Có thể có như thế nào? "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên vô minh", đây là tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham, vô minh không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. |
Evaṃ sammā —pe— athāparaṃ etadavoca satthā: | (Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa: | Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn. Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo sư lại nói thêm: |
732. Jātimaraṇasaṃsāraṃ ye vajanti punappunaṃ, | 732. “Những người nào đi đến sanh, tử, luân hồi lần này lần khác, đến sự hiện hữu này và sự hiện hữu khác, tiến trình ấy là do chính vô minh. | 729. Những ai tiếp tục rơi, |
733. Avijjā hayaṃ mahāmoho yenidaṃ saṃsitaṃ ciraṃ, | 733. Bởi vì vô minh này là sự mê muội lớn lao, do nó việc bị luân hồi này là lâu dài. Và những chúng sanh nào đạt được minh, họ không đi đến sự hiện hữu lại nữa.” | 730. Vô minh này, đại si, |
Siyā aññenapi —pe— kathañca siyā? Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti sabbaṃ saṅkhārapaccayāti, ayamekānupassanā. Saṅkhārānaṃ tveva asesavirāganirodhā natthi dukkhassa sambhavoti, ayaṃ dutiyānupassanā. | ‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do các hành là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của các hành, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.
| Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên các hành", đây là tuỳ quán pháp thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham, các hành không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. |
Evaṃ sammā —pe— athāparaṃ etadavoca satthā: | (Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:
| Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp. Bậc Ðạo sư lại nói thêm: |
734. Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti sabbaṃ saṅkhārapaccayā, | 734. “Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do các hành là duyên. Do sự diệt tận của các hành, không có sự hình thành của khổ. | 731. Phàm khổ gì hiện hữu, |
735. Etamādīnavaṃ ñatvā dukkhaṃ saṅkhārapaccayā, | 735. Sau khi biết được điều ấy là bất lợi, (biết được) khổ do các hành là duyên. Do sự yên lặng của tất cả các hành, do sự ngưng lại của tưởng, như vậy có sự cạn kiệt của khổ, sau khi biết điều này đúng theo thực thể ... | 732. Do biết nguy hiểm này, |
736. Sammaddasā vedaguno sammadaññāya paṇḍitā, | 736. ... các bậc đạt được sự thông hiểu đã nhìn thấy đúng đắn; với sự nhận biết đúng đắn, các bậc sáng suốt, sau khi chế ngự sự ràng buộc của Ma Vương, không đi đến sự hiện hữu lại nữa.” | 733. Bậc Hiền trí chánh kiến, |
Siyā aññenapi —pe— kathañca siyā? Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti sabbaṃ viññāṇapaccayāti, ayamekānupassanā. Viññāṇassa tveva asesavirāganirodhā natthi dukkhassa sambhavoti, ayaṃ dutiyānupassanā.
| ‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do thức là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của thức, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.
| Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thức", đây là tùy quán pháp thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham thức không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. |
Evaṃ sammā —pe— athāparaṃ etadavoca satthā: | (Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:
| Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, bậc Ðạo sư lại nói thêm: |
737. Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti sabbaṃ viññāṇapaccayā, | 737. “Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do thức là duyên. Do sự diệt tận của thức, không có sự hình thành của khổ. | 734. Phàm khổ gì hiện hữu, |
738. Etamādīnavaṃ ñatvā dukkhaṃ viññāṇapaccayā, | 738. Sau khi biết được điều ấy là bất lợi, (biết được) khổ do thức là duyên, do sự yên tịnh của thức, vị tỳ khưu không còn sự khao khát, được hoàn toàn tịch tịnh.” | 735. Do biết nguy hiểm hày, |
Siyā aññenapi —pe— kathañca siyā? Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti sabbaṃ phassapaccayāti, ayamekānupassanā. Phassassa tveva asesavirāganirodhā natthi dukkhassa sambhavoti, ayaṃ dutiyānupassanā.
| ‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do xúc là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của xúc, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.
| Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:.... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên xúc", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham xúc không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. |
Evaṃ sammā —pe— athāparaṃ etadavoca satthā: | (Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:
| Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp. Bậc Ðạo Sư lại nói thêm: |
739. Tesaṃ phassaparetānaṃ bhavasotānusārinaṃ, | 739. “Đối với những người bị quấy nhiễu bởi (sáu) xúc, có sự xuôi theo dòng chảy của hiện hữu, đang thực hành đường lối xấu xa, sự cạn kiệt các mối ràng buộc là xa xôi. | 736. Những ai, xúc chi phối, |
740. Ye ca phassaṃ pariññāya aññāya upasame ratā, | 740. Và những người nào, sau khi biết toàn diện về xúc, được thích thú ở sự an tịnh nhờ vào trí hiểu biết, những người ấy, thật vậy, do sự lãnh hội về xúc, không còn sự khao khát, được hoàn toàn tịch tịnh.” | 737. Những ai liễu tri xúc, |
Siyā aññenapi —pe— kathañca siyā? Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti sabbaṃ vedanāpaccayāti, ayamekānupassanā. Vedanānaṃ tveva asesavirāganirodhā natthi dukkhassa sambhavoti, ayaṃ dutiyānupassanā. | ‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do thọ là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của thọ, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.
| Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thọ", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham thọ không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. |
Evaṃ sammā —pe— athāparaṃ etadavoca satthā: | (Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:
| Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp. Bậc Ðạo Sư lại nói thêm: |
741. Sukhaṃ vā yadi vā dukkhaṃ adukkhamasukhaṃ saha, | 741. “Bất cứ điều gì có sự được cảm thọ, dầu là lạc hay là khổ, (hay là) với không khổ không lạc, ở nội phần và ở ngoại phần, ... | 738. Với lạc thọ, khổ thọ, |
742. Etaṃ dukkhanti ñatvāna mosadhammaṃ palokitaṃ, | 742. ... Sau khi biết được ‘điều ấy là khổ, có tính chất giả trá, bị đổ vỡ, trong khi nhìn thấy sự hoại diệt sau mỗi lượt xúc chạm và nhận thức như vậy tại nơi ấy, do sự cạn kiệt của các thọ, vị tỳ khưu không còn sự khao khát, được hoàn toàn tịch tịnh.” | 739. Biết được đây là khổ, |
Siyā aññenapi —pe— kathañca siyā? Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti sabbaṃ taṇhāpaccayāti, ayamekānupassanā. Taṇhāya tveva asesavirāganirodhā natthi dukkhassa sambhavoti, ayaṃ dutiyānupassanā. | ‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do ái là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của ái, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì. | Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên ái", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham ái, không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. |
Evaṃ sammā —pe— athāparaṃ etadavoca satthā: | (Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:
| Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chán tùy quán hai pháp. Bậc Ðạo Sư lại nói thêm: |
743. Taṇhā dutiyo puriso dīghamaddhāna saṃsaraṃ, | 743. “Có tham ái là bạn lữ, trong khi luân chuyển một thời gian dài đến sự hiện hữu này và sự hiện hữu khác, con người không vượt qua được luân hồi. | 740. Người có ái bạn đường, |
744. Etamādīnavaṃ ñatvā taṇhā dukkhassa sambhavaṃ, | 744. Sau khi biết được điều ấy là bất lợi, (biết được) tham ái là nguồn sanh khởi của khổ, vị tỳ khưu có tham ái đã được xa lìa, không có nắm giữ, có niệm, nên ra đi du phương.” | 741. Do biết nguy hiểm nầy, |
Siyā aññenapi —pe— kathañca siyā? Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti sabbaṃ upādānapaccayāti, ayamekānupassanā. Upādānānaṃ tveva asesavirāganirodhā natthi dukkhassa sambhavoti, ayaṃ dutiyānupassanā. | ‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do thủ là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của thủ, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.
| Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:.... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thủ", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham thủ không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. |
Evaṃ sammā —pe— athāparaṃ etadavoca satthā: | (Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:
| Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp. Bậc Ðạo Sư lại nói thêm: |
745. Upādānapaccayā bhavo bhūto dukkhaṃ nigacchati, | 745. “Do thủ là duyên, có hữu. Ngưỡi đã được hiện hữu phải chịu khổ. Có cái chết dành cho người đã được sanh ra; điều ấy là nguồn sanh khởi của khổ. | 742. Do duyên thủ, có hữu, |
746. Tasmā upādānakkhayā sammadaññāya paṇḍitā, | 746. Vì thế, do sự cạn kiệt của thủ, các bậc sáng suốt, với sự nhận biết đúng đắn, sau khi biết rõ sự cạn kiệt của sanh, không đi đến sự hiện hữu lại nữa.” | 743. Do vậy, bậc Hiền trí, |
Siyā aññenapi —pe— kathañca siyā? Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti sabbaṃ ārambhapaccayāti, ayamekānupassanā. Ārambhānaṃ tveva asesavirāganirodhā natthi dukkhassa sambhavoti, ayaṃ dutiyānupassanā. | ‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do sự khởi động (gắn liền với nghiệp) là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của sự khởi động, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.
| Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên khởi xướng", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt ly tham khởi xướng không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. |
Evaṃ sammā —pe— athāparaṃ etadavoca satthā: | (Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:
| Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp. Bậc Ðạo Sư lại nói thêm: |
747. Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti sabbaṃ ārambhapaccayā, | 747. “Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do sự khởi động là duyên. Do sự diệt tận của sự khởi động, không có sự hình thành của khổ. | 744. Phàm khổ gì hiện hữu, |
748. Etamādīnavaṃ ñatvā dukkhaṃ ārambhapaccayā, | 748. Sau khi biết được điều ấy là bất lợi, (biết được) khổ do sự khởi động là duyên, sau khi từ bỏ mọi sự khởi động, đối với vị đã giải thoát khỏi sự khởi động, ... | 745. Do biết nguy hiểm này, |
749. Ucchinnabhavataṇhassa santacittassa bhikkhuno, | 749. ... đối với vị tỳ khưu có hữu ái đã được trừ tuyệt, có tâm an tịnh, việc luân hồi tái sanh đã được triệt tiêu, đối với vị ấy không có sự hiện hữu lại nữa.” | 746. Do đoạn tận hữu ái, |
Siyā aññenapi —pe— kathañca siyā? Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti sabbaṃ āhārapaccayāti, ayamekānupassanā. Āhārānaṃ tveva asesavirāganirodhā natthi dukkhassa sambhavoti, ayaṃ dutiyānupassanā. | ‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do dưỡng chất là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của các dưỡng chất, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.
| Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thức ăn", đây là pháp tùy quán quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham thức ăn không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. |
Evaṃ sammā —pe— athāparaṃ etadavoca satthā: | (Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:
| Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp. Bậc Ðạo Sư lại nói thêm: |
750. Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti sabbaṃ āhārapaccayā, | 750. “Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do dưỡng chất là duyên. Do sự diệt tận của các dưỡng chất, không có sự hình thành của khổ. | 747. Phàm khổ gì hiện hữu, |
751. Etamādīnavaṃ ñatvā dukkhaṃ āhārapaccayā, | 751. Sau khi biết được điều ấy là bất lợi, (biết được) khổ do dưỡng chất là duyên, sau khi biết toàn diện về mọi dưỡng chất thì không bị lệ thuộc vào mọi dưỡng chất. | 748. Do biết nguy hiểm này, |
752. Ārogyaṃ sammadaññāya āsavānaṃ parikkhayā, | 752. Với sự nhận biết đúng đắn về vô bệnh (Niết Bàn), do sự hoàn toàn cạn kiệt của các lậu hoặc, vị có sự hành trì, sau khi phán xét, đứng vững ở Giáo Pháp; các bậc đạt được sự thông hiểu không đi đến sự phán xét.” | 749. Nhờ chánh trí không bệnh, |
Siyā aññenapi —pe— kathañca siyā? Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti sabbaṃ iñjitapaccayāti, ayamekānupassanā. Iñjitānaṃ tveva asesavirāganirodhā natthi dukkhassa sambhavoti, ayaṃ dutiyānupassanā. | ‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do sự loạn động là duyên,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Nhưng chính do sự hoàn toàn không còn ái luyến và sự diệt tận của các sự loạn động, không có sự hình thành của khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhì.
| Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên dao động", đây là pháp tùy quán quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham dao động không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. |
Evaṃ sammā —pe— athāparaṃ etadavoca satthā: | (Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:
| Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp. Bậc Ðạo Sư lại nói thêm: |
753. Yaṃ kiñci dukkhaṃ sambhoti sabbaṃ iñjitapaccayā, | 753. “Bất cứ khổ nào được hình thành, tất cả do sự loạn động là duyên. Do sự diệt tận của các sự loạn động, không có sự hình thành của khổ. | 750. Phàm khổ gì hiện hữu, |
754. Etamādīnavaṃ ñatvā dukkhaṃ iñjitapaccayā, | 754. Sau khi biết được điều ấy là bất lợi, (biết được) khổ do sự loạn động là duyên, chính vì thế, sau khi buông bỏ dục vọng, sau khi chận đứng các hành, vị tỳ khưu không còn dục vọng, không có nắm giữ, có niệm, nên ra đi du phương.” | 751. Do biết nguy hiểm này, |
Siyā aññenapi —pe— kathañca siyā? Nissitassa calitaṃ hotīti, ayamekānupassanā. Anissato na calatīti, ayaṃ dutiyānupassanā. | ‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Người bị lệ thuộc có sự bị dao động,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Người không bị lệ thuộc không dao động,’ đây là sự quán xét thứ nhì.
| Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Ai có nương tựa, thì bị dao động", đây là pháp tùy quán quán thứ nhất. "Ai không có nương tựa, không bị dao động", đây là pháp tùy quán thứ hai. |
Evaṃ sammā —pe— athāparaṃ etadavoca satthā: | (Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:
| Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp. Bậc Ðạo Sư lại nói thêm: |
755. Anissito na calati nissito ca upādiyaṃ, | 755. “Người không bị lệ thuộc không dao động, và người bị lệ thuộc, trong khi chấp thủ sự hiện hữu này và sự hiện hữu khác, không vượt qua được luân hồi. | 752. Không nương tựa, không động, |
756. Etamādīnavaṃ ñatvā nissayesu mahabbhayaṃ, | 756. Sau khi biết được điều ấy là bất lợi, (biết được) nỗi sợ hãi lớn lao ở các sự lệ thuộc, vị tỳ khưu không bị lệ thuộc, không có nắm giữ, có niệm, nên ra đi du phương.” | 753. Sau khi rõ biết được, |
Siyā aññenapi —pe— kathañca siyā? Rūpehi bhikkhave āruppā santatarāti, ayamekānupassanā. Āruppehi nirodho santataroti, ayaṃ dutiyānupassanā. | ‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Này các tỳ khưu, các trạng thái vô sắc an tịnh hơn các trạng thái sắc,’ đây là sự quán xét thứ nhất. ‘Sự diệt tận an tịnh hơn các trạng thái vô sắc,’ đây là sự quán xét thứ nhì.
| Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có như thế nào?" Này các Tỷ-kheo "Các pháp vô sắc an tịnh hơn các sắc pháp", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Sự đoạn diệt an tinh hơn các pháp vô sắc", đây là pháp tùy quán thứ hai. |
Evaṃ sammā —pe— athāparaṃ etadavoca satthā: | (Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:
| Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp. Bậc Ðạo Sư lại nói thêm: |
757. Ye ca rūpūpagā sattā ye ca āruppavāsino, | 757. “Và những chúng sanh nào đã đi đến sắc giới, và những người nào trú ở vô sắc giới, trong khi không biết toàn diện về tịch diệt (Niết Bàn), là những người đi đến sự hiện hữu lại nữa. | 754. Chúng sanh thuộc sắc giới, |
758. Ye ca rūpe pariññāya arūpesu susaṇṭhitā, | 758. Và những người nào sau khi biết toàn diện về sắc giới, đã khéo đứng vững ở vô sắc giới, những người nào được giải thoát ở tịch diệt (Niết Bàn), những người ấy có sự từ bỏ Tử Thần.” | 755. Những ai liễu tri sắc, |
Siyā aññenapi —pe— kathañca siyā? Yaṃ bhikkhave sadevakassa lokassa samārakassa sabrahmakassa sassamaṇabrāhmaṇiyā pajāya sadevamanussāya idaṃ saccanti upanijjhāyitaṃ tadamariyānaṃ etaṃ musāti yathābhūtaṃ sammappaññāya sudiṭṭhaṃ, ayamekānupassanā. Yaṃ bhikkhave sadevakassa lokassa samārakassa sabrahmakassa sassamaṇabrāhmaṇiyā pajāya sadevamanussāya etaṃ musāti upanijjhāyitaṃ tadamariyānaṃ etaṃ musāti yathābhūtaṃ sammappaññāya sudiṭṭhaṃ, ayaṃ dutiyānupassanā. | ‘Có thể có —như trên— bằng một phương thức khác,’ —như trên— Và có thể như thế nào? ‘Này các tỳ khưu, điều nào mà đối với thế gian, tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người,được suy tưởng rằng: ‘Điều này là sự thật,’ điều ấy đấy đối với các bậc Thánh được nhìn thấy rõ bằng tuệ chân chánh đúng theo bản thể rằng: ‘Diều này là giả trá,’ đây là sự quán xét thứ nhất. Này các tỳ khưu, điều nào mà đối với thế gian, tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người,được suy tưởng rằng: ‘Điều này là giả trá,’ điều ấy đấy đối với các bậc Thánh được nhìn thấy rõ bằng tuệ chân chánh đúng theo bản thể rằng: ‘Diều này là sự thật,’ đây là sự quán xét thứ hai.
| Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có như thế nào?" Này các Tỷ-kheo, "Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: "Ðây là sự thật", cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này là hư vọng", đây là pháp tùy quán thứ nhất. Này các Tỷ-kheo, "Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: "Ðây là hư vọng", cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này là chân thật", đây là pháp tùy quán thứ hai. |
Evaṃ sammā —pe— athāparaṃ etadavoca satthā: | (Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh) một cách đúng đắn như vậy —như trên— bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:
| Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp. Bậc Ðạo Sư lại nói thêm: |
759. Anattani attamāniṃ passa lokaṃ sadevakaṃ, | 759. “Hãy nhìn xem thế gian, tính luôn cõi chư Thiên, có sự hoan hỷ ở vô ngã (và) bị chìm đắm ở danh và sắc. Họ nghĩ rằng: ‘Điều này là sự thật.’ | 756. Hãy xem thế giới nầy, |
| 760. Dẫu cho họ nghĩ thế nào, cái ấy trở thành cái khác so với chính nó. Chính cái ấy trở nên giả trá đối với nó, bởi vì nó có tính chất giả trá và ngắn ngủi. | 757. Dầu họ nghĩ thế nào, |
761. Amosadhammaṃ nibbānaṃ tadariyā saccato viduṃ, | 761. Niết Bàn là pháp không giả trá, các bậc Thánh đã biết điều ấy là sự thật. Những vị ấy, thật vậy, do sự lãnh hội về sự thật, không còn sự khao khát, được hoàn toàn tịch tịnh.” | 758. Niết-bàn không hư ngụy, |
Siyā aññenapi pariyāyena sammā dvayatānupassanāti iti ce bhikkhave, pucchitāro assu siyātissu vacanīyā, kathañca siyā? Yaṃ bhikkhave sadevakassa lokassa samārakassa sabrahmakassa sassamaṇabrāhmaṇiyā pajāya sadevamanussāya idaṃ sukhanti upanijjhāyitaṃ tadamariyānaṃ etaṃ dukkhanti yathābhūtaṃ sammappaññāya sudiṭṭhaṃ, ayamekānupassanā. Yaṃ bhikkhave sadevakassa lokassa samārakassa sabrahmakassa sassamaṇabrāhmaṇiyā pajāya sadevamanussāya idaṃ dukkhanti upanijjhāyitaṃ tadamariyānaṃ etaṃ sukhanti yathābhūtaṃ sammappaññāya sudiṭṭhaṃ, ayaṃ dutiyānupassanā. | ‘Có thể có sự quán xét hai khía cạnh một cách đúng đắn bằng một phương thức khác,’ này các tỳ khưu, nếu có những người hỏi như thế, những người ấy nên được nói như vầy: ‘Có thể.’ Và có thể như thế nào? ‘Này các tỳ khưu, điều nào mà đối với thế gian, tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người, được suy tưởng rằng: ‘Điều này là lạc,’ điều ấy đấy đối với các bậc Thánh được nhìn thấy rõ bằng tuệ chân chánh đúng theo bản thể rằng: ‘Diều này là khổ,’ đây là sự quán xét thứ nhất. Này các tỳ khưu, điều nào mà đối với thế gian, tính luôn cõi chư Thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm Thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài người,được suy tưởng rằng: ‘Điều này là khổ,’ điều ấy đấy đối với các bậc Thánh được nhìn thấy rõ bằng tuệ chân chánh đúng theo bản thể rằng: ‘Diều này là lạc,’ đây là sự quán xét thứ hai.
| Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có như thế nào?" Này các Tỷ-kheo, "Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: "Ðây là an lạc", cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này là khổ", đây là pháp tùy quán thứ nhất. Này các Tỷ-kheo, "Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: "Ðây là khổ", cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này là lạc", đây là pháp tùy quán thứ hai. |
Evaṃ sammā dvayatānupassino kho bhikkhave, bhikkhuno appamattassa ātāpino pahitattassa viharato dvinnaṃ phalānaṃ aññataraṃ phalaṃ pāṭikaṅkhaṃ diṭṭheva dhamme aññā, sati vā upādisese anāgāmitāti. Idamavoca bhagavā. Idaṃ vatvā sugato athāparaṃ etadavoca satthā: | Này các tỳ khưu, đối với vị tỳ khưu sống có sự quán xét hai khía cạnh một cách đúng đắn như vậy, không bị xao lãng, có nhiệt tâm, có bản tánh cương quyết, một quả báu nào đó trong hai quả báu là điều chờ đợi: trí giải thoát ở đời hiện tại, hoặc nếu còn dư sót thì phẩm vị Bất Lai. Đức Thế Tôn đã nói điều này. Sau khi nói điều này, đấng Thiện Thệ, bậc Đạo Sư còn nói thêm điều này nữa:
| Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp. Bậc Ðạo Sư lại nói thêm: |
762. Rūpā saddā rasā gandhā phassā dhammā ca kevalā, | 762. “Các sắc, các thinh, các vị, các hương, các xúc, và các pháp, tất cả là đáng mong, đáng yêu, và đáng mến khi nào chúng còn (có trạng thái) được gọi là ‘hiện hữu.’ | 759. Sắc, tiếng, hương, vị, xúc, |
763. Sadevakassa lokassa ete vo sukhasammatā, | 763. Đối với thế gian, tính luôn cõi chư Thiên, các pháp này được công nhận là lạc, và nơi nào các pháp này được diệt tận, điều ấy đối với chúng được công nhận là khổ. | 760. Thế giới với chư Thiên |
764. Sukhanti diṭṭhamariyehi sakkāyassuparodhanaṃ, | 764. Sự hoại diệt của bản thân này được các bậc Thánh xem là ‘lạc,’ điều (nhận thức) này của các bậc đang nhìn thấy là đối nghịch với tất cả thế gian. | 761. Bậc Thánh thấy là lạc, |
765. Yaṃ pare sukhato āhu tadariyā āhu dukkhato, | 765. Điều nào những kẻ khác đã nói là lạc, điều ấy các bậc Thánh đã nói là khổ. Điều nào những kẻ khác đã nói là khổ, điều ấy các bậc Thánh đã biết là lạc. | 762. Ðiều người khác gọi lạc, |
766. Passa dhammaṃ durājānaṃ sampamūḷhettha aviddasu, | 766. Hãy nhìn xem Pháp khó nhận biết (Niết Bàn), ở đây những kẻ ngu muội không nhìn thấy. Sự tối tăm là dành cho những kẻ bị che đậy, bóng đêm là dành cho những kẻ không nhìn thấy. | Hãy xem pháp khó biết, 763. Kẻ bị che, tối tăm,
|
767. Satañca vivaṭaṃ hoti āloko passatāmiva, | 767. Sự mở ra (Niết Bàn) là dành cho những người tốt lành, ví như ánh sáng là dành cho những người đang nhìn thấy. Những kẻ ngu không thông thạo Giáo Pháp không nhận thức được (dầu) ở gần bên. | Bậc thiện, được rộng mở, |
768. Bhavarāgaparetehi bhavasotānusāribhi, | 768. Pháp này không dễ dàng giác ngộ bởi những kẻ bị quấy nhiễu bởi hữu ái, bởi những kẻ xuôi theo dòng chảy của hữu, bởi những kẻ đã đi vào tầm khống chế của Ma Vương. | 764. Bị hữu tham chiến bại, |
769. Ko nu aññatramariyehi padaṃ sambuddhumarahati, | 769. Vậy người nào xứng đáng để giác ngộ vị thế (Niết Bàn) ngoại trừ các bậc Thánh? Với sự nhận biết đúng đắn về vị thế ấy, các ngài chứng đạt Niết Bàn, không còn lậu hoặc.” | 765. Ai ngoài các bậc Thánh, |
Idamavoca bhagavā. Attamanā te bhikkhū bhagavato bhāsitaṃ abhinandunti. Imasmiṃ kho pana veyyākaraṇasmiṃ bhaññamāne saṭṭhimattānaṃ bhikkhūnaṃ anupādāya āsavehi cittāni vimucciṃsūti. | Đức Thế Tôn đã nói điều này. Được hoan hỷ, các vị tỳ khưu ấy thỏa thích lời dạy của đức Thế Tôn. Hơn nữa, trong khi sự thuyết giảng này được nói lên, tâm của sáu mươi tỳ khưu ấy đã được giải thoát khỏi các lậu hoặc, do không còn chấp thủ. | Thế Tôn thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỉ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi pháp này được giảng, tâm của hơn sáu mươi Tỷ-kheo giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. |
Dvayatānupassanā suttaṃ niṭṭhitaṃ.
| Dứt Kinh Quán Xét Hai Khía Cạnh.
| |
TASSUDDĀNAṂ | TÓM LƯỢC KINH NÀY
|
|
Saccaṃ upadhi avijjā ca saṅkhāraviññāṇapañcamaṃ, phassavedaniyā taṇhā upādānarambhā āhārā, iñjitaṃ calitaṃ rūpaṃ saccaṃ dukkhena soḷasāti.
| Sự thật, mầm tái sanh, vô minh, các hành, và thức là thứ năm, xúc, thọ, ái, thủ, sự khởi động, các dưỡng chất, sự loạn động, sự bị dao động, sắc, sự thật, với khổ là mười sáu.
|
|
Mahāvaggo tatiyo. |
Đại Phẩm là thứ ba.
|
|
TASSA VAGGASSUDDĀNAṂ
| TÓM LƯỢC PHẨM NÀY |
|
Pabbajjā ca padhānañca subhāsitañca pūraḷāsaṃ māghasuttañca sabhiyo ca selo sallaṃ ca vuccati, vāseṭṭho cāpi kokāli nālako dvayatānupassanā dvādasetāni suttāni mahāvaggoti vuccatīti.
| Việc xuất gia, sự nỗ lực, việc khéo nói, và phần bánh cúng tế, và Kinh về vị Māgha, vị Sabhiya, vị Sela, và mũi tên được nói đến, và vị Vāseṭṭha nữa, vị Kokāli, vị Nālaka, việc quán xét hai khía cạnh, mười hai bài Kinh này gọi là Đại Phẩm.
|
|
9. MĀGANDIYASUTTAṂ
|
9. KINH VỀ MĀGANDIYA
|
(IX). KINH MĀGANDIYĀ
|
839. Disvāna taṇhaṃ aratiṃ ragañca | 839. Sau khi nhìn thấy tham ái, bất mãn, và luyến ái, | Thế Tôn: 835. Sau khi thấy khát ái, |
840. Etādisaṃ ce ratanaṃ na icchasi | 840. Nếu Ngài không ước muốn báu vật như thế này, một người nữ được mong ước bởi nhiều vị vua chúa, vậy Ngài nói về quan điểm, về giới, về phận sự, về cuộc sống, và về sự sanh lên của hiện hữu thuộc loại như thế nào? | Màgandiya: 836. Nếu Ngài không ước muốn: |
841. Idaṃ vadāmīti na tassa hoti (māgandiyāti bhagavā) | 841. (Đức Thế Tôn nói: “Này Māgandiya,) sau khi đã suy xét trong số các pháp (tà kiến), đối với Ta đây không có điều gì đã được nắm bắt (nói rằng): ‘Ta nói điều này.’ Và trong khi nhìn thấy mà không bám níu vào các tà kiến, trong khi tìm tòi, Ta đã nhìn thấy sự an tịnh ở nội phần.” | Thế Tôn: 837. Thế Tôn liền trả lời, |
842. Vinacchayā yāni pakappitāni (iti māgandiyo) | 842. (Māgandiya nói rằng:) “Các phán đoán nào đã được xếp đặt, này bậc hiền trí, ngài nói về chính chúng mà không bám níu. Điều nào có ý nghĩa là ‘sự an tịnh ở nội phần,’ điều ấy đã được tuyên bố thế nào bởi các bậc sáng trí?” | Màgandiya: 838. Màgandiya nói: |
843. Na diṭṭhiyā na sutiyā na ñāṇena (māgandiyāti bhagavā) | 843. (Đức Thế Tôn nói: “Này Māgandiya,) người ta đã nói rằng sự trong sạch không phải do kiến, không phải do nghe, không phải do trí, không phải do giới và phận sự, cũng không phải do (không có) điều ấy là do không kiến, do không nghe, do không trí, do không giới, do không phận sự. Và sau khi không nương tựa, không bám níu vào các điều này, được an tịnh, không phụ thuộc, không còn tham muốn hữu.” | Thế Tôn: 839. Thế Tôn nói như sau: |
844. No ce kira diṭṭhiyā na sutiyā na ñāṇena (iti māgandiyo) | 844. (Māgandiya nói rằng:) “Nếu nói rằng sự trong sạch không phải do kiến, không phải do nghe, không phải do trí, không phải do giới và phận sự, cũng không phải do (không có) điều ấy, là do không kiến, do không nghe, do không trí, do không giới, do không phận sự, tôi nghĩ rằng giáo lý (ấy) thật mù mờ; một số người tin rằng trong sạch là do kiến.” | Màgandiya: 840. Màgandiya nói: |
845. Diṭṭhiñca nissāya anupucchamāno (māgandiyāti bhagavā) | 845. (Đức Thế Tôn nói: “Này Māgandiya,) sau khi nương tựa vào kiến, trong khi tìm hiểu, ngươi đã đi đến sự mê muội ở những điều đã được nắm bắt. Và từ đây ngươi đã không tiếp thâu sự nhận thức dầu là nhỏ nhoi; do đó ngươi ghi nhận (điều ấy) là mù mờ.” | Thế Tôn: 841. Thế Tôn nói như sau: |
846. Samo vihesi uda vā nihīno | 846. Bằng nhau, đặc biệt, hoặc thấp hèn, | 842. Bằng ta thắng hơn ta, |
847. Saccanti so brāhmaṇo kiṃ vadeyya | 847. Vị Bà-la-môn ấy có thể nói gì (cho rằng): ‘Đây là sự thật’? | 843. Sao Bà-la-môn ấy |
848. Okam pahāya aniketasārī | 848. Sau khi từ bỏ chỗ ngụ, không có sự vương vấn nhà ở, | 844. Ðoạn tận mọi nhà cửa, |
849. Yehi vivitto vicareyya loke | 849. Sống ở thế gian, (bản thân) đã được viễn ly với những điều nào, bậc long tượng sẽ không tiếp thu và sẽ không nói về những điều ấy. Giống như cây sen có gai (ở cuống), được sanh ra ở trong nước, không bị vấy bẩn bởi nước và bùn, tương tự như vậy, bậc hiền trí nói về sự an tịnh, không bị thèm khát, không bị vấy bẩn ở dục và ở thế gian. | 845. Vị ấy sống viễn ly, |
850. Na vedagū diṭṭhiyā na mutiyā | 850. Bậc hiểu biết sâu sắc không do tà kiến, không do cảm giác mà vị ấy đi đến ngã mạn, bởi vì vị ấy không có điều ấy là bản tính. Không do hành động, cũng không do điều đã được nghe mà vị ấy có thể bị dẫn đi, vị ấy không bị dẫn dắt vào trong các sự chấp chặt. | 846. Bậc trí, không do kiến, |
851. Saññā virattassa na santi ganthā | 851. Đối với vị đã xa lìa tưởng, các trói buộc không hiện hữu, | 847. Người không ưa thích tưởng, |
Māgandiyasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
|
Dứt Kinh Māgandiya.
|
|
|
|
|
10. PURĀBHEDASUTTAṂ
|
10. KINH TRƯỚC KHI HOẠI RÃ |
(X) KINH TRƯỚC KHI BỊ HỦY HOẠI |
852. Kathaṃdassī kathaṃsīlo upasantoti vuccati, | 852. “Có sự hiểu biết thế nào, có giới thế nào, được gọi là an tịnh? Thưa ngài Gotama, được hỏi về con người tối thượng, xin ngài hãy nói về vị ấy.” | Người hỏi: 848. Người sống đời an tịnh, |
853. Vītataṇho purā bhedā (iti bhagavā) pubbamantamanissito, | 853. (Đức Thế Tôn nói): “Vị có tham ái đã được xa lìa trước khi hoại rã (xác thân) không nương tựa vào thời gian trước (quá khứ), ở vào khoảng giữa (hiện tại) không thể phân hạng; việc mong ước là không có đối với vị ấy.” | Thế Tôn: 849. Thế Tôn đáp như sau: |
854. Akkodhano asantāsī avikatthi akukkuco, | 854. Không có sự giận dữ, không xao động, không khoe khoang, không hối tiếc, có lời nói khôn khéo, không cao ngạo, vị ấy quả thật là bậc hiền trí đã thu thúc về khẩu. | 850. Không phẫn nộ, không sợ, |
855. Nirāsatti anāgate atītaṃ nānusocati, | 855. Vị không có sự dính mắc ở tương lai, không sầu muộn về quá khứ, có cái nhìn tách biệt ở các xúc, và không bị dẫn đi bởi các tà kiến. | Không ước vọng tương lai, |
856. Patilīno akuhako apihālu amaccharī, | 856. Vị đã xa rời (các bất thiện pháp), không xảo trá, không mong cầu, không bỏn xẻn, không xấc xược, không gây nhờm gớm, và không can dự vào việc nói đâm thọc. | 852. Sống riêng, không man trá, |
| 857. Vị không có sự buông xuôi theo các khoái lạc, không can dự vào việc ngã mạn thái quá, tế nhị, và có biện tài, không cả tin, không thờ ơ lãnh đạm. | 853. Không mê vật khả ái, |
858. Lābhakamyā na sikkhati alābhe na ca kuppati, | 858. Vị học tập không vì ham muốn lợi lộc và không bực tức khi không được lợi lộc, không chống đối và không thèm muốn các vị nếm do tham ái. | 854. Không tu tập vì lợi, |
859. Upekkhako sadā sato na loke maññate samaṃ, | 859. Vị hành xả, luôn luôn có niệm, ở thế gian không nghĩ (bản thân) là ngang bằng, không (nghĩ) là có sự đặc biệt, không (nghĩ) là thấp hèn. Đối với vị ấy, không có các (thái độ) kiêu ngạo. | 855. Thường trú xả, chánh niệm, |
860. Yassa nissayatā natthi ñatvā dhammaṃ anissito, | 860. Đối với vị nào không có sự nương tựa—sau khi hiểu được Giáo Pháp (vị ấy) không còn nương tựa—đối với vị ấy tham ái ở hữu và phi hữu không tìm thấy. | 856. Không y chỉ một ai, |
861. Taṃ brūmi upasantoti kāmesu anapekkhinaṃ, | 861. Ta nói rằng vị ấy là “bậc an tịnh” không trông mong về các dục, đối với vị ấy các sự trói buộc không tìm thấy; vị ấy đã vượt qua sự vướng mắc. | 857. Ta gọi vị an tịnh, |
862. Na tassa puttā pasavo khettaṃ vatthuṃ ca vijjati, | 862. Đối với vị ấy, những người con, các thú nuôi, ruộng vườn và đất đai đều không tìm thấy. Ngã (thường kiến) và luôn cả phi ngã (đoạn kiến) cũng không tồn tại ở vị ấy. | 858. Vị ấy không con cái, |
863. Yena naṃ vajju puthujjanā atho samaṇabrāhmaṇā, | 863. Vì việc nào mà các phàm phu, rồi các Sa-môn, và các Bà-la-môn có thể kết tội vị ấy, việc ấy là không được mong ước bởi vị ấy; vì thế vị ấy không run sợ ở những lời (buộc tội). | 859. Phàm phu có buộc tội, |
864. Vītagedho amaccharī na ussesu vadate muni, | 864. Có sự thèm khát đã được xa lìa, không bỏn xẻn, bậc hiền trí không mô tả (bản thân) là trong số những người ưu việt, không trong số những người ngang bằng, không trong số những người thấp kém, là vị không bị sắp đặt, không đi đến sự sắp đặt (bởi tham ái và tà kiến). | 860. Không tham, không xan lẫn, |
865. Yassa loke sakaṃ natthi asatā ca na socati, | 865. Đối với vị nào, vật sở hữu ở thế gian là không có, vị không sầu muộn do tình trạng không có, và không đi đến (sự lầm lẫn) trong mọi pháp; thật vậy vị ấy được gọi là ‘bậc an tịnh.’” | 861. Ai không có vật gì, |
Purābhedasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
|
Dứt Kinh Trước Khi Hoại Rã.
|
|
11. KALAHAVIVĀDASUTTAṂ
|
11. KINH CÃI CỌ VÀ TRANH CÃI |
(XI) KINH TRANH LUẬN |
866. Kuto pahūtā kalahā vivādā | 866. “Từ đâu khởi sanh các sự cãi cọ, các sự tranh cãi, | Người hỏi: 862. Từ đâu được khởi lên, |
867. Piyā pahūtā kalahā vivādā | 867. “Từ vật được yêu thương, khởi sanh các sự cãi cọ, các sự tranh cãi, | Thế Tôn: 863. Từ ái sanh khởi nhiều, |
868. Piyāsu lokasmiṃ kutonidānā | 868. “Vậy các vật được yêu thương ở thế gian có căn nguyên từ đâu, và cũng do tham chúng (loài người) sống ở thế gian? Mong mỏi và sự thành tựu (của mong mỏi),―(nhân) đưa đến đời sống kế tiếp của con người,―có căn nguyên từ đâu?” | Người hỏi: 864. Do những nhân duyên nào, |
869. Chandanidānāni piyāni loke | 869. “Các vật được yêu thương ở thế gian có mong muốn là căn nguyên, và cũng do tham chúng (loài người) sống ở thế gian. Mong mỏi và sự thành tựu (của mong mỏi),―(nhân) đưa đến đời sống kế tiếp của con người,―có căn nguyên từ đây (sự mong muốn).” | Thế Tôn: 865. Do ước muốn là nhân, |
870. Chando nu lokasmiṃ kutonidāno | 870. “Vậy mong muốn ở thế gian có căn nguyên từ đâu? | Người hỏi: 866. Ước muốn sanh ở đời |
871. Sātaṃ asātanti yamāhu loke | 871. “‘Khoái lạc, không khoái lạc’ là điều người ở thế gian đã nói; | Thế Tôn: 867. Khả ý, bất khả ý, |
872. Kodho mosavajjañca kathaṃkathā ca | 872. Sự giận dữ, lời nói giả dối, và sự nghi ngờ, | 868. Phẫn nộ và vọng ngữ, |
873. Sātaṃ asātañca kutonidānā | 873. “Khoái lạc và không khoái lạc có căn nguyên từ đâu? | Người hỏi: 869. Khả ý, bất khả ý, |
874. Phassanidānaṃ sātaṃ asātaṃ | 874. “Khoái lạc và không khoái lạc có xúc là căn nguyên. | Thế Tôn: 870. Do nhân duyên cảm xúc, |
875. Phasso nu lokasmiṃ kutonidāno | 875. “Vậy xúc ở thế gian có căn nguyên từ đâu? | Người hỏi: 871. Còn cảm xúc ở đời, |
876. Nāmañca rūpañca paṭicca phassā | 876. “Các xúc tùy thuộc vào danh và sắc. | Thế Tôn: 872. Do duyên danh và sắc, |
877. Kathaṃ sametassa vibhoti rūpaṃ | 877. “Đối với vị đã thành đạt thế nào thì sắc biến mất? | Người hỏi: 873. Sở hành như thế nào, |
878. Na saññasaññī na visaññasaññī | 878. “Không phải là có tưởng ở tưởng, không phải là có tưởng ở tưởng sai lệch, cũng không phải là không có tưởng, không phải là có tưởng bị biến mất; đối với vị đã thành đạt như vậy thì sắc biến mất, bởi vì cái gọi là vọng tưởng có tưởng là căn nguyên.” | Thế Tôn: 874. Không có tưởng các tưởng, |
879. Yaṃ taṃ apucchimha akittayi no | 879. “Điều mà chúng tôi đã hỏi ngài, ngài đã trả lời chúng tôi. Chúng tôi hỏi ngài điều khác. Nào, xin Ngài hãy nói về điều ấy. Có phải một số bậc sáng suốt ở nơi đây nói rằng sự trong sạch của chúng sanh đến chừng này là cao nhất, hay là họ còn nói về điều khác so với điều này?” | Người hỏi: 875. Ngài đã nói chúng con, |
880. Ettāvataggampi vadanti heke | 880. “Một số bậc sáng suốt ở nơi đây nói rằng sự trong sạch của chúng sanh chỉ đến chừng này là cao nhất. Trái lại, một số trong số đó nói về sự tịch diệt (đoạn kiến), tuyên bố là thiện xảo về trạng thái không còn dư sót.” | Thế Tôn: 876. Bậc Hiền trí nói rằng, |
881. Ete ca ñatvā upanissitāti | 881. Và sau khi nhận biết những người này là ‘những kẻ nương tựa,’ | 877. Biết được những pháp ấy, |
Kalahavivādasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
|
Dứt Kinh Cãi Cọ và Tranh Cãi.
|
|
12. CŪḶAVIYŪHASUTTAṂ | 12. KINH SỰ DÀN TRẬN NHỎ |
(XII) NHỮNG VẤN ĐỀ NHỎ BÉ |
882. Sakaṃ sakaṃ diṭṭhiparibbasānā | 882. “Trong khi sống theo quan điểm của chính mình, nhiều vị khác nhau (tự xưng là) thiện xảo, giữ khư khư (quan điểm của mình), nói rằng: ‘Người nào biết như vầy, người ấy hiểu biết pháp. Kẻ khinh miệt điều này, kẻ ấy là không toàn hảo.’ | Người hỏi: 878. Mỗi người tự thiên chấp, |
883. Evampi viggayha vivādiyanti | 883. Sau khi giữ khư khư (quan điểm của mình) như vậy, chúng tranh cãi, và đã nói rằng: ‘Người khác là ngu si, không thiện xảo.’ Vậy thì lời nói nào trong số này là sự thật, bởi vì tất cả những người này đều tuyên bố (họ) là thiện xảo?” | 879. Do chấp thủ như vậy, |
884. Parassa ce dhammamanānujānaṃ | 884. “Nếu không thừa nhận pháp của người khác, | Thế Tôn: 880. Nếu không có chấp thuận, |
885. Sandiṭṭhiyā ceva na cevadātā | 885. Và nếu do quan điểm của mình, những kẻ không trong sạch | 881. Nếu các cuộc tranh luận, |
886. Na cāham etaṃ tathīyanti brūmi | 886. Nhưng Ta không nói rằng: ‘Điều ấy là bản thể thật,’ | 882. Ta không có nói rằng: |
887. Yamāhu saccaṃ tathiyanti eke | 887. “Điều mà một số kẻ đã nói: ‘Là sự thật, là bản thể thật,’ | Người hỏi: 883. Một số người nói rằng: |
888. Ekaṃ hi saccaṃ na dutiyamatthi | 888. “Bởi vì Sự Thật chỉ có một, không có cái thứ nhì, | Thế Tôn: 884. Sự thật chỉ có một, |
889. Kasmā nu saccāni vadanti nānā | 889. “Nhưng vì sao họ—những nhà biện luận tuyên bố (mình) là thiện xảo—lại nói về các sự thật khác nhau? Phải chăng các sự thật đã được nghe là có nhiều và khác nhau? Hay là các vị ấy theo đuổi sự suy tư (của riêng mình)?” | Người hỏi: 885. Vì sao họ nói lên, |
890. Na heva saccāni bahūni nānā | 890. “Đương nhiên là không có nhiều sự thật khác nhau và thường còn ở thế gian, ngoại trừ (các sự thật) do tưởng (tạo ra). Và sau khi xếp dặt sự suy tư về các quan điểm (do chúng tạo ra), chúng đã nói về hai pháp là: ‘Đúng và sai.’ | Thế Tôn: 886. Thật sự các sự thật, |
891. Diṭṭhe sute sīlavate mute vā | 891. Liên quan đến điều đã được thấy, đến điều đã được nghe, đến giới và phận sự, hoặc đến điều đã được cảm giác, sau khi nương tựa vào các điều này, rồi có sự coi khinh (người khác), sau khi đứng vững ở các phán đoán, trong lúc hớn hở, (kẻ ấy) đã nói rằng: ‘Người khác là ngu si, là không thiện xảo.’ | 887. Các pháp được thấy nghe, |
892. Yeneva bāloti paraṃ dahāti | 892. Bởi chính lý do nào mà kẻ ấy xem người khác là ‘ngu si,’ | 888. Vì rằng đối người khác, |
893. Atisāradiṭṭhiyā so samatto | 893. Với quan điểm vượt quá giới hạn, kẻ ấy được thỏa mãn, | 889. Vị ấy quá say mê, |
894. Parassa ce hi vacasā nihīno | 894. Bởi vì, nếu do lời nói của kẻ khác mà trở thành thấp kém, | 890. Nếu người khác nói rằng: |
895. Aññaṃ ito yābhivadanti dhammaṃ | 895. Những kẻ nào thuyết về pháp nào khác so với điều này, | 891. Những ai tuyên bố pháp, |
896. Idheva suddhiṃ itivādiyanti | 896. ‘Chỉ nơi đây có sự trong sạch,’ họ nói như thế ấy. | 892. Những ai tuyên bố rằng, |
897. Sakāyane cāpi daḷhaṃ vadāno | 897. Và trong khi nói một cách khẳng khái về đường lối của họ, | 893. Ai kiên trì tuyên bố, |
898. Vinicchaye ṭhatvā sayaṃ pamāya | 898. Sau khi đứng vững ở sự phán đoán, sau khi ước lượng bản thân, | 894. An trú trên quyết định, |
Cūḷaviyūhasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
|
Dứt Kinh Sự Dàn Trận Nhỏ.
| |
13. MAHĀVIYŪHASUTTAṂ
|
13. KINH SỰ DÀN TRẬN LỚN
|
(XIII) NHỮNG VẤN ĐỀ TO LỚN |
899. Ye kecime diṭṭhi paribbasānā | 899. “Bất cứ những người nào, trong khi sống theo quan điểm (riêng của cá nhân), tranh cãi rằng: ‘Chỉ điều này là chân lý,’ có phải tất cả những người ấy đều mang lại sự chê trách, hay họ cũng đạt được sự khen ngợi về việc ấy?” | Người hỏi: 895. Với những ai thiên vị, |
900. Appaṃ hi etaṃ na alaṃ samāya | 900. “Bởi vì việc (ca ngợi) này là nhỏ nhoi, không đủ để đưa đến sự yên lặng. Ta nói đến hai kết quả của sự tranh cãi.[1] Và sau khi nhìn thấy như vậy, thì không nên tạo ra sự tranh cãi, trong khi nhận thấy vùng đất không tranh cãi là an toàn (Niết Bàn). [1] khen chê, thắng thua, v.v... (SnA. ii, 557). | Thế Tôn: 896. Ðây chỉ là nhỏ bé, |
901. Yā kācimā sammutiyo puthujjā | 901. Bất cứ những thỏa thuận chung nào được sanh lên từ số đông, bậc đã hiểu biết không tiếp cận tất cả những điều ấy. Trong khi không thể hiện sự chấp nhận ở điều đã được thấy, ở điều đã được nghe, vị ấy, không có sự vướng bận, tại sao lại đi đến với sự vướng bận?
| 897. Phàm những thế tục này, |
902. Sīluttamā saññamenāhu suddhiṃ | 902. Những kẻ chủ trương giới là tối thượng đã nói sự trong sạch là do sự tự chế ngự. Sau khi thọ trì phận sự, họ duy trì (nghĩ rằng): ‘Chúng ta hãy học tập ở lãnh vực này thôi, rồi sẽ có sự trong sạch;’ họ bị dẫn đến hữu trong khi tuyên bố (mình) là thiện xảo.
| 898. Bậc xem giới tối thượng, |
903. Sace cuto sīlavatato hoti | 903. Nếu bị hư hỏng về giới và phận sự, | 899. Nếu có ai vi phạm, |
904. Sīlabbataṃ vāpi pahāya sabbaṃ | 904. Hoặc là sau khi đã dứt bỏ tất cả giới và phận sự, | 900. Ðối với giới cấm thủ, |
905. Tamūpanissāya jigucchitaṃ vā | 905. Sau khi nương tựa vào điều đã bị chán ghét ấy (khổ hạnh), hoặc vào điều gì đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác, những kẻ chủ trương luân hồi hướng thượng[1] nói về sự trong sạch, chúng chưa xa lìa tham ái ở hữu và phi hữu. [1] uddhaṃsarā: những vị này có quan điểm không hành động (SnA. ii, 558). Mahāniddesa cho biết có bốn hạng thuyết về uddhaṃsarā và giải thích rằng những vị này chủ trương sự trong sạch đạt được thông qua tái sanh luân hồi (Nidd. i, 315; TTPV tập 35, trang 431).
| 901. Người y chỉ khổ hạnh, |
906. Patthayamānassa hi jappitāni | 906. Bởi vì đối với những người đang ước nguyện, các sự tham muốn | 902. Với ai có nỗ lực, |
907. Yamāhu dhammaṃ paramanti eke |
| Người hỏi: 903. Có những người tuyên bố, |
908. Sakaṃ hi dhammaṃ paripuṇṇamāhu | 908. Bởi vì họ đã tuyên bố pháp của chính mình là hoàn hảo, | 904. Với pháp tự của mình, |
909. Parassa ce vambhayitena hīno | 909. Nếu là thấp kém do việc bị khinh miệt của người khác, | Thế Tôn: 905. Nếu có bị người khác, |
910. Sadhammapūjā ca panā tatheva | 910. Họ ngợi khen đường lối của chính mình như thế nào, | 906. Như mọi người tôn thờ, |
911. Na brāhmaṇassa paraneyyamatthi | 911. Sau khi suy xét về điều đã được ôm giữ trong số các pháp (tà kiến), đối với vị Bà-la-môn, không có việc bị dẫn dắt bởi người khác. Do điều ấy, vị Bà-la-môn vượt lên trên các sự tranh cãi, bởi vì vị Bà-la-môn nhìn thấy học thuyết khác là không tối thắng. | 907. Với người Bà-la-môn, |
912. Jānāmi passāmi tatheva etaṃ | 912. (Nói rằng): ‘Tôi biết, tôi thấy điều ấy chắc chắn là như thế,’
| 908. Họ nói: "Tôi thấy, biết, |
913. Passaṃ naro dakkhiti nāmarūpaṃ | 913. Một người, trong khi nhìn, sẽ nhìn thấy danh và sắc, | 909. Người có mắt thấy được, |
914. Nivissavādī na hi subbināyo | 914. Trong khi sùng bái quan điểm đã được xếp dặt, | 910. Người đã gọi cuồng tín, |
915. Na brāhmaṇo kappamupeti saṅkhaṃ | 915. Sau khi cân nhắc, vị Bà-la-môn không tiếp cận sự sắp đặt (của tham ái và tà kiến), không có sự hùa theo quan điểm, cũng không có sự thân thiết với các (thắng) trí. Và sau khi biết các sự đồng thuận được sanh lên từ số đông, vị ấy thản nhiên (nói rằng): ‘Hãy để những kẻ khác tiếp thu.’ | 911. Phạm chí không rơi vào, |
916. Visajja ganthāni munīdha loke | 916. Sau khi tháo gở các sự trói buộc ở thế gian này, bậc hiền trí không hùa theo phe nhóm ở các cuộc tranh cãi đã được sanh lên. Vị ấy thản nhiên, an tịnh giữa những người không an tịnh, không tiếp thu, (nói rằng): ‘Hãy để những kẻ khác tiếp thu.’
| 912. Không chấp thủ triền phược, |
917. Pubbāsave hitvā nave akubbaṃ | 917. Sau khi từ bỏ các lậu hoặc trước đây, không tạo ra những lậu hoặc mới, không là người đi theo sự (tác động của) mong muốn, cũng không phải là kẻ đã chấp chặt vào học thuyết, vị ấy đã được giải thoát khỏi các tà kiến, là bậc sáng trí, không bị nhơ bẩn ở thế gian, không có sự chê trách bản thân. | 913. Từ bỏ lậu hoặc cũ, |
918. Sa sabbadhammesu visenibhūto | 918. Vị ấy là người diệt đạo binh ở tất cả các pháp (tà kiến), về bất cứ điều gì đã được thấy, đã được nghe, hoặc đã được cảm giác. Bậc hiền trí ấy có gánh nặng đã đặt xuống, đã được tách riêng, không chịu sự phân hạng, không phải kiêng chừa, không có ước nguyện.”
| 914. Không có sự thù hằn |
Mahāviyūhasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
|
Dứt Kinh Sự Dàn Trận Lớn.
|
|
|
|
|
14. TUVAṬAKASUTTAṂ
|
14. KINH MỘT CÁCH NHANH CHÓNG |
(XIV) KINH TUVATAKA (CON ĐƯỜNG MAU CHÓNG)
|
919. Pucchāmi taṃ ādiccabandhuṃ | 919. “Tôi hỏi ngài, đấng quyến thuộc của mặt trời, | Người hỏi: 915. Con hỏi bậc Ðại tiên, |
920. Mūlaṃ papañcasaṅkhāya (iti bhagavā) | 920. (Đức Thế Tôn nói) | Thế Tôn: 916. Thế Tôn đáp như sau: |
921. Yaṃ kiñci dhammamabhijaññā | 921. Bất cứ pháp (đức tính tốt) nào có thể biết rõ | 917. Phàm có loại pháp gì, |
922. Seyyo na tena maññeyya | 922. Không nên vì việc (ngã mạn) ấy mà nghĩ rằng (bản thân) là tốt hơn, | 918. Chớ có nghĩ như sau: |
923. Ajjhattameva upasame | 923. Nên an tịnh ngay ở nội tâm, | 919. Hãy giữ được an tịnh, |
924. Majjhe yathā samuddassa hoti | 924. Giống như ở giữa biển cả, | 920. Như chính giữa trung ương, |
925. Akittayi vivaṭacakkhu | 925. “Bậc có mắt được mở ra đã nói về | Người hỏi: 921. Vị có mắt rộng mở |
926. Cakkhūhi neva lolassa | 926. “Không nên buông thả với đôi mắt, | Thế Tôn: 922. Chớ có những con mắt, |
927. Phassena yadā phuṭṭhassa | 927. Khi nào bị xúc chạm bởi xúc (bất hạnh), | 923. Trong khi được cảm giác, |
928. Annānamatho pānānaṃ | 928. Đối với các thức ăn, rồi đối với các thức uống, | 924. Các đồ ăn thâu được, |
929. Jhāyī na pādalol’ assa | 929. Nên là vị có thiền, không nên buông thả bàn chân (đi đó đây), | 925. Hãy tu tập thiền định |
930. Niddaṃ na bahulīkareyya | 930. Không nên thực hiện nhiều việc ngủ nghỉ. Nên thân cận sự tỉnh thức, có sự tinh cần. Nên dứt bỏ hẳn sự uể oải, xảo quyệt, cười cợt, đùa giỡn, việc đôi lứa, cùng với việc trang điểm. | 926. Ngủ nghỉ có chừng mực, |
931. Āthabbaṇaṃ supinaṃ lakkhaṇaṃ | 931. Không nên thực hành việc bùa chú, giải mộng, bói tướng, và luôn cả chiêm tinh. Người đệ tử thành tín không nên chuyên chú về việc giải đoán tiếng thú kêu, việc thụ thai, và việc chữa bệnh. | 927. Chớ có dùng bùa chú, |
932. Nindāya nappavedheyya | 932. Không nên run sợ vì sự chê bai, vị tỳ khưu khi được ca ngợi không nên kiêu hãnh, nên xua đi sự tham lam cùng với sự bỏn xẻn, sự giận dữ và việc nói đâm thọc. | 928. Tỷ-kheo không run sợ, |
933. Kayavikkaye na tiṭṭheyya | 933. Không nên duy trì việc mua bán, | 929. Tỷ-kheo không an trú, |
934. Na ca katthiko siyā bhikkhu | 934. Và vị tỳ khưu không nên là kẻ nói khoe khoang, | 930. Tỷ-kheo không nên nói, |
935. Mosavajje na niyyetha | 935. Không nên bị xui khiến trong việc nói lời dối trá, không nên cố tình thực hiện các điều xảo trá, và không nên khinh khi người khác về sự sinh sống, về sự nhận thức, về giới và phận sự. | 931. Chớ có bị dắt dẫn, |
936. Sutvā rusito bahuṃ vācaṃ | 936. Bị xúc phạm sau khi nghe nhiều lời nói | 932. Sau khi phẫn uất nghe |
937. Etañca dhammamaññāya | 937. Và sau khi hiểu thông Giáo Pháp này, | 933. Sau khi rõ biết được |
938. Abhibhū hi so anabhibhūto | 938. Bởi vì, vị ấy là đấng Chiến Thắng, bậc không bị chế ngự, vị đã nhìn thấy pháp thực chứng, không do nghe nói lại theo truyền thống. Chính vì thế, luôn luôn không xao lãng, trong lúc kính lễ, nên học tập theo lời giáo huấn của đức Thế Tôn ấy.” | 934. Bậc đã được chiến thắng, |
Tuvaṭakasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
|
Dứt Kinh Một Cách Nhanh Chóng.
|
|
|
|
|
15. ATTADAṆḌASUTTAṂ
|
15. KINH UẾ HẠNH CỦA BẢN THÂN
|
(XV) KINH CHẤP TRƯỢNG
|
939. Attadaṇḍā bhayaṃ jātaṃ janaṃ passatha medhagaṃ, | 939. Sự sợ hãi sanh lên do uế hạnh của bản thân.[1] Các người hãy nhìn xem loài người đang gây gỗ. Ta sẽ thuật lại trạng thái chấn động đúng theo sự việc đã bị chấn động bởi Ta. [1] attadaṇḍā được dịch là “uế hạnh của bản thân” căn cứ vào lời giải thích của Chú Giải: “attadaṇḍā bhayaṃ jātaṃ attano duccaritakāraṇā jātaṃ” (SnA. ii, 566). Tựa đề của bài Kinh đã được ghi nghĩa theo ý nghĩa ấy. | Thế Tôn: 935. Từ người cầm các trượng, |
940. Phandamānaṃ pajaṃ disvā macche appodake yathā, | 940. Sau khi nhìn thấy nhân loại đang run rẩy tựa như những con cá ở chỗ ít nước, sau khi nhìn thấy chúng chống đối lẫn nhau, sự sợ hãi đã xâm nhập Ta. | 936. Thấy loài, người vùng vẫy, |
941. Samantamasāro loko disā sabbā sameritā, | 941. Toàn bộ thế gian là không có cốt lõi, tất cả các phương đều bị chuyển động. Trong khi ước muốn chỗ trú ngụ cho bản thân, Ta đã không nhìn thấy (một nơi nào là) không bị chiếm cứ. | 937. Ðời toàn không lõi cây, |
942. Osāne tveva vyāruddhe disvā me aratī ahu, | 942. Nhưng ngay sau khi nhìn thấy chúng chống đối vào giai đoạn cuối, sự chán ngán đã khởi lên ở Ta. Và ở đây, Ta đã nhìn thấy mũi tên khó thể nhìn thấy đã được cắm sâu vào trái tim (tâm thức). | 938. Cuối cùng là xung đột, |
943. Yena sallena otiṇṇo disā sabbā vidhāvati, | 943. Kẻ đã bị mũi tên đâm vào chạy khắp tất cả các phương (luân hồi khắp các cõi), sau khi đã nhổ chính mũi tên ấy lên thì không chạy, (và) không chìm xuống. | 939. Ai bị mũi tên đâm, |
944. Tattha sikkhānugīyanti | 944. Ở nơi ấy, các môn học tập được truyền tụng. | 940. Ở đây sự học tập, |
945. Sacco siyā appagabbho amāyo rittapesuno, | 945. Nên chân thật, không hỗn xược, không xảo quyệt, việc nói đâm thọc được buông bỏ, không giận dữ, bậc hiền trí có thể vượt qua sự xấu xa của tham, (và) sự keo kiệt. | 941. Chân thật không xông xáo, |
946. Niddaṃ tandiṃ sahe thīnaṃ pamādena na saṃvase, | 946. Người có tâm ý hướng Niết Bàn nên khắc phục trạng thái ngủ gà ngủ gật, sự uể oải, sự dã dượi, không nên cộng trú với sự xao lãng, không nên trụ lại ở sự ngã mạn thái quá. | 942. Người nghĩ đến Niết-bàn, |
947. Mosavajje na niyyetha rūpe snehaṃ na kubbaye, | 947. Không nên bị lôi kéo vào việc nói lời dối trá, không nên tạo ra sự thương yêu ở sắc, và nên hiểu toàn diện về ngã mạn, nên sống tránh xa sự hung bạo. | 943. Không rơi vào nói láo, |
948. Purāṇaṃ nābhinandeyya nave khantiṃ na kubbaye, | 948. Không nên thích thú cái cũ (ngũ uẩn quá khư), không nên tạo ra sự ưa chuộng cái mới (ngũ uẩn vị lai), trong khi (cái gì) đang bị tiêu hoại, không nên sầu muộn, không nên nương tựa hư không (tham ái). | 944. Không hoan hỷ việc cũ, |
949. Gedhaṃ brūmi mahoghoti ājavaṃ brūmi jappanaṃ, | 949. Ta gọi thèm khát là ‘dòng lũ lớn,’ ta gọi tham muốn là dòng nước mạnh, sự bám vào (đối tượng) là rung động, dục là bãi lầy khó vượt qua được. | 945. Ái, Ta gọi bộc lưu, |
950. Saccā avokkamma muni thale tiṭṭhati brāhmaṇo, | 950. Không chệch khỏi sự thật (gọi là) bậc hiền trí, đứng ở đất liền (gọi là) vị Bà-la-môn. Vị ấy sau khi xả bỏ tất cả, vị ấy quả thật được gọi là ‘bậc an tịnh.’ | 946. ẩn sĩ không rời chân, |
951. Sa ve vidvā sa vedagū ñatvā dhammaṃ anissito, | 951. Quả thật, vị ấy là bậc đã hiểu biết, vị ấy là bậc đã đạt được sự thông hiểu, sau khi biết pháp, vị ấy không nương tựa (vào tham ái và tà kiến). Vị ấy, trong khi cư xử chân chánh ở thế gian, không mong cầu đối với bất cứ người nào ở nơi này. | 947. Biết vậy, gọi người biết, |
952. Yodha kāme accatari saṅgaṃ loke duraccayaṃ, | 952. Ở đây, vị nào vượt qua các dục, sự quyến luyến ở thế gian khó vượt qua được, vị ấy không sầu muộn, không ưu tư, có dòng chảy đã được cắt đứt, không còn sự trói buộc. | 948. Ai ở đây vượt dục, |
953. Yaṃ pubbe taṃ visosehi pacchā te māhu kiñcanaṃ, | 953. Điều gì trước đây (quá khứ), ngươi chớ nắm lấy điều ấy. Chớ có bất cứ điều gì sanh khởi đến ngươi sau này (vị lai). Nếu ngươi không nắm lấy ở khoảng giữa (hiện tại), ngươi sẽ sống, được an tịnh. | 949. Trước Ông làm khô cạn |
954. Sabbaso nāmarūpasmiṃ yassa natthi mamāyitaṃ, | 954. Đối với vị nào không có vật đã được chấp là của ta liên quan đến danh và sắc về mọi phương diện, và (là vị) không sầu muộn do tình trạng không có, vị ấy quả thật không bị thua thiệt ở thế gian. | 950. Toàn diện đối danh sắc, |
955. Yassa natthi idaṃ meti paresaṃ vāpi kiñcanaṃ, | 955. Đối với vị nào, không có (ý nghĩ): ‘Cái này là của tôi,’ hoặc ‘(Cái này) là của những người khác’ về bất cứ điều gì, trong lúc không tìm kiếm trạng thái sở hữu chủ (nghĩ rằng): ‘Không có gì là của tôi,’ vị ấy không sầu muộn. | 951. Không nghĩ "đây của tôi ", |
956. Aniṭṭhurī ananugiddho anejo sabbadhī samo, | 956. Không ganh tỵ, không tham đắm, không dục vọng, bình đẳng ở mọi nơi, điều ấy là sự lợi ích mà Ta (sẽ) nói, khi được hỏi về vị không dao động. | 952. Không tàn bạo, không tham, |
957. Anejassa vijānato natthi kāci nisaṅkhiti, | 957. Đối với vị không dục vọng, đang nhận thức, không có bất cứ sự tạo tác nào. Đã tránh xa khỏi sự tạo tác, vị ấy nhìn thấy an toàn ở mọi nơi. | 953. Bậc ly dục rõ biết, |
958. Na samesu na omesu na ussesu vadate muni, | 958. Bậc hiền trí không mô tả (bản thân) là trong số những người ngang bằng, không trong số những người thấp kém, không trong số những người ưu việt. Được an tịnh, đã xa lìa sự bỏn xẻn, vị ấy không nắm giữ, không buông bỏ.” | 954. Bậc ẩn sĩ, không nói, |
Attadaṇḍasuttaṃ niṭṭhitaṃ.
|
Dứt Kinh Uế Hạnh của Bản Thân.
|
|
|
|
|
16. SĀRIPUTTASUTTAṂ
|
16. KINH SĀRIPUTTA
|
(XVI) KINH SĀRĪPUTTA (XÁ-LỢI-PHẤT) |
959. Na me diṭṭho ito pubbe | 959. Từ đây trở về trước, con chưa từng được thấy, | Sàriputta: 955. Trước con chưa từng thấy, |
960. Sadevakassa lokassa yathā dissati cakkhumā, | 960. Đối với thế gian có cả chư Thiên, bậc Hữu Nhãn được nhìn thấy là như thế. Sau khi xua đi tất cả tăm tối, Ngài, chỉ một mình, đã đạt đến sự khoái cảm (của việc xuất gia, của sự viễn ly, của sự an tịnh, của sự giác ngộ). | 956. Bậc có mắt xuất hiện, |
961. Taṃ buddhaṃ asitaṃ tādiṃ akuhaṃ gaṇimāgataṃ, | 961. Với ý định (hỏi) câu hỏi cho số đông đã được gắn bó ở đây, con đã đi đến gặp đức Phật, bậc không nương tựa, đấng tự tại, vị không dối trá, bậc có đồ chúng, đã đi đến ấy. | 957. Bậc Giác ngộ, độc lập, |
962. Bhikkhuno vijigucchato bhajato rittamāsanaṃ, | 962. Đối với vị tỳ khưu nhờm gớm (sanh, già, bệnh, chết, v.v...) đang thân cận chỗ ngồi trống vắng, gốc cây, mộ địa, hoặc ở các hang động của những ngọn núi. | 958. Vị Tỷ kheo nhàm chán, |
963. Uccāvacesu sayanesu kīvanto tattha bheravā, | 963. Ở những chỗ trú ngụ cao thấp, có bao nhiêu sự khiếp đảm ở nơi ấy mà vị tỳ khưu không nên run sợ ở chỗ nằm ngồi không tiếng động? | 959. Tại chỗ cao thấp ấy, |
964. Katī parissayā loke gacchato agataṃ disaṃ, | 964. Đối với vị đang đi đến khu vực chưa từng đi đến, có bao nhiêu hiểm họa ở thế gian mà vị tỳ khưu cần khắc phục ở các chỗ nằm ngồi xa vắng? | 960. Bao nguy hiểm ở đời, |
965. Kyāssa vyappathayo assu kyāssassu idha gocarā, | 965. Cách thức nói năng của vị ấy nên là như thế nào? Hành xứ ở nơi này của vị ấy nên là như thế nào? Giới và phận sự của vị tỳ khưu có bản tánh cương quyết nên là như thế nào? | 961. Ngôn ngữ và hành xứ |
966. Kaṃ so sikkhaṃ samādāya ekodi nipako sato, | 966. Sau khi thọ trì sự học tập gì, vị có sự chuyên nhất (của tâm), chín chắn, có niệm ấy, có thể loại bỏ bụi bặm (ô nhiễm) của bản thân, ví như người thợ kim hoàn có thể loại bỏ cáu bẩn của bạc?” | 962. Chấp nhận học tập gì, |
967. Vijigucchamānassa yadidaṃ phāsu | 967. (Đức Phật nói: “Này Sāriputta,) Ta sẽ tuyên thuyết về điều ấy cho ngươi theo như Ta nhận biết, tức là sự thoải mái (an trú) dành cho vị nhờm gớm (sanh, già, bệnh, chết, v.v...) nếu vị ấy đang thân cận chỗ ngồi nằm trống vắng, có mong muốn quả vị giác ngộ thuận theo Giáo Pháp. | Thế Tôn: 963. Này Sàriputta, |
968. Pañcannaṃ dhīro bhayānaṃ na bhāye | 968. Vị tỳ khưu, sáng trí, có niệm, sống trong khuôn khổ, không nên sợ hãi đối với năm điều sợ hãi: đối với loài ruồi và muỗi mòng, đối với loài rắn, đối với các sự va chạm với con người, đối với loài bốn chân. | 964. Vị Tỷ kheo có trí, |
969. Paradhammikānampi na santaseyya | 969. Cũng không nên sợ sệt đối với những kẻ theo các giáo phái khác, ngay cả sau khi nhìn thấy nhiều điều khiếp đảm của họ. Và vị tầm cầu điều tốt đẹp còn phải khắc phục những hiểm họa khác nữa. | 965. Vị ấy không nên sợ, |
970. Ātaṅkaphassena khudāya phuṭṭho | 970. Bị tác động bởi sự xúc chạm của bệnh tật, của cơn đói, nên chịu đựng sự lạnh, sự nóng. Bị tác động bởi những việc ấy dưới nhiều hình thức, vị không trú xứ ấy nên nỗ lực tinh tấn và nên thể hiện sự vững chãi. | 966. Khi thọ lãnh bệnh hoạn, |
971. Theyyaṃ na kareyya na musā bhaṇeyya | 971. Không nên thực hiện việc trộm cắp, không nên nói lời dối trá, | 967. Chớ ăn trộm, ăn cắp, |
972. Kodhātimānassa vasaṃ na gacche | 972. Không nên rơi vào quyền lực của sự giận dữ và ngã mạn thái quá, nên đứng vững sau khi đào lên gốc rễ của chúng. Và trong khi khắc phục vật được yêu mến hoặc không được yêu mến, nên chế ngự chúng một cách chắc chắn. | 968. Chớ để bị chi phối, |
973. Paññaṃ purakkhatvā kalyāṇapīti | 973. Sau khi chú trọng về trí tuệ, với sự hoan hỷ về thiện pháp, | 969. Thiên trọng về trí tuệ, |
974. Kiṃsu asissāmi kuvaṃ vā asissaṃ | 974. ‘Vậy ta sẽ ăn gì? Hoặc ta sẽ ăn ở đâu? | 970. Ta sẽ ăn những gì, |
975. Annañca laddhā vasanañca kāle | 975. Sau khi nhận lãnh vật thực và y phục đúng thời hạn, | 971. Với đồ ăn, vải mặc, |
976. Okkhittacakkhu na ca pādalolo | 976. Có mắt nhìn xuống và không buông thả bàn chân (đi đó đây), | 972. Với mắt cúi nhìn xuống, |
977. Cudito vacīhi satimābhinande | 977. Bị quở trách bởi những lời nói, vị (tỳ khưu) có niệm nên hoan hỷ. | 973. Bị buộc, tội bằng lời, |
978. Athāparaṃ pañca rajāni loke | 978. Và hơn thế nữa, có năm loại bụi bặm ở thế gian, đối với chúng vị có niệm nên học tập để loại bỏ. Nên khống chế sự luyến ái ở các sắc, ở các thinh, rồi ở các vị, ở các hương, ở các xúc. | 974. Lại nữa, năm loại vua, |
979. Etesu dhammesu vineyya chandaṃ | 979. Vị tỳ khưu có niệm, có tâm khéo được giải thoát, Nên loại bỏ sự mong muốn ở các pháp ấy. Vị ấy, đúng thời điểm, trong khi suy xét toàn diện một cách đúng đắn về Giáo Pháp, có trạng thái chuyên nhất (của tâm), vị ấy có thể diệt trừ sự tăm tối.” | 975. Hãy chế ngự ước muốn, |
Sāriputtasuttaṃ niṭṭhitaṃ. Aṭṭhakavaggo catuttho.
|
Dứt Kinh Sāriputta. Phẩm Nhóm Tám là thứ tư.
|
|
TASSUDDĀNAṂ
| TÓM LƯỢC PHẨM NÀY
|
|
Kāmaguhaṭṭha duṭṭhāva suddhaṭṭha paramā jarā, | Nhóm Tám về Dục, về Hang, về Xấu Xa, về Trong Sạch, về Tối Thắng, (bài Kinh về) Sự Già, vị Tissametteyya, vị Pasūra, và (Bà-la-môn) Māgandiya, (bài Kinh) Trước Khi Hoại Rã, sư Cãi Cọ, hai (bài Kinh) Sự Dàn Trận, rồi (bài Kinh) Một Cách Nhanh Chóng nữa, (bài Kinh) Uế Hạnh của Bản Thân, bài Kinh vị trưởng lão (Sāriputta) với câu hỏi của vị trưởng lão là mười sáu; tất cả những bài Kinh này đây là thuộc về Phẩm Nhóm Tám.
|
|
Hoà thượng Thích Minh Châu
Tập Sutta Nipatà là kinh thứ 5, trong 15 kinh thuộc Bộ Khuddaka Nipàta tức là Tiểu Bộ Kinh. Bộ Tiểu Bộ Kinh gồm có 15 kinh:
Khuddakapàtha (Tiểu Tụng Kinh),
Dhammapada (Pháp Cú),
Udàna (Phật Tự Thuyết Kinh, Cảm Hứng Ngữ),
Itivuttaka (Như Thị Ngữ Kinh, Phật Thuyết Như Vậy),
Vimànavatthu (Thiên Cung Sự Kinh),
Petavatthu (Ngạ Quỷ Sự Kinh),
Theragàthà (Trưởng Lão Tăng Kệ),
Therigàthà (Trưởng Lão Ni Kệ),
Jàtaka (Bổn Sanh),
Mahàniddesa (Ðại Nghĩa Tích),
Cùlaniddesa (Tiểu Nghĩa Tích),
Patisambhidàmagga (Vô Ngại Giải Ðạo),
Apadàna (Thí Dụ Kinh),
Buddhavamsa (Phật Sử) và
Cariyàpitaka (Tiểu Nghĩa Kinh, Sở Hạnh Tạng).
Theo một phân loại khác, Luật Tạng, Luận Tạng và tất cả kinh chưa được sưu tập vào 4 Bộ Nikàyà chính, lập thành Tiểu Bộ Kinh. Các vị thọ trì Trường Bộ Kinh không chấp nhận các kinh Khuddakapàtha, Cariyàpitaka và Apadàna, và phân loại các kinh khác vào Luận Tạng. Các vị thọ trì Trung Bộ Kinh không chấp nhận tập Khuddakapàtha, nhưng chấp nhận các kinh còn lại và phân loại chúng vào Kinh tạng. Theo truyền thống Miến Ðiện, 4 tập khác được cộng thêm vào, như Milindapanha, Suttasamgaha, Petakopadesa và Nettipakarana.
Kinh Tập này gồm có 5 Chương:
Chương I, Phẩm Rắn (Uragavagga) gồm có 12 kinh;
Chương II, Tiểu Phẩm gồm có 14 kinh.
Chương III, Ðại Phẩm gồm có 12 kinh;
Chương IV, Phẩm Tám gồm có 16 kinh; và
Chương V, PhẩmTrên Con Ðường Ðến Bờ Bên Kia, gồm có 17 kinh tất cả.
Tổng cộng kinh này có 5 Chương và 71 bài kinh.
*
Ðặc biệt của tập này gồm những kinh có thể được xem là những kinh xưa nhất, cổ nhất, nghĩa là gần với thời đức Phật nhất. Chúng tôi dựa trên một số yếu tố để xác nhận tánh chất thật sự nguyên thủy của Bộ Suttànipàta này, về cả hai mặt Văn cú và Nội dung.
Trước hết, Tập Suttanipàta viết bằng một thể văn Pàli xưa nhất và cổ kính nhất, so sánh với các thể văn chúng ta thường được gặp trong các Bộ Dìgha Nikàya (Trường Bộ), Majjhima Nikàya (Trung Bộ), Samyutta Nikàya (Tương Ưng Bộ), Anguttara Nikàya (Tăng Chi Bộ). Nhiều thể văn gần với văn Vedà (Vệ Ðà) được tìm thấy rất nhiều trong tập này, nhưng không tìm thấy trong các tập khác, như các danh từ và động từ số nhiều: sitàse, upatthitàse, caramàse. Các hình thức chủ cách số nhiều và sử dụng cách số ít của một số danh từ như: vinicchayà thế cho vinicchayàni, lakkhanà thế cho lakkhanàni, mantà thế cho mantàya. Ngoài ra, chúng ta thường gặp các nguyên mẫu Vedà như vippahàtane, sampayàtave, unnametave rất ít khi được tìm thấy trong các tập kinh khác. Nhiều khi chúng ta thấy một số danh từ đặc biệt như chữ datthu thế cho disvà, atisìtvà thế cho atikkamivà, maga thế cho miga, tumo thế cho so v.v... Những danh từ này rất gần với tiếng Vệ đà không tìm thấy ở các bộ kinh khác. Như vậy, chứng tỏ Tập Suttanipàta được viết trong thời kỳ xưa nhất của ngôn ngữ Pàli, chưa được trau chuốt lưu loát, nhiều âm điệu như ngôn ngữ Pàli sau này. Giá trị cổ kính của ngôn ngữ Pàli trong tập này đánh giá tánh chất nguyên thủy của tập Suttanipàta.
Một yếu tố nữa giúp chúng ta biết giá trị cổ kính của tập này là một số kinh của tập này được tìm thấy trong các bộ kinh khác, và chứng tỏ các kinh khác đã sưu tầm một số kinh hiện có trong bộ Suttanipàta. Ví dụ kinh Seta (Sn. 548-573) được tìm thấy trong Majjhima Nikàya M.i. 146; kinh Vàsettha (Sn. 594-656) được tìm thấy cũng trong Majjhima Nikàya M.ii. 196.
*
Ngoài ra, tập Suttanipàta có ghi chép lại một vài giai đoạn trong đời sống tìm đạo và học đạo của Thái tử, những mẫu chuyện này rất giản dị và mộc mạc, không có xen lẫn thần thông phù phép với những hình ảnh thật đơn sơ và tươi đẹp.
Kinh Xuất gia (Sn. 405-424) diễn tả cuộc gặp gỡ giữa Thái tử với Vua Bimbisàra, khi Thái tử vừa mới xuất gia. Vua Bimbisàra đứng trên lầu nhìn xuống thấy Thái tử đang đi khất thực.
"Bình Sa Vương thấy Ngài,
Ðứng trên sân lầu thượng
Thấy đầy đủ tướng tốt,
Bèn nói lên lời này." (409)
Sau khi sai sứ giả đi theo để tìm chỗ Thái tử, Vua Bimbisàra liền đi đến gặp Thái tử và thưa:
"Ngài thanh niên tuổi trẻ,
Ngây thơ, bước vào đời,
Cao đẹp được viên mãn,
Thiện sanh giòng Sát lỵ...
Tài sản ta cho ngươi.
Hãy hưởng và trả lời." (420-421)
Và Thái tử dứt khoát trả lời :
"Giòng họ thuộc mặt trời
Sanh tộc là Thích Ca,
Từ bỏ gia tộc ấy,
Thưa vua Ta xuất gia.
Ta không có thiết tha,
Ðối với các loại dục,
Thấy nguy hiểm trong dục,
Bỏ chúng, là an ổn;
Ta sẽ đi, tinh tấn,
Ý Ta được hoan hỷ." (423-424)
Kinh Tinh Tấn tiếp theo nói lên sự cám dỗ của Ác ma. Khi Thái tử ngồi dưới cây Bồ đề tu hành, Ác ma đến gần, nói lên giọng từ mẫn :
"Ngươi ốm, không dung sắc
Nhà ngươi gần chết rồi,
Cả ngàn phần, ngươi chết;
Chỉ một phần còn sống.
Hãy sống, sống tốt hơn,
Sẽ làm các công đức." (426-427)
Thái tử trả lời từ tốn, nhưng không kém phần nghị lực :
"Bà con ác phóng dật,
Ngươi đến đây làm gì?
Với công đức nhỏ bé,
Ta đâu có cần đến!
Ðây có tín, tinh tấn,
Và Ta có trí tuệ,
Như vậy Ta tinh tấn
Sao ngươi hỏi Ta sống." (431-432)
Và Thái tử nói lên quyết tâm chiến đấu của mình :
"Ôi này Ma Nu Ci!
Ðây là quân đội ngươi,
Ðây quân đội chiến trận
Của giòng họ Kanhà,
Kẻ nhát, không thắng ngươi
Ai thắng ngươi được lạc.
Ta mang cỏ Munja
Vững thay, đáng đời sống
Thà Ta chết chiến trận
Tốt hơn sống thất bại." (439-440)
Và cuối cùng, Ác ma thất bại trước dũng chí của Thái tử và vừa bỏ đi vừa than:
"Bảy năm ta bước theo
Chân theo chân Thế Tôn,
Không tìm được lỗi lầm
Nói Thế Tôn chánh niệm,
Như quạ bay xung quanh,
Hòn đá như đống mỡ."
"Có thể có gì mềm?
Có thể có gì ngọt?
Không tìm được vị ngọt
Quạ từ đó bay đi!
Như quạ mổ hòn đá
Ta bỏ Gotama." (446-448)
Câu chuyện thứ ba nói về ẩn sĩ Asita (A Tư Ðà) đoán tướng cho Thái tử. Asita thấy Chư thiên vui mừng liền hỏi duyên cớ. Chư thiên đáp :
"Tại xứ Lâm tì ni
Trong làng các Thích Ca,
Có sanh vị Bồ tát
Báu tối thắng, vô tỷ.
Ngài sanh, đem an lạc
Hạnh phúc cho loài người,
Do vậy chúng tôi mừng
Tâm vô cùng hoan hỷ.
Ngài, chúng sanh tối thượng
Ngài, loài người tối thắng,
Bậc Ngưu Vương loài người
Thượng Thủ mọi sanh loại.
Ngài sẽ chuyển Pháp luân,
Trong khu rừng ẩn sĩ,
Rống tiếng rống sư tử,
Hùng mạnh, nhiếp loài thú." (683-684)
Ðạo sư Asita liền vội vàng đi đến Kapilavatthu để được chiêm ngưỡng Thái tử.
"Sau khi thấy Thái tử,
Chói sáng như lửa ngọn,
Thanh tịnh như Sao ngưu
Vận hành giữa hư không
Sáng chiếu như mặt trời
Giữa trời thu mây tịnh
Ẩn sĩ tâm hoan hỷ
Ðược hỷ lạc rộng lớn." (687)
Khi thấy Thái tử chói sáng như mặt trời, khi nghĩ đến viễn ảnh chánh pháp được tuyên thuyết, nghĩ đến phận mình già yếu, A Tư Ðà đã phát khóc.
"Khi vị ấy nghĩ đến
Số mệnh của tự mình,
Số mệnh không tốt đẹp,
Vị ấy rơi nước mắt"... (691)
Trước sự lo lắng của các vị Thích Ca, ẩn sĩ A Tư Ðà giải tỏa mối lo lắng:
"Thấy họ Thích lo lắng
Vị ẩn sĩ trả lời:
Ta không thấy bất hạnh
Xảy đến cho Thái tử
Ðối với (Thái tử) ấy,
Chướng ngại sẽ không có.
Vị này không hạ liệt,
Chớ có lo lắng gì.
Thái tử này sẽ chứng
Tối thượng quả Bồ đề,
Sẽ chuyển bánh xe Pháp
Thấy thanh tịnh tối thắng
Vì lòng từ thương xót,
Vì hạnh phúc nhiều người,
Và đời sống Phạm hạnh
Ðược truyền bá rộng rãi
Thọ mạng ta ở đời
Còn lại không bao nhiêu
Ðến giữa đời sống Ngài,
Ta sẽ bị mệnh chung.
Ta sẽ không nghe Pháp
Bậc tinh cần vô tỷ
Do vậy ta sầu não,
Bất hạnh và khổ đau." (692-694)
*
Yếu tố thứ tư xác nhận sự cổ kính của Kinh Tập này là một số câu văn, một số ví dụ, một số hình ảnh được diễn tả, đã trở thành những câu cách ngôn dân gian.
Biển lớn thì im lặng. Khe nước thời chảy ồn. Cái gì trống kêu to. Cái gì đầy thì yên lặng. Những ví dụ này cho chúng ta thấy những kẻ ít hiểu biết thì hay nói nhiều, những kẻ hiểu biết nhiều thời thường im lặng như 2 câu kệ sau đây :
"Hãy học các giòng nước,
Từ khe núi vực sâu
Nước khe núi chảy ồn
Biển lớn đầy im lặng." (720)"Cái gì trống kêu to,
Cái gì đầy, im lặng,
Ngu như ghè vơi nước
Bậc Trí như ao đầy." (721)
Với những kẻ hay nói, họa sẽ tự miệng sanh, như câu kệ khéo diễn tả dưới đây:
"Phàm con người đã sanh,
Sanh với búa trong miệng,
Kẻ ngu khi nói bậy,
Tự chặt đứt lấy mình." (657)
Hình ảnh sau đây, có vẻ trào phúng, nói đến đàn quạ thấy hòn đá lầm tưởng là miếng thịt mỡ, đến mổ để tìm cái gì ngọt, khi mổ xong biết mình lầm liền bay đi. Câu kệ châm biếm Ác ma đi theo đức Phật để tìm cơ hội hại Ngài, cuối cùng hại Ngài không được nên bỏ đi.
"Như quạ bay xung quanh
Hòn đá như đống mỡ.
"Có thể có gì mềm?"
"Có thể có gì ngọt?" (447)"Không tìm được gì ngọt
Quạ từ đó bay đi
Như quạ mổ hòn đá
Ta bỏ Gotama." (448)
Một câu kệ nữa nói đến sóng biển không sanh ở giữa biển đại dương, cho chúng ta biết, kẻ đã giải thoát bao giờ cũng trầm tĩnh yên lặng, như bài kệ sau đây:
"Như chính giữa trung ương
Của biển cả đại dương,
Sóng biển không có sanh,
Biển hoàn toàn đứng lặng
Cũng vậy, vị tỷ kheo,
Ðứng lặng không giao động
Không có sự bồng bột
Náo nức ở giữa đời." (920)
Ðức Phật khuyên các người xuất gia, nên sống riêng một mình tinh tấn tu hành, như con tê giác chỉ có một sừng, sống một mình trong rừng.
"Do thân cận giao thiệp
Thân ái từ đấy sanh,
Tùy thuận theo thân ái,
Khổ này có thể sanh.
Nhìn thấy những nguy hại,
Do thân ái sanh khởi,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng". (36)"Như nai trong núi rừng
Không gì bị trói buộc,
Tự đi chỗ nó muốn
Ðể tìm kiếm thức ăn,
Như các bậc hiền trí
Thấy tự do giải thoát,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng." (37)
*
Khi đức Phật thuyết pháp, giới thiệu đạo mới của Ngài, Ngài phải đương đầu với hai hệ thống xã hội rất hùng mạnh đang ngự trị trên xã hội Ấn Ðộ bấy giờ, tức là tổ chức Sa môn và tổ chức Bà la môn. Mỗi hệ thống có một số giáo chủ cầm đầu với hội chúng, với chủ thuyết, với phương pháp tu hành sai biệt và nhiều khi mâu thuẫn nhau. Ðức Phật đã mạnh dạn loại bỏ những gì Ngài xem là trở ngại cho con người giác ngộ và giải thoát, và tự mình vạch ra một con đường mới mẻ đặc biệt của Ngài.
Trước hết, đức Phật không chấp nhận đời sống người tu hành mà còn đoán số, đoán mộng, bói toán, ăn các đồ ăn do kệ tụng đem lại :
"Ta không có thọ dụng
Ðồ ăn từ kệ tụng,
Hỡi này Bà la môn,
Ðây không phải là pháp,
Của những người có trí.
Chư Phật đều từ bỏ,
Ca hát các bài kệ." (480)"Chớ có dùng bùa chú,
Anthava Vedà,
Chớ tổ chức đoán mộng,
Coi tướng và xem sao,
Mong rằng đệ tử Ta,
Không đoán tiếng thú kêu
Không chữa bệnh không sanh,
Không hành nghề lang băm." (927)
Ðức Phật cũng không chấp nhận cầu mong điềm lành. Các chư Thiên hỏi đức Phật làm thế nào được điềm lành (Mangalam), đức Phật trả lời bằng 48 hành động tốt, vì chỉ có hành động lành là điềm lành tối thượng, như kinh Mangala sutta đã khéo diễn tả :
"Không thân cận kẻ ngu
Như gần gũi bậc trí,
Ðảnh lễ người đáng lễ
Là điềm lành tối thượng." (259)"Học nhiều nghề nghiệp giỏi,
Khéo huấn luyện, học tập
Nói những lời khéo nói.
Là điềm lành tối thượng." (261)"Hiếu dưỡng mẹ và cha
Nuôi dưỡng vợ và con
Làm nghề không rắc rối,
Là điềm lành tối thượng." (262)"Bố thí, hành đúng pháp,
Săn sóc các bà con,
Làm nghiệp, không lỗi lầm,
Là điềm lành tối thượng." (263)"Chấm dứt, từ bỏ ác,
Chế ngự đam mê rượu,
Trong pháp không phóng dật,
Là điềm lành tối thượng." (264)"Kính lễ và hạ mình
Biết đủ và biết ơn
Ðúng thời, nghe chánh pháp
Là điềm lành tối thượng." (265)
Như vậy, đức Phật bác bỏ sự tin tưởng ở điềm lành và khuyến khích làm các hạnh lành, vì các hạnh lành là điềm lành tối thượng.
Thêm một bước nữa, đức Phật không chấp nhận quan điểm của các Bà la môn, tin tưởng ở thuyết thọ sanh tử cho mình là giai cấp đáng tôn trọng nhất, chỉ vì sanh ra từ miệng Phạm thiên và do vậy các giai cấp Sát đế lỵ, Phệ xá và Thủ đà phải tôn trọng phục vụ giai cấp Bà la môn. Ðức Phật chống lại quan điểm thọ sanh này và tuyên bố rằng chỉ do hành động mới đánh giá giá trị con người, xem con người có đáng tôn trọng hay không.
"Bần tiện không vì sanh.
Phạm chí không vì sanh,
Do hành, thành bần tiện,
Do hành thành Phạm chí." (136)"Không phải do thọ sanh (*)
Ðược gọi Bà la môn!
Không phải do thọ sanh,
Gọi phi Bà la môn
Chính do sự hành động,
Ðược gọi Bà la môn
Chính do sự hành động
Gọi phi Bà la môn." (Trung Bộ Kinh)(*) thọ sanh: đẻ
Bước thêm một bước nữa, đức Phật bác bỏ các luận thuyết, các triết lý suông, vì chúng không thể đưa con người đến giải thoát, an tịnh. Có đến 63 luận thuyết thịnh hành trong thời đức Phật và đức Phật đều bác bỏ chúng, vì chúng chỉ gây thêm tranh luận :
"Các Sa môn tranh luận,
Có đến 63 thuyết,
Các ngôn thuyết văn tự
Y đây, các tưởng khởi." (538)"Ai thiên trú trong kiến,
Xem kiến ấy tối thắng
Ở đời đặt kiến ấy
Vào địa vị tối thượng,
Người ấy nói tất cả,
Người khác là hạ liệt,
Do vậy không vượt khỏi
Sự tranh luận ở đời." (796)"Những ai muốn tranh luận
Sau khi vào hội chúng,
Chúng công kích lẫn nhau,
Chúng gọi nhau là ngu
Cái làm nó cống cao
Cũng là đất hại nó,
Tuy vậy nó vẫn nói
Lời cống cao kiêu mạn." (830)"Không phải từ tri kiến
Từ truyết thống, từ trí
Không phải từ giới cấm,
Thanh tịnh được đem đến." (839)"Ngươi đã có cuồng tín,
Không đưa đến thanh tịnh
Vì đã có thiên vị,
Với tri kiến tác thành." (910)
Sau khi bác bỏ mê tín dị đoan, tà kiến, truyền thống, điềm lành, các luận thuyết, tế thần, tế lửa, v.v... Ðức Phật tự mình xây dựng con đường giải thoát, giác ngộ của mình. Và tập Suttanipàta sưu tầm cho chúng ta thấy, những bài kệ diễn tả đức Phật, sai khác với các ngoại đạo sư hiện tại như thế nào.
Trước hết, Ngài là bậc có mắt, cakkhumantu, có pháp nhãn thấy rõ tất cả :
"Ðức Phật thật có mắt
Ðối với tất cả pháp. (161)"Bậc có mắt xuất hiện
Ðời này và thiên giới
Quét sạch mọi u ám,
Ðộc cư, chứng an lạc." (956)"Vị ấy Chánh đẳng giác
Hỡi này Bà la môn,
Bậc có mắt thấy được
Trong tất cả các pháp." (992)
Ðức Phật là vị có một cái nhìn sáng suốt, một sự hiểu biết thấu triệt, thấy đau khổ trong các chủ thuyết, không chấp nhận chủ thuyết nào, tìm đến chân lý, Ngài thấy được sự an tịnh nội tâm.
"Với Ta không có nói!
Ta nói như thế này,
Sau khi quan sát kỹ
Sự chấp thủ trong pháp
Trong tất cả tri kiến.
Ta không có chấp trước,
Ta thấy sự cất chứa
Tịch tịnh trong nội tâm." (837)"Ai đã chặt sanh hữu,
Không còn gieo giống thêm,
Sanh hữu đã đoạn tận,
Không còn muốn thọ sanh,
Ðược gọi là ẩn sĩ
Một mình đi im lặng,
Bậc ẩn sĩ đã thấy
Con đường tịch tịnh ấy." (208)
Nếp sống đức Phật giới thiệu là một nếp sống của vị ẩn sĩ, Mâu ni, một vị đã từ bỏ gia đình sống không gia đình, không có trú xứ nào.
"Thân mật, sinh sợ hãi,
Trú xứ sanh bụi bậm
Không trú xứ, không thân
Hình ảnh bậc ẩn sĩ." (207)
Một vị đã nhiếp phục tham ái và ái dục, không để ái dục chi phối.
"Vị ấy sống viễn ly
Mọi sự việc ở đời...
Như hoa sen có gai,
Sinh ra ở trong nước,
Không bị nước và bùn
Mắc dính và thân ướt,
Như vậy bậc ẩn sĩ
Nói an tịnh, không tham,
Không bị dục và đời,
Mắc dính và thấm ướt." (845)
Một vị ẩn sĩ không có thiếu thốn, không có tri kiến, không có tà kiến, từ bỏ các chủ thuyết và không có tranh luận với ai ở đời.
"Chính đối với vị ấy,
Ngã, phi ngã đều không
Vị ấy đã tẩy sạch,
Mọi tà kiến ở đời." (787)"Một số người nói rằng
Ðây mới là sự thật,
Chứng nói các người khác,
Là trống không giả dối.
Do chấp thủ như vậy,
Chúng tranh luận đấu tranh,
Vì sao bậc Sa môn.
Không cùng nói một lời." (88)"Thường trú xả, chánh niệm,
Không nghĩ mình bằng người.
Hơn người thua kém người
Vị ấy không bồng bột." (855)
Sống đời sống viễn ly, không tham đắm vật gì, vị ẩn sĩ sống đời sống vô hữu, không có "Ta"; không có "của Ta", thực hành hạnh vô ngã một cách tốt đẹp.
"Vị ấy không con cái,
Thú vật, ruộng, tài sản,
Không có gì nắm lấy,
Là ta, là không ta." (858)"Ai không có vật gì,
Không có, không sầu muộn,
Không đi đến các pháp
Vị ấy gọi an tịnh." (861)"Không nghĩ: "đây của tôi"
Không nghĩ: "đây của người"
Người không có tự ngã
Không sầu gì không ngã." (951)
Nhờ thực hành vô ngã, vị ẩn sĩ đi đến an tịnh trong nội tâm:
"Hãy giữ được an tịnh
Về phía từ nội tâm,
Ðã không có tự ngã,
Từ đâu có vô ngã!" (919)
Và đích cuối cùng của con đường tu hành, đối với vị ẩn sĩ là "Niết bàn tịch tịnh".
"Từ bỏ lòng tham dục,
Ðây tỷ kheo có tuệ,
Chứng bất tử tịch tịnh,
Niết bàn giới, thường trú!" (204)
*
Một điểm son đáng chú ý là tập này có một số kinh rất được phổ thông, và được chư Tăng các nước Nam Tông tụng đọc thường xuyên như kinh Ratanasutta (kinh Châu Báu), kinh Mangalasutta (kinh Ðiềm Lành) và kinh Mettasutta (kinh Từ Bi). Ngoài ra có nhiều bài kinh ngắn gọn, ý tứ hàm xúc, tán thán hạnh ẩn sĩ làm nổi bật đặc điểm của kinh này là tán dương ở đời sống của vị xuất gia tầm đạo, như kinh Rắn, kinh Vị ẩn sĩ, kinh Ràhula, kinh Dhammika, kinh Nàlaka, kinh Paràbhida, kinh Tuvataka, kinh Attadanda, kinh Sàriputta. Những kinh này phần lớn đề cập đến hạnh ẩn sĩ, và như vậy làm nổi bật bối cảnh an tịnh tu hành mà Kinh Tập này đề cao một cách đặc biệt.
Hòa Thượng Thích Minh Châu
Thiền viện Vạn Hạnh
Sài Gòn, 1978 (PL. 2522)
1. Ai nhiếp phục phẫn nộ
Ðang được dấy khởi lên,
Như dùng chất linh dược,
Ngăn độc rắn lan rộng
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.2. Ái cắt đứt tham dục,
Không còn chút dư tàn,
Như kẻ hái hoa sen
Sanh ra từ ao hồ.
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.3. Ai cắt đứt tham ái,
Không còn chút dư tàn,
Làm cho nước cạn khô,
Dòng nước chảy nhanh mạnh
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.4. Ai phá hoại kiêu mạn
Không còn chút dư tàn,
Như nước mạnh tàn phá
Cây cỏ lau yếu hèn,
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.5. Ai trong các sanh hữu,
Không tìm thấy lõi cây,
Như kẻ đi hái hoa,
Trên cây sung không hoa.
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.6. Với ai trong nội tâm,
Không còn có phẫn hận,
Ðã vượt thoát ra khỏi,
Cả hữu và phi hữu.
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.7. Với ai những tầm tư,
Ðược làm cho tan biến
Nội tâm khéo sửa soạn,
Không còn chút dư tàn.
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.8. Ai không đi quá trớn,
Cũng không quá chậm trễ,
Ðã nhiếp phục toàn diện,
Hý luận chướng ngại này.
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.9. Ai không đi quá trớn,
Cũng không quá chậm trễ,
Biết rõ được ở đời,
Sự này toàn hư vọng.
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.10. Ai không đi quá trớn,
Cũng không quá chậm trễ,
Từ bỏ, không có tham,
Sự này toàn hư vọng.
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.11. Ai không đi quá trớn,
Cũng không quá chậm trễ,
Từ bỏ, không tham dục,
Sự này toàn hư vọng.
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.12. Ai không đi quá trớn,
Cũng không quá chậm trễ,
Từ bỏ, ly sân hận,
Sự này toàn hư vọng.
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.13. Ai không đi quá trớn,
Cũng không quá chậm trễ,
Từ bỏ, ly si ám,
Sự này toàn hư vọng.
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.14. Với ai, các tùy miên,
Hoàn toàn không hiện hữu,
Các nguồn gốc bất thiện
Ðược nhổ lên trừ sạch.
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.15. Với ai, không có gì,
Do phiền não sanh khởi,
Làm duyên trở lui lại,
Về lại bờ bên này.
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.16. Với ai, không có gì,
Do rừng ái sanh khởi,
Tạo nhân khiến trói buộc
Con người vào tái sanh.
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.17. Ai đoạn năm triền cái,
Không sầu khổ bực phiền,
Vượt qua được nghi hoặc,
Thoát mũi tên phiền não.
Tỷ-kheo ấy từ bỏ,
Bờ này và bờ kia,
Như loài rắn thoát bỏ
Da rắn cũ già xưa.
Dhaniya:
18. Cơm ta, nấu đã chín,
Sữa uống, ta vắt xong,
Mục đồng Dhaniya,
Ðã nói lên như vậy.
Trên bờ sông Mahì,
Ta chung sống đồng cư,
Chòi lá được khéo lợp,
Lửa đốt được cháy đỏ.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.
Thế Tôn:
19. Ta đoạn được phẫn nộ,
Tâm hoang vu không còn,
Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
Ðã nói lên như vậy.
Trên bờ sông Mahì,
Ta chỉ sống một đêm,
Chòi lá được rộng mở,
Lửa đốt được tịch tịnh.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.
Dhaniya:
20. Ruồi lằn và muỗi mòng,
Ở đây không tìm thấy,
Mục đồng Dhaniya,
Ðã nói lên như vậy.
Trên cánh đồng cỏ mọc,
Ðàn bò đi ăn cỏ,
Dầu cơn mưa có đến,
Chúng có thể chịu đựng.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.
Thế Tôn:
21. Các bè đã được cột,
Khéo tác thành tốt đẹp,
Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
Ðã nói lên như vậy.
Ai qua được bờ kia,
Nhiếp phục dòng nước mạnh,
Lợi ích của chiếc bè,
Ðâu còn thấy cần thiết.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.
Dhaniya:
22. Vợ ta khéo nhu thuận,
Không có tham dục gì,
Mục đồng Dhaniya
Ðã nói lên như vậy.
Ðã lâu ngày chung sống,
Vừa đẹp ý đẹp lòng,
Ta không nghe điều gì,
Thuộc ác hạnh về nàng.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.
Thế Tôn:
23. Tâm Ta khéo nhu thuận,
Ðược giải thoát, mở rộng,
Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
Ðã nói lên như vậy.
Lâu ngày tu viên mãn,
Khéo nhiếp phục chế ngự,
Trong Ta các pháp ác,
Không còn được tìm thấy.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.
Dhaniya:
24. Với lợi tức thâu hoạch,
Ta tự nuôi sống ta,
Mục đồng Dhaniya
Ðã nói lên như vậy,
Con ta và cả ta,
Sống chung không bệnh hoạn,
Ta không nghe điều gì,
Thuộc ác hạnh về chúng.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.
Thế Tôn:
25. Ta không có làm mướn,
Cho một ai ở đời,
Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
Ðã nói lên như vậy
Với điều được chứng đắc,
Ta du hành thế giới,
Về tiền công cần thiết,
Không thể có nơi Ta.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.
Dhaniya:
26. Ðây có các bò cái,
Ðây có các bò con,
Mục đồng Dhaniya
Ðã nói lên như vậy.
Ðây có những bò mẹ,
Mang thai, nối giống dòng,
Ðây có những bò đực,
Những con chúa đầu đàn.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.
Thế Tôn:
27. Ðây không có bò cái,
Ðây không có bò con,
Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
Ðã nói lên như vậy.
Ðây không có bò mẹ,
Mang thai, nối giống dòng,
Ðây không có bò đực,
Những con chúa đầu đàn.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.
Dhaniya:
28. Cây cột được đóng sâu,
Không còn bị dao động,
Mục đồng Dhaniya
Ðã nói lên như vậy.
Các dây bằng cây lau,
Ðược bện lại mới chắc,
Và các con bò con,
Không thể nào giật đứt.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.
Thế Tôn:
29. Giống như con bò đực,
Giật đứt các trói buộc,
Bậc Thế Tôn, Chánh Giác
Ðã nói lên như vậy.
Như voi làm bựt đứt
Các giây leo héo mục,
Ta không còn đi đến,
Chỗ thai tạng tái sanh.
Nếu là ý người muốn,
Thần mưa, hãy mưa đi.30. Rồi mưa lớn đổ xuống,
Làm đầy tràn đất trũng,
Làm tràn ngập đất cao,
Nghe trời gầm, mưa, thét,
Mục đồng Dhaniya,
Nói lên lời như sau:
Dhaniya:
31. Lợi thay cho chúng ta,
Ðâu phải là lợi nhỏ,
Chúng ta được chiêm ngưỡng,
Bậc Chánh Giác, Thế Tôn.
Ôi! Kính bậc Pháp nhãn,
Con xin quy y Ngài,
Kính bậc Ðại ẩn sĩ,
Hãy là Thầy chúng con.32. Vợ con và cả con,
Là những người nhu thuận,
Xin sống đời Phạm hạnh,
Dưới chân bậc Thiện Thệ.
Ðược đến bờ bên kia,
Vượt khỏi sanh già chết,
Chúng con sẽ trở thành
Người đoạn tận đau khổ.
Màra:
33. Ai có các con trai,
Hoan hỷ với con trai,
Ðây là lời Ác ma,
Ðã nói lên như vậy
Người chủ các con bò,
Hoan hỷ với con bò.
Còn người thì hoan hỷ,
Ðối với sự sanh y,
Ai không có sanh y,
không thể có hoan hỷ.
Thế Tôn:
34. Ai có các con trai,
Sầu muộn với con trai,
Bậc Thế Tôn, Chánh Giác,
Ðã nói lên như vậy.
Người chủ các con bò,
Sầu muộn với con bò;
Sầu muộn của con người,
Chính do sự sanh y,
Ai không có sanh y,
Không thể có sầu muộn.
(III) Kinh Con Tê Ngưu Một Sừng (Sn 6)
35. Ðối với các hữu tình,
Từ bỏ gậy và trượng,
Chớ làm hại một ai
Trong chúng hữu tình ấy.
Con trai không ước muốn,
Còn nói gì bạn bè,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.36. Do thân cận giao thiệp,
Thân ái từ đấy sanh,
Tùy thuận theo thân ái,
Khổ này có thể sanh.
Nhìn thấy những nguy hại,
Do thân ái sanh khởi,
Hãy sống riêng một mình,
Như tê ngưu một sừng.37. Do lòng từ thương mến,
Ðối bạn bè thân hữu,
Mục đích bị bỏ quên,
Tâm tư bị buộc ràng,
Do thấy sợ hãi này,
Trong giao du mật thiết,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.38. Ai nhớ nghĩ chờ mong,
Ðối với con và vợ,
Người ấy bị buộc ràng,
Như cành tre rậm rạp,
Còn các ngọn tre cao,
Nào có gì buộc ràng,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.39. Như nai trong núi rừng,
Không gì bị trói buộc,
Tự đi chỗ nó muốn
Ðể tìm kiếm thức ăn.
Như các bậc Hiền trí,
Thấy tự do giải thoát,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.40. Giữa bạn bè thân hữu,
Bị gọi lên gọi xuống,
Tại chỗ ở trú xứ,
Hay trên đường bộ hành.
Thấy tự do giải thoát,
Không có gì tham luyến,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.41. Giữ bạn bè thân hữu,
Ưa thích, vui cười đùa,
Ðối với con, với cháu,
Ái luyến thật lớn thay,
Nhàm chán sự hệ lụy,
Với những người thân ái,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.42. Khắp cả bốn phương trời,
Không sân hận với ai,
Tự mình biết vừa đủ,
Với vật này vật khác,
Vững chịu các hiểm nguy,
Không run sợ dao động,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.43. Có số người xuất gia,
Chung sống thật khó khăn,
Cũng như các gia chủ,
Ở tại các cửa nhà,
Sống vô tư vô lự,
Giữa con cháu người khác,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.44. Từ bỏ, để một bên,
Mọi biểu dương gia đình,
Như loại cây san hô,
Tước bỏ mọi lá cây,
Bậc anh hùng cắt đứt,
Mọi trói buộc gia đình.
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.45. Nếu tìm được bạn lành,
Thận trọng và sáng suốt,
Bạn đồng hành chung sống,
Bạn thiện trú Hiền trí.
Cùng nhau đồng nhiếp phục,
Tất cả mọi hiểm nạn,
Hãy sống với bạn ấy,
Hoan hỷ, giữ chánh niệm.46. Nếu không được bạn lành,
Thận trọng và sáng suốt,
Bạn đồng hành chung sống,
Bạn thiện trú Hiền trí.
Hãy như vua từ bỏ,
Ðất nước bị bại vong,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.47. Thật chúng ta tán thán,
Các bằng hữu chu toàn,
Bậc hơn ta, bằng ta,
Nên sống gần thân cận.
Nếu không gặp bạn này.
Những bậc không lầm lỗi,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.48. Thấy đồ trang sức vàng,
Lấp lánh và sáng chói,
Ðược con người thợ vàng,
Khéo làm, khéo tay làm,
Hai chúng chạm vào nhau,
Trên hai tay đeo chúng,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.49. Như vậy nếu ta cùng
Với một người thứ hai,
Tranh luận cãi vã nhau,
Sân hận, gây hấn nhau,
Nhìn thấy trong tương lai,
Sợ hãi hiểm nguy này,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.50. Các dục thật mỹ miều,
Ngọt thơm và đẹp ý,
Dưới hình sắc, phi sắc,
Làm mê loạn tâm tư,
Thấy sự nguy hiểm này,
Trong các dục trưởng dưỡng,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.51. Ðây là một mụn nhọt,
Và cũng là tai họa,
Một tật bệnh, mũi tên,
Là sợ hãi cho ta,
Thấy sự nguy hiểm này,
Trong các dục trưởng dưỡng,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.52. Lạnh lẽo và nóng bức,
Ðói bụng và khát nước,
Gió thổi, ánh mặt trời.
Muỗi lằn và rắn rết.
Tất cả xúc chạm này,
Ðều chịu đựng vượt qua,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.53. Như con voi to lớn,
Từ bỏ cả bầy đàn,
Thân thể được sanh ra,
To lớn tợ hoa sen,
Tùy theo sự thích thú,
Sống tại chỗ rừng núi,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.54. Ai ưa thích hội chúng,
Sự kiện không xảy ra,
Người ấy có thể chứng,
Cảm thọ thời giải thoát.
Cân nhắc lời giảng dạy,
Ðấng bà con mặt trời,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.55. Ðược giải thoát vượt khỏi,
Các tri kiến hý luận,
Ðạt được quyết định tánh,
Chứng đắc được con đường.
Nơi ta trí được sanh,
Không cần nhờ người khác,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.56. Không tham, không lừa đảo,
Không khát dục, gièm pha,
Mọi si mê ác trược,
Ðược gạn sạch quạt sạch.
Trong tất cả thế giới,
Không tham ái ước vọng,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.57. Với bạn bè độc ác,
Hãy từ bỏ lánh xa,
Bạn không thấy mục đích,
Quen nếp sống quanh co,
Chớ tự mình thân cận,
Kẻ đam mê phóng dật,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.58. Bậc nghe nhiều trì pháp,
Hãy gần gũi người ấy,
Bạn người tâm rộng lớn,
Người thông minh biện tài,
Biết điều không nên làm,
Nhiếp phục được nghi hoặc,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.59. Mọi du hí vui đùa,
Và dục lạc ở đời,
Không điểm trang bày biện,
Không ước vọng mong cầu,
Từ bỏ mọi hào nhoáng,
Nói lên lời chân thật,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.60. Với con và với vợ,
Với cha và với mẹ,
Tài sản cùng lúa gạo,
Những trói buộc bà con,
Hãy từ bỏ buộc ràng,
Các dục vọng như vậy,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.61. Chúng đều là trói buộc,
Lạc thú thật nhỏ bé,
Vị ngọt thật ít oi,
Khổ đau lại nhiều hơn,
Chúng đều là câu móc,
Bậc trí biết như vậy,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.62. Hãy chặt đứt, bẻ gãy,
Các kiết sử trói buộc,
Như các loài thủy tộc,
Phá hoại các mạng lưới.
Như lửa đã cháy xong,
Không còn trở lui lại,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.63. Với mắt cúi nhìn xuống,
Chân đi không lưu luyến,
Các căn được hộ trì,
Tâm ý khéo chế ngự.
Không đầy ứ, rỉ chảy,
Không cháy đỏ bừng lên,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.64. Hãy trút bỏ, để lại,
Các biểu tượng gia chủ,
Như loại cây san hô,
Loại bỏ các nhành lá.
Ðã đắp áo cà sa,
Xuất gia bỏ thế tục,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.65. Không tham đắm các vị,
Không tác động, không tham,
Không nhờ ai nuôi dưỡng,
Chỉ khất thực từng nhà.
Ðối với mọi gia đình,
Tâm không bị trói buộc,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.66. Từ bỏ năm triền cái
Che đậy trói buộc tâm,
Ðối với mọi kiết sử,
Hãy trừ khử, dứt sạch,
Không y cứ nương tựa,
Chặt đứt ái sân hận,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.67. Hãy xoay lưng trở lại
Ðối với lạc và khổ,
Cả đối với hỷ ưu,
Ðược cảm thọ từ trước,
Hãy chứng cho được xả,
An chỉ và thanh tịnh;
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.68. Tinh cần và tinh tấn,
Ðạt được lý chân đế,
Tâm không còn thụ động,
Không còn có biếng nhác,
Kiên trì trong cố gắng,
Dõng lực được sanh khởi,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.69. Không từ bỏ độc cư,
Hạnh viễn ly thiền định,
Thường thường sống hành trì,
Tùy pháp trong các pháp.
Chơn chánh nhận thức rõ,
Nguy hiểm trong sanh hữu,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.70. Mong cầu đoạn diệt ái,
Sống hạnh không phóng dật,
Không đần độn câm ngọng,
Nghe nhiều, giữ chánh niệm.
Các pháp được giác sát,
Quyết định, chánh tinh cần.
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.71. Như sư tử, không động,
An tịnh giữa các tiếng,
Như gió không vướng mắc,
Khi thổi qua màn lưới.
Như hoa sen không dính,
Không bị nước thấm ướt,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.72. Giống như con sư tử,
Với quai hà hùng mạnh,
Bậc chúa của loài thú,
Sống chinh phục chế ngự.
Hãy sống các trú xứ,
Nhàn tịnh và xa vắng,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.73. Từ tâm, sống trú xả,
Bi tâm, hạnh giải thoát,
Sống hành trì thực hiện,
Hỷ tâm, cho đúng thời,
Không chống đối và chậm,
Với một ai ở đời.
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.74. Ðoạn tận lòng tham ái,
Sân hận và si mê,
Chặt đứt và cắt đoạn,
Các kiết sử lớn nhỏ
Không có gì sợ hãi,
Khi mạng sống gần chung,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.75. Có những bạn vì lợi,
Thân cận và chung sống,
Những bạn không mưu lợi,
Nay khó tìm ở đời.
Người sáng suốt lợi mình,
Không phải người trong sạch,
Hãy sống riêng một mình
Như tê ngưu một sừng.
(IV) Kinh Bhàradvàja, Người Cày Ruộng (Sn 12)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở giữa dân chúng Magadha, tại núi Dakkhinàgini, trong một làng Bà-la-môn tên Ekanàlà. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Kasibhàradvàja có khoảng năm trăm lưỡi cày sẵn sàng, vì là thời gieo mạ. Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm bát đi đến chỗ Bà-la-môn Kasibhàradvàja đang làm việc. Lúc bấy giờ Bà-la-môn Kasibhàradvàja đang phân phát đồ ăn. Rồi Thế Tôn đi đến chỗ phân phát đồ ăn, sau khi đến, Ngài đứng một bên, Bà-la-môn Kasibhàradvàja thấy Thế Tôn đang đứng một bên để khất thực, liền nói với Thế Tôn:
- Này Sa-môn, ta cày và ta gieo, sau khi cày, sau khi gieo, ta ăn. Và Sa-môn, hãy cày và gieo. Sau khi cày và gieo, hãy ăn!
- Này Bà-la-môn, Ta cũng cày và cũng gieo. Sau khi cày và sau khi gieo, Ta ăn.
- Nhưng chúng tôi không thấy cái ách, hay cái cày, hay lưỡi cày, hay gậy thúc trâu bò, hay các con bò đực của Tôn giả Gotama. Vậy mà Tôn giả Gotama nói: "Này Bà-la-môn, Ta có cày và Ta có gieo. Sau khi cày và sau khi gieo, Ta ăn ".
Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja nói lên với Thế Tôn bài kệ:
Bhàradvàja:
76. Người tự nhận Người cày,
Ta không thấy Người cày,
Hãy trả lời chúng tôi,
Ðã hỏi về Người cày,
Chúng tôi muốn rõ biết,
Người cày như thế nào?
Thế Tôn:
77. Lòng tin là hột giống,
Khổ hạnh là cơn mưa,
Trí tuệ đối với Ta
Là ách và lưỡi cày,
Xấu hổ là cán cày,
Ý là sợi dây buộc,
Và niệm đối với Ta
Là lưỡi cày, gậy thúc.78. Với thân khéo phòng hộ,
Với lời khéo phòng hộ,
Với món ăn trong bụng,
Biết tiết độ, chế ngự,
Ta tác thành chơn thực,
Ðể cắt dọn cỏ rác,
Sự giải thoát của Ta
Thật hiền lành nhu thuận.79. Với tinh cần tinh tấn,
Ta gánh chịu trách nhiệm,
Ta tự mình đem lại
An ổn khỏi khổ ách.
Như vậy, Ta đi tới,
Không trở ngại thối lui,
Chỗ nào Ta đi tới,
Chỗ ấy không sầu muộn.80. Cày bừa là như vậy,
Ðược quả là bất tử,
Sau cày bừa như vậy,
Mọi khổ được giải thoát.
Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja lấy một bát bằng đồng lớn, cho đổ đầy với cháo sữa dâng đức Phật và thưa:
- Thưa Tôn giả Gotama, hãy dùng cháo sữa, Tôn giả là người đi cày! Tôn giả Gotama đi cày quả bất tử!
Thế Tôn:
81. Ta không hưởng vật dụng,
Do tụng kệ đem lại,
Ðây không phải là pháp,
Của bậc có chánh kiến
Chư Phật đều bác bỏ,
Tụng hát các bài kệ,
Khi pháp có hiện hữu,
Truyền thống là như vậy.82. Hỡi này Bà-la-môn,
Người cần phải cúng dường,
Ðồ ăn vật uống khác,
Bậc đại sĩ toàn diện,
Ðã đoạn các lậu hoặc,
Ðã lắng dịu dao động,
Ta chính là thửa ruộng,
Cho những ai cầu phước.
- Vậy, thưa Tôn giả Gotama, con sẽ cho ai cháo sữa này?
- Này Bà-la-môn, Ta không thấy ai ở thế giới, với chư Thiên, chư Ma, chư Phạm thiên, hay trên đời này với quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người, có thể sau khi ăn, tiêu hóa được món cháo sữa này, trừ Như Lai hay đệ tử của Như Lai. Vậy, này Bà-la-môn, Ông hãy đổ cháo sữa này trên chỗ không có cỏ xanh, hay nhận chìm trong nước không có sinh vật.
Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja đem nhận chìm cháo sữa ấy vào nước không có sinh vật. Cháo sữa ấy khi bị đổ xuống nước, nó sôi lên, sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên. Ví như một lưỡi cày, phơi cả ngày dưới ánh nắng, được đem quăng xuống nước, lưỡi cày ấy sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên. Cũng vậy, cháo sữa ấy, khi bị đổ xuống nước, nó sôi lên, sôi lên sùng sục, nó phun khói, nó bốc khói lên. Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja hoảng hốt, rợn tóc gáy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Ví như, thưa Tôn giả Gotama, một người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, mở toang ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ đi lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Con xin qui y Tôn giả Gotama, qui y Pháp, qui y chúng Tỷ-kheo. Mong rằng con được xuất gia với Tôn giả Gotama, được thọ đại giới.
Rồi Bà-la-môn Kasibhàradvàja được xuất gia với Sa-môn Gotama, được thọ đại giới. Thọ đại giới không bao lâu, Tôn giả Bhàradvàja sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần. Không bao lâu, do vì mục đích gì, bậc thiên nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, vị ấy ngay trong hiện tại, tự mình với thắng trí, chứng ngộ, chứng đạt và an trú cứu cánh Phạm hạnh ấy. Vị ấy thắng tri: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa ". Tôn giả Bhàradvàja trở thành một vị A-la-hán.
83. Người thợ rèn Cunda,
Nói lên lời như sau:
Con hỏi bậc Ðại sĩ,
Bậc trí tuệ rộng lớn,
Ðấng Giác ngộ, Pháp chủ,
Ðã đoạn tận khát ái,
Bậc tối thượng hai chân,
Bậc đánh xe tối thắng,
Xin Ngài nói ở đời,
Có bao nhiêu Sa-môn?
Thế Tôn:
84. Chỉ có bốn Sa-môn,
Không có hạng thứ năm,
Thế Tôn đáp Cunda,
Này Cunda, là vậy.
Ta tỏ bày cho Ông,
Ðược hỏi điều tự thấy,
Bậc chiến thắng con đường,
Bậc thuyết giảng con đường,
Bậc sống trên con đường,
Kẻ làm ô uế đạo.
Cunda:
85. Người thợ rèn Cunda,
Liền bạch với Thế Tôn:
Chư Phật nói thế nào,
Bậc chiến thắng con đường,
Bậc thiền định con đường,
Sao gọi không ước lường?
Con hỏi xin trả lời,
Vị sống đúng con đường?
Xin trình bày cho con,
Kẻ làm đường ô uế.
Thế Tôn:
86. Ai vượt khỏi nghi hoặc,
Vị thoát khỏi mũi tên,
Ưa thích cảnh Niết-bàn,
Không tham đắm vật gì,
Bậc lãnh đạo thế giới,
Chư Thiên và loài Người,
Chư Phật gọi vị ấy,
Bậc chiến thắng con đường.87. Ai ở đời biết được,
Pháp tối thượng, tối thượng,
Nói lên và phân tích,
Pháp ở đây là vậy.
Vị chặt đứt nghi hoặc,
Bậc ẩn sĩ, không dục,
Bậc Tỷ-kheo thứ hai
Ðược gọi thuyết con đường.88. Ai sống trên con đường,
Con đường pháp khéo giảng,
Sống chế ngự chánh niệm,
Bước đường không lỗi lầm,
Tỷ-kheo thứ ba này
Ðược gọi sống trên đường.89. Ai sống ưa che đậy,
Dưới hình thức giới cấm,
Xông xáo, nhớp gia đình,
Bạt mạng và man trá,
Không chế ngự nhiếp phục,
Sống lắm mồm lắm miệng.
Người sở hành như vậy
Là kẻ ô uế đạo.90. Vị cư sĩ thâm hiểu
Các hạng người như vậy,
Thánh đệ tử, nghe nhiều,
Có trí tuệ thông hiểu,
Sau khi rõ biết chúng,
Tất cả là như vậy.
Thấy vậy, vững lòng tin,
Không có bị sút giảm
Làm sao lại lẫn lộn,
Kẻ ác với người thiện,
Làm sao xem giống nhau,
Bậc tịnh, kẻ không tịnh.
(VI) Kinh Bại Vong (Paràbhava) (Sn 18)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi một Thiên nhơn, sau khi đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng, chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, Thiên nhân ấy bạch Thế Tôn với những bài kệ:
Thiên nhân:
91. Về bại vong con người,
Con hỏi Gotama,
Con đến hỏi Thế Tôn,
Cửa vào của bại vong?
Thế Tôn:
92. Thật dễ hiểu thành công,
Thật dễ hiểu bại vong,
Ưa mến pháp, thành công,
Thù ghét pháp bại vong.
Thiên nhân:
93. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ nhất về bại vong,
Thứ hai, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?
Thế Tôn:
94. Ai mến kẻ bất thiện,
Không ái luyến bậc thiện,
Thích pháp kẻ bất thiện,
Chính cửa vào bại vong.
Thiên nhân:
95. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ hai về bại vong,
Thứ ba, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?
Thế Tôn:
96. Người tánh ưa thích ngủ,
Thích hội chúng, thụ động,
Biếng nhác, thường phẫn nộ,
Chính cửa vào bại vong.
Thiên nhân:
97. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ ba về bại vong.
Thứ tư, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?
Thế Tôn:
98. Ai với mẹ hay cha,
Già yếu, tuổi trẻ hết,
Tuy giàu không giúp đỡ,
Chính cửa vào bại vong.
Thiên nhân:
99. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ tư về bại vong.
Thứ năm, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?
Thế Tôn:
100. Ai nói dối lường gạt,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Hay các khất sĩ khác,
Chính cửa vào bại vong.
Thiên nhân:
101. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ năm về bại vong.
Thứ sáu, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?
Thế Tôn:
102. Người giàu có tài sản,
Có vàng bạc thực vật,
Hương vị ngọt một mình,
Chính cửa vào bại vong.
Thiên nhân:
103. Như vậy, chúng con rõ
Thứ sáu về bại vong.
Thứ bảy, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?
Thế Tôn:
104. Người tự hào về sanh,
Về tài sản dòng họ,
Khinh miệt các bà con,
Chính cửa vào bại vong.
Thiên nhân:
105. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ bảy về bại vong,
Thứ tám, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?
Thế Tôn:
106. Người đắm say nữ nhân,
Ðắm say rượu, cờ bạc,
Hoang phí mọi lợi đắc,
Chính cửa vào bại vong.
Thiên nhân:
107. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ tám về bại vong.
Thứ chín, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?
Thế Tôn:
108. Không vừa đủ vợ mình,
Ðược thấy giữa dâm nữ,
Ðược thấy với vợ người,
Chính cửa vào bại vong.
Thiên nhân:
109. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ chín về bại vong.
Thứ mười, mong Ngài nói,
Cửa vào của bại vong?
Thế Tôn:
110. Người tuổi trẻ đã qua,
Cưới cô vợ vú tròn,
Ghen nàng không ngủ được,
Chính cửa vào bại vong.
Thiên nhân:
111. Như vậy, chúng con rõ,
Thứ mười về bại vong.
Thứ mười một, xin nói,
Cửa vào của bại vong?
Thế Tôn:
112. Ðàn bà, hay đàn ông,
Rượu chè, tiêu hoang phí,
Ðược địa vị quyền thế,
Chính cửa vào bại vong.
Thiên nhân:
113. Như vậy, chúng con biết,
Thứ mười một bại vong.
Thứ mười hai, xin nói,
Cửa vào của bại vong?
Thế Tôn:
114. Tài sản ít, ái lớn,
Sanh gia đình hoàng tộc,
Ở đây muốn trị vì,
Chính cửa vào bại vong.115. Bại vong này ở đời,
Bậc trí khéo quán sát,
Ðầy đủ với chánh kiến,
Sống hạnh phúc ở đời.
(VII) Kinh Kẻ Bần Tiện (Vasalasuttam) (Sn 21)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvathi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Lúc bấy giờ, tại trú xứ của Bà-la-môn Aggikabhàradvàja, lửa tế lễ được đốt cháy, đồ cúng dường được dâng cao. Rồi Thế Tôn, trong khi thứ lớp khất thực ở Sàvatthi, đi đến trú xứ của Bà-la-môn Aggibhàradvàja. Bà-la-môn Aggibhàradvàja thấy Thế Tôn từ xa đi đến, thấy vậy bèn nói với Thế Tôn:
- Ở đây kẻ trọc đầu, ở đây kẻ Sa-môn ti tiện, ở đây kẻ bần tiện, hãy đứng lại.
Khi được nói vậy, Thế Tôn nói với Bà-la-môn Aggibhàradvàja:
- Này Bà-la-môn, Người có biết người bần tiện hay những pháp tạo ra kẻ bần tiện không?
- Này Tôn giả Gotama, tôi không biết kẻ bần tiện hay những pháp tạo ra kẻ bần tiện. Lành thay, nếu Tôn giả Gotama thuyết pháp như thế nào cho tôi, để tôi được biết về kẻ bần tiện hay các pháp tạo thành kẻ bần tiện.
- Vậy này Bà-la-môn, hãy nghe và khéo tác ý, Ta sẽ nói.
- Thưa vâng, Tôn giả!
Bà-la-môn Aggibhàradvàja vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
116. Người phẫn nộ, hiềm hận,
Ác nhân, gièm pha người,
Ác tà kiến, man trá,
Ðược biết là bần tiện.117. Ai ở đây hại vật,
Một sanh, hoặc hai sanh,
Không thương xót hữu tình,
Ðược biết là bần tiện.118. Ai làm hại vây hãm,
Các làng, các thị trấn,
Kẻ cướp đoạt có tiếng,
Ðược biết là kẻ bần tiện.119. Tại làng hay tại rừng,
Vật sở hữu của người,
Lấy trộm của không cho,
Ðược biết là kẻ bần tiện.120. Ai vay nợ của người,
Bị đòi liền trốn tránh,
Ta đâu mắc nợ ngươi,
Ðược biết là kẻ bần tiện.121. Ai vì ham vật mọn,
Kẻ đang đi trên đường,
Giết hại cướp vật mọn,
Ðược biết là kẻ bần tiện.122. Ai vì mình, vì người,
Hay vì nhân tài sản,
Làm nhân họ nói láo,
Ðược biết là kẻ bần tiện.123. Ai được thấy giữa vợ
Của bà con, bạn thân,
Ép buộc hay ưng thuận,
Ðược biết là kẻ bần tiện.124. Ai với mẹ hay cha,
Già yếu, tuổi trẻ qua,
Tuy giàu không giúp đỡ,
Ðược biết là kẻ bần tiện.125. Ai với mẹ hay cha,
Với anh chị, nhạc mẫu,
Làm hại, dùng lời mắng,
Ðược biết là kẻ bần tiện.126. Ai được hỏi mục đích,
Lại khuyên lời trái đích,
Khuyên bảo nên che đậy,
Ðược biết là kẻ bần tiện.127. Ai làm các nghiệp ác,
Muốn không biết mình làm,
Ai làm hạnh che đậy,
Ðược biết là kẻ bần tiện.128. Ai đến nhà người khác,
Ăn món ăn ngon lành,
Lại không đáp lễ lại,
Ðược biết là bần tiện.129. Ai nói dối lường gạt,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Hay các người nghèo khác,
Ðược biết là bần tiện.130. Dùng lời mắng, không cho,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Khi thời ăn uống đến,
Ðược biết là bần tiện.131. Ở đời nói không thật,
Bị si mê che đậy,
Tham cầu chút lợi nhỏ,
Ðược biết là bần tiện.132. Ai đề cao tự ngã,
Khi miệt giá trị người,
Hạ mình với tự cao,
Ðược biết là bần tiện.133. Ai gây hấn, hà tiện,
Ác dục và xan tham,
Xảo quyệt, không tàm quí,
Ðược biết là bần tiện.134. Ai phỉ báng đức Phật,
Hay đệ tử của Ngài,
Hàng xuất gia, tại gia,
Ðược biết là bần tiện.135. Ai không phải La-hán,
Tự nhận là La-hán,
Kẻ trộm Phạm thiên giới,
Chính tối hạ bần tiện.
Những hàng bần tiện này,
Ta nói rõ cho Ông.136. Bần tiện không vì sanh,
Phạm chí không vì sanh,
Do hành, thành bần tiện,
Do hành, thành Phạm chí.137. Do đây, nên hiểu biết,
Như Ta trình bày rõ,
Màtanga được danh,
Bần tiện, ăn thịt chó.138. Danh tối thượng khó đạt,
Màtanga đạt được,
Nhiều Sát-ly, Phạm chí,
Ðến hầu hạ vị ấy.
139. Vị ấy leo thiên xa,
Trên đường lớn không bụi,
Từ bỏ mọi dục tham,
Ðạt được Phạm thiên giới,
Thọ sanh không ngăn chận,
Vị ấy sanh Phạm thiên.140. Có những Bà-la-môn,
Sanh gia đình Ðạo sư,
Hay sanh những gia đình
Quyến thuộc với bùa chú,
Họ vẫn thường được thấy,
Làm các điều ác nghiệp,141. Hiện tại bị khinh miệt,
Ðời sau sanh ác thú,
Thọ sanh không ngăn chận,
Sanh ác thú đáng khinh.142. Bần tiện không vì sanh,
Phạm chí không vì sanh,
Do hành thành bần tiện,
Do hành thành Phạm chí.
Khi được nói vậy, Bà-la-môn Bhàradvàja bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, ví như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, mở toang ra những gì bị che kín, chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, đem đèn sáng vào trong bóng tối, để những ai có mắt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày. Con nay qui y Tôn giả Gotama, qui y Pháp và qui y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời qui ngưỡng.
(VIII) Kinh Từ Bi (Metta Sutta) (Sn 25)
143. Vị thiện xảo mục đích,
Cần phải làm như sau:
Sau khi hiểu thông suốt,
Con đường an tịnh ấy,
Có khả năng, trực tánh,
Thật sự, khéo chân trực,
Dễ nói và nhu hòa,
Không có gì cao mạn.144. Sống cảm thấy vừa đủ,
Nuôi sống thật dễ dàng,
Ít có sự rộn ràng,
Sống đạm bạc giản dị.
Các căn được tịnh lạc,
Khôn ngoan và thật trọng,
Không xông xáo gia đình,
Không tham ái, tham vọng.145. Các sở hành của mình,
Không nhỏ nhen vụn vặt,
Khiến người khác có trí,
Có thể sanh chỉ trích.
Mong mọi loài chúng sanh,
Ðược an lạc, an ổn,
Mong họ chứng đạt được,
Hạnh phúc và an lạc.146. Mong tất cả những ai,
Hữu tình có mạng sống,
Kẻ yếu hay kẻ mạnh,
Không bỏ sót một ai,
Kẻ dài hay kẻ lớn,
Trung, thấp, loài lớn, nhỏ.147. Loài được thấy, không thấy,
Loài sống xa, không xa,
Các loài hiện đang sống,
Các loài sẽ được sanh,
Mong mọi loài chúng sanh
Sống hạnh phúc an lạc.148. Mong rằng không có ai,
Lường gạt lừa dối ai,
Không có ai khinh mạn,
Tại bất cứ chỗ nào.
Không vì giận hờn nhau,
Không vì tưởng chống đối.
Lại có người mong muốn,
Làm đau khổ cho nhau.149. Như tấm lòng người mẹ,
Ðối với con của mình,
Trọn đời lo che chở,
Con độc nhất mình sanh.
Cũng vậy, đối tất cả
Các hữu tình chúng sanh,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng rộng lớn.150. Hãy tu tập từ tâm,
Trong tất cả thế giới,
Hãy tu tập tâm ý,
Không hạn lượng rộng lớn.
Phía trên và phía dưới,
Cũng vậy, cả bề ngang,
Không hạn chế, trói buộc,
Không hận, không thù địch.151. Khi đứng, hay khi đi,
Khi ngồi, hay khi nằm,
Lâu cho đến khi nào,
Khi đang còn tỉnh thức,
Hãy an trú niệm này,
Nếp sống này như vậy,
Ðược đời đề cập đến,
Là nếp sống tối thượng.152. Ai từ bỏ tà kiến,
Giữ giới, đủ chánh kiến,
Nhiếp phục được tham ái,
Ðối với các dục vọng,
Không còn phải tái sanh,
Ði đến thai tạng nữa.
Sàtàgira:
153. Nay đúng vào ngày rằm,
Ngày trai giới, bố-tát,
Nói vậy là dạ-xoa,
Tên Sàtàgira,
Ðêm đã được an trú,
Ðêm đẹp như cõi trời,
Hãy gặp Gotama,
Bậc Ðạo Sư vô thượng.
Hemavata:
154. Có phải ý vị ấy,
Tâm nguyện thật khéo phát?
Nói vậy là dạ-xoa,
Tên Hemavata,
Có phải đối sanh loại,
Có tâm tư như vậy?
Có phải các tư duy,
Ðược khéo léo điều phục
Ðối với các pháp khả ái,
Và pháp không khả ái?
Sàtàgira:
155. Ý vị ấy là vậy,
Tâm nguyện thật khéo phát,
Nói vậy là dạ-xoa,
Tên Sàtàgira,
Ðối với mọi sanh loại,
Có tâm tư như vậy,
Như vậy là tư duy,
Ðược khéo léo điều phục.
Hemavata:
156. Có phải là vị ấy
Không lấy vật không cho?
Nói vậy là dạ-xoa,
Tên Hemavata,
Có phải với hữu tình,
Vị ấy khéo chế ngự?
Có phải với phóng dật,
Vị ấy khéo viễn ly?
Có phải đối thiền định,
Vị ấy không từ bỏ?
Sàtàgira:
157. Vị ấy không có lấy
Những vật không được cho,
Nói vậy là dạ-xoa,
Tên Sàtàgira,
Vị ấy với hữu tình,
Rất khéo léo chế ngự,
Vị ấy với phóng dật,
Thật sự sống viễn ly,
Ðức Phật đối thiền định,
Không từ bỏ, sao lãng.
Hemavata:
158. Có phải là vị ấy,
Không nói lời nói láo?
Nói vậy là Dạ-xoa,
Tên Hemavata,
Có phải là vị ấy
Ðoạn tận các trách nhiệm?
Có phải là vị ấy
Không nói lời vu khống?
Có phải là vị ấy
Không nói lời phù phiếm?
Sàtàgira:
159. Và thật sự vị ấy,
Không nói lời nói láo,
Nói vậy là Dạ-xoa,
Tên Sàtàgira,
Ðoạn tận đường ác ngữ,
Không nói lời vu khống,
Vị ấy nói những lời
Sáng suốt, có nghĩa lý.
Hemavata:
160. Có phải đối các dục,
Vị ấy không tham ái?
Ðây là lời Dạ-xoa,
Tên Hemavata,
Có phải tâm vị ấy
Không có bị dao động?
Có phải tâm vị ấy
Vượt khỏi sự si ám?
Có phải thật vị ấy,
Có mắt đối các pháp?
Sàtàgira:
161. Vị ấy không tham ái
Ðối với các dục vọng,
Ðây là lời Dạ-xoa,
Tên Sàtàgira,
Tâm không có dao động,
Vượt khỏi mọi si ám,
Ðức Phật thật có mắt
Ðối với tất cả pháp.
Hemavata:
162. Có phải là vị ấy
Ðầy đủ về các minh?
Ðây là lời Dạ-xoa
Tên Hemavata,
Có phải là vị ấy
Sở hành thật thanh tịnh?
Có phải là vị ấy
Các lậu hoặc đoạn tận?
Có phải là vị ấy
Không còn có tái sanh?
Sàtàgira:
163. Sự thật là vị ấy,
Ðầy đủ với các minh,
Ðây là lời Dạ-xoa,
Tên Sàtàgira
Sở hành thật thanh tịnh,
Mọi lậu hoặc đoạn tận,
Thật sự đối vị ấy,
Không còn có tái sanh.
Hemavata:
163. (a) Có phải vị ẩn sĩ,
Với tâm được viên mãn,
Mọi việc làm vị ấy
Ðược làm khéo hoàn mãn,
Có phải người tán thán,
Một cách đúng Chánh pháp.
Vị đầy đủ trí đức,
Ðầy đủ cả hạnh đức.
Sàtàgira:
163. (b) Thật sự vị ẩn sĩ,
Với tâm được viên mãn,
Mọi việc làm vị ấy
Ðược làm khéo hoàn mãn.
Thật sự Ông tùy hỉ
Một cách đúng Chánh pháp,
Vị đầy đủ trí đức,
Ðầy đủ cả hạnh đức.
Cả hai:
164. Thật sự vị ẩn sĩ,
Với tâm được viên mãn,
Mọi việc làm vị ấy
Ðược làm khéo hoàn mãn.
Chúng ta hãy yết kiến
Tôn giả Gotama,
Vị đầy đủ trí đức,
Ðầy đủ cả hạnh đức.
Hemavata:
165. Bắp chân giống như nai,
Thon vững chắc, bền bỉ,
Giản dị ít nhu cầu,
Không tham đắm vật gì.
Hãy đi đến yết kiến
ẩn sĩ Gotama,
Vị hành trì thiền định,
Trong rừng núi xa vắng.166. Sống cô độc một mình,
Như sư tử, như voi,
Ngài không có tham đắm,
Không cầu mong các dục.
Chúng ta hãy đi đến,
Và hỏi thăm vị ấy
Về con đường giải thoát
Khỏi cạm bẫy Ác ma.
Cả hai:
167. Vị tuyên bố giải thích,
Vị đạt đến mọi pháp,
Bậc giác ngộ vượt khỏi
Hận thù và sợ hãi,
Chúng ta hãy đến học
Sa-môn Gotama.
Hemavata:
168. Do pháp nào có mặt,
Thế giới được sanh khởi,
Nói vậy là dạ-xoa,
Tên Hemavata.
Do pháp nào có mặt,
Tác thành sự giao hợp?
Sự chấp thủ ở đời,
Là chấp thủ cái gì?
Do pháp nào có mặt,
Thế giới bị tàn hại?
Thế Tôn:
169. Do sáu pháp có mặt,
Thế giới được sanh khởi,
Này Hemavata,
Thế Tôn nói như vậy.
Do sáu pháp có mặt,
Tác thành sự giao hợp,
Sự chấp thủ ở đời,
Là chấp thủ sáu pháp,
Do sáu pháp có mặt,
Thế giới bị tàn hại.
Hemavata:
170. Do chấp thủ cái gì,
Ðây thế giới bị hại?
Ðược hỏi, hãy nói lên,
Về con đường thoát đời.
Làm thế nào đau khổ,
Ðược giải thoát hoàn toàn?
Thế Tôn:
171. Ðây, năm dục trưởng dưỡng,
Ý được gọi thứ sáu,
Bỏ ước muốn ở đây,
Như vậy, thoát đau khổ.172. Ðây, con đường thoát đời.
Như thật nói Ông rõ,
Ðường này Ta nói Ông,
Như vậy, thoát đau khổ.
Hemavata:
173. Ðây, ai vượt bộc lưu?
Ðây, ai vượt biển lớn?
Không chân đứng bám víu,
Ai không chìm vực sâu?
Thế Tôn:
174. Ai luôn luôn đủ giới,
Có tuệ, khéo thiền định,
Tâm hướng nội, chánh niệm,
Vượt bộc lưu khó vượt.175. Ai từ bỏ dục tưởng,
Vượt khỏi mọi kiết sử,
Ai, hỷ, hữu đoạn tận,
Không chìm vào vực sâu.
Hemavata:
176. Vị trí tuệ thâm sâu,
Thấy được đích tế nhị,
Vị không có sở hữu,
Không tham đắm dục hữu.
Hãy yết kiến vị ấy,
Vị luôn luôn giải thoát,
Bậc đại sĩ tiến bước,
Trên con đường Thiên đạo.177. Bậc danh xưng vô thượng,
Bậc thấy đích tế nhị,
Bậc ban bố trí tuệ,
Không tham đắm dục tạng.
Hãy yết kiến vị ấy,
Vị Toàn trí, Thiện tuệ,
Bậc Ðại sĩ tiến bước
Trên con đường Thánh đạo.178. Hôm nay thật chúng con
Ðược thấy điềm tốt lành,
Ðược hào quang chói sáng,
Của bình minh tốt lành.
Vì chúng con được thấy,
Bậc Chánh Ðẳng Chánh Giác,
Bậc đã vượt bộc lưu,
Bậc đã đoạn lậu hoặc.179. Ngàn vị dạ-xoa này,
Có thần lực danh xưng,
Tất cả xin đi đến
Y tựa quy ngưỡng Ngài,
Ngài là bậc Ðạo Sư,
Vô thượng của chúng con.180. Chúng con sẽ bộ hành
Làng này qua làng khác,
Thành này qua thành khác,
Ðảnh lễ bậc Chánh giác,
Ðảnh lễ thiện pháp tánh,
Của Chánh pháp vi diệu.
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Alavi, tại trú xứ của Dạ-xoa Alavaka. Rồi Dạ-xoa Alavaka đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói với Thế Tôn:
- Này Sa-môn, hãy đi ra.
- Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn đi ra.
- Này Sa-môn, hãy đi vào.
- Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn đi vào. Lần thứ hai, Dạ-xoa Alavaka nói với Thế Tôn:
- Này Sa-môn, hãy đi ra.
- Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn đi ra:
- Này Sa-môn, hãy đi vào.
- Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn đi vào.
Lần thứ ba, Dạ-xoa Alavaka nói với Thế Tôn:
- Này Sa-môn, hãy đi ra.
- Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn đi ra.
- Này Sa-môn, hãy đi vào.
- Lành thay, Hiền giả.
Thế Tôn đi vào.
Lần thứ tư, Dạ-xoa Alavaka nói với Thế Tôn:
- Này Sa-môn, hãy đi ra.
- Này Hiền giả, Ta sẽ không đi ra cho Ông. Ông cần gì hãy làm?
- Này Sa-môn, ta sẽ hỏi Ngài. Nếu Ngài không trả lời cho ta, ta sẽ làm tâm trí Ngài điên loạn, hay ta sẽ bóp nát quả tim của Ngài, hay nắm chân của Ngài, ta sẽ quăng qua bờ sông bên kia sông Hằng.
- Này Hiền giả, Ta không thấy một ai trong thế giới với chư Thiên, với Ác ma và với Phạm thiên, trong quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn với chư Thiên và loài Người, lại có thể làm tâm Ta điên loạn, hay bóp nát quả tim của Ta, hay nắm chân quăng Ta qua bên kia bờ sông Hằng. Tuy vậy, này Hiền giả, Ông cứ hỏi như ý Ông muốn.
Rồi Dạ-xoa với bài kệ nói với Thế Tôn:
Alavaka:
181. Ở đời, tài sản gì,
Tối thắng cho con người?
Cái gì khéo thực hành
Ðem lại chơn an lạc.
Cái gì trong các vị,
Là vị ngọt tối thượng?
Nếp sống như thế nào,
Gọi nếp sống tối thắng?
Thế Tôn:
182. Ở đời này, lòng tin,
Tối thắng cho con người,
Cái gì khéo thực hành,
Ðem lại chơn an lạc?
Chánh pháp khéo thực hiện,
Ðem lại chơn an lạc,
Sự thật trong các vị,
Là vị ngọt tối thượng,
Nếp sống với trí tuệ,
Là nếp sống tối thắng.
Alavaka:
183. Thế nào vượt bộc lưu?
Thế nào vượt biển lớn?
Thế nào vượt qua khổ?
Thế nào thật thanh tịnh?
Thế Tôn:
184. Với tín, vượt bộc lưu,
Không phóng dật, vượt biển,
Tinh tấn, vượt đau khổ,
Với tuệ, được thanh tịnh.
Alavaka:
185. Thế nào được trí tuệ?
Thế nào được tài sản?
Thế nào đạt danh xưng?
Thế nào cột bạn hữu?
Ðời này qua đời sau,
Thế nào, chết không sầu?
Thế Tôn:
186. Tin tưởng bậc La-hán,
Tin pháp, đạt Niết-bàn,
Khéo nghe, được trí tuệ,
Bậc trí, không phóng dật.187. Làm thích đáng trách nhiệm,
Phấn đấu được tài sản,
Với sự thật được danh,
Bố thí cột bạn bè.188. Ai là người gia chủ,
Tin tưởng bốn pháp này,
Sự thật và Chánh pháp,
Kiên trì và bố thí,
Vị ấy sau khi chết,
Nhất định không sầu muộn.189. Hãy hỏi các vị khác,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Nếu có pháp nào khác
Ở đời, lại thắng hơn,
Sự thật và nhiếp phục,
Bố thí và kham nhẫn?
Alavaka:
190. Sao nay con rộng hỏi,
Sa-môn, Bà-la-môn,
Nay con được rõ biết,
Hiện, vị lai hạnh phúc.191. Vì hạnh phúc cho con,
Mong rằng bậc Giác Ngộ,
Hãy đi đến an trú,
Tại xứ Alavi.
Nay con đã rõ biết.
Chỗ nào thí, quả lớn.192. Con sẽ đi bộ hành,
Làng này qua làng khác,
Thành này qua thành khác,
Ðảnh lễ bậc Giác Ngộ,
Ðảnh lễ thiện pháp tánh
Của Chánh pháp vi diệu.
193. Hoặc là đi hay đứng,
Hoặc là ngồi hay nằm,
Hoặc co tay, duỗi tay,
Như vậy, thân dao động.194. Ràng buộc với xương gân,
Trét thoa với da thịt,
Thân được da che đậy,
Như thật không thấy rõ.195. Trong một bụng chứa đầy,
Cục gan, và bọng đái,
Quả tim và buồng phổi,
Cả thận, và tỳ tạng.196. Nước mũi, và nước miếng,
Mồ hôi, và nước mỡ,
Máu, và nước khớp xương,
Mật, và bạch huyết cầu.197. Từ chín nguồn nước này,
Bất tịnh luôn luôn chảy,
Từ mắt, đồ bẩn chảy,
Từ tai, đồ bẩn chảy.198. Nước mũi từ lỗ mũi,
Từ miệng, có khi chảy,
Chảy mật, và niêm dịch,
Từ thân, mồ hôi bẩn.199. Trong đầu thật trống rỗng,
Chứa đầy những óc, não.
Bị vô minh dắt dẫn,
Kẻ ngu nghĩ tịnh sạch.200. Khi bị chết nằm xuống,
Phồng lên, và xanh bầm,
Quăng bỏ trong nghĩa địa,
Bà con không đoái hoài.201. Chó, dã can đến ăn,
Chó sói, các côn trùng,
Quạ, diều hâu đến ăn,
Còn có hữu tình khác.202. Ðược nghe lời Phật dạy,
Tỷ-kheo có trí tuệ,
Vị ấy liễu tri thân,
Thấy thân đúng như thật.203. Ðây thế nào, kia vậy,
Kia thế nào, đây vậy,
Ðối với thân trong ngoài,
Từ bỏ mọi lòng dục.204. Từ bỏ lòng tham dục,
Ðây Tỷ-kheo có tuệ,
Chứng bất tử, tịch tịnh,
Niết-bàn giới thường trú.205. Thân này với hai chân,
Bất tịnh và hôi thúi,
Ðầy xác chết, chảy nước,
Lại được giữ, nâng niu.206. Với thân thể như vậy,
Ai lại nghĩ đề cao,
Hay khinh miệt kẻ khác,
Trừ kẻ không thấy gì.
207. Thân mật, sanh sợ hãi,
Trú xứ, sanh bụi bặm,
Không trú xứ, không thân,
Hình ảnh bậc ẩn sĩ.208. Ai đã chặt sanh hữu,
Không còn gieo giống thêm,
Sanh hữu đã đoạn tận,
Không muốn nó tùy sanh,
Ðược gọi là ẩn sĩ,
Một mình đi im lặng,
Bậc đại sĩ đã thấy,
Con đường tịch tịnh ấy.209. Sau khi ước lượng đất,
Tìm hiểu được hột giống,
Không còn muốn tham ái,
Ðược tiếp tục tùy sanh,
Vị ấy chân ẩn sĩ,
Thấy sanh diệt chấm dứt,
Ðoạn tận mọi lý luận,
Không rơi vào tính toán.210. Ðã rõ mọi trú xứ,
Không ham trú xứ nào,
Vị ấy chân ẩn sĩ,
Không tham, không say đắm.
Không còn phải ra sức,
Ðã đạt bờ bên kia.211. Bậc chiến thắng toàn diện,
Bậc toàn tri, thiện tuệ,
Ðối với tất cả pháp,
Không còn bị ô nhiễm.
Bậc từ bỏ tất cả,
Ái đoạn diệt, giải thoát.
Các bậc trí nhận thức,
Vị ấy thật ẩn sĩ.212. Vị có trí tuệ lực,
Giới cấm được đầy đủ,
Ðịnh tĩnh, thích thiền định,
Gìn giữ trì chánh niệm,
Giải thoát các trói buộc,
Không hoang vu, lậu tận,
Các bậc trí nhận thức,
Vị ấy thật ẩn sĩ.213. Bộ hành, riêng một mình,
ẩn sĩ, không phóng dật,
Trước chê bai, tán thán,
Không có bị dao động.
Như sư tử, không sợ,
Giữa các tiếng vang động.
Như gió không vướng lưới,
Như son không dính nước,
Bậc lãnh đạo mọi người,
Người không ai lãnh đạo.
Các bậc trí nhận thức,
Vị ấy thật ẩn sĩ.214. Vị nào biết xử sự,
Như cột trụ hồ tắm,
Khi người khác nói lời,
Lời khen chê cực đoạn,
Vị không có tham ái,
Với căn khéo định tĩnh,
Các bậc trí nhận thức,
Vị ấy thật ẩn sĩ.215. Ai thật tự mình đứng
Thẳng như cây thoi đưa,
Nhàm chán các nghiệp ác,
Quán sát chánh, bất chánh,
Các bậc trí nhận thức,
Vị ấy thật ẩn sĩ.216. Ai biết tự chế ngự,
Không làm các điều ác,
Trẻ và hạng trung niên,
Bậc ẩn sĩ chế ngự,
Vị không nên chọc giận,
Vì không làm ai giận,
Các bậc trí nhận thức,
Vị ấy thật ẩn sĩ.217. Ai sống nhờ người cho,
Nhận lãnh đồ khất thực,
Nhận từ trên, từ giữa,
Hay từ chỗ còn lại,
Không đủ để tán thán,
Không nói lời hạ mình,
Các bậc trí nhận thức,
Vị ấy thật ẩn sĩ.218. Sống thụ hạnh ẩn sĩ,
Từ bỏ sự dâm dục,
Ai lúc còn tuổi trẻ,
Không bị trói buộc gì,
Từ bỏ mạn, phóng dật,
Ðược hoàn toàn giải thoát,
Các bậc trí nhận thức,
Vị ấy thật ẩn sĩ.219. Rõ biết được thế giới,
Thấy được lý chân đế,
Vượt khỏi được bộc lưu,
Vượt biển lớn như vậy.
Vị chặt đứt trói buộc,
Không ỷ lại, vô lậu.
Các bậc trí nhận thức,
Vị ấy thật ẩn sĩ.220. Hai nếp sống không giống.
An trú, thật xa nhau,
Gia chủ, có vợ con,
Không ngã sở, khéo nhiếp,
Gia chủ không chế ngự,
Ngăn chận hữu tình khác,
Bậc ẩn sĩ luôn luôn,
Che chở loài hữu tình.221. Giống như loại chim công,
Loại chim có cổ xanh,
Không bao giờ sánh bằng
Chim thiên nga nhanh nhẹn.
Cũng vậy, người gia chủ,
Không sánh bằng Tỷ-kheo,
Bậc ẩn sĩ viễn ly,
Sống thiền định trong rừng.
(I) Kinh Châu Báu (Ratana Sutta) (Sn 39)
222. Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không
Mong rằng mọi sanh linh,
Ðược đẹp ý vui lòng,
Vậy, hãy nên cẩn thận,
Lắng nghe lời dạy này.223. Do vậy các sanh linh,
Tất cả hãy chú tâm,
Khởi lên lòng từ mẫn,
Ðối với mọi loài, người.
Ban ngày và ban đêm,
Họ đem vật cúng dường,
Do vậy không phóng dật,
Hãy giúp hộ trì họ.224. Phàm có tài sản gì,
Ðời này hay đời sau,
Hay ở tại thiên giới,
Có châu báu thù thắng,
Không gì sánh bằng được,
Với Như Lai, Thiện Thệ
Như vậy, nơi Ðức Phật,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.225. Ðoạn diệt và ly tham,
Bất tử và thù diệu,
Phật Thích Ca Mâu-Ni,
Chứng pháp ấy trong thiền.
Không gì sánh bằng được,
Với pháp thù diệu ấy.
Như vậy, nơi Chánh pháp,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.226. Phật Thế Tôn thù thắng,
Nói lên lời tán thán,
Pháp thiền định trong sạch,
Liên tục không gián đoạn,
Không gì sánh bằng được,
Pháp thiền vi diệu ấy,
Như vậy, nơi Chánh pháp,
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.227. Tám vị bốn đôi này,
Ðược bậc thiện tán thán,
Chúng đệ tử Thiện Thệ,
Xứng đáng được cúng dường.
Bố thí các vị ấy,
Ðược kết quả to lớn.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.228. Các vị lòng ít dục,
Với ý thật kiên trì,
Khéo liên hệ mật thiết,
Lời dạy Gotama!.
Họ đạt được quả vị,
Họ thể nhập bất tử,
Họ chứng đắc dễ dàng,
Hưởng thọ sự tịch tịnh,
Như vậy, nơi tăng chúng,
Là châu báu thù diệu,
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.229. Như vậy cột trụ đá,
Khéo y tựa lòng đất,
Dầu có gió bốn phương,
Cũng không thể dao động,
Ta nói bậc chơn nhân,
Giống như ví dụ này.
Vị thể nhập với tuệ,
Thấy được những Thánh đế,
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.230. Những vị khéo giải thích,
Những sự thật Thánh đế,
Những vị khéo thuyết giảng,
Với trí tuệ thâm sâu,
Dầu họ có hết sức,
Phóng dật không tự chế,
Họ cũng không đến nỗi,
Sanh hữu lần thứ tám.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.231. Vị ấy nhờ đầy đủ,
Với chánh kiến sáng suốt,
Do vậy, có ba pháp,
Ðược hoàn toàn từ bỏ.
Thân kiến và nghi hoặc,
Giới cấm thủ cũng không;
Ðối với bốn đọa xứ,
Hoàn toàn được giải thoát;
Vị ấy không thể làm,
Sáu điều ác căn bản.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.232. Dầu vị ấy có làm
Ðiều ác gì đi nữa,
Với thân hay với lời,
Kể cả với tâm ý,
Vị ấy không có thể
Che đậy việc làm ấy,
Vị ấy được nói rằng,
Không thể thấy ác đạo.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.233. Ðẹp là những cây rừng
Có bông hoa đầu ngọn,
Trong tháng ba nóng bức,
Những ngày hạ đầu tiên,
Pháp thù thắng thuyết giảng,
Ðược ví dụ như vậy,
Pháp đưa đến Niết-bàn,
Pháp hạnh phúc tối thượng.
Như vậy, nơi Ðức Phật,
Là châu báu thù diệu
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.234. Cao thượng, biết cao thượng,
Cho, đem lại cao thượng,
Bậc vô thượng thuyết giảng,
Pháp cao thượng thù thắng.
Như vậy, nơi đức Phật,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.235. Nghiệp cũ đã đoạn tận,
Nghiệp mới không tạo nên,
Với tâm tư từ bỏ,
Trong sanh hữu tương lai.
Các hột giống đoạn tận,
Ước muốn không tăng trưởng,
Bậc trí chứng Niết-bàn,
Ví như ngọn đèn này.
Như vậy, nơi Tăng chúng,
Là châu báu thù diệu.
Mong với sự thật này,
Ðược sống chơn hạnh phúc.236. Phàm ở tại đời này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không,
Hãy đảnh lễ đức Phật,
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.237. Phàm ở tại nơi này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không.
Hãy đảnh lễ Chánh pháp,
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.238. Phàm ở tại nơi này,
Có sanh linh tụ hội,
Hoặc trên cõi đất này,
Hoặc chính giữa hư không.
Hãy đảnh lễ chúng Tăng
Ðã như thực đến đây,
Ðược loài Trời, loài Người,
Ðảnh lễ và cúng dường.
Mong rằng với hạnh này,
Mọi loài được hạnh phúc.
(II) Kinh Hôi Thối (Amagandha) (Sn 42)
Bà-la-môn:
239. Các bậc Thiện chơn chánh,
Ăn hạt giống cây thuốc,
Ăn đậu đũa, đậu rừng,
Ăn lá, ăn rễ cây,
Ăn trái các dây leo,
Nhận được thật đúng pháp.
Vị ấy không nói láo,
Vì các dục thúc đẩy.240. Ôi ngài Kassapa,
Ai ăn các món ăn,
Do người khác bố thí,
Khéo làm, khéo chưng dọn,
Trong sạch và thù thắng;
Ăn lúa gạo thơm ngon.
Ai ăn uống như vậy
Là ăn thịt hôi thối.241. Này bà con Phạm thiên,
Chính Ngài tuyên bố rằng:
Ta không ăn đồ thối,
Ðể nuôi sống thân Ta.
Nhưng Ngài ăn món ăn
Bằng lúa gạo thơm ngon,
Ăn thịt các loài chim,
Nấu ăn thật khéo léo
Ta hỏi Kassapa:
Ý nghĩa sự kiện này,
Ngài định nghĩa thế nào,
Là ăn đồ hôi thối?
Ðức Phật Kassapa:
242. Sát sanh và hành hình,
Ðả thương và bắt trói,
Trộm cắp và nói láo,
Man trá và lừa đảo,
Giả bộ kẻ học thức,
Ði lại với vợ người,
Ðây là đồ ăn thối,
Ăn thịt không phải thối.243. Ở đời, các hạng người,
Không chế ngự lòng dục,
Ðam mê các vị ngon,
Liên hệ đến bất tịnh,
Theo chủ nghĩa hư vô,
Bất chánh khó hướng dẫn,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối.244. Ai thô bạo, dã man,
Sau lưng nói gièm pha,
Phản bạn không từ bi,
Lại cống cao ngạo mạn,
Tánh không có bố thí,
Không cho ai vật gì,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,245. Phẫn nộ và kiêu mạn,
Cứng đầu và chống đối
Man trá và tật đố,
Nói vô ích, huênh hoang,
Kiêu mạn và quá mạn,
Thân mật với kẻ ác,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,246. Ác giói, nợ không trả,
Làm người điểm chỉ viên,
Làm những nghề dối trá,
Ở đây, kẻ giả vờ,
Ở đây người bần tiện,
Những người làm ác nghiệp,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối.247. Ở đời đối hữu tình,
Người không biết kiềm chế,
Lấy cướp sở hữu người,
Chú tâm làm hại người,
Ác giới và tàn nhẫn
Ác ngữ, thiếu lễ độ,
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,248. Hạng tham ô, thù nghịch,
Tìm cách để giết hại,
Luôn luôn hướng về ác,
Sau chết sanh tối tăm,
Chúng sanh ấy rơi vào,
Ðịa ngục đầu xuống trước.
Ðây là ăn đồ thối,
Ăn thịt không phải thối,249. Không phải do cá thịt,
Cùng các loại nhịn ăn,
Không phải do lõa thể,
Ðầu trọc và bện tóc,
Không do tro trét mình,
Mặc da thú khô cứng,
Không phải do săn sóc,
Nuôi dưỡng lửa tế tự,
Không do nhiều khổ hạnh,
Ðể được chứng bất tử,
Không bùa chú tế tự,
Các tế đàn thời tiết,
Làm con người trong sạch,
Nếu nghi hoặc chưa đoạn.250. Do sống hộ trì căn,
Với các căn nhiếp phục,
Vững trú trên Chánh pháp,
Thích chân trực, hiền hòa,
Vượt khỏi các tham ái,
Ðoạn tận mọi khổ đâu,
Bậc trí không nhiễm dính,
Ðiều được thấy, được nghe.251. Nhiều lần, Thế Tôn thuyết,
Ý nghĩa lời dạy này,
Bậc bác học kệ chú,
Thâm hiểu ý nghĩa ấy.
Bậc ẩn sĩ nói lên,
Với những kệ tuyệt diệu,
Bậc không ăn đồ thối,
Ðộc lập, khó hướng dẫn.252. Nghe xong những lời dạy,
Lời Thế Tôn khéo nói,
Chấm dứt ăn đồ thối,
Ðoạn tận mọi khổ đau,
Vị ấy đảnh lễ Phật,
Với tâm ý nhún nhường,
Thỉnh cầu được cho pháp,
Xuất gia tại nơi đây.
(III) Kinh Xấu Hổ (Sn 45)
253. Ai mở miệng tuyên bố:
Tôi là bạn của anh,
Sở hành vượt xấu hổ,
Lại khinh chán bạn mình,
Không chịu khó gắng làm,
Công việc có thể làm.
Cần biết người như vậy,
Không phải bạn của tôi.254. Ai đối với bạn hữu,
Chỉ làm với lời nói,
Lời nói đẹp, khả ái,
Nhưng chỉ lời nói suông,
Bậc trí biết người ấy,
Người chỉ nói, không làm.255. Người luôn luôn chú ý,
Nghi ngờ sự thiếu sót,
Tìm kiếm các nhược điểm,
Người ấy không phải bạn,
Với ai có thể nắm,
Như con nằm trên ngực,
Người ấy mới thật bạn,
Không bị ai chia ly.256. Ai mong lợi ích quả,
Tu tập các sự kiện,
Ðem lại sự hân hoan,
Tu tập sự an lạc,
Ðem lại thưởng, tán thán,
Gánh trách nhiệm làm người.257. Uống xong vị viễn ly,
Uống xong vị an tịnh,
Không sợ hãi, không ác,
Hưởng vị ngọt, pháp hỷ.
(IV) Kinh Ðiềm Lành Lớn (Kinh Ðại Hạnh Phúc - Mahamangala Sutta) (Sn 46)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi một Thiên nhân, khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi đứng một bên. Ðứng một bên, vị Thiên nhân ấy với bài kệ bạch Thế Tôn:
Thiên nhân:
258. Nhiều Thiên nhân và Người,
Suy nghĩ đến điềm lành,
Mong ước và đợi chờ,
Một nếp sống an toàn,
Xin Ngài hãy nói lên
Về điềm lành tối thượng.
Thế Tôn:
259. Không thân cận kẻ ngu,
Nhưng gần gũi bậc trí,
Ðảnh lễ người đáng lễ
Là điềm lành tối thượng.260. Ở trú xứ thích hợp,
Công đức trước đã làm,
Chân chánh hướng tụ tâm,
Là điều lành tối thượng.261. Học nhiều, nghề nghiệp giỏi,
Khéo huấn luyện học tập,
Nói những lời khéo nói
Là điềm lành tối thượng.262. Hiếu dưỡng mẹ và cha,
Nuôi dưỡng vợ và con,
Làm nghề không rắc rối
Là điềm lành tối thượng.263. Bố thí, hành đúng pháp,
Săn sóc các bà con,
Làm nghiệp không lỗi lầm
Là điềm lành tối thượng.264. Chấm dứt, từ bỏ ác,
Chế ngự đam mê rượu,
Trong pháp, không phóng dật
Là điềm lành tối thượng.
265. Kính lễ và hạ mình,
Biết đủ và biết ơn,
Ðúng thời, nghe Chánh pháp
Là điềm lành tối thượng.266. Nhẫn nhục, lời hòa nhã,
Yết kiến các Sa-môn,
Ðúng thời, đàm luận pháp,
Là điềm lành tối thượng.267. Khắc khổ và Phạm hạnh,
Thấy được lý Thánh đế,
Giác ngộ quả Niết bàn
Là điềm lành tối thượng.268. Khi xúc chạm việc đời,
Tâm không động, không sầu,
Không uế nhiễm, an ổn
Là điềm lành tối thượng.269. Làm sự việc như vậy,
Không chỗ nào thất bại,
Khắp nơi được an toàn,
Là điềm lành tối thượng.
(V) Kinh Sùciloma (Sn 47)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú tại Gayà, ở Tamkitamanca tại trú xứ của Dạ-xoa Sùciloma. Lúc bấy giờ, Dạ-xoa Khara, Dạ-xoa Sùciloma đi qua Thế Tôn không bao xa. Dạ-xoa Khara nói với Dạ-xoa Sùciloma: Ðây là Sa-môn. Ðây không phải là Sa-môn. Ðây là Sa-môn hay là Sa-môn giả hiệu. Rồi Dạ-xoa Sùciloma đi đến Thế Tôn, sau khi đến cọ xát thân Thế Tôn. Thế Tôn tránh né thân của mình, rồi Dạ-xoa Sùciloma nói với Thế Tôn:
- Có phải Sa-môn sợ ta?
- Này Hiền giả, Ta không sợ Ông, nhưng xúc phạm với Ông là ác.
- Này Sa-môn, ta sẽ hỏi Ngài, nếu Ngài không trả lời cho ta, ta sẽ làm cho tâm Ngài điên loạn, hay bóp nát quả tim của Ngài, hay nắm chân của Ngài, ta sẽ quăng qua bờ bên kia sông Hằng.
- Này Hiền giả, Ta không thấy một ai trong thế giới chư Thiên, với chư Thiên, Ác ma và Phạm Thiên, trong quần chúng Sa-môn, Bà-la-môn với chư Thiên và loài Người, lại có thể làm cho tâm Ta điên loạn hay bóp nát quả tim của Ta, hay nắm chân của Ta, sẽ quăng Ta qua bờ bên kia sông Hằng. Tuy vậy, này Hiền giả, Ông cứ hỏi Ta như ý Ông muốn.
Rồi Dạ-xoa Sùciloma với câu kệ nói với Thế Tôn:
Sùciloma:
270. Từ những nguyên nhân nào,
Tham và sân khởi lên?
Không ưa thích, ưa thích,
Sợ hãi từ đâu sanh?
Từ đâu được sanh khởi,
Các suy tầm của ý,
Như đứa trẻ độc ác,
Thả cho con quạ bay?
Thế Tôn:
271. Từ những nguyên nhân này,
Tham, sân được khởi lên,
Không ưa thích, ưa thích,
Sợ hãi từ đây sanh,
Từ đây được sanh khởi,
Các suy tầm của ý,
Như đứa trẻ độc ác,
Thả cho con quạ bay.272. Sự hiện hữu của ngã,
Chính do thân ái sanh,
Như các loại cây bàng,
Do thân cây bàng sanh.
Sự triền phược các dục,
Thật rộng lớn vô cùng,
Như cây Màluvà,
Tỏa rộng lan khắp rừng.273. Hãy nghe! Này Dạ-xoa,
Những ai được rõ biết
Từ đâu, khiến sanh khởi,
Họ tẩy sạch nhân ấy.
Họ vượt qua dòng nước,
Chảy mạnh khổ vượt này,
Trước chưa được vượt qua,
Không còn có tái sanh.
(VI) Kinh Hành Chánh Pháp (Sn 49)
274. Pháp hạnh và Phạm hạnh,
Ðược gọi là tối thượng hạnh,
Nếu là người xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà.275. Nếu bản tánh lắm mồm,
Ưa làm hại như thú,
Ðời sống ấy ác độc,
Làm ngã tăng bụi trần.276. Tỷ-kheo ưa cãi nhau,
Bị vô minh che đậy,
Không biết pháp luật dạy,
Pháp do Phật tuyên thuyết.277. Bị vô minh lãnh đạo,
Hại bậc tu tập ngã,
Không biết đường ô nhiễm,
Ðưa đến cõi địa ngục.278. Vị Tỷ-kheo như vậy,
Rơi vào chỗ đọa xứ,
Ði đầu thai chỗ này,
Ðến đầu thai chỗ khác,
Ði từ tối tăm này,
Ðến chỗ tối tăm khác.
Vị ấy sau khi chết,
Rơi vào chỗ khổ đau.279. Như hố phân đầy tràn,
Sau nhiều năm chất chứa,
Cũng vậy, kẻ uế nhiễm,
Thật khó lòng gột sạch.280. Hỡi này các Tỷ-kheo,
Hãy biết người như vậy,
Hệ lụy với gia đình,
Ác dục, ác tư duy,
Ác uy nghi cử chi,
Ác sở hành, hành xứ.281. Tất cả đều đồng tình,
Tránh xa ngưòi như vậy,
Hãy thổi nó như bụi,
Hãy quăng nó như rác.282. Hãy đuổi kẻ nói nhiều,
Kẻ Sa-môn giả hiệu,
Sau khi đuổi ác dục,
Ác uy nghi hành xứ.283. Hãy giữ mình trong sạch,
Chung sống kẻ trong sạch,
Sống thích đáng, chánh niệm,
Rồi hòa hợp, sáng suốt,
Hãy chấm dứt khổ đau.
(VII) Kinh Pháp Bà-la-môn (Sn 50)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Rồi nhiều Bà-la-môn đại phú ở Kosala già yếu, cao niên, trưởng lão, đã đến tuổi trưởng thượng, đã gần mãn cuộc đời, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Bà-la-môn đại phú ấy bạch Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, hiện nay còn có những Bà-la-môn nào được thấy là theo pháp Bà-la-môn của những Bà-la-môn thời xưa?
- Này các Bà-la-môn, hiện nay không còn thấy các Bà-la-môn theo pháp Bà-la-môn của các Bà-la-môn thời xưa?
- Lành thay, Tôn giả Gotama hãy nói cho pháp Bà-la-môn của các Bà-la-môn thời xưa. Nếu Tôn giả Gotama không thấy gì phiền phức.
- Vậy này các Bà-la-môn, hãy nghe và khéo tác ý. Ta sẽ nói.
- Thưa vâng, Tôn giả.
Các Bà-la-môn đại phú ấy vâng đáp Thế Tôn, Thế Tôn nói như sau:
284. Các ẩn sĩ thời xưa,
Chế ngự, sống khắc khổ,
Bỏ năm dục trưởng dưỡng,
Hành lý tưởng tự ngã.285. Phạm chí, không gia súc,
Không vàng bạc lúa gạo,
Học hỏi là tài sản,
Họ che chở hộ trì,
Kho tàng tối thượng ấy.286. Ðồ ăn được sửa soạn,
Ðược đặt tại ngưỡng cửa,
Với lòng tin, họ soạn
Ðể cúng bậc Thánh cầu.287. Với vải mặc nhiều màu,
Với giường nằm trú xứ,
Từ quốc độ giàu có,
Họ đảnh lễ Phạm chí.288. Không bị ai xâm phạm
Là Phạm chí thời ấy,
Không bị ai chiến hại,
Họ được pháp che chở,
Không ai ngăn chận họ,
Tại ngưỡng cửa gia đình.289. Từ trẻ đến bốn tám,
Các Phạm chí thời xưa,
Họ sống hành Phạm hạnh,
Tầm cầu minh và hạnh.290. Các vị Bà-la-môn,
Không đến giai cấp khác,
Không mua người làm vợ,
Chung sống trong tình thương,
Họ đi đến với nhau,
Trong niềm hoan hỷ chung.291. Ngoại trừ thời gian ấy,
Thời có thể thụ thai,
Là người Bà-la-môn,
Không đi đến giao cấu.292. Họ tán thán Phạm hạnh,
Giới, học thức, nhu hòa,
Khắc khổ và hòa nhã,
Bất hại và nhẫn nhục.293. Vị tối thắng trong họ,
Là Phạm thiên, nỗ lực,
Vị ấy không giao hợp,
Cho đến trong cơn mộng.294. Ở đời, bậc có trí,
Học theo hạnh vị ấy,
Họ tán thán Phạm hạnh,
Giới đức và nhẫn nhục.295. Họ xin cơm, sàng tọa,
Vải mặc, bơ và dầu,
Thâu nhiếp thật đúng pháp,
Họ tổ chức tế tự,
Trong lễ tế tự ấy,
Họ không giết bò cái.296. Như mẹ và như cha,
Như anh, như bà con,
Bò là bạn tối thượng,
Từ chúng, sanh được vị.297. Bò cho ăn, cho sức,
Cho dung sắc, cho lạc
Biết được lợi ích này,
Họ không giết hại bò.298. Họ đoan trang thân lớn,
Có dung sắc, danh xưng,
Bản tánh là nhiệt tình,
Trong hành thiện dứt ác,
Họ còn sống ở đời,
Dân chúng hưởng an lạc.299. Giữa họ có đảo lộn,
Họ thấy vật nhỏ nhen.
Thấy huy hoàng nhà vua,
Thấy trang sức phụ nữ.300. Các cỗ xe khéo làm,
Thắng với ngựa thuần thục,
Trang hoàng với tấm thảm,
Nhiều sắc lại nhiều màu.
Các trú xứ phòng ốc,
Khéo chia, khéo ngăn cách.301. Ðàn bà mập vây quanh,
Chúng người đẹp hầu hạ,
Bà-la-môn tham đắm,
Tài sản lớn của người.302. Ðọc các bài kệ tụng,
Họ đến Okkàla,
Ngài được tài sản lớn,
Ngài được lúa gạo nhiều.
Hãy thiết lập tế đàn,
Vì tài sản ngài lớn,
Hãy thiết lập tế đàn,
Vì tiền bạc ngài lớn.303. Rồi vua, bậc lãnh tụ,
Vương chủ các xa binh,
Ðược các Bà-la-môn
Nhiếp phục và cảm hóa,
Tổ chức các tế đàn,
Về ngựa và về người,
Quăng con nêm, nước thánh,
Với các cửa then cài.
Lễ tế đàn này xong,
Họ cho các Phạm chí,
Rất nhiều loại tài sản.304. Bò, giường nằm, áo mặc,
Nữ nhân trang sức đẹp,
Các cỗ xe khéo làm,
Thắng với ngựa thuần thục,
Trang hoàng với tấm thảm,
Nhiều sắc lại nhiều màu.305. Các trú xứ đẹp đẽ,
Khéo chia, khéo ngăn cách,
Ðầy các loại lúa gạo,
Họ cho các Phạm chí,
Rất nhiều là tài sản.306. Ở đây, được tài sản,
Phạm chí thích cất chứa,
Lòng dục chúng thỏa mãn,
Khát ái càng tăng trưởng,
Họ lại đọc kệ tụng,
Họ đến Okkàka.307. Như nước, đất và vàng,
Tài sản và lúa gạo,
Cũng vậy là các bò,
Ðối với các loài, người.
Chúng là những vật dụng,
Cần thiết cho hữu tình.
Hãy thiết lập tế đàn,
Vì tài sản ngài lớn,
Hãy thiết lập tế đàn,
Vì tiền bạc ngài lớn?308. Rồi vua, bậc lãnh tụ,
Vương chủ các xa binh,
Ðược các Bà-la-môn,
Nhiếp phục và cảm hóa,
Tổ chức các tế đàn,
Trăm ngàn bò bị giết309. Không phải với bàn chân,
Cũng không phải với sừng.
Con bò hại một ai,
Chúng được khéo nhiếp phục
Như con dê, con cừu,
Chúng cho nhiều ghè sữa,
Tuy vậy, vua ra lệnh,
Nắm sừng bắt lấy chúng,
Giết chúng bằng dao gươm.310. Rồi chư Thiên, Tổ tiên,
Ðế Thích, A-tu-la,
Với các hàng Dạ-xoa,
Ðồng thanh cùng la lớn,
Như vậy là phi pháp,
Khi gươm giết hại bò.311. Trước đã có ba bệnh,
Dục, ăn không đủ già,
Do giết hại muôn thú,
Chúng lên đến chín tám.312. Trượng phạt phi pháp này,
Từ xưa truyền đến nay,
Vật vô tội bị giết,
Còn người lễ tế đàn,
Thối thất khỏi Chánh pháp,313. Vậy tùy pháp cổ này,
Bị bậc trí khiển trách,
Chỗ nào lễ tế đàn,
Như vậy, được xem thấy,
Quần chúng liền chỉ trích,
Các vị lễ tế đàn.314. Như vậy, pháp bị hoại,
Hạng Thủ-đà, Phệ-xá,
Bị phân ly chia rẽ,
Các hạng Sát-đế-lị
Bị chia năm, chẻ bảy
Còn vợ khinh rẽ chồng.315. Các Sát-lị hoàng tộc,
Các bà con Phạm thiên,
Cùng với hạng người khác,
Ðược gia tộc che chở,
Họ bỏ quên sanh chủng,
Họ rơi vào các dục.
Khi nghe nói vậy, các Bà-la-môn đại phú ấy bạch Thế Tôn;
- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, trình bày rõ những gì bị che kín chỉ đường cho kẻ bị lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối đễ những ai có mắt có thể nhìn thấy sắc. Cũng vậy, Pháp được Tôn giả Gotama với nhiều pháp môn trình bày giải thích. Chúng con xin quy y Tôn giả Gotama quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Mong Tôn giả Gotama nhận chúng con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, chúng con trọn đời quy ngưỡng.
(VIII) Kinh Chiếc Thuyền (Sn 55)
316. Từ vị nào một người,
Rõ biết được Chánh pháp,
Hãy đảnh lễ vị ấy,
Như chư Thiên, Inda,
Vị ấy được đảnh lễ,
Tâm tư sanh hoan hỷ,
Nghe nhiều, học hỏi nhiều,
Thuyết trình chơn diệu pháp.317. Vị sáng suốt chú tâm,
Suy tư và quán sát
Thực hành pháp tuỳ pháp,
Trở thành vị hiểu biết,
Thông minh và thận trọng,
Không phóng dật, vị ấy,
Theo gương vị như vậy.318. Ai phục vụ kẻ ngu,
Ngu si, tâm bé nhỏ,
Mục đích chưa đạt được,
Lại ganh tị tật đố,
Chính ở đây Chánh pháp,
Không phát triển tu tập,
Chưa vượt thoát nghi hoặc,
Người ấy bị tử vong.319. Như người nhảy xuống sông,
Dòng sông nước ngập tràn,
Nước sông, nhớp đục ngầu,
Dòng nước chảy nhanh mạnh
Người ấy bị lôi cuốn,
Theo dòng nước trôi đi,
Làm sao nó có thể,
Giúp người khác vượt dòng.320. Cũng vậy, với người nào,
Pháp không được tu tập,
Không quán sát ý nghĩa,
Của những vị nghe nhiều,
Tự mình không rõ biết,
Nghi hoặc chưa vượt qua,
Làm sao nó có thể,
Giúp người khác thiền định.321. Như người được leo lên,
Chiếc thuyền mạnh vững chắc,
Ðược trang bị đầy đủ,
Mái chèo và tay lái;
Người như vậy ở đây,
Giúp nhiều người ngược dòng,
Rõ biết những phương tiện,
Thiện xảo và sáng suốt.322. Như vậy, bậc sáng suốt,
Luôn luôn tự tu tập,
Bậc nghe nhiều hiểu nhiều,
Không còn bị dao động,
Vị ấy giúp đỡ được,
Các người khác tu thiền,
Làm khởi lên nguyên nhân,
Tha thiết muốn nghe pháp.323. Do vậy, hãy thân cận,
Bậc chân nhân hiền sĩ,
Bậc sáng suốt, có trí,
Bậc nghe nhiều học nhiều.
Sau khi biết mục đích,
Cố gắng khéo hành trì,
Rõ biết được Chánh pháp,
Vị ấy được an lạc.
(IX) Kinh Thế Nào là Giới (Sn 56)
324. Thế nào là giới đức?
Thế nào là chánh hạnh?
Cần phải làm tăng trưởng.
Thân khẩu ý nghiệp nào?
Ðể người chánh nhập cuộc,
Ðạt được đích tối thượng?325. Kính lễ bậc trưởng thượng,
Không ganh tị một ai,
Cần phải biết thời gian,
Ðể yết kiến Ðạo sư,
Biết được đúng thời khắc,
Thuyết pháp bắt đầu giảng,
Hãy cẩn thận lắng nghe,
Lời giảng được khéo nói.326. Hãy đi đến đúng thời,
Trước mặt vị Ðạo Sư,
Từ bỏ tánh cứng đầu,
Với thái độ khiêm tốn,
Hãy nhớ nghĩ ức niệm,
Hãy chơn chánh hành trì,
Mục đích và Chánh pháp,
Chế ngự và Phạm hạnh327. Vui thích trong Chánh Pháp
Hoan hỷ trong Chánh Pháp,
An trú trên Chánh pháp,
Biết phân tích Chánh pháp,
Sở hành không làm gì,
Có lời uế nhiễm pháp,
Chịu hướng dẫn lãnh đạo,
Lời trung thực khéo nói.328. Bỏ cười đùa, lắm miệng,
Khóc than và sân hận,
Làm những điều man trá,
Lừa đảo, tham, kiêu mạn,
Bồng bột và bạo ngôn,
Cứng rắn và đam mê,
Sống từ bỏ tất cả,
Ly say đắm, kiên trì.329. Thức tri được cốt lõi,
Những lời đươc khéo nói,
Ðươc nghe khéo thức tri,
Cốt lõi của thiền định,
Với con người hấp tấp,
Lại phóng dật buông lung,
Trí tuệ, đều được nghe,
Không có thể tăng trưởng.330. An vui thích Chánh pháp,
Do bậc Thánh tuyên thuyết,
Họ trở thành vô thượng,
Về lời ý và nghiệp,
Họ an tịnh nhu hòa,
An trú trên thiền định,
Chứng đạt được cốt lõi,
Pháp được nghe, trí tuệ.
(X) Kinh Ðứng Dậy (Sn 57)
331. Hãy đứng dậy, ngồi dậy,
Với người mộng ích gì?
Kẻ bệnh ngủ làm gì?
Khi mũi tên phiền lụy.332. Hãy đứng dậy, ngồi dậy,
Hãy kiên trì học tập,
Ðạt cho được an tịnh,
Ðừng để cho thần chết,
Biết Ông là phóng dật,
Mê hoặc, chinh phục Ông.333. Chư Thiên và loài Người,
Sống y chỉ tầm cầu,
Hãy vượt ái dục này,
Chớ để thời khắc qua,
Khi thời khắc đã qua,
Bị sầu khổ địa ngụ.334. Phóng dật là bụi nhơ,
Bụi do phóng dật khởi,
Với minh, không phóng dật,
Tự mình rút mũi tên
(XI) Kinh Ràhula (Sn 58)
Thế Tôn:
335. Thường chung sống người hiền,
Thầy có khinh miệt không?
Người cầm đuốc loài Người,
Ðược thầy tôn trọng không?
Ràhula:
336. Thường chung sống người hiền,
Con không có khinh miệt.
Người cầm đuốc loài Người,
Thường được con tôn trọng.
Thế Tôn:
337. Bỏ năm dục trưởng dưỡng,
Khả ái và đẹp ý,
Với lòng tin xuất gia,
Hãy trở thành con người,
Làm chấm dứt khổ đau.338. Thân cận với bạn lành,
Sống trú xứ xa vắng,
Viễn ly không ồn ào,
Hãy tiết độ ăn uống339. Y áo, đồ khất thực,
Vật dụng và sàng tọa,
Chớ có tham ái chúng,
Chớ trở lui đời này.330. Chế ngự trong giới bổn,
Phòng hộ trong năm căn,
Hãy tu tập niệm thân,
Sống với nhiều nhàm chán.341. Hãy từ bỏ tịnh tướng,
Hệ lụy với tham ái,
Tu tập tâm bất tịnh,
Nhất tâm, khéo định tĩnh.342. Hãy tu tập vô tướng,
Bỏ đi, mạn tùy miên,
Do nhiếp phục kiêu mạn,
Ngươi sẽ sống an tịnh.
Như vậy, Thế Tôn thường giáo giới Tôn giả Ràhula với những bài kệ này.
(XII) Kinh Vangìsa (Sn 59)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế tôn sống ờ Alavi, tại điện Aggàlava. Lúc bấy giờ, giáo sư thọ sư của Tôn giả Vangìsa, tên là Nigrodhakappa tại điện Aggalava, mệnh chung không bao lâu. Rồi Tôn giả Vangìsa, trong khi thiền định độc cư, tư tưởng sau đây được khởi lên: "Không biết bậc giáo thọ sư của ta có hoàn toàn nhập Niết-bàn hay không hoàn toàn nhập Niết-bàn?". Rồi Tôn giả Vangìsa vào buổi chiều, từ thiền tịnh đứng dậy, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Vangìsa bạch Thế Tôn:
- Ở đây, bạch Thế Tôn, trong khi Thiền tịnh độc cư, con khởi lên tư tưởng như sau: "Không biết bậc giáo thọ sư của con có hoàn toàn nhập Niết Bàn hay không, hoàn toàn nhập Niết-bàn?"
Rồi Tôn giả Vangìsa, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, chấp tay vái chào Thế Tôn và với bài kệ, nói lên với Thế Tôn:
Vangìsa:
343. Con hỏi bậc Ðạo Sư,
Bậc trí tuệ tối thượng,
Ai chặt đứt nghi hoặc,
Ngay trong đời hiện tại?
Tại Aggàlava,
Tỷ-kheo đã mệnh chung,
Có danh vọng danh xưng,
Nhập Niết bàn tịch tịnh.344. Nigrodhakappa,
Chính là tên vị ấy,
Chính Thế Tôn đặt tên,
Cho vị Phạm chí ấy,
Vị ấy đảnh lễ Ngài,
Sống tầm cầu giải thoát,
Tinh cần và tinh tấn,
Kiên cố thấy Chánh Pháp.345. Bạch Thích Ca, chúng con
Ðệ tử Ngài, tất cả
Chúng con đều muốn biết
Bậc Pháp nhãn biến tri,
An trú tại chúng con,
Sẵn sàng để được nghe,
Ngài Ðạo sư chúng con,
Ngài là bậc Vô thượng.346. Hãy đoạn nghi chúng con,
Cho con biết vị ấy,
Ðã được tịch tịnh chưa
Bậc trí tuệ rộng lớn,
Hãy nói giữa chúng con,
Bậc có mặt cùng khắp,
Như Thiên chủ Ðế Thích,
Lãnh đạo ngàn chư Thiên.347. Phàm những cột gút gì,
Ở đây, đường si ám,
Dự phần với vô trí,
Trú xứ cho nghi hoặc;
Gặp được đức Như Lai,
Họ đều không còn nữa.
Mắt này mắt tối thắng,
Giữa cặp mắt loài Người.348. Nếu không có người nào,
Ðoạn trừ các phiền não,
Như gió thổi tiêu tan
Các tầng mây dưới thấp,
Màn đen tức bao trùm,
Tất cả toàn thế giới,
Những bậc có hào quang,
Không có thể chói sáng.349. Bậc trí là những vị
Tạo ra những ánh sáng,
Con xem Ngài như vậy.
Ôi! Bậc trí sáng suốt,
Chúng con đều cùng đến,
Bậc tu hành thiền quán,
Giữa hội chúng, chúng con,
Hãy nói về Kappa!350. Hãy gấp phát tiếng lên,
Tiếng âm thanh vi diệu,
Như con chim thiên nga,
Giương cổ lên để hót,
Phát âm từng tiếng một,
Với giọng khéo ngân nga,
Tất cả bạn chúng con,
Trực tâm nghe lời Ngài.351. Vị đoạn tận sanh tử,
Không còn chút dư tàn,
Vị tẩy sạch phiền não,
Con cầu Ngài thuyết pháp,
Kẻ phàm phu không thể
Làm theo điều nó muốn.
Bậc Như Lai làm được,
Ðiều được ước định làm,352. Câu trả lời của Ngài
Thật đầy đủ trọn vẹn,
Ðược chơn chánh nắm giữ,
Bậc chánh trực trí tuệ.
Ðây chắp tay cuối cùng,
Con khéo vái chào Ngài,
Chớ làm con si ám,
Bậc trí tuệ tối cao.353. Sau khi đã được biết
Thánh pháp thượng và hạ,
Chớ làm con si ám,
Bậc tinh tấn tối cao,
Như vào giữa mùa hè,
Nóng bức khát khao nước,
Chúng con ngóng trông lời,
Hãy mưa sự hiểu biết.354. Kappa, sống Phạm hạnh,
Nếp sống có mục đích,
Phải chăng sống như vậy
Là sống không uổng phí?
Vị ấy chứng tịch tịnh,
Hay còn dư tàn lại,
Ðược giải thoát thế nào,
Hãy nói chúng con nghe!
Thế Tôn:
355. Vị ấy trên danh sắc,
Ðã đoạn tận tham ái,
Thế Tôn ở nơi đây
Ðã trả lời như vậy,
Vượt qua được già chết,
Không còn có dư tàn,
Thế Tôn nói như vậy,
Bậc tối thắng thứ năm.
Vangìsa:
356. Nghe vậy, con tịnh tín,
Với lời nói của Ngài,
Bậc ẩn sĩ thứ bảy?
Và lời hỏi của con.
Không phải là vô ích!
Và vị Bà-la-môn
Không có lừa dối con.357. Nói gì thời làm vậy,
Thật xứng đệ tử Phật,
Chặt đứt lưới rộng chắc
Của thần chết xảo quyệt.358. Ôi! Thế Tôn, Kappa
Thấy căn nguyên chấp thủ,
Thật sự đã vượt qua
Thế lực của Ma vương,
Thế lực thật khó vượt.
(XIII) Kinh Chánh xuất gia (Sn 63)
Người hỏi:
359. Tôi hỏi bậc ẩn sĩ,
Có trí tuệ rộng lớn,
Ðã vượt qua bờ kia,
Tịch tịnh, tự an trú.
Làm sao một Tỷ-kheo,
Bỏ nhà, bỏ các dục,
Lại có thể chơn chánh
Du hành ở trên đời?
Thế Tôn:
360. Ai nhổ lên điềm lành,
Như vậy, Thế Tôn đáp
Các sao băng mộng mị,
Và các tướng lành dữ,
Vị ấy đoạn trừ được,
Các lỗi lầm điềm lành;
Tỷ kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.361. Tỷ-kheo nhiếp phục tham,
Ðối với các dục vọng,
Tại thiên giới, nhân giới,
Vượt hữu, chứng tri pháp;
Tỷ kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.362. Tỷ kheo bỏ hai lưỡi,
Bỏ phẩn nộ, xan tham,
Với tùy thuộc chống đối,
Ðoạn tận thật hoàn toàn,
Tỷ kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.363. Sau khi đã từ bỏ,
Cả ái và phi ái,
Không chấp thủ một ai,
Không y chỉ chỗ nào,
Giải thoát được hoàn toàn
Các kiết sử trói buộc,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.364. Ai không tìm lõi cây,
Ðối với các sanh y,
Có thể nhiếp phục tham,
Ðối với các chấp thủ,
Vị ấy không y chỉ,
Không để ai dắt dẫn,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.365. Với lời và với ý,
Và với cả nghiệp làm,
Không chống đối một ai,
Chơn chánh biết diệu pháp,
Thường cố gắng hướng đến,
Ðường Niết bàn tịch tịnh,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.366. Tỷ-kheo không tự cao,
Khi người đảnh lễ mình,
Dầu có bị nhiếc mắng,
Không khởi tâm tức tối,
Ðược đồ ăn của người,
Không có sự tham đắm,
Tỷ kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.367. Tỷ-kheo sau khi đoạn,
Tham dục và sanh hữu,
Từ bỏ, không làm hại,
Không trói buộc một ai,
Vị ấy vượt nghi hoặc,
Ðã rút ra mũi tên,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.368. Tỷ-kheo sau khi biết,
Ðiều thích đáng cho mình,
Không làm hại một ai,
Có mặt ở trên đời,
Sau khi đã biết pháp
Như thật, như thế nào,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.369. Với ai, các tuỳ miên,
Không còn có tồn tại,
Và cội gốc bất thiện,
Ðược nhổ lên tận trừ,
Vị ấy không tham dục,
Không có hy cầu gì.
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.370. Ai đoạn tận lậu hoặc,
Ðoạn trừ cả kiêu mạn,
Mọi con đường tham dục,
Ðược chế ngự nhiếp phục,
Ðược nhiếp phục tịch tịnh,
Tự ngã được an lập,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.371. Có lòng tin, nghe pháp,
Thấy được quyết định tánh,
Bậc hiền không phe phái,
Giữa rất nhiều phe phái,
Có thể nhiếp phục được,
Tham, sân và hận thù,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.372. Thanh tịnh và chiến thắng,
Kéo lên màn che kín,
Tự tại trong các pháp,
Ðến bờ kia, bất động,
Ðoạn diệt các sở hành,
Thiện xảo trong chánh trí,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.373. Trong những thời quá khứ,
Trong những thời vị lai,
Vượt qua các chủ thuyết,
Trí tuệ thật thanh tịnh,
Với tất cả mọi xứ,
Ðược hoàn toàn giải thoát.
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.374. Rõ biết được Pháp cú,
Chứng tri được Chánh pháp,
Thấy được sự mở rộng,
Ðoạn tận các lậu hoặc,
Ðối tất cả sanh y,
Ðược trừ diệt hoàn toàn,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
Người hỏi:
375. Bạch Thế Tôn, chắc chắn,
Thực sự là như vậy,
Tỷ-kheo được chế ngự,
Ðã an trú như vậy,
Ðã nhiếp phục hoàn toàn,
Tất cả các kiết sử,
Tỷ-kheo ấy chơn chánh
Du hành ở trên đời.
(XIV) Kinh Dhammika (Sn 66)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn ông Anàthapindika. Rồi nam cư sĩ Dhammika đi đến Thế Tôn với năm trăm nam cư sĩ, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, nam cư sĩ Dhammika nói lên những bài kệ với Thế Tôn:
Dhammika:
376. Kính thưa Gotama,
Bậc trí tuệ rộng lớn,
Con xin kính hỏi Ngài,
Vấn đề đặc biệt này:
Với vị đệ tử Ngài,
Làm thế nào là thiện?
Nếu là vị xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Hay là vị có nhà,
Sống đời nam cư sĩ?377. Ngài rõ biết đường đi,
Cùng mục đích tối hậu,
Của Thế Tôn đời này,
Và thế giới chư Thiên.
Không ai so sánh Ngài,
Bậc thấy nghĩa thù diệu,
Chính Ngài được tôn xưng,
Là đức Phật thù thắng.378. Ngài biết tất cả trí,
Ngài trình bày Chánh pháp,
Vì lòng thương, từ mẫn,
Ðối với mọi chúng sanh,
Ngài mở rộng bức màn,
Bậc có mắt mọi nơi
Không cấu uế, thanh tịnh,
Ngài chói toàn thế giới.379. Vị vua loài Nàgà
Tên Eràvano,
Ðã đến gần bên Ngài,
Ðược nghe: Ngài chiến thắng.
Vị ấy tìm đến Ngài,
Ðể nghe lời khuyên nhủ,
Sau khi nghe, thích thú
Nói lên lời: Lành thay!.380. Vua Vessavana,
Kuvera đến Ngài,
Tìm hiểu hỏi han Ngài
Về vấn đề diệu pháp,
Ðược hỏi, ôi bậc trí,
Hãy nói lên cho vua!
Sau khi nghe, vị ấy,
Cũng thích thú, ưa thích.381. Các bậc ngoại đạo này
Ưa luận tranh khẩu chiến,
Các tà mạng ngoại đạo,
Hay các Ni-kiền Tử,
Tất cả không vượt qua,
Hơn thắng trí của Ngài,
Như người đang đứng lại,
Không thắng kẻ đi mau.382. Các Bà-la-môn này,
Ưa luận tranh khẩu chiến,
Có những bậc Phạm-chí,
Ðã đến tuổi trưởng thượng,
Tất cả đều trói buộc,
Bởi tư tưởng của Ngài,
Kể cả những hạng người,
Tự phụ nói khoe khoang.383. Pháp này là tế nhị,
Ðem lại nguồn an lạc,
Ðã được bậc Thế Tôn
Khéo nói, khéo thuyết giảng,
Tất cả mọi hạng người,
Ðều thích thú ưa nghe,
Ðược hỏi, hãy nói lên,
Ôi đức Phật tối thượng.384. Các vị Tỷ-kheo này,
Ðang ngồi đây tất cả,
Kể cả nam cư sĩ,
Tất cả đều chờ nghe,
Hãy để họ nghe pháp,
Bậc Vô uế Giác ngộ,
Như chư Thiên nghe lời,
Vàsava khéo nói!
Thế Tôn:
385. Tỷ-kheo, hãy nghe Ta,
Ta khiến các Thầy nghe,
Pháp đoạn trừ điều ác,
Tất cả hãy trọ trì,
Với ai thấy ý nghĩa,
Nghĩ ngợi có suy tư,
Hãy sống theo chánh hạnh,
Thích hợp với xuất gia.386. Tỷ-kheo chớ ra ngoài,
Trong thời gian phi thời,
Hãy vào làng khất thực,
Ðúng thời, thì hãy đi,
Ai đi đứng phi thời,
Bị bẫy sập trói buộc.
Do vậy các đức Phật,
Không có đi phi thời.387. Các sắc và các tiếng,
Các vị, hương và xúc,
Chính những loại pháp ấy
Làm mê hoặc chúng sanh.
Hãy nhiếp phục, lòng dục,
Ðối với các pháp ấy,
Hãy vào cho đúng thời,
Ðể dùng buổi ăn sáng.388. Tỷ-kheo được đúng thời,
Các đồ ăn khất thực,
Hãy đi về một mình,
Ngồi tại chỗ an tịnh,
Suy tư hướng nội tâm,
Ý không chạy ra ngoài,
Làm cho thoát ra khỏi,
Mọi chấp thủ tự ngã.389. Nếu vị ấy có nói,
Với một vị đệ tử,
Hay nói với một vị
Một Tỷ-kheo nào khác,
Hãy nói cho vị ấy,
Sự thù diệu Chánh pháp,
Không có nói hai lưỡi,
Không bài xích một ai,390. Nhưng có những hạng người,
Dùng khẩu chiến bằng lời,
Những hạng người tuệ nhỏ,
Chúng ta không tán thán,
Triền phược trói buộc họ,
Từ chỗ này chỗ kia,
Ở đây họ dẫn tâm,
Ðưa tâm đi quá xa.391. Ðồ khất thực, tinh xá,
Cùng sàng tọa trú xứ,
Nước để trừ bụi nhớp,
Y áo Tăng-già-lê,
Sau khi nghe Chánh pháp,
Do Thiện Thệ thuyết giảng,
Bậc đệ tử thắng tuệ,
Quán sát, hãy dùng chúng.392. Do vậy đồ khất thực,
Sàng tọa và trú xứ,
Nước để trừ bụi nhớp,
Y áo Tăng-già-lê,
Ðối với những pháp ấy,
Ðừng để cho dính nhiễm.
Tỷ-kheo như giọt nước,
Không dính trên lá sen.393. Trách nhiệm của gia chủ,
Ta cũng nói các Ông,
Làm theo đúng như vậy,
Ðệ tử là tốt lành.
Pháp Tỷ-kheo toàn diện,
Khó thành tựu đầy đủ,
Vì là người gia chủ,
Phải làm nhiều việc đời.394. Chớ giết loài hữu tình,
Chớ bảo người giết hại,
Hay chấp nhận kẻ khác,
Giết hại các người khác,
Ðối với mọi sanh loại,
Từ bỏ các hình phạt,
Ðối với kẻ mạnh bạo,
Như đối kẻ run sợ.385. Rồi hãy quyết từ bỏ,
Lấy của không được cho,
Ðệ tử khéo sáng suốt,
Vật gì, vật của ai,
Chớ khiến người khác lấy,
Chớ chấp nhận lấy trộm.
Hãy từ bỏ, chấm dứt,
Mọi của cải không cho.396. Hãy từ bỏ, tránh xa
Ðời sống phi Phạm hạnh,
Như bậc trí tránh né,
Lửa cháy hố than hừng.
Nếu tự mình bất lực,
Không thể sống Phạm hạnh,
Thời chớ có xâm phạm
Vợ của các người khác.397. Khi đi đến hội chúng,
Hay đi đến đoàn chúng,
Hay một mình một người,
Chớ nói lời nói láo,
Chớ khiến người nói láo,
Chớ chấp nhận nói láo,
Tất cả điều không thật,
Hãy tránh xa từ bỏ.398. Chớ sống theo nếp sống,
Uống rượu và say rượu,
Với vị là cư sĩ,
Ðã chấp nhận pháp này,
Chớ khiến nguời uống rượu,
Chớ chấp thuận uống rượu
Sau khi biết uống rượu,
Cuối đường là điên cuồng.399. Chỉ kẻ ngu say rượu,
Mới làm các điều ác,
Và khiến các người khác,
Sống buông lung phóng dật,
Hãy từ bỏ, tránh xa
Xứ phi công đức này,
Khiến điên cuồng si mê,
Làm kẻ ngu thỏa thích.400. Chớ có giết hữu tình,
Chớ lấy của không cho,
Chớ nói láo không thật,
Chớ uống rượu say mê,
Từ bỏ phi Phạm hạnh,
Không hành trì dâm dục
Không có ăn ban đêm,
Không ăn lúc phi thời.401. Chớ mang các vòng hoa,
Chớ dùng các nước thơm,
Hãy nằm trên mặt đất,
Trên thảm chiếu trải dài,
Tám hạnh này được gọi
Là hạnh ngày trai giới,
Do đức Phật giảng dạy,
Ðể chấm dứt khổ đau.402. Từ nay ngày trai giới,
Chia nửa tháng hai phần,
Ngày mười bốn, mười lăm,
Hay ngày tám mỗi tháng,
Với tâm ý hoan hỷ,
Thực hành thần thông pháp
Gồm có đủ tám phần,
Khéo đầy đủ vẹn toàn.403. Do vậy, vào buổi sáng,
Thực hành ngày trai giới,
Bậc có trí sáng suốt,
Với tâm tư tín thành,
Với tâm ý tùy hỷ,
Cúng dường Tỷ-kheo Tăng,
Với món ăn đồ uống,
Hợp với khả năng mình.404. Hãy nuôi dưỡng mẹ cha,
Hợp pháp và đúng pháp,
Và cũng đúng với pháp,
Hãy làm nghề buôn bán,
Người gia chủ như vậy,
Sở hành không phóng dật,
Ðược sanh làm Thiên nhân,
Tên là: "Tự chói sáng".
(I) Kinh Xuất Gia (Sn 72)
Ananda:
405. Xuất gia, tôi tán thán,
Như Pháp nhãn xuất gia,
Sau khi Ngài quán sát,
Chấp thuận hạnh xuất gia.406.Trói buộc, sống gia đình,
Tụ hội mọi bụi đời,
Phóng khoáng, đời xuất gia,
Thấy vậy nên xuất gia.407. Sau khi Ngài xuất gia,
Thân ác nghiệp Ngài tránh,
Từ bỏ lời nói ác,
Mạng sống Ngài thanh tịnh.408. Phật đi đến Vương Xá,
Ðến chỗ núi bao vây,
Tại nước Ma-kiệt-đà,
Ngài sống hạnh khất sĩ,
Mang theo thật đầy đủ,
Các tướng tốt quang minh.409. Bình Sa vương thấy Ngài,
Ðứng trên sân lầu thượng,
Thấy đầy đủ tướng tốt,
Bèn nói lên lời này:410. Các Ông hãy chăm sóc
Người đẹp, lớn, thanh tịnh,
Thành tựu với hạnh đức,
Chỉ nhìn vừa một tầm.411. Mắt nhìn xuống, chánh niệm,
Gia đình không hạ tiện,
Hãy cho sứ giả theo,
Tỷ-kheo sẽ đi đâu?412. Ðược sai, sứ giả ấy
Ði theo sau lưng Ngài,
Tỷ-kheo sẽ đi đâu?
Trú xứ sẽ chỗ nào?413. Khất thực, từng nhà một,
Căn hộ trì chế ngự,
Bình bát được mau đầy,
Tỉnh giác và chánh niệm.414. Sau khi đi khất thực,
Ẩn sĩ ra khỏi thành,
Leo lên Pandava,
Sẽ trú xứ tại đấy.415. Thấy vị ấy đến chỗ,
Các sứ giả ngồi chờ,
Còn một vị đi về,
Kể lại chuyện vua hay.416. Ðại vương, Tỷ-kheo ấy,
Phía đông Pandava,
Ngồi như cọp, bò chúa,
Như sư tử trong hang.417. Nghe sứ giả, đức vua
Với cỗ xe thù thắng,
Vội vàng ra khỏi thành,
Ði đến Pandava.418. Ði được, vua đi xe,
Rồi xuống xe đi bộ,
Ðức vua tiến lại gần,
Và vào chỗ Ngài ở.419. Ngồi xuống, vua nói lên
Lời hỏi thăm chào đón,
Lời lẽ chào đón xong,
Vua nói lên nghĩa này.420. Người thanh niên tuổi trẻ,
Ngây thơ, bước vào đời,
Ðẹp cao được đầy đủ,
Thiện sanh dòng Sát-ly.421. Trang hoàng binh đội ngũ,
Trước mắt cả binh đoàn,
Tài sản ta cho Người,
Hãy hưởng và trả lời
Về vấn đề thọ sanh.
Thế Tôn:
422. Trên sườn núi Tuyết sơn,
Sống dân tộc đoạn trực,
Tài sản nghị lực đủ,
Ở xứ Kosala.423. Dòng họ thuộc mặt trời,
Sanh tộc là Thích-ca,
Từ bỏ gia tộc ấy,
Thưa vua, Ta xuất gia,
Ta không có tha thiết,
Ðối với các loại dục.424. Thấy nguy hiểm trong dục,
Bỏ chúng, là an ổn,
Ta sẽ đi, tinh tấn,
Ý Ta, được hoan hỷ.
(II) Kinh Tinh Cần (Sn 74)
Thế Tôn:
425. Bên sông Ni-liên-thuyền,
Ta tinh cần tinh tấn,
Cố gắng, Ta thiền định,
Ðạt an ổn khổ ách.426. Ác ma đến gần Ta,
Nói lên lời từ mẫn,
Ông ốm không dung sắc,
Ông đã gần chết rồi.427. Cả ngàn phần, Ông chết,
Chỉ một phần còn sống,
Hãy sống, sống tốt hơn,
Sẽ làm các công đức.428. Như Ông sống Phạm hạnh,
Hãy đốt lửa tế tự,
Hãy chất chứa công đức,
Ông tinh tấn làm gì?429. Khó thay, đường tinh tấn,
Khó làm, khó đạt được.
Ác ma đứng gần Phật,
Nói lên những kệ này.430. Thế Tôn đã đáp lại
Lời Ác ma như sau:
Bà con ác phóng dật,
Ngươi đến đây làm gì?431. Với công đức nhỏ bé,
Ta đâu có cần đến?
Với ai cần công đức,
Ác ma đáng nói chúng.432. Ðây có tín, tinh tấn,
Và Ta có trí tuệ,
Như vậy, Ta tinh tấn,
Sao Ngươi hỏi Ta sống?433. Gió này làm khô cạn,
Cho đến các dòng sông,
Làm sao khô cạn máu,
Khi Ta sống tinh tấn?434. Dầu máu có khô cạn,
Mật, đàm Ta khô cạn,
Dầu thịt có hủy hoại,
Tâm Ta càng tịnh tín,
Ta lại càng vững trú,
Niệm, tuệ và thiền định.435. Do Ta sống như vậy,
Ðạt được thọ tối thượng,
Tâm không cầu các dục,
Nhìn chúng sanh thanh tịnh.436. Dục, đội quân thứ nhất.
Thứ hai, gọi bất lạc,
Thứ ba, đói và khát,
Thứ tư, gọi tham ái.437. Năm, hôn trầm thụy miên,
Thứ sáu, gọi sợ hãi,
Thứ bảy, gọi nghi ngờ,
Tám, dèm pha ngoan cố.438. Lợi, danh và cung kính,
Danh vọng được tà vạy,
Ai tự đề cao mình,
Hủy báng các người khác.439. Ôi, này Na-mu-ci,
Ðây là quân đội Ngươi,
Ðây quân đội chiến trận,
Của dòng họ Kanhà,
Kẻ nhát, không thắng Ngươi,
Ai thắng Ngươi, được lạc.440. Ta mang cỏ munja,
Vững thay, đây đời sống,
Thà Ta chết chiến trận,
Tốt hơn, sống thất bại.441. Bị thấy đắm ở đây,
Số Sa-môn, Phạm chí,
Không biết được con đường,
Bậc giới đức thường đi.442. Thấy khắp quân đội dàn,
Ác ma trên lưng voi,
Ta bước vào chiến trận,
Không để ai chiếm đoạt.443. Ðội ngũ quân nhà Ngươi,
Ðời này và chư Thiên,
Không một ai thắng nổi,
Ta đến Ngươi với tuệ,
Như hòn đá dập nát,
Chiếc bát chưa nung chín.444. Nhiếp phục được tâm tư,
Khéo an trú chánh niệm,
Ta sẽ đi bộ hành,
Nước này qua nước khác,
Ðể huấn luyện rộng rãi,
Cho những người đệ tử.445. Không phóng dật, tinh cần,
Họ hành lời Ta dạy,
Dầu Ngươi không muốn vậy,
Họ vẫn sẽ đi tới,
Chỗ nào họ đi tới,
Chỗ ấy không sầu muộn.
Ác-ma:
446. Bảy năm, ta bước theo,
Chân theo chân Thế Tôn,
Không tìm được lỗi lầm,
Nơi Thế Tôn chánh niệm.447. Như quạ bay xung quanh,
Hòn đá như đống mỡ,
Có thể có gì mềm?
Có thể có gì ngọt?448. Không tìm được gì ngọt,
Quạ từ đó bay đi,
Như quạ mổ hòn đá,
Ta bỏ Gotama.449. Bị sầu muộn chi phối,
Cây đàn rơi khỏi nách,
Kẻ Dạ-xoa ác ý,
Tại đấy liền biến mất.
(III) Kinh Khéo Thuyết (Sn 78)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana... Thế Tôn nói như sau:
- Thành tựu bốn chi phần, này các Tỷ-kheo, lời nói được khéo nói, không phải vụng nói, không có lỗi lầm, không bị người trí quở trách. Thế nào là bốn? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo chỉ nói lời khéo nói, không nói lời vụng nói; chỉ nói lời đúng pháp, không nói lời phi pháp; chỉ nói lời khả ái, không nói lời phi khả ái; chỉ nói lời đúng sự thật, không nói lời không đúng sự thật. Thành tựu với bốn chi phần này, này các Tỷ-kheo, lời nói là được khéo nói không phải vụng nói, không có lỗi lầm, không bị người trí quở trách.
Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ thuyết như vậy xong bậc Ðạo Sư lại nói thêm như sau:
450. Bậc Thiện nhân nói lên,
Lời khéo nói tối thượng,
Thứ hai, nói đúng pháp,
Thứ ba, nói khả ái
Không nói phi khả ái,
Thứ tư, nói chân thật
Không nói không chân thật.
Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ngồi đứng dậy đắp y vào một bên vai, chắp tay hướng đến Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
- Ý nghĩ này đến với con, bạch Thiện Thệ.
- Hãy nói lên ý kiến ấy, này Vangìsa!.
Rồi Tôn giả Vangìsa, trước mặt Thế Tôn, nói lên lời tán thán với những bài kệ thích ứng:
Vangìsa:
451. Hãy nói lên lời nói,
Không thiêu đốt tự ngã,
Không làm hại người khác,
Lời nói ấy khéo nói.452. Hãy nói lời khả ái,
Nói lời khiến hoan hỷ,
Không mang theo ác hại,
Khiến người khác ưa thích.453. Chân thật, lời bất tử,
Ðây thường pháp là vậy,
Họ nói, bậc Thiện nhân,
An trú trên chân thật,
Trên mục đích, trên pháp.454. Lời gì đức Phật nói,
An ổn, đạt Niết-bàn,
Ðoạn tận các khổ đau,
Ðấy lời nói tối thượng.
(IV) Kinh Sundarika Bhàradvàja (Sn 80)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở phía dân chúng Kosala, trên bờ sông Sundarikà. Lúc bấy giờ, Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja đốt lửa thiêng trên bờ sông Sundarikà và đang cử hành các tế lễ lửa. Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradavàja, sau khi đốt lửa thiêng, sau khi cử hành các lễ tế lửa, từ chỗ ngồi đứng dậy và ngó xung quanh bốn phương nghĩ rằng: "Ai có thể ăn đồ ăn còn lại của lễ tế tự này?".
Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja thấy Thế Tôn ngồi dưới một gốc cây, không bao xa, đầu che trùm lại; thấy vậy, tay trái cầm đồ tế tự còn lại, tay mặt cầm cái bình nước, đi đến Thế Tôn. Thế Tôn nghe tiếng chân của Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja liền mở đầu ra. Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja nghĩ rằng: "Ðầu trọc là vị này. Một kẻ đầu trọc là vị này", và muốn đi trở lại. Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja suy nghĩ: "Ở đây, cũng có một số Bà-la-môn trọc đầu. Vậy ta hãy đi đến vị này và hỏi về thọ sanh". Rồi Bà-la-môn Sundaikabhàradvàja đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói với Thế Tôn:
- Thọ sanh của Tôn giả là thế nào?
Rồi Thế Tôn nói với Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja những bài kệ:
Thế Tôn:
455. Ta không phải Phạm chí,
Cũng không phải con vua,
Cũng không phải buôn bán,
Không phải là ai hết,
Do liễu tri giai cấp,
Của các hàng phàm phu,
Ta kẻ trí ở đời,
Bộ hành, không sở hữu.456. Mang áo Tăng-già-lê,
Ta sống, không gia đình,
Với tóc được cạo sạch,
Tự ngã được an tịnh,
Ở đời Ta không nhiễm,
Với các thiếu niên nào,
Không xứng đáng, Ông hỏi,
Hỏi Ta về thọ sanh.
Bà-la-môn:
457. Thật sự, thưa Tôn giả,
Các vị Bà-la-môn
Thường hỏi Bà-la-môn,
Có phải người Phạm chí?
Thế Tôn:
Nếu Ông nói lên rằng:
Ông là Bà-la-môn,
Và nếu Ông hỏi Ta
Không phải Bà-la-môn,
Vậy Ta sẽ hỏi Ông
Về Sàvitti này,
Gồm có mười hai câu,
Và hai mươi bốn chữ.
Bà-la-môn:
458. Do y tựa vào gì,
Các ẩn sĩ, loài Người,
Sát-đế-lị Phạm chí,
Ðã tổ chức tế đàn,
Cho các hàng chư Thiên,
Rộng rãi trong đời này?
Thế Tôn:
Vị nào đạt cứu cánh,
Vị nào hiểu Vệ-đà,
Trong lễ tế đàn này,
Thọ hưởng đồ cúng dường,
Ta tuyên bố, nói rằng
Lễ ấy được tăng thịnh.
Bà-la-môn:
459. Chắc chắn tế đàn ấy,
Cúng dường được tăng thịnh.
Vì chúng ta thấy được,
Vị am hiểu Vệ-đà,
Nếu chúng ta không thấy,
Ðược một ngưòi như Ông,
Một người khác thọ hưởng
Ðồ cúng dường tế đàn.
Thế Tôn:
460. Vì Ông, này Phạm chí,
Ðến Ta vì cần thiết,
Với mục đích rõ ràng,
Vậy nay Ta hỏi Ông,
Ông có thể tìm được
Một bậc trí ở đây,
An tịnh, không sân hận,
Không khổ, không tầm cầu?
Bà-la-môn:
461. Tôi vui trong tế đàn,
Tôn giả Gotama,
Tôi tha thiết ao ước,
Ðược cúng dường tế đàn,
Nhưng tôi không được biết,
Tôn giả hãy dạy tôi!
Hãy nói lên cho tôi,
Chỗ cúng dường tăng thịnh.
Thế Tôn:
Vậy này Bà-la-môn,
Hãy lắng tai mà nghe,
Ta nay sẽ vì Ông,
Tuyên thuyết pháp vi diệu.462. Chớ hỏi về thọ sanh,
Hãy hỏi về hạnh đức,
Thật vậy, từ củi gỗ,
Một ngọn lửa được sanh,
Từ gia đình thấp kém,
Bậc ẩn sĩ, có trí,
Ðược huấn luyện thuần thục,
Ðược xấu hổ chế ngự.463. Ðược chân thật huấn luyện,
Ðược nhiếp phục chế ngự,
Bậc đạt đến hiểu biết,
Phạm hạnh được viên thành,
Hãy đúng thời cúng dường,
Ðồ cúng dường vị ấy.
Vậy vị Phạm chí nào
Muốn nguyện cầu công đức,
Hãy tổ chức tế đàn,
Với cúng dường như vậy.464. Những vị nào, bỏ dục,
Du hành, không gia đình,
Khéo chế ngự nhiếp phục,
Như con thoi trực chỉ.
Ðúng thời đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự,
Vị Phạm chỉ cầu phước,
Hãy bố thí như vậy,
Hãy tổ chức tế đàn,
Với cúng dường như vậy.465. Những vị đã ly tham,
Các căn khéo định tĩnh,
Như trăng được giải thoát,
Khỏi nanh vuốt Ràhu,
Hãy đúng thời cúng dường,
Ðồ cúng dường vị ấy,
Vậy vị Phạm hạnh nào,
Muốn nguyện cầu công đức,
Hãy tổ chức tế đàn,
Với cúng dường như vậy.466. Không tham dính vật gì,
Họ du hành ở đời,
Luôn luôn giữ chánh niệm,
Từ bỏ ngã sở kiến,
Hãy đúng thời cúng dường,
Ðồ cúng dường vị ấy.
Vậy vị Phạm chí nào,
Muốn cầu nguyện công đức,
Hãy tổ chức tế đàn,
Với cúng dường như vậy.467. Ai từ bỏ các dục,
Tự nhiếp phục, du hành.
Ai biết sự chấm dứt,
Của sanh và sự chết,
Tịch tịnh và mát lạnh.
Mát lạnh như nước hồ.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.468. Bình đẳng kẻ bình đẳng,
Xa lánh không bình đẳng,
Như Lai chứng đạt được,
Trí tuệ không giới hạn,
Không bị dính, uế nhiễm,
Ðời này hay đời sau.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.469. Trong ai không man trá,
Không sống với kiêu mạn,
Ai không có tham dục,
Không của ta, không cầu,
Phẫn nộ được đoạn trừ,
Tự ngã thật tịch tịnh,
Vị Bà-la-môn ấy,
Cấu uế, sầu muộn đoạn,
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.470. Ai đoạn diệt hoàn toàn
Mọi trú xứ của ý,
Không còn có nắm giữ,
Sự vật gì ở đời,
Không còn có chấp thủ,
Ðời này hay đời sau.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.471. Tâm ai thật định tĩnh,
Vượt khỏi được bộc lưu,
Rõ biết được Chánh pháp,
Với tri kiến tối thượng,
Lậu hoặc được đoạn trừ,
Mang thân này tối hậu.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.472. Với ai, các hữu lậu,
Và lời nói thô ác,
Ðược đoạn tận chấm dứt,
Không còn có tồn tại,
Vị ấy đạt hiểu biết,
Giải thoát mọi khía cạnh.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.473. Giữa những người nhiễm trước,
Vị ấy không nhiễm trước,
Giữa chúng sanh kiêu mạn,
Vị ấy không kiêu mạn,
Liễu tri được đau khổ,
Kể cả ruộng và đất.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.474. Không dựa vào ước vọng,
Vị ấy thấy viễn ly,
Vượt qua sự hiểu biết,
Cùng tri kiến người khác,
Ðối với mọi sở duyên,
Vị ấy đều không có,
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.475. Vị ấy chứng tri được
Các pháp gần hay xa,
Ðược đoạn trừ, chấm dứt,
Không còn có hiện hữu,
An tịnh, không chấp thủ,
Ðược hoàn toàn giải thoát
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.476. Thấy được sự đoạn tận,
Sanh diệt các kiết sử,
Trừ được đường tham dục,
Không còn lại dư tàn.
Thanh tịnh, không lỗi lầm,
Không cấu uế, không nhiễm.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.477. Ai không thấy tự ngã,
Với tự ngã của mình,
Ðịnh tâm và chánh trực,
Kiên trì không dao động,
Vị ấy không có dục,
Không cứng cỏi, phân vân.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.478. Với ai không còn nữa,
Nguyên nhân của si mê,
Biết rõ và thấy rõ,
Ðối với hết thảy pháp,
Và mang nặng thân này,
Thân này thân cuối cùng.
Chứng đạt Chánh Ðẳng Giác,
Vô thượng an ổn xứ,
Ðạt cho đến như vậy,
Bậc Dạ-xoa thanh tịnh.
Như Lai thật xứng đáng,
Ðồ cúng dường tế tự.
Bà-la-môn:
479. Ðây đồ con cúng dường,
Ðồ cúng dường chân thật,
Con đã tìm thấy được,
Bậc trí đức như vậy,
Phạm thiên hãy chứng giám,
Thế Tôn hãy chấp nhận,
Thế Tôn hãy thọ hưởng,
Ðồ cúng dường của con.
Thế Tôn:
480. Ta không có thọ dụng
Ðồ ăn từ kệ tụng,
Hỡi này Bà-la-môn,
Ðây không phải là pháp,
Của những người có trí,
Chư Phật đều từ bỏ,
Ca hát các bài kệ,
Chỗ nào pháp an trú,
Hỡi này Bà-la-môn,
Ðấy chính là truyền thống.481. Ông cần phải cúng dường,
Ðồ ăn, đồ uống khác,
Bậc Ðại sĩ toàn vẹn,
Ðoạn tận các lậu hoặc,
Ðã đoạn tận trao hối,
Không còn bị dao động,
Ngài chính là thửa ruộng,
Cho người cầu công đức.
Bà-la-môn:
482. Thế Tôn, con muốn biết,
Người có tin như con,
Ai có thể hưởng thọ,
Ðồ cúng dường của con,
Trong khi lễ tế đàn,
Con phải tìm đến ai?
Lời Ngài dạy thế nào,
Con sẽ đạt cho được.
Thế Tôn:
483. Với ai, không xông xáo,
Với ai, tâm không động,
Giải thoát khỏi các dục,
Với ai bỏ hôn trầm,484. Lãnh đạo kẻ biên giới,
Thiện xảo trong sanh tử,
Ẩn sĩ đầy đủ tuệ,
Ðã đến lễ tế đàn.485. Nhiếp phục kiêu ngạo xong,
Hãy chắp tay đảnh lễ,
Cúng dường đồ ăn uống,
Cúng dường vậy tăng trưởng.
Bà-la-môn:
486. Ngài là bậc Giác Ngộ,
Xứng đáng được cúng dường,
Ngài là ruộng phước đức,
Vô thượng, không gì hơn,
Vị tiếp nhận cúng dường,
Xứng đáng toàn thế giới.
Bố thí cho Tôn giả,
Kết quả thật to lớn.
Rồi Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama! Thưa Tôn giả Gotama, như người dựng đứng lại những gì bị quăng ngã xuống, hay phơi bày ra những gì bị che kín, hay chỉ đường cho kẻ lạc hướng, hay đem đèn sáng vào trong bóng tối để những ai có mặt có thể thấy sắc. Cũng vậy, Chánh pháp được Tôn giả Gotama dùng nhiều phương tiện trình bày giải thích. Con nay quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp, quy y chúng Tỷ-kheo. Hãy cho con được xuất gia với Tôn giả Gotama. Hãy cho con thọ đại giới.
Và Bà-la-môn Sundarikabhàradvàja... trở thành một vị A-la-hán.
(V) Kinh Màgha (Sn 86)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, trên núi Gijjhakàta. Rồi thanh niên Màgha đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thanh niên Màgha bạch Thế Tôn:
- Thưa Tôn giả Gotama, con là người bố thí, là thí chủ, rộng rãi, mong muốn được yêu cầu. Con tầm cầu tài sản đúng pháp, sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp, với những tài sản thâu hoạch đúng pháp, tạo dựng đúng pháp, con cho một nguời, con cho hai người, con cho ba người, con cho bốn người, con cho năm người, con cho sáu người, con cho bảy người, con cho tám người, con cho chín người, con cho mười người, con cho hai mươi người, con cho ba mươi người, con cho bốn mươi người, con cho năm mươi người, con cho một trăm người, con cho nhiều hơn nữa. Thưa Tôn giả Gotama, con cho như vậy, con bố thí như vậy, con có được nhiều phưóc đức không?
- Này thanh niên, Con cho như vậy, Con bố thí như vậy Con được nhiều phước đức. Này thanh niên, ai là người bố thí, là người thí chủ rộng rãi, mong muốn được yêu cầu, ai tầm cầu tài sản đúng pháp sau khi tầm cầu tài sản đúng pháp, với những tài sản thâu hoạch đúng pháp, tạo dựng đúng pháp, ngưòi ấy cho một người... cho một trăm người, cho nhiều hơn nữa, người ấy được nhiều công đức.
Rồi thanh niên Màgha nói lên lời Thế Tôn những bài kệ:
Thanh niên Màgha:
487. Thanh niên Màgha thưa:
Tôn giả Gotama,
Con hỏi bậc Hiền hòa,
Mặc cà sa không nhà,
Ai ưa muốn được cầu,
Là thí chủ, gia chủ
Mong muốn được phước đức,
Bố thí, mong cầu phước.
Ở đây, thí người khác,
Ðồ ăn và đồ uống,
Tại đâu nên bố thí,
Ðể đồ cúng được tịnh.
Thế Tôn:
488. Thế Tôn bèn trả lời:
Này thanh niên Màgha,
Ai ưa muốn được cầu,
Là thí chủ, gia chủ,
Mong muốn được phước đức,
Bố thí, mong cầu phước,
Ở đây, thí người khác
Ðồ ăn và đồ uống,
Người ấy cần phải thí,
Người xứng đáng cúng dường.
Màgha:
489. Thanh niên Màgha thưa:
Tôn giả Gotama,
Ai ưa muốn được cầu,
Là thí chủ, gia chủ,
Mong muốn được phước đức,
Bố thí, mong cầu phước,
Ở đây, thí người khác
Ðồ ăn và đồ uống,
Thế Tôn hãy nói con
Nên cúng dường cho ai?
Thế Tôn:
490. Những ai sống ở đời,
Thật sự không nhiễm trước,
Hoàn toàn không sở hữu,
Tự ngã được nhiếp phục,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.491. Những ai đã chặt đứt,
Mọi kiết sử trói buộc,
Nhiếp phục được giải thoát,
Không dao động, mong cầu.
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.492. Những ai đã giải thoát
Mọi kiết sử trói buộc,
Nhiếp phục được giải thoát,
Không khổ, không mong cầu,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.493. Vị nào đã đoạn tận,
Tham, sân và cả si,
Các lậu hoặc đã đoạn,
Phạm hạnh đã thành tựu,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.494. Ai sống không man trá,
Và không có kiêu mạn,
Những vị sống không tham,
Không ngã sở, không cầu,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.495. Những ai đối với ai,
Không rơi vào hệ lụy,
Vượt khỏi được bộc lưu,
Du hành không ngã sở,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự,
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.496. Với ai không tham ái,
Một vật gì ở đời,
Không ái hữu, phi hữu,
Ðời này hay đời sau,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.497. Những ai từ bỏ dục,
Sống không có gia đình,
Khéo léo biết chế ngự,
Như con thoi, chính trực,
Ðúng thời, đối vị ấy.
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.498. Những ai, ly tham ái,
Các căn khéo định tĩnh,
Như mặt trăng thoát khỏi,
Nanh vuốt của Ràhu,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.499. Những ai được an tịnh,
Ly tham, ly phẩn nộ,
Sau khi bỏ đời này,
Không còn có sanh thú,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.500. Ðoạn sanh tử đã xong,
Không còn chút dư tàn,
Nghi ngờ và phân vân,
Tất cả được nhiếp phục,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.501. Những ai sống ở đời
Tự mình làm hòn đảo,
Không có vật sở hữu,
Giải thoát được trọn vẹn,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự.
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.502. Những ai ngay đời này,
Như thật rõ biết được,
Ðây đời sống cuối cùng,
Không còn có tái sanh,
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.503. Ai đạt tuệ tối thượng,
Ưa thiền, giữ chánh niệm,
Ðạt được sự giác ngộ,
Chỗ quy ngưỡng nhiều người.
Ðúng thời, đối vị ấy,
Hãy cúng đồ tế tự,
Vị Phạm chí cầu phước,
Hãy bố thí như vậy.
Màgha:
504. Thật sự câu con hỏi,
Không trống không, vô ích,
Thế Tôn nói cho con,
Những ai đáng cúng dường.
Ở đây Ngài đã biết,
Sự thật như thế nào.
Như vậy chính là pháp,
Ngài được biết như vậy.505. Rồi thanh niên Màgha,
Lại thưa thêm như sau:
Ai ưa muốn được cầu,
Là thí chủ, gia chủ,
Mong muốn được phước đức,
Bố thí, mong cầu phước,
Ở đây, thí người khác,
Ðồ ăn và đồ uống,
Thế Tôn hãy nói con,
Pháp tế tự hoàn toàn.
Thế Tôn:
506. Thế Tôn nói Màgha,
Hãy tế đàn, tế tự,
Phải làm cho trong sạch,
Hoàn toàn mọi tâm tư,
Ðối người lễ tế đàn,
Ðối tượng là đồ cúng,
Hãy an trú ở đây,
Từ bỏ sự sân hận.507. Vị ấy đoạn tận tham,
Nhiếp phục cả sân hận,
Tu tập tâm từ bi,
Vô lượng khắp tất cả,
Với hạnh không phóng dật,
Ngày đêm luôn tu tập,
Cùng khắp mọi phương hướng,
Biến mãn vô lượng tâm.
Màgha:
508. Ai trong sạch, giải thoát,
Ai còn bị trói buộc,
Ai với tự thân mình,
Ði đến Phạm Thiên giới?
Vì không biết, con hỏi.
Hãy nói lên, ẩn sĩ,
Mong Thế Tôn chứng giám,
Cho con ngày hôm nay,
Con được thấy Phạm thiên,
Ngài đối với chúng con,
Thật sự Ngài ngang bằng,
Với Phạm thiên không khác,
Ôi! Bậc chói hào quang,
Làm thế nào được sanh,
Lên cảnh giới Phạm thiên?
Thế Tôn:
509. Thế Tôn đáp Màgha:
Ai tổ chức tế đàn,
Ðầy đủ cả ba phần,
Tế đàn ấy tăng thịnh,
Với những người được cúng.
Xứng đáng được cúng dường.
Tế đàn như vậy xong,
Chơn chánh muốn được cầu,
Ta nói vị ấy sanh,
Tại cảnh giới Phạm thiên.
Khi nói được như vậy, thanh niên Màgha bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama!.
Thật vi diệu thay, thưa Tôn giả Gotama!... Từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
(VI) Kinh Sabhiya (Sn 91)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc. Lúc bấy giờ, du sĩ Sabhiya, một du sĩ ngoại đạo, được một Thiên nhân trước kia là bà con huyết thống, nói lên những câu hỏi sau đây: "Này Sabhiya, vị Sa-môn hay Bà-la-môn nào, khi được hỏi những câu hỏi này, trả lời cho Ông, thời Ông hãy sống Phạm hạnh với người ấy".
Rồi du sĩ Sabhiya, sau khi học những câu hỏi ấy từ vị Thiên nhân ấy, phàm có những Sa-môn, Bà-la-môn nào có hội chúng, có đồ chúng, bậc đạo sư đồ chúng được biết đến, có danh vọng, các ngoại đạo sư, được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kacsapa, Makkhali Gosàla, Ajita Kesa Kambali, Pakudha Kacàyana, Sanjaya Belatthiputta, Nigantha Nàtaputta, Sabhiya đi đến các vị ấy và hỏi những câu hỏi ấy. Các vị ấy, được du sĩ Sabhiya hỏi những câu hỏi ấy, không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn. Họ vặn hỏi trở lại du sĩ Sabhiya. Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: "Các vị Tôn giả, Sa-môn, Bà-la-môn ấy có hội chúng, có đồ chúng, bậc đạo sư, đồ chúng được biết đến, có danh vọng, có ngoại đạo sư, được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kassapa... Nigantha Nàtaputta. Các vị ấy được ta hỏi những câu hỏi không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn họ vặn hỏi trở lại ta. Vậy ta haỹ trở lui đời sống hạ liệt, thọ hưởng các dục". Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: "Có Sa-môn Gotama này, có hội chúng, có đồ chúng, bậc lãnh đạo hội chúng, được biết đến, có danh vọng, sáng lập ra giáo phái, được quần chúng ái mộ, vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và hỏi những câu hỏi này. Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya suy nghĩ như sau: "Các vị Tôn giả Sa-môn, Bà-la-môn ấy đã già, đã lớn tuổi, đã đến tuổi trưởng thượng, đã đi quá nửa đời người, đã đạt đến mức cuối tuổi thọ, là những bậc trưởng lão, được nhiều người biết đến, xuất gia đã lâu ngày, có hội chúng, có đồ chúng, bậc lãnh đạo hội chúng, được biết đến, có danh vọng, các ngoại đạo sư được quần chúng ái mộ, như Pùrana Kassapa... Nigantha Nàtaputta. Các vị ấy được ta hỏi những câu hỏi, không có thể giải đáp. Do không có thể giải đáp, họ biểu lộ phẩn nộ, sân hận, bất mãn. Và họ vặn hỏi trở lại ta. Không biết Sa-môn Gotama có thể trả lời những câu hỏi này của ta. Sa-môn Gotama còn trẻ và mới được xuất gia". Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya suy nghĩ như sau: "Không nên gạt bỏ, không nên khinh thường một Sa-môn vì vị ấy còn trẻ tuổi; nếu vị Sa-môn còn trẻ, nhưng vị ấy có đại thần, đại uy lực. Vậy ta hãy đi đến Sa-môn Gotama và hỏi những câu hỏi này".
Rồi du sĩ ngoại đạo Sabhiya bộ hành ra đi đến Ràjagaha, tiếp tục bộ hành, đi đến Vương Xá Trúc Lâm, chỗ nuôi dưỡng các con sóc, đi đến Thế Tôn, sau khi đến nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên du sĩ Sabhiya nói lên với Thế Tôn những bài kệ:
Sabhiya:
510. Sabhiya nói rằng:
Tôi đến, có nghi ngờ,
Hy vọng có thể hỏi
Những câu hỏi với Ngài.
Mong Ngài chấm dứt được,
Những câu hỏi cho tôi.
Những câu được tôi hỏi,
Hãy thứ lớp giải đáp.
Thế Tôn:
511. Thế Tôn đáp du sĩ:
Ông từ xa đi đến,
Hy vọng có thể hỏi,
Những câu hỏi với Ta,
Ta sẽ chấm dứt được,
Những câu hỏi cho Ông
Những câu được Ông hỏi,
Ta thứ lớp giải đáp.512. Du sĩ Sabhiya,
Hãy hỏi Ta câu hỏi,
Tuỳ theo ý Ông muốn,
Ông hỏi câu hỏi nào,
Ta sẽ chấm dứt được,
Câu hỏi ấy cho Ông.
Rồi du sĩ Sabhiya suy nghĩ như sau: "Thật vi diệu thay! Thật hy hữu thay! Ta không bao giờ có được cơ hội, đối với các Sa-môn, Bà-la-môn khác. Nay cơ hội này được Sa-môn Gotama tạo ra cho ta, hân hoan, hoan hỷ, phấn chấn, hỷ lạc " Sabhiya hỏi Thế Tôn câu hỏi:
Sabhiya:
513. Sabhiya hỏi rằng:
Tôn giả Gotama,
Do đạt được những gì,
Ðược gọi là Tỷ-kheo?
Nhờ gì, gọi nhu hòa?
Thế nào gọi chế ngự?
Và phải như thế nào,
Ðược gọi bậc Giác ngộ?
Ðược con hỏi như vậy,
Mong Thế Tôn trả lời.
Thế Tôn:
514. Thế Tôn bèn đáp lại:
Hỡi này Sabhiya,
Ai chính với con đường,
Do tự mình tạo ra,
Ði đến sự tịch mịch,
Vượt qua các nghi hoặc,
Từ bỏ, đoạn tận hẳn
Cả hữu và phi hữu,
Phạm hạnh đã thành tựu,
Tái sanh đã đoạn tận,
Vị ấy được xứng danh,
Gọi là vị Tỷ-kheo.515. Vị trú xả, chánh niệm,
Tại bất cứ chỗ nào,
Vị không làm hại ai,
Cùng khắp cả thế giới,
Vượt bộc lưu, tịnh ý,
Không có bị dao động,
Vị nào không đột khởi,
Vị ấy gọi nhu hòa.516. Vị nào có các căn,
Ðược huấn luyện tu tập,
Cả nội và cả ngoại,
Trong tất cả thế giới,
Vị nào thông suốt được
Ðời này và đời sau,
Ðúng thời, nghi điều phục,
Vị ấy gọi chế ngự.517. Ai phân tích các kiếp,
Toàn diện và hoàn toàn,
Luân chuyển cả hai mặt,
Chết đi và sanh lại,
Bụi bặm được dứt sạch,
Không uế nhiễm, thanh tịnh,
Ðạt được sanh đoạn diệt,
Vị ấy gọi Phật-đà.
Rồi du sĩ Sabhiya, hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, hoan hỷ, hân hoạn, phấn khởi, phát sanh hỷ tâm, liền hỏi Thế Tôn thêm câu nữa.
Sabhiya:
518. Sabhiya hỏi rằng:
Tôn giả Gotama,
Do đạt được những gì,
Ðược gọi là Bà-la-môn?
Nhờ gì, gọi Sa-môn?
Thế nào là tắm sạch?
Và phải như thế nào?
Ðược gọi là voi chúa?
Ðược con hỏi như vậy,
Mong Thế Tôn trả lời.
Thế Tôn:
519. Thế Tôn liền đáp lại:
Hỡi này Sabhiya,
Ai loại khỏi ra ngoài,
Tất cả các ác pháp,
Không uế, khéo định tĩnh,
Kiên trì, vững an trú,
Vượt qua được luân hồi,
Hoàn toàn về mọi mặt,
Không y chỉ vị ấy,
Ðược gọi Bà-la-môn.520. Ðược an tịnh, tịch tịnh,
Ðoạn tận cả thiện ác,
Không cấu uế, rõ biết,
Ðời này và đời sau,
Chế ngự và nhiếp phục,
Cả vấn đề sanh tử,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi là Sa-môn.521. Ai gột sạch, tắm sạch
Tất cả các ác pháp,
Kể cả trong lẫn ngoài,
Khắp tất cả thế giới,
Giữa chư Thiên, loài Người,
Bị thời kiếp chi phối,
Không rơi vào thời kiếp,
Ðược gọi đã tắm sạch.522. Ai không làm điều ác,
Mọi điều ác ở đời,
Tất cả các kiết sử,
Không dính mắc, trói buộc,
Khắp tất cả mọi nơi,
Không dính, không trói buộc,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi là voi chúa.
Rồi du sĩ Sabhiya lại hỏi thêm câu nữa:
Sabhiya:
523. Sabhiya hỏi rằng:
Tôn giả Gotama,
Thế nào chư Phật gọi
Vị chiến thắng đất ruộng,
Do gì, gọi là thiện?
Thế nào gọi bậc trí,
Và phải như thế nào
Ðược gọi là ẩn sĩ?
Ðược con hỏi như vậy,
Mong Thế Tôn trả lời.
Thế Tôn:
524. Thế Tôn bèn đáp lại:
Hỡi này Sabhiya,
Ai quán sát nhiếp phục,
Ruộng đất thật toàn diện
Chư Thiên và loài Người,
Là đất ruộng Phạm thiên,
Giải thoát được trói buộc,
Cội gốc mọi đất ruộng,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi thắng đất ruộng.525. Ai quán sát nhiếp phục,
Kho tàng thật toàn diện,
Chư Thiên và loài Người,
Là đất ruộng Phạm thiên,
Giải thoát được trói buộc,
Cội gốc mọi kho tàng,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi vị thiện xảo.526. Ai quán sát nhiếp phục,
Cả hai tâm và ý,
Cả nội và cả ngoại,
Về trí tuệ thanh tịnh,
Nhiếp phục chế ngự được,
Các pháp đen và trắng,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi bậc Hiền trí,527. Sau khi đã biết được,
Pháp bất thiện, pháp thiện,
Cả nội và cả ngoại,
Trong tất cả thế giới,
Vị ấy được cúng dường,
Chư Thiên và loài Người,
Vượt qua lưới trói buộc,
Vị ấy gọi ẩn sĩ.
Rồi du sĩ Sabhiya... lại hỏi Thế Tôn thêm câu hỏi nữa:
Sabhiya:
528. Sabhiya hỏi rằng:
Tôn giả Gotama,
Do đạt được những gì
Ðược gọi bậc có trí?
Nhờ gì, gọi tùy trí?
Thế nào xưng tinh tấn?
Thế nào được danh xưng,
Là vị đã thuần thục?
Ðược con hỏi như vậy,
Mong Thế Tôn trả lời.
Thế Tôn:
529. Thế Tôn liền đáp lại:
Hỡi này Sabhiya,
Ai quán sát Vệ-đà,
Hoàn toàn và toàn diện,
Ðược Sa-môn, Phạm chí,
Ðạt được rất đầy đủ,
Vị ấy gọi ly tham,
Trong tất cả cảm thọ,
Do vượt qua Vệ-đà,
Ðược gọi bậc Vệ-đà?530. Do quán sát, quán triệt,
Các hý luận, danh sắc,
Kể cả nội và ngoại,
Về cội gốc bệnh hoạn,
Vị ấy thoát trói buộc,
Cội gốc các bệnh hoạn,
Vị đức tánh như vậy
Ðược gọi vị rõ biết531. Vị ở đời từ bỏ
Tất cả các pháp ác,
Với tinh tấn vượt qua,
Mọi khổ đau địa ngục,
Vị ấy có tinh tấn,
Có tinh cần, siêng năng,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi vị có trí.532. Với ai các trói buộc,
Bị bựt đứt, huỷ hoại,
Nguồn gốc các tham ái,
Vị ấy được giải thoát,
Khỏi tất cả gốc tham,
Vị đức tánh như vậy,
Ðược gọi vị thuần thục.
Rồi du sĩ Sabhiya ... lại hỏi Thế Tôn thêm câu hỏi nữa:
Sahiya:
533. Sabhiya hỏi rằng:
Tôn giả Gotama,
Do đạt được những gì,
Ðược gọi vị được nghe?
Nhờ gì, gọi bậc Thánh?
Sở hành như thế nào,
Như thế nào được tên,
Là một người du sĩ?
Ðược con hỏi như vậy,
Mong Thế Tôn trả lời.
Thế Tôn:
534. Thế Tôn bèn đáp lại:
Hỡi này Sabhiya!
Do ở đời được nghe,
Thắng tri tất cả pháp,
Pháp có lỗi, không lỗi,
Phàm mọi pháp ở đời,
Là vị đã chiến thắng,
Ðoạn nghi, được giải thoát,
Trọn vẹn không dao động,
Ðược gọi, vị có nghe.535. Sau khi đoạn, chặt đứt,
Mọi lậu hoăc chấp trước,
Vị ấy sau khi biết
Không đi đến thai tạng,
Ðoạn trừ và từ bỏ,
Ba loại tưởng bùn nhơ,
Không đi vào thời kiếp,
Ðược gọi là bậc Thánh.536. Vị nào ở nơi đây,
Thành tựu các giới hạnh,
Thiện xảo mọi lãnh vực,
Rõ biết được Chánh Pháp,
Cùng khắp cả mọi nơi,
Không chấp trước, giải thoát,
Không sân hận một ai,
Ðược gọi là có hạnh.537. Ai không làm các nghiệp
Ðưa đến quả đau khổ
Phía trên và phía dưới,
Bề ngang và chặng giữa,
Sống với sự liễu tri,
Từ bỏ, không chấp nhận,
Man trá và kiêu mạn,
Tham ái và phẫn nộ,
Làm cho đến cùng tận,
Cả danh và cả sắc,
Vị này đã đạt được,
Tên gọi là du sĩ.
Rồi du sĩ Sabhiya hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy; hoan hỷ, hân hoan, phấn chấn, hỷ duyệt sanh khởi, từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp thương y vào một bên vai, chấp tay hướng đến Thế Tôn, trước mặt Thế Tôn, thốt lên những câu kệ thích đáng:
538. Ôi, bậc tuệ rộng lớn!
Nhiếp phục sự tụ họp,
Các Sa-môn tranh luận,
Có đến sáu (mươi) ba thuyết,
Các ngôn thuyết văn tự,
Y đây các tưởng khởi,
Vị ấy vượt qua được,
Dòng nước mạnh sanh tử.539. Ngài đi đến tận cùng,
Ðến bờ kia đau khổ,
Bậc La-hán, Chánh Giác,
Con nghĩ Ngài lậu tận,
Ngài chói sáng, thông minh.
Với trí tuệ rộng lớn,
Ngài đoạn tận đau khổ,
Ðưa con qua bờ kia.540. Ngài thấy, Ngài biết rõ
Những điều con nghi ngờ,
Ngài giúp con vượt qua,
Con xin đảnh lễ Ngài,
Bậc ẩn sĩ đạt được,
Con đường thật an tịnh,
Ôi, bà con mặt trời!
Không hoang vu, nhu hòa.541. Ðiều xưa con nghi ngờ,
Ðều được Ngài giải đáp,
Ôi, bậc có Pháp nhân!
Ngài thật là ẩn sĩ
Bậc Chánh Ðẳng, Chánh Giác,
Ngài không còn triền cái.542. Với Ngài, mọi ưu não,
Ðược phá tan, đoạn diệt,
Ngài tịnh tịch, chế ngự,
Tâm kiên trì, thành thực.543. Ngài là bậc long tượng,
Trong các hàng long tượng,
Ngài là đại anh hùng
Chư Thiên đều hoan hỷ,
Cả hai Nàrada,
Và cả Pabbatà,
Ðều hoan hỷ tín thọ,
Lời thuyết giảng của Ngài.544. Chúng con xin đảnh lễ,
Con người thuần thục nhất,
Chúng con xin đảnh lễ,
Con người tối thượng nhất,
Trong cảnh giới Trời, Người,
Không ai sánh được Ngài,545. Ngài chính là Ðức Phật,
Ngài chính là Ðạo Sư,
Ngài là bậc ẩn sĩ,
Ðã chiến thắng Ác ma,
Ngài chặt đứt tuỳ miên,
Ðã vượt qua sanh tử,
Ngài giúp chúng sanh này,
Vượt qua bể sanh tử.546. Ngài vượt khỏi sanh y,
Ngài phá tan lậu hoặc,
Ngài là bậc sư tử,
Không chấp thủ, chấp trước,
Mọi sợ hãi, hoảng hốt,
Ngài đoạn tận, trừ diệt.547. Như hoa sen tươi đẹp.
Nước không thể dính vào,
Cũng vậy cả thiện ác,
Cả hai không dính Ngài,
Ôi anh hùng vĩ đại,
Xin Ngài duỗi chân ra,
Sabhiya chúng con,
Ðảnh lễ bậc Ðạo Sư.
Rồi du sĩ Sabhiya lấy đầu đảnh lễ chân Thế Tôn và bạch Thế Tôn:
- Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn!... Con xin quy y Thế Tôn, Pháp và chúng Tỷ-kheo. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn cho con được xuất gia với Thế Tôn, mong cho con thọ đại giới.
- Này Sabhiya, ai trước kia thuộc ngoại đạo, nay xin xuất gia, xin thọ đại giới trong Pháp Luật này cần phải sống biệt trú trong bốn tháng. Sau bốn tháng, nếu tâm các Tỷ-kheo thỏa thuận, có thể cho vị ấy xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo. Nhưng ở đây, Ta biết sự sai biệt giữa các chúng sanh.
- Bạch Thế Tôn, nếu những ai trước kia thuộc ngoại đạo, nay xin xuất gia, xin thọ đại giới trong Pháp Luật này, sống biệt trú bốn tháng. Sau bốn tháng, nếu tâm các Tỷ-kheo thỏa thuận, có thể cho vị ấy xuất gia, cho thọ đại giới để thành vị Tỷ-kheo, con sẽ sống biệt trú bốn năm. Sau bốn năm, nếu tâm con thỏa thuận hãy cho xuất gia, cho con thọ đại giới để trở thành Tỷ-kheo.
Du sĩ Sabhiya được xuất gia với Thế Tôn, được thọ đại giới... rồi Tôn giả Sabhiya trở thành một vị A-la-hán.
(VII) Kinh Sela (Sn 102-112)
(Xem kinh Sela, Trung Bộ Kinh, Tập II)
(VIII) Kinh Mũi Tên (Sn 112)
574. Sinh mạng của loài Người,
Ở đời không ai biết,
Không tướng, nhiều phiền toái,
Nhỏ nhoi, liên hệ khổ.575. Không có sự gắng nào,
Khiến sống thoát khỏi chết,
Sau khi già là chết,
Pháp hữu tình là vậy.576. Như các trái chín muồi,
Có sợ bị rơi sớm,
Cũng vậy, người được sanh,
Thường có sợ bị chết.577. Như người thợ làm ghè
Làm chén bát đất sét,
Cuối cùng, bể tất cả,
Mạng sống người là vậy.578. Trẻ tuổi và lớn tuổi,
Người ngu và kẻ trí,
Tất cả đi đến chết,
Cuối cùng rồi cũng chết.579. Những ai chết chi phối,
Ði qua đến đời sau,
Cha không cứu được con,
Hay bà con cứu nhau.580. Hãy xem, các bà con
Ðứng nhìn và than khóc,
Từng người, đi đến chết,
Như bò mang đi giết,581. Như vậy, thế giới này
Bị già chết chi phối,
Do vậy, bậc nhiều trí,
Biết đời, nên không sầu582. Ai không biết con đường,
Ðường đến và đuờng đi,
Do không thấy hai ngã,
Than khóc, không lợi ích.583. Nếu thật sự than khóc,
Ðem lại lợi ích gì,
Kẻ ngu tự hại mình,
Người có mắt sẽ làm.584. Không với sầu, nước mắt,
Khiến nội tâm an tịnh,
Khổ càng tăng trưởng thêm,
Thân càng bị gia hại.585. Ốm yếu, sắc da tái,
Tự mình hại chính mình,
Kẻ chết không được hộ,
Than khóc thật vô ích.586. Chúng sanh không bỏ sầu,
Càng gặp nhiều đau khổ,
Càng rên khóc kẻ chết,
Càng bị sau chi phối.587. Hãy xem các người khác
Ði theo hạnh nghiệp mình,
Rơi vào giới thần chết,
Hữu tình đầy hoảng sợ.588. Loài Người còn mong ước,
Thế này hay thế khác,
Nhưng sự việc xảy ra,
Hoàn toàn thật sai khác,
Như vậy tánh không có,
Xem định tánh của đời.589. Nếu loài Người sống được,
Sống hơn một trăm năm,
Rồi không có bà con,
Ở đây, bỏ mạng sống.590. Do vậy, sau khi nghe
Bậc La-hán thuyết giảng,
Hãy nhiếp phục than van,
Khi thấy kẻ bị chết,
Hãy suy nghĩ như sau,
Ta không còn vị ấy.591. Như nhà lửa bị cháy,
Nhờ nước, lửa dập tắt,
Cũng vậy, bậc Hiền trí,
Có tuệ trí, thiện xảo,
mau chóng nhiếp phục sầu,
Như bông gió thổi bay.592. Ai tự tìm hạnh phúc,
Hãy tự mình rút tên,
Mũi tên là than khóc,
Tham cầu tư ưu sầu.593. Ai đã rút mũi tên,
Không nương tựa nhờ cậy,
Tâm vị ấy đạt được,
Sự an lành an tịnh,
Vượt khỏi mọi ưu sầu,
Tâm không sầu, tịch tịnh.
(IX) Kinh Vàsettha (Sn 115)
(Kinh này giống với kinh Vàsettha, số 98 của Trung Bộ Kinh, Tập II)
(X) Kinh Kokàliya (Sn 123)
Như vầy tôi nghe:
Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, trong khu vườn của ông Anàthapindika. Rồi Tỷ-kheo Kokàliya đi đến Thế Tôn sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Kokàliya bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Sàiputta và Moggallàna là ác dục, bị ác dục chinh phục.
- Này Kokàliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, tâm hãy tinh tấn đối với Sàriputta và Moggallàna. Hiền thiện Sàriputta và Moggallàna.
Lần thứ hai, Tỷ-kheo Kokàliya bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, dầu Thế Tôn có lòng tin và tin tưởng, đối với con, Sàriputta và Moggalàna là ác dục, bị ác dục chinh phục.
- Này Kokàaliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, chớ có vậy! Này Kokàliya, tâm hãy tinh tấn đối với Sàriputta và Moggallàna. Hiền thiện Sàriputta và Moggallàna
Lần thứ ba, Tỷ-kheo Kokàliya bạch Thế Tôn... Hiền thiện là Sàriputta và Moggallàna...
Rồi Tỷ-kheo Kokàliya từ chỗ ngồi đứng dậy đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi. Tỷ-kheo Kokàliya ra đi không lâu, toàn thân của Tỷ-kheo Kokàliya nổi lên những mụt to bằng hạt cải; sau khi lớn lên bằng hột đậu; chúng lớn lên bằng hột đậu lớn; sau khi lớn bằng hột đậu lớn, chúng lớn lên bằng hòn đá; sau khi lớn lên bằng hòn đá, chúng lớn lên bằng trái táo; sau khi lớn lên bằng trái táo, chúng lớn lên bằng trái àmala; sau khi lớn lên bằng trái àmala, chúng lớn lên bằng trái vilva; sau khi lớn lên bằng trái vilva, chúng lớn lên bằng trái billi, chúng bị phá vỡ, mủ và máu chảy ra.
Rồi Tỷ-kheo Kokàliya do bệnh này bị mệnh chung. Bị mệnh chung, Tỷ-kheo Kokàliya sanh trong địa ngục Sen hồng, với tâm hận thù đối với Sàriputta và Moggallàna.
Rồi Phạm thiên Sahampati sau khi đêm đã gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana, đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn và đứng một bên. Ðứng một bên, Phạm thiên Sahampati bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàliya phải sanh vào địa ngục Sen hồng, với tâm hận thù đối với Sàriputta và Moggallàna.
Phạm thiên Sahampati nói như vậy, sau khi nói xong, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi biến mất tại chỗ ấy.
Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã qua, liền bảo các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, hồi hôm Phạm thiên Sahampati, khi đêm gần mãn, với dung sắc thù thắng chói sáng toàn vùng Jetavana đi đến Ta, sau khi đến đảnh lễ Ta rồi đứng một bên. Ðứng một bên, này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati bạch với Ta: "Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàliya đã mệnh chung và Bạch Thế Tôn, Tỷ-kheo Kokàliya sau khi mệnh chung đã sanh địa ngục Sen hồng với tâm hận thù đối với Sàriputta và Moggallàna".
Này các Tỷ-kheo, Phạm thiên Sahampati nói như vậy. Sau khi nói xong, đảnh lễ Ta, thân phía hữu hướng về Ta rồi biến mất tại chỗ.
Ðược nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, bao nhiêu là tuổi thọ trong địa ngục Sen hồng?
- Thật dài, này Tỷ-kheo, là tuổi thọ trong địa ngục Sen hồng, không dễ gì tính được bao nhiêu năm, bao nhiêu trăm năm, bao nhiêu ngàn năm, hay bao nhiêu trăm ngàn năm.
- Bạch Thế Tôn, có thể tính được chăng bằng ví dụ?
Thế Tôn đáp:
- Có thể được, này Tỷ-kheo. Này Tỷ-kheo, ví như có hột đậu mè nặng hai mươi khàrika, theo đo lường nước Kosala. Ví dụ sau một trăm năm, một người lấy ra một lần một hột mè. Này Tỷ-kheo, còn mau hơn là bao hột mè, nặng hai mươi ngàn khàrika ấy, theo đo lường của nước Kosala, đi đến tiêu hao, đi đến hao mòn do phương tiện ấy, so sánh với tuổi thọ ở địa ngục Abbuda. Này Tỷ-kheo hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Abbuda; bằng một tuổi thọ ở địa ngục Nirabbuda. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Nirabbuda, bằng một tuổi thọ ở địa ngục Ababa. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Ahaha bằng một tuổi thọ ở địa ngục Atata. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Atata bằng một tuổi thọ ở địa ngục Kumuda. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Kumuda bằng một tuổi thọ ở địa ngục Sogandhika. Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Sogandhika bằng một tuổi thọ ở địa ngục Uppala (Hoa sen xanh). Này các Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Uppala bằng một tuổi thọ ở địa ngục Pundarika (Hoa sen). Này Tỷ-kheo, hai mươi tuổi thọ ở địa ngục Pundarika bằng một tuổi thọ ở địa ngục Pudumà. Này Tỷ Kheo Kokàliya sanh tại địa ngục Pudumà với tâm hận thù Sàripputta và Moggallàna.
Thế Tôn nói như vậy. Sau khi nói như vậy, bậc Thiện Thệ lại nói thêm:
657. Phàm con người đã sanh,
Sanh với búa trong miệng,
Kẻ ngu khi nói bậy,
Tự chặt đứt lấy mình.658. Ai khen kẻ đáng chê,
Ai chê người đáng khen,
Tự chất chứa bất hạnh,
Do lỗ miệng của mình,
Chính do bất hạnh ấy,
Nên không được an lạc.659. Nhỏ thay bất hạnh này,
Trong canh bạc rủi may,
Do quăng con xúc xắc,
Tài sản bị hoại vong,
Lớn hơn bất hạnh này,
Tự mình gây cho mình,
Với người có ác ý,
Ðối chư Phật, Thiện Thệ.660. Trải thời gian trăm ngàn
Ở Nirabbuda,
Ba mươi sáu và năm
Ở tại Abbuda,
Với lời và ác ý,
Ai phỉ báng bậc Thánh,
Người ấy sẽ rơi vào
Các cõi dữ địa ngục.661. Kẻ nói không chân thật,
Ði đến cõi địa ngục,
Ai tự mình có làm,
Lại nói: "Tôi không làm",
Cả hai sau khi chết,
Ðều được xem đồng đẳng,
Hành động họ hạ liệt,
Ðời sau, đồng làm người.662. Ai khởi lên ác tâm,
Ðối người không ác ý,
Ðối người sống thanh tịnh,
Không có gì uế nhiễm,
Ác ấy trở lui lại,
Ðến với kẻ ngu ấy,
Như bụi bặm nhỏ nhiệm
Quăng ngược chiều gió thổi.663. Ai hệ lụy đắm trước,
Các chủng loại tham dục,
Người ấy với lời nói,
Chỉ trích các người khác,
Không lòng tin, xan lẫn,
Không rộng rãi với người,
Xan tham và keo kiết,
Quen thói nói xấu người.664. Này Ông, miệng ác độc,
Không chân thật, không thánh,
Kẻ giết hại sanh linh,
Kẻ ác, kẻ làm ác,
Người hạ liệt, bất hạnh,
Thuộc về loại hạ sanh,
Ở đời, chớ nói nhiều
Ông là dân địa ngục.665. Ông rắc rải bụi trần,
Khiến mọi người bất hạnh,
Ông nói xấu bậc hiền,
Làm ác điều tội ác,
Sau khi Ông đã làm
Rất nhiều điều ác hạnh,
Ông đi đến vực thẳm,
Trong thời gian dài dài666. Hành động bất cứ ai,
Không đi đến tiêu diệt,
Rồi nó cũng đến Ông,
Bắt gặp được nghiệp chủ,
Kẻ ngu làm điều ác,
Ðời sau thấy mình khổ.667. Nó đi đến tại chỗ
Bị đánh bằng roi sắt,
Tại chỗ có cọc sắt,
Với cạnh lưỡi bén nhọn
Ở đấy nó có được
Các món ăn thích đáng,
Giống như những hòn sắt,
Ðược nung nấu cháy đỏ,668. Tại đấy không ai nói
Lời nhẹ nhàng an ủi,
Không có ai vội vã,
Ðến che chở hộ trì,
Họ bước vào hầm lửa,
Ðang cháy đỏ hừng hực.669. Với lưới, kẻ giữ ngục,
Trùm kín bao phủ họ,
Tại đấy với gậy sắt,
Họ hành hạ đánh đập,
Họ đi qua vực đen,
Tối tăm không thấy đường,
Như đi qua đám mù,
Ðang dầy đặc tràn rộng.670. Họ đi đến bước vào
Các chum ghè bằng sát,
Họ bước vào hầm lửa,
Ðang cháy đỏ hừng hực,
Tại đấy, họ bị nấu,
Trong thời gian lâu dài,
Họ nổi lên chìm xuống,
Trong những hầm lửa ấy.671. Rồi kẻ làm điều ác,
Bị nung nấu tại đấy,
Giữa đống mủ và máu,
Xen kẽ và lẫn lộn,
Tùy theo phương hướng nào,
Nó theo chiều hướng nằm,
Ở đấy, bị rửa nát,
Khi bị xúc chạm vào.672. Trong nước, chỗ trú ẩn
Của các loài côn trùng,
Kẻ làm các điều ác,
Bị nung nấu tại đấy,
Cho đến những bờ bến
Không có cho nó đi,
Vì chum ghè mọi phía,
Ðều tròn đầy như nhau.673. Trong rừng đầy lá gươm,
Sắc bén và mũi nhọn,
Họ đi vào rừng ấy,
Chân tay bị chém đứt
Sử dụng các câu móc,
Chúng móc lưỡi dài ra
Rồi những kẻ ngục tối
Hành hạ đánh giết họ,674. Họ đi vào cảnh giới,
Gọi Vêtarani,
Khó vượt qua, tràn đầy,
Lưỡi dao, búa sắc bén,
Tại chỗ ấy, kẻ ngu,
Bị rơi, bị rớt vào,
Những kẻ làm điều ác,
Sau khi tạo nghiệp ác.675. Tại đấy, các chim thú,l
Ăn thịt kẻ rên la,
Những bầy, đàn quạ đen,
Ðen thui và lốm đốm,
Các loài chó, dã can,
Cùng với các chim kên,
Các diều hâu, chim quạ,
Xé xác những kẻ ấy.676. Thật rất là đau khổ
Nếp sống này, tại đấy,
Nếp sống kẻ làm ác,
Loài Người thấy được vậy,
Do vậy, ở đời này,
Với mạng sống còn lại,
Là người làm công việc,
Không biếng nhác thụ động.677. Những hột mè mang lại,
Ðịa ngục Paduma,
Ðược kẻ trí đếm kỹ,
Số đến Nahuta,
Lên đến số năm tỷ,
Tức năm ngàn vạn triệu,
Còn nữa lên đến số,
Một trăm hai mươi ức.678. Khổ cho đến như vậy,
Ðịa ngục được nói đến,
Tại đấy cần phải sống,
Lâu cho đến như vậy.
Như vậy, giữa những người,
Trong sạch, thiện tốt lành,
Hãy luôn luôn hộ trì,
Lời nói và ý nghĩa.
(XI) Kinh Nàlaka (Sn 131)
679. Ẩn sĩ Asita (A-tư-đà),
Trong lúc giữa ban ngày,
Thấy chúng các chư Thiên
Cõi trời Ba mươi ba,
Họ hoan hỷ vui vẻ,
Với y áo, thanh tịnh,
Họ cung kính In-đa,
Các vị ấy cầm áo
Với nhiệt tình nói lên,
Những lời khen tán thán.680. Thấy chư Thiên hoan hỷ,
Dõng dạc và phấn chấn,
Với tâm tư cung kính,
Ở đây, vị ấy nói.
Asita:
Vì sao chúng chư Thiên
Lại nhiệt tình hoan hỷ?
Họ cầm áo vui múa,
Là do nhân duyên gì?681. Trong thời gian chiến trận,
Với các A-tu-la,
Dũng sĩ được thắng trận
A-tu-la bại trận,
Thời gian ấy họ không,
Lông tóc dựng ngược dậy,
Họ thấy gì hy hữu,
Chư Thiên hoan hỷ vậy.682. Họ la lớn ca hát,
Và họ tấu nhạc trời,
Họ múa tay, vỗ tay,
Họ múa nhảy vũ điệu,
Nay ta hỏi các Ông,
Trú đảnh núi Meru (Tu-di),
Các Ngài hãy mau chóng,
Giải tỏa điều ta nghĩ.
Chư Thiên:
683. Tại xứ Lumbini (Lâm-tì-ni)
Trong làng các Thích-ca,
Có sanh vị Bồ-tát,
Báu tối thắng, vô tỷ,
Ngài sanh, đem an lạc,
Hạnh phúc cho loài Người,
Do vậy chúng tôi mừng,
Tâm vô cùng hoan hỷ.684. Ngài, chúng sanh tối thượng,
Ngài loài Người tối thắng,
Bậc Ngưu vương loài Người,
Thượng thủ mọi sanh loại;
Ngài sẽ chuyển Pháp Luân,
Trong khu rừng ẩn sĩ,
Rống tiếng rống sư tử,
Hùng mạnh nhiếp loài thú.685. Sau khi nghe lời ấy,
Ẩn sĩ Asita,
Liền vội vàng bước xuống,
Và đi đến lâu đài,
Của đức vua Tịnh Phạn.
Ðến nơi Ngài ngồi xuống,
Nói với các Thích-ca:
"Hoàng tử nay ở đâu,
Ta nay muốn thấy Ngài".686. Thấy Thái tử chói sáng
Rực rỡ như vàng chói
Trong lò đúc nấu vàng,
Ðược thợ khéo luyện thành,
Bừng sáng và rực rỡ,
Với dung sắc tuyệt mỹ,
Họ Thích trình Thái tử,
Cho ẩn sĩ Tư-đà.687. Sau khi thấy Thái tử
Chói sáng như lửa ngọn,
Thanh tịnh như sao Ngưu
Vận hành giữa hư không,
Sáng chiếu như mặt trời
Giữa trời thu, mây tịnh,
Ẩn sĩ tâm hân hoan
Ðược hỷ lạc rộng lớn.688. Chư Thiên cầm ngôi lọng
Ðưa lên giữa hư không,
Cây lọng có nhiều cành,
Có hàng ngàn vòng chuyền.
Họ quạt với phất trần,
Có tán vàng, lông thú,
Nhưng không ai thấy được,
Kẻ cầm lọng, phất trần.689. Bậc ẩn sĩ bện tóc,
Tên Kà-ha-xi-ri,
Thấy Thái tử nằm dài
Trên tấm chăn màu vàng,
Như đồng tiền bằng vàng,
Lại trên đầu Thái tử
Có lông trắng đưa lên,
Tâm ẩn sĩ phấn khởi,
Ðẹp ý, lòng hân hoan
Ðưa tay bồng Thái tử.690. Sau khi ẩm bồng lên
Con trai dòng họ Thích,
Bậc cầu đạo tìm hiểu,
Vượt khổ, nhờ tướng, chú,
Tâm tư được hoan hỷ,
Thốt lên lời như sau:
Vị này bậc Vô thượng,
"Tối thượng loài hai chân".691. Khi vị ấy nghĩ đến,
Số mệnh của tự mình,
Số mệnh không tốt đẹp,
Vị ấy rơi nước mắt,
Thấy vậy, các Thích-ca,
Hỏi ẩn sĩ đang khóc;
"Có sự gì chướng ngại
Sẽ xảy cho Thái tử?".692. Thấy họ Thích lo lắng,
Vị ẩn sĩ trả lời:
"Ta không thấy bất hạnh
Xảy đến cho Thái tử,
Ðối với Thái tử ấy,
Chướng ngại sẽ không có,
Vị này không hạ liệt,
Chớ có lo lắng gì.693. Thái tử này sẽ chứng
Tối thượng quả Bồ-đề,
Sẽ chuyển bánh xe pháp,
Thấy thanh tịnh tối thắng,
Vì lòng tử thương xót,
Vì hạnh phúc nhiều người,
Và đời sống Phạm hạnh,
Ðược truyền bá rộng rãi.694. Thọ mạng ta ở đời
Còn lại không bao nhiêu,
Ðến giữa đời sống Ngài
Ta sẽ bị mệnh chung.
Ta không được nghe pháp,
Bậc tinh cần vô tỷ,
Do vậy ta sầu não,
Bất hạnh và khổ đau".695. Sau khi khiến họ Thích,
Sanh hoan hỷ rộng lớn,
Bậc sống theo Phạm hạnh,
Bước ra khỏi nội thành.
Vị ấy vì lòng từ,
Thương con trai của chị,
Khích lệ nó học pháp,
Bậc tinh cần vô tỷ.696. Khi Ông nghe tiếng Phật,
Từ người khác nói lên,
Bậc đã đạt Bồ-đề,
Ðã đi con đường pháp,
Hãy đi đến chỗ ấy,
Hỏi kỹ về đạo pháp,
Và sống đời Phạm hạnh,
Dưới bậc Thế Tôn ấy.697. Như vậy, được khuyên bảo,
Bởi vị nghĩ hạnh phúc,
Vị thấy ở tương lai,
Ðường tối thắng thanh tịnh.
Do vậy Nà-la-ka,
Với phước đức chất chứa,
Sống với căn hộ trì,
Chờ đợi bậc chiến thắng.698. Khi nghe tin Pháp luân,
Ðược bậc chiến thắng chuyển,
Ðến thấy được hoan hỷ,
Bậc ẩn sĩ Ngưu vương,
Hỏi Mâu ni tối thắng,
Pháp Mâu ni tối thượng,
Như A-tư-đà khuyên
Trong buổi gặp gỡ trước.
(Kệ mở đầu đã xong)
699. Lời A-tư-đà này,
Con biết là như thật,
Con hỏi Gotama,
Ðường giải thoát mọi pháp.700. Không nhà, con đi đến
Tìm hạnh người khất sĩ,
Con hỏi bậc ẩn sĩ
Hãy nói lên cho con,
Con đường đạo tối thượng,
Ðưa đến đạo Mâu-ni,701. Thế Tôn đáp như sau:
Khó hành, khó thực hiện,
Là đạo hạnh Mâu ni,
Ta sẽ cho Ông biết,
Hãy đến lắng tai nghe,
Ta sẽ nói cho Ông,
Hãy vững trí, an thần,
Hãy kiên trì bền chí.702. Hãy tu hạnh Sa-môn,
Không để bị dao động,
Giữa khen chê trong làng,
Hãy chế ngự tâm sân,
Sống hạnh thật an tịnh,
Không cống cao kiêu mạn.703. Tiếng cao thấp phát ra,
Như ngọn lửa trong vườn,
Nữ nhân hay cám dỗ,
Chớ cám dỗ ẩn sĩ.704. Hãy từ bỏ dâm dục,
Xả mọi dục cao thấp.
Ðối hữu tình yếu mạnh,
Không đối nghịch, tham đắm.705. Ta thế nào, họ vậy,
Họ thế nào, Ta vậy,
Lấy ngã làm ví dụ,
Chớ giết, chớ bảo giết.706. Hãy bỏ dục, bỏ tham,
Ðây phàm phu bị nắm,
Bậc có mắt hành đạo,
Vượt địa ngục, loài Người.707. Bụng đói, ăn chừng mực,
Ít dục, không tham lam.
Vị ấy không ham dục,
Không dục, thật tịch tịnh.708. Sau khi đi khất thực,
Ẩn sĩ vào rừng sâu,
Ði đến dưới gốc cây,
Sửa soạn ngồi an tịnh.709. Bậc Hiền trí hành thiền,
Hoan hỷ trong rừng sâu,
Hành thiền dưới gốc cây,
Thỏa mãn sở thích mình.710. Khi đêm hết, sáng đến,
Cần phải đi đến làng,
Chớ hân hoan khất thực,
Ðồ mang từ làng đi.711. Ẩn sĩ không đi gấp,
Ðến làng, giữa gia đình,
Tìm ăn, cắt nói chuyện,
Không nói chuyện liên hệ.712. Nếu được, thật là tốt,
Không được, cũng là tốt,
Nghĩ vậy, cả hai mặt,
Vị ấy trở về cây.713. Ði với bát cầm tay,
Không câm, dáng như câm,
Chớ khinh, đồ cho ít,
Không chê người đem cho.714. Bậc Sa-môn thuyết giảng,
Con đường cao và thấp,
Nhưng đến bờ bên kia,
Không có hai con đường,
Tuy vậy chớ nghĩ rằng,
Ðường này chỉ là một.715. Với ai, không có tham,
Tỷ-kheo cắt dòng nước,
Ðoạn tận hành thiện ác,
Vị ấy không sầu não.716. Thế Tôn lại nói thêm:
Ta dạy cho các Ông
Thức tri hạnh ẩn sĩ,
Hãy tu như lưỡi dao,
Với lưỡi ấn nóc họng,
Hãy hạn chế bao tử.717. Tâm chớ có thụ động,
Nhưng chớ nghĩ quá nhiều.
Không hôi hám, độc lập,
Sống cứu cánh Phạm hạnh718. Hãy tập ngồi một mình,
Sống đúng hạnh Sa-môn.
Sống một mình được gọi
Là hạnh bậc ẩn sĩ,
Nếu tự mình tìm được
Thoải mái trong cô độc.719. Hãy chói sáng mười phương,
Sau khi nghe tiếng nói,
Của các bậc hiền sĩ,
Hãy hành thiền, bỏ dục,
Mong đệ tử của Ta,
Tăng trưởng tâm và tín.720. Hãy học các dòng nước,
Từ khe núi vực sâu.
Nước khe núi chảy ồn,
Biển lớn động im lặng.721. Cái gì trống kêu to,
Cái gì đầy yên lặng,
Ngu như ghè vơi nước,
Bậc trí như ao đầy.722. Khi Sa-môn nói nhiều,
Nói liên hệ đến đích,
Tự biết nên thuyết pháp,
Tự biết nên nói nhiều.723. Ai biết, biết tự chế,
Ai biết, không nói nhiều,
Vị ấy là ẩn sĩ,
Xứng đáng hạnh ẩn sĩ,
Vị ấy là ẩn sĩ,
Ðạt được hạnh ẩn sĩ.
(XII) Kinh Hai Pháp Tuỳ Quán (Sn 139)
Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Ðông Viên, tại lâu đài mẹ của Migàra. Lúc bấy giờ, trong ngày trai giới Uposatha, vào ngày rằm, trăng tròn, trong đêm rằm, Thế Tôn ngồi giữa trời với chúng Tỷ-kheo đoanh vây. Rồi Thế Tôn nhìn xung quanh chúng Tỷ-kheo đang yên lặng, nói với các Tỷ-kheo:
- Này các Tỷ-kheo, phàm có những thiện pháp nào thuộc bậc Thánh có khả năng hướng thượng, đưa đến giác ngộ; này các Tỷ-kheo, đối với các thiện pháp thuộc bậc Thánh có khả năng hướng thượng đưa đến giác ngộ ấy do lý do gì các Thầy nghe những pháp ấy? Này các Tỷ-kheo, các Thầy có thể được hỏi như vậy, các Thầy có thể trả lời cho những người câu hỏi ấy như sau: "Vì muốn có như thật trí đối với hai pháp". Và nếu các Thầy nói: "Thế nào là hai?". - "Ðây là khổ, đây là khổ tập", đây là tuỳ quán thứ nhất. "Ðây là khổ diệt, đây là con đường đưa đến khổ diệt", đây là tùy quán thứ hai.
Này các Tỷ-kheo, như vậy do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.
Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
724. Ai không tuệ tri khổ,
Và hiện hữu của khổ,
Và chỗ khổ hoàn toàn
Ðược đoạn tận không dư,
Vị ấy không biết đường,
Ðưa đến khổ an tịnh.725. Không có tâm giải thoát,
Không có tuệ giải thoát,
Vị ấy không có thể
Ðoạn tận sanh và già.726. Những ai tuệ tri khổ
Và hiện hữu của khổ
Và chỗ khổ hoàn toàn
Ðược đoạn tận không dư,
Vị ấy biết con đường,
Ðưa đến khổ an tịnh.727. Ðầy đủ tâm giải thoát,
Với trí tuệ giải thoát,
Những vị ấy có thể
Với trí tuệ giải thoát,
Ðoạn tận sanh và già.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có chân chánh tuỳ quán hai pháp, theo một pháp môn khác không?" Các Thầy cần phải trả lời: "Có thể có". Có thể có như thế nào? "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên sanh y", đây là tuỳ quán pháp thứ nhất. "Do sự đoạn diệt, ly tham, các sanh y không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán thứ hai.
- Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tuỳ quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.
Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
728. Chính do duyên sanh y,
Các khổ được sanh khởi,
Tất cả các khổ đau,
Sai biệt ở trên đời,
Ai chính do vô minh
Tạo lên sự sanh y,
Kẻ ngu ấy gặp khổ
Nối tiếp nhau sanh trưởng,
Do vậy vị hiểu biết,
Không tạo lên sanh y,
Tuỳ quán được hiện hữu
Của sanh và của khổ.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có chân chánh tùy quán hai pháp theo một pháp môn khác không?" Các Thầy cần phải trả lời: "Có thể có". Có thể có như thế nào? "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên vô minh", đây là tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham, vô minh không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai.
Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, không có phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, được chờ đợi là một trong hai quả sau đây: Ðược chánh trí ngay trong hiện tại, và nếu có dư y, chứng quả Bất hoàn.
Thế Tôn nói như vậy, Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Ðạo sư lại nói thêm:
729. Những ai tiếp tục rơi,
Dòng luân chuyển sanh tử,
Ðến hữu này hữu khác,
Sanh thú do vô minh.730. Vô minh này, đại si,
Ðưa đến luân chuyển dài,
Chúng sanh, minh đạt được,
Không còn phải tái sanh.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên các hành", đây là tuỳ quán pháp thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham, các hành không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo sư lại nói thêm:
731. Phàm khổ gì hiện hữu,
Tất cả duyên các hành,
Do đoạn diệt các hành,
Khổ không có hiện hữu.732. Do biết nguy hiểm này,
Khổ do duyên các hành,
Tịnh chỉ tất cả hành,
Do phá hoại các tưởng,
Như vậy, khổ được diệt,
Biết như thực là vậy.733. Bậc Hiền trí chánh kiến,
Hiểu biết, với chánh trí,
Nhiếp phục Ma kiết sử,
Không đi đến tái sanh.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thức", đây là tùy quán pháp thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham thức không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai.
Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp, bậc Ðạo sư lại nói thêm:
734. Phàm khổ gì hiện hữu,
Tất cả do duyên thức,
Với thức được đoạn diệt,
Khổ không có hiện hữu.735. Do biết nguy hiểm hày,
Khổ do duyên các thức,
Tỷ-kheo tịnh chỉ thức,
Không dục ái, tịch tịnh.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:.... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên xúc", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham xúc không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai.
Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp. Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
736. Những ai, xúc chi phối,
Chạy theo dòng sanh hữu,
Những người hành tà đạo,
Xa vời diệt kiết sử.737. Những ai liễu tri xúc,
Nhờ trí, thích an tịnh,
Do họ thắng tri xúc,
Không dục ái, tịch tịnh.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thọ", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham thọ không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
738. Với lạc thọ, khổ thọ,
Hay bất khổ, bất lạc;
Nội thọ và ngoại thọ,
Phàm có cảm thọ gì.739. Biết được đây là khổ,
Giả dối bị hủy hoại.
Thấy các xúc hoại diệt,
Như vậy, đây ly tham,
Tỷ-kheo diệt các thọ,
Không dục ái, tịch tịnh.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên ái", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham ái, không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chán tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
740. Người có ái bạn đường,
Bị luân chuyển dài dài,
Ðến hữu này, hữu khác,
Luân chuyển không dừng nghỉ.741. Do biết nguy hiểm nầy,
Chính ái tác thành khổ,
Ly ái, không chấp thủ,
Chánh niệm, Tỷ-kheo hành.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:.... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thủ", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham thủ không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
742. Do duyên thủ, có hữu,
Do hữu, đi đến khổ,
Từ sanh nên có chết,
Ðây hiện hữu của khổ.743. Do vậy, bậc Hiền trí,
Diệt thủ, nhờ chánh trí,
Nhờ thắng trí sanh diệt,
Không đi đến tái sanh.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên khởi xướng", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Do đoạn diệt ly tham khởi xướng không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
744. Phàm khổ gì hiện hữu,
Tất cả duyên khởi xướng,
Do đoạn diệt khởi xướng,
Khổ không có hiện hữu.745. Do biết nguy hiểm này,
Khổ do duyên khởi xướng,
Từ bỏ mọi khởi xướng,
Không khởi xướng, giải thoát.746. Do đoạn tận hữu ái,
Tâm Tỷ-kheo tịch tịnh,
Vượt khỏi sanh luân chuyển
Vị ấy không tái sanh.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên thức ăn", đây là pháp tùy quán quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham thức ăn không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
747. Phàm khổ gì hiện hữu,
Tất cả duyên thức ăn,
Do đoạn diệt thức ăn,
Khổ không có hiện hữu.748. Do biết nguy hiểm này,
Khổ do duyên thức ăn,
Liễu tri mọi thức ăn,
Không y mọi thức ăn.749. Nhờ chánh trí không bệnh,
Ðoạn diệt các lậu hoặc,
Thọ dụng các thức ăn,
Giác sát, trú Chánh pháp,
Vị đạt được trí tuệ,
Không rơi vào ước lượng.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Phàm có khổ gì hiện hữu, tất cả đều do duyên dao động", đây là pháp tùy quán quán thứ nhất. "Do đoạn diệt, ly tham dao động không có dư tàn, khổ không có hiện hữu", đây là tùy quán pháp thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
750. Phàm khổ gì hiện hữu,
Tất cả duyên dao động,
Do đoạn diệt dao động,
Khổ không có hiện hữu.751. Do biết nguy hiểm này,
Khổ do duyên dao động,
Do vậy, bỏ dao động,
Chận dừng lại các hành,
Không có gì chướng ngại
Không chấp thủ, chánh niệm,
Vị Tỷ-kheo bộ hành,
Khắp tất cả chân trời.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau:... "Ai có nương tựa, thì bị dao động", đây là pháp tùy quán quán thứ nhất. "Ai không có nương tựa, không bị dao động", đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
752. Không nương tựa, không động,
Nương tựa có chấp thủ,
Chấp hữu này, hữu khác,
Không chinh phục luân chuyển.753. Sau khi rõ biết được,
Nguy hiểm tai hại nầy,
Trong các sự nương tựa,
Có sợ hãi lớn lao,
Không nương tựa y chỉ,
Không chấp thủ, chánh niệm,
Vị Tỷ-kheo bộ hành,
Khắp tất cả chân trời.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có như thế nào?" Này các Tỷ-kheo "Các pháp vô sắc an tịnh hơn các sắc pháp", đây là pháp tùy quán thứ nhất. "Sự đoạn diệt an tinh hơn các pháp vô sắc", đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
754. Chúng sanh thuộc sắc giới,
Chúng sanh trú vô sắc,
Không tuệ tri đoạn diệt,
Chúng đi đến tái sanh.755. Những ai liễu tri sắc,
Khéo an trú vô sắc,
Giải thoát trong đoạn diệt,
Họ từ bỏ sự chết.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có như thế nào?" Này các Tỷ-kheo, "Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: "Ðây là sự thật", cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này là hư vọng", đây là pháp tùy quán thứ nhất. Này các Tỷ-kheo, "Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: "Ðây là hư vọng", cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này là chân thật", đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
756. Hãy xem thế giới nầy,
Với thế giới chư Thiên,
Hoan hỷ với phi ngã,
An trú trên danh sắc,
Nghĩ rằng danh sắc này
Là chân thật không ngụy.757. Dầu họ nghĩ thế nào,
Khi danh sắc đổi khác,
Danh sắc là hư vọng,
Giả dối sống tạm bợ,758. Niết-bàn không hư ngụy,
Bậc Thánh chân thật biết,
Họ thắng tri chân thật,
Không ái dục, tịch tịnh.
Này các Tỷ-kheo, có thể các Thầy được hỏi thêm nữa như sau: "Có thể có như thế nào?" Này các Tỷ-kheo, "Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: "Ðây là an lạc", cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này là khổ", đây là pháp tùy quán thứ nhất. Này các Tỷ-kheo, "Cái gì được thế giới với chư Thiên, các Ma, các Phạm thiên, được thế giới này với quần chúng Sa-môn và Bà-la-môn, với chư Thiên và loài Người suy tưởng: "Ðây là khổ", cái ấy được các vị Thánh khéo thấy như thật với chánh trí tuệ là: "Cái này là lạc", đây là pháp tùy quán thứ hai. Này các Tỷ-kheo, do Tỷ-kheo chơn chánh tùy quán hai pháp.
Bậc Ðạo Sư lại nói thêm:
759. Sắc, tiếng, hương, vị, xúc,
Tất cả những pháp này,
Khả lạc, hỷ, khả ý,
Khi nào chúng hiện hữu.760. Thế giới với chư Thiên
Xem chúng là khả lạc,
Khi chúng bị hoại diệt,
Mới thấy chúng là khổ.761. Bậc Thánh thấy là lạc,
Khi có thân đoạn diệt,
Ðây hoàn toàn trái ngược,
Ðiều mọi giới được thấy.762. Ðiều người khác gọi lạc,
Bậc Thánh gọi là khổ,
Ðiều người khác gọi khổ,
Bậc Thánh biết là lạc,
Hãy xem pháp khó biết,
Kẻ không thấy mê mờ.763. Kẻ bị che, tối tăm,
Kẻ không thấy, tối mù,
Bậc thiện, được rộng mở,
Bậc thấy, được ánh sáng,
Kẻ ngu dầu có gần,
Cũng không biết con đường,
Cũng không có thiện xảo,
Ðối Chánh pháp Phật dạy.764. Bị hữu tham chiến bại,
Bị trôi theo dòng hữu,
Rơi vào Ma chi phối,
Pháp này khó chánh giác.765. Ai ngoài các bậc Thánh,
Xứng đáng đạo chánh giác.
Do chánh trí đạo ấy
Chứng vô lậu Niết-bàn.
Thế Tôn thuyết như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỉ tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi pháp này được giảng, tâm của hơn sáu mươi Tỷ-kheo giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.
(I) Kinh về Dục (Sn 151)
766. Ai ao ước được dục,
Nếu dục được thành tựu,
Chắc tâm ý hoan hỷ,
Ðược điều con người muốn.767. Nếu người có dục ấy,
Ước muốn được sanh khởi,
Các dục ấy bị diệt,
Bị khổ như tên đâm.768. Ai tránh né các dục
Như chân tránh đầu rắn,
Chánh niệm vượt thoát được,
Ái triền này ở đời.769. Người nào tham đắm dục,
Ruộng đất, vàng, bò, ngựa,
Người nô tỳ, phục vụ,
Nữ nhân và bà con.770. Như người không sức lực,
Bị các dục chinh phục,
Tai họa dẫm đạp nó,
Khổ đau bước theo nó,
Như nước ùa tràn vào,
Chiếc thuyền bị vỡ nát.771. Do vậy người thường niệm,
Từ bỏ các loài dục,
Bỏ dục, vượt bộc lưu,
Tát thuyền đến bờ kia.
(II) Kinh Hang Ðộng tám kệ (Sn 151)
772. Chúng sanh vào trong hang,
Chấp chặt bị bao trùm,
Người có thái độ vậy,
Chìm sâu trong si mê.
Hạnh viễn ly với nó,
Như vậy thật xa vời,
Các dục ở trong đời,
Không dễ gì đoạn tận.773. Dục cầu làm nhân duyên,
Bị lạc hữu trói buộc,
Họ rất khó giải thoát,
Không thể có người khác,
Ðến giải thoát cho mình,
Họ cầu việc đã qua,
Họ mong việc chưa lại;
Họ tham đắm các dục,
Những dục này hiện tại,
Và những dục quá khứ.774. Ai tham đắm các dục,
Bị trí buộc si mê,
Họ xan tham keo kiết.
An trú trên bất chánh,
Khi rơi vào đau khổ,
Họ sầu muộn than khóc,
Ở đây sau khi chết,
Tương lai sẽ thế nào?775. Do vậy ở tại đây,
Con người cần học tập,
Những gì mình biết được,
Là bất chánh ở đời.
Do nhân duyên như vậy,
Mà sống không bất chánh,
Vì rằng bậc Thánh nói:
Ngắn thay, sanh mạng này.776. Ta thấy ở trên đời,
Loài Người run, sợ hãi,
Ði đến khát ái này,
Trong những loại sanh hữu.
Phàm những người thấp kém,
Than van trước miệng chết,
Chưa viễn ly khát ái,
Ðối với hữu, phi hữu.777. Hãy nhìn những người ấy,
Run sợ trong tự ngã,
Như cá chỗ ít nước,
Trong dòng sông khô cạn,
Thấy được sự kiện này,
Hãy sống không của ta,
Không làm sự việc gì,
Khiến tham đắm các hữu.778. Hãy nhiếp phục ước muốn,
Ðối với hai cực đoan,
Nhờ liễu tri các xúc,
Không còn có tham đắm,
Cái gì tự ngã trách,
Cái ấy không có làm,
Bậc trí không bị nhớp,
Bởi những gì thấy nghe.779. Do liễu tri các tưởng,
Vượt qua khỏi bộc lưu,
Bậc Mâu-ni không nhiễm,
Ðối với mọi chấp thủ,
Với mũi tên rút ra,
Sở hành không phóng dật,
Không cầu mong đời này,
Không mong ước đời sau.
(III) Kinh Sân Hận tám kệ (Sn 153)
780. Thật có một số người
Nói lên với ác ý,
Và thật cũng có người,
Nói lên ý chân thật.
Dầu có lời nói gì,
ẩn sĩ không liên hệ,
Do vậy bậc Mâu-ni,
Không chỗ nào hoang vu.781. Người ước muốn dắt dẫn,
Thiên trú điều sở thích,
Làm sao từ bỏ được,
Ðiều tà kiến của mình,
Khi tự mình tác thành,
Quan điểm riêng của mình,
Như điều nọ được biết,
Hãy để nó nói vậy.782. Người không có ai hỏi,
Lại nói cho người khác,
Biết đến những giới cấm,
Của tự cá nhân mình.
Bậc thiện xảo nói rằng,
Như vậy không Thánh pháp,
Nếu ai tự nói lên
Lời tán thán tự ngã.783. Vị Tỷ-kheo an tịnh,
Sống hết sức tịch tịnh,
Khi tán thán giới đức,
Không nói "Tôi là vậy".
Bậc thiện xảo nói rằng
Như vậy là Thánh pháp
Với vị ấy đề cao,
Ở đời, không khởi lên.784. Với những ai các pháp,
Ðược sửa soạn tác thành,
Ðược đặt ra phía trước,
Không phải không tranh luận,
Khi đã thấy lợi ích,
Trên tự thân của mình,
Y đấy, duyên dao động,
Ðạt được sự tịch tịnh.785. Ðối với các thiên kiến,
Không dễ gì vượt qua,
Thẩm sát các pháp xong,
Mới tác thành chấp trước.
Do vậy là con người,
Ðối với trú xứ ấy,
Có khi quyết từ bỏ,
Có khi chấp nhận Pháp.786. Vị tẩy sạch loại bỏ,
Không tìm được ở đời,
Các kiến được sửa soạn,
Ðối với hữu, phi hữu.
Bỏ man trá, kiêu mạn,
Vị tẩy sạch loại bỏ,
Vị ấy đi với gì,
Vị ấy không chấp thủ.787. Với ai có chấp thủ,
Bị chỉ trích trong Pháp,
Với ai không chấp thủ,
Lấy gì có thể nói?
Chính đối với vị ấy,
Ngã, phi ngã đều không,
Vị ấy đã tẩy sạch,
Mọi tà kiến ở đời.
(V) Kinh Thanh Tịnh tám kệ (Sn 154)
788. Ta thấy vị thanh tịnh,
Vị tối thượng, không bệnh,
Sự thanh tịnh con người,
Với tri kiến, đạt được.
Nắm giữ quan điểm này.
Xem đấy là tối thượng,
Vị này sẽ xem trí,
Là tùy quán thanh tịnh.789. Nếu thanh tịnh con người,
Do tri kiến đạt được,
Hay với trí vị ấy,
Từ bỏ sự đau khổ
Vị ấy có sanh y,
Ngoài Thánh đạo được tịnh,
Vị ấy nói như vậy,
Do tri kiến cá nhân.790. Bà-la-môn không nói,
Ngoài Thánh đạo được tịnh,
Với điều được thấy nghe,
Giới đức, được thọ tưởng;
Với công đức, ác đức,
Vị ấy không nhiễm trước,
Từ bỏ mọi chấp ngã,
Không làm gì ở đời.791. Từ bỏ tri kiến cũ,
Y chỉ tri kiến mới,
Ði đến sự tham đắm,
Không vượt qua ái dục;
Họ nắm giữ chấp trước,
Họ từ bỏ xa lánh,
Như khỉ thả cành này,
Rồi lại nắm cành khác,792. Người tự mình chấp nhận,
Các chủng loại giới cấm,
Ði chỗ cao chỗ thấp,
Sống bị tưởng chi phối;
Người có trí rộng lớn,
Nhờ trí tuệ, quán pháp,
Có trí, không đi đến
Các pháp cao và thấp.793. Vị ấy đạt thù thắng,
Trong tất cả các pháp,
Phàm có điều thấy, nghe,
Hay cảm thọ, tưởng đến;
Với vị tri kiến vậy,
Sống đời sống rộng mở,
Không bị ai ở đời,
Có thể chi phối được.794. Họ không tác thành gì,
Họ không đề cao gì,
Họ không có nói lên,
Ðây tối thắng thanh tịnh,
Không dính líu tham đắm,
Mọi chấp trước triền phược,
Họ không tạo tham vọng,
Bất cứ đâu ở đời.795. Với vị Bà-la-môn
Ðã vượt khỏi biên giới,
Sau khi biết và thấy,
Không có kiến chấp trước.
Tham ái không chi phối,
Cũng không tham, ly tham,
Vị ấy ở đời này,
Không chấp thủ gì khác.
(V) Kinh Tối Thắng tám kệ (Sn 156)
796. Ai thiên trú trong kiến,
Xem kiến ấy tối thắng,
Ở đời đặt kiến ấy,
Vào địa vị tối thượng.
Người ấy nói tất cả,
Người khác là hạ liệt,
Do vậy không vượt khỏi,
Sự tranh luận ở đời.797. Khi nó thấy lợi ích,
Ðến với tự ngã nó,
Ðối với vật thấy nghe,
Giới đức hay thọ tưởng;
Vị ấy ở tại đấy,
Liền chấp trước nắm giữ,
Nó thấy mọi người khác,
Là hạ liệt thấp kém.798. Người y chỉ kiến ấy,
Thấy người khác hạ liệt,
Bậc thiện nói như vậy,
Ðấy là sự trói buộc;
Do vậy đối thấy nghe,
Thọ, tưởng hay giới cấm,
Bậc Tỷ-kheo không có
Y chỉ, nương tựa vào.799. Chớ có tác thành ra
Tri kiến ở trên đời,
Từ ở nơi chánh trí,
Hay từ nơi giới đức,
Không bận tâm so sánh,
Tự ngã bằng người khác,
Không có suy nghĩ đến,
Ðây "liệt " hay đây "thắng".800. Ðoạn tận, từ bỏ ngã,
Không chấp thủ sự gì,
Không tác thành, dựng nên,
Nương tựa ở nơi trí,
Chân thật giữa tranh chấp
Không theo phe phái nào,
Vị ấy không đi theo
Một loại tri kiến nào.801. Với ai, hay cực đoan,
Không có hướng nguyện gì,
Với hữu và phi hữu,
Hay đời này đời sau,
Vị ấy không an trú,
Tại một trú xứ nào,
Từ bỏ mọi chấp thủ,
Ðối với tất cả pháp.802. Ðối vị ấy ở đây,
Những gì được thấy nghe,
Ðược cảm thọ tưởng đến,
Chút suy tưởng cũng không;
Vị Bà-la-môn ấy
Không chấp thủ tri kiến,
Không ai ở đời này
Có thể chi phối được.803. Họ không tác thành gì,
Họ không đề cao gì,
Các pháp không được họ,
Chấp trước nắm giữ gì
Không một Phạm chí nào,
Bị giới cấm dắt dẫn,
Ði đến bờ bên kia,
Vị ấy không trở lui.
(VI) Kinh Già (Sn 158)
804. Sinh mạng này ngắn thay,
Trong trăm năm, rồi chết,
Nếu ai sống hơn nữa,
Rồi cũng chết vì già.805. Loài Người sầu vì ngã,
Mọi chấp thủ vô thường,
Trống không là đời này,
Thấy vậy sống không nhà.806. Vì loài Người nghĩ rằng
Cái này là của tôi,
Cái ấy bị sự chết,
Làm hoại diệt hư tàn.
Biết vậy, bậc Hiền trí,
Không gọi, không hướng đến,
Cái này ngã của ta,
Cái này là của ta.807. Như những gì hiện lên,
Trong giấc ngủ mộng mị,
Con người khi tỉnh dậy,
Không còn thấy được gì.
Cũng vậy ở đời này,
Người được ưa, ái luyến,
Rồi sẽ chết mất đi,
Không ai còn thấy được.808. Các loại hạng người ấy
Ðược thấy và được nghe,
Nên họ được gọi tên,
Tên này hay tên khác.
Với người đã chết đi,
Chỉ được gọi tên không,
Vì chỉ có tên suông,
Sẽ được còn tồn tại.809. Tham đắm cái của ta,
Họ không có từ bỏ,
Sầu khổ và than van,
Cùng xan tham keo kiết.
Do vậy bậc ẩn sĩ,
Sau khi bỏ chấp thủ,
Ðã sống một đời sống,
Thấy được sự an ổn.810. Ðối với vị Tỷ-kheo
Sống thanh vắng một mình,
Sống tu tập tâm ý,
Hướng đến hạnh viễn ly,
Nếp sống vậy được nói,
Hòa hợp với vị ấy,
Và không nêu tự ngã,
Trong hiện hữu của mình.811. Vị ẩn sĩ không tựa,
Không y chỉ một ai,
Không làm thành thương yêu,
Không tác thành ghét bỏ.
Do vậy trong sầu than,
Trong xan tham keo kiết,
Như nước trên lá cây,
Không dính ướt làm nhơ.812. Giống như một giọt nước,
Không dính ướt hoa sen,
Như nước trên bông sen,
Khôn dính ướt làm nhơ.
Ðối với vật thấy nghe,
Ðược cảm thọ tưởng đến,
Cũng vậy bậc ẩn sĩ
Không dính ướt tham đắm.813. Do vậy bậc tẩy sạch,
Không có suy tư đến,
Ðiều được thấy được nghe,
Ðược cảm thọ tưởng đến.
Vị ấy muốn thanh tịnh,
Không có dựa gì khác,
Vị ấy không tham đắm,
Cũng không có ly tham.
(VII) Kinh Tissametteyya (Sn 160)
814. Tissa Metteyya,
Tôn giả nói như sau:
Thế Tôn hãy nói lên,
Sự tai hại của người,
Ðắm say về dâm dục,
Sau khi nghe, chúng con
Sẽ học tập lời Ngài,
Lời dạy về viễn ly.815. Thế Tôn nói như sau:
Hỡi này Metteyya,
Ai đắm say dâm dục,
Quên mất lời giảng dạy,
Rơi vào đường tà vạy,
Nếp sống ấy không thánh.816. Ai trước sống một mình,
Nay rơi vào dâm dục,
Như xe bị nghiêng ngã,
Người ấy ở trong đời,
Ðược gọi là phàm phu,
Ðược gọi là hạ liệt.817. Tiếng tốt có từ trước,
Người ấy bị tổn giảm,
Thấy vậy hãy học tập,
Từ bỏ sự dâm dục.818. Chi phối bởi suy tư,
Trầm ngâm như kẻ nghèo,
Nghe tiếng trách người khác,
Như kẻ bị thất vọng.819. Bị người khác buộc tội,
Nó làm các đao kiếm,
Trở thành người tham lớn,
Chấp thủ điều vọng ngôn.820. Ðược danh là Hiền trí,
An trú sống một mình,
Nếu rơi vào dâm dục,
Sầu não như kẻ ngu.821. Thấy nguy hại như vậy,
Bậc ẩn sĩ trước sau,
Kiên trì sống cô độc,
Không thực hành dâm dục.822. Hãy học tập viễn ly,
Ðây hạnh thánh tối thượng,
Không nghĩ mình tối thắng,
Dầu gần được Niết-bàn.823. Sở hành bậc ẩn sĩ,
Trống không, không mong dục,
Bậc vượt khỏi bộc lưu,
Ðược các người ở đời,
Bị tham dục trói buộc,
Ganh tị và thèm muốn.
(VIII) Kinh Pasùra (Sn 161)
824. Ở đây chính thanh tịnh,
Họ thuyết giảng như vậy,
Họ nói trong pháp khác,
Không có sự thanh tịnh,
Họ nói chỗ y chỉ,
Ở đây là thanh tịnh,
Họ rộng rãi an trú,
Trong sự thật của mình.825. Những ai muốn tranh luận,
Sau khi vào hội chúng,
Họ công kích lẫn nhau,
Họ gọi nhau là ngu,
Họ đi đến người khác,
Và khởi lên tranh luận,
Họ muốn được tán thán,
Họ gọi chúng thiện xảo.826. Ham mê thích tranh luận,
Ở giữa các hội chúng,
Ước muốn được tán thán,
Họ sợ hãi thất bại,
Khi bị đánh thất bại,
Họ trở thành rủn chí,
Bị chê, họ nổi giận,
Kẻ tìm lỗi người khác.827. Khi các nhà thẩm sát,
Phê bình các câu hỏi,
Tuyên bố cuộc tranh luận,
Ði đến chỗ thất bại,
Kẻ nói lời hạ liệt,
Than khóc và sầu não,
Họ rên rỉ than van,
Nó đã đánh bại ta.828. Giữa các vị Sa-môn,
Các tranh luận khởi lên,
Trong các tranh luận này,
Có chiến thắng chiến bại.
Do thấy rõ như vậy,
Không vui thích tranh luận
Dầu có được tán thán,
Cũng không lợi ích gì.829. Hay trong tranh luận này,
Nó được lời tán thán,
Sau khi đã nói lên,
Chính giữa các hội chúng.
Do vậy nó vui cười,
Nó tự hào kiêu hãnh,
Ðạt được mục đích ấy,
Như tâm ý nói lên.830. Cái làm nó cống cao,
Cũng là đất hại nó,
Tuy vậy nó vẫn nói,
Lời cống cao kiêu mạn,
Khi thấy được như vậy,
Hãy đừng có tranh luận,
Bậc thiện xảo nói rằng,
Thanh tịnh không do vậy.831. Cũng như bậc anh hùng,
Nuôi dưỡng đồ ăn vua,
La hét muốn tìm cầu,
Một địch thủ anh hùng,
Ôi anh hùng hãy tránh,
Chỗ nào có vị ấy,
Từ trước đã không có,
Sự đấu tranh như vậy.832. Những ai chấp tri kiến,
Tranh luận về kiến ấy,
Tuyên bố thuyết giảng rằng:
Chỉ đây là sự thật,
Ông hãy nói với họ,
Ở đây không tranh luận,
Ông hãy nói thêm rằng
Ở đây không địch thủ.833. Cuộc chiến đấu đã tàn,
Những ai sống như vậy,
Không có sự va chạm,
Giữa kiến này kiến khác,
Hỡi này Pasùra!
Ông được gì nơi họ,
Với người không chấp thủ,
Một sự gì tối thượng?834. Vậy Ông hãy đi đến,
Suy tư ngẫm nghĩ kỹ,
Với tâm ý suy tư,
Trên những loại tri kiến,
Hãy hoà đồng chung hợp,
Với bậc đã tẩy sạch,
Ông không có thể không
Cùng vị ấy tiến bước.
(IX) Kinh Màgandiya (SN 163)
Thế Tôn:
835. Sau khi thấy khát ái,
Bất lạc và tham đắm,
Không thể có ưa muốn,
Ðối với sự dâm dục.
Sao, với bao đầy tràn,
Nước tiểu, phân uế này,
Ta không có ước muốn,
Với chân động chạm nó.
Màgandiya:
836. Nếu Ngài không ước muốn:
Ngọc báu như thế này,
Nữ nhân được mong cầu,
Bởi rất nhiều đế vương,
Hãy nói như thế nào,
Là tri kiến của Ngài,
Giới cấm và sinh mạng,
Cùng sự hữu phát sanh.
Thế Tôn:
837. Thế Tôn liền trả lời,
Cho Màgandiya,
Với Ta không có nói,
Ta nói như thế này,
Sau khi quán sát kỹ
Sự chấp thủ trong pháp,
Trong tất cả tri kiến,
Ta không có chấp trước,
Ta thấy sự cất chứa,
Tịch tịnh trong nội tâm.
Màgandiya:
838. Màgandiya nói:
Các lý thuyết quyết định,
Ngài nói vị ẩn sĩ,
Không nắm giữ thuyết nào.
Còn về ý nghĩa này,
Của hai chữ nội tịnh,
Thế nào là bậc Hiền trí,
Hiểu biết hai chữ ấy?
Thế Tôn:
839. Thế Tôn nói như sau:
Này Màgandiya,
Không phải từ tri kiến,
Từ truyền thống, từ trí,
Không phải từ giới cấm,
Thanh tịnh được đem đến.
Người ta nói như vậy,
Nhưng cũng không phải là
Không kiến, không truyền thống,
Không trí, không giới cấm,
Từ bỏ tất cả chúng,
Không chấp thủ sự gì,
Bậc thiện không y chỉ,
Không ước muốn sanh hữu.
Màgandiya:
840. Màgandiya nói:
Nếu không từ tri kiến,
Từ truyền thống, từ trí,
Không phải từ giới cấm,
Thanh tịnh được đưa đến.
Người ta nói như vậy,
Cũng không phải không kiến,
Không truyền thống, không trí,
Không giới luật giới cấm,
Thanh tịnh được đem đến
Con nghĩ rằng pháp vậy,
Là pháp kẻ ngu si,
Vì rằng thật có người,
Nhờ kiến đến thanh tịnh.
Thế Tôn:
841. Thế Tôn nói như sau:
Này Màgandiya,
Nếu y vẫn tri kiến,
Ông còn tiếp tục hỏi,
Chính do những chấp thủ,
Ði đến sự ngu si,
Từ đó, Ông không thấy,
Một chút gì về tưởng,
Do vậy, Ông chớ thấy,
Tất cả là ngu si.842. Bằng ta thắng hơn ta,
Hay thấp kém hơn ta,
Ai suy nghĩ như vậy,
Do vậy đấu tranh khởi,
Ai không bị dao động
Bởi ba vấn đề ấy,
Như vậy, đối vị ấy,
Không bằng, không thù thắng.843. Sao Bà-la-môn ấy
Lại nói: "Ðây sự thật ",
Ðây chính là nói láo,
Ðể gây nên tranh luận,
Với ai không hề có,
Bằng nhau, không bằng nhau.
Do đâu nó có thể,
Mắc vào tranh luận được.844. Ðoạn tận mọi nhà cửa,
Sống là kẻ không nhà,
Ẩn sĩ không thân thiết,
Với một ai ở làng,
Trống không các dục vọng,
Không xem trọng sự gì,
Không nói chuyện tranh luận,
Với một ai ở đời.845. Vị ấy sống viễn ly,
Mọi sự việc ở đời,
Bậc Long tượng không chấp,
Và không nói đến họ.
Như hoa sen có gai,
Sanh ra ở trong nước,
Không bị nước và bùn,
Mắc dính và thấm ướt.
Như vậy bậc ẩn sĩ,
Nói an tịnh, không tham,
Không bị dục và đời,
Mắc dính và thấm ướt.846. Bậc trí, không do kiến,
Cũng không do thọ tưởng,
Ði đến sự kiêu mạn,
Không có tham dự vào,
Không để cho hành động,
Cho truyền thống dắt dẫn,
Không để bị chi phối,
Trong trú xứ của ý.847. Người không ưa thích tưởng,
Không có bị trói buộc,
Vị được tuệ giải thoát,
Không có sự si mê,
Và những ai chấp thủ,
Tư tưởng và tri kiến,
Người ấy sống xung đột,
Với mọi người ở đời.
(X) Kinh Trước khi bị hủy hoại (Sn 166)
Người hỏi:
848. Người sống đời an tịnh,
Kiến và giới thế nào?
Con hỏi Gotama,
Là bậc người tối thượng.
Thế Tôn:
849. Thế Tôn đáp như sau:
Ly ái trước thân hoại,
Không y chỉ ban đầu,
Không y chỉ cuối cùng,
Không kể đến vật giữa,
Không có ưa thích nào.850. Không phẫn nộ, không sợ,
Không khoa đại, không hối,
Nói hòa nhã, không động,
Bậc ẩn sĩ thận ngôn.
Không ước vọng tương lai,
Không sầu muộn quá khứ,
Thấy viễn ly giữa xúc,
Không để kiến dắt dẫn.852. Sống riêng, không man trá,
Không thích, không xan tham,
Không xông xáo nhàm chán,
Không đi đến hai lưỡi.853. Không mê vật khả ái,
Cũng không có quá mạn,
Nhu hòa, nhưng ứng biện,
Không vọng tín, không tham.854. Không tu tập vì lợi,
Không được lợi, không sân,
Không bị ái kích thích,
Không đam mê các vị.855. Thường trú xả, chánh niệm,
Ở đời, không nghĩ mình,
Bằng hơn hay thua người,
Vị ấy, không bồng bột.856. Không y chỉ một ai,
Biết pháp, không y chỉ,
Vị ấy không có ái,
Ðối với hữu, phi hữu.857. Ta gọi vị an tịnh,
Không mong cầu các dục,
Vị ấy không triền phược,
Vượt khỏi các tham trước.858. Vị ấy không con cái,
Thú vật, ruộng, đất đai,
Không có gì nắm lấy,
Là ta, là không ta.859. Phàm phu có buộc tội,
Hoặc Sa-môn, Phạm chí,
Vị ấy không quan tâm,
Trong lời nói không động,860. Không tham, không xan lẫn,
Ẩn sĩ không nói cao,
Không nói bằng, nói thấp,
Không đi đến thời kiếp,
Vì vị ấy vượt khỏi,
Sự chi phối thời kiếp.861. Ai không có vật gì,
Không có, không sầu muộn,
Không đi đến các pháp,
Vị ấy gọi an tịnh.
(XI) Kinh Tranh luận (Sn 168)
Người hỏi:
862. Từ đâu được khởi lên,
Các tranh luận, đấu tranh,
Than van và sầu muộn,
Cùng với tánh xan tham,
Mạn và tăng thượng mạn,
Kể cả với hai lưỡi,
Từ đâu chúng sanh nhiều,
Mong Ngài hãy nói lên.
Thế Tôn:
863. Từ ái sanh khởi nhiều,
Các tranh luận, đấu tranh
Than van và sầu muộn,
Cùng với tánh xan tham,
Mạn và tăng thượng mạn,
Kể cả với hai lưỡi,
Các tranh luận, đấu tranh,
Ðều liên hệ xan tham,
Những lời nói hai lưỡi,
Khởi lên từ tranh luận.
Người hỏi:
864. Do những nhân duyên nào,
Khả ái sanh ở đời?
Hay những tham lam nào,
Ðược lưu hành ở đời?
Ước vọng và thành đạt,
Là do nhơn duyên nào?
Khiến loài Người được sanh,
Trong thời gian tương lai?
Thế Tôn:
865. Do ước muốn là nhân,
Khả ái sanh ở đời,
Hay với những tham lam,
Ðược lưu hành ở đời,
Ước vọng và thành đạt,
Do ước muốn làm nhân,
Khiến loài Người được sanh,
Trong thời gian tương lai.
Người hỏi:
866. Ước muốn sanh ở đời
Là do nhân duyên nào?
Hay cả những quyết định,
Do nhân nào được sanh?
Phẫn nộ và vọng ngữ,
Cùng với cả nghi hoặc,
Hoặc là những pháp nào,
Ðược Sa-môn nói đến?
Thế Tôn:
867. Khả ý, bất khả ý,
Ðược gọi vậy ở đời,
Do y chỉ nơi chúng,
Ước muốn được sanh khởi.
Sau khi thấy trong sắc,
Cả hữu và phi hữu,
Chúng sanh mới làm được,
Những quyết định ở đời.868. Phẫn nộ và vọng ngữ,
Cùng với cả nghi hoặc,
Những pháp này lưu hành,
Khi pháp đôi có mặt,
Kẻ nghi hãy học tập,
Trên con đường chánh trí,
Sau khi biết các pháp,
Do Sa-môn thuyết giảng.
Người hỏi:
869. Khả ý, bất khả ý,
Là do nhân duyên nào,
Do cái gì không có,
Họ không có hiện hữu.
Còn về ý nghĩa này,
Về phi hữu và hữu,
Hãy nói cho chúng con,
Nguyên nhân gì chúng sanh?
Thế Tôn:
870. Do nhân duyên cảm xúc,
Khả ý, bất khả ý,
Nếu không có cảm xúc,
Họ cũng không hiện hữu,
Còn về ý nghĩa này,
Về phi hữu và hữu,
Ta nói cho Ông rõ,
Nguyên nhân này, chúng sanh.
Người hỏi:
871. Còn cảm xúc ở đời,
Do nhân gì sanh khởi,
Hay các loại chấp thủ,
Do từ đâu sanh nhiều,
Do cái gì không có,
Ngã sở hữu không có,
Cái gì không hiện hữu,
Khiến không có cảm xúc?
Thế Tôn:
872. Do duyên danh và sắc,
Nên có các cảm xúc,
Do nhân các ước muốn,
Nên có những chấp thủ,
Nếu ước muốn không có,
Ngã sở hữu cũng không,
Do sắc không hiện hữu,
Khiến không có cảm xúc.
Người hỏi:
873. Sở hành như thế nào,
Sắc pháp không hiện hữu,
An lạc và khổ đau,
Thế nào không có mặt,
Hãy nói lên cho con,
Không có như thế nào,
Chúng con muốn được biết,
Tâm ý con nói vậy.
Thế Tôn:
874. Không có tưởng các tưởng,
Không có tưởng vô tưởng,
Phi tưởng cũng không có,
Vô hữu tưởng cũng không.
Do sở hành như vậy,
Sắc pháp không hiện hữu,
Do nhân duyên các tưởng,
Hý luận được hình thành.
Người hỏi:
875. Ngài đã nói chúng con,
Những điều chúng con hỏi,
Có điều nữa hỏi Ngài,
Mong Ngài trả lời cho,
Bậc Hiền trí nói rằng,
Như thế này tối thượng,
Nghĩa là ở đời này,
Sự thanh tịnh Dạ-xoa
Hay là chúng muốn nói,
Có điều gì khác nữa?
Thế Tôn:
876. Bậc Hiền trí nói rằng,
Như thế là tối thượng,
Nghĩa là ở đời này,
Sự thanh tịnh Dạ-xoa,
Như có người nói rằng,
Chính là sự hoại diệt,
Lại một số thiện nhân,
Nói rằng: "Không dư y".877. Biết được những pháp ấy,
Ðều nương tựa y chỉ,
Biết vậy bậc ẩn sĩ,
Suy tư trên y chỉ,
Biết được, nên giải thoát,
Không đi đến tranh luận,
Bậc Hiền không tìm đến,
Cả hữu và phi hữu.
(XII) Những vấn đề nhỏ bé (Sn 171)
Người hỏi:
878. Mỗi người tự thiên chấp,
Về tri kiến của mình,
Do chấp thủ sai biệt,
Bậc thiện xảo nói lên,
Ai biết như thế này,
Vị ấy biết được pháp,
Ai chỉ trích điểm này,
Vị ấy không hoàn toàn.879. Do chấp thủ như vậy,
Họ tranh luận với nhau,
Họ nói kẻ khác ngu.
Không có khéo thiện xảo.
Trong những lời nói này,
Lời nói ai chân thật,
Hay tất cả vị này,
Là những bậc khéo nói?
Thế Tôn:
880. Nếu không có chấp thuận,
Pháp của các người khác,
Nói kẻ khác là ngu,
Tuệ như vậy thấp kém.
Tất cả là ngu si,
Có tuệ thật thấp kém.
Tất cả tri kiến này.
Ðều chỉ là thiên chấp.881. Nếu các cuộc tranh luận,
Ðược tri kiến gạn lọc,
Trí tuệ được thanh tịnh,
Thiện xảo trí sáng suốt,
Họ không có một ai,
Là trí tuệ hạ liệt,
Và tri kiến của họ,
Ðược hoàn toàn viên mãn.882. Ta không có nói rằng:
"Ðây chính là sự thật".
Các người ngu với nhau,
Cùng nhau nói như vậy,
Với tri kiến tự mình,
Họ nói là chân thật,
Do vậy các người khác,
Ðược họ xem là ngu.
Người hỏi:
883. Một số người nói rằng:
"Ðây mới là sự thật"
Họ nói các người khác,
Là trống không, giả dối,
Do chấp thủ như vậy,
Họ tranh luận đấu tranh,
Vì sao bậc Sa-môn,
Không cùng nói một lời?
Thế Tôn:
884. Sự thật chỉ có một,
Không sự thật thứ hai,
Người hiểu biết tranh luận,
Với người có hiểu biết,
Nhưng chân thật họ khen,
Chỉ sự thật của họ,
Do vậy bậc Sa-môn,
Không cùng nói một lời.
Người hỏi:
885. Vì sao họ nói lên,
Những chân thật sai khác,
Vì sao bậc thiện xảo,
Lại nói lời tranh luận,
Nếu các sự thật ấy,
Là nhiều và sai biệt,
Hay họ chỉ nhớ đến,
Những suy luận của họ.
Thế Tôn:
886. Thật sự các sự thật,
Không có nhiều sai biệt,
Từ các luồng tư tưởng,
Về thường còn ở đời,
Do họ suy nghĩ đến,
Tư tưởng các tri kiến,
Họ nói có hai pháp,
Sự thật và giả dối.887. Các pháp được thấy nghe,
Ðược giữ giới, thọ tưởng,
Họ y cứ pháp này,
Họ suy tư, nhìn thấy,
An trú các quyết định,
Họ chê cười người khác,
Họ nói các người khác,
Là ngu si bất thiện.888. Vì rằng đối người khác,
Nó xem là ngu si,
Tự mình gọi chính mình,
Là thiện xảo tốt đẹp,
Do chính mình khen mình,
Vị ấy gọi thiện xảo,
Khinh thường các người khác,
Lời người ấy là vậy.889. Vị ấy quá say mê,
Với tri kiến của mình,
Nên trở thành kiêu mạn,
Viên mãn tự ý mình,
Tự mình với tâm ý,
Làm lễ quán đảnh mình,
Do vậy, bị say mê,
Trong tri kiến của mình.890. Nếu người khác nói rằng:
Nó là hạng hạ liệt.
Như vậy đối tự mình,
Kẻ kia cũng liệt tuệ,
Nếu tự nó sáng suốt,
Bậc Hiền trí hiểu biết,
Không có ai ngu si,
Giữa các bậc Sa-môn.891. Những ai tuyên bố pháp,
Sai khác với pháp này,
Ði ngược lại thanh tịnh,
Không là người hoàn toàn,
Như vậy các ngoại đạo,
Tuyên bố thật rộng rãi,
Do lòng tham tri kiến,
Họ quá sức đam mê.892. Những ai tuyên bố rằng,
Chính đây là thanh tịnh,
Họ nói không thanh tịnh,
Trong các pháp sai khác.
Như vậy các ngoại đạo,
An trú thật rộng rãi,
Họ kiên trì tuyên bố,
Con đường riêng của mình.893. Ai kiên trì tuyên bố,
Con đường riêng của mình,
Sao ở đây có thể,
Nói người khác là ngu?
Vị ấy tự chê mình,
Ðem lại tiếng liệt tuệ,
Người khác nói nói ngu,
Không được pháp thanh tịnh.894. An trú trên quyết định,
Tự mình lượng sức người
Vị ấy ở trên đời,
Chỉ tăng thêm tranh luận,
Ai từ bỏ tất cả,
Mọi quyết định, chủ trương,
Không bị người ở đời,
Chê là kẻ liệt tuệ.
(XIII) Những vấn đề to lớn (Sn 174)
Người hỏi:
895. Với những ai thiên vị,
Ðối với những tri kiến này,
Chỉ đây là sự thật,
Họ cãi cọ tranh luận,
Tất cả những người ấy,
Ðem lại sự chỉ trích,
Hay chính tại ở đây,
Họ được lời tán thán?
Thế Tôn:
896. Ðây chỉ là nhỏ bé,
Không đủ đem an tịnh,
Ta nói về hai quả
Của các loại đấu tranh.
Sau khi thấy như vậy,
Chớ có nên tranh luận,
Nên thấy rằng an ổn,
Không phải đất tranh luận.897. Phàm những thế tục này,
Ðược sanh giữa phàm phu,
Bậc trí không dựa vào,
Tất cả thế tục này,
Ðã không có quan tâm,
Sao nay tìm quan tâm,
Sao có thể kham nhẫn,
Với vật được thấy nghe.898. Bậc xem giới tối thượng,
Nói tịnh nhờ chế ngự,
Chấp thủ giới cấm xong,
Họ an trú như vậy.
Ở đây họ tu tập,
Do đây được thanh tịnh,
Họ chỉ khéo nói năng,
Họ bị hữu dắt dẫn.899. Nếu có ai vi phạm,
Giới hạnh và giới cấm,
Người ấy sẽ run sợ,
Vì sở hành khiếm khuyết.
Ở đây người ấy than,
Cố gắng được thanh tịnh,
Như lữ hành lạc đoàn,
Như kẻ bỏ gia đình.900. Ðối với giới cấm thủ,
Sau khi đoạn tất cả,
Cùng với các sở hành,
Có tội,không có tội,
Không còn có cố gắng,
Thanh tịnh, không thanh tịnh,
Hãy sống hạnh viễn ly,
Không chấp thủ an tịnh.901. Người y chỉ khổ hạnh,
Người y chỉ nhàm chán,
Kẻ dựa vào nghe thấy,
Hay dựa vào thọ tưởng,
Họ là hạng nói lớn,
Tán thán sự thanh tịnh,
Chưa đoạn được tham ái,
Ðối với hữu, phi hữu.902. Với ai có nỗ lực,
Cầu mong và ham muốn,
Họ mới phải run sợ,
Với những kiến của mình,
Với những ai ở đời,
Không có sanh và chết,
Do gì, khiến họ sợ,
Họ tham vọng cái gì?
Người hỏi:
903. Có những người tuyên bố,
Pháp này là tối thượng,
Nhưng người khác lại nói,
Pháp ấy là hạ liệt.
Ai nói lời chân thật,
Giữa hai hạng người này,
Hay tất cả hạng này,
Ðều là hạng khéo nói?904. Với pháp tự của mình,
Nói pháp này viên mãn
Chỉ trích pháp người khác,
Là thấp kém hạ liệt,
Do chấp thủ như vậy,
Họ luận tranh đấu tranh,
Mọi thế tục tự mình,
Họ nói là chân thật.
Thế Tôn:
905. Nếu có bị người khác,
Khinh rẻ là hạ liệt,
Như vậy giữa các pháp,
Không gì thù thắng sao?
Kẻ phàm phu nói rằng
Pháp người khác hạ liệt,
Cương quyết tự đề cao,
Pháp mình không hạ liệt.906. Như mọi người tôn thờ,
Chánh pháp của tự mình,
Giống như họ tán thán,
Mọi sở hành bản thân,
Tất cả những lời nói
Trở thành lời chân thật,
Sự thanh tịnh đối họ,
Tự mỗi người tác thành.907. Với người Bà-la-môn,
Không người khác lãnh đạo,
Sau khi đã nghiên cứu,
Chấp thủ trong các pháp,
Do vậy nên vị ấy
Vượt khỏi các tranh luận,
Không thấy pháp người khác,
Có thể thù thắng hơn.908. Họ nói: "Tôi thấy, biết,
Cái này là như vậy".
Họ đi đến quan điểm,
Thanh tịnh nhờ tri kiến,
Vị ấy đã thấy vậy,
Cần gì kiến người khác,
Vượt qua được quan điểm,
Thanh tịnh nhờ pháp khác.909. Người có mắt thấy được,
Cả danh và cả sắc,
Sau khi thấy được họ,
Sẽ biết họ là vậy,
Hãy để họ được thấy,
Các dục nhiều hay ít,
Bậc thiện xảo không nói,
Thanh tịnh là nhờ dục.910. Người đã gọi cuồng tín,
Không đưa đến thanh tịnh,
Vì đã có thiên vị,
Với tri kiến tác thành,
Y chỉ nơi cái gì,
Nơi đấy là tinh sạch,
Người tuyên bố thanh tịnh,
Thấy ở đấy như vậy.911. Phạm chí không rơi vào,
Thời gian và ước lượng,
Không theo các tri kiến,
Không bà con với trí,
Biết được các thế tục,
Do phàm phu chấp thủ,
Các người khác học hỏi,
Vị ấy sống hỷ xả.912. Không chấp thủ triền phược,
ẩn sĩ sống ở đời,
Giữa tranh luận khởi lên,
Không theo phe phái nào,
Sống an tịnh, hỷ xả,
Giữa những người không tịnh,
Các người khác học hỏi,
Vị ấy sống không học.913. Từ bỏ lậu hoặc cũ,
Không tạo lậu hoặc mới,
Không đi đến ước muốn,
Không cuồng tín chấp thủ,
Vị Hiền trí như vậy,
Thoát khỏi các tà kiến,
Không tham dính ở đời,
Không bị ngã chỉ trích.914. Không có sự thù hằn
Ðối với tất cả pháp,
Phàm có thấy nghe gì,
Cùng với tưởng và thọ,
ẩn sĩ không hệ lụy,
Ðã đặt gánh nặng xuống
Không liên hệ thời gian,
Không chấm dứt, không cầu,
Thế Tôn nói như vậy.
(XIV) Kinh Tuvataka (Con đường mau chóng) (Sn 179)
Người hỏi:
915. Con hỏi bậc Ðại tiên,
Bậc bà con mặt trời,
Con đường đến viễn ly,
Con đường đến an tịnh,
Tỷ-kheo sau khi thấy,
Làm thế nào mát lạnh,
Không có sự chấp thủ,
Một vật gì ở đời?
Thế Tôn:
916. Thế Tôn đáp như sau:
Hãy chặt đứt hoàn toàn,
Gốc rễ các hý luận,
Mọi tư tưởng "tôi là ",
Tất cả phải chấm dứt,
Phàm có nội ái nào,
Sau khi nhiếp phục chúng,
Thường chánh niệm học tập.917. Phàm có loại pháp gì,
Ðược thắng tri hoàn toàn,
Hoặc thuộc về nội pháp,
Hay thuộc về ngoại pháp,
Chớ có làm kiên trì,
Bất cứ một pháp nào,
Trạng thái ấy không gọi,
Sự mát lạnh của tịnh.918. Chớ có nghĩ như sau:
Cái kia là tốt hơn,
Ðây là hạ liệt hơn,
Hay đây là ngang bằng,
Do phải bị xúc chạm,
Với các sắc sai biệt,
Hãy chớ để tự mình,
An trú trên vọng tưởng.919. Hãy giữ được an tịnh,
Về phía tự nội tâm,
Tỷ-kheo không cầu tìm,
An tịnh từ chỗ khác,
Với người được an tịnh,
Từ phía tự nội tâm,
Ðã không có tự ngã,
Từ đâu có vô ngã.920. Như chính giữa trung ương,
Của biển cả đại dương,
Sóng biển không có sanh,
Biển hoàn toàn đứng lặng,
Cũng vậy, này Tỷ-kheo
Hãy đứng lặng không động,
Không tạo nên bồng bột,
Ðối sự gì ở đời.
Người hỏi:
921. Vị có mắt rộng mở
Ðã tuyên bố rõ ràng,
Pháp có thể chế ngự,
Mọi nguy hiểm khó khăn,
Bậc Hiền thiện mong Ngài,
Tuyên bố rõ con đường,
Hay về biệt giải thoát,
Hoặc về pháp thiền định?
Thế Tôn:
922. Chớ có những con mắt,
Ðầy dẫy những tham đắm!
Hãy chận đứng lỗ tai,
Nghe câu chuyện của làng.
Lại chớ nên đắm say,
Các mùi vị ngon lành,
Chớ xem là của ta,
Mọi sự vật ở đời!923. Trong khi được cảm giác,
Với các loại cảm xúc,
Tỷ-kheo không than van,
Bất cứ một điều gì.
Vị ấy không cầu mong,
Dầu lại sanh hữu nào,
Và không có run sợ,
Rơi vào các kinh hoàng.924. Các đồ ăn thâu được,
Cùng với các đồ uống,
Các món ăn nhai được,
Các đồ vải mặc được,
Chớ có cất chứa chúng,
Những đồ vật nhận được,
Chớ có quá lo âu,
Nếu không thâu được chúng.925. Hãy tu tập thiền định
Chớ làm kẻ lang thang,
Chớ ưa thích trạo cử,
Ðừng rơi vào phóng dật,
Ðối với các chỗ ngồi,
Cùng với các chỗ nằm,
Tỷ-kheo hãy an trú,
Những chỗ không tiếng động.926. Ngủ nghỉ có chừng mực,
Chớ có ngủ quá nhiều,
Hãy luôn luôn tỉnh thức,
Nỗ lực và nhiệt tâm,
Hãy từ bỏ biếng nhác,
Man trá, cười, chơi đùa,
Hãy từ bỏ dâm dục,
Bỏ ưa thích trang điểm.927. Chớ có dùng bùa chú,
A-thar-va Vệ-đà,
Chớ tổ chức đoán mộng,
Coi tướng và xem sao,
Mong rằng đệ tử Ta,
Không đoán tiếng thú kêu,
Không chữa bệnh không sanh,
Không hành nghề lang băm.928. Tỷ-kheo không run sợ,
Khi bị người chỉ trích,
Cũng không có cống cao,
Khi được khen tán thán,
Hãy từ bỏ tham ái,
Cùng với tánh xan tham,
Kể luôn cả phẫn nộ,
Cùng với nói hai lưỡi.929. Tỷ-kheo không an trú,
Trong nghề nghiệp bán buôn,
Lại không có chỉ trích,
Bất cứ tại chỗ nào,
Khi ở tại thôn làng,
Không tức giận một ai,
Chớ có vì lợi dưỡng,
Nói chuyện với quần chúng.930. Tỷ-kheo không nên nói,
Khoa trương quá mức độ,
Và cũng không nói lời
Có dụng ý lợi dưỡng.
Chớ có học tập theo,
Lối sỗ sàng trâng tráo,
Chớ có thốt ra lời
Khiêu khích xung đột ai!931. Chớ có bị dắt dẫn,
Rơi vào lời nói láo,
Không cố ý làm nên,
Ðiều man trá giả dối,
Chớ có khinh người khác,
Về vấn đề sinh mạng,
Về vấn đề trí tuệ,
Và vấn đề giới hạnh.932. Sau khi phẫn uất nghe
Nhiều ngôn từ lời lẽ
Của các vị Sa-môn,
Hay những kẻ phàm phu,
Chớ có phản ứng họ,
Với những lời thô ác,
Bậc hiền lành an tịnh,
Không phản pháo một ai.933. Sau khi rõ biết được
Pháp này là như vậy,
Tỷ-kheo hãy học tập,
Sáng suốt và chánh niệm,
Rõ biết sự mát lạnh,
Ðược gọi bậc "an tịnh ",
Chớ có sống phóng dật,
Trong lời dạy Cù-đàm.934. Bậc đã được chiến thắng,
Không ai chiến thắng nổi
Tự mình thấy được pháp,
Không nghe theo tin đồn,
Do vậy hãy học tập
Luôn luôn không phóng dật,
Với tâm tư cung kính,
Lời dạy đức Thế Tôn,
Thế Tôn nói như vậy.
(XV) Kinh Chấp trượng (Sn 182)
Thế Tôn:
935. Từ người cầm các trượng,
Sợ hãi được sanh ra,
Hãy xem các loài người,
Trong khi đấu tranh nhau,
Ta sẽ nói sợ hãi,
Như Ta đã được biết.936. Thấy loài, người vùng vẫy,
Như cá trong nước cạn,
Thấy họ chống đối nhau,
Ta rơi vào sợ hãi.937. Ðời toàn không lõi cây,
Mọi phương đều dao động
Muốn cho mình ngôi nhà,
Ta không thấy nhà ở.938. Cuối cùng là xung đột,
Thấy vậy Ta chán ngắt,
Ðây Ta thấy mũi tên,
Khó thấy, gắn vào tim.939. Ai bị mũi tên đâm,
Chạy khắp mọi phương hướng,
Ai rút mũi tên ra,
Không chạy, liền ngồi xuống.940. Ở đây sự học tập,
Ðã được nói rõ lên,
Phàm triền phược ở đời,
Chớ liên hệ với chúng,
Ðâm thủng dục hoàn toàn,
Tự học tập Niết-bàn.941. Chân thật không xông xáo,
Không man trá, hai lưỡi,
Không phẫn nộ, ẩn sĩ,
Vượt tham ác, xan tham.942. Người nghĩ đến Niết-bàn,
Bỏ ngủ, nhác, thụy miên,
Không sống với phóng dật,
Không an trú, quá mạn.943. Không rơi vào nói láo,
Không tham ái các sắc,
Cần liễu tri quá mạn,
Sống từ bỏ bạo ác.944. Không hoan hỷ việc cũ,
Không nhẫn chịu sự mới,
Trong tổn giảm không sầu,
Không liên hệ tham ái,945. Ái, Ta gọi bộc lưu,
Mong cầu gọi bọt nước,
Sở duyên gọi biến kể,
Bùn dục khó vượt qua.946. ẩn sĩ không rời chân,
Phạm chí trú đất liền,
Vị từ bỏ tất cả,
Thật được gọi an tịnh.947. Biết vậy, gọi người biết,
Biết rồi không y pháp,
Chơn chánh sống ở đời,
Không tham ái một ai.948. Ai ở đây vượt dục,
Ái khó vượt ở đời,
Không sầu, không tham muốn,
Cắt dòng không trói buộc.949. Trước Ông làm khô cạn
Sau Ông không vật gì,
Ở giữa không nắm giữ,
Ông sẽ sống an tịnh.950. Toàn diện đối danh sắc,
Không gì nghĩ "của ta"
Không có gì không sầu,
Không có già ở đời.951. Không nghĩ "đây của tôi ",
Không nghĩ "đây của người ",
Người không có tự ngã,
Không sầu vì không ngã.952. Không tàn bạo, không tham,
Không dục, thường đồng đẳng,
Ðược hỏi Ta nói lên,
Lợi ích bậc bất động.953. Bậc ly dục rõ biết,
Vị ấy không sở hành,
Thoát ly, không tinh cần,
Thấy an ổn khắp nơi.954. Bậc ẩn sĩ, không nói,
Bằng nhau, thua, hơn nhau,
An tịnh, ly xan tham,
Không nhận, không bác bỏ.
Thế Tôn giảng như vậy.
(XVI) Kinh Sàriputta (Xá-lợi-phất) (Sn 185)
Sàriputta:
955. Trước con chưa từng thấy,
Chưa ai từng được nghe,
Tiếng nói thật ngọt ngào,
Như tiếng bậc Ðạo Sư,
Từ cõi Ðâu-suất đến,
Xá-lợi-phất nói vậy.956. Bậc có mắt xuất hiện,
Ðời này và thiên giới,
Quét sạch mọi u ám,
Ðộc cư, chứng an lạc.957. Bậc Giác ngộ, độc lập,
Như thật, không man trá,
Ngài đến ở đời này,
Lãnh đạo các đồ chúng,
Từ nhiều người trói buộc,
Con đến với câu hỏi.958. Vị Tỷ kheo nhàm chán,
Sống an tọa, trống không,
Tại gốc cây, nghĩa địa,
Hay núi rừng hang sâu.959. Tại chỗ cao thấp ấy,
Có bao nhiêu sợ hãi,
Khiến Tỷ kheo không run,
Tại trú xứ vắng lặng?960. Bao nguy hiểm ở đời,
Tỷ Kheo cần chinh phục,
Trong hướng đi bất tử,
Tại trú xứ xa vắng?961. Ngôn ngữ và hành xứ
Của vị ấy là gì?
Có bao nhiêu giới cấm,
Tỷ Kheo cần tinh tấn?962. Chấp nhận học tập gì,
Vị Tỷ Kheo nhất tâm,
Thông minh, giữ chánh niệm,
Tẩy sạch các cấu uế,
Trên tự ngã của mình,
Như thợ lọc vàng bạc?
Thế Tôn:
963. Này Sàriputta,
Thế Tôn bèn trả lời:
Với người biết nhàm chán,
Có gì là khoan khoái!
Khi sử dụng sàng tọa,
Tại chỗ tịnh trống không,
Với ai muốn giác ngộ,
Sống đúng với tùy pháp,
Ta sẽ nói người ấy,
Như Ta đã quán tri.964. Vị Tỷ kheo có trí,
Chánh niệm sống biên địa,
Không có sợ năm điều,
Ðáng sợ hãi ở đời.
Các loại ruồi, mối bay
Cùng các loài bò sát,
Xúc chạm của loài người,
Cùng các loại bốn chân.965. Vị ấy không nên sợ,
Tri kiến của người khác,
Khi đã được thấy biết,
Nhiều sợ hãi của chúng,
Bậc tìm đến chí thiện,
Thấy được các nguy hiểm
Cần phải lo khắc phục
Tất cả nguy hiểm khác.966. Khi thọ lãnh bệnh hoạn,
Khi cảm xúc đói khổ,
Với lạnh và cực nóng,
Cần phải nhiếp phục chúng,
Bị chúng cảm xúc nhiều,
Kẻ không bỏ nhà cửa
Cần tinh tấn cần mẫn,
Lòng hết sức kiên trì.967. Chớ ăn trộm, ăn cắp,
Chớ nói lời nói láo,
Hãy cảm xúc từ tâm,
Ðối kẻ yếu, kẻ mạnh,
Khi rõ biết tâm tư,
Trong tình trạng dao động,
Hãy gột sạch, tẩy sạch,
Phần hắc ám đen tối.968. Chớ để bị chi phối,
Bởi phẫn nộ, quá mạn,
Hãy đào chúng tận gốc,
Và an trú như vậy,
Ðối những gì khả ái,
Hay đối không khả ái,
Hãy hoàn toàn nhiếp phục,
Chớ để bị chi phối.969. Thiên trọng về trí tuệ,
Hoan hỷ trong chí thiện,
Hãy chận đứng loại bỏ,
Nguy hiểm ách nạn ấy,
Hãy khắc phục bất lạc,
Ðối trú xứ vắng lặng,
Hãy khắc phục bốn pháp,
Khiến sầu muộn khóc than.970. Ta sẽ ăn những gì,
Và được ăn tại đâu.
Thật khó khăn ta ngủ,
Nay ta ngủ tại đâu?
Với những tư tưởng ấy,
Vị ấy có thể than,
Bậc hữu học, không nhà,
Hãy nhiếp phục trừ chúng.971. Với đồ ăn, vải mặc,
Ðúng thời, thâu hoạch được,
Cần ước lượng vừa đủ,
Với mục đích thỏa mãn,
Chế ngự đối với chúng,
Sống nhiếp phục trong lòng,
Dầu phẫn uất, không nói,
Những lời độc thô ác.972. Với mắt cúi nhìn xuống,
Chân không đi lang thang,
Chú tâm vào thiền định,
Với rất nhiều tỉnh giác,
Cố gắng tu tập xả,
Tự ngã khéo định tĩnh,
Hãy cắt đứt trừ khử,
Các nghi ngờ hối tiếc.973. Bị buộc, tội bằng lời,
Chánh niệm, tâm hoan hỉ,
Phá hoại sự cứng rắn,
Giữa các đồng Phạm hạnh,
Nói lên những lời nói,
Hiền thiện và đúng thời,
Không để tâm suy tư,
Các chủ thuyết người khác.974. Lại nữa, năm loại vua,
Hiện có ở trên đời,
Hãy học nhiếp phục chúng.
Luôn luôn giữ chánh niệm.
Ðối với sắc và tiếng,
Ðối với vị và hương,
Cùng đối các cảm xúc,
Hãy chế ngự tham ái.975. Hãy chế ngự ước muốn,
Ðối với những pháp ấy,
Vị Tỷ kheo chánh niệm,
Tâm tư khéo giải thoát,
Rồi đúng thời vị ấy,
Chơn chánh suy tư pháp,
Với chuyên tâm nhất trí,
Hãy đoạn tận hắc ám.
Thế Tôn nói như vậy.
(I) Bài kệ mở đầu (Sn 190)
976. Từ thành phố đẹp đẽ,
Của các Kô-xa-la,
Có vị Bà-la-môn,
Thông đạt các chú thuật,
Hướng tầm vô sở hữu,
Hướng phía Nam bước tới.977. Trong nước Át-xa-ka,
Gần xứ A-la-ka,
Vị ấy sống trên bờ,
Sông Gô-đa-và-rà,
Nuôi sống bằng trái cây,
Bằng đồ ăn lượm vặt.978. Gần chỗ vị ấy ở,
Có làng đất rộng rãi,
Với tài sản thâu thập,
Tổ chức tế đàn lớn.979. Ðại tế đàn lễ xong,
Vị ấy trở về am,
Trong khi bước vào am,
Một Phạm-chí khác đến.980. Chân sưng húp, run rẩy
Ðầy bùn, đầu lấm bụi,
Người ấy bước đến gần,
Và xin năm trăm tiền.981. Sau khi thấy vị ấy,
Ba-va-ri mời ngồi,
Hỏi thăm, thiện, an lạc
Rồi nói lời như sau:
Bàvarim:
982. Những gì tôi cho được,
Tôi đã cho tất cả,
Phạm chí hãy tin tôi,
Tôi không có năm trăm.
Phạm-chí:
983. Nếu điều ta xin Ông,
Tôn giả không đáp ứng,
Sau bảy ngày, đầu Ông
Sẽ bị vỡ, bảy mảnh!984. Sau khi làm chú thuật,
Kẻ man trá tuyên bố,
Những lời nói đáng sợ,
Nghe những lời nói ấy,
Phạm-chí Ba-va-ri
Cảm thấy lòng đau khổ.985. Gầy ốm, không uống ăn,
Bị tên sầu muộn đâm,
Với tâm tư như vậy,
Ý khó vui trong thiền,986. Thấy lo sợ buồn khổ,
Một Thiên nhân đi đến,
Muốn bạn được hạnh phúc,
Nói với Ba-va-ri.
Thiên nhân:
987. Kẻ man trá muốn tiền,
Không rõ biết về đầu,
Về đầu, đánh bể đầu,
Trí ấy nó không có.
Bàvarim:
988. Này bạn,nếu bạn biết,
Hãy nói câu hỏi tôi,
Về đầu, đánh bể đầu,
Chúng tôi nghe lời người.
Thiên nhân:
989. Tôi không biết việc này,
Trí này, tôi không có,
Về đầu, đánh bể đầu,
Bậc chiến thắng thấy được.
Bàvarim:
990. Vậy ai có thể biết,
Trên quả đất tròn này,
Về đầu, đánh bể đầu,
Thiên nhân, nói tôi biết.
Thiên nhân:
991. Từ thành Ka-pi-la,
Bậc lãnh đạo thế giới,
Xuất hiện ra ở đời,
Là con cháu, hậu duệ,
Của vua Ok-ka-ka
Thích tử, chiếu hào quang.992. Vị ấy Chánh Ðẳng Giác,
Hỡi này Bà-la-môn,
Ðã đi đến bờ kia,
Ðối với tất cả pháp,
Ðạt được cả sức mạnh,
Của tất cả thắng trí,
Bậc có mặt thấy được
Trong tất cả các pháp.
Ðạt được sự diệt tận,
Của tất cả các pháp,
Ðược giải thoát, diệt tận,
Ðối với các sanh y.993. Bậc Giác ngộ, Thế Tôn,
Bậc có mắt thuyết pháp,
Hãy đến hỏi vị ấy,
Vị ấy sẽ trả lời.994. Nghe tiếng Chánh Ðẳng Giác,
Ba-va-ri phấn khởi,
Sầu muộn được giảm bớt,
Ðược hoan hỷ rộng lớn.995. Vị Ba-va-ri ấy,
Hoan hỷ và phấn khởi,
Cảm thấy lòng cảm động,
Hỏi vị thiên nhân ấy.
Bàvarim:
995b. Ở tại thôn làng nào,
Ở tại thị trấn nào,
Ở tại quốc độ nào,
Lãnh đạo thế giới trú?
Tại đấy, tôi sẽ đi,
Ðảnh lễ bậc Giác ngộ,
Bậc Vô thượng loài Người.
Thiên nhân:
996. Ở tại Xa-vat-thi,
Trong thành Kô-xa-la,
Bậc chiến thắng an trú,
Với trí tuệ rộng lớn,
Với hiểu biết thù thắng,
Rộng rãi và cùng khắp.
Vị ấy là Thích tử,
Không gánh nặng vô lậu,
Bậc Ngưu vương loài Người,
Biết rõ về đỉnh đầu,
Biết rõ đánh vỡ đầu.997. Rồi vị Bà-la-môn,
Cho gọi các đệ tử,
Là những vị thông đạt,
Về bùa chú kệ tụng.
Bàvarim:
997b. Hãy đến, các thanh niên,
Ta sẽ nói, hãy nghe,
Những lời ta nói lên.998. Vị ấy rất khó gặp,
Rất hiếm hiện ở đời,
Nay sanh ra ở đời,
Ðược danh bậc Chánh giác,
Hãy đi gấp Xá-vệ,
Thấy được bậc Vô thượng.
Các đệ tử:
999. Kính thưa Bà-la-môn,
Thế nào chúng con biết,
Sau khi thấy vị ấy,
Biết vị ấy là Phật,
Chúng con chưa được biết
Hãy nói chúng con biết!
Bàvarim:
1000. Trong những kệ bùa chú,
Ðược truyền lại đến nay,
Có nói đến tướng tốt,
Của một bậc Ðại nhân,
Có nói ba mươi hai,
Trọn đủ, được liên tục.1001. Ai có trên tay chân,
Ðủ tướng đại nhân ấy,
Chỉ có hai sanh thú,
Không có cái thứ ba.1002. Nếu trú tại gia đình,
Chinh phục quả đất này,
Không dùng trượng, dùng kiếm,
Giáo hóa đúng Chánh pháp.1003. Nếu vị ấy xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Rộng mở màn vô minh,
Vị ấy, được trở thành,
Bậc Chánh đẳng Chánh giác,
Bậc Ứng cúng, Vô thượng.1004. Với tâm ý, hãy hỏi,
Sanh, tánh tướng của ta,
Kệ chú, đệ tử ta,
Về đầu, đánh bể đầu.1005. Nếu vị ấy là Phật,
Thấy rõ, không che kín,
Với lời, vị ấy đáp,
Các câu hỏi bởi ý.1006. Nghe lời Ba-va-ri,
Mười sáu người đệ tử,
Tất cả là Phạm chí,
Tên là A-ji-ta,
Tis-xa-mêt-tê-ya,
Pun-na-ka, Mết-gu,
Cùng với Ðo-ta-ka,
Và U-pa-xi-va,
Nan-da, Hê-ma-ka,
Tô-đê-ya, Kap-pa,
Với Ja-tu-kan-ni,
Là bậc danh Hiền trí.1008. Và Bha-drà-vu-đa,
Cùng với U-da-ya,
Phạm Chí Po-xà-la,
Và Mo-gha-rà-jà,
Là bậc có trí tuệ,
Cùng với Pin-gi-ya,
Là vị đại ẩn sĩ,
Tất cả những vị ấy.1009. Mỗi người có đồ chúng,
Có danh xưng ở đời,
Tu thiền, ưa thiền định,
Bậc có trí sáng suốt,
Mang theo những dấu tích,
Ðời sống trước của mình.1010. Ðảnh lễ Ba-va-ri,
Thân phía hữu hướng Ngài,
Tất cả đều bện tóc,
Mặc áo vải da thú,
Mặt hướng về phía Bắc,
Tất cả chúng ra đi.1011. Trước hết, họ đi ngang,
Ðến Pa-tít-thà-na,
Của xứ A-la-ka,
Rồi Ma-hi-xa-ti,
Tiếp đến Uj-jê-ni,
Và đến Gô-nad-đăng,
Tiếp đến Vê-đi-xăng,
Va-na-xa-ha-yăng,1012. Ði đến Kô-xăm-bi,
Ði đến Xa-kê-ta,
Rồi đến Xa-vat-thi,
Là thành phố tối thượng,
Kế đến Xê-ta-vyam,
Ka-pi-la-vat-thu,
Rồi đến tòa lâu đài,
Tên Ku-xi-na-ra,
Rồi đi đến Pa-va,
Và thành phố Bhô-ga,
Tiếp đến Vê-xá-ly,
Thành phố Ma-ga-đa,
Rồi Pa-xe-na-ka,
Ngôi điện đẹp, khả ái.1014. Như người khát, nước mát,
Như người buôn, lợi lớn,
Như nóng bức, bóng mát,
Họ gấp leo ngọn núi.1015. Thế Tôn, trong lúc ấy,
Dẫn đầu chúng Tỷ-kheo,
Ngài đang thuyết Chánh pháp,
Cho các vị Tỷ-kheo,
Giống như con sư tử,
Rống tiếng rống trong rừng.1016. A-ja-ta thấy Phật,
Như mặt trời vàng chói,
Như mặt trăng ngày rằm,
Ðược tròn đầy viên mãn.1017. Và thấy tay chân Ngài,
Ðầy đủ các tướng tốt,
Hoan hỷ đứng một bên,
Hỏi câu hỏi tâm ý.
Ajita:
1018. Hãy nói về thọ sanh,
Nói dòng họ, các tướng,
Về tối thượng kệ chú,
Phạm chí đọc bao nhiêu?
Thế Tôn:
1019. Tuổi thọ trăm hai mươi,
Dòng họ Bà-va-ri,
Trên tay chân, ba tướng,
Thông đạt ba Vệ-đà.1020. Về tướng và truyền thuyết,
Về tự vựng, lễ nghi,
Tụng đọc được năm trăm,
Ðạt tối thượng diệu pháp.
Ajita:
1021. Bậc Vô thượng, đoạn ái,
Hãy nói lên tường tận
Các tướng Ba-va-ri,
Ðể chúng con không nghi.
Thế Tôn:
1022. Lưỡi che kín mặt mày,
Giữa hàng mi, lông trắng,
Có da bọc âm tàng,
Hãy biết vậy, thanh niên.1023. Không nghe câu hỏi gì,
Chỉ nghe câu trả lời,
Quần chúng rất ngạc nhiên,
Chắp tay tự suy nghĩ.
Dân chúng:
1024. Thiên, Phạm thiên, Ðế thích,
Hay Xu-jam-pa-ti
Ai, với ý hỏi Ngài,
Xin nói cho được biết?
Ajita:
1025. Ba-va-ri tìm hỏi,
Về đầu, đánh bể đầu,
Thế Tôn hãy trả lời,
Ðoạn nghi hoặc chúng con?
Ôi, thưa bậc Tiên nhân!
Thế Tôn:
1026. Vô minh là đỉnh đầu,
Hãy hiểu biết như vậy,
Minh là đánh bể đầu,
Liên hệ dục tinh tấn,
Với lòng tin, chánh niệm,
Liên hệ với thiền định.1027. Với cảm thọ lớn mạnh,
Thanh niên tự chế ngự,
Ðắp áo da một bên,
Với đầu, đảnh lễ chân.
Ajita:
1028. Phạm chí Ba-va-ri,
Cùng đệ tử, thưa Ngài,
Tâm phấn khởi, đẹp ý,
Lễ chân, bậc có mắt.
Thế Tôn:
1029. Phạm chí Ba-va-ri,
Hãy sống được an lạc,
Cùng với các đệ tử!
Mong Ông sống an lạc,
Thọ mạng được lâu dài,
Hỡi này kẻ thanh niên.1030. Ba-va-ri và Ông,
Có mọi nghi ngờ gì,
Cơ hội đến, hãy hỏi,
Tùy theo ý Ông muốn.1031. Ðược bậc Chánh Ðẳng Giác,
Cho cơ hội tốt đẹp,
A-ji-ta liền ngồi,
Chắp tay hỏi Như Lai,
Hỏi câu hỏi thứ nhất,
Chính ngay tại chỗ ấy,
Kệ mở đầu đã xong.
(II) Câu hỏi của thanh niên A-ji-ta (Sn 197)
Ajita:
1032. Tôn giả A-ji-ta:
Do gì, đời bị che,
Do gì, không chói sáng,
Hãy nói lên cái gì,
Làm uế nhiễm cuộc đời,
Cái gì sợ hãi lớn?
Thế Tôn:
1033. Thế Tôn liền đáp lại:
Ðời bị vô minh che,
Do xan tham, phóng dật,
Ðời không được chói sáng,
Ta nói do mong cầu,
Nên đời bị uế nhiễm,
Chính là sự đau khổ,
Nên có sợ hãi lớn.
Ajita:
1034. Tôn giả A-ji-ta:
Mọi nơi dòng nước chảy,
Cái gì ngăn dòng nước?
Hãy nói lên cái gì?
Chế ngự được dòng nước?
Cái gì đóng dòng nước?
Thế Tôn:
1035. Thế Tôn liền đáp lại:
Hỡi này A-ji-ta,
Các dòng nước ở đời,
Chánh niệm ngăn chận lại,
Chánh niệm được Ta gọi,
Chế ngự các dòng nước,
Và chính do trí tuệ,
Ðóng lại các dòng nước.
Ajita:
1036. Tôn giả A-ji-ta:
Trí tuệ và chánh niệm,
Cùng với danh và sắc,
Kính thưa bậc Tôn giả,
Hãy nói điều con hỏi,
Từ đâu chúng bị diệt?
Thế Tôn:
1037. Câu hỏi gì Ông hỏi,
Hỡi này A-ji-ta,
Ta sẽ đáp cho Ông,
Chỗ nào danh và sắc,
Ðược đoạn diệt hoàn toàn,
Không còn lại dư tàn,
Chính do đoạn diệt thức,
Danh sắc được đoạn diệt.
Ajita:
1038. Những ai biết tư sát,
Các pháp thuộc hữu vi,
Cùng với bậc hữu học,
Và phàm phu ở đời,
Ðược hỏi, Ngài hãy nói,
Về nếp sống của họ?
Bậc thận trọng sáng suốt,
Hãy nói lên, thưa Ngài!
Thế Tôn:
1039. Chớ tham đắm các dục,
Giữ tâm tư an tịnh,
Thiện xảo trong các pháp,
Tỷ-kheo giữ chánh niệm,
Sống đời sống xuất gia.
(III) Các câu hỏi của thanh niên Tissametmeyya (Sn 199)
Yissa:
1040. Tissa Met-tey-ya:
Ai thỏa mãn ở đời,
Với ai không dao động,
Ai thắng tri hai biên,
Ở giữa, không dính líu,
Ai Ngài gọi đại nhân,
Ở đời, ai vượt khỏi,
Thêu dệt các ái nhiễm?
Thế Tôn:
1041. Thế Tôn liền đáp rằng:
Hỡi này Met-tê-ya!
Giữa dục, sống Phạm hạnh,
Không ái, luôn chánh niệm,
Tỷ-kheo lặng tính toán,
An tịnh, không dao động.1042. Ai thắng tri hai biên,
Chặng giữa, nhờ suy tư,
Không dính líu bị nhiễm,
Ta gọi là đại nhân,
Vị ấy, ở đời này,
Vượt khỏi sự thêu dệt,
Các ái nhiễm tham muốn.
(IV) Câu hỏi của thanh niên Punnaka (Sn 199)
Punnaka:
1043. Tôn giả Pun-na-ka:
Với ai không dao động,
Thấy rõ được cội gốc,
Con đến với câu hỏi,
Liên hệ đến mục đích,
Bậc ẩn sĩ, loài Người,
Sát-đế-ly, Phạm chí,
Do họ y chỉ gì,
Tế đàn cho chư Thiên.
Ðã tổ chức rộng lớn?
Con hỏi bậc Thế Tôn,
Hãy trả lời cho con.
Thế Tôn:
1044. Thế Tôn bèn đáp rằng:
Hỡi này Pun-na-ka!
Bậc ẩn sĩ loài Người,
Sát-đế-ly, Phạm chí,
Ðã tổ chức rộng lớn,
Tế đàn cho chư Thiên.
Khi họ thành già yếu,
Họ tổ chức tế đàn,
Vì rằng họ hy vọng,
Ðược sanh ở đời này,
Hỡi này Pun-na-ka!
Punnaka:
1045. Tôn giả Pun-na-ka:
Bậc ẩn sĩ loài Người,
Sát-đế-ly, Phạm chí,
Ðã tổ chức rộng lớn,
Tế đàn cho chư Thiên.
Thế Tôn nghĩ thế nào,
Họ không có phóng dật
Trên con đường tế đàn,
Họ vượt qua già chết,
Ðược hay không, thưa Ngài,
Con hỏi đức Thế Tôn,
Con mong Ngài trả lời?
Thế Tôn:
1046. Thế Tôn trả lời rằng:
Hỡi này Pun-na-ka,
Họ hy vọng, tán thán,
Họ cầu nguyện, cúng lễ,
Họ cầu nguyện các dục,
Do duyên vì lợi dưỡng,
Chuyên tâm lo tế đàn,
Ưa thích, tham sanh hữu,
Họ không vượt già chết,
Ta nói lên như vậy.
Punnaka:
1047. Tôn giả Pun-na-ka:
Nếu chúng chuyên tế đàn,
Nhưng không thể vượt qua,
Già chết với tế đàn,
Thời ai sống ở đời,
Trong thế giới Nhơn, Thiên,
Ðã vượt qua già chết,
Ai được vậy, thưa Ngài,
Con hỏi đức Thế Tôn,
Ngài trả lời cho con?
Thế Tôn:
1048. Thế Tôn trả lời rằng:
Hỡi này Pun-na-ka,
Ai tính toán cao thấp,
Ước lượng vậy ở đời,
Ai không bị dao động,
Bất cứ đâu ở đời,
An tịnh, không phun khói,
Không phiền não, không cầu,
Vị ấy vượt già chết,
Ta nói lên như vậy.
(V) Câu hỏi của thanh niên Mettagu (Sn 201)
Mettagu:
1049. Tôn giả Mêt-ta-gu:
Con xin hỏi Thế Tôn,
Mong Thế Tôn trả lời,
Vấn đề con đã hỏi,
Con nghĩ Ngài hiền trí,
Tự ngã đã tu tập,
Từ đâu, ở trong đời,
Ðau khổ này khởi lên,
Với nhiều loại như vậy?
Thế Tôn:
1050. Thế Tôn trả lời rằng:
Hỡi này Mêt-ta-gu,
Ông hỏi ta vấn đề,
Sanh khởi của khổ đau,
Ta sẽ nói cho Ông,
Như Ta đã được biết,
Chính do duyên sanh y,
Nên khổ được khởi lên,
Với nhiều loại như vậy,
Khác biệt ở trong đời.1051. Những ai vì vô minh,
Tác thành các sanh y,
Kẻ ngu tạo đau khổ,
Tiếp tục được sanh khởi,
Do vậy kẻ hiểu biết,
Không nên tạo sanh y,
Vì thấy sự sanh khởi,
Của sanh và đau khổ.
Mettagu:
1052. Ðiều chúng con đã hỏi,
Ngài đã đáp chúng rồi,
Nay xin hỏi câu khác,
Mong Ngài giải đáp cho,
Thế nào bậc Hiền trí,
Vượt khỏi dòng nước mạnh,
Vượt khỏi sanh và già,
Cùng sầu muộn than khóc,
Mong rằng bậc ẩn sĩ,
Hãy khéo trả lời con,
Ðúng như Ngài đã biết,
Pháp nhĩ là như vậy?
Thế Tôn:
1053. Thế Tôn trả lời rằng:
Hỡi này Mêt-ta-gu,
Ta sẽ nói cho Ông,
Pháp thiết thực hiện tại,
Không do trao truyền lại,
Sau khi biết pháp ấy,
Vị ấy sống chánh niệm,
Vượt tham ái ở đời.
Mettagu:
1054. Thưa bậc Ðại ẩn sĩ,
Con hết sức hoan hỷ,
Chánh pháp vô thượng ấy,
Sau khi biết pháp ấy,
Sống gìn giữ chánh niệm,
Vượt tham ái ở đời.
Thế Tôn:
1055. Thế Tôn đáp lại rằng:
Hỡi này Mêt-ta-gu,
Phàm Ông rõ biết gì,
Trên dưới, ngang ở giữa,
Hãy từ bỏ hoan hỷ,
Hãy từ bỏ trú xứ,
Chớ để cho ý thức,
An trú trên sanh hữu.1056. An trú vậy, chánh niệm,
Tỷ-kheo không phóng dật,
Sau khi bỏ sở hành,
Ðưa đến ngã, sở hữu.
Ðối với sanh và già,
Sầu muộn và than khóc,
Ở đây, biết được vậy,
Hãy từ bỏ đau khổ.
Mettagu:
1057. Con cảm thấy hoan hỉ,
Lời nói bậc Ðại sĩ;
Ðoạn tận được sanh y,
Ðược Ngài khéo tuyên thuyết.
Chắc chắn đức Thế Tôn,
Ðã đoạn tận đau khổ,
Vì pháp này được Ngài,
Rõ biết là như vậy.1058. Những vị ấy hãy đoạn,
Hãy từ bỏ đau khổ,
Những người ấy được Ngài
Thường thường dạy, giáo hóa.
Con xin đảnh lễ Ngài,
Hãy đến, bậc Long tượng,
Mong Thế Tôn thường hằng,
Giáo hóa dạy dỗ con.
Thế Tôn:
1059. Vị Bà-la-môn nào,
Ðược thắng tri, có trí,
Không có sở hữu gì,
Không ái luyến dục hữu,
Chắc chắn vị như vậy,
Vượt qua bộc lưu này,
Ðã đến được bờ kia,
Không cứng cỏi không nghỉ.1060. Người ấy sau khi biết,
Thông suốt được Thánh điển,
Không dính ái triền này,
Về hữu và phi hữu,
Vị ấy ly tham ái,
Không phiền lụy không cầu,
Ta nói rằng vị ấy,
Ðã vượt khỏi sanh già.
(VI) Câu hỏi của thanh niên Dhotaka (Sn 204)
Dhotaka:
1061. Tôn giả Dhô-ta-ka:
Con xin hỏi Thế Tôn,
Mong Ngài trả lời cho,
Con chờ đợi lời Ngài,
Kính thưa bậc Ðại sĩ,
Nghe lời Ngài tuyên bố,
Chúng con sẽ tự mình,
Học tập giới Niết-bàn.
Thế Tôn:
1062. Thế Tôn đáp lại rằng:
Hỡi này Dhô-ta-ka,
Ở đây Ông nhiệt tâm,
Sáng suốt và chánh niệm,
Từ đây, nghe tuyên bố,
Tự học tập Niết-bàn.
Dhotaka:
1063. Con thấy ở thế giới,
Chư Thiên và loài Người,
Sở hành của Phạm chí,
Không một gì sở hữu.
Con đảnh lễ chính Ngài,
Bậc có mắt cùng khắp,
Kính thưa bậc Thích tử,
Hãy giải thoát cho con,
Tất cả mọi nghi ngờ.
Thế Tôn:
1064. Hỡi này Dhô-ta-ka,
Ta sẽ không đi đến,
Giải thoát cho một ai,
Có nghi ngờ ở đời,
Khi pháp được Ông biết,
Là tối thượng tối thắng,
Như vậy Ông vượt khỏi,
Dòng nước chảy mạnh này.
Dhotaka:
1065. Hãy giáo hóa, từ mẫn,
Ôi bậc đại Phạm thiên,
Ðể con được rõ biết,
Pháp viễn ly vô thượng,
Như vậy con sẽ sống,
Như trời không áp bức,
Sở hành ở đời này,
An tịnh và độc lập.
Thế Tôn:
1066. Thế Tôn liền nói rằng:
Hỡi này Dho-ta-ka,
Ta sẽ giảng cho Ông,
Pháp tịch tịnh hiện tại;
Không do xưa truyền lại,
Sau khi biết pháp này,
Hãy sống, giữa chánh niệm
Vượt tham ái ở đời.
Dhotaka:
1067. Con cảm thấy hoan hỷ,
Pháp bậc Ðại sĩ giảng,
Pháp tịch tịnh vô thượng;
Sau khi biết pháp này,
Con sẽ sống chánh niệm,
Vượt tham ái ở đời.
Thế Tôn:
1068. Thế Tôn lời đáp lại:
Hỡi này Dho-ta-ka,
Phàm Ông rõ biết gì,
Cao, thấp, ngang, chặng giữa,
Sau khi được rõ biết,
Tham ái này ở đời,
Chớ tạo nên khát ái
Với hữu và phi hữu.
(VII) Câu hỏi của thanh niên Upasiva (Sn 205)
Upasiva:
1069. Tôn giả U-pa-si-va:
Kính thưa bậc Thích tử,
Một mình, không y chỉ,
Con không thể vượt khỏi,
Dòng nước lớn mạnh này,
Kính thưa bậc Biến nhãn,
Hãy nói cho sở duyên,
Y chỉ sở duyên này,
Có thể vượt qua khỏi,
Dòng nước chảy mạnh này.
Thế Tôn:
1070. Ðây lời dạy Thế Tôn:
Này U-pa-si-va,
Biết gìn giữ chánh niệm,
Không mong đợi vật gì,
Ông sẽ vượt bộc lưu,
Nương tựa: "không có gì ",
Ngày đêm ngươi nhận thấy,
Ðoạn dục, ly nghi ngờ,
Ái diệt là Niết-bàn.
Upasiva:
1071. U-pa-si-va nói:
Ai là người ly tham,
Ðối với tất cả dục,
Y chỉ không có gì,
Từ bỏ mọi gì khác,
Ðược giải thoát hoàn toàn,
Tưởng giải thoát tối thượng,
Tại đấy vị ấy trú,
Không tiếp tục đi tới.
Thế Tôn:
1072. Thế Tôn nói như sau:
Này U-pa-si-va,
Ai hoàn toàn ly tham,
Ðối với tất cả dục,
Y chỉ không có gì,
Từ bỏ mọi gì khác,
Ðược giải thoát hoàn toàn,
Tương giải thoát tối thượng,
Tại đấy, vị ấy trú,
Không tiếp tục đi tới.
Upasiva:
1073. Nếu vị ấy tại đấy,
An trú không đi tiếp,
Trong một số nhiều năm,
Ôi bậc có biến nhãn!
Nếu vị ấy tại đấy,
Ðược mát lạnh giải thoát,
Với vị được như vậy,
Còn có thức hay không?
Thế Tôn:
1074. Ðây lời Thế Tôn nói:
Hỡi U-pa-si-va!
Cũng giống như ngọn lửa,
Bị sức gió mạnh thổi,
Ði đến chỗ tận cùng,
Không có thể ước lượng,
Cũng vậy, vị ẩn sĩ,
Ðược giải thoát danh thân,
Ði đến chỗ tận cùng,
Không có thể ước lượng.
Upasiva:
1075. Vị đi đến tận cùng,
Có phải không hiện hữu,
Hai vị ấy thường hằng,
Ðạt được sự không bệnh,
Lành thay, bậc ẩn sĩ,
Hãy trả lời cho con,
Có vậy, con hiểu được,
Pháp như thật Ngài giảng.
Thế Tôn:
1076. Thế Tôn nói như sau:
Hỡi U-pa-si-va,
Người đi đến tận cùng,
Không thể còn ước lượng,
Với gì, nói đến nó,
Không còn có cái ấy,
Khi tất cả các pháp,
Ðã được nhổ hẳn lên,
Mọi con đường nói phô,
Ðược nhổ lên sạch hết.
(VIII) Các câu hỏi của thanh niên Nanda (Sn 207)
Nanda:
1077. Tôn giả Nan-da nói:
Quần chúng có nói rằng:
Có ẩn sĩ ở đời,
Ngài nghĩ như thế nào?
Chúng gọi là ẩn sĩ
Vị có đầy đủ trí?
Hay vị đầy đủ mạng?
Thế Tôn:
1078. Các bậc thiện nói rằng:
Ở đời này Nan-da,
Không phải vì tri kiến,
Vì truyền thống, vì trí
Ðược gọi là ẩn sĩ,
Ta chỉ gọi ẩn sĩ,
Những ai diệt quân lực,
Không phiền não, không cầu.
Nanda:
1079. Tôn giả Nan-đa thưa:
Có Sa-môn, Phạm chí,
Nói rằng sự thanh tịnh
Là nhờ thấy, nhờ nghe;
Có người lại nói rằng:
Thanh tịnh do giới cấm;
Có người lại nói rằng:
Thanh tịnh do nhiều pháp.
Bạch Thế Tôn, như vậy,
Là sở hành của chúng,
Vậy Ngài nghĩ thế nào,
Chúng có thể vượt qua,
Sanh và già thưa Ngài,
Con kính hỏi Thế Tôn,
Mong Ngài trả lời con.
Thế Tôn:
1080. Thế Tôn nói: Nan-đa!
Sa-môn, Phạm chí này,
Nói rằng sự thanh tịnh
Là nhờ thấy, nhờ nghe;
Có người lại nói rằng:
Thanh tịnh do giới cấm;
Có người lại nói rằng:
Thanh tịnh do nhiều pháp.
Dầu chúng ở tại đây,
Với sở hành như vậy,
Ta nói chúng không vượt,
Khỏi sanh và khỏi già.
Nan-da:
1081. Tôn giả Nan-đa thưa:
Sa-môn, Phạm chí này,
Nói rằng sự thanh tịnh
Là nhờ thấy, nhờ nghe;
Có người lại nói rằng:
Thanh tịnh do giới cấm;
Có người lại nói rằng:
Thanh tịnh do nhiều pháp.
Thưa ẩn sĩ, Ngài nói:
Chúng không vượt bộc lưu,
Vậy ai có thể được,
Giữa thế giới Trời, Người,
Có thể vượt qua được,
Sanh và già, thưa Ngài,
Con xin hỏi Thế Tôn
Mong Ngài trả lời con.
Thế Tôn:
1082. Thế Tôn nói: Nan-đa
Ta không nói tất cả,
Sa-môn, Bà-la-môn
Bị sanh già che lấp.
Những ai ở đời này,
Ðoạn tận khắp tất cả,
Ðiều được nghe được thấy,
Ðược cảm tưởng, giới cấm,
Và đoạn nhiều pháp khác,
Liễu tri ái, vô lậu,
Ta nói những người ấy,
Vượt qua được bộc lưu.
Nanda:
1083. Con cảm thấy hoan hỷ,
Lời Ðại sĩ Cù-đàm,
Ðược Ngài khéo thuyết giảng,
Về chấm dứt sanh y,
Những ai ở đời này,
Ðoạn tận khắp tất cả,
Ðiều được nghe, được thấy,
Ðược cảm tưởng, giới cấm,
Và đoạn nhiều pháp khác,
Liễu tri ái, vô lậu,
Ta nói những người ấy,
Vượt qua khỏi bộc lưu.
(IX) Các câu hỏi của thanh niên Hemaka (Sn 209)
Hemaka:
1084. Tôn giả He-ma-ka:
Những ai trong thời trước,
Ðã trả lời cho con,
Về lời dạy Cù-đàm,
Trước đã như thế nào,
Sau sẽ là như vậy,
Tất cả đều truyền thống,
Tất cả tăng suy tư.1085. Ðây, con không hoan hỷ,
Ngài nói Pháp cho con,
Ôi mong bậc ẩn sĩ,
Nói Pháp đoạn khát ái,
Biết xong, sống chánh niệm,
Vượt ái trước ở đời.
Thế Tôn:
1086. He-ma-ka ở đây,
Ðối các Pháp khả ái,
Ðược nghe và được thấy,
Ðược cảm tưởng, nhận thức,
Tẩy sạch ước muốn tham,
Là Niết-bàn, bất tử.1087. Biết vậy, giữ chánh niệm,
Hiện tại, đạt mát lạnh,
Vị ấy thường an tịnh,
Vượt chấp trước ở đời.
(X) Câu hỏi của thanh niên Todeyya (Sn 210)
Todeyya:
1088. Tôn giả Tô-đê-ya:
Ai sống không dục vọng,
Ai sống không có ái,
Ai vượt khỏi nghi hoặc,
Giải thoát của vị ấy,
Giải thoát như thế nào?
Thế Tôn:
1089. Ðây lời nói Thế Tôn:
Hỡi nãy Tô-đê-ya,
Ai sống không dục vọng,
Ai sống không có ái,
Ai vượt khỏi nghi hoặc
Giải thoát của vị ấy
Không có gì là khác.
Todeyya:
1090. Vị sống không ước vọng
Hay sống có ước vọng,
Vị ấy có trí tuệ,
Hay tác thành trí tuệ,
Ôi kính bậc Biến nhãn,
Hãy trả lời con rõ,
Ðể con có thể biết,
Thế nào là ẩn sĩ,
Ôi kính bậc Thích tử.
Thế Tôn:
1091. Vị sống không ước vọng,
Không có ước vọng nào,
Vị ấy có trí tuệ,
Không tác thành trí tuệ,
Như vậy, Tô-đê-ya,
Hãy biết bậc ẩn sĩ,
Không có sở hữu gì,
Không tham dính dục hữu.
(XI) Câu hỏi của thanh niên Kappa (Sn 211)
Kappa:
1092. Tôn giả Káp-pa nói:
Những ai đứng giữa nước,
Trong dòng nước mạnh chảy,
Giữa sợ hãi lớn lao,
Thưa Ngài hãy nói lên,
Hòn đảo cho những kẻ,
Bị già chết chinh phục,
Ngài nói con hòn đảo,
Ðể không có khổ khác,
Giống như đau khổ này.
Thế Tôn:
1093. Thế Tôn nói Kap-pa,
Những ai đứng giữa nước,
Trong dòng nước mạnh chảy,
Giữa sợ hãi lớn lao,
Ta nói Ông hòn đảo,
Cho những ai đang bị,
Già và chết chinh phục.1094. Hòn đảo vô song này,
Không sở hữu, chấp trước,
Ta nói Ông Niết-bàn,
Già chết được đoạn diệt,1095. Biết vậy, giữ chánh niệm,
Hiện tại đạt mát lạnh,
Không rơi vào ma lực,
Không tùy tùng theo ma.
(XII) Câu hỏi của thanh niên Jatukanni (Sn 212)
Jatukanni:
1096. Ja-tu-kan-ni nói:
Ðược nghe bậc anh hùng,
Không tham đắm dục vọng,
Nên con đã đến đây,
Ðể hỏi bậc vô dục,
Ðã thoát khỏi bộc lưu,
Bậc sanh với con mắt,
Hãy nói đường an tịnh,
Thế Tôn hãy như thật,
Nói cho con được biết.1097. Chinh phục dục vọng xong,
Thế Tôn sống ở đời,
Như mặt trời chiếu sáng,
Cõi đất với hào quang,
Bậc trí tuệ rộng lớn,
Hãy nói pháp cho con,
Kẻ trí tuệ bé nhỏ,
Do rõ biết pháp này,
Ở đây, con đoạn được,
Kể cả sanh và già.
Thế Tôn:
1098. Thế Tôn nói như sau:
Hỡi Ja-tu-kan-ni!
Hãy nhiếp phục lòng tham,
Ðối với các dục vọng;
Hãy nhìn hạnh xuất ly,
Ðưa đến sự an ổn;
Chớ chấp chờ, từ bỏ,
Sự vật gì ở đời.1099. Những gì có trước Ông,
Hãy làm nó khô cạn,
Ðừng có sự vật gì,
Ở phía đàng sau Ông,
Ở giữa, Ông không chấp,
Ông sẽ sống an tịnh.1100. Hỡi này Bà-la-môn!
Ðối với danh và sắc,
Hoàn toàn không tham đắm,
Không có các lậu hoặc,
Chính do lậu hoặc này,
Bị thần chết chi phối.
(XIII) Câu hỏi của thanh niên Bhadràvudha (Sn 213)
Bhadràvudha:
1101. Bha-đra-vu-đa nói:
Con có lời yêu cầu,
Bậc Thiện Tuệ nói lên,
Bậc bỏ nhà, đoạn ái,
Bất động, bỏ hỷ ái,
Giải thoát, vượt bộc lưu,
Thời gian, không chi phối,
Nghe xong, bậc Long tượng,
Từ đây, họ ra đi.1102. Quần chúng sai biệt ấy,
Từ quốc độ tụ họp,
Họ ao ước khát vọng,
Ðược nghe lời của Ngài,
Ôi anh hùng chiến thắng,
Ngài hãy khéo trả lời,
Pháp Ngài dạy thế này,
Như vậy họ hiểu biết.
Thế Tôn:
1103. Thế Tôn nói như sau:
Này Bha-đra-vu-đa!
Hãy nhiếp phục tất cả,
Mọi tham ái chấp thủ,
Trên, dưới cả bề ngang,
Và kể luôn chặng giữa,
Những ai có chấp thủ,
Sự gì ở trong đời,
Chính do sự việc ấy,
Ác ma theo người ấy.1104. Do vậy, bậc hiểu biết,
Không có chấp thủ gì,
Tỷ-kheo giữ chánh niệm,
Trong tất cả thế giới,
Phàm có sở hữu gì,
Vị ấy không mong ước,
Nhìn xem quần chúng này,
Là chúng sanh chấp thủ,
Trong lãnh vực của Ma,
Bị tham dính chấp trước.
(XIV) Câu hỏi của thanh niên Udaya (Sn 214)
Udaya:
1105. Tôn giả U-da-ya:
Con đến với câu hỏi,
Về tất cả mọi pháp,
Ðể hỏi bậc tu thiền,
Bậc an tọa không bụi;
Trách nhiệm đã làm xong,
Bậc không có lậu hoặc,
Ðã đạt bờ bên kia,
Hãy nói trí giải thoát
Ðể phá hoại vô minh.
Thế Tôn:
1106. Ðây lời Thế Tôn nói:
Hỡi này U-đa-ya,
Ðoạn ước muốn, dục vọng,
Và cả hai loại ưu,
Và trừ bỏ hôn trầm,
Ngăn chận mọi hối hận.1107. Ta nói trí giải thoát,
Ðể phá hoại vô minh,
Thanh tịnh nhờ xả niệm,
Suy tư pháp đi trước.
Udaya:
1108. Ðời cái gì trói buộc,
Cái gì, đời vận hành?
Do đoạn được cái gì,
Ðược gọi là Niết-bàn?
Thế Tôn:
1109. Ðời bị hỷ trói buộc,
Suy tầm là sở hành,
Do đoạn được khát ái,
Ðược gọi là Niết-bàn.
Udaya:
1110. Người sở hành chánh niệm,
Thức được diệt thế nào?
Con đến hỏi Thế Tôn,
Nghe lời Thế Tôn nói.
Thế Tôn:
1111. Ai không có hoan hỷ,
Với nội và ngoại thọ,
Sở hành chánh niệm vậy,
Thức đạt được hoại diệt.
(XV) Câu hỏi của thanh niên Posàla (Sn 215)
Posàla:
1112. Tôn giả Po-sa-la:
Vị nói về quá khứ,
Bất động nghi hoặc đoạn,
Ðã đến bờ bên kia,
Con đến với câu hỏi
Hỏi về hết thảy pháp.1113. Với ai, sắc tưởng diệt,
Ðoạn tận hết thảy thân,
Nhìn thấy nội và ngoại,
Thật sự không có gì,
Con hỏi bậc Thích-ca,
Thế nào người như vậy,
Có thể bị dắt dẫn?
Thế Tôn:
1114. Thế Tôn bèn đáp rằng:
Hỡi này Pô-sa-la,
Như Lai được thắng trí,
Tất cả nhờ thức trú,
Rõ biết vị an trú,
Giải thoát, đạt cứu cánh.1115. Biết được sự tác thành,
Thuộc về vô sở hữu,
Biết hỷ là kiết sử,
Do thắng tri như vậy,
Tại đấy, thấy như vậy,
Ðây là trí như thật,
Của vị Bà-la-môn,
Ðã thành tựu Phạm hạnh.
(XVI) Câu hỏi của thanh niên Mogharàja (Sn 216)
Mogharàja:
1116. Mo-gha-rà-ja nói:
Ðã hai lần con hỏi,
Bậc có mắt, họ Thích,
Ngài chưa trả lời con,
Nhưng con được nghe rằng,
Cho đến lần thứ ba,
Vị Thiên nhân ẩn sĩ,
Sẽ trả lời cho con.1117. Ðời này và đời sau,
Phạm thiên giới, thiên giới,
Con không rõ quan điểm,
Gotama lừng danh.1118. Vị thầy được thù diệu,
Con đến với câu hỏi,
Cần nhìn đời thế nào,
Ðể thần chết không thấy.
Thế Tôn:
1119. Này Mô-gha-ra-ja,
Hãy nhìn đời trống không,
Luôn luôn giữ chánh niệm,
Nhô lên ngã tùy kiến,
Như vậy vượt tử vong,
Hãy nhìn đời như vậy,
Thần chết không thấy được.
(XVII) Câu hỏi của thanh niên Pingiya (Sn 217)
Pingiya:
1120. Tôn giả Pin-gi-ya:
Con đã già, yếu đuối,
Không còn có dung sắc,
Mắt không thấy rõ ràng,
Tai không nghe thông suốt,
Ðể con khỏi mệnh chung,
Với tâm tư si ám,
Mong Ngài nói Chánh pháp,
Nhờ rõ biết pháp ấy,
Chính tại ở đời này,
Con đoạn tận sanh già.
Thế Tôn:
1121. Thế Tôn đáp lại rằng:
Hỡi này Pin-gi-ya,
Thấy được sự tác hại,
Trong các loại sắc pháp,
Chúng sanh sống phóng dật,
Bị phiền lụy trong sắc,
Do vậy, Pin-gi-ya,
Ông chớ có phóng dật,
Hãy từ bỏ sắc pháp
Chớ đi đến tái sanh.
Pingiya:
1122. Bốn phương chính, bốn phụ,
Cộng thêm trên và dưới,
Như vậy có mười phương,
Và trong thế giới này,
Không có sự việc gì,
Mà Ngài không được thấy,
Không nghe, không nghĩ đến,
Và không được thức tri,
Hãy nói đến Chánh pháp,
Nhờ rõ biết pháp này,
Con ngay tại đời này,
Ðoạn tận được sanh già.
Thế Tôn:
1123. Thế Tôn nói như sau:
Hỡi này Pin-gi-ya!
Thấy chúng sanh loài Người,
Rơi vào trong khát ái,
Bị già nua đốt cháy,
Bị già nua chinh phục
Do vậy, Pin-gi-ya,
Ông chớ có phóng dật
Hãy từ bỏ khát ái,
Không còn bị tái sanh.
(XVIII) Kết luận
Thế Tôn nói như vậy. Trong khi ở tại Magadha, tại điện Phà-xa-na-ka, Thế Tôn được mười sáu Bà-la-môn đệ tử của Bàvani tìm đến, được hỏi nhiều câu hỏi và Ngài đã trả lời. Nêu từng câu hỏi một, sau khi hiểu nghĩa, sau khi hiểu pháp, thực hành pháp và tùy pháp, thì có thể đi đến bờ bên kia của già chết. Những pháp này có thể đưa người qua bờ bên kia, cho nên pháp môn này cũng được gọi là Pàràyanam: "Con đường đưa đến bờ bên kia".
1124. Phạm chí Ajita,
Tissa-Met-tayya,
Phạm chí Pun-na-ka,
Cùng với Met-ta-gù,
Thanh niên Dhotaka,
Và Upasiva,
Nan-đa, He-ma-ka,
Cả hai vị thanh niên.1125. To-dey-ya, Kap-pà;
Và Ja-tu-kha-ni,
Với Bhad-rà-vu-dha
Phạm chí U-da-ya
Phạm chí Po-sà-la,
Với Mo-gha-rà-ja
Là bậc đại Hiền trí,
Cùng với bậc đại sĩ,
Tên là Pin-gi-ya.1126. Những vị này đi đến,
Ðức Phật, bậc Tiên nhân,
Bậc hạnh đức đầy đủ,
Những vị này đi đến,
Bậc giác ngộ tối thượng,
Hỏi câu hỏi tế nhị.1127. Ðức Phật đã như thật,
Trả lời các vị ấy,
Tùy theo các câu hỏi,
Và bậc đại ẩn sĩ
Trả lời những câu hỏi,
Khiến các Bà-la-môn,
Ðược hoan hỷ vui thích.1128. Họ được vui, hoan hỷ,
Nhờ Phật, bậc có mắt,
Nhờ bà con mặt trời,
Họ hành trì Phạm hạnh,
Dưới chỉ đạo hướng dẫn,
Bậc trí tuệ tuyệt diệu.1129. Theo từng câu hỏi một,
Tùy đức Phật thuyết giảng,
Ai như vậy hành trì,
Ði được từ bờ này,
Ðến được bờ bên kia.1130. Ði được từ bờ này,
Ðến được bờ bên kia,
Tu tập đạo vô thượng,
Và chính con đường ấy,
Ðưa đến bờ bên kia,
Do vậy được tên gọi,
Con đường đến bờ kia.
Rồi Tôn giả Pingiya đi về Godhàvari và nói lại với Bà-la-môn Bàvari những điều đã xảy ra.
Pingiya:
1131. Tôn giả Pin-gi-ya:
Con sẽ đọc tụng lên
Con đường đến bờ kia,
Ngài được thấy thế nào,
Ngài nói lên thế ấy,
Bậc vô cấu, quảng trí,
Bậc lãnh đạo không dục,
Bậc Niết-bàn an tịnh,
Làm sao do nhân gì,
Ngài nói điều không thật.1132. Bậc đã đoạn trừ hết,
Uế nhiễm và si mê,
Bậc đã diệt trừ sạch,
Kiêu mạn và gièm pha,
Con sẽ nói tán thán,
Âm thanh vi diệu ấy.1133. Bậc quét sạch u ám,
Phật-đà, bậc Biến nhãn,
Ðã đến, tận cùng đời,
Ðã vượt qua sanh hữu,
Bậc không có lậu hoặc,
Ðoạn tận mọi đau khổ,
Vị được gọi sự thật,
Hỡi vị Bà-la-môn,
Con được hầu vị ấy.1134. Như chim bỏ rừng hoang,
Ðến ở rừng nhiều trái,
Cũng vậy con từ bỏ,
Những bậc thấy nhỏ nhen,
Con đạt đến biển lớn,
Chẳng khác con thiên nga.1135. Những ai trong đời khác,
Ðã nói cho con nghe,
Lời dạy bậc Cù-đàm
Như vậy đã xảy ra,
Như vậy sẽ xảy đến,
Tất cả là tin đồn,
Chỉ làm tăng nghi ngờ.1136. Chỉ một vị an trú,
Quét sạch các hắn ám,
Sanh trưởng gia đình quý,
Vị ấy chiếu hào quang,
Cù-đàm, bậc quảng tuệ,
Cù-đàm, bậc quảng trí.1137. Ai thuyết pháp cho con,
Pháp thiết thực hiện tại,
Ðến ngay không chờ đợi,
Ái diệt, vượt đau khổ,
Vị ấy không ai sánh.
Bàvari:
1138. Hỡi này Pin-gi-ya,
Sao Ông lại không thể,
Sống xa lánh vị ấy,
Chỉ trong một chốc lát,
Bậc Cù-đàm quảng tuệ,
Bậc Cù-đàm quảng trí,1139. Vị thuyết pháp cho người,
Pháp thiết thực hiện tại,
Ðến ngay không chờ đợi,
Ái diệt, vượt đau khổ,
Vị ấy không ai sánh.
Pingiya:
1140. Hỡi này Bà-la-môn,
Con không có thể được,
Sống xa lánh vị ấy
Chỉ trong một chốc lát,
Gotama quảng tuệ,
Gotama quảng trí.1141. Vị thuyết pháp cho con,
Pháp thiết thực hiện tại,
Ðến ngay không chờ đợi,
Ái diệt, vượt đau khổ,
Vị ấy không ai sánh.1142. Chính con thấy vị ấy,
Với ý, với con mắt,
Ngày đêm không phóng dật,
Kính thưa Bà-la-môn,
Con trải qua suốt đêm
Ðảnh lễ, kính vị ấy,
Do vậy con nghĩ rằng,
Con không xa vị ấy.1143. Với tín và với hỷ,
Với ý luôn chánh niệm,
Không làm con xa rời,
Lời dạy Gotama!
Chính tại phương hướng nào,
Bậc quảng tuệ đi đến,
Chính ở phương hướng ấy,
Con được dắt dẫn đến.1144. Với con tuổi đã già,
Yếu đuối, không sức mạnh,
Do vậy thân thể này,
Không đến được chỗ ấy,
Với tâm tư quyết chí,
Con thường hằng đi đến.
Vì rằng thưa Phạm chí,
Ý con cột vị ấy.1145. Nằm dài trong vũng bùn,
Vùng vẫy, vật qua lại,
Con đã bơi qua lại,
Ðảo này đến đảo khác,
Con đã thấy đức Phật,
Vượt bộc lưu, vô lậu.
Ðến đây, khi chúng đang nói, đức Phật hiện ra và nói:
Thế Tôn:
1146. Cũng như Vak-ka-li
Nhờ tin, được giải thoát,
Với Bhad-rà-vu-dha,
A-la-vi, Cù-đàm,
Cũng vậy, Ông đã được,
Giải thoát nhờ lòng tin.
Hỡi này Pin-gi-ya,
Ông sẽ đi đến được,
Ðến được bờ bên kia,
Của thế giới thần chết.
Pingiya:
1147. Ðược nghe lời ẩn sĩ,
Con tăng trưởng tịnh tín,
Bậc Chánh đẳng Chánh giác,
Ðã vén lên tấm màn,
Không cứng cỏi, biện tài.1148. Thắng tri các chư Thiên,
Biết tất cả cao thấp,
Bậc Ðạo Sư chấm dứt,
Tất cả các câu hỏi,
Với những ai tự nhận,
Còn có chỗ nghi ngờ.1149. Không run rẩy, dao động,
Không ai có thể sánh,
Chắc chắn con sẽ đi,
Tại đây, con không nghi,
Như vậy, thọ trì Ta
Như tâm người tín giải.
Phẩm "Con đường đi đến bờ bên kia " đã xong.
Thiên cung sự (Vimanavatthu) và Ngạ quỷ sự (Petavatthu) là hai tập 6 và 7 của Tiểu Bộ kinh (Khuddàka Nikàya). Hai tập kinh này được xếp thành một đôi vì cách trình bày hình thức lẫn nội dung đều tương tự. Cả hai tập kinh đều đề cập đến sự tương quan giữa nghiệp và quả (Kamma - Vipàka) giữa đời này và đời sau.
* Chuyện Thiên cung (Vimanavatthu) gồm bảy chương, trong đó có 4 chương miêu tả các lâu đài trên Thiên giới dành cho các nữ nhân và 3 chương dành cho nam nhân. Tất cả các vị này đều đã sống đời đạo hạnh, hành trì Ngũ giới và Bát quan trai giới cùng các việc thiện khác, tùy theo phương tiện khả năng của mình.
Tất cả các chuyện này đã do Tôn giả Maha Moggallana (Ðại Mục-kiền-liên) tường trình lên Ðức Phật sau khi Tôn giả nhập định và nhờ thần lực đi lên cõi Thiên để gặp chư Thiên và hỏi chuyện. Về sau Ðức Phật dùng các đề tài này để thuyết pháp.
Ở tập kinh này, chúng ta được dịp thưởng thức các vần thi kệ miêu tả đầy đủ mọi chi tiết về các kỳ quan trên thiên giới mà ta chưa từng gặp trong các tập kinh trước đây của 5 bộ Nikàya. Các vần kệ đầy thi vị hòa lẫn đạo vị ấy nói lên tính cách phong phú trữ tình của văn học Pàli được chư Tỷ kheo sáng tác với mục đích khuyến giáo sự tu tập của giới Phật tử tại gia.
* Chuyện Ngạ quỷ (Petavatthu) là tập kinh song hành với tập chuyện Thiên cung, miêu tả cảnh giới đau khổ của những người đã tạo ác nghiệp từ Tăng chúng cho đến giới cư sĩ tại gia. Các loài quỷ (Peta) trong các chuyện này gồm hai loại: một loại Ngạ quỷ hoàn toàn chịu khổ đau mọi mặt, và một loại quỷ thần được hưởng một phần hạnh phúc do một số thiện nghiệp đã làm và một phần khổ đau do ác nghiệp đời trước.
Tuy nhiên một số quỷ này được hưởng phước báo khi may mắn gặp thân nhân hay một vị Tỷ kheo thương xót nhận làm các thiện sự, bố thí, cúng dường v.v... rồi hồi hướng công đức về chúng để mong chúng được thoát khổ cảnh. Ở đây ta gặp những vần kệ miêu tả sự tương phản giữa hai cảnh giới ngạ quỷ và thần tiên của các loài quỷ.
Qua hai tác phẩm trên, tôi hy vọng chư vị Phật tử và độc giả thưởng thức những công trình văn học Pàli đầy tính cách đạo đức khuyến dụ mọi giới Phật tử một nếp sống đạo hạnh chân chánh để được hưởng hạnh phúc ở đời sau, nếu chưa được giác ngộ giải thoát hoàn toàn theo lý tưởng Phật giáo.
(Trích Nguyệt san Giác Ngộ, 01-1999)
Ðảnh Lễ Ðức Thế Tôn, Bậc A-La-Hán, Chánh Ðẳng Giác
1- Chuyện thứ nhất - Lâu Ðài Có Sàng Tọa (Pìtha-Vimàna)
Một thời đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), ở Jetavana (Kỳ Viên) trong tinh xá ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc). Sau khi vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), nước Kosala (Kiều-tát-la), đã cúng dường suốt bảy ngày lễ vật vô thượng lên Tăng chúng với đức Phật là thượng thủ và nhà đại phú Anàthapindika đã cúng dường suốt ba ngày để phù hợp với lễ vật của nhà vua, và đại đệ tử nữ cư sĩ Visàkhà (Tỳ-xá-khư) đã cúng dường đại lễ vật như thế, tin đồn về sự cúng dường vô thượng được truyền đi khắp cõi Jambudìpa (Diêm-phù-đề): 'Phải chăng bố thí cúng dường chỉ đặc biệt phát sinh kết quả lớn khi đó là sự bố thí hào phóng với lễ vật cao sang như vậy, hay đúng hơn, đó là sự bố thí cúng dường tùy theo phương tiện của mình?'.
Khi Tăng chúng nghe lời bình luận này, chư vị trình lên đức Thế Tôn. Ðức Thế Tôn bảo:
- 'Không phải chỉ do hiệu lực của tặng vật mà việc bố thí cúng dường đặc biệt phát sinh kết quả lớn, song đúng hơn, do hiệu lực của tín tâm và phước điền của những người nhận được vật cúng dường. Vì vậy, dù chỉ nhỏ bằng một nắm thóc hay một tấm giẻ, một tọa cụ bằng cỏ lá hay một hạt đậu trong nước tiểu hôi thối của trâu bò, được cúng dường với lòng thành cho một người xứng đáng nhận lễ vật cũng sẽ có đại kết quả, đại vinh quang và thấm nhuần khắp nơi'.
Thiên chủ Sakkha (Ðế Thích) đã nói như vầy:
'Nếu có tín tâm, thì không một vật cúng dường nào có thể nói là không quan trọng.
Khi nó được dâng lên đức Như Lai, Chánh Ðẳng Giác hay vị đệ tử của Ngài'.
Bấy giờ, chuyện này được phổ biến rộng khắp cõi Diêm-phù-đề.
Quần chúng tùy theo phương tiện của họ bố thí, cúng dường Sa-môn, Bà-la-môn, du sĩ lữ hành và hạng người cùng khổ; họ cung cấp nước uống trong sân nhà hoặc để ghế ngồi ở cổng ra vào.
Thời ấy có một Tỷ-kheo đầy đủ hảo tướng oai nghi, đến khất thực đúng thời trước một nhà kia. Tại đó, vị thiện gia tín nữ chào đón vị ấy, cung kính đảnh lễ và trải một tấm vải vàng được ủi thẳng trên sàng tọa của bà rồi đem lại dâng vị ấy.
Bà cúng dường món ăn mà bà có thể sắm được và quạt hầu vị ấy. Vốn tâm tín thành, bà suy nghĩ: 'Nay vừa phát sinh một phước điền vô thượng dành cho ta'.
Khi vị Tỷ-kheo đã thọ thực xong, vị ấy thuyết pháp về sự cúng dường sàng tọa và thực phẩm v.v... rồi ra đi. Khi bà ấy nghĩ về việc bố thí của bà và bài pháp thoại, tâm bà lập tức rung động với niềm hoan lạc và bà cúng dường vị Tỷ-kheo cả chiếc sàng tọa ấy nữa.
Ít lâu sau, bà mắc bệnh từ trần và được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba trong một lâu đài bằng vàng dài mười hai do-tuần (dặm). Bà có một đoàn tùy tùng hầu cận gồm một ngàn tiên nữ. Vì trước kia bà cúng dường sàng tọa, nên tại đấy xuất hiện cho bà một chiếc sàng tọa bằng vàng dài một do-tuần, du hành thật nhanh qua bầu trời, giống như một ngôi nhà có nóc nhọn. Vì thế nó được gọi là Lâu đài có sàng tọa. Vì chiếc sàng tọa được cúng dường trước kia có phủ tấm vải màu vàng lên, nên lâu đài này bằng vàng, chứng tỏ sự tương tự giữa nghiệp và quả. Vì sàng tọa đã được cúng dường với tâm hoan hỷ mãnh liệt, nên Lâu đài di chuyển rất nhanh. Vì lễ vật ấy được cúng dường với sự thích thú của người xứng đáng nhận nó, nên lâu đài có thể di chuyển tùy theo sở thích của bà. Vì hiệu quả tín tâm hoan hỷ của nữ nhân kia, nên lâu đài rực rỡ và sáng chói.
Bấy giờ vào một ngày lễ hội, chư Thiên đều đi được, mỗi vị tùy theo phương tiện do uy lực của mình đến Hỷ lạc Viên Nandana để vui chơi trong ngự uyển, vị Thiên nữ kia phục sức thiên y và điểm trang thiên bảo, khởi hành trong lâu đài có sàng tọa đầy oai nghi với cả ngàn thị nữ hộ tống.
Lúc ấy, Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên cõi thiên, vừa đến cảnh giới trời Ba mươi ba và xuất hiện gần chỗ Thiên nữ này. Khi thấy Tôn giả, vị Thiên nữ vô cùng hoan hỷ, cung kính bước xuống khỏi sàng tọa tiến đến gần vị Trưởng lão, cúi mình đảnh lễ với năm phần thân thể sát đất, rồi đứng lên bày tỏ sự tôn trọng với đôi tay chấp lại, mười đầu ngón sát vào nhau.
Mặc dầu vị Trưởng lão này nhờ thần lực đa diện của trí tuệ, đã tự mình thấy rõ như thể ngắm quả Myrobalan trong lòng bàn tay, các thiện nghiệp và ác nghiệp do Thiên nữ này cũng như các vị khác đã tạo ra, nhờ khả năng tri kiến của Tôn giả về nghiệp quả tương ứng, tuy nhiên, vì ngay khi vừa tái sanh cõi trời, các Thiên nữ liền hỏi: - 'Tiểu nữ đã từ trần tại đâu và được tái sanh vào thế giới này?' - 'Tiểu nữ đã làm thiện nghiệp gì để được phước phần này?', và theo lệ thường, chư vị ấy đều đi đến kết luận đúng đắn, do đó, vị Trưởng lão muốn làm sáng tỏ nghiệp quả cho thế giới chư Thiên, bèn bảo Thiên nữ này kể lại hạnh nghiệp vị ấy đã làm, rồi ngâm các vần kệ sau:
1. Tọa sàng kim sắc thật huy hoàng,
Di chuyển nhanh như ý của nàng,
Nàng đội vòng hoa, trang phục đẹp,
Sáng như tia chớp giữa mây ngàn.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương?
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Khi được làm người giữa thế nhân,
Con mang sàng tọa nhỏ đem dâng,
Vái chào cung kính khách xa đến,
Tay chắp, cúng dường theo khả năng.
6. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
7. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
2. Chuyện thứ hai - Lâu Ðài Có Sàng Tọa Thứ Hai (Dutiyapìthà-Vimàna)
Phần giải thích và bình luận chuyện này phải được hiểu tương ứng với những gì đã nói trong chuyện thứ nhất. Song có điểm dị biệt là:
Chuyện kể rằng một nữ nhân sống ở Sàvatthi thấy một Tỷ-kheo đến nhà bà khất thực; với tâm tín thành, khi muốn cúng dường vị ấy một tọa sàng, bà trải một tấm vải xanh trên tọa sàng của bà tặng vị ấy. Vì thế, khi bà tái sanh lên thiên giới, tại đó xuất hiện cho bà một sàng tọa làm bằng ngọc bích. Do vậy, có các vần kệ:
1. Tọa sàng ngọc bích thật huy hoàng,
Di chuyển nhanh như ý của nàng,
Nàng đội vòng hoa, trang phục đẹp,
Sáng như tia chớp giữa mây ngàn.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương?
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Khi được làm người giữa thế nhân,
Con mang sàng tọa nhỏ đem dâng,
Vái chào cung kính khách xa đến,
Tay chắp, cúng dường theo khả năng.
6. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ,
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
7. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
3. Chuyện thứ ba - Lâu Ðài Có Sàng Tọa Thứ Ba (Tatiyapìtha-Vimàna)
Tại Ràjagaha (Vương Xá) (như chuyện số 1), vị nữ nhân phát nguyện lúc dâng cúng sàng tọa của bà: 'Ước mong hạnh nghiệp này sẽ làm nhân duyên cho ta được một sàng tọa bằng vàng trong kiếp sau'.
Do đó, có truyền thuyết như vầy:
1. Tọa sàng kim sắc thật huy hoàng,
Di chuyển nhanh như ý của nàng,
Nàng đội vòng hoa, trang phục đẹp,
Sáng như tia chớp giữa mây ngàn.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương?
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Vì một hành vi nhỏ của con,
Ðây là kết quả sắc huy hoàng,
Ngày xưa khi ở trong tiền kiếp,
Con được làm người giữa thế gian.
6. Con gặp một vô lậu Thánh Tăng,
An nhiên tâm trí, chẳng mê lầm,
Với người, con có lòng thành tín,
Ðem đến tận tay chiếc tọa sàng.
7. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần,
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
4. Chuyện thứ tư - Lâu Ðài Có Sàng Tọa Thứ Tư (Catutthapìtha-Vimàna)
Hoàn cảnh chuyện này cũng ở Ràjagaha. Chuyện phải được hiểu như đã được tả ở Lâu đài thứ hai vì nữ nhân tặng sàng tọa sau khi trải tấm vải xanh lên đó, nên đời sau một Lâu đài bằng ngọc bích cũng xuất hiện cho bà. Phần còn lại cũng giống như chuyện đã được kể về Lâu đài thứ nhất. Do đó có truyền thuyết:
1. Toạ sàng ngọc bích thật huy hoàng,
Di chuyển nhanh như ý của nàng,
Nàng đội vòng hoa, trang phục đẹp,
Sáng như tia chớp giữa mây ngàn.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương?
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Vì một hành vi nhỏ của con,
Ðây là kết quả sắc huy hoàng,
Ngày xưa khi ở trong tiền kiếp,
Con được làm người giữa thế gian.
6. Con gặp một vô lậu Thánh Tăng,
An nhiên tâm trí, chẳng mê lầm,
Với người, con có lòng thành tín,
Ðem đến tận tay chiếc tọa tàng.
7. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Là con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
5. Chuyện thứ năm - Lâu Ðài Con Voi (Kunjara-Vima ana)
Ðức Thế Tôn lúc ấy đang trú tại Ràjagaha ở chỗ nuôi sóc trong Veluvana (Trúc Lâm). Bất ngờ một hôm có lễ hội được công bố khắp thành Ràjagaha. Mọi người đều phục sức thật đẹp và đi dự lễ hội.
Bấy giờ Ðại vương Bimbisàra thể theo nguyện vọng của thần dân, ngự ra khỏi cung và đi dự lễ quanh kinh thành trong cảnh vô cùng uy nghi rực rỡ. Thời ấy một thiện nữ nhân trú tại Ràjagaha thấy cảnh huy hoàng của nhà vua, lòng đầy kinh ngạc thích thú, bèn hỏi những người có tiếng thông thái:
- Nhờ phước nghiệp gì ta tạo được cảnh vinh quang như thiên giới này?
Họ bảo nàng:
- Này bạn, một thiện nghiệp cũng như viên ngọc quý làm thỏa nguyện, hay cây thần ban điều ước này.
Khi nghe thế, nàng tự nhủ: 'Ta thấy kết quả trên thiên giới còn vĩ đại hơn phần thưởng kia (do việc bố thí cúng dường)'. Từ đấy nàng trở nên nhiệt tâm thực hành các công đức thiện nghiệp.
Bấy giờ, cha mẹ gửi cho nàng một bộ y phục mới, một sàng tọa mới, một bó hoa sen, sữa lạc, mật ong, đường và gạo. Khi thấy các thứ này, nàng tự bảo: 'Ta muốn bố thí, và bây giờ các lễ vật xứng đáng bố thí cúng dường đã có trong tay ta'. Và với lòng hoan hỷ, nàng chuẩn bị lễ vật, nhà cửa và bản thân vào ngày hôm sau.
Thời ấy Tôn giả Sàriputta đi khất thực trong thành Ràjagaha, vào đường phố với oai nghi của một người đang đặt xuống chiếc túi đựng một ngàn đồng tiền.
Người nữ tỳ của nàng thấy vị Trưởng lão liền thưa:
- Bạch Tôn giả, xin đưa bình bát cho tiện nữ.
Và nàng nói thêm:
- Xin Tôn giả đi lối này để làm đặc ân cho một tín nữ.
Tôn giả trao nàng chiếc bình bát. Nàng dẫn Tôn giả đến nhà. Lúc ấy nữ nhân kia chào đón và phục vụ Tôn giả. Trong lúc nàng thiết đãi ngài, nàng phát nguyện: 'Do uy lực của phước nghiệp này, ước mong ta sẽ được mọi cảnh vinh quang trên thiên giới, đầy đủ các thiên tượng, trùng các và sàng tọa, và ước mong không lúc nào thiếu hoa sen'.
Kế đó, khi vị Trưởng lão đã thọ thực xong, nàng rửa bình bát và đổ đầy lạc, mật ong, đường, cùng các thứ khác, lại lấy một xấp vải trải lên sàng tọa và trao tận tay vị Trưởng lão.
Sau khi vị Trưởng lão đã giã từ, nàng ra lệnh cho hai gia nhân:
- Hãy đem sàng tọa này và bình bát đến tinh xá, cúng dường Trưởng lão ấy rồi trở về.
Họ tuân lệnh. Về sau, nàng từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng cao một trăm do-tuần và có một đoàn tùy tùng hộ tống, gồm một ngàn tiên nữ.
Do ước nguyện của nàng, một con voi quý cao năm do-tuần xuất hiện cho nàng, được quấn quanh mình với các vòng hoa sen và trang điểm cân đai toàn vàng.
Bấy giờ vào một ngày lễ hội, chư Thiên đều đi dự, mỗi vị tùy theo uy lực của mình đến Hỷ Lạc Viên Nandana để vui chơi trong ngự uyển.
(Từ đây về sau câu chuyện cũng giống như phần sớ giải Lâu đài thứ nhất). Như vậy chuyện này phải được hiểu như trong chuyện ấy, song ở đây, Tôn giả Moggallàna ngâm các vần kệ sau:
1. Voi nàng như ngọn núi huy hoàng,
Tô điểm cân đai đủ ngọc vàng,
Khả ái, oai hùng, đầy tốc lực,
Nhẹ nhàng di chuyển giữa không gian.
2. Ðây là một bảo tượng liên hoa,
Ánh sáng sen xanh, đỏ tỏa ra,
Chân cẳng voi đầy hương phấn phủ,
Sen vàng treo lủng lẳng trên ngà.
3. Rải rác hoa sen khắp mặt đường,
Phẳng lì, tô điểm cánh sen tàn,
Khiến lòng mê mẩn, đầy êm ái,
Vương tượng bước đi thật nhịp nhàng.
4. Trong lúc tượng vương tiến bước lên,
Chuỗi chuông vàng trổi khúc êm đềm,
Chung thanh chẳng khác nào âm nhạc
Năm thứ đàn tơ hợp tấu nên.
5. An tọa trên lưng đại tượng vương,
Xiêm y nàng trắng, khéo trang hoàng,
Trông nàng thù thắng về dung sắc,
Vượt hẳn bao tiên nữ cả đoàn.
6. Kết quả này do việc cúng dường,
Hay trì giới, hoặc chắp tay nàng?
Khi nàng được hỏi điều như vậy.
Hãy nói cho ta biết rõ ràng.
7. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
8. Thấy một Sa-môn đủ tướng hiền,
Hân hoan Thiền định, trí an nhiên,
Con dâng sàng tọa đầy hoa rắc,
Với một tấm khăn vải phủ lên.
9. Tâm tín thành, tay tự trải khăn,
Rải hoa sen nở đã gần tàn,
Cùng chung các cánh hoa sen rụng,
Khắp chốn bao quanh chiếc tọa sàng.
10. Kết quả này do thiện nghiệp duyên,
Nên con nhận được của chư Thiên
Ân tình phụng sự và thương mến,
Con được tôn vinh ở cõi tiên.
11. Quả thực kẻ nào có tín tâm
Muốn đem sàng tọa để cung dâng
Những người giải thoát, tâm thanh tịnh,
Sẽ được như con, hưởng phước ân.
12. Vậy do ước vọng được an lành,
Mong quả lớn sau sẽ đạt thành,
Phải tặng tọa sàng cho những vị
Mang thân đời cuối chẳng lai sanh.
6. Chuyện thứ sáu - Lâu Ðài Có Chiếc Thuyền (Nàvà-Vimàna)
Trong lúc đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), mười sáu Tỷ-kheo đã an cư mùa mưa trong một ngôi làng, khởi hành đến Sàvatthi vào mùa nắng, bảo nhau: 'Chúng ta sẽ đến yết kiến đức Thế Tôn và nghe Pháp'.
Trên đường đi, có một sa mạc không có nước, vì chư vị bị sức nóng bức bách và không tìm ra nước, chư vị liền đến vùng lân cận một ngôi làng. Tại đó, một nữ nhân cầm bình nước đang đi tới giếng.
Bấy giờ chư Tăng thấy nàng bèn bảo:
- Nếu ta đi đến nơi mà nàng đang đi, thì chúng ta có thể xin nước.
Chư vị đi theo nàng, thấy cái giếng, bèn dừng lại bên nàng. Nàng kéo nước từ giếng lên và thấy chư vị, nàng tự nhủ: 'Những bậc chân chánh này đang khát nước', rồi cung kính mời chư vị uống nước. Chư vị lấy cái lọc nước từ túi xách ra, lọc nước và uống thật nhiều nước như ý muốn, tẩm mát tay chân, nói lời chúc lành với nữ nhân vì đã tặng nước cho chư vị, rồi ra đi. Nàng ghi nhớ công đức ấy trong lòng và thỉnh thoảng nàng lại nghĩ đến việc ấy.
Về sau nàng từ trần và tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Do uy lực công đức của nàng, tại chỗ ấy đã xuất hiện cho nàng một Lâu đài vĩ đại, được làm tăng vẻ mỹ lệ bằng một cây thần ban điều ước. Chung quanh cây là một dòng suối chảy với nước trong như khối ngọc và đôi bờ cát trắng trải dài lấp lánh như những chuỗi ngọc trai và dải bạc.
Ở hai bên bờ và ngay cổng đi vào lạc viên của Lâu đài là một hồ sen lớn, được tô điểm với các chùm sen ngũ sắc và một chiếc thuyền bằng vàng.
Thiên nữ ấy an trú tại đó, hưởng thiên lạc, vui chơi nhàn nhã trong chiếc thuyền kia. Rồi một hôm, Tôn giả Mahà-Moggallàna trong lúc du hành đến cõi trời, thấy nàng Thiên nữ đang vui chơi như vậy, bèn hỏi:
1. Tiên nương đang đứng ở trong thuyền
Có mái vàng che phủ phía trên,
Nàng bước xuống hồ sen ngắt hái
Một hoa sen với cánh tay tiên.
2. Trùng các là nơi nàng trú thân,
Lâu đài có nóc nhọn nhiều tầng,
Khéo xây ngăn nắp và cân xứng,
Rực rỡ, sáng ngời khắp bốn phương.
3. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú gì nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
4. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.
5. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
6. Khi được làm người giữa thế nhân,
Kiếp xưa sinh ở chốn phàm trần,
Con thấy chư Tăng đang khát nước,
Quyết lòng, con kéo nước lên dâng.
7. Quả thật ai đầy đủ nhiệt tâm,
Ðem dâng nước uống đến chư Tăng
Khát nhiều, mỏi mệt, ngày sau được
Suối mát đầy sen nở trắng ngần.
8. Bên mình nước mát với đôi bờ
Cát trắng viền luôn chảy lững lờ,
Ðầy đủ sà-la, xoài, ngọc quế,
Kèn, đào, ti-lak nở muôn hoa.
9. Phong cảnh càng tăng vẻ mỹ quang,
Lâu đài rực sáng tuyệt trần gian,
Ðây là kết quả hành vi ấy,
Ai tạo phước lành hưởng lạc an.
10. Trùng các là nơi con trú thân,
Lâu đài có nóc nhọn nhiều tầng,
Khéo xây ngăn nắp và cân xứng,
Rực rỡ, sáng ngời khắp bốn phương.
11. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
12. Xin trình Tôn giả đại oai thần,
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy, oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
7. Chuyện thứ bảy - Lâu Ðài Có Chiếc Thuyền Thứ Hai (Dutiyanàvà Vimàna)
Trong lúc đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, có một Tỷ-kheo đã đoạn tận lậu hoặc, vào đầu mùa mưa, muốn khởi sự an cư trong một làng xóm, nên vị ấy khởi hành sau buổi ngọ trai, lên đường đi từ Sàvatthi đến làng ấy.
Khi mệt mỏi vì khát nước và đường xa, vị ấy ghé đến một làng nọ. Thấy không nơi nào có bóng cây và nước uống trong vùng lân cận, lại bị cơn mệt nhọc trấn áp, vị ấy đắp thượng y đi vào làng, dừng chân ở cửa nhà thôn trưởng. Tại đó, có một nữ nhân thấy vị này bèn hỏi:
- Tôn giả từ đâu đến?
Và khi thấy vị ấy mỏi mệt, khát nước, bà mời vị ấy vào nhà và ngồi trên sàng tọa. Bà lại đưa nước rửa chân, dầu để xoa chân và quạt hầu vị ấy.
Khi cơn nóng đã dịu, bà dọn nước ngọt, thơm mát mời vị ấy. Vị Trưởng lão uống nước xong, cơn khát lắng xuống, vị ấy cám ơn bà và ra đi. Về sau bà từ trần, được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba. Mọi việc cần được hiểu như ở chuyện Lâu đài trước. Các vần kệ cũng giống như vậy.
8. Chuyện thứ tám - Lâu Ðài Có Chiếc Thuyền Thứ Ba (Tatiyanàvà-Vimàna )
Trong lúc đức Thế Tôn du hành quanh thị trấn với hội chúng Tỷ-kheo đông đảo, Ngài đến một ngôi làng Bà-la-môn tên là Thùna ở quốc độ Kosala. Các gia chủ Bà-la-môn ở Thùna nghe tin: 'Người ta nói rằng Sa-môn Gotama đã đến tại cánh đồng làng ta'.
Bây giờ các gia chủ Bà-la-môn là ngoại đạo có tà kiến, bản tính keo kiệt, bảo nhau:
- Nếu Sa-môn Gotama vào làng này và ở lại độ hai ba ngày, vị ấy sẽ an trú tất cả dân làng này vào Giáo pháp của vị ấy. Khi ấy giáo lý Bà-la-môn sẽ không có nơi nương tựa.
Và cố ngăn cản đức Thế Tôn dừng chân tại đấy, họ đưa thuyền bè ra khỏi bến đậu và làm cho cầu cống trở thành vô dụng. Họ lấp kín các giếng nước trừ một giếng cũ đầy cỏ rác và che giấu các mạch nước, nhà nghỉ và lầu trọ. Chuyện được kể trong Kinh Udàna (Cảm Hứng Ngữ) như vậy ở phẩm VII, 9.
Ðức Thế Tôn biết được ác nghiệp của họ và sinh lòng thương xót họ, bèn du hành giữa không gian cùng chư Tỷ-kheo vượt qua sông, rồi tiếp tục đi đến làng Bà-la-môn Thùna. Ngài rời đường cái và ngồi xuống một gốc cây.
Vào lúc ấy, một số nữ nhân đi ngang và xách nước gần đức Thế Tôn, trong lòng đã có sự giao ước: 'Nếu Sa-môn Gotama đến đây, không được ai tiếp đón vị ấy, và khi vị ấy đến nhà nào thì không ai được đem thực phẩm cho vị ấy hoặc đệ tử của vị ấy cả'.
Rồi một nữ tỳ của một gia chủ Bà-la-môn đi đến với một ghè nước, thấy đức Thế Tôn được một hội chúng Tỷ-kheo vây quanh, nhận ra rằng chư vị đều khát nước và mệt mỏi; với lòng đầy tín thành, nàng muốn đem nước cúng dường chư vị. Nàng tự nhủ: 'Cho dù dân chúng làng này đã quyết định không được cho Sa-môn Gotama thứ gì cả, thậm chí cũng không được đảnh lễ cung kính, tuy nhiên, nếu khi ta đã tìm ra các phước điền vô thượng, xứng đáng được cúng dường này, ta lại không làm nơi nương tựa cho ta bằng cách chỉ đem nước cúng dường mà thôi, thì biết bao giờ ta mới được giải thoát khỏi cuộc sống đau khổ trong đời sau? Ta hãy vui lòng để chủ ta và mọi người trong làng này đập ta, trói ta, ta vẫn quyết cúng dường nước cho phước điền như thế'.
Khi nàng đã quyết tâm như vậy, mặc dù các nữ nhân khác đang xách nước cố ngăn cản nàng, nàng vẫn không quan tâm đến tính mạng mình, nhấc ghè nước trên đầu xuống, đặt sang một bên, đến gần đức Thế Tôn với lòng đầy hân hoan, hạnh phúc, nàng đảnh lễ với năm phần thân thể sát đất, và dâng nước lên Ngài.
Ðức Thế Tôn nhận ra tín tâm của nàng, và để ban đặc ân cho nàng. Ngài rửa tay chân và uống nước mát. Nước trong bình không giảm xuống. Cô gái thấy vậy càng tăng tín tâm, đem nước đến lần lượt cho mỗi vị Tỷ-kheo, rồi cho tất cả chư vị. Nước cũng vẫn không giảm bớt. Lòng đầy hân hoan phấn khởi, với bình nước vẫn đầy như bao giờ, nàng trở về nhà.
Gia chủ Bà-la-môn của nàng nghe tin nàng đem cho nước uống. 'Nó đã phá luật lệ của làng này và ta sẽ bị chê cười', ông bảo. Lòng nổi cơn giận bừng bừng sôi sục, ông ném nàng xuống đất đấm đá túi bụi. Vì bị trận đòn tàn nhẫn ấy, nàng qua đời, được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba và một Lâu đài xuất hiện cho nàng như được tả trong chuyện Lâu đài có chiếc thuyền thứ nhất.
Bấy giờ, đức Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, hãy đem nước giếng cho Ta.
Vị Trưởng lão đáp:
- Bạch Thế Tôn, giếng ở đây đã bị dân chúng Thùna làm ô nhiễm. Con không thể lấy nước được.
Nhưng đức Thế Tôn ra lệnh cho vị này lần thứ hai, lần thứ ba, vị Trưởng lão cầm bình bát của đức Thế Tôn và đi về phía giếng. Khi vị ấy đến, nước giếng đã dâng đầy lên cao, tràn khỏi miệng, và chảy ra mọi phía.
Mọi thứ rác rến trồi lên mặt nước và chảy đi sạch. Vì nước dâng lên, các mạch nước khác cũng tràn đầy, nên làng này bị nước vây quanh, và vùng đất quanh làng bị chìm ngập. Các Bà-la-môn thấy việc hi hữu, lòng đầy kinh ngạc lẫn kỳ thú, họ đến xin đức Thế Tôn tha lỗi. Lập tức nước lụt biến mất dần.
Dân chúng liền cung cấp chỗ ở lên đức Thế Tôn và chư Tăng, thỉnh cầu chư vị ngày mai và ngày kế tiếp đi đến thọ trai. Sau khi đã chuẩn bị đại lễ cúng dường, họ dâng cao lương mỹ vị đủ loại cứng và mềm lên chư Tăng với đức Phật là vị thượng thủ.
Khi đức Thế Tôn đã thọ thực xong, và cất tay ra khỏi bình bát, toàn thể dân chúng Thùna đều ngồi đảnh lễ cung kính quanh Ngài.
Ngay lúc ấy, Vị Thiên nữ quán sát thành tựu của nàng và nhận ra nguyên nhân chính là việc nàng cúng dường nước uống. Lòng đầy hoan hỷ, nàng nói:
- Tốt lắm, nay ta muốn đảnh lễ đức Thế Tôn, ta muốn tuyên bố cho thế giới loài Người biết thành quả to lớn của các thiện nghiệp, thậm chí rất nhỏ nhặt, được thực hành cho những người theo đúng chánh đạo.
Với nhiệt tâm tràn trề, cùng đoàn tùy tùng một ngàn tiên nữ hộ tống trong lạc viên của nàng có cả tòa Lâu đài kia, nàng xuất hiện với đại oai thần của Thiên giới trước sự chứng kiến của toàn thể dân chúng.
Nàng bước xuống khỏi Lâu đài, đến gần đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và đứng trong dáng điệu cung kính. Sau đó đức Thế Tôn muốn làm sáng tỏ kết quả công đức của nàng cho đám quần chúng trước mặt Ngài, bèn hỏi nàng qua các vần kệ:
1. Tiên nương đang đứng ở trong thuyền
Có mái vàng che phủ phía trên,
Nàng bước xuống hồ sen ngắt hái
Một hoa sen với cánh tay tiên.
2. Trùng các là nơi nàng trú thân,
Lâu đài có nóc nhọn nhiều tầng,
Khéo xây ngăn nắp và cân xứng,
Rực rỡ, sáng ngời khắp bốn phương.
3. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú gì nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
4. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.
5. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Ðức Phật tòan giác hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
6. Khi được làm người giữa thế nhân,
Kiếp xưa sinh ở chốn phàm trần,
Con thấy chư Tăng đang khát nước,
Quyết lòng, con kéo nước lên dâng.
7. Quả thật ai đầy đủ nhiệt tâm,
Ðem dâng nước uống đến chư Tăng
Khát nhiều, mỏi mệt, ngày sau được
Suối mát đầy sen nở trắng ngần.
8. Bên mình nước mát với đôi bờ
Cát trắng viền luôn chảy lững lờ,
Ðầy đủ sà-la, xoài, ngọc quế,
Kèn, đào, ti-lak nở muôn hoa.
9. Phong cảnh càng tăng vẻ mỹ quang,
Lâu đài rực sáng tuyệt trần gian,
Ðây là kết quả hành vi ấy,
Ai tạo phước lành hưởng lạc an.
10. Trùng các là nơi con trú thân,
Lâu đài có nóc nhọn nhiều tầng,
Khéo xây ngắn nắp và cân xứng,
Rực rỡ, sáng ngời khắp bốn phương.
12. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
13. Nhờ đấy, nay con có lực thần,
Dung quang sáng chói khắp mười phương,
Ðây là kết quả phần công hạnh
Ðem nước dâng đức Phật cúng dường.
Sau đó đức Thế Tôn thuyết pháp và giảng Bốn Thánh Ðế. Khi pháp thoại chấm dứt, vị Thiên nữ được an trú vào sơ quả Dự Lưu.
9. Chuyện thứ chín - Lâu Ðài Có Ngọn Ðèn (Dìpa-Vimàna)
Trong lúc đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, vào ngày Bố-tát (trai giới) nhiều thiện nam tín nữ cư sĩ tuân thủ ngày này, thực hành sự bố thí buổi sáng trước giờ ngọ, mỗi người tùy theo phương tiện của mình, thọ thực trước giờ quy định và y phục chỉnh tề với áo khoác ngoài sạch sẽ, cầm vòng hoa, hương liệu đi đến tinh xá vào buổi chiều, hầu cận chư Tỷ-kheo làm phát khởi tín tâm và nghe pháp buổi chiều tối.
Trong lúc chư vị vẫn còn nghe pháp và muốn ở lại qua đêm trong tinh xá, thì trời tối dần. Lúc ấy một nữ nhân suy nghĩ: 'Mọi người cần có đèn ở đây', và bà đem đèn cùng các vật để thắp đèn từ nhà đến, thắp đèn lên, đặt trước pháp tòa và nghe pháp. Hài lòng vì đã cúng dường đèn, bà tràn ngập niềm hân hoan, hạnh phúc và ra về sau khi cung kính đảnh lễ chư Tăng.
Về sau bà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng ngọc báu rực rỡ. Song vì hào quang của thân thể Thiên nữ này quá vĩ đại, nàng sáng chói hơn các Thiên nữ khác và tỏa ánh sáng khắp mười phương.
Bấy giờ, một hôm Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên Thiên giới (như các truyện trước) nhưng ở đây, Tôn giả đặt câu hỏi bắt đầu bằng ba vần kệ:
1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng, toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Vì sao nàng có được hào quang
Thanh tịnh, vượt xa hẳn mọi nàng?
Vì cớ gì thân nàng rực rỡ,
Làm cho sáng chói khắp mười phương?
4. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.
5. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
6. Thuở được làm người giữa thế nhân,
Kiếp xưa sinh ở chốn phàm trần,
Khi màn đêm tối buông dày đặc,
Con thắp đèn lên để cúng dâng.
7. Khi trời tốt mịt một đêm đen,
Ai thắp đèn cho tỏa sáng lên,
Sẽ tái sanh trong lầu bảo ngọc
Ðầy hoa nở rộ cạnh hồ sen.
8. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
9. Con là Thiên nữ tỏa hào quang
Thanh tịnh, vượt xa hẳn mọi nàng,
Vì thế toàn thân con rực rỡ,
Làm cho sáng chói khắp mười phương?
10. Xin trình Tôn giả đại oai thần,
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy, oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
10. Chuyện thứ mười - Lâu Ðài Do Cúng Mè (Tiladakkhina-Vimàna)
Bấy giờ đức Thế Tôn đang trú ở Sàvatthi, tại Kỳ Viên, trong tinh xá ông Cấp Cô Ðộc. Thời ấy tại Ràjagaha có một nữ nhân đang mang thai, rửa sạch mè và phơi khô vì bà muốn uống một ít dầu mè.
Thọ mạng của bà sắp chấm dứt, và bà có số phận phải chết ngay hôm ấy với các hạnh nghiệp chồng chất đưa đến tái sanh vào địa ngục.
Bấy giờ, đức Thế Tôn, trong khi quán sát thế gian vào lúc rạng đông, với Thiên nhãn Ngài thấy bà và suy nghĩ: 'Nữ nhân này sắp chết hôm nay có thể tái sanh vào địa ngục. Vậy bây giờ Ta hãy làm cho bà ấy tái sanh thiên giới bằng cách nhận mè do bà ấy bố thí'.
Chỉ trong chốc lát, Ngài đi từ Sàvatthi đến Ràjagaha, và trong khi Ngài đi khất thực ngang qua thành Ràjagaha, Ngài đến cửa nhà bà. Nữ nhân ấy thấy đức Thế Tôn, lòng tràn ngập hân hoan hạnh phúc, vội đứng lên chắp hai tay, và thấy không có gì khác xứng đáng để cúng dường, bà rửa tay chân và lùa mè lại thành một đống, bà bụm cả hai tay lại, bốc đầy mè và đặt nắm mè vào bình bát đức Thế Tôn. Do lòng từ mẫn đối với bà, đức Thế Tôn bảo: 'Mong con được an lạc', rồi tiếp tục lên đường.
Ðêm ấy, lúc gần rạng đông, bà kia từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng rộng mười hai do-tuần.
Tôn giả Mahà-Moggallàna, trong lúc du hành lên cõi trời (như được tả trên đây), gặp bà và hỏi:
1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng, toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú gì nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang sáng chói khắp mười phương.
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Trong đời sống trước giữa phàm trần,
Con được sinh làm một thế nhân,
Con gặp Phật-đà vô lậu hoặc,
An nhiên tâm trí, chẳng mê lầm.
6. Gặp Phật, con đầy đủ tín thành,
Cúng dường lễ vật chính tay mình,
Lòng không tham vọng, đem mè tặng
Ðấng Giác Ngộ là bậc xứng danh.
7. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần,
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy, oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
1. (18) Chuyện thứ nhất - Lâu Ðài Của Nữ Tỳ (Dàsi-Vimàra)
Trong khi đức Thế Tôn trú tại Kỳ Viên, một đệ tử tại gia ở Sàvatthi đến tinh xá về buổi chiều cùng nhiều cư sĩ khác và nghe pháp. Khi hội chúng đã đứng lên, vị ấy đến gần đức Thế Tôn và thưa:
- Bạch Thế Tôn, từ nay về sau con xin cúng dường bốn buổi ngọ trai vĩnh viễn.
Sau đó, đức Thế Tôn thuyết pháp thoại cho vị ấy được lợi lạc nhân dịp này và bảo vị ấy ra về. Vị ấy trình với Tỷ-kheo phụ trách ngọ trai:
- Bạch Tôn giả, con đã chuẩn bị bốn buổi ngọ trai vĩnh viễn cúng dường Tăng chúng. Từ ngày mai, xin chư vị Tôn giả đến nhà con.
Xong vị ấy ra về. Vị ấy giải thích vấn đề này cho người nữ tỳ và bảo:
- Trong vấn đề này, nhà ngươi phải luôn luôn tinh cần.
- Thưa vâng, được lắm. Nàng đáp.
Bản tính nàng đầy thành tín, mong muốn làm công đức, có thiện hạnh, vì thế mỗi ngày nàng dậy rất sớm, chuẩn bị các món ăn thức uống hảo hạng.
Sau khi quét dọn chỗ ngồi thật sạch sẽ, nàng lau chùi cẩn thận với nước hoa, sắp đặt sàng tọa và khi chư Tỷ-kheo đến, nàng mời chư vị ngồi đó, cung kính đảnh lễ, cúng dường chư vị hương liệu, vòng hoa, chiên-đàn, đèn và phục vụ chư vị thật trọng thể.
Bấy giờ, một hôm, khi chư Tỷ-kheo đã thọ thực xong, nàng đến gần đảnh lễ và nói như vầy:
- Bạch chư Tôn giả, xin chư Tôn giả cho biết, làm thế nào được giải thoát hoàn toàn các khổ đau do sanh, lão, bệnh, tử?
Chư Tỷ-kheo ấy bèn cho nàng thọ Tam quy và Ngũ giới, giảng giải bản chất của sắc thân, và gợi cho nàng suy nghĩ về lão tử. Sau đó, chư vị thuyết giảng cho nàng nghe về tính vô thường.
Nàng giữ giới suốt mười sáu năm liền, thỉnh thoảng nàng tác ý suy tư thật chuyên tâm. Một ngày kia, nàng đã được lợi lạc vì nghe pháp, lại nhờ tri kiến của nàng đạt đến thuần thục, nàng phát triển tuệ quán và chứng đắc quả Dự Lưu.
Chẳng bao lâu sau, nàng từ trần và tái sanh làm vị Thiên nữ hầu cận được Sakka Thiên chủ sủng ái. Khi nàng thơ thẩn trong các hoa viên đây đó, được nghe cả sáu mươi ngàn nhạc khí hòa tấu long trọng cử hành đại hội, nàng tận hưởng đại thiên lạc thỏa thích với đám tùy tùng hộ tống quanh nàng.
Tôn giả Mahà-Moggallàna thấy nàng trong cách được tả trên bèn hỏi nàng:
1. Chẳng khác nào Thiên chủ Sak-ka,
Ở Lâm Viên lạc thú Cit-ta,
Nàng đi thơ thẩn, đoàn tiên nữ
Hầu cận quanh nàng rộn múa ca,
Làm tất cả phường trời rực rỡ
Như vì sao cứu hộ Ta-bà.
2. Vì đâu nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Khi được làm người giữa chúng sanh,
Con là tỳ nữ một gia đình,
Môn đồ của Trí Nhân Viên Giác,
Ðức Phật Cồ-đàm đại hiển vinh.
6. Thành công nhờ nỗ lực tinh cần,
Trong Giáo pháp Ngài bất động nhân,
Mong ước thân này dầu hủy hoại,
Con không hề giảm sút chuyên tâm.
7. Con đường Ngũ giới để tu thân
Thật vững chắc và tạo phước ân,
Ðược bậc trí hiền này dạy bảo,
Không gai, lưới, bẫy, thẳng như chân.
8. Hãy nhìn kết quả của tinh cần
Thành tựu do tỳ nữ tiểu nhân,
Nay được hầu bên Thiên chủ ấy,
Sak-ka với tối thượng quyền năng.
9. Sáu mươi ngàn nhạc cụ đàn tơ
Thức tỉnh con từ giấc ngủ mơ,
Alamba, Gaggara, Bhìma,
Sàdhuvàdin và Samsaya.
10. Pokkhara và Suphassa,
Vinàmokkhà cùng các nàng kia,
Nandà cũng như Sunandà,
Sonadinnà và Sucimhità.
11. Alambusà, Missakesi,
Cùng nàng tiên ác Pundarìkà,
Eniphassa và Suphassà,
Subhaddà và Muduvàdinì.
12. Các nàng Thiên nữ diễm kiều này
Ðánh thức thần tiên lúc ngủ say,
Buổi sáng các nàng thường đến bảo:
- Chúng em múa hát giúp vui đây.
13. Nan-da-na, Hỷ lạc Viên này,
Không phải để dành cho những ai
Chẳng tạo tác nên nhiều phước nghiệp,
Mà dành riêng biệt để cho người
Ðã hoàn thành được nhiều công đức,
Là Ðại Lâm viên của cõi trời
Tam thập tam thiên đầy lạc thú,
Không gì phiền não, mãi vui tươi.
14. Chẳng đời này hoặc cõi đời sau,
Cực lạc dành cho những kẻ nào
Không tạo tác nên nhiều phước nghiệp,
Song đời này lẫn cõi đời sau,
Ðể dành cực lạc cho bao kẻ
Làm các thiện hành phước nghiệp cao.
15. Vậy những ai mong chúng bạn hiền,
Phải làm thiện nghiệp thật tinh chuyên,
Vì người tạo được nhiều công đức,
Hưởng lạc thú nhiều ở cõi thiên.
2. (19) Chuyện thứ hai - Lâu Ðài Của Lakhumà (Lakhumà-Vimàna)
Bấy giờ đức Thế Tôn đang trú tại Ba-la-nại. Thời ấy có một cổng vào thành Ba-la-nại tên là Ngư Phủ Môn. Một ngôi làng được dựng lên gần đó cũng được mang tên Ngư Phủ Môn.
Tại đó có một nữ nhân tên Lakhumà, một người mộ đạo, có lòng tin, đầy đủ trí tuệ thông minh, thường đảnh lễ các Tỷ-kheo lúc chư vị đi vào làng qua cổng ấy, nàng đưa chư vị đến nhà nàng, lấy thực phẩm cúng dường chư vị, và do đó tín tâm nàng tăng trưởng, nàng dựng lên một cái đình để thiết đãi chư Tăng, nghe pháp theo hội chúng của chư vị. Rồi sau khi đã được an trú vào Tam quy và Ngũ giới, nàng chuyên tâm tinh cần tu tập các đề tài thiền quán mà nàng đã học, chẳng bao lâu, nhờ tạo đủ mọi điều kiện cần thiết, nàng tự an trú vào quả vị Dự Lưu.
Về sau nàng từ trần và được tái sinh vào một Lâu đài lớn ở cõi trời Ba mươi ba. Ðoàn tùy tùng của nàng gồm một ngàn tiên nữ. Nàng trú tại đó thọ hưởng thiên lạc.
Trong chuyến du hành lên thiên giới, Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi nàng như vầy:
1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng, toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Bèn giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Xuất phát từ làng Ngư Phủ Môn,
Ðó là nơi trú ngụ thân con,
Nơi chư giác giả môn đồ Phật
Qua lại ngày xưa ở dọc đường.
6. Thuở ấy con đầy đủ nhiệt tâm
Ðem cơm, bánh, sữa, để cung dâng,
Ðậu, rau xanh mát, tương chua mặn,
Làm thực phẩm cho bậc chánh chân.
7. Vào ngày mười bốn với mười lăm,
Mồng tám, những ngày có sáng trăng,
Ðặc biệt là ngày trong nửa tháng
Liên quan Bố-tát giới tu thân.
8. Con hành trì giới bát quan trai,
Ðức hạnh bản thân giữ suốt đời,
Như vậy trong Lâu đài lạc trú,
Ðiều thân tiết độ, cúng dường hoài.
9. Hại mạng, sát sanh, con tránh xa,
Giữ mình không dối trá sai ngoa,
Cũng không lấy vật gì phi pháp,
Tránh rượu nồng say, các dục tà.
10. Hân hoan giữ Ngũ giới tu hành,
Thánh đế con nghiên cứu thật tinh,
Ðệ tử đức Cồ-đàm Chánh Giác,
Nhãn quang thấu suốt, đại uy danh.
11. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
12. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
Và bạch Tôn giả, xin hãy làm ơn nhân danh con đảnh lễ chân Thế Tôn và nói: 'Tín nữ có tên Lakkhumà in khấu đầu đảnh lễ chân Thế Tôn'. Thực sự, bạch Tôn giả, nếu đức Thế Tôn có tuyên bố cho con đạt được một trong các Sa-môn quả, thì điều ấy cũng không lạ gì'.
Về sau, đức Thế Tôn đã tuyên bố quả Nhất Lai cho nàng.
3. (20) Câu chuyện thứ ba - Lâu Ðài Của Người Cho Cơm Cháy (Acàmadàyikà-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại thành Ràjagaha (Vương Xá), ở chỗ nuôi sóc trong Trúc Lâm. Cũng vào thời ấy, những người trong một gia đình kia tại Vương Xá bị bệnh dịch tả. Mọi người trong nhà ấy đều chết trừ một nữ nhân. Kinh hoàng vì nỗi sợ chết, nàng bỏ nhà cùng tất cả tiền bạc thóc lúa bên trong ấy chạy trốn qua một chỗ nứt của vách tường.
Vì không ai giúp đỡ, nàng đến nhà một gia đình khác, xin ở nhờ phía sau. Người trong nhà ấy thương hại nàng đem cho nàng cháo gạo, cơm chín và cơm cháy cùng các thứ còn sót lại trong nồi niêu. Nhờ lòng rộng lượng của họ, nàng có thể sống tại đó.
Vào thời ấy Tôn giả Mahà-Kassapa (Ðại Ca-diếp) đã nhập Diệt Ðịnh suốt bảy ngày và đã xuất định, trong lúc Tôn giả suy nghĩ: 'Hôm nay ta sẽ làm ơn cho ai bằng cách nhận thức ăn? Ta sẽ giải thoát sầu bi cho ai?', Tôn giả thấy nữ nhân kia gần mạng chung và một ác nghiệp đưa đến địa ngục đã xuất hiện cho nàng.
Tôn giả suy nghĩ: 'Khi ta đến gần, nữ nhân này sẽ cho ta cơm cháy mà nàng nhận được cho phần mình, và do chính hành động ấy nàng sẽ được tái sanh vào Hóa Lạc thiên giới. Khi ta đã giải thoát cho nàng khỏi tái sinh vào địa ngục như vậy, chắc chắn ta sẽ tạo hạnh phúc thiên giới cho nàng'.
Sau khi đã đắp y vào buổi sáng sớm, Tôn giả cầm y bát và đi về phía nơi nàng cư trú.
Bấy giờ, Sakka Thiên chủ giả dạng cúng dường Tôn giả thực phẩm thiên giới đầy đủ mọi hương vị thơm ngon cùng nhiều loại cháo, canh và cà-ri. Vị Trưởng lão nhận ra ngài, bèn chối từ và bảo:
- Này Kosiya, tại sao ngài đã thành tựu các công đức thiện sự lại làm như vậy? Xin đừng làm hỏng dịp may của những kẻ bất hạnh khốn khổ'.
Rồi Tôn giả đi đến đứng trước nữ nhân kia. Nàng ước muốn cúng dường Tôn giả một vật gì đó, liền suy nghĩ: 'Ở đây không có gì xứng đáng để cúng dường vị Trưởng lão đại oai nghi này cả', và nàng nói:
- Xin ngài hãy tiến lên một chút nữa.
Vị Trưởng lão chỉ bước lùi lại một bước và không nhận thứ gì do các người khác cúng dường. Nàng thấy rõ ràng Tôn giả muốn giúp nàng, bèn cùng dường Tôn giả miếng cơm cháy của mình, Tôn giả vừa ăn ngay tại đó vừa bảo:
- Trong tiền kiếp thứ ba trước đây, cô đã là mẹ của ta.
Xong Tôn giả ra đi.
Nàng từ trần ngay đêm ấy và được tái sanh vào hội chúng Hóa Lạc thiên. Sau đó Thiên chủ Sakka biết tin nàng từ trần và không thấy nàng ở trong hội chúng cõi trời Ba mươi ba bèn đến gần Tôn giả Mahà-Kassapa vào khoảng canh giữa đêm và hỏi:
1. Khất thực, ngài đang tiến bước lên,
Rồi Ngài yên lặng đứng gần bên
Một nàng hành khất bần cùng nọ,
Sống ở nhà sau của láng giềng.
2. Nàng ấy có tâm đạo tín thành,
Dâng ngài cơm cháy với tay mình,
Rồi nàng xả báo thân trần tục,
Nàng đến cảnh nào lúc tái sanh?
Sau đó vị Trưởng lão nói đến sanh thú kia để đáp lời ngài:
3. Khất thực, tôi đang tiến bước lên,
Rồi tôi yên lặng đứng gần bên
Một nàng hành khất bần cùng nọ
Sống ở nhà sau của láng giềng.
4. Nàng ấy có tâm đạo tín thành,
Dâng tôi cơm cháy với tay mình,
Rồi nàng xả báo thân trần tục,
Giải thoát khổ đau lúc tái sanh.
5. Có loài Thiên chúng đại thần thông,
Thích thú thay hình đổi dạng luôn,
Nàng ở cõi trời đầy hạnh phúc,
Nhờ cho cơm cháy, dạ hân hoan.
Khi Sakka Thiên chủ nghe kết quả vĩ đại, lợi ích vĩ đại của việc nàng cúng dường như vậy, liền nói:
6. Ô kìa! Tặng vật kẻ ăn mày
Ðem cúng ngài Ca-diếp, hợp thay!
Thực phẩm được xin từ kẻ khác
Ðã mang kết quả lớn như vầy!
7. Nữ hoàng chánh hậu Chuyển luân vương,
Khả ái toàn thân, đẹp vẹn toàn,
Yểu điệu dưới mắt nhìn Thánh Chúa,
Cũng không có giá trị ngang bằng
Một phần mười sáu nàng hành khất
Ðem một miếng cơm cháy cúng dường.
8. Một trăm con ngựa, trăm cân vàng,
Xa giá do la kéo, một trăm,
Kiều nữ trăm ngàn trang điểm ngọc
Hoa tai, giá trị cững không bằng
Một phần mười sáu nàng hành khất
Ðem một miếng cơm cháy cúng dường.
9. Một trăm voi ở Tuyết Cao Sơn,
Ngà giống càng xe, thật tráng cường,
Vương tượng oai hùng mang áo giáp,
Cân đai vàng ngọc cũng không bằng
Một phần mười sáu nàng hành khất
Ðem một miếng cơm cháy cúng dường.
10. Dù người nắm giữ mọi quyền năng
Khắp bốn đại châu cũng chẳng bằng
Chỉ một phần mười sáu lễ vật
Người đem cơm cháy đến cung dâng.
Trưởng lão Mahà-Kassapa trình lên đức Thế Tôn tất cả mọi sự do Sakka Thiên chủ nói với Tôn giả, đức Thế Tôn lấy đó làm đề tài thuyết pháp.
4. (21) Chuyện thứ tư - Lâu Ðài Của Nàng Chiên-Ðà-La (Candàlì-Vimàna)
Trong lúc đức Thế Tôn đang trú ngụ tại Ràjagaha, Ngài nhập định Ðại bi mà chư Phật thường trú, sau đó xuất định và quán sát thế gian. Ngài thấy ngay trong thành phố ấy tại khu vực của dân chúng Candàla (Chiên-đà-la, hạng người vô loại khốn cùng không ai tiếp xúc) có một bà lão sắp mạng chung và một ác nghiệp đưa đến địa ngục đã xuất hiện cho bà.
Với tâm Ðại bi, muốn làm cho bà tạo một nghiệp lành đưa đến cõi trời, Ngài suy nghĩ: 'Ta sẽ an trú kẻ ấy vào thiên giới', Ngài liền cùng đại chúng Tỷ-kheo vào Ràjagaha khất thực.
Vào lúc ấy, bà lão Chiên-đà-la chống gậy ra khỏi thành, thấy đức Thế Tôn đến gần, và khi bà đối diện Ngài, bà dừng lại. Ðức Thế Tôn cũng dừng lại và đứng ngay trước mặt bà như thể cản bà tiến lên.
Sau đó, Tôn giả Mahà-Moggallàna, biết tâm bậc Ðạo Sư và cũng biết thọ mạng bà lão sắp hết, bèn thúc giục bà đảnh lễ đức Thế Tôn:
1. Lễ chân đức Phật Go-ta-ma,
Vì xót thương cho số phận bà,
Giác giả tối cao, danh tiếng rộng,
Ðứng ngay trước mặt, hỡi Chiên-đà.
2. Hãy hướng tâm đầy đủ thiện duyên
Về Ngài La-hán, bậc an nhiên,
Mau mau đảnh lễ, hai tay chắp,
Vì mạng sống kia chẳng được bền!
Khi bà lắng nghe lời Tôn giả, lòng đầy xúc động, bà phát khởi tâm tín hướng về bậc Ðạo Sư, liền đảnh lễ Ngài với năm phần thân thể sát đất, và do hân hoan trước đức Phật, bà nhất tâm đứng yên lặng, đầu cúi xuống. Ðức Thế Tôn bảo:
- Thế này là đủ để bà ấy lên thiên giới.
Xong Ngài vào thành với đại chúng Tỷ-kheo. Ngay lập tức sau đó, một con bò cái chạy trốn cùng với bê con, lao về phía bà già, lấy cặp sừng húc bà chết tại chỗ.
Ðể giải thích tất cả sự kiện này, chư vị Trưởng lão kết tập Kinh điển ngâm hai vần kệ;
3. Ðược lời khuyên của bậc chân nhân
Là bậc mang thân xác cuối cùng,
Bà lão Chiên-đà liền đảnh lễ
Cồ-đàm Giác Giả, đại danh lừng.
4. Bò cái đá người khốn khổ trên,
Lúc bà đang đứng chắp tay lên
Khấu đầu đảnh lễ ngài Viên Giác,
Người chiếu hào quang giữa bóng đêm.
Sau đó, bà được tái sanh giữa cõi trời Ba mươi ba. Bà có một đoàn tùy tùng hộ tống gồm cả một trăm ngàn tiên nữ.
Ngay đúng ngày hôm ấy, bà đã hóa thành một Thiên nữ trong Lâu đài của mình, hiện xuống cõi trần, tiến đến gần Tôn giả Mahà-Moggallàna và cung kính đảnh lễ Tôn giả.
Ðể giải thích việc này Thiên nữ nói:
5. Bạch Tôn giả đại lực anh hùng,
Con đã đạt thiên giới lực thần,
Ðến đảnh lễ người vô lậu hoặc,
An nhiên, thanh tịnh, ở trong rừng.
Bậc Trưởng lão hỏi:
6. Nàng Thiên nữ có sắc như vàng,
Danh tiếng cao vời, tỏa ánh quang,
Tô điểm ngọc châu, vừa hiện xuống
Từ lâu đài, đảnh lễ nghiêm trang,
Ðược đoàn tiên nữ theo hầu cận,
Hãy nói là ai đó hỡi nàng?
Ðược Trưởng lão hỏi, Thiên nữ đáp bốn vần kệ:
7. Tôn giả, con là kẻ khốn cùng,
Ðược ngài thúc giục, bậc anh hùng,
Con liền đảnh lễ Cồ-đàm Phật,
Bậc Ứng Cúng, danh vọng lẫy lừng.
8. Khi con đảnh lễ chân Ngài xong,
Là kẻ khốn cùng, con mạng vong,
Hiện ở Lâu đài muôn diễm lệ,
Lâm viên Hỷ Lạc cõi thiên cung.
9. Trăm ngàn tiên nữ đứng hầu con,
Xuất chúng, con hơn hẳn cả đoàn,
Vượt trội các nàng về mỹ sắc,
Vinh quang danh vọng, mạng trường tồn.
10. Nhiệt tâm, con tỉnh giác tinh cần,
Khi đã làm nhiều thiện sự xong,
Tôn giả, con về đây đảnh lễ
Bậc hiền lân mẫn cõi phàm trần.
Lần nữa, một vần kệ lại được chư vị kết tập Kinh điển thêm vào:
11. Khi việc này vừa được nói xong,
Nàng Chiên-đà ấy dáng tri ân
Xác minh việc trước, và quỳ lạy
Bậc Ứng Cúng rồi biến mất luôn.
Tôn giả Mahà-Moggallàna trình lại sự kiện ấy lên đức Thế Tôn. Ngài liền lấy đó làm đề tài thuyết pháp cho hội chúng được hưởng nhiều lợi lạc.
5. (22) Chuyện thứ năm - Lâu Ðài Của Phu Nhân Khả Ái (Bhaddhitthi-Vimàna)
Bấy giờ, Thế Tôn trú tại Sàvatthi ở Kỳ Viên trong tinh xá ông Cấp Cô Ðộc. Thời ấy ở thành phố Kimbila có một nam tử của một gia chủ tên Rohaka, là người mộ đạo, có tín tâm, tuân thủ giới luật toàn vẹn. Cũng tại đó, trong một gia đình cùng hoàn cảnh tương tự, có một thiếu nữ mộ đạo, tín thành, được đặt tên Bhaddà (Cát Tường) vì bản chất tốt đẹp của nàng.
Bấy giờ cha mẹ Rohaka cầu hôn nàng Bhaddà cho con trai mình. Khi đúng ngày lành, họ rước nàng về và cử hành hôn lễ, hai người sống đời hòa thuận. Vì có đức hạnh hoàn toàn, người vợ nổi danh là Phu nhân Khả ái.
Thời ấy, hai vị Ðại đệ tử cùng đoàn hộ tống năm trăm Tỷ-kheo đang du hành trong nước đến thành Kimbila. Rohaka biết tin chư vị đến đó, hân hoan đón chư Trưởng lão, cung kính đảnh lễ chư vị và mời chư vị thọ trai ngày hôm sau.
Vào hôm ấy, khi đã thiết đãi chư Trưởng lão cùng hội chúng tùy tùng, Rohaka cùng vợ và các con nghe pháp, thọ Tam quy và nguyện tuân hành Ngũ giới. Còn vợ chàng thực hành các ngày Bát quan trai giới cùng giữ gìn giới đức toàn vẹn, nên nàng được chư Thiên thần ái mộ đặc biệt.
Do chính đặc ân đó, nàng đã vô hiệu hóa một lời vu cáo xảy đến cho nàng và danh tiếng về đức hạnh cùng sự đoan chính toàn vẹn của nàng lan truyền khắp nơi trên trần thế.
Nguyên do là trước đó nàng ở nhà một mình tại thành Kimbila trong khi chồng nàng đang ở Takkasilà để buôn bán, nhân lúc cao hứng muốn vui chơi vào một dịp lễ hội, nàng được bạn bè khuyến khích, bèn đi gặp chồng nàng tại Takkasilà sau khi vị gia thần đã dùng uy lực giữ nàng ở lại đó.
Từ lúc gặp gỡ chồng, nàng thọ thai rồi được đưa về thành Kimbila, theo thời gian, tình trạng thọ thai của nàng đã rõ ràng, nàng bị mẹ chồng và nhiều người khác nghi ngờ nàng ngoại tình.
Nhưng rồi do uy lực của chính vị thần kia, khi cả thành phố Kimbila có vẻ như bị chìm ngập trong đại hồng thủy của sông Hằng, nàng đã làm cho sự ô nhục đổ lên đầu nàng phải thối lui nhờ mãnh lực của lời tuyên thệ trang nghiêm đi kèm với quyết tâm chứng thực sự trinh tiết của nàng, chẳng khác nào cơn đại hồng thủy của sông Hằng cùng các đợt sóng hỗn loạn hạ dần xuống.
Khi tái hợp với chồng và đưa ra chiếc nhẫn làm tin cùng các vật kỷ niệm chàng đã chân thành tặng nàng, nàng phá tan mối ngờ vực, nên được chồng nàng cùng toàn thể bà con thân thuộc và người đời tôn trọng. Do vậy tương truyền là danh tiếng về đức hạnh và sự đoan chính toàn vẹn của nàng vang dậy đến chân trời góc đất.
Sau đó, nàng từ trần và tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Khi đức Thế Tôn từ Sàvatthi du hành đến cõi trời ấy và an tọa nên Thạch bàn Pandukambala (ngai Hoàng bảo thạch của Sakka) dưới gốc cây San hô (Pàricchattaka), và trong khi Thiên chúng đến cung kính đảnh lễ Ngài, Thục Nữ khả ái cũng đến ngồi một bên.
Ðức Thế Tôn bèn hỏi nàng về hạnh nghiệp mà nàng đã tạo qua các vần kệ:
1. Sắc trắng, vàng, xanh, đỏ, tía, đen,
Ðược nhiều tơ mịn phủ lên trên,
Muôn màu, muôn vẻ kia tô điểm
Cây mạn-đà-la ở cõi thiên.
2. Chuỗi mạn-đà-la có đủ màu
Mà nàng đang đội ở trên đầu,
Hỡi nàng Thiên nữ đầy thông tuệ,
Chẳng thấy cây kia ở cõi nào.
3. Vinh quang Thiên nữ hiện thân đây
Tam thập tam thiên, cảnh giới này,
Khi được hỏi, cho ta biết rõ,
Nghiệp gì mang đến quả như vầy?
Khi được hỏi đức Thế Tôn hỏi vậy, nàng Thiên nữ đáp lại các vần kệ sau:
4. Mọi người đều biết ở Kim-la
'Khả ái Phu nhân', kẻ tại gia,
Ðầy đủ tín tâm, trì giới hạnh,
Hân hoan bố thí, cúng Tăng già.
5. Các thứ đèn dầu, thức uống ăn,
Tọa sàng, y phục với đồ dùng,
Con dâng cúng những người chân chánh
Với mọi niềm thành kính nhiệt tâm.
6. Vào ngày mười bốn với mười lăm,
Mồng tám, những ngày có sáng trăng,
Ðặc biệt là ngày trong nửa tháng
Liên quan Bố-tát giới tu thân.
7. Con hành trì giới Bát quan trai,
Ðức hạnh bản thân giữ suốt đời,
Kiêng kỵ sát sanh loài thú vật,
Tránh xa dối trá, nói hai lời.
8. Ðoạn trừ trộm cắp, thói tà dâm,
Không uống thuốc say hoặc rượu nồng,
Thích thú con tu hành Ngũ giới,
Chuyên tâm học Thánh Ðế tinh thông.
9. Là đệ tử Ngài có Nhãn quang,
Sinh thời con sống thật tinh cần,
Nhờ cơ duyên tốt xưa con tạo,
Thiện nghiệp làm xong bỏ cõi trần,
Con nhẹ bước trong vườn Hỷ lạc
Với ánh hào quang của bản thân.
10. Xưa cúng dường bao thức uống ăn
Chư Tăng, hai đệ tử thần thông,
Bậc Hiền đại tuệ đầy bi mẫn,
Nhờ tạo cơ duyên lúc mạng vong,
Thiện nghiệp hoàn thành, con nhẹ bước
Trong vườn Hỷ lạc với hào quang.
11. Xưa con trì giới Bát quan trai
Ðem phước lạc nhiều vô lượng thôi,
Với các nghiệp lành con thực hiện,
Cùng cơ duyên đã tạo trên đời,
Nay con nhẹ bước vườn Hoan lạc
Trong ánh hào quang tỏa sáng ngời.
6. (23) Chuyện thứ sáu - Lâu Ðài Của Sonadinnà (Sonadinnà-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Kỳ Viên tinh xá. Thời ấy ở Nalandà có một nữ đệ tử tại gia tên là Sonadinnà, một người mộ đạo, có tín tâm, thường xuyên giữ đức hạnh và đoan chính trang nghiêm, ân cần phụng sự chư Tỷ-kheo với bốn vật cần dùng, cùng hành trì Bát quan trai giới.
Nàng được lợi lạc do nghe pháp và tạo đầy đủ điều kiện nhân duyên, tu tập Tứ Thánh đế, lấy đó làm đề tài thiền quán của nàng, nên nàng đắc quả vị Dự Lưu. Về sau, khi lâm trọng bệnh, nàng từ trần và tái sanh lên cõi trời Ba mươi ba.
Tôn giả Mahà Moggallàna hỏi nàng qua các vần kệ sau:
1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng, toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương?
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Ngày xưa con ở Na-lan-dà,
Tín nữ So-na được gọi là,
Ðầy đủ tín tâm, trì giới hạnh,
Hân hoan bố thí, cúng Tăng già.
6. Các thứ đèn dầu, thức uống ăn,
Tọa sàng, y phục với đồ dùng,
Con dâng cúng những người chân chánh
Cùng với niềm thành kính nhiệt tâm.
7. Vào ngày mười bốn với mười lăm,
Mồng tám, những ngày có sáng trăng,
Ðặc biệt là ngày trong nửa tháng
Liên quan Bố-tát giới tu thân.
8. Con hành trì giới Bát quan trai,
Ðức hạnh bản thân giữ suốt đời,
Kiêng kỵ sát sanh loài thú vật,
Tránh xa dối trá nói hai lời.
9. Ðoạn trừ trộm cắp thói tà dâm,
Không uống thuốc say hoặc rượu nồng,
Thích thú con tu hành Ngũ giới,
Chuyên tâm học Thánh Ðế tinh thông,
Con là đệ tử Cồ-đàm Phật,
Bậc Nhãn quang danh vọng lẫy lừng.
10. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
11. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
7. (24) Chuyện thứ bảy - Lâu Ðài Của Uposathà (Uposathà-Vimàna)
Chuyện này cũng tương tự chuyện Lâu đài trước, nhưng có những điểm khác biệt là ở đây, Uposathà là một nữ đệ tử tại gia ở Sàketa, và sau khi nàng đã giải thích cho Tôn giả Mahà-Moggallàna những gì đã xảy ra trước kia mà nay dung sắc của nàng chiếu sáng khắp mười phương, nàng lại nói thêm về một lỗi lầm của nàng:
1. Xưa vẫn thường nghe Hỷ Lạc Viên,
Trong con khởi dục vọng triền miên,
Tâm con giữ chặt niềm mơ ước
Nên tái sanh về Hỷ Lạc Viên.
2. Con chẳng hành trì pháp Ðạo Sư,
Ngài là thân tộc của vầng ô,
Trí con không hướng điều cao thượng,
Do vậy, ăn năn mãi đến giờ.
Vị Trưởng lão hỏi:
3. U-po-thà, trú tại Lâu đài
Trong khoảng bao lâu, hãy đáp lời,
Khi được hỏi xem nàng có biết
Bao lâu thọ mạng ở trên trời?
Thiên nữ đáp:
4. An trú đây ba mươi triệu năm,
Và thêm vào đó sáu mươi ngàn,
Bạch Tôn giả, đến khi thân hoại,
Con sẽ đồng sinh với thế nhân.
Trưởng lão nói:
5. Vậy nàng đừng sợ, U-po-thà,
Nàng đã được ngay đức Phật-đà
Tuyên bố Dự Lưu là xuất chúng,
Với nàng, đọa xứ đã rời xa.
8, 9. (25, 26) Chuyện thứ tám và chín - Các Lâu Ðài Của Niddà Và Suniddà (Niddà-Suniddà-Vimàna)
Chuyện hai Lâu đài thứ tám và thứ chín có nguồn gốc ở Ràjagaha. Các vần kệ cũng giống chuyện 23 không có gì khác lạ.
10. (27) Chuyện thứ mười - Lâu Ðài Của Nữ Thí Chủ (Bhikkhàdàyikà-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Thời ấy tại Uttaramadhurà có một nữ nhân thọ mạng đã hết và phải tái sanh vào đọa xứ.
Vào lúc rạng đông, đức Thế Tôn vừa xuất khỏi định Ðại bi, và quán sát thế gian, Ngài thấy nữ nhân ấy.
Muốn an trú kẻ ấy vào thiện thú, Ngài ra đi một mình xuống Madhurà vào vùng ngoại ô của thành phố để khất thực.
Vừa lúc ấy, bà kia đã chuẩn bị xong thức ăn tại nhà và đặt sang một bên, rồi ra đi với chiếc ghè đến chỗ có nước để tắm. Khi trở về nhà với ghè nước đầy, bà thấy đức Thế Tôn liền thưa:
- Có lẽ đức Thế Tôn đã nhận món cúng dường?
Ðức Thế Tôn bảo:
- Ta sẽ nhận.
Bà ấy hiểu rằng Ngài chưa nhận món khất thực. Vì thế bà đặt ghè nước xuống, đến gần đức Thế Tôn cung kính đảnh lễ Ngài và thưa:
- Bạch Thế Tôn con muốn cúng dường, xin Ngài hãy cho phép con.
Ðức Thế Tôn đồng ý bằng cách im lặng. Bà ấy biết rằng Ngài đã nhận lời, bèn tiến lên về trước sửa soạn chỗ ngồi ở một nơi đã được rảy nước và quét sạch, xong đứng chờ Ngài đến.
Ngài bước vào ngồi xuống. Bà cúng dường Ngài thức ăn và cũng ngồi xuống. Khi thọ thực xong, Ngài rút tay khỏi bình bát và nói lời tùy hỷ công đức, rồi tiếp tục lên đường.
Bà ấy nghe Ngài chúc lành, cảm thấy hân hoan hạnh phúc vô cùng, và vì bà không vơi niềm hoan hỷ do đức Phật mang lại, nên bà vẫn đứng cung kính đảnh lễ cho đến khi Ngài đi khuất dạng.
Chỉ sau đó vài ngày, bà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba.
Bấy giờ Tôn giả Mahà-Moggallàna đang du hành giữa Thiên chúng, thấy Thiên nữ này có đại thần thông và đại oai lực của chư Thiên hiện đang hưởng cảnh vinh quang trên thiên giới, mà ngay cả tri kiến một bậc Giác ngộ cũng không thể xác định được hạn lượng của cảnh ấy.
Tôn giả bèn ngâm các vần kệ hỏi về thiện nghiệp công đức mà nàng đã làm. Các vần kệ này cũng giống như trước:
1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng, toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương?
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. 6. Kiếp xưa sinh ở chốn phàm trần,
Con được làm người giữa thế nhân,
Con gặp Phật-đà vô lậu hoặc,
An nhiên tâm trí, chẳng mê lầm,
Với Ngài, con có lòng thành tín,
Dâng cúng tận tay các món ăn.
7. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong da
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.
11. (28) Chuyện thứ mười một - Lâu Ðài Cuả Nữ Thí Chủ Thứ Hai (Dutiyabhikkhàdàyika-Vimàna)
Chuyện này cũng giống chuyện Lâu đài trước, trừ điểm ở đây đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha, và nữ nhân cúng dường cho một Tỷ-kheo vô lậu hoặc, an nhiên tâm trí, chẳng còn si mê.
Tổng Kết
Lâu đài Nữ tỳ và Lakhuma, Người cho cơm cháy, Candàli, Phu nhân Khả ái, và Sonadinnà, Uposathà, Niddà, và Suniddà, cùng hai Nữ thí chủ.
Phẩm này được biết qua các chuyện trên.
Lâu Ðài Nữ Giới : Phẩm Hai
Phẩm Ðầu để Phúng Tụng
1. (29) Chuyện thứ nhất - Lâu Ðài Huy Hoàng (Ulàra-Vimàna)
Bấy giờ, bậc Ðạo Sư trú tại Ràjagaha, ở Trúc Lâm. Thời ấy ở Ràjagaha trong một gia đình thường cúng dường Tôn giả Mahà-Moggallàna có một thiếu nữ chuyên tâm bố thí và thích thú bố thí.
Tại nhà ấy, các loại thực phẩm cứng và mềm đều được làm sẵn sàng trước buổi ngọ trai chính thức. Thời ấy, cô gái kia thường đem bố thí nửa phần thức ăn mà nàng có trong nhà. Nàng không ăn trừ khi đã bố thí xong.
Ngay cả khi nàng không thấy một vị xứng đáng nhận phần cúng dường, nàng cũng để dành một số thực phẩm cho đến khi nàng gặp một vị như thế. Nàng cũng bố thí luôn cho đám hành khất nữa.
Bấy giờ mẹ nàng thường hân hoan hạnh phúc tự nhủ: 'Con gái ta chuyên tâm bố thí và thích thú bố thí cúng dường'. Rồi bà cho nàng phần ăn gấp đôi. Khi một phần ăn mà nàng nhận đã được phân phát, bà mẹ lại cho nàng phần thứ hai. Nàng cũng tiếp tục phân phát phần ấy.
Cứ vậy với thời gian trôi qua, khi đến tuổi, cha mẹ nàng đem gả nàng cho con trai một gia đình khác cũng ở trong thành phố này. Song gia đình này có tà kiến, không mộ đạo.
Bấy giờ, Tôn giả Mahà-Moggallàna đang lúc đi khất thực từng nhà, dừng lại trước cửa nhà cha chồng của thiếu nữ kia. Khi nàng thấy Tôn giả, lòng đầy thành tín, liền thưa:
- Bạch Tôn giả, xin hãy vào đây.
Nàng mời Tôn giả vào trong, cung kính đảnh lễ và cầm lấy chiếc bánh đã được bà mẹ chồng để dành. Nhưng không thể tìm ra bà, nàng tự nhủ: 'Ta sẽ kể với mẹ sau về việc này và làm cho bà hân hoan vì thiện sự của ta', rồi nàng dâng bánh lên Trưởng lão.
Vị Trưởng lão nói lên tùy hỷ công đức và tiếp tục lên đường. Còn cô gái thưa với mẹ chồng:
- Con đã cúng dường Tôn giả Mahà-Moggallàna chiếc bánh mà mẹ để dành.
Khi nghe nàng nói vậy, bà mẹ chồng kêu lên:
- Con này thật vô phép quá! Mày đã đem cho một Sa-môn đồ vật của ta mà thậm chí cũng không xin phép nữa!
Rồi, bà nói giọng lắp bắp vì bị cơn giận trấn áp và không còn suy nghĩ phải trái, liền chụp cái chày gãy nện túi bụi vào vai cô gái.
Cô gái này thể chất mong manh yếu đuối và thọ mạng sắp chấm dứt, nay bị thương tích trầm trọng gây đau đớn khốc liệt, chỉ trong vòng vài ngày nàng qua đời và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba.
Mặc dù nàng đã tạo được nhiều nghiệp lành, việc nàng đã đặc biệt cúng dường Trưởng lão này vẫn là tối thắng hơn cả.
Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên cõi trời như được tả ở trên, liền hỏi nàng:
1. Ðoàn tiên hộ tống thật huy hoàng,
Dung sắc nàng làm sáng thập phương,
Ngọc nữ múa đàn cùng hát xướng,
Tiên đồng trang điểm biết bao chàng.
2. Tiên chúng làm nàng hỷ lạc luôn,
Vây quanh hầu cận thật vinh quang,
Ðây Lâu đài của nàng vàng ánh,
Thiên nữ, nàng trông đẹp rỡ ràng.
3. Nàng là bà chủ đám tiên này,
Ðược hưởng tràn trề lạc thú thay,
Ðầy đủ oai thần, dòng quý tộc,
Hân hoan giữa hội chúng như vầy,
Hỡi nàng Thiên nữ, khi ta hỏi,
Hãy nói nghiệp gì tạo quả đây.
Khi được Trưởng lão hỏi như vậy, Thiên nữ đáp:
4. Khi được sinh ra giữa thế nhân,
Con là người ở cõi phàm trần,
Ðã làm dâu của gia đình nọ
Yếu kém về đức hạnh bản thân.
5. Giữa người keo kiệt , chẳng tâm thành,
Con có lòng tin, đức hạnh lành,
Trong lúc ngài đang đi khất thực,
Con dâng chiếc bánh tự tay mình.
6. Con đã trình thưa với mẹ chồng,
'Mới đây vừa đến một Sa-môn,
Với Ngài, con có lòng thành tín,
Ðem bánh dâng bằng tay của con'.
7. Bà mẹ chồng liền mắng nhiếc con:
'Con dâu thiếu lễ giáo gia môn,
Mày không muốn hỏi xin ta đấy,
Khi muốn cho hành khất dọc đường!'.
8. Rồi mẹ chồng con nổi giận đầy,
Ðánh con túi bụi với cây chày,
Trúng vai con đã làm thương tổn,
Con chẳng sống thêm được mấy ngày.
9. Lúc ấy con thân hoại mạng chung,
Tự do, giải thoát cõi trần gian,
Tái sanh hội chúng trời Ðao lợi,
Tam thập tam thiên hỷ lạc tràn.
10. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
11. Xin trình Tôn giả đại oan thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
2. (30) Chuyện thứ hai - Lâu Ðài Do Cúng Mía (Ucchu-Vimàna)
Bấy giờ, bậc Ðạo Sư trú tại Ràjagaha cũng giống như trong chuyện trước. Song điểm khác ở đây là: nàng cúng dường khúc mía, và bị đánh bằng cái ghế chết ngay lập tức và được tái sanh lên cõi trời Ba mươi ba.
Ngay đêm ấy, nàng đến yết kiến bậc Trưởng lão, và giống như mặt trăng, mặt trời, nàng làm cho Linh Thứu Sơn rực sáng trong khoảnh khắc ấy. Ðảnh lễ Tôn giả xong, nàng đứng sang một bên với dáng điệu cung kính. Sau đó Trưởng lão hỏi nàng:
1. Quả đất cùng chung các vị thần
Ðược làm rạng rỡ thật vinh quang,
Như vầng nhật nguyệt, nàng soi sáng
Với ánh huy hoàng, vẻ mỹ quan,
Như Phạm Thiên siêu quần bạt chúng
Giữa Trời Ðao lợi với Thiên Hoàng.
2. Hỡi nàng mang các chuỗi thanh liên,
Cùng chuỗi bảo châu ở trán trên,
Da tựa vàng ròng, trang điểm đẹp,
Xiêm y tuyệt mỹ của thần tiên,
Nàng là ai đó, này Thiên nữ,
Ðảnh lễ ta rồi đứng một bên?
3. Nghiệp gì nàng đã tạo trên đời,
Kiếp trước sinh ra ở cõi người?
Bố thí vẹn toàn hay giữ giới?
Nhờ đâu vinh hiển, được lên trời?
Hỡi nàng Thiên nữ, khi ta hỏi,
Nghiệp quả gì đây, hãy trả lời.
Khi được Trưởng lão hỏi vậy, nàng Thiên nữ giải thích:
4. Mới đây, Tôn giả, chính trong làng,
Khất thực, đến nhà của chúng con,
Con cúng dường ngài cây mía nhỏ
Với lòng thành tín, nhiệt tâm tràn.
5. Sau đó mẹ chồng mắng chửi con:
'Mày quăng khúc mía ở đâu chăng?'
- Con không quăng cũng không ăn mía,
Con cúng Sa-môn đạt tịnh an.
6. 'Quyền của ta đây hoặc của mày?'
Mẹ chồng nói vậy, chửi con ngay,
Bà cầm chiếc ghế quăng con ngã,
Vong mạng, con thành Thiên nữ đây.
7. Ðó là thiện nghiệp trước con làm,
Phước quả này con hưởng vẹn toàn,
Thiên chúng cùng con vui thỏa thích
Năm nguồn dục lạc tạo hân hoan.
8. Ðó là thiện nghiệp trước con làm,
Phước quả này con hưởng vẹn toàn,
Thiên chủ cùng chư Thiên bảo hộ,
Ban cho dục lạc đủ năm nguồn.
9. Phước quả này không phải nhỏ nhoi,
Cúng dường mía kết quả cao vời,
Nay con hưởng lạc cùng Thiên chúng,
Tìm thú vui năm dục cõi trời.
10. Phước quả này không phải nhỏ nhen,
Cúng dường khúc mía với lòng tin
Tạo thành kết quả đầy vinh hiển,
Ðược hộ phò trong Hỷ lạc Viên,
Tam thập tam thiên nhờ Ðế Thích,
Như ngài ngàn mắt trú bình yên.
11. Tôn giả, hiền nhân thương xót con,
Ðến gần, con hỏi có khang an,
Rồi con dâng cúng ngài cây mía
Với tín tâm và hỷ lạc tràn.
3. (31) Chuyện thứ ba - Lâu Ðài Có Chiếc Trường Kỷ (Pallanka-Vimàna)
Bấy giờ, bậc Ðạo Sư trú tại Sàvatthi, ở Kỳ Viên. Thời ấy tại thành Sàvatthi, có con gái của một đệ tử tại gia được kết hôn với một nam tử của một gia đình khác cùng gia thế và hoàn cảnh tương tự trong thành ấy.
Nằng có bản tánh tốt đẹp, giữ giới hạnh toàn vẹn, tôn trọng chồng, hành trì Ngũ giới và đúng các ngày Bố-tát, nàng giữ Bát quan trai giới. Sau đó từ trần, nàng tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba.
Tôn giả Trưởng lão Mahà-Moggallàna du hành lên cõi thiên như (đã được tả trên) và hỏi nàng:
1. Trên bảo tọa tô điểm ngọc vàng,
Trăm hoa rải rắc, đẹp huy hoàng,
Trú kia, Thiên nữ oai nghi quá,
Biến hóa hình dung với lực thần.
2. Ðàn tiên này hộ tống quanh nàng,
Nhảy múa hát ca, tạo lạc an,
Nàng đắc thần thông Thiên chúng ấy,
Nay là Thiên nữ đại vinh quang,
Xưa làm người ở trong trần thế,
Nàng tạo nên công đức gì chăng?
Uy lực nàng vì sao rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
Thiên nữ giải thích cho Tôn giả qua các vần kệ này:
3. Khi được làm người giữa thế nhân,
Con là dâu quý tộc giàu sang,
Vâng lời chồng bảo, không hờn giận,
Và giữ ngày trai giới nhiệt tâm.
4. Kiếp xưa con đã được làm người,
Lòng dạ thơ ngây, thuở thiếu thời,
Làm đẹp ý chồng, tâm tín cẩn,
Ngày đêm phụng sự để vui đời.
5. Ngày xưa, giữ đạo lý luân thường,
Không sát sanh, tà dục, ác gian,
Không uống rượu nồng, không nói láo,
Con hoàn thành giới luật chu toàn.
6. Vào ngày mười bốn với mười lăm,
Và các ngày mồng tám, sáng trăng,
Ðặc biệt là ngày trong nửa tháng
Liên quan Bố-tát giới tu thân,
Lòng thành, trì Bát quan trai giới
Theo đúng pháp hành với nhiệt tâm.
7. Hành trì Thánh thiện pháp liên quan
Tám giới trang nghiêm, quả lạc an,
Tuân phục phu quân, và khả ái,
Con là đệ tử Phật Cồ-đàm.
8. Hành thiện pháp xưa ở giữa đời,
Dự phần ưu thắng vượt hơn người,
Ðến khi thân hoại, con thành đạt
Thần lực chư Thiên, đến cõi trời.
9. Trong Lâu đài lạc thú, vinh quang,
Ðược cả quần tiên hộ tống luôn,
Thiên nữ một đoàn đem hỷ lạc
Cho con trường thọ ở thiên đường.
4. (32) Chuyện thứ tư - Lâu Ðài Của Latà (Latà-Vimàna)
Bấy giờ, bậc Ðạo Sư trú tại Sàvatthi, ở Kỳ Viên. Thời ấy có một cô gái tên Latà, con của một đệ tử cư sĩ sống ở Sàvatthi, một thiếu nữ có học thức, nhiều tài năng và thông minh, về nhà chồng. Nàng rất khả ái đối với chồng, cha mẹ chồng, nói năng dịu dàng, nhân từ đối với gia nhân, có khả năng đảm đương công việc gia đình, tánh tình hiền thiện, thực hành giới hạnh hoàn hảo, thích thú bố thí, nàng lại tinh cần giữ Ngũ giới trọn vẹn và tuân thủ các ngày Bát quan trai giới.
Sau một thời gian nàng từ trần, và tái sanh làm con gái của Ðại Thiên Vương Vessavana (Tỳ-sa-môn). Song nàng vẫn có tên là Latà. Ngoài ra còn có bốn chị em khác là Sajjà, Pavarà, Acchimatì và Sutà.
Tất cả năm chị em đều được Sakka Thiên chủ bảo dưỡng và đưa vào vị trí thị giả của ngài nhờ khả năng ca múa. Song Latà được sủng ái nhất vì tài đàn hát múa của nàng. Khi nào các nàng hội họp, đều có tranh luận về tài năng âm nhạc. Cả năm đều đi đến Ðại Thiên vương Vessavana và hỏi:
- Tân phụ vương, ai trong chúng con có tài nhất về đàn hát múa ca?
Ngài đáp:
- Này các con, hãy đến chơi nhạc ở hội chúng chư Thiên bên bờ hồ Anottata. Tại đó, tài năng đặc biệt của các con sẽ thể hiện.
Các nàng làm theo lời ngài. Tại đó các tiên đồng không thể nào tự kiềm chế được khi Latà nhảy múa. Chư vị cười rộ lên vì tràn ngập kỳ thú, hoan nghênh không ngớt và vẫy khăn liên tục, chư vị gây huyên náo đến độ làm cho núi Tuyết Sơn như thể đang rung động.
Nhưng khi các nàng khác nhảy múa thì chư vị ngồi yên lặng như sơn ca mùa đông. Như vậy tại đại hội ấy, tài năng đặc biệt của Latà đã thể hiện rõ ràng.
Sau đó tư tưởng này khởi lên trong tâm Thiên nữ Sutà: 'Vì hạnh nghiệp gì nàng Latà này đã vượt trội chúng ta về vinh quang hiển đạt? Nào, ta muốn hỏi về hạnh nghiệp Latà đã làm'. Nàng đến hỏi và nàng kia giải thích vấn đề cho nàng rõ.
Ðại vương Vessavana bèn trình toàn thể câu chuyện với Tôn giả Mahà-Moggallàna nhân dịp Tôn giả du hành lên thiên giới. Khi trình bày vấn đề lên đức Thế Tôn từ duyên cớ đầu tiên của câu chuyện, Tôn giả nói về các nàng Latà, Sajjà, Pavatà, Acchimatì và Sutà như sau:
1. Năm nàng đây chính các tiên nương,
Con gái Tỳ-sa-môn Ðại vương,
Thiên đế huy hoàng, cao cả ấy,
Sáng ngời đức tính, tỏa hào quang.
2. Năm nàng Thiên nữ đến bên dòng,
Phủ kín hoa sen, tắm mát xong,
Khi đã đùa chơi, cùng múa hát,
Su-tà lại hỏi La-tà rằng:
3. Hỡi nàng mang các chuỗi sen xanh,
Và chuỗi bảo châu ở trán mình,
Da tựa vàng ròng, đen nháy mắt,
Sáng ngời như thể sắc thiên thanh,
Cuộc đời nàng lại thêm trường thọ,
Vì cớ sao nàng được nổi danh?
4. Thiên chủ quý yêu bạn nhất đoàn,
Hoàn toàn khả ái vẻ dung nhan,
Bạn tài giỏi múa ca đàn hát,
Và được quần tiên đến hỏi han.
Sau khi Sutà hỏi, Latà liền đáp:
5. Khi được làm người giữa thế nhân,
Em là dâu quý tộc giàu sang,
Tuân lời chồng bảo, không hờn giận,
Luôn giữ ngày trai giới nhiệt tâm.
6. Thuở em là một kẻ phàm nhân,
Em đã làm vui đẹp ý chồng,
Cha mẹ, em chồng, người giúp việc,
Cho nên được tiếng tốt vang lừng.
7. Do hoàn thành thiện nghiệp xưa kia,
Em xuất chúng luôn cả tứ bề:
Thọ mạng, dung quang và hạnh phúc,
Khang an, hưởng lạc thú tràn trề.
8. Các nàng nghe chuyện La-tà chăng?
Nàng giải đáp lời ta hỏi thăm:
Các đức phu quân là thiện thú
Tối cao cho cả đám hồng quần.
9. Tất cả chúng ta trong Pháp chân,
Hãy chăm lo phục vụ phu quân,
Nơi đâu những kẻ là trinh phụ
Theo Ðạo pháp này phải tận tâm
Thực hiện những điều La-tà nói,
Chúng ta sẽ hưởng được thiên ân.
10. Sư tử lang thang khắp núi rừng,
Trú trong hang đá, chốn nương thân,
Giết tan các vật nào hèn yếu,
Vì nó ăn loài thú bốn chân.
11. Vậy tín nữ theo các Thánh nhân,
Lòng thành, nương tựa đức phu quân,
Với chồng, giữ trọn niềm trinh tiết,
Tiêu diệt xan tham, thắng hận sân,
Người ấy thực hành theo Chánh pháp,
Ðời sau thọ hưởng cảnh thiên đàng.
5. (33) Chuyện thứ năm - Lâu Ðài Của Guttila (Guttila-Vimàna)
Trong lúc đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha, Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên thiên giới, như đã kể ở trên, đến cõi trời Ba mươi ba. Ở đó trong ba mươi sáu Lâu đài liên tiếp, Tôn giả thấy ba mươi sáu Thiên nữ hưởng thọ thiên lạc vinh quang với một đoàn tùy tùng gồm cả ngàn tiên nữ, và Tôn giả lần lượt hỏi, bắt đầu với vần kệ. 'Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm' về các thiện nghiệp được các nàng thành tựu.
Sau khi Tôn giả hỏi, các Thiên nữ đáp lời với các vần kệ, mà vần đầu tiên là:
Con đã dâng y đẹp tuyệt trần...
Sau đó Tôn giả về nhân thế, trình câu chuyện lên đức Thế Tôn. Khi nghe chuyện, đức Thế Tôn nói:
- Này Moggallàna, không phải các Thiên nữ chỉ được ông hỏi và đáp lời như vậy mà thôi, nhưng xưa kia, hội chúng ấy cũng được Ta hỏi và trả lời như vậy.
Rồi vị Trưởng lão thỉnh cầu, Ngài kể lại cuộc đời Guttila, một chuyện Tiền thân của Ngài. (Xem chuyện "Tiền thân đức Phật", quyển II số 243, Guttila Jàtaka).
1. Thất huyền cầm ấy thật du dương,
Ta phải đàn êm ái lạ thường,
Ðệ tử mời ta ra nhảy múa,
Ko-si-ya, hãy giúp ta cùng.
2. - Ta là nơi chốn bạn nương nhờ,
Ta vẫn thường tôn trọng giáo sư,
Ðệ tử sẽ không sao thắng bạn,
Giáo sư này sẽ thắng môn đồ.
Tương truyền rằng ba mươi sáu Thiên nữ ấy đã sinh làm người vào thời đức Phật Kassapa (Ca-diếp cổ Phật trước đức Gotama), và đã thực hành các công đức thiện sự như vầy; một người dâng y, một người dâng hương, một người dâng trái cây tuyệt hảo, một người dâng nước mía, một người in dấu năm ngón tay có tẩm hương tại Tháp của đức Thế Tôn, một người hành trì ngày trai giới, một người dâng nước lên một Sa-môn lúc ấy đang thọ thực vào giờ ngọ trai, một người vô sân phục vụ cha mẹ chồng cáu kỉnh, một nữ tỳ tận trung chuyên cần, một người dâng cháo sữa lên một Sa-môn đang khất thực, một người dâng mật mía, một người dâng khúc mía, một người dâng quả timbaru, một người dâng dưa hấu, một người dâng dưa bở, một người dâng dưa leo, một người dâng hoa phàrusaka, một người dâng lò than nhỏ bằng đất (để sưởi), một người dâng bó củ sen, một người dâng một nắm lá thuốc, một người dâng tương chua, một người dâng bánh mè, một người dâng dây thắt lưng, một người dâng dây treo ở vai, một người dâng tấm vải buộc vết thương, một người dâng quạt, một người dâng quạt lá kè, một người dâng dụng cụ đuổi ruồi bằng lông chim công, một người dâng dù che nắng, một người dâng mứt, một người dâng bánh ngọt.
Tất cả vị này được tái sanh cùng đoàn tùy tùng gồm cả ngàn tiên nữ để làm thị nữ của Sakka Thiên chủ. Khi được Guttila, giáo sư âm nhạc, hỏi thăm, mỗi vị lần lượt giải thích các thiện nghiệp đã làm, bắt đầu với vần kệ: 'Tín nữ dâng y đẹp tuyệt trần' v.v....
3. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng, toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
4. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
5. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
6. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Bèn giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng.
7. Tín nữ dâng y đẹp tuyệt trần,
Là người vinh hiển giữa nhân quần,
Người nào dâng các y như thế
Sẽ đạt thiên cung đẹp thỏa lòng.
8. Hãy ngắm Lâu đài đây của con,
Là Thiên nữ, con biến hóa khôn lường,
Vinh quang nhất giữa đàn tiên nữ,
Hãy ngắm quả thành tựu phước ân.
9. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào ưa chuộng
Trong dạ, tức thì xuất hiện ngay.
10. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
Giống như Lâu đài này của người dâng y, bốn Lâu đài kế tiếp cũng được triển khai như vậy: Các vần kệ thứ 3 đến thứ 10 được lập lại bốn lần với các điểm thay đổi sau:
1. Tín nữ dâng hoa đẹp tuyệt trần, ...
2. Tín nữ dâng hương ngát tuyệt trần, ...
3. Tín nữ cúng dâng quả tuyệt trần, ...
4. Tín nữ dâng cam lộ tuyệt trần, ...
18. Con đã in hình năm ngón tay,
Tẩm hương lên bảo Tháp thờ Ngài
Thế Tôn Ca-diếp thời sơ cổ,....
....
Giống như Lâu đài người in dấu năm ngón tay tẩm hương, bốn Lâu đài kế tiếp cũng được triển khai như vậy, và lập lại các vần kệ từ 8 đến 10, nhưng có các biến đổi sau đây thay thế vần kệ 18:
19. Con thấy Tăng Ni ở dọc đường,
Khi con nghe pháp của chư Tôn,
Con tuân thủ một ngày trai giới,
...
20. Khi đứng trên dòng với tín tâm,
Con dâng cúng nước một Sa-môn,
...
21. Xưa con hầu hạ mẹ cha chồng
Cáu kỉnh, gắt gay lại cộc cằn,
Con chẳng hận sân hay oán ghét,
Giữ gìn giới đức thật chuyên tâm.
22. Con là người phục dịch tha nhân,
Nô lệ chuyên cần việc bản thân,
Con chẳng hận sân hay ngã mạn,
Con là người đã được chia phần.
23. Khi đã hoàn thành sự nghiệp xong,
Tái sanh thiện thú, được hân hoan,
...
24. Con dâng cháo sữa một Sa-môn
Ðang bước đi cầu thực giữa đường,
Hãy ngắm Lâu đài con được hưởng....
...
Giống như Lâu đài của người cúng cháo sữa, hai mươi lăm Lâu đài khác cũng phải được khai triển như vậy:
25. Con dâng mật mía....
26. Con dâng khúc mía nhỏ...
27. Con dâng quả timbaru...
28. Con dâng dưa hấu...
29. Con dâng dưa bở....
30. Con dâng dưa leo....
31. Con dâng hoa phàrusaka....
32. Con dâng lò sưởi tay...
33. Con dâng một nắm rau xanh....
34. Con dâng một bó hoa nhỏ...
35. Con dâng một bó củ sen...
36. Con dâng một nắm lá thuốc...
37. Con dâng cháo xoài...
38. Con dâng bánh mè...
39. Con dâng dây thắt lưng..
40. Con dâng dây treo ở vai...
41. Con dâng tấm vải buộc vết thương...
42. Con dâng cây quạt...
43. Con dâng cây quạt lá kè...
44. Con dâng dụng cụ đuổi ruồi bằng lông công...
45. Con dâng cây dù che nắng...
46. Con dâng đôi dép...
47. Con dâng bánh dẻo...
48. Con dâng mứt kẹo...
49. Con dâng bánh ngọt lên một Sa-môn đi khất thực....
50. Hãy ngắm Lâu đài đây của con,
Là Thiên nữ con biến hóa khôn lường,
Vinh quang nhất giữa đàn tiên nữ,
Hãy ngắm quả thành tựu phước ân.
51. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
52. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
53. Lành thay ta đã đến hôm nay,
Hạnh phúc bừng lên, rạng rỡ ngày,
Vì được thấy đàn Thiên nữ ấy
Thay hình đổi dạng thỏa lòng đây.
54. Ðã nghe thiện pháp các nàng tiên,
Ta quyết thực hành lắm phước duyên:
Bố thí, tinh cần, thân chế ngự,
Ta nguyền đến cảnh chẳng ưu phiền.
6. (34) Chuyện thứ sáu - Lâu Ðài Rực Rỡ (Daddalha-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi ở Kỳ Viên. Thời ấy trong một làng nhỏ của thị trấn Nàlaka có một người khá giả, tình nguyện phụng sự Tôn giả Trưởng lão Revata (Ly-bà-la). Người ấy được hai con gái: một nàng tên Bhaddà, nàng kia là Subhaddà.
Bhaddà về nhà chồng, đầy đủ tín tâm và thông tuệ, nhưng nàng lại không sinh con. Nàng bèn nói với chồng:
- Thiếp có một em gái tên Subhaddà, hãy cưới em gái thiếp. Nếu em thiếp sanh con trai, nó cũng là con của thiếp và dòng dõi này không bị tuyệt tự.
Chồng bảo nàng:
- Ðược lắm.
Và chàng làm theo đề nghị của vợ.
Bấy giờ Bhaddà khuyên nhủ Subhaddà:
- Này em, hãy thích thú bố thí, và tinh cần sống theo chánh hạnh, như vậy sẽ có nhiều lợi lạc cho em trong đời hiện tiền này và đời sau.
Một hôm, Subhaddà theo lời khuyên của chị và làm theo điều nàng bảo, thỉnh cầu Tôn giả Revatà đến thọ thực cùng bảy vị khác. Chư vị đến nhà nàng. Ðầy đủ tín tâm, nàng tự tay phục vụ chư vị và thiết đãi Tôn giả Revatà cùng chư Tỷ-kheo các món cao lương mỹ vị đủ loại cứng và mềm. Vị Trưởng lão nói lời tùy hỷ công đức rồi ra đi.
Về sau, Subhaddà từ trần và tái sanh vào hội chúng Hóa Lạc thiên. Còn Bhaddà, trước kia chỉ cúng dường cho các cá nhân riêng lẻ, nên được tái sanh làm thị nữ của Sakka Thiên chủ.
Bấy giờ Subhaddà, nhân lúc suy nghĩ lại thành quả của chính mình,tự hỏi: 'Vì công đức nào mà nay ta đã hóa sinh tại đây?'. Và nhận ra chính nàng đạt được cảnh giới này do cúng dường Tăng chúng theo lời khuyên của Bhaddà. Rồi trong lúc nàng hỏi: 'Thế Bhaddà nay ở đâu?', nàng thấy chị nàng đã tái sanh làm thị nữ của Sakka, và do lòng thương tưởng chị kiếp trước, nàng bước vào Lâu đài của chị. Lúc ấy Bhaddà hỏi nàng:
1. Chói lọi dung nhan đẹp rỡ ràng,
Hỡi nàng Thiên nữ đại vinh quang,
Sáng ngời vượt hẳn bao Thiên nữ
Tam thập tam thiên giới vẻ vang.
2. Ta chẳng nhớ ta đã gặp nàng,
Ðây lần đầu diện kiến dung nhan,
Từ Thiên chúng cõi nào đi đến,
Và gọi tên ta thật rõ ràng?
Nàng ngâm hai vần kệ giải thích:
3. Bhad-dà, em chính Su-bhad-dà,
Khi ở cõi người một kiếp xưa,
Em lấy chồng chung cùng chị đó,
Em là tiểu muội chị đây mà.
4. Ðến lúc em thân hoại mạng chung,
Tự do giải thoát cõi hồng trần,
Về sau cộng trú cùng Thiên chúng
Hóa Lạc thiên vui thú tột cùng.
Bhaddà lại hỏi nàng:
5. Những người làm thiện nghiệp an lành
Ði đến cõi trời để tái sanh,
Em được sanh cùng Thiên chúng ấy,
Su-bhad-dà phát biểu phân minh.
6. Nhưng làm sao có pháp môn nào
Em được người nào dạy ở đâu,
Bố thí cách nào hành thiện sự
Làm em sáng chói giữa trời cao?
7. Ðã đạt đến danh vọng lẫy lừng,
Vinh quang xuất chúng, hưởng thiên ân,
Khi nàng Thiên nữ nghe lời hỏi,
Quả ấy nghiệp gì, hãy giải phân.Subhaddà đáp:
8. Cúng dường vừa đúng tám phần ăn,
Kiếp trước tự tay em hiến dâng,
Ðầy đủ tín tâm đem bố thí
Chúng Tỳ-kheo xứng đáng chia phần.
9. Vì thế sắc em đẹp thế này,
Và em vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
10. Xin trình Thiên nữ đại oai thần
Công đức em làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi em rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.
Sau đó Bhaddà hỏi nàng:
11. Với tự tay mình, đủ tín tâm
Chị đem nhiều thực phẩm cung dâng
Sa-môn, Phạm hạnh, thân điều phục,
Hơn cả em ngày trước đã làm.
12. Sau khi đã bố thí nhiều hơn,
Chị đến với Thiên chúng hạ tầng,
Sao em cúng ít hơn thời ấy,
Lại được vinh quang thật lẫy lừng?
Thiên nữ, khi em vừa được hỏi,
Nghiệp gì quả ấy, hãy phân trần.
Subhaddà lại nói:
13. Xưa em gặp một vị tu hành,
Là bậc thầy làm khởi tín thành,
Em thỉnh cầu ngài về thọ thực,
Ly-bà-la, với bảy đồng hành.
14. Ngài chú tâm làm lợi hữu tình,
Vì lòng lân mẫn đối quần sanh,
Dạy em: 'Bố thí lên Tăng chúng',
Vì vậy em y giáo phụng hành.
15. Lễ vật cúng dường lên chúng Tăng
Trú an trong quả lớn vô ngần,
Chị đem bố thí từng người một
Chẳng được hưởng nhiều quả phước ân.
Khi Subhadda đã nói như vậy, Bhaddà chấp nhận ý nghĩa trên và ước mong đời sau sẽ nhiệt tình noi gương em nàng, bèn ngâm kệ:
16. Nay biết cúng dường lên chúng Tăng
Ðược nhiều phước quả lớn vô ngần,
Khi nào trở lại làm người nữa,
Chị sẽ chuyên tâm việc cúng dường
Lên chúng Tỷ-kheo nhiều mãi mãi,
Lòng đầy hào phóng, chẳng xan tham.
Rồi Subhaddà trở lại thiên giới của nàng. Sau đó, khi Sakka Thiên chủ thấy Thiên nữ ấy sáng chói nhờ hào quang của sắc thân nàng vượt trội hơn hẳn Thiên chúng cõi trời Ba mươi ba, và đã nghe câu chuyện giữa hai nàng, nên ngay sau khi Subhaddà biến mất, ngài không biết nàng là ai, bèn hỏi Bhaddà:
17. Ai là Thiên nữ, hỡi Bhad-dà,
Trò chuyện cùng nàng thật nết na,
Nàng ấy vượt lên về mỹ sắc
Mọi Thiên thần cõi Ba mươi ba?
Nàng tâu trình Thiên chủ:
18. Tâu ngài Thiên chủ, ở phàm trần,
Kiếp trước sinh làm một nữ nhân,
Nàng đã cùng con làm tỷ muội,
Chúng con thời ấy lấy chung chồng,
Bởi vì nàng cúng dường Tăng chúng,
Nay sáng ngời lên với phước ân.
Sau đó Sakka Thiên chủ thuyết pháp, nêu rõ thành quả vĩ đại của lễ vật đáng tuyên dương mà nàng đã cúng dường Tăng chúng:
19. Ngày xưa Thiên nữ ấy em nàng,
Nhờ thiện pháp, nay chiếu ánh quang,
Nàng đã cúng dường lên Thánh chúng,
Trú an trong quả lớn vô lường.
20. Trước kia trên đỉnh Thứu Linh Sơn,
Ta hỏi Phật-đà, đức Thế Tôn,
Về sự kết thành do bố thí,
Nơi nào đem quả lớn khôn lường.
21. Ðối với phàm nhân chúng hữu tình
Cúng dường mong phước đức phần mình,
Nơi nào bố thí nhiều thành quả
Mang lại cho người lúc tái sanh?
22. Phật-đà trước đã hiểu tinh tường
Nghiệp quả tạo nên bởi cúng dường,
Bố thí nơi nào đem quả lớn,
Nên Ngài giảng giải với ta rằng:
23. Bốn người đang tiến bước lên đường,
Và bốn người đắc quả trú an,
Tăng chúng chánh chân và chú trọng
Thực hành Giới, Ðịnh, Tuệ tinh cần.
24. Ðối với phàm nhân, chúng hữu tình
Cúng dường mong phước đức cho mình,
Dâng nhiều lễ vật lên Tăng chúng
Ðem quả lớn về lúc tái sanh.
25. Vì Tăng chúng rộng lớn mênh mang,
Sâu thẳm không lường giống đại dương,
Ðệ tử bậc Anh hùng dưới thế
Là người tối thắng giữa phàm nhân,
Nơi nào Tăng chúng đi truyền pháp,
Chư vị đều mang đến ánh quang.
26. Những người đem lễ cúng chư Tăng,
Lễ vật cúng dường thật chánh chân,
Bố thí, hiến dâng theo Chánh pháp,
Lễ kia mang quả lớn vô cùng,
Cúng dường lễ vật lên Tăng chúng
Ðược các Phật-đà tán thán luôn.
27. Tích đức này đây chính phước điền,
Những người kia tiến bước đi lên
Giữa đời, tâm ngập tràn hoan hỷ,
Khi đã diệt ô nhiễm thấp hèn
Của thói xan tham cho tận gốc,
Không còn lầm lỗi, sẽ sanh Thiên.
Sakka Thiên chủ kể toàn chuyện này với Tôn giả Mahà-Moggallàna, Tôn giả lại trình lên Thế Tôn. Ngài lấy đó làm một dịp thuyết pháp.
7. (35) Chuyện thứ bảy - Lâu Ðài Của Sesavati (Sesavati-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Kỳ Viên. Thời ấy trong làng Nàlaka nước Ma-kiệt-đà (Magadha) có một nàng dâu trong nhà một gia chủ giàu tiền của.
Chuyện kể rằng nhiều kiếp trước, khi ngôi kim Tháp rộng một do-tuần đang được xây để thờ đức Thế Tôn Kassapa, nàng còn là một thiếu nữ cùng đi với mẹ đến khuôn viên của đền thờ này và hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, các người này đang làm gì thế?
- Họ đang đúc gạch bằng vàng để xây tháp.
Khi nghe vậy, cô gái có tín tâm liền bảo mẹ:
- Mẹ ơi, ở cổ con có món nữ trang nhỏ này bằng vàng. Con muốn đem nó tặng vào ngôi bảo Tháp.
- Thế thì tốt lắm, con hãy đem cúng nó đi.
Rồi tháo món nữ trang từ cổ con gái ra trao tận tay người thợ vàng, bà bảo:
- Ðây là phần đóng góp của con bé này. Hãy thêm nó vào viên gạch ông đang đúc nhé.
Người thợ vàng làm theo lời ấy.
Về sau cô gái từ trần và do công đức đặc biệt kia, được tái sanh vào thiên giới, rồi lần lượt đi từ thiện thú này đến thiện thú khác; vào thời đức Thế Tôn Gotama, nàng tái sanh ở làng Nàlaka.
Một hôm nàng được mẹ sai đi làm việc cho bà, nàng đem một ít tiền đến một tiệm mua dầu. Trong tiệm này có một gia chủ đang đào đất để lấy một số lớn đồng tiền, vàng, ngọc trai, châu báu đủ loại đã được cha chôn giấu để dành từ xưa. Người chủ tiệm thấy rằng vì nghiệp quả của mình, chúng đã biến thành sỏi đá. Sau đó vị ấy chất thành một đống, cất vào một nơi để quan sát chúng vừa tự bảo: 'Do năng lực của những người đầy đủ công đức, chúng sẽ trở thành vàng bạc, đồng tiền như xưa'.
Bấy giờ cô gái thấy vậy bèn hỏi:
- Sao các đồng tiền kahàpana và châu báu được chất đống thế này? Hiển nhiên chúng cần phải được cất giữ đúng đắn mới phải.
Người chủ tiệm nghe vậy tự nghĩ: 'Cô gái này có đại phước đức. Nhờ cô này tất cả của cải này sẽ biến thành vàng bạc cả, và sẽ có giá trị cho ta. Ta sẽ đối xử với cô ấy thật ân cần tử tế'.
Ông liền đến gặp mẹ nàng và xin cầu hôn nàng:
- Xin hãy gả con gái bà cho con trai tôi.
Ông trao tặng nàng một số tài sản lớn, tổ chức lễ cưới linh đình và rước cô gái về nhà mình.
Sau đó, nhận thấy rõ đức hạnh của nàng, ông mở kho gia bảo ra và nói:
- Con thấy cái gì đây?
Nàng đáp:
- Con chẳng thấy gì ngoài một đống tiền, vàng, và châu báu.
Ông lại bảo:
- Các châu báu này đã biến mất vì kết quả các nghiệp ác của nhà ta, nay nhờ các nghiệp ưu thắng của con, chúng đã trở thành bảo vật. Vậy từ nay chỉ mình con trong nhà này được cai quản mọi sự. Còn chúng ta sẽ chỉ dùng những thứ gì do con định đoạt.
Từ đó mọi người biết nàng qua danh hiệu Sesavati (Nữ phú gia).
Vào thời ấy Tôn giả Tướng quân Chánh pháp Sàriputta biết các hành nghiệp của đời mình đã chấm dứt, bèn suy nghĩ: 'Ta sẽ trao bảo vật cho mẹ ta, nữ nhân Bà-la-môn Rùpasari, để làm nơi nương tựa cho bà, rồi ta sẽ đắc Niết-bàn vô dư y'.
Tôn giả liền đến gần đức Thế Tôn, thông báo cho Ngài biết Niết-bàn vô dư y của mình sắp đến, và theo lệnh của bậc Ðạo Sư, Tôn giả thị hiện một phép đại thần thông, rồi nói hàng ngàn lời tán thán đức Thế Tôn và khởi hành; mặt vừa hướng thẳng về phía Thế Tôn, vừa lùi dần cho đến khi khuất dạng Ngài.
Khi đã ra đi khuất dạng, Tôn giả còn đảnh lễ Ngài một lần nữa, rồi được chúng Tỷ-kheo vây quanh, Tôn giả rời tinh xá. Tôn giả đưa huấn thị cho Tăng chúng xong, lại an ủi Tôn giả Ananda, và bảo tứ chúng quay về sau khi tiễn đưa Tôn giả. Vừa đúng lúc đến làng Nalaka, an trú mẫu thân Tôn giả vào quả vị Dự Lưu. vào lúc rạng đông, Tôn giả đắc Niết-bàn vô dư y ngay ở trong căn phòng mà Tôn giả đã được sinh ra. Sau đó cả chư Thiên và loài Người cùng làm lễ cung kính cúng dường di hài Tôn giả suốt bảy ngày. Họ làm dàn hỏa thiêu cao một trăm cubit (45m) với đủ loại chiên-đàn và hương liệu.
Nàng Sesavati cũng nghe tin về Niết-bàn vô dư y của Tôn giả. Nàng bảo: 'Ta sẽ đi đảnh lễ ngài', và dặn gia nhân đặt hoa bằng vàng đầy hộp và đem hương liệu đến, nàng muốn xin phép cha chồng ra đi.
Ông bảo nàng:
- Con đang mang thai và ở đó đông nghẹt cả người, vậy con nên ở nhà và gửi hương hoa đến thôi.
Tuy thế, nàng đầy tín tâm, suy nghĩ: 'Cho dù có nguy hiểm đến tính mạng ta tại đó, ta cũng muốn đi hành lễ cúng dường'. Rồi không nghe lời khuyên của ông, nàng cùng các người hầu cận ra đi, cúng dường hương hoa xong, nàng đứng chắp tay trước ngực trong dáng điệu sùng kính.
Vào lúc ấy, một con voi đang lên cơn động tình ở trong đoàn tùy tùng của hoàng gia đến làm lễ cúng dường Tôn giả Trưởng lão, thình lình chạy vào đó, khi mọi người thấy nó, liền hốt hoảng chạy trốn vì sợ chết, đám đông ấy dẫm chết Sesavati, nàng đã ngã gục trong đám người chen lấn nhau.
Nàng đã hoàn thành lễ cúng dường và từ trần với niềm tin đối với Tôn giả. Tâm đầy thành tín, nàng được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba.
Khi quan sát thành quả của nàng và suy luận ra nguyên nhân, nàng thấy chính là do lễ cúng dường Tôn giả Trưởng lão, nên với lòng thành tín hướng về Tam Bảo, nàng cùng Lâu đài của nàng du hành đến đảnh lễ bậc Ðạo Sư, vừa bước xuống khỏi Lâu đài, nàng đứng chắp tay trước ngực trong dáng điệu sùng kính.
Thời ấy Tôn giả Vangìsa, đang ngồi cạnh đức Thế Tôn nói như vầy:
- Bạch Thế Tôn, con muốn hỏi Thiên nữ kia về công đức phước nghiệp mà nàng đã làm.
Ðức Thế Tôn bảo:
- Này Vangìsa, cứ làm như vậy đi.
Sau đó Tôn giả Vangìsa ngâm kệ tán thán Lâu đài của nàng trước tiên:
1. Với ánh sáng ngời của thủy tinh,
Bạc vàng bao phủ khắp chung quanh,
Lâu đài diễm lệ đầy màu sắc,
Ta thấy nơi cư trú hiển vinh,
Ðầy đủ cửa vòng cung chạm trổ,
Cát vàng rải rắc lối Thiên đình.
2. Như mặt trời xua bóng tối tan,
Về thu chiếu sáng khắp mười phương,
Lâu đài chói lọi trên thiên đỉnh
Như cột lửa bừng ánh dạ quang.
3. Chẳng khác nào tia chớp sáng lòa,
Khiến hồn mê mẩn giữa trời xa,
Vang lừng chũm chọe, đàn, kèn, trống,
Tráng lệ như thành phố Ind-ra.
4. Ðây đó hoa sen đỏ, trắng, xanh,
Hoa lài, dâm bụt đỏ đầy cành,
A-so-ka với Sà-la nở,
Cây đẹp tỏa hương ngát dịu lành.
5. Viền quanh thông, mít, Bhu-ja-ka,
Chằng chịt hoa leo đám cọ dừa,
Sen, súng đâm chồi như bảo ngọc,
Hồ sen tuyệt mỹ, hỡi tiên nga!
6. Bất kỳ dưới nước có hoa nào,
Hoặc ở đất bằng hoa mọc sao,
Dù thuộc thiên thần hay hạ giới,
Chúng đều mọc ở tại lầu cao.
7. Ðây là kết quả sự tu hành,
Ðiều phục tự thân, được hóa sanh,
Do nghiệp gì, Lâu đài đạt được?
Hỡi nàng Thiên nữ nói cho minh.
Sau đó Thiên nữ đáp:
8. Cách nào con đạt Lâu đài này
Có công, hạc, trĩ đến từng bầy,
Hồng nga, ngỗng xám, sơn ca hót,
Vang dội tiếng chim lảnh lót thay.
9. Ðầy đủ cây hoa tỏa rộng cành:
Vô ưu, đào đỏ với kèn xanh,
Làm sao con đạt Lầu thiên giới,
Tôn giả nghe con sẽ thuyết trình.
10. Hưng thịnh miền đông Ma-kiệt-đà,
Có làng tên gọi Na-la-ka,
Xưa làm dâu một nhà nơi ấy,
Dân chúng gọi con 'Nữ phú gia'.
11. Tâm con tràn ngập nỗi hân hoan,
Rải rắc hoa thơm khắp đại nhân,
Ngài được trời, người đồng kính mộ
Về tài thuyết pháp lẫn hồng ân,
Phước điền vô thượng là Tôn giả
Xá-lợi-phất vừa xả báo thân.
12. Sau khi con kính lễ ngài xong,
Ngài đã về nơi tối thượng tầng,
Ðại giác giả mang thân cuối ấy,
Con từ giã thể xác phàm trần,
Ði lên Tam thập tam thiên giới,
Con đến nơi này để trú thân.
8. (36) Chuyện thứ tám - Lâu Ðài Của Mallikà (Mallikà-Vimàna)
Sau khi, đã hoàn thành nhiệm vụ của bậc Giác Ngộ, từ thời Chuyển Pháp luân cho đến thời giáo hóa du sĩ ngoại đạo Subhadda, vào lúc rạng đông một đêm trăng tròn tháng Visàkha, giữa đôi Sàla song thọ tại Upavattana, rừng Sàla của các quốc vương Malla ở Kusinàrà, đức Thế Tôn, nơi nương tựa của thế gian đã viên tịch trong Niết-bàn giới vô dư y, và trong lúc kim thân của Ngài được chư Thiên và loài Người cúng dường, một tín nữ ở Kusinàrà tên Mallikà thuộc dòng họ các quốc vương Malla, vợ của Bandhula, một người mộ đạo, đầy tín tâm, lấy nước hương thơm rửa bộ nữ trang hình tấm mạng lớn (để phủ quanh thân), giống như bộ nữ trang của đại tín nữ Visàkhà, và lau chùi thật bóng với một miếng vải mịn, rồi đem theo nhiều đồ vật khác như hương liệu, vòng hoa v.v.... đến đảnh lễ di hài đức Thế Tôn.
[Ðây chỉ là phần sơ lược, còn chuyện Mallikà có đầy đủ chi tiết trong bộ Luận Pháp cú (Dh.A.III.119, Mallikàdevivatthu) ]
Về sau, Mallikà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Vì nàng đã cúng dường lễ vật như vậy, nên nàng được hưởng vô lượng Thiên lạc huy hoàng. Xiêm y nữ trang, lâu đài, đều sáng chói với thất bảo, cùng với ánh sáng của vàng ròng tuyệt hảo, rực rỡ chiếu khắp mười phương với kim sắc như thể rải rắc mọi hướng với những tia vàng tinh chất.
Bấy giờ Tôn giả Nàrada đang du hành giữa Thiên chúng, trông thấy nàng bèn lại gần. Nàng cung kính đảnh lễ Tôn giả, rồi đứng chắp tay trong dáng điệu sùng kính. Tôn giả hỏi nàng:
1. Thiên nữ khoác y phục ánh vàng,
Ðiểm trang đầy ngọc báu kim hoàn,
Thượng y vàng chói trông kiều diễm,
Nàng chiếu sáng dầu chẳng điểm trang.
2. Nàng đeo vòng đủ sắc là ai,
Chiếc mão điểm trang tỏa sáng ngời,
Che phủ mạng vàng ròng óng ả,
Với bao hàng chuỗi ngọc buông lơi.
3. Bảo vật hoàng kim kết ngọc hồng,
Ngọc trai và ngọc thạch chen lồng,
Minh châu mắt báo và hồng ngọc
Như mắt bồ câu ngọc sáng trong.
4. Tiếng chim khổng tước đáng yêu thay,
Tiếng của hồng nga chúa ở đây
Cùng tiếng sơn ca êm ái quá,
Dịu dàng nghe chúng hót từng bầy,
Khác nào âm điệu đàn năm thứ
Ðồng tấu lên hòa khúc nhạc hay.
5. Xe của nàng hoàn hảo sáng ngời,
Khảm đầy bảo ngọc thật xinh tươi,
Thiên xa lộng lẫy và cân xứng,
Hình dáng hài hòa khắp mọi nơi.
6. Thân sắc nàng như bức tượng vàng,
Ðứng bên xe ngọc tỏa hào quang,
Hỡi nàng Thiên nữ, khi ta hỏi,
Hãy nói nghiệp gì quả ấy mang?
Và Thiên nữ đáp lời:
7. Tấm mạng vàng ròng với bảo trân,
Ngọc trai dày đặc phủ kim ngân,
Lòng thành con cúng Cồ-đàm Phật
Vô lượng phước điền tịch diệt xong.
8. Sau khi thiện sự đã hoàn toàn,
Công đức được chư Phật tán dương,
Con thọ hưởng Lâu đài hạnh phúc,
Vô sầu, vô bệnh, mãi an khương.
9. (37) Chuyện thứ bảy - Lâu Ðài Của Visàlakkhì (Visàlakkhì-Vimàna)
Sau khi đức Thế Tôn đã viên tịch, khi Ðại vương Ajàtasattu (A-xà-thế) đã xây một đại Tháp ở Ràjagaha trên phần xá-lợi mà vua nhận được và cử hành lễ hội cúng dường xong, cô con gái một nhà làm vòng hoa tên Sunandà, một tín nữ, một vị Thánh đệ tử đắc quả Dự Lưu, gửi nhiều tràng hoa thơm đến cúng bảo Tháp, và vào các ngày trai giới, chính nàng đi đến đó lễ bái.
Về sau, lúc từ trần, nàng được tái sanh làm thị nữ của Sakka Thiên chủ và một hôm Thiên chủ đi vào Lâm viên Cittalatà, thấy nàng đứng đó mà không bị ảnh hưởng bởi ánh hào quang của tất cả các vị Thiên thần chung quanh nàng.
Ngài bèn hỏi nàng lý do:
1. Thiên nữ là ai cặp mắt huyền,
Trong vườn lạc thú Cit-ta Viên,
Nàng đang đi dẫn đầu tiên chúng
Hầu cận quanh nàng ở cõi thiên.
2. Khi chư Thiên cõi Ba mươi ba
Vào Lạc Viên này đủ mã, xa,
Tất cả hào quang toàn hội chúng
Ðồng thời được phóng tỏa lan ra.
3. Song nàng đã đến tận nơi đây,
Dạo bước Lâm viên lạc thú này,
Thân thể nàng không ai chiếu sáng,
Vì sao dung sắc được như vầy,
Hỡi nàng Thiên nữ, khi nghe hỏi,
Hãy nói nghiệp gì tạo quả đây?
Khi được Sakka Thiên chủ hỏi, Thiên nữ Sunandà đáp lời qua các vần kệ này:
4. Thiên chủ, nghiệp xưa tạo quả này,
Hình dung, sanh thú của con đây,
Vinh quang, uy lực, tâu Thiên chủ,
Xin lắng nghe con sẽ giải bày.
5. Vương Xá thành đầy lạc thú kia,
Con là tín nữ Su-nan-dà,
Tín tâm đầy đủ hành trì giới,
Bố thí hân hoan rộng rãi mà.
6. Các thứ đèn dầu, thức uống ăn,
Tọa sàng, y phục thứ cần dùng,
Con dâng cúng những người chơn chánh,
Cùng với niềm thành tín nhiệt tâm.
7. Vào ngày mười bốn với mười lăm,
Mồng tám, những ngày có sáng trăng,
Ðặc biệt là ngày trong nửa tháng
Liên quan Bố-tát giới tu thân,
Con hành trì Bát quan trai giới,
Ðức hạnh con luôn sống hộ phòng.
8. Hại mạng sát sanh con tránh xa,
Giữ mình không dối trá sai ngoa,
Cũng không trộm cắp hay tà dục,
Thói uống rượu say cũng đoạn trừ.
9. Hân hoan giữ Ngũ giới tu hành,
Thành Ðế con nghiên cứu thật tinh,
Ðệ tử đức Cồ-đàm Giác giả,
Là người có mắt, đấng lừng danh.
10. Thuở trước một nhà quyến thuộc con
Ðã đưa con đủ loại hoa vòng,
Con dâng tất cả vòng hoa ấy
Tại tháp của Ngài, đức Thế Tôn.
11. Vào ngày trai giới có trăng rằm,
Con đến cúng dường với tín tâm,
Hương liệu, vòng hoa, dầu đủ thứ,
Tại đền bảo Tháp, chính tay dâng.
12. Vì hạnh nghiệp ngày trước của con,
Dâng tràng hoa, tấu đức Thiên hoàng,
Hình dung, cảnh giới này con đạt,
Vinh hiển cao sang, đủ lực thần.
13. Vì hạnh nghiệp xưa tạo ở đời,
Con thường giữ giới Bát quan trai,
Kết thành thiện quả ngày sau đến,
Thiên chủ, con mong đạt Bất lai.
Rồi Sakka Thiên chủ trình vấn đề này với Tôn giả Vangìsa. Tại Hội nghị kết tập Kinh điển, Tôn giả thuật chuyện này với chư Trưởng lão thời ấy đang biên soạn Giáo pháp và chư vị thêm chuyện này đúng như thật vào Kinh tạng.
10. (38) Chuyện thứ mười - Lâu Ðài Cây San Hô (Paricchattaka-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn, trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên. Một đệ tử tại gia đầy tín thành cúng dường thực phẩm lên đức Thế Tôn tại nhà riêng vô cùng trọng thể.
Ngay lúc ấy một nữ nhân lượm củi trong Hắc lâm thấy một cây Vô ưu (Asoka) đang nở hoa. Bà đi nhặt các cành hoa đến rải quanh đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ Ngài rồi ra về.
Sau đó bà từ trần, được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba, hưởng lạc thú tại Hỷ lạc Viên Nandana, cùng với đoàn tiên nữ ca múa tham dự lễ hội dưới cây Thiên hoa San hô. Tôn giả Mahà-Moggallàna cũng thấy nàng và hỏi nàng như vầy:
1. Cùng với San hô, các loại hoa,
Vườn tiên tuyệt mỹ đẹp lòng ta,
Kết thành từng chuỗi hoa thiên giới,
Nàng thích thú và cất tiếng ca.
2. Trong khi nàng múa với toàn thân,
Xoay tít tứ chi khắp mọi phương,
Âm nhạc thiên đình vang vọng đến
Bên tai nghe quả thật du dương.
3. Trong khi nàng múa với toàn thân,
Xoay tít tứ chi khắp mọi phương,
Nhè nhẹ hương trời lan tỏa rộng,
Làn hương dịu ngọt tạo hân hoan.
4. Ðang lúc nàng di chuyển dáng hình,
Trâm cài tóc bím kết bên mình,
Âm vang như tiếng tơ hòa tấu
Năm thứ đàn huyền diệu hợp thành.
5. Vòng tai được gió thổi ngang qua,
Lay động theo làn gió nhẹ đưa,
Âm hưởng các vòng vàng ngọc ấy
Khác nào năm tiếng nhạc đồng hòa.
6. Và hương của các chuỗi phương hoa
Khả ái trên đầu nhẹ tỏa ra,
Thoang thoảng bay đi khắp mọi hướng
Giống như cây mạn-thù-sa-ka,
7. Nàng thở làn hương thật ngọt ngào,
Nàng nhìn vẻ đẹp cõi trời cao,
Hỡi nàng Thiên nữ khi nghe hỏi,
Hãy nói quả đây của nghiệp nào.
Sau đó Thiên nữ đáp lời:
8. Thuở trước con dâng cúng Phật-đà
Những vòng hoa đẹp A-so-ka,
Ðỏ hồng, rực sáng như màu lửa,
Ngào ngạt hương thơm thoang thoảng đưa.
9. Khi đã thực hành thiện nghiệp xong,
Nghiệp lành được đức Phật tuyên dương,
Nay con thọ hưởng nhiều ân phước,
Vô bệnh, vô sầu, mãi lạc an.
Tổng Kết
- Lâu đài Huy Hoàng, Lâu đài người cúng khúc mía, Lâu đài Trường kỷ, Lâu đài Lata.
- Lâu đài Guttila, Lâu đài Sáng chói, Lâu đài Sesavati, Lâu đài Mallikà, Lâu đài Vìsalakkhi,
- Lâu đài Cây San hô.
Phẩm này được biết qua các chuyện trên.
Phẩm Ba : Cây San Hô
1. (39) Chuyện thứ nhất - Lâu Ðài Ðỏ Sẫm (Manjetthaka-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên. Lúc Ngài đang được cúng dường thực phẩm theo cách được miêu tả trong Lâu đài trước, một nữ tỳ của nhà nọ đã lượm hoa từ cây Sàla đang nở rộ trong Hắc Lâm, xâu từng chuỗi thành những bó hoa nhỏ, rồi lượm rất nhiều hoa quý, những hoa đã rụng, và nàng đi vào thành.
Nàng thấy đức Thế Tôn đang an tọa trong ngôi đình, và với tín tâm, nàng trân trọng cúng dâng các bó hoa ấy đặt chung quanh tọa cụ của Ngài, rải thêm các hoa kia, rồi cung kính đảnh lễ Ngài, đi vòng quanh Ngài ba lần theo đúng nghi thức và ra đi.
Về sau nàng từ trần, và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Tại đây, một Lâu đài dành cho nàng được làm bằng pha lê đỏ, và trước đó là một rừng Sàla hùng vĩ với mặt đất được rải cát vàng. Khi Thiên nữ bước ra khỏi Lâu đài và đi vào rừng Sàla, các cây hoa rạp mình xuống và rắc hoa trên thân nàng.
Tôn giả Mahà Moggallàna đến gần nàng như đã tả ở trên, và hỏi nàng:
1. Ðỏ sẫm lầu cao trải cát vàng,
Kìa nàng Thiên nữ thật vinh quang,
Nàng đang thưởng thức đàn hòa tấu,
Năm thứ âm thanh tuyệt dịu dàng.
2. Nàng bước xuống lầu lộng lẫy kia
Làm bằng châu ngọc trải kim sa,
Vào rừng song thọ Sà-la ấy,
Diễm lệ muôn đời nở rộ hoa.
3. Dưới từng gốc đại thọ Sà-la,
Nàng đứng dừng chân, Thiên nữ kia,
Hùng vĩ cây nghiêng mình cúi rạp
Trước nàng, rải rắc cả muôn hoa.
4. Mùi hương của đại thọ Sà-la,
Lay động theo làn gió nhẹ đưa,
Chim chóc dập dìu bay mọi hướng,
Khác nào cây mạn-thù-sa-ka.
5. Nàng thở làn hương thanh tịnh thay,
Nàng nhìn vẻ đẹp quý cao này,
Hỡi nàng Thiên nữ, khi nghe hỏi,
Hãy nói nghiệp gì tạo quả đây.
Khi được nghe Trưởng lão hỏi, nàng Thiên nữ ngâm các vần kệ đáp lời:
6. Thuở được làm người giữa thế nhân,
Con là nô lệ của nhà chồng,
Khi nhìn đức Phật đang an tọa,
Con rải Sa-la để cúng dâng.
7. Thời ấy tâm đầy đủ tín thành,
Con dâng lên với chính tay mình
Phật-đà một chiếc vòng hoa đẹp
Bằng đám Sà-la kết thật tinh.
8. Khi đã thực hành thiện nghiệp xong,
Nghiệp lành đức Phật tuyên dương,
Nay con thọ hưởng nhiều ân phước,
Vô bệnh, vô sầu, mãi lạc an.
2. (40) Chuyện thứ hai - Lâu Ðài Sáng Chói (Pabhassara-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha. Thời ấy ở Ràjagaha có một đệ tử cư sĩ đầy tín thành đối với Trưởng lão Mahà-Moggallàna. Một trong hai cô con gái vị này là một tín nữ có lòng thành kính đối với bậc Trưởng lão ấy.
Một hôm Tôn giả Mahà-Moggallàna đi khất thực trong thành Ràjagaha, đến tận nhà ấy. Cô gái thấy Tôn giả, lòng đầy hoan hỷ, bảo sửa soạn chỗ ngồi, và khi Tôn giả đã an tọa tại đó, nàng cúng dường một tràng hoa lài và đổ đầy mật mía vào bình bát của Trưởng lão. Tôn giả vẫn ngồi yên vì muốn nói lời tùy hỷ công đức. Cô gái tỏ ý rằng nàng không có thì giờ để nghe Tôn giả vì đang bận nhiều công việc nhà, và nói:
- Con sẽ xin nghe Pháp vào một ngày khác.
Rồi nàng cung kính đảnh lễ vị Trưởng lão và giã từ, ngay hôm ấy nàng từ trần và tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Tôn giả Mahà Moggallàna đến gần nàng và hỏi nàng qua các vần kệ này:
1. Thiên nữ dung nhan đẹp rỡ ràng,
Xiêm y lấp lánh tỏa hào quang,
Tứ chi bóng loáng chiên-đàn phấn,
Vĩ đại thay thần lực của nàng,
Thiên nữ là ai đầy diễm lệ,
Thấy ta, nàng đảnh lễ nghiêm trang?
2. Sàng tọa cao sang dát bảo châu,
Sáng ngời nàng ngự ở trên lầu,
Hào quang tỏa chiếu như Thiên chủ
Trong Hỷ lạc Viên chẳng khác đâu.
3. Ngày trước nàng tu thiện hạnh nào,
Nghiệp gì, nàng hưởng quả trời cao,
Hỡi nàng Thiên nữ, khi nghe hỏi,
Hãy nói quả này bởi cớ sao?
Ðược Trưởng lão hỏi như vầy, nàng Thiên nữ giải thích qua các vần kệ:
4. Tôn giả đi xin vật cúng dường,
Con dâng mật mía với hoa tràng,
Ðây là kết quả hành vi ấy,
Con hưởng thọ thiên giới lạc an.
5. Song con ân hận mãi trong tâm,
Vì đã trót gây việc lỗi lầm,
Tôn giả, con không nghe Chánh pháp,
Pháp Vương khéo giảng ở trên trần.
6. Vậy con xin chúc: 'Phước phần ngài'.
Lân mẫn phần con, bất cứ ai
Khích lệ con vào trong đạo lý,
Pháp Vương khéo gỉảng ở trên đời.
7. Bất cứ ai đầy đủ tín tâm,
Tin vào đức Phật, Pháp, Tăng đoàn,
Ðều hơn con hẳn về dung sắc,
Thọ mạng, hào quang, danh vọng vang,
Thiên chúng này hơn con các mặt
Hiển vinh thần lực đại huy hoàng.
3. (41) Chuyện thứ ba - Lâu Ðài Trên Con Voi (Nàga-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ba-la-nại ở Isipatana (Trú xứ chư Tiên) trong Vườn Nai. Thời ấy một đệ tử tại gia, sống ở Ba-la-nại, là kẻ mộ đạo, đầy tín tâm, thực hành giới đức, nhờ người khác dệt một bộ y và giặt thật sạch để cúng dường đức Thế Tôn.
Bà đi đến đặt bộ y dưới chân Ngài và nói như vầy:
- Bạch Thế Tôn, mong đức Thế Tôn từ bi nhận bộ y này để con được hạnh phúc an lạc lâu dài.
Ðức Thế Tôn nhận bộ y và nhìn thấy các đức tính đầy đủ của bà, bèn thuyết pháp cho bà. Lúc kết thúc, bà đắc quả Dự Lưu, cung kính đảnh lễ Thế Tôn, đi quanh Ngài một vòng đúng nghi thức, rồi về nhà.
Chẳng bao lâu sau, bà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba, và được Sakka Thiên chủ sủng ái, đặt danh hiệu Yasuttarà.
Do uy lực công đức của Thiên nữ này, một con voi cao quý xuất hiện được phủ trong tấm lưới bằng vàng: rồi một chiếc đình bằng bảo ngọc hiện ra trên lưng voi, bên trong có bảo tọa bằng ngọc trang hoàng lộng lẫy. Trong đôi ngà voi có hai hồ sen diễm lệ, rực rỡ với hoa sen, hoa súng, đồng thời hiện ra. Tại đó, trên các đài sen, các tiên nữ cầm năm loại nhạc cụ đàn ca múa hát.
Ðức Thế Tôn, sau khi đã ở tại Ba-la-nại một thời gian như ý, liền khởi hành về phía Sàvatthi. Ðến đó, Ngài trú trong Kỳ Viên. Bấy giờ Thiên nữ ấy suy ngẫm về cảnh cực lạc của nàng và duyên cớ việc kia, liền nhận thấy: 'Việc này là do nhân duyên cúng dường bậc Ðạo Sư'.
Lòng đầy hoan hỷ, tín thành và cung kính đối với Ngài, nàng phi hành qua không gian trên lưng bảo tượng huy hoàng của nàng khi đêm đã về khuya, rồi giáng hạ từ lưng voi, đến đảnh lễ đức Thế Tôn, vươn đôi tay ra chắp lại và đứng gần đó.
Tôn giả Vangìsa được sự đồng ý của Thế Tôn, bèn hỏi nàng như vầy:
1. Ngự trên thiên tượng thật huy hoàng,
Bao phủ toàn châu báu ngọc vàng,
Ðại tượng oai hùng kim võng phủ,
Cân đai đẹp lộng lẫy muôn phần,
Hỡi nàng Thiên nữ đầy trân bảo,
Ðã đến đây qua giữa cõi không.
2. Phía trên của mỗi chiếc ngà voi
Xuất hiện hồ sen nở đẹp tươi,
Trong tựa pha lê, làn nước mát,
Từng đoàn nữ nhạc bước ra ngoài
Giữa hồ sen khiến lòng mê mẩn,
Tiên chúng này đang múa tuyệt vời.
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại huy hoàng,
Nàng đã đạt bao đại lực thần,
Công đức gì xưa nàng đã tạo,
Khi tái sanh làm một thế nhân?
Vì sao thần lực nàng ngời sáng,
Dung quang chiếu tỏa khắp mười phương?
Ðược vị Trưởng lão hỏi như vậy, Thiên nữ đáp lại qua các vần kệ này:
4. Khi đến Ba-la-nại thuở xưa,
Con dâng đức Phật bộ cà-sa,
Bái chân Ngài, kế con ngồi xuống,
Hoan hỷ chấp tay lễ Phật-đà.
5. Ðức Phật màu da sáng tựa vàng,
Dạy con Khổ, Tập, ấy vô thường,
Niết-bàn, Khổ diệt là trường cửu,
Ngài dạy con dần biết đúng Ðường.
6. Ðời con ngắn ngủi vội lìa trần,
Từ đó mạng chung được hóa thân,
Uy danh ở giữa đoàn Thiên chúng
Tam thập tam thiên thật lẫy lừng,
Ái hậu Sak-ka cùng mỹ hiệu
Ya-sut-ta hiển hách mười phương.
4. (42) Chuyện thứ tư - Lâu Ðài Alomà (Alomà-Vimàna)
Trong lúc đức Thế Tôn trú gần Ba-la-nại tại Isipatana (Trú xứ chư Tiên) trong Lộc Uyển, Ngài vào thành Ba-la-nại để khất thực. Tại đó một nữ nhân nghèo khó tên Alomà thấy Ngài, với tâm đầy thành tín, nhưng không có gì khác để cúng dường, bèn suy nghĩ: 'Một vật như thế này được cúng dường đức Thế Tôn sẽ có kết quả vĩ đại cho ta'.
Rồi bà đem dâng Ngài chiếc bánh kummàsa bằng bột gạo khô cứng, không có muối và bể vụn. Do việc cúng dường này, tâm bà cảm thấy hoan hỷ.
Ðức Thế Tôn nhận bánh.
Về sau bà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi nàng:
1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Ở Ba-la-nại ấy ngày xưa,
Con có lòng tin tưởng Phật-đà,
Thân tộc mặt trời đầy ánh sáng,
Tay con dâng bánh kum-mà-sa.
6. Hãy nhìn phước báo kum-mà-sa,
Miếng bánh không nêm muối cứng khô,
Ai chẳng thực hành nhiều thiện sự,
Khi nhìn hạnh phúc A-lo-mà?
7. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
5. (43) Chuyện thứ năm - Lâu Ðài Của Người Cúng Cháo Gạo (Kanjikadàyika-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Andhakavinda. Thời ấy một cơn bệnh do trúng gió phát sinh trong bụng Thế Tôn.
Ðức Thế Tôn bảo Tôn giả Ananda:
- Này Ananda, khi ông đi khất thực hãy đem về một ít cháo chua để làm thuốc trị bệnh cho Ta.
- Bạch Thế Tôn, con sẽ làm như vậy.
Tôn giả hứa xong, cầm bình bát do Tứ Ðại Thiên vương tặng, đến đứng trước cửa nhà vị y sĩ cận sự của Tôn giả.
Bà vợ của y sĩ thấy Tôn giả, liền đảnh lễ, cầm bình bát và bảo vị Trưởng lão:
- Bạch Tôn giả, Tôn giả cần loại thuốc gì?
Ta thấy rõ bà ấy là người thông minh nên đã nhận ra: 'Trưởng lão này đến đây khi cần dược liệu, chứ không phải thực phẩm'.
Và khi Tôn giả bảo:
- Xin cho một ít cháo gạo.
Bà suy nghĩ: 'Thuốc này không phải dành cho Sư phụ ta, quả thật chiếc bình bát này không phải của ai khác ngoài chiếc bình của đức Thế Tôn. Nào, ta hãy tìm cho được loại cháo gạo thích hợp với vị cứu nhân độ thế'.
Lòng tràn ngập hân hoan cung kính, bà nấu món cháo với nước trái táo, đổ đầy bình bát và để dùng chung với món cháo, bà sửa soạn thêm vài thực phẩm khác nữa.
Nhờ dùng món này, bệnh của đức Thế Tôn được thuyên giảm. Về sau, bà ấy từ trần, tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba, thọ hưởng đại thiên lạc.
Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi bà như vầy:
1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Kiếp xưa con ở An-dha-ka,
Con cúng cháo dâng đức Phật-đà,
Ðấng có hào quang dùng món cháo
Nấu cùng trái táo với dầu pha.
6. Trộn chút hồ tiêu, với tỏi ta,
Cho thêm vào ít nước là-ma,
Với lòng thành tín con dâng cúng
Lên đấng chánh nhân, đức Phật-đà.
7. Nữ hoàng chánh hậu Chuyển luân vương,
Khả ái toàn thân đẹp vẹn toàn,
Yểu điệu dưới mắt nhìn Thánh chúa,
Cũng không có giá trị ngang bằng
Một phần mười sáu người thành tín
Ðem món cháo hoa ấy cúng dường.8. Một trăm con ngựa, trăm cân vàng,
Xa giá do la kéo, một trăm,
Kiều nữ trăm ngàn trang điểm ngọc,
Hoa tai, giá trị cũng không bằng
Một phần mười sáu người thành tín
Ðem món cháo hoa ấy cúng dường.
9. Một trăm voi ở Tuyết Cao Sơn
Ngà giống càng xe, thật tráng cường,
Vương tượng oai hùng mang áo giáp,
Cân đai vàng ngọc cũng không bằng
Một phần mười sáu người thành tín
Ðem món cháo hoa ấy cúng dường.
10. Dù người nắm giữ mọi quyền năng,
Khắp bốn đại châu cũng chẳng bằng
Chỉ một phần mười sáu lễ vật
Người đem món cháo ấy cung dâng.
6. (44) Câu chuyện thứ sáu - Lâu Ðài Tịnh Xá (Vihàra-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên tinh xá. Thời ấy Visàkhà, vị đại đệ tử nữ cư sĩ, đã được các bạn hữu và người hầu cận thúc giục đi chơi một vòng trong hoa viên nhân một ngày lễ hội. Ðược tắm rửa và xoa dầu thơm cẩn thận, bà ăn một bữa thịnh soạn xong, tự trang điểm với 'bộ nữ trang đại quý giá', rồi được một đám bạn đồng hành năm trăm người hầu cận, bà rời nhà ra đi với đoàn người hộ tống linh đình.
Trong khi tiến về hoa viên, bà suy nghĩ: 'Cuộc vui chơi nhàn nhã như thuở còn thiếu nữ đối với ta giờ đây có nghĩa gì? Nào, ta hãy đi đến tinh xá, đảnh lễ đức Thế Tôn cùng chư Tôn giả làm phát khởi tín tâm, và ta sẽ nghe pháp'.
Bà liền đi đến tinh xá, dừng lại bên đường cởi bộ trang sức đại quý báu ấy ra, trao vào tay một nữ tỳ, kính lễ đức Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Bà nghe pháp xong, cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn, đi vòng quanh Ngài theo đúng nghi thức, và rời tinh xá. Vừa đi một chặng đường ngắn, bà liền bảo nữ tỳ:
- Nào, ta muốn đeo bộ nữ trang.
Trước đây cô gái ấy đã buộc nó thành một gói, đặt trong tinh xá, rồi đi quanh quẩn một lúc, đến giờ ra về lại quên bẵng việc kia. Nàng thú nhận:
- Con quên mất, chắc nó còn ở đó. Con sẽ đi kiếm về đây.
Và nàng liền quay lại. Visàkhà lại bảo:
- Ðược rồi, nếu nó đã được cất trong tinh xá và quên mất, thì vì lợi ích của tinh xá, ta sẽ cúng dường bộ trang sức ấy.
Rồi bà trở lại tinh xá, đến gần đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ Ngài, trình lên Ngài ý định của bà và thưa:
- Bạch Thế Tôn, con muốn xây một tinh xá, ước mong đức Thế Tôn từ bi cho phép con.
Ðức Thế Tôn chấp thuận bằng cách im lặng.
Khi Visàkhà đã dâng lễ cúng dường bộ nữ trang đặc biệt ấy trị giá chín trăm triệu đồng tiền vàng, Tôn giả Trưởng lão Moggallàna giám sát công trình xây cất ấy.
Ngôi tinh xá được hoàn tất trong vòng chín tháng, dành cho đức Phật Thế Tôn và Tăng chúng một tòa Lâu đài thích hợp để an trú, trang bị đủ một ngàn phòng. Năm trăm phòng ở tầng dưới và năm trăm phòng ở tầng trên, tương truyền đó là một lâu đài như ở trên Thiên giới, sàn được xây như một bức tranh bằng châu báu cẩn hình những vòng hoa được phát họa tuyệt mỹ. Những bức tranh trên da thú, trát thạch cao trắng đẹp mắt, những đồ gỗ đánh bóng tinh xảo mỹ thuật và các phần nội thất cân xứng hài hòa như tường, cột, kèo, đòn tay, tấm trang trí góc tường, trụ cửa lớn, cửa sổ, cầu thang v.v... khéo thiết kế khả ái; và các gian nhà phụ, tư thất, mái đình, mái hiên, đại loại như thế, đều được dựng lên.
Khi tinh xá đã xong và bà sắp cử hành lễ cúng đường tặng vật trị giá chín trăm triệu đồng tiền vàng, bà nhìn thấy vẻ huy hoàng của Lâu đài trong lúc bà bước lên thượng lầu cùng năm trăm bạn đồng hành và hoan hỷ nói với họ:
- Bất cứ công đức gì ta nhận được nhờ xây cất Lâu đài này, xin chư vị đồng hưởng, ta xin phân phát đều công đức đến chư vị đã dự phần vào đây.
- Quả thật, mong được như vậy, quả thật.
Chư vị ấy đồng thanh nói với lòng tín thành và tất cả đều hoan hỷ.
Vào dịp ấy, có một tín nữ dự phần vào việc đồng hưởng công đức này với một tâm tư đặc biệt. Chẳng bao lâu sau đó, nàng từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Do uy lực công đức của nàng, một Lâu đài vĩ đại xuất hiện cho nàng, có thể du hành qua không gian, tráng lệ với nhiều nhà có nóc nhọn, hoa viên, hồ sen v.v... dài mười sáu do-tuần và rộng tám do-tuần, tỏa sáng một trăm do-tuần nhờ hào quang của chính nó. Khi Thiên nữ đi đâu, nàng cùng đi với Lâu đài ấy và một đoàn hộ tống gồm cả ngàn tiên nữ.
Về phần Visàkhà, nhờ công đức bố thí hào phóng và tín tâm cao độ, đã được tái sanh vào cõi trời Hóa Lạc, đạt đến ngôi vị chánh hậu của Sunimmita Thiên chủ.
Bấy giờ Tôn giả Anuruddha, trong lúc du hành lên thiên giới, thấy bạn của Visàkhà đã được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba, bèn hỏi nàng như vầy:
1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
2. Trong khi nàng múa với toàn thân,
Xoay tít tứ chi khắp mọi phương,
Âm nhạc thiên đình vang vọng đến
Bên tai nghe quả thật du dương.
3. Trong khi nàng múa với toàn thân,
Xoay tít tứ chi khắp mọi phương,
Nhè nhẹ hương trời lan tỏa rộng,
Làn hương dịu ngọt tạo hân hoan.
4. Ðang lúc nàng di chuyển dáng hình,
Trâm cài bím tóc kết bên mình,
Âm vang như tiếng tơ hòa tấu
Năm thứ đàn huyền diệu hợp thành.
5. Vòng tai được gió thổi ngang qua,
Lay động theo làn gió nhẹ đưa,
Âm hưởng các vòng vàng ngọc ấy
Khác nào năm tiếng nhạc đồng hòa.
6. Và hương thơm của các tràng hoa
Khả ái, dịu dàng cứ tỏa ra
Từ đỉnh đầu nàng bay mọi hướng
Giống như cây Mạn-thù-sa-ka.
7. Nàng thở làn hương dịu ngọt sao,
Nàng nhìn vẻ đẹp thật thanh cao,
Hỡi nàng Thiên nữ khi nghe hỏi,
Hãy nói quả đây của nghiệp nào.
Nàng Thiên nữ đáp lại như vầy:
8. Tôn giả, ở thành Xá-vệ xưa,
Bạn xây tinh xá cúng Tăng-già,
Với tâm thành tín, con hoan hỷ
Khi thấy tòa nhà đẹp mắt ta.
9. Do hoan hỷ tịnh lạc như vầy,
Con được Lâu đài tuyệt diệu đây,
Mười sáu do-tuần trong mọi phía,
Nhờ thần lực nhẹ lướt trời mây.
10. Lâu đài có nóc nhọn nhiều tầng,
Cân xứng, được quy hoạch mọi phần,
Ánh sáng tỏa tràn lan rực rỡ
Chung quanh khắp cả trăm do-tuần.
11. Con có hồ sen ở chốn này,
Cá pu-thu lội lượn lờ đây,
Nước trong lấp lánh đôi bờ mép
Viền với cát vàng ánh đẹp thay.
12. Mặt hồ đầy đủ loại hoa sen,
Hoa súng trắng ngần mọc phủ lên,
Làm đắm say lòng, cơn gió nhẹ
Ðưa làn hương dịu tỏa khắp miền.
13. Các khu rừng mọc khóm hồng đào,
Cùng với dừa, cau, mít, cọ dầu,
Bao loại cây không trồng vẫn mọc
Ở bên trong của cả lầu cao.
14. Vang lên bao tiếng nhạc êm đềm,
Văng vẳng tiếng cười nói của tiên,
Nếu kẻ nào mơ nhìn cảnh ấy,
Cũng thành người hạnh phúc vô biên!
15. Lâu đài được tạo dựng như vầy,
Nhìn ngắm thật là tuyệt diệu thay,
Chiếu sáng khắp nơi nhờ thiện nghiệp,
Ta cần tạo phước đức đời này.
Sau đó vị Trưởng lão muốn nàng nói đến nơi tái sanh của Visàkhà, bèn ngâm kệ:
16. Rõ ràng nhờ tịnh lạc hân hoan
Nàng được Lâu đài tuyệt mỹ quan,
Còn nữ nhân kia dâng tặng vật,
Ðâu là sanh thú hóa thân nàng?
Ðể giải thích vấn đề được vị trưởng lão hỏi, nàng đáp:
17. Tôn giả, nàng kia chính bạn hiền,
Nàng xây tinh xá đại trang nghiêm,
Cúng dường Tăng chúng, am tường pháp,
Nên đã tái sanh Hóa Lạc thiên.
18. Su-nim-ta Chánh hậu là nàng,
Phước quả nghiệp kia khó nghĩ bàn,
Tôn giả, những điều ngài muốn hỏi,
Con đã giải thích thật tinh tường.
19. Bởi vậy, nên khuyên nhủ thế nhân
Hân hoan bố thí đến chư Tăng,
Lắng tai nghe pháp, tâm thành tín,
Sinh được làm người thật khó khăn.
20. Ngài, bậc Ðạo Sư dạy bước Ðường,
Giọng Ngài như giọng Phạm Thiên vương,
Làn da trông giống như vàng ánh,
Hãy cúng dường hoan hỷ chúng Tăng,
Thí vật dâng lên đầy tín ngưỡng
Sẽ đem phước quả lớn vô lường.
21. Tám người được bậc trí tuyên dương,
Bốn cặp xứng danh đáng cúng dường
Là các môn đồ Ngài Thiện Thệ,
Lễ dâng chư vị quả vô lường.
22. Bốn vị đi trên Ðạo thực hành,
Bốn người được trú quả an lành,
Chư Tăng chánh hạnh và chuyên chú
Giữ giới luật nhằm đạt trí minh.
23. Với mọi hữu tình, các thế nhân
Cúng dường mong phước báo cầu ân,
Lễ dâng hào phóng lên Tăng chúng
Ðem phước tái sanh quả bội phần.
24. Vì Tăng chúng rộng lớn mênh mang,
Vô lượng vô biên tựa đại dương,
Ðệ tử bậc Anh hùng dưới thế,
Là người tối thắng giữa phàm nhân,
Nơi nào Tăng chúng đi truyền pháp,
Chư vị đều mang đến ánh quang.
25. Những người đem lễ cúng chư Tăng,
Lễ vật cúng dường thật chánh chân,
Bố thí, hiến dâng theo Chánh pháp,
Lễ kia đem quả lớn vô ngần,
Cúng dường lễ vật lên Tăng chúng
Ðược các Phật-đà tán thán luôn.
26. Tích đức này đây chính phước điền,
Những người kia tiến bước đi lên
Giữa đời, tâm ngập tràn hoan hỷ,
Khi đã diệt ô nhiễm thấp hèn
Của thói tham xan cho tận gốc,
Không còn lầm lỗi, sẽ sanh Thiên.
Và Tôn giả Anurudha từ đây trở về nhân giới, trình lên bậc Ðạo Sư vấn đề này đúng như Tôn giả đã nghe từ vị Thiên nữ kia. Ðức Thế Tôn lấy việc này làm cơ hội để thuyết pháp.
Phẩm Thứ Hai Ðể Phúng Tụng
7. (45) Chuyện thứ bảy - Lâu Ðài Bốn Nữ Nhân (Caturitthi-Vimàna)
Trong lúc đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành thiên giới như đã kể trên, đến cõi trời Ba mươi ba. Tại đó trong bốn Lâu đài liên tiếp, Tôn giả thấy bốn Thiên nữ thọ hưởng thiên lạc, mỗi nàng có một đoàn hộ tống cả ngàn tiên nữ.
Tôn giả lần lượt hỏi các thiện nghiệp mà thuở trước các nàng đã tạo:
1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
Và ngay khi được Tôn giả hỏi, các Thiên nữ lần lượt đáp lời. Vần kệ này được ngâm để diễn tả sự kiện trên:
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng.
Tương truyền rằng vào thời đức Thế Tôn Kassapa, các nữ nhân này được tái sanh vào một gia đình lương thiện thành Pannakata, tại quốc độ có tên Esikà. Khi đến tuổi trưởng thành, các nàng về nhà chồng và sống đời hòa hợp.
Một nàng trong đám ấy thấy một Tỷ-kheo đi khất thực, bèn cúng dường một bó hoa súng xanh với tâm thành kính, một nàng cúng một bó hoa sen xanh cho một Tỷ-kheo khác, một nàng nữa cúng một bó sen đỏ, và một nàng nữa cúng các nụ hoa lài.
Sau đó từ trần, các nàng được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Mỗi nàng có một đoàn hộ tống gồm cả ngàn tiên nữ. Sau khi thọ hưởng thiên lạc ở đó đến tròn thọ mạng, các nàng từ giã cõi ấy và nhờ phước phần còn lại của nghiệp quả xưa, đã được tái sanh vào thời đức Phật Gotama ở cùng cõi trời này và được Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi theo cách đã được mô tả như trên.
Một nàng kể cho Trưởng lão nghe về hạnh nghiệp kiếp xưa nàng đã tạo:
5. Con đã cúng dường bó súng xanh
Một Tỳ-kheo khất thực trong thành,
E-si-kà quốc, cao hùng vĩ,
Rực rỡ Pan-na-kat đẹp xinh.
6. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào lòng dạ
Mến chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
7. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.
Tôn giả hỏi lại một nàng khác:
8. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
9. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
10. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
11. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
12. Ðem bó sen xanh đến cúng dường
Một Tỳ-kheo khất thực trên đường,
E-si-kà quốc, cao hùng vĩ,
Rực rỡ Pan-na-kat vẻ vang.
13. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào lòng dạ
Mến chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
14. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.
Tôn giả lại hỏi một nàng khác:
15. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
16. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
17. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
18. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
19. Trắng ngần là củ, cánh sen xanh,
Mọc nước hồ, con hái mấy cành,
Dâng cúng Tỷ-kheo đi khất thực,
E-si-kà quốc, ở kinh thành
Huy hoàng tên gọi Pan-na-kat,
Diễm lệ cao vời vợi nổi danh.
20. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào lòng dạ
Mến chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
21. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.
Tôn giả lại hỏi một nàng khác nữa:
22. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm,
Ðang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
23. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
24. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
25. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
Nàng ấy đáp lại:
26. Con là tín nữ Su-ma-nà,
Hái nụ lài dâng, sắc trắng ngà
Ðến một người tâm đầy hỷ lạc,
Tỷ-kheo khất thực ở thành xưa,
E-si-ka quốc, cao hùng vĩ,
Diễm lệ huy hoàng Pan-kat-ta.
27. Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào lòng dạ
Mến chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
28. Xin trình Tôn giả đại oai thần,
Công đức con làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.
8. (46) Chuyện thứ tám - Lâu Ðài Vườn Xoài (Amba-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Thời ấy một tín nữ tại đó nghe nói về kết quả vĩ đại và lợi ích vĩ đại do cúng dường tinh xá, nên lòng đầy nhiệt thành, nàng cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn và nói như vầy:
- Bạch đức Thế Tôn, con muốn nhờ người xây một tinh xá. Con cầu mong đức Thế Tôn chỉ cho con một nơi thích hợp.
Ðức Thế Tôn đưa huấn thị đến chư Tăng. Chư vị chỉ cho bà một nơi thích hợp. Sau đó bà sai người xây một tinh xá, chung quanh có trồng xoài. Tinh xá được những hàng cây xoài bao bọc đầy đủ bóng mát và nước ngọt, đất màu trắng rải rác cát vàng như những chuỗi ngọc trai, thật hoàn hảo tráng lệ làm say lòng người.
Tín nữ ấy lại trang hoàng tinh xá với thảm đủ màu và tràng hoa, hương liệu chẳng khác kinh thành thiên giới; bà thắp đèn dầu và phủ lên các cây xoài một lớp khăn vải mới, rồi cúng dường tinh xá lên chư Tăng.
Về sau bà từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba.
Tại đấy xuất hiện cho Thiên nữ một Lâu đài vĩ đại có vườn xoài bao bọc. Nàng được đoàn tiên nữ vây quanh hộ tống và hưởng thọ thiên lạc.
Tôn giả Mahà-Moggallàna đến gần nàng và hỏi:
1. Nàng có vườn xoài giống cảnh tiên,
Mê hồn, cung điện thật trang nghiêm,
Ngân vang bao tiếng đàn hòa tấu,
Tiên chúng reo ca văng vẳng lên.
2. Một cây đèn vĩ đại vàng ròng
Mãi mãi chiếu lan tỏa ánh hồng,
Bao bọc chung quanh, cây cối mọc
Với khăn che phủ trái bên trong.
3. Vì sao nàng được cảnh vườn xoài,
Cung điện uy nghi đẹp tuyệt vời,
Vì cớ nào dung sắc diễm lệ,
Tại sao nàng hiển hách trên trời,
Bất kỳ lạc thú nào lòng dạ
Yêu chuộng, liền xuất hiện tức thời?
4. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
5. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
6. Kiếp trước sinh làm một thế nhân,
Ở cõi người trong chốn phàm trần,
Con xây tinh xá, xoài bao bọc,
Ðem cúng dường lên cả chúng Tăng.
7. Khi ngôi tinh xá ấy vừa xong,
Con sẵn sàng làm lễ cúng dâng,
Bao phủ vườn xoài bằng vải mới
Ðể nâng đỡ trái ở bên trong.
8. Khi đã thắp cao một ngọn đèn,
Tự tay con thực phẩm đưa lên
Chư Tăng của Phật-đà vô thượng,
Thành tín, con dâng cúng Thánh hiền.
9. Vì thế vườn con đẹp tuyệt vời,
Lâu đài tráng lệ thật hùng oai,
Ngân nga bao tiếng đàn hòa tấu,
Tiên chúng ca vang vọng khắp nơi.
10. Một cây đèn vĩ đại vàng ròng
Mãi mãi chiếu lan tỏa ánh hồng,
Bao bọc chung quanh, cây cối mọc
Với khăn che phủ trái bên trong.
11. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
12. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
9. (47) Chuyện thứ chín - Lâu Ðài Hoàng Kim (Pìta-Vimàna)
Sau khi đức Thế Tôn diệt độ, và khi Ðại vương Ajàtasattu (A-xà-thế) đã dựng đại Tháp ở Ràjagaha để thờ phần xá-lợi của đức Thế Tôn và cử hành lễ cúng dường xong, một tín nữ đem bốn đóa hoa leo kosàtakì đến dâng bảo Tháp, bất kể các mối hiểm nguy dọc đường.
Ngay lúc ấy, một con bò cái cùng với một con bê con hung hăng xông tới tấn công bà bằng đôi sừng, giết bà tại chỗ. Bà được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba, xuất hiện ngay khi Sakka Thiên chủ đang ngự trên thiên xa đến du ngoạn vườn thiên lạc, ngài bèn ngâm kệ hỏi:
1. Nàng Thiên nữ sắc phục kim hoàng,
Trang điểm bao châu báu ngọc vàng,
Thoa phấn chiên-đàn vàng óng ả,
Hoa sen vàng rực rỡ từng tràng.
2. Lâu đài nàng cũng sắc kim hoàng,
Thực phẩm, kim đôn lẫn tọa sàng,
Cùng chiếc lọng che vàng óng ánh,
Quạt, xe, bầy ngựa thảy bằng vàng.
3. Hạnh nghiệp gì nàng tạo trước đây,
Thuở nàng sinh ở cõi người vầy?
Hỡi nàng Thiên nữ khi nghe hỏi,
Hãy nói nghiệp xưa kết quả này.
Nàng giải thích qua các vần kệ:
4. Tấu trình Thiên đế, có cây kia,
Vị đắng, tên là Ko-sát-ta,
Con hái bốn hoa từ nhánh ấy,
Ðem dâng bảo Tháp đức Tôn Sư.
5. Con đủ tín thành tâm hướng lên
Ðạo Sư bảo tích, Tháp linh thiêng,
Trí con chuyên chú vào điều ấy,
Con chẳng quan tâm để ý nhìn.
6. Vì thế bò kia đã giết con,
Ước mong con chẳng được vuông tròn,
Nếu con tích đức nhiều như ý,
Kết quả ắt là phải lớn hơn.
7. Như vậy là do nghiệp ở đời,
Tấu Mà-gha, chúa tể trên trời,
Khi con bỏ xác thân phàm tục,
Con được lên đây phụng sự ngài.
8. Nghe vậy Thiên vương Mà-gha-va,
Ngọc hoàng của cõi Ba mươi ba,
Muốn làm hoan hỷ toàn thiên giới,
Liền bảo Mà-ta-li quản xa:
9. Này xem đây, hỡi Mà-ta-li,
Kết quả diệu kỳ, vĩ đại kia,
Dầu vật nhỏ dâng người đức độ,
Vẫn đem công đức lớn nhiều bề.
10. Khi thành tâm cúng vật tầm thường
Lên đức Như Lai, đấng Pháp Vương,
Bậc Giác Ngộ hay chư đệ tử,
Vật kia có giá trị khôn lường.
11. Mà-ta-li, vậy hãy nhanh chân,
Thiên chúng hãy tôn kính cúng dường,
Công đức tăng nhiều là phước lạc,
Như Lai bảo Tháp ấy mang phần.12. Dầu Phật ở đời hoặc xả thân,
Quả đều bình đẳng với an tâm,
Vì do kết quả tâm kiên định,
Thiện thú dành cho các thiện nhân.
13. Chính đức Như Lai hiện giữa đời
Là vì lợi ích của muôn loài,
Sau khi phục vụ người hành thiện,
Bố thí đi lên đến cõi trời.
Khi đã nói xong lời này, Sakka Thiên chủ liền rời Hỷ lạc Viên và đến đảnh lễ cúng dường bảo tháp Cùlàmani suốt bảy ngày. Một thời gian sau, khi Tôn giả Nàrada du hành lên thiên giới, Thiên chủ ngâm kệ trình bày sự kiện trên với Tôn giả. Vị Trưởng lão thuật lại với chư vị kết tập Kinh điển nên chư vị này đưa chuyện ấy vào Ðại Tạng Kinh.
10. (48) Chuyện thứ mười - Lâu Ðài Do Cúng Mía (Ucchu-Vimàna)
Chuyện này cũng giống như chuyện Lâu đài của người dâng mía trước đây (số 30). Nhưng ở đây, bà mẹ chồng dùng hòn đất ném chết con dâu. Vì điểm này, hai câu chuyện đã được truyền tụng riêng biệt.
1. Quả đất cùng chung các vị thần
Ðược làm rạng rỡ thật vinh quang,
Như vầng nhật nguyệt, nàng soi sáng
Với ánh huy hoàng, vẻ mỹ quan,
Như Phạm Thiên siêu quần bạt chúng
Giữa trời Ðao lợi với Thiên hoàng.
2. Hỡi nàng mang các chuỗi thanh liên,
Cùng chuỗi bảo châu ở trán trên,
Da tựa vàng ròng, trang điểm đẹp,
Xiêm y tuyệt mỹ của thần tiên,
Nàng là ai đó, này Thiên nữ,
Ðảnh lễ ta rồi đứng một bên?
3. Nghiệp gì nàng đã tạo trên đời,
Kiếp trước sinh ra ở cõi người?
Bố thí vẹn toàn hay giữ giới?
Nhờ đâu vinh hiển được lên trời?
Hỡi nàng Thiên nữ, khi ta hỏi,
Nghiệp quả gì đây, hãy trả lời.
Sau đó vị Thiên nữ giải thích:
Các kệ từ 4-11 cũng giống như kệ 4-11 ở chuyện 30, chỉ trừ chữ 'chiếc ghế' được thay bằng 'hòn đất'.
11. (49) Chuyện thứ mười một - Lâu Ðài Do Sự Ðảnh Lễ (Vandana-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi. Thời ấy nhiều Tỷ-kheo, sau khi đã an cư mùa mưa ở một tinh xá trong làng kia và đã làm lễ. Tự tứ vào lúc bế mạc xong, liền du hành qua một làng khác, trên đường đi đến Sàvatthi để đảnh lễ đức Thế Tôn. Tại đó một vị nữ nhân đến đảnh lễ chư Tăng với tâm đầy thành tín, kính cẩn và thiện ý. Về sau nàng từ trần được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba và Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi nàng:
1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang chiếu mười phương với ánh quang,
Nàng đứng toàn thân đều tỏa sáng
Như vì sao cứu hộ trần gian.
2. Vì sao nàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì nàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào nàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
4. Nàng Thiên nữ ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Nàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho nàng:
5. Khi được làm người giữa thế nhân,
Gặp Tỳ-kheo giới hạnh chuyên cần,
Với tâm thành tín và hoan hỷ
Con chắp hai tay lễ dưới chân.
6.Vì thế sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào lòng dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
7. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đấy oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
12. (50) Chuyện thứ mười hai - Lâu Ðài Của Rajjumàlà (Rajjumàlà-Vimàna)
Thời ấy, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên tinh xá. Bấy giờ ở một ngôi làng nhỏ vùng Gayà có một Bà-la-môn gả con gái cho con trai một Bà-la-môn khác. Nàng dâu về nắm quyền hành trong nhà ấy, ngay từ đầu đã sinh lòng ác cảm với con gái của một nữ tỳ, nên thường đánh mắng nhục mạ cô bé.
Khi cô bé lớn dần, nàng dâu lại đối xử tàn tệ hơn nữa (tục truyền rằng vào thời đức Phật Kassapa, hai nàng này đã có mối liên hệ ngược với hiện tại).
Ðể đề phòng việc cô chủ kéo tóc mình mỗi khi đánh đập, cô bé nữ tỳ đến tiệm cắt tóc nhờ cạo trọc đầu. Sau đó cô chủ đang cơn giận dữ bảo rằng cô bé kia chẳng có thể thoát khỏi tay mình bằng cách cạo đầu, liền buộc một sợi dây quanh cổ cô bé và kéo cô ngã xuống, rồi lại không chịu để cô bé tháo dây ra, từ đó cô bé có tên Rajjumàlà: Vòng dây đeo cổ.
Bấy giờ một ngày kia, bậc Ðạo Sư vừa xuất định Ðại bi, thấy Rajjumàlà có đầy đủ khả năng đạt quả Dự Lưu, bèn đến ngồi dưới một gốc cây tỏa hào quang rực rỡ.
Lúc ấy cô bé Rajjumàlà khốn khổ kia chỉ muốn chết, cầm chiếc ghè đi ra đường giả vờ lấy nước và tìm một cây để treo cổ. Khi thấy đức Phật, với tâm hướng về Ngài, cô suy nghĩ: 'Ví thử đức Thế Tôn thuyết pháp cho những người như ta thì sao? Ta có thể được giải thoát khỏi cuộc đời khốn cùng này'.
Ðức Phật xem xét kỹ, liền gọi cô:
- Rajjumàlà!
Cô bé như được tắm nước cam lồ, vội đến gần đảnh lễ Ngài. Ngài dạy cô Tứ Ðế và cô đắc quả Dự Lưu. Kế đó Ngài đi vào làng và ngồi dưới gốc cây khác.
Bấy giờ cô bé không thể tự hủy hoại mình nữa, bèn suy nghĩ với lòng nhẫn nhục, thân thiện và từ ái: 'Thôi cứ để mặc cho bà chủ Bà-la-môn này đánh đập, làm tổn thương ta thế nào tùy ý'. Rồi cô trở về lấy nước vào ghè.
Ông chủ nhà đứng ở cửa bảo:
- Cô đã đi lấy nước thật lâu và mặt lại rạng rỡ thế kia. Ta thấy cô có vẻ hoàn toàn khác hẳn, có việc gì vậy?
Cô bé kể chuyện cho chủ, ông hài lòng và bước vào bảo cô dâu:
- Thôi con đừng làm gì Rajjumàlà nữa.
Rồi ông vội vàng đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư và cung kính mời Ngài thọ thực. Sau đó, cả ông cùng dâu con trong nhà đi vào ngồi cạnh bậc Ðạo Sư. Ngài kể cho họ việc xảy ra kiếp trước giữa cô dâu và Rajjumàlà, cùng với một bài thuyết pháp thích hợp. Sau đó Ngài trở về Sàvatthi, còn vị Bà-la-môn nhận Rajjumàlà làm con nuôi và từ đó nàng dâu ông đối xử với cô rất tốt đẹp.
Khi nàng từ trần, Rajjumàlà được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba và cũng được Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi:
1. Nàng Thiên nữ sắc đẹp siêu phàm
Ðang múa theo âm nhạc nhịp nhàng,
Toàn thể tứ chi nàng uyển chuyển
Thiên hình vạn trạng giữa không gian.
2. Trong khi nàng múa với toàn thân,
Xoay tít tứ chi khắp mọi phương,
Âm nhạc Thiên đình vang vọng đến
Bên tai nghe quả thật du dương.
3. Trong khi nàng múa với toàn thân,
Xoay tít tứ chi khắp mọi phương,
Nhè nhẹ hương trời lan tỏa rộng,
Làn hương dịu ngọt tạo hân hoan.
4. Ðang lúc nàng di chuyển dáng hình,
Trâm cài bím tóc kết bên mình,
Âm vang như tiếng tơ hòa tấu
Năm thứ đàn huyền diệu hợp thành.
5. Vòng tai được gió thổi ngang qua,
Lay động theo làn gió nhẹ đưa,
Âm hưởng các vòng vàng ngọc ấy
Khác nào năm tiéng nhạc đồng hòa.
6. Và hương thơm của các tràng hoa
Khả ái, dịu dàng cứ tỏa ra
Từ đỉnh đầu nàng bay mọi hướng
Giống như cây Mạn-thù-sa-ka.
7. Nàng thở làn hương dịu ngọt sao,
Nàng nhìn vẻ đẹp thật thanh cao,
Hỡi nàng Thiên nữ khi nghe hỏi,
Hãy nói quả đây của nghiệp nào?
Khi được vị Trưởng lão hỏi như vậy, nàng ngâm các vần kệ giải thích, bắt đầu bằng câu chuyện tiền thân của nàng:
8. Kiếp trước làm nô lệ một nhà
Bà-la-môn ở tại Gàya,
Raj-ju-mà chính tên con đó,
Ðức mỏng, phận hèn mọn xấu xa.
9. Bị mắng nhiếc đau khổ ngập tràn,
Cùng đe dọa, đánh đập hung tàn,
Con cầm ghè lớn đi tìm nước,
Và định đi luôn để thoát nàn.
10. Vứt chiếc ghè ra khỏi mặt đường,
Con đi vào tận chốn rừng hoang,
Nghĩ rằng đây chính nơi con chết,
Ích lợi gì đời sống của con?
11. Khi đã làm thòng lọng vững vàng,
Buộc dây vào cổ thụ bên đường,
Con nhìn quanh quẩn và suy nghĩ:
Ai đó đang cư trú giữa rừng?
12. Con thấy Phật-đà, bậc trí nhân,
Từ bi đối với cõi trần gian,
Ðang ngồi tĩnh tọa, tâm thiền định,
Vô úy, Ngài không sợ tứ phương.
13. Bỗng nhiên con rúng động tâm can,
Kinh ngạc, lòng con thấy lạ thường,
Ai ở trong rừng này đấy nhỉ,
Thiên thần hay chỉ một người phàm?
14. Thanh thản, và làm khởi tín tâm,
Ngài từ rừng ái đạt ly tham,
Cảnh con thấy khiến tâm an tịnh,
Ðây chẳng ai ngoài Tối Thượng nhân.
15. Tất cả các căn khéo hộ phòng,
Hân hoan thiền định, trí tinh thông,
Ngồi đây ắt hẳn Ngài Viên Giác
Từ ái hướng tâm đến cõi trần.
16. Như sư tử trú ẩn hang rừng,
Khơi dậy niềm lo sợ hãi hùng,
Vô địch, không loài nào đánh phá,
Cơ may thật hiếm thấy hoa sung.
17. Với những lời thân ái dịu dàng,
Ðức Như Lai dạy bảo cùng con:
'Raj-ju, hãy đến nơi an trú
Quy ngưỡng Như Lai, đức Thế Tôn'.
18. Khi được nghe âm điệu của Ngài
Nhẹ nhàng, đầy ý nghĩa, êm tai,
Ngọt ngào, hiền dịu và thân ái
Xua hết bao sầu não ở đời.
19. Như Lai từ mẫn khắp trần gian,
Biết rõ tâm con đã sẵn sàng,
Ðầy đủ tín thành và sáng suốt,
Ngài liền cất tiếng dạy con rằng:
20. Ðây là Khổ Thánh đế, Ngài khuyên,
Khổ Tập là nguồn gốc khởi lên,
Khổ Diệt là đây, Tam Thánh đế,
Ðường vào Bất tử, Ðạo bình yên.
21. Cương quyết theo lời khuyến dụ kia
Của Ngài thuần thiện, đấng Từ bi,
Con liền đạt đến tâm an tịnh,
Bất tử, Niết-bàn, không thoái suy.
22. Tâm con kiên định ngập tình thương,
Tin tưởng vào Tam Bảo vững vàng,
Bất động trong con niềm chánh kiến,
Con là đích nữ bậc Y Vương.
23. Nay con hưởng lạc thú, vui chơi,
Hoan hỷ, vô ưu, khắp cõi trời,
Con đội tràng hoa Thiên nữ đẹp,
Cam lồ con uống tạo niềm vui.
24. Sáu mươi ngàn nhạc cụ đàn tơ
Thức tỉnh con từ giấc ngủ mơ:
Alamba, Gaggara, Bhìma,
Sàdhuvadin và Samsaya.
25. Pokkhara và Suphassa,
Vìnàmokkhà cùng các nàng kia,
Nandà cũng như Sunandà,
Sonadinà và Sucimhità.
26. Alambusà, Missakesi,
Cùng nàng tiên ác Pundarikà,
Eniphassà, Suphassà,
Subhaddà và Muduvàdinì.
27. Các nàng Thiên nữ diễm kiều này
Ðánh thức thần tiên lúc ngủ say,
Buổi sáng các nàng thường đến bảo:
'Chúng em múa hát giúp vui đây'.
28. Nan-da-na, Hỷ lạc Viên này,
Không phải để dành cho những ai
Chẳng tạo tác nên nhiều phước nghiệp,
Mà dành riêng biệt để cho người
Ðã hoàn thành được nhiều công đức,
Là Ðại Lâm viên của cõi trời
Tam thập tam thiên đầy lạc thú,
Không gì phiền não, mãi vui chơi.
29. Chẳng đời này hoặc ở đời sau,
Cựu lạc dành cho những kẻ nào
Không tạo tác nên nhiều phước nghiệp,
Song đời này lẫn cõi đời sau
Ðể dành cực lạc cho bao kẻ
Làm các thiện hành, phước nghiệp cao.
30. Với những ai mong chúng bạn hiền,
Phải làm thiện nghiệp thật tinh chuyên,
Vì người tạo được nhiều công đức,
Hưởng lạc thú nhiều ở cõi thiên.
31. Như Lai xuất hiện ở trên đời
Là chính vì an lạc mọi loài,
Xứng đáng cho người dâng lễ vật,
Phước điền vô thượng của bao người,
Sau khi dâng lễ, tâm thành kính,
Các thí chủ vui hưởng cõi trời.
Tổng Kết
Lâu đài đỏ sẩm, Lâu đài sáng chói, Lâu đài trên con voi, Lâu đài Alomà, Lâu đài của người cúng cháo gạo, Lâu đài tinh xá, Lâu đài Bốn nữ nhân, Lâu đài vườn xoài, Lâu đài hoàng kim, Lâu đài do cúng mía, Lâu đài do sự đảnh lễ, Lâu đài Rajjumàlà.
Phẩm này được biết qua các chuyện trên.
Phẩm Bốn : Lâu Ðài Nữ Nhân
1. (51) Chuyện Thứ Nhất - Lâu Ðài Tiên Nhái (Mandukadevaputta-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn ở tại Campà (Chiêm-bà) trên bờ ao sen Gaggarà. Từ rạng đông, vừa xuất định Ðại bi, Ngài quán sát: 'Hôm nay về buổi chiều lúc Ta thuyết pháp, một con nhái nghe giọng Ta và mải mê theo dõi, liền bị một kẻ nào đó sát hại, sẽ phải chết. Nó sẽ được tái sanh lên thiên giới và sẽ trở lại trong khi hội chúng đang chăm chú nghe, do vậy sẽ có sự thông hiểu Giáo pháp rộng rãi'.
Khi mọi việc trong ngày xong xuôi, Ngài bắt đầu thuyết giảng cho tứ chúng đệ tử tại bờ ao. Lúc ấy một con nhái suy nghĩ: 'Ðây được gọi là pháp', nó liền ra khỏi ao và ngồi ở cuối đám thính chúng.
Một kẻ chăn bò thấy bậc Ðạo Sư thuyết giảng và hội chúng đang yên lặng lắng nghe, bèn đứng dựa vào cây gậy cong và đạp nhằm con nhái. Con nhái được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng rộng mười hai do-tuần và được một đám tiên nữ hầu cận.
Khi suy nghĩ lại nghiệp nào đã khiến cho mình được tái sanh ở đó, vị Thiên tử thấy không có gì ngoài sự chăm chú nghe lời đức Thế Tôn.
Ngay lập tức chàng cùng Lâu đài ấy giáng trần, bước ra ngoài vừa thấy đức Thế Tôn, liền đến yết kiến và cung kính đảnh lễ Ngài. Ðức Thế Tôn muốn thị hiện oai nghi của Ngài bèn hỏi kệ:
1. Chàng Thiên tử sắc đẹp siêu phàm,
Tiên chúng vây quanh đủ lực thần,
Ðang chiếu khắp mười phương sáng chói,
Là ai, chàng đảnh lễ ta chăng?
Vị Thiên tử bèn ngâm kệ giải thích tiền thân của chàng:
2. Con là một nhái bén ngày xưa,
Loài vật sinh ra ở nước hồ,
Trong lúc con nghe Ngài thuyết pháp,
Bỗng con chết bởi chú chăn bò.
3. Ai muốn trong chốc lát tịnh tâm,
Hãy nhìn uy lực đủ thần thông,
Oai nghi, dung sắc, đoàn hầu cận,
Và ánh hào quang của chính con.
4. Những vị chuyên nghe pháp đã lâu,
Bạch Cồ-đàm Phật, đấng ly sầu,
Những người ấy đạt tâm không động,
Ði đến nơi không có khổ đau.
Sau đó đức Thế Tôn, nhìn thấy rõ các khả năng mà hội chúng ấy đã đạt được, bèn thuyết pháp đầy đủ chi tiết. Vào lúc Ngài kết thúc bài giảng, chàng Thiên tử nhái đã được an trú vào quả Dự Lưu. Sau khi cung kính đảnh lễ đức Thế Tôn, chàng trở về cõi trời.
2. (52) Chuyện thứ hai - Lâu Ðài Của Revatì (Revatì-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú gần Bàrànasi, (Ba-la-nại) tại Isipatana (Trú xứ chư Tiên), trong Lộc Uyển. Thời ấy có một đệ tử cư sĩ, bố thí rất hào phóng và phụng sự Tăng chúng tên Nandiya, Cha mẹ chàng muốn chàng cưới cô em họ Revatì, nhưng nàng không mộ đạo, không sẵn lòng bố thí, nên Nandiya không thích lấy nàng. Sau đó bà mẹ bảo chàng:
- Nàng ấy sẽ theo lời khuyên của ta.
Thế là chàng bằng lòng và họ kết hôn với nhau, sinh được hai con trai.
Sau đó Nandiya chuyên tâm bố thí rộng rãi, chàng xây một sảnh đường tại tinh xá ở Isipatana và dâng lên đức Như Lai cùng rảy nước cúng dường vào tay Ngài. Ðồng thời, tại cõi trời Ba mươi ba xuất hiện một Lâu đài rộng mười hai do-tuần với cả đoàn tiên nữ hầu cận.
Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên thiên giới, trông thấy Lâu đài bèn hỏi đức Thế Tôn Lâu đài ấy được dành cho ai. Ðức Thế Tôn ngâm kệ:
1. Một người lữ khách tha phương
An toàn lui gót cố hương trở về,
Thân nhân, quyến thuộc, bạn bè
Ân cần chào đón tràn trề hân hoan.
2. Cũng như thiện nghiệp đã làm
Sẽ luôn chào đón sẵn sàng thiện nhân,
Một khi từ giã cõi trần,
Khác gì quyến thuộc đón mừng đời sau.
(Pháp Cú 219-220)
Nghe điều này, Nandiya càng hân hoan bố thí và thực hành phước đức. Sau đó chàng đi làm công việc xa nhà và dặn Revatì tiếp tục thi hành thiện sự với lòng tinh cần. Nàng chấp thuận, nhưng trong khi xa nhà, chàng vẫn tiếp tục cúng dường Tăng chúng và bố thí cho kẻ nghèo khổ, thì nàng chỉ vài ngày sau đã ngưng bố thí cho kẻ nghèo khổ, đem cúng dường thực phẩm loại xấu lên chư Tăng và rải số cá thịt vụn khắp nơi để chư Tăng bị khiển trách.
Khi Nandiya trở về nghe mọi chuyện, liền giao trả Revatì lại cho nhà cha mẹ nàng nhưng vẫn cấp dưỡng nàng nhiều hơn. Một thời gian sau chàng từ trần và được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong Lâu đài đã được dành cho chàng.
Phần nàng đã ngưng mọi việc bố thí cúng dường và vẫn còn nhục mạ chư Tăng:
- Chính vì họ mà tất cả tài sản và lợi lộc của ta đều giảm sút.
Lúc ấy Thiên vương Vessavana (Tỳ-sa-môn) truyền bảo hai quỷ Yakkha (Dạ-xoa) đến Bàrànasi thông báo rằng Revatì sẽ bị ném vào địa ngục vào ngày thứ bảy kể từ hôm ấy. Dân chúng nghe chuyện này đều kinh hoàng, nhưng Revatì đi lên thượng lầu khóa cửa lại và ngồi xuống.
Sau một tuần, hai quỷ Yakkha thật dễ sợ với bộ râu tóc sáng lòa, răng nhọn hoắc và mắt đỏ ngầu như máu bước vào bảo:
- Này Revatì tính tình độc ác kia hãy dậy đi.
Chúng chụp cổ nàng lôi kéo khắp phố phường để mọi người trông thấy, rồi đưa nàng lên không gian đến cõi trời Ba mươi ba, xong lại dẫn xuống địa ngục đầy tội nhân mặc cho nàng than khóc thê thảm.
Bọn ngục tốt của thần Yama (Diêm Vương) thả nàng vào địa ngục đầy tội nhân ấy. Chuyện được kể như vầy:
3. Này đứng lên, Re-va-tì ác tánh,
Cửa đưa vào địa ngục đã mở toang,
Hỡi nữ nhân đủ các thói xan tham,
Ta sẽ dẫn ngươi vào miền ác thú,
Nơi kẻ đến phải khóc than sầu khổ,
Kẻ bị giam vào ngục chịu đau buồn.
Chư vị kết tập Kinh tạng kể tiếp chuyện này:
4. Nói vậy xong hai quỷ dữ mắt hồng,
Thân đồ sộ, là Diêm vương sứ giả,
Re-va-tì, mỗi tay cầm một gã,
Khởi hành lên hội chúng của chư Thiên.
Như vậy được hai quỷ Yakkha đưa lên cõi trời Ba mươi ba, Revatì được đặt gần Lâu đài của Nandiya và nhìn thấy ánh sáng của Lâu đài tỏa ra như mặt trời, nàng hỏi hai quỷ này:
5. Lâu đài ai tấp nập cả bầy tiên,
Ðang lấp lánh như mặt trời sáng chói,
Cõi Thiên cung được bao vây bằng lưới
Dệt vàng đang chiếu tựa ánh chiêu dương.
6. Ðoàn tiên nương tẩm đệ nhất chiên-đàn,
Tô điểm đẹp cho tiên cung mọi mặt,
Vẻ tráng lệ, Lâu đài như vầng nhật,
Ai sanh Thiên, đang hưởng cảnh Lâu đài?
Bọn chúng bảo nàng:
7. Xưa ở thành Ba-la-nại một người
Có tên gọi Nan-di-ya cư sĩ,
Không xan tham, chàng cúng dường hậu hỉ,
Ðây Lâu đài chàng, thị nữ cả đoàn,
Ðang sáng bừng như ánh mặt trời quang.
8. Ðàn tiên nữ tẩm chiên-đàn đẹp nhất,
Ðang làm đẹp cho Lâu đài mọi mặt,
Vẻ diễm kiều không khác ánh mặt trời,
Chàng sanh Thiên đang hưởng cảnh Lâu đài.
Nàng đáp lại:
9. Ta là vợ Nan-di-ya thuở trước,
Nữ chủ nhân nắm quyền khắp gia tộc,
Nay muốn cùng chàng hưởng cảnh Lâu đài,
Ta chẳng mong nhìn địa ngục trần ai.
Song bọn chúng bảo:
- Ngươi có mong muốn hay không thì có liên quan gì đến ta?
Và chúng ngâm kệ:
10. Ðây địa ngục dành cho ngươi độc dữ
Trong thế gian nơi loài người cư trú,
Phước đức không hề được chính ngươi làm,
Những kẻ nào đầy sân hận xan tham,
Tính ác độc không thể nào đạt tới
Cảnh đồng cư với người lên thiên giới.
Nói vậy xong hai quỷ Yakkha biến mất ngay tại đó. Nhưng khi nhìn thấy hai ngục tốt tương tự sắp kéo nàng và thả vào Phẩn nị địa ngục (địa ngục đầy phân dơ) tên là Samsavaka, nàng lại hỏi:
11. Cái gì đây để lộ đám phân dơ,
Cái gì đây mùi xú uế bốc ra,
Phân gì đó đang bồng bềnh trôi chảy?
12. Sam-sa-ka bách trượng sâu là đấy.
Re-va-tì sẽ cháy mấy ngàn năm.
Nàng hỏi thêm:
13. Những ác hành nào về khẩu, ý, thân,
Khiến ta đến Sam-sa-ka bách trượng?
Chúng đáp:
14. Ðám lữ hành, Bà-la-môn, Trưởng thượng,
Ngươi đều đem lời dối trá phỉnh lừa,
Ðây chính là ác nghiệp tạo ngày xưa.
15. Vậy ngục Sam-sa-ka sâu bách trượng
Chính là nơi Re-va-tì được hưởng,
Và bị thiêu đốt cả mấy ngàn năm.
Sau đó chúng kể cho nàng nghe các khổ hình:
16. Ngục tốt đem chặt đứt cả tay chân,
Chúng cắt cả đôi tai cùng chiếc mũi,
Và sau đó bầy quạ diều ùa tới,
Xâu xé người đang giãy giụa đằng kia.
Nàng lại kêu gào van xin chúng đưa nàng trở lại cõi người:
17. Tốt lành thay nếu ta được đưa về,
Ta sẽ tạo phước nhiều nhờ bố thí,
Sống chế ngự, tự điều thân, hoan hỷ,
Những người làm như vậy hạnh phúc tràn,
Và ngày sau không hối hận ăn năn.
Bọn ngục tốt đáp lời:
18. Ngày xưa ngươi sống buông lung phóng dật,
Nên ngày nay phải khổ đau than khóc,
Phải chịu bao nghiệp quả chính ngươi làm.
Và nàng lại nói:
19. Ai từ trên thiên giới xuống trần gian
Phải nói vậy cùng ta khi được hỏi:
'Nên cúng dường cho những người giữ giới
Thức uống ăn, y phục với tọa sàng'.
20. Còn kẻ nào đầy sân hận xan tham,
Và ác tánh không thể nào cộng trú
Với những người lên cõi trời, thiện thú.
21. Ví từ đây ta trở lại làm người,
Giữ giới và hào phóng, sống trong đời,
Ta sẽ thực hiện biết bao thiện sự
Do bố thí, công bằng, tâm chế ngự.
22. Lòng tín thành, ta sẽ lập vườn hoa,
Và đắp đường trong khoảng đất hoang sơ,
Xây hồ nước, giếng đào cho dân chúng.
23. Ngày mười bốn, ngày rằm và mồng tám,
Ðặc biệt ngày nửa tháng có liên quan
Bát quan trai là giới luật tám phần.
24. Bố-tát giới, ta sẽ luôn phòng hộ,
Không phóng dật và giữ gìn đức độ,
Chuyên cúng dường, việc ta thấy thật lòng.
Các vị kết tập Kinh điển kể tiếp chuyện này.
25. Trong khi nàng giãy giụa, hét đau thương,
Chúng liền thả chân nàng, đầu lộn xuống,
Vào địa ngục kinh hoàng sâu trăm trượng.
Và nàng ngâm câu kệ cuối cùng:
26. Ngày xưa ta vốn biển lận, xan tham,
Phỉ báng nhiều ẩn sĩ, Bà-la-môn,
Và lừa phỉnh chồng ta bằng lời dối,
Nay cháy trong ngục kinh hoàng u tối.
Các vị kết tâp Kinh điển kết luận bằng câu này:
'Bấy giờ không có Thiên nữ nào trong Lâu đài của Revatì, nhưng vì chuyện có liên quan đến việc Nandiya Thiên tử đạt được Lâu đài, nên nó cũng xếp vào phẩm Lâu đài Nam giới'.
3. (53) Chuyện thứ ba - Lâu Ðài Của Chatta, Nam tử Bà-la-môn (Chattamànava-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Sàvatthi trong Kỳ Viên. Thời ấy có một nam tử Bà-la-môn tên Chatta đã học tập xong dưới sự hướng dẫn của một Bà-la-môn ở Setavyà và đã đi về nhà xin được một ngàn đồng tiền kahàpana của cha mẹ để làm học phí, rồi khởi hành trở lại Setavyà đem trả cho thầy. Bọn cướp nghe được tin này bèn lập mưu để giết chàng và cướp của trên đường.
Lúc ấy bậc Ðạo Sư vừa xuất định Ðại bi liền khởi hành từ sáng sớm đến ngồi dưới gốc cây trên con đường chàng sắp đi qua.
Khi chàng trai đi qua, Ngài hỏi thăm công việc của chàng và sau đó hỏi chàng đã biết Tam quy y và Ngũ giới chưa. Chàng trả lời chưa, và đức Thế Tôn dạy chàng học Tam quy Ngũ giới.
1. Giữa thế nhân, Ngài biện tài đệ nhất,
Ðức Thế Tôn, đại trí, tộc Thích-ca,
Phận sự xong, Ngài đã đến bờ kia,
Ngài đầy đủ lực hùng và cương nghị.
2. Hãy đi đến quy y Ngài Thiện Thệ,
Ðạo pháp này ly ái dục, vô phiền,
Pháp không do tạo tác, thật diệu huyền,
Thật êm ái, khéo giải bày phân tích.
3. Ðời thường nói: quả đem nhiều lợi ích
Khi cúng dường lên Tám vị tịnh tâm
Trong Bốn đôi gồm Giác giả chân nhân,
Hãy đi đến quy y vào Thánh chúng.
Trong khi chàng đi đường, ghi nhớ các điều trên vào lòng, bọn cướp tấn công và giết chàng, lấy hết tiền bạc. Song chàng được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba cùng một Lâu đài rộng ba mươi do-tuần và tỏa ánh sáng hai mươi do-tuần.
Dân chúng ở Setavyà tìm thấy xác chàng liền báo tin cho cha mẹ chàng, còn những người từ Ukkattha đến kể chuyện cho vị giáo sư và đám tang được cử hành.
Rồi bậc Ðạo Sư đi đến, để Chatta có cơ hội giáng trần và nói rõ cho nhiều người biết những nghiệp chàng đã làm. Chatta cũng nghĩ như vậy nên chàng xuất hiện cùng với Lâu đài của chàng.
Khi quần chúng tự hỏi: 'Ðây là Thiên thần hay Phạm Thiên?', bậc Ðạo Sư liền hỏi kệ để làm sáng tỏ phước nghiệp mà vị Thiên tử này đã tạo:
4. Mặt trời không sáng bừng lên như vậy,
Sao Phussa, vầng nguyệt cũng không bằng
Ðại hào quang này quả thực vô song,
Ai là vị giáng trần từ thiên giới?
5. Ánh hào quang tràn lan khắp một cõi
Hai chục do-tuần che ánh mặt trời,
Mỹ cung này thanh tịnh, sáng tuyệt vời
Thậm chí khiến màn đêm như ánh nắng.
6. Với hoa sen đủ màu cùng hoa súng
Trải khắp nơi tô điểm đẹp vô ngần,
Bao phủ bằng màn lưới dệt vàng ròng,
Lâu đài chiếu giữa trời như vầng nhật.
7. Khoác xiêm y đỏ hồng hay vàng rực,
Ngát mùi hương thạch huệ với chiên-đàn,
Bầy tiên da láng mướt, ánh như vàng,
Ðông đúc tựa ngàn sao trời rực rỡ.
8. Ðây nhiều loại tiên đồng và ngọc nữ
Ðeo đầy hoa, và các món trang hoàng,
Theo gió đưa hương phảng phất nhẹ nhàng,
Ðược bao phủ với kim hoàn thất bảo.
9. Phép tu thân nào đây là phước báo?
Nhờ nghiệp quả gì chàng hóa sanh đây,
Làm thế nào chàng đến mỹ lâu này?
Khi được hỏi, hãy giải bày thứ tự.
Vị Thiên tử giải thích qua các vần kệ này:
10. Khi Ðạo Sư đã gặp chàng nam tử
Bà-la-môn trên đại lộ vùng này,
Với từ bi, Ngài giáo giới giảng bày,
Chat-ta đã được nghe Ngài thuyết pháp,
Ðấng Phật Bảo, 'Xin phụng hành', chàng đáp.
11. Con đến gần người Chiến thắng huy hoàng
Ðể quy y Giáo pháp với Tăng đoàn,
Bạch Thế Tôn, con nói 'không' trước nhất,
Sau đó con hành trì theo giới luật.
12. Không sống theo tà hạnh tạo đau thương,
Vì các trí nhân không thể tán dương
Sự buông thả đối với loài sinh vật,
Bạch Thế Tôn, con nói 'không' trước nhất,
Rồi về sau con giữ đúng luật Ngài.
13. Không lấy vật gì, sở hữu của ai,
Không thể nghĩ: của không cho mà lấy,
Bạch Thế Tôn, con nói 'không' trước đấy,
Rồi về sau con giữ đúng luật Ngài.
14. Tà hạnh là đi đến vợ của ai,
Những phụ nữ được người nhà che chở.
Bạch Thế Tôn, con nói 'không' trước đó,
Rồi về sau con giữ đúng luật Ngài.
15. Ðừng nói điều dối trá hoặc sai lời,
Vì bậc trí không tán dương dối trá,
Bạch Thế Tôn, con nói 'không' trước đó,
Rồi về sau con giữ đúng luật Ngài.
16. Chất rượu nồng làm lý trí xa rời
Con người - Vậy hãy tránh luôn tất cả.
Bạch Thế Tôn, con nói 'không' trước đó,
Rồi về sau con giữ đúng luật Ngài.
17. Quả thực con hành Ngũ giới trên đời,
Ði đúng hướng theo Như Lai Chánh pháp,
Trên con đường, giữa hai làng, gặp cướp,
Chúng giết con vì của cải gia tài.
18. Con thi hành thiện sự đúng mức này,
Vượt mức ấy không thể làm công đức,
Nhờ thiện hạnh, hóa sanh theo nghiệp lực,
Lên cõi trời, hưởng lạc thú thỏa lòng.
19. Hãy nhìn đây do lối sống tương đồng
Với Chánh pháp, và thực hành giới luật.
Khi lắm kẻ ít niềm vui ao ước
Hạnh phúc con đang sáng chói huy hoàng.
20. Hãy xem nhờ tiểu pháp ấy gọn gàng,
Ðến thiện thú, con đạt niềm an lạc;
Vậy con nghĩ những ai thường nghe Pháp,
Sẽ đạt thành Bất tử, tối an bình.
21. Theo Giáo pháp Như lai, việc thực hành
Dù ít, quả vẫn được nhiều lợi lớn.
Nhìn Chat-ta nhờ thiện hành, chiếu sáng
Cõi đất này chẳng khác mặt trời kia.
22. Vậy thiện hành, ta có thể làm gì?
Một số kẻ vẫn cùng nhau thảo luận.
Nếu ta muốn lại làm người, hãy sống,
Bước trên đời theo giới luật thực hành.
23. Ðạo Sư vì lợi ích, xót quần sanh,
Sáng sớm gặp ta trong tình cảnh ấy.
Ta đến gần Ngài xứng danh như vậy,
'Xin từ bi cho học Pháp Thế Tôn'.
24. Những ai đây dứt luyến ái dục tham,
Hữu ái tùy miên, si mê tận diệt,
Những người nào không nhập thai kế tiếp,
Sẽ đạt thành tịch tịnh, chứng Niết-bàn'.
Khi bậc Ðạo sư đã thuyết giảng cho hội chúng xong, vị Thiên tử được an trú vào quả Dự Lưu, đảnh lễ đức Thế Tôn và từ biệt song thân, trở về thiên giới.
4. (54) Chuyện thứ tư - Lâu Ðài Của Người Cúng Cháo (Kakkatakarasadàyaka-Vimàma)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha trong Trúc Lâm. Thời ấy một Tỷ-kheo đang thực hành thiền quán bỗng ngã bệnh vì chứng đau tai rất trầm trọng. Thuốc chữa của y sĩ chẳng công hiệu gì. Vị ấy trình với đức Thế Tôn, Ngài biết cháo cua là thứ thuốc chữa bệnh ấy, bèn dặn vị Tỷ-kheo đến khất thực ở vùng đồng ruộng nước Ma-kiệt-đà.
Vị ấy đến đó và đứng khất thực tại cửa lều người giữ ruộng. Người này, sau khi nấu món cháo cua làm thức ăn, liền mời vị ấy ngồi và cúng một ít cháo.
Vị Tỷ-kheo vừa nếm món cháo thì trở nên khoẻ mạnh như thể được tắm với cả trăm gàu nước mát. Tâm trí thanh thản nhờ thức ăn thích hợp, vị ấy hướng tâm trở về thiền quán và chứng đắc quả A-la-hán ngay cả trước khi ăn xong bữa. Vị ấy bảo người giữ ruộng:
- Này cư sĩ, nhờ phước quả công đức này, Hiền hữu sẽ không còn bị thân bệnh và tâm bệnh nữa.
Chúc phước xong, vị ấy ra đi. Về sau người giữ ruộng từ trần, được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một căn phòng làm bằng ngọc bích, giữa một tòa Lâu đài bằng vàng rộng mười hai do-tuần, trụ bằng ngọc được trang hoàng uy nghiêm với bảy trăm sảnh đường có nóc nhọn cao vút. Trước cửa lâu đài, một con cua bằng vàng được treo trên một chuỗi ngọc trai. Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên thiên giới, thấy cảnh này, liền hỏi:
1. Lầu các trụ cao bằng ngọc bích,
Mười hai dặm trải rộng chung quanh,
Bảy trăm nóc nhọn huy hoàng quá,
Trụ ngọc, nền vàng thật hiển vinh.
2. Chàng uống ăn, và trú lạc an,
Khi đàn tiên trổi khúc du dương,
Ðây là thiên lạc đầy năm thứ,
Tiên nữ múa, trang điểm ngọc vàng.
3. Vì sao chàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì chàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào chàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
4. Hỡi chàng Thiên tử đại oai thần,
Chàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Thần lực chàng vì sao rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
5. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho chàng:
6. 'Kìa trên cửa nọ có cua vàng
Ðứng để nhắc con nhớ rõ ràng
Những hạnh nghiệp làm trong quá khứ,
Cua này sáng chói cả mười càng.
7. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất lỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương'.
5. (55) Chuyện thứ năm - Lâu Ðài Của Người Giữ Cửa (Dvàrapàlaka-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Ràjagaha trong Trúc Lâm. Thời ấy, một đệ tử cư sĩ chuẩn bị bốn buổi ngọ trai vĩnh viễn cúng dường Tăng chúng. Song lo sợ trộm cướp, vị ấy thường khóa cửa nhà vì nhà vị ấy tọa lạc ở ranh giới tận cùng của kinh thành.
Bởi thế chư Tỷ-kheo đến theo lời mời thọ thực đôi khi phải chịu đói trở về. Vị ấy nghe vợ kể lại chuyện này, bèn chỉ định một người giữ cửa đón chư Tỷ-kheo đến đó và phục vụ chu đáo.
Khi vị thí chủ từ trần, vị ấy được tái sanh vào cõi Dạ-ma thiên, còn người giữ cửa, khi từ trần, được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng rộng mười hai do-tuần, giống như trong truyện trước.
Khi được Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi như trên, vị ấy đáp lại:
Các câu kệ từ 1 đến 5 giống chuyện 54.
6. 'Cõi thiên thọ mạng cả ngàn năm,
Thiện nghiệp con là đã tán xưng,
Ðảnh lễ thành tâm và bởi vậy,
Người hành công đức sẽ trường tồn,
Ðược cung cấp với nhiều thiên lạc
Trên cõi trời cao hưởng phước phần.
7. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương'.
6. (56) Chuyện thứ sáu - Lâu Ðài Do Công Ðức Thiện Sự (Karanìya-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Sàvatthi trong Kỳ Viên. Một đệ tử tại gia, sau khi đi tắm về từ sông Aciravati, đến yết kiến và thỉnh cầu đức Thế Tôn thọ trai tại nhà mình rồi tiếp đãi Ngài rất long trọng. Phần còn lại cũng giống như chuyện trước.
Vị Thiên tử đáp lời như sau:
Các kệ từ 1 đến 5 giống chuyện 54.
6. Phước nghiệp phải làm bởi trí nhân,
Là người có trí tuệ tinh thông,
Cho nên những vật đem dâng cúng
Chư Phật chánh chân quả bội phần.
7. Phật-đà quả thật đã xuất hành
Vì muốn cho an lạc chúng sanh,
Ngài đã từ rừng vào xóm ấy,
Con lên Ðao-lợi bởi tâm thành.
8. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
9. Xin trình Tôn giả đại oai thần,
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đó oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
7. (57) Chuyện thứ bảy - Lâu Ðài Thứ Hai Do Công Ðúc Thiện Sự (Dutiyakaraniya-Vimàna)
Chuyện này cũng giống chuyện thứ sáu, trừ điểm ở chuyện trước, thực phẩm cúng dường đức Thế Tôn, còn ở đây dâng một Trưởng lão.
Các kệ từ 1 đến 5 giống chuyện 54.
6. Công đức phải làm bởi trí nhân,
Là người có trí tuệ tinh thông,
Cho nên những vật đem dâng cúng
Trưởng lão chánh chân quả bội phần.
7. Chính Tỳ-kheo nọ đã đi ra
Vì muốn cho con lợi lạc mà,
Ngài đã vào rừng từ xóm ấy,
Tâm thành, con đạt cõi Băm-ba.
8.Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
9. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đó oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
8. (58) Chuyện thứ tám - Lâu Ðài Do Cúng Cây Kim (Sùci-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Ràjagaha trong Trúc Lâm. Thời ấy có việc may y cho Tôn giả Sàriputta nên cần một cây kim.
Khi đến khất thực tại nhà một thợ rèn và được hỏi Tôn giả cần thứ gì, Tôn giả liền nói về nhu cầu kia. Người thợ rèn có tâm thành tín cúng dường Tôn giả hai cây kim và dặn Tôn giả phải nói nếu còn cần thêm nữa.
Sau khi từ trần, người thợ rèn được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba và Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi vị Thiên tử:
(Các kệ từ 1 đến 5 giống chuyện 54)
6. Những gì ban tặng, vật đem cho,
Riêng kết quả không giống thế kia,
Những vật gì cần đem cúng cấp,
Chính riêng điều ấy tốt hơn xa,
Một cây kim được con dâng cúng,
Ðối với con, kim lợi lạc to.
7. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đó oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
9. (59) Chuyện thứ chín - Lâu Ðài Thứ Hai Do Cúng Cây Kim (Dutiyasùci-Vimàna)
Thời ấy, Ðức Thế Tôn đang trú tại Ràjagaha trong Trúc Lâm. Bấy giờ một người thợ may nọ thấy một Tỷ-kheo vá áo với cây kim được rèn tại Trúc Lâm, bèn cúng dường vị ấy vài cây kim của mình cùng chiếc bao.
Câu hỏi được đặt cho người thợ may sau khi người ấy được tái sinh vào cõi trời Ba mươi ba cũng giống chuyện trước.
(Các kệ từ 1 đến 5 giống chuyện 54).
6. Kiếp xưa sinh ở chốn phàm trần,
Con được làm người giữa thế nhân,
Thấy một Tỷ-kheo vô lậu hoặc,
An nhiên tâm trí, chẳng mê lầm,
Với Ngài, con có lòng thành kính,
Bèn lấy kim, tay tự cúng dâng.
7. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đó oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
10. (60) Chuyện thứ mười - Lâu Ðài Con Voi (Nàga-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Sàvatthi trong Kỳ Viên. Lúc ấy Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên cõi trời Ba mươi ba, thấy một Thiên tử cỡi một đại tượng thuần bạch cùng một đoàn tùy tùng đông đảo bay qua không gian tiến về phía Tôn giả.
Vị Thiên tử xuống voi và đảnh lễ, Tôn giả liền hỏi vị ấy về hạnh nghiệp đã làm:
1. Ngự trên bạch tượng sáng toàn thân,
Thuần chủng, phi nhanh, thật tráng hùng.
Voi báu huy hoàng, khăn phủ đẹp,
Chàng đến đây qua giữa cõi không.
2. Bên trên của mỗi chiếc ngà voi
Xuất hiện hồ sen nở đẹp tươi,
Trong tựa pha lê làn nước mát,
Từng đoàn nữ nhạc bước ra ngoài
Giữa hoa sen khiến lòng mê mẩn,
Tiên chúng này đang múa tuyệt vời.
3. Hỡi chàng Thiên tử đại huy hoàng,
Chàng đã đạt bao đại lực thần,
Công đức gì xưa chàng đã tạo
Khi tái sinh làm một thế nhân,
Vì sao thần lực chàng ngời sáng,
Dung quang chiếu tỏa khắp mười phương?
4. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho chàng:
5. 'Tự tay con lấy tám hoa tàn,
Và với thành tâm, đến cúng dường
Ở tại nơi kia là bảo Tháp
Phật-đà Ca-diếp đại vinh quang.
6. Vì vậy sắc con đẹp thế này
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
7. Xin trình Tôn giả đại oai thần,
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đó oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
11. (61) Chuyện thứ mười một - Lâu Ðài Con Voi Thứ Hai (Dutiyanàga-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Ràjagaha trong Trúc Lâm. Thời ấy, một đệ tử tại gia có lòng tin, sống theo giới luật, hành trì ngày Bố-tát giới, cúng dường Tăng chúng và đến nghe pháp tại tinh xá cùng đem các tặng phẩm, nên khi từ trần được tái sanh lên cõi trời Ba mươi ba. Ở đó, một voi trắng vĩ đại phục vụ vị ấy cùng một đoàn hầu cận, vị ấy thường đến du ngoạn trong hoa viên.
Một hôm, lòng nôn nóng muốn bày tỏ niềm tri ân, vị ấy ngồi trên voi lúc nửa đêm từ thiên giới xuống Trúc Lâm rồi đứng đó trong dáng điệu sùng kính trước đức Thế Tôn.
Tôn giả Vangìsa đang đứng hầu Thế Tôn và được Thế Tôn cho phép, bèn hỏi vị ấy:
1. Ngự trên bạch tượng đại hùng cường,
Chàng dạo chơi và được cả đoàn
Tiên nữ theo hầu quanh thượng uyển,
Như sao cứu hộ sáng mười phương.
2. Vì sao chàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì chàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào chàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
3. Hỡi chàng Thiên tử đại oai thần,
Chàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Nhờ thế oai nghi chàng rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương?
4. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Liền giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho chàng:
5. Kiếp xưa sinh giữa chốn phàm nhân,
Là đệ tử Ngài có Nhãn quang,
Con bỏ sát sinh loài thú vật,
Tránh xa thói trộm cắp tà gian.
6. Con không uống rượu, chẳng sai lời,
Tri túc, không ham muốn vợ người,
Thành tín, con cung dâng thực phẩm
Dồi dào mọi thứ chẳng hề vơi.
7. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đó oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
12. (62) Chuyện thứ mười hai - Lâu Ðài Con Voi Thứ Ba (Tatiyanàga-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha ở Trúc Lâm. Thời ấy ba vị Trưởng lão A-la-hán đến một làng để an cư mùa mưa, sau đó đi vào Ràjagaha đảnh lễ đức Thế Tôn.
Lúc đi ngang qua đồn điền mía của một Bà-la-môn có tà kiến, chư vị hỏi người giữ vườn:
- Chúng tôi có đến Ràjagaha kịp hôm nay chăng?
- Thưa Tôn giả, không thể. Còn một chặng đường dài độ nửa do-tuần nữa, xin Tôn giả ở lại đây và ngày mai đi tiếp.
- Ở đây có chỗ nào chúng tôi có thể ở lại chăng?
- Thưa không, nhưng tôi sẽ nói cho Tôn giả một chỗ.
Rồi người giữ vườn ấy dựng gấp các lều tranh bằng thân mía, khúc cây v.v..., kẻ ấy cúng dường chư vị món cơm và nước mía. Sau bữa cơm, kẻ ấy lại tiễn đưa mỗi vị với một cây mía, vì cho rằng cái đó lấy từ phần sản phẩm của mình, nên ra về trong nỗi hân hoan và đặt hy vọng vào sự an lạc của mình mai sau.
Nhưng chủ nhân khu vườn gặp chúng Tăng, hỏi chư vị làm cách nào lấy được mía, và khi nghe xong, liền đùng đùng nổi giận chạy về vườn lấy gậy đánh người kia chết ngay với một đòn như trời giáng.
Nhờ công đức trên, vị ấy được tái sanh vào hội chúng chư Thiên ở Thiện pháp đường (Sudhammà), làm chủ một con voi toàn trắng rất oai hùng.
Cha mẹ và bà con vị ấy khóc thương khi đến dự đám tang, nhưng vị ấy giáng trần giữa mọi người trong cảnh uy nghi, rồi một người bản chất thông minh đến hỏi thăm vị ấy về thiện sự đã làm:
1. Từ cung trời ngự xuống phàm trần,
Ai cỡi trên thiên tượng trắng ngần,
Âm nhạc thiên đình êm dịu trổi
Ðón chào ngài giữa cõi không gian?
2. Có phải là Thiên tử, Nhạc thần,
Sak-ka Thiên chủ, đại danh lừng,
Ngày xưa bố thí rất hào phóng,
Chưa biết ngài, ta muốn hỏi han?
Vị ấy giải thích vấn đề:
3. Chẳng phải là Thiên tử, Nhạc thần,
Sak-ka Thiên chủ đại danh lừng,
Ngày xưa bố thí rất hào phóng,
Ta thuộc chư Thiên Thiện pháp đường.
Người kia lại hỏi:
4. Ta hỏi ngài, này Thiện pháp thiên,
Chắp tay, ta đảnh lễ trang nghiêm:
Việc gì ngài tạo trong nhân giới,
Nay Thiện pháp đường, đã được lên?
Vị ấy ngâm kệ đáp lời:
5. Ai cúng dường lều mía, cỏ khô,
Hoặc lều bằng áo rách thô sơ,
Cúng dường được một trong ba thứ,
Lên Thiện pháp đường ở với ta.
13. (63) Chuyện thứ mười ba - Lâu Ðài Có Cỗ Xe Nhỏ (Cùlaratha-Vimàna)
Sau khi đức Thế Tôn diệt độ, xá-lợi của Ngài được chia đều và theo sự lãnh đạo của Tôn giả Ðại Ca-diếp, chư Tăng được triệu tập để đọc lại Giáo pháp. Chư vị đệ tử đến an trú mùa mưa, mỗi vị cùng đi với hội chúng của mình, sống ở nhiều nơi khác nhau để quan tâm chăm sóc đám quần chúng cần được dẫn dắt vào đạo.
Bấy giờ Tôn giả Mahà-Kaccàna (Ðại Ca-chiên-diên) trú tại một khu rừng ở vùng biên địa. Thời ấy vua Assaka đang ngự trị tại thành Pota của xứ Assaka. Vương tử Sujàta, con bà chánh hậu của vua, bị cha đuổi vì nghe theo lời nài nỉ của một tiểu thứ phi, nên chàng phải vào rừng ở.
Vào thời đức cổ Phật Kassapa, mặc dù chàng đã làm Tỷ-kheo một dạo, về sau chàng lại từ trần như một người thế tục, và giờ đây tái sanh làm vương tử có tên Sujàta. Khi mẫu hậu chàng qua đời sớm, bà chánh hậu mới của vua cha chàng cũng có một hoàng nam, Nhà vua hài lòng liền ban cho bà một điều ước.
Khi Sujàta lên mười sáu tuổi, chánh hậu đòi vua cha ban điều ước kia, bà yêu cầu nhà vua phong cho hoàng nam của bà làm người kế vị. Nhà vua từ chối, vì Thái tử sẽ là người kế vị vua về sau.
Song bà cứ tiếp tục làm phiền lòng vua để buộc vua phải giữ lời hứa, cho đến khi vua cảm thấy phải làm theo ý bà, đành rơi lệ bảo cho Sujàta biết sự việc.
Thái tử đau buồn trước nỗi khổ của vua cha, liền xin phép vào rừng ở ẩn. Nhà vua đề nghị xây cho chàng một thành phố khác, song chàng không thuận, chàng cũng không muốn được gửi sang ở với các vương tử nước láng giềng. Nhà vua ôm lấy con từ giã và cho chàng ra đi với lời dặn là chàng phải trở về khi vua băng hà để cai trị vương quốc.
Sống trong rừng với đám sơn nhân, một hôm chàng đi săn nai và đuổi theo con nai cho đến khi nó mất dạng gần túp lều lá của Trưởng lão Mahà-Kaccàna, Tôn giả bèn ngâm kệ hỏi chàng như vầy:
1. Chàng đứng dựa vào một chiếc cung
Làm bằng gỗ tốt thật oai hùng,
Chàng là quý tộc, là vương tử,
Hay thợ săn lang bạt giữa rừng?
Sau đó chàng đáp lại, giải thích thân thế mình:
2. Con là vương tử As-sa-ka,
Tôn giả, con lang bạt thật xa
Vào chốn rừng già, xin nói rõ,
Tên con thường gọi Su-jà-ta.
3. Con thường săn bắn các nai rừng,
Con dấn sâu vào chốn đại lâm,
Song chính nai kia, con chẳng thấy,
Mà con thấy được đại tôn nhân.
Vị Trưởng lão đáp lại với lời chào đón ân cần:4. Xin đón chào chàng, đại quý nhân,
Thấy chàng trong dạ thật vui mừng,
Này đây nước lạnh xin chàng lấy,
Vì thế chàng đi rửa sạch chân.
5. Nước uống này đây mát biết bao
Ðem từ trong núi đá hang sâu,
Uống ngay nước mát, này vương tử,
Và hãy ngồi trên thảm cỏ lau.
Và vương tử đáp lại lời chào đón ân cần của Trưởng lão:
6. Lời ngài nghe quả thật êm tai,
Bậc đại trí nhân, ấy chính ngài,
Vừa nói những lời hiền dịu quá,
Thiện tâm nhằm chủ đích cao vời.
7. Ngài thích thú sao lại ở rừng,
Xin ngài hãy nói, hỡi Ngưu vương,
Lắng nghe đường lối ngài khuyên bảo,
Con sẽ hành theo Pháp đúng đường.
Bấy giờ Trưởng lão nói đến cách thực hành Ðạo pháp chánh chân của chính mình cũng thích hợp với chàng nữa:
8. Không sát hại sinh vật mọi loài,
Tránh xa trộm cắp ấy niềm vui,
Lòng không tà dục, này vương tử,
Và rượu nồng say, dứt bỏ rồi.
9. Tránh xa ác pháp, sống công bằng,
Học tập nhiều và biết nhớ ân,
Những việc này đây cần tán thán,
Là điều xứng đáng giữa phàm trần.
10. Vương tử, giờ đây hãy biết rằng
Trong vòng năm tháng sắp qua dần,
Có cơ chàng gặp Diêm vương diện,
Vậy hãy lo mau giải thoát thân.
Sau đó vương tử hỏi về phương tiện giải thoát mình:
11. Ðến xứ nào nay con phải đi,
Con cần thực hiện việc làm gì,
Hoặc là tri thức nào cần học
Ðể khỏi thành già chết thế kia?
Rồi Trưởng lão ngâm kệ thuyết pháp cho chàng:
12. Chẳng miền nào ở cõi trần gian
Ðể học gì hay có việc làm,
Vương tử đến kia mong có được
Con người không lão, tử, suy tàn.
13. Những người đại phú, lắm kho tàng,
Hay võ tướng quyền quý, quốc vương,
Dầu đủ bạc vàng và thóc lúa,
Cũng không thoát lão tử thông thường.
14. Chắc chàng đã biết các vương tôn
Con của An-dha, thật tráng cường,
Vô địch, song khi dứt thọ mạng,
Những người này cũng phải tan xương.
15. Chẳng ai võ tướng, Bà-la-môn,
Nô lệ, dân quê, hạng quét đường,
Hoặc có người nào nhờ đẳng cấp,
Không già, không chết, mãi trường tồn.
16. Những người đọc mật chú thiêng liêng
Từ sáu nguồn kinh của Phạm Thiên,
Dẫu các người này nhờ kiến thức,
Cũng không thoát lão tử triền miên.
17. Dù người giác ngộ, bậc tu nhân
Ðã đạt tịnh tâm, chế ngự thân,
Ngay các bậc hiền nhân khổ hạnh
Ðúng thời cũng bỏ xác phàm trần.
18. Thậm chí A-la-hán trí minh,
Vô ưu, phận sự đã hoàn thành,
Ðến thời cũng đặt thân này xuống
Vào lúc diệt vong thiện ác hành.
Bấy giờ nam tử nói đến những việc chính chàng cần phải làm:
19. Các kệ ngài ngâm thật khéo thay,
Hiền nhân, mục đích quý cao vầy.
Nhớ lời vàng ngọc, con an tịnh,
Xin hãy cho con nương tựa đây.
Sau đó Trưởng lão ngâm kệ dạy bảo chàng:
20. Ðừng tìm nương tựa ở nơi ta,
Hãy hướng đến ngay đức Phật-đà,
Là bậc Ðại Hùng, Ngài Thích tử,
Ta từng quy ngưỡng những ngày qua.
Chàng trai lại hỏi:
21. Ở xứ nào đâu có Ðạo Sư,
Kính thưa Tôn giả, tự bây giờ,
Con đi yết kiến Ngài Vô thượng,
Thắng giả oai hùng của chúng ta.
Trưởng lão đáp:22. Trong quốc độ kia ở phía Ðông,
Ok-kà-ka tộc, chính con dòng,
Ngài là tối thượng trong thiên hạ,
Ðã đắc vô dư Bát Niết-bàn.
Khi vương tử đã nghe Trưởng lão thuyết pháp, chàng được an trú vào Tam quy và Ngũ giới, vì thế chàng nói:
23. Giá đức Phật-đà, Ðại Ðạo Sư,
Vẫn còn trụ thế đến bây giờ,
Hẳn con sẽ nguyện đi ngàn dặm
Ðể yết kiến Ngài, thỏa ước mơ.
24. Song chính vì nay bậc Ðạo Sư
Ðã hoàn toàn tịch diệt vô dư,
Con xin Tôn giả cho an trú,
Vào bậc Ðại Hùng của chúng ta.
25. Con đến quy y Phật Thế Tôn,
Và con quy ngưỡng Pháp vô song,
Và con quy ngưỡng toàn Tăng chúng
Của cả trời, người ở thế gian.
26. Từ nay con tránh giết muôn loài,
Không lấy các tài vật của ai,
Không uống rượu nồng, không nói dối,
Và tri túc với vợ mình thôi.
Trưởng lão nói như vầy:
- Bây giờ chàng hãy về với vua cha, đời sống của chàng thật ngắn ngủi, chàng sẽ chết trong vòng năm tháng nữa thôi, vậy hãy làm công đức thiện sự.
Chàng trai làm theo lời dạy và chỉ sau bốn tháng, chàng từ trần rồi tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba. Nhờ uy lực công đức của chàng, một cỗ xe được trang hoàng bảy báu vật xuất hiện dài bảy do-tuần (dặm). Xe có cả đoàn hộ tống hàng ngàn tiên nữ.
Khi vua cha đã cử hành tang lễ cho con và dâng cúng đại lễ lên chư Tăng xong, vua đến cúng dường bảo Tháp trong tinh xá. Vị Trưởng lão cũng đến đó. Còn vị Thiên tử giáng trần trong cỗ xe thiên giới kia, đảnh lễ Trưởng lão và chào mừng vua cha.
Trưởng lão ngâm kệ hỏi chàng:
27. Như vạn hào quang của mặt trời
Xoay vần chiếu sáng khắp nơi nơi,
Cỗ xe vĩ đại chàng đang ngự
Giăng trải chung quanh bảy dặm dài.
28. Bao phủ bên trên các phiến vàng,
Ngọc trai, ngọc thạch cẩn toàn thân,
Các khung chạm trổ đầy vàng bạc
Ngọc bích khéo tô điểm tuyệt trần.
29. Trang trí mặt tiền, ngọc bích xanh,
Càng xe, hồng ngọc vẽ nên hình,
Cân đai bầy ngựa toàn vàng bạc
Làm đẹp xe lao vút thật nhanh.
30. Chàng đang đứng giữa chiếc xe vàng
Vượt hẳn quần tiên hộ tống chàng,
Trông chàng chẳng khác ngôi Thiên chủ
Trong chiếc thiên xa, ngựa cả ngàn,
Thiên tử lừng danh và đại lực,
Nhờ đâu chàng được cảnh huy hoàng?
Khi được Trưởng lão hỏi vậy, Thiên tử giải đáp qua các vần kệ:
31. Tôn giả, con là Thái tử xưa,
Tên con thường gọi Su-jà-ta,
Nhờ ngài bi mẫn cho con được
An trú vào trong giới tại gia.
32. Vì biết đời con sắp sửa tàn,
Ngài đem xá-lợi Ðạo Sư ban,
Bảo: 'Su-jà hãy nghiêng mình lễ,
Việc ấy cho con lợi lạc tràn'.
33. Khi con đã kính lễ nghiêm trang,
Hương liệu, vòng hoa được cúng dường,
Con bỏ xác thân phàm tục ấy,
Và lên vườn Hỷ lạc thiên đường.
34. Trong vườn Hỷ Lạc Nan-da-na,
Nơi lắm bầy chim đến điểm tô,
Con được cả đàn tiên hộ tống,
Hân hoan xem vũ nhạc đồng ca.
Nói vậy xong, vị Thiên tử đảnh lễ Trưởng lão và giã từ vua cha, rồi lên xe trở về thiên giới. Trưởng lão kể lại toàn câu chuyện đã diễn ra giữa đôi bên với các Trưởng lão kết tập Kinh điển vào thời kỳ họp Hội đồng của chư vị.
14. (64) Chuyện thứ mười bốn - Lâu Ðài Có Cỗ Xe Lớn (Mahàratha-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú ở Savàtthi, trong Kỳ Viên. Và Tôn giả Mahà-Moggallàna đang du hành cõi trời Ba mươi ba, thấy một Thiên tử tên Gopàla vừa rời Lâu đài bước lên cỗ xe uy nghi của chàng để nhàn du trong vườn Thiên lạc. Vị Thiên tử thấy Tôn giả, liền xuống xe và đứng trước Ngài, chắp tay đảnh lễ.
Tôn giả Mahà Moggallàna hỏi chàng:
1. Trên xe tô điểm biết bao màu,
Tráng lệ với thiên mã dẫn đầu,
Ðang tiến bước về vườn Hỷ lạc,
Hình chàng chiếu sáng giữa trời cao,
Giống như thí chủ đầy hào phóng,
Thiên chủ Va-sa-va thuở nào.
2. Càng xe chàng được đúc bằng vàng,
Cân đối sườn, vai thật nhịp nhàng,
Trụ đúc tinh vi nhờ thợ khéo,
Như trăng rằm chiếu ánh hào quang.
3. Xe này được phủ lưới bằng vàng,
Rực rỡ nhiều châu ngọc điểm trang
Lấp lánh, tạo âm thanh dịu nhẹ
Sáng ngời nhờ lắm quạt tay mang.
4. Trục xe thiết kế thật cầu kỳ,
Và được trang hoàng giữa bánh xe,
Các trục được tô trăm nét vẽ,
Sáng ngời như chớp lóe trăm tia.
5. Xe được phủ đầy các loại tranh,
Khung xe rộng chiếu cả ngàn hình,
Âm thanh kỳ diệu nghe từ đó
Chẳng khác đàn năm thứ hợp thành.
6. Mặt tiền xe ấy được trang hoàng
Châu ngọc theo hình dáng mặt trăng,
Thanh tịnh hào quang luôn chiếu sáng,
Chứa tia vàng óng ánh tràn lan,
Tỏa ra như thể cùng hòa lẫn
Tia ngọc xanh xanh thật dịu dàng.
7. Cả đàn tuấn mã được trang hoàng
Châu ngọc theo hình dáng mặt trăng,
Cổ ngựa ngẩng cao đầy tốc lực,
Thân hình cao lớn, thật hùng cường,
Phi nhanh khi chúng vừa hay biết
Ý muốn gì trong trí của chàng.
8. Tứ chi đàn ngựa khéo hòa đồng
Phi vút nhanh khi biết ý chàng,
Chúng rước chàng đi êm ái quá,
Ngựa thuần dễ dạy, chẳng hung hăng,
Chúng hân hoan kéo xe tiên ấy,
Tối thượng giữa loài ngựa bốn chân.
9. Chuyển động quay cuồng giữa cõi không,
Chúnh cùng nhảy nhót lại khua rân
Cân đai phát tiếng nghe kỳ diệu,
Chẳng khác đàn năm thứ họa đồng.
10. Tiếng xe cùng với tiếng cân đai,
Tiếng vó câu và ngựa hí dài,
Âm thanh kỳ diệu nghe từ đó
Như nhạc vườn Thiên lạc tuyệt vời.
11. Mắt nhìn e thẹn, dáng linh dương,
Tiên nữ trong xe đứng một đàn,
Ðôi mí mắt dày,cười mỉm miệng,
Làn da láng mướt, giọng oanh vàng,
Khoác xiêm y kết đầy lam ngọc,
Ðược các Nhạc thần kính lễ luôn.
12. Y phục quần tiên sắc đỏ, vàng,
Mắt to màu đỏ sẫm, cao sang,
Hình dung yểu điệu, cười duyên dáng,
Tay chắp trên xe hộ tống chàng.
13. Xiêm y rực rỡ, chuỗi vòng vàng,
Khả ái toàn thân, ngón búp măng,
Diễm lệ dung nhan, tiên chúng ấy
Trên xe, tay chắp, đứng hầu chàng.
14. Vài nàng ngọc nữ lại trang hoàng
Các cuộc tóc tiên kết gọn gàng,
Rực rỡ, sẵn sàng làm đẹp ý,
Trên xe, tay chắp, đứng hầu chàng.
15. Xanh, đỏ, đóa sen khéo điểm trang,
Vòng hoa đầu đội, ngát mùi hương,
Chiên-đàn đệ nhất thơm ngào ngạt,
Làm đẹp lòng, tuân lệnh sẵn sàng,
Ðang ở trên xe, tay chắp lại,
Cả đàn tiên nữ đứng hầu chàng.
16. Ðóa sen xanh, đỏ khéo trang hoàng,
Cùng các tràng hoa, hương tỏa lan
Ðệ nhất chiên-đàn thơm sực nức,
Sẵn sàng tuân lệnh, đẹp lòng chàng,
Trên xe, đang đứng, hai tay chắp,
Hộ tống chàng, tiên nữ cả đàn.
17. Các món trang hoàng trên cổ vai,
Tay, chân, đầu tóc lẫn đôi tai,
Làm mười phương thảy đều bừng sáng,
Như nắng mùa thu chiếu rạng ngời.
18. Lay động theo làn gió nhẹ nhàng,
Vòng hoa tay với các kim hoàn
Phát ra âm hưởng toàn trong trẻo,
Thánh thót làm mê mẩn các nàng,
Ðối với mọi người nào hiểu biết,
Tiếng này êm dịu nhất trần gian.
19. Trong vườn Thiên lạc cả hai bên,
Xa, tượng, và dàn nhạc trổi lên,
Khiến chàng hoan hỷ, này tiên chúa,
Như phiếm đàn tơ với lục huyền.
20. Trong khi đang trổi các huyền cầm,
Mỹ lệ, dáng đàn đẹp mắt trông,
Khơi dậy trong lòng bao hỷ lạc,
Các tiên nữ khéo luyện tinh thông,
Ðứng trên các đóa hoa sen nở,
Lã lướt tự nhiên, múa lượn vòng.
21. Và khi vũ điệu đã hòa đàn,
Cùng được diễn bày, ca hát vang
Ðây đó trong xe chàng, hội chúng
Các nàng tiên nữ thật huy hoàng,
Làm mười phương thảy đều bừng sáng,
Cùng múa hai bên thật nhịp nhàng.
22. Chàng hưởng lạc theo nhạc cả dàn,
Khác nào Thiên chủ đại vinh quang
Tay cầm bảo trượng thiên lôi ấy,
Lòng rộn niềm vui với tiếng đàn.
23. Thiện nghiệp gì chàng đã thực hành
Ở trong kiếp trước giữa quần sanh,
Phải chàng giữ giới hay hoan hỷ
Sống chánh chân, tu tập pháp lành?
24. Cảnh này vinh hiển đại oai thần,
Chàng vượt xa Thiên chúng bội phần,
Không thể phát sinh từ việc nhỏ,
Hoặc do Trai giới giữ tinh cần.
25. Hay quả này do việc cúng dường,
Hay do giữ giới luật thông thường,
Hoặc do đảnh lễ đầy cung kính?
Ðược hỏi, xin cho biết hỡi chàng!
Vị Thiên tử giải thích vấn đề khi được Ðại Trưởng lão hỏi:
26. Chàng Thiên tử ấy kỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho chàng:
27. Ðiều phục các căn, đức Phật-đà,
Viên thành trí lực, Kas-sa-pa,
Là người vô thượng trên nhân giới,
Cửa Bất tử Ngài đã mở ra,
Thiên đế tối cao trên thượng giới,
Mang trăm tướng phước đức sâu xa.
28. Con thấy Ngài, vương tượng đại hùng,
Như vòng vàng ánh, vượt qua dòng,
Thấy Ngài, tâm trí con an tịnh,
Ngài, vị thiện ngôn thật lẫy lừng.
29. An tịnh, con đi trải tọa sàng
Ðầy hoa được rải rắc trang hoàng,
Dâng Ngài đủ các thức ăn uống,
Y phục tối ưu để cúng dường.30. Sau khi con đã cúng dường xong
Ngài, bậc tối cao giữa thế nhân,
Y phục, tọa sàng và thực phẩm,
Loại mềm, loại cứng đủ cần dùng,
Con an hưởng tại thành thiên giới,
Giữa các cõi thiên mãi chuyển luân.
31. Khi đã dâng lên lễ cúng Ngài
Dồi dào phẩm vật cách như vầy,
Ba lần thanh tịnh, con từ bỏ
Thể xác phàm trần tại chỗ đây,
Con hưởng an vui thiên lạc phố
Khác nào Thiên chủ In-da này.
32. Thọ mạng, dung nhan, lạc, tráng cường,
Kẻ nào mong muốn tối cao sang,
Hãy đem thực phẩm đầy thanh tịnh
Dâng cúng lên người trí tịnh an.
33. Chẳng phải đời này hoặc kiếp sau,
Có ai bằng Phật hoặc hơn đâu,
Với người mong quả nhờ công đức,
Ngài trở thành hình tượng tối cao
Giữa những bậc hiền nhân xứng đáng
Với lời nguyện ước đạt mong cầu.
Trong khi chàng nói như vậy, Trưởng lão biết tâm trí chàng đã sẵn sàng không có gì trở ngại, liền thuyết giảng các Thánh Ðế và vào lúc kết thúc, Tôn giả an trú chàng vào quả Dự Lưu.
Sau đó, khi trở về cõi người, Trưởng lão trình đức Thế Tôn câu chuyện giữa Tôn giả và Thiên tử kia. Bậc Ðạo Sư lấy đề tài ấy làm cơ hội thuyết pháp cho hội chúng đang có mặt lúc bấy giờ.
Tổng Kết
Lâu đài Con nhái, Revatì, Con cua,
Người giữ cửa, Hai Công đức thù thắng,
Hai cây kim, Ba con voi, và Hai cỗ xe,Phẩm Lâu đài Nam giới được biết qua các chuyện này.
Phẩm Thứ Ba Ðể Phúng Tụng
1. (65) Chuyện thứ nhất - Lâu Ðài Gia Chủ (Agàriya-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha, trong Trúc Lâm. Thời ấy có một gia đình giàu sang đạo đức, một nguồn tài lợi dồi dào cho Tăng chúng và Ni chúng. Hai vị cha mẹ suốt thời thực hành công đức nhân danh Tam Bảo, lúc từ trần được tái sanh lên cõi trời Ba mươi ba. Một lâu đài bằng vàng dài mười dặm được dành riêng cho hai vị.
Tôn giả Mahà Moggallàna hỏi như vầy:
1. Sáng rực như vườn lạc Cit-ta,
Khu vườn đệ nhất cõi Băm-ba
Lâu đài đây của chàng bừng sáng
Ở giữa không gian thực chói lòa
2. Ðạt thành thần lực đại hùng cường,
Chàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
3. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho chàng:
4. Con cùng hiền phụ giữa phàm trần,
Sống tại gia, làm lợi chúng Tăng,
Thực phẩm dồi dào đem cống hiến
Với tâm thành tín tự tay dâng.
5. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ,
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
6.Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân
Nhờ đó oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
2. (66) Chuyện thứ hai - Lâu Ðài Gia Chủ Thứ Hai (Dutiya-Agàriya-Vimàna)
Giống như chuyện trên về mọi mặt.
3. (67) Chuyện thứ ba - Lâu Ðài Của Người Cúng Trái Cây (Phaladàya-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha trong Trúc Lâm. Thời ấy vua Bimbisàra muốn ăn xoài trái mùa. Dù khó khăn, người làm vườn cũng hứa sẽ nỗ lực làm cho cây có trái theo phương pháp cưỡng bách.
Khi bốn trái xoài đã chín, kẻ ấy hái đem dâng vua. Nhưng vừa chợt thấy Tôn giả Mahà-Moggallàna, y suy nghĩ: 'Ta muốn dâng xoài cúng vị Tôn giả cao quý này và sẵn sàng để đức vua giết chết hay trừng phạt ta, vì lợi lạc tại đời này do phụng sự vua thật không đáng kể, nhưng công đức đời này và đời sau do việc cúng dường vị Tôn giả xứng đáng này thật là vô lượng'.
Vì thế y đem xoài cúng dường Tôn giả và trình việc ấy lên nhà vua. Vua truyền đám hầu cận vào phán:
- Hãy xem kỹ có phải kẻ ấy đã nói đúng với trẫm chăng.
Vị trưởng lão đem xoài dâng đức Thế Tôn, Ngài chia đều cho các Trưởng lão Sàriputta, Mahà Moggallàna, và Mahà-Kassapa. Nhà vua nghe vậy rất hài lòng vì sự can đảm của người làm vườn, liền ban cho y một ngôi làng, y phục, tư trang, và bảo y san sẻ công đức ấy cho vua. Y đáp:
- Tâu Ðại vương, hạ thần xin san sẻ. Xin Ðại vương hãy chọn lợi lạc gì tùy ý.
Khi từ trần, người làm vườn được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng rộng dài mười sáu dặm.
Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi vị Thiên tử:
1. Lầu các trụ cao bằng ngọc bích,
Rộng dài mười sáu dặm chung quanh,
Bảy trăm nóc nhọn huy hoàng quá,
Trụ ngọc nền vàng thật hiển vinh.
2. Chàng uống ăn cư trú lạc an,
Khi đàn tiên trổi khúc du dương,
Sáu tư tiên nữ tài sắc đủ,
Những vị đồng cư trú ngọc đường.
Ở cõi Ba mươi ba rực rỡ,
Múa ca, hưởng lạc thú khôn lường.
3. Ðạt thành thần lực đại hùng cường,
Chàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang sáng chói khắp mười phương?
4. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả do chàng:
5. Cúng dường quả được quả tràn đầy,
Ai tín tâm dâng các vị này
Ðang sống cuộc đời đầy chánh hạnh,
Khi lên Ðao-lợi hưởng như vầy,
Ðược nhiều thành quả công to lớn,
Vì thế con dâng bốn quả cây.
6. Vậy ai tìm hạnh phúc, bình an,
Trường cửu, nên đem quả cúng dường,
Dù ước đạt thành Thiên giới lạc,
Hay là lạc thú cõi nhân gian.
7. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ,
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đó oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
4. (68) Chuyện thứ tư - Lâu Ðài Của Ngừơi Cúng Chỗ Cư Trú (Upassayadàyaka-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn đang trú tại Ràjagaha ở Trúc Lâm. Thời ấy một Tỷ-kheo, sau mùa mưa, lên đường đến yết kiến Thế Tôn, vào một làng nọ tìm chỗ cư trú thích hợp qua đêm. Vị ấy hỏi một cư sĩ tại gia, người này bàn chuyện với vợ xong, liền mời vị Tỷ-kheo làm khách trọ, và hôm sau khi khách lại khởi hành, chủ nhà đem tặng một cục đường mía.
Về sau lúc từ trần, vị cư sĩ tái sanh cùng vợ trên cõi trời Ba mươi ba trong một lâu đài bằng vàng mười hai dặm.
Tôn giả Mahà Moggallàna hỏi vị ấy:
1. Như mặt trăng đi giữa đỉnh đầu,
Khi mây tan biến, chiếu toàn cầu,
Lâu đài chàng đứng trên thiên giới,
Tỏa ánh sáng ngời đẹp biết bao.
2. Ðạt thành thần lực đại hùng cường,
Chàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
3. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho chàng:
4. Con cùng hiền phụ ở phàm trần
Thỉnh bậc A-la-hán trú chân,
Với tấm lòng thành, con cống hiến
Dồi dào thực phẩm tự tay dâng.
5. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
6. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ đó oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
5. (69) Chuyện thứ năm - Lâu Ðài Của Người Cúng Chỗ Cư Trú Thứ Hai (Dutiya-Upassayadàyaka-Vimàna)
Chuyện này giống hệt chuyện trước, trừ điểm ở đây có nhiều Tỷ-kheo, và Tôn giả Mahà-Moggallàna ví Lâu đài với mặt trời.
6. (70) Chuyện thứ sáu - Lâu Ðài Của Người Cúng Món Khất Thực (Bhikkhàdàyaka-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha. Thời ấy một Tỷ-kheo đang đi trên đường cái vào làng nọ khất thực và dừng ở cửa nhà kia. Vị chủ nhà vừa rửa tay chân và ngồi xuống để ăn, liền đổ hết phần cơm mình vào bát vị Tỷ-kheo; sau khi nói lời tùy hỷ công đức, vị ấy ra đi. Chủ nhà hân hoan suy nghĩ: 'Ta đã cúng dường một Tỷ-kheo đang đói và ta đã nhịn ăn". Sau đó từ trần, vị ấy được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng mười hai dặm.
Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi vị ấy:
1. Lầu các trụ cao bằng ngọc bích,
Mưòi hai dặm trải rộng chung quanh,
Bảy trăm nóc nhọn huy hoàng quá,
Trụ ngọc nền vàng thật hiển vinh.
2. Ðạt thành thần lực đại hùng cường,
Chàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
3. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho chàng.
4. Khi làm người giữa cõi phàm nhân,
Thấy một Tỷ-kheo mệt đói cơm,
Con đã cúng dường ngài thực phẩm,
Món ăn duy nhất đủ toàn phần.
5. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ,
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
6. Xin trình Tôn giả đại oai thần,
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.
7 (71) Chuyện thứ bảy - Lâu Ðài Của Người Giữ Lúa Mạch (Yavapàlaka-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha, trong Trúc Lâm. Thời ấy một cậu bé nghèo giữ ruộng lúa mạch đã đem bánh Kummàsa để ăn sáng. Khi cậu ngồi xuống ăn, một vị Trưởng lão vô lậu bước đến chỗ ấy. Cậu hỏi:
- Thưa Tôn giả đã thọ thực chưa?
Vị Trưởng lão im lặng. Cậu bé hiểu điều này có nghĩa là 'chưa' liền nói:
- Thưa Tôn giả, bây giờ đã quá trễ nên không thể tìm ra món ăn gần giờ ngọ trai như vầy. Xin Tôn giả dùng miếng bánh Kummàsa này vì lòng thương xót con.
Vị Trưởng lão vì từ bi đối với cậu đã dùng miếng bánh trong khi cậu đứng nhìn, rồi nói lời tùy hỷ và ra đi. Với tâm đầy thành tín, cậu bé nghĩ mình đã làm việc tốt khi cúng dường một người như thế.
Về sau, khi từ trần, cậu được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài như đã tả ở trên. Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi cậu:
1. Lầu các trụ cao bằng ngọc bích,
Mười hai dặm trải rộng chung quanh,
Bảy trăm nóc nhọn huy hoàng quá,
Trụ ngọc nền vàng thật hiển vinh.
2. Ðạt thành thần lực đại hùng cưòng,
Chàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
3. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho chàng:
4. Khi làm người giữa cõi phàn nhân,
Giữ lúa mạch trong đám ruộng đồng,
Con thấy Tỷ-kheo vô lậu hoặc,
An nhiên tâm trí, chẳng mê lầm.5. Với ngài, con có tấm lòng thành,
Con tự tay dâng bánh của mình,
Cúng bánh Kum-mà-sa thuở ấy,
Nay vui vườn Hỷ lạc thiên đình.
6. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
7. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức ơn làm giữa thế nhân,
Nhờ thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
8. (72) Chuyện thứ tám - Lâu Ðài Của Vị Thiên Tử Ðeo Vòng Tai (Kundalì-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Kỳ Viên. Thời ấy, hai vị Ðại đệ tử cùng hội chúng du hành giữa dân chúng Kàsi vừa đến một tinh xá kia lúc trời tối.
Một đệ tử tại gia liền đến rửa chân chư vị và xoa dầu thơm cho chư vị, rồi thỉnh chư vị thọ thực hôm sau. Vị ấy chuẩn bị một buổi cúng dường thịnh soạn. Sau khi nói lời tùy hỷ công đức, chư Trưởng lão lại lên đường. Còn vị ấy về sau từ trần, được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng dài mười hai dặm.
Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi vị ấy:
1. Y phục chỉnh tề, hoa chuỗi mang,
Ðôi vòng tai rực rỡ trang hoàng,
Tóc râu chải chuốt, khăn đầu đội,
Chàng ngự Lâu đài, giống mặt trăng.
2. Khi đàn tiên trổi khúc du dương,
Sáu bốn nàng tài sắc vẹn toàn
Ðồng trú cõi Băm-ba, rực rỡ,
Múa ca, hưởng lạc thú, khôn lường.
3. Ðạt thành Thiên lực đại hùng cường,
Chàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
4. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho chàng:
5. Khi được làm người giữa thế nhân,
Gặp nhiều ngài đức độ Sa-môn
Có đầy chánh hạnh và tri kiến,
Ái diệt, đa văn, tiếng lẫy lừng.
6. Với các ngài, con có tín tâm,
Cúng dường thức uống lẫn đồ ăn,
Với lòng thành tín, con dâng tặng
Mọi lễ vật phong phú trọn phần.
7. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
9. (73) Chuyện thứ chín - Lâu Ðài Của Vị Thiên Tử Thứ Hai Ðeo Vòng Tai (Dutiyakùdalì - Vimàna)
Chuyện này xảy ra giống như chuyện trên. Các vấn đề cũng giống nhau, từ câu kệ 5, thay: Thấy nhiều ngài đức độ Sa-môn,
bằng: Thấy nhiều ngài hảo tướng Sa-môn.
10. (74) Chuyện thứ mười - Lâu Ðài Của Uttara (Uttara-Vimàna)
Sau khi đức Thế Tôn diệt độ, và Hội đồng kết tập Kinh điển tiến hành, Tôn giả Kummàra-Kassapa (Cưu-ma-la Ca-diếp) đã đến thành phố Setavyà với nhiều Tỷ-kheo và trú tại vườn Simsapà. Lúc ấy quốc vương Pàyàsi (Tệ Túc) nghe tin này, liền viếng thăm và chào mừng Tôn giả. Trong khi bàn luận về các quan điểm tà kiến của vua, vị Trưởng lão thuyết giảng cho vua tin có đời sau như được kể trong kinh Pàyàsi (Trường Bộ số 23).
Khi từ giã, vua Pàyàsi đem các tặng vật cúng dường. Nhưng vì vua tặng thực phẩm kém cỏi và y phục thô sơ không thích hợp, vốn chưa quen việc ấy trước kia, sau khi từ trần, vua cộng trú với Thiên chúng ở cõi thấp cùng Tứ Ðại Thiên vương.
Còn thanh niên Bà-la-môn Uttara phụ tá vua trong việc cúng dường, lại bố thí hào phóng và đầy lòng kính trọng, nên tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài mười hai dặm. Ðể tỏ lòng biết ơn, vị ấy xuất hiện cùng Lâu đài trước Trưởng lão Kummàra Kassapa và đảnh lễ Tôn giả. Trưởng lão hỏi vị ấy:
1. Như điện Thiên vương, Thiện pháp đường,
Nơi chư Thiên cộng trú bình an,
Lâu đài này của chàng Thiên tử
Ðứng giữa không gian, sáng rỡ ràng.
2. Ðạt thành thiên lực đại hùng cường,
Chàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
3. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho chàng:
4. Khi được làm người giữa thế gian,
Con là nam tử Bà-la-môn,
Thời vua Tệ Túc, con phân phát
Tài sản, vì tôn quý chánh nhân.
5. Với các ngài, con có tín tâm,
Cúng dường thức uống lẫn đồ ăn,
Với lòng thành kính, con dâng tặng
Mọi lễ vật phong phú trọn phần.
6. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ,
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
7. Xin trình Tôn giả đại oai thần,
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
Tổng Kết
Lâu Ðài Hai Gia Chủ, Người Cúng Trái Cây, Hai Người Cúng Chỗ Cư Trú, Người Giữ Ruộng Lúa Mạch, Hai Vị Thiên Tử Ðeo Vòng Tai, Vua Pàyàsi (Tệ Túc)
Phẩm Sáu
1. (75) Chuyện thứ nhất - Lâu Ðài Cittalatà (Cittalatà-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên. Thuở ấy có một đệ tử tại gia nghèo khó sống nhờ làm công cho người khác. Vị ấy có lòng mộ đạo và phụng dưỡng song thân già yếu của mình, vì vị ấy nghĩ: 'Ðàn bà ở trong nhà thường nắm quyền cai quản. Họ ít khi quý trọng cha mẹ chồng'.
Như vậy vị ấy tiếp tục giữ giới luật và các ngày trai giới Bố-tát. Sau khi từ trần, vị ấy được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài mười hai dặm.
Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành như đã tả ở trên, hỏi vị ấy:
1. Sáng rực như vườn lạc Cit-ta,
Khu vườn đệ nhất cõi Băm-ba,
Lâu đài đây của chàng bừng sáng
Ở giữa không gian thực chói lòa.
2. Ðạt thành thần lực đại hùng cường,
Chàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
3. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðức Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho chàng:
4. Khi được làm người giữa thế nhân,
Con là thợ khốn khổ, cùng bần,
Con thường cấp dưỡng hai thân lão,
Ngưỡng mộ người cao quý chánh chân.
5. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
6. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
2 (76) Chuyện thứ hai - Lâu Ðài Nandana (Nandana-Vimàna)
Cũng giống như chuyện trước, trừ điểm ở đây: Người thợ nghèo đã có vợ và câu kệ đầu đổi là: Sáng rực như vườn Nan-da-na,...
3. (77) Chuyện thứ ba - Lâu Ðài Có Trụ Ngọc Bích (Manithùna-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên. Thời ấy có nhiều Trưởng lão sống trong rừng. Ðể chư vị có thể vào làng khất thực, một đệ tử tại gia làm cho các đường mòn được bằng phẳng, dọn sạch các bụi cây, bắc cầu qua suối, đắp bờ và dẫn nước vào các ao lớn v.v.. cùng bố thí và giữ Ngũ giới. Về sau từ trần, vị ấy được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài bằng vàng mười hai dặm.
Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi vị ấy như sau:
1. Lầu các trụ cao bằng ngọc bích
Mười hai dặm trải rộng chung quanh,
Bảy trăm nóc nhọn huy hoàng quá,
Trụ ngọc nền vàng thật hiển vinh.
2. Chàng uống ăn, cư trú lạc an,
Khi đàn tiên trổi khúc du dương,
Ðây là thiên vị, năm thiên lạc,
Thiên nữ múa, trang điểm ngọc vàng.
3. Vì sao chàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì chàng vinh hiển đây,
Những lực thú nào chàng mến chuộng,
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
4. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho chàng:
5. Khi được làm người giữa thế nhân,
Con xây đường nhỏ ở trong rừng,
Và trồng cây lớn trong tinh xá,
Kính mến người đức hạnh chánh chân.
6. Với các ngài, con có tín tâm,
Cúng dường thức uống lẫn đồ ăn,
Với lòng thành kính con dâng tặng
Mọi lễ vật phong phú trọn phần.
7. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần
Công đức con làm giữa thế nhân,
Nhờ thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương.
4. (78) Câu chuyện thứ tư - Lâu Ðài Bằng Vàng (Suvanna-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Andhakavinda. Thời ấy một đệ tử giàu có và mộ đạo xây cúng dường Ngài một 'hương thất' trên một đồi trọc, thỉnh Ngài đến ở đó và phụng sự Ngài. Sau một thời gian sống chế ngự với giới luật thanh tịnh, lúc từ trần, vị ấy được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài ngọc bích tuyệt đẹp với mái bằng vàng.
Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi vị ấy:
1. Ở trên một ngọn núi vàng ròng,
Lâu đài rực sáng chiếu quanh vùng,
Tấm màn lưới dệt vàng bao phủ,
Và lưới chuông rung nhẹ thật trong.
2-3. Trụ tám cạnh tinh xảo thập phần,
Xây bằng cẩm thạch cả toàn thân,
Bảy châu báu tạo thành từng cạnh,
Vàng, bạc, lưu ly với ngọc trân,
Lại dát ngọc mắt mèo mã não,
Ngọc trai, và ngọc sắc hồng vân.
4. Nền màu rực rỡ, đẹp mắt sao,
Không chút bụi lay động dính vào,
Ðược các kèo vàng hoàng ngọc cẩn
Cùng nâng cả mái điện lên cao.
5-6. Và bốn cầu thang dựng bốn phưong,
Các cung ngọc sáng tựa vầng dương,
Bốn hành lang được xây cân xứng,
Chiếu khắp bốn phương thật rỡ ràng.
7. Trong cung này tráng lệ huy hoàng,
Chàng chính là Thiên tử đại quang,
Với sắc siêu phàm, chàng chiếu sáng,
Trông chàng chẳng khác ánh chiêu dương.
8. Kết quả này do việc cúng dường,
Hoặc do giữ giới luật thông thường,
Hoặc do đảnh lễ đầy cung kính?
Ðược hỏi, xin cho biết hỡi chàng.
9. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho chàng:
10. Kiếp xưa con ở An-dha-ka,
Con có lòng tin bậc Ðạo Sư,
Thân tộc mặt trời, là đức Phật,
Con xây tinh xá ở đồi xa.
11. Tại đó, con đầy đủ tín tâm,
Vòng hoa, hương liệu, thứ gì cần,
Dầu thoa các loại và tinh xá,
Con thỉnh Ðạo Sư đến cúng dâng.
12. Vì thế nay con hưởng phước phần:
Ở vườn Hỷ lạc, chủ Thiên cung;
Trong vườn Hỷ lạc đầy kỳ thú,
Nơi lắm đàn chim đến trú chân,
Con được các nàng tiên hộ tống,
Múa ca, đem lạc thú vô ngần.
5. (79) Chuyện thứ năm - Lâu Ðài Vườn Xoài (Amba-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha, trong Trúc Lâm. Thời ấy có một người nghèo được thuê giữ vườn xoài. Một hôm về mùa nắng gắt, vị ấy thấy Tôn giả Sàriputta đến gần, mệt nhoài vì cơn nóng, liền thưa:
- Bạch Tôn giả, ngài có vẻ quá mệt nhọc vì trời nóng. Lành thay, nếu Tôn giả có lòng thương xót con, xin hãy bước vào vườn xoài nghỉ ngơi chốc lát.
Trưởng lão chấp thuận, ngồi xuống gốc cây xoài, người ấy liền đem cúng dường Tôn giả nước uống và nước rửa tay chân, sau đó lòng đầy hoan hỷ vì công đức đã tạo được.
Sau khi từ trần, vị ấy được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba, và Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi vị ấy:
1. Lầu các trụ cao bằng ngọc bích,
Mười hai dặm trải rộng chung quanh,
Bảy trăm nóc nhọn huy hoàng quá,
Trụ ngọc nền vàng thật hiển vinh.
2. Chàng uống ăn, cư trú lạc an,
Khi đàn tiên trổi khúc du dương,
Ðây là thiện vị, năm thiên lạc,
Tiên nữ múa, trang điểm ngọc vàng.
3. Vì đâu chàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì chàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào chàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
4. Hỡi chàng Thiên tử đại oai thần,
Chàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang tỏa sáng khắp mười phương?
5. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây, là kết quả cho chàng:
6. Vào tháng cuối mùa hạ nóng rang,
Mặt trời thiêu đốt, nắng chang chang,
Con làm thuê mướn cho người khác,
Tưới nước vườn xoài của chủ nhân.
7. Thế rồi lúc ấy vị Hiền Tăng,
Xá-lợi-phất, danh tiếng lẫy lừng,
Thể xác của ngài đều mệt mỏi,
Nhưng không mỏi mệt cái tinh thần.
8. Con đang tưới nước các cây xoài,
Nhìn thấy ngài, con vội đến mời:
'Tôn giả, con dâng ngài nước tắm,
Lành thay, an lạc sẽ lâu dài!'
9. Tôn giả vì lòng thương xót ai,
Ðặt bình bát xuống tấm y ngoài,
Mang y độc nhất, ngài ngồi xuống
Trong bóng mát ngay dưới gốc xoài.
10. Với lòng thành tín bậc cao Tăng
Con tắm rửa ngài với nước trong,
Mang chiếc y vàng, ngài tỉnh tọa
Dưới bóng gốc xoài đang trải dăng.
11. Vườn xoài được tưới nước tươi xanh,
Tôn giả được con tắm mát lành,
Công đức này con làm chẳng nhỏ,
Hân hoan ngài biến mãn thân mình.
12. Ðây là mức độ việc an lành
Trong kiếp trước con đã thực hành,
Khi được thoát thân người thế tục,
Con lên vườn Hỷ lạc thiên đình.
13. Nan-da-na, Hỷ lạc Viên này,
Nơi lắm chim muông đến cả bầy,
Con được các nàng tiên hộ tống,
Cùng nhau ca múa thật vui thay.
6. (80) Chuyện thứ sáu - Lâu Ðài Của Người Chăn Bò (Gopàla-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Ràjagaha, trong Trúc Lâm. Lúc ấy một người chăn bò đã rời Ràjagaha để đưa bò đi ăn cỏ ngoài đồng và thấy Tôn giả Mahà-Moggallàna đang tiến bước. Tôn giả nhận thấy kẻ kia sắp mạng chung, liền đi đến gần bên cạnh y. Do dự, y không biết có nên mời Trưởng lão món bánh ngọt Kummàsa mà y đã đem theo, hay giữ cho đàn bò khỏi vào các vườn đậu.
Khi đã quyết định không thể bỏ lỡ cơ hội tốt, dù các chủ vườn có thể làm gì đi nữa, y cúng dường phần ăn của mình và Trưởng lão đã chấp nhận vì lòng từ mẫn. Sau đó người chăn bò vội vàng đi giữa đàn bò, vô ý đạp giẫm một con rắn và bị nó cắn ở chân.
Lòng tràn ngập hân hoan hạnh phúc khi nhìn thấy Trưởng lão thọ thực, người ấy bị nọc rắn xâm nhập quá mạnh và từ trần, được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba trong một Lâu đài mười hai dặm.
Tôn giả Mahà-Moggallàna thấy chàng, liền hỏi:
1. Tỷ-kheo thấy một vị Thiên nam
Tô điểm vòng hoa, thật vẻ vang,
Trong một Lâu đài cao, vĩnh cửu,
Trông chàng như dáng vị thần trăng,
Ở trong cung điện trên thiên giới,
Tôn giả bèn lên tiếng hỏi chàng:
2. Lộng lẫy xiêm y, hoa chuỗi mang,
Ðôi vòng tai rực rỡ trang hoàng,
Tóc râu chải chuốt, khăn đầu đội,
Sáng chói, trong cung tựa Quảng Hàn.
3. Khi đàn tiên trổi khúc du dương,
Sáu bốn nàng tài sắc vẹn toàn
Ðồng trú cõi Băm ba, rực rỡ,
Múa ca, hưởng lạc thú khôn lường.
4. Ðạt thành thiên lực, đại hùng cường,
Chàng tạo đức gì giữa thế nhân?
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang sáng chói khắp mười phương?
5. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây, là kết quả cho chàng:
6. Khi được làm người giữa thế nhân,
Con chăn bò kẻ khác chuyên cần,
Giữ đàn bò khỏi ăn vườn đậu,
Thì một Sa-môn bước đến gần.
7. 'Nay hai phận sự phải hoàn thành',
Tôn giả, con suy nghĩ thật nhanh,
Xem xét kỹ càng và hiểu pháp,
Con dâng ngài bánh với tay mình.
8. Con chạy ra vườn đậu lẹ làng,
Trước khi bò dẫm đất tha nhân,
Nhưng rồi rắn hổ mang đen lớn
Cắn phải chân con lúc vội vàng.
9. Tuyệt vọng, con đau đớn tận cùng,
Sa-môn mở gói bánh ra ăn,
Vì lòng bi mẫn cho con đó,
Con được sanh thiên lúc mạng chung.
10. Con đã làm nên thiện nghiệp vầy,
Và đang hưởng phước lạc nhờ đây,
Chính ngài, Tôn giả, đầy bi mẫn,
Con tạ thâm ân, đảnh lễ ngài.
11. Trong cõi Thiên, ma, thế giới này,
Chẳng ai bi, trí được như vầy,
Ngài là Tôn giả đầy bi mẫn,
Con tạ ơn sâu, đảnh lễ ngài.
12. Trong cõi đời này hoặc kiếp sau,
Chẳng ai bi, trí sánh bằng đâu,
Chính ngài, Tôn giả, đầy bi mẫn,
Con tạ thâm ân, đến khấu đầu.
7. (81) Chuyện thứ bảy - Lâu Ðài Của Kanthaka (Ngựa Kiền-trắc) (Kanthaka-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi trong Kỳ Viên. Thời ấy khi Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành lên thiên giới, một vị Thiên tử tên Kanthaka bước ra khỏi Lâu đài của chàng, đang lên xe đến vườn Thượng uyển với cả đoàn tùy tùng đông đảo trong oai nghi đầy thiên lực.
Khi thấy Tôn giả, vị Thiên vội xuống xe và đảnh lễ Tôn giả. Vị Trưởng lão hỏi chàng:
1-2. Như trăng rằm, chúa tể muôn sao,
Tinh tú vây quanh tựa đứng chầu,
Mặt nguyệt xoay vần hình thỏ ngọc,
Lâu đài Thiên tử sáng dường nào,
Nguy nga tráng lệ trên thiên giới,
Như mặt trời lên giữa cõi cao.
3-4. Ngọc bích, lưu ly, mã não, vàng,
Ngọc trai, hồng ngọc, bạc trang hoàng,
Nền màu rực rỡ đầy kỳ thú,
Ngọc bích dát trên khắp mặt sàng,
Trùng các nóc cao vời tuyệt mỹ,
Cung điện chàng xây dựng vẻ vang.
5. Chàng có hồ sen tạo mỹ quan,
Cá Pu-thu lội nước tung tăng,
Nước hồ lấp lánh và trong vắt,
Bờ được viền quanh với cát vàng.
6. Mặt hồ bao phủ các hoa sen,
Hoa súng lan tràn khắp phía trên
Làm đắm say lòng, cơn gió thoảng
Tỏa làn hương tuyệt diệu quanh miền.
7-8. Ðôi bờ có đủ các cây rừng
Kết trái đơm hoa thật khéo trồng,
Khi chàng an tọa như Thiên chủ,
Tràng kỷ chân vàng, lót thảm lông.
9. Tiên nữ hầu chàng khéo điểm trang,
Vòng hoa đủ loại, với kim hoàn,
Làm chàng thích thú, chàng an hưởng
Ðại lực thần như đấng Ngọc hoàng.10. Tù và, kèn, trống với huyền cầm,
Trống lớn, trong con đánh bập bùng,
Thiên tử hưởng tràn đầy lạc thú,
Khi đàn, ca, vũ nhạc vang lừng.
11. Này đây thiên sắc với thiên thanh,
Thiên vị, thiên hương đẹp ý mình,
Thiên xúc mượt mà, êm dịu quá,
Thật là vạn trạng với thiên hình.
12. Trong cung này rực rỡ huy hoàng,
Chàng chính là Thiên tử đại quang,
Với sắc siêu phàm chàng chiếu sáng,
Trông chàng chẳng khác ánh chiêu dương.
13. Kết quả này do việc cúng dường,
Hoặc do giữ giới luật thông thường,
Hoặc do đảnh lễ đầy cung kính?
Ðược hỏi, xin cho biết hỡi chàng.
14. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho chàng:
15. Trong chốn kinh thành tuyệt diệu xưa,
Ca-tỳ-la-vệ, tộc Thích-ca,
Con là Kiền-trắc, cùng sinh nhật
Với Thái tử là Sĩ-đạt-ta.
16. Vào nửa đêm, vương tử xuất gia,
Ði tìm Giác Ngộ, giã từ nhà,
Với bàn tay dịu bao màn lưới,
Các móng đồng thau chiếu sáng lòa.
17. Ngài bảo con, vừa vỗ mạn sườn:
'Hãy mang ta, hỡi bạn thân thương,
Khi nào giác ngộ đường Vô thượng,
Ta sẽ giúp người khắp thế gian'.
18. Khi được nghe lời nói của Ngài,
Lòng con rộn rã vạn niềm vui,
Với tâm phấn khởi đầy hoan hỷ
Tuân lệnh trên, con vội hý dài.
19. Khi biết hoàng nam Tịnh Phạn vương,
Ðại danh lừng lẫy, cỡi lưng con,
Với tâm phấn khởi đầy hoan hỷ
Con rước người vô thượng chí tôn.
20. Vượt qua đất nước của người ta,
Khi mặt trời lên đã quá xa,
Ngài bước đi, lòng không luyến tiếc,
Bỏ con cùng với chú Chan-na.
21. Con liếm chân Ngài với lưỡi con,
Chân Ngài có các móng màu đồng,
Và con kêu khóc nhìn theo mãi,
Khi thấy Ngài đi, bậc Ðại Hùng.
22. Vì không còn thấy bóng huy hoàng
Của Thái tử, con Tịnh Phạn vương,
Con ngã quỵ ngay, lâm trọng bệnh,
Và nhanh chóng giã biệt trần gian.23. Chính nhờ Ngài có đại oai thần
Ở tại thiên cung con trú thân,
Thành phố chư Thiên này có đủ
Biết bao niềm lạc thú vô ngần.
24. Khi nghe Ngài Giác Ngộ viên thành,
Hỷ lạc trong lòng con khởi sanh,
Do chính căn nguyên thuần thiện ấy
Mà con sẽ tận diệt vô minh.
25. Nếu như Tôn giả có đi ra,
Và yết kiến Ngài, bậc Ðạo Sư,
Tôn giả nói giùm con kính lễ
Dưới chân đức Phật Go-ta-ma.
26. Con sẽ hầu thăm bậc Ðại Hùng,
Là người không có kẻ ngang bằng,
Khó tìm thấy được người che chở
Như đức Phật che chở cõi trần.
27. Rồi chàng Thiên tử, dáng tri ân,
Biết lợi lạc nên đã đến gần,
Khi đã nghe lời Ngài có Mắt,
Chàng thanh tịnh Pháp Nhãn ly trần.
28. Tẩy sạch lòng nghi, đạt tín tâm,
Phát nguyền tu tập vững tinh cần,
Khấu đầu đảnh lễ chân sư phụ,
Chàng biến mất ngay khỏi cõi trần.
8. (82) Chuyện thứ tám - Lâu Ðài Có Nhiều Mầu Sắc (Anekavanna-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Kỳ Viên. Tôn giả Mahà-Moggallàna đang du hành lên cõi trời Ba mươi ba và được một Thiên tử có nhiều màu sắc rực rỡ đến gần, đứng lại chắp tay đảnh lễ cung kính.
Trưởng lão hỏi chàng:
1. Hiện lên lầu các đẹp muôn màu,
Xua đuổi bao phiền não, khổ sầu,
Rực rỡ huy hoàng, đoàn hộ tống
Gồm bao tiên nữ đứng quanh hầu,
Trông chàng, như một vì Thiên đế,
Cõi Hóa Lạc thiên, thích thú sao!
2. Chàng không có kẻ sánh ngang bằng,
Không kẻ nào hơn danh vọng chàng,
Hoặc phước đức hay là đại lực,
Trong trời Ðao lợi, mọi Thiên thần
Thảy đều kính lễ chàng như thể
Thần cõi người cung kính mặt trăng.
3. Các nàng tiên nữ ở hai bên
Múa hát vui chơi thỏa ước nguyền,
Chàng đã đắc thần thông biến hóa,
Tràn đầy đại lực của chư Thiên.
4. Kiếp xưa sinh ở chốn phàm trần,
Chàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì có gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương?
5. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho chàng:
6. Tôn giả, con sinh một kiếp xưa,
Môn đồ Thắng giả Su-me-dha,
Con còn phàm tục, chưa thành đạo,
Dù đã bảy năm sống xuất gia.
7. Khi Thắng giả là bậc Ðạo Sư,
Vượt qua dòng lũ, đắc vô dư,
Con liền đảnh lễ bên ngôi Tháp,
Bảo Tháp được châu ngọc điểm tô,
Bao phủ lưới vàng ròng rực rỡ,
Mang nhiều an lạc đến tâm tư.
8. Con chẳng cúng dâng lễ vật nào,
Song con khuyến khích các đồng bào:
'Các người sẽ được lên thiên giới,
Ðến bảo Tháp Ngài đảnh lễ mau,
Ngài xứng đáng cho ta kính lễ,
Người xưa vẫn nói vậy từ lâu'.
9. Thiện sự này xưa con đã làm,
Nay con hướng lạc thú thiên đàng,
Hân hoan hội chúng trời Ðao lợi,
Vì phước báo chưa đến lúc tàn.
9. (83) Chuyện thứ chín - Lâu Ðài Của Vị Thiên Tử Ðeo Vòng Tai Sáng Chói (Mattakundalì-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, ở Kỳ Viên. Có một Bà-la-môn sống tại đó rất giàu nhưng không có lòng tin vào đạo và không bao giờ bố thí cho ai vật gì cả, nên được đặt danh hiệu Người Không bao giờ Bố thí.
Ông lại thường dạy bảo con trai là Mattakundalin đừng đến gần đức Thế Tôn hay các đệ tử của Ngài. Chàng tuân lệnh. Khi chàng lâm bệnh, ông cha cũng không cung cấp thuốc thang gì cho đến khi chàng nguy kịch, các thầy thuốc được mời đến đều bảo bệnh đã vô phương cứu chữa.
Bấy giờ bậc Ðạo Sư vừa xuất định Ðại bi, thấy Ngài có thể cứu độ cả hai cha con, bèn đến gần nhà họ và phóng hào quang. Chàng trai rúng động toàn thân vì hoan hỷ, đảnh lễ Ngài và nằm xuống.
Ngay sau khi đức Thế Tôn ra đi, chàng từ trần và được tái sanh vào một Lâu đài mười hai dặm trong hội chúng cõi trời Ba mươi ba. Ngày hôm sau tang lễ, ông cha ra nghĩa địa vừa khóc than vừa gọi tên con.
Chàng Thiên tử thấy ông cha, liền xuất hiện trước mặt ông như chàng Mattakundalin đang khóc với hai tay chắp lại vì đau buồn, vừa kêu: 'Ôi mặt trăng! Ôi mặt trời!'.
Vị Bà-la-môn liền hỏi:
1. Mang chuỗi hoa, vòng tai điểm trang,
Làn da tẩm phấn bột chiên-đàn,
Chàng than khóc với đôi tay chắp,
Sầu khổ vì sao ở giữa rừng?
Chàng Thiên tử đáp lại ông:
2. Bằng vàng đúc, sáng rực huy hoàng,
Xuất hiện ngày xưa xe của con,
Ðôi bánh xe này con chẳng thấy,
Do buồn khổ ấy, muốn lìa trần.
Vị Bà-la-môn lại nói với chàng:
3. Ðúc bằng hồng ngọc, bạc, hay vàng,
Hãy nói cho ta biết rõ ràng,
Nam tử Bà-la-môn quý mến,
Ta đi tìm cặp bánh cho chàng.
Thanh niên Bà-la-môn ấy muốn hạ lòng tự cao của vị Bà-la-môn đã không mua thuốc thang gì cho chàng, liền nói:
- Hẳn chúng lớn bằng mặt trăng mặt trời kia.
Và chàng yêu cầu ông như sau:
4. Nam tử La-môn nói với ông:
'Ðôi vòng nhật nguyệt vẫn thường trông,
Xe con vàng đúc thường bừng sáng
Với cặp bánh này giữa cõi không!'
Vị Bà-la-môn bảo:
5. Chàng La-môn quả thật điên khùng,
Chàng kiếm thứ đồ chẳng thể mong,
Ta chắc rồi đây chàng sẽ chết,
Vì chàng không thể được trời, trăng!
Thanh niên Bà-la-môn đáp:
- Thế ai điên khùng hơn ai, người khóc đòi vật có thể thấy được hay người khóc đòi vật không thể thấy?
6. Ta thường thấy lặn, mọc, trời, trăng,
Ðặc tính, sắc màu lúc chuyển luân,
Song kẻ mạng chung nào thấy được,
Giữa ta, ai khóc thật điên khùng?
Nghĩ rằng chàng nói có lý, vị Bà-la-môn bảo chàng:
7. Quả chàng nói đúng, Bà-la-môn,
Than khóc vầy, ta ngu xuẩn hơn,
Ta khóc than vì người đã chết,
Khác nào con trẻ khóc đòi trăng?
Và vị Bà-la-môn không còn buồn khi ngâm vần kệ trên, ông lại ngâm các vần kệ tán thán chàng thanh niên Bà-la-môn ấy:
8. Lòng ta thiêu đốt nóng bừng,
Như là sữa lạc đổ trong lửa đào,
Nay vừa được tưới nước vào,
Và đang lắng dịu biết bao khổ sầu.
9. Quả chàng nhổ mũi tên đau
Nỗi buồn kia đã cắm sâu vào lòng,
Xua tan mọi mối thương tâm
Của người cha đã đau buồn vì con.
10. Giờ đây mát lạnh, dịu lòng,
Mũi tên đã nhổ, ta không còn buồn,
Ta không còn phải khóc than,
Sau khi nghe nói, hỡi chàng La-môn!
Sau đó vị Bà-la-môn hỏi chàng:
- Thế chàng là ai?
và ngâm kệ tiếp:
11. Có phải chàng Thiên tử, Nhạc thần,
Sak-ka Thiên chủ đại danh lừng,
Thi ân hào phóng, trang nam tử,
Con của ai, ta muốn biết chàng?
Chàng liền nói với ông về bản thân mình:
12. Con là nam tử của ngài đây,
Ngài hỏa thiêu con nghĩa địa này,
Ngài đã khóc than và khổ não,
Còn con làm thiện nghiệp riêng tây,
Nay lên cộng trú cùng Thiên chúng
Tam thập tam thiên lạc thú đầy.
Vị Bà-la-môn hỏi:
13. Cúng dường lớn nhỏ ở trong nhà,
Ta chẳng thấy đâu, trước đến giờ,
Hoặc giữ giới hay ngày Bố-tát,
Làm sao con đạt cõi Băm-ba?
Thanh niên Bà-la-môn đáp:
14. Xưa con bệnh hoạn ở trong phòng,
Ðau đớn ngập tràn cả tấm thân,
Con thấy Phật-đà vô lậu hoặc,
Ðoạn nghi, Thiện Thệ, trí viên toàn.
15. Tâm con tràn ngập nỗi hân hoan,
Ðảnh lễ Như Lai với tín tâm,
Khi thiện sự con vừa thực hiện,
Con lên cộng trú chúng Thiên thần.
Khi chàng đang nói vậy, toàn thân vị Bà-la-môn tràn đầy nhiệt tình và ông nói:
16. Thật là hy hữu, diệu kỳ thay,
Ðây kết quả hành động chắp tay,
Ta cũng hân hoan, tâm tín ngưỡng,
Quy y đức Phật tự ngày nay.
Sau đó vị Thiên tử muốn khuyên ông quy y và nhận Ngũ giới, lại ngâm hai vần kệ:
17. Ngay tự hôm nay với tín tâm
Ngài quy y Phật, Pháp cùng Tăng,
Hành trì Ngũ giới, chuyên tu tập,
Giữ trọn vẹn không có lỗi lầm.
18. Từ nay ngài tránh sát muôn loài,
Không lấy vật chi chẳng tặng ngài,
Không uống rượu nồng, không nói dối,
Và tri túc với vợ mình thôi.
Khi chàng Thiên tử đã khuyên ông nhận Tam quy và Ngũ giới như vậy, vị Bà-la-môn đồng ý với lời chàng và bảo:
19-20. Chàng muốn an lạc, Dạ-xoa,
Chàng mong hạnh phúc với ta mà,
Ta tuân lời dặn, này Thiên tử,
Chành chính là thầy giáo của ta,
Ta sẽ quy y vào Phật, Pháp.
Và quy y hội chúng Tăng-già.
21. Từ nay ta tránh sát muôn loài,
Không lấy các tài vật của ai,
Không uống rượu nồng, không nói dối,
Và tri túc với vợ mình thôi.
10. (84) Chuyện thứ mười - Lâu Ðài Của Serissaka (Serissaka-Vimàna)
Sau khi đức Thế Tôn đã viên tịch, Tôn giả Kumàra-Kassapa (Cưu-ma-la Ca-diếp) cùng với năm trăm Tỷ-kheo đến thành Setavyà. Tại đó, Tôn giả thuyết phục vua Pàyàsi (Tệ Túc) từ bỏ các tà kiến, và an trú vua vào chánh kiến.
Từ đó về sau, nhà vua thích làm công đức, cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn, song không được chu đáo, vì trước kia chưa quen việc ấy, nên sau khi từ trần, vua được tái sanh vào một Lâu đài ở nơi hoang vắng trong rừng cây Sirìsa thuộc trú xứ của Tứ Ðại Thiên vương.
Tục truyền rằng ngày xưa một số thương nhân nước Anga-Magadha đi đến xứ Sindhu và Sovìra, thường du hành ban đêm vì sợ cơn nóng ban ngày, nên đã đi lạc đường. Trong số ấy có một đệ tử cư sĩ đầy đủ mọi khả năng chứng đắc quả A-la-hán, và đã tham gia đoàn lữ hành để kiếm tiền cấp dưỡng cha mẹ.
Muốn giúp đỡ vị ấy, Thiên tử Serissaka xuất hiện cùng Lâu đài của mình, rồi hỏi đám thương nhân đã đến vùng sa mạc hoang vu không cây cỏ nước non này bằng cách nào. Bọn họ trả lời chàng.
Ðể giải thích chuyện này, các vị kết tập Kinh điển đưa vào hai vần kệ đầu tiên:
1. Hãy lắng nghe câu chuyện Dạ-xoa
Và thương nhân gặp gỡ đường xa,
Chuyện hay khéo kể cho nhau rõ,
Vậy hãy lắng nghe cả chúng ta.
2. Pà-yà-si, chính hiệu nhà vua,
Bạn của địa thần, danh tiếng xa,
Ðang hưởng lạc trong Lầu các ấy,
Vị Thiên thần hỏi đám thương gia:
3. 'Trong rừng hiểm trở vắng phàm nhân,
Sa mạc khô cằn, chẳng có ăn,
Thật khó đi vào vùng cát trắng,
Nhiều người mất trí sợ nguy nan.
4. Không có cây hay trái ở đây,
Cũng không nhiên liệu, thức ăn này,
Không gì ngoài bụi mù và cát,
Sức nóng đang thiêu đốt đọa đày.
5. Hoang mạc cằn như ấm sắt nung,
Không gì lợi lạc tựa âm cung,
Xưa là trang trại bầy ăn cướp,
Ðáng rủa nguyền thay cả một vùng.
6. Vậy các ngươi do động lực nào,
Cớ gì ước muốn đến đây sao?
Các ngươi vội vã cùng nhau đến,
Vì sợ, tham lam, lạc lối vào?
Các thương nhân liền đáp:
7. Lữ khách thương nhân Ma-kiệt-đà,
An-ga, cùng đến So-vì-ra,
Ðã mang theo thật nhiều hàng hóa,
Mong muốn giàu sang, kiếm lợi mà.
8. Không sao chịu được khát ban ngày,
Cùng xót thương bò ngựa cả bầy,
Ðến bước này đây, đoàn lữ khách
Gặp ban đêm giữa lúc canh chầy.
9. Khốn khổ chúng tôi phải lạc đường,
Rối như mù lạc lối rừng hoang,
Giữa vùng cát khó du hành quá,
Tâm trí hoang mang chẳng biết phương.
10. Ðang lúc này đây được thấy ngài,
Dạ-xoa thần lạc trú Lâu đài,
Những điều chưa thấy bao giờ cả,
Hy vọng khởi lên với chúng tôi,
Vì chúng tôi vừa nhìn thấy thế,
Chúng tôi đều hạnh phúc, mừng vui.
Vị Thiên tử lại hỏi:
11. Sa mạc hoang vu vượt đại dương,
Con đường khúc khuỷu phải đi ngang
Bằng dây rừng kết làm cầu nối,
Lại có nhiều khe suối động hang,
Thật khó đi vào nhiều thị trấn,
Các ngươi lặn lội kiếm giàu sang.
12. Khi vào lãnh thổ các vua kia,
Nhìn mọi người trong xứ khác xa,
Những việc các ngươi nghe thấy đó,
Có gì kỳ thú kể cho ta.
Bọn thương nhân nghe vị Thiên tử hỏi, liền đáp:
13. Việc chúng tôi nghe thấy trước đây
Không gì kỳ thú sánh nơi này,
Siêu phàm, Thiên tử, không hề chán,
Khi ngắm mỹ quang tuyệt hảo vầy.14. Các hồ sen trải giữa trời cao,
Phong phú hoa đua nở đẹp biết bao,
Sen trắng cùng cây luôn kết trái,
Tỏa làn hương tuyệt diệu dường nào.
15. Một trăm trụ ngọc bích cao xanh,
Các đế san hô kết thủy tinh,
Mã não mắt mèo, hồng ngọc thắm,
Trụ toàn ngọc sáng kết thành hình.
16. Lâu đài tráng lệ ở trên đầu,
Ngàn trụ oai nghi tuyệt mỹ sao,
Hành lang vàng với tường đầy ngọc,
Nền dát vàng xen lẫn bảo châu.
17. Lâu đài sáng rực tựa vàng ròng
Ở tại Jam-bon, một lạch sông,
Sáng loáng cầu thang, sân thượng, bệ,
Oai hùng, cân xứng, đẹp vô ngần.
18. Trong điện ngọc đầy thức uống ăn,
Một đàn tiên nữ đứng quây quần,
Ngân vang kèn trống và đàn địch,
Ngài được cung nghênh với tán xưng.
19. Ngài được bầy tiên tạo lạc an,
Thượng lầu kỳ thú của thiên đàng,
Ngài oai nghi hưởng đầy ân phước,
Lộng lẫy cao sang chẳng nghĩ bàn,
Như Ðại Thiên vương Tỳ-xá ngự
Na-li-nì thượng uyển vinh quang.
20. Ngài là Thiên nữ, Dạ-xoa thần,
Thiên chủ mang hình dáng thế nhân?
Lữ khách cả đoàn nay kính hỏi,
Xin ngài cho biết rõ danh xưng.
Bấy giờ vị Thiên tử nói rõ về bản thân mình:
21. Ta là Thiên tử Se-ris-sa,
Ta giữ vùng sa mạc thật xa,
Cai quản miền này và xứ nọ,
Tuân hành thiên lệnh Ves-sa-va.
Bấy giờ các thương nhân hỏi về hạnh nghiệp của chàng:
22. Ngài hưởng lạc này bởi ngẫu nhiên,
Hay ngài được tặng bởi chư Thiên?
Do ngài xây dựng, do thành tựu?
Lữ khách thương nhân muốn hỏi xem,
Bằng cách nào đây ngài hưởng được
Lâu đài lạc thú giữa quần tiên?
Vị Thiên tử lại ngâm kệ bác bỏ bốn sự phỏng đoán này và nêu rõ đó chính là do công đức:
23. Chẳng phải do ta được ngẫu nhiên,
Hoặc ta được tặng bởi chư Thiên,
Do ta xây dựng, do thành tựu,
Mà chính do công đức tạo nên.
Các thương nhân liền hỏi về bản chất công đức ấy:
24. 'Phạm hạnh nào hay bởi nguyện cầu?
Quả này do pháp thiện hành sao?
Thương nhân lữ khách này xin hỏi:
Ngài được Lâu đài bởi tại đâu?'
Vị Thiên tử lại bác bỏ cả bốn điều phỏng đoán trên, và trình bày công hạnh do mình đã tích trữ trước kia:
25. Pa-ya-sì thuở trước là ta,
Cai trị thần dân Kiều-tát-la,
Keo kiệt, xan tham, tin đoạn diệt,
Không tin nhân quả, lạc đường tà.
26. Thế rồi có một vị Sa-môn,
Cưu-ma Ca-diếp, bậc đa văn,
Biện tài tuyệt diệu, nhiều phương tiện
Thuyết pháp, xua tà kiến khỏi tâm.
27. Khi nghe lời thuyết pháp từ ngài,
Ta nguyện làm cư sĩ suốt đời:
Không sát sanh và không trộm cắp,
Cũng không uống rượu, nói sai lời,
Cũng không tà dục và tri túc
Với vợ mình, không muốn vợ ai.
28. Ðó là lời nguyện sống trong lành,
Kết quả đây là của thiện hành,
Chính bởi các hành vi phước đức
Lâu đài này được hưởng phần mình.
Khi ấy các thương nhân đã thấy vị Thiên tử cùng Lâu đài của chàng, liền khởi lòng tin vào nghiệp quả, và ngâm hai vần kệ nêu rõ niềm tin của họ vào nghiệp quả:
29. Quả thật, trí nhân nói thật chân,
Không hề nói khác, các hiền nhân,
Nơi nào người thiện làm công đức,
Nơi ấy người an hưởng thỏa lòng.
30. Nơi nào có khổ não, kêu thương,
Chết chóc, nhiều ràng buộc, khổ buồn,
Nơi ấy, các người làm ác nghiệp
Khó lòng thoát khỏi cảnh thê lương.
Trong khi họ ngâm kệ, một trái Sirìra chín rụng từ cây xuống cổng Lâu đài và vị Thiên tử có vẻ buồn. Các thương nhân thấy thế, liền ngâm kệ khác:
31. Giờ đây Thiên chúng vẻ bồn chồn,
Lúng túng như đang dính vũng bùn,
Thiên tử, vì đâu ngài bất mãn,
Vì đâu hội chúng chẳng vui lòng?
Khi nghe hỏi vị Thiên tử đáp lại:
32. Bạn này, các khóm Si-rì-sa,
Thoang thoảng thiên hương lan tỏa ra
Vào tận Lâu đài, hương phảng phất
Ngày đêm xua đuổi bóng âm u.
33. Khóm này, sau mỗi một trăm niên,
Một trái nở ra, chín, rụng liền,
Một trăm năm đã qua từ lúc
Ta hiện lên đây giữa chúng Thiên.
34. Biết rằng ta sống giữa thiên cung
Ngũ bách niên trường, sẽ mạng chung,
Khi thọ mạng tàn, công đức tận,
Cho nên ta hoảng sợ buồn lòng.
Lúc ấy các thương nhân liền an ủi chàng:
35. Thiên tử làm sao phải muộn phiền,
Khi ngài ngự ngũ bách chu niên
Lâu đài tuyệt mỹ vô song địch?
Chắc chắn những ai phước đức hèn
Chỉ được sinh vào nơi thấp kém,
Là người phải chịu khổ triền miên.
Vị Thiên tử chấp nhận lời nói của họ, cảm thấy được an ủi, bèn ngâm kệ:
36. Những lời khích lệ đẹp lòng sao,
Bạn nói những lời khen ngợi nhau,
Song bạn hỡi, giờ ta bảo hộ,
Cất bước bình an thoả ước ao.
Các thương nhân muốn bày tỏ lòng biết ơn, lại ngâm kệ:
37. Khi nào đi đến So-vì-ra,
Và đến Sin-dhu kiếm lợi to,
Cùng với biết bao quà tặng quý,
Chúng tôi dâng lễ Se-ris-sa.
Nhưng vị Thiên tử từ chối lễ vật hào phóng và muốn khuyên nhủ họ những việc cần làm, liền ngâm kệ:
38. Chớ nên dâng lễ Se-ris-sa,
Còn mọi việc kia sẽ xảy ra,
Song phải kiên tâm hành Chánh pháp,
Và cần tránh các nghiệp gian tà.
Vị ấy lại ngâm kệ để nêu gương tốt cho họ theo và tán thán các đức tính của người cư sĩ mà vị ấy mong muốn bảo vệ an toàn:
39. Có vị tại gia của lữ đoàn,
Học nhiều, giữ giới nguyện tinh cần,
Cúng dường hào phóng, đầy thân ái,
Tri túc, khôn ngoan, đúng trí nhân.
40. Chàng không cố ý nói sai lời,
Cũng chẳng chuyên tâm hại đến ai,
Không thốt lời phân ly, phỉ báng,
Nói lời dịu ngọt, thật êm tai.
41. Biết vâng lời, kính trọng, tu thân,
Tẩy sạch mình theo giới hạnh luôn,
Người ấy sống đời cao thượng lắm,
Nương nhờ Chánh pháp, dưỡng song thân.
42. Ta chắc chàng đi kiếm bạc vàng
Chỉ vì muốn phụng dưỡng song thân,
Chứ không phải chính vì mình vậy,
Bởi thế khi cha mẹ mãn phần,
Chàng sẽ hành trì đời Phạm hạnh,
Hướng về xuất thế, thoát ly trần.
43. Thẳng ngay, không hóc hiểm, mưu mô,
Thiện sự thành công, chẳng dối lừa,
Giải quyết việc gì, không kiếm cớ,
Sao người như vậy phải ưu tư?
44. Vì lý do này ta hiện thân,
Hãy quy ngưỡng Pháp, hỡi thương nhân,
Giá không chàng, bạn thành tro bụi,
Hoảng sợ như mù lạc lối hoang.
Chỉ trích chàng là điều thật dễ,
Phúc thay gặp gỡ bậc hiền lương!
Ðám thương nhân muốn biết rõ chi tiết về người đang được nói đến một cách tổng quát như vậy, liền hỏi:
45. Người ấy là ai tự bấy nay,
Tên chàng, bộ tộc, thợ hay thầy?
Chúng tôi mong muốn nhìn người ấy
Ngài đã xót thương xuất hiện đây,
Quả thật phần chàng nhiều lợi lạc,
Nhờ ngài mến chuộng đến như vầy.
Bấy giờ vị Thiên tử nêu tên họ và bộ tộc chàng kia:
46. Người này tên gọi Sam-ba-va,
Hớt tóc, người tu tập tại gia,
Kiếm sống bằng dao, bàn chải tóc,
Cả đoàn biết thị giả này mà!
Vì chàng là một người lương thiện,
Các bạn đừng nên nhạo báng ta.
Sau đó đám thương nhân nhận ra chàng kia, liền nói:
47. Chúng tôi đều biết rõ người này,
Nhưng chẳng biết chàng đức hạnh thay,
Nay chúng tôi cùng xin đảnh lễ
Khi nghe ngài nói quý cao vầy.
Bấy giờ, sau khi mời mọi người bước vào Lâu đài của mình, vị Thiên tử ngâm kệ khích lệ họ:
48. Bất cứ ai trong đám lữ hành,
Trung niên, trưởng lão, hoặc xuân xanh,
Xin mời tất cả lên lầu thượng,
Ðể bọn xan tham ngắm phước lành.
Trong phần kết thúc, chư vị kết tập Kinh điển ngâm sáu vần kệ:
49. Mọi người tại đó nói to lên,
Khi đặt chàng cư sĩ trước tiên:
'Tôi thứ nhất', rồi lên điện ngọc,
Như cung Ðế Thích của chư Thiên.
50. Cả đoàn lữ khách nói như vầy:
'Tôi trước tiên', nhận Ngũ giới này,
Từ bỏ sát sanh loài thú vật,
Cũng không trộm cắp, rượu nồng say,
Cũng không nói dối, và tri túc
Với vợ mình, không muốn vợ ai.
51. Cả đoàn lữ khách nói đồng thanh:
'Tôi trước tiên', trì giới, khởi hành,
Hoan hỷ ngập tràn nhờ đại lực
Dạ-xoa thần hỗ trợ đồng tình.
52. Ði vào địa phận So-vì-ra,
Vì muốn bạc vàng, kiếm lợi to,
Khi việc làm xong, tròn phận sự,
Trở về an ổn phố Pà-ta.
53. Tất cả bình yên trở lại nhà,
Trùng phùng thê tử cả toàn gia,
Mừng vui, hạnh phúc, đầy hoan lạc,
Làm lễ tôn vinh Thiên tử kia,
Lễ hội tưng bừng và rộn rã,
Cùng xây trú xứ Se-ris-sa.
54. Như vậy là bầu bạn thiện nhân
Ðược nhiều lợi lạc lớn vô ngần,
Kết giao các thiện nhân trong Pháp,
Nhờ một người, toàn thể hưởng ân.
11. (85) Chuyện thứ mười một - Lâu Ðài Của Sunikkhitta (Sunikkhitta-Vimàna)
Bấy giờ, đức Thế Tôn trú tại Sàvatthi, trong Kỳ Viên. Thời ấy như đã nói trên, Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành trên thiên giới, đến cõi trời Ba mươi ba.
Một vị Thiên tử đang đứng ở cửa Lâu đài của chàng liền đến gần cung kính đảnh lễ Tôn giả. Thuở tiền kiếp, khi ngôi kim Tháp rộng một dặm đã được dựng để thờ xá-lợi của đức Phật Kassapa, bốn hội chúng thường đến cúng dường lễ vật.
Có một cư sĩ, sau khi dâng hoa tại đó, đã chưng bày lại những bông hoa được sắp đặt vụng về, rồi làm lễ cúng lần nữa. Vị ấy lấy các hoa kia làm đề tài thiền quán và tưởng niệm các đức tính của bậc Ðạo Sư, rồi đặt trọn công đức này vào lòng.
Về sau lúc từ trần, nhờ uy lực của hạnh nghiệp này, vị ấy được tái sanh vào cõi trời Ba mươi ba với một đám tùy tùng đông đảo. Tôn giả Mahà-Moggallàna ngâm kệ hỏi vị ấy:
1. Lầu các trụ cao bằng ngọc bích,
Mười hai dặm trải rộng chung quanh,
Bảy trăm nóc nhọn huy hoàng quá,
Trụ ngọc nền vàng thật hiển vinh.
2. Chàng uống ăn, cư trú lạc an,
Khi đàn tiên trổi khúc du dương,
Ðây là thiên vị, năm thiên lạc,
Tiên nữ múa, trang điểm ngọc vàng.
3. Vì sao chàng được sắc như vầy,
Vì cớ gì chàng vinh hiển đây,
Những lạc thú nào chàng mến chuộng
Trong tâm, đều xuất hiện ra ngay?
4. Hỡi chàng Thiên tử đại oai thần,
Chàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương?
Vị Thiên tử ngâm kệ nói về hạnh nghiệp đã làm. Các vị kết tập Kinh điển giải thích việc này:
5. Chàng Thiên tử ấy hỷ tâm tràn,
Ðược Mục-liên Tôn giả hỏi han,
Chàng giải đáp ngay phần hạnh nghiệp,
Và đây là kết quả cho chàng:
6. Khi sắp đặt xong một chuỗi hoa
Mà người đã sắp đặt qua loa,
Rồi dâng hoa tại ngôi kim Tháp
Ðấng Thiện Thệ là Kas-sa-pa,
Con đắc đại thần thông, đại lực,
Hưởng đầy thiên lạc cõi Băm-ba.
7. Vì vậy sắc con đẹp thế này,
Và con vinh hiển ở nơi đây,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, tức thì xuất hiện ngay.
8. Xin trình Tôn giả đại oai thần,
Công đức con làm giữa thế nhân,
Vì thế oai nghi con rực rỡ,
Dung quang chiếu sáng khắp mười phương.
Tổng Kết
- Lâu đài Hai Người Nghèo, Hai Tinh Xá.
- Một Người làm thuê, Một Kẻ Chăn Bò, Kanthaka.
- Lâu đài Nhiều Màu Sắc, Mattakundalin, Serissaka, Sunikkhitta.Ðó là Phẩm thứ Bảy về Lâu đài Nam giới.
Phẩm Thứ Tư Ðể Phúng Tụng
1. Chuyện Thí Dụ Phước Ðiền (Khettùpamà)
Ðức Thế Tôn kể chuyện này trong lúc đang trú tại chỗ nuôi sóc ở Veluvana (Trúc Lâm) gần Ràjagaha (Vương Xá).
Thời ấy, ở Vương Xá có một người chủ ngân khố giàu sang vô cùng và chỉ được biết qua danh hiệu Ðại phú ông (Mahàdhanasetthi). Ông có một con trai độc nhất rất khả ái và xinh đẹp. Khi cậu đến tuổi trưởng thành, cha mẹ cậu suy nghĩ như vầy: 'Nếu con ta chi tiêu một ngàn đồng mỗi ngày, thì dù cả trăm năm nữa số lượng tài sản này cũng sẽ không hết'.
Họ chẳng dạy cậu một nghề gì cả, vì suy nghĩ: 'Việc học nghề sẽ tốn nhiều công sức mệt nhọc, cứ để nó an nhàn thân tâm hưởng thọ giàu sang thỏa thích'.
Thay vì dạy nghề, khi cậu đến tuổi mười sáu, họ cưới cho cậu một cô dâu kiều diễm, nhưng hoàn toàn thiếu đạo hạnh. Cùng với cô vợ, cậu đổ hết thời giờ vào việc hưởng thụ, thích thú tầm cầu dục lạc.
Khi cha mẹ mất, cậu phung phí tiền của vào đám vũ nữ, ca nhân và các đám vui chơi khác; sau khi tiêu hết tài sản, cậu trở nên nghèo khó, phải cố xoay xở để sống bằng cách vay nợ. Nhưng khi cậu không còn có thể vay được nữa và bị các chủ nợ thúc bách, cậu đưa hết ruộng vườn, trang trại, nhà cửa cùng các gia sản khác rồi trở thành kẻ hành khất, sống trong nhà tế bần của thành phố ấy.
Bấy giờ, một hôm, bọn cướp gặp cậu và bảo:
- Này chú, xem đây, chú làm sao ra khỏi cuộc sống khốn khổ này, chú còn trẻ và có năng lực. Hãy đi theo bọn ta và sống đầy đủ thoải mái bằng cách trộm cắp. Bọn ta sẽ tập luyện cho chú.
Cậu đồng ý và đi theo chúng. Bọn trộm cướp cho cậu một cây gậy lớn; và trong khi chúng đột nhập vào một cái nhà mà bọn chúng đã đục thủng một lỗ lớn, chúng đặt cậu ở chỗ ra vào và nói:
- Nếu có ai đến, hãy đánh chết nó đi.
Cậu vốn tâm trí đần độn, không phân biệt bạn thù, liền đứng đó và chỉ chờ đợi người khác đi đến.
Bấy giờ, người trong nhà trở dậy, chạy đi thật nhanh, nhìn đây đó, chợt thấy cậu đứng ở lỗ thủng ấy. Họ vừa nói:
- Chúng đây rồi, quân khốn kiếp, lũ trộm cướp, họ vừa chụp lấy cậu đưa đến nhà vua, trình:
- Tâu Ðại vương, tên trộm này bị bắt lúc đang phá nhà.
Vua ra lệnh cho đám quân giữ thành:
- Chặt đầu nó đi.
Bọn này giam cậu vào ngục và đưa đến nơi hành hình, chúng đánh cậu bằng roi trong lúc cậu đi theo tiếng trống xử tội. Cùng lúc quần chúng la lớn:
- Tên cướp phá hoại này đã bị bắt ở thành này.
Bấy giờ ở trong thành ấy, có nàng hoa khôi tên là Sulasà đang đứng bên cửa sổ. Nàng thấy cậu bị dẫn đi ngang, và vì nàng đã quen biết cậu từ thời trước nên nàng có cảm tình với cậu vốn là người từng đạt đại phú quí trong thành này, nàng liền cho gửi mứt bánh và nước uống, lại nhờ người nhắn với bọn giữ thành:
- Cầu mong các tôn ông đợi cho đến lúc người này ăn xong mứt bánh và uống nước.
Cùng lúc ấy trong thành này, Tôn giả Mahà-Moggallàna đang quán sát bằng thiên nhãn và thấy tình cảnh nguy khốn của kẻ này, Tôn giả động lòng bi mẫn và suy nghĩ: 'Vì kẻ này chưa hề làm công đức gì, mà chỉ tạo ác nghiệp, y sẽ bị tái sanh vào địa ngục. Nay nếu ta đi ra và y cho ta mứt bánh và nước uống, y sẽ được tái sanh vào hội chúng các địa thần. Ta phải giúp đỡ kẻ này'.
Vì vậy Tôn giả liền xuất hiện trước tội nhân ngay khi mứt bánh và nước được mang đến. Khi cậu thấy vị Trưởng lão, tâm cậu được an lạc và cậu suy nghĩ: 'Ta có lợi ích gì nhờ ăn mứt bánh này nếu ta phải chết? Giờ đây, chúng sẽ làm hành trang cho ta lên đường đi đến thế giới bên kia'.
Thế là cậu nhờ đưa bánh mứt và nước uống đi cúng vị Trưởng lão. Khi Tôn giả Moggallàna thấy nỗi thống khổ của cậu đã trở thành hoan hỷ, Tôn giả ngồi xuống và ăn uống xong rồi đứng dậy đi lên đường.
Còn người ấy bị các đao phủ đưa đến nơi xử tội và chém đầu. Nhờ hành động tín thành đối với Trưởng lão Moggallàna, phước điền vô thượng ở đời, kẻ ấy xứng đáng được tái sanh vào thiên giới cao cả. Nhưng vì niềm luyến ái phát ra đối với Sulasà khi cậu suy nghĩ: 'Ta tạo được lễ cúng dường này là nhờ nàng', nên ngay lúc lâm chung, tâm cậu trở thành bất tịnh và cậu tái sanh vào cảnh giới thấp hơn, làm vị thần ở trong cây chuối lớn có tàn lá rậm rạp trong rừng hoang.
Bấy giờ tình cờ vị thần thấy Sulasà trong vườn của nàng liền mang nàng đến nơi cư trú của vị ấy. Mẹ nàng than khóc, bảo vị ấy sau một tuần phải đem nàng trở lại. Bà mẹ kể chuyện cho mọi người nghe, khi họ hỏi bà sự việc đã xảy ra, và họ tràn đầy kinh ngạc bảo nhau:
- Các bậc A-la-hán quả thật là phước điền vô thượng ở đời, ngay một hành động từ bi nhỏ bé đối với chư vị cũng làm cho con người tái sanh vào cõi chư Thiên.
Chư Tăng thuật chuyện này lên đức Thế Tôn, Ngài bèn ngâm các vần kệ này để giải thích sự việc:
1. Bậc Thánh ví như các ruộng đồng,
Người cho là chính các nhà nông,
Hạt gieo là vật đem dâng cúng,
Kết quả từ đây được hưởng phần.
2. Hạt giống đây và đám ruộng đồng
Dành cho ngạ quỷ lẫn người trồng,
Nơi nầy ngạ quỷ thường an hưởng,
Thí chủ tín thành phước đức tăng.
3. Vì hành thiện nghiệp ở trên đời,
Cúng lễ các ma quỷ đói mồi,
Sẽ đến cõi thiên làm trú xứ,
Nhờ người đã tạo nghiệp an vui.
Khi pháp thoại chấm dứt, tám vạn bốn ngàn người được đắc Pháp nhãn.
2. Chuyện Con Lợn Rừng (Sukàra)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại chỗ nuôi sóc ở Veluvana (Trúc Lâm) gần Ràjagaha (Vương Xá).
Tương truyền ngày xưa khi đức Thế Tôn Kassapa (Ca-diếp) thuyết Pháp, một Tỷ-kheo đã điều phục tự thân, nhưng thiếu phòng hộ ngôn ngữ, nên đã mạ ly các Tỷ-kheo khác. Lúc từ trần, vị ấy tái sanh vào địa ngục. Sau khi đã bị thiêu đốt tại đó cả một kiếp, vị ấy rời cõi ấy và trong kiếp này tái sanh gần thành Ràjagaha, dưới chân núi Gijjhakùta (Linh Thứu), vị ấy luôn bị đói khát giày vò. Thân thể vị ấy có màu vàng ròng, nhưng miệng lại giống mõm lợn rừng.
Vào thời ấy, Tôn giả Nàrada đang trú tại núi Linh Thứu. Vừa cầm y bát, vị ấy khởi hành từ sáng sớm để khất thực. Trong lộ trình đến Ràjagaha, vị ấy thấy ngạ quỷ kia trên đường. Khi hỏi về hạnh nghiệp mà ngạ quỷ kia đã tạo, vị ấy đã ngâm các vần kệ sau:
1. Nhà ngươi vàng rực khắp toàn thân,
Chiếu ánh sáng ra khắp mọi vùng,
Song miệng ngươi như mồm lợn đực,
Nghiệp gì ngươi tạo kiếp xưa chăng?
Ngạ quỷ đáp lời:
2. Xưa con điều phục khéo về thân,
Nhưng khẩu con không được hộ phòng,
Vì thế hình hài con vậy đó,
Nà-ra-da thấy rõ con cùng.
Ngạ quỷ ấy còn nói lời khuyên này với Trưởng lão:
3. Nà-ra-da, vậy hãy xem đây,
Con muốn trình Tôn giả việc này:
Ðừng phạm ác tà về khẩu nghiệp,
E ngài sẽ hóa mõm heo vầy!
Thế rồi Tôn giả Nàrada, sau khi đã đi khất thực trong thành Vương Xá và sau buổi ngọ trai, trở về trình sự việc này với bậc Ðạo Sư, Ngài dùng đó làm đề tài thuyết pháp.
3. Chuyện Ngạ Quỷ Có Mồm Hôi Thối (Pùtimukkha)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại chỗ nuôi sóc ở Veluvana (Trúc Lâm).
Ngày xưa vào thời đức Thế Tôn Kassapa (Ca-diếp) có hai thiện gia nam tử theo lời giáo huấn của Ngài, đã xuất gia bỏ đời thế tục. Thực hành đầy đủ giới luật và sống khổ hạnh khắc nghiệt, hai vị an trú hòa hợp với nhau ở một nơi kia trong làng.
Sau đó một Tỷ-kheo có ác tính, thích mạ ly, đã đến trú xứ của hai vị. Hai Trưởng lão này ân cần nhận vị ấy và qua ngày thứ hai lại cùng vị ấy đi khất thực.
Dân chúng tích cực tuân lời dạy của chư vị và cúng dường chư vị đủ cháo, gạo, cơm và nhiều thực phẩm khác. Vị kia suy nghĩ: 'Làng này thật là nơi ở tốt để khất thực và dân chúng đầy đủ tín tâm cúng dường thực phẩm ngon lành. Ðây lại có bóng mát và nước. Ta có thể sống sung sướng ở đây nhưng chẳng thể được bao lâu hai Tỷ-kheo này cũng trú cùng nơi này. Ðược rồi, vậy thì ta sẽ làm sao cho họ không đến đây ở nữa'. Thế là vị ấy phỉ báng người nọ với người kia. Hai vị dần dần sinh ra hoài nghi và suy nghĩ: 'Dẫu sao cũng có thể như vậy', và mất lòng tin, chư vị tránh mặt nhau, rồi không ai bảo ai, mỗi người ra đi tìm một nơi dễ chịu hơn.
Dân chúng hỏi vị Tỷ-kheo phỉ báng:
- Bạch Tôn giả, chư vị Trưởng lão đi đâu rồi?
Vị ấy đáp:
- Suốt đêm hai vị tranh cãi nhau; hai vị ra đi chẳng để ý đến lời ta bảo: 'Xin đừng tranh cãi, hãy hòa hợp', và còn nhiều chuyện khác nữa, ta nói thêm: 'Những người nào có tính như vậy thường thích đánh nhau to'. Sau đó quần chúng van nài:
- Cứ để chư vị Trưởng lão đi, tuy nhiên vì chúng đệ tử, xin Tôn giả ở lại đây và đừng hối tiếc gì cả.
Vị ấy đồng ý đáp:
- Ðược lắm.
Trong khi ở đó vài ngày, vị ấy suy xét: 'Do tham muốn trú xứ, ta đã ly gián hai Tỷ-kheo này. Ôi! Ta đã quyết tâm tạo nhiều ác nghiệp'. Bị lòng hối hận sâu xa giày vò và ngã bệnh vì tinh thần dao động, chẳng bao lâu vị ấy từ trần và tái sanh vào địa ngục Avìci (Vô gián hay A-tỳ).
Về sau vị ấy tái sanh vào kiếp này làm một ngạ quỷ có mồm hôi thối ở không xa thành Ràjagaha. Thân thể vị ấy có màu vàng ánh, nhưng sâu bọ lúc nhúc bò ra từ mồm vị ấy cấu xé mãi khiến mồm vị ấy bốc mùi hôi thối. Thời ấy Tôn giả Nàrada từ đỉnh Linh Thứu đi xuống, thấy ngạ quỷ kia, bèn ngâm vần kệ hỏi về hạnh nghiệp của vị ấy:
1. Ngươi có màu da sáng đẹp sao,
Như chư Thiên ở cõi trời cao,
Ngươi đang lơ lửng trong không khí,
Song miệng ngươi hôi thối biết bao,
Vì đám bọ sâu đang cắn xé,
Kiếp xưa ngươi tạo ác hành nào?
Ngạ quỷ đáp:
2. Là một Tỷ-kheo có ác ngôn,
Dù con giữ khổ hạnh vuông tròn,
Con không chế ngự về ngôn ngữ,
Con được màu da sáng tựa vàng
Nhờ khổ hạnh xưa, song miệng thối
Vì lời phỉ báng của mồm con.
3. Chính Ngài đã thấy việc này rồi
Ai giới đức và thương xót đời,
Sẽ bảo: 'Ngươi đừng nên phỉ báng
Cũng không dối trá, nói sai lời,
Về sau hóa Dạ-xoa thần lực,
Hưởng thọ thú vui như ý ngươi.
4. Chuyện Hình Nhân Bằng Bột (Pitthadhìtalika)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Sàvatthi (Xá-vệ) trong Jetavana (Kỳ-viên).
Thời ấy người nhũ mẫu đem cho cháu gái của ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) một hình tượng bằng bột để làm đồ chơi.
Một hôm cô bé làm rơi hình tượng ấy vỡ tan. Nó kêu lên: 'Con gái ta đã chết rồi!', và khóc mãi, đám gia nhân không ai dỗ dành được.
Bấy giờ bậc Ðạo Sư đang ở trong nhà ông Cấp Cô Ðộc, vị này đang ngồi gần Ngài. Bà nhũ mẫu đem cô bé đến bên ông chủ. Ông hỏi:
- Tại sao con bé khóc?
Rồi vừa ôm cháu vào lòng, ông vừa dỗ dành nó và bảo:
- Ông sẽ cho cháu một đứa con gái khác để làm tặng vật.
Rồi ông thưa trình bậc Ðạo Sư:
- Bạch Thế Tôn, vì cháu nội của con khóc về chuyện hình tượng bằng bột, con ước mong dâng lễ vật cúng dường. Xin Thế Tôn chấp thuận đến nhà con ngày mai cùng với năm trăm Tỷ-kheo.
Ðức Thế Tôn nhận lời. Như vậy đức Thế Tôn đã đến và sau buổi ngọ trai, Ngài nói lời tùy hỷ công đức và ngâm các vần kệ này:
1. Với mọi quan tâm, kẻ có lòng
Phải dâng lễ cúng các gia tông,
Các vong linh những người thân thuộc,
Cùng với chư Thiên lẫn thổ thần.
2. Trì Quốc, Ða Văn, Quảng Mục vương,
Thiên vương Tăng Trưởng giữ trần gian,
Tứ Thiên vương được người tôn kính,
Thí chủ không mất quả phước phần.
3. Bởi vì kêu khóc hoặc sầu bi,
Thương tiếc than van chẳng ích gì,
Không lợi gì cho người quá cố,
Khi thân nhân giữ thói lề kia.
4. Song lễ vậy này được cúng dâng
Khéo đem an trú ở chư Tăng,
Quả này hiện tại và sau nữa
Lợi lạc lâu dài với cổ nhân.
Ðức Thế Tôn đã thuyết pháp như vậy rồi ra đi. Bà vợ và gia quyến vị Ðại phú ông theo gương vị ấy. Do vậy họ làm lễ đại cúng dường suốt một tháng. Rồi vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) nghe tin này cũng dâng lễ vật dồi dào lên Tăng chúng. Khi dân chúng thấy vậy, họ lần lượt làm theo nhà vua và làm lễ đại cúng dường suốt cả tháng, một lễ đại cúng dường có nguồn gốc từ hình tượng bằng bột ấy.
5. Chuyện Ngạ Quỷ Ngoại Bức Tường (Tirokuddapeta)
Bậc Ðạo sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Ràjagaha (Vương Xá).
Chín mươi hai kiếp về trước, có một kinh thành tên là Kàsipuri. Vua Jayasena ngự trị nơi ấy có chánh hậu là Sirimà, vương tử Phussa chứng đắc Vô Thường Chánh Ðẳng Giác, tức là đức Cổ Phật thứ mười tám sau đức Phật Dipankara (Nhiên Ðăng).
Bấy giờ Ðại Vương Jayasena sinh tâm ngã mạn, suy nghĩ: 'Vì vương tử của ta sinh ra đời làm đức Phật, đã thành tựu đại sự xuất thế, chỉ riêng ta có Phật, chỉ riêng ta có Pháp, chỉ riêng ta có Tăng chúng'. Do đó nhà vua luôn luôn hầu cận bên đức Phật và không dành cơ hội cho kẻ khác.
Ba hoàng đệ của đức Thế Tôn ấy do bà mẹ khác sinh ra, bèn suy nghĩ: 'Quả thật chư Phật ra đời vì lợi ích của quần sinh khắp thế gian này, chứ không phải vì riêng một ai. Nay phụ vương ta không dành cơ hội cho người khác. Làm thế nào ta có thể phụng sự đức Thế Tôn và Tăng chúng? Nào chúng ta hãy thi hành một chiến thuật'.
Thế là chư vị gây rối tại vùng biên địa. Sau đó khi nhà vua nghe tin về vụ rối loạn này, liền phái ba vương tử đi bình định biên thùy. Ba vị tuân lệnh và khi trở về, nhà vua hài lòng ban chư vị một điều ước, phán bảo:
- Hãy chọn thứ gì các vương nhi muốn.
Ba vị tâu:
- Chúng thần nhi ước mong hầu cận đức Thế Tôn.
Nhà vua từ chối, phán:
- Hãy chọn thứ khác.
Ba vị tâu:
- Chúng thần nhi không màng thứ gì khác cả.
Nhà vua lại phán:
- Thôi được, các vương nhi có quyền chọn theo ý muốn.
Ba vị đến gần đức Thế Tôn và thưa:
- Bạch Thế Tôn, chúng đệ tử ước mong phụng sự đức Thế Tôn ba tháng. Xin đức Thế Tôn hoan hỷ an cư ba tháng mưa với chúng đệ tử.
Ðức Thế Tôn chấp thuận. Ba vị hoàng tử tự thân hành gửi một thông điệp đến cho người được chỉ định trông coi tỉnh nọ, bảo: 'Trong suốt ba tháng này, chúng ta cần phục vụ đức Thế Tôn, bắt đầu bằng cách xây một tinh xá, và cung cấp đủ mọi thứ cần thiết'.
Sau đó chư vị hết lòng cung kính phục vụ đức Thế Tôn cùng Tăng chúng. Khi các viên quan cai trị tỉnh này đã cúng dường tinh xá xong, các vị chấp hành việc an cư mùa mưa ấy. Một vị thủ kho hàng gia, con trai một gia chủ, là người mộ đạo cùng với vợ đã tìm được niềm tin, vị ấy trân trọng cúng dường Tăng chúng với đức Phật làm thượng thủ. Người được chỉ định cai quản tỉnh này theo gương vị kia cùng với mười một ngàn dân đem các vật đến cúng dường với tất cả lòng thành kính.
Vào dịp ấy, có một số người bất mãn trong lòng, sau khi ngăn cản những vật đóng góp, chính họ lại ăn các phẩm vật và nổi lửa đốt trai đường.
Sau khi ba vương tử cùng đoàn tùy tùng đã cúng dường đức Thế Tôn và từ giã Ngài xong, ba vị đi thẳng đến phụ vương.
Khi trở về, đức Thế Tôn đắc Niết-bàn vô dư y, ba vương tử và người cai quản tỉnh ấy, vị thủ kho báu hoàng gia dần dần theo thời gian đều từ trần và cùng với quần chúng ở đó được tái sanh thiên giới, còn số người bất mãn trong tâm bị tái sanh địa ngục.
Chín mươi hai kiếp trôi qua như vậy, trong lúc hai hạng người trên cứ lần lượt tái sanh từ thiên giới này đến thiên giới khác và từ địa ngục này đến địa ngục khác. Rồi đến hiền kiếp này, vào thời đức Thế Tôn Kassapa, đám người bất mãn trong tâm tái sanh vào loài ngạ quỷ.
Vào thời ấy, loài người thường cúng dường vì lợi ích của đám quyến thuộc quá cố của họ và nêu rõ: 'Lễ vật này xin dành cho quyến thuộc của chúng tôi'. Do đó, các vong linh được an lạc. Thế rồi, chính các vong linh ấy cũng nhận biết điều này, nên sau khi đến gần đức Phật Kassapa, các vị ấy hỏi:
- Bạch Thế Tôn, giờ đây làm thế nào chúng con có thể đạt được an lạc như vầy'?
Ðức Thế Tôn đáp:
- Hiện nay chư vị chưa có thể đạt được an lạc ấy, nhưng thời gian về sau, sẽ có một đức Phật ở thế gian tên gọi là Gotama. Vào thời của đức Thế Tôn ấy, sẽ có một vị vua tên là Bimbisàra, trong chín mươi hai kiếp nữa kể từ đây sẽ là quyến thuộc của chư vị. Vua ấy sẽ dâng lễ cúng dường đức Phật và sẽ hồi hướng công đức ấy đến chư vị, sau đó chư vị sẽ được an lạc.
Thời bấy giờ, khi điều này được phát biểu, thì cũng như thể ta nói với các vong linh ấy: 'Ngày mai chư vị sẽ được an lạc'.
Về sau, khi thời kỳ có đức Phật này đã qua, đức Thế Tôn (Gotama) giáng sanh vào cõi đời, ba vương tử cùng với một ngàn người từ thiên giới tái sanh vào quốc độ Magadha (Ma-kiệt-đà) trong các gia đình Bà-la-môn.
Theo thời gian, sau khi từ giã đời thế tục, ba vị trở thành các nhà khổ hạnh bện tóc, trú tại đỉnh núi Gayà, người trước kia cai quản tỉnh thành ấy trở thành vua Bimbisàra; người thủ khố hoàng gia, con của vị gia chủ, trở thành đại phú trưởng nghiệp đoàn có tên Visàkha; vợ vị ấy trở thành con gái của một vị đại phú trưởng nghiệp đoàn và được đặt tên Dhammadinnà, còn đám quần chúng được tái sanh làm các vị cận thần của vua.
Bấy giờ đức Thế Tôn Gotama giáng sanh cõi trần, sau bảy tuần Giác Ngộ, Ngài đến Benares (Ba-la-nại) chuyển Pháp luân. Ngài giáo hóa ba vị đạo sĩ bện tóc, sau khi Ngài đã khởi đầu giáo hóa năm vị khổ hạnh, và thâu nhận cả ngàn đệ tử. Sau đó Ngài đi đến Ràjagaha và an trú vua Bimbisàra vào Sơ quả Dự Lưu cùng với hơn một vạn Bà-la-môn và cư sĩ ỏ tại xứ Anga (Ưng-già) và Magadha.
Tuy nhiên các ngạ quỷ ở quanh cung vua suy nghĩ: 'Giờ đây nhà vua sẽ làm lễ cúng tế cho chúng ta được hưởng phước'. Trong lúc nhà vua làm tế lễ, nhà vua suy nghĩ: 'Ta không biết bây giờ đức Thế Tôn đang trú ở đâu?'. Do vậy, nhà vua không hồi hướng công đức đến ai cả. Vì các ngạ quỷ không nhận được thí vật nào cả, chúng rất thất vọng thốt tiếng kêu thảm thiết mỗi đêm ở hoàng cung.
Rạng ngày, nhà vua hoảng sợ trình đức Thế Tôn về chuyện đã xảy ra và hỏi:
- Bạch Thế Tôn, Ngài đã nghe tiếng nào như vậy chưa? Con băn khoăn không biết việc gì xảy ra với con.
Ðức Thế Tôn đáp:
- Thưa Ðại vương, xin đừng sợ, không có gì bất thường xảy ra với Ðại vương đâu, mà thịnh vượng sẽ đến với Ðại vương thôi. Giờ đây, quả thật là quyến thuộc của Ðại vương đã tái sanh vào loài ngạ quỷ. Trong suốt một kiếp, chúng đã lang thang khắp nơi và chỉ mong ước điều này: 'Nhà vua sẽ làm lễ cúng dường đức Phật và hồi hướng công đức ấy cho chúng ta'. Hôm qua, khi Ðại vương dâng lễ, Ðại vương đã không hồi hướng công đức. Do đó, chúng mất hết hy vọng và thốt tiếng kêu la.
Nhà vua hỏi:
- Bạch Thế Tôn, bây giờ làm sao chúng có thể nhận được thí vật?
Ðức Phật đáp:
- Thưa Ðại vương, quả thật chúng có thể nhận.
Nhà vua nói:
- Bạch Thế Tôn, vậy Thế Tôn hãy nhận lời thỉnh cầu của con vào ngày mai, con sẽ hồi hướng công đức lễ vật ấy cho chúng.
Ðức Thế Tôn nhận lời.
Sau đó, nhà vua ra lệnh chuẩn bị lễ cúng dường hào phóng, và thông báo thời giờ lên đức Thế Tôn, Ngài liền đến Hoàng cung. Bầy ngạ quỷ cũng đến và suy nghĩ: 'Hôm nay chúng ta sẽ hưởng được món gì đó', rồi đứng bên ngoài các bức tường và hàng rào.
Sau đó đức Thế Tôn làm cho mỗi ngạ quỷ đều hiện hình trước nhà vua. Trong khi vua dâng nước rửa, vua hồi hướng công đức ấy cho chúng với những lời này: 'Mong công đức này dành cho quyến thuộc ta'. Lập tức xuất hiện các ao sen đầy sen súng cho bọn ngạ quỷ. Chúng tắm rửa và uống nước ở đó, được giảm nhẹ nỗi thống khổ của chúng vì bất hạnh, lao nhọc và khát nước, nên da chúng trở nên vàng ánh.
Nhà vua dâng lễ cúng dường cháo gạo và các thức ăn đủ loại cứng mềm rồi hồi hướng công đứng lễ vật ấy cho chúng. Trong chốc lát liền xuất hiện cho chúng các thực phẩm khác, thậm chí cả thực phẩm thiên giới, khiến chúng hân hoan hưởng thọ.
Nhà vua lại cúng dường y phục và sàng tọa, tinh xá rồi hồi hướng công đức lễ vật ấy. Sau đó liền xuất hiện cho chung các thiên y, thiên cung, sàng tọa, khăn phủ và đồ trang sức. Ðức Thế Tôn quyết định làm cho tất cả hạnh phúc tuyệt vời này của họ được hiển lộ trước vua; khi nhìn thấy vậy, vua vô cùng hoan hỷ.
Rồi đức Thế Tôn, sau khi thọ thực xong, và được thỉnh cầu, Ngài kể chuyện ngạ quỷ ngoài bức tường thay lời tùy hỷ công đức.
1. Bọn chúng đứng kia, ngoài bức tường,
Những nơi trống trải, ngã tư đường,
Chúng đang đứng ở ngoài song cửa,
Khi đã về nhà tại cố hương.
2. Dù tràn trề ẩm thực liên miên
Ðủ loại cứng mềm được dọn lên,
Cũng chẳng có ai cần bọn chúng,
Bởi vì nghiệp chúng đã gây nên.
3. Những người lân mẫn, lắm tình thương
Ðúng lúc đem cho đám họ hàng
Các thức cao lương, đồ ẩm thực
Với lời cầu nguyện: 'Ðể dành phần
Lễ này cho đám người thân thuộc,
Mong các họ hàng được phước ân'.
4. Và các đám này đã đến đây,
Các vong linh của họ hàng này,
Thảy đều tụ tập đồng vui hưởng
Các thực phẩm đều phong phú thay.
5. Chúng cầu: 'Trường thọ các người thân,
Nhờ các vị, ta được hưởng ân,
Lòng quý trọng ta đà biểu lộ,
Người cho chẳng thiếu quả dành phần'.
6. Chốn kia không có cấy cày đâu,
Cũng chẳng hề nuôi súc vật nào,
Buôn bán như đây đều chẳng có,
Cũng không đổi vật lấy vàng trao.
7. Bên kia thế giới các vong linh
Nhờ vật cúng dường để dưỡng sinh,
Như nước đổ từ trên núi xuống
Cúng dường nuôi ngạ quỷ thân tình.
8. Giống như tất cả các dòng sông
Chảy xuống đổ đầy cả đại dương,
Cũng vậy những gì người bố thí
Từ đây nuôi sống các vong nhân.
9. Những thân bằng quyến thuộc trong nhà
Trước đã cho ta, giúp đỡ ta;
Mong mọi người ban phần ngạ quỷ,
Nhớ công họ tạo thuở xưa xa.10. Bởi vì kêu khóc hoặc sầu bi,
Thương tiếc, than van chẳng ích gì,
Không lợi gì cho người quá cố,
Khi thân nhân giữ thói lề kia.
11. Song lễ vật này được cúng dâng
Khéo đem an trú ở chư Tăng,
Quả này hiện tại và sau nữa
Lợi lạc lâu dài với cổ nhân.
12. Ðây là nghĩa vụ của thân nhân
Tôn trọng vong linh, đã cúng dâng,
Tăng chúng được thêm nhiều dõng lực,
Người làm công đức lớn vô ngần.
Khi pháp thoại chấm dứt, tám vạn bốn ngàn người đã đắc Pháp nhãn do tri kiến sanh khởi từ sự kiện tái sanh vào cảnh giới ngạ quỷ. Tâm họ đầy xúc động vì được tán thán và họ càng nỗ lực tinh cần. Ngày hôm sau đức Thế Tôn cũng dạy chư Thiên và loài Người bài kinh 'Ngoài Bức Tường' ấy. Do vậy suốt bảy ngày đều diễn ra sự đắc Pháp nhãn như trên.
6. Chuyện Ngạ Quỷ Ăn Thịt Năm Ðứa Bé (Pàncaputtakhadaka)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Sàvatthi (Xá-vệ).
Trong làng nọ không xa Sàvatthi, có một người vợ địa chủ không sinh con. Quyến thuộc của ông nói: 'Ðể ta kiếm một cô gái khác cho ông'. Nhưng ông không muốn, do lòng yêu thương vợ. Về sau, khi nghe chuyện này, bà vợ giục chồng đi cưới vợ khác để khỏi tuyệt dòng giống.
Nhưng khi cô vợ mới có thai, người vợ vô sinh, lòng đầy ganh tỵ, đem thức ăn uống đãi một vị du sĩ và nhờ ông ấy thực hiện việc phá thai. Cô vợ kể chuyện với mẹ, bà liền triệu tập gia quyến đến bảo người vợ vô sinh:
- Chị đã làm chết con nó còn ở trong bụng.
Người ấy đáp:
- Tôi vô tội.
Họ bảo:
- Nếu chị vô tội, vậy hãy thề đi.
Người ấy bèn thề độc, thách thức tai họa xảy đến nếu bà có tội. Không lâu sau đó, người ấy từ trần và tái sanh làm một nữ ngạ quỷ xấu xí ở không xa thành phố này. Cùng thời ấy, có tám Tỷ-kheo đang an cư mùa mưa trong tỉnh đi đến Sàvatthi để yết kiến bậc Ðạo Sư, vừa vào một nơi trong rừng có bóng mát và nước chảy không xa làng ấy. Sau đó nữ ngạ quỷ hiện hình trước các vị Trưởng lão, một vị trong số ấy liền hỏi:
1. Trần truồng và xấu xí hình dung,
Ngươi thở mùi hôi thối nặc nồng,
Bao phủ toàn thân đầy bọ nhặng,
Ngươi là ai đứng ở đây chăng?
Nữ ngạ quỷ đáp:
2. Tôn giả, con là ngạ quỷ nương,
Thần dân khốn khổ của Diêm vương,
Vì con đã phạm hành vi ác,
Con đến cõi ma đói ẩn thân.
3. Sáng ngày năm đứa bé con sinh,
Chiều tối năm trai lại hiện hình,
Tất cả, con đều xâu xé hết,
Nhưng không vừa đủ để nuôi mình.
4. Lòng con đang nóng cháy như rang,
Bốc khói vì cơn đói bạo tàn,
Con chẳng tìm đâu ra nước uống,
Hãy nhìn tai họa giáng đầu con.
Khi nghe xong chuyện này, vị Trưởng lão hỏi:
5. Ngày xưa đã phạm ác hành gì
Do khẩu, ý, thân đã thực thi,
Nay phải đền bù vào tội lỗi,
Ngươi xâu xé thịt lũ hài nhi?
Sau đó nữ ngạ quỷ kể cho vị Trưởng lão về những việc đã làm:
6. Vợ bé chồng con đang có thai,
Con mưu việc ác chống nàng hoài,
Chính con với trí tâm điên đảo
Ðã khiến nàng kia sẩy bé trai.
7. Thai chừng hai tháng máu tuôn tràn,
Bà mẹ giận đưa các họ hàng,
Bà ấy bảo con thề độc hại,
Và con bị phỉ báng muôn vàn.
8. Chính con đã nhận lấy lời thề
Khủng khiếp, tràn đầy giả dối kia:
'Nếu việc ấy do tôi tự tạo,
Thì tôi ăn thịt đám hài nhi'.
9. Do kết quả hành nghiệp của mình
Cùng lời thề độc ác gian manh,
Con xấu xé thịt bầy con trẻ,
Vì quá khứ, con vấy máu tanh.
Chư vị Trưởng lão xúc động xót thương nữ ngạ quỷ, bèn đến nhà vị địa chủ kia bảo ông hồi hướng đến ngạ quỷ công đức buổi thọ trai mà ông cúng dường chư vị. Lập tức nữ ngạ quỷ thoát khỏi cảnh khốn khổ kia, nhận được nhiều ân phước và hiện hình ban đêm cho người chồng thấy. Sau đó chư Trưởng lão đến Sàvatthi đúng thời và trình lên đức Thế Tôn vấn đề ấy.
7. Chuyện Ngạ Quỷ Ăn Thịt Bảy Ðứa Bé (Sattaputtakhadaka)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Sàvatthi (Xá-vệ).
Trong một làng nọ không xa Sàvatthi, một đệ tử tại gia có hai con trai xinh đẹp, đủ tài năng đức độ. Vì thế, mẹ chúng khinh thường chồng bà. Chán cảnh bị vợ khinh thường, ông đem về một cô vợ khác còn trẻ lại chóng có thai. Bà vợ cả sinh lòng ganh tỵ, thuyết phục một y sĩ bằng cách trả một số tiền, để làm cho tình địch phải trụy thai.
Thời ấy nhiều vị Trưởng lão, đã an cư mùa mưa ở một nơi trong làng, đang đi đến Săavatthi để yết kiến đức Thế Tôn. Nhân dịp này, chư vị ở lại đêm gần làng ấy. Sau đó nữ ngạ quỷ này xuất hiện trước chư Trưởng lão. Vị trưởng đoàn hỏi ngạ quỷ qua vần kệ:
1. Trần truồng và xấu xí hình dung,
Ngươi thở mùi hôi thối nặc nồng,
Bao phủ toàn thân đầy bọ nhặng,
Nguơi là ai đứng ở đây chăng?
Nữ ngạ quỷ đáp:
2. Tôn giả, con là ngạ quỷ nương,
Thần dân khốn khổ của Diêm vương,
Vì con đã phạm hành vi ác,
Con đến cõi ma đói ẩn thân.
3. Sáng ngày bảy đứa trẻ con sinh,
Chiều tối bảy trai lại hiện hình,
Tất cả, con đều xâu xé hết,
Song không vừa đủ để nuôi mình.
4. Lòng con đang cháy nóng như rang,
Bốc khói, vì cơn đói bạo tàn,
Con chẳng được tâm hồn lắng dịu,
Khác nào lửa đốt, khổ muôn vàn.
Vị trưởng đoàn lại hỏi:
5. Ngày xưa đã phạm ác hạnh gì,
Từ khẩu, ý, thân đã thực thi,
Vì phạm lỗi lầm nào quá khứ,
Mà ngươi ăn thịt đám hài nhi?
Nữ ngạ quỷ đáp:
6. Ngày xưa con có được hai trai,
Bọn chúng trưởng thành đủ cả hai,
Khi đã thấy con mình lớn mạnh,
Con thường khinh bỉ lão chồng tồi.
7. Sau đó chồng con nổi hận sân,
Cưới về thêm một ả hồng quần,
Khi nàng kia đã mang thai nghén,
Con nảy sinh tâm ác hại nhân.
8. Con có tâm gian xảo, ác tà
Khiến cho nàng phải bị thai sa,
Máu tuôn khủng khiếp và ghê rợn,
Việc ấy xảy vào tháng thứ ba.
9. Khi ấy mẹ nàng nổi hận sân,
Liền đưa con đến đám thân nhân,
Bà truyền con nói lời thề độc,
Và bảo mọi người phỉ báng con.
10. Chính con đã nhận thấy lời thề,
Khủng khiếp tràn đầy giả dối kia:
'Nếu việc ấy do tôi tự tạo,
Thì tôi ăn thịt đám hài nhi'.
11. Do kết quả hành nghiệp của mình,
Cùng lời thề độc ác gian manh,
Con xấu xé thịt bầy con trẻ,
Vì quá khứ, con vấy máu tanh.
8. Chuyện Con Bò (Gona)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).
Thuở đó ở Sàvatthi (Xá-vệ), người cha của một gia chủ nọ qua đời. Người con bị nỗi ưu phiền hành hạ và cứ khóc than mãi. Trong khi kẻ ấy đi lang thang như một người điên, ông thường hỏi bất cứ kẻ nào ông gặp: 'Thế người có thấy cha tôi chăng?' Không ai có thể xua tan nỗi ưu phiền của ông cả.
Nhưng trong lòng ông, như một ngọn đèn ở trong cái chai, đang bừng lên một khả năng đột xuất hướng về Nhập lưu đạo.
Trong lúc bậc Ðạo Sư đang quán sát thế gian vào buổi sáng, Ngài thấy điều kiện chắc chắn này và suy nghĩ: 'Ðưa đến cho người này quả Dự Lưu thật là thích hợp sau khi kẻ ấy đã kể lại sự việc quá khứ và dẹp bỏ sầu bi'.
Vì thế ngày hôm sau, Ngài đi khất thực về, liền cùng một Tỷ-kheo trẻ đến cửa nhà vị kia. Khi nghe bậc Ðạo Sư đã đến, người ấy bước ra đón Ngài. Khi bậc Ðạo Sư đã an tọa, vị gia chủ nói:
- Bạch Thế Tôn, Ngài biết cha con đã đi về đâu rồi.
Bậc Ðạo Sư hỏi vị ấy:
- Này cư sĩ, ông hỏi về cha ông ở đời này hay đời trước?
Khi nghe những lời này, nỗi buồn của vị ấy dịu bớt: 'Ta có rất nhiều cha trong quá khứ' và vị ấy đã lấy lại được đôi chút thanh thản. Rồi bậc Ðạo Sư thuyết một bài giảng ngắn và ra đi về nơi cư trú của Ngài. Sau đó chư Tỷ-kheo bắt đầu pháp thoại về chuyện này.
Khi vừa đến nơi, bậc Ðạo Sư hỏi:
- Này chư Tỷ-kheo, chư vị đang bàn luận gì khi ngồi tụ tập ở đây?
Chư vị kể lại vấn đề. Ngài đáp:
- Không phải chỉ giờ đây Ta mới xua tan nỗi ưu phiền của người kia, trong đời quá khứ nỗi ưu phiền của kẻ ấy cũng đã được tiêu trừ'. Và theo lời thỉnh cầu của chư vị, Ngài kể câu chuyện đã xảy ra thời trước.
Thuở xưa tại thành Benares (Ba-la-nại), người cha của một gia chủ từ trần. Bị sầu bi trấn áp, vị ấy đập ngực than khóc và cung kính đi quanh dàn hỏa thiêu. Con trai vị ấy là Sujàta, một nam tử thông minh lanh lợi, đầy đủ trí tuệ tối thượng, đang suy xét một phương cách xua tan nỗi ưu phiền của cha, chợt thấy ngoài kinh thành một con bò chết, chàng liền đặt phía trước nó một ít nước và cỏ chàng vừa đem tới nơi. Chàng đưa con bò một nắm cỏ, vừa ra lệnh như thể con bò đang sống, vừa đứng cạnh đó, chàng nói: 'Ăn đi, ăn đi, uống đi, uống đi!'.
Khi người qua đường thấy chàng, họ nói:
- Này Sujàta, chú có điên không mà đưa cỏ với nước cho con bò chết?
Nhưng chàng không hề đáp lại lời nào. Vì thế dân chúng tìm đến cha chàng và bảo ông:
- Con trai ông đã nổi điên nên đưa cỏ và nước cho một con bò chết.
Khi vị gia chủ nghe việc này, nỗi ưu phiền về thân phụ liền mất đi. Lòng lo âu, vị ấy vội vàng đến trách cậu con trai:
- Con chẳng còn là Sujàta thông minh, lanh lợi và có trí tuệ nữa ư? Tại sao con lại đưa cỏ và nước cho một con bò chết?
Vị ấy ngâm hai vần kệ về việc này:
1. Sao con có vẻ giống người khùng,
Con cắt cỏ non, lại nói thầm
Cùng với bò già vừa mới chết,
Luôn môm bảo nó: 'Hãy ăn, ăn!'
2. Chẳng phải nhờ ăn uống, dỗ dành
Mà con bò chết sẽ hồi sinh,
Con tôi khờ dại ngây ngô quá
Quả giống người đâu đó, thật tình.
Sujàta ngâm các vần kệ sau đáp lời:
3. Bốn chân này với chiếc đầu này,
Với cái đuôi và thân thể đây,
Ðôi mắt là đây còn đủ cả,
Con bò phải đứng dậy lên ngay!
4. Song đôi tay với cả đôi chân,
Thân thể và đầu tóc của ông,
Nay chúng ở đâu, nào chẳng thấy,
Khóc than đống đất, phải cha khùng?
Người cha đáp:
5. Lòng ta quả thực nóng bừng
Giống như sữa lạc đổ trong lửa đào,
Nay vừa được tưới nước vào,
Và làm tiêu tán biết bao khổ sầu.
6. Quả con nhổ mũi tên đau
Nỗi sầu kia đã cắm sâu vào lòng,
Con xua mọi nỗi đau buồn
Vì cha thương tiếc phụ thân của mình.
7. Tâm ta đã được an bình,
Nỗi buồn dứt bỏ trong mình từ nay,
Ta không khóc nữa giờ đây,
Sau khi nghe những lời này, con thân.
9. Vậy là các bậc trí nhân,
Ðầy lòng lân mẫn ân cần thiết tha
Xua tan sầu não cho ta
Như Su-jà với cha già giờ đây.
Rồi người cha đi gội đầu, ăn uống và tham gia công việc của mình. Khi từ trần, vị ấy tái sanh Thiên giới.
Như vậy Sujàta đã trở thành vị Bảo hộ thế giới.
9. Chuyện Ông Chủ Thợ Dệt (Mahàpesakàra)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Sàvatthi (Xá-vệ).
Lúc ấy chừng mười Tỷ-kheo, sau khi nhận được đề tài thực hành thiền quán từ bậc Ðạo Sư, đang tìm một nơi cư trú. Vì thời kỳ an cư mùa mưa gần kề, chư vị thấy một chỗ tốt đẹp vừa ý ở trong rừng với bóng mát và nước chảy, và chỉ xa làng một khoảng thuận tiện để đi khất thực. Chư vị ngủ qua đêm tại đó và hôm sau vào làng khất thực.
Dân chúng đón mừng chư Tỷ-kheo và cầu xin chư vị vào đây cư trú mùa mưa. Sau đó vị trưởng nghiệp đoàn thợ dệt cung kính cúng dường hai Tỷ-kheo đủ tứ sự cần thiết, trong khi số đoàn viên thợ dệt khác phục vụ từng vị Tỷ-kheo.
Bấy giờ vợ người chủ thợ dệt không mộ đạo, không có lòng tin, theo tà kiến và tham lam, không phụng sự Tăng chúng. Sau đó người chủ này cưới cô em gái bà và cho làm bà chủ nhà. Nàng có lòng tin và nhiệt thành phục vụ chư Tăng.
Tất cả những thợ dệt này cũng tặng mỗi người một chiếc y cho mỗi Tỷ-kheo đang thực hành an cư mùa mưa ở đó.
Thế rồi, người vợ ích kỷ của chủ nghiệp đoàn thợ dệt,với ác tâm buông lời mạ lỵ chồng: 'Mong mọi thức uống ăn mà ông cúng các Tỷ-kheo đệ tử chân chánh của đức Phật sẽ trở thành phân dơ và y phục sẽ thành những tấm sắt nóng bỏng trong kiếp sau'.
Khi từ trần, vị chủ nghiệp đoàn thợ dệt tái sanh ở rừng Vindhya làm một vị thần đầy vẻ huy hoàng. Người vợ xan tham ấy tái sanh làm nữ ngạ quỷ ở không xa nơi ông ở. Nữ ngạ quỷ trần truồng xấu xí, bị đói khát giày vò,và khi đến gần vị địa thần này, nó nói:
- Thưa phu quân, thiếp trần truồng đi lang thang bị đói khát hành hạ vô cùng khổ cực, xin hãy cho thiếp y phục và thức ăn uống.
Vị thần liền cho nó một số thực phẩm thần tiên của mình, nhưng khi ngạ quỷ vừa cầm lấy, các thứ này lập tức biến thành phân dơ và y phục nó vừa mặc vào liền hóa ra tấm sắt nóng cháy. Ngạ quỷ vừa nôn mửa vừa kêu khóc và đi lang thang trong nỗi thống khổ cùng cực.
Vào thời ấy, một Tỷ-kheo đang đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư, cùng với một đoàn lữ hành đông đảo vào rừng Vindhya. Sau khi đã du hành ban đêm, đến sáng đoàn lữ hành thấy một nơi đầy bóng mát và nước chảy, họ liền thả đàn bò ra và ngừng lại để nghỉ chân.
Sau đó, vị Tỷ-kheo muốn ở riêng một mình nên đã đi xa một đoạn ngắn, trải chiếc y lên thảm cỏ dày dưới gốc cây và nằm xuống. Thân thể mệt nhọc vì cuộc hành trình ban đêm, vị ấy liền ngủ thiếp đi.
Sau khi đoàn lữ hành đã nghỉ ngơi xong, họ lên đường, nhưng vị Tỷ-kheo ấy chưa dậy. Mãi đến chiều tối vị ấy thức giấc và vì mất bạn đồng hành, vị ấy theo đường nhỏ đi mãi cuối cùng đến tận nơi cư ngụ của vị thần nói trên.
Khi vị thần thấy vị Tỷ-kheo, liền hóa ra hình người và chào đón vị ấy, đưa vị ấy vào lâu đài của mình và sau khi đã cúng dường dầu xoa chân cùng các lễ vật khác, vị thần đảnh lễ và ngồi xuống. Vừa lúc ấy nữ ngạ quỷ cũng đến và nói:
- Thưa phu quân, xin hãy cho thiếp thức ăn uống và y phục.
Vị thần cho nó đủ các thứ này, nhưng ngay lúc nó cầm chúng, thì chúng vẫn biến thành phân dơ và tấm sắt nóng cháy như cũ. Khi vị Tỷ-kheo thấy thế, lòng hết sức xúc động và hỏi vị thần qua hai vần kệ:
1. Phân dơ máu mủ hiện lên đầy
Cho nó, vì sao có quả này?
Hạnh nghiệp gì người này đã tạo
Mà nay ăn máu mủ như vầy?
2. Y phục sáng tươi, trắng, mịn màng
Mới cho ngạ quỷ, dệt bằng lông,
Tức thì chúng hóa thành sắt nóng,
Ðã tạo nghiệp gì, ngạ quỷ nương?
Vị thần đáp:
3. Tôn giả, đây là vợ của con,
Bà không bố thí, tính xan tham,
Khi con cúng các Sa-môn ấy,
Bà phỉ báng con với ác ngôn:
4. 'Mong ông ăn uống đám phân dơ,
Nước tiểu, máu tanh, mủ thối tha,
Ðây số phận ông về kiếp khác,
Áo quần sẽ hóa sắt nung lò'.
Bởi vì ác nghiệp ngày bà tạo,
Bà phải ăn phân mãi đến giờ.
- Giờ đây có phương tiện gì giải thoát bà khỏi cảnh giới ngạ quỷ?
Tỷ-kheo đáp:
- Nếu ta dâng cúng đức Phật và Thánh chúng hay chỉ một Tỷ-kheo và hồi hướng công đức đến nữ ngạ quỷ, nó sẽ hưởng được phước phần và theo cách ấy nó sẽ thoát khỏi khổ đau.
Khi nghe vậy, vị thần liền cúng vị Tỷ-kheo thực phẩm và hồi hướng công đức cúng dường cho nữ ngạ quỷ. Tức thì nó được đầy đủ, tâm hân hoan hưởng thọ các thực phẩm thần tiên. Sau đó vị thần trao tận tay vị Tỷ-kheo ấy một đôi thiên y dâng cúng đức Thế Tôn và hồi hướng công đức ấy đến nữ ngạ quỷ. Ngay sau đó, ngạ quỷ được mặc y phục thần tiên, được cung cấp đủ mọi thứ nó ước mong tương tự như một Thiên nữ cõi trời.
Ngoài ra, vị Tỷ-kheo, nhờ thần lực của vị thần kia, ngay hôm ấy đã đến Sàvatthi.
10. Chuyện Nữ Nhân Sói Ðầu (Khallàtiya)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Sàvatthi (Xá-vệ).
Thời xưa tại Benares (Ba-la-nại), có một nữ nhân sống nhờ sắc đẹp của mình. Bấy giờ tóc nàng thật dài đen nhánh, mịn màng, mềm mại và óng ả, cuộn lại rất đẹp. Các bím tóc nàng được kết thành hai nắm tay, mỗi khi buông lơi, chúng xuống tận thắt lưng nàng.
Lúc đó một số nữ nhân ganh tỵ bàn luận cùng nhau và sau khi mua chuộc nữ tỳ của nàng, lại gửi cho cô ả một thứ thuốc sẽ hủy hoại mái tóc nàng. Bấy giờ nữ tỳ pha thuốc ấy vào bột tắm và đưa cho chủ nhân vào lúc nàng đi tắm ở sông Hằng. Nàng dùng thứ thuốc pha ấy tẩm vào tóc thật kỹ đến tận gốc và nhảy vào dòng nước. Ngay khi nàng vừa ngâm mình vào nước, tóc nàng liền rụng ra tận gốc, sạch trơn tru và đầu nàng trông giống trái mướp đắng.
Sau đó, trông xấu xí như chim bồ câu bị vặt hết lông, nàng hổ thẹn không dám vào thành nữa, phải choàng khăn phủ đầu và cư trú ngoại thành. Khi nỗi hổ thẹn đã qua đi và đã biết ép hạt mè, nàng sinh sống bằng nghề bán dầu và rượu mạnh.
Một hôm, khi hai ba người đàn ông say rượu đã ngủ mê man, nàng lấy trộm tất cả y phục của họ đang treo lủng lẳng. Rồi một ngày nọ, nàng thấy một vị Thánh Tăng đi khất thực, sau khi mời vị ấy vào, nàng cúng dường một chiếc bánh làm bằng hạt dẻ trộn dầu mè. Vì thương xót nàng, vị ấy nhận bánh và ăn.
Nàng đứng đó với tâm hoan hỷ, che lên trên vị ấy một chiếc lọng. Vị Trưởng lão xúc động, nó lời tùy hỷ công đức và ra đi.
Bấy giờ nàng phát nguyện: 'Ước mong ta sẽ được mái tóc đen mịn màng óng ả, mềm mại như tơ cuốn lên thật đẹp'.
Về sau nàng từ trần, và nhờ kết quả thiện nghiệp của nàng, nàng được tái sanh giữa đại dương một mình trong một lâu đài bằng vàng, tóc nàng được phục hồi như nàng đã ước nguyện, song vì nàng đã lấy trộm y phục của đám đàn ông, nay nàng phải bị trần truồng. Nàng cứ tái sanh mãi trong lâu đài bằng vàng kia và phải chịu sống trần truồng một kiếp tại đó.
Rồi về sau, đức Thế Tôn Gotama giáng thế, và trong lúc Ngài trú tại Sàvatthi, một trăm thương nhân có nhà ở đó lên thuyền đến xứ Suvannabhùmi (Kim Ðịa). Thuyền của họ bị bão tố trôi giạt đến bờ kia. Lúc ấy nữ quỷ cùng lâu đài hiện ra trước mặt họ. Khi vị trưởng đoàn thương nhân thấy nữ quỷ, liền hỏi:
1. Nàng là ai trú ở lâu đài,
Xin hỏi, sao không đến phía ngoài?
Mau bước ra đây, này nữ chủ,
Cho ta chiêm ngưỡng lực hùng oai.
Nữ quỷ đáp:
2. Ta đây khốn khổ lại trần truồng,
Không dám bước ra bởi thẹn thưồng
Che tấm thân mình bằng mái tóc,
Vì ta ít tạo nghiệp hiền lương.
Thương nhân:
3. Ta sẽ đem y phục tặng nàng,
Mặc vào che kín, hỡi hồng nhan,
Bước ra, nữ chủ, ta mong muốn
Nhìn ngắm nàng mang đủ lực thần.
Nữ quỷ:
4. Những vật gì chư vị tặng ta
Cũng không giúp ích được ta mà.
Song đây có một người đồ đệ
Ðầy đủ lòng tin đức Phật đà.
5. Sau khi đem áo tặng người này,
Hồi hướng cho ta phước đức vầy,
Ta sẽ được ban nhiều hạnh phúc,
Mọi nguồn lạc thú sẽ tràn đầy.
Sau khi nghe nàng nói, các thương nhân tắm rửa và thoa dầu thơm lên người đệ tử tại gia kia và khoác lên chàng một bộ y phục.
Chư vị kết tập Kinh điển ngâm ba vần kệ để giải thích việc này:
6. Khi đã tắm chàng, đám phú thương
Cho chàng cư sĩ tẩm dầu hương,
Và cho chàng được mang y phục,
Nữ quỷ hưởng công đức cúng dường.
7-8. Kết quả này do việc cúng dường:
Tràn đầy y phục với đồ ăn.
Xiêm y thanh lịch, nàng trong trắng
Khoác lụa Ba-la-nại tuyệt trần,
Vừa mỉm miệng cười, nàng mỹ nữ
Bước ra lầu ấy, lại thưa rằng:
'Ðây là kết quả từ công đức
Lễ vật các ngài đã hiến dâng'.
Thương nhân:
9. Lâu đài lắm kiểu cách cao sang
Khả ái, tươi vui, sáng rỡ ràng,
Thần nữ nói cho đoàn lữ khách
Nghiệp gì đây kết quả cho nàng?
Nữ thần:
10. Gặp người khất sĩ bước du hành,
Chân chánh Tỷ-kheo, dạ tín thành,
Ta đến cúng dường người bánh dẻ
Trộn dầu mè với chính tay mình.
11. Vì thiện nghiệp này ta hưởng đây
Trong lâu đài đã biết bao ngày
Như là kết quả phần công đức,
Song chẳng còn lâu ở chốn này.
12. Sau bốn tháng nay sắp đến gần,
Rồi ta sẽ gặp Dạ-ma thần,
Xuống miền địa ngục đầy tàn khốc,
Ta sẽ đọa kinh khủng tột cùng.
13. Ngục bốn góc và bốn cửa vào,
Ðược chia phần nhỏ thật cân sao,
Chung quanh tường sắt đều bao bọc,
Và sắt che trên đỉnh mái cao.
14. Nền bằng sắt rực lửa bừng bừng,
Nóng bỏng, chói lòa khắp mọi phương,
Ðịa ngục muôn đời còn đứng mãi,
Trải dài luôn cả trăm do-tuần.
15. Nơi kia ta chịu khổ lâu dài
Thọ quả do tà nghiệp chín muồi,
Vì thế ta thường than khóc mãi,
Chuyện này quả thật chẳng hề nguôi.
Tâm vị đệ tử tại gia đầy xúc động thương cảm, chàng nói:
- Này nữ thần, do năng lực của lễ vật nàng cúng dường ta, nàng đã thành tựu mọi ước nguyện một cách sung mãn. Nhưng giờ đây, do cúng dường các đệ tử tại gia này và ghi nhớ mọi đức hạnh của bậc Ðạo Sư, nàng sẽ thoát khỏi tái sanh vào địa ngục.
Nữ thần vô cùng hạnh phúc, thiết đãi chư vị đầy đủ các loại ẩm thực, y phục, châu báu thần tiên và đưa tận tay chư vị một bộ y dâng đức Thế Tôn. Nàng cung kính đảnh lễ và nói:
- Xin hãy đến Sàvatthi và đảnh lễ đức Thế Tôn cùng các lời này của ta nhắn gởi: 'Bạch đức Thế Tôn, có một nữ quỷ kia khấu đầu đảnh lễ chân đức Thế Tôn'.
Sau đó nhờ thần lực của mình, nàng đưa chiếc thuyền đến cảng cùng ngày hôm đó. Các thương nhân ấy đúng thời đến dâng lễ vật lên đức Thế Tôn và kể lại toàn thể câu chuyện trên.
11. Chuyện Con Voi (Nàga)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).
Tôn giả Samkicca vào lúc bảy tuổi đã đắc quả A-la-hán ngay tại phòng cạo tóc, và khi còn làm Sa-di, trú trong rừng với ba mươi Tỷ-kheo, vị ấy đã cứu chư vị thoát chết bởi tay của năm trăm tên cướp. Sau khi đã giáo hóa cả bọn đạo tặc kia và khuyến dụ chúng vào đời tu hành xuất gia, vị ấy cùng Tăng chúng này đến yết kiến bậc Ðạo Sư ở Benares (Ba-la-nại) và trú tại Isipatana (Trú xứ của Chư Tiên).
Thời ấy tại Benares, một Bà-la-môn theo tà đạo có hai trai một gái. Ba người con này gia nhập đoàn cư sĩ tại gia đảnh lễ cúng dường các Sa-môn, Bà-la-môn, mặc dù cha mẹ họ không có lòng tôn kính ấy.
Bấy giờ do một cơn bão, cả năm người ấy bị đè bẹp và chết vì ngôi nhà cũ kỹ ọp ẹp của họ sụp đổ. Sau đó vị Bà-la-môn và vợ tái sanh làm ngạ quỷ, còn hai trai và cô gái được làm các địa thần.
Lúc ấy một cháu trai của Bà-la-môn kia là đệ tử của Tôn giả Samkicca, đến tham kiến theo lời thầy và trong lúc vị ấy đứng đó, nhờ thần lực của thầy mình, vị ấy thấy hai địa thần cùng cô em cỡi xe đến tham dự lễ hội các thần Dạ-xoa và cũng thấy luôn cả hai ngạ quỷ theo sau họ, bèn bảo các ngạ quỷ này:
1. Một thần cỡi bạch tượng đưa đường,
Ở giữa, xe la kéo một chàng,
Phía cuối, một nàng ngồi chiếc cáng
Chiếu đầy ánh sáng khắp mười phương.
2. Song hai ngươi nắm búa trong tay,
Tan nát toàn thân lẫn mặt mày,
Ác nghiệp nào xưa ngươi đã tạo,
Sao ngươi uống máu của nhau vầy?
Hai ngạ quỷ:
3. Thần ngồi phía trước dẫn đưa đường
Trên bạch tượng kia, vật bốn chân,
Ðó chính là con ta, trưởng tử,
Cúng dường, nay được hưởng hồng ân.
4. Còn thần ngồi giữa ở trên xe
Có bốn con la kéo bốn bề,
Xe chạy thật nhanh, là quý tử,
Thanh cao thí chủ, sáng ngời kia.
5. Cô gái ngồi sau chiếc cáng dài,
Nữ thần thông tuệ cặp mắt nai
Dịu hiền, cô út nhà ta đó,
Nàng hưởng nửa phần hạnh phúc thôi.
6. Những thần này với trí khinh an,
Kiếp trước đã dâng lễ cúng dường
Lên các Bà-la-môn, ẩn sĩ,
Còn ta keo kiệt lại xan tham
Ðã từng phỉ báng nhiều tu sĩ.
Vì chúng ngày xưa đã phát ban,
Nay chúng thong dong đi khắp chốn,
Ta khô như sậy bị cưa ngang.
Khi đã nêu ra ác nghiệp, chúng còn giải thích như vầy:
- Chúng ta là anh và chị dâu của mẹ ngươi.
Nghe vậy người cháu đau lòng hỏi:
7. Hai vị thường ăn thực phẩm nào?
Loại giường của các vị ra sao?
Cách nào nuôi sống, người sai phạm
Trọng tội, khi đầy đủ biết bao
Thực phẩm dồi dào, nhưng bất hạnh
Và nay đang chịu quả thương đau?
Hai ngạ quỷ:
8. Ta đánh nhau và uống máu nhau,
Dù uống đã nhiều, vẫn khát khao,
Chẳng được thức gì ăn để sống,
Chúng ta không thỏa mãn đâu nào.
9. Như những người không biết cúng dường
Mạng chung, vào cõi Dạ-ma-vương,
Sau khi nhận thấy phần ăn uống,
Chẳng hưởng được gì lợi lạc thân.
10. Chịu đói khát nhiều ở cõi âm,
Lâu dài ngạ quỷ phải than thân,
Bởi vì chúng bị luôn hành hạ
Do chúng tạo bao nghiệp ác gian,
Chúng thường nhận lãnh nhiều đau khổ
Như là quả báo đắng cay tràn.
11. Tài sản giàu sang chẳng vững vàng,
Ðời người trên thế giới vô thường,
Từ vô thường biết vô thường ấy,
Người trí đi tìm chốn trú an.
12. Những người biết Ðạo pháp bình yên,
Nếu có trí vầy chớ lãng quên
Dâng lễ cúng dường khi đã học
Lời chư La-hán, chúng Tăng hiền.
12. Chuyện Con Rắn (Uraga)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).
Thuở ấy tại Sàvatthi (Xá-vệ) tương truyền con trai một vị đệ tử tại gia từ trần. Người cha đắm mình vào nỗi sầu khổ khóc than, không bước ra ngoài; vị ấy không thể làm gì được nên chỉ ở trong nhà.
Lúc ấy, Bậc Ðạo Sư vừa xuất định Ðại bi từ sáng sớm đang quán sát cõi trần với Phật nhãn, sau khi thấy người đệ tử tại gia kia, Ngài cầm y bát và đến đứng ngay tại cửa nhà vị ấy.
Vị đệ tử ấy vội vã đi ra tiếp đón Ngài, đỡ lấy bình bát và mời Ngài vào trong. Ðức Thế Tôn nói với vị ấy:
- Này cư sĩ, sao ông có vẻ mang nặng sầu tư?
Vị ấy đáp:
- Bạch Thế Tôn, quả thật con trai yêu quý của con vừa qua đời, nên con mang nặng sầu tư.
Sau đó, đức Thế Tôn, bậc ly sầu, kể cho vị ấy nghe chuyện Tiền Thân Con Rắn (Kinh Bổn Sanh số 354).
Thuở xưa trong quốc độ Kàsi, ở Ba-la-nại có một gia đình Bà-la-môn được mệnh danh Dhammapala (Hộ pháp). Trong nhà này, vị Bà-la-môn, bà vợ, con trai, con gái, con dâu, nữ tỳ, tất cả mọi người đều hân hoan thích thú hướng tâm niệm về cái chết. Bất cứ ai rời khỏi nhà đều nói cho những người khác biết và ra đi không hề bị ai để ý gì cả.
Rồi một hôm, vị Bà-la-môn cùng con trai ra đồng và cày ruộng, trong khi cậu trai nhóm lửa để sấy khô cây cỏ. Tức thì một con rắn hổ mun sợ hãi bò ra khỏi lỗ cây và cắn cậu trai vị Bà-la-môn. Cậu từ trần và hóa sanh làm Sakka Thiên chủ.
Còn vị Bà-la-môn, sau khi tắm rửa thật sạch sẽ và xoa dầu thơm cho mình xong, được đám người hộ tống vây quanh, vị ấy đặt thi thể con lên dàn hỏa và châm lửa giống như thể vị ấy đang đốt một đống củi vậy. Vị ấy cứ đứng đó, không sầu não cũng chẳng tự hành hạ mình, sau khi đã chú tâm vào niệm vô thường.
Bấy giờ con trai vị Bà-la-môn đã hóa sanh làm Sakka Thiên chủ chính là Bồ-tát. Sau khi suy xét thiện nghiệp đã làm ở kiếp trước và đầy lòng thương xót cha Ngài cùng quyến thuộc, Ngài liền đến chỗ ấy, giả dạng một Bà-la-môn.
Khi Ngài thấy mọi người không than khóc, liền bảo:
- Này, chư vị đang nướng thịt súc vật à, cho ta một ít; ta đang đói đây.
- Này Bà-la-môn, không phải là con vật đâu, con người đấy.
Bồ-tát hỏi:
- Thế đó là kẻ thù của chư vị chăng?
Người cha đáp:
- Chẳng phải kẻ thù đâu, mà là đứa con được bảo dưỡng trong lòng chúng tôi đấy, chính đứa con trai yêu quý đầy đủ các đức tính ưu tú của chúng tôi đấy.
Bồ-tát lại hỏi:
- Thế tại sao ông không khóc con?
Vị Bà-la-môn đáp:
1. Như con rắn trút bỏ da tàn,
Ðạt đến trưởng thành chính bản thân,
Cũng vậy, khi thân không hưởng lạc,
Ðúng thời, người chết phải từ trần.
2. Kẻ bị thiêu không hiểu biết rằng
Họ hàng quyến thuộc vẫn đau thương,
Cho nên tôi chẳng hề than khóc,
Nó đã đi theo đúng bước đường.
Sau đó Sakka Thiên chủ hỏi bà mẹ:
- Bà ơi, người chết ấy là gì của bà?
Bà đáp:
- Thưa Ngài, tôi đã cưu mang nó mười tháng trong bụng, tôi cho nó bú mớm, tôi dẫn dắt tay chân nó, nó là con trai tôi đã khôn lớn rồi.
Thiên chủ hỏi:
- Cho dù cha là đàn ông thường không khóc chứ lòng mẹ chắc chắn là mềm yếu. Tại sao bà không khóc?
Nghe vậy, bà đáp:
3. Không gọi, từ đâu nó đến đây,
Chẳng ai cho phép, nó đi ngay,
Nó đi, nó đến đều như vậy,
Sao phải khóc than nó chốn này?
4. Kẻ bị thiêu không hiểu biết rằng
Họ hàng quyến thuộc vẫn đau thương,
Cho nên tôi chẳng hề than khóc,
Nó đã đi theo đúng bước đường.
Sau đó, Ngài hỏi người chị:
- Này cô, người ấy là gì của cô?
- Thưa Ngài, đó là anh trai của con.
- Này cô, chị em gái thường rất yêu mến anh em trai. Tại sao cô không khóc?
Cô chị giải thích:
5. Nếu con khóc, sẽ phải gầy mòn,
Bù đắp, có gì trả lại con?
Còn phát sinh ra nhiều bất lợi
Cho bà con, quyến thuộc, thân bằng.
6. Kẻ bị thiêu không hiểu biết rằng
Họ hàng quyến thuộc vẫn đau thương,
Cho nên con chẳng hề than khóc,
Kẻ đã đi theo đúng bước đường.
Sau đó, Ngài lại hỏi người quả phụ:
- Người đó là gì đối với chị?
- Thưa Ngài, đó là chồng của con.
- Này chị, các người vợ thường rất yêu thương chồng mình. Tại sao chị không khóc?
Nàng liền giải thích:
7. Giống như đứa trẻ nọ kêu than
Khi mặt trăng kia cứ lặn dần,
Làm chính việc này đâu có khác
Người nào thương khóc kẻ từ trần.
8. Kẻ bị thiêu không hiểu biết rằng
Họ hàng quyến thuộc vẫn đau thương,
Cho nên con chẳng hề than khóc,
Kẻ đã đi theo đúng bước đường.
Sau đó Ngài hỏi cô nữ tỳ:
- Này cô, người ấy là gì của cô?
- Thưa Ngài, đó là cậu chủ con.
- Nếu vậy, chắc có lẽ cậu ấy đã đánh đập cô, và cô sắp làm quản gia rồi, bởi thế cô không than khóc, vì suy nghĩ: 'Ta rất sung sướng được thoát khỏi người đã chết này'.
Nữ tỳ đáp:
- Thưa Ngài, xin đừng nói như vậy với con. Ðiều ấy không đúng. Cậu chủ nhà đối với con đầy kiên nhẫn, thân ái, ân cần, cư xử đúng mực chân chánh như một thanh niên trưởng thành được nuôi dạy chu đáo.
- Thế tại sao cô không khóc?
Nàng đáp:
9. Giống như trường hợp Bà-la-môn
Có một chiếc bình đã vỡ toang
Không thể phục hồi, và cũng vậy,
Hoài công thương khóc kẻ từ trần.
10. Kẻ bị thiêu không hiểu biết rằng
Họ hàng quyến thuộc vẫn đau thương,
Cho nên con chẳng hề than khóc,
Kẻ đã đi theo đúng bước đường.
Khi Sakka Thiên chủ đã nghe pháp thoại của cả nhà ấy xong, Ngài hân hoan nói:
- Chư vị đã chân chánh tu tập niệm chết. Từ nay về sau chư vị không cần cày bừa lao động gì nữa cả.
Ngài liền hóa hiện ra bảy thứ báu vật tràn đầy nhà họ và khuyên nhủ với họ với những lời này:
- Hãy chuyên tâm bố thí, hành trì Ngũ giới và giữ ngày Trai giới (Bố-tát).
Sau đó Ngài xuất lộ nguyên hình trước mặt họ và trở về cõi của Ngài. Còn vị Bà-la-môn và gia đình luôn bố thí, thực hành mọi thiện sự khác và sau khi sống đời trường thọ, liền được tái sanh lên thiên giới.
1. (13) Chuyện Người Tìm Giải Thoát Vòng Luân Hồi (Samsàmocaka)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm)
Thuở ấy, trong làng Itthakàvati ở nước Magadha và làng Dìgharàji có nhiều người mang nặng tà kiến, muốn tìm giải thoát vòng luân hồi sanh tử. Trước đó có một nữ nhân được tái sanh và một gia đình như vậy. Vì giết hại nhiều gián, dế và châu chấu, khi từ trần, bà tái sanh làm ngạ quỷ, chịu mọi nỗi khổ đói khát giày vò suốt năm trăm năm.
Thời đức Thế Tôn Gotama đang ở tại Ràjagaha, nữ nhân ấy một lần nữa tái sanh vào cùng gia đình như trước kia tại Itthakàvati. Một hôm, khi nàng đang chơi đùa cùng các cô gái khác trên đường cái gần cổng làng, thì Tôn giả Sàriputta cùng mười hai Tỷ-kheo khác đi ngang qua và các cô gái kia vội vàng đảnh lễ. Nhưng cô này vẫn đứng yên tại chỗ một cách vô lễ. Sau đó vị Trưởng lão suy xét quá khứ và tương lai của cô, động lòng thương xót, phê bình thái độ của cô với các cô kia. Họ liền nắm tay cô và kéo cô đến đảnh lễ chư vị.
Về sau, cô gái từ trần lúc sanh con và lại tái sanh giữa loài ngạ quỷ. Ban đêm, nữ ngạ quỷ ấy xuất hiện trước Tôn giả Sàriputta, vị ấy thấy nó liền hỏi:
1.Trần truồng và xấu xí hình dung,
Gầy guộc và thân thể nổi gân,
Ngươi yếu ớt, xương sườn lộ rõ,
Người là ai, hiện đến đây chăng?
Nữ ngạ quỷ đáp:
2. Tôn giả, con là ngạ quỷ nương,
Thần dân khốn khổ của Diêm Vương,
Vì con đã phạm hành vi ác,
Con đến cõi ma đói ẩn thân.
Tôn giả Sàriputta:
3. Ngày xưa ngươi phạm ác gì
Do thân, khẩu, ý thân đã thực thi,
Vì hạnh nghiệp nào, ngươi đã đọa
Từ đây đến cảnh giới âm ty?
Nữ ngạ quỷ:
4. Tôn giả, con không có họ hàng,
Mẹ cha, quyến thuộc để khuyên lơn:
'Này con, hãy có tâm thành kính
Với các Sa-môn, hãy cúng dường'.
5. Ngũ bách niên từ đó đến đây,
Con lang thang với tấm thân này,
Trần truồng, đói khát luôn hành hạ,
Ðây quả do nhiều ác nghiệp gây.
6. Kính bái hiền nhân với tín tâm
Bạch ngài đại lực, xót thương con,
Cúng dường lấy đức cho con hưởng,
Giải thoát con từ cảnh khổ thân.
Chư vị kết tập Kinh điển kể tiếp chuyện này:
7. Chấp thuận với lời: 'Ðược lắm thay!'
Vì lòng bi mẫn cõi đời này,
Cúng dường Tăng chúng phần cơm nhỏ,
Một mảnh y cùng chén nước đầy,
Xá-lợi-phất Tôn nhân phát nguyện
Dành cho ngạ quỷ phước phần này.
8. Lập tức ngay sau lễ cúng dâng,
Phước phần hồi hướng đến vong nhân,
Ðây là kết quả từ công đức:
Thức uống, thức ăn, lẫn áo quần.
9. Sáng ngời, y phục thật thanh tân,
Tơ lụa Ba-la-nại tuyệt trần,
Mang đủ nữ trang và kiểu áo,
Ðến gần Xá-lợi-phất Tôn nhân.
Tôn giả Sàriputta hỏi:
10. Hỡi nàng Thiên nữ, dáng siêu phàm
Ðang chiếu mười phương sáng rỡ ràng,
Thiên nữ, sắc nàng trông chói lọi,
Như vì sao cứu hộ trần gian.
11. Dung sắc này do nghiệp quả nào,
Phước phần nàng hưởng bởi vì sao,
Bất kỳ lạc thú nào yêu chuộng
Trong dạ, nàng đều thỏa ước ao?
12. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Vẻ huy hoàng chiếu khắp mười phương?
Nữ ngạ quỷ đáp:
13. Trước con hình vóc chỉ trơ xương,
Gầy guộc, đói cơm, lại ở truồng,
Da dẻ nhăn nheo, nhờ Giác giả
Từ bi nhìn cảnh ngộ đau thương.
14. Khi ngài ban tặng chủng hiền Tăng
Một mảnh y vàng, một miếng ăn,
Và chén nước kia, ngài đã chuyển
Phước phần công đức đến cho con.
15. Hãy nhìn kết quả của phần ăn:
Lạc thú mà con vẫn ước mong,
Con được cả ngàn năm thọ hưởng
Thức ăn đầy đủ các mùi hương.
16. Hãy nhìn kết quả phát sinh ra
Từ một mảnh trong chiếc áo kia:
Y phục giờ đây đầy đủ loại
Khác nào quốc độ chúa Nan-da.
17. Tôn giả, nay con có biết bao
Áo quần, mền đắp thật dồi dào,
Bằng tơ lụa với lông loài vật,
Ðủ loại vải dày mỏng đẹp sao.
18. Sung mãn và cao quý tuyệt vời,
Chúng treo lơ lửng ở trên trời,
Con mang tùy ý, thưa Tôn giả,
Bất cứ loại nào thích thú thôi.
19. Hãy nhìn kết quả tạo nên phần
Từ chén nước trong đã cúng dâng:
Có bốn hồ sen sâu thẳm thẳm
Ðược xây dựng khéo léo vô ngần.
20. Bến bờ xinh đẹp, nước trong xanh,
Nhè nhẹ hương thơm, dịu mát lành,
Bao phủ toàn sen xanh, đỏ thắm,
Tràn đầy ngó súng mọc chung quanh.
21. Phần con an hưởng thú vui chơi,
Chẳng sợ gì đâu bốn góc trời,
Tôn giả, nay con về cõi đất
Ðể con đảnh lễ đấng thương đời.
2. (14) Chuyện Mẹ Của Trưởng Lão Sàriputta (Sàriputtatheramàtu)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm).
Một hôm, các Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất), Mahà-Moggallàna (Ðại Mục-kiền-liên), Anurudha (A-na-luật-đà) và Kapppina (Kiếp-tân-na) đang trú tại một nơi trong khu rừng không xa thành Ràjagaha (Vương Xá).
Bấy giờ ở Benares (Ba-la-nại) có một Bà-la-môn đại phú gia, vốn là một giếng nước đầy đối với các Sa-môn, Bà-la-môn, đám dân nghèo, du sĩ, lữ khách, hành khất; vị ấy cúng dường bố thí thực phẩm, y phục, sàng tọa và nhiều vật dụng khác.
Vị ấy điều hành sinh hoạt của mình và bố thí tùy theo cơ hội phù hợp với các khách vãng lai, đủ mọi vật cần thiết cho tuyến đường trường. Vị ấy thường dặn bà vợ:
- Này bà, đừng quên việc bố thí này, bà phải chuyên tâm chăm lo bố thí như đã được định đoạt.
Bà vợ đồng ý, nhưng khi ông ra đi, bà liền cắt giảm tục lệ cúng dường chư Tăng. Hơn nữa, đối với đám lữ khách đến xin cư trú, bà chỉ vào túp lều xiêu vẹo bị bỏ phế đằng sau nhà và bảo họ:
- Hãy ở lại đó.
Khi đám du sĩ đến xin thực phẩm nước uống và các thức khác, bà thường buông lời nguyền rủa, kể ra cho từng người bất cứ vật gì ô uế đáng ghê tởm và bảo:
- Hãy ăn phân đi! Hãy uống nước tiểu đi! Hãy uống máu đi! Hãy ăn óc mẹ ngươi đi!
Do nghiệp lực trói buộc, lúc từ trần, bà tái sanh làm nữ ngạ quỷ chịu nỗi khốn cùng phù hợp với ác hạnh của bà. Khi nhớ lại đám quyến thuộc trong tiền kiếp, bà ước mong đến gần Tôn giả Sàriputta, và bà liền đến nơi ngài cư trú.
Các vị thổ thần trong nhà ngài không chấp nhận cho nữ quỷ vào. Do đó nữ quỷ nói như sau:
- Trong kiếp thứ năm kể về trước, ta là mẹ của Tôn giả Trưởng lão Sàriputta, hãy cho phép ta vào cửa để thăm ngài.
Vừa nghe vậy, chư thần liền cho phép nữ quỷ.
Khi nữ quỷ vào trong, nữ quỷ đứng cuối am thất và thấy ngài. Chợt trông thấy nữ quỷ, ngài động lòng từ bi liền hỏi nữ quỷ:
1. Trần truồng và xấu xí hình dung,
Gầy guộc và thân thể nổi gân,
Ngươi yếu ớt, xương sườn lộ rõ,
Người là ai, hiện đến đây chăng?
Nữ ngạ quỷ đáp:
2. Tôn giả, xưa ta mẹ của ngài,
Trong nhiều kiếp trước ở trên đời,
Tái sanh cảnh giới loài ma quỷ,
Ðói khát giày vò mãi chẳng thôi.
3. Những thứ gì nôn tháo, bọt mồm,
Nước mũi tuôn ra, nước dãi đờm,
Chất mỡ rỉ ra từ xác chết
Bị thiêu, máu sản phụ lâm bồn.
4. Máu chảy ra từ các vết thương,
Hoặc từ đầu, mũi bị cưa ngang,
Những gì cấu uế trong nam nữ,
Ðói lả, ta đều phải lấy ăn.
5. Máu mủ ta ăn của các loài,
Và luôn máu mủ của con người,
Không nơi cư trú, không nhà cửa,
Nằm chiếc giường đen nghĩa địa hoài.
6. Tôn giả, xin Tôn giả cúng dường,
Vì ta, ngài bố thí ban ân,
Ðể cho ta hưởng phần công đức,
Giải thoát ta từ máu, mủ, phân.
Ngày hôm sau, Tôn giả Sàriputta cùng ba vị Tỷ-kheo kia khất thực trong thành Vương Xá, đến tận cung Ðại vương Bimbisàra (Tần-bà-sa).
Nhà vua hỏi:
- Chư Tôn giả, tại sao chư vị đến đây?
Tôn giả Mahà-Moggallàna trình vua những việc đã xảy ra. Nhà vua phán:
- Chư Tôn giả, trẫm chấp thuận việc ấy.
Nhà vua bảo chư vị ra đi, triệu vị cận thần vào và truyền lệnh:
- Hãy xây trong khu rừng của thành này bốn am thất được cung cấp đủ bóng mát và nước chảy.
Khi các am thất đã được hoàn tất, nhà vua đem chúng cùng các vật dụng cần thiết trong cuộc sống cúng dường Trưởng lão Sàriputta. Sau đó vị ấy dâng tặng lễ vật này lên Tăng chúng khắp thế gian do đức Phật làm thượng thủ và hồi hướng công đức ấy đến nữ ngạ quỷ kia.
Nữ ngạ quỷ hưởng các lợi lạc này liền được tái sanh lên thiên giới. Bấy giờ đầy đủ mọi thứ cần dùng, một hôm Thiên nữ đến gần Tôn giả Mahà-Moggallàna và kể cho vị ấy nghe tất cả mọi chi tiết trong hai kiếp tái sinh làm ngạ quỷ và Thiên nữ.
Do đó, chuyện kể rằng:
7. Khi nghe mẹ đã nói gần xa,
Thương xót, ngài U-pa-tis-sa,
Triệu tập Mục-kiền-liên đại lực,
Cùng A-na-luật, Kiếp-tân-na.
8. Khi đã làm xong bốn cái am,
Ngài dâng lễ cúng tứ phương Tăng,
Am tranh, thực phẩm và hồi hướng
Công đức về cho mẹ hưởng phần.
9. Lập tức ngay sau lễ cúng dâng,
Phước phần hồi hướng đến vong nhân,
Ðây là kết quả từ công đức:
Thức uống, thức ăn, lẫn áo quần.
10. Xiêm y thanh lịch hiện dần ra,
Ðệ nhất Ba-la-nại lụa là,
Tô điểm ngọc vàng, nhiều kiểu áo,
Ðến gần Tôn giả Ko-li-ta.
Tôn giả Mahà-Moggallàna hỏi:
11. Hỡi nàng Thiên nữ, dáng siêu phàm
Ðang chiếu mười phương sáng rỡ ràng,
Thiên nữ, sắc nàng trông chói lọi,
Như vì sao cứu hộ trần gian.
12. Dung sắc này do nghiệp quả nào,
Phước phần nàng hưởng bởi vì sao,
Bất kỳ lạc thú nào yêu chuộng
Trong dạ, nàng đều thỏa ước ao?
13. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Vẻ huy hoàng chiếu khắp mười phương?
Thiên nữ đáp:
14. Xá-lợi-phất Tôn giả cúng dường,
Nhờ đây, con hạnh phúc hân hoan,
Bốn phương con chẳng hề kinh hãi,
Tôn giả chính là bậc xót thương
Khắp cõi trần gian, thưa Giác giả,
Con về đây kính lễ tôn nhan.
3. (15) Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Mattà (Mattà)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).
Thuở ấy tại Sàvatthi (Xá-vệ) có một vị địa chủ đầy tín tâm và đạo hạnh. Tuy thế, bà vợ Mattà lại không có lòng tin, không mộ đạo, bản tính hay nóng giận và không có con.
Sau đó, ông sợ dòng họ bị tuyệt tự, đã cưới một phụ nữ khác tên là Tissà. Nàng có lòng tin, mộ đạo và làm đẹp lòng chồng, nàng sinh một con trai được đặt tên là Bhùta. Là bà chủ nhà, nàng kính cẩn phục vụ bốn Tỷ-kheo thọ trai.
Không thể chịu đựng mãi tình địch, khi đã quét nhà xong, Mattà đổ rác lên đầu Tissà. Về sau Mattà từ trần và tái sanh làm nữ ngạ quỷ, phải chịu nỗi khốn khổ năm phần vì nghiệp lực của mình.
Nỗi thống khổ của bà được thấy rõ trong bài kinh này. Rồi một hôm, nữ ngạ quỷ nhớ lại quá khứ, liền hiện hình trước Tissà lúc ấy đang tắm rửa sau nhà. Khi thấy ngạ quỷ, Tissà hỏi:
1. Trần truồng và xấu xí hình dung,
Gầy guộc và thân thể nổi gân,
Ngươi yếu ớt, xương sườn lộ rõ,
Ngươi là ai hiện đến đây chăng?
Mattà:
2. Mat-tà là chị, hỡi Tis-sà,
Chị lấy chồng chung một kiếp xưa,
Do chị đã gây nên ác nghiệp,
Từ đây đọa đến cõi yêu ma.
Tissà:
3. Ngày xưa đã phạm ác hạnh gì
Do khẩu, ý, thân chị thực thi,
Vì hạnh nghiệp nào nên đã đọa
Từ đây đến cảnh giới âm ty?
Mattà:
4. Xưa chị ác tâm, lắm hận sân,
Xan tham, dối trá, lại ghen hờn,
Vì dùng ác ngữ làm thương tổn,
Chị đoạ từ đây đến cõi âm.
Tissà:
5. Em còn nhớ mọi chuyện ngày xưa,
Chị thật hung hăng thuở bấy giờ,
Song có việc này em muốn hỏi:
Tại sao mình chị phủ đồ dơ?
Mattà:
6. Một buổi em vừa tắm gội xong,
Áo quần sạch sẽ mới vừa mang,
Chị đây, quả thật, còn hơn thế,
Chị điểm tô nhiều món nữ trang.
7. Khi điểm trang vầy, chị ngó qua
Em đang nói chuyện với chồng ta,
Chính vì việc ấy, niềm ganh tỵ,
Cuồng nộ trong lòng bộc phát ra.
8. Rồi chị cầm đồ rác bụi lên,
Ðúng là chị đã rải đầu em,
Vì do kết quả hành vi ấy,
Chị phải giờ đây chịu lấm lem.
Tissà:
9. Thật em biết mọi chuyện ngày xưa,
Chị rảy lên em lắm bụi dơ,
Nhưng có việc này em muốn hỏi:
Tại sao chị ngứa ngáy giày vò?
Mattà:
10. Tìm dược thảo, xưa hai chúng ta
Cùng đi vào tận chốn rừng già,
Em tìm các cỏ cây làm thuốc,
Chị hái quả cây Ka-pi-ka.
11. Lúc ấy em không biết chút nào,
Giường em, chị rải chúng nhiều sao,
Vì do kết quả hành vi ấy,
Chị bị giày vò, ngứa biết bao!
Tissà:
12. Thật ra, em biết rõ hoàn toàn
Chị rải trái kia khắp cả giường,
Song có việc này em muốn hỏi:
Tại sao chị phải chịu trần truồng?
Mattà:
13. Ngày kia có cuộc họp thân bằng,
Tụ tập họ hàng lại thật đông,
Em đã được mời đi dự lễ
Cùng chồng ta đó, chị thì không.
14. Thế rồi em chẳng biết hoàn toàn,
Chị lấy cất đi mọi áo quần,
Do chính việc này sinh kết quả,
Giờ đây chị phải chịu trần truồng.
Tissà:
15. Thật ra em biết chuyện kia mà,
Chị lấy áo quần em quẳng xa,
Song có việc này em muốn hỏi:
Sao mùi xú uế chị xông ra?
Mattà:
16. Vòng hoa, hương liệu, với trầm hương
Chị lấy của em vứt hố phân,
Do quả chị làm ra ác nghiệp,
Chị xông mùi xú uế vô cùng.
Tissà:
17. Ðúng là em biết rõ điều này,
Ác nghiệp kia do chị đã gây,
Song có việc này em muốn hỏi:
Tại sao chị khốn khổ như vầy?
Mattà:
18. Tài sản trong nhà của chúng ta
Thuộc về cả chị lẫn em mà,
Cúng dường bố thí là công đức,
Song chị không hề tự tạo ra
Một chỗ trú an, nay khốn khổ,
Là do kết quả lỗi lầm xưa.
19. Em thường bảo chị chính lời này:
Chị cả đang hành ác nghiệp đây,
Song nếu không làm điều tổn đức,
Về sau sẽ hưởng phước tràn đầy'.
Tissà:
20. Thái độ hận sân, chị đến gần
Bên em, chị tật đố ghen hờn,
Hãy nhìn quy luật điều chân lý:
Kết quả hành vi ác đã làm.
21. Chị lắm gia nhân ở tại nhà,
Nữ trang đầy đủ thật xa hoa,
Ngày nay chúng được người ngoài hưởng,
Lạc thú ở đời chỉ thoảng qua.
22. Giờ đây, cha của bé Bhù-ta
Từ chợ sắp quay trở lại nhà,
Ông sẽ tặng quà cho chị đó,
Ðừng đi, hãy đợi lát giây mà.
Mattà:
23. Trần truồng, dị tướng, quá hao gầy,
Mình mẩy đường gân nổi rõ đầy,
Ðây chiếc khố che phần hạ thể,
Ðừng cho bố trẻ thấy ta vầy.
Tissà:
24. Này, chị muốn em tặng thứ nào,
Làm gì giúp đỡ chị hay sao,
Ðể cho chị được nhiều an lạc,
Hạnh phúc mọi điều thỏa ước ao?
Mattà:
25. Ðây bốn Tỷ-kheo của chúng Tăng,
Và thêm vào đó bốn Sa-môn,
Cúng dường tám vị và hồi hướng
Công đức cho ta được hưởng phần,
Sau đó, ta tràn đầy hạnh phúc,
Thỏa lòng ao ước được hồng ân.
Chuyện kể tiếp:
26. 'Ðược lắm!', nàng vừa nói vậy xong,
Liền đem dâng cúng tám Sa-môn
Phạn trai, cùng với nhiều y phục,
Hồi hướng phước phần đến cổ nhân.
27. Lập tức ngay sau lễ cúng dâng,
Phước phần hồi hướng đến vong nhân,
Ðây là kết quả từ công đức:
Thức uống, thức ăn, lẫn áo quần.
28. Sáng ngời, y phục thật thanh tân,
Tơ lụa Ba-la-nại tuyệt trần,
Mang đủ nữ trang và kiểu áo,
Ðến gần vợ kế của phu nhân.
Tissà:
29. Hỡi nàng Thiên nữ, dáng siêu phàm
Ðang chiếu mười phương sáng rỡ ràng,
Thiên nữ, sắc nàng trông chói lọi,
Như vì sao cứu hộ trần gian.
30. Dung sắc này do nghiệp quả nào,
Phước phần nàng hưởng bởi vì sao,
Bất kỳ lạc thú nào trong dạ
Yêu chuộng, nàng đều thỏa ước ao?
31. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Vẻ huy hoàng chiếu khắp mười phương?
Mattà:
32. Mat-tà là chị, hỡi Tis-sà,
Chị lấy chung chồng một kiếp qua,
Do chị đã gây nên ác nghiệp,
Từ đây đọa tới cõi yêu ma,
Nhờ em dâng lễ, nay an hưởng.
Chị chẳng sợ gì mọi hướng xa.
33. Mong em trường thọ với thân nhân!
Em hỡi, mong em hưởng phước ân
Ðạt cảnh ly sầu bi, dục vọng,
Cõi trời của Hóa Lạc Thiên thần.
34. Em sống đời sùng đạo, cúng dường,
Tại đây bố thí, hỡi hồng nhan,
Ðoạn trừ gốc rễ xan tham ấy,
Em đến cõi thiên, phước nghiệp tràn.
4. (16) Chuyện Nữ Ngạ Quỷ Nandà (Nandàpeti)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).
Ở một làng nọ không xa Sàvatthi (Xá-vệ) có một đệ tử tại gia đầy lòng tin và mộ đạo. Tuy thế, vợ vị ấy tên là Nandà lại không có lòng tin, không mộ đạo, xan tham, dễ nóng giận, ác ngữ, thường tỏ ra bất kính và bất tuân lời chồng. Bà thường la mắng ồn ào như trống nổi và say mê phỉ báng mạ lỵ.
Khi từ trần và tái sanh làm nữ ngạ quỷ, bà cư trú gần làng ấy. Rồi một hôm, bà xuất hiện trước mặt cư sĩ Nandasena đang đi trên đường. Khi thấy nữ ngạ quỷ, chàng ngâm kệ hỏi:
1. Ðen đủi và hình tướng dữ dằn,
Thân mình xương xẩu thật kinh hoàng,
Nhà ngươi mắt đỏ, răng vành chạch,
Ta chắc ngươi không phải thế nhân.
Nữ ngạ quỷ:
2. Nan-dà là thiếp, hỡi Nan-da,
Thiếp chính vợ chàng một kiếp xưa,
Vì đã dùng ngôn từ phỉ báng,
Từ đây đọa đến cảnh yêu ma.
Nandasena:
3. Ngày xưa đã phạm ác hạnh gì
Do khẩu, ý, thân đã thực thi,
Vì hạnh nghiệp nào nên đã đọa
Từ đây đến cảnh giới âm ty?
Nữ ngạ quỷ:
4. Xưa thiếp ác ngôn, lắm hận sân,
Thiếp thường không kính trọng phu quân,
Vì dùng lời lẽ gây thương tổn,
Thiếp đọa từ đây tới cõi âm.
Nandasena:
5. Ta tặng nàng đây chiếc áo choàng,
Áo này nàng hãy lấy mà mang,
Sau khi nàng đã choàng xong áo,
Ta sẽ dẫn nàng đến cố hương.
6. Nàng sẽ được ta tặng áo quần,
Về nhà đủ thức uống, đồ ăn,
Rồi nàng sẽ ngắm đôi nam tử,
Dâu của nàng là một ác nhân.
Nữ ngạ quỷ:
7. Những gì chàng tặng, dẫu trao tay,
Cũng chẳng giúp cho thiếp thật hay,
Song với Tỷ-kheo đầy giới đức,
Ða văn, ly dục ở đời này,
8. Cúng dường chư vị đủ cao lương,
Hồi hướng về cho thiếp phước ân,
Thiếp sẽ được ban nhiều hạnh phúc,
Ðạt thành mọi nguyện ước toàn phần.
Ba vần kệ tiếp theo được chư vị kết tập Kinh điển ngâm:
9. 'Ðược lắm!', chàng vừa hứa hẹn xong,
Cúng dường hào phóng lễ chàng dâng
Dồi dào thực phẩm mềm và cứng,
Y phục, dù, hương liệu, tọa sàng,
Ðủ loại dép giày, hoa kết chuỗi,
Sau khi dâng cúng các hiền Tăng
Ly tham, đạo hạnh, đa văn đủ,
Chàng chuyển phước phần đến cổ nhân.
10. Lập tức ngay sau lễ cúng dâng,
Phước phần hồi hướng đến vong nhân,
Ðây là kết quả phần công đức,
Thức uống, thức ăn lẫn áo quần.
11. Sáng ngời, y phục thật thanh tân,
Tơ lụa Ba-la-nại tuyệt trần,
Mang đủ nữ trang và kiểu áo,
Nàng liền tiến đến vị phu quân.
Nandasena:
12. Hỡi nàng Thiên nữ dáng siêu phàm
Ðang chiếu mười phương sáng rỡ ràng,
Thiên nữ, sắc nàng trông chói lọi
Như vì sao cứu hộ trần gian.
13. Dung sắc này do nghiệp quả nào,
Phước phần nàng hưởng bởi vì sao?
Bất kỳ lực thú nào trong dạ
Yêu chuộng, nàng đều thỏa ước ao?
14. Hỡi nàng Thiên nữ đại oai thần,
Nàng tạo đức gì giữa thế nhân,
Vì cớ gì oai nghi rực rỡ,
Vẻ huy hoàng chiếu khắp mười phương?
Thiên nữ:
15. Nan-dà là thiếp, hỡi Nan-da,
Thiếp chính vợ chàng một kiếp qua,
Do đã phạm vào bất thiện nghiệp,
Từ đây đọa tới cõi yêu ma,
Nhờ chàng dâng lễ, nay an hưởng,
Thiếp chẳng sợ gì mọi hướng xa.
16. Mong chàng trường thọ với thân nhân,
Gia chủ, mong chàng hưởng phước ân,
Ðạt cảnh ly sầu bi, dục vọng,
Cõi trời của Hóa Lạc Thiên thần.
17. Chàng sống đời sùng đạo, cúng dâng,
Tại đây, bố thí, hỡi phu quân,
Ðoạn trừ gốc rễ xan tham ấy,
Chàng đến cõi thiên chẳng lỗi lầm.
5. (17) Chuyện Mattakundalì (Mattakundalì)
Chuyện này đã được kể ở Tập "Chuyện Thiên Cung", Phẩm II, số 9: Thiên tử Ðeo Vòng Tai.
6. (18) Chuyện Ðại Vương Kanha (Kanha)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana.
Ở thành Sàvatthi, con trai của một vị đệ tử tại gia từ trần. Người cha đau buồn không thể tắm rửa ăn uống hay quan tâm đến công việc của mình, mà cũng không đi phụng sự đức Phật. Vị ấy thường nói lảm nhảm:
- Con yêu quý của ta đã bỏ đi đâu rồi! Tại sao nó ra đi trước ta?
Trong lúc bậc Ðạo Sư đang quán sát thế gian vào lúc rạng đông. Ngài thấy người kia có đủ cơ duyên đắc đạo quả. Ngày hôm sau, được chúng Tỷ-kheo vây quanh, Ngài đi vào Sàvatthi để khất thực. Sau khi thọ trai, Ngài cùng thị giả Ananda đến cửa nhà người ấy. Lập tức các gia nhân báo cho vị đệ tử cư sĩ kia và đưa vị ấy đến tiếp kiến bậc Ðạo Sư.
Khi Ngài thấy vị ấy ngồi một bên, Ngài bảo:
- Này cư sĩ, ông đang phiền muộn điều gì chăng?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Này cư sĩ, các bậc trí nhân ngày xưa không còn than khóc đứa con yêu từ trần sau khi đã nghe chuyện của các bậc Hiền trí.
Rồi theo lời thỉnh cầu của người gia chủ, Ngài kể chuyện cổ tích này.
Thời xưa trong thành Dvàravati, có mười huynh đệ hoàng gia: Vàsudeva, Baladeva, Candadeva, Suriyadeva, Aggideva, Varunadeva, Ajjuna, Pajjuna, Ghatapandita và Ankura. Trong số này, có con trai của Ðại Vương Vàsudeva từ trần.
Vị vua ấy tràn ngập nỗi sầu bi, xao lãng mọi phận sự quân vương, cứ nằm dài trên giường, chắp tay lên đầu và nói lảm nhảm. Lúc ấy Ghatapandita (Trí giả Ghata) suy nghĩ: 'Không ai ngoài ta có thể xua tan nỗi ưu phiền của Hoàng huynh. Ta sẽ dùng mưu kế dẹp bỏ nỗi sầu của Hoàng huynh'.
Vì thế vị ấy làm ra vẻ điên khùng vừa nhìn lên trời, vừa lang thang khắp kinh thành, bảo:
- Cho ta con thỏ! Cho ta con thỏ!
Lúc ấy dân chúng toàn thành suy nghĩ: 'Ghatapandita đã phát điên rồi!'.
Lúc ấy vị quốc sư tên là Rohineyya đi đến Ðại vương Vàsudeva và mở đầu câu chuyện với vần kệ này:
1. Ðứng lên! Tâu Ðại đến Kan-ha,
Sao Ðại đế nằm mãi thế kia?
Ích lợi gì khi ngài ngủ thiếp?
Chàng là bào đệ của ngài mà,
Là tim, mắt phải ngài yêu quý,
Gió cuốn Gha-ta hóa dại khờ!
Bậc Ðạo Sư tiếp tục câu chuyện với vần kệ này:
2. Khi nghe lời của Ro-hi-ya,
Ðại đế Ke-sa, dáng xót xa,
Nặng trĩu sầu tư, liền đứng dậy
Chỉ vì bào đệ của nhà vua.
Sau đó nhà vua từ lầu thượng bước xuống và đi đến gặp Ghatapandita. Nhà vua ôm chặt bào đệ với đôi tay và nói chuyện với chàng:
3. Sao dáng điên rồ, đệ thẩn thơ
Khắp kinh thành đất nước Dvà-ra,
Thì thầm: 'Thỏ! Thỏ!' luôn mồm ấy,
Loại thỏ gì kia đệ ước mơ?
4. Thỏ dầu bằng ngọc hoặc vàng ròng,
Hoặc bạc hay là loại thỏ đồng,
Bảo ngọc, san hô, loài đá quý,
Ta làm cho đệ thỏa cầu mong.
5. Còn có nhiều loài thỏ biết bao
Vẫn thường chạy nhảy chốn rừng sâu,
Loại này ta cũng mang cho đệ,
Loại thỏ nào đâu đệ ước ao?
Ghatapandita đáp:
6. Những loại thỏ này đệ chẳng ham,
Những loài cư trú khắp trần gian,
Ke-sa-va, hãy mau đem xuống
Cho đệ thỏ kia chốn Quảng Hàn!
Khi nghe chàng nói, nhà vua đau buồn suy nghĩ: 'Chắc chắn em ta đã hóa điên rồi', và bảo:
7. Bào đệ, chắc em sẽ bỏ đời,
Vì em mơ ước chuyện xa vời,
Chuyện mà không có ai mơ ước:
Con thỏ cung trăng ở cõi trời!
Khi đã nghe những lời của nhà vua xong, Ghatapandita đứng yên và đáp:
- Này Hoàng huynh, Hoàng huynh cũng đã hủy hoại cuộc đời của mình nhưng không đạt được con thỏ trên cung trăng mà Hoàng huynh mơ ước.
Rồi vị ấy ngâm vần kệ này:
8. Nếu Kan-ha quả thật trí cao
Dạy cho người khác khỏi ưu sầu,
Giờ đây sao vẫn còn than khóc
Nam tử từ trần đã bấy lâu?
Trong khi đang đứng giữa đường cái, vị ấy nói như sau:
- Quả thật đệ ước mơ một điều rõ ràng, có thể hiểu được, nhưng Hoàng huynh lại than khóc về một điều không thể hiểu được như thế kia.
Rồi vị ấy ngâm kệ thuyết pháp với nhà vua:
9. Mong con ta sống chẳng từ trần!
Không một người hay một vị thần
Có thể đạt điều không thể đạt,
Sao điều không thể lại cầu mong?
10. Không có bùa thiêng hoặc thuốc thang,
Chẳng loài dược thảo hoặc tiền vàng
Ðủ công năng để làm hồi phục
Người chết Hoàng huynh vẫn khóc than.
11. Chính đám phú gia lắm bạc vàng,
Quốc vương, quý tộc có giang san,
Những người phong phú bao tiền của
Cũng chẳng thoát tay lão tử thần.
12. Sát-ly, Sa-môn với Thủ-đà,
Puk-ku-sa, Vệ-xá, Chiên-đà,
Những người này với toàn gia tộc
Cũng chẳng thoát tay lão-tử ma.
13. Những kẻ chuyên trì tụng chú thần
Sáu phần sáng tạo bởi La-môn,
Bọn này, bọn khác dùng tà thuật
Cũng chẳng thoát tay lão-tử vong.
14. Ngay các trí nhân thật chánh chân,
Các nhà khổ hạnh đã điều thân,
Sa-môn, ẩn sĩ, dù tu luyện,
Ðến đúng thời cơ cũng mạng vong.15. Những bậc suốt đời tu tập tâm,
Những người phận sự đã làm xong,
Những người giải thoát, ly tham dục,
Ðoạn thiện ác hành, cũng bỏ thân.
Như vậy Ghatapandita thuyết pháp với nhà vua. Khi nhà vua đã nghe xong, nỗi đau buồn liền tan biến và tâm trí trở nên thanh thản. Nhà vua ngâm kệ để tán thán Ghatapandita:
16. Lòng ta quả thực nóng bừng,
Khác nào sữa lạc đổ trong lửa đào,
Em vừa tưới nước lạnh vào,
Giờ đây ta dứt hết bao khổ sầu.
17. Quả em nhổ mũi tên đau
Nỗi ưu phiền đã cắm sâu vào lòng,
Xua tan mọi nỗi thương tâm,
Sầu tư nặng trĩu, khóc thầm vì con.
18. Giờ đây trút bỏ đau buồn,
Lòng ta lắng dịu, trí thường khinh an,
Ta không còn phải khóc than,
Từ khi nghe những lời vàng của em.
19. Vậy là những bậc trí hiền,
Ðầy lòng bi mẫn, ưu phiền xóa ngay,
Như Gha-ta tiểu đệ này
Ðã làm huynh trưởng từ rày an tâm.
20. Kẻ nào bầu bạn hiền nhân
Vẫn thường hầu cận thiết thân bên mình,
Với lời khuyên nhủ chí tình
Như Gha-ta với trưởng huynh của chàng.
Bậc Ðạo Sư thuyết pháp thoại này và bảo:
- Như vậy, này cư sĩ, những người trí tuệ ngày xưa dứt bỏ ưu phiền vì con sau khi đã nghe chuyện của các bậc hiền nhân.
Sau đó vừa thuyết giảng các Thánh đế, Ngài vừa đưa chuyện Tiền thân này vào cơ hội trên. Khi pháp thoại chấm dứt, vị cư sĩ ấy đã được an trú vào quả vị Dự Lưu.
7. (19) Chuyện Ngạ Quỷ Dhanapàla (Dhanapàlapeta)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana.
Trước khi đức Phật đản sinh, trong quốc độ Dasanna, tại kinh thành Erakaccha, có một vị chủ ngân khố tên là Dhanapàla (Tài Hộ), là một người không có lòng tin, không mộ đạo, keo kiệt và đầy tà kiến. Những công việc của vị này có thể hiểu được qua Kinh điển Pàli. Lúc từ trần, vị ấy tái sanh làm ngạ quỷ trong một vùng sa mạc hoang vắng. Ngạ quỷ đi lang thang khắp nơi, bị đói khát giày vò hành hạ.
Thời ấy, một số thương nhân sống ở Sàvatthi chất đầy hàng hóa lên năm trăm cỗ xe và khi đã đến Uttarapatha, họ bán các hàng ấy. Sau đó, họ lại chất đầy hàng hóa lên xe để trở về.
Họ khởi hành lên đường về nhà lúc chiều tối họ đến tại một gốc cây. Ở đấy họ tháo cương bỏ bầy bò ra và tạm trú qua đêm. Thế rồi ngạ quỷ kia bị cơn khát nước giày vò liền đến nơi ấy kiếm thứ gì để uống, nhưng không được giọt nào, nó liền thốt tiếng kêu. Khi thấy nó, các thương nhân hỏi:
1. Trần truồng và xấu xí hình dung,
Gầy guộc và thân thể nổi gân,
Ngươi yếu ớt, xương sườn lộ rõ,
Ngươi là ai đấy, hỡi vong nhân?
Ngạ quỷ đáp:
2. Tôn giả, ta là ngạ quỷ nhân,
Thần dân xấu số của Diêm vương,
Vì ta đã phạm hành vi ác,
Ta đến nơi ma đói ẩn thân.
Ðám thương nhân:
3. Ngày xưa ngươi phạm ác hành gì,
Do khẩu, ý, thân đã thực thi,
Vì hạnh nghiệp nào ngươi đã đọa
Từ đây đến cảnh giới âm ty?
Ngạ quỷ:
4. Kinh thành bộ tộc Da-san-na,
Danh vọng lẫy lừng E-ra-ka,
Thuở trước ta là nhà triệu phú,
Với tên Tài Hộ tặng cho ta.
5. Tám mươi ngàn chẵn cỗ xe lừa
Chất chứa vàng ròng sở hữu ta,
Thuở đó ta nhiều vàng bạc lắm,
Ngọc trai, ngọc mắt báo đầy nhà.
6. Như vậy ta là đại phú ông,
Nhưng ta lại chẳng muốn cho không,
Khi ta ăn uống, ta cài cửa
Ðể bọn ăn mày chẳng ngóng trông.
7. Xưa ta không mộ đạo, xan tham,
Keo kiệt, dùng lời nói hại nhân,
Ta cản nhiều người chuyên bố thí,
Những người làm phận sự chuyên cần.
8. Ta nói: 'Không sao có phước phần
Dành cho việc bố đức thi ân,
Tu thân đâu có đem thành quả?'
Ta phá bao nguồn nước vệ đường,
Ao giếng, hồ sen, vườn cảnh đẹp,
Lối đi hiểm trở khó băng ngang.
9. Như vậy ta không tạo phước ân,
Làm người gây ác nghiệp từ trần,
Tái sanh vào xứ loài ma quỷ,
Ðói khát luôn hành hạ khổ thân,
Từ đấy đến nay ta tạ thế
Tính ra vừa đủ năm lăm năm.
10. Ẩm thực ta không được hưởng phần,
Do không có bố đức thi ân,
Thì điều tai hại là như vậy,
Vì ngạ quỷ luôn hiểu biết rằng:
'Nếu chẳng muốn thi ân bố đức,
Thì điều tai hại cũng ngang bằng'.
11. Thuở trước ta không muốn phát ban,
Ta không bố thí các kho tàng,
Mặc dù bố thí là công đức,
Ta chẳng tạo nên chốn trú an.
12. Ngày nay ta hối hận ăn năn,
Nặng trĩu trong lòng bởi phải mang
Hậu quả việc làm bao ác nghiệp,
Và sau bốn tháng sẽ từ trần.
13. Ðọa miền địa ngục hãi hùng sao,
Có bốn góc và bốn cửa vào,
Ngục được chia phần theo kích thước,
Xung quanh bao bọc với tường rào
Làm bằng sắt nóng và trên mái
Cũng có sắt che tận đỉnh cao.
14. Nền bằng sắt rực lửa bừng bừng,
Nóng bỏng, chói lòa khắp mọi phương,
Ðịa ngục muôn đời còn đứng mãi,
Trải dài luôn cả trăm do-tuần.
15. Nơi kia ta chịu khổ lâu dài,
Thọ quả do tà nghiệp chín muồi,
Vì thế ta thường ân hận mãi,
Khóc than thực tế chẳng hề nguôi.
16. Bởi vậy ta đem chuyện thật hay
Nói cùng chư vị họp nơi đây,
Ðừng bao giờ phạm hành vi ác,
Dù giấu kín hay được tỏ bày.
17. Nếu ngươi đang phạm việc sai lầm,
Hoặc sắp phạm, thì nỗi khổ tâm
Sẽ chẳng rời ngươi, dù trốn tránh,
Bay lên trời đến giữa hư không.
18. Hãy luôn tôn kính mẹ cùng cha,
Quý trọng bậc niên trưởng tại nhà,
Quy ngưỡng Bà-la-môn, đạo sĩ,
Do vầy, thiên giới sẽ chờ ta.
19. Không giữa trời hay giữa biển thanh
Dẫu đi vào kẽ núi non xanh,
Cũng không tìm được trong trần thế
Nơi chốn thoát thân khỏi ác hành.
Các thương nhân thương xót ngạ quỷ liền rảy nước vào mồm nó. Nhưng vì ác nghiệp của ngạ quỷ kia, nó không thể nuốt được. Họ hỏi nó:
- Thế giờ đây ngươi không thể nào dịu bớt đôi chút khổ đau?
Ngạ quỷ đáp:
- Có thể được khi ác nghiệp này đã được tiêu trừ. Nếu giờ đây có lễ vật cúng dường đức Như Lai hoặc chư đệ tử của Ngài và công đức lễ cúng dường ấy được hồi hướng đến ta, thì ta sẽ được giải thoát ra khỏi kiếp sống ngạ quỷ này.
Khi các thương nhân đã nghe chuyện ngạ quỷ xong, họ trở về Sàvatthi, trình lên đức Thế Tôn, rồi suốt bảy ngày làm đại lễ cúng dường Tăng chúng có đức Phật làm thượng thủ và hồi hướng công đức ấy đến ngạ quỷ.
8. (20) Chuyện Tiểu Chủ Ngân Khố (Cùlasetthi)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm).
Ở Benares (Ba-la-nại) có gia chủ Cùlasetthi (Tiểu chủ ngân khố) là người không có lòng tin, không mộ đạo, keo kiệt, không bố thí và khinh thường các thiện sự công đức. Lúc từ trần vị ấy tái sanh giữa loài ngạ quỷ.
Bấy giờ con gái vị ấy là Anulà đang sống tại nhà chồng ở Andhakavinda. Nàng mong muốn cúng dường các Bà-la-môn để lấy phước đức cho cha nên đã chuẩn bị cơm và các thực phẩm khác làm lễ vật.
Khi ngạ quỷ biết tin này, lòng đầy hy vọng liền bay qua không gian hướng về nơi kia và đến Ràjagaha (Vương Xá).
Thời ấy vua Ajatasattu (A-xà-thế) theo sự xúi giục của Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa) đã giết hại phụ vương. Vì lòng hối hận giày vò và gặp cơn ác mộng, nhà vua không ngủ được. Trong lúc đang đi dạo quanh quẩn trên thượng lầu, nhà vua thấy ngạ quỷ kia đang bay qua không gian, liền hỏi:
1. Ngươi là vị khổ hạnh trần truồng,
Gầy guộc, ban đêm vượt dặm đường.
Vì lý do gì, cho trẫm biết,
Trẫm ban ngươi mọi vật giàu sang.
Ngạ quỷ đáp:
2. Thành Ba-la-nại tiếng vang lừng,
Nơi ấy ta là một phú ông
Không bố thí và ham hưởng lạc,
Vì làm ác, đọa cảnh Diêm công.
3. Ðói khổ làm ta kiệt quệ dần,
Ta đau như thể bị kim châm,
Vì gây ác nghiệp, cho nên phải
Ði đến bà con để kiếm ăn,
Song những kẻ nào tâm biển lận
Vẫn không tin tưởng chuyện cho rằng
Thi ân bố đức đem thành quả
Xuất hiện đời sau giữa thế nhân.
4. Con gái ta thường nói với ta:
'Con mong dâng cúng các ông cha'.
Bà-la-môn muốn cho người khác
Ði dự tiệc bằng cách nói ra:
'Ta sắp được mời ăn thịnh soạn
Tại nơi kia ở An-dha-ka'.
Chuyện kể tiếp:
5. Vua truyền: 'Khi đã nhận xong phần,
Ngươi trở lại đây vội bước chân,
Trẫm muốn ban ngươi nhiều phước lộc,
Nếu nhà ngươi có một nguyên nhân,
Trình cho trẫm biết ngay duyên cớ,
Trẫm sẽ nghe điêù xứng tín tâm.
6. 'Mong vậy!', quỷ vừa mới nói ra,
Liền bay đi đến phố An-dha.
Nơi kia chúng hưởng đồ dâng cúng,
Song hội chúng không xứng đáng mà,
Sau đó về thành Vương Xá ấy,
Một lần nữa yết kiến nhà vua.
7. Khi vua nhìn ngạ quỷ quay về,
Liền bảo: 'Nay ta phải cúng gì?
Hãy nói thế nào là cách thức
Khiến ngươi hưởng lạc thú tràn trề?'
Ngạ quỷ đáp:
8. Phục vụ Tỷ-kheo với Phật-đà,
Thức ăn, đồ uống, áo cà-sa,
Cúng dường lấy phước cho ta hưởng,
Ta sẽ hân hoan trọn kiếp mà.
9. Tức thì vua bước xuống hoàng cung,
Dâng lễ tự tay đến chúng Tăng,
Trình đức Như Lai về việc ấy,
Rồi đem công đức tặng vong nhân.
10. Chói lòa ánh sáng, được tôn vinh,
Trước mặt quân vương, quỷ hiện hình:
'Ta đã trở thành thần đại lực,
Không người nào sánh kịp uy danh.
11. Hãy nhìn ta hưởng đại vinh quang
Do Ðại vương vừa mới phát ban,
Khi đã cúng Tăng-già đại lễ,
Từ đây ta được mãi hân hoan,
Vì có biết bao nhiêu phước lộc,
Ta đầy hỷ lạc, hỡi quân vương'.
9. (21) Chuyện Ankura (Ankura)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Sàvatthi (Xá-vệ).
Trong trường hợp này, Ankura không phải là ngạ quỷ, nhưng vì có liên hệ với ngạ quỷ, nên chuyện được gọi là chuyện ngạ quỷ Ankura.
Trong thị trấn Asitanjana, ở vùng Kamsabhoga, tỉnh Uttaràpatha, có vị vương tử của vua Mahàsàgara, chúa tể xứ Uttaramadhura, tên là Upasàgara cùng vương phi Devagabbhà, công chúa của vua Mahà-kamsaka, sinh được bầy con này: Anjanadevì, Vàsudeva, Baladeva, Candadeva, Suriyadeva, Aggideva, Varunadeva, Ajjuna, Pajjuna, Ghatapandita và Ankura.
Vasudeva và các huynh đệ khởi binh từ kinh thành Asitanjana và theo thời gian tận diệt tất cả mọi vua chúa trong sáu mươi ba ngàn kinh thành thuộc toàn quốc Hồng Ðào (Ấn Ðộ), rồi dừng chân ở thành Dvàravatì và định cư tại đó.
Về sau họ chia vương quốc ra làm mười phần, nhưng họ lại quên phần chị là công chúa Anjanadevì. Khi họ nhớ đến bà, một vương tử đưa ý kiến:
- Chúng ta hãy chia làm mười một phần.
Lập tức tiểu vương tử Ankura nói:
- Hãy đưa phần tiểu đệ cho vương tỷ; tiểu đệ sẽ sống bằng nghề thương mãi, chư vương huynh gửi tiền thuế của tiểu đệ đến vương tỷ, mỗi người từ quốc độ của mình.
Họ chấp thuận và sau khi đã gửi phần trợ cấp của người em cho chị, chín vua kia đều sống tại Dvàravatì.
Tuy thế, Ankura lại theo nghề thương mãi và thường xuyên bố thí rộng rãi. Bấy giờ vị ấy có một người nô lệ làm thủ kho vốn rất quan tâm đến phúc lợi của chủ.
Ankura cưới cho người này một thiếu nữ có gia thế đàng hoàng về làm vợ. Vì người nô lệ chết sớm, Ankura cho con trai người này hưởng tiền lương đã được trả cho cha nó lúc trước.
Khi đứa bé này đến tuổi khôn lớn, trong triều vua có lời bàn xì xào rằng kẻ nô lệ ấy không phải là một nô lệ.
Khi công chúa Anjanadevì nghe chuyện này, bà dùng ví dụ con bò sữa và giải phóng cậu trai ra khỏi tình trạng nô lệ, rồi nói:
- Một bà mẹ được tự do không có gì thua kém một đứa con trai được tự do.
Song nỗi hổ thẹn khiến cậu con trai bỏ ra đi đến kinh thành Bheruva, tại đó cậu cưới con gái của một người thợ may và sinh sống bằng nghề thợ may.
Thời ấy trong thành Bheruva có một vị chủ nghiệp đoàn đại phú tên là Asayha vẫn cúng dường bố thí hào phóng cho các Sa-môn, Bà-la-môn, du đãng, lữ hành, cùng đám ăn mày, khất sĩ. Người thợ may hân hoan thích thú về việc này, thường chỉ cho những người không biết chỗ ấy, đến tận dinh cơ của gia tộc Asayha với lời dặn:
- Hãy đi đến đó và nhận được nhiều tặng vật xứng đáng.
Hành động của vị này được đề cập trong Kinh tạng Pàli. Khi từ trần, vị ấy tái sanh làm một địa thần trong vùng sa mạc, ở một cây đa kia, tại đó tay phải vị thần thường ban phát các đồ vật đem lại lạc thú.
Bấy giờ cũng trong thành Bheruva ấy có một người tham dự vào việc bố thí hào phóng của Asayha, nhưng vì kẻ ấy không có lòng tin, không mộ đạo, đầy tà kiến và tỏ ra bất kính đối với các thiện sự công đức, nên khi từ trần, kẻ ấy tái sanh làm ngạ quỷ ở gần nơi cư trú của vị thần kia. Hạnh nghiệp của vị ấy cũng được tìm thấy trong Kinh tạng Pàli.
Lúc ấy Asayha đã từ trần và cộng trú với Sakka Thiên chủ ở cõi trời Ba mươi ba. Một thời gian sau đó, Ankura chất đầy hàng hóa lên năm trăm cỗ xe, trong khi một Bà-la-môn khác cũng làm như vậy. Hai người này cùng cả ngàn cỗ xe đi vào một sa mạc hiểm trở và lạc đường.
Trong khi họ lang thang quanh quẩn nơi ấy, thì cỏ, nước và thực phẩm cạn dần. Ankura phái đám hầu cận đi tìm nước. Lúc ấy thần Dạ-xoa kia đang ban phát các đồ vật đem lại lạc thú, chợt thấy tình cảnh nguy khốn của họ, và nhớ đến công ơn mà Ankura đã làm cho mình đời trước, liền chỉ cho vị này cây đa mà thần đang cư trú, và suy nghĩ: 'Bây giờ đây ta phải giúp đỡ người này'.
Thời ấy, cây đa này đầy cành lá rậm ráp, rủ bóng che dày đặc và có hàng ngàn chồi non. Cây trải dài, cao và rộng cả một do-tuần. Khi thấy cây đa, Ankura rất hân hoan thích thú bảo cắm lều ngay tại đó. Thần Dạ-xoa đưa tay phải ra và lập tức cung cấp nước uống.
Sau khi đám người này được cung cấp đủ mọi nhu cầu theo nguyện vọng, và đã nghỉ ngơi sau cuộc hành trình, vị Bà-la-môn thương nhân nảy lên ý tưởng ngu si này: 'Sau khi đã đi từ đây đến Kamboja để kiếm tài sản, thì chúng ta sẽ làm được việc gì? Chi bằng ta hãy tìm cách bắt lấy thần Dạ-xoa đưa lên xe. Rồi sau đó cùng thần ấy đi thẳng về kinh thành của ta'.
Với ý tưởng này trong trí, vị Bà-la-môn nói kế hoạch của mình cùng Ankura:
1. Ðích ta tìm ở Kam-bo-ja
Thành tựu khi ta gặp Dạ-xoa,
Thần ấy cho ta bao ước muốn,
Bắt thần cùng ở với đoàn ta.
2. Hãy bắt lấy ngay Ðại lực thần,
Cho dù cưỡng bách hoặc bằng lòng,
Hãy đưa thần ấy lên xe gấp,
Trở lại Dvà-ra vội bước chân.
Khi vị Bà-la-môn đã nói vậy xong, Ankura liền đề cập pháp thực hành của các thiện nhân, vừa phản đối vị kia:
3. Với cây rủ bóng, ngẫu nhiên ngồi,
Nằm nghỉ, ta không bẻ nhánh chơi,
Vì kẻ nào hay làm phản bạn,
Là người gây ác nghiệp trên đời.
Vị Bà-la-môn đáp lời, theo quan niệm khôn ngoan thông thường chủ trương rằng căn bản của sự thành công là loại bỏ đạo đức giả:
4. Với cây cao bóng mát tình cờ
Ta đến nằm, ngồi thật tự do,
Có thể đốn cây ngay tận gốc,
Nếu điều này có lợi cho ta.
Ankura:
5. Với cây rủ bóng ngẫu nhiên ngồi,
Nằm nghỉ, ta không hái lá chơi,
Vì kẻ nào hay làm phản bạn,
Là người gây ác nghiệp trên đời.
Bà-la-môn:
6. Với cây cao bóng mát tình cờ
Ta đến nằm ngồi thật tự do,
Có thể nhổ cây luôn cả rễ,
Nếu điều này có lợi cho ta.
Ankura:
7. Tình cờ ta ở lại nhà ai,
Dù chỉ một đêm đến sáng mai,
Ta được người kia mời ẩm thực,
Ta không nghĩ kế hại cho người,
Tri ân là một điều cần thiết
Ðược các thiện nhân tán thán hoài.
8. Tình cờ ta trú ngụ nhà ai,
Cho dẫu một đêm, chỉ một thôi,
Và được người kia mời ẩm thực,
Không nên nghĩ việc ác cho người,
Kẻ nào tay chẳng gây tai hại
Cũng chấm dứt mưu phản bạn đời.
9. Ngày trước nếu ai có thiện hành,
Về sau phạm tội ác vào mình,
Bàn tay trong sạch người kia thiếu,
Sẽ chẳng gặp đâu phận tốt lành.
Lúc ấy vị Bà-la-môn trở nên yên lặng. Tuy nhiên thần Dạ-xoa đã nghe cả hai người nói chuyện, liền nổi giận với vị Bà-la-môn và nói:
- Hãy cho gã Bà-la-môn độc ác này lãnh phần xứng đáng với gã.
Rồi để chứng tỏ rằng thần không dễ bị bất cứ ai khuất phục, thần bảo:
10. Ta đâu dễ bị một Thiên thần
Khuất phục, hay vua chúa, thế nhân,
Ta chính Dạ-xoa, thần đại lực,
Phi nhanh như chớp giữa hư không,
Và ta thọ hưởng hình dung đẹp,
Phúc phận cho ta đủ lực hùng.
Ankura:
11. Bàn tay ngài chói sáng vàng ròng,
Có mật rỉ và các suối trong
Ðầy tặng vật tuôn từ mọi ngón,
Nước cây trái ngọt nhỏ thành dòng,
Nên ta tin chắc ngài oai lực
Là chính Pu-rin-da hiện thân.
Thần Dạ-xoa:
12. Ta chẳng là tiên, chẳng Thát-bà,
Chẳng Sak-ka hiệu Pu-rin-da,
An-ku-ra hỡi, ta là quỷ
Ðã đến đây từ Bhe-ru-na.
Ankura:
13. Xưa ngài có tính cách ra sao,
Ðời trước ngài theo nếp sống nào,
Vì Thánh hạnh gì, tay ấy vẫn
Hoàn thành thiện sự biết là bao?
Thần Dạ-xoa:
14. Kiếp trước ta là một thợ may,
Suốt đời cùng khổ sống qua ngày,
Ở Bhe-ru phố, ta không có
Phương tiện gì ban phát tự tay.
15. Thuở ấy, tiệm ta ở cạnh nhà
Của người mộ đạo A-say-ha,
Chuyên gia bố thí đầy hào phóng,
Khiêm tốn làm bao thiện sự mà.
16. Các đám ăn mày đến chỗ kia,
Cùng đinh thập loại hỏi thăm ta:
'Chúc ông may mắn! Xin cho biết
Ði đến nơi đâu được phát quà?'
17. Khi các tiện dân đến hỏi ta,
Ta cho biết chỗ A-say-ha,
Vừa đưa tay phải ra, vừa bảo:
'Chúc bạn gặp may, đến chốn kia,
Nhà của A-say-ha ở đó
Tặng vật dồi dào được phát ra'.
18. Do vậy tay ta nay phát phân
Những gì chư vị đến cầu mong,
Nhờ nguyên nhân ấy, tay ta đó
Ðang nhỏ mật ngon ngọt cả dòng,
Vì Thánh hạnh xưa, ta tiếp tục
Hoàn thành thiện sự với tay không.
Ankura:
19. Như thế xưa ngài chẳng tặng ai
Vật gì đâu với chính tay ngài,
Nhưng vì thích thú nhìn người khác
Bố thí, nên tay phải trải dài.
20. Do vậy tay ngài nay biếu không
Những gì cần thiết với tha nhân,
Nhờ nguyên nhân ấy, tay ngài đó
Ðang nhỏ mật ngon ngọt cả dòng,
Vì Thánh hạnh xưa, ngài tiếp tục
Hoàn thành thiện sự với tay thần.
21. Ngài hỡi, người kia có tín tâm
Dùng đôi tay lấy của cho không,
Sau khi đã bỏ thân phàm tục,
Người ấy đi đâu, hãy nói cùng.
Thần Dạ-xoa:
22. Ta chẳng biết gì thuở đã qua,
Chuyện sanh tử của An-gi-ra,
Người thành tựu việc không hề có,
Song đã nghe từ Ves-sa-va,
Người ấy sanh Thiên và cộng trú
Cùng chư Thiên hội chúng Sak-ka.
Ankura:
23. Bố thí, làm lành đúng khả năng
Quả nhiên đầy đủ lợi vô ngần,
Khi nhìn kẻ khác ban ân phước,
Ai chẳng muốn làm thiện sự chăng?
24. Từ đây đến xứ Dva-ra-ka
Quả thật khi về đất nước xưa,
Ta sẽ phân chia nhiều tặng vật,
Việc này đem hạnh phúc cho ta.
25. Ta sẽ tặng nhiều thức uống ăn,
Áo quần, sàng tọa, chỗ nương thân,
Lối đi qua các nơi nguy hiểm,
Ðào giếng, và ao nước vệ đường.
Vừa lúc ấy, một ngạ quỷ xuất hiện, Ankura liền hỏi:
26. Sao tay ngươi các ngón cong queo,
Và miệng của ngươi lệch một chiều,
Ðôi mắt ngươi tuôn trào nước mãi,
Nhà ngươi đã tạo ác hành nào?
Ngạ quỷ:
27. Với người mộ đạo An-gi-ra,
Gia chủ làm công đức tại nhà,
Tôi đã liên quan về thiện sự,
Xưa tôi giám sát việc chia quà.
28. Nơi kia, khi thấy bọn xin ăn,
Những kẻ thèm cơm nước phát phân,
Ðã đến, tôi liền qua phía khác,
Và tôi làm bộ mặt mày nhăn.
29. Nên tay tôi các ngón cong queo,
Và miệng của tôi lệch một chiều,
Ðôi mắt tôi tuôn trào nước mãi,
Ngày xưa tôi tạo ác hành nhiều.
Ankura:
30. Kẻ khốn khổ kia, thật đúng là
Miệng ngươi méo lệch bởi ngày xưa
Ngươi nhăn mày mặt khi nhìn thấy
Người khác phân chia các món quà.
31. Vì sao ta có thể phát phân
Y phục, tọa sàng, thức uống ăn,
Mà lại mong nhờ tay kẻ khác
Giúp ta phục vụ các tha nhân?
32. Từ đây đến xứ Dvà-ra-ka,
Quả thật khi về đất nước xưa,
Ta sẽ phân chia nhiều tặng vật,
Việc này đem lại hạnh phúc cho ta.
33. Ta sẽ tặng nhiều thức uống ăn,
Áo quần, sàng tọa, chỗ nương thân,
Lối đi qua các nơi nguy hiểm,
Ðào giếng, và ao nước vệ đường.
Chư vị kết tập Kinh điển tiếp tục câu chuyện qua các vần kệ:
34. Sau khi trở về Dvà-ra-ka,
Vị ấy vừa quay bước đến nhà,
Liền thiết lập công trình bố thí,
Việc này đem hạnh phúc chan hòa.
35. Với tâm thanh thản, vị này ban
Y phục, thức ăn uống, tọa sàng,
Nơi chốn cho bao người tạm trú,
Ðào ao và giếng nước bên đàng.
36. Ai muốn áo choàng, thức uống ăn?
Ngựa bò ai mỏi mệt hay chăng?
Từ nơi đây họ đem dây buộc
Bò ngựa vào xe để chở hàng,
Ai muốn nước hoa, dù đỡ nắng,
Ai cần giày dép hoặc hoa tràng?
37. Như vầy bọn chúng cứ kêu la,
Bọn hớt tóc và bán nước hoa,
Ðầu bếp, không ngừng từ sáng tối
Ở ngôi nhà của An-ku-ra.
Tiếp theo đó là câu chuyện giữa Ankura và Sindhaka, một chàng trai được chỉ định trông coi việc bố thí của vị ấy.
Ankura:
38. Các bọn người kia vẫn nghĩ rằng:
'An-ku-ra ngủ thật bình an',
Sin-dha-ka hỡi, ta trằn trọc,
Vì chẳng thấy đâu bọn cái bang.
39. Chắc các người kia nghĩ đến mình:
'An-ku-ra ngủ thật ngon lành'.
Sin-dha-ka hỡi, ta trằn trọc
Vì chẳng thấy đâu đám lữ hành.
Sindhaka:
40. Nếu Sak-ka, chúa cõi Băm-ba,
Ban tặng cho ngài một ước mơ,
Ngài sẽ chọn gì trong thế giới,
Mong ngài bày tỏ, An-ku-ra?
Ankura:
41. Nếu Sak-ka, chúa cõi Băm-ba,
Ðem một điều mong ước tặng ta,
Ta sẽ cầu xin từ buổi sáng
Khi vừa thức giấc sớm tinh mơ,
Món ăn thiên giới luôn đầy đủ,
Hành khất tín thành cũng hiện ra.
42. Mong ước khi ta đang phát ban,
Công năng bố thí chẳng tiêu tan,
Sau khi bố thí, không ân hận,
Ta ước tâm ta được lạc an,
Trong lúc ta thi ấn bố đức,
Ấy điều ta ước tự Thiên Hoàng.
Như vậy, Ankura đã tuyên bố nguyện vọng của mình. Lúc ấy tại nơi kia, một người đang ngồi mang tên Sonaka, có phẩm hạnh tốt. Người ấy muốn khuyên can vị này đừng bố trí quá nhiều, liền bảo:
43. Chớ nên cho tất cả gia tài,
Ngài phải hộ phòng sản nghiệp thôi,
Vì thế, bạc vàng là chắc chắn
Có giá trị hơn bố thí hoài,
Bố thí quá nhiều sinh kết quả
Gia đình không thể sống lâu dài.
44. Bậc hiền không chấp nhận xan tham,
Cũng chẳng tán đồng quá phát ban,
Vì thế, ngài nhìn xem của cải
Tốt hơn là bố thí tràn lan;
Người nào có quyết tâm chân chánh,
Sẽ chọn đường trung đạo lạc an.
Ankura:
45. Ông nói điều này quả thật hay,
Phần ta muốn bố thí từ đây,
Và cầu mong những người lương thiện,
Mộ đạo mau chân đến chốn này;
Như đám mây tràn đầy vực thẳm,
Ta mong bồi dưỡng hạng ăn mày.
46. Nếu ta tâm trí được bình an,
Khi thấy bọn hành khất hỏi han
Hoan hỷ vì thi ân bố đức,
Ðấy là hạnh phúc giữa nhân gian.
47. Nếu trí tâm ta được lặng yên,
Khi nhìn hành khất đến cầu xin,
Hân hoan vì việc ban ân huệ,
Như vậy là thành tựu phước điền.
48. Trước khi bố thí, phải hân hoan,
Tâm trí hân hoan lúc phát ban,
Hoan hỷ sau khi ta bố thí,
Thế là thành đạt phước nhân gian.
Chư vị kết tập Kinh tạng Pàli tiếp tục kể chuyện này:
49. Sáu mươi ngàn chẵn chuyến xe bò
Thực phẩm hằng ngày được phát cho
Các đám người trong nhà thí chủ
Nguyện làm thiện sự An-ku-ra.
50. Ðầu bếp ba ngàn sống tại gia
Của người thí chủ An-ku-ra,
Ðiểm trang vàng ngọc, hoa tai đủ,
Tận tụy nhiệt tâm phát tặng quà.
51. Thanh niên trai tráng sáu mươi ngàn
Ðeo đủ hoa tai với ngọc vàng,
Ðang bổ củi trong nhà thí chủ
Cử hành đại bố thí nhân gian.
52. Nữ nhi một vạn sáu như hoa
Tô điểm đồ trang sức ngọc ngà,
Nhào bột thành bao hình bánh ngọt,
Cử hành đại bố thí toàn gia.
53. Mười sáu ngàn kìa đám nữ nhân
Xiêm y đủ mọi vẻ thanh tân,
Tay cầm muỗng tại nhà gia chủ
Phục vụ đại công đức phát phân.
54. Phát ban nhiều tới biết bao người,
Người quý cao thay cống hiến hoài,
Bố thí ân cần, tay chỉ bảo,
Quan tâm chăm sóc mãi không thôi.
55. Nhiều tuần trăng, tháng tháng trôi qua,
Chẳng biết bao năm với bốn mùa,
Suốt một thời gian dài đăng đẵng,
Không ngừng bố thí, An-ku-ra.
56. An-ku-ra bố thí lâu dài,
Cống hiến phát ban suốt cả đời,
Ðến lúc từ trần, lìa bỏ xác,
Ði lên thiên giới, cõi Ba mươi.
Khi vị ấy đã được tái sanh ở đó và đang hưởng thiên lạc, thì vào thời đức Thế Tôn Gotama, một thanh niên có tên Indaka đầy nhiệt tâm cúng dường một phần thực phẩm lên Tôn giả Trưởng lão Anuruddha (A-na-luật-đà) trong lúc vị này đang đi khất thực.
Khi Indaka từ trần, và nhờ năng lực công đức đã trở thành phước điền, vị ấy tái sanh lên cõi Ba mươi ba. Vì thế chuyện kể tiếp:
57. Lấy cơm đầy muỗng, In-da-ka
Dâng Trưởng lão A-na-luật-đà,
Khi xả báo thân phàm tục ấy,
Chàng lên cộng trú cõi Băm-ba.
58-59. Trong mười phương diện, In-da-ka
Vượt trội An-ku-ra thật xa:
Khả ái sắc, thanh, hương, vị, xúc,
Trường tồn thọ mạng, đẹp màu da,
Phước phần, danh vọng và quyền lực,
Chàng đều vượt hẳn An-ku-ra.
60. Ở trong thiên giới, cõi Băm-ba,
Bậc Tối thượng nhân, đức Phật-đà,
Ðang ngự trên ngai Hoàng bảo thạch,
Dưới chân của đại thọ San-hô.
61. Khi chư Thiên tụ tập mười phương,
Ðảnh lễ đấng Toàn Giác Thế Tôn
Vừa đến cõi thiên, đang trú ngụ
Ở trên thượng đỉnh của Cao Sơn.
62. Không một thần tiên ở cõi trời
Sánh bằng đức Phật vẻ hùng oai,
Vượt lên tất cả chư Thiên ấy,
Duy nhất Thế Tôn chiếu rạng ngời.
63. Ðồng thời có mặt An-ku-ra
Cách đó mười hai dặm phía xa,
Nhưng ở không xa đức Phật mấy,
In-da-ka vượt An-ku-ra.
64. Khi đức Phật vừa chợt ngó qua
An-ku-ra với In-da-ka,
Muốn làm hai vị tăng công đức,
Ðức Phật bèn cất tiếng nói ra:
65. 'Lâu dài bố thí, An-ku-ra,
Xưa phát phân nhiều để lợi tha,
Nay vẫn đang ngồi xa cách quá,
Ðến nơi này ở phía gần ta'.
66. Ðược đấng Toàn tri kiến bảo ban,
An-ku-ra vội nói lên rằng:
'Lợi gì bố thí thời xưa ấy,
Vì thiếu người tương xứng cúng dường?
67. In-da-ka hiện ở nơi đây,
Dù đã cúng dường ít ỏi thay,
Chàng vẫn sáng ngời hơn tất cả,
Như trăng vượt các đám sao dày'.
Ðức Phật liền dạy bảo:
68. Ví như trong đám ruộng khô cằn
Hạt giống dù vô số được trồng,
Chúng vẫn không đem nhiều kết quả,
Và không làm đẹp ý nhà nông.
69. Cũng vậy đem nhiều của phát ban
Cho người độc ác hoặc tà gian,
Sẽ không tạo quả lành phong phú,
Và chẳng làm vui kẻ cúng dường.
70. Nhưng khi ít hạt được gieo trồng
Trong chỗ đất tươi tốt ruộng đồng,
Lại có nhiều mưa hòa gió thuận,
Ðược mùa làm đẹp ý nhà nông.
71. Cũng vậy, khi tôn kính chánh nhân,
Những người đạo hạnh giữa nhân quần,
Thiện hành dù chỉ là nho nhỏ,
Cũng tạo công năng đại phước phần.
Chư vị kết tập Kinh điển tiếp tục kể chuyện:
72. Vậy phải biết phân biệt cúng dường
Ðem về phước báo lớn vô lường,
Cúng dường có chú tâm suy xét,
Thí chủ lên thiên giới trú an.
73. Ta phải cúng dâng lễ tín thành
Lên người xứng đáng giữa quần sanh,
Lễ dâng như vậy đem thành quả
Phong phú như gieo hạt đất lành.
10. (22) Chuyện Mẹ Của Uttara (Uttaramàtu)
Sau khi bậc Ðạo Sư diệt độ, vào thời Ðại hội kết tập Kinh điển đầu tiên đang diễn tiến, Tôn giả Mahà-Kaccayàna (Ðại Ca-chiên-diên) cùng mười hai Tỷ-kheo đang cư trú trong ngôi rừng nọ gần Kosambi (Kiều-thưởng-di).
Thời ấy Uttara, vị nam tử thừa kế của vị quốc sư triều vua Udena, đang cùng đám thợ mộc đi tìm gỗ để sửa nhà, và được Trưởng lão này thuyết pháp.
Về sau Uttara thường cúng dường vị ấy thực phẩm và xây tặng vị ấy một thảo am.
Song bà mẹ của Uttara căm hận những việc cúng dường ấy. Bà bảo:
- Ta mong bất cứ thức ăn uống nào con cúng các Sa-môn mà ta không đồng ý đều trở thành máu cho con uống ở đời sau.
Tuy thế, vào ngày cúng dường am thất, bà cho phép tặng một bó lông đuôi công. Khi từ trần, bà tái sanh làm nữ ngạ quỷ và do đã cúng dường một bó lông đuôi công ấy, nữ ngạ quỷ có mái tóc đen thật dài, uốn lượn óng ả rất đẹp và dài tha thướt.
Bất cứ khi nào nữ ngạ quỷ bước xuống tự nhủ: 'Ta sẽ uống nước sông Hằng' thì dòng sông trở thành máu đỏ. Sau khi đã đi lang thang suốt năm mươi năm bị đói khát giày vò, ngày kia nữ ngạ quỷ chợt thấy Trưởng lão Kankhàrevata (Kankhà Ly-bà-la) ngồi nghỉ trưa bên bờ sông Hằng:
Cuộc đối thoại này tiếp theo sau hai vần kệ đầu của chư vị kết tập Kinh điển:
1. Khi một Tỷ-kheo đến nghỉ trưa
Và ngồi trên bến nước Hằng hà,
Gần người, nữ quỷ hình ghê rợn,
Dáng điệu rụt rè, tiến bước ra.
2. Mái tóc quỷ nương ấy thật dài
Thả ra chấm đất, được buông lơi,
Che thân bằng các chùm tóc ấy,
Nữ quỷ thưa Tôn giả chuyện đời:
Nữ ngạ quỷ:
3. Năm mươi năm đã giã từ trần,
Con chẳng biết gì thức uống ăn.
Tôn giả, cho con xin chút nước,
Hiện con đang khát nước muôn phần.
Tỷ-kheo:
4. Ðây dòng nước mát của sông Hằng
Chảy xuống từ miền núi Tuyết Sơn,
Hãy lấy nước kia và uống gấp,
Sao ngươi xin nước ở trên dòng?
Nữ ngạ quỷ:
5. Tôn giả, xin thưa, nếu chính con
Tự tay lấy nước ở dòng sông,
Nước liền thành máu, và vì thế
Con khẩn cầu ngài chút nước trong.
Tỷ-kheo:
6. Ngày xưa đã phạm ác hành nào
Do khẩu, ý, thân đã phạm vào,
Từ nghiệp quả gì tay ấy chạm
Nước sông Hằng hóa máu, vì sao?
Nữ ngạ quỷ:
7. Nam tử của con, Ut-ta-ra,
Xưa vốn là cư sĩ tại gia
Ðem cúng các Sa-môn thực phẩm,
Tọa sàng, dược liệu, áo cà-sa.
8. Lòng con sôi động bởi xan tham
Thúc giục, nên con phỉ báng chàng:
'Bất cứ vật gì ta chẳng muốn
Ngươi đem dâng cúng các Sa-môn,
9. 'Ut-ta-ra, thứ ấy, ta cầu
Thành máu cho ngươi ở kiếp sau'.
Do nghiệp quả này, tay chạm phải
Nước sông Hằng hóa máu từ lâu'.
Khi ấy Tôn giả Revata cúng dường nước lên Tăng chúng và hồi hướng công đức cho nữ ngạ quỷ. Sau đó Tôn giả đi khất thực và khi đã nhận được thức ăn Tôn giả cúng dường chư Tăng. Rồi Tôn giả lấy một ít giẻ rách từ đống rác, rửa sạch, phơi khô xong, Tôn giả may thành y và cúng dường Tăng chúng.
Nhờ vậy nữ ngạ quỷ thọ hưởng thiên lạc, liền trình với vị Trưởng lão sự việc cùng bày tỏ niềm hạnh phúc thần tiên mà nó đã đạt được.
11. (23) Chuyện Cuộn Chỉ (Sutta)
Trong một làng kia gần Sàvatthi, bảy trăm năm trước khi bậc Ðạo Sư xuất hiện, có một nam tử phục vụ một vị Ðộc Giác Phật. Chàng trai ấy bị rắn cắn, từ trần vào ngày cưới vợ. Trong khi phục vụ, chàng đã tạo nhiều phước nghiệp nhưng vì chàng luyến ái vị tân nương, nên chàng tái sanh làm một quỷ thần trong lâu đài có đầy đủ quyền lực và vinh quang.
Do ước muốn đưa tân nương về lâu đài của mình, khi thấy một vị Ðộc Giác Phật đang may áo, vị thần hiện hình người lại gần Ðộc Giác Phật và hỏi:
- Thưa Tôn giả, Ngài có cần chỉ không?
Vị ấy đáp:
- Này cư sĩ, ta đang bận may áo.
Vị thần chỉ tay về phía nhà cô dâu vừa góa bụa ấy và bảo:
- Tôn giả có thể xin chỉ ở nhà kia.
Vị ấy làm như vậy và được cô gái tặng một cuộn chỉ.
Còn vị thần vẫn mang hình người đến xin phép bà mẹ cô gái cho vị ấy ở lại vài ngày, rồi đổ đầy tiền vào các nồi niêu trong nhà ấy. Sau đó vị ấy ra đi cùng cô gái về lâu đài của mình
Bà mẹ đem nhiều tiền cho họ hàng và đám lữ hành nghèo khổ. Khi từ trần, bà dặn:
- Nếu con gái ta trở về, hãy chỉ cho nó số tiền này.
Bảy trăm năm sau, bậc Ðạo Sư giáng sinh ở đời và đến Sàvatthi. Thời ấy, nữ nhân kia vẫn còn sống với vị quỷ thần và xin vị ấy đưa nàng về nhà cũ, nàng bảo:
1. Thiếp đem dâng cúng thuở xưa xa
Lên một Tỷ-kheo đã xuất gia
Vừa bước đến gần, xin ít chỉ.
Việc xưa đem kết quả nay là
Phước phần thiếp hưởng luôn phong phú,
Vô số thiên y cứ hiện ra.
2. Muôn hoa bao phủ cả lâu đài,
Gia bộc, nô tỳ đủ gái trai,
Tô điểm lâu đài trăm vẻ đẹp;
Thiếp nay tận hưởng thú vui chơi
Và mang đủ loại thiên y báu,
Tài sản dồi dào chẳng thể vơi.
3. Phước báo này do một nghiệp xưa,
Hân hoan, hạnh phúc hưởng bây giờ;
Khi nào thiếp trở về nhân thế,
Thiếp sẽ thực hành việc lợi tha.
Chàng hãy đưa đường xưa lối cũ,
Phu quân hỡi, thiếp muốn về nhà.
Khi nghe nàng nói, vị thần không muốn đi, vì lòng thương xót người vợ yêu quý, vị ấy bảo:
4. Ðã bảy trăm năm nàng đến đây,
Về kia già yếu khổ thân ngay.
Nay ta nói thật cho nàng biết:
Tất cả họ hàng đã bỏ thây.
Nàng sẽ làm gì nơi chốn ấy
Khi nàng đã giã biệt nơi này?
Nàng ấy không tin, lại nói nữa:
5. Chỉ cách bảy năm thiếp đến đây,
Hưởng bao thiên lạc bấy lâu nay,
Khi nào thiếp trở về nhân thế,
Thiếp sẽ thực hành thiện sự ngay.
Chàng hãy đưa đường xưa lối cũ,
Phu quân hỡi, thiếp muốn chia tay.
6. Thế rồi lập tức nắm tay chàng,
Thần dẫn nàng về chốn cố hương,
Nay hóa bà già đi khập khểnh,
Bảo bà: 'Dặn với các thân nhân
Ðến nơi kia: Hãy làm điều thiện,
Hạnh phúc đời sau được hưởng phần'.
Khi bà già ấy đến nơi cư trú của đám họ hàng, bà tự xưng danh cho họ biết. Rồi bà đem số tiền họ trả lại bà đi cúng dường phẩm vật lên các Sa-môn, Bà-la-môn và khuyên bảo đám người thường lui tới với bà:
7. Chính mắt ta trông thấy rõ ràng
Các loài ngạ quỷ gặp đau buồn
Bởi vì không biết làm điều thiện,
Cũng vậy loài người giữa thế gian.
Hành thiện tạo nên nhiều phúc lạc,
Thiên thần, nhân loại mãi hân hoan
12. (24) Chuyện Nữ Quỷ Ở Hakannamunda (Kannamundapetì)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Sàvatthi.
Tương truyền rằng thuở xưa vào thời đức Phật Kassapa, ở xứ Kimbilà có một đệ tử tại gia đã thọ Tam quy, cùng chung niềm tín ngưỡng với năm trăm cư sĩ khác chuyên tâm thực hành các thiện sự như trồng hoa viên, xây cầu cống, làm đường sá, và các việc công ích khác.
Vị ấy đã xây một tinh xá cúng dường giáo hội Tỷ-kheo và thỉnh thoảng cùng đến nơi ấy với các cư sĩ kia. Các bà vợ của hội chúng này cũng rất hòa hợp với nhau, thường cùng đi đến tinh xá cúng dường vòng hoa, hương liệu, dầu xoa và trên đường đi vẫn nghỉ ngơi tại các hoa viên và nhà trọ.
Rồi một ngày kia, một số kẻ bất lương đang tụ tập với nhau trong nhà trọ của một bà chủ kia, trông thấy nhan sắc diễm lệ của các nữ nhân khi họ đến nghỉ ngơi tại đó, liền đem lòng say mê.
Biết đám nữ nhân này lương thiện, chúng bắt đầu bàn tán với nhau:
- Ai có khả năng thực hiện việc phá giới hạnh với một nữ nhân trong đám này?
Lập tức một gã đáp:
- Tôi đây.
Bọn chúng liền bảo:
- Chúng ta hãy đánh cuộc với hắn một ngàn đồng tiền.
Chúng đánh cuộc như thế và thêm:
- Nếu bạn thành công, chúng tôi sẽ đưa cho bạn một ngàn đồng; nếu không thì bạn phải đưa số ấy cho bọn ta.
Vì ước mong thắng cuộc và sợ mất tiền, gã bày đủ mưu kế trong lúc đám nữ nhân nghỉ chân tại đó. Vừa chơi đàn thất huyền cầm du dương vừa hát tình ca êm ái, gã dụ dỗ được một nàng trong đám ấy phá giới hạnh, khiến bọn bất lương kia phải mất một ngàn đồng tiền.
Bị gã này đánh bại, bọn chúng bèn đem chuyện ấy kể cho chồng nàng nghe. Vị này không tin, nhưng cũng hỏi nàng:
- Nàng có phải là hạng người như các kẻ kia vừa nói chăng?
Nàng phủ nhận ngay:
- Thiếp không biết những chuyện như vậy.
Vì chàng không tin nàng, nàng liền chỉ con chó đang đứng gần đó và thề độc;
- Nếu thiếp làm ác hạnh như vậy thì mong con chó đen tai cụt này xé xác thiếp ra khi thiếp tái sanh kiếp sau.
Ngoài ra, khi đám nữ nhân biết rõ nàng đã phá giới hạnh, được chất vấn:
- Nữ nhân này đã phạm tà hạnh kia hay là không phạm?
Họ cũng thề dối trá:
- Nếu chúng tôi biết thì mong chúng tôi trở thành nô tỳ của bà ấy ở kiếp tái sanh.
Về sau người gian phụ kia bị hối hận vì tội lỗi cũ giày vò, nên héo mòn dần và qua đời. Nàng được tái sanh làm một nữ quỷ trong một lâu đài bên bờ hồ Kannamunda (Tai cụt) là một trong bảy hồ lớn ở vùng Himalaya (Tuyết Sơn), chúa tể của núi đồi.
Hơn nữa, chung quanh mọi phía của lâu đài xuất hiện một hồ sen để vui chơi thỏa thích. Khi đám nữ nhân kia từ trần, do hậu quả lời thề dối trá mà họ đã nói ra, họ liền trở thành bầy nô tỳ của nàng.
Trong lâu đài ấy, nhờ các thiện nghiệp nàng đã thực hiện trong kiếp trước, nàng hưởng thọ lạc thú thần tiên suốt ngày, nhưng đến nửa đêm, do động lực của ác hạnh xưa thúc giục, nàng thức dậy từ tọa sàng và đi đến hồ sen, rồi bị một con chó ngao cắn xé tan thân tại chỗ.
Ngay sau đó nàng lập tức biến hình trở lại với dung sắc kiều diễm như cũ và bước lên lâu đài của nàng, nằm xuống tọa sàng.
Tuy nhiên, đám nô tỳ kia lại phải chịu vất vả nhọc nhằn hầu hạ nàng liên tục ngày đêm. Cứ thế năm trăm năm trôi qua, và bởi vì bọn nữ quỷ nhân hưởng lạc thú thần tiên mà thiếu vắng các đức lang quân, nên chúng bắt đầu mong nhớ họ.
Bấy giờ tại nơi ấy có một con sông phát xuất từ hồ Kannamunda và do một kẽ nứt trong núi, đã chảy xuống tận sông Hằng. Gần con sông ấy có một vườn xoài sanh trái tiên, cùng với các loại cây mít và nhiều cây khác. Do vậy bọn chúng suy nghĩ: 'Bây giờ đây, chúng ta sẽ ném các trái xoài này vào dòng sông; như thế khi đã thấy các trái cây trôi bồng bềnh xuống dưới nước, một số nam nhân có thể đến đây để tìm xoài. Sau đó chúng ta sẽ hưởng lạc thú với họ'.
Bọn chúng đều làm như vậy. Bấy giờ khi các trái xoài bị thả trôi giạt, đám đạo sĩ khổ hạnh lượm được một ít, các sơn nhân tiều phu tìm được số khác, còn một số nữa tấp vào bờ. Tuy thế, có một quả xoài trôi vào dòng sông Hằng và theo thời gian đến tận Ba-la-nại.
Thuở ấy, vua Ba-la-nại đang tắm trên sông Hằng và được một tấm lưới đồng bao bọc. Thế rồi trái xoài kia đã được dòng nước cuốn đi theo hướng ấy và mắc vào lưới đồng.
Khi các cận vệ của vua nhìn thấy trái xoài tiên to lớn tuyệt hảo về màu sắc lẫn hương vị, họ liền đem dâng vua. Ðể thử xoài, nhà vua cắt một lát và đưa cho một tên cướp khét tiếng đã bị giam vào ngục. Khi ăn xong, tên cướp trình:
- Tâu Ðại vương, tiểu tử chưa bao giờ ăn được thứ xoài như vậy. Có lẽ đây là xoài tiên.
Nhà vua cho gã một lát nữa. Sau khi ăn xong, làn da nhăn nheo và râu tóc hoa râm của gã biến mất; gã trở thành một chàng trai tuấn tú và có thể nói gã đã hồi xuân.
Khi thấy vậy, nhà vua tràn đầy kinh ngạc, ăn ngay trái xoài và cũng nhận được sự kỳ diệu hy hữu trong cơ thể. Nhà vua liền hỏi:
- Các trái xoài này kiếm được ở đâu?
Ðám cận thần đáp:
- Tâu Hoàng thượng, chúng thần nghe nói ở vùng Tuyết Sơn, chúa tể của núi đồi.
- Vậy có thể tìm ra chúng chăng?
- Tâu Hoàng thượng, đám thợ rừng có thể biết việc ấy.
Nhà vua truyền đưa đám thợ rừng vào, ban một ngàn đồng tiền cho một người thợ nghèo và bảo gã ra đi:
- Này, hãy đi mang xoài tiên về cho trẫm ngay.
Kẻ ấy đi lên thượng lưu sông Hằng đến tận hồ Kannamunda. Khi gã đã đi quá xa con đường của mọi người, gã gặp liên tiếp ba vị ẩn sĩ khổ hạnh chỉ đường, vị thứ ba khuyên gã:
- Hãy rời bỏ sông Hằng lớn này, đi theo dòng sông nhỏ kia và cứ lên mãi cho đến khi chú thấy một kẽ nứt trong núi đá. Rồi chú phải vào sâu trong đó ban đêm với ngọn đèn. Vì con sông này không chảy ban đêm, nên chú có thể du hành cách ấy.
Gã làm theo lời dặn, và vào lúc rạng đông, gã đến một vùng có chính vườn xoài tuyệt diệu ấy. Khu rừng vang dội tiếng hót du dương của nhiều đàn chim đủ loại và được tô điểm thêm vẻ đẹp bằng những khóm cây xanh sum suê vươn những cành lá trĩu xuống dưới sức nặng của các chùm trái. Cả vùng rực rỡ trong làn ánh sáng tỏa ra từ vô số châu ngọc. (Hai câu này được bổ sung từ tập Sớ giải của Dhammapala).
Thế rồi, khi các nữ nhân vắng chồng đã lâu, nay thấy gã đi đến từ xa, vội chạy tới bảo nhau:
- Người này thuộc về ta! Người này thuộc về ta!
Thuở ấy, gã chưa từng làm các thiện nghiệp xứng đáng hưởng thọ lạc thú thần tiên với hội chúng này trong tiên cảnh. Vì thế chỉ thoạt trông thấy chúng, gã đã kinh hoàng vừa chạy vừa thét lớn. Khi về tới Ba-la-nại, gã trình nhà vua mọi sự đã xảy ra.
Khi nghe việc này, trong tâm nhà vua khởi lên một ước muốn gặp các nữ quỷ thần kia và hưởng thú ăn xoài tiên. Vì thế nhà vua liền giao quốc độ cho các vị cận thần, và lấy cớ đi săn, nhà vua đem cung tên và kiếm cùng vài thị vệ khởi hành về vùng ấy như lời người thợ rừng dặn.
Sau khi đi được vài do-tuần, nhà vua giã từ đám cận vệ và tiếp tục đi với người thợ rừng. Sau một khoảng đường nữa, nhà vua lại bảo gã trở về. Vào lúc rạng đông, nhà vua đã đến vườn xoài trong tiên cảnh.
Thuở ấy, khi các nữ quỷ thần thấy nhà vua hồi xuân như một tiên đồng giáng thế, liền ra nghênh tiếp và khi biết ngài là một quân vương, chúng liền đưa vào lâu đài, dâng các thứ tiên thực và phục vụ ngài như ý.
Thế rồi sau một trăm năm mươi năm trôi qua, một hôm nhà vua thức dậy nửa đêm và thấy nữ quỷ đã phạm giới kia đi ra phía bờ hồ sen. Ðộng lòng hiếu kỳ, ngài đi theo nữ quỷ. Sau đó ngài thấy nữ quỷ bị một con chó lớn vồ xé xác ngay khi vừa mới tới nơi. Suốt ba ngày liền ngài suy xét, không làm sao có thể hiểu được ý nghĩa việc này. Hôm sau này cầm mũi tên nhọn bắn con chó kia bỏ mạng và vừa khi nữ quỷ đã nhảy vào hồ sen, lập tức ngài thấy nàng xuất hiện với dung sắc phục hồi như trước.
Ngài liền ngâm kệ hỏi nàng những sự việc đã xảy ra:
1. Ðây vàng ròng đúc các cầu thang
Nằm dựa lên trên dải cát vàng,
Diễm lệ, ngát hương hoa súng trắng,
Gây niềm lạc thú tận tâm can.
2. Bao cây làm thảm phủ trên hồ,
Theo gió đủ mùi hương thoảng đưa,
Hồ mọc tràn đầy sen đỏ thắm
Ðiểm tô sen trắng nỏn cành tơ.
3. Lay động theo làn gió nhẹ nhàng
Mặt hồ kỳ thú tỏa hương lan,
Âm vang với tiếng thiên nga, hạc,
Văng vẳng hồng nga hót gọi đàn.
4. Ðây các bầy chim đủ mọi loài,
Ngân nga bao tiếng hót êm tai,
Cây trồng sanh quả tiên phong phú,
Rừng mọc kỳ hoa ở khắp nơi.
5-6. Thành phố như đây thật tuyệt vời
Khó tìm thấy ở cõi người đời.
Nàng nhiều cung điện bằng vàng bạc,
Lấp lánh bốn phương chiếu sáng ngời.
Lại có năm trăm tỳ nữ ấy
Sẵn sàng phục vụ lệnh nàng thôi.
7. Bọn chúng mang vòng ốc, vỏ trai,
Ðiểm trang y phục dệt vàng tươi,
Nàng nhiều sàng tọa bằng vàng bạc
Ðưọc trải da dê quý phía ngoài.
8. Tất cả đều chu đáo sẵn sàng,
Bên trong được phủ với chăn màn
Dệt bằng lông thú, khi nằm xuống,
Nàng thọ hưởng bao nỗi lạc hoan.
9. Tuy nhiên, khi đến nửa đêm khuya,
Nàng thức dậy và cất bước ra
Ði tới hoa viên đầy lạc thú
Bao quanh hồ nước phủ liên hoa.
10. Bên bờ nàng đứng lại soi mình,
Tiên nữ ở trên thảm cỏ xanh,
Bỗng một chó ngao tai cắt cụt
Vồ nàng xé xác đến tan tành.
11. Khi nàng đã bị nát toàn thân,
Và đã biến thành một bộ xương,
Nàng vội nhảy vào hồ nước biếc,
Hình hài trở lại đẹp muôn phần.
12. Thân thể nàng nay đã vẹn toàn,
Cực kỳ diễm lệ, đóa hồng nhan,
Ðiểm trang đủ thứ thiên y đẹp,
Nàng đến cho ta diện kiến nàng.
13. Ngày xưa nàng phạm ác hành nào
Do khẩu, ý, thân đã phạm vào,
Con chó cụt tai nay xé xác
Bởi vì quả báo tội gì sao?
Khi được nhà vua hỏi như vậy, nữ quỷ liền kể chuyện đời này:
14. Ngày xưa ở xứ Kim-bi-la,
Có một nam cư sĩ tại gia,
Ðệ tử với tâm thành mộ đạo,
Thiếp là ác phụ nghiệp gian tà.
15. Bởi vì thiếp phạm tội dâm loàn,
Chồng của thiếp lên tiếng hỏi han:
'Nàng đã tạo ra điều bất xứng
Là không tiết hạnh với chồng nàng'.
16. Thế rồi thiếp phải nói lời thề
Giả dối tràn đầy khủng khiếp kia:
'Thiếp chẳng dám lừa chàng việc ấy,
Dù thân hay ý cũng chưa hề.
17. Song nếu thiếp vi phạm việc này
Dù thân hay ý bấy lâu rày,
Thì mong con chó ngao tai cụt
Cắn xé thiếp tan nát cả thây'.
18. Thiếp từng chịu đựng bảy trăm năm
Quả báo do tà hạnh, dối gian,
Từ ấy, chó ngao tai cắt cụt
Xé thân từng mảnh thật kinh hoàng.
Nàng nói như vậy xong rồi lại ngâm hai vần kệ ca ngợi đặc ân mà nhà vua đã ban cho nàng:
19. Quân vương thần lực thật cao cường,
Ngài đã đến đây cứu quỷ nương,
Ðược thoát chó ngao tai cụt ấy,
Thiếp không còn sợ hãi, đau buồn.
20. Quân vương, thiếp kính cẩn tôn sùng
Ðảnh lễ cầu xin đấng chúa công
Hãy thọ hưởng thần tiên lạc thú,
Quân vương và thiếp hãy vui chung.
Ngay lúc ấy bỗng nhiên nhà vua cảm thấy chán sống ở cảnh tiên kia, liền nói ý định giã từ cho nàng biết và ngâm vần kệ cuối cùng:
21. Ta đã hưởng bao thú cõi tiên,
Cùng nàng hoan lạc thật vô biên,
Giờ đây, tiên nữ, ta mong ước,
Mau hãy đem ta trở lại liền.
Khi đã nghe lời của nhà vua, nữ quỷ thần ở lâu đài ấy không chịu nổi sự biệt ly. Lòng nàng rối bời vì đau khổ ưu phiền và toàn thân nàng run lên xúc động. Song dù nàng đã dùng đủ cách khẩn cầu nhà vua, nàng cũng không thể thuyết phục ngài ở lại được nữa.
Nàng đành đưa ngài về kinh đô cùng nhiều châu báu và rước ngài vào cung điện. Sau đó nàng than khóc bi thảm và trở về trú xứ của nàng ngay. Khi nhà vua thấy vậy, lòng ngài xúc động vô cùng. Từ đó về sau ngài thực hành nhiều thiện sự như bố thí cùng các phương tiện khác và được sanh lên cõi thiên.
Thế rồi khi đức Thế Tôn Gotama giáng sanh ở cõi đời, và theo thời gian đã đến cư trú tại thành Sàvatth, một hôm Tôn giả Mahà-Moggallàna du hành vào vùng núi này trông thấy nữ thần cùng đoàn tùy tùng của nàng, bèn hỏi về hạnh nghiệp mà nàng đã tạo trước kia. Nàng kể với Tôn giả mọi sự và Tôn giả trình bày câu chuyện ấy lên đức Thế Tôn.
13. (25) Chuyện Hoàng Hậu Ubbarì (Ubbarì)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana.
Ở Sàvatthi, người chồng của một nữ đệ tử tại gia vừa từ trần. Nàng ưu phiền đi đến nghĩa địa khóc than. Khi đức Thế Tôn nhận thấy nàng đã đạt thành các đức tính đưa đến quả Dự Lưu, ngài động lòng bi mẫn, đi đến nhà nàng và hỏi tại sao nàng khóc. Nàng đáp:
- Bạch đức Thế Tôn, quả con đang đau buồn vì xa cách một người thân của con.
Sau đó đức Thế Tôn kể một chuyện quá khứ.
Thuở xưa trong quốc độ Pancala ở thành Kapila có một vị vua mệnh danh Cùlani Brahmadatta chuyên tâm làm phước nghiệp sự lợi ích cho thần dân và không hề phạm Thập Vương pháp.
Một hôm mong muốn nghe thần dân bàn tán việc gì trong xứ sở của mình, ngài bèn cải trang làm một thợ may và rời kinh thành mà không có ai hầu cận.
Trong lúc ngài du hành từ làng này sang làng khác, quận này sang quận khác, ngài nhận thấy toàn quốc không có trộm cướp và bất công đàn áp, dân chúng sống thân thiện với nhau và có thể là an trú trong mọi nhà cửa mở toang.
Lòng vui mừng hớn hở, ngài khởi hành quay về kinh và đi đến một thị trấn nọ, ngài vào nhà một góa phụ nghèo khó. Khi thấy ngài, bà ấy hỏi:
- Này Tôn ông là ai? Tôn ông từ đâu đến đây?
Ngài đáp:
- Này hiền phụ, ta là một thợ may; ta đang đi quanh quẩn may thuê vá mướn để kiếm tiền. Nếu bà có vật gì cần may, bà hãy đưa cho ta, cả quần áo lẫn khăn đội đầu, ta sẽ may cho bà.
Bà liền nói:
- Chúng tôi không có việc gì cần làm về quần áo hoặc khăn đội đầu cả. Ông đi làm cho các người khác nhé.
Trong khi ngài ở vùng đó vài ngày, ngài thấy con gái bà có đủ tướng mạo tốt lành của phúc phận và đức hạnh, ngày sau ngài liền bảo bà mẹ:
- Nếu con gái bà chưa gả cho ai, thì xin bà hãy gả cho tôi. Tôi có đủ khả năng tìm kế sinh nhai để mẹ con bà no ấm.
Bà ấy gả con gái cho ngài. Sau khi đã ở lại với nàng vài ngày, ngài đưa cho nàng một ngàn đồng tiền vàng Kahàpana và nói:
- Ta sẽ trở lại trong vòng vài ngày thôi. Hiền thê chớ lo buồn gì cả.
Ngay sau đó ngài trở về kinh thành. Khi đã truyền lệnh đắp đường thật bằng phẳng giữa kinh đô và làng ấy cùng trang hoàng mọi sự xong xuôi, ngài đi đến nơi kia trong cảnh huy hoàng rực rỡ. Sau khi đã chất một đống tiền vàng lớn trên thân cô thiếu nữ và truyền đem nàng đi tắm rửa trong các chậu bằng vàng bạc, ngài đặt tên nàng là Ubbarì và phong nàng ngôi hoàng hậu.
Ngài ban cho quyến thuộc nàng ngôi làng ấy và sau đó đưa nàng về kinh trong cảnh oai nghi lộng lẫy. Ngài sống đời hạnh phúc với nàng, trị nước phồn vinh và sau đó băng hà.
Nỗi ưu phiền của Ubbarì được các vị kết tập Kinh điển kể lại như vầy:
1. Brah-ma-dat, đại đế ngày xưa,
Chúa tể của dòng Pan-ca-la,
Sau khoảng ngày đêm cai trị nước,
Mạng chung, đại đế đã băng hà.
2. Hoàng hậu Ub-ba-rì khóc hoài,
Lên đàn tế lễ hỏa thiêu ngài,
Dù không còn thấy hình tiên đế,
Bà vẫn gào: 'Brah-ma-dat ôi!
3. Ðến nơi kia một vị hiền nhân,
Bậc Thánh đầy đức hạnh chánh chân,
Vào dịp lễ tang, ngài muốn hỏi
Những người đang tụ tập quây quần:
4. 'Dàn hỏa táng ai chết thế này?
Các vòng hoa tỏa ngát hương bay,
Vợ ai đang khóc chồng nàng vậy?
Người ấy là ai quá vãng đây?
Dù chẳng thấy đâu người đã khuất,
Nàng gào: 'Brah-ma-dat thương thay!'
5. Những người đang ở đó thưa liền:
'Hoàng hậu là đây, chính vợ hiền;
Cầu phúc phần ngài, thưa Thánh giả,
Cầu vua Brah-ma-dat thăng Thiên'.
6. Ðây là dàn hỏa táng thi hài
Tỏa ngát hương bay khắp mọi nơi.
Hoàng hậu là đây đang khóc lóc
Tiên vương vừa khuất bóng trên đời,
Dù không còn thấy ngài đâu nữa,
Bà khóc: 'Brah-ma-dat hỡi ôi!'
Vị khổ hạnh liền bảo hoàng hậu Ubbarì:
7. 'Tám vạn sáu ngàn người bấy lâu
Tên Brah-ma-dat cũng như nhau,
Ðược thiêu trong nghĩa trang này vậy;
Vì kẻ nào nàng phải khổ đau?'
Ubbarì:
8. Tôn giả, con thương tiếc chúa công
Cù-la-ni đế, chính con dòng,
Làm vua bộ tộc Pan-ca ấy,
Người đã ban con mọi ước mong.
Vị khổ hạnh:
9. Tất cả những ai được gọi là
Brah-ma-dat cũng đã làm vua,
Ðều là con của Cù-la đế,
Chúa tể của dòng Pan-ca-la.
10. Sanh tử dòng kia cứ chuyển vần,
Nàng làm hoàng hậu đã bao lần,
Sao nàng quên lãng bao chồng cũ,
Và chỉ tiếc thương vị cuối cùng?
Ubbarì:
11. Chính vì con có phận hồng nhan,
Tôn giả, từ xưa, vậy phải chăng
Mọi việc theo dòng đời tiếp diễn,
Mà ngài cất tiếng để khuyên răn?
Vị khổ hạnh:
12. Nàng đã từng làm một nữ nhân,
Nam nhi, thú vật, biết bao lần,
Ðiều này chẳng thấy đâu biên giới
Với việc tái sanh ở cõi trần.
Ubbarì:
13. Lòng con quả thật nóng bừng
Như là sữa lạc đổ trong lửa đào,
Ngài vừa tưới nước lạnh vào
Giờ đây con dứt biết bao khổ sầu.
14. Chính ngài nhổ mũi tên đau
Nỗi ưu phiền đã cắm sâu vào lòng.
Xua tan mọi nỗi thương tâm
Sầu tư nặng trĩu, khóc thầm quân vương.
15. Giờ đây trút bỏ đau buồn,
Lòng con lắng dịu, trí thường bình an,
Con không còn phải khóc than
Sau khi nghe những lời vàng ngài răn.
Ðể phát họa sự chứng đắc của Ubbarì, bậc Ðạo Sư ngâm bốn vần kệ:
16. Khi nàng nghe được các lời ca
Ðáng cảm phục từ bậc xuất gia,
Nàng đắp chiếc y, cầm lấy bát,
Ra đi theo cuộc sống không nhà.
17. Khi giã từ nhà, cất bước lên
Ði vào cuộc sống giữa thiên nhiên,
Nàng liền tu tập tâm từ ái,
Ðể được tái sanh cõi Phạm thiên.
18. Nàng đã viễn du mọi xóm làng,
Kinh thành, thị trấn, các hoàng cung,
Ưu-lâu-tần ấy là tên gọi
Thôn xóm nàng thân hoại mạng chung.
19. Khi nàng đã phát triển từ tâm
Ðể được tái sanh ở Phạm cung,
Nàng đã đoạn trừ tâm nữ giới,
Trở thành một vị Phạm thiên thần.
1. (26) Chuyện Không Chìm Trong Nước (Abhijjamàna)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm)
Về phía Tây Benares (Ba-la-nại) bên kia sông Hằng, khi ta đi qua thị trấn Vàsabha, trong thôn làng tên gọi Cundatthilà có một người thợ săn.
Y giết hươu nai trong rừng, nấu loại thịt ngon nhất trên than hồng và khi ăn xong, y buộc những thứ còn lại trong cái thúng bằng lá, mang trên đòn gánh đi vào làng.
Khi đám trẻ con thấy y ở cổng thị trấn, chúng chìa tay ra, chạy tới xin:
- Cho tôi miếng thịt! Cho tôi miếng thịt!
Vì thế y cho mỗi đứa trẻ một miếng thịt nhỏ. Một hôm y chỉ mang hoa và cho mỗi đứa một chùm. Khi từ trần, y tái sanh làm ngạ quỷ. Vừa đói vừa khát, y bước đi trên sông Hằng mà không bị chìm, mong tìm về quê làng cùng bà con thân thuộc.
Vị đại thần của vua Bimbisàra (Tần-bà-sa) sau khi đi dẹp quân phiến loạn xong, trở về bằng thuyền xuống dòng sông, trông thấy ngạ quỷ kia đang đi xuôi dòng, bèn hỏi:
1. Ngươi chẳng bị chìm xuống nước sông,
Ngươi đi trên mặt nước sông Hằng,
Thân mình trần trụi, và tuy thế,
Người đội vòng hoa khéo điểm trang,
Như thể thoát ly thân phận quỷ,
Ngươi đi đâu đó, ở đâu chăng?
Bấy giờ những chuyện do ngạ quỷ và đại thần Kiliya nói được các vị kết tập Kinh điển kể lại qua các vần kệ sau:
2. Ngạ quỷ đáp lời: 'Tôi sẽ đi
Về thôn làng cũ Cun-dat-thi,
Giữa nơi đây với Và-sa phố,
Kế cận Ba-la-nại sá gì!
3. Khi ấy, đại thần nổi tiếng kia,
Người mang danh hiệu Ko-li-ya,
Ðem cho ngạ quỷ phần cơm chín,
Một bộ áo và bánh mạch nha.
4. Ngừng chiếc thuyền kia, vị đại thần
Bảo tìm người hớt tóc cúng dâng,
Khi người hớt tóc dùng đồ cúng,
Ngạ quỷ hưởng ngay quả phước ân.
5. Tức thì quỷ phục sức cao sang
Mang đủ vòng hoa khéo điểm trang,
Ngạ quỷ đứng nơi kia hưởng thọ
Lễ dâng cúng tạo phước ân tràn,
Vì duyên cớ ấy ta nên cúng
Cho ngạ quỷ vì biết xót thương.
Như vậy vị đại thần Koliya cảm thấy xót thương ngạ quỷ ấy và làm lễ bố thí cho nó theo cách được nói trên. Vị ấy tiếp tục xuôi dòng và đến Ba-la-nại lúc rạng đông.
Ðức Thế Tôn du hành qua không gian để đón mừng hội chúng và đứng trên bờ.
Ðại thần Koliya vô cùng hoan hỷ, thỉnh cầu đức Thế Tôn thọ trai tại nhà vị ấy. Ðức Thế Tôn im lặng nhận lời.
Với tâm thanh thản, đại thần Koliya cúng dường thực phẩm lên đức Phật và chúng Tăng. Sau đó, khi một đám đông dân chúng tụ họp lại, đức Thế Tôn vì lòng lân mẫn chúng sanh đã làm phép mầu khiến cho một số ngạ quỷ xuất hiện trước quần chúng và kể chuyện chúng đã đọa lạc như vậy bằng cách nào.
Chư vị kết tập Kinh điển diễn tả như sau:
6. Một bọn mang đầy giẻ rách bung,
Bọn kia lấy tóc để che thân,
Cả bầy ngạ quỷ tìm lương thực,
Lang bạt đi quanh quẩn khắp vùng.
7. Ra đi tìm kiếm xứ xa xôi,
Song chẳng nhận đâu được miếng mồi,
Ðói khát trở về nằm bất tỉnh,
Ngã nhào xuống đất trốn đi thôi.
8. Một bọn ngã nằm xuống đất dơ,
Chúng không làm thiện nghiệp ngày xưa,
Chúng trông như thể đang thiêu đốt
Vì lửa hạ và cất tiếng thưa:
9-10. 'Xưa là ác phụ mẫu trong nhà,
Chẳng tạo nơi an trú chúng ta
Qua các việc thi ân bố đức,
Dù nhiều thực phẩm được quăng xa,
Chúng ta đã chẳng đem phân phát
Cho những đoàn du sĩ xuất gia.
11. Trong lúc muốn làm việc ác gian,
Biếng lười, bướng bỉnh, lại tham ăn,
Chúng ta cho chút phần thừa thải
Và phỉ báng người được phát ban.
12. Nô tỳ và sản nghiệp toàn gia,
Ngay cả đồ trang sức ngọc ngà,
Giờ đây phục vụ bao người khác,
Ðau buồn giành lại số phần ta.
13. Những người đan giỏ đáng chê bai,
Những kẻ đóng xe bị đọa đày,
Những bọn tắm thuê cho kẻ khác,
Chiên-đàn hạ đẳng, đám ăn mày.
14-15. Trong nhà hạ liệt, bọn cùng đinh
Như vậy, bọn này được tái sanh,
Ấy phận dành cho người biển lận;
Còn người xưa tạo nghiệp an lành,
Là người bố thí, tay hào phóng,
Chiếu sáng vườn Thiên lạc hiển vinh.
16. Hưởng thọ bao hoan lạc cõi trời,
Họ làm chúa tể các lâu đài,
Từ đây họ tái sanh cao quý,
Giữa các phú gia ở cõi người.
17. Trong nhà nóc nhọn có nhiều tầng,
Ngay cả hoàng cung, với tọa sàng
Bao phủ chăn màn lông thú quý,
Những người đã nhiếp phục điều thân,
Tái sanh vào các nhà lương thiện,
Ðầy đủ tiện nghi giữa thế nhân,
Tay của mỗi người cầm chiếc quạt
Ðược làm bằng các sợi lông công.
18. Bất cứ nơi nào họ bước ra,
Họ đều điểm ngọc với cài hoa;
Gia nhân hộ tống ngay bên cạnh,
Tìm đủ thú vui sáng tối mà.
19. Nan-da-ra, Hỷ lạc Viên này
Không phải để dành cho những ai
Chẳng tạo tác nên nhiều phước nghiệp,
Mà dành riêng biệt để cho người
Ðã hoàn thành được nhiều công đức,
Là Ðại Lâm Viên của cõi trời
Tam thập tam thiên đầy lạc thú,
Không vì phiền não, mãi vui tươi.
20. Chẳng đời này hoặc cõi đời sau
Hạnh phúc dành cho những kẻ nào
Không tạo tác nên nhiều phước nghiệp,
Song đời này lẫn cõi đời sau
Ðể dành hạnh phúc cho bao kẻ
Làm các thiện hành phước nghiệp cao.
21. Vậy những ai mong chúng bạn hiền,
Phải hoàn thành thiện nghiệp tinh chuyên,
Bởi vì người tạo nhiều công đức
Hưởng lạc thú nhiều ở cõi thiên.
2. (27) Chuyện Ngạ Quỷ Núi Sànuvàsin (Sànuvàsinpeta)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm).
Ngày xưa ở thành Ba-la-nại, vương tử của vua Kitava, trong lúc dạo chơi từ vườn ngự uyển về, thấy một vị Ðộc Giác Phật tên là Sunetta đang đi khất thực, bèn buông lời thô lỗ phỉ báng Ngài. Ngay khi vương tử tiến bước lên thì cảm thấy cơ thể nóng bừng như thiêu đốt trong lửa địa ngục.
Vì bệnh này vị ấy từ trần và tái sanh vào địa ngục Avìci (A-tỳ hay Vô gián). Sau đó vị ấy mạng chung và tái sanh làm ngạ quỷ và kế tiếp trong thời kỳ có đức Thế Tôn Gotama xuất hiện, vị ấy tái sanh vào một làng chài lưới gần thị trấn Kundi.
Vì nhớ lại các kiếp trước, vị ấy không đi đánh cá cùng các người khác và thường quăng cá trở ra biển khi họ mang về. Quyến thuộc trong gia đình đuổi vị ấy ra khỏi nhà, nhưng một người em trai vẫn thương mến vị ấy.
Rồi Trưởng lão Ananda khuyến giáo vị ấy xuất gia làm Tỷ-kheo; về sau đắc quả A-la-hán, vị ấy cư trú cùng nhóm mười hai Tỷ-kheo trên núi Sànuvàsin.
Còn quyến thuộc vị ấy tái sanh làm ngạ quỷ. Bấy giờ cha mẹ vị ấy hổ thẹn vì suy nghĩ: 'Kiếp trước ta đã đuổi con ra khỏi nhà', nên không đến gần vị ấy, nhưng bảo người em trai xưa kia thương yêu vị ấy ra đi.
Khi quỷ nhân này đã vào làng của vị Trưởng lão đang đi khất thực, nó quỳ xuống đất với đầu gối bên phải, xuất hiện nguyên hình với dáng điệu đảnh lễ tôn kính và ngâm vần kệ:
- Kính thưa Tôn giả, mẹ và cha....
Song năm vần kệ đầu do chư vị kết tập Kinh điển đưa vào đây để làm sáng tỏ vấn đề này:
1. Có vì Trưởng lão ở Kun-di,
Trú tại núi Sà-nu-và-si,
Ðiều phục các căn, người khổ hạnh,
Pot-tha-pà ấy chính danh kia.
2. Em trai, cùng với mẹ và cha,
Khốn khổ thần dân cõi Dạ-ma,
Vì tạo ác hành trong kiếp trước,
Từ đời này đã hóa ra ma.
3. Ở nơi đọa xứ, ốm trơ xương
Như chiếc kim, lao nhọc, ở truồng,
Hốc hác, lo âu, đầy sợ hãi,
Chúng không còn có vẻ hung tàn.
4. Có chú em kia vội bước chân,
Cô thân trên nẻo vắng, mình trần,
Quỳ tay chân xuống như thùng nước
Trước Trưởng lão này, quỷ hiện thân.
5. Bấy giờ Trưởng lão chẳng quan tâm,
Lặng lẽ người đi, cất bước chân,
Song ngạ quỷ liền cho Trưởng lão
Biết ngay sự việc, vội thưa rằng:
'Tôi là em của ngài tiền kiếp,
Ðã đọa vào loài quỷ đói ăn.
6. Kính thưa Tôn giả, mẹ cùng cha
Khốn khổ, thần dân cõi Dạ-ma.
Vì tạo ác hành trong kiếp trước,
Từ đời này đã hóa ra ma.
7. Ở nơi đọa xứ ốm trơ xương
Như chiếc kim, lao nhọc, ở truồng,
Hốc hác, lo âu, đầy sợ hãi,
Chúng không còn có vẻ hung tàn.
8. Xin hãy từ bi, hãy xót thương,
Cúng dường hồi hướng đến vong nhân.
Phước phần nhờ lễ ngài dâng cúng
Những kẻ hung tàn được miếng ăn'.
9. Khi Trưởng lão này với chúng Tăng
Mười hai vị khất thực quanh vùng,
Thế rồi tụ tập cùng nơi chốn,
Mục đích là chiêu đãi bữa ăn.
10. Tỷ-kheo bèn nói với chư Tăng:
'Xin hãy cho tôi tất cả phần
Ðã nhận, để tôi dâng Giáo hội,
Vì thương xót quyến thuộc thân nhân'.
11. Chúng Tăng giao thực phẩm cho người,
Trưởng lão dâng trai phạn thỉnh mời,
Trong lúc cúng dường phần thực phẩm,
Người đem công đức hướng về nơi
Song thân, tiểu đệ và cầu nguyện:
'Mong quyến thuộc nay hưởng phước trời'.
12. Lập tức sau khi chuyển phước phần,
Cao lương liền xuất hiện dần dần
Ngon lành, thịnh soạn, đầy hương vị,
Sau đó chú em của Thánh Tăng
Ðã trở thành chàng trai tuấn tú,
Tráng cường, hạnh phúc, lại thưa rằng:
13. 'Tôn giả, xin thưa, các thức ăn
Giờ đây phong phú, hãy nhìn trông,
Chúng tôi trần trụi, xin cầu nguyện
Mong ước sao cho đủ áo quần'.
14. Khi giẻ rách người đã lượm xong
Từ trong đống rác ở bên đường,
Người may giẻ rách thành y phục
Dâng cúng Tỷ-kheo khắp bốn phương.
15. Trong lúc người làm lễ cúng dâng,
Tỷ-kheo hồi hướng đến thân nhân
Phước phần lễ vật này mang đến
Cha mẹ, chú em, ước nguyện rằng:
'Mong lễ vật này cho quyến thuộc
Họ hàng được hưởng trọn hồng ân'.
16. Lập tức sau khi chuyển phước phần,
Xiêm y liền xuất hiện dần dần;
Thế rồi phục sức xiêm y đẹp,
Chàng hiện nguyên hình trước Thánh Tăng:
17. 'Xin thưa, ở quốc độ Nan-da,
Các thứ mền chăn quả thực là
Phong phú, song còn hơn thế nữa,
Áo quần, màn phủ ở quanh ta.
18. Chúng làm bằng lụa hoặc bằng lông,
Bằng vải dày hay các sợi bông,
Chúng thật dồi dào và quý báu,
Ðang treo lơ lửng giữa hư không.
19. Y phục chúng tôi nay cứ mang
Thứ gì yêu quý tận tâm can,
Kính thưa Tôn giả, xin cầu nguyện
Cho chúng tôi nhà để trú an'.
20. Trưởng lão liền xây một thảo am
Cúng dường lên cả tứ phương Tăng,
Ngay khi dâng lễ, người cầu nguyện
Công đức chuyển cho cả họ hàng.
21. Lập tức sau khi chuyển phước phần,
Cửa nhà liền xuất hiện dần dần,
Có nhiều tòa lớn xây lầu các,
Thiết kế đầy cân xứng mọi tầng.
Ngạ quỷ thưa:
22. 'Nhân giới không sao có loại nhà
Cao sang tốt đẹp giống như ta,
Những lâu đài thấy trên thiên giới
Cũng giống nhà ta có đấy mà!
23. Rực rỡ huy hoàng khắp mọi nơi
Lâu đài chiếu sáng bốn phương trời;
Giờ đây, Tôn giả, xin cầu nguyện
Cho chúng tôi đầy nước uống thôi'.
24. Trí giả đổ đầy thùng nước trong,
Rồi đem dâng cúng tứ phương Tăng,
Ngay khi làm lễ, người cầu nguyện
Công đức chuyển cho các họ hàng.
25. Lập tức sau khi chuyển phước phần,
Nước trong liền xuất hiện dần dần,
Có bốn hồ sen sâu thăm thẳm
Xây dựng đầy cân xứng tuyệt trần.
26. Nước hồ trong vắt đến bên bờ
Mát lạnh mùi hương nhẹ thoảng đưa,
Bao phủ toàn sen xanh, đỏ thắm,
Tràn đầy hoa súng với cành tơ.
27. Sau khi tắm rửa, uống vừa xong,
Chúng lại hiện lên trước Thánh Tăng:
'Tôn giả, chúng tôi nhiều nước lắm,
Song chân cẳng lại bị đau rần.
28. Trong lúc quẩn quanh ở mọi nơi,
Ngã nhào trên sỏi đá, cây gai,
Kính thưa Tôn giả, xin cầu nguyện
Cho được chiếc xe chở chúng tôi'.
29. Trưởng lão cầm lên một chiếc hài
Cúng dâng Giáo hội bốn phương trời,
Trong khi làm lễ người cầu nguyện
'Mong quyến thuộc nay được thảnh thơi'.
30. Lập tức sau khi chuyển phước lành,
Cả bầy ngạ quỷ hiện nguyên hình
Trên xe tiến đến đồng thanh nói:
'Tôn giả từ bi với chúng sanh.
31. Nhận được xiêm y thực phẩm rồi
Ngôi nhà, nước uống, chiếc xe ngồi,
Tôn giả, chúng tôi xin kính lễ
Bậc Thánh từ bi giữa cõi đời'.
Vị Trưởng lão kể sự kiện trên với đức Thế Tôn, Ngài lấy chuyện làm đề tài thuyết pháp.
3. (28) Chuyện Nữ Quỷ Hồ Ràthakàrà (Rathakàràpeti)
Trong lúc đang trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), bậc Ðạo Sư kể chuyện này liên hệ đến một nữ quỷ thần.
Thuở xưa vào thời đức Thế Tôn Kassapa, có một nữ nhân kia thực hành nhiều công đức thiện sự và cúng dường Tăng chúng một tinh xá tốt đẹp, rồi từ trần, và do một ác nghiệp khác, nàng tái sanh làm nữ quỷ thần trong một lâu đài ở vùng Tuyết Sơn, chúa tể của núi non, gần hồ Ratthakàra.
Nhờ các công đức thiện sự, nơi đó hiện ra cho nàng một lâu đài tuyệt mỹ làm toàn bằng ngọc báu, khắp nơi đều đầy lạc thú hấp dẫn, lại có một hồ sen, giống như vườn thiên giới Nandana (Hoan lạc Viên).
Toàn thân nàng có màu vàng ròng, yêu kiều diễm lệ, được khéo điểm trang rất khả ái. Nàng cư trú tại lâu đài ấy không có nam nhân nào cả. Tuy thế, trong lòng nàng lại khởi lên ước vọng bầu bạn với nam nhân.
Thế rồi nàng thả vài quả xoài xuống dòng sông, suy nghĩ: 'Ðây là một mưu kế'. Tất cả đều được hiểu như trong chuyện Hồ Kannamunda (Chuyện 12, phẩm II).
Trong trường hợp này, có một thanh niên sống ở Ba-la-nại thấy trên sông Hằng một quả xoài và muốn biết nguồn gốc của nó. Vì vậy, đi theo dòng chàng tìm kiếm được đối tượng của mình ở tận nơi cư trú của nàng.
Nàng hân hoan đón tiếp chàng vào nhà nàng và khi chàng đã nhìn thấy mọi vẻ nguy nga lộng lẫy của nó, chàng ngâm kệ hỏi nàng:
1. Nàng đi lên đến một lâu đài
Có cột trụ xanh biếc sáng ngời
Kiểu cách muôn màu, phong phú quá,
Ở đây tiên nữ thật hùng oai,
Trông nàng chẳng khác vầng trăng sáng
Vằng vặc tròn quay ở giữa trời.
2. Da nàng quả thật giống vàng ròng,
Hình dáng huy hoàng đẹp mắt trông,
An tọa trên ngai cao tột đỉnh,
Cô đơn vì thiếu bóng lang quân.
3. Chung quanh nàng có đủ hồ sen,
Nhiều loại hoa sen trắng mọc chen,
Cát phủ đáy hồ, quanh bến nước
Bằng vàng, chẳng thấy lấm bùn đen.
4. Thiên nga xinh đẹp thỏa lòng mơ,
Bơi lội chung quanh mặt nước hồ;
Khi tụ họp, kêu ầm ỷ quá,
Vui tai như tiếng trống rung to.
5. Huy hoàng rực rỡ bóng thuyền quyên,
Nàng dựa mình trên một chiếc thuyền,
Mí mắt vòng cung đang tỏa sáng,
Giọng cười, tiếng nói thật êm đềm,
Tứ chi nàng thập phần thanh lịch,
Nàng rạng ngời trong vẻ diệu huyền.
6. Lầu các nàng không chút bụi trần,
Có vườn tiên lạc thú vô ngần,
Hiện thân hạnh phúc gia tăng mãi,
Ðang đứng ở trên khoảng đất bằng,
Tiên nữ có dung nhan tối thắng,
Ta mong hưởng lạc thú cùng nàng.
Nàng ngâm kệ đáp lời:
7. Làm nghiệp nào mang quả đến đây,
Trí chàng hãy hướng đến nơi này,
Hoàn thành những nghiệp nào sanh quả
Có thể nhận ra ở chốn này.
Nhờ cách ấy, sau chàng sẽ được
Thiếp là tiên nữ thích vui vầy.
Khi chàng trai nghe xong lời của nàng quỷ thần, chàng trở về cõi người. Tại đó chàng quyết tâm quán tưởng đến nơi kia và do kết quả ấy, chàng thực hành nhiều thiện nghiệp. Chẳng bao lâu chàng từ trần và tái sanh tại nơi ấy gần bên nàng.
Các vị kết tập Kinh điển ghi vần kệ cuối cùng kể lại chuyện chàng cộng trú cùng nàng:
8. 'Mong vậy!' Chàng trai vội đáp lời,
Rồi chàng tạo các nghiệp trên đời
Phát sinh kết quả về nơi nọ,
Khi đã làm xong phước nghiệp rồi,
Chàng được tái sanh vào chốn ấy
Cùng nàng bầu bạn cảnh bồng lai.
4. (29) Chuyện Rơm Trấu (Bhusa)
Trong lúc đang trú tại Sàvatthi (Xá-vệ), bậc Ðạo Sư kể chuyện này liên hệ đến bốn ngạ quỷ.
Trong một ngôi làng nọ không xa Sàvatthi, một gian thương kiếm kế sinh nhai bằng cách đong lường dối trá và các phương pháp bất lương khác như pha trộn tạp chất vào lúa gạo. Vợ, con trai, con dâu kẻ ấy cũng gian ác như các vần kệ kể lại.
Khi tái sanh làm ngạ quỷ ở rừng Vindhya, nỗi thống khổ của chúng đều được nói ra đây.
Bấy giờ Tôn giả Mahà-Moggallàna đang đi du hành qua vùng núi đồi, một hôm đến tận nơi ấy, thấy chúng, liền hỏi chúng đã tạo các ác nghiệp nào:
1. Tên này ăn trấu, nọ ăn rơm,
Trong lúc ngươi ăn phẩn đáng nhờm,
Còn nữ quỷ này ăn thịt nó,
Quả gì nghiệp ấy thật kinh hồn?
Ðể đáp lời Trưởng lão, vợ kẻ gian thương giải thích các hạnh nghiệp do chúng đã tạo nên:
2. Tên này đánh mẹ thuở xưa xa,
Tên nọ bán buôn chẳng thật thà,
Còn nữ quỷ này ăn thịt nó,
Ðánh lừa với vọng ngữ gian tà.
3. Khi được làm người giữa chúng sanh,
Tôi là người vợ, chủ gia đình,
Ðem tài sản giấu người chân chánh,
Cũng chẳng hề cho chút để dành.
Tôi đã giấu che bao của cải,
Còn buông lời dối trá gian manh:
'Nếu tôi cất giấu gì trong đó,
Thì phẩn là lương thực của mình'.
4. Do kết quả từ việc trước đây,
Cùng lời dối trá của tôi vầy,
Bữa cơm tôi có mùi ngon ngọt
Ðã hóa thành phân thối thế này.
5. Hành nghiệp nào đều có quả mang,
Vì hành nghiệp chẳng tự tiêu tan,
Nên tôi ăn uống phân dơ bẩn
Giòi bọ hôi tanh thật đáng nhàm.
Khi đã nghe xong lời của nữ ngạ quỷ, Trưởng lão liền kể lại chuyện lên đức Thế Tôn, Ngài lấy đó làm đề tài thuyết pháp.
5. (30) Chuyện Chàng Trai (Kumàra)
Tại Sàvatthi (Xá-vệ), nhiều đệ tử tại gia trở thành hội chúng nghe pháp, xây dựng trong thành phố này một ngôi đình lớn rồi cúng dường thực phẩm lên bậc Ðạo Sư và Tăng chúng.
Một người phản đối những gì đem dâng cúng các 'Sa-môn trọc đầu'. Mẹ y xin sám hối với đức Thế Tôn và cúng dường cháo gạo suốt một tuần. Con trai bà từ trần chẳng bao lâu sau đó và tái sanh làm con một kỹ nữ sang trọng.
Khi nàng biết đó là một nam nhi, nàng cho người đem nó quăng ra nghĩa địa. Tại đó hài nhi được công năng thiện nghiệp của chính nó bảo vệ nên không bị ai phá hại, cứ nằm ngủ ngon lành như trong lòng mẹ.
Chuyện kể rằng chư thần linh đã chăm sóc nó. Thế rồi khi đức Thế Tôn với lòng đại bi, thức dậy từ sáng sớm, dùng Phật nhãn quán sát thế gian, Ngài thấy bé trai này và đi đến nghĩa địa.
Nhiều người tụ tập lại, bảo nhau:
- Bậc Ðạo Sư đã đến đây chắc phải vì một duyên cớ nào đó ở chốn này.
Rồi họ thưa Ngài:
- Bạch Thế Tôn, đứa bé này đã làm nghiệp gì trong đời trước?
Ðức Phật liền kể chuyện cho họ nghe.
Sau đó một đại phú gia nhận nuôi đứa bé và nói:
- Trước sự hiện diện của chính đức Thế Tôn, con xin nhận đứa trẻ này làm con.
Ðức Thế Tôn trở về tinh xá với lời sau:
- Ðứa bé này đã được phú gia kia bảo hộ và sẽ làm lợi ích cho nhiều người.
Sau khi người ấy từ trần, chàng trai thừa hưởng gia tài và thích thú các việc bố thí cùng nhiều thiện sự khác.
Chư vị kết tập Kinh điển nên vấn đề này qua sáu vần kệ sau:
1. Kỳ diệu thay tri kiến Phật-đà,
Cách Ngài tiên đoán nghiệp người ta,
Bao người đã tạo nên công lớn,
Lắm kẻ ít gây thiện nghiệp mà.
2. Cậu bé bị quăng bỏ nghĩa trang,
Bú tay, sống sót cả đêm trường,
Không thần hay rắn làm thương tổn,
Vì phước nghiệp từ kiếp trước mang.
Bầy chó liếm đôi chân cậu bé,
Quạ diều, sơn cẩu chỉ đi ngang.
3. Ðàn chim đã tẩy sạch đồ dơ,
Bầy quạ lau đôi mắt trẻ thơ,
Chẳng có người chăm lo bảo hộ,
Cũng không hương cải, thuốc đem cho.
4. Chúng chẳng biết đâu đến mặt trăng
Kết giao với nguyệt điện, cung Hằng,
Cũng không rải hạt cầu may mắn
Cho trẻ đọa trong cảnh khốn cùng,
Ðã bị mang đi đêm tối nọ,
Quăng vào nghĩa địa ở trong rừng.
5. Hài nhi ấy được cả chư thần
Ðảnh lễ, cùng bên các thế nhân
Thấy trẻ cựa mình như một đống
Sanh tô, trong cảnh ngộ nguy nan,
Chỉ còn sức sống thêm đôi chút
Khi Ðại Trí Nhân thấy, bảo rằng:
'Ðứa trẻ này nhờ tài sản lớn
Sẽ thành đại phú hộ trong vùng'.
Các đệ tử tại gia hỏi:
6. Hạnh nguyện nào đây của trẻ thơ?
Tu hành gì cuộc sống bây giờ?
Vì sao thiện nghiệp này sanh quả,
Khi họa như vầy đã xảy ra
Cho trẻ, rồi ngày sau hưởng thọ
Uy quyền đầy phú quý vinh hoa?
Bấy giờ cách đức Thế Tôn tuyên thuyết khi nghe các đệ tử tại gia hỏi, được các vị kết tập Kinh điển trình bày như sau:
7. Những người kia đã cúng Tăng-già,
Với thượng thủ là đức Phật-đà,
Dịp ấy, trẻ không đồng ý kiến
Buông lời thô lỗ, chẳng ôn hòa.
8. Từ khi xua đuổi ý như trên,
Hỷ lạc về sau, trí thản nhiên,
Dâng cúng suốt tuần phần cháo gạo
Ðức Như Lai trú tại Kỳ Viên.
9. Ấy nguyện đời xưa của trẻ thơ,
Còn đời tu tập chính bây giờ,
Thiện hành kia đã mang thành quả,
Khi họa như vầy đã xảy ra
Cho trẻ, rồi về sau hưởng thọ
Uy quyền đầy phú quý vinh hoa.
10. Chàng sống đời trường thọ bách niên,
Hưởng bao niềm lạc thú vô biên,
Ðến khi hủy hoại thân phàm tục,
Ðược tái sanh đồng trú cõi thiên.
6 (31) Chuyện Ngạ Quỷ Serinì (Serinì)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).
Tương truyền ở quốc độ Kuru (Câu-lâu) tại thành phố Hatthinipura có một gái giang hồ tên là Serinì. Khi dân trong thành chào đón chư Tăng đến thuyết pháp, họ thúc giục nàng:
- Nàng hãy đến cúng dường chư Tăng để tạ ân.
Nàng từ chối đáp:
- Sao tôi lại phải cúng dường lễ vật cho các Sa-môn trọc đầu này chứ? Sao tôi lại phải từ bỏ một thứ gì đó vì con người vô dụng ấy?
Khi từ trần, nàng tái sanh làm một nữ ngạ quỷ ở sau hào lũy của một tường thành nơi biên địa. Thế rồi một cư sĩ tại gia từ thành Hatthinipura đến vùng thành lũy này để buôn bán, vào lúc rạng đông đi ngang hào lũy để điều hành công việc, trông thấy nữ ngạ quỷ liền hỏi, qua vần kệ:
1. Trần truồng và xấu xí hình dung,
Hốc hác, và thân thể nổi gân
Người ốm yếu, xương sườn lộ rõ,
Ngươi là ai hiện đến đây chăng?
Nữ ngạ quỷ đáp:
2. Tôn giả, con là ngạ quỷ nương,
Thần dân khốn khổ của Diêm Vương,
Vì con đã phạm hành vi ác,
Con đến cõi ma đói ẩn thân.
Vị cư sĩ ngâm kệ hỏi:
3. Ngày xưa đã phạm ác hành gì
Do khẩu, ý, thân đã thực thi?
Vì hạnh nghiệp nào ngươi đã tạo
Từ đây tới cảnh giới âm ty?
Nữ ngạ quỷ đáp lại vần kệ:
4. Con đã đi quanh bến tắm công,
Lang thang suốt cả nửa tuần trăng.
Mặc dù bố thí là công đức,
Con chẳng cho mình chỗ trú thân.
5. Khi con khát nước, đến dòng sông,
Sông nước trở thành bãi trống không;
Những lúc nắng, con ngồi bóng mát,
Tàng cây lại hóa nóng bừng bừng.
6. Cơn gió như thiêu đốt, lửa hồng,
Thổi ào lên khắp cả thân con,
Nhưng con xứng đáng nhiều đau khổ
Hơn thế này, Tôn giả đoái thương.
7. Xin Tôn giả đến Hat-pu-ra,
Và kể chuyện ngay với mẹ già:
'Ta đã thấy con bà thuở trước,
Thần dân khốn khổ cõi Diêm-la.
Vì nàng đã phạm hành vi ác,
Từ cõi đời đi đến cõi ma'.
8. Giờ đây con có món tư trang
Ðể dành lên đến bốn trăm ngàn,
Con không hề nói cho ai biết,
Con đã giấu ngay dưới tọa sàng.
9. Xin mẹ con dâng lễ cúng dường,
Phước phần hồi hướng đến tên con,
Chúc bà được sống đời trường thọ;
Khi mẹ con dâng lễ cúng dường,
Hồi hướng về con phần phước đức,
Thỏa nguyền, con hạnh phúc hân hoan'.
Trong lúc nữ ngạ quỷ kể chuyện này, vị ấy chú ý lắng nghe lời nói, và về sau, khi đã làm xong công việc, vị ấy đến kể chuyện kia cho bà mẹ nó.
Các vị kết tập Kinh điển ghi lại các vần kệ sau:
10. Người ấy thuận lòng, vội nói ra:
'Ðược rồi!' và đến Hat-pu-ra,
Nói: 'Ta đã thấy con bà đó,
Khốn khổ, thần dân cõi Dạ-ma.
Vì đã tạo nên điều ác nghiệp
Từ đời này đến cõi tà ma'.
11. Dịp kia, nàng đã bảo cùng ta:
'Xin kể chuyện ngay với mẹ già:
Ta đã thấy con bà thuở trước
Thần dân khốn khổ cõi Diêm-la.
Vì nàng đã phạm hành vi ác,
Từ cõi đời đi đến cõi ma'.
12. Giờ đây nàng có món tư trang
Ðể dành lên đến bốn trăm ngàn,
Nàng không hề nói cho ai biết
Nàng đã giấu ngay dưới tọa sàng.
13. Xin mẹ nàng dâng lễ cúng dường,
Phước phần hồi hướng đến cho nàng,
Chúc bà được sống đời trường thọ;
Khi mẹ nàng dâng lễ cúng dường,
Hồi hướng về nàng phần phước đức,
Thỏa nguyền, nàng hạnh phúc hân hoan'.
14. Do vậy, bà dâng lễ cúng dường
Phước phần hồi hướng đến tên nàng,
Tức thì nữ quỷ liền an lạc,
Hạnh phúc, dung nhan đẹp lạ thường!
Khi mẹ nàng nghe chuyện này, bà liền cúng dường Tăng chúng như nàng ước nguyện và hồi hướng công đức về nàng.
7. (32) Chuyện Người Săn Nai (Migaludda)
Ðức Thế Tôn kể chuyện này trong lúc đang trú tại Trúc Lâm.
Ở thành Ràjagaha (Vương Xá) có người thợ săn kia sống bằng cách săn bắn và giết hươu nai suốt ngày đêm. Tuy nhiên, y lại có một bạn thân là cư sĩ tại gia thường khuyên răn y, nhưng y chỉ nghe theo một phần. Do đó, y tái sanh làm quỷ thần ở trong lâu đài.
Tôn giả Trưởng lão Narada thấy quỷ và ngâm kệ hỏi:
1. Chàng nay là một đấng nam nhi,
Hầu cận đủ nô bộc, nữ tỳ,
Ðêm tối, sáng ngời bao dục lạc,
Ban ngày phải chịu lắm sầu bi,
Như vầy do ở trong tiền kiếp
Chàng đã tạo nên các nghiệp gì?
Quỷ này giải thích các nghiệp đã làm:
2. Trong thành Vương Xá, nước non xinh,
Xưa tại Ða Sơn, cảnh hữu tình,
Tôi kẻ săn nai, lòng độc ác
Với bàn tay vấy máu vì mình.
3. Giữa loài vô hại ở trong rừng
Tôi quẩn quanh với trí bạo hung,
Luôn thấy lạc hoan khi giết hại
Những con vật ấy, thật buông lung.
4. Mặc dù tôi bản tính như vầy,
Tôi có bạn thân thiết lắm thay,
Cư sĩ tại gia lòng mộ đạo
Tín thành, lân mẫn với tôi đây,
Cản ngăn tôi, đã nhiều lần nói:
'Ðừng tạo hành vi ác thế này'.
5. 'Bạn hỡi, đừng nên tạo ác hành,
Sợ rằng sẽ gặp cảnh không lành,
Nếu mong hạnh phúc khi thân hoại,
Ðừng thích thú vì việc sát sanh'.
6. Mặc dù nghe lý lẽ khuyên can
Của chính người đây, một bạn vàng
Thương xót, mong tôi nhiều hạnh phúc,
Tôi không tuân Giáo pháp hoàn toàn,
Vì từ lâu đã tìm vui thú
Việc ác, nên không có trí quang.
7. Lần nữa, chính là bậc trí nhân
Xót thương, dạy bảo phải điều thân:
'Ban ngày nếu sát sanh', chàng dặn,
Ðêm tối, phải điều phục phát tâm!'.
8. Vì vậy ban ngày tôi sát sanh,
Về đêm, tôi chế ngự thân mình,
Giờ đây, dạo bước trong đêm tối,
Nhưng sáng ngày tôi chịu khổ hình.
9. Nhờ thiện hành, tôi hưởng một đêm
Với bao lạc thú của thần tiên;
Ban ngày bầy chó ngao ùa tới,
Nhảy vọt khắp nơi xé xác liền!
10. Những người nào nhất mực tinh cần,
Lời Thiện Thệ tuân thủ quyết tâm,
Sẽ đạt vẹn toàn Bất tử giới,
Niết-bàn, là trạng thái siêu nhân.
8. (33) Chuyện Người Săn Nai Thứ Hai (Dutiyaludda)
Ðức Thế Tôn kể thêm chuyện này nữa trong lúc đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm).
Tương truyền tại Ràjagaha một người thợ săn trẻ tuổi kia, mặc dù giàu có, vẫn rời bỏ mọi lạc thú giàu sang và đi săn hươu nai suốt ngày đêm. Kẻ ấy cũng theo lời khuyên của một vị Trưởng lão khi có người bạn cư sĩ khẩn cầu, và từ bỏ việc đi săn ban đêm, nên nhận quả báo ở đời sau giống như chuyện trên.
Trưởng lão Nàrada hỏi quỷ ấy qua các vần kệ sau:
1. Trong tòa cao ốc, một lâu đài,
Trên tọa sàng, lông thú phủ ngoài,
Năm thứ đàn tơ đang nhẹ trổi,
Lòng chàng thích thú nhạc êm tai.
2-3. Ban ngày vào lúc mới hừng đông,
Chàng bị đuổi ra tận nghĩa trang,
Và phải chịu bao điều thống khổ,
Nghiệp nào đã tạo ác về thân,
Về lời, hay ý trong tiền kiếp,
Nay chịu khổ này có phải chăng?
Sau đó quỷ liền kể chuyện sau:
4. Trong thành Vương Xá thật xinh tươi,
Cổ lũy Ða Sơn cảnh tuyệt vời,
Tôi chính thợ săn trong kiếp trước,
Buông lung, tôi thích thú vui chơi.
5. Mặc dù tôi bản tính hung tàn,
Tôi có bạn thân, cận sự nam,
Mộ đạo, tín thành, thường đón tiếp
Tỷ-kheo, đệ tử đức Cồ-đàm,
Viếng thăm gia quyến; chàng thương xót
Ngăn cản tôi, và vẫn bảo ban:
6-10. (Giống các vần kệ 5-10 ở chuyện trước).
9. (34) Chuyện Những Phán Quyết Gian Dối (Kùtavinicchayika)
Trong lúc bậc Ðạo Sư đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm), ngài kể chuyện này liên quan đến những phán quyết gian dối.
Thời ấy, vua Bimbisàra (Tần-bà-sa) hành trì Trai giới (Bồ-tát giới) sáu ngày mỗi tháng. Nhiều người theo gương vua giữ giới. Nhà vua thường hỏi những người thỉnh thoảng vào triều kiến:
- Này, khanh có hành trì ngày trai giới hay không hành trì?
Thế rồi có một người kia đã được bổ nhiệm làm phán quan, một kẻ lừa dối, bất lương, thường nhận hối lộ và hung bạo nhưng lại sợ nói ra: 'Tôi không phải là người giữ giới'. Vì vậy, y nói:
- Tâu Ðại vương, hạ thần có giữ giới.
Khi đã ra về sau buổi triều kiến vua, một người bạn hỏi y:
- Này hiền hữu, hiền hữu có giữ giới gì hôm nay chăng?
Y đáp:
- Này hiền hữu, vì sợ hãi nên tôi đã nói thế lúc yết kiến đức vua, chứ tôi không giữ giới.
Sau đó người bạn bảo y:
- Nếu chỉ còn nửa ngày trai giới thì hôm nay bạn hãy giữ như vậy. Hãy phát nguyện giữ giới đi.
Y đồng ý, trở về nhà, rửa mặt và chuyên tâm giữ giới. Ðêm ấy y vừa về đến nhà thì mạng sống bị gián đoạn vì một cây cột đổ xuống từ ngôi nhà ọp ẹp của y trong một cơn gió mạnh.
Ngay sau khi chết, y tái sanh làm một quỷ thần trong lâu đài ở vực sâu dưới núi. Dù y chỉ giữ nửa ngày trai giới trong một đêm thôi, y vẫn được phước báo với một đoàn tùy tùng gồm mười ngàn tiên nữ hộ tống và hưởng lạc thú thần tiên, nhưng do quả báo từ các phán quyết gian dối và nói láo kia, y tự lấy tay móc thịt trên lưng mình và xé ra ăn.
Khi Tôn giả Nàrada từ đỉnh núi Linh Thứu đi xuống, thấy y, liền hỏi qua bốn vần kệ:
1. Ngươi đội tràng hoa, miện, vòng vàng,
Tứ chi ngươi tẩm ướt chiên-đàn,
Trông ngươi có dáng đầy thanh thản,
Ngươi giống mặt trời rực ánh quang.
2-3. Ðoàn thị nữ này hộ tống ngươi,
Mười ngàn tiên nữ rất xinh tươi
Ðeo vòng vỏ ốc và trang điểm
Tấm lưới vàng kia lấp lánh hoài,
Hình dáng ngươi gây niềm cảm phục,
Ngươi đầy quyền lực thật hùng oai.
4. Tay ngươi móc thịt ở lưng ăn,
Ác nghiệp nào do khẩu, ý, thân
Ðã tạo? Giờ đây ngươi cấu xé
Thịt lưng mình bởi nghiệp nào chăng?
Quỷ này kể chuyện mình qua bốn vần kệ:
5. Tôi hành động giữa cõi phàm trần
Ðem tổn hại cho chính bản thân
Bằng cách vu oan và vọng ngữ,
Dối lừa và phỉ báng tha nhân.
6. Tại đó, xưa tôi họp việc chung
Ðến khi tôi phải nói chân ngôn,
Thì tôi bài bác điều công chánh,
Và lại quay về việc dối gian.7. Vậy người nào phỉ báng tha nhân
Sẽ phải tự mình xé nát thân,
Như chính hôm nay tôi phải chịu
Tự mình lấy thịt ở lưng ăn.
8. Nà-ra-da đã thấy điều này:
Bi mẫn là người nói thẳng ngay.
Ðứng phỉ báng, buông lời dối trá,
E ngài sẽ xẻ thịt lưng vầy!
10. (35) Chuyện Khinh Khi Xá Lợi (Dhàtuvivanna)
Khi đức Thế Tôn diệt độ tại Kusinara (Câu-thi-na), ở Lâm Viên Upavattana trong rừng Sàla song thọ, và sau khi việc phân chia xá lợi đã hoàn thành, vua Ajàtasattu (A-xà-thế) nhận phần của mình xong, liền làm lễ cúng dường suốt bảy năm bảy tháng bảy ngày.
Nhưng có tám vạn sáu ngàn người, vì không có lòng tin và đầy tà kiến từ lâu, đã mê lầm và có nhiều vọng tưởng điên đảo, cho nên dù đã sống trong một hoàn cảnh an lành, cũng tái sanh vào loài ngạ quỷ.
Chính trong thành Vương Xá này, có bà vợ, con gái, con dâu của một phú gia kia với tâm thành tín đem hương liệu, vòng hoa và nhiều lễ vật khác khởi hành đi đến bảo Tháp xá-lợi, bảo nhau:
- Chúng ta muốn đi cúng dường xá-lợi.
Người gia chủ phỉ báng việc cúng dường này với những lời mạ lỵ:
- Cúng dường đống xương thì có ý nghĩa gì chứ?
Song họ không quan tâm đến lời nói của kẻ ấy và ra đi. Khi từ trần họ tái sanh lên thiên giới, còn kẻ ấy tái sanh làm ngạ quỷ.
Thế rồi một hôm, Tôn giả Mahà-Kassapa vì lòng bi mẫn đứng tại khuôn viên bảo Tháp, ngâm ba vần kệ hỏi ngạ quỷ đã khinh thường xá-lợi:
1. Ngươi đang lơ lửng giữa hư không,
Ngươi thở mùi hôi thối nặc nồng,
Sâu bọ đang đua nhau cấu xé
Mặt người rách nát thối vô cùng.
2. Ngày xưa ngươi phạm ác hành nào,
Nay chúng cầm gươm mãi chém vào,
Chúng rảy cường toan khắp cả mặt,
Thân ngươi, rồi cắt mãi, vì sao?
3. Ngươi đã làm nên ác nghiệp gì
Do từ thân, khẩu, ý tư duy?
Hành vi nào kiếp xưa gây tạo,
Nay phải chịu đau khổ cực kỳ?
Ngạ quỷ đáp lại như sau:
4. Trong thành Vương Xá thật xinh tươi,
Cổ lũy Ða Sơn, cảnh tuyệt vời,
Tôn giả, tôi là người đại phú
Bạc vàng thóc lúa khắp nơi nơi.
5. Vợ tôi, con gái, vợ con trai
Ðem đủ sen xanh, các đóa lài,
Cùng với dầu thơm dâng bảo Tháp,
Tôi ngăn cản họ mãi không thôi.
Ðó là ác nghiệp ngày xưa ấy
Ðã được tạo ra bởi chính tôi.
6. Tám vạn sáu ngàn bọn chúng tôi
Chịu bao đau khổ chẳng riêng ai,
Vì tôi khinh việc người dâng cúng
Bảo Tháp, nay tôi chịu khổ hoài.
7. Vậy người nào lộ vẻ hung tàn,
Khi Thánh lễ đang được cúng dường
Lên bảo Tháp tôn vinh xá-lợi,
Xin Tôn giả cất tiếng khuyên can.
8. Tôn giả nhìn kìa đám mỹ nương
Ðeo vòng hoa đẹp khéo trang hoàng,
Hưởng nhiều phước báo vì dâng lễ,
Phú quý vinh hoa thật rỡ ràng.
9. Khi các trí nhân thấy việc này
Gây niềm cảm xúc, diệu kỳ thay,
Họ liền sùng bái và tôn kính
Bậc đại hiền nhân ấy chính ngài.
10. Khi tôi rời cảnh ngộ thương đau,
Và được làm người ở kiếp sau,
Tôi sẽ tinh cần dâng lễ bái
Cúng dường Tháp xá-lợi dài lâu.
1. (36) Chuyện Vua Ambasakkhara (Ambasakkhara)
Trong lúc đức Thế Tôn đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên) một vị vua dòng họ Licchavi mệnh danh Ambasakkhara, là một người không mộ đạo, có tà kiến, đang trị vì ở Vesàli (Tỳ-xá-ly).
Tại đó lại có một thương nhân chánh trực đã bắc cầu bằng những thanh gỗ chiên-đàn qua một đầm lầy. Trái lại, cháu trai vị ấy đã lấy trộm hàng hóa đem đến tiệm của chú, nên bị xử hình phạt đóng thân vào cọc. Người chú bị chặt đầu và hóa thành một địa thần cỡi ngựa thuần bạch, vào nửa đêm lại đến thăm cháu đang bị đóng cọc và bảo: 'Hãy cố sống thì hơn'.
Bấy giờ vua Ambasakkhara muốn chiếm vợ của một thần dân, liền sai người ấy đi lấy đất đỏ và hoa súng đỏ ở một hồ sen cách xa kinh thành ba do-tuần, và buộc y phải trở về trước khi trời tối nếu không sẽ bị giết. Ðồng thời vua ra lệnh đóng cổng thành trước khi trời tối. Nhờ chư thần giúp đỡ, người kia đem đất đỏ và hoa súng đỏ về kịp trước khi trời tối, nhưng gọi cổng thành không được, y phải nhờ sự làm chứng của vị quỷ thần ấy. Sau đó vua đích thân đi gặp vị quỷ thần để tìm hiểu sự việc. (Bổ sung Tập Sớ).
Các vần kệ này kể lại chuyện trên. Vần kệ đầu do các vị kết tập Kinh điển đưa vào:
1. Kinh thành dân chúng xứ Vaj-ji,
Tên gọi là thành Tỳ-xá-ly,
Tại đó có vì vua ngự trị,
Am-ba-sa, tộc Lic-cha-vi,
Khi nhìn thấy quỷ ngoài thành ấy,
Vua muốn biết, nên hỏi tức thì:
2. 'Kẻ này không có chỗ nằm ngồi,
Cùng chẳng hề đi tới, bước lui,
Không thức uống ăn, quần áo mặc,
Cũng không tỳ nữ, một mình thôi.
3. Quyến thuộc thân bằng thuở đã qua
Có lòng thương xót nó bây giờ,
Song không có khả năng nhìn nó,
Họ đã bỏ rơi nó thật mà.
4. Kẻ nào sa sút chẳng thân bằng,
Bạn bỏ rơi khi thấy khốn cùng,
Hễ thấy phồn vinh, vây lấy bạn,
Người đang hưng thịnh, lắm thân nhân.
5. Khi hưởng thụ xong hết bạc vàng,
Gia tài chắc đã phải tan hoang,
Thân hình vấy máu đang rời rã
Như hạt sương treo, đến số tàn.
6. Với người đang chịu cảnh đau thương,
Khủng khiếp trên cây cọc gỗ mun,
Vua hỏi: 'Quỷ kia, sao lại nói:
Ngươi cần phải sống, sống thì hơn?'
Quỷ thần:
7. Người này trên cọc chính thân nhân,
Tôi nhớ kiếp xưa ở cõi trần,
Nên đã xót thương khi thấy nó
Phải vào địa ngục bởi tà tâm.
8. Lic-cha-vi chúa thượng, từ đây
Kẻ đã tạo ra ác nghiệp này
Vào ngục tái sanh đầy khủng khiếp,
Nóng bừng, gay gắt, hãi kinh thay.9. Ngay cái cọc kia đủ mọi phần,
Tốt hơn địa ngục biết bao lần,
Ước mong nó chẳng sa vào ngục
Gay gắt, kinh hoàng, thật khổ thân.
10. Nếu kẻ ấy nghe tôi nói vầy,
Nó đầy sầu khổ, tắt hơi ngay,
Cho nên trước nó tôi không nói,
E chỉ vì tôi nó bỏ thây.
Quân vương:
11. Vụ án người này ta biết qua,
Song ta muốn hỏi chuyện thêm mà;
Nếu ngươi cho phép, ta xin hỏi,
Song chớ giận hờn với chúng ta.
Quỷ thần:
12. Việc ấy tôi xin hứa thật lời,
Chuyện này không kể với người đời
Không có tín tâm vào Ðạo pháp,
Dù tôi không muốn, hãy tin tôi;
Hỏi ngay những việc gì ngài muốn,
Tôi sẽ đáp tùy sức đó thôi.
Quân vương:
13. Những gì ta thấy tận mắt ta,
Ước mong ta đủ tín tâm mà,
Nếu không tin dẫu khi ta thấy,
Ấy việc riêng ta, hỡi Dạ-xoa!
Quỷ thần:
14. Tôi đã được ngài hứa thủy chung,
Khi ngài nghe pháp hãy thành tâm,
Ði tìm tri kiến cao hơn nữa,
Với trí chẳng ô nhiễm, sáng trong.
Những pháp ngài chưa nghe hoặc đã,
Tôi đều muốn nói hết cho thông.
Quân vương:
15. Trên ngựa trang hoàng, ngươi đến đây
Tìm người bị đóng cọc phanh thây,
Ðây là phong cách ngươi đi lại,
Kỳ diệu và cao quý hiển bày.
Do bởi nghiệp nào xưa đã tạo
Mà nay được phước báo như vầy?
Quỷ thần:
16. Chính giữa kinh thành Tỳ-xá-ly,
Xuyên qua đầm ở khoảng đường đi,
Có nơi nọ cực kỳ nguy hiểm,
Với dạ tín thành, một bữa kia,
Tôi lấy gỗ chiên-đàn trắng bạch
Bắc qua chỗ ấy có nề chi.
17. Sau đó chúng tôi đặt bước chân,
Chúng tôi và những kẻ qua đường,
Ðây là phương tiện rất kỳ diệu,
Xứng đáng được chiêm ngưỡng giữa trần,
Do chính nghiệp ngày xưa đã tạo,
Giờ đây đem phước báo cho thân.
Quân vương:
18. Hình dáng ngươi soi sáng mọi phương,
Khắp nơi đều phảng phất mùi hương.
Nhà ngươi có cả thần thông lực
Của một Dạ-xoa lực dị thường.
Nhưng việc gì xưa đem kết quả
Nhà ngươi nay phải chịu trần truồng?
Quỷ thần:
19. Luôn giữ tín tâm thoát hận sân,
Nói lời từ tốn với tha nhân
Việc xưa kia đã đem thành quả
Hình dáng thần tiên mãi sáng bừng.
20. Khi tôi lưu ý đến thanh danh
Của những người an trú Pháp hành,
Tôi trịnh trọng trình bày việc ấy,
Việc xưa đem kết quả cho mình:
Mùi hương tiên giới trên thân thể
Liên tục thoảng đưa thật dịu lành.
21. Khi các bạn tôi tắm bến sông,
Tôi đem quần áo giấu quanh vùng,
Tôi không ác ý, thích đùa giỡn,
Nay chịu trần truồng thật khổ thân.
Quân vương:
22. Nếu ai làm ác để đùa nhau,
Người bảo đây là quả kiếp sau;
Song nếu ai làm không bỡn cợt,
Thì người bảo kết quả nào đâu?
Quỷ thần:
23. Bất cứ ai làm ác cố tâm
Ngôn từ, hành động quá buông lung,
Phải vào địa ngục sâu tăm tối,
Chắc chắn khi thân hoại mạng chung.
24. Kẻ nào mong thế giới quang vinh,
Tìm thích thú trong các thiện hành,
Bố thí, bản thân luôn chế ngự,
Mạng chung vào thế giới thanh minh.
Khi quỷ thần đã phân tích sơ lược các nghiệp quả, nhà vua không tin, bèn ngâm kệ:
25. Tại sao ta phải tin điều này
Là quả thiện hành, ác nghiệp đây?
Việc đã thấy ta cần tín ngưỡng?
Người nào thuyết phục được ta vầy?
Quỷ thần:
26. Khi ngài đã mắt thấy tai nghe,
Ngài hãy tin vào nghiệp quả kia,
Nếu thiện ác đều không hiện hữu,
Sao người hạnh phúc, kẻ ê chề?
27. Nếu chúng sanh không tạo thiện hành,
Và gây ác nghiệp giữa nhân sanh,
Thì nhân quần, dẫu cao hay thấp,
Chẳng có tai ương, hoặc phước lành.
28. Nhưng bởi chúng sanh tạo thiện hành,
Và gây ác nghiệp giữa nhân sanh,
Nên nhân quần, dẫu cao hay thấp,
Ðều gặp tai ương hoặc phước lành.
29. Có hai loại nghiệp báo trên đời,
Ta phải hiểu ngay: Một hạng người
Ðược hạnh phúc, và người chịu khổ.
Chư Thiên hưởng lạc thú trên trời,
Song người ngu bị nhiều hành hạ
Khi thấy quả hai mặt chín muồi.
Khi được nhà vua hỏi:
- Như vầy ngươi đã tin vào nghiệp quả, tại sao ngươi lại phải chịu cảnh khốn khổ này?
Quỷ thần đáp:
30. Không ai làm việc thiện vì tôi,
Hồi hướng về tôi, chẳng có người,
Dâng cúng áo, giường, đồ ẩm thực,
Nên tôi trần trụi, khổ trên đời!
Khi nghe quỷ thần ước muốn nhận đủ áo quần và nhiều vật dụng khác, nhà vua bảo:
31. Quả thật giờ đây có cách nào
Nhà ngươi được áo mặc hay sao?
Nói cho ta biết về nguồn gốc,
Ta sẽ nghe lời tín nhiệm mau.
Quỷ thần đáp:
32. Có vị Tỷ-kheo ở tại đây
Kap-pi-ta ấy chính danh này,
Ngài chuyên Thiền định, và cao đạo,
Giải thoát, điều thân, ứng cúng thay.
Sống chế ngự mình bằng giới luật,
An nhiên, đạt trí tối cao vầy.
33. Ngài vốn nói năng thật dịu hiền,
Ôn tồn, nhỏ nhẹ, giọng êm đềm,
Ðón chào niềm nở đầy chân thật,
An tịnh trú trong giới luật nghiêm,
Xứng đáng cúng dường nhiều lễ vật
Từ loài người đến cả chư Thiên.
34. Thanh thản đoạn trừ lưới ác tâm,
Chánh chân, vô ngã, lại ly tham,
Ngài không có ước mong gì nữa,
Chẳng có sanh y ở thế gian,
Nên ngài giải thoát, tâm an tịnh,
Tam minh chứng đắc thật vinh quang.
35. Mặc dù quần chúng thấy hình ngài,
Ngài chẳng tiếng tăm, quen biết ai;
Dân chúng Bạt-kỳ thường vẫn gọi
Ngài là bậc trí tuệ cao vời.
Thiên thần biết rõ ngài ly dục,
Người có tín tâm sống ở đời.
36. Nếu chúa thượng dâng lễ cúng ngài
Và đem công đức hướng về tôi,
Một, hai bộ áo do ngài nhận
Cũng đủ cho tôi có mặc rồi.
Quân vương:
37. Bậc ẩn sĩ kia đang ở đâu?
Chúng ta yết kiến ở phương nào?
Hôm nay ngài đánh tan nghi hoặc,
Tà kiến giăng đầy tự bấy lâu.
Quỷ thần:
38. Ở Kap-pi-na, ngài tọa thiền,
Ðược bao quanh bởi các thần tiên,
Ngài đang thuyết pháp, ly sân hận,
Chân chánh như danh tiếng đã truyền.
Quân vương:
39. Ta đi làm việc ấy giờ đây,
Ta sẽ dâng y ẩn sĩ này
Khi bộ y kia ngài đã nhận,
Thì ngươi sẽ có áo quần ngay.
Rồi cả hai cùng đi đến chỗ ấy và quỷ thần nói:
40. Với người xuất thế, bản thân tôi
Không yết kiến khi chẳng đúng thời.
Chúa thượng, giờ đây không thích hợp.
Ðúng thời, hãy viếng chỗ ngài ngồi.
Các vần kệ sau do chư vị kết tập Kinh điển ghi:
41. Khi quỷ thần vừa nói vậy xong,
Nhà vua được cả đám tùy tùng
Ðưa về lại chốn kinh thành ấy,
Tư thất của vua ở hậu cung.
42. Từ đó, thực hành giới tại gia,
Nhà vua tắm gội, chọn từ nhà
Xiêm y tám bộ và đi cúng,
Ðược đám tùy tùng hộ tống ra.43. Khi nhà vua đến tận nơi này,
Thấy ẩn sĩ tâm thanh tịnh đầy
Ðã trở về sau thời khất thực,
An nhiên, tĩnh tọa dưới gốc cây.
44. Ðúng lúc vua đi yết kiến ngài,
Vấn an sức khoẻ, sống an vui;
'Lic-cha-vi ấy là thân tộc,
Tỳ-xá-ly thành, đất nước tôi,
Tôi chính Am-ba-sa, tộc trưởng,
Mong ngài hoan hỷ, kính thăm ngài.
45. Tôn giả, xin ngài hãy nhận ngay
Tám y tốt đẹp cúng dâng này,
Ðể tôi có thể đầy an lạc,
Vì mục đích này tôi đến đây.
Ẩn sĩ:
46. Sa-môn ẩn sĩ, dẫu từ xa,
Ðều phải tránh cung điện của vua,
Nơi đó, bao nhiêu bình bát vỡ,
Thầy tu bị xé áo cà-sa!
47. Nhiều người khác đấm đá kinh sao,
Như búa, Tỷ-kheo phải ngã nhào,
Ẩn sĩ xuất gia mang tổn hại,
Chính tay ngài đã biết là bao!
48-49. Dầu mè, đệm cỏ chẳng hề ban,
Chẳng chỉ dùm ai lạc bước đàng,
Từ một người mù, ngài lấy gậy
Ngài vừa phóng dật, lại xan tham;
Bây giờ vì lý do nào vậy,
Bằng cách nào ngài muốn phát ban?
Quân vương:
50. Tôn giả, tôi công nhận thật ngôn,
Tôi làm thương tổn các Sa-môn,
Tôi mong đùa giỡn, không tà ý,
Việc phạm lỗi xưa thật bạo tàn.
51. Kẻ kia làm ác để bông lơn,
Hạnh phúc nó không được vẹn toàn,
Nó nhận khổ đau, dầu trẻ tuổi,
Số phần nó phải chịu trần truồng,
Còn gì khốn đốn hơn cho nó
Chính việc này đây có phải không?
52. Tôi thấy nó mang nặng lỗi lầm,
Nên tôi dâng lễ vật, Tôn nhân,
Xin ngài nhận tám y tôi cúng
Hồi hướng về cho vị quỷ thần.
Ẩn sĩ:
53. Bố thí, dĩ nhiên được nhận mà,
Ước công vô lượng với nhà vua,
Nay tôi nhận tám y ngài tặng,
Mong lễ vật hồi hướng Dạ-xoa.
54. Rồi vua nhấp nước tự bàn tay
Ðể tẩy trần và dâng cúng ngay
Tám bộ y lên ngài Trưởng lão:
'Ước mong y được nhận như vầy!
Và hãy nhìn xem thần đại lực
Mặc nhiều quần áo thỏa lòng thay!
55. Tức thì vua thấy chính thần nhân
Tẩm ướt dầu tinh chất gỗ trầm,
Hình dáng cao sang, dòng quý tộc,
Cỡi trên lưng tuấn mã oai hùng,
Ðiểm trang y phục huy hoàng quá,
Ðược hộ tống và đạt lực thần.
56. Với niềm vui sướng, dạ hân hoan,
Khuôn mặt vui tươi, hạnh phúc tràn,
Vì thấy nghiệp mình đem quả lớn,
Vua vừa nhìn tận mắt hoàn toàn.
57. Vua bước lên và nói với thần:
'Từ nay ta cúng các Sa-môn,
Ta không có vật gì không cúng,
Ðại quỷ, ngài là bậc cứu nhân'.
Quỷ thần:
58. Chúa thượng cho tôi hưởng phước ân
Cúng dường đâu có phải hoài công,
Phần tôi sẽ tạo tình bằng hữu
Giữa một phi nhân với thế nhân.
Quân vương:
59. Ngài là quyến thuộc lẫn thân bằng,
Chánh đạo, nơi nương tựa, hộ thần!
Ta khẩn cầu ngài và đảnh lễ,
Ta mong được tái ngộ thần nhân.
Quỷ thần:
60. Ví thử ngài làm mất tín tâm,
Thích nhiều tà kiến, hóa xan tham,
Và trong trạng thái tà tâm ấy
Ngài được gặp tôi để vấn an,
Tôi sẽ chẳng cùng ngài nói chuyện,
Dẫu tôi thấy mặt, hỡi quân vương!
61. Còn nếu ngài tôn trọng Pháp chân,
Hân hoan bố thí, tự điều thân,
Là nguồn cung cấp cho tu sĩ,
Nếu có duyên may gặp quỷ nhân,
Và nếu tôi đây nhìn thấy mặt,
Thì tôi sẽ đáp lễ ân cần.
62. Mau thả người ra khỏi cọc này,
Vì ta thân thiết chính nhờ đây,
Tôi đang nghĩ đến người đau khổ,
Nay đã kết giao tại chốn này.
63. Và nếu người này được thoát thân,
Sẽ làm thiện nghiệp rất tinh cần,
Ngày sau thoát ngục sâu tăm tối,
Thiện nghiệp đều mang lại phước phần.
64. Chúa công tham kiến Kap-pi-ta,
Ðúng lúc cúng dường bậc xuất gia,
Ðến trước mặt ngài, ngồi thỉnh ý,
Và ngài sẽ nói vấn đề ra.
65. Gặp Tỷ-kheo kia, thỉnh ý ngài,
Tạo nhiều công đức, trí cao vời,
Tùy theo tri kiến, ngài phân giải
Các pháp chưa nghe giữa mọi người,
Ngài sẽ thuyết về tất cả pháp
Ðưa đường đến cảnh giới vui tươi.
66. Khi vua đã nói chuyện tư riêng
Cùng vị phi nhân, kết bạn hiền,
Vua đến Lic-cha-vi bộ tộc,
Nói cùng đại hội họp theo phiên:
67. 'Các người xin hãy lắng nghe lời,
Ta sẽ tìm đường lối tốt thôi.
Kẻ ác bị treo vào cọc ấy
Bị trừng phạt nặng, khổ tơi bời.
68. Hai mươi đêm ấy khoảng thời gian
Nó đã bị ràng buộc tấm thân,
Nó chẳng biết đâu là sống chết,
Ta xin đại hội thả tù nhân!'.
Ðại hội:
69. 'Mau thả luôn hai kẻ ấy ngay,
Nào ai từ chối việc như vầy?
Xin làm những việc ngài thông hiểu,
Ðại hội tuân theo ý chỉ này'.
70. Nơi kia, vua vội vã ra đi,
Phóng thích người trên cọc tức thì,
Rồi bảo: 'Bạn này, đừng sợ hãi',
Và giao cho các vị lương y.
71. Rồi vua yết kiến Kap-pi-ta,
Ðúng lúc cúng dường bậc xuất gia,
Ðến trước mặt ngài, ngồi thỉnh ý
Và tìm các lý lẽ nêu ra.
Quân vương:
72. Kẻ ác bị treo ở cọc kia
Chịu nhiều trừng phạt, khổ ê chề,
Hai mươi đêm tấm thân ràng buộc,
Nó chẳng sống còn hoặc chết đi.
73. Bây giờ tôi đã đến buông tha
Cứu nó theo lời quỷ Dạ-xoa,
Xin hỏi, phải chăng còn có cách,
Làm cho nó thoát ngục Diêm-la?
74. Tôn giả, bảo tôi biết cách gì,
Chúng tôi tin tưởng lắng tai nghe,
Phải chăng không thể tiêu trừ nghiệp,
Cho dẫu ta không hiểu chuyện kia?
Ẩn sĩ:
75. Nếu ngày đêm nỗ lực tinh cần
Nó thực hiện nhiều thiện nghiệp nhân,
Nó sẽ thoát ra từ ngục tối,
Thiện nghiệp phải đem lại phước phần.
Quân vương:
76. Nay tôi hiểu rõ chuyện này rồi,
Tôn giả, giờ đây thương xót tôi,
Bậc trí dạy cho tôi Giáo pháp
Ðể tôi khỏi đọa ngục Diêm đài.
Ẩn sĩ:
77. Ngay tự hôm nay với tín tâm
Ngài qui y Phật, Pháp,Tăng nhân;
Ðồng thời, thân thực hành năm giới
Trọn vẹn và không có lỗi lầm.78-79. Từ nay ngài bỏ giết muôn loài,
Không lấy vật chi chẳng tặng ngài,
Không uống rượu nồng, không nói dối,
Hãy bằng lòng với vợ ngài thôi.
Trang nghiêm lãnh tám công thù thắng
Ðưa đến nhiều thành quả đẹp tươi.
80. Với tâm thanh thản, hãy đem dâng
Các bậc chánh chân những vật cần,
Y phục, đồ ăn bình khất thực,
Nơi an trú với chỗ ngồi nằm,
Thức ăn đủ loại mềm và cứng,
Thức uống và nơi chốn nghỉ chân.
81. Thiết đãi Tỷ-kheo thức uống ăn,
Những người có giới hạnh siêu quần,
Ða văn và thoát ly tham dục,
Công đức vẫn luôn phát triển dần.
82. Thực hành Chánh pháp thật tinh chuyên
Với nhiệt tình luôn ngày lẫn đêm,
Ngài tự cứu mình từ địa ngục,
Thiện hành mang phước báo nhân thiên.
Quân vương:
83. Ngay tự hôm nay với tín tâm
Tôi quy y Phật, Pháp, Tăng nhân;
Ðồng thời, thân thực hành năm giới
Trọn vẹn và không có lỗi lầm.
84-85. Từ nay tôi bỏ giết muôn loài,
Không lấy vật gì chẳng tặng tôi,
Không uống rượu nồng, không nói dối,
Biết bằng lòng với vợ mình thôi.
Trang nghiêm lãnh tám công thù thắng
Ðưa đến nhiều thành quả đẹp tươi.
86. Với các vị cao đạo, Thánh Tăng,
Thoát ly tham dục, lại đa văn,
Dâng y, thực phẩm trong bình bát,
Sàng tọa và nơi chốn nghỉ chân,
Ðủ loại thức ăn mềm hoặc cứng,
Cùng nhiều thức uống, chỗ ngồi nằm.
Tìm trong Phật pháp niềm an lạc,
Tôi quyết không dao động bản thân.
87. Am-ba-sa, vị Líc-cha-vi,
Kẻ tại gia thành Tỳ-xá-ly,
Ðã trở nên người như vậy đó,
Ðầy tâm thành tín, tính nhu mì,
Nhiệt tình thực hiện nhiều công hạnh,
Với chúng Tỷ-kheo, quyết hộ trì.
88. Khi người trên cọc đã bình an,
Tự nguyện, người từ giã thế gian,
Ðến với Kap-pi-ta ẩn sĩ,
Rồi hai người đắc quả Sa-môn.
89. Ðây chính cách hầu cận Thánh Tăng,
Quả nhiều cho các thiện hiền nhân,
Người trên cọc đạt phần ưu thắng,
Trong lúc Am-ba quả nhỏ hơn.
Sau đó Tôn giả Mahàkappitaka đi đến Sàvatthi đảnh lễ bậc Ðạo Sư và trình lên Ngài vấn đề đã được vị quỷ thần kể cho nhà vua nghe. Bậc Ðạo Sư lấy đó làm đề tài thuyết pháp cho hội chúng đang hiện diện.
2. (37) Chuyện Serìssaka
(Chuyện này giống như Chuyện 10, Phẩm VII ở tập Chuyện Thiên Cung).
3. (38) Chuyện Quỷ Thần Nandaka (Nandakapeta)
Khoảng hai trăm năm sau khi bậc Ðạo Sư diệt độ, có vua Pingala ngự trị Surattha (Vương quốc an lạc). Vị tướng cầm đầu quân đội nhà vua là Nandaka đầy tà kiến.
Chư vị kết tập Kinh điển kể lại chuyện những người này:
1. Tương truyền lãnh chúa Pin-ga-la
Ngự trị thần dân Su-rat-tha,
Khi đã đi chầu triều Khổng tước,
Trên đường vua trở lại quê nhà.
2. Trong cơn nóng bức giữa ban ngày,
Vua đến một nơi có vũng lầy,
Nhìn thấy một con đường khả ái,
Là nơi trú ngụ quỷ ma đầy.
3. Vua ấy bảo ngay vị quản xa:
'Con đường này khả ái cho ta,
An toàn, yên tĩnh, đầy may mắn,
Theo lối này đi, hỡi quản xa'.
4. Vua xứ Su-ra tự chốn đây
Tiến lên cùng với đội quân ngài,
Bốn đoàn hộ tống đều đi trước,
Hướng dẫn thần dân xứ sở này.
5. Với dáng lo âu, một lão gia
Nói như vầy với chúa Su-ra:
'Chúng ta đi lạc đường rồi đó,
Thật đáng hãi kinh, rợn tóc da.
6. Mặt tiền ta thấy một con đường,
Song phía sau không thấy hướng phương,
Tất cả chúng ta đang lạc bước
Ðến gần quân của Diệm-ma vương.
7. Có một mùi ma quỷ bốc ra,
Tiếng ồn khủng khiếp được nghe qua'.
Su-ra lãnh chúa liền kinh hoảng
Vội nói như vầy với quản xa:
8. 'Nay chúng ta đang lạc bước đường,
Thật là lạnh gáy, đáng kinh hoàng,
Mặt tiền thấy một con đường nọ,
Song phía sau không thấy có hướng phương.
9. Nay chúng ta đang lạc bước đường
Ðến gần quân của Diệm-ma vương,
Một mùi ma quỷ đang xông khắp,
Khủng khiếp tai nghe một tiếng ồn!'
10. Nhà vua đang ngự ở lưng voi
Ngơ ngác nhìn quanh bốn hướng trời,
Chợt thấy một cây đa rợp bóng,
Sum suê cành lá thật xanh tươi.
11. Cây có màu xanh xám tựa mây,
Ðỉnh cây có sắc của sương dày,
Nhà vua hỏi vị quan điều ngự:
'Ta thấy vật chi lớn thế này,
Như đám mây xanh màu xám ngắt,
Ðỉnh cây có sắc tựa sương bay?'.
Quan điều ngự:
12. Chúa công, đó chính một cây đa,
Cành lá sum suê tỏa bóng ra,
Cây có màu mây xanh xám ngắt,
Ðỉnh cây có sắc tựa sương sa.
13. Su-ra chúa tể lại lên đường,
Về hướng cây cao lớn dị thường,
Sắc tựa đám mây xanh xám ngắt,
Ðỉnh cây lại có một màu sương.
14. Nhà vua bước xuống tự lưng voi,
Ði đến gần cây nọ một hồi,
Cùng với quần thần và cận vệ,
Ở ngay gốc rễ, chúa công ngồi.
15. Vua thấy bánh và hủ nước trong,
Một ngươi có dáng điệu Thiên thần,
Ðiểm tô đủ loại đồ trang sức,
Ði đến ngỏ lời với chúa công:
16. 'Chúa công! Hân hạnh được chào mừng,
Chư vị đến đây thế cũng gần,
Chúa thượng, xin mời ngài uống nước
Và dùng bánh, hỡi vị anh hùng!'
17-18. Nhà vua cùng với đám quần thần,
Cận vệ bên mình uống nước trong,
Ăn bánh rồi vua cất tiếng hỏi:
'Xin cho biết, có phải Thiên nhân,
Thác-bà, hạy chính là Thiên chủ
Pu-rín-dà-da ấy phải chăng?
Không biết ngài nên ta muốn hỏi,
Làm sao ta biết được tôn ông?
Quỷ thần:
19. Tôi đây không phải một Thiên nhân,
Chẳng phải Sak-ka, chẳng Nhạc thần,
Tôi chính quỷ nhân, tâu chúa thượng,
Từ Su-ra đến ở ma cung.
Quân vương:
20. Ngày trước ngài công đức thế nào,
Ở Su-ra xử thế ra sao,
Ngài theo Phạm hạnh nào từ trước,
Nay hưởng cảnh vinh hiển biết bao?
Quỷ thần:
21. Xin hãy lắng nghe, hỡi chúa công,
Là người khai quốc, vị anh hùng,
Quốc sư tế lễ nghe tôi nói,
Cùng các quân nhân, các đại thần.
22. Chúa công, tôi đến tự Su-ra,
Thuở trước tính tình thật xấu xa,
Tà kiến mang đầy cùng ác ý,
Xan tham, hay mạ ly người ta.
23. Tôi ngăn lắm kẻ thật nhân từ
Hành thiện sự nhiều để lợi tha,
Tôi cản bước chân bao kẻ khác
Sẵn lòng lấy của cải đem cho.
24. Bảo: 'Bố thí không tạo phước phần
Ðâu là kết quả tự điều thân?
Không hề có đạo sư nào cả,
Ai sẽ phạt người không hiến dâng?
25. Giữa các hữu tình đồng đẳng nhau,
Tại sao kính trọng vị niên cao,
Có đâu nỗ lực và tinh tấn,
Nói đến tinh cần bởi cớ sao?
26. Bố thí không mang quả phước phần,
Cũng không trừ diệt một cừu nhân;
Mỗi người được những gì cần có,
Và nhận những gì phải đến thân.
27. Chẳng có mẹ cha, huynh đệ đâu,
Không đời này cũng chẳng đời sau,
Cũng không bố thí, không dâng cúng,
Không có gì bền vững được lâu.
28. Hễ ai đánh đập một người nào,
Hoặc có đem người khác chặt đầu,
Cũng chẳng làm gì gây tổn hại
Giữa muôn loài vật sống bên nhau.
29. Mỗi mạng sống đều bất khả phân,
Dầu hình bát giác hoặc cầu lăn,
Nó cao đến cả năm trăm dặm,
Ai có thể tiêu diệt nó chăng?
30. Cũng giống cuộn dây được ném ra
Từ người thả nó, chạy lăn xa,
Như vầy là mạng người đang sống
Thoát được những ai thả nó mà.
31. Như người từ giã một ngôi làng
Vào một làng kia, phải thấy đường,
Cũng vậy, một con người tận số
Bước vào thân xác mới tha phương.
32. Như người từ giã một ngôi nhà,
Và bước vào nơi trú ngụ kia,
Cũng vậy, là con người tận số
Ði vào một cảnh giới phương xa.
33. Sau khi qua hết nẻo luân hồi
Tám triệu bốn trăm ngàn kiếp trôi,
Tất cả kẻ ngu cùng bậc trí
Thảy đều chấm dứt khổ đau rồi.
Lạc, ưu đo được bằng thùng, giỏ
Người chiến thắng thông hiểu sự đời,
Kẻ khác đều là phường xuẩn ngốc',
Tôi mang tà kiến cả đời tôi.
34. Xưa kia tôi lầm lạc, lắm mê si,
Tà kiến, tôi không đạo hạnh gì,
Tôi lại xan tham, hay phỉ báng,
Không đầy sáu tháng, sẽ ra đi.
35-36. Ðọa vào ngục hãi kinh sao,
Có bốn góc, và bốn cửa vào,
Ngục được chia phần theo kích thước,
Xung quanh bao bọc với tường rào,
Làm bằng sắt nóng và trên mái
Cũng có sắt che tận đỉnh cao.
37. Nền sắt ánh lên lửa nóng bừng,
Sáng ngời mọi phía trăm do-tuần,
Trăm ngàn năm đã trôi qua mất,
Lập tức một âm thanh chuyển rung.
Những kẻ tà tâm và ác tính
Ðã từng phỉ báng các chân nhân
Bị hành địa ngục vô lượng kiếp,
Chốn ấy sẽ đau khổ chẳng ngừng.
38. Cho nên tôi thống thiết than van
Kết quả ác hành kia phải mang,
Xin lắng nghe tôi, tâu chúa thượng,
Anh hùng khai quốc, chúc an khang!
Nguyên tôi có một cô con gái,
Tên gọi Ut-ta-ra thật ngoan.
39. Nàng hành thiện sự thấy an vui
Giữ Bát quan trai giới đúng thời,
Nàng sống điều thân, ham bố thí,
Nhân từ, khôn khéo lúc trao lời.
40. Nhất mực tuân theo giáo pháp nhà,
Nàng làm dâu quý tộc danh gia,
Nàng là đệ tử Ngài Viên Giác,
Bậc trí vinh quang, tộc Thích-ca.
41. Một Tỷ-kheo cao đạo khác thường,
Ra đi khất thực, bước vào làng,
Mắt người cúi xuống, thân điều phục,
Chánh niệm và phòng hộ các căn
Trong lúc đi từng nhà khất thực,
Dần dần người đến tận nhà nàng.
42. Ut-ta-ra lúc ấy nhìn người,
Chúc chúa công luôn hưởng phước trời!
Nàng đã dâng người bình nước uống
Cùng nhiều bánh bột, lại thưa lời:
43. 'Tôn giả, cha con đã mất rồi,
Mong sao lễ mọn giúp cho người'.
Không lâu sự việc nàng vừa thấy,
Kết quả tức thì đến với tôi.
44. Tôi hưởng thức ăn, lạc thú tràn,
Khác nào Thiên đế Tỳ-sa-môn,
Hỡi anh hùng mở mang bờ cõi,
Xin lắng nghe đây, tấu chúa công.
45. Phật-đà được gọi đấng siêu nhân
Giữa các Thiên, nhân ở cõi trần,
Hãy đến quy y vào đức Phật,
Cùng đàn thê tử, hỡi anh hùng.
46. Nhiều người đạt bất tử, vô sanh,
Do chính Ðạo kia có tám ngành,
Cùng vợ con đi tìm Giáo pháp
Ðể quy y, hỡi bậc hùng anh!
47. Cùng bước đi trên bốn Ðạo này,
Trú trong bốn Quả quý cao thay,
Chư Tăng trực hạnh và tu luyện
Giới đức trang nghiêm, trí tuệ đầy.
48. Hỡi bậc anh hùng, xin hãy đi
Cùng đàn thê tử thọ Tam quy,
Mau mau bỏ giết loài sanh vật,
Không lấy trộm cho dẫu vật gì,
Không uống rượu nồng, không nói dối,
Hãy bằng lòng với vị vương phi.
Quân vương:
49. Ngài muốn ta an lạc, Dạ-xoa,
Ngài mong lợi ích với hoàng gia,
Phần ta thực hiện lời ngài dạy,
Ngài chính là sư phụ của ta.
50-51. Ta đến quy y đấng Phật-đà,
Tối cao Giáo pháp, với Tăng-già,
Ta mau bỏ hết điều sanh sát,
Không lấy vật gì chẳng tặng ta,
Không uống rượu nồng, không nói dối,
Biết bằng lòng với vợ trong nhà.
52. Ta bỏ khoe khoang với xảo ngôn,
Nhanh như thể đổ xuống dòng sông,
Ta nôn ra hết bao tà kiến,
Thích thú tuân lời dạy Thế Tôn.
53. Nói vầy xong, chúa tể Su-ra
Từ bỏ ngay quan điểm ác tà,
Ðảnh lễ Thế Tôn, rồi chúa thượng
Hướng về đông ngự giá vương xa.
Nhờ thần lực của vị quỷ nhân, nhà vua về kinh thành kịp ngày hôm ấy. Về sau, đúng thời, vua tường thuật chuyện ấy với chư Tỷ-kheo và chư vị này lại trình vấn đề với chư Trưởng lão biên soạn Giáo pháp để đưa câu chuyện vào Hội đồng kết tập Kinh tạng thứ ba. (Bổ sung từ Tập Sớ).
4. (39) Chuyện Ngạ Quỷ Revatì
(Chuyện này giống chuyện số 2 Phẩm V của Chuyện Thiên Cung).
5. (40) Chuyện Cây Mía (Ucchu)
Trong khi đức Thế Tôn đang trú tại Veluvana (Trúc Lâm), một người đang chở mía, cầm một khúc mía, vừa đi vừa ăn. Các vần kệ này kể lại câu chuyện trên.
Một hôm, Tôn giả Mahà-Moggallàna (Ðại Mục-kiền-liên) đang đi khất thực vào Vương Xá, gặp một ngạ quỷ thưa trình như sau:
1. Một rừng mía lớn hiện bên mình,
Bát ngát, mùa phong phú tốt lành,
Song nó không cho tôi chút ít,
Kính thưa Tôn giả đại uy danh,
Nghiệp gì gây quả này như vậy,
Tôn giả cho tôi biết sự tình?
2. Tôi đang thống khổ, bị hành thân,
Tôi cố gắng tìm chút để ăn,
Tôi phấn đấu hoài bên khóm mía,
Sắp tàn hơi thở, chết kề gần,
Tôi than khóc tấm thân đày đọa,
Do nghiệp gì đem quả ấy chăng?
3. Thất bại, tôi nhào xuống đất ngay,
Lăn tròn trong lửa đốt thiêu này
Như con cá nọ, tôi than khóc,
Nước mắt nhỏ ra cả mặt mày,
Tôn giả, xin ngài cho biết rõ,
Nghiệp gì đem kết quả như vầy?
4. Tôi đói khát và kiệt sức tàn,
Kinh hoàng, tôi chẳng biết bi hoan,
Chúc ngài hưởng phước, tôi xin hỏi,
Làm thế nào tôi được mía ăn?
Tôn giả Moggallàna:
5. Khi làm người ở một thời xưa,
Ngươi đã tạo nên một nghiệp tà,
Ta nói cho ngươi nghe việc ấy,
Khi nghe, ngươi biết chuyện vừa qua.
6. Ngươi bước trên đường, lấy mía ăn,
Một Tỳ-kheo đến tự sau lưng,
Bảo ngươi rằng muốn xin đôi chút,
Ngươi chẳng đáp lời, chẳng hé răng.
7. Cho dẫu ngươi không muốn nói năng,
Người kia vẫn nói, giọng xin van:
'Cho tôi khúc mía, thưa ông chủ',
Sau đó ngươi cho một ít phần
Từ phía sau lưng và kết quả
Nghiệp kia ngươi đã lãnh vào thân.
8. Nhìn đây! Cầm mía ở sau mình,
Hãy lấy mía ăn thật thỏa tình,
Do chính việc này, ngươi sẽ được
Hân hoan, thích thú, hưởng ân lành!
9. Nó đi cầm mía tự sau mình,
Khi đã cầm, ăn thật thỏa tình,
Do chính cách này, nên nó được
Hân hoan, thích thú, hưởng ân lành.
Ngạ quỷ ấy bèn cầm một bó mía cúng dường vị Trưởng lão và vị này đem dâng đức Phật ở Trúc Lâm. Ðức Thế Tôn cùng hội chúng Tỷ-kheo dùng mía ấy rồi nói lời tùy hỷ công đức.
Từ đó về sau ngạ quỷ ấy có thể ăn mía thỏa thích.
Theo thời gian, ngạ quỷ được tái sanh giữa hội chúng cõi trời Ba mươi ba.
6. (41) Chuyện Các Vương Tử (Kumara)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Jevatana (Kỳ Viên)
Tương truyền Ðại Vương nước Kosala (Kiều-tát-la) trị vì tại Sàvatthi (Xá-vệ) có hai vương tử khả ái đang độ hoa niên. Trong nỗi đam mê dục vọng của tuổi trẻ không được kềm chế, hai vị đã phạm tội tà dâm nên sau khi từ trần hai vị tái sanh làm ngạ quỷ bị đè bẹp trong một ống cống.
Suốt đêm, ngạ quỷ thường than khóc với những tiếng kêu la khủng khiếp. Dân chúng nghe vậy rất kinh hãi.
Do sự việc này, dân chúng cúng dường đại lễ lên Giáo hội do đức Phật cầm đầu và bảo nhau:
- Ðiềm xấu này phải chấm dứt.
Sau đó họ trình lên đức Thế Tôn những việc đang xảy ra. Ngài bảo:
- Này chư đệ tử, chư vị không thể chấm dứt tiếng kêu la này được đâu.
Rồi Ngài nói rõ nguyên nhân sự việc này cho hội chúng qua các vần kệ sau:
1. Có một kinh thành tên Xá-vệ,
Ở trên sườn núi Tuyết, cao sơn,
Tôi nghe vầy: Có đôi vương tử
Là các con trai bậc đế vương.
2. Phóng dật buông lung các dục tham,
Tìm nguồn lạc thú ở trần gian,
Chúng không suy xét tương lai chúng,
Tận hưởng thú vui hiện tại tràn.
3. Khi chúng bỏ thân xác thế nhân
Ði sang thế giới khác người trần,
Dù không ai thấy, thường kêu khóc
Về ác nghiệp xưa chúng đã làm
4. 'Quả thật nhiều người đáng cúng dâng
Với nhiều lễ vật', chúng than van,
'Xưa ta chẳng tạo nên công đức
Ðem đến cho mình chỗ trú an'.
5. 'Ác nghiệp nào đời trước tạo ra,
Do vầy từ giã chốn hoàng gia,
Tái sanh vào cõi loài ma đói,
Chịu đói khát giày xéo chúng ta?
6. Những kẻ làm vua cõi thế nhân
Sẽ không làm chúa tể âm cung,
Sang, hèn, hai loại đều quanh quẩn
Bị đói khát hành hạ khổ thân.
7. Biết rằng đau khổ có nguồn căn
Vua chúa buông lung phóng dật tâm,
Nam tử bỏ vương quyền ngã mạn,
Do vầy, thành một vị Thiên nhân,
Sau khi xả báo thân phàm tục,
Bậc trí tái sanh cõi sáng bừng'.
Như vậy, bậc Ðạo Sư kể lại số phận của các ngạ quỷ xong, liền hồi hướng về chúng công đức do đám người này cúng dường lễ vật và thuyết pháp theo ý Ngài.
7. (42) Chuyện Vợ Vương Tử (Ràjaputta)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc trú tại Jevatana (Kỳ Viên).
Thuở xưa có một nam tử của vua mệnh danh là Kitava làm tổn thương một vị Ðộc Giác Phật. Chàng phải đọa vào địa ngục nhiều ngàn năm, và chính vì lỗi lầm kia, chàng bị tái sanh vào loài ngạ quỷ. Chuyện của chàng đã được kể đầy đủ chi tiết trong sự tích các ngạ quỷ ở Sànuvàsi (Số 27, phẩm III)
Bấy giờ trong khi kể cho một vị Trưởng lão nghe số phận đám quyến thuộc quá vãng của ngạ quỷ kia, bậc Ðạo Sư bảo:
- Quả thật không phải chỉ quyến thuộc của ông, mà cả ông nữa, lúc trở thành ngạ quỷ trong đời trước, sau khi từ giã thế giới này, cũng đã chịu nỗi thống khổ khốc liệt.
Rồi do lời thỉnh cầu của vị Trưởng lão, Ngài kể chuyện này:
1. Quả do các nghiệp tạo ngày xưa
Có thể làm dao động trí ta
Liên hệ sắc, thanh, hương, vị, xúc,
Những gì đem lạc thú say sưa.
2. Ông hoàng đã hưởng thú cao sang,
Ðàn địch, ái ân thật ngập tràn,
Sau lúc nhàn du quanh thượng uyển,
Chàng đi vào cổ lũy Ða Sơn.
3. Chốn kia chàng thấy Su-net-ta,
Thanh tịnh, điều thân, một Phật gia,
Thiểu dục, khiêm cung và biết đủ
Với bình khất thực kiếm từng nhà.
4. Hoàng nam bước xuống tự lưng voi,
Và đến Hiền nhân ấy, thốt lời:
'Tôn giả, xin chào!' rồi lập tức
Chàng cầm bình bát ném lên trời.
5. Ném vỡ chiếc bình xuống đất kia,
Vừa cười vừa nói lúc đi xa:
'Ta là vương tử Ki-ta chúa,
Ðạo sĩ có làm ích lợi ta?'
6. Quả báo cho hành động bất nhân
Thật là khắc nghiệt, khổ muôn phần,
Tương truyền vương tử về sau đó
Phải đọa vào trong ngục tối tăm.
7. Hơn năm mươi vạn năm đày thân
Trong ngục tối đau khổ tận cùng
Vì tội lỗi mà chàng đã tạo,
Bị nhiều hình phạt đến xoay vần.
8. Chàng cứ nằm, đưa mặt xuống sàn
Xoay quanh phải, trái, biết bao lần,
Ðôi chân chổng ngược lên cao mãi;
Rồi đứng thẳng, người ngốc khổ thân.
9-10. Qua mấy ngàn năm, mấy vạn năm,
Bị hành địa ngục khổ vô ngần,
Chính vì tội lỗi chàng gây tạo,
Quả khắc nghiệt kia phải lãnh phần
Bởi những người đưa tay phá hại
Bậc Hiến trí giải thoát mê lầm.
11. Sau khi đã trải biết bao năm
Trong ngục khổ đau thật hãi hùng,
Chàng phải mạng chung vì đói khát,
Trở thành một ngạ quỷ mình trần.
12. Như vầy, khi thấy cảnh đau thương
Do vị vua buông thả kỷ cương,
Ta chẳng làm vua buông thả nữa,
Mà nên hướng đến tính khiêm nhường.
13. Ngay cả trong đời sống hiện thời,
Người tôn trọng Phật đáng khen hoài,
Có đầy trí tuệ, khi thân hoại,
Ðược tái sanh vào cõi sáng tươi.
8. (43) Chuyện Những Ngạ Quỷ Ăn Phân (Gùthakhàdaka)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên).
Tương truyền trong một thị trấn nọ không xa Sàvatthi, có một gia chủ ra lệnh xây một tinh xá cúng dường vị Tỷ-kheo vốn là bạn thân của mình. Về sau nhiều Tỷ-kheo từ khắp nơi đến cư trú tại đó.
Khi thấy chư Tăng, dân chúng liền cung cấp đủ mọi thứ cần dùng. Bấy giờ vị Tỷ-kheo thân tín của chủ nhà không chịu được cảnh này và lòng đầy ganh tỵ (như các vần kệ kể lại).
Về sau Tôn giả Mahà-Moggallàna thấy vị ấy và hỏi:
1. Ngươi chính là ai, khốn khổ thân,
Ðứng kia, vừa đến tự hầm phân,
Nói cho ta biết hành vi ác
Ngươi đã làm trong quá khứ chăng?
Ngạ quỷ:
2. Tôn giả, tôi là ngạ quỷ nhân,
Thần dân khốn khổ Dạ-ma quân,
Vì tôi đã phạm hành vi ác,
Từ cõi đời, tôi đến cõi âm.
Trưởng lão:
3. Thời xưa đã phạm ác hành gì
Do khẩu, ý, thân đã thực thi?
Vì nghiệp quả nào ngươi đã tạo
Giờ ngươi phải chịu cảnh sầu bi?
Ngạ quỷ:
4. Nhà tôi thường trú một Tỳ-kheo,
Tật đố và ganh tỵ đủ điều,
Ở tại nhà tôi, ham dục lạc,
Vị này phỉ báng, xan tham nhiều.
5. Tôi đã nghe lời của ác nhân,
Và tôi khiển trách các Sa-môn;
Bởi vì tôi phạm hành vi ấy,
Từ cõi đời, tôi đến cõi âm.
Trưởng lão:
6. Bạn thiết của ngươi chính kẻ thù
Giả danh bạn đấy, hỡi người ngu,
Ðến khi thân hoại, đi nơi khác,
Số phận nào cho kẻ giả tu?
Ngạ quỷ:
7. Nay tôi đang đứng ở trên đầu
Của phạm nhân này tự bấy lâu,
Nó đã đọa vào miền ngạ quỷ,
Chỉ mình tôi, nó phải theo hầu
8. Vật nào người khác trút cho vơi
Liền trở thành đồ ăn của tôi,
Và nó, đến phiên mình, kiếm sống
Những gì tôi tống khứ ra ngoài!
Tôn giả Mahà-Moggallàna tường thuật sự việc này lên đức Thế Tôn, Ngài liền giải thích ý nghĩa của nó và nêu rõ mối nguy hiểm của sự chỉ trích người khác.
9. (44) Chuyện Thứ Hai Về Các Ngạ Quỷ Ăn Phân (Gùthakhàdaka)
Trong lúc đang trú tại Jetavana, bậc Ðạo Sư kể chuyện này giống như chuyện trên. Ở đây, một nữ cư sĩ xây tinh xá và bị tái sanh làm nữ ngạ quỷ.
Các vần kệ đều giống nhau.
10. (45) Chuyện Bầy Ngạ Quỷ (Ganapeta)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Jetavana.
Tương truyền tại Sàvatthi, có một đám người không mộ đạo, không có lòng tin và có tật xan tham, keo kiệt. Họ thường thờ ơ đối với những ý tưởng họ đã chấp nhận cùng nhiều vấn đề khác trong cuộc đời.
Sau khi đã sống một thời gian dài, họ từ trần và tái sanh làm ngạ quỷ gần kinh thành. Rồi một hôm, Tôn giả Mahà-Moggallàna đi đến Sàvatthi để khất thực, Tôn giả thấy bầy ngạ quỷ trên đường, bèn hỏi chúng:
1. Trần truồng và xấu xí hình dung,
Hốc hác, khắp thân thể nổi gân,
Gầy guộc, các xương sườn lộ rõ,
Vậy là ai đó, các tôn ông?
Bầy ngạ quỷ:
2. Tôn giả, chúng con chính quỷ nhân,
Thần dân khốn khổ Dạ-ma quân,
Chúng con đã phạm hành vi ác,
Từ cõi đời, đi đến cõi âm.
Trưởng lão:
3. Ngày xưa đã phạm ác hành gì
Do khẩu, ý, thân đã thực thi?
Vì nghiệp quả nào nên đã đọa
Từ đây tới cảnh giới âm ty?
Bầy ngạ quỷ:
4. Cả bọn đi quanh bến tắm công,
Lang thang suốt cả nửa tuần trăng;
Chúng con chẳng tạo nơi an trú
Bằng cách đem tài vật cúng dâng.
5. Chúng con kinh hãi đến dòng sông,
Sông nước trở thành bãi trống không;
Ngày nắng chúng con vào bóng mát,
Tàn cây lại hóa nóng bừng bừng.
6. Cơn gió như thiêu đốt, lửa hồng
Thổi ào lên khắp cả toàn thân,
Chúng con xứng đáng nhiều đau khổ
Hơn thế này, Tôn giả biết chăng?
7. Ðói khát mong cầu thức uống ăn,
Chúng con đi cả mấy do-tuần,
Trở về không được gì đâu cả,
Cơ khổ! Chúng con ít phước phần.
8. Ðói lả và bất tỉnh ngã lăn
Chúng con gục xuống đất khô cằn,
Tấm thân sóng sượt nằm co quắp,
Ðầu ngã lộn nhào xuống dưới chân.
9. Do vậy chúng con phải ngã liền
Xuống nền đất lạnh khổ triền miên;
Chúng con đấm ngực và đầu tóc,
Cơ khổ! Chúng con ít phước duyên.
10. Tôn giả, chúng con xứng lãnh phần
Khổ đau này nữa thật nhiều lần.
Chúng con chẳng tạo nơi an trú
Cho chính mình bằng cách cúng dâng.
11. Quả thật, khi từ biệt cõi này,
Tái sanh nhân thế kiếp sau đây,
Chúng con nguyện hết lòng hào phóng,
Tu tập giới, hành thiện sự ngay.
Vị Trưởng lão trình đức Thế Tôn toàn thể sự việc này.
11. (46) Chuyện Ngạ Quỷ Thành Pàtaliputta (Pàtaliputtapeta)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Jetavana.
Tương truyền một số đông thương nhân từ Sàvatthi và Pàtaliputta đi thuyền đến Suvannabhumì (Xứ vàng). Ở đó có một người trong bọn họ là một đệ tử tại gia luyến ái một nữ nhân, mắc bệnh và từ trần.
Mặc dù vị ấy đã làm nhiều thiện sự, vị ấy vẫn không được sanh lên thiên giới; nhưng vì luyến ái người yêu, vị ấy tái sanh làm một quỷ thần trong lâu đài giữa đại dương. Ở đấy quỷ thần vẫn giữ tình yêu đối với nữ nhân kia.
Riêng phần nàng đã lên thuyền du hành đến Xứ vàng ấy. Bấy giờ vị quỷ thần muốn chiếm nàng, liền chận đường đi của chiếc thuyền. Lúc ấy các thương nhân suy nghĩ trong trí: 'Này, thế nào đây? Thuyền không đi được nữa!'.
Vì thế họ rút thăm để quyết định số phận mỗi người. Do thần lực, chiếc thăm rớt xuống ba lần trên không ai khác hơn nữ nhân mà quỷ thần đang mong ước.
Chẳng bao lâu sau khi nàng bị thả xuống biển thì chiếc thuyền nhanh chóng tiến lên về hướng Xứ vàng kia. Thế rồi vị phi nhân đem nàng vào lâu đài của mình và hưởng hạnh phúc bên nàng.
Một năm sau, nàng sinh ra bất mãn và cầu xin vị quỷ thần:
- Bao lâu em còn sống ở đây, em sẽ không thể tìm được các cảnh giới khác. Xin tôn ông đưa em về thành Pàtaliputta.
Ðáp lời khẩn cầu này, quỷ thần bảo:
1. Nàng đã thấy bao địa ngục rồi,
Các miền súc vật, quỷ và người,
A-tu-la với Thiên thần nữa,
Nàng đã nhận ra nghiệp chín muồi,
Ta sẽ đưa nàng về phố cũ
Bình an, hành thiện sự trên đời.
Nàng hoan hỷ đáp lại:
2. Chàng muốn em an lạc, Dạ-xoa,
Chàng mong em lợi ích sâu xa,
Em xin thực hiện lời chàng dạy,
Chàng đối với em chính đạo sư,
Em đã thấy bao miền địa ngục,
Các miền súc vật, quỷ, người ta,
A-tu-la với Thiên thần nữa,
Em đã nhìn xem nghiệp báo mà.
Em nguyện thi hành nhiều thiện sự
Ngay khi vừa đến chốn quê nhà.
Sau đó vị quỷ thần đem nàng ấy cùng du hành qua không gian; rồi đặt nàng xuống ngay giữa thành Pàtaliputta, và đi về đường cũ. Lập tức thân bằng quyến thuộc của nàng cùng nhiều người khác trông thấy nàng, họ vô cùng hân hoan và nhận xét:
- Chúng ta nghe trước kia nàng đã bị thả xuống biển cả và chết rồi. Thật phước đức quá! Không ngờ nàng được trở về bình an!
Vì thế họ hỏi nàng về mọi chuyện phiêu lưu mạo hiểm kia. Nàng liền kể cho họ nghe tất cả.
Khi trở về, các thương nhân ấy đến Sàvatthi trình sự việc lên bậc Ðạo Sư.
12. (47) Chuyện Các Trái Xoài (Amba)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong khi đang trú tại Sàvatthi.
Ở Sàvatthi có một gia chủ đã khánh kiệt tài sản. Khi vợ từ trần, vị ấy để con gái duy nhất lại cho một người bạn, rồi vay một số tiền, mua hàng hóa lên đến một trăm đồng Kahàpana và đi buôn bán theo một đoàn lữ hành.
Chẳng bao lâu vị ấy trở lại kinh thành và kiếm thêm năm trăm đồng nữa. Sau đó vị ấy đi về nhà nhưng liền bị bọn cướp tấn công. Các thương nhân chạy trốn đây đó, còn gia chủ này ném các đồng tiền vào bụi cây rồi ẩn mình.
Tuy nhiên bọn đạo tặc kia tìm ra vị ấy và giết đi. Do lòng tham luyến của cải, vị ấy tái sanh làm một ngạ quỷ ngay tại chỗ kia.
Cô con gái nhớ đến người cha quá cố liền cúng cháo gạo trong một cái bình bằng đồng và một số trái xoài dâng đức Thế Tôn, thỉnh cầu Ngài nhận lễ vật như thể do cha nàng cúng vậy. Từ đó ngạ quỷ kia hưởng thọ một lâu đài mỹ lệ.
Về sau, đám thương nhân ấy lại du hành và dừng chân ban đêm ngay đúng chỗ kia, trông thấy vị quỷ thần liền hỏi:
1. Hồ sen ngài có diệu kỳ thay,
Bến nước làm ta phải đắm say
Bờ thật phẳng lì, nhiều nước mát,
Trang hoàng hoa đủ loại như vầy,
Một bầy ong điểm tô đây đó,
Sao ngài được cảnh mỹ hồ này?
2. Ðây ngài lại có một vườn xoài
Tuyệt mỹ và sinh quả mọi thời,
Vườn được trang hoàng hoa nở rộ,
Bầy ong điểm xuyết khắp nơi nơi,
Làm sao ngài được lâu đài ấy
Xin nói cho ta biết hỡi ngài?
Quỷ thần:
3. Con gái ta làm lễ cúng dâng
Cháo hoa, xoài chín, nước trong ngần,
Chính vì việc ấy nên ta được
Hưởng bóng cây êm mát tuyệt trần.
Sau đó vị quỷ thần đưa cho họ năm trăm đồng tiền Kahàpana ấy và bảo:
- Hãy lấy một nửa số tiền đây và sau khi giải thích phần tiền kiếm được này của tôi, hãy giao nó cho con gái tôi rồi dặn: 'Hãy sống cho đầy đủ sung sướng'.
Ðúng thời, đám thương nhân trở lại Sàvatthi, kể chuyện này với cô gái ấy, rồi đặt vào tay nàng đầy đủ số tiền mà cha nàng đã cho nàng. Nàng bèn đưa số tiền ấy giao cha nuôi. Nhưng ông trả lại hết cho nàng và bảo:
- Số tiền này không thuộc về ai cả trừ con.
Rồi ông cưới nàng về làm vợ người con trai trưởng của ông. Theo thời gian, nàng sinh được một trai và nàng thường hát ru con với bài ca này:
4. Nhìn phước báo ngay ở cõi trần
Do dâng lễ vật, tự điều thân.
Xưa ta tỳ nữ nhà danh giá,
Nay được làm dâu, nữ chủ nhân.
Rồi một hôm, bậc Ðạo Sư nhận xét nàng đã thuần thục trong tri thức, liền phóng một hình ảnh đầy đủ hào quang ngay trước mặt nàng và xuất hiện toàn thân.
Vào dịp này, Ngài ngâm vần kệ:
5. Các bậc chánh chân thường nhiếp phục
Những điều bất lạc bằng hân hoan,
Những điều thù oán bằng từ ái,
Nhiếp phục khổ đau với lạc an.
13. (48) Chuyện Trục Xe và Cây Gỗ (Akkharukkha)
Trong khi bậc Ðạo Sư đang trú tại Sàvatthi, một đệ tử tại gia chất đầy hàng hóa lên xe và đi Videha (Vi-đề-ha) để buôn bán.
Khi đã đặt hàng xuống đó, vị ấy chất đầy đoàn xe số hàng hóa mới đem về và lên đường trở lại Sàvatthi.
Trong khi đang đi giữa rừng, cái trục của một chiếc xe bị gãy. Bấy giờ có một người đang muốn tìm cây gỗ, liền đem rìu lớn, rìu nhỏ đi ra khỏi làng. Khi đang đi quanh trong rừng, kẻ ấy đến nơi kia và thấy vị đệ tử tại gia đang buồn khổ vì trục xe bị gãy. Y thấy thương xót người này, liền đi đẵn cây xuống, và sau khi làm xong một trục xe vững chắc, y ráp cái trục vào xe ấy mà không lấy từ kẻ kia tiền phí tổn gì cả.
Nhưng về sau, y từ trần và tái sanh ngay chỗ này trong khi rừng làm một địa thần.
Khi suy xét hạnh nghiệp của mình, vị địa thần đến nhà người đệ tử tại gia ấy vào ban đêm, đứng ngay cửa lớn và ngâm kệ này:
Vật gì mà kẻ ấy đem cho,
Không chỉ trở thành như vật xưa,
Vậy hãy cứ phân chia tặng vật,
Nhờ đem cho, kẻ ấy đi qua
Cả hai thế giới, và do đó
Kẻ ấy đi lên. Hãy tiến tu!
Khi trở lại Sàvatthi,vị thương nhân trình chuyện này lên bậc Ðạo Sư.
14. (49) Chuyện Thu Góp Tài Sản (Bhogasamharana)
Trong lúc đức Thế Tôn đang trú tại Trúc Lâm, bốn nữ nhân tại Vương Xá dùng nhiều phương tiện gian dối buôn bán sữa lạc, mật ong, dầu mè, ngũ cốc và nhiều thực phẩm khác.
Suốt đời họ chỉ lo thu góp của cải một cách ngu si, và vì vậy sau khi chết, họ tái sanh làm bầy nữ ngạ quỷ trong ống cống ngoại thành.
Ban đêm bầy ngạ quỷ chịu mọi thống khổ ngập tràn, thường đi quanh quẩn vừa thét lên những tiếng khủng khiếp vang dậy, vừa than khóc:
1. Ta đã góp thu lắm bạc vàng
Công bằng cùng với chẳng công bằng
Khi người khác hưởng bao tài vật,
Phần chúng ta nay thật thảm thương.
Khi dân chúng nghe chuyện này, họ vô cùng kinh hoảng và sáng hôm sau liền đem nhiều lễ vật cúng dường đến hầu cận đức Thế Tôn rồi trình lên Ngài những tiếng hét kia. Ngài lại ngâm vần kệ của bầy ngạ quỷ và kể chuyện chúng đã sống đời trước ra sao.
15. (50) Chuyện Các Nam Tử Của Nhà Triệu Phú (Setthiputta)
Bấy giờ đức Thế Tôn đang trú tại Jetavana (Kỳ Viên) ở Sàvatthi (Xá-vệ).
Thời ấy, một hôm Ðại vương Pasenadi (Ba-tư-nặc) của nước Kosala (Kiều-tát-la) phục sức lộng lẫy ngự trên mình voi với vẻ oai nghi đầy quyền lực. Nhà vua thấy trên thượng lầu của một nhà kia có một nữ nhân đang nhìn xuống, trông diễm lệ như một Thiên nữ.
Lòng nhà vua đâm ra mê mẩn vì trí nhà vua vốn buông lung khó kiềm chế được. Vì thế nhà vua ra hiệu cho một người ngồi kế sau mình. Và mọi việc được thực hiện giống như trong Chuyện Ngạ Quỷ Ambasakkhara, nhưng có điểm khác biệt này.
Ở đây, người đàn ông ấy thực ra đã đến nơi trước khi hoàng hôn, nhưng cổng thành đã đóng. Vì thế, y buộc vào cột trụ của cổng thành gói đất đỏ và bó sen xanh mà y đã mang về và đi vào Kỳ Viên.
Bấy giờ trong lúc đang an giấc, giữa canh khuya, nhà vua nghe bốn vần này: 'Sa, na, du và so' được thét vang một cách đau đớn.
Tương truyền đây là bốn vần đầu của bốn câu kệ do bốn con trai một vị triệu phú thành Xá-vệ thốt ra. Vào thời hoa niên họ đã tham đắm dục lạc và đi với vợ nhiều người khác, tạo nên điều thất đức. Khi từ trần, họ tái sanh vào Ðịa ngục Chảo sắt gần kinh thành ấy.
Nhà vua vô cùng kinh hãi, và rạng ngày hôm sau liền kể cho vị tế sư nghe sự việc đã xảy ra. Vị ấy đang mong kiếm một số lợi nhuận, bèn thưa:
- Tâu Ðại vương, than ôi, một đại họa xảy ra. Xin Ðại vương cử hành tế lễ đầy đủ bốn phần.
Nhà vua truyền lệnh thi hành việc này.
Khi hoàng hậu Mallikà (Mạt-lợi) nghe chuyện, liền thưa với nhà vua:
- Tâu Ðại vương, tại sao vì nghe lời của một Bà-la-môn, Ðại vương lại muốn làm một việc gây tổn thương và sát hại nhiều sanh vật như vậy? Nay Ðại vương nên tham kiến đức Thế Tôn là bậc Minh Hạnh vô song và khi Ngài giải thích ra sao thì Ðại vương phải làm theo như vậy.
Sau đó vị Ðại vương đến tham kiến bậc Ðạo Sư và trình Ngài sự việc trên. Ðức Thế Tôn bảo:
- Thưa Ðại vương, Ðại vương sẽ không gặp nguy hiểm nào vì việc ấy cả.
Rồi Ngài kể chuyện ngay từ đầu về tiếng thét của những người tái sanh vào địa ngục Lohakumbhi (Chảo sắt). Sau đó Ngài đọc cho nhà vua nghe đầy đủ các vần kệ mà chúng đã bắt đầu thốt ra:
1-2. Với người trong ngục bị hành thân
Suốt cả thời gian sáu vạn năm,
Việc ấy khi nào thì chấm dứt?
- Sẽ không chấm dứt. Chẳng sau cùng.
Bao giờ chấm dứt? - Không nhìn thấy,
Quả bạn và ta phạm lỗi lầm.
3. Chúng ta đang phải sống đau thương
Vì chúng ta không biết cúng dường
Những vật cần cho khi có sẵn,
Ta không tạo chỗ trú an toàn.
4. Quả thật khi từ biệt chốn đây
Ðược làm người ở cõi đời này,
Ta nguyền hào phóng, chuyên trì giới,
Ta quyết làm nhiều thiện sự ngay.
Khi bậc Ðạo Sư ngâm các vần kệ xong, Ngài thuyết pháp đầy đủ chi tiết. Lúc kết thúc bài giảng, người đàn ông đã đi tìm đất đỏ và hoa sen ấy được an trú vào Sơ quả Dự Lưu. Còn nhà vua, lòng đầy xúc động, liền bỏ tham đắm vợ người khác và hài lòng với vợ của mình.
16. (51) Chuyện Sáu Vạn Cái Búa (Satthikùtasahassa)
Bậc Ðạo Sư kể chuyện này trong lúc đang trú tại Trúc Lâm.
Ngày xưa trong thành Ba-la-nại, có một người què giỏi nghề ném đá. Chuyện này là Chuyện Tiền Thân Sàlittaka số 107, phần chính được kể qua các vần kệ.
Thế rồi một hôm Tôn giả Mahà-Moggallàna đang đi xuống từ núi Linh Thứu, Tôn giả nhìn thấy ngạ quỷ này và hỏi:
1. Tại sao ngươi cứ chạy xoay vần
Như chú nai đi lạc phát cuồng,
Chắc chắn ngày xưa gây ác nghiệp
Ngươi nghĩ thế nào việc ấy chăng?
Ngạ quỷ đáp:
2. Tôn giả, con là ngạ quỷ nhân,
Thần dân khốn khổ Dạ-ma quân,
Vì con đã phạm hành vi ác,
Con đến cõi ma đói ẩn thân.
3. Sáu mươi ngàn chiếc búa vừa tròn
Bổ xuống đầu con, chẻ sọ con.
Trưởng lão hỏi tiếp:
4. Ngày xưa đã phạm ác hành gì
Do khẩu, ý, thân đã thực thi,
Vì nghiệp quả nào ngươi đã tạo,
Từ đời này đến cõi âm ty?
5. Sáu mươi ngàn chiếc búa liên hồi
Bổ xuống đầu ngươi, chẻ sọ ngươi!
Ngạ quỷ:
6. Ngày xưa con thấy Su-net-ta,
Hoàn thiện các căn, một Phật gia,
Vừa đến gốc cây ngồi tĩnh tọa,
An nhiên thiền định, chẳng âu lo.
7. Con ném ngài bằng cục đá vôi
Làm tan vỡ cả chiếc đầu ngài,
Vì hành vi ấy ngày xưa phạm,
Con phải chịu đau khổ thật dài.
8. Sáu mươi ngàn chiếc búa vừa tròn
Bổ xuống đầu con, chẻ sọ con.
Khi nghe vầy, vị Trưởng lão giải thích:
9. Vì Chánh pháp, này hỡi ác nhân,
Sáu mươi ngàn chiếc búa xoay vần
Giờ đây đánh xuống đầu ngươi mãi,
Chẻ nát đầu ngươi sáu vạn lần.
-[Hết Tập II, Tiểu Bộ Kinh]-
Ðảnh Lễ Ðức Thế Tôn Bậc A-La-Hán Chánh Ðẳng Giác
(I) Subhùti (Thera. 1)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong gia đình vị Cố vấn Sumana, em trai Ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc), được đặt tên là Subhùti. Trong ngày ông Cấp Cô Ðộc dâng cúng vườn Kỳ Viên cho đức Phật, ngài có chứng kiến. Sau khi nghe pháp, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Thọ Ðại giới xong, ngài thâm hiểu hai loại giới luật. Ðược Thế Tôn cho một đề tài để thiền quán, ngài đi vào rừng để hành thiền. Sau khi triển khai thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài bắt đầu thuyết pháp, không phân biệt giới hạn, được trở thành vị Tỷ-kheo đệ nhất về hạnh Từ vô lượng. Khi Ngài đi khất thực, ngài vẫn hành thiền, và khi xuất thiền, ngài mới nhận đồ ăn, và như vậy đem lại công đức lớn cho thí chủ và ngài trở thành vị xứng đáng được bố thí đệ nhất. Do vậy, Thế Tôn có nói: 'Này các Tỷ-kheo, Subhùti được xem là vị Tỷ-kheo đệ nhất về hạnh từ bi vô lượng, xứng đáng được cúng dường'.
Bậc Ðại đệ tử này, trong khi đi khất thực đi đến Vương Xá, vua Bimbisàra (Bình-sa) nghe ngài đến, liền đến kính chào và xin dựng một chỗ ở cho ngài, nhưng rồi vua quên, ngài không nhận được chỗ ở, nên hành thiền ngoài trời. Vì thái độ nghiêm túc của ngài, trời không mưa và do vậy nạn hạn hán đe dọa dân chúng, quần chúng tụ họp than phiền ồn ào trước hoàng cung. Vua tìm hiểu nguyên nhân vì sao trời không mưa và nghĩ rằng có lẽ vì ngài Subhùti hành thiền ngoài trời. Vua cho làm các am thất bằng lá cho ngài, và khi ngài vào ngồi thiền trong am thất ấy, trời bắt đầu mưa từng hột một chớ không mưa ào ào. Ngài muốn quần chúng khỏi sợ hạn hán, tuyên bố rằng, không có sự sợ hãi gì đe dọa ngài, từ phía ngoài hay từ phía trong, với những bài kệ như sau:
1. Am thất ta khéo lợp,
An lạc, ngăn chận gió,
Thần mưa, hãy mưa đi,
Mưa như ý Ngươi muốn!
Tâm ta khéo định tĩnh,
Giải thoát, sống tinh cần,
Thần mưa, hãy mưa đi!
Thần mưa, hãy mưa đi!
(II) Mahàkotthita (Thera. 1)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn rất giàu có và được đặt tên là Kotthita (Câu-hy-la). Khi đến tuổi trưởng thành, ngài học ba tập Veda và thành tựu các đức tánh của vị Bà-la-môn, ngài nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, khởi lòng tin và xuất gia. Thực hiện thiền quán từ khi mới xuất gia, ngài chứng quả A-la-hán, với hiểu biết về nghĩa và về pháp, ngài thường hỏi bậc Ðạo Sư và các vị Ðại Trưởng lão về hai vấn đề ấy và trở thành rất lão luyện thuần thục. Rồi bậc Ðạo Sư, sau khi xác nhận các quả chứng ngài đã được trong kinh Vedalla, xác nhận ngài là bậc thiền quán đệ nhất.
Sau một thời gian, ý thức được sự an lạc giải thoát, ngài nói lên bài kệ này:
2. Tịch tịnh và chỉ tức,
Tụng đọc lời trí tuệ,
Tâm tư không tháo động,
Ác pháp được vứt bỏ,
Giống như những lá cây,
Bị gió thổi phiêu bạt.
(III) Kankha-revata (Thera. 2)
Trong thời đức Phật hiện tại ngài sanh vào trong một gia đình giàu có ở Sàvatthi. Khi ngài đứng vào vòng ngoài của những người đứng nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Ngài chứng quả A-la-hán nhờ hành thiền, ngài trở thành lão luyện trong thiền định và bậc Ðạo Sư tuyên bố ngài là hành thiền đệ nhất.
Sự nghiệp đã thành tựu, ngài nghĩ đến sự nghi ngờ lấn chiếm tâm tư, và nay nghi ngờ đã được đoạn tận, ngài tán thán sức mạnh và trí tuệ của bậc Ðạo Sư, nhờ vậy nay tâm tư ngài được định tĩnh và kiên trì. Ngài nói:
3. Hãy thấy trí tuệ này
Của những bậc Như Lai,
Như lửa cháy nửa đêm,
Cho ánh sáng, cho mắt,
Họ nhiếp phục nghi ngờ
Cho những ai đi đến.
(IV) Punna Mamtàniputta (Thera. 2)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh vào một gia tộc Bà-la-môn, trong làng Bà-la-môn Donavatthu, không xa Kapilavatthi (Ca-tỳ-la-vệ). Ngài là con trai của người chị của Trưởng lão Kondanna và được đặt tên là Punna. Sau khi làm tròn bổn phận của một người Sa-di, ngài tinh tấn nỗ lực cho đến khi chứng được quả cao nhất. Rồi ngài đi với người cậu ngài đến sống gần bậc Ðạo Sư, từ bỏ miền phụ cận Kapilavatthu, chuyên tâm tu hành, không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán.
Ngài Punna có đến năm trăm đồ chúng cùng ở trong gia tộc ngài, và tất cả đều xuất gia. Vì ngài giỏi về mười căn bản của thuyết giảng, ngài dạy cho các đệ tử của ngài lão luyện về mười căn bản này cho đến khi các vị này chứng quả A-la-hán. Các đệ tử ngài yêu cầu ngài đưa họ đến yết kiến bậc Ðạo Sư, nhưng ngài nghĩ không nên đi với số đồ chúng như vậy, liền bảo họ đi trước còn ngài đi sau. Các vị ấy là đồng hương với đức Phật, đã đi bộ sáu mươi do tuần đến Vương Xá, đến tại ngôi tịnh xá Trúc Lâm và đảnh lễ bậc Ðạo Sư. Ðức Phật hỏi ai đồng hương với Ngài có thể giảng được về đời sống giản dị, và các vị này giới thiệu ngài Punna. Khi bậc Ðạo Sư đi từ Vương Xá đến Sàvatthi, ngài Punna cũng đi đến Sàvatthi, tại đây ngài được dạy về Chánh pháp. Rồi ngài đi vào rừng Andha để suy tư về Chánh pháp. Tôn giả Sariputta cũng đi theo vào rừng và đàm đạo Chánh pháp với Punna. Bậc Ðạo Sư tuyên bố Punna là bậc thuyết pháp đệ nhất.
Một hôm, suy tư trên sự giải thoát chứng đạt, ngài suy tư như sau: 'Ðối với ta và nhiều vị khác đã thoát khỏi đau khổ, thật là giúp đỡ lớn nếu thân cận với bạn lành'. Với sự hoan hỷ phấn khởi, ngài nói lên bài kệ này:
4. Hãy thân cận người hiền,
Bậc hiền minh thấy nghĩa,
Nghĩa lớn và thâm sâu,
Khó thấy, tế, tế nhị,
Bậc trí chứng đạt được,
Không phóng dật, chủ tâm.
(V) Dabba (Thera. 2)
Ngài sanh ra trong gia đình của dân tộc Mallà ở Anupiyà. Khi mới bảy tuổi, ngài được thấy bậc Ðạo Sư khi Thế Tôn viếng thăm xứ sở và nhà của ngài.
Ngài bị ảnh hưởng đến nỗi ngài xin phép bà nội cho được xuất gia với bậc Ðạo Sư, mẹ ngài đã mất khi sanh ngài. Bà nội ngài đưa ngài đến yết kiến đức Phật và đức Phật giao cho một Tỷ-kheo làm lễ xuất gia cho ngài. Ngài với nghiệp nhân quá khứ với ước vọng tương lai đang chín muồi, nên chứng được bốn quả liên tiếp chính trong khi ngài được cạo tóc.
Khi bậc Ðạo Sư từ giã xứ Mallà để đi về Vương Xá, Dabba thiền quán một mình, và muốn dùng thân để phục vụ giáo hội và nhận công việc phân phối chỗ ngủ, tổ chức các buổi ăn. Bậc Ðạo Sư chấp nhận công việc làm này, xác nhận sự thành công của ngài, khả năng thần thông của ngài, với ngón tay chói sáng của mình soi sáng cho các đồng Phạm hạnh về chỗ ngủ. Các sự việc này được nói đến trong Luật tạng.
Khi bị các Tỷ-kheo theo phe với Mettiya và Bhummajika vu khống, làm hại và ngài được giáo hội che chở và biện minh, Tôn giả Dabba ý thức được lòng từ của mình đối với các vị khác, liền nói lên bài kệ như sau:
5. Ai thật khó nhiếp phục,
Nay đã được nhiếp phục,
Dabba tự biết đủ,
Nghi ngờ được vượt qua,
Thắng trận, không sợ hãi,
Dabba trú tịch tịnh.
(VI) Sìla- Vaniya (Thera. 2)
Ðây là bài kệ của Trưởng lão Sambhùta, ngài được sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con trai một Bà-la-môn có danh tiếng, tên là Sambhùta. Với ba người bạn Bhùmija, Jeyyasena và Abhiràdana. Ngài nghe Thế Tôn thuyết pháp và ngài xuất gia. Khi đang tu tập thiền quán thân bất tịnh, ngài ở luôn luôn tại Sitavana (rừng mát) và được gọi là Sitavaniya (vị ở rừng mát).
Khi thấy các Tỷ-kheo đang đi đến yết kiến đức Phât, ngài nói: 'Thưa các Hiền giả, các Hiền giả hãy đảnh lễ bậc Ðạo Sư thay mặt tôi và thưa với bậc Ðạo Sư như sau:
6. Có Tỷ-kheo đi đến
Rừng Sitavana,
Sống một mình, độc cư,
Biết đủ, tâm nhập định,
Thắng trận, không kinh hoàng,
Kiên trì hộ thân niệm'.
(VII) Bhalliya (Thera. 2)
Với người anh là Tapussa, trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở thành Pokkharavatì, con một người đánh xe cho đoàn lữ hành. Khi đoàn lữ hành đi ngang một khu rừng có bóng mát một đoạn đường bùn lầy ngăn đoàn lữ hành lại. Một vị thần cây, là người bà con hiện ra và nói: 'Thế Tôn vừa mới thành đạo và đang ngồi thiền bảy ngày dưới gốc cây. Hãy cúng dường đồ ăn. Như vậy, các người được hạnh phúc và lợi ích'. Cả lữ đoàn hoan hỷ, không chờ nấu cơm, đem bánh gạo và mật đến cúng dường Thế Tôn.
Khi Thế Tôn chuyển pháp luân ở Benares, Thế Tôn đi đến Vương Xá. Ở đây, Tapussa và Bhalliya hầu hạ Ngài và nghe pháp, Tapussa trở thành một cư sĩ, còn Bhalliya thời xuất gia và thành tựu được sáu thắng trí.
Một ngày kia, Ác ma hiện ra dưới hình thức cực kỳ kinh hoàng, nhưng Bhalliya đã vượt qua mọi sợ hãi, nên nói lên bài kệ như sau, khiến Ác ma phải thất vọng:
7. Ai đuổi đi thần chết,
Với đạo binh của nó,
Những dòng nước lớn mạnh,
Trói cây lau yếu ớt,
Thắng trận, không sợ hãi,
Nhiếp phục, trú tịch tịnh.
(VIII) Vìra (Thera. 2)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ) trong gia đình vị bộ trưởng vua Pasenadi (Ba-tư-nặc), và được gọi là Vìra. Ngài rất giỏi về thể thao và võ nghệ, và trở thành một chiến sĩ. Sau khi lập gia đình với sự bằng lòng của mẹ cha, ngài có một đứa con trai. Thấy sự khổ lụy, tiếp tục tái sanh, ngài xuất gia và nhiệt tâm tinh cần, ngài chứng được sáu thắng trí. Khi đã thành vị A-la-hán và sống thọ hưởng an lạc giải thoát, vợ của ngài muốn cám dỗ ngài trở về với gia đình bằng nhiều hình thức. Nhưng Tôn giả nói rằng: 'Người đàn bà này muốn cám dỗ ta, không khác gì người muốn xô ngã núi Sineru với cánh một con ruồi'. Và ngài thuyết lên bài kệ này để nói rằng sự cám dỗ của vợ cũ của ngài thật là vô ích:
8. Ai thật khó nhiếp phục
Nay đã được nhiếp phục,
Vìra tự thỏa mãn,
Nghi ngờ được vượt qua,
Thắng trận, không kinh hoàng,
Vìra trú tịch tịnh.
Người đàn bà nghe ngài nói rất lấy làm xúc động và nghĩ rằng: 'Chồng ta đã thành đạt thù thắng như vậy. Vậy đời sống gia đình có gì là tốt đẹp cho ta'. Rồi đi đến tịnh xá các Tỷ-kheo-ni xin được xuất gia và chứng được ba minh.
IX. Pilinda-Vaccha (Thera. 2)
Ngài sanh ở Sàvatthi, là con một Bà-la-môn, trước khi Thế Tôn thành đạo và được đặt tên là Pilinda. Vaccha là tên của dòng họ. Ngài trở thành một ẩn sĩ và được một bùa phép tên là Tiểu Gandhàra (có thể đi trên hư không và tha tâm thông) và nhờ vậy được nổi danh. Khi đức Phật thành đạo, bùa phép này không còn hiệu lực. Khi ngài nghe được bùa phép Ðại Gandhàra làm bùa phép tiểu Gandhàra mất hiệu lực, ngài kết luận Sa-môn Gotama biết được bùa phép Ðại Gandhàra và ngài đến hầu hạ đức Phật để học cho được bùa phép ấy, đức Phật dạy: 'Phải xuất gia', ngài tưởng rằng xuất gia là điều kiện để chứng được bùa phép nên vâng lời theo. Ðức Phật dạy ngài Chánh pháp và phương pháp thiền quán, chẳng bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Nhờ sự hướng dẫn của Pilinda trong một đời trước, được sanh làm chư Thiên, vị này hầu hạ ngài sớm chiều để tỏ lòng biết ơn. Do vậy, ngài được xem là vị Tỷ-kheo được chư Thiên ái kính, và được đức Phật xác nhận cho địa vị ấy.
Một hôm, Tôn giả Pilinda ngồi giữa hội chúng Tỷ-kheo, suy tư đến sự thành tựu của mình, tuyên bố cho chúng biết bùa phép ấy đã đưa ngài đến gặp Thế Tôn và nói lên bài kệ này:
9. Lời khuyên đến, tốt lành!
Lời không tốt, không đến!
Lời khuyên đến với ta,
Không thuộc về tà ác!
Giữa các pháp phân biệt,
Ta đến pháp tối thượng.
(X) Punnamàsa (Thera. 3)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh làm con của Samiddhi, một Bà-la-môn ở Sàvatthi, ngài xuất gia được khi sanh được đứa con trai, thọ giới dưới sự hướng dẫn của đức Phật, và lấy bốn sự thật làm đề tài để thiền quán và ngài chứng được quả A-la-hán. Vợ cũ của ngài tìm cách cám dỗ ngài, trang điểm rất đẹp mắt đến thăm ngài, và đem theo đứa con trai. Nhưng ngài hoàn toàn giải thoát, không còn vướng bận gì và nói lên bài kệ này:
10. Ta sống không mong chờ,
Ðời này hay đời sau,
Vị đã đạt trí tuệ,
An tịnh, tự chế ngự,
Không dính nhiễm các pháp,
Biết sanh diệt của đời.
Vợ của ngài nghĩ rằng: 'Vị Trưởng lão này không để ý gì đến ta và con ta nữa, ta không thể cám dỗ ngài' nên nàng bỏ đi.
(XI) Cùlagavaccha (Thera. 3)
Ngài sanh là vị Bà-la-môn ở Kosambi, nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, ngài xuất gia. Lúc bấy giờ các Tỷ-kheo ở Kosambi tranh cãi nhau, Cùlagavachha không theo phe phái nào, trung thành với lời dạy của bậc Ðạo Sư, phát triển trí tuệ và chứng quả A-la-hán. Thấy sự tranh cãi các Tỷ-kheo là nguyên nhân của sự thối thất, ngài hoan hỷ với thái độ không phe phái của mình và nói lên bài kệ:
11. Tỷ-kheo nhiều hân hoan,
Trong pháp Phật tuyên bố,
Ðạt được đạo tịch tịnh,
Hành dừng lại an lạc.
(XII) Mahàgavaccha (Thera. 3)
Ngài sinh ra trong thời đức Phật tại thế, làm con của Sammiddhi, một Bà-la-môn ở làng Nàlaka, Magadha. Ngài xuất gia vì Sàriputta đã xuất gia, và ngài biết Sàriputta rất sáng suốt. Sau khi chứng quả A-la-hán, và thọ hưởng lạc giải thoát, ngài nói lên bài kệ để khích lệ các đồng Phạm hạnh tinh cần tu tập:
12. Trí tuệ lực, giới hạnh,
Ðịnh, thiền lạc, chánh niệm,
Chỉ ăn những món ăn
Ðem lại quả tốt đẹp,
Ở đây, tham viễn ly,
Chờ đợi giờ mạng chung.
(XIII) Vanvaccha (Thera. 3)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu. Ngài sanh ra trong rừng, khi mẹ ngài đi vào rừng viếng cảnh, và sanh tại đấy. Ngài trở thành một trong những đứa trẻ chơi cát với đức Phật trong tương lai. Vì ngài thích rừng núi, ngài được biết với tên là Vanavaccha. Về sau, khi ngài xuất gia, ngài sống trong rừng tinh tấn tu hành và chứng quả A-la-hán. Ðể tán thán hạnh ở rừng, ngài nói lên bài kệ này, đáp lời vị đồng Phạm hạnh đã hỏi ngài: 'Ngài thích thú gì ở rừng núi?' Ngài đáp: 'Thích thú thay, các ngôi rừng các ngọn núi!
3. Ðẹp sắc, mây xanh biếc,
Nước mát lạnh, chảy trong,
Kẻ chăn bò Inda,
Che kín cả ngôi rừng,
Những ngôi núi đá ấy,
Làm hân hoan tâm ta'.
(XIV) Sìvaka (Thera. 3) (Một Sa-di phục vụ cho Vanavaccha).
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con người chị của Vanavaccha. Khi mẹ ngài được tin Vanavaccha xuất gia, thọ Ðại giới, đã sống trong rừng. Mẹ ngài nói với ngài: 'Này Sìvaka, con hãy xuất gia dưới sự chỉ dẫn của Vanavaccha và phục vụ cho ngài, vì nay ngài đã già!'. Ngài nghe theo lời mẹ xuất gia sống ở trong rừng phục vụ săn sóc Vanavaccha. Một hôm, khi đi đến gần làng, ngài bị đau nặng; khi thuốc không chữa được, ngài không về và Trưởng lão Vanavaccha đi tìm và thấy ngài bị đau. Sau khi cho ngài uống thuốc và săn sóc ngài, khi bình minh mới bắt đầu, vị Trưởng lão nói với ngài: 'Này Sìvaka, từ khi ta xuất gia, ta không sống ở trong làng. Vậy chúng ta hãy đi vào rừng'. Sìvaka trả lời: 'Dầu thân con ở trong làng, nhưng tâm con bao giờ cũng hướng về rừng núi. Vậy nay con tuy nằm ở đây, con sẵn sàng đi vào rừng'. Vị Trưởng lão cầm tay ngài, dắt ngài đi vào rừng, khích lệ ngài. Ngài nhờ sự khích lệ này, tự mình sách tấn và chứng quả A-la-hán.
Rồi ngài nói lên bài kệ của mình hợp chung lời vị Trưởng lão và lời mình, nói lên sự ưa thích sống viễn ly và quả chứng của mình, sự vâng lời thầy của mình và chứng đắc chánh trí:
14. Thầy ta nói với ta,
'Hãy đi, Sìvaka!'
Thân ta sống ở làng,
Nhưng tâm hướng về rừng,
Dầu còn nằm ta đi,
Người biết, không trói buộc.
(XV) Kunda Dhàna (Thera. 3)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con một Bà-la-môn và được gọi là Dhàna. Thuộc lòng ba tập Vệ-đà, sau khi đã lớn tuổi, ngài nghe đức Phật thuyết pháp và xuất gia. Khi vua Pasenadi nước Kosala để ý đến ngài, cúng dường ngài các đồ dùng cần thiết nên ngài khỏi phải đi khất thực. Khi nàng Subhaddà mời bậc Ðạo Sư và chúng Tỷ-kheo dùng cơm, lúc ấy Kunda Dhàna mới chứng tỏ quả chứng và sức mạnh của mình như đã được ghi chép trong tập sớ Anguttara Nikàya. Ngài nói lên các bài kệ này cho các vị Tỷ-kheo:
15. Năm pháp Thầy cắt đứt,
Năm pháp Thầy từ bỏ,
Và năm pháp thượng nhân,
Thầy cố gắng tu tập,
Tỷ-kheo vượt năm ái,
Ðược gọi là 'vượt bộc lưu'.
(XVI) Belatthasìsa (Thera. 3)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn. Trước khi đức Phật thành đạo, ngài đã xuất gia theo giáo đoàn của Kassapa ở Uruvelà và thờ lửa. Khi Kassapa được đức Phật giáo hóa, ngài là một trong ngàn người đệ tử của Kassapa chứng được quả A-la-hán, khi nghe đức Phật giảng kinh Adittápariyàyàsutta (Kinh Lửa Cháy).
Sau ngài trở thành vị giáo thọ của Tôn giả Ananda. Một hôm, nghĩ đến sự an lạc thuần tịnh của quả chứng, và sự tu hành ban sơ của mình, ngài nói lên bài kệ diễn tả sự hân hoan của ngài:
16. Như vật hiền giống tốt
Với sừng, kéo cái cày,
Ði đứng không mệt nhọc,
Cũng vậy, ta ngày đêm,
Ði đứng không mệt nhọc,
Ðược lạc không thế vật.
(XVII) Dàsaka (Thera. 4)
Do nghiệp của mình, ngài sanh vào thời dức Phật hiện tại, con của một người nô lệ của Anàthapindika, và được giao việc gác cửa vào tịnh xá Jetavana. Ðược nghe đức tánh và nguyện vọng của ngài, ông Anàthapindika giải thoát cho ngài khỏi vòng nô lệ và ngài nói ngài sẽ sung sướng nếu được xuất gia. Do vậy, ngài được xuất gia ngay. Nhưng khi được xuất gia, ngài trở thành biếng nhác, thụ động, tiêu cực, không chịu cố gắng để thoát khỏi sanh tử, và ngủ quá nhiều sau các bữa ăn. Khi đến thời thuyết pháp, ngài lựa một chỗ ngoài vòng Tăng chúng, tìm một góc và ngồi ngáy. Thế Tôn nghĩ đến việc làm trước của ngài, nên nói lên bài kệ này để khích lệ ngài:
17. Ai hôn trầm, ăn nhiều,
Nằm ngủ, lăn qua lại,
Như heo lớn, ăn no,
Kẻ ngu tiếp thai sanh.
Khi nghe vậy, Dasaka trở thành dao động hốt hoảng và phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Rồi ngài suy nghĩ: 'Bài kệ của Thế Tôn đã khích lệ ta nhiều' và ngài nói lại bài kệ này. Như vậy, dầu cho bài kệ chống đối ăn nhiều, bài kệ trở thành lời tuyên bố về chánh trí của ngài.
(XVIII) Singàlar-Pitar (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong gia đình giàu có ở Sàvatthi, lập gia đình và đặt tên con là Singàlaka và tự mình được gọi là Singàla-pitar (cha của Singàla). Về sau ngài từ bỏ gia đình và xuất gia. Thế Tôn biết được căn cơ xu hướng của ngài, dạy ngài đề tài thiền quán là bộ xương người. Dùng đề tài này để thiền quán, ngài sống giữa các dòng họ Thích-ca ở Sumsumàragira, tại khu rừng Bhesaskalà. Trong rừng ấy, một thần rừng biết được ngài sẽ chứng được Thánh quả nên nói lên bài kệ này:
18. Hãy nhìn trong khu rừng,
Rừng Bhesakala!
Một Tỷ-kheo đang sống,
Thừa tự lời Phật dạy,
Ngang thân địa đại này,
Tỏa khắp tưởng bộ xương.
Ta nghĩ Tỷ-kheo ấy,
Mau đoạn tận dục tham.
Nghe bài kệ này, vị Trưởng lão nghĩ rằng: 'Vị thần rừng này muốn ta cố gắng tu tập', nên ngài phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Về sau, ngài nhớ lại bài kệ của thần rừng này và nói lên lại bài kệ ấy như là lời tuyên bố về chánh trí của ngài.
(XIX) Kula (Thera. 4)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn, xuất gia và vì tâm tư chưa được thăng bằng, ngài không chú tâm được trên một đề tài nhất định. Một ngày kia đi khất thực, ngài thấy người dẫn nước bằng cách đào cách kinh dẫn nước. Trong thành phố, ngài thấy người làm cung tên uốn nắn cung tên bằng nheo một con mắt như thế nào, và khi trở về với bình bát đầy đồ ăn, ngài thấy những người làm xe sửa soạn trục xe, bánh xe và vành xe như thế nào. Bước vào tịnh xá, dùng cơm xong, khi đang nghỉ trưa, ngài nghĩ đến ba phương pháp nhiếp phục này, và lấy chúng làm khích lệ và dùng chúng để tự mình tu tập, không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Liên hệ những bài học này với sự tu tập tâm của mình, ngài nói lên lời chánh trí với bài kệ như sau:
19. Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm nên nắn tên,
Người thợ mộc uốn gỗ,
Bậc tự điều, điều thân.
(XX) Ajita (Thera. 4)
Khi bậc Ðạo Sư còn sống, ngài được sanh ở Sàvatthi con của một Bà-la-môn làm nghề đánh giá hàng hóa cho vua Kosala. Ngài trở thành một ẩn sĩ tu theo Bàvari, một vị Bà-la-môn có học thức ở vườn Kapittha trên bờ sông Godhàvarì. Bàvarì bảo ngài cùng với Tissa và Metteya đi đến bậc Ðạo Sư. Ajita được đức Phật cảm hóa, và xuất gia. Lựa một đề tài để thiền quán, ngài phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Ngài nói lên sự thắng trận của ngài với bài kệ này:
20. Ta không có sợ chết,
Không ưa thích sanh mạng,
Ta sẽ bỏ thân này,
Tỉnh giác và chánh niệm.
(XXI) Nigrodha (Thera. 4)
Trong lời đức Phật tại thế, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn có danh tiếng ở Sàvatthi. Khi tinh xá Jetavana được dâng cúng đức Phật, trông thấy tướng tốt uy nghiêm của đức Phật, ngài được cảm hóa và xuất gia. Khi phát triển thiền quán, ngài có thể đạt được sáu thắng trí, suy tư đến sự an lạc quả chứng, sự lợi ích của giáo pháp giúp thoát khỏi tái sanh, ngài nói lên bài kệ này để tuyên bố chánh trí của ngài:
21. Ðối với ta, sợ hãi
Không làm ta sợ hãi,
Thâm hiểu đạo bất tử,
Bậc Ðạo Sư chúng ta
Không tìm được chân đứng,
Ở đâu, sự sợ hãi,
Chỗ ấy vị Tỷ-kheo
Dẫn bước trên đường ấy.
(XXII) Cittaka (Thera. 4)
Ngài sanh ở Ràjagaha, con một gia đình Bà-la-môn giàu có. Khi bậc Ðạo Sư ở vườn Trúc Lâm, Cittaka đến nghe đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin và xuất gia. Lựa giới luật làm đề tài tu tập, ngài vào một khu rừng và tu tập thiền định, với thiền quán khai triển, ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài đi đến đảnh lễ đức Phật, được các vị đồng Phạm hạnh hỏi ngài có tinh tấn tu hành khi ở trong rừng không, ngài trả lời có và với bài kệ này, ngài nói lên chánh trí của ngài.
22. Chim công, màu xanh biếc,
Cổ đẹp, có màu tươi,
Ðang gọi nhau trong rừng,
Rừng Kà-ram-vi-yà,
Với gió mát tiếng trong,
Chúng gọi và thức dậy,
Vị hành thiền đang ngủ.
(XXIII) Gosàla (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Magadha giàu có, ngài có quen với Sonakutikanna. Khi được biết Sonakutikanna xuất gia, ngài bị dao động và suy nghĩ: 'Vị ấy có tài sản lớn mà còn xuất gia, sao ta lại không làm theo?'. Rồi ngài xuất gia, dùng giới luật làm đề tài thiền quán và tìm một chỗ thích hợp, ngài lựa một cao nguyên không xa làng sanh quán. Mẹ ngài ngày nào cũng bố thí cúng dường. Một hôm cúng cho ngài cháo, cơm nấu với mật và đường, ngài nhận đồ cúng dường, ngồi ăn dưới bóng một ngọn đồi có tre mọc dày. Với tay và bát rửa sạch, được ăn một bữa ăn thích hợp, ngài phát tâm thiền quán và chú tâm vào vấn đề sanh diệt các pháp, đạt được thiền định cao nhất, chứng quả A-la-hán, với hiểu biết về nghĩa, về pháp. Ngài muốn đi lên ngọn đồi để hưởng an lạc thiền vị, ngài nói lên kinh nghiệm của ngài với bài kệ:
23. Ta ăn tại khóm trúc,
Với cháo cơm và mật,
Ta chấp nhận toàn diện,
Lời dạy bậc đáng kính,
Tánh sanh diệt các uẩn,
Ta sẽ lên ngọn núi,
Tăng trưởng hạnh viễn ly.
(XXIV) Sugandha (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình giàu có ở Sàvatthi. Vì lời phát nguyện trong quá khứ, khi ngài sanh ra, hương thơm tỏa khắp nhà, do vậy được đặt tên là Sugandha (hương thơm). Khi đến tuổi trưởng thành, ngài được khuyến khích xuất gia, khi nghe Trưởng lão Mahà Sela thuyết pháp; sau bảy ngày, ngài chứng quả A-la-hán. Nói lên chánh trí của mình, ngài thuyết bài kệ này:
24. Xuất gia, mùa mưa qua,
Thấy pháp tánh các pháp,
Ba minh chứng đạt được,
Làm xong lời Phật dạy.
(XXV) Nandiya (Thera. 5)
Ngài được sanh ở Kapilavatthu, trong nhà một vương tộc Thích-ca, và cha mẹ ngài nói: 'Con ta sanh đem lại hoan hỷ trong nhà' và đặt tên ngài là Nandiya. Lớn lên, ngài xuất gia, khi Anuruddha và các bạn đều xuất gia. Nhờ chú tâm học tập và lời phát nguyện quá khứ, ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài sống với Trưởng lão Anuruddha và các bạn tại rừng Trúc phía Ðông. Tại đấy, Ác-ma muốn làm ngài sợ hãi, hiện ra trong hình thù rất dễ sợ, nhưng ngài đuổi Ác--ma đi với những lời như sau: 'Này Ác-ma, Ngươi làm gì với những người đã vượt qua cảnh giới của ngươi. Do vậy, Ngươi chỉ gặp thất bại và bất hạnh'.
25. Với ai, tâm thường hằng,
Hướng mạnh về Chánh pháp,
Pháp phát sanh hào quang,
Pháp đạt đến Thánh quả,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Nếu Nhà ngươi muốn chống,
Hỡi này kẻ Quỷ đen!
Ngươi đi đến đau khổ.
(XXVI) Abhaya (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh là con vua Bimbisàra (Bình-sa). Giáo chủ Nàtaputta dạy ngài một mưu chước để đánh bại Sa-môn Gotama trong cuộc tranh luận, nhưng trong câu trả lời của Sa-môn Gotama, ngài thấy sự thất bại của giáo chủ phái Ni-kiền Tử và sự sáng suốt của Sa-môn Gotama. Do vậy, sau khi vua từ trần, Abhaya xuất gia. Nhờ giảng kinh Ví dụ cái lỗ trong cây gỏ, ngài chứng quả Dự lưu. Rồi với sự cố gắng tinh cần, ngài chứng quả A-la-hán. Do vậy, phấn khởi trước thành quả đạt được, ngài nói lên chánh trí của ngài:
26. Nghe được lời khéo giảng,
Bậc bà con mặt trời,
Ta đâm thủng tinh vi,
Như tên chẻ ngọn tóc.
(XXVII) Lomasakangìya (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu, trong một gia đình họ Thích-ca. Ngài rất yếu đuối và thân ngài có lông mịn nên được gọi là Lomasakangiya.
Khi Anuruddha và một số hoàng tử trẻ Sakya xuất gia, ngài không theo. Rồi Candana, một người bạn cũ thời trước, hỏi về 'Nhứt dạ hiền giả - Bhaddekaratta', ngài trả lời không được và đến hỏi đức Phật. Ðức Phật khuyên ngài xuất gia và về xin phép cha mẹ. Khi mẹ ngài sợ ngài yếu đuối, ngài trả lời với bài kệ như sau:
27. Cỏ dabba, kusa,
Các loài cỏ đâm ngực,
Loài cỏ tên munja,
Cỏ tên pabbaja.
Từ nơi ngực của ta,
Ta sẽ đẩy chúng lui,
Ta sẽ làm tăng trưởng,
Hạnh cô độc viễn ly.
Nghe xong, mẹ ngài bằng lòng để ngài xuất gia, và được phép bậc Ðạo Sư cho xuất gia. Sau thời gian học tập, ngài muốn đi vào rừng để thiền quán. Các Tỷ-kheo ngăn lại, nói ngài yếu đuối làm sao sống trong rừng núi được. Ngài lập lại bài kệ này và đi vào rừng tu thiền, chứng sáu thắng trí. Khi ngài chứng quả A-la-hán, ngài tuyên bố chánh trí của ngài với bài kệ nói trên.
(XXVIII) Con Trai Của Jambugàmika (Thera. 5)
Ngài sanh ở Campà, con một cư sĩ tên Jambugàmika, và được gọi với tên cha. Khi học tập hạnh Sa-di, ngài ở Sàketa, tại rừng Anjana, cha ngài sợ ngài không bền chí xuất gia, nên gửi ngài bài kệ để tìm hiểu ngài:
28. Con có được thỏa mãn,
Với y phục mang mặc?
Con có được hoan hỷ,
Với trang sức điểm tô?
Và mùi hương thơm này,
Do giới con tỏa ra,
Chớ không do người khác
Tạo mùi thơm như vậy!
Khi ngài đọc bài kệ này, ngài nghĩ rằng phụ thân ngài nghi ngờ ngài còn đang bị thế tục chi phối, và ngài cũng chưa thoát khỏi địa vị phàm phu. Do vậy, ngài cảm thấy xúc động, liền phát tâm tinh tấn tu hành và không bao lâu chứng được sáu thắng trí. Với bài kệ của người cha làm đề tài thiền quán, cuối cùng ngài chứng quả A-la-hán. Và vừa để nói lên chánh trí, vừa tán thán người cha, ngài nói lên bài kệ.
(XXIX) Hàrita (Thera. 5)
Sanh ra trong thời đức Phật hiện tại ở Sàvatthi, con một Bà-la-môn giàu có. Cha mẹ cưới cho ngài một người vợ trẻ đẹp hoàn toàn xứng đôi vừa lứa, và ngài sống sung sướng bên người vợ của ngài. Một hôm, ngài đang ngắm nhìn sắc đẹp của vợ mình, do nghiệp nhân đời trước, ngài được nhắc lại là sắc đẹp ấy cũng vô thường. Vài ngày sau, vợ ngài bị con rắn đen cắn và bị chết. Bị đau khổ bởi cái chết này, ngài đi yết kiến đức Phật, được nghe pháp và xuất gia. Nhưng khi ngài tu về giới, ngài không giữ được tâm cho chánh trực. Khi đi khất thực, ngài thấy một người làm tên, dùng dụng cụ làm cho cây tên được ngay thẳng, ngài suy nghĩ: 'Những người này còn làm cho một cây tên ngay thẳng'. Ngài quay về, ngồi nghỉ trưa, phát triển thiền quán. Và ngài thấy đức Phật hiện ra trước mặt ngài, ngồi trên hư không, và dạy ngài với bài kệ này:
29. Thầy hay làm tự ngã,
Ðược thấm nhuần hướng thượng,
Như người thợ cung tên
Làm cây tên ngay thẳng,
Hãy làm tâm ngay thẳng,
Hỡi này Ha-ri-ta!
Hãy chặt đứt vô minh.
Nghe Thế Tôn dạy, ngài phát triển thiền quán, và không bao lâu trở thành vị A-la-hán. Ngài liền nói lên bài kệ này như lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(XXX) Ittiya (Thera. 5)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi con trai một Bà-la-môn, và xuất gia để tìm đời sống bất tử, trở thành một du sĩ ngoại đạo. Một ngày kia, trong khi bộ hành ngài gặp Thế Tôn đang thuyết pháp và ngài xin xuất gia. Vì giới hạnh ngài không thanh tịnh, nên ngài không đạt được Thánh quả. Thấy các Tỷ-kheo khác nói lên chánh trí của mình, ngài xin Thế Tôn một bài học tóm tắt. Ðức Phật trả lời ngài phải làm cho thanh tịnh nếp sống căn bản và đức Phật dạy ngài về nếp sống căn bản một cách tóm tắt, Ittiya học tập bài học này, phát triển thiền quán, nhưng rồi bị bệnh. Trong sự cố gắng tối hậu, ngài chứng được quả A-la-hán. Vì ngài chứng được Thánh quả trước những trở ngại lớn như vậy, ngài nói lên chánh trí của ngài liên hệ đến cơn bệnh của ngài:
30. Trong khi ta lâm bệnh,
Niệm khởi lên nơi ta,
Trong khi ta lâm bệnh,
Không phải thời phóng dật.
(XXXI) Gahvaratìrya (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn và được gọi là Aggidatta. Khi lớn lên ngài thấy đức Phật hiện hóa thần thông song hành, khởi lòng tin và xuất gia. Lấy một đề tài để hành trì, ngài đi vào rừng Ratìra và được biết với tên là Gahvaratìriya, phát triển thiền quán, không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài đi đến đảnh lễ đức Phật ở Sàvatthi, các bà con ngài nghe tin ngài đến, liền cúng dường ngài rất nhiều. Khi ngài muốn trở lui lại khu rừng, các bà con ngăn lại, nói rằng núi nhiều muỗi và ruồi lằng rất khó sống. Ngài trả lời đời sống rừng núi thích hợp với ngài và ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ:
31. Trong núi rừng rộng lớn,
Bị muỗi lằng đốt cắn,
Như voi đầu chiến trận,
Tại đấy sống chánh niệm.
(XXXII) Suppiya (Thera. 6)
Trong thời đức Phật tại thế, do nghiệp quá khứ, ngài được sanh trong gia đình người giữ nghĩa địa ở Sàvatthi. Ðược bạn Sopàka thuyết pháp cảm hóa, ngài xuất gia và chứng được quả vị cao nhất, và trong bài kệ, ngài nói lên chánh trí của ngài khi đang phấn đấu để chứng quả A-la-hán.
32. Bị già, được không già,
Bị nung nấu, được tịnh,
Mong rằng ta sẽ được
Tịch tịnh thật tối thượng,
An ổn thật vô thượng,
Thoát khỏi các khổ ách.
(XXXIII) Soopaka, Một Tỷ-Kheo Trẻ Con (Thera. 6)
Ngài sanh trong thời đức Phật hiện tại ở Sàvatthi, từ một người đàn bà rất nghèo khổ. Khi bà mẹ đau đẻ, bà bất tỉnh và người ta tưởng bà đã chết nên đem thân bà đi thiêu. Một phi nhân không cho lửa đốt cháy, làm mưa làm gió và những người thiêu thân bỏ đi. Ðứa con trẻ được sanh mạnh khỏe, còn người mẹ bị chết. Vị phi nhân hóa làm người, bế đứa con và bỏ trong nhà người giữ nghĩa địa, nuôi đứa con trong một thời gian với đồ ăn thích hợp. Sau đó, người giữ nghĩa địa nhận làm con nuôi, và Sopàka lớn lên với Suppiya, con trai nhỏ của người giữ cửa. Vì ngài sanh ở nghĩa địa, nên đặt tên là Sopàka. Khi ngài bảy tuổi, Thế Tôn với thiên nhãn thanh tịnh, vào buổi sáng, nhìn xem những ai có thiện căn tốt lành, thấy Sopàka và đi đến nghĩa địa. Sopàka được nghiệp duyên đời trước, đi đến Thế Tôn với tâm tư hoan hỷ và đảnh lễ Thế Tôn, Thế Tôn thuyết pháp và Sopàka xin xuất gia. Sau khi được phép người cha nuôi, Sopàka xuất gia và được dạy tình thương huynh đệ làm đề tài tu hành. Sopàka lấy đề tài này và sống ở nghĩa địa và chứng được cảnh giới thiền tương đương. Lấy cảnh giới thiền làm đề tài căn bản, ngài triển khai thiền quán và chứng được quả A-la-hán. Sau khi chứng quả, ngài làm bài kệ, trong ấy ngài nêu cho các Tỷ-kheo rõ đề tài tình thương anh em, không có phân biệt người thân kẻ sơ. Với tất cả, tình thương phải là một, bao trùm mọi cảnh giới, mọi chúng sanh mọi thời gian:
33. Như người mẹ tốt lành
Thương người con độc nhất,
Cũng vậy đối chúng sanh,
Ðủ mọi loài, mọi chỗ,
Hãy có lòng tốt đẹp,
Thương mến và từ ái.
(XXXIV) Posiya (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một triệu phú ở Sàvatthi, là em trai của Trưởng lão Sangàmaji. Khi lớn lên, ngài lập gia đình. Khi sanh được đứa con trai, do nghiệp duyên đời trước, ngài cảm thấy lo lắng trước vấn đề sống chết, nên ngài xuất gia, sống một mình trong rừng và tu tập đề tài bốn sự thật. Sau một thời gian, ngài chứng quả A-la-hán.
Rồi ngài đi đến Sàvatthi để đảnh lễ Thế Tôn và về thăm lại nhà cũ, người vợ cũ cúng dường ngài và muốn cám dỗ ngài sống lại đời sống cũ, ngài biết được dụng ý của vợ ngài nên cáo lui và về lại trong rừng, các bạn đồng tu hỏi vì sao ngài về sớm như vậy, ngài kể lại câu chuyện đã xảy ra và nói lên bài kệ:
34. Không gần là tốt đẹp,
Kẻ trí thường biết vậy,
Từ làng đi đến rừng,
Từ rừng, ta vào nhà,
Từ đấy, đứng dậy đi,
Không đoái hoài Bô-syà.
(XXXV) Sàmannakàni (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một du sĩ và xuất gia theo đức Phật. Khi thấy đức Phật hóa hiện thần thông song hành; và nhờ thiền, ngài chứng quả A-la-hán.
Lúc bấy giờ, một du sĩ tên Kàtiyàna, ngài quen khi còn là cư sĩ, du sĩ này mất hết sự ủng hộ của giới cư sĩ từ khi đức Phật được mọi người qui ngưỡng, và trở thành khốn cùng. Kàtiyàna đến ngài và yêu cầu ngài ủng hộ để được hạnh phúc đời này đời sau, ngài đáp: 'Hạnh phúc không liên hệ đến đời và chỉ những người hiểu biết quá trình tu chứng mới hưởng sự an lạc thuần nhất này'. Và ngài nói lên bài kệ để chứng minh sự thành đạt của ngài:
35. Kẻ tìm lạc, được lạc,
Nếu sở hành đúng đắn,
Lại thêm được kính trọng,
Danh vọng được tăng trưởng.
Ai tu tập chánh trực,
Con đường Thánh tám ngành,
Ðây là đường lộ trình,
Ðạt đến cảnh bất tử.
(XXXVI) Con Của Kunmà (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở xứ Anvanti thành Velukanda, và được đặt tên là Nanda. Nhưng vì mẹ tên Kumà nên ngài được gọi là con của Kumà. Khi nghe Tôn giả Sàriputta thuyết pháp, ngài xuất gia và tu tập trên sườn đồi. Nhưng chỉ sau khi nghe đức Phật thuyết pháp và sửa lại phương pháp tu tập, ngài mới chứng quả A-la-hán. Khi đã trở thành A-la-hán, ngài thấy các Tỷ-kheo khác quá lo cho thân thể, nên ngài dùng bài kệ để hướng dẫn họ theo Chánh pháp:
36. Lành thay, điều được nghe!
Lành thay, hạnh phúc sống!
Lành thay, thường an trú!
Ðời sống kẻ không nhà.
Tìm hỏi nghĩa Chánh pháp,
Làm các hạnh cung kính,
Ðấy là hạnh Sa-môn,
Của bậc Vô sở hữu.
(XXXVII) Bạn Của Con Kumà (Thera. 6)
Ngài được sanh trong thời đức Phật hiện tại, tại thành Velukanda, trong một gia đình giàu có tên Sudanta. Có người nói ngài tên là Vasulokì. Ngài trở thành bạn thân với con của Kumà. Khi con của Kumà xuất gia, ngài nghĩ đạo của con Kumà không thể là đạo tầm thường nên đến nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp. Nghe xong, ngài cảm thấy nhiều xúc động và xuất gia. Ngài cùng an trú với con của Kumà trên sườn đồi để tu hành.
Trong lúc ấy, nhiều Tỷ-kheo bộ hành nhiều địa phương, đều an trú tại chỗ hai vị này và tạo nên cảnh ồn ào. Sudanta, tâm thiền định bị chi phối, lấy sự kiện này làm đề tài để tinh tấn tu hành và nói lên bài kệ này:
37. Bộ hành nhiều xứ sở,
Với hạnh không suy tưởng,
Thiêu đốt phần thiền định,
Ði khắp xứ làm gì?
Do vậy, ngăn vọng động,
Không vọng hướng, hãy thiền.
(XXXVIII) Gavampati (Thera. 6)
Ngài được sanh trong thời đức Phật hiện tại, ngài là một trong bốn người bạn của Yasa (Da-xá). Khi họ nghe Yasa xuất gia, tất cả đều xuất gia và chứng quả A-la-hán. Rồi ngài sống ở rừng Anjana tại Sàkela, và hưởng lạc giải thoát. Khi bấy giờ, Thế Tôn đến với một số đông Tỷ-kheo tại Anjana. Chỗ ngủ không đầy đủ và một số Tỷ-kheo ngủ xung quanh tinh xá, trên bãi cát sông Sarabhà. Nửa đêm, nước sông dâng lên và các Tỷ-kheo trẻ la lớn. Thế Tôn nghe vậy, bảo Gavampati can thiệp, ngăn sông không cho dâng cao, khiến các Tỷ-kheo yên tâm. Vị Trưởng lão với thần túc thông của mình, làm theo lời Phật dạy, dừng dòng sông lại từ xa, khiến dòng sông dựng đứng lại như ngọn núi, do vậy ngài được mọi người biết là có thần thông. Một ngày kia, Thế Tôn đang thuyết pháp giữa một số đông người, thấy Gavampati vì lòng từ bi nghĩ đến đời, đức Phật tán thán các hạnh của Gavampati với bài kệ:
38. Ai với thần túc thông,
Dựng đứng Sarabhu,
Chính Gavampati,
Không ỷ lại, không động,
Vượt qua mọi trói buộc,
Chư Thiên đều đảnh lễ,
Bậc Ðại sĩ Mâu-ni
Ðã vượt qua sanh hữu.
(XXXIX) Tissa (Thera. 6)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Kapilavatthu, con người dì của đức Phật và được đặt tên là Tissa. Ngài xuất gia theo đức Phật, sống tại một lâm trại và tự phụ với địa vị của mình, tánh hay nóng nảy bất thường, vì vậy ngài không làm bổn phận của mình được hăng hái.
Rồi bậc Ðạo Sư, với thiên nhãn thấy ngài đang ngủ há miệng liền hiện đến trước ngài, thức ngài dậy với bài kệ:
39. Như bị kiếm chém xuống,
Như bị lửa cháy đầu,
Vị Tỷ-kheo xuất gia,
Chánh niệm, đoạn tham dục.
(XL) Vaddhamàna (Thera. 7)
Ngài sanh ở Vesàli, trong gia đình một vị vua Licchavì, ngài trở thành một thiếu niên có tín tâm và phục vụ Tăng chúng. Về sau, khi đã xuất gia, ngài trở thành biếng nhác và được Như Lai khích lệ với bài kệ:
40. Như bị kiếm chém xuống,
Như bị lửa cháy đầu,
Vị Tỷ-kheo xuất gia,
Chánh niệm, đoạn tham hữu.
(XLI) Sirivaddka (Thera. 7)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), trong nhà một Bà-la-môn giàu có. Khi vua Bimbisàra gặp bậc Ðạo Sư, do nghiệp duyên đời trước, ngài xuất gia, đi đến một ngọn núi gần Vebhàra và Pandava, và trú tại chỗ ấy, chuyên hành tu tập.
Một hôm, một cơn giông tố lớn nổi lên và sét đánh vào hang, nhưng nhờ gió lớn của các đám mây, làm nhẹ bớt sức nóng đang đè nặng trên ngài, nhờ vậy với một nhiệt độ thích hợp, ngài có thể thiền định, thiền quán và cuối cùng chứng quả A-la-hán. Với bài kệ nói lên chánh trí của mình, ngài thốt lên những lời như sau:
41. Giữa đồi Vebhara,
Giữa đồi Pandava,
Sét đánh vào cửa hang,
Ðứa con bậc Vô tỷ,
Như vậy, vẫn ngồi thiền.
(XLII) Khadira - Vaniya (Thera. 7)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở nước Magadha (Ma-kiệt-đà) tại làng Nàlaka, con của nữ Bà-la-môn Rùpasàrì. Khi ngài lớn lên, mẹ ngài muốn ngài lập gia đình, nhưng khi nghe Sàriputta xuất gia, ngài bắt chước Sàriputta, đến các Tỷ-kheo xin được thọ giới, tự xưng là em trai của Sàriputta. Khi ngài chứng quả A-la-hán tại rừng cây xương rồng, ngài đi đến Sàvatthi (Xá-vệ) để đảnh lễ Thế Tôn, và ở lại một vài ngày tại tịnh xá Jetavana (Kỳ Viên).
Rồi Thế Tôn, ngồi giữa đại chúng Tỷ-kheo, xác nhận ngài là Tỷ-kheo ở rừng đệ nhất.
Một thời khác, ngài đi đến làng sanh quán, đem ba người cháu trai là con trai của ba người chị Càlà, Upacàlà, Sisùpacàlà, cũng tên là Càlà, Upacàlà và Sisùpacàlà cho chúng xuất gia. Một hôm ngài bị ốm và Sàriputta đi đến thăm, Revata muốn dạy cho ba người cháu chớ có phóng dật, nên khi thấy Sàriputta từ xa đến, bèn nói lên bài kệ:
42. Hỡi này cháu Càlà,
Này Upacàlà,
Sisùpacàlà,
Hãy sống, trú chánh niệm,
Vị đang đến các con,
Như vị bắn chẻ tóc.
(XLIII) Sumangala (Thera. 7)
Ngài sanh ở tại một làng nhỏ, gần Sàvatthi, trong một gia đình nghèo khó. Lớn lên, ngài tự nuôi sống giữa đồng ruộng, với cái liềm, cái cuốc và cái cày. Một hôm vua Pasenadi cúng dường đức Phật với chư Tăng và ngài đi đến. đem theo sữa và bơ cùng với các người làm công khác. Khi thấy các Tăng, Ni được cung kính cúng dường, ngài nghĩ các Tăng, Ni này sống trong các nhà cửa được che kín và mặc các y phục tốt đẹp và ngài xin xuất gia để hưởng những tiện nghi này. Một Trưởng lão Tăng vì lòng từ chấp nhận ngài được xuất gia, cho ngài một đề tài tu hành và bảo ngài đi vào rừng để tu tập. Nhưng trong hạnh độc cư, ngài cảm thấy buồn bã chán nản và đi về lại làng của mình. Khi về, ngài thấy các dân quê cày bừa với áo quần nhớp nhúa, đầy bụi bặm và bị nóng bức. Thấy vậy, ngài trở lại tu tập, đi đến dưới gốc cây, tu tập thiền định, sống cô độc, phát triển thiền quán. Cuối cùng, ngài chứng được quả A-la-hán. Ðể nói lên sự giải thoát khỏi nỗi khổ cuộc đời, ngài thốt lên bài kệ này:
43. Khéo thoát! Ôi khéo thoát!
Thật sự ta khéo thoát,
Thoát ba sự cong queo,
Ta thoát cong với liềm,
Ta thoát cột với cày,
Ta thoát cực với cuốc,
Nếu có đây, có đây,
Thật đủ chán, đủ chán,
Hỡi Sumangala!
Hỡi Sumangala!
Hãy thiền, hãy thiền định!
Hỡi Sumangala!
Hãy sống không phóng dật.
(XLIV) Sànu (Thera. 7)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ) trong gia đình một cư sĩ, sau khi người cha đã từ bỏ gia đình. Bà mẹ, đặt tên ngài là Sànu, khi ngài lên bảy tuổi, được đưa đến ở với các Tỷ-kheo, nghĩ rằng như vậy con mình được sống hạnh phúc. Rồi Sànu trở thành một vị học hành giỏi, một vị pháp sư, thiền sư với lòng từ bi, được chư Thiên và loài Người ái kính. Trong đời trước, mẹ ngài là một nữ Dạ-xoa. Sau một thời gian, ngài mất sự sáng suốt, sống sầu khổ và muốn đi lang thang đây đó. Bà mẹ Dạ-xoa của ngài thấy vậy liền báo động với bà mẹ hiện tại và bảo bà khích lệ con bà phải tinh tấn, và đọc lại lời nói của các Yakkhà (Dạ-xoa):
Chớ có làm điều ác,
Công khai hay bí mật,
Nếu người làm điều ác,
Sẽ làm hay đang làm,
Người không thoát khổ đau,
Dầu có đứng lên chạy.
Nói như vậy xong, người mẹ Dạ-xoa biến mất, nhưng người mẹ hiện tại, nghe vậy rất lấy làm sầu khổ. Rồi Sa-di Sànu cầm y và bát đến thăm bà mẹ rất sớm. Thấy mẹ sầu muộn, ngài hỏi và được bà mẹ trả lời lý do, ngài nói bài kệ:
44. Thưa mẹ, người ta khóc,
Khóc vì người đã chết,
Hay có khóc người sống,
Khi sống, không được thấy,
Thưa mẹ, con đang sống,
Và mẹ đang thấy con,
Vậy vì sao, thưa mẹ,
Mẹ lại khóc cho con?
Bà mẹ trả lời, từ những lời trong kinh: 'Ðây là sự chết, này các Tỷ-kheo trong giới luật của bậc Thánh, tức là sự từ bỏ học giới và hoàn tục', và nói bài kệ như sau:
Người ta khóc cho con,
Là khóc cho con chết,
Hay khóc cho con sống,
Nhưng không được thấy mặt.
Ai đã bỏ dục vọng,
Lại trở lui đời này,
Này con, người ta khóc,
Là khóc cho người ấy,
Vì người ấy được xem,
Còn sống cũng như chết,
Này con, được kéo ra,
Khỏi than hầm lửa rực,
Con còn muốn rơi vào,
Ðống than hồng ấy chăng?
Khi ngài nghe vậy, Sa-di Sànu lấy làm xấu hổ sầu muộn, và tinh tấn phát triển thiền quán, không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Suy nghĩ rằng ngài chiến thắng là nhờ những bài kệ này, nên lấy những bài kệ ấy thành những bài kệ của ngài.
(XLV) Ramnìyavihàrim (Thera. 7)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con một công dân có tên tuổi và sống đời sống tuổi trẻ trác táng. Một hôm, ngài thấy các quân lính nhà vua bắt một người thông dâm, ngài sanh tâm dao động, nghe lời Phật dạy và xuất gia. Là Tỷ-kheo, ngài vẫn còn những ái dục về thân, ngài sắp đặt phòng ngài thật đầy đủ bàn ghế, đầy đủ đồ ăn, đồ uống, đồ nằm và sống như vậy. Do vậy, ngài được tên là Ramanìyavihìrim (người sống trong lạc dục). Nhưng đời sống cũ của ngài làm ngài khó sống đời sống Tỷ-kheo, ngài cảm thấy không xứng đáng để nhận đồ cúng dường, ngài bỏ đi, bộ hành lang thang đó đây. Trên đường đi, khi ngồi nghỉ dưới gốc cây, ngài thấy các xe bò đi ngang qua, một con bò vì mệt mỏi nên vấp ngã, người đánh xe cởi dây cho con bò, cho nó rơm và nước, và làm cho nó đỡ mệt, xong lại cột con bò vào xe và bắt nó kéo xe đi. Ngài suy nghĩ: 'Con bò này đã vấp ngã nhưng đã đứng dậy và kéo đi gánh nặng của mình. Vậy ta phải tinh tấn, sau khi rơi vào rừng nhục dục, cần phải đứng dậy và làm tròn bổn phận của người tu hành'. Rồi ngài trở về, kể lại câu chuyện cho Trưởng lão Upàli và được Upàli chấp nhận cho sám hối các lỗi lầm, và giúp ngài trở lại nếp sống chơn chánh. Không bao lâu, ngài chứng quả A-la-hán.Về sau, hưởng thọ an lạc giải thoát, ngài nói lên sai lầm của ngài, và sự trở lui lại nếp sống chơn chánh trong bài kệ này:
45. Như con thú hiền thiện,
Giống tốt, huấn luyện khéo,
Sau khi đã vấp ngã,
Lại đứng lên, an trú,
Ta đầy đủ chánh kiến,
Ðệ tử bậc Chánh giác.
(XLVI) Samiddhi (Thera. 7)
Ngài sanh ra trong đời đức Phật hiện tại, ở Rajagaha (Vương Xá) con một gia đình quí tộc. Từ khi sanh ngài, tài sản của gia đình được tăng trưởng, ngài lại đẹp trai, có giới hạnh và được đặt tên là Samiddhi (thịnh vượng), ngài chứng kiến sức mạnh của bậc Ðạo Sư khi gặp vua Bình Sa (Bimbisàra), khởi lên lòng tin, xuất gia, tinh tấn tu thiền. Khi đức Phật sống ở vườn Tapoda, Samiddhi đang cảm thấy an lạc được sống hạnh Tỷ-kheo, thời Ác-ma hiện ra quấy phá, phát ra tiếng động như quả đất nổ tung. Ngài thưa với đức Phật và đức Phật khuyên nên bình tĩnh, vẫn kiên trì tu tập và đừng nghĩ đến vấn đề ấy nữa. Ngài vâng theo và không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Ác-ma không biết sự kiện ấy, Ác-ma lại tạo nên một tiếng động kinh khủng, nhưng ngài không có sợ hãi, ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ như sau:
46. Ta với lòng tín ngưỡng,
Bỏ gia đình, xuất gia,
Niệm tuệ ta tăng trưởng,
Tâm tư ta thiền định,
Dầu ngươi tạo sắc gì,
Không làm ta sợ hãi.
(XLVII) Ujiaya (Thera. 8)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Rajagaha (Vương Xá), con một Bà-la-môn theo truyền thống. Lớn lên và giỏi về ba tập Vệ-đà, ngài thấy không có cốt tủy, với nghiệp lành chín muồi, ngài đi đến rừng Trúc nghe Thế Tôn giảng và xuất gia, thiền tư về giới hạnh trong rừng, không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài đi đến Thế Tôn đảnh lễ ngài, ngồi xuống một bên, tán thán Thế Tôn, ngài nói lên bài kệ đề cập đến chánh trí của ngài:
47. Ðảnh lễ Phật, anh hùng,
Ngài giải thoát mọi chỗ,
Trong nếp sống của ngài,
Gồm cả phần giáo điển,
Con sống không lậu hoặc,
Không còn bị trói buộc.
(XLVIII) Sanjaya (Thera. 8)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con một Bà-la-môn giàu có. Khi lớn lên, ngài theo gương Brahmàya, Pokkhanrasàti và các vị Bà-la-môn danh tiếng khác, các vị này khởi lòng tin bậc Ðạo Sư và chứng được Sơ quả. Về sau, ngài xuất gia và chứng được sáu thắng trí. Nói lên chánh trí, ngài dùng bài kệ này:
48. Từ khi ta xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Ta không có tư duy,
Những tư tưởng phàm phu,
Những tư niệm phi thành,
Liên hệ đến sân hận.
(XLIX) Ràmaneyyaka (Thera. 8)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ) con một gia đình giàu có. Tâm ngài rất xúc động khi Jetavana (Kỳ Viên) được dâng cúng đức Phật và ngài xuất gia. Sống trong rừng, ngài thiền quán về giới hạnh, vì quả chứng và hạnh dễ thương của ngài, ngài được gọi là Ràmaneyyaka (hạnh khả ái, dễ thương).
Một hôm, Ác-ma muốn phá hoại ngài, đã phát ra một tiếng động rất lớn, ngài dùng bài kệ nói lên sự không xúc động của mình.
49. Dầu tiếng người hò hét,
Tiếng náo động chim muông,
Tâm ta không dao động,
Ta ưa thích độc cư.
Bài kệ này trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(L) Vimala (Thera. 8)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), từ một gia đình giàu có. Do hạnh nguyện đời trước, ngài có một thân thể thật trong sạch như giọt sương trên lá sen, bởi vậy, được tên là Vimala. Khi lớn lên ngài khởi tín tâm khi gặp được dức Phật ở Ràjagaha, rồi ngài xuất gia, tìm một đề tài học tập, đến ở trong một hang núi ở Kosala.
Một hôm trời chuyển giông, mưa rơi xuống, làm nhẹ bớt sức nóng, ngài có thể định tâm, chứng được quả A-la-hán. Sung sướng với quả chứng của mình, ngài thốt lên bài kệ này:
50. Ðất, nước mưa ướt thấm,
Gió thổi mát không gian,
Trên trời, chớp vạch đường,
Tư tưởng ta lắng dịu,
Tâm ta thật định tĩnh.
Bài kệ này trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(LI-LIV) Ghodhika, Subàhu, Valliya, Uttiya (Thera. 8)
Trong thời đức Phật tại thế, bốn vị này sanh ở Pava, con của bốn vua Malla, và giữa bốn người này, có một tình bạn chân thành. Bốn vị này có một sứ mệnh, cùng đi đến vua xứ Kapilavatthu. Lúc bấy giờ, Thế Tôn cũng đến đó và sống tại vườn cây bàng, tại đấy, Thế Tôn đã cảm hóa bốn vị này với thần thông song hành. Các vị này xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán, với sự hiểu biết về nghĩa và về pháp. Sau khi được vua chúa kính trọng cúng dường, bốn vị này sống ở trong rừng. Khi bốn vị này đến Vương Xá, vua Bimbisàra (Bình Sa), mời bốn vị an cư mùa mưa và bảo làm mỗi người một cái nhà, nhưng vô ý lại không lợp mái. Các vị này sống trong nhà ấy, nhưng không có chỗ che mưa, và dầu là mùa mưa, trời lại không mưa. Vua Bimbisàra nhận thấy hiện tượng này, nhớ lại sự sai trái sơ hở của mình, liền cho lợp mái lại tổ chức một ngày khánh thành, cúng dường cho Tăng chúng. Các vị Trưởng lão nhận lời, đi vào ngôi nhà và triển khai lòng từ. Từ phía Bắc và phía Ðông một cơn giông tố nổi lên, và các vị Trưởng lão xuất định, mưa to bắt đầu rơi xuống. Rồi Godhika do mưa to gió lớn, nói lên bài kệ:
51. Trời mưa, như hát hay,
Ta ở trong am thất,
Ðược che kín khỏi gió,
Ta sống thật an lạc,
Tâm ta khéo định tĩnh.
Hãy mưa, nếu trời muốn.
Subàhu nói lên bài kệ:
52. Trời mưa, như hát hay,
Ta ở trong am thất,
Ðược che kín, khỏi gió,
Ta sống thật an lạc,
Tâm khéo định trên thân,
Hãy mưa, nếu trời muốn.
Vàlliya nói lên bài kệ:
53. Trời mưa, như hát hay,
Ta ở trong am thất,
Ðược che kín, khỏi gió,
Ta sống thật an lạc.
Không phóng dật, ta sống,
Hãy mưa, nếu trời muốn.
Uttiya nói lên bài kệ:
54. Trời mưa, như hát hay,
Ta ở trong am thất
Ðược che kín, khỏi gió,
Ta sống thật an lạc,
Trong ấy, sống một mình,
Hãy mưa, nếu trời muốn.
(LV) Anjana -Vaniya (Thera. 9)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Vesàli, trong gia đình một vị vua trị vì nước Vajja. Khi ngài lớn lên, ba tai họa lớn đe dọa dân chúng Vajja: nạn hạn hán, nạn bệnh tật, và nạn phi nhân. Sự kiện này được ghi chép trong tập sớ kinh Ratanasutta. Khi Thế Tôn làm cho dân chúng Vesali bớt sợ hãi, một số đông đến nghe ngài giảng. Con của vua cũng được nghe, khởi tín tâm và xuất gia.
Khi làm xong các học tập sơ khởi, ngài sống trong rừng Anjana, ở Saketa. Khi trời mưa sắp đến, ngài tìm được một giường nằm người ta quăng bỏ, đặt nó trên bốn tảng đá, phía trên và phía chung quanh lợp cỏ. Ngài làm một cái cửa và như vậy làm được một chỗ ở cho mùa mưa. Sau một tháng tu tập, ngài chứng quả A-la-hán. Sung sướng với niềm giải thoát của mình, ngài phấn khởi nói lên bài kệ:
55. Làm am thất giường nằm,
Sâu trong rừng An-ja,
Ba minh được chứng đạt,
Làm xong lời Phật dạy.
(LVI) Kutivihàrim (Thera. 9)
Ðời sống của ngài giống như đời sống của Tôn giả Anjana Vaniya, với sự sai khác như sau: Trong khi phát triển thiền quán, ngài đang đi qua cánh đồng và trú mưa trong một chòi nhỏ không người, của người giữ đồng ruộng. Tại đấy, ngài chứng quả A-la-hán. Người giữ đồng ruộng đến và hỏi: 'Ai ở trong chòi lá này?' Ngài trả lời: 'Một Tỷ-kheo ở trong chòi lá' và nói lên bài kệ:
56. Ai ở trong chòi lá?
Một Tỷ-kheo ly tham,
Tâm được khéo định tĩnh,
Ðang ở trong chòi lá,
Hiền giả, hãy biết vậy!
Không phải là vô ích,
Chòi lá ông dựng lên.
Rồi người giữ ruộng nói: 'Thật may mắn cho tôi. Thật khéo may mắn cho tôi. Tôn giả đã đến chòi lá của tôi và ngồi tại đấy'.
Thế Tôn với thiên nhĩ thanh tịnh nghe câu chuyện biết được tâm hoan hỷ của người giữ ruộng, ngài nói lên bài kệ với người giữ ruộng:
Chính ở trong chòi lá,
Một Tỷ-kheo ly tham,
Tâm được khéo định tĩnh,
Ðang ở trong chòi lá,
Việc làm này hưởng quả,
Ông sẽ thành thiên chủ,
Sáu lần đến bảy lần,
Ông ngự trị thiên giới,
Rồi mọi ái nhiếp phục,
Ông sẽ thành Ðộc giác.
Bắt đầu từ đấy, vị Tỷ-kheo được gọi là Kutivihàrim.
(LVII) Kutivihàrim (Thera. 9)
Câu chuyện về ngài giống như câu chuyện vị Trưởng lão ở rừng Anjana với sự sai khác này. Khi ngài xuất gia với trường hợp tương tự, ngài học Chánh pháp trong một ngôi chòi nhỏ, ngài nghĩ: 'Chòi cũ này cũng đã bị hư hại, ta phải làm một chòi khác'. Rồi ngài hướng tâm ngài về hành động mới. Một thiên nhân tâm cầu giải thoát, muốn làm ngài dao động, nói lên bài kệ này, với lời lẽ giản dị, nhưng ý nghĩa sâu rộng:
57. Ðây ngôi chòi cũ kỹ,
Ngài muốn ngôi chòi mới,
Hãy bỏ muốn ngôi chòi,
Chòi mới đem khổ mới,
Này Tỷ-kheo nên biết!
Khi nghe vậy, vị Trưởng lão cảm thấy lo lắng, và với sự cố gắng phát triển thiền quán, ngài chứng được quả A-la-hán. Rồi ngài nói lại bài kệ, nhờ bài kệ này ngài đã được chứng quả, và ngài dùng bài kệ nói lên chánh trí của mình. Vì ngài chứng quả khi ở trong chòi lá, ngài được gọi là Kutivihàrim (vị ở chòi lá).
(LVIII) Ramaniyakutika (Thera. 9)
Câu chuyện của ngài giống như câu chuyện của Trưởng lão ở trong rừng Anjana với sự sai khác này: Ngài ở trong một chòi lá, gần một ngôi làng nhỏ, trong xứ Vajji. Thật sự là một am thất nhỏ, xinh đẹp với sàn nhà và vách tường khéo làm xung quanh có vườn, ao hồ và có rải cát đẹp, mịn. Với giới hạnh của vị trưởng lão làm tăng thêm sự hấp dẫn của ngôi nhà.
Ngài chứng quả A-la-hán và tiếp tục sống tại đấy. Khi nào có người đến viếng tinh xá, họ có thấy ngôi chòi xinh xắn. Một ngày kia, một vài người đàn bà béo mập đi ngang qua, thấy ngôi chòi xinh đẹp, liền nghĩ người ở chòi lá này có thể là một thanh niên mà họ có thể cám dỗ. Họ đến gần ngài và nói: 'Cái chòi của ngài thật là xinh đẹp, chúng tôi cũng thật xinh đẹp trong tuổi trẻ của chúng tôi’. Và họ bắt đầu khoe khoang áo xiêm đẹp của mình. Nhưng vị Trưởng lão nói lên bài kệ, diễn tả tâm trạng thoát tục của ngài:
58. Ngôi chòi ta xinh đẹp,
Do đàn tín cúng dường,
Với tâm ý hoan hỷ,
Với lòng tin dâng cúng.
Ta không cần thiếu nữ,
Này các nữ nhân kia,
Hãy đi đến những ai,
Có cần đến các cô.
Với chữ: 'Không cần', ngài tuyên bố chánh trí của ngài, khi chứng quả A-la-hán.
(LIX) Kosalavihàrim (Thera. 9)
Câu chuyện của ngài giống như chuyện của Trưởng lão ở trong rừng Anjana với sự sai khác này: Sau khi làm Sa-di, ngài ở trong một ngôi rừng, gần một làng trong nước Kosala, gần chỗ ở của một cư sĩ. Người này, thấy ngài ở dưới một gốc cây nên làm một cái chòi và cúng dường cho ngài. Ở đây vị Trưởng lão chứng quả A-la-hán. Với tâm tư hoan hỷ sung sướng được giải thoát, ngài nói lên bài kệ này:
59. Do lòng tin, xuất gia,
Ta sống không gia đình,
Trong rừng, một chòi lá,
Ðược dựng lên cho ta,
Ta sống không phóng dật,
Nhiệt tâm, niệm tỉnh giác.
Ðây là lời tuyên bố chánh trí của ngài và vì ngài ở lâu ngày ở Kosala, ngài được biết với tên là Kosalavihàrim (vị ở Kosala).
(LX) Sivàli (Thera. 9)
Ngài sanh ra là con của Suppavàsà, công chúa con vua, trong thời đức Phật hiện tại. Khi mẹ ngài không sinh đẻ được và nằm chịu đau khổ trong bảy ngày, bà nói với người chồng: 'Trước khi tôi chết tôi sẽ bố thí', và nàng bảo chồng đi mời Thế Tôn đến, nói đến hiện trạng của nàng và dặn chồng ghi nhớ những lời Thế Tôn nói. Người chồng làm theo lời vợ dặn và bậc Ðạo Sư nói: 'Mong rằng Suppavàsa, con của dòng họ Koliya được hạnh phúc! Mong nàng được hạnh phúc, sức khỏe và sanh được đứa con trai khỏe mạnh'. Trước khi người chồng về, Suppavàsa đã sanh được đứa con trai và khi nghe chồng kể lại câu chuyện, nàng dặn chồng cúng dường đức Phật và chúng Tăng trong bảy ngày. Vì người con được sanh, đem lại hoan hỷ cho tất cả mọi người, nên được đặt tên là Sìvali.
Sau khi sanh bảy ngày, ngài có thể làm được bất cứ việc gì. Tôn giả Sàriputta đến và khuyên ngài xuất gia, lấy đề tài sự đau khổ khi được sanh làm đề tài tu hành. Khi nắm tóc thứ nhất được cắt đứt, ngài chứng Sơ quả. Khi nắm tóc thứ hai được cắt đứt, ngài chứng Nhị quả. Như vậy cho đến nắm tóc thứ tư và ngài chứng quả A-la-hán. Có chỗ nói cùng ngày ngài đi đến ở một chòi lá, và suy tư đến sự đau khổ phải nhẫn chịu khi thọ sanh. Ngài phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Rồi sung sướng được giải thoát, ngài nói lên bài kệ:
60. Nay những mục đích ấy,
Với ta, đã thành tựu,
Vì những mục đích ấy,
Ta bước vào ngôi chòi,
Minh, giải thoát, ta đạt.
Mạn tùy miên từ bỏ.
(LXI) Vappa (Thera. 9)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavàthu, con Bà-la-môn Vàsetha. Khi nghe Tu sĩ Asìta đoán tướng Thái tử Siddhatta sẽ thành đạo, Vappa cùng bốn người con Bà-la-môn với Kondannà (Kiều Trần Như) là người dẫn đầu, trở thành những người Tu sĩ. Khi Thái tử tu khổ hạnh trong sáu năm, Vappa với bốn người bạn cùng đồng tu khổ hạn. Về sau khi Thái tử thôi tu khổ hạnh, năm vị này chán nản đi về Isipatana. Sau khi đức Phật thành đạo và Chuyển pháp luân ở Isapatana, Vappa với bốn người bạn được cảm hóa và đến ngày thứ năm cả năm vị đều chứng quả A-la-hán. Suy tư trên sự hùng lực của bậc Ðạo Sư, sự mù quáng của thế giới, và như thế nào thánh quả đem lại chánh trí, ngài nói lên bài kệ:
61. Vị đã thấy, thấy được,
Người thấy, người không thấy,
Vị không thấy, không thấy,
Người không thấy, người thấy.
(LXII) Vajji-Putta (Thera. 10)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình vị nghị sĩ và được gọi là con của Vajji. Ngài thấy uy nghi đức độ của bậc Ðạo Sư khi bậc Ðạo Sư đến Vesàli. Ngài khởi lòng tin và xuất gia sau thời kỳ làm Sa-di, ngài ở trong một ngôi rừng gần Vesàli. Một ngày lễ được tổ chức ở Vesàli có hát, có nhạc, có múa và mọi người hoan hỷ tham gia ngày lễ, tiếng ồn làm vị Tỷ-kheo dao động. Ngài bỏ chỗ tịnh cư của ngài, dừng nghỉ tu tập thiền quán và nêu rõ sự yểm ly của mình trong câu kệ:
Một mình chúng tôi sống,
Trong rừng núi hoang vu,
Như khúc gỗ bị quăng,
Bỏ rơi trong rừng núi,
Như vậy ngày tháng qua,
Ngày này tiếp ngày khác,
Còn có ai bất hạnh,
Hơn bất hạnh chúng tôi.
Một Thiên nhân trong rừng nghe vậy, thương xót vị Tỷ-kheo, nên đến trách vị Tỷ-kheo: 'Này Tỷ-kheo, dầu Ông có khinh thường đời sống trong rừng núi, nhưng những vị sáng suốt muốn sống thanh tịnh đều nói nhiều đến núi rừng'.
Thiên nhân ấy nói lên bài kệ tán thán đời sống ở rừng núi:
62. Một mình chúng tôi sống,
Trong rừng núi hoang vu,
Như khúc gỗ bị quăng,
Bỏ rơi trong rừng núi,
Nhưng nhiều người thương mến,
Ðời sống ấy của ta,
Như kẻ đọa địa ngục,
Ưa đón cảnh thiên giới.
Rồi vị Tỷ-kheo, như con ngựa hay được thúc đẩy, ngài triển khai thiền quán và chứng quả A-la-hán. Rồi ngài nghĩ: 'Bài kệ của Thiên nhân đã thúc đẩy ta'. Và ngài đọc lại bài kệ ấy.
(LXIII) Pakkha (Thera. 10)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh thuộc dòng họ Thích-ca, thành Devadahi, trong gia đình vua chúa Thích-ca và được gọi là thanh niên Sangmoda. Nhưng khi còn nhỏ, ngài bị bệnh tê thấp, có khi bước đi như người bị què, vì vậy được tên là Pakkha (vị què quặt) và giữ lại tên ấy. Sau khi ngài lành bệnh, ngài có mặt khi đức Phật về thăm gia đình, ngài khởi lòng tin, xuất gia và sống ở trong rừng. Một hôm vào làng khất thực, ngài ngồi dưới một gốc cây, một con diều hâu ngoạm được miếng thịt, bay bổng trên trời cao, các con diều hâu khác bay theo dành cướp lấy miếng thịt, thấy vậy, vị Tỷ-kheo suy nghĩ: 'Các dục ở đời cũng vậy, đầy những đau khổ'. Ngài triển khai thiền quán và chứng quả A-la-hán, ngài nói lên bài kệ tuyên bố chánh trí của ngài:
63. Chúng rơi theo, sà xuống,
Cái đang bị rơi xuống,
Với lòng tham thúc đẩy,
Chúng lại đến, đến nữa.
Bổn phận ta làm xong,
Ta vui thích sung sướng,
Với an lạc, đón mừng,
Ta đón mừng an lạc.
(LXIV) Vimala- Kondanna (Thera. 10)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh là con của Ambapàli và thân phụ ngài là vua Bimbisàra. Ambapàli đặt tên con là Vimala và sau ngài được biết với tên là Vimala-Kondanna. Ngài chịu ảnh hưởng bởi uy nghi đức độ của bậc Ðạo Sư, xuất gia và chứng quả A-la-hán, ngài tuyên bố chánh trí của ngài trong bài kệ này:
64. Dưới cờ trắng ta sanh,
Từ nàng tên một cây,
Với cờ đánh đổ cờ,
Lá cờ lớn hủy diệt.
(LXV) Ukkhepakàta vaccha (Thera. 10)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ) con một Bà-la-môn thuộc dòng họ Vaccha. Ngài nghe Thế Tôn thuyết pháp phát tâm xuất gia, sống tại một làng Kosala. Nhờ các Tỷ-kheo đến thăm, ngài thâm hiểu Chánh pháp, nhưng ngài không phân biệt được Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Tuy vậy ngài học hỏi được từ tôn giả Sàriputta, nên có các vị Tỷ-kheo giỏi về Luật tạng hay một bộ phận của ba Tạng, ngài học thuộc lòng cả ba Tạng, trước khi ba Tạng được kiết tập. Sau khi thuộc lòng cả ba Tạng, ngài chứng quả A-la-hán, trở thành vị giảng dạy giáo lý. Một hôm, ngài nói với chính mình như với một người khác trong bài kệ sau đây:
65. Tài sản được chất chứa,
Trải nhiều tháng nhiều năm,
Do Vaccha tác thành,
Nay Vaccha quăng bỏ,
Ngài thuyết giảng như vậy,
Cho các hàng cư sĩ,
Khéo ngồi chỗ trịnh trọng,
Tâm hân hoan rộng lớn.
(LXVI) Meghiya (Thera. 10)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu, trong gia đình một hoàng tộc Thích-ca, được đặt tên là Meghiya (như mây). Lớn lên, ngài xuất gia hầu hạ Thế Tôn, khi Thế Tôn ở Càlikà, trên bờ sông Kimikàlà. Khi thấy một rừng xoài xinh đẹp, ngài muốn sống tại đấy, nhưng hai lần Thế Tôn không chấp nhận, cuối cùng trước lời yêu cầu khẩn khoản, Thế Tôn cho phép. Nhưng ở đấy vì tâm tư bất thiện không chế ngự được, vì bị ruồi muỗi cắn, nên tâm ngài không được định tĩnh và ngài lại về hầu hạ Thế Tôn.
Thế Tôn dạy:
Này Meghiya, khi tâm chưa chín muồi để giải thoát, năm pháp đưa đến tâm trạng ấy và bậc Ðạo Sư giáo giới cho ngài. Nhờ đấy Meghiya chứng quả A-la-hán và nói lên chánh trí của mình trong bài kệ này:
66. Bậc Ðại hùng giảng dạy,
Vượt qua tất cả pháp,
Ta nghe pháp Ngài dạy,
Sống hoan hỷ cạnh Ngài,
Ba minh đã chứng đạt,
Lời Phật dạy làm xong.
(LXVII) Ekadhamma Savannìya (Thera. 10)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sitavyà, trong gia đình một vị nghị sĩ. Khi Thế Tôn đến thăm Sitavyà, và ở tại rừng Singsapa, ngài đến nghe Thế Tôn giảng, đảnh lễ ngồi xuống một bên, Thế Tôn hiểu được tâm tư ngài, dạy pháp cho ngài với câu kệ:
'Các hành là vô thường'.
Và ngài nhờ ảnh hưởng đời trước, thấy sự thật rõ ràng hơn, xuất gia tìm học nghĩa chữ đau khổ, nghĩa chữ vô ngã, triển khai thiền quán và chứng quả A-la-hán. Vì ngài chỉ nghe một pháp và chỉ nghe một mình mà chứng được thánh quả, nên ngài được tên Ekadhamma Savanìya (vị được nghe một pháp), ngài tuyên bố chánh trí trong bài kệ như sau:
67. Phiền não ta đốt cháy,
Mọi hữu được nhổ lên,
Ðường luân hồi đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.
(LXVIII) Ekudàniya (Thera. 10)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một vị nghị sĩ giàu có. Khi lớn lên, ngài thấy được uy đức của đức Phật khi được dâng cúng rừng Jeta (Kỳ Viên), ngài xuất gia từ bỏ gia đình, làm bổn phận người Sa-di, sống trong rừng, ngài đến đức Phật để học hỏi. Khi ấy Thế Tôn thấy Sàriputta đang ngồi thiền định gần ngài nên nói lên câu kệ này:
'Tâm tăng thượng ẩn sĩ'.
Ngài nghe câu kệ này, nên về rừng sâu chỉ lập đi lập lại câu kệ này, đến nỗi người ta đặt tên ngài là Ekuddàniyo (vị thuộc một câu kệ).
Một ngày kia, tâm tư ngài được định tĩnh với thiền quán triển khai, ngài chứng quả A-la-hán sống trong an lạc giải thoát, ngài được Tôn giả Sàriputta mời đến để trình bày sự thành đạt của mình, ngài nói lên bài kệ này:
68. Tâm tăng thượng ẩn sĩ,
Không phóng dật, tu tập,
Trên con đường chánh trí,
Vị ấy không sầu muộn,
Luôn luôn được an tịnh,
Thường nắm giữ chánh niệm.
Bài kệ này trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(LXIX) Channa (Thera. 10)
Khi Thế Tôn còn sống trong gia đình vua Suddhodana (Tịnh Phạn), ngài xuất thân từ con một người nô lệ và được đặt tên là Channa. Sống đồng thời với đức Phật, ngài khởi lòng tin đức Thế Tôn, khi bậc Ðạo Sư về thăm lại gia đình, rồi ngài xuất gia. Vì lòng thương mến Thế Tôn, vì tự phụ tự đắc đối với 'đức Phật của chúng ta, giáo pháp của chúng ta' ngài không thể chinh phục khuyết điểm này và không làm tròn bổn phận của một người Sa-di, khi Thế Tôn mệnh chung, theo lời dặn của Thế Tôn cần phải phạt nặng Channa, ngài xấu hổ, chế ngự được khuyết điểm này, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Sung sướng với quả chứng của mình, ngài nói lên sự sung sướng của mình trong bài kệ như sau:
69. Sau khi nghe Chánh pháp,
Vị ngọt lớn pháp lớn,
Do nhất thiết thắng trí,
Thuyết giảng và trình bày,
Ta dấn thân trên đường,
Ðường đưa đến bất tử,
Ngài thật bậc thiện xảo,
Con đường diệt khổ ách.
(LXX) Punna (Thera. 11)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở nước Sunàparanta, tại hải cảng Suppàraka, trong nhà một thị dân tên Punna (Phú-lâu-na). Ðến tuổi trưởng thành, ngài đi với một đoàn thương gia đến Sàvatthi, khi bậc Ðạo Sư cũng ở đấy. Ngài đi nghe Thế Tôn thuyết pháp tại ngôi tinh xá cùng với các cư sĩ địa phương, ngài khởi lòng tin rồi xuất gia. Và trong một thời gian, ngài rất được quý mến giữa các vị giáo thọ sư, bởi ngài tài giỏi về biện luận. Một ngày kia, ngài đến bậc Ðạo Sư, nhờ bậc Ðạo Sư giảng dạy để có thể đi Sunàparanta giảng dạy và an trú tại đấy. Ðức Phật rống tiếng rống con sư tử bảo ngài: 'Này Punna, có những pháp do con mắt nhận thức....' Rồi Punna ra đi, tu tập thiền định trí tuệ, chứng được Ba minh. Khi ngài chứng quả A-la-hán, ngài giáo hóa được nhiều người theo đạo, hơn năm trăm nam cư sĩ và nữ cư sĩ.
Khi ngài sắp mệnh chung. Ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ như sau:
70. Ở đây chỉ có giới,
Là pháp thật tối thượng,
Nhưng vị nào có tuệ,
Vị ấy là vô thượng,
Vị đủ giới và tuệ,
Chiến thắng giới Nhân, Thiên.
(LXXI) Vacchapàla (Thera. 11)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha, con một gia đình Bà-la-môn giàu có và được đặt tên và Vacchapàla, ngài chứng kiến cuộc gặp gỡ giữa vua Bimbisàra với đức Phật. Sự hàng phục của Uruvela Kassapa trước Thế Tôn, ngài khởi lòng tin và xin xuất gia, chỉ trong một tuần, ngài triển khai thiền quán và chứng sáu thắng trí.
Chứng quả A-la-hán, ngài vui vẻ tán thán quả chứng này và quả chứng Niết-bàn trong bài kệ như sau:
71. Nếu thấy được sự thật,
Thật vi diệu, vi tế,
Với trí tuệ thiện xảo,
Với tâm tư khiêm tốn,
Sống rập theo giới luật,
Do chính đức Phật dạy,
Với người ấy Niết-bàn,
Chứng được không khó khăn.
Bài kệ này là lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(LXXII) Atuma (Thera. 11)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con một vị nghị sĩ, được đặt tên là Atuma. Khi ngài lớn lên, mẹ ngài tìm cho ngài một người vợ và hỏi ý kiến bà con, nhưng ngài không chịu vì chán ngấy nếp sống gia đình. Mặc dầu ngài xuất gia và sống với các Tỷ-kheo, mẹ ngài vẫn tìm cách cám dỗ ngài hoàn tục. Ngài nói lên chí nguyện với bài kệ như sau:
72. Như cây măng lớn mạnh,
Khó vượt khỏi cây cành,
Cũng vậy, đến với ta,
Vấn đề đem vợ về,
Hãy vui lòng chấp thuận,
Nay ta đã xuất gia.
Khi ngài đang đứng nói chuyện với mẹ ngài, ngài triển khai thiền quán, từ bỏ các cấu uế, trở thành vị A-la-hán.
(LXXIII) Mànava (Thera. 11)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong nhà một Bà-la-môn có danh tiếng. Trong bảy năm, ngài được nuôi dưỡng trong nhà, không ra ngoài đường; khi được ra ngoài đường, ngài thấy một người già, một người bệnh, một người chết. Ðược nghe thấy những sự kiện này, ngài phát lòng sợ hãi, đi đến tinh xá, nghe thuyết pháp, được cha mẹ cho phép, ngài được xuất gia. Rồi ngài phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán.
Khi ngài đến ngôi tinh xá, các Tỷ-kheo hỏi vì sao ngài xin xuất gia sớm và trẻ như vậy, ngài tuyên bố chánh trí của ngài và nói lên bài kệ này:
73. Ta thấy một người già,
Một người khổ bệnh hoạn,
Ta thấy một người chết,
Với tuổi thọ kiệt quệ,
Do vậy ta thoát ra,
Sống đời sống xuất gia,
Từ bỏ mọi dục vọng,
Hấp dẫn và thích ý.
(LXXIV) Suyàman (Thera. 11)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàli, con của một Bà-la-môn. Ngài lớn lên, thiện xảo ba tập Vệ-đà, không ưa thích đời sống gia đình, vui thích thiền định. Ngài gặp Thế Tôn ở Sàli, khởi lòng tin xuất gia, chứng quả A-la-hán, khi đầu được cạo tóc.
Rồi ngài nói lên sự từ bỏ các triền cái và chánh trí của mình, với bài kệ như sau:
74. Với dục tham, sân hận,
Với thụy miên hôn trầm,
Với trạo hối, nghi ngờ,
Vị Tỷ-kheo hoàn toàn,
Không còn năm triền cái,
Năm triền cái đoạn tận.
(LXXV) Susàrada (Thera. 11)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại sanh quán của Tôn giả Sàriputta và được gọi là Susàrada (vì ngài lớn lên chậm chạp). Ngài được Tôn giả Sàriputta giáo hóa và không bao lâu, trong địa vị Tỷ-kheo, ngài chứng quả A-la-hán và nói lên chánh trí của mình với bài kệ như sau:
75. Lành thay là tri kiến,
Của bậc có luyện tập,
Nghi hoặc được cắt đứt,
Trí giác được tăng trưởng.
Cho đến kẻ ngu si,
Ðược đổi thành người trí,
Do vậy thật tốt đẹp,
Sống giao thiệp người lành.
(LXXVI) Piyanjaha (Thera. 11)
Ngài được sanh ở Vesàli trong thời đức Phật hiện tại, trong một gia đình quý phái Licchavì. Khi lớn lên, ngài rất thích thú chiến tranh và trở thành một chiến sĩ không ai thắng nổi, sẵn sàng hy sinh những gì thân nhất của mình, đến nỗi ngài được đặt tên là Piyanjaha (vị từ bỏ những gì thân ái). Nhưng khi đức Phật đến Vesàli, ngài khởi lòng tin, xuất gia sống ở trong rừng, phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán. Khi đã chứng quả A-la-hán, ngài nghĩ thật là khác biệt giữa thành công ở đời và thành công bậc Thánh. Với thiền quán ấy, ngài nói lên chánh trí, và tuyên bố bài kệ này:
76. Khi loài Người kiêu hãnh,
Hãy hạ thấp ông xuống,
Khi loài Người hạ thấp,
Hãy nâng cao tâm ông,
Hãy sống tại những chỗ,
Loài Người không muốn sống,
Tại chỗ ngồi ưa thích,
Chớ có nên thích thú.
(LXXVII) Hatthàroha- Putta (Thera. 12)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình người nài voi, và lớn lên ngài giỏi trong nghề điều khiển voi. Một ngày kia, khi đang huấn luyện con voi, vì điều kiện chín muồi, ngài suy nghĩ: 'Chế ngự voi để làm gì cho ta. Tốt hơn là chế ngự ta'. Rồi ngài đi đến Thế Tôn nghe pháp khởi lòng tin, xuất gia, và triển khai thiền quán trên căn bản thiền tư về giới luật. Như một người nài chế ngự thú tánh con voi bằng cái móc, ngài thiền định không cho tư tưởng chạy loạn khỏi đề tài thiền quán, ngài nói lên bài kệ:
77. Trước tâm này lang thang,
Chạy chỗ này chỗ khác,
Chạy chỗ nó ưa thích,
Chạy chỗ nó vui sướng,
Nay ta chế ngự tâm,
Với như lý tư duy,
Như câu móc chế ngự,
Nhiếp phục con voi rừng.
Nhờ làm vậy, thiền quán được triển khai, ngài chứng quả A-la-hán.
(LXXVIII) Mendasira (Thera. 12)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàketa, trong một gia đình một thị dân. Vì ngài giống con dê, ngài được tên là Mendasìra (đầu dê). Khi Thế Tôn ở Sàketa, tại rừng Anjana, Mendasìra khởi lên lòng tin, xuất gia tu chỉ và quán, chứng được sáu thắng trí, ngài có thể nhớ đến các kiếp trước:
78. Ta luân hồi nhiều đời,
Chạy dài tìm không được,
Với ta trong khổ sanh,
Khổ uẩn hay biến dạng.
Và bài kệ này nói lên chánh trí của ngài.
(LXXIX) Rakkhita (Thera. 12)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở thành Devadaha, trong gia đình một quý phái Thích-ca, tên là Rakkhita, ngài là một trong năm trăm các hoàng tử dòng họ Thích-ca được xuất gia để làm hộ chúng cho Thế Tôn, theo quyết định các vua chúa Thích-ca và Koliya. Ðức Phật đã cảm hóa các hoàng tử tuổi trẻ này với câu chuyện tiền thân Kunàla, một bài học về sự nguy hiểm của dục vọng. Liên hệ bài học này với đề tài thiền quán, ngài triển khai thiền quán và chứng quả A-la-hán. Sau đó suy nghĩ đến sự xuất ly của mình khỏi các phiền não, ngài nói lên chánh trí của mình với bài kệ như sau:
79. Mọi tham ta đã đoạn,
Mọi sân được nhổ lên,
Mọi si được từ bỏ,
Ta mát lạnh tịch tịnh.
(LXXX) Ugga (Thera. 12)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kosala, tại thành phố Ugga, con một gia đình nghị sĩ, được đặt tên là Ugga. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài đến nghe đức Thế Tôn thuyết pháp, khi đức Thế Tôn đến thành này, khởi lòng tin xuất gia, cuối cùng chứng quả A-la-hán. Rồi ngài tuyên bố chặt đứt sợi dây chuyền tái sanh và nói lên chánh trí của ngài với bài kệ như sau:
80. Mọi nghiệp ta đã làm,
Dầu ít hay là nhiều,
Tất cả được đoạn trừ,
Nay không còn tái sanh.
(LXXXI) Samitigutta (Thera. 12)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, tên là Samitigutta (hộ trì nhờ hòa khí). Nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, ngài xuất gia và chứng được giới thanh tịnh. Do kết quả nghiệp đời trước, ngài bị bệnh hủi, tay chân của ngài rơi xuống từng phần một, ngài sống trong một nhà bệnh.
Một hôm, Tôn giả Sàriputta đi thăm các người bệnh và hỏi thăm các bệnh nhân, thấy Samitigutta, Tôn giả cho một đề tài để thiền quán, nói rằng: 'Này Hiền giả, nếu nói về vấn đề năm thủ uẩn, thời toàn bộ khổ uẩn là một vấn đề cảm thọ. Và khi không có năm uẩn, thời không có đau khổ'. Nói xong, Tôn giả Sàriputta tiếp tục đi. Nhưng bệnh nhân Samigutta được phấn khởi với bài dạy ấy, triển khai thiền quán và chứng được sáu thắng trí. Nhờ đó, ngài nhớ đến các hành ngài làm đời trước, khiến nay ngài phải mắc bệnh hủi. Và tán thán sự kiện này mọi việc đã được chấm dứt, ngài nói lên bài kệ:
81. Việc ác ta đã làm,
Trong các đời sống trước,
Ở đây chỉ cảm thọ,
Thọ lãnh từ nghiệp ấy,
Căn bản các nghiệp khác,
Thật sự không còn nữa.
(LXXXII) Kassapa (Thera. 12)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con một Bà-la-môn thuộc Tây Bắc (Udicca-hahmanacsa) và được đặt tên là Kassapa. Cha ngài mất khi ngài còn nhỏ, mẹ ngài nuôi ngài lớn lên. Một ngày kia, ngài nghe đức Phật giảng ở Jetavana, ngay lúc ấy nhờ nghiệp duyên thuần thục, ngài chứng được Sơ quả. Ngài đi đến gặp mẹ và xin xuất gia.
Khi đức Phật an cư, làm lễ tự tứ xong, bắt đầu bộ hành, Kassapa muốn được đi theo Thế Tôn. Trước hết ngài đến xin phép bà mẹ và được mẹ cho phép đi với lời khuyên dạy như sau:
82. Hãy đi tại chỗ nào,
Khất thực nhận dễ dàng,
Những chỗ được an toàn,
Những chỗ không sợ hãi,
Tại những chỗ như vậy,
Này con, con hãy đi,
Chớ khiến cho đời con,
Sầu muộn bị va chạm.
Ngài suy nghĩ 'Mẹ ta muốn ta đến đến chỗ ta giải thoát khỏi phiền não, như vậy đây là dịp cho ta đạt được giải thoát hoàn toàn, không có sầu não buồn phiền'.
Rồi ngài cố gắng triển khai thiền quán, chứng quả A-la-hán. Vì rằng lời khuyên của mẹ giúp ngài tinh tấn hành trì chứng quả, nên ngài nói lại bài kệ ấy.
(LXXXIII) Sìha (Thera. 12)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở xứ Malla, trong gia đình hoàng tộc và được đặt tên là Sìha. Khi thấy đức Phật, ngài bị cảm hóa, đảnh lễ và ngồi xuống một bên, bậc Ðạo Sư biết được tâm tư của ngài, thuyết pháp cho ngài, ngài khởi lòng tin, xuất gia và lấy một đề tài vào trong rừng để thiền quán. Tâm tư của ngài bị nhiều đối tượng ám ảnh, ngài không thể thiền định, bậc Ðạo Sư thấy vậy, liền nói lên với ngài bài kệ như sau:
83. Hỡi Sìha, hãy sống,
Không buông lung, phóng dật,
Ngày đêm không biếng nhác,
Kiên trì trong tu tập,
Hãy thực hành thiện pháp,
Gấp bỏ thân tích tụ.
Nhờ vậy ngài có thể triển khai thiền quán và chứng quả A-la-hán. Lúc nói lên chánh trí của mình, ngài đọc lại bài kệ trên.
(LXXXIV) Nita (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Sàvatthi, con một Bà-la-môn và được đặt tên là Nita. Khi lớn lên, ngài nghĩ: 'Các tu sĩ Thích-ca thật may mắn, được cúng dường đầy đủ các vật cần dùng. Thật là một đời sống thoải mái, đời sống của một Tu sĩ'. Rồi ngài xin xuất gia để được sống thoải mái, không chú ý đến tu tập, ăn no, nói chuyện nhảm nhí, và ban đêm ngủ dài. Bậc Ðạo Sư thấy được thiện duyên của ngài đời trước, nên nói lên bài kệ này để giáo giới ngài.
84. Trọn đêm Thầy nằm ngủ,
Ban ngày thích tụ hội,
Kẻ ngu sống như vậy,
Sẽ đoạn khổ được sao?
Bị dao động bởi lời dạy của bậc Ðạo Sư, ngài triển khai thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ngài nói lên chánh trí của ngài, bằng cách lập lại bài kệ trên.
(LXXXV) Sunàga (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở làng Nàlaka, con một Bà-la-môn và bạn của Sàriputta trước khi Sàriputta xuất gia. Nghe Tôn giả Sàriputta thuyết pháp, ngài xuất gia, an trú trên thiền quán và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Do vậy, khi ngài dạy cho các Tỷ-kheo, ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ:
85. Thiện xảo tướng của tâm,
Biết vị ngọt viễn ly,
Hành thiền, niệm, thận trọng,
Chứng lạc không thế tục.
(LXXXVI) Nàgita (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ỏ Kapilavatthu, trong gia đình hoàng tộc Thích-ca, tên là Nàgita. Khi bậc Ðạo Sư đến tại chỗ của ngài, Thế Tôn thuyết kinh Mật Hoàn, ngài khởi lòng tin, xuất gia không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi hân hoan với sự thật trong lời dạy của đức Phật, và sự chỉ đạo có hiệu quả của Chánh pháp, ngài nói lên bài kệ này:
86. Ngoài đây có ngoại đạo,
Họ dạy những con đường,
Không như con đường này,
Ðưa đến quả Niết-bàn,
Thật khác, đức Thế Tôn,
Giáo giới hàng Tăng chúng,
Ðạo Sư chỉ Niết-bàn,
Như thấy trên bàn tay.
(LXXXVII) Pavittha (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sống ở quốc độ Magadha, trong một gia đình Bà-la-môn, tánh thiên về đời sống ẩn sĩ, ngài trở thành một du sĩ. Sau khi học tập, ngài đi chỗ này chỗ khác, nghe Upatissa và Kolita (Sàriputta và Moggallàna) xuất gia theo đức Phật, nghĩ rằng giáo hội này phải tốt đẹp mới có những vị như vậy chấp nhận. Ngài đến nghe đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin, xuất gia không bao lâu chứng quả A-la-hán, ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ này:
87. Thấy như thật các uẩn,
Mọi sanh hữu phá hủy,
Ðoạn sanh tử luân hồi,
Nay không còn tái sanh.
(LXXXVIII) Ajjuna (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong gia đình một nghị sĩ, được đặt tên là Ajjuna. Khi lớn lên, ngài liên hệ với phái Ni-kiền-tử, xuất gia trong tôn phái này khi còn trẻ, nghĩ rằng sẽ tìm được đạo giải thoát. Nhưng ngài không tìm được gì trong giáo hội ấy, ngài gặp bậc Ðạo Sư, khởi lòng tin, xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Hân hoan trong quả chứng của mình, ngài nói lên bài kệ này:
88. Ta có thể tự mình,
Kéo nước từ đất liền,
Như nước lớn cuốn trôi,
Ta thể nhập sự thật.
(LXXXIX) Devasabha (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài là con của một hoàng tộc, lên ngôi vua khi còn trẻ. Nhưng khi tỉnh ngộ, ngài đi nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, từ bỏ ngôi vua, xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Ngài hân hoan khi nghĩ đến những uế nhiễm ngài đã từ bỏ, và nói lên bài kệ này:
89. Vượt khỏi các bùn nhơ,
Từ vực thẳm trở về,
Thoát bọc lưu trói buộc,
Mọi kiêu mạn tiêu trừ.
(XC) Sàmidatta (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con một Bà-la-môn, được đặt tên là Sàmidatta. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài nghe uy lực của đức Phật, và đi đến tinh xá với những cư sĩ để nghe bậc Thế Tôn thuyết pháp, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Nhưng vì thiếu kinh nghiệm trong một thời gian, ngài không có nhiệt tâm tu tập, cuối cùng, lại được nghe đức Phật thuyết pháp, ngài trở nên phấn khởi, nhiệt tâm và chứng thực quả A-la-hán.
Về sau, các Tỷ-kheo hỏi ngài: 'Làm sao Hiền giả chứng được pháp Thượng nhân?' Và ngài nói lên hiệu năng của giáo pháp, sự tu chứng pháp và tùy pháp. Ngài tuyên bố chánh trí của ngài trong bài kệ như sau:
90. Năm uẩn được rõ biết,
Tồn tại sẽ cắt đứt,
Vòng sanh tử đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.
(XCI) Paripunnaka (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu trong gia đình dòng họ Thích-ca. Vì khả năng và tài sản của ngài được viên mãn. Ngài được biết với tên là Paripumaka (viên mãn), ngài có đủ điều kiện để luôn luôn thưởng thức các vị ăn ngon. Nhưng khi ngài được nghe bậc Ðạo Sư dùng các đồ ăn khất thực, ngài nghĩ: 'Thế Tôn được nuôi dưỡng rất được nuông chiều, nhưng nay Ngài lại dùng các đồ ăn như vậy để hưởng Niết-bàn an lạc. Vậy sao ta lại ham muốn đồ ăn ngon?'. Bị dao động, ngài từ bỏ gia đình, xuất gia, lấy đề tài tu tập về thân từ nơi bậc Ðạo Sư, cuối cùng ngài chứng quả A-la-hán. Rồi ngài nói lên bài kệ này:
91. Dầu có hưởng món ăn,
Như cam lồ trăm vị,
Nhưng không thể sánh bằng,
Món ta ăn hôm nay;
Ðây là Pháp vi diệu,
Ðược Phật Go-ta-ma,
Bậc tri kiến vô lượng,
Ðã thuyết giảng cho ta.
(XCII) Vijaya (Thera. 13)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Vijaya. Khi được học giáo lý Bà-la-môn, ngài xuất gia, đời sống một vị ẩn sĩ, sống trong rừng, thực hành thiền định, ngài nghe đến sứ mệnh của đức Phật, hoan hỷ đến kính chào Thế Tôn và nghe pháp. Rồi ngài xuất gia trong giới luật của đức Phật, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Ngài nói lên chánh trí của ngài trong bài kệ sau đây:
92. Với ai, lậu hoặc đoạn,
Không y tựa đồ ăn,
Hành xứ, không, vô tướng,
Giải thoát cũng như vậy,
Như chim trên hư không,
Dấu chân thật khó tìm.
(XCIII) Eraka (Thera. 14)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con của một người có địa vị, được đặt tên là Eraka. Ngài khôi ngô, tuấn tú, làm mọi công việc đều thông suốt thành tựu.
Cha mẹ cưới cho ngài một người vợ trẻ đẹp có giới hạnh. Nhưng vì là đời sống cuối cùng nên ngài sanh dao động và tìm kiếm đến gặp bậc Ðạo Sư. Khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, ngài xuất gia, bậc Ðạo Sư cho ngài đề tài để tu hành, nhưng trong một thời gian ngài bị các suy tư bất thiện ám ảnh, đức Thế Tôn biết được tâm tư của ngài nên nói lên bài kệ dạy ngài, ngài rất hối hận sở hành của mình khi nghe lời Phật dạy, ngài trở nên tinh tấn, phát triển thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán, Ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ sau đây:
93. Hỡi này Ê-ra-ka,
Khổ thay là các dục!
Hỡi này Ê-ra-ka,
Không lạc là các dục!
Ai tham dục các dục,
Là tham dục đau khổ,
Ai không tham các dục,
Là không tham dục khổ.
Hỡi này Ê-ra-ka!
Hãy biết là như vậy.
(XCIV) Mettajì (Thera. 14)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở nước Magadha (Ma-kiệt-đà), con một vị Bà-la-môn và được đặt tên là Mettajì. Lớn lên, ngài thấy sự đau khổ của dục và sống ở trong rừng làm một vị ẩn sĩ. Khi nghe sứ mệnh đức Phật và do thiện duyên thúc đẩy, ngài đến gặp đức Phật và hỏi về sự tu hành tấn thối của Ngài, câu trả lời của đức Phật khiến ngài phát khởi lòng tin xuất gia, và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Với bài kệ này, ngài tán thán bậc Ðạo Sư:
94. Ðảnh lễ đức Thế Tôn,
Thích tử bậc điềm lành,
Quả chứng này đạt được,
Là quả vị thượng thủ,
Pháp Ngài khéo thuyết giảng,
Là Chánh pháp tối thượng.
(XCV) Cakkupàla (Thera. 14)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con của người điền chủ tên Mahàsuvanna, được đặt tên là Pàla, ngài cũng được gọi là Pàla anh, vì em ngài được gọi là Pàla em, cả hai anh em được cha mẹ giao phó cho những công việc ở gia đình. Khi bậc Ðạo Sư đến tinh xá Kỳ Viên, Pàla anh giao gia sản cho người em và xuất gia. Sau sáu năm làm Sa-di, ngài đi với sáu mươi Tỷ-kheo để học hỏi Chánh pháp. Các vị này lựa một ngôi rừng gần một ngôi làng biên địa, tại chỗ ấy, dân làng là các Phật tử cư sĩ, và ngài sống trong một chòi lá, sống hạnh viễn ly của một vị tu hành.
Ngài bị đau mắt và một vị thầy thuốc cho thuốc chữa, ngài không chịu nghe theo lời thầy thuốc, bệnh nặng thêm. Ngài nghĩ: 'Thà làm cho chấm dứt các kiết sử của ta, còn tốt hơn là chấm dứt bệnh đau mắt'. Như vậy, ngài bỏ qua bệnh đau mắt, chỉ lo phát triển thiền quán, cho đến khi ngài chứng quả A-la-hán thời cũng mù mắt luôn. Ngài được gọi là vị A-la-hán khô.
Các cư sĩ hỏi các Tỷ-kheo về ngài và nghe nói ngài mù nên các cư sĩ hết lòng săn sóc cho ngài. Rồi các Tỷ-kheo khác cũng chứng quả A-la-hán và đề nghị đến Sàvatthi (Xá-vệ) để yết kiến bậc Ðạo Sư. Nhưng ngài nói: 'Tôi yếu và mù, con đường đi không phải là không nguy hiểm. Tôi sẽ làm trở ngại cho các vị, các vị hãy đi trước, thay mặt tôi đảnh lễ bậc Ðạo Sư và các đại đệ tử khác, hãy nói với Pàla em tôi về tình trạng của tôi, và gửi cho tôi một người giúp đỡ". Cuối cùng, các Tỷ-kheo nhận lời đi, sau khi từ biệt các vị hộ chủ và sắp đặt cho ngài một chỗ ở. Các Tỷ-kheo làm theo lời dặn của ngài và Pàla em bảo người cháu tên là Pàlika đi đến giúp đỡ ngài. Các Tỷ-kheo làm lễ xuất gia cho Pàlika, vì con đường đi không có an toàn cho một người cư sĩ. Pàlika đi đến ngài và cả hai người đều lên đường đi đến Sàvatthi. Giữa đường, Pàlika nghe một phụ nữ hát và đến tình tự với người ấy. Ngài biết được nên đuổi Pàlika đi, một mình đi đến Sàvatthi. Hạnh đức của ngài làm cho chỗ ngồi của Sakka (Ðế Thích) nóng và Sakka hiện hóa một người dẫn đường cho ngài đi đến tinh xá Kỳ Viên, ngay vào buổi chiều ấy. Trong khi ngài ở Kỳ Viên, Pàla em lo phụng dưỡng ngài, ngài nói lên bài kệ như sau, khi ngài đuổi Pàlika đi.
95. Dầu ta có bị mù,
Dầu mắt ta hư hoại,
Dầu con đường ta đi,
Dầu gai góc khó khăn,
Ta sẽ tự mình đi,
Dấn thân trên đường ấy,
Nhưng ta không cùng đi,
Kẻ ác hạnh như vậy.
(XCVI) Khandasumana (Thera. 14)
Trong thời đức Phật hiện tại, tái sanh trong một gia đình của vua Màlla, ngài được đặt tên là Khandasumana (Bông lài), vì khi ngài sanh, bông lài nở hoa, ngài nghe đức Phật thuyết pháp khi đức Phật trú ở tại rừng xoài của Cunda ở Ràvà, xuất gia và chứng được sáu thắng trí. Rồi ngài nhớ đến đời sống quá khứ khi ngài cúng một nhánh bông lài tại tháp của đức Phật Kassapa, trong khi tất cả bông hái được đều thuộc về của vua. Nhận thấy cử chỉ của ngài giúp ngài chứng được quả Niết-bàn, ngài nói lên bài kệ như sau:
96. Do một bông từ bỏ,
Ðược hưởng tám ức năm,
Sống trong cảnh cõi trời,
Còn số năm còn lại,
Ta được sống tịch tịnh.
(XCVII) Tissa (Thera. 14)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại thành phố Roguva trong một gia đình vua chúa. Khi phụ vương mất, ngài tiếp nối sự nghiệp của vua cha. Như một đồng minh với vua Bimbisàra, ngài gửi vua các tặng vật châu báu, ngọc và y áo. Vua gửi ngài đời sống của đức Phật vẽ trên tấm tranh và lý duyên khởi được khắc trên một đĩa bằng vàng. Khi ngài thấy vật này, vì lời phát nguyện trước các đức Phật quá khứ, vì nhân duyên đời sống cuối cùng, ngài suy tư định lý ấy, quán sát qua lại nhiều lần, học thuộc lòng nhiều lần, cho đến khi ngài cảm thấy dao động và đi đến kết luận: 'Nay ta đã được thấy hình dung của Thế Tôn cùng với quá trình giáo lý của Ngài. Các dục đầy những đau khổ, vậy ta sống đời sống gia đình làm gì?' Rồi ngài thoái vị, xuất gia, cầm bát bằng đất và với một số quần chúng đi theo và khóc than, như Hoàng tử Pukkusàti, ngài từ bỏ hoàng cung, đi đến Rajagaha (Vương Xá). Tại đấy, ngài ở tại hang Sabhasondika và yết kiến Thế Tôn. Nhờ Thế Tôn thuyết pháp, ngài chứng quả A-la-hán. Nói đến kinh nghiệm bản thân, ngài nói lên bài kệ:
97. Từ bỏ trăm bình bát,
Bằng đồng, vàng quý giá,
Ta cầm lấy bình bát,
Làm bằng đất sét thường,
Ðây là lần thứ hai,
Ta làm lễ quán đảnh.
(XCVIII) Abhaya (2) (Thera. 14)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Abhaya. Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, ngài xuất gia. Một hôm, ngài đi khất thực ở trong làng, thấy một nữ nhân ăn mặc rất đẹp đẽ, tâm tư ngài bị dao động, khi trở về tịnh xá, ngài suy nghĩ: 'Thấy một sắc pháp, tâm ta sanh cấu uế, ta đã phạm lỗi lầm'. Từ bỏ tâm tư ấy, ngài phát triển thiền quán và chứng A-la-hán. Rồi ngài nói lên sự sai lầm và sự thức tỉnh của ngài ngang qua bài kệ:
98. Thấy sắc, mất chánh niệm,
Tác ý tưởng luyến ái,
Tâm cảm thọ say mê,
Ðắm trước tưởng an trú,
Các lậu hoặc tăng trưởng,
Ðưa đến gốc sanh hữu.
(XCIX) Uttiya (Thera. 14)
Ngài tái sanh ở Kapilavatthu, trong thời đức Phật hiện tại, trong một gia đình vương tộc Thích-ca, được đặt tên là Uttiya. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài chứng kiến sức mạnh của đức Phật, khi ngài đến thăm các gia đình bà con của ngài, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Trong thời kỳ tu học, ngài đi vào làng khất thực, nghe một nữ nhân ca hát, thiền định của ngài bị thối thất và lòng dục khởi lên. Chế ngự với sức mạnh suy tư, ngài bước vào tịnh xá rất dao động, ngài ngồi thiền định vào buổi trưa, phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán.
Rồi ngài nói lên sự giải thoát của ngài khỏi đau khổ sanh tử, nhờ nhàm chán các dục trong bài kệ sau đây:
99. Nghe tiếng, mất chánh niệm,
Tác ý tưởng luyến ái,
Tâm cảm thọ say mê,
Ðắm trước tưởng an trú,
Các lậu hoặc tăng trưởng,
Ðưa đến nhiễm luân hồi.
(C) Devasabha (II) (Thera. 14)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài tái sanh trong một gia đình hoàng tộc Thích-ca, và được đặt tên là Devasabha. Khi lớn lên ngài khởi lòng tin khi Thế Tôn giải quyết sự tranh chấp giữa dòng họ Thích-ca và dòng họ Koliya, ngài xin quy y ba ngôi báu. Khi đức Phật ở vườn cây bàng, ngài đi đến gặp Thế Tôn, lần này ngài xuất gia, ngài chứng quả A-la-hán , trú trên an lạc giải thoát, ngài nói lên sự phấn khởi của ngài với bài kệ như sau:
100. Thành tựu chánh tính tấn,
Sở hành trên niệm xứ,
Tràn đầy hoa giải thoát,
Sẽ nhập diệt, vô lậu.
(CI) Belatthakàni (Thera. 15)
Tái sanh trong thời đức Phật hiện tại ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn, ngài được đặt tên là Belatthakàni. Sau khi nghe đức Phật thuyết giảng, ngài xuất gia, tu tập chỉ quán trong một khu rừng ở Kosala. Nhưng ngài rất biếng nhác và hay nói lời thô ngữ, do vậy tâm tư ngài không chơn chánh để tu tập, Thế Tôn biết được thiền quán chín muồi của ngài, khích lệ ngài với bài kệ như sau:
101. Từ bỏ đời cư sĩ,
Trách nhiệm chưa làm xong,
Dùng miệng như cái cày,
Bụng ăn no, biếng nhác,
Như con heo to lớn,
Ðồ ăn thật đầy đủ,
Kẻ nhác lại liên tục,
Ði đến chỗ thai tạng.
Như thấy đức Bổn Sư trước mặt, ngài cảm thấy xúc động mãnh liệt khi nghe bài kệ này và triển khai thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán, ngài dùng bài kệ này nói lên chánh trí của ngài.
(CII) Setuccha (Thera. 15)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một vị Của địa phương. Không thể giữ nước nhà độc lập, ngài bị mất ngôi vua. Lang thang trong nước với tâm tư sầu khổ, ngài thấy và nghe Thế Tôn thuyết pháp, xuất gia, chứng quả A-la-hán. Cân nhắc trong bài kệ, chống đối đời thế tục, ngài nói lên chánh trí của ngài:
102. Bị kiêu mạn lừa đảo,
Tâm uế nhiễm trong hành,
Lợi bất lợi, dao động,
Họ không chứng thiền định.
(CIII) Bandhura (Thera. 15)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở thành Silàvatì, con của một người nghị sĩ được đặt tên là Bandhara. Một hôm, đi đến Sàvatthi có công việc, ngài đi với một số cư sĩ đến ngôi tinh xá, nghe Thế Tôn thuyết giảng, khởi lòng tin, xuất gia và chứng quả A-la-hán. Ðể đền ơn vị vua của mình, đã giúp đỡ cho ngài thành công, ngài đi đến Sìlavatì để thuyết pháp, giảng cho vị vua về Bốn sự thật. Vị vua trở thành một Phật tử, xây dựng một ngôi tinh xá lớn đặt tên là Sudassana, cúng dường cho ngài. Ngài cúng dường tất cả cho giáo hội, đi khất thực như lúc trước và ngài muốn đi đến Sàvatthi. Các Tỷ-kheo nói với ngài: 'Hãy ở lại đây với chúng tôi, nếu Hiền giả thiếu thốn điều gì, chúng tôi sẽ tìm kiếm cho Hiền giả!'. Ngài trả lời: 'Tôi không có cần điều gì khác, tôi sống với những gì tôi có được. Tôi tự bằng lòng với vị của Chánh pháp'. Và ngài nói lên bài kệ:
103. Ta không có cần thiết,
Việc này hay vật này,
Ta sống trong hạnh phúc,
Thọ hưởng được pháp vị.
Sau khi uống vị ngọt,
Tối thượng và đệ nhất,
Ta sẽ không thân thiết,
Với thuốc độc nọc độc.
(CIV) Khitaka (Thera. 15)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ), trong gia đình Bà-la-môn. Khi lớn lên, nghe danh tiếng của ngài Mahà Moggallàna (Ðại Mục-kiền-liên) về thần thông lực, ngài nghĩ: 'Ta rồi cũng sẽ như vậy'. Thúc đẩy bởi thiện duyên đời trước, ngài xuất gia tinh tấn tu tập chỉ và quán, không bao lâu chứng được sáu thắng trí. Rồi dùng sáu thắng trí ấy, ngài bắt đầu thi ơn cho chúng sanh với thần túc thông và tha tâm thông. Khi các Tỷ-kheo hỏi ngài: 'Hiền giả Khitaka, có phải Hiền giả dùng thần thông?', ngài trả lời với bài kệ:
104. Thân ta thật nhẹ nhàng,
Cảm xúc hỷ lạc lớn,
Như bông thổi trước gió,
Thân ta nhẹ trôi bay.
(CV) Malytavambha (Thera. 15)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn, ở thành phố Kurukaccha. Ngài được Trưởng lão Bacchabhu cảm hóa và xuất gia, tu tập thiền quán, ngài trú tại chỗ đồ ăn khất thực khó kiếm, chỗ nào ba đồ vật dụng cần thiết khó kiếm, còn đồ ăn khất thực dễ kiếm thời ngài bỏ đi. Tiếp tục như vậy, và nhờ thiện duyên đời trước, ngài trở thành bậc Ðại nhân, phát triển thiền quán và chứng được quả A-la-hán. Suy nghĩ trên quả chứng của mình, ngài nói lên bài kệ:
105. Ta không muốn an trú,
Khi ta không vừa ý,
Chỗ nào có lạc thú,
Ta liền rời bỏ đi,
Tại chỗ nào mục đích,
Không phải không liên hệ,
Chỗ ấy, người có mắt,
Có thể an trú được.
(CVI) Suhemanta (Thera. 15)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở nơi biên địa, con một Bà-la-môn giàu có, ngài đến nghe đức Phật thuyết pháp, tại vườn Lộc Uyển ở thành phố Sankassa, Ngài xuất gia và trở thành người tụng đọc ba Tạng, cuối cùng chứng được sáu thắng trí. Ngài suy nghĩ: 'Ta đã được những gì một người đệ tử có thể chứng. Vậy ta hãy phục vụ cho giáo hội'. Rồi ngài thuyết giảng cho các Tỷ-kheo và giải quyết các vấn đề khó khăn của các vị ấy. Một hôm, ngài nói với đại chúng và các người có trí như sau:
106. Tại chỗ nào mục đích,
Trăm tánh, tướng ẩn chứa,
Kẻ ngu thấy một phần,
Kẻ trí thấy trăm phần.
Như vậy, vị Trưởng lão nói lên trước các Tỷ-kheo về trí tuệ, phân tích biệt tài của ngài.
(CVII) Dhammasava (Thera. 15)
Sanh tại xứ Magadha (Ma-kiệt-đà), trong một gia đình Bà-la-môn, bị thúc đẩy bởi điều kiện chín muồi, ngài chọn đời sống xuất gia, bỏ đời sống thế tục. Tìm gặp bậc Ðạo Sư ở núi Nam Sơn, ngài nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, xin xuất gia, sau một thời gian chứng quả A-la-hán. Hoan hỷ với quả chứng của mình, ngài nói lên bài kệ:
107. Cân nhắc, suy tư xong,
Ta xuất gia, không nhà,
Ba minh ta đạt được,
Lời Phật dạy, làm xong.
(CVIII) Phụ Thân Của Dhammasava (Thera. 15)
Ngài theo gương người con, nói rằng: 'Con ta từ bỏ đời sống thế tục khi còn trẻ như vậy, sao ta không noi theo gương?' Rồi ngài tìm gặp Thế Tôn xuất gia, không bao lâu chứng quả A-la-hán và nói lên bài kệ:
108. Với tuổi trăm hai mươi,
Ta xuất gia không nhà,
Ba minh ta đạt được,
Lời Phật dạy, làm xong.
(CIX) Langha Rakkhita (Thera. 16)
Trong thời đức Phật tại thế , sanh trong một gia đình giàu có ở Sàvatthi. Ngài tìm được lòng tin, xuất gia, lấy một đề tài để thiền quán, và cùng với một Tỷ-kheo sống trong rừng. Không xa chỗ ngài ở, có con nai mẹ nuôi con nai con trong một đám cây rậm rạp, vì thương con, con nai mẹ không đi xa được, nên phải đói khát, không đủ cỏ, nước gần đó. Thấy vậy, ngài nói: 'Thật vậy, thế giới này bị ái triền trói buộc, sống trong đau khổ, không thể chặt đứt được!'. Với cảm thọ ấy để khích lệ, ngài phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán. Thấy bạn mình nuôi dưỡng nhiều tư tưởng sai lầm, ngài giáo giới bạn mình với bài kệ như sau:
109. Dầu có sống cô độc,
Với lòng thương từ mẫn,
Của bậc đã lo nghĩ,
Ðến hạnh phúc tối thượng,
Vị này vẫn không nghĩ,
Ðến lời dạy Bổn Sư.
Như vậy vị ấy sống,
Với căn còn mộc mạc,
Chẳng khác con nai cái,
Non yếu trong khu rừng.
Khi nghe những lời này, vị Tỷ-kheo kia bị dao động mạnh, phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán.
(CX) Usabha (Thera. 16)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình giàu có ở Kosala, ngài khởi lên lòng tin khi bậc Ðạo Sư nhận lãnh tinh xá Jetavana (Kỳ Viên). Sau khi hành trì hạnh Sa-di, ngài sống trong rừng dưới chân núi. Vào mùa mưa, các mây xả mưa xuống cây cỏ trong rừng, các bụi cây nhóm cây đều đầy những hoa lá. Rồi ngài từ hang đi ra, thấy cây cối xanh tươi đẹp nên nghĩ rằng: 'Các cây và các cây lau này không có ý thức, tuy vậy với mùa mưa tiếp sức, chúng được lớn mạnh. Sao ta lại không làm lớn mạnh các đức tánh tốt đẹp khi ta đã đạt thời tiết thuận tiện?' Rồi ngài nói lên bài kệ, tuyên bố chánh trí của ngài, và với tinh tấn nghị lực, ngài chứng quả A-la-hán.
110. Những cây được vươn cao,
Nhờ mây cao tưới mát,
Với mưa mới thấm nhuần,
Ðược xanh tươi lớn mạnh,
Ðối với U-xa-bha,
Ưa thích sống viễn ly,
Ý thức được rừng núi,
Vị ấy khiến sanh khởi,
Rất nhiều điều tốt đẹp.
(CXI) Jenta (Thera. 16)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong nước Magadha (Ma-kiệt-đà), tại làng Jenta, con một vua địa phương. Khi đang còn trẻ, vì nghiệp duyên thúc đẩy, ngài muốn xuất gia, suy tư đến đời sống thoát tục. Ngài nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, rồi xuất gia. Tinh cần tu tập, hân hoan trong thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Suy tư đến quả chứng của mình, nhớ đến những phân vân phải gặp lúc trước, ngài phấn khởi nói lên bài kệ:
111. Khó thay, đời xuất gia,
Khó thay, đời cư sĩ,
Sâu kín thay, Chánh pháp,
Khó kiếm thay, tài sản,
Lựa chọn thật khó khăn,
Nếp sống này, sống khác,
Khi tâm trí, luôn luôn,
Nghĩ đến lẽ vô thường.
(CXII) Vacchagotta (Thera. 16)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con một Bà-la-môn giàu có. Vì có đến bốn vị Trưởng lão tên Vaccha, ngài được gọi là Vacchagotta. Khi đến tuổi trưởng thành, giỏi về Bà-la-môn giáo điển, ngài cảm thấy không thỏa mãn, vì không tìm thấy lõi cây trong sự học hỏi ấy, sau ngài trở thành một du sĩ. Nhờ vậy, ngài gặp bậc Ðạo Sĩ, bằng lòng với những câu trả lời, ngài xuất gia, và sau một thời gian, chứng được sáu thắng trí, hân hoan với quả chứng và nếp sống của mình, ngài nói lên bài kệ:
112. Ta chứng được Ba minh,
Ðạt được đại thiền định,
Tâm chỉ được thiện xảo,
Ta đạt được mục đích,
Lời Phật dạy làm xong.
(CXIII) Vanavaccha (Thera. 16)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một Bà-la-môn giàu có ở Ràjagaha (Vuơng Xá), được đặt tên là Vanavaccha. Ngài khởi lòng tin khi bậc Ðạo Sư hội kiến với vua Bimbisàra (Bình-sa). Sau ngài xuất gia, chứng quả A-la-hán. Khi đã chứng quả A-la-hán, ngài sống trong rừng, thiên tu hạnh viễn ly, do vậy được gọi là Vanavaccha. Một hôm, ngài muốn giúp ích cho bà con đi đến Ràjagaha, sống trong một chỗ ở nhỏ, và nói với họ nếp sống của mình. Các bà con yêu cầu ngài dùng bài kệ này nói lên ngài ưa thích sống ở rừng núi và hành trì hạnh viễn ly:
113. Dưới tảng đá, băng đá
Có nước suối, trong chảy,
Có khỉ và có nai,
Lai vãng sống gần bên,
Cỏ cây bao trùm nước,
Núi rừng ấy, ta ưa.
Bài kệ này trở thành lời nói chánh trí của ngài.
(XIV) Adhimutta (Thera. 16)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn giàu có ở Sàvatthi, tên là Adhimutta. Ngài cảm thấy bất mãn khi thấy giáo lý Bà-la-môn không có gì căn bản. Chứng kiến uy nghi đức độ của đức Phật khi tinh xá Kỳ Viên được dâng cúng, ngài xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán, ngài giáo giới các Tỷ-kheo sống với ngài, các vị này rất là lực lưỡng, với bài kệ sau đây:
114. Trong nếp sống tâm tư,
Hướng về hạnh từ bỏ,
Với thân thể thô lỗ,
Nặng nề như thế này,
Nếu ham muốn thân thể,
Ðược thọ hưởng các lạc,
Từ đâu thành tựu được,
Hạnh của bậc Sa-môn?
(CXV) Mahànàma (Thera. 16)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sàvatthi trong gia đình một Bà-la-môn, được đặt tên là Mahànàma, ngài được nghe Thế Tôn thuyết pháp, khởi lòng tin và xuất gia. Lấy một đề tài làm thiền quán, ngài sống trên một ngọn đồi tên là Nesàdka. Không thể chận đứng được các dục tưởng khởi lên, ngài tuyên bố: 'Ðời này của ta có ý nghĩa gì, với tâm tư uế nhiễm như vậy'. Tự nhàm chán với chính mình, ngài leo lên một đỉnh núi, và như muốn lao mình xuống, ngài nói với chính mình như nói với một người khác: 'Ta sẽ giết nó!' với bài kệ như sau:
115. Hãy xem, sao đời nay,
Lại chấm dứt ở đây,
Với hòn núi nhiều ngọn,
Và nhiều cây cối này?
Núi Nesàdaka,
Một ngọn núi có danh,
Rập rạp với cỏ cây,
Che kín trùm tất cả.
Tự mình trách móc như vậy, vị Trưởng lão phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Bài kệ trên trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(CXVI) Pàràpariya (Thera. 17)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Ràjagaha (Vương Xá) và trở thành rất giỏi trong ba tập Vệ-đà. Vì ngài thuộc dòng họ Pàràpara, ngài được gọi là Pàràpariya và dạy các bùa chú. Ngài thấy oai nghi đức độ của đức Bổn Sư ở Pàràjagaha, xin xuất gia và chẳng bao lâu chứng quả A-la-hán. Nghĩ đến đời sống hành đạo của mình, ngài nói lên sự phấn khởi hân hoan của ngài, ngang qua bài kệ:
116. Từ bỏ sáu xúc xứ,
Căn môn khéo chế ngự,
Gốc tà ác, nhổ sạch,
Ta đạt lậu hoặc tận.
Bài kệ này trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(CXVII) Yasa (Thera. 17)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình nhân sĩ rất giàu có ở Benares (Ba-la-nại). Ngài được nuôi dưỡng rất tinh tế, và có ba lâu đài hợp với ba mùa. Một đêm, do nhân duyên quá khứ thúc đẩy ngài thấy cảnh bất tịnh của những người hầu cận ngài. Quá xúc động trước cảnh tượng ấy, ngài đi đôi dép vàng, từ bỏ thành, nhà và được chư Thiên mở cửa thành cho. Ngài đi đến Isipatana (Chư Thiên đọa xứ), vừa đi vừa than 'Ôi sầu khổ thay! Ôi nguy hiểm thay!'. Lúc ấy, Thế Tôn đang đi ngoài trời ở Isipatana, thấy Yasa như vậy liền gọi: 'Hãy đến đây, này Yasa! Ở đây, không có sâu khổ, không có nguy hiểm!'. Nghe vậy, ngài rất hoan hỷ, cởi dép để một bên, ngồi xuống bên cạnh Thế Tôn. Bậc Ðạo Sư thứ lớp thuyết giảng cho Yasa về Bốn sự thật, khi giảng xong. Ngài trở thành một Phật tử. Và khi đức Phật thuyết giảng cho phụ thân Yasa đến kiếm ngài, ngài chứng quả A-la-hán.
Rồi đức Phật đưa bàn tay mặt ra đón Yasa và nói: 'Hãy đến, này Tỷ-kheo', khi nói vậy, tóc của Yasa được cắt ngắn lại bằng hai ngón tay và có được đầy đủ tám vật cần dùng. Suy tư đến quả chứng và nếp sống của mình, ngài cảm thấy hân hoan khi nghe hai chữ: 'Hãy đến đây, Tỷ-kheo' và nói lên bài kệ:
117. Khéo thoa xức, khéo mặc,
Dùng mọi loại thời trang,
Ta chứng được Ba minh
Lời Phật dạy làm xong.
(CXVIII) Kimliba (Thera. 17)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), trong một gia đình một vị vua dòng họ Thích-ca, tên là Kimbila, ngài hưởng được tài sản rất nhiều. Bậc Ðạo Sư thấy được thiền quán của ngài chín muồi khi ngài ở Anupiya, để khích lệ ngài, Thế Tôn cho hiện lên một nữ nhân rất đẹp trong tuổi trẻ và làm cho ngài thấy nữ nhân ấy từ tuổi trẻ bước qua tuổi già. Kimbila thấy vậy rất xúc động và nói lên bài kệ:
118. Như bị lời trù yếm,
Tuổi già đến áp đảo,
Dung sắc bị đổi khác,
Nhưng cũng dung sắc trước;
Vị ấy như thế nào,
Không có gì thay đổi,
Nhưng ta chớ tự ngã,
Có gì đã đổi khác.
Nghĩ đến lẽ vô thường, ngài cảm thấy dao động mạnh, và đi đến bậc Ðạo Sư, nghe pháp, xuất gia và sau một thời gian, chứng quả A-la-hán. Ngài nhấn mạnh cái nhìn thường hằng trước của ngài đối với sự vật, và nói lại bài kệ, này như nói lên chánh trí của ngài.
(CXIX) Vajji-Putta (Thera. 17)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một vị vua Licchaivì ở Vesàli, và được gọi là con của Vajji, vì phụ thân thuộc về dòng họ này. Khi còn trẻ, thiên về huấn luyện voi, thúc đẩy bởi nhân duyên chín muồi để giải thoát, ngài đi đến tinh xá đúng lúc bậc Ðạo Sư thuyết giảng, sau khi nghe, ngài xuất gia, sau một thời gian chứng sáu thắng trí.
Sau một thời gian, sau khi bậc Ðạo Sư vừa nhập Niết-bàn, ngài cùng với các bậc Trưởng lão thỏa thuận cố gắng duy trì Chánh pháp không có suy suyển, và cùng với các vị Trưởng lão đi từ chỗ này đến chỗ kia. Một hôm ngài thấy Tôn giả Ananda đang thuyết pháp cho một số đông người, để khích lệ Tôn giả Ananda chứng quả cao hơn, ngài nói lên bài kệ này:
119. Hãy đi đến khu rừng,
Rậm rạp những rễ cây,
Hãy để cho Niết-bàn,
Chìm sâu vào tâm người,
Hỡi này Go-ta-ma!
Hãy tu tập thiền định,
Việc làm lăng xăng này,
Có nghĩa gì cho ông.
(CXX) Isidatta (Thera. 17)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh trong xứ Avanti, tại vườn Velugàma, làm con một người lữ hành trưởng, ngài trở thành bạn của Citta, một gia chủ ở Macchikasanda, bằng cách giao thiệp thư từ đầu cho hai người chưa gặp nhau. Citta viết cho ngài về sự tuyệt diệu của đức Phật, gửi cho ngài tư liệu về tổ chức giáo hội, ngài cảm thấy xúc động mạnh và xin xuất gia, với sự chỉ đạo của Mahà Kaccàna (Ðại Ca-chiên-diên). Cuối cùng ngài chứng được sáu thắng trí, ngài quyết định đi đến yết kiến đức Phật, từ biệt Trưởng lão, và đi đến xứ Trung biên (thung lũng sông Hằng) yết kiến đức Bổn sư. Bậc Ðạo Sư hỏi ngài về sự tiến bộ trên đường tu hành, ngài trả lời: 'Từ khi con tu tập trong Pháp và Luật của Ngài, mọi sầu khổ đều chấm dứt, và con sống không có sợ hãi'. Rồi ngài nói lên chánh trí của mình với bài kệ như sau:
120. Năm uẩn được rõ biết,
Ðứng với rễ chặt đứt,
Khổ diệt đã đạt được,
Lậu hoặc diệt, ta chứng.
(CXXI) Utara (Thera. 18)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con một Bà-la-môn có danh tiếng, được đặt tên là Uttara. Ngài thông suốt giáo điển Vệ-đà, và có danh tiếng về gia tộc, về dung sắc, về thông minh, về đức hạnh. Vassakàra, một vị bộ trưởng có danh ở Magadha (Ma-kiệt-đà), thấy những thành tích của ngài, muốn gả con gái cho ngài, nhưng ngài đã thiên về hạnh giải thoát nên đã từ chối và ngài đến nghe ngài Sàriputta (Xá-lợi-phất) thuyết giảng. Với lòng tin, ngài xuất gia, làm tròn bổn phận của người Sa-di, hầu hạ Tôn giả Sàriputta.
Một hôm, Tôn giả Sàriputta bị bệnh, Uttara đi tìm một y sĩ chữa bệnh, ngài đặt bình bát ngài trên bờ hồ để xuống hồ nước súc miệng. Một người ăn trộm, bị lính đuổi, chạy ra khỏi cửa thành, khi chạy ngang liền quăng bỏ các châu báu đánh cắp vào trong bình bát của người Sa-di và bỏ chạy. Khi các người lính đến, thấy đồ châu báu trong bình bát của ngài liền bắt ngài đưa đến Bà-la-môn Vassakàra để trừng phạt ngài.
Ðức Phật nhận thấy thiền quán của ngài đã chín muồi, nên đi đến ngài, đặt nhẹ tay trên đầu ngài và nói: 'Ðây là kết quả nghiệp trước của Thầy, Thầy cần phải chấp nhận nhờ sức mạnh suy tư'. Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho ngài, Uttara vì nhờ đức Phật đặt nhẹ tay trên đầu, tâm tư được phấn khởi, nhờ thiền quán chín muồi, nhờ uy nghi đức độ của bậc Ðạo Sư, ngài cảm thọ hỷ lạc, đoạn tận các uế nhiễm, chứng sáu thắng trí. Vươn mình lên khỏi cột trụ, ngài đứng trên hư không, hiển hiện thần thông vì lòng từ mẫn đối với kẻ khác. Trước sự ngạc nhiên của tất cả mọi người, các vết thương của ngài được lành hẳn khi được các Tỷ-kheo khác hỏi: 'Thưa Hiền giả, làm sao khi Hiền giả đau khổ như vậy, Hiền giả có thể phát triển thiền quán?'. Ngài trả lời 'Khi tôi thấy rõ được sự đau khổ của mình tái sanh, và tánh nhân duyên sanh của sự vật, thời sự nguy hiểm của sự đau khổ ít hơn, hiện tại không ngăn tôi phát triển thiền quán và chứng được kết quả.
121. Không có gì có mặt,
Lại thường còn mãi mãi,
Không có các hành gì,
Lại thường hằng thường trú.
Các uẩn được khởi lên,
Ðến đời khác diệt vong.122. Biết được nguy hiểm này,
Ta không muốn sanh hữu,
Từ bỏ tất cả dục,
Ta chứng lậu hoặc tận.
(CXXII) Pindola-Bhàradvàja (Thera. 18)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con của vị giáo sĩ của vua Udena xứ Kosambi, được đặt tên là Bhàradvàja. Sau khi học tập ba tập Vệ-đà, dạy các bài chú, bài tụng rất thành công cho các thanh niên Bà-la-môn, ngài chán ngấy với công việc đang làm. Từ giã họ, ngài đi đến Ràjagaha (Vương Xá), thấy chúng Tỷ-kheo được trọng vọng cúng dường, ngài xuất gia. Với phương pháp Phật dạy, ngài tiết độ trong ăn uống và chứng được sáu thắng trí.
Ngài tuyên bố trước mặt đức Bổn Sư rằng ngài sẵn sàng trả lời tất cả những câu hỏi của Tỷ-kheo nào nghi ngờ đến con đường và kết quả, như vậy, ngài rống tiếng rống con sư tử, đức Phật nói về ngài như sau: 'Trong các đệ tử của Ta rống tiếng rống con sư tử, Pindola Bhàradvàja là đệ nhất'.
Rồi một người bạn cũ đến thăm ngài, một Bà-la-môn có tánh keo kiết. Vị Trưởng lão khuyên bạn nên cúng dường chúng Tăng. Vì bạn ngài tin rằng ngài cũng ích kỷ và nghĩ đến tư lợi, nên ngài dùng bài kệ để giáo giới bạn ngài:
123. Nói về đời sống này,
Không phải không có luật,
Nhưng các món đồ ăn,
Không có gì gần tâm
Do có các món ăn,,
Thân thể được tồn tại,
Thấy vậy, ta bộ hành,
Tìm kiếm các món ăn.124. Bậc trí kinh nghiệm rằng:
Thật sự là đám bùn,
Ðảnh lễ và cúng dường,
Xuất phát tự gia đình,
Như mũi tên tế nhị,
Rất khó nhổ được ra,
Cũng vậy với kẻ ngu,
Cung kính khó từ bỏ.
(CXXIII) Valliya (Thera. 18)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ), con một Bà-la-môn tên tuổi, được đặt tên là Valliya. Khi đến tuổi trưởng thành, làm chủ được các căn, ngài làm bạn với người có giới đức. Rồi ngài đi đến Thế Tôn, khởi lòng tin, xuất gia, phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán. Nghĩ đến quá khứ với các sự vật thế tục, ham muốn, và như thế nào nhờ Thánh đạo, ngài thoát ly các chi phối ấy, ngài nói lên chánh trí của ngài:
125. Trong chòi nhỏ, năm cửa,
Có con khỉ đi vào,
Loanh quanh từng cửa một,
Nó va chạm từng giây!126. Này khỉ, hãy dừng lại!
Chớ có chạy như vậy,
Ngươi không còn như trước,
Trí tuệ cầm giữ ngươi,
Ngươi đâu còn có thể,
Ði xa như trước được.
(CXXIV) Gangàtiriya (Thera. 18)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sàvatthi làm con một thị dân, được đặt tên là Datta. Trong đời sống thế tục, vì ngu si ngài phạm lỗi lầm, biết được lỗi lầm của mình, ngài sanh sầu khổ và xuất gia. Hối hận vì hành vi của mình, ngài chọn đời sống khổ hạnh, ở trên bờ sông Hằng, làm một chòi lá để ở; do vậy, ngài được gọi là Gangàtiriya (người ở trên bờ sông Hằng). Ngài nguyện không nói với một ai, như vậy cả năm, ngài không thốt ra một lời nào. Trong năm thứ hai, một nữ nhân trong làng thường cúng dường ngài, muốn biết ngài có câm hay không khi dâng sữa cúng dường, làm đổ sữa ra ngoài. Ngài mới nói: 'Thôi vừa rồi, bà chị'. Nhưng đến năm thứ ba, ngài chứng quả A-la-hán, ngài nói lên chánh trí của ngài ngang qua lời bài kệ, tán thán hạnh cũ của ngài:
127. Trên bờ sông Hằng Hà,
Dùng ba lá thốt nốt,
Ta dựng lên cho ta
Một chòi lá nho nhỏ,
Bát ta là cái ghè,
Dùng cúng sữa người chết,
Còn y áo của ta
Lượm chắp từ đống rác.128. Suốt hai năm sống vậy.
Ta chỉ nói một chữ,
Trong khoảng năm thứ ba,
Khối si ám tan tành.
(CXXV) Ajina (Thera. 18)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong gia đình một Bà-la-môn nghèo, và khi sanh ngài được đặt trong một tấm da dê rừng, do vậy được đặt tên là Ajina. Sống trong sự bần cùng, ngài chứng kiến uy nghi đức độ của đức Phật khi tinh xá Kỳ Viên được dâng cúng. Khởi lòng tin, ngài xuất gia và không bao lâu, chứng được pháp Thượng nhân, khi chứng được quả A-la-hán, vì nghiệp duyên quá khứ, ngài không được cung kính và biết đến. Một số Sa-di không biết khinh thường ngài, ngài làm họ dao động với bài kệ:
129. Nếu chứng được Ba minh,
Ðoạn tử, không lậu hoặc,
Vị ấy vẫn có thể,
Không được người biết đến,
Và kẻ ngu không biết,
Có thể sanh khinh thường.130. Khi người ấy nhận được
Ðồ ăn uống cúng dường,
Dẫu cho có ác pháp,
Vẫn được họ kính trọng.
(CXXVI) Melajina (Thera. 19)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Benares (Ba-la-nại), trong gia đình một hoàng tộc, tên là Melajina, học giỏi và hạnh đức có tiếng khắp trong nước. Khi Thế Tôn ở Ba-la-nại, tại Isipatana (chư Tiên đọa xứ), Melajina đến nghe Ngài thuyết pháp, khởi lòng tin, xuất gia và chứng quả A-la-hán. Khi các Tỷ-kheo hỏi làm sao ngài chứng được pháp Thượng nhân, ngài rống lên tiếng rống con sư tử:
131. Khi ta nghe Chánh pháp,
Bậc Ðạo Sư thuyết giảng,
Ta thắng tri nghi hoặc,
Bậc toàn trí, toàn thắng.132. Ðối vị trưởng lữ đoàn,
Với vị đại anh hùng,
Trong các bậc đánh xe
Bậc tối thắng vô thượng,
Ðối con đường, lộ trình
Ta không có nghi hoặc.
(CXXVII) Ràdha (Thera. 19)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Ràjagaha (Vuơng Xá), là người Bà-la-môn. Trong khi ngài lớn tuổi, ngài không làm được bổn phận của ngài. Không được chấp nhận, ngài đi đến Thế Tôn, nói lên những ước muốn của ngài. Bậc Ðạo Sư thấy được những điều kiện căn bản được đầy đủ, nên bảo Sàriputta chấp nhận ngài xuất gia. Không bao lâu, ngài chứng quả A-la-hán. Sau đó, ngài sống gần bên bậc Ðạo Sư, trở thành một vị thuyết giảng đột xuất nhờ những lời thuyết giảng của bậc Ðạo Sư. Một hôm, thấy rõ vì sao không khéo tự huấn luyện chế ngự khiến các dục vọng có thể sanh khởi, ngài nói lên bài kệ để khích lệ giáo giới:
133. Như mái nhà vụng lợp,
Mưa dễ thấm ướt vào,
Cũng vậy, tâm vụng tu
Tham ái được xâm nhập.134. Như mái nhà khéo lợp
Mưa không thể thấm vào,
Cũng vậy, tâm khéo tu
Tham ái không xâm nhập.
(CXXVIII) Suràdha (Thera. 19)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm em trai của vị Ràdha, vâng theo gương của người anh, ngài xuất gia và chứng quả A-la-hán. Ðể nêu rõ sự hướng dẫn các giới luật, ngài nói lên chánh trí của mình như sau:
135. Sanh của ta đã tận,
Chiến thắng dạy, làm xong,
Lưới danh được đoạn diệt,
Gốc sanh hữu nhổ lên.136. Mục đích hạnh xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Ðích ấy đã đạt được,
Mọi kiết sử, diệt xong.
(CXXIX) Gotama (Thera. 19)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Gotama. Khi còn trẻ, ngài giao du với kẻ không tốt, bao nhiêu tài sản ngài cho một kỹ nữ. Hối hận nếp sống bất chính của mình, ngài mơ thấy hình ảnh bậc Ðạo Sư đang ngồi, với tâm tư hiểu biết tâm trạng của ngài. Bậc Ðạo Sư biết được tiến bộ của ngài, sự thành tựu các nhân duyên thiết yếu, nên thuyết pháp cho ngài. Ngài khởi lòng tin, xuất gia, chứng quả A-la-hán, khi con dao đụng đến tóc ngài, khi ngài đang thọ hưởng lạc thiền định và quả giải thoát. Một cư sĩ hỏi ngài về tài sản của ngài, ngài thú nhận ngài sống không được nghiêm túc, sống phi Phạm hạnh, và với sự trong sạch hiện tại không có dục vọng, ngài nói lên chánh trí của ngài:
137. Bậc ẩn sĩ nằm ngủ,
Sống an lạc hạnh phúc,
Họ không bị nữ nhân,
Trói buộc và chi phối.
Nữ nhân, phải luôn luôn
Phòng hộ và chế ngự.
Sự thật về nữ nhân,
Thật khó được chấp nhận.138. Hỡi này các dục vọng,
Ta quyết giết các ngươi,
Nay chúng ta đối ngươi,
Không còn gì nợ nần,
Chúng ta nay đi đến
Cảnh giới gọi Niết bàn,
Ði đến tại chỗ ấy
Không còn có sầu muộn.
(CXXX) Vasabha (Thera. 19)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Vesàli, con vị vua địa phương Licchavì. Ðược cảm hóa bởi uy nghi đức độ của đức Phật khi Ngài đến thăm Vesàli, ngài xuất gia, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Biết ơn những ai ủng hộ ngài, ngài không có từ chối những vật dụng được cúng dường và hưởng thọ các vật cúng dường ấy. Người thường dâng cho ngài thích thọ hưởng, nhưng ngài không để ý những lời phê bình ấy.
Gần ngài có một vị Tỷ-kheo giả dối, lừa gạt quần chúng bằng cách giả dối sống thiểu dục tri túc, do vậy được quần chúng tôn trọng. Rồi thiên chủ Sakka (Ðế thích) thấy được sự giả dối này, đi đến Trưởng lão Vasabha hỏi: 'Thưa Tôn giả, kẻ giả dối kia sao lại làm vậy?'. Ngài trả lời với bài kệ, chỉ trích kẻ ác bất thiện kia:
139. Trước nó giết tự ngã,
Sau nó giết người khác,
Họ khéo giết tự ngã,
Như chim mồi, mồi chim.140. Không phải Bà-la-môn,
Với dung sắc bên ngoài,
Bà-la-môn chính thống,
Phải dung sắc bên trong,
Với ai, làm ác nghiệp,
Người ấy là hắc nhân,
Là chồng của Sujà.
(CXXXI) Mahàcunsa (Thera. 20)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở nước Magadha (Ma-kiệt-đà), làng Nàlaka, con của nữ Bà-la-môn Rùpusàri và em trai của Sàriputta. Ngài theo gương anh, xuất gia, và sau một thời gian tinh cần tu hành, chứng đuợc quả A-la-hán. Phấn khởi với quả chứng của mình và đời sống viễn ly, ngài nói lên bài kệ:
141. Khéo nghe, nghe tăng trưởng,
Nghe tăng trưởng, phát tuệ,
Nhờ tuệ biết ý nghĩa,
Nghĩa được biết, lạc đến.142. Hãy trú chỗ xa vắng,
Hãy sống, thoát kiết sử,
Tại đấy, hỷ chưa đạt,
Hãy sống giữa chúng Tăng,
Tự ngã được chế ngự,
An trú trong chánh niệm.
(CXXXII) Jotidàra (Thera. 20)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh làm con một Bà-la-môn giàu có, ở xứ Pàdiyattha, được đặt tên là Jotidàsa. Khi đến tuổi trưởng thành, một hôm, ngài thấy Tôn giả Ðại Ca-diếp (Mahà Kassapa) đi khất thực, ngài đón Tôn giả tại nhà và nghe Tôn giả thuyết pháp. Trên một ngọn đồi gần làng, ngài dựng lên một tinh xá lớn cho Tôn giả, cúng dường Tôn giả bốn vật dụng cần thiết. Bị xúc động với lời dạy của Tôn giả, ngài xuất gia và không bao lâu chứng được sáu thắng trí. Sau mười năm, ngài học ba Tạng, đặc biệt là Luật tạng, hầu hạ Tăng chúng và đi Sàvatthi cùng với một số đông Tỷ-kheo để yết kiến đức Phật. Trên đường đi, ngài đi đến vườn của một ẩn sĩ, thấy một Bà-la-môn hành trì khổ hạnh năm pháp ngài hỏi: 'Này Bà-la-môn, sao Ông không đốt với một thứ lửa khác?'. Vị Bà-la-môn tức giận trả lời: 'Này kẻ trọc đầu kia, ngọn lửa khác là gì?'. Trưởng lão trả lời:
Sân, tật đố, ác hạnh
Mạn, kiêu và tranh chấp,
Tham ái và vô minh,
Lòng ưa muốn tái sanh,
Những pháp này đốt cháy,
Thiêu đốt cả thân ông.
Rồi ngài thuyết pháp cho người ấy, và tất cả những người tin vào Phạm thiên xin ngài được xuất gia. Khi từ giã Sàvatthi, ngài đến thăm gia đình cũ của ngài và giáo giới các bà con như sau:
143. Những ai dùng dây thừng,
Hành cướp giật nhiều cách,
Những dân họ hung bạo,
Làm não hại người khác,
Như vậy, họ gieo hại,
Vì nghiệp không tiêu mất.144. Người nào làm nghiệp gì,
Nghiệp thiện hay nghiệp ác,
Họ thừa tự nghiệp ấy,
Loại nghiệp họ đang làm.
(CXXXIII) Herannakàni (Thera. 20)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một tay sai của vua Kosala và cầm đầu bọn cướp. Khi phụ thân ngài mất, ngài thừa tự chức vụ ấy. Ðược cảm hóa khi chứng kiến lễ đức Phật tiếp nhận Jetavana (Kỳ Viên), ngài cho người em trai thế chức vụ. Ngài xuất gia, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ngài tìm cách khuyên em ngài từ bỏ nghề cũ, và thấy em ngài thích thú nghề của mình, ngài khích lệ em với bài kệ như sau:
145. Ðêm ngày chạy, trôi qua,
Mạng sống bị tổn giảm
Tuổi thọ người hủy diệt,
Như nước dòng suối con.146. Kẻ ngu làm ác hạnh,
Không hiểu việc mình làm,
Về sau bị khổ đau,
Khi ác nghiệp chín muồi.
Nghe lời khuyên của ngài, người em xin phép vua nghỉ việc, xuất gia và không bao lâu được giải thoát.
(CXXXIV) Somamitta (Thera. 20)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Benares trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Somamitta. Ngài trở thành một vị thông hiểu ba tập Vệ-đà, và được Trưởng lão Vimala cảm hóa, ngài xuất gia, ngài sống gần gần vị Trưởng lão, làm trọn bổn phận của mình. Nhưng vị Trưởng lão trở thành biếng nhác và ham ngủ, Somamitta suy nghĩ: 'Ai có thể có giới đức, sống gần một người biếng nhác?'. Rồi ngài đi đến Tôn giả Mahà Kassapa (Ðại Ca-diếp) nghe thuyết giảng, phát triển thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ngài chỉ trích Vimala với những câu kệ như sau:
147. Như leo trên ván nhỏ,
Giữa biển lớn bị chìm,
Cũng vậy đến kẻ khác,
Người hạnh tốt cũng chìm.
Do vậy hãy bỏ nó,
Kẻ làm biếng làm nhác.148. Hãy sống gần bậc Thánh,
Bậc viễn ly, tinh cần,
Thiền định, thường tinh tấn,
Bậc Hiền trí sáng suốt.
Nghe vậy, Trưởng lão Vimala rất xúc động, phát triển thiền quán, tự minh tinh tấn để được giải thoát, không bao lâu chứng đạt được mục đích.
(CXXXV) Sabbamitta (Thera. 20)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Sàvatthi, được đặt tên là Sabbamitta. Chứng kiến lễ dâng cúng tinh xá Kỳ Viên, ngài thấy được uy nghi đức độ của đức Phật, xuất gia, lựa chọn một đề tài để thiền quán, ngài sống tại một khu rừng. Sau mùa mưa, ngài đi đến Sàvatthi để đảnh lễ đức Phật, trên đường đi, ngài thấy một con nai con bị sa vào bẫy người thợ săn, con nai mẹ tuy không bị lưới chụp nhưng vì thương con nai con nên không đi xa cũng không dám đến gần cái bẫy, con nai con lăn lộn qua lại, kêu lên những tiếng thảm thiết. Vị Trưởng lão suy nghĩ: 'Ôi, tình thương đã đem lại sự đau khổ cho các loài hữu tình!'. Ði xa hơn nữa, ngài thấy nhiều tên cướp đang lấy rơm cột vào một người chúng bắt được để đem thiêu sống. Nguời ấy la lên và vị Trưởng lão cảm thấy sầu khổ đối với hai sự việc ấy, liền nói lên bài kệ để cho các tên cướp nghe.
149. Người trói buộc vào người,
Người bám víu vào người,
Người bị người làm hại,
Và người làm hại người.150. Lợi ích gì người ấy?
Hay con cháu người sanh?
Hãy bỏ người ấy đi,
Người làm hại nhiều người.
Nói vậy, ngài đạt đến thiền quán, chứng quả A-la-hán. Còn các tên cướp, nghe lời giáo giới của ngài, cảm thấy xúc động, từ bỏ thế tục, và thực hành Chánh pháp.
(CXXXVI) Mahàkàla (Thera. 21)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở thành Setavyà, trong gia đình một người lái buôn, được đặt tên là Mahàkàla. Khi đến tuổi trưởng thành và sống ở nhà, ngài đem theo năm trăm xe hàng hóa để buôn bán ở Sàvatthi. Khi đang nghỉ vào buổi chiều, ngài thấy các cư sĩ đem hương hoa đi đến tinh xá Jetavana (Kỳ Viên) và ngài đi theo. Tại đấy ngài nghe đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin xuất gia, quyết định lựa chọn nghĩa địa làm đề tài thiền quán, ngài sống ở trong nghĩa địa. Một hôm, một người đàn bà làm nghề thiêu đốt thân thể, để cho vị Trưởng lão một đề tài thiền quán, nên chặt tay và chân của một thân mới thiêu, lấy sọ đầu làm bình bát đựng sữa, sắp đặt tay chân đặt chúng gần bậc Trưởng lão để ngài có thể thiền quán và ngồi xuống một bên. Vị Trưởng lão thấy vậy liền tự sách tấn mình với những bài kệ như sau:
151. Nữ Kàlì, đẫy đà,
Dung sắc như quạ đen,
Bẻ gẫy một bắp vế,
Lại bẻ bắp vế nữa,
Bẻ gẫy một cánh tay,
Lại bẻ cánh tay nữa,
Lại bẻ gẫy cái đầu,
Như bát đựng sữa đông.
Này Kàlì ngồi xuống,
Với lòng tin sẵn sàng.152. Ai không rõ biết vậy,
Lại tác thành sanh y,
Kẻ ngu bước đi đến,
Chịu khổ đau liên tục,
Do vậy ai hiểu biết,
Không tạo nên sanh y,
Ta sẽ không nằm xuống,
Với đầu bị bẻ nát.
(CXXXVII) Tissa (Thera. 21)
Trong đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), trong một gia đình Bà-la-môn, tên là Tissa và trở thành một chuyên viên về ba tập Vệ-đà. Giảng bùa chú cho hơn năm trăm Bà-la-môn trẻ, và danh tiếng đồn vang. Khi Thế Tôn đến Ràjagaha (Vương Xá), Tissa thấy uy nghi đức độ của đức Phật, khởi lòng tin, xuất gia, về sau chứng quả A-la-hán,do phát triển thiền quán. Nhờ vậy, ngài trở thành có danh tiếng nữa.
Có một số Tỷ-kheo thiên về thế lợi, thấy ngài có được trọng vọng, nên không thể chịu nổi. Ngài biết như vậy, nói lên sự nguy hiểm của danh vọng và sự thoát ly của ngài đối với danh vọng, ngang qua những bài kệ này:
153. Vị trọc đầu, đắp y,
Ðược nhiều kẻ thù oán
Khi nhận đồ ăn uống,
Vải mặc và chỗ nằm.154. Biết nguy hiểm như vậy,
Biết có sợ hãi lớn,
Trong cung kính cúng dường;
Vị Tỷ-kheo xuất gia,
Nhận ít, không tham đắm,
Luôn luôn giữ chánh niệm.
(CXXXVIII) Kimbila (Thera. 21)
Ngài gặp đức Phật, xúc động, xuất gia đã được nói trong chương một, với câu kệ : 'Như bị cảm hóa bởi sức mạnh'. Ở đây, vị Trưởng lão sống thân thiết với các bạn, các Tôn giả Anuruddha, Bhaddiya.
155. Trong vườn trúc phía Ðông,
Các Thích tử thân hữu,
Từ bỏ những tài sản,
Không phải là ít oi,
Vui thích với những gì,
Nhận được từ bình bát.156. Siêng, tinh cần, tinh tấn,
Thường kiên trì hăng hái,
Ưa thích lạc pháp vị,
Từ bỏ lạc thế gian.
(CXXXIX) Nanda (Thera. 21)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu, con vua Suddhodana (Tịnh Phạn) và bà Mahàpajàpati, vì đem lại hoan hỷ cho bà con nên được gọi là Nanda. Khi đến tuổi trưởng thành, bậc Ðạo Sư chuyển bánh xe pháp đi đến Kapilavatthu, với lòng từ mẫn độ chúng sanh. Nhân có dịp trời mưa, Thế Tôn kể chuyện tiền thân Vessantara. Trong ngày thứ hai, với câu kệ: 'Hãy đứng dậy!'. Thế Tôn giúp cho phụ thân chứng quả Dự lưu. Với câu kệ: 'Hãy sống theo Phạm hạnh'. Thế Tôn giúp bà Mahàpajàpati cũng chứng quả Dự lưu, rồi Thế Tôn giúp phụ thân chứng thêm quả Nhất lai. Ngày thứ ba khi đi khất thực tại phòng đăng quang, lúc mọi người đang chúc mừng hoàng tử Nanda trong ngày lễ đám cưới, bậc Ðạo Sư đưa bình bát, đi theo bậc Ðạo Sư đến tinh xá và đức Phật độ cho Nanda xuất gia, dầu ngài không bằng lòng.
Từ lúc ấy, biết được Nanda không ưa thích đời sống xuất gia, bậc Ðạo Sư tiếp tục giáo hóa cho đến khi Nanda, nhờ thiền định, phát triển thiền quán và đạt được quả A-la-hán. Về sau, hưởng thọ lạc giải thoát, ngài nói: 'Ôi tuyệt diệu thay pháp môn Phật dạy. Nhờ vậy ta thoát khỏi sa lầy vào đầm tái sanh, đứng được trên bãi cát Niết-bàn'. Phấn khởi với suy nghĩ này, ngài nói lên những bài kệ:
157. Không như lý tác ý,
Ta chuyên trang sức ngoài,
Ta thô tháo dao động,
Say đắm trong tham dục.158. Với phương tiện thiện xảo,
Ta, bà con mặt trời,
Ðược hướng về chánh lý,
Làm ta thoát sanh hữu.
Thế Tôn, biết được quả chứng tự tu, tự luyện của ngài, tuyên bố ngài là bậc tự chế ngự đệ nhất trong các đệ tử của Thế Tôn.
(CXL) Sirimat (Thera. 21)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ), trong nhà một thị dân, được đặt tên là Sirimat, vì gia đình ngài được luôn luôn may mắn, và thành công. Em trai của ngài, tăng trưởng tài sản được đặt tên là Sirivaddha (tăng trưởng sự may mắn). Cả hai thấy được uy nghi đức độ của đức Phật khi Kỳ Viên được dâng cúng đức Phật, khởi lòng tin xuất gia, Sirivaddha dầu chưa chứng được pháp thượng nhân, nhưng được hàng cư sĩ, hàng xuất gia tôn kính hoan nghênh. Nhưng Sirimat, vì nghiệp không được tốt đẹp nên ít được cung kính, tuy vậy, luôn luôn tu tập về chỉ và quán, ngài chứng được sáu thắng trí.
Các Tỷ-kheo tầm thường và các Sa-di không biết ngài chứng được Thánh quả, tiếp tục khinh thường ngài và cung kính em của ngài. Rồi ngài đọc lên bài kệ, nói lên sự sai lầm của họ:
159. Người khác tán thán nó,
Kẻ tự ngã chưa định,
Người khác khen sai lầm,
Kẻ tự ngã chưa định.160. Người khác chỉ trích nó,
Kẻ tự ngã đã định,
Người khác chê sai lầm,
Kẻ tự ngã khéo định.
Rồi Sirivaddha nghe bài kệ, tâm sanh dao động, phát triển thiền quán, không bao lâu đạt được chơn giải thoát; và những ai chỉ trích bậc Trưởng lão, chúng tôi xin lỗi ngài.
(CXLI) Uttara (Thera. 22)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sàketa, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Uttara. Bị cảm hóa bởi thần thông song hành tại cây Gandamba ở Sàvatthi, ngài được khích lệ xuất gia, khi bậc Ðạo Sư ở Sàketa thuyết pháp tại vườn Kàlaka. Ði với bậc Ðạo Sư đến Ràjagaha (Vương Xá), ngài phát triển thiền quán, chứng được sáu thắng trí. Trở về Sàvatthi để hầu hạ đức Phật, các Tỷ-kheo hỏi ngài: 'Thưa Hiền giả, Hiền giả đã thành tựu những gì trong sự nghiệp giải thoát?' Ngài nói lên chánh trí của ngài với bài kệ như sau:
161. Ta liễu tri các uẩn,
Ta khéo nhổ tham ái,
Ta tu tập giác chi,
Ta đạt lậu hoặc diệt.162. Do liễu tri các uẩn,
Thoát ly kẻ gài lưới,
Tu tập giác chi xong,
Ta sẽ nhập Niết-bàn,
Các lậu hoặc tận diệt.
(CXLII) Bhaddaji (Thera. 22)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Bhaddiya (tại Avantì phía Ðông Magadha), con một nghị sĩ giàu có đến tám trăm triệu, ngài được đặt tên là Bhàddiya và được nuôi lớn trong sự nuông chiều sang trọng, giống như vị Bố-tát trong đời sống cuối cùng của ngài. Tập sớ kể câu chuyện của ngài chứng quả A-la-hán khi nghe đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên, chính đức Phật đích thân đến tìm ngài. Ngài đi theo bậc Ðạo Sư với hàng tùy tùng, sau một tuần đến tại Kotigàma, và đi lánh đến bờ sông Hằng, ngài nhập thiền định. Ngài chỉ xuất định, khi đức Phật đến gần và không vâng lời các vị Trưởng lão đi trước. Ðể xác minh quả chứng vô thượng của ngài, đức Phật mời ngài lên chiếc phà của Ngài và yêu cầu ngài hiện thần thông. Bhaddiya làm nổi lên cung điện bị chìm, khi ngài trú tại đấy, trong thời ngài là vua Panàda. Câu chuyện này được kể trong chuyện Jàtaka Mahàpanàda. Ngài diễn tả lâu đài bằng vàng, trong ấy ngài đã sống trong một thời gian. Rồi ngài nói về ngài khi tự ngã được đoạn diệt, như là thuộc một người khác:
163. Pa-nà-đa là tên,
Của vị hoàng đế ấy,
Với trụ lễ bằng vàng,
Ngang có mười sáu nhà,
Tính về lượng bề cao,
Cao hơn một ngàn lần.164. Có đến ngàn tam cấp,
Với trăm nóc hình tròn,
Trang hoàng với cờ xí,
Với ngọc báu chói sáng,
Ở đấy, Càn-thát-bà,
Các tiên nữ hát múa,
Con số lên sáu ngàn,
Với tổng số bảy đoàn.
(CXLIII) Sobhita (Thera. 22)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Sobhita. Sau khi được nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, ngài xuất gia, chứng được sáu thắng trí, ngài thực hành nhớ đến các đời sống quá khứ, thành tựu túc mạng thông, được đức Phật xác nhận là vị nhớ đến đời sống quá khứ đệ nhất. Cảm thấy phấn khởi trong quả chứng của mình, ngài nói lên những bài kệ:
165. Tỷ-kheo giữ chánh niệm,
Với trí tuệ tinh cần,
Một đêm, ta nhớ đến,
Có đến năm trăm kiếp.166. Ta tu Bốn niệm xứ,
Bảy giác chi, Tám thánh (đạo),
Một đêm, ta nhớ đến,
Có đến năm trăm kiếp.
(CXLIV) Valliya (Thera. 22)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Vesàli, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Kanhamitta. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài thấy uy nghi đức độ của đức Phật khi đức Phật đến Vesàli. Khởi lòng tin, ngài xuất gia với sự hướng dẫn của Tôn giả Mahà Kassapa (Ðại Ca-diếp). Với trí tuệ chậm chạp và mới bắt đầu tinh tấn, ngài phải dựa vào trí tuệ của các đồng Phạm hạnh đến nỗi ngài được gọi là Valliya (loài cây leo), vì loài cây này không thể tự lớn được, nếu không dựa vào một vật gì. Một hôm, ngài đi nghe Trưởng lão Venudatta giảng, ngài trở thành sáng suốt, trí tuệ chín muồi, ngài hỏi vị Thầy của ngài với những bài kệ:
167. Những bổn phận cần làm,
Với tinh cần tinh tấn,
Những bổn phận cần làm
Với người muốn giác ngộ.
Con sẽ làm tất cả,
Con không có thối thất,
Hãy xem sự tinh tấn,
Sự nỗ lực của con.168. Ngài hãy nói cho con,
Con đường nhập bất tử,
Với yên lặng thiền tư,
Con đạt Thánh yên lặng,
Như dòng sông Hằng Hà,
Nhập sâu vào biển cả.
(CXLV) Vitàsoka (Thera. 22)
Trong thời đức Phật hiện tại, vào năm thứ 218, là em trai vua Dhammàsoka (A-dục), được đặt tên là Vitàsoka. Ðến tuổi trưởng thành, ngài thành tựu những đức tánh thích hợp với tuổi trẻ hoàng tộc. Rồi ngài trở thành đệ tử của Trưởng lão Giridatta và thông hiểu về Kinh tạng và Luận tạng A-tỳ-đàm.
Một hôm, khi ngài đang cắt tóc, ngài lấy gương soi, thấy một vài sợi tóc bạc. Bị dao động mạnh, ngài phát triển thiền quán, với sự nỗ lực cố gắng thiền định, khi ngài đang ngồi, ngài chứng quả Dự lưu, ngài xuất gia dưới sự hướng dẫn của Giridatta, không bao lâu ngài chứng quả A-la-hán. Ngài tuyên bố chánh trí của ngài với bài kệ:
169. Hãy cạo tóc cho ta
Người cạo tóc đã đến,
Ta cầm lấy cái gương,
Quan sát thân thể ta.170. Thân được thấy trống rỗng,
Chìm tối trong đêm đen,
Mọi vải quấn chặt đứt,
Nay không còn tái sanh.
(CXLVI) Punnamàsa (Thera. 23)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình vị điền chủ. Khi sanh đứa con đầu tiên, ngài xuất gia, sống gần một làng, ngài tinh tấn tu hành cho đến khi ngài chứng được sáu thắng trí. Ngài đi đến Sàvatthi đảnh lễ bậc Ðạo Sư và ở tại một nghĩa địa. Rồi đứa con ngài chết và vợ ngài không muốn tài sản bị vua tịch thu, vì không có thừa tự nên đi đến ngài với một số đông tùy tùng và yêu cầu ngài từ bỏ đời sống xuất gia. Muốn nói lên sự giải thoát thế tục và quả chứng của ngài, ngài đứng trên hư không, nói lên những bài kệ:
171. Từ bỏ năm triền cái,
Ðạt an ổn khỏi ách,
Nắm giữ gương Chánh pháp,
Biết và thấy tự ngã.172. Ta quán sát thân này,
Từ trong cho đến ngoài,
Thân được thấy trống không,
Trong thân cả ngoài thân.
(CXLVII) Nandaka (Thera. 23)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Campà trong một gia đình thị dân, được đặt tên là Nandaka. Ngài là em trai của Bharata (sẽ được nói đến sau). Cả hai được nghe Sona Kolivisa thuyết pháp, liền xuất gia, nghĩ rằng: 'Sona được nuôi dưỡng tế nhị còn xuất gia được, huống nữa chúng ta?' Bharata chứng ngay sáu thắng trí, còn Nandaka, vì còn nhiều tư tưởng không trong sạch, không thể điều khiển được thiền quán, chỉ có thể thực hành. Rồi Bharata muốn giúp đỡ ngài, khiến ngài làm thị giả và cả hai người ra đi. Ngồi bên vệ đường, Bharata thuyết pháp cho ngài về thiền quán.
Có một đoàn lữ hành đi ngang qua, một con bò đực kéo xe qua đám bùn không nổi nên ngã quỵ xuống. Ngài dạy cởi con bò khỏi chiếc xe, cho nó ăn cỏ, uống nước. Con bò khỏi sự mệt nhọc lại được cột vào xe, với sức mạnh, được bồi dưỡng, con bò kéo xe qua được đám bùn, Bharata nói:
- Này em Nandaka, em có thấy hiện tượng ấy không?'.
- Thưa anh, em có thấy.
- Vậy hãy tìm hiểu ý nghĩa! Và Nandaka nói: 'Như con bò được bồi dưỡng, lấy lại sức mạnh, ta cần phải tự lực lôi mình ra khỏi đám bùn lầy của tái sanh!' Dùng sự kiện này là một đề tài thiền quán, ngài đã chứng được quả A-la-hán. Rồi ngài tuyên bố chánh trí của ngài cho người anh nghe với những bài kệ:
173. Như con vật hiền thiện,
Thuộc giống tốt, khéo luyện,
Sau khi ngã quỵ xuống,
Lại gượng lên đứng dậy,
Lấy được thêm sức mạnh,
Không bỏ kéo gánh nặng.174. Cũng vậy, hãy nhận con,
Ðệ tử bậc Chánh giác,
Con đầy đủ chánh kiến,
Khéo tu luyện thuần thục,
Con thật con chánh thống.
Của đức Phật Chánh giác.
(CXLVIII) Bharata (Thera. 23)
Khi em trai Nandaka nói lên chánh trí của mình, Bharata khởi lên ý kiến hai anh em cùng đi đến yết kiến đức Phật, trình lên đức Phật biết quá trình đời sống Phạm hạnh của mình.
Rồi ngài nói với Nandaka những bài kệ như sau:
175. Hãy đến Nandaka,
Chúng ta hãy cùng đi,
Ði đến bậc Giáo thọ,
Chúng ta hãy rống lên,
Tiếng rống con sư tử,
Trước mặt Phật tối thượng.176. ẩn sĩ thương chúng ta,
Khích lệ ta xuất gia,
Mục đích chúng ta đạt,
Mọi kiết sử đoạn tận.
(CXLIX) Bhàradvàja (Thera. 23)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá). Trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên theo dòng họ là Bhàradvàja. Lập gia đình, ngài có một người con trai tên là Kanhadinna. Ðến tuổi đi học, ngài gửi người con đi Takkasìla, giữa đường người con làm quen với một vị Trưởng lão, đệ tử bậc Ðạo Sư, nghe vị ấy thuyết pháp, xuất gia và sau một thời gian, chứng quả A-la-hán.
Bhàradvàja, được nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp ở tịnh xá Trúc Lâm, xuất gia và cũng chứng quả A-la-hán, Kanhadinna đến yết kiến bậc Ðạo Sư ở Ràjagaha (Vương Xá), và sung sướng thấy phụ thân mình ngồi cạnh đức Bổn Sư. Ðược biết phụ thân đã chứng quả A-la-hán, muốn phụ thân rống tiếng rống con sư tử, nên hỏi đã chứng được mục đích Phạm hạnh chưa, ngài trả lời với những câu kệ như sau:
Rống tiếng rống:
177. Như những con sư tử
Trong hang động núi non,
Rống tiếng rống sư tử,
Cũng vậy với trí tuệ,
Bậc anh hùng thắng trận,
Thắng ma và ma quân.178. Ta hầu bậc Ðạo Sư
Ðảnh lễ Pháp và Tăng,
Ta hân hoan vui vẻ,
Thấy con chứng vô lậu.
(CL) Kanhadinna (Thera. 23)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Vương Xá, trong gia đình một Bà-la-môn, được đặt tên là Kanhadinna. Khi đến tuổi trưởng thành, với thiện duyên thuần thục, ngài đến Tôn giả Sàriputta, nghe pháp, khởi lòng tin rồi xuất gia. Sau khi phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán, ngài tuyên bố chánh trí của ngài.
179. Hầu hạ bậc chân nhân,
Luôn luôn nghe Chánh pháp,
Nghe xong, ta sẽ bước,
Trên con đường bất tử.180. Trong ta, tham hữu đoạn,
Tham hữu không có mặt,
Quá khứ, và vị lai,
Không có ở trong ta,
Hiện tại cũng không có,
Tồn tại ở trong ta.
(CLI) Migasìra (Thera. 24)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Kosala, được đặt tên là Migasìra, theo ngôi sao ngày sinh. Học theo văn hóa Bà-la-môn, ngài thực hành bùa chú sọ người, khi ngài đọc lên bùa chú và lấy móng tay gõ trên sọ người, ngài tuyên bố: 'Người này sẽ được tái sanh trong giới này...', cho đến với những người đã chết được ba năm. Không thích thú đời sống thế tục, ngài trở thành người du sĩ, với hạnh sọ người của ngài, ngài được cung kính cúng dướng. Ði đến Sàvatthi, đứng trước mặt bậc Ðạo Sư, ngài tuyên bố sức mạnh của ngài: 'Thưa Tôn giả Gotama, ta có thể nói chỗ tái sanh của những người đã chết'.
Ðức Phật hỏi: 'Ông làm như thế nào?'
Ngài cho đem lại một sọ người, đọc lên bùa chú, với móng tay gõ trên sọ người, ngài tuyên bố đọa xứ v.v... là chỗ tái sanh!
Ðức Phật cho đem lại sọ người của một Tỷ-kheo, đã chứng Niết-bàn và nói: 'Hãy nói chỗ tái sanh của người này'. Migasìra đọc bùa chú, lấy móng tay gõ trên sọ người, nhưng không thấy đầu đuôi như thế nào.
Rồi Thế Tôn hỏi:
- Này du sĩ, có phải ông làm không được?
Ngài trả lời: - Tôi cần phải xác chứng cho chắc chắn! Nhưng dù cho ngài xoay xở như thế nào, làm sao ngài biết được sanh thú của vị A-la-hán; ngài xấu hổ, toát mồ hôi, im lặng.
- Này du sĩ, có phải ông mệt mỏi?
- Vâng, tôi mệt mỏi, tôi không biết sanh tử của vị này, Ngài có biết chăng?
- Ta biết được và Ta biết nhiều hơn thế nữa! Vị này đã nhập Niết-bàn!
Vị du sĩ nói:
- Vậy nói lên cho con, bí quyết ấy?
- Vậy ông phải xuất gia! Rồi Migasìra xuất gia và được dạy cho đề tài tu định. An trú vững vàng trên thiền và thắng trí, ngài thực hành thiền quán, không bao lâu, chứng quả A-la-hán.
Rồi ngài nói lên chánh trí của ngài như sau:
181. Từ khi ta xuất gia,
Trong pháp bậc Chánh giác,
Giải thoát, ta tiến lên,
Ta vượt qua dục giới.182. Nhờ Phạm-chí quán sát,
Tâm ta được giải thoát,
Ta giải thoát bất động,
Mọi kiết sử đoạn diệt.
(CLII) Sivàka (Thera. 24)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Ràjagaha (Vương Xá), được đặt tên Sivàka. Khi đã nhận được một sự giáo dục toàn diện, ngài theo xu hướng sở thích của mình, từ bỏ thế tục làm người du sĩ. Ðến nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, ngài khởi lòng tin xuất gia, và cuối cùng chứng quả A-la-hán. Ngài nói lên chánh trí của mình:
183. Vô thường, những ngôi nhà,
Ðây đó lại dựng lên,
Tìm kiếm người làm nhà,
Tái sanh là đau khổ.184. Hỡi kẻ làm nhà kia!
Ngươi đã bị thấy rồi,
Từ nay, ngươi không thể,
Lại dựng nhà lên nữa,
Mọi tường vách đổ vỡ,
Nóc nhà bị tan hoang,
Tâm bị đẩy khỏi dòng,
Ở đây, bị thổi nát.
(CLIII) Upavàna (Thera. 24)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Sàvatthi, được đặt tên là Upavàna. Thấy được uy nghi đức Phật khi Kỳ Viên được dâng cúng. Ngài xuất gia, phát triển thiền quán, chứng được sáu thắng trí.
Rồi Upavàna trở thành vị thị giả đức Phật. Bấy giờ, Thế Tôn bị đau nhức mỏi, một đệ tử cư sĩ của ngài tên là Devahita sống ở Sàvatthi cúng dường bốn vật dụng cần thiết cho ngài. Khi Upavàna đến với y và bát, Devahita biết ngài cần dùng một vật đặc biệt nên hỏi. Ngài trả lời với bài kệ như sau:
185. Bậc ứng Cúng, Thiện Thệ,
ẩn sĩ bị phong thấp,
Nếu ông có nước nóng,
Hãy cúng dường ẩn sĩ.186. Cúng dường người đáng cúng,
Cung kính người đáng kính,
Tôn trọng người đáng trọng,
Ta mong muốn vị ấy,
Ðược vật cúng mang đến.
Rồi vị Bà-la-môn dâng cúng nước nóng và thuốc trị bệnh. Nhờ vậy, bệnh của Thế Tôn thuyên giảm và Thế Tôn tỏ lời cảm ơn.
(CLIV) Isidinna (Thera. 24)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở xứ Sunàparanta, trong gia đình một vị chức sắc, được đặt tên là Isidinna. Khi lớn lên, ngài chứng kiến Thế Tôn hiện thần thông song hành khi ngôi nhà bằng trầm hương được dâng cúng, với tấm hân hoan đối với bậc Ðạo Sư, ngài nghe pháp, trở thành bậc Dự lưu. Dầu còn sống đời sống thế gian, một Thiên nhân khích lệ ngài như sau:
187. Ta thấy người cư sĩ,
Trì pháp với lời nói,
Các dục là vô thường,
Họ ưa thích ái luyến,
Châu báu và vòng nhẫn,
Họ đón chờ vợ con.188. Thật sự họ không biết,
Pháp như thật là gì?
Dầu họ có tuyên bố:
'Các dục là vô thường!'
Họ không có sức mạnh,
Ðể cắt đứt tham ái,
Do vậy, họ luyến tiếc,
Vợ con và tài sản.
Khi người cư sĩ nghe vậy, ngài cảm thấy xúc động, xuất gia, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Nói lên chánh trí của ngài, ngài lập lại những bài kệ trên.
(CLV) Sambula - Kaccàna (Thera. 24)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong nước Magadha (Ma-kiệt-đà), con một thị dân thuộc dòng họ Kaccàna, tên là Sambula, ngài được biết với tên Sambula-Kaccàna. Sau khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, ngài xuất gia rồi đi đến miền phụ cận núi Hy-mã-lạp-sơn, tu học thiền quán trong một cái hang tên là Bheravàyanà (đường đi dễ sợ).
Một hôm, một cơn giông tố trái mùa nổi lên, mây ùn ùn nổi lên trên hư không, sấm sét vang động, chớp sáng chói lòa, trời bắt đầu mưa đổ ào ào xuống. Các loài vật như gấu, dã can, trâu, voi đều la hét run sợ. Nhưng vị Trưởng lão phát triển thiền quán, không kể gì đến mạng sống của mình, không để ý đến tiếng động vang, nhưng cơn động làm cho dịu khí trời, tâm ngài được tịnh chỉ, ngài triển khai thiền quán, chứng được quả A-la-hán với sáu thắng trí. Nghĩ đến thành quả đạt được, ngài cảm thấy phấn khởi, ngài nói lên chánh trí của ngài, với những bài kệ:
189. Mưa ào ào đổ xuống,
Mưa ầm ầm vang động,
Ta sống chỉ một mình,
Trong hang động kinh hoàng,
Dầu ta sống một mình,
Trong hang động kinh hoàng,
Ta không hoảng, sợ hãi,
Không lông tóc dựng ngược190. Pháp nhĩ ta là vậy,
Nên dầu sống một mình,
Trong hang động kinh hoàng,
Ta không hoảng, sợ hãi,
Không lông tóc dựng ngược.
(CLVI) Khitaka (Thera. 25)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong nước Kosala, con một vị Bà-la-môn, được đặt tên là Khitaka. Ngài nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, xuất gia, sống trong rừng, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Hưởng được lạc giải thoát Niết-bàn, cảm thấy phấn khởi tinh cần, ngài đi đến các Tỷ-kheo sống trong rừng để khích lệ, làm các vị ấy phấn khởi. Ngài nói những bài kệ này, trước hết vì hạnh phúc cho các vị ấy, sau nói lên chánh trí của ngài:
191. Tâm ái như tảng đá
Ðứng vững, không dao động,
Hỡi những vật khả ái,
Tâm không có tham ái,
Ðối vật làm dao động,
Tâm không có dao động,
Tâm ai tu tập vậy,
Từ đâu, khổ sẽ đến.192. Tâm ta như tảng đá
Ðứng vững, không dao động,
Ðối những vật khả ái,
Tâm không có tham ái,
Ðối vật làm dao động,
Tâm không có dao động,
Tâm ta tu tập vậy,
Từ đâu, khổ đến ta.
(CLVII) Sona - Potiriyaputta (Thera. 25)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), con của điền chủ Potiriya, được đặt tên là Sona. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài trở thành tướng chỉ huy quân lực của Bhaddiya, một vị vua Sakka. Nay Bhaddiya đã xuất gia, và ngài theo gương Bhaddiya cũng xuất gia, nhưng ngài biếng nhác, không có tu thiền định. Thế Tôn ở tại vườn xoài Anupiya, chiếu hào quang đến ngài, khích lệ ngài tu tập chánh niệm, với những bài kệ như sau:
193. Thầy chớ có ngủ nữa,
Với đêm, sao vòng hoa,
Ðêm này, người có trí,
Thức dậy, không có ngủ.
Nghe lời này, ngài cảm thấy dao động mạnh, thấy rõ những khuyết điểm của ngài, ngài ngồi thiền ngoài trời, tu tập thiền quán, ngài nói lên bài kệ:
194. Khi con voi tấn công,
Rơi từ lưng voi xuống,
Trên chiến trường ta chết,
Tốt hơn sống bại trận.
Nói vậy, ngài triển khai thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ngài lập lại bài kệ của bậc Ðạo Sư, và với bài kệ của ngài, ngài nói lên chánh trí của mình.
(CLVIII) Nisabha (Thera. 25)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong xứ các dân tộc Koliya, trong một gia đình dân tộc, được đặt tên là Nisabha. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài chứng kiến sức mạnh uy nghi đức độ của đức Phật trong trận chiến giữa dân tộc Sakka và dân tộc Koliya, khởi lòng tin, ngài xuất gia, chứng quả A-la-hán.
Thấy một Tỷ-kheo đồng Phạm hạnh dùng thời gian của mình rất là uổng phí, nên ngài dùng những bài kệ này để khuyên răn vị ấy, và nói lên ngài thực hành những điều ngài nói:
195. Sau khi đã từ bỏ
Năm loại dục trưởng dưỡng,
Những vật thật khả ái,
Khiến tâm ý thích thú,
Với lòng tin, xuất gia,
Chấm dứt sự khổ đau.196. Ta không hoan hỷ chết,
Ta không hoan hỷ sống,
Ta chờ đợi thời đến,
Tỉnh giác và chánh niệm.
(CLIX) Usabha (Thera. 25)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), trong gia đình một vị vua Sakka, được đặt tên là Usabha. Khi đức Phật về thăm bà con, ngài thấy sức mạnh và sự sáng suốt của đức Phật, khởi lòng tin và xuất gia, nhưng ngài không làm các bổn phận của người tu hành, cả ngày giao du nhiều người, ban đêm thời lo ngủ.
Một hôm, với tâm tư hôn trầm phóng dật, ngài nằm ngủ, ngài mộng thấy ngài cạo đầu, đắp áo cà-sa, ngồi trên lưng voi đi vào thành để khất thực; tại đấy, thấy quần chúng tụ tập đông đảo, ngài cảm thấy xấu hổ và xuống voi không ngồi nữa. Ngài thức dậy, suy nghĩ: 'Vì sao, đây là cơn mộng hôn trầm và phóng dật, ta thấy ta nằm ngủ với tâm ưu não', ngài an trú thiền quán, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Như vậy lấy cơn mộng làm đề tài khích lệ, ngài dùng những bài kệ để nói lên chánh trí của ngài:
197. Vai đắp phủ tấm y,
Giống như màu bông xoài,
Ngồi trên lưng con voi,
Ta vào làng khất thực.198. Từ lưng voi leo xuống,
Ta cảm nhận xúc động,
Trước ta rất ngạo mạn,
Nay ta thật lắng dịu,
Ta đã chứng đạt được,
Các lậu hoặc đoạn diệt.
(CLX) Kappata - Kura (Thera. 25)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại Sàvatthi, trong tình cảnh nghèo nàn, ngài chỉ biết tự nuôi sống, bằng cách mặc đồ rách rưới, bát ăn xin cầm tay, đi xin gạo cơm. Vì vậy ngài được tên là Kappatakura (rách và gạo). Khi lớn lên, ngài nuôi sống bằng cách bán cỏ. Một hôm, đang cắt cỏ trong rừng, ngài gặp một vị Trưởng lão, ngài đảnh lễ, ngồi xuống nghe pháp. Ngài khởi lòng tin, từ bỏ nếp sống cũ, xuất gia, cất đồ rách rưới vào một chỗ. Khi ngài cảm thấy nhàm chán với đời sống mới, ngài đi đến nhìn đồ rách rưới ấy, tâm ngài trở thành bất an. Làm như vậy, bảy lần ngài rời khỏi chúng Tăng. Các Tỷ-kheo báo cáo lên sự việc này. Một hôm, khi ngài là một Tỷ-kheo đang ngồi giữa chúng Tăng tại giảng đường, bậc Ðạo Sư giáo giới ngài với những bài kệ như sau:
199. Ðây là đồ rách rưới,
Của Kappata-kura,
Y áo đang phủ đắp,
Thật là quá nặng nề,
Trong bình bát bất tử,
Ðược đựng đầy Chánh pháp,
Nhưng nó không thực hành,
Con đường hành thiền định.200. Hỡi này Kappata,
Chớ lắc qua lắc lại,
Chớ khiến ta phải đánh,
Các tiếng vào tai ông,
Hỡi này Kappata,
Chớ làm kẻ si mê,
Ngồi lắc qua lắc lại,
Giữa Tăng chúng hội họp.
Bị đức Phật quở trách mạnh mẽ, ngài dao động mạnh, phát triển thiền quá, không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ngài lập lại các bài kệ đã khích lệ ngài tu hành và những bài kệ này trở thành những lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(CLXI) Kumàra-Kassapa (Thera. 26)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), mẹ ngài là con một vị chức sắc, mẹ ngài không được cha mẹ bằng lòng cho xuất gia khi còn là thiếu nữ, lập gia đình, được chồng bằng lòng cho xuất gia, nhưng bà không biết là đang có thai. Khi các Tỷ-kheo-ni thấy hiện trạng này, liền đến hỏi ý kiến Devadatta (Ðề-bà-đạt-đa), vị này cho mẹ ngài là Tỷ-kheo-ni bất chánh. Các Tỷ-kheo-ni tới hỏi ý kiến bậc Ðạo Sư, bậc Ðạo Sư giao việc này cho Tôn giả Upàli giải quyết. Upàli cho mời một số vị cư sĩ ở Sàvatthi, gồm có nữ cư sĩ Visàkhà, và giữa hội nghị, có sự có mặt của vua, Tôn giả Upàli tuyên bố vị Tỷ-kheo-ni đã có thai trước khi xuất gia, và bậc Ðạo Sư đã chấp nhận sự kiện này. Mẹ ngài nuôi dưỡng đứa con tại ngôi tịnh xá, đứa con như bức tượng bằng vàng, và vua nuôi dưỡng đứa trẻ và ngài được đưa đến cho bậc Ðạo Sư xuất gia. Vì ngài xuất gia khi còn thiếu niên, ngài được gọi là Kumàra-kassapa, dầu cho khi ngài đã lớn.
Trong khi ngài tu tập thiền quán, học lời Phật dạy, ngài ở tại rừng Andha. Rồi một Thiên nhân, đã chứng quả Bất lai, đã được làm Ðại Phạm Thiên ở Tịnh Cư Thiên, muốn chỉ cho Kumàra-kassapa phương pháp chứng được đạo quả. Vị Thiên nhân đến tại rừng Andha và hỏi ngài mười lăm câu hỏi mà chỉ có bậc Ðạo Sư mới có thể trả lời. Ngài hỏi đức Phật các câu hỏi ấy và học thuộc lòng các câu đức Phật trả lời, phát triển quán, chứng quả A-la-hán.
Ðược bậc Ðạo Sư ấn chứng cho là vị thuyết pháp lanh lợi đệ nhất, ngài nhớ lại quá trình tu hành của mình và dưới hình thức tán thán Ba ngôi báu, ngài nói lên chánh trí của mình:
201. Ôi Phật đà, ôi Pháp!
Ôi Ðạo Sư thành tựu!
Ở đây, vị đệ tử,
Chứng đạt Chánh pháp này.202. Trải qua vô lượng kiếp,
Ta tác thành có thân,
Thân này thân cuối cùng,
Thân này hành trì xong,
Trên con đường sống chết,
Nay không còn tái sanh.
(CLXII) Dhammapàla (Thera. 26)
Trong thời đức Phật hiện tại, khi bậc Ðạo Sư qua đời, ngài sanh ở Avanti con một Bà-la-môn, được đặt tên là Dhammapàla. Khi ngài đi từ Takkasilà về, học hành đã xong, ngài thấy một vị Trưởng lão ngồi một mình trong thảo am, được vị ấy thuyết pháp, ngài khởi lòng tin, xuất gia và chứng được sáu thắng trí.
Trong khi ngài suy tư hoan hỷ trong vị ngọt giải thoát, hai Sa-di leo cây hái trái, bị cây gẫy ngã xuống. Thấy vậy ngài lấy tay ôm đỡ hai người Sa-di, với thần thông đặt hai vị ấy xuống đất, không có bị thương. Và ngài dạy hai vị ấy với những bài kệ:
203. Ai Tỷ-kheo trẻ tuổi
Chú tâm hành lời Phật,
Tỉnh thức giữa người ngủ,
Vị ấy, đời không uổng.204. Do vậy, bậc Hiền trí,
Nhớ đến lời Phật dạy,
Chuyên tu tín và giới,
Hoan hỷ thấy Chánh pháp.
(CLXIII) Brahmàlì (Thera. 26)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở nước Kosala, con một Bà-la-môn, được đặt tên là Brahmàlì. Khi đến tuổi trưởng thành, thúc đẩy bởi những điều kiện chín muồi, do giao hảo với bạn lành, ngài xuất gia, tu tập thiền định trong một ngôi rừng, nhờ trí tuệ chín muồi, ngài phát triển thiền quán, chứng được sáu thắng trí.
Sống trong vị an lạc giải thoát, vị Trưởng lão rất thuần thục pháp tinh tấn, một hôm sống ở trong rừng ngài nói lên những bài kệ này, thay mặt cho các Tỷ-kheo ở trong rừng, những bài kệ tán thán hạnh tinh tấn:
205. Với những ai, các căn,
Ðã đi đến tịnh chỉ,
Như được khéo điều phục,
Bởi đánh xe điều ngự,
Kiêu mạn được đoạn tận,
Không còn có lậu hoặc,
Chư Thiên rất ái mộ
Những vị có hạnh ấy.206. Với chính ta, các căn,
Ðã đi đến tịnh chỉ,
Như được khéo điều phục,
Bởi đánh xe điều ngự,
Kiêu mạn được đoạn tận,
Không còn có lậu hoặc,
Chư Thiên ái mộ ta,
Ta thành tựu hạnh ấy.
(CLXIV) Mogharàjam (Thera. 27)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn, tên là Mogharàjam. Vị ấy tu học dưới sự lãnh đạo của Bà-la-môn Bàvariya. Cảm thấy lo âu sợ hãi, ngài trở thành một vị tu khổ hạnh. Ngài là một trong mười sáu vị, trong ấy có Ajita và những vị khác, đã được Bàvariya đưa đến yết kiến bậc Ðạo Sư. Sau khi Mogharàjam hỏi và được trả lời, ngài chứng quả A-la-hán.
Sau đó, ngài được biết đến vì ngài mặc áo thô sơ do các nhà lữ hành, các thợ may, các thợ nhuộm quăng bỏ hai bên đường. Do vậy, bậc Ðạo Sư ấn chứng cho ngài là người đệ tử đệ nhất mặc áo thô sơ. Như vậy ngài thực hiện chí nguyện từ trước của ngài.
Một thời khác, do thiếu sự săn sóc chu đáo và do nghiệp đời trước, các mụt ghẻ lở xuất hiện và sanh ra nhiều trên thân của ngài, nghĩ rằng chỗ trú ẩn của ngài đã bị ô nhiễm, ngài trải chỗ nằm của ngài trên một thửa ruộng ở Magadha, và dầu lúc ấy thuộc mùa đông, ngài vẫn ở tại đấy. Một hôm, hầu hạ bậc Ðạo Sư và đảnh lễ ngài, bậc Ðạo Sư hỏi ngài với những bài kệ như sau:
207. Hỡi Mogharàja!
Sống với da thô độc,
Sống với tâm hiền thiện,
Luôn luôn hành thiền định,
Trong những đêm đông giá
Thầy là một Tỷ-kheo,
Vậy Thầy sống thế nào
Thầy sẽ làm những gì?
Ðược hỏi vậy, ngài trả lời và giải thích cho bậc Ðạo Sư:
208. Con có được nghe rằng:
Ở nước Magadha,
Ðất nước giàu thịnh vượng,
Toàn dân sống đầy đủ,
Những am lợp bằng rơm,
Còn tốt đẹp hơn nhiều,
Hơn đời sống an lạc,
Của mọi người dân khác.
(CLXV) Visàkha, Con Của Pancàlì (Thera. 27)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở xứ Magadha (Ma-kiệt-đà), con một vị vua địa phương, được đặt tên là Visàkha. Vì ngài là con trai một công chúa con vua, về sau ngài được biết là con trai của Pancàlì.
Sau khi phụ vương mất, ngài nối ngôi vua, nhưng khi bậc Ðạo Sư đến gần chỗ ngài ở, ngài đến nghe đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin rồi xuất gia. Theo bậc Ðạo Sư đến Sàvatthi (Xá-vệ), ngài phát triển thiền quán, chứng được sáu thắng trí.
Với lòng từ mẫn nghĩ đến bà con, ngài viếng thăm quê hương cũ, dân chúng đến nghe ngài thuyết giảng rất đông. Một hôm có người hỏi: 'Có bao nhiêu đức tánh cần thiết để một người trở thành nhà thuyết pháp?'. Ngài trả lời đại cương những đức tánh trong những bài kệ sau đây:
209. Chớ có tự kiêu mạn,
Chớ có khinh khi người,
Không khinh, không hại người,
Ðã đến bờ bên kia,
Và chớ có khen mình,
Trước mặt các hội chúng,
Không dao động, khiêm tốn,
Khéo nói, khéo chế ngự.210. Với người, thấy ý nghĩa,
Tế nhị và kín đáo,
Thiện xảo về trí tuệ
Nếp sống khéo hộ trì,
Thực hiện giới chư Phật,
Niết-bàn đối vị ấy,
Không gì khó chứng đạt.
(CLXVI) Cùlaka (Thera. 27)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha, con một vị Bà-la-môn, được đặt tên là Culàka. Khi ngài thấy bậc Ðạo Sư nhiếp phục con voi Dhanapàla, ngài phát khởi lòng tin xuất gia. Trong khi tu tập, ngài trú ở hang cây Indra-sàla. Một hôm ngồi trước cửa hang, nhìn xuống các thửa ruộng ở Magadha (Ma-kiệt-đà), một cơn giông tố khởi lên với những lớp mây trùng điệp ùn ùn khởi lên, sấm sét vang dậy, trời mưa ào ào đổ xuống, các đàn chim công nghe tiếng sấm sét, sung sướng kêu lên tiếng kê-la của chúng, và múa hát chung quanh. Làn gió giông tố đem lại cho ngài cảm giác dễ chịu và thỏa thích khi ngài đang ngồi trong hang, với nhiệt độ vừa phải, tâm ngài được thiền định. Ngài bước vào con đường hành trì, và nhận thức được thời gian thích hợp đã đến, ngài nói lên lời tán thán, sự tu hành của ngài với những bài kệ sau:
211. Những chim công kêu hót,
Mào đẹp, lông đuôi xinh,
Với cổ, màu xanh tươi,
Mỏ đẹp, tiếng hót hay,
Ðất này, khéo lát cỏ,
Nước mắt khéo thấm nhuần,
Với khoảng trời khéo che,
Mây mưa khéo bao phủ.212. Thân người khéo khỏe mạnh,
Tâm ý tốt, thiền tu,
Lành thay, khéo khởi tâm,
Trong lời khéo Phật dạy.
Hãy cảm xúc con đường
Ðưa đến cõi bất tử,
Ðường ấy đường vô thượng,
Ðường trong trắng lành mạnh,
Ðường tế nhị nhỏ nhiệm,
Con đường thật khéo thấy.
Ngài tự giáo giới lấy mình, chứng được thiền định, và phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán. Ôn lại những việc đã làm, với tâm hoan hỷ, ngài nói lên những bài kệ này như là lời tuyên bố chánh kiến của ngài.
(CLXVII) Anupama (Thera. 27)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình giàu có ở Kosala, vì ngài đẹp trai nên được đặt tên là Anùpama (không thể so sánh được). Khi đến tuổi trưởng thành, ngài cảm thấy sức mạnh của các nguyên nhân, xuất gia và sống trong một ngôi rừng để tu tập thiền quán, nhưng tâm ngài chạy theo ngoại cảnh, xoay quanh những vấn đề đối tượng thiền định, ngài tự trách mình như sau:
213. Tâm đi đến hỷ mạn
Như bị đâm giáo nhọn,
Nếu người sống tâm ấy,
Như sống với giáo, gậy.214. Này tâm, ta gọi ngươi,
Kẻ bẻ gãy hạnh phúc,
Này tâm, ta gọi ngươi,
Kẻ phá hoại đời ta!
Bậc Ðạo Sư của ngươi,
Khó được nay đã được,
Chớ có dắt dẫn ta,
Ðến chỗ có hại ta!
Như vậy ngài giáo giới tâm ngài, phát triển thiền quán, chứng quả A-la-hán.
(CLXVIII) Vajjita (Thera. 27)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Kosala giàu có, sau khi từ Phạm Thiên giới hạ sanh, ngài luôn luôn khóc trong bàn tay bà mẹ, vì ngài không chịu nổi xúc chạm của nữ nhân, ngài được gọi là Vajjita (vị từ bỏ). Ðển tuổi trưởng thành, ngài chứng kiến Thế Tôn hiện thần thông song hành, khởi lòng tin, xuất gia và chứng được sáu thắng trí. Nhớ đến đời sống quá khứ, ngài cảm thấy xúc động nói:
215. Trong thời luân hồi dài,
Ta trôi lăn nhiều cõi,
Ta không thấyThánh đế,
Ta phàm phu mù lòa.216. Với hạnh không phóng dật,
Ta phá vỡ luân hồi,
Mọi sanh thú chặt đứt,
Nay không còn tái sanh.
Và bài kệ trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(CLXIX) Sandhita (Thera. 28)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh trong một gia đình giàu có ở Kosala, tên là Sandhita. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài nghe bài giảng về vô thường, hoảng hốt lo sợ, và xin xuất gia với trí tuệ chín muồi, ngài an trú thiền quán và chứng đạt sáu thắng trí. Nhớ đến đời sống trước của mình, sau khi đức Phật Sikhì (Thi-khí) mệnh chung. Ngài đảnh lễ tại cây Bồ-đề và nhận thức được ý nghĩa vô thường, ngài tuyên bố ngài thành đạt ý tưởng, nhờ nguyên nhân ấy với những bài kệ như sau:
217. Dưới gốc cây Bồ-đề,
Với ánh sáng lá xanh,
Khi cây đang vươn lên,
Trong sức sống lớn mạnh,
Một tưởng về Phật hành,
Chánh niệm ta đạt được.218. Ðã qua ba mốt kiếp,
Tưởng ấy ta không chứng,
Nay chính nhờ tưởng ấy,
Ta đạt lậu hoặc diệt.
(CLXX) Anganika Bhàradvàja (Thera. 29)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh gần núi Hy-mã-lạp-sơn, trong thành phố Ukkattha, trong gia đình một Bà-la-môn phú cường và được đặt tên là Anganika Bhàradvàja. Khi ngài được học xong giáo điển và nghệ thuật Vệ-đà, ngài hướng về giải thoát. Trong khi bộ hành chỗ này chỗ khác, ngài gặp bậc Ðạo Sư khi bậc Ðạo Sư đang du hành ở vùng quê, và với tâm tư tín thành, ngài nghe bậc Ðạo Sư thuyết giảng. Từ bỏ tà khổ hạnh, ngài xuất gia, tu tập thiền quán, và sau một thời gian chứng được sáu thắng trí.
Sau khi sống tận hưởng vị ngọt giải thoát, ngài với lòng thương đối với bà con, đến thăm và dạy họ về quy y và giới luật. Rồi từ giã các bà con, ngài sống trong một ngôi rừng gần làng Kundiya của dân tộc Kuru. Khi có việc đi đến Uggàyàman, một số Bà-la-môn quen biết đến hỏi: 'Thưa Tôn giả Bhàradvàja, do ngài thấy gì mà ngài từ bỏ giáo hội Bà-la-môn, và chấp nhận giáo hội này?' Ngài nêu rõ, ngoài giáo hội đức Phật, không có giới thanh tịnh, ngài nói:
219. Trong rừng ta thờ lửa,
Truyền thống không chơn chánh,
Không biết đường thanh tịnh,
Theo khổ hạnh bất tử.220. Với lạc, ta được lạc,
Hãy xem pháp, tùy pháp,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy, làm xong.221. Trước bà con Phạm chí,
Nay ta chính Phạm chí,
Ba minh, ta quán đảnh,
An ổn ta đạt được,
Thông hiểu đúng Chánh pháp,
Thuần thục lời Phật dạy.
Khi các Bà-la-môn ấy nghe ngài nói, các vị ấy chấp nhận và từ bỏ rất là phấn khởi.
(CLXXI) Paccaya (Thera. 29)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở thành Rohi trong một gia đình hoàng tộc, và được đặt tên là Paccaya. Thọ hưởng gia tài khi phụ thân mệnh chung, ngài tuyên bố tổ chức một đàn bố thí rất lớn và một số đông người tụ họp. Trong cuộc tụ họp này, bậc Ðạo Sư ngồi trên một ngai vàng trong một ngôi nhà trang hoàng châu báu. Ðức Phật thuyết pháp, trong khi mọi người ngắm, chiêm ngưỡng ngài. Phần lớn dân chúng hiểu lời đức Bổn Sư dạy, nhưng ngài Paccaya đi xa hơn. Thúc đẩy bởi nghiệp duyên đời trước, ngài từ bỏ tài sản và xuất gia như trước kia ngài đã phát nguyện dưới thời đức Phật Kassapa, nay ngài đã phát nguyện, khi đã vào am tranh tu hành, nếu chưa giải thoát thời không ra khỏi am này và cuối cùng thiền quán được phát triển, trí tuệ được thuần thục, ngài chứng quả A-la-hán. Ðể kỷ niệm thành quả này, ngài nói lên quả chứng của ngài, ngang qua những bài kệ như sau:
222. Năm ngày ta xuất gia,
Hữu học, ý chưa đạt,
Ta trú hạnh viễn ly,
Tâm phát nguyện như sau:223. Ta sẽ không ăn uống,
Không ra ngoài tinh xá,
Ta sẽ không nằm xuống,
Không nằm một bên hông,
Nếu mũi tên tham ái,
Chưa rút nhổ lên được.224. Hạnh ta sống như vậy,
Hãy nhìn ta tinh cần,
Ba minh ta đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.
(CLXXII) Bàkula (Thera. 29)
Ngài sanh ở Kosambi, trong một gia đình có chức vụ, trước khi bậc Ðạo Sư sanh ra, và ngài được đem đi tắm ở sông Yamunà để được sức khỏe, và một con cá nuốt ngài trong tay người vú. Con cá bị người câu cá bắt được và đem bán cho vợ một vị chức sắc khác ở Ba-la-nại. Khi con cá bị mổ ra, đứa con nít nhờ phước nghiệp đời trước, nên còn sống không bị thương tích. Vợ vị chức sắc thương ngài như con đẻ, và khi bà nghe được câu chuyện của ngài, và hỏi về cha mẹ. Vua trong nước quyết định cho ngài thuộc quyền sở hữu của hai gia đình, và do vậy ngài được tên là Bàkula (hai gia đình).
Sau một đời sống giàu sang, ngài nghe đức Bổn Sư thuyết pháp, xuất gia khi tám mươi tuổi. Trong bảy ngày, ngài chưa được giác ngộ, nhưng ngày thứ tám, ngài chứng được quả A-la-hán, thông hiểu nghĩa, thông hiểu pháp.
Một hôm, khi ấn chứng vị trí tu hành cho các vị đệ tử, bậc Ðạo Sư ấn chứng cho ngài là vị đệ tử có sức khỏe đệ nhất. Về sau, khi sắp sửa mệnh chung ngài nói lên chánh trí của ngài giữa hội chúng Tỷ-kheo như sau:
225. Với ai những công việc
Cần phải làm từ trước,
Về sau, vị ấy mới
Có ý định muốn làm.
Vị ấy tự phá hoại
Căn cứ địa an lạc,
Về sau, chịu khổ đau
Trong nung nấu hối tiếc.226. Hãy nói điều có làm,
Không nói điều không làm,
Bậc Hiền trí rõ biết,
Người chỉ nói, không làm.227. Niết-bàn nhiệm màu lạc,
Bậc Chánh Giác thuyết giảng,
Không sầu muộn là tham,
Thật sự là an ổn,
Tại đấy, sự đau khổ,
Ðược đoạn diệt hoàn toàn.
(CLXXIII) Dhaniya (Thera. 29)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá) trong một gia đình thợ làm đồ gốm, được đặt tên là Dhaniya, và tiếp tục làm nghề của ông cha. Chính trong nhà của ngài, bậc Ðạo Sư giảng cho Pakkusati kinh Dhàtuvibhangasutta. Dhaniya nghe tin Pukkasati (đã thành bậc A-la-hán) mệnh chung đêm ấy. Ngài nghĩ: 'Lời Phật dạy thật là sức mạnh lãnh đạo, chỉ có một đêm đã đủ giải thoát một người khỏi sự đau khổ tái sanh'. Rồi ngài xuất gia. Tuy vậy ngài vẫn tiếp tục nghề làm ngói lợp nhà. Bị đức Phật quở vì đã là am tranh bằng gạch, ngài quyết định sống giữa các Tỷ-kheo, và tại đấy chứng quả A-la-hán.
Về sau, nhân dịp giáo giới các Tỷ-kheo tu tập khổ hạnh và xem hạnh mình cao hơn các người khác, ngài tuyên bố chánh trí ngài như sau:
228. Nếu muốn mong đợi lạc
Trong đời sống Sa-môn,
Chớ khinh y chúng Tăng,
Chớ khinh Tăng ẩm thực.
Nếu muốn mong đợi lạc
Trong đời sống Sa-môn,
Hãy sử dụng trú xứ,
Như rắn và như chuột.229. Nếu muốn mong đợi lạc
Trong đời sống Sa-môn,
Hãy biết tự bằng lòng
Với bất cứ việc gì,
Và hãy cương quyết tu,
Tu tập hạnh nhất pháp.
(CLXXIV) Con Của Màtanga (Thera. 30)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kosala, con một điền chủ tên Màtanga, và được gọi là con của Màtanga. Ngài lớn lên trong biếng nhác, và khi ngài bị quần chúng la rầy, ngài làm quen với các Tỷ-kheo, nhận thấy các Tỷ-kheo sống thật hạnh phúc. Nhưng khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, ngài khởi lòng tin và xin xuất gia. Thấy các Tỷ-kheo sử dụng thần thông, ngài muốn chứng đạt thần thông. Và thực hành các thiền quán, ngài chứng được sáu thắng trí.
Từ đấy, ngài chỉ trích biếng nhác, tán thành sự tinh cần của ngài với những bài kệ như sau:
230. Ôi quá lạnh, quá nóng!
Ôi, đã quá trễ rồi!
Ðây là lời kêu than,
Như vậy bỏ việc làm,
Thời sát-na quý báu
Lặng lẽ vượt trôi qua.231. Ai nghĩ đến lạnh nóng,
Không hơn loài cỏ rác,
Làm bổn phận con người,
Không hại đến an lạc.232. Cỏ dabba, ku-sa,
Loại cỏ gai đâm ngực,
Ta dùng ngực đẩy chúng,
Sống tăng trưởng viễn ly.
(CLXXV) Khujja Sobhita (Thera. 30)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Pàtaliputta trong một gia đình Bà-la-môn và được gọi là Sobhita. Vì ngài hơi còm, ngài được gọi là Khujja Sobhita (còm lưng). Khi đến tuổi trưởng thành, đức Bổn Sư vừa diệt độ, ngài được Tôn giả Ananda độ cho xuất gia và chứng được sáu thắng trí.
Trong kỳ kiết tập thứ nhất, ngài được bảo mời Tôn giả Ananda đến dự đại hội. Lúc ấy, các thiên nhân cử một thiên nhân đứng ở cửa hang để chận đứng các hành vi thù nghịch của Ác ma, và khuyên Sobhita tuyên bố sự có mặt của mình cho thiên nhân ấy, với những bài kệ như sau:
233. Giữa các vị Sa-môn,
Sống Pàtaliputta,
Những vị luận thuyết giỏi,
Những vị có nghe nhiều,
Có một vị tuổi lớn
Ðứng ở tại cửa vào,
Tên là Sobhita,
Có tật, bị còm lưng.
Rồi vị thiên nhân tuyên bố cho chúng Tỷ-kheo biết sự có mặt của Khujja Sobhita:
234. Giữa các vị Sa-môn,
Sống Pataliputta,
Những vị luận thuyết giỏi,
Những vị có nghe nhiều,
Có một vị tuổi lớn,
Ðứng ở tại cửa vào,
Vị ấy đã đến đây,
Theo ngọn gió đưa đến.
Rồi chúng Tăng cho phép, vị Trưởng lão đến trước chúng Tăng và nói lên chánh trí của mình.
235. Vị ấy khéo chiến đấu,
Vị ấy khéo tế tự,
Trên chiến trường chiến đấu,
Vị ấy đã chiến thắng,
Với Phạm hạnh tích lũy,
Vị ấy đạt an lạc.
(CLXXVI) Vàrana (Thera. 30)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kosala, trong gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Vàrana. Khi đến tuổi trưởng thành, vị ấy nghe một vị Trưởng lão thuyết pháp trong một ngôi rừng, và với lòng tin, xuất gia. Một ngày kia đi đến hầu hạ đức Phật, ngài chứng kiến một cuộc ấu đả trong gia đình và có nhiều người bị giết. Hốt hoảng, bị dao động, ngài đi gấp đến Thế Tôn và tường thuật sự việc. Thế Tôn thấy sự tiến bộ trong tâm tư của ngài, nên nói lên bài kệ khích lệ ngài:
236. Ai ở đời, giữa người,
Làm hại chúng sanh khác,
Vị ấy tự hại mình
Ðời này và đời sau.237. Ai với tâm từ bi,
Thương tưởng mọi hữu tình,
Một người làm như vậy,
Gặt phước đức thật nhiều.238. Hãy học tập khéo nói,
Hãy hầu hạ Sa-môn,
Sống một mình kín đáo,
Với tâm tư tịnh chỉ.
(CLXXVII) Passsika (Thera. 30)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Kosala, thấy Thế Tôn thực hiện thần thông song hành, khởi lòng tin, xuất gia. Ngài bị bệnh trong khi học tập đời sống một ẩn sĩ, bà con săn sóc cho ngài và chữa ngài lành bệnh, khi được lành bệnh, ngài phấn khởi nên tu học siêng năng hơn và chứng được sáu thắng trí. Ngài bay trên hư không, đến thăm bà con và quy y, thọ giới cho họ. Một số bà con nhờ ngài quy y và thọ giới, khi mạng chung và được sanh lên các cõi trời. Khi Passika hầu hạ bậc Ðạo Sư, bậc Ðạo Sư hỏi về sức khỏe bà con của ngài, Passika trả lời như sau:
239. Ðầu chỉ một mình ta,
Có lòng tin, sáng suốt,
Giữa các bà con ta,
Những người không lòng tin,
Thông hiểu được Chánh pháp,
Ðầy đủ những giới đức,
Vì lợi ích hạnh phúc,
Cho các bà con ta.240. Những bà con bị ta,
Vì thương họ trách móc,
Do bà con ái mộ,
Làm tốt đối Tỷ-kheo.241. Khi họ bị mệnh chung,
Họ được lạc chư Thiên,
Các anh và mẹ ta,
Hoan hỷ điều họ muốn.
(CLXXVIII) Yasoja (Thera. 30)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại cửa thành ở Sàvatthi, trong một làng người đánh cá, con vị chủ hộ năm trăm gia đình đánh cá và được gọi là Yasoja. Ðến tuổi trưởng thành, một hôm ngài đánh cá với những người con các người đánh cá trên sông Aciravati, quăng lưới, ngài bắt được con cá lớn có màu sắc vàng. Họ dâng con cá lên vua Pasenadi và vua nói chỉ có đức Phật mới biết nguyên nhân, màu sắc của con cá. Ðức Phật dạy, tiền thân con cá là một ác Tỷ-kheo trong thời đức Phật Ca-diếp, nay vẫn đang sống trong cõi địa ngục. Các chị của nó vẫn sống trong địa ngục, Chỉ có anh nó là vị Trưởng lão, sống đời sống tốt đẹp, và Thế Tôn thuyết pháp về kinh Kapila. Nghe xong, Yasoja cảm thấy xúc động và xin xuất gia, và các bạn cũng xin xuất gia theo; họ đi đến tinh xá Jetavana (Kỳ Viên) để yết kiến đức Phật, nhưng khi đến họ làm quá ồn ào nên bị Thế Tôn đuổi đi. Bị đuổi, và sống trên sông Vaggumudà, Yasoja như con người thuần thục, quyết tâm quyết chí tu trì, không bao lâu chứng được sáu thắng trí. Rồi Thế Tôn cho gọi Yasoja, và ngài vì tu khổ hạnh đặc biệt, nên ốm yếu, xấu xí. Thế Tôn tán thán hạnh tu khắc khổ của ngài với những bài kệ như sau:
242. Một người đen, gầy mòn,
Yếu ốm đầy đường gân,
Tiết độ trong ăn uống,
Tâm tư không ưu não.
Yasoja được tán thán như vậy, đề cao hạnh cô độc và dạy như sau:
243. Trong rừng núi rộng lớn,
Bị muỗi ruồi đốt cắn,
Như con voi lâm trận,
Ta chánh niệm chịu đựng.244. Sống một, như Phạm thiên,
Sống hai, như chư Thiên,
Sống ba, như làng mạc,
Nhiều hơn, như ở chợ.
(CLXXIX) Satimattya (Thera. 31)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở nước Magadha (Ma-kiệt-đà) làm con một Bà-la-môn, ngài hội đủ những điều kiện nhân duyên, xuất gia, sống với các Tỷ-kheo ở rừng, và trải qua học hỏi tu hành, chứng được sáu thắng trí. Rồi ngài giảng dạy các Tỷ-kheo, thuyết pháp cho nhiều tín đồ về quy y và các giới điều. Có một gia đình, đặc biệt ngài giáo hóa và nuôi dưỡng lòng tin. Trong gia đình này, ngài đặc biệt được chào đón, người con gái nhà này đẹp, và thường cung kính cúng dường ngài ăn uống.
Một hôm, Màra muốn phá ngài và làm ngài mất uy tín, giả dạng ngài và đi đến nắm tay cô con gái, nhưng cô con gái biết là không phải nắm tay của loài Người, liền bỏ tay ra. Nhưng người nhà thấy được và không còn tin tưởng ở ngài. Ngài không biết gì, cảm thấy có sự đổi khác trong thái độ của gia đình ấy. Biết rằng Màra đã ám hại, ngài nguyện sẽ làm tỏ rõ sự tình, người gia chủ nghe ngài giải thích liền xin lỗi ngài và tự mình xin phục vụ cho ngài. Ngài nói lên sự việc, trong những bài kệ sau đây:
245. Lòng tin trước ông có,
Nay không còn nơi ông,
Của ông vẫn của ông,
Ta không có ác hạnh.246. Vô thường và dao động,
Là lòng tin của ông,
Sự thấy là như vậy,
Là sự thấy của ta,
Có khi ông thương mến,
Rồi ông lại không ưa,
Vì sao bậc ẩn sĩ,
Chịu héo mòn ở đây?247. Cơm nấu cho ẩn sĩ,
Ít ít từng gia đình,
Ta sẽ đi khất thực,
Ống chân ta còn mạnh.
(CLXXX) Upàli (Thera. 31)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh trong gia đình một người cạo tóc tên là Upàli. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài xuất gia, theo gương của Anuruddha và năm vị con cháu hoàng tộc, khi đức Phật ở tại rừng Anupiyà. Khi ngài nhận một đề tài để thiền quán, ngài yêu cầu đức Phật đừng đưa ngài đi sống ra ngoài khu rừng. Ðức Phật dạy: 'Nếu Thầy sống trong rừng, Thầy chỉ phát triển được một vấn đề, nhưng nếu Thầy sống với Ta, Thầy sẽ trở thành thuần thục cả về kinh học và thiền quán'. Ngài vâng theo lời bậc Ðạo Sư khuyên tu thiền quán và sau một thời gian chứng quả A-la-hán.
Tuy vậy, bậc Ðạo Sư dạy cho ngài cả Luật tạng. Về sau, khi Upàli được Thế Tôn khen vì Upàli đã phán quyết trong ba trường hợp về Ajjuka, về Tỷ-kheo Kurukacchaka và Kumàra-Kacapa, ngài được xem là vị hiểu biết Luật tạng.
Trong một ngày trai giới, khi ngài đang đọc giới bổn Pàtimokkha, ngài giáo giới các Tỷ-kheo như sau:
248. Vì lòng tin ra đi,
Mới xuất gia, tân học,
Hãy sống với bạn lành,
Mạng thanh tịnh, không nhác.249. Vì lòng tin, ra đi,
Mới xuất gia, tân học,
Tỷ-kheo trú giữa chúng,
Sáng suốt, học Luật tạng.250. Vì lòng tin, ra đi,
Mới xuất gia, tân học,
Khéo biết việc nên làm,
Và việc không nên làm,
Hãy để vị ấy sống,
Không để cao tôn xưng.
(CLXXXI) Uttarapàla (Thera. 31)
Sanh trong thời đức Phật hiện tại, ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn, ngài được đặt tên là Uttarapàla. Ngài thấy Thế Tôn thực hiện thần thông song hành, khởi lòng tin, xuất gia và chăm lo tu học. Một hôm, do nhớ nghĩ chuyện này chuyện khác, dục vọng tấn công ngài, và sau một thời chiến đấu tư tưởng mãnh liệt, ngài chận đứng các phiền não, và triển khai thiền quán, ngài chứng được quả A-la-hán.
Suy tư đến chiến thắng, ngài rống lên tiếng rống con sư tử:
251. Ta thật là hiền thiện,
Suy tư mục đích tốt,
Bỏ năm dục trưởng dưỡng,
Là thế giới si mê.252. Sanh trong giới vức ma,
Bị tên mạnh xung kích,
Nhưng ta giải thoát được,
Cạm bẫy của Ma vương.253. Mọi dục, ta đoạn tận,
Mọi sanh hữu, hủy hoại,
Ðường sanh tử chấm dứt,
Nay không còn tái sanh.
(CLXXXII) Abhibhùta (Thera. 31)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Vetthapura, đặt tên là Abhibhùta, và khi phụ thân mất, ngài thừa hưởng tài sản đất đai. Khi đức Phật đến tại thành phố, trong dịp Thế Tôn du hành, Abhibhùta đến nghe Thế Tôn thuyết pháp, và mai sáng mời Thế Tôn đến nhà. Thế Tôn cảm ơn và dạy cho ngài Chánh pháp với nhiều chi tiết. Ngài khởi lòng tin, từ bỏ gia sản, xuất gia và chứng quả A-la-hán.
Trong khi thọ hưởng vị ngọt giải thoát, các bà con, thân tín, quen biết đến than van với ngài và ngài đã từ bỏ họ, không để lại một vị lãnh đạo. Và ngài thuyết pháp cho họ nói lên lý do xuất gia của ngài:
254. Hãy nghe mọi bà con,
Những ai đã đến đây,
Ta thuyết pháp cho ông,
Tái sanh là đau khổ.255. Hãy tinh cần, ra đi,
Chú tâm lời Phật dạy,
Ðánh bại quân lực ma,
Như voi, nhà cỏ lau.256. Ai trong Pháp Luật này,
Sẽ sống không phóng dật,
Từ bỏ dòng tái sanh,
Sẽ chấm dứt khổ đau.
(CLXXXIII) Gotama (Thera. 32)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong dòng họ Thích-ca và chỉ được biết tên là Gotama, ngài khởi lòng tin khi đức Phật thăm viếng bà con, xuất gia, tu học thiền quán và chứng được sáu thắng trí. Khi ngài đang hưởng lạc giải thoát, bà con ngài hỏi ngài vì sao lại từ bỏ bà con đi xuất gia, ngài liền giải thích những khổ đau, ngài gặp khi phải sanh tử liên tục và hạnh phúc Niết-bàn ngài đã chứng được . Ngài nói:
257. Ta tái sanh địa ngục,
Liên tục đến ngạ quỷ,
Ta sống trải nhiều ngày,
Trong đau khổ bàng sanh.258. Và sống vui làm Người,
Thỉnh thoảng sanh cõi Trời,
Trú Giới sắc, Vô sắc,
Phi tưởng, Phi phi tưởng.259. Ta khéo biết sanh hữu,
Không cốt tủy, duyên thành,
Dao động thường biến chuyển,
Tác thành tự ngã ta,
Ta đạt được tịnh tịch,
Chánh niệm tâm an trú.
(CLXXXIV) Harita (Thera. 32)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn. Vì tự kiêu sanh trong giai cấp cao, ngài quen gọi các người khác là hạ sanh. Khi khởi lòng tin xuất gia, vì thói quen, ngài vẫn giữ tật xấu ấy. Nhưng một ngày kia, sau khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết giảng, ngài ôn lại tâm tư của mình và ngài thấy lo ngại vì lòng tự kiêu của mình. Ðoạn tận kiêu mạn ấy, ngài phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Sau đó sống trong an lạc giải thoát, ngài chứng minh chánh trí của mình trong những bài kệ giảng dạy các Tỷ-kheo:
260. Với ai, những công việc,
Cần phải làm từ trước,
Về sau, vị ấy mới
Có ý định muốn làm.
Vị ấy, tự phá hoại,
Căn cứ địa an lạc,
Về sau chịu khổ đau
Trong nung nấu hối tiếc.
261. Hãy nói điều có làm,
Không nói điều không làm,
Bậc Hiền trí rõ biết,
Người chỉ nói, không làm.262. Niết-bàn khéo an lạc,
Bậc Chánh giác thuyết giảng,
Không sầu muộn, ly tham,
Thật sự, là an ổn,
Tại đấy, nỗi đau khổ,
Ðược đoạn diệt hoàn toàn.
(CLXXXV) Vimala (Thera. 32)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Ba-la-nại trong một gia đình Bà-la-môn. Ngài xuất gia dưới sự hướng dẫn của Trưởng lão Amitta, và nhờ sự hướng dẫn này, ngài phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Rồi ngài giảng dạy cho một Tỷ-kheo là bạn của ngài như sau:
263. Hãy tránh xa bạn ác,
Giao thiệp bậc thượng nhân,
Vâng theo lời khuyến giáo,
Hướng đến lạc bất động.264. Như leo trên ván nhỏ,
Giữa biển lớn bị chìm,
(Xem kệ 147 - 148)265. Cũng vậy đến kẻ nhác,
Người hạnh tốt cũng chìm,
Do vậy, hãy bỏ nó,
Kẻ làm biếng, làm nhác.266. Hãy sống gần bậc Thánh,
Bậc viễn ly tinh cần,
Thiền định, thường tinh tấn,
Bậc Hiền trí sáng suốt.
(CLXXXVI) Nàgasamàla (Thera. 33)
Sanh trong thời đức Phật hiện tại, trong gia đình hoàng tộc Thích-ca, ngài quán sát tánh vô thường của sự vật và triển khai thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Ngài chứng minh chánh trí của ngài dựa trên kinh nghiệm riêng của ngài trong những bài kệ này:
267. Trang điểm, mặc áo đẹp,
Ðeo vòng hoa, thơm nức,
Mùi thơm gỗ chiên đàn,
Giữa đám đông, đường lớn,
Một vũ nữ đang múa,
Múa lượn theo nhạc khí.268. Ta vào thành, khất thực,
Ði ngang, ta thấy nàng
Trang điểm, mặc áo đẹp,
Gieo bẫy mồi thần chết.269. Rồi ta tự tác ý,
Như lý khởi tư duy,
Các hiểm nguy hiển lộ,
Nhàm chán, ta an trú.270. Và tâm ta giải thoát,
Thấy pháp nhĩ là vậy,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.
(CLXXXVII) Bhagu (Thera. 33)
Sanh trong thời đức Phật hiện tại, trong một gia đình dòng họ Sakya (Thích Ca), ngài xuất gia với Anuruddha và Kimbila, và sống gần làng Bàlakalona. Một ngày kia, khi ngài từ tinh xá ra ngoài để đối trị bịnh buồn ngủ, ngài té khi ngài bước lên đường kinh hành. Xem đấy để tự khích lệ, ngài tự chế ngự và phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Từ đấy, sống thọ hưởng an lạc giải thoát Niết-bàn. Thế Tôn đến, tán thán cô độc của ngài và hỏi: 'Này Tỷ-kheo, sao cho đến nay, Thầy vẫn còn tinh tấn?'. Ngài trả lời, với những bài kệ như sau:
271. Bị buồn ngủ chi phối,
Ta ra khỏi tinh xá,
Lại lên đường kinh hành,
Tại đấy té xuống đất.272. Xoa bóp cả chân tay,
Lại lên đường kinh hành,
Qua lại đường kinh hành,
Nội tâm ta định tỉnh.
Rồi ta tự tác ý,
Như lý khởi tư duy,
Các hiểm nguy hiển lộ,
Nhàm chán ta an trú.273. Và tâm ta giải thoát
Thấy pháp nhĩ là vậy,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.
(CLXXXVIII) Sabhiya (Thera. 33)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong gia đình con gái một hoàng tộc, người con gái này được cha mẹ giao cho một vị du sĩ hướng dẫn để nàng có thể học giáo lý và nếp sống tu hành. Sabhiya khi lớn lên cũng trở thành một du sĩ, học hỏi nhiều kinh kệ tụng, trở thành một nhà lý luận sắc bén, không ai sánh nổi. Dựng am bên cửa thành, ngài dạy học cho con cháu các hoàng tộc, ngài nghĩ ra hai mươi câu hỏi để ngài hỏi các vị tu sĩ và Bà-la-môn. Trong khi Sabhiyasutta, có ghi là một Bà-la-môn, từ cõi Tịnh cư thiên, đã nghĩ ra các câu hỏi ấy. Thế Tôn khi đi đến Vương Xá, tinh xá Trúc Lâm, đã trả lời các câu hỏi và Sabhiya khởi lòng tin, xuất gia và chứng quả A-la-hán.
Khi ngài khuyên dạy các Tỷ-kheo đã theo phe Devadatta, ngài nói lên những bài kệ như sau:
274. Người khác không rõ biết,
Ta ở đây một thời,
Tại đây, bậc có trí,
Biết vậy sống tịnh chỉ.275. Khi họ không rõ biết,
Họ làm như bất tử;
Khi họ rõ biết pháp,
Giữa bệnh, họ không bệnh.276. Ai sở hành phóng đãng,
Cấm giới bị uế nhiễm,
Phạm hạnh đáng nghi ngờ,
Vị ấy chứng quả lớn,277. Sống giữa đồng Phạm hạnh,
Không được trọng, tôn kính,
Vị ấy xa Diệu pháp,
Như trời xa đất liền.
(CLXXXIX) Nandaka (Thera. 33)
Trong thời Ðức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình có gia tộc, và được gọi là Nandaka. Ngài xuất gia, sau khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, và phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Sau đó khi đang sống trong an lạc giải thoát, ngài được bậc Ðạo Sư dạy thuyết pháp cho các Tỷ-kheo-ni và khiến cho năm trăm vị chứng quả A-la-hán. Ðức Phật ấn chứng cho ngài là vị khuyến giáo Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni đệ nhất.
Rồi một ngày kia, khi đi khất thực ở Sàvatthi, một nữ nhân trước kia lập gia đình với ngài, thấy ngài và cười lớn tiếng với một tâm bất chánh. Vị Trưởng lão thấy hành động của nàng liền dạy cho nàng về thân thể bất tịnh, với những bài kệ sau:
278. Gớm thay, vật hôi thối!
Ðầy sắc mùi hôi tanh,
Vật sở hữu của ma,
� chảy nhiều dòng nước,
Thân này có chín dòng,
Luôn luôn được tuôn chảy.279. Chớ khinh miệt cổ nhân!
Chớ xúc phạm Như Lai,
Họ không tham thiên giới,
Còn nói gì cõi người.280. Kẻ ngu, thiếu trí tuệ,
Tà ý, si bao phủ,
Kẻ ấy đầy tham đắm,
Bị ma quăng dây trói.281. Những ai đã thoát ly,
Tham, sân và vô minh,
Ðây họ không tham đắm,
Dây cắt, không trói buộc.
(CXC) Jambuka (Thera. 34)
Trong thời Ðức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình rất nghèo. Như trong đời trước, ngài dùng phân làm đồ ăn, và rời bỏ gia đình, làm vị tu khổ hạnh. Thực hành nhiều khổ hạnh, ăn từng hạt đậu một, được chấm trên đầu ngọn rơm. Ngài đã năm lăm tuổi khi đức Phật thấy ngài căn cơ thuần thục, như ngọn đèn đặt trong cài ghè, đi đến ngài, thuyết pháp và hóa độ cho ngài. Rồi Thế Tôn gọi: 'Hãy đến, này Tỷ-kheo' và cho ngài xuất gia. Rồi Jambuka phát triển thiền quán và Thế Tôn ấn chứng ngài chứng quả A-la-hán. Ðây chỉ là sơ lược, trong đoạn sớ giải các câu kệ của Dhammapàda, câu chuyện được giải thích rộng rãi từ nơi câu; 'Ăn từng hạt đậu một, với ngọn rơm chấm đậu. Khi đến giờ mệnh chung, ngài nói lên rằng: dầu một lần sống theo tà hạnh, nhưng nếu dựa vào đức Phật tối thượng, ngài cũng có thể chứng quả như các đệ tử khác. Ngài nói lên những bài kệ:
282. Trải năm mươi lăm năm,
Thân đầy những bụi bặm,
Ăn cơm tháng một lần,
Tóc râu ta nhổ sạch.283. Ta đứng chỉ một chân,
Ta không dùng giường nằm,
Ta ăn phân phơi khô,
Ta không nhận lời mời.284. Sở hành ta nhiều vậy,
Dẫn ta đến ác thú,
Bị nước lớn cuốn trôi,
Cho đến khi quy Phật.285. Hãy nhìn Phật ta quy
Hãy nhìn Pháp, pháp nhĩ
Ba minh ta đạt được
Lời Phật dạy làm xong
(CXCI) Senaka (Thera. 34)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình, con trai người chị của Trưởng lão Kassapa ở Uruvela, và được đặt tên là Senaka. Khi học về văn hóa Vệ-đà Bà-la-môn, ngài ở với gia đình. Trong thời ấy dân chúng tổ chức hàng năm vào tháng Thaggumà (tháng ba) một lễ quán đảnh một bến nước, lễ ấy được gọi là Gayà melà (hay ngày trai giới Gayà).
Thế Tôn vì lòng thương tưởng đến những người có thể giáo hóa, ở lại gần bờ sông. Và khi quần chúng tụ họp lại, Senaka cũng đến, nghe bậc Ðạo Sư thuyết giảng được cảm hóa xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Sau đó, suy tuởng đến sự thắng trận của mình, ngài cảm thấy hân hoan, và ứng khẩu nói lên những bài kệ này
286. Thật tốt lành cho ta,
Khi ở thành Gayà,
Trong tháng lễ mùa xuân,
Tháng tên Phagguna,
Ta thấy bậc Chánh Giác,
Thuyết Chánh pháp tối thượng.287. Bậc có hào quang lớn,
Là Ðạo Sư hội chúng,
Ðạt được vị tối thắng,
Bậc lãnh đạo nhiếp chúng,
Chiến thắng giới Trời, Người,
Bậc thấy khó cân lường.288. Ðại long tượng, đại hùng,
Ðại quang minh, vô lậu,
Mọi lậu hoặc đoạn tận,
Ðạo Sư, không sợ hãi.289. Lâu nay ta uế nhiễm,
Bị tà kiến trói buộc,
Nay chính Thế Tôn ấy,
Giải thoát Senaka,
Thoát khỏi mọi buộc ràng,
Ðược tự tại , giải thoát.
(CXCII) Sambhùta (Thera. 34)
Trong thời Ðức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình có giai cấp, và sau khi bậc Ðạo Sư tịch diệt, ngài được Ananda giáo hóa, xuất gia và chứng quả A-la-hán. Ngài sống trong an lạc giải thoát, cho đến khi một trăm năm sau khi đức Phật nhập diệt, các Tỷ-kheo Vajjì đề xướng mười tà pháp bị Trưởng lão Niyasa và các Tỷ-kheo Kàlanndaka chống lại và một kỳ kiết tập được tổ chức với bảy trăm vị A-la-hán. Ngài Sambhùta, bị xúc động bởi hành động xuyên tạc Pháp và Luật, nói lên những bài kệ này và tuyên bố chánh trí của ngài:
290. Ai khi phải từ từ
Lại lội qua gấp gấp,
Ai khi phải lội gấp,
Lại từ từ lội qua,
Kẻ ngu thiếu chánh lý,
Ði đến cảnh khổ đau.291. Lợi ích bị tổn giảm,
Như trăng vào thời đen,
Gặp phải sự ô nhục,
Chống đối các bạn bè.292. Ai khi phải từ từ,
Lội qua rất từ từ,
Ai khi phải lội gấp,
Lội qua thật gấp gáp,
Kẻ trí có chánh lý,
Ði đến cảnh an lạc.293. Lợi ích được viên mãn,
Như trăng vào thời sáng,
Ðược danh tiếng vinh dự,
Không chống đối bạn bè.
(CXCIII) Ràhula (Thera. 35)
Ngài là con của đức Phật và công chúa Yasodhàra, và được nuôi dưỡng với các hoàng tử khác. Trường hợp ngài xuất gia đã được ghi trong tập Khandhaka. Nhờ những lời dạy trong nhiều bài kinh, trí tuệ ngài thuần thục và phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Suy tư đến sự thắng trận của mình, ngài nói lên chánh trí:
294. Nhờ ta được đầy đủ,
Hai đức tánh tốt đẹp,
Ðược bạn có trí gọi,
'Ra-hu-la may mắn'
Ta là con đức Phật,
Ta lại được Pháp nhãn.295. Các lậu hoặc ta đoạn,
Không còn có tái sanh,
Ta là bậc La-hán,
Ðáng được sự cúng dường.
Ba minh ta đạt được,
Thấy đuợc giới bất tử.296. Bị dục làm mù quáng,
Bị lưới tà bao trùm,
Khát ái làm màn che,
Bao trùm che phủ kín.
Do phóng dật trói buộc,
Như cá mắc mắt lưới.297. Ta vượt qua dục ấy,
Cắt đứt ma trói buộc,
Nhổ lên gốc khát ái,
Ta mát lạnh tịch tịnh.
(CXCIV) Candana (Thera. 35)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài tái sanh trong một gia đình giàu có và đặt tên là Candana, ngài sống một đời sống gia đình cho đến khi ngài được nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp. Và chứng quả Dự Lưu. Khi ngài sanh được một người con, ngài xuất gia, chọn lựa một đề tài thiền quán và sống ở trong rừng. Ði đến Sàvatthi để yết kiến bậc Ðạo Sư, ngài ở trong một bãi tha ma, vợ ngài nghe tin ngài đến, liền trang điểm, đem con theo, nghĩ rằng: 'Với nhan sắc nàng có thể khiến ngài từ bỏ xuất gia'. Ngài thấy nàng từ xa đi đến nghĩ cách để thoát khỏi bị nàng cám dỗ, phát triển thiền quán và chứng được sáu thắng trí. Ngài thuyết giảng cho nàng, khiến nàng qui y và thọ các giới. Rồi ngài trở lui ở chỗ cũ của ngài. Khi các Tỷ-kheo bạn hỏi ngài: 'Các căn của bạn chói sáng, bạn đã chứng sự thực gì?'. Ngài nói lên quả chứng của mình, và với những bài kệ này, chứng minh chánh trí của mình.
298. Với vàng che phủ kín,
Chúng nữ tỳ vây quanh,
Mang theo đứa con thơ,
Người vợ đến với ta.299. Thấy mẹ của con ta,
Từ xa đang đi đến,
Khéo trang điểm đẹp đẽ,
Như ma gieo bẫy mồi.300. Rồi ta tự tác ý,
Như lý khởi tư duy,
Các hiểm nguy hiển lộ,
Nhàm chán, ta an trú.301. Và tâm ta giải thoát,
Thấy pháp nhĩ là vậy,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.
(CXCV) Dhammika (Thera. 35)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Kosala, tên là Dhammika. Khi Jetavana (Kỳ Viên) được dâng cúng, ngài khởi lòng tin, và xuất gia. Sống tại một tinh xá ở làng, ngài cảm thấy bất mãn và khó chịu đối với các công việc các Tỷ-kheo đến tinh xá. Do vậy các Tỷ-kheo đều bỏ đi và ngài làm chủ một mình một ngôi tinh xá. Một cư sĩ báo cáo sự việc lên bậc Ðạo Su, bậc Ðạo Sư cho gọi ngài lên để giải thích. Theo lời các Tỷ-kheo yêu cầu, ngài nói lên những bài kệ như sau:
302. Pháp che chở hộ trì,
Người hành trì Chánh pháp,
Pháp đem lại an lạc,
Cho người khéo hành pháp,
Ðây là những lợi ích,
Khi pháp khéo hành trì,
Người hành trì Chánh pháp,
Không đi xuống ác thú.303. Cả hai pháp, phi pháp,
Kết quả không giống nhau;
Phi pháp, dẫn địa ngục,
Pháp đưa đến cõi lành.304. Do vậy, đối Chánh pháp,
Khởi ý muốn hành trì,
Tâm tư sanh hoan hỷ,
Khéo thiện lai như vậy.
Vững trú trên Chánh pháp,
Ðệ tử bậc Thiện Thệ,
Sáng suốt tiến bước lên,
Quy y bậc tối thượng.305. Phá vỡ cội ung nhọt,
Nhổ lên lưới ái triền,
Luân hồi được đoạn tận,
Không còn có sanh y,
Như trăng vào ngày rằm,
Trong đêm thanh trong sáng.
Khi Thế Tôn dạy ba bài kệ trên, Dhammika trên chỗ ngồi phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Ðể nói lên quả chứng của mình cho bậc Ðạo Sư rõ, ngài nói lên bài kệ cuối cùng để nói lên chánh trí của ngài.
(CXCVI) Sabbaka (Thera. 35)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn, ngài nghe Thế Tôn thuyết pháp, khởi lòng tin và xuất gia. Lựa chọn một đề tài để thiền quán, ngài đi đến tinh xá Lonagiri, trên bờ sông Ajakaranì và tại đấy, sau một thời gian chứng quả A-la-hán. Ði đến Sàvatthi để yết kiến bậc Ðạo Sư, ngài ở lại một thời gian và được bà con đón tiếp. Sau khi khuyên các bà con quy y và giữ giới, ngài muốn trở về chỗ cũ. Các bà con yêu cầu ngài ở lại để được bà con cúng dường, nhưng ngài nói cho họ rõ vì sao ngài đến đây, và sự ưa thích đời sống độc cư. Ngài nói lên bài kệ tán thán trú xứ của ngài:
306. Khi ta thấy con cò,
Trương đôi cánh trắng tinh,
Sợ hãi đám mây đen,
Tìm chỗ kín ẩn nấp;
Khi ấy chính con sông,
Ajakaranì,
Ðem hoan hỷ cho ta.307. Khi ta thấy con cò,
Trương đôi cánh trắng sạch,
Sợ hãi đám mây đen,
Tìm hang để ẩn nấp,
Nhưng tìm không có thấy.
Khi ấy chính con sông,
Ajakaranì,
Ðem hoan hỷ cho ta.308. Ai lại không thích thú,
Khi thấy ở tại đây,
Trên cả hai dãy bờ,
Có hàng cây Jambu,
Làm chói sáng bờ sông,
Sau lưng cái hang lớn.309. Hãy nghe những con nhái,
Khéo thoát những đàn rắn,
Kêu lên niềm hoan hỷ,
Với tiếng kêu nhẹ nhàng:
Nay không phải là thời,
Buông thả với suối rừng,
Thật an ổn con sông
Ajakaranì,
Thoải mái và yên lành,
Thật an vui thích thú!
Rồi các bà con thuận để ngài đi. Vì ngài thích sống nhàn tịnh, đây trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(CXVII) Mudita (Thera 36)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình thường dân và được đặt tên là Mudita. Khi ngài đến tuổi trưởng thành , dòng họ ngài vì một vài nguyên nhân, bị vua chống đối Mudita, quá sợ vua nên bỏ chạy, đi vào rừng và sống gần trú xứ của một Trưởng lão đã chứng quả A-la-hán. Vị này thấy ngài quá sợ hãi, bảo ngài chớ có sợ. Ngài hỏi cần phải bao nhiêu thời gian mới khỏi tai nạn, vị A-la-hán nói cần phải bảy hay tám tháng, ngài nói ngài không thể đợi lâu như thế nên xin xuất gia. Vị Trưởng lão cho phép ngài được xuất gia. Ngài xuất gia, học đạo, khởi lòng tin, không còn sợ hãi nữa, và tu tập thiền quán. Chưa chứng được quả A-la-hán, ngài nguyện không rời khỏi tinh xá cho đến khi chứng quả và cuối cùng ngài đã thành công. Sau đó, ngài sống trong an lạc giải thoát, các Tỷ-kheo đồng Phạm hạnh hỏi ngài làm sao ngài thành đạt được chí nguyện, ngài nói lên kinh nghiệm của ngài trong những bài kệ như sau:
310. Ðể cứu mạng sống ta,
Ta xuất gia tu hành,
Ta được thọ đại giới,
Nhờ vậy được lòng tin,
Ta kiên trì tinh tấn,
Hăng hái ta tiến bước.311. Dầu thân này hủy hoại,
Từng miếng thịt tiêu mòn,
Ðầu khớp xương hai gối,
Ống chân làm ta ngã.312. Ta sẽ không ăn uống,
Không ra ngoài tinh xá,
Ta sẽ không nằm xuống,
Không nằm một bên hông,
Nếu mũi tên tham ái,
Chưa được rút nhổ lên.313. Hạnh ta sống như vậy,;
Hãy nhìn ta tinh cần,
Ba minh ta đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.
(CXCVIII) Ràjadatta (Thera. 37)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình của những người lữ hành, cha mẹ gọi ngài là Ràjadatta (Vua ban cho), vì rằng sinh được ngài là nhờ cha mẹ cầu nguyện Vesavana, một vị thiên thần hư không. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài một lần dẫn năm trăm cỗ xe hàng hóa đến Ràjagaha (Vương Xá); tại đấy ngài tiêu tất cả tiền, tiêu một ngàn đồng cho một kỹ nữ đẹp, đến nỗi ngài hết cả tiền, không có đủ ăn, phải đi lang thang trong đói khổ. Rồi ngài đến tinh xá Trúc Lâm (Veluvana) với các cư sĩ khác, tại đấy bậc Ðạo Sư đang thuyết pháp với một thính chúng rất lớn. Rồi Rajadatta, ngồi ở phía ngoài thính chúng nghe, khởi lòng tin và xuất gia. Thực hành hạnh đầu đà, ngài sống trong một nghĩa địa.
Rồi một nhà lữ hành khác cũng tiêu hết một ngàn đồng cho người kỳ nữ, nhưng trên tay người này có một chiếc nhẫn rất có giá trị và người kỹ nữ thèm muốn lấy chiếc nhẫn. Nàng cho người đánh cắp. Nhưng người hầu hạ của người lữ hành tin cho cảnh sát biết, đến lục soát nhà nàng giết nàng và quăng thân nàng trong nghĩa địa.
Trưỏng lão Rajadatta, đang đi tìm một đối tượng để quán tưởng, thấy được thi hài của người kỹ nữ. Ngài tập trung tư tưởng, nhưng các phần thi hài nàng chưa bị chó hay chó rừng ăn, làm ngài dao động và chi phối ngài. Ngài lấy làm ảo não buồn phiền, lánh xa đi một lúc rồi lại bắt đầu tự mình khích lệ, tu thiền, phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán.
Rồi suy tư trên thành công của mình, cảm thấy hoan hỷ phấn khởi, ngài nói:
314. Một Tỷ-kheo đi đến
Tại một bãi tha ma,
Thấy thân một đàn bà,
Bị quăng tại chỗ ấy,
Vất bỏ trong nghĩa địa,
Làm mồi cho sâu ăn.315. Có kẻ sinh nhàm chán,
Thấy thân chết khốn nạn,
Trong ta, dục tham hiện,
Như mù, ta bị trói.316. Mau hơn cơm sôi trào,
Chỗ ấy, ta đi thoát,
Chánh niệm, ta tỉnh giác,
Ta đến, ngồi một bên.317. Rồi ta tự ý tác,
Như lý khởi tư duy,
Các hiểm nguy hiển lộ,
Nhàm chán ta an trú.318. Và tâm ta giải thoát,
Thấy Pháp nhĩ là vậy,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.
(CXCIX) Subhùta (Thera. 37)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình thường dân ở Magadha, tên là Subhùta, ngài không thể sống trong gia đình, nên bỏ nhà làm nguời du sĩ. Không thấy trong bộ phái của mình cái gì là chân lý và thấy Upatissa, Kolita, Sela sống hạnh phúc hoan hỷ sau khi tu hành, ngài khởi lòng tin giáo lý đức Phật và xin xuất gia. Sau khi lấy được cảm tình các vị giáo thọ sư và truyền pháp sự, ngài vào nhập thất với một đề tài thiền quán. Nhờ phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán.
Rồi ngài tuyên bố chánh trí của ngài bằng cách ôn lại sự đau khổ khi tu hành và sự hoan hỷ khi ngài được tu thiền, ngài nói lên bài kệ:
319. Ðặt mình vào tại chỗ,
Không được cho thích đáng,
Một người muốn làm việc,
Nhưng không được thành tựu
Như vậy công việc ấy,
Ðược xem bị thất bại.320. Nếu từ bỏ phần thắng,
Gốc khổ được rút lên,
Nó giống kẻ đánh bạc,
Vận rủi quăng con bài,
Nếu nó quăng tất cả,
Nó chẳng khác người mù,
Không nhìn thấy con đường,
Bằng phẳng, không bằng phẳng.321. Hãy nói điều có làm,
Không nói điều không làm,
Bậc Hiền trí rõ biết,
Người chỉ nói không làm.322. Như bông hoa tươi đẹp,
Có sắc nhưng không hương,
Cũng vậy lời khéo nói,
Có làm, có kết quả.323. Như bông hoa tươi đẹp,
Có sắc lại không hương,
Cũng vậy lời khéo nói
Không làm không kết quả.
(CC) Girimànanda (Thera. 38)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Ràjagaha (Vương Xá) con trai của vị cố vấn nghi lễ cho vua Bimbisàra (Tần-bà-sa-la). Ngài thấy uy lực và uy nghi của đức Phật khi đức Phật dự hội ở Ràjagaha, và xin xuất gia. Trong thời kỳ học tập, ngài sống trong một thời gian tại một ngôi làng rồi trở lui lại thành phố để đảnh lễ Ðức Phật. Vua Bimbisàra nghe tin ngài tới, đến yết kiến ngài và nói ngài hãy ở lại đây, vua xin lo liệu tất cả. Vì vua nhiều việc nên quên đi lời hứa, và ngài phải sống giữa trời. Và thần mưa không mưa sợ làm ngài ướt. Rồi vua Bimbisàra, thấy trời hạn hán nên xây dựng một am thất cho ngài. Và ngài sống trong am thất ấy cố gắng tu hành tinh tấn, quyết tâm nỗ lực, tu tập thiền định, thiền quán, chứng được quả A-la-hán. Rồi hoan hỷ với sự kiện này, ngài nói lên lời chánh trí của ngài trong khi trời bắt đầu đổ mưa.
324. Trời mưa như bài ca,
Khéo hát với nhạc điệu,
Ta ngồi trong am thất,
An lạc, được che chở,
Tại đấy ta an trú,
Thoải mái và an tịnh,
Thần mưa, nếu ngươi muốn,
Hãy mưa, hãy mưa đi.325. Trời mưa như bài ca
Khéo hát với nhạc điệu,
Ta ngồi trong am thất,
An lạc, được che chở.
Tại đấy ta an trú,
Tâm tư thật tịnh chỉ,
Thần mưa, nếu ngươi muốn,
Hãy mưa, hãy mưa đi.326. Trời mưa như bài ca,
Khéo hát với nhạc điệu,
Ta ngồi trong am thất,
An lạc, đuợc che chở.
Tại đấy ta an trú,
Tâm tư, ly tham ái,
Thần mưa nếu ngươi muốn,
Hãy mưa, hãy mưa đi.327. Trời mưa như bài ca,
Khéo hát với nhạc điệu,
Ta ngồi trong am thất,
An lạc được che chở.
Tại đấy ta an trú,
Tâm tư ly sân hận,
Thần mưa nếu ngươi muốn,
Hãy mưa, hãy mưa đi.328. Trời mưa như bài ca,
Khéo hát với nhạc điệu,
Ta ngồi trong am thất,
An lạc, được che chở.
Tại đấy ta an trú,
Tâm tư ly si mê,
Thần mưa nếu ngươi muốn,
Hãy mưa, hãy mưa đi.
(CCI) Sumana (Thera. 38)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình thường dân, ở Kosala, tên là Sumana, ngài lớn lên trong hoàn cảnh may mắn. Anh mẹ ngài trở thành vị A-la-hán, sống ở trong rừng, và khi Sumana đến tuổi trưởng thành, cậu ngài cho ngài xuất gia và trao cho ngài đề tài để thiền quán về phía giới hạnh. Cuối cùng, khi Bốn thiền và Năm thắng trí đã chứng được, vị Trưởng lão chỉ cho ngài phương pháp thiền quán, và nhờ vậy ngài chứng quả A-la-hán. Khi đi đến người cậu của ngài, ngài được hỏi về sự thành công và ngài nói lên chánh trí của ngài như sau:
329. Ðiều giáo thọ sư muốn,
Tôi biết trong chánh pháp,
Với tôi mong bất tử,
Ðiều phải làm, làm xong.330. Pháp tôi đạt, tự chứng,
Không phải chỉ nghe suông,
Trí tôi được thanh tịnh,
Không còn có nghi ngờ,
Mong tôi đứng gần ngài,
Nói lên điều xác chứng.331. Tôi biết các đời trước,
Thiên nhãn tôi thanh tịnh,
Mục đích tôi đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.332. Học tập, không phóng dật,
Khéo nghe lời ngài dạy,
Mọi lậu hoặc, tôi đoạn,
Nay không còn tái sanh.333. Ngài giảng tôi thánh giới,
Từ mẫn ngài hộ trì.
Ngài dạy, không vô ích,
Tôi đệ tử học ngài.
(CCII) Vaddha (Thera. 38)
Sanh trong đời đức Phật hiện tại, tại thành Dhamkaccha trong một dòng họ thường dân, ngài được đặt tên là Vaddha. Khi lớn lên, mẹ ngài cảm thấy âu lo vì vấn đề tái sanh và chết, giao con lại cho bà con, rồi bà xuất gia giữa các Tỷ-kheo-ni. Sau bà trở thành một vị A-ha-hán. Con bà, cũng xuất gia dưới sự hướng dẫn của Veludanta, học lời dạy đức Phật, trở thành một pháp sư giỏi có tiếng. Một hôm, suy nghĩ đến trách nhiệm của mình, ngài nghĩ: 'Nay ta sẽ đến thăm mẹ ta một mình và không đắp y ngoài'. Rồi ngài đi đến trú xứ các Tỷ-kheo-ni. Mẹ ngài thấy ngài vậy, chỉ trích ngài sao đi đến trú xứ Tỷ-kheo-ni một mình và không đắp y ngoài. Ngài nhận thấy mình có lỗi, trở về tinh xá, ngồi trong phòng thiền định và chứng quả A-la-hán. Ngài nói lên chánh trí của ngài, nhờ lời chỉ trích của mẹ ngài:
334. Lành thay, bà mẹ ta,
Kích thích, khích lệ ta,
Nghe lời dạy của bà,
Ðược dạy bởi bà mẹ,
Ta tinh cần, tinh tấn,
Chứng Bồ-đề vô thượng.335. Ta xứng được cúng dường,
Ba minh, thấy bất tử.
Ta chứng quả La-hán,
Xứng đáng được cúng dường,
Ba minh đã chứng đạt,
Thấy được quả bất tử,
Chiến thắng quân Ma vương,
Ta sống, không lậu hoặc.336. Các lậu hoặc, nội, ngoại,
Trước đã có trong ta,
Tất cả bị nhổ sạch,
Không còn khởi tên nữa.337. Bà chị tâm nhu thuận,
Nói lên ý nghĩa này,
Trong con và trong ta,
Cỏ rừng không còn nữa.338. Khổ đã được chấm dứt,
Thân này thân cuối cùng,
Ðường sanh tử đứt đoạn,
Nay không còn tái sanh.
(CCIII) Nadikassapa (Thera. 39)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Magadha (Ma-kiệt-đà), là anh của Kassapa. Ngài thiên hẳn đời sống xuất gia, không ưa thích đời sống gia đình, và ngài trở thành một ẩn sĩ. Với ba trăm đồ chúng, ngài sống một đời sống ẩn sĩ trên bờ sông Neranjarà (Ni-liên-thiền), và do vậy ngài được biết và được gọi là Kassapa ở bên sông (Nadi-Kassapa). Ngài được Thế Tôn giáo hóa cùng với hai anh em, như đã được ghi trong Luật tạng. Sau khi Thế Tôn thuyết kinh Lửa Bốc Cháy, ngài chứng quả A-la-hán. Sau đó, suy tư trên thiền chứng, ngài nói lên chánh trí của mình, bằng cách nhổ lên các sai lầm:
339. Thật lợi ích cho ta
Ðức Phật đến tại đây,
Ðến con sông tên gọi
Sông Nê-răn-ja-ra,
Ta nghe pháp ngài giảng
Ðoạn tận các tà kiến340. Ta hành lễ tế tự,
Ðọc cao lời tế lễ,
Ta đốt lên lửa thiêng,
Ðổ cúng dường vào lửa,
Nghĩ rằng ta thanh tịnh,
Ta thật mù, phàm phu.341. Lang thang rừng tà kiến,
Bị giới cấm, mờ mắt,
Không tịnh, nghĩ thanh tịnh,
Mù lòa, ta không thấy342. Ta đoạn tận tà kiến,
Mọi sanh hữu phá tan,
Ta đốt lên ngọn lửa,
Xứng đáng được cúng dường,
Ta cúi mình đảnh lễ,
Bậc Như Lai Ðiều Ngự.343. Mọi si mê, ta đoạn,
Hữu ái được phá hủy,
Ðường sanh tử đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.
(CCIV) Gayà-Kassapa (Thera. 39)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn, câu chuyện ngài giống như câu chuyện của Nadì-Kassapa, chỉ khác ngài chỉ có hai trăm đệ tử và sống ở Gayà, ngài nói lên chánh trí bằng cách tán thán tẩy sạch các điều ác như sau:
344. Buổi sáng, trưa, buổi chiều,
Ba lần trong một ngày,
Ta xuống dòng Gà-yà,
Sông Ga-ya-phay-gu.345. Các điều ác, ta làm
Trong các đời sống trước,
Nay đây ta rửa sạch,
Xưa ta tin là vậy.346. Nghe lời nói khéo giảng,
Con đường đủ pháp nghĩa,
Với ý nghĩa chân thật,
Ta như lý quán sát.347. Ta tắm sạch mọi ác,
Ta không uế, trong sạch.
Ta trong sạch thuần tịnh,
Thừa tự bậc trong sạch,
Ta chính là con trai,
Con chính tông đức Phật.348. Lặn vào dòng Tám chánh,
Ta gột sạch mọi ác,
Ba minh ta đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.
(CCV) Vakkali (Thera. 39)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một dòng họ Bà-la-môn và được gọi tên Vakkali. Khi đến tuổi trưởng thành, và học xong ba tập Vệ-đà, trở thành thuần thục trong những thành tích Bà-la-môn, ngài thấy bậc Ðạo Sư, ngài nhìn không chán thân hình tuyệt vời của đức Phật, và ngài đi theo bậc Ðạo Sư. Khi ngài trở về nhà, ngài nghĩ nếu ở lại nhà, ngài sẽ không có dịp luôn luôn thấy được đức Phật. Do vậy, ngài xuất gia, và từ khi ăn uống và tắm rửa, ngài để toàn thì giờ để chiêm ngưỡng đức Phật. Bậc Ðạo Sư, chờ đợi thiền quán của ngài được chín muồi, nên trong một thời gian dài, đức Phật không nói gì. Một hôm đức Phật hỏi: 'Này Vakkali, thân bất tịnh này mà Thầy thấy, đối với Thầy như thế nào? Ai thấy Pháp người ấy tức thấy Ta. Vì rằng thấy Pháp tức là thấy Ta, và thấy ta tức là thấy Pháp'. Nghe lời nói đức Phật, ngài không chiêm ngưỡng thân đức Phật nữa, nhưng ngài chưa bỏ đi xa được. Bậc Ðạo Sư nghĩ rằng: 'Tỷ-kheo này, nếu không được xúc động mạnh, sẽ không thức tỉnh’, nên vào cuối ngày an cư mùa mưa, đức Phật nói: 'Này Vakkali, hãy đi đi'. Nghe bậc Ðạo Sư nói vậy, ngài tự nghĩ ngài phải đi, nhưng nghĩ rằng đời ngài có ý nghĩa gì, nếu không được gặp bậc Ðạo Sư, nên ngài có ý định leo lên núi Linh Thứu để gieo mình xuống vực núi tự tử. Ðức Phật biết được Vakkali có ý định như vậy, nên sợ ngài phá hoại những điều kiện chứng được thánh quả, nên hiện ra trước mặt ngài và đọc lên bài kệ:
Tỷ-kheo nhiều hân hoan,
Tịnh tín giáo pháp Phật,
Chứng cảnh giới tịch tịnh,
Các hạnh an tịnh lạc.
Ðức Phật đưa tay và nói: 'Hãy đến, này Tỷ-kheo!' Vakkali rất lấy làm sung sướng được nghe lời Phật dạy, thấy được điều gì mình đang làm, đứng trên hư không suy tư đến lời Phật dạy, chứng quả A-la-hán với sự hiểu biết về nghĩa và về pháp. (Ðây là những tài liệu được tập sớ của bộ Anguttara Nikàya và tập sớ của Dhammapaca ghi chép lại).
Theo những tài liệu khác, Vakkali chưa chứng quả A-la-hán, sau khi nghe lời dạy của bậc Ðạo Sư, ngài ở trên núi Linh Thứu, phát triển thiền quán. Thế Tôn cho ngài một đề tài tu tập, nhưng vì quá đói và bị tê liệt nên ngài không chứng quả được. Biết vậy, Thế Tôn nói với ngài như sau:
349. Bị bệnh gió chi phối,
Thầy sống trong rừng sâu,
Chỗ khất thực hạn chế,
Thân gầy mòn ốm yếu,
Tỷ-kheo sẽ làm gì?
Với thân thể như vậy?
Vị Trưởng lão nói lên sự hân hoan thường xuyên của mình, nhờ được sự an lạc siêu nhân:
350. Thân con được tràn ngập,
Với hỷ lạc tỏa rộng,
Dầu có bị gầy ốm,
Con sẽ sống trong rừng.351. Tu tập Bốn niệm xứ,
Năm căn và Năm lực,
Tu tập các Giác chi,
Con sẽ sống trong rừng.352. Con thấy bạn đồng tu,
Sống hòa hiệp, dõng mãnh,
Luôn kiên trì tinh tấn,
Con sẽ sống trong rừng.353. Tùy niệm Phật thiền định,
Bậc Tối thượng Ðiều Ngự,
Ngày đêm không biếng nhác,
Con sẽ sống trong rừng.
Khi nói vậy, ngài phát triển thiền quán và ngay khi ấy chứng quả A-la-hán.
(CCVI) Vigitasena (Thera. 39)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ra trong một gia đình huấn luyện voi ở nước Kosala, và được đặt tên là Vigitasena. Những người cậu bên ngoại, Sena và Upasena cả hai đã xuất gia và chứng quả A-la-hán. Vigitasena sau khi đã thuần thục nghề của mình, thấy thần thông song hành của bậc Ðạo Sư khởi lòng tin, và theo bản năng tự nhiên, xin xuất gia dưới sự hướng dẫn của các người cậu. Nhờ các người cậu giảng dạy, ngài đạt đến thiền quán, nhưng tâm trí ngài thiên về lý luận chạy theo những vật bên ngoài, nên ngài giảng dạy cho tâm trí ngài như sau:
354. Ta sẽ chế ngự ngươi,
Như cửa khóa ngăn voi,
Ta sẽ không thúc ngươi,
Này tâm trong điều ác,
Ngươi chính là lưới dục,
Ngươi do thân sanh ra.355. Chế ngự ngươi không đi,
Như voi, không cửa mở,
Này tâm, kẻ phù thủy,
Dầu ngươi cố gắng mãi,
Ngươi không còn lang thang,
Ưa thích làm điều ác.356. Như người cầm câu móc,
Ngăn mãi voi chưa thuần,
Như người dùng sức mạnh,
Cải hóa kẻ không muốn,
Cũng vậy đối với ngươi,
Ta sẽ cải hóa ngươi.357. Như bánh xe tuyệt hảo,
Khéo huấn luyện ngựa hay,
Cũng vậy ta điều ngươi,
Dựa lên trên Năm lực.358. Ta sẽ cột chặt ngươi,
Với chánh niệm vững chắc,
Tự mình đã chế ngự,
Ta sẽ chế ngự ngươi,
Nhờ sức nặng tinh tấn,
Ngươi được ta áp lực,
Do vậy, hỡi này tâm,
Ngươi sẽ không xa ta.
(CCVII) Yasadatta (Thera. 40)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong dòng họ vua Malla, được đặt tên là Yasadatta, ngài được học ở Takkasilà. Sau khi đi du hành vói du sĩ Sabhiya, cả hai đến Sàvatthi, tại đây hỏi Thế Tôn một số câu hỏi. Yasadatta ngồi nghe những câu trả lời, ý muốn ưa chỉ trích: 'Ta sẽ nêu lên những khuyết điểm trong những câu trả lời của Sa-môn Gotama'. Thế Tôn hiểu tâm tư của Yasadatta, nên sau khi nói kinh Sabhiya, Thế Tôn giáo huấn Yasadatta như sau:
359. Với tâm, muốn chỉ trích,
Kẻ ngu nghe lời dạy
Của bậc đã thắng trận,
Người ấy, thái độ vậy,
Rất xa vời Chánh pháp,
Như đất xa bầu trời.360. Với tâm muốn chỉ trích,
Kẻ ngu nghe lời dạy
Của bậc đã chiến thắng,
Người ấy thái độ vậy,
Tổn giảm xa Chánh pháp,
Như trăng nửa tháng đen.361. Với tâm muốn chỉ trích,
Kẻ ngu nghe lời dạy
Của bậc đã chiến thắng,
Người ấy thái độ vậy,
Khô cạn trong diệu pháp,
Như cá mắc nước cạn.362. Với tâm muốn chỉ trích,
Kẻ ngu nghe lời dạy
Của bậc đã chiến thắng,
Người ấy thái độ vậy,
Không lớn trong diệu pháp,
Như giống thối trong ruộng.363. Ai tâm tư thỏa mãn,
Nghe bậc Thánh giảng dạy,
Từ bỏ mọi lậu hoặc,
Chứng ngộ không dao động,
Ðạt tịch tịnh tối thượng,
Chứng Niết-bàn vô lậu.
(CCVIII) Sonakutikanna (Thera. 40)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở xứ Avanti, trong một gia đình rất giàu có, và được đặt tên là Sona. Vì đeo một bông tai đắt giá, ngài cũng được gọi là Koti hay Kutikanna (người có lỗ tai đắt giá). Lớn lên, ngài trở thành một điền chủ, và khi Trưởng lão Mahà Kaccàna ở gần bên nhà, ngài cung cấp các vật dụng nhu yếu, nghe Chánh pháp, cuối cùng cảm thấy dao động, xin xuất gia với Trưởng lão Kaccàna. Rủ thêm mười người một cách khó khăn, ngài xin phép vị Trưởng lão đi đến Sàvatthi để yết kiến Thế Tôn. Ðược phép ngủ đêm trong chái phòng đức Phật, và buổi sáng được mời tụng đọc, ngài được khen khi đọc mười sáu Athaka. Khi đọc đến câu: 'Thấy sự nguy hiểm của một đời thế tục', ngài phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán.
Khi ngài được đức Bổn Sư bằng lòng về ba vấn đề mà vị Trưởng lão Mahà Kaccàna giao cho ngài hỏi, ngài trở về chỗ cũ và thưa lại với bậc giáo thọ sư của mình (Sự kiện này được ghi chép đầy đủ trong tập Udàna và tập sớ Anguttara, nhưng ở đây lại nói ngài chứng quả A-la-hán khi còn học tập với vị giáo thọ sư của mình).
Rồi, trong khi sống, thọ hưởng an lạc giải thoát, ngài ôn lại sự thanh đạt của mình, và với tâm hoan hỷ, ngài nói lên những bài kệ như sau:
364. Ta thọ được đại giới,
Ta giải thoát vô lậu,
Thế Tôn, ta được thấy,
Ta sống chung tinh xá.365. Thế Tôn, trải nhiều ngày
Sống ngay ở ngoài trời,
Ðạo Sư khéo an trú,
Rồi mới vào tịnh xá.366. Trải y Tăng-già-lê
Gotama nằm xuống,
Như sư tử hang đá,
Ðoạn tận mọi sợ hãi.367. Khéo lựa lời tốt lành,
Ðệ tử bậc Chánh Giác,
Trước đức Phật tuyệt hảo,
Sona thuyết diệu pháp.368. Liễu Tri Năm thủ uẩn,
Tu tập con đường Thánh
Ðạt an tịnh tối thượng,
Chứng Niết-bàn vô lậu.
(CCIX) Kosiya (Thera. 41)
Trong thời Ðức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn ở Magadha và được đặt tên là Sona. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài hay đến nghe Trưởng lão Sàriputta thuyết pháp, tin tưởng ở nơi giáo lý, xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Rồi ôn lại quá trình giải thoát của mình, ngài tán thán đức hạnh và sức mạnh quyết định hành thiện của các bậc Thánh với những bài kệ sau đây:
369. Ai hiểu những lời dạy
Của các bậc Ðạo Sư,
Bậc trí sống an trú,
Phát sanh lòng ái niệm,
Bậc trí có lòng tin,
Biết thù thắng trong Pháp.370. Vị khi nạn lớn khởi,
Suy tư không tê liệt,
Bậc trí có kiên trì,
Biết thù thắng trong Pháp.371. Ai vững trú như biển,
Không dục, trí tuệ sâu,
Thấy rõ chân nghĩa lý,
Tế nhị và vi diệu,
Bậc trí trú bất động,
Biết thù thắng trong Pháp.372. Bậc nghe nhiều, trì Pháp,
Hành pháp và Tùy pháp,
Bậc trí gọi như thị,
Biết thù thắng trong Pháp.373. Ai hiểu nghĩa lời nói,
Biết nghĩa, hành như thật,
Bậc trí gọi nội nghĩa,
Biết thù thắng trong Pháp.
(CCK) Uruvelà Kassapa (Thera. 42)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm anh cả trong ba anh em một gia đình Bà-la-môn tên Kassapa, và cả ba đều học thông ba tập Vệ-đà. Ba anh em có đến năm trăm, ba trăm và hai trăm thanh niên đệ tử vì không tìm được chân lý trong kinh điển của họ, chỉ tìm thấy những vấn đề thế tục, nên họ từ bỏ gia đình và trở thành những ẩn sĩ. Cả ba được đặt tên tùy theo chỗ ở của mỗi vị, và ngài được gọi là Uruvelà Kassapa vì ngài ở Uruvelà. Một số sự kiện đã xảy ra, vị Bồ-tát xuất gia, chuyển Pháp luân, năm vị Trưởng lão chứng quả A-la-hán, năm mươi bạn đứng đầu là Yasa được hóa độ, sự xuất phát của vị A-la-hán để thuyết pháp độ sanh, sự hóa độ ba mươi người bạn giàu có, bậc Ðạo sư đi đến Uruvelà. Khi Thế Tôn hiện ra nhiều thần thông bắt đầu với sự nhiếp phục con rắn, Kassapa khởi lòng tin và xuất gia, hai người em cũng bắt chước người anh cả. Thế Tôn giảng kinh AAdittapariyàya cho ba anh em Kassapa với một ngàn đệ tử và khiến mọi người chứng quả A-la-hán.
Uruvelà Kassapa ôn lại sự thành quả của mình, nói lên chánh trí với những bài kệ như sau:
375. Thấy được các thần thông
Gotama danh tiếng,
Nhưng ta chưa thần phục,
Bị ganh, mạn lừa dối.376. Bậc Ðiều Ngự loài Người,
Biết được tâm tư ta,
Chất vấn ta hốt hoảng,
Kỳ diệu lông dựng ngược.377. Xưa ta thuộc bện tóc,
Thần thông ta nhỏ mọn,
Ta xem chúng vô dụng,
Ta xuất gia đầu Phật,378. Xưa bằng lòng tế tự,
Xem dục giới hàng đầu,
Sau ta nhổ tận sạch
Cả tham, sân và si.379. Ta biết các đời truóc,
Thiên nhãn ta trong sạch,
Thần thông biết tâm nguòi,
Thiên nhĩ, ta đạt được.380. Do đích gì xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Ðích ấy ta đạt được,
Mọi kiết sử tận diệt.
(CCXI) Tekicchakàrì (Thera. 42)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một Bà-la-môn tên Subuddha. Ngài được các nhà giải phẫu cứu sống khi ngài mới sanh, vì vậy ngài được đặt tên là Tekicchakàrì (người được các bác sĩ cứu sống). Ngài lớn lên học các nghệ thuật và học thuật của giai cấp mình. Phụ thân ngài vì trí tuệ và chánh sách của mình, nên bị vua Candagotta, vua Bà-la-nại ganh ghét và bỏ tù. Tekicchakàrì nghe vậy, sợ hãi bỏ trốn, lánh mình tại tinh xá của một vị Trưởng lão, và tường thuật cho vị ấy biết nỗi khó khăn của mình. Vị Trưởng lão cho ngài xuất gia, chọn cho ngài một đề tài tu tập và ngài trở thành một Tỷ-kheo sống ngoài trời không kể gì lạnh nóng, hoàn toàn chú tâm vào tu tập cho được thành quả. Ác ma sợ ngài thoát khỏi sự chi phối của mình nên muốn phá rối vị Trưởng lão, đến gần dưới hình thức một người mục đồng, khi gặt hái đã xong, muốn cám dỗ ngài nên nói như sau:
381. Lúa đã gặt thâu xong
Gạo đã được đập, giã,
Nhưng một miếng, không có,
Ta sẽ làm gì đây?
Vị Trưởng lão nghĩ rằng: 'Người này nói đến tình cảnh của nó. Nhưng ta cần phải giáo huấn ta! Không phải phần việc để ta thuyết giảng'. Như vậy, vị Trưởng lão khuyên mình nên thiền quán trên ba quy y:
382. Hãy niệm Phật vô lượng!
Tâm hân hoan thoải mái,
Thân thấm nhuần hỷ thọ,
Luôn luôn cảm phấn chấn.383. Hãy niệm Pháp vô lượng!
Tâm hân hoan thoải mái,
Thân thấm nhuần hỷ thọ,
Luôn luôn cảm phấn chấn.384. Hãy niệm Tăng vô lượng!
Tâm hân hoan thoải mái,
Thân thấm nhuần hỷ thọ,
Luôn luôn cảm phấn chấn.
Rồi Ác ma, muốn ngài không sống hạnh viễn ly, làm như muốn lo cho ngài được hạnh phúc, nói rằng:
385. Ngài sống giữa ngoài trời,
Những đêm này giá lạnh
Chớ để lạnh hại ngài!
Hãy vào trong tịnh xá,
Có cửa đóng then gài.
Vị Trưởng lão, nêu rõ ở trong nhà là một trói buộc và ở ngoài trời là giải thoát, nên trả lời:
Ta sẽ cảm thọ được,
Với bốn tâm vô lượng,
Ta sẽ sống an lạc
Với những tâm tư ấy,
Giá lạnh không hại ta,
Ta sống không dao động.
Nói vậy, vị Trưởng lão phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán.
Vì rằng vị Trưởng lão sống trong thời vua Bindusàra, các bài kệ này cần được hiểu là được tụng đọc vào kỳ kiết tập thứ ba như là thuộc Kinh tạng.
(CCXII ) Mahà-Nàga (Thera. 43)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh tại Sàketa, con trai một Bà-la-môn tên Madhu Vàsettha và được đặt tên là Mahà-Nàga. Ngài thấy thần thông do Trưởng lão Gavampati thực hiện trong khi Thế Tôn sống trong rừng Anjana, và khởi lòng tin, ngài xuất gia dưới sự hướng dẫn của vị Trưởng lão, và chứng quả A-la-hán nhờ vị này giáo huấn.
Ngay khi ngài an trú trong an lạc giải thoát, Trưởng lão Mahà-Nàga thấy sáu Tỷ-kheo thường hay không cung kính các vị đồng Phạm hạnh, và ngài giáo huấn họ với những bài kệ như sau, những bài kệ này trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài:
387. Ai đối đồng Phạm hạnh,
Không có sự cung kính,
Chúng thối giảm diệu pháp
Như cá mắc nước cạn.388. Ai đối đồng Phạm hạnh,
Không có sự cung kính,
Không lớn trong diệu pháp,
Như giống thối trong ruộng.389. Ai đối đồng Phạm hạnh,
Không có sự cung kính,
Chúng xa rời Niết-bàn,
Trong lời dạy Pháp vương.390. Ai đối đồng Phạm hạnh,
Thật có sự cung kính,
Không thối giảm diệu pháp,
Như cá được nước nhiều.391. Ai đối đồng Phạm hạnh,
Thật có sự cung kính,
Lớn mạnh trong diệu pháp,
Như giống tốt trong ruộng.392. Ai đối đồng Phạm hạnh,
Thật có sự cung kính,
Họ đến gần Niết-bàn,
Trong lời dạy Pháp vương.
(CCXIII) Kulla (Thera. 43)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ) trong gia đình một điền chủ tên là Kulla, ngài được cảm hóa với lòng tin và được bậc Ðạo Sư độ cho xuất gia. Nhưng ngài thường bị tham dục chi phối. Bậc Ðạo Sư biết yếu điểm này của ngài, cho ngài một đề tài bất tịnh và khuyên ngài thiền quán trong một nghĩa địa. Khi tu tập này chưa được kết quả bậc Ðạo Sư đi với ngài và yêu cầu ngài theo dõi tiến trình thối nát và tiêu diệt của vật bất tịnh. Khi Kulla đã được tự tại thoát ly, Thế Tôn phóng hào quang, khiến ngài nhớ lại bài học, chứng Sơ thiền và từ đấy phát triển thiền quán, chứng được quả A-la-hán.
Ôn lại kinh nghiệm, ngài thốt ra những câu kệ sau đây, trước nói về ngài, rồi nhắc lại lời dạy của bậc Ðạo Sư, cuối cùng lại nói về ngài:
393. Kulla đến nghĩa địa,
Thấy bỏ một đàn bà,
Vất ném trong nghĩa địa,
Làm mồi cho sâu ăn.394. Kulla, hãy nhìn thân,
Bệnh hoạn nhớp hôi thối,
Nước ứ chảy, rỉ chảy,
Ðược kẻ ngu thích thú.395. Sau khi nắm gương pháp,
Ðạt được chánh tri kiến,
Ta quán sát thân này,
Trống rỗng cả trong ngoài.396. Ðây thế nào, kia vậy,
Kia thế nào, đây vậy,
Dưới thế nào, trên vậy,
Trên thế nào, dưới vậy.397. Ngày thế nào, đêm vậy,
Ðêm thế nào, ngày vậy,
Trước thế nào, sau vậy,
Sau thế nào, trước vậy.398. Người vậy không ưa thích,
Cả năm loại nhạc khí,
Khi đã được nhất tâm,
Chơn chánh thiền quán pháp.
Những kệ này là lời tuyên bố chánh trí của ngài.
(CCXIV) Màlunkyaputta (Thera. 43)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con một vị chuyên môn đánh giá cho vua Kosala, và mẹ là Màlunkyya, nên ngài được gọi là Màlunkyaputta (con bà Màlunkyà). Khi đến tuổi trưởng thành, tánh ưa thích đời sống xuất gia, ngài trở thành một du sĩ ngoại đạo. Khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, ngài xin xuất gia trong Pháp và Luật của Thế Tôn, và sau một thời gian, ngài chứng được sáu thắng trí. Khi ngài về thăm nhà vì lòng từ mẫn đối với bà con, các bà con chào đón ngài rất niềm nở và muốn kéo ngài trở về với đời sống gia đình thế tục, nói rằng với tài sản của ngài, ngài có thể lập gia đình và làm các thiện sự. Nhưng ngài nói lên chí nguyện cuả ngài như sau:
399. Có người sống phóng dật,
Ái lớn như cây leo,
Sống trôi nổi luân chuyển,
Ðời này qua đời khác,
Như con khỉ trong rừng,
Thèm muốn các trái cây.400. Khát ái khốn nạn này
Thấm độc cả thế giới,
Khi đã chinh phục ai,
Khiến sầu muộn tăng trưởng,
Chẳng khác giống cỏ rừng,
Lan tràn và lớn mạnh.401. Ai nhiếp phục được ái,
Khốn nạn, khó chinh phục,
Sầu rơi khỏi vị ấy,
Như giọt nước trên sen.402. Các ông đã đến đây,
Ta thuyết điều lành ấy,
Hãy đào rễ khát ái,
Như tìm rễ ngon ngọt,
Loại cỏ u-sì-ra,
Chớ để Ma, dòng nước,
Tàn phá ông cây lau.
Liên tục vậy mãi mãi.403. Hãy hành lời Phật dạy,
Chớ để Sát-na qua,
Sát-na qua, sầu khổ,
Thọ quả trong địa ngục,404. Phóng dật như bụi bặm,
Bụi nhơ, do phóng dật,
Không phóng dật, minh trí,
Nhổ mũi tên khỏi ta.
(CCXV) Sappadàsa (Thera. 44)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), con của vị cố vấn tế lễ của vua Suddhodhana, và được đặt tên là Sappadàsa. Khi đức Phật viếng thăm bà con, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Bị chi phối bởi những tập tục xấu, những tánh tình tâm lý không tốt đẹp, ngài không sao được thiền định và nhất tâm. Sự kiện này khiến ngài quá sầu não đến nỗi ngài gần tự tử, nhưng bỗng ánh sáng nội tâm chói sáng lan rộng thình lình, ngài chứng quả A-la-hán, nói lên chánh trí của mình, ngài nói:
405. Ðã được hăm lăm năm,
Từ khi ta xuất gia,
Nhưng đến một búng tay,
Ta không đạt tâm tịnh.406. Nhứt tâm không đạt được,
Bị dục tham chi phối,
Khoa tay, ta than khóc,
Bỏ tịnh xá, ta đi.407. Ta sẽ đem dao lại,
Sự sống ta, nghĩa gì?
Học tập bị tước bỏ,
Như ta, chết tốt hơn.408. Rồi ta cầm con dao
Ta vào chỗ giường nằm,
Con dao được rút ra,
Ðể cắt cổ của ta.409. Rồi ta tự tác ý,
Như lý, khởi tư duy,
Các hiểm nguy hiển lộ
Nhàm chán, ta an trú410. Và tâm ta giải thoát,
Thấy Pháp nhĩ là vậy,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.
(CCXVI) Kàtiyàna (Thera. 45)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Sàvatthi, con của một Bà-la-môn thuộc dòng họ Kosiya, nhưng được gọi là Kàtiyàna, theo gia đình của bà mẹ. Thấy bạn của mình là Sàmannakàni trở thành một Trưởng lão, ngài cũng xuất gia. Khi ngài học tập, ngài cương quyết đối trị nằm ngủ ban đêm. Trong khi đi qua lại trên con đường kinh hành, ngài quá buồn ngủ nên té xuống. Bậc Ðạo Sư thấy vậy, đi đến đứng truớc ngài và gọi: 'Này Kàtiyàna!'. Ngài liền đứng dậy, đảnh lễ, và đứng một bên, bị dao động mạnh, rồi Thế Tôn thuyết pháp cho ngài như sau:
411. Này Ka-tiya-na,
Hãy thức dậy, ngồi lên,
Chớ có ngủ quá nhiều,
Hãy tự mình thức tỉnh,
Này bà con phóng dật,
Kẻ thụ động biếng nhác
Chớ để cho thần chết,
Lường gạt, chiến thắng ông.412. Như sóng tràn biển lớn,
Cũng vậy sanh và già,
Tràn ngập chôn lấp ông,
Hãy tự làm cho ông,
Một hòn đảo an toàn,
Vì rằng không ai khác,
Phục vụ giúp đỡ ông,
Như là chỗ nương tựa.413. Ðạo Sư lập con đường,
Ðường vượt qua trói buộc,
Vượt qua sự sợ hãi,
Của sanh và của già,
Trước đêm và sau đêm,
Hãy sống không phóng dật,
Chú tâm cố kiên trì,
Trong nỗ lực chuyên tâm.414. Từ bỏ triền phược trước,
Mặc áo Tăng-già-lê,
Ðầu cạo trọc trơn láng,
Ăn đồ ăn khất thực,
Chớ có ưa chơi giỡn,
Chớ đam mê ngủ nghỉ,
Hãy nỗ lực thiền định,
Hỡi Ka-ti-ya-na!415. Hãy thiền tu, chiến thắng,
Hỡi Ka-ti-ya-na!
Hãy thiện xảo con đường,
An ổn các khổ ách;
Hãy đạt cho kỳ được,
Sự thanh tịnh tối thượng.
Ông sẽ chứng Niết-bàn,
Như nước làm tắt lửa.416. Ánh sáng được tạo ra,
Hào quang còn yếu ớt,
Chẳng khác như cây lau,
Gió thổi nằm rạp xuống,
Hỡi bà con Tu-đa,
Như vậy, chớ chấp thủ,
Hãy tẩn xuất Ác-ma,
Ly tham mọi cảm thọ,
Chờ đợi thời của ông!
Tại đây ông mát lạnh.
(CCXII ) Migajàla (Thera. 45)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con của nữ cư sĩ nổi tiếng Visàkhà, và hay đi đến tinh xá để nghe pháp. Cuối cùng, ngài xuất gia, và sau một thời gian chứng quả A-la-hán, khi nói lên chánh trí của mình, ngài nói:
417. Khéo giảng bậc có mắt,
Hào quang còn yếu ớt,
Mọi kiết sử vượt qua,
Mọi luân chuyển hoạt diệt.418. Pháp hướng dẫn, hướng thượng,
Làm khô héo ác căn,
Chặt đứt gốc nọc độc,
Diệt ác, đạt tịch tịnh.419. Phá vỡ gốc vô trí,
Chấm dứt nghiệp sanh hữu,
Trí kim cang đánh nát,
Mọi chấp trì của thức.420. Cảm thọ được phơi bày,
Chấp thủ được giải thoát,
Hữu như hố than hừng,
Ðược tùy quán bởi trí.421. Vị lớn, khéo thâm sâu,
Chận đứng già và chết,
Con đường Thánh tám ngành,
Tịnh chỉ khổ, vận tốt.422. Biết được nghiệp là nghiệp,
Biết nghiệp quả là quả,
Như thực soi, quán chiếu,
Các pháp do duyên sanh,
Ðưa đến đại an ổn,
Tịch tịnh, cứu cánh thiện.
(CCXVIII) Jenta (Thera. 45)
Trong thời đức Phật hiện tại , ngài sanh ra làm con của vị cố vấn tế tự cho vua Kosala và được đặt tên là Jenta. Khi lớn lên, ngài trở thành kiêu mạn với những quyền lợi về sanh, tài sản, địa vị, khinh bỉ những gì đáng phải kính trọng và cứng cỏi trong kiêu hãnh. Một hôm, ngài đến gần bậc Ðạo Sư đang thuyết pháp cho một số đông, nghĩ rằng: 'Nếu Sa-môn Gotama nói với ta trước, ta sẽ nói, ta không tự ý nói với Sa-môn Gotama!'. Thế Tôn không nói với Jenta, và Jenta vì lòng kiêu mạn cũng không nói. Sau cùng ngài nêu rõ lý do vì sao ngài đến và Thế Tôn nói với ngài như sau:
An trú triền kiêu mạn,
Thật sự là không tốt,
Hỡi này Bà-la-môn,
Nên an trú lợi ích.
Ðiều thiện ông tầm cầu,
Khi ông đến tại đây,
Chỉ trên đấy mà thôi,
Ông hãy nên an trú.
Jenta nghĩ rằng: 'Thế Tôn đã biết tư tưởng của ta, cảm thấy xúc động mạnh và đảnh lễ chân Thế Tôn'. Rồi ngài thưa với bậc Ðạo Sư:
Với ai, không nên kiêu?
Với ai, cần cung kính?
Với ai, phải tôn trọng?
Cung kính ai là thiện?
Thế Tôn trả lời:
Với cha và với mẹ,
Với anh cả, với thầy,
Với các Bà-la-môn,
Với Sa-môn áo vàng,
Với những vị như vậy,
Nên cung kính tôn trọng,
Cung kính các vị ấy,
Là việc làm tốt lành.
Với các bậc La-hán,
Tịch tịnh và hữu học,
An tịnh, không cấu uế,
Mọi kiêu mạn chấm dứt,
Khi đạt đến mục tiêu,
Hãy tôn trọng vị ấy.
Với lời dạy này, Jenta chứng được quả Dự Lưu, xuất gia và sau một thời gian, chứng quả A-la-hán. Nói lên sự thành công, ngài tuyên bố chánh trí của ngài:
423. Ta say đắm tự kiêu,
Với sanh chủng, tài sản,
Kể cả với quyền lực,
Ðịa vị và dung sắc,
Ta sống kiêu mạn vậy.
Tham dắm và mê say.424. Ta quá sức kiêu hãnh.
Xem không ai bằng ta,
Si mê, quá tự hào,
Kiêu căng và cống cao.425. Mẹ cha và người khác,
Ðược cung kính tôn trọng,
Ta không lễ một ai,
Kiêu hãnh, không lễ phép.426. Thấy lãnh đạo đệ nhất,
Tối ưu Ðiều Ngự Sư,
Như mặt trời sáng chói,
Cầm đầu chúng Tỷ-kheo.427. Gạt bỏ mạn, kiêu hãnh,
Với tâm thật an lành,
Với đầu ta đảnh lễ,
Bậc tối thượng chúng sanh.428. Quá mạn, ty liệt mạn,
Từ bỏ, nhổ tận gốc,
Ngã mạn được chặt đứt,
Mọi loại mạn tận diệt.
(CCXIX) Sumana (Thera. 46)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong gia đình một cư sĩ, làm vị hộ trì cho Tôn giả Anuruddha. Từ trước, con cháu của người cư sĩ này chết trẻ. Khi sắp đẻ đứa con, người cha nghĩ nếu là con trai thời sẽ cho xuất gia với vị Trưởng lão. Sau mười tháng, đẻ được đứa con trai, vị cư sĩ này cho xuất gia khi đứa trẻ lên bảy tuổi. Do căn tánh thuần phục, không bao lâu ngài chứng được sáu thắng trí trong khi đang hầu hạ bậc Truởng lão. Cầm được cái bình để xách nước, Sumana với thần thông, đi đến hồ Anotatta, một con xà vương ác độc, phồng mang ngưỡng đầu lên không cho ngài lấy nước. Rồi Sumana hóa thành con chim Garuda (Kim xí điểu) nhiếp phục con rắn và mang nước bay về vị Trưởng lão. Rồi bậc Ðạo Sư, ngồi tại vườn Jetavana, thấy ngài bay về, liền gọi Sàriputta cùng xem, và tán thán ngài với bốn câu kệ. Sunmana để nêu lên chánh trí của mình cộng thêm những bài kệ của mình như sau:
429. Khi người mới xuất gia,
Từ sanh, mới bảy tuổi,
Với thần thông ta điều,
Con xà vương thần lực.430. Từ hồ nước to lớn,
Tên A-no-tat-ta
Ta đem nước hồ về,
Cho bậc giáo thọ sư,
Thấy vậy bậc Ðạo Sư,
Nói về ta như sau:431. Này Sà-ri-put-ta!
Xem đứa trẻ này đến,
Tự bưng cầm ghè nước,
Nội tâm khéo định tĩnh.
Với nhiệm vụ khả ái,
Cử chỉ rất thuần thiện.432. Người đệ tử Sa-di,
Của Anuruddha,
Có thần thông uy lực,
Thuần thục và điêu luyện.433. Thuần lương nhờ giáo dục,
Do vị đại thuần lương,
Thiện hạnh nhờ giáo dục,
Bởi bậc khéo thiện hạnh.
Nhờ Anuruddha,
Khéo huấn luyện điều phục,
Ðược học tập giảng dạy,
Làm xong việc phải làm.434. Ðạt được tịnh tối thắng,
Chứng đắc, không dao động,
Sa-di Sumana,
Muốn: 'Không ai biết ta'.
(CCXX) Nhàlaka - Muni (Thera. 46)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), trong gia tộc Bà-la-môn, được giáo dục trong văn chương Vệ-đà, ngài được biết là vị đã đậu cấp bực Nhàlaka (cấp bực tắm rửa). Trở thành một ẩn sĩ, ngài sống trong một khu rừng cách xa Vương Xá khoảng ba do-tuần, sống với lúa hoang và thờ lửa.
Ðức Thế Tôn, thấy được điều kiện trở thành một vị A-la-hán chói sáng trong tâm ngài, như ánh sáng trong một cái ghè. Thế Tôn đến tại am thất của ngài, ngài vui vẻ đón tiếp đức Phật, thỉnh đức Phật dùng cơm ngài nấu và như vậy ba ngày trôi qua. Ngày thứ tư, Thế Tôn nói: 'Ông hết sức yếu ớt, làm sao ông sống với đồ ăn như thế này?'. Rồi đức Phật giảng về hạnh biết đủ và thuyết pháp cho ngài. Và từ quả Dự Lưu ngài chứng quả A-la-hán. Thế Tôn xác chứng quả vị cuả ngài và ra đi, ngài vẫn ở tại chỗ cũ, nhưng rồi bị đau vì tê liệt. Bậc Ðạo Sư lại đến thăm và hỏi ngài về sức khỏe:
435. Bị bịnh gió chi phối,
Ông sống trong rừng sâu,
Chỗ khất thực hạn chế,
Thân gầy mòn ốm yếu.
Tỷ-kheo sẽ làm gì,
Với thân thể như vậy.436. Thân con được tràn ngập,
Với hỷ lạc tỏa rộng,
Dầu có bị gầy ốm,
Con sẽ sống trong rừng.437. Tu tập Bảy giác chi,
Năm căn và Năm lực,
Ðầy đủ thiền tế nhị,
Con sống, không lậu hoặc.438. Thoát khỏi các kết sử,
Tâm tịnh, không uế nhiễm,
Thường hằng, khéo quán sát,
Con sống không lậu hoặc.439. Mọi lậu hoặc nội ngoại,
Trước có mặt trong con,
Tất cả bị chặt đứt,
Thông dư, không khởi nữa.440. Năm uẩn được liễu tri,
Chúng đứng, rễ chặt đứt,
Khổ diệt đã đạt được,
Nay không còn tái sanh.
(CCXXI) Brahmadatta (Thera. 46)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con vua nước Kosala, tên là Brahmadatta, ngài chứng kiến uy nghi của đức Phật nhân ngày lễ dâng cúng Jetavana, khởi lòng tin, xuất gia và sau một thời gian chứng sáu thắng trí với lòng tin và hiểu biết về nghĩa, bởi lòng tin và hiểu biết về Pháp.
Một hôm ngài đi khất thực, một Bà-la-môn nhiếc mắng ngài, ngài im lặng nghe và tìếp tục đi, Bà-la-môn ấy lại chửi mắng ngài, và dân chúng phê bình sự im lặng của ngài; ngài giảng dạy cho dân chúng như sau:
441. Từ đâu phẫn nộ khởi,
Với người không phẫn nộ,
Với người được nhiếp phục,
Sống nếp sống thăng bằng.
Với vị trí giải thoát,
Phật an tịnh như vậy.442. Với ai bị chửi mắng,
Lên tiếng chửi mắng lại,
Người ấy tệ ác hơn,
Người đã chửi mắng trước.
Với ai bị chửi mắng,
Nhưng không chửi mắng lại,
Người ấy được chiến thắng,
Trên cả hai mặt trận.443. Sở hành của người ấy,
Vừa lợi mình lợi người,
Biết người khác phẫn nộ,
Chánh niệm, tự lắng dịu.444. Là thầy thuốc cả hai,
Cho mình và cho người,
Quần chúng nghĩ là ngu,
Không khéo hiểu Chánh Pháp.
Rồi Bà-la-môn chửi mắng ấy nghe những lời này, cảm thấy ưu não và hoan hỷ rồi xin lỗi ngài. Ðược xuất gia với sự hướng dẫn của ngài, được dạy đề tài quán từ bi, như vậy ngài dạy cho phương pháp để đối trị phẫn nộ:
445. Nếu phẫn nộ nổi lên,
Hãy nghĩ dụ cái cưa,
Nếu tham vị khởi lên,
Hãy nghĩ dụ thịt con.446. Nếu tâm ngươi chạy theo,
Theo dục, theo sanh hữu,
Hãy gấp nắm với niệm,
Như nắm con vật ác,
Ði vào trong ruộng lúa.
(CCXXII) Sirimanda (Thera. 47)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sunsumàragira trong một gia đình Bà-la-môn. Khi được nghe Thế Tôn thuyết pháp ở rừng Bhesakalà, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Một hôm, nhân ngày lễ trai giới, trong khi giới bổn Pàtimokkhà đang được đọc, đến phần cuối phần giới thiệu nói về một lỗi bị phạm được nhẹ đi nếu phát lộ sám hối, ngài nghĩ đến lợi ích phát lộ sám hối các lỗi đã được giấu đi, và do vậy ngài phấn khởi hoan hỷ nói lớn tiếng: 'Ôi, thật là hoàn toàn trong sạch, giới luật của bậc Ðạo Sư!'. Rồi phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Ôn lại con đường đã trải qua, với tâm phấn khởi, ngài dạy các vị đồng Phạm hạnh:
447. Mưa rất là nặng hạt,
Trên tội được che giấu.
Mưa không có nặng nề,
Trên tội được phát lộ,
Ðâu có phát lộ tội,
Như vậy, mưa không nặng.448. Ðời bị chết áp đảo,
Bị giải tỏa, bao vây,
Bị mũi tên ái đâm,
Thường bị dục huân tập.449. Ðời bị chết ấp đảo,
Và bị già bao vây,
Thường bị hại, không yên,
Như cướp với gậy dao.450. Chúng đến như đống lửa,
Cả ba, chết bệnh già,
Không sức nào địch nổi,
Không nhanh nào chạy thoát.451. Chớ để ngày trống rỗng,
Hãy làm ít hoặc nhiều,
Ðêm càng bị bỏ phí,
Mạng sống càng rút ngắn.452. Vậy hoặc đi hay đứng,
Hoặc ngồi hay nằm xuống,
Ðêm cuối đi đến gần,
Ngươi không thời phóng dật.
(CCXXIII) Sabbhakàma (Thera. 47)
Trong thời đức Phật hiện tại, sau khi đức Phật nhập diệt, ngài sanh ở Vesàli, thuộc gia đình quý tộc và được đặt tên là Sabbhakàma. Khi đến tuổi trưởng thành, thuận theo chí hướng xuất ly, ngài xuất gia dưới sự hướng dẫn của Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất). Trong khi đi học tập, ngài trở về Vesàli với bậc y chỉ sư của mình và về thăm gia đình. Vợ ngài lúc trước, buồn khổ, gầy mòn, áo xiêm không săn sóc, nước mắt chạy quanh, chào ngài và đứng một bên. Thấy vợ cứ như vậy, lòng thương hại khởi lên, và quên mất chí hướng xuất trần, ngài để cho dục vọng nổi lên. Như con ngựa khéo luyện tập bị roi đánh, ưu não khởi lên và ngài đi đến nghĩa địa để quán bất tịnh. Thiền định được chứng đạt, thiền quán được triển khai, ngài chứng quả A-la-hán. Rồi nhạc phụ của ngài dắt vợ cũ của ngài đến, trang điểm thật đẹp mắt, và với một số tùy tùng đông đảo, đi đến tinh xá để gặp ngài và kéo ngài trở lui với đời sống gia đình; nhưng ngài tuyên bố với mọi người là ngài đã từ bỏ các dục vọng như vậy, với những bài kệ như sau:
453. Con vật hai chân này,
Bất tịnh và hôi thối,
Ðầy các loại tử thi,
Từ đấy, nước rỉ chảy.454. Nai trốn, dùng bẫy sập,
Với cá dùng câu móc,
Với khỉ, dùng hầm hố,
Phàm phu bị bắt vậy.455. Sắc, tiếng, vị, hương, xúc,
Khả ái và thích ý,
Năm dục trưởng dưỡng này,
Ðược tiếng trong nữ sắc.456. Phàm phu tâm say đắm,
Chạy theo hưởng nữ sắc,
Tăng nghĩa địa hãi hùng,
Chất chứa sự tái sanh.457. Ai tránh né nữ sắc,
Như chân tránh đầu rắn,
Chánh niệm, vượt qua được,
Kẻ đầu độc thế giới.458. Thấy nguy hiểm trong dục,
An ổn trong viễn ly,
Thoát khỏi tất cả dục,
Ta đạt lậu hoặc tận.
(CCXXIV) Sundara-Samudda (Thera. 49)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một người trong hội đồng thành phố giàu có, ở Ràjagaha (Vương Xá) và được đặt tên là Samudda. Vì ngài rất đẹp trai nên được gọi là Sundara-Samudda, khi ngài còn trẻ, ngài thấy được uy nghi đức Phật, khi có cuộc lễ đón rước đức Phật đến Ràjagaha, với lòng tin và với thiên tánh tự nhiên, ngài xuất gia. Ðược giao cho một đề tài thiền quán, ngài đi từ Ràjagaha đến Sàvatthi, ở với một người bạn và tu tập thiền quán. Mẹ ngài ở Vương Xá, thấy các người con của các đại biểu hội đồng thành phố khác với những người vợ trang sức thật lộng lẫy vui chơi trong những ngày lễ, bà mẹ buồn, nhớ con và khóc; một kỹ nữ thấy vậy liền dỗ bà và tự nguyện đi đến Sàvatthi để đem con bà về. Bà mẹ hứa rằng, nếu con bà chịu cưới nàng, bà sẽ cho nàng làm chủ gia đình và tặng nhiều tặng phẩm. Với một số tùy tùng, nàng đi đến Sàvatthi và dừng lại ngôi nhà ngài thường hay đến hằng ngày để khất thực; nàng hết sức săn sóc cho ngài. Nàng ăn mặc lộng lẫy và mang dép vàng; một hôm nàng để đôi dép nàng tại ngưỡng cửa, đảnh lễ ngài với hai tay chấp lại, khi ngài đi qua với cử chỉ muốn cám dỗ ngài. Và ngài một tư tưởng thế tục thoáng qua, ngài cương quyết nỗ lực cuối cùng đứng tại đấy thiền định, thiền quán và chứng được sáu thắng trí. Ngài diễn đạt quả chứng của ngài như sau:
459. Trang sức mặc áo đẹp,
Ðeo vòng hoa trang điểm,
Chân bôi sơn màu đỏ,
Một kỹ nữ đi dép.460. Chân rút ra khỏi dép,
Chấp tay, hướng phía trước,
Nàng với giọng nhẹ dịu,
Mở đầu nói với ta;461. Chàng trẻ tuổi xuất gia,
Hãy dừng, lãnh vực em,
Thọ hưởng năm dục vọng,
Em cho chàng phương tiện,
Em hứa chàng sự thật,
Em đem chàng lửa thề.462. Khi chàng em đều già,
Cả hai đều chống gậy,
Cả hai cùng xuất gia,
Hai phần được vận may.463. Thấy người kỹ nữ ấy,
Chấp tay lời van xin,
Trang sức, mặc áo đẹp,
Như thần chết gieo mồi.464. Rồi ta tự tác ý,
Như lý khởi tư duy,
Các hiểm nguy hiển lộ,
Nhàm chán ta an trú.465. Và tâm ta giải thoát,
Thấy Pháp nhĩ là vậy,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.
(CCXXV) Lakuntaka-Bhaddiya (Thera. 49)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình giàu có, được đặt tên là Bhaddiya, nhưng vì ngài rất thấp, nên được biết với tên là Lakuntaka Bhaddhiya (Bhaddiya người lùn). Nghe bậc Ðạo Sư giảng, ngài xuất gia, trở thành một nhà học giả và biện tài, ngài dạy cho các người khác với một giọng nói rất dịu ngọt. Một hôm, nhân ngài đang lễ, một phụ nữ đi xe với một Bà-la-môn, thấy ngài và cười lên, để lộ hàm răng của nàng. Vị Trưởng lão, lấy hàm răng ấy như một đề tài để thiền quán, khởi lên thiền định và trên căn cứ ấy, phát triển thiền quán và trở thành một vị Bất Lai. Về sau nhờ Tôn giả Sàriputta dạy tu thân hành niệm, ngài chứng quả A-la-hán, ngài nói lên chánh trí của ngài:
466. Ra ngoài các khu vườn,
Tên Ambàtaka,
Trong rừng với lùm cây,
Ái, ái căn từ bỏ,
Bhaddiya ngồi thiền,
Bậc may mắn hạnh phúc.467. Một số người ưa thích,
Trống, sáo và trống nhỏ,
Còn ta, dưới gốc cây,
Ta thích lời Phật dạy.468. Nếu Phật ban ân huệ,
Ta được ân huệ ấy,
Ta trì thân hành niệm,
Thường hằng ở mọi giới.469. Cười chê, ta vì thân,
Ai theo ta vì tiếng,
Chúng không biết được ta,
Vì dục tham chi phối.470. Không biết được phần trong,
Không thấy được phía ngoài,
Chận bốn phía, người ngu,
Bị tiếng nói lôi cuốn.471. Không biết được phần trong,
Quán thấy được phía ngoài,
Chỉ thấy quả phía ngoài,
Cũng bị tiếng lôi cuốn.472. Quán trí được phần trong,
Quán thấy được phía ngoài,
Thấy không bị chướng ngại,
Không bị tiếng lôi cuốn.
(CCXXVI) Bhadda (Thera. 50)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong gia đình một vị lớn trong hội đồng thành phố, làm con một gia đình cha mẹ trước đây không có con, dầu đã có cầu khẩn thần linh nhiều lần vẫn chưa có con. Họ đi đến bậc Ðạo Sư và nói: 'Nếu chúng con có được đứa con, chúng con sẽ dâng lên cho ngài để làm thị giả!'. Khi được sinh Bhadda, chúng mặc áo đẹp nhất cho ngài, đưa ngài đến bậc Ðạo Sư và nói: 'Bạch Thế Tôn, đây là đứa con chúng con sanh ra, sau khi yết kiến Thế Tôn, chúng con xin dâng hiến cho Thế Tôn'. Thế Tôn bảo Ananda cho Bhadda xuất gia và đi vào hương phòng. Ananda giảng dạy cho ngài và căn cơ ngài quá thuần thục đến nỗi trong khi đang học, vừa lúc mặt trời mọc, ngài phát triển thiền quán và chứng được sáu thắng trí.
Thế Tôn biết được những gì xảy ra và gọi: 'Hãy đến này Bhadda!' Ngài đến, chấp tay đảnh lễ bậc Ðạo Sư. Ðó là lễ xuất gia của ngài, đó là lễ xuất gia do đức Phật chủ trì. Và bậc Trưởng lão nói lên chánh trí của ngài:
473. Ta là con độc nhất
Ðược cha thương mẹ thương,
Do nhiều hạnh giới cấm,
Van vái mới được ta.474. Vì lòng thương xót ta,
Muốn ta được hạnh phúc,
Cả cha và mẹ ta,
Dẫn ta đến đức Phật475. Ðược đứa con trai này,
Thật trải nhiều khó khăn,
Nuôi dưỡng rất tế nhị,
Ðược nuông chiều săn sóc,
Chúng con kính dâng Ngài,
Kính thưa bậc cứu độ,
Ðể làm người thị giả,
Hầu hạ bậc chiến thắng.476. Bậc Ðạo Sư nhận ta,
Nói A-nan như sau:
Hãy cho nó xuất gia,
Nó sẽ thành thuần lương.477. Sau khi bậc Ðạo Sư,
Bảo xuất gia cho ta,
Xong rồi bậc chiến thắng,
Bước vào trong tinh xá,
Khi mặt trời chưa mọc,
Tâm ta được giải thoát.478. Rồi bậc Ðạo Sư ta,
Ðể chấm dứt công việc,
Từ yên lặng thiền tịnh,
Ngài đứng dậy gọi ta:
Này Bhadda hãy đến,
Ta thọ Ðại giới vậy.479. Từ sanh, đến bảy năm,
Ta được thọ Ðại giới,
Ba minh ta đạt được,
Ôi pháp, thiện pháp tánh!
(CCXXVII) Sopàka (Thera. 50)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh từ vợ một người cùng đinh, và do thọ sanh, ngài được gọi là Sopàka (người cùng đinh). Có người nói ngài là con một thương gia. Sự kiện này không được tập Apadàna chấp nhận:
Khi ta chứng được,
Tái sanh cuối cùng,
Ta vào bào thai,
Của Sopàka.
Bốn tháng sau khi sanh, cha ngài mệnh chung, và được người cậu nuôi dưỡng. Người cậu, do người con hay nóng giận của mình xúi giục, muốn giết ngài. Nó đem ngài đến bãi tha ma, trói hai tay ngài cột vào cổ một thây ma, nghĩ rằng các con chó rừng sẽ ăn thịt ngài. Nó không thể giết ngài vì ngài tái sanh lần cuối cùng. Ban đêm các con chó rừng và các con thú khác đến, và đứa con nít kêu khóc:
Thế nào là định mệnh,
Ðược để dành cho ta.
Ai là người bà con,
Của đứa trẻ mồ côi!
Giữa nghĩa địa kinh hoàng,
Ta bị cột, trói chặt!
Ta sẽ tìm được ai,
Là người bạn của ta!
Bậc Ðạo Sư trong lúc ấy đang nhìn xem ai là người đáng cứu độ, thấy trong đứa trẻ, những nhân duyên chứng quả A-la-hán được chói sáng trong tâm của đứa trẻ, liền chiếu sáng hào quang và nói:
Hãy đến, Sopaka,
Người đừng có sợ hãi,
Hãy nhìn đến Như Lai,
Chính Ta sẽ cứu con!
Như mặt trăng thoát khỏi,
Hàm răng của Ràhu.
Với sức mạnh của đức Phật, đứa trẻ bứt đứt dây trói, và cuối bài kệ đứng dậy, trở thành một bậc Dự lưu và đứng trước hương phòng của đức Phật! Mẹ ngài tìm ngài hỏi người cậu, nhưng người cậu im lặng không nói gì. Mẹ ngài đi đến đức Phật, nghĩ rằng đức Phật biết tất cả, quá khứ, hiện tại, vị lai. Bậc Ðạo Sư, dùng thần thông giấu đứa con. Bà thưa với Thế Tôn: 'Bạch Thế Tôn, con không thể tìm thấy đứa con. Nhưng Thế Tôn biết được con tôi đang làm gì?'. Thế Tôn trả lời:
Các người con không phải,
Là chỗ y, nương tựa,
Cả cha cũng là vậy,
Kể cả các bà con.
Với kẻ bị mệnh chung,
Dầu bà con huyết thống,
Cũng không thể nương tựa!
Và như vậy, Thế Tôn thuyết pháp cho bà, bà nghe xong chứng quả Dự lưu, nhưng đứa trẻ chứng quả A-la-hán. Rồi Thế Tôn rút lại thần thông và bà mẹ sung sướng thấy được người con. Ðược biết con mình đã chứng quả A-la-hán, bà bằng lòng để con xuất gia và bà ra về.
Rồi ngài đến đảnh lễ bậc Ðạo Sư, khi bậc Ðạo Sư đang đi dưới bóng mát của hương phòng và đi theo Thế Tôn. Thế Tôn muốn thế độ cho ngài liền hỏi ngài mười câu hỏi, bắt đầu bằng câu: 'Thế nào là một pháp?'. Ngài hiểu được ý Thế Tôn liền trả lời: 'Các chúng sanh được nuôi dưỡng bằng thức ăn...', với trí sáng suốt của mình. Bậc Ðạo Sư thỏa mãn với những câu trả lời của đứa trẻ, thọ giới cho ngài. Do vậy ngài có được tên là: 'Ðặt trẻ với những câu hỏi'. Ngài nói lên chánh trí của mình, thuật lại những sự việc đã xảy ra, với bài kệ như sau:
480. Thấy bậc Tối thượng nhân,
Kinh hành dưới bóng lầu,
Tại đấy, ta đi tới,
Ðảnh lễ bậc Tối thượng.481. Ðắp y một bên vai,
Chấp hai tay đưa lên,
Ði theo bậc Vô cấu,
Tối thượng trên mọi loài.482. Ngài hỏi ta câu hỏi,
Khéo biết đặt câu hỏi,
Ta trả lời Ðạo Sư,
Không run, không sợ hãi.483. Ðức Như Lai tùy hỷ,
Câu trả lời câu hỏi,
Nhìn chúng Tỷ-kheo Tăng,
Ngài nói ý nghĩa này:484. Lợi ích thay, dân chúng,
Ăng-ga, Magadha,
Cúng dường cho vị ấy,
Y dược thuốc sàng tọa,
Biết cung kính thích nghi,
Thật lợi ích cho chúng,
Bậc Ðạo Sư nói vậy,485. Bắt đầu từ hôm nay,
Hỡi này Sopaka,
Hãy đến yết kiến Ta,
Như vậy, Sopaka,
Ông thành tựu Ðại giới,
Ðược an lành tốt đẹp.486. Bảy năm từ khi sanh,
Ta được thọ Ðại giới,
Ta mang thân cuối cùng!
Ôi pháp, thiện pháp tánh.
(CCXXVIII) Sarabhanga (Thera. 50)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại Ràjagaha (Vương Xá), con của một Bà-la-môn, ngài có thể được đặt tên, độc lập hay không độc lập với truyền thống gia đình, ngài không có đặc điểm gì để đặt tên. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài trở thành một ẩn sĩ, tự dựng một thảo am, làm bằng cọng cây lau mà tự ngài bẻ gãy, và từ đấy ngài được biết với tên là Sara-Bhanga, (người bẻ gãy cọng cây lau). Thế Tôn với Phật nhãn nhìn quanh thế giới, thấy được nơi ngài những điều kiện để thành vị A-la-hán. Thế Tôn đi đến thuyết pháp cho ngài. Và ngài khởi lòng tin, trở thành một vị xuất gia, sau một thời gian trở thành vị A-la-hán, ngài vẫn tiếp tục ở thảo am. Thảo am dần dần hư nát và sụp đổ xuống, dân chúng hỏi ngài sao không dựng thảo am lại, ngài trả lời, khi thảo am được dựng lên, ngài còn ẩn sĩ. Nhưng nay ngài không thể làm được như vậy nữa. Rồi ngài nói lên toàn bộ vấn đề như sau:
487. Tay bẻ những cây lau,
Ta làm am ta ở,
Do vậy, được tên tục:
'Người bẻ gãy cây lau'.488. Nay không còn thích hợp,
Tự tay bẻ cây lau,
Theo học giới giảng dạy,
Gotama danh xưng.489. Chính Sara-bhanga,
Từ trước chưa từng thấy,
Thấy chứng bệnh toàn diện,
Một cách thật đầy đủ.
Bệnh ấy nay được thấy,
Do lời bậc siêu thiên.490. Chính đường ấy đã đi,
Vibassì, Sikhi,
Kể cả Vessabhu,
Với Kakusandha,
Konàgamana.
Chính với con đường ấy,
Gotama đã đến.491. Ly ái, không chấp thủ,
Bảy Phật chứng Niết-bàn,
Pháp này được thuyết giảng,
Bởi các vị chứng Pháp.492. Vì từ mẫn chúng sanh,
Bốn sự thật được giảng,
Khổ, khổ tập, con đường,
Diệt, chấm dứt khổ đau.493. Trong đời sống liên tục,
Khổ luân chuyển không dứt,
Khi thân này bị hoại,
Khi mạng sống cáo chung,
Tái sanh khác không còn,;
Ta thật, khéo giải thoát,
Giải thoát mọi sanh y.
(CCXXLX) Mahà-Kaccàyana (Thera. 52)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại Ujienì trong gia đình của vị cố vấn nghi lễ cho vua Candapajjota. Ngài học ba tập Vệ-đà, khi ngài lớn và khi phụ thân mất ngài kế tiếp chức vụ của cha. Ngài được biết với tên là Kaccàna theo dòng họ. Nhà vua được nghe tin đức Phật xuất hiện, ngài đi mời đức Phật, ngài đi với bảy người, được bậc Ðạo Sư thuyết pháp, sau buổi thuyết giảng, cả ngài với bảy người đều chứng quả A-la-hán, với hiểu biết về nghĩa và về pháp. Rồi Thế Tôn đưa tay nói: 'Hãy đến các Tỷ-kheo!', cả tám vị được cắt tóc, đầy đủ với bát và y.
Khi ngài đã được giải thoát, ngài mời đức Phật đến Ujjenì để thuyết pháp cho vua. Ðức Phật nói Kaccàna tự mình đi về, thực hiện sứ mệnh ấy. Kaccàna theo lời khuyên, đi với cả bảy vị, thuyết pháp cho vua, khiến vua khởi lòng tin rồi trở lại với bậc Ðạo Sư.
Một hôm, nhiều Tỷ-kheo sau khi bỏ một bên các bổn phận của mình, tìm thú vui trong các vui thế tục và xã hội, đang sống một đời sống phóng dật. Vị Trưởng lão trong hai câu kệ, khuyên răn các vị ấy, và với sáu bài kệ tiếp, giảng dạy cho vua:
494. Chớ làm quá nhiều việc,
Tránh quần chúng đua tranh,
Người siêng tham đắm vị,
Bỏ đích đem an lạc.495. Ta cảm là 'đống bùn',
Cung kính các gia đình,
Là mũi tên nhỏ nhiệm,
Thật khó được rút ra,
Tôn trọng khó từ bỏ,
Ðối với kẻ không tốt.
Lời cho vua:
496. Hành động của con người,
Không phải là độc ác,
Tùy thuộc vào người khác,
Người khác nói hay làm,
Tự mình chớ có làm,
Vì người, bà con nghiệp.497. Không vì người khác nói,
Con người thành ăn trộm,
Không vì người khác nói,
Con người thành bậc Thánh.
Như mình tự biết mình,
Chư Thiên biết mình vậy.498. Người khác không biết được,
Ðây ta sống một thời,
Những ai biết được vậy,
Bậc trí sống lắng dịu.499. Chỉ bậc trí sống mạnh,
Dầu tài sản đoạn tận,
Nếu không được trí tuệ,
Có tiền như không sống,
Với vua hỏi về cơn mộng:
500. Với tai nghe tất cả,
Với mắt thấy tất cả,
Kẻ trí bỏ tất cả,
Như không thấy không nghe,501. Có mắt, như kẻ mù,
Có tai như kẻ điếc,
Có trí, như kẻ ngu,
Có sức, như kẻ yếu,
Ðể việc lành khởi lên,
Nằm như kẻ chết nằm.
(CCXXX) Sirimitta (Thera. 52)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con của một điền chủ giàu có, được đặt tên là Sirimitta; mẹ ngài là chị của Sirigutta. Nay Sirimitta, cháu của Sirigutta tìm được lòng tin đối với bậc Ðạo Sư nhiếp phục con voi Dhanapàla. Rồi ngài xuất gia và sau một thời gian chứng quả A-la-hán.
Một hôm, từ chỗ ngồi đứng dậy để tụng học giới bổn Pàtimokkha, ngài cầm một cái quạt có sơn màu, rồi ngồi xuống, ngài thuyết pháp cho các Tỷ-kheo, và làm như vậy, ngài làm nổi bật những đức tánh khác như sau:
502. Không phẫn nộ, không hận,
Không gian, không hai lưỡi,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Ðời sau, không ưu sầu.503. Không phẫn nộ, không hận,
Không gian, không hai lưỡi,
Tỷ-kheo thường hộ căn,
Ðời sau không ưu sầu.504. Không phẫn nộ, không hận,
Không gian, không hai lưỡi,
Tỷ-kheo giữ thiện giới,
Ðời sau, không ưu sầu.505. Không phẫn nộ, không hận,
Không gian, không hai lưỡi,
Tỷ-kheo thiện bằng hữu,
Ðời sau không ưu sầu506. Không phẫn nộ, không hận,
Không gian, không hai lưỡi,
Tỷ-kheo thiện trí tuệ,
Ðời sau, không ưu sầu.
Sau khi thuyết giảng về phẫn nộ, hận... ngài nói đến con đường siêu thoát, diễn tả thái độ chơn chánh của từng cá nhân, như vậy chứng nhận chánh trí của mình:
507. Với ai tin Như Lai,
Không dao động, thiện trú,
Với ai, nếp giới hạnh,
Ðược thiện nhân tán thán,
Ðược bậc Thánh tùy hỷ.508. Với ai, có tín thành,
Ðối với chúng Tăng già,
Có tri kiến chánh trực,
Họ nói về người ấy:
Vị ấy không nghèo đói,
Ðời sống không trống rỗng.509. Vậy nên bậc Hiền trí,
Hãy chú tâm tín, giới,
Tịnh, tín, thấy đúng pháp;
Vào cốt tủy lời Phật.
(CCXXXI) Mahà-Panthaka (Thera. 53)
Khi bậc Ðạo Sư đi đến Ràjagaha, chuyển bánh xe pháp, Panthaka, con đầu lòng của con gái một nhân viên giàu có trong Ủy ban thành phố, và một trong những người nô tỳ của phụ thân của người con gái, cả hai thường đi đến ông ngoại để nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, khởi lòng tin với thiền quán. Sau khi xuất gia, ngài trở thành thiện xảo trong lời dạy của bậc Ðạo Sư và trong bốn thiền, và sau một thời gian, chứng quả A-la-hán. An trú trong an lạc thiền quán và quả chứng, ngài hồi tưởng lại sự thành công của mình, và sung sướng rống tiếng rống con sư tử như sau:
510. Khi đầu tiên ta thấy,
Bậc Ðạo Sư vô úy,
Xúc động khởi nơi ta,
Thấy được người Tối thượng.511. Ai cả tay cả chân,
Cầu khẩn thần may đến,
Với cử chỉ như vậy,
Khiến Ðạo Sư hoan hỷ,
Vị ấy không thể đạt,
Như sở nguyện của mình.512. Còn ta đã từ bỏ,
Vợ con, tiền, lúa, gạo,
Sau khi cạo râu tóc,
Ta xuất gia không nhà.513. Học, sinh hoạt đầy đủ,
Các căn khéo chế ngự,
Ðảnh lễ bậc Chánh giác,
Ta trú, không khuất phục.514. Rồi ta khởi ước nguyện,
Tâm an trú tha thiết,
Ta quyết không ngồi nữa,
Dầu chỉ là một phút,
Cho đến khi rút được,
Rút mũi tên tham ác.515. Ta an trú như vậy,
Hãy xem nhờ nỗ lực,
Ba minh ta đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.516. Ta biết được đời trước,
Thiên nhãn được thanh tịnh,
Ta xứng được cúng dường,
Giải thoát khỏi sanh y.517. Như đêm trở thành sáng,
Khi mặt trời mới mọc,
Mọi khát ái khô kiệt,
Ta vào, ngồi kiết-già.
(CCXXXII) Bhùta (Thera. 54)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại ngoại thành Sàketa, con một hội viên giàu có trong Hội đồng thành phố, ngài là con út và người con độc nhất được sống sót, các người con khác bị một con Dạ-xoa thù nghịch ăn thịt. Ngài được canh gác cẩn mật, và con Dạ-xoa bận lên hầu Vessavana nên không về nữa. Khi đến tuổi đặt tên, ngài được đặt tên là Bhùta, vì do nguyện cầu được sanh ngài: 'Mong rằng các hàng phi nhân có lòng từ hộ trì cho đứa trẻ'. Nhờ công đức của mình, ngài lớn lên không bị tai nạn gì, được nuôi dưỡng trong ba lâu đài như Yasa. Khi bậc Ðạo Sư đến Sàketa, ngài cùng với các cư sĩ khác đến tịnh xá nghe thuyết pháp. Sau khi xuất gia, ngài sống trong một hang động, trên bờ sông Ajakaranì. Tại đấy, ngài chứng quả A-la-hán. Sau đó ngài về thăm các bà con vì lòng từ mẫn và ở trong rừng Anjana. Khi các bà con yêu cầu ngài ở lại, vì lợi ích chung cho các bà con và cho ngài, ngài nói ngài ưa thích đời sống xuất gia và nói lên những bài kệ như sau, trước khi từ biệt các bà con:
518. Khi bậc trí thấy được,
Già chết là đau khổ,
Tại đấy, kẻ phàm phu,
Không thấy, chấp thủ khổ.
Sau khi liễu tri khổ,
Chánh niệm, tu thiền định,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.519. Khi đoạn tận được ái,
Ái đem khổ, độc hại,
Tạo hý luận trói buộc,
Ðẩy mạnh đến đau khổ,
Sau khi đoạn tận ái,
Chánh niệm, tu thiền định,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.520. Khi với tuệ, thấy được,
Con đường lành vô thượng,
Gồm hai lần bốn phần,
Tịnh trừ mọi phiền não,
Sau khi thấy với tuệ;
Chánh niệm tu thiền định,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.521. Khi tu tập con đường,
Không sầu, không cấu uế,
Vô vi, an tịnh đạo,
Tịnh trừ mọi phiền não,
Chặt trói buộc kiết sử,
Chánh niệm, tu thiền định,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.522. Khi trên trời vang rền,
Tiếng trống mây giông tố,
Khắp con đường chim bay,
Dòng mưa dày đặc đổ,
Tỷ-kheo đi đến hang,
Tu tập, ngồi thiền định,
Không tìm thấy lạc nào,
Ư u việt hơn lạc này.523. Khi trên những bờ sông,
Những vòng hoa rừng núi,
Nở lên và chói sáng,
Với nhiều màu nhiều sắc,
Với tâm tư thoải mái,
Ngồi thiền trên bờ sông,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.524. Khi nửa đêm, rừng vắng,
Trời đổ trận mưa rào,
Loài có ngà có nanh,
Ðang sống đang gầm thét,
Tỷ-kheo đến triền núi,
Ngồi yên lặng tọa thiền,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.525. Khi tầm tứ chế ngự
Giữa núi, trong hang động
Thoải mái tự ngồi thiền,
Không sợ không chướng ngại
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.526. Khi ngồi được hỷ lạc,
Không uế chướng, không sầu,
Không tù túng, thoát ái,
Không bị mũi tên đâm,
Mọi lậu hoặc chấm dứt,
Vị ấy ngồi tọa thiền,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.
(CCXXIII) Kàludàyin (Thera. 56)
Ngài sanh cùng ngày với đức Phật trong gia đình con vị Bộ trưởng của vua ở Kapilavatthu. Bảy vị cùng sanh một lần trong ngày, Vị Bồ-tát, cây Bồ-đề, mẹ của Ràhula và bốn vật báu: roi báu, con ngựa Kanthaka, Channa và Kàludàyin. Khi đến ngày đặt tên, ngài được gọi là Udàyin, và vì ngài da đen nên được gọi là Kàludàyin. Ngài lớn lên làm bạn trẻ đồng chơi với vị Bồ-tát. Rồi Thế Tôn xuất gia, giác ngộ, và ở tại Trúc Lâm (Veluvana), chuyển bánh xe Chánh pháp, vua Suddhodana nghe vậy, cử một vị Bộ Trưởng với một ngàn người tùy tùng, bảo đem con của vua về. Vị Bộ trưởng cùng cả ngàn tùy tùng, nghe đức Phật giảng và chứng quả A-la-hán. Ðức Phật đưa tay nói: 'Hãy đến, này các Tỷ-kheo'... và tất cả sống giữa các vị Hiền Thánh, không chuyển thông điệp của vua. Các vị sứ giả khác cũng lâm vào cảnh tương tự. Cuối cùng vua sai Kàludàyin với một ngàn người tùy tùng và Kàludàyin hứa thế nào cũng đưa vị Bồ-tát về dầu có xuất gia. Ngài đi đến nghe pháp, trở thành vị A-la-hán, nhớ đến sứ mạng của mình, chờ cho mùa mưa xong, khi trên con đường về, hoa đã trổ bông, ngài mới nói lên những bài kệ mời bậc Ðạo Sư về và tán thán vẻ đẹp cuộc hành trình:
527. Thế Tôn, nay là thời,
Các cây nở hoa đỏ,
Từ bỏ chòm lá cũ,
Tìm đến thời sai quả.
Chúng như ngọn lửa hừng,
Chói sáng và rực sáng,
Bạch đấng Ðại anh hùng,
Nay là thời hưởng vị.528. Những cây nở hoa đẹp,
Khắp phương tỏa hương thơm,
Bỏ lá, vọng sanh quả,
Nay là thời lên đường,
Từ bỏ địa phương này,
Kính thưa bậc Anh hùng.529. Không quá lạnh, quá nóng,
Thế Tôn thời tiết đẹp,
Hãy để hai dân tộc,
Thích-Ca, Ko-li-ya,
Nhìn Ngài mặt hướng Tây,
Vượt sông Ro-hi-ni.530. Trong hy vọng, ruộng cày,
Trong hy vọng, giống gieo,
Trong hy vọng, thương gia,
Vượt biển đem tiền về.
Hy vọng con kiên trì,
Mong con, hy vọng thành.531. Người tiếp tục gieo giống,
Trời lại tiếp tục mưa,
Người nông tiếp tục cày,
Thóc gạo tiếp tục đến,
Ðến nhiều cho quốc gia.532. Ăn xin tiếp tục xin,
Thí chủ tiếp tục cho,
Thí chủ tiếp tục cho
Tiếp tục lên Thiên giới.533. Bậc anh hùng tiếp tục,
Cho đến bảy thế hệ
Gia đình ấy được sanh,
Bậc trí tuệ rộng lớn,
Con nghĩ Ngài có thể,
Là Thiên chủ chư Thiên,
Trong Ngài đã được sanh,
Bậc ẩn sĩ chân danh.534. Phụ vương đại ẩn sĩ,
Tên gọi Tịnh Phạn vương,
Còn mẹ bậc Chánh giác,
Danh xưng là Ma-da,
Bà mang thai Bồ-tát,
Thân hoại, hưởng thiên giới.535. Gô-ta-mi, mạng chung,
Từ đấy, sau khi chết,
Ðược hưởng thọ đầy đủ,
Các dục lạc cõi trời,
Vui hưởng năm món dục,
Ðược Thiên nữ đoanh vây.
Rồi Thế Tôn được thỉnh mời, thấy rằng mình đi sẽ cứu độ cho nhiều người, nên đã ra đi với hai mươi ngàn vị A-la-hán, mỗi ngày đi bộ một do-tuần. Còn vị Trưởng lão, dùng thần thông đi đến Kapilavatthu trước mặt ông vua. Vua không biết ngài là ai, nên ngài mới xưng ngài là con vị Bộ Trưởng, được vua sai đi đến Thế Tôn và nói lên bài kệ:
536. Ta là con đức Phật,
Ngài thắng bậc bất thắng,
Bậc An-gi-ra-sa,
Bậc không ai sánh được,
Vua dòng họ Thích-ca,
Phụ thân của cha tôi,
Vua dòng Go-ta-ma
Là bậc Tổ phụ tôi,
Ðúng pháp là như vậy.
(CCXXXIV) Ekavihàriya (Tissa Kumàra) (Thera. 57)
Ngài sanh ra, sau khi đức Phật đã nhập Niết-bàn là con trai nhỏ nhất của vua Dhammàsoka. Vua Asoka, đến năm thứ 218 sau khi đức Phật nhập Niết-bàn, đã thống nhất toàn thể Ấn Ðộ trong một đế quốc. Vua phong em trai thứ ngài là Tissa làm Phó vương, và vận động em ngài ủng hộ cho Giáo hội.
Còn ngài trong khi đi săn thấy Trưởng lão Mahà Dhammarakkhita ngồi dưới gốc cây, cảm xúc rất mạnh, tự mình muốn sống trong rừng. Khi ngài chứng kiến Trưởng lão hiện thần thông, ngài trở về lâu đài, và nói với vua Asoka ngài muốn từ bỏ cuộc đời thế tục. Vua Asoka không thể làm ngài thay đổi sự quyết định của mình. Tha thiết sống đời sống một ẩn sĩ, ngài nói lên những bài kệ như sau:
537. Khi trước mặt sau lưng,
Không có một người nào,
Như vậy an lạc lớn,
Sống một mình trong rừng.538. Ta sẽ đi một mình,
Ðến ngôi rừng Phật khen,
Hưởng an lạc đã được,
Vị Tỷ-kheo thọ hưởng,
Nhờ sống đời tinh tấn,
Sống riêng chỉ một mình.539. Ta sẽ gấp vào rừng,
Một mình, sống lý tưởng,
Ngôi rừng được loài voi,
Cuồng loạn sống tự do,
Trú xứ đem hoan hỷ,
Cho ẩn sĩ thiền định.540. Trong ngôi rừng Sì-ta,
Với núi hang nước mát,
Sau khi rửa tay chân,
Ta kinh hành một mình.541. Sống một, không sống hai,
Trong rừng lớn đẹp đẽ,
Ta sẽ sống tại đấy,
Việc xong, không lậu hoặc.542. Như vậy, ta muốn làm,
Mong ước nguyện thành tựu,
Ta sẽ có lòng tin,
Không ai làm ai được.543. Ta cột áo giáp lại,
Sẽ vào trong rừng sâu,
Ta không ra khỏi rừng,
Nếu chưa đạt lậu tận.544. Trong khi gió nhẹ thổi,
Mát lạnh, thơm mùi hương,
Ta ngồi trên chỏm núi,
Ta sẽ phá vô minh.545. Trên tấm thảm hang động,
Trải đầy những hoa rừng,
Ta hưởng lạc giải thoát,
Tại vòng đai núi rừng.546. Chí nguyện ta viên mãn,
Giống như mặt trăng rằm.
Mọi lậu hoặc tận trừ,
Nay không còn tái sanh.
(CCXXXV) Mahà Kappina (Ma-ha Kiếp-tân-na) (Thera. 58)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở biên địa, tại thành phố tên Kukkuta, trong gia đình một vị vua và được đặt tên là Kappina. Khi phụ vương mất, ngài thừa tự ngôi vua với tên là Mahà-Kappina. Ðể tăng trưởng sự hiểu biết, ngài sai sứ giả mỗi buổi sáng đi ra khỏi bốn cửa thành, giữ lại các vị học giả và tin cho ngài biết. Thời ấy bậc Ðạo Sư đã ra đời và đang ở Sàvatthi. Các thương gia của thành phố Sàvatthi đem đồ đến Kukkutta bán, đem quà dâng vua. Vua hỏi tình hình ở Sàvatthi và dân chúng theo tôn giáo nào. Các thương gia thưa không trả lời cho vua được, vì chưa được súc miệng. Sau khi vua bảo đem nước súc miệng xong, các thương gia chấp tay và thưa: 'Ở đất nước chúng tôi, Phật báu đã ra đời'. Khi nghe nói đến chữ Phật, vua cảm thấy hân hoan thoải mái, bảo thương gia nói lại ba lần, và thưởng chúng một trăm ngàn đồng tiền vàng. Các thương gia cũng nói đến Pháp báu và Tăng báu, và vua tặng thưởng gấp ba lần. Rồi vua từ bỏ thế tục và xuất gia. Các vị Bộ trưởng cũng theo gương vua. Rồi tất cả cùng đi tìm đức Bổn Sư và đi đến sông Hằng. Rồi họ tuyên bố, nếu có bậc Ðạo Sư, có đức Phật tối thượng thời móng chân các con ngựa không bị thấm ướt! Rồi họ đi ngang qua con sông ấy và qua một con sông khác nữa, sông Candabhàgà.
Hôm ấy, bậc Ðạo Sư dậy sớm khi rạng đông, với lòng từ bi, dùng Phật nhãn xem xung quanh thế giới và thấy Mahà Kappina đã từ bỏ vương quốc và đi đến với một số tùy tùng lớn để xuất gia. Bậc Ðạo Sư trước hết đi vào Sàvatthi khất thực với một số Tỷ-kheo, rồi Ngài bay đến bờ sông Candabhàgà, và ngồi xuống kiết-già, đối diện với bến nước và phóng hào quang. Mahà Kappina và các tùy tùng thấy được các hào quang liền đến đảnh lễ đức Phật. Thế Tôn thuyết pháp cho họ và tất cả đều chứng quả A-la-hán. Và xin trở thành Sa-môn. Ðức Phật nói: 'Hãy đến, các Tỷ-kheo', và như vậy là lễ thọ giới của họ. Rồi Thế Tôn đem toàn thể về Jetavana ngang qua hư không.
Một hôm Thế Tôn hỏi Mahà Kappina có thuyết pháp cho đại chúng không, và khi được trả lời không. Thế Tôn cho gọi Mahà Kappina và khuyên Mahà Kappina thuyết pháp cho đại chúng. Mahà Kappina vâng lời dạy của Thế Tôn và trong buổi thuyết pháp đầu tiên độ cho hơn ngàn Sa-môn chứng quả A-la-hán. Rồi đức Phật xác nhận Mahà Kappina là vị thuyết pháp đệ nhất cho chúng Tăng.
Một hôm, ngài giảng cho các Tỷ-kheo-ni như sau:
547. Ai thấy sớm sự việc,
Trước khi sự việc đến,
Và biết được cả hai,
Có lợi hay có hại,
Thù hay bạn người ấy,
Không thấy được sơ hở,
Dầu quan sát kỹ càng.548. Với ai khéo tu tập,
Niệm thở vào thở ra,
Tiếp tục hành viên mãn,
Như lời Phật thuyết giảng,
Sẽ chói sáng đời này,
Như trăng thoát vùng mây.549. Tâm ta thật trắng bạch,
Vô lượng, khéo tu tập,
Thấu triệt, chế ngự vững,
Chói sáng khắp mọi phương.550. Bậc có tuệ vẫn sống,
Dầu tài sản kiệt tận,
Không có được trí tuệ,
Có tiền, như không sống.551. Tuệ phê phán điều nghe,
Tuệ tăng trưởng danh xưng,
Ở đời người có tuệ,
Ðược vui trong đau khổ.552. Pháp này thuộc hiện tại,
Không vi diệu hy hữu,
Ðâu có sanh, thì chết,
Ðây không gì hy hữu.553. Sanh đã không gián đoạn,
Sống có chết thường hằng,
Sanh sanh, chết tại đấy,
Pháp hữu tình là vậy.554. Ðiều lợi cho kẻ sống,
Không lợi cho kẻ chết,
Than khóc cho kẻ chết,
Không danh, không thanh tịnh,
Không được hàng Sa-môn,
Bà-la-môn tán thán.555. Than khóc hại thân, mắt,
Dung sắc, lực và trí,
Nếu tâm tư, hoan hỷ,
Các phương cũng hân hoan,
Dầu hạnh phúc đi tìm,
Không có gì an lạc.556. Do vậy các cư sĩ,
Muốn nhận trong gia đình,
Chỉ những người có trí,
Và những người nghe nhiều,
Với sức mạnh trí tuệ,
Họ làm tròn nhiệm vụ,
Như chiếc thuyền vượt qua,
Con sông nước tràn đầy.
(CCXXXVI) Cùla-Panthaka (Thera. 59)
Câu chuyện của ngài đã được kể trong chương VIII. Phần còn lại được kể trong tập sớ Cùlasetthi-Jàtaka. Trong một trường hợp khác ngài nói lên những bài kệ như sau:
557. Ta chậm chạp, tiến chậm,
Trước ta bị khinh miệt,
Anh ta đuổi ta đi:
Nay, ngươi hãy về nhà.558. Ta bị đuổi như vậy,
Tại cửa chính Tăng xá,
Sầu khổ, đứng tại đấy,
Vọng luyến lời Phật dạy.559. Tại đấy, Thế Tôn đến,
Ngài rờ trên đầu ta,
Với cánh tay, nắm ta,
Dắt ta vào Tăng xá.560. Ðạo Sư thương xót ta,
Cho ta khăn lau chân;
Hãy an trú tâm tư,
Vào vật thanh tịnh này.
Và ngồi xuống một bên,
Tâm tư khéo an trú.561. Ta nghe lời Ngài dạy,
Sống hân hoan Chánh pháp,
Ta thực hành thiền định,
Ðể đạt đích tối thượng.562. Ta biết được đời trước,
Thiên nhãn ta thanh tịnh,
Ba minh đã đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.563. Pan-tha-ka hóa hiện,
Dưới hàng ngàn hình thức,
Ngồi vườn xoài xinh đẹp,
Chờ đợi thời phát hiện.564. Rồi Ðạo Sư giữ ta,
Một sứ giả báo thời,
Ðúng thời được báo hiệu,
Ta đến, ngang hư không.565. Ðảnh lễ chân Ðạo Sư,
Một bên ta ngồi xuống.
Biết ta đã ngồi xuống,
Bậc Ðạo Sư chấp nhận.566. Bậc nhận đồ tế vật,
Cả toàn thể thế giới,
Là phước điền loài Người,
Ngài chấp nhận cúng dường.
(CCXXXVII) Kappa (Thera. 59)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong vương quốc Magadha, làm con một vua bản xứ, kế vị ngôi vua, nhưng rơi vào hưởng thụ các dục vọng. Khi bậc Ðạo Sư với lòng từ bi, nhìn thế giới để xem ai xứng đáng được cứu độ. Bậc Ðạo Sư thấy ngài, nghĩ rằng Kappa có thể tu tập quán bất tịnh, xuất gia và chứng quả A-la-hán. Thế Tôn đi trên hư không đến Kappa, và nói với ngài với những câu kệ như sau:
567. Ðầy nhiều loại uế vật,
Chỗ chưa còn phần uế,
Như vũng nước đọng lâu,
Ung nhọt vết thương lớn.563. Ðầy những máu và mủ,
Chìm đắm, trong hố phân,
Thân ứ nước rỉ chảy,
Luôn chảy nước bất tịnh.569. Trói bởi sáu mươi gân,
Trét dùng thịt làm hồ,
Mặc áo giáp bằng da,
Thân hôi thúi vô dụng.570. Nối thành dây xúc xương,
Cột lại với dây gân,
Do chúng nhiều hợp sức,
Tác thành những uy nghi.571. Thường tiến đến sự chết,
Ðến gần cảnh tử thần,
Ở đấy, bị quăng bỏ,
Con người đi theo dục.572. Thân bị vô minh che,
Trói bởi bốn trói buộc,
Thân chìm trong bộc lưu,
Mắc vào lưới tùy miên,573. Hệ lụy năm triền cái,
Ám ảnh bởi tâm tư,
Ði theo gốc khát ái,
Che trùm bởi màn si.574. Thân này luân chuyển vậy,
Dẫn đi bởi xe nghiệp,
Khi thành công, khi bại,
Chịu đựng nhiều ái sanh.575. Ai nghĩ 'thân của tôi',
Là phàm phu ngu muội,
Tăng mộ phần đáng sợ,
Chấp chặt sự tái sanh.576. Ai tránh né thân này,
Như tránh rắn dính phân,
Họ bỏ gốc sanh hữu,
Chứng Niết-bàn, vô lậu.
Kappa nghe lời dạy bậc Ðạo Sư, về thân phận các thân dưới nhiều hình ảnh, sợ hãi và nhàm chán thân mình, hốt hoảng xin xuất gia. Bậc Ðạo Sư giao cho một Tỷ-kheo làm lễ xuất gia. Kappa nhận mười đề tài tu tập và chứng quả A-la-hán. Ngài đi đến bậc Ðạo Sư, đảnh lễ, ngồi xuống một bên và nói lên chánh trí của mình với những bài kệ trên. Do vậy các bài kệ này trở thành bài kệ của ngài.
(CCXXXVIII) Upasena, Con Của Vanganta (Thera. 60)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở làng Nàlaka, làm con của nữ Bà-la-môn Rùpasàrì và đặt tên là Upasena (anh của Sàriputta). Khi đến tuổi trưởng thành và học ba tập Vệ-đà. Ngài xuất gia sau khi nghe đức Phật thuyết pháp. Sau một năm thọ giới, ngài nghĩ làm tăng trưởng hột giống Thánh chủng, độ cho một Tỷ-kheo và với Tỷ-kheo này, ngài đi đến bậc Ðạo Sư, bậc Ðạo Sư nghe được việc này, chỉ trích cử chỉ hấp tấp của ngài. Rồi Upasena suy nghĩ: 'Nếu nay, vì có một đệ tử, ta bị bậc Ðạo Sư quở trách. Nay cũng nhân lý do này, ta sẽ được Ðạo Sư tán thán'. Rồi tu tập thiền quán. Ngài chứng được quả A-la-hán. Ngài chấp nhận lối sống hạnh đầu đà và khuyên các vị khác thực hành theo, và lời khuyên của ngài rất có kết quả khiến cho Thế Tôn chấp nhận ngài là đệ tử rất được nhiều người biết đến.
Một Tỷ-kheo hỏi ngài cần phải làm gì khác khi các Tỷ-kheo ở Kosambi tranh cãi nhau và có nạn phá hòa hợp Tăng. Upasena dạy Tỷ-kheo ấy như sau:
577. Xứ viễn ly, không ồn,
Chỗ thú rừng thường trú,
Tỷ-kheo dọn sàng tọa,
Tu học hạnh tịnh cư.578. Từ những đống rác rưới,
Từ một phần, xa lộ,
Làm Y Tăng-già-lê,
Mang áo cũ sờn mòn.579. Với tâm tư hạ mình,
Tiếp tục đi từng nhà,
Tỷ-kheo sống khất thực,
Căn hộ, khéo chế ngự.580. Bằng lòng món ăn thô,
Không tìm nhiều vị khác;
Nếu tham đắm các vị,
Ý không vui tu thiền.581. Ít dục và biết đủ,
Ẩn sĩ sống viễn ly,
Không thân cận cả hai,
Tại gia và xuất gia.582. Như kẻ ngu, người câm,
Hãy tỏ mình như vậy,
Bậc trí giữa chúng Tăng,
Chớ có giảng quá dài.383. Chớ có chỉ trích ai,
Hãy tránh làm hại ai,
Chế ngự trong giới bổn,
Tiết độ trong ăn uống.584. Khéo nắm giữ các tướng,
Thiện xảo tâm diễn khởi,
Chú tâm vào tịnh chỉ,
Ðúng thời tu thiền quán.585. Ðủ tinh tấn nhẫn nại,
Luôn chuyên chú bổn phận,
Chưa đạt được khổ diệt,
Kẻ trí tin tưởng tiến.586. Tỷ-kheo muốn thanh tịnh,
Sống nếp sống như vậy,
Mọi lậu hoặc đoạn tận,
Chứng được tối tịch tịnh.
Như vậy vị Trưởng lão, trong khi giảng dạy vị Tỷ-kheo, nêu rõ quả chứng của mình và nói lên chánh trí.
(CCXXXIX) Gotama (Thera. 61)
Sanh ở Sàvatthi trước khi đức Phật ra đời, trong một gia đình Bà-la-môn từ Udicca. Ngài lớn lên, rất giỏi các tập Vệ đà và là một vị hùng biện vô địch.
Rồi Thế Tôn ra đời, chuyển bánh xe pháp sau khi hóa độ Yasa với các người bạn, đã đi đến Sàvatthi theo lời mời khẩn thiết của Anàthapindika (Cấp-cô-độc) Bà-la-môn Gotama thấy Thế Tôn, nghe pháp và xin xuất gia. Theo chỉ giáo của bậc Ðạo Sư, ngài được một Tỷ-kheo độ cho xuất gia, và được chứng quả A-la-hán trong khi đang cạo tóc. Sau khi sống một thời gian dài ở nước Kosala, ngài trở về Sàvatthi. Nhiều bà con của ngài, một số Bà-la-môn nổi tiếng đến viếng ngài và hỏi ngài những giáo lý chỉ đạo nào là phổ thông mà ngài nghĩ là cần phải thực hành. Ngài nói với họ như sau:
587. Hãy biết hạnh phúc mình,
Quan sát lời nghe giảng,
Ðây cái gì thích hợp,
Sa-môn hạnh mình theo.588. Bạn kẻ thiện trong đạo,
Hành học pháp rộng lớn,
Khéo nghe bậc Ðạo Sư,
Ðây hợp Sa-môn hạnh.589. Với tâm kính chư Phật,
Trọng Chánh pháp như thật,
Và mến quý chư Tăng,
Ðây hợp Sa-môn đạo.590. Giữ uy nghi, đi lại,
Mạng sống tịnh, không chê,
Tư tưởng khéo ổn định,
Ðây hợp Sa-môn đạo.591. Ðiều làm hay không làm,
Uy nghi được ái kính,
An trú tăng thượng tâm,
Ðây hợp Sa-môn đạo.592. Sàng tọa tại rừng núi,
Xa vắng ít ồn ào,
Thân cận bậc Mâu-ni,
Ðây hợp Sa-môn đạo593. Giới hạnh và học nhiều,
Như thật nghiên cứu pháp,
Thiền quán những sự thật,
Ðây hợp Sa-môn đạo.594. Tu quán trên vô thường,
Tưởng vô ngã, bất tịnh,
Không ưa thích tục sự,
Ðây hợp Sa-môn đạo.595. Tu tập các Giác chi,
Thần túc, căn là lực,
Thu Chánh đạo Tám ngành,
Ðây hợp Sa-môn đạo.596. Mâu-ni bỏ khát ái,
Ðập tan gốc lậu hoặc,
Hãy an trú giải thoát,
Ðây hợp Sa-môn đạo.
Như vậy, ngài tán thán các hạnh thích hợp với đời sống một ẩn sĩ, đề cao khả năng của Tăng chúng, và chỉ rõ sự bất lực của một ẩn sĩ không theo Chánh pháp.
Rồi các Bà-la-môn ấy hoàn toàn chấp nhận giới luật, được an trú trong Chánh pháp.
(CCXL) Sankicca (Thera. 62)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình Bà-la-môn nổi tiếng. Mẹ ngài chết khi sanh ngài, và ngài được cứu sống, chưa bị đốt cháy trên giàn hỏa. Vì rằng sự sống của một hữu tình trong đời sống cuối cùng không thể chết được, trước khi chứng quả A-la-hán, dầu cho có rơi từ núi Sineru (Tu-di). Khi lên bảy tuổi, được nghe mẹ ngài chết khi sanh ngài; ngài cảm thấy xúc động và phát nguyện xuất gia. Ngài được đưa tới gặp Tôn giả Sàriputta, và ngài chứng được quả A-la-hán, khi tóc ngài đang bị cạo. Ngài dâng đời sống ngài cho các tên cướp như thế nào để ba ngàn Tỷ-kheo được nói đến trong tập sớ Dhammapàla.
Rồi một cư sĩ muốn hầu hạ ngài, yêu cầu ngài sống gần chỗ vị ấy đang ở, nói như sau:
597. Lợi ích ngài là gì,
Ở rừng sâu, mùa mưa,
Như U-ju-hà-na,
Hỡi này ngài thân mến!
Hang gió đẹp cho ngài,
Sống một mình, tu thiền.
Rồi vị Trưởng lão, để nêu rõ vẻ đẹp của núi rừng và sự thật khác, trả lời như sau:
598. Như gió mùa thổi mây,
Trong thời tiết mùa mưa,
Tưởng ta bay tràn khắp,
Tưởng dung hòa viễn ly.599. Quạ đen, từ trứng sinh,
Lấy nghĩa địa làm nhà,
Khiến ta khởi lên niệm,
Viễn ly đối với thân.600. Người kẻ khác không hộ,
Người không hộ kẻ khác,
Tỷ-kheo, sống an lạc,
Không kỳ vọng các dục.601. Tảng đá có nước trong,
Chỗ hội họp quy tụ,
Các loài vượn mặt đen,
Các loài nai nhút nhát,
Dưới màn hoa nước chảy,
Tảng đá ấy ta thích.602. Ta sống trong rừng núi,
Trong hang động khe đá,
Tại trú xứ xa vắng,
Chỗ thú rừng qua lại.603. Hãy hại chúng, giết chúng!.
Hãy làm khổ hữu tình,
Ta không biết niệm ấy,
Phi Thánh liên hệ sân,
Ðạo Sư, ta hầu hạ,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đặt xuống thấp,
Gốc sanh hữu, nhổ sạch.604. Vì đích gì, xuất gia,
Bỏ nhà sống không nhà,
Mục đích ấy, ta đạt,
Mọi kiết sử tận diệt.605. Ta không thích thú chết,
Ta không thích thú sống,
Ta chờ thời gian đến,
Như thợ làm việc xong.606. Ta không thích thú chết,
Ta không thích thú sống,
Ta chờ thời gian đến,
Tỉnh giác, giữa chánh niệm.
(CCXLI) Sìlavat (Thera. 63)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con của vua Bimbisàra (Tần-bà-ta-la), và được đặt tên là Sìlavat. Khi đến tuổi trưởng thành, anh ngài là Ajàtasattu làm vua, muốn giết ngài, nhưng không giết được, vì ngài sống đời sống cuối cùng và chưa chứng quả A-la-hán. Rồi Thế Tôn, biết sự việc đã xảy ra bảo Mahà Maggallàna đi mời ngài đến. Hoàng tử Sìlavat xuống voi, thích nghi giáo lý với tâm tánh của ngài, ngài khởi lòng tin, xuất gia, và sau một thời gian, chứng quả A-la-hán. Rồi ngài ở Kosala, và khi Ajàtasattu sai những người đến giết ngài, ngài dạy cho những người ấy, hóa độ và những người ấy xuất gia học đạo. Và ngài giảng cho họ như sau:
608. Ở đây hãy học giới,
Khéo học tập ở đời,
Giới thành đạt toàn diện,
Ðưa đến mọi thành công.609. Bậc trí hãy hộ giới,
Nếu kỳ vọng ba lạc,
Ðược danh xưng tài sản,
Sau chết, hưởng thiên lạc.610. Người trì giới, tự chế,
Ðược nhiều người bạn tốt,
Kẻ ác giới, hành ác,
Mất mát các bạn bè.611. Người ác giới chỉ được,
Ác danh, không tài sản,
Bậc trì giới luôn được
Khen danh xưng, tán thán.612. Khởi đầu, an trú giới,
Giới là mẹ thiện pháp,
Giới đứng đầu mọi pháp,
Vậy hãy trong sạch giới.613. Giới hạn chế, phòng ngự,
Làm sáng chói tâm tư,
Là đầu bến chư Phật,
Vậy hãy trong sạch giới614. Giới sức mạnh vô song,
Giới, binh khí tối thượng,
Giới, trang sức đệ nhất,
Giới áo giáp hy hữu.615. Giới, đầu cầu cường dại,
Giới, hương thơm vô thượng,
Giới, hương thoa đệ nhất,
Nhờ giới, bay bốn phương.616. Giới, tư lương cao nhất,
Giới, hành trang tối thượng,
Giới vận tải, đệ nhất,
Nhờ giới, đi bốn phương.617. Ðây, kẻ xấu bị trách,
Sau chết sanh đọa xứ,
Kẻ ngu không định giới,
Ưu tư khắp các chỗ.618. Ðây bậc tốt được khen,
Sau chết sanh thoát giải,
Kẻ trí khéo định giới,
Hân hoan, khắp các chỗ.619. Ở đây, giới tối cao,
Nhưng trí tuệ, tối thượng,
Giữa loài Người, loài Trời,
Bậc giới tuệ thắng lợi.
(CCXLII) Sunìta (Thera. 63)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình đổ rác, và sống với nghề đi quét đường, không đủ tiền để sống khỏi đói. Trong canh một Thế Tôn khởi lòng từ mẫn nhìn khắp thế giới và thấy trong tâm của Sunìta, có đủ điều kiện để chứng quả A-la-hán, chói sáng như ngọn đèn trong cái ghè. Khi trời đã mới sáng, Thế Tôn dậy, đắp y cầm y bát, với một số Tỷ-kheo tùy tùng, đi đến Vương Xá để khất thực và tìm đến con đường Sunìta đang quét dọn. Sunìta đang quét các đống rác gom lại từng đống, đổ vào thúng rồi gánh mang đi. Khi ngài thấy bậc Ðạo Sư đi đến với đoàn tùy tùng, ngài cảm thấy hoan hỷ xúc động không tìm được chỗ để ẩn núp, ngài đứng sát như mắc dính vào vách tường và chấp tay vái chào. Khi đức Bổn Sư đến gần, đức Phật với lời rất dịu ngọt hỏi ngài sao cam phận sống đời sống khổ sở như vậy, và có thể xuất gia được không? Ngài hoan hỷ chấp nhận và được đức Phật độ cho xuất gia với câu: 'Hãy đến này các Tỷ-kheo!'. Bậc Ðạo Sư đưa ngài về tịnh xá, dạy cho ngài một phương pháp thiền quán. Ngài chứng được tám thiền chứng và năm thắng trí. Phát triển thiền quán, ngài chứng được thắng trí thứ sáu. Rồi Sakka và các Phạm thiên đến đảnh lễ ngài đã được ghi như sau:
Rồi bảy trăm chư Thiên,
Huy hoàng đi đến gần,
Tùy tùng đấng Phạm Thiên,
Và Thiên chủ Ðế Thích,
Họ sung sướng đảnh lễ,
Trưởng lão Sunìta,
Bậc chiến thắng cao sang,
Vượt qua già và chết!
Thế Tôn thấy ngài được chư Thiên đoanh vây, Thế Tôn mỉm cười và khen ngài, thuyết giảng cho ngài với câu kệ: 'Với giới sống Phạm hạnh' (kệ số 631). Rồi nhiều Tỷ-kheo, muốn rống tiếng con sư tử hỏi ngài sanh ra từ gia đình nào, vì sao lại xuất gia, làm thế nào để chứng quả, ngài trả lời cho họ với những bài kệ như sau:
620. Ta sanh nhà hạ tiện,
Nghèo khổ không đủ ăn,
Nghề ta rất hèn hạ,
Ta kẻ quét hoa rơi.621. Ta bị người nhàm chán,
Miệt thị và khinh bỉ,
Hạ mình xuống thật thấp,
Ta kính lễ quần chúng.622. Rồi ta thấy đức Phật,
Thượng thủ chúng Tỷ-kheo,
Bậc Ðại Hùng vào thành,
Magadha tối thượng.623. Ta quăng bỏ đòn gánh,
Ðến gần để đảnh lễ,
Với lòng thương xót ta,
Bậc Thượng nhân đứng lại.624. Lễ chân Ðạo Sư xong,
Ta đứng liền một bên,
Ta xin được xuất gia,
Bậc tối thượng mọi loài.
Bậc Ðạo Sư từ bi,
Từ mẫn khắp thế giới,
Nói: 'Hãy đến Tỷ-kheo',
Ðại giới, ta thọ vậy.
Rồi ta sống trong rừng,
Một mình không biếng nhác,
Ta theo lời Ðạo Sư,
Như bậc chiến thắng dạy.
Trong đêm canh thứ nhất,
Ta nhớ các đời trước,
Trong đêm canh chặng giữa,
Thiên nhãn ta thanh tịnh,
Trong đêm canh cuối cùng,
Ta phá khối si ám.
Khi đêm vừa mở rộng,
Rạng đông, trời ló rạng,
Ðế Thích, Phạm Thiên đến,
Chấp tay đảnh lễ ta,
Ðảnh lễ bậc Thượng sanh!
Ðảnh lễ bậc Thượng nhân!
Ngài đoạn tận lậu hoặc,
Ngài xứng đáng cúng dường.
Bậc Ðạo Sư thấy ta,
Ðứng đầu chúng chư Thiên,
Nở ra một nụ cười,
Nói với ta nghĩa này.
Nhờ khổ hạnh, Phạm hạnh,
Nhờ tự chế, điều phục,
Nhờ vậy, là Phạm chí,
Ðây, Phạm chí tối thượng.
(CCXLIII) Sona-Kolivisa (Thera. 65)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại Campà, trong gia đình một hội viên của Hội đồng thành phố nổi tiếng. Từ khi ngài sắp được sanh, tài sản lớn của phụ thân được tăng trưởng, và khi ngài được sanh, cả thành phố tổ chức hội lễ lớn. Vì ngài bố thí cúng dường cho một vị Ðộc giác Phật trong đời trước, nên đời này ngài có một thân hình như bằng vàng mịn và đặc biệt mềm mại, và ngài được gọi là Sona (vàng). Dưới chân và trên bàn tay của ngài có lông mịn màu vàng mọc lên, và ngài được nuôi dưỡng trong giàu sang xa hoa, có đến ba tòa lâu đài thích hợp cho từng mùa.
Khi bậc Ðạo Sư giác ngộ và chuyển bánh xe Pháp ở Ràjagaha (Vương Xá). Vua Bimbisàra cho mời Sona đến, ngài đến với một số đông tùy tùng, nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, khởi lòng tin và được phép cha mẹ cho xuất gia. Ngài nhận từ bậc Ðạo Sư một đề tài tu tập, nhưng không thể định tâm vì có liên lạc với đông người khi sống ở trong rừng. Ngài nghĩ rằng thân ngài quá được cung dưỡng để đạt được hạnh phúc, và đời sống ẩn sĩ làm thân mệt mỏi, ngài vượt lên trên những đau đớn vì chân ngài bị sưng khi ngài tập đi kinh hành, nhưng dầu ngài hết sức tinh tấn, ngài chưa thành đạt được quả chứng. Ngài nghĩ: ‘Ta không thể thành đạt con đường và quả vị thì sống xuất gia để làm gì? Tốt hơn ta hoàn tục và làm các công đức!'. Thế Tôn biết được tâm tư ngài, dạy cho ngài bài học của cây đàn, phải làm lắng dịu nhiệt lực với tu tập tịnh chỉ. Ðược chỉ dạy, ngài đi đến núi Linh Thứu và sau một thời gian, ngài chứng quả A-la-hán. Suy nghĩ trên thành tựu của mình, ngài tuyên bố chánh trí ngài như sau:
632. Người xưa, cao trong nước,
Phục vụ vua Ăng-ga,
Nay lại cao trong pháp,
So-na vượt đau khổ.633. Năm được cắt, năm bỏ,
Năm thượng pháp tu tập,
Tỷ-kheo vượt năm gút,
Ðược gọi vượt bộc lưu.634. Tỷ-kheo tánh kiêu ngoa,
Phóng dật, ưa vị ngoài,
Giới, thiền định, trí tuệ,
Không đi đến viên mãn.635. Việc phải làm, quăng bỏ,
Không phải việc, lại làm,
Kẻ kiêu ngoa phóng dật,
Lậu hoặc được tăng trưởng.636. Những ai khéo tinh cần,
Thường tu tập niệm thân,
Không phải việc, không làm,
Kiên trì việc nên làm.
Bậc chánh niệm tỉnh giác,
Lậu hoăc đi đến diệt.637. Trên đường thẳng được thuyết,
Hãy bước, chớ quanh co,
Hãy tự mình trách mình,
Hãy đem Niết-bàn lại,638. Khi tinh cần nỗ lực,
Căng thẳng, vượt mức độ,
Thế gian, Vô Thượng Sư,
Dùng ví dụ chiếc đàn,
Bậc pháp nhãn, có mắt,
Ngài thuyết pháp cho ta.639. Ta nghe lời Ngài giảng,
Lạc trú lời giảng dạy,
Bình tĩnh, ta thực hành,
Ðể đạt đích tối thượng,
Ba minh ta đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.640. Ai chuyên nhất xuất ly,
Tâm tư hướng viễn ly,
Ai chuyên nhất vô sân,
Diệt trừ các chấp thủ.641. Ai chuyên nhất ái diệt,
Tâm tư không si mê,
Thấy sanh khởi các xứ,
Tâm được khéo giải thoát.642. Vị Tỷ-kheo tâm tịnh,
Ðược giải thoát chơn chánh,
Không chất chứa việc làm,
Ðiều phải làm không có.643. Như một hòn đá tảng,
Không bị gió lay động,
Cũng vậy toàn bộ phận,
Sắc, vị, thanh, hương, xúc.644. Pháp ái bất khả ái,
Không động, người như vậy,
Tâm trú, không hệ lụy,
Tùy quán, sự hoại diệt.
(CCXLIV) Revata (Thera. 67)
Các bài kệ của vị Trưởng lão này đã được đề cập trong phẩm một các bài kệ trước (XLII). Khi đến già, một hôm ngài đi đến yết kiến đức Phật và trú ở Sàvatthi, trong một ngôi rừng. Cảnh sát đến, đuổi bắt kẻ trộm, kẻ trộm quăng đồ ăn trộm gần ngài rồi bỏ chạy, các cảnh sát chạy đến, thấy đồ ăn trộm, liền bắt ngài dẫn đến vua Pasenadi. Vua truyền thả ngài và hỏi có phải ngài đã lấy trộm đồ? Ngài thuyết pháp nói lên sự kiện ngài không có thể làm một sự việc như vậy và nói những bài kệ như sau:
645. Từ khi xa xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Ta không biết tư duy,
Phi thánh, liên hệ sân.646. Hay làm hại, sát hại,
Hay làm khổ hữu tình,
Ta không biết tư duy,
Trong thời gian dài này.647. Và ta biết lòng từ,
Vô lượng khéo tu tập,
Ta thứ lớp tích lũy,
Như lời đức Phật dạy.648. Là bạn thân tất cả,
Từ mẫn mọi hữu tình,
Ta tu tập tâm từ,
Luôn vui, không sân hận.649. Ta thích thú với tâm,
Không động, không dao động,
Ta tu tập Phạm trú,
Ðược bậc thiện hành trì.650. Ta đạt được vô tầm,
Ðệ tử bậc Chánh giác,
Với im lặng bậc Thánh,
Ta trực diện đạt được.651. Như núi đá không động,
Ðứng vững khéo an trú,
Cũng vậy là Tỷ-kheo,
Ðạt được si mê diệt,
Vị ấy như ngọn núi,
Không gì làm dao động.652. Con người không uế nhiễm,
Luôn tìm sự trong sạch,
Tội nhẹ như đầu tóc,
Xem nặng như mây khói.653. Như thành trì biên địa,
Phòng hộ cả trong ngoài,
Hãy phòng hộ tự ngã,
Sát-na không bỏ qua.654. Ta không thích thú chết,
Ta không thích thú sống,
Ta chờ thời gian đến,
Như thợ làm việc xong.655. Ta không thích thú chết,
Ta không thích thú sống,
Ta chờ thời gian đến,
Tỉnh giác, giữ chánh niệm.656. Ðạo Sư, ta hầu hạ,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng, đặt xuống thấp,
Gốc sanh hữu, nhổ sạch.657. Vì đích gì xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Mục đích ấy, ta đạt,
Mọi kiết sử diệt tận.658. Nỗ lực, chớ phóng dật,
Ðấy lời ta giáo giới,
Ta sẽ nhập Niết-bàn,
Ta thoát mọi sanh y.
(CCXLV) Godatta (Thera. 67)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình lữ hành và đặt tên là Godatta. Sau khi cha chết, ngài sắp đặt nhà cửa, đem theo năm trăm cỗ xe hàng hóa, đi chỗ này chỗ khác, sống bằng nghề buôn bán. Một hôm, một con bò ngã qụy xuống đường, trong khi kéo xe, và các người làm công của ngài không thể đỡ con bò đứng dậy được, ngài tự đi đến đánh con bò rất nặng. Con bò tức giận vì sự tàn bạo của ngài nói lên giọng người: 'Này Godatta, đã lâu ta đem tất cả sức lực ta kéo gánh nặng cho ông, nhưng nay ta không đủ sức kéo nên phải ngã quỵ xuống, ông đánh đập ta tàn nhẫn. Vậy chỗ nào ông tái sanh, ta cũng sẽ sanh làm kẻ thù của ông để làm hại ông!'. Ngài nghe vậy rất lấy làm xúc động, tự nghĩ: 'Sao lại sống làm hại các loài hữu tình như vậy?' Rồi ngài từ bỏ tất cả tài sản, xin xuất gia với một vị Trưởng lão, và sau một thời gian chứng quả A-la-hán.
Một hôm, khi ngài đang hưởng thọ sự an lạc giải thoát, ngài thuyết pháp cho chúng xuất gia và tại gia về các pháp thế gian:
659. Như con bò giống tốt,
Ðược huấn luyện tốt đẹp,
Bị cột vào gánh nặng,
Mang gánh nặng kéo đi,
Bị áp đè quá nặng,
Không lật đổ gánh nặng.660. Cũng vậy, ai nhiều tuệ,
Như nước ở trong biển,
Không khinh miệt người khác,
Thánh pháp là như vậy,
Ðối với các hữu tình.661. Sống trong vòng thời gian,
Bị thời gian hàng phục,
Hữu, phi hữu chi phối,
Loài Người chịu đau khổ,
Con cháu họ sầu ưu,
Chính ngay trong đời này.662. Hân hoan, khi được lạc,
Gặp khổ lại chán chường,
Kẻ ngu bị não hại,
Chi phối cả hai đường,
Không thấy được như thật.663. Những ai giữa khổ lạc,
Người dệt không chi phối,
Ðứng vững như cột cửa,
Không hân hoan chán chường664. Ðối với được hay mất,
Với danh với không danh,
Ðối với chê hay khen,
Với khổ hay với lạc.665. Chúng tôi dính chỗ nào,
Như giọt nước trên sen,
Bậc anh hùng mọi chỗ,
Ðược lạc, không bị bại.666. Người đúng pháp không được,
Người được, không đúng pháp,
Ðúng pháp nhưng không được,
Hơn được không đúng pháp.667. Người có danh, ít trí
Người có trí, không danh,
Không danh nhưng có trí,
Hơn ít trí, có danh.668. Ðược khen bởi kẻ ngu,
Bị chê bởi kẻ trí,
Ðược kẻ trí chê bai,
Hơn được người ngu khen.669. Lạc do dục đem lại,
Khổ do viễn ly sanh,
Khổ do viễn ly sanh
Hơn lạc do dục sanh.670. Làm phi pháp để sống,
Làm đúng pháp, có chết,
Làm đúng pháp, có chết,
Hơn sống, làm phi pháp.671. Ai đoạn dục phẫn nộ,
Tâm tịnh hữu, phi hữu
Sống ở đời, không ái,
Không thương yêu ghét bỏ.672. Sau khi tu Giác chi,
Các căn và các lực,
Ðạt tịch tịnh tối thắng,
Chứng Niết-bàn vô lậu.
(CCXLVI) Anna-Kondanna (Thera. 69)
Sanh trước Thế Tôn tại làng Donavatthu, không xa Kapilavatthu bao nhiêu, trong một gia đình Bà-la-môn rất giàu có, ngài được gọi với tên gia tộc là Kondanna. Lớn lên, ngài biết ba tập Vệ-đà và giỏi về đoán tướng. Khi bậc Bồ-tát mới sanh, ngài là một trong tám vị Bà-la-môn được mời đến đoán tướng. Dầu ngài mới học nghề, ngài thấy các tướng của bậc Ðại nhân trên đứa bé và nói, vị này sau sẽ thành Phật. Rồi ngài sống, chờ đợi vị Bồ-tát xuất gia. Khi vị Bồ-tát xuất gia, lúc hai mươi chín tuổi, Kondanna được nghe tin, liền xuất gia với bốn vị Bà-la-môn đoán tướng khác, như Vappa v.v... và trong sáu năm sống ở Uruvelà, gần vị Bồ-tát, khi vị Bồ-tát đang tu khổ hạnh. Lúc vị Bồ-tát không tu khổ hạnh nữa, các vị này chán chường bỏ đi đến Isipatana (chư Tiên đọa xứ). Rồi đức Phật đến Isipatana, thuyết kinh Chuyển Pháp Luân cho họ, và Kondanna cùng hàng vạn Phạm Thiên chúng chứng được Sơ quả. Ðến ngày thứ năm, nhờ bài kinh 'Vô Ngã Tướng', Kondanna chứng quả A-la-hán. Bậc Ðạo Sư trong buổi họp Tăng chúng ở tinh xá Kỳ Viên, đã xác chứng ngài là bậc Ðệ nhất trong các hàng Tăng chúng Tỷ-kheo (Xem. Ang. i. 26). Và trong một trường hợp khi Kondanna giảng về Bốn sự thật, đề cập đến ba tướng: Vô thường, Khổ, Vô ngã, với những phương pháp sai biệt, dựa trên Niết-bàn và giảng với sự lưu loát của đức Phật. Bài giảng ảnh hưởng mạnh mẽ đến Sakka (Ðế Thích) khiến vị này thốt lên những bài kệ:
673. Ta bội phần hân hoan,
Ðược nghe pháp vị lớn,
Pháp được giảng ly tham,
Hoàn toàn không chấp thủ.
Trong một trường hợp khác, thấy tâm tư của một số người còn bị chi phối nặng nề bởi tà kiến, nên ngài nói lên bài kệ như sau:
674. Trên thế giới đất tròn,
Nhiều màu sắc hình tướng,
Làm say đắm tâm tư,
Ta nghĩ là như vậy,
Tướng tịnh rất hấp dẫn,
Liên hệ đến tham dục.675. Như gió thổi tung bụi,
Ðược mây trấn áp xuống,
Các tư duy lắng dịu,
Khi thấy, với trí tuệ.676. Mọi hành là vô thường
Khi thấy với trí tuệ,
Vị ấy nhàm chán khổ,
Ðây con đường đến tịnh.677. Mọi hành là đau khổ,
Khi thấy với trí tuệ,
Vị ấy nhàm chán khổ,
Ðây con đường đến tịnh.678. Mọi pháp là vô ngã,
Khi thấy với trí tuệ,
Vị ấy nhàm chán khổ,
Ðây con đường đến tịnh.
Rồi ngài nêu rõ, ngài đã chứng được thiền quán ấy, và nói lên chánh trí, ngài nói rằng:
679. Trưởng lão Kondanna,
Giác ngộ bởi giác ngộ,
Ðã sắc bén thoát ly,
Ðoạn tận sanh và chết,
Và đời sống Phạm hạnh,
Ðược hoàn toàn viên mãn.680. Hoặc bộc lưu, bẫy mồi,
Hoặc cột trụ vững chắc,
Ngọn núi khó phá hoại,
Sau khi chặt phá xong,
Cột trụ và bẫy mồi,
Chặt tảng đá khó phá,
Hành thiền, vượt bờ kia,
Thoát khỏi Ma trói buộc.681. Tỷ-kheo hoảng hốt động,
Ði đến các bạn ác,
Chìm trong bộc lưu lớn,
Bị sóng lớn ngập tràn.682. Bậc trí không hoảng hốt,
Không dao động, thận trọng,
Các căn khéo chế ngự,
Làm bạn với kẻ thiện,
Bậc trí tuệ như vậy,
Có thể đoạn đau khổ.683. Một người đen, gầy mòn,
Yếu ốm, đầy đường gân,
Tiết độ trong ăn uống,
Tâm tư không ưa não.683. Trong rừng núi rộng lớn,
Bị muỗi ruồi đốt cắn,
Như con voi lâm trận,
Ta chánh niệm, chịu đựng.684. Ta không thích thú chết,
Ta không thích thú sống,
Ta chờ thời gian đến,
Như thợ làm việc xong.685. Ta không thích thú chết,
Ta không thích thú sống,
Ta chờ thời gian đến,
Tỉnh giác, giữ chánh niệm.686. Ðạo Sư, ta hầu hạ,
Lời Phật dạy, làm xong,
Gánh nặng, đặt xuống thấp,
Gốc sanh hữu, nhổ sạch.687. Vì mục đích xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Mục đích ấy, ta đạt,
Ta cần gì ở rừng.
(CCXLVII) Udàyin (Thera. 69)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Kapilavatthu, trong một gia đình Bà-la-môn. Ngài thấy được uy lực của đức Phật khi đức Phật thăm gia đình ngài. Ngài khởi lòng tin, xuất gia và sau một thời gian, ngài thành bậc A-la-hán. Nay có đến ba vị Trưởng lão Udàyin: con một Bộ trưởng, tên là Kàludàyin (xem CCXXXIII), vị Bà-la-môn này và Ðại Udàyin. Khi kinh Ví dụ con voi được thuyết giảng, trong kinh này, con voi Sela của vua Pasenadi được tán thán, ngài Udàyin này cảm thấy phấn khởi khi nghĩ đến đức Phật, nghĩ rằng các người này chỉ tán thán một con vật, còn ta sẽ tán thán các đức tánh tốt đẹp của một con voi tuyệt diệu, tức là đức Phật. Rồi Ngài nói lên những bài kệ như sau:
689. Ðức Phật, sanh làm người,
Tự điều phục thiền định,
Uy nghi Phạm thiên đạo,
Hoan hỷ trong tâm tịnh.690. Loài người đảnh lễ Ngài,
Bậc đạt được bờ kia,
Ðối với hết thảy pháp,
Chư Thiên đảnh lễ Ngài,
Như vậy ta được nghe,
Ta là A-la-hán.691. Vượt qua mọi kiết sử,
Từ rừng đến Niết-bàn,
Vui thoát ly các dục,
Như vàng thoát khoáng sản.692. Vị ấy thật như voi,
Tuyệt luân đẹp rực rỡ
Ðứng trên đỉnh núi cao
Dãy trường sơn Hi-mã,
Trong mọi danh Nàga,
Ngài chân danh Vô thượng.693. Rồi ta sẽ tán thán,
Nàga này cho người,
Nàga không làm ác,
Nên được gọi Nàga,
Từ tốn, không làm hại,
Là hai chân Nàga.694. Chánh niệm và tỉnh giác,
Hai chân khác Nàga,
Voi Nàga là tín,
Ngà màu trắng là xả695. Chánh niệm là cổ họng,
Trí tuệ chỉ cho đầu,
Suy tầm với cái vòi,
Chỉ cho tư duy pháp.
Hòa trú là bụng pháp,
Viễn ly ví đuôi voi.696. Tu thiền, thở vô lạc,
Nội tâm, khéo định tỉnh,
Nàga đi, định tỉnh,
Nàga đứng, định tỉnh.697. Nàga nằm, định tỉnh,
Nàga ngồi, định tỉnh,
Trong tất cả tình huống,
Nàga sống chế ngự
Ðây thành tích Nàga.698. Ăn đồ ăn không tội,
Ðồ có tội không ăn;
Ðược đồ ăn, y phục,
Từ bỏ, không tích trữ.699. Kiết sử tế hay thô,
Chặt đứt mọi trói buộc,
Chỗ nào vị ấy đi,
Bước đi, không kỳ vọng.700. Như sen sanh trong nước,
Lớn lên được tăng trưởng,
Không có dính nước ướt,
Thơm ngát, rất khả ái.701. Cũng vậy bậc Chánh Giác,
Sanh và trú ở đời,
Không có dính sự đời,
Như sen không dính nước.702. Như đống lửa cháy đỏ,
Không củi tự tắt dần,
Trong than tro lắng dịu,
Ðược gọi lửa diệt tận.703. Ví dụ, bậc trí thuyết,
Ðể nêu rõ ý nghĩa,
Ðại Nàga sẽ hiểu,
Những gì về Nàga,
Do Nàga ấy giảng.704. Vô tham và vô sân,
Vô si, không lậu hoặc,
Nàga từ bỏ thân,
Sẽ diệt độ Niết-bàn,
Không còn có lậu hoặc.
(CCXLVIII) Adhimutta (Thera. 71)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh là con người chị của Trưởng lão Sankicca. Ngài xuất gia dưới sự hướng dẫn của cậu ngài, và khi còn là Sa-di, đã chứng quả A-la-hán. Sống hưởng an lạc giải thoát, ngài muốn thọ Ðại giới và đi về nhà để xin phép bà mẹ. Khi ngài đi, ngài bị các kẻ cướp bắt ngài và muốn dâng ngài để tế thần. Các tên cướp tấn công ngài nhưng ngài đứng, không khuất phục. Tên tướng cướp lấy làm ngạc nhiên, tán thán ngài và nói:
705. Vì mục đích tế đàn,
Hoặc vì đích tài sản,
Những người chúng tôi giết,
Từ trước cho đến nay,
Không ai không sợ hãi,
Họ run sợ, rên xiết.706. Nhưng ngài không khiếp sợ,
Dung sắc càng hòa duyệt,
Vì sao ngài không than,
Trong đại nạn như vậy.
Adhimutta trả lời:
707. Chủ cướp! Tâm không khổ,
Với người không kỳ vọng,
Mọi sợ hãi vượt qua,
Với người kiết sử đoạn.708. Nhờ đoạn nhân sanh hữu,
Pháp được thấy như thật,
Ðối chết, không sợ hãi,
Nhờ gánh nặng đặt xuống.709. Phạm hạnh ta khéo hành,
Con đường khéo tu tập,
Ta không có sợ chết,
Khi bệnh hoạn được diệt.710. Phạm hạnh ta khéo hành,
Con đường khéo tu tập,
Hũu được thấy không ngọt,
Như bỏ độc dược uống.711. Bờ kia đến, không thủ,
Việc làm xong, vô lậu,
Bằng lòng, thọ mạng diệt,
Như thoát lò sát sinh.712. Pháp tánh đạt, tối thượng,
Ở đời, tuyệt sở hữu.
Như thoát ngôi nhà cháy,
Trong chết không sầu muộn.713. Phàm có vật tụ họp,
Ðược sanh hữu chỗ nào,
Tuyệt đường mọi xuất ly,
Ðại ẩn sĩ nói vậy.714. Ai hiểu rõ như vậy,
Như đức Phật đã thuyết,
Không còn nắm sanh hữu,
Như hòn sắt cháy đỏ.715. Quá khứ ta không có,
Tương lai, hiện tại không,
Các hành không thực hữu,
Ở đây, than khóc gì?716. Thanh tịnh pháp sanh khởi,
Thanh tịnh hành tiếp tục,
Bậc thấy được như thật,
Không sợ hãi, thưa ngài.717. Với tuệ, thấy thế giới,
Giống như cỏ, thân cây,
Không có tánh ngã sở,
Không sầu muộn, không ngã.718. Ta nhàm chán thân sắc,
Không ham có sanh hữu,
Khi thân này hoại diệt,
Sẽ không có thân khác.719. Với thân ta, ngươi làm,
Hãy làm như ý muốn,
Ta không vì duyên ấy,
Sẽ khởi lên sân, ái.720. Kẻ ấy nghe nói vậy,
Hy hữu, lông dựng ngược,
Quăng bỏ cả đao kiếm,
Thanh niên nói với ta.721. Tôn giả hành hạnh gì,
Ai Ðạo Sư Tôn giả,
Ngài theo lời ai dạy,
Ðược tánh không sầu não?
Adhimutta:
722. Bậc toàn trí, toàn kiến,
Thắng giả, giáo sư ta,
Ðại từ bi Ðạo Sư,
Y vương toàn thế giới.723. Pháp này vị ấy giảng,
Ðưa đến đạt vô thượng,
Theo lời dạy vị ấy,
Ðược tánh không sầu não.724. Kẻ cướp nghe đại sĩ,
Khéo thuyết giảng như vậy,
Chúng liền quăng vất bỏ,
Ðao gươm và vũ khí,
Một số bỏ nghề chúng,
Một số xin xuất gia.725. Sau khi chúng xuất gia,
Trong giáo pháp Thiện Thệ,
Họ tu tập Giác Chi,
Năm lực, thành bậc trí.
Tâm hân hoan, ý mãn,
Các căn cảm xúc được,
Niết-bàn đạo, vô vi.
(CCXLIX) Pàràpariya (Thera. 72)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh ở Sàvatthi, làm một con Bà-la-môn nổi tiếng, và khi lớn lên ngài được gọi theo tên gia tộc Pàrapara là Pàràpariya. Ðược khéo giáo dục về văn hệ Bà-la-môn, một hôm ngài đi đến tịnh xá Jetavana trong khi Thế Tôn đang thuyết pháp, và đến ngồi nghe, gần phía bên ngoài hội chúng. Bậc Ðạo Sư, nhận xét tâm tánh ngài, dạy kinh 'Căn tu tập Indriyabhàvanà', nghe xong, ngài khởi lòng tin, xin xuất gia. Sau khi học kinh này thuộc lòng, ngài suy tư trên ý nghĩa, nghĩ rằng: 'Trong những bài kệ, ý nghĩa được xuất hiện như thế này, thế này'. Sau khi suy tư về vấn đề các căn cảm thọ, ngài phát triển thiền quán và sau một thời gian, ngài chứng quả A-la-hán. Về sau, ngài nói lên thiền định của ngài với những bài kệ như sau:
726. Khi Tỷ-kheo tên là,
Pàràpariya,
Ngồi độc cư một mình,
Viễn ly, tu thiền định,
Những tâm tư như sau,
Ðược khởi lên nơi ngài:727. Có gì là thứ lớp,
Là giới cấm, động tác?
Con người làm phận mình,
Không làm hại một ai?728. Các căn của loài Người,
Làm lợi ích, làm hại,
Không hộ trì, làm hại,
Có hộ trì, làm lợi.729. Người chế ngự các căn,
Nguời phòng hộ các căn,
Người làm bổn phận mình,
Không làm hại một ai.730. Con mắt đi đến sắc,
Không chế ngự ngăn chận,
Không thấy các nguy hiểm,
Vị ấy không thoát khổ.731. Lỗ tai đi đến tiếng,
Không chế ngự ngăn chặn,
Không thấy sự nguy hiểm,
Vị ấy không thoát khổ.
732. Không thấy sự xuất ly,
Thọ hưởng các mùi hương,
Vị ấy không thoát khổ,
Vì tham đắm các hương.733. Nhớ chua ngọt tối thượng,
Nhớ vị đắng tối thượng,
Bị ái vị nô lệ,
Tâm không thể giác tỉnh.734. Tưởng nhớ các cảm xúc,
Ðẹp đẽ và khoái cảm,
Ðam mê, duyên tham ái,
Gặp nhiều loại đau khổ.735. Ý đối các pháp này
Tất cả là năm pháp,
Không có thể phòng hộ,
Khổ đi theo vị ấy.736. Phần lớn các thân xác,
Ðầy tràn mủ và máu,
Do người thù thắng làm,
Thành hộp đẹp tô màu.737. Cay đắng như vị ngọt,
Khổ do khả ái buộc,
Như dao bén dính mật,
Kẻ tham đâu có biết.738. Ai tham đắm nữ sắc,
Nữ vị, nữ xúc chạm,
Ai mê say nữ hương,
Gặp nhiều loại đau khổ.739. Mọi dòng từ nữ nhân,
Năm loại tràn năm xứ,
Người có tinh tấn lực,
Có thể ngăn chận chúng.740. Người có đích, trú pháp,
Người thiện xảo, sáng suốt,
Hoan hỷ làm nghĩa vụ,
Liên hệ đến pháp, nghĩa.741. Chìm trong việc lợi tạm,
Hãy bỏ việc không lợi,
Nếu nó nghĩ việc ấy,
Không phải việc nên làm,
Vị ấy không phóng dật,
Sáng suốt thấy rõ vậy.742. Nếu là việc làm tốt,
Hân hoan hành đúng pháp,
Hãy nắm việc làm ngay,
Ðấy thật lạc tối thượng.743. Với phương tiện cao thấp,
Lừa dối các người khác,
Ðánh giết, làm sầu khổ,
Hung bạo, áp đảo người.743. Như người mạnh đẽo gỗ,
Dùng nêm đánh bật nêm,
Cũng vậy là kẻ thiện,
Dùng căn đánh bật căn.745. Tu tập tín, tấn, định,
Huấn luyện niệm, trí tuệ,
Dùng năm đánh đổ năm,
Không tỳ vết bước tới.746. Là vị Bà-la-môn,
Người có đích, trú pháp,
Làm theo giáo huấn Phật,
Làm toàn diện, toàn lực,
Người ấy hưởng an lạc.
(CCL) Kelakàni (Thera. 298)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trước đức Phật ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn và đặt tên là Kelakàni. Quá kinh nghiệm về những vấn đề quá khứ, ngài chán nản dục vọng và xuất gia làm người du sĩ ngoại đạo.Tìm sự giải thoát tinh thần, ngài giao du nhiều chỗ, nghĩ rằng ai ở đời này đã đến được bờ bên kia. Ngài hỏi rất nhiều Sa-môn và Bà-la-môn nhưng không được trả lời thỏa đáng. Lúc bấy giờ, Thế Tôn đã ra đời, đang chuyển Pháp Luân, đem lại hạnh phúc cho chúng sanh. Một hôm, Kelakàni nghe đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin, được xuất gia và không bao lâu chứng quả A-la-hán. Một hôm, ngồi với các Tỷ-kheo, nhớ đến sự khó nhọc tìm đạo và chứng đạo của mình, ngài tuyên bố với chúng Tỷ-kheo như sau:
747. Lâu ngày, đầy nhiệt tình,
Ta suy tư Chánh pháp,
Hỏi Sa-môn, Phạm chí,
Nhưng tâm không an tịnh.748. Ở đời, ai đã đến,
Ðến được bờ bên kia,
Ai đã chứng đạt được,
Lặn sâu vào bất tử,
Pháp ai ta chấp nhận,
Pháp thông đệ nhất nghĩa.749. Mắc lưỡi câu bên trong,
Như cá ăn mồi tục,
Ta bị bắt, bị trói,
Chẳng khác A-tu-la,
Tên Vê-pa-xi-li,
Bị lưới Ðế Thích trói.750. Ta kéo lê xiềng xích,
Không sao thoát sầu bi,
Ai cởi trói cho ta,
Giúp ta chứng Chánh giác.751. Sa-môn, Phạm chí nào,
Nói cách hủy hoại chúng,
Pháp ai ta chấp nhận,
Giúp từ bỏ già chết,752. Bị nghi hoặc trói buộc,
Bị hăng say chi phối,
Khiến tánh tình phẫn nộ,
Khiến tâm tư cứng rắn,
Bị xâu xé cắt đứt,
Bởi lòng tham mạnh mẽ.753. Bị cung ái bắn trúng,
Ba mươi kiến trói buộc,
Xem sức mạnh ngực ta,
Bị áp đè, vẫn vững,754. Các tùy kiến không đoạn,
Các tư niệm dao động,
Bị chúng đâm, ta run,
Như lá bị gió thổi,755. Khởi lên từ nội tâm,
Ðốt cháy nhanh ngã sở,
Thân với sáu xúc xứ,
Ngã hữu từ đấy sanh.756. Ta không thấy lương y,
Rút mũi tên cho ta,
Dùng cách khác dò tìm,
Không dùng dao thăm dò.757. Có vị lương y nào,
Không dao, không vết thương,
Không hại đến tay chân,
Rút mũi tên cho ta,
Mũi tên đã đâm vào,
Trong nội tâm của ta,578. Bậc Pháp chủ tối tôn,
Loại trừ thuốc độc hại,
Khi ta rơi vực sâu,
Ðưa tay giúp đỡ ta,
Tới đất liền an toàn.759. Ta lặn sâu trong hồ,
Ðầy bụi bùn không thoát,
Ðầy man trá, tật đố,
Căng thẳng và hôn ám.760. Sấm trạo cử nổ vang,
Mây kiết sử bao phủ,
Thác nước tà tư duy,
Liên hệ đến tham dục,
Chúng lôi cuốn trôi ta,
Vào đại dương tà kiến.761. Khắp nơi, dòng suối chảy,
Cây leo đứng, đâm chồi,
Ai chận đứng dòng ấy?
Ai chặt đứt cây leo?762. Tôn giả hãy làm đê,
Ngăn chận những dòng suối,
Chớ có để dòng nước,
Do ý sanh cuốn ngài,
Như dòng nước cuốn gấp,
Trôi cây chảy theo dòng.763. Cũng vậy ta sợ hãi,
Bờ này tìm bờ kia,
Khi ấy bậc Ðạo Sư,
Có Thánh chúng hầu hạ,
Với binh khí trí tuệ,
Chờ y chỉ cho người.764. Ðưa ta, đang chìm đắm,
Chiếc cầu thang, khéo làm,
Phật thanh tịnh, vững chắc,
Làm bằng lõi Chánh pháp,
Rồi ngài nói với ta,
Chớ có sợ hãi gì!.765. Leo lên lầu niệm xứ,
Từ đấy ta quán sát,
Loài Người ưa thân kiến,
Trước đây, ta tự hào.766. Khi ta thấy con đường,
Con thuyền cần leo lên,
Ta không trú tự ngã,
Vì thấy bến tối thượng.767. Mũi tên khởi tự ngã,
Sanh do nhân sanh hữu
Ngài dạy đường tối thượng,
Chấm dứt các pháp ấy.768. Cột gút đã lâu ngày,
ẩn nằm, trú trong da,
Ðức Phật cởi, quăng đi,
Loại bỏ mọi độc hại.
(CCLI) Ratthapàla (Thera. 75)
Trong thời Ðức Phật hiện tại, ngài sanh ra ở nước Kuru, trong thành phố Thullakotthita, con của một hội viên hội đồng thành phố tên Ratthapàla và được gọi theo tên gia tộc, ngài được sống trong nhung lụa, lớn lên được gả vợ và sống như một thiên thần. Khi đức Phật đến thuyết pháp ở Thullakotthila, Ratthapàla đến nghe giảng, khởi lòng tin, xin cha mẹ được xuất gia rất khó khăn. Ði đến bậc Ðạo Sư, ngài được thọ giới với một Tỷ-kheo theo lời giới thiệu của đức Phật, tu học rất tinh tấn, phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán. Rồi ngài được phép về thăm cha mẹ, đi đến Thullakotthita và đi khất thực từng nhà. Ðến nhà cha mẹ, ngài nhận được cơm chua đã lâu ngày nhưng ngài vẫn ăn như là đồ ăn bất tử. Ngày sau, theo lời mời của người cha, ngài đến thăm nhà và các người vợ trước của ngài, ăn mặc rất đẹp đẽ, hỏi ngài, vì những thiên nữ nào, ngài đã xuất gia. Ngài thuyết pháp cho họ về vô thường v.v... từ khước những hành vi cám dỗ của họ:
769. Hãy xem bóng trang sức,
Nhóm vết thương tích tụ,
Bệnh hoạn, nhiều tham tưởng,
Nhưng không gì trường cửu.770. Hãy nhìn sắc trang sức,
Với châu báu, vòng tai,
Bộ xương, da bảo phủ,
Sáng chói nhờ y phục.771. Chân sơn với son, sáp,
Mặt thoa với phấn bột,
Chỉ mê hoặc kẻ ngu,
Không mẹ bậc cầu giác.772. Tóc được uốn tám vòng,
Mắt xoa với thuốc son,
Chỉ mê hoặc kẻ ngu,
Không mê bậc cầu giác.773. Như hộp thuốc mới sơn,
Uế thân được trang điểm,
Chỉ mê hoặc kẻ ngu,
Không mẹ bậc cầu giác.774. Thợ săn bày lưới sập,
Nai khôn không chạm lưới,
Ăn mồi xong, ta đi,
Mặc kẻ bắt nai khóc.775. Bẫy thợ săn bị cắt,
Nai khôn không chạm lưới,
Ăn mồi xong, ta đi,
Mặc kẻ săn nai sầu.
Rồi Ratthapàla đi ngang qua hư không đến vườn nai của vua Koravya và ngồi trên một phiến đá. Người cha của ngài cho đóng chốt then cài cả bảy cái cửa, và cắt người giữ ngài không cho đi, lại lấy chiếc y vàng của ngài và choàng vào ngài y trắng của người cư sĩ. Do vậy ngài phải đi ngang qua hư không. Rồi vua Koravya, nghe ngài đã đến vườn nai, liền chào ngài và hỏi: 'Thưa Tôn giả, ở đời người ta xuất gia vì một vài tai họa, như bệnh hoạn, như tai họa từ nhà vua, về tài sản, về gia đình. Ngài không có một tai họa gì, sao ngài lại xuất gia?'. Vị trưởng lão trả lời: 'Thế giới là vô thường, không có gì trường cửu. Thế giới không có nơi nương tựa, thiếu thốn, không có thỏa mãn, làm nô lệ cho khát ái'. Rồi ngài nói lên những bài kệ như sau:
776. Ta thấy người đời giàu,
Ðược tiền, si không cho,
Vì tham, cất chứa tiền,
Chạy theo dục càng nhiều.777. Vua dùng lực chiếm đất,
Chiếm ở đến bờ biên,
Biên bên này chưa thỏa,
Còn muốn biên bờ kia.778. Vua và rất nhiều người,
Ai chưa chết, đã chết,
Tái sanh, bị thiếu thốn,
Chúng từ bỏ thân này,
Nhưng ở đời lòng dục,
Không bao giờ thỏa mãn.779. Bà con than khóc nó,
Tóc xõa, rối tơ vò,
Chúng nói: Ôi chúng ta,
Không có được bất tử,
Thân trùm vải, chúng mang,
Dựng giàn hỏa, chúng thiêu.780. Bị cây đâm, cây thọc,
Nó bị thiêu bị cháy,
Chỉ với một tấm vải,
Từ bỏ mọi tài sản,
Kẻ chết không nương tựa,
Bà con, bạn láng giềng.781. Kẻ thừa tự mang đi,
Tài sản gia nghiệp nó.
Riêng con người phải đi,
Theo chỗ, nghiệp nó tạo,
Tài sản không có đi,
Ði theo người đã chết,
Không con trai, không vợ,
Không tài sản, quốc độ.782. Tài sản không làm sao,
Mua được tuổi trường thọ;
Phú quý nào có thể,
Tránh khỏi được già suy.
Bậc có trí nói rằng:
Mạng sống này ít ỏi,
Thật sự là vô thường,
Luôn luôn bị biến hoại.783. Giàu, nghèo đều cảm xúc,
Ngu, trí đồng cảm thọ,
Kẻ ngu bị ngu đánh,
Ngã quỵ, nằm dài xuống.
Còn bậc trí không sợ,
Ðối với mọi cảm xúc.784. Do vậy tuệ thắng tài,
Nhờ tuệ đạt viên mãn,
Chưa đạt được cứu cánh,
Ðối với hữu, phi hữu,
Kẻ ngu làm các nghiệp,
Ác độc và bất thiện.785. Nhập thai, sanh đời khác,
Luân hồi, tiếp tục sanh,
Kẻ ít trí, tin tưởng,
Nhập thai, sanh đời khác.786. Như kẻ trộm bị bắt,
Quả tang, khi ăn trộm,
Do nghiệp tự chính nó,
Bị hại theo ác tội,
Cũng vậy sau khi chết,
Quần chúng trong đời sau,
Do nghiệp tự chính nó,
Bị hại theo ác tội.787. Các dục thật đẹp đẽ,
Vị ngọt và khả ái,
Chúng làm tâm đắm say,
Với sắc và phi sắc,
Do thấy sự nguy hiểm,
Trong các dục công đức,
Do vậy tôi xuất gia,
Như vậy thưa Ðại vương,788. Như trái cây rụng xuống,
Cũng vậy tuổi thanh niên,
Lớn lên và già yếu,
Rồi thân hoại mạng chung,
Thấy vậy tôi xuất gia,
Như vậy thưa Ðại vương,
Ðời sống Sa-môn hạnh,
Chơn thật, tốt đẹp hơn.789. Tín tâm tôi xuất gia,
Vào giáo hội bậc thánh,
Tôi xuất gia không tội,
Không nợ, tôi thọ thực.790. Thấy dục như lửa hừng,
Thấy vàng như dao đâm,
Xem nhập thai là khổ,
Họa lớn trong địa ngục.791. Thấy nguy hiểm như vậy,
Ta cảm thấy hoảng sợ,
Khi bị đâm, bị thương,
Ta đạt được tịch tịnh,
Và ta tận diệt được,
Cả ba loại lậu hoặc.792. Ðạo Sư, ta hầu hạ,
Lời Phật dạy, làm xong,
Gánh nặng, đặt xuống thấp,
Gốc sanh hữu, nhổ sạch.793. Vì đích gì xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Mục đích ấy ta đạt,
Mọi kiết sử tận diệt.
(CCLII) Màlunkyaputta (Thera. 77).
Ðời sống của ngài được ghi trong chương VI (CCXIV) khi bậc Trưởng lão đã chứng quả A-la-hán, nói lên bài kệ để dạy cho các bà con về con đường. Nhưng trong những bài kệ này, bậc Trưởng lão chưa chứng quả A-la-hán, hỏi Thế Tôn về giáo lý vắn tắt, và được Thế Tôn trả lời:
- Này Màlunkyaputta, Ông nghĩ thế nào? Những pháp mà Ông chưa bao giờ thấy nghe, ngửi, nếm, cảm xúc, và nhận thức, hiện tại Ông không có lãnh thọ và đối với chúng, Ông cũng không muốn có cảm thọ và suy tưởng, vậy Ông có ước muốn, tha thiết được chúng hay không?'.
- Thưa không, bạch Thế Tôn.
- Ở đây, này Màlunkyaputta, khi Ông không có cảm thọ, cảm tưởng chúng,Ông chỉ có thọ và tưởng thuần túy. Nếu là như vậy, thời Ông không có tham, sân, si. Do vậy, ở đây hay tại chỗ nào, hay đời sau chính như vậy, như vậy là sự chấm dứt đau khổ. Rồi Màlunkyaputta, nêu rõ ngài đã thâu nhận giáo lý được giảng dạy này, ngài nói lên trong những bài kệ như sau:
794. Thấy sắc, niệm say mê,
Nếu tác ý ái tưởng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Tâm nhập và an trú.795. Thọ người ấy tăng trưởng,
Nhiều loại, do sắc sanh,
Tham, hại tâm lớn mạnh,
Chúng gia hại tâm nó,
Khổ chất chứa như vậy,
Rất xa vời Niết-bàn.796. Nghe tiếng, niệm say mê,
Nếu tác ý ái tưởng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Xâm nhập và an trú.797. Thọ người ấy tăng trưởng,
Nhiều loại, do tiếng sanh,
Tham, hại tâm lớn mạnh,
Chúng gia hại tâm nó,
Khổ chất chứa như vậy,
Rất xa vời Niết-bàn.798. Ngửi hương, niệm say mê,
Nếu tác ý ái tưởng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Xâm nhập và an trú.799. Thọ người ấy tăng trưởng,
Nhiều loại do hương sanh,
Tham, hại tâm lớn mạnh,
Chúng gia hại tâm nó.
Khổ chất chứa như vậy,
Rất xa vời Niết-bàn.800. Nếm vị, niệm say mê,
Nếu tác ý ái tưởng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Xâm nhập và an trú.801. Thọ người ấy tăng trưởng,
Nhiều loại do vị sanh,
Tham, hại tâm lớn mạnh,
Chúng gia hại tâm nó,
Khổ chất chứa như vậy,
Rất xa vời Niết-bàn.802. Cảm xúc, niệm say mê,
Nếu tác ý ái tưởng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Xâm nhập và an trú.803. Thọ người ấy tăng trưởng,
Nhiều loại, do xúc sanh,
Tham, hại tâm lớn mạnh,
Chúng gia hại tâm nó,
Khổ chất chứa như vậy,
Rất xa vời Niết-bàn.804. Biết pháp, niệm say mê,
Nếu tác ý ái tưởng,
Tâm tham đắm cảm thọ,
Xâm nhập và an trú.805. Thọ người ấy tăng trưởng,
Nhiều loại do ý sanh,
Tham, hại tâm lớn mạnh,
Chúng gia hại tâm nó,
Khổ chất chứa như vậy,
Rất xa vời Niết-bàn.806. Không tham nhiễm các sắc,
Thấy sắc, giữ chánh niệm,
Tâm không tham cảm thọ,
Không xâm nhập, an trú.807. Thấy sắc như thế nào,
Như vậy có cảm thọ,
Từ bỏ không tích lũy,
Chánh niệm, hành trì vậy.808. Như vậy, không chứa khổ,
Ðược gọi gần Niết-bàn,
Không tham nhiễm các tiếng,
Nghe tiếng, giữ chánh niệm,
Tâm không tham cảm thọ,
Không xâm nhập an trú.809. Nghe tiếng như thế nào,
Như vậy có cảm thọ,
Từ bỏ không tích lũy,
Chánh niệm, hành trì vậy.
Như vậy không chứa khổ,
Ðược gọi gần Niết-bàn.810. Không tham nhiễm các hương,
Ngửi hương, giữ chánh niệm,
Tâm không tham cảm thọ,
Không xâm nhập an trú.811. Ngửi hương như thế nào,
Như vậy, có cảm thọ,
Từ bỏ, không tích lũy,
Chánh niệm, hành trì vậy,
Như vậy, không chứa khổ,
Ðược gọi, gần Niết-bàn.812. Không tham nhiễm các vị,
Nếm vị, giữ chánh niệm,
Tâm không tham cảm thọ,
Không xâm nhập, an trú.813. Nếm vị như thế nào,
Như vậy, có cảm thọ,
Từ bỏ, không tích lũy,
Chánh niệm, hành trì vậy.
Như vậy không chứa khổ,
Ðược gọi, gần Niết-bàn.814. Không tham nhiễm các xúc,
Cảm xúc giữ chánh niệm,
Tâm không tham cảm thọ,
Không xâm nhập, an trú.815. Cảm xúc như thế nào,
Như vậy, có cảm thọ,
Từ bỏ, không tích lũy,
Chánh niệm, hành trì vậy.
Như vậy không chứa khổ,
Ðược gọi, gần Niết-bàn.816. Không tham nhiễm các pháp,
Biết pháp, giữ chánh niệm,
Tâm không tham cảm thọ,
Không xâm nhập, an trú.817. Cảm xúc như thế nào,
Như vậy, có cảm thọ,
Từ bỏ, không tích lũy,
Chánh niệm, hành trì vậy.
Như vậy, không chứa khổ,
Ðược gọi, gần Niết-bàn.
Rồi vị Trưởng lão đứng dậy, đảnh lễ bậc Ðạo Sư, rồi ra đi không bao lâu sau đó, phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán.
(CCLIII) Sela (Thera. 78)
Ðược sanh trong thời đức Phật hiện tại ở Anguttaràpa, trong một gia đình Bà-la-môn, tại một làng Bà-la-môn ở Apana, ngài được đặt tên là Sela. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài sống ở đấy, rất giỏi về ba tập Vệ-đà và về nghệ thuật Bà-la-môn, dạy các Mantrà (thần chú) cho ba trăm thanh niên Bà-la-môn. Trong khi ấy Thế Tôn rời bỏ Sàvatthi, đang du hành ở Anguttaràpa với một ngàn hai trăm năm mươi vị Tỷ-kheo. Biết được tám tánh thuần thục của Sela và các đệ tử của ngài, đức Phật dừng lại tại một khu rừng. Rồi ẩn sĩ Keniya, sau khi mời bậc Ðạo Sư với chúng Tỷ-kheo dùng cơm vào ngày sau, đang sửa soạn rất nhiều món đồ ăn. Rồi Sela với ba trăm đệ tử đến thăm am thất và hỏi có phải Keniya đang sửa soạn để đón mừng vị Ðại thần của vua. Khi Keniya trả lời là sửa soạn thức ăn để mời đức Phật, Sela cảm thấy hết sức xúc cảm với chữ đức Phật, đi đến gặp ngay đức Phật với các thanh niên đệ tử của mình. Sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm, ngài chiêm ngưỡng các tướng tốt đức Phật và nghĩ rằng: 'Một vị có những tướng tốt như vậy, một là sẽ thành vị Chuyển luân Thánh vương, hai là sẽ thành Phật'. Một vị Phật khi nghe tán thán về mình sẽ lộ rõ chân tướng Phật của mình. Còn nếu chưa thành Phật, khi nghe tán thán về đức Phật sẽ cảm thấy khó chịu và bất mãn. Ngài quyết định nói lên lời tán thán đức Phật như sau:
818. Thân trọn đủ, chói sáng,
Khéo sanh và đẹp đẽ,
Thế Tôn sắc vàng chói,
Răng trơn láng, tinh cần.819. Ðối với người khéo sanh,
Những tướng tốt trang trọng,
Ðều có trên thân Ngài,
Tất cả Ðại nhân tướng.820. Mắt sáng, mặt tràn đầy,
Cân đối, thẳng, hoàn mỹ,
Giữa chúng Sa-môn Tăng,
Ngài chói như mặt trời.821. Vị Tỷ-kheo đẹp mắt,
Da sáng như vàng chói,
Với hạnh Sa-môn Ngài,
Cần gì sắc tối thượng.822. Ngài xứng bậc Ðại vương,
Chuyển luân, xa luân chủ,
Chiến thắng khắp bốn phương,
Bậc chúa tể Diêm phù.823. Vương tộc, hào phú vương,
Là chư hầu của Ngài,
Là vua giữa các vua,
Là giáo chủ loài Người,
Hãy trị vì quốc độ,
Tôn giả Gotama!
Thế Tôn vâng theo ý muốn của Sela, trả lời:
824. Sela, Ta là vua!
Bậc Pháp vương, Vô thượng,
Ta chuyển bánh xe pháp,
Bánh xe chưa từng chuyển.
Phạm chí Sela nói:
825. Ngài tự nhận giác ngộ.
Bậc Pháp vương, Vô thượng,
Ta chuyển bánh xe pháp,
Gotama nói vậy.826. Ai sẽ là tướng quân?
Là đệ tử Tôn giả?
Ai theo giữ truyền thống,
Xứng đáng bậc Ðạo Sư?
Sau Ngài ai sẽ chuyển,
Pháp luân Ngài đã chuyển?
Tôn giả Sàriputta đang ngồi bên phải Thế Tôn, đầu chói sáng đẹp đẽ như một đống vàng. Thế Tôn chỉ Sàriputta và nói:
827. Thế Tôn: Này Sela,
Ta chuyển bánh xe pháp,
Bánh xe pháp vô thượng,
Chính Sàriputta,
Chuyển bánh xe Chánh pháp,
Thừa tự Như Lai vị.828. Cần biết, Ta đã biết,
Cần tu, Ta đã tu,
Cần đoạn, Ta đã đoạn,
Do vậy, Ta là Phật,
Hỡi này Bà-la-môn.829. Còn gì nghi ở Ta,
Hãy gác bỏ một bên,
Hãy giải thoát khỏi chúng.,
Hỡi này Bà-la-môn.830. Thấy được bậc Chánh Giác,
Thật thiên nan vạn nan,
Bậc Chánh Giác ra đời,
Thật thiên nan vạn nan,
Ta là bậc Chánh Giác,
Bậc Y vương Vô thượng,
Hỡi này Bà-la-môn.831. Là Phạm thiên khó sánh,
Nhiếp phục các Ma quân,
Hàng phục mọi đối nghịch,
Ta hân hoan không sợ.
Bà-la-môn Sela hoàn toàn tin tưởng vào Thế Tôn, muốn xuất gia và thưa rằng:
832. Chư Tôn giả hãy nghe!
Như bậc có mắt giảng,
Bậc Y vương Ðại hùng,
Sư rử rống trong rừng!833. Thấy Phạm thiên vô tỷ,
Nhiếp phục các Ma quân,
Ai lại không tín thành,
Cho đến kẻ hạ tiện.834. Ai muốn, hãy theo ta,
Không muốn hãy đi ra,
Ở đây ta xuất gia,
Với bậc Tuệ tối thượng.
Các thanh niên Bà-la-môn, vì đã đạt được những điều kiện cần thiết, trả lời:
835. Nếu Tôn giả tín thành,
Giáo pháp bậc Chánh Giác,
Chúng con cũng xuất gia,
Với bậc Tuệ tối thắng!
Sela hoan hỷ thấy các thanh niên Bà-la-môn san sẻ chí nguyện của mình, đưa chúng đến trước mặt Thế Tôn và xin được xuất gia:
836. Ba trăm Phạm chí ấy,
Chấp tay xin được phép,
Chúng con sống Phạm hạnh,
Do Thế Tôn lãnh đạo.
Rồi Thế Tôn, thấy được Sela trong các đời quá khứ, Sela cũng đã dạy cho ba trăm đệ tử này trông các giống phước và nay trong đời cuối cùng, đã tạo được tuệ quán cho mình và cho các đệ tử, thấy rằng chúng đã thuần thục để xuất gia:
837. Thế Tôn đáp: Sela,
Phạm hạnh được khéo giảng,
Thiết thực ngay hiện tại,
Vượt khỏi thời gian tính,
Ở đây sự xuất gia,
Không uổng công, hoang phí,
Với ai không phóng dật,
Tinh tấn chuyên tu học.
Thế Tôn nói: 'Hãy đến, Tỷ-kheo!' Rồi với thần lực của Bổn sư, tất cả đều có y và bình bát, đảnh lễ đức Phật, bắt đầu học thiền quán và chứng quả A-la-hán vào ngày thứ bảy.
Rồi các vị ấy đến đức Phật, nói lên trí giác của mình, và Sela thưa:
838. Kính bạch bậc Pháp nhãn,
Cách đây trước tám ngày,
Chúng con đã đến Ngài,
Xin phát nguyện quy y,
Thế Tôn trong bảy đêm,
Ðã nhiếp phục chúng con,
Ðã chế ngự chúng con,
Trong giáo lý của Ngài.839. Ngài là bậc Giác giả,
Ngài là bậc Ðạo Sư,
Ngài là bậc Mâu-ni,
Ðã chiến thắng quân ma,
Sau khi đã đoạn trừ,
Vượt qua biển sanh tử,
Ngài giúp quần sanh này,
Cùng vượt qua bể khổ.840 Sanh y Ngài vượt qua,
Lậu hoặc Ngài nghiền nát,
Ngài là sư tử chúa,
Không chấp, không sợ hãi.841. Ba trăm Tỷ-kheo này,
Ðồng chấp tay đứng thẳng,
Ôi anh hùng chiến thắng,
Hãy duỗi chân bước tới,
Hãy để các đại nhân,
Ðảnh lễ bậc Ðạo Sư.
(CCLIV) Bhaddiya kàligodhàyaputta (Thera. 80)
Sanh trong thời đức Phật hiện tại, ở Kapilavatthu, trong một dòng họ Sàkya, ngài được đặt tên là Bhaddiya. Khi đã trưởng thành, ngài từ bỏ gia đình, cùng với Anuruddha và bốn vị hoàng tộc khác, khi bậc Ðạo Sư đang ở trong vườn xoài, tại Anupiy. Khi xuất gia, ngài chứng được quả A-la-hán. Ngài được đức Phật xác chứng là đệ nhất trong những Tỷ-kheo thuộc về hoàng tộc. Mỗi khi ngài hưởng lạc giải thoát, lạc Niết-bàn trong lúc ở trong rừng, dưới một gốc cây, trong cảnh rừng tịch tịnh, ngài thường thốt ra lời: 'Ôi hạnh phúc làm sao! Ôi, hạnh phúc làm sao!' Ðược đức Phật hỏi vì sao ngài thốt ra lời ấy, ngài trả lời khi ngài trị vì quốc độ của ngài, dầu ngài được bảo vệ chặt chẽ, ngài vẫn cảm thấy sợ hãi, hoảng hốt. Nhưng nay ngài đã từ bỏ tất cả, ngài không còn trong trạng thái sợ hãi nữa. Rồi trước mặt Thế Tôn, ngài rống lên tiếng rống con sư tử:
842. Khi ta ngồi cổ voi,
Mang đồ mặc tế nhị,
Ăn gạo thật ngon thơm,
Với món thịt khéo nấu.843. Nay hiền thiện, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.844. Áo lượm rác, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.845. Thường khất thực, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.846. Mặc ba y, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.847. Ði từng nhà, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.848. Ăn một bữa kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.849. Ăn trong bát, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.850. Không ăn thêm, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.851. Sống trong rừng, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.852. Ngồi gốc cây, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.853. Sống ngoài trời, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.854. Trú nghĩa địa, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.855. Tùy xứ trú, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.856. Sống thường ngồi, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.857. Ham muốn ít, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.858. Sống biết đủ, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.859. Hạnh viễn ly, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.860. Không giao du, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.861. Sống tinh cần, kiên trì,
Vui đồ ăn đặt bát,
Thiền tư, không chấp trước,
Là con của Gô-dha.862. Từ bỏ bát quý giá,
Bằng vàng, bằng nhựa quý,
Ta lấy bát bằng đất,
Ðây quán đảnh thứ hai.863. Vòng thành cao bảo vệ,
Vọng lâu, cửa kiên cố,
Với lính tay cầm gươm,
Ta đã sống sợ hãi.864. Nay hiền thiện, không sợ,
Bỏ run sợ kinh hãi,
Thiền tư, vào rừng sâu,
Là con của Gô-dha.865. An trú trên giới uẩn,
Chánh niệm, tu tuệ quán,
Thứ lớp ta đạt được,
Mọi kiết sử đoạn diệt.
(CCLV) Angulimàlà (Thera. 80)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một Bà-la-môn tên Bhaggava, giữ chức cố vấn tôn giáo cho vua nước Kosala. Trong đêm ngài sanh, các binh khí trong thành phố rực sáng, các binh giáp của vua cũng rực sáng, thành thử khi vua nằm trên giường thấy như vậy nên không thể ngủ được, thao thức và sợ hãi. Vị cố vấn nghi lễ tìm hiểu các vì sao và kết luận con mình đã sanh trúng đám sao ăn trộm. Sáng sớm, ông đến chầu vua và hỏi vua ngủ có an giấc không? Vua trả lời vua ngủ không an giấc được, vì cả đêm thấy áo giáp chói sáng và hỏi điềm ấy là điềm gì? Vị cố vấn trả lời là do mình sanh đứa con, áo giáp cả thành phố đều chói sáng, và khi được biết đứa con sau này có thể trở thành tên tướng cướp độc thân có thể chế ngự được, nên vua tha cho khỏi bị giết.
Vì ngài sanh, làm tâm vua phiền muộn nên được gọi là Himsaka, và sau không thấy ngài làm hại ai nên được gọi là Ahimasaka. Do nghiệp đời trước, ngài có sức mạnh của bảy con voi. Khi ngài học với vị giáo sư đầu tiên ở Takhasilà, ngài hầu hạ rất thành kính vị giáo sư và bà vợ, nên thường được thấy ngài bên cạnh vị giáo sư và bà vợ trong những bữa ăn, vì vậy khiến các thanh niên Bà-la-môn khác ganh ghét, và xúi vị giáo sư chống lại Ahimsaka. Vì học trò mình có sức mạnh phi thường, vị giáo sự tìm một kế để ám hại học trò mình bằng cách bảo Ahimsaka trả tiền học phí cho mình bằng một ngàn ngón tay phải, nghĩ rằng nếu Ahimsaka đem lại một ngón tay thời cũng đủ làm hại đệ tử mình rồi. Lòng hung ác đè nén của Ahimsaka được nổi dậy, ngài mặc áo giáp, đi vào rừng Jàlinì ở Kosalu núp trên một đồi núi, theo dõi người đi đường, và khi nào thấy người đi qua, liền chạy xuống, chặt ngón tay họ, treo trên một cây cho đến khi các loài diều hâu rứt ăn hết thịt. Rồi dùng các ngón tay làm một vòng hoa, ngài đeo nơi cổ và từ đó được gọi là Angulimàlà (kẻ đeo vòng hoa bằng ngón tay). Khi vì hành động ấy, đường sá trở thành vắng người, ngài đi vào trong làng và làng trở thành trống không. Vua bèn sai một lực lượng quân đội đi bắt Angulimàlà. Mẹ của Angulimàlà khuyên chồng nên đi để bảo Angulimàlà hãy chấm dứt hành động như vậy, nhưng người chồng từ chối, không muốn liên hệ với một người con như vậy nên để mặc nhà vua làm. Bà mẹ vì thương con, khi thấy chồng từ chối liền soạn đồ lương thực và đi tìm Angulimàlà để ngăn chận không cho làm điều ác.
Rồi Thế Tôn suy nghĩ rằng, nếu Angulimàlà gặp mẹ, sẽ giết mẹ cho đủ một ngàn ngón tay; nay là đời sống cuối cùng của Angulimàlà, nếu đức Phật không can thiệp thời sẽ có thiệt hại lớn. Sau bữa ăn đức Phật đi trên con đường dẫn đến rừng Jàlinì dầu có nhiều người ngăn cản. Khi Angulimàlà thấy mẹ, ngài tính lấy ngón tay của mẹ cho đủ số một ngàn ngón tay, thời đức Phật đến và đi giữa Angulimàlà và người mẹ, Angulimàlà liền bỏ ý định giết mẹ và quyết định giết vị Sa-môn cho đủ túc số. Angulimàlà liền rút gươm đuổi theo đức Phật, nhưng dầu ngài cố gắng thế nào cũng không làm sao đuổi kịp, dầu đức Phật vẫn đi khoan thai nhẹ nhàng. Angulimàlà yêu cầu đức Phật đứng lại, đức Phật trả lời đức Phật đã đứng rồi, chính Angulimàlà cần phải đứng lại. Câu trả lời làm Angulimàlà khó hiểu, tin rằng các Sa-môn bao giờ cũng nói thật nên ngài hỏi đức Phật:
866. Này Sa-môn, Ngài đi,
Lại nói: 'Ta đứng rồi'.
Ta đứng, Ngài lại nói:
'Sao nhà ngươi chưa đứng?'
Sa-môn, ta hỏi Ngài,
Về ý nghĩa việc này,
Sao Ngài đã đứng lại,
Còn ta lại còn đi.
Thế Tôn trả lời:
867. Angulimàlà,
Ta luôn luôn đã đứng,
Với tất cả chúng sanh,
Ta từ bỏ gậy trượng,
Còn ông đối hữu tình,
Chưa có tự chế ngự,
Do vậy Ta đã đứng,
Còn Ông thời chưa đứng.
Trong khi đức Phật đứng như vậy, chói sáng đức hạnh của mình, Angulimàlà nhớ lại những gì mình được nghe về đức Phật, tuệ quán đạt đến mức thuần thục, hoan hỷ thấm nhuần toàn thân, như một làn nước dâng trào toàn thế giới. Tự nói với mình: 'Thật lớn thay, tiếng rống sư tử này. Chắc đây là Sa-môn Gotama đã đến đây để cứu độ ta'. Ngài nói:
868. Ðã lâu con tôn kính,
Bậc vĩ đại Tiên nhân,
Nay bậc Sa-môn này,
Ðã bước vào Ðại lâm,
Con nay sẽ sẵn sàng,
Từ bỏ ngàn điều ác,
Sau khi nghe kệ Ngài,
Liên hệ đến Chánh pháp.869. Nói xong, tên tướng cướp,
Liền quăng bỏ cây kiếm,
Quăng bỏ cả khí giới,
Xuống vực núi thâm sâu.
Tên tướng cướp đảnh lễ,
Dưới chân bậc Thiện Thệ,
Chính ngay tại chỗ ấy,
Xin đức Phật xuất gia.870. Ðức Phật đại từ bi,
Là bậc đại Tiên nhân,
Ðạo Sư cả nhân giới,
Cùng với cả thiên giới,
Nói lên những lời này:
Hãy đến, thiện Tỷ-kheo,
Như vậy, đối vị ấy,
Thành tựu Tỷ-kheo tánh.
Angulimàlà sau khi xuất gia tu hành, chứng quả rồi nói lên quả chứng của mình:
871. Ai trước sống phóng dật,
Sau sống không phóng dật,
Chói sáng thế giới này,
Như trăng thoát mây che.872. Ai trước làm nghiệp ác,
Nay lấy thiện chận lại,
Chói sáng thế giới này,
Như trăng thoát mây che.873. Ai Tỷ-kheo còn trẻ,
Chuyên tâm hành Phật dạy,
Chói sáng thế giới này,
Như trăng thoát mây che.
Như vậy, sống trong hạnh phúc giải thoát, ngài đi vào thành khất thực. Có người ném đá vào ngài, có người lấy gậy đánh vào đầu ngài, và ngài về tịnh xá với bình bát bị bể. Ðức Phật khuyên ngài nên nhẫn nại chịu khổ, vì nghiệp quả của ngài đáng phải thiêu sống ở địa ngục, nay chỉ chịu khổ như vậy thôi. Rồi ngài phát tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh.
874. Mong rằng kẻ thù ta
Ðược nghe lời Chánh pháp,
Mong rằng kẻ thù ta
Chuyên tâm lời Phật dạy,
Mong rằng kẻ thù ta
Thân cận với những người
Ðã đạt được an tịnh,
Sống thọ trì Chánh pháp.875. Mong rằng kẻ thù ta,
Thời thời được nghe pháp,
Thuyết giảng về nhẫn nhục,
Tán thán về nhu hòa,
Và sở hành của họ,
Phù hợp với Chánh pháp.876. Vị chúng sanh như vậy,
Không có ám hại ta,
Hay cũng không ám hại,
Một người khác nào hết.
Người ấy sẽ đạt được,
Sự an tịnh tối thượng,
Sẽ bảo vệ hộ trì,
Người mạnh và kẻ yếu.877. Người trị thủy dẫn nước,
Kẻ làm tên nắn tên,
Người thợ mộc uốn gỗ,
Bậc trí nhiếp tự thân.878. Có kẻ được điều phục,
Bởi gậy, móc và roi,
Vị ấy điều phục ta,
Không dùng gậy, dùng kiếm.879. Ta được tên Vô Hại,
Trước có tên Làm Hại,
Nay ta tên Chân Thật,
Ta không hại một ai.880. Trước ta là tên cướp,
Lừng danh 'vòng ngón tay',
Chìm đắm dòng nước lớn,
Cho đến khi quy Phật.881. Trước tay ta lấm máu,
Lừng danh, 'vòng ngón tay',
Hãy xem, ta quy y,
Nhổ lên gốc tái sanh.882. Làm xong nhiều nghiệp vậy,
Dẫn đến sanh ác thú,
Cảm thọ nghiệp dị thục,
Thoát nợ, ta thọ thực.883. Những kẻ ngu vô trí
Ðam mê sống phóng dật,
Kẻ trí không phóng dật,
Như bảo vệ vật báu.884. Chớ đam mê phóng dật,
Chớ say đắm dục lạc,
Không phóng dật, thiền tư,
Ðạt được lạc tối thượng.885. Ðến ta điều tốt đẹp,
Không tốt đẹp, không đến,
Lời khuyên bảo cho ta,
Không có gì không tốt,
Trong các pháp phân biệt,
Có mặt ở trên đời,
Pháp gì tối thượng nhất,
Ta chọn, ta chứng đạt.886. Ðến ta, điều tốt đẹp,
Không tốt đẹp, không đến,
Lời khuyên bảo cho ta,
Không có gì không tốt,
Ba minh ta đạt được,
Lời Phật dạy, làm xong.887.Trong rừng, dưới gốc cây,
Hay trên núi trong hang,
Tại chỗ ấy, ta trú,
Tâm tư thật hứng khởi.888. Thật an lạc, ta nằm,
Thật an lạc, ta dậy,
Tâm tư thuần an lạc,
Là nếp sống của ta,
Thoát khỏi cạm bẫy Ma,
Ôi, Ðạo Sư từ mẫn!889. Trước ta sanh Phạm chí,
Hai hệ, dòng họ cao,
Nay ta con Thiện Thệ,
Ðạo Sư, bậc Pháp vương.890. Ái ly, không chấp thủ,
Căn hộ trì, chế ngự,
Ðoạn bỏ gốc tà ác,
Ta đạt lậu hoặc diệt.891. Ta hầu hạ Ðạo Sư,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Gốc sanh hữu nhổ sạch.
(CCLVI) Anuruddha (Thera. 83)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Kapilavatthu, trong nhà dòng họ Sakya Amitodana và được đặt tên là Anuruddha.Anh của ngài là Thích-ca Mahànàma, con người cậu của đức Phật. Ngài được nuôi dưỡng rất tế nhị, mỗi mùa ở mỗi nhà khác nhau, có các vũ nữ vũ sư đoanh vây, thọ hưởng sự giàu sang thần tiên. Khi được gọi làm người bảo vệ cho bậc Ðạo Sư, ngài đi đến đức Phật, trong rừng xoài ở Anupiyà, thọ giới xuất gia, và trong mùa an cư mùa mưa, ngài chứng Thiên nhãn. Nhận được đề tài thiền quán từ ngài Xá-lợi-phất. Ngài đi đến rừng trúc ở phương Ðông, hành thiền quán, và chứng được bảy tư duy của một vị Ðại nhân, nhưng chưa chứng được tư duy thứ tám. Bậc Ðạo Sư nhận thấy vậy liền dạy cho ngài quá trình tu chứng của bậc Thánh. Nhớ lại lời dạy này, Anuruddha phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán cùng với thắng trí và vô ngại giải thù thắng. Ngài được Thế Tôn xác nhận là bậc Thiên nhãn đệ nhất. Và ngài sống trong an lạc giải thoát. Một hôm ôn lại quá trình tu chứng của mình, ngài hoan hỷ phấn khởi, và nói lên bài kệ sau đây:
892. Bỏ cha mẹ, bà con,
Bỏ anh em, chị em,
Bỏ năm dục trưởng dưỡng,
A-na-luật tu thiền.893. Sống hệ lụy múa, ca,
Dạy với tiếng xập xỏa,
Sống vậy không đạt được,
Cảnh giới đạo thanh tịnh,
Vì rằng ta ưa thích,
Trong giới vực của Ma.894. Và ta vượt tất cả,
Vui thích lời Phật dạy,
Vượt mọi loại bộc lưu,
A-na-luật tu thiền.895. Sắc, thanh, vị, hương, xúc,
Hấp dẫn, rất thích ý,
Vượt qua tất cả chúng,
A-na-luật tu thiền.896. Ði khất thực trở về,
Ðơn độc, vị ẩn sĩ,
Tìm vải từ đống rác,
A-na-luật đạt được,
Không còn các lậu hoặc.897. ẩn sĩ thâu, lượm lấy,
Giặt, nhuộm, và đắp mặc,
Các vải từ đống rác,
Sáng suốt, A-na-luật,
Không còn các lậu hoặc.898. Nhiều dục, không biết đủ,
Ưa giao du, tháo động,
Những pháp này có mặt,
Thuộc tà ác, uế nhiễm,899. Chánh niệm và ít dục,
Biết đủ, không não loạn,
Thích viễn ly, hân hoan,
Thường tinh cần tinh tấn.900. Những pháp này có mặt,
Thuần thiện Bồ đề phần,
Vị ấy không lậu hoặc,
Bậc Ðại tiên nói vậy.901. Biết tâm tư ta vậy,
Thế gian Vô Thượng Sư,
Với thân do ý tạo,
Thần thông đến với ta.902. Tùy theo ta nghĩ gì,
Ngài thuyết rõ tất cả,
Phật không ưa hý luận,
Ngài thuyết không hý luận.903. Ngộ pháp ta hoan hỷ,
Trú trong giáo pháp Ngài,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.904. Suốt năm mươi lăm năm,
Ta không bao giờ nằm,
Trong hai mươi lăm năm,
Ðoạn dứt được ngủ nghỉ.905. Không thở vô thở ra,
Bậc như vậy trú tâm,
Không tham dục, tịch tịnh,
Bậc có mắt Niết-bàn.906. Với tâm không dao động,
Sống cảm thọ cuối cùng,
Như ngọn lửa diệt tắt,
Tâm Ngài được giải thoát.907. Nay chính những pháp này,
Là những pháp cuối cùng,
Những cảm xúc thứ năm,
Của bậc Ðại Mâu-ni,
Sẽ không còn pháp khác,
Bậc Chánh giác Niết-bàn.
Rồi một Thiên nhân, trước kia là người hầu cận ngài, thấy ngài già và ốm, vì lòng thương ngài, yêu cầu ngài tái sanh ở chư Thiên. Ngài trả lời như sau:
908. Nay không còn tái sanh
Trong thế giới chư Thiên,
Này kẻ gieo cạm bẫy.
Dòng sanh tử, đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.
Rồi vị Tỷ-kheo khác, không thấy vị Thiên nhân, không hiểu bậc Trưởng lão nói với ai. Ðể nói lên thần thông của mình, ngài nói câu kệ:
909. Ai trong thời gian ngắn
Biết thế giới ngàn cõi,
Vị ấy thật xứng đáng,
Ðược sống giới Phạm thiên,
Nhưng nay Tỷ-kheo ấy,
Ðầy đủ thần thông lực,
Thấy được thời gian nào,
Chư Thiên chết và sanh.
Rồi ngài nói lên nghiệp trước của ngài:
910. Ðời trước ta đã sống,
Tên Annabhara,
Bần cùng, phải làm lụng,
Lo nuôi sống tự thân,
Rồi ta đến cúng dường,
Bậc Sa-môn danh tiếng,
Sa-môn với xưng danh,
Ngài Uparittha.911. Rồi ta được sanh trưởng,
Trong dòng họ Thích-ca,
Ta được biết với tên,
Là Anuruddha,
Sống hệ lụy múa ca,
Dạy với tiếng xập xỏa.912. Ta thấy bậc Chánh giác,
Bậc Ðạo Sư vô úy,
Tín tâm khởi nơi Ngài,
Ta xuất gia không nhà.913. Ta biết các đời trước,
Trước ta sống chỗ nào,
Giữa cõi Ba mươi ba,
Ta sanh làm Ðế Thích.914. Bảy lần làm Nhân chủ,
Ta trị vì quốc độ,
Ta chinh phục bốn phương,
Làm chúa châu Diêm phù,
Không dùng gậy dùng gươm,
Trị vì với Chánh pháp.915. Từ đây bảy bảy lần,
Mười bốn lần luân hồi,
Ta biết được đời sống,
Khi ta trú thiên giới.916. Trong thiền định năm chi,
Tâm an tịnh nhất tâm,
Tâm ta được khinh an,
Thiên nhãn ta thanh tịnh.917. Ta biết sanh và chết,
Chỗ đến đi hữu tình,
Ðời này và đời khác,
Ta trú thiền năm chi.918. Ta hầu hạ Ðạo Sư,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Gốc sanh hữu nhổ sạch.919. Tại làng Vê-lu-va,
Giữa dân tộc Vajji,
Ta đi đến đoạn diệt,
Chấm dứt dòng sanh tử,
Dưới bóng của khóm trúc,
Ta sẽ nhập Niết-bàn,
Không còn có lậu hoặc.
(CCLVII) Pàràpariya (Thera. 84)
Ðời sống của ngài đã được nói đến phẩm CCXLIX. Các kệ trước được nói lên khi đức Bổn Sư còn sống. Khi ngài chưa chứng quả A-la-hán, về vấn đề sáu lực (năm căn và ý). Những bài kệ sau đây được nói lên khi đức Bổn Sư đã viên tịch và khi ngài sắp sửa mệnh chung. Trong những bài kệ này, ngài nói lên tương lai của các Tỷ-kheo khi họ theo tà pháp.
Câu kệ đầu do các vị chép sớ đặt vào:
920. Ðây là những tư tưởng
Của một vị Sa-môn,
Tại rừng gọi Ðại lâm,
Khi rừng đang trổ hoa,
Ngài ngồi chỉ một mình,
Viễn ly, tâm thiền định.921. Khác thay, những uy nghi,
Của những vị Tỷ-kheo,
Khi bậc Tối thượng nhân,
Bậc Thế Tôn còn sống,
Còn nay điều được thấy,
Thật sai khác đi nhiều.922. Y để ngăn gió lạnh,
Ðể che điều xấu hổ,
Họ thọ dụng tiết độ.
Biết đủ, từ đâu đến.923. Vị ngon hay vị dở
Ðược ít hay được nhiều,
Họ thọ dụng món ăn,
Chỉ cần nuôi mạng sống,
Tâm không có tham lam,
Cũng không có say đắm.924. Các đồ vật để sống,
Hay các loại dược phẩm,
Họ không quá tha thiết
Như đối lậu hoặc diệt.925. Dưới gốc cây trong rừng,
Hay trong hang trong động,
Chuyên tâm tu viễn ly,
Sống lấy vậy cứu cánh.926. Sống khiêm tốn giản dị,
Nhu hòa, ý kham nhậm,
Với cử chỉ tao nhã,
Không nói năng quàng xiên,
Tâm tư hướng lợi ích
Cho mình và cho người.927. Do vậy sở hành họ,
Thật dễ thương tốt lành,
Khi họ đi, họ ăn,
Khi họ thọ dụng gì,
Cử chỉ uy nghi họ,
Như dòng dầu trơn mướt.928. Mọi lậu hoặc đoạn tận,
Ðại thiền, đại thiện lợi,
Nay những Trưởng lão ấy,
Ðã hoàn toàn Niết-bàn,
Ngày nay thật ít vị,
Giống như các vị ấy,929. Do thiện pháp, trí tuệ,
Bị hao mòn tiêu diệt,
Lời dạy bậc chiến thắng,
Tổng hợp mọi tối thượng,
Về dự án hình thức,
Bị sụp đổ hao mòn.930. Các pháp thuộc tà ác,
Thời đại bị uế nhiễm,
Ðối với họ những vị,
An trú trong viễn ly,
Hy vọng được chứng ngộ.
Các diệu pháp còn lại.931. Uế nhiễm họ tăng trưởng,
ảnh hưởng xấu nhiều người,
Họ hình như chơi giỡn,
Với những kẻ ngu si,
Như bọn quỷ La-sát,
Ðùa giỡn với kẻ điên.932. Bị uế nhiễm chinh phục,
Chạy theo nhiễm này nọ,
Ðối với vật uế nhiễm,
Họ như người la to,
Những đồ vật lấy được.933. Từ bỏ chân diệu pháp,
Họ cãi lộn với nhau,
Họ chạy theo tà kiến,
Họ nghĩ: 'Ðây tốt hơn'.934. Từ bỏ, xoay lưng lại,
Tài sản, con và vợ,
Do nhân muổng đồ xin,
Họ làm việc không xứng.935. Họ ăn đến đầy bụng,
Họ nằm phơi ra ngủ,
Sau khi thức, họ nói,
Ðiều bậc Ðạo Sư trách.936. Mọi mỹ nghệ thủ công,
Họ tôn trọng học tập,
Nội tâm không an tịnh,
Bỏ mặc hạnh Sa-môn.937. Ðất, dầu, các loại bột,
Nước, chỗ ngồi, cơm ăn,
Họ tặng cho cư sĩ,
Hy vọng được nhiều hơn.938. Cây tăm để xỉa răng,
Loại trái Ka-pit-tha
Lá hoa để nhai ăn,
Ðồ khất thực đầy đủ,
Cùng các loại trái xoài,
Và trái A-ma-lặc.939. Với các loại dược phẩm,
Họ giống như thầy thuốc,
Họ làm các công việc,
Chẳng khác người thế tục,
Họ trang sức y phục,
Giống như các kỹ nữ.
Họ tự tỏ quyền uy,
Chẳng khác người hoàng tộc.940. Giả dối và lừa đảo,
Ngụy chứng và man trá,
Với rất nhiều thủ đoạn,
Ðể thọ hưởng tài vật.941. Sử dụng cách lường gạt,
Chạy theo những mưu chước,
Dùng phương tiện sinh sống,
Kéo về nhiều tài sản.942. Họ quy tụ hội chúng,
Vì nghề, không vì pháp,
Họ thuyết pháp quần chúng,
Vì lợi , không vì nghĩa.943. Những người ngoài Tăng đoàn,
Lại tranh luận cãi nhau,
Về quyền lợi Tăng đoàn,
Không tàm quý liêm sỉ,
Họ tự mình nuôi sống,
Với quyền lợi kẻ khác.944. Một số thiếu tín thành,
Dầu đầu trọc đắp y,
Mong muốn được kính trọng,
Ham quyền lợi danh vọng.945. Như vậy, như hiện nay,
Nhiều việc đã đọa lạc,
Thật không còn dễ dàng,
Như thời lúc trước nữa,
Hoặc cảm xúc chứng đắc,
Ðiều chưa được xúc chứng,
Hoặc gìn giữ duy trì,
Ðiều đã được xúc chứng.946. Như người không mang giày,
Ði trên chỗ có gai,
Luôn luôn giữ chánh niệm,
Cũng vậy vị ẩn sĩ,
Khi đi vào trong làng,
Cần gìn giữ chánh niệm.947. Nhớ vị tu đời trước,
Nhớ nếp sống của họ,
Dầu nay thời hậu lai,
Vẫn có thể xúc chứng,
Con đường đạo bất tử.948. Như vậy vị Sa-môn,
Trong rừng cây Sàla,
Các căn có tu tập,
Nói lên lời như vậy,
Phạm chí nhập Niết-bàn,
Ẩn sĩ đoạn tái sanh.
(CCLVIII) Phussa (Thera. 87)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một vị vua trị vì một tỉnh, được đặt tên là Phussa, và được giáo dục trong mọi tài năng của thanh niên hoàng tộc. Nhưng ngài có tâm hướng khác thường, không thiên về thế tục, nên khi nghe một vị Trưởng lão thuyết pháp, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Tu tập thiền định, ngài phát triển thiền quán và sau một thời gian, chứng được sáu thắng trí.
Một hôm, một ẩn sĩ tên Pandara-gotta nghe ngài thuyết pháp, thấy xung quanh có một số Tỷ-kheo giới đức nghiêm minh, tu tập, chế ngự thân và tâm, vị ẩn sĩ suy nghĩ: 'Hệ thống này thật đáng tin tưởng, mong rằng hệ thống này được tồn tại!'. Rồi vị ấy hỏi ngài về tương lai sự tiến bộ các Tỷ-kheo như thế nào? Ngài trả lời với những bài kệ như sau, riêng bài kệ 949 do các nhà kiết tập đặt thêm vào:
949. ẩn sĩ Pan-đa-ra,
Thấy nhiều vị thành tín,
Tự ngã có tu tập,
Khéo hộ trì chế ngự
Ngài mới đặt câu hỏi,
Với vị tên Phussa.950. Trong thời gian tương lai,
Sẽ có ước muốn gì?
Sẽ có chí nguyện gì?
Sẽ có cử chỉ gì?
Mong ngài hãy trả lời,
Câu hỏi của chúng tôi.951. ẩn sĩ Pan-đa-ra,
Hãy nghe lời ta nói,
Hãy thọ trì cẩn thận,
Ta sẽ nói tương lai.952. Phẫn nộ và hiềm hận,
Che đậy và cứng đầu,
Nhiều lừa đảo ganh tị,
Tương lai nhiều loại vậy,953. Họ tự cho có trí,
Pháp sâu, chỉ đến bờ,
Họ khinh nhờn Chánh pháp,
Họ không kính trọng nhau.954. Nhiều nguy hiểm ở đời,
Sẽ xảy ra tương lai,
Pháp được khéo giảng này,
Kẻ ngu làm uế nhiễm.955. Trong Tăng chúng, những vị,
Có đức hạnh hạ liệt,
Họ thường hay tuyên bố,
Có tự tín, không sợ,
Kẻ không học, lắm lời,
Sẽ đứng vào thế mạnh.956. Trong Tăng chúng, những vị,
Có giới hạnh tốt đẹp,
Khi họ có tuyên bố,
Tuyên bố đúng sự thật,
Họ thường ở thể yếu,
Hổ thẹn thiếu nhiệt thành.957. Bạc, vàng và đồng ruộng,,
Ðất đai, dê và cừu,
Nô tỳ nữ và trai,
Kẻ ngu si vô trí,
Sẽ thâu nhận tất cả,
Trong tương lai là vậy.958. Kẻ ngu dễ nóng giận,
Không định tĩnh trong giới,
Kiêu ngạo, đi đó đây,
Như thú ưa đánh nhau.959. Họ trở thành tháo động,
Thường đắp y màu xanh,
Lừa đảo và ngoan cố,
Lắm mồm, ăn nói giả,
Họ bắt chước giả bộ,
Như bậc Thánh thời xưa.960. Với tóc bôi dầu láng,
Dao động, mắt vẽ xanh,
Ðắp y màu trắng ngà,
Họ qua lại trên đường.961. Y vàng được khéo nhuộm,
Lá cờ bậc La-hán,
Ðược các bậc giải thoát,
Ðắp mang không nhàm chán,
Còn họ chán y vàng,
Ái luyến đắp màu trắng.962. Họ trở thành tham lợi,
Biếng nhác, ít tinh cần,
Khó sống rừng hoang vu,
Thích sống gần xóm làng.963. Những ai sợ được lợi,
Luôn luôn ưa tà mạng,
Họ học đòi người ấy,
Thân cận, không tự chế.964. Những ai không được lợi,
Họ không trọng không kính,
Bậc khả kính, Hiền trí,
Họ không có thân cận.965. Khinh cờ hiệu của mình,
Ưa thích màu ngoại sắc,
Có kẻ mang y trắng,
Lá cờ hiệu ngoại đạo.966. Không kính y màu vàng,
Thời ấy họ là vậy,
Chờ đợi màu y vàng,
Không phải của Tỷ-kheo.967. Bị đau khổ chinh phục,
Bị quặn đau tên đâm,
Chờ đợi đại khủng bố.
Voi ta không nghĩ nghì.968. Khi bậc sáu ngà thấy,
Cờ La-hán khéo nhuộm,
Voi nói lên những kệ,
Liên hệ đến mục đích.969. Ai sẽ mặc cà-sa,
Tâm chưa rời uế trược,
Không tự chế, không thực,
Không xứng áo cà-sa.970. Ai rời bỏ uế trược,
Khéo định trong giới luật,
Tự nhiếp phục chơn thực,
Thật xứng áo cà-sa.971. Phá giới, trí hạ liệt,
Không tự chế, tham dục,
Tâm loạn, thiếu phấn chấn,
Không xứng áo cà-sa.972. Ai đầy đủ giới hạnh,
Ly tham, có định tĩnh,
Tâm tư thật trinh bạch,
Vị ấy xứng áo cà-sa.973. Ai kiêu ngạo phóng đãng,
Ngu si, không giới hạnh,
Xứng đáng mặc áo trắng,
Làm gì có cà-sa.974. Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni,
Tâm uế, không tin kính,
Tương lai sẽ ức hiếp,
Ðối vị có tâm từ.975. Kẻ ngu mang y áo,
Dầu được Trưởng lão dạy,
Liệt trí sẽ không nghe,
Không tự chế, tham dục.976. Kẻ ngu dầu dạy vậy,
Không có kính trọng nhau,
Sẽ không có vâng lời,
Lời dạy giáo thọ sư,
Giống như ngựa bất kham,
Ðối với người đánh xe.977. Như vậy, thời tương lai,
Hành tung sẽ là vậy.
Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ni,
Khi thời tối hậu đến,
Hãy ôn hòa thân ái,
Hãy cung kính lẫn nhau.978. Ðại nạn ấy chưa đến,
Trước khi đại nạn đến,
Hãy ôn hòa thân ái,
Hãy cung kính lẫn nhau.979. Hãy có tâm từ bi,
Khéo chế ngự trong giới,
Chuyên tinh tấn nỗ lực,
Thường kiên trì phấn chấn.980. Thấy nguy hiểm phóng dật,
Không phóng dật an ổn,
Hãy tu Tám Thánh đạo,
Giác chứng đạo bất tử.
Như vậy vị Trưởng lão nói với Tăng chúng của mình. Các bài kệ này là lời nói chánh trí của ngài.
(CCLIX) Sàriputta (Thera. 89)
Ðời của ngài và đời của Moggallàna gắn liền với nhau. Trong thời đức Phật tại thế, Sàriputta sanh tại thành Upatissa, không xa Vương Xá (Ràjagaha) bao nhiêu, mẹ là Rùpasàri; còn Moggallàna sanh ở thành Kolita, không xa thành Vương Xá (Ràjagaha) bao nhiêu, mẹ là Moggali. Vì cả hai là con của vị gia trưởng nên được đặt tên là Upatissa và Kolita. Cả hai đứa trẻ được nuôi dưỡng trong giàu sang và thiện xảo mọi khả năng.Trong một hội chợ lớn ở Vương Xá (Ràjagaha) vì tâm tư thuần thục, cả hai đều thấy tất cả quần chúng hội một trăm năm sau, sẽ bị thần chết mang đi, nên cả hai lo âu đi tìm con đường giải thoát. Cả hai xuất gia dưới sự chỉ đạo của Sanjaya, hẹn nhau ai chứng quả bất tử trước, sẽ nói cho người kia biết.
Dưới sự chỉ đạo của Sanjaya, cả hai không tìm được đạo giải thoát, và sau khi tìm hỏi các Sa-môn, Bà-la-môn gặp được Assajì và nhờ Assajì, gặp được Thế Tôn, cả hai đều xin xuất gia và được đức Phật độ cho làm Tỷ-kheo với câu: 'Thiện lai Tỷ-kheo'.
Chứng được quả Dự lưu nhờ Assajì tóm tắt câu kệ, Moggallàna, bảy ngày sau khi xuất gia, tại làng Kallavàla ở Magadha, sau khi nhiếp phục được hôn trầm thụy miên, nhờ lời Thế Tôn khích lệ, sau khi nghe lời dạy về tu các giới, chứng được quả A-la-hán. Còn Sàriputta, nửa tháng sau khi xuất gia khi ở cùng đức Bổn Sư tại hang Sukarakhata ở Vương Xá (Ràjagaha) cũng được chứng quả A-la-hán. Về sau, tại Jetavana Thế Tôn xác chứng Sàriputta là đệ tử đệ nhất về trí tuệ và thiền quán, và Sàriputta sau khi được tôn làm nguyên soái Chánh pháp, một hôm nói lên chánh trí của mình, trước các đệ tử:
981. Ai tùy theo năng lực,
Có giới, tịnh, chánh niệm
Không phóng dật hành trì,
Sở hành đúng tư duy,
Thích hướng nội, khéo định,
Ðơn độc, biết tri túc,
Với sở hành như vậy,
Vị ấy gọi Tỷ-kheo.982. Ăn đồ ướt hay khô,
Không ăn quá thỏa mãn,
Bụng trống, ăn tiết độ,
Tỷ-kheo trú chánh niệm.983. Ăn bốn, năm miếng xong,
Rồi hãy uống nước uống,
Thật đủ trú thoải mái,
Với Tỷ-kheo tinh cần.984. Nhận lấy đồ hợp pháp,
Y áo đáp nhu cầu,
Thật đủ trú thoải mái,
Với Tỷ-kheo tinh cần.985. Khi ngồi thế kiết-già,
Ðầu gối phải mưa ướt,
Thật đủ trú thoải mái,
Với Tỷ-kheo tinh cần.986. Ai xem lạc là khổ,
Ai xem khổ như tên,
Ðứng chặng giữa cả hai,
Do đâu, đời nắm được?987. Không cho ta ác dục,
Biếng nhác tinh cần kém,
Ít nghe, không tín kính,
Do đâu, đời nắm được?988. Nghe nhiều, có hiền trí,
Khéo định tĩnh trong giới,
Chuyên chú an chỉ tâm,
Hãy đứng lên trên đầu.989. Ai chuyên tâm hý luận,
Như thú ưa hý luận,
Rơi khỏi, trật Niết-bàn,
Vô thượng, thoát khổ ách.990. Ai từ bỏ hý luận,
Thích đạo phi hý luận,
Ði đến được Niết-bàn,
Vô thượng, thoát khổ ách.
Rồi vị Trưởng lão, một hôm thấy được chỗ ở của người em Revata (XLII, CCXLIV) đang ở, một khu rừng không nước đầy gai góc, ngài tán thán người em và nói:
991. Tại làng hay trong rừng,
Thung lũng hay đồi cao,
Chỗ nào La-hán trú,
Ðất ấy thật khả ái.
992. Khả ái thay núi rừng,
Chỗ người phàm không ưa,
Vị ly tham sẽ thích,
Vì không tìm dục lạc.
Rồi vị Trưởng lão,với lòng từ mẫn đối với Ràdha một Bà-la-môn bất hạnh, giúp Ràdha xuất gia tu hành. Về sau, khi đang du hành, ngài khích lệ Ràdha, bằng lòng với cử chỉ khiêm tốn của Ràdha:
993. Như người chỉ của chôn,
Cũng vậy, người thấy lỗi,
Nói điều người trí trách,
Hãy gần người trí vậy.
Thân cận người như vậy,
Chỉ tốt hơn, không xấu.
Một hôm, bậc Ðạo Sư không đi đến để giải tán nhóm Tăng chúng của Assaji-Runabbasu được tổ chức ở đồi Kità, Sàriputta được cử đi cùng với Moggallàna và các đệ tử của mình. Khi lời khuyên của Sàriputta không được nghe theo, ngài nói như sau:
994. Cần phải khuyên, phải dạy,
Phải ngăn chặn bất thiện,
Làm vậy, người thiện thương,
Người bất thiện không ưa.
Khi các Tỷ-kheo nói rằng chính du sĩ Dìghanakha, được Thế Tôn giảng dạy, được sửa soạn bởi hành động quá khứ, có thể làm nhiệm vụ ấy, Sàriputta can thiệp, nói rằng không phải:
995. Thế Tôn, bậc có mắt,
Thuyết pháp cho người khác,
Khi pháp được thuyết giảng,
Ta lắng tai nhiệt tình.996. Ta nghe, không uổng phí,
Giải thoát không lậu hoặc,
Không cần biết đời trước,
Không cần được thiên nhãn.997. Ta không có phát nguyện,
Chứng được tha tâm thông,
Biết chúng sanh sống chết,
Hay nhĩ giới thanh tịnh.
Ba câu kệ tiếp được nói lên về ngài, khi Sàriputta trú ở tinh xá hang bồ câu, không có bị thương khi bị quỷ Dạ-xoa đánh:
998. Ngồi dưới một gốc cây,
Ðầu trọc, đắp đại y,
Trưởng lão tuệ đệ nhất,
U-pa-tis tu thiền.999. Ðầy đủ thiền vô tầm
Ðệ tử bậc Chánh giác,
Với im lặng bậc Thánh,
Ngay lúc ấy, đạt được1000. Giống như ngọn núi đá,
Không động, khéo vững trú,
Cũng vậy, vị Tỷ-kheo,
Ðã đoạn diệt si ám,
Vị ấy như ngọn núi,
Không có bị dao động.
Một hôm, bậc Trưởng lão không chú tâm, để tấm y rơi xuống. Một Sa-di nói: 'Thưa Tôn giả y cần phải đắp xung quanh thân mình'. Tôn giả tán thán lời nói của người Sa-di và đắp lại tấm y trên thân. Và nói lên điều lỗi của mình, ngài nói bài kệ:
1001. Người không có uế nhiễm,
Luôn tầm cầu thanh tịnh,
Ác nhẹ như đầu lông,
Xem nặng như mây trời.
Rồi ngài nêu rõ sự xả ly của ngài đối với vấn đề sống chết.
1002. Ta không hoan hỷ chết,
Ta không hoan hỷ sống,
Ta sẽ bỏ thân này,
Tỉnh giác và chánh niệm.1003. Ta không hoan hỷ chết,
Ta không hoan hỷ sống,
Ta sẽ bỏ thân này,
Như thợ làm việc xong.
Rồi khi thuyết pháp, ngài nói lên những bài kệ:
1004. Cả hai chết, không chết,
Sau đời hay trước đời,
Hãy dấn thân tiến bước,
Chớ để hư, uổng phí,
Dầu một khắc, sát-na,
Chớ để uổng phí qua.1005. Như ngôi thành biên địa,
Ðược bảo vệ trong ngoài,
Như vậy, hộ tự ngã,
Chớ để phí sát-na,
Sát-na qua, sầu muộn,
Chịu khổ trong địa ngục.
Rồi một hôm, thấy Tôn giả MahaKotthita, ngài nói lên ba câu kệ, tán thán khả năng tốt đẹp của MahàKotthita.
1006. Ðạt tịch tịnh, chỉ tức,
Ðọc chú, không cống cao,
Quét sạch các ác pháp,
Như gió quét lá cây.1007. Ðạt tịch tịnh, chỉ tức,
Ðọc chú, không cống cao,
Gạt ngoài các ác pháp,
Như gió quét lá cây.1008. Ðạt tịch tịnh an lặng,
Ý trong sáng không nhiễm,
Bậc trì giới trọn lành,
Có thể dứt đau khổ.
Câu kệ tiếp nói về các Tỷ-kheo xứ Vajjì tin tưởng ở Devadatta và chấp nhận giáo lý của Devadatta:
1009. Có người không ai tin,
Tại gia hay xuất gia,
Những ai trước là tốt,
Về sau trở thành xấu,
Hoặc trước là người xấu.
Sau trở thành người tốt.1010. Hạng Tỷ-kheo tham dục,
Sống hôn trầm thụy miên,
Trạo cử và nghi ngờ,
Tâm đủ năm phiền não.
1011.Với ai, đối cả hai,
Ðược trọng, không được trọng,
Thiền định, không dao động,
An trú không phóng dật.1012. Thiền tư luôn kiên trì,
Tuệ quán, kiến tế nhị,
Ưa thích chấp thủ diệt,
Vị ấy gọi chân nhân.
Ðể phân biệt sự sai khác, lấy Bổn Sư và mình làm thí dụ, ngài nói lên những bài kệ như sau:
1013. Biển lớn và đất lớn,
Núi và các phương trời,
Không ví dụ sánh được,
Phật, giải thoát thù thắng.1014. Trưởng lão chuyển pháp luân,
Bậc đại trí, thiền định,
Như đất, nước và lửa,
Không tham không ghét bỏ.1015. Ðạt được tuệ tối thắng,
Ðại giác, đại Mâu-ni,
Không chậm, tỏ chậm chạp
Thường sống thật thanh lương.
Ðể nêu rõ bổn phận của ngài đã làm xong, ngài nói:
1016. Ta hầu hạ Bổn Sư,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Gốc sanh hữu nhổ sạch.
Và khi ngài sắp nhận Niết-bàn, ngài giảng dạy các Tỷ-kheo đang họp xung quanh ngài như sau:
1017. Tinh cần, chớ phóng dật,
Ðây lời giáo huấn ta!
Ta sẽ nhập Niết-bàn,
Ta thoát mọi sanh y.
(XXLX) Ananda (Thera. 91)
Trong thời đức Phật tại thế, ngài sanh trong gia đình Thích-ca Amitedana. Vì các bà con nói ngài sanh đem hoan hỷ cho gia đình, nên được đặt tên là Ananda (Khánh Hỷ). Khi lớn lên, các sự kiện xuất gia, giác ngộ, chuyển Pháp luân được diễn ra, và sau khi Thế Tôn viếng thăm Kapilavatthu, ngài xuất gia với Bhaddiya và các người khác và được Thế Tôn thế độ cho. Sau khi nghe bài thuyết pháp của Punna Mantàni, ngài chứng được Sơ quả.
Trong hai mươi năm đầu, Thế Tôn không có thị giả riêng, khi thì Nàgasamàla, khi thì Nàgita, khi thì Upavàna, Sunakkhatta, Sa-di Cunda, Sàgata, Meghiya. Thế Tôn không có lựa chọn ai làm thị giả đặc biệt. Sau Thế Tôn khi đã năm mươi sáu tuổi, gợi ý muốn có một thị giả thường trực, có Tỷ-kheo đề nghị Ananda và Ananda chỉ nhận lời nếu Thế Tôn chịu từ chối bốn việc và chấp nhận bốn việc. Từ chối không cho Ananda, y, đồ ăn, một phòng riêng và mời ăn, vì nếu không từ chối thời Ananda bị hiểu lầm là hầu hạ Thế Tôn để được y, đồ ăn khất thực, phòng xá và mời ăn. Chấp nhận cho Ananda bốn việc là nếu Ananda được mời ăn, Thế Tôn bằng lòng đi dự; Thế Tôn bằng lòng gặp những người từ xa đi đến và do Ananda giới thiệu; Thế Tôn chấp nhận cho Ananda yết kiến nếu Ananda gặp phân vân khó xử; Thế Tôn sẽ giảng lại những giáo lý ngài dạy khi Ananda vắng mặt. Nếu Thế Tôn không chấp nhận bốn điều này, thời sự hầu hạ của Ananda không đem lại thiện quả gì. Thế Tôn chấp nhận điều Ananda yêu cầu.
Từ hôm ấy, Ananda hầu hạ Thế Tôn, đem nước, đem tăm xỉa răng, rửa chân, đi theo Thế Tôn, quét phòng cho Thế Tôn. Ban ngày, Ananda ở một bên đức Phật, nhắc nhở những điều cần làm; ban đêm cầm đèn và gậy. Ananda đi xung quanh phòng đức Phật sẵn sàng đáp ứng nếu Thế Tôn có gọi. Thế Tôn tại Jetavana, xác chứng Ananda là vị Tỷ-kheo đệ nhất về năm phương diện: Ða văn, tâm tư cảnh giác, sức mạnh đi bộ, lòng kiên trì và sự hầu hạ chu đáo. Như vậy, Ananda sau khi Thế Tôn nhập diệt vẫn chưa chứng quả A-la-hán, và đêm trước khi kỳ kiết tập thứ nhất được tổ chức, ngài phát tâm tinh cần tinh tấn, thiền quán suốt đêm, trong mái hiên nhưng chưa có hiệu quả. Rồi ngài vào phòng ngồi trên giường, muốn nằm xuống và khi đầu chưa đụng chiếc gối, chân chưa rời khỏi đất, trong khoảng thời gian ấy, ngài chứng được quả A-la-hán. Rồi ngài bước vào phòng kiết tập.
Các câu kệ của ngài được góp thâu lại và để vào trong tập Trưởng lão Tăng Kệ, khi Khuddaka Nikàya (Tiểu bộ kinh) được tụng đọc.
Những bài kệ đầu được nói lên, khi ngài khuyên các Tỷ-kheo thường thân cận với kẻ theo Devadatta:
1018. Hai lưỡi và phẫn nộ,
Xan tham, thích phá hoại,
Bậc trí không giao du,
Kẻ ác bạn kẻ xấu.1019. Với bậc tin, dễ thương,
Vói bậc trí, nghe nhiều,
Bậc Hiền trí, giao du,
Kẻ thiện bạn chân nhân.
Các bài kệ sau được nói lên khi nữ cư sĩ Uttarà, vì nàng đẹp nên thiên về dục vọng và được nói lên để nàng thấy sự mỏng manh của thân nàng. Có người nói các bài kệ này nói lên cho những ai đắm say Ambapàli:
1020. Hãy xem bóng trang sức,
Nhóm vết thương tích tụ,
Bệnh hoạn nhiều tham tưởng,
Nhưng không gì trường cửu.1021. Hãy nhìn sắc trang sức,
Với châu báu vòng tai,
Bộ xương, da bao phủ
Sáng chói nhờ y phục.
Hai câu kệ tiếp được vị Trưởng lão nói lên khi chứng quả A-la-hán, đêm ấy trên giường của mình:
1022. Nghe nhiều, diễn thuyết giỏi,
Thị giả bậc Giác giả,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Ràng buộc được thoát ly,
Bậc họ Gotama,
Ðặt lưng nằm xuống nghỉ.1023. Các lậu hoặc đoạn tận,
Ràng buộc được thoát ly,
Mọi chấp trước vượt qua,
Khéo đạt được thanh lương,
Gánh vác thân cuối cùng,
Ðến bờ kia sanh tử.1024. Pháp an trú trong ấy,
Phật bà con mặt trời,
Trên đường đến Niết-bàn
Gotama an trú.
Một hôm Moggallàna người chăn bò, hỏi ngài lời dạy của đức Phật là gì, có bao nhiêu giáo lý tất cả. Vị Trưởng lão trả lời:
1025. Ta nhận từ đức Phật,
Tám mươi hai ngàn pháp,
Còn nhận từ Tỷ-kheo,
Thêm hai ngàn pháp nữa,
Tổng cộng tám tư ngàn,
Là pháp ta chuyển vận.
Một hôm, vị Trưởng lão nói cho một người sống bê tha phóng đãng sự nguy hiểm của một đời sống không giáo dục văn hóa:
1026. Người ít nghe ít học,
Lớn già như con bò,
Những thịt nó lớn lên,
Trí tuệ nó không lớn.
Những bài kệ tiếp nói cho vị Tỷ-kheo khinh khi những người ít học thua mình:
1027. Người học nhiều khinh miệt,
Kẻ học ít về học,
Như người mù mang đèn,
Ta có ý là vậy.1028. Hãy kính người nghe nhiều,
Chớ hại điều sở học,
Ðấy cội gốc Phạm hạnh,
Do vậy, hãy trì pháp.1029. Biết câu trước câu sau,
Biết nghĩa, giỏi từ cú,
Nắm giữ điều khéo nắm,
Suy tìm trên nghĩa lý.1030. Chính nhờ đức kham nhẫn,
Sở nguyện được tác thành,
Sau khi đã tinh tấn,
Vị ấy lại cân nhắc,
Ðúng thời, ra nỗ lực,
Nội tâm khéo định tĩnh.1031. Nghe nhiều, thọ trì pháp
Có tuệ, đệ tử Phật,
Chờ đợi thức tri pháp,
Nên thân cận vị ấy.1032. Nghe nhiều thọ trì pháp,
Hộ tạng Ðại ẩn sĩ,
Cặp mắt, toàn thế giới,
Hãy lễ vị nghe nhiều.1033. Ưa pháp, vui thích pháp,
Luôn suy tư Chánh pháp,
Tỷ-kheo nhớ niệm pháp,
Diệu pháp không tổn giảm.
Một hôm, ngài đốc thúc vị Tỷ-kheo dao động, biếng nhác như sau:
1034. Thân ích kỷ nặng chăng,
Không có ưa hoạt động,
Thời gian mòn mỏi qua,
Không thể đứng dậy sao?
Tham đắm theo thân lạc,
Từ đâu, Sa-môn lạc?
Những câu kệ sau, Trưởng lão Ananda đọc lên khi nghe tin Sàriputta mệnh chung:
1035. Mọi phương đều mờ mịt,
Pháp không khỏi nơi ta,
Người bạn tốt đã đi,
Tối tăm lan tràn khắp.1036. Người bạn đã đi qua,
Ðạo Sư đã đi qua,
Bạn như vậy không còn,
Như quán thân hành niệm.1037. Các vị xưa đã qua,
Vị mới ta không hạp,
Nay một mình ta thiền,
Như chim, khi mưa đến.
Câu kệ tiếp là của bậc Ðạo Sư. Câu tiếp là của Ananda, hoan hỷ làm theo lời vị Ðạo Sư:
1038. Từ các địa phương khác,
Nhiều người yết kiến Ta,
Chớ ngăn họ nghe pháp,
Nay thời họ gặp Ta.1039. Từ các địa phương khác,
Quần chúng đến yết kiến,
Bổn Sư cho họ dịp,
Ðể được yết kiến Ngài;
Bậc có mắt không có,
Từ chối ngăn chận ai.
Năm câu kệ tiếp nêu rõ ngài là bậc thị giả đệ nhất:
1040. Trải hai mươi lăm năm
Ta chỉ là hữu học,
Dục tưởng không khởi lên,
Hãy xem pháp, pháp tánh.1041. Trải hai mươi lăm năm,
Ta chỉ là hữu học,
Sân tưởng không khởi lên,
Hãy xem pháp, pháp tánh.1042. Trải hai mươi lăm năm,
Ta hầu hạ Thế Tôn,
Với thân nghiệp từ hòa,
Như bóng không rời hình.1043. Trải hai mươi lăm năm
Ta hầu hạ Thế Tôn,
Với khẩu nghiệp từ hòa,
Như bóng không rời hình.1044. Trải hai mươi lăm năm,
Ta hầu hạ Thế Tôn,
Với ý nghiệp từ hòa,
Như bóng không rời hình.1045. Khi đức Phật kinh hành,
Ta đi theo sau lưng,
Khi pháp được thuyết giảng,
Trí khởi lên nơi ta.1046. Ta vẫn còn là người,
Có việc cần phải làm,
Ta chỉ là hữu học,
Tâm ý chưa chứng đạt,
Ðạo Sư nhập Niết-bàn,
Ai sẽ từ mẫn ta.1047. Như vậy thật khủng khiếp
Như vậy thật kinh hoàng,
Khi bậc toàn tuyệt hảo,
Bậc Giác ngộ Niết-bàn.
Ba câu kệ tiếp, do các vị dự kỳ kiết tập thêm vào để tán thán Trưởng lão Ananda:
1048. Nghe nhiều, thọ trì pháp,
Hộ tạng Ðại ẩn sĩ,
Cặp mắt toàn thế giới,
Anan nhập Niết-bàn.1049. Nghe nhiều, thọ trì pháp,
Hộ tạng Ðại ẩn sĩ,
Cặp mắt toàn thế giới
Ðoạn ám chỗ tối tăm.1050. Ngài là bậc ẩn sĩ,
Với hành vị tuyệt hảo,
Với chánh niệm tuyệt hảo,
Với kiên trì tuyệt hảo,
Thọ trì chân diệu pháp,
Là Trưởng lão A-nan,
Là kho tàng sống động,
Ðầy châu báu ngọc ngà.
Câu kệ này được Ananda nói lên khi nằm trên giường, trong giờ phút cuối cùng:
1051. Ta hầu hạ Bổn Sư,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Gốc sanh hữu nhổ sạch.
(CCLXI) Mahà-Kassapa (Thera. 94)
Bậc Ðạo Sư đã ra đời, đang chuyển pháp luân và ở tại Ràjagaha (Vương Xá), khi ấy tại làng Bà-la-môn Mahàtittha ở Ràjagaha, ngài ra đời tên Pippali-mànava, con bà vợ chính của Bà-la-môn Kapila. Pippali-mànava, không chịu lập gia đình, xin ở nhà để hầu hạ cha mẹ, sau khi cha mẹ chết, sẽ xuất gia. Ðể làm cho bà mẹ bằng lòng, ngài cho làm tượng một thiếu nữ trẻ đẹp, mặc áo đỏ và đeo đồng trang sức, và nói với bà mẹ rằng nếu bà tìm cho được một thiếu nữ như vậy, ngài sẽ chịu lập gia đình. Bà mẹ sai các người Bà-la-môn đem theo tượng ấy và tìm cho được một thiếu nữ giống như vậy. Họ đến Sàgala, đặt tượng trên bờ sông và ngồi xuống xa bức tượng. Người vú của Bhaddà, sau khi tắm cho Bhaddà lại xuống sông tắm cho mình, thấy bức tượng, tưởng là Bhaddà và nói Bhaddà sao lại thiếu giáo dục như vậy, đánh nàng nơi má và biết được đó không phải là Bhaddà mà chỉ là một bức tượng bằng vàng. Các Bà-la-môn được đưa về nhà, được thấy Bhaddà, nhận Bhaddà giống như bức tượng và đưa tin về Kapila. Nhưng cả hai Pippali-mànava và Bhaddà đều không muốn lập gia đình, nên cả hai viết thư cho nhau nói rõ quyết định của mình. Hai người đưa thư gặp nhau giữa đường, đưa thư cho nhau coi, đánh tráo hai bức thư khác, và do vậy đám cưới được cử hành. Nhưng đêm tân hôn, hai người nằm cách nhau với một giấy hoa. Khi cha mẹ mệnh chung, cả hai quyết định cùng nhau xuất gia.
Hai người cùng mặc áo vàng, cắt tóc, mang bình bát, trước cùng đi với nhau, sau thấy bất tiện nên từ giã nhau, Pippali-mànava đi phía mặt, Bhaddà đi phía đường bên phía trái. Trước giới đức như vậy, quả đất rung động, và Thế Tôn biết được nguyên nhân nên ra ngồi giữa đường từ Nalandà đến Ràjagaha. Gặp Thế Tôn Mahà Kassapa đảnh lễ Thế Tôn, tôn Thế Tôn là bậc Thầy, tự nhận mình làm đệ tử. Cả hai về lại Magadha và Mahà Kassapa tu tập mười ba hạnh đầu đà. Ðến ngày thứ tám, ngài chứng quả A-la-hán. Bậc Ðạo Sư tuyên dương ngài là đầu đà thứ nhất. Và ngài nói lên kinh nghiệm của mình để giáo huấn các vị Tỷ-kheo.
Thấy các Tỷ-kheo ưa sống với quần chúng, và hay đến các nhà cư sĩ, ngài nói:
1052. Chớ du hành đi đầu,
Do quần chúng tôn xưng,
Tâm ý bị loạn động
Thiền định khó tu chứng,
Quần chúng tụ là khổ,
Thấy vậy, tránh quần chúng.1053. Bậc ẩn sĩ không đi,
Ði đến các gia đình,
Tâm ý bị loạn động,
Thiền định khó tu chứng,
Ai hăng say tham vị,
Bỏ đích đem an lạc.1054. Ðảnh lễ cúng dường này,
Xuất phát từ gia đình
Nên biết họ thực sự,
Là đám bùn sa lầy.
Như mũi tên tế nhị
Rất khó rút ra khỏi,
Kẻ xấu rất khó lòng.
Từ bỏ sự cung kính.
II
Một lời khuyên các Tỷ-kheo hãy biết đủ với bốn vật dụng cần thiết:
1055. Từ trú xứ bước xuống,
Ta vào thành khất thực,
Ta cẩn thận đến gần,
Một người cùi đang ăn.1056. Với bàn tay lở loét,
Nó bỏ vào một muỗng,
Khi bỏ vào muỗng ấy,
Ngón tay rời rơi vào.1057. Dựa vào một chân tường,
Ta ăn miếng ăn ấy,
Ðang ăn và ăn xong,
Ta không cảm ghê tởm.1058. Miếng ăn đứng nhận được
Xem như thuốc tiêu hôi,
Chỗ nằm dưới gốc cây,
Và y từ đống rác,
Ai thọ dụng chúng được,
Ðược gọi người bốn phương.
III
Về sau, khi được hỏi, sao ngài già như vậy, lại có thể hằng ngày leo lên đồi núi, ngài trả lời:
1059. Khi họ leo núi đá,
Một số bị mạng chung,
Thừa tự bậc Giác ngộ
Tỉnh giác và chánh niệm,
Dựa trên sức thần lực
Kassapa leo núi.1060. Ði khất thực trở về
Ca-diếp leo tảng đá,
Ngồi thiền, không chấp thủ,
Ðoạn sợ hãi kinh hoàng.1061. Ði khất thực trở về,
Ca-diếp leo tảng đá,
Ngồi thiền, không chấp thủ,
Ðã đốt cháy, thanh lương.1062. Ði khất thực trở về
Ca-diếp leo tảng đá
Ngồi thiền, không chấp thủ,
Xong việc, không lậu hoặc.
IV
Sau khi được hỏi thêm, vì sao khi lớn tuổi ngài vẫn ở trên núi rừng? Trúc Lâm hay các tịnh xá không làm cho ngài thích ý chăng? Ngài trả lời:
1063. Khu đất thật khả ái,
Với những vòng tràng hoa,
Hoa tên Ka-rê-ri,
Trải rộng ra cùng khắp,
Với voi rú khả ý,
Ðồi núi ấy ta thích1064. Những hồ nước trong mát,
Tuyệt đẹp, màu mây xanh,
Che kín bởi loài bọ,
Tên 'kẻ chăn In-đa'
Những ngọn núi đá ấy,
Làm tâm ta thích thú.1065. Giống đồi mây xanh biếc,
Ví tháp đẹp lâu đài,
Với vượn hú khả ý,
Ðồi núi ấy, ta thích.1066. Ðất bằng thật khả ái,
Ðược mưa ướt thấm nhuần,
Ðồi núi được ẩn sĩ,
Làm thành nơi trú xứ.
Vang lên tiếng chim công,
Ðồi núi ấy ta thích.1067. Vừa đủ ta chánh niệm,
Hăng hái muốn tu thiền,
Vừa đủ ta Tỷ-kheo
Hăng hái muốn phước lợi.1068. Vừa đủ ta Tỷ-kheo,
Hăng hái muốn an lạc,
Vừa đủ ta Tỷ-kheo,
Hăng hái tu Du-già.1069. Tràn đầy hoa cây gai,
Như trời phủ làn mây,
Ðầy mọi loài chim chóc,
Ðồi núi ấy ta thích.1070. Không đông chúng gia chủ
Chỗ trú xứ đoàn thú,
Ðầy mọi loài chim chóc,
Ðồi núi ấy ta thích.1071. Dưới tảng đá, băng đá,
Có nước suối trong chảy,
Có khỉ và có nai,
Lai vãng sống gần bên,
Cỏ cây bao trùm nước,
Ðồi núi ấy ta thích.1072. Người vậy không ưa thích,
Cả năm loại nhạc khí,
Khi đã được nhất tâm,
Chơn chán thiền quán pháp.
V
Khi khuyên bảo các Tỷ-kheo thích thú các tục sự, và tham các vật cúng dường cần thiết cho sự sống, ngài nói:
1073. Chớ làm quá nhiều việc,
Tránh quần chúng đua tranh,
Người siêng tham đắm vị,
Bỏ đích đem an lạc.1074. Chớ làm nhiều công việc,
Tránh việc không lợi này,
Thân cực nhọc mệt mỏi,
Người khổ không an chỉ.
VI
Các câu kệ sau được nói lên để khuyên bảo trong một vài trường hợp:
1075. Chỉ lắp bắp cái môi,
Không thấy được tự ngã,
Cổ cứng đờ nó đi,
Nó nghĩ: ta tốt hơn.1076. Không hơn nghĩ tốt hơn,
Kẻ ngu nghĩ tự ngã,
Bậc trí không tán thán,
Người có trí cứng đờ.1077. Ta tốt hơn, hay là
Ta không được tốt hơn,
Hay ta là dở hơn,
Ta cũng tốt như vậy,
Ai không có dao động
Trong các loại mạn này.1078. Có tuệ, nói như thật,
Khéo định tĩnh trong giới,
Ðạt được tâm an chỉ,
Người ấy kẻ trí khen.1079. Ai giữa đồng Phạm hạnh
Không được có kính trọng,
Vị ấy xa diệu pháp,
Như đất xa bầu trời.1080. Những ai có tàm quý,
Thường chơn chánh an trú,
Phạm hạnh được tăng trưởng,
Họ đoạn được tái sanh.1081. Tỷ-kheo cống cao động
Dầu đắp y đống rác,
Như con khỉ đội lốt,
Với da con sư tử,
Người vậy không có thể,
Chói sáng nhờ y ấy.1082. Không cống cao, không động,
Thận trọng, căn chế ngự,
Chói sáng với tấm y
Ðược lượm từ đống rác,
Chẳng khác con sư tử,
Trong hang động núi rừng.
VII
Khi thấy chư Phạm thiên đảnh lễ ngài Sàriputta, và thấy Trưởng lão Kappina mỉm cười, ngài nói:
1083. Rất nhiều chư Thiên này
Có thần thông, lừng danh,
Cả mười ngàn chư Thiên,
Tất cả Phạm hạnh chúng thiên.1084. Ðứng đảnh lễ, chấp tay
Ðối ngài Xá-lợi-phất,
Vị tướng quân Chánh pháp
Sáng suốt, đại thiền định.
Ðảnh lễ bậc Thượng sanh,
Ðảnh lễ bậc Tối thượng.1085. Dựa vào gì, thiền tu,
Chúng tôi không thắng trí.1086. Kỳ diệu thay chư Phật,
Hành xứ ngài thâm sâu,
Chúng con không nghĩ được
Dầu chúng con hội đủ
Tài nghệ người bắn cung,
Có thể chẻ sợi tóc.1087. Khi thấy Xá-lợi-phất
Xứng đáng được đảnh lễ,
Ðược Phạm thiên chúng ấy,
Ðảnh lễ, kính như vậy,
Tôn giả Kappina,
Liền mỉm cười vui vẻ.
VIII
Trưởng lão Kassapa rống lên tiếng rống sư tử của mình:
1088. Trong đám ruộng đệ tử
Những vị theo đức Phật,
Ngoại trừ bậc Tối tôn,
Ðại ẩn sĩ Mâu-ni,
Ta ưu việt Ðầu đà.
Không ai bằng ta được.1089. Ta hầu hạ Bổn Sư,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Gốc sanh hữu nhổ sạch.1090. Không nhiễm dính y phục
Chỗ nằm và đồ ăn,
Không thể trắc lường được
Là con bậc Gotama!
Như hoa sen trong sạch,
Không thể dính nước vào,
Ý thiên về xuất ly,
Thoát ly cả ba giới.1091. Với bậc Ðại ẩn sĩ,
Cổ dựng trên niệm xứ,
Tay dựa trên đức tin,
Với đầu là Trí tuệ
Bậc Ðại trí luôn luôn,
Hành trì thật thanh lương.
(CCLXII) Tàlaputta (Thera. 97)
Trong thời gian đức Phật hiện tại, ngài sanh trong một gia đình kịch sĩ, trở thành thiện xảo trong nghề diễn kịch thích hợp với người trong gia tộc và trở thành lừng danh khắp Ấn Ðộ, như nhà lãnh đạo một ban hát với năm trăm nữ nhân, với sự huy hoàng của nghề kịch, ngài dự các lễ ở làng, ở thị trấn, ở cung điện vua, và rất được sủng ái và danh tiếng. Khi ngài trình diễn ở Ràjagaha với nhiều thành công, ngài đến yết kiến đức Phật và hỏi có phải một kịch sĩ khi trên sâu khấu giả danh sự thật, làm cho khán giả ưa thích, vui cười, người ấy sau khi chêt được sanh vào chư Thiên hay cười. Ðức Phật ban đầu không trả lời. Ðến khi hỏi lần thứ tư, đức Phật trả lời những ai khiến cho con người thiên về tình dục, tiêu cực tâm tư hoang mang khiến người ta mất nhiệt tình, người như vậy sau khi chết sẽ sinh vào địa ngục. Nhưng nếu có tà kiến thời bị sanh vào địa ngục và súc sanh. Tàlaputta khóc không phải vì đức Phật nói chỗ tái sanh, chỉ vì bị các kịch sĩ xưa lừa dối nói rằng kịch sĩ sẽ được sanh trong một đời sống hạnh phúc.
Rồi Tàlaputta nghe lời đức Phật thuyết pháp, khởi lòng tin, xuất gia và sau một thời tu tập, chứng quả A-la-hán. Rồi nêu rõ với nhiều chi tiết, như thế nào ngài chế ngự và làm cho trong sạch tâm tư, đi đến chỗ giác ngộ thâm sâu, ngài nói lên những câu kệ như sau:
I
1092. Khi nào ta sẽ đến,
Một mình, không có hai,
Ở trong những hang động,
Của các loại núi rừng,
Ta quán mọi sanh hữu,
Tất cả là vô thường,
Nay ta là như vậy,
Khi nào ta sẽ vậy?1093. Khi nào ta sẽ là,
ẩn sĩ mang y vá,
Mang y vải màu vàng,
Không của ta, không ái,
Ðoạn trừ, diệt tham tâm,
Ðoạn luôn cả sân, si,
Ta đi đến khu rừng,
Sẽ trú trong an lạc.1094. Khi nào ta thấy được
Thận này là vô thường,
Bị chết già áp bức,
Ổ giết chóc, bệnh tật
Ta sẽ trú trong rừng,
Một mình, quán vô úy
Khi nào sẽ là vậy?1095. Khi nào ta sẽ lấy
Gươm sắc bén trí tuệ,
Chặt dây leo khát ái,
Với nhiều dây chằng chịt,
Sanh khởi lên sợ hãi,
Mang đến sự khổ đau.
Khi nào sẽ là vậy?1096. Khi nào ta sẽ là,
Có sức mạnh rút gươm,
Gươm do tuệ tạo thành,
Là lửa sáng ẩn sĩ;
Với sức mạnh đập tan
Ác ma với Ma quân
Trên chỗ ngồi sư tử,
Khi nào sẽ là vậy?1097. Khi nào ta sẽ được
Hội tụ với bậc thiện,
Ðược thấy giữa các vị,
Ðảm nhận các trọng pháp,
Tinh cần với các vị,
Thấy sự vật như thật,
Chiến thắng được các căn
Khi nào sẽ là vậy?1098. Khi nào nhác đói khát
Gió, nóng, trùng bò sát,
Sẽ không não hại ta,
Ở Gi-ri-bhaje,
Ðang lo đến tự ngã,
Khi nào sẽ là vậy?1099. Khi nào ta có thể
Chánh niệm, gã định tĩnh
Hiểu được với trí tuệ,
Bốn sự thật khéo giảng,
Bởi bậc Ðại ẩn sĩ,
Khi nào sẽ là vậy?1100. Khi nào ta sẽ chuyên
Chú tâm vào an chỉ,
Thấy được với trí tuệ,
Sắc, thanh, hương, vị, xúc,
Các pháp vô thường này,
Như lửa cháy hừng đỏ,
Khi nào ta sẽ vậy?1101. Khi nào ta bị nói,
Với lời nói thô ác,
Không vì lý do ấy,
Tâm trí bị thất vọng.
Khi được lời tán thán,
Không vì lý do ấy,
Tâm tư được thỏa mãn.
Khi nào ta sẽ vậy?1102. Khi nào nhiều như củi,
Cỏ, cây leo, thân cây,
Ta cân nhắc bình đẳng,
Những pháp vô lượng này,
Nội pháp và ngoại pháp,
Khi nào ta sẽ vậy?1103. Khi nào mây đem mưa,
Với nước mới trong rừng,
Làm ướt y áo ta,
Ta đi trên đường ướt,
Con đường ẩn sĩ đi.
Khi nào sẽ là vậy?1104. Khi nào nghe trong rừng,
Tiếng kêu của loài chim,
Chim công, có mào đầu.
Trong hang động núi rừng,
Ta an trú suy tư,
Ðể đạt quả bất tử,
Khi nào ta sẽ vậy?1105. Khi nào với thần thông,
Ta có thể vượt qua,
Không chìm, không sợ hãi,
Sông Hằng, Yamunà,
Sông Sarasvati,
Với cửa sông hãi hùng,
Với nước ào vực sâu,
Khi nào sẽ là vậy?1106. Khi nào, như con voi,
Trên chiến trường tấn công,
Ta sẽ phá tan tành,
Lòng dục đối dục cảnh,
Chuyên chú trong thiền định,
Từ bỏ mọi tịnh tướng,
Khi nào sẽ là vậy?1107. Khi nào như người nghèo
Mắc nợ chưa trả được,
Bị kẻ giàu thúc bách,
Tìm ra được của chôn,
Ta sẽ được thoải mái,
Họ được lời giảng dạy,
Của vị Ðại ẩn sĩ,
Khi nào sẽ được vậy?
II
1108. Nhiều năm ta được ngươi,
Yêu cầu làm như sau:
Như vậy là vừa rồi,
Ngươi sống đời gia đình,
Nay ta đã xuất gia,
Do vậy, hỡi này tâm,
Do vì lý do gì,
Ngươi không có chuyên tâm?1109. Này tâm, phải chăng ngươi,
Yêu cầu ta như sau:
Tại Giribbaje
Loài chim có lông sáng,
Ðón chào với tiếng kêu,
Sấm của Ðại In-da.
Hãy làm vị ấy vui,
Ðang tu thiền trong rừng.1110. Trong gia đình, bạn bè,
Người yêu và bà con,
Các du hí ở đời,
Các đối tượng của dục,
Tất cả đều từ bỏ,
Ta chấp nhận thế này.
Hỡi này tâm, ngươi không
Bằng lòng với ta chăng?1111. Việc này chỉ vì ta,
Ðây không vì người khác,
Khi đến thời vũ trang,
Sao lại còn than khóc?
Thế giới này toàn động,
Chờ đợi là như vậy.
Nên ta đã ra đi,
Tìm cầu đạo bất tử.1112. Vị nói điều khó nói,
Tối thượng loài hai chân,
Bậc Y vương vĩ đại,
Ðánh xe điều ngự người,
Với tâm không tham dục,
Ngài khéo chế ngự được,
Người khó lòng chế ngự,
Chế ngự được tâm người,
Vọng động như con vượn.1113. Các dục có nhiều vẻ.
Dịu ngọt, rất khả ý,
Ở đây, hàng phàm phu,
Vô trí, bị trói buộc.
Họ muốn chịu đau khổ,
Khi họ tìm tái sanh,
Dắt dẫn bởi tâm họ,
Họ chết trong địa ngục.1114. Trong khu rừng vang lên,
Tiếng chim công, chim cò,
Chỗ trú xứ ưu tiên,
Của loài beo, loài cọp,
Ngươi sống tại chỗ ấy,
Chớ chờ đợi về thân,
Chớ có quá đam mê,
Này tâm, hãy khích lệ,
Hãy khuyên ta như trước,1115. Hãy tu thiền, căn, lực
Hãy tu định giác chi,
Hãy giác chứng ba minh,
Trong lời dạy đức Phật,
Này tâm, hãy khích lệ,
Hãy khuyên ta như trước.1116. Hãy tu tập con đường
Ðể đạt được bất tử,
Ðường đưa đến thể nhập,
Chỗ đoạn diệt mọi khổ.
Con đường có tám ngành,
Rửa sạch mọi uế nhiễm.
Này tâm, hãy khích lệ,
Hãy khuyên ta như trước.1117. Hãy như lý quán sát,
Các uẩn là đau khổ,
Hãy từ bỏ xa ngươi,
Những nguyên nhân đau khổ.
Ngay trong thời hiện tại,
Hãy chấm dứt đau khổ,
Này tâm, hãy khích lệ,
Hãy khuyên ta như trước.1118. Hãy như lý tuệ quán,
Là vô thường, là khổ,
Là không, là vô ngã,
Là tà ác, sát hại,
Hãy chế ngự tâm ngươi,
Chớ để nó chạy loạn.
Này tâm, hãy khích lệ,
Hãy khuyên ta như trước.1119. Trọc đầu và xấu sắc,
Ði đến bị nguyền rủa,
Khi khất thực gia đình,
Tay cầm hình đầu lâu,
Nay ngươi có chú tâm,
Vào lời dạy Bổn Sư,
Vào lời Ðại ẩn sĩ,
Này tâm, hãy khích lệ
Hãy khuyên ta như trước.1120. Hãy đi trên con đường,
Tự ngã khéo chế ngự,
Giữa các nhà, tâm ý
Không ái luyến các dục,
Như trăng vào tháng tròn,
Không có bợn mây mù.
Này tâm, hãy khích lệ,
Hãy khuyên ta như trước.1121. Hãy sống trong rừng núi,
Ăn đồ ăn khất thực,
Sống tại chỗ nghĩa địa,
Mặc y lượm đống rác.
Chỉ có ngồi không nằm
Luôn vui hạnh Ðầu-đà,
Này tâm, hãy khích lệ,
Hãy khuyên ta như trước.1122. Như người đã trồng cây,
Liền tìm cho được trái,
Nay ngươi ước muốn trái,
Há chặt rễ cây sao?
Này tâm, thật giống như,
Ví dụ ngươi đã làm,
Khi ngươi khích lệ ta,
Trong vô thường dao động.1123. Ngươi, vô sắc, cô độc,
Kẻ lữ hành từ xa,
Nay ta sẽ không làm,
Theo lời nói của ngươi.
Các dục là khổ đau,
Cay đắng, sợ hãi lớn,
Tâm hướng vọng Niết-bàn,
Ta sẽ bước, đi tới.1124. Ta đi tới xuất gia,
Không phải vì bất hạnh,
Không đùa vô liêm sỉ,
Không vì duyên tâm hứng,
Không bị đày đi xa,
Không vì nhân mạng sống,
Khi ta đã bằng lòng,
Này tâm, đối với ngươi.1125. Ít dục được tán dương,
Bởi những bậc chân nhân,
Kể cả đoạn giả dối,
Và an tịnh đau khổ.
Như vậy, hỡi này tâm,
Khi ngươi khích lệ ta,
Còn nay ngươi đi ngược,
Ðiều ngươi trước quen làm.1126. Khát ái và vô minh,
Ðáng thương và đáng ghét,
Sắc đẹp và lạc thọ,
Dục trưởng dưỡng hấp dẫn,
Tất cả đã quăng bỏ,
Ta không có cố gắng,
Ði đến một lần nữa,
Những đồ đã quăng bỏ.1127. Này tâm, khắp mọi nơi,
Ta làm theo lời ngươi,
Trải qua nhiều đời sống,
Ngươi không tức giận ta,
Và thân nội sanh này,
Là lòng ngươi biết ơn!
Trên đường luân hồi dài,
Khổ do chính ngươi tạo.1128. Này tâm, chính ngươi làm
Tác thành con người ta,
Chính ngươi làm, ta thành,
Thành một Bà-la-môn,
Thành vua chúa hoàng tộc,
Một ngày là người buôn,
Ngày kia thành nô tỳ,
Hoặc thành loại chư Thiên.
Tất cả đều do ngươi,
Chính do ngươi tác thành.1129. Chính do nhân nhà ngươi,
Chúng ta thành Tu-la,
Chính do ngươi tác thành,
Ta rơi đáy địa ngục;
Một thời thành súc sanh,
Một thời thành ngạ quỷ,
Tất cả đều do ngươi,
Chính do ngươi tác thành.1130. Ngươi sẽ không lừa ta,
Nhiều lần, nhiều thời nữa,
Như những người phù thủy,
Bày các trò ảo thuật,
Ngươi chơi lừa phỉnh ta,
Như chơi với người điên,
Này tâm, hãy nói ta,
Chỗ nào ta lỗi lầm.1131. Trước tâm này lang thang,
Chạy chỗ này chỗ khác,
Chạy chỗ nó ưa thích,
Chạy chỗ nó vui sướng,
Nay ta chế ngự tâm,
Với như lý tư duy,
Như câu móc chế ngự,
Nhiếp phục con voi rừng.1132. Với ta, bậc Ðạo Sư,
Xác định đời vô thường,
Ðời không có trường cửu,
Ðời không có kiên thực.
Này tâm, hãy đẩy ta,
Nhảy vào lời Phật dạy,
Khiến ta vượt bộc lưu,
Rất khó được vượt qua.1133. Ta nay đã xuất gia,
Trong pháp Ðại ẩn sĩ
Những người giống như ta,
Không chấp nhận tổn thất.1134. Rừng, biển, sông, đất liền,
Bốn phương, phụ trên dưới,
Tất cả là vô thường,
Ba hữu là hoạn nạn,
Này tâm, hãy đi đâu?
Ngươi sẽ hưởng an lạc.1135. Kìa, kìa, hỡi này tâm,
Ðích ta thật vững chắc,
Người sẽ làm được gì,
Khiến ta phải quay lại,
Này tâm, ta đâu còn,
Tùy thuộc thế lực ngươi,
Không ai chịu xúc chạm,
Cái bị có hai miệng,
Gớm ghiếc thay cái vật,
Ðầy chín dòng chảy nước.1136. Ôi, ngươi sẽ ưa sống,
Trên đảnh sườn núi cao,
Chỗ ở đàn heo nai,
Hay cảnh đẹp thiên nhiên,
Hay trong núi rừng sâu,
Thấm mát mưa nước mới,
Tại đấy ngươi sẽ thích,
Ngươi lấy hang làm nhà.1137. Loài chim lông cổ đẹp,
Với mào đẹp, cánh đẹp,
Với lông nhiều màu sắc,
Ðón chào tiếng sấm vang,
Với tiếng kêu dịu ngọt,
Chúng sẽ làm ngươi thích,
Ngươi tu tập thiền định,
Trong núi rừng thâm sâu.1138. Khi trời đổ mưa xuống,
Trên đám cỏ bón phân,
Và trong rừng nở hoa.
Với đầu hoa như mây,
Giữa rừng, ta sẽ nằm,
Chẳng khác gì khúc cây,
Ðối ta, rất mềm dịu,
Thật giống như giường bông.1139. Như vậy, ta sẽ làm,
Giống như người chủ nhà,
Những gì ta nhận được,
Ta xem là vừa đủ,
Như thợ da không nhác,
Khéo làm cho nhuần nhuyễn,
Cái bị bằng da mèo.1140. Như vậy ta sẽ làm,
Giống như người chủ nhà,
Những gì ta nhận được,
Ta xem là vừa đủ,
Tinh tấn ta dẫn ngươi,
Rơi vào thế lực ta.
Như voi say bị nài,
Khéo dùng móc chế ngự.1141. Với ngươi khéo nhiếp phục,
Khéo an trú vững vàng,
Như người huấn luyện ngựa,
Với con ngựa thuần thục,
Ta có thể dấn bước
Trên con đường an lành,
Con đường được những vị
Hộ trì tâm thường dùng.1142. Ta sẽ trói chặt ngươi,
Vào đối tượng cần thiết,
Như con voi bị dây
Trói chặt vào cây cột.
Ta khéo hộ trì ngươi,
Khéo luyện với chánh niệm.
Nhờ vậy, ngươi sẽ thành,
Không dựa mọi sanh hữu.1143. Với tuệ, chặt tà đạo,
Với lực, chận, hướng chánh
Thấy tập khởi, diệt sanh,
Ngươi sẽ là thừa tự
Bậc phát ngôn tối thượng.1144. Này tâm, ngươi dẫn ta,
Ðến ngôi làng thô lỗ,
Khiến trú vào thế lực
Của bốn tưởng điên đảo,
Hãy đến, theo vị ấy
Vị chặt đứt kiết sử,
Bậc có tâm đại bi,
Bậc Mâu-ni vĩ đại.1145. Như loài thú tự do,
Trong ngôi rừng đẹp đẽ.
Ngươi vào núi xinh đẹp
Có mây làm vòng hoa,
Tại đấy, không có người,
Trong rừng ngươi sẽ thích,
Nay tâm, chắc chắn vậy
Ngươi sẽ đến bờ kia.1146. Những ai còn rơi vào,
Thế lực ý muốn ngươi,
Nam nhân và nữ nhân,
Hưởng an lạc ngươi cho
Không trí, bị rơi vào
Trong thế lực Ác-ma,
Ai ưa thích sanh hữu,
Sẽ là thuộc hạ ngươi,
Hỡi này tâm của ta.
(CCLXIII) Mahà-Moggallàna (Thera. 104)
Ðời ngài được kể với đời ngài Sàriputta (CCLIX). Sau khi xuất gia một tuần, ở gần làng Kallavàla tại Magadha, trong khi du hành ngài bị hôn trầm thụy miên và được Thế Tôn dạy: 'Này Moggallàna, biếng nhác không giống với im lặng của bậc Thánh'. Ngài liền tinh tấn chế ngự sự yếu đuối của mình. Khi chỉ nghe đề tài về các giới do đức Phật giảng dạy, ngài chứng được quả A-la-hán. Một thời, Thế Tôn ở tại Jetavana, xác chứng ngài là bậc thần thông đệ nhất. Các bài kệ của ngài được kiết tập thứ nhất.
I
Khích lệ các Tỷ-kheo:
1147. Chúng ta người ở rừng,
Sống đồ ăn khất thực,
Bằng lòng với miếng ăn
Ðược bỏ rơi trong bát,
Phá nát ma, ma quân,
Nếu nội tâm khéo định.1148. Chúng ta người ở rừng,
Sống đồ ăn khất thực,
Bằng lòng với miếng ăn,
Ðược bỏ rơi trong bát,
Dẹp sạch ma, ma quân,
Như voi, nhà bằng lau.1149. Chúng ta ở gốc cây,
Nhẫn nại, tâm kiên trì,
Bằng lòng với miếng ăn,
Ðược bỏ rơi trong bát,
Phá nát ma, ma quân,
Nếu nội tâm khéo định1150. Chúng ta ở gốc cây,
Nhẫn nại, tâm kiên trì,
Bằng lòng với miếng ăn,
Ðược bỏ rơi trong bát,
Dẹp sạch ma, ma quân,
Như voi, nhà bằng lau.
II
Với một kỹ nữ muốn cám dỗ ngài:
1151. Với am, sườn bằng xương,
May dính với gân thịt,
Gớm thay, đầy hơi thối!
Mang tay chân người khác,
Làm thân thể của mình!1152. Cái bị đựng đầy phân,
Ðược da bao bọc lại,
Ôi con Quỷ cái kia!
Với vú bị ung nhọt,
Thân Ngươi, chín dòng nước
Luôn luôn được tuôn chảy.1153. Thân Ngươi chín dòng nước
Hôi thối, tạo trói buộc,
Tỷ-kheo tránh thân ấy,
Như kẻ sạch tránh phân.1154. Nếu người khác biết Ngươi
Như ta biết được Ngươi,
Người ấy tránh xa Ngươi,
Như khi mưa tránh phân.
Người đàn bà ấy cảm thấy hổ thẹn, đảnh lễ vị Truởng lão rồi thưa:
1155. Thật là vậy, Ðại hùng,
Như Sa-môn, ngài nói:
Ở đây, có kẻ đắm,
Như bò già trong bùn.
Bậc Trưởng lão:
1156. Ai nghĩ có thể nhuộm,
Bầu trời với màu nghệ,
Hoặc với màu sắc khác
Kẻ ấy chỉ thất bại.1157. Tâm ta giống trời ấy,
Nội tâm khéo định tĩnh,
Chớ đem ác tâm đến
Như chim rơi đống lửa.1158. Hãy xem bóng trang sức
Nhóm vết thương tích tụ,
Bệnh hoạn nhiều tham tưởng
Nhưng không gì trường cửu.
III
Khi được tin Trưởng lão Sàriputta viên tịch:
1159. Ôi, thật hãi hùng thay!
Ôi! Lông tóc dựng ngược,
Bậc đủ nhiều đức tánh,
Xá-lợi-phất nhập diệt.1160. Các hành là vô thường
Có sanh phải có diệt,
Sau khi sanh, chúng diệt,
Nhiếp chúng là an lạc.
IV
Nói về Trưởng lão Tissa:
1161. Những ai thấy năm uẩn,
Là khác, không phải ngã,
Quán thấu vật tế nhị,
Như tên đâm mũi tóc.1162. Những ai thấy các hành,
Là khác, không phải ngã,
Chúng thấu triệt tế nhị,
Như têm đâm mũi tóc.
V
Nói về Trưởng lão Vaddhamàna
1163. Như bị kiếm chém xuống,
Như bị lửa cháy đầu,
Vị Tỷ-kheo xuất gia,
Chánh niệm, đoạn tham dục.1164. Như bị kiếm chém xuống,
Như bị lửa cháy đầu,
Vị Tỷ-kheo xuất gia,
Chánh niệm, đoạn tham hữu.
VI
Tuyên bố liên hệ đến kinh Pàsàdakamma:
1165. Ðược khuyên bảo bởi vị,
Ðã tu tập tự ngã,
Mang thân này tối hậu,
Với ngón chân ta làm,
Rung chuyển cả lâu đài,
Migàramàtu.
VII
Nói liên hệ với một Tỷ-kheo:
1166. Không với nhu nhược này,
Không với ít lực này
Có thể chứng Niết-bàn,
Giải thoát mọi buộc ràng.1167. Vị Tỷ-kheo trẻ này,
Con người tối thượng này,
Chiến thắng ma, ma quân,
Mang thân này tối hậu.
VIII
Về đời sống viễn ly của mình:
1168. Giữa đồi Vebhàra,
Giữa đồi Pandava,
Sét đánh vào hang động,
Con bậc Vô tỷ ấy,
Ðã đi vào hang núi,
Ðang ngồi nhập thiền định.
IX
Ði vào Ràjagaha (Vương Xá) để khất thực, ngài khuyến giáo người cháu của Sàriputta, một Bà-la-môn có tà kiến, người này thấy ngài Ðại-ca-diếp, cảm thấy ghê tởm, như thấy được một nữ thần bất hạnh.
An tịnh và thoải mái,
Ẩn sĩ trú vùng xa,
Thừa tự Phật tối thắng,
Ðược Phạm thiên tán thán.1169. Hỡi này Bà-la-môn,
Hãy đảnh lễ Ca-diếp,
Ngài là con thừa tự,
Bậc Giác Ngộ tối thắng,
Ẩn sĩ trú vùng xa
An tịnh và thoải mái.1170. Vị trải trăm đời sống,
Ðều thuộc dòng Phạm chí,
Học giả, giỏi Vệ-đà,
Sanh tiếp tục làm người.1171. Dầu là bậc giáo sư,
Thấu triệt ba Vệ-đà,
Ðảnh lễ vị như vậy,
Chỉ giá một mười sáu.1172. Vị ấy trước bữa ăn,
Thấy được tám giải thoát.
Thuận hướng và nghịch hướng.
Rồi mới đi khất thực.1173. Chớ có đến tấn công
Một Tỷ-kheo như vậy,
Hỡi này Bà-la-môn,
Chớ có đào tự ngã,
Hãy khởi ý tín nhiệm
Vị La hán như vậy,
Chấp tay đảnh lễ gấp,
Chớ để đầu ông hỏng.
X
Khi khuyến giáo một Tỷ-kheo tên Potthila:
1174. Người không thấy diệu pháp,
Dẫn đầu về luân hồi,
Chạy theo hướng tà đạo,
Ðường cong không nên đi.1175. Như con sâu dính phân,
Say mê theo các hành,
Ðắm sâu vào lợi danh,
Trống rỗng, hỡi Pôt-thi.
XI
Tán thán Tôn giả Sàriputta:
1176. Hãy xem Tôn giả này
Xá-lợi-phất đẹp sắc,
Giải thoát cả hai phần,
Nội tâm khéo định tĩnh.1177. Không bị tên khát ái,
Các kiết sử đoạn tận,
Ba minh đã đạt được,
Sát hại xong thần chết,
Ðáng được người cúng dường,
Là ruộng phước vô thượng.
XII
Do ngài Sàriputta nói lời tán thán Moggallàna:
1178. Có nhiều chư Thiên này,
Có thần lực danh xưng,
Ðến mười ngàn chư Thiên
Tất cả Phạm phụ Thiên.
Họ đứng chấp hai tay
Ðảnh lễ Mục-kiền-liên.1179. Ðảnh lễ thượng sanh nhân!
Ðảnh lễ vô thượng nhân!
Lậu hoặc ngài đã đoạn,
Ngài xứng được cúng dường.1180. Ðược trời người đảnh lễ,
Ðã sanh, bậc thắng chết,
Như sen không dính nước,
Ngài không dính các hành.1181. Vị trong một sát-na,
Biết đời, dưới ngàn cách,
Chẳng khác Ðại Phạm Thiên,
Tỷ-kheo ấy Thiên tử
Ðầy đủ thần thông lực,
Thấy được những thời cơ
Chết sống của mọi loài.
XIII
Mahà-Moggàllàna nói lên, xác nhận khả năng của mình:
1182. Xá-lợi-phất với tuệ,
Giới hạnh, an tịnh tâm,
Tỷ-kheo đến bờ kia,
Vị ấy thật tối thượng.1183. Nhưng ta ngay giây phút
Ðến trăm ngàn triệu lần,
Biến hóa tự thân được,
Ta thiện xảo biến hóa,
Thuần thục với thần thông.1184. Dòng họ Môg-gal-la,
Sống thiền định trí tuệ
Ði đến bờ bên kia,
Không ái giáo pháp đạt.
Hiền trí, các căn tịnh,
Chặt đứt các trói buộc,
Như voi bựt đứt ngang,
Dây leo đã mục nát.1185. Ta hầu hạ Bổn Sư,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Gốc sanh hữu nhổ sạch.1186. Sanh của ta đã tận,
Chiến thắng dạy làm xong,
Lưới danh được đoạn diệt,
Gốc sanh hữu nhổ lên,
Mục đích hạnh xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Ðích ấy đã đạt được,
Mọi kiết sử diệt xong.
La mắng Màra đã vào và ra khỏi bụng ngài:
1187. Ðịa ngục ấy thế nào,
Dù si bị nấu sôi,
Vì đánh Vidhura,
Ðệ tử Kà-kùsandha.1188. Có trăm loại cọc sắt,
Tự cảm thọ riêng biệt,
Ðịa ngục là như vậy,
Dù si bị nấu sôi,
Vì đánh Vidhura,
Ðệ tử Kakusandha.1189. Tỷ-kheo đệ tử Phật,
Hiểu biết rõ như vậy,
Vì người đánh Tỷ-kheo,
Kanha chịu khổ thọ.1190. Dựng lên giữa biển cả,
Cung điện trải nhiều kiếp,
Bằng ngọc chói lưu ly,
Huy hoàng cùng chiếu diệu,
Tiên nữ múa tại đây,
Trang sức màu dị biệt.1191. Tỷ-kheo đệ tử Phật,
Hiểu biết rõ như vậy,
Vì ngươi đánh Tỷ-kheo,
Kanha chịu khổ thọ.1192. Ai Thế Tôn khuyến khích,
Chúng Tỷ-kheo chứng kiến,
Với ngón chân rung chuyển
Lầu mẹ Migàra.1193. Tỷ-kheo đệ tử Phật,
Hiểu biết rõ như vậy,
Vì ngươi đánh Tỷ-kheo,
Kanha chịu khổ thọ.1194. Với ngón chân rung chuyển,
Lầu Vi-ja-yan-ta,
Ðầy đủ thần thông lực,
Chư Thiên cũng hoảng sợ.1195. Tỷ-kheo đệ tử Phật,
Hiểu biết rõ như vậy,
Vì ngươi đánh Tỷ-kheo,
Kanha chịu khổ thọ.1196. Ai hỏi vị Sakka,
Tại lầu Vijayan,
Hiền giả, ngươi có biết,
Ái tận được giải thoát?
Sakka đã chân thành,
Trả lời câu được hỏi.1197. Tỷ-kheo đệ tử Phật,
Hiểu biết rõ như vậy,
Vì ngươi đánh Tỷ-kheo,
Kanha chịu khổ thọ.1198. Ai từng hỏi Phạm thiên
Tại hội chúng Thiện Pháp:
Hiền giả nay vẫn chấp,
Các tà kiến thuở xưa,
Có thấy cảnh huy hoàng
Phạm thiên cảnh thiên giới.1199. Brahmà đã chân thành,
Tiếp tục đáp câu hỏi:
Tôn giả tôi không chấp
Các tà kiến thuở xưa.1200. Tôi thấy sự huy hoàng
Phạm thiên cảnh thiên giới,
Sao nay tôi nói được,
Tôi thường hằng thường tại?1201. Tỷ-kheo đệ tử Phật,
Hiểu biết rõ như vậy,
Vì ngươi đánh Tỷ-kheo,
Kanha chịu khổ thọ.1202. Ai với sự giải thoát,
Cảm xúc Cao Sơn đảnh,
Rừng đông Videha
Và người nằm trên đất,1203. Tỷ-kheo đệ tử Phật,
Hiểu biết rõ như vậy.
Vì ngươi đánh Tỷ-kheo,
Kanha chịu khổ thọ.1204. Thật sự lửa không nghĩ:
'Ta đốt cháy kẻ ngu',
Kẻ ngu đột kích lửa,
Tự mình bị thiêu cháy.1205. Cũng vậy này Ác-ma,
Ngươi đột kích Như Lai,
Tự đốt mình cháy mình,
Như kẻ ngu chạm lửa.1206. Ác ma tạo ác nghiệp,
Do nhiễu hại Như Lai,
Ngươi nghĩ chăng Ác-ma,
Ác quả không đến ta.1201. Ðiều ác Ác ma làm,
Chất chứa đã lâu rồi,
Ác-ma, hãy tránh Phật,
Chớ vọng tưởng Tỷ-kheo.1208. Tỷ-kheo chống Ác ma,
Tại rừng Bhe-kalà,
Vị Dạ-xoa thất vọng,
Biến mất tại chỗ ấy.
Như vậy, Tôn giả Mahà-Moggallàna nói lên những bài kệ.
(CCLXIV) Vangìsa (Thera. 109)
Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình Bà-la-môn, được đặt tên là Vangìsa và được dạy ba tập Vệ-đà. Ngài được trọng vọng cúng dường, nhờ gõ trên sọ người và biết được kiếp trước của người ấy. Các Bà-la-môn thấy Vangìsa là một nguồn lợi dưỡng nên đem ngài đi chỗ này chỗ khác. Trong ba năm, Vangìsa đoán kiếp trước trên các sọ người được mang đến, và lấy tiền khoảng một trăm, một ngàn, Kahapana (đồng tiền vàng) mỗi đầu người. Ngài nghe danh tiếng của Thế Tôn, muốn đến yết kiến Thế Tôn, nhưng các Bà-la-môn ngăn lại.
Vangìsa không nghe đi yết kiến đức Phật. Khi đức Phật hỏi Vangìsa biết được nghề gì, ngài trả lời có thể đoán được sọ người, bằng cách lấy móng tay gõ trên sọ người và đoán được số mệnh người ấy trong ba năm. Thế Tôn bảo Vangìsa đoán sọ người sanh vào địa ngục, vào loài Người, hàng chư Thiên và một vị giải thoát. Vangìsa có thể đoán số mạng ba hạng người kia nhưng đối với vị đã giải thoát thời không thể nói được gì. Cuối cùng, ngài yêu cầu Thế Tôn và được trả lời như sau:
Ai biết thật hoàn toàn,
Sự sanh diệt chúng sanh,
Không tham trước, Thiện Thệ,
Giác ngộ đạt Chánh giác,
Vị ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn,
Thiên, Nhân, Càn-thát-bà,
Không biết chỗ sở thú,
Lậu hoặc được đoạn trừ,
Bậc Ứng Cúng, La-hán,
Vị ấy Ta mới gọi,
Chánh danh Bà-la-môn.
(Kinh Tập, kệ 643-644 - Trung Bộ kinh II, 196M)
Sau khi nghe xong, Vangìsa yêu cầu đức Phật dạy cho con đường đạt đến đích ấy, xin xuất gia và đức Phật bảo Trưởng lão Nigrodhakappa độ cho xuất gia rồi dạy cho quán ba mươi hai bộ phận của thân và tuệ quán. Cuối cùng ngài chứng quả A-la-hán, từ bỏ các Bà-la-môn cũ, dùng nhiều câu tán thán Thế Tôn (Si, 185) và đức Phật xác chứng ngài là vị Tỷ-kheo đệ nhất về thuyết pháp. Những điều ngài nói lên trước và sau khi chứng quả A-la-hán được kiết tập bởi ngài Ananda và các vị khác trong kỳ kiết tập thứ nhất như sau:
I
Khi còn là Sa-di, sau khi bị ảnh hưởng vì thấy nhiều thiếu nữ mặc áo đẹp, ngài nói lên những cảm thọ được nhiếp phục của ngài:
1209. Với ta đã xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Tư tưởng này chạy loạn,
Khởi lên từ hắc ám.1210. Nhà bắn cung thiện xảo,
Thượng sanh giỏi cung pháp,
Ngàn người bắn khắp phía,
Không nao núng chút nào.1211. Nếu phụ nữ có đến,
Dầu nhiều hay đông hơn,
Sẽ không dao động ta,
Vì ta trú Chánh pháp.1212. Chính ta từng được nghe,
Phật dòng họ Mặt Trời,
Giảng đạo hướng Niết-bàn,
Ở đây ý ta thích.1213. Như vậy ta an trú,
Ác ma, ngươi có đến,
Ta sẽ làm như vậy,
Ngươi không thấy đường ta.
II
Ðược nói khi nhiếp phục các cảm thọ của mình như sân hận v.v...
1214. Ta bỏ lạc bất lạc,
Mọi tâm tư gia sự,
Không tạo một chỗ nào,
Thành cơ sở tham dục,
Ai thoát rừng, ly tham,
Mới ứng danh Tỷ-kheo.1215. Phàm địa giới, không giới,
Cả sắc giới trong đời,
Ðều biến hoại vô thường,
Hiểu vậy, sống liễu tri.1216. Chúng sanh thường chấp trước,
Ðối với các sanh y,
Ðối vật họ thấy nghe,
Họ xúc chạm suy tư,
Ở đây ai đoạn dục,
Tâm tư không nhiễm ô.
Không mắc dính chỗ này,
Vị ấy danh Mâu-ni.1217. Ðối sáu mươi tám kiến,
Thuộc phàm phu phi pháp,
Không học phái tà chấp,
Vị ấy chân Tỷ-kheo.1219. Vẹn toàn, tâm thường định,
Không dối trá thận trọng,
Ly ái, vị Mâu-ni,
Chứng đạt đường an tịnh,
Tùy duyên nhập Niết Bàn,
Vị ấy chờ thời đến.
III
Nói đến khi ngài nhiếp phục cử chỉ của ngài về khả năng nói dễ dàng của mình:
1219. Ðệ tử Gotama,
Hãy từ bỏ kiêu mạn,
Trên con đường kiêu mạn,
Hãy tránh né hoàn toàn,
Ham mê đường kiêu mạn,
Sẽ hối trách dài dài.1220. Bị lừa bởi lừa dối,
Bị hại bởi kiêu mạn,
Loài Người rơi địa ngục,
Chúng sầu khổ lâu dài,
Bị hại về kiêu mạn,
Họ phải sanh địa ngục.1221. Không bao giờ sầu muộn,
Tỷ-kheo chiến thắng đạo,
Chơn chánh dấn thân bước,
Hưởng danh dự an lạc,
Như thật được tên gọi,
Là bậc đã thấy pháp.1222. Do vậy ở đời này,
Không thô lậu, không kiêu,
Ðoạn triền cái, thanh tịnh,
Ðoạn kiêu mạn, không dư,
Với minh, tâm an tịnh,
Bậc đoạn tận khổ đau.
IV
Khi còn là Sa-di, ngài hầu Tôn giả Ananda, khi Tôn giả được một vị đại thần của vua mời đến thăm Tôn giả và ngài được vây quanh với những nữ nhân trang sức đẹp đẽ, những người này kính lễ Tôn giả, hỏi thăm và nghe Tôn giả thuyết pháp. Nhưng Vangìsa lại bị kích thích và tham dục khởi lên. Ngài nghĩ như vậy là không tốt cho hiện tại và tương lai của ngài. Ngài nói lên tâm trạng của mình cho Tôn giả Ananda:
1223. Dục ái đốt cháy tôi!
Tâm tôi bị thiêu cháy,
Lành thay Gotama,
Vì lòng từ nói lên,
Pháp tiêu diệt lửa hừng.
Và Tôn giả Ananda trả lời:
1224. Chính vì điên đảo tưởng,
Tâm ông bị thiêu đốt,
Hãy từ bỏ tịnh tướng,
Hệ lụy đến tham dục.1225. Nhìn các hành vô thường,
Khổ đau, không phải ngã,
Dập tắt đại tham dục,
Chớ để bị cháy dài,
Hãy tu tâm bất tịnh,
Nhứt tâm, khéo định tĩnh,
Tu tập thân hành niệm,
Hành hạnh nhiều yếm ly.1226. Hãy tập hạnh vô tướng,
Ðoạn diệt mạn tùy miên,
Nhờ quán sân kiêu mạn,
Hạnh ông sẽ an tịnh.
V
Ðược nói lên sau khi Thế Tôn dạy kinh về 'Sự vật được khéo nói', tán thán Thế Tôn:
1227. Ai nói lên lời gì,
Lời ấy không khổ mình,
Lời không làm hại người,
Lời ấy là thiện thuyết.1228. Ai nói lời ái ngữ,
Lời nói khiến hoan hỷ,
Lời nói không ác độc,
Lời nói là ái ngữ.1229. Lời chân, lời bất tử,
Thường pháp xưa là vậy,
Thiện nhân trú trên chân,
Trên nghĩa và trên pháp.1230. Lời đức Phật nói lên,
Ðạt an ổn Niết-bàn,
Chấm dứt mọi khổ đau,
Thật nói lời tối thượng.
VI
Nói lên để tán thán Tôn giả Sàriputta:
1231. Trí tuệ thâm, trí giả,
Thiện xảo đạo, phi đạo,
Xá-lợi-phất đại trí,
Thuyết pháp chúng Tỷ-kheo.1232. Ngài giảng cách tóm tắt,
Ngài cũng thuyết rộng rãi,
Như tiếng chim Sà-li,
Tiếng ngài được nói lên.1233. Lời ngài giảng tuôn trào,
Tiếng ngài nghe ngọt lịm,
Với giọng điệu ái luyến,
Êm tai và mỹ diệu,
Họ lắng tai nghe pháp,
Tâm phấn khởi hoan hỷ.
VII
Nói lên sau khi Thế Tôn thuyết trong kinh Pavàranà (Tự Tứ):
1234. Nay ngày rằm thanh tịnh,
Năm trăm Tỷ-kheo họp,
Bậc Thánh đoạn kiết phược,
Vô phiền, dứt tái sanh.1235. Như vua chuyển luân vương
Ðại thần hầu xung quanh,
Du hành khắp bốn phương,
Ðất này đến hải biên.1236. Như vậy các đệ tử,
Ðã chứng được Ba minh,
Sát hại được tử thần,
Những vị này hầu hạ,
Bậc thắng trận chiến trường,
Vô thượng lữ hành chủ.1237. Tất cả con Thế Tôn,
Không ai là vô dụng,
Xin chí thành đảnh lễ,
Bậc nhổ tên khát ái,
Xin tâm thành cung kính
Bậc dòng họ Mặt Trời.
VIII
Nói lên tán thán Thế Tôn khi Thế Tôn đang thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về vấn đề Niết-bàn:
1238. Hơn một ngàn Tỷ-kheo
Hầu hạ bậc Thiện Thệ,
Ngài thuyết vô cấu pháp
Niết-bàn vô bố úy.1239. Họ nghe pháp rộng lớn
Bậc Chánh giác thuyết giảng;
Bậc Chánh giác chói sáng,
Chúng Tỷ-kheo vây quanh.1240. Bạch Thế Tôn, Thiện Thệ,
Ngài thật bậc Long tượng
Bậc ẩn sĩ thứ bảy,
Trong các vị ẩn sĩ,
Ngài trở thành mây lớn,
Mưa móc ban đệ tử.1241. Con từ nghỉ trưa đến,
Muốn yết kiến Ðạo Sư,
Ôi bậc Ðại anh hùng,
Con là đệ tử Ngài,
Con tên Vangìsa,
Ðảnh lễ dưới chân Ngài.
Rồi Thế Tôn hỏi:
- Này Vangìsa, những bài kệ này của Ông, có phải Ông suy nghĩ từ trước hay được khởi lên tại chỗ?
- Bạch Thế Tôn, những bài kệ này của con, không phải suy nghĩ từ trước chính được khởi lên tại chỗ.
- Vậy này Vangìsa, hãy cho nhiều bài kệ nữa, không suy nghĩ từ trước, được khởi lên tại chỗ.
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn, Tôn giả Vangìsa vâng đáp Thế Tôn, nói lên những bài kệ tán thán Thế Tôn, những bài kệ không suy nghĩ từ trước:
1242. Thắng Ác ma tà đạo,
Ngài sống chướng ngại đoạn,
Hãy thấy bậc giải thoát,
Thoát ly mọi hệ phược,
Không y trước phân tích,
Thành từng phần rõ ràng.1243. Ngài nói lên con đường,
Nhiều pháp môn khác biệt,
Giúp mọi người vượt qua,
Dòng bộc lưu nguy hiểm,
Chính trên pháp bất tử,
Ðược ngài thường tuyên thuyết
Chúng con bậc pháp kiến,
Vững trú, không thối chuyển.1244. Bậc tạo dựng quanh mình,
Ngài thâm nhập các pháp,
Thấy được chỗ vượt qua,
Tất cả mọi kiến xứ,
Sau khi biết và chứng,
Ngài thuyết tối thượng xứ.1245. Pháp như vậy khéo giảng
Ai có thể phóng dật,
Khi được biết pháp ấy,
Pháp khéo giảng như vậy,
Do vậy trong giáo pháp,
Ðức Thế Tôn, Thiện Thệ,
Luôn luôn không phóng dật,
Hãy đảnh lễ, tu học.
IX
Nói lên để tán thán Tôn giả Annà Kondannà (An-nhã Kiều-trần-như):
1246. Sau đức Phật hiện tại,
Trưởng lão được Chánh giác,
Chính là Kondannà,
Nhiệt tâm và tinh cần,
Chứng được an lạc trú,
Sống viễn ly liên tục.1247. Thực hành lời sư dạy,
Ðệ tử chứng được gì,
Tất cả ngài chứng được,
Nhờ tu học tinh tấn.1248. Ðại uy lực ba minh,
Thiện xảo tâm tư người,
Phật tử Kondannà
Ðảnh lễ chân Ðạo Sư.
X
Nói lên để tán thán Tôn giả Moggallàna, trước mặt Thế Tôn, khi Tôn giả Moggallàna nhận thấy tâm của năm trăm vị La-hán, hội họp tại Hắc Sơn, trên sườn núi Isigili, tại Rajagaha đều giải thoát khỏi tái sanh:
1249. Cao trên sườn đồi núi
Những vị chứng Ba minh,
Những vị đoạn tử thần,
Các đệ tử hầu hạ,
Bậc Thánh giả Mâu-ni,
Ðã vượt qua đau khổ.1250. Ðại thần lực Mục-liên,
Quán tâm các vị ấy
Biết họ được giải thoát
Không còn có sanh y.1251. Như vậy họ hầu hạ,
Gotama Mâu-ni
Ngài vượt qua đau khổ,
Mọi sở hành đầy đủ,
Mọi đức tánh vẹn toàn.
XI
Nói lên để tán thán Thế Tôn, chói sáng với dung sắc và huy hoàng của mình, khi Thế Tôn được chúng Tăng và cư sĩ bao vây xung quanh tại hồ sen Gaggara ở Campà:
1252. Như mặt trăng giữa trời
Mây mù được quét sạch,
Chói sáng như mặt trời,
Thanh tịnh không cấu uế,
Cũng vậy Ngài thật là,
Ðại Mâu-ni Hiền thánh,
Danh xưng ngài sáng chói,
Vượt qua mọi thế giới.
XII
Nói lên khi ngài mới chứng quả A-la-hán, suy tư trên kinh nghiệm của mình và về Bổn sư:
1253. Thuở trước ta mê thơ,
Bộ hành khắp mọi nơi,
Từ làng này thành này,
Qua làng khác thành khác,
Ta thấy bậc Chánh giác
Ðạt bờ kia mọi pháp.1254. Nghe pháp ta tín thành
Tín khởi lên nơi ta.1255. Ta nghe lời Ngài dạy,
Về uẩn, xứ và giới,
Sau khi biết, xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà.1256. Vì hạnh phúc số đông,
Như Lai sanh ở đời,
Ngài tạo ra giải pháp,
Cho nữ nhân, nam nhân.1257. Vì hạnh phúc của họ,
Mâu-ni chứng Bồ-đề,
Ngài thấy luật chi phối
Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni.1258. Vì lòng thương chúng sanh,
Bốn sự thật khéo thuyết,
Bởi vị có con mắt
Phật, bà con Mặt Trời.1259. Ngài thuyết Khổ, Khổ tập
Sự vượt qua đau khổ,
Con đường đạo Tám ngành,
Ðưa đến khổ an chỉ.1260. Như vậy là những điều
Ðược nói lên như thật,
Và ta được thấy họ
Ðúng như thật là vậy,
Ta đạt được mục đích,
Lời Phật dạy làm xong.1261. Thật tốt thay cho ta!
Ðược sống gần đức Phật,
Trong các pháp phân tích,
Pháp tối thượng, ta đến.1262. Ðại thắng trí tuyệt đích,
Thế giới được thanh tịnh,
Ðạt Ba minh, thần lực,
Thiện xảo biết tâm người.
XIII
Hỏi giáo thọ sư của mình là Nigrodha Kappa có nhập Niết-bàn khi mệnh chung:
1263. Con hỏi bậc Ðạo Sư,
Bậc trí tuệ tối thắng
Tại Aggàlava
Tỷ-kheo đã mệnh chung,
Có danh vọng danh xưng
Nhập Niết-bàn tịch tịnh.1264. Nigrodha Kappa
Chính là tên vị ấy,
Chính Thế Tôn đặt tên,
Cho vị Phạm-chí ấy!
Vị ấy đảnh lễ cầu Ngài,
Sống tầm cầu giải thoát,
Tinh cần và tinh tấn,
Kiên cố thấy Chánh pháp.1265. Bạch Thích-ca, chúng con
Ðệ tử Ngài tất cả,
Chúng con đều muốn biết,
Thưa bậc Nhãn biến tri!
An trú tai chúng con,
Sẵn sàng để được nghe,
Ngài Ðạo Sư chúng con
Ngài là bậc Vô thượng.1266. Hãy đoạn nghi chúng con,
Hãy nói con vị ấy,
Ðã được tịch tịnh chưa?
Bậc trí tuệ rộng lớn!
Hãy nói giữa chúng con,
Bậc có mắt cùng khắp,
Như Thiên chủ Ðế Thích,
Lãnh đạo ngàn chư Thiên.1267. Phàm những cột gút gì,
Ở đây, đường si ám,
Dự phần với vô trí
Trú xứ cho nghi hoặc,
Gặp được đức Như Lai,
Họ đều không còn nữa,
Mắt này mắt tối thắng,
Giữa cặp mắt loài người.1268. Nếu không có người nào,
Ðoạn trừ các phiền não,
Như gió thổi tiêu tan,
Các tầng mây dưới thấp,
Màn đêm tức bao trùm,
Tất cả toàn thế giới,
Những bậc có hào quang,
Không có thể chói sáng.1269. Bậc trí là những vị,
Tạo ra những ánh sáng,
Con xem ngài như vậy
Ôi bậc trí sáng suốt.
Chúng con đều cùng đến,
Bậc tu hành thiền quán,
Giữa hội chúng chúng con,
Hãy nói về Kappa!1270. Hãy gấp, phát tiếng lên,
Tiếng âm thanh vi diệu,
Như con chim thiên nga,
Giương cổ lên để hát,
Phát âm từng tiếng một,
Với giọng khéo ngân nga,
Tất cả bọn chúng con,
Trực tâm nghe lời ngài.1271. Vị đoạn tận sanh tử,
Không còn chút dư tàn,
Vị tẩy sạch phiền não,
Con cầu ngài thuyết pháp,
Kẻ phàm phu không thể,
Làm theo điều nó muốn,
Bậc Như Lai làm được
Ðiều được ước định làm.1272. Câu trả lời của ngài,
Thật đầy đủ trọn vẹn,
Ðược chơn chánh nắm giữ,
Bậc chánh trực trí tuệ,
Hãy chấp tay cuối cùng,
Con khéo vái chào ngài,
Chớ làm con si ám,
Bậc trí tuệ tối cao!.1273. Sau khi đã được biết,
Thánh pháp thượng và hạ,
Chớ làm con si ám,
Bậc tinh tấn tối cao,
Như vào giữa mùa hè,
Nóng bức khát khao nước
Chúng con ngóng trông lời,
Hãy mưu sự hiểu biết!.1274. Kappa sống Phạm hạnh,
Nếp sống có mục đích,
Phải chăng sống như vậy,
Là sống không uổng phí!
Vị ấy chứng tịch tịnh,
Hay còn dư tàn lại,
Ðược giải thoát thế nào,
Hãy nói chúng con nghe.
Thế Tôn:
1275. Vị ấy trên danh sắc
Ðã đoạn tận tham ái,
Thế Tôn ở nơi đây,
Ðã trả lời như vậy,
Vượt qua được già chết,
Không còn có dư tàn,
Thế Tôn nói như vậy,
Bậc tối thắng thứ năm.
Vangìsa:
1276. Nghe vậy, con tịnh tín,
Với lời nói của ngài,
Bậc ẩn sĩ thứ bảy!
Và lời hỏi của con,
Không phải là vô ích!
Và vị Bà-la-môn,
Không có lừa dối con.1273. Nói gì thời làm vậy,
Thật xứng đệ tử Phật,
Chặt đứt lưới rộng chắc,
Của thần chết xảo quyệt.1278. Ôi Thế Tôn, Kappa,
Thấy căn nguyên chấp thủ,
Thật sự đã vượt qua,
Thế lực của Ma vương,
Thế lực thật khó vượt.1279. Ngài lớn hơn chư Thiên,
Con đảnh lễ kính Ngài!
Con đảnh lễ con Ngài!
Bậc tối thượng hai chân
Bậc Hậu duệ, Ðại hùng!
Bậc Long tượng đích tôn.
Như vậy, Tôn giả Vangìsa nói lên những câu kệ của mình.
-[Hết, Trưởng Lão Tăng Kệ]-
(I) Bài Kệ Này Do Một Trưởng Lão Ni Không Biết Tên Nói Lên (Therì. 123)
1. Hãy ngủ trong an lạc
Hỡi nàng thân đẫy đà,
Ðắp phủ trong tấm y,
Chính mình tự làm lấy,
Lòng tham, nàng lắng dịu,
Như ghè khô trong lò!
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình ở Vesàli (Tỳ-xá-ly). Vì thân hình đẫy đà, nàng được gọi là nàng đẫy đà. Nàng trở thành người vợ trung thành của một người quý tộc. Khi bậc Ðạo Sư đến Vesàli, nàng tin tưởng giáo pháp của đức Phật và trở thành một nữ cư sĩ. Khi nàng nghe Trưởng lão Ni Mahàpajàpati thuyết pháp, nàng muốn xuất gia và thưa với chồng ý nguyện của nàng. Người chồng không cho, nên nàng tiếp tục làm tròn bổn phận của nàng, suy tư đến những lời dạy dịu dàng của giáo pháp và chú tâm đến thiền quán. Rồi một ngày kia, trong khi đang ở trong bếp và nấu món ăn, một ngọn lửa mạnh bừng cháy và thiêu tất cả món ăn với những tiếng cháy xèo xèo, nàng lấy đó làm đề tài để thiền quán về tánh vô thường của sự vật, và chứng được quả Bất Lai. Rồi nàng không đeo các đồ trang sức nữa. Người chồng hỏi duyên cớ, nàng trả lời nàng không thể sống trong gia đình được nữa. Người chồng đưa nàng đến Trưởng lão Ni Mahàpajàpàti Gotami, và bằng lòng để nàng xuất gia. Mahàpajàpàti làm lễ xuất gia cho nàng và đưa nàng đến yết kiến đức Phật. Bậc Ðạo Sư giải thích về đề tài thiền quán của nàng và nói lên bài kệ này.
Khi nàng chứng quả A-la-hán, nàng lập lại bài kệ này và bài kệ trở thành bài kệ của nàng.
(II) Muttà (Therì. 123)
(Bài kệ này Thế Tôn thường nói lên để khích lệ Muttà khi nàng còn đang học tập).
2. Hỡi này, giải thoát Ni
Hãy giải thoát các ách,
Như mặt trăng thoát khỏi,
Miệng hàm của Ràhu,
Với tâm tư giải thoát,
Khỏi nợ nần trói buộc,
Hãy thọ hưởng món ăn,
Do khất thực đem lại.
Ðây là bài kệ của giới học nữ Muttà. Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm con gái của một Bà-la-môn, có danh vọng ỏ Sàvatthi. Ðến năm hai mươi tuổi, các điều kiện chín muồi, nàng xuất gia dưới sự hướng dẫn của Mahàpajàpati Gotami, và học tập thiền quán. Một hôm, sau khi khất thực, sau khi làm các phận sự đối với các Trưởng lão Ni xong, nàng tìm một chỗ thanh vắng để ngồi thiền, tập trung tư tưởng vào nội tâm. Rồi bậc Ðạo Sư, ngồi trong hương phòng ở tinh xá phóng ra hào quang, xuất hiện trước mặt nàng và nói lên bài kệ trên. Còn nàng, vững tin với lời giáo giới ấy, không bao lâu chứng được quả A-la-hán và khi chứng quả nói lên lại bài kệ này. Sau khi tu hành thành đạt, được đề nghị lên những hàng giáo phẩm, nàng vẫn đọc bài kệ này, khi sắp sửa mệnh chung.
(III) Punnà (Therì. 123)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm con một gia đình trưởng giả ở Sàvatthi và tên là Punnà. Khi nàng đến hai mươi tuổi và nghiệp duyên thành thục, nàng nghe Mahàpajàpati thuyết pháp và xuất gia. Khi trở thành một giới học nữ, nàng bắt đầu thiền quán, và bậc Ðạo Sư từ nơi hương phòng của Ngài phóng hào quang và nói lên bài kệ này:
3. Hỡi này, thành Mãn ni,
Hãy tràn đầy Chánh pháp,
Như mặt trăng tròn đầy,
Trong ngày rằm trăng tròn,
Hãy tràn đầy trí tuệ,
Phá tan khối si ám.
Sau khi nghe bài kệ này, thiền quán được tăng trưởng và nàng chứng quả A-la-hán. Bài kệ này nói lên lòng phấn khởi và xác chứng chánh trí của nàng.
(IV) Tissà (Therì. 123)
Bài kệ sau này là của Tissà, một giới học nữ trải qua nhiều đức Phật, nàng tích lũy các công đức, và trong đời đức Phật hiện tại, nàng được tái sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ) trong gia đình quý tộc Thích-ca, được tuyển vào nội cung của vị Bồ-tát. Nàng cùng với Mahàpajàpati xuất gia và tu tập thiền quán. Bậc Ðạo Sư hiện ra trước nàng và nói lên bài kệ:
4. Tissà hãy học tập,
Học trong những học pháp,
Chớ để cho các ách,
Vượt khỏi chi phối nàng.
Hãy sống không liên hệ,
Mọi ách không trói buộc,
Sống giữa thế giới này,
Không có các lậu hoặc.
Và nàng nghe bài kệ này, được tăng trưởng thiền quán và chứng quả A-la-hán. Sau đó nàng thường đọc lên bài kệ này.
(V) Một Tissà Khác (Therì. 123)
5. Tissà, hãy cột tâm
Tập trung trên các pháp,
Chớ để từng sát-na
Uổng phí vượt khỏi nàng!
Những sát-na đã qua
Họ sầu muộn, đau khổ,
Khi họ bị rơi vào
Trong cảnh giới địa ngục.
(VI) Dhìra (Therì. 124)
6. Dhìra, hãy cảm xúc,
Những cảm chứng đoạn diệt,
Tịnh chỉ các vọng tưởng,
Là chân chánh an lạc,
Hãy thuận hướng Niết-bàn,
Ách an ổn, vô thường.
(VII) Một Dhìra Khác (Therì. 124)
7. Dhìra, hãy kiên trì,
Nắm giữ các thiện pháp,
Hỡi này Tỷ-kheo-ni,
Các căn được tu tập,
Hãy mang cái thân này,
Là cái thân cuối cùng,
Sau khi đã chiến thắng,
Ác ma nữ quân lực,
Sau khi đã chiến thắng,
Ác ma với quân lực.
(VIII) Mittà (Therì. 124)
8. Hỡi này Mittà bạn!
Với lòng tin xuất gia,
Hãy tu tập rèn luyện,
Hân hoan trong bạn lành,
Hãy tu tập rèn luyện,
Trong các pháp hiếu thiện,
Cố gắng đạt cho được,
An ổn khỏi ách nạn.
(IX) Bhadhà (Therì. 124)
9. Hỡi Bhàdha hiền thiện,
Với lòng tin xuất gia,
Hãy sống vui hoan hỷ,
Trong các pháp hiền thiện,
Hãy tu tập rèn luyện,
Trong các pháp chí thiện,
Cố gắng đạt cho được,
An ổn khỏi ách nạn.
(X) Upasanà (Therì. 124)
10. Hỡi Upasanà
Hãy vượt dòng nước mạnh,
Dòng nước khó vượt qua,
Bị thần chết chi phối,
Hãy mang cái thân này,
Là cái thân cuối cùng,
Sau khi đã chiến thắng,
Ác ma với quân lực.
Sáu Tỷ-kheo-ni này, câu chuyện giống như Tissà (VI) trừ Dhirà, được gọi là một Dhirà khác. Nàng không được bài kệ nào đọc cho nàng, nhưng nàng cảm thấy dao động khi được nghe lời Phật dạy. Dựa trên những lời này nàng tinh tấn thiền nhất quán, và khi nàng chứng được quả A-la-hán, nàng nói lên sự sung sướng của nàng. Các Tỷ-kheo-ni khác cũng có thái độ tương tự.
(XI) Muttà (Therì. 123)
Nhờ tích lũy các thiện nghiệp dưới thời các đức Phật khác, Muttà được sinh ở Kosalà, con gái của một Bà-la-môn nghèo tên là Oghàtaka. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng phải làm vợ một người Bà-la-môn còm, nhưng nàng thưa với chồng rằng nàng không thể sống trong gia đình và được chồng bằng lòng cho nàng xuất gia. Trong khi thiền quán, tâm tư vẫn chạy theo các đối tượng ở ngoài. Do vậy, nàng kiên trì tự chế ngự và đọc lên bài kệ của nàng. Nàng tinh tấn thiền quán cho đến khi nàng chứng được quả A-la-hán. Rồi hân hoan nàng lập lại bài kệ:
11. Lành thay giải thoát Ni,
Ta thật khéo giải thoát,
Giải thoát ra khỏi được,
Ba vật còm và cong,
Thoát cối xay, cái chày,
Thoát ông chồng lưng còm,
Hỡi này giải thoát Ni!
Ta thoát được sống chết,
Những gì dẫn tái sanh,
Ðược nhổ lên tận gốc.
(XII) Dhammadinnà (Therì. 124)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình ở Ràjagaha (Vương Xá) và trở thành vợ của Visàkha, một người có địa vị trong xã hội. Một ngày kia, chồng nàng đi nghe đức Phật thuyết pháp, chứng được quả Bất lai. Khi Visàkha về, Dhammadinnà đưa tay ra đỡ chồng lên gác, nhưng người chồng không nắm tay và không nói với nàng trong bữa ăn chiều. Nàng hỏi chồng duyên cớ, người chồng nói không phải vì lỗi gì của nàng, nhưng nay vì đã hiểu được Chánh pháp nên không còn những cử chỉ như trước nữa. Người chồng trả quyền tự do cho nàng, một là ở lại gia đình người chồng, hai là lấy tiền bạc rồi về lại gia đình cha mẹ, nhưng nàng không chịu, và xin được xuất gia.Visàkha đưa nàng đến các Tỷ-kheo-ni trong một chiếc kiệu vàng. Ðược cho phép xuất gia, nàng xin sống nhập thất, không muốn sống chung đụng ồn ào và đi đến một tinh xá ở làng. Tại đấy, nhờ những thiện nghiệp quá khứ, nàng chế ngự thân, miệng, ý, chứng được quả A-la-hán, với Tứ vô ngại giải: Nghĩa vô ngại giải, pháp vô ngại giải, từ vô ngại giải, biện tài vô ngại giải. Rồi nàng đi về Ràjagaha (Vương Xá), với các Tỷ-kheo-ni. Visàkha chồng cũ của nàng đến hỏi pháp, nàng như đã được diễn tả trong kinh Tiểu Vedalla (M.i. 299), nàng trả lời rất rõ ràng đúng đắn các câu hỏi của Visàkha và được đức Phật tán thán. Nàng trở thành thuyết pháp đệ nhất trong hàng các Tỷ-kheo-ni. Chính trong khi nàng ở lại một tinh xá ở làng và nàng nói lên bài kệ này:
12. Trong ai, lòng ước muốn,
Ðạt được quả vô sanh,
Ðược sanh khởi tỏa rộng,
Ðầy tràn cả tâm ý,
Tâm không bị trói buộc,
Trong các dục chi phối,
Vị ấy được tên gọi
Là bậc vào dòng trên.
(XIII) Visàkhà (Therì. 124)
Câu chuyện của Visàkhà cũng giống như câu chuyện của Dhìra. Sau khi chứng quả A-la-hán, nàng suy tư trên lạc giải thoát và nói lên chánh trí nàng đã chứng được, để khuyến khích đồng bạn tu hành.
13. Hãy làm, hãy thực hành
Ðúng theo lời Phật dạy.
Và sau khi làm xong,
Không có lòng ăn năn,
Hãy gấp rửa chân sạch,
Và ngồi xuống một bên.
(XIV) Sumànà (Therì. 124)
Câu chuyện của nàng giống như chuyện của Tissà phóng hào quang, đức Phật hiện ra ngồi trước mặt nàng và nói lên bài kệ này:
14. Sau khi thấy các giới,
Với cái nhìn đau khổ,
Chớ có đi trở lại,
Vào con đường tái sanh,
Hãy từ bỏ, xả ly
Lòng dục trong sanh hữu,
Sống đời sống hành trì,
Ta mát lạnh tịch tịnh.
(XV) Uttarà (Therì. 125)
Câu chuyện của Uttarà cũng giống như câu chuyện của Tissà (IV). Và khi nàng chứng quả A-la-hán, nàng nói lên bài kệ này:
15. Ta đã chế ngự được,
Thân miệng và tâm tư,
Ta chinh phục khát ái,
Cho đến tận gốc rễ,
Ta sống được mát lạnh,
Trong tịch tịnh, an lặng.
(XVI) Sumànà Xuất Gia Khi Tuổi Già (Therì. 125)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Sàvatthi làm chị của vua Kosala. Sau khi nghe đức Phật thuyết pháp, bắt đầu với bốn chữ: 'Có bốn loại trẻ tuổi không nên khinh thường...' (S. I, 68), nàng khởi lên lòng tin, thọ tam quy và ngũ giới.Vì mắc hầu hạ bà ngoại, nàng không xuất gia được. Sau khi bà ngoại mất, nàng cùng đi với vua tới tịnh xá, đem theo nhiều màn, nhiều vải cúng dường giáo hội. Nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, nàng chứng được quả Bất hoàn và xin được xuất gia và Thế Tôn thấy được sự trưởng thành trong trí tuệ của nàng nên nói lên bài kệ này:
16. Hỡi này, lão Ni kia,
Hãy an lạc nằm nghỉ,
Ðắp phủ trong tấm y,
Chính tự mình làm lấy,
Lòng tham người an tịnh,
Người mát lạnh tịch tịnh.
Khi đức Phật nói xong, nàng chứng được quả A-la-hán, với thấu triệt pháp, thấu triệt nghĩa. Trong sự sung sướng nội tâm, nàng lập lại những câu kệ này và chúng trở thành lời tuyên bố chánh trí của nàng. Rồi nàng được xuất gia ngay.
(XVII) Dhammà (Therì. 125)
Sau khi chất chứa công đức trong nhiều đời, nàng được sanh trong một gia đình quyền quý dưới thời đức Phật hiện tại. Sau khi lấy chồng, nàng được cảm hóa theo đạo Phật, xin xuất gia nhưng người chồng không bằng lòng. Nàng chờ cho khi chồng mất, mới xuất gia. Một hôm, sau khi khất thực, trên con đường về tinh xá, nàng mất thăng bằng bị ngã. Dùng sự kiện ấy để thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Trong sự vui sướng, nàng nói lên bài kệ;
17. Sau khi khất thực xong,
Yếu sức, chống trên gậy,
Với chân tay run rẩy,
Ta ngã trên mặt đất,
Thấy nguy hiểm của thân,
Tâm ta được giải thoát.
(XVIII) Sanjhà (Therì. 125)
Ðời nàng giống như đời của Tỷ-kheo-ni Dhìra, nhưng bài kệ của nàng như sau:
18. Bỏ gia đình, xuất gia,
Ta từ bỏ con cái,
Từ bỏ gia súc quý,
Từ bỏ tham và sân,
Còn đối với vô minh,
Ta sống hạnh viễn ly,
Sau khi chinh phục được,
Tận gốc cả tham ái,
Ta được sống mát lạnh,
Tịch tịnh và an lặng.
(XIX) Abhirùpa Nandà (Therì. 125)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Kapilavatthu, con gái vợ chính của vua Khemaka, dòng họ Thích-ca (Sakya), tên là Nandà. Vì nàng rất đẹp nên được tên là Abhirùpa Nandà (Nandà đẹp). Ngày nàng lựa Carabhùta làm chồng, thời Carabhùta mệnh chung và cha mẹ cưỡng bức nàng xuất gia. Sau khi đã xuất gia, nàng vẫn tự kiêu với sắc đẹp của nàng, và sợ bậc Ðạo Sư quở trách, nàng lẫn tránh Ngài. Thế Tôn biết được hạnh nàng đã thuần thục nên bảo Mahàpajàpati quy tụ mọi Tỷ-kheo-ni lại để Ngài dạy bảo, nàng nhờ người khác đi thế. Ðức Phật không chấp nhận nên nàng phải đến dự. Ðức Phật hóa sanh một nữ nhân rất đẹp, nhưng dần dần bị già nua, yếu hèn và nàng bị xúc động mạnh. Rồi đức Phật nói với nàng những bài kệ như sau:
19. Này Nandà, hãy nhìn,
Tấm thân chỗ quy tụ,
Nhiều bệnh hoạn, bất tịnh,
Ðầy hôi hám thối nát,
Tâm nàng hãy tu tập,
Quán tri tánh bất tịnh,
Ðạt cho được nhất tâm,
Tâm tư khéo thiền định.20. Hãy tu tập vô tướng,
Hãy bỏ mạn tùy miên,
Do thắng tri được mạn,
Nàng sẽ sống an tịnh.
Khi Thế Tôn nói xong, nàng chứng quả A-la-hán. Nói lại cho nàng những bài kệ này, nàng xem các bài kệ là lời tuyên bố chánh trí của nàng.
(XX) Jentì (hay Jentà) (Therì. 125)
Câu chuyện về đời sống quá khứ, về hiện tại của nàng giống như câu chuyện của Nandà đẹp. Nhưng nàng sanh ở Vesàli, tại một gia đình hoàng tộc Licchavi. Nàng chứng quả A-la-hán khi nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp. Và khi suy nghĩ đến sự biến đổi, trên tự thân, nàng sung sướng nói lên bài kệ này:
21. Chính Bảy giác chi này
Là đường đạt Niết-bàn,
Tất cả, ta tu tập,
Như lời đức Phật dạy.22. Ta thấy được Thế Tôn,
Ðây thân tụ cuối cùng
Vòng sanh tử đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.
(XXI) Mẹ Của Sumangala (Therì. 126)
Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào một gia đình nghèo và được gả lấy một người đan mây làm chồng. Nàng sanh được một người con trai tên Sumangala, sau trở thành bậc Trưởng lão và chứng quả A-la-hán. Nàng không được biết tên và được gọi là một Trưởng lão Ni không có tên hay mẹ của Sumangala. Nàng trở thành một Tỷ-kheo-ni và một hôm nghĩ đến sự đau khổ khi còn là cư sĩ, nàng cảm thấy xúc động và với thiền quán phát triển, nàng chứng quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ, nàng nói lên bài kệ như sau:
23. Hỡi thiện giải thoát Ni,
Lành thay khéo giải thoát,
Ta được khéo giải thoát,
Khỏi cái chày giã gạo,
Ta không còn xấu hổ,
Với ông chồng đan dù,
Với soong chảo nấu ăn,
Với nghèo đói tồi tàn.24. Chặt đứt được tham sân,
Ta sống không tham sân,
Ta đi đến gốc cây,
Ôi, an lạc ta thiền.
(XXII) Addhakasi (Therì. 126)
Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở xứ Kàsi con của một công dân giàu có và có danh tiếng. Nhưng vì ảnh hưởng của khẩu nghiệp của đời trước nàng trở thành một kỹ nữ. Về sau nàng xuất gia và được làm lễ xuất gia với một vị đại diện đặc biệt được ghi trong tập Cùla vagga (Tiểu phẩm)
Nàng muốn đi đến Sàvatthi để được xuất gia nhưng bị dân làng ăn chơi ở Benerees chận đường không cho nàng đi. Nàng cho người đến hỏi ý kiến Thế Tôn và Thế Tôn cho phép nàng được xuất gia với một vị đại diện đặc biệt. Rồi nàng nhứt tâm quán tưởng và không bao lâu chứng quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Rồi nàng nói lên bài kệ như sau:
25. Tiền lạc thú của ta,
Không thua thuế Kàsi,
Sau khi so sánh giá,
Thôn trưởng định giá vậy.26. Nay ta lại nhàm chán,
Chính sắc đẹp của ta,
Ta chán ngấy sắc ấy,
Ta không còn luyến tiếc.
Ta chớ có liên tục,
Chạy theo vòng luân hồi,
Ba minh ta chứng được,
Thành tựu lời Phật dạy.
(XXIII) Città (Therì. 126)
Nàng được sanh vào một gia đình ưu tú ở Ràjagaha (Vương Xá), khi đến tuổi trưởng thành, nàng nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp ở cửa thành Ràjagaha, trở thành một tín nữ và được Mahàpajàpati cho xuất gia. Sau khi nàng về già, trong khi leo núi Linh Thứu, với thiền quán được phát triển, nàng chứng quả A-la-hán. Suy nghĩ đến kết quả này, nàng nói lên bài kệ:
27. Dầu ta có mỏi mệt,
Bệnh hoạn quá yếu đuối,
Dựa trên gậy ta đi,
Ta leo lên đỉnh núi.28. Với đại y vắt ngang,
Với bình bát lộn ngược,
Ta dựa mình tảng đá,
Phá tan khối si ám.
(XXIV) Mettikà (Therì. 126)
Nàng được sanh làm con một gia đình quyền quý Bà-la-môn ở Ràjagaha. Ðời nàng cũng giống như đời của Città chỉ khác là nàng leo một ngọn núi khác, đối diện với núi Linh Thứu. Suy tư trên quả chứng của mình, nàng nói lên bài kệ:
29. Dầu ta có đau đớn,
Sức yếu, tuổi trẻ qua,
Dựa trên gậy, ta đi,
Ta leo lên đỉnh núi.30. Với đại y vắt ngang,
Với bình bát lộn ngược,
Ta ngồi trên tảng đá,
Tâm ta được giải thoát.
Ba minh chứng đạt được,
Thành tựu lời Phật dạy.
(XXV) Mittà (Therì. 127)
Nàng được sinh ra trong gia đình công chúa Sakya (Thích-ca) ở Kapilavatthu, từ bỏ gia đình xuất gia cùng với Mahàpajàpati, rồi sau những năm tháng tu hành cần mẫn, nàng chứng được quả A-la-hán nghĩ đến thành quả của mình, nàng vui vẻ nói lên những bài kệ này:
31. Ngày mười bốn, ngày rằm,
Ngày mồng tám giữa tháng,
Ngày thần túc nguyệt phần,
Ta thọ trì tám giới.32. Ta gìn giữ trai giới,
Khiến chư Thiên hoan hỷ,
Mỗi ngày ăn một bữa,
Cạo đầu đắp đại y,
Ta đâu muốn thiên giới,
Ta nhiếp phục tâm khổ.
(XXVI) Mẹ Của Abhayà (Therì. 127)
Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh là một hoa khôi ở Ujjenì, tên là Badumavati. Vua Bimbisàra ở Magadha nghe tiếng và muốn gặp nàng. Với sự giúp đỡ của vị giáo sĩ của vua, vua được gặp nàng và nàng có thai với vua. Vua bảo khi nào nó lớn thì đưa vào cung. Nàng sinh được một đứa con trai, đặt tên là Abhaya (Vô Úy). Khi được bảy tuổi, nàng gửi con trai đến vua Bimbisàra và vua thương yêu nó và nuôi dưỡng nó với các người con khác của vua. Sau này đứa trẻ lớn lên tin theo đạo Phật, xuất gia, như đã được tường trình trong Trưởng lão Tăng Kệ. Về sau, mẹ của Abhaya nghe Abhaya thuyết pháp, cũng xin xuất gia và sau một thời gian tu hành, chứng được quả A-la-hán, với pháp tín thọ, với nghĩa tín thọ. Nàng nhớ lại những câu kệ do con nàng giảng cho nàng và thêm vào những bài kệ của chính nàng:
33. Hỡi thân mẫu thân yêu!
Từ bàn chân trở lên,
Từ đầu tóc trở xuống,
Hãy quán sát thân này,
Thân này thật bất tịnh,
Thật hôi hám thối tha.34. Ta an trú như vậy,
Mọi tham dục nhổ sạch,
Nhiệt não được đoạn trừ,
Ta mát lạnh, tịch tịnh.
(XXVII) Abhaya (Therì. 127)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Ujenni, tại một gia đình quyền quý và trở thành bạn thân với mẹ của Abhaya. Khi nghe mẹ của Abhaya xuất gia, Abhaya vì thương mẹ của nàng nên cùng xuất gia theo. Cùng ở tại Ràjagaha (Vương Xá), một hôm nàng đi đến một khu vườn để quán bất tịnh. Bậc Ðạo Sư tại hương phòng, Ngài hiện cho nàng thấy đối tượng nàng muốn thiền quán. Thấy hình ảnh ấy, nàng hốt hoảng. Bậc Ðạo Sư phóng hào quang hiện ra như ngồi trước mặt nàng và nói lên bài kệ:
36. Hỡi này vô úy Ni!
Thân này thật mỏng manh,
Chính ở đây phàm phu,
Ưa thích, thường tham đắm.
Ta sẽ bỏ thân này,
Tỉnh giác và chánh niệm
Chú tâm không phóng dật,
Ta gắng thoát pháp khổ,
Ái diệt, ta chứng đạt,
Thành tựu lời Phật dạy.
Khi bậc Ðạo Sư nói xong, nàng chứng quả A-la-hán, hoan hỷ, nàng hướng các bài kệ về nội tâm như là những bài kệ nói lên cho mình.
(XXVIII) Sàmà (Therì. 127)
Do làm các thiện sự trong các đời trước, trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Kosambi, trong một gia đình có danh vọng. Khi Samàvati, bạn thân của nàng chết, vì quá đau khổ, nàng xuất gia. Nhưng vì không nhiếp phục được đau khổ đối với bạn của nàng, nàng không nắm được con đường Thánh đạo. Một thời, khi ngồi nghe Tôn giả Ananda thuyết pháp, nàng chứng được Pháp nhãn và bảy ngày sau nàng chứng quả A-la-hán, với pháp tín thọ, với nghĩa tín thọ.
Suy tư đến quả chứng của mình, nàng nói lên những bài kệ này:
37. Bốn lần và năm lần,
Ta ra khỏi tinh xá,
Nhưng tâm không an tịnh,
Không nhiếp phục được tâm.38. Nhưng đến đêm mồng tám,
Ái được ta nhổ sạch
Chú tâm không phóng dật,
Ta gắng thoát pháp khổ,
Ái diệt, ta chứng đạt,
Thành tựu lời Phật dạy.
(XXIX) Một Sàmà Khác (Therì. 127)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình quý tộc ở Kosambi, nàng cũng trở thành người bạn của Sàmàvati, khi Sàmàvati chết đi, vì quá đau khổ, nàng xuất gia. Trong hai mươi lăm năm nàng không nhiếp phục được tâm nàng, cho đến khi trở về già, nàng nghe được một bài thuyết pháp, tu tập thiền quán, chứng quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ. Suy tư đến quả chứng này, nàng nói lên bài kệ:
39. Ðã được hăm lăm năm,
Từ khi ta xuất gia.40. Ta không thắng tri tâm,
Không được tâm thăng bằng,
Tâm không được an tịnh,
Không nhiếp phục được tâm
Do vậy ta dao động,
Nhớ đến lời Phật dạy.41. Chú tâm không phóng dật
Ta gắng thoát pháp khổ,
Ái diệt, ta chứng đạt,
Thành tựu lời Phật dạy
Hôm nay đêm mồng bảy,
Khái ái được khô cạn.
(XXX) Uttama (Therì. 128)
Sau nhiều đời làm việc lành, nàng được sanh trong nhà một triệu phú ở Sàvatthi, trong thời đức Phật hiện tại. Khi nàng lớn tuổi, nàng nghe Patàcàrà thuyết pháp và xin xuất gia. Nhưng nàng chưa chứng được quả vị thiền quán. Patàcàrà biết được tâm trạng của nàng, nên thuyết giảng cho nàng và nhờ vậy nàng chứng quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ. Suy tư trên quả chứng, nàng nói lên sự sung sướng của nàng.
42. Bốn lần và năm lần,
Ta ra khỏi tinh xá.
Nhưng tâm không an tịnh,
Không nhiếp phục được tâm.43. Ta đến Tỷ-kheo -ni,
Với ta đồng tín nữ,
Nàng thuyết pháp cho ta,
Với uẩn, xứ và giới.44. Nghe xong pháp nàng thuyết,
Như nàng đã dạy ta,
Bảy ngày ngồi kiết-già,
Ta thọ hưởng hỷ lạc,
Mồng tám ta duỗi chân,
Phá tan khối si ám.
Bài kệ trở thành lời tuyên bố về chánh trí của nàng.
(XXXI) Một Uttarà Khác
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào gia đình Bà-la-môn có danh tiếng ở Kosala. Ðến tuổi trưởng thành khi đang đi ở làng quê, nàng nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp, nàng xuất gia, chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Suy tư trên quả chứng, nàng nói lên bài kệ:
45. Bảy pháp giác chi này,
Con đường đạt Niết-bàn,
Tất cả ta tu tập,
Như lời đức Phật dạy.46. Do quán không vô tướng
Ta đạt quả mong muốn,
Ta thành con gái Phật,
Sanh ra từ miệng Ngài,
Luôn luôn ta hoan hỷ.47. Trong an lạc Niết-bàn,
Mọi dục được đoạn diệt,
Dục trời và dục người,
Vòng sanh hữu đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.
(XXXII) Dantikà
Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi trong gia đình vị giáo sĩ nhà vua. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng trở thành tín nữ ở Jetavana (Kỳ Viên) và về sau xuất gia, dưới sự chỉ đạo của Mahàpajàpati. Một thời khi đang ở Ràjagaha (Vương Xá), nàng leo lên núi Linh Thứu; và sau buổi ăn, khi đang còn ngồi nghỉ, nàng thấy một người nài điều khiển một con voi; và nhờ vậy nàng chứng quả A-la-hán; với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Về sau, vô cùng hân hoan với quả chứng của mình, nàng nói lên bài kệ như sau:
48. Ra khỏi ngôi tinh xá,
Ðể nghỉ trưa ban ngày,
Trên đỉnh núi Linh Thứu,
Ta thấy một con voi,
Dầm nước xong đi lên,
Trên bờ một con sông.49. Một người cầm cái móc,
Yêu cầu đưa chân lên,
Con voi duỗi chân ra,
Và người leo lên voi.50. Thấy kẻ chưa nhiếp phục,
Ði đến được nhiếp phục,
Ta thấy nó vâng chịu,
Theo quyền lực của người.
Như vậy, ta định tâm,
Ði vào trong rừng ấy.
(XXXIII) Ubirì
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình khá giả quyền quí. Nàng rất đẹp và sanh được người con gái rất đẹp, đặt tên là Jivà. Vua thấy đứa con gái rất lấy làm hài lòng và đưa nàng lên làm hoàng hậu. Nhưng rồi đứa con gái Jivà bị chết, và bà mẹ ngày nào cũng đi đến nghĩa địa để than khóc. Một hôm nàng đi đến yết kiến bậc Ðạo Sư, nhưng rồi nàng đi ra bên sông Aciravàti và đứng than khóc. Bậc Ðạo Sư thấy vậy liền đến với nàng và hỏi:
- Tại sao nàng khóc?
Nàng đáp:
- Bạch Thế Tôn, con khóc đứa con gái của con.
Thế Tôn nói:
- Tại nghĩa địa này có đến tám vạn bốn ngàn con gái của nàng bị thiêu. Vậy nàng khóc than cho ai!.
Rồi chỉ cho nàng thấy chỗ đất các người bị chết, Thế Tôn nói lên bài kệ:
51. Hỡi nàng Ubirì,
Nàng khóc trong rừng sâu,
Khóc than ôi Jivà,
Con gái thân của tôi,
Hãy tự mình hồi tỉnh,
Hỡi này Ubirì!
Trong bãi đốt thân này
Tất cả tám vạn tư,
Người đồng tên Jivà
Nàng khóc Jivà nào?
Nàng suy tư với trí tuệ, trên pháp bậc Ðạo Sư dạy. Nhờ thiền quán tác động, nhưng lời dạy tốt đẹp của bậc Ðạo Sư, và với tự mình đạt được những điều kiện cần thiết nàng chứng được quả cao nhất, cho đến quả A-la-hán, và trình bày quả vị tối thượng nàng đạt được, nàng nói lên nửa bài kệ sau:
52. Mũi tên khó nhìn thấy,
Ðâm dính nơi tâm ta,
Chắc chắn đã được Ngài,
Nhổ lên khỏi tâm ta,
Sầu muộn vì con gái,
Ðã được chấm dứt hẳn.53. Nay mũi tên được nhổ,
Mọi ham muốn lắng dịu,
Ta đi đến quy y
Bậc Mâu-ni ẩn sĩ,
Quy y Ba ngôi báu
Phật, Pháp và chúng Tăng.
(XXXIV) Sukkà (Therì. 129)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào một gia đình quyền quí ở Ràjagaha (Vương Xá) và được đặt tên là Sukkà (Sáng Suốt). Khi đến tuổi trưởng thành, nàng phát tâm tin Phật ở trong gia đình của nàng và trở thành một tín nữ. Về sau nàng được nghe Dhammadinnà thuyết pháp và quá cảm xúc bởi bài thuyết pháp, nàng xuất gia với Dhammadinnà. Sau khi tu thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ.
Ðược năm trăm Tỷ-kheo-ni đoanh vây, nàng trở thành một vị thuyết pháp giỏi. Một ngày kia, sau khi đi vào Vương Xá khất thực, ăn xong, toàn thể Ni chúng trở về tinh xá của Tỷ-kheo-ni. Tại đấy Sukkà thuyết pháp cho toàn thể Ni chúng, thuyết hay cho đến nỗi các Tỷ-kheo-ni như cảm thấy được nhận từ nàng, những đường mật ngọt ngào, thấm nhuần với nước bất tử. Tất cả đều ngồi nghe, hoàn toàn im lặng nhiệt tâm tín thành. Rồi một vị thần cây, đứng ở cuối sân nghe pháp, quá xúc động bởi lời thuyết giảng, nên đi ra khỏi Vương Xá, vừa đi vừa tán thán hạnh thuyết pháp tuyệt diệu của nàng và nói như sau:
54. Hỡi này người Vương Xá,
Các người đã làm gì?
Giống như người nằm mê,
Bị say vì uống mật!
Các người không hầu hạ,
Sukkà thuyết lời Phật.55. Chúng tôi nghĩ bậc trí,
Uống được nước cam lồ,
Dòng nước thật thuần tinh,
Không gì chướng ngại nổi
Chẳng khác kẻ đi đường,
Ðón nhận nước trời mưa.
Khi nghe thần cây nói vậy, dân chúng rất lấy làm phấn khởi và đi đến chăm chú nghe nàng thuyết pháp. Sau một thời gian, vào cuối cuộc đời khi nàng đang sửa soạn để từ giã cuộc đời. Nàng muốn nói lên pháp môn nàng dạy đưa đến giải thoát như thế nào, nàng tuyên bố như sau về chánh trí của nàng.
56. Hỡi này nàng Sukkà!
Người con của ánh sáng!
Ðược ly tham định tĩnh,
Nhờ ánh sáng Chánh pháp,
Hãy mang thân cuối cùng,
Sau khi thấy ma quân.
(XXXV) Sielà
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm công chúa con vua nước Alavì, tên là Sielà. Nàng cũng được biết với tên là Alavika (người nước Alavì). Khi đến tuổi trưởng thành, bậc Ðạo Sư cảm hóa được vua cha, làm lễ xuất gia cho vua và cùng đi đến Alavì. Sielà chưa lập gia đình, cùng đi với phụ vương nghe thuyết pháp và trở thành một tín nữ. Về sau nàng xuất gia, chuyên tu thiền quán và cuối cùng nhờ thiện duyên tốt đẹp, nhờ trí tuệ được triển khai, nàng nhiếp phục được thân hành, khẩu hành, ý hành và chứng được quả A-la-hán.
Về sau trở thành một Trưởng lão Ni, nàng ở Sàvatthi. Một hôm, nàng đi ra khỏi Sàvatthi để nghỉ ban ngày tại Andhavana và ngồi dưới một gốc cây. Ác ma muốn phá sự an tịnh độc cư của nàng, dưới hình thức là một người lạ mặt, đến với nàng và nói như sau:
57. Nàng sẽ không thoát khỏi,
Thoát ly khỏi đời này,
Như vậy hạnh viễn ly,
Nàng dùng để làm gì?
Hãy thọ hưởng dục lạc,
Chớ bứt rứt về sau.
Rồi nàng suy nghĩ: 'Ðây là Ác ma muốn ngăn chận ta không được hưởng Niết-bàn. Nó không biết ta đã chứng quả A-la-hán. Vậy nay ta hãy làm cho nó mở mắt và nàng nói lên bài kệ':
58. Các dục giống gươm giáo,
Chém nát các uẩn ta,
Những dục mà ngươi gọi,
Là lạc thú cuộc đời.59. Ngày nay dục lạc ấy,
Với ta không hấp dẫn,
Ở tất cả mọi nơi,
Hỷ lạc được đoạn tận,
Khối tối tăm mù ám,
Ðã bị làm tan nát,
Hỡi này kẻ Ác ma,
Ngươi hãy biết như vậy,
Ngươi chính là Ác ma
Ngươi đã bị bại trận.
(XXXVI) Somà (Therì. 129)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sinh ra là con gái vị giáo sĩ của vua Bimbisàra. (Bình Sa Vương) và được đặt tên là Somà. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng trở thành một tín nữ, và về sau nàng xuất gia và nhờ triển khai thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ.
Ở tại Sàvatthi, một ngày kia nàng đi vào rừng Andhavana để nghỉ ban ngày và ngồi dưới một gốc cây. Ác ma đến và muốn phá sự an tịnh cô độc của nàng tàng hình không cho nàng thấy và nói lên như sau:
60. Ðịa vị khó chứng đạt,
Chỉ thánh nhân chứng đạt,
Trí nữ nhân hai ngón,
Sao hy vọng chứng đạt.
Rồi nàng cự lại Ác ma:
61-62. Nữ tánh chướng ngại gì,
Khi tâm khéo thiền định,
Khi trí tuệ triển khai,
Chánh quán pháp vi diệu,
Ở tất cả mọi nơi,
Hỷ lạc được đoạn tận,
Khối tối tăm mù mịt,
Ðã bị làm tan nát.
Hỡi này kẻ Ác ma,
Ngươi hãy biết như vậy,
Ngươi chính là Ác ma,
Ngươi đã bị bại trận.
(XXXVII) Bhaddà Thuộc Dòng Họ Kapllà. (Therì. 130)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh vào một gia đình Bà-la-môn dòng họ Kosiya ở Sàgala. Ðược sống trong giàu sang, nàng được gả làm vợ một nhà quý tộc tên là Pippali ở làng Mahàtittha. Khi người chồng xuất gia, nàng giao lại tài sản cho các người bà con để nàng được xuất gia. Nàng sống năm năm tại Titthiyàràma, sau đó nàng được Mahàpajàpati cho thọ đại giới, nhờ triển khai thiền quán, nàng chứng được quả A-la-hán. Sau nàng trở thành một vị có biệt tài về các đời quá khứ nhờ hạnh nguyện trong đời quá khứ. Nàng được đức Phật xem là người biệt tài đệ nhất về đời sống quá khứ, khi bậc Ðạo Sư ở Jetavana (Kỳ Viên) ngồi phân loại các Tỷ-kheo-ni. Một ngày kia nàng nói lên những bài kệ, nói đến những kinh nghiệm quá khứ và tán thán hạnh của Trưởng lão Kassapa:
63. Con được thừa tự Phật,
Ca-diếp khéo thiền định.
Biết được đời quá khứ,
Thấy cõi trời đọa xứ.64. ẩn sĩ đoạt diệt sanh,
Thắng trí được thành tựu
Cùng với Ba minh này,
Là Phạm chí Ba minh.65. Cũng vậy nàng Bhaddà
Người xứ Kapila,
Nàng là bậc Ba minh,
Ðã đoạn được sự chết,
Mang thân này cuối cùng,
Sau khi thắng ma quân.66. Thấy nguy hại ở đời,
Hai chúng tôi xuất gia.
Chúng tôi được chế ngự,
Ðoạn tận các lậu hoặc,
Cảm xúc thành mát lạnh,
Ðược tịch tịnh giải thoát.
(XXXVIII) Một Tỷ Kheo Ni Vô Danh (Therì. 130)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Devadaha và trở thành người nữ điều dưỡng cho Mahàpajàpati. Nàng tên là Vàddhesi nhưng tên gia tộc nàng không được biết đến khi chủ nàng xuất gia, nàng cũng xin xuất gia theo. Nhưng trong hai mươi lăm năm nàng bị các dục chi phối ám ảnh, không được thiền định dầu cho đến một sát-na. Nàng than van tình trạng của nàng cho đến khi nàng được nghe Dhammadinnà thưyết pháp. Rồi tâm nàng xa lánh các dục, nàng tu tập thiền định và cuối cùng nàng chứng được sáu thắng trí. Suy tư trên quả chứng của mình, nàng nói lên bài kệ:
67. Ðã được hai lăm năm,
Từ khi ta xuất gia,
Cho đến búng ngón tay,
Tâm ta không lắng dịu.68. Tâm không được an tịnh,
Vì đầy ứ dục tham,
Ta giơ tay khóc than,
Ta đi vào tinh xá.69. Ta đến vị Ni ấy,
Ðồng tín nữ với ta,
Nàng thuyết pháp cho ta,
Về uẩn, xứ và giới.70. Nghe pháp nàng giảng dạy,
Ta ngồi vào một bên,
Ta hết đời quá khứ,
Thiên nhãn được thanh tịnh,
Với trí biết tâm người,
Lỗ tai được thanh tịnh.71. Ta chứng thần túc thông,
Ta đạt được lậu tận,
Sáu thắng trí ta chứng,
Lời Phật dạy đã làm.
(XXXIX) Vimala, Xưa Làm Một Kỹ Nữ (Therì. 131)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Vesàli làm con gái một người bán sắc đẹp sinh sống. Nàng được đặt tên là Vimalà. Khi nàng lớn lên, và suy tư với những tư tưởng uế nhiễm, nàng thấy Tôn giả Mahà Moggallàna đang đi khất thực ở Vesàli, nàng cảm thấy thương yêu Tôn giả và đi theo về tinh xá để cám dỗ. Có người nói nàng được các ngoại đạo xúi dục nên làm như vậy. Tôn giả chỉ trích hành động không tốt đẹp của nàng và thuyết pháp cho nàng, như đã được ghi trong Trưởng lão Tăng Kệ. (Therà. 1150-57), nàng cảm thấy xấu hổ và trở thành một tín nữ. Về sau cùng nàng xuất gia, tinh tấn tu tập, và không bao lâu chứng quả A-la-hán, nghĩ đến quả chứng của mình, nàng phấn khởi nói lên bài kệ:
72. Say mê với giai cấp,
Với dung sắc tuổi xuân,
Với danh xưng, danh vọng,
Ta ỷ lại tuổi trẻ,
Ðối với những người khác,
Ta khinh bỉ khinh thường.73. Thân này ta trang điểm,
Ta khêu gợi kẻ ngu,
Ta đứng trong khung cửa,
Tại cửa hàng buôn sắc,
Như thợ săn, ác độc,
Ðang gieo đặt bẫy mồi.74. Ta khoa trương trang sức,
Phô bày nhiều chỗ kín,
Ðể châm biếm nhiều người,
Ta làm nhiều ảo thuật,
Hôm nay ta khất thực,
Ðầu trọc, đắc đại y,
Ta ngồi dưới gốc cây,
Ta chứng định không tầm.75. Mọi khổ ách đoạn tận,
Cả cõi trời, cõi người,
Quăng bỏ mọi lậu hoặc,
Ta mát lạnh tịch tịnh.
(VL) Sìha (Therì. 131)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Vesàli, con gái của một người chị võ tướng Sìha. Do vậy, nàng được đặt tên là Sìha, như tên của người cậu của nàng. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp cho người cậu, Sìha trở thành một tín nữ và được phép cha mẹ cho xuất gia. Khi nàng tu tập thiền quán, nàng không thể chận đứng tâm tư nàng chạy theo những ngoại vật khả ý. Bảy năm bị dày vò, nàng kết luận: 'Làm sao ta thoát khỏi nếp sống uế nhiễm này. Ta hãy chết, tốt hơn'. Rồi nàng cột sợi dây trên cây, đút cổ vào thòng lọng để thắt cổ chết. Trong giây phút cuối cùng với sự cố gắng tinh thần chất chứa từ trước cho đến nay, nàng cố gắng triển khai thiền quán. Ðối với nàng đời sống hiện tại thật sự là đời sống cuối cùng, trong giờ phút cuối cùng, trí tuệ nàng được viên mãn, và với nội tâm thiền quán nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Mở thòng lọng ra nàng trở về lại tinh xá. Ðược thành một vị A-la-hán, nàng sung sướng phấn khởi nói lên bài kệ;
77. Không như lý tác ý,
Bị dục tham ám ảnh,
Ta trước bị dao động
Không chế ngự được tâm.78. Bị phiền não chi phối,
Lạc tưởng ngự trị ta
Tâm ta không thăng bằng,
Bị tham tâm chi phối.79. Bảy năm sống ốm yếu,
Vàng da, dung sắc xấu
Ðêm ngày không an lạc
Ta sống chịu khổ đau.80. Do vậy ta lấy dây,
Ði vào giữa khu rừng,
Tốt hơn ta treo cổ,
Còn hơn sống hạ liệt.81. Làm chắc dây thòng lọng,
Ta cột ở cành cây,
Quàng thòng lọng quanh cổ,
Tâm ta liền giải thoát.
(XLI) Sundarì Nandà (Therì. 132)
Trong đời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình quý tộc thuộc dòng họ Thích-ca. Ðược tên là Nandà. Nàng có danh là Nandà hoa khôi. Khi bậc Thế Tôn giác ngộ, đi đến Kapilavatthu và độ cho Nandà và Rahula xuất gia. Khi vua Suddhodana (Tịnh Phạn) mệnh chung và bà Mahàpajàpati xuất gia, nàng Nandà tự nghĩ: 'Anh trưởng của ta đã chối từ không thừa tự quốc độ, xuất gia và trở thành đấng Thế Tôn, một bậc siêu nhân. Con của Ngài là Rahula cũng xuất gia, anh của ta vua Nandà cũng xuất gia. Mẹ của ta Mahàpajàpati, chị của ta, mẹ Rahula cũng xuất gia. Vậy ta ở nhà làm gì? Ta hãy xuất gia'. Như vậy nàng xuất gia không phải vì lòng tin, mà chính vì lòng thương yêu bà con trong gia đình. Nàng xuất gia như vậy sau khi từ bỏ gia đình, nàng vẫn tự kiêu với sắc đẹp của mình và không chịu đến yết kiến đức Phật, sợ đức Phật quở trách nàng. Nhưng trường hợp của nàng cũng giống như trường hợp với Tỷ-kheo-ni Abhirùpa Nandà (xem kệ XIX) với sự sai khác nhau: khi nàng thấy hóa thân của một nữ nhân do đức Phật hiện ra, nữ nhân ấy dần dần trở thành già xấu, tâm của nàng dựa trên tánh vô thường và đau khổ, hướng đến thiền định.
Rồi đức Phật thuyết pháp cho nàng như sau:
82. Nandà, hãy nhìn thân,
Bệnh bất tịnh, hôi thúi,
Hãy tu tâm bất tịnh,
Nhứt tâm khéo định tỉnh.83. Như thân này thân ấy,
Như thân ấy thân này,
Hôi thối và rữa nát,
Chỉ kẻ ngu thích thú.84. Như vậy quán thân này,
Ngày đêm không mệt mỏi,
Với trí tuệ của con,
Do vậy hãy thoát ly,
Với trí tuệ của con,
Thoát khỏi kiêu sắc đẹp,
Và người si nhìn thấy,
Với cái nhìn như thật.
Rồi nàng nghe theo lời dạy, với trí tuệ an trú vững chắc trên quả thứ nhất. Muốn giúp nàng đạt được những quả vị cao hơn, Thế Tôn dạy thêm cho nàng: Này Nandà, trong cái thân này không có một chút gì là tinh túy, chỉ là một đống xương và thịt bị già, chết chi phối. Như đã được nói trong tập Pháp cú:
85. Thành này làm bằng xương,
Quét tô bằng máu thịt,
Ở đây già và chết,
Mạn, lừa đảo chất chứa.
(Pháp Cú. 150)
Khi đức Phật nói xong, nàng liền chứng quả A-la-hán. Và nghĩ đến sự chiến thắng của mình, nàng sung sướng với lời dạy của đức Bổn Sư và nói thêm:
86. Với tâm không phóng dật,
Như lý, quán thân ấy,
Tánh như thật thân này,
Ðược thấy trong và ngoài.
Ta nhàm chán thân thể,
Nội tâm được ly tham,
Không phóng dật ly hệ,
Ta an bình tịch tịnh.
(XLII) Manduttara (Therì. 132)
Trong đời đức Phật hiện tại, nàng sanh trong một gia đình Bà-la-môn, nước Kuru thành Kammàsadamma. Sau khi học hỏi ngoại đạo, nàng xuất gia theo phái Ni-kiền-tử và vì nàng thuyết pháp giỏi, nàng cầm cành cây diêm phù và đi khắp xứ Ấn Ðộ như nàng Bhaddà (XLVI). Nàng gặp Tôn giả Mahà-Moggallàna và bị ngài chiến thắng trong cuộc tranh luận. Nàng nghe theo lời dạy của Tôn giả Moggallàna, xuất gia trong giáo pháp đức Bổn Sư và không bao lâu chứng quả A-la-hán với nghĩa tín thọ, pháp tín thọ. Suy tư trên chiến thắng của mình, nàng sung sướng nói lên bài kệ:
87. Trước ta đảnh lễ lửa,
Trăng, mặt trời chư thiên
Ta đi đến bến sông,
Ta xuống nước, lê tắm.88. Chấp nhận nhiều giới cấm
Ta chỉ cạo nửa đầu
Ta nằm ngủ dưới đất,
Cơm tối ta không ăn.89. Thích trang điểm trang sức,
Ưa tắm rửa, xoa bóp,
Thân này ta cung dưỡng,
Thỏa mãn các dục tham,90. Từ khi được lòng tin
Không nhà ta xuất gia,
Ta thấy thân như Phật,
Nhờ sạch các dục tham.91. Mọi sanh hữu chặt đứt,
Cả ham muốn hy cầu,
Mọi ách nạn giải tỏa,
Ta đạt tâm an tịnh.
(XLIII) Mittakali (Therì. 132)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình Bà-la-môn, ở xứ dân chúng Kuru, tại thành Kammàsadamma. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng được nghe giảng về Bốn niệm xứ và xuất gia làm Tỷ-kheo-ni. Trong bảy năm nàng ưa thích được cúng dường, được trọng vọng và thường hay gây lộn cãi vã về sau nàng biết như lý tác ý, triển khai thiền quán và chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Nghĩ đến sự chiến thắng của mình, nàng nói lên sự phấn khởi của nàng.
92. Vì lòng tin, xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Ta sống tâm hướng mạnh,
Theo lợi dưỡng cung kính.93. Từ bỏ đích tối thượng,
Phục vụ đích hạ liệt,
Bị phiền não ngự trị,
Bỏ đích Sa-môn hạnh.94. Ngồi trong phòng tinh xá,
Ta cảm bị dao động
Ta đi vào tà đạo,
Khát ái ngự trị ta.95. Ngắn ngủi sinh mạng ta,
Già, bệnh đang đè nặng,
Trước khi thân hủy diệt,
Giờ phóng dật không còn.96. Như thật ta quán sát,
Sinh diệt của các uẩn,
Tâm giải thoát, ta chứng,
Lời Phật dạy làm xong.
(XLIV) Sakulà (Therì. 133)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm Bà-la-môn, ở Sàvatthi, tên là Sakulà. Khi đức Phật nhận tinh xá Jetavana, nàng trở thành người tín nữ, và về sau được nghe một vị A-la-hán thuyết pháp, nàng phát nguyện xuất gia, tinh cần triển khai thiền quán và cuối cùng chứng quả A-la-hán. Về sau tùy theo lời phát nguyện, nàng được Thế Tôn tán thán là Thiên nhãn đệ nhất. Sau khi suy tư đến kết quả chứng của mình, nàng phấn khởi hoan hỷ và nói lên bài kệ:
97. Khi sống ở gia đình,
Nghe Tỷ kheo thuyết pháp,
Ta thấy pháp vô uế,
Ðạo Niết-bàn bất tử.98. Từ bỏ con trai, gái,
Cả tài sản lúa gạo,
Cạo tóc ta xuất gia
Sống đời sống không nhà.99. Ta làm người học nữ,
Tu tập con đường chánh,
Ðoạn tận tham và sân,
Ðoạn từng lậu hoặc một.100. Thọ giới Tỷ-kheo-ni,
Ta nhớ đời quá khứ,
Thiên nhãn ta thanh tịnh,
Không uế, khéo tu tập.101. Thấy các hàng ngoại diện,
Do nhân sanh biến hoại,
Ta đoạn mọi lậu hoặc,
Mát lạnh ta tịch tịnh.
(XLV) Sonà (Therì. 133)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh trong một gia đình quý tộc ở Sàvatthi. Sau khi lập gia đình, nàng sanh được mười người con trai, con gái và được biệt danh là 'người nhiều con'. Khi người chồng xuất gia nàng giao lại cho các con trai, con gái cai quản gia đình và giao cả gia sản cho các con trai, không giữ gì cho thân mình. Các con trai và con dâu nuôi dưỡng nàng, không bao lâu trở mặt khinh rẻ nàng. Nàng buồn cho thái độ các dâu con, xuất gia trở thành Tỷ-kheo-ni. Nàng suy nghĩ, nàng đã lớn tuổi mới xuất gia, nên hết sức tinh cần,tinh tấn. Trong khi hầu hạ các Trưởng lão Ni, nàng thức đêm tu học, nàng kiên trì học tập, không biếng nhác, không xao nhãng, như người chụp nắm các cột trong mái hiên, hay chụp nắm cành cây trong đêm tối để tránh đầu khỏi va chạm. Hạnh tinh tấn của nàng được mọi người biết, và bậc Ðạo Sư biết được trí tuệ của nàng đã chín muồi, nên phóng hào quang, hóa hiện trước mặt nàng và nói lên bài kệ:
Ai sống một trăm năm,
Không thấy câu bất tử,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được câu bất tử.
(Pháp cú. 114)
Khi đức Phật nói câu này xong, nàng chứng được quả A-la-hán. Thế Tôn tán thán là 'Tỷ-kheo-ni tinh tấn đệ nhất'. Một hôm, suy tư đến quả chứng của mình, nàng phấn khởi nói lên những bài kệ:
102. Ta sanh được mười con,
Trong thân chất chứa này,
Do vậy ta già yếu,
Ta đến Tỷ-kheo-ni.103. Nàng thuyết pháp cho ta,
Về uẩn xứ và giới,
Nghe pháp nàng thuyết giảng.
Cắt tóc ta xuất gia.104. Ta học lời nàng dạy,
Thiên nhãn ta thanh tịnh,
Ta biết các đời trước,
Chỗ ta sống đời trước.105. Ta tu pháp vô tướng,
Nhất tâm khéo thiền tịnh,
Tức thời ta giải thoát,
Không chấp thủ tịch tịnh.106. Năm uẩn được liễu tri,
Ðứng lại, gốc bị cắt,
Tham dục, ta không có,
Căn cứ địa kiên trì?
Từ nay ta không còn
Vấn đề phải tái sanh.
(XLVI) Bhadda Kundalakess (Therì. 134)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ra ở Rajagaha (Vương Xá), trong gia đình vị thủ khố của nhà vua, và được tên là Bhaddà. Lớn lên và luôn luôn có người hầu hạ, nàng thấy ngang qua khe cửa, Satthuka, con vị giáo sĩ của vua, một kẻ cướp bị dẫn đi hành hình, theo lệnh của vua. Nàng bỗng yêu Satthuka và nằm trên giường nàng nói: 'Nếu ta không được chàng, ta sẽ chết'. Người cha vì thương nàng, nên hối lộ cho những người lính và đưa Satthuka đến gặp nàng. Satthuka khởi lòng tham đồ trang sức của nàng nên nói với nàng là khi bị dẫn đến 'hòn núi của kẻ trộm', chàng có phát nguyện: Nếu chàng được tha, chàng sẽ làm lễ cúng tạ ơn và nhờ nàng sửa soạn lễ tạ. Muốn được chàng bằng lòng, nàng vâng theo ý muốn của Satthuka, tự trang điểm với các đồ trang sức, lên xe đi với chàng và cùng đi đến 'hòn núi của kẻ trộm' Satthuka không cho người hầu hạ đi theo, lấy đồ trang sức cúng dường, và leo lên núi một mình với nàng, nhưng không nói lời thân ái với nàng. Do thái độ của chàng, nàng tìm ra được mưu kế của chàng. Rồi Satthuka bảo nàng cởi áo ngoài ra, dùng áo gói đồ trang sức nàng đang mang theo, Nàng hỏi chàng nàng có làm điều gì sái quấy chăng, và chàng trả lời: 'Nàng thật ngu si ta đến đây có phải để làm lễ cúng dường đâu! Ta chỉ đến đây để lấy đồ trang sức của nàng'. Nàng nói: 'Này chàng thân yêu, các đồ trang sức này của ai, và đồ trang sức nào thuộc của em'. Chàng nói: 'Ta không biết gì về sự phân chia này'. Nàng nói: 'Thôi được, chàng thân yêu, nhưng chàng cho em một sở nguyện, cho em mang đồ trang sức và được hôn chàng! Satthuka bằng lòng và nàng ôm hôn chàng đàng trước, rồi ôm chàng hôn đàng sau, và trong khi ấy xô chàng ngã xuống vực núi. Một Thiên nhân ở trên núi, thấy nàng làm vậy liền khen rằng:
Không phải là lúc nào,
Ðàn ông cũng khôn hơn!
Nữ nhân khi lanh lẹ,
Cũng tỏ khôn ngoan hơn,
Không phải là lúc nào,
Ðàn ông cũng khôn hơn!
Nữ nhân cũng khôn ngoan,
Chỉ nghĩ một phút giây!
Rồi Bhaddà suy nghĩ: 'Nay ta không thể về nhà được khi sự việc đã xảy ra như vậy. Vậy từ đây ta sẽ xuất gia'. Rồi nàng xuất gia theo phái Ni-kiền Tử. Họ hỏi nàng: 'Nàng ưng xuất gia đến mức độ nào?' Nàng trả lời: 'Tôi muốn xuất gia vào hạng tối thượng!' Rồi họ nhổ tóc của nàng và khi tóc nàng dài và quăn lại, nàng được gọi là Bhaddà tóc quăn. Nhưng trong khi nàng tập sự học hỏi giáo lý của phái Ni-kiền Tử, nàng biết rằng giáo lý ấy không có gì đặc biệt. Nàng từ giã chúng Ni-kiền Tử, tìm học những bậc minh sư có danh tiếng và cuối cùng không ai có thể tranh luận với nàng. Nàng vun lên một đống cát gần cửa đi vào làng, trồng lên một nhánh cây diêm phù, bảo mấy đứa con nít xem ai nhổ lên nhánh cây ấy. Sau một tuần không có ai nhổ lên cành cây, nàng liền đem cành cây ấy đi một nơi khác.
Thế Tôn trong khi đi thuyết giảng, đến tinh xá Jetavana gần Sàvatthi, đúng lúc Bhaddà tóc quăn trồng nhánh cây ấy tại cửa thành Sàvatthi. Tôn giả Sàriputta vào thành, thấy cành cây ấy, muốn nhiếp phục nàng, bảo các đứa con nít dẫm lên cành cây ấy, để mở đầu cuộc tranh luận, nàng nghĩ rằng cuộc tranh luận sẽ không có kết quả nếu không có quần chúng đỡ đầu. Vì vậy nàng quy tụ một số đông quần chúng đến chứng kiến cuộc tranh luận giữa nàng và Tôn giả Sàriputta. Trước hết Tôn giả Sàriputta để cho nàng hỏi và Tôn giả trả lời, cho đến khi nàng không còn gì để hỏi nữa và ngồi im lặng.
Rồi Tôn giả hỏi nàng: 'Thế nào gọi là một?' Nàng Bhaddà tóc quăn thú nhận không thể trả lời được. Tôn giả nói, một chút như vậy mà nàng không trả lời được, thì nàng có thể biết thêm được gì? Rồi Tôn giả giáo giới cho nàng và nàng xin quy y Tôn giả.Tôn giả Sàriputta khuyên nên quy y Thế Tôn, bậc Ðạo Sư loài Người và Trời. Nàng vâng lời, chiều lại đi đến yết kiến Thế Tôn khi ngài đang thuyết pháp. Sau khi đảnh lễ nàng đứng một bên, Thế Tôn thấy căn cơ nàng đã thuần thục liền nói:
Dầu nói ngàn câu kệ,
Nhưng không chút lợi ích,
Tốt hơn nói một câu,
Nghe xong được tịnh lạc.
(Pháp cú 101)
Khi đức Phật nói xong bài kệ này, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ.
Nàng xuất gia, thọ giới với quả A-la-hán và chính đức Phật trao đại giới cho nàng. Rồi nàng đi đến tinh xá Tỷ-kheo-ni, sống an lạc hạnh phúc. Nàng sung sướng phấn khởi nói lên những bài kệ:
107. Trước ta sống một y,
Tóc cạo, thân mang bùn,
Không lỗi xem có lỗi,
Có lỗi xem là không.108. Ban ngày rời tinh xá,
Trên ngọn núi Linh Thứu,
Ta thấy Phật vô uế,
Dẫn đầu chúng Tỷ-kheo.109. Quỳ gối ta đảnh lễ,
Ðối diện ta chắp tay,
Hãy đến này Bhaddà,
Ta được thọ đại giới.110. Ta đi khắp Angà,
Mogadhà, Vajjì,
Quốc độ Kosala,
Mười lăm năm không nợ,
Ăn đồ ăn quốc độ.111. Làm được nhiều công đức,
Tín nam này có tuệ,
Cho Bhaddà chiếc y,
Thoát khỏi mọi triền phược.
(XLVII) Patàcàrà (Therì. 134)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh trong gia đình vị thủ ngân khố nhà vua ở Sàvatthi. Khi đến tuổi trưởng thành nàng giao du với một người đầy tớ trong nhà. Khi cha mẹ nàng định ngày gả nàng cho một chàng trai xứng đôi, nàng trốn đi với người tình nhân và sống tại một ngôi làng nhỏ. Khi nàng sắp sanh, nàng bảo chồng đưa nàng về nhà cha mẹ, vì ở đây không có ai săn sóc nàng, nhưng chồng nàng cứ hẹn lần hẹn hồi cho đến khi nàng biết chồng nàng không muốn đi về. Nàng liền chờ chồng đi vắng, sắp đặt công việc, tin cho người láng giềng biết rồi nàng bỏ về nhà cha mẹ. Khi người chồng về, người chồng liền đuổi theo, sợ nàng không có người săn sóc. Chồng nàng bắt gặp nàng và giữa đường nàng sinh được người con, rồi hai vợ chồng lại đi trở về làng. Ðến kỳ sinh nở thứ hai, sự việc xảy ra như lần trước, nhưng có điểm khác biệt như sau: giữa đường mưa to gió lớn nổi lên, người chồng tìm lá và cây làm cái chòi cho nàng tránh mưa, nhưng bị con rắn từ gò mối bò ra cắn chồng nàng chết tại chỗ. Trong cơn đau khổ chờ đợi chồng nàng, nàng bồng đứa con trên ngực và giữa mưa to gió lớn nàng nằm phục xuống đất để che chở cho hai đứa con trải qua một đêm như vậy cho đến sáng. Ðến sáng, nàng đi tìm chồng và thấy chồng bị rắn cắn chết rồi. Nàng khóc than suốt đêm. Vì mưa to, nước sông dâng lên đến đầu gối, nàng lại quá yếu nên không thể bồng hai đứa con lội qua sông. Nàng để đứa lớn ở bờ bên này và bồng đứa nhỏ lội qua sông. Rồi nàng đặt đứa nhỏ nằm trên khăn trùm đầu, dùng cành cây che lại để nó trên bờ, còn nàng lội qua sông lại để đem đứa lớn qua. Nhưng đến giữa dòng, quay mình trở lại thời thấy một con diều hâu, tưởng đứa con nít là một miếng thịt, nên bay xuống tha đứa nhỏ đi. Dầu cho người mẹ có xua đuổi và la lên nhưng vì quá xa nên không làm gì được. Còn đứa lớn bên bờ bên này, nghe tiếng mẹ la tưởng là mẹ kêu liền lội xuống nước đi qua và bị nước cuốn trôi. Thế là hai đứa con và cả người chồng bị chết. Nàng vừa khóc vừa đi về thành Sàvatthi, lại được tin hồi hôm mưa to gió lớn làm sụp đổ căn nhà của cha mẹ nàng, giết chết cả cha mẹ và em nàng vừa làm lễ hỏa táng xong. Trong cơn đau khổ khủng khiếp chồng chất, nàng hóa điên dại, ăn mặc hở hang, nàng vừa khóc vừa than:
Hai con ta đã chết,
Chồng ta cũng chết luôn,
Rồi trên giàn hỏa táng,
Cha ta và mẹ ta,
Cùng đứa em trai ta,
Vừa làm lễ thiêu đốt.
Rồi nàng đi lang thang đây đó, khóc than nỗi đau khổ của nàng, và vì nàng mang xiêm áo tả tơi, nàng được gọi là Patacàra (kẻ mang xiêm áo). Người đi đường thấy nàng gọi nàng là người điên, có kẻ ném đá, có người thì quăng đồ nhớp bụi bặm trên nàng. Bậc Ðạo Sư ở Jetavana đang thuyết pháp, thấy nàng đi lang thang như vậy và biết căn cơ trí tuệ của nàng đã chín muồi, ngăn cản không cho người ta xua đuổi nàng và cho phép lại gần, khiến nàng hồi tỉnh lại, và cảm thấy xấu hổ với cách ăn mặc của mình, nàng nằm phục xuống đất. Một người quăng cho nàng một tấm y, nàng quấn y vào mình và thỉnh Phật cứu độ cho nàng và nàng kể lại thân phận của nàng: 'Thế Tôn hãy cứu độ cho con. Một đứa con bị chim diều hâu mang đi; một đứa con bị nước cuốn trôi; còn chồng con bị rắn cắn chết; cha mẹ và em con bị căn nhà sụp đổ giết chết và bị hỏa táng. Ðức Phật nói: 'Này Patacàra, đừng nghĩ rằng nàng đến với một người có thể cứu độ cho nàng. Như nay nàng than khóc vì con chết, vì chồng chết, cha mẹ chết. Cũng vậy, nàng đã khóc than kiếp luân hồi của nàng vì rằng con, chồng và cha mẹ bị chết của nàng còn nhiều hơn nước sông bốn biển'.
Nước bốn biển ít hơn,
Nước mắt của loài Người,
Khóc than vì đau khổ,
Vậy sao nàng hủy hoại,
Sanh mạng của chính mình,
Trong khóc than sầu khổ!
Nghe Thế Tôn dạy về con đường không thể diệt khổ, nỗi đau khổ của nàng được nhẹ dần. Rồi đức Phật khuyên thêm: 'Ôi Patàcàrà, một người mệnh chung, thì con cháu, bà con không có thể làm chỗ nương tựa. Cho đến hiện tại, họ cũng không giúp đỡ được gì. Do vậy, người có trí sống đời sống giới đức thanh tịnh, thành tựu con đường hướng đến Niết-bàn. Rồi đức Phật dạy:
Các con, cha, bà con,
Không phải chỗ nương tựa,
Khi thân hoại mạng chung,
Bà con huyết thống nàng,
Không thể che chở nàng!
Thấy được sự thật này.
Kẻ trí sống giới đức,
Và mau chóng thành tựu,
Con đường hướng Niết-bàn.
Khi bậc Ðạo Sư nói xong, nàng chứng được quả Dự Lưu và xin được xuất gia. Ðức Phật đưa nàng đến chúng Tỷ-kheo-ni và cho phép nàng được xuất gia.
Rồi nàng tinh tấn tu hành, cố gắng thành đạt những quả vị cao hơn. Một hôm lấy nước trong bát rửa chân, khi nàng đổ nước, thời nước chảy đến một khoảng đường ngắn rồi biến mất. Nàng đổ thêm nước, và con đường nước chảy dài hơn, và lần thứ ba, nàng lại đổ nuớc và con đường nước chảy còn dài hơn trước khi biến mất. Dựa trên sự kiện này làm nền tảng suy tư, nàng nghĩ: 'Cũng vậy là loài Người, chết trẻ, chết nửa chừng và chết già'. Và đức Phật ở tại hương phòng của Ngài phóng hào quang, hiện lên trước mặt nàng và dạy rằng: 'Hỡi nàng Patàcàrà, như vậy là cuộc sống của loài Người, cuối cùng cũng phải mạng chung. Vậy tốt hơn là sống như thế nào để thấy sự sanh diệt của năm uẩn, dầu cho chỉ thấy được một ngày, hay chỉ một sát-na, còn hơn sống một trăm năm mà không thấy được sự thật ấy:
Người sống một trăm năm,
Không thấy pháp sanh diệt,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được pháp sanh diệt.
(Pháp cú. 113)
Khi Thế Tôn nói xong, Patàcàrà chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Suy tư đến quả chứng của mình, khi còn là một học nữ, nàng tán thán sự kiện đã giúp nàng chứng được quả vị cao hơn, và nàng nói lên bài kệ:
112. Với cây, cày ruộng đất,
Gieo hột giống trên đất,
Loài Người được tài sản,
Nuôi dưỡng vợ và con.113. Sao ta, giới đầy đủ
Làm theo Ðạo Sư dạy,
Lại không chứng Niết-bàn,
Không nhác, không dao động.114. Khi ta đang rửa chân,
Làm cho dòng nước chảy,
Thấy được nước rửa chân
Từ cao chảy xuống thấp,
Nhờ vậy, tâm được định,
Như ngựa hiền khéo luyện.115. Rồi ta cầm cây đèn,
Bước vào ngôi tinh xá,
Nằm trên chiếc giường nhỏ,
Ta nhìn quán ngọn đèn.116. Rồi lấy cây kim nhỏ,
Dìm tim đèn xuống dần,
Thấy cây đèn Niết-bàn,
Tâm ta được giải thoát.
(XLVIII) 30 Tỷ Kheo Ni Tuyên Bố Về Chánh Trí Dưới Sự Lãnh Ðạo Của Patàcàrà (Therì. 135)
Trong thời đức Phật hiện tại, chúng sanh trong nhiều gia đình sai khác, được nghe Patàcàrà thuyết pháp, trở thành tín nữ và cuối cùng xuất gia. Trong khi họ làm trọn những phận sự của mình, và sống đầy đủ giới hạnh, nàng thuyết cho họ lời giáo huấn như sau:
117. Loài Người trong tuổi trẻ,
Cầm chày giã lúa gạo,
Loài Người được tài sản,
Nuôi dưỡng vợ và con.118. Hãy hành lời Phật dạy,
Không làm gì nhiệt não,
Rửa chân thật mau lẹ,
Hãy ngồi xuống một bên,
Chú tâm tu tâm chỉ,
Làm theo lời Phật dạy.
Rồi các Tỷ-kheo-ni ấy, nghe theo lời dạy của Patàcàrà, an trú trên thiền quán, tu tập trí tuệ cho đến khi căn cơ thuần thục, chứng được quả A-la-hán, với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Rồi suy nghĩ trên quả chứng, họ phấn khởi sung sướng và họ thêm vào các bài kệ của Patàcàrà với những bài kệ của mình:
119. Sau khi nghe lời dạy,
Lời Patàcàrà,
Sau khi rửa chân xong,
Họ vào ngồi một bên,
Chú tâm tu tâm chỉ,
Làm theo lời Phật dạy.120. Trong đêm canh thứ nhất,
Họ nhớ đời quá khứ
Trong đêm canh chặng giữa,
Thiên nhãn được thanh tịnh,
Trong đêm canh cuối cùng,
Khối si ám phá tan.121. Ðứng dậy họ lễ chân,
Vị giáo giới cho họ,
Như Chư Thiên ba mươi
Ðảnh lễ vị Sakka,
Vị không bị đánh bại,
Ở lại chỗ chiến trường,
Ðặt Patàcàrà,
Vào hàng bậc lãnh đạo,
Chúng tôi sẽ được sống,
Ba minh, không lậu hoặc.
(XLIX) Candà (Therì. 135)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng làm con một vị Bà-la-môn, ít được người biết đến, tại một làng Bà-la-môn. Từ lúc nhỏ, gia đình bị mất hết tài sản, và nàng lớn lên trong điều kiện rất thiếu thốn.
Trong gia đình, một bệnh thời khí phát ra giết hại cả nhà, và nàng phải đi xin nhà này qua nhà khác với một cái bát vỡ. Một ngày kia, nàng đến chỗ Tỷ-kheo-ni Patàcàrà khi vị này vừa ăn xong. Các Tỷ-kheo-ni thấy nàng trong tình cảnh đáng thương hại, tiếp nàng với lòng từ mẫn và cho nàng ăn. Sung sướng được thấy hạnh phúc tốt đẹp của các Tỷ-kheo-ni, nàng đến gần Patàcàrà, đảnh lễ, nàng ngồi xuống một bên để nghe pháp. Nàng nghe với tâm hồn phấn khởi, và lo lắng vì kiếp sống luân hồi, nàng xuất gia. Nàng theo lời giáo giới của vị Tỷ-kheo-ni, nàng an trú thiền quán, nhiệt tâm tinh cần. Rồi với nghị lực và lời phát nguyện và sự chín muồi của trí tuệ, không bao lâu nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Suy tư đến quả chứng của mình, nàng phấn khởi nói lên bài kệ:
122. Trước ta sống bất hạnh,
Không chồng và không con,
Không bè bạn, bà con,
Không có cơm, có áo.123. Ta cầm gậy bình bát
Ði ăn xin từng nhà,
Bị lạnh nóng đày đọa,
Bảy năm ta sống vậy.124. Thấy được Tỷ-kheo-ni,
Ta nhận đồ ăn uống,
Sau khi đến, ta xin,
Ðược xuất gia không nhà.125. Nàng Patàcàarà,
Thương ta, cho xuất gia,
Rồi giảng dạy cho ta,
Hướng dẫn đến chân đế.126. Nghe xong lời nàng giảng.
Ta làm theo lời dạy,
Lời giảng bậc tôn Ni,
Không phải lời trống không,
Ta chứng được Ba minh,
Ta không còn lậu hoặc.
(L) Năm Trăm Patàcàrà (Therì. 136)
Trong thời đức Phật hiện tại, chúng sanh trong những gia đình khá giả, tại nhiều chỗ khác nhau, lấy chồng, có con, sống lo việc bếp nước trong gia đình. Họ đều chịu sự đau khổ khi con của họ bị chết. Rồi họ đi tìm đến Patàcàrà, đảnh lễ nàng, ngồi xuống một bên nàng và nói cho nàng biết nỗi đau khổ của họ. Patàcàrà, làm cho họ vơi bớt sự đau khổ, nói lên những bài kệ như sau:
137. Ông không biết con đường
Nó đến hay nó đi,
Từ đâu con trai đến,
Ông lại khóc: 'Con tôi'.138. Ông đâu biết con đường,
Nó đến hay nó đi,
Ông khóc nó làm gì?
Pháp hữu tình là vậy.129. Không có ai yêu cầu,
Từ chỗ kia, nó đến,
Không có ai cho phép,
Từ chỗ này, nó đi,
Từ đâu, nó đến đây!
Ðược sống bấy nhiêu ngày.130. Từ chỗ này nó đến,
Từ chỗ kia, nó đi,
Nó đến một con đường!
Nó đi một con đường,
Mệnh chung, hình sắc người,
Luân hồi, nó sẽ đi!
Ðến vậy, đi như kia,
Ở đây, khóc than gì?
Sau khi nghe nàng giảng, họ đều cảm thấy dao động và xin xuất gia, dưới sự hướng dẫn của Patàcàrà. Sau khi tinh cần triển khai thiền quán, chứng đạt được quả A-la-hán, với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Suy tư trên quả chứng của mình, các vị ấy lập lại bài kệ giáo hóa của Patàcàrà và cộng thêm những bài kệ của chính mình như sau:
131. Cây tên, khó thấy được,
Từ tim ta, nhổ lên:
Nàng diệt sầu vì con,
Sầu ấy ám ảnh ta.132. Nay cây tên được nhổ
Không dục cầu, tịch tịnh
Ta quy y ẩn sĩ,
Phật, Pháp và chúng Tăng.
Về sau Tỷ-kheo-ni này rất giỏi về lời dạy của Patàcàrà, nên chúng được gọi là: tùy thuộc của Patàcàrà.
(LI) Vàsitthi (Therì. 136)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh làm con một nhà quyền quý ở Vesàli. Khi nàng lớn, nàng được gả cho một người chồng tương xứng và nàng sống vui vẻ với người chồng. Khi có được đứa con, mới tập chạy, nó chết đi và nàng quá đau khổ vì đứa con chết. Khi các người bà con chữa bệnh cho chồng, nàng bỏ trốn và lang thang khắp đó đây cho đến khi nàng đến Mithìlà. Tại đây, nàng thấy đức Phật đang đi trên đường, tự tại, tự chế, làm chủ các căn. Khi thấy bậc Ðạo Sư và nhờ Phật lực nàng lấy lại được sự bình tĩnh. Rồi bậc Ðạo Sư thuyết pháp vắn tắt cho nàng, và nàng xin được xuất gia và bậc Ðạo Sư chấp nhận. Làm tất cả các bổn phận của mình, nàng an trú vào thiền quán, và với sự cố gắng vượt bực, với trí tuệ chín muồi, nàng chứng quả A-la-hán, vói pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Suy tư trên quả chứng của mình, nàng sung sướng nói lên niềm hân hoan của mình:
133. Ta sầu muộn vì con
Khổ, tâm cuồng tưởng loạn,
Lõa thể, tóc rối ren,
Ðời sống vậy, ta sống.134. Lang thang đường, đống rác,
Nghĩa địa, đường xe đi,
Ba năm ta đã sống,
Kham khổ, chịu đói khát.135. Rồi ta thấy Thiện Thệ,
Ðến thành Mi-thi-la,
Ðiều ngự kẻ chưa điều,
Bậc Giác Ngộ, vô úy.136. Lấy lui tâm bình tĩnh,
Ta đảnh lễ đến gần.
Thương ta, Gotama,
Ngài thuyết pháp cho ta.137. Nghe Ngài thuyết pháp xong,
Ta xuất gia, không nhà,
Tùy hành lời Ðạo Sư,
Ta chứng đạo an ổn.138. Mọi sầu muộn chặt đứt,
Ðoạn tận, được chấm dứt,
Ta liễu tri nền gốc,
Từ đấy sầu muộn sanh.
(LII) Khemà (Therì. 137)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh nước Magadha (Ma-kiệt-đà) ở Sàgala, thuộc gia đình hoàng tộc, tên là Khemà. Nhan sắc đẹp đẽ, với da như vàng, nàng trở thành hoàng hậu Vua Bimbisàra. Khi Thế Tôn ở tại Veluvana (Trúc Lâm), nàng không đi đến yết kiến đức Phật vì sợ Thế Tôn chỉ trích lỗi của mình. Vua muốn nàng đi thăm Trúc Lâm, nên nhờ người tán thán ngôi vườn này, và cuối cùng nàng bằng lòng cùng vua đi đến tinh xá, không thấy Thế Tôn, nhưng muốn nàng thấy cho được Thế Tôn, dầu phải bắt nàng ở lại. Khi nàng sắp sửa từ giã tinh xá nhưng không gặp được Thế Tôn, các người hầu cận giữ nàng ở lại và đưa nàng đến gặp đức Thế Tôn một cách miễn cưỡng. Ðức Thế Tôn dùng thần lực hóa hiện một tiên nữ rất đẹp đang đứng quạt cho Ngài, sắc đẹp thắng xa sắc đẹp của nàng rất nhiều. Rồi trước mắt nàng, như nhân được hóa hiện ấy lớn lên trở thành già yếu răng rụng, tóc bạc, da nhăn và ngồi ngã xuống đất với chiếc quạt. Khemà thấy vậy, tự hỏi không biết thân mình có chịu hoàn cảnh tương tự hay không. Thế Tôn biết được tâm trạng của nàng bèn nói lên bài kệ:
Người đắm say các dục,
Tự lao mình xuống dòng,
Như nhện sa lưới dệt,
Người trí cắt trừ nó,
Bỏ mọi kệ không màng.
(Pháp cú, 347)
Tập Sớ ghi chép, khi bậc Ðạo Sư nói xong, nàng chứng quả A-la-hán với pháp tín thọ. Nhưng theo tập Apadàna, nàng chỉ mới chứng quả, Dự lưu và sau khi được phép vua cho xuất gia, nàng xuất gia và trở thành A-la-hán.
Sau đó, nàng tu tập thiền quán, có danh tiếng về môn tu này, và đức Phật khi ở Jetavana (Kỳ Viên) đã đặt nàng vào hạng thiền quán đệ nhất.
Một ngày kia, nàng ngồi nghỉ trưa dưới một gốc cây, Ác ma hiện lên, dưới hình thức một thanh niên và cám dỗ nàng với lòng dục như sau:
139. Nàng vừa trẻ vừa đẹp,
Ta vừa trẻ vừa xuân,
Với cung đàn năm điệu,
Hãy vui hưởng, Khemà.
Nàng trả lời:
140. Với thân hôi thối này,
Bệnh hoạn và mong manh,
Ta nhàm chán ghét bỏ,
Dục ái đã nhổ lên.141. Dục ví như gươm giáo,
Các uẩn đoạn đầu đài,
Ðiều người nói dục lạc,
Nay ta đã xa lìa.142. Mọi nơi, hỷ duyệt đoạn,
Khối si ám tan tành,
Hãy biết vậy, Ác ma!
Ngươi bị hại, Ma vương.143. Ngươi đánh lễ vầng sao!
Ngươi thờ lửa rừng sâu,
Ngươi không biết như thật,
Kẻ ngu nghĩ rằng tịnh.144. Còn ta, ta đảnh lễ,
Bậc Giác ngộ, Thượng nhân,
Giải thoát mọi khổ đau,
Hành lời Ðạo Sư dạy.
(LIII) Sujàtà (Therì. 137)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Sàketa trong gia đình thủ khố nhà vua. Ðược gả chồng với con vị thủ khố tương xứng với gia đình, nàng sống hạnh phúc với chồng. Một hôm, trong khi đi dự lễ các Sao (Nakkhatakìlam), nàng đi về với những người hầu hạ, và nàng thấy bậc Ðạo Sư ở vườn Anjana. Nàng cảm thấy bị hấp dẫn, đến gần đảnh lễ ngài và nghe ngài thuyết pháp. Bậc Ðạo Sư biết căn cơ nàng đã chín muồi, nên đặc biệt thuyết pháp cho nàng, và thuyết pháp xong, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, với nghĩa tín thọ. Ðảnh lễ bậc Ðạo Sư, về nhà được chồng và cha mẹ chấp thuận và với sự đồng ý của bậc Ðạo Sư, nàng được xuất gia làm Tỷ-kheo-ni. Suy tư đến quả chứng của mình, nàng sung sướng nói lên như sau:
145. Trang sức, mặc áo đẹp
Vòng hoa, xức chiên đàn,
Ðeo mọi loại nữ trang
Cầm đầu chúng nữ tỳ.146. Mang theo đồ ăn uống,
Nhiều món ăn cứng mềm,
Từ nhà ta đi ra,
Ði đến vườn thưởng ngoạn.147. Tại đây ta vui chơi,
Rồi ta đi về nhà,
Ta thấy ngôi tinh xá,
Khi ta bước vào rừng,
Rừng tên Anjanà,
Tại xứ Sàketa.148. Thấy hào quang thế giới,
Ðảnh lễ, ta tới gần,
Thương ta, bậc Pháp nhãn,
Ngài thuyết pháp cho ta.149. Nghe xong bậc Ðại tiên,
Ta thể nhập chân lý,
Tại đấy ta chứng pháp,
Ly trần tạo bất tử.150. Do liễu tri diệu pháp,
Ta xuất gia, không nhà,
Ba minh ta đạt được,
Không trống rỗng lời Phật.
(LIV) Anopanà (Therì. 138)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Sàketa, trong gia đình vị thủ kho Majjha. Vì nàng rất đẹp, nàng được tên là Anopanà (không ai sánh nổi). Khi nàng đến tuổi trưởng thành, nhiều con nhà giàu, các quan chức nhà vua, các hoàng tử, cử các sứ giả đến xin cưới nàng. Nghe tin vậy, nàng có tâm nguyện khác, nàng muốn sống đời sống không có gì hết. Nên nàng tìm đến bậc Ðạo Sư nghe ngài thuyết pháp, nhờ trí tuệ chín muồi, nhờ nhớ đến lời dạy, nhờ nhiệt tâm thiền quán, nàng chứng được quả thứ ba, quả Bất lai. Xin phép bậc Ðạo Sư cho xuất gia, nàng được nhận làm Tỷ-kheo-ni. Và đến ngày thứ bảy, nàng chứng được quả A-la-hán. Suy tư trên quả chứng, nàng sung sướng nói lên sự phấn khởi của mình:
151. Sanh gia đình cao quý,
Nhiều châu báu, tài sản,
Ðầy đủ dung sắc đẹp,
Con gái cưng Majjha.152. Ðược con vua cầu hôn,
Con phú gia xin cưới,
Sứ giả đến cha ta,
Cho tôi Anopham.153. Công chúa con gái ngài,
Cân nặng như thế nào
Tôi sẽ tặng tám lần
Bằng vàng ròng châu báu.154. Ta thấy đấng Giác ngộ,
Bậc Thế Tôn vô thượng,
Ta đảnh lễ chân Ngài,
Ðến gần, ngồi một bên.155. Thương ta, Gotama,
Ngài thuyết pháp cho ta.
Ngay tại chỗ ngồi ấy,
Ta chứng quả thứ ba.156. Rồi ta cạo bỏ tóc,
Xuất gia, sống không nhà,
Hôm nay, đêm thứ bảy,
Khát ái được gột sạch.
(LV) Mahàpajàpatì Gotamì (Therì. 138)
Trước khi bậc Ðạo Sư ra đời, nàng được sanh ở Devadaha, trong gia đình Mahà-Suppabuddha. Tên gia đình của nàng là Gotama, và nàng là em gái của Mahàmàyà. Các thầy đoán tướng tiên đoán rằng các người con của hai chị em sẽ là vị chuyển luân vương. Vua Suddhodana, khi đến tuổi trưởng thành, cưới cả hai chị em. Sau đó, bậc Ðạo Sư đản sanh, và trong khi chuyển pháp luân, ngài đi đến Vesàli, và phụ vương được quả A-la-hán mệnh chung.
Rồi Mahàpajàpati muốn xuất gia, xin phép bậc Ðạo Sư nhưng không được chấp nhận. Rồi nàng cắt tóc, đắp y, và sau thời gỉảng kinh về tinh cần nỗ lực, nàng ra đi với năm trăm Thích-ca nữ mà các người chồng đã xuất gia, đi đến Vesàli, và xin bậc Ðạo Sư cho xuất gia, với sự can thiệp của Tôn giả Ananda. Bậc Ðạo Sư chấp nhận và dạy Tám kỉnh pháp cho các Tỷ-kheo-ni.
Sau khi xuất gia, Mahàpajàpati đến yết kiến đức Phật và đứng một bên Ngài thuyết pháp cho nàng, và nàng tinh cần tinh tấn chứng được quả A-la-hán với trí tuệ trực giác và phân tích năm trăm Tỷ-kheo-ni, sau khi nghe Nandaka giáo giới, chứng được sáu thắng trí.
Một ngày kia, khi bậc Ðạo Sư ngồi giữa thánh chúng tại tinh xá Jetavana (Kỳ Viên), Ngài xác nhận Mahàpajàpati là vị có kinh nghiệm đệ nhất, sống hưởng thọ hạnh phúc giải thoát, Niết-bàn. Ðể nói lên lòng biết ơn của mình, Mahàpajàpati tuyên bố chánh trí của mình trước mặt Thế Tôn, tán thán hạnh đức của Ngài đã giúp đỡ hộ trì cho nàng mà trước đây nàng không được gặp:
157. Bậc Giác ngộ anh hùng!
Con xin đảnh lễ Ngài,
Ngài là bậc Tối thượng,
Giữa mọi loài chúng sanh,
Ngài giải khổ cho con,
Cùng rất nhiều người khác.158. Liễu tri mọi đau khổ,
Gột sạch nhân khát ái,
Con đường Thánh tám ngành,
Ðoạn diệt, ta chứng ngộ.159. Trước ta sống là mẹ,
Là con, là cha, anh,
Là ông nội, ông ngoại,
Ðời sống trước là vậy,
Không rõ biết như thật,
Luân hồi, tìm không gặp.160. Nay ta thấy Thế Tôn,
Thân này thân tối hậu,
Sanh tử được đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.
Siêng, tinh cần nỗ lực,
Thường, kiên trì tinh tấn,
Hãy thắng đệ tử Phật,
Hòa hợp, đảnh lễ Ngài.
Vì hạnh phúc nhiều người,
Ma-yà sanh Cù-đàm,
Giải tỏa nhóm khổ đau
Cho người bị bệnh chết?
(LVI) Guttà (Therì. 139)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi trong một gia đình Bà-la-môn và tên là Guttà. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng nhàm chán đời sống gia đình và được phép gia đình cho xuất gia, dưới sự lãnh đạo của Mahàpajàpati. Sau đó dầu nàng hành trì với tín tâm, nhưng tâm của nàng cứ chạy theo ngoại cảnh và do vậy nàng không thiền định được. Rồi bậc Ðạo Sư muốn khích lệ nàng, phóng hào quang và hiện ra trước mặt nàng và nói lên bài kệ như sau:
163. Vì mục đích tối thượng,
Guttà, người xuất gia,
Từ bỏ cả con cái,
Cho đến bản thân mình,
Hãy nhiệt tâm hành trì,
Chớ để tâm chi phối.164. Tâm lừa đảo chúng sanh,
Ưa ác ma lãnh vực,
Luân hồi nhiều đời sống,
Chúng dong ruổi, si mê.165. Dục vọng và sân hận,
Kể cả với thân kiến,
Cộng thêm giới cấm thủ
Với nghi hoặc thứ năm.166. Hỡi này, Tỷ-kheo-ni,
Từ bỏ kiết sử này,
Là hạ phần kiết sử,
Ngươi hết lại đời này.167. Hãy tránh xa tham mạn,
Vô minh và trạo cử,
Chặt đứt kiến sử xong,
Ngươi sẽ dứt đau khổ.168. Quảng bỏ vòng sanh tử,
Liễu tri sự tái sanh,
Hiện tại không ước vọng,
Ngươi sẽ sống an tịnh.
(LVII) Vijjayà (Therì. 139)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Ràjagaha (Vương Xá) trong một gia đình thường dân, khi lớn lên nàng trở thành bạn của Khemà, đưa nàng trở thành Trưởng lão Ni, khi ấy còn là nữ cư sĩ. Khi nghe Khemà xuất gia, nàng nói: 'Khemà là hoàng hậu còn xuất gia được, huống nữa là ta'. Nàng đi đến Khemà, và Khemà biết tâm nguyện căn cơ của nàng nên thuyết pháp, khiến nàng suy tư đến sanh lão bệnh tử và tìm được an ổn trong đạo pháp. Rồi Khemà cho nàng xuất gia, nàng hầu hạ, học hỏi làm tròn bổn phận của mình, tu tập thiền quán và khi trí tuệ thuần, nàng chứng được quả A-la-hán với pháp tín thọ, nghĩa tín thọ. Rồi suy tư trên quả chứng của mình nàng nói lên sự sung sướng phấn khởi của nàng:
169. Bốn lần và năm lần
Ta ra khỏi tinh xá,
Tâm không được an tịnh,
Không chế ngự được tâm.170. Ta đến Tỷ-kheo-ni,
Ta hỏi, đàm luận pháp,
Nàng thuyết pháp cho ta,
Về giới và về xứ.171. Bốn sự thật bậc Thánh
Về các căn, các lực,
Giác chi, tám đường chánh,
Ðạt đạo tối thượng nghĩa.172. Nghe lời vị ấy dạy,
Ta làm theo giáo huấn,
Trong đêm canh thứ nhất,
Ta nhớ đến đời trước.173. Trong đêm canh chặng giữa
Thiên nhãn được thanh tịnh,
Trong đêm canh cuối cùng,
Khối si ám tan tành.174. Từ đấy ta được sống,
Biến mãn thân hỷ lạc,
Ðêm thứ bảy, duỗi chân,
Khối si ám tan tành.
(LVIII) Uttarà (Therì. 140)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình thường dân, tên là Uttarà. Khi đến tuổi trưởng thành, nàng nghe Patàcàrà thuyết pháp, trở thành một tín nữ, xuất gia và trở thành vị A-la-hán. Rồi suy tư trên quả chứng của mình, nàng phấn khởi nói lên bài kệ:
175. Loài Người trong tuổi trẻ,
Cầm chày giã lúa gạo,
Tuổi trẻ được tài sản,
Nuôi dưỡng vợ và con.176. Hãy hành lời Phật dạy,
Không làm gì nhiệt não,
Rửa chân thật mau lẹ,
Hãy ngồi xuống một bên.177. Sau khi an trú tâm,
Nhứt tâm, khéo định tĩnh,
Hãy quán sát các hành,
Thuộc ngoại, không thuộc ngã.178. Ta nghe lời giáo huấn,
Lời Patàcàrà;
Sau khi ta rửa chân,
Bước vào, ngồi một bên.179. Trong đêm canh thứ nhất,
Ta nhớ đời quá khứ,
Trong đêm canh chặng giữa
Thiên nhãn được thanh tịnh.180. Trong đêm canh cuối cùng,
Khỏi si ám tan tành,
Từ ba minh, đứng dậy
Giáo huấn Ngài, làm xong.181. Như Thiên chủ Sakka,
Ở cõi trời Ba mươi,
Không bao giờ bại trận,
Ở tại các chiến trường,
Ta sống, tôn xưng Ngài,
Là bậc Thầy lãnh đạo,
Ta chứng được ba minh,
Ta không còn lậu hoặc.
Một hôm nàng tu tập thiền quán dưới sự hướng dẫn của Patàcàrà, ngồi trong phòng của nàng, nàng suy nghĩ: 'Ta sẽ không ngồi dậy nếu tâm ta không giải thoát khỏi các lậu hoặc'. Quyết định như vậy, nàng triển khai trí tuệ, thiền quán, chứng được quả A-la-hán, với sức mạnh trực giác và triệt quán Chánh pháp. Sau khi tiếp tục quán mười chín đề tài với ý thức 'không biết ta có làm đủ những điều cần phải làm chăng', nàng nói lên sự sung sướng của nàng với những bài kệ ghi ở trên và nàng duỗi chân ra. Khi trời rạng đông và đêm đã sáng, nàng tìm gặp vị Tỷ-kheo-ni và lập lại những bài kệ của nàng.
(LIX) Calà (Therì. 141)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Magadha, tại làng Nàlaka, con của một nữ Bà-la-môn tên là Surùpasàrì. Khi đến tuổi đặt tên, nàng được gọi là Càlà. Em gái nàng tên là Upacàlà và em nhỏ nhất tên là Sìsùpacàlà và cả ba là em của Tôn giả Sàriputta. Khi ba đứa em nghe người anh xuất gia trở thành vị Tỷ-kheo chúng suy nghĩ: 'Ðây không phải là một giáo pháp thường tình, một sự xuất gia thường tình, vì một người anh như người anh chúng ta đã quyết tâm tu hành theo; ba nàng cũng xuất gia, dầu gia đình than khóc. Với sự tinh tấn, tinh cần, cả ba tu hành, chứng quả A-la-hán và sống an lạc giải thoát.
Rồi Tỷ-kheo-ni Càlà, sau khi đi khất thực, đi vào rừng Andho để nghỉ trưa và tại đấy Ác ma hiện ra để cám dỗ nàng. Trong kinh, có đề cập đến vấn đề này.
Tỷ-kheo-ni Càlà, sau khi đi khất thực ở Sàvatthi, đi vào trong rừng an lạc để nghỉ trưa. Ði vào rừng Andho, nàng ngồi xuống một gốc cây, Ác ma đến để lung lạc nàng và hỏi nàng những câu trong các bài kệ của nàng. Sau khi nàng nói lên những đức hạnh của vị Ðạo Sư, và sức mạnh của Chánh pháp, nàng làm cho Ác ma thấy rõ sự vô ích của mình muốn cám dỗ nàng và Ác ma thất vọng biến mất. Rồi nàng nói lên sự sung sướng phấn khởi của nàng và câu chuyện với Ác ma như sau:
182. Sau khi an trú niệm,
Tỷ-kheo-ni luyện căn,
Thể nhập đạo an tịnh,
An lạc tịnh các hành.
Ác ma:
183. Vì ai, ngươi đầu trọc,
Hiện tướng, Sa-môn ni?
Không theo hệ phái nào,
Sao sống si mê vậy?
Càlà:
184. Các hệ phái ngoại đạo
Nương tựa trên tà kiến,
Họ không hiểu Chánh pháp
Họ không thuần thục pháp.185. Sanh gia tộc Thích-ca,
Ðức Phật, bậc vô tỷ
Ngài thuyết pháp cho ta,
Vượt qua các tà kiến.186. Ngài thuyết Tám thánh đạo,
Về khổ, nguyên nhân khổ,
Về vượt qua đau khổ
Và con đường khổ diệt.187. Ta nghe lời Phật dạy,
Sống vui thích giáo pháp,
Ba minh đã đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.188. Mọi nơi, hỷ duyệt đoạn,
Khỏi si ám tan tành!
Hãy biết vậy, Ác ma!
Người bị hại, Ma vương.
(LX) Upacàlà (Therì. 141)
Câu chuyện giống như Tỷ-kheo-ni Càlà. Như Càlà, nàng chứng quả A-la-hán, và bị Ác ma cám dỗ nhưng Ác ma đã thất bại:
189. Trú niệm có pháp nhãn
Tỷ-kheo-ni luyện căn,
Thể nhập đạo an tịnh,
Bậc thượng nhân hành trì.
Ác ma:
190. Sao ngươi không thích sanh,
Có sanh mới hưởng dục,
Hãy hưởng thọ dục lạc,
Chớ hối tiếc về sau.
Upacàlà:
191. Ðã sanh, thời bị chết,
Tay chân bị đứt đoạn,
Bị giết, trói, phiền não.
Sau đưa đến khổ đau.192. Sanh gia bậc Thích-ca
Ðức Phật không chiến bại.
Ngài thuyết pháp cho ta,
Vượt qua khỏi sự sanh.193. Ngài thuyết Tám thánh đạo,
Về khổ, nguyên nhân khổ,
Về vượt qua đau khổ,
Và con đường khổ diệt.194. Ta nghe lời Ngài dạy,
Sống vui thích giáo pháp,
Ba minh đã đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.195. Mọi nơi, hỷ duyệt đoạn,
Khỏi si ám tan tành,
Hãy biết vậy, Ác ma!
Ngươi bị hại, Ma vương.
(LXI) Sìsupacàlà (Therì. 142)
Câu chuyện giống như hai câu chuyện trước. Nàng theo gương người anh, xuất gia và chứng quả A-la-hán. Hưởng thọ sự an lạc, nàng suy tư đến quả chứng, đã làm những điều cần làm và nói lên sự sung sướng của nàng:
196. Tỷ-kheo-ni giữ giới,
Khéo hộ trì các căn,
Ðạt được đạo an tịnh,
Nước cam lồ thuần tịnh.
Ác ma:
197. Chư Thiên cõi Ba mươi,
Dạ-ma và Ðâu-suất,
Chư Thiên trời Hóa Lạc,
Chư Thiên cõi Tự Tại.
Hãy hướng tâm chỗ ấy,
Chỗ xưa kia nàng sống.
Khi Trưởng lão ni nghe vậy, liền nói: 'Hãy dừng lại, Ác ma! Dục giới mà ngươi nói đến, cho đến cả thế giới vũ trụ đều bị lửa tham, lửa sân, lửa si đốt cháy. Tại chỗ ấy, người có trí không ưa thích'. Nêu rõ cho Ác ma thấy tâm của mình đã xa lìa Ma giới, nàng trách mắng Ác ma như sau:
198. Chư Thiên cõi Ba mươi,
Dạ-ma và Ðâu-suất,
Chư Thiên trời Hóa Lạc,
Chư Thiên cõi Tự Tại.199. Thời này đến thời khác,
Hữu này đến hữu khác,
Chúng đều bị thân kiến,
Lãnh đạo và chi phối,
Chúng không vượt thân kiến,
Luân chuyển vòng sanh tử,200. Toàn thế giới bốc cháy
Toàn thế giới đồng cháy,
Toàn thế giới bừng cháy,
Toàn thế giới rung động.201. Phật thuyết pháp cho ta,
Pháp bất động vô tỷ,
Ðược bậc không phàm phu,
Phục vụ và nhiệt hành,
Chỗ ấy, tâm ý ta,
Hân hoan và ưa thích.202. Ta nghe lời vị ấy,
Sống vui trong giáo pháp,
Ba minh đã đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.203. Mọi chỗ, hỷ diệt đoạn,
Khỏi si ám tan tành,
Hãy biết vậy, Ác ma!
Người bị bại, Ma Vương.
(LXII) Mẹ Của Vaddha
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở thành phố Bhàrukaccha, trong một gia đình thường dân. Sau khi lập gia đình, nàng sanh được một người con, đặt tên là Vaddha và nàng được biết là mẹ Vaddha. Nghe một Tỷ-kheo thuyết pháp, nàng trở thành một tín nữ, và giao lại con cho bà con. Nàng đi đến các Tỷ-kheo-ni và xuất gia. Vaddha đi thăm mẹ, đi một mình vào tinh xá Tỷ-kheo-ni và bị mẹ khiển trách như sau:
204. Vaddha, chớ bao giờ,
Rơi vào cõi tham dục,
Này con, chớ chia phần,
Trong đau khổ liên tục.205. Hạnh phúc là ẩn sĩ,
Không tham, nghi đoạn tận,
Sống mát lạnh, chế ngự,
Không còn các lậu hoặc.206. ẩn sĩ ấy hành trì,
Con đường đạt chánh kiến,
Chấm dứt sự khổ đau,
Vaddha! Hãy tiến tu.
Rồi Vaddha suy nghĩ: 'Mẹ ta chắc đã chứng quả A-la-hán', nên nói như sau:
207. Với tự tín mẹ nói,
Mục đích này cho con,
Mẹ thân! Con nghĩ rằng,
Mẹ không còn tham dục.
Rồi vị Trưởng lão Ni trả lời, nêu rõ trách nhiệm của mình đã làm xong:
208. Vaddha! Phàm hành gì,
Thấp, cao hay bậc trung,
Một tí nhỏ tham dục,
Không có ở nơi ta.209. Ta đoạn mọi lậu hoặc,
Không phóng dật, thiền tu,
Ba minh đã đạt được,
Làm xong lời dạy.
Người con dùng lời khuyên của mẹ để tự sách tấn đi vào tinh xá, ngồi trên chỗ mình thường ngồi, triển khai thiền quán và chứng quả A-la-hán. Suy tư trên hạnh phúc về quả chứng của mình, Vaddha đi đến mẹ và nói lên chánh trí của mình:
210. Vi diệu thay, mẹ ta,
Khích lệ, thúc đẩy ta,
Những kệ thuộc chân đế,
Với lòng từ thương tưởng.211. Ta nghe lời mẹ dạy,
Lời giáo giới mẹ hiền,
Ta hành pháp cảm kích,
Ðạt an ổn khổ ách.212. Ta tinh tấn tinh cần,
Ngày đêm không biếng nhác,
Ðược mẹ khéo khích lệ,
Ta chứng tịnh tối tượng.
(LXIII) Kisà Gotamì (Therì. 143)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình nghèo khổ, tên là Gota mì, vì nàng yếu đuối nên được gọi là Kisà Gotamì (Gotamì ốm yếu). Khi lập gia đình, nàng bị khinh thường và được gọi là con gái một người không có gì. Nhưng khi nàng có con, nàng được kính trọng. Khi người con lớn lên và có thể chạy được, nó chết, và nàng cảm thấy đau khổ, và nhớ đến sự đối xử với mình được thay đổi khi đẻ đứa con, nàng nghĩ: 'Chúng sẽ giữ lấy con ta và đem bỏ vào nghĩa địa'. Nàng ôm đứa con chết vào lòng và đi vào từng nhà xin: 'Hãy cho con tôi thuốc'. Và được trả lời: 'Nay thuốc còn gì dùng nữa'. Nhưng nàng không hiểu. Có người thương xót khuyên nàng đến đức Phật để xin thuốc, Nàng đi đến tinh xá và xin đức Phật: 'Hãy cho con tôi thuốc'. Bậc Ðạo Sư thấy được hy vọng tu chứng nơi nàng bèn nói: 'Hãy đi đến nhà nào không có người chết, và đem lại một hột cải!' Nàng vâng lời, đi vào nhà đầu tiên và yêu cầu như vậy, nhưng bị từ chối, vì trong nhà có người chết. Nàng đi vào nhiều nhà khác, được trả lời như vậy và nàng nghĩ: 'Ðây có thể là bậc Ðạo Sư dạy khéo cho ta', nên nàng đem dặt con nàng ở nghĩa địa và nói:
Pháp này không riêng làng,
Không riêng thành, gia tộc,
Không riêng cho một ai,
Cho đến toàn thế giới,
Kể cả các chư Thiên,
Ở tại mọi từng trời,
Pháp nhĩ là như vậy.
Tất cả là vô thường.
Rồi nàng đi đến bậc Ðạo Sư, và khi ngài hỏi có tìm được hột cải không, nàng trả lời: 'Việc làm đã làm xong về hột cải. Hãy xác nhận cho con'.
Thế Tôn nói:
Tâm còn bị đắm say,
Con cái và súc vật,
Tử thần bắt người ấy,
Như lụt trôi làng ngủ
(Pháp cú, 287)
Khi đức Phật nói xong, nàng chứng được Sơ quả (quả Dự lưu) và xin được xuất gia. Ðức Phật chấp nhận và nàng được các Tỷ-kheo-ni cho thọ giới. Sau đó, không bao lâu nàng nghiên cứu về nguyên nhân của sự vật và khiến thiền quán tăng trưởng. Rồi bậc Ðạo Sư nói lên bài kệ:
Người sống một trăm năm,
Không thấy pháp sanh diệt,
Tốt hơn sống một ngày,
Thấy được pháp sanh diệt.
(Pháp Cú 113)
Khi đức Phật nói xong, nàng chứng quả A-la-hán. Vì nàng đặc biệt tu hạnh khắc khổ nên nàng mặc thô y, và đức Phật ngồi tại tinh xá Kỳ Viên đặt nàng vào hạnh mặc thô y đệ nhứt. Suy tư trên quả chứng của mình, nàng nói lên những bài kệ này trước mặt Thế Tôn, những bài kệ tán thán sự thân cận với các bậc Hiền Thánh:
213. Bạn lành được ẩn sĩ,
Khắp thế giới, ngợi khen,
Thân cận với bạn lành,
Kẻ ngu thành người trí.214. Hãy thân bậc chân nhân,
Thân vậy, trí tăng trưởng,
Thân cận bậc chân nhân,
Mọi khổ đau được thoát.215. Hãy biết, Bốn thánh đế,
Khổ và khổ tập khởi,
Biết về đau khổ diệt,
Và đoạn Thánh tám ngành.216. Khổ thay phận nữ nhân,
Chính Ngài đã nói lên,
Bậc đánh xe điều ngự,
Những ai đáng điều ngự,
Khổ thay phận chồng chung,
Nhiều người một lần sanh.217. Trong đau khổ đâm họng,
Mẹ yếu uống thuốc độc,
Trường hợp gặp bào thai,
Bị chết khi đang sanh,
Cả hai mẹ và con,
Ðều cùng gặp tai nạn.218. Khi mang thai đi về,
Ta thấy chồng chết đường,
Và khi ta sanh đẻ,
Ta không về đến nhà.219. Hai con đều bị chết,
Chồng nữ nhân khốn khổ,
Lại bị chết giữa đường;
Mẹ, cha và cả anh,
Ðều cùng bị thiêu đốt,
Dồn chung trên đống lửa.220. Ôi, nữ nhân khốn khổ,
Sanh gia cảnh khốn cùng,
Người phải chịu khổ đau,
Vô lượng, không kể xiết.
Nước mắt người đã khóc,
Trải nhiều ngàn lần sanh.221. Ta thấy giữa nghĩa trang,
Thịt con ta bị ăn,
Gia đình bị tàn hại,
Bị mọi người khinh bỉ,
Tuy vậy, người chết chồng.
Ðạt được sự bất tử.222. Ta tu tập Thánh đạo,
Ðường tám ngành, bất tử,
Ta chứng được Niết-bàn,
Thấy được gương Chánh pháp.223. Trên ta, mũi tên đâm,
Ðã được rút ra khỏi,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Việc nên làm đã làm,
Ta là Trưởng lão Ni,
Kisà-Gotamì,
Với tâm khéo giải thoát,
Ta nói lên đời này.
(LXIV) Uppalavanna
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi, con gái của vị trưởng kho bạc. Vì da nàng màu tim của sen xanh, nàng được gọi là Uppalavannà. Khi nàng đến tuổi trưởng thành, vua và thường dân dành nhau đến cưới nàng. Vị trưởng kho bạc, không thể làm cho mọi người bằng lòng, nghĩ đến một kế để giải quyết. Ông cho gọi Uppalavannà và yêu cầu nàng xuất gia. Và vì căn cơ đã thuần thục, nàng nhận lời ngay, và được đưa đến tinh xá Tỷ-kheo-ni để xuất gia.
Sau một thời gian, khi nàng phụ trách công việc dọn dẹp phòng làm lễ Bố-tát, nàng thắp ngọn đèn quét phòng. Rồi lấy ngọn đèn làm tướng để thiền quán, không bao lâu nàng chứng được quả A-la-hán. Nàng trở thành vị thần thông đệ nhất.
Và bậc Ðạo Sư, ngồi giữa đại chúng ở Jetavana ấn chứng cho nàng là thần thông đệ nhất. Nàng suy tư trên quả an lạc của thiền và thánh quả, nói lên một số bài kệ. Ðây là những lời thốt ra tà miệng một bà mẹ trở thành tình địch với con gái của mình, đối với một người mà sau này trở thành vị Tỷ-kheo tên là Tỷ-kheo ở trên bờ sông Hằng. Những bài kệ này nói lên sự nguy hiểm, sự hạ liệt và sự uế nhiễm của các dục:
I
224. Hai, mẹ và con gái,
Chúng tôi sống một chồng,
Lời nàng đã nói lên
Làm ta xúc động mạnh,
Cảnh ngộ thật hy hữu,
Làm tóc lông dựng ngược.225. Ðáng ngán thay các dục,
Bất tịnh, hôi, nhiều gai,
Ở đây, mẹ, con gái,
Chúng tôi lấy một chồng.226. Thấy nguy hiểm trong dục,
Viễn ly an ổn vững
Nàng xuất gia Vương Xá,
Bỏ nhà, sống không nhà.
II
Sung sướng nàng nói lên quả chứng của mình.
227. Ta biết các đời trước,
Thiên nhãn được thanh tịnh,
Trí biết được tâm người,
Nhĩ giới được trong sạch.228. Ta chứng được thần thông,
Lậu tận ta đạt được,
Ta chứng sáu thắng trí,
Lời Phật dạy, làm xong.
III
Nàng hiện lên một thần thông với sự chấp thuận của bậc Ðạo Sư và ghi như sau:
229. Do hiện hóa thần thông,
Ta đến xe bốn ngựa,
Ta đảnh lễ chân Phật,
Thế giới chủ, quang vinh.
IV
Nàng bị Ác ma đến quấy phá, tại rừng cây Sàla và trách móc Ác ma.
Ác ma:
230. Nàng đi đến gốc cây,
Ðang nở hoa tuyệt đẹp,
Nàng đến, đứng một mình,
Dưới gốc cây có hoa!
Nàng đến chỉ một mình;
Này kẻ dại khờ kia,
Sao nàng lại không sợ,
Có kẻ cám dỗ nàng!
Nàng:
231. Trăm ngàn người cám dỗ,
Có đến đây như ngươi,
Mảy lông ta không động,
Ta không gì hoảng hốt,
Ác ma, làm gì ta,
Khi ngươi đến một mình.232. Ta có thể biến mất,
Hay vào bụng nhà ngươi,
Ta đứng giữa hàng mi,
Ngươi không thấy ta đứng.233. Với tâm khéo nhiếp phục,
Thần túc khéo tu trì,
Sáu thắng trí, ta chứng,
Lời Phật dạy, làm xong.234. Các dục giống gươm giáo,
Chém nát các uẩn ta,
Những dục mà ngươi gọi,
Là lạc thú cuộc đời.
Ngày nay, dục lạc ấy.
Với ta, không hấp dẫn.235. Ở tất cả mọi nơi,
Hỷ lạc được đoạn tận,
Khối tối tăm mù ám,
Ðã bị làm tan nát,
Hỡi này kẻ Ác ma,
Ngươi hãy biết như vậy,
Ngươi chính là Ác ma,
Ngươi đã bị bại trận.
(LXV) Punnà hay Punnikà (Therì. 146)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Sàvatthi, trong gia đình ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc) con gái của một người nô lệ. Nàng chứng được quả Dự lưu khi nghe kinh Sư tử hống (Trung Bộ Kinh, kinh số 11 hay 12). Về sau, sau khi nàng hóa độ được một Bà-la-môn tin tưởng nhờ nước làm cho thanh tịnh và được cảm tình của ông chủ, nàng được thoát ly khỏi giới nô lệ, và với sự bằng lòng của ông chủ, nàng được xuất gia. Và nhờ triển khai thiền quán, nàng chứng quả A-la-hán với hiểu pháp và hiểu nghĩa. Suy tư trên quả chứng của mình, nàng nói lên những bài kệ như sau:
236. Mùa đông ta mang nước,
Luôn luôn xuống dòng nước,
Ta sợ các hình phạt,
Lời trách móc các bà.237. Hỡi này Bà-la-môn,
Ngươi sợ hãi vì ai?
Luôn luôn xuống dòng nước,
Tay chân run cầm cập.
Ngươi phải chịu cảm thọ,
Rét lạnh quá độ vậy?238. Và nàng có biết chăng
Hỡi này Punnikà?
Sao nàng lại đến hỏi
Vị làm các nghiệp lành,
Vị đã chận đứng lại,
Các nghiệp ác bất thiện.239. Vị ấy già hay trẻ,
Làm các nghiệp ác độc,
Người ấy nhờ rảy nước,
Ðược giải thoát ác nghiệp.240. Ai nói với ngươi vậy,
Kẻ ngu với kẻ ngu,
Người tin nhờ rảy nước,
Ðược giải thoát ác nghiệp.241. Tất cả những ếch, rùa,
Sẽ được lên cõi trời,
Cùng các rắn cá sấu,
Và các thủy vậy khác.242. Kẻ giết bò giết heo,
Kẻ đánh cá sanh thú,
Các kẻ cướp giết người,
Các người làm ác khác,
Họ nhờ có rảy nước,
Có thể thoát ác nghiệp.243. Nếu những con sông này,
Có thể làm trôi mất,
Ác nghiệp xưa ngươi làm,
Chúng cũng làm trôi luôn,
Các thiện nghiệp ngươi làm,
Khiến ngươi thành rỗng không.244. Phạm chí vì cái gì,
Ngươi sợ phải xuống nước,
Cái ấy chớ có làm,
Chớ để lạnh hại da.245. Ta đi theo tà đạo,
Nàng hướng ta Thánh đạo,
Thưa nàng ta cho nàng,
Cái áo thấm nước này.246. Ngươi giữ cái áo lại,
Ta không muốn cái áo!
Nếu ngươi sợ đau khổ,
Nếu ngươi không thích khổ.247. Chớ làm các điều ác,
Công khai hay kín đáo,
Nếu ngươi làm sẽ làm,
Làm các điều ác nghiệp.248. Ngươi không thoát đau khổ,
Dầu thấy đến, ngươi chạy,
Nếu ngươi sợ đau khổ,
Không ưa thích đau khổ.249. Hãy đến quy y Phật,
Quy y Pháp và Tăng,
Hãy chấp nhận Giới luật,
Ngươi sẽ được lợi ích.250. Ta đến quy y Phật,
Quy y Pháp và Tăng,
Ta chấp nhận Giới luật,
Ta sẽ được lợi ích,251. Trước ta là bà con,
Với tộc họ Phạm thiên,
Nay ta là Phạm chí,
Chân thật là như vậy,
Ta chứng ngộ Ba minh,
Ðầy đủ trí Vệ-đà,
An ổn đến với ta,
Tâm tư được gột sạch.
Vị Bà-la-môn quy y và thọ năm giới. Về sau được nghe bậc Ðạo Sư thuyết pháp trở thành một thiện nam và xuất gia. Nhờ tinh cần tu tập không bao lâu chứng được Ba minh, và nghĩ đến quả chứng của mình, nói lên bài kệ này. Và vị Tỷ-kheo-ni, lập lại bài kệ ấy trở thành bài kệ của mình.
(LXVI) Ambapàlì (Therì. 147)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh dưới một gốc cây xoài trong vườn vua Vesàli và được gọi là Ambapàli. Nàng rất đẹp nên đến khi lớn lên nhiều vương tôn công tử cạnh tranh để chiếm đoạt nàng. Về sau để tránh những cạnh tranh ấy và cũng do nghiệp lực của nàng, nàng trở thành một kỹ nữ. Vì lòng tin đối với bậc Bổn Sư, nàng xây dựng một tinh xá trong ngôi vườn của nàng và cúng cho đức Phật và chúng Tăng. Khi nàng nghe con nàng, tức là Trưởng lão Vimalakondanna thuyết pháp, nàng triển khai thiền quán về lý vô thường, như thân nàng, chứng Tam minh và nàng nói lên những bài kệ sau đây:
252. Ðen như sắc con ong,
Tóc dài ta khéo uốn,
Nay biến đổi vì già,
Như vải gai, vỏ cây,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.253. Thơm như hộp ướp hương,
Ðầu ta đầy những hoa,
Nay biến đổi vì già,
Hôi như lông con thỏ,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.254. Như rừng khéo vun trồng,
Lược kim tu chói sáng,
Nay biến đổi vì già,
Tóc lơ thơ rơi rụng,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật255. Trang điểm với bện tóc,
Sáng chói nữ trang vàng,
Tóc mềm mại êm dịu,
Thơm ngát với mùi hương,
Nay biến đổi vì già,
Rơi rụng đầu sói trọc,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.256. Trước lông mày của ta,
Chói sáng khéo tô vẽ,
Nay biến đổi vì già,
Nhăn nheo, rơi suy sụp,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.257. Mắt ta xanh và dài,
Sáng đẹp như châu báu,
Nay biến đổi vì già,
Hư hại không chói sáng,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.258. Lỗ mũi mềm và thon,
Sáng chói và trẻ măng,
Nay biến đổi vì già,
Héo khô và tàn tạ,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.259. Trước tai ta sáng chói,
Như vàng vòng khéo làm,
Nay biến đổi vì già,
Nhăn nhiu chảy xệ xuống,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.260. Trước răng ta sáng chói,
Như búp nụ chuối hoa,
Nay biến đổi vì già,
Bể gãy vàng như lúa,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.261. Ngọt là giọng nói ta,
Như chim cu hót rừng,
Nay biến đổi vì già,
Tiếng bể bị đứt đoạn,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.262. Trước cổ ta chói sáng,
Mềm đầy đặn nhu nhuyến,
Nay biến đổi vì già,
Nhiều ngấn và khô cằn,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.263. Trước cánh tay của ta,
Sáng như hai cột tròn,
Nay biến đổi vì già,
Như hoa kèn yết ớt,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.264. Trước bàn tay của ta,
Mềm mại như cành hoa,
Sáng như nữ trang vàng,
Nay biến đổi vì già,
Như rễ cây khô cằn,
Nhăn nhiu và thô nhám,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.265. Trước vú ta sáng chói,
Căng thẳng và tròn đầy,
Nay biến đổi vì già,
Trống rỗng treo lủng lẳng,
Như da không có nước,
Trống không, không căng tròn,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.266. Trước thân ta chói sáng,
Như giáp vàng đánh bóng,
Nay biến đổi vì già,
Ðầy vết nhăn nhỏ xíu,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.267. Trước bắp vế của ta,
Sáng chói như vòi voi,
Nay biến đổi vì già,
Giống như những ống tre,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.268. Trước ống chân của ta,
Mềm mại như vòng vàng,
Nay biến đổi vì già,
Chẳng khác gậy cây mè,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.269. Trước chân ta chói sáng,
Với lông mềm như bông,
Nay biến đổi vì già,
Nứt nẻ đầy đường nhăn,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.270. Thân này là như vậy,
Nay già chứa nhiều khổ,
Ngôi nhà đã cũ kỹ,
Vôi trét tường rơi xuống,
Ðúng như lời giảng dạy,
Của bậc nói sự thật.
Và vị trưởng lão Ni, thấy được những hình tướng vô thường trên thân của mình, nhận thức được tánh vô thường của ba giới: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới, tâm tư quán triệt tánh Vô thường, Khổ, Vô ngã, và phát triển tuệ quán trên con đường tu tập chứng được quả A-la-hán.
(LXVII) Rohinì (Therì. 150)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Vesali trong nhà một phú gia Bà-la-môn và được đặt tên là Rohinì (con bò đỏ, nâu). Ðến tuổi trưởng thành, khi đức Phật còn ở Vesali, nàng đến nghe pháp, chứng được quả Dự lưu. Rồi nàng giảng pháp cho cha mẹ, cha mẹ chấp nhận pháp và cho phép nàng xuất gia. Nàng khai triển thiền quán và không bao lâu chứng quả A-la-hán với hiểu biết về nghĩa và về pháp.
Suy tư đến một cuộc đàm thoại về pháp với phụ thân, khi nàng mới chứng quả Dự lưu, nàng nói lên sự phấn khởi của nàng với những bài kệ sau đây về nội dung cuộc đàm thoại:
271. Nàng chỉ cho ta thấy,
Ðây là một Sa-môn,
Nàng thức ta tỉnh dậy,
Ðây là một Sa-môn,
Nàng khen tặng Sa-môn,
Muốn thành nữ Sa-môn.272. Nàng tìm cho Sa-môn
Rất nhiều đồ ăn uống,
Này hỡi, Rô-hi-ni,
Sao nàng quý Sa-môn?273. Họ nhác không thích làm,
Sống với đồ người cho,
Họ ham lợi thích ngọt,
Sao nàng quý Sa-môn?274. Cha thân đã lâu rồi,
Cha hỏi về Sa-môn,
Con sẽ tán thán họ
Tuệ giới hạnh tinh cần.275. Họ thích làm không nhác,
Họ làm việc tối thắng,
Họ trừ bỏ tham sân,
Vì vậy con quý họ.276. Ba cội gốc điều ác,
Họ quét sạch thanh tịnh,
Mọi điều ác đoạn tận,
Vì vậy con quý họ.277. Thân nghiệp họ trong sạch,
Khẩu nghiệp họ cũng vậy,
Ý nghiệp họ trong sạch,
Do vậy con quý họ.278. Không cấu uế giải thoát,
Như vỏ ốc trong sạch,
Trong sạch cả bên trong,
Trong sạch cả bên ngoài,
Công đức họ trắng tinh,
Do vậy con quý họ.279. Nghe nhiều thọ trì pháp,
Mạng sống đúng Chánh pháp,
Họ thuyết nghĩa thuyết pháp,
Do vậy con quý họ.280-281. Nghe nhiều thọ trì pháp,
Mạng sống đúng Chánh pháp,
Nhứt tâm giữ chánh niệm,
Lời sáng suốt khiêm nhường
Họ chấm dứt đau khổ,
Do vậy con quý họ.282. Từ làng họ ra đi,
Không nhìn ngó vật gì,
Họ đi không mong chờ,
Do vậy con quý họ.283. Không tìm cầu kho tàng,
Không kho chứa, kho cất,
Họ tầm cầu cứu cánh,
Do vậy con quý họ.284. Họ không nắm giữ tiền,
Không nắm vàng, nắm bạc,
Họ sống với hiện tại,
Do vậy con quý họ.285. Từ gia đình quốc độ,
Họ xuất gia khác nhau,
Nhưng họ thương kính nhau,
Do vậy con quý họ.286. Hỡi này Rô-hi-ni,
Nàng sanh trong gia đình,
Nàng đem lại hạnh phúc,
Cho gia đình chúng tôi,
Nàng tin Phật, Pháp, Tăng,
Lòng tín kính sắc bén.287. Nàng biết rõ cái này,
Là ruộng phước vô thượng,
Chúng tôi cùng tín kính,
Các vị Sa-môn này,
Tế đàn thiết lập đây,
Ðối với tôi rất lớn.288. Nếu cha sợ đau khổ,
Nếu cha không thích khổ,
Hãy quy y Phật-đà,
Quy y Pháp và Tăng,
Hãy chấp nhận giới đức,
Cha sẽ được hạnh phúc.289. Tôi quy y Phật-đà,
Quy y Pháp và Tăng,
Tôi chấp nhận giới luật,
Tôi sẽ được hạnh phúc.290. Lúc trước ta chỉ là,
Bà con của Phạm thiên,
Nay ta thật chính là,
Một vị Bà-la-môn,
Ta chứng đạt Ba minh,
Ðược an toàn yên ổn,
Ba Vệ-đà chứng ngộ,
Ta tắm rửa thật sạch.
Và vị Bà-la-môn sau khi thọ quy y và các giới, xin xuất gia và chứng quả A-la-hán. Nghĩ đến sự chứng quả của mình, vị này nói lên những câu kệ cuối cùng để tỏ lộ sung sướng của mình.
(LXVIII) Càpà (Therì. 151)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở xứ Vankahàra, trong làng những người thợ săn đặt bẫy mồi, con người chủ thợ săn và được đặt tên là Càpà. Trong lúc ấy, Upaka một ẩn sĩ khổ hạnh, gặp đức Bổn Sư khi Ngài đi từ Bồ đề đạo tràng đến Ba-la-nại để chuyển pháp luân và hỏi ngài: 'Này Ngài, hình như Ngài được dồi dào sức khỏe. Da của Ngài thật trong sáng. Này Ngài, Ngài từ ai xuất gia? Vị Ðạo Sư của Ngài là ai? Hay ngài tin tưởng giáo lý gì?' Và bậc Ðạo Sư trả lời như sau:
Ta chinh phục tất cả,
Mọi sự việc, Ta biết,
Sống giữa vật không nhiễm,
Ta từ bỏ tất cả,
Mệnh chung, ác đoạn tận
Kiến thâm sâu, Ta chứng,
Ta chỉ ai cho ông,
Ta không có Bổn Sư,
Trên đời đứng một mình,
Không ai sánh bằng Ta.
Nay Ta đang đi đến,
Thành phố Ba-la-nại,
Ðể vận chuyển Pháp luân,
Quay bánh xe Chánh pháp
Thức tỉnh và hướng dẫn,
Quần chúng đang mê muội,
Ðánh tiếng trống bất tử,
Rưới cam lồ giải thoát.
Vị ẩn sĩ, biết được sự giác ngộ và sứ mệnh của Ngài nên nói: 'Này Ngài, mong rằng sự việc sẽ như Ngài nói, Ngài xứng đáng là bậc chiến thắng bất diệt'. Rồi Upaka đi con đường tắt đến Vankahara, và sống gần chỗ các người thợ săn. Người chủ thợ săn lo cung phụng cho Upaka. Một hôm, người chủ đoàn thợ săn đi bắn xa với các con trai và anh em, bảo Càpà lo cúng dường cho Upaka. Nhưng Càpà rất đẹp và khi Upaka đến tại nhà để khất thực, Upaka mê say sắc đẹp của nàng, đến nỗi ăn không được, phải đem thức ăn về nhà và nguyện thà chịu chết nếu không lấy được Càpà. Sau bảy ngày, người chủ thợ săn trở về hỏi vị A-la-hán của mình ở đâu, và được biết Upaka chỉ đến nhà mình một lần đầu rồi thôi không đến nữa. Người thợ săn tìm kiếm đến Upaka và Upaka than khóc thú nhận sự đắm say của mình. Người thợ săn hỏi Upaka có biết nghề gì không, Upaka trả lời là không và chịu đi lượm các loài chim thú bị bắt được và đem bán. Người thợ săn bằng lòng cho Upaka một cái áo khoác ngoài đưa về nhà và gả Càpà cho. Sau một thời gian Càpà sanh được một người con trai và đặt tên là Subhadda. Khi đứa con khóc, Càpà liền hát lên như sau để chế nhạo chồng mình; 'Con của Upaka! Con của vị ẩn sĩ! Con kẻ bán đồ săn! Chớ khóc, chớ khóc này con'. Cuối cùng Upaka tức quá trả lời: 'Này Càpà, đừng nghĩ rằng không có ai che chở cho ta! Ta có một người bạn, một vị chiến thắng bất diệt, ta sẽ đến với người bạn ấy'. Càpà biết chồng mình tức giận, nhưng vẫn trêu chọc chồng mình, cho đến một hôm Upaka cương quyết ra đi. Nàng cố cản ngăn nhưng không được và cuối cùng Upaka ra đi để gặp Thế Tôn ở Sàvatthi. Thế Tôn dặn các Tỷ-kheo khi nào có ai đến hỏi: 'Vị chiến thắng bất diệt ở đâu?' thời đưa người ấy vào gặp đức Phật. Khi Upaka đến tịnh xá và hỏi: 'Vị chiến thắng bất diệt ấy ở đâu?' Các Tỷ-kheo đưa Upaka đến gặp đức Phật. Ðức Phật cho Upaka xuất gia và cuối cùng Upaka chứng được quả Bất lai. Sau khi mạng chung Upaka được sanh lên cõi Trời Aviha, và khi tái sanh, Upaka chứng được quả A-la-hán.
Còn Càpà, đau buồn vì chồng bỏ đi, giao con lại cho ông ngoại đi theo Upaka, xin được xuất gia và chứng được quả A-la-hán và lấy bài kệ của Upaka, hợp chung với bài kệ của mình, nàng nói lên sự phấn khởi của mình:
Upaka nói:
291. Ta trước tay cầm gậy,
Nay ta thành thợ săn,
Sa lầy đầm khốn cùng,
Ta không đến bờ kia.292. Càpà chọc đứa con,
Mỉa mai ta say đắm,
Chặt trói buộc Càpà,
Ta nay đã xuất gia.
Càpà nói:
293. Chớ có tức giận em,
Hỡi bậc đại chiến thắng,
Chớ có tức giận em,
Hỡi bậc đại ẩn sĩ,
Kẻ bị giận chi phối,
Khổ hạnh khó thanh tịnh.294. Ta sẽ rời Nàlà!
Ai ở lại Nàlà,
Khi nếp sống đúng pháp,
Tại đấy vị Sa-môn,
Bị sắc đẹp nữ nhân,
Trói buộc vào quyến rũ.295. Hãy trở lui thưa chàng,
Chàng mắt đen của thiếp,
Hãy hưởng thọ dục lạc,
Như trước chàng đã hưởng,
Thiếp xin phục tùng chàng,
Lại còn bà con thiếp.296. Này Càpà phần tư,
Ðiều nàng đã nói lên,
Ðôi kẻ say mê nàng,
Có thể thành lớn mạnh.297. Chàng mắt đen của thiếp,
Thiếp chẳng đẹp hay sao,
Như cây lựu nẩy mầm,
Nở hoa trên đầu núi,
Như giây leo giăng hoa,
Hay như bông thổi kèn,
Trong nội địa hoang đảo,
Hãy nhìn sắc đẹp thiếp.298. Ướp thơm với mùi hương,
Hương chiên đàn đỏ thắm,
Thiếp mang lụa Kàsi,
Lụa Kàsi tối thượng,
Thiếp đẹp như thế này,
Sao chàng bỏ rơi thiếp.299. Như thợ săn bắt chim,
Muốn dùng mồi bắt chim,
Dầu bủa giăng sắc đẹp,
Nàng không trí ta được!300. Còn quả con trai này,
Do chàng sanh ra thiếp,
Chàng mắt đen của thiếp,
Sao chàng lại từ bỏ,
Ðứa con trai của thiếp,
Ðứa con trai của chàng.301. Bậc trí bỏ con trai,
Bỏ bà con, tài sản,
Bậc đại hùng xuất gia,
Như voi biết trói buộc.302. Con trai này của chàng,
Nay thiếp dùng gậy dao,
Ðánh ngã nó trên đất,
Hãy tự cứu cho chàng,
Vì sầu muộn đứa con,
Chàng không thể bỏ đi.303. Nếu nàng quăng con trai
Cho chó sói, loài chó,
Kẻ sanh con trai ta,
Không động lòng trắc ẩn,
Nàng sẽ không làm được,
Khiến ta trở lui lại.304. Nay mong chàng tốt lành,
Chàng mắt đen của thiếp!
Chàng sẽ đi đến đâu?
Làng nào, thị trấn nào,
Chàng đi thành phố nào?
Chàng đi kinh đô nào?305. Xưa đời sống chúng tôi,
Tổ chức thành đồ chúng!
Không phải là Sa-môn,
Chúng tôi tưởng Sa-môn!
Chúng tôi sống bộ hành,
Làng này qua làng khác,
Sống trong những thành phố,
Cũng như tại thủ đô.306. Nay thật Thế Tôn này,
Dọc bờ sông Ni-liên,
Ngài thuyết giảng Chánh pháp,
Cho các loài hữu tình,
Ðoạn tận mọi khổ đau,
Ta nay đi đến Ngài,
Ngài sẽ là Ðạo Sư,
Ðạo Sư của chúng ta.307. Nay chàng đi đảnh lễ,
Bậc Thế Tôn vô thượng!
Ði hữu nhiễu quanh Ngài!
Dâng Ngài lòng cung kính.308. Càpà, như nàng nói!
Lợi ích cả hai ta!
Nay ta thay mặt nàng,
Lễ Thế Tôn vô thượng,
Ði hữu nhiễu quanh Ngài,
Ta dâng lòng cung kính.309. Rời Kàla ra đi,
Dọc sông Ni-liên-thiền,
Thấy bậc Chánh Ðẳng giác,
Thuyết pháp đạo bất tử.310. Thuyết khổ, khổ tập khởi!
Vượt qua sự dau khổ,
Thuyết đường Thánh tám ngành,
Ðưa đến khổ tịnh chỉ.311. Ðảnh lễ chân Ngài xong,
Hữu nhiễu quanh Ngài xong,
Trình lên lời ước nguyện,
Của Càpà vợ chàng!
Rồi chàng xin xuất gia,
Sống đời không gia đình,
Chứng đạt được Ba minh,
Làm xong lời Phật dạy.
(LXIX) Sundàrì (Therì. 153)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Benares (Ba-la-nại), con cái của Sujata, một Bà-la-môn. Vì thân nàng đẹp đẽ, nàng được gọi là Sundarì, khi nàng lớn, em trai nàng chết. Cha nàng quá đau khổ đi lang thang và gặp Trưởng lão Ni Vasitthi. Khi Trưởng lão Ni hỏi cha nàng bị đau khổ gì, cha nàng trả lời bằng hai câu kệ đầu. Ðể làm nhẹ bớt đau khổ, Trưởng lão Ni nói hai câu kệ tiếp, và nói lên tâm trạng giải thoát khỏi đau khổ của nàng. Vị Bà-la-môn hỏi làm sao Trưởng lão Ni lại được giải thoát khỏi đau khổ như vậy. Vị Trưởng lão Ni trả lời về Ba ngôi báu và quy y. Khi được biết bậc Ðạo Sư nay ở Mithilà, vị Bà-la-môn đánh xe đến Mithilà, yết kiến đức Phật. Ðức Phật thuyết pháp, vị Bà-la-môn khởi lòng tin, xin xuất gia, vào ngày thứ ba chứng quả A-la-hán, sau khi tinh tấn, tinh cần phát triển thiền quán.
Người đánh xe, đánh xe về nhà Bà-la-môn và nói cho nữ Bà-la-môn sự việc đã xảy ra. Sundarì nghe vậy, nàng xin mẹ xuất gia. Bà mẹ nói nay toàn thể tài sản đều thuộc của nàng, hãy thọ hưởng tài sản ấy. Sundarì nói tài sản không có nghĩa gì đối với nàng, nàng chỉ muốn xuất gia. Sau khi được bà mẹ bằng lòng, nàng bỏ cả tài sản như những vật vô giá trị. Nhờ tinh cần tinh tấn, nhờ chủng tử tốt lành, nhờ trí tuệ chín muồi, không bao lâu nàng chứng quả A-la-hán, với hiểu biết về nghĩa và về pháp.
Sống trong sự an lạc giải thoát, nàng nghĩ: 'Ta sẽ rống lên tiếng rống con sư tử trước mặt bậc Ðạo Sư!'. Sau khi xin phép bậc thầy của mình nàng rời khỏi Benares, với một số đông Tỷ-kheo-ni, và cuối cùng đến Sàvatthi, yết kiến đức Phật, đảnh lễ Ngài rồi đứng một bên. Nàng nói lên chánh trí của nàng, xem nàng như là con gái sanh ra từ miệng đức Bổn Sư. Và tất cả bà con nàng, bắt đầu từ mẹ nàng và các người hầu cận đều xuất gia. Suy nghĩ đến quả chứng của mình và dùng lời tuyên bố của người cha, nàng nói lên sự phấn khởi của nàng như sau:
Sujàta:
312. Hỡi nữ Bà-la-môn,
Những con nàng đã chết,
Trong thời gian quá khứ,
Thần chết ăn nghiến chúng,
Cả ngày và cả đêm
Khổ đau nung nấu nàng.313. Nay có đến bảy con
Bị thần chết vồ lấy,
Nhưng này Vàsitthi
Chính vì lý do gì?
Nàng không bị đau khổ,
Não hại và nung nấu?
Vàsitthi:
314. Nhiều trăm con trai ta
Hàng trăm chúng bà con,
Ðã bị thần chết ăn,
Của ta và của ngươi!315. Ta biết đường giải thoát,
Khỏi sanh và khỏi chết,
Ta không sầu, không khóc,
Ta không bị nung nấu.
Sujàta:
316. Hỡi nàng Vàsitthi
Vi diệu thay, lời người!
Nàng biết pháp của ai,
Nàng nói được như vậy?
Vàsitthi:
317. Hỡi này, Bà-la-môn,
Bậc Chánh Ðẳng Giác này,
Ở thành Mithìla,
Ngài thuyết cho hữu tình,
Chánh pháp thật vi diệu,
Ðoạn tận mọi khổ đau!318. Hỡi này Bà-la-môn,
Ta nghe La-hán ấy,
Thuyết pháp không sanh y,
Ở đây nhờ hiểu rõ
Ta biết pháp vi diệu
Sầu vì con quét sạch.
Sujàta:
319. Con sẽ đi ngay đến
Thành phố Mithìla!
Mong bậc Thế Tôn ấy,
Giúp con thoát mọi khổ,
Bà-la-môn thấy Phật,
Bậc giải thoát mọi khổ.320. Bà-la-môn thấy Phật,
Bậc giải thoát vô sanh
Bậc Mâu-ni, vượt khổ
Thuyết pháp cho vị ấy.321. Thuyết khổ, khổ tập khởi,
Vượt qua sự đau khổ,
Thuyết Thánh đạo tám ngành,
Con đường lắng dịu khổ.322. Ở đây, hiểu Diệu pháp,
Hoan hỷ chọn xuất gia,
Sujàta ba đêm,
Chứng đạt được Ba minh.323. Hãy đi, người đánh xe,
Ðánh xe này về nhà,
Chức nữ Bà-la-môn,
Ðược sức khỏe, không bệnh,
Và nói vị Phạm chí
Nay đã xuất gia rồi,
Sujàta ba đêm,
Chứng đạt được Ba minh.324. Người đánh xe lấy xe,
Cùng với ngàn đồng tiền,
Chức nữ Bà-la-môn,
Ðược sức khỏe, không bệnh
Và nói vị Phạm chí,
Nay đã xuất gia rồi,
Sujàta ba đêm
Chứng đạt được Ba minh.
Mẹ của Sundarì:
325. Hỡi này người đánh xe,
Xe ngựa, ngàn tiền này,
Khi nghe vị Phạm chí
Ðã đạt được Ba minh,
Ta cho người đầy bát
Cả xe và ngàn tiền.326. Hỡi nữ Bà-la-môn!
Hãy giữ lại cho người,
Xe ngựa và ngàn tiền,
Tôi sẽ đi xuất gia,
Sống thân cận gần gũi
Bậc trí tuệ tối thắng.327. Voi, trâu bò và ngựa,
Châu báu và vòng vàng,
Những gì làm gia tài,
Trở nên giàu có này,
Cha con đã xuất gia,
Ðã bỏ lại tất cả....
Này con Sundarì,
Con thừa tự gia đình,
Hãy thọ hưởng tài sản,
Của đại gia đình này,328. Voi, trâu bò và ngựa,
Châu báu và vòng vàng,
Những gì làm gia tài,
Trở nên cám dỗ nàng;
Sầu khổ vì đứa con,
Cha con đã xuất gia,
Ðã từ bỏ tất cả
Gia sản sự nghiệp này,
Con nay sẽ xuất gia,
Sầu khổ vì anh con329. Hỡi này Sundarì
Nếu đấy ước nguyện con,
Mong rằng tâm tư ấy,
Ðược thành tựu viên mãn;
Nuôi sống bằng đồ ăn,
Tích lũy nhờ khất thực,
Y áo được tác thành,
Với miếng vải lượm lặt,
Những nếp sống như vậy,
Ðược thành tựu viên mãn,
Khiến lậu hoặc đoạn tận,
Trong thế giới đời sau.
Sundarì:
330. Kính thưa Trưởng lão Ni,
Con đã học, tu tập,
Thiên nhãn được thanh tịnh,
Con biết các đời trước,
Tại chỗ con được sống,
Trước kia như thế nào.331. Nhờ Ni sư, con được
Ôi, bạn lành của con!
Bậc sáng chói tốt đẹp,
Trong chúng Trưởng lão Ni!
Ba minh đã chứng đạt,
Lời Phật dạy, làm xong.332. Ni sư hãy cho phép
Con đi đến Xá Vệ!
Con sẽ rống vang lên,
Tiếng rống con sư tử!
Trước mặt bậc Giác ngộ,
Phật-đà, bậc tối thượng.333. Hỡi này Sundarì,
Nàng thấy bậc Ðạo Sư,
Màu da, sắc màu vàng,
Như vàng ròng sáng chói!
Bậc Chánh Ðẳng, Chánh giác,
Không điều gì sợ hãi,
Bậc đã điều phục được,
Kẻ chưa được điều phục.334. Ðang đi đến trước Ngài,
Ngài thấy Sundarì!
Ly tham không hệ lụy,
Giải thoát, không sanh y,
Ðã làm việc phải làm,
Không còn các lậu hoặc.335.Từ thành Ba-la-nại!
Con đã bước ra đi!
Con đến bậc Ðại hùng.
Con là Sundarì,
Con chính đệ tử Ngài!
Con đảnh lễ chân Ngài.336. Ngài là bậc Giác ngộ!
Ngài là bậc Ðạo Sư!
Con là con gái Ngài
Ôi bậc Bà-la-môn!
Con sanh từ miệng Ngài!
Ðã làm việc phải làm,
Không còn có lậu hoặc,
Con là Sundarì337. Hiền nữ, Ta mừng con
Ðường còn lại, không xa!
Như vậy, bậc Tự điều,
Ðảnh lễ chân Ðạo Sư!
Bậc ly tham, ly hệ,
Không hệ lụy trói buộc,
Ðã làm việc phải làm,
Không còn các lậu hoặc.
(LXX) Subhà, Con Người Thợ Vàng (Therì. 156)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con gái một người thợ vàng. Vì nàng rất đẹp, nên được gọi là Subhà. Khi nàng đến tuổi trưởng thành, khi đức Phật còn ở tại Ràjagaha, nàng đến yết kiến Ngài, khởi lòng tin tưởng, đảnh lễ ngài rồi ngồi xuống một bên. Bậc Ðạo Sư biết được căn cơ tâm tư thuần thục của nàng, tùy theo ý nguyện của nàng, Ngài thuyết pháp cho nàng về ly Bốn sự thật và nàng chứng được quả Dự lưu. Về sau, nàng nhận thấy sự khó khăn sống trong gia đình, xin xuất gia dưới sự hướng dẫn của bà Mahàpajàpati Gotamì, hướng tâm đến con đường siêu thoát. Thỉnh thoảng, các bà con của nàng mời nàng trở lại với đời, nói lên sự hấp dẫn của đời. Một hôm nàng thuyết pháp cho bà con của nàng, nói lên những nguy hiểm của đời sống cư sĩ, và ở đời thuyết pháp cho họ với hai mươi bốn bài kệ như sau và chữa cho họ thoát khỏi bệnh tham vọng. Rồi nàng phát triển thiền quán, gột sạch các căn cuối cùng nàng chứng được quả A-la-hán. Khi đã chứng quả A-la-hán, nàng nói như sau:
338. Ta trước mặc áo trắng,
Ðược nghe giảng Chánh pháp,
Do ta không phóng dật,
Chứng tri được chân lý.339. Nhờ vậy đối mọi dục,
Không còn tham muốn lớn,
Thấy sợ hãi thân kiến,
Ta mong muốn viễn ly.340. Ta bỏ chúng bà con,
Bỏ lao công, nô tỳ,
Làng ruộng đất phì nhiêu,
Khiến người thích hân hoan,
Từ bỏ, ta xuất gia,
Gia sản đâu có ít.341. Nhờ diệu pháp khéo thuyết,
Ra đi, với lòng tin,
Ta không thể hy cầu
Vật gì thuận gia sản
Vàng bạc ta đã bỏ,
Sao lại đi đến chúng?342. Vàng bạc không giác ngộ,
Không làm người an tịnh,
Không hợp hạnh Sa-môn,
Không phải tài sản thánh.343. Chính vàng hay bạc này
Làm tham ái, đắm say,
Làm con người ngu si,
Làm tăng trưởng bụi trần,
Nguy hiểm nhiều ưu não,
Ðây, không gì trường cửu.344. Ðây, loài Người tham đắm,
Phóng dật, tâm uế nhiễm,
Chống đối thù địch nhau
Rộng đường đấu tranh nhau.345. Giết hại, trói, tra tấn,
Hao tài sầu, ưu tư
Những ai chìm trong dục,
Gặp phải nhiều tai họa.346. Vì sao bà con ta
Giống như kẻ thù ta,
Lại trói buộc ta vào,
Trong vòng các dục lạc,
Hãy biết ta xuất gia,
Vì thấy dục đáng sợ.347. Bạc, vàng không có thể
Ðoạn được các lậu hoặc,
Các dục là thù địch,
Sát nhân, chuyên giết hại,
Chúng là kẻ oán thù,
Là mũi tên, dây trói.348. Vì sao bà con ta
Giống như kẻ thù ta,
Lại trói buộc ta vào
Trong vòng các dục lạc,
Hãy biết ta xuất gia,
Cạo tóc đắp đại y.349. Nuôi sống bằng đồ ăn,
Tích lũy nhờ khất thực,
Y áo được tác thành
Với miếng vải lượm lặt
Sống vậy, thích hợp ta,
Cơ bản, sống không nhà.350. Dục đại sĩ từ bỏ
Dục loài Trời, loài Người,
Trú an ổn, giải thoát
Không dao động an lạc.351. Chớ để ta đến dục,
Trong dục, không an toàn,
Dục, thù địch sát nhân
Gây khổ, dụ đống lửa.352. Ðường hiểm, đầy sợ hãi,
Ðầy khổ hoạn, gai góc,
Tham ái đường gập ghềnh,
Hoang si mê rộng lớn.353. Tai họa đầy hãi hùng,
Các dục dụ đầu rắn,
Kẻ ngu thích thú dục,
Kẻ mù lòa phàm phu.354. Chúng sanh chìm bùn đục,
Những kẻ không thấy đời,
Họ không có rõ biết,
Sự chấm dứt sanh tử.355. Loài Người vì nhân dục,
Con đường đến ác thú,
Phần nhiều đi đường ấy,
Khiến tự ngã bệnh hoạn.356. Như vậy dục sanh thù,
Nung nấu, làm uế nhiễm,
Dục thuộc về thể vật,
Trói người vào tử vong.357. Dục làm cho diên cuồng,
Loạn ngôn tâm thác loạn,
Làm uế nhiễm chúng sanh,
Sắp rơi bẫy Ác ma.358. Dục nguy hiểm không cùng,
Nhiều khổ, thuốc độc lớn,
Ngọt ít, tạo đấu tranh,
Héo tàn ngày tươi sáng.359. Ta quyết định như vậy,
Không trở lui dục nhân,
Tác thành điều bất hạnh,
Luôn vui hưởng Niết-bàn.360. Quyết đấu tranh với dục,
Chờ đợi, mát, lắng dịu,
Sẽ sống không phóng dật,
Ðoạn diệt kiết sử dục.361. Ta đi theo đường ấy
Ðường đại sĩ đi qua,
Không sầu, không cấu uế,
An ổn, thẳng, Tám ngành.362. Hãy xem Subhà này,
An trú trên Chánh pháp,
Con gái một thợ vàng,
Ðạt được không tham dục,
Ngồi hành trì thiền định,
Ở dưới một gốc cây.363. Hôm nay, ngày mồng tám
Từ khi nàng xuất gia,
Với lòng đầy tin tưởng,
Sáng chói chân Diệu pháp,
Up-pa-la-van-na,
Huấn luyện giảng dạy nàng,
Nàng chứng được Ba minh,
Vượt qua được thần chết.364. Nàng tự mình giải thoát,
Không còn có nợ nần.
Là vị Tỷ-kheo-ni,
Các căn được tu tập,
Ly hệ mọi khổ ách,
Việc cần làm làm xong,
Ðối với các lậu hoặc,
Nàng đoạn diệt hoàn toàn.365. Sakka đến với nàng,
Cùng với chúng chư Thiên,
Với thần thông diệu dụng,
Chúng đảnh lễ Subhà,
Nàng chỉ là con gái,
Con một người thợ vàng,
Nhưng nay là hội chủ,
Của mọi loài chúng sanh.
Vào ngày thứ tám, khi nàng đã thọ giới, nàng chứng quả A-la-hán. Thế Tôn ngồi dưới một cành cây, nói lên bài kệ (362-364) để tán dương nàng và chỉ nàng cho các Tỷ-kheo biết. Câu kệ cuối cùng do các Tỷ-kheo thêm vào để tán dương Sakka đã đến đảnh lễ nàng.
(LXXI) Subhà ở Rừng Xoài của Jivaka (Therì. 150)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), trong gia đình một Bà-la-môn nổi tiếng. Nàng được đặt tên là Subhà và thân nàng rất tuyệt đẹp, nhất là về tay chân. Do vậy nàng được gọi là Subhà (người đẹp). Khi bậc Ðạo Sư ở Ràjagaha (Vương Xá), nàng khởi được lòng tin và trở thành một nữ cư sĩ. Về sau, nàng lo nghĩ đến kiếp người, thấy sự nguy hiểm các dục lạc, và thấy được sự an tịnh trong nếp sống viễn ly. Nàng xuất gia với sự hướng dẫn của bà Mahàpajàpati, và phát triển thiền quán, nàng chứng được quả Bất lai.
Một hôm, một thanh niên ăn chơi ở Ràjagaha, trong khi còn trẻ tuổi, đứng ở nơi vườn xoài ở Jivaka và thấy nàng đi vào rừng để nghỉ trưa. Nó chận đường nàng lại và xin thỏa mãn dục lạc. Nàng dạy cho nó biết, với nhiều bài kệ, sự nguy hiểm của dục lạc và sự lựa chọn của nàng về đời sống viễn ly, thuyết pháp cho chàng thanh niên ấy. Nhưng chàng thanh niên không có nghe nàng và vẫn đòi thỏa mãn các dục lạc. Vị Trưởng lão Ni, không có dùng những lời khuyên nhủ của mình, thấy chàng ấy mê say con mắt của nàng, liền móc một con mắt của nàng và đưa con mắt ấy cho chàng và nói: 'Ðây là con mắt có tội của nàng'. Chàng thanh niên hoảng sợ, khủng khiếp và xin lỗi nàng. Nàng đi đến trước mặt vị Ðạo Sư, và khi thấy Ngài, con mắt của nàng được chữa lành như cũ. Do vậy, trước mặt Thế Tôn, nàng cảm xúc rung động, hoan hỷ sung sướng. Bậc Ðạo Sư biết được tâm trạng của nàng, dạy nàng và giúp nàng đạt được quả vị cao nhất. Dằn lòng sự vui sướng của nàng, nàng phát triển thiền quán, chứng được quả A-la-hán, với hiểu biết ý nghĩa và hiểu về pháp. Sau đó, an trú trong an lạc Niết bàn, nàng nghĩ đến những gì nàng chứng được và nói lên câu chuyện của nàng với chàng thanh niên ăn chơi bằng những câu kệ như sau:
366. Trong rừng xoài tươi đẹp,
Của ông Jivaka,
Tỷ-kheo-ni Subhà,
Ðang bộ hành đi tới,
Có chàng trẻ ăn chơi
Ngăn chặn Subhà lại
Nàng nói lên người ấy
Những lời nói như sau.367. Ta đã xúc phạm gì,
Ðể chàng đứng chận tôi?
Thật là không xứng đáng
Ðể một người đàn ông
Xúc phạm nữ xuất gia,
Hỡi Hiền giả, hiểu cho.368. Bậc Tôn sư ta dạy,
Chính học pháp như vậy,
Ðược bậc Thiện Thệ thuyết,
Là con đường thanh tịnh,
Không có cấu uế nào.
Sao chàng đứng chận ta.369. Tâm ta thật thanh tịnh,
Tâm người không thanh tịnh,
Tâm người đầy tham ái,
Ta không tham, không uế,
Mọi nơi, ý giải thoát
Sao chàng đứng chận ta?370. Nàng trẻ, không ác pháp,
Nàng xuất gia làm gì?
Hãy bỏ áo Cà sa!
Ðến, lạc hưởng rừng hoa.371. Toàn hoa tỏa hương ngạt,
Cây rưới bụi muôn hoa,
Xem tuổi xuân tuổi trẻ,
Là thời tiết hạnh phúc,
Hãy đến thọ hưởng lạc
Trong rừng nở trăm hoa.372. Con đường dưới vòm hoa,
Xào xạc gió lay động,
Nàng được lạc thú gì,
Khi một mình vào rừng.373. Trú xứ chúng thú dữ,
Vang tiếng voi rống dục,
Rừng lớn trống không người,
Nhiều hiện tượng hãi hùng,
Nàng lại muốn đi vào,
Không một ai bạn đường?374. Như búp bê vàng chói,
Giống tiên nữ vườn trời,
Nàng đắp vải Kàsi,
Ðẹp mịn, sáng chói nàng.375. Ta sống nô lệ nàng,
Nếu nàng sống ở rừng,
Không một sanh loại nào,
Mà ta yêu hơn nàng,
Hỡi nàng mắt dịu hiền,
Như mắt Kin-na-rì.376. Nếu nàng theo lời ta,
Nàng sẽ được hạnh phúc,
Hạnh phúc sống gia đình,
Sống lâu đài che gió,
Sống có các nữ nhân,
Hầu hạ phục vụ nàng.377. Mang lụa mịn Kàsi,
Dùng vòng hoa, sáp đỏ,
Ta làm nhiều trang sức,
Vàng châu báu ngọc ngà.378. Nàng leo lên giường quý,
Gỗ chiên đàn, lỏi thơm,
Che màn đẹp tinh sạch,
Trải nệm mới lông dài.379. Như sen vươn từ nước,
Phục vụ cho phi nhân,
Như vậy nàng Phạm hạnh,
Sống toàn hảo đến già.380. Ở đây là cái gì,
Chàng xem là tuyệt diệu,
Trong nghĩa địa ứ đầy,
Tràn đầy những thân xác,
Chàng được thấy cái gì,
Trong thân xác hủy hoại,
Khi chàng thốt ra lời,
Si mê, vô ý thức?381. Chính mắt như sơn dương,
Như Kinri giữa rừng,
Ta thấy con mắt nàng,
Dục lạc liền tăng trưởng.382. Trong gương mặt không uế,
Sáng chói như vàng ròng,
Chẳng khác gì hoa sen,
Ðặt chính giữa đài sen,
Thấy con mắt của nàng,
Lòng dục liền tăng trưởng.383. Tuy xa ta vẫn nhớ,
Lông mi dài tuyệt đẹp,
Không gì ta yêu hơn,
Mắt Kinri của nàng.384. Chàng muốn dùng phi đạo,
Tìm mặt trăng mà chơi,
Muốn nhảy qua Mê-ru,
Muốn tìm đến con Phật.385. Trên đời này, cõi trời,
Ta nay không tham ái.
Ta không biết người ấy,
Người ấy như thế nào,
Ðường đạo đã giết sạch,
Giết hại tận gốc rễ.386. Quăng đi như hố than,
Than hừng đang cháy đỏ,
Ðánh giá như thuốc độc,
Ðang xâm nhập đến thân,
Ta không biết người ấy,
Người ấy như thế nào,
Ðường đạo đã giết sạch,
Giết hại đến gốc rễ.
387. Hãy cám dỗ nữ nhân,
Không có biết quán sát,
Hay Ðạo Sư người ấy,
Ðang còn phải học tập,
Chàng mê hoặc người ấy,
Làm hại được người ấy.388. Còn ta đã chánh niệm,
Ðối khen chê lạc khổ,
Biết hữu vi bất tịnh,
Bám chặt tư tưởng ấy.389. Ta là đệ tử Ni,
Của bậc đại Thiện Thệ,
Ta đã dấn thân bước
Trên đường đạo tám ngành,
Mũi tên đã nhổ lên
Không còn các lậu hoặc,
Ta đi đến nhà trống,
Tâm tư ta hoan hỷ.390. Ta đã được thấy nó,
Một búp bê khéo vẽ,
Với trục quay gỗ mới,
Khéo cột với dây que,
Búp bê ấy nhảy múa,
Nhiều điệu múa khác nhau.391. Dây que ấy được rút,
Mở lòng rời phân tán,
Thành trống không, miếng nhỏ,
Chỗ nào ý say đắm.392. Thân ta ví dụ vậy,
Không bộ phận không động.
Không bộ phận, không động.
Chỗ này ý say đắm.393. Như thấy một bức vẽ,
Tô màu đỏ trên tường,
Cái thấy chàng đảo lộn,
Vì trí người thiếu sót.394. ảo thuật xem tối thượng,
Như cây vàng trong mộng,
Mù lòa ngươi chạy theo,
Cái trống không, không thực,
Như cái trò múa rối,
Ðược xem giữa quần chúng.395. Mắt nàng như hòn bi,
Ðặt lỗ trống của cây,
Như những bong bóng nước,
Ðầy dẫy những nước mát,
Những con người đa dạng,
Sanh ra những mủ ghèn.396. Thiếu nữ đẹp tuyệt ấy,
Với tâm không chấp trước,
Bóc một con mắt nàng.
Trao liền cho người ấy,
Và nói hãy cầm lấy,
Con mắt này của người.397. Khi ấy tham liền diệt,
Chàng khẩn cầu xin lỗi,
Mong rằng Phạm hạnh ni,
Ðược an ổn trở lại,
Tôi sẽ không còn dám,
Xâm phạm thế này nữa.398. Hai hạng người thế này,
Chẳng khác ôm lửa hừng,
Tôi như nắm rắn độc,
Mong an ổn tha thứ.399. Thoát khỏi bị xúc phạm,
Vị Tỷ-kheo-ni ấy,
Từ đấy đi đến gần
Bậc Giác ngộ thù thắng,
Thấy được tướng công đức,
Tốt đẹp và thù thắng,
Mắt của nàng hồi phục,
Ðược trở lại như xưa.
(LXXII) Isidàsi (Therì. 162)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng được sanh ở Ujjeni, con gái một thương gia có giới đức, được kính trọng, và giàu có và đặt tên là Isidàsi. Khi nàng đến tuổi trưởng thành, cha nàng gả nàng cho con trai một người thương gia, xứng đôi vừa lứa. Trong một tháng, nàng sống với chồng như một người vợ trung thành. Nhưng vì nghiệp đời trước của nàng, chồng nàng trở thành lạnh nhạt đối với nàng và đuổi nàng ra khỏi nhà. Mọi sự việc này được ghi rõ trong nguyên bản Pàli. Vì nàng tự tỏ không xứng đáng đối với người chồng này và chồng khác, nàng trở thành dao động, và được cha cho phép, nàng xuất gia với sự hướng dẫn của Trưởng lão Ni Jinadattà. Sau khi tu học thiền quán, không bao lâu nàng chứng quả A-la-hán với sự hiểu biết về pháp và về nghĩa.
Sống trong sự an lạc Niết-bàn, một hôm sau khi đi khất thực và ăn xong, trong thành Patna, nàng ngồi bên bờ cát sông Hằng và đáp lời hỏi của Trưởng lão Ni Bodhi, nàng nói lên kinh nghiệm tu tập của nàng ngang qua những bài kệ này. Và để cho có sự liên hệ giữa các câu trả lời trước và sau có bài kệ được các nhà kiết tập về sau thêm vào:
400. Trong thành được đặt tên,
Tên chỉ một đóa hoa,
'Pàtaliputta',
'Con của đóa bông kèn',
Sống hai Tỷ-kheo-ni,
Có giới hạnh tốt đẹp,
Thuộc gia đình Thích-ca,
Gia đình cao quyền quý.401. Một I-xi-đa-xi,
Thứ hai tên Bô-dhi,
Cả hai có giới hạnh,
Ưa thích tu thiền định,
Ðược nghe kinh điển nhiều,
Kiết sử được trừ bỏ.402. Họ đi khất thực xong,
Ăn xong, bát rửa sạch,
Ngồi hưởng lạc viễn ly,
Nói lên những lời này.403. Hỡi I-xi-đa-xi,
Căn nàng thật thoải mái,
Tuổi thọ chưa tổn giảm;
Nàng thấy khuyết điểm gì,
Khiến tâm chú trọng nhiều,
Ðến hạnh nguyện xuất ly.404. Như vậy sống viễn ly,
Thiện xảo về thuyết pháp,
I-xi-da-xi thuyết,
Lời nói như thế này,
Hãy nghe, này Bô-đi,
Ta xuất gia thế nào.405. Tại thành phố thù thắng
Ðặt tên Uj-jê-ni,
Cha ta là triệu phú
Có đức độ giới hạnh,
Ta là con gái một,
Ðược cha thương, yêu quý.406. Từ thành Xê-kê-ta,
Một người dạm hỏi đến,
Một gia đình quyền quý,
Hỏi ta cho con trai
Triệu phú bèn gả ta,
Làm dâu người giàu ấy.407. Sáng và chiều, ta đến
Ðảnh lễ cha, mẹ chồng,
Cúi đầu đảnh lễ chân,
Như ta được dạy bảo.408. Với chị, với em anh,
Với bà con chồng ta,
Thấy một người bước vào,
Ta e sợ mời ngồi.409. Về đồ ăn, uống, nhai,
Ðược cất giữ có chỗ,
Ta thiết đãi cho ăn,
Thích hợp từng người một.410. Ta thức dậy đúng thời,
Ði vòng quanh khắp nhà,
Rồi chà rửa chân tay,
Ta đến lễ chồng ta.411. Cầm theo lược trang liệu
Thuốc xoa mắt gương nhỏ,
Ta trang điểm chồng ta,
Như thị tỳ hầu hạ.412. Ta tự nấu dọn cơm,
Ta tự rửa chén bát,
Như mẹ đối với con,
Ta hầu chồng như vậy.413. Như vậy phục vụ chồng,
Với phục vụ tối thượng
Dậy sớm không biếng nhác,
Với tâm tư khiêm tốn,
Với giới hạnh tốt đẹp,
Nhưng chồng ác cảm ta.414. Chồng ta nói mẹ cha,
Xin phép con sẽ đi,
Với I-xi-đa-xi,
Con không thể sống chung,
Cùng dưới một mái nhà,
Con không thể cùng ở.415. Chớ nói vậy, này con!
Vợ con người có trí,
Thông minh, biết dậy sớm,
Sao con không hoan hỷ.416. Nàng không hại gì con,
Nhưng con không bao giờ
Có thể sống chung được
Với I-xi-đa-xi
Con ghét cay chán ngấy
Xin phép, con sẽ đi.417. Ðược nghe lời chồng nói,
Cha mẹ chồng hỏi con.
Làm gì xúc phạm chồng?
Hãy thẳng thắn nói thật.418. Con không xúc phạm gì!
Không hại, không mưu tính.
Với lời nói khó chịu,
Có thể làm gì được?
Tuy vậy chồng của con,
Lợi ác cảm chống con.419. Họ đưa ta về nhà,
Nhà thân phụ của ta,
Với tâm tư khổ não,
Sửng sốt và bối rối
Không muốn mất con trai,
Họ muốn bảo vệ nó.
Ôi, chúng ta bại trận,
Bởi nữ thần may rủi.420. Cha ta lại gả ta,
Cho gia đình thứ hai,
Một gia đình giàu có,
Bằng lòng nửa số tiền
Là tiền gả bán ta.421. Ta chỉ sống một tháng,
Trong gia đình vị ấy,
Vị ấy trả lui ta,
Dầu ta tận tụy làm,
Chẳng khác người nô lệ,
Không lỗi lầm có đức.422. Cha ta nói khất sĩ,
Sống điều phục chế ngự,
Ngươi hãy làm rể ta,
Bỏ áo rách ghè bình.423. Vị ấy sống nửa tháng,
Rồi nói với cha ta,
Hãy trả lui áo rách,
Ghè bình và bình bát,
Con nay muốn sống lại,
Nghề khất sĩ của con.424. Cha, mẹ, toàn bà con,
Liền nói với vị ấy:
Ở đây có cái gì,
Làm con không bằng lòng?
Hãy nói gấp cái gì,
Làm con không vừa ý.425. Ðược nói vậy, vị ấy,
Liền trả lời như sau:
Nếu đối với tự ngã,
Con có thể bằng lòng,
Nhưng con không chung sống,
Với I-xi-đa-xi!426. Từ giã vị ấy đi,
Một mình, ta suy nghĩ:
Ta đến để xin phép,
Hoặc chết hay xuất gia.427. Rồi Ji-na-đat-ta.
Vị ni sư ấy đến,
Trong khi đi khất thực,
Ðến gia đình cha ta,
Vị thọ trì giới luật,
Nghe nhiều, có giới hạnh.428. Thấy Ni sư, chúng tôi,
Ðều đứng lên kính cẩn,
Và ta liền sửa soạn,
Chỗ ngồi cho Ni sư,
Ngồi xuống, ta đảnh lễ,
Dưới chân bậc Ni sư,
Lễ xong, ta cúng dường,
Các đồ ăn đồ uống.429. Các món ăn, uống, nhai,
Tại đấy, được dự trữ,
Làm Ni sư thỏa mãn,
Ta thưa với Ni sư,
Nay ta muốn xuất gia,
Sống đời không gia đình,
Cha ta nói với ta:
'Này con hãy ở đây'.430. Hành trì đúng Chánh pháp,
Với đồ ăn đồ uống,
Hãy làm cho thỏa mãn,
Sa-môn, hai lần sanh.431. Vừa nói, ta khóc lóc,
Chấp tay vái cha ta;
Với điều ác con làm,
Con sễ tiêu nghiệp ấy.432. Cha ta nói với ta:
Hãy chứng ngộ Bồ-đề.
Và Chánh pháp tối thượng!
Hãy chứng đắc Niết-bàn,
Ðã được Lưỡng Túc Tôn,
Thành tựu và chứng đạt.433. Ta đảnh lễ mẹ cha,
Cùng tất cả bà con,
Sau bảy ngày xuất gia,
Ta chứng được Ba minh.
434. Ta biết bảy đời trước,
Quả gì nay thành thục,
Ta sẽ nói cho bạn,
Hãy nhất trí lắng nghe.435. Tại thành phố đặt tên,
Ê-ra-ka-kac-chê,
Ta sống là thợ vàng,
Tài sản thật phong phú.436. Say đắm với tuổi trẻ,
Ta xâm phạm vợ người,
Do vậy, sau khi chết,
Trong cảnh giới địa ngục,
Ta bị đốt, nung nấu
Trong một thời gian dài,
Thoát khỏi sự nung đốt
Ta sanh trong bụng khỉ.437. Bảy ngày từ khi sanh,
Ta bị khỉ chúa thiến,
Ðây là quả của nghiệp,
Do đi đến vợ người.438. Từ đây ta chết đi,
Mệnh chung rừng Xin-đa,
Sanh trong bụng con dê,
Một mắt và què quặt.439. Mười hai năm bị thiến,
Mang nặng những đứa con,
Sán trùng ăn vô dụng,
Do đi đến vợ người.440. Từ đấy ta chết đi,
Sanh làm con bò cái,
Của một lái buôn bò,
Con nghé màu đỏ sẫm,
Khi được mười hai tháng.
Lại bị người ta thiến.441. Rồi ta lại kéo cày,
Kéo xe cho chúng nó,
Mù, lo lắng, vô dụng,
Do đi lại vợ người.442. Từ đấy chết được sanh,
Nhà nữ tỳ gần đường,
Không là nữ không nam,
Do đi lại vợ người.443. Ðến tuổi ba mươi năm,
Bị chết, ta được sanh
Sanh làm người con gái,
Gia đình người đánh xe,
Nghèo khổ ít tài sản,
Rơi vào tay vay lãi,
Do tiền nợ tăng trưởng,
Chủ lữ đoàn bắt ta.444. Kéo ta, dầu ta khóc,
Lôi ta ra khỏi nhà.445. Khi ta mười sáu tuổi,
Lớn lên thành thiếu nữ,
Con trai thương gia ấy,
Bắt ta lấy làmvợ.446. Nhưng nó có vợ khác,
Có giới đức danh xưng,
Lại biết thương mến chồng,
Chính ta tạo thù hằn.447. Do quả của nghiệp này,
Họ khinh ghét chống ta,
Dầu ta như nô tỳ,
Hầu hạ phục vụ họ,
Nhưng nay ta chấm dứt,
Mọi sự việc như trên.
(LXXIII) Sumedhà (Therì. 167)
Trong thời đức Phật hiện tại, nàng sanh ở thành Mantàvatì con gái vua Konca và được đặt tên là Sumedhà. Khi nàng đến tuổi trưởng thành, cha mẹ nàng bằng lòng để Anikaratta, vua Vàranavati xem mắt nàng. Nhưng từ lúc nhỏ, nàng quen cùng đi với các công chúa lứa tuổi nàng, và những người hầu hạ tại tinh xá Tỷ-kheo-ni để nghe các vị này thuyết pháp, và trong một thời gian dài, vì chí nguyện lúc còn nhỏ, nên nàng sợ hãi sự sanh tử luân hồi, tâm tư thiên về đời sống xuất gia, không ưa thích các dục lạc.
Khi nghe quyết định của cha mẹ và bà con, nàng nói: 'Bổn phận của tôi không phải trong đời sống gia đình, tôi sẽ xin xuất gia', cha mẹ và các bà con không thể khuyên nàng từ bỏ quyết định của nàng. Nàng suy nghĩ: 'Như vậy, ta sẽ được phép xuất gia', và cương quyết theo chí nguyện của mình nàng cắt tóc, và dùng tóc ấy, theo phương pháp cảc Tỷ-kheo-ni thường dùng, nàng chú tâm vào tánh bất tịnh của sắc đẹp thân xác và chứng được Sơ thiền, Khi nàng ở trong định Sơ thiền cha mẹ và bà con nàng đến phòng nàng để nói chuyện gả chồng cho nàng. Nhưng nàng khiến mọi người kể cả người hầu cận của vua đến để rước nàng về, cũng tin vào đạo pháp rồi nàng từ bỏ gia đình, đi đến tịnh xá Tỷ-kheo-ni để xuất gia.
Sau khi tu tập thiền quán, và giải thoát được chín muồi, nàng chứng quả A-la-hán với hiểu biết về nghĩa và về pháp. Rồi nghĩ đến sự thắng trận của nàng, nàng nói lên sự phấn khởi, sung sướng của nàng:
448. Con gái vua Konca,
Với hoàng hậu chánh ngôi,
Tại Matavatì,
Ðược sanh Sumedha,
Hân hoan gắng thực hành,
Lời dạy bậc Ðạo Sư.449. Giới hạnh thuyết giảng khéo,
Nghe nhiều khéo huấn luyện,
Theo lời đức Phật dạy,
Nàng đến cha mẹ nàng,
Nói rằng: 'Thưa mẹ cha,
Cả hai, hãy nghe con!'.450. Con hân hoan Niết-bàn,
Dầu sanh hữu Chư Thiên,
Sanh hữu ấy vô thường,
Giá trị gì các dục,
Trống không, vị ngọt ít,
Còn tàn hại thời nhiều.451. Các dục thật cay đắng,
Ví như nọc rắn độc,
Kẻ ngu mới tham đắm,
Trong các loại dục ấy.
Những ai thọ hưởng dục,
Trong một thời gian dài,
Bị khổ đau địa ngục,
Hành hạ và tàn hại.452. Những kẻ làm nghiệp ác,
Những kẻ tâm trí ác,
Bị đau đớn sầu khổ,
Trong cảnh giới đọa xứ.
Kẻ ngu thường không nhiếp,
Chế ngự thân, khẩu, ý.453. Kẻ ngu có liệt tuệ,
Không tư duy quyết định,
Không ngăn chặn khổ tập,
Khi có thời thuyết pháp,
Không biết lo học hỏi,
Không giác tri Thánh đế.454. Những sự thật, thưa mẹ,
Phật thù thắng thuyết giảng,
Phần lớn chúng quần sanh,
Không hiểu sự thật ấy;
Họ hoan hỷ tái sanh,
Ước muốn sanh thiên giới.455. Sanh thiên không thường trú,
Sanh hữu là vô thường,
Kẻ ngu không sợ hãi,
Luôn luôn phải tái sanh.456. Bị sanh bốn đọa xứ,
Ðược sanh Thiên, Nhân giới
Ðược chúng khó khăn thay,
Những ai rơi đọa xứ,
Trong cảnh giới địa ngục,
Không có sự xuất gia.457. Mong cả hai cha mẹ,
Cho con được xuất gia,
Trong giáo pháp thuyết giảng,
Của bậc chứng Mười lực,
Sống thong dong nhàn hạ,
Nỗ lực đoạn sanh tử.458. Sao con ưa tái sanh,
Với thân tội lỗi này,
Thân trống rỗng, không lõi,
Vì mục đích đoạn diệt,
Tham ái được tái sanh,
Xin cho con xuất gia.459. Nay thời, Phật ra đời,
Phi thời đã từ bỏ,
Thời cơ nay đã đến,
Cho đến trọn đời con,
Con không làm tổn thương,
Giới luật và Phạm hạnh.460. Sumedha nói vậy,
Nàng lại thưa mẹ cha.
Con nguyện không ăn uống,
Khi còn là cư sĩ,
Ở đây con sẵn sàng,
Chờ chết đến với con.461. Mẹ sầu khổ, khóc than!
Cha hoàn toàn sửng sốt,
Họ gắng thuyết phục ta,
Nằm dưới đất lâu dài.462. Này con hãy đứng dậy!
Có gì là sầu khổ,
Khi con được cả nước,
Varanavati,
Anikarata,
Ðẹp trai, xứng đôi con.463. Con sẽ là hoàng hậu,
Vợ chính Anika!
Này con, thật khó thay!
Ðời sống vị xuất gia,
Giữ gìn các giới luật,
Sống đời sống Phạm hạnh.464. Uy lực của vị vua,
Tiền của và quyền thế,
Sản nghiệp và hạnh phúc,
Với tuổi trẻ thanh xuân!
Hãy thọ hưởng dục lạc,
Hãy nhận lời lấy chồng.465. Sumedha thưa rằng:
Thôi đừng, sự việc ấy,
Họ đi đến tái sanh,
Họ trống không, không lõi,
Hoặc xuất gia, hoặc chết,
Con chỉ cưới như vậy.466. Sá gì thân hôi nhớp,
Phát mùi, gây sợ hãi,
Bao da đựng xác chết,
Rỉ chảy đồ bất tịnh.467. Sá gì thân ta biết,
Ghê tởm, lấm máu thịt,
Chỗ chứa đựng loài sâu,
Mồi ăn cho chim chóc,
Thân xác này là vậy,
Nay đem đến cho ai?468. Thân thể bỏ nghĩa địa,
Không lâu, mất thức tri,
Như khúc gỗ quăng bỏ,
Bà con đều ghê tởm.469. Thân ấy quăng nghĩa địa,
Làm mồi ăn kẻ khác,
Trước chúng tắm rửa sạch,
Nay chúng sinh ghê tởm,
Cha mẹ còn như vậy,
Nói gì chung quần chúng.470. Họ mê thân không lõi,
Ràng buộc bởi gân xương,
Ðầy nước miếng, nước mắt,
Ðầy phân tiểu hôi hám.471. Nếu thân được mổ xẻ,
Lội nội phần ra ngoài,
Chính mẹ phải ghê tởm,
Không chịu nổi mùi hôi.472. Chính do uẩn, xứ, giới,
Tác thành các thân này,
Gốc tái sanh, đau khổ;
Họ như lý nói lên,
Hoàn toàn không vui thích.
Vậy ai, tôi muốn cưới?473. Từng ngày trăm ngọn giáo,
Luôn luôn mới đâm thân,
Dầu bị hại trăm năm,
Như vậy còn tốt hơn,
Vì khổ ấy cuối cùng,
Rồi cũng được tiêu diệt.474. Kẻ trí quyết bằng lòng
Sự giết hại như trên,
Bậc Ðạo Sư dạy rằng:
Họ luân hồi dài dà,
Với tâm tư giết hại,
Liên tục nối tiếp nhau.475. Trong cảnh giới Trời, Người,
Bàng sanh, a-tu-la,
Ngạ quỷ và Ðịa ngục,
Chịu giết hại vô lượng.476. Trong địa ngục, rất nhiều,
Kẻ tâm uế, đọa lạc,
Chỗ trú ẩn Thiên giới,
Không có lạc Niết-bàn.477. Những ai đạt Niết-bàn,
Họ liên hệ mật thiết,
Với những lời thuyết dạy,
Của bậc đủ Mười lực,
Thong dong không rộn ràng,
Nỗ lực đoạn sanh tử.478. Thưa cha ngày hôm nay
Con quyết tâm ra đi,
Những tài sản rỗng không,
Không có giá trị gì,
Con ghê tởm các dục,
Con chán ngấy các dục,
Họ đã được tách thành,
Như thân cây Ta-la.479. Nàng trả lời phụ thân,
Với lời nói như vậy.
Anikaratta
Ðược hứa gả công chúa,
Ði đến gần xin cưới,
Theo như giờ hẹn định.480. Mái tóc đen, dày mịn,
Với gươm, nàng cắt ngang,
Cửa lầu được đóng lại,
Nàng chứng được Sơ thiền.481. Nàng sống trong cảnh thiền,
A-ni-ka đến thành,
Sumedha trong cung,
Tu tập tưởng vô thường.482. Trong khi nàng tác ý,
Vua bước lên tam cấp,
Trang sức vàng châu báu,
Chấp tay cầu xin nàng.483. Hãy trị vì quốc độ,
Với tiền của uy quyền,
Với tài sản, hạnh phúc,
Với tuổi trẻ thanh xuân,
Hãy thọ hưởng các dục,
Thật khó kiếm ở đời.484. Ta giao nàng vương quốc,
Hưởng tài sản, bố thí,
Nàng chớ có buồn nản,
Khiến mẹ cha khổ đau.
Sumedha trả lời,
Với vua, từng vấn đề;
Ðối với nàng, các dục,
Không cầu không si mê,
Chớ hoan hỷ các dục,
Hãy thấy dục nguy hiểm.485. Mandhatà là vua,
Chúa bốn châu hưởng dục,
Dục lạc ấy tối thượng,
Tưy vậy khi vua chết,
Cũng chưa được thỏa mãn,
Ước vọng chưa đầy đủ.486. Dầu có mười bảy báu,
Khắp mười phương đầy tràn,
Không có dục thỏa mãn,
Người chết, chưa thỏa mãn.487. Các dục ví gươm giáo,
Các dục ví đầu rắn,
Ví như bó đuốc cháy
Giống xương gậm trơn tru.488. Các dục không thường còn,
Cũng không có thường hằng,
Khổ nhiều, thuốc độc lớn,
Như hòn đạn cháy đỏ,
Nguồn gốc của bất hạnh,
Kết quả là đau khổ.489. Dục như trái của cây,
Như miếng thịt, khổ lụy,
Giống như mộng như huyễn,
Dục như của vay mượn.490. Dục như gươm, như cọc,
Bệnh tật và cục bướu,
Bất hạnh và dao động,
Ví như hố than hừng,
Nguồn gốc của bất hạnh,
Sợ hãi và tàn sát.491. Như vậy, dục nhiều khổ,
Ðược gọi chứng ngại pháp,
Hãy đi, từ bỏ tôi,
Khi tôi còn tái sanh,
Thời đối với tự ngã,
Tôi không có lòng tin.492. Ai giúp gì tôi được,
Khi đầu tôi đang cháy,
Khi già chết bám sát,
Tôi cần phải nỗ lực,
Ðối với tàn hại ấy!493. Không đi đến gần cửa,
Nàng thấy mẹ và cha,
Và vua Anika,
Ngồi dưới đất khóc than,
Thấy vậy nàng tỏ lời,
Thưa mọi người như sau:494. Kẻ ngu, đã lâu rồi,
Khóc luân hồi nói tiếp,
Từ vô thỉ đến nay,
Khóc phải bị mệnh chung,
Khóc anh em bị giết,
Khóc tự mình bị giết.495. Hãy nhớ từ vô thỉ,
Nước mắt, sữa và máu,
Tuôn chảy theo luân hồi,
Không bao giờ dừng nghỉ,
Hãy nhớ các chúng sanh,
Luân hồi xương chất đống.496. Hãy nhớ tràn bốn biển,
Ðầy nước mắt, sữa, máu,
Hãy nhớ xương một kiếp,
Cao bằng Vi-pu-la.497. Hãy nhớ từ vô thỉ,
Không đủ để làm thành,
Cả đất nước Diêm Phù,
Những nấm mồ hột táo,
Của mẹ cha luân hồi.498. Hãy nhớ từ vô thỉ,
Những cỏ cây cành lá,
Không đủ để chứa đựng,
Những ghè bốn ngón tay,
Chứa người cha, luân hồi.499. Hãy nhớ tới hình ảnh,
Con rùa mù biển đông,
Cho đầu nó lọt vào,
Lỗ hổng khúc cây trôi,
Ðể nói lên ví dụ,
Ðược làm người khó vậy.500. Hãy nhớ thân sắc người,
Ðược ví bong bóng nước,
Ðầy cả những bất hạnh,
Trống không không có lõi,
Hãy thấy uẩn vô thường!
Nhớ địa ngục nhiều họa.501. Hãy nhớ nghĩa địa lớn,
Nhờ tái sanh tiếp tục,
Nhờ sợ hãi thuồng luồng,
Hãy nhớ Bốn sự thật.502. Nước bất tử có đây,
Sao người uống trăm đắng,
Tất cả các dục lạc,
Thật trăm cay ngàn đắng.503. Nước bất tử có đây!
Sao người ưa dục não!
Mọi dục lạc đốt cháy
Sôi sùng sục nung nấu.504. Ðây không có kẻ thù!
Sao thích dục thù địch?
Vua lửa, trộm, nước, oán,
Thù chung thật là nhiều.505. Ở đây có giải thoát!
Sao để dục giết trói,
Trong dục có giết trói!
Mê dục nhiều khổ đau.506. Ðuốc cỏ đang cháy rực,
Nắm, không thả, bị đốt,
Dục ví như bó đuốc,
Ðốt cháy ai không thoát.507. Chớ nhận dục lạc nhỏ,
Bỏ lạc lớn rộng rãi,
Chớ như cá nuốt câu,
Sau phải chịu hoạn nạn.508. Hãy nhiếp dục trong dục,
Như chó bị dây cột,
Chớ để dục ăn ngươi,
Như dân đói ăn chó.509. Khổ thật là vô lượng,
Khiến tâm nhiều ưu tư,
Ngươi hệ lụy với dục,
Hãy bỏ dục vô thường.510. Ở đây, không có già!
Sao theo dục bị già?
Mọi sanh ở khắp nơi,
Bị bệnh chết chi phối,511. Ðây không già, không chết.
Ðây con đường không già,
Không chết, không sầu não,
Không thù địch trói buộc,
Không vấp ngã sợ hãi,
Không nung nấu đọa đầy.512. Ðích này, nhiều người đạt,
Ðích này là bất tử,
Nay cần phải chứng được,
Ai như lý chú tâm,
Nếu không có nỗ lực,
Không sao chứng đạt được.
Sumedhà nói vậy,
Không thích đi đến hành
Nàng thuyết phục được vua,
Với tóc quăng trên đất.513. Ðứng dậy A-ni-ka
Chắp tay xin cha nàng,
Hãy cho Su-me-dha,
Ðược xuất gia tu học,
Ðể nàng thấy cho được,
Giải thoát và chân lý.514. Mẹ cha cho xuất gia,
Thoát sầu, sợ, khiếp đảm,
Sáu thắng trí chứng đạt.515. Chứng luôn quả tối thượng.
Dầu còn là học nữ.516. Thật vi diệu hy hữu!
Một công chúa con vua,
Lại đạt được Niết-bàn!
Nàng nói lên như sau,
Thời trước đời cuối cùng.517. Trong thời đức Thế Tôn,
Konàgamana!
Trong trú xứ mới làm,
Tại cảnh Tăng già lam,
Với bạn là ba người,
Chúng tôi cúng tịnh xá.518. Mười lần, một trăm lần,
Mười trăm, trăm trăm lần,
Chúng tôi sanh chư Thiên,
Còn nói gì, làm người.519. Giữa chư Thiên chúng tôi,
Có được thân lực lớn,
Còn nói gì chúng tôi,
Khi được làm thân người,
Ta hoàng hậu, bảy báu!
Ta chính là nữ báu.520. Ðây là nhân, là nguồn
Ðây chính là căn gốc,
Kham nhẫn lời Ðạo Sư!
Ðây dây chuyền thứ nhất
Ðấy chính là Niết-bàn,
Nếu chúng ta mến pháp.521. Như vậy với lòng tin,
Họ thuyết rõ nên lời
Lời nói đầy trí tuệ,
Thù thắng và tối thượng
Họ chán ghét tái sanh,
Do chán ghét, tham diệt.
-[Hết Tập III, Tiểu Bộ]-
Mahāniddesapāḷi và Cullaniddesapāḷi
Paṭisambhidāmagga là tựa đề của tập Kinh thứ mười hai thuộc Tiểu Bộ. Chúng tôi đề nghị từ dịch tương đương của tiếng Việt là Phân Tích Đạo. Magga (Đạo) ở đây có nghĩa là đường lối, cách thức, nghệ thuật, phương pháp. Về từ Paṭisambhidā (Phân Tích), chúng tôi ghi nhận đây là danh từ, có cấu trúc như sau:paṭi+sam+√bhid+ā với nghĩa nôm na là “sự chia chẻ toàn diện về một vấn đề nào đó.” “Vấn đề” ở đây là một số giáo lý quan trọng của Phật Giáo và “sự chia chẻ toàn diện” là nghệ thuật phân tích được đề cập về bốn khía cạnh: về ý nghĩa, kết quả, hiệu quả (attha), về pháp, nguyên nhân, giáo lý, sự việc (dhamma), về ngôn từ, tên gọi (nirutti), và về phép biện giải, sự sáng suốt về vấn đề (paṭibhāna).
Chú Giải của tập Kinh này có tên là Saddhammappakāsinī. Bài kệ mở đầu của tập Chú Giải này cho chúng ta biết được tác giả của Paṭisambhidāmagga là ngài Sāriputta (PṭsA. 1, 01). Và bài kệ kết thúc xác nhận tập Chú Giải Saddhammappakāsinī được thực hiện do công của vị trưởng lão tên là Mahābhidhāna ở tại một liêu phòng đã được xây dựng bởi viên quan đại thần tên Uttaramantī thuộc tu viện Mahāvihāra (Tích Lan), và thời điểm được ghi nhận là ba năm sau ngày băng hà của đức vua Moggallāna (PṭsA. 2, 703-704), tính ra ở vào khoảng đầu thể kỷ thứ 6 sau Tây Lịch. Vì ‘abhidhāna’ là từ đồng nghĩa của ‘nāma’ nên tác giả của tập Chú Giải này được mặc nhiên công nhận là vị Mahānāma. Học Giả G. P. Malalasekera, trong tài liệu nghiên cứu The Pāli Literature of Ceylon (Nền văn học Pāli của xứ Tích Lan), còn xác định rằng vị Mahānāma này cũng chính là tác giả của bộ sử thi Mahāvaṃsa của nước Sri Lanka (trang 141).
Về nội dung, tập Kinh Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo gồm có ba Phẩm (vagga): Phẩm Chính Yếu (Mahāvagga), Phẩm Kết Hợp Chung (Yuganaddhavagga), và Phẩm Tuệ (Paññāvagga). Mỗi phẩm gồm có mười bài giảng (kathā) của mười đề tài khác nhau được trình bày chi tiết và được phân tích theo nhiều khía cạnh, không những về phương diện giáo lý căn bản mà còn đề cập đến phương pháp thực hành trong công việc tu tập nữa. Trong quá trình in ấn, tập Kinh Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo được phân làm hai: Tập Một trình bày chỉ một Phẩm Chính Yếu (Mahāvagga) nhưng lại có số lượng trang gấp đôi, còn lại Phẩm Kết Hợp Chung (Yuganaddhavagga), và Phẩm Tuệ (Paññāvagga) được xếp vào Tập Hai. Mở đầu Phẩm Chánh Yếu là phần Tiêu Đề (Mātikā) giới thiệu về 73 loại trí từ Phàm đến Thánh, trong số đó đặc biệt sáu loại trí cuối cùng chỉ dành riêng cho đức Phật Chánh Đẳng Chánh Giác mà không phổ biến đến các vị Thinh Văn. Các trí này được giải thích ở phần Giảng về Trí (Ñāṇakathā) kế tiếp. Theo sự hiểu biết của chúng tôi, sự liệt kê đầy đủ về 73 loại trí này chỉ có riêng ở tập Kinh Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo mà không được tìm thấy ở nơi nào khác thuộc Tam Tạng Pāḷi. Riêng phần Giảng về Trí này đã chiếm hết một nửa nội dung của Tập Một, nghĩa là một phần ba của toàn bộ tập Kinh Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo. Chín chủ đề còn lại giảng giải về các quan điểm sai trái (diṭṭhi), về niệm hơi thở vào hơi thở ra (ānāpānasati), về các quyền (indriya), về sự giải thoát (vimokkha), về cõi tái sanh (gati), về nghiệp (kamma), về sự lầm lạc (vipallāsa), về Đạo (magga), và về tịnh thủy nên được uống (maṇḍapeyya).
Sự trình bày và giảng giải ở tập Kinh Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo này chi tiết hơn và có nhiều điểm khác biệt so với các tập Kinh khác. Đặc biệt, đối với các độc giả chuyên chú về tu tập thiền Chỉ Tịnh và Minh Sát, tập Kinh này có nhiều tư liệu giúp cho quý vị vững tin hơn trong việc thực hành và không còn có sự lầm lẫn hoặc phân biệt về hai phương pháp tu tập hầu tránh khỏi những sự phân vân hay tranh luận không cần thiết. Có một số lời giảng về các pháp phát sanh trong lúc tu tập về thiền xét ra rất cần thiết và bổ ích cho các hành giả đang chuyên chú tầm cầu mục đích cao thượng. Đánh giá về nội dung của tập Kinh này, có quan điểm cho rằng tập Kinh Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo có thể được xem như là một tập sách giáo khoa về Phật học của truyền thống Theravāda.
Xét về hình thức, tập Kinh Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo được ghi lại ở thể văn xuôi, rải rác có một số bài kệ được xen vào. Tuy nhiên, do hình thức trình bày với Các Tiêu Đề (Mātikā) ở phần mở đầu và có sự tương tợ về phương thức lý luận nên đã có quan điểm cho rằng tập Kinh Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo này nên được xếp vào Tạng Vi Diệu Pháp (Abhidhammapiṭaka), thay vì Tiểu Bộ thuộc Tạng Kinh. Ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng tập Kinh Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo đã được sắp xếp vào Tiểu Bộ thuộc Tạng Kinh cũng có thể vì có chứa đựng một số bài kinh được bắt đầu với những câu văn quen thuộc: “Evaṃ me sutaṃ: Ekaṃ samayaṃ ...” (Tôi đã được nghe như vầy: Một thời, ...).
Về khía cạnh dịch thuật, có một số điểm cần được nêu lên như sau: Bản dịch này đã được chúng tôi hoàn tất vào cuối năm 2005 nhưng e ngại không dám phổ biến vì có nhiều nghi vấn chưa được giải quyết xong. Điều khó khăn chủ yếu cho chúng tôi khi ghi lại tiếng Việt cho tập Kinh này là việc sử dụng văn tự để mô tả các pháp vô hình vô tướng không thể dùng năm giác quan để quan sát, mà chỉ dùng kiến thức hạn hẹp và sự tu tập thấp thỏi để liên hệ và miêu tả lại. Thêm vào đó, việc dùng trí tuệ phàm nhân để diễn tả lại pháp đắc chứng của các bậc Thánh là điều có thể gọi là hồ đồ; vì thế chúng tôi chỉ cố gắng căn cứ vào văn tự và viết lại tiếng Việt theo khả năng hiểu biết về văn phạm của mình. Điều không thể tránh khỏi là những sai sót xảy ra do nguyên nhân này không hẳn là ít. Một điểm khó khăn khác là phải chọn lựa từ dịch Việt cho một số từ vựng có ý nghĩa rất gần gũi với nhau, vấn đề quan trọng là việc chọn lựa ấy phải được thống nhất và phù hợp với nhiều ngữ cảnh xuyên suốt toàn bộ tập Kinh; điều này cũng gây ra cho chúng tôi nhiều sự lúng túng và đã để lại nhiều điểm vụng về trong lời dịch Việt của tập Kinh này. Có lời đề nghị rằng: “Sau khi hoàn tất bản dịch, nên quên đi câu văn Pāḷi và trau chuốt lại theo cấu trúc của tiếng Việt;” vấn đề không đơn giản như vậy, vì sau khi được trau chuốt lại câu văn tiếng Việt mới này lại gợi lên nhiều cách diễn giải khác nữa và xét ra lại xa rời với văn bản gốc Pāḷi do việc hoán chuyển nhiệm vụ của các loại tự và vị trí các nhóm từ ở trong câu. Thật ra, mục tiêu của chúng tôi là cố gắng hiểu đúng văn bản Pāḷi và tạo điều kiện cho người khác hiểu được như thế, chúng tôi không đủ sức để vươn đến các tiêu chuẩn cao hơn đối với công việc phiên dịch các văn bản cổ ngữ của Ấn Độ. Một số sai sót trong quá trình phiên dịch đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ yếu kém. Về mọi trường hợp, nếu có những đoạn văn nào kém phần chính xác hoặc không rõ nghĩa, xin quý vị tham khảo văn bản Pāḷi để hiểu được ý nghĩa của lời Phật dạy một cách tận tường.
Về kỷ thuật trình bày, tập Kinh Song Ngữ Pāḷi Việt này của chúng tôi được trình bày theo khuôn mẫu Tam Tạng Pāḷi-Sinhala, ấn bản Buddha Jayanti Tripitaka của nước Sri Lanka (Tích Lan). Văn bản Pāḷi-Roman được trình bày ở đây đã được chúng tôi phiên âm lại từ văn bản Pāḷi-Sinhala của bộ Tam Tạng nói trên và đã cố gắng giữ đúng theo số trang của văn bản gốc để tiện việc đối chiếu so sánh. Ở phần thư mục từ đặc biệt, các số trang trích lục đã được chúng tôi kiểm tra lại và bổ túc thêm. Riêng về phần Phụ Chú, trước đây chính là những cước chú đã được chúng tôi ghi lại trong quá trình phiên dịch nhưng do việc không thể trình bày trong khuôn khổ của trang Kinh bị hạn chế nên một số cước chú đành phải được tách ra và xếp thành mục Phụ Chú. Một đôi nơi lời dịch không tương ứng với văn bản Pāḷi vì các lý do sau: một số từ đã được dịch theo Chú Giải để ý nghĩa được rõ ràng, một số phần trùng lặp đã được giản lược nhiều hơn so với văn bản gốc, các phần trùng lặp này được ghi lại bằng nhiều ký hiệu ...(như trên)..., ...(nt)..., hoặc ..., nhưng đều có giá trị giống nhau. Nhân đây, chúng tôi cũng xin thành tâm tán dương công đức của Ven. Mettāvihārī đã hoan hỷ cho phép chúng tôi sử dụng văn bản đã được phiên âm sẵn đang phổ biến trên mạng internet. Điều này đã tiết kiệm cho chúng tôi nhiều thời gian và công sức trong việc nhận diện mặt chữ và đánh máy; tuy nhiên việc kiểm tra đối chiếu lại với văn bản chánh cũng đã chiếm khá nhiều thời gian.
Trước khi chấm dứt, chúng tôi xin thành kính tri ân về sự nhiệt tâm khích lệ và hỗ trợ của Quý Ngài Trưởng Lão: Ven. Devahandiye Paññāsekara Nāyaka Mahāthera đã quan tâm tạo điều kiện thuận tiện cho chúng tôi về mọi mặt cũng như đã cung cấp cho chúng tôi những văn bản Sinhala quan trọng, Ven. Kirama Wimalajothi Nāyaka Mahāthera trong cương vị giám đốc Buddhist Cultural Centre đã khuyến khích và dành cho chúng tôi mọi ưu tiên về việc in ấn, Ven. Giác Chánh Mahāthera đã nhiệt tâm khuyến khích, chỉ bảo, và vận động cho Công Trình Ấn Tống Tam Tạng Song Ngữ Pāḷi Việt về nhiều mặt. Không thể quên không đề cập đến sự nhiệt tình khích lệ và góp ý của hai vị Đại Đức Tâm Quang và Đại Đức Dhammapālo (Trần Văn Tha); trong những công việc có tính cách dài hạn, chính những sự hỗ trợ về tinh thần mới là điều kiện quan trọng để duy trì tâm lực. Nhân đây, chúng tôi cũng xin thành tâm ghi nhận công đức của các vị sau đây: Ông B. N. Jinasena, Thư Ký chánh văn phòng của Bộ Tôn Giáo Sri Lanka, Ông B. Nandasiri, quản trị viên của Buddhist Cultural Centre, phụ trách nhà sách chi nhánh tại Baudhaloka Mawatha - Colombo 07, Ông Palita Liyanage quản trị viên phụ trách ấn loát của Buddhist Cultural Centre đã hướng dẫn và giúp đỡ cho chúng tôi trong mọi công việc về in ấn, và các nhân viên nhà in của trung tâm đã dành mọi ưu tiên về kỹ thưật cũng như đã phối trí thời gian cho công việc ấn tống tập Kinh này được hoàn tất nhanh chóng. Trước khi chấm dứt, chúng tôi thành tâm tùy hỷ và tán dương công đức của các thí chủ đã nhiệt tâm đóng góp tài chánh cho việc ấn tống tập Kinh Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo này được thành tựu, mong sao phước báu Pháp thí này luôn dẫn dắt quývị vào con đường tu tập đúng theo Chánh Pháp, thành tựu Chánh Trí, chứng ngộ Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử nữa.
Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc soạn thảo và ấn tống tập Kinh này được thành tựu đến thầy tổ, song thân, và tất cả chúng sanh trong tam giới. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ, và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.
Kính bút,
ngày 31 tháng 12 năm 2006
Tỳ Khưu Indacanda (Trương đình Dũng)
--ooOoo--
PṭsA. : Paṭisambhidāmaggapakaraṇa-Aṭṭhakathā (PTS) - Chú Giải Phân Tích Đạo.
ND : Chú thích của Người Dịch.
nt : như trên
PTS : Nhà Xuất Bản Pali Text Society (Anh Quốc)
Sđd. : Sách đã dẫn
Paṭisambhidāmagga là tựa đề của tập Kinh thứ mười hai thuộc Tiểu Bộ. Chúng tôi đề nghị từ dịch tương đương của tiếng Việt là Phân Tích Đạo. Chú Giải Saddhammappakāsinī cho chúng ta biết được tác giả của Paṭisambhidāmagga là ngài Sāriputta (PṭsA. 1, 01). và tập Chú Giải Saddhammappakāsinī này đã được thực hiện bởi vị trưởng lão Mahābhidhāna (còn gọi là Mahānāma) tại một liêu phòng thuộc tu viện Mahāvihāra (Tích Lan) vào khoảng đầu thể kỷ thứ 6 sau Tây Lịch (PṭsA. 2, 703-704).
Tập Kinh Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo gồm có ba Phẩm (vagga): Phẩm Chính Yếu (Mahāvagga), Phẩm Kết Hợp Chung (Yuganaddhavagga), và Phẩm Tuệ (Paññāvagga). Mỗi phẩm gồm có mười bài giảng (kathā) của mười đề tài khác nhau, tổng cộng là ba mươi đề tài. Trong quá trình in ấn, tập Kinh Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo được phân làm hai: Tập Một trình bày Phẩm Chính Yếu (Mahāvagga) và Tập Hai gồm có Phẩm Kết Hợp Chung (Yuganaddhavagga) và Phẩm Tuệ (Paññāvagga).
Phẩm Kết Hợp Chung (Yuganaddhavagga) gồm có mười đề tài theo thứ tự là các phần giảng về:
- Thiền Chỉ Tịnh và Minh Sát (Yuganaddhakathā),
- Chân Lý (Saccakathā),
- Các Chi Phần đưa đến Giác Ngộ (Bojjhaṅgakathā),
- Tâm Từ (Mettākathā),
- Sự Ly Tham Ái (Virāgakathā)
- Sự Phân Tích (Paṭisambhidākathā),
- Việc chuyển vận Bánh xe Chánh Pháp (Dhammacakkakathā),
- Tối Thượng ở Thế Gian (Lokuttarakathā),
- Lực (Balakathā),
- và Không Tánh (Suññatākathā).
Phẩm Tuệ (Paññāvagga) gồm có mười đề tài giảng về:
- Tuệ (Paññākathā),
- Thần Thông (Iddhikathā),
- Sự Lãnh Hội (Abhisamayakathā),
- Sự Viễn Ly (Vivekakathā),
- Hành Vi (Cariyākathā),
- Phép Kỳ Diệu (Pāṭihāriyakathā),
- Các Pháp Đứng Đầu được Tịnh Lặng (Samasīsikathā ),
- Sự Thiết Lập Niệm (Satipaṭṭhānakathā),
- Minh Sát (Vipassanākathā),
- và Các Tiêu Đề (Mātikākathā).
Ở Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo Tập Hai này xét ra có phần phong phú hơn Tập Một vì trình bày đến hai mươi đề tài. Nhìn lướt qua những đề tài kể trên xét ra không có gì mới lạ đối với các hàng học giả học Phật, nhưng chính ở trong những Giáo lý xem chừng đã quen thuộc ấy có xen lẫn những điều mới lạ về phương diện học thuyết lẫn thực hành; chúng tôi sẽ không đi vào cụ thể và để cho độc giả tự khám phá ra những điều hay ý lạ đang ẩn tàng trong văn tự của Tập Kinh này. Có thể có những đoạn văn tiếng Việt sẽ không làm hài lòng quý độc giả, xin quý vị tham khảo thêm ở văn bản Pāḷi. Tuy nhiên, chúng tôi có sự nhận xét rằng những đoạn văn nào chúng tôi dịch có sự lủng củng lại chính là những đoạn văn có chứa đựng những giáo lý vượt tầm hiểu biết của chúng tôi, vì thế đối với những đoạn văn ấy nếu không nắm được văn bản Pāḷi xin quý vị đừng diễn giải theo tư kiến vì sẽ bị lệch xa vấn đề. Nói tóm lại, dẫu không được thỏa mãn với một số đoạn văn dịch của chính mình nhưng bản thân của chúng tôi cũng có được sự hoan hỷ về công sức và thời gian đã bỏ ra cũng như sự nỗ lực hết mình cho công việc ấn tống tập Kinh này được tốt đẹp.
Một lần nữa, chúng tôi thành tâm tùy hỷ và tán dương công đức của các thí chủ đã nhiệt tâm đóng góp tài chánh cho việc ấn tống tập Kinh Paṭisambhidāmagga - Phân Tích Đạo này được thành tựu, mong sao phước báu Pháp thí này luôn dẫn dắt quývị vào con đường tu tập đúng theo Chánh Pháp, thành tựu Chánh Trí, chứng ngộ Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử nữa.
Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc soạn thảo và ấn tống tập Kinh này được thành tựu đến thầy tổ, song thân, và tất cả chúng sanh trong tam giới. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ, và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.
Kính bút,
ngày 05 tháng 01 năm 2007
Tỳ Khưu Indacanda (Trương đình Dũng)
--ooOoo--
PṭsA. : Paṭisambhidāmaggapakaraṇa-Aṭṭhakathā (PTS) - Chú Giải Phân Tích Đạo.
ND : Chú thích của Người Dịch.
nt : như trên
PTS : Nhà Xuất Bản Pali Text Society (Anh Quốc)
Sđd. : Sách đã dẫn
Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!
1. Tuệ (paññā) về sự ghi nhận ở tai là trí (ñāṇaṃ) về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
2. Sau khi đã nghe, tuệ về sự thu thúc là trí về yếu tố tạo thành giới.
3. Sau khi đã thu thúc, tuệ về sự tập trung là trí về yếu tố tạo thành việc tu tập định.
4. Tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp.
5. Sau khi đã tổng hợp các pháp trong quá khứ hiện tại và vị lai, tuệ về sự xác định là trí về sự thấu hiểu.
6. Tuệ về việc quán xét sự chuyển biến của các pháp đang hiện hữu là trí về việc quán xét sự sanh diệt.
7. Sau khi đã phân biệt rõ đối tượng, tuệ về việc quán xét sự tan rã là trí về minh sát.
8. Tuệ về sự thiết lập của kinh hãi là trí về điều tai hại.
9. Tuệ về sự mong muốn giải thoát, về sự phân biệt rõ, và về sự bình thản là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi.
10. Tuệ về sự thoát ra và ly khai ngoại phần là trí chuyển tộc.
11. Tuệ về sự thoát ra và ly khai cả hai (nội ngoại phần) là trí về Đạo.
12. Tuệ về sự tịnh lặng của việc thực hành là trí về Quả.
13. Tuệ về việc quán xét phiền não đã được cắt lìa là trí về giải thoát.
14. Tuệ về việc nhìn thấy các pháp đã được khởi lên vào khi ấy là trí về việc quán xét lại.
15. Tuệ về việc xác định nội phần là trí về tính chất khác biệt của các vật nương.
16. Tuệ về việc xác định ngoại phần là trí về tính chất khác biệt của các hành xứ.
17. Tuệ về việc xác định hành vi là trí về tính chất khác biệt của các hành vi.
18. Tuệ về việc xác định bốn pháp là trí về tính chất khác biệt của các lãnh vực.
19. Tuệ về việc xác định chín pháp là trí về tính chất khác biệt của các pháp.
20. Tuệ về sự biết rõ là trí về ý nghĩa của điều đã được biết.
21. Tuệ về sự biết toàn diện là trí về ý nghĩa của quyết đoán.
22. Tuệ về sự dứt bỏ là trí về ý nghĩa của buông bỏ.
23. Tuệ về sự tu tập là trí về ý nghĩa của nhất vị.
24. Tuệ về sự tác chứng là trí về ý nghĩa của sự chạm đến.
25. Tuệ về tính chất khác biệt của các ý nghĩa là trí về sự phân tích các ý nghĩa.
26. Tuệ về tính chất khác biệt của các pháp là trí về sự phân tích các pháp.
27. Tuệ về tính chất khác biệt của các ngôn từ là trí về sự phân tích các ngôn từ.
28. Tuệ về tính chất khác biệt của các phép biện giải là trí về sự phân tích các phép biện giải.
29. Tuệ về tính chất khác biệt của các sự an trú là trí về ý nghĩa của các sự an trú.
30. Tuệ về tính chất khác biệt của các sự chứng đạt là trí về ý nghĩa của các sự chứng đạt.
31. Tuệ về tính chất khác biệt của các sự an trú và chứng đạt là trí về ý nghĩa của các sự an trú và chứng đạt.
32. Tuệ về sự đoạn trừ các lậu hoặc do tính chất hoàn toàn trong sạch của sự không tản mạn là trí về định không gián đoạn.
33. Là pháp chủ đạo ở việc nhận thức và có sự an trú đắc chứng thanh tịnh, tuệ có khuynh hướng cao quý là trí về sự an trú không uế nhiễm.
34. Tuệ có tính chất hội đủ với hai lực và có ưu thế với sự tịnh lặng của ba hành, với mười sáu hành vi của trí, và với chín hành vi của định là trí về sự chứng đạt thiền diệt.
35. Tuệ về sự chấm dứt việc vận hành ở vị có sự nhận biết rõ rệt là trí về sự viên tịch Niết Bàn.
36. Tuệ có tính chất không thiết lập ở sự đoạn trừ hoàn toàn và ở sự diệt tận đối với tất cả các pháp là trí về ý nghĩa của các pháp đứng đầu được tịnh lặng.
37. Tuệ về sự chấm dứt các quyền lực riêng biệt có bản chất khác nhau hoặc giống nhau là trí về ý nghĩa của việc dứt trừ.
38. Tuệ về ý nghĩa của việc ra sức có trạng thái không thối giảm và có tính năng động là trí về việc khởi sự tinh tấn.
39. Tuệ làm sáng tỏ các pháp khác biệt là trí về sự trực nhận ý nghĩa.
40. Tuệ về sự thấu triệt tính tổng hợp chung và về bản chất khác nhau hoặc giống nhau của tất cả các pháp là trí về sự thanh tịnh trong việc nhận thức.
41. Tuệ với trạng thái đã được biết là trí về việc chấp nhận.
42. Tuệ với trạng thái đã được chạm đến là trí về sự thâm nhập.
43. Tuệ về sự phối hợp lại là trí về sự an trú vào các lãnh vực.
44. Tuệ với trạng thái chủ đạo là trí về sự ly khai do tưởng.
45. Tuệ về bản chất khác nhau là trí về sự ly khai do suy nghĩ.
46. Tuệ về sự khẳng định là trí về sự ly khai do tâm.
47. Tuệ về không tánh là trí về sự ly khai do trí.
48. Tuệ về sự xả ly là trí về sự ly khai do giải thoát.
49. Tuệ về ý nghĩa của thực thể là trí về sự ly khai do sự thật.
50. Với sự xác định cả thân lẫn tâm là một, tuệ về ý nghĩa của sự thành tựu do năng lực của sự chú nguyện lạc tưởng và khinh tưởng là trí về thể loại của thần thông.
51. Tuệ về sự thâm nhập các hiện tướng âm thanh có bản chất khác nhau hoặc giống nhau bằng cách triển khai tầm là trí thanh tịnh của nhĩ giới.
52. Với tính chất triển khai của ba loại tâm, tuệ về sự thâm nhập các hành vi của thức có bản chất khác nhau hoặc giống nhau bằng năng lực tự tin của các quyền là trí biết được tâm.
53. Tuệ về sự thâm nhập bằng năng lực triển khai các nghiệp có bản chất khác nhau hoặc giống nhau đối với các pháp có sự vận hành do duyên là trí nhớ về các kiếp sống trước.
54. Tuệ về ý nghĩa của việc nhìn thấy các hiện tướng của sắc có bản chất khác nhau hoặc giống nhau nhờ vào năng lực của ánh sáng là trí về thiên nhãn.
55. Tuệ về chủ thể đối với ba quyền theo sáu mươi bốn biểu hiện là trí về sự đoạn tận của các lậu hoặc.
56. Tuệ về ý nghĩa biết toàn diện là trí về Khổ.
57. Tuệ về ý nghĩa dứt bỏ là trí về nhân sanh (Khổ).
58. Tuệ về ý nghĩa tác chứng là trí về sự diệt tận (Khổ).
59. Tuệ về ý nghĩa tu tập là trí về Đạo.
60. Trí về Khổ.
61. Trí về nhân sanh Khổ.
62. Trí về sự diệt tận Khổ.
63. Trí về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.
64. Trí về sự phân tích ý nghĩa.[1]
65. Trí về sự phân tích pháp.[2]
66. Trí về sự phân tích ngôn từ.
67. Trí về sự phân tích phép biện giải.
68. Trí biết được khả năng của người khác về các quyền.
69. Trí về thiên kiến và xu hướng ngủ ngầm của chúng sanh.
70. Trí về song thông.
71. Trí về sự thể nhập đại bi.
72. Trí Toàn Giác.
73. Trí không bị ngăn che.
Đây là bảy mươi ba loại trí. Trong số bảy mươi ba loại trí này, sáu mươi bảy loại trí là phổ thông đến các vị Thinh Văn, sáu loại trí (68-73) là không phổ thông đến các vị Thinh Văn.
Dứt phần tiêu đề.
--ooOoo--
Tuệ về sự ghi nhận ở tai là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe là (có ý nghĩa) thế nào?
Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này cần được biết rõ,’[3]tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này cần được biết toàn diện,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này cần được dứt bỏ,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này cần được tu tập,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này cần được tác chứng,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này đưa đến thoái hóa,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này đưa đến bền vững,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này đưa đến thù thắng,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này đưa đến thông suốt,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Sự nhận định ở tai là ‘Tất cả các hành là vô thường,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Sự nhận định ở tai là ‘Tất cả các hành là khổ não,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Sự nhận định ở tai là ‘Tất cả các pháp là vô ngã,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Sự nhận định ở tai là ‘Đây là chân lý cao thượng về Khổ,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Sự nhận định ở tai là ‘Đây là chân lý cao thượng về nhân sanh Khổ,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Sự nhận định ở tai là ‘Đây là chân lý cao thượng về sự diệt tận Khổ,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Sự nhận định ở tai là ‘Đây là chân lý cao thượng về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này cần được biết rõ,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe là (có ý nghĩa) thế nào?
Một pháp cần được biết rõ là: Tất cả chúng sanh được tồn tại nhờ vật thực.
Hai pháp cần được biết rõ là: Hai giới (hữu vi giới và vô vi giới ).
Ba pháp cần được biết rõ là: Ba giới (dục giới, sắc giới, vô sắc giới).
Bốn pháp cần được biết rõ là: Bốn Chân Lý cao thượng.
Năm pháp cần được biết rõ là: Năm yếu tố đưa đến giải thoát.[4]
Sáu pháp cần được biết rõ là: Sáu điều tối thượng.[5]
Bảy pháp cần được biết rõ là: Bảy sự việc không hạn chế.[6]
Tám pháp cần được biết rõ là: Tám thắng xứ (của thiền).
Chín pháp cần được biết rõ là: Chín an trú theo tuần tự.[7]
Mười pháp cần được biết rõ là: Mười sự việc làm thoái hóa.[8]
Này các tỳ khưu, tất cả cần được biết rõ. Và này các tỳ khưu, điều gì là tất cả cần được biết rõ?
Này các tỳ khưu, mắt cần được biết rõ, các sắc cần được biết rõ, nhãn thức cần được biết rõ, nhãn xúc cần được biết rõ, cảm thọ nào được sanh lên do duyên nhãn xúc dầu là lạc, hoặc là khổ, hoặc là không khổ không lạc, cảm thọ ấy cũng cần được biết rõ.
Tai cần được biết rõ, các thinh cần được biết rõ, ... (như trên) ... Mũi cần được biết rõ, các khí cần được biết rõ. ... (như trên) ... Lưỡi cần được biết rõ, các vị cần được biết rõ. ... (như trên) ... Thân cần được biết rõ, các xúc cần được biết rõ. ... (như trên) ... Ý cần được biết rõ, các pháp cần được biết rõ, ý thức cần được biết rõ, ý xúc cần được biết rõ, cảm thọ nào được sanh lên do duyên ý xúc dầu là lạc, hoặc là khổ, hoặc là không khổ không lạc, cảm thọ ấy cũng cần được biết rõ.
Sắc cần được biết rõ, thọ cần được biết rõ, tưởng cần được biết rõ, các hành cần được biết rõ, thức cần được biết rõ.
Mắt cần được biết rõ, tai cần được biết rõ, mũi cần được biết rõ, lưỡi cần được biết rõ, thân cần được biết rõ, ý cần được biết rõ.
Các sắc cần được biết rõ, các thinh cần được biết rõ, các khí cần được biết rõ, các vị cần được biết rõ, các xúc cần được biết rõ, các pháp cần được biết rõ.
Nhãn thức cần được biết rõ, nhĩ thức cần được biết rõ, tỷ thức cần được biết rõ, thiệt thức cần được biết rõ, thân thức cần được biết rõ, ý thức cần được biết rõ.
Nhãn xúc cần được biết rõ, nhĩ xúc cần được biết rõ, tỷ xúc cần được biết rõ, thiệt xúc cần được biết rõ, thân xúc cần được biết rõ, ý xúc cần được biết rõ.
Cảm thọ sanh lên do nhãn xúc cần được biết rõ, cảm thọ sanh lên do nhĩ xúc cần được biết rõ, cảm thọ sanh lên do tỷ xúc cần được biết rõ, cảm thọ sanh lên do thiệt xúc cần được biết rõ, cảm thọ sanh lên do thân xúc cần được biết rõ, cảm thọ sanh lên do ý xúc cần được biết rõ.
Sắc tưởng[9]cần được biết rõ, thinh tưởng cần được biết rõ, khí tưởng cần được biết rõ, vị tưởng cần được biết rõ, xúc tưởng cần được biết rõ, pháp tưởng cần được biết rõ.
Sắc tư[10]cần được biết rõ, thinh tư cần được biết rõ, khí tư cần được biết rõ, vị tư cần được biết rõ, xúc tư cần được biết rõ, pháp tư cần được biết rõ.
Sắc ái[11]cần được biết rõ, thinh ái cần được biết rõ, khí ái cần được biết rõ, vị ái cần được biết rõ, xúc ái cần được biết rõ, pháp ái cần được biết rõ.
Sắc tầm[12]cần được biết rõ, thinh tầm cần được biết rõ, khí tầm cần được biết rõ, vị tầm cần được biết rõ, xúc tầm cần được biết rõ, pháp tầm cần được biết rõ.
Sắc tứ[13]cần được biết rõ, thinh tứ cần được biết rõ, khí tứ cần được biết rõ, vị tứ cần được biết rõ, xúc tứ cần được biết rõ, pháp tứ cần được biết rõ.
Địa giới cần được biết rõ, thủy giới cần được biết rõ, hỏa giới cần được biết rõ, phong giới cần được biết rõ, hư không giới cần được biết rõ, thức giới cần được biết rõ.
Đề mục đất cần được biết rõ, đề mục nước cần được biết rõ, đề mục lửa cần được biết rõ, đề mục gió cần được biết rõ, đề mục xanh cần được biết rõ, đề mục vàng cần được biết rõ, đề mục đỏ cần được biết rõ, đề mục trắng cần được biết rõ, đề mục hư không cần được biết rõ, đề mục thức cần được biết rõ.
Tóc cần được biết rõ, lông cần được biết rõ, móng cần được biết rõ, răng cần được biết rõ, da cần được biết rõ, thịt cần được biết rõ, gân cần được biết rõ, xương cần được biết rõ, tủy xương cần được biết rõ, thận cần được biết rõ, tim cần được biết rõ, gan cần được biết rõ, cơ hoành cần được biết rõ, lá lách cần được biết rõ, phổi cần được biết rõ, ruột cần được biết rõ, màng ruột cần được biết rõ, thực phẩm chưa tiêu cần được biết rõ, phân cần được biết rõ, mật cần được biết rõ, đàm cần được biết rõ, mủ cần được biết rõ, máu cần được biết rõ, mồ hôi cần được biết rõ, mỡ cần được biết rõ, nước mắt cần được biết rõ, nước mỡ (huyết tương) cần được biết rõ, nước miếng cần được biết rõ, nước mũi cần được biết rõ, nước ở khớp xương cần được biết rõ, nước tiểu cần được biết rõ, não cần được biết rõ.
Nhãn xứ cần được biết rõ, sắc xứ cần được biết rõ, nhĩ xứ cần được biết rõ, thinh xứ cần được biết rõ, tỷ xứ cần được biết rõ, khí xứ cần được biết rõ, thiệt xứ cần được biết rõ, vị xứ cần được biết rõ, thân xứ cần được biết rõ, xúc xứ cần được biết rõ, ý xứ cần được biết rõ, pháp xứ cần được biết rõ.
Nhãn giới cần được biết rõ, sắc giới cần được biết rõ, nhãn thức giới cần được biết rõ, nhĩ giới ..., thinh giới ..., nhĩ thức giới ..., tỷ giới ..., khí giới ..., tỷ thức giới ..., thiệt giới ..., vị giới ..., thiệt thức giới ..., thân giới cần được biết rõ, xúc giới cần được biết rõ, thân thức giới cần được biết rõ, ý giới cần được biết rõ, pháp giới cần được biết rõ, ý thức giới cần được biết rõ.
Nhãn quyền cần được biết rõ, nhĩ quyền cần được biết rõ, tỷ quyền cần được biết rõ, thiệt quyền cần được biết rõ, thân quyền cần được biết rõ, ý quyền cần được biết rõ, mạng quyền cần được biết rõ, nữ quyền cần được biết rõ, nam quyền cần được biết rõ, lạc quyền cần được biết rõ, khổ quyền cần được biết rõ, hỷ quyền cần được biết rõ, ưu quyền cần được biết rõ, xả quyền cần được biết rõ, tín quyền cần được biết rõ, tấn quyền cần được biết rõ, niệm quyền cần được biết rõ, định quyền cần được biết rõ, tuệ quyền cần được biết rõ, vị tri quyền[14]cần được biết rõ, dĩ tri quyền[15]cần được biết rõ, cụ tri quyền[16]cần được biết rõ.
Dục giới cần được biết rõ, sắc giới cần được biết rõ, vô sắc giới cần được biết rõ, dục hữu ..., sắc hữu ..., vô sắc hữu ..., tưởng hữu ..., phi tưởng hữu ..., phi tưởng phi phi tưởng hữu ..., nhất uẩn hữu cần được biết rõ, tứ uẩn hữu cần được biết rõ, ngũ uẩn hữu cần được biết rõ.
Sơ thiền cần được biết rõ, nhị thiền cần được biết rõ, tam thiền cần được biết rõ, tứ thiền cần được biết rõ. Từ tâm giải thoát cần được biết rõ, bi tâm giải thoát cần được biết rõ, hỷ tâm giải thoát cần được biết rõ, xả tâm giải thoát cần được biết rõ. Sự chứng đạt không vô biên xứ cần được biết rõ, sự chứng đạt thức vô biên xứ cần được biết rõ, sự chứng đạt vô sở hữu xứ cần được biết rõ, sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ cần được biết rõ.
Vô minh cần được biết rõ, các hành cần được biết rõ, thức cần được biết rõ, danh sắc cần được biết rõ, sáu xứ cần được biết rõ, xúc cần được biết rõ, thọ cần được biết rõ, ái cần được biết rõ, thủ cần được biết rõ, hữu cần được biết rõ, sanh cần được biết rõ, lão tử cần được biết rõ.
Khổ cần được biết rõ, nhân sanh Khổ cần được biết rõ, sự diệt tận Khổ ...(nt)..., pháp hành đưa đến sự diệt tận Khổ cần được biết rõ.
Sắc cần được biết rõ, nhân sanh sắc cần được biết rõ, sự diệt tận sắc cần được biết rõ, pháp hành đưa đến sự diệt tận sắc cần được biết rõ.
Thọ cần được biết rõ ...(nt)... Tưởng cần được biết rõ ...(nt)... Các hành cần được biết rõ ...(nt)... Thức cần được biết rõ ...(nt)...
Nhãn cần được biết rõ, ...(như trên)... Lão tử cần được biết rõ, nhân sanh lão tử cần được biết rõ, sự diệt tận lão tử cần được biết rõ, pháp hành đưa đến sự diệt tận lão tử cần được biết rõ.
Ý nghĩa của sự biết toàn diện về Khổ cần được biết rõ, ý nghĩa của sự dứt bỏ nhân sanh Khổ cần được biết rõ, ý nghĩa của sự tác chứng về sự diệt tận Khổ cần được biết rõ, ý nghĩa của sự tu tập pháp hành đưa đến sự diệt tận Khổ cần được biết rõ.
Ý nghĩa của sự biết toàn diện về sắc cần được biết rõ, ý nghĩa của sự dứt bỏ nhân sanh sắc cần được biết rõ, ý nghĩa của sự tác chứng về sự diệt tận sắc cần được biết rõ, ý nghĩa của sự tu tập pháp hành đưa đến sự diệt tận sắc cần được biết rõ.
Ý nghĩa của sự biết toàn diện về thọ ... về tưởng ... về các hành ... về thức ... về mắt ... về lão tử cần được biết rõ, ý nghĩa của sự dứt bỏ nhân sanh lão tử cần được biết rõ, ý nghĩa của sự tác chứng về sự diệt tận lão tử cần được biết rõ, ý nghĩa của sự tu tập pháp hành đưa đến sự diệt tận lão tử cần được biết rõ.
Ý nghĩa của sự thấu triệt do biết toàn diện về Khổ cần được biết rõ, ý nghĩa của sự thấu triệt do dứt bỏ nhân sanh Khổ ..., ý nghĩa của sự thấu triệt do tác chứng về sự diệt tận Khổ ..., ý nghĩa của sự thấu triệt do tu tập pháp hành đưa đến sự diệt tận Khổ cần được biết rõ.
Ý nghĩa của sự thấu triệt do biết toàn diện về sắc cần được biết rõ, ý nghĩa của sự thấu triệt do dứt bỏ nhân sanh sắc ..., ý nghĩa của sự thấu triệt do tác chứng về sự diệt tận sắc ..., ý nghĩa của sự thấu triệt do tu tập pháp hành đưa đến sự diệt tận sắc cần được biết rõ.
Ý nghĩa của sự thấu triệt do biết toàn diện về thọ ... về tưởng ... về các hành ... về thức ... về mắt ... về lão tử cần được biết rõ, ý nghĩa của sự thấu triệt do dứt bỏ nhân sanh lão tử cần được biết rõ, ý nghĩa của sự thấu triệt do tác chứng về sự diệt tận lão tử cần được biết rõ, ý nghĩa của sự thấu triệt do tu tập pháp hành đưa đến sự diệt tận lão tử cần được biết rõ.
Khổ cần được biết rõ, nhân sanh Khổ cần được biết rõ, sự diệt tận Khổ cần được biết rõ, sự diệt tận nhân sanh Khổ cần được biết rõ, sự diệt tận ước muốn và tham ái đối với Khổ cần được biết rõ, sự khoái lạc đối với Khổ cần được biết rõ, sự tai hại của Khổ cần được biết rõ, sự xuất ly đối với Khổ cần được biết rõ.
Sắc cần được biết rõ, nhân sanh sắc cần được biết rõ, sự diệt tận sắc cần được biết rõ, sự diệt tận nhân sanh sắc cần được biết rõ, sự diệt tận ước muốn và tham ái đối với sắc cần được biết rõ, sự khoái lạc đối với sắc cần được biết rõ, sự tai hại của sắc cần được biết rõ, sự xuất ly đối với sắc cần được biết rõ.
Thọ cần được biết rõ, ...(như trên)... Tưởng cần được biết rõ, ...(như trên)... Các hành cần được biết rõ, ...(như trên)... Thức cần được biết rõ, ...(như trên)... Mắt cần được biết rõ, ...(như trên)... Lão tử cần được biết rõ, nhân sanh lão tử cần được biết rõ, sự diệt tận lão tử cần được biết rõ, sự diệt tận nhân sanh lão tử cần được biết rõ, sự diệt tận ước muốn và tham ái đối với lão tử cần được biết rõ, sự khoái lạc đối với lão tử cần được biết rõ, sự tai hại của lão tử cần được biết rõ, sự xuất ly đối với lão tử cần được biết rõ.
Khổ cần được biết rõ, nhân sanh Khổ cần được biết rõ, sự diệt tận Khổ cần được biết rõ, pháp hành đưa đến sự diệt tận Khổ cần được biết rõ, sự khoái lạc đối với Khổ cần được biết rõ, sự tai hại của Khổ cần được biết rõ, sự xuất ly đối với Khổ cần được biết rõ.
Sắc cần được biết rõ, nhân sanh sắc cần được biết rõ, sự diệt tận sắc cần được biết rõ, pháp hành đưa đến sự diệt tận sắc cần được biết rõ, sự khoái lạc đối với sắc cần được biết rõ, sự tai hại của sắc cần được biết rõ, sự xuất ly đối với sắc cần được biết rõ.
Thọ cần được biết rõ, ...(như trên)... Tưởng cần được biết rõ, ...(như trên)... Các hành cần được biết rõ, ...(như trên)... Thức cần được biết rõ, ...(như trên)... Mắt cần được biết rõ, ...(như trên)... Lão tử cần được biết rõ, nhân sanh lão tử cần được biết rõ, sự diệt tận lão tử cần được biết rõ, pháp hành đưa đến sự diệt tận lão tử cần được biết rõ, sự khoái lạc đối với lão tử cần được biết rõ, sự tai hại của lão tử cần được biết rõ, sự xuất ly đối với lão tử cần được biết rõ.
Quán xét về vô thường cần được biết rõ, quán xét về khổ não cần được biết rõ, quán xét về vô ngã cần được biết rõ, quán xét về nhàm chán cần được biết rõ, quán xét về ly tham ái cần được biết rõ, quán xét về diệt tận cần được biết rõ, quán xét về từ bỏ cần được biết rõ.
Quán xét về vô thường ở sắc cần được biết rõ, quán xét về khổ não ở sắc cần được biết rõ, quán xét về vô ngã ở sắc cần được biết rõ, quán xét về nhàm chán ở sắc cần được biết rõ, quán xét về ly tham ái ở sắc cần được biết rõ, quán xét về diệt tận ở sắc cần được biết rõ, quán xét về từ bỏ ở sắc cần được biết rõ.
Quán xét về vô thường ở thọ ...(như trên)... ở tưởng ...(như trên)... ở các hành ...(như trên)... ở thức ...(như trên)... ở mắt ...(như trên)... ở lão tử cần được biết rõ, quán xét về khổ não ở lão tử cần được biết rõ, quán xét về vô ngã ở lão tử cần được biết rõ, quán xét về nhàm chán ở lão tử cần được biết rõ, quán xét về ly tham ái ở lão tử cần được biết rõ, quán xét về diệt tận ở lão tử cần được biết rõ, quán xét về từ bỏ ở lão tử cần được biết rõ.
Sự tái sanh cần được biết rõ, sự vận hành cần được biết rõ, hiện tướng cần được biết rõ, (nghiệp) tích lũy cần được biết rõ, mầm tái sanh cần được biết rõ, cảnh giới tái sanh cần được biết rõ, sự tái tạo cần được biết rõ, sự sanh lên cần được biết rõ, sự sanh (ra) cần được biết rõ, sự già cần được biết rõ, sự bệnh cần được biết rõ, sự chết cần được biết rõ, sự sầu muộn cần được biết rõ, sự than vãn cần được biết rõ, sự thất vọng cần được biết rõ.
Sự không tái sanh cần được biết rõ, sự không vận hành cần được biết rõ, không hiện tướng ..., không (nghiệp) tích lũy ..., không mầm tái sanh ..., không cảnh giới tái sanh ..., sự không tái tạo ..., sự không sanh lên ..., sự không sanh (ra) ..., sự không già ..., sự không bệnh ..., sự không chết ..., sự không sầu muộn ..., sự không than vãn cần được biết rõ, sự không thất vọng cần được biết rõ.
Sự tái sanh cần được biết rõ, sự không tái sanh cần được biết rõ, sự vận hành ..., sự không vận hành ..., hiện tướng ..., không hiện tướng ..., (nghiệp) tích lũy ..., không (nghiệp) tích lũy ..., mầm tái sanh ..., không mầm tái sanh ..., cảnh giới tái sanh ..., không cảnh giới tái sanh ..., sự tái tạo ..., sự không tái tạo ..., sự sanh lên ..., sự không sanh lên ..., sự sanh (ra) ..., sự không sanh (ra) ..., sự già ..., sự không già ..., sự bệnh ..., sự không bệnh ..., sự chết ..., sự không chết ..., sự sầu muộn ..., sự không sầu muộn ..., sự than vãn ..., sự không than vãn ..., sự thất vọng cần được biết rõ, sự không thất vọng cần được biết rõ.
‘Sự tái sanh là khổ’ cần được biết rõ, ‘sự vận hành là khổ’ cần được biết rõ, ‘hiện tướng là khổ’ ..., ‘(nghiệp) tích lũy là khổ’ ..., ‘mầm tái sanh là khổ’ ..., ‘cảnh giới tái sanh là khổ’ ..., ‘sự tái tạo là khổ’ ..., ‘sự sanh lên là khổ’ ..., ‘sự sanh (ra) là khổ’ ..., ‘sự già là khổ’ ..., ‘sự bệnh là khổ’ ..., ‘sự chết là khổ’ ..., ‘sự sầu muộn là khổ’ ..., ‘sự than vãn là khổ’ cần được biết rõ, ‘sự thất vọng là khổ’ cần được biết rõ.
‘Sự không tái sanh là lạc’ cần được biết rõ, ‘sự không vận hành là lạc’ cần được biết rõ, ‘không hiện tướng là lạc’ ..., ‘không (nghiệp) tích lũy là lạc’ ..., ‘không mầm tái sanh là lạc’ ..., ‘không cảnh giới tái sanh là lạc’ ..., ‘sự không tái tạo là lạc’ ..., ‘sự không sanh lên là lạc’ ..., ‘sự không sanh (ra) là lạc’ ..., ‘sự không già là lạc’ ..., ‘sự không bệnh là lạc’ ..., ‘sự không chết là lạc’ ..., ‘sự không sầu muộn là lạc’ ..., ‘sự không than vãn là lạc’ cần được biết rõ, ‘sự không thất vọng là lạc’ cần được biết rõ.
‘Sự tái sanh là khổ, sự không tái sanh là lạc’ cần được biết rõ, ‘sự vận hành là khổ, sự không vận hành là lạc’ cần được biết rõ, ‘hiện tướng là khổ, không hiện tướng là lạc’ cần được biết rõ, ‘(nghiệp) tích lũy là khổ, không (nghiệp) tích lũy là lạc’ cần được biết rõ, ‘mầm tái sanh là khổ, không mầm tái sanh là lạc’ cần được biết rõ, ‘cảnh giới tái sanh là khổ, không cảnh giới tái sanh là lạc’ cần được biết rõ, ‘sự tái tạo là khổ, sự không tái tạo là lạc’ cần được biết rõ, ‘sự sanh lên là khổ, sự không sanh lên là lạc’ cần được biết rõ, ‘sự sanh (ra) là khổ, sự không sanh (ra) là lạc’ cần được biết rõ, ‘sự già là khổ, sự không già là lạc’ cần được biết rõ, ‘sự bệnh là khổ, sự không bệnh là lạc’ cần được biết rõ, ‘sự chết là khổ, sự không chết là lạc’ cần được biết rõ, ‘sự sầu muộn là khổ, sự không sầu muộn là lạc’ cần được biết rõ, ‘sự than vãn là khổ, sự không than vãn là lạc’ cần được biết rõ, ‘sự thất vọng là khổ, sự không thất vọng là lạc’ cần được biết rõ.
‘Sự tái sanh là kinh hãi’ cần được biết rõ, ‘sự vận hành là kinh hãi’ cần được biết rõ, ‘hiện tướng là kinh hãi’ ..., ‘(nghiệp) tích lũy là kinh hãi’ ..., ‘mầm tái sanh là kinh hãi’ ..., ‘cảnh giới tái sanh là kinh hãi’ ..., ‘sự tái tạo là kinh hãi’ ..., ‘sự sanh lên là kinh hãi’ ..., ‘sự sanh (ra) là kinh hãi’ ..., ‘sự già là kinh hãi’ ..., ‘sự bệnh là kinh hãi’ ..., ‘sự chết là kinh hãi’ ..., ‘sự sầu muộn là kinh hãi’ ..., ‘sự than vãn là kinh hãi’ cần được biết rõ, ‘sự thất vọng là kinh hãi’ cần được biết rõ.
‘Sự không tái sanh là an ổn’ cần được biết rõ, ‘sự không vận hành là an ổn’ ..., ‘không hiện tướng là an ổn’ ..., ‘không (nghiệp) tích lũy là an ổn’ ..., ‘không mầm tái sanh là an ổn’ ..., ‘không cảnh giới tái sanh là an ổn’ ..., ‘sự không tái tạo là an ổn’ ..., ‘sự không sanh lên là an ổn’ ..., ‘sự không sanh (ra) là an ổn’ ..., ‘sự không già là an ổn’ ..., ‘sự không bệnh là an ổn’ ..., ‘sự không chết là an ổn’ ..., ‘sự không sầu muộn là an ổn’ ..., ‘sự không than vãn là an ổn’ cần được biết rõ, ‘sự không thất vọng là an ổn’ cần được biết rõ.
‘Sự tái sanh là kinh hãi, sự không tái sanh là an ổn’ cần được biết rõ, ‘sự vận hành là kinh hãi, sự không vận hành là an ổn’ cần được biết rõ, ‘hiện tướng là kinh hãi, không hiện tướng là an ổn’ cần được biết rõ, ‘(nghiệp) tích lũy là kinh hãi, không (nghiệp) tích lũy là an ổn’ cần được biết rõ, ‘mầm tái sanh là kinh hãi, không mầm tái sanh là an ổn’ cần được biết rõ, ‘cảnh giới tái sanh là kinh hãi, không cảnh giới tái sanh là an ổn’ cần được biết rõ, ‘sự tái tạo là kinh hãi, sự không tái tạo là an ổn’ cần được biết rõ, ‘sự sanh lên là kinh hãi, sự không sanh lên là an ổn’ cần được biết rõ, ‘sự sanh (ra) là kinh hãi, sự không sanh (ra) là an ổn’ cần được biết rõ, ‘sự già là kinh hãi, sự không già là an ổn’ cần được biết rõ, ‘sự bệnh là kinh hãi, sự không bệnh là an ổn’ cần được biết rõ, ‘sự chết là kinh hãi, sự không chết là an ổn’ cần được biết rõ, ‘sự sầu muộn là kinh hãi, sự không sầu muộn là an ổn’ cần được biết rõ, ‘sự than vãn là kinh hãi, sự không than vãn là an ổn’ cần được biết rõ, ‘sự thất vọng là kinh hãi, sự không thất vọng là an ổn’ cần được biết rõ.
‘Sự tái sanh là hệ lụy vật chất’ cần được biết rõ, ‘sự vận hành là hệ lụy vật chất’ ..., ‘hiện tướng là ...’ ..., ‘(nghiệp) tích lũy là ...’ ..., ‘mầm tái sanh là ...’ ..., ‘cảnh giới tái sanh là ...’ ..., ‘sự tái tạo là ...’ ..., ‘sự sanh lên là ...’ ..., ‘sự sanh (ra) là ...’ ..., ‘sự già là ...’ ..., ‘sự bệnh là ...’ ..., ‘sự chết là ...’ ..., ‘sự sầu muộn là ...’ ..., ‘sự than vãn là ...’ cần được biết rõ, ‘sự thất vọng là hệ lụy vật chất’ cần được biết rõ.
‘Sự không tái sanh là không hệ lụy vật chất’ cần được biết rõ, ‘sự không vận hành là không hệ lụy vật chất’ ..., ‘không hiện tướng là không ...’ ..., ‘không (nghiệp) tích lũy là không ...’ ..., ‘không mầm tái sanh là không ...’ ..., ‘không cảnh giới tái sanh là không ...’ ..., ‘sự không tái tạo là không ...’ ..., ‘sự không sanh lên là không ...’ ..., ‘sự không sanh (ra) là không ...’ ..., ‘sự không già là không ...’ ..., ‘sự không bệnh là không ...’ ..., ‘sự không chết là không ...’ ..., ‘sự không sầu muộn là không ...’ ..., ‘sự không than vãn là không ...’ ..., ‘sự không thất vọng là không hệ lụy vật chất’ cần được biết rõ.
‘Sự tái sanh là hệ lụy vật chất, sự không tái sanh là không hệ lụy vật chất’ cần được biết rõ, ‘sự vận hành là ..., sự không vận hành là không ...’ ..., ‘hiện tướng là ..., không hiện tướng là không ...’ ..., ‘(nghiệp) tích lũy là ..., không (nghiệp) tích lũy là không ...’ ..., ‘mầm tái sanh là ..., không mầm tái sanh là không ...’ ..., ‘cảnh giới tái sanh là ..., không cảnh giới tái sanh là không ...’ ..., ‘sự tái tạo là ..., sự không tái tạo là không ...’ ..., ‘sự sanh lên là ..., sự không sanh lên là không ...’ ..., ‘sự sanh (ra) là ..., sự không sanh (ra) là không ...’ ..., ‘sự già là ..., sự không già là không ...’ ..., ‘sự bệnh là ..., sự không bệnh là không ...’ ..., ‘sự chết là ..., sự không chết là không ...’ ..., ‘sự sầu muộn là ..., sự không sầu muộn là không ...’ ..., ‘sự than vãn là ..., sự không than vãn là không ...’ ..., ‘sự thất vọng là hệ lụy vật chất, sự không thất vọng là không hệ lụy vật chất’ cần được biết rõ.
‘Sự tái sanh là pháp hữu vi’ cần được biết rõ, ‘sự vận hành là pháp hữu vi’ cần được biết rõ, ‘hiện tướng là pháp hữu vi’ ..., ‘(nghiệp) tích lũy là pháp hữu vi’ ..., ‘mầm tái sanh là pháp hữu vi’ ..., ‘cảnh giới tái sanh là pháp hữu vi’ ..., ‘sự tái tạo là pháp hữu vi’ ..., ‘sự sanh lên là pháp hữu vi’ ..., ‘sự sanh (ra) là pháp hữu vi’ ..., ‘sự già là pháp hữu vi’ ..., ‘sự bệnh là pháp hữu vi’ ..., ‘sự chết là pháp hữu vi’ ..., ‘sự sầu muộn là pháp hữu vi’ ..., ‘sự than vãn là pháp hữu vi’ cần được biết rõ, ‘sự thất vọng là pháp hữu vi’ cần được biết rõ.
‘Sự không tái sanh là Niết Bàn’ cần được biết rõ, ‘sự không vận hành là Niết Bàn’ cần được biết rõ, ‘không hiện tướng là Niết Bàn’ ..., ‘không (nghiệp) tích lũy là Niết Bàn’ ..., ‘không mầm tái sanh là Niết Bàn’ ..., ‘không cảnh giới tái sanh là Niết Bàn’ ..., ‘sự không tái tạo là Niết Bàn’ ..., ‘sự không sanh lên là Niết Bàn’ ..., ‘sự không sanh (ra) là Niết Bàn’ ..., ‘sự không già là Niết Bàn’ ..., ‘sự không bệnh là Niết Bàn’ ..., ‘sự không chết là Niết Bàn’ ..., ‘sự không sầu muộn là Niết Bàn’ cần được biết rõ, ‘sự không than vãn là Niết Bàn’ cần được biết rõ, ‘sự không thất vọng là Niết Bàn’ cần được biết rõ.
‘Sự tái sanh là pháp hữu vi, sự không tái sanh là Niết Bàn’ cần được biết rõ, ‘sự vận hành là pháp hữu vi, sự không vận hành là Niết Bàn’ cần được biết rõ, ‘hiện tướng là pháp hữu vi, không hiện tướng là Niết Bàn’ ..., ‘(nghiệp) tích lũy là pháp hữu vi, không (nghiệp) tích lũy là Niết Bàn’ ..., ‘mầm tái sanh là pháp hữu vi, không mầm tái sanh là Niết Bàn’ ..., ‘cảnh giới tái sanh là pháp hữu vi, không cảnh giới tái sanh là Niết Bàn’ ..., ‘sự tái tạo là pháp hữu vi, sự không tái tạo là Niết Bàn’ ..., ‘sự sanh lên là pháp hữu vi, sự không sanh lên là Niết Bàn’ ..., ‘sự sanh (ra) là pháp hữu vi, sự không sanh (ra) là Niết Bàn’ ..., ‘sự già là pháp hữu vi, sự không già là Niết Bàn’ ..., ‘sự bệnh là pháp hữu vi, sự không bệnh là Niết Bàn’ ..., ‘sự chết là pháp hữu vi, sự không chết là Niết Bàn’ ..., ‘sự sầu muộn là pháp hữu vi, sự không sầu muộn là Niết Bàn’ ..., ‘sự than vãn là pháp hữu vi, sự không than vãn là Niết Bàn’ cần được biết rõ, ‘sự thất vọng là pháp hữu vi, sự không thất vọng là Niết Bàn’ cần được biết rõ.
Dứt tụng phẩm thứ nhất.
Ý nghĩa của sự gìn giữ cần được biết rõ, ý nghĩa của sự phụ trợ cần được biết rõ, ý nghĩa của sự hoàn bị ..., ý nghĩa của sự chuyên nhất ..., ý nghĩa của sự không tản mạn ..., ý nghĩa của sự ra sức ..., ý nghĩa của sự không tán loạn ..., ý nghĩa của sự không xao động ..., ý nghĩa của sự không loạn động ..., ý nghĩa của sự trụ tâm do tác động của việc thiết lập tính nhất thể ..., ý nghĩa của (cảnh) đối tượng ..., ý nghĩa của hành xứ ..., ý nghĩa của sự dứt bỏ ..., ý nghĩa của sự buông bỏ ..., ý nghĩa của sự thoát ra ..., ý nghĩa của sự quay lại ..., ý nghĩa của tịnh ..., ý nghĩa của sự cao quý .., ý nghĩa của giải thoát ..., ý nghĩa của vô lậu ..., ý nghĩa của sự vượt qua ..., ý nghĩa của vô tướng ..., ý nghĩa của vô nguyện ..., ý nghĩa của không tánh ..., ý nghĩa của nhất vị ..., ý nghĩa của sự không vượt trội[17]..., ý nghĩa của sự kết hợp chung..., ý nghĩa của sự dẫn xuất (ra khỏi luân hồi) ..., ý nghĩa của chủng tử ..., ý nghĩa của sự nhận thức cần được biết rõ, ý nghĩa của pháp chủ đạo cần được biết rõ.
Ý nghĩa không tản mạn của chỉ tịnh cần được biết rõ, ý nghĩa quán xét của minh sát ..., ý nghĩa nhất vị của chỉ tịnh và minh sát ..., ý nghĩa không vượt trội của sự kết hợp chung cần được biết rõ.
Ý nghĩa thọ trì của việc học tập cần được biết rõ, ý nghĩa hành xứ của (việc duy trì) đối tượng cần được biết rõ, ý nghĩa ra sức đối với tâm bị trì trệ ..., ý nghĩa kiềm chế đối với tâm bị vọng động ..., ý nghĩa dửng dưng (có trạng thái xả) đối với hai trạng thái (trì trệ và vọng động) đã được thanh tịnh ..., ý nghĩa của sự đắc chứng thù thắng do sự tu tập ..., ý nghĩa của sự thấu triệt bậc trên ..., ý nghĩa của sự lãnh hội chân lý ..., ý nghĩa của sự an lập Niết Bàn cần được biết rõ.
Ý nghĩa cương quyết của tín quyền cần được biết rõ, ý nghĩa ra sức của tấn quyền cần được biết rõ, ý nghĩa thiết lập của niệm quyền cần được biết rõ, ý nghĩa không tản mạn của định quyền cần được biết rõ, ý nghĩa nhận thức của tuệ quyền cần được biết rõ.
Ý nghĩa về tính chất không dao động của tín lực ở sự không có đức tin cần được biết rõ, ý nghĩa về tính chất không dao động của tấn lực ở sự biếng nhác ..., ý nghĩa về tính chất không dao động của niệm lực ở sự buông lung ..., ý nghĩa về tính chất không dao động của định lực ở sự phóng dật ..., ý nghĩa về tính chất không dao động của tuệ lực ở sự không sáng suốt cần được biết rõ.
Ý nghĩa thiết lập của niệm giác chi cần được biết rõ, ý nghĩa suy xét của trạch pháp giác chi ..., ý nghĩa ra sức của cần giác chi ..., ý nghĩa lan tỏa của hỷ giác chi ..., ý nghĩa an tịnh của tịnh giác chi ..., ý nghĩa không tản mạn của định giác chi ..., ý nghĩa phân biệt rõ của xả giác chi cần được biết rõ.
Ý nghĩa nhận thức của chánh kiến cần được biết rõ, ý nghĩa gắn chặt (tâm vào cảnh) của chánh tư duy ..., ý nghĩa gìn giữ của chánh ngữ ..., ý nghĩa nguồn sanh khởi của chánh nghiệp ..., ý nghĩa trong sạch của chánh mạng ..., ý nghĩa ra sức của chánh tinh tấn ..., ý nghĩa thiết lập của chánh niệm ..., ý nghĩa không tản mạn của chánh định cần được biết rõ.
Ý nghĩa chủ đạo của các quyền cần được biết rõ, ý nghĩa về tính chất không dao động của các lực ..., ý nghĩa dẫn xuất (ra khỏi luân hồi) của các giác chi ..., ý nghĩa chủng tử của Đạo ..., ý nghĩa thiết lập của các sự thiết lập niệm ..., ý nghĩa ra sức của các chánh cần ..., ý nghĩa thành tựu của các nền tảng của thần thông ..., ý nghĩa thực thể của các chân lý ..., ý nghĩa tịnh lặng của các việc thực hành (Thánh Đạo) ..., ý nghĩa tác chứng của các Quả cần được biết rõ.
Ý nghĩa đưa tâm (đến cảnh) của tầm cần được biết rõ, ý nghĩa khắn khít (vào cảnh) của tứ cần được biết rõ, ý nghĩa lan tỏa của hỷ cần được biết rõ, ý nghĩa tràn ngập của lạc cần được biết rõ, ý nghĩa chuyên nhất của tâm (định) cần được biết rõ.
Ý nghĩa của sự hướng tâm cần được biết rõ, ý nghĩa của sự nhận biết (của thức) cần được biết rõ, ý nghĩa của sự nhận biết (của tuệ) cần được biết rõ, ý nghĩa của sự nhận biết (của tưởng) cần được biết rõ, [ý nghĩa của nhất cảnh cần được biết rõ,] ý nghĩa của sự độc nhất cần được biết rõ, ý nghĩa đã được biết của sự biết rõ cần được biết rõ, ý nghĩa quyết đoán của sự biết toàn diện cần được biết rõ, ý nghĩa buông bỏ của sự dứt bỏ cần được biết rõ, ý nghĩa nhất vị của sự tu tập cần được biết rõ, ý nghĩa chạm đến của sự tác chứng cần được biết rõ, ý nghĩa tập hợp của các uẩn cần được biết rõ, ý nghĩa bản thể của các giới cần được biết rõ, ý nghĩa vị thế của các xứ cần được biết rõ, ý nghĩa tạo tác của các pháp hữu vi cần được biết rõ, ý nghĩa không tạo tác của Niết Bàn cần được biết rõ.
Ý nghĩa của tâm cần được biết rõ, ý nghĩa không gián đoạn của tâm cần được biết rõ, ý nghĩa thoát ra của tâm ..., ý nghĩa ly khai của tâm ..., ý nghĩa chủng tử của tâm ..., ý nghĩa về duyên của tâm ..., ý nghĩa vật nương của tâm ..., ý nghĩa lãnh vực của tâm ..., ý nghĩa cảnh (đối tượng) của tâm ..., ý nghĩa hành xứ của tâm ..., ý nghĩa hành vi của tâm ..., ý nghĩa (cảnh) đã đạt đến của tâm ..., ý nghĩa quả quyết của tâm ..., ý nghĩa dẫn xuất (ra khỏi cảnh) của tâm cần được biết rõ, ý nghĩa xuất ly của tâm cần được biết rõ.
Ý nghĩa hướng tâm ở nhất thể cần được biết rõ, ý nghĩa nhận biết (của thức) ở nhất thể cần được biết rõ, ý nghĩa nhận biết (của tuệ) ở nhất thể ..., ý nghĩa nhận biết (của tưởng) ở nhất thể ..., ý nghĩa độc nhất ở nhất thể ..., ý nghĩa bám vào nhất thể ..., ý nghĩa tiến vào nhất thể (đối với sơ thiền) ..., ý nghĩa hoan hỷ ở nhất thể (đối với nhị thiền) ..., ý nghĩa an trụ ở nhất thể (đối với tam thiền) ..., ý nghĩa giải thoát ở nhất thể (đối với tứ thiền) ..., ý nghĩa của sự nhận thức ‘Đây là tịnh’ ở nhất thể ..., ý nghĩa đã tạo thành phương tiện ở nhất thể ..., ý nghĩa đã tạo thành nền tảng ở nhất thể ..., ý nghĩa đã hiện hữu ở nhất thể ..., ý nghĩa đã được tích lũy ở nhất thể ..., ý nghĩa đã được khởi sự vô cùng thanh tịnh ở nhất thể ..., ý nghĩa gìn giữ ở nhất thể ..., ý nghĩa phụ trợ ở nhất thể ..., ý nghĩa hoàn bị ở nhất thể ..., ý nghĩa liên kết ở nhất thể ..., ý nghĩa khẳng định ở nhất thể ..., ý nghĩa rèn luyện ở nhất thể ..., ý nghĩa tu tập ở nhất thể ..., ý nghĩa làm cho sung mãn ở nhất thể ..., ý nghĩa của sự khéo được hiện khởi ở nhất thể ..., ý nghĩa của sự khéo được giải thoát ở nhất thể ..., ý nghĩa của sự được giác ngộ (Sơ Đạo) ở nhất thể ..., ý nghĩa của sự được giác ngộ (Nhị Đạo) ở nhất thể ..., ý nghĩa của sự được giác ngộ (Tam Đạo) ở nhất thể ..., ý nghĩa của sự được giác ngộ (Tứ Đạo)[18]ở nhất thể ...,ý nghĩa của sự làm cho giác ngộ (Sơ Đạo) ở nhất thể ..., ý nghĩa của sự làm cho giác ngộ (Nhị Đạo) ở nhất thể ..., ý nghĩa của sự làm cho giác ngộ (Tam Đạo) ở nhất thể ..., ý nghĩa của sự làm cho giác ngộ (Tứ Đạo)[19]ở nhất thể ..., ý nghĩa của sự dự phần làm cho giác ngộ (Sơ Đạo) ở nhất thể ..., ý nghĩa của sự dự phần làm cho giác ngộ (Nhị Đạo) ở nhất thể ..., ý nghĩa của sự dự phần làm cho giác ngộ (Tam Đạo) ở nhất thể ..., ý nghĩa của sự dự phần làm cho giác ngộ (Tứ Đạo)[20]ở nhất thể ..., ý nghĩa của sự phát quang (Sơ Đạo) ở nhất thể ..., ý nghĩa của sự phát quang (Nhị Đạo) ở nhất thể ..., ý nghĩa của sự phát quang (Tam Đạo) ở nhất thể cần được biết rõ, ý nghĩa của sự phát quang (Tứ Đạo)[21]ở nhất thể cần được biết rõ.
Ý nghĩa làm sáng tỏ cần được biết rõ, ý nghĩa chói sáng cần được biết rõ, ý nghĩa thiêu đốt các phiền não ..., ý nghĩa không nhơ bẩn ..., ý nghĩa tách rời nhơ bẩn ..., ý nghĩa hết nhơ bẩn ..., ý nghĩa tĩnh lặng ..., ý nghĩa của thời điểm ..., ý nghĩa tách ly ..., ý nghĩa của hành vi tách ly ..., ý nghĩa ly dục ..., ý nghĩa của hành vi ly dục ..., ý nghĩa diệt tận ..., ý nghĩa của hành vi diệt tận ..., ý nghĩa xả ly ..., ý nghĩa của hành vi xả ly ..., ý nghĩa giải thoát cần được biết rõ, ý nghĩa của hành vi giải thoát cần được biết rõ.
Ý nghĩa của ước muốn[22]cần được biết rõ, ý nghĩa nguồn cội của ước muốn cần được biết rõ, ý nghĩa cơ sở của ước muốn ..., ý nghĩa nỗ lực của ước muốn ..., ý nghĩa thành tựu của ước muốn ..., ý nghĩa cương quyết của ước muốn ..., ý nghĩa ra sức của ước muốn ..., ý nghĩa thiết lập của ước muốn ..., ý nghĩa không tản mạn của ước muốn ..., ý nghĩa nhận thức của ước muốn cần được biết rõ.
Ý nghĩa của tinh tấn cần được biết rõ, ý nghĩa nguồn cội của tinh tấn ..., ý nghĩa cơ sở của tinh tấn ..., ý nghĩa nỗ lực của tinh tấn ..., ý nghĩa thành tựu của tinh tấn ..., ý nghĩa cương quyết của tinh tấn ..., ý nghĩa ra sức của tinh tấn ..., ý nghĩa thiết lập của tinh tấn ..., ý nghĩa không tản mạn của tinh tấn cần được biết rõ, ý nghĩa nhận thức của tinh tấn cần được biết rõ.
Ý nghĩa của tâm cần được biết rõ, ý nghĩa nguồn cội của tâm cần được biết rõ, ý nghĩa cơ sở của tâm ..., ý nghĩa nỗ lực của tâm ..., ý nghĩa thành tựu của tâm ..., ý nghĩa cương quyết của tâm ..., ý nghĩa ra sức của tâm ..., ý nghĩa thiết lập của tâm cần được biết rõ, ý nghĩa không tản mạn của tâm cần được biết rõ, ý nghĩa nhận thức của tâm cần được biết rõ.
Ý nghĩa của thẩm định cần được biết rõ, ý nghĩa nguồn cội của thẩm định cần được biết rõ, ý nghĩa cơ sở của thẩm định cần được biết rõ, ý nghĩa nỗ lực của thẩm định cần được biết rõ, ý nghĩa thành tựu của thẩm định cần được biết rõ, ý nghĩa cương quyết của thẩm định cần được biết rõ, ý nghĩa ra sức của thẩm định cần được biết rõ, ý nghĩa thiết lập của thẩm định cần được biết rõ, ý nghĩa không tản mạn của thẩm định cần được biết rõ, ý nghĩa nhận thức của thẩm định cần được biết rõ.
Ý nghĩa áp bức của Khổ cần được biết rõ, ý nghĩa tạo tác của Khổ cần được biết rõ, ý nghĩa nóng nảy của Khổ cần được biết rõ, ý nghĩa chuyển biến của Khổ cần được biết rõ.
Ý nghĩa tích lũy (nghiệp) của nhân sanh (Khổ) cần được biết rõ, ý nghĩa căn nguyên của nhân sanh (Khổ) cần được biết rõ, ý nghĩa ràng buộc của nhân sanh (Khổ) cần được biết rõ, ý nghĩa vướng bận của nhân sanh (Khổ) cần được biết rõ.
‘Ý nghĩa xuất ly của Niết Bàn cần được biết rõ, ý nghĩa viễn ly của Niết Bàn cần được biết rõ, ý nghĩa không tạo tác của Niết Bàn cần được biết rõ, ý nghĩa bất tử của Niết Bàn cần được biết rõ.
Ý nghĩa dẫn xuất của Đạo cần được biết rõ, ý nghĩa chủng tử của Đạo cần được biết rõ, ý nghĩa nhận thức của Đạo cần được biết rõ, ý nghĩa pháp chủ đạo của Đạo cần được biết rõ.
Ý nghĩa của thực thể cần được biết rõ, ý nghĩa của vô ngã ..., ý nghĩa của chân lý ..., ý nghĩa của thấu triệt ..., ý nghĩa của biết rõ ..., ý nghĩa của biết toàn diện ..., ý nghĩa của hiện tượng ..., ý nghĩa của bản thể ..., ý nghĩa của điều đã được biết ..., ý nghĩa của tác chứng ..., ý nghĩa của chạm đến ..., ý nghĩa của lãnh hội cần được biết rõ.
Sự thoát ly cần được biết rõ, sự không sân độc cần được biết rõ, sự nghĩ tưởng đến ánh sáng cần được biết rõ, sự không tản mạn cần được biết rõ, sự xác định pháp cần được biết rõ, trí (đối kháng vô minh) cần được biết rõ, sự hân hoan cần được biết rõ.
Sơ thiền cần được biết rõ, nhị thiền cần được biết rõ, tam thiền cần được biết rõ, tứ thiền cần được biết rõ, sự chứng đạt không vô biên xứ cần được biết rõ, sự chứng đạt thức vô biên xứ cần được biết rõ, sự chứng đạt vô sở hữu xứ cần được biết rõ, sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ cần được biết rõ.
Quán xét về vô thường cần được biết rõ, quán xét về khổ não cần được biết rõ, quán xét về vô ngã cần được biết rõ, quán xét về nhàm chán ..., quán xét về ly tham ái ..., quán xét về diệt tận ..., quán xét về từ bỏ ..., quán xét về đoạn tận ..., quán xét về biến hoại ..., quán xét về chuyển biến ..., quán xét về vô tướng ..., quán xét về vô nguyện ..., quán xét về không tánh ..., minh sát các pháp bằng thắng tuệ ..., sự biết và thấy đúng theo thực thể ..., quán xét về tai hại ..., quán xét về phân biệt rõ cần được biết rõ, quán xét về ly khai cần được biết rõ.
Đạo Nhập Lưu cần được biết rõ, sự chứng đạt Quả Nhập Lưu cần được biết rõ, Đạo Nhất Lai cần được biết rõ, sự chứng đạt Quả Nhất Lai cần được biết rõ, Đạo Bất Lai cần được biết rõ, sự chứng đạt Quả Bất Lai cần được biết rõ, Đạo A-la-hán cần được biết rõ, sự chứng đạt Quả A-la-hán cần được biết rõ.
Tín quyền theo ý nghĩa cương quyết cần được biết rõ, tấn quyền theo ý nghĩa ra sức cần được biết rõ, niệm quyền theo ý nghĩa thiết lập cần được biết rõ, định quyền theo ý nghĩa không tản mạn cần được biết rõ, tuệ quyền theo ý nghĩa nhận thức cần được biết rõ.
Tín lực theo ý nghĩa không dao động ở sự không có đức tin cần được biết rõ, tấn lực theo ý nghĩa không dao động ở sự biếng nhác cần được biết rõ, niệm lực theo ý nghĩa không dao động ở sự buông lung cần được biết rõ, định lực theo ý nghĩa không dao động ở sự phóng dật cần được biết rõ, tuệ lực theo ý nghĩa không dao động ở sự không sáng suốt cần được biết rõ.
Niệm giác chi theo ý nghĩa thiết lập cần được biết rõ, trạch pháp giác chi theo ý nghĩa suy xét cần được biết rõ, cần giác chi theo ý nghĩa ra sức cần được biết rõ, hỷ giác chi theo ý nghĩa lan tỏa cần được biết rõ, tịnh giác chi theo ý nghĩa an tịnh cần được biết rõ, định giác chi theo ý nghĩa không tản mạn cần được biết rõ, xả giác chi theo ý nghĩa phân biệt rõ cần được biết rõ.
Chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức cần được biết rõ, chánh tư duy theo ý nghĩa gắn chặt (tâm vào cảnh) cần được biết rõ, chánh ngữ theo ý nghĩa gìn giữ ..., chánh nghiệp theo ý nghĩa nguồn sanh khởi ..., chánh mạng theo ý nghĩa trong sạch ..., chánh tinh tấn theo ý nghĩa ra sức ..., chánh niệm theo ý nghĩa thiết lập cần được biết rõ, chánh định theo ý nghĩa không tản mạn cần được biết rõ.
Các quyền theo ý nghĩa của pháp chủ đạo cần được biết rõ, các lực theo ý nghĩa không dao động ..., các giác chi theo ý nghĩa dẫn xuất (ra khỏi luân hồi) ..., Đạo theo ý nghĩa chủng tử ..., các sự thiết lập niệm theo ý nghĩa thiết lập ..., các chánh cần theo ý nghĩa nỗ lực ..., các nền tảng của thần thông theo ý nghĩa thành tựu cần được biết rõ, chân lý theo ý nghĩa của thực thể cần được biết rõ.
Chỉ tịnh theo ý nghĩa không tản mạn cần được biết rõ, minh sát theo ý nghĩa quán xét ..., chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa của nhất vị ..., sự kết hợp chung theo ý nghĩa không vượt trội cần được biết rõ.
Giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc cần được biết rõ, tâm thanh tịnh theo ý nghĩa không tản mạn cần được biết rõ, kiến thanh tịnh theo ý nghĩa nhận thức ..., giải thoát theo ý nghĩa được thoát khỏi ..., minh theo ý nghĩa thấu triệt ..., giải thoát theo ý nghĩa buông bỏ ..., trí về sự đoạn tận theo ý nghĩa đoạn trừ cần được biết rõ, trí về sự vô sanh theo ý nghĩa tĩnh lặng cần được biết rõ.
Ước muốn theo ý nghĩa của nguồn cội cần được biết rõ, tác ý theo ý nghĩa của nguồn sanh khởi cần được biết rõ, xúc theo ý nghĩa liên kết cần được biết rõ, thọ theo ý nghĩa hội tụ cần được biết rõ, định theo ý nghĩa dẫn đầu cần được biết rõ, niệm theo ý nghĩa của pháp chủ đạo cần được biết rõ, tuệ theo ý nghĩa của sự cao thượng trong các pháp thiện cần được biết rõ, sự giải thoát theo ý nghĩa của cốt lỏi cần được biết rõ, Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc cần được biết rõ.
Các pháp nào cần được biết rõ, các pháp ấy là đã được biết. Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này cần được biết rõ,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.”
Phần giải thích về ‘Cần được biết rõ.’
Tụng phẩm thứ nhì.
Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này cần được biết toàn diện,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe là (có ý nghĩa) thế nào?
Một pháp cần được biết toàn diện là: Xúc hữu lậu đưa đến thủ.
Hai pháp cần được biết toàn diện là: Danh và sắc.
Ba pháp cần được biết toàn diện là: Ba thọ.[23]
Bốn pháp cần được biết toàn diện là: Bốn loại vật thực.[24]
Năm pháp cần được biết toàn diện là: Năm thủ uẩn.[25]
Sáu pháp cần được biết toàn diện là: Sáu nội xứ.[26]
Bảy pháp cần được biết toàn diện là: Bảy trụ xứ của thức.[27]
Tám pháp cần được biết toàn diện là: Tám pháp thế gian.[28]
Chín pháp cần được biết toàn diện là: Chín trú xứ của chúng sinh.[29]
Mười pháp cần được biết toàn diện là: Mười xứ.[30]
Này các tỳ khưu, tất cả cần được biết toàn diện. Và này các tỳ khưu, điều gì là tất cả cần được biết toàn diện?
Này các tỳ khưu, mắt cần được biết toàn diện, các sắc cần được biết toàn diện, nhãn thức ..., nhãn xúc ..., cảm thọ nào được sanh lên do duyên nhãn xúc dầu là lạc, hoặc là khổ, hoặc là không khổ không lạc, cảm thọ ấy cũng cần được biết toàn diện.
Tai cần được biết toàn diện, các thinh cần được biết toàn diện, ... (như trên) ... Mũi cần được biết toàn diện, các khí cần được biết toàn diện. ... (như trên) ... Lưỡi cần được biết toàn diện, các vị cần được biết toàn diện. ... (như trên) ... Thân cần được biết toàn diện, các xúc cần được biết toàn diện. ... (như trên) ... Ý cần được biết toàn diện, các pháp cần được biết toàn diện, ý thức ..., ý xúc ..., cảm thọ nào được sanh lên do duyên ý xúc dầu là lạc, hoặc là khổ, hoặc là không khổ không lạc, cảm thọ ấy cũng cần được biết toàn diện.
Sắc cần được biết toàn diện, thọ ..., tưởng ..., các hành ..., thức ..., mắt ..., lão tử ..., Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc cần được biết toàn diện. ...(như trên)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu những pháp nào, thì những pháp ấy là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, những pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự thoát ly, sự thoát ly là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự không sân độc, sự không sân độc là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
‘Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự nghĩ tưởng về ánh sáng, sự nghĩ tưởng về ánh sáng là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự không tản mạn, sự không tản mạn là được thành tựu ...(như trên)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự xác định pháp, sự xác định pháp là được thành tựu ...(như trên)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu trí, trí là được thành tựu ...(như trên)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự hân hoan, sự hân hoan là được thành tựu ...(như trên)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sơ thiền, sơ thiền là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu nhị thiền, ... tam thiền, ... tứ thiền, tứ thiền là được thành tựu ...(nt)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự chứng đạt không vô biên xứ, sự chứng đạt không vô biên xứ là được thành tựu ...(như trên)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự chứng đạt thức vô biên xứ, sự chứng đạt thức vô biên xứ là được thành tựu ...(nt)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự chứng đạt vô sở hữu xứ, sự chứng đạt vô sở hữu xứ là được thành tựu ...(nt)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ, sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự quán xét về vô thường, sự quán xét về vô thường là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy ...(nt)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự quán xét về khổ não, quán xét về khổ não là được thành tựu ...(nt)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự quán xét về vô ngã, quán xét về vô ngã là được thành tựu ...(nt)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự quán xét về nhàm chán, sự quán xét về nhàm chán là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự quán xét về ly tham ái, sự quán xét về ly tham ái là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự quán xét về diệt tận, sự quán xét về diệt tận là được ...(nt)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự quán xét về từ bỏ, sự quán xét về từ bỏ là được thành tựu ...(nt)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự quán xét về đoạn tận, sự quán xét về đoạn tận là được ...(nt)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự quán xét về biến hoại, sự quán xét về biến hoại là được thành tựu ...(nt)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự quán xét về chuyển biến, sự quán xét về chuyển biến là được thành tựu ...(nt)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự quán xét về vô tướng, sự quán xét về vô tướng là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự quán xét về vô nguyện, sự quán xét về vô nguyện là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự quán xét về không tánh, sự quán xét về không tánh là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự minh sát các pháp bằng thắng tuệ, sự minh sát các pháp bằng thắng tuệ là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự biết và thấy đúng theo thực thể, sự biết và thấy đúng theo thực thể là được thành tựu ...(nt)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự quán xét về tai hại, sự quán xét về tai hại là được thành tựu ...(nt)...
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự quán xét về phân biệt rõ, sự quán xét về phân biệt rõ là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu sự quán xét về ly khai, sự quán xét về ly khai là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu Đạo Nhập Lưu, Đạo Nhập Lưu là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu Đạo Nhất Lai, Đạo Nhất Lai là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu Đạo Bất Lai, Đạo Bất Lai là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu Đạo A-la-hán, Đạo A-la-hán là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành.
Đối với (hành giả) đang tinh cần nhằm mục đích thành tựu những pháp nào, thì những pháp ấy là được thành tựu (cho vị ấy). Như vậy, những pháp ấy chẳng những được biết toàn diện mà còn được hoàn thành. Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này cần được biết toàn diện,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.”
Phần giải thích về ‘Cần được biết toàn diện.’
Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này cần được dứt bỏ,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe là (có ý nghĩa) thế nào?
Một pháp cần được dứt bỏ là: Ngã mạn.
Hai pháp cần được dứt bỏ là: Vô minh và hữu ái.
Ba pháp cần được dứt bỏ là: Ba ái.
Bốn pháp cần được dứt bỏ là: Bốn pháp cuốn trôi.[31]
Năm pháp cần được dứt bỏ là: Năm pháp ngăn che.[32]
Sáu pháp cần được dứt bỏ là: Sáu nhóm ái.[33]
Bảy pháp cần được dứt bỏ là: Bảy pháp ngủ ngầm.[34]
Tám pháp cần được dứt bỏ là: Tám tính chất sai trái.[35]
Chín pháp cần được dứt bỏ là: Chín pháp có nguồn cội là ái.[36]
Mười pháp cần được dứt bỏ là: Mười tính chất sai trái.[37]
Hai sự dứt bỏ: Sự dứt bỏ do đoạn trừ và sự dứt bỏ do tĩnh lặng. Sự dứt bỏ do đoạn trừ là đối với (hành giả) đang tu tập Đạo đưa đến sự đoạn tận là (Đạo) tối thượng ở đời, và sự dứt bỏ do tĩnh lặng là ở vào sát-na Quả.
Ba sự dứt bỏ: Đối với các dục sự xuất ly này tức là sự thoát ly, đối với các sắc sự xuất ly này tức là trạng thái vô sắc, hơn thế nữa bất cứ hiện hữu nào là pháp hữu vi và tùy thuận sanh khởi, sự diệt tận là sự xuất ly khỏi điều ấy. Đối với (hành giả) đã thành tựu sự thoát ly, các dục không những đã được dứt bỏ mà còn đã được buông bỏ. Đối với (hành giả) đã thành tựu trạng thái vô sắc, các sắc không những đã được dứt bỏ mà còn đã được buông bỏ. Đối với (hành giả) đã thành tựu sự diệt tận, các hành không những đã được dứt bỏ mà còn đã được buông bỏ.
Bốn sự dứt bỏ: Trong khi thấu triệt chân lý về Khổ với sự thấu triệt của biết toàn diện, (hành giả) dứt bỏ; trong khi thấu triệt chân lý về nhân sanh (Khổ) với sự thấu triệt của dứt bỏ, (hành giả) dứt bỏ; trong khi thấu triệt chân lý về sự diệt tận (Khổ) với sự thấu triệt của tác chứng, (hành giả) dứt bỏ; trong khi thấu triệt chân lý về Đạo với sự thấu triệt của tu tập, (hành giả) dứt bỏ.
Năm sự dứt bỏ: Sự dứt bỏ do áp chế, sự dứt bỏ do thay thế, sự dứt bỏ do đoạn trừ, sự dứt bỏ do tĩnh lặng, sự dứt bỏ do xuất ly. Sự dứt bỏ do áp chế đối với các pháp ngăn che của (hành giả) đang tu tập sơ thiền, sự dứt bỏ do thay thế đối với các khuynh hướng tà kiến của (hành giả) đang tu tập định đưa đến sự thấu triệt, sự dứt bỏ do đoạn trừ của (hành giả) đang tu tập Đạo tối thượng ở đời đưa đến sự đoạn tận, sự dứt bỏ do tĩnh lặng là ở vào sát-na Quả, và sự dứt bỏ do xuất ly là sự diệt tận, Niết Bàn.
Này các tỳ khưu, tất cả cần được dứt bỏ. Và này các tỳ khưu, điều gì là tất cả cần được dứt bỏ?
Này các tỳ khưu, mắt cần được dứt bỏ, các sắc cần được dứt bỏ, nhãn thức cần được dứt bỏ, nhãn xúc cần được dứt bỏ, cảm thọ nào được sanh lên do duyên nhãn xúc dầu là lạc, hoặc là khổ, hoặc là không khổ không lạc, cảm thọ ấy cũng cần được dứt bỏ.
Tai cần được dứt bỏ, các thinh cần được dứt bỏ, ... (như trên) ... Mũi cần được dứt bỏ, các khí cần được dứt bỏ. ... (như trên) ... Lưỡi cần được dứt bỏ, các vị cần được dứt bỏ. ... (như trên) ... Thân cần được dứt bỏ, các xúc cần được dứt bỏ. ... (như trên) ... Ý cần được dứt bỏ, các pháp cần được dứt bỏ, ý thức cần được dứt bỏ, ý xúc cần được dứt bỏ, cảm thọ nào được sanh lên do duyên ý xúc dầu là lạc, hoặc là khổ, hoặc là không khổ không lạc, cảm thọ ấy cũng cần được dứt bỏ.
Trong khi nhận thấy sắc, (hành giả) dứt bỏ. Trong khi nhận thấy thọ, (hành giả) dứt bỏ. Trong khi nhận thấy tưởng, (hành giả) dứt bỏ. Trong khi nhận thấy các hành, (hành giả) dứt bỏ. Trong khi nhận thấy thức, (hành giả) dứt bỏ. Trong khi nhận thấy mắt, ...(như trên)... lão tử, ...(như trên)... Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc, (hành giả) dứt bỏ.
Các pháp nào là đã được dứt bỏ, các pháp ấy là đã được buông bỏ. Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này cần được dứt bỏ,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.”
Phần giải thích về ‘Cần được dứt bỏ.’
Tụng phẩm thứ ba.
Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này cần được tu tập,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe là (có ý nghĩa) thế nào?
Một pháp cần được tu tập là: Niệm hướng đến thân có sự thoải mái đi cùng.
Hai pháp cần được tu tập là: Chỉ tịnh và minh sát.
Ba pháp cần được tu tập là: Ba định.[38]
Bốn pháp cần được tu tập là: Bốn sự thiết lập niệm.
Năm pháp cần được tu tập là: Chánh định năm chi phần.
Sáu pháp cần được tu tập là: Sáu tùy niệm xứ.[39]
Bảy pháp cần được tu tập là: Bảy giác chi.
Tám pháp cần được tu tập là: Thánh Đạo tám chi phần.
Chín pháp cần được tu tập là: Chín chi phần nỗ lực thanh tịnh.[40]
Mười pháp cần được tu tập là: Mười nền tảng của đề mục (thiền).[41]
Hai sự tu tập: Sự tu tập thuộc thế gian và sự tu tập xuất thế gian.
Ba sự tu tập: Sự tu tập về các thiện pháp đưa đến cõi sắc giới, sự tu tập về các thiện pháp đưa đến cõi vô sắc giới, sự tu tập về các thiện pháp không bị lệ thuộc. Sự tu tập về các thiện pháp đưa đến cõi sắc giới có loại thấp kém, có loại trung bình, có loại cao quý. Sự tu tập về các thiện pháp đưa đến cõi vô sắc giới có loại thấp kém, có loại trung bình, có loại cao quý. Sự tu tập về các thiện pháp không bị lệ thuộc là cao quý.
Bốn sự tu tập: trong khi thấu triệt chân lý về Khổ với sự thấu triệt của sự biết toàn diện, (hành giả) tu tập; trong khi thấu triệt chân lý về nhân sanh (Khổ) với sự thấu triệt của sự dứt bỏ, (hành giả) tu tập; trong khi thấu triệt chân lý về sự diệt tận (Khổ) với sự thấu triệt của sự tác chứng, (hành giả) tu tập; trong khi thấu triệt chân lý về Đạo với sự thấu triệt của sự tu tập, (hành giả) tu tập. Đây là bốn sự tu tập.
Bốn sự tu tập khác nữa: tầm cầu là sự tu tập, thành đạt là sự tu tập, nhất vị là sự tu tập, rèn luyện là sự tu tập.
Tầm cầu gì là sự tu tập? ‘Đối với các vị đang thể nhập định thuộc mọi (đề mục), các pháp sanh khởi vào thời điểm ấy là có nhất vị.’ Tầm cầu này là sự tu tập.
Thành đạt gì là sự tu tập? ‘Đối với các vị đang thể nhập định thuộc mọi (đề mục), các pháp sanh khởi vào thời điểm nhập định ấy không vượt trội lẫn nhau.’ Thành đạt này là sự tu tập.
Nhất vị gì là sự tu tập? ‘Đối với vị đang tu tập tín quyền theo ý nghĩa cương quyết, do tác động của tín quyền bốn quyền (còn lại) là có nhất vị,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền. ‘Đối với vị đang tu tập tấn quyền theo ý nghĩa ra sức, do tác động của tấn quyền ... ‘Đối với vị đang tu tập niệm quyền theo ý nghĩa thiết lập, do tác động của niệm quyền ... ‘Đối với vị đang tu tập định quyền theo ý nghĩa không tản mạn, do tác động của định quyền ... ‘Đối với vị đang tu tập tuệ quyền theo ý nghĩa nhận thức, do tác động của tuệ quyền bốn quyền (còn lại của vị ấy) là có nhất vị,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền.
‘Đối với vị đang tu tập tín lực theo ý nghĩa không dao động ở sự không có đức tin, do tác động của tín lực bốn lực (còn lại) là có nhất vị,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các lực. ‘Đối với vị đang tu tập tấn lực theo ý nghĩa không dao động ở sự biếng nhác, do tác động của tấn lực ... ‘Đối với vị đang tu tập niệm lực theo ý nghĩa không dao động ở sự buông lung, do tác động của niệm lực ... ‘Đối với vị đang tu tập định lực theo ý nghĩa không dao động ở sự phóng dật, do tác động của định lực ... ‘Đối với vị đang tu tập tuệ lực theo ý nghĩa không dao động ở sự không sáng suốt, do tác động của tuệ lực bốn lực (còn lại) là có nhất vị,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các lực.
‘Đối với vị đang tu tập niệm giác chi theo ý nghĩa thiết lập, do tác động của niệm giác chi sáu giác chi (còn lại) là có nhất vị,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các giác chi. ‘Đối với vị đang tu tập trạch pháp giác chi theo ý nghĩa suy xét, do tác động của trạch pháp giác chi sáu giác chi (còn lại) là có nhất vị,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các giác chi. ‘Đối với vị đang tu tập cần giác chi theo ý nghĩa ra sức, do tác động của cần giác chi sáu giác chi (còn lại) ... ‘Đối với vị đang tu tập hỷ giác chi theo ý nghĩa lan tỏa, do tác động của hỷ giác chi sáu giác chi (còn lại) ... ‘Đối với vị đang tu tập tịnh giác chi theo ý nghĩa an tịnh, do tác động của tịnh giác chi sáu giác chi (còn lại) ... ‘Đối với vị đang tu tập định giác chi theo ý nghĩa không tản mạn, do tác động của định giác chi sáu giác chi (còn lại) ...(như trên)... ‘Đối với vị đang tu tập xả giác chi theo ý nghĩa phân biệt rõ, do tác động của xả giác chi sáu giác chi (còn lại) là có nhất vị,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các giác chi.
‘Đối với vị đang tu tập chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức, do tác động của chánh kiến bảy chi đạo (còn lại) là có nhất vị,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các chi đạo. ‘Đối với vị đang tu tập chánh tư duy theo ý nghĩa gắn chặt (tâm vào cảnh), do tác động của chánh tư duy bảy chi đạo (còn lại) ...(như trên)... ‘Đối với vị đang tu tập chánh ngữ theo ý nghĩa gìn giữ, do tác động của chánh ngữ bảy chi đạo (còn lại) ...(như trên)... ‘Đối với vị đang tu tập chánh nghiệp theo ý nghĩa nguồn sanh khởi, do tác động của chánh nghiệp bảy chi đạo (còn lại) ...(như trên)... ‘Đối với vị đang tu tập chánh mạng theo ý nghĩa trong sạch, do tác động của chánh mạng bảy chi đạo (còn lại) ...(như trên)... ‘Đối với vị đang tu tập chánh tinh tấn theo ý nghĩa ra sức, do tác động của chánh tinh tấn bảy chi đạo (còn lại) ...(như trên)... ‘Đối với vị đang tu tập chánh niệm theo ý nghĩa thiết lập, do tác động của chánh niệm bảy chi đạo (còn lại) ...(như trên)... ‘Đối với vị đang tu tập chánh định theo ý nghĩa không tản mạn, do tác động của chánh định bảy chi đạo (còn lại) là có nhất vị,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các chi đạo. Nhất vị này là sự tu tập.
Rèn luyện gì là sự tu tập? Ở đây, vị tỳ khưu rèn luyện vào buổi sáng, rèn luyện luôn cả vào giữa trưa, rèn luyện luôn cả vào buổi tối, rèn luyện luôn cả trước bữa ăn, rèn luyện luôn cả sau bữa ăn, rèn luyện luôn cả vào canh đầu, rèn luyện luôn cả vào canh giữa, rèn luyện luôn cả vào canh cuối, rèn luyện luôn cả ban đêm, rèn luyện luôn cả ban ngày, rèn luyện luôn cả ban đêm và ban ngày, rèn luyện luôn cả trong nửa tháng đầu, rèn luyện luôn cả trong nửa tháng cuối, rèn luyện luôn cả trong mùa mưa, rèn luyện luôn cả trong mùa lạnh, rèn luyện luôn cả trong mùa nóng, rèn luyện luôn cả trong giai đoạn đầu của cuộc đời, rèn luyện luôn cả trong giai đoạn giữa của cuộc đời, rèn luyện luôn cả trong giai đoạn cuối của cuộc đời. Rèn luyện này là sự tu tập.
Đây là bốn sự tu tập.
Bốn sự tu tập khác nữa: là sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, là sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền, là sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn, là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy là (có ý nghĩa) thế nào?
‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ ước muốn trong các dục, các pháp sanh lên do tác động của sự thoát ly không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sân độc, các pháp sanh lên do tác động của sự không sân độc không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, các pháp sanh lên do tác động của sự nghĩ tưởng đến ánh sáng không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ phóng dật, các pháp sanh lên do tác động của sự không tản mạn không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ hoài nghi, các pháp sanh lên do tác động của sự xác định pháp không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ vô minh, các pháp sanh lên do tác động của trí không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự không hứng thú, các pháp sanh lên do tác động của sự hân hoan không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy.
‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ các pháp ngăn che, các pháp sanh lên do tác động của sơ thiền không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ tầm tứ, các pháp sanh lên do tác động của nhị thiền không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ hỷ, các pháp sanh lên do tác động của tam thiền không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ lạc và khổ, các pháp sanh lên do tác động của tứ thiền không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy.
‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự nghĩ tưởng về sắc, sự nghĩ tưởng về bất bình, sự nghĩ tưởng về khác biệt, các pháp sanh lên do tác động của sự chứng đạt không vô biên xứ không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự nghĩ tưởng về không vô biên xứ, các pháp sanh lên do tác động của sự chứng đạt thức vô biên xứ không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thức vô biên xứ, các pháp sanh lên do tác động của sự chứng đạt vô sở hữu xứ không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự nghĩ tưởng về vô sở hữu xứ, các pháp sanh lên do tác động của sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy.
‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thường còn, các pháp sanh lên do tác động của việc quán xét về vô thường không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự nghĩ tưởng về lạc, các pháp sanh lên do tác động của việc quán xét về khổ không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự nghĩ tưởng về ngã, các pháp sanh lên do tác động của việc quán xét về vô ngã không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự vui thích, các pháp sanh lên do tác động của việc quán xét về nhàm chán không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ tham ái, các pháp sanh lên do tác động của việc quán xét về ly tham ái không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ nhân sanh khởi, các pháp sanh lên do tác động của việc quán xét về diệt tận ... ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự nắm giữ, các pháp sanh lên do tác động của việc quán xét về từ bỏ ... ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự nghĩ tưởng về tiếp diễn, các pháp sanh lên do tác động của việc quán xét về đoạn tận ... ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ (nghiệp) tích lũy, các pháp sanh lên do tác động của việc quán xét về biến hoại ... ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự nghĩ tưởng về bền vững, các pháp sanh lên do tác động của việc quán xét về chuyển biến các pháp sanh lên không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ hiện tướng, các
pháp sanh lên do tác động của việc quán xét về vô tướng không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự nguyện ước, các pháp sanh lên do tác động của việc quán xét về vô nguyện không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự cố chấp, các pháp sanh lên do tác động của việc quán xét về không tánh không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự cố chấp về thực chất (của thường còn, của tự ngã), các pháp sanh lên do tác động của sự minh sát các pháp bằng thắng tuệ không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ cố chấp vào sự lầm lẫn, các pháp sanh lên do tác động của sự biết và thấy đúng theo thực thể không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự cố chấp vào sự lệ thuộc, các pháp sanh lên do tác động của việc quán xét về tai hại không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự không phân biệt rõ, các pháp sanh lên do tác động của việc quán xét về phân biệt rõ không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sự cố chấp vào sự ràng buộc, các pháp sanh lên do tác động của việc quán xét về ly khai không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy.
‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ các phiền não thuần về tà kiến, các pháp sanh lên do tác động của Đạo Nhập Lưu không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ các phiền não thô thiển, các pháp sanh lên do tác động của Đạo Nhất Lai không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ các phiền não có tính chất vi tế, các pháp sanh lên do tác động của Đạo Bất Lai không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ toàn bộ phiền não, các pháp sanh lên do tác động của Đạo A-la-hán không vượt trội lẫn nhau,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy.
Như vậy là sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy.
Sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền là (có ý nghĩa) thế nào?
‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ ước muốn trong các dục, do tác động của sự thoát ly khiến năm quyền là có nhất vị,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền. ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ sân độc, do tác động của sự không sân độc ...(như trên)... ‘Đối với (hành giả) đang dứt bỏ toàn bộ phiền não, do tác động của Đạo A-la-hán khiến năm quyền là có nhất vị,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền.
Như vậy là sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền.
Sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn là (có ý nghĩa) thế nào?
‘Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, do tác động của sự thoát ly (hành giả) khởi động sự tinh tấn,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn. ‘Trong khi dứt bỏ sân độc, do tác động của sự không sân độc (hành giả) khởi động sự tinh tấn,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn. ...(như trên)... ‘Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, do tác động của Đạo A-la-hán (hành giả) khởi động sự tinh tấn,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn. Như vậy là sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn.
Sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện là (có ý nghĩa) thế nào?
‘Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, vị ấy rèn luyện sự thoát ly,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. ‘Trong khi dứt bỏ sân độc, vị ấy rèn luyện không sân độc,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. ...(nt)... ‘Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, vị ấy rèn luyện Đạo A-la-hán,’ (đây là) sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Như vậy là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. Đây là bốn sự tu tập.
Trong khi nhận thấy sắc, (vị ấy) tu tập; trong khi nhận thấy thọ, (vị ấy) tu tập; trong khi nhận thấy tưởng, (vị ấy) tu tập; trong khi nhận thấy các hành, (vị ấy) tu tập; trong khi nhận thấy thức, (vị ấy) tu tập. Trong khi nhận thấy mắt, ...(như trên)... lão tử, ...(như trên)... Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc, (vị ấy) tu tập.
Các pháp nào là đã được tu tập, các pháp ấy là có nhất vị. Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này cần được tu tập,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.”
Phần giải thích về ‘Cần được tu tập.’
Tụng phẩm thứ tư.
Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này cần được tác chứng,’[42] tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe là (có ý nghĩa) thế nào?
Một pháp cần được tác chứng là: Tâm giải thoát là không chuyển đổi.
Hai pháp cần được tác chứng là: Minh và giải thoát.
Ba pháp cần được tác chứng là: Ba minh.[43]
Bốn pháp cần được tác chứng là: Bốn Quả vị của Sa-môn.[44]
Năm pháp cần được tác chứng là: Năm pháp uẩn.[45]
Sáu pháp cần được tác chứng là: Sáu thắng trí.[46]
Bảy pháp cần được tác chứng là: Bảy lực của bậc Lậu Tận.[47]
Tám pháp cần được tác chứng là: Tám giải thoát.[48]
Chín pháp cần được tác chứng là: Chín sự diệt tận theo tuần tự.[49]
Mười pháp cần được tác chứng là: Mười pháp của bậc Vô Học.[50]
Này các tỳ khưu, tất cả cần được tác chứng. Và này các tỳ khưu, điều gì là tất cả cần được tác chứng?
Này các tỳ khưu, mắt cần được tác chứng, các sắc cần được tác chứng, nhãn thức cần được tác chứng, nhãn xúc cần được tác chứng, cảm thọ nào được sanh lên do duyên nhãn xúc dầu là lạc, hoặc là khổ, hoặc là không khổ không lạc, cảm thọ ấy cũng cần được tác chứng.
Tai cần được tác chứng, các thinh cần được tác chứng, ... (như trên) ... Mũi cần được tác chứng, các khí cần được tác chứng. ... (như trên) ... Lưỡi cần được tác chứng, các vị cần được tác chứng. ... (như trên) ... Thân cần được tác chứng, các xúc cần được tác chứng. ... (như trên) ... Ý cần được tác chứng, các pháp cần được tác chứng, ý thức cần được tác chứng, ý xúc cần được tác chứng, cảm thọ nào được sanh lên do duyên ý xúc dầu là lạc, hoặc là khổ, hoặc là không khổ không lạc, cảm thọ ấy cũng cần được tác chứng.
Trong lúc nhận thấy sắc, (hành giả) tác chứng; trong lúc nhận thấy thọ, (hành giả) tác chứng; trong lúc nhận thấy tưởng, (hành giả) tác chứng; trong lúc nhận thấy các hành, (hành giả) tác chứng; trong lúc nhận thấy thức, (hành giả) tác chứng; trong lúc nhận thấy mắt ...(như trên)... lão tử ...(như trên)... Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc, (hành giả) tác chứng.
Các pháp nào đã được tác chứng, các pháp ấy là đã được chạm đến. Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này cần được tác chứng,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.”
Phần giải thích về ‘Cần được tu tập.’
Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này đưa đến thoái hóa, các pháp này đưa đến bền vững, các pháp này đưa đến thù thắng, các pháp này đưa đến thông suốt,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe là (có ý nghĩa) thế nào?
Đối với vị đã đắc sơ thiền, tưởng và tác ý đi cùng với dục sanh khởi là pháp đưa đến thoái hóa, niệm có bản chất thuận theo pháp (thiền) ấy được an trụ là pháp đưa đến bền vững, tưởng và tác ý không đi cùng với tầm sanh khởi là pháp đưa đến thù thắng, tưởng và tác ý đi cùng với nhàm chán sanh khởi và tương ưng với ly tham ái là pháp đưa đến thông suốt.
Đối với vị đã đắc nhị thiền, tưởng và tác ý đi cùng với tầm sanh khởi là pháp đưa đến thoái hóa, niệm có bản chất thuận theo pháp (thiền) ấy được an trụ là pháp đưa đến bền vững, tưởng và tác ý đi cùng với xả và lạc sanh khởi là pháp đưa đến thù thắng, tưởng và tác ý đi cùng với sự nhàm chán sanh khởi và tương ưng với ly tham ái là pháp đưa đến thông suốt.
Đối với vị đã đắc tam thiền, tưởng và tác ý đi cùng với hỷ và lạc sanh khởi là pháp đưa đến thoái hóa, niệm có bản chất thuận theo pháp (thiền) ấy được an trụ là pháp đưa đến bền vững, tưởng và tác ý đi cùng với không khổ và không lạc sanh khởi là pháp đưa đến thù thắng, tưởng và tác ý đi cùng với sự nhàm chán sanh khởi và tương ưng với ly tham ái là pháp đưa đến thông suốt.
Đối với vị đã đắc tứ thiền, tưởng và tác ý đi cùng với xả và lạc sanh khởi là pháp đưa đến thoái hóa, niệm có bản chất thuận theo pháp (thiền) ấy được an trụ là pháp đưa đến bền vững, tưởng và tác ý đi cùng với không vô biên xứ sanh khởi là pháp đưa đến thù thắng, tưởng và tác ý đi cùng với sự nhàm chán sanh khởi và tương ưng với ly tham ái là pháp đưa đến thông suốt.
Đối với vị đã đắc không vô biên xứ, tưởng và tác ý đi cùng với sắc sanh khởi là pháp đưa đến thoái hóa, niệm có bản chất thuận theo pháp (thiền) ấy được an trụ là pháp đưa đến bền vững, tưởng và tác ý đi cùng với thức vô biên xứ sanh khởi là pháp đưa đến thù thắng, tưởng và tác ý đi cùng với sự nhàm chán sanh khởi và tương ưng với ly tham ái là pháp đưa đến thông suốt.
Đối với vị đã đắc thức vô biên xứ, tưởng và tác ý đi cùng với không vô biên xứ sanh khởi là pháp đưa đến thoái hóa, niệm có bản chất thuận theo pháp (thiền) ấy được an trụ là pháp đưa đến bền vững, tưởng và tác ý đi cùng với vô sở hữu xứ sanh khởi là pháp đưa đến thù thắng, tưởng và tác ý đi cùng với sự nhàm chán sanh khởi và tương ưng với ly tham ái là pháp đưa đến thông suốt.
Đối với vị đã đắc vô sở hữu xứ, tưởng và tác ý đi cùng với thức vô biên xứ sanh khởi là pháp đưa đến thoái hóa, niệm có bản chất thuận theo pháp (thiền) ấy được an trụ là pháp đưa đến bền vững, tưởng và tác ý đi cùng với phi tưởng phi phi tưởng xứ sanh khởi là pháp đưa đến thù thắng, tưởng và tác ý ...(nt)... là pháp đưa đến thông suốt.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Sự nhận định ở tai là ‘Các pháp này đưa đến thoái hóa, các pháp này đưa đến bền vững, các pháp này đưa đến thù thắng, các pháp này đưa đến thông suốt,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.”
Phần giải thích nhóm bốn về ‘Đưa đến thoái hóa.’
Sự nhận định ở tai là ‘Tất cả các hành là vô thường, tất cả các hành là khổ não, tất cả các pháp là vô ngã,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe là (có ý nghĩa) thế nào?
Sự nhận định ở tai là ‘Sắc là vô thường theo ý nghĩa đoạn tận, là khổ não theo ý nghĩa kinh hãi, là vô ngã theo ý nghĩa không có cốt lỏi,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Sự nhận định ở tai là ‘Thọ ... Tưởng ... Các hành ... Thức ... Mắt ... Lão tử là vô thường theo ý nghĩa đoạn tận, là khổ não theo ý nghĩa kinh hãi, là vô ngã theo ý nghĩa không có cốt lỏi,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Sự nhận định ở tai là ‘Tất cả các hành là vô thường, tất cả các hành là khổ não, tất cả các pháp là vô ngã,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.”
Phần giải thích nhóm ba về ‘Hiện tướng.’
Sự nhận định ở tai là ‘Đây là chân lý cao thượng về Khổ, đây là chân lý cao thượng về nhân sanh Khổ, đây là chân lý cao thượng về sự diệt tận Khổ, đây là chân lý cao thượng về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe là (có ý nghĩa) thế nào?
Ở đây, chân lý cao thượng về Khổ là (có ý nghĩa) thế nào?[51]Sanh là khổ, già cũng là khổ, chết cũng là khổ, sự sầu muộn-than vãn-khổ đau-ưu phiền-thất vọng cũng là khổ, sự liên hệ với những gì không yêu thích là khổ, sự xa lìa với những gì yêu thích là khổ, mong muốn mà không đạt được cũng là khổ, tóm tắt lại năm thủ uẩn là khổ.
Ở đây, sanh là (có ý nghĩa) thế nào? Là sự sanh ra, sự sanh khởi, sự hạ sanh, sự tái sanh, sự hiện khởi của các uẩn, sự thành tựu của các xứ đối với các chúng sanh ấy ở tập thể của các chúng sanh ấy, sự việc này được gọi là sanh.
Ở đây, già là (có ý nghĩa) thế nào? Là sự già nua, sự hư hoại, sự rụng răng, tình trạng bạc tóc, da nhăn, sự rút ngắn tuổi thọ, sự suy nhược các căn đối với các chúng sanh ấy ở tập thể của các chúng sanh ấy, sự việc này được gọi là già.
Ở đây, chết là (có ý nghĩa) thế nào? Là sự từ trần, sự tiêu hoại, sự phân rã, sự biến mất, sự tử, sự chết, sự hết thời kỳ, sự tan rã các uẩn, sự bỏ lại xác thân, sự gián đoạn các quyền đối với các chúng sanh ấy ở tập thể của các chúng sanh ấy, sự việc này được gọi là chết.
Ở đây, sầu muộn là (có ý nghĩa) thế nào? Là sự sầu muộn, sự buồn rầu, trạng thái buồn phiền, sự sầu muộn ở nội tâm, sự buồn thảm ở nội tâm, nỗi ưu phiền do trạng thái bực bội ở tâm, sự sầu muộn ví như mũi tên của người bị tác động bởi sự rủi ro về thân quyến, bị tác động bởi sự rủi ro về của cải, bị tác động bởi sự rủi ro về tật bệnh, bị tác động bởi sự suy giảm về giới hạnh, bị tác động bởi sự suy giảm về kiến thức, bị gặp phải sự rủi ro này hoặc rủi ro khác, bị tác động bởi sự khổ đau này hoặc sự khổ đau khác; điều này được gọi là sầu muộn.
Ở đây, than vãn là (có ý nghĩa) thế nào? Là sự phàn nàn, sự than vãn, sự kể lể, sự kêu gào, trạng thái kể lể, trạng thái kêu gào, lời nói lảm nhảm, sự lải nhải, sự rên rỉ, sự khóc than, trạng thái khóc than của người bị tác động bởi sự rủi ro về thân quyến, bị tác động bởi sự rủi ro về của cải, bị tác động bởi sự rủi ro về tật bệnh, bị tác động bởi sự suy giảm về giới hạnh, bị tác động bởi sự suy giảm về kiến thức, bị gặp phải sự rủi ro này hoặc rủi ro khác, bị tác động bởi sự khổ đau này hoặc sự khổ đau khác; điều này được gọi là than vãn.
Ở đây, khổ đau là (có ý nghĩa) thế nào? Điều nào là sự không thoải mái thuộc thân, khổ đau thuộc thân, được nhận biết là không thoải mái và khổ đau sanh lên do thân xúc, là cảm thọ không thoải mái và khổ đau sanh lên do thân xúc; điều này được gọi là khổ đau.
Ở đây, ưu phiền là (có ý nghĩa) thế nào? Điều nào là sự không thoải mái thuộc tâm, khổ đau thuộc tâm, được nhận biết là không thoải mái và khổ đau sanh lên do ý xúc, là cảm thọ không thoải mái và khổ đau sanh lên do ý xúc; điều này được gọi là ưu phiền.
Ở đây, thất vọng là (có ý nghĩa) thế nào? Điều nào là sự lo âu, sự thất vọng, sự bồn chồn, sự tuyệt vọng, trạng thái bồn chồn, trạng thái tuyệt vọng của người bị tác động bởi sự rủi ro về thân quyến, bị tác động bởi sự rủi ro về của cải, bị tác động bởi sự rủi ro về tật bệnh, bị tác động bởi sự rủi ro về giới hạnh, bị tác động bởi sự suy giảm về kiến thức, bị gặp phải sự rủi ro này hoặc rủi ro khác, bị tác động bởi khổ đau này hoặc khổ đau khác; điều này được gọi là thất vọng.
Ở đây, sự liên hệ với những gì không yêu thích là khổ là (có ý nghĩa) thế nào? Trong trường hợp này, điều nào sự giao tiếp, sự kết hợp, sự liên kết, tình trạng dính líu với các sắc, các thinh, các khí, các vị, các xúc khó chịu, khó ưa, không hợp ý, hoặc là với những người không tầm cầu điều hữu ích, không tầm cầu điều có lợi, không tầm cầu sự an lạc, không tầm cầu sự yên ổn khỏi các vướng bận; điều này được gọi là sự liên hệ với những gì không yêu thích là khổ.
Ở đây, sự xa lìa với những gì yêu thích là khổ là (có ý nghĩa) thế nào? Trong trường hợp này, điều nào là sự không giao tiếp, sự không kết hợp, sự không liên kết, tình trạng không dính líu với các sắc, các thinh, các khí, các vị, các xúc dễ chịu, đáng ưa, hợp ý, hoặc là với những người tầm cầu điều hữu ích, tầm cầu điều có lợi, tầm cầu sự an lạc, tầm cầu sự yên ổn khỏi các vướng bận, hoặc là với mẹ, với cha, với anh em trai, với chị em gái, với bạn bè, với thân hữu, với họ hàng, hay là với quyến thuộc; điều này được gọi là sự xa lìa với những gì yêu thích là khổ.
Ở đây, mong muốn mà không đạt được cũng là khổ là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với các chúng sanh là đối tượng của sự sanh có mong muốn khởi lên như vầy: “Ôi, ước sao chúng ta không là đối tượng của sự sanh! Và ước sao sự sanh không thể tác động đến chúng ta!” Tuy nhiên, điều ấy không thể đạt được do mong muốn, điều này chính là mong muốn mà không đạt được cũng là khổ. Đối với các chúng sanh là đối tượng của sự già ...(như trên)... là đối tượng của sự bệnh ...(như trên)... là đối tượng của sự chết ...(như trên)... là đối tượng của sầu muộn-than vãn-khổ đau-ưu phiền-thất vọng, “Ôi, ước sao chúng ta không là đối tượng của sự sầu muộn-than vãn-khổ đau-ưu phiền-thất vọng! Và ước sao sự sầu muộn-than vãn-khổ đau-ưu phiền-thất vọng không thể tác động đến chúng ta!” Tuy nhiên, điều ấy không thể đạt được do mong muốn; điều này chính là mong muốn mà không đạt được cũng là khổ.
Ở đây, tóm tắt lại năm thủ uẩn là khổ là (có ý nghĩa) thế nào? Tức là: sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn; các điều này tóm tắt lại được gọi là năm thủ uẩn là khổ. Điều này được gọi là chân lý cao thượng về Khổ.
Phần giải thích ‘Chân lý về Khổ.’
Ở đây, chân lý cao thượng về nhân sanh Khổ là (có ý nghĩa) thế nào?
Điều này là ái đưa đến tái sanh, đi cùng với sự vui thích và tham ái, có sự thích thú nơi này nơi nọ, tức là dục ái, hữu ái, phi hữu ái.[52]Vậy ái ấy khi sanh lên thì sanh lên ở đâu? Khi trụ lại thì trụ lại ở đâu? Ở đời, vật nào được yêu thích vật nào đem lại sảng khoái, ái ấy khi sanh lên thì sanh lên ở nơi ấy, khi trụ lại thì trụ lại ở nơi ấy.
Vậy ở đời, vật được yêu thích vật đem lại sảng khoái là gì? Ở đời, mắt là vật được yêu thích, là vật đem lại sảng khoái, ái ấy khi sanh lên thì sanh lên ở nơi ấy, khi trụ lại thì trụ lại ở nơi ấy. Ở đời, tai ...(như trên)... Ở đời, mũi ...(như trên)... Ở đời, lưỡi ...(như trên)... Ở đời, thân ...(như trên)... Ở đời, ý là vật được yêu thích, là vật đem lại sảng khoái, ái ấy khi sanh lên thì sanh lên ở nơi ấy, khi trụ lại thì trụ lại ở nơi ấy.
Ở đời, các sắc là vật được yêu thích, là vật đem lại sảng khoái, ái ấy khi sanh lên thì sanh lên ở nơi ấy, khi trụ lại thì trụ lại ở nơi ấy. Ở đời, các thinh ...(như trên)... Ở đời, các pháp ...(như trên)... Ở đời, nhãn thức ...(như trên)... Ở đời, ý thức ...(như trên)... Ở đời, nhãn xúc ...(như trên)... Ở đời, ý xúc ...(như trên)... Ở đời, cảm thọ sanh lên do nhãn xúc ...(như trên)... Ở đời, cảm thọ sanh lên do ý xúc ...(như trên)... Ở đời, sắc tưởng ...(như trên)... Ở đời, pháp tưởng ...(như trên)... Ở đời, sắc tư ...(như trên)... Ở đời, pháp tư ...(như trên)... Ở đời, sắc ái ...(như trên)... Ở đời, pháp ái ...(như trên)... Ở đời, sắc tầm ...(như trên)... Ở đời, pháp tầm ...(như trên)... Ở đời, sắc tứ ...(như trên)... Ở đời, pháp tứ là vật được yêu thích, là vật đem lại sảng khoái, ái ấy khi sanh lên thì sanh lên ở nơi ấy, khi trụ lại thì trụ lại ở nơi ấy. Điều này được gọi là chân lý cao thượng về nhân sanh Khổ.
Phần giải thích ‘Chân lý về Nhân Sanh (Khổ).’
Ở đây, chân lý cao thượng về sự diệt tận Khổ là (có ý nghĩa) thế nào?
Là sự ly tham ái và sự diệt tận hoàn toàn, là sự xả bỏ, là sự từ bỏ, là sự thoát khỏi, là sự không dính líu đối với chính ái ấy. Vậy ái ấy khi được dứt bỏ thì được dứt bỏ ở đâu? Khi được diệt tận thì được diệt tận ở đâu? Ở đời, vật nào được yêu thích vật nào đem lại sảng khoái, ái ấy khi được dứt bỏ thì được dứt bỏ ở nơi ấy, khi được diệt tận thì được diệt tận ở nơi ấy.
Vậy ở đời, vật được yêu thích vật đem lại sảng khoái là gì? Ở đời, mắt là vật được yêu thích, là vật đem lại sảng khoái, ái ấy khi được dứt bỏ thì được dứt bỏ ở nơi ấy, khi được diệt tận thì được diệt tận ở nơi ấy. ...(như trên)... Ở đời, pháp tứ là vật được yêu thích, là vật đem lại sảng khoái, ái ấy khi được dứt bỏ thì được dứt bỏ ở nơi ấy, khi được diệt tận thì được diệt tận ở nơi ấy. Điều này được gọi là chân lý cao thượng về sự diệt tận Khổ.
Phần giải thích ‘Chân lý về Nhân Sanh (Khổ).’
Ở đây, chân lý cao thượng về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ là (có ý nghĩa) thế nào?
Điều này chính là Thánh Đạo tám chi phần, tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
Ở đây, chánh kiến là (có ý nghĩa) thế nào? Là trí về Khổ, trí về nhân sanh Khổ, trí về sự diệt tận Khổ, trí về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ; điều này được gọi là chánh kiến.
Ở đây, chánh tư duy là (có ý nghĩa) thế nào? Là tư duy về sự thoát ly, tư duy về không sân độc, tư duy về không hãm hại; điều này được gọi là chánh tư duy.
Ở đây, chánh ngữ là (có ý nghĩa) thế nào? Là sự ngăn ngừa việc nói láo, sự ngăn ngừa việc nói đâm thọc, sự ngăn ngừa việc nói độc ác, sự ngăn ngừa việc nói nhảm nhí; điều này được gọi là chánh ngữ.
Ở đây, chánh nghiệp là (có ý nghĩa) thế nào? Là sự ngăn ngừa việc giết hại mạng sống, sự ngăn ngừa việc trộm cắp, sự ngăn ngừa hành động sai trái trong các dục; điều này được gọi là chánh nghiệp.
Ở đây, chánh mạng là (có ý nghĩa) thế nào? Trong Giáo Pháp này, vị đệ tử Phật dứt bỏ sự nuôi mạng sai trái và duy trì mạng sống bằng sự nuôi mạng chân chánh; điều này được gọi là chánh mạng.
Ở đây, chánh tinh tấn là (có ý nghĩa) thế nào? Vị tỳ khưu trong Giáo Pháp này khởi lên ước muốn về việc không làm sanh khởi của các ác bất thiện pháp chưa được sanh khởi, (vị ấy) cần mẫn, khởi sự tinh tấn, quyết tâm, nỗ lực, khởi lên ước muốn về việc dứt bỏ các ác bất thiện pháp đã được sanh khởi ...(như trên) ..., khởi lên ước muốn về việc làm sanh khởi các thiện pháp chưa được sanh khởi ...(như trên) ..., khởi lên ước muốn về việc duy trì, về sự không tiêu hoại, về tình trạng tăng trưởng, về sự lớn mạnh, về sự phát triển, về sự toàn vẹn của các thiện pháp đã được sanh khởi, (vị ấy) cần mẫn, khởi sự tinh tấn, quyết tâm, nỗ lực; điều này được gọi là chánh tinh tấn.
Ở đây, chánh niệm là (có ý nghĩa) thế nào? Vị tỳ khưu trong Giáo Pháp này sống có sự quán xét thân trên thân, với nhiệt tâm, tỉnh giác, có niệm, (vị ấy) có thể chế ngự tham đắm và ưu phiền ở chính bản thân. ... có sự quán xét thọ trên các thọ, ... có sự quán xét tâm trên tâm, ... có sự quán xét pháp trên các pháp, với nhiệt tâm, tỉnh giác, có niệm, (vị ấy) có thể chế ngự tham đắm và ưu phiền ở chính bản thân; điều này được gọi là chánh niệm.
Ở đây, chánh định là (có ý nghĩa) thế nào? Vị tỳ khưu trong Giáo Pháp này ngay sau khi tách ly các dục, tách ly các bất thiện pháp, (vị ấy) đạt đến và an trú sơ thiền có tầm có tứ có hỷ lạc sanh lên do sự tách ly; do sự vắng lặng của tầm và tứ, (vị ấy) đạt đến và an trú nhị thiền với nội phần tĩnh lặng, có trạng thái nhất tâm, không tầm không tứ, có hỷ lạc sanh lên do định; ly hỷ và ly tham ái (không còn tham muốn ở hỷ), (vị ấy) an trú xả, có niệm và tỉnh giác, và (vị ấy) cảm nhận lạc bằng thân, các bậc Thánh gọi điều ấy là: ‘Có xả, có niệm, trú vào lạc,’ (vị ấy) đạt đến và an trú tam thiền ấy; do sự dứt bỏ lạc và do sự dứt bỏ khổ, do sự biến mất của hỷ và ưu ngay trước đây, (vị ấy) đạt đến và an trú tứ thiền không khổ không lạc, có sự thanh tịnh của xả và niệm; điều này được gọi là chánh định. Điều này được gọi là chân lý cao thượng về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.
Phần giải thích ‘Chân lý về Đạo.’
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Đây là chân lý cao thượng về Khổ, đây là chân lý cao thượng về nhân sanh Khổ, đây là chân lý cao thượng về sự diệt tận Khổ, đây là chân lý cao thượng về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ,’ tuệ do sự nhận biết điều ấy là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.”
Tuệ về sự ghi nhận ở tai là trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe là (có ý nghĩa) như thế.
Phần giải thích về ‘Bốn Chân Lý.’
Phần giải thích ‘Trí về yếu tố tạo thành điều đã được nghe.’
--ooOoo--
[1] tattha attho ’ti saṅkhepato hetuphalaṃ (PṭsA. 1, 3) = Trong trường hợp ấy, ‘ý nghĩa’ nói gọn lại là nhân quả.
[2] dhammo ’ti saṅkhepato paccayo (Sđd.) = ‘Pháp’ nói gọn lại là duyên.
[3] Abhijānāti: biết rõ, (thắng tri); parijānāti: biết toàn diện, (biến tri); sañjānāti: nhận biết (của tưởng), (tưởng tri), pajānāti: nhận biết (của tuệ), (tuệ tri); vijānāti: nhận biết (của thức). Các từ trong ngoặc đơn: thắng tri, biến tri, tưởng tri, tuệ tri, là từ dịch của HT. Minh Châu. Các nghĩa dịch trên đây chỉ có giá trị tương đối, muốn hiểu rõ hơn về các từ này cần nắm vững nghĩa của các tiếp đầu ngữ (upasagga): abhi, pari, saṃ, pa, vi, đồng thời cần phải xem xét các ngữ cảnh có liên quan nữa.
[4] Năm yếu tố đưa đến giải thoát (pañca vimuttāyatanāni): được giải thích ở PṭsA. tập 1 (69-70). HT. Minh Châu dịch là ‘năm giải thoát xứ,’ xin xem Kinh Phúng Tụng (Saṅgītisuttaṃ), Trường Bộ III.
[5] Sáu điều tối thượng (cha anuttariyāni): được giải thích ở PṭsA. tập 1 (70-73). HT. Minh Châu dịch là ‘sáu vô thượng: kiến vô thượng, văn vô thượng, lợi đắc vô thượng, học giới vô thượng, hành vô thượng, ức niệm vô thượng,’ xin xem Kinh Phúng Tụng (Saṅgītisuttaṃ), Trường Bộ III.
[6] Bảy sự việc không hạn chế (satta niddasavatthūni): được giải thích ở PṭsA. tập 1 (73-74). HT. Minh Châu dịch là ‘bảy thù diệu sự,’ xin xem Kinh Phúng Tụng (Saṅgītisuttaṃ), Trường Bộ III.
[7] Chín an trú theo tuần tự (nava anupubbavihārā): là sự tuần tự an trú vào tám tầng định và diệt thọ tưởng định là thứ chín (PṭsA. 1, 75-76). HT. Minh Châu dịch là ‘chín thứ đệ trú,’ xin xem Kinh Phúng Tụng (Saṅgītisuttaṃ), Trường Bộ III.
[8] Mười sự việc làm thoái hóa (dasa nijjaravatthūni): liên quan đến tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định, tà trí, tà giải thoát (PṭsA. 1, 76-77). HT. Minh Châu dịch là ‘mười đoạn tận sự,’ xin xem Kinh Thập Thượng (Dasuttarasuttaṃ), Trường Bộ III.
[9] Sắc tưởng (rūpasaññā): hồi tưởng lại, nhớ lại cảnh sắc đã thấy.
[10] Sắc tư (rūpacetanā): ý muốn, ước muốn, quyết tâm lúc nhìn cảnh sắc (ND).
[11] Sắc ái (rūpataṇhā): ái luyến, khao khát cảnh sắc (ND).
[12] Sắc tầm (rūpavitakka): hướng tâm, đưa tâm đến cảnh sắc (ND).
[13] Sắc tứ (rūpavicāra): quan sát, khắn khít vào cảnh sắc (ND).
[14] Vị tri quyền (anaññātaññassāmītindriya = khả năng về “Tôi sẽ biết điều chưa được biết”) tức là trí tuệ đưa đến việc thấy được Niết Bàn lần đầu tiên của đạo Nhập Lưu (ND).
[15] Dĩ tri quyền (aññindriya = khả năng về điều đã được biết) tức là trí tuệ biết được Niết Bàn các lần sau từ quả Nhập Lưu cho đến đạo A-la-hán (ND).
[16] Cụ tri quyền (aññātāvindriya = khả năng có điều đã được biết) tức là trí tuệ giác ngộ hoàn toàn của quả A-la-hán (ND).
[17] Sự không vượt trội lẫn nhau giữa chỉ tịnh và minh sát (PṭsA. 1, 94).
[18] bujjhana, anubujjhana, paṭibujjhana, sambujjhana là bốn từ Pāḷi được dịch chung với một từ Việt là “sự được giác ngộ.”
[19] bodhana, anubodhana, paṭibodhana, sambodhana là bốn từ Pāḷi được dịch chung với một từ Việt là “sự làm cho giác ngộ.”
[20] bodhipakkhiya, anubodhipakkhiya, paṭibodhipakkhiya, sambodhipakkhiya là bốn từ Pāḷi được dịch chung với một từ Việt là “dự phần làm cho giác ngộ.”
[21] jotana, anujotana, paṭijotana, samjotana là bốn từ Pāḷi của “sự phát quang.”
[22] Chanda: sự ước muốn, động lực thúc đẩy, thuộc về tứ như ý túc: dục, cần, tâm, thẩm được trình bày kế tiếp (ND).
[23] Ba thọ (tisso vedanā) là thọ lạc, thọ khổ, thọ không khổ không lạc (PṭsA. 1, 109).
[24] Bốn loại vật thực (cattāro āhārā): được giải thích ở PṭsA. tập 1 (109). HT. Minh Châu dịch là ‘tứ thực: đoàn thực, xúc thực, tư niệm thực, thức thực,’ Kinh Phúng Tụng (Saṅgītisuttaṃ), Trường Bộ III.
[25] Năm thủ uẩn (pañcupādānakkhandhā): sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn (PṭsA. 1, 110).
[26] Sáu nội xứ (cha ajjhattikāni āyatanāni): nhãn xứ, nhĩ xứ, tỷ xứ, thiệt xứ, thân xứ, và ý xứ (PṭsA. 1, 110).
[27] Bảy trụ xứ của thức (viññāṇaṭṭhitiyo): được giải thích ở PṭsA. tập 1 (110-113). HT. Minh Châu dịch là ‘bảy thức trú,’ xem Kinh Phúng Tụng (Saṅgītisuttaṃ), Trường Bộ III.
[28] Tám pháp thế gian (lokadhammā): là lợi lộc, không lợi lộc, danh vọng, không danh vọng, chê, khen, sướng, khổ (PṭsA. 1, 113).
[29] Chín trú xứ của chúng sinh (sattāvāsā): được giải thích ở PṭsA. tập 1 (113-114). HT. Minh Châu dịch là ‘chín hữu tình trú,’ xem Kinh Thập Thượng (Dasuttarasuttaṃ), Trường Bộ III.
[30] Mười xứ (āyatanāni): là nhãn xứ, sắc xứ, nhĩ xứ, thinh xứ, tỷ xứ, khí xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ (PṭsA. 1, 114).
[31] Bốn pháp cuốn trôi (cattāro oghā): là tứ bộc gồm có dục bộc, hữu bộc, kiến bộc, vô minh bộc (PṭsA. 1, 117).
[32] Năm pháp ngăn che (pañca nīvaraṇāni): là năm triền cái gồm có tham dục, sân độc, hôn trầm, hoài nghi, phóng dật (PṭsA. 1, 117-118).
[33] Sáu nhóm ái (cha taṇhākāyā): sắc ái, thinh ái, khí ái, vị ái, xúc ái, pháp ái (PṭsA. 1, 118).
[34] Bảy pháp ngủ ngầm (sattānusayā): là thất tiềm miên gồm có ái dục ngủ ngầm, bất bình ngủ ngầm, ngã mạn ngủ ngầm, tà kiến ngủ ngầm, hoài nghi ngủ ngầm, ái hữu ngủ ngầm, vô minh ngủ ngầm (PṭsA. 1, 118).
[35] Tám tính chất sai trái (aṭṭha micchattā): gồm có tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm, tà định (PṭsA. 1, 118).
[36] Chín pháp có nguồn cội là ái (nava taṇhā mūlakā): được giải thích ở PṭsA. tập 1 (118-120). HT. Minh Châu dịch là ‘chín ái căn pháp,’ xin xem Kinh Thập Thượng (Dasuttarasuttaṃ), Trường Bộ III.
[37] Tám tính chất sai trái ở trên được thêm vào tà trí và tà giải thoát (PṭsA. 1, 120).
[38] Ba định (tayo samādhī): định có tầm có tứ, định không tầm có tứ, và định không tầm không tứ (PṭsA. 1, 125).
[39] Sáu tùy niệm xứ (cha anussatiṭṭhānāni): tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp, tùy niệm Tăng, tùy niệm giới, tùy niệm thí, tùy niệm thiên (PṭsA. 1, 126). HT. Minh Châu dịch là ‘sáu niệm xứ,’ xin xem Kinh Phúng Tụng (Saṅgītisuttaṃ), Trường Bộ III.
[40] Chín chi phần nỗ lực thanh tịnh (nava pārisuddhi-padhāniyaṅgāni): được giải thích ở PṭsA. tập 1 (127-128). HT. Minh Châu dịch là ‘chín thanh tịnh cần chi: giới hạnh thanh tịnh thanh tịnh cần chi, tâm thanh tịnh thanh tịnh cần chi, kiến thanh tịnh thanh tịnh cần chi, đoạn nghi thanh tịnh thanh tịnh cần chi, đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh thanh tịnh cần chi, tri kiến thanh tịnh thanh tịnh cần chi, tuệ thanh tịnh thanh tịnh cần chi, giải thoát thanh tịnh thanh tịnh cần chi,’ xin xem Kinh Thập Thượng (Dasuttarasuttaṃ), Trường Bộ III.
[41] Mười nền tảng của đề mục thiền (dasa kasiṇāyatanāni): đất, nước, lửa, gió, xanh, vàng, đỏ, trắng, hư không, ánh sáng (PṭsA. 1, 128-129). HT. Minh Châu dịch là ‘mười biến xứ,’ xin xem Kinh Thập Thượng (Dasuttarasuttaṃ), Trường Bộ III.
[42] Xin tham khảo Kinh Thập Thượng (Dasuttarasuttaṃ), Trưởng Bộ III.
[43] Ba minh (tisso vijjā): là trí nhớ về các kiếp sống trước là minh, trí về sự chết và tái sanh của chúng sanh là minh, trí về sự đoạn tận các lậu hoặc là minh (PṭsA. 1, 135).
[44] Bốn quả vị của Sa-môn (cattāri sāmaññaphalāni): là Quả Nhập Lưu, quả Nhất Lai, Quả Bất Lai, và Quả A-la-hán (PṭsA. 1, 135).
[45] Năm pháp uẩn (pañca dhammakkhandhā): là giới uẩn, định uẩn, tuệ uẩn, giải thoát uẩn, và tri kiến giải thoát uẩn (PṭsA. 1, 135-136).
[46] Sáu thắng trí (cha abhiññā): là trí về các thể loại thần thông, trí về thiên nhĩ, trí nhớ về các kiếp sống trước, trí biết được tâm của người khác, trí về thiên nhãn, trí về sự đoạn tận các lậu hoặc (PṭsA. 1, 136).
[47] Bảy lực của bậc Lậu Tận (satta khīṇāsavabalāni): được giải thích ở PṭsA. tập 1 (136-137). HT. Minh Châu dịch là ‘bảy lậu tận lực,’ xin xem ‘bảy pháp cần được tác chứng’ ở Kinh Thập Thượng (Dasuttarasuttaṃ), Trường Bộ III.
[48] Tám giải thoát (aṭṭha vimokkhā): được giải thích ở PṭsA. tập 1 (137). HT. Minh Châu dịch là ‘tám giải thoát,’ xin xem ‘tám pháp cần được chứng ngộ’ ở Kinh Thập Thượng (Dasuttarasuttaṃ), Trường Bộ III.
[49] Chín sự diệt tận theo tuần tự (nava anupubbanirodhā): là chín sự diệt tận các pháp theo tuần tự do việc chứng đắc tám tầng định và diệt thọ tưởng định là thứ chín (PṭsA. 1, 137-138). HT. Minh Châu dịch là ‘chín thứ đệ diệt,’ xin xem Kinh Phúng Tụng (Saṅgītisuttaṃ), Trường Bộ III.
[50] Mười pháp của bậc Vô Học (dasa asekkhā dhammā): được giải thích ở PṭsA. tập 1 (138). HT. Minh Châu dịch là ‘mười pháp vô học’ gồm có: vô học chánh tri kiến, vô học chánh tư duy, vô học chánh ngữ, vô học chánh nghiệp, vô học chánh mạng, vô học chánh tinh tấn, vô học chánh niệm, vô học chánh định, vô học chánh trí, vô học chánh giải thoát.
[51] Xem Kinh Phân Biệt về Sự Thật (Saccavibhaṅgasutta), bài kinh số 141, Trung Bộ Kinh III.
[52] Dục ái (kāmataṇhā) là sự ham thích về năm loại ngũ dục. Hữu ái, (bhavataṇhā) là ái đi cùng với thường kiến, là sự ham thích về cõi sắc giới và vô sắc giới. Và phi hữu ái (vibhavataṇhā) là ái đi cùng với đoạn kiến (PṭsA. 1, 158).
Sau khi đã nghe, tuệ về sự thu thúc là trí về yếu tố tạo thành giới là (có ý nghĩa) thế nào?
Có năm loại giới: giới có sự thanh tịnh giới hạn, giới có sự thanh tịnh không giới hạn, giới có sự thanh tịnh toàn vẹn, giới có sự thanh tịnh chưa được tuyệt đối, giới có sự thanh tịnh tĩnh lặng.
Ở đây, giới có sự thanh tịnh giới hạn là thế nào? Là đối với các điều học đã được giới hạn của những người chưa tu lên bậc trên; đây là giới có sự thanh tịnh giới hạn.
Giới có sự thanh tịnh không giới hạn là thế nào? Là đối với các điều học không được giới hạn của những người đã tu lên bậc trên; đây là giới có sự thanh tịnh không giới hạn.
Giới có sự thanh tịnh toàn vẹn là thế nào? Là của các phàm nhân hoàn thiện, gắn bó với các thiện pháp, có sự thực hành đầy đủ các phần đã được giới hạn dành cho bậc hữu học, không xem trọng thân thể và sanh mạng, có mạng sống đã được buông bỏ; đây là giới có sự thanh tịnh toàn vẹn.
Giới có sự thanh tịnh chưa tuyệt đối là thế nào? Là của bảy hạng hữu học; đây là giới có sự thanh tịnh chưa tuyệt đối.
Giới có sự thanh tịnh tĩnh lặng là thế nào? Là của các vị Thinh Văn của đức Như Lai có các lậu hoặc đã được đoạn tận, của các vị Phật Độc Giác, của các đức Như Lai A-la-hán Chánh Đẳng Giác; đây là giới có sự thanh tịnh tĩnh lặng.
Có loại giới bị hạn chế, có loại giới không bị hạn chế.
Ở đây, loại giới bị hạn chế ấy là thế nào? Có loại giới bị hạn chế vì lợi, có loại giới bị hạn chế vì danh, có loại giới bị hạn chế vì thân quyến, có loại giới bị hạn chế vì chi phần (thân thể), có loại giới bị hạn chế vì mạng sống.
Giới bị hạn chế vì lợi ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân lợi, do duyên lợi, do động cơ lợi vi phạm điều học đã được thọ trì; đây chính là giới bị hạn chế vì lợi.
Giới bị hạn chế vì danh ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân danh vọng, do duyên danh vọng, do động cơ danh vọng vi phạm điều học đã được thọ trì; đây chính là giới bị hạn chế vì danh.
Giới bị hạn chế vì thân quyến ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân thân quyến, do duyên thân quyến, do động cơ thân quyến vi phạm điều học đã được thọ trì; đây chính là giới bị hạn chế vì thân quyến.
Giới bị hạn chế vì chi phần (thân thể) ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân chi phần (thân thể), do duyên chi phần (thân thể), do động cơ chi phần (thân thể) vi phạm điều học đã được thọ trì; đây chính là giới bị hạn chế vì chi phần (thân thể).
Giới bị hạn chế vì mạng sống ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân mạng sống, do duyên mạng sống, do động cơ mạng sống vi phạm điều học đã được thọ trì; đây chính là giới bị hạn chế vì mạng sống.
Các giới có hình thức như vậy là bị sứt mẻ, bị đổ vỡ, có các vết lấm, có các đốm nhơ, không làm cho giải thoát, không được bậc trí ngợi khen, bị tiêm nhiễm, không đưa đến định, không là các nền tảng cho sự không ăn năn, không là các nền tảng cho sự hân hoan, không là các nền tảng cho hỷ, không là các nền tảng cho tịnh, không là các nền tảng cho lạc, không là các nền tảng cho định, không là các nền tảng cho sự biết và thấy đúng theo thực thể, không đưa đến sự nhàm chán toàn diện, sự ly tham ái, sự diệt tận, sự an tịnh, thắng trí, sự giác ngộ hoàn toàn, Niết Bàn; đây là giới bị hạn chế ấy.
Giới không bị hạn chế ấy là thế nào? Có giới không bị hạn chế vì lợi, có giới không bị hạn chế vì danh, có giới không bị hạn chế vì thân quyến, có giới không bị hạn chế vì chi phần (thân thể), có giới không bị hạn chế vì mạng sống.
Giới không bị hạn chế vì lợi ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân lợi, do duyên lợi, do động cơ lợi vẫn không khởi tâm vi phạm điều học đã được thọ trì, vậy vị ấy sẽ vi phạm điều gì? Đây chính là giới không bị hạn chế vì lợi.
Giới không bị hạn chế vì danh ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân danh vọng, do duyên danh vọng, do động cơ danh vọng vẫn không khởi tâm vi phạm điều học đã được thọ trì, vậy vị ấy sẽ vi phạm điều gì? Đây chính là giới không bị hạn chế vì danh.
Giới không bị hạn chế vì thân quyến ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân thân quyến, do duyên thân quyến, do động cơ thân quyến vẫn không khởi tâm vi phạm điều học đã thọ trì, vậy vị ấy sẽ vi phạm điều gì? Đây chính là giới không bị hạn chế vì thân quyến.
Giới không bị hạn chế vì chi phần (thân thể) ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân chi phần (thân thể), do duyên chi phần (thân thể), do động cơ chi phần (thân thể) vẫn không khởi tâm vi phạm điều học đã được thọ trì, vậy vị ấy sẽ vi phạm điều gì? Đây chính là giới không bị hạn chế vì chi phần (thân thể).
Giới không bị hạn chế vì mạng sống ấy là thế nào? Ở đây, có người do nhân mạng sống, do duyên mạng sống, do động cơ mạng sống vẫn không khởi tâm vi phạm điều học đã được thọ trì, vậy vị ấy sẽ vi phạm điều gì? Đây chính là giới không bị hạn chế vì mạng sống.
Các giới có hình thức như vậy là không bị sứt mẻ, không bị đổ vỡ, không có các vết lấm, không có các đốm nhơ, làm cho giải thoát, được các bậc trí ngợi khen, không bị tiêm nhiễm, đưa đến định, là các nền tảng cho sự không ăn năn, là các nền tảng cho sự hân hoan, là các nền tảng cho hỷ, là các nền tảng cho tịnh, là các nền tảng cho lạc, là các nền tảng cho định, là các nền tảng cho sự biết và thấy đúng theo thực thể, đưa đến sự nhàm chán toàn diện, sự ly tham ái, sự diệt tận, sự an tịnh, thắng trí, sự giác ngộ hoàn toàn, Niết Bàn. Đây là giới không bị hạn chế ấy.
Giới là gì? Có bao nhiêu loại giới? Giới có nguồn sanh khởi là gì? Giới có sự liên kết với bao nhiêu pháp?
Giới là gì? Sự cố ý là giới, thuộc về tâm là giới, sự thu thúc là giới, sự không vi phạm là giới.
Có bao nhiêu loại giới? Có ba loại giới: thiện giới, bất thiện giới, vô ký giới.
Giới có nguồn sanh khởi là gì? Thiện giới có nguồn sanh khởi là các tâm thiện, bất thiện giới có nguồn sanh khởi là các tâm bất thiện, vô ký giới có nguồn sanh khởi là các tâm vô ký.
Giới có sự liên kết với bao nhiêu pháp? Giới có sự liên kết với sự thu thúc, giới có sự liên kết với sự không vi phạm, giới có sự liên kết với sự cố ý đã sanh lên trong trường hợp như thế.
Sự giết hại sanh mạng theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Trộm cắp theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Hành động sai trái trong các dục theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Nói láo theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Nói đâm thọc theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Nói độc ác theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Nói nhảm nhí theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Tham ác theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Sân độc theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Tà kiến theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới.
Do sự thoát ly, sự ước muốn trong các dục theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Do sự không sân độc, sự sân độc theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới. Do sự nghĩ tưởng đến ánh sáng, sự lờ đờ buồn ngủ ...(như trên)... Do sự không tản mạn, sự phóng dật ...(như trên)... Do sự xác định pháp, sự hoài nghi ...(như trên)... Do trí, vô minh ...(như trên)... Do sự hân hoan, sự không hứng thú theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới.
Do sơ thiền, các pháp ngăn che ...(như trên)... Do nhị thiền, tầm tứ ...(như trên)... Do tam thiền, hỷ ... Do tứ thiền, lạc và khổ ... Do sự chứng đạt không vô biên xứ, sự nghĩ tưởng về sắc, nghĩ tưởng về bất bình, nghĩ tưởng về sự khác biệt ... Do sự chứng đạt thức vô biên xứ, sự nghĩ tưởng về không vô biên xứ ... Do sự chứng đạt vô sở hữu xứ, sự nghĩ tưởng về thức vô biên xứ ... Do sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ, sự nghĩ tưởng về vô sở hữu xứ ...(như trên)...
Do quán xét về vô thường, sự nghĩ tưởng về thường còn ...(như trên)... Do quán xét về khổ, sự nghĩ tưởng về lạc ...(như trên)... Do quán xét về vô ngã, sự nghĩ tưởng về ngã ... Do quán xét về nhàm chán, sự vui thích ... Do quán xét về ly tham ái, tham ái ... Do quán xét về diệt tận, nhân sanh khởi ... Do quán xét về từ bỏ, sự nắm giữ ... Do quán xét về đoạn tận, sự nghĩ tưởng về sự tiếp nối ... Do quán xét về biến hoại, (nghiệp) tích lũy ... Do quán xét về chuyển biến, sự nghĩ tưởng về vững chắc ... Do quán xét về vô tướng, hiện tướng ... Do quán xét về vô nguyện, sự nguyện ước ... Do quán xét về không tánh, sự cố chấp ... Do minh sát các pháp bằng thắng tuệ, sự cố chấp trong việc chấp giữ mãnh lực (của lòng ham muốn là thường còn) ... Do quán xét về sự biết và thấy đúng theo thực thể, sự cố chấp vào sự lầm lẫn ... Do quán xét về tai hại, sự cố chấp vào sự nương tựa ... Do quán xét về phân biệt rõ, sự không phân biệt rõ ...(như trên)... Do quán xét về ly khai, sự cố chấp vào sự ràng buộc ...(như trên)...
Do Đạo Nhập Lưu, các phiền não thuần về tà kiến ...(như trên)... Do Đạo Nhất Lai, các phiền não thô thiển ... Do Đạo Bất Lai, các phiền não có tính chất vi tế ... Do Đạo A-la-hán, toàn bộ phiền não theo ý nghĩa thu thúc là giới, theo ý nghĩa không vi phạm là giới.
Năm loại giới: Đối với việc giết hại mạng sống, sự dứt bỏ là giới, sự ngăn ngừa là giới, sự cố ý là giới, sự thu thúc là giới, sự không vi phạm là giới. Các giới có hình thức như vậy đưa đến sự không ăn năn của tâm, đưa đến sự hân hoan, đưa đến hỷ, đưa đến tịnh, đưa đến tâm vui mừng, đưa đến sự rèn luyện, đưa đến sự tu tập, đưa đến hành động được sung mãn, đưa đến việc thực hiện được đầy đủ, đưa đến điều thiết yếu, đưa đến điều phụ trợ, đưa đến sự vẹn toàn, đưa đến sự nhàm chán toàn diện, đưa đến ly tham ái, đưa đến sự diệt tận, đưa đến sự an tịnh, đưa đến thắng trí, đưa đến sự giác ngộ hoàn toàn, đưa đến Niết Bàn.
Sự thanh tịnh do thu thúc đối với các giới có hình thức như vậy là thắng giới. Tâm trụ vào sự thanh tịnh do thu thúc không đi đến tản mạn, sự thanh tịnh do không tản mạn là thắng tâm. (Hành giả) nhận thấy một cách đúng đắn sự thanh tịnh do thu thúc, nhận thấy một cách đúng đắn sự thanh tịnh do không tản mạn, sự thanh tịnh trong sự nhận thấy là thắng tuệ. Ở đây, việc nào có ý nghĩa thu thúc, việc ấy là sự học tập về thắng giới. Ở đây, việc nào có ý nghĩa không tản mạn, việc ấy là sự học tập về thắng tâm. Ở đây, việc nào có ý nghĩa nhận thấy, việc ấy là sự học tập về thắng tuệ.
Trong khi hướng tâm đến ba sự học tập này, vị ấy học tập. Trong khi nhận biết, vị ấy học tập. Trong khi nhận thấy, vị ấy học tập. Trong khi quán xét lại, vị ấy học tập. Trong khi khẳng định tâm, vị ấy học tập. Trong khi hướng đến đức tin, vị ấy học tập. Trong khi ra sức tinh tấn, vị ấy học tập. Trong khi thiết lập niệm, vị ấy học tập. Trong khi tập trung tâm, vị ấy học tập. Trong khi nhận biết bởi tuệ, vị ấy học tập. Trong khi biết rõ điều cần được biết rõ, vị ấy học tập. Trong khi biết toàn diện điều cần được biết toàn diện, vị ấy học tập. Trong khi dứt bỏ điều cần được dứt bỏ, vị ấy học tập. Trong khi tu tập điều cần được tu tập, vị ấy học tập. Trong khi tác chứng điều cần được tác chứng, vị ấy học tập.
Năm loại giới: Đối với trộm cắp ...(nt)... Đối với hành động sai trái trong các dục ...(nt)... Đối với lời nói láo ... Đối với lời nói đâm thọc ... Đối với lời nói độc ác ... Đối với lời nói nhảm nhí ... Đối với tham ác ... Đối với sân độc ... Đối với tà kiến ...(như trên)...
Do sự thoát ly, đối với ước muốn trong các dục ...(như trên)... Do sự không sân độc, đối với sân độc ... Do sự nghĩ tưởng đến ánh sáng, đối với sự lờ đờ buồn ngủ ... Do sự không tản mạn, đối với sự phóng dật ... Do sự xác định pháp, đối với sự hoài nghi ... Do trí, đối với vô minh ... Do sự hân hoan, đối với sự không hứng thú ...(như trên)...
Do sơ thiền, đối với các pháp ngăn che ...(như trên)... Do nhị thiền, đối với tầm tứ ...(như trên)... Do tam thiền, đối với hỷ ... Do tứ thiền, đối với lạc và khổ ... Do sự chứng đạt không vô biên xứ, đối với sự nghĩ tưởng về sắc, nghĩ tưởng về bất bình, nghĩ tưởng về sự khác biệt ... Do sự chứng đạt thức vô biên xứ, đối với sự nghĩ tưởng về không vô biên xứ ... Do sự chứng đạt vô sở hữu xứ, đối với sự nghĩ tưởng về thức vô biên xứ ... Do sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ, đối với sự nghĩ tưởng về vô sở hữu xứ ...(như trên)...
Do quán xét về vô thường, đối với sự nghĩ tưởng về thường còn ...(như trên)... Do quán xét về khổ não, đối với sự nghĩ tưởng về lạc ... Do quán xét về vô ngã, đối với sự nghĩ tưởng về ngã ... Do quán xét về nhàm chán, đối với sự vui thích ... Do quán xét về ly tham ái, đối với tham ái ... Do quán xét về diệt tận, đối với nhân sanh khởi ... Do quán xét về từ bỏ, đối với sự nắm giữ ... Do quán xét về đoạn tận, đối với sự nghĩ tưởng về sự tiếp nối ... Do quán xét về biến hoại, đối với (nghiệp) tích lũy ... Do quán xét về chuyển biến, đối với sự nghĩ tưởng về sự vững chắc ... Do quán xét về vô tướng, đối với hiện tướng ... Do quán xét về vô nguyện, đối với sự nguyện ước ... Do quán xét về không tánh, đối với sự cố chấp ... Do minh sát các pháp bằng thắng tuệ, đối với sự cố chấp trong việc chấp giữ mãnh lực (của lòng ham muốn là thường còn) ... Do quán xét về sự biết và thấy đúng theo thực thể, đối với cố chấp vào sự lầm lẫn ... Do quán xét về tai hại, đối với sự cố chấp vào sự nương tựa ... Do quán xét về phân biệt rõ, đối với sự không phân biệt rõ ... Do quán xét về ly khai, đối với sự cố chấp vào sự ràng buộc ...(như trên)...
Do đạo Nhập Lưu, đối với các phiền não thuần về tà kiến ...(nt)... Do Đạo Nhất Lai, đối với các phiền não thô thiển ...(nt)... Do Đạo Bất Lai, đối với các phiền não có tính chất vi tế ...(nt)... Do Đạo A-la-hán, đối với toàn bộ phiền não sự dứt bỏ là giới, sự ngăn ngừa là giới, sự cố ý là giới, sự thu thúc là giới, sự không vi phạm là giới. Các giới có hình thức như vậy đưa đến sự không ăn năn, đưa đến sự hân hoan, đưa đến hỷ, đưa đến tịnh, đưa đến tâm vui mừng, đưa đến sự rèn luyện, đưa đến sự tu tập, đưa đến hành động được sung mãn, đưa đến việc thực hiện được đầy đủ, đưa đến điều thiết yếu, đưa đến điều phụ trợ, đưa đến sự vẹn toàn, đưa đến sự nhàm chán toàn diện, đưa đến ly tham ái, đưa đến sự diệt tận, đưa đến sự an tịnh, đưa đến thắng trí, đưa đến sự giác ngộ hoàn toàn, đưa đến Niết Bàn.
Đối với các giới có hình thức như vậy, sự thanh tịnh do thu thúc là thắng giới. Tâm đã được trụ vào sự thanh tịnh do thu thúc không đi đến tản mạn, sự thanh tịnh do không tản mạn là thắng tâm. (Hành giả) nhận thấy một cách đúng đắn sự thanh tịnh do thu thúc, nhận thấy một cách đúng đắn sự thanh tịnh do không tản mạn, sự thanh tịnh trong sự nhận thấy là thắng tuệ. Ở đây, việc nào có ý nghĩa thu thúc, việc ấy là sự học tập về thắng giới. Ở đây, việc nào có ý nghĩa không tản mạn, việc ấy là sự học tập về thắng tâm. Ở đây, việc nào có ý nghĩa nhận thấy, việc ấy là sự học tập về thắng tuệ.
Trong khi hướng tâm đến ba sự học tập này, vị ấy học tập. Trong khi nhận biết, vị ấy học tập. Trong khi nhận thấy, ... Trong khi quán xét lại, ... Trong khi khẳng định tâm, ... Trong khi hướng đến đức tin, ... Trong khi ra sức tinh tấn, ... Trong khi thiết lập niệm, ... Trong khi tập trung tâm, ... Trong khi nhận biết bởi tuệ, ... Trong khi biết rõ điều cần được biết rõ, ... Trong khi biết toàn diện điều cần được biết toàn diện, ... Trong khi dứt bỏ điều cần được dứt bỏ, ... Trong khi tác chứng điều cần được tác chứng, vị ấy học tập. Trong khi tu tập điều cần được tu tập, vị ấy học tập.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Sau khi đã nghe, tuệ về sự thu thúc là trí về yếu tố tạo thành giới.”
Phần giải thích ‘Trí về yếu tố tạo thành giới.’
Sau khi đã thu thúc, tuệ về sự tập trung là trí về yếu tố tạo thành việc tu tập định là (có ý nghĩa) thế nào?
Một loại định: là trạng thái chuyên nhất của tâm.
Hai loại định: là định thuộc thế gian và định vượt trên thế gian.
Ba loại định: là định có tầm có tứ, định không tầm có tứ, định không tầm không tứ.
Bốn loại định: là định đưa đến sự từ bỏ, định đưa đến bền vững, định đưa đến thù thắng, định đưa đến thấu triệt.
Năm loại định: là trạng thái lan tỏa của hỷ, trạng thái lan tỏa của lạc, trạng thái lan tỏa của xả, trạng thái lan tỏa của ánh sáng, hiện tướng của sự quán xét lại.
Sáu loại định: là định có sự không tản mạn và có trạng thái chuyên nhất của tâm do năng lực của việc tưởng niệm đến (ân đức) Phật, định có sự không tản mạn và có trạng thái chuyên nhất của tâm do năng lực của việc tưởng niệm đến (ân đức) Pháp, định có sự không tản mạn và có trạng thái chuyên nhất của tâm do năng lực của việc tưởng niệm đến (ân đức) Tăng, định có sự không tản mạn và có trạng thái chuyên nhất của tâm do năng lực của việc tưởng niệm đến (đức tính của) giới, định có sự không tản mạn và có trạng thái chuyên nhất của tâm do năng lực của việc tưởng niệm đến (đức tính của) sự xả bỏ, định có sự không tản mạn và có trạng thái chuyên nhất của tâm do năng lực của việc tưởng niệm đến (đức tính của) chư thiên.
Bảy loại định: là thiện xảo trong định, thiện xảo trong việc thể nhập định, thiện xảo trong việc duy trì định, thiện xảo trong việc ra khỏi định, thiện xảo về thể chất của định, thiện xảo về hành xứ của định, thiện xảo về sự quả quyết của định.
Tám loại định: là định có sự không tản mạn và có trạng thái chuyên nhất của tâm do năng lực của đề mục đất, ... do năng lực của đề mục nước, ... do năng lực của đề mục lửa, ... do năng lực của đề mục gió, ... do năng lực của đề mục xanh, ... do năng lực của đề mục vàng, ... do năng lực của đề mục đỏ, ... do năng lực của đề mục trắng.
Chín loại định: là định sắc giới có hạng thấp kém, có hạng trung bình, có hạng cao quý, định vô sắc giới có hạng thấp kém, có hạng trung bình, có hạng cao quý, không tánh định, vô tướng định, vô nguyện định.
Mười loại định: là định có sự không tản mạn và có trạng thái chuyên nhất của tâm do năng lực của tưởng về sự sình trương (của xác chết), ... do năng lực của tưởng về sự đổi màu xanh (của xác chết), ... do năng lực của tưởng về sự chảy nước vàng (của xác chết), ... do năng lực của tưởng về sự nứt nẻ (của xác chết), ... do năng lực của tưởng về sự bị (thú) gặm nhắm (của xác chết), ... do năng lực của tưởng về sự bị hoại rã (của xác chết), ... do năng lực của tưởng về sự bị cắt đứt lìa (của xác chết), ... do năng lực của tưởng về máu me (của xác chết), ... do năng lực của tưởng về giòi bọ (của xác chết), định có sự không tản mạn và có trạng thái chuyên nhất của tâm do năng lực của tưởng về bộ xương khô (của xác chết).
Đây là năm mươi lăm loại định.
Hơn nữa, còn có hai mươi lăm ý nghĩa về định của định: định theo ý nghĩa gìn giữ, định theo ý nghĩa phụ trợ, định theo ý nghĩa hoàn bị, định theo ý nghĩa chuyên nhất, định theo ý nghĩa không tản mạn, định theo ý nghĩa ra sức, định theo ý nghĩa không tán loạn, định theo ý nghĩa không xao động, định theo ý nghĩa không loạn động, định theo ý nghĩa giải thoát, định có sự trụ vững của tâm do năng lực thiết lập tính nhất thể, ‘tầm cầu sự thuần chủng’ là định, ‘không tầm cầu sự không thuần chủng’ là định, trạng thái đã tầm cầu sự thuần chủng là định, trạng thái đã không tầm cầu sự không thuần chủng là định, ‘nắm giữ sự thuần chủng’ là định, ‘không nắm giữ sự không thuần chủng’ là định, trạng thái đã nắm giữ sự thuần chủng là định, trạng thái đã không nắm giữ sự không thuần chủng là định, ‘thực hành sự thuần chủng’ là định, ‘không thực hành sự không thuần chủng’ là định, trạng thái đã thực hành sự thuần chủng là định, trạng thái đã không thực hành sự không thuần chủng là định, ‘tham thiền sự thuần chủng’ là định, ‘làm cho thiêu đốt sự không thuần chủng’ là định, trạng thái đã tham thiền sự thuần chủng là định, trạng thái đã làm cho thiêu đốt sự không thuần chủng là định. Đây là hai mươi lăm ý nghĩa về định của định.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Sau khi đã thu thúc, tuệ về sự tập trung là trí về yếu tố tạo thành việc tu tập định.”
Phần giải thích ‘Trí về yếu tố tạo thành việc tu tập định.’
Tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp là (có ý nghĩa) thế nào?
‘Đối với các hành, vô minh là sự hiện diện của sự sanh lên, là sự hiện diện của sự vận hành, là sự hiện diện của hiện tướng, là sự hiện diện của (nghiệp) tích lũy, là sự hiện diện của sự ràng buộc, là sự hiện diện của sự vướng bận, là sự hiện diện của sự sanh khởi, là sự hiện diện của nhân, và là sự hiện diện của duyên. Do chín biểu hiện này, vô minh là duyên, các hành được sanh lên do duyên, luôn cả hai pháp này được sanh lên do duyên;’ tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp là vậy.
‘Ngay cả trong thời quá khứ, ngay cả trong thời vị lai, đối với các hành, vô minh là sự hiện diện của sự sanh lên, là sự hiện diện của sự vận hành, là sự hiện diện của hiện tướng, là sự hiện diện của (nghiệp) tích lũy, là sự hiện diện của sự ràng buộc, là sự hiện diện của sự vướng bận, là sự hiện diện của sự sanh khởi, là sự hiện diện của nhân, và là sự hiện diện của duyên. Do chín biểu hiện này, vô minh là duyên, các hành được sanh lên do duyên, luôn cả hai pháp này được sanh lên do duyên;’ tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp là vậy.
‘Đối với thức, các hành ...(nt)... Đối với danh sắc, thức ...(nt)... Đối với sáu xứ, danh sắc ...(nt)... Đối với xúc, sáu xứ ...(nt)... Đối với thọ, xúc ...(nt)... Đối với ái, thọ ...(nt)... Đối với thủ, ái ...(nt)... Đối với hữu, thủ ...(nt)... Đối với sanh, hữu ...(nt)... Đối với lão tử, sanh là sự hiện diện của sự sanh lên, là sự hiện diện của sự vận hành, là sự hiện diện của hiện tướng, là sự hiện diện của (nghiệp) tích lũy, là sự hiện diện của sự ràng buộc, là sự hiện diện của sự vướng bận, là sự hiện diện của sự sanh khởi, là sự hiện diện của nhân, và là sự hiện diện của duyên. Do chín biểu hiện này, sanh là duyên, lão tử được sanh lên do duyên, luôn cả hai pháp này được sanh lên do duyên;’ tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp là vậy.
‘Ngay cả trong thời quá khứ, ngay cả trong thời vị lai, đối với các hành, sanh là sự hiện diện của sự sanh lên, là sự hiện diện của sự vận hành, là sự hiện diện của hiện tướng, là sự hiện diện của (nghiệp) tích lũy, là sự hiện diện của sự ràng buộc, là sự hiện diện của sự vướng bận, là sự hiện diện của sự sanh khởi, là sự hiện diện của nhân, và là sự hiện diện của duyên. Do chín biểu hiện này, sanh là duyên, lão tử được sanh lên do duyên, luôn cả hai pháp này được sanh lên do duyên,’ tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp là vậy.
‘Vô minh là nhân, các hành được sanh lên do nhân, luôn cả hai pháp này được sanh lên do nhân;’ tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp là vậy. ‘Ngay cả trong thời quá khứ, ngay cả trong thời vị lai, vô minh là nhân, các hành được sanh lên do nhân, luôn cả hai pháp này được sanh lên do nhân;’ tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp là vậy.
‘Các hành là nhân, thức được sanh lên do nhân, ... ‘Thức là nhân, danh sắc được sanh lên do nhân, ... ‘Danh sắc là nhân, sáu xứ được sanh lên do nhân, ... ‘Sáu xứ là nhân, xúc được sanh lên do nhân, ... ‘Xúc là nhân, thọ được sanh lên do nhân, ... ‘Thọ là nhân, ái được sanh lên do nhân, ... ‘Ái là nhân, thủ được sanh lên do nhân, ... ‘Thủ là nhân, hữu được sanh lên do nhân, ... ‘Hữu là nhân, sanh được sanh lên do nhân, ... ‘Sanh là nhân, lão tử được sanh lên do nhân, luôn cả hai pháp này được sanh lên do nhân;’ tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp là vậy. ‘Ngay cả trong thời quá khứ, ngay cả trong thời vị lai, sanh là nhân, lão tử được sanh lên do nhân, luôn cả hai pháp này được sanh lên do nhân;’ tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp là vậy.
‘Tùy thuận vô minh, các hành được tùy thuận sanh lên, luôn cả hai pháp này được tùy thuận sanh lên;’ tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp là vậy. ‘Ngay cả trong thời quá khứ, ngay cả trong thời vị lai, tùy thuận vô minh, các hành được tùy thuận sanh lên, luôn cả hai pháp này được tùy thuận sanh lên;’ tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp là vậy.
‘Tùy thuận các hành, thức được tùy thuận sanh lên ...(như trên)... ‘Tùy thuận thức, danh sắc được tùy thuận sanh lên, ...(như trên)... ‘Tùy thuận danh sắc, sáu xứ được tùy thuận sanh lên, ...(như trên)... ‘Tùy thuận sáu xứ, xúc được tùy thuận sanh lên, ...(như trên)... ‘Tùy thuận xúc, thọ được tùy thuận sanh lên, ...(như trên)... ‘Tùy thuận thọ, ái được tùy thuận sanh lên, ...(như trên)... ‘Tùy thuận ái, thủ được tùy thuận sanh lên, ...(như trên)... ‘Tùy thuận thủ, hữu được tùy thuận sanh lên, ...(như trên)... ‘Tùy thuận hữu, sanh được tùy thuận sanh lên, ...(như trên)... ‘Tùy thuận sanh, lão tử được tùy thuận sanh lên, luôn cả hai pháp này được tùy thuận sanh lên;’ tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp là vậy. ‘Ngay cả trong thời quá khứ, ngay cả trong thời vị lai, tùy thuận sanh, lão tử được tùy thuận sanh lên, luôn cả hai pháp này được tùy thuận sanh lên;’ tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp là vậy.
‘Vô minh là duyên, các hành được sanh lên do duyên, luôn cả hai pháp này được sanh lên do duyên;’ tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp là vậy. ‘Ngay cả trong thời quá khứ, ngay cả trong thời vị lai, vô minh là duyên, các hành được sanh lên do duyên, luôn cả hai pháp này được sanh lên do duyên;’ tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp là vậy.
‘Các hành là duyên, thức được sanh lên do duyên. ...(như trên)... ‘Thức là duyên, danh sắc được sanh lên do duyên. ...(như trên)... ‘Danh sắc là duyên, sáu xứ được sanh lên do duyên. ...(như trên)... ‘Sáu xứ là duyên, xúc được sanh lên do duyên. ...(như trên)... ‘Xúc là duyên, thọ được sanh lên do duyên. ...(như trên)... ‘Thọ là duyên, ái được sanh lên do duyên. ...(như trên)... ‘Ái là duyên, thủ được sanh lên do duyên. ...(như trên)... ‘Thủ là duyên, hữu được sanh lên do duyên. ...(như trên)... ‘Hữu là duyên, sanh được sanh lên do duyên. ...(như trên)... ‘Sanh là duyên, lão tử được sanh lên do duyên, luôn cả hai pháp này được sanh lên do duyên;’ tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp là vậy. ‘Ngay cả trong thời quá khứ, ngay cả trong thời vị lai, sanh là duyên, lão tử được sanh lên do duyên, luôn cả hai pháp này được sanh lên do duyên;’ tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp là vậy.
Về sự hiện hữu ở nghiệp quá khứ, si là vô minh, (nghiệp) tích lũy là các hành, sự ham thích là ái, sự đạt đến là thủ, sự cố ý là hữu; năm pháp này hiện diện ở nghiệp quá khứ (và) là duyên cho sự tái sanh ở thời hiện tại.
Trong thời hiện tại, sự tái sanh là thức, sự hạ sanh là danh sắc, sự hiển hiện là xứ, (hiện tượng) được chạm đến là xúc, (hiện tượng) được cảm nhận là thọ; năm pháp này hiện hữu trong sự sanh lên ở thời hiện tại (và) do duyên của nghiệp đã tạo trong quá khứ.
Do trạng thái chín muồi của các xứ trong thời hiện tại, si là vô minh, (nghiệp) tích lũy là các hành, sự ham thích là ái, sự đạt đến là thủ, sự cố ý là hữu; năm pháp này hiện diện ở nghiệp hiện tại (và) là duyên cho sự tái sanh ở thời vị lai.
Trong thời vị lai, sự tái sanh là thức, sự hạ sanh là danh sắc, sự hiển hiện là xứ, (hiện tượng) được chạm đến là xúc, (hiện tượng) được cảm nhận là thọ; năm pháp này hiện hữu trong sự sanh lên ở thời vị lai (và) do duyên của nghiệp đã tạo trong hiện tại.
Như thế (hành giả) biết, thấy, nhận biết, thấu triệt bốn phần tổng hợp này,[1]ba thời kỳ,[2]ba sự tiếp nối[3]là tùy thuận sanh khởi theo hai mươi biểu hiện.[4]Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc nắm giữ duyên là trí về sự hiện diện của các pháp.”
Phần giải thích ‘Trí về sự hiện diện của các pháp.’
Sau khi đã tổng hợp các pháp trong (ba thời) quá khứ hiện tại vị lai, tuệ về sự xác định là trí về sự thấu hiểu là (có ý nghĩa) thế nào?
Bất cứ sắc nào thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai, nội phần hoặc ngoại phần, thô hoặc tế, thấp kém hoặc cao quý, là ở xa hoặc ở gần, (hành giả) xác định toàn bộ sắc ấy là vô thường, (đây là) một sự thấu hiểu; (hành giả) xác định toàn bộ sắc ấy là khổ não, (đây là) một sự thấu hiểu; (hành giả) xác định toàn bộ sắc ấy là vô ngã, (đây là) một sự thấu hiểu.
Bất cứ thọ nào ...(như trên)... Bất cứ tưỏng nào ...(như trên)... Bất cứ các hành nào ...(như trên)... Bất cứ thức nào thuộc quá khứ, hiện tại, hoặc vị lai, nội phần hoặc ngoại phần, thô hoặc tế, thấp kém hoặc cao quý, là ở xa hoặc gần, (hành giả) xác định toàn bộ thức ấy là vô thường, (đây là) một sự thấu hiểu; (hành giả) xác định toàn bộ thức ấy là khổ não, (đây là) một sự thấu hiểu; (hành giả) xác định toàn bộ thức ấy là vô ngã, (đây là) một sự thấu hiểu.
Mắt ...(như trên)... Lão tử thuộc quá khứ, hiện tại, hoặc vị lai, (hành giả) xác định là vô thường, (đây là) một sự thấu hiểu; (hành giả) xác định là khổ não, (đây là) một sự thấu hiểu; (hành giả) xác định là vô ngã, (đây là) một sự thấu hiểu.
Sau khi đã tổng hợp rằng: ‘Sắc thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai là vô thường theo ý nghĩa đoạn tận, là khổ não theo ý nghĩa kinh hãi, là vô ngã theo ý nghĩa không có cốt lỏi,’ tuệ về sự xác định là trí về sự thấu hiểu. Sau khi đã tổng hợp rằng: ‘Thọ ...(như trên)... ‘Tưởng ...(như trên)... ‘Các hành ...(như trên)... ‘Thức ...(như trên)... ‘Mắt ...(như trên)... Sau khi đã tổng hợp rằng: ‘Lão tử thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai là vô thường theo ý nghĩa đoạn tận, là khổ não theo ý nghĩa kinh hãi, là vô ngã theo ý nghĩa không có cốt lỏi,’ tuệ về sự xác định là trí về sự thấu hiểu.
Sau khi đã tổng hợp rằng: ‘Sắc thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai là vô thường, là pháp hữu vi, được tùy thuận sanh khởi, là pháp của sự đoạn tận, là pháp của sự biến hoại, là pháp của sự ly tham ái, là pháp của sự diệt tận,’ tuệ về sự xác định là trí về sự thấu hiểu. Sau khi đã tổng hợp rằng: ‘Thọ ...(như trên)... ‘Tưởng ...(như trên)... ‘Các hành ...(như trên)... ‘Thức ...(như trên)... ‘Mắt ...(như trên)... Sau khi đã tổng hợp rằng: ‘Lão tử thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai là vô thường, là pháp hữu vi, được tùy thuận sanh khởi, là pháp của sự đoạn tận, là pháp của sự biến hoại, là pháp của sự ly tham ái, là pháp của sự diệt tận,’ tuệ về sự xác định là trí về sự thấu hiểu.
Sau khi đã tổng hợp rằng: ‘Lão tử do duyên là sanh, nếu không có sự sanh thì không có lão tử,’ tuệ về sự xác định là trí về sự thấu hiểu. Sau khi đã tổng hợp rằng: ‘Ngay cả trong thời quá khứ, ngay cả trong thời vị lai, lão tử do duyên là sanh, nếu không có sự sanh thì không có lão tử,’ tuệ về sự xác định là trí về sự thấu hiểu.
Sau khi đã tổng hợp rằng: ‘Sanh do duyên là hữu, nếu không có ...(như trên)... ‘Hữu do duyên là thủ, nếu không có ...(như trên)... ‘Thủ do duyên là ái, nếu không có ...(nt)... ‘Ái do duyên là thọ, nếu không có ...(nt)... ‘Thọ do duyên là xúc, nếu không có ...(nt)... ‘Xúc do duyên là sáu xứ, nếu không có ...(nt)... ‘Sáu xứ do duyên là danh sắc, nếu không có ...(nt)... ‘Danh sắc do duyên là thức, nếu không có ...(nt)... ‘Thức do duyên là các hành, nếu không có các hành ...(như trên)... ‘Các hành do duyên là vô minh, nếu không có vô minh thì không có các hành,’ tuệ về sự xác định là trí về sự thấu hiểu.
Sau khi đã tổng hợp rằng: ‘Ngay cả trong thời quá khứ xa xăm, ngay cả trong thời vị lai xa xăm, các hành do duyên là vô minh, nếu không có vô minh thì không có các hành,’ tuệ về sự xác định là trí về sự thấu hiểu.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Sau khi đã tổng hợp các pháp trong quá khứ hiện tại vị lai, tuệ về sự xác định là trí về sự thấu hiểu.”
Phần giải thích ‘Trí về sự thấu hiểu’ là phần thứ năm.
Tuệ về việc quán xét sự chuyển biến của các pháp đang hiện hữu là trí quán xét sự sanh diệt là (có ý nghĩa) thế nào?
Sắc được sanh lên là đang hiện hữu, hiện tướng tái tạo của pháp ấy là sự sanh, hiện tướng chuyển biến là sự diệt, sự quán xét là trí.
Thọ được sanh lên ...(như trên)... Tưởng được sanh lên ...(như trên)... Các hành được sanh lên ...(như trên)... Thức được sanh lên ...(như trên)... Mắt được sanh lên ...(như trên)... Hữu được sanh lên là đang hiện hữu, hiện tướng tái tạo của pháp ấy là sự sanh, hiện tướng chuyển biến là sự diệt, sự quán xét là trí.
Đối với năm uẩn, (hành giả) trong khi nhận thấy sự sanh thì nhận thấy bao nhiêu hiện tướng, trong khi nhận thấy sự diệt thì nhận thấy bao nhiêu hiện tướng, trong khi nhận thấy sự sanh diệt thì nhận thấy bao nhiêu hiện tướng?
Đối với năm uẩn, (hành giả) trong khi nhận thấy sự sanh thì nhận thấy hai mươi lăm hiện tướng, trong khi nhận thấy sự diệt thì nhận thấy hai mươi lăm hiện tướng, trong khi nhận thấy sự sanh diệt thì nhận thấy năm mươi hiện tướng.
Đối với sắc uẩn, (hành giả) trong khi nhận thấy sự sanh thì nhận thấy bao nhiêu hiện tướng, trong khi nhận thấy sự diệt thì nhận thấy bao nhiêu hiện tướng, trong khi nhận thấy sự sanh diệt thì nhận thấy bao nhiêu hiện tướng? Đối với thọ uẩn, ...(như trên)... Đối với tưởng uẩn, ...(như trên)... Đối với hành uẩn, ...(như trên)... Đối với thức uẩn, ...(như trên)...
Đối với sắc uẩn, (hành giả) trong khi nhận thấy sự sanh thì nhận thấy năm hiện tướng, trong khi nhận thấy sự diệt thì nhận thấy năm hiện tướng, trong khi nhận thấy sự sanh diệt thì nhận thấy mười hiện tướng. Đối với thọ uẩn, ...(như trên)... Đối với tưởng uẩn, ...(nt)... Đối với hành uẩn, ...(nt)... Đối với thức uẩn, ...(như trên)...
Đối với sắc uẩn, (hành giả) trong khi nhận thấy sự sanh thì nhận thấy năm hiện tướng gì? (Hành giả) nhận thấy sự sanh của sắc uẩn theo ý nghĩa của sự sanh khởi là do duyên: ‘Do sự sanh khởi của vô minh, có sự sanh khởi của sắc,’ (hành giả) nhận thấy sự sanh của sắc uẩn theo ý nghĩa của sự sanh khởi là do duyên: ‘Do sự sanh khởi của ái, có sự sanh khởi của sắc,’ (hành giả) nhận thấy sự sanh của sắc uẩn theo ý nghĩa của sự sanh khởi là do duyên: ‘Do sự sanh khởi của nghiệp, có sự sanh khởi của sắc,’ (hành giả) nhận thấy sự sanh của sắc uẩn theo ý nghĩa của sự sanh khởi là do duyên: ‘Do sự sanh khởi của vật thực, có sự sanh khởi của sắc,’ (hành giả) nhận thấy sự sanh của sắc uẩn ngay cả trong khi nhận thấy hiện tướng của sự tái tạo. Đối với sắc uẩn, (hành giả) trong khi nhận thấy sự sanh thì nhận thấy năm hiện tướng này.
(Đối với sắc uẩn), (hành giả) trong khi nhận thấy sự diệt thì nhận thấy năm hiện tướng gì? (Hành giả) nhận thấy sự diệt của sắc uẩn theo ý nghĩa của sự diệt tận là do duyên: ‘Do sự diệt tận của vô minh, có sự diệt tận của sắc,’ (hành giả) nhận thấy sự diệt của sắc uẩn theo ý nghĩa của sự diệt tận là do duyên: ‘Do sự diệt tận của ái, có sự diệt tận của sắc,’ (hành giả) nhận thấy sự diệt của sắc uẩn theo ý nghĩa của sự diệt tận là do duyên: ‘Do sự diệt tận của nghiệp, có sự diệt tận của sắc,’ (hành giả) nhận thấy sự diệt của sắc uẩn theo ý nghĩa của sự diệt tận là do duyên: ‘Do sự diệt tận của vật thực, có sự diệt tận của sắc,’ (hành giả) nhận thấy sự diệt của sắc uẩn ngay cả trong khi nhận thấy hiện tướng của sự chuyển biến. Đối với sắc uẩn, (hành giả) trong khi nhận thấy sự diệt thì nhận thấy năm hiện tướng này.
(Đối với sắc uẩn), trong khi nhận thấy sự sanh diệt, (hành giả) nhận thấy mười hiện tướng này.
Đối với thọ uẩn, (hành giả) trong khi nhận thấy sự sanh thì nhận thấy năm hiện tướng gì? (Hành giả) nhận thấy sự sanh của thọ uẩn theo ý nghĩa của sự sanh khởi là do duyên: ‘Do sự sanh khởi của vô minh, có sự sanh khởi của thọ,’ ... ‘Do sự sanh khởi của ái, có sự sanh khởi của thọ,’ ... ‘Do sự sanh khởi của nghiệp, có sự sanh khởi của thọ,’ ... ‘Do sự sanh khởi của xúc, có sự sanh khởi của thọ,’ (hành giả) nhận thấy sự sanh của thọ uẩn ngay cả trong khi nhận thấy hiện tướng của sự tái tạo. Đối với thọ uẩn, (hành giả) trong khi nhận thấy sự sanh thì nhận thấy năm hiện tướng này.
(Đối với thọ uẩn), (hành giả) trong khi nhận thấy sự diệt thì nhận thấy năm hiện tướng gì? (Hành giả) nhận thấy sự diệt của thọ uẩn theo ý nghĩa của sự diệt tận là do duyên: ‘Do sự diệt tận của vô minh, có sự diệt tận của thọ,’ ... ‘Do sự diệt tận của ái, có sự diệt tận của thọ,’ ... ‘Do sự diệt tận của nghiệp, có sự diệt tận của thọ,’ ... ‘Do sự diệt tận của vật thực, có sự diệt tận của thọ,’ (hành giả) nhận thấy sự diệt của thọ uẩn ngay cả trong khi nhận thấy hiện tướng của sự chuyển biến. Đối với thọ uẩn, (hành giả) trong khi nhận thấy sự diệt thì nhận thấy năm hiện tướng này.
(Đối với thọ uẩn), trong khi nhận thấy sự sanh diệt, (hành giả) nhận thấy mười hiện tướng này.
Đối với tưởng uẩn, ...(như trên)... Đối với hành uẩn, ...(như trên)... Đối với thức uẩn, (hành giả) trong khi nhận thấy sự sanh thì nhận thấy năm hiện tướng gì? (Hành giả) nhận thấy sự sanh của thức uẩn theo ý nghĩa của sự sanh khởi là do duyên: ‘Do sự sanh khởi của vô minh, có sự sanh khởi của thức,’ ... ‘Do sự sanh khởi của ái, có sự sanh khởi của thức,’ ... ‘Do sự sanh khởi của nghiệp, có sự sanh khởi của thức,’ ... ‘Do sự sanh khởi của xúc, có sự sanh khởi của thức,’ (hành giả) nhận thấy sự sanh của thức uẩn ngay cả trong khi nhận thấy hiện tướng của sự tái tạo. Đối với thức uẩn, (hành giả) trong khi nhận thấy sự sanh thì nhận thấy năm hiện tướng này.
(Đối với thức uẩn), (hành giả) trong khi nhận thấy sự diệt thì nhận thấy năm hiện tướng gì? (hành giả) nhận thấy sự diệt của thức uẩn theo ý nghĩa của sự diệt tận là do duyên: ‘Do sự diệt tận của vô minh, có sự diệt tận của thức,’ ... ‘Do sự diệt tận của ái, có sự diệt tận của thức,’ ... ‘Do sự diệt tận của nghiệp, có sự diệt tận của thức,’ ... ‘Do sự diệt tận của vật thực, có sự diệt tận của thức,’ (hành giả) nhận thấy sự diệt của thức uẩn ngay cả trong khi nhận thấy hiện tướng của sự chuyển biến. Đối với thức uẩn, (hành giả) trong khi nhận thấy sự diệt thì nhận thấy năm hiện tướng này.
(Đối với thức uẩn), trong khi nhận thấy sự sanh diệt, (hành giả) nhận thấy mười hiện tướng này.
Đối với năm uẩn, (hành giả) trong khi nhận thấy sự sanh thì nhận thấy hai mươi lăm hiện tướng này, trong khi nhận thấy sự diệt thì nhận thấy hai mươi lăm hiện tướng này, trong khi nhận thấy sự sanh diệt thì nhận thấy năm mươi hiện tướng này.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc quán xét sự chuyển biến của các pháp đang hiện hữu là trí quán xét sự sanh diệt.”
Sắc uẩn có sự sanh khởi là vật thực. Ba uẩn thọ, tưởng, hành có sự sanh khởi là xúc. Thức uẩn có sự sanh khởi là danh sắc.
Phần giải thích ‘Trí về sự sanh diệt.’
Sau khi đã phân biệt rõ đối tượng, tuệ về việc quán xét sự tan rã là trí về minh sát là (có ý nghĩa) thế nào?
Với sắc là đối tượng, tâm sanh lên rồi bị phân hủy. Sau khi đã phân biệt rõ đối tượng ấy, (hành giả) quán xét về sự tan rã của tâm ấy.
(Hành giả) quán xét: Quán xét là (có ý nghĩa) thế nào? Quán xét là vô thường, không phải là thường. Quán xét là khổ não, không phải là lạc. Quán xét là vô ngã, không phải là ngã. (Hành giả) nhàm chán, không vui thích. (Hành giả) ly tham ái, không tham ái. (Hành giả) làm cho diệt tận, không làm cho sanh khởi. (Hành giả) từ bỏ, không nắm giữ.
Trong khi quán xét là vô thường, (hành giả) dứt bỏ thường tưởng; trong khi quán xét là khổ não, (hành giả) dứt bỏ lạc tưởng; trong khi quán xét là vô ngã, (hành giả) dứt bỏ ngã tưởng; trong khi nhàm chán, (hành giả) dứt bỏ sự vui thích; trong khi ly tham ái, (hành giả) dứt bỏ tham ái; trong khi làm cho diệt tận, (hành giả) dứt bỏ sự sanh khởi; trong khi từ bỏ, (hành giả) dứt bỏ sự nắm giữ.
Với thọ là đối tượng, ...(như trên)... Với tưởng là đối tượng, ...(như trên)... Với các hành là đối tượng, ...(như trên)... Với thức là đối tượng, ...(như trên)... Với mắt là đối tượng, ...(như trên)... Với lão tử là đối tượng, tâm sanh lên rồi bị phân hủy. Sau khi đã phân biệt rõ đối tượng ấy, (hành giả) quán xét sự tan rã của tâm ấy.
(Hành giả) quán xét, quán xét là (có ý nghĩa) thế nào? Quán xét là vô thường, không phải là thường. Quán xét là khổ não, không phải là lạc. Quán xét là vô ngã, không phải là ngã. (Hành giả) nhàm chán, không vui thích. (Hành giả) ly tham ái, không tham ái. (Hành giả) làm cho diệt tận, không làm cho sanh khởi. (Hành giả) từ bỏ, không nắm giữ.
Trong khi quán xét là vô thường, (hành giả) dứt bỏ thường tưởng; trong khi quán xét là khổ não, (hành giả) dứt bỏ lạc tưởng; trong khi quán xét là vô ngã, (hành giả) dứt bỏ ngã tưởng; trong khi nhàm chán, (hành giả) dứt bỏ sự vui thích; trong khi ly tham ái, (hành giả) dứt bỏ tham ái; trong khi làm cho diệt tận, (hành giả) dứt bỏ sự sanh khởi; trong khi từ bỏ, (hành giả) dứt bỏ sự nắm giữ.
1. Do tiếp cận sự việc,
và ly khai bằng tưởng,
với lực do hướng tâm,
phân rõ là minh sát.
2. Với sự tiếp nối cảnh,
xác định chung cả hai,
quyết đoán về diệt tận,
minh sát tướng hoại diệt.
3. Do phân biệt rõ cảnh,
quán xét sự tan rã,
và thiết lập không tánh,
thắng tuệ là minh sát.
4. Thiện xảo ba quán xét,[5]
và về bốn minh sát,[6]
thiện xảo ba thiết lập,[7]
không động vì tà kiến.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Sau khi đã phân biệt rõ đối tượng, tuệ về việc quán xét sự tan rã là trí về minh sát.”
Phần giải thích ‘Trí quán xét về sự tan rã.’
Tuệ về sự thiết lập của kinh hãi là trí về điều tai hại là (có ý nghĩa) thế nào?
Tuệ về sự thiết lập của kinh hãi rằng: ‘Sự tái sanh là kinh hãi’ là trí về điều tai hại. Tuệ về sự thiết lập của kinh hãi rằng: ‘Sự vận hành là kinh hãi’ ... ‘Hiện tướng là kinh hãi’ ... ‘(Nghiệp) tích lũy là kinh hãi’ ... ‘Mầm tái sanh là kinh hãi’ ... ‘Cảnh giới tái sanh là kinh hãi’ ... ‘Sự tái tạo là kinh hãi’ ... ‘Sự sanh lên là kinh hãi’ ... ‘Sự sanh (ra) là kinh hãi’ ... ‘Sự già là kinh hãi’ ... ‘Sự bệnh là kinh hãi’ ... ‘Sự chết là kinh hãi’ ... ‘Sự sầu muộn là kinh hãi’ ... ‘Sự than vãn là kinh hãi’ ... ‘Sự thất vọng là kinh hãi’ là trí về điều tai hại.
Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự không tái sanh là an ổn.’ Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự không vận hành là an ổn.’ ...(nt)... Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự không thất vọng là an ổn.’
Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự tái sanh là kinh hãi, sự không tái sanh là an ổn.’ Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự vận hành là kinh hãi, sự không vận hành là an ổn.’ ...(nt)... Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự thất vọng là kinh hãi, sự không thất vọng là an ổn.’
Tuệ về sự thiết lập của kinh hãi rằng: ‘Sự tái sanh là khổ’ là trí về điều tai hại. Tuệ về sự thiết lập của kinh hãi rằng: ‘Sự vận hành là khổ’ ...(như trên)... ‘Sự thất vọng là khổ’ là trí về điều tai hại.
Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự không tái sanh là lạc.’ Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự không vận hành là lạc.’ ...(như trên)... Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự không thất vọng là lạc.’
Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự tái sanh là khổ, sự không tái sanh là lạc.’ Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự vận hành là khổ, sự không vận hành là lạc.’ ...(như trên)... Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự thất vọng là khổ, sự không thất vọng là lạc.’
Tuệ về sự thiết lập của kinh hãi rằng: ‘Sự tái sanh là hệ lụy vật chất’ là trí về điều tai hại. Tuệ về sự thiết lập của kinh hãi rằng: ‘Sự vận hành là hệ lụy vật chất’ ...(như trên)... ‘Sự thất vọng là hệ lụy vật chất’ là trí về điều tai hại.
Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự không tái sanh là không hệ lụy vật chất.’ Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự không vận hành là không hệ lụy vật chất.’ ...(như trên)... Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự không thất vọng là không hệ lụy vật chất.’
Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự tái sanh là hệ lụy vật chất, sự không tái sanh là không hệ lụy vật chất.’ Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự vận hành là hệ lụy vật chất, sự không vận hành là không hệ lụy vật chất.’ ...(nt)... Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự thất vọng là hệ lụy vật chất, sự không thất vọng là không hệ lụy vật chất.’
Tuệ về sự thiết lập của kinh hãi rằng: ‘Sự tái sanh là pháp hữu vi’ là trí về điều tai hại. Tuệ về sự thiết lập của kinh hãi rằng: ‘Sự vận hành là pháp hữu vi’ ...(như trên)... Tuệ về sự thiết lập của kinh hãi rằng: ‘Sự thất vọng là pháp hữu vi’ là trí về điều tai hại.
Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự không tái sanh là Niết Bàn.’ Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự không vận hành là Niết Bàn.’ ...(như trên)... Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự không thất vọng là Niết Bàn.’
Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự tái sanh là pháp hữu vi, sự không tái sanh là Niết Bàn.’ Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự vận hành là pháp hữu vi, sự không vận hành là Niết Bàn.’ ...(như trên)... Trí về trạng thái bình yên rằng: ‘Sự thất vọng là pháp hữu vi, sự không thất vọng là Niết Bàn.’
1. Vị nhận thức tái sanh,
vận hành, tướng, tích nghiệp,
mầm tái sanh là ‘khổ,’
trí này là tai hại.
2. Không sanh, không vận hành,
không tướng, không tích nghiệp,
không mầm sanh là ‘lạc,’
trí này là bình yên.
3. Đây trí về tai hại,
sanh lên ở năm chốn,[8]
bình yên về năm nơi,
vị nhận ra mười trí.
Người thiện xảo hai trí,
không động vì tà kiến.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự thiết lập của kinh hãi là trí về điều tai hại.”
Phần giải thích ‘Trí về điều tai hại.’
Tuệ về sự mong muốn giải thoát, về sự phân biệt rõ, và về sự bình thản là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là (có ý nghĩa) thế nào?
Tuệ về sự mong muốn giải thoát, về sự phân biệt rõ, và về sự bình thản đối với sự tái sanh là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi. Tuệ về sự mong muốn giải thoát, về sự phân biệt rõ, và về sự bình thản đối với sự vận hành ...(như trên)... đối với hiện tướng ...(như trên)... đối với (nghiệp) tích lũy ...(nt)... đối với mầm tái sanh ...(nt)... đối với cảnh giới tái sanh ...(nt)... đối với sự tái tạo ...(nt)... đối với sự sanh lên ...(nt)... đối với sự sanh (ra) ...(nt)... đối với sự già ...(nt)... đối với sự bệnh ...(nt)... đối với sự chết ...(nt)... đối với sự sầu muộn ...(nt)... đối với sự than vãn ...(như trên)... Tuệ về sự mong muốn giải thoát, về sự phân biệt rõ, và về sự bình thản đối với sự thất vọng là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi.
Tuệ về sự mong muốn giải thoát, về sự phân biệt rõ, và về sự bình thản đối với ‘Sự tái sanh là khổ’ là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi. Tuệ về sự mong muốn giải thoát, về sự phân biệt rõ, và về sự bình thản đối với ‘Sự vận hành là khổ’ ...(như trên)... ‘Sự thất vọng là khổ’ là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi.
Tuệ về sự mong muốn giải thoát, về sự phân biệt rõ, và về sự bình thản đối với ‘Sự tái sanh là kinh hãi’ là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi. Tuệ về sự mong muốn giải thoát, về sự phân biệt rõ, và về sự bình thản đối với ‘Sự vận hành là kinh hãi’ ...(nt)... ‘Sự thất vọng là kinh hãi’ là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi.
Tuệ về sự mong muốn giải thoát, về sự phân biệt rõ, và về sự bình thản đối với ‘Sự tái sanh là hệ lụy vật chất’ là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi. Tuệ về sự mong muốn giải thoát, về sự phân biệt rõ, và về sự bình thản đối với ‘Sự vận hành là hệ lụy vật chất’ ...(như trên)... ‘Sự thất vọng là hệ lụy vật chất’ là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi.
Tuệ về sự mong muốn giải thoát, về sự phân biệt rõ, và về sự bình thản đối với ‘Sự tái sanh là pháp hữu vi’ là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi. Tuệ về sự mong muốn giải thoát, về sự phân biệt rõ, và về sự bình thản đối với ‘Sự vận hành là pháp hữu vi’ ...(như trên)... ‘Sự thất vọng là pháp hữu vi’ là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi.
‘Sự tái sanh là pháp hữu vi, (hành giả) dửng dưng đối với các pháp hữu vi ấy,’ như thế là trạng thái xả đối với các pháp hữu vi. ‘Các pháp hữu vi và trạng thái xả, cả hai điều này đều là các pháp hữu vi, (hành giả) dửng dưng đối với các pháp hữu vi ấy,’ như thế là trạng thái xả đối với các pháp hữu vi.
‘Sự vận hành là pháp hữu vi, ...(nt)... ‘Hiện tướng là pháp hữu vi, ... ‘(Nghiệp) tích lũy ... ‘Mầm tái sanh ... ‘Cảnh giới tái sanh ... ‘Sự tái tạo ... ‘Sự sanh lên ... ‘Sự sanh (ra) ... ‘Sự già ... ‘Sự bệnh ... ‘Sự chết ... ‘Sự sầu muộn ... ‘Sự than vãn ... ‘Sự thất vọng là pháp hữu vi, (hành giả) dửng dưng đối với các pháp hữu vi ấy,’ như thế là trạng thái xả đối với các pháp hữu vi. ‘Các pháp hữu vi và trạng thái xả, cả hai điều này đều là các pháp hữu vi, (hành giả) dửng dưng đối với các pháp hữu vi ấy,’ như thế là trạng thái xả đối với các pháp hữu vi.
Sự quả quyết của tâm ở trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là với bao nhiêu biểu hiện? Sự quả quyết của tâm ở trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là với tám biểu hiện.
Đối với phàm nhân, sự quả quyết của tâm ở trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là với bao nhiêu biểu hiện? Đối với vị hữu học, sự quả quyết của tâm ở trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là với bao nhiêu biểu hiện? Đối với vị đã lìa tham ái, sự quả quyết của tâm ở trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là với bao nhiêu biểu hiện?
Đối với phàm nhân, sự quả quyết của tâm ở trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là với hai biểu hiện. Đối với vị hữu học, sự quả quyết của tâm ... là với ba biểu hiện. Đối với vị đã lìa tham ái, sự quả quyết của tâm ở trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là với ba biểu hiện.
Đối với phàm nhân, sự quả quyết của tâm ở trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là với hai biểu hiện gì? Phàm nhân hoặc là thích thú trạng thái xả đối với các pháp hữu vi hoặc là minh sát (trạng thái ấy). Đối với phàm nhân, sự quả quyết của tâm ... là với hai biểu hiện này.
Đối với vị hữu học, sự quả quyết của tâm ... là với ba biểu hiện gì? Vị hữu học hoặc là thích thú, hoặc là minh sát trạng thái xả đối với các pháp hữu vi, hoặc là phân biệt rõ rồi thể nhập thiền quả. Đối với vị hữu học, sự quả quyết của tâm ... là với ba biểu hiện này.
Đối với vị đã lìa tham ái, sự quả quyết của tâm ... là với ba biểu hiện gì? Vị đã lìa tham ái hoặc là minh sát trạng thái xả đối với các pháp hữu vi, hoặc là phân biệt rõ rồi thể nhập thiền quả, hoặc là dửng dưng với điều ấy rồi an trú với sự an trú không tánh, với sự an trú vô tướng, hoặc với sự an trú vô nguyện. Đối với vị đã lìa tham ái, sự quả quyết của tâm ... là với ba biểu hiện này.
Đối với phàm nhân và đối với vị hữu học, sự quả quyết của tâm ở trạng thái xả đối với các pháp hữu vi có cùng một bản chất là thế nào? Đối với phàm nhân, trong khi thích thú trạng thái xả đối với các pháp hữu vi, tâm sẽ bị ô nhiễm, là sự ngăn trở cho việc tu tập, là chướng ngại cho sự thấu triệt, là duyên cho mầm tái sanh trong tương lai. Ngay cả đối với vị hữu học, trong khi thích thú trạng thái xả đối với các pháp hữu vi, tâm bị sẽ ô nhiễm, là sự ngăn trở cho việc tu tập, ... là duyên cho mầm tái sanh trong tương lai. Đối với phàm nhân và đối với vị hữu học, sự quả quyết của tâm ... có cùng một bản chất theo ý nghĩa thích thú là như vậy.
Đối với phàm nhân, đối với vị hữu học, và đối với vị đã lìa tham ái, sự quả quyết của tâm ... có cùng một bản chất là thế nào? Phàm nhân minh sát trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là vô thường, là khổ não, là vô ngã. Vị hữu học cũng minh sát ... là vô thường, là khổ não, là vô ngã. Vị đã lìa tham ái cũng minh sát trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là vô thường, là khổ não, là vô ngã. Đối với phàm nhân, đối với vị hữu học, và đối với vị đã lìa tham ái, sự quả quyết của tâm ... có cùng một bản chất theo ý nghĩa quả quyết là như vậy.
Đối với phàm nhân, đối với vị hữu học, và đối với vị đã lìa tham ái, sự quả quyết của tâm ở trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là có bản chất khác biệt như thế nào? Đối với phàm nhân, trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là thiện. Đối với vị hữu học, trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là thiện. Đối với vị đã lìa tham ái, trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là vô ký. Đối với phàm nhân, đối với vị hữu học, và đối với vị đã lìa tham ái, sự quả quyết của tâm ... là có bản chất khác biệt theo ý nghĩa thiện và vô ký là như vậy.
Đối với phàm nhân, đối với vị hữu học, và đối với vị đã lìa tham ái, sự quả quyết của tâm ở trạng thái xả đối với các pháp hữu vi có bản chất khác biệt là thế nào? Đối với phàm nhân, trạng thái xả đối với các pháp hữu vi có lúc biết được rõ rệt có lúc không biết được rõ rệt. Luôn cả đối với vị hữu học, trạng thái xả ... Đối với vị đã lìa tham ái, trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là biết được hoàn toàn rõ rệt. Sự quả quyết của tâm ... của phàm nhân, của vị hữu học, và của vị đã lìa tham ái có bản chất khác biệt theo ý nghĩa đã được biết và theo ý nghĩa đã không được biết là như vậy.
Đối với phàm nhân, đối với vị hữu học, và đối với vị đã lìa tham ái, sự quả quyết của tâm ... có bản chất khác biệt là thế nào? Phàm nhân minh sát trạng thái xả đối với các pháp hữu vi không được toàn vẹn. Vị hữu học minh sát ... cũng không được toàn vẹn. Vị đã lìa tham ái minh sát trạng thái xả đối với các pháp hữu vi được toàn vẹn. Đối với phàm nhân, đối với vị hữu học, và đối với vị đã lìa tham ái, sự quả quyết của tâm ... có bản chất khác biệt theo ý nghĩa được toàn vẹn và theo ý nghĩa không được toàn vẹn là như vậy.
Đối với phàm nhân, đối với vị hữu học, và đối với vị đã lìa tham ái, sự quả quyết của tâm ... có bản chất khác biệt là thế nào? Phàm nhân minh sát trạng thái xả đối với các pháp hữu vi nhằm mục đích thành tựu Đạo Nhập Lưu để dứt bỏ ba sự ràng buộc.[9]Vị hữu học minh sát ... nhằm mục đích thành tựu cao hơn do trạng thái đã được dứt bỏ ba sự ràng buộc. Vị đã lìa tham ái minh sát ... nhằm mục đích lạc trú trong hiện tại do trạng thái đã được dứt bỏ toàn bộ phiền não. Sự quả quyết của tâm ... của phàm nhân, của vị hữu học, và của vị đã lìa tham ái là có bản chất khác biệt theo ý nghĩa đã được dứt bỏ và theo ý nghĩa chưa được dứt bỏ là như vậy.
Đối với vị hữu học và đối với vị đã lìa tham ái, sự quả quyết của tâm ... có bản chất khác biệt là thế nào? Vị hữu học hoặc là thích thú, hoặc là minh sát trạng thái xả đối với các pháp hữu vi, hoặc là phân biệt rõ rồi thể nhập thiền quả. Vị đã lìa tham ái hoặc là minh sát trạng thái xả đối với các pháp hữu vi, hoặc là phân biệt rõ rồi thể nhập thiền quả, hoặc là dửng dưng đối với điều ấy rồi an trú với sự an trú không tánh, với sự an trú vô tướng, hoặc với sự an trú vô nguyện. Đối với vị hữu học và đối với vị đã lìa tham ái, sự quả quyết của tâm ở trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là có bản chất khác biệt theo ý nghĩa an trú và thể nhập là như vậy.
Có bao nhiêu trạng thái xả đối với các pháp hữu vi sanh lên do năng lực của chỉ tịnh? Có bao nhiêu trạng thái xả đối với các pháp hữu vi sanh lên do năng lực của minh sát? Có tám trạng thái xả đối với các pháp hữu vi sanh lên do năng lực của chỉ tịnh. Có mười trạng thái xả đối với các pháp hữu vi sanh lên do năng lực của minh sát.
Tám trạng thái xả đối với các pháp hữu vi sanh lên do năng lực của chỉ tịnh là gì? Tuệ do sự bình thản sau khi phân biệt rõ các pháp ngăn che nhằm mục đích thành tựu sơ thiền là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi. Tuệ do sự bình thản sau khi phân biệt rõ tầm tứ nhằm mục đích thành tựu nhị thiền là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi. Tuệ do sự bình thản sau khi phân biệt rõ hỷ nhằm mục đích thành tựu tam thiền là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi. Tuệ do sự bình thản sau khi phân biệt rõ lạc và khổ nhằm mục đích thành tựu tứ thiền là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi. Tuệ do sự bình thản sau khi phân biệt rõ sự nghĩ tưởng về sắc, sự nghĩ tưởng về bất bình, sự nghĩ tưởng về khác biệt nhằm mục đích thành tựu sự chứng đạt không vô biên xứ là trí về các trạng thái xả ... Tuệ do sự bình thản sau khi phân biệt rõ sự nghĩ tưởng về không vô biên xứ nhằm mục đích thành tựu sự chứng đạt thức vô biên xứ là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi. Tuệ do sự bình thản sau khi phân biệt rõ sự nghĩ tưởng về thức vô biên xứ nhằm mục đích thành tựu sự chứng đạt vô sở hữu xứ là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi. Tuệ do sự bình thản sau khi phân biệt rõ sự nghĩ tưởng về vô sở hữu xứ nhằm mục đích thành tựu sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi. Đây là tám trạng thái xả đối với các pháp hữu vi sanh lên do năng lực của chỉ tịnh.
Mười trạng thái xả đối với các pháp hữu vi sanh lên do năng lực của minh sát là gì? Tuệ do sự bình thản sau khi phân biệt rõ sự tái sanh, sự vận hành, hiện tướng, (nghiệp) tích lũy, mầm tái sanh, cảnh giới tái sanh, sự tái tạo, sự sanh lên, sự sanh (ra), sự già, sự bệnh, sự chết, sự sầu muộn, sự than vãn, sự thất vọng nhằm mục đích thành tựu Đạo Nhập Lưu là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi. Tuệ do sự bình thản sau khi phân biệt rõ sự tái sanh, ...(như trên)... nhằm mục đích chứng đạt Quả Nhập Lưu ... nhằm mục đích thành tựu Đạo Nhất Lai ... nhằm mục đích chứng đạt Quả Nhất Lai ... nhằm mục đích thành tựu Đạo Bất Lai ... nhằm mục đích chứng đạt Quả Bất Lai ... nhằm mục đích thành tựu Đạo A-la-hán ... nhằm mục đích chứng đạt Quả A-la-hán ... nhằm mục đích chứng đạt sự an trú không tánh ... nhằm mục đích chứng đạt sự an trú vô tướng là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi. Đây là mười trạng thái xả đối với các pháp hữu vi sanh lên do năng lực của minh sát.
Có bao nhiêu trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là thiện? Có bao nhiêu là bất thiện? Có bao nhiêu là vô ký? Có mười lăm trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là thiện. Có ba trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là vô ký. Không có trạng thái xả đối với các pháp hữu vi là bất thiện.
1. Tuệ phân biệt, bình thản,
tám hành xứ của tâm:
hai thuộc về phàm nhân,
hữu học ba hành xứ,
vị lìa ái có ba,
tâm ly khai với chúng.
2. Tám do duyên của định,
mười hành xứ của trí,
mười tám xả các hành
là duyên ba giải thoát.[10]
3. Mười tám biểu hiện này,
vị có tuệ hiểu rõ,
thiện xảo trong xả hành,
không động vì tà kiến.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự mong muốn giải thoát, về sự phân biệt rõ, và về sự bình thản là trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi.”
Phần giải thích ‘Trí về các trạng thái xả đối với các pháp hữu vi.’
Tuệ về sự thoát ra và ly khai ngoại phần là trí chuyển tộc là (có ý nghĩa) thế nào?
‘Vượt trên sự tái sanh’ là chuyển tộc. ‘Vượt trên sự vận hành’ là chuyển tộc. ‘Vượt trên hiện tướng’ ... ‘Vượt trên (nghiệp) tích lũy’ ... ‘Vượt trên mầm tái sanh’ ... ‘Vượt trên cảnh giới tái sanh’ ... ‘Vượt trên sự tái tạo’ ... ‘Vượt trên sự sanh lên’ ... ‘Vượt trên sự sanh (ra)’ ... ‘Vượt trên sự già’ ... ‘Vượt trên sự bệnh’ ... ‘Vượt trên sự chết’ ... ‘Vượt trên sự sầu muộn’ ... ‘Vượt trên sự than vãn’ ... ‘Vượt trên sự thất vọng’ là chuyển tộc. ‘Vượt trên hiện tướng của các hành ở ngoại phần’ là chuyển tộc.
‘Dự phần vào[11]sự không tái sanh’ là chuyển tộc. ‘Dự phần vào sự không vận hành’ là chuyển tộc. ...(như trên)... ‘Dự phần vào sự diệt tận Niết Bàn’ là chuyển tộc.
‘Sau khi đã vượt trên sự tái sanh rồi dự phần vào sự không tái sanh’ là chuyển tộc. ‘Sau khi đã vượt trên sự vận hành rồi dự phần vào sự không vận hành’ ... ‘Sau khi đã vượt trên hiện tướng rồi dự phần vào không hiện tướng’ là chuyển tộc. ...(như trên)... ‘Sau khi đã vượt trên hiện tướng của các hành ở ngoại phần rồi dự phần vào sự diệt tận Niết Bàn’ là chuyển tộc.
‘Thoát ra khỏi sự tái sanh’ là chuyển tộc. ‘Thoát ra khỏi sự vận hành’ là chuyển tộc. ‘Thoát ra khỏi hiện tướng’ ... ‘Thoát ra khỏi (nghiệp) tích lũy’ ... ‘Thoát ra khỏi mầm tái sanh’ ... ‘Thoát ra khỏi cảnh giới tái sanh’ ... ‘Thoát ra khỏi sự tái tạo’ ... ‘Thoát ra khỏi sự sanh lên’ ... ‘Thoát ra khỏi sự sanh (ra)’ ... ‘Thoát ra khỏi sự già’ ... ‘Thoát ra khỏi sự bệnh’ ... ‘Thoát ra khỏi sự chết’ ... ‘Thoát ra khỏi sự sầu muộn’ ... ‘Thoát ra khỏi sự than vãn’ ... ‘Thoát ra khỏi sự thất vọng’ là chuyển tộc. ‘Thoát ra khỏi hiện tướng của các hành ở ngoại phần’ là chuyển tộc.
‘Dự phần vào sự không tái sanh’ là chuyển tộc. ‘Dự phần vào sự không vận hành’ là chuyển tộc. ...(như trên)... ‘Dự phần vào sự diệt tận Niết Bàn’ là chuyển tộc.
‘Sau khi thoát ra khỏi sự tái sanh rồi dự phần vào sự không tái sanh’ là chuyển tộc. ‘Sau khi thoát ra khỏi sự vận hành rồi dự phần vào sự không vận hành’ là chuyển tộc. ‘Sau khi thoát ra khỏi hiện tướng ... không hiện tướng ...(nt)... (nghiệp) tích lũy ... không (nghiệp) tích lũy ...(nt)... mầm tái sanh ... không mầm tái sanh ...(nt)... cảnh giới tái sanh ... không cảnh giới tái sanh ...(nt)... sự tái tạo ... sự không tái tạo ...(nt)... sự sanh lên ... sự không sanh lên ...(nt)... sự sanh (ra) ... sự không sanh (ra) ...(nt)... sự già ... sự không già ...(nt)... sự bệnh ... sự không bệnh ...(nt)... sự chết ... sự không chết ...(nt)... sự sầu muộn ... sự không sầu muộn ...(nt)... sự than vãn ... sự không than vãn ...(nt)... sự thất vọng ... sự không thất vọng ... ‘Sau khi thoát ra khỏi hiện tướng của các hành ở ngoại phần rồi dự phần vào sự diệt tận Niết Bàn’ là chuyển tộc.
‘Ly khai khỏi sự tái sanh’ là chuyển tộc. ‘Ly khai khỏi sự vận hành’ là chuyển tộc. ...(như trên)... ‘Ly khai khỏi hiện tướng của các hành ở ngoại phần’ là chuyển tộc.
‘Dự phần vào sự không tái sanh’ là chuyển tộc. ‘Dự phần vào sự không vận hành’ là chuyển tộc. ...(như trên)... ‘Dự phần vào sự diệt tận Niết Bàn’ là chuyển tộc.
‘Sau khi đã ly khai khỏi sự tái sanh rồi dự phần vào sự không tái sanh’ là chuyển tộc. ‘Sau khi đã ly khai khỏi sự vận hành rồi dự phần vào sự không vận hành’ là chuyển tộc. ...(như trên)... ‘Sau khi đã ly khai khỏi hiện tướng của các hành ở ngoại phần rồi dự phần vào sự diệt tận Niết Bàn’ là chuyển tộc.
Có bao nhiêu sự chuyển tộc được sanh lên do năng lực của chỉ tịnh? Có bao nhiêu sự chuyển tộc được sanh lên do năng lực của minh sát? Có tám sự chuyển tộc được sanh lên do năng lực của chỉ tịnh. Có mười sự chuyển tộc được sanh lên do năng lực của minh sát.
Tám sự chuyển tộc được sanh lên do năng lực của chỉ tịnh là gì? ‘Vượt trên các pháp ngăn che nhằm mục đích thành tựu sơ thiền’ là chuyển tộc. ‘Vượt trên tầm tứ nhằm mục đích thành tựu nhị thiền’ ... ‘Vượt trên hỷ nhằm mục đích thành tựu tam thiền’ ... ‘Vượt trên lạc và khổ nhằm mục đích thành tựu tứ thiền’ ... ‘Vượt trên sự nghĩ tưởng về sắc, sự nghĩ tưởng về bất bình, sự nghĩ tưởng về khác biệt nhằm mục đích thành tựu sự chứng đạt không vô biên xứ’ ... ‘Vượt trên sự nghĩ tưởng về không vô biên xứ nhằm mục đích thành tựu sự chứng đạt thức vô biên xứ’ ... ‘Vượt trên sự nghĩ tưởng về thức vô biên xứ nhằm mục đích thành tựu sự chứng đạt vô sở hữu xứ’ ... ‘Vượt trên sự nghĩ tưởng về vô sở hữu xứ nhằm mục đích thành tựu sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ’ là chuyển tộc. Đây là tám sự chuyển tộc được sanh lên do năng lực của chỉ tịnh.
Mười sự chuyển tộc được sanh lên do năng lực của minh sát là gì? ‘Vượt trên sự tái sanh, sự vận hành, hiện tướng, (nghiệp) tích lũy, mầm tái sanh, cảnh giới tái sanh, sự tái tạo, sự sanh lên, sự sanh (ra), sự già, sự bệnh, sự chết, sự sầu muộn, sự than vãn, sự thất vọng, hiện tướng của các hành ở ngoại phần nhằm mục đích thành tựu Đạo Nhập Lưu’ là chuyển tộc. ‘Vượt trên sự tái sanh, sự vận hành, hiện tướng, (nghiệp) tích lũy, mầm tái sanh, ...(như trên)... nhằm mục đích chứng đạt Quả Nhập Lưu’ ...(như trên)... nhằm mục đích thành tựu Đạo Nhất Lai ...(như trên)... nhằm mục đích chứng đạt Quả Nhất Lai ...(như trên)... nhằm mục đích thành tựu Đạo Bất Lai ...(như trên)... nhằm mục đích chứng đạt Quả Bất Lai ...(như trên)... nhằm mục đích thành tựu Đạo A-la-hán’ ...(như trên)... nhằm mục đích chứng đạt Quả A-la-hán ...(như trên)... nhằm mục đích chứng đạt sự an trú không tánh ...(như trên)... ‘Vượt trên sự tái sanh, sự vận hành, hiện tướng, (nghiệp) tích lũy, mầm tái sanh, cảnh giới tái sanh, sự tái tạo, sự sanh lên, sự sanh (ra), sự già, sự bệnh, sự chết, sự sầu muộn, sự than vãn, sự thất vọng, hiện tướng của các hành ở ngoại phần nhằm mục đích chứng đạt sự an trú vô tướng’ là chuyển tộc. Đây là mười sự chuyển tộc được sanh lên do năng lực của minh sát.
Có bao nhiêu sự chuyển tộc là thiện? Có bao nhiêu là bất thiện? Có bao nhiêu là vô ký? Có mười lăm sự chuyển tộc là thiện. Có ba sự chuyển tộc là vô ký. Không có sự chuyển tộc là bất thiện.
1. Vật chất, không vật chất,
có nguyện và vô nguyện,
ràng buộc, không ràng buộc,
thoát được và không thoát.
2. Tám do duyên của định,
mười hành xứ của trí,
mười tám sự chuyển tộc
là duyên ba giải thoát.
3. Mười tám biểu hiện này,
vị có tuệ hiểu rõ,
khéo ly khai, thoát khỏi,
không động vì tà kiến.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự thoát ra và ly khai ngoại phần là trí chuyển tộc.”
Phần giải thích ‘Trí chuyển tộc.’
Tuệ về sự thoát ra và ly khai cả hai (nội ngoại phần) là trí về Đạo là (có ý nghĩa) thế nào?
Vào sát-na Đạo Nhập Lưu: Chánh kiến, theo ý nghĩa nhận thức, thoát ra khỏi tà kiến, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần; vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự thoát ra và ly khai cả hai (nội ngoại phần) là trí về Đạo.”
Chánh tư duy, theo ý nghĩa gắn chặt (tâm vào cảnh), thoát ra khỏi tà tư duy, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần; vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự thoát ra và ly khai cả hai (nội ngoại phần) là trí về Đạo.”
Chánh ngữ, theo ý nghĩa gìn giữ, thoát ra khỏi tà ngữ, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần; vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự thoát ra và ly khai cả hai (nội ngoại phần) là trí về Đạo.”
Chánh nghiệp, theo ý nghĩa nguồn sanh khởi, thoát ra khỏi tà nghiệp, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần; vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự thoát ra và ly khai cả hai (nội ngoại phần) là trí về Đạo.”
Chánh mạng, theo ý nghĩa trong sạch, thoát ra khỏi tà mạng, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy ...
Chánh tinh tấn, theo ý nghĩa ra sức, thoát ra khỏi tà tinh tấn, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy ...
Chánh niệm, theo ý nghĩa thiết lập, thoát ra khỏi tà niệm, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần; vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự thoát ra và ly khai cả hai (nội ngoại phần) là trí về Đạo.”
Chánh định, theo ý nghĩa không tản mạn, thoát ra khỏi tà định, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần; vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự thoát ra và ly khai cả hai (nội ngoại phần) là trí về Đạo.”
Vào sát-na Đạo Nhất Lai: Chánh kiến, theo ý nghĩa nhận thức, ...(như trên)... Chánh định, theo ý nghĩa không tản mạn, thoát ra khỏi sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất thô thiển, thoát ra khỏi ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất thô thiển, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần; vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự thoát ra và ly khai cả hai (nội ngoại phần) là trí về Đạo.”
Vào sát-na Đạo Bất Lai: Chánh kiến, theo ý nghĩa nhận thức, ...(như trên)... Chánh định, theo ý nghĩa không tản mạn, thoát ra khỏi sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất vi tế, thoát ra khỏi ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất vi tế, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần; vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự thoát ra và ly khai cả hai (nội ngoại phần) là trí về Đạo.”
Vào sát-na Đạo A-la-hán: Chánh kiến, theo ý nghĩa nhận thức, ...(như trên)... Chánh định, theo ý nghĩa không tản mạn, thoát ra khỏi ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật, vô minh, thoát ra khỏi ngã mạn ngủ ngầm, ái hữu ngủ ngầm, vô minh ngủ ngầm, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần; vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự thoát ra và ly khai cả hai (nội ngoại phần) là trí về Đạo.”
1. Sanh thiêu đốt vô sanh,
vì thế gọi tham thiền,
thiện xảo thiền, giải thoát,
không động vì tà kiến.
2. Như thế định rồi quán,
cũng vậy quán ở định,
khi ấy quán và chỉ
hành bình đẳng tương hợp.
3. Thấy ‘Các hành là khổ,
diệt tận là an lạc,’
tuệ thoát khỏi cả hai
đạt được Đạo Bất Tử.
4. Vị biết hành giải thoát,
rành rẽ dị và đồng,
thiện xảo về hai trí,
không động vì tà kiến.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự thoát ra và ly khai cả hai (nội ngoại phần) là trí về Đạo.”
Phần giải thích ‘Trí về Đạo.’
Tuệ về sự tịnh lặng của việc thực hành[12]là trí về Quả là (có ý nghĩa) thế nào?
Vào sát-na Đạo Nhập Lưu: Chánh kiến, theo ý nghĩa nhận thức, thoát ra khỏi tà kiến, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần. Chánh kiến được sanh lên từ trạng thái tịnh lặng của việc thực hành ấy; điều này là Quả của Đạo.
Chánh tư duy, theo ý nghĩa gắn chặt (tâm vào cảnh), thoát ra khỏi tà tư duy, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần. Chánh tư duy được sanh lên từ trạng thái tịnh lặng của việc thực hành ấy; điều này là Quả của Đạo.
Chánh ngữ, theo ý nghĩa gìn giữ, thoát ra khỏi tà ngữ, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần. Chánh ngữ được sanh lên từ trạng thái tịnh lặng của việc thực hành ấy; điều này là Quả của Đạo.
Chánh nghiệp, theo ý nghĩa nguồn sanh khởi, thoát ra khỏi tà nghiệp, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần. Chánh nghiệp được sanh lên từ trạng thái tịnh lặng của việc thực hành ấy; điều này là Quả của Đạo.
Chánh mạng, theo ý nghĩa trong sạch, thoát ra khỏi tà mạng, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần. Chánh mạng được sanh lên từ trạng thái tịnh lặng của việc thực hành ấy; điều này là Quả của Đạo.
Chánh tinh tấn, theo ý nghĩa ra sức, thoát ra khỏi tà tinh tấn, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần. Chánh tinh tấn được sanh lên từ trạng thái tịnh lặng của việc thực hành ấy; điều này là Quả của Đạo.
Chánh niệm, theo ý nghĩa thiết lập, thoát ra khỏi tà niệm, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần. Chánh niệm được sanh lên từ trạng thái tịnh lặng của việc thực hành ấy; điều này là Quả của Đạo.
Chánh định, theo ý nghĩa không tản mạn, thoát ra khỏi tà định, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần. Chánh định được sanh lên từ trạng thái tịnh lặng của việc thực hành ấy; điều này là Quả của Đạo.
Vào sát-na Đạo Nhất Lai: Chánh kiến, theo ý nghĩa nhận thức, ...(như trên)... Chánh định, theo ý nghĩa không tản mạn, thoát ra khỏi sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất thô thiển, thoát ra khỏi ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất thô thiển, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần. Chánh định được sanh lên từ trạng thái tịnh lặng của việc thực hành ấy; điều này là Quả của Đạo.
Vào sát-na Đạo Bất Lai: Chánh kiến, theo ý nghĩa nhận thức, ...(như trên)... Chánh định, theo ý nghĩa không tản mạn, thoát ra khỏi sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất vi tế, thoát ra khỏi ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất vi tế, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần. Chánh định được sanh lên từ trạng thái tịnh lặng của việc thực hành ấy; điều này là Quả của Đạo.
Vào sát-na Đạo A-la-hán: Chánh kiến, theo ý nghĩa nhận thức, ...(như trên)... Chánh định, theo ý nghĩa không tản mạn, thoát ra khỏi ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật, vô minh, thoát ra khỏi ngã mạn ngủ ngầm, hữu ngủ ngầm, vô minh ngủ ngầm, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần. Chánh định được sanh lên từ trạng thái tịnh lặng của việc thực hành ấy; điều này là Quả của Đạo.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự tịnh lặng của việc thực hành là trí về Quả.”
Phần giải thích ‘Trí về Quả.’
Tuệ về việc quán xét phiền não đã được cắt lìa là trí về giải thoát là (có ý nghĩa) thế nào?
Nhờ vào Đạo Nhập Lưu, sự nhận thức sai trái về thân, sự hoài nghi, sự bám víu vào giới và nghi thức, tà kiến ngủ ngầm, hoài nghi ngủ ngầm là các tùy phiền não thuộc tâm của hành giả được đoạn trừ hoàn toàn. Tâm được giải thoát, được hoàn toàn giải thoát khỏi năm tùy phiền não này và các sự xâm nhập (của chúng). Việc giải thoát ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc quán xét phiền não đã được cắt lìa là trí về giải thoát.”
Nhờ vào Đạo Nhất Lai, sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất thô thiển, ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm là các tùy phiền não có tính chất thô thiển thuộc tâm của hành giả được đoạn trừ hoàn toàn. Tâm được giải thoát, được hoàn toàn giải thoát khỏi bốn tùy phiền não này và các sự xâm nhập (của chúng). Việc giải thoát ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc quán xét phiền não đã được cắt lìa là trí về giải thoát.”
Nhờ vào Đạo Bất Lai, sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất vi tế, ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất vi tế là các tùy phiền não thuộc tâm của hành giả được đoạn trừ hoàn toàn. Tâm được giải thoát, được hoàn toàn giải thoát khỏi bốn tùy phiền não này và các sự xâm nhập (của chúng). Việc giải thoát ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc quán xét phiền não đã được cắt lìa là trí về giải thoát.”
Nhờ vào Đạo A-la-hán, ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật, vô minh, ngã mạn ngủ ngầm, hữu ngủ ngầm, vô minh ngủ ngầm là các tùy phiền não thuộc tâm của hành giả được đoạn trừ hoàn toàn. Tâm được giải thoát, được hoàn toàn giải thoát khỏi tám tùy phiền não này và các sự xâm nhập (của chúng). Việc giải thoát ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc quán xét phiền não đã được cắt lìa là trí về giải thoát.”
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc quán xét phiền não đã được cắt lìa là trí về giải thoát.”
Phần giải thích ‘Trí về giải thoát.’
Tuệ về việc nhìn thấy các pháp đã được sanh khởi vào khi ấy là trí về việc quán xét lại là (có ý nghĩa) thế nào?
Vào sát-na Đạo Nhập Lưu: Chánh kiến, theo ý nghĩa nhận thức, đã được sanh khởi vào khi ấy. Chánh tư duy, theo ý nghĩa gắn chặt (tâm vào cảnh), đã được sanh khởi vào khi ấy. Chánh ngữ, theo ý nghĩa gìn giữ, đã được sanh khởi vào khi ấy. Chánh nghiệp, theo ý nghĩa nguồn sanh khởi, đã được sanh khởi vào khi ấy. Chánh mạng, theo ý nghĩa trong sạch, đã được sanh khởi vào khi ấy. Chánh tinh tấn, theo ý nghĩa ra sức, đã được sanh khởi vào khi ấy. Chánh niệm, theo ý nghĩa thiết lập, đã được sanh khởi vào khi ấy. Chánh định, theo ý nghĩa không tản mạn, đã được sanh khởi vào khi ấy.
Niệm giác chi, theo ý nghĩa thiết lập, đã được sanh khởi vào khi ấy. Trạch pháp giác chi, theo ý nghĩa suy xét, đã được sanh khởi vào khi ấy. Cần giác chi, theo ý nghĩa ra sức, đã được sanh khởi vào khi ấy. Hỷ giác chi, theo ý nghĩa lan tỏa, đã được sanh khởi vào khi ấy. Tịnh giác chi, theo ý nghĩa an tịnh, đã được sanh khởi vào khi ấy. Định giác chi, theo ý nghĩa không tản mạn, đã được sanh khởi vào khi ấy. Xả giác chi, theo ý nghĩa phân biệt rõ, đã được sanh khởi vào khi ấy.
Tín lực, theo ý nghĩa không dao động ở sự không có đức tin, đã được sanh khởi vào khi ấy. Tấn lực, theo ý nghĩa không dao động ở sự biếng nhác, đã được sanh khởi vào khi ấy. Niệm lực, theo ý nghĩa không dao động ở sự buông lung, đã được sanh khởi vào khi ấy. Định lực, theo ý nghĩa không dao động ở sự phóng dật, đã được sanh khởi vào khi ấy. Tuệ lực, theo ý nghĩa không dao động ở sự không sáng suốt, đã được sanh khởi vào khi ấy.
Tín quyền, theo ý nghĩa cương quyết, đã được sanh khởi vào khi ấy. Tấn quyền, theo ý nghĩa ra sức, đã được sanh khởi vào khi ấy. Niệm quyền, theo ý nghĩa thiết lập, đã được sanh khởi vào khi ấy. Định quyền, theo ý nghĩa không tản mạn, đã được sanh khởi vào khi ấy. Tuệ quyền, theo ý nghĩa nhận thức, đã được sanh khởi vào khi ấy.
Các quyền, theo ý nghĩa pháp chủ đạo, đã được sanh khởi vào khi ấy. Các lực, theo ý nghĩa không dao động, đã được sanh khởi vào khi ấy. Các giác chi, theo ý nghĩa dẫn xuất (ra khỏi luân hồi), đã được sanh khởi vào khi ấy. Đạo, theo ý nghĩa chủng tử, đã được sanh khởi vào khi ấy. Các sự thiết lập niệm, theo ý nghĩa thiết lập, đã được sanh khởi vào khi ấy. Các chánh cần, theo ý nghĩa nỗ lực, đã được sanh khởi vào khi ấy. Các nền tảng của thần thông, theo ý nghĩa thành tựu, đã được sanh khởi vào khi ấy. Các chân lý, theo ý nghĩa của thực thể, đã được sanh khởi vào khi ấy. Chỉ tịnh, theo ý nghĩa không tản mạn, đã được sanh khởi vào khi ấy. Minh sát, theo ý nghĩa quán xét, đã được sanh khởi vào khi ấy. Chỉ tịnh và minh sát, theo ý nghĩa nhất vị, đã được sanh khởi vào khi ấy. Sự kết hợp chung, theo ý nghĩa không vượt trội, đã được sanh khởi vào khi ấy. Giới thanh tịnh, theo ý nghĩa thu thúc, đã được sanh khởi vào khi ấy. Tâm thanh tịnh, theo ý nghĩa không tản mạn, đã được sanh khởi vào khi ấy. Kiến thanh tịnh, theo ý nghĩa nhận thức, đã được sanh khởi vào khi ấy. Sự giải thoát, theo ý nghĩa được phóng thích, đã được sanh khởi vào khi ấy. Minh, theo ý nghĩa thấu triệt, đã được sanh khởi vào khi ấy. Giải thoát, theo ý nghĩa buông bỏ, đã được sanh khởi vào khi ấy. Trí về sự đoạn tận, theo ý nghĩa đoạn trừ, đã được sanh khởi vào khi ấy.
Ước muốn, theo ý nghĩa nguồn cội, đã được sanh khởi vào khi ấy. Tác ý, theo ý nghĩa nguồn sanh khởi, đã được sanh khởi vào khi ấy. Xúc, theo ý nghĩa liên kết, đã được sanh khởi vào khi ấy. Thọ, theo ý nghĩa hội tụ, đã được sanh khởi vào khi ấy. Định, theo ý nghĩa dẫn đầu, đã được sanh khởi vào khi ấy. Niệm, theo ý nghĩa pháp chủ đạo, đã được sanh khởi vào khi ấy. Tuệ, theo ý nghĩa cao thượng trong các pháp thiện, đã được sanh khởi vào khi ấy. Sự giải thoát, theo ý nghĩa cốt lỏi, đã được sanh khởi vào khi ấy. Niết Bàn liên quan đến bất tử, theo ý nghĩa kết thúc, đã được sanh khởi vào khi ấy. Sau khi đã thoát ra vị ấy quán xét lại. Đây là các pháp đã được sanh khởi vào khi ấy.
Vào sát-na Quả Nhập Lưu: Chánh kiến, theo ý nghĩa nhận thức, đã được sanh khởi vào khi ấy. Chánh tư duy, theo ý nghĩa gắn chặt (tâm vào cảnh), đã được sanh khởi vào khi ấy. ...(như trên)... Trí về sự vô sanh, theo ý nghĩa tĩnh lặng, đã được sanh khởi vào khi ấy. Ước muốn, theo ý nghĩa nguồn cội, đã được sanh khởi vào khi ấy. Tác ý, theo ý nghĩa nguồn sanh khởi, đã được sanh khởi vào khi ấy. Xúc, theo ý nghĩa liên kết, đã được sanh khởi vào khi ấy. Thọ, theo ý nghĩa hội tụ, đã được sanh khởi vào khi ấy. Định, theo ý nghĩa dẫn đầu, đã được sanh khởi vào khi ấy. Niệm, theo ý nghĩa pháp chủ đạo, đã được sanh khởi vào khi ấy. Tuệ, theo ý nghĩa cao thượng trong các pháp thiện, đã được sanh khởi vào khi ấy. Sự giải thoát, theo ý nghĩa cốt lỏi, đã được sanh khởi vào khi ấy. Niết Bàn liên quan đến bất tử, theo ý nghĩa kết thúc, đã được sanh khởi vào khi ấy. Sau khi đã thoát ra vị ấy quán xét lại. Đây là các pháp đã được sanh khởi vào khi ấy.
Vào sát-na Đạo Nhất Lai: ...(như trên)... Vào sát-na Quả Nhất Lai: ...(như trên)... Vào sát-na Đạo Bất Lai: ...(như trên)... Vào sát-na Quả Bất Lai: ...(như trên)... Vào sát-na Đạo A-la-hán: Chánh kiến, theo ý nghĩa nhận thức, đã được sanh khởi vào khi ấy. ...(như trên)... Trí về sự đoạn tận, theo ý nghĩa đoạn trừ, đã được sanh khởi vào khi ấy. Ước muốn, theo ý nghĩa nguồn cội, đã được sanh khởi vào khi ấy. ...(như trên)... Niết Bàn liên quan đến bất tử, theo ý nghĩa kết thúc, đã được sanh khởi vào khi ấy. Sau khi đã thoát ra vị ấy quán xét lại. Đây là các pháp đã được sanh khởi vào khi ấy.
Vào sát-na Quả A-la-hán: Chánh kiến, theo ý nghĩa nhận thức, đã được sanh khởi vào khi ấy. ...(như trên)... Trí về sự vô sanh, theo ý nghĩa tĩnh lặng, đã được sanh khởi vào khi ấy. Ước muốn với nguồn cội, đã được sanh khởi vào khi ấy. ...(như trên)... Niết Bàn liên quan đến bất tử, theo ý nghĩa kết thúc, đã được sanh khởi vào khi ấy. Sau khi đã thoát ra vị ấy quán xét lại. Đây là các pháp đã được sanh khởi vào khi ấy.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc nhìn thấy các pháp đã được sanh khởi vào khi ấy là trí về việc quán xét lại.”
Phần giải thích ‘Trí về việc quán xét lại.’
Tuệ về việc xác định nội phần là trí về tính chất khác biệt của các vật nương là (có ý nghĩa) thế nào?
Xác định các pháp thuộc nội phần là (có ý nghĩa) thế nào?
Xác định mắt thuộc nội phần, xác định tai thuộc nội phần, xác định mũi thuộc nội phần, xác định lưỡi thuộc nội phần, xác định thân thuộc nội phần, xác định ý thuộc nội phần.
Xác định mắt thuộc nội phần là (có ý nghĩa) thế nào? Xác định rằng: ‘Mắt được hiện hữu do vô minh,’ xác định rằng: ‘Mắt được hiện hữu do ái,’ xác định rằng: ‘Mắt được hiện hữu do nghiệp,’ xác định rằng: ‘Mắt được hiện hữu do vật thực,’ xác định rằng: ‘Mắt nương vào tứ đại,’ xác định rằng: ‘Mắt được sanh lên,’ xác định rằng: ‘Mắt được hiện khởi,’ xác định rằng: ‘Mắt đã là không hiện hữu, sau khi hiện hữu sẽ không tồn tại,’ xác định mắt có sự hạn chế, xác định rằng: ‘Mắt là pháp không vững chắc, không thường còn, có sự chuyển biến,’ xác định rằng: ‘Mắt là vô thường, là pháp hữu vi, được tùy thuận sanh khởi, là pháp của sự đoạn tận, là pháp của sự biến hoại, là pháp của sự ly tham ái, là pháp của sự diệt tận.’
Đối với mắt, (hành giả) xác định là vô thường, không phải là thường; (hành giả) xác định là khổ não, không phải là lạc; (hành giả) xác định là vô ngã, không phải là ngã; (hành giả) nhàm chán, không vui thích; (hành giả) ly tham ái, không tham ái; (hành giả) làm cho diệt tận, không làm cho sanh khởi; (hành giả) từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi xác định là vô thường, (hành giả) dứt bỏ thường tưởng; trong khi xác định là khổ não, (hành giả) dứt bỏ lạc tưởng; trong khi xác định là vô ngã, (hành giả) dứt bỏ ngã tưởng; trong khi nhàm chán, (hành giả) dứt bỏ sự vui thích; trong khi ly tham ái, (hành giả) dứt bỏ tham ái; trong khi làm cho diệt tận, (hành giả) dứt bỏ sự sanh khởi; trong khi từ bỏ, (hành giả) dứt bỏ sự nắm giữ. Xác định mắt thuộc nội phần là (có ý nghĩa) như thế.
Xác định tai thuộc nội phần là (có ý nghĩa) thế nào? Xác định rằng: ‘Tai được hiện hữu do vô minh.’ ...(như trên)... Xác định tai thuộc nội phần là (có ý nghĩa) như thế.
Xác định mũi thuộc nội phần là (có ý nghĩa) thế nào? Xác định rằng: ‘Mũi được hiện hữu do vô minh.’ ...(như trên)... Xác định mũi thuộc nội phần là (có ý nghĩa) như thế.
Xác định lưỡi thuộc nội phần là (có ý nghĩa) thế nào? Xác định rằng: ‘Lưỡi được hiện hữu do vô minh,’ xác định rằng: ‘Lưỡi được hiện hữu do ái,’ xác định rằng: ‘Lưỡi được hiện hữu do nghiệp,’ xác định rằng: ‘Lưỡi được hiện hữu do vật thực,’ xác định rằng: ‘Lưỡi nương vào tứ đại,’ xác định rằng: ‘Lưỡi được sanh lên,’ xác định rằng: ‘Lưỡi được hiện khởi,’ xác định rằng: ‘Lưỡi đã là không hiện hữu, sau khi hiện hữu sẽ không tồn tại,’ xác định lưỡi có sự hạn chế, xác định rằng: ‘Lưỡi là pháp không vững chắc, không thường còn, có sự chuyển biến,’ xác định rằng: ‘Lưỡi là vô thường, là pháp hữu vi, được tùy thuận sanh khởi, là pháp của sự đoạn tận, là pháp của sự biến hoại, là pháp của sự ly tham ái, là pháp của sự diệt tận.’
Đối với lưỡi, (hành giả) xác định là vô thường, không phải là thường; ...(như trên)... (hành giả) từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi xác định là vô thường, (hành giả) dứt bỏ thường tưởng; ...(như trên)... trong khi từ bỏ, (hành giả) dứt bỏ sự nắm giữ. Xác định lưỡi thuộc nội phần là (có ý nghĩa) như thế.
Xác định thân thuộc nội phần là (có ý nghĩa) thế nào? Xác định rằng: ‘Thân được hiện hữu do vô minh,’ xác định rằng: ‘Thân được hiện hữu do ái,’ xác định rằng: ‘Thân được hiện hữu do nghiệp,’ xác định rằng: ‘Thân được hiện hữu do vật thực,’ xác định rằng: ‘Thân nương vào tứ đại,’ xác định rằng: ‘Thân được sanh lên,’ ...(như trên)... Đối với thân, (hành giả) xác định là vô thường, không phải là thường; (hành giả) xác định là khổ não, không phải là lạc; ...(như trên)... (hành giả) từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi xác định là vô thường, (hành giả) dứt bỏ thường tưởng; trong khi xác định là khổ não, (hành giả) dứt bỏ lạc tưởng; ...(như trên)... trong khi từ bỏ, (hành giả) dứt bỏ sự nắm giữ. Xác định thân thuộc nội phần là (có ý nghĩa) như thế.
Xác định ý thuộc nội phần là (có ý nghĩa) thế nào? Xác định rằng: ‘Ý được hiện hữu do vô minh,’ xác định rằng: ‘Ý được hiện hữu do ái,’ xác định rằng: ‘Ý được hiện hữu do nghiệp,’ xác định rằng: ‘Ý được hiện hữu do vật thực,’ xác định rằng: ‘Ý được sanh lên,’ xác định rằng: ‘Ý được hiện khởi,’ xác định rằng: ‘Ý đã là không hiện hữu, sau khi hiện hữu sẽ không tồn tại,’ xác định ý có sự hạn chế, xác định rằng: ‘Ý là pháp không vững chắc, không thường còn, có sự chuyển biến,’ xác định rằng: ‘Ý là vô thường, là pháp hữu vi, được tùy thuận sanh khởi, là pháp của sự đoạn tận, là pháp của sự biến hoại, là pháp của sự ly tham ái, là pháp của sự diệt tận.’ Đối với ý, (hành giả) xác định là vô thường, không phải là thường; (hành giả) xác định là khổ não, không phải là lạc; (hành giả) xác định là vô ngã, không phải là ngã; (hành giả) nhàm chán, không vui thích; (hành giả) ly tham ái, không tham ái; (hành giả) làm cho diệt tận, không làm cho sanh khởi; (hành giả) từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi xác định là vô thường, (hành giả) dứt bỏ thường tưởng; trong khi xác định là khổ não, (hành giả) dứt bỏ lạc tưởng; trong khi xác định là vô ngã, (hành giả) dứt bỏ ngã tưởng; trong khi nhàm chán, (hành giả) dứt bỏ sự vui thích; trong khi ly tham ái, (hành giả) dứt bỏ tham ái; trong khi làm cho diệt tận, (hành giả) dứt bỏ sự sanh khởi; trong khi từ bỏ, (hành giả) dứt bỏ sự nắm giữ. Xác định ý thuộc nội phần là (có ý nghĩa) như thế.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc xác định nội phần là trí về tính chất khác biệt của các vật nương.”
Phần giải thích ‘Trí về tính chất khác biệt của các vật nương.’
Tuệ về việc xác định ngoại phần là trí về tính chất khác biệt của các hành xứ là (có ý nghĩa) thế nào?
Xác định các pháp thuộc ngoại phần là (có ý nghĩa) thế nào? Xác định các sắc thuộc ngoại phần, xác định các thinh thuộc ngoại phần, xác định các khí thuộc ngoại phần, xác định các vị thuộc ngoại phần, xác định các xúc thuộc ngoại phần, xác định các pháp thuộc ngoại phần.
Xác định các sắc thuộc ngoại phần là (có ý nghĩa) thế nào? Xác định rằng: ‘Các sắc được hiện hữu do vô minh,’ xác định rằng: ‘Các sắc được hiện hữu do ái,’ xác định rằng: ‘Các sắc được hiện hữu do nghiệp,’ xác định rằng: ‘Các sắc được hiện hữu do vật thực,’ xác định rằng: ‘Các sắc nương vào tứ đại,’ xác định rằng: ‘Các sắc được sanh lên,’ xác định rằng: ‘Các sắc được hiện khởi,’ xác định rằng: ‘Các sắc đã là không hiện hữu, sau khi hiện hữu sẽ không tồn tại,’ xác định các sắc có sự hạn chế, xác định rằng: ‘Các sắc là pháp không vững chắc, không thường còn, có sự chuyển biến,’ xác định rằng: ‘Các sắc là vô thường, là pháp hữu vi, được tùy thuận sanh khởi, là pháp của sự đoạn tận, là pháp của sự biến hoại, là pháp của sự ly tham ái, là pháp của sự diệt tận.’
Đối với các sắc, (hành giả) xác định là vô thường, không phải là thường; (hành giả) xác định là khổ não, không phải là lạc; (hành giả) xác định là vô ngã, không phải là ngã; (hành giả) nhàm chán, không vui thích; (hành giả) ly tham ái, không tham ái; (hành giả) làm cho diệt tận, không làm cho sanh khởi; (hành giả) từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi xác định là vô thường, (hành giả) dứt bỏ thường tưởng; trong khi xác định là khổ não, (hành giả) dứt bỏ lạc tưởng; trong khi xác định là vô ngã, (hành giả) dứt bỏ ngã tưởng; trong khi nhàm chán, (hành giả) dứt bỏ sự vui thích; trong khi ly tham ái, (hành giả) dứt bỏ tham ái; trong khi làm cho diệt tận, (hành giả) dứt bỏ sự sanh khởi; trong khi từ bỏ, (hành giả) dứt bỏ sự nắm giữ. Xác định các sắc thuộc ngoại phần là (có ý nghĩa) như thế.
Xác định các thinh thuộc ngoại phần là (có ý nghĩa) thế nào? Xác định rằng: ‘Các thinh nương vào tứ đại,’ xác định rằng: ‘Các thinh được sanh lên,’ xác định rằng: ‘Các thinh được hiện khởi,’ xác định rằng: ‘Các thinh đã là không hiện hữu, sau khi hiện hữu sẽ không tồn tại,’ xác định các thinh có sự hạn chế, xác định rằng: ‘Các thinh là pháp không vững chắc, không thường còn, có sự chuyển biến,’ xác định rằng: ‘Các thinh là vô thường, là pháp hữu vi, được tùy thuận sanh khởi, là pháp của sự đoạn tận, là pháp của sự biến hoại, là pháp của sự ly tham ái, là pháp của sự diệt tận.’
Đối với các thinh, (hành giả) xác định là vô thường, không phải là thường; ...(như trên)... Xác định các thinh thuộc ngoại phần là (có ý nghĩa) như thế.
Xác định các khí thuộc ngoại phần là (có ý nghĩa) thế nào? Xác định rằng: ‘Các khí được hiện hữu do vô minh,’ xác định rằng: ‘Các khí được hiện hữu do ái.’ ...(như trên)... Xác định các khí thuộc ngoại phần là (có ý nghĩa) như thế.
Xác định các vị thuộc ngoại phần là (có ý nghĩa) thế nào? Xác định rằng: ‘Các vị được hiện hữu do vô minh.’ ...(như trên)... Xác định các vị thuộc ngoại phần là (có ý nghĩa) như thế.
Xác định các xúc thuộc ngoại phần là (có ý nghĩa) thế nào? Xác định rằng: ‘Các xúc được hiện hữu do vô minh,’ xác định rằng: ‘Các xúc được hiện hữu do ái,’ xác định rằng: ‘Các xúc được hiện hữu do nghiệp,’ xác định rằng: ‘Các xúc được hiện hữu do vật thực,’ xác định rằng: ‘Các xúc được sanh lên,’ xác định rằng: ‘Các xúc được hiện khởi.’ ...(như trên)... Xác định các xúc thuộc ngoại phần là (có ý nghĩa) như thế.
Xác định các pháp thuộc ngoại phần là (có ý nghĩa) thế nào? Xác định rằng: ‘Các pháp được hiện hữu do vô minh,’ xác định rằng: ‘Các pháp được hiện hữu do ái,’ xác định rằng: ‘Các pháp được hiện hữu do nghiệp,’ xác định rằng: ‘Các pháp được hiện hữu do vật thực,’ xác định rằng: ‘Các pháp nương vào tứ đại,’ xác định rằng: ‘Các pháp được sanh lên,’ xác định rằng: ‘Các pháp được hiện khởi,’ xác định rằng: ‘Các pháp đã là không hiện hữu, sau khi hiện hữu sẽ không tồn tại,’ xác định các pháp có sự hạn chế, xác định rằng: ‘Các pháp là pháp không vững chắc, không thường còn, có sự chuyển biến,’ xác định rằng: ‘Các pháp là vô thường, là pháp hữu vi, được tùy thuận sanh khởi, là pháp của sự đoạn tận, là pháp của sự biến hoại, là pháp của sự ly tham ái, là pháp của sự diệt tận.’
Đối với các pháp, (hành giả) xác định là vô thường, không phải là thường; (hành giả) xác định là khổ não, không phải là lạc; (hành giả) xác định là vô ngã, không phải là ngã; (hành giả) nhàm chán, không vui thích; (hành giả) ly tham ái, không tham ái; (hành giả) làm cho diệt tận, không làm cho sanh khởi; (hành giả) từ bỏ, không nắm giữ. ...(như trên)... Trong khi xác định là vô thường, (hành giả) dứt bỏ thường tưởng; trong khi xác định là khổ não, (hành giả) dứt bỏ lạc tưởng; trong khi xác định là vô ngã, (hành giả) dứt bỏ ngã tưởng; trong khi nhàm chán, (hành giả) dứt bỏ sự vui thích; trong khi ly tham ái, (hành giả) dứt bỏ tham ái; trong khi làm cho diệt tận, (hành giả) dứt bỏ sự sanh khởi; trong khi từ bỏ, (hành giả) dứt bỏ sự nắm giữ. Xác định các pháp thuộc ngoại phần là (có ý nghĩa) như thế.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc xác định ngoại phần là trí về tính chất khác biệt của các hành xứ.”
Phần giải thích ‘Trí về tính chất khác biệt của các hành xứ.’
Tuệ về việc xác định hành vi là trí về tính chất khác biệt của các hành vi là (có ý nghĩa) thế nào?
Hành vi: Có ba hành vi: hành vi của thức, hành vi của vô trí, hành vi của trí.
Hành vi của thức là gì?
Hành động hướng tâm có tính chất vô ký nhằm mục đích nhìn thấy các sắc là hành vi của thức. Ý nghĩa của việc nhìn thấy các sắc, tức là nhãn thức, là hành vi của thức. Bản thể của việc đã nhìn thấy các sắc, tức là ý giới tiếp thâu kết quả việc gắn chặt (tâm vào cảnh), là hành vi của thức. Bản thể của việc đã được gắn chặt vào các sắc, tức là ý thức giới quan sát kết quả, là hành vi của thức.
Hành động hướng tâm có tính chất vô ký nhằm mục đích nghe các thinh là hành vi của thức. Ý nghĩa của việc nghe các thinh, tức là nhĩ thức, là hành vi của thức. Bản thể của việc đã nghe được các thinh, tức là ý giới tiếp thâu kết quả việc gắn chặt (tâm vào cảnh), là hành vi của thức. Bản thể của việc đã được gắn chặt vào các thinh, tức là ý thức giới quan sát kết quả, là hành vi của thức.
Hành động hướng tâm có tính chất vô ký nhằm mục đích ngửi các khí là hành vi của thức. Ý nghĩa của việc ngửi các khí, tức là tỷ thức, là hành vi của thức. Bản thể của việc đã ngửi được các khí tức là ý giới tiếp thâu kết quả việc gắn chặt (tâm vào cảnh), là hành vi của thức. Bản thể của việc đã được gắn chặt vào các khí, tức là ý thức giới quan sát kết quả, là hành vi của thức.
Hành động hướng tâm có tính chất vô ký nhằm mục đích nếm các vị là hành vi của thức. Ý nghĩa của việc nếm các vị, tức là thiệt thức, là hành vi của thức. Bản thể của việc đã nếm được các vị tức là ý giới tiếp thâu kết quả việc gắn chặt (tâm vào cảnh), là hành vi của thức. Bản thể của việc đã được gắn chặt vào các vị, tức là ý thức giới quan sát kết quả, là hành vi của thức.
Hành động hướng tâm có tính chất vô ký nhằm mục đích đụng chạm các xúc là hành vi của thức. Ý nghĩa của việc đụng chạm các xúc, tức là thân thức, là hành vi của thức. Bản thể của việc đã đụng chạm các xúc, tức là ý giới tiếp thâu kết quả việc gắn chặt (tâm vào cảnh), là hành vi của thức. Bản thể của việc đã được gắn chặt vào các xúc, tức là ý thức giới quan sát kết quả, là hành vi của thức.
Hành động hướng tâm có tính chất vô ký nhằm mục đích nhận biết các pháp là hành vi của thức. Ý nghĩa của việc nhận biết các pháp, tức là ý thức, là hành vi của thức. Bản thể của việc đã được nhận biết các pháp, tức là ý giới tiếp thâu kết quả việc gắn chặt (tâm vào cảnh), là hành vi của thức. Bản thể của việc đã được gắn chặt vào các pháp, tức là ý thức giới quan sát kết quả, là hành vi của thức.
Hành vi của thức: Hành vi của thức theo ý nghĩa gì?
‘Hành xử không có tham ái’ là hành vi của thức. ‘Hành xử không có sân’ là hành vi của thức. ‘Hành xử không có si’ là hành vi của thức. ‘Hành xử không có ngã mạn’ là hành vi của thức. ‘Hành xử không có tà kiến’ là hành vi của thức. ‘Hành xử không có phóng dật’ ... ‘Hành xử không có hoài nghi’ là hành vi của thức. ‘Hành xử không có (yếu tố) ngủ ngầm’ ... ‘Hành xử không có liên kết với tham ái’ ... ‘Hành xử không có liên kết với sân’ ... ‘Hành xử không có liên kết với si’ ... ‘Hành xử không có liên kết với ngã mạn’ ... ‘Hành xử không có liên kết với tà kiến’ ... ‘Hành xử không có liên kết với phóng dật’ ... ‘Hành xử không có liên kết với hoài nghi’ ... ‘Hành xử không có liên kết với (yếu tố) ngủ ngầm’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp thiện’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp bất thiện’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp có tội’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp không có tội’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp đen’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp trắng’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp tăng trưởng lạc’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp tăng trưởng khổ’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp có kết quả lạc’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp có kết quả khổ’ ... ‘Hành xử khi đã biết (cảnh)’ là hành vi của thức. ‘Hành vi có hình thức như thế của thức’ là hành vi của thức. ‘Tâm này thanh tịnh ở trạng thái tự nhiên theo ý nghĩa xa lìa phiền não’ là hành vi của thức. Đây là hành vi của thức.
Hành vi của vô trí là gì?
Hành động hướng tâm có tính chất vô ký bởi mục đích thôi thúc của tham ái đối với các sắc thích ý là hành vi của thức, do sự thôi thúc của tham ái là hành vi của vô trí. Hành động hướng tâm có tính chất vô ký bởi mục đích thôi thúc của sân đối với các sắc không thích ý là hành vi của thức, do sự thôi thúc của sân là hành vi của vô trí. Hành động hướng tâm có tính chất vô ký bởi mục đích thôi thúc của si đối với đối tượng không có sự quan tâm bởi một trong hai (tham ái hoặc sân) là hành vi của thức, do sự thôi thúc của si là hành vi của vô trí. Hành động hướng tâm có tính chất vô ký bởi mục đích thôi thúc của ngã mạn cố chấp là hành vi của thức, do sự thôi thúc của ngã mạn là hành vi của vô trí. Hành động hướng tâm có tính chất vô ký bởi mục đích thôi thúc của tà kiến đã tiêm nhiễm là hành vi của thức, do sự thôi thúc của tà kiến là hành vi của vô trí. Hành động hướng tâm có tính chất vô ký bởi mục đích thôi thúc của phóng dật đưa đến sự tản mạn là hành vi của thức, do sự thôi thúc của phóng dật là hành vi của vô trí. Hành động hướng tâm có tính chất vô ký bởi mục đích thôi thúc của hoài nghi đưa đến không quyết đoán là hành vi của thức, do sự thôi thúc của hoài nghi là hành vi của vô trí. Hành động hướng tâm có tính chất vô ký bởi mục đích thôi thúc của ngủ ngầm đưa đến động lực là hành vi của thức, do sự thôi thúc của ngủ ngầm là hành vi của vô trí.
Hành động hướng tâm có tính chất vô ký bởi mục đích thôi thúc của tham ái đối với các thinh hợp ý ...(như trên)... đối với các khí hợp ý ...(như trên)... đối với các vị hợp ý ...(như trên)... đối với các xúc hợp ý ...(như trên)... đối với các pháp hợp ý là hành vi của thức, do sự thôi thúc của tham ái là hành vi của vô trí. Hành động hướng tâm có tính chất vô ký bởi mục đích thôi thúc của sân đối với các pháp không hợp ý là hành vi của thức, do sự thôi thúc của sân là hành vi của vô trí. Hành động hướng tâm có tính chất vô ký bởi mục đích thôi thúc của si đối với đối tượng không có sự quan tâm bởi một trong hai (tham ái hoặc sân) là hành vi của thức, do sự thôi thúc của si là hành vi của vô trí. Hành động hướng tâm có tính chất vô ký bởi mục đích thôi thúc của ngã mạn cố chấp là hành vi của thức, do sự thôi thúc của ngã mạn là hành vi của vô trí. Hành động hướng tâm có tính chất vô ký bởi mục đích thôi thúc của tà kiến đã tiêm nhiễm là hành vi của thức, do sự thôi thúc của tà kiến là hành vi của vô trí. Hành động hướng tâm có tính chất vô ký bởi mục đích thôi thúc của phóng dật đưa đến sự tản mạn là hành vi của thức, do sự thôi thúc của phóng dật là hành vi của vô trí. Hành động hướng tâm có tính chất vô ký bởi mục đích thôi thúc của hoài nghi đưa đến không quyết đoán là hành vi của thức, do sự thôi thúc của hoài nghi là hành vi của vô trí. Hành động hướng tâm có tính chất vô ký bởi mục đích thôi thúc của ngủ ngầm đưa đến động lực là hành vi của thức, do sự thôi thúc của ngủ ngầm là hành vi của vô trí.
Hành vi của vô trí: Với ý nghĩa gì là hành vi của vô trí?
‘Hành xử do tham ái’ là hành vi của vô trí. ‘Hành xử do sân’ là hành vi của vô trí. ‘Hành xử do si’ là hành vi của vô trí. ‘Hành xử do ngã mạn’ là hành vi của vô trí. ‘Hành xử do tà kiến ‘ là hành vi của vô trí. ‘Hành xử do phóng dật’ là hành vi của vô trí. ‘Hành xử do hoài nghi’ là hành vi của vô trí. ‘Hành xử do (yếu tố) ngủ ngầm’ là hành vi của vô trí. ‘Hành xử do liên kết với tham ái’ là hành vi của vô trí. ‘Hành xử do liên kết với sân’ ... ‘Hành xử do liên kết với si’ ... ‘Hành xử do liên kết với ngã mạn’ ... ‘Hành xử do liên kết với tà kiến’ ... ‘Hành xử do liên kết với phóng dật’ ... ‘Hành xử do liên kết với hoài nghi’ ... ‘Hành xử do liên kết với (yếu tố) ngủ ngầm’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp thiện’ ... ‘Hành xử do liên kết với các nghiệp bất thiện’ ... ‘Hành xử do liên kết với các nghiệp có tội’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp không có tội’ ... ‘Hành xử do liên kết với các nghiệp đen’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp trắng’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp tăng trưởng lạc’ ... ‘Hành xử do liên kết với các nghiệp tăng trưởng khổ’ là hành vi của vô trí. ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp có kết quả lạc’ là hành vi của vô trí. ‘Hành xử do liên kết với các nghiệp có kết quả khổ’ là hành vi của vô trí. ‘Hành xử khi chưa biết (cảnh)’ là hành vi của vô trí. ‘Hành vi có hình thức như thế của vô trí’ là hành vi của vô trí. Đây là hành vi của vô trí.
Hành vi của trí là gì?
Hành động hướng tâm có tính chất vô ký nhằm mục đích quán xét về vô thường là hành vi của thức, sự quán xét về vô thường là hành vi của trí. Hành động hướng tâm có tính chất vô ký nhằm mục đích quán xét về khổ não là hành vi của thức, sự quán xét về khổ não là hành vi của trí. Hành động hướng tâm có tính chất vô ký nhằm mục đích quán xét về vô ngã là hành vi của thức, sự quán xét về vô ngã là hành vi của trí. Hành động hướng tâm có tính chất vô ký nhằm mục đích quán xét về nhàm chán ..., nhằm mục đích quán xét về ly tham ái ..., nhằm mục đích quán xét về diệt tận ..., nhằm mục đích quán xét về từ bỏ ..., nhằm mục đích quán xét về đoạn tận ..., nhằm mục đích quán xét về biến hoại ..., nhằm mục đích quán xét về chuyển biến ..., nhằm mục đích quán xét về vô tướng ..., nhằm mục đích quán xét về vô nguyện ..., nhằm mục đích quán xét về không tánh ..., nhằm mục đích quán xét các pháp bằng thắng tuệ ..., nhằm mục đích của sự biết và thấy đúng theo thực thể ..., nhằm mục đích quán xét về sự tai hại ... nhằm mục đích quán xét về phân biệt rõ là hành vi của thức, sự quán xét về phân biệt rõ là hành vi của trí. Sự quán xét về ly khai là hành vi của trí. Đạo Nhập Lưu là hành vi của trí. Sự chứng đạt Quả Nhập Lưu là hành vi của trí. Đạo Nhất Lai ... Sự chứng đạt Quả Nhất Lai ... Đạo Bất Lai ... Sự chứng đạt Quả Bất Lai ... Đạo A-la-hán là hành vi của trí. Sự chứng đạt Quả A-la-hán là hành vi của trí.
Hành vi của trí: Với ý nghĩa gì là hành vi của trí?
‘Hành xử không có tham ái’ là hành vi của trí. ‘Hành xử không có sân’ là hành vi của trí. ‘Hành xử không có si’ là hành vi của trí. ‘Hành xử không có ngã mạn’ là hành vi của trí. ‘Hành xử không có tà kiến’ là hành vi của trí. ...(như trên)... ‘Hành xử do liên kết với các nghiệp thiện’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp bất thiện’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp có tội’ ... ‘Hành xử do liên kết với các nghiệp không có tội’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp đen’ ... ‘Hành xử do liên kết với các nghiệp trắng’ ... ‘Hành xử do liên kết với các nghiệp tăng trưởng lạc’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp tăng trưởng khổ’ ... ‘Hành xử do liên kết với các nghiệp có kết quả lạc’ ... ‘Hành xử không có liên kết với các nghiệp có kết quả khổ’ ... ‘Hành xử khi đã biết’ ... ‘Hành vi có hình thức như thế của trí’ là hành vi của trí. Đây là hành vi của trí.
Như thế, hành vi của thức là loại khác, hành vi của vô trí là loại khác, hành vi của trí là loại khác (nữa). Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc xác định hành vi là trí về tính chất khác biệt của các hành vi.”
Phần giải thích ‘Trí về tính chất khác biệt của các hành vi.’
Tuệ về việc xác định bốn pháp là trí về tính chất khác biệt của các lãnh vực là (có ý nghĩa) thế nào? Có bốn lãnh vực: lãnh vực dục giới, lãnh vực sắc giới, lãnh vực vô sắc giới, lãnh vực không bị lệ thuộc.
Lãnh vực dục giới là gì? Lấy ranh giới bên dưới là địa ngục Vô Gián và lấy giới hạn bên trên là chư thiên Tha Hóa Tự Tại, khoảng giữa này là nơi màcác uẩn, các giới, các xứ, các sắc, các thọ, các tưởng, các hành, và thứccó sự sinh hoạt ở nơi ấy, bị giới hạn ở nơi ấy; đây là lãnh vực dục giới.
Lãnh vực sắc giới là gì? Lấy ranh giới bên dưới là thế giới Phạm Thiên và lấy giới hạn bên trên là chư thiên Sắc Cứu Cánh, khoảng giữa này là nơi màcác pháp về tâm và sở hữu tâm của vị đang thể nhập, hoặc của vị đã được sanh lên, hoặc của vị có sự an trú lạc trong hiện tạicó sự sinh hoạt ở nơi ấy, bị giới hạn ở nơi ấy; đây là lãnh vực sắc giới.
Lãnh vực vô sắc giới là gì? Lấy ranh giới bên dưới là chư thiên đạt đến Không Vô Biên Xứ và lấy giới hạn bên trên là chư thiên đạt đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, khoảng giữa này là nơi màcác pháp về tâm và sở hữu tâm của vị đang thể nhập, hoặc của vị đã được sanh lên, hoặc của vị có sự an trú lạc trong hiện tạicó sự sinh hoạt ở nơi ấy, bị giới hạn ở nơi ấy; đây là lãnh vực vô sắc giới.
Lãnh vực không bị lệ thuộc là gì? Các Đạo, các Quả của Đạo, và Niết Bàn là không bị lệ thuộc; đây là lãnh vực không bị lệ thuộc. Đây là bốn lãnh vực.
Còn có bốn lãnh vực khác nữa là bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn như ý túc, bốn thiền, bốn vô lượng (tâm), bốn sự chứng đạt vô sắc, bốn phân tích, bốn sự thực hành,[13]bốn cảnh,[14]bốn truyền thống của bậc Thánh,[15]bốn sự việc thâu phục,[16]bốn bánh xe (đưa đến tiến hóa),[17]bốn nền tảng trong pháp;[18]đây là bốn lãnh vực.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc xác định bốn pháp là trí về tính chất khác biệt của các lãnh vực.”
Phần giải thích ‘Trí về tính chất khác biệt của các lãnh vực.’
Tuệ về việc xác định chín pháp là trí về tính chất khác biệt của các pháp là (có ý nghĩa) thế nào?
Xác định các pháp là (có ý nghĩa) thế nào? Về các pháp dục giới, (hành giả) xác định thiện, xác định bất thiện, xác định vô ký. Về các pháp sắc giới, (hành giả) xác định thiện, xác định vô ký. Về các pháp vô sắc giới, (hành giả) xác định thiện, xác định vô ký. Về các pháp không bị lệ thuộc, (hành giả) xác định thiện, xác định vô ký.
Về các pháp dục giới, xác định thiện, xác định bất thiện, xác định vô ký là (có ý nghĩa) thế nào? Về mười phương thức của nghiệp thiện, (hành giả) xác định là thiện. Về mười phương thức của nghiệp bất thiện, (hành giả) xác định là bất thiện. Về sắc, nghiệp quả, và duy tác, (hành giả) xác định là vô ký. Về các pháp dục giới, xác định thiện, xác định bất thiện, xác định vô ký là (có ý nghĩa) như thế.
Về các pháp sắc giới, xác định thiện, xác định vô ký là (có ý nghĩa) thế nào? Về bốn thiền của vị hiện ở thế gian này, (hành giả) xác định là thiện. Về bốn thiền của vị đã tái sanh đến nơi ấy, (hành giả) xác định là vô ký. Về các pháp sắc giới, xác định thiện, xác định vô ký là (có ý nghĩa) như thế.
Về các pháp vô sắc giới, xác định thiện, xác định vô ký là (có ý nghĩa) thế nào? Về bốn sự chứng đạt vô sắc giới của vị hiện ở thế gian này, (hành giả) xác định là thiện. Về bốn sự chứng đạt vô sắc giới của vị đã tái sanh đến nơi ấy, (hành giả) xác định là vô ký. Về các pháp vô sắc giới, xác định thiện, xác định vô ký là (có ý nghĩa) như thế.
Về các pháp không bị lệ thuộc, xác định thiện, xác định vô ký là (có ý nghĩa) thế nào? Về bốn Thánh Đạo, (hành giả) xác định là thiện. Về bốn Quả tương ứng và Niết Bàn, (hành giả) xác định là vô ký. Về các pháp không bị lệ thuộc, xác định thiện, xác định vô ký là (có ý nghĩa) như thế. Như vậy là xác định các pháp.
Chín cội nguồn của sự hân hoan: Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về vô thường. Khi (hành giả) được hân hoan, hỷ sanh khởi. Khi tâm có hỷ, thân trở nên tịnh. Khi thân được tịnh, (hành giả) nhận biết lạc. Khi có lạc, tâm được định. Khi tâm được định, (hành giả) nhận biết và thấy đúng theo thực thể. Khi nhận biết và thấy đúng theo thực thể, (hành giả) nhàm chán. Khi nhàm chán, (hành giả) ly tham ái. Do ly tham ái, (hành giả) được giải thoát. Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về khổ não, ...(như trên)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về vô ngã, ...(như trên)...
Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về sắc là vô thường. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về sắc là khổ não. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về sắc là vô ngã. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về thọ ... tưởng ... các hành ... thức ... mắt ... lão tử là vô thường. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về lão tử là khổ não. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý về lão tử là vô ngã. Khi (hành giả) được hân hoan, hỷ sanh khởi. Khi tâm có hỷ, thân trở nên tịnh. Khi thân được tịnh, (hành giả) nhận biết lạc. Khi có lạc, tâm được định. Khi tâm được định, (hành giả) nhận biết và thấy đúng theo thực thể. Khi nhận biết và thấy đúng theo thực thể, (hành giả) nhàm chán. Khi nhàm chán, (hành giả) ly tham ái. Do ly tham ái, (hành giả) được giải thoát. Đây là chín cội nguồn của sự hân hoan.
Chín cội nguồn của sự tác ý đúng đường lối: Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về vô thường. Khi (hành giả) được hân hoan, hỷ sanh khởi. Khi tâm có hỷ, thân trở nên tịnh. Khi thân được tịnh, (hành giả) nhận biết lạc. Khi có lạc, tâm được định, do tâm được định, (hành giả) nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là nhân sanh Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự diệt tận Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.’
Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về khổ não. Khi (hành giả) được hân hoan, hỷ sanh khởi. Khi tâm có hỷ, thân trở nên tịnh. Khi thân được tịnh, (hành giả) nhận biết lạc. Khi có lạc, tâm được định, do tâm được định, (hành giả) nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là Khổ,’ ... ‘Đây là nhân sanh Khổ,’ ... ‘Đây là sự diệt tận Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.’
Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về vô ngã. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về sắc là vô thường. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về sắc là khổ não. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về sắc là vô ngã. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về thọ ... tưởng ... các hành ... thức ... mắt ... lão tử là vô thường. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về lão tử là khổ não. ...(nt)... Hân hoan sanh khởi đến (hành giả) đang tác ý đúng đường lối về lão tử là vô ngã. Khi (hành giả) được hân hoan, hỷ sanh khởi. Khi tâm có hỷ, thân trở nên tịnh. Khi thân được tịnh, (hành giả) nhận biết lạc. Khi có lạc, tâm được định. Khi tâm được định, (hành giả) nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là Khổ,’ ... ‘Đây là nhân sanh Khổ,’ ... ‘Đây là sự diệt tận Khổ,’ nhận biết đúng theo thực thể rằng: ‘Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.’ Đây là 9 cội nguồn của sự tác ý đúng đường lối.
Chín tính chất khác biệt: Tùy thuận vào tính chất khác biệt của giới (như mắt, tai, v.v...), tính chất khác biệt của xúc được sanh lên. Tùy thuận vào tính chất khác biệt của xúc, tính chất khác biệt của thọ được sanh lên. Tùy thuận vào tính chất khác biệt của thọ, tính chất khác biệt của tưởng được sanh lên. Tùy thuận vào tính chất khác biệt của tưởng, tính chất khác biệt của tư được sanh lên. Tùy thuận vào tính chất khác biệt của tư, tính chất khác biệt của ước muốn được sanh lên. Tùy thuận vào tính chất khác biệt của ước muốn, tính chất khác biệt của trạng thái bực bội được sanh lên. Tùy thuận vào tính chất khác biệt của trạng thái bực bội, tính chất khác biệt của tầm cầu được sanh lên. Tùy thuận vào tính chất khác biệt của tầm cầu, tính chất khác biệt của sự thành tựu được sanh lên. Đây là chín tính chất khác biệt.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về việc xác định chín pháp là trí về tính chất khác biệt của các pháp.”
Phần giải thích ‘Trí về tính chất khác biệt của các pháp.’
[1] Bốn phần tổng hợp (catusaṅkhepe): là nhân quá khứ, quả hiện tại, nhân hiện tại, quả vị lai (PṭsA. 1, 243).
[2] Ba thời kỳ (tayo addhe): là quá khứ, hiện tại, vị lai (Sđd.)
[3] Ba sự tiếp nối (ti sandhiṃ): là nhân quá khứ và quả hiện tại, quả hiện tại và nhân hiện tại, nhân hiện tại và quả vị lai (PṭsA. 1, 243).
[4] Hai mươi biểu hiện (vīsatiyā ākārehi): được liệt kê ở 4 phần tổng hợp, mỗi phần có 5 biểu hiện; tổng cộng là 20 (PṭsA. 1, 243).
[5] Quán xét về vô thường, khổ não, và vô ngã (PṭsA. 1, 260).
[6] Minh sát về nhàm chán, ly tham ái, làm cho diệt tận, và từ bỏ (Sđd.).
[7] Thiện xảo về sự đoạn tận, sự biến hoại, và không tánh (Sđd.).
[8] Sanh lên ở năm chốn: được đề cập ở câu kệ thứ nhất gồm có: Sự tái sanh, sự vận hành, hiện tướng, (nghiệp) tích lũy, và mầm tái sanh. Bình yên về năm nơi: được đề cập ở câu kệ thứ hai gồm có: Sự không tái sanh, sự không vận hành, không hiện tướng, sự không (nghiệp) tích lũy, và không mầm tái sanh. Vị nhận ra mười trí: là nhận biết năm sự việc làm cho sanh khởi và năm sự việc không làm cho sanh khởi đã được liệt kê. Người thiện xảo hai trí: là trí về sự tai hại và trí về trạng thái bình yên (PṭsA. 1, 263-264).
[9] Là sự nhận thức sai trái về thân, sự hoài nghi, sự cố chấp vào giới và nghi thức (PṭsA. 1, 272).
[10] Ba giải thoát (tiṇṇaṃ vimokkhānaṃ): là vô tướng giải thoát, vô nguyện giải thoát, không tánh giải thoát (PṭsA. 1, 272).
[11] Dự phần vào: được dịch từ pakkhandati hàm ý nhảy vào, lao vào, tiến vào (ND).
[12] ajjhattabahiddhā vuṭṭhānapayogassa: của việc thực hành thoát ra khỏi nội ngoại phần (PṭsA. 1, 284).
[13] Bốn sự thực hành (catasso paṭipadā): hành khổ đắc chậm, hành khổ đắc nhanh, hành lạc đắc chậm, hành lạc đắc nhanh (PṭsA. 1, 299). Các điều còn lại xin xem ở Phần Phụ Chú.
[14] Bốn cảnh (cattāri ārammaṇāni): nhỏ thành cảnh nhỏ, nhỏ thành cảnh vô lượng, vô lượng thành cảnh nhỏ, vô lượng thành cảnh vô lượng (PṭsA. 1, 299).
[15] Bốn truyền thống của bậc Thánh (cattāro ariyavaṃsā): hài lòng với y phục, hài lòng với đồ ăn khất thực, hài lòng nơi trú ngụ, thỏa thích trong việc tham thiền (PṭsA. 1, 299).
[16] Bốn sự việc thâu phục (cattāri saṅgahavatthūni): bố thí, lời nói hòa ái, làm việc lợi ích, bản tính hòa đồng (PṭsA. 1, 299).
[17] Bốn bánh xe (đưa đến tiến hóa) (cattāri cakkāni): ngụ nơi thích hợp, sống gần bậc chân nhân, bản thân có ước nguyện đúng đắn, phước đã tạo trong quá khứ (PṭsA. 1, 299-300).
[18] Bốn nền tảng trong pháp (cattāri dhammapadāni): không tham lam, không sân độc, chánh niệm, chánh định (PṭsA. 1, 300).
Tuệ về sự biết rõ là trí về ý nghĩa của điều đã được biết, tuệ về sự biết toàn diện là trí về ý nghĩa của quyết đoán, tuệ về sự dứt bỏ là trí về ý nghĩa của buông bỏ, tuệ về sự tu tập là trí về ý nghĩa của nhất vị, tuệ về sự tác chứng là trí về ý nghĩa của sự chạm đến là (có ý nghĩa) thế nào?
Những pháp nào đã được biết rõ, những pháp ấy là đã được biết; những pháp nào đã được biết toàn diện, những pháp ấy là đã được quyết đoán; những pháp nào đã được dứt bỏ, những pháp ấy là đã được buông bỏ; những pháp nào đã được tu tập, những pháp ấy là có nhất vị; những pháp nào đã được tác chứng, những pháp ấy là đã được chạm đến.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự biết rõ là trí về ý nghĩa của điều đã được biết, tuệ về sự biết toàn diện là trí về ý nghĩa của quyết đoán, tuệ về sự dứt bỏ là trí về ý nghĩa của buông bỏ, tuệ về sự tu tập là trí về ý nghĩa của nhất vị, tuệ về sự tác chứng là trí về ý nghĩa của sự chạm đến.”
Phần giải thích về ‘Năm loại Trí.’
Tuệ về tính chất khác biệt của các ý nghĩa là trí về sự phân tích các ý nghĩa, tuệ về tính chất khác biệt của các pháp là trí về sự phân tích các pháp, tuệ về tính chất khác biệt của các ngôn từ là trí về sự phân tích các ngôn từ, tuệ về tính chất khác biệt của các phép biện giải là trí về sự phân tích các phép biện giải là (có ý nghĩa) thế nào?
Tín quyền là pháp, tấn quyền là pháp, niệm quyền là pháp, định quyền là pháp, tuệ quyền là pháp. Tín quyền là pháp khác, tấn quyền là pháp khác, niệm quyền là pháp khác (nữa), định quyền là pháp khác (nữa), tuệ quyền là pháp khác (nữa). Do trí nào các pháp khác biệt này được biết, cũng do chính trí ấy các pháp khác biệt này được thấu triệt. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các pháp là trí về sự phân tích các pháp.”
Ý nghĩa của sự cương quyết là ý nghĩa, ý nghĩa của sự ra sức là ý nghĩa, ý nghĩa của sự thiết lập là ý nghĩa, ý nghĩa của sự không tản mạn là ý nghĩa, ý nghĩa của sự nhận thức là ý nghĩa. Ý nghĩa của sự cương quyết là ý nghĩa khác, ý nghĩa của sự ra sức là ý nghĩa khác, ý nghĩa của sự thiết lập là ý nghĩa khác (nữa), ý nghĩa của sự không tản mạn là ý nghĩa khác (nữa), ý nghĩa của sự nhận thức là ý nghĩa khác (nữa). Do trí nào các ý nghĩa khác biệt này được biết, cũng do chính trí ấy các ý nghĩa khác biệt này được thấu triệt. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các ý nghĩa là trí về sự phân tích các ý nghĩa.”
Nói lên văn tự và ngôn từ để chỉ rõ năm pháp. Nói lên văn tự và ngôn từ để chỉ rõ năm ý nghĩa. Các ngôn từ của các pháp là khác, các ngôn từ của các ý nghĩa là khác. Do trí nào các ngôn từ khác biệt này được biết, cũng do chính trí ấy các ngôn từ khác biệt này được thấu triệt. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các ngôn từ là trí về sự phân tích các ngôn từ.”
Có các trí về năm pháp, có các trí về năm ý nghĩa, có các trí về mười ngôn từ. Các trí về các pháp là khác, các trí về các ý nghĩa là khác, các trí về ngôn từ là khác (nữa). Do trí nào các trí khác biệt này được biết, cũng do chính trí ấy các trí khác biệt này được thấu triệt. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các phép biện giải là trí về sự phân tích các phép biện giải.”
Tín lực là pháp, tấn lực là pháp, niệm lực là pháp, định lực là pháp, tuệ lực là pháp. Tín lực là pháp khác, tấn lực là pháp khác, niệm lực là pháp khác (nữa), định lực là pháp khác (nữa), tuệ lực là pháp khác (nữa). Do trí nào các pháp khác biệt này được biết, cũng do chính trí ấy các pháp khác biệt này được thấu triệt. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các pháp là trí về sự phân tích các pháp.”
Ý nghĩa không dao động ở sự không có đức tin là ý nghĩa, ý nghĩa không dao động ở sự biếng nhác là ý nghĩa, ý nghĩa không dao động ở sự buông lung là ý nghĩa, ý nghĩa không dao động ở sự phóng dật là ý nghĩa, ý nghĩa không dao động ở sự không sáng suốt là ý nghĩa. Ý nghĩa không dao động ở sự không có đức tin là ý nghĩa khác, ý nghĩa không dao động ở sự biếng nhác là ý nghĩa khác, ý nghĩa không dao động ở sự buông lung là ý nghĩa khác (nữa), ý nghĩa không dao động ở sự phóng dật là ý nghĩa khác (nữa), ý nghĩa không dao động ở sự không sáng suốt là ý nghĩa khác (nữa). Do trí nào các ý nghĩa khác biệt này được biết, cũng do chính trí ấy các ý nghĩa khác biệt này được thấu triệt. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các ý nghĩa là trí về sự phân tích các ý nghĩa.”
Nói lên văn tự và ngôn từ để chỉ rõ năm pháp. Nói lên văn tự và ngôn từ để chỉ rõ năm ý nghĩa. Các ngôn từ của các pháp là khác, các ngôn từ của các ý nghĩa là khác (nữa). Do trí nào các ngôn từ khác biệt này được biết, cũng do chính trí ấy các ngôn từ khác biệt này được thấu triệt. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các ngôn từ là trí về sự phân tích các ngôn từ.”
Có các trí về năm pháp, có các trí về năm ý nghĩa, có các trí về mười ngôn từ. Các trí về các pháp là khác, các trí về các ý nghĩa là khác, các trí về ngôn từ là khác (nữa). Do trí nào các trí khác biệt này được biết, cũng do chính trí ấy các trí khác biệt này được thấu triệt. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các phép biện giải là trí về sự phân tích các phép biện giải.”
Niệm giác chi là pháp, trạch pháp giác chi là pháp, cần giác chi là pháp, hỷ giác chi là pháp, tịnh giác chi là pháp, định giác chi là pháp, xả giác chi là pháp. Niệm giác chi là pháp khác, trạch pháp giác chi là pháp khác, cần giác chi là pháp khác (nữa), hỷ giác chi là pháp khác (nữa), tịnh giác chi là pháp khác (nữa), định giác chi là pháp khác (nữa), xả giác chi là pháp khác (nữa). Do trí nào các pháp khác biệt này được biết, cũng do chính trí ấy các pháp khác biệt này được thấu triệt. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các pháp là trí về sự phân tích các pháp.”
Ý nghĩa của sự thiết lập là ý nghĩa, ý nghĩa của sự suy xét là ý nghĩa, ý nghĩa của sự ra sức là ý nghĩa, ý nghĩa của sự lan tỏa là ý nghĩa, ý nghĩa của sự an tịnh là ý nghĩa, ý nghĩa của sự không tản mạn là ý nghĩa, ý nghĩa của sự phân biệt rõ là ý nghĩa. Ý nghĩa của sự thiết lập là ý nghĩa khác, ý nghĩa của sự suy xét là ý nghĩa khác, ý nghĩa của sự ra sức là ý nghĩa khác (nữa), ý nghĩa của sự lan tỏa là ý nghĩa khác (nữa), ý nghĩa của sự an tịnh là ý nghĩa khác (nữa), ý nghĩa của sự không tản mạn là ý nghĩa khác (nữa), ý nghĩa của sự phân biệt rõ là ý nghĩa khác (nữa). Do trí nào các ý nghĩa khác biệt này được biết, cũng do chính trí ấy các ý nghĩa khác biệt này được thấu triệt. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các ý nghĩa là trí về sự phân tích các ý nghĩa.”
Nói lên văn tự và ngôn từ để chỉ rõ bảy pháp. Nói lên văn tự và ngôn từ để chỉ rõ bảy ý nghĩa. Các ngôn từ của pháp là khác, các ngôn từ của ý nghĩa là khác (nữa). Do trí nào các ngôn từ khác biệt này được biết, cũng do chính trí ấy các ngôn từ khác biệt này được thấu triệt. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các ngôn từ là trí về sự phân tích các ngôn từ.”
Có các trí về bảy pháp, có các trí về bảy ý nghĩa, có các trí về mười bốn ngôn từ. Các trí về các pháp là khác, các trí về các ý nghĩa là khác, các trí về ngôn từ là khác (nữa). Do trí nào các trí khác biệt này được biết, cũng do chính trí ấy các trí khác biệt này được thấu triệt. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các phép biện giải là trí về sự phân tích các phép biện giải.”
Chánh kiến là pháp, chánh tư duy là pháp, chánh ngữ là pháp, chánh nghiệp là pháp, chánh mạng là pháp, chánh tinh tấn là pháp, chánh niệm là pháp, chánh định là pháp. Chánh kiến là pháp khác, chánh tư duy là pháp khác, chánh ngữ là pháp khác (nữa), chánh nghiệp là pháp khác (nữa), chánh mạng là pháp khác (nữa), chánh tinh tấn là pháp khác (nữa), chánh niệm là pháp khác (nữa), chánh định là pháp khác (nữa). Do trí nào các pháp khác biệt này được biết, cũng do chính trí ấy các pháp khác biệt này được thấu triệt. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các pháp là trí về sự phân tích các pháp.”
Ý nghĩa của sự nhận thức là ý nghĩa, ý nghĩa của sự gắn chặt (tâm vào cảnh) là ý nghĩa, ý nghĩa của sự gìn giữ là ý nghĩa, ý nghĩa của nguồn sanh khởi là ý nghĩa, ý nghĩa của sự trong sạch là ý nghĩa, ý nghĩa của sự ra sức là ý nghĩa, ý nghĩa của sự thiết lập là ý nghĩa, ý nghĩa của sự không tản mạn là ý nghĩa. Ý nghĩa của sự nhận thức là ý nghĩa khác, ý nghĩa của sự gắn chặt (tâm vào cảnh) là ý nghĩa khác, ý nghĩa của sự gìn giữ là ý nghĩa khác (nữa), ý nghĩa của nguồn sanh khởi là ý nghĩa khác (nữa), ý nghĩa của sự trong sạch là ý nghĩa khác (nữa), ý nghĩa của sự ra sức là ý nghĩa khác (nữa), ý nghĩa của sự thiết lập là ý nghĩa khác (nữa), ý nghĩa của sự không tản mạn là ý nghĩa khác (nữa). Do trí nào các ý nghĩa khác biệt này được biết, cũng do chính trí ấy các ý nghĩa khác biệt này được thấu triệt. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các ý nghĩa là trí về sự phân tích các ý nghĩa.”
Nói lên văn tự và ngôn từ để chỉ rõ tám pháp. Nói lên văn tự và ngôn từ để chỉ rõ tám ý nghĩa. Các ngôn từ của pháp là khác, các ngôn từ của ý nghĩa là khác. Do trí nào các ngôn từ khác biệt này được biết, cũng do chính trí ấy các ngôn từ khác biệt này được thấu triệt. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các ngôn từ là trí về sự phân tích các ngôn từ.”
Có các trí về tám pháp, có các trí về tám ý nghĩa, có các trí về mười sáu ngôn từ. Các trí về các pháp là khác, các trí về các ý nghĩa là khác, các trí về các ngôn từ là khác (nữa). Do trí nào các trí khác biệt này được biết, cũng do chính trí ấy các trí khác biệt này được thấu triệt. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các phép biện giải là trí về sự phân tích các phép biện giải.”
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các ý nghĩa là trí về sự phân tích các ý nghĩa, tuệ về tính chất khác biệt của các pháp là trí về sự phân tích các pháp, tuệ về tính chất khác biệt của các ngôn từ là trí về sự phân tích các ngôn từ, tuệ về tính chất khác biệt của các phép biện giải là trí về sự phân tích các phép biện giải.”
Phần giải thích ‘Trí về sự phân tích.’
Tuệ về tính chất khác biệt của các sự an trú là trí về ý nghĩa của các sự an trú, tuệ về tính chất khác biệt của các sự chứng đạt là trí về ý nghĩa của các sự chứng đạt, tuệ về tính chất khác biệt của các sự an trú và chứng đạt là trí về ý nghĩa của các sự an trú và chứng đạt là (có ý nghĩa) thế nào?
Trong khi nhận thấy rõ hiện tướng là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô tướng và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến; vô tướng là sự an trú. Trong khi nhận thấy rõ nguyện ước là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô nguyện và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến; vô nguyện là sự an trú. Trong khi nhận thấy rõ cố chấp là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến không tánh và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến; không tánh là sự an trú.
Trong khi nhận thấy rõ hiện tướng là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô tướng. Sau khi dửng dưng (có trạng thái xả) với sự vận hành và hướng tâm đến vô tướng là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; vô tướng là sự chứng đạt. Trong khi nhận thấy rõ nguyện ước là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô nguyện. Sau khi dửng dưng với sự vận hành và hướng tâm đến vô tướng là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; vô nguyện là sự chứng đạt. Trong khi nhận thấy rõ cố chấp là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến không tánh. Sau khi dửng dưng với sự vận hành và hướng tâm đến vô tướng là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; không tánh là sự chứng đạt.
Trong khi nhận thấy rõ hiện tướng là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô tướng và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến. Sau khi dửng dưng (có trạng thái xả) với sự vận hành và hướng tâm đến vô tướng là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; vô tướng là sự an trú và chứng đạt. Trong khi nhận thấy rõ nguyện ước là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô nguyện và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến. Sau khi dửng dưng với sự vận hành và hướng tâm đến vô tướng là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; vô nguyện là sự an trú và chứng đạt. Trong khi nhận thấy rõ cố chấp là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến không tánh và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến. Sau khi dửng dưng với sự vận hành và hướng tâm đến vô tướng là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; không tánh là sự an trú và chứng đạt.
Trong khi nhận thấy rõ hiện tướng của sắc là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô tướng và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến; vô tướng là sự an trú. Trong khi nhận thấy rõ nguyện ước về sắc là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô nguyện và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến; vô nguyện là sự an trú. Trong khi nhận thấy rõ cố chấp vào sắc là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến không tánh và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến; không tánh là sự an trú.
Trong khi nhận thấy rõ hiện tướng của sắc là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô tướng. Sau khi dửng dưng (có trạng thái xả) với sự vận hành và hướng tâm đến vô tướng là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; vô tướng là sự chứng đạt. Trong khi nhận thấy rõ nguyện ước về sắc là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô nguyện. Sau khi dửng dưng với sự vận hành và hướng tâm đến vô tướng là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; vô nguyện là sự chứng đạt. Trong khi nhận thấy rõ cố chấp vào sắc là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến không tánh. Sau khi dửng dưng với sự vận hành và hướng tâm đến vô tướng là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; không tánh là sự chứng đạt.
Trong khi nhận thấy rõ hiện tướng của sắc là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô tướng và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến. Sau khi dửng dưng (có trạng thái xả) với sự vận hành và hướng tâm đến vô tướng là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; vô tướng là sự an trú và chứng đạt. Trong khi nhận thấy rõ nguyện ước về sắc là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô nguyện và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến. Sau khi dửng dưng với sự vận hành và hướng tâm đến vô tướng là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; vô nguyện là sự an trú và chứng đạt. Trong khi nhận thấy rõ cố chấp vào sắc là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến không tánh và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến. Sau khi dửng dưng với sự vận hành và hướng tâm đến vô tướng là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; không tánh là sự an trú và chứng đạt.
Ñāṇattayaniddeso.
Trong khi nhận thấy rõ hiện tướng của thọ ...(như trên)... hiện tướng của tưởng ...(nt)... hiện tướng của các hành ...(nt)... hiện tướng của thức ...(nt)... hiện tướng của mắt ...(nt)... hiện tướng của lão tử là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô tướng và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến; vô tướng là sự an trú. Trong khi nhận thấy rõ nguyện ước về lão tử là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô nguyện và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến; vô nguyện là sự an trú. Trong khi nhận thấy rõ cố chấp vào lão tử là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến không tánh và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến; không tánh là sự an trú.
Trong khi nhận thấy rõ hiện tướng của lão tử là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô tướng. Sau khi dửng dưng với sự vận hành và hướng tâm đến vô tướng là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; vô tướng là sự chứng đạt. Trong khi nhận thấy rõ nguyện ước về lão tử là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô nguyện. Sau khi ... hướng tâm đến vô tướng là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; vô nguyện là sự chứng đạt. Trong khi nhận thấy rõ cố chấp vào lão tử là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến không tánh. Sau khi dửng dưng với sự vận hành và hướng tâm đến vô tướng là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; không tánh là sự chứng đạt.
Trong khi nhận thấy rõ hiện tướng của lão tử là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô tướng và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến. Sau khi dửng dưng với sự vận hành và hướng tâm đến vô tướng là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; vô tướng là sự an trú và chứng đạt. Trong khi nhận thấy rõ nguyện ước về lão tử là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến vô nguyện và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến. Sau khi ... hướng tâm đến vô nguyện là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; vô nguyện là sự an trú và chứng đạt. Trong khi nhận thấy rõ cố chấp về lão tử là kinh hãi, tự thân (hành giả) hướng đến không tánh và nhìn thấy sự biến hoại mỗi khi đạt đến. Sau khi ... hướng tâm đến không tánh là sự tịch diệt Niết Bàn, (hành giả) chứng đạt; không tánh là sự an trú và chứng đạt.
Vô tướng là sự an trú khác, vô nguyện là sự an trú khác, không tánh là sự an trú khác (nữa). Sự chứng đạt vô tướng là khác, sự chứng đạt vô nguyện là khác, sự chứng đạt không tánh là khác (nữa). Sự an trú và chứng đạt vô tướng là khác, sự an trú và chứng đạt vô nguyện là khác, sự an trú và chứng đạt không tánh là khác (nữa).
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về tính chất khác biệt của các sự an trú là trí về ý nghĩa của các sự an trú, tuệ về tính chất khác biệt của các sự chứng đạt là trí về ý nghĩa của các sự chứng đạt, tuệ về tính chất khác biệt của các sự an trú và chứng đạt là trí về ý nghĩa của các sự an trú và chứng đạt.”
Phần giải thích ‘Ba loại Trí.’
Tuệ về sự đoạn trừ các lậu hoặc do tính chất hoàn toàn trong sạch của sự không tản mạn là trí về định không gián đoạn là (có ý nghĩa) thế nào?
Do tác động của sự thoát ly, có trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là định. Do tác động của định ấy, trí được sanh lên. Do trí ấy, các lậu hoặc được cạn kiệt. Như thế, trước tiên là chỉ tịnh, sau đó là trí. Do trí ấy, có sự đoạn tận của các lậu hoặc. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự đoạn trừ các lậu hoặc do tính chất hoàn toàn trong sạch của sự không tản mạn là trí về định không gián đoạn.”
Lậu hoặc: Các lậu hoặc ấy là gì? Là dục lậu, hữu lậu, (tà) kiến lậu, vô minh lậu.
Các lậu hoặc này được cạn kiệt tại đâu? Do Đạo Nhập Lưu, toàn thể (tà) kiến lậu được cạn kiệt, dục lậu đưa đến khổ cảnh được cạn kiệt, hữu lậu đưa đến khổ cảnh được cạn kiệt, vô minh lậu đưa đến khổ cảnh được cạn kiệt; các lậu hoặc này được cạn kiệt tại đây.
Do Đạo Nhất Lai, dục lậu thô thiển được cạn kiệt, hữu lậu có cùng ý nghĩa với điều ấy được cạn kiệt, vô minh lậu có cùng ý nghĩa với điều ấy được cạn kiệt; các lậu hoặc này được cạn kiệt tại đây.
Do Đạo Bất Lai, toàn thể dục lậu được cạn kiệt, hữu lậu có cùng ý nghĩa với điều ấy được cạn kiệt, vô minh lậu có cùng ý nghĩa với điều ấy được cạn kiệt; các lậu hoặc này được cạn kiệt tại đây.
Do Đạo A-la-hán, toàn thể hữu lậu được cạn kiệt, toàn thể vô minh lậu được cạn kiệt; các lậu hoặc này được cạn kiệt tại đây.
Do tác động của sự không sân độc, ...(như trên)... Do tác động của sự nghĩ tưởng đến ánh sáng, ... Do tác động của sự không tản mạn, ... Do tác động của của sự xác định pháp, ... Do tác động của trí, ... Do tác động của sự hân hoan .... Do tác động của sơ thiền, ... của nhị thiền, ... của tam thiền, ... của tứ thiền .... của sự chứng đạt không vô biên xứ, ... của sự chứng đạt thức vô biên xứ, ... của sự chứng đạt vô sở hữu xứ, ... của sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ, ... của đề mục đất, ... của đề mục nước, ... của đề mục lửa, ... của đề mục gió, ... của đề mục xanh, ... của đề mục vàng, ... của đề mục đỏ, ... của đề mục trắng, ... của đề mục hư không, ... của đề mục thức, ... của việc tưởng niệm đến (ân đức) Phật, ... của việc tưởng niệm đến (ân đức) Pháp, ... của việc tưởng niệm đến (ân đức) Tăng, ... của việc tưởng niệm đến (đức tính của) giới, ... của việc tưởng niệm đến (đức tính của) sự xả bỏ, ... của việc tưởng niệm đến (đức tính của) chư thiên ... của việc niệm hơi thở ra vào, ... Do tác động của việc niệm sự chết, ... Do tác động của việc niệm (32 thể trược của) thân, ... Do tác động của của việc niệm sự an tịnh, ... Do tác động của tưởng về sự sình trương (của xác chết), ... Do tác động của tưởng về sự đổi màu xanh
(của xác chết), ... Do tác động của tưởng về sự chảy nước vàng (của xác chết), ... của tưởng về sự nứt nẻ (của xác chết), ... của tưởng về sự bị (thú) gặm nhắm (của xác chết), ... của tưởng về sự bị hoại rã (của xác chết), ... của tưởng về sự bị cắt đứt lìa (của xác chết), ... của tưởng về máu me (của xác chết), ... của tưởng về giòi bọ (của xác chết), ... của tưởng về bộ xương khô (của xác chết), ... Do tác động của hơi thở vào dài, ... của hơi thở ra dài, ... của hơi thở vào ngắn, ... của hơi thở ra ngắn, ... Cảm giác toàn thân do tác động của hơi thở vào, ... Cảm giác toàn thân do tác động của hơi thở ra, ... Làm cho an tịnh sự tạo tác của thân do tác động của hơi thở vào, ... Làm cho an tịnh sự tạo tác của thân do tác động của hơi thở ra, ... Cảm giác hỷ do tác động của hơi thở vào, ... Cảm giác hỷ do tác động của hơi thở ra, ... Cảm giác lạc do tác động của hơi thở vào, ... Cảm giác lạc do tác động của hơi thở ra, ... Cảm giác sự tạo tác của tâm do tác động của hơi thở vào, ... Cảm giác sự tạo tác của tâm do tác động của hơi thở ra, ... Làm an tịnh sự tạo tác của tâm do tác động của hơi thở vào, ... Làm an tịnh sự tạo tác của tâm do tác động của hơi thở ra, ... Cảm giác tâm do tác động của hơi thở vào, ... Cảm giác tâm do tác động của hơi thở ra, .... Làm cho tâm được hân hoan do tác động của hơi thở vào, ... Làm cho tâm được hân hoan do tác động của hơi thở ra, ... Làm cho tâm được định tĩnh ... Làm cho tâm được giải thoát ... Quán xét về vô thường ... Quán xét về ly tham ái. ... Quán xét về diệt tận ... Quán xét về từ bỏ do tác động của hơi thở vào, ... Quán xét về từ bỏ do tác động của hơi thở ra, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là định. Do tác động của định ấy, trí được sanh lên. Do trí ấy, các lậu hoặc được cạn kiệt. Như thế, trước tiên là chỉ tịnh, sau đó là trí. Do trí ấy, có sự đoạn tận của các lậu hoặc. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự đoạn trừ các lậu hoặc do tính chất hoàn toàn trong sạch của sự không tản mạn là trí về định không gián đoạn.”
Lậu hoặc: Các lậu hoặc ấy là gì? Là dục lậu, hữu lậu, (tà) kiến lậu, vô minh lậu.
Các lậu hoặc này được cạn kiệt tại đâu? Do Đạo Nhập Lưu, toàn thể (tà) kiến lậu được cạn kiệt, dục lậu đưa đến khổ cảnh được cạn kiệt, hữu lậu đưa đến khổ cảnh được cạn kiệt, vô minh lậu đưa đến khổ cảnh được cạn kiệt; các lậu hoặc ấy được cạn kiệt tại đây.
Do Đạo Nhất Lai, dục lậu thô thiển được cạn kiệt, ...(như trên)...
Do Đạo Bất Lai, toàn thể dục lậu được cạn kiệt, ...(như trên)...
Do Đạo A-la-hán, toàn thể hữu lậu được cạn kiệt, toàn thể vô minh lậu được cạn kiệt; các lậu hoặc ấy được cạn kiệt tại đây.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự đoạn trừ các lậu hoặc do tính chất hoàn toàn trong sạch của sự không tản mạn là trí về định không gián đoạn.”
Phần giải thích ‘Trí về định không gián đoạn.’
Là pháp chủ đạo trong việc nhận thức và có sự an trú đắc chứng thanh tịnh, tuệ có khuynh hướng cao quý là trí về sự an trú không uế nhiễm là (có ý nghĩa) thế nào?
Pháp chủ đạo trong việc nhận thức: Quán xét về vô thường là pháp chủ đạo trong việc nhận thức, quán xét về khổ não ..., quán xét về vô ngã ..., quán xét về vô thường ở sắc ..., quán xét về khổ não ở sắc ..., quán xét về vô ngã ở sắc ..., quán xét về vô thường ở thọ ... ở tưởng ... ở các hành ... ở thức ... ở mắt là pháp chủ đạo trong việc nhận thức, quán xét về vô thường ở lão tử là pháp chủ đạo trong việc nhận thức, quán xét về khổ não ở lão tử ..., quán xét về vô ngã ở lão tử là pháp chủ đạo trong việc nhận thức.
Sự an trú đắc chứng thanh tịnh: An trú không tánh là sự an trú đắc chứng thanh tịnh, an trú vô tướng là sự an trú đắc chứng thanh tịnh, an trú vô nguyện là sự an trú đắc chứng thanh tịnh.
Khuynh hướng cao quý: Khuynh hướng về không tánh là khuynh hướng cao quý, khuynh hướng về vô tướng là khuynh hướng cao quý, khuynh hướng về vô nguyện là khuynh hướng cao quý.
Sự an trú không uế nhiễm: Sơ thiền là sự an trú không uế nhiễm, nhị thiền là sự an trú không uế nhiễm, tam thiền là sự an trú không uế nhiễm, tứ thiền là sự an trú không uế nhiễm, sự chứng đạt không vô biên xứ là sự an trú không uế nhiễm, ...(như trên)... sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ là sự an trú không uế nhiễm.
Sự an trú không uế nhiễm: Sự an trú không uế nhiễm theo ý nghĩa gì? ‘Nhờ vào sơ thiền loại bỏ các pháp ngăn che’ là sự an trú không uế nhiễm. ‘Nhờ vào nhị thiền loại bỏ tầm và tứ’ là sự an trú không uế nhiễm. ‘Nhờ vào tam thiền loại bỏ hỷ’ là sự an trú không uế nhiễm. ‘Nhờ vào tứ thiền loại bỏ lạc và khổ’ là sự an trú không uế nhiễm. ‘Nhờ vào sự chứng đạt không vô biên xứ loại bỏ sự nghĩ tưởng về sắc nghĩ tưởng về bất bình nghĩ tưởng về sự khác biệt’ là sự an trú không uế nhiễm. ‘Nhờ vào sự chứng đạt thức vô biên xứ loại bỏ sự nghĩ tưởng về không vô biên xứ’ là sự an trú không uế nhiễm. ‘Nhờ vào sự chứng đạt vô sở hữu xứ loại bỏ sự nghĩ tưởng về thức vô biên xứ’ là sự an trú không uế nhiễm. ‘Nhờ vào sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ loại bỏ sự nghĩ tưởng về vô sở hữu xứ’ là sự an trú không uế nhiễm. Đây là sự an trú không uế nhiễm.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Là pháp chủ đạo trong việc nhận thức và có sự an trú đắc chứng thanh tịnh, tuệ có khuynh hướng cao quý là trí về sự an trú không uế nhiễm.”
Phần giải thích ‘Trí về sự an trú không uế nhiễm.’
Tuệ có tính chất hội đủ với hai lực và có ưu thế với sự tịnh lặng của ba hành, với mười sáu hành vi của trí, và với chín hành vi của định là trí về sự chứng đạt thiền diệt là (có ý nghĩa) thế nào?
Với hai lực: Hai lực: là lực của chỉ tịnh và lực của minh sát.
Lực của chỉ tịnh là gì? Do tác động của sự thoát ly, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là lực của chỉ tịnh. Do tác động của sự không sân độc, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là lực của chỉ tịnh. Do tác động của sự nghĩ tưởng đến ánh sáng trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là lực của chỉ tịnh. ...(như trên)... Quán xét về từ bỏ do tác động của hơi thở vào, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là lực của chỉ tịnh. Quán xét về từ bỏ do tác động của hơi thở ra, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là lực của chỉ tịnh.
Lực của chỉ tịnh: Lực của chỉ tịnh theo ý nghĩa gì? ‘Nhờ vào sơ thiền, (hành giả) không rung động đối với các pháp ngăn che’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào nhị thiền, (hành giả) không rung động đối với tầm và tứ’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào tam thiền, (hành giả) không rung động đối với hỷ’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào tứ thiền, (hành giả) không rung động đối với lạc và khổ’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào sự chứng đạt không vô biên xứ, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về sắc, đối với sự nghĩ tưởng về bất bình, đối với sự nghĩ tưởng về sự khác biệt’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào sự chứng đạt thức vô biên xứ, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về không vô biên xứ’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào sự chứng đạt vô sở hữu xứ, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về thức vô biên xứ’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về vô sở hữu xứ’ là lực của chỉ tịnh. ‘(Hành giả) không rung động không chuyển động không chao động đối với các sự phóng dật, đối với các phiền não và các uẩn đi cùng với phóng dật’ là lực của chỉ tịnh. Đây là lực của chỉ tịnh.
Lực của minh sát là gì? Quán xét về vô thường là lực của minh sát, quán xét về khổ não là lực của minh sát, quán xét về vô ngã là lực của minh sát, quán xét về nhàm chán là lực của minh sát, quán xét về ly tham ái là lực của minh sát, quán xét về diệt tận là lực của minh sát, quán xét về từ bỏ là lực của minh sát. Quán xét về vô thường ở sắc là lực của minh sát, ...(như trên)... quán xét về từ bỏ ở sắc là lực của minh sát, quán xét về từ bỏ ở thọ ... ở tưởng ... ở các hành ... ở thức ... ở mắt ... ở lão tử là lực của minh sát.
Lực của minh sát: Lực của minh sát theo ý nghĩa gì? ‘Do quán xét về vô thường, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về thường’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về khổ não, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về lạc’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về vô ngã, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về ngã’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về nhàm chán, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về sự vui thích’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về ly tham ái, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về tham ái’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về diệt tận, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về nhân sanh khởi’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về từ bỏ, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về nắm giữ’ là lực của minh sát. ‘(Hành giả) không rung động không chuyển động không chao động đối với vô minh, đối với các phiền não đi cùng với vô minh, và đối với các uẩn’ là lực của minh sát. Điều này được gọi là lực của minh sát.
Với sự tịnh lặng của ba hành: Với sự tịnh lặng của ba hành nào? Đối với (hành giả) thể nhập nhị thiền, các hành của khẩu là tầm và tứ được tịnh lặng. Đối với (hành giả) thể nhập tứ thiền, các hành của thân là hơi thở ra và hơi thở vào được tịnh lặng. Đối với (hành giả) thể nhập sự diệt tận của thọ và tưởng, các hành của tâm là tưởng và thọ được tịnh lặng. Là với sự tịnh lặng của ba hành này.
Với mười sáu hành vi của trí: Với mười sáu hành vi gì của trí? Quán xét về vô thường là hành vi của trí, quán xét về khổ não là hành vi của trí, quán xét về vô ngã là hành vi của trí, quán xét về nhàm chán là hành vi của trí, quán xét về ly tham ái là hành vi của trí, quán xét về diệt tận là hành vi của trí, quán xét về từ bỏ là hành vi của trí, quán xét về ly khai là hành vi của trí, Đạo Nhập Lưu là hành vi của trí, sự chứng đạt Quả Nhập Lưu là hành vi của trí, Đạo Nhất Lai là hành vi của trí, sự chứng đạt Quả Nhất Lai là hành vi của trí, Đạo Bất Lai là hành vi của trí, sự chứng đạt Quả Bất Lai là hành vi của trí, Đạo A-la-hán là hành vi của trí, sự chứng đạt Quả A-la-hán là hành vi của trí. Là với mười sáu hành vi này của trí.
Với chín hành vi của định: Với chín hành vi gì của định? Sơ thiền là hành vi của định, nhị thiền là hành vi của định, tam thiền là hành vi của định, tứ thiền là hành vi của định, sự chứng đạt không vô biên xứ ..., sự chứng đạt thức vô biên xứ ..., sự chứng đạt vô sở hữu xứ ..., sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ là hành vi của định, tầm tứ hỷ lạc và sự chuyên nhất của tâm nhằm mục đích thành tựu sơ thiền ...(như trên)... tầm tứ hỷ lạc và sự chuyên nhất của tâm nhằm mục đích thành tựu sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ (là hành vi của định). Là với chín hành vi này của định.
Sự thuần thục: Có năm sự thuần thục: Sự thuần thục về hướng tâm, sự thuần thục về thể nhập, sự thuần thục về chú nguyện, sự thuần thục về thoát ra, sự thuần thục về quán xét lại.
(Hành giả) hướng tâm đến sơ thiền ở bất cứ đâu theo ước muốn, bất cứ khi nào theo ước muốn, và kéo dài theo ước muốn, ‘không có trạng thái bị trì trệ trong việc hướng tâm’ là sự thuần thục về hướng tâm. (Hành giả) thể nhập sơ thiền ở bất cứ đâu ... ‘không có trạng thái bị trì trệ trong việc thể nhập’ là sự thuần thục về thể nhập. (Hành giả) chú nguyện sơ thiền ở bất cứ đâu ... ‘không có trạng thái bị trì trệ trong việc chú nguyện’ là sự thuần thục về chú nguyện. (Hành giả) thoát ra khỏi sơ thiền ở bất cứ đâu ... ‘không có trạng thái bị trì trệ trong việc thoát ra’ là sự thuần thục về thoát ra. (Hành giả) quán xét lại sơ thiền ở bất cứ đâu ... ‘không có trạng thái bị trì trệ trong việc quán xét lại’ là sự thuần thục về quán xét lại.
(Hành giả) hướng tâm đến nhị thiền ...(như trên)... đến sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ ở bất cứ đâu theo ước muốn, bất cứ khi nào theo ước muốn, và kéo dài theo ước muốn, ‘không có trạng thái bị trì trệ trong việc hướng tâm’ là sự thuần thục về hướng tâm. (Hành giả) thể nhập ...(như trên)... chú nguyện ...(như trên)... thoát ra ...(như trên)... quán xét lại sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ ở bất cứ đâu theo ước muốn, bất cứ khi nào theo ước muốn, và kéo dài theo ước muốn, ‘không có trạng thái bị trì trệ trong việc quán xét lại’ là sự thuần thục về quán xét lại. Đây là năm sự thuần thục.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ có tính chất hội đủ với hai lực và có ưu thế với sự tịnh lặng của ba hành, với mười sáu hành vi của trí, và với chín hành vi của định là trí về sự chứng đạt thiền diệt.”
Phần giải thích ‘Trí về sự chứng đạt thiền diệt.’
Tuệ về sự chấm dứt vận hành của vị có sự nhận biết rõ rệt[1]là trí về sự viên tịch Niết Bàn là (có ý nghĩa) thế nào?
Ở đây, (hành giả) có sự nhận biết rõ rệt rằng: Do sự thoát ly, sự vận hành của ước muốn trong các dục được chấm dứt. Do không sân độc, sự vận hành của sân độc được chấm dứt. Do sự nghĩ tưởng đến ánh sáng, sự vận hành của lờ đờ buồn ngủ được chấm dứt. Do không tản mạn, sự vận hành của phóng dật được chấm dứt. Do xác định pháp, sự vận hành của hoài nghi được chấm dứt. ...(như trên)... Do trí, sự vận hành của vô minh được chấm dứt. Do hân hoan, sự vận hành của không hứng thú được chấm dứt. Do sơ thiền, sự vận hành của các pháp ngăn che được chấm dứt. ...(như trên)... Do Đạo A-la-hán, sự vận hành của toàn bộ phiền não được chấm dứt.
Vả lại, đối với vị có sự nhận biết rõ rệt đang viên tịch Niết Bàn ở cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót, chính sự vận hành này của mắt được chấm dứt và sự vận hành khác của mắt không sanh lên, chính sự vận hành này của tai ... của mũi ... của lưỡi ... của thân ... của ý được chấm dứt và sự vận hành khác của ý không được sanh lên, tuệ về sự chấm dứt vận hành của vị có sự nhận biết rõ rệt điều này là trí về sự viên tịch Niết Bàn.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự chấm dứt vận hành của vị có sự nhận biết rõ rệt là trí về sự viên tịch Niết Bàn.”
Phần giải thích ‘Trí về sự viên tịch Niết Bàn.’
Tuệ có tính chất không thiết lập ở sự đoạn trừ hoàn toàn và ở sự diệt tận đối với tất cả các pháp là trí về ý nghĩa của các pháp đứng đầu được tịnh lặng là (có ý nghĩa) thế nào?
Đối với tất cả các pháp: là năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, các pháp thiện, các pháp bất thiện, các pháp vô ký, các pháp dục giới, các pháp sắc giới, các pháp vô sắc giới, các pháp không bị lệ thuộc.
Ở sự đoạn trừ hoàn toàn: Do sự thoát ly, (hành giả) đoạn trừ hoàn toàn ước muốn trong các dục. Do không sân độc, (hành giả) đoạn trừ hoàn toàn sân độc. Do sự nghĩ tưởng đến ánh sáng, ... sự lờ đờ buồn ngủ. Do không tản mạn, ... phóng dật. Do xác định pháp, ... hoài nghi. Do trí, ... vô minh. Do hân hoan, ... không hứng thú. Do sơ thiền, (hành giả) đoạn trừ hoàn toàn các pháp ngăn che. ...(nt)... Do Đạo A-la-hán, (hành giả) đoạn trừ hoàn toàn toàn bộ phiền não.
Ở sự diệt tận: Do sự thoát ly, (hành giả) diệt tận ước muốn trong các dục. Do không sân độc, (hành giả) diệt tận sân độc. Do nghĩ tưởng ánh sáng, ... lờ đờ buồn ngủ. Do không tản mạn, ... phóng dật. Do xác định pháp, ... hoài nghi. Do trí, ... vô minh. Do hân hoan, ... không hứng thú. Do sơ thiền, (hành giả) diệt tận các pháp ngăn che. ...(nt)... Do Đạo A-la-hán, (hành giả) diệt tận toàn bộ phiền não.
Tính chất không thiết lập: Ở vị đã thành tựu sự thoát ly, ước muốn trong các dục không thiết lập. Ở vị đã thành tựu không sân độc, sân độc không thiết lập. Ở vị đã thành tựu sự nghĩ tưởng đến ánh sáng, sự lờ đờ buồn ngủ ... Ở vị đã thành tựu sự không tản mạn, sự phóng dật ... Ở vị đã thành tựu sự xác định pháp, hoài nghi ... Ở vị đã thành tựu trí, vô minh không thiết lập. Ở vị đã thành tựu hân hoan, sự không hứng thú không thiết lập. Ở vị đã thành tựu sơ thiền, các pháp ngăn che không thiết lập. ...(như trên)... Ở vị đã thành tựu Đạo A-la-hán, toàn bộ phiền não không thiết lập.
Được tịnh lặng: Do trạng thái dứt bỏ sự ước muốn các dục, sự thoát ly được tịnh lặng. Do trạng thái dứt bỏ sân độc, không sân độc được tịnh lặng. ... sự lờ đờ buồn ngủ, sự nghĩ tưởng đến ánh sáng ... phóng dật, sự không tản mạn ... hoài nghi, sự xác định pháp ... vô minh, trí ... sự không hứng thú, hân hoan ... Do trạng thái dứt bỏ các pháp ngăn che, sơ thiền được tịnh lặng. ...(như trên)... Do trạng thái dứt bỏ toàn bộ phiền não, Đạo A-la-hán được tịnh lặng.
Pháp đứng đầu: Có mười ba pháp đứng đầu: Đứng đầu các sự vướng bận là ái, đứng đầu các sự trói buộc là ngã mạn, đứng đầu các pháp tiêm nhiễm là tà kiến, đứng đầu các sự tản mạn là phóng dật, đứng đầu các phiền não là vô minh, đứng đầu các sự cương quyết là tín, đứng đầu các sự ra sức là tấn, đứng đầu các sự thiết lập là niệm, đứng đầu các sự không tản mạn là định, đứng đầu các sự nhận thức là tuệ, đứng đầu các sự vận hành là mạng quyền, đứng đầu các hành xứ là giải thoát, đứng đầu các hành là sự diệt tận.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ có tính chất không thiết lập ở sự đoạn trừ hoàn toàn và ở sự diệt tận đ/v tất cả các pháp là trí về ý nghĩa của các pháp đứng đầu được tịnh lặng.”
Phần giải thích ‘Trí về ý nghĩa của các pháp đứng đầu được tịnh lặng.’
Tuệ về sự chấm dứt các quyền lực riêng biệt có bản chất khác nhau hoặc giống nhau là trí về ý nghĩa của việc dứt trừ là (có ý nghĩa) thế nào?
Riêng biệt:Tham ái là riêng biệt, sân là riêng biệt, si ..., giận dữ …, căm hận …, gièm pha …, thù oán …, ganh ghét …, bỏn xẻn …, xảo trá …, khoác lác …, bướng bỉnh …, kiêu căng …, ngã mạn …, tự cao …, tự phụ …, buông lung …, tất cả phiền não …, tất cả ác hạnh …, tất cả các thắng hành[2]…, tất cả nghiệp đưa đến hữu là riêng biệt.
Có bản chất khác nhau hoặc giống nhau: Ước muốn trong các dục là khác nhau, sự thoát ly là giống nhau. Sân độc là khác nhau, sự không sân độc là giống nhau. Sự lờ đờ buồn ngủ là khác nhau, sự nghĩ tưởng đến ánh sáng là giống nhau. Phóng dật... sự không tản mạn ... Hoài nghi ... sự xác định pháp ... Vô minh ... trí ... Sự không hứng thú ... hân hoan ... Các pháp ngăn che ... sơ thiền ... Tất cả phiền não là khác nhau, Đạo A-la-hán là giống nhau.
Quyền lực: Có 5 quyền lực: quyền lực của hạnh kiểm, quyền lực của đức độ, quyền lực của tuệ, quyền lực của phước, quyền lực của chánh pháp. Quyền lực của ác giới được chấm dứt do bị thiêu đốt bởi quyền lực của hạnh kiểm. Quyền lực của không đức độ ... bởi quyền lực của đức độ. Quyền lực của ác tuệ ... bởi quyền lực của tuệ. Quyền lực của vô phước ... bởi quyền lực của phước. Quyền lực của phi pháp được chấm dứt do bị thiêu đốt bởi quyền lực của chánh pháp.
Dứt trừ: Ước muốn trong các dục là sự không dứt trừ, thoát ly là sự dứt trừ. Sân độc là sự không dứt trừ, không sân độc là sự dứt trừ. Lờ đờ buồn ngủ ... nghĩ tưởng đến ánh sáng ... Phóng dật... sự không tản mạn ... Hoài nghi ... sự xác định pháp ... Vô minh ... trí ... Sự không hứng thú ... hân hoan ... Các pháp ngăn che ... sơ thiền ... Tất cả phiền não là sự không dứt trừ, Đạo A-la-hán là sự dứt trừ.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự chấm dứt các quyền lực riêng biệt có bản chất khác nhau hoặc giống nhau là trí về ý nghĩa của việc dứt trừ.”
Phần giải thích ‘Trí về ý nghĩa của việc dứt trừ.’
Tuệ về ý nghĩa của việc ra sức có trạng thái không thối giảm và có tính năng động là trí về việc khởi sự tinh tấn là (có ý nghĩa) thế nào?
Tuệ về ý nghĩa của việc ra sức có trạng thái không thối giảm và có tính năng động đưa đến việc không sanh khởi các pháp ác và bất thiện chưa được sanh khởi là trí về việc khởi sự tinh tấn. Tuệ về ý nghĩa của việc ra sức ... đưa đến việc dứt bỏ các pháp ác và bất thiện đã được sanh khởi ... đưa đến việc sanh khởi các pháp thiện chưa được sanh khởi ... đưa đến việc duy trì, đưa đến sự không lẫn lộn, đưa đến trạng thái phát triển, đưa đến sự tiến triển, đưa đến sự tăng trưởng, đưa đến sự toàn vẹn của các pháp thiện đã được sanh khởi là trí về việc khởi sự tinh tấn.
Tuệ về ý nghĩa của việc ra sức có trạng thái không thối giảm và có tính năng động đưa đến việc không sanh khởi ước muốn trong các dục chưa được sanh khởi ... đưa đến việc dứt bỏ ước muốn trong các dục đã được sanh khởi ... đưa đến việc sanh khởi sự thoát ly chưa được sanh khởi ... đưa đến việc duy trì, đưa đến sự không lẫn lộn, đưa đến trạng thái phát triển, đưa đến sự tiến triển, đưa đến sự tăng trưởng, đưa đến sự toàn vẹn của sự thoát ly đã được sanh khởi là trí về việc khởi sự tinh tấn. ...(như trên)... Tuệ về ý nghĩa của việc ra sức có trạng thái không thối giảm và có tính năng động đưa đến việc không sanh khởi tất cả phiền não chưa được sanh khởi ... đưa đến việc dứt bỏ tất cả phiền não đã được sanh khởi ... đưa đến việc sanh khởi Đạo A-la-hán chưa được sanh khởi ... đưa đến việc duy trì, đưa đến sự không lẫn lộn, đưa đến trạng thái phát triển, đưa đến sự tiến triển, đưa đến sự tăng trưởng, đưa đến sự toàn vẹn của Đạo A-la-hán đã được sanh khởi là trí về việc khởi sự tinh tấn.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về ý nghĩa của việc ra sức có trạng thái không thối giảm và có tính năng động là trí về việc khởi sự tinh tấn.”
Phần giải thích ‘Trí về việc khởi sự tinh tấn.’
Tuệ làm sáng tỏ các pháp khác biệt là trí về sự trực nhận ý nghĩa là (có ý nghĩa) thế nào?
Các pháp khác biệt: là năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, các pháp thiện, các pháp bất thiện, các pháp vô ký, các pháp dục giới, các pháp sắc giới, các pháp vô sắc giới, các pháp không bị lệ thuộc.
Sự làm sáng tỏ: (Hành giả) làm sáng tỏ sắc là vô thường, làm sáng tỏ sắc là khổ não, làm sáng tỏ sắc là vô ngã, làm sáng tỏ thọ ...(như trên)... tưởng ...(như trên)... các hành ...(như trên)... thức ...(như trên)... mắt ...(như trên)... làm sáng tỏ lão tử là vô thường, làm sáng tỏ lão tử là khổ não, làm sáng tỏ lão tử là vô ngã.
Việc trực nhận ý nghĩa: Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, hành giả trực nhận ý nghĩa của thoát ly; trong khi dứt bỏ sân độc, trực nhận ý nghĩa của không sân độc; trong khi dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, trực nhận ý nghĩa của sự nghĩ tưởng đến ánh sáng; trong khi dứt bỏ phóng dật, trực nhận ý nghĩa của sự không tản mạn; trong khi dứt bỏ hoài nghi, trực nhận ý nghĩa của sự xác định pháp; trong khi dứt bỏ vô minh, trực nhận ý nghĩa của trí; trong khi dứt bỏ sự không hứng thú, trực nhận ý nghĩa của hân hoan; trong khi dứt bỏ các pháp ngăn che, trực nhận ý nghĩa của sơ thiền; trong khi dứt bỏ tất cả phiền não, trực nhận ý nghĩa của Đạo A-la-hán.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ làm sáng tỏ các pháp khác biệt là trí về sự trực nhận ý nghĩa.”
Phần giải thích ‘Trí về sự trực nhận ý nghĩa.’
Tuệ về sự thấu triệt tính tổng hợp chung và về bản chất khác nhau hoặc giống nhau của tất cả các pháp là trí về sự thanh tịnh trong việc nhận thức là (có ý nghĩa) thế nào?
Tất cả các pháp: là năm uẩn, mười hai xứ, ...(như trên)..., các pháp không bị lệ thuộc.
Tính tổng hợp chung: Tất cả các pháp có tính tổng hợp chung là với mười hai biểu hiện: theo ý nghĩa của thực thể, theo ý nghĩa của vô ngã, theo ý nghĩa của sự thật, theo ý nghĩa của sự thấu triệt, theo ý nghĩa của sự biết rõ, theo ý nghĩa của sự biết toàn diện, theo ý nghĩa của pháp, theo ý nghĩa của sự việc, theo ý nghĩa đã được biết, theo ý nghĩa của sự tác chứng, theo ý nghĩa của sự chạm đến, theo ý nghĩa của sự lãnh hội. Tất cả các pháp có tính tổng hợp chung là với mười hai biểu hiện này.
Khantiñāṇaniddeso.
Có bản chất khác nhau hoặc giống nhau: Ước muốn trong các dục là khác nhau, sự thoát ly là giống nhau. ...(như trên)... Tất cả phiền não là khác nhau, Đạo A-la-hán là giống nhau.
Sự thấu triệt: (Hành giả) thấu triệt chân lý về Khổ với sự thấu triệt do biết toàn diện, (hành giả) thấu triệt chân lý về nhân sanh (Khổ) với sự thấu triệt do dứt bỏ, (hành giả) thấu triệt chân lý về sự diệt tận (Khổ) với sự thấu triệt do tác chứng, (hành giả) thấu triệt chân lý về Đạo với sự thấu triệt do tu tập.
Sự thanh tịnh trong việc nhận thức: Vào sát-na Đạo Nhập Lưu, sự nhận thức được thanh tịnh. Vào sát-na Quả Nhập Lưu, sự nhận thức được thanh tịnh. Vào sát-na Đạo Nhất Lai, sự nhận thức được thanh tịnh. Vào sát-na Quả Nhất Lai, sự nhận thức được thanh tịnh. Vào sát-na Đạo Bất Lai, sự nhận thức được thanh tịnh. Vào sát-na Quả Bất Lai, sự nhận thức được thanh tịnh. Vào sát-na Đạo A-la-hán, sự nhận thức được thanh tịnh. Vào sát-na Quả A-la-hán, sự nhận thức được thanh tịnh.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự thấu triệt tính tổng hợp chung và về bản chất khác nhau hoặc giống nhau của tất cả các pháp là trí về sự thanh tịnh trong việc nhận thức.”
Phần giải thích ‘Trí về sự thanh tịnh trong việc nhận thức.’
Tuệ với trạng thái đã được biết là trí về việc chấp nhận là (có ý nghĩa) thế nào?
Sắc là vô thường là điều đã được biết, sắc là khổ não là điều đã được biết, sắc là vô ngã là điều đã được biết, điều nào là đã được biết (hành giả) chấp nhận điều ấy, tuệ với trạng thái đã được biết là trí về việc chấp nhận. Thọ ... Tưởng ... Các hành ... Thức ... Mắt ... Lão tử là vô thường là điều đã được biết, lão tử là khổ não là điều đã được biết, lão tử là vô ngã là điều đã được biết, ‘điều nào là đã được biết (hành giả) chấp nhận điều ấy,’ như thế tuệ với trạng thái đã được biết là trí về việc chấp nhận.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ với trạng thái đã được biết là trí về việc chấp nhận.”
Phần giải thích ‘Trí về việc chấp nhận.’
Tuệ với trạng thái đã được chạm đến là trí về sự thâm nhập là (có ý nghĩa) thế nào?
(Hành giả) chạm đến sắc là vô thường, chạm đến sắc là khổ não, chạm đến sắc là vô ngã, ‘điều nào chạm đến, (hành giả) thâm nhập điều ấy,’ như thế tuệ với trạng thái đã được chạm đến là trí về sự thâm nhập. ... thọ ... tưởng ... các hành ... thức ... mắt ... (Hành giả) chạm đến lão tử là vô thường, chạm đến lão tử là khổ não, chạm đến lão tử là vô ngã, ‘điều nào chạm đến, (hành giả) thâm nhập điều ấy,’ như thế tuệ với trạng thái đã được chạm đến là trí về sự thâm nhập.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ với trạng thái đã được chạm đến là trí về sự thâm nhập.”
Phần giải thích ‘Trí về sự thâm nhập.’
Tuệ về sự phối hợp lại là trí về sự an trú vào các lãnh vực là (có ý nghĩa) thế nào?
Do duyên tà kiến có được cảm thọ, cũng do duyên vắng lặng của tà kiến có được cảm thọ. Do duyên chánh kiến có được cảm thọ, cũng do duyên vắng lặng của chánh kiến có được cảm thọ. Do duyên tà tư duy có được cảm thọ, cũng do duyên vắng lặng của tà tư duy có được cảm thọ. Do duyên chánh tư duy có được cảm thọ, cũng do duyên vắng lặng của chánh tư duy có được cảm thọ. ...(như trên)... Do duyên tà giải thoát có được cảm thọ, cũng do duyên vắng lặng của tà giải thoát có được cảm thọ. Do duyên chánh giải thoát có được cảm thọ, cũng do duyên vắng lặng của chánh giải thoát có được cảm thọ. Do duyên ước muốn có được cảm thọ, cũng do duyên vắng lặng của ước muốn có được cảm thọ. Do duyên tầm có được cảm thọ, cũng do duyên vắng lặng của tầm có được cảm thọ. Do duyên tưởng có được cảm thọ, cũng do duyên vắng lặng của tưởng có được cảm thọ.
Ước muốn là không vắng lặng, tầm là không vắng lặng, tưởng là không vắng lặng, cũng do duyên của việc ấy, có được cảm thọ. Ước muốn được vắng lặng, tầm là không vắng lặng, tưởng là không vắng lặng, ... Ước muốn được vắng lặng, tầm được vắng lặng, tưởng là không vắng lặng, ... Ước muốn được vắng lặng, tầm được vắng lặng, tưởng được vắng lặng, ... Có sự nỗ lực nhằm đạt được điều chưa đạt được (Quả A-la-hán), khi vị trí ấy chưa được đạt đến, cũng do duyên của việc ấy có được cảm thọ.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự phối hợp lại là trí về sự an trú vào các lãnh vực.”
Phần giải thích ‘Trí về sự an trú vào các lãnh vực.’
Tuệ với tính chất chủ đạo là trí về sự ly khai do tưởng là (có ý nghĩa) thế nào?
‘Tuệ với thoát ly là tính chất chủ đạo ly khai khỏi ước muốn trong các dục do tưởng,’ như thế tuệ với tính chất chủ đạo là trí về sự ly khai do tưởng. ‘Tuệ với không sân độc là tính chất chủ đạo ly khai khỏi sân độc do tưởng,’ như thế tuệ với tính chất chủ đạo là trí về sự ly khai do tưởng. ‘Tuệ với sự nghĩ tưởng đến ánh sáng là tính chất chủ đạo ly khai khỏi sự lờ đờ buồn ngủ do tưởng,’ ... ‘Tuệ với sự không tản mạn là tính chất chủ đạo ly khai khỏi phóng dật do tưởng,’ ... ‘Tuệ với sự xác định pháp là tính chất chủ đạo ly khai khỏi hoài nghi do tưởng,’ ... ‘Tuệ với trí là tính chất chủ đạo ly khai khỏi vô minh do tưởng,’ ... ‘Tuệ với sự hân hoan là tính chất chủ đạo ly khai khỏi sự không hứng thú do tưởng,’ ... ‘Tuệ với sơ thiền là tính chất chủ đạo ly khai khỏi các pháp ngăn che do tưởng,’ như thế tuệ với tính chất chủ đạo là trí về sự ly khai do tưởng. ...(như trên)... ‘Tuệ với tính chất Đạo A-la-hán ly khai khỏi toàn bộ phiền não do tưởng,’ như thế tuệ với tính chất chủ đạo là trí về sự ly khai do tưởng.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ với tính chất chủ đạo là trí về sự ly khai do tưởng.”
Tuệ về bản chất khác nhau là trí về sự ly khai do suy nghĩ là (có ý nghĩa) thế nào?
‘Ước muốn trong các dục là khác nhau, sự thoát ly là giống nhau. Trong khi suy nghĩ về bản chất giống nhau của sự thoát ly, tâm ly khai khỏi ước muốn trong các dục,’ như thế tuệ về bản chất khác nhau là trí về sự ly khai do suy nghĩ. ‘Sân độc là khác nhau, sự không sân độc là giống nhau. Trong khi suy nghĩ về bản chất giống nhau của không sân độc, tâm ly khai khỏi sân độc,’ như thế tuệ về bản chất khác nhau là trí về sự ly khai do suy nghĩ. ‘Sự lờ đờ buồn ngủ là khác nhau, sự nghĩ tưởng đến ánh sáng là giống nhau. Trong khi suy nghĩ về bản chất giống nhau của sự nghĩ tưởng đến ánh sáng, tâm ly khai khỏi sự lờ đờ buồn ngủ,’ như thế tuệ về bản chất khác nhau là trí về sự ly khai do suy nghĩ. ...(như trên)... ‘Tất cả phiền não là khác nhau, Đạo A-la-hán là giống nhau. Trong khi suy nghĩ về bản chất giống nhau của Đạo A-la-hán, tâm ly khai khỏi tất cả phiền não,’ như thế tuệ về bản chất khác nhau là trí về sự ly khai do suy nghĩ.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về bản chất khác nhau là trí về sự ly khai do suy nghĩ.”
Tuệ về sự khẳng định là trí về sự ly khai do tâm là (có ý nghĩa) thế nào?
‘Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, do tác động của sự thoát ly tâm được khẳng định,’ như thế tuệ về sự khẳng định là trí về sự ly khai do tâm. ‘Trong khi dứt bỏ sân độc, do tác động của sự không sân độc tâm được khẳng định,’ ... ‘Trong khi dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, do tác động của sự nghĩ tưởng đến ánh sáng tâm được khẳng định,’ như thế tuệ về sự khẳng định là trí về sự ly khai do tâm. ...(như trên)... ‘Trong khi dứt bỏ tất cả phiền não, do tác động của Đạo A-la-hán tâm được khẳng định,’ như thế tuệ về sự khẳng định là trí về sự ly khai do tâm.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự khẳng định là trí về sự ly khai do tâm.”
Tuệ về không tánh là trí về sự ly khai do trí là (có ý nghĩa) thế nào? ‘Trong khi biết và thấy đúng theo thực thể rằng: ‘Mắt là rỗng không về bản ngã, về sở hữu của bản ngã, về thường còn, về vững chắc, về vĩnh viễn, hoặc về pháp không chuyển biến,’ trí ly khai khỏi sự cố chấp về mắt,’ như thế tuệ về không tánh là trí về sự ly khai do trí. ‘Trong khi biết và thấy đúng theo thực thể rằng: ‘Tai là rỗng không ... ‘Mũi là rỗng không ... ‘Lưỡi là rỗng không ... ‘Thân là rỗng không ... ‘Ý là rỗng không về bản ngã, về sở hữu của bản ngã, về thường còn, về vững chắc, về vĩnh viễn, hoặc về pháp không chuyển biến,’ trí ly khai khỏi sự cố chấp về ý,’ như thế tuệ về không tánh là trí về sự ly khai do trí.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về không tánh là trí về sự ly khai do trí.”
Tuệ về sự xả ly là trí về sự ly khai do giải thoát là (có ý nghĩa) thế nào?
‘Xả ly ước muốn trong các dục nhờ vào sự thoát ly,’ như thế tuệ về sự xả ly là trí về sự ly khai do giải thoát. ‘Xả ly sân độc nhờ vào sự không sân độc,’ ... ‘Xả ly sự lờ đờ buồn ngủ nhờ vào sự nghĩ tưởng đến ánh sáng,’ ... ‘Xả ly phóng dật nhờ vào sự không tản mạn,’ ... ‘Xả ly hoài nghi nhờ vào sự xác định pháp,’ như thế tuệ về sự xả ly là trí về sự ly khai do giải thoát. ... ‘Xả ly tất cả phiền não nhờ vào Đạo A-la-hán,’ như thế tuệ về sự xả ly là trí về sự ly khai do giải thoát.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự xả ly là trí về sự ly khai do giải thoát.”
Tuệ về ý nghĩa của thực thể là trí về sự ly khai do sự thật là (có ý nghĩa) thế nào?
‘Trong khi biết toàn diện về ý nghĩa áp bức, ý nghĩa tạo tác, ý nghĩa nóng nảy, ý nghĩa chuyển biến của khổ, (hành giả) ly khai,’ như thế tuệ về ý nghĩa của thực thể là trí về sự ly khai do sự thật. ‘Trong khi dứt bỏ ý nghĩa (nghiệp) tích lũy, ý nghĩa căn nguyên, ý nghĩa ràng buộc, ý nghĩa vướng bận của nhân sanh, (hành giả) ly khai,’ như thế tuệ về ý nghĩa của thực thể là trí về sự ly khai do sự thật. ‘Trong khi tác chứng ý nghĩa xuất ly, ý nghĩa viễn ly, ý nghĩa không tạo tác, ý nghĩa bất tử của Niết Bàn, (hành giả) ly khai,’ như thế tuệ về ý nghĩa của thực thể là trí về sự ly khai do sự thật. ‘Trong khi tu tập ý nghĩa dẫn xuất, ý nghĩa chủng tử, ý nghĩa nhận thức, ý nghĩa pháp chủ đạo của Đạo, (hành giả) ly khai, ‘ như thế tuệ về ý nghĩa của thực thể là trí về sự ly khai do sự thật.
Sự ly khai do tưởng, sự ly khai do suy nghĩ, sự ly khai do tâm, sự ly khai do trí, sự ly khai do giải thoát, sự ly khai do sự thật. ‘Trong khi suy tưởng, (hành giả) ly khai’ là sự ly khai do tưởng. ‘Trong khi suy nghĩ, (hành giả) ly khai’ là sự ly khai do suy nghĩ. ‘Trong khi nhận biết, (hành giả) ly khai’ là sự ly khai do tâm. ‘Trong khi sử dụng trí, (hành giả) ly khai’ là sự ly khai do trí. ‘Trong khi xả ly, (hành giả) ly khai’ là sự ly khai do giải thoát. ‘Theo ý nghĩa của thực thể, (hành giả) ly khai’ là sự ly khai do sự thật.
Nơi nào có sự ly khai do tưởng, nơi ấy có sự ly khai do suy nghĩ. Nơi nào có sự ly khai do suy nghĩ, nơi ấy có sự ly khai do tưởng. Nơi nào có sự ly khai do tưởng, có sự ly khai do suy nghĩ, nơi ấy có sự ly khai do tâm. Nơi nào có sự ly khai do tâm, nơi ấy có sự ly khai do tưởng, có sự ly khai do suy nghĩ. Nơi nào có sự ly khai do tưởng, có sự ly khai do suy nghĩ, có sự ly khai do tâm, nơi ấy có sự ly khai do trí. Nơi nào có sự ly khai do trí, nơi ấy có sự ly khai do tưởng, có sự ly khai do suy nghĩ, có sự ly khai do tâm. Nơi nào có sự ly khai do tưởng, có sự ly khai do suy nghĩ, có sự ly khai do tâm,, có sự ly khai do trí, nơi ấy có sự ly khai do giải thoát. Nơi nào có sự ly khai do giải thoát, nơi ấy có sự ly khai do tưởng, có sự ly khai do suy nghĩ, có sự ly khai do tâm, có sự ly khai do trí. Nơi nào có sự ly khai do tưởng, có sự ly khai do suy nghĩ, có sự ly khai do tâm, có sự ly khai do trí, có sự ly khai do giải thoát, nơi ấy có sự ly khai do sự thật. Nơi nào có sự ly khai do sự thật, nơi ấy có sự ly khai do tưởng, có sự ly khai do suy nghĩ, có sự ly khai do tâm, có sự ly khai do trí, có sự ly khai do giải thoát.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về ý nghĩa của thực thể là trí về sự ly khai do sự thật.”
Phần giải thích ‘Nhóm sáu của Trí về sự ly khai.’
Với sự xác định cả thân lẫn tâm là một, tuệ về ý nghĩa của sự thành tựu do năng lực của sự chú nguyện lạc tưởng và khinh tưởng là trí về thể loại của thần thông là (có ý nghĩa) thế nào?
Vị tỳ khưu trong Giáo Pháp này tu tập về nền tảng của thần thông[3]hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn và các tạo tác do nỗ lực,[4]... hội đủ (các yếu tố) định do tinh tấn và các tạo tác do nỗ lực, ... hội đủ (các yếu tố) định do nhận thức và các tạo tác do nỗ lực, tu tập về nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do thẩm xét và các tạo tác do nỗ lực. Vị ấy làm cho tâm phát triển trọn vẹn, thuần hóa toàn diện, thành nhu nhuyến, có thể sử dụng được ở bốn nền tảng của thần thông này. Sau khi đã làm cho tâm phát triển trọn vẹn, thuần hóa toàn diện, thành nhu nhuyến, có thể sử dụng được ở bốn nền tảng của thần thông này, vị ấy kết hợp thân với tâm, kết hợp tâm với thân, uốn nắn tâm theo tác động của thân, uốn nắn thân theo tác động của tâm, chú nguyện tâm theo tác động của thân, chú nguyện thân theo tác động của tâm. Sau khi đã uốn nắn tâm theo tác động của thân, sau khi đã uốn nắn thân theo tác động của tâm, sau khi đã chú nguyện tâm theo tác động của thân, sau khi đã chú nguyện thân theo tác động của tâm, vị ấy nhập vào lạc tưởng và khinh tưởng ở thân rồi an trú. Với tâm được tu tập, được hoàn toàn trong sạch, được tinh khiết như thế, vị ấy quả quyết, hướng dẫn tâm vào trí thuộc về thần thông. Vị ấy kinh nghiệm nhiều thể loại thần thông: là một hóa thành nhiều, là nhiều hóa thành một, hiện ra, biến mất, đi xuyên qua vách nhà, qua tường thành, qua núi non không bị chướng ngại như là ở khoảng không, trồi lên và chìm xuống vào trong trái đất như ở trong nước, đi ở trên nước mà không làm chao động như ở trên đất, di chuyển với thế kiết già ở trên hư không như loài chim có cánh, bằng bàn tay sờ đến chạm vào ngay cả mặt trăng và mặt trời này (là những vật) có đại thần lực như thế có đại oai lực như thế. Bằng thân vị ấy thể hiện sự tác động đến tận cõi Phạm Thiên.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Với sự xác định cả thân lẫn tâm là một, tuệ về ý nghĩa của sự thành tựu do năng lực của sự chú nguyện lạc tưởng và khinh tưởng là trí về thể loại của thần thông.”
Phần giải thích ‘Trí về các sự thành tựu.’
Tuệ về sự thâm nhập các hiện tướng âm thanh có bản chất khác nhau hoặc giống nhau bằng cách triển khai tầm là trí thanh tịnh của nhĩ giới là (có ý nghĩa) thế nào?
Vị tỳ khưu trong Giáo Pháp này tu tập về nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn ... định do tinh tấn ... định do nhận thức ... định do thẩm xét và các tạo tác do nỗ lực. Vị ấy làm cho tâm phát triển trọn vẹn, thuần hóa toàn diện, thành nhu nhuyến, có thể sử dụng được ở bốn nền tảng của thần thông này. Sau khi đã làm cho tâm phát triển trọn vẹn, thuần hóa toàn diện, thành nhu nhuyến, có thể sử dụng được ở bốn nền tảng của thần thông này, vị ấy chú ý đến hiện tướng âm thanh của các âm thanh ở xa, chú ý đến hiện tướng âm thanh của các âm thanh ở kề cận, chú ý đến hiện tướng âm thanh của các âm thanh thô tháo, chú ý đến hiện tướng âm thanh của các âm thanh êm dịu, chú ý đến hiện tướng âm thanh của các âm thanh nhỏ nhẹ, chú ý đến hiện tướng âm thanh của các âm thanh ở hướng đông, chú ý đến hiện tướng âm thanh của các âm thanh ở hướng tây, chú ý đến hiện tướng âm thanh của các âm thanh ở hướng bắc, chú ý đến hiện tướng âm thanh của các âm thanh ở hướng nam, chú ý đến hiện tướng âm thanh của các âm thanh ở hướng đông nam, chú ý đến hiện tướng âm thanh của các âm thanh ở hướng tây bắc, chú ý đến hiện tướng âm thanh của các âm thanh ở hướng đông bắc, chú ý đến hiện tướng âm thanh của các âm thanh ở hướng tây nam, chú ý đến hiện tướng âm thanh của các âm thanh ở hướng dưới, chú ý đến hiện tướng âm thanh của các âm thanh ở hướng trên.
Với tâm được phát triển, hoàn toàn trong sạch, tinh khiết như thế, vị ấy quả quyết, hướng dẫn tâm vào trí thanh tịnh của nhĩ giới. Nhờ vào thiên nhĩ giới thanh tịnh vượt trội loài người, vị ấy nghe được cả hai loại âm thanh ở cõi trời và ở loài người, ở xa và ở kề cận.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự thâm nhập các hiện tướng âm thanh có bản chất khác nhau hoặc giống nhau bằng cách triển khai tầm là trí thanh tịnh của nhĩ giới.”
Phần giải thích ‘Trí thanh tịnh của nhĩ giới.’
Với tính chất triển khai của ba loại tâm, tuệ về sự thâm nhập các hành vi của thức có bản chất khác nhau hoặc giống nhau bằng năng lực tự tin của các quyền là trí biết được tâm là (có ý nghĩa) thế nào?
Vị tỳ khưu trong Giáo Pháp này tu tập về nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn ... định do tinh tấn ... định do nhận thức ... định do thẩm xét và các tạo tác do nỗ lực. Vị ấy làm cho tâm phát triển trọn vẹn, thuần hóa toàn diện, thành nhu nhuyến, có thể sử dụng được ở bốn nền tảng của thần thông này. Sau khi đã làm cho tâm phát triển trọn vẹn, thuần hóa toàn diện, thành nhu nhuyến, có thể sử dụng được ở bốn nền tảng của thần thông này, vị ấy biết rõ như vầy: ‘Đây là sắc được sanh khởi do hỷ quyền, đây là sắc được sanh khởi do ưu quyền, đây là sắc được sanh khởi do xả quyền.’
Với tâm được phát triển, hoàn toàn trong sạch, tinh khiết như thế, vị ấy quả quyết, hướng dẫn tâm vào trí biết được tâm. Sau khi xem xét, vị ấy nhận biết tâm của các chúng sanh khác của các cá nhân khác bằng tâm. (Vị ấy) nhận biết tâm có tham ái là: ‘Tâm có tham ái,’ hoặc nhận biết tâm lìa khỏi tham ái là: ‘Tâm lìa khỏi tham ái,’ hoặc nhận biết tâm có sân, ... tâm lìa khỏi sân ... tâm có si ... tâm lìa khỏi si, ... tâm bị thâu hẹp ... tâm bị tán loạn ... tâm đại hành[5]... tâm không đại hành ... tâm vô thượng ... tâm không vô thượng ... tâm định tĩnh ... tâm không định tĩnh ... tâm giải thoát ..., hoặc nhận biết tâm không giải thoát là: ‘Tâm không giải thoát.’
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Với tính chất triển khai của ba loại tâm, tuệ về sự thâm nhập các hành vi của thức có bản chất khác nhau hoặc giống nhau bằng năng lực tự tin của các quyền là trí biết được tâm.”
Phần giải thích ‘Trí biết được tâm.’
Tuệ về sự thâm nhập bằng năng lực triển khai các nghiệp có bản chất khác nhau hoặc giống nhau đối với các pháp có sự vận hành do duyên là trí nhớ về các kiếp sống trước là (có ý nghĩa) thế nào?
Vị tỳ khưu trong Giáo Pháp này tu tập về nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn ...(nt)... sau khi làm thành nhu nhuyến có thể sử dụng được, vị ấy nhận biết như vầy: ‘Khi điều này hiện hữu, điều kia hiện hữu, do sự sanh lên của điều này, điều kia sanh lên, tức là các hành do duyên vô minh, thức do duyên các hành, danh sắc do duyên thức, sáu xứ do duyên danh sắc, xúc do duyên sáu xứ, thọ do duyên xúc, ái do duyên thọ, thủ do duyên ái, hữu do duyên thủ, sanh do duyên hữu, lão tử do duyên sanh, sầu muộn-than vãn-khổ đau-ưu phiền-thất vọng hiện khởi. Như thế là sự sanh khởi của toàn bộ khổ uẩn này.’
Với tâm được phát triển, hoàn toàn trong sạch, tinh khiết như thế, vị ấy quả quyết, hướng dẫn tâm đến trí nhớ về các kiếp sống trước. Vị ấy nhớ lại nhiều kiếp sống trước như là một lần sanh, hai lần sanh, ba lần sanh, bốn lần sanh, năm lần sanh, mười lần sanh, hai mươi lần sanh, ba mươi lần sanh, bốn mươi lần sanh, năm mươi lần sanh, một trăm lần sanh, một ngàn lần sanh, một trăm ngàn lần sanh, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và thành kiếp: ‘Vào kiếp sống ấy, ta đã có tên như vầy, dòng họ như vầy, giai cấp như vầy, thức ăn như vầy, kinh nghiệm lạc và khổ như vầy, có giới hạn tuổi thọ như vầy. Từ chỗ ấy, ta đây đã chết đi rồi đã sanh lên tại nơi này.’ Như thế, vị ấy nhớ lại nhiều kiếp sống trước với các nét cá biệt và đại cương.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về sự thâm nhập bằng năng lực triển khai các nghiệp có bản chất khác nhau hoặc giống nhau đối với các pháp có sự vận hành do duyên là trí nhớ về các kiếp sống trước.”
Phần giải thích ‘Trí nhớ về các kiếp sống trước.’
Tuệ về ý nghĩa của việc nhìn thấy các hiện tướng của sắc có bản chất khác nhau hoặc giống nhau nhờ vào năng lực của ánh sáng là trí về thiên nhãn là (có ý nghĩa) thế nào?
Vị tỳ khưu trong Giáo Pháp này tu tập về nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn ... định do tinh tấn ... định do nhận thức ... định do thẩm xét và các tạo tác do nỗ lực. Vị ấy làm cho tâm phát triển trọn vẹn, thuần hóa toàn diện, thành nhu nhuyến có thể sử dụng ở bốn nền tảng của thần thông này. Sau khi làm cho tâm phát triển trọn vẹn, thuần hóa toàn diện, thành nhu nhuyến có thể sử dụng ở bốn nền tảng của thần thông này, vị ấy chú ý đến tưởng về ánh sáng, chú nguyện tưởng về ban ngày: ‘Ban ngày thế nào, ban đêm thế ấy, ban đêm thế nào, ban ngày thế ấy.’ Với tâm được mở ra và không bị che lấp như thế, vị ấy phát triển tâm có ánh sáng.
Với tâm được phát triển, hoàn toàn trong sạch, tinh khiết như thế, vị ấy quả quyết, hướng dẫn tâm đến trí về sự sanh tử của chúng sanh. Bằng thiên nhãn thanh tịnh vượt trội loài người, vị ấy nhìn thấy chúng sanh trong khi chết đi rồi sanh lại (trở thành) hạ tiện, cao quý, đẹp đẽ, xấu xí, và nhận biết rằng chúng sanh đều đi theo nghiệp tương ứng đến chốn an vui, (hay) đọa vào cõi khổ: ‘Quả vậy, những chúng sanh đang hiện hữu này có thân ác hạnh, có khẩu ác hạnh, có ý ác hạnh, vu khống các bậc Thánh, theo tà kiến, tán thành hành động do tà kiến, khi tan rã thân xác và chết đi, họ bị sanh vào bất hạnh, cõi khổ, đọa xứ, địa ngục. Trái lại, những chúng sanh đang hiện hữu này có thân thiện hạnh, có khẩu thiện hạnh, có ý thiện hạnh, không vu khống các bậc Thánh, theo chánh kiến, tán thành hành động do chánh kiến, khi tan rã thân xác và chết đi, họ được sanh vào chốn an vui, cõi trời, loài người.’ Như thế, bằng thiên nhãn thuần tịnh vượt trội loài người, vị ấy nhìn thấy chúng sanh trong khi chết đi rồi sanh lại (trở thành) hạ tiện, cao quý, đẹp đẽ, xấu xí, và biết rõ rằng chúng sanh đều đi theo nghiệp tương ứng đến chốn an vui, (hay) đọa vào cõi khổ.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về ý nghĩa của việc nhìn thấy các hiện tướng của sắc có bản chất khác nhau hoặc giống nhau nhờ vào năng lực của ánh sáng là trí về thiên nhãn.”
Phần giải thích ‘Trí về thiên nhãn.’
Tuệ về chủ thể đối với ba quyền theo sáu mươi bốn biểu hiện là trí về sự đoạn tận của các lậu hoặc là (có ý nghĩa) thế nào?
Của ba quyền nào? Của vị tri quyền, của dĩ tri quyền, của cụ tri quyền.
Vị tri quyền đi đến bao nhiêu vị thế? Dĩ tri quyền đi đến bao nhiêu vị thế? Cụ tri quyền đi đến bao nhiêu vị thế? Vị tri quyền đi đến một vị thế là Đạo Nhập Lưu. Dĩ tri quyền đi đến sáu vị thế là Quả Nhập Lưu, Đạo Nhất Lai, Quả Nhất Lai, Đạo Bất Lai, Quả Bất Lai, Đạo A-la-hán. Cụ tri quyền đi đến một vị thế là Quả A-la-hán.
Vào sát-na Đạo Nhập Lưu, đối với vị tri quyền, tín quyền có sự cương quyết là phụ trợ, tấn quyền có sự ra sức là phụ trợ, niệm quyền có sự thiết lập là phụ trợ, định quyền có sự không tản mạn là phụ trợ, tuệ quyền có sự nhận thức là phụ trợ, ý quyền có sự nhận biết là phụ trợ, hỷ quyền có sự tràn ngập là phụ trợ, mạng quyền có pháp chủ đạo trong việc duy trì sự vận hành là phụ trợ. Vào sát-na Đạo Nhập Lưu, các pháp được sanh ra, ngoại trừ sắc có nguồn phát sanh là tâm, tất cả (các pháp còn lại) đều là thiện, tất cả đều không có lậu hoặc, tất cả đều có tánh dẫn xuất, tất cả đều đưa đến sự không tích lũy, tất cả đều là vượt trên thế gian, tất cả đều có cảnh là Niết Bàn. Vào sát-na Đạo Nhập Lưu, đối với vị tri quyền, tám quyền này là các phụ trợ đồng sanh, là các phụ trợ có sự (tác động) qua lại, là các phụ trợ có sự nương tựa, là các phụ trợ được liên kết, là đồng hành, là đồng sanh, là kết hợp, là liên kết. Chính tám quyền này vừa là biểu hiện vừa là phụ trợ của vị tri quyền.
Vào sát-na Quả Nhập Lưu, đối với dĩ tri quyền, tín quyền có sự cương quyết là phụ trợ, tấn quyền có sự ra sức là phụ trợ, niệm quyền có sự thiết lập là phụ trợ, định quyền có sự không tản mạn là phụ trợ, tuệ quyền có sự nhận thức là phụ trợ, ý quyền có sự nhận biết là phụ trợ, hỷ quyền có sự tràn ngập là phụ trợ, mạng quyền có pháp chủ đạo trong việc duy trì sự vận hành là phụ trợ. Vào sát-na Quả Nhập Lưu, các pháp được sanh ra, ngoại trừ sắc có nguồn phát sanh là tâm, tất cả (các pháp còn lại) đều là vô ký, tất cả đều không có lậu hoặc, tất cả đều là vượt trên thế gian, tất cả đều có cảnh là Niết Bàn. Vào sát-na Quả Nhập Lưu, đối với dĩ tri quyền, tám quyền này là các phụ trợ đồng sanh, là các phụ trợ có sự (tác động) qua lại, là các phụ trợ có sự nương tựa, là các phụ trợ được liên kết, là đồng hành, là đồng sanh, là kết hợp, là liên kết. Chính tám quyền này vừa là biểu hiện vừa là phụ trợ của dĩ tri quyền.
Vào sát-na Đạo Nhất Lai, ...(như trên)... Vào sát-na Quả Nhất Lai, ...(như trên)... Vào sát-na Đạo Bất Lai, ...(như trên)... Vào sát-na Quả Bất Lai, ...(như trên)... Vào sát-na Đạo A-la-hán, đối với dĩ tri quyền, tín quyền của có sự cương quyết là phụ trợ, ...(như trên)... mạng quyền có pháp chủ đạo trong việc duy trì sự vận hành là phụ trợ.
Vào sát-na Đạo A-la-hán, các pháp được sanh ra ngoại trừ sắc có nguồn phát sanh là tâm, tất cả (các pháp còn lại) đều là thiện, tất cả đều không có lậu hoặc, tất cả đều có tánh dẫn xuất, tất cả đều đưa đến sự không tích lũy, tất cả đều là vượt trên thế gian, tất cả đều có cảnh là Niết Bàn. Vào sát-na Đạo A-la-hán, đối với dĩ tri quyền, tám quyền này[6]là các phụ trợ đồng sanh, là các phụ trợ có sự (tác động) qua lại, là các phụ trợ có sự nương tựa, là các phụ trợ được liên kết, là đồng hành, là đồng sanh, là kết hợp, là liên kết. Chính tám quyền này vừa là biểu hiện vừa là phụ trợ của dĩ tri quyền.
Vào sát-na Quả A-la-hán, đối với cụ tri quyền, tín quyền có sự cương quyết là phụ trợ, tấn quyền ...(nt)... mạng quyền có pháp chủ đạo trong việc duy trì sự vận hành là phụ trợ. Vào sát-na Quả A-la-hán, các pháp được sanh ra, ngoại trừ sắc có nguồn phát sanh là tâm, tất cả (các pháp còn lại) đều là vô ký, tất cả đều không có lậu hoặc, tất cả đều là vượt trên thế gian, tất cả đều có cảnh là Niết Bàn. Vào sát-na Quả A-la-hán, đối với cụ tri quyền, tám quyền này là các phụ trợ đồng sanh, ...(nt)... là liên kết. Chính tám quyền này vừa là biểu hiện vừa là phụ trợ của cụ tri quyền. Như thế, 8 lần 8 này là 64.
Lậu hoặc: Các lậu hoặc ấy là gì? Là dục lậu, hữu lậu, (tà) kiến lậu, vô minh lậu.
Các lậu hoặc ấy được cạn kiệt tại đâu? Do Đạo Nhập Lưu, toàn thể (tà) kiến lậu được cạn kiệt, dục lậu đưa đến khổ cảnh được cạn kiệt, hữu lậu đưa đến khổ cảnh được cạn kiệt, vô minh lậu đưa đến khổ cảnh được cạn kiệt. Các lậu hoặc ấy được cạn kiệt tại đây.
Do Đạo Nhất Lai, dục lậu thô thiển được cạn kiệt, hữu lậu có cùng ý nghĩa với điều ấy được cạn kiệt, vô minh lậu có cùng ý nghĩa với điều ấy được cạn kiệt. Các lậu hoặc ấy được cạn kiệt tại đây.
Do Đạo Bất Lai, toàn thể dục lậu được cạn kiệt, hữu lậu có cùng ý nghĩa với điều ấy được cạn kiệt, vô minh lậu có cùng ý nghĩa với điều ấy được cạn kiệt. Các lậu hoặc ấy được cạn kiệt tại đây.
Do Đạo A-la-hán, toàn thể hữu lậu được cạn kiệt, toàn thể vô minh lậu được cạn kiệt. Các lậu hoặc ấy được cạn kiệt tại đây.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về chủ thể đối với ba quyền theo sáu mươi bốn biểu hiện là trí về sự đoạn tận của các lậu hoặc.”
Phần giải thích ‘Trí về sự đoạn tận của các lậu hoặc.’
Tuệ về ý nghĩa biết toàn diện là trí về Khổ, tuệ về ý nghĩa dứt bỏ là trí về nhân sanh (Khổ), tuệ về ý nghĩa tác chứng là trí về sự diệt tận (Khổ), tuệ về ý nghĩa tu tập là trí về Đạo là (có ý nghĩa) thế nào?
Đối với Khổ là ý nghĩa áp bức, là ý nghĩa tạo tác, là ý nghĩa nóng nảy, là ý nghĩa chuyển biến, là ý nghĩa biết toàn diện.
Đối với nhân sanh (Khổ) là ý nghĩa (nghiệp) tích lũy, là ý nghĩa căn nguyên, là ý nghĩa ràng buộc, là ý nghĩa vướng bận, là ý nghĩa dứt bỏ.
Đối với sự diệt tận (Khổ) là ý nghĩa xuất ly, là ý nghĩa viễn ly, là ý nghĩa vô vi, là ý nghĩa bất tử, là ý nghĩa tác chứng.
Đối với Đạo là ý nghĩa dẫn xuất, là ý nghĩa chủng tử, là ý nghĩa nhận thức, là ý nghĩa pháp chủ đạo, là ý nghĩa tu tập.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Tuệ về ý nghĩa biết toàn diện là trí về Khổ; Tuệ về ý nghĩa dứt bỏ là trí về nhân sanh (Khổ); Tuệ về ý nghĩa tác chứng là trí về sự diệt tận (Khổ); Tuệ về ý nghĩa tu tập là trí về Đạo.”
Trí về Khổ, trí về nhân sanh Khổ, trí về sự diệt tận Khổ, trí về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ là (có ý nghĩa) thế nào?
Trí của vị có dự phần ở Đạo cũng là trí về Khổ, đây cũng là trí về nhân sanh Khổ, đây cũng là trí về sự diệt tận Khổ, đây cũng là trí về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.
Trong trường hợp ấy, trí về Khổ là gì? Điều gì sanh lên có liên quan đến Khổ: sự nhận biết (của trí), sự nhận biết (của tuệ), sự chọn lọc, sự tuyển lựa, sự chọn lọc pháp, sự suy xét, sự khảo cứu, sự khảo sát, sự thông thái, sự rành rẽ, sự khôn ngoan, sự sáng suốt, sự suy nghĩ, sự nghiên cứu, sự uyên thâm, sự mẫn tiệp, sự lãnh đạo, sự minh sát, sự tỉnh giác, sự sắc sảo, tuệ, tuệ quyền, tuệ lực, tuệ là vũ khí, tuệ là thành trì, tuệ là ánh sáng, tuệ là hào quang, tuệ là ngọn đèn, tuệ là báu vật, sự vô si, sự chọn lọc pháp, chánh kiến, (mỗi một) điều ấy được gọi là trí về Khổ. Điều gì sanh lên có liên quan đến nhân sanh Khổ: ...(nt)... Điều gì sanh lên có liên quan đến sự diệt tận Khổ: ...(nt)... Điều gì sanh lên có liên quan đến sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ: ...(nt)... sự vô si, sự chọn lọc pháp, chánh kiến, (mỗi một) điều ấy được gọi là trí về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Trí về Khổ, trí về nhân sanh Khổ, trí về sự diệt tận Khổ, trí về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.”
Phần giải thích ‘Hai nhóm bốn của trí về chân lý.’
Trí về sự phân tích ý nghĩa, trí về sự phân tích pháp, trí về sự phân tích ngôn từ, trí về sự phân tích phép biện giải là (có ý nghĩa) thế nào?
Trí về các ý nghĩa là sự phân tích ý nghĩa, trí về các pháp là sự phân tích pháp, trí về các ngôn từ là sự phân tích ngôn từ, trí về các phép biện giải là sự phân tích phép biện giải.
Tuệ về bản chất khác nhau của các ý nghĩa là trí về sự phân tích ý nghĩa, tuệ về bản chất khác nhau của các pháp là trí về sự phân tích pháp, tuệ về bản chất khác nhau của các ngôn từ là trí về sự phân tích ngôn từ, tuệ về bản chất khác nhau của các phép biện giải là trí về sự phân tích phép biện giải.
Tuệ về sự xác định ý nghĩa là trí về sự phân tích ý nghĩa, tuệ về sự xác định pháp là trí về sự phân tích pháp, tuệ về sự xác định ngôn từ là trí về sự phân tích ngôn từ, tuệ về sự xác định phép biện giải là trí về sự phân tích phép biện giải.
Tuệ về sự suy xét ý nghĩa là trí về sự phân tích ý nghĩa, tuệ về sự suy xét pháp là trí về sự phân tích pháp, tuệ về sự suy xét ngôn từ là trí về sự phân tích ngôn từ, tuệ về sự suy xét phép biện giải là trí về sự phân tích phép biện giải.
Tuệ về sự khảo cứu ý nghĩa là trí về sự phân tích ý nghĩa, tuệ về sự khảo cứu pháp là trí về sự phân tích pháp, tuệ về sự khảo cứu ngôn từ là trí về sự phân tích ngôn từ, tuệ về sự khảo cứu phép biện giải là trí về sự phân tích phép biện giải.
Tuệ về sự phân loại ý nghĩa là trí về sự phân tích ý nghĩa, tuệ về sự phân loại pháp là trí về sự phân tích pháp, tuệ về sự phân loại ngôn từ là trí về sự phân tích ngôn từ, tuệ về sự phân loại phép biện giải là trí về sự phân tích phép biện giải.
Tuệ về sự thể hiện ý nghĩa là trí về sự phân tích ý nghĩa, tuệ về sự thể hiện pháp là trí về sự phân tích pháp, tuệ về sự thể hiện ngôn từ là trí về sự phân tích ngôn từ, tuệ về sự thể hiện phép biện giải là trí về sự phân tích phép biện giải.
Tuệ về sự làm sáng tỏ ý nghĩa là trí về sự phân tích ý nghĩa, tuệ về sự làm sáng tỏ pháp là trí về sự phân tích pháp, tuệ về sự làm sáng tỏ ngôn từ là trí về sự phân tích ngôn từ, tuệ về sự làm sáng tỏ phép biện giải là trí về sự phân tích phép biện giải.
Tuệ về sự làm rõ rệt ý nghĩa là trí về sự phân tích ý nghĩa, tuệ về sự làm rõ rệt pháp là trí về sự phân tích pháp, tuệ về sự làm rõ rệt ngôn từ là trí về sự phân tích ngôn từ, tuệ về sự làm rõ rệt phép biện giải là trí về sự phân tích phép biện giải.
Tuệ về sự công bố ý nghĩa là trí về sự phân tích ý nghĩa, tuệ về sự công bố pháp là trí về sự phân tích pháp, tuệ về sự công bố ngôn từ là trí về sự phân tích ngôn từ, tuệ về sự công bố phép biện giải là trí về sự phân tích phép biện giải.
Điều ấy, theo ý nghĩa đã được biết (thì gọi) là trí, theo ý nghĩa nhận biết (thì gọi) là tuệ. Vì thế, được nói rằng: “Trí về sự phân tích ý nghĩa, trí về sự phân tích pháp, trí về sự phân tích ngôn từ, trí về sự phân tích phép biện giải.”
Phần giải thích ‘Trí về các sự phân tích thuần túy.’
Trí biết được khả năng của người khác của đức Như Lai là (có ý nghĩa) thế nào?
Ở đây, đức Như Lai nhìn thấy các chúng sanh: có tầm nhìn bị vấy bụi ít, có tầm nhìn bị vấy bụi nhiều, có giác quan sắc sảo, có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt, có tánh khí tồi, dễ hướng dẫn, khó hướng dẫn, một số chúng sanh thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác, một số chúng sanh không thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác.
Có tầm nhìn bị vấy bụi ít, có tầm nhìn bị vấy bụi nhiều: Người có đức tin là có tầm nhìn bị vấy bụi ít, người không có đức tin là có tầm nhìn bị vấy bụi nhiều. Người có sự cố gắng tinh tấn là có tầm nhìn bị vấy bụi ít, người biếng nhác là có tầm nhìn bị vấy bụi nhiều. Người có niệm được thiết lập là có tầm nhìn bị vấy bụi ít, người có niệm bị quên lãng là có tầm nhìn bị vấy bụi nhiều. Người được định tĩnh là có tầm nhìn bị vấy bụi ít, người không được định tĩnh là có tầm nhìn bị vấy bụi nhiều. Người có tuệ là có tầm nhìn bị vấy bụi ít, người có tuệ kém là có tầm nhìn bị vấy bụi nhiều.
Có giác quan sắc sảo, có giác quan cùn lụt: Người có đức tin là có giác quan sắc sảo, người không có đức tin là có giác quan cùn lụt. Người có sự cố gắng tinh tấn là có giác quan sắc sảo, người biếng nhác là có giác quan cùn lụt. Người có niệm được thiết lập là có giác quan sắc sảo, người có niệm bị quên lãng là có giác quan cùn lụt. Người được định tĩnh là có giác quan sắc sảo, người không được định tĩnh là có giác quan cùn lụt. Người có tuệ là có giác quan sắc sảo, người có tuệ kém là có giác quan cùn lụt.
Có tánh khí tốt, có tánh khí tồi: Người có đức tin là có tánh khí tốt, người không có đức tin là có tánh khí tồi. Người có sự cố gắng tinh tấn là có tánh khí tốt, người biếng nhác là có tánh khí tồi. Người có niệm được thiết lập là có tánh khí tốt, người có niệm bị quên lãng là có tánh khí tồi. Người được định tĩnh là có tánh khí tốt, người không được định tĩnh là có tánh khí tồi. Người có tuệ là có tánh khí tốt, người có tuệ kém là có tánh khí tồi.
Dễ hướng dẫn, khó hướng dẫn: Người có đức tin là dễ hướng dẫn, người không có đức tin là khó hướng dẫn. Người có sự cố gắng tinh tấn là dễ hướng dẫn, người biếng nhác là khó hướng dẫn. Người có niệm được thiết lập là dễ hướng dẫn, người có niệm bị quên lãng là khó hướng dẫn. Người được định tĩnh là dễ hướng dẫn, người không được định tĩnh là khó hướng dẫn. Người có tuệ là dễ hướng dẫn, người có tuệ kém là khó hướng dẫn.
Một số chúng sanh thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác, một số chúng sanh không thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác: Người có đức tin là thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác, người không có đức tin là không thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác. Người có sự cố gắng tinh tấn là thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác, người biếng nhác là không thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác. Người có niệm được thiết lập là thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác, người có niệm bị quên lãng là không thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác. Người được định tĩnh là thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác, người không được định tĩnh là không thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác. Người có tuệ là thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác, người có tuệ kém là không thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác.
Thế giới: Thế giới của các uẩn, thế giới của các giới, thế giới của các xứ, thế giới có sự bất hạnh, thế giới đem lại sự bất hạnh, thế giới có sự thuận lợi, thế giới đem lại sự thuận lợi.
Một thế giới là tất cả chúng sanh được tồn tại nhờ vật thực. Hai thế giới là danh và sắc. Ba thế giới là ba thọ. Bốn thế giới là bốn loại vật thực. Năm thế giới là năm thủ uẩn. Sáu thế giới là sáu nội xứ. Bảy thế giới là bảy trụ xứ của thức. Tám thế giới là tám pháp thế gian. Chín thế giới là chín nơi cư trú của chúng sanh. Mười thế giới là mười xứ.[7]Mười hai thế giới là mười hai xứ.[8]Mười tám thế giới là mười tám giới.
Tội lỗi: Tất cả ô nhiễm là tội lỗi, tất cả ác hạnh là tội lỗi, tất cả các thắng hành là tội lỗi, tất cả nghiệp đưa đến hữu là tội lỗi.
Như thế, tưởng đến sự kinh hãi sắc bén về thế giới này và về tội lỗi này đã được đề cập, cũng giống như (tưởng đến sự kinh hãi) về cuộc chém giết có thanh gươm đã được vung lên. Đức Như Lai biết được, thấy được, hiểu được, thấu triệt năm quyền này thông qua năm mươi biểu hiện[9]này.
Đây là trí biết được khả năng của người khác của đức Như Lai.
Phần giải thích ‘Trí biết được khả năng của người khác.’
Trí của đức Như Lai về thiên kiến và xu hướng ngủ ngầm của chúng sanh là (có ý nghĩa) thế nào?
Ở đây, đức Như Lai biết thiên kiến của chúng sanh, biết xu hướng ngủ ngầm, biết sở hành, biết tánh khí, biết chúng sanh có khả năng hay không có khả năng.
Thiên kiến gì của chúng sanh? ‘Thế giới là thường còn,’ ‘Thế giới là không thường còn,’ ‘Thế giới là có giới hạn,’ ‘Thế giới là không có giới hạn,’ ‘Mạng sống là vật ấy thân thể là vật ấy,’ ‘Mạng sống là vật khác thân thể là vật khác,’ ‘Có phải đức Như Lai hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ ‘Có phải đức Như Lai không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ ‘Có phải đức Như Lai hiện hữu và không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ hay ‘Có phải đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ chúng sanh nương tựa vào hữu kiến hoặc nương tựa vào phi hữu kiến là như thế.
Trái lại, có những chúng sanh không tiếp cận hai thái cực này rồi thành tựu sự chấp nhận hợp theo các pháp được tùy thuận sanh lên do tính chất của duyên ấy, hoặc (đạt được) trí đúng theo thực thể.
Ngài biết về người đang theo đuổi (ngũ) dục rằng: ‘Người này nặng về dục, có thiên kiến về dục, có tánh khí về dục;’ biết về người đang theo đuổi (ngũ) dục rằng: ‘Người này nặng về thoát ly, có thiên kiến về thoát ly, có tánh khí về thoát ly;’ biết về người đang theo đuổi thoát ly rằng: ‘Người này nặng về thoát ly, có thiên kiến về thoát ly, có tánh khí về thoát ly;’ biết về người đang theo đuổi thoát ly rằng: ‘Người này nặng về dục, có thiên kiến về dục, có tánh khí về dục.’
Ngài biết về người đang theo đuổi sân độc rằng: ‘Người này nặng về sân độc, có thiên kiến về sân độc, có tánh khí về sân độc;’ biết về người đang theo đuổi sân độc rằng: ‘Người này nặng về không sân độc, có thiên kiến về không sân độc, có tánh khí về không sân độc;’ biết về người đang theo đuổi không sân độc rằng: ‘Người này nặng về không sân độc, có thiên kiến về không sân độc, có tánh khí về không sân độc;’ biết về người đang theo đuổi không sân độc rằng: ‘Người này nặng về sân độc, có thiên kiến về sân độc, có tánh khí về sân độc.’
Ngài biết về người đang theo đuổi sự lờ đờ và buồn ngủ rằng: ‘Người này nặng về lờ đờ và buồn ngủ, có thiên kiến về lờ đờ và buồn ngủ, có tánh khí về lờ đờ và buồn ngủ;’ biết về người đang theo đuổi sự lờ đờ và buồn ngủ rằng: ‘Người này nặng về quang tưởng, có thiên kiến về quang tưởng, có tánh khí về quang tưởng;’ biết về người đang theo đuổi quang tưởng rằng: ‘Người này nặng về quang tưởng, có thiên kiến về quang tưởng, có tánh khí về quang tưởng;’ biết về người đang theo đuổi quang tưởng rằng: ‘Người này nặng về lờ đờ và buồn ngủ, có thiên kiến về lờ đờ và buồn ngủ, có tánh khí về lờ đờ và buồn ngủ.’ Đây là thiên kiến của chúng sanh.
Xu hướng ngủ ngầm gì của chúng sanh? Có bảy xu hướng ngủ ngầm: Ái dục ngủ ngầm, bất bình ngủ ngầm, ngã mạn ngủ ngầm, tà kiến ngủ ngầm, hoài nghi ngủ ngầm, ái hữu ngủ ngầm, vô minh ngủ ngầm.
Ở đời, có sắc gì đáng yêu đáng mến, ái dục ngủ ngầm của chúng sanh tiềm ẩn ở sắc ấy. Ở đời, có sắc gì không đáng yêu không đáng mến, bất bình ngủ ngầm của chúng sanh tiềm ẩn ở sắc ấy. Như thế vô minh khởi lên ở hai pháp này; ngã mạn, tà kiến, và hoài nghi có cùng ý nghĩa với điều ấy cần được nhìn thấy. Đây là xu hướng ngủ ngầm của chúng sanh.
Sở hành gì của chúng sanh? Sự tạo tác đem lại phước báu, sự tạo tác không đem lại phước báu, sự tạo tác có kết quả không thay đổi có nền tảng nhỏ bé hoặc có nền tảng to lớn. Đây là sở hành của chúng sanh.
Tánh khí gì của chúng sanh? Có các chúng sanh có tánh khí thấp kém, có các chúng sanh có tánh khí cao quý. Các chúng sanh có tánh khí thấp kém giao thiệp, gần gũi, thân cận với các chúng sanh có tánh khí thấp kém, các chúng sanh có tánh khí cao quý giao thiệp, gần gũi, thân cận với các chúng sanh có tánh khí cao quý. Vào thời quá khứ xa xăm, các chúng sanh có tánh khí thấp kém cũng đã giao thiệp, gần gũi, thân cận với các chúng sanh có tánh khí thấp kém, các chúng sanh có tánh khí cao quý cũng đã giao thiệp, gần gũi, thân cận với các chúng sanh có tánh khí cao quý. Vào thời tương lai xa xăm, các chúng sanh có tánh khí thấp kém cũng sẽ giao thiệp, gần gũi, thân cận với các chúng sanh có tánh khí thấp kém, các chúng sanh có tánh khí cao quý cũng sẽ giao thiệp, gần gũi, thân cận với các chúng sanh có tánh khí cao quý. Đây là tánh khí của chúng sanh.
Chúng sanh nào không có khả năng? Những chúng sanh nào có sự chướng ngại do nghiệp, có sự chướng ngại do phiền não, có sự chướng ngại do quả thành tựu (của nghiệp), không có đức tin, không có ước muốn, tuệ kém, không chắc chắn có khả năng nhập vào bản thể chơn chánh trong các thiện pháp, những chúng sanh này đây là không có khả năng.
Chúng sanh nào có khả năng? Những chúng sanh nào không có sự chướng ngại do nghiệp, không có sự chướng ngại do phiền não, không có sự chướng ngại do quả thành tựu, có đức tin, có ước muốn, có tuệ, chắc chắn có khả năng nhập vào bản thể chơn chánh trong các thiện pháp; những chúng sanh này đây là có khả năng.
Đây là trí của đức Như Lai về thiên kiến và xu hướng ngủ ngầm của chúng sanh.
Phần giải thích về ‘Trí về thiên kiến và xu hướng ngủ ngầm.’
Trí về song thông của đức Như Lai là (có ý nghĩa) thế nào?
Ở đây, đức Như Lai thực hiện song thông không phổ cập đến các Thinh Văn: Ngài phát ra khối lửa từ phần thân phía trên, phát ra nguồn nước từ phần thân phía dưới. Ngài phát ra khối lửa từ phần thân phía dưới, phát ra nguồn nước từ phần thân phía trên. Ngài phát ra khối lửa từ phần thân phía trước, phát ra nguồn nước từ phần thân phía sau. Ngài phát ra khối lửa từ phần thân phía sau, phát ra nguồn nước từ phần thân phía trước. Ngài phát ra khối lửa từ con mắt bên phải, phát ra nguồn nước từ con mắt bên trái. Ngài phát ra khối lửa từ con mắt bên trái, phát ra nguồn nước từ con mắt bên phải. Ngài phát ra khối lửa từ lỗ tai bên phải, phát ra nguồn nước từ lỗ tai bên trái. Ngài phát ra khối lửa từ lỗ tai bên trái, phát ra nguồn nước từ lỗ tai bên phải. Ngài phát ra khối lửa từ lỗ mũi bên phải, phát ra nguồn nước từ lỗ mũi bên trái. Ngài phát ra khối lửa từ lỗ mũi bên trái, phát ra nguồn nước từ lỗ mũi bên phải. Ngài phát ra khối lửa từ chóp vai bên phải, phát ra nguồn nước từ chóp vai bên trái. Ngài phát ra khối lửa từ chóp vai bên trái, phát ra nguồn nước từ chóp vai bên phải. Ngài phát ra khối lửa từ cánh tay phải, phát ra nguồn nước từ cánh tay trái. Ngài phát ra khối lửa từ cánh tay trái, phát ra nguồn nước từ cánh tay phải. Ngài phát ra khối lửa từ hông bên phải, phát ra nguồn nước từ hông bên trái. Ngài phát ra khối lửa từ hông bên trái, phát ra nguồn nước từ hông bên phải. Ngài phát ra khối lửa từ bàn chân phải, phát ra nguồn nước từ bàn chân trái. Ngài phát ra khối lửa từ bàn chân trái, phát ra nguồn nước từ bàn chân phải. Ngài phát ra khối lửa từ các ngón tay và ngón chân, phát ra nguồn nước từ các kẻ của các ngón tay và ngón chân. Ngài phát ra khối lửa từ các kẻ của các ngón tay và ngón chân, phát ra nguồn nước từ các ngón tay và ngón chân. Ngài phát ra khối lửa từ mỗi một sợi lông, phát ra nguồn nước từ mỗi một sợi lông. Ngài phát ra khối lửa từ từng lỗ chân lông, phát ra nguồn nước từ từng lỗ chân lông gồm có sáu màu sắc là xanh, vàng, đỏ, trắng, đỏ tía, màu ánh sáng.
Đức Thế Tôn đi kinh hành, còn hình biến hóa (của Ngài) đứng, hoặc ngồi, hoặc ở tư thế nằm; đức Thế Tôn đứng, còn hình biến hóa đi kinh hành, hoặc ngồi, hoặc ở tư thế nằm; đức Thế Tôn ngồi, còn hình biến hóa đi kinh hành, hoặc đứng, hoặc ở tư thế nằm; đức Thế Tôn ở tư thế nằm, còn hình biến hóa đi kinh hành, hoặc đứng, hoặc ngồi; hình biến hóa đi kinh hành, còn đức Thế Tôn đứng, hoặc ngồi, hoặc ở tư thế nằm; hình biến hóa đứng, còn đức Thế Tôn đi kinh hành, hoặc ngồi, hoặc ở tư thế nằm; hình biến hóa ngồi, còn đức Thế Tôn đi kinh hành, hoặc đứng, hoặc ở tư thế nằm; hình biến hóa ở tư thế nằm, còn đức Thế Tôn đứng, hoặc ngồi, hoặc đi kinh hành.
Đây là trí về song thông của đức Như Lai.
Phần giải thích ‘Trí về song thông.’
Trí về sự thể nhập đại bi của đức Như Lai là (có ý nghĩa) thế nào?
Lòng đại bi đối với chúng sanh hiện khởi ở chư Phật Thế Tôn trong lúc xem xét theo nhiều phương thức. Lòng đại bi đối với chúng sanh hiện khởi ở chư Phật Thế Tôn trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị đốt cháy.’ Lòng đại bi đối với chúng sanh hiện khởi ở chư Phật Thế Tôn trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị bận rộn.’ Lòng đại bi đối với chúng sanh hiện khởi ở chư Phật Thế Tôn trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian diễn tiến.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian thực hành theo đạo lộ xấu xa.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Thế gian đưa đến (già chết) và không bền vững.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Thế gian là không có sự bảo vệ, không có chủ thể.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Thế gian là không có sở hữu chủ, mọi thứ sẽ dứt bỏ và ra đi.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Thế gian là thiếu thốn, không được thỏa mãn, là nô lệ của tham ái.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là không nơi bảo vệ.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là không nơi cư trú.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là không nơi nương tựa.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là tình trạng không có sự nương tựa.’ ...
... trong lúc xem xét rằng: ‘Thế gian là hỗn độn, không bình lặng.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian có mũi tên, bị xuyên thủng bởi những mũi tên to lớn,[10]ngoại trừ ta không có kẻ khác ở thế gian là người nhổ lên những mũi tên.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian có sự che phủ bởi bóng tối của vô minh, là ở trong quả trứng, là bị ném vào ngục tù của phiền não, ngoại trừ ta không có kẻ khác ở thế gian là người chỉ cho thấy ánh sáng.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là đi đến vô minh, là ở trong quả trứng, bị che đậy, như là ổ kén, như là tổ chim, được làm bằng các thứ cỏ dại, không vượt khỏi luân hồi là tình trạng gánh chịu đọa xứ, khổ cảnh.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là bị vấy bẩn bởi sự độc hại và xấu xa của vô minh, là vũng bùn của phiền não.’ ...
... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị quấn vào cuộn rối của tham ái sân hận si mê, ngoại trừ ta không có kẻ khác ở thế gian là người tháo gỡ cuộn rối.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị trói chặt vào sự kết nối của ái.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị bao bọc bởi mạng lưới của ái.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị cuốn trôi bởi giòng nước của ái.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị ràng buộc bởi sự ràng buộc của ái.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị tiềm ẩn bởi xu hướng ngủ ngầm của ái.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị nung nóng bởi ngọn lửa của ái.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị thiêu đốt bởi nguồn nhiệt của ái.’ ...
... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị trói chặt vào sự kết nối của tà kiến.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị bao bọc bởi mạng lưới tà kiến.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị cuốn trôi bởi giòng nước tà kiến.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị ràng buộc bởi sự ràng buộc của tà kiến.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị tiềm ẩn bởi xu hướng ngủ ngầm của tà kiến.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị nung nóng bởi ngọn lửa của tà kiến.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị thiêu đốt bởi nguồn nhiệt của tà kiến.’
... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị tiếp nối bởi sự sanh.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị đeo đuổi bởi sự già.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị cai trị bởi bệnh tật.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị thống trị bởi sự chết.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị thiết lập ở trong đau khổ.’
... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị chộp lấy bởi ái.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị vây quanh bởi hàng rào của sự già.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị vây quanh bởi bẫy sập của tử thần.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị trói buộc bởi những sự trói buộc lớn là sự trói buộc của tham ái, sự trói buộc của sân, sự trói buộc của si, sự trói buộc của ngã mạn, sự trói buộc của tà kiến, sự trói buộc của phiền não, sự trói buộc của ác hạnh, ngoại trừ ta không có kẻ khác ở thế gian là người mở ra sự trói buộc.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian đi vào sự chật chội đông đúc, ngoại trừ ta không có kẻ khác ở thế gian là người chỉ cho thấy khoảng trống.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị vướng bận bởi sự vướng bận lớn, ngoại trừ ta không có kẻ khác ở thế gian là người cắt đứt sự vướng bận.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị rơi vào vực thẳm lớn, ngoại trừ ta không có kẻ khác ở thế gian là người đưa lên khỏi vực thẳm.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là đi vào khu rừng lớn, ngoại trừ ta không có kẻ khác ở thế gian là người giúp cho vượt qua khu rừng.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là đi vào luân hồi vĩ đại, ngoại trừ ta không có kẻ khác ở thế gian là người giúp cho giải thoát khỏi luân hồi.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị quay vòng trong pháo đài rộng lớn, ngoại trừ ta không có kẻ khác ở thế gian là người đưa lên khỏi pháo đài.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị chìm vào vũng lầy rộng lớn, ngoại trừ ta không có kẻ khác ở thế gian là người đưa lên khỏi vũng lầy.’
... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là bị thống trị.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là bị thiêu đốt bởi lửa tham ái, bởi lửa sân, bởi lửa si, bởi sự sanh, bởi sự già, bởi sự chết, bởi sầu muộn, bởi than vãn, bởi khổ đau, bởi ưu phiền, bởi thất vọng, ngoại trừ ta không có kẻ khác ở thế gian là người dập tắt.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là kẻ bị lôi kéo đi, bị giết chết, thường xuyên bị hành hạ, là kẻ trộm thọ lãnh hành phạt.’
... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là bị trói buộc bởi sự trói buộc của tội lỗi, được tồn tại ở sự hãm hại, ngoại trừ ta không có kẻ khác ở thế gian là người làm cho giải thoát.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là không có người cai quản, đã đạt đến trạng thái vô cùng thảm hại, ngoại trừ ta không có kẻ khác ở thế gian là người bảo hộ.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là tràn ngập khổ đau, đã bị hành hạ thời gian dài lâu.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là đòi hỏi, thường xuyên bị đói khát.’
... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là tối tăm không có sự nhìn thấy.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian đã bị mất người hướng dẫn, không có người lãnh đạo.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian có sự rơi vào đạo lộ sai trái, đã đi sái đường, ngoại trừ ta không có kẻ khác ở thế gian là người đem lại đạo lộ của các bậc Thánh.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian có sự rơi vào cơn lũ lớn, ngoại trừ ta không có kẻ khác ở thế gian là người nâng lên ra khỏi cơn lũ.’
... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị xâm nhập bởi hai (tà) kiến.’[11]... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian thực hành sái quấy theo ba ác hạnh.’[12]... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị quàng vào bởi bốn ách, bị máng vào bởi bốn ách.’[13]... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị bó buộc bởi bốn phược.’[14]... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị chấp chặt bởi bốn thủ.’[15]... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là bị đọa vào năm cảnh giới.’[16]... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị nhiễm bởi năm phần dục lạc.’ ... ‘Đời sống ở thế gian bị bao bọc bởi năm sự ngăn che.’[17]... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian tranh cãi với sáu nguồn gốc của tranh cãi.’[18]... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị nhiễm bởi sáu nhóm ái.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị xâm nhập bởi sáu (tà) kiến.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị tiềm ẩn bởi bảy xu hướng ngủ ngầm.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị ràng buộc bởi bảy sự ràng buộc.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là kiêu hãnh với bảy ngã mạn.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị quay cuồng bởi tám pháp thế gian.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị dẫn dắt bởi tám sự sai trái.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị hư hỏng bởi tám sự hư hỏng của con người.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị hãm hại bởi chín nền tảng của sự hãm hại.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian là kiêu hãnh với chín cách ngã mạn.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị ái nhiễm bởi chín nguồn gốc của ái.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị ô nhiễm bởi mười nền tảng của phiền não.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị hãm hại bởi mười nền tảng của sự hãm hại.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian hội đủ mười phương thức của nghiệp bất thiện.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị ràng buộc bởi mười sự ràng buộc.’
... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị dẫn dắt bởi mười sự sai trái.’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian hội đủ tà kiến theo mười nền tảng[19].’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian hội đủ hữu biên kiến theo mười nền tảng[20].’ ... trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị trì hoãn bởi sự trì hoãn của một trăm lẻ tám ái.’ Lòng đại bi đối với chúng sanh hiện khởi ở chư Phật Thế Tôn trong lúc xem xét rằng: ‘Đời sống ở thế gian bị xâm nhập bởi sáu mươi hai tà kiến.’
Lòng đại bi đối với chúng sanh hiện khởi ở chư Phật Thế Tôn trong lúc xem xét rằng: ‘Ta đã vượt qua và thế gian là chưa vượt qua. Ta đã giải thoát và thế gian chưa giải thoát. Ta đã được rèn luyện và thế gian chưa được rèn luyện. Ta được an tịnh và thế gian chưa được an tịnh. Ta được tự tại và thế gian chưa được tự tại. Ta đã được hoàn toàn dập tắt và thế gian chưa được hoàn toàn dập tắt. Quả vậy, Ta đã vượt qua để làm cho vượt qua, đã giải thoát để làm cho giải thoát, đã được rèn luyện để làm cho được rèn luyện, đã được an tịnh để làm cho được an tịnh, đã được tự tại để làm cho tự tại, đã được hoàn toàn dập tắt để làm cho hoàn toàn dập tắt.’
Đây là trí về sự thể nhập đại bi của đức Như Lai.
Phần giải thích về ‘Trí thể nhập đại bi.’
Trí Toàn Giác của đức Như Lai là (có ý nghĩa) thế nào?
‘Biết tất cả (pháp) hữu vi và vô vi không có thiếu sót’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che.
‘Biết tất cả việc đã qua’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che.
‘Biết tất cả việc chưa đến’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che.
‘Biết tất cả việc hiện tại’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che.
‘Mắt và luôn cả các sắc, biết tất cả điều ấy’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che. ‘Tai và luôn cả các thinh, ... ‘Mũi và luôn cả các khí, ... ‘Lưỡi và luôn cả các vị, ... ‘Thân và luôn cả các xúc, ... ‘Ý và luôn cả các pháp, biết tất cả điều ấy’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che.
‘Cho đến ý nghĩa của vô thường, ý nghĩa của khổ não, ý nghĩa của vô ngã, biết tất cả điều ấy’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che. ‘Cho đến ý nghĩa vô thường, ý nghĩa khổ não, ý nghĩa vô ngã của sắc, biết tất cả điều ấy’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che. ‘Cho đến ý nghĩa vô thường, ý nghĩa khổ não, ý nghĩa vô ngã của thọ, ... của tưởng, ... của các hành, ... của thức, ... của mắt, ... của lão tử, biết tất cả điều ấy’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che.
‘Cho đến ý nghĩa của sự biết rõ đối với sự biết rõ, biết tất cả điều ấy’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che. ‘Cho đến ý nghĩa của sự biết toàn diện đối với sự biết toàn diện... ‘Cho đến ý nghĩa của sự dứt bỏ đối với sự dứt bỏ ... ‘Cho đến ý nghĩa của sự tu tập đối với sự tu tập ... ‘Cho đến ý nghĩa của sự tác chứng đối với sự tác chứng, ...
‘Cho đến ý nghĩa của uẩn đối với các uẩn, ... ‘Cho đến ý nghĩa của giới đối với các giới ... ‘Cho đến ý nghĩa của xứ đối với các xứ ... ‘Cho đến ý nghĩa của pháp hữu vi đối với các pháp hữu vi ... ‘Cho đến ý nghĩa của pháp vô vi đối với pháp vô vi, biết tất cả điều ấy’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che.
‘Cho đến các pháp thiện, biết tất cả điều ấy’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che. ‘Cho đến các pháp bất thiện ... ‘Cho đến các pháp vô ký, ...
‘Cho đến các pháp dục giới, ... ‘Cho đến các pháp sắc giới, ... ‘Cho đến các pháp vô sắc giới, ... ‘Cho đến các pháp không bị lệ thuộc, biết tất cả điều ấy’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che.
‘Cho đến ý nghĩa của Khổ đối với Khổ, ... ‘Cho đến ý nghĩa về nhân sanh (Khổ) đối với nhân sanh (Khổ), ... ‘Cho đến ý nghĩa về sự diệt tận (Khổ) đối với sự diệt tận (Khổ), ... ‘Cho đến ý nghĩa về Đạo của Đạo, biết tất cả điều ấy’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che.
‘Cho đến ý nghĩa về sự phân tích ý nghĩa đối với sự phân tích ý nghĩa, ... ‘Cho đến ý nghĩa về sự phân tích pháp đối với sự phân tích pháp, ... ‘Cho đến ý nghĩa về sự phân tích ngôn từ đối với sự phân tích ngôn từ, ... ‘Cho đến ý nghĩa về sự phân tích phép biện giải đối với sự phân tích phép biện giải, biết tất cả điều ấy’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che.
‘Cho đến trí biết được khả năng của người khác, ... ‘Cho đến trí về thiên kiến và xu hướng ngủ ngầm của chúng sanh, ... ‘Cho đến trí về song thông, ... ‘Cho đến trí về sự thể nhập đại bi, biết tất cả điều ấy’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che.
‘Cho đến điều đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, đã được nhận thức, đã đạt đến, đã được tầm cầu, đã được đeo đuổi bởi tâm trí của thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người, biết tất cả điều ấy’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che.
1. Không gì ở nơi đây
không được thấy bởi Ngài,
hoặc không nhận thức được,
hoặc không thể biết đến.
Ngài biết rõ tất cả
mọi điều có thể biết,
vì thế đức Như Lai
là vị có Toàn Nhãn.
Toàn Nhãn: Toàn Nhãn theo ý nghĩa gì?
Mười bốn Phật trí: Trí về Khổ là Phật trí. Trí về nhân sanh Khổ là Phật trí. Trí về sự diệt tận Khổ là Phật trí. Trí về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ là Phật trí. Trí về sự phân tích ý nghĩa ... Trí về sự phân tích pháp ... Trí về sự phân tích ngôn từ ... Trí về sự phân tích phép biện giải ... Trí biết được khả năng của người khác ... Trí về thiên kiến và xu hướng ngủ ngầm của chúng sanh ... Trí về song thông ... Trí về sự thể nhập đại bi ... Trí Toàn Giác là Phật trí. Trí không bị ngăn che là Phật trí. Đây là mười bốn Phật trí. Trong số mười bốn Phật trí này, tám loại trí là phổ thông đến các vị Thinh Văn, sáu loại trí là không phổ thông đến các vị Thinh Văn.
‘Cho đến ý nghĩa về Khổ của Khổ, tất cả đã được biết. Không có ý nghĩa về Khổ là không được biết’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che.
‘Cho đến ý nghĩa về Khổ của Khổ, tất cả đã được thấy, ... đã được hiểu, ... đã được tác chứng, ... đã được chạm đến bởi tuệ. Không có ý nghĩa về Khổ là không được chạm đến bởi tuệ’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che.
‘Cho đến ý nghĩa về nhân sanh của nhân sanh, ... ‘Cho đến ý nghĩa về diệt tận của diệt tận, ... ‘Cho đến ý nghĩa về đạo của Đạo, ... ‘Cho đến ý nghĩa về phân tích ý nghĩa của sự phân tích ý nghĩa, ... ‘Cho đến ý nghĩa về phân tích pháp của sự phân tích pháp, ... ‘Cho đến ý nghĩa về phân tích ngôn từ của sự phân tích ngôn từ, ... ‘Cho đến ý nghĩa về phân tích phép biện giải của sự phân tích phép biện giải, tất cả đã được biết, ... tất cả đã được thấy, ... tất cả đã được hiểu, ... tất cả đã được tác chứng, ... tất cả đã được chạm đến bởi tuệ. Không có ý nghĩa của sự phân tích phép biện giải là không được chạm đến bởi tuệ’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che.
‘Cho đến trí biết được khả năng của người khác, ... ‘Cho đến trí về thiên kiến và xu hướng ngủ ngầm của chúng sanh, ... ‘Cho đến trí về song thông, ... ‘Cho đến trí về sự thể nhập đại bi, tất cả đã được biết, ... tất cả đã được thấy, ... tất cả đã được hiểu, ... tất cả đã được tác chứng, ... tất cả đã được chạm đến bởi tuệ. Không có trí về sự thể nhập đại bi là không được chạm đến bởi tuệ’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che.
‘Cho đến điều đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, đã được nhận thức, đã đạt, đã tầm cầu, đã đeo đuổi bởi tâm trí của thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người, tất cả đã được biết, ... tất cả đã được thấy, ... tất cả đã được hiểu, ... tất cả đã được tác chứng, ... tất cả đã được chạm đến bởi tuệ. Không có trí về sự thể nhập đại bi là không được chạm đến bởi tuệ’ là trí Toàn Giác, ‘không có sự ngăn che về điều ấy’ là trí không bị ngăn che.
Không gì ở nơi đây
không được thấy bởi Ngài,
hoặc không nhận thức được,
hoặc không thể biết đến.
Ngài biết rõ tất cả
mọi điều có thể biết,
vì thế đức Như Lai
là vị có Toàn Nhãn.
Phần giải thích ‘Trí Toàn Giác.’
Phần giảng về Trí được đầy đủ.
--ooOoo--
[1] Sampajāno: có sự nhận biết rõ rệt, HT. Minh Châu dịch là tỉnh giác. Động từ có liên quan là sampajānāti (saṃ+pa+jānāti). Xin xem thêm phần chú thích của trang 5 ở trên (ND).
[2] Các thắng hành (abhisaṅkhārā) có ba là: phúc hành, sự tạo tác đem lại phước báu (puññābhisaṅkhāro), phi phúc hành sự tạo tác không đem lại phước báu (apuññābhisaṅkhāro), bất động hành, sự tạo tác có kết quả không thay đổi (āneñjābhisaṅkhāro) (PṭsA. 1, 326-327).
[3] Nền tảng của thần thông (iddhipāda): đường lối đưa đến sự thành tựu (về thần thông), từ dịch đang được sử dụng là ‘thần túc, như ý túc’ (ND).
[4] Định do ước muốn và các tạo tác do nỗ lực (chandasamādhi-padhānasaṅkhāra): từ dịch đang được sử dụng là ‘dục định cần hành.’ Tương tợ, định do tinh tấn và các tạo tác do nỗ lực (viriyasamādhipadhānasaṅkhāra), định do nhận thức và các tạo tác do nỗ lực (cittasamādhipadhānasaṅkhāra), định do thẩm xét và các tạo tác do nỗ lực (vīmaṃsāsamādhipadhānasaṅkhāra) (ND).
[5] Tâm sắc giới và vô sắc giới là tâm đại hành, các tâm còn lại là tâm không đại hành (PṭsA. 1, 355).
[6] Tám quyền (tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền, ý quyền, hỷ quyền, mạng quyền) và tám Đạo Quả (PṭsA. 1, 385-386).
[7] Mười xứ (dasāyatanāni): là nhãn xứ, sắc xứ, nhĩ xứ, thinh xứ, tỷ xứ, khí xứ, thiệt xứ, vị xứ, thân xứ, xúc xứ (PṭsA. 1, 114).
[8] Mười hai xứ (dvādasāyatanāni): là mười xứ thêm vào ý xứ và pháp xứ (ND).
[9] Năm mươi biểu hiện: là năm quyền (tín, tấn, niệm, định tuệ) đối với mười hạng người ở trên là: có tầm nhìn bị vấy bụi ít, v.v... (PṭsA. 2, 394).
[10] Bảy mũi tên: tham ái, sân hận, si mê, ngã mạn, tà kiến, sầu muộn, nghi hoặc (PṭsA. 2, 409).
[11] Hai tà kiến (diṭṭhi): thường kiến và đoạn kiến (PṭsA. 1, 415).
- Sáu nguồn gốc của tranh cãi (vivādamūla): HT. Minh Châu dịch là ‘sáu tránh căn,’ xin xem Kinh Phúng Tụng (Saṅgītisuttaṃ), Trường Bộ III.
[12] Ba ác hạnh (duccarita): thân ác hạnh, khẩu ác hạnh, ý ác hạnh (PṭsA. 1, 415).
[13] Bốn ách (yoga): dục ách (kāmayoga), hữu ách (bhavayoga), kiến ách (diṭṭhiyoga), vô minh ách (avijjāyoga) (PṭsA. 1, 415).
[14] Bốn phược (gantha): tham là thân phược, sân là thân phược, sự bám víu vào giới và nghi thức là thân phược, sự cố chấp vào chân lý này là thân phược (PṭsA. 1, 415-416).
[15] Bốn thủ (upādāna): dục thủ (kāmupādānaṃ), kiến thủ (diṭṭhupādānaṃ), giới cấm thủ (sīlabbatupādānaṃ), ngã luận thủ (attavādupādānaṃ) (PṭsA. 1, 416).
[16] Năm cảnh giới(gati): địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, người, trời (PṭsA. 1, 416).
[17] Năm sự ngăn che (nīvaraṇa): Sự ưa thích về dục, sân độc, sự lờ đờ và buồn ngủ, sự phóng túng và hối tiếc, sự hoài nghi (kāmacchanda-byāpāda-thīnamiddha-uddhaccakukkucca-vicikicchā) (PṭsA. 1, 415-416).
[18] Theo chú giải, “tattha lokoti attā” (PṭsA. 2, 452) = Ở đây, thế giới có nghĩa là tự ngã.
[19] Tà kiến theo mười nền tảng: bố thí không có (quả báu), ..., ở trên thế gian không có các Sa-môn Bà-la-môn sống chân chánh, thực hành chân chánh, sau khi tự thân tác chứng nhờ vào thắng trí, sẽ công bố về đời này và đời sau. (Vbh. 392)
[20]Hữu biên kiến theo mười nền tảng: Thế giới là thường còn, ... có phải đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết? (Sđd.)
Kiến là gì? Có bao nhiêu cơ sở của kiến? Có bao nhiêu cơ sở xâm nhập của kiến? Có bao nhiêu loại kiến? Có bao nhiêu sự cố chấp của kiến? Điều gì là sự tiêu diệt cơ sở của kiến?
1. Kiến là gì? Sự cố chấp và bám víu là kiến.
2. Có bao nhiêu cơ sở của kiến? Có tám cơ sở của kiến.
3. Có bao nhiêu cơ sở xâm nhập của kiến? Có mười tám cơ sở xâm nhập của kiến.
4. Có bao nhiêu loại kiến? Có mười sáu loại kiến.
5. Có bao nhiêu sự cố chấp của kiến? Có ba trăm sự cố chấp của kiến.
6. Điều gì là sự tiêu diệt cơ sở của kiến? Đạo Nhập Lưu là sự tiêu diệt cơ sở của kiến.
Sự cố chấp và bám víu là kiến là (có ý nghĩa) thế nào?
Sự cố chấp và bám víu về sắc rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến. Sự cố chấp và bám víu về thọ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về tưởng rằng: ‘Cái này là của tôi ... về các hành rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thức rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về mắt rằng: ‘Cái này là của tôi ... về tai rằng: ‘Cái này là của tôi ... về mũi rằng: ‘Cái này là của tôi ... về lưỡi rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thân rằng: ‘Cái này là của tôi ... về ý rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến. Sự cố chấp và bám víu về cảnh sắc rằng: ‘Cái này là của tôi ... về cảnh thinh rằng: ‘Cái này là của tôi ... về cảnh khí rằng: ‘Cái này là của tôi ... về cảnh vị rằng: ‘Cái này là của tôi ... về cảnh xúc rằng: ‘Cái này là của tôi ... về cảnh pháp rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về nhãn thức rằng: ‘Cái này là của tôi ... về nhĩ thức rằng: ‘Cái này là của tôi ... về tỷ thức rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thiệt thức rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thân thức rằng: ‘Cái này là của tôi ... về ý thức rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về nhãn xúc rằng: ‘Cái này là của tôi ... về nhĩ xúc rằng: ‘Cái này là của tôi ... về tỷ xúc rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thiệt xúc rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thân xúc rằng: ‘Cái này là của tôi ... về ý xúc rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về thọ sanh ra từ nhãn xúc rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thọ sanh ra từ nhĩ xúc ... về thọ sanh ra từ tỷ xúc ... về thọ sanh ra từ thiệt xúc ... về thọ sanh ra từ thân xúc ... về thọ sanh ra từ ý xúc rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về sắc tưởng rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thinh tưởng rằng: ‘Cái này là của tôi ... về khí tưởng ... về vị tưởng ... về xúc tưởng ... về pháp tưởng rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về sắc tư rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thinh tư rằng: ‘Cái này là của tôi ... về khí tư rằng: ‘Cái này là của tôi ... về vị tư rằng: ‘Cái này là của tôi ... về xúc tư rằng: ‘Cái này là của tôi ... về pháp tư rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về sắc ái rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thinh ái rằng: ‘Cái này là của tôi... về khí ái rằng: ‘Cái này là của tôi ... về vị ái ... về xúc ái ... về pháp ái rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về sắc tầm rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thinh tầm rằng: ‘Cái này là của tôi ... về khí tầm rằng: ‘Cái này là của tôi ... về vị tầm rằng: ‘Cái này là của tôi ... về xúc tầm rằng: ‘Cái này là của tôi ... về pháp tầm rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về sắc tứ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thinh tứ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về khí tứ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về vị tứ ... về xúc tứ ... về pháp tứ rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về địa giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thủy giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về hỏa giới ... về phong giới ... về hư không giới ... về thức giới rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về đề mục đất rằng: ‘Cái này là của tôi ... về đề mục nước rằng: ‘Cái này là của tôi ... về đề mục lửa ... về đề mục gió ... về đề mục xanh ... về đề mục vàng ... về đề mục đỏ ... về đề mục trắng ... về đề mục hư không rằng: ‘Cái này là của tôi ... về đề mục thức rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về tóc rằng: ‘Cái này là của tôi ... về lông rằng: ‘Cái này là của tôi ... về móng rằng: ‘Cái này là của tôi ... về răng rằng: ‘Cái này là của tôi ... về da rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thịt rằng: ‘Cái này là của tôi ... về gân ... về xương ... về tủy xương ... về thận ... về tim rằng: ‘Cái này là của tôi ... về gan rằng: ‘Cái này là của tôi ... về cơ hoành rằng: ‘Cái này là của tôi ... về lá lách rằng: ‘Cái này là của tôi ... về phổi rằng: ‘Cái này là của tôi ... về ruột rằng: ‘Cái này là của tôi ... về màng ruột rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thực phẩm chưa tiêu rằng: ‘Cái này là của tôi ... về phân rằng: ‘Cái này là của tôi ... về mật rằng: ‘Cái này là của tôi ... về đàm rằng: ‘Cái này là của tôi ... về mủ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về máu rằng: ‘Cái này là của tôi ... về mồ hôi rằng: ‘Cái này là của tôi ... về mỡ ... về nước mắt ... về nước mỡ (huyết tương) ... về nước miếng ... về nước mũi ... về nước ở khớp xương ... về nước tiểu... về tủy não rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về nhãn xứ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về sắc xứ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về nhĩ xứ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thinh xứ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về tỷ xứ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về khí xứ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thiệt xứ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về vị xứ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thân xứ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về xúc xứ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về ý xứ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về pháp xứ rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về nhãn giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về sắc giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về nhãn thức giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về nhĩ giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thinh giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về nhĩ thức giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về tỷ giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về khí giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về tỷ thức giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thiệt giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về vị giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thiệt thức giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thân giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về xúc giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thân thức giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về ý giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về pháp giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về ý thức giới rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về nhãn quyền rằng: ‘Cái này là của tôi ... về nhĩ quyền ... về tỷ quyền ... về thiệt quyền ... về thân quyền ... về ý quyền ... về mạng quyền ... về nữ quyền ... về nam quyền ... về lạc quyền ... về khổ quyền ... về hỷ quyền ... về ưu quyền ... về xả quyền ... về tín quyền ... về tấn quyền ... về niệm quyền ... về định quyền ... về tuệ quyền rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về dục giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về sắc giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về vô sắc giới rằng: ‘Cái này là của tôi ... về dục hữu rằng: ‘Cái này là của tôi ... về sắc hữu rằng: ‘Cái này là của tôi ... về vô sắc hữu rằng: ‘Cái này là của tôi ... về tưởng hữu rằng: ‘Cái này là của tôi ... về phi tưởng hữu rằng: ‘Cái này là của tôi ... về phi tưởng phi phi tưởng hữu rằng: ‘Cái này là của tôi ... về nhất uẩn hữu rằng: ‘Cái này là của tôi ... về tứ uẩn hữu rằng: ‘Cái này là của tôi ... về ngũ uẩn hữu rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về sơ thiền rằng: ‘Cái này là của tôi ... về nhị thiền rằng: ‘Cái này là của tôi ... về tam thiền rằng: ‘Cái này là của tôi ... về tứ thiền rằng: ‘Cái này là của tôi ... về từ tâm giải thoát rằng: ‘Cái này là của tôi ... về bi tâm giải thoát rằng: ‘Cái này là của tôi ... về hỷ tâm giải thoát rằng: ‘Cái này là của tôi ... về xả tâm giải thoát rằng: ‘Cái này là của tôi ... về sự chứng đạt không vô biên xứ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về sự chứng đạt thức vô biên xứ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về sự chứng đạt vô sở hữu xứ rằng: ‘Cái này là của tôi ... về sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu về vô minh rằng: ‘Cái này là của tôi ... về các hành rằng: ‘Cái này là của tôi ... về thức ... về danh sắc ... về sáu xứ ... về xúc ... về thọ ... về ái ... về thủ ... về hữu ... về sanh rằng: ‘Cái này là của tôi ... về lão tử rằng: ‘Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi’ là kiến.
Sự cố chấp và bám víu là kiến là (có ý nghĩa) như thế.
Tám cơ sở của kiến là gì?
Uẩn là cơ sở của kiến, vô minh cũng là cơ sở của kiến, xúc cũng là cơ sở của kiến, tưởng cũng là cơ sở của kiến, tầm cũng là cơ sở của kiến, tác ý không đúng đắn cũng là cơ sở của kiến, bạn xấu cũng là cơ sở của kiến, lời nói của kẻ khác cũng là cơ sở của kiến.
Các uẩn là nhân, các uẩn là duyên, có liên quan đến cơ sở của kiến theo ý nghĩa nguồn sanh khởi; như thế các uẩn là cơ sở của kiến.
Vô minh là nhân, vô minh là duyên, có liên quan đến cơ sở của kiến theo ý nghĩa nguồn sanh khởi; như thế vô minh cũng là cơ sở của kiến.
Xúc là nhân, xúc là duyên, có liên quan đến cơ sở của kiến theo ý nghĩa nguồn sanh khởi; như thế xúc cũng là cơ sở của kiến.
Tưởng là nhân, tưởng là duyên, có liên quan đến cơ sở của kiến theo ý nghĩa nguồn sanh khởi; như thế tưởng cũng là cơ sở của kiến.
Tầm là nhân, tầm là duyên, có liên quan đến cơ sở của kiến theo ý nghĩa nguồn sanh khởi; như thế tầm cũng là cơ sở của kiến.
Tác ý không đúng đắn là nhân, tác ý không đúng đắn là duyên, có liên quan đến cơ sở của kiến theo ý nghĩa nguồn sanh khởi; như thế tác ý không đúng đắn cũng là cơ sở của kiến.
Bạn xấu là nhân, bạn xấu là duyên, có liên quan đến cơ sở của kiến theo ý nghĩa nguồn sanh khởi; như thế bạn xấu cũng là cơ sở của kiến.
Lời nói của kẻ khác là nhân, lời nói của kẻ khác là duyên, có liên quan đến cơ sở của kiến theo ý nghĩa nguồn sanh khởi; như thế lời nói của kẻ khác cũng là cơ sở của kiến.
Đây là tám cơ sở của kiến.
Mười tám cơ sở xâm nhập của kiến là gì?
Kiến (tạo nên) thiên lệch, kiến (tạo nên) nắm giữ, kiến (tạo nên) hiểm độc, kiến (tạo nên) mâu thuẫn, kiến (tạo nên) dao động, kiến (tạo nên) ràng buộc, kiến (tạo nên) xuyên suốt, kiến (tạo nên) áp chế, kiến (tạo nên) vướng bận, kiến (tạo nên) trói buộc, kiến (tạo nên) sa đọa, kiến (tạo nên) ngủ ngầm, kiến (tạo nên) thiêu đốt, kiến (tạo nên) thống khổ, kiến (tạo nên) khúc mắc, kiến (tạo nên) chấp thủ, kiến (tạo nên) cố chấp, kiến (tạo nên) bám víu.
Đây là mười tám cơ sở xâm nhập của kiến.
Mười sáu loại kiến là gì?
Khoái lạc kiến, tùy ngã kiến, tà kiến, thân kiến, thường kiến lấy thân làm nền tảng, đoạn kiến lấy thân làm nền tảng, hữu biên kiến, quá khứ hữu biên kiến, vị lai hữu biên kiến, kiến có sự ràng buộc, kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘tôi,’ kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘của tôi,’ kiến có liên hệ đến luận thuyết về tự ngã, kiến có liên hệ đến luận thuyết về thế giới, hữu kiến, phi hữu kiến.
Đây là mười sáu loại kiến.
Ba trăm sự cố chấp của kiến là gì?
Do khoái lạc kiến, có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện?
Do tùy ngã kiến, có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện?
Do tà kiến, có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện?
Do thân kiến, có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện?
Do thường kiến lấy thân làm nền tảng, có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện?
Do đoạn kiến lấy thân làm nền tảng, có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện?
Do hữu biên kiến, có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện?
Do quá khứ hữu biên kiến, có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện?
Do vị lai hữu biên kiến, có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện?
Do kiến có sự ràng buộc, có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện?
Do kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘tôi,’ có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện?
Do kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘của tôi,’ có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện?
Do kiến có liên hệ đến luận thuyết về tự ngã, có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện?
Do kiến có liên hệ đến luận thuyết về thế giới, có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện?
Do hữu kiến, có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện?
Do phi hữu kiến, có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện?
Do khoái lạc kiến, có sự cố chấp với 35 biểu hiện.
Do tùy ngã kiến, có sự cố chấp với 20 biểu hiện.
Do tà kiến, có sự cố chấp với 10 biểu hiện.
Do thân kiến, có sự cố chấp với 20 biểu hiện.
Do thường kiến lấy thân làm nền tảng, có sự cố chấp với 15 biểu hiện.
Do đoạn kiến lấy thân làm nền tảng, có sự cố chấp với 5 biểu hiện.
Do hữu biên kiến, có sự cố chấp với 50 biểu hiện.
Do quá khứ hữu biên kiến, có sự cố chấp với 18 biểu hiện.
Do vị lai hữu biên kiến, có sự cố chấp với 44 biểu hiện.
Do kiến có sự ràng buộc, có sự cố chấp với 18 biểu hiện.
Do kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘tôi,’ có sự cố chấp với 18 biểu hiện.
Do kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘của tôi,’ có sự cố chấp với 18 biểu hiện.
Do kiến có liên hệ đến luận thuyết về tự ngã, có sự cố chấp với 20 biểu hiện.
Do kiến có liên hệ đến luận thuyết về thế giới, có sự cố chấp với 8 biểu hiện.
Do hữu kiến, có sự cố chấp với 1 biểu hiện.
Do phi hữu kiến, có sự cố chấp với 1 biểu hiện.
Do khoái lạc kiến, có sự cố chấp với 35 biểu hiện gì?
Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Lạc và hỷ tâm sanh lên tùy thuộc vào sắc là sự khoái lạc đối với sắc’ là kiến. Kiến không phải là sự khoái lạc, sự khoái lạc không phải là kiến; kiến là điều khác, sự khoái lạc là điều khác; (cả hai) kiến và sự khoái lạc được gọi là Khoái Lạc Kiến.
Khoái lạc kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến, người có sự hư hỏng về kiến ấy là (người) bị hư hỏng về kiến. Không nên tiếp cận, không nên kết thân, không nên gần gũi người bị hư hỏng về kiến. Điều ấy có nguyên nhân thế nào? Bởi vì kiến của người này là ác. Ái nào do kiến, ái ấy không phải là kiến, kiến không phải là ái, kiến là điều khác, ái là điều khác, (cả hai) kiến và ái được gọi là ái do kiến. Người có kiến ấy và ái ấy là (người) bị nhiễm ái do kiến. Vật thí cho đến người bị nhiễm ái do kiến không có quả báu lớn, không có lợi ích lớn. Điều ấy có nguyên nhân thế nào? Bởi vì kiến của người này là ác.
Khoái lạc kiến là tà kiến. Có hai cảnh giới (tái sanh) đối với người có tà kiến là địa ngục hoặc loài súc sanh. Thân nghiệp nào bị tác động toàn diện bởi kiến như thế ấy, khẩu nghiệp nào ..., ý nghiệp nào bị tác động toàn diện bởi kiến như thế ấy, ý định nào, ước muốn nào, nguyện vọng nào, và các hành nào của người có tà kiến, tất cả các pháp ấy đều đưa đến điều không muốn, không thích, không vừa ý, không tốt đẹp, khổ đau. Điều ấy có nguyên nhân thế nào? Bởi vì kiến của người này là ác. Cũng giống như hạt giống cây nimba hoặc hạt giống cây kosātakī, hoặc hạt giống cây tittakālābu được gieo xuống đất ẩm. Vị nào của đất đã được tiếp thâu và vị nào của nước đã được tiếp thâu, tất cả (các) vị ấy đều đưa đến tính chất chát, tính chất cay, tính chất không dịu ngọt. Điều ấy có nguyên nhân thế nào? Bởi vì hạt giống của cây ấy là ác. Tương tợ như thế, thân nghiệp nào bị tác động toàn diện bởi kiến như thế ấy, khẩu nghiệp nào ..., ý nghiệp nào bị tác động toàn diện bởi kiến như thế ấy, ý định nào, ước muốn nào, nguyện vọng nào, và các hành nào của người có tà kiến, tất cả các pháp ấy đều đưa đến điều không muốn, không thích, không vừa ý, không tốt đẹp, khổ đau. Điều ấy có nguyên nhân thế nào? Bởi vì kiến của người này là ác.
Khoái lạc kiến là tà kiến, tà kiến là kiến (tạo nên) thiên lệch, kiến (tạo nên) nắm giữ, kiến (tạo nên) hiểm độc, kiến (tạo nên) mâu thuẫn, kiến (tạo nên) dao động, kiến (tạo nên) ràng buộc, kiến (tạo nên) xuyên suốt, kiến (tạo nên) áp đặt, kiến (tạo nên) vướng bận, kiến (tạo nên) trói buộc, kiến (tạo nên) sa đọa, kiến (tạo nên) ngủ ngầm, kiến (tạo nên) thiêu đốt, kiến (tạo nên) thống khổ, kiến (tạo nên) khúc mắc, kiến (tạo nên) chấp thủ, kiến (tạo nên) cố chấp, kiến (tạo nên) bám víu.
Có những ràng buộc là kiến, và có những ràng buộc không phải là kiến.
Những ràng buộc nào là kiến? Thân kiến, sự cố chấp vào giới và nghi thức; những điều này vừa là sự ràng buộc vừa là kiến.
Những ràng buộc nào không phải là kiến? Sự ràng buộc với ái dục, sự ràng buộc với bất bình, sự ràng buộc với ngã mạn, sự ràng buộc với hoài nghi, sự ràng buộc với hữu ái, sự ràng buộc với ganh tỵ, sự ràng buộc với bỏn xẻn, sự ràng buộc với tình quyến luyến, sự ràng buộc với vô minh; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Lạc và hỷ tâm nào sanh lên tùy thuộc vào thọ, ...(như trên)... tùy thuộc vào tưởng, ...(như trên)... tùy thuộc vào các hành, ...(như trên)... tùy thuộc vào thức, ...(như trên)... tùy thuộc vào mắt, ...(như trên)... tùy thuộc vào tai, ...(như trên)... tùy thuộc vào mũi, ...(như trên)... tùy thuộc vào lưỡi, ...(như trên)... tùy thuộc vào thân, ...(như trên)... tùy thuộc vào ý, ...(như trên)... tùy thuộc vào các sắc, ...(như trên)... tùy thuộc vào các thinh, ...(như trên)... tùy thuộc vào các khí, ...(như trên)... tùy thuộc vào các vị, ...(như trên)... tùy thuộc vào các xúc, ...(như trên)... tùy thuộc vào các pháp, ...(như trên)... tùy thuộc vào nhãn thức, ...(như trên)... tùy thuộc vào nhĩ thức, ...(như trên)... tùy thuộc vào tỷ thức, ...(như trên)... tùy thuộc vào thiệt thức, ...(như trên)... tùy thuộc vào thân thức, ...(như trên)... tùy thuộc vào ý thức, ...(như trên)... tùy thuộc vào nhãn xúc, ...(như trên)... tùy thuộc vào nhĩ xúc, ...(như trên)... tùy thuộc vào tỷ xúc, ...(như trên)... tùy thuộc vào thiệt xúc, ...(như trên)... tùy thuộc vào thân xúc, ...(như trên)... tùy thuộc vào ý xúc, ...(như trên)... tùy thuộc vào thọ sanh ra từ nhãn xúc, ...(như trên)... tùy thuộc vào thọ sanh ra từ nhĩ xúc, ...(như trên)... tùy thuộc vào thọ sanh ra từ tỷ xúc, ...(như trên)... tùy thuộc vào thọ sanh ra từ thiệt xúc, ...(như trên)... tùy thuộc vào thọ sanh ra từ thân xúc, ...(như trên)... tùy thuộc vào thọ sanh ra từ ý xúc, điều ấy là sự khoái lạc đối với thọ sanh ra từ ý xúc’ là kiến. Kiến không phải là sự khoái lạc, sự khoái lạc không phải là kiến; kiến là điều khác, sự khoái lạc là điều khác; (cả hai) kiến và sự khoái lạc được gọi là Khoái Lạc Kiến.
Khoái lạc kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. Người có sự hư hỏng về kiến ấy là (người) bị hư hỏng về kiến. Không nên tiếp cận, không nên kết thân, không nên gần gũi người bị hư hỏng về kiến. Điều ấy có nguyên nhân thế nào? Bởi vì kiến của người này là ác. Ái nào do kiến, ái ấy không phải là kiến, kiến không phải là ái, kiến là điều khác, ái là điều khác; (cả hai) kiến và ái được gọi là ái do kiến. Người có kiến ấy và ái ấy là (người) bị nhiễm ái do kiến. Vật thí cho đến người bị nhiễm ái do kiến không có quả báu lớn, không có lợi ích lớn. Điều ấy có nguyên nhân thế nào? Bởi vì kiến của người này là ác.
Khoái lạc kiến là tà kiến. Có hai cảnh giới (tái sanh) đối với người có tà kiến là địa ngục hoặc loài súc sanh. Thân nghiệp nào bị tác động toàn diện bởi kiến như thế ấy, khẩu nghiệp nào ...(như trên)..., ý nghiệp nào bị tác động toàn diện bởi kiến như thế ấy, ý định nào, ước muốn nào, nguyện vọng nào, và các hành nào của người có tà kiến, tất cả các pháp ấy đều đưa đến điều không muốn, không thích, không vừa ý, không tốt đẹp, khổ đau. Điều ấy có nguyên nhân thế nào? Bởi vì kiến của người này là ác. Cũng giống như hạt giống cây nimba hoặc hạt giống cây kosātakī, hoặc hạt giống cây tittakālābu được gieo xuống đất ẩm. Vị nào của đất đã được tiếp thâu và vị nào của nước đã được tiếp thâu, tất cả (các) vị ấy đều đưa đến tính chất chát, tính chất cay, tính chất không dịu ngọt. Điều ấy có nguyên nhân thế nào? Bởi vì hạt giống của cây ấy là ác. Tương tợ như thế, thân nghiệp nào bị tác động toàn diện bởi kiến như thế ấy, khẩu nghiệp nào ...(như trên)..., ý nghiệp nào bị tác động toàn diện bởi kiến như thế ấy, ý định nào, ước muốn nào, nguyện vọng nào, và các hành nào của người có tà kiến, tất cả các pháp ấy đều đưa đến điều không muốn, không thích, không vừa ý, không tốt đẹp, khổ đau. Điều ấy có nguyên nhân thế nào? Bởi vì kiến của người này là ác. Khoái lạc kiến là tà kiến. Tà kiến là kiến (tạo nên) thiên lệch, kiến (tạo nên) nắm giữ, ...(như trên)..., kiến (tạo nên) cố chấp, kiến (tạo nên) bám víu. Có sự ràng buộc đối với tâm đã bị xâm nhập với 18 biểu hiện này.
Có những ràng buộc là kiến, và có những ràng buộc không phải là kiến. Những ràng buộc nào là kiến? Thân kiến, sự cố chấp vào giới và nghi thức; những điều này vừa là sự ràng buộc vừa là kiến.
Những ràng buộc nào không phải là kiến? Sự ràng buộc với ái dục, sự ràng buộc với bất bình, sự ràng buộc với ngã mạn, sự ràng buộc với hoài nghi, sự ràng buộc với hữu ái, sự ràng buộc với ganh tỵ, sự ràng buộc với bỏn xẻn, sự ràng buộc với tình quyến luyến, sự ràng buộc với vô minh; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Do khoái lạc kiến, có sự cố chấp với 35 biểu hiện này.
Do tùy ngã kiến, có sự cố chấp với 20 biểu hiện gì?
Ở đây, kẻ phàm phu không lắng nghe, không có sự nhận thức của các bậc Thánh, không rành rẽ Thánh pháp, không được huấn luyện về Thánh pháp, không có sự nhận thức của các bậc chân nhân, không rành rẽ pháp chân nhân, không được huấn luyện về pháp chân nhân nhận thấy sắc là tự ngã, hoặc tự ngã có sắc, hoặc sắc ở trong tự ngã, hoặc tự ngã ở trong sắc; nhận thấy thọ ... nhận thấy tưởng ... nhận thấy các hành ... nhận thấy thức là tự ngã, hoặc tự ngã có thức, hoặc thức ở trong tự ngã, hoặc tự ngã ở trong thức.
Nhận thấy sắc là tự ngã là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy đề mục đất là tự ngã rằng: “Cái gì là đề mục đất, cái ấy là tôi; cái gì là tôi, cái ấy là đề mục đất,” (vị ấy) nhận thấy đề mục đất và tự ngã chỉ là một. Cũng giống như đối với ngọn đèn dầu đang cháy sáng (nghĩ rằng): “Cái gì là ngọn lửa, cái ấy là ánh sáng; cái gì là ánh sáng, cái ấy là ngọn lửa,” (vị ấy) nhận thấy ngọn lửa và ánh sáng chỉ là một. Tương tợ như thế, có người nhận thấy đề mục đất là tự ngã rằng: “Cái gì là đề mục đất, cái ấy là tôi; cái gì là tôi, cái ấy là đề mục đất,” (vị ấy) nhận thấy đề mục đất và tự ngã chỉ là một. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có sắc là nền tảng—thứ nhất. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)... Tùy ngã kiến là tà kiến. Đối với người có tùy ngã kiến, có hai cảnh giới (tái sanh) ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Ở đây, có người nhận thấy đề mục nước ... đề mục lửa ... đề mục gió ... đề mục xanh ... đề mục vàng ... đề mục đỏ ... đề mục trắng là tự ngã rằng: “Cái gì là đề mục trắng, cái ấy là tôi; cái gì là tôi, cái ấy là đề mục trắng,” (vị ấy) nhận thấy đề mục trắng và tự ngã chỉ là một. Cũng giống như đối với ngọn đèn dầu đang cháy sáng (nghĩ rằng): “Cái gì là ngọn lửa, cái ấy là ánh sáng; cái gì là ánh sáng, cái ấy là ngọn lửa,” (vị ấy) nhận thấy ngọn lửa và ánh sáng chỉ là một. Tương tợ như thế, có người ...(như trên)... nhận thấy đề mục trắng và tự ngã chỉ là một. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có sắc là nền tảng—thứ nhất. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy sắc là tự ngã là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy tự ngã có sắc là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy thọ, tưởng, các hành, thức là tự ngã. Vị ấy khởi ý như vầy: “Cái này quả thật là tự ngã của ta. Hơn nữa, tự ngã này đây của ta quả thật có sắc bởi vì sắc này;” (vị ấy) nhận thấy tự ngã có sắc. Cũng giống như cội cây là có bóng cây, vị này có thể nói về điều ấy như vầy: “Cái này là cội cây, cái này là bóng cây, cội cây là cái khác, bóng cây là cái khác. Hơn nữa, cội cây này đây quả thật là có bóng cây bởi vì bóng cây này;” (vị ấy) nhận thấy cội cây là có bóng cây. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy thọ, tưởng, các hành, thức là tự ngã. Vị ấy khởi ý như vầy: “Cái này quả thật là tự ngã của ta. Hơn nữa, tự ngã này đây của ta quả thật có sắc bởi vì sắc này;” (vị ấy) nhận thấy tự ngã có sắc. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có sắc là nền tảng—thứ nhì. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy tự ngã có sắc là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy sắc ở trong tự ngã là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy thọ, tưởng, các hành, thức là tự ngã. Vị ấy khởi ý như vầy: “Cái này quả thật là tự ngã của ta. Hơn nữa, sắc này là ở trong tự ngã này;” (vị ấy) nhận thấy sắc ở trong tự ngã. Cũng giống như bông hoa là có mùi thơm, vị này có thể nói về điều ấy như vầy: “Cái này là bông hoa, cái này là mùi thơm; bông hoa là cái khác, mùi thơm là cái khác; hơn nữa, mùi thơm này đây là ở trong bông hoa này;” (vị ấy) nhận thấy mùi thơm ở trong bông hoa. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy thọ, tưởng, các hành, thức là tự ngã. Vị ấy ...(nt)... nhận thấy sắc ở trong tự ngã. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có sắc là nền tảng—thứ ba. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(nt)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy sắc ở trong tự ngã là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy tự ngã ở trong sắc là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy thọ, tưởng, các hành, thức là tự ngã. Vị ấy khởi ý như vầy: “Cái này quả thật là tự ngã của ta. Hơn nữa, tự ngã này đây của ta quả thật là ở trong sắc này;” (vị ấy) nhận thấy tự ngã ở trong sắc. Cũng giống như viên ngọc ma-ni được đặt trong cái hộp, vị này có thể nói về điều ấy như vầy: “Cái này là viên ngọc ma-ni, cái này là cái hộp; viên ngọc ma-ni là cái khác, cái hộp là cái khác; hơn nữa, viên ngọc ma-ni này đây quả thật là ở trong cái hộp này;” (vị ấy) nhận thấy viên ngọc ma-ni ở trong cái hộp. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy thọ, tưởng, các hành, thức là tự ngã. Vị ấy ...(như trên)... nhận thấy tự ngã ở trong sắc. Sự cố chấp và bám víu là kiến. ...(như trên)... (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có sắc là nền tảng—thứ tư. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy tự ngã ở trong sắc là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy thọ là tự ngã là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy thọ sanh ra từ nhãn xúc ... thọ sanh ra từ nhĩ xúc ... thọ sanh ra từ tỷ xúc ... thọ sanh ra từ thiệt xúc ... thọ sanh ra từ thân xúc ... thọ sanh ra từ ý xúc là tự ngã rằng: “Cái gì là thọ sanh ra từ ý xúc, cái ấy là ta; cái gì là ta, cái ấy là thọ sanh ra từ ý xúc,” (vị ấy) nhận thấy thọ sanh ra từ ý xúc và tự ngã chỉ là một. Cũng giống như đối với ngọn đèn dầu đang cháy sáng (nghĩ rằng): “Cái gì là ngọn lửa, cái ấy là ánh sáng; cái gì là ánh sáng, cái ấy là ngọn lửa,” (vị ấy) nhận thấy ngọn lửa và ánh sáng chỉ là một. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy thọ sanh ra từ ý xúc là tự ngã rằng: “Cái gì là thọ sanh ra từ ý xúc, cái ấy là ta; cái gì là ta, cái ấy là thọ sanh ra từ ý xúc,” (vị ấy) nhận thấy thọ sanh ra từ ý xúc và tự ngã chỉ là một. Sự cố chấp và bám víu là kiến. ...(nt)... (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có thọ là nền tảng—thứ nhất. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(nt)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy thọ là tự ngã là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy tự ngã có thọ là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy tưởng, các hành, thức, sắc là tự ngã. Vị ấy khởi ý như vầy: “Cái này quả thật là tự ngã của ta. Hơn nữa, tự ngã này đây của ta quả thật là có thọ bởi vì thọ này;” (vị ấy) nhận thấy tự ngã có thọ. Cũng giống như cội cây là có bóng cây, vị này có thể nói về điều ấy như vầy: “Cái này là cội cây, cái này là bóng cây; cội cây là cái khác, bóng cây là cái khác. Hơn nữa, cội cây này đây quả thật là có bóng cây bởi vì bóng cây này;” (vị ấy) nhận thấy cội cây là có bóng cây. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy tưởng, các hành, thức, sắc là tự ngã. Vị ấy ...(như trên)... nhận thấy tự ngã có thọ. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có thọ là nền tảng—thứ nhì. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy tự ngã có thọ là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy thọ ở trong tự ngã là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy tưởng, các hành, thức, sắc là tự ngã. Vị ấy khởi ý như vầy: “Cái này quả thật là tự ngã của ta. Hơn nữa, thọ này ở trong tự ngã này;” (vị ấy) nhận thấy thọ ở trong tự ngã. Cũng giống như bông hoa là có mùi thơm, vị này có thể nói về điều ấy như vầy: “Cái này là bông hoa, cái này là mùi thơm; bông hoa là cái khác, mùi thơm là cái khác. Hơn nữa, mùi thơm này đây là ở trong bông hoa này;” (vị ấy) nhận thấy mùi thơm ở trong bông hoa. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy tưởng, các hành, thức, thọ là tự ngã. Vị ấy ...(nt)... nhận thấy thọ ở trong tự ngã. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có thọ là nền tảng—thứ ba. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(nt)... những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy thọ ở trong tự ngã là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy tự ngã ở trong thọ là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy tưởng, các hành, thức, sắc là tự ngã. Vị ấy khởi ý như vầy: “Cái này quả thật là tự ngã của ta. Hơn nữa, tự ngã này đây của ta quả thật là ở trong thọ này;” (vị ấy) nhận thấy tự ngã ở trong thọ. Cũng giống như viên ngọc ma-ni được đặt trong cái hộp, vị này có thể nói về điều ấy như vầy: “Cái này là viên ngọc ma-ni, cái này là cái hộp; viên ngọc ma-ni là cái khác, cái hộp là cái khác. Hơn nữa, viên ngọc ma-ni này đây quả thật là ở trong cái hộp này;” (vị ấy) nhận thấy viên ngọc ma-ni ở trong cái hộp. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy tưởng, các hành, thức, sắc là tự ngã. Vị ấy ...(như trên)... nhận thấy tự ngã ở trong thọ. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có thọ là nền tảng—thứ tư. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(nt)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy tự ngã ở trong thọ là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy tưởng là tự ngã là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy tưởng sanh ra từ nhãn xúc ... tưởng sanh ra từ nhĩ xúc ... tưởng sanh ra từ tỷ xúc ... tưởng sanh ra từ thiệt xúc ... tưởng sanh ra từ thân xúc ... tưởng sanh ra từ ý xúc là tự ngã rằng: “Cái gì là tưởng sanh ra từ ý xúc, cái ấy là ta; cái gì là ta, cái ấy là tưởng sanh ra từ ý xúc,” (vị ấy) nhận thấy tưởng sanh ra từ ý xúc và tự ngã chỉ là một. Cũng giống như đối với ngọn đèn dầu đang cháy sáng (nghĩ rằng): “Cái gì là ngọn lửa, cái ấy là ánh sáng; cái gì là ánh sáng, cái ấy là ngọn lửa,” (vị ấy) nhận thấy ngọn lửa và ánh sáng chỉ là một. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy ...(như trên)... tưởng sanh ra từ ý xúc và tự ngã chỉ là một. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có tưởng là nền tảng—thứ nhất. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy tưởng là tự ngã là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy tự ngã có tưởng là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy các hành, thức, sắc, thọ là tự ngã. Vị ấy khởi ý như vầy: “Cái này quả thật là tự ngã của ta. Hơn nữa, tự ngã này đây của ta là có tưởng bởi vì tưởng này;” (vị ấy) nhận thấy tự ngã có tưởng. Cũng giống như cội cây là có bóng cây, vị này có thể nói về điều ấy như vầy: “Cái này là cội cây, cái này là bóng cây; cội cây là cái khác, bóng cây là cái khác. Hơn nữa, cội cây này đây quả thật là có bóng cây bởi vì bóng cây này;” (vị ấy) nhận thấy cội cây là có bóng cây. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy ...( như trên)... tự ngã có tưởng. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có tưởng là nền tảng—thứ nhì. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy tự ngã có tưởng là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy tưởng ở trong tự ngã là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy các hành, thức, sắc, thọ là tự ngã. Vị ấy khởi ý như vầy: “Cái này quả thật là tự ngã của ta. Hơn nữa, tưởng này ở trong tự ngã này;” (vị ấy) nhận thấy tưởng ở trong tự ngã. Cũng giống như bông hoa là có mùi thơm, vị này có thể nói về điều ấy như vầy: “Cái này là bông hoa, cái này là mùi thơm; bông hoa là cái khác, mùi thơm là cái khác. Hơn nữa, mùi thơm này đây là ở trong bông hoa này;” (vị ấy) nhận thấy mùi thơm ở trong bông hoa. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy ...(như trên)... tưởng ở trong tự ngã. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có tưởng là nền tảng—thứ ba. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy tưởng ở trong tự ngã là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy tự ngã ở trong tưởng là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy các hành, thức, sắc, thọ là tự ngã. Vị ấy khởi ý như vầy: “Cái này quả thật là tự ngã của ta. Hơn nữa, tự ngã này đây của ta quả thật là ở trong tưởng này;” (vị ấy) nhận thấy tự ngã ở trong tưởng. Cũng giống như viên ngọc ma-ni được đặt trong cái hộp, vị này có thể nói về điều ấy như vầy: “Cái này là viên ngọc ma-ni, cái này là cái hộp; viên ngọc ma-ni là cái khác, cái hộp là cái khác. Hơn nữa, viên ngọc ma-ni này đây quả thật là ở trong cái hộp này;” (vị ấy) nhận thấy viên ngọc ma-ni ở trong cái hộp. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy các hành, thức, sắc, thọ là tự ngã. Vị ấy ...(nt)... nhận thấy tự ngã ở trong tưởng. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có tưởng là nền tảng—thứ tư. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(nt)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy tự ngã ở trong tưởng là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy các hành là tự ngã là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy tư sanh ra từ nhãn xúc ... tư sanh ra từ nhĩ xúc ... tư sanh ra từ tỷ xúc ... tư sanh ra từ thiệt xúc ... tư sanh ra từ thân xúc ... tư sanh ra từ ý xúc là tự ngã rằng: “Cái gì là tư sanh ra từ ý xúc, cái ấy là ta; cái gì là ta, cái ấy là tư sanh ra từ ý xúc,” (vị ấy) nhận thấy tư sanh ra từ ý xúc và tự ngã chỉ là một. Cũng giống như đối với ngọn đèn dầu đang cháy sáng (nghĩ rằng): “Cái gì là ngọn lửa, cái ấy là ánh sáng; cái gì là ánh sáng, cái ấy là ngọn lửa,” (vị ấy) nhận thấy ngọn lửa và ánh sáng chỉ là một. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy ...(như trên)... tư sanh ra từ ý xúc và tự ngã chỉ là một. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có hành là nền tảng—thứ nhất. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy các hành là tự ngã là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy tự ngã có hành là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy thức, sắc, thọ, tưởng là tự ngã. Vị ấy khởi ý như vầy: “Cái này quả thật là tự ngã của ta. Hơn nữa, tự ngã này đây của ta quả thật là có hành bởi vì các hành này;” (vị ấy) nhận thấy tự ngã có hành. Cũng giống như cội cây là có bóng cây, vị này có thể nói về điều ấy như vầy: “Cái này là cội cây, cái này là bóng cây; cội cây là cái khác, bóng cây là cái khác. Hơn nữa, cội cây này đây quả thật là có bóng cây bởi vì bóng cây này;” (vị ấy) nhận thấy cội cây là có bóng cây. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy ...(như trên)... tự ngã có hành. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có hành là nền tảng—thứ nhì. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy tự ngã có hành là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy các hành ở trong tự ngã là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy thức, sắc, thọ, tưởng là tự ngã. Vị ấy khởi ý như vầy: “Cái này quả thật là tự ngã của ta. Hơn nữa, các hành này là ở trong tự ngã này;” (vị ấy) nhận thấy các hành ở trong tự ngã. Cũng giống như bông hoa là có mùi thơm, vị này có thể nói về điều ấy như vầy: “Cái này là bông hoa, cái này là mùi thơm; bông hoa là cái khác, mùi thơm là cái khác. Hơn nữa, mùi thơm này đây là ở trong bông hoa này;” (vị ấy) nhận thấy mùi thơm ở trong bông hoa. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy ...(như trên)... các hành ở trong tự ngã. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có hành là nền tảng—thứ ba. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy các hành ở trong tự ngã là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy tự ngã ở trong các hành là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy thức, sắc, thọ, tưởng là tự ngã. Vị ấy khởi ý như vầy: “Cái này quả thật là tự ngã của ta. Hơn nữa, tự ngã này đây của ta quả thật là ở trong các hành này;” (vị ấy) nhận thấy tự ngã ở trong các hành. Cũng giống như viên ngọc ma-ni được đặt trong cái hộp, vị này có thể nói về điều ấy như vầy: “Cái này là viên ngọc ma-ni, cái này là cái hộp; viên ngọc ma-ni là cái khác, cái hộp là cái khác. Hơn nữa, viên ngọc ma-ni này đây quả thật là ở trong cái hộp này;” (vị ấy) nhận thấy viên ngọc ma-ni ở trong cái hộp. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy ...(như trên)... tự ngã ở trong các hành. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có hành là nền tảng—thứ tư. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy tự ngã ở trong các hành là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy thức là tự ngã là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy nhãn thức ... nhĩ thức ... tỷ thức ... thiệt thức ... thân thức ... ý thức là tự ngã rằng: “Cái gì là ý thức, cái ấy là ta; cái gì là ta, cái ấy là ý thức,” (vị ấy) nhận thấy ý thức và tự ngã chỉ là một. Cũng giống như đối với ngọn đèn dầu đang cháy sáng (nghĩ rằng): “Cái gì là ngọn lửa, cái ấy là ánh sáng; cái gì là ánh sáng, cái ấy là ngọn lửa,” (vị ấy) nhận thấy ngọn lửa và ánh sáng chỉ là một. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy nhãn thức ... nhĩ thức ... tỷ thức ... thiệt thức ... thân thức ... ý thức là tự ngã rằng: “Cái gì là ý thức, cái ấy là ta. Cái gì là ta, cái ấy là ý thức,” (vị ấy) nhận thấy ý thức và tự ngã chỉ là một. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có thức là nền tảng—thứ nhất. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy thức là tự ngã là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy tự ngã có thức là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy sắc, thọ, tưởng, các hành là tự ngã. Vị ấy khởi ý như vầy: “Cái này quả thật là tự ngã của ta. Hơn nữa, tự ngã này đây của ta quả thật là có thức bởi vì thức này;” (vị ấy) nhận thấy tự ngã có thức. Cũng giống như cội cây là có bóng cây, vị này có thể nói về điều ấy như vầy: “Cái này là cội cây, cái này là bóng cây; cội cây là cái khác, bóng cây là cái khác. Hơn nữa, cội cây này đây quả thật là có bóng cây bởi vì bóng cây này;” (vị ấy) nhận thấy cội cây là có bóng cây. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy ...(như trên)... tự ngã có thức. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có thức là nền tảng—thứ nhì. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy tự ngã có thức là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy thức ở trong tự ngã là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy sắc, thọ, tưởng, các hành là tự ngã. Vị ấy khởi ý như vầy: “Cái này quả thật là tự ngã của ta. Hơn nữa, thức này là ở trong tự ngã này;” (vị ấy) nhận thấy thức ở trong tự ngã. Cũng giống như bông hoa là có mùi thơm, vị này có thể nói về điều ấy như vầy: “Cái này là bông hoa, cái này là mùi thơm; bông hoa là cái khác, mùi thơm là cái khác. Hơn nữa, mùi thơm này đây là ở trong bông hoa này;” (vị ấy) nhận thấy mùi thơm ở trong bông hoa. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy ...(như trên)... thức ở trong tự ngã. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có thức là nền tảng—thứ ba. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy thức ở trong tự ngã là (có ý nghĩa) như thế.
Nhận thấy tự ngã ở trong thức là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy sắc, thọ, tưởng, các hành là tự ngã. Vị ấy khởi ý như vầy: “Cái này quả thật là tự ngã của ta. Hơn nữa, tự ngã này đây của ta quả thật là ở trong thức này;” (vị ấy) nhận thấy tự ngã ở trong thức. Cũng giống như viên ngọc ma-ni được đặt trong cái hộp, vị này có thể nói về điều ấy như vầy: “Cái này là viên ngọc ma-ni, cái này là cái hộp; viên ngọc ma-ni là cái khác, cái hộp là cái khác. Hơn nữa, viên ngọc ma-ni này đây quả thật là ở trong cái hộp này;” (vị ấy) nhận thấy viên ngọc ma-ni ở trong cái hộp. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy ...(như trên)... tự ngã ở trong thức. Sự cố chấp và bám víu là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tùy ngã kiến có thức là nền tảng—thứ tư. Tùy ngã kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy tự ngã ở trong thức là (có ý nghĩa) như thế.
Do tùy ngã kiến, có sự cố chấp với 20 biểu hiện này.
Do tà kiến, có sự cố chấp với 10 biểu hiện gì?
Nói rằng: “Không có bố thí,” luận thuyết như thế có sự cố chấp và bám víu vào sai trái là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tà kiến có nền tảng sai trái—thứ nhất. Tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Nói rằng: “Không có cúng dường” ...(như trên)... Nói rằng: “Không có tế lễ,” ...(nt)... Nói rằng: “Không có quả thành tựu của các hành động được làm tốt hoặc được làm xấu,” ...(nt)... Nói rằng: “Không có đời này,” ...(nt)... Nói rằng: “Không có đời sau,” ...(nt)... Nói rằng: “Không có mẹ,” ...(nt)... Nói rằng: “Không có cha,” ...(nt)... Nói rằng: “Không có sự sanh ra từ nhân của nghiệp,” ...(nt)... Nói rằng: “Ở đời, không có các Sa-môn, Bà-la-môn sống chân chánh, thực hành chân chánh, sau khi tác chứng nhờ vào thắng trí của bản thân, sẽ công bố về đời này và đời sau,” luận thuyết như thế có sự cố chấp và bám víu vào sai trái là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—tà kiến có nền tảng sai trái—thứ mười. Tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(nt)... Đối với người có tà kiến, có hai cảnh giới (tái sanh) ...(nt)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Do tà kiến, có sự cố chấp với 10 biểu hiện này.
Do thân kiến, có sự cố chấp với 20 biểu hiện gì?
Ở đây, kẻ phàm phu không lắng nghe, không có sự nhận thức của các bậc Thánh, không rành rẽ Thánh pháp, không được huấn luyện về Thánh pháp, không có sự nhận thức của các bậc chân nhân, không rành rẽ pháp chân nhân, không được huấn luyện về pháp chân nhân nhận thấy sắc là tự ngã, hoặc tự ngã có sắc, hoặc sắc ở trong tự ngã, hoặc tự ngã ở trong sắc; nhận thấy thọ ...(nt)...; nhận thấy tưởng ...(nt)...; nhận thấy các hành ...(nt)...; nhận thấy thức là tự ngã, hoặc tự ngã có thức, hoặc thức ở trong tự ngã, hoặc tự ngã ở trong thức.
Nhận thấy sắc là tự ngã là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy đề mục đất ...(như trên)... đề mục trắng là tự ngã rằng: “Cái gì là đề mục trắng, cái ấy là tôi; cái gì là tôi, cái ấy là đề mục trắng,” (vị ấy) nhận thấy đề mục trắng và tự ngã chỉ là một. Cũng giống như đối với ngọn đèn dầu đang cháy sáng ...(như trên)... Tương tợ như thế, có người nhận thấy đề mục trắng là tự ngã. Sự cố chấp và bám víu là kiến. ...(nt)... Đây là—thân kiến có sắc là nền tảng—thứ nhất. Thân kiến là tà kiến, ...(nt)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy sắc là tự ngã là (có ý nghĩa) như thế. ...(nt)... Do thân kiến, có sự cố chấp với 20 biểu hiện này.
Do thường kiến lấy thân làm nền tảng, có sự cố chấp với 15 biểu hiện gì?
Ở đây, kẻ phàm phu không lắng nghe, không có sự nhận thức của các bậc Thánh, không rành rẽ Thánh pháp, không được huấn luyện về Thánh pháp, không có sự nhận thức của các bậc chân nhân, không rành rẽ pháp chân nhân, không được huấn luyện về pháp chân nhân nhận thấy tự ngã có sắc, hoặc sắc ở trong tự ngã, hoặc tự ngã ở trong sắc; nhận thấy tự ngã có thọ ...(như trên)...; nhận thấy tự ngã có tưởng ...(nt)...; nhận thấy tự ngã có các hành ...(nt)...; nhận thấy tự ngã có thức, hoặc thức ở trong tự ngã, hoặc tự ngã ở trong thức.
Nhận thấy tự ngã có sắc là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy thọ, tưởng, các hành, thức là tự ngã. Vị ấy khởi ý như vầy: “Cái này quả thật là tự ngã của ta. Hơn nữa, tự ngã này đây của ta quả thật có sắc bởi vì sắc này;” (vị ấy) nhận thấy tự ngã có sắc. Cũng giống như cội cây là có bóng cây, vị này có thể nói về điều ấy như vầy: “Cái này là cội cây, cái này là bóng cây; cội cây là cái khác, bóng cây là cái khác. Hơn nữa, cội cây này đây quả thật là có bóng cây bởi vì bóng cây này;” (vị ấy) nhận thấy cội cây là có bóng cây. Tương tợ như thế, ở đây có người nhận thấy thọ ...(như trên)... Đây là—thường kiến lấy thân làm nền tảng—thứ nhất. Thường kiến là tà kiến, ...(như trên)... những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy tự ngã có sắc là (có ý nghĩa) như thế. ...(như trên)... Do thường kiến lấy thân làm nền tảng, có sự cố chấp với 15 biểu hiện này.
Do đoạn kiến lấy thân làm nền tảng, có sự cố chấp với 5 biểu hiện gì?
Ở đây, kẻ phàm phu không lắng nghe, không có sự nhận thức của các bậc Thánh, không rành rẽ Thánh pháp, không được huấn luyện về Thánh pháp, không có sự nhận thức của các bậc chân nhân, không rành rẽ pháp chân nhân, không được huấn luyện về pháp chân nhân nhận thấy sắc là tự ngã, nhận thấy thọ là tự ngã, nhận thấy tưởng là tự ngã, nhận thấy các hành là tự ngã, nhận thấy thức là tự ngã.
Nhận thấy sắc là tự ngã là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy đề mục đất ...(như trên)... đề mục trắng là tự ngã rằng: “Cái gì là đề mục trắng, cái ấy là tôi; cái gì là tôi, cái ấy là đề mục trắng,” (vị ấy) nhận thấy đề mục trắng và tự ngã chỉ là một. Cũng giống như đối với ngọn đèn dầu đang cháy sáng ...(nt)... Đây là—đoạn kiến lấy thân làm nền tảng—thứ nhất. Đoạn kiến là tà kiến, ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Nhận thấy sắc là tự ngã là (có ý nghĩa) như thế. ...(như trên)... Do đoạn kiến lấy thân làm nền tảng, có sự cố chấp với 5 biểu hiện này.
Do hữu biên kiến, có sự cố chấp với 50 biểu hiện gì?
Do hữu biên kiến ‘Thế giới là thường còn,’[1]có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện? Do hữu biên kiến ‘Thế giới là không thường còn,’ ... ‘Thế giới là có giới hạn,’ ... ‘Thế giới là không có giới hạn,’ ... ‘Mạng sống ấy, thân thể ấy,’ ... ‘Mạng sống khác, thân thể khác,’ ... ‘Có phải đức Như Lai hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ ... ‘Có phải đức Như Lai không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ ... ‘Có phải đức Như Lai hiện hữu và không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ ... ‘Có phải đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ có sự cố chấp với bao nhiêu biểu hiện?
Do hữu biên kiến ‘Thế giới là thường còn,’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện. ... Do hữu biên kiến ‘Có phải đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện.
Do hữu biên kiến ‘Thế giới là thường còn,’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện gì? Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Sắc là thế giới và là thường còn’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—hữu biên kiến về ‘Thế giới là thường còn’—thứ nhất. Hữu biên kiến là tà kiến, ... những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Thọ là thế giới và là thường còn’ ...(như trên)... ‘Tưởng là thế giới và là thường còn’ ...(như trên)... ‘Hành là thế giới và là thường còn’ ...(như trên)... ‘Thức là thế giới và là thường còn’ ...(như trên)... là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—hữu biên kiến về ‘Thế giới là thường còn’—thứ năm. Hữu biên kiến là tà kiến, ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Do hữu biên kiến ‘Thế giới là thường còn,’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện này.
Do hữu biên kiến ‘Thế giới là không thường còn,’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện gì? Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Sắc là thế giới và là không thường còn’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. ...(như trên)... là—hữu biên kiến về ‘Thế giới là không thường còn’—thứ nhất. Hữu biên kiến là tà kiến, tà kiến là sự hư hỏng về kiến. ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Thọ là thế giới và là không thường còn’ ...(như trên)... ‘Tưởng là thế giới và là không thường còn’ ... ‘Hành là thế giới và là không thường còn’ ... ‘Thức là thế giới và là không thường còn’ ... là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. Hữu biên kiến là tà kiến, ...(nt)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Do hữu biên kiến ‘Thế giới là không thường còn,’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện này.
Do hữu biên kiến ‘Thế giới là có giới hạn,’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện gì? Ở đây, có người quan niệm bầu trời là hạn hẹp và có màu xanh. Vị ấy khởi ý như vầy: ‘Thế giới này là có giới hạn, được bao quanh’ là có suy tưởng về giới hạn. Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Quan niệm về vật gì, vật ấy vừa là nền tảng vừa là thế giới. Quan niệm nhờ vào vật gì, vật ấy vừa là tự ngã vừa là thế giới’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—hữu biên kiến về ‘Thế giới là có giới hạn’—thứ nhất. Hữu biên kiến là tà kiến, ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Ở đây, có người quan niệm bầu trời là hạn hẹp và có màu vàng. ... có màu đỏ ... có màu trắng ... có màu ánh sáng. Vị ấy khởi ý như vầy: ‘Thế giới này là có giới hạn, được bao quanh’ là có suy tưởng về giới hạn. Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Quan niệm về vật gì, vật ấy vừa là nền tảng vừa là thế giới. Quan niệm nhờ vào vật gì, vật ấy vừa là tự ngã vừa là thế giới’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. ...(như trên)... Do hữu biên kiến ‘Thế giới là có giới hạn,’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện này.
Do hữu biên kiến ‘Thế giới là không có giới hạn,’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện gì? Ở đây, có người quan niệm bầu trời là bao la và có màu xanh. Vị ấy khởi ý như vầy: ‘Thế giới này là không có giới hạn, không được bao quanh’ là có suy tưởng về không có giới hạn. Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Quan niệm về vật gì, vật ấy vừa là nền tảng vừa là thế giới. Quan niệm nhờ vào vật gì, vật ấy vừa là tự ngã vừa là thế giới’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. ...(như trên)... là—hữu biên kiến về ‘Thế giới là không có giới hạn’—thứ nhất. Hữu biên kiến là tà kiến, ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Ở đây, có người quan niệm bầu trời là bao la và có màu vàng ... có màu đỏ ... có màu trắng ... có màu ánh sáng. Vị ấy khởi ý như vầy: ‘Thế giới này là không có giới hạn, không được bao quanh’ là có suy tưởng về không có giới hạn. Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Quan niệm về vật gì, vật ấy vừa là nền tảng vừa là thế giới. Quan niệm nhờ vào vật gì, vật ấy vừa là tự ngã vừa là thế giới’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. ...(nt)... Do hữu biên kiến ‘Thế giới là không có giới hạn,’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện này.
Do hữu biên kiến ‘Mạng sống ấy, thân thể ấy,’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện gì? Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Sắc vừa là mạng sống vừa là thân thể, cái gì là mạng sống cái ấy là thân thể, cái gì là thân thể cái ấy là mạng sống’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. ...(như trên)... là—hữu biên kiến về ‘Mạng sống ấy, thân thể ấy’—thứ nhất. Hữu biên kiến là tà kiến, ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Sắc vừa là mạng sống vừa là thân thể. ... ‘Thọ vừa là mạng sống vừa là thân thể. ... ‘Tưởng vừa là mạng sống vừa là thân thể. ... ‘Các hành vừa là mạng sống vừa là thân thể. ... ‘Thức vừa là mạng sống vừa là thân thể, cái gì là mạng sống cái ấy là thân thể, cái gì là thân thể cái ấy là mạng sống’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. ...(như trên)... Do hữu biên kiến ‘Mạng sống ấy, thân thể ấy,’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện này.
Do hữu biên kiến ‘Mạng sống khác, thân thể khác,’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện gì? Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Sắc là thân thể, không phải là mạng sống, mạng sống không phải là thân thể, Mạng sống khác, thân thể khác’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. ...(như trên)... là hữu biên kiến về ‘Mạng sống khác, thân thể khác’—thứ nhất. Hữu biên kiến là tà kiến, ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Thọ là thân thể không là mạng sống. ... ‘Tưởng là thân thể không là mạng sống. ... ‘Các hành là thân thể không là mạng sống. ... ‘Thức là thân thể không là mạng sống, mạng sống không phải là thân thể, Mạng sống khác, thân thể khác’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. ...(như trên)... Do hữu biên kiến ‘Mạng sống khác, thân thể khác,’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện này.
Do hữu biên kiến ‘Có phải đức Như Lai hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện gì? Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Chính ở đây, sắc là pháp tử. Từ sự tan rã của thân, đức Như Lai cũng còn hiện hữu, cũng còn tồn tại, cũng còn sanh lên, và cũng còn tái tạo’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. ...(như trên)... là—hữu biên kiến về ‘Có phải đức Như Lai hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’—thứ nhất. Hữu biên kiến là tà kiến, ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Chính ở đây, thọ là pháp tử. ... ‘Chính ở đây, tưởng là pháp tử. ... ‘Chính ở đây, các hành là pháp tử. ... ‘Chính ở đây, thức là pháp tử. Từ sự tan rã của thân, đức Như Lai cũng còn hiện hữu, cũng còn tồn tại, cũng còn sanh lên, và cũng còn tái tạo’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. ...(như trên)... Do hữu biên kiến ‘Có phải đức Như Lai hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện này.
Do hữu biên kiến ‘Có phải đức Như Lai không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện gì? Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Chính ở đây, sắc là pháp tử. Từ sự tan rã của thân, đức Như Lai bị phân hoại, bị diệt vong’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—hữu biên kiến về ‘Có phải đức Như Lai không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’—thứ nhất. Hữu biên kiến là tà kiến, ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Chính ở đây, thọ là pháp tử. ... ‘Chính ở đây, tưởng là pháp tử. ... ‘Chính ở đây, các hành là pháp tử. ... ‘Chính ở đây, thức là pháp tử. Từ sự tan rã của thân, đức Như Lai bị phân hoại, bị diệt vong’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. ...(như trên)... Do hữu biên kiến ‘Có phải đức Như Lai không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện này.
Do hữu biên kiến ‘Có phải đức Như Lai hiện hữu và không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện gì? Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Chính ở đây, sắc là pháp tử. Từ sự tan rã của thân, đức Như Lai hiện hữu và không hiện hữu’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—hữu biên kiến về ‘Có phải đức Như Lai hiện hữu và không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’—thứ nhất. Hữu biên kiến là tà kiến, ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Chính ở đây, thọ là pháp tử. ... ‘Chính ở đây, tưởng là pháp tử. ... ‘Chính ở đây, các hành là pháp tử. ... ‘Chính ở đây, thức là pháp tử. Từ sự tan rã của thân, đức Như Lai hiện hữu và không hiện hữu’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. ...(như trên)... Do hữu biên kiến ‘Có phải đức Như Lai hiện hữu và không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện này.
Do hữu biên kiến ‘Có phải đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện gì? Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Chính ở đây, sắc là pháp tử. Từ sự tan rã của thân, đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—hữu biên kiến về ‘Có phải đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’—thứ nhất. Hữu biên kiến là tà kiến, ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Chính ở đây, thọ là pháp tử. ... ‘Chính ở đây, tưởng là pháp tử. ... ‘Chính ở đây, các hành là pháp tử. ... ‘Chính ở đây, thức là pháp tử. Từ sự tan rã của thân, đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết’ là kiến. Do kiến ấy, ‘giới hạn ấy được chấp nhận’ là hữu biên kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—hữu biên kiến về ‘Có phải đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’—thứ nhất. Hữu biên kiến là tà kiến, ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến. Do hữu biên kiến ‘Có phải đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ có sự cố chấp với 5 biểu hiện này.
Do hữu biên kiến, có sự cố chấp với 50 biểu hiện này.
Do quá khứ hữu biên kiến, có sự cố chấp với 18 biểu hiện gì?
Có bốn luận thuyết về thường còn, bốn liên quan đến thường còn là phiến diện, bốn liên quan đến có giới hạn và không có giới hạn, bốn liên quan đến trườn uốn như lươn, hai liên quan đến ngẫu nhiên sanh lên.
Do quá khứ hữu biên kiến, có sự cố chấp với 18 biểu hiện này.
Do vị lai hữu biên kiến, có sự cố chấp với 44 biểu hiện gì?
Có mười sáu luận thuyết về tưởng, tám luận thuyết về phi tưởng, tám luận thuyết về phi tưởng phi phi tưởng, bảy luận thuyết về đoạn tận, năm luận thuyết về hiện tại Niết Bàn.
Do vị lai hữu biên kiến, có sự cố chấp với 44 biểu hiện này.
Do kiến có sự ràng buộc, có sự cố chấp với 18 biểu hiện gì?
Loại kiến nào là kiến (tạo nên) thiên lệch, kiến (tạo nên) nắm giữ, ...(như trên)..., kiến (tạo nên) cố chấp, kiến (tạo nên) bám víu.
Do kiến có sự ràng buộc, có sự cố chấp với 18 biểu hiện này.
Do kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘tôi,’ có sự cố chấp với 18 biểu hiện gì?
Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Mắt là tôi’ là kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘tôi.’ Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘tôi’—thứ nhất. Kiến có sự tự hào và gắn bó là tà kiến ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Tai là tôi.’ ...(như trên)... ‘Mũi là tôi.’ ...(như trên)... ‘Lưỡi là tôi.’ ...(như trên)... ‘Thân là tôi.’ ...(như trên)... ‘Ý là tôi.’ ...(như trên)... ‘Các sắc là tôi.’ ...(như trên)... ‘Các pháp là tôi.’ ...(như trên)... ‘Nhãn thức là tôi.’ ...(như trên)... ‘Ý thức là tôi’ là kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘tôi.’ Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘tôi’—thứ mười tám. Kiến có tự hào và gắn bó là tà kiến ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Do kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘tôi,’ có sự cố chấp với 18 biểu hiện này.
Do kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘của tôi,’ có sự cố chấp với 18 biểu hiện gì?
Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Mắt là của tôi’ là kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘của tôi.’ Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘của tôi’—thứ nhất. Kiến có sự tự hào và gắn bó là tà kiến ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Sự cố chấp và bám víu rằng: ‘Tai là của tôi.’ ...(như trên)... ‘Mũi là của tôi.’ ...(như trên)... ‘Lưỡi là của tôi.’ ...(như trên)... ‘Thân là của tôi.’ ...(như trên)... ‘Ý là của tôi.’ ...(như trên)... ‘Các sắc là của tôi.’ ...(như trên)... ‘Các pháp là của tôi.’ ...(như trên)... ‘Nhãn thức là của tôi.’ ...(như trên)... ‘Ý thức là của tôi’ là kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘của tôi.’ Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; kiến là điều khác, nền tảng là điều khác; (cả hai) kiến và nền tảng là—kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘của tôi’—thứ mười tám. Kiến có sự tự hào và gắn bó là tà kiến ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Do kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘của tôi,’ có sự cố chấp với 18 biểu hiện này.
Do kiến có liên hệ đến luận thuyết về tự ngã, có sự cố chấp với 20 biểu hiện gì?
Ở đây, kẻ phàm phu không lắng nghe, không có sự nhận thức của các bậc Thánh, không rành rẽ Thánh pháp, không được huấn luyện về Thánh pháp, không có sự nhận thức của các bậc chân nhân, không rành rẽ pháp chân nhân, không được huấn luyện về pháp chân nhân nhận thấy sắc là tự ngã, hoặc tự ngã có sắc, hoặc sắc ở trong tự ngã, hoặc tự ngã ở trong sắc; nhận thấy thọ ...(như trên)... tưởng ...(như trên)... các hành ...(như trên)... thức là tự ngã, hoặc tự ngã có thức, hoặc thức ở trong tự ngã, hoặc tự ngã ở trong thức. ...(như trên)...
Nhận thấy sắc là tự ngã là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có người nhận thấy đề mục đất ...(như trên)... đề mục trắng là tự ngã rằng: “Cái gì là đề mục trắng, cái ấy là tôi; cái gì là tôi, cái ấy là đề mục trắng,” (vị ấy) nhận thấy đề mục trắng và tự ngã chỉ là một. Cũng giống như đối với ngọn đèn dầu đang cháy sáng (nghĩ rằng): “Cái gì là ngọn lửa, cái ấy là ánh sáng; cái gì là ánh sáng, cái ấy là ngọn lửa,” (vị ấy) nhận thấy ngọn lửa và ánh sáng chỉ là một. Tương tợ như thế, có người nhận thấy đề mục trắng là tự ngã ...(như trên`)... là—kiến có liên hệ đến luận thuyết về tự ngã có sắc là nền tảng—thứ nhất. Kiến có liên hệ đến luận thuyết về tự ngã là tà kiến, ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Do kiến có liên hệ đến luận thuyết về tự ngã, có sự cố chấp với 20 biểu hiện này.
Do kiến có liên hệ đến luận thuyết về thế giới, có sự cố chấp với 8 biểu hiện gì?
Sự cố chấp và bám víu rằng: “Tự ngã và thế giới là thường còn” là kiến. Kiến không phải là nền tảng, nền tảng không phải là kiến; ...(nt)...; (cả hai) kiến và nền tảng là—kiến có liên hệ đến luận thuyết về thế giới—thứ nhất. Kiến có liên hệ đến luận thuyết về thế giới là tà kiến, ...(nt)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Sự cố chấp và bám víu rằng: “Tự ngã và thế giới là không thường còn” ... “Tự ngã và thế giới là thường còn và không thường còn” ... “Tự ngã và thế giới không phải là thường còn và không phải là không thường còn” ... “Tự ngã và thế giới là có giới hạn” ... “Tự ngã và thế giới là không có giới hạn” ... “Tự ngã và thế giới là có giới hạn và không có giới hạn” ... “Tự ngã và thế giới không phải là có giới hạn và không phải là không có giới hạn” là kiến có liên hệ đến luận thuyết về thế giới. ...(như trên)... là—kiến có liên hệ đến luận thuyết về thế giới—thứ tám. Kiến có liên hệ đến luận thuyết về thế giới là tà kiến, ...(như trên)...; những điều này là sự ràng buộc, không phải là kiến.
Do kiến có liên hệ đến luận thuyết về thế giới, có sự cố chấp với 8 biểu hiện này.
Cố chấp vào sự nắm giữ lại là hữu kiến, cố chấp vào sự vượt quá là phi hữu kiến. Sự cố chấp với 35 biểu hiện do khoái lạc kiến có bao nhiêu là hữu kiến, có bao nhiêu là phi hữu kiến? Sự cố chấp với 20 biểu hiện do tùy ngã kiến có bao nhiêu là hữu kiến, có bao nhiêu là phi hữu kiến? ...(như trên)... Sự cố chấp với 8 biểu hiện do kiến có liên hệ đến luận thuyết về thế giới có bao nhiêu là hữu kiến, có bao nhiêu là phi hữu kiến?
Sự cố chấp với 35 biểu hiện do khoái lạc kiến có thể là hữu kiến, có thể là phi hữu kiến. Sự cố chấp với 20 biểu hiện do tùy ngã kiến có 15 là hữu kiến, có 5 là phi hữu kiến. Sự cố chấp với 10 biểu hiện do tà kiến có tất cả đều là phi hữu kiến. Sự cố chấp với 20 biểu hiện do thân kiến có 15 là hữu kiến, có 5 là phi hữu kiến. Sự cố chấp với 15 biểu hiện do thường kiến lấy thân làm nền tảng có tất cả đều là hữu kiến. Sự cố chấp với 5 biểu hiện do đoạn kiến lấy thân làm nền tảng có tất cả đều là phi hữu kiến.
Sự cố chấp với 5 biểu hiện do hữu biên kiến ‘Thế giới là thường còn’ có tất cả đều là hữu kiến. Sự cố chấp với 5 biểu hiện do hữu biên kiến ‘Thế giới là không thường còn’ có tất cả đều là phi hữu kiến. Sự cố chấp với 5 biểu hiện do hữu biên kiến ‘Thế giới là có giới hạn’ có thể là hữu kiến, có thể là phi hữu kiến. Sự cố chấp với 5 biểu hiện do ‘Thế giới là không có giới hạn’ có thể là hữu kiến, có thể là phi hữu kiến. Sự cố chấp với 5 biểu hiện do hữu biên kiến ‘Mạng sống ấy, thân thể ấy’ có tất cả đều là phi hữu kiến. Sự cố chấp với 5 biểu hiện do hữu biên kiến ‘Mạng sống khác, thân thể khác’ có tất cả đều là hữu kiến. Sự cố chấp với 5 biểu hiện do hữu biên kiến ‘Có phải đức Như Lai hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ có tất cả đều là hữu kiến. Sự cố chấp với 5 biểu hiện do hữu biên kiến ‘Có phải đức Như Lai không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ có tất cả đều là phi hữu kiến. Sự cố chấp với 5 biểu hiện do hữu biên kiến ‘Có phải đức Như Lai hiện hữu và không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ có thể là hữu kiến, có thể là phi hữu kiến. Sự cố chấp với 5 biểu hiện do hữu biên kiến ‘Có phải đức Như Lai không hiện hữu và không phải là không hiện hữu ở nơi khác sau khi chết?’ có thể là hữu kiến, có thể là phi hữu kiến.
Sự cố chấp với 18 biểu hiện do quá khứ hữu biên kiến có thể là hữu kiến, có thể là phi hữu kiến. Sự cố chấp với 44 biểu hiện do vị lai hữu biên kiến có thể là hữu kiến, có thể là phi hữu kiến. Sự cố chấp với 18 biểu hiện do kiến có sự ràng buộc có thể là hữu kiến, có thể là phi hữu kiến. Sự cố chấp với 18 biểu hiện do kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘tôi’ có tất cả đều là phi hữu kiến. Sự cố chấp với 18 biểu hiện do kiến có sự tự hào và gắn bó về ‘của tôi’ có tất cả đều là hữu kiến.
Sự cố chấp với 20 biểu hiện do kiến có liên hệ đến luận thuyết về tự ngã có 15 là hữu kiến, có 5 là phi hữu kiến. Sự cố chấp với 8 biểu hiện do kiến có liên hệ đến luận thuyết về thế giới có thể là hữu kiến, có thể là phi hữu kiến.
Tất cả các kiến ấy là khoái lạc kiến. Tất cả các kiến ấy là tùy ngã kiến. Tất cả các kiến ấy là tà kiến. Tất cả các kiến ấy là thân kiến. Tất cả các kiến ấy là hữu biên kiến. Tất cả các kiến ấy là kiến có sự ràng buộc. Tất cả các kiến ấy là kiến có liên quan đến luận thuyết về tự ngã.
Kiến về sự hiện hữu
và kiến về phi hữu,
luận lý đều nương tựa
ở cả hai điều này,
ở tại thế giới này
có tưởng bị sai lệch
không có trí biết được
sự diệt tận của chúng.
Này các tỳ khưu, chư thiên và nhân loại bị xâm nhập bởi hai loại thiên kiến (hữu và phi hữu), một số nắm giữ lại, một số vượt quá, và những người có mắt nhìn thấy.
Và này các tỳ khưu, một số nắm giữ lại là (có ý nghĩa) thế nào? Này các tỳ khưu, có chư thiên và nhân loại ưa thích hữu, khoái lạc trong hữu, hoan hỷ trong hữu. Khi Giáo Pháp về sự diệt tận của hữu đang được thuyết giảng đến họ, tâm của họ không tiếp thu, không đặt niềm tin, không an trú, không xác quyết. Này các tỳ khưu, một số nắm giữ lại là (có ý nghĩa) như vậy.
Và này các tỳ khưu, một số vượt quá là (có ý nghĩa) thế nào? Này các tỳ khưu, tuy nhiên có một số (chư thiên và nhân loại) trong khi chịu khổ sở, trong khi bị hổ thẹn, trong khi ghê tởm đối với hữu, họ thích thú phi hữu: “Này quý vị, nghe rằng tự ngã này, do sự tan rã của thân, bị phân hoại, bị diệt vong, không có đời sống khác sau khi chết; điều này là tịch tịnh, điều này là tuyệt vời, điều này là hiển nhiên.” Này các tỳ khưu, một số vượt quá là (có ý nghĩa) như thế.
Và này các tỳ khưu, những ngưòi có mắt nhìn thấy là (có ý nghĩa) thế nào? Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu nhìn thấy hiện hữu là hiện hữu. Sau khi nhìn thấy hiện hữu là hiện hữu, vị ấy đạt đến sự nhàm chán, sự ly tham ái, sự tịch diệt đối với hữu. Này các tỳ khưu, những ngưòi có mắt nhìn thấy là (có ý nghĩa) như thế.
Sau khi nhìn thấy được
hiện hữu là hiện hữu
cùng với sự vượt qua
đối với điều hiện hữu,
người nào xác quyết được
đúng theo bản thể thật
(người ấy) thời đoạn tận
tham ái đối với hữu.
Vị ấy biết toàn diện
đối với điều hiện hữu
có ái được xa lìa
khỏi hữu và phi hữu,
do phi hữu của hữu
vị tỳ khưu (như thế)
thời không còn đi đến
sự tái sanh lần nữa.
Có 3 hạng người có kiến bị hư hỏng, có 3 hạng người có kiến được thành tựu.
Ba hạng người nào có kiến bị hư hỏng? Ngoại đạo, đệ tử của ngoại đạo, và người có tà kiến; 3 hạng người này có kiến bị hư hỏng.
Ba hạng người nào có kiến được thành tựu? Đức Như Lai, đệ tử của đức Như Lai, và người có chánh kiến.
Người giận dữ, oán hận,
xấu xa, và quỷ quyệt,
kiến hư hỏng, ngu muội,
biết là kẻ hạ tiện.
Không giận dữ, không oán,
thanh tịnh, hành Đạo Quả,
kiến thành tựu, sáng suốt,
biết được là bậc Thánh.
Có ba kiến bị hư hỏng, có ba kiến được thành tựu.
Ba kiến nào bị hư hỏng? ‘Cái này là của tôi’ là kiến bị hư hỏng, ‘Cái này là tôi’ là kiến bị hư hỏng, ‘Cái này là tự ngã của tôi’ là kiến bị hư hỏng. Đây là 3 kiến bị hư hỏng.
Ba kiến nào được thành tựu? ‘Cái này không phải là của tôi’ là kiến được thành tựu, ‘Cái này không phải là tôi’ là kiến được thành tựu, ‘Cái này không phải là tự ngã của tôi’ là kiến được thành tựu. Đây là 3 kiến được thành tựu.
‘Cái này là của tôi’ là kiến gì? Có bao nhiêu kiến? Các kiến ấy liên đới với giới hạn (thời gian) nào? ‘Cái này là của tôi’ là kiến gì? Có bao nhiêu kiến? Các kiến ấy liên đới với giới hạn (thời gian) nào? ‘Cái này là tự ngã của tôi’ là kiến gì? Có bao nhiêu kiến? Các kiến ấy liên đới với giới hạn (thời gian) nào?
‘Cái này là của tôi’ là quá khứ hữu biên kiến. Có 18 kiến. Các kiến ấy liên đới với giới hạn (thời gian) quá khứ. ‘Cái này là của tôi’ là vị lai hữu biên kiến. Có 44 kiến. Các kiến ấy liên đới với giới hạn (thời gian) vị lai. ‘Cái này là tự ngã của tôi’ là tùy ngã kiến với 20 nền tảng, là thân kiến với 20 nền tảng, là 62 thiên kiến có thân kiến đứng đầu, các kiến ấy liên đới với giới hạn (thời gian) quá khứ và vị lai.
Này các tỳ khưu, những người nào hướng đến sự thành toàn ở Ta những người ấy được thành tựu về kiến. Đối với những người được thành tựu về kiến ấy, có sự thành toàn[2]ở nơi đây[3]đối với năm hạng, có sự thành toàn sau khi rời bỏ nơi đây đối với năm hạng.
Có sự thành toàn ở nơi đây đối với năm hạng nào? Đối với (vị tái sanh) tối đa bảy lần, đối với (vị tái sanh) trong các gia tộc danh giá, đối với vị có một chủng tử (chỉ còn một lần tái sanh),[4]đối với vị Nhất Lai, và vị nào là A-la-hán ngay trong kiếp hiện tại này, có sự thành toàn ở nơi đây đối với năm hạng này.
Có sự thành toàn sau khi rời bỏ nơi đây đối với năm hạng nào? Đối với vị viên tịch Niết Bàn vào giai đoạn đầu của đời kế tiếp, đối với vị viên tịch Niết Bàn vào giai đoạn cuối của đời kế tiếp, đối với vị Vô Hành viên tịch Niết Bàn, đối với vị Hữu Hành viên tịch Niết Bàn, đối với vị ngược giòng đi đến cõi Sắc Cứu Cánh, có sự thành toàn sau khi rời bỏ nơi đây đối với năm hạng này.
Này các tỳ khưu, những người nào hướng đến sự thành toàn ở Ta những người ấy được thành tựu về kiến. Đối với những người được thành tựu về kiến ấy, có sự thành toàn ở nơi đây đối với năm hạng này, có sự thành toàn sau khi rời bỏ nơi đây đối với năm hạng này.
Này các tỳ khưu, những người nào đặt niềm tin hoàn toàn ở nơi Ta, những người ấy là các vị Nhập Lưu. Đối với các vị Nhập Lưu ấy, có sự thành toàn ở nơi đây đối với năm hạng, có sự thành toàn sau khi rời bỏ nơi đây đối với năm hạng.
Có sự thành toàn ở nơi đây đối với năm hạng nào? Đối với (vị tái sanh) tối đa bảy lần, đối với (vị tái sanh) trong các gia tộc danh giá, đối với vị có một chủng tử (chỉ còn một lần tái sanh), đối với vị Nhất Lai, và vị nào là A-la-hán ngay trong kiếp hiện tại này, có sự thành toàn ở nơi đây đối với năm hạng này.
Có sự thành toàn sau khi rời bỏ nơi đây đối với năm hạng nào? Đối với vị viên tịch Niết Bàn vào giai đoạn đầu của đời kế tiếp, đối với vị viên tịch Niết Bàn vào giai đoạn cuối của đời kế tiếp, đối với vị Vô Hành viên tịch Niết Bàn, đối với vị Hữu Hành viên tịch Niết Bàn, đối với vị ngược giòng đi đến cõi Sắc Cứu Cánh, có sự thành toàn sau khi rời nơi đây đối với năm hạng này.
Này các tỳ khưu, những người nào đặt niềm tin hoàn toàn ở nơi Ta những người ấy là các vị Nhập Lưu. Đối với các vị Nhập Lưu ấy, có sự thành toàn ở nơi đây đối với năm hạng này, có sự thành toàn sau khi rời bỏ nơi đây đối với năm hạng này.
Phần giảng về Kiến được đầy đủ.
--ooOoo--
[1] Theo chú giải, “tattha lokoti attā” (PṭsA. 2, 452) = Ở đây, thế giới có nghĩa là tự ngã.
[2] Có sự thành toàn nghĩa là sự tịch diệt Niết Bàn (PṭsA. 2, 465).
[3] Ở nơi đây nghĩa là ở dục giới này (Sđd. 465).
[4] Cả ba trường hợp: vị tái sanh tối đa bảy lần (sattakkhattuparama), vị tái sanh trong các gia tộc danh giá (kolaṃkola), vị có một chủng tử chỉ còn một lần tái sanh (ekabījī) đều đề cập đến vị Nhập Lưu (Sotāpatti) tùy theo khả năng trí tuệ của vị ấy là chậm, trung bình, hoặc nhạy bén (ND).
Đối với vị đang tu tập định của niệm hơi thở vào hơi thở ra theo 16 nền tảng, có hơn 200 pháp sanh lên (ở vị ấy): 8 trí về ngăn trở và 8 trí về hỗ trợ, 18 trí về tùy phiền não, 13 trí trong việc thanh lọc, 32 trí về việc thực hành niệm, 24 trí do năng lực của định, 72 trí do năng lực của minh sát, 8 trí về nhàm chán, 8 trí thuận theo nhàm chán, 8 trí về sự tịnh lặng của nhàm chán, 21 trí về sự an lạc của giải thoát.
Phần Liệt Kê Số Lượng được đầy đủ.
8 trí về ngăn trở và 8 trí về hỗ trợ là gì?
Ước muốn trong các dục là sự ngăn trở của định, sự thoát ly là sự hỗ trợ của định. Sân độc là sự ngăn trở của định, không sân độc là sự hỗ trợ của định. Lờ đờ buồn ngủ là sự ngăn trở của định, sự nghĩ tưởng đến ánh sáng là sự hỗ trợ của định. Phóng dật là sự ngăn trở của định, không tản mạn là sự hỗ trợ của định. Hoài nghi là sự ngăn trở của định, sự xác định pháp là sự hỗ trợ của định. Vô minh là sự ngăn trở của định, trí là sự hỗ trợ của định. Sự không hứng thú là sự ngăn trở của định, sự hân hoan là sự hỗ trợ của định. Tất cả các pháp bất thiện cũng là các sự ngăn trở của định, tất cả các pháp thiện cũng là các sự hỗ trợ của định. Đây là 8 trí về ngăn trở và 8 trí về hỗ trợ.
Được tiếp cận, được quen thuộc với 16 biểu hiện này, tâm an trụ ở nhất thể và được thanh tịnh đối các pháp ngăn che.
Các nhất thể ấy là gì? Sự thoát ly là nhất thể, sự không sân độc là nhất thể, sự nghĩ tưởng đến ánh sáng là nhất thể, sự không tản mạn là nhất thể, sự xác định pháp là nhất thể, trí là nhất thể, sự hân hoan là nhất thể, tất cả các thiện pháp cũng là các nhất thể.
Các pháp ngăn che ấy là gì? Ước muốn trong các dục là pháp ngăn che, sân độc là pháp ngăn che, lờ đờ buồn ngủ là pháp ngăn che, phóng dật là pháp ngăn che, hoài nghi là pháp ngăn che, vô minh là pháp ngăn che, sự không hứng thú là pháp ngăn che, tất cả các bất thiện pháp cũng là các pháp ngăn che.
Pháp ngăn che: Các pháp ngăn che theo ý nghĩa gì? Các pháp ngăn che với ý nghĩa che lấp lối ra.
Các lối ra ấy là gì? Sự thoát ly là lối ra của các bậc Thánh, và do sự thoát ly ấy các bậc Thánh thoát ra; ước muốn trong các dục là sự che lấp lối ra, và do trạng thái bị bao trùm bởi ước muốn trong các dục ấy (hành giả) không nhận biết sự thoát ly là lối ra của các bậc Thánh; ước muốn trong các dục là sự che lấp lối ra. Sự không sân độc là lối ra của các bậc Thánh, và do sự không sân độc ấy các bậc Thánh thoát ra; sân độc là sự che lấp lối ra, và do trạng thái bị bao trùm bởi sân độc ấy (hành giả) không nhận biết sự không sân độc là lối ra của các bậc Thánh; sân độc là sự che lấp lối ra. Sự nghĩ tưởng đến ánh sáng là lối ra của các bậc Thánh, và do sự nghĩ tưởng đến ánh sáng ấy các bậc Thánh thoát ra; lờ đờ buồn ngủ là sự che lấp lối ra, và do trạng thái bị bao trùm bởi sự lờ đờ buồn ngủ ấy (hành giả) không nhận biết sự nghĩ tưởng đến ánh sáng là lối ra của các bậc Thánh; lờ đờ buồn ngủ là sự che lấp lối ra. Sự không tản mạn là lối ra của các bậc Thánh, và do sự không tản mạn ấy các bậc Thánh thoát ra; phóng dật là sự che lấp lối ra, và do trạng thái bị bao trùm bởi phóng dật ấy (hành giả) không nhận biết sự không tản mạn là lối ra của các bậc Thánh; phóng dật là sự che lấp lối ra. Sự xác định pháp là lối ra của các bậc Thánh, và do sự xác định pháp ấy các bậc Thánh thoát ra; hoài nghi là sự che lấp lối ra, và do trạng thái bị bao trùm bởi hoài nghi ấy (hành giả) không nhận biết sự xác định pháp là lối ra của các bậc Thánh; hoài nghi là sự che lấp lối ra. Trí là lối ra của các bậc Thánh, và do trí ấy các bậc Thánh thoát ra; vô minh là sự che lấp lối ra, và do trạng thái bị bao trùm bởi vô minh ấy (hành giả) không nhận biết trí là lối ra của các bậc Thánh; vô minh là sự che lấp lối ra. Sự hân hoan là lối ra của các bậc Thánh, và do sự hân hoan ấy các bậc Thánh thoát ra; sự không hứng thú là sự che lấp lối ra, và do trạng thái bị bao trùm bởi sự không hứng thú ấy (hành giả) không nhận biết sự hân hoan là lối ra của các bậc Thánh; không hứng thú là sự che lấp lối ra. Tất cả các thiện pháp cũng là lối ra của các bậc Thánh, và do các thiện pháp ấy các bậc Thánh thoát ra; tất cả các bất thiện pháp cũng là các sự che lấp lối ra, và do trạng thái bị bao trùm bởi các bất thiện pháp ấy (hành giả) không nhận biết các thiện pháp là lối ra của các bậc Thánh; tất cả các bất thiện pháp cũng các là sự che lấp lối ra.
Phần giải thích 16 trí được đầy đủ.
Hơn nữa, đối với vị đang tu tập định của niệm hơi thở vào hơi thở ra theo 16 nền tảng có tâm đã được thanh lọc khỏi các pháp ngăn che này, do sự tập trung ngắn hạn có 18 tùy phiền não gì sanh lên (ở vị ấy)?
Tâm của vị đang theo dõi giai đoạn đầu-giữa-cuối của hơi thở vào bằng niệm đi đến tình trạng tản mạn ở nội phần là sự ngăn trở của định. Tâm của vị đang theo dõi giai đoạn đầu-giữa-cuối của hơi thở ra bằng niệm đi đến tình trạng tản mạn ở ngoại phần là sự ngăn trở của định. Do sự mong mỏi ở hơi thở vào, hành vi của ưa thích và tham ái là sự ngăn trở của định. Do sự mong mỏi ở hơi thở ra, hành vi của ưa thích và tham ái là sự ngăn trở của định. Đối với vị áp đặt hơi thở vào, do sự hứng thú trong việc đạt được hơi thở ra là sự ngăn trở của định. Đối với vị áp đặt hơi thở ra, do sự hứng thú trong việc đạt được hơi thở vào là sự ngăn trở của định.
Theo dõi hơi thở vào
theo dõi hơi thở ra,
tán nội phần, mong mỏi,
tán ngoại phần, ước muốn, (1)
áp đặt hơi thở vào
hứng thú đạt hơi ra,
áp đặt hơi thở ra
hứng thú đạt hơi vào. (2)
Sáu tùy phiền não này
định niệm hơi vào ra,
người bị chúng xáo động
tâm không được giải thoát,
những ai chưa giải thoát
chúng thành tựu tái sanh. (3)
Nhóm sáu thứ nhất.
Đối với hành giả hướng tâm đến hiện tướng,[1]tâm (đặt) ở hơi thở vào bị chao động là sự ngăn trở của định. Đối với hành giả hướng tâm đến hơi thở vào, tâm (đặt) ở hiện tướng bị chao động là sự ngăn trở của định. Đối với hành giả hướng tâm đến hiện tướng, tâm (đặt) ở hơi thở ra bị chao động là sự ngăn trở của định. Đối với hành giả hướng tâm đến hơi thở ra, tâm (đặt) ở hiện tướng bị chao động là sự ngăn trở của định. Đối với hành giả hướng tâm đến hơi thở vào, tâm (đặt) ở hơi thở ra bị chao động là sự ngăn trở của định. Đối với hành giả hướng tâm đến hơi thở ra, tâm (đặt) ở hơi thở vào bị chao động là sự ngăn trở của định.
Hướng tâm đến hiện tướng
ý buông bỏ hơi vào,
hướng tâm đến hơi vào
tâm chao động hiện tướng. (4)
Hướng tâm đến hiện tướng
ý buông bỏ hơi ra,
hướng tâm đến hơi ra
tâm chao động hiện tướng. (5)
Hướng tâm hơi thở vào
tâm buông bỏ hơi ra,
hướng tâm hơi thở ra
tâm chao động hơi vào. (6)
Sáu tùy phiền não này
định niệm hơi vào ra,
người bị chúng xáo động
tâm không được giải thoát,
những ai chưa giải thoát
chúng thành tựu tái sanh. (7)
Nhóm sáu thứ nhì.
Tâm có sự chạy theo quá khứ[2]bị rơi vào tản mạn là sự ngăn trở của định. Tâm có sự mong mỏi ở vị lai[3]bị chao động là sự ngăn trở của định. Tâm trì trệ bị rơi vào biếng nhác là sự ngăn trở của định. Tâm được ra sức quá mức bị rơi vào phóng dật là sự ngăn trở của định. Tâm quá chuyên chú bị rơi vào tham là sự ngăn trở của định. Tâm lơi là bị rơi vào sân là sự ngăn trở của định.
Tâm chạy theo quá khứ,
vọng tương lai, trì trệ,
quá ra sức, chuyên chú,
tâm lơi là, không định. (8)
Sáu tùy phiền não này
định niệm thở vào ra
người ô nhiễm bởi chúng
không biết được thắng tâm. (9)
Nhóm sáu thứ ba.
Do tâm của vị đang theo dõi giai đoạn đầu-giữa-cuối của hơi thở vào bằng niệm đi đến tình trạng tản mạn ở nội phần, cả thân lẫn tâm trở nên xao động, loạn động, rúng động. Do tâm của vị đang theo dõi giai đoạn đầu-giữa-cuối của hơi thở ra bằng niệm đi đến tình trạng tản mạn ở ngoại phần, cả thân lẫn tâm trở nên xao động, loạn động, rúng động. Do mong mỏi ở hơi thở vào, do ưa thích, do hành vi của ái, cả thân lẫn tâm trở nên xao động, loạn động, rúng động. Do mong mỏi ở hơi thở ra, do ưa thích, do hành vi của ái, cả thân lẫn tâm trở nên xao động, loạn động, rúng động. Đối với vị áp đặt hơi thở vào, do sự hứng thú trong việc đạt được hơi thở ra, cả thân lẫn tâm trở nên xao động, loạn động, rúng động. Đối với vị áp đặt hơi thở ra, do sự hứng thú trong việc đạt được hơi thở vào, cả thân lẫn tâm ...(như trên)... Đối với vị hướng tâm đến hiện tướng có tâm (đặt) ở hơi thở vào, do trạng thái bị dao động cả thân lẫn tâm ...(như trên)... Đối với vị hướng tâm đến hơi thở vào có tâm (đặt) ở hiện tướng, do trạng thái bị dao động, cả thân lẫn tâm ...(như trên)... Đối với vị hướng tâm đến hiện tướng có tâm (đặt) ở hơi thở ra, do trạng thái bị dao động cả thân lẫn tâm ...(như trên)... Đối với vị hướng tâm đến hơi thở ra có tâm (đặt) ở hiện tướng, do trạng thái bị dao động cả thân lẫn tâm trở nên xao động, loạn động, rúng động. Đối với vị hướng tâm đến hơi thở vào có tâm (đặt) ở hơi thở ra, do trạng thái bị dao động cả thân lẫn tâm trở nên xao động, loạn động, rúng động. Đối với vị hướng tâm đến hơi thở ra có tâm (đặt) ở hơi thở vào, do trạng thái bị dao động cả thân lẫn tâm trở nên xao động, loạn động, rúng động. Do có sự chạy theo quá khứ tâm bị rơi vào tản mạn, cả thân lẫn tâm trở nên xao động, loạn động, rúng động. Do có sự mong mỏi ở vị lai tâm bị dao động, cả thân lẫn tâm trở nên xao động, loạn động, rúng động. Do có sự trì trệ tâm bị rơi vào biếng nhác, cả thân lẫn tâm trở nên xao động, loạn động, rúng động. Do ra sức quá mức tâm bị rơi vào phóng dật, cả thân lẫn tâm trở nên xao động, loạn động, rúng động. Do quá chuyên chú tâm bị rơi vào tham, cả thân lẫn tâm trở nên xao động, loạn động, rúng động. Do lơi là tâm bị rơi vào sân, cả thân lẫn tâm trở nên xao động, loạn động, rúng động.
Đối với vị tu niệm
hơi thở vào thở ra
không toàn vẹn, không tiến,
thời thân bị loạn động,
tâm cũng bị loạn động,
thân tâm đều rúng động. (10)
Đối với vị tu niệm
hơi thở vào thở ra
được toàn vẹn, tiến triển,
thời thân không loạn động,
tâm cũng không loạn động,
thân tâm không rúng động. (11)
Hơn nữa, đối với vị đang tu tập định của niệm hơi thở vào hơi thở ra theo 16 nền tảng có tâm đã được thanh lọc khỏi các pháp ngăn che ấy, thời có 18 tùy phiển não này sanh lên.
Phần giải thích trí về tùy phiền não.
13 trí gì trong việc thanh lọc? Tâm có sự chạy theo quá khứ bị rơi vào tản mạn. Sau khi ngăn ngừa việc ấy, hành giả tập trung (tâm) vào một chỗ; như vậy tâm không đi đến tản mạn. Tâm có sự mong mỏi ở vị lai bị chao động. Sau khi ngăn ngừa việc ấy, ngay tại đấy hành giả khẳng định lại; như thế tâm không đi đến tản mạn. Tâm trì trệ bị rơi vào biếng nhác. Sau khi nắm giữ điều ấy, hành giả dứt bỏ sự biếng nhác; như vậy tâm không đi đến tản mạn. Tâm ra sức quá mức bị rơi vào phóng dật. Sau khi hạn chế điều ấy, hành giả dứt bỏ phóng dật; như vậy tâm không đi đến tản mạn. Tâm quá chuyên chú bị rơi vào tham. Sau khi có sự nhận biết rõ rệt điều ấy, hành giả dứt bỏ tham; như vậy tâm không đi đến tản mạn. Tâm lơi là bị rơi vào sân. Sau khi có sự nhận biết rõ rệt điều ấy, hành giả dứt bỏ sân; như vậy tâm không đi đến tản mạn. Được hoàn toàn trong sạch với 6 trường hợp này, tâm được tinh khiết đi đến nhất thể.
Các nhất thể ấy là gì? Nhất thể trong việc thiết lập sự buông bỏ vật thí, nhất thể trong việc thiết lập hiện tướng của chỉ tịnh, nhất thể trong việc thiết lập tướng trạng của biến hoại, nhất thể trong việc thiết lập sự diệt tận.
Nhất thể trong việc thiết lập sự buông bỏ vật thí của những người đã quyết tâm xả bỏ, nhất thể trong việc thiết lập hiện tướng của chỉ tịnh của những người đã gắn bó với thắng tâm, nhất thể trong việc thiết lập tướng trạng biến hoại của những người thực hành minh sát, nhất thể trong việc thiết lập sự diệt tận của các bậc Thánh nhân. Tâm đạt đến nhất thể bằng bốn trường hợp này vừa có sự tiến đến tính chất thanh tịnh của việc thực hành, vừa được tăng cường trạng thái xả, và còn được hài lòng bởi trí nữa.
Đối với sơ thiền, cái gì là phần đầu? cái gì là phần giữa? cái gì là phần cuối? Đối với sơ thiền, sự thanh tịnh của việc thực hành là phần đầu, sự tăng cường trạng thái xả là phần giữa, sự tự hài lòng là phần cuối.
Đối với sơ thiền, sự thanh tịnh của việc thực hành là phần đầu, có bao nhiêu tướng trạng thuộc về phần đầu? Có ba tướng trạng thuộc về phần đầu: Điều gì là sự ngăn trở của thiền ấy, do điều ấy tâm được thanh tịnh; do bản thể thanh tịnh, tâm đạt đến hiện tướng của chỉ tịnh ở trung tâm; do bản thể đã được đạt đến, tâm tiến vào nơi ấy. Việc tâm được thanh tịnh do sự ngăn trở, việc tâm đạt đến hiện tướng của chỉ tịnh ở trung tâm do bản thể thanh tịnh, việc tâm tiến vào nơi ấy do bản thể đã được đạt đến, đối với sơ thiền sự thanh tịnh của việc thực hành là phần đầu, ba tướng trạng này là thuộc về phần đầu, vì thế được nói rằng: “Sơ thiền vừa là tốt đẹp ở phần đầu vừa được thành tựu về tướng trạng.”
Đối với sơ thiền, sự tăng cường trạng thái xả là phần giữa, có bao nhiêu tướng trạng thuộc về phần giữa? Có ba tướng trạng thuộc về phần giữa: Hành giả dửng dưng đối với tâm thanh tịnh, dửng dưng đối với việc đã đạt đến chỉ tịnh, dửng dưng đối với việc thiết lập nhất thể. Việc hành giả dửng dưng đối với tâm thanh tịnh, dửng dưng đối với việc đã đạt đến chỉ tịnh, dửng dưng đối với việc thiết lập nhất thể, đối với sơ thiền sự tăng cường trạng thái xả là phần giữa, ba tướng trạng này là thuộc về phần giữa, vì thế được nói rằng: “Sơ thiền vừa là tốt đẹp ở phần giữa vừa được thành tựu về tướng trạng.”
Đối với sơ thiền, sự tự hài lòng là phần cuối, có bao nhiêu tướng trạng thuộc về phần cuối? Có bốn tướng trạng thuộc về phần cuối: có sự tự hài lòng đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy theo ý nghĩa không vượt trội, sự tự hài lòng đối với các quyền theo ý nghĩa nhất vị, sự tự hài lòng theo ý nghĩa khởi động tinh tấn nhằm đạt đến Niết Bàn, sự tự hài lòng theo ý nghĩa rèn luyện. Đối với sơ thiền sự tự hài lòng là phần cuối, bốn tướng trạng này là thuộc về phần cuối, vì thế được nói rằng: “Sơ thiền vừa là tốt đẹp ở phần cuối vừa được thành tựu về tướng trạng.”
Như thế, tâm đã đạt đến ba phận sự là tốt đẹp theo ba cách,[4]được thành tựu mười tướng trạng,[5]và còn được thành tựu về tầm, thành tựu về tứ, thành tựu về hỷ, thành tựu về lạc, thành tựu về sự khẳng định tâm, thành tựu về tín, thành tựu về tấn, thành tựu về niệm, thành tựu về định, và thành tựu về tuệ.
Đối với nhị thiền, cái gì là phần đầu? cái gì là phần giữa? cái gì là phần cuối? ...(như trên)... Như thế, tâm đã đạt đến ba phận sự là tốt đẹp theo ba cách, được thành tựu mười tướng trạng, và còn được thành tựu về hỷ, thành tựu về lạc, thành tựu về sự khẳng định tâm, ...(như trên)..., và thành tựu về tuệ.
Đối với tam thiền, cái gì là phần đầu? cái gì là phần giữa? cái gì là phần cuối? ...(nt)... Như thế, tâm đã đạt đến ba phận sự là tốt đẹp theo ba cách, được thành tựu 10 tướng trạng, và còn được thành tựu về lạc, thành tựu về sự khẳng định tâm, thành tựu về tín, thành tựu về tấn, thành tựu về niệm, thành tựu về định, và thành tựu về tuệ.
Đối với tứ thiền, cái gì là phần đầu? cái gì là phần giữa? cái gì là phần cuối? ...(nt)... Như thế, tâm đã đạt đến ba phận sự là tốt đẹp theo ba cách, được thành tựu 10 tướng trạng, và còn được thành tựu về xả, thành tựu về sự khẳng định tâm, thành tựu về tín, thành tựu về tấn, thành tựu về niệm, thành tựu về định, và thành tựu về tuệ.
Đối với sự chứng đạt không vô biên xứ ...(nt)... sự chứng đạt thức vô biên xứ ... sự chứng đạt vô sở hữu xứ ... sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ, cái gì là phần đầu? cái gì là phần giữa? cái gì là phần cuối? ... Như thế, tâm đã đạt đến ba phận sự là tốt đẹp theo ba cách, được thành tựu mười tướng trạng, và còn được thành tựu về xả, thành tựu về sự khẳng định tâm, ...(nt)..., và thành tựu về tuệ.
Đối với sự quán xét về vô thường, cái gì là phần đầu? cái gì là phần giữa? cái gì là phần cuối? ... Như thế, tâm đã đạt đến ba phận sự là tốt đẹp theo ba cách, được thành tựu 10 tướng trạng, và còn được thành tựu về tầm, thành tựu về tứ, thành tựu về hỷ, thành tựu về lạc, thành tựu về sự khẳng định tâm, thành tựu về tín, thành tựu về tấn, thành tựu về niệm, thành tựu về định, và thành tựu về tuệ.
Đối với sự quán xét về khổ não ...(như trên)... Đối với sự quán xét về vô ngã ...(nt)... Đối với sự quán xét về sự nhàm chán ...(nt)... Đối với sự quán xét về ly tham ái ... Đối với sự quán xét về sự diệt tận ... Đối với sự quán xét về sự từ bỏ ... Đối với sự quán xét về sự đoạn tận ... Đối với sự quán xét về sự biến hoại ... Đối với sự quán xét về sự chuyển biến ... Đối với sự quán xét về vô tướng ... Đối với sự quán xét về vô nguyện ... Đối với sự quán xét về không tánh ... Đối với sự minh sát các pháp bằng thắng tuệ ... Đối với sự biết và thấy đúng theo thực thể ... Đối với sự quán xét về sự tai hại ... Đối với sự quán xét về sự phân biệt rõ ... Đối với sự quán xét về sự ly khai ...(như trên)...
Đối với Đạo Nhập Lưu, ... Đối với Đạo Nhất Lai, ... Đối với Đạo Bất Lai, ... Đối với Đạo A-la-hán, cái gì là phần đầu? cái gì là phần giữa? cái gì là phần cuối? Đối với Đạo A-la-hán, sự thanh tịnh của việc thực hành là phần đầu, sự tăng cường trạng thái xả là phần giữa, sự tự hài lòng là phần cuối. Sự thanh tịnh của việc thực hành là phần đầu của Đạo A-la-hán. Có bao nhiêu tướng trạng thuộc về phần đầu? Có ba tướng trạng thuộc về phần đầu: ...(như trên).... Đối với Đạo A-la-hán sự thanh tịnh của việc thực hành là phần đầu, ba tướng trạng này là thuộc về phần đầu, vì thế được nói rằng: “Đạo A-la-hán vừa là tốt đẹp ở phần đầu vừa được thành tựu về tướng trạng.”
Đối với Đạo A-la-hán, sự tăng cường trạng thái xả là phần giữa, có bao nhiêu tướng trạng thuộc về phần giữa? Có ba tướng trạng thuộc về phần giữa: Hành giả dửng dưng đối với tâm thanh tịnh, dửng dưng đối với việc đã đạt đến chỉ tịnh, dửng dưng đối với việc thiết lập nhất thể. Việc hành giả dửng dưng đối với tâm thanh tịnh, dửng dưng đối với việc đã đạt đến chỉ tịnh, dửng dưng đối với việc thiết lập nhất thể, vì thế được nói rằng: “Đạo A-la-hán vừa là tốt đẹp ở phần giữa vừa được thành tựu về tướng trạng.”
Đối với Đạo A-la-hán, sự tự hài lòng là phần cuối, có bao nhiêu tướng trạng thuộc về phần cuối? Có bốn tướng trạng thuộc về phần cuối: có sự tự hài lòng đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy theo ý nghĩa không vượt trội, sự tự hài lòng đối với của các quyền theo ý nghĩa nhất vị, sự tự hài lòng theo ý nghĩa khởi động tinh tấn nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn, sự tự hài lòng theo ý nghĩa rèn luyện. Đối với Đạo A-la-hán sự tự hài lòng là phần cuối, bốn tướng trạng này là thuộc về phần cuối, vì thế được nói rằng: “Đạo A-la-hán vừa là tốt đẹp ở phần cuối vừa được thành tựu về tướng trạng.” Như thế, tâm đã đạt đến ba phận sự là tốt đẹp theo ba cách, được thành tựu mười tướng trạng, và còn được thành tựu về tầm, thành tựu về tứ, thành tựu về hỷ, thành tựu về lạc, thành tựu về sự khẳng định tâm, thành tựu về tín, thành tựu về tấn, thành tựu về niệm, thành tựu về định, và thành tựu về tuệ.
Hiện tướng, hơi vào ra
chẳng phải cảnh một tâm,
người không biết ba pháp
tu tập không thành đạt. (1)
Hiện tướng, hơi vào ra
chẳng phải cảnh một tâm,
vị nhận biết ba pháp
tu tập được thành công. (2)
Ba pháp này không phải là đối tượng của một tâm, ba pháp này không phải là không được biết đến, tâm không đi đến tản mạn, sự nỗ lực được nhận biết, và (hành giả) hoàn tất việc thực hành, đạt đến sự chứng ngộ là (có ý nghĩa) thế nào?
Cũng giống như thân cây được đặt nằm ở trên mặt đất bằng, một người đàn ông có thể cắt chính nó bằng cái cưa. Niệm của người đàn ông được thiết lập theo tác động của các răng cưa chạm vào thân cây mà không chú ý ở các răng cưa tiến tới hoặc thụt lùi. Các răng cưa tiến tới hoặc thụt lùi không phải là không được biết đến, sự nỗ lực được nhận biết, và (người ấy) hoàn tất nhiệm vụ. Thân cây được đặt nằm ở trên mặt đất bằng như thế nào, hiện tướng do sự gắn liền (của niệm) là như thế ấy. Các răng cưa là như thế nào, hơi thở vào hơi thở ra là như vậy. Như thế niệm của người đàn ông được thiết lập theo tác động của các răng cưa chạm vào thân cây mà không chú ý ở các răng cưa tiến tới hoặc thụt lùi. Các răng cưa tiến tới hoặc thụt lùi không phải là không được biết đến, sự nỗ lực được nhận biết, và (người ấy) hoàn tất nhiệm vụ. Tương tợ như thế, sau khi thiết lập niệm ở chóp mũi hoặc ở môi trên, vị tỳ khưu đang ngồi, không chú ý ở hơi thở vào ra đến hoặc đi. Hơi thở vào ra đến hoặc đi không phải là không được biết đến, sự nỗ lực được nhận biết, và (hành giả) hoàn tất việc thực hành, đạt đến sự chứng ngộ.
Sự nỗ lực: Sự nỗ lực gì? Thân và tâm của vị khởi sự tinh tấn là thích hợp cho hành động; điều này là sự nỗ lực. Việc thực hành gì? Các tùy phiền não của vị khởi sự tinh tấn được dứt bỏ, các tầm được an tịnh; điều này việc thực hành. Sự chứng ngộ gì? Các sự ràng buộc của vị khởi sự tinh tấn được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt; điều này là sự chứng ngộ.
Ba pháp này không phải là đối tượng của một tâm, ba pháp này không phải là không được biết đến, tâm không đi đến tản mạn, sự nỗ lực được nhận biết, và (hành giả) hoàn tất việc thực hành, đạt đến sự chứng ngộ là (có ý nghĩa) như thế.
Vị niệm hơi vào ra
tròn đủ, khéo tu tập,
tuần tự được tích lũy,
theo như lời Phật dạy,
tỏa sáng thế giới này,
tợ trăng thoát mây che. (3)
Hơi thở vào: là hơi vào không phải hơi ra. Hơi thở ra: là hơi ra không phải hơi vào. Sự thiết lập qua phương tiện hơi thở vào là niệm, sự thiết lập qua phương tiện hơi thở ra là niệm. Niệm được thiết lập đến vị thở vào, niệm được thiết lập đến vị thở ra.
Tròn đủ: được tròn đủ theo ý nghĩa nắm giữ, được tròn đủ theo ý nghĩa phụ trợ, được tròn đủ theo ý nghĩa hoàn bị.
Khéo tu tập: Có bốn sự tu tập: là sự tu tập các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy theo ý nghĩa không vượt trội, là sự tu tập các quyền theo ý nghĩa nhất vị, là sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn nhằm đạt đến Niết Bàn, là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. Đối với vị ấy, bốn ý nghĩa tu tập này là con thuyền đã được tạo lập, là nền tảng đã được tạo lập, đã được thiết lập, đã được tích lũy, đã được khởi sự vô cùng thanh tịnh.
Con thuyền đã được tạo lập:Vị ấy đạt được ưu thế, đạt được sức mạnh, đạt được sự tự tín ở bất cứ nơi đâu vị ấy mong muốn. Đối với vị ấy, các pháp ấy[6]là đã được gắn bó với sự hướng tâm, đã được gắn bó với lòng mong muốn, đã được gắn bó với tác ý, đã được gắn bó với sự sanh lên của tâm, vì thế được nói rằng: “Con thuyền đã được tạo lập.”
Nền tảng đã được tạo lập: Tâm đã được khẳng định chắc chắn ở nền tảng nào thì niệm được thiết lập tốt đẹp ở nền tảng ấy. Hơn nữa, niệm đã được thiết lập tốt đẹp ở nền tảng nào thì tâm được khẳng định chắn chắn ở nền tảng ấy, vì thế được nói rằng: “Nền tảng đã được tạo lập.”
Đã được thiết lập: Tâm hướng đến với điều nào thì niệm xoay vần với điều ấy, hoặc là niệm xoay vần với điều nào thì tâm hướng đến với điều ấy, vì thế được nói rằng: “Đã được thiết lập.”
Đã được tích lũy: Đã được tích lũy theo ý nghĩa nắm giữ, đã được tích lũy theo ý nghĩa phụ trợ, đã được tròn đủ theo ý nghĩa hoàn bị. Trong khi nắm giữ nhờ vào niệm, vị ấy chiến thắng các pháp ác bất thiện; vì thế được nói rằng: “Đã được tích lũy.”
Đã được khởi sự vô cùng thanh tịnh: Đã được khởi sự vô cùng thanh tịnh có bốn: đã được khởi sự vô cùng thanh tịnh theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã sanh lên trong trường hợp ấy, đã được khởi sự vô cùng thanh tịnh theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền, đã được khởi sự vô cùng thanh tịnh theo ý nghĩa khởi động tinh tấn nhằm đạt đến Niết Bàn, tính chất loại trừ các phiền não đối nghịch với điều ấy là ‘đã được khởi sự vô cùng thanh tịnh.’
Vô cùng thanh tịnh: Có sự thanh tịnh, có sự vô cùng thanh tịnh. Sự thanh tịnh là gì? Là các pháp thiện, không sai trái, dự phần vào giác ngộ đã sanh tại nơi ấy; điều này là sự thanh tịnh. Sự vô cùng thanh tịnh gì? Là cảnh của chính các pháp ấy, tức là sự diệt tận Niết Bàn; điều này là sự vô cùng thanh tịnh. Như thế, sự thanh tịnh này và sự vô cùng thanh tịnh này đã được biết, đã được thấy, đã được biết đến, đã được tác chứng, đã được chạm đến bởi tuệ. Tinh tấn đã được khởi sự là không thối giảm, niệm đã được thiết lập là bị không hư hoại, thân đã được an tịnh không bị trạng thái bực bội, tâm đã được định tĩnh có sự chuyên nhất, vì thế được nói rằng: “Vô cùng thanh tịnh.”
Được tuần tự tích lũy: Được tích lũy từ trước đây và được tích lũy thêm về sau này do năng lực của hơi thở vào dài, được tích lũy từ trước đây và được tích lũy thêm về sau này do năng lực của hơi thở ra dài. Được tích lũy từ trước đây và được tích lũy thêm về sau này do năng lực của hơi thở vào ngắn, được tích lũy từ trước đây và được tích lũy thêm về sau này do năng lực của hơi thở ra ngắn. ...(như trên)... Được tích lũy từ trước đây và được tích lũy thêm về sau này do năng lực của hơi thở vào với việc quán xét về từ bỏ, được tích lũy từ trước đây và được tích lũy thêm về sau này do năng lực của hơi thở ra với việc quán xét về từ bỏ. Tất cả niệm hơi thở vào hơi thở ra theo 16 nền tảng không những đã được tích lũy qua lại lẫn nhau mà còn được tích lũy thêm nữa; vì thế được nói rằng: “Được tuần tự tích lũy.”
Theo như: Có mười ý nghĩa của ‘theo như’: ý nghĩa của việc thuần hóa bản thân là ý nghĩa của theo như, ý nghĩa của việc chỉ tịnh bản thân là ý nghĩa của theo như, ý nghĩa của việc làm cho bản thân viên tịch Niết Bàn là ý nghĩa của theo như, ý nghĩa của việc biết rõ là ý nghĩa của theo như, ý nghĩa của việc biết toàn diện là ý nghĩa của theo như, ý nghĩa của việc dứt bỏ là ý nghĩa của theo như, ý nghĩa của việc tu tập là ý nghĩa của theo như, ý nghĩa của việc tác chứng là ý nghĩa của theo như, ý nghĩa của sự lãnh hội chân lý là ý nghĩa của theo như, ý nghĩa của người đã trụ vững trong sự diệt tận là ý nghĩa của theo như.
Phật: Chính vị ấy là đức Thế Tôn, vị chúa tể, vị không có thầy, đã tự mình chứng ngộ các sự thật về các pháp chưa từng được nghe, từ đó đã đạt được quả vị Toàn Giác và bản thể khả năng về các lực.
Phật: Phật theo ý nghĩa gì? ‘Vị đã giác ngộ các chân lý’ là Phật, ‘vị giác ngộ dòng dõi’ là Phật, bởi tính chất biết được tất cả là Phật, bởi tính chất thấy được tất cả là Phật, bởi tính chất không do người khác hướng dẫn là Phật, bởi sự rạng danh (về nhiều đức hạnh) là Phật, bởi đã được công nhận là có các lậu hoặc đã cạn kiệt là Phật, bởi đã được công nhận là thoát khỏi các tùy phiền não là Phật, hoàn toàn lìa khỏi tham ái là Phật, hoàn toàn lìa khỏi sân là Phật, hoàn toàn lìa khỏi si là Phật, hoàn toàn xa lìa phiền não là Phật, vị đã đi đạo lộ nhất thừa là Phật, một mình chứng ngộ quả vị Chánh Đẳng Giác tối thượng là Phật, bản thân đã trừ diệt sự không giác ngộ và thành đạt sự giác ngộ là Phật. Danh hiệu ‘Phật’ không được định đặt bởi mẹ, không được định đặt bởi cha, không được định đặt bởi anh em trai, không được định đặt bởi chị em gái, không được định đặt bởi bạn bè thân hữu, không được định đặt bởi thân quyến cùng huyết thống, không được định đặt bởi các Sa-môn và Bà-la-môn, không được định đặt bởi chư thiên, sự quy định này liên quan đến điểm tận cùng của giải thoát từ sự thành đạt, từ sự tác chứng trí Toàn Giác ở cội cây Bồ Đề của chư Phật Thế Tôn; điều ấy là ‘Phật.’
Đã được giảng dạy: Theo như đã được giảng dạy bởi đức Phật, ý nghĩa của việc thuần hóa bản thân là ý nghĩa của theo như. Theo như đã được giảng dạy bởi đức Phật, ý nghĩa của việc chỉ tịnh bản thân là ý nghĩa của theo như. Theo như đã được giảng dạy bởi đức Phật, ý nghĩa của sự viên tịch Niết Bàn của bản thân là ý nghĩa của theo như. ...(nt)... Theo như đã được giảng dạy bởi đức Phật, ý nghĩa của người đã trụ vững trong sự diệt tận là ý nghĩa của theo như.
Vị ấy: là người tại gia hoặc là vị đã xuất gia.
Thế giới: là thế giới của các uẩn, thế giới của các giới, thế giới của các xứ, thế giới có sự bất hạnh, thế giới đem lại sự bất hạnh, thế giới có sự thuận lợi, thế giới đem lại sự thuận lợi. Một thế giới là tất cả chúng sanh được tồn tại nhờ vật thực. ...(như trên)... Mười tám thế giới là mười tám giới.
Làm tỏa sáng:Do bản thân đã được chứng ngộ về ý nghĩa của việc thuần hóa bản thân là ý nghĩa của theo như; vị ấy làm chói sáng, làm chiếu sáng, làm tỏa sáng[7]thế giới này. Do bản thân đã được chứng ngộ về ý nghĩa của việc chỉ tịnh bản thân là ý nghĩa của theo như; vị ấy làm chói sáng, làm chiếu sáng, làm tỏa sáng thế giới này. Do bản thân đã được chứng ngộ về ý nghĩa của sự viên tịch Niết Bàn của bản thân là ý nghĩa của theo như; vị ấy làm chói sáng, làm chiếu sáng, làm tỏa sáng thế giới này. ... Do bản thân đã được chứng ngộ về ý nghĩa của người đã trụ vững trong sự diệt tận là ý nghĩa của theo như; vị ấy làm chói sáng, làm chiếu sáng, làm tỏa sáng thế giới này.
Tợ trăng thoát mây che: Đám mây che như thế nào, các phiền não là như thế. Mặt trăng như thế nào, trí của các bậc Thánh là như thế. Vị thiên tử có được mặt trăng như thế nào, vị tỳ khưu là như thế. Giống như mặt trăng được thoát ra khỏi đám mây, được thoát ra khỏi sương mù, được thoát ra khỏi bụi khói, được hoàn toàn ra khỏi hiện tượng nguyệt thực thời chiếu sáng, rạng ngời, và rực rỡ, tương tợ y như thế vị tỳ khưu được thoát ra khỏi toàn bộ phiền não thời chiếu sáng, rạng ngời, và rực rỡ; vì thế được nói rằng: “Tợ trăng thoát mây che.” Đây là mười ba trí trong việc thanh lọc.
Phần giải thích về trí trong việc thanh lọc.
32 trí gì về việc thực hành niệm?
Ở đây, vị tỳ khưu đi đến khu rừng, hoặc đi đến gốc cây, hoặc đi đến nơi thanh vắng, ngồi xuống, xếp chân thế kiết già, giữ thân thẳng và thiết lập niệm luôn hiện diện. Có niệm vị ấy thở vào, có niệm vị ấy thở ra. Hoặc trong khi thở vào dài, vị ấy nhận biết: ‘Tôi thở vào dài;’ hoặc trong khi thở ra dài, vị ấy nhận biết: ‘Tôi thở ra dài.’ Hoặc trong khi thở vào ngắn, vị ấy nhận biết: ‘Tôi thở vào ngắn;’ hoặc trong khi thở ra ngắn, vị ấy nhận biết: ‘Tôi thở ra ngắn.’ ‘Cảm giác toàn thân,[8]tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập. ‘Làm cho an tịnh sự tạo tác của toàn thân, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘làm cho an tịnh sự tạo tác của toàn thân, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập. ‘Cảm giác hỷ, ...(như trên)... ‘Cảm giác lạc, ...(như trên)... ‘Cảm giác sự tạo tác của tâm, ...(như trên)... ‘Làm cho an tịnh sự tạo tác của tâm, ...(như trên)... ‘Cảm giác tâm, ...(như trên)... ‘Làm cho tâm được hân hoan, ...(như trên)... ‘Làm cho tâm được định tĩnh, ...(như trên)... ‘Làm cho tâm được giải thoát, ...(như trên)... ‘Quán xét về vô thường, ...(như trên)... ‘Quán xét về ly tham, ...(như trên)... ‘Quán xét về diệt tận, ...(như trên)... ‘Quán xét về từ bỏ, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘quán xét về từ bỏ, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập.
Ở đây: ở quan điểm này, ở sự chấp nhận này, ở khuynh hướng này, ở sự chọn lọc này, ở Pháp này, ở Luật này, ở Pháp và Luật này, ở học thuyết này, ở Phạm hạnh này, ở lời dạy này của bậc Đạo Sư; vì thế được nói rằng: ‘Ở đây.’
Vị tỳ khưu: vị tỳ khưu là phàm nhân hoàn thiện, hoặc là Hữu Học, hoặc là A-la-hán có pháp không thể thay đổi.
Khu rừng: Sau khi đi ra khỏi bên ngoài cọc ranh, toàn bộ khoảng (đất) ấy là khu rừng.
Gốc cây: Ở nơi nào chỗ ngồi của vị tỳ khưu được sắp xếp, là giường, hoặc ghế, hoặc nệm, hoặc tấm đệm ngồi, hoặc mảnh da thú, hoặc thảm cỏ, hoặc thảm lá, hoặc thảm rơm, và vị tỳ khưu đi kinh hành, hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm xuống ở tại nơi ấy.
Thanh vắng: không bị lai vãng bởi bất cứ ai, bởi những người tại gia hoặc bởi các vị xuất gia.
Nơi: là trú xá, nhà một mái, tòa nhà dài, khu nhà lớn, hang động.
Ngồi xuống, xếp chân thế kiết già: là vị đã ngồi xuống, đã xếp chân thế kiết già.
Giữ thân thẳng: Thân được duy trì được bố trí ngay thẳng.
Thiết lập niệm luôn hiện diện: ‘Luôn’ theo ý nghĩa nắm giữ, ‘Hiện diện’ theo ý nghĩa dẫn xuất, ‘Niệm’ theo ý nghĩa thiết lập; vì thế được nói rằng: “Thiết lập niệm luôn hiện diện.”
Có niệm vị ấy thở vào, có niệm vị ấy thở ra: là người thực hành có niệm theo 32 phương thức: Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào dài, niệm được thiết lập; với niệm ấy với trí ấy là người thực hành có niệm. Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở ra dài, niệm được thiết lập; với niệm ấy với trí ấy là người thực hành có niệm. Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào ngắn, niệm được thiết lập; với niệm ấy với trí ấy là người thực hành có niệm. ...(như trên)... Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm có sự quán xét về từ bỏ nhờ tác động của hơi thở vào, ...(như trên)... có sự quán xét về từ bỏ nhờ tác động của hơi thở ra, niệm được thiết lập; với niệm ấy với trí ấy là người thực hành có niệm.
Trong khi thở vào dài, vị ấy nhận biết: ‘Tôi thở vào dài;’ hoặc trong khi thở ra dài, vị ấy nhận biết: ‘Tôi thở ra dài’ là (có ý nghĩa) thế nào? Vị ấy thở vào hơi thở vào dài trong thời gian được công nhận là lâu, vị ấy thở ra hơi thở ra dài trong thời gian được công nhận là lâu, vị ấy thở vào cũng như thở ra hơi thở vào hơi thở ra dài trong thời gian được công nhận là lâu, đối với vị đang thở vào cũng như đang thở ra hơi thở vào hơi thở ra dài trong thời gian được công nhận là lâu, có ước muốn sanh lên.
Do tác động của ước muốn, vị ấy thở vào hơi thở vào dài vi tế hơn trước trong thời gian được công nhận là lâu; do tác động của ước muốn, vị ấy thở ra hơi thở ra dài vi tế hơn trước trong thời gian được công nhận là lâu; do tác động của ước muốn, vị ấy thở vào cũng như thở ra hơi thở vào hơi thở ra dài vi tế hơn trước trong thời gian được công nhận là lâu; do tác động của ước muốn, đối với vị đang thở vào cũng như đang thở ra hơi thở vào hơi thở ra dài vi tế hơn trước trong thời gian được công nhận là lâu, có hân hoan sanh lên.
Do tác động của hân hoan, vị ấy thở vào hơi thở vào dài vi tế hơn trước trong thời gian được công nhận là lâu; do tác động của hân hoan, vị ấy thở ra hơi thở ra dài vi tế hơn trước trong thời gian được công nhận là lâu; do tác động của hân hoan, vị ấy thở vào cũng như thở ra hơi thở vào hơi thở ra dài vi tế hơn trước trong thời gian được công nhận là lâu; do tác động của hân hoan, đối với vị đang thở vào cũng như đang thở ra hơi thở vào hơi thở ra dài vi tế hơn trước trong thời gian được công nhận là lâu, tâm ly khai hơi thở vào hơi thở ra dài và trạng thái xả được thành lập.
Theo chín phương thức này, hơi thở vào hơi thở ra dài là thân, sự thiết lập là niệm, sự quán xét là trí, thân là sự thiết lập không phải là niệm, niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm; với niệm ấy với trí ấy, vị ấy quán xét thân ấy; vì thế được nói rằng: “Việc tu tập sự thiết lập niệm về quán xét thân trên thân.”
Quán xét: Quán xét thân ấy là (có ý nghĩa) thế nào? Quán xét về vô thường, không phải về thường; quán xét về khổ não, không phải về lạc; quán xét về vô ngã, không phải về ngã; nhàm chán, không vui thích; ly tham ái, không tham ái; làm cho diệt tận, không làm cho sanh khởi; từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi quán xét về vô thường, (vị ấy) dứt bỏ thường tưởng; trong khi quán xét về khổ não, (vị ấy) dứt bỏ lạc tưởng; trong khi quán xét về vô ngã, (vị ấy) dứt bỏ ngã tưởng; trong khi nhàm chán, (vị ấy) dứt bỏ sự vui thích; trong khi ly tham ái, (vị ấy) dứt bỏ tham ái; trong khi làm cho diệt tận, (vị ấy) dứt bỏ sự sanh khởi; trong khi từ bỏ, (vị ấy) dứt bỏ sự nắm giữ; quán xét thân ấy là (có ý nghĩa) như thế.
Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: là sự tu tập các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy theo ý nghĩa không vượt trội, là sự tu tập các quyền theo ý nghĩa nhất vị, là sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn nhằm đạt đến Niết Bàn, là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra dài, các thọ sanh lên được biết đến, (các thọ) thiết lập được biết đến, (các thọ) đi đến biến hoại được biết đến, các tưởng sanh lên được biết đến, (các tưởng) thiết lập được biết đến, (các tưởng) đi đến biến hoại được biết đến, các tầm sanh lên được biết đến, (các tầm) thiết lập được biết đến, (các tầm) đi đến biến hoại được biết đến.
Các thọ sanh lên được biết đến, thiết lập được biết đến, đi đến biến hoại được biết đến là (có ý nghĩa) thế nào? Sự sanh lên của thọ được biết đến là (có ý nghĩa) thế nào? Sự sanh lên của thọ được biết đến theo ý nghĩa sanh khởi do duyên: ‘Do sự sanh khởi của vô minh, có sự sanh khởi của thọ.’ Sự sanh lên của thọ được biết đến theo ý nghĩa sanh khởi do duyên: ‘Do sự sanh khởi của ái, có sự sanh khởi của thọ,’ ...(như trên)... ‘Do sự sanh khởi của nghiệp, có sự sanh khởi của thọ,’ ...(như trên)... ‘Do sự sanh khởi của xúc, có sự sanh khởi của thọ;’ đối với vị nhìn thấy tướng trạng của sự tái tạo, sự sanh lên của thọ được biết đến. Sự sanh lên của thọ được biết đến là (có ý nghĩa) như thế.
Sự thiết lập của thọ được biết đến là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang tác ý về vô thường, sự thiết lập của đoạn tận được biết đến; đối với vị đang tác ý về khổ não, sự thiết lập của kinh hãi được biết đến; đối với vị đang tác ý về vô ngã, sự thiết lập của không tánh được biết đến. Sự thiết lập của thọ được biết đến là (có ý nghĩa) như thế.
Sự biến mất của thọ được biết đến là (có ý nghĩa) thế nào? Sự biến mất của thọ được biết đến theo ý nghĩa diệt tận do duyên: ‘Do sự diệt tận của vô minh, có sự diệt tận của thọ.’ Sự biến mất của thọ được biết đến theo ý nghĩa diệt tận do duyên: ‘Do sự diệt tận của ái, có sự diệt tận của thọ,’ ...(như trên)... ‘Do sự diệt tận của nghiệp, có sự diệt tận của thọ,’ ...(như trên)... ‘Do sự diệt tận của xúc, có sự diệt tận của thọ;’ đối với vị nhìn thấy tướng trạng của sự chuyển biến, sự biến mất của thọ được biết đến. Sự biến mất của thọ được biết đến là (có ý nghĩa) như thế.
Các thọ sanh lên được biết đến, thiết lập được biết đến, đi đến biến hoại được biết đến là (có ý nghĩa) như thế.
Các tưởng sanh lên được biết đến, thiết lập được biết đến, đi đến biến hoại được biết đến là (có ý nghĩa) thế nào? Sự sanh lên của tưởng được biết đến là (có ý nghĩa) thế nào? Sự sanh lên của tưởng được biết đến theo ý nghĩa sanh khởi do duyên: ‘Do sự sanh khởi của vô minh, có sự sanh khởi của tưởng.’ Sự sanh lên của tưởng được biết đến theo ý nghĩa sanh khởi do duyên: ‘Do sự sanh khởi của ái, có sự sanh khởi của tưởng,’ ...(như trên)... ‘Do sự sanh khởi của nghiệp, có sự sanh khởi của tưởng,’ ...(như trên)... ‘Do sự sanh khởi của xúc, có sự sanh khởi của tưởng;’ đối với vị nhìn thấy tướng trạng của sự tái tạo, sự sanh lên của tưởng được biết đến. Sự sanh lên của tưởng được biết đến là (có ý nghĩa) như thế.
Sự thiết lập của tưởng được biết đến là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang tác ý về vô thường, sự thiết lập của đoạn tận được biết đến; đối với vị đang tác ý về khổ não, sự thiết lập của kinh hãi được biết đến; đối với vị đang tác ý về vô ngã, sự thiết lập của không tánh được biết đến. Sự thiết lập của tưởng được biết đến là (có ý nghĩa) như thế.
Sự biến mất của tưởng được biết đến là (có ý nghĩa) thế nào? Sự biến mất của tưởng được biết đến theo ý nghĩa diệt tận do duyên: ‘Do sự diệt tận của vô minh, có sự diệt tận của tưởng.’ Sự biến mất của tưởng được biết đến theo ý nghĩa diệt tận do duyên: ‘Do sự diệt tận của ái, có sự diệt tận của tưởng,’ ...(như trên)... ‘Do sự diệt tận của nghiệp, có sự diệt tận của tưởng,’ ...(như trên)... ‘Do sự diệt tận của xúc, có sự diệt tận của tưởng;’ đối với vị nhìn thấy tướng trạng của sự chuyển biến, sự biến mất của tưởng được biết đến. Sự biến mất của tưởng được biết đến là (có ý nghĩa) như thế.
Các tưởng sanh lên được biết đến, thiết lập được biết đến, đi đến biến hoại được biết đến là (có ý nghĩa) như thế.
Các tầm sanh lên được biết đến, thiết lập được biết đến, đi đến biến hoại được biết đến là (có ý nghĩa) thế nào? Sự sanh lên của các tầm được biết đến là (có ý nghĩa) thế nào? Sự sanh lên của các tầm được biết đến theo ý nghĩa sanh khởi do duyên: ‘Do sự sanh khởi của vô minh, có sự sanh khởi của tầm.’ Sự sanh lên của các tầm được biết đến theo ý nghĩa sanh khởi do duyên: ‘Do sự sanh khởi của ái, có sự sanh khởi của tầm,’ ...(như trên)... ‘Do sự sanh khởi của nghiệp, có sự sanh khởi của tầm,’ ...(như trên)... ‘Do sự sanh khởi của tưởng, có sự sanh khởi của tầm;’ đối với vị nhìn thấy tướng trạng của sự tái tạo, sự sanh lên của các tầm được biết đến. Sự sanh lên của các tầm được biết đến là (có ý nghĩa) như thế.
Sự thiết lập của các tầm được biết đến là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang tác ý về vô thường, sự thiết lập của đoạn tận được biết đến; đối với vị đang tác ý về khổ não, sự thiết lập của kinh hãi được biết đến; đối với vị đang tác ý về vô ngã, sự thiết lập của không tánh được biết đến. Sự thiết lập của các tầm được biết đến là (có ý nghĩa) như thế.
Sự biến mất của các tầm được biết đến là (có ý nghĩa) thế nào? Sự biến mất của các tầm được biết đến theo ý nghĩa diệt tận do duyên: ‘Do sự diệt tận của vô minh, có sự diệt tận của tầm.’ Sự biến mất của các tầm được biết đến theo ý nghĩa diệt tận do duyên: ‘Do sự diệt tận của ái, có sự diệt tận của tầm,’ ...(nt)... ‘Do sự diệt tận của nghiệp, có sự diệt tận của tầm,’ ...(nt)... ‘Do sự diệt tận của xúc, có sự diệt tận của tầm;’ đối với vị nhìn thấy tướng trạng của sự chuyển biến, sự biến mất của các tầm được biết đến. Sự biến mất của các tầm được biết đến là (có ý nghĩa) như thế.
Các tầm sanh lên được biết đến, thiết lập được biết đến, đi đến biến hoại được biết đến là (có ý nghĩa) như thế.
Trong khi nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra dài, (vị ấy) liên kết các quyền, nhận biết hành xứ, và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh. ...(nt)... (vị ấy) liên kết các lực, ...(nt)... các giác chi ...(nt)... Đạo ...(nt)... các pháp, nhận biết hành xứ, và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.
Liên kết các quyền: Liên kết các quyền là (có ý nghĩa) thế nào? Liên kết tín quyền theo ý nghĩa cương quyết, liên kết tấn quyền theo ý nghĩa ra sức, liên kết niệm quyền theo ý nghĩa thiết lập, liên kết định quyền theo ý nghĩa không tản mạn, liên kết tuệ quyền theo ý nghĩa nhận thức; vì thế được nói rằng: “Liên kết các quyền.”
Nhận biết hành xứ: Điều nào là đối tượng của vị ấy, điều ấy là hành xứ của vị ấy; điều nào là hành xứ của vị ấy, điều ấy là đối tượng của vị ấy. Nhận biết: là người (nhận biết); sự nhận biết là tuệ.
Thanh tịnh: Sự thiết lập đối tượng là thanh tịnh, sự không tản mạn của tâm là thanh tịnh, sự khẳng định của tâm là thanh tịnh, sự thanh lọc của tâm là thanh tịnh. Ý nghĩa: Ý nghĩa không sai trái, ý nghĩa xa lìa phiền não, ý nghĩa thanh lọc, ý nghĩa tối thắng.
Thấu triệt: thấu triệt ý nghĩa thiết lập đối tượng, thấu triệt ý nghĩa không tản mạn của tâm, thấu triệt ý nghĩa khẳng định của tâm, thấu triệt ý nghĩa thanh lọc của tâm; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.”
Liên kết các lực: Liên kết các lực là (có ý nghĩa) thế nào? Liên kết tín lực theo ý nghĩa không dao động ở sự không có đức tin, liên kết tấn lực theo ý nghĩa không dao động ở sự biếng nhác, liên kết niệm lực theo ý nghĩa không dao động ở sự buông lung, liên kết định lực theo ý nghĩa không dao động ở sự phóng dật, liên kết tuệ lực theo ý nghĩa không dao động ở sự không sáng suốt. Người này liên kết các lực này trong đối tượng này; vì thế được nói rằng: “Liên kết các lực.” Nhận biết hành xứ: ...(như trên)...; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.”
Liên kết các giác chi: Liên kết các giác chi là (có ý nghĩa) thế nào? Liên kết niệm giác chi theo ý nghĩa thiết lập, liên kết trạch pháp giác chi theo ý nghĩa suy xét, liên kết cần giác chi theo ý nghĩa ra sức, liên kết hỷ giác chi theo ý nghĩa lan tỏa, liên kết tịnh giác chi theo ý nghĩa an tịnh, liên kết định giác chi theo ý nghĩa không tản mạn, liên kết xả giác chi theo ý nghĩa phân biệt rõ. Người này liên kết các giác chi này trong đối tượng này; vì thế được nói rằng: “Liên kết các giác chi.” Nhận biết hành xứ: ...(như trên)...; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.”
Liên kết Đạo: Liên kết Đạo là (có ý nghĩa) thế nào? Liên kết chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức, liên kết chánh tư duy theo ý nghĩa gắn chặt (tâm vào cảnh), liên kết chánh ngữ theo ý nghĩa gìn giữ, liên kết chánh nghiệp theo ý nghĩa nguồn sanh khởi, liên kết chánh mạng theo ý nghĩa trong sạch, liên kết chánh tinh tấn theo ý nghĩa ra sức, liên kết chánh niệm theo ý nghĩa thiết lập, liên kết chánh định theo ý nghĩa không tản mạn; người này liên kết Đạo này trong đối tượng này; vì thế được nói rằng: “Liên kết Đạo.” Nhận biết hành xứ: ...(như trên)...; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.”
Liên kết các pháp: Liên kết các pháp là (có ý nghĩa) thế nào? Liên kết các quyền theo ý nghĩa pháp chủ đạo, liên kết các lực theo ý nghĩa không dao động, liên kết các giác chi theo ý nghĩa dẫn xuất (ra khỏi luân hồi), liên kết Đạo theo ý nghĩa chủng tử, liên kết sự thiết lập niệm theo ý nghĩa thiết lập, liên kết chánh cần theo ý nghĩa nỗ lực, liên kết nền tảng của thần thông theo ý nghĩa thành tựu, liên kết chân lý theo ý nghĩa của thực thể, liên kết chỉ tịnh theo ý nghĩa không tản mạn, liên kết minh sát theo ý nghĩa quán xét, liên kết chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa nhất vị, liên kết sự kết hợp chung theo ý nghĩa không vượt trội, liên kết giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc, liên kết tâm thanh tịnh theo ý nghĩa không tản mạn, liên kết kiến thanh tịnh theo ý nghĩa nhận thức, liên kết sự phóng thích theo ý nghĩa được giải thoát, liên kết minh theo ý nghĩa thấu triệt, liên kết sự giải thoát theo ý nghĩa buông bỏ, liên kết trí về sự đoạn tận theo ý nghĩa đoạn trừ, liên kết trí về vô sanh theo ý nghĩa tỉnh lặng, liên kết ước muốn theo ý nghĩa nguồn cội, liên kết tác ý theo ý nghĩa nguồn sanh khởi, liên kết xúc theo ý nghĩa liên kết, liên kết thọ theo ý nghĩa hội tụ, liên kết định theo ý nghĩa dẫn đầu, liên kết niệm theo ý nghĩa pháp chủ đạo, liên kết tuệ theo ý nghĩa cao thượng trong các pháp thiện, liên kết sự giải thoát theo ý nghĩa cốt lỏi, liên kết Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc; người này liên kết các pháp này trong đối tượng này; vì thế được nói rằng: “Liên kết các pháp.”
Nhận biết hành xứ: Điều gì là đối tượng của vị ấy, điều ấy là hành xứ của vị ấy; điều gì là hành xứ của vị ấy, điều ấy là đối tượng của vị ấy. Nhận biết: là người (nhận biết); sự nhận biết là tuệ.
Thanh tịnh: Sự thiết lập đối tượng là thanh tịnh, sự không tản mạn của tâm là thanh tịnh, sự khẳng định của tâm là thanh tịnh, sự thanh lọc của tâm là thanh tịnh. Ý nghĩa: Ý nghĩa không sai trái, ý nghĩa xa lìa phiền não, ý nghĩa thanh lọc, ý nghĩa tối thắng. Thấu triệt: thấu triệt ý nghĩa thiết lập đối tượng, thấu triệt ý nghĩa không tản mạn của tâm, thấu triệt ý nghĩa khẳng định của tâm, thấu triệt ý nghĩa thanh lọc của tâm; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.” (1)
Trong khi thở vào ngắn, vị ấy nhận biết: ‘Tôi thở vào ngắn;’ trong khi thở ra ngắn, vị ấy nhận biết: ‘Tôi thở ra ngắn’ là (có ý nghĩa) thế nào?
Vị ấy thở vào hơi thở vào ngắn trong thời gian được công nhận là ngắn ngủi. Vị ấy thở ra hơi thở ra ngắn trong thời gian được công nhận là ngắn ngủi. Vị ấy thở vào cũng như thở ra hơi thở vào hơi thở ra ngắn trong thời gian được công nhận là ngắn ngủi. Đối với vị đang thở vào cũng như đang thở ra hơi thở vào hơi thở ra ngắn trong thời gian được công nhận là ngắn ngủi, có ước muốn sanh lên.
Do tác động của ước muốn, vị ấy thở vào hơi thở vào ngắn vi tế hơn trước trong thời gian được công nhận là ngắn ngủi; do tác động của ước muốn, vị ấy thở ra hơi thở ra ngắn vi tế hơn trước trong thời gian được công nhận là ngắn ngủi; do tác động của ước muốn, vị ấy thở vào cũng như thở ra hơi thở vào hơi thở ra ngắn vi tế hơn trước trong thời gian được công nhận là ngắn ngủi; do tác động của ước muốn, đối với vị đang thở vào cũng như đang thở ra hơi thở vào hơi thở ra ngắn vi tế hơn trước trong thời gian được công nhận là ngắn ngủi, có hân hoan sanh lên.
Do tác động của hân hoan, vị ấy thở vào hơi thở vào ngắn vi tế hơn trước trong thời gian được công nhận là ngắn ngủi; do tác động của hân hoan, vị ấy thở ra hơi thở ra ngắn vi tế hơn trước trong thời gian được công nhận là ngắn ngủi; do tác động của hân hoan, vị ấy thở vào cũng như thở ra hơi thở vào hơi thở ra ngắn vi tế hơn trước trong thời gian được công nhận là ngắn ngủi; do tác động của hân hoan, đối với vị đang thở vào cũng như đang thở ra hơi thở vào hơi thở ra ngắn vi tế hơn trước trong thời gian được công nhận là ngắn ngủi, tâm ly khai hơi thở vào hơi thở ra ngắn, có trạng thái xả được thành lập.
Theo chín phương thức này, hơi thở vào hơi thở ra ngắn là thân, sự thiết lập là niệm, sự quán xét là trí, thân là sự thiết lập không phải là niệm, niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm; với niệm ấy với trí ấy, vị ấy quán xét thân ấy; vì thế được nói rằng: “Việc tu tập sự thiết lập niệm về quán xét thân trên thân.”
Quán xét: Quán xét thân ấy là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... quán xét thân ấy là (có ý nghĩa) như thế. Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra ngắn, các thọ sanh lên được biết đến, ...(như trên)... Trong khi nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra ngắn, (vị ấy) liên kết các quyền, ...(như trên)...; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.” (2)
‘Cảm giác toàn thân tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘cảm giác toàn thân tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập là (có ý nghĩa) thế nào?
Thân:Có hai loại thân: thân của danh và thân của sắc. Thân của danh là gì? Thọ, tưởng, tư, xúc, tác ý, danh và thân của danh, và những gì được gọi là các sự tạo tác của tâm; đây là thân của danh. Thân của sắc là gì? Tứ đại[9]và sắc nương vào tứ đại, hơi thở vào hơi thở ra và hiện tướng do sự gắn liền (của niệm), và những gì được gọi là các sự tạo tác của thân; đây là thân của sắc.
Các thân ấy được cảm nhận là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào dài, niệm được thiết lập; với niệm ấy với trí ấy, các thân ấy được cảm nhận. Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở ra dài, niệm được thiết lập; với niệm ấy với trí ấy, các thân ấy được cảm nhận. Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào ngắn, niệm được thiết lập; với niệm ấy với trí ấy, các thân ấy được cảm nhận. Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở ra ngắn, niệm được thiết lập; với niệm ấy với trí ấy, các thân ấy được cảm nhận.
Đối với vị đang hướng tâm, các thân ấy được cảm nhận; đối với vị đang nhận biết, các thân ấy được cảm nhận; đối với vị đang nhận thức, các thân ấy được cảm nhận; đối với vị đang quán xét lại, các thân ấy được cảm nhận; đối với vị đang khẳng định tâm, các thân ấy được cảm nhận; đối với vị đang có khuynh hướng về đức tin, các thân ấy được cảm nhận; đối với vị đang nắm giữ tinh tấn, các thân ấy được cảm nhận; đối với vị đang thiết lập niệm, các thân ấy được cảm nhận; đối với vị đang tập trung tâm, các thân ấy được cảm nhận; đối với vị đang nhận biết bằng tuệ, các thân ấy được cảm nhận; đối với vị đang biết rõ các pháp cần được biết rõ, các thân ấy được cảm nhận; đối với vị đang biết toàn diện các pháp cần được biết toàn diện, các thân ấy được cảm nhận; đối với vị đang dứt bỏ các pháp cần được dứt bỏ, các thân ấy được cảm nhận; đối với vị đang tu tập các pháp cần được tu tập, các thân ấy được cảm nhận; đối với vị đang tác chứng các pháp cần được tác chứng, các thân ấy được cảm nhận; các thân ấy được cảm nhận là như vậy.
Cảm giác toàn thân, hơi thở vào hơi thở ra là thân, sự thiết lập là niệm, sự quán xét là trí, thân là sự thiết lập không phải là niệm, niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm; với niệm ấy với trí ấy, vị ấy quán xét thân ấy; vì thế được nói rằng: “Việc tu tập sự thiết lập niệm về quán xét thân trên thân.”
Quán xét: Quán xét thân ấy là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... Quán xét thân ấy là (có ý nghĩa) như thế. Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. Cảm giác toàn thân đối với hơi thở vào hơi thở ra là giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc, là tâm thanh tịnh theo ý nghĩa không tản mạn, là kiến thanh tịnh theo ý nghĩa nhận thức. Trong trường hợp ấy ý nghĩa thu thúc là sự học tập về thắng giới, trong trường hợp ấy ý nghĩa không tản mạn là sự học tập về thắng tâm, trong trường hợp ấy ý nghĩa nhận thức là sự học tập về thắng tuệ. Trong khi hướng tâm đến ba sự học tập này vị ấy tập, trong khi nhận biết vị ấy tập, trong khi nhận thức vị ấy tập, trong khi quán xét lại vị ấy tập, trong khi khẳng định tâm vị ấy tập, trong khi có khuynh hướng về đức tin vị ấy tập, trong khi nắm giữ tinh tấn vị ấy tập, trong khi thiết lập niệm vị ấy tập, trong khi tập trung tâm vị ấy tập, trong khi nhận biết bằng tuệ vị ấy tập, trong khi biết rõ các pháp cần được biết rõ vị ấy tập, trong khi biết toàn diện các pháp cần được biết toàn diện vị ấy tập, trong khi dứt bỏ các pháp cần được dứt bỏ vị ấy tập, trong khi tu tập các pháp cần được tu tập vị ấy tập, trong khi tác chứng các pháp cần được tác chứng vị ấy tập.
Cảm giác toàn thân, đối với vị nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, các thọ sanh lên được biết đến, ...(như trên)... Cảm giác toàn thân, trong khi nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, (vị ấy) liên kết các quyền, ...(như trên)...; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.” (3)
‘Làm cho an tịnh sự tạo tác của thân, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘làm cho an tịnh sự tạo tác của thân, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập, là (có ý nghĩa) thế nào? Sự tạo tác của thân là (có ý nghĩa) thế nào?
Các hơi thở vào dài là thuộc về thân, các pháp này được gắn bó với thân, là các sự tạo tác của thân; trong khi làm cho an tịnh, làm cho diệt tận, làm cho bình lặng các sự tạo tác của thân ấy, vị ấy tập. Các hơi thở ra dài là thuộc về thân, các pháp này được gắn bó với thân, là các sự tạo tác của thân; trong khi làm cho an tịnh, làm cho diệt tận, làm cho bình lặng các sự tạo tác của thân ấy, vị ấy tập. Các hơi thở vào ngắn ...(như trên)... Các hơi thở vào dài ...(như trên)... Cảm giác toàn thân, các hơi thở vào là thuộc về thân ... Cảm giác toàn thân, các hơi thở ra là thuộc về thân ...(như trên)... các pháp này được gắn bó với thân, là các sự tạo tác của thân; trong khi làm cho an tịnh, làm cho diệt tận, làm cho bình lặng các sự tạo tác của thân ấy, vị ấy tập.
Với các sự tạo tác của thân có hình thức như là sự ngã lui, sự nghiêng hai bên, sự nghiêng ngã, sự ngã tới, sự loạn động, sự rúng động, sự chao động, sự chuyển động của thân, vị ấy tập như vầy: ‘Làm cho an tịnh sự tạo tác của thân, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập như vầy: ‘Làm cho an tịnh sự tạo tác của thân, tôi sẽ thở ra.’ Với các sự tạo tác của thân có hình thức như là không có sự ngã lui, không có sự nghiêng hai bên, không có sự nghiêng ngã, không có sự ngã tới, sự không loạn động, sự không rúng động, sự không chao động, sự không chuyển động, sự an tịnh, sự nhu thuận của thân, vị ấy tập như vầy: ‘Làm cho an tịnh sự tạo tác của thân, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập như vầy: ‘Làm cho an tịnh sự tạo tác của thân, tôi sẽ thở ra.’ Như vậy là nói rằng: ‘Làm cho an tịnh sự tạo tác của thân, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘Làm cho an tịnh sự tạo tác của thân, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập. Khi an tịnh như thế, không có sự tạo ra việc nhận biết làn hơi gió, không có sự tạo ra hơi thở vào hơi thở ra, không có sự tạo ra niệm về hơi thở vào hơi thở ra, không có sự tạo ra định của hơi thở vào hơi thở ra, và các bậc trí cũng không nhập vào và cũng không xuất ra khỏi chính sự chứng đạt ấy. Như vậy là nói rằng: ‘Làm cho an tịnh sự tạo tác của thân, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘Làm cho an tịnh sự tạo tác của thân, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập. Khi an tịnh như vậy, có sự tạo ra việc tiếp cận làn hơi gió, có sự tạo ra hơi thở vào hơi thở ra, có sự tạo ra niệm về hơi thở vào hơi thở ra, có sự tạo ra định của hơi thở vào hơi thở ra, và các bậc trí cũng thể nhập vào và cũng xuất ra khỏi chính sự chứng đạt ấy.
Như thế là (có ý nghĩa) thế nào? Cũng giống như khi tiếng cồng được đánh lên, trước tiên có các âm thanh thô tháo vận hành; hiện tướng của các âm thanh thô tháo là có tình trạng được thâu nhận rõ ràng, có tình trạng được đặc biệt lưu ý, có tình trạng được lưu lại rõ rệt. Khi âm thanh thô tháo chấm dứt, tiếp theo đó có các âm thanh êm dịu vận hành; hiện tướng của các âm thanh êm dịu có tình trạng được thâu nhận rõ ràng, có tình trạng được đặc biệt lưu ý, có tình trạng được lưu lại rõ rệt. Khi âm thanh êm dịu chấm dứt, tiếp theo đó có tâm vận hành do có hiện tướng của âm thanh êm dịu là đối tượng. Tương tợ như thế, trước tiên có các hơi thở vào hơi thở ra thô tháo vận hành; hiện tướng của các hơi thở vào hơi thở ra thô tháo là có tình trạng được thâu nhận rõ ràng, có tình trạng được đặc biệt lưu ý, có tình trạng được lưu lại rõ rệt. Khi các hơi thở vào hơi thở ra thô tháo chấm dứt, tiếp theo đó có các hơi thở vào hơi thở ra êm dịu vận hành; hiện tướng của các hơi thở vào hơi thở ra êm dịu là có tình trạng được thâu nhận rõ ràng, có tình trạng được đặc biệt lưu ý, có tình trạng được lưu lại rõ rệt. Khi các hơi thở vào hơi thở ra êm dịu chấm dứt, tiếp theo đó tâm không đi đến tản mạn do có hiện tướng hơi thở vào hơi thở ra êm dịu là đối tượng.
Khi an tịnh như vậy, có sự tạo ra việc tiếp cận làn hơi gió, có sự tạo ra hơi thở vào hơi thở ra, có sự tạo thành niệm về hơi thở vào hơi thở ra, có sự tạo ra định của hơi thở vào hơi thở ra, và các bậc trí cũng thể nhập vào và cũng xuất ra khỏi chính sự chứng đạt ấy.
Làm cho an tịnh sự tạo tác của thân, các hơi thở vào hơi thở ra là thân, sự thiết lập là niệm, sự quán xét là trí, thân là sự thiết lập không phải là niệm, niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm; với niệm ấy với trí ấy, vị ấy quán xét thân ấy; vì thế được nói rằng: “Việc tu tập sự thiết lập niệm về quán xét thân trên thân.”
Quán xét: Quán xét thân ấy là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... Quán xét thân ấy là (có ý nghĩa) như thế. Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. Làm cho an tịnh sự tạo tác của thân đối với hơi thở vào hơi thở ra là giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc, là kiến thanh tịnh theo ý nghĩa nhận thức. Trong trường hợp ấy ý nghĩa thu thúc là sự học tập về thắng giới, trong trường hợp ấy ý nghĩa không tản mạn là sự học tập về thắng tâm, trong trường hợp ấy ý nghĩa nhận thức là sự học tập về thắng tuệ. Trong khi hướng tâm đến ba sự học tập này vị ấy tập, ...(như trên)...; trong khi tác chứng các pháp cần được tác chứng vị ấy tập.
Làm cho an tịnh sự tạo tác của thân, đối với vị nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, thọ sanh lên được biết đến, ...(như trên)... Làm cho an tịnh sự tạo tác của thân, trong khi nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra (vị ấy) liên kết các quyền, ...(như trên)...; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.” (4)
Tám trí về quán xét, tám tùy niệm về sự thiết lập, và bốn nền tảng thuộc Kinh về việc quán xét thân trên thân.
Nhóm bốn thứ nhất.
‘Cảm giác hỷ, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘cảm giác hỷ, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập là (có ý nghĩa) thế nào?
Hỷ là gì? Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào dài, hỷ và hân hoan sanh lên. Hỷ là sự hân hoan, là sự hoan hỷ, là sự thích thú, là sự vui mừng, là sự mừng rỡ, là sự phấn khởi, là sự thỏa thích của tâm. Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở ra dài, ...(như trên)... nhờ tác động của hơi thở vào ngắn, ...(như trên)... nhờ tác động của hơi thở ra ngắn, ...(như trên)... Cảm giác toàn thân nhờ tác động của hơi thở vào ...(nt)... Cảm giác toàn thân nhờ tác động của hơi thở ra ...(nt)... Làm cho an tịnh sự tạo tác của thân nhờ tác động của hơi thở vào ...(như trên)... Cảm giác toàn thân nhờ tác động của hơi thở ra, hỷ và hân hoan sanh lên. Hỷ là sự hân hoan, là sự hoan hỷ, là sự thích thú, là sự vui mừng, là sự mừng rỡ, là sự phấn khởi, là sự thỏa thích của tâm, điều này là hỷ.
Hỷ ấy được cảm nhận thế nào? Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào dài, niệm được thiết lập; với niệm ấy với trí ấy, hỷ ấy được cảm nhận. Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở ra dài ...(như trên)... nhờ tác động của hơi thở vào ngắn ...(nt)... nhờ tác động của hơi thở ra ngắn ...(nt)... Cảm giác toàn thân nhờ tác động của hơi thở vào ...(nt)... Cảm giác toàn thân nhờ tác động của hơi thở ra ...(nt)... Làm cho an tịnh sự tạo tác của thân nhờ tác động của hơi thở vào ...(nt)... Cảm giác toàn thân nhờ tác động của hơi thở ra, niệm được thiết lập; với niệm ấy với trí ấy, hỷ ấy được cảm nhận. Đối với vị đang hướng tâm, hỷ ấy được cảm nhận; đối với vị đang nhận biết ...(nt)... đối với vị đang nhận thức ...(nt)... đối với vị đang quán xét lại ...(nt)... đối với vị đang khẳng định tâm ...(nt)... đối với vị đang có khuynh hướng về đức tin ...(nt)... đối với vị đang nắm giữ tinh tấn ...(nt)... đối với vị đang thiết lập niệm ...(nt)... đối với vị đang tập trung tâm ...(nt)... đối với vị đang nhận biết bằng tuệ ...(nt)... đối với vị đang biết rõ các pháp cần được biết rõ ...(nt)... đối với vị đang biết toàn diện các pháp cần được biết toàn diện ...(nt)... đối với vị đang dứt bỏ các pháp cần được dứt bỏ ...(nt)... đối với vị đang tu tập các pháp cần được tu tập ...(như trên)... đối với vị đang tác chứng các pháp cần được tác chứng, hỷ ấy được cảm nhận. Hỷ ấy được cảm nhận là như vậy.
Cảm giác hỷ nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra là thọ, sự thiết lập là niệm, sự quán xét là trí, thọ là sự thiết lập không phải là niệm, niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm; với niệm ấy với trí ấy, vị ấy quán xét thọ ấy; vì thế được nói rằng: “Việc tu tập sự thiết lập niệm về quán xét thọ trên các thọ.”
Quán xét: Quán xét thọ ấy là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... quán xét thọ ấy là (có ý nghĩa) như thế. Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Cảm giác hỷ đối với hơi thở vào hơi thở ra là giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc, ...(như trên)... Cảm giác hỷ, đối với vị nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, ...(nt)... trong khi nhận biết (vị ấy) liên kết các quyền; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.” (1)
‘Cảm giác lạc, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘cảm giác lạc, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập là (có ý nghĩa) thế nào?
Lạc: Có hai loại lạc: lạc thuộc thân và lạc thuộc tâm. Lạc gì thuộc thân? Điều gì thoải mái thuộc thân là lạc thuộc thân, sự thoải mái sanh ra từ xúc chạm của thân là lạc được cảm thọ, do sự thoải mái sanh ra từ xúc chạm của thân là lạc thọ; điều này là lạc thuộc thân. Lạc gì thuộc tâm? Điều gì thoải mái thuộc tâm là lạc thuộc tâm, sự thoải mái sanh ra từ xúc chạm của ý là lạc được cảm thọ, do sự thoải mái sanh ra từ xúc chạm của ý là lạc thọ; điều này là lạc thuộc tâm.
Các lạc ấy được cảm nhận thế nào? Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào dài, niệm được thiết lập; với niệm ấy với trí ấy, các lạc ấy được cảm nhận. Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở ra dài, niệm được thiết lập; với niệm ấy với trí ấy, các lạc ấy được cảm nhận. ...(như trên)...; đối với vị đang tác chứng các pháp cần được tác chứng, các lạc ấy được cảm nhận. Các lạc ấy được cảm nhận là như vậy.
Cảm giác lạc nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra là thọ, sự thiết lập là niệm, sự quán xét là trí, thọ là sự thiết lập không phải là niệm, niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm; với niệm ấy với trí ấy, vị ấy quán xét thọ ấy; vì thế được nói rằng: “Việc tu tập sự thiết lập niệm về quán xét thọ trên các thọ.”
Quán xét: Quán xét thọ ấy là (có ý nghĩa) thế nào? Quán xét là vô thường ...(như trên)... quán xét thọ ấy là (có ý nghĩa) như thế. Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Cảm giác lạc đối với hơi thở vào hơi thở ra là giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc, ...(như trên)... Cảm giác lạc, đối với vị nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, ...(nt)... trong khi nhận biết (vị ấy) liên kết các quyền; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.” (2)
‘Cảm giác sự tạo tác của tâm, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘cảm giác sự tạo tác của tâm, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập là (có ý nghĩa) thế nào?
Sự tạo tác của tâm là gì? Nhờ tác động của hơi thở vào dài, (có) tưởng và thọ thuộc tâm; các pháp này được gắn bó với tâm, là các sự tạo tác của tâm. Nhờ tác động của hơi thở ra dài, (có) tưởng và thọ thuộc tâm; các pháp này được gắn bó với tâm, là các sự tạo tác của tâm. ...(như trên).... Cảm giác lạc nhờ tác động của hơi thở vào ...(như trên)... Cảm giác lạc nhờ tác động của hơi thở ra là tưởng và thọ thuộc tâm; các pháp này được gắn bó với tâm, là các sự tạo tác của tâm. Đây là sự tạo tác của tâm.
Các sự tạo tác của tâm ấy được cảm nhận thế nào? Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào dài, niệm được thiết lập; với niệm ấy với trí ấy, các sự tạo tác của tâm ấy được cảm nhận. Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở ra dài, niệm được thiết lập; với niệm ấy với trí ấy, các sự tạo tác của tâm ấy được cảm nhận. ...(như trên)...; đối với vị đang tác chứng các pháp cần được tác chứng, các sự tạo tác của tâm ấy được cảm nhận. Các sự tạo tác của tâm ấy được cảm nhận là như vậy.
Cảm giác sự tạo tác của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra là thọ, sự thiết lập là niệm, sự quán xét là trí, thọ là sự thiết lập không phải là niệm, niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm; với niệm ấy với trí ấy, vị ấy quán xét thọ ấy; vì thế được nói rằng: “Việc tu tập sự thiết lập niệm về quán xét thọ trên các thọ.”
Quán xét: Quán xét thọ ấy là (có ý nghĩa) thế nào? Quán xét là vô thường ...(nt)... quán xét thọ ấy là (có ý nghĩa) như thế. Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(nt)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Cảm giác sự tạo tác của tâm đối với hơi thở vào hơi thở ra là giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc, ...(như trên)... Cảm giác sự tạo tác của tâm, đối với vị nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, ...(như trên)... trong khi nhận biết (vị ấy) liên kết các quyền; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.” (3)
‘Làm an tịnh sự tạo tác của tâm, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘làm an tịnh sự tạo tác của tâm, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập là (có ý nghĩa) thế nào?
Sự tạo tác của tâm là gì? Nhờ tác động của hơi thở vào dài, (có) tưởng và thọ thuộc tâm, ...(như trên)... Nhờ tác động của hơi thở ra dài, (có) tưởng và thọ thuộc tâm, các pháp này được gắn bó với tâm, là các sự tạo tác của tâm; trong khi làm cho an tịnh, làm cho diệt tận, làm cho bình lặng các sự tạo tác của tâm ấy, vị ấy tập. Cảm giác sự tạo tác của tâm nhờ tác động của hơi thở vào ...(như trên)... Cảm giác sự tạo tác của tâm nhờ tác động của hơi thở ra là tưởng và thọ thuộc tâm; các pháp này được gắn bó với tâm, là các sự tạo tác của tâm; trong khi làm cho an tịnh, làm cho diệt tận, làm cho bình lặng các sự tạo tác của tâm ấy, vị ấy tập.
Làm cho an tịnh sự tạo tác của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra là thọ, sự thiết lập là niệm, sự quán xét là trí, thọ là sự thiết lập không phải là niệm, niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm; với niệm ấy với trí ấy, vị ấy quán xét thọ ấy; vì thế được nói rằng: “Việc tu tập sự thiết lập niệm về quán xét thọ trên các thọ.”
Quán xét: Quán xét thọ ấy là (có ý nghĩa) thế nào? Quán xét là vô thường ...(nt)... quán xét thọ ấy là (có ý nghĩa) như thế. Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(nt)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Làm cho an tịnh sự tạo tác của tâm đối với hơi thở vào hơi thở ra là giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc, ...(như trên)... Làm cho an tịnh sự tạo tác của tâm, đối với vị nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, ...(như trên)... trong khi nhận biết (vị ấy) liên kết các quyền; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.” (4)
Tám trí về quán xét, tám tùy niệm về sự thiết lập, và bốn nền tảng thuộc Kinh về việc quán xét thọ trên các thọ.
Nhóm bốn thứ nhì.
‘Cảm giác tâm, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘cảm giác tâm, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập là (có ý nghĩa) thế nào?
Tâm ấy là gì? Nhờ tác động của hơi thở vào dài, có sự nhận thức là tâm. Tâm tức là ý, là tinh thần, là tim, là sắc trắng, là ý xứ, là ý quyền, là thức, là thức uẩn, là ý thức giới sanh ra từ điều ấy. Nhờ tác động của hơi thở ra dài, ...(nt)... Làm cho an tịnh sự tạo tác của tâm nhờ tác động của hơi thở vào, ...(nt)... Làm cho an tịnh sự tạo tác của tâm nhờ tác động của hơi thở ra có sự nhận thức là tâm. Tâm tức là ý, là tinh thần, là tim, là sắc trắng, là ý xứ, là ý quyền, là thức, là thức uẩn, là ý thức giới sanh ra từ điều ấy; điều này là tâm.
Tâm ấy được cảm nhận thế nào? Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào dài, niệm được thiết lập; với niệm ấy với trí ấy, tâm ấy được cảm nhận. Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở ra dài, niệm được thiết lập; với niệm ấy với trí ấy, tâm ấy được cảm nhận. ...(như trên)...; đối với vị đang tác chứng các pháp cần được tác chứng, tâm ấy được cảm nhận. Tâm ấy được cảm nhận là như vậy.
Cảm giác tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, có sự nhận thức là tâm, sự thiết lập là niệm, ...(nt)...; vì thế được nói rằng: “Việc tu tập sự thiết lập niệm về quán xét tâm trên tâm.”
Quán xét: Quán xét tâm ấy là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... Quán xét tâm ấy là (có ý nghĩa) như thế. Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Cảm giác tâm đối với hơi thở vào hơi thở ra là giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc, ...(nt)... Cảm giác tâm, đối với vị nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, ...(nt)... trong khi nhận biết (vị ấy) liên kết các quyền; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.” (1)
‘Làm cho tâm được hân hoan, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘Làm cho tâm được hân hoan, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập là (có ý nghĩa) thế nào?
Sự hân hoan của tâm là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào dài, sự hân hoan của tâm sanh lên; điều nào là sự hoan hỷ, sự thích thú, sự vui mừng, sự mừng rỡ, sự phấn khởi của tâm là sự thỏa thích của tâm. Đối với vị đang nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở ra dài, sự hân hoan của tâm sanh lên; điều nào là sự hoan hỷ, sự thích thú, sự vui mừng, sự mừng rỡ, sự phấn khởi của tâm là sự thỏa thích của tâm. ...(như trên)... Cảm giác tâm nhờ tác động của hơi thở vào ...(như trên)... Cảm giác tâm nhờ tác động của hơi thở ra, sự hân hoan của tâm sanh lên; điều nào là sự hoan hỷ, sự thích thú, sự vui mừng, sự mừng rỡ, sự phấn khởi của tâm là sự thỏa thích của tâm; điều này là sự hân hoan của tâm.
Làm cho tâm được hân hoan nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, có sự nhận thức là tâm, sự thiết lập là niệm, sự quán xét là trí, tâm là sự thiết lập không phải là niệm, niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm; với niệm ấy với trí ấy, vị ấy quán xét tâm ấy; vì thế được nói rằng: “Việc tu tập sự thiết lập niệm về quán xét tâm trên tâm.”
Quán xét: Quán xét tâm ấy là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... quán xét tâm ấy là (có ý nghĩa) như thế. Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Làm cho tâm được hân hoan đối với các hơi thở vào hơi thở ra là giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc, ...(như trên)... Làm cho tâm được hân hoan, đối với vị nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, ...(như trên)... trong khi nhận biết (vị ấy) liên kết các quyền; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.” (2)
‘Làm cho tâm được định tĩnh, tôi sẽ thở vào’vị ấy tập, ‘Làm cho tâm được định tĩnh, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập là (có ý nghĩa) thế nào?
Định là gì? Nhờ tác động của hơi thở vào dài sự chuyên nhất không tản mạn của tâm là định; điều nào là sự đứng vững, sự an trụ, sự vững vàng, sự không tán loạn, sự không tản mạn của tâm, trạng thái của ý không bị tán loạn, sự chỉ tịnh, định quyền, định lực, chánh định. Nhờ tác động của hơi thở ra dài sự chuyên nhất không tản mạn của tâm là định, ...(như trên)... Làm cho tâm được định tĩnh nhờ tác động của hơi thở vào ...(như trên)... Làm cho tâm được định tĩnh, nhờ tác động của hơi thở ra sự chuyên nhất không tản mạn của tâm là định; điều nào là sự đứng vững, sự an trụ, sự vững vàng, sự không tán loạn, sự không tản mạn của tâm, trạng thái của ý không bị tán loạn, sự chỉ tịnh, định quyền, định lực, chánh định; điều ấy là định.
Làm cho tâm được định tĩnh nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, sự nhận thức là tâm, sự thiết lập là niệm, sự quán xét là trí, tâm là sự thiết lập không phải là niệm; niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm; với niệm ấy với trí ấy, vị ấy quán xét tâm ấy; vì thế được nói rằng: “Việc tu tập sự thiết lập niệm về quán xét tâm trên tâm.”
Quán xét: Quán xét tâm ấy là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... quán xét tâm ấy là (có ý nghĩa) như thế. Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Làm cho tâm được định tĩnh của các hơi thở vào hơi thở ra là giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc, ...(như trên)... Làm cho tâm được định tĩnh, đối với vị nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, ...(như trên)... trong khi nhận biết (vị ấy) liên kết các quyền; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.” (3)
‘Làm cho tâm được giải thoát, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘Làm cho tâm được giải thoát, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập là (có ý nghĩa) thế nào?
‘Làm cho tâm được giải thoát khỏi tham ái, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập; ‘Làm cho tâm được giải thoát khỏi tham ái, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập; ‘Làm cho tâm được giải thoát khỏi sân hận, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập; ‘Làm cho tâm được giải thoát khỏi sân hận, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập; ‘Làm cho tâm được giải thoát khỏi si mê ... khỏi ngã mạn ... khỏi kiến ... khỏi hoài nghi ... khỏi sự lờ đờ ... khỏi sự phóng dật ... khỏi sự hổ thẹn (tội lỗi) ... ‘Làm cho tâm được giải thoát khỏi sự ghê sợ (tội lỗi), tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập; ‘Làm cho tâm được giải thoát khỏi sự ghê sợ (tội lỗi), tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập. Làm cho tâm được giải thoát nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, có sự nhận thức là tâm, sự thiết lập là niệm, ...(như trên)...
Quán xét: Quán xét tâm ấy là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... quán xét tâm ấy là (có ý nghĩa) như thế. Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Làm cho tâm được giải thoát đối với các hơi thở vào hơi thở ra là giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc, ...(như trên)... Làm cho tâm được giải thoát, đối với vị nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, ...(như trên)... trong khi nhận biết (vị ấy) liên kết các quyền; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.” (4)
Tám trí về quán xét, tám tùy niệm về sự thiết lập, và bốn nền tảng thuộc Kinh về việc quán xét tâm trên tâm.
Nhóm bốn thứ ba.
‘Quán xét về vô thường, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘quán xét về vô thường, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập là (có ý nghĩa) thế nào? Vô thường: Cái gì là vô thường? Năm uẩn là vô thường. Vô thường theo ý nghĩa gì? Vô thường với ý nghĩa sanh diệt. Đối với 5 uẩn, trong khi nhìn thấy sự sanh (hành giả) nhìn thấy bao nhiêu tướng trạng, trong khi nhìn thấy sự diệt nhìn thấy bao nhiêu tướng trạng, trong khi nhìn thấy sự sanh diệt, nhìn thấy bao nhiêu tướng trạng? Đối với 5 uẩn, trong khi nhìn thấy sự sanh (hành giả) nhìn thấy 25 tướng trạng, trong khi nhìn thấy sự diệt nhìn thấy 25 tướng trạng; đối với năm uẩn, trong khi nhìn thấy sự sanh diệt nhìn thấy 50 tướng trạng này.
‘Quán xét về vô thường ở sắc, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘quán xét về vô thường ở sắc, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập. ‘Quán xét về vô thường ở thọ, ... ở tưởng ... ở các hành ... ở thức ... ở mắt ... ở lão tử, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘quán xét về vô thường ở lão tử, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập.
Quán xét về vô thường nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra là các pháp, sự thiết lập là niệm, sự quán xét là trí, các pháp là sự thiết lập không phải là niệm, niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm; với niệm ấy với trí ấy, vị ấy quán xét các pháp ấy; vì thế được nói rằng: “Việc tu tập sự thiết lập niệm về quán xét pháp trên các pháp.”
Quán xét: Quán xét các pháp ấy là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... quán xét các pháp ấy là (có ý nghĩa) như thế. Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Quán xét về vô thường của các hơi thở vào hơi thở ra là giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc, ...(như trên)... Quán xét về vô thường, đối với vị nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, ...(như trên)... trong khi nhận biết (vị ấy) liên kết các quyền; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.” (1)
‘Quán xét về ly tham, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘Quán xét về ly tham, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập là (có ý nghĩa) thế nào?
Sau khi nhìn thấy sự tai hại ở sắc, có ước muốn sanh lên về ly tham ở sắc, đức tin được hướng đến, và tâm của vị ấy được khẳng định chắc chắn: ‘Quán xét về ly tham ở sắc, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘Quán xét về ly tham ở sắc, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập. Sau khi nhìn thấy sự tai hại ở sắc, có ước muốn sanh lên về việc ly tham khỏi sắc, đức tin được hướng đến, và tâm của vị ấy được khẳng định chắc chắn: ‘Quán xét về ly tham ở thọ, ... ở tưởng ... ở các hành ... ở thức ... ở mắt ... ở lão tử, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘Quán xét về ly tham ở lão tử, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập.
Quán xét về ly tham nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra là các pháp, sự thiết lập là niệm, ...(như trên)...; vì thế được nói rằng: “Việc tu tập sự thiết lập niệm về quán xét pháp trên các pháp.”
Quán xét: Quán xét các pháp ấy là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... quán xét các pháp ấy là (có ý nghĩa) như thế. Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Quán xét về ly tham của các hơi thở vào hơi thở ra là giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc, ...(như trên)... Quán xét về ly tham, đối với vị nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, ...(như trên)... trong khi nhận biết (vị ấy) liên kết các quyền; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.” (2)
‘Quán xét về diệt tận, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘Quán xét về diệt tận, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập là (có ý nghĩa) thế nào?
Sau khi nhìn thấy sự tai hại ở sắc, có ước muốn sanh lên về sự diệt tận ở sắc, đức tin được hướng đến, và tâm của vị ấy được khẳng định chắc chắn: ‘Quán xét về diệt tận ở sắc, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘Quán xét về diệt tận ở sắc, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập. Sau khi nhìn thấy sự tai hại ở sắc, có ước muốn sanh lên về sự diệt tận ở sắc, đức tin được hướng đến, và tâm của vị ấy được khẳng định chắc chắn: ‘Quán xét về diệt tận ở thọ, ... ở tưởng ... ở các hành ... ở thức ... ở mắt ... ở lão tử, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘Quán xét về diệt tận ở lão tử, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập.
Tai hại ở vô minh là với bao nhiêu biểu hiện? Vô minh được diệt tận với bao nhiêu biểu hiện? Tai hại ở vô minh là với năm biểu hiện. Vô minh được diệt tận với tám biểu hiện.
Tai hại ở vô minh là với năm biểu hiện gì? Tai hại ở vô minh theo ý nghĩa vô thường, tai hại ở vô minh theo ý nghĩa khổ não, tai hại ở vô minh theo ý nghĩa vô ngã, tai hại ở vô minh theo ý nghĩa thiêu đốt, tai hại ở vô minh theo ý nghĩa chuyển biến; tai hại ở vô minh là với năm biểu hiện này.
Vô minh được diệt tận với tám biểu hiện gì? Với sự diệt tận của căn nguyên, vô minh được diệt tận; với sự diệt tận của nguồn gốc sanh khởi, vô minh được diệt tận; với sự diệt tận của sanh, vô minh được diệt tận; với sự diệt tận của phát khởi, vô minh được diệt tận; với sự diệt tận của nhân, vô minh được diệt tận; với sự diệt tận của duyên, vô minh được diệt tận; với sự sanh khởi của trí, vô minh được diệt tận; với sự thiết lập của diệt tận, vô minh được diệt tận; vô minh được diệt tận với tám biểu hiện này.
Sau khi nhìn thấy sự tai hại ở vô minh với năm biểu hiện này, có ước muốn sanh lên về sự diệt tận ở vô minh với tám biểu hiện này, đức tin được hướng đến, và tâm của vị ấy được khẳng định chắc chắn: ‘Quán xét về diệt tận ở vô minh, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘Quán xét về diệt tận ở vô minh, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập.
Tai hại ở các hành là với bao nhiêu biểu hiện? Các hành được diệt tận với bao nhiêu biểu hiện? ...(như trên)... Tai hại ở thức là với bao nhiêu biểu hiện? Thức được diệt tận với bao nhiêu biểu hiện? ...(như trên)... Tai hại ở danh sắc là với bao nhiêu biểu hiện? Danh sắc được diệt tận với bao nhiêu biểu hiện? ...(như trên)... Tai hại ở sáu xứ là với bao nhiêu biểu hiện? Sáu xứ được diệt tận với bao nhiêu biểu hiện? ...(như trên)... Tai hại ở xúc là với bao nhiêu biểu hiện? Xúc được diệt tận với bao nhiêu biểu hiện? ...(như trên)... Tai hại ở thọ là với bao nhiêu biểu hiện? Thọ được diệt tận với bao nhiêu biểu hiện? ...(như trên)... Tai hại ở ái là với bao nhiêu biểu hiện? Ái được diệt tận với bao nhiêu biểu hiện? ...(như trên)... Tai hại ở thủ là với bao nhiêu biểu hiện? Thủ được diệt tận với bao nhiêu biểu hiện? ...(như trên)... Tai hại ở hữu là với bao nhiêu biểu hiện? Hữu được diệt tận với bao nhiêu biểu hiện? ...(như trên)... Tai hại ở sanh là với bao nhiêu biểu hiện? Sanh được diệt tận với bao nhiêu biểu hiện? ...(như trên)... Tai hại ở lão tử là với bao nhiêu biểu hiện? Lão tử được diệt tận với bao nhiêu biểu hiện? Tai hại ở lão tử là với năm biểu hiện. Lão tử được diệt tận với tám biểu hiện.
Tai hại ở lão tử là với năm biểu hiện gì? Tai hại ở lão tử theo ý nghĩa vô thường, ...(như trên)... theo ý nghĩa khổ não, ...(như trên)... theo ý nghĩa vô ngã, ...(nt)... theo ý nghĩa thiêu đốt, ...(như trên)... theo ý nghĩa chuyển biến; tai hại ở lão tử là với năm biểu hiện này.
Lão tử được diệt tận với tám biểu hiện gì? Với sự diệt tận của căn nguyên, lão tử được diệt tận; với sự diệt tận của nguồn gốc sanh khởi, ...(như trên)... với sự diệt tận của sanh, ...(như trên)... với sự diệt tận của phát khởi, ...(như trên)... với sự diệt tận của nhân, ...(như trên)... với sự diệt tận của duyên, ...(như trên)... với sự sanh khởi của trí, ... với sự thiết lập của diệt tận, lão tử được diệt tận; lão tử được diệt tận với tám biểu hiện này.
Sau khi nhìn thấy sự tai hại ở lão tử với năm biểu hiện này, có ước muốn sanh lên về sự diệt tận ở lão tử với tám biểu hiện này, đức tin được hướng đến, và tâm của vị ấy được khẳng định chắc chắn: ‘Quán xét về diệt tận ở lão tử, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘quán xét về diệt tận ở lão tử, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập.
Quán xét về diệt tận nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra là các pháp, sự thiết lập là niệm, sự quán xét là trí, các pháp là sự thiết lập không phải là niệm, niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm; với niệm ấy với trí ấy, vị ấy quán xét các pháp ấy; vì thế được nói rằng: “Việc tu tập sự thiết lập niệm về quán xét pháp trên các pháp.” (3)
Quán xét: Quán xét các pháp ấy là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... Quán xét các pháp ấy là (có ý nghĩa) như thế. Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Quán xét về diệt tận của các hơi thở vào hơi thở ra là giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc, ...(như trên)... Quán xét về diệt tận, đối với vị nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, ...(như trên)... trong khi nhận biết (vị ấy) liên kết các quyền; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.” (3)
‘Quán xét về từ bỏ, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘quán xét về từ bỏ, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập là (có ý nghĩa) thế nào?
Từ bỏ: Có hai sự từ bỏ: Sự từ bỏ do buông bỏ và sự từ bỏ do tiến vào. ‘Buông bỏ sắc’ là sự từ bỏ do buông bỏ. ‘Tâm tiến vào sự diệt tận của sắc Niết Bàn’ là sự từ bỏ do tiến vào: ‘Quán xét về từ bỏ các sắc, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘Quán xét về từ bỏ các sắc, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập. ‘Buông bỏ thọ’ ...(như trên)... tưởng ...(như trên)... các hành ...(như trên)... thức ...(như trên)... mắt ...(như trên)... ‘Buông bỏ lão tử’ là sự từ bỏ do buông bỏ. ‘Tâm tiến vào sự diệt tận của lão tử Niết Bàn’ là sự từ bỏ do tiến vào: ‘Quán xét về từ bỏ lão tử, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập, ‘Quán xét về từ bỏ lão tử, tôi sẽ thở ra’ vị ấy tập.
Quán xét về sự từ bỏ nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra là các pháp, sự thiết lập là niệm, sự quán xét là trí, các pháp là sự thiết lập không phải là niệm, niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm; với niệm ấy với trí ấy, vị ấy quán xét các pháp ấy; vì thế được nói rằng: “Việc tu tập sự thiết lập niệm về quán xét pháp trên các pháp.”
Quán xét: Quán xét các pháp ấy là (có ý nghĩa) thế nào? Quán xét về vô thường, không phải về thường. ...(như trên)... (Vị ấy) từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi quán xét về vô thường, (vị ấy) dứt bỏ thường tưởng. ...(như trên)... trong khi từ bỏ, (vị ấy) dứt bỏ sự nắm giữ. Quán xét các pháp ấy là (có ý nghĩa) như thế. Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: là sự tu tập các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy theo ý nghĩa không vượt trội, ...(như trên)..., là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Quán xét về từ bỏ đối với hơi thở vào hơi thở ra là giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc, là tâm thanh tịnh theo ý nghĩa không tản mạn, là kiến thanh tịnh theo ý nghĩa nhận thức. Trong trường hợp ấy ý nghĩa thu thúc là sự học tập về thắng giới, trong trường hợp ấy ý nghĩa theo ý nghĩa không tản mạn là sự học tập về thắng tâm, trong trường hợp ấy ý nghĩa nhận thức là sự học tập về thắng tuệ. Trong khi hướng tâm đến ba sự học tập này vị ấy tập; trong khi nhận biết, ...(nt)... trong khi tác chứng các pháp cần được tác chứng vị ấy tập.
Có sự quán xét về từ bỏ, đối với vị nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, các thọ sanh lên được biết đến, thiết lập được biết đến, biến mất được biết đến ...(như trên)... Có sự quán xét về từ bỏ, trong khi nhận biết sự chuyên nhất không tản mạn của tâm nhờ tác động của hơi thở vào hơi thở ra, (vị ấy) liên kết các quyền, nhận biết hành xứ, thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh, (vị ấy) liên kết các lực, liên kết các giác chi, liên kết Đạo, liên kết các pháp, nhận biết hành xứ, và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.
Liên kết các quyền: Liên kết các quyền là (có ý nghĩa) thế nào? Liên kết tín quyền theo ý nghĩa cương quyết. ...(như trên)...; vì thế được nói rằng: “Và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.” (4)
Tám trí về quán xét, tám tùy niệm về sự thiết lập, và bốn nền tảng thuộc Kinh về việc quán xét pháp trên các pháp.
Đây là 32 trí về việc thực hành niệm.
Nhóm bốn thứ tư.
Phần giải thích trí về việc thực hành niệm.
(6) 24 trí gì do năng lực của định?
Nhờ tác động của hơi thở vào dài sự chuyên nhất không tản mạn của tâm là định, nhờ tác động của hơi thở ra dài sự chuyên nhất không tản mạn của tâm là định, ...(như trên)... Làm cho tâm được giải thoát, nhờ tác động của hơi thở vào sự chuyên nhất không tản mạn của tâm là định, làm cho tâm được giải thoát, nhờ tác động của hơi thở ra sự chuyên nhất không tản mạn của tâm là định.
Đây là 24 trí do năng lực của định.
(7) 72 trí gì do năng lực của minh sát?
Hơi thở vào dài, theo ý nghĩa quán xét là vô thường là minh sát, theo ý nghĩa quán xét là khổ não là minh sát, theo ý nghĩa quán xét là vô ngã là minh sát. Hơi thở ra dài, theo ý nghĩa quán xét là vô thường là minh sát, theo ý nghĩa quán xét là khổ não là minh sát, theo ý nghĩa quán xét là vô ngã là minh sát. ...(như trên)... Làm cho tâm được giải thoát trong khi thở vào, làm cho tâm được giải thoát trong khi thở ra, theo ý nghĩa quán xét là vô thường là minh sát, theo ý nghĩa quán xét là khổ não là minh sát, theo ý nghĩa quán xét là vô ngã là minh sát.
Đây là 72 trí do năng lực của minh sát.
(8) 8 trí về nhàm chán là gì?
‘Quán xét về vô thường, (vị ấy) biết và thấy hơi thở vào đúng theo bản thể’ là trí về nhàm chán, ‘Quán xét về vô thường, (vị ấy) biết và thấy hơi thở ra đúng theo bản thể’ là trí về nhàm chán, ...(như trên)..., ‘Quán xét về từ bỏ, (vị ấy) biết và thấy hơi thở vào đúng theo bản thể’ là trí về nhàm chán, ‘Quán xét về từ bỏ, (vị ấy) biết và thấy hơi thở ra đúng theo bản thể’ là trí về nhàm chán.
Đây là 8 trí về nhàm chán.
(9) 8 trí thuận theo nhàm chán là gì?
Quán xét về vô thường trong khi thở vào, tuệ về sự thiết lập của kinh hãi là trí thuận theo nhàm chán; quán xét về vô thường trong khi thở ra, tuệ về sự thiết lập của kinh hãi là trí thuận theo nhàm chán; ...(như trên)...; quán xét về từ bỏ trong khi thở vào, tuệ về sự thiết lập của kinh hãi là trí thuận theo nhàm chán; quán xét về từ bỏ trong khi thở ra, tuệ về sự thiết lập của kinh hãi là trí thuận theo nhàm chán.
Đây là 8 trí thuận theo nhàm chán.
(10) 8 trí gì về sự tịnh lặng của nhàm chán?
Quán xét về vô thường trong khi thở vào, tuệ về sự phân biệt rõ và về sự trụ vững là trí về sự tịnh lặng của nhàm chán; quán xét về vô thường trong khi thở ra, tuệ về sự phân biệt rõ và về sự trụ vững là trí về sự tịnh lặng của nhàm chán; ...(nt)...; quán xét về từ bỏ trong khi thở vào, tuệ về sự phân biệt rõ và về sự trụ vững là trí về sự tịnh lặng của nhàm chán; quán xét về từ bỏ trong khi thở ra, tuệ về sự phân biệt rõ và về sự trụ vững là trí về sự tịnh lặng của nhàm chán.
Đây là 8 trí về sự tịnh lặng của nhàm chán.
(11) 21 trí gì về sự an lạc của giải thoát?
Do Đạo Nhập Lưu, trạng thái dứt bỏ, trạng thái đoạn trừ hoàn toàn đối với thân kiến sanh lên là trí về sự an lạc của giải thoát; trạng thái dứt bỏ, trạng thái đoạn trừ hoàn toàn đối với hoài nghi sanh lên là trí về sự an lạc của giải thoát; trạng thái dứt bỏ, trạng thái đoạn trừ hoàn toàn đối với sự cố chấp vào giới và nghi thức, ... đối với kiến ngủ ngầm, ... đối với hoài nghi ngủ ngầm sanh lên là trí về sự an lạc của giải thoát. Do Đạo Nhất Lai, trạng thái dứt bỏ, trạng thái đoạn trừ hoàn toàn đối với sự ràng buộc của ái dục, đối với sự ràng buộc của bất bình có tính chất thô thiển, ... đối với ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất thô thiển sanh lên là trí về sự an lạc của giải thoát. Do Đạo Bất Lai, trạng thái dứt bỏ, trạng thái đoạn trừ hoàn toàn đối với sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất vi tế, ... đối với ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất vi tế sanh lên là trí về sự an lạc của giải thoát. Do Đạo A-la-hán, trạng thái dứt bỏ, trạng thái đoạn trừ hoàn toàn đối với ái sắc, ... đối với ái vô sắc, đối với ngã mạn, đối với phóng dật, đối với vô minh, đối với ngã mạn ngủ ngầm, đối với ái hữu ngủ ngầm, đối với vô minh ngủ ngầm sanh lên là trí về sự an lạc của giải thoát.
Đây là 21 trí về sự an lạc của giải thoát.
Đối với vị đang tu tập định của niệm hơi thở vào hơi thở ra theo 16 nền tảng, có hơn 200 pháp sanh lên (ở vị ấy).
Phần Giảng về Niệm Hơi Thở Vào Hơi Thở Ra được hoàn tất.
--ooOoo--
[1] Hiện tướng (nimitta) là vị trí được hơi thở vào hơi thở ra chạm đến. Đối với người có mũi cao là ở chóp mũi, người có mũi ngắn là ở môi trên (PṭsA. 1, 471).
[2] Tâm có sự chạy theo quá khứ: Tâm dõi theo hơi thở vào hoặc hơi thở ra đã đến và đã đi qua ở tại điểm tiếp xúc (chóp mũi hoặc môi trên) (PṭsA. 1, 472).
[3] Tâm có sự mong mỏi ở vị lai: Tâm mong mỏi và chờ đợi hơi thở vào hoặc hơi thở ra còn chưa xảy đến ở tại điểm tiếp xúc (PṭsA. 1, 472).
[4] Tâm đã đạt đến ba phận sự (phần đầu, phần giữa, phần cuối) là được tốt đẹp theo ba cách (sự trong sạch của việc thực hành, tăng cường trạng thái xả, sự tự hài lòng) (ND).
[5] Được thành tựu mười tướng trạng: là ba tướng trạng thuộc về phần đầu, ba tướng trạng thuộc về phần giữa, và bốn tướng trạng thuộc về phần cuối; tổng cộng lại là mười (ND).
[6] Các pháp ấy chỉ tịnh và minh sát (PṭsA. 2, 480).
[7] Làm chói sáng, làm chiếu sáng, làm tỏa sáng là nghĩa theo thứ tự của các động từ obhāseti (áp dụng cho dục giới), bhāseti (áp dụng cho sắc giới), pabhāseti (áp dụng cho vô sắc giới) (PṭsA. 1, 472). Ba động từ này đều có chung từ gốc là √bhās = chiếu sáng.
[8] ‘Trong khi làm cho được biết rõ, trong khi làm cho rõ rệt phần đầu-giữa-cuối của toàn bộ hơi thở vào, tôi sẽ thở vào’ vị ấy tập (PṭsA. 2, 491).
[9] Tứ đại (mahābhūtā) là các yếu tố đất, nước, lửa, gió (PṭsA. 2, 515).
Tôi đã được nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại tu viện của ông Anāthapiṇḍika, trong khu rừng (của thái tử) Jeta, ở thành Sāvatthi. Chính ở tại nơi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu.” “Thưa ngài,” các vị tỳ khưu ấy đã đáp lại đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nói điều này:
- Này các tỳ khưu, đây là năm quyền. Những gì là năm? Tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền. Này các tỳ khưu, đây là năm quyền.
Năm quyền này được thanh tịnh theo bao nhiêu cách? Năm quyền này được thanh tịnh theo 15 cách: Đối với vị đang xa lánh các kẻ không có đức tin, đang xu hướng theo tiếp cận gần gũi những người có đức tin, đang quán xét lại các bài kinh khơi dậy đức tin; tín quyền được thanh tịnh bằng ba cách này.
Đối với vị đang xa lánh các kẻ biếng nhác, đang xu hướng theo tiếp cận gần gũi những người có sự ra sức tinh tấn, đang quán xét lại các sự nỗ lực đúng đắn; tấn quyền được thanh tịnh bằng ba cách này.
Đối với vị đang xa lánh các kẻ có niệm bị quên lãng, đang xu hướng theo tiếp cận gần gũi những người có niệm được thiết lập, đang quán xét lại các sự thiết lập niệm; niệm quyền được thanh tịnh bằng ba cách này.
Đối với vị đang xa lánh các kẻ không định tĩnh, đang xu hướng theo tiếp cận gần gũi những người định tĩnh, đang quán xét lại các định và giải thoát; định quyền được thanh tịnh bằng ba cách này.
Đối với vị đang xa lánh các kẻ có tuệ kém, đang xu hướng theo tiếp cận gần gũi những người có tuệ, đang quán xét lại hành vi của trí thâm sâu; tuệ quyền được thanh tịnh bằng ba cách này.
Như thế, đối với vị đang xa lánh năm hạng người này, đối với vị đang xu hướng theo tiếp cận gần gũi năm hạng người (kia), đối với vị đang quán xét lại các bài kinh khơi dậy đức tin, các quyền này được thanh tịnh theo 15 cách này.
Năm quyền được phát triển bằng bao nhiêu cách? Bằng bao nhiêu cách có được sự phát triển của năm quyền?[1]Năm quyền được phát triển bằng mười cách, bằng mười cách có được sự phát triển của năm quyền.
Trong khi dứt bỏ sự không có đức tin là phát triển tín quyền, trong khi phát triển tín quyền là dứt bỏ sự không có đức tin; trong khi dứt bỏ sự biếng nhác là phát triển tấn quyền, trong khi phát triển tấn quyền là dứt bỏ sự biếng nhác; trong khi dứt bỏ sự buông lung là phát triển niệm quyền, trong khi phát triển niệm quyền là dứt bỏ sự buông lung; trong khi dứt bỏ sự phóng dật là phát triển định quyền, trong khi phát triển định quyền là dứt bỏ sự phóng dật; trong khi dứt bỏ vô minh là phát triển tuệ quyền, trong khi phát triển tuệ quyền là dứt bỏ vô minh.
Năm quyền được phát triển bằng mười cách này, bằng mười cách này có được sự phát triển của năm quyền.
Năm quyền (là) được phát triển,[2](là) được phát triển tốt đẹp bằng bao nhiêu cách? Năm quyền (là) được phát triển, (là) được phát triển tốt đẹp bằng mười cách.
Do trạng thái dứt bỏ, do trạng thái dứt bỏ tốt đẹp của sự không có đức tin, tín quyền được phát triển được phát triển tốt đẹp; do trạng thái đã được phát triển, do trạng thái đã được phát triển tốt đẹp của tín quyền, có sự từ bỏ, có sự từ bỏ tốt đẹp của sự không có đức tin. Do trạng thái dứt bỏ ... của sự biếng nhác, tấn quyền được phát triển ...; do trạng thái đã được phát triển ... của tấn quyền, có sự từ bỏ ... của sự biếng nhác. Do trạng thái dứt bỏ ... của sự buông lung, niệm quyền được phát triển ...; do trạng thái đã được phát triển ... của niệm quyền, có sự từ bỏ ... của sự buông lung. Do trạng thái dứt bỏ ... của phóng dật, định quyền được phát triển ...; do trạng thái đã được phát triển... của định quyền, có sự từ bỏ ... của phóng dật. Do trạng thái dứt bỏ, do trạng thái dứt bỏ tốt đẹp của vô minh, tuệ quyền được phát triển được phát triển tốt đẹp; do trạng thái đã được phát triển, do trạng thái đã được phát triển tốt đẹp của tuệ quyền, có sự từ bỏ, có sự từ bỏ tốt đẹp của vô minh.
Năm quyền (là) được phát triển, (là) được phát triển tốt đẹp bằng mười cách này.
Năm quyền được phát triển bằng bao nhiêu cách? Năm quyền không những (là) được phát triển, mà (là) còn được phát triển tốt đẹp, được tịnh lặng, và được tịnh lặng tốt đẹp bằng bao nhiêu cách? Năm quyền được phát triển bằng bốn cách; năm quyền không những (là) được phát triển, mà (là) còn được phát triển tốt đẹp, được tịnh lặng, và được tịnh lặng tốt đẹp bằng bốn cách.
Ở sát-na Đạo Nhập Lưu, năm quyền được phát triển; ở sát-na Quả Nhập Lưu, năm quyền không những (là) được phát triển, mà (là) còn được phát triển tốt đẹp, được tịnh lặng, và được tịnh lặng tốt đẹp. Ở sát-na Đạo Nhất Lai, ... ở sát-na Quả Nhất Lai, ... Ở sát-na Đạo Bất Lai, ... ở sát-na Quả Bất Lai, ... Ở sát-na Đạo A-la-hán, năm quyền được phát triển; ở sát-na Quả A-la-hán, năm quyền không những (là) được phát triển, mà (là) còn được phát triển tốt đẹp, được tịnh lặng, và được tịnh lặng tốt đẹp.
Như thế, có bốn sự thanh tịnh của Đạo, có bốn sự thanh tịnh của Quả, có bốn sự thanh tịnh của đoạn trừ, có bốn sự thanh tịnh của tịnh lặng. Bằng bốn cách này, năm quyền được phát triển; bằng bốn cách này, năm quyền không những (là) được phát triển, mà (là) còn được phát triển tốt đẹp, được tịnh lặng, và được tịnh lặng tốt đẹp.
Có sự phát triển quyền ở bao nhiêu hạng người? Bao nhiêu hạng người có quyền được phát triển? Có sự phát triển quyền ở tám hạng người, ba hạng người có quyền được phát triển.
Có sự phát triển quyền ở tám hạng người nào? Ở bảy hạng Hữu Học và phàm nhân hoàn thiện; có sự phát triển quyền ở tám hạng người này. Ba hạng người nào có quyền được phát triển? Vị Phật Thinh Văn, đệ tử của đức Như Lai, là bậc Lậu Tận có quyền được phát triển; đức Phật Độc Giác với ý nghĩa tự mình chứng ngộ có quyền được phát triển; đức Như Lai với ý nghĩa vô lượng, là bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác có quyền được phát triển; ba hạng người này có quyền được phát triển.
Như thế, có sự phát triển quyền ở tám hạng người này; ba hạng người này có quyền được phát triển.
Phần giải thích về bài Kinh thứ nhất.
[Duyên khởi ở Sāvatthi]
Này các tỳ khưu, đây là năm quyền. Những gì là năm? Tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền.
Này các tỳ khưu, chính các vị Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào không nhận biết đúng theo thực thể về sự sanh khởi, về sự biến mất, về sự khoái lạc, về sự tai hại, và về sự xuất ly của năm quyền này, này các tỳ khưu, đối với ta các Sa-môn hoặc Bà-la-môn ấy không được xem là Sa-môn trong số các Sa-môn, hoặc không được xem là Bà-la-môn trong số các Bà-la-môn; hơn nữa các vị tôn túc ấy ngay trong thời hiện tại không tự mình tác chứng bằng thắng trí, đạt đến và an trú vào mục đích của Sa-môn hạnh hoặc mục đích của Bà-la-môn hạnh.
Này các tỳ khưu, chính các vị Sa-môn hoặc Bà-la-môn nào nhận biết đúng theo thực thể về sự sanh khởi, về sự biến mất, về sự khoái lạc, về sự tai hại, và về sự xuất ly của năm quyền này, này các tỳ khưu, đối với ta các Sa-môn hoặc Bà-la-môn ấy được xem là Sa-môn trong số các Sa-môn, hoặc được xem là Bà-la-môn trong số các Bà-la-môn; hơn nữa các vị tôn túc ấy ngay trong thời hiện tại tự mình tác chứng bằng thắng trí, đạt đến và an trú vào mục đích của Sa-môn hạnh hoặc mục đích của Bà-la-môn hạnh.
Sự sanh khởi của năm quyền là với bao nhiêu biểu hiện? Nhận biết sự sanh khởi của năm quyền bằng bao nhiêu biểu hiện? Sự biến mất của năm quyền là với bao nhiêu biểu hiện? Nhận biết sự biến mất của năm quyền bằng bao nhiêu biểu hiện? Sự khoái lạc của năm quyền là với bao nhiêu biểu hiện? Nhận biết sự khoái lạc của năm quyền bằng bao nhiêu biểu hiện? Sự tai hại của năm quyền là với bao nhiêu biểu hiện? Nhận biết sự tai hại của năm quyền bằng bao nhiêu biểu hiện? Sự xuất ly của năm quyền là với bao nhiêu biểu hiện? Nhận biết sự xuất ly của năm quyền bằng bao nhiêu biểu hiện?
Sự sanh khởi của năm quyền là với 40 biểu hiện, (hành giả) nhận biết sự sanh khởi của năm quyền bằng 40 biểu hiện. Sự biến mất của năm quyền là với 40 biểu hiện, (hành giả) nhận biết sự biến mất của năm quyền bằng 40 biểu hiện. Sự khoái lạc của năm quyền là với 25 biểu hiện, (hành giả) nhận biết sự khoái lạc của năm quyền bằng 25 biểu hiện. Sự tai hại của năm quyền là với 25 biểu hiện, (hành giả) nhận biết sự tai hại của năm quyền bằng 25 biểu hiện. Sự xuất ly của năm quyền là với 180 biểu hiện, (hành giả) nhận biết sự xuất ly của năm quyền bằng 180 biểu hiện.
Sự sanh khởi của năm quyền là với 40 biểu hiện gì? Nhận biết sự sanh khởi của năm quyền bằng 40 biểu hiện gì?
Sự sanh khởi của hướng tâm theo ý nghĩa cương quyết là sự sanh khởi của tín quyền, sự sanh khởi của ước muốn do tác động của sự cương quyết là sự sanh khởi của tín quyền, sự sanh khởi của tác ý do tác động của sự cương quyết là sự sanh khởi của tín quyền, sự thiết lập của nhất thể do tác động của tín quyền là sự sanh khởi của tín quyền. Sự sanh khởi của hướng tâm theo ý nghĩa ra sức là sự sanh khởi của tấn quyền, sự sanh khởi của ước muốn do tác động của sự ra sức là sự sanh khởi của tấn quyền, sự sanh khởi của tác ý do tác động của sự ra sức là sự sanh khởi của tấn quyền, sự thiết lập của nhất thể do tác động của tấn quyền là sự sanh khởi của tấn quyền. Sự sanh khởi của hướng tâm theo ý nghĩa thiết lập là sự sanh khởi của niệm quyền, sự sanh khởi của ước muốn do tác động của sự thiết lập là sự sanh khởi của niệm quyền, sự sanh khởi của tác ý do tác động của sự thiết lập là sự sanh khởi của niệm quyền, sự thiết lập của nhất thể do tác động của niệm quyền là sự sanh khởi của niệm quyền. Sự sanh khởi của hướng tâm theo ý nghĩa không tản mạn là sự sanh khởi của định quyền, sự sanh khởi của ước muốn do tác động của sự không tản mạn là sự sanh khởi của định quyền, sự sanh khởi của tác ý do tác động của sự không tản mạn là sự sanh khởi của định quyền, sự thiết lập của nhất thể do tác động của định quyền là sự sanh khởi của định quyền. Sự sanh khởi của hướng tâm theo ý nghĩa nhận thức là sự sanh khởi của tuệ quyền, sự sanh khởi của ước muốn do tác động của sự nhận thức là sự sanh khởi của tuệ quyền, sự sanh khởi của tác ý do tác động của sự nhận thức là sự sanh khởi của tuệ quyền, sự thiết lập của nhất thể do tác động của tuệ quyền là sự sanh khởi của tuệ quyền.
Sự sanh khởi của hướng tâm theo ý nghĩa cương quyết là sự sanh khởi của tín quyền, sự sanh khởi của hướng tâm theo ý nghĩa ra sức là sự sanh khởi của tấn quyền, sự sanh khởi của hướng tâm theo ý nghĩa thiết lập là sự sanh khởi của niệm quyền, sự sanh khởi của hướng tâm theo ý nghĩa không tản mạn là sự sanh khởi của định quyền, sự sanh khởi của hướng tâm theo ý nghĩa nhận thức là sự sanh khởi của tuệ quyền. Sự sanh khởi của ước muốn do tác động của sự cương quyết là sự sanh khởi của tín quyền, sự sanh khởi của ước muốn do tác động của sự ra sức là sự sanh khởi của tấn quyền, sự sanh khởi của ước muốn do tác động của sự thiết lập là sự sanh khởi của niệm quyền, sự sanh khởi của ước muốn do tác động của sự không tản mạn là sự sanh khởi của định quyền, sự sanh khởi của ước muốn do tác động của sự nhận thức là sự sanh khởi của tuệ quyền.
Sự sanh khởi của tác ý do tác động của sự cương quyết là sự sanh khởi của tín quyền, sự sanh khởi của tác ý do tác động của sự ra sức là sự sanh khởi của tấn quyền, sự sanh khởi của tác ý do tác động của sự thiết lập là sự sanh khởi của niệm quyền, sự sanh khởi của tác ý do tác động của sự không tản mạn là sự sanh khởi của định quyền, sự sanh khởi của tác ý do tác động của sự nhận thức là sự sanh khởi của tuệ quyền. Sự thiết lập của nhất thể do tác động của tín quyền là sự sanh khởi của tín quyền, sự thiết lập của nhất thể do tác động của tấn quyền là sự sanh khởi của tấn quyền. sự thiết lập của nhất thể do tác động của niệm quyền là sự sanh khởi của niệm quyền, sự thiết lập của nhất thể do tác động của định quyền là sự sanh khởi của định quyền, sự thiết lập của nhất thể do tác động của tuệ quyền là sự sanh khởi của tuệ quyền.
Sự sanh khởi của năm quyền là với 40 biểu hiện này, (hành giả) nhận biết sự sanh khởi của năm quyền bằng 40 biểu hiện này.
Sự biến mất của năm quyền là với 40 biểu hiện gì? Nhận biết sự biến mất của năm quyền bằng 40 biểu hiện gì?
Sự biến mất của sự hướng tâm theo ý nghĩa cương quyết là sự biến mất của tín quyền, sự biến mất của ước muốn do tác động của sự cương quyết là sự biến mất của tín quyền, sự biến mất của tác ý do tác động của sự cương quyết là sự biến mất của tín quyền, sự không thiết lập của nhất thể do tác động của tín quyền là sự biến mất của tín quyền.
Sự biến mất của sự hướng tâm theo ý nghĩa ra sức là sự biến mất của tấn quyền, sự biến mất của ước muốn do tác động của sự ra sức là sự biến mất của tấn quyền, sự biến mất của tác ý do tác động của sự ra sức là sự biến mất của tấn quyền, sự không thiết lập của nhất thể do tác động của tấn quyền là sự biến mất của tấn quyền.
Sự biến mất của sự hướng tâm theo ý nghĩa thiết lập là sự biến mất của niệm quyền, sự biến mất của ước muốn do tác động của sự thiết lập là sự biến mất của niệm quyền, sự biến mất của tác ý do tác động của sự thiết lập là sự biến mất của niệm quyền, sự không thiết lập của nhất thể do tác động của niệm quyền là sự biến mất của niệm quyền.
Sự biến mất của sự hướng tâm theo ý nghĩa không tản mạn là sự biến mất của định quyền, sự biến mất của ước muốn do tác động của sự không tản mạn là sự biến mất của định quyền, sự biến mất của tác ý do tác động của sự không tản mạn là sự biến mất của định quyền, sự không thiết lập của nhất thể do tác động của định quyền là sự biến mất của định quyền.
Sự biến mất của sự hướng tâm theo ý nghĩa nhận thức là sự biến mất của tuệ quyền, sự biến mất của ước muốn do tác động của sự nhận thức là sự biến mất của tuệ quyền, sự biến mất của tác ý do tác động của sự nhận thức là sự biến mất của tuệ quyền, sự không thiết lập của nhất thể do tác động của tuệ quyền là sự biến mất của tuệ quyền.
Sự biến mất của sự hướng tâm theo ý nghĩa cương quyết là sự biến mất của tín quyền, sự biến mất của sự hướng tâm theo ý nghĩa ra sức là sự biến mất của tấn quyền, sự biến mất của sự hướng tâm theo ý nghĩa thiết lập là sự biến mất của niệm quyền, sự biến mất của sự hướng tâm theo ý nghĩa không tản mạn là sự biến mất của định quyền, sự biến mất của sự hướng tâm theo ý nghĩa nhận thức là sự biến mất của tuệ quyền.
Sự biến mất của ước muốn do tác động của sự cương quyết là sự biến mất của tín quyền, sự biến mất của ước muốn do tác động của sự ra sức là sự biến mất của tấn quyền, sự biến mất của ước muốn do tác động của sự thiết lập là sự biến mất của niệm quyền, sự biến mất của ước muốn do tác động của sự không tản mạn là sự biến mất của định quyền, sự biến mất của ước muốn do tác động của sự nhận thức là sự biến mất của tuệ quyền.
Sự biến mất của tác ý do tác động của sự cương quyết là sự biến mất của tín quyền, sự biến mất của tác ý do tác động của sự ra sức là sự biến mất của tấn quyền, sự biến mất của tác ý do tác động của sự thiết lập là sự biến mất của niệm quyền, sự biến mất của tác ý do tác động của sự không tản mạn là sự biến mất của định quyền, sự biến mất của tác ý do tác động của sự nhận thức là sự biến mất của tuệ quyền.
Sự không thiết lập của nhất thể do tác động của tín quyền là sự biến mất của tín quyền, sự không thiết lập của nhất thể do tác động của tấn quyền là sự biến mất của tấn quyền, sự không thiết lập của nhất thể do tác động của niệm quyền là sự biến mất của niệm quyền, sự không thiết lập của nhất thể do tác động của định quyền là sự biến mất của định quyền, sự không thiết lập của nhất thể do tác động của tuệ quyền là sự biến mất của tuệ quyền.
Sự biến mất của năm quyền là với 40 biểu hiện này, (hành giả) nhận biết sự biến mất của năm quyền bằng 40 biểu hiện này.
Sự khoái lạc của năm quyền là với 25 biểu hiện gì? Nhận biết sự khoái lạc của năm quyền bằng 25 biểu hiện gì?
Sự không thiết lập của sự không có đức tin là sự khoái lạc của tín quyền, sự không thiết lập của trạng thái bực bội do không có đức tin là sự khoái lạc của tín quyền, sự tự tín của hành vi cương quyết là sự khoái lạc của tín quyền, sự an trú và đắc chứng thanh tịnh[3]là sự khoái lạc của tín quyền, lạc và hỷ tâm nào sanh lên tùy thuận vào tín quyền thì điều ấy là sự khoái lạc của tín quyền.
Sự không thiết lập của biếng nhác là sự khoái lạc của tấn quyền, sự không thiết lập của trạng thái bực bội do biếng nhác là sự khoái lạc của tấn quyền, sự tự tín của hành vi ra sức là sự khoái lạc của tấn quyền, sự an trú và đắc chứng thanh tịnh là sự khoái lạc của tấn quyền, lạc và hỷ tâm nào sanh lên tùy thuận vào tấn quyền thì điều ấy là sự khoái lạc của tấn quyền.
Sự không thiết lập của buông lung là sự khoái lạc của niệm quyền, sự không thiết lập của trạng thái bực bội do buông lung là sự khoái lạc của niệm quyền, sự tự tín của hành vi thiết lập là sự khoái lạc của niệm quyền, sự an trú và đắc chứng thanh tịnh là sự khoái lạc của niệm quyền, lạc và hỷ tâm nào sanh lên tùy thuận vào niệm quyền thì điều ấy là sự khoái lạc của niệm quyền.
Sự không thiết lập của phóng dật là sự khoái lạc của định quyền, sự không thiết lập của trạng thái bực bội do phóng dật là sự khoái lạc của định quyền, sự tự tín của hành vi không tản mạn là sự khoái lạc của định quyền, sự an trú và đắc chứng thanh tịnh là sự khoái lạc của định quyền, lạc và hỷ tâm nào sanh lên tùy thuận vào định quyền thì điều ấy là sự khoái lạc của định quyền.
Sự không thiết lập của vô minh là sự khoái lạc của tuệ quyền, sự không thiết lập của trạng thái bực bội do vô minh là sự khoái lạc của tuệ quyền, sự tự tín của hành vi nhận thức là sự khoái lạc của tuệ quyền, sự an trú và đắc chứng thanh tịnh là sự khoái lạc của tuệ quyền, lạc và hỷ tâm nào sanh lên tùy thuận vào tuệ quyền thì điều ấy là sự khoái lạc của tuệ quyền.
Sự khoái lạc của năm quyền là với 25 biểu hiện này, (hành giả) nhận biết sự khoái lạc của năm quyền bằng 25 biểu hiện này.
Sự tai hại của năm quyền là với 25 biểu hiện gì? Nhận biết sự tai hại của năm quyền bằng 25 biểu hiện gì?
Sự thiết lập của sự không có đức tin là sự tai hại của tín quyền, sự thiết lập của trạng thái bực bội do không có đức tin là sự tai hại của tín quyền, theo ý nghĩa vô thường là sự tai hại của tín quyền, theo ý nghĩa khổ não là sự tai hại của tín quyền, theo ý nghĩa vô ngã là sự tai hại của tín quyền.
Sự thiết lập của sự biếng nhác là sự tai hại của tấn quyền, sự thiết lập của trạng thái bực bội do biếng nhác là sự tai hại của tấn quyền, theo ý nghĩa vô thường là sự tai hại của tấn quyền, theo ý nghĩa khổ não là sự tai hại của tấn quyền, theo ý nghĩa vô ngã là sự tai hại của tấn quyền.
Sự thiết lập của sự buông lung là sự tai hại của niệm quyền, sự thiết lập của trạng thái bực bội do buông lung là sự tai hại của niệm quyền, theo ý nghĩa vô thường là sự tai hại của niệm quyền, theo ý nghĩa khổ não là sự tai hại của niệm quyền, theo ý nghĩa vô ngã là sự tai hại của niệm quyền.
Sự thiết lập của phóng dật là sự tai hại của định quyền, sự thiết lập của trạng thái bực bội do phóng dật là sự tai hại của định quyền, theo ý nghĩa vô thường là sự tai hại của định quyền, theo ý nghĩa khổ não là sự tai hại của định quyền, theo ý nghĩa vô ngã là sự tai hại của định quyền.
Sự thiết lập của vô minh là sự tai hại của tuệ quyền, sự thiết lập của trạng thái bực bội do vô minh là sự tai hại của tuệ quyền, theo ý nghĩa vô thường là sự tai hại của tuệ quyền, theo ý nghĩa khổ não là sự tai hại của tuệ quyền, theo ý nghĩa vô ngã là sự tai hại của tuệ quyền.
Sự tai hại của năm quyền là với 25 biểu hiện này, (hành giả) nhận biết sự tai hại của năm quyền bằng 25 biểu hiện này.
Sự xuất ly của năm quyền là với 180 biểu hiện gì? Nhận biết sự xuất ly của năm quyền bằng 180 biểu hiện gì?
Với ý nghĩa cương quyết, tín quyền được xuất ly khỏi sự không có đức tin, được xuất ly khỏi trạng thái bực bội do không có đức tin, được xuất ly khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và khỏi các uẩn, được xuất ly khỏi tất cả các hiện tướng ở ngoại phần, từ đó được xuất ly khỏi tín quyền (thuộc thời điểm) liền trước đây nhờ sự thành tựu tín quyền thù thắng hơn.
Với ý nghĩa ra sức, tấn quyền được xuất ly khỏi sự biếng nhác, được xuất ly khỏi trạng thái bực bội do biếng nhác, được xuất ly khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và khỏi các uẩn, được xuất ly khỏi tất cả các hiện tướng ở ngoại phần, từ đó được xuất ly khỏi tấn quyền (thuộc thời điểm) liền trước đây nhờ sự thành tựu tấn quyền thù thắng hơn.
Với ý nghĩa thiết lập, niệm quyền được xuất ly khỏi sự buông lung, được xuất ly khỏi trạng thái bực bội do buông lung, được xuất ly khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và khỏi các uẩn, được xuất ly khỏi tất cả các hiện tướng ở ngoại phần, từ đó được xuất ly khỏi niệm quyền (thuộc thời điểm) liền trước đây nhờ sự thành tựu của niệm quyền thù thắng hơn.
Với ý nghĩa không tản mạn, định quyền được xuất ly khỏi sự phóng dật, được xuất ly khỏi trạng thái bực bội do phóng dật, được xuất ly khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và khỏi các uẩn, được xuất ly khỏi tất cả các hiện tướng ở ngoại phần, từ đó được xuất ly khỏi định quyền (thuộc thời điểm) liền trước đây nhờ sự thành tựu của định quyền thù thắng hơn.
Với ý nghĩa nhận thức, tuệ quyền được xuất ly khỏi vô minh, được xuất ly khỏi trạng thái bực bội do vô minh, được xuất ly khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và khỏi các uẩn, được xuất ly khỏi tất cả các hiện tướng ở ngoại phần, từ đó được xuất ly khỏi tuệ quyền (thuộc thời điểm) liền trước đây nhờ sự thành tựu của tuệ quyền thù thắng hơn.
Do nhờ năng lực của sơ thiền, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở giai đoạn trước đây. Do nhờ năng lực của nhị thiền, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sơ thiền. Do nhờ năng lực của tam thiền, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở nhị thiền. Do nhờ năng lực của tứ thiền, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở tam thiền. Do nhờ năng lực của sự chứng đạt không vô biên xứ, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở tứ thiền. Do nhờ năng lực của sự chứng đạt thức vô biên xứ, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự chứng đạt không vô biên xứ. Do nhờ năng lực của sự chứng đạt vô sở hữu xứ, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự chứng đạt thức vô biên xứ. Do nhờ năng lực của sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự chứng đạt vô sở hữu xứ. Do nhờ năng lực của sự quán xét về vô thường, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Do nhờ năng lực của sự quán xét về khổ não, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự quán xét về vô thường. Do nhờ năng lực của sự quán xét về vô ngã, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự quán xét về khổ não. Do nhờ năng lực của sự quán xét về sự nhàm chán, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự quán xét về vô ngã. Do nhờ năng lực của sự quán xét về ly tham ái, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự quán xét về sự nhàm chán. Do nhờ năng lực của sự quán xét về sự diệt tận, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự quán xét về ly tham ái. Do nhờ năng lực của sự quán xét về sự từ bỏ, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự quán xét về sự diệt tận. Do nhờ năng lực của sự quán xét về sự đoạn tận, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự quán xét về sự từ bỏ. Do nhờ năng lực của sự quán xét về sự biến hoại, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự quán xét về sự đoạn tận. Do nhờ năng lực của sự quán xét về sự chuyển biến, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự quán xét về sự biến hoại. Do nhờ năng lực của sự quán xét về vô tướng, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự quán xét về sự chuyển biến. Do nhờ năng lực của sự quán xét về vô nguyện, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự quán xét về vô tướng. Do nhờ năng lực của sự quán xét về không tánh, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự quán xét về vô nguyện. Do nhờ năng lực của sự minh sát các pháp bằng thắng tuệ, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự quán xét về không tánh. Do nhờ năng lực của sự biết và thấy đúng theo thực thể, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự minh sát các pháp bằng thắng tuệ. Do nhờ năng lực của sự quán xét về sự tai hại, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự biết và thấy đúng theo thực thể. Do nhờ năng lực của sự quán xét về sự phân biệt rõ, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự quán xét về sự tai hại. Do nhờ năng lực của sự quán xét về sự ly khai, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự quán xét về sự phân biệt rõ. Do nhờ năng lực của Đạo Nhập Lưu, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự quán xét về sự ly khai. Do nhờ năng lực của sự chứng đạt Quả Nhập Lưu, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở Đạo Nhập Lưu. Do nhờ năng lực của Đạo Nhất Lai, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự chứng đạt Quả Nhập Lưu. Do nhờ năng lực của sự chứng đạt Quả Nhất Lai, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở Đạo Nhất Lai. Do nhờ năng lực của Đạo Bất Lai, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự chứng đạt Quả Nhất Lai. Do nhờ năng lực của sự chứng đạt Quả Bất Lai, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở Đạo Bất Lai. Do nhờ năng lực của Đạo A-la-hán, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở sự chứng đạt Quả Bất Lai. Do nhờ năng lực của sự chứng đạt Quả A-la-hán, năm quyền được xuất ly khỏi năm quyền ở Đạo A-la-hán.
Năm quyền ở sự thoát ly được xuất ly khỏi ước muốn trong các dục. Năm quyền ở sự không sân độc được xuất ly khỏi sự sân độc. Năm quyền ở sự nghĩ tưởng đến ánh sáng được xuất ly khỏi sự lờ đờ buồn ngủ. Năm quyền ở sự không tản mạn được xuất ly khỏi sự phóng dật. Năm quyền ở sự xác định pháp được xuất ly khỏi sự hoài nghi. Năm quyền ở trí được xuất ly khỏi vô minh. Năm quyền ở sự hân hoan được xuất ly khỏi sự không hứng thú.
Năm quyền ở sơ thiền được xuất ly khỏi các pháp ngăn che. Năm quyền ở nhị thiền được xuất ly khỏi tầm và tứ. Năm quyền ở tam thiền được xuất ly khỏi hỷ. Năm quyền ở tứ thiền được xuất ly khỏi lạc và khổ. Năm quyền ở sự chứng đạt không vô biên xứ được xuất ly khỏi sự nghĩ tưởng về sắc, sự nghĩ tưởng về bất bình, sự nghĩ tưởng về trạng thái khác biệt. Năm quyền ở sự chứng đạt thức vô biên xứ được xuất ly khỏi sự nghĩ tưởng về không vô biên xứ. Năm quyền ở sự chứng đạt vô sở hữu xứ được xuất ly khỏi sự nghĩ tưởng về thức vô biên xứ. Năm quyền ở sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ được xuất ly khỏi sự nghĩ tưởng về vô sở hữu xứ.
Năm quyền ở sự quán xét về vô thường được xuất ly khỏi sự nghĩ tưởng về thường còn. Năm quyền ở sự quán xét về khổ não được xuất ly khỏi sự nghĩ tưởng về lạc. Năm quyền ở sự quán xét về vô ngã được xuất ly khỏi sự nghĩ tưởng về ngã. Năm quyền ở sự quán xét về sự nhàm chán được xuất ly khỏi sự vui thích. Năm quyền ở sự quán xét về ly tham ái được xuất ly khỏi tham ái. Năm quyền ở sự quán xét về sự diệt tận được xuất ly khỏi nhân sanh khởi. Năm quyền ở sự quán xét về sự từ bỏ được xuất ly khỏi sự tai hại. Năm quyền ở sự quán xét về sự đoạn tận được xuất ly khỏi sự nghĩ tưởng về tiếp diễn. Năm quyền ở sự quán xét về sự biến hoại được xuất ly khỏi (nghiệp) tích lũy. Năm quyền ở sự quán xét về sự chuyển biến được xuất ly khỏi sự nghĩ tưởng về bền vững. Năm quyền ở sự quán xét về vô tướng được xuất ly khỏi hiện tướng. Năm quyền ở sự quán xét về vô nguyện được xuất ly khỏi sự nguyện ước. Năm quyền ở sự quán xét về không tánh được xuất ly khỏi sự cố chấp. Năm quyền ở sự minh sát các pháp bằng thắng tuệ được xuất ly khỏi sự cố chấp về thực chất (của thường còn, của tự ngã). Năm quyền ở sự biết và thấy đúng theo thực thể được xuất ly khỏi cố chấp vào sự lầm lẫn. Năm quyền ở sự quán xét về sự tai hại được xuất ly khỏi sự cố chấp vào sự lệ thuộc. Năm quyền ở sự quán xét về sự phân biệt rõ được xuất ly khỏi sự không phân biệt rõ. Năm quyền ở sự quán xét về sự ly khai được xuất ly khỏi sự cố chấp vào sự ràng buộc.
Năm quyền ở Đạo Nhập Lưu được xuất ly khỏi các phiền não thuần về tà kiến, năm quyền ở Đạo Nhất Lai được xuất ly khỏi các phiền não thô thiển, năm quyền ở Đạo Bất Lai được xuất ly khỏi các phiền não có tính chất vi tế, năm quyền ở Đạo A-la-hán được xuất ly khỏi toàn bộ phiền não; trong mọi trường hợp, năm quyền của chính tất cả các bậc Lậu Tận không những là được xuất ly, mà còn được xuất ly tốt đẹp, được tịnh lặng, và được tịnh lặng tốt đẹp.
Sự xuất ly của năm quyền là với 180 biểu hiện này, (hành giả) nhận biết sự xuất ly của năm quyền bằng 180 biểu hiện này.
Phần giải thích về bài Kinh thứ nhì.
Tụng Phẩm thứ nhất.
[Duyên khởi ở Sāvatthi]
Này các tỳ khưu, đây là năm quyền. Những gì là năm? Tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền.
Và này các tỳ khưu, tín quyền nên được quan sát ở đâu? Ở bốn chi phần của Nhập Lưu, tín quyền nên được quan sát ở đây. Và này các tỳ khưu, tấn quyền nên được quan sát ở đâu? Ở bốn chánh cần, tấn quyền nên được quan sát ở đây. Và này các tỳ khưu, niệm quyền nên được quan sát ở đâu? Ở bốn sự thiết lập niệm, niệm quyền nên được quan sát ở đây. Và này các tỳ khưu, định quyền nên được quan sát ở đâu? Ở bốn thiền, định quyền nên được quan sát ở đây. Và này các tỳ khưu, tuệ quyền nên được quan sát ở đâu? Ở bốn chân lý cao thượng, tuệ quyền nên được quan sát ở đây.
Do nhờ năng lực của tín quyền ở bốn chi phần của Nhập Lưu, năm quyền nên được quan sát theo bao nhiêu biểu hiện? Do nhờ năng lực của tấn quyền ở bốn chánh cần, năm quyền nên được quan sát theo bao nhiêu biểu hiện? Do nhờ năng lực của niệm quyền ở bốn sự thiết lập niệm, năm quyền nên được quan sát theo bao nhiêu biểu hiện? Do nhờ năng lực của định quyền ở bốn thiền, năm quyền nên được quan sát theo bao nhiêu biểu hiện? Do nhờ năng lực của tuệ quyền ở bốn chân lý cao thượng, năm quyền nên được quan sát theo bao nhiêu biểu hiện?
Do nhờ năng lực của tín quyền ở bốn chi phần của Nhập Lưu, năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện. Do nhờ năng lực của tấn quyền ở bốn chánh cần, năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện. Do nhờ năng lực của niệm quyền ở bốn sự thiết lập niệm, năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện. Do nhờ năng lực của định quyền ở bốn thiền, năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện. Do nhờ năng lực của tuệ quyền ở bốn chân lý cao thượng, năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện.
Do nhờ năng lực của tín quyền ở bốn chi phần của Nhập Lưu, năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện nào?
Ở bốn chi phần của Nhập Lưu về sự thân cận bậc chân nhân, tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tín quyền, tấn quyền nên được quan sát theo ý nghĩa ra sức, niệm quyền nên được quan sát theo ý nghĩa thiết lập, định quyền nên được quan sát theo ý nghĩa không tản mạn, tuệ quyền nên được quan sát theo ý nghĩa nhận thức. Ở bốn chi phần của Nhập Lưu về sự lắng nghe Chánh Pháp, ...(như trên)... về sự tác ý đúng đường lối, ...(như trên)... về sự thực hành đúng pháp và thuận pháp, tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tín quyền, ...(như trên)... tuệ quyền nên được quan sát theo ý nghĩa nhận thức.
Do nhờ năng lực của tín quyền ở bốn chi phần của Nhập Lưu, năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện này.
Do nhờ năng lực của tấn quyền ở bốn chánh cần, năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện nào?
Ở chánh cần nhằm không làm sanh khởi các pháp ác bất thiện chưa được sanh khởi, tấn quyền nên được quan sát theo ý nghĩa ra sức là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tấn quyền, niệm quyền nên được quan sát theo ý nghĩa thiết lập, định quyền nên được quan sát theo ý nghĩa không tản mạn, tuệ quyền nên được quan sát theo ý nghĩa nhận thức, tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết. Ở chánh cần nhằm dứt bỏ các pháp ác bất thiện chưa được sanh khởi, ...(nt)... Ở chánh cần nhằm làm sanh khởi các pháp thiện chưa được sanh khởi, ...(nt)... Ở chánh cần nhắm đến sự duy trì, sự không bị lẫn lộn, sự tăng trưởng, sự dồi dào, sự phát triển, sự làm tròn đủ các pháp thiện đã được sanh khởi, tấn quyền nên được quan sát theo ý nghĩa ra sức là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tấn quyền, ... tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết.
Do nhờ năng lực của tấn quyền ở bốn chánh cần, năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện này.
Do nhờ năng lực của niệm quyền ở bốn sự thiết lập niệm, năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện nào?
Ở sự thiết lập niệm về quán xét thân trên thân, niệm quyền nên được quan sát theo ý nghĩa thiết lập là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của niệm quyền, định quyền nên được quan sát theo ý nghĩa không tản mạn, tuệ quyền nên được quan sát theo ý nghĩa nhận thức, tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết, tấn quyền nên được quan sát theo ý nghĩa ra sức. Ở sự thiết lập niệm về quán xét thọ trên các thọ, ...(như trên)... Ở sự thiết lập niệm về quán xét tâm trên tâm, ...(như trên)... Ở sự thiết lập niệm về quán xét pháp trên các pháp, niệm quyền nên được quan sát theo ý nghĩa thiết lập là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của niệm quyền, định quyền nên được quan sát theo ý nghĩa không tản mạn, ...(như trên)... tấn quyền nên được quan sát theo ý nghĩa ra sức.
Do nhờ năng lực của niệm quyền ở bốn sự thiết lập niệm, năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện này.
Do nhờ năng lực của định quyền ở bốn thiền, năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện nào?
Ở sơ thiền, định quyền nên được quan sát theo ý nghĩa không tản mạn là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của định quyền, tuệ quyền nên được quan sát theo ý nghĩa nhận thức, tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết, tấn quyền nên được quan sát theo ý nghĩa ra sức, niệm quyền nên được quan sát theo ý nghĩa thiết lập. Ở nhị thiền, ...(như trên)... Ở tam thiền, ...(như trên)... Ở tứ thiền, định quyền nên được quan sát theo ý nghĩa không tản mạn là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của định quyền, ...(như trên)... niệm quyền nên được quan sát theo ý nghĩa thiết lập.
Do nhờ năng lực của định quyền ở bốn thiền, năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện này.
Do nhờ năng lực của tuệ quyền ở bốn chân lý cao thượng, năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện nào?
Ở chân lý cao thượng về Khổ, tuệ quyền nên được quan sát theo ý nghĩa nhận thức là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tuệ quyền, tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết, tấn quyền nên được quan sát theo ý nghĩa ra sức, niệm quyền nên được quan sát theo ý nghĩa thiết lập, định quyền nên được quan sát theo ý nghĩa không tản mạn. Ở chân lý cao thượng về nhân sanh Khổ, ...(như trên)... Ở chân lý cao thượng về sự diệt tận Khổ, ...(như trên)... Ở chân lý cao thượng về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ, tuệ quyền nên được quan sát theo ý nghĩa nhận thức là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tuệ quyền, ...(như trên)... định quyền nên được quan sát theo ý nghĩa không tản mạn.
Do nhờ năng lực của tuệ quyền ở bốn chân lý cao thượng, năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện này.
Do nhờ năng lực của tín quyền ở bốn chi phần của Nhập Lưu, hành vi của năm quyền nên được quan sát theo bao nhiêu biểu hiện? Do nhờ năng lực của tuệ quyền ở bốn chánh cần ...(như trên)... ở bốn sự thiết lập niệm ...(như trên)... ở bốn thiền ...(như trên)... ở bốn chân lý cao thượng, hành vi của năm quyền nên được quan sát theo bao nhiêu biểu hiện? Do nhờ năng lực của tín quyền ở bốn chi phần của Nhập Lưu, hành vi của năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện. Do nhờ năng lực của tuệ quyền ở bốn chánh cần ...(như trên)... ở bốn sự thiết lập niệm ...(như trên)... ở bốn thiền ...(như trên)... ở bốn chân lý cao thượng, hành vi của năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện.
Do nhờ năng lực của tín quyền ở bốn chi phần của Nhập Lưu, hành vi của năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện nào?
Ở bốn chi phần của Nhập Lưu về sự thân cận bậc chân nhân, hành vi của tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tín quyền, hành vi của tấn quyền nên được quan sát theo ý nghĩa ra sức, hành vi của niệm quyền ... theo ý nghĩa thiết lập, hành vi của định quyền ... theo ý nghĩa không tản mạn, hành vi của tuệ quyền ... theo ý nghĩa nhận thức. Ở bốn chi phần của Nhập Lưu về sự lắng nghe Chánh Pháp, ...(như trên)... về sự tác ý đúng đường lối, ...(như trên)... về sự thực hành đúng pháp và thuận pháp, hành vi của tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tín quyền, ...(nt)... hành vi của tuệ quyền nên được quan sát theo ý nghĩa nhận thức.
Ở bốn chi phần của Nhập Lưu, do nhờ năng lực của tín quyền hành vi của năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện này.
Do nhờ năng lực của tấn quyền ở bốn chánh cần, hành vi của năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện nào?
Ở chánh cần nhằm không làm sanh khởi các pháp ác bất thiện chưa được sanh khởi, hành vi của tấn quyền nên được quan sát theo ý nghĩa ra sức là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tấn quyền, hành vi của niệm quyền nên được quan sát theo ý nghĩa thiết lập, hành vi của định quyền ... theo ý nghĩa không tản mạn, hành vi của tuệ quyền ... theo ý nghĩa nhận thức, hành vi của tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết. Ở chánh cần nhằm dứt bỏ các pháp ác bất thiện chưa được sanh khởi, ...(như trên)... nhằm làm sanh khởi các pháp thiện chưa được sanh khởi, ...(như trên)... nhắm đến sự duy trì, sự không bị lẫn lộn, sự tăng trưởng, sự dồi dào, sự phát triển, sự làm tròn đủ các pháp thiện đã được sanh khởi, hành vi của tấn quyền nên được quan sát theo ý nghĩa ra sức là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tấn quyền ...(như trên)... hành vi của tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết.
Do nhờ năng lực của tấn quyền ở bốn chánh cần, hành vi của năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện này.
Do nhờ năng lực của niệm quyền ở bốn sự thiết lập niệm, hành vi của năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện nào?
Ở sự thiết lập niệm về quán xét thân trên thân, hành vi của niệm quyền nên được quan sát theo ý nghĩa thiết lập là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của niệm quyền, hành vi của định quyền nên được quan sát theo ý nghĩa không tản mạn, hành vi của tuệ quyền ... theo ý nghĩa nhận thức, hành vi của tín quyền ... theo ý nghĩa cương quyết, hành vi của tấn quyền ... theo ý nghĩa ra sức. Ở sự thiết lập niệm về quán xét thọ trên các thọ, ...(nt)... về quán xét tâm trên tâm, ...(nt)... về quán xét pháp trên các pháp, hành vi của niệm quyền nên được quan sát theo ý nghĩa thiết lập là pháp chủ đạo; ...(nt)..
Do nhờ năng lực của niệm quyền ở bốn sự thiết lập niệm, hành vi của năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện này.
Do nhờ năng lực của định quyền ở bốn thiền, hành vi của năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện nào?
Ở sơ thiền, hành vi của định quyền nên được quan sát theo ý nghĩa không tản mạn là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của định quyền, hành vi của tuệ quyền nên được quan sát theo ý nghĩa nhận thức, hành vi của tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết, hành vi của tấn quyền nên được quan sát theo ý nghĩa ra sức, hành vi của niệm quyền nên được quan sát theo ý nghĩa thiết lập. Ở nhị thiền, ...(như trên)... Ở tam thiền, ...(như trên)... Ở tứ thiền, hành vi của định quyền nên được quan sát theo ý nghĩa không tản mạn là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của định quyền, ...(như trên)...
Do nhờ năng lực của định quyền ở bốn thiền, hành vi của năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện này.
Do nhờ năng lực của tuệ quyền ở bốn chân lý cao thượng, hành vi của năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện nào?
Ở chân lý cao thượng về Khổ, hành vi của tuệ quyền nên được quan sát theo ý nghĩa nhận thức là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tuệ quyền, hành vi của tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết, hành vi của tấn quyền nên được quan sát theo ý nghĩa ra sức, hành vi của niệm quyền nên được quan sát theo ý nghĩa thiết lập, hành vi của định quyền nên được quan sát theo ý nghĩa không tản mạn. Ở chân lý cao thượng về nhân sanh Khổ, ...(như trên)... Ở chân lý cao thượng về sự diệt tận Khổ, ...(như trên)... Ở chân lý cao thượng về sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ, hành vi của tuệ quyền nên được quan sát theo ý nghĩa nhận thức là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tuệ quyền, ...(như trên)...
Do nhờ năng lực của tuệ quyền ở bốn chân lý cao thượng, hành vi của năm quyền nên được quan sát theo 20 biểu hiện này.
Hành vi và sự an trú là được phát hiện và được thấu triệt. Các bậc trí hành Phạm hạnh có thể xác nhận về những lãnh vực thâm sâu cho người đang hành động như thế ấy, đang an trú như thế ấy rằng: ‘Chắc chắn vị tôn túc này đã đạt đến hoặc sẽ thành tựu.’
Hành vi: Có tám hành vi: hành vi của oai nghi, hành vi của xứ, hành vi của niệm, hành vi của định, hành vi của trí, hành vi của Đạo, hành vi của sự đạt đến, và hành vi vì lợi ích của thế gian.
Hành vi của oai nghi: liên quan đến bốn oai nghi.
Hành vi của xứ: liên quan đến sáu nội ngoại xứ.
Hành vi của niệm: liên quan đến bốn sự thiết lập niệm.
Hành vi của định: liên quan đến bốn thiền.
Hành vi của trí: liên quan đến bốn chân lý cao thượng.
Hành vi của Đạo: liên quan đến bốn Thánh Đạo.
Hành vi của sự đạt đến: liên quan đến bốn Quả vị Sa-môn.
Hành vi vì lợi ích của thế gian: liên quan đến các đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác, liên quan một phần đến các vị Phật Độc Giác, liên quan một phần đến các vị Thinh Văn.
Hành vi của oai nghi là của các vị đã thành tựu nguyện vọng, hành vi của xứ là của các vị có sự hộ trì các căn,[4]hành vi của niệm là của các vị an trú vào sự không buông lung, hành vi của định là của các vị gắn bó vào thắng tâm, hành vi của trí là của các vị đã thành tựu sự giác ngộ, hành vi của Đạo là của các vị thực hành đúng đắn, hành vi của sự đạt đến là của các Quả vị đã được chứng đạt, hành vi vì lợi ích của thế gian là của các đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác, là một phần đối với các vị Phật Độc Giác, là một phần đối với các vị Thinh Văn; đây là tám hành vi.
Có tám hành vi khác nữa: Trong khi cương quyết là hành xử với tín, trong khi ra sức là hành xử với tấn, trong khi thiết lập là hành xử với niệm, trong khi không tản mạn là hành xử với định, trong khi nhận biết là hành xử với tuệ, trong khi nhận thức là hành xử với hành vi của thức, ‘ở vị thực hành như thế, các thiện pháp được thể hiện’ là hành xử với hành vi của xứ, ‘vị thực hành như thế chứng đắc đặc biệt’ là hành xử với hành vi của chứng đắc; đây là tám hành vi.
Có tám hành vi khác nữa: Hành vi nhận thức của chánh kiến, hành vi gắn chặt (tâm vào cảnh) của chánh tư duy, hành vi gìn giữ của chánh ngữ, hành vi nguồn sanh khởi của chánh nghiệp, hành vi trong sạch của chánh mạng, hành vi ra sức của chánh tinh tấn, hành vi thiết lập của chánh niệm, hành vi không tản mạn của chánh định; đây là tám hành vi.
Sự an trú: Trong khi cương quyết là an trú với tín, trong khi ra sức là an trú với tấn, trong khi thiết lập là an trú với niệm, trong khi hành động không tản mạn là an trú với định, trong khi là nhận biết là an trú với tuệ.
Được phát hiện: Ý nghĩa cương quyết của tín quyền là được phát hiện, ý nghĩa ra sức của tấn quyền là được phát hiện, ý nghĩa thiết lập của niệm quyền là được phát hiện, ý nghĩa không tản mạn của định quyền là được phát hiện, ý nghĩa nhận thức của tuệ quyền là được phát hiện.
Được thấu triệt: Ý nghĩa cương quyết của tín quyền là được thấu triệt, ý nghĩa ra sức của tấn quyền là được thấu triệt, ý nghĩa thiết lập của niệm quyền là được thấu triệt, ý nghĩa không tản mạn của định quyền là được thấu triệt, ý nghĩa nhận thức của tuệ quyền là được thấu triệt.
Đang hành động như thế ấy: đang hành động với tín như thế, đang hành động với tấn như thế, đang hành động với niệm như thế, đang hành động với định như thế, đang hành động với tuệ như thế.
Đang an trú như thế ấy: đang an trú với tín như thế, đang an trú với tấn như thế, đang an trú với niệm như thế, đang an trú với định như thế, đang an trú với tuệ như thế.
Các bậc trí: Các bậc có trí, hiểu biết, nhạy bén, khôn ngoan, đã thành tựu sự giác ngộ.
Có Phạm hạnh: có chung hành sự, có chung việc đọc tụng (giới bổn Pātimokkha), có sự học tập giống nhau.
Về những lãnh vực thâm sâu: các tầng thiền, các sự giải thoát, các tầng định, các sự chứng đạt, các Đạo, các Quả, các thắng trí, các (trí) phân tích được gọi là những lãnh vực thâm sâu.
Có thể xác nhận: có thể tin tưởng, có thể khẳng định.
Chắc chắn: Đây là lời nói một chiều, đây là lời nói không nghi ngờ, đây là lời nói không hoài nghi, đây là lời nói không có hai nghĩa, đây là lời nói không có hai ý, đây là lời nói quả quyết, đây là lời nói không lập lờ, đây là lời nói xác định: ‘Chắc chắn.’
Vị tôn túc: Đây là lời nói quý mến, đây là lời nói tôn trọng, đây là lời nói văn hoa có sự tôn kính và quy thuận: ‘Vị tôn túc.’
Đã đạt đến: đã chứng đắc. Hoặc sẽ thành tựu: hoặc sẽ chứng đắc.
Phần giải thích về bài Kinh thứ ba.
[Duyên khởi ở Sāvatthi]
Này các tỳ khưu, đây là năm quyền. Năm (quyền) là gì? Tín quyền, tấn quyền, niệm quyền, định quyền, tuệ quyền. Này các tỳ khưu, đây là năm quyền.
Năm quyền này nên được quan sát theo ý nghĩa gì với bao nhiêu biểu hiện? Năm quyền này nên được quan sát theo ý nghĩa ấy với sáu biểu hiện: theo ý nghĩa của pháp chủ đạo, theo ý nghĩa của việc làm trong sạch phần đầu, theo ý nghĩa vượt trội, theo ý nghĩa khẳng định, theo ý nghĩa chấm dứt, theo ý nghĩa tạo lập.
Các quyền nên được quan sát theo ý nghĩa của pháp chủ đạo là (có ý nghĩa) thế nào?
Đối với vị đang dứt bỏ sự không có đức tin, tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tín quyền, tấn quyền nên được quan sát theo ý nghĩa ra sức, niệm quyền nên được quan sát theo ý nghĩa thiết lập, định quyền nên được quan sát theo ý nghĩa không tản mạn, tuệ quyền nên được quan sát theo ý nghĩa nhận thức.
Đối với vị đang dứt bỏ sự biếng nhác, tấn quyền nên được quan sát theo ý nghĩa ra sức là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tấn quyền, niệm quyền nên được quan sát theo ý nghĩa thiết lập, định quyền ... theo ý nghĩa không tản mạn, tuệ quyền ... theo ý nghĩa nhận thức, tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết.
Đối với vị đang dứt bỏ sự buông lung, niệm quyền nên được quan sát theo ý nghĩa thiết lập là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của niệm quyền, định quyền nên được quan sát theo ý nghĩa không tản mạn, tuệ quyền ... theo ý nghĩa nhận thức, tín quyền ... theo ý nghĩa cương quyết, tấn quyền nên được quan sát theo ý nghĩa ra sức.
Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, định quyền nên được quan sát theo ý nghĩa không tản mạn là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của định quyền, tuệ quyền nên được quan sát theo ý nghĩa nhận thức, tín quyền ... cương quyết, tấn quyền ... ra sức, niệm quyền ... thiết lập.
Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, tuệ quyền nên được quan sát theo ý nghĩa nhận thức là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tuệ quyền, tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết, tấn quyền ... theo ý nghĩa ra sức, niệm quyền ... theo ý nghĩa thiết lập, định quyền ... theo ý nghĩa không tản mạn.
Đối với vị đang dứt bỏ ước muốn trong các dục, do nhờ năng lực của sự thoát ly, tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết là pháp chủ đạo, tấn quyền ... theo ý nghĩa ra sức, niệm quyền ... thiết lập, định quyền ... không tản mạn, tuệ quyền ... nhận thức.
Đối với vị đang dứt bỏ ước muốn trong các dục, do nhờ năng lực của sự thoát ly, tấn quyền nên được quan sát theo ý nghĩa ra sức là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tấn quyền, niệm quyền nên được quan sát theo ý nghĩa thiết lập, định quyền ... theo ý nghĩa không tản mạn, tuệ quyền ... nhận thức, tín quyền ... cương quyết.
Đối với vị đang dứt bỏ ước muốn trong các dục, do nhờ năng lực của sự thoát ly, niệm quyền nên được quan sát theo ý nghĩa thiết lập là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của niệm quyền, định quyền nên được quan sát theo ý nghĩa không tản mạn, tuệ quyền ... theo ý nghĩa nhận thức, tín quyền ... cương quyết, tấn quyền ... ra sức.
Đối với vị đang dứt bỏ ước muốn trong các dục, do nhờ năng lực của sự thoát ly, định quyền nên được quan sát theo ý nghĩa không tản mạn là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của định quyền, tuệ quyền nên được quan sát theo ý nghĩa nhận thức, tín quyền ... theo ý nghĩa cương quyết, tấn quyền ... ra sức, niệm quyền ... thiết lập.
Đối với vị đang dứt bỏ ước muốn trong các dục, do nhờ năng lực của sự thoát ly, tuệ quyền nên được quan sát theo ý nghĩa nhận thức là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tuệ quyền, tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết, tấn quyền ... theo ý nghĩa ra sức, niệm quyền ... thiết lập, định quyền ... không tản mạn.
Đối với vị đang dứt bỏ sân độc, do nhờ năng lực của sự không sân độc, ...(nt)... Đối với vị đang dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, do nhờ năng lực của sự nghĩ tưởng đến ánh sáng ...(nt)... Đối với vị đang dứt bỏ toàn bộ phiền não, do nhờ năng lực của Đạo A-la-hán, tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tín quyền, tấn quyền nên được quan sát theo ý nghĩa ra sức, niệm quyền ... theo ý nghĩa thiết lập, định quyền ... theo ý nghĩa không tản mạn, tuệ quyền ... theo ý nghĩa nhận thức. ...(nt)... Đối với vị đang dứt bỏ toàn bộ phiền não, do nhờ năng lực của Đạo A-la-hán, tuệ quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết là pháp chủ đạo; do nhờ năng lực của tuệ quyền, tín quyền nên được quan sát theo ý nghĩa cương quyết, tấn quyền ... theo ý nghĩa ra sức, niệm quyền ... thiết lập, định quyền ... không tản mạn. Các quyền nên được quan sát theo ý nghĩa của pháp chủ đạo là (có ý nghĩa) như thế.
Các quyền nên được quan sát theo ý nghĩa của việc làm trong sạch phần đầu là (có ý nghĩa) thế nào?
Tín quyền theo ý nghĩa cương quyết, giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc đối với sự không có đức tin là việc làm trong sạch phần đầu của tín quyền. Tấn quyền theo ý nghĩa ra sức, giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc đối với sự không biếng nhác là việc làm trong sạch phần đầu của tấn quyền. Niệm quyền theo ý nghĩa thiết lập, giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc đối với sự không buông lung là việc làm trong sạch phần đầu của niệm quyền. Định quyền theo ý nghĩa không tản mạn, giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc đối với sự không phóng dật là việc làm trong sạch phần đầu của định quyền. Tuệ quyền theo ý nghĩa nhận thức, giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc đối với vô minh là việc làm trong sạch phần đầu của tuệ quyền.
Năm quyền ở sự thoát ly, giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc đối với ước muốn trong các dục là việc làm trong sạch phần đầu của năm quyền. Năm quyền ở sự không sân độc, giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc đối với sân độc là việc làm trong sạch phần đầu của năm quyền. ...(nt)... Năm quyền ở Đạo A-la-hán, giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc đối với toàn bộ phiền não là việc làm trong sạch phần đầu của năm quyền. Các quyền nên được quan sát theo ý nghĩa của việc làm trong sạch phần đầu là (có ý nghĩa) như thế.
Các quyền nên được quan sát theo ý nghĩa vượt trội là (có ý nghĩa) thế nào?
Do sự phát triển của tín quyền, ước muốn sanh lên; do tác động của ước muốn, do tác động của đức tin, tín quyền là vượt trội. Do tác động của ước muốn, hân hoan sanh lên; do tác động của hân hoan, do tác động của đức tin, tín quyền là vượt trội. Do tác động của hân hoan, hỷ sanh lên; do tác động của hỷ, do tác động của đức tin, tín quyền là vượt trội. Do tác động của hỷ, tịnh sanh lên; do tác động của tịnh, do tác động của đức tin, tín quyền là vượt trội. Do tác động của tịnh, lạc sanh lên; do tác động của lạc, do tác động của đức tin, tín quyền là vượt trội. Do tác động của lạc, ánh sáng sanh lên; do tác động của ánh sáng, do tác động của đức tin, tín quyền là vượt trội. Do tác động của ánh sáng, sự động tâm sanh lên; do tác động của sự động tâm, do tác động của đức tin, tín quyền là vượt trội. Sau khi động tâm, (hành giả) tập trung tâm; do tác động của định, do tác động của đức tin, tín quyền là vượt trội. (Vị ấy) khéo léo ra sức tâm đã được định tĩnh như vậy; do tác động của sự ra sức, do tác động của đức tin, tín quyền là vượt trội. (Vị ấy) hoàn toàn bình thản (xả) đối với tâm đã được ra sức như vậy; do tác động của sự bình thản, do tác động của đức tin, tín quyền là vượt trội. Do tác động của sự bình thản, tâm được phóng thích khỏi các phiền não có bản chất khác biệt; do tác động của sự phóng thích, do tác động của đức tin, tín quyền là vượt trội. Do trạng thái đã được phóng thích, các pháp ấy[5]là có nhất vị; do tác động của sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị, do tác động của đức tin, tín quyền là vượt trội. Do trạng thái đã được tu tập, chúng ly khai (hướng) đến pháp thù thắng hơn thế nũa; do tác động của sự ly khai, do tác động của đức tin, tín quyền là vượt trội. Do trạng thái đã được ly khai, từ đó (vị ấy) xả ly; do tác động của sự xả ly, do tác động của đức tin, tín quyền là vượt trội. Do trạng thái đã được xả ly, từ đó chúng được diệt tận; do tác động của sự diệt tận, do tác động của đức tin, tín quyền là vượt trội. Do nhờ năng lực của sự diệt tận, có hai sự xả ly: sự xả ly do buông bỏ và sự xả ly do tiến vào. ‘Buông bỏ các phiền não và các uẩn’ là sự xả ly do buông bỏ, ‘Tâm tiến vào sự diệt tận, cảnh giới Niết Bàn’ là sự từ bỏ do tiến vào; do nhờ năng lực của sự diệt tận, có hai sự xả ly này.
Do sự dứt bỏ không có đức tin, ước muốn sanh lên; ... Do sự dứt bỏ trạng thái bực bội do không có đức tin, ước muốn sanh lên; ... Do sự dứt bỏ các phiền não thuần về tà kiến, ước muốn sanh lên; ... Do sự dứt bỏ các phiền não thô thiển, ước muốn sanh lên; ... Do sự dứt bỏ các phiền não phiền não có tính chất vi tế, ước muốn sanh lên; ... Do sự dứt bỏ toàn bộ phiền não, ước muốn sanh lên; do tác động của ước muốn, do tác động của đức tin, tín quyền là vượt trội. ...
Do sự phát triển tấn quyền, ước muốn sanh lên; ...(nt)... Do sự dứt bỏ biếng nhác, ước muốn sanh lên; ...(nt)... Do sự dứt bỏ trạng thái bực bội do biếng nhác, ước muốn sanh lên; ...(nt)... Do sự dứt bỏ các phiền não thuần về tà kiến, ước muốn sanh lên; ...(nt)... Do sự dứt bỏ toàn bộ phiền não, ước muốn sanh lên; ...(nt)...
Do sự phát triển niệm quyền, ước muốn sanh lên; ...(nt)... Do sự dứt bỏ buông lung, ước muốn sanh lên; ...(nt)... Do sự dứt bỏ trạng thái bực bội do buông lung, ước muốn sanh lên; ...(nt)... Do sự dứt bỏ toàn bộ phiền não, ước muốn sanh lên; ...(nt)...
Do sự phát triển của định quyền, ước muốn sanh lên; ...(nt)... Do sự dứt bỏ phóng dật, ước muốn sanh lên; ...(nt)... Do sự dứt bỏ trạng thái bực bội do phóng dật, ước muốn sanh lên; ...(nt)... Do sự dứt bỏ toàn bộ phiền não, ước muốn sanh lên; ...(nt)...
Do sự phát triển của tuệ quyền, ước muốn sanh lên; ...(nt)... Do sự dứt bỏ vô minh, ước muốn sanh lên; ... Do sự dứt bỏ trạng thái bực bội do vô minh, ước muốn sanh lên; ... Do sự dứt bỏ các phiền não thuần về tà kiến, ước muốn sanh lên; ... Do sự dứt bỏ các phiền não thô thiển, ước muốn sanh lên; ... Do sự dứt bỏ các phiền não có tính chất vi tế, ước muốn sanh lên; ...(nt)...
Do sự dứt bỏ toàn bộ phiền não, ước muốn sanh lên; do tác động của ước muốn, do tác động của tuệ, tuệ quyền là vượt trội. Do tác động của ước muốn, hân hoan sanh lên; do tác động của hân hoan, do tác động của tuệ, tuệ quyền là vượt trội. Do tác động của hân hoan, hỷ sanh lên; do tác động của hỷ, ... tuệ quyền là vượt trội. Do tác động của hỷ, tịnh sanh lên; do tác động của tịnh, ... tuệ quyền là vượt trội. Do tác động của tịnh, lạc sanh lên; do tác động của lạc, ... tuệ quyền là vượt trội. Do tác động của lạc, ánh sáng sanh lên; do tác động của ánh sáng, ... tuệ quyền là vượt trội. Do tác động của ánh sáng, sự động tâm sanh lên; do tác động của sự động tâm, ... tuệ quyền là vượt trội. Sau khi động tâm, (hành giả) tập trung tâm; do tác động của định, ... tuệ quyền là vượt trội. (Vị ấy) khéo léo nắm giữ tâm đã được định tĩnh như vậy; do tác động của sự nắm giữ, ... tuệ quyền là vượt trội. (Vị ấy) hoàn toàn bình thản (xả) đối với tâm đã được nắm giữ như vậy; do tác động của sự bình thản, ... tuệ quyền là vượt trội. Do tác động của sự bình thản, tâm được phóng thích khỏi các phiền não có bản chất khác biệt; do tác động của sự phóng thích, ... tuệ quyền là vượt trội. Do trạng thái đã được phóng thích, các pháp ấy là có nhất vị; do tác động của sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị, ... tuệ quyền là vượt trội. Do trạng thái đã được tu tập, chúng ly khai (hướng) đến các pháp thù thắng hơn thế nũa; do tác động của sự ly khai, ... tuệ quyền là vượt trội. Do trạng thái đã được ly khai, từ đó (vị ấy) xả ly; do tác động của sự xả ly, ... tuệ quyền là vượt trội. Do trạng thái đã được xả ly, từ đó chúng được diệt tận; do tác động của sự diệt tận, do tác động của tuệ, tuệ quyền là vượt trội. Do nhờ năng lực của sự diệt tận, có hai sự xả ly: sự xả ly do buông bỏ và sự xả ly do tiến vào. ‘Buông bỏ các phiền não và các uẩn’ là sự xả ly do buông bỏ. ‘Tâm tiến vào sự diệt tận, cảnh giới Niết Bàn’ là sự từ bỏ do tiến vào. Do nhờ năng lực của sự diệt tận, có hai sự xả ly này.
Các quyền nên được quan sát theo ý nghĩa vượt trội là (có ý nghĩa) như thế.
Tụng Phẩm thứ nhì.
Các quyền nên được quan sát theo ý nghĩa khẳng định là (có ý nghĩa) thế nào?
Do sự phát triển của tín quyền, ước muốn sanh lên; do tác động của ước muốn, do tác động của đức tin, tín quyền được khẳng định. Do tác động của ước muốn, hân hoan sanh lên; do tác động của hân hoan, do tác động của đức tin, tín quyền được khẳng định. ...(nt)...
Các quyền nên được quan sát theo ý nghĩa khẳng định là (có ý nghĩa) như thế.
Các quyền nên được quan sát theo ý nghĩa chấm dứt là (có ý nghĩa) thế nào?
Tín quyền theo ý nghĩa cương quyết chấm dứt sự không có đức tin, chấm dứt trạng thái bực bội do không có đức tin. Tấn quyền theo ý nghĩa ra sức chấm dứt sự biếng nhác, chấm dứt trạng thái bực bội do biếng nhác. Niệm quyền theo ý nghĩa thiết lập chấm dứt sự buông lung, chấm dứt trạng thái bực bội do buông lung. Định quyền theo ý nghĩa không tản mạn chấm dứt sự phóng dật, chấm dứt trạng thái bực bội do phóng dật. Tuệ quyền theo ý nghĩa nhận thức chấm dứt vô minh, chấm dứt trạng thái bực bội do vô minh.
Năm quyền ở sự thoát ly chấm dứt ước muốn trong các dục. Năm quyền ở sự không sân độc chấm dứt sân độc. Năm quyền ở sự nghĩ tưởng đến ánh sáng chấm dứt sự lờ đờ buồn ngủ. Năm quyền ở sự không tản mạn chấm dứt sự phóng dật. ...(như trên)... Năm quyền ở Đạo A-la-hán chấm dứt toàn bộ phiền não.
Các quyền nên được quan sát theo ý nghĩa chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.
Các quyền nên được quan sát theo ý nghĩa tạo lập là (có ý nghĩa) thế nào?
Người có đức tin tạo lập tín quyền ở sự cương quyết, tín quyền của người có đức tin được tạo lập ở sự cương quyết. Người có sự tinh tấn tạo lập tấn quyền ở sự ra sức, tấn quyền của người có sự tinh tấn được tạo lập ở sự ra sức. Người có niệm tạo lập niệm quyền ở sự thiết lập, niệm quyền của người có niệm được tạo lập ở sự thiết lập. Người định tĩnh tạo lập định quyền ở sự không tản mạn, định quyền của người định tĩnh được tạo lập ở sự không tản mạn. Người có trí tuệ tạo lập tuệ quyền ở sự nhận thức, tuệ quyền của người có trí tuệ được tạo lập ở sự nhận thức.
Hành giả tạo lập năm quyền ở sự thoát ly, năm quyền của hành giả được tạo lập ở sự thoát ly. Hành giả tạo lập năm quyền ở sự không sân độc, ...(như trên)... ở sự tưởng về ánh sáng, ...(như trên)... ở sự không tản mạn, ...(như trên)... ở sự nhận thức ...(như trên)... Hành giả tạo lập năm quyền ở Đạo A-la-hán, năm quyền của hành giả được tạo lập ở Đạo A-la-hán.
Các quyền nên được quan sát theo ý nghĩa tạo lập là (có ý nghĩa) như thế.
Phần giải thích về bài Kinh thứ tư.
Phàm nhân trong lúc tu tập định là thiện xảo về việc thiết lập với bao nhiêu biểu hiện? Vị Hữu Học trong lúc tu tập định là thiện xảo về việc thiết lập với bao nhiêu biểu hiện? Vị lìa tham ái trong lúc tu tập định là thiện xảo về việc thiết lập với bao nhiêu biểu hiện?
Phàm nhân trong lúc tu tập định là thiện xảo về việc thiết lập với bảy biểu hiện. Vị Hữu Học trong lúc tu tập định là thiện xảo về việc thiết lập với tám biểu hiện. Vị lìa tham ái trong lúc tu tập định là thiện xảo về việc thiết lập với mười biểu hiện.
Phàm nhân trong lúc tu tập định là thiện xảo về việc thiết lập với 7 biểu hiện gì? Do bản thể của việc đã được hướng tâm,[6](phàm nhân) là thiện xảo về việc thiết lập đối tượng, ... thiết lập hiện tướng của chỉ tịnh, ... thiết lập hiện tướng của sự ra sức, ... thiết lập sự không tản mạn, ... thiết lập ánh sáng, ... thiết lập sự hài lòng, ... thiết lập sự bình thản (xả). Phàm nhân trong lúc tu tập định là thiện xảo về việc thiết lập với 7 biểu hiện này.
Vị Hữu Học trong lúc tu tập định là thiện xảo về việc thiết lập với 8 biểu hiện gì? Do bản thể của việc đã được hướng tâm, (vị Hữu Học) là thiện xảo về việc thiết lập đối tượng, ... thiện xảo về việc thiết lập sự bình thản, thiện xảo về việc thiết lập nhất thể. Vị Hữu Học trong lúc tu tập định là thiện xảo về việc thiết lập với 8 biểu hiện này.
Vị lìa tham ái trong lúc tu tập định là thiện xảo về việc thiết lập với 10 biểu hiện gì? Do bản thể của việc đã được hướng tâm, (vị lìa tham ái) là thiện xảo về việc thiết lập đối tượng, ...(như trên)..., thiện xảo về việc thiết lập nhất thể, thiện xảo về việc thiết lập trí, thiện xảo về việc thiết lập sự giải thoát. Vị lìa tham ái trong lúc tu tập định là thiện xảo về việc thiết lập với 10 biểu hiện này.
Phàm nhân trong lúc tu tập minh sát là thiện xảo về việc thiết lập với bao nhiêu biểu hiện? là thiện xảo về việc không thiết lập với bao nhiêu biểu hiện? Vị Hữu Học trong lúc tu tập minh sát là thiện xảo về việc thiết lập với bao nhiêu biểu hiện? là thiện xảo về việc không thiết lập với bao nhiêu biểu hiện? Vị lìa tham ái trong lúc tu tập minh sát là thiện xảo về việc thiết lập với bao nhiêu biểu hiện? là thiện xảo về việc không thiết lập với bao nhiêu biểu hiện?
Phàm nhân trong lúc tu tập minh sát là thiện xảo về việc thiết lập với 9 biểu hiện, là thiện xảo về việc không thiết lập với 9 biểu hiện. Vị Hữu Học trong lúc tu tập minh sát là thiện xảo về việc thiết lập với 10 biểu hiện, là thiện xảo về việc không thiết lập với 10 biểu hiện. Vị lìa tham ái trong lúc tu tập minh sát là thiện xảo về việc thiết lập với 12 biểu hiện, là thiện xảo về việc không thiết lập với 12 biểu hiện.
Phàm nhân trong lúc tu tập minh sát là thiện xảo về việc thiết lập với 9 biểu hiện gì? là thiện xảo về việc không thiết lập với 9 biểu hiện gì? Là thiện xảo về việc thiết lập (sắc, thọ, ...) là vô thường, là thiện xảo về việc không thiết lập là thường còn; ... việc thiết lập là khổ não ... việc không thiết lập là lạc; ... việc thiết lập là vô ngã, ... việc không thiết lập là ngã; ... việc thiết lập là đoạn tận, ... việc không thiết lập là tiếp diễn; ... việc thiết lập là biến hoại, ... việc không thiết lập sự tích lũy (nghiệp); ... việc thiết lập sự chuyển biến, ... việc không thiết lập là vững bền; ... việc thiết lập vô tướng, ... việc không thiết lập hiện tướng; ... việc thiết lập vô nguyện, ... việc không thiết lập nguyện ước; ... việc thiết lập không tánh, ... việc không thiết lập sự cố chấp. Phàm nhân trong lúc tu tập minh sát là thiện xảo về việc thiết lập với 9 biểu hiện này, là thiện xảo về việc không thiết lập với 9 biểu hiện này.
Vị Hữu Học trong lúc tu tập minh sát là thiện xảo về việc thiết lập với 10 biểu hiện gì? là thiện xảo về việc không thiết lập với 10 biểu hiện gì? Là thiện xảo về việc thiết lập là vô thường, là thiện xảo về việc không thiết lập là thường còn; ...(như trên)...; là thiện xảo về việc thiết lập không tánh, là thiện xảo về việc không thiết lập sự cố chấp; là thiện xảo về việc thiết lập trí, là thiện xảo về việc không thiết lập vô trí. Vị Hữu Học trong lúc tu tập minh sát là thiện xảo về việc thiết lập với 10 biểu hiện này, là thiện xảo về việc không thiết lập với 10 biểu hiện này.
Vị lìa tham ái trong lúc tu tập minh sát là thiện xảo về việc thiết lập với 12 biểu hiện gì? là thiện xảo về việc không thiết lập với 12 biểu hiện gì?
Là thiện xảo về việc thiết lập là vô thường, là thiện xảo về việc không thiết lập là thường còn; ...(như trên)...; là thiện xảo về việc thiết lập trí, là thiện xảo về việc không thiết lập vô trí; ... việc thiết lập sự không ràng buộc, ... việc không thiết lập sự ràng buộc; ... việc thiết lập sự diệt tận, ... việc không thiết lập các hành. Vị lìa tham ái trong lúc tu tập minh sát là thiện xảo về việc thiết lập với 12 biểu hiện này, là thiện xảo về việc không thiết lập với 12 biểu hiện này.
Do bản thể của việc đã được hướng tâm, nhờ vào tác động của sự thiện xảo về việc thiết lập đối tượng, (vị ấy) liên kết các quyền, nhận biết hành xứ, và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh. ... (vị ấy) liên kết các pháp, nhận biết hành xứ, và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.
Liên kết các quyền: Liên kết các quyền là (có ý nghĩa) thế nào? Liên kết tín quyền theo ý nghĩa cương quyết ... nhờ vào tác động của sự thiện xảo về việc thiết lập hiện tướng của chỉ tịnh, ... việc thiết lập hiện tướng của sự ra sức, ... việc thiết lập sự không tản mạn, ... việc thiết lập ánh sáng, ... việc thiết lập sự hài lòng, ... việc thiết lập sự bình thản, ... việc thiết lập nhất thể, ... việc thiết lập trí, ... nhờ vào tác động của sự thiện xảo về việc thiết lập sự giải thoát, ...
Nhờ vào tác động của sự thiện xảo về việc thiết lập là vô thường, ... nhờ vào tác động của sự thiện xảo về việc không thiết lập là thường còn, ... việc thiết lập là khổ não, ... việc không thiết lập là lạc, ... việc thiết lập là vô ngã, ... việc không thiết lập là ngã, ... việc thiết lập là đoạn tận, ... việc không thiết lập là tiếp diễn, ... việc thiết lập là biến hoại, ... việc không thiết lập sự tích lũy (nghiệp), ... việc thiết lập sự chuyển biến, ... việc không thiết lập là vững bền, ... việc thiết lập vô tướng ... việc không thiết lập hiện tướng, ... việc thiết lập vô nguyện, ... việc không thiết lập nguyện ước, ... việc thiết lập không tánh, ... việc không thiết lập sự cố chấp, ... việc thiết lập trí, ... việc không thiết lập vô trí, ... việc thiết lập sự không ràng buộc, ... việc không thiết lập sự ràng buộc, ... việc thiết lập sự diệt tận, nhờ vào tác động của sự thiện xảo về việc không thiết lập các hành, (vị ấy) liên kết các quyền, nhận biết hành xứ, và thấu triệt ý nghĩa của thanh tịnh.
Tuệ về chủ thể đối với ba quyền theo sáu mươi bốn biểu hiện là trí về sự đoạn tận của các lậu hoặc. Của 3 quyền nào? Của vị tri quyền, của dĩ tri quyền, của cụ tri quyền.
Vị tri quyền đi đến bao nhiêu vị thế? Dĩ tri quyền đi đến bao nhiêu vị thế? Cụ tri quyền đi đến bao nhiêu vị thế?
Vị tri quyền đi đến một vị thế là Đạo Nhập Lưu. Dĩ tri quyền đi đến sáu vị thế là Quả Nhập Lưu, Đạo Nhất Lai, Quả Nhất Lai, Đạo Bất Lai, Quả Bất Lai, Đạo A-la-hán. Cụ tri quyền đi đến một vị thế là Quả A-la-hán.
Vào sát-na Đạo Nhập Lưu, đối với vị tri quyền, tín quyền có sự cương quyết là phụ trợ, tấn quyền có sự ra sức là phụ trợ, niệm quyền có sự thiết lập là phụ trợ, định quyền có sự không tản mạn là phụ trợ, tuệ quyền có sự nhận thức là phụ trợ, ý quyền có sự nhận biết là phụ trợ, hỷ quyền có sự tràn ngập là phụ trợ, mạng quyền có pháp chủ đạo trong việc duy trì sự vận hành là phụ trợ. Vào sát-na Đạo Nhập Lưu, các pháp được sanh ra, ngoại trừ sắc có nguồn phát sanh là tâm, tất cả (các pháp còn lại) đều là thiện, tất cả đều không có lậu hoặc, tất cả đều có tánh dẫn xuất, tất cả đều đưa đến sự không tích lũy, tất cả đều là vượt trên thế gian, tất cả đều có cảnh là Niết Bàn. Vào sát-na Đạo Nhập Lưu, đối với vị tri quyền, tám quyền này là các phụ trợ đồng sanh, là các phụ trợ có sự (tác động) qua lại, là các phụ trợ có sự nương tựa, là các phụ trợ được liên kết, là đồng hành, là đồng sanh, là kết hợp, là liên kết. Chính tám quyền này vừa là biểu hiện vừa là phụ trợ của vị tri quyền.
Vào sát-na Quả Nhập Lưu, ...(như trên)... Vào sát-na Quả A-la-hán, đối với cụ tri quyền, tín quyền có sự cương quyết là phụ trợ, ...(như trên)... mạng quyền có pháp chủ đạo trong việc duy trì sự vận hành là phụ trợ. Vào sát-na Quả A-la-hán, các pháp được sanh ra, ngoại trừ sắc có nguồn phát sanh là tâm, tất cả (các pháp còn lại) đều là vô ký, tất cả đều không có lậu hoặc, tất cả đều là vượt trên thế gian, tất cả đều có cảnh là Niết Bàn. Vào sát-na Quả A-la-hán, đối với cụ tri quyền, tám quyền này là các phụ trợ đồng sanh, ...(như trên)... Chính tám quyền này vừa là biểu hiện vừa là phụ trợ của cụ tri quyền. Như thế, tám lần tám này là sáu mươi bốn.
Lậu hoặc: Các lậu hoặc ấy là gì? Là dục lậu, hữu lậu, tà kiến lậu, vô minh lậu.
Các lậu hoặc ấy được cạn kiệt tại đâu? Nhờ vào Đạo Nhập Lưu, toàn thể tà kiến lậu được cạn kiệt, dục lậu đưa đến khổ cảnh được cạn kiệt, hữu lậu đưa đến khổ cảnh được cạn kiệt, vô minh lậu đưa đến khổ cảnh được cạn kiệt. Các lậu hoặc ấy được cạn kiệt tại đây. Nhờ vào Đạo Nhất Lai, dục lậu thô thiển được cạn kiệt, hữu lậu có cùng ý nghĩa với điều ấy được cạn kiệt, vô minh lậu có cùng ý nghĩa với điều ấy được cạn kiệt. Các lậu hoặc ấy được cạn kiệt tại đây.
Nhờ vào Đạo Bất Lai, toàn thể dục lậu được cạn kiệt, hữu lậu có cùng ý nghĩa với điều ấy được cạn kiệt, vô minh lậu có cùng ý nghĩa với điều ấy được cạn kiệt. Các lậu hoặc ấy được cạn kiệt tại đây. Nhờ vào Đạo A-la-hán, toàn thể hữu lậu được cạn kiệt, toàn thể vô minh lậu được cạn kiệt. Các lậu hoặc ấy được cạn kiệt tại đây.
Không gì ở nơi đây
không được thấy bởi Ngài,
hoặc không nhận thức được,
hoặc không thể biết đến,
Ngài biết rõ tất cả
mọi điều có thể biết,
vì thế đức Như Lai
là vị có Toàn Nhãn.
Toàn Nhãn: Toàn Nhãn theo ý nghĩa gì? Mười bốn Phật trí: Trí về Khổ là Phật trí. Trí về nhân sanh Khổ là Phật trí. ...(nt)... Trí Toàn Giác là Phật trí. Trí không bị ngăn che là Phật trí. Đây là 14 Phật trí. Trong số 14 Phật trí, có 8 loại trí là phổ thông đến các vị Thinh Văn, 6 loại trí (sau cùng) là không phổ thông đến các vị Thinh Văn.
‘Cho đến ý nghĩa của Khổ đối với Khổ là đã được biết, không có ý nghĩa (nào) của Khổ là không được biết’ là Toàn Nhãn. Điều gì là Toàn Nhãn, điều ấy là tuệ quyền. Do nhờ năng lực của tuệ quyền, có tín quyền theo ý nghĩa cương quyết, có tấn quyền theo ý nghĩa ra sức, có niệm quyền theo ý nghĩa thiết lập, có định quyền theo ý nghĩa không tản mạn.
‘Cho đến ý nghĩa của Khổ đối với Khổ là đã được thấy, đã được biết đến, đã được tác chứng, đã được chạm đến bởi tuệ, không có ý nghĩa (nào) của Khổ là không được chạm đến bởi tuệ’ là Toàn Nhãn. Điều gì là Toàn Nhãn, điều ấy là tuệ quyền. ...(như trên)...
‘Cho đến ý nghĩa của nhân sanh (Khổ) đối với nhân sanh (Khổ) ... ‘Cho đến ý nghĩa của sự diệt tận (Khổ) đối với sự diệt tận (Khổ) ... ‘Cho đến ý nghĩa của Đạo đối với Đạo ... ‘Cho đến ý nghĩa của sự phân tích ý nghĩa đối với sự phân tích ý nghĩa ... ‘Cho đến ý nghĩa của sự phân tích pháp đối với sự phân tích pháp ... ‘Cho đến ý nghĩa của sự phân tích ngôn từ đối với sự phân tích ngôn từ ... ‘Cho đến ý nghĩa của sự phân tích phép biện giải đối với sự phân tích phép biện giải ... ‘Cho đến trí biết được khả năng của người khác ... ‘Cho đến trí về thiên kiến và xu hướng ngủ ngầm của chúng sanh ... ‘Cho đến trí song thông ... ‘Cho đến trí về sự thể nhập đại bi ... ‘Cho đến điều đã được thấy, đã được nghe, đã được cảm giác, đã được nhận thức, đã đạt đến, đã được tầm cầu, đã được đeo đuổi bởi tâm trí của thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người, điều ấy là được biết, đã được thấy, đã được biết đến, đã được tác chứng, đã được chạm đến bởi tuệ, không gì là không được chạm đến bởi tuệ’ là Toàn Nhãn. Điều gì là Toàn Nhãn, điều ấy là tuệ quyền. Do nhờ năng lực của tuệ quyền, có tín quyền theo ý nghĩa cương quyết, có tấn quyền theo ý nghĩa ra sức, có niệm quyền theo ý nghĩa thiết lập, có định quyền theo ý nghĩa không tản mạn.
Trong khi có đức tin vị ấy ra sức, trong khi ra sức vị ấy có đức tin; trong khi có đức tin vị ấy thiết lập, trong khi thiết lập vị ấy có đức tin; trong khi có đức tin vị ấy tập trung (tâm), trong khi tập trung (tâm) vị ấy có đức tin; trong khi có đức tin vị ấy nhận biết, trong khi nhận biết vị ấy có đức tin. Trong khi ra sức vị ấy thiết lập, trong khi thiết lập vị ấy ra sức; trong khi ra sức vị ấy tập trung (tâm) ...; trong khi ra sức vị ấy nhận biết ...; trong khi ra sức vị ấy có đức tin, trong khi có đức tin vị ấy ra sức. Trong khi thiết lập vị ấy tập trung (tâm), trong khi tập trung (tâm) vị ấy thiết lập; trong khi thiết lập vị ấy nhận biết, ...; trong khi thiết lập vị ấy có đức tin, ...; trong khi thiết lập vị ấy ra sức, trong khi ra sức vị ấy thiết lập. Trong khi tập trung (tâm) vị ấy nhận biết, trong khi nhận biết vị ấy tập trung (tâm); trong khi tập trung (tâm) vị ấy có đức tin ...; trong khi tập trung (tâm) vị ấy ra sức, ...; trong khi tập trung (tâm) vị ấy thiết lập, trong khi thiết lập vị ấy tập trung (tâm). Trong khi nhận biết vị ấy có đức tin, trong khi có đức tin vị ấy nhận biết; trong khi nhận biết vị ấy ra sức ...; trong khi nhận biết vị ấy thiết lập ...; trong khi nhận biết vị ấy tập trung (tâm), trong khi tập trung (tâm) vị ấy nhận biết.
Ra sức nhờ bản thân có đức tin, có đức tin nhờ bản thân ra sức; được thiết lập nhờ bản thân có đức tin, có đức tin nhờ bản thân được thiết lập; được định tĩnh nhờ bản thân có đức tin, có đức tin nhờ bản thân được định tĩnh; nhận biết nhờ bản thân có đức tin, có đức tin nhờ bản thân nhận biết. Được thiết lập nhờ bản thân ra sức, ra sức nhờ bản thân được thiết lập; được định tĩnh nhờ bản thân ra sức ...; nhận biết nhờ bản thân ra sức ...; có đức tin nhờ bản thân ra sức, ra sức nhờ bản thân có đức tin. Được định tĩnh nhờ bản thân được thiết lập, được thiết lập nhờ bản thân được định tĩnh; nhận biết nhờ bản thân được thiết lập ...; có đức tin nhờ bản thân được thiết lập ...; ra sức nhờ bản thân được thiết lập, được thiết lập nhờ bản thân ra sức. Nhận biết nhờ bản thân được định tĩnh, được định tĩnh nhờ bản thân nhận biết; có đức tin nhờ bản thân được định tĩnh ...; ra sức nhờ bản thân được định tĩnh ...; được thiết lập nhờ bản thân được định tĩnh, được định tĩnh nhờ bản thân được thiết lập. Có đức tin nhờ bản thân nhận biết, nhận biết nhờ bản thân có đức tin; ra sức nhờ bản thân nhận biết, nhận biết nhờ bản thân ra sức; được thiết lập nhờ bản thân nhận biết, nhận biết nhờ bản thân được thiết lập; được định tĩnh nhờ bản thân nhận biết, nhận biết nhờ bản thân được định tĩnh.
Điều gì là Phật Nhãn, điều ấy là Phật Trí. Điều gì là Phật Trí, điều ấy là Phật Nhãn. Nhờ vào nhãn ấy, đức Như Lai nhìn thấy các chúng sanh có mắt bị vấy bụi ít và có mắt bị vấy bụi nhiều, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, dễ hướng dẫn và khó hướng dẫn, một số chúng sanh thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác, một số chúng sanh không thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác.
Có mắt bị vấy bụi ít và có mắt bị vấy bụi nhiều: Người có đức tin là có mắt bị vấy bụi ít, người không có đức tin là có mắt bị vấy bụi nhiều. Người có sự cố gắng tinh tấn ... bị vấy bụi ít, người biếng nhác ... bị vấy bụi nhiều. Người có niệm được thiết lập ... bị vấy bụi ít, người có niệm bị quên lãng ... bị vấy bụi nhiều. Người định tĩnh ... bị vấy bụi ít, người được định tĩnh ... bị vấy bụi nhiều. Người có tuệ là có mắt bị vấy bụi ít, người có tuệ kém là có mắt bị vấy bụi nhiều.
Có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt: Người có đức tin là có giác quan sắc sảo, người không có đức tin là có giác quan cùn lụt. ...(như trên)... Người có tuệ là có giác quan sắc sảo, người có tuệ kém là có giác quan cùn lụt.
Có tánh khí tốt và có tánh khí tồi: Người có đức tin là có tánh khí tốt, người không có đức tin là có tánh khí tồi. ...(như trên)... Người có tuệ là có tánh khí tốt, người có tuệ kém là có tánh khí tồi.
Dễ hướng dẫn và khó hướng dẫn: Người có đức tin là dễ hướng dẫn, người không có đức tin là khó hướng dẫn. ...(như trên)... Người có tuệ là dễ hướng dẫn, người có tuệ kém là khó hướng dẫn.
Một số chúng sanh thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác, một số chúng sanh không thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác: Người có đức tin thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác, người không có đức tin không thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác ...(nt)... Người có tuệ thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác, người có tuệ kém không thấy được sự sợ hãi ở tội lỗi và sự (tái sanh) vào thế giới khác.
Thế giới: Thế giới của các uẩn, thế giới của các giới, thế giới của các xứ, thế giới có sự bất hạnh, thế giới đem lại sự bất hạnh, thế giới có sự thuận lợi, thế giới đem lại sự thuận lợi.
Một thế giới là tất cả chúng sanh được tồn tại nhờ vật thực. Hai thế giới là danh và sắc. Ba thế giới là 3 thọ. Bốn thế giới là 4 loại vật thực. Năm thế giới là 5 thủ uẩn. Sáu thế giới là 6 nội xứ. Bảy thế giới là 7 trụ xứ của thức. Tám thế giới là 8 pháp thế gian. Chín thế giới là 9 nơi cư trú của chúng sanh. Mười thế giới là 10 xứ. Mười hai thế giới là 12 xứ. Mười tám thế giới là 18 giới.
Tội lỗi: Tất cả phiền não là tội lỗi, tất cả ác hạnh là tội lỗi, tất cả các hành là tội lỗi, tất cả nghiệp đưa đến hữu là tội lỗi. Như thế, tưởng đến sự kinh hãi sắc bén về thế giới này và về tội lỗi này đã được đề cập, cũng giống như (tưởng đến sự kinh hãi) về cuộc chém giết có thanh gươm đã được vung lên.
(Vị ấy) biết được, thấy được, hiểu được, thấu triệt năm quyền này thông qua 50 biểu hiện này.
Tụng Phẩm thứ ba.
Phần Giảng về Quyền được đầy đủ.
--ooOoo--
[1] Động từ thụ động bhāvīyati (được phát triển), danh từ bhāvanā (sự làm cho hiện hữu, sự sản xuất, sự phát triển), và động từ tác nhân bhāveti (làm cho hiện hữu, sản xuất, phát triển) đều có chung từ gốc là √bhū = là, thì, ở, có, v.v... Động từ ‘bhāveti’ còn được hiểu theo nghĩa bóng là ‘tu tập’ (từ dịch của HT. Minh Châu), tương tợ danh từ bhāvanā cũng được dịch là ‘sự tu tập.’ Như vậy, pañcannaṃ indriyānaṃ bhāvanā có thể hiểu ‘sự phát triển của năm quyền’ hoặc ‘sự tu tập năm quyền’ tùy theo ngữ cảnh (ND).
[2] Ở trên, ‘pañcindriyāni bhāvīyanti’ được dịch là ‘năm quyền (đang) được phát triển’, và ở đây ‘pañcindriyāni bhāvitāni honti’ được dịch là ‘năm quyền (là) được phát triển.’ Cả hai câu đều có ý nghĩa thụ động, câu thứ nhất có động từ ở thì hiện tại, còn câu sau có quá khứ phân từ thụ động, tương đương tính từ, được dùng với trợ động từ ‘honti’ (là, thì). Lý do của sự khác biệt này sẽ được thấy rõ khi đọc đến phần kế tiếp (ND).
[3] Sự an trú và đắc chứng thanh tịnh là sự đạt được chỉ tịnh và minh sát (PṭsA. 3, 539).
[4] Hành vi của xứ là của các vị có sự hộ trì các căn (āyatanacariyā ca indriyesu guttadvārānaṃ) dịch sát nghĩa sẽ là ‘Hành vi của xứ là của các vị có lối vào đã được canh phòng ở các giác quan.’
[5] Các pháp ấy là ước muốn, hân hoan, v.v... (PṭsA. 3, 546).
[6] Bản thể của việc đã được hướng tâm (āvajjitattā) là bản thể của việc đã được hướng tâm đến hiện tướng (nimitta) của đề mục, nghĩa là sau khi đã chuẩn bị về đề mục v.v... có bản thể của hiện tướng đã được sanh lên ở nơi ấy (PṭsA. 3, 547).
[Duyên khởi ở Sāvatthi]
Này các tỳ khưu, đây là ba giải thoát. Ba là gì? Không tánh giải thoát, vô tướng giải thoát, vô nguyện giải thoát. Này các tỳ khưu, đây là ba giải thoát.
Và còn có 68 giải thoát: không tánh giải thoát, vô tướng giải thoát, vô nguyện giải thoát, giải thoát có sự ly khai nội phần, giải thoát có sự ly khai ngoại phần, giải thoát có sự ly khai cả hai (nội ngoại phần), bốn giải thoát có sự ly khai nội phần, bốn giải thoát có sự ly khai ngoại phần, bốn giải thoát có sự ly khai cả hai (nội ngoại phần), bốn giải thoát thuận theo các sự ly khai nội phần, bốn giải thoát thuận theo các sự ly khai ngoại phần, bốn giải thoát thuận theo các sự ly khai cả hai (nội ngoại phần), bốn giải thoát tịnh do sự ly khai nội phần, bốn giải thoát tịnh do sự ly khai ngoại phần, bốn giải thoát tịnh do sự ly khai cả hai (nội ngoại phần), ‘Có sắc, (vị ấy) thấy các sắc’ là giải thoát, ‘Có tưởng vô sắc ở nội phần, (hành giả) thấy các sắc thuộc ngoại phần’ là giải thoát, ‘Khuynh hướng thuần về điều tốt đẹp’ là giải thoát, sự chứng đạt không vô biên xứ là giải thoát, sự chứng đạt thức vô biên xứ là giải thoát, sự chứng đạt vô sở hữu xứ là giải thoát, sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ là giải thoát, sự chứng đạt sự diệt tận thọ tưởng là giải thoát, giải thoát có thời hạn, giải thoát vô thời hạn, giải thoát phụ thuộc thời hạn, giải thoát không phụ thuộc thời hạn, giải thoát có thể chuyển đổi, giải thoát không thể chuyển đổi, giải thoát thuộc thế gian, giải thoát vượt trên thế gian, giải thoát còn lậu hoặc, giải thoát không còn lậu hoặc, giải thoát còn hệ lụy vật chất, giải thoát không còn hệ lụy vật chất, giải thoát không còn hệ lụy vật chất và vượt trên không còn hệ lụy vật chất, ước nguyện giải thoát, vô nguyện giải thoát, an tịnh ước nguyện giải thoát, giải thoát bị ràng buộc, giải thoát không bị ràng buộc, giải thoát có bản chất giống nhau, giải thoát có bản chất khác nhau, giải thoát do tưởng, giải thoát do trí, giải thoát có sự bình lặng, giải thoát do thiền, giải thoát của tâm không chấp thủ.
Phần giải thích về Giải Thoát.
Không tánh giải thoát là gì? Ở đây, vị tỳ khưu đi đến khu rừng, hoặc đi đến gốc cây, hoặc đi đến nơi thanh vắng suy nghiệm rằng: “Điều này là không đối với tự ngã hoặc đối với vật phụ thuộc vào tự ngã.” ‘Vị ấy không cố chấp vào điều ấy’ là không tánh giải thoát. Đây là không tánh giải thoát.
Vô tướng giải thoát là gì? Ở đây, vị tỳ khưu đi đến khu rừng, hoặc đi đến gốc cây, hoặc đi đến nơi thanh vắng suy nghiệm rằng: “Điều này là không đối với tự ngã hoặc đối với vật phụ thuộc vào tự ngã.” ‘Vị ấy không tạo ra hiện tướng’ là vô tướng giải thoát. Đây là vô tướng giải thoát.
Vô nguyện giải thoát là gì? Ở đây, vị tỳ khưu đi đến khu rừng, hoặc đi đến gốc cây, hoặc đi đến nơi thanh vắng suy nghiệm rằng: “Điều này là không đối với tự ngã hoặc đối với vật phụ thuộc vào tự ngã.” ‘Vị ấy không ước nguyện điều ấy’ là vô nguyện giải thoát. Đây là vô nguyện giải thoát.
Giải thoát có sự ly khai nội phần là gì? Là bốn thiền. Đây là giải thoát có sự ly khai nội phần.
Giải thoát có sự ly khai ngoại phần là gì? Là bốn sự chứng đạt (thiền) vô sắc. Đây là giải thoát có sự ly khai ngoại phần.
Giải thoát có sự ly khai cả hai (nội ngoại phần) là gì? Là bốn Thánh Đạo. Đây là giải thoát có sự ly khai cả hai (nội ngoại phần).
Bốn giải thoát có sự ly khai nội phần là gì? Sơ thiền thoát ra khỏi các pháp ngăn che, nhị thiền thoát ra khỏi tầm và tứ, tam thiền thoát ra khỏi hỷ, tứ thiền thoát ra khỏi lạc và khổ. Đây là bốn giải thoát có sự ly khai nội phần.
Bốn giải thoát có sự ly khai ngoại phần là gì? Sự chứng đạt không vô biên xứ thoát ra khỏi sự nghĩ tưởng về sắc, sự nghĩ tưởng về bất bình, sự nghĩ tưởng về khác biệt; sự chứng đạt thức vô biên xứ thoát ra khỏi sự nghĩ tưởng về không vô biên xứ; sự chứng đạt vô sở hữu xứ thoát ra khỏi sự nghĩ tưởng về thức vô biên xứ; sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ thoát ra khỏi sự nghĩ tưởng về vô sở hữu xứ. Đây là bốn giải thoát có sự ly khai ngoại phần.
Bốn giải thoát có sự ly khai cả hai (nội ngoại phần) là gì? Đạo Nhập Lưu thoát ra khỏi sự nhận thức sai trái về thân, sự hoài nghi, sự bám víu vào giới và nghi thức, tà kiến ngủ ngầm, hoài nghi ngủ ngầm, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần. Đạo Nhất Lai thoát ra khỏi sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất thô thiển, ái dục ngủ ngầm, bất bình ngủ ngầm có tính chất thô thiển, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần. Đạo Bất Lai thoát ra khỏi sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất vi tế, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần.
Đạo A-la-hán thoát ra khỏi ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật, vô minh, ngã mạn ngủ ngầm, ái hữu ngủ ngầm, vô minh ngủ ngầm, thoát ra khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và (ra khỏi) các uẩn, thoát ra khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần. Đây là bốn giải thoát có sự ly khai cả hai (nội ngoại phần).
Bốn giải thoát thuận theo các sự ly khai nội phần là gì? Tầm tứ hỷ lạc và sự chuyên nhất của tâm nhằm mục đích thành tựu sơ thiền, ...(như trên)... nhằm mục đích thành tựu nhị thiền, ...(như trên)... nhằm mục đích thành tựu tam thiền, tầm tứ hỷ lạc và sự chuyên nhất của tâm nhằm mục đích thành tựu tứ thiền. Đây là bốn giải thoát thuận theo các sự ly khai nội phần.
Bốn giải thoát thuận theo các sự ly khai ngoại phần là gì? Tầm tứ hỷ lạc và sự chuyên nhất của tâm nhằm mục đích thành tựu sự chứng đạt không vô biên xứ, ...(như trên)... nhằm mục đích thành tựu sự chứng đạt thức vô biên xứ, ...(như trên)... nhằm mục đích thành tựu sự chứng đạt vô sở hữu xứ, tầm tứ hỷ lạc và sự chuyên nhất của tâm nhằm mục đích thành tựu sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đây là bốn giải thoát thuận theo các sự ly khai ngoại phần.
Bốn giải thoát thuận theo các sự ly khai cả hai (nội ngoại phần) là gì? Quán xét về vô thường, quán xét về khổ não, quán xét về vô ngã nhằm mục đích thành tựu Đạo Nhập Lưu, ...(như trên)... nhằm mục đích thành tựu Đạo Nhất Lai, ...(như trên)... nhằm mục đích thành tựu Đạo Bất Lai, quán xét về vô thường, quán xét về khổ não, quán xét về vô ngã nhằm mục đích thành tựu Đạo A-la-hán. Đây là bốn giải thoát thuận theo các sự ly khai cả hai (nội ngoại phần).
Bốn giải thoát tịnh do sự ly khai nội phần là gì? Sự thành tựu hoặc nghiệp quả của sơ thiền, ...(như trên)... của nhị thiền, ...(như trên)... của tam thiền, sự thành tựu hoặc nghiệp quả của tứ thiền. Đây là bốn giải thoát tịnh do sự ly khai nội phần.
Bốn giải thoát tịnh do sự giải thoát có sự ly khai ngoại phần là gì? Sự thành tựu hoặc nghiệp quả của sự chứng đạt không vô biên xứ, ...(như trên)... của sự chứng đạt thức vô biên xứ, ...(như trên)... của sự chứng đạt vô sở hữu xứ, sự thành tựu hoặc nghiệp quả của sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ. Đây là bốn giải thoát tịnh do sự giải thoát có sự ly khai ngoại phần.
Bốn giải thoát tịnh do sự giải thoát có sự ly khai cả hai (nội ngoại phần) là gì? Quả Nhập Lưu của Đạo Nhập Lưu, Quả Nhất Lai của Đạo Nhất Lai, Quả Bất Lai của Đạo Bất Lai, Quả A-la-hán của Đạo A-la-hán. Đây là bốn giải thoát tịnh do sự giải thoát có sự ly khai cả hai (nội ngoại phần).
‘Có sắc, (vị ấy) thấy các sắc’ là giải thoát là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây có người tác ý về hiện tướng màu xanh ở nội phần thuộc bản thân và thành tựu sự nghĩ tưởng về màu xanh. Vị ấy làm cho hiện tướng ấy khéo được nắm giữ, lưu lại hiện tướng đã khéo được lưu lại, nhận định hiện tướng đã khéo được nhận định. Sau khi làm cho hiện tướng ấy đã khéo được nắm giữ, lưu lại hiện tướng đã khéo được lưu lại, nhận định hiện tướng đã khéo được nhận định, vị ấy chuyên chú tâm vào hiện tướng màu xanh ở ngoại phần và thành tựu sự nghĩ tưởng về màu xanh. Vị ấy làm cho hiện tướng ấy khéo được nắm giữ, lưu lại hiện tướng đã khéo được lưu lại, nhận định hiện tướng đã khéo được nhận định. Sau khi đã làm cho hiện tướng ấy khéo được nắm giữ, lưu lại hiện tướng đã khéo được lưu lại, nhận định hiện tướng đã khéo được nhận định, vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn. Vị ấy khởi ý như vầy: “Sắc này thuộc cả hai nội phần và ngoại phần” là có sự nghĩ tưởng về sắc.
Ở đây có người tác ý về hiện tướng màu vàng ...(nt)... hiện tướng màu đỏ ...(nt)... hiện tướng màu trắng ở nội phần thuộc bản thân và thành tựu sự nghĩ tưởng về màu trắng. Vị ấy làm cho hiện tướng ấy khéo được nắm giữ, ...(nt)... Sau khi làm cho hiện tướng ấy đã khéo được nắm giữ, ...(nt)... vị ấy chuyên chú tâm vào hiện tướng màu trắng thuộc ngoại phần và thành tựu sự nghĩ tưởng về màu trắng. Vị ấy làm cho hiện tướng ấy khéo được nắm giữ, ...(nt)... Sau khi đã làm cho hiện tướng ấy khéo được nắm giữ, ...(nt)... vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn hiện tướng ấy. Vị ấy khởi ý như vầy: “Sắc này thuộc cả hai nội phần và ngoại phần” là có sự nghĩ tưởng về sắc. ‘Có sắc, (vị ấy) thấy các sắc’ là giải thoát là (có ý nghĩa) như thế.
‘Có tưởng vô sắc ở nội phần, (hành giả) thấy các sắc thuộc ngoại phần’ là giải thoát là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây có người không tác ý về hiện tướng màu xanh ở nội phần thuộc bản thân và không thành tựu sự nghĩ tưởng về màu xanh. Vị ấy chuyên chú tâm vào hiện tướng màu xanh thuộc ngoại phần và thành tựu sự nghĩ tưởng về màu xanh. Vị ấy làm cho hiện tướng ấy khéo được nắm giữ, ...(nt)... Sau khi đã làm cho hiện tướng ấy khéo được nắm giữ, ...(nt)... vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn hiện tướng ấy. Vị ấy khởi ý như vầy: “Vô sắc thuộc nội phần, sắc này thuộc ngoại phần” là có sự nghĩ tưởng về sắc.
Ở đây có người không tác ý về hiện tướng màu vàng ...(nt)... hiện tướng màu đỏ ...(nt)... hiện tướng màu trắng ở nội phần thuộc bản thân và không thành tựu sự nghĩ tưởng về màu trắng. Vị ấy chuyên chú tâm vào hiện tướng màu trắng thuộc ngoại phần và thành tựu sự nghĩ tưởng về màu trắng. Vị ấy làm cho hiện tướng khéo được nắm giữ, ...(nt)... Sau khi đã làm cho hiện tướng ấy khéo được nắm giữ, ...(nt)... vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn hiện tướng ấy. Vị ấy khởi ý như vầy: “Vô sắc thuộc nội phần, sắc này thuộc ngoại phần.” ‘Có tưởng vô sắc ở nội phần, (hành giả) thấy các sắc thuộc ngoại phần’ là giải thoát là (có ý nghĩa) như thế.
‘Khuynh hướng thuần về điều tốt đẹp’ là giải thoát là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, vị tỳ khưu lan tỏa một phương với tâm từ ái rồi an trú, như vậy phương thứ nhì, như vậy phương thứ ba, như vậy phương thứ tư. Như thế vị ấy lan tỏa với tâm từ ái, bao la, lớn mạnh, vô lượng, không thù nghịch, không sân độc ở phía trên, ở phía dưới, ở phương ngang, ở khắp các nơi, khắp cả thế gian một cách trọn vẹn rồi an trú. Nhờ trạng thái phát triển của tâm từ ái, chúng sanh không có chống báng nhau. Ở đây, vị tỳ khưu lan tỏa một phương với tâm bi mẫn ...(như trên)... Nhờ trạng thái phát triển của tâm bi mẫn, chúng sanh không có chống báng nhau. Ở đây, vị tỳ khưu lan tỏa một phương với tâm hỷ ...(như trên)... Nhờ trạng thái phát triển của tâm hỷ, chúng sanh không có chống báng nhau. Ở đây, vị tỳ khưu lan tỏa một phương với tâm xả rồi an trú, ...(như trên)... Nhờ trạng thái phát triển của tâm xả, chúng sanh không có chống báng nhau. ‘Khuynh hướng thuần về điều tốt đẹp’ là giải thoát là (có ý nghĩa) như thế.
Sự chứng đạt không vô biên xứ là giải thoát gì? Ở đây, do sự hoàn toàn vượt qua các tưởng về sắc, do sự biến mất của các tưởng về bất bình, do không tác ý đến các tưởng về khác biệt một cách trọn vẹn, vị tỳ khưu chứng đạt không vô biên xứ ‘Không gian là không có giới hạn’ rồi an trú. Sự chứng đạt không vô biên xứ là giải thoát này.
Sự chứng đạt thức vô biên xứ là giải thoát gì? Ở đây, sau khi hoàn toàn vượt qua không vô biên xứ một cách trọn vẹn, vị tỳ khưu chứng đạt thức vô biên xứ ‘Thức là không có giới hạn’ rồi an trú. Sự chứng đạt thức vô biên xứ là giải thoát này.
Sự chứng đạt vô sở hữu xứ là giải thoát gì? Ở đây, sau khi hoàn toàn vượt qua thức vô biên xứ một cách trọn vẹn, vị tỳ khưu chứng đạt thức vô biên xứ ‘Không có bất cứ gì’ rồi an trú. Sự chứng đạt vô sở hữu xứ là giải thoát này.
Sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ là giải thoát gì? Ở đây, sau khi hoàn toàn vượt qua vô sở hữu xứ một cách trọn vẹn, vị tỳ khưu chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ rồi an trú. Sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ là giải thoát này.
Sự chứng đạt sự diệt tận thọ tưởng là giải thoát gì? Ở đây, sau khi hoàn toàn vượt qua phi tưởng phi phi tưởng xứ một cách trọn vẹn, vị tỳ khưu chứng đạt sự diệt tận thọ tưởng rồi an trú. Sự chứng đạt diệt tận thọ tưởng là giải thoát này.
Giải thoát có thời hạn là gì? Bốn thiền và bốn sự chứng đạt vô sắc; đây là giải thoát có thời hạn.
Giải thoát vô thời hạn là gì? Bốn Thánh Đạo, bốn Quả vị của Sa-môn, và Niết Bàn; đây là giải thoát vô thời hạn.
Giải thoát phụ thuộc thời hạn là gì? Bốn thiền và bốn sự chứng đạt vô sắc; đây là giải thoát phụ thuộc thời hạn.
Giải thoát không phụ thuộc thời hạn là gì? Bốn Thánh Đạo, bốn Quả vị của Sa-môn, và Niết Bàn; đây là giải thoát không phụ thuộc thời hạn.
Giải thoát có thể chuyển đổi là gì? Bốn thiền và bốn sự chứng đạt vô sắc; đây là giải thoát có thể chuyển đổi.
Giải thoát không thể chuyển đổi là gì? Bốn Thánh Đạo, bốn Quả vị của Sa-môn, và Niết Bàn; đây là giải thoát không thể chuyển đổi.
Giải thoát thuộc thế gian là gì? Bốn thiền và bốn sự chứng đạt vô sắc; đây là giải thoát thuộc thế gian.
Giải thoát vượt trên thế gian là gì? Bốn Thánh Đạo, bốn Quả vị của Sa-môn, và Niết Bàn; đây là giải thoát vượt trên thế gian.
Giải thoát còn lậu hoặc là gì? Bốn thiền và bốn sự chứng đạt vô sắc; đây là giải thoát còn lậu hoặc.
Giải thoát không còn lậu hoặc là gì? Bốn Thánh Đạo, bốn Quả vị của Sa-môn, và Niết Bàn; đây là giải thoát không còn lậu hoặc.
Giải thoát còn hệ lụy vật chất là gì? Giải thoát gắn liền với (đề mục) sắc; đây là giải thoát còn hệ lụy vật chất.
Giải thoát không còn hệ lụy vật chất là gì? Giải thoát gắn liền với (đề mục) vô sắc; đây là giải thoát không còn hệ lụy vật chất.
Giải thoát không còn hệ lụy vật chất và vượt trên không còn hệ lụy vật chất là gì? Bốn Thánh Đạo, bốn Quả vị của Sa-môn, và Niết Bàn; đây là giải thoát không còn hệ lụy vật chất và vượt trên không còn hệ lụy vật chất.
Ước nguyện giải thoát là gì? Bốn thiền và bốn sự chứng đạt vô sắc; đây là ước nguyện giải thoát.
Vô nguyện giải thoát là gì? Bốn Thánh Đạo, bốn Quả vị của Sa-môn, và Niết Bàn; đây là vô nguyện giải thoát.
An tịnh ước nguyện giải thoát là gì? Sự thành tựu hoặc nghiệp quả của sơ thiền, ...(như trên)... Sự thành tựu hoặc nghiệp quả của sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ; đây là an tịnh ước nguyện giải thoát.
Giải thoát bị ràng buộc là gì? Bốn thiền và bốn sự chứng đạt vô sắc; đây là giải thoát bị ràng buộc.
Giải thoát không bị ràng buộc là gì? Bốn Thánh Đạo, bốn Quả vị của Sa-môn, và Niết Bàn; đây là giải thoát không bị ràng buộc.
Giải thoát có bản chất giống nhau là gì? Bốn Thánh Đạo, bốn Quả vị của Sa-môn, và Niết Bàn; đây là giải thoát có bản chất giống nhau.
Giải thoát có bản chất khác nhau là gì? Bốn thiền và bốn sự chứng đạt vô sắc; đây là giải thoát có bản chất khác nhau.
Giải thoát do tưởng là gì? Có thể có 1 giải thoát do tưởng thì (sẽ) có 10 giải thoát do tưởng, có 10 giải thoát do tưởng thì (sẽ) có 1 giải thoát do tưởng bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức.
Có thể có: Có thể có là thế nào? ‘Trí do sự quán xét về vô thường giải thoát khỏi nghĩ tưởng về thường’ là giải thoát do tưởng. ‘Trí do sự quán xét về khổ não giải thoát khỏi nghĩ tưởng về lạc’ là giải thoát do tưởng. ‘Trí do sự quán xét về vô ngã giải thoát khỏi nghĩ tưởng về ngã’ là giải thoát do tưởng. ‘Trí do sự quán xét về nhàm chán giải thoát khỏi nghĩ tưởng về vui thích’ là giải thoát do tưởng. ‘Trí do sự quán xét về ly tham ái giải thoát khỏi nghĩ tưởng về tham ái’ là giải thoát do tưởng. ‘Trí do sự quán xét về diệt tận giải thoát khỏi nghĩ tưởng về nhân sanh khởi’ là giải thoát do tưởng. ‘Trí do sự quán xét về từ bỏ giải thoát khỏi nghĩ tưởng về sự nắm giữ’ là giải thoát do tưởng. ‘Trí do sự quán xét về vô tướng giải thoát khỏi nghĩ tưởng về hiện tướng’ là giải thoát do tưởng. ‘Trí do sự quán xét về vô nguyện giải thoát khỏi nghĩ tưởng về nguyện ước’ là giải thoát do tưởng. ‘Trí do sự quán xét về không tánh giải thoát khỏi nghĩ tưởng về cố chấp’ là giải thoát do tưởng.
Có thể có 1 giải thoát do tưởng thì (sẽ) có 10 giải thoát do tưởng, có 10 giải thoát do tưởng thì (sẽ) có 1 giải thoát do tưởng bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức là (có ý nghĩa) như thế.
‘Trí do sự quán xét về vô thường ở sắc giải thoát khỏi nghĩ tưởng về thường’ là giải thoát do tưởng. ...(như trên)... ‘Trí do sự quán xét về không tánh ở sắc giải thoát khỏi nghĩ tưởng về cố chấp’ là giải thoát do tưởng. Có thể có một giải thoát do tưởng thì (sẽ) có mười giải thoát do tưởng, có mười giải thoát do tưởng thì (sẽ) có một giải thoát do tưởng bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức là (có ý nghĩa) như thế.
‘Trí do sự quán xét về vô thường ở thọ ... ở tưởng ... ở các hành ... ở thức ... ở mắt ... ở lão tử giải thoát khỏi nghĩ tưởng về thường’ là giải thoát do tưởng. ...(như trên)... ‘Trí do sự quán xét về không tánh ở lão tử giải thoát khỏi nghĩ tưởng về cố chấp’ là giải thoát do tưởng. Có thể có một giải thoát do tưởng thì (sẽ) có mười giải thoát do tưởng, có mười giải thoát do tưởng thì (sẽ) có một giải thoát do tưởng bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức là (có ý nghĩa) như thế. Đây là giải thoát do tưởng.
Giải thoát do trí là gì? Có thể có một giải thoát do trí thì (sẽ) có mười giải thoát do trí, có mười giải thoát do trí thì (sẽ) có một giải thoát do trí bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức.
Có thể có: Có thể có là thế nào? ‘Trí do sự quán xét về vô thường đúng theo thực thể giải thoát khỏi sự lầm lẫn vô trí về thường’ là giải thoát do trí. ‘Trí do sự quán xét về khổ não đúng theo thực thể giải thoát khỏi sự lầm lẫn vô trí về lạc’ là giải thoát do trí. ‘Trí do sự quán xét về vô ngã đúng theo thực thể giải thoát khỏi sự lầm lẫn vô trí về ngã’ là giải thoát do trí. ‘Trí do sự quán xét về nhàm chán đúng theo thực thể giải thoát khỏi sự lầm lẫn vô trí về vui thích’ là giải thoát do trí. ‘Trí do sự quán xét về ly tham ái đúng theo thực thể giải thoát khỏi sự lầm lẫn vô trí về tham ái’ là giải thoát do trí. ‘Trí do sự quán xét về diệt tận đúng theo thực thể giải thoát khỏi sự lầm lẫn vô trí về nhân sanh khởi’ là giải thoát do trí. ‘Trí do sự quán xét về từ bỏ đúng theo thực thể giải thoát khỏi sự lầm lẫn vô trí về sự nắm giữ’ là giải thoát do trí. ‘Trí do sự quán xét về vô tướng đúng theo thực thể giải thoát khỏi sự lầm lẫn vô trí về hiện tướng’ là giải thoát do trí. ‘Trí do sự quán xét về vô nguyện đúng theo thực thể giải thoát khỏi sự lầm lẫn vô trí về nguyện ước’ là giải thoát do trí. ‘Trí do sự quán xét về không tánh đúng theo thực thể giải thoát khỏi sự lầm lẫn vô trí về cố chấp’ là giải thoát do trí.
Có thể có một giải thoát do trí thì (sẽ) có mười giải thoát do trí, có mười giải thoát do trí thì (sẽ) có một giải thoát do trí bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức là (có ý nghĩa) như thế.
‘Trí do sự quán xét về vô thường ở sắc đúng theo thực thể giải thoát khỏi sự lầm lẫn vô trí về thường’ là giải thoát do trí. ...(như trên)... ‘Trí do sự quán xét về không tánh ở sắc đúng theo thực thể giải thoát khỏi sự lầm lẫn vô trí về cố chấp’ là giải thoát do trí. Có thể có một giải thoát do trí thì (sẽ) có mười giải thoát do trí, có mười giải thoát do trí thì (sẽ) có một giải thoát do trí bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức là (có ý nghĩa) như thế.
‘Trí do sự quán xét về vô thường ở thọ ... ở tưởng ... ở các hành ... ở thức ... ở mắt ... ở lão tử đúng theo thực thể giải thoát khỏi sự lầm lẫn vô trí về thường’ là giải thoát do trí. ...(như trên)... ‘Trí do sự quán xét về không tánh ở lão tử đúng theo thực thể giải thoát khỏi sự lầm lẫn vô trí về cố chấp’ là giải thoát do trí. Có thể có một giải thoát do trí thì (sẽ) có mười giải thoát do trí, có mười giải thoát do trí thì (sẽ) có một giải thoát do trí bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức là (có ý nghĩa) như thế. Đây là giải thoát do trí.
Giải thoát có sự bình lặng là gì? Có thể có một giải thoát có sự bình lặng thì (sẽ) có mười giải thoát có sự bình lặng, có mười giải thoát có sự bình lặng thì (sẽ) có một giải thoát có sự bình lặng bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức.
Có thể có: Có thể có là thế nào? ‘Trí có trạng thái bình lặng tối thượng, do quán xét về vô thường, giải thoát khỏi sự bồn chồn, bực bội, nóng nảy về thường’ là giải thoát có sự bình lặng. ‘Trí có trạng thái bình lặng tối thượng, do quán xét về khổ não, giải thoát khỏi sự bồn chồn, bực bội, nóng nảy về lạc’ là giải thoát có sự bình lặng. ‘Trí có trạng thái bình lặng tối thượng, do quán xét về vô ngã, giải thoát khỏi sự bồn chồn, bực bội, nóng nảy về ngã’ là là giải thoát có sự bình lặng ‘Trí có trạng thái bình lặng tối thượng, do quán xét về nhàm chán, giải thoát khỏi sự bồn chồn, bực bội, nóng nảy về vui thích’ là ... ‘Trí có trạng thái bình lặng tối thượng, do quán xét về ly tham ái, giải thoát khỏi sự bồn chồn, bực bội, nóng nảy về tham ái’ là ... ‘Trí có trạng thái bình lặng tối thượng, do quán xét về diệt tận, giải thoát khỏi sự bồn chồn, bực bội, nóng nảy về nhân sanh khởi’ là ... ‘Trí có trạng thái bình lặng tối thượng, do quán xét về từ bỏ, giải thoát khỏi sự bồn chồn, bực bội, nóng nảy về sự nắm giữ’ là ... ‘Trí có trạng thái bình lặng tối thượng, do quán xét về vô tướng, giải thoát khỏi sự bồn chồn, bực bội, nóng nảy về hiện tướng’ là là giải thoát có sự bình lặng ‘Trí có trạng thái bình lặng tối thượng, do quán xét về vô nguyện, giải thoát khỏi sự bồn chồn, bực bội, nóng nảy về nguyện ước’ là là giải thoát có sự bình lặng ‘Trí có trạng thái bình lặng tối thượng, do quán xét về không tánh, giải thoát khỏi sự bồn chồn, bực bội, nóng nảy về cố chấp’ là giải thoát có sự bình lặng.
Có thể có một giải thoát có sự bình lặng thì (sẽ) có mười giải thoát có sự bình lặng, có mười giải thoát có sự bình lặng thì (sẽ) có một giải thoát có sự bình lặng bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức là (có ý nghĩa) như thế.
‘Trí có trạng thái bình lặng tối thượng, do quán xét về vô thường ở sắc, giải thoát khỏi sự bồn chồn, bực bội, nóng nảy về thường’ là giải thoát có sự bình lặng. ...(như trên)... ‘Trí có trạng thái bình lặng tối thượng, do quán xét về không tánh ở sắc, giải thoát khỏi sự bồn chồn, bực bội, nóng nảy về cố chấp’ là giải thoát có sự bình lặng. Có thể có một giải thoát có sự bình lặng thì (sẽ) có mười giải thoát có sự bình lặng, có mười giải thoát có sự bình lặng thì (sẽ) có một giải thoát có sự bình lặng bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức là (có ý nghĩa) như thế.
‘Trí có trạng thái bình lặng tối thượng, do quán xét về vô thường ở thọ ... ở tưởng ... ở các hành ... ở thức ... ở mắt ... ở lão tử, giải thoát khỏi sự bồn chồn, bực bội, nóng nảy về thường’ là giải thoát có sự bình lặng. ...(như trên)... ‘Trí có trạng thái bình lặng tối thượng, do quán xét về không tánh ở lão tử, giải thoát khỏi sự bồn chồn, bực bội, nóng nảy về cố chấp’ là giải thoát có sự bình lặng.
Có thể có một giải thoát có sự bình lặng thì (sẽ) có 10 giải thoát có sự bình lặng, có 10 giải thoát có sự bình lặng thì (sẽ) có một giải thoát có sự bình lặng bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức là (có ý nghĩa) như thế. Đây là giải thoát có sự bình lặng.
Giải thoát do thiền là gì? ‘Sự thoát ly được nung nấu là thiền, ‘thiêu đốt ước muốn trong các dục’ là thiền, ‘trong khi nung nấu, được giải thoát’ là giải thoát do thiền, ‘trong khi thiêu đốt, được giải thoát’ là giải thoát do thiền, ‘nung nấu’ là các pháp, ‘thiêu đốt’ là các phiền não, ‘biết điều được nung nấu và điều được thiêu đốt’ là giải thoát do thiền. ‘Sự không sân độc được nung nấu’ là thiền, ‘thiêu đốt sân độc’ là thiền ‘trong khi nung nấu, được giải thoát’ là giải thoát do thiền, ‘trong khi thiêu đốt, được giải thoát’ là giải thoát do thiền. ‘nung nấu’ là các pháp, ‘thiêu đốt’ là các phiền não, ‘biết điều được nung nấu và điều được thiêu đốt’ là giải thoát do thiền. ‘Sự nghĩ tưởng về ánh sáng được nung nấu’ là thiền, ‘thiêu đốt sự lờ đờ buồn ngủ’ là thiền ...(nt)... ‘Sự không tản mạn được nung nấu’ là thiền, ‘thiêu đốt phóng dật’ là thiền ...(nt)... ‘Sự xác định pháp được nung nấu’ là thiền, ‘thiêu đốt hoài nghi’ là thiền ...(nt)... ‘Trí được nung nấu’ là thiền, ‘thiêu đốt vô minh’ là thiền ...(nt)... ‘Sự hân hoan được nung nấu’ là thiền, ‘thiêu đốt sự không hứng thú’ là thiền ...(nt)... ‘Sơ thiền được nung nấu’ là thiền, ‘thiêu đốt các pháp ngăn che’ là thiền ...(nt)... ‘Đạo A-la-hán được nung nấu’ là thiền, ‘thiêu đốt toàn bộ phiền não’ là thiền, ‘trong khi nung nấu, được giải thoát’ là giải thoát do thiền, ‘trong khi thiêu đốt, được giải thoát’ là giải thoát do thiền. ‘nung nấu’ là các pháp, ‘thiêu đốt’ là các phiền não, ‘biết điều được nung nấu và điều được thiêu đốt’ là giải thoát do thiền. Đây là giải thoát do thiền.
Giải thoát của tâm không chấp thủ là gì? Có thể có một giải thoát của tâm không chấp thủ thì (sẽ) có mười giải thoát của tâm không chấp thủ, có mười giải thoát của tâm không chấp thủ thì (sẽ) có một giải thoát của tâm không chấp thủ bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức.
Có thể có: Có thể có là thế nào? ‘Trí do sự quán xét về vô thường giải thoát khỏi chấp thủ về thường’ là giải thoát của tâm không chấp thủ. ‘Trí do sự quán xét về khổ não giải thoát khỏi chấp thủ về lạc’ là giải thoát của tâm không chấp thủ. ‘Trí do sự quán xét về vô ngã giải thoát khỏi chấp thủ về ngã’ là giải thoát của tâm không chấp thủ ‘Trí do sự quán xét về nhàm chán giải thoát khỏi chấp thủ về vui thích’ là ... ‘Trí do sự quán xét về ly tham ái giải thoát khỏi chấp thủ về tham ái’ là ... ‘Trí do sự quán xét về diệt tận giải thoát khỏi chấp thủ về nhân sanh khởi’ là ... ‘Trí do sự quán xét về từ bỏ giải thoát khỏi chấp thủ về sự nắm giữ’ là ... ‘Trí do sự quán xét về vô tướng giải thoát khỏi chấp thủ về hiện tướng’ là ... ‘Trí do sự quán xét về vô nguyện giải thoát khỏi chấp thủ về nguyện ước’ là giải thoát của tâm không chấp thủ ‘Trí do sự quán xét về không tánh giải thoát khỏi chấp thủ về cố chấp’ là giải thoát của tâm không chấp thủ.
Có thể có một giải thoát của tâm không chấp thủ thì (sẽ) có mười giải thoát của tâm không chấp thủ, có mười giải thoát của tâm không chấp thủ thì (sẽ) có một giải thoát của tâm không chấp thủ bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức là (có ý nghĩa) như thế.
‘Trí do sự quán xét về vô thường ở sắc giải thoát khỏi chấp thủ về thường’ là giải thoát của tâm không chấp thủ. ...(như trên)... ‘Trí do sự quán xét về không tánh ở sắc giải thoát khỏi chấp thủ về cố chấp’ là giải thoát của tâm không chấp thủ. Có thể có một giải thoát của tâm không chấp thủ thì (sẽ) có mười giải thoát của tâm không chấp thủ, có mười giải thoát của tâm không chấp thủ thì (sẽ) có một giải thoát của tâm không chấp thủ bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức là (có ý nghĩa) như thế.
‘Trí do sự quán xét về không tánh ở thọ ... ở tưởng ... ở các hành ... ở thức ... ở mắt ... ở lão tử giải thoát khỏi chấp thủ về cố chấp’ là giải thoát của tâm không chấp thủ. Có thể có một ... thì (sẽ) có mười ..., có mười ... thì (sẽ) có 1 giải thoát của tâm không chấp thủ bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức là (có ý nghĩa) như thế.
Trí do sự quán xét về vô thường giải thoát khỏi bao nhiêu chấp thủ? Trí do sự quán xét về khổ não giải thoát khỏi bao nhiêu chấp thủ? Trí do sự quán xét về vô ngã ...? Trí do sự quán xét về nhàm chán ...? Trí do sự quán xét về ly tham ái ...? Trí do sự quán xét về diệt tận ...? Trí do sự quán xét về từ bỏ ...? Trí do sự quán xét về vô tướng ...? Trí do sự quán xét về vô nguyện ...? Trí do sự quán xét về không tánh giải thoát khỏi bao nhiêu chấp thủ?
Trí do sự quán xét về vô thường giải thoát khỏi ba chấp thủ. Trí do sự quán xét về khổ não giải thoát khỏi một chấp thủ. Trí do sự quán xét về vô ngã giải thoát khỏi ba chấp thủ. Trí do sự quán xét về nhàm chán giải thoát khỏi một chấp thủ. Trí do sự quán xét về ly tham ái giải thoát khỏi một chấp thủ. Trí do sự quán xét về diệt tận giải thoát khỏi bốn chấp thủ. Trí do sự quán xét về từ bỏ giải thoát khỏi bốn chấp thủ. Trí do sự quán xét về vô tướng giải thoát khỏi ba chấp thủ. Trí do sự quán xét về vô nguyện giải thoát khỏi một chấp thủ. Trí do sự quán xét về không tánh giải thoát khỏi ba chấp thủ.
Trí do sự quán xét về vô thường giải thoát khỏi ba chấp thủ nào? Khỏi sự chấp thủ về (tà) kiến, khỏi sự chấp thủ vào giới và nghi thức, khỏi sự chấp thủ về ngã luận thuyết; trí do sự quán xét về vô thường giải thoát khỏi ba chấp thủ này.
Trí do sự quán xét về khổ não giải thoát khỏi một chấp thủ nào? Khỏi sự chấp thủ về (ngũ) dục; trí do sự quán xét về khổ não giải thoát khỏi một chấp thủ này.
Trí do sự quán xét về vô ngã giải thoát khỏi ba chấp thủ nào? Khỏi sự chấp thủ về (tà) kiến, khỏi sự chấp thủ vào giới và nghi thức, khỏi sự chấp thủ về ngã luận thuyết; trí do sự quán xét về vô ngã giải thoát khỏi ba chấp thủ này.
Trí do sự quán xét về nhàm chán giải thoát khỏi một chấp thủ nào? Khỏi sự chấp thủ về (ngũ) dục; trí do sự quán xét về nhàm chán giải thoát khỏi một chấp thủ này.
Trí do sự quán xét về ly tham ái giải thoát khỏi một chấp thủ nào? Khỏi sự chấp thủ về (ngũ) dục; trí do sự quán xét về ly tham ái giải thoát khỏi một chấp thủ này.
Trí do sự quán xét về diệt tận giải thoát khỏi bốn chấp thủ nào? Khỏi sự chấp thủ về (ngũ) dục, khỏi sự chấp thủ về (tà) kiến, khỏi sự chấp thủ vào giới và nghi thức, khỏi sự chấp thủ về ngã luận thuyết; trí do sự quán xét về diệt tận giải thoát khỏi bốn chấp thủ này.
Trí do sự quán xét về từ bỏ giải thoát khỏi bốn chấp thủ nào? Khỏi sự chấp thủ về (ngũ) dục, khỏi sự chấp thủ về (tà) kiến, khỏi sự chấp thủ vào giới và nghi thức, khỏi sự chấp thủ về ngã luận thuyết; trí do sự quán xét về từ bỏ giải thoát khỏi bốn chấp thủ này.
Trí do sự quán xét về vô tướng giải thoát khỏi ba chấp thủ nào? Khỏi sự chấp thủ về (ngũ) dục, khỏi sự chấp thủ vào giới và nghi thức, khỏi sự chấp thủ về ngã luận thuyết; trí do sự quán xét về vô tướng giải thoát khỏi ba chấp thủ này.
Trí do sự quán xét về vô nguyện giải thoát khỏi một chấp thủ nào? Khỏi sự chấp thủ về (ngũ) dục; trí do sự quán xét về vô nguyện giải thoát khỏi một chấp thủ này.
Trí do sự quán xét về không tánh giải thoát khỏi ba chấp thủ nào? Khỏi sự chấp thủ về (tà) kiến, khỏi sự chấp thủ vào giới và nghi thức, khỏi sự chấp thủ về ngã luận thuyết; trí do sự quán xét về không tánh giải thoát khỏi ba chấp thủ này.
Trí do sự quán xét về vô thường, trí do sự quán xét về vô ngã, trí do sự quán xét về vô tướng, trí do sự quán xét về không tánh, bốn trí này giải thoát khỏi ba chấp thủ là sự chấp thủ về (tà) kiến, sự chấp thủ vào giới và nghi thức, sự chấp thủ về ngã luận thuyết. Trí do sự quán xét về khổ não, trí do sự quán xét về nhàm chán, trí do sự quán xét về ly tham ái, trí do sự quán xét về vô nguyện, bốn trí này giải thoát khỏi một chấp thủ là sự chấp thủ về (ngũ) dục. Trí do sự quán xét về diệt tận, trí do sự quán xét về từ bỏ, hai trí này giải thoát khỏi bốn chấp thủ là sự chấp thủ về (ngũ) dục, sự chấp thủ về (tà) kiến, sự chấp thủ vào giới và nghi thức, sự chấp thủ về ngã luận thuyết. Đây là sự giải thoát của tâm không chấp thủ.
Phần giảng về Giải Thoát là tụng phẩm thứ nhất.
Hơn nữa, đây là ba cánh cửa giải thoát dẫn đến lối ra khỏi thế giới. Do tính chất quán xét của vị đang phân định giới hạn các hành và do tính chất tiến vào của tâm ở trong bản thể vô tướng, do sự giao động của ý ở các hành và do tính chất tiến vào của tâm trong bản thể vô nguyện, do tính chất quán xét tất cả các pháp là sai khác và do tính chất tiến vào của tâm ở trong bản thể không tánh; đây là ba cánh cửa giải thoát dẫn đến lối ra khỏi thế giới.
Đối với vị đang tác ý vô thường, các hành hiện diện như thế nào? Đối với vị đang tác ý khổ não, các hành hiện diện như thế nào? Đối với vị đang tác ý vô ngã, các hành hiện diện như thế nào? Đối với vị đang tác ý vô thường, các hành hiện diện như là sự đoạn tận. Đối với vị đang tác ý khổ não, các hành hiện diện như là sự kinh hãi. Đối với vị đang tác ý vô ngã, các hành hiện diện như là không.
Đối với vị đang tác ý vô thường, tâm được dồi dào về điều gì? Đối với vị đang tác ý khổ não, tâm được dồi dào về điều gì? Đối với vị đang tác ý vô ngã, tâm được dồi dào về điều gì? Đối với vị đang tác ý vô thường, tâm được dồi dào về cương quyết. Đối với vị đang tác ý khổ não, tâm được dồi dào về tịnh. Đối với vị đang tác ý vô ngã, tâm được dồi dào về hiểu biết.
Trong khi tác ý vô thường, vị dồi dào về cương quyết thành đạt quyền gì? Trong khi tác ý khổ não, vị dồi dào về tịnh thành đạt quyền gì? Trong khi tác ý vô ngã, vị dồi dào về hiểu biết thành đạt quyền gì? Trong khi tác ý vô thường, vị dồi dào về cương quyết thành đạt tín quyền. Trong khi tác ý khổ não, vị dồi dào về tịnh thành đạt định quyền. Trong khi tác ý vô ngã, vị dồi dào về hiểu biết thành đạt tuệ quyền.
Đối với vị dồi dào về cương quyết đang tác ý vô thường, quyền nào là chủ đạo? Trong sự tu tập, có bao nhiêu quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị? Sự tu tập theo ý nghĩa gì? Ai tu tập?
Đối với vị dồi dào về tịnh đang tác ý khổ não, quyền nào là chủ đạo? Trong sự tu tập, có bao nhiêu quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị? Sự tu tập theo ý nghĩa gì? Ai tu tập?
Đối với vị dồi dào về hiểu biết đang tác ý vô ngã, quyền nào là chủ đạo? Trong sự tu tập, có bao nhiêu quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị? Sự tu tập theo ý nghĩa gì? Ai tu tập?
Đối với vị dồi dào về cương quyết đang tác ý vô thường, tín quyền là chủ đạo. Trong sự tu tập, có bốn quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị. Sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị. Vị nào thực hành đúng đắn, vị ấy tu tập; không có sự tu tập quyền ở người thực hành sai trái.
Đối với vị dồi dào về tịnh đang tác ý khổ não, định quyền là chủ đạo. Trong sự tu tập, có bốn quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị. Sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị. Vị nào thực hành đúng đắn, vị ấy tu tập; không có sự tu tập quyền ở người thực hành sai trái.
Đối với vị dồi dào về hiểu biết đang tác ý vô ngã, tuệ quyền là chủ đạo. Trong sự tu tập, có bốn quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị. Sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị. Vị nào thực hành đúng đắn, vị ấy tu tập; không có sự tu tập quyền ở người thực hành sai trái.
Đối với vị dồi dào về cương quyết đang tác ý vô thường, quyền nào là chủ đạo? Trong sự tu tập, có bao nhiêu quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên? Vào thời điểm thấu triệt, quyền nào là chủ đạo? Trong sự thấu triệt, bao nhiêu quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị? Sự tu tập theo ý nghĩa gì? Sự thấu triệt theo ý nghĩa gì?
Đối với vị dồi dào về tịnh đang tác ý khổ não, quyền nào là chủ đạo? Trong sự tu tập, có bao nhiêu quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên? Vào thời điểm thấu triệt, quyền nào là chủ đạo? Trong sự thấu triệt, bao nhiêu quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị? Sự tu tập theo ý nghĩa gì? Sự thấu triệt theo ý nghĩa gì?
Đối với vị dồi dào về hiểu biết đang tác ý vô ngã, quyền nào là chủ đạo? Trong sự tu tập, có bao nhiêu quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên? Vào thời điểm thấu triệt, quyền nào là chủ đạo? Trong sự thấu triệt, bao nhiêu quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị? Sự tu tập theo ý nghĩa gì? Sự thấu triệt theo ý nghĩa gì?
Đối với vị dồi dào về cương quyết đang tác ý vô thường, tín quyền là chủ đạo. Trong sự tu tập, có bốn quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào thời điểm thấu triệt, tuệ quyền là chủ đạo. Trong sự thấu triệt, có bốn quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị. Sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị. Sự thấu triệt theo ý nghĩa nhận thức. Như vậy, ngay trong khi đang thấu triệt, (hành giả) tu tập; ngay trong khi đang tu tập, (hành giả) thấu triệt.
Đối với vị dồi dào về tịnh đang tác ý khổ não, định quyền là chủ đạo. Trong sự tu tập, có bốn quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào thời điểm thấu triệt, tuệ quyền là chủ đạo. Trong sự thấu triệt, có bốn quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị. Sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị. Sự thấu triệt theo ý nghĩa nhận thức. Như vậy, ngay trong khi đang thấu triệt, (hành giả) tu tập; ngay trong khi đang tu tập, (hành giả) thấu triệt.
Đối với vị dồi dào về hiểu biết đang tác ý vô ngã, tuệ quyền là chủ đạo. Trong sự tu tập, có bốn quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào thời điểm thấu triệt, tuệ quyền là chủ đạo. Trong sự thấu triệt, có bốn quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị. Sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị. Sự thấu triệt theo ý nghĩa nhận thức. Như vậy, ngay trong khi đang thấu triệt, (hành giả) tu tập; ngay trong khi đang tu tập, (hành giả) thấu triệt.
Đối với vị đang tác ý vô thường, quyền nào là nổi bật? Do trạng thái nổi bật của quyền nào, là được giải thoát do đức tin? Đối với vị đang tác ý khổ não, quyền nào là nổi bật? Do trạng thái nổi bật của quyền nào, là có thân chứng? Đối với vị đang tác ý vô ngã, quyền nào là nổi bật? Do trạng thái nổi bật của quyền nào, là đạt được do kiến?
Đối với vị đang tác ý vô thường, tín quyền là nổi bật; do trạng thái nổi bật của tín quyền, là được giải thoát do đức tin. Đối với vị đang tác ý khổ não, định quyền là nổi bật; do trạng thái nổi bật của định quyền, là có thân chứng. Đối với vị đang tác ý vô ngã, tuệ quyền là nổi bật; do trạng thái nổi bật của tuệ quyền, là đạt được do kiến.
‘Trong khi có đức tin, được giải thoát’ là được giải thoát do đức tin. ‘Do trạng thái chạm đến, được tác chứng’ là có thân chứng. ‘Do trạng thái đã được thấy, đã đạt được’ là đạt được do kiến. ‘Trong khi có đức tin, được giải thoát’ là được giải thoát do đức tin. ‘Trước tiên xúc chạm với sự xúc chạm của thiền, sau đó tác chứng sự tịch diệt Niết Bàn’ là có thân chứng. ‘ ‘Các hành là khổ, tịch diệt là lạc’ là điều đã được biết, được hiểu, được tác chứng, được chạm đến bởi tuệ’ là đạt được do kiến.
Đây là người được giải thoát do đức tin, là người có thân chứng, và là người đạt được do kiến, có thể ba người này vừa được giải thoát do đức tin, vừa có thân chứng, vừa đạt được do kiến bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức.
Có thể có: Có thể có là thế nào? Đối với vị đang tác ý vô thường có tín quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của tín quyền là được giải thoát do đức tin; đối với vị đang tác ý khổ não có tín quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của tín quyền là được giải thoát do đức tin; đối với vị đang tác ý vô ngã có tín quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của tín quyền là được giải thoát do đức tin. Như vậy, ba người này được giải thoát do đức tin nhờ vào tác động của tín quyền.
Đối với vị đang tác ý khổ não có định quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của định quyền là có thân chứng; đối với vị đang tác ý vô ngã có định quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của định quyền là có thân chứng; đối với vị đang tác ý vô thường có định quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của định quyền là có thân chứng. Như vậy, ba người này là có thân chứng nhờ vào tác động của định quyền.
Đối với vị đang tác ý vô ngã có tuệ quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của tuệ quyền là đạt được do kiến; đối với vị đang tác ý vô thường có tuệ quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của tuệ quyền là đạt được do kiến; đối với vị đang tác ý khổ não có tuệ quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của tuệ quyền là đạt được do kiến. Như vậy, ba người này là đạt được do kiến nhờ vào tác động của tuệ quyền.
Đây là người được giải thoát do đức tin, là người có thân chứng, và là người đạt được do kiến, có thể ba người này vừa được giải thoát do đức tin, vừa có thân chứng, vừa đạt được do kiến bởi tác động của nền tảng và tùy theo phương thức là (có ý nghĩa) như thế.
Đây là người được giải thoát do đức tin, là người có thân chứng, và là người đạt được do kiến, có thể ba người này một người được giải thoát do đức tin, người khác có thân chứng, và người khác nữa đạt được do kiến.
Có thể có: Có thể có là thế nào? Đối với vị đang tác ý vô thường có tín quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của tín quyền là được giải thoát do đức tin; đối với vị đang tác ý khổ não có định quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của định quyền là có thân chứng; đối với vị đang tác ý vô ngã có tuệ quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của tuệ quyền là được giải thoát do kiến.
Và đây là người được giải thoát do đức tin, là người có thân chứng, và là người đạt được do kiến. Có thể ba người này, một người được giải thoát do đức tin, người khác có thân chứng, và người khác nữa đạt được do kiến là (có ý nghĩa) như thế.
Đối với vị đang tác ý vô thường có tín quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của tín quyền (vị ấy) thành đạt Đạo Nhập Lưu; vì thế được nói rằng: “Vị tùy tín hành.” Bốn quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Nhờ vào tác động của tín quyền, có sự tu tập của bốn quyền. Chính các vị nào thành đạt Đạo Nhập Lưu nhờ vào tác động của tín quyền, tất cả các vị ấy là các vị tùy tín hành.
Đối với vị đang tác ý vô thường có tín quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của tín quyền Quả Nhập Lưu được tác chứng; vì thế được nói rằng: “Được giải thoát do đức tin.” Bốn quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Nhờ vào tác động của tín quyền, bốn quyền là được tu tập, là được tu tập tốt đẹp. Chính các vị nào tác chứng Quả Nhập Lưu nhờ vào tác động của tín quyền, tất cả các vị ấy là các vị được giải thoát do đức tin.
Đối với vị đang tác ý vô thường có tín quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của tín quyền (vị ấy) thành đạt Đạo Nhất Lai; ...(như trên)... Quả Nhất Lai được tác chứng; ...(như trên)... thành đạt Đạo Bất Lai; ...(như trên)... Quả Bất Lai được tác chứng; ...(như trên)... thành đạt Đạo A-la-hán; ...(như trên)... Quả A-la-hán được tác chứng; vì thế được nói rằng: “Được giải thoát do đức tin.” Bốn quyền là tiếp nối việc ấy, ...(như trên)..., là các tương ưng duyên. Chính các vị nào tác chứng phẩm vị A-la-hán nhờ vào tác động của tín quyền, tất cả các vị ấy là các vị được giải thoát do đức tin.
Đối với vị đang tác ý khổ não có định quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của định quyền (vị ấy) thành đạt Đạo Nhập Lưu; vì thế được nói rằng: “Vị có thân chứng.” Bốn quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Nhờ vào tác động của định quyền, có sự tu tập của bốn quyền. Chính các vị nào thành đạt Đạo Nhập Lưu nhờ vào tác động của định quyền, tất cả các vị ấy là các vị có thân chứng.
Đối với vị đang tác ý khổ não có định quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của định quyền Quả Nhập Lưu được tác chứng; ...(như trên)... thành đạt Đạo Nhất Lai; ...(như trên)... Quả Nhất Lai được tác chứng; ...(như trên)... thành đạt Đạo Bất Lai; ...(như trên)... Quả Bất Lai được tác chứng; ...(như trên)... thành đạt Đạo A-la-hán; ...(như trên)... Quả A-la-hán được tác chứng; vì thế được nói rằng: “Vị có thân chứng.” Bốn quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Nhờ vào tác động của định quyền, bốn quyền là được tu tập, là được tu tập tốt đẹp. Chính các vị nào tác chứng phẩm vị A-la-hán nhờ vào tác động của định quyền, tất cả các vị ấy là các vị có thân chứng.
Đối với vị đang tác ý vô ngã có tuệ quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của tuệ quyền (vị ấy) thành đạt Đạo Nhập Lưu; vì thế được nói rằng: “Vị tùy Pháp hành.” Bốn quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Nhờ vào tác động của tuệ quyền, có sự tu tập của bốn quyền. Chính các vị nào thành đạt Đạo Nhập Lưu nhờ vào tác động của tuệ quyền, tất cả các vị ấy là các vị tùy Pháp hành.
Đối với vị đang tác ý vô ngã có tuệ quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của tuệ quyền Quả Nhập Lưu được tác chứng; vì thế được nói rằng: “Vị đạt được do kiến.” Bốn quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Nhờ vào tác động của tuệ quyền, bốn quyền là được tu tập, là được tu tập tốt đẹp. Chính các vị nào tác chứng Quả Nhập Lưu nhờ vào tác động của tuệ quyền, tất cả các vị ấy là các vị đạt được do kiến.
Đối với vị đang tác ý vô ngã có tuệ quyền là nổi bật, do trạng thái nổi bật của tuệ quyền (vị ấy) thành đạt Đạo Nhất Lai; ...(nt)... Quả Nhất Lai được tác chứng; ...(nt)... thành đạt Đạo Bất Lai; ...(nt)... Quả Bất Lai được tác chứng; ...(nt)... thành đạt Đạo A-la-hán; ...(nt)... Quả A-la-hán được tác chứng; vì thế được nói rằng: “Vị tùy Pháp hành.” Bốn quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Nhờ vào tác động của tuệ quyền, bốn quyền là được tu tập, là được tu tập tốt đẹp. Chính các vị nào tác chứng phẩm vị A-la-hán nhờ vào tác động của tuệ quyền, tất cả các vị ấy là các vị đạt được do kiến.
Chính các vị nào đã tu tập, đang tu tập, hoặc sẽ tu tập, đã đắc chứng, đang đắc chứng, hoặc sẽ đắc chứng, đã đạt được, đang đạt được, hoặc sẽ đạt được, đã thành đạt, đang thành đạt, hoặc sẽ thành đạt, đã thấu triệt, đang thấu triệt, hoặc sẽ thấu triệt, đã tác chứng, đang tác chứng, hoặc sẽ tác chứng, đã chạm đến, đang chạm đến, hoặc sẽ chạm đến, đã đạt được, đang đạt được, hoặc sẽ đạt được ưu thế, đã đạt được, đang đạt được, hoặc sẽ đạt được sự toàn hảo, đã đạt được, đang đạt được, hoặc sẽ đạt được sự tự tín về thoát ly, tất cả các vị ấy là được giải thoát do đức tin nhờ vào năng lực của tín quyền, là có thân chứng nhờ vào năng lực của định quyền, là đạt được do kiến nhờ vào năng lực của tuệ quyền.
Chính các vị nào đã tu tập, ...(nt)... sẽ đạt được sự tự tín về không sân độc ... về sự nghĩ tưởng đến ánh sáng ... về không tản mạn ... về sự xác định pháp ... về trí ... về sự hân hoan ... về sơ thiền ... về nhị thiền ... về tam thiền ... về tứ thiền ... về sự chứng đạt không vô biên xứ ... về sự chứng đạt thức vô biên xứ ... về sự chứng đạt vô sở hữu xứ ... về sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ ... về sự quán xét vô thường ... về sự quán xét khổ não ... về sự quán xét vô ngã ... về sự quán xét về nhàm chán ... về sự quán xét về ly tham ái ... về sự quán xét về diệt tận ... về sự quán xét về từ bỏ ... về sự quán xét về đoạn tận ... về sự quán xét về biến hoại ... về sự quán xét về chuyển biến ... về sự quán xét vô tướng ... về sự quán xét vô nguyện ... về sự quán xét không tánh ... về sự minh sát các pháp bằng thắng tuệ ... về sự biết và thấy đúng theo thực thể ... về sự quán xét về tai hại ... về sự quán xét về phân biệt rõ ... về sự quán xét về ly khai ... về Đạo Nhập Lưu ... về Đạo Nhất Lai ... về Đạo Bất Lai ... về Đạo A-la-hán ... về bốn sự thiết lập niệm ... về bốn Chánh Cần ... về bốn nền tảng của thần thông ... về năm Quyền ... về bảy Giác Chi ... về Thánh Đạo tám chi phần ...
Chính các vị nào đã tu tập, đang tu tập, hoặc sẽ tu tập, đã đắc chứng, đang đắc chứng, hoặc sẽ đắc chứng, đã đạt được, đang đạt được, hoặc sẽ đạt được, đã thành đạt, đang thành đạt, hoặc sẽ thành đạt, đã thấu triệt, đang thấu triệt, hoặc sẽ thấu triệt, đã tác chứng, đang tác chứng, hoặc sẽ tác chứng, đã chạm đến, đang chạm đến, hoặc sẽ chạm đến, đã đạt được, đang đạt được, hoặc sẽ đạt được ưu thế, đã đạt được, đang đạt được, hoặc sẽ đạt được sự toàn hảo, đã đạt được, đang đạt được, hoặc sẽ đạt được sự tự tín về tám giải thoát, tất cả các vị ấy là được giải thoát do đức tin nhờ vào năng lực của tín quyền, là có thân chứng nhờ vào năng lực của định quyền, là đạt được do kiến nhờ vào năng lực của tuệ quyền.
Chính các vị nào đã đạt được, đang đạt được, hoặc sẽ đạt được bốn phân tích ...(như trên)... tất cả các vị ấy là được giải thoát do đức tin nhờ vào năng lực của tín quyền, là có thân chứng nhờ vào năng lực của định quyền, là đạt được do kiến nhờ vào năng lực của tuệ quyền.
Chính các vị nào đã thấu triệt, đang thấu triệt, hoặc sẽ thấu triệt ...(nt)... về ba minh, tất cả các vị ấy là được giải thoát do đức tin nhờ vào năng lực của tín quyền, là có thân chứng nhờ vào năng lực của định quyền, là đạt được do kiến nhờ vào năng lực của tuệ quyền.
Chính các vị nào đã học tập, đang học tập, hoặc sẽ học tập, đã tác chứng, đang tác chứng, hoặc sẽ tác chứng, đã chạm đến, đang chạm đến, hoặc sẽ chạm đến, đã đạt được, đang đạt được, hoặc sẽ đạt được ưu thế, đã đạt được, đang đạt được, hoặc sẽ đạt được sự toàn hảo, đã đạt được, đang đạt được, hoặc sẽ đạt được sự tự tín về ba sự học tập, tất cả các vị ấy là được giải thoát do đức tin nhờ vào năng lực của tín quyền, là có thân chứng nhờ vào năng lực của định quyền, là đạt được do kiến nhờ vào năng lực của tuệ quyền.
Chính các vị nào biết toàn diện về Khổ, ...(nt)... từ bỏ nhân sanh (Khổ), ...(nt)... tác chứng sự diệt tận (Khổ), ...(nt)... tu tập về Đạo, tất cả các vị ấy là được giải thoát do đức tin nhờ vào năng lực của tín quyền, là có thân chứng nhờ vào năng lực của định quyền, là đạt được do kiến nhờ vào năng lực của tuệ quyền.
Sự thấu triệt chân lý là với bao nhiêu biểu hiện? Hành giả thấu triệt các chân lý với bao nhiêu biểu hiện? Sự thấu triệt chân lý là với bốn biểu hiện, hành giả thấu triệt các chân lý với bốn biểu hiện: Thấu triệt chân lý về Khổ với sự thấu triệt của sự biết toàn diện, thấu triệt chân lý về nhân sanh (Khổ) với sự thấu triệt của sự dứt bỏ, thấu triệt chân lý về sự diệt tận (Khổ) với sự thấu triệt của sự tác chứng, thấu triệt chân lý về Đạo với sự thấu triệt của sự tu tập. Sự thấu triệt chân lý là với bốn biểu hiện này, trong khi thấu triệt bốn chân lý với bốn biểu hiện này, (hành giả) được giải thoát do đức tin nhờ vào năng lực của tín quyền, là có thân chứng nhờ vào năng lực của định quyền, là đạt được do kiến nhờ vào năng lực của tuệ quyền.
Sự thấu triệt chân lý là với bao nhiêu biểu hiện? Hành giả thấu triệt các chân lý với bao nhiêu biểu hiện? Sự thấu triệt chân lý là với chín biểu hiện, hành giả thấu triệt các chân lý với chín biểu hiện: Thấu triệt chân lý về Khổ với sự thấu triệt của sự biết toàn diện, thấu triệt chân lý về nhân sanh (Khổ) với sự thấu triệt của sự dứt bỏ, thấu triệt chân lý về sự diệt tận (Khổ) với sự thấu triệt của sự tác chứng, thấu triệt chân lý về Đạo với sự thấu triệt của sự tu tập. Và có sự thấu triệt bằng thắng trí đối với tất cả các pháp, có sự thấu triệt do biết toàn diện đối với tất cả các hành, có sự thấu triệt do từ bỏ đối với tất cả bất thiện, có sự thấu triệt do tu tập đối với bốn Đạo, và có sự thấu triệt do tác chứng đối với sự diệt tận. Sự thấu triệt chân lý là với chín biểu hiện này, trong khi thấu triệt bốn chân lý với chín biểu hiện này, (hành giả) được giải thoát do đức tin nhờ vào năng lực của tín quyền, là có thân chứng nhờ vào năng lực của định quyền, là đạt được do kiến nhờ vào năng lực của tuệ quyền.
Tụng Phẩm thứ nhì.
Đối với vị đang tác ý vô thường, các hành hiện diện như thế nào? Đối với vị đang tác ý khổ não, các hành hiện diện như thế nào? Đối với vị đang tác ý vô ngã, các hành hiện diện như thế nào? (1)
Đối với vị đang tác ý vô thường, các hành hiện diện như là sự đoạn tận; đối với vị đang tác ý khổ não, các hành hiện diện như là sự kinh hãi; đối với vị đang tác ý vô ngã, các hành hiện diện như là không. (2)
Đối với vị đang tác ý vô thường, tâm được dồi dào về điều gì? Đối với vị đang tác ý khổ não, tâm được dồi dào về điều gì? Đối với vị đang tác ý vô ngã, tâm được dồi dào về điều gì? (1)
Đối với vị đang tác ý vô thường, tâm được dồi dào về cương quyết; đối với vị đang tác ý khổ não, tâm được dồi dào về tịnh; đối với vị đang tác ý vô ngã, tâm được dồi dào về hiểu biết. (2)
Trong khi tác ý vô thường, vị dồi dào về cương quyết thành đạt giải thoát gì? Trong khi tác ý khổ não, vị dồi dào về tịnh thành đạt giải thoát gì? Trong khi tác ý vô ngã, vị có sự hiểu biết dồi dào thành đạt giải thoát gì? (1)
Trong khi tác ý vô thường, vị dồi dào về cương quyết thành đạt vô tướng giải thoát. Trong khi tác ý khổ não, vị dồi dào về tịnh thành đạt vô nguyện giải thoát. Trong khi tác ý vô ngã, vị có sự hiểu biết dồi dào thành đạt không tánh giải thoát. (2)
Đối với vị dồi dào về cương quyết đang tác ý vô thường, giải thoát nào là chủ đạo? Trong sự tu tập, có bao nhiêu giải thoát là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị? Sự tu tập theo ý nghĩa gì? Ai tu tập? (1)
Đối với vị dồi dào về tịnh đang tác ý khổ não, giải thoát nào là chủ đạo? Trong sự tu tập, có bao nhiêu giải thoát là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị? Sự tu tập theo ý nghĩa gì? Ai tu tập? (2)
Đối với vị dồi dào về hiểu biết đang tác ý vô ngã, giải thoát nào là chủ đạo? Trong sự tu tập, có bao nhiêu giải thoát là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị? Sự tu tập theo ý nghĩa gì? Ai tu tập? (3)
Đối với vị dồi dào về cương quyết đang tác ý vô thường, vô tướng giải thoát là chủ đạo. Trong sự tu tập, có hai giải thoát là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị. Sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị. Vị nào thực hành đúng đắn, vị ấy tu tập; không có sự tu tập giải thoát ở người thực hành sai trái. (1)
Đối với vị dồi dào về tịnh đang tác ý khổ não, vô nguyện giải thoát là chủ đạo. Trong sự tu tập, có hai giải thoát là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị. Sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị. Vị nào thực hành đúng đắn, vị ấy tu tập; không có sự tu tập giải thoát ở người thực hành sai trái. (2)
Đối với vị dồi dào về hiểu biết đang tác ý vô ngã, không tánh giải thoát là chủ đạo. Trong sự tu tập, có hai giải thoát là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị. Sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị. Vị nào thực hành đúng đắn, vị ấy tu tập; không có sự tu tập giải thoát ở người thực hành sai trái. (3)
Đối với vị dồi dào về cương quyết đang tác ý vô thường, giải thoát nào là chủ đạo? Trong sự tu tập, có bao nhiêu giải thoát là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên? Vào thời điểm thấu triệt, giải thoát nào là chủ đạo? Trong sự thấu triệt, bao nhiêu giải thoát là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị? Sự tu tập theo ý nghĩa gì? Sự thấu triệt theo ý nghĩa gì? (1)
Đối với vị dồi dào về tịnh đang tác ý khổ não, giải thoát nào là chủ đạo? Trong sự tu tập, có bao nhiêu giải thoát là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên? Vào thời điểm thấu triệt, giải thoát nào là chủ đạo? Trong sự thấu triệt, bao nhiêu giải thoát là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị? Sự tu tập theo ý nghĩa gì? Sự thấu triệt theo ý nghĩa gì? (2)
Đối với vị dồi dào về hiểu biết đang tác ý vô ngã, giải thoát nào là chủ đạo? Trong sự tu tập, có bao nhiêu giải thoát là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên? Vào thời điểm thấu triệt, giải thoát nào là chủ đạo? Trong sự thấu triệt, bao nhiêu giải thoát là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị? Sự tu tập theo ý nghĩa gì? Sự thấu triệt theo ý nghĩa gì? (3)
Đối với vị dồi dào về cương quyết đang tác ý vô thường, vô tướng giải thoát là chủ đạo. Trong sự tu tập, có hai quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào thời điểm thấu triệt, vô tướng giải thoát là chủ đạo. Trong sự thấu triệt, có hai giải thoát là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị. Sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị. Sự thấu triệt theo ý nghĩa nhận thức. Như vậy, ngay trong khi đang thấu triệt, (hành giả) tu tập; ngay trong khi đang tu tập, (hành giả) thấu triệt. (1)
Đối với vị dồi dào về tịnh đang tác ý khổ não, vô nguyện giải thoát là chủ đạo. Trong sự tu tập, có hai giải thoát là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào thời điểm thấu triệt, vô nguyện giải thoát là chủ đạo. Trong sự thấu triệt, có hai giải thoát là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị. Sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị. Sự thấu triệt theo ý nghĩa nhận thức. Như vậy, ngay trong khi đang thấu triệt, (hành giả) tu tập; ngay trong khi đang tu tập, (hành giả) thấu triệt. (2)
Đối với vị dồi dào về hiểu biết đang tác ý vô ngã, không tánh giải thoát là chủ đạo. Trong sự tu tập, có hai quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào thời điểm thấu triệt, không tánh giải thoát là chủ đạo. Trong sự thấu triệt, có hai quyền là tiếp nối việc ấy, là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên, là có nhất vị. Sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị. Sự thấu triệt theo ý nghĩa nhận thức. Như vậy, ngay trong khi đang thấu triệt, (hành giả) tu tập; ngay trong khi đang tu tập, (hành giả) thấu triệt. (3)
Đối với vị đang tác ý vô thường, giải thoát nào là nổi bật? Do trạng thái nổi bật của giải thoát nào là được giải thoát do đức tin? Đối với vị đang tác ý khổ não, giải thoát nào là nổi bật? Do trạng thái nổi bật của giải thoát nào là có thân chứng? Đối với vị đang tác ý vô ngã, giải thoát nào là nổi bật? Do trạng thái nổi bật của giải thoát nào là đạt được do kiến? (1)
Đối với vị đang tác ý vô thường, vô tướng giải thoát là nổi bật, do trạng thái nổi bật của vô tướng giải thoát là được giải thoát do đức tin; đối với vị đang tác ý khổ não, vô nguyện giải thoát là nổi bật, do trạng thái nổi bật của vô nguyện giải thoát là có thân chứng; đối với vị đang tác ý vô ngã, không tánh giải thoát là nổi bật, do trạng thái nổi bật của không tánh giải thoát là đạt được do kiến. (2)
‘Trong khi có đức tin, (hành giả) giải thoát’ là được giải thoát do đức tin. ‘Do trạng thái đã chạm đến, (hành giả) tác chứng’ là có thân chứng. ‘Do trạng thái đã được thấy, (hành giả) đạt được’ là đạt được do kiến. ‘Trong khi có đức tin, (hành giả) giải thoát’ là được giải thoát do đức tin. ‘(Hành giả) xúc chạm với sự xúc chạm của thiền trước, sau đó tác chứng sự tịch diệt Niết Bàn’ là có thân chứng. “ ‘Các hành là khổ, tịch diệt là lạc’ là điều đã được biết, được hiểu, được tác chứng, được chạm đến bởi tuệ” là đạt được do kiến. ...(như trên)...
Chính các vị nào đã tu tập, đang tu tập, hoặc sẽ tu tập, ...(như trên)... tất cả các vị ấy là được giải thoát do đức tin nhờ vào năng lực của vô tướng giải thoát, là có thân chứng nhờ vào năng lực của vô nguyện giải thoát, là đạt được do kiến nhờ vào năng lực của không tánh giải thoát.
Chính các vị nào đã tu tập, ...(nt)... về sự không sân độc ...(nt)... về sự nghĩ tưởng đến ánh sáng ...(nt)... về sự không tản mạn ...(nt)... Chính các vị nào biết toàn diện về Khổ, ... từ bỏ nhân sanh (Khổ), ... tác chứng sự diệt tận (Khổ), ... tu tập về Đạo, tất cả các vị ấy là được giải thoát do đức tin nhờ vào năng lực của vô tướng giải thoát, là có thân chứng nhờ vào năng lực của vô nguyện giải thoát, là đạt được do kiến nhờ vào năng lực của không tánh giải thoát.
Sự thấu triệt chân lý là với bao nhiêu biểu hiện? Hành giả thấu triệt các chân lý với bao nhiêu biểu hiện? Sự thấu triệt chân lý là với bốn biểu hiện, hành giả thấu triệt các chân lý với bốn biểu hiện.
(Hành giả) thấu triệt chân lý về Khổ với sự thấu triệt của sự biết toàn diện, thấu triệt chân lý về nhân sanh (Khổ) với sự thấu triệt của sự dứt bỏ, thấu triệt chân lý về sự diệt tận (Khổ) với sự thấu triệt của sự tác chứng, thấu triệt chân lý về Đạo với sự thấu triệt của sự tu tập. Sự thấu triệt chân lý là với bốn biểu hiện này, trong khi thấu triệt bốn chân lý với bốn biểu hiện này, (hành giả) được giải thoát do đức tin nhờ vào năng lực của vô tướng giải thoát, là có thân chứng nhờ vào năng lực của vô nguyện giải thoát, là đạt được do kiến nhờ vào năng lực của không tánh giải thoát.
Sự thấu triệt chân lý là với bao nhiêu biểu hiện? Hành giả thấu triệt các chân lý với bao nhiêu biểu hiện? Sự thấu triệt chân lý là với chín biểu hiện. Hành giả thấu triệt các chân lý với chín biểu hiện: Thấu triệt chân lý về Khổ với sự thấu triệt của sự biết toàn diện, ...(nt)... Và có sự thấu triệt bằng thắng trí đối với tất cả các pháp, ...(nt)... và có sự thấu triệt do tác chứng đối với sự diệt tận.
Sự thấu triệt chân lý là với chín biểu hiện này, trong khi thấu triệt bốn chân lý với chín biểu hiện này, (hành giả) được giải thoát do đức tin nhờ vào năng lực của vô tướng giải thoát, là có thân chứng nhờ vào năng lực của vô nguyện giải thoát, là đạt được do kiến nhờ vào năng lực của không tánh giải thoát.
Trong khi tác ý vô thường, (hành giả) biết, thấy đúng theo thực thể các pháp nào? Sự thấy đúng đắn là (có ý nghĩa) thế nào? Do tiếp nối việc ấy, các hành được thấy rõ là vô thường là (có ý nghĩa) thế nào? Hoài nghi được dứt bỏ ở đâu? (1)
Trong khi tác ý khổ não, (hành giả) biết, thấy đúng theo thực thể các pháp nào? Sự thấy đúng đắn là (có ý nghĩa) thế nào? Do tiếp nối việc ấy, các hành được thấy rõ là khổ não là (có ý nghĩa) thế nào? Hoài nghi được dứt bỏ ở đâu? (2)
Trong khi tác ý vô ngã, (hành giả) biết, thấy đúng theo thực thể các pháp nào? Sự thấy đúng đắn là (có ý nghĩa) thế nào? Do tiếp nối việc ấy, các hành được thấy rõ là vô ngã là (có ý nghĩa) thế nào? Hoài nghi được dứt bỏ ở đâu? (3)
Trong khi tác ý vô thường, (hành giả) nhận biết, nhận thấy đúng theo thực thể về hiện tướng; vì thế được gọi là sự thấy đúng đắn. Như vậy, do tiếp nối việc ấy, các hành được thấy rõ là vô thường. Hoài nghi được dứt bỏ ở đây. (1)
Trong khi tác ý khổ não, (hành giả) biết, thấy đúng theo thực thể về sự vận hành; vì thế được gọi là sự thấy đúng đắn. Như vậy, do tiếp nối việc ấy, các hành được thấy rõ là khổ não. Hoài nghi được dứt bỏ ở đây. (2)
Trong khi tác ý vô ngã, (hành giả) biết, thấy đúng theo thực thể về hiện tướng và sự vận hành; vì thế được gọi là sự thấy đúng đắn. Như vậy, do tiếp nối việc ấy, tất cả các pháp được thấy rõ là vô ngã. Hoài nghi được dứt bỏ ở đây. (3)
Trí đúng theo thực thể, sự thấy đúng đắn, sự vượt qua hoài nghi, các pháp này là có ý nghĩa khác biệt và văn tự khác biệt? Hay là có cùng một ý nghĩa và chỉ có văn tự là khác? Trí đúng theo thực thể, sự thấy đúng đắn, sự vượt qua hoài nghi, các pháp này là có cùng một ý nghĩa và chỉ có văn tự là khác.
Đối với vị đang tác ý vô thường, điều gì hiện diện là kinh hãi? Đối với vị đang tác ý khổ não, điều gì hiện diện là kinh hãi? Đối với vị đang tác ý vô ngã, điều gì hiện diện là kinh hãi?
Đối với vị đang tác ý vô thường, hiện tướng hiện diện là kinh hãi? Đối với vị đang tác ý khổ não, sự vận hành hiện diện là kinh hãi? Đối với vị đang tác ý vô ngã, hiện tướng và sự vận hành hiện diện là kinh hãi.
Tuệ liên quan đến sự hiện diện của kinh hãi, trí liên quan đến điều tai hại, và sự nhàm chán, các pháp này là có ý nghĩa khác biệt và văn tự khác biệt? Hay là có cùng một ý nghĩa và chỉ có văn tự là khác? Tuệ liên quan đến sự hiện diện của kinh hãi, trí liên quan đến điều tai hại, và sự nhàm chán, các pháp này là có cùng một ý nghĩa và chỉ có văn tự là khác.
Quán xét về vô ngã và quán xét về không tánh, các pháp này là có ý nghĩa khác biệt và văn tự khác biệt? Hay là có cùng một ý nghĩa và chỉ có văn tự là khác? Quán xét về vô ngã và quán xét về không tánh, các pháp này là có cùng một ý nghĩa và chỉ có văn tự là khác.
Đối với vị đang tác ý vô thường, do sự phân biệt rõ điều gì khiến trí được sanh lên? Đối với vị đang tác ý khổ não, do sự phân biệt rõ điều gì khiến trí được sanh lên? Đối với vị đang tác ý vô ngã, do sự phân biệt rõ điều gì khiến trí được sanh lên?
Đối với vị đang tác ý vô thường, do sự phân biệt rõ hiện tướng khiến trí được sanh lên; đối với vị đang tác ý khổ não, do sự phân biệt rõ sự vận hành khiến trí được sanh lên; đối với vị đang tác ý vô ngã, do sự phân biệt rõ hiện tướng và sự vận hành khiến trí được sanh lên. (1)
Sự mong muốn giải thoát, sự quán xét do phân biệt rõ, và trạng thái xả đối với các pháp hữu vi, các pháp này là có ý nghĩa khác biệt và văn tự khác biệt? Hay là có cùng một ý nghĩa và chỉ có văn tự là khác? Sự mong muốn giải thoát, sự quán xét do phân biệt rõ, và trạng thái xả đối với các pháp hữu vi, các pháp này là có cùng một ý nghĩa và chỉ có văn tự là khác. (2)
Đối với vị đang tác ý vô thường, tâm thoát ra khỏi nơi nào? tâm tiến vào nơi nào? Đối với vị đang tác ý khổ não, tâm thoát ra khỏi nơi nào? tâm tiến vào nơi nào? Đối với vị đang tác ý vô ngã, tâm thoát ra khỏi nơi nào? tâm tiến vào nơi nào?
Đối với vị đang tác ý vô thường, tâm thoát ra khỏi hiện tướng, tâm tiến vào vô tướng; đối với vị đang tác ý khổ não, tâm thoát ra khỏi sự vận hành, tâm tiến vào sự không vận hành; đối với vị đang tác ý vô ngã, tâm thoát ra khỏi hiện tướng và sự vận hành, tâm tiến vào vô tướng, vào sự không vận hành, vào sự diệt tận là cảnh giới Niết Bàn. (3)
Tuệ liên quan đến sự thoát ra và ly khai ngoại phần, và các sự chuyển tộc, các pháp này là có ý nghĩa khác biệt và văn tự khác biệt? Hay là có cùng một ý nghĩa và chỉ có văn tự là khác? Tuệ liên quan đến sự thoát ra và ly khai ngoại phần, và các sự chuyển tộc, các pháp này là có cùng một ý nghĩa và chỉ có văn tự là khác. (4)
Trong khi tác ý vô thường, (hành giả) giải thoát bằng sự giải thoát nào; trong khi tác ý khổ não, giải thoát bằng sự giải thoát nào; trong khi tác ý vô ngã, giải thoát bằng sự giải thoát nào? Trong khi tác ý vô thường, (hành giả) giải thoát bằng vô tướng giải thoát; trong khi tác ý khổ não, giải thoát bằng vô nguyện giải thoát; trong khi tác ý vô ngã, giải thoát bằng không tánh giải thoát. (5)
Tuệ liên quan đến sự thoát ra và ly khai cả hai (nội ngoại phần), và trí liên quan đến Đạo, các pháp này là có ý nghĩa khác biệt và văn tự khác biệt? Hay là có cùng một ý nghĩa và chỉ có văn tự là khác? Tuệ liên quan đến sự thoát ra và ly khai cả hai, và trí liên quan đến Đạo, các pháp này là có cùng một ý nghĩa và chỉ có văn tự là khác. (6)
Ba loại giải thoát ở vào sát-na khác nhau là với bao nhiêu biểu hiện, ba loại giải thoát ở vào cùng một sát-na là với bao nhiêu biểu hiện? Ba loại giải thoát ở vào sát-na khác nhau là với bốn biểu hiện, ba loại giải thoát ở vào cùng một sát-na là với bảy biểu hiện.
Ba loại giải thoát ở vào sát-na khác nhau là với bốn biểu hiện nào? Với ý nghĩa pháp chủ đạo, với ý nghĩa khẳng định, với ý nghĩa quả quyết, với ý nghĩa dẫn xuất.
Ba loại giải thoát với ý nghĩa pháp chủ đạo ở vào sát-na khác nhau là thế nào? Đối với vị đang tác ý vô thường vô tướng giải thoát là pháp chủ đạo, tác ý khổ não vô nguyện giải thoát là pháp chủ đạo, tác ý vô ngã không tánh giải thoát là pháp chủ đạo. Ba loại giải thoát với ý nghĩa pháp chủ đạo ở vào sát-na khác nhau là thế ấy. (1)
Ba loại giải thoát với ý nghĩa khẳng định ở vào sát-na khác nhau là thế nào? Trong khi tác ý vô thường, nhờ vào năng lực của vô tướng giải thoát, (hành giả) khẳng định tâm; trong khi tác ý khổ não, nhờ vào năng lực của vô nguyện giải thoát, (hành giả) khẳng định tâm; trong khi tác ý vô ngã, nhờ vào năng lực của không tánh giải thoát, (hành giả) khẳng định tâm. Ba loại giải thoát với ý nghĩa khẳng định ở vào sát-na khác nhau là thế ấy. (2)
Ba loại giải thoát với ý nghĩa quả quyết ở vào sát-na khác nhau là thế nào? Trong khi tác ý vô thường, nhờ vào năng lực của vô tướng giải thoát, (hành giả) quả quyết tâm, trong khi tác ý khổ não, nhờ vào năng lực của vô nguyện giải thoát, (hành giả) quả quyết tâm, trong khi tác ý vô ngã, nhờ vào năng lực của không tánh giải thoát, (hành giả) quả quyết tâm. Ba loại giải thoát với ý nghĩa quả quyết ở vào sát-na khác nhau là thế ấy. (3)
Ba loại giải thoát với ý nghĩa dẫn xuất ở vào sát-na khác nhau là thế nào? Trong khi tác ý vô thường, nhờ vào năng lực của vô tướng giải thoát, (hành giả) dẫn xuất đến sự diệt tận Niết Bàn, trong khi tác ý khổ não, nhờ năng lực của vô nguyện giải thoát, dẫn xuất đến sự diệt tận Niết Bàn, trong khi tác ý vô ngã, nhờ năng lực của không tánh giải thoát, dẫn xuất đến sự diệt tận Niết Bàn. Ba loại giải thoát với ý nghĩa dẫn xuất ở vào sát-na khác nhau là thế ấy. (4)
Ba loại giải thoát ở vào sát-na khác nhau là với bốn biểu hiện này.
Ba loại giải thoát ở vào cùng một sát-na là với bảy biểu hiện nào? Với ý nghĩa liên kết, với ý nghĩa đắc chứng, với ý nghĩa thành đạt, với ý nghĩa thấu triệt, với ý nghĩa tác chứng, với ý nghĩa chạm đến, với ý nghĩa lãnh hội.
Ba loại giải thoát với ý nghĩa liên kết, với ý nghĩa đắc chứng, với ý nghĩa thành đạt, với ý nghĩa thấu triệt, với ý nghĩa tác chứng, với ý nghĩa chạm đến, với ý nghĩa lãnh hội ở vào cùng một sát-na là thế nào?
‘Trong khi tác ý vô thường, (hành giả) giải thoát khỏi hiện tướng’ là vô tướng giải thoát, ‘giải thoát khỏi điều nào thì không còn nguyện ước điều ấy’ là vô nguyện giải thoát, ‘điều ấy không nguyện ước thì với điều ấy là không’ là không tánh giải thoát, ‘với điều nào là không, là vô tướng với hiện tướng ấy’ là vô tướng giải thoát. Ba loại giải thoát với ý nghĩa liên kết, với ý nghĩa đắc chứng, với ý nghĩa thành đạt, với ý nghĩa thấu triệt, với ý nghĩa tác chứng, với ý nghĩa chạm đến, với ý nghĩa lãnh hội ở vào cùng một sát-na là thế ấy. (1)
‘Trong khi tác ý khổ não, (hành giả) giải thoát khỏi nguyện ước’ là vô nguyện giải thoát, ‘điều ấy không nguyện ước thì với điều ấy là không’ là không tánh giải thoát, ‘với điều nào là không, là vô tướng với hiện tướng ấy’ là vô tướng giải thoát, ‘vô tướng với hiện tướng nào thì không còn mong mỏi điều ấy’ là vô nguyện giải thoát. Ba loại giải thoát với ý nghĩa liên kết, với ý nghĩa đắc chứng, với ý nghĩa thành đạt, với ý nghĩa thấu triệt, với ý nghĩa tác chứng, với sự chạm đến, với ý nghĩa lãnh hội ở vào cùng một sát-na là thế ấy. (2)
‘Trong khi tác ý vô ngã, (hành giả) giải thoát khỏi cố chấp’ là không tánh giải thoát, ‘với điều nào là không, là vô tướng với hiện tướng ấy’ là vô tướng giải thoát, ‘vô tướng với hiện tướng nào thì không còn mong mỏi điều ấy’ là vô nguyện giải thoát, ‘điều ấy không nguyện ước thì với điều ấy là không’ là không tánh giải thoát. Ba loại giải thoát với ý nghĩa liên kết, với ý nghĩa đắc chứng, với ý nghĩa thành đạt, với ý nghĩa thấu triệt, với ý nghĩa tác chứng, với ý nghĩa chạm đến, với ý nghĩa lãnh hội ở vào cùng một sát-na là thế ấy. (3)
Ba loại giải thoát ở vào cùng một sát-na là với bảy biểu hiện này.
Có sự giải thoát, có cánh cửa, có cánh cửa của giải thoát, có đối nghịch của giải thoát, có (pháp) phù hợp với giải thoát, có sự ly khai do giải thoát, có sự tu tập giải thoát, có sự tịnh lặng của giải thoát.
Giải thoát là gì? Không tánh giải thoát, vô tướng giải thoát, vô nguyện giải thoát.
Không tánh giải thoát là gì? ‘Trí do sự quán xét về vô thường giải thoát khỏi cố chấp về thường’ là không tánh giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về khổ não giải thoát khỏi cố chấp về lạc’ là không tánh giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về vô ngã giải thoát khỏi cố chấp về ngã’ là không tánh giải thoát.‘Trí do sự quán xét về nhàm chán giải thoát khỏi cố chấp về vui thích’ là không tánh giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về ly tham ái giải thoát khỏi cố chấp về tham ái’ là không tánh giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về diệt tận giải thoát khỏi cố chấp về nhân sanh khởi’ là không tánh giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về từ bỏ giải thoát khỏi cố chấp về nắm giữ’ là không tánh giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về vô tướng giải thoát khỏi cố chấp về hiện tướng’ là không tánh giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về vô nguyện giải thoát khỏi cố chấp về nguyện ước’ là không tánh giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về không tánh giải thoát khỏi tất cả các cố chấp’ là không tánh giải thoát.
‘Trí do sự quán xét về vô thường ở sắc giải thoát khỏi cố chấp về thường’ là không tánh giải thoát. ...(nt)... ‘Trí do sự quán xét về không tánh ở sắc giải thoát khỏi tất cả các cố chấp’ là không tánh giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về vô thường ở thọ ... ở tưởng ... ở các hành ... ở thức ... ở mắt ... ở lão tử giải thoát khỏi cố chấp về thường’ là không tánh giải thoát. ...(nt)... ‘Trí do sự quán xét về không tánh ở lão tử giải thoát khỏi tất cả các cố chấp’ là không tánh giải thoát. Đây là không tánh giải thoát. (1)
Vô tướng giải thoát là gì? ‘Trí do sự quán xét về vô thường giải thoát khỏi hiện tướng về thường’ là vô tướng giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về khổ não giải thoát khỏi hiện tướng về lạc’ là vô tướng giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về vô ngã giải thoát khỏi hiện tướng về ngã’ là ... ‘Trí do sự quán xét về nhàm chán giải thoát khỏi hiện tướng về vui thích’ là ... ‘Trí do sự quán xét về ly tham ái giải thoát khỏi hiện tướng về tham ái’ là ... ‘Trí do sự quán xét về diệt tận giải thoát khỏi hiện tướng về nhân sanh khởi’ là ... ‘Trí do sự quán xét về từ bỏ giải thoát khỏi hiện tướng về nắm giữ’ là ... ‘Trí do sự quán xét về vô tướng giải thoát khỏi tất cả các hiện tướng’ là ... ‘Trí do sự quán xét về vô nguyện giải thoát khỏi hiện tướng về nguyện ước’ là vô tướng giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về không tánh giải thoát khỏi hiện tướng về cố chấp’ là vô tướng giải thoát.
‘Trí do sự quán xét về vô thường ở sắc giải thoát khỏi hiện tướng về thường’ là vô tướng giải thoát. ...(nt)... ‘Trí do sự quán xét về vô tướng ở sắc giải thoát khỏi tất cả các hiện tướng’ là vô tướng giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về vô nguyện ở sắc giải thoát khỏi hiện tướng về nguyện ước’ là vô tướng giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về không tánh ở sắc giải thoát khỏi hiện tướng về cố chấp’ là vô tướng giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về vô thường ở thọ ... ở tưởng ... ở các hành ... ở thức ... ở mắt ... ở lão tử giải thoát khỏi hiện tướng về thường’ là vô tướng giải thoát. ...(nt)... ‘Trí do sự quán xét về vô tướng ở lão tử giải thoát khỏi tất cả các hiện tướng’ là vô tướng giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về vô nguyện ở lão tử giải thoát khỏi hiện tướng về nguyện ước’ là vô tướng giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về không tánh ở lão tử giải thoát khỏi hiện tướng về cố chấp’ là vô tướng giải thoát. Đây là vô tướng giải thoát. (2)
Vô nguyện giải thoát là gì? ‘Trí do sự quán xét về vô thường giải thoát khỏi nguyện ước về thường’ là vô nguyện giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về khổ não giải thoát khỏi nguyện ước về lạc’ là vô nguyện giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về vô ngã giải thoát khỏi nguyện ước về ngã’ là vô nguyện giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về ly tham ái giải thoát khỏi nguyện ước về tham ái’ là vô nguyện giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về diệt tận giải thoát khỏi nguyện ước về nhân sanh khởi’ là vô nguyện giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về từ bỏ giải thoát khỏi nguyện ước về nắm giữ’ là vô nguyện giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về vô tướng giải thoát khỏi nguyện ước về hiện tướng’ là vô nguyện giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về vô nguyện giải thoát khỏi tất cả cảc nguyện ước’ là vô nguyện giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về không tánh giải thoát khỏi nguyện ước về cố chấp’ là vô nguyện giải thoát.
‘Trí do sự quán xét về vô thường ở sắc giải thoát khỏi nguyện ước về thường’ là vô nguyện giải thoát. ...(nt)... ‘Trí do sự quán xét về vô nguyện ở sắc giải thoát khỏi tất cả các nguyện ước’ là vô nguyện giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về không tánh ở sắc giải thoát khỏi nguyện ước về cố chấp’ là vô nguyện giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về vô thường ở thọ ... ở tưởng ... ở các hành ... ở thức ... ở mắt ... ở lão tử giải thoát khỏi tất cả các nguyện ước’ là vô nguyện giải thoát. ‘Trí do sự quán xét về không tánh ở lão tử giải thoát khỏi nguyện ước về cố chấp’ là vô nguyện giải thoát. Đây là vô nguyện giải thoát. (3) Đây là giải thoát. (1)
Cánh cửa là gì? Những gì là không sai trái, là thiện, là các pháp dự phần giác ngộ được sanh ra ở trường hợp ấy, điều ấy là cánh cửa. (2)
Cánh cửa của giải thoát là gì? Đối tượng nào của các pháp ấy là sự diệt tận Niết Bàn, (đối tượng) ấy là cánh cửa của giải thoát, đây là cánh cửa của giải thoát. Giải thoát và cánh cửa, là cánh cửa của giải thoát, điều ấy là cánh cửa của giải thoát. (3)
(Pháp) đối nghịch của giải thoát là gì? Ba bất thiện căn là các (pháp) đối nghịch của giải thoát, ba ác hạnh là các (pháp) đối nghịch của giải thoát, tất cả các pháp bất thiện cũng là các (pháp) đối nghịch của giải thoát; điều ấy là (pháp) đối nghịch của giải thoát. (4)
(Pháp) phù hợp với giải thoát là gì? Ba thiện căn là các (pháp) phù hợp với giải thoát, ba thiện hạnh là các (pháp) phù hợp với giải thoát, tất cả các pháp thiện cũng là các (pháp) phù hợp với giải thoát; điều ấy là (pháp) phù hợp với giải thoát. (5)
Sự ly khai do giải thoát là gì? Là sự ly khai do tưởng, là sự ly khai do suy nghĩ, là sự ly khai do tâm, là sự ly khai do trí, là sự ly khai do giải thoát, là sự ly khai do chân lý.
‘Trong khi suy tưởng, (hành giả) ly khai’ là sự ly khai do tưởng. ‘Trong khi suy nghĩ, (hành giả) ly khai’ là sự ly khai do suy nghĩ. ‘Trong khi nhận biết, (hành giả) ly khai’ là sự ly khai do tâm. ‘Trong khi sử dụng trí, (hành giả) ly khai’ là sự ly khai do trí. ‘Trong khi xả ly, (hành giả) ly khai’ là sự ly khai do giải thoát. ‘Theo ý nghĩa của thực thể, (hành giả) ly khai’ là sự ly khai do chân lý.
Nơi nào có sự ly khai do tưởng, nơi ấy có sự ly khai do suy nghĩ. Nơi nào có sự ly khai do suy nghĩ, nơi ấy có sự ly khai do tưởng. Nơi nào có sự ly khai do tưởng (và) có sự ly khai do suy nghĩ, nơi ấy có sự ly khai do tâm. Nơi nào có sự ly khai do tâm, nơi ấy có sự ly khai do tưởng (và) có sự ly khai do suy nghĩ. Nơi nào có sự ly khai do tưởng, có sự ly khai do suy nghĩ, (và) có sự ly khai do tâm, nơi ấy có sự ly khai do trí. Nơi nào có sự ly khai do trí, nơi ấy có sự ly khai do tưởng, có sự ly khai do suy nghĩ, (và) có sự ly khai do tâm. Nơi nào có sự ly khai do tưởng, có sự ly khai do suy nghĩ, có sự ly khai do tâm, (và) có sự ly khai do trí, nơi ấy có sự ly khai do giải thoát. Nơi nào có sự ly khai do giải thoát, nơi ấy có sự ly khai do tưởng, có sự ly khai do suy nghĩ, có sự ly khai do tâm, (và) có sự ly khai do trí. Nơi nào có sự ly khai do tưởng, có sự ly khai do suy nghĩ, có sự ly khai do tâm, có sự ly khai do trí, (và) có sự ly khai do giải thoát, nơi ấy có sự ly khai do sự thật. Nơi nào có sự ly khai do sự thật, nơi ấy có sự ly khai do tưởng, có sự ly khai do suy nghĩ, có sự ly khai do tâm, có sự ly khai do trí, có sự ly khai do giải thoát. Đây là sự ly khai do giải thoát. (6)
Sự tu tập giải thoát là gì? Sự rèn luyện, sự tu tập, sự làm cho sung mãn sơ thiền; sự rèn luyện, sự tu tập, sự làm cho sung mãn nhị thiền; sự rèn luyện, sự tu tập, sự làm cho sung mãn tam thiền; sự rèn luyện, sự tu tập, sự làm cho sung mãn tứ thiền; sự rèn luyện, sự tu tập, sự làm cho sung mãn sự chứng đạt không vô biên xứ; ... sự chứng đạt thức vô biên xứ; ... sự chứng đạt vô sở hữu xứ; sự rèn luyện, sự tu tập, sự làm cho sung mãn sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ; sự rèn luyện, sự tu tập, sự làm cho sung mãn Đạo Nhập Lưu; sự rèn luyện, sự tu tập, sự làm cho sung mãn Đạo Nhất Lai; sự rèn luyện, sự tu tập, sự làm cho sung mãn Đạo Bất Lai; sự rèn luyện, sự tu tập, sự làm cho sung mãn Đạo A-la-hán; điều này là sự tu tập giải thoát. (7)
Sự tịnh lặng của giải thoát là gì? Sự thành tựu hoặc nghiệp quả của sơ thiền, sự thành tựu hoặc nghiệp quả của nhị thiền, ... của tam thiền, ... của tứ thiền, ... của sự chứng đạt không vô biên xứ, ... của sự chứng đạt thức vô biên xứ, ... của sự chứng đạt vô sở hữu xứ, sự thành tựu hoặc nghiệp quả của sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ, Quả Nhập Lưu của Đạo Nhập Lưu, Quả Nhất Lai của Đạo Nhất Lai, Quả Bất Lai của Đạo Bất Lai, Quả A-la-hán của Đạo A-la-hán; điều này là sự tịnh lặng của giải thoát.
Tụng phẩm thứ ba.
Phần giảng về Giải Thoát được đầy đủ.
--ooOoo--
Đối với sự thành tựu cõi tái sanh,[1]khi được liên kết với trí thì sự sanh lên là do duyên của bao nhiêu nhân? Đối với các gia tộc giàu sang dòng Sát-đế-lỵ, các gia tộc giàu sang dòng Bà-la-môn, các gia tộc giàu sang của gia chủ, và chư thiên dục giới, khi được liên kết với trí thì sự sanh lên là do duyên của bao nhiêu nhân? Đối với chư thiên sắc giới thì sự sanh lên là do duyên của bao nhiêu nhân? Đối với chư thiên vô sắc giới thì sự sanh lên là do duyên của bao nhiêu nhân?
Đối với sự thành tựu cõi tái sanh, khi được liên kết với trí thì sự sanh lên là do duyên của tám nhân. Đối với các gia tộc giàu sang dòng Sát-đế-lỵ, các gia tộc giàu sang dòng Bà-la-môn, các gia tộc giàu sang của gia chủ, và chư thiên dục giới, khi được liên kết với trí thì sự sanh lên là do duyên của tám nhân. Đối với chư thiên sắc giới thì sự sanh lên là do duyên của tám nhân. Đối với chư thiên vô sắc giới thì sự sanh lên là do duyên của tám nhân.
Đối với sự thành tựu cõi tái sanh, khi được liên kết với trí thì sự sanh lên là do duyên của 8 nhân nào? Vào sát-na đổng lực của nghiệp thiện, ba nhân thiện là các đồng sanh duyên của sở hữu tư đã được sanh lên vào sát-na ấy; vì thế được gọi là: ‘Do duyên các căn thiện, các hành (sanh khởi).’ Vào sát-na cận tử, hai nhân bất thiện là các đồng sanh duyên của sở hữu tư đã được sanh lên vào sát-na ấy; vì thế được gọi là: ‘Do duyên các căn bất thiện, các hành (sanh khởi).’ Vào sát-na tục sinh, ba nhân vô ký là các đồng sanh duyên của sở hữu tư đã được sanh lên vào sát-na ấy; vì thế được gọi là: “Do duyên danh sắc, thức (sanh khởi), do duyên thức, danh sắc (sanh khởi).”
Vào sát-na tục sinh, năm uẩn là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào sát-na tục sinh, bốn đại hiển là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên. Vào sát-na tục sinh, ba sự tạo tác mạng sống[2]là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các bất hợp duyên. Vào sát-na tục sinh, danh và sắc là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các bất hợp duyên. Vào sát-na tục sinh, 14 pháp này là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các bất hợp duyên.
Vào sát-na tục sinh, bốn uẩn vô sắc là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào sát-na tục sinh, năm quyền các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào sát-na tục sinh, ba nhân là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào sát-na tục sinh, danh và thức là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào sát-na tục sinh, 14 pháp này là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên.
Vào sát-na tục sinh, hai mươi tám pháp này là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các bất hợp duyên.
Đối với sự thành tựu cõi tái sanh, khi được liên kết với trí thì sự sanh lên là do duyên của tám nhân này. (1)
Đối với các gia tộc giàu sang dòng Sát-đế-lỵ, đối với các gia tộc giàu sang dòng Bà-la-môn, đối với các gia tộc giàu sang của gia chủ, đối với chư thiên dục giới, khi được liên kết với trí thì sự sanh lên là do duyên của tám nhân nào? Vào sát-na đổng lực của nghiệp thiện, ba nhân thiện là các đồng sanh duyên của sở hữu tư đã được sanh lên vào sát-na ấy; vì thế được gọi là: “Do duyên các căn thiện, các hành (sanh khởi).” Vào sát-na cận tử, hai nhân bất thiện là các đồng sanh duyên của sở hữu tư đã được sanh lên vào sát-na ấy; vì thế được gọi là: “Do duyên các căn bất thiện, các hành (sanh khởi).” Vào sát-na tục sinh, ba nhân vô ký là các đồng sanh duyên của sở hữu tư đã được sanh lên vào sát-na ấy; vì thế được gọi là: “Do duyên danh sắc, thức (sanh khởi), do duyên thức, danh sắc (sanh khởi).”
Vào sát-na tục sinh, năm uẩn là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các bất hợp duyên. Vào sát-na tục sinh, bốn đại hiển là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên. Vào sát-na tục sinh, ba sự tạo tác mạng sống là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các bất hợp duyên. Vào sát-na tục sinh, danh và sắc là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các bất hợp duyên. Vào sát-na tục sinh, 14 pháp này là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các bất hợp duyên.
Vào sát-na tục sinh, bốn uẩn vô sắc là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào sát-na tục sinh, năm quyền các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào sát-na tục sinh, ba nhân là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào sát-na tục sinh, danh và thức là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào sát-na tục sinh, 14 pháp này là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên.
Vào sát-na tục sinh, hai mươi tám pháp này là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các bất hợp duyên.
Đối với các gia tộc giàu sang dòng Sát-đế-lỵ, đối với các gia tộc giàu sang dòng Bà-la-môn, đối với các gia tộc giàu sang của gia chủ, đối với chư thiên dục giới, khi được liên kết với trí thì sự sanh lên là do duyên của tám nhân này. (2)
Đối với chư thiên sắc giới thì sự sanh lên là do duyên của tám nhân nào? Vào sát-na đổng lực của nghiệp thiện, ba nhân thiện ...(như trên)... Đối với chư thiên sắc giới thì sự sanh lên là do duyên của tám nhân này. (3)
Đối với chư thiên vô sắc giới thì sự sanh lên là do duyên của tám nhân nào? Vào sát-na đổng lực của nghiệp thiện, ba nhân thiện là các đồng sanh duyên của sở hữu tư đã được sanh lên vào sát-na ấy; vì thế được gọi là: “Do duyên các căn thiện, các hành (sanh khởi).” Vào sát-na cận tử, hai nhân bất thiện là các đồng sanh duyên của sở hữu tư đã được sanh lên vào sát-na ấy; vì thế được gọi là: “Do duyên các căn bất thiện, các hành (sanh khởi).” Vào sát-na tục sinh, ba nhân vô ký là các đồng sanh duyên của sở hữu tư đã được sanh lên vào sát-na ấy; vì thế được gọi là: “Do duyên danh sắc, thức (sanh khởi), do duyên thức, danh sắc (sanh khởi).”
Vào sát-na tục sinh, bốn uẩn vô sắc là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào sát-na tục sinh, năm quyền là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào sát-na tục sinh, ba nhân là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào sát-na tục sinh, danh và thức là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào sát-na tục sinh, 14 pháp này là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Đối với chư thiên vô sắc giới thì sự sanh lên là do duyên của tám nhân này.
Đối với sự thành tựu cõi tái sanh, khi không được liên kết với trí thì sự sanh lên là do duyên của bao nhiêu nhân? Đối với các gia tộc giàu sang dòng Sát-đế-lỵ, đối với các gia tộc giàu sang dòng Bà-la-môn, đối với các gia tộc giàu sang của gia chủ, đối với chư thiên dục giới, khi không được liên kết với trí thì sự sanh lên là do duyên của bao nhiêu nhân?
Đối với sự thành tựu cõi tái sanh, khi không được liên kết với trí thì sự sanh lên là do duyên của sáu nhân. Đối với các gia tộc giàu sang dòng Sát-đế-lỵ, đối với các gia tộc giàu sang dòng Bà-la-môn, đối với các gia tộc giàu sang của gia chủ, đối với chư thiên dục giới, khi không được liên kết với trí thì sự sanh lên là do duyên của sáu nhân.
Đối với sự thành tựu cõi tái sanh, khi không liên kết với trí thì sự sanh lên là do duyên của sáu nhân nào? Vào sát-na đổng lực của nghiệp thiện, hai nhân thiện là các đồng sanh duyên của sở hữu tư đã được sanh lên vào sát-na ấy; vì thế được gọi là: “Do duyên các căn thiện, các hành (sanh khởi).” Vào sát-na cận tử, hai nhân bất thiện là các đồng sanh duyên của sở hữu tư đã được sanh lên vào sát-na ấy; vì thế được gọi là: “Do duyên các căn bất thiện, các hành (sanh khởi).”
Vào sát-na tục sinh, hai nhân vô ký là các đồng sanh duyên của sở hữu tư đã được sanh lên vào sát-na ấy; vì thế được gọi là: “Do duyên danh sắc, thức (sanh khởi), do duyên thức, danh sắc (sanh khởi).”
Vào sát-na tục sinh, năm uẩn là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các bất hợp duyên. Vào sát-na tục sinh, bốn đại hiển là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên. Vào sát-na tục sinh, ba sự tạo tác mạng sống là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các bất hợp duyên. Vào sát-na tục sinh, danh và sắc là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các bất hợp duyên. Vào sát-na tục sinh, mười bốn pháp này là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các bất hợp duyên.
Vào sát-na tục sinh, bốn uẩn vô sắc là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào sát-na tục sinh, bốn quyền các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào sát-na tục sinh, hai nhân là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào sát-na tục sinh, danh và thức là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên. Vào sát-na tục sinh, 12 pháp này là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các tương ưng duyên.
Vào sát-na tục sinh, 26 pháp này là các đồng sanh duyên, là các hỗ tương duyên, là các y chỉ duyên, là các bất hợp duyên.
Đối với sự thành tựu cõi tái sanh, khi không được liên kết với trí thì sự sanh lên là do duyên của sáu nhân này. (1)
Đối với các gia tộc giàu sang dòng Sát-đế-lỵ, đối với các gia tộc giàu sang dòng Bà-la-môn, đối với các gia tộc giàu sang của gia chủ, đối với chư thiên dục giới, khi không liên kết với trí thì sự sanh lên là do duyên của sáu nhân nào? Vào sát-na đổng lực của nghiệp thiện, hai nhân thiện là các đồng sanh duyên của sở hữu tư đã được sanh lên vào sát-na ấy; vì thế được gọi là: “Do duyên các căn thiện, các hành (sanh khởi).” ...(nt)... Đối với các gia tộc giàu sang dòng Sát-đế-lỵ, đối với các gia tộc giàu sang dòng Bà-la-môn, đối với các gia tộc giàu sang của gia chủ, đối với chư thiên dục giới, khi không liên kết với trí thì sự sanh lên là do duyên của sáu nhân này.
Phần giảng về Cõi Tái Sanh được đầy đủ.
--ooOoo--
Có nghiệp (qk) có kết quả của nghiệp (qk), có nghiệp (qk) không có kết quả của nghiệp (qk), có nghiệp (qk) có kết quả của nghiệp (ht), có nghiệp (qk) không có kết quả của nghiệp (ht), có nghiệp (qk) có kết quả của nghiệp (vl), có nghiệp (qk) không có kết quả của nghiệp (vl).[3]Có nghiệp (ht) có kết quả của nghiệp (ht), có nghiệp (ht) không có kết quả của nghiệp (ht), có nghiệp (ht) có kết quả của nghiệp (vl), có nghiệp (ht) không có kết quả của nghiệp (vl). Có nghiệp (vl) có kết quả của nghiệp (vl), có nghiệp (vl) không có kết quả của nghiệp (vl).[4]
Có nghiệp thiện (qk) có kết quả của nghiệp thiện (qk), có nghiệp thiện (qk) không có kết quả của nghiệp thiện (qk), có nghiệp thiện (qk) có kết quả của nghiệp thiện (ht), có nghiệp thiện (qk) không có kết quả của nghiệp thiện (ht), có nghiệp thiện (qk) có kết quả của nghiệp thiện (vl), có nghiệp thiện (qk) không có kết quả của nghiệp thiện (vl). Có nghiệp thiện (ht) có kết quả của nghiệp thiện (ht), có nghiệp thiện (ht) không có kết quả của nghiệp thiện (ht), có nghiệp thiện (ht) có kết quả của nghiệp thiện (vl), có nghiệp thiện (ht) không có kết quả của nghiệp thiện (vl). Có nghiệp thiện (vl) có kết quả của nghiệp thiện (vl), có nghiệp thiện (vl) không có kết quả của nghiệp thiện (vl).
Có nghiệp bất thiện (qk) có kết quả của nghiệp bất thiện (qk), có nghiệp bất thiện (qk) không có kết quả của nghiệp bất thiện (qk), có nghiệp bất thiện (qk) có kết quả của nghiệp bất thiện (ht), có nghiệp bất thiện (qk) không có kết quả của nghiệp bất thiện (ht), có nghiệp bất thiện (qk) có kết quả của nghiệp bất thiện (vl), có nghiệp bất thiện (qk) không có kết quả của nghiệp bất thiện (vl). Có nghiệp bất thiện (ht) có kết quả của nghiệp bất thiện (ht), có nghiệp bất thiện (ht) không có kết quả của nghiệp bất thiện (ht), có nghiệp bất thiện (ht) có kết quả của nghiệp bất thiện (vl), có nghiệp bất thiện (ht) không có kết quả của nghiệp bất thiện (vl). Có nghiệp bất thiện (vl) có kết quả của nghiệp bất thiện (vl), có nghiệp bất thiện (vl) không có kết quả của nghiệp bất thiện (vl).
Có nghiệp sai trái (qk) ... Có nghiệp không sai trái (qk) ... Có nghiệp đen (qk) ... Có nghiệp trắng (qk) ... Có nghiệp tăng trưởng lạc (qk) ... Có nghiệp tăng trưởng khổ (qk) ... Có nghiệp kết quả lạc (qk) ... Có nghiệp kết quả khổ (qk) có kết quả của nghiệp kết quả khổ (qk), có nghiệp kết quả khổ (qk) không có kết quả của nghiệp kết quả khổ (qk), có nghiệp kết quả khổ (qk) có kết quả của nghiệp kết quả khổ (ht), có nghiệp kết quả khổ (qk) không có kết quả của nghiệp kết quả khổ (ht), có nghiệp kết quả khổ (qk) có kết quả của nghiệp kết quả khổ (vl), có nghiệp kết quả khổ (qk) không có kết quả của nghiệp kết quả khổ (vl). Có nghiệp kết quả khổ (ht) có kết quả của nghiệp kết quả khổ (ht), có nghiệp kết quả khổ (ht) không có kết quả của nghiệp kết quả khổ (ht), có nghiệp kết quả khổ (ht) có kết quả của nghiệp kết quả khổ (vl), có nghiệp kết quả khổ (ht) không có kết quả của nghiệp kết quả khổ (vl). Có nghiệp kết quả khổ (vl) có kết quả của nghiệp kết quả khổ (vl), có nghiệp kết quả khổ (vl) không có kết quả của nghiệp kết quả khổ (vl).
Phần Giảng về Nghiệp được đầy đủ.
--ooOoo--
[Duyên khởi ở Sāvatthi]
Này các tỳ khưu, đây là bốn sự lầm lạc của tưởng, lầm lạc của tâm, lầm lạc của kiến. Bốn là gì? Này các tỳ khưu, về vô thường (quan niệm) là ‘Thường’ là sự lầm lạc của tưởng, lầm lạc của tâm, lầm lạc của kiến. Này các tỳ khưu, về khổ não (quan niệm) là ‘Lạc’ là sự lầm lạc của tưởng, lầm lạc của tâm, lầm lạc của kiến. Này các tỳ khưu, về vô ngã (quan niệm) là ‘Ngã’ là sự lầm lạc của tưởng, lầm lạc của tâm, lầm lạc của kiến. Này các tỳ khưu, về bất tịnh (quan niệm) là ‘Tịnh’ là sự lầm lạc của tưởng, lầm lạc của tâm, lầm lạc của kiến. Này các tỳ khưu, đây là bốn sự lầm lạc của tưởng, lầm lạc của tâm, lầm lạc của kiến.
Này các tỳ khưu, đây là bốn sự không lầm lạc của tưởng, không lầm lạc của tâm, không lầm lạc của kiến. Bốn là gì? Này các tỳ khưu, về vô thường (quan niệm) là ‘Vô thường’ là sự không lầm lạc của tưởng, không lầm lạc của tâm, không lầm lạc của kiến Này các tỳ khưu, về khổ não (quan niệm) là ‘Khổ não’ là sự không lầm lạc của tưởng, không lầm lạc của tâm, không lầm lạc của kiến Này các tỳ khưu, về vô ngã (quan niệm) là ‘Vô ngã’ là sự không lầm lạc của tưởng, không lầm lạc của tâm, không lầm lạc của kiến Này các tỳ khưu, về bất tịnh (quan niệm) là ‘Bất tịnh’ là sự không lầm lạc của tưởng, không lầm lạc của tâm, không lầm lạc của kiến Này các tỳ khưu, bốn điều này không lầm lạc của tưởng, không lầm lạc của tâm, không lầm lạc của kiến.
1. Vô thường tưởng là thường
khổ não tưởng là lạc,
vô ngã cho là ngã,
bất tịnh tưởng là tịnh,
tà kiến đánh bại chúng
tưởng quấy, tâm rối loạn.
2. Bị Ma vương buộc ách,
trói buộc không an ổn,
chúng sanh bị luân hồi
đi đến sanh lão tử.
3. Khi chư Phật quang minh
hiện khởi ở thế gian
giảng giải Giáo Pháp này
đưa đến vắng lặng khổ.
4. Bậc trí nghe theo Phật
thành tựu tâm, thấy được
vô thường là vô thường,
khổ não là khổ não,
Vô ngã là vô ngã,
bất tịnh là bất tịnh,
nắm giữ chánh tri kiến,
xa lìa tất cả khổ.
Đối với người được thành tựu về kiến, bốn sự lầm lạc này được dứt bỏ hay chưa được dứt bỏ? Một số được dứt bỏ, một số chưa được dứt bỏ. Sự lầm lạc của tưởng, lầm lạc của tâm, lầm lạc của kiến về vô thường (quan niệm) là ‘Thường’ được dứt bỏ. Về khổ não (quan niệm) là ‘Lạc,’ tưởng như thế có sanh lên, tâm như thế có sanh lên, còn sự lầm lạc của kiến được dứt bỏ. Sự lầm lạc của tưởng, lầm lạc của tâm, lầm lạc của kiến về vô ngã (quan niệm) là ‘Ngã’ được dứt bỏ. Về bất tịnh (quan niệm) là ‘Tịnh,’ tưởng như thế có sanh lên, tâm như thế có sanh lên, còn sự lầm lạc của kiến được dứt bỏ.
Về hai sự việc (vô thường, vô ngã), có sáu sự lầm lạc được dứt bỏ. Về hai sự việc (khổ não, bất tịnh), có hai sự lầm lạc được dứt bỏ, bốn sự lầm lạc chưa được dứt bỏ. Về bốn sự việc, có tám sự lầm lạc được dứt bỏ, bốn sự lầm lạc chưa được dứt bỏ.
Phần Giảng về Sự Lầm Lạc được đầy đủ.
--ooOoo--
Đạo: Đạo theo ý nghĩa gì? Vào sát-na Đạo Nhập Lưu, chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức: là đạo vừa là nhân của việc dứt bỏ tà kiến, là đạo vừa là nhân của việc hổ trợ các pháp đồng sanh, là đạo vừa là nhân của việc chấm dứt các phiền não, là đạo vừa là nhân của việc làm trong sạch phần đầu của sự thấu triệt, là đạo vừa là nhân của việc khẳng định tâm, là đạo vừa là nhân của việc thanh lọc tâm, là đạo vừa là nhân của việc đắc chứng pháp đặc biệt, là đạo vừa là nhân của việc thấu triệt hướng thượng, là đạo vừa là nhân của việc chứng ngộ chân lý, là đạo vừa là nhân của việc thiết lập ở sự diệt tận.
Chánh tư duy theo ý nghĩa gắn chặt (tâm vào cảnh): là đạo vừa là nhân của việc dứt bỏ tà tư duy, là đạo vừa là nhân của việc hổ trợ các pháp đồng sanh, là đạo vừa là nhân của việc chấm dứt các phiền não, là đạo vừa là nhân của việc làm trong sạch phần đầu của sự thấu triệt, là đạo vừa là nhân của việc khẳng định tâm, là đạo vừa là nhân của việc thanh lọc tâm, là đạo vừa là nhân của việc đắc chứng pháp đặc biệt, là đạo vừa là nhân của việc thấu triệt hướng thượng, là đạo vừa là nhân của việc chứng ngộ chân lý, là đạo vừa là nhân của việc thiết lập ở sự diệt tận.
Chánh ngữ theo ý nghĩa gìn giữ: là đạo vừa là nhân của việc dứt bỏ tà ngữ, là đạo vừa là nhân của việc hổ trợ các pháp đồng sanh, là đạo vừa là nhân của việc chấm dứt các phiền não, là đạo vừa là nhân của việc làm trong sạch phần đầu của sự thấu triệt, là đạo vừa là nhân của việc khẳng định tâm, là đạo vừa là nhân của việc thanh lọc tâm, là đạo vừa là nhân của việc đắc chứng pháp đặc biệt, là đạo vừa là nhân của việc thấu triệt hướng thượng, là đạo vừa là nhân của việc chứng ngộ chân lý, là đạo vừa là nhân của việc thiết lập ở sự diệt tận.
Chánh nghiệp theo ý nghĩa nguồn sanh khởi: là đạo vừa là nhân của việc dứt bỏ tà nghiệp, ...(như trên)... Chánh mạng theo ý nghĩa trong sạch: là đạo vừa là nhân của việc dứt bỏ tà mạng, ...(như trên)... Chánh tinh tấn theo ý nghĩa ra sức: là đạo vừa là nhân của việc dứt bỏ tà tinh tấn, ...(như trên)... Chánh niệm theo ý nghĩa thiết lập: là đạo vừa là nhân của việc dứt bỏ tà niệm, ...(như trên)... Chánh định theo ý nghĩa không tản mạn: là đạo vừa là nhân của việc dứt bỏ tà định, là đạo vừa là nhân của việc hổ trợ các pháp đồng sanh, là đạo vừa là nhân của việc chấm dứt các phiền não, là đạo vừa là nhân của việc làm trong sạch phần đầu của sự thấu triệt, là đạo vừa là nhân của việc khẳng định tâm, là đạo vừa là nhân của việc thanh lọc tâm, là đạo vừa là nhân của việc đắc chứng pháp đặc biệt, là đạo vừa là nhân của việc thấu triệt hướng thượng, là đạo vừa là nhân của việc chứng ngộ chân lý, là đạo vừa là nhân của việc thiết lập ở sự diệt tận.
Vào sát-na Đạo Nhất Lai, chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức: ...(như trên)... Chánh định theo ý nghĩa không tản mạn: là đạo vừa là nhân của việc dứt bỏ đối với sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất thô thiển, đối với ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất thô thiển, là đạo vừa là nhân của việc hổ trợ các pháp đồng sanh, ... của việc chấm dứt các phiền não, ... của việc làm trong sạch phần đầu của sự thấu triệt, ... của việc khẳng định tâm, ... của việc thanh lọc tâm, ... của việc đắc chứng pháp đặc biệt, ... của việc thấu triệt hướng thượng, là đạo vừa là nhân của việc chứng ngộ chân lý, là đạo vừa là nhân của việc thiết lập ở sự diệt tận.
Vào sát-na Đạo Bất Lai, chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức: ...(như trên)... Chánh định theo ý nghĩa không tản mạn: là đạo vừa là nhân của việc dứt bỏ đối với sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất vi tế, đối với ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất vi tế, là đạo vừa là nhân của việc hổ trợ các pháp đồng sanh, ... của việc chấm dứt các phiền não, ... của việc làm trong sạch phần đầu của sự thấu triệt, ... của việc khẳng định tâm, ... của việc thanh lọc tâm, ... của việc đắc chứng pháp đặc biệt, ... của việc thấu triệt hướng thượng, là đạo vừa là nhân của việc chứng ngộ chân lý, là đạo vừa là nhân của việc thiết lập ở sự diệt tận.
Vào sát-na Đạo A-la-hán, chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức: ...(như trên)... Chánh định theo ý nghĩa không tản mạn: là đạo vừa là nhân của việc dứt bỏ ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật, vô minh, ngã mạn ngủ ngầm, ái hữu ngủ ngầm, vô minh ngủ ngầm, là đạo vừa là nhân của việc hổ trợ các pháp đồng sanh, là đạo vừa là nhân của việc chấm dứt các phiền não, là đạo vừa là nhân của việc làm trong sạch phần đầu của sự thấu triệt, là đạo vừa là nhân của việc khẳng định tâm, là đạo vừa là nhân của việc thanh lọc tâm, là đạo vừa là nhân của việc đắc chứng pháp đặc biệt, là đạo vừa là nhân của việc thấu triệt hướng thượng, là đạo vừa là nhân của việc chứng ngộ chân lý, là đạo vừa là nhân của việc thiết lập ở sự diệt tận.
Đường lối (Đạo) của nhận thức là chánh kiến, đường lối của sự gắn chặt (tâm vào cảnh) là chánh tư duy, đường lối của sự gìn giữ là chánh ngữ, đường lối của nguồn sanh khởi là chánh nghiệp, đường lối của sự trong sạch là chánh mạng, đường lối của sự ra sức là chánh tinh tấn, đường lối của sự thiết lập là chánh niệm, đường lối của sự không tản mạn là chánh định.
Đường lối của sự thiết lập là niệm giác chi, đường lối của sự suy xét là trạch pháp giác chi, đường lối của sự ra sức là cần giác chi, đường lối của sự lan tỏa là hỷ giác chi, đường lối của sự an tịnh là tịnh giác chi, đường lối của sự không tản mạn là định giác chi, đường lối của sự phân biệt rõ là xả giác chi.
Đường lối của tính chất không dao động ở sự không có đức tin là tín lực, đường lối của tính chất không dao động ở sự biếng nhác là tấn lực, đường lối của tính chất không dao động ở sự buông lung là niệm lực, đường lối của tính chất không dao động ở sự phóng dật là định lực, đường lối của tính chất không dao động ở sự không sáng suốt là tuệ lực.
Đường lối của sự cương quyết là tín quyền, đường lối của sự ra sức là tấn quyền, đường lối của sự thiết lập là niệm quyền, đường lối của sự không tản mạn là định quyền, đường lối của sự nhận thức là tuệ quyền.
Theo ý nghĩa pháp chủ đạo, quyền là Đạo; theo ý nghĩa không dao động, lực là Đạo; theo ý nghĩa dẫn xuất (ra khỏi luân hồi), giác chi là Đạo; theo ý nghĩa chủng tử, chi phần của Đạo là Đạo; theo ý nghĩa thiết lập, sự thiết lập niệm là Đạo; theo ý nghĩa nỗ lực, chánh cần là Đạo; theo ý nghĩa thành tựu, nền tảng của thần thông là Đạo; theo ý nghĩa của thực thể, các chân lý là Đạo; theo ý nghĩa không tàn mạn, chỉ tịnh là Đạo; theo ý nghĩa quán xét, minh sát là Đạo; theo ý nghĩa nhất vị, chỉ tịnh và minh sát là Đạo; theo ý nghĩa không vượt trội, sự kết hợp chung là Đạo; theo ý nghĩa thu thúc, giới thanh tịnh là Đạo; theo ý nghĩa không tản mạn, tâm thanh tịnh là Đạo; theo ý nghĩa nhận thức, kiến thanh tịnh là Đạo; theo ý nghĩa thấu triệt, minh là Đạo; theo ý nghĩa buông bỏ, sự giải thoát là Đạo; theo ý nghĩa đoạn trừ, trí về sự đoạn tận là Đạo; ước muốn theo ý nghĩa nguồn cội là Đạo; tác ý theo ý nghĩa nguồn sanh khởi là Đạo; xúc theo ý nghĩa liên kết là Đạo; thọ theo ý nghĩa hội tụ là Đạo; định theo ý nghĩa dẫn đầu là Đạo; niệm theo ý nghĩa là pháp chủ đạo là Đạo; tuệ theo ý nghĩa cao thượng trong các pháp thiện là Đạo; sự giải thoát theo ý nghĩa cốt lỏi là Đạo; Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc là Đạo.
Phần giảng về Đạo được đầy đủ.
--ooOoo--
Này các tỳ khưu, tịnh thủy nên uống là Phạm hạnh này, là bậc Đạo Sư khi còn tại tiền. Khi bậc Đạo Sư còn tại tiền, bản chất của tịnh thủy có ba loại là: tịnh thủy về sự thuyết giảng, tịnh thủy về người thọ nhận, tịnh thủy về Phạm hạnh.
Tịnh thủy về sự thuyết giảng là gì? Là sự phát biểu, sự thuyết giảng, sự làm cho nhận biết, sự thiết lập, sự phô bày, sự phân giải, hành động làm rõ về bốn Chân Lý cao thượng ... về bốn sự thiết lập niệm ... về bốn chánh cần ... về bốn nền tảng của thần thông ... về năm quyền ... về năm lực ... về bảy chi phần đưa đến giác ngộ ... về Thánh Đạo tám chi phần; đây là tịnh thủy về sự thuyết giảng. (1)
Tịnh thủy về người thọ nhận là gì? Là các tỳ khưu, các tỳ khưu ni, các nam cư sĩ, các nữ cư sĩ, chư thiên, nhân loại, hoặc bất cứ những ai khác là người hiểu biết; đây là tịnh thủy về người thọ nhận. (2)
Tịnh thủy về Phạm hạnh là gì? Điều này chính là Thánh Đạo tám chi phần tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định; đây là tịnh thủy về Phạm hạnh. (3)
‘Tịnh thủy về cương quyết là tín quyền, không có đức tin là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã không có đức tin, uống tịnh thủy cương quyết của tín quyền’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về ra sức là tấn quyền, biếng nhác là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã biếng nhác, uống tịnh thủy ra sức của tấn quyền’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về thiết lập là niệm quyền, buông lung là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã buông lung, uống tịnh thủy thiết lập của niệm quyền’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về không tản mạn là định quyền, phóng dật là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã phóng dật, uống tịnh thủy không tản mạn của định quyền’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về nhận thức là tuệ quyền, vô minh là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã vô minh, uống tịnh thủy nhận thức của tuệ quyền’ là tịnh thủy nên uống.
‘Tịnh thủy về không dao động ở sự không có đức tin là tín lực, không có đức tin là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã không có đức tin, uống tịnh thủy không dao động ở sự không có đức tin của tín lực’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về tính chất không dao động ở sự biếng nhác là tấn lực, biếng nhác là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã biếng nhác, uống tịnh thủy không dao động ở sự biếng nhác của tấn lực’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về tính chất không dao động ở sự buông lung là niệm lực, buông lung là cặn bã; ‘sau khi loại bỏ cặn bã buông lung, uống tịnh thủy không dao động ở sự buông lung của niệm lực’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về tính chất không dao động ở sự phóng dật là định lực, phóng dật là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã phóng dật, uống tịnh thủy không dao động ở sự phóng dật của định lực’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về tính chất không dao động ở sự không sáng suốt là tuệ lực, vô minh là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã vô minh, uống tịnh thủy không dao động ở sự không sáng suốt của tuệ lực’ là tịnh thủy nên uống.
‘Tịnh thủy về thiết lập là niệm giác chi, sự buông lung là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã buông lung, uống tịnh thủy thiết lập của niệm giác chi’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về suy xét là trạch pháp giác chi, vô minh là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã vô minh, uống tịnh thủy suy xét của trạch pháp giác chi’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về ra sức là cần giác chi, sự biếng nhác là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã biếng nhác, uống tịnh thủy ra sức của cần giác chi’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về lan tỏa là hỷ giác chi, trạng thái bực bội là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã trạng thái bực bội, uống tịnh thủy lan tỏa của hỷ giác chi’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về an tịnh là tịnh giác chi, sự thô xấu là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã thô xấu, uống tịnh thủy an tịnh của tịnh giác chi’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về không tản mạn là định giác chi, sự phóng dật là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã phóng dật, uống tịnh thủy không tản mạn của định giác chi’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về sự phân biệt rõ là xả giác chi, sự không phân biệt rõ là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã không phân biệt rõ, uống tịnh thủy sự phân biệt rõ của xả giác chi’ là tịnh thủy nên uống.
‘Tịnh thủy về nhận thức là chánh kiến, tà kiến là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã tà kiến, uống tịnh thủy nhận thức của chánh kiến’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về gắn chặt (tâm vào cảnh) là chánh tư duy, tà tư duy là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã tà tư duy, uống tịnh thủy gắn chặt (tâm vào cảnh) của chánh tư duy’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về gìn giữ là chánh ngữ, tà ngữ là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã tà ngữ, uống tịnh thủy gìn giữ của chánh ngữ’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về nguồn sanh khởi là chánh nghiệp, tà nghiệp là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã tà nghiệp, uống tịnh thủy nguồn sanh khởi của chánh nghiệp’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về trong sạch là chánh mạng, tà mạng là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã tà mạng, uống tịnh thủy trong sạch của chánh mạng’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về ra sức là chánh tinh tấn, tà tinh tấn là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã tà tinh tấn, uống tịnh thủy ra sức của chánh tinh tấn’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về thiết lập là chánh niệm, tà niệm là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã tà niệm, uống tịnh thủy thiết lập của chánh niệm’ là tịnh thủy nên uống. ‘Tịnh thủy về không tản mạn là chánh định, tà định là cặn bã; sau khi loại bỏ cặn bã tà định, uống tịnh thủy không tản mạn của chánh định’ là tịnh thủy nên uống.
Có tịnh thủy, có vật nên uống, có cặn bã.
Tịnh thủy về cương quyết là tín quyền, không có đức tin là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về ra sức là tấn quyền, biếng nhác là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về thiết lập là niệm quyền, buông lung là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về không tản mạn là định quyền, phóng dật là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về nhận thức là tuệ quyền, vô minh là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống.
Tịnh thủy về tính chất không dao động ở sự không có đức tin là tín lực, sự không có đức tin là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về tính chất không dao động ở sự biếng nhác là tấn lực, sự biếng nhác là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về tính chất không dao động ở sự buông lung là niệm lực, sự buông lung là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về tính chất không dao động ở sự phóng dật là định lực, sự phóng dật là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về tính chất không dao động ở sự không sáng suốt là tuệ lực, vô minh là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống.
Tịnh thủy về thiết lập là niệm giác chi, buông lung là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về suy xét là trạch pháp giác chi, vô minh là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về ra sức là cần giác chi, sự biếng nhác là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về lan tỏa là hỷ giác chi, trạng thái bực bội là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về an tịnh là tịnh giác chi, sự thô xấu là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về không tản mạn là định giác chi, sự phóng dật là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về sự phân biệt rõ là xả giác chi, sự không phân biệt rõ là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống.
Tịnh thủy về nhận thức là chánh kiến, tà kiến là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về gắn chặt (tâm vào cảnh) là chánh tư duy, tà tư duy là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về gìn giữ là chánh ngữ, tà ngữ là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về nguồn sanh khởi là chánh nghiệp, tà nghiệp là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về trong sạch là chánh mạng, tà mạng là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về ra sức là chánh tinh tấn, tà tinh tấn là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về thiết lập là chánh niệm, tà niệm là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống. Tịnh thủy về không tản mạn là chánh định, tà định là cặn bã. Ở đây, điều gì là cốt lõi của ý nghĩa, cốt lõi của Pháp, cốt lõi của giải thoát, điều ấy là nên uống.
Tịnh thủy về nhận thức là chánh kiến, tịnh thủy về gắn chặt (tâm vào cảnh) là chánh tư duy, tịnh thủy về gìn giữ là chánh ngữ, tịnh thủy về nguồn sanh khởi là chánh nghiệp, tịnh thủy về trong sạch là chánh mạng, tịnh thủy về ra sức là chánh tinh tấn, tịnh thủy về thiết lập là chánh niệm, tịnh thủy về không tản mạn là chánh định.
Tịnh thủy về thiết lập là niệm giác chi, tịnh thủy về suy xét là trạch pháp giác chi, tịnh thủy về nỗ lực là cần giác chi, tịnh thủy về lan tỏa là hỷ giác chi, tịnh thủy về an tịnh là tịnh giác chi, tịnh thủy về không tản mạn là định giác chi, tịnh thủy về sự phân biệt rõ là xả giác chi.
Tịnh thủy về tính chất không dao động ở sự không có đức tin là tín lực, tịnh thủy về tính chất không dao động ở sự biếng nhác là tấn lực, tịnh thủy về tính chất không dao động ở sự buông lung là niệm lực, tịnh thủy về tính chất không dao động ở sự phóng dật là định lực, tịnh thủy về tính chất không dao động ở sự không sáng suốt là tuệ lực.
Tịnh thủy về cương quyết là tín lực, tịnh thủy về ra sức là tấn lực, tịnh thủy về thiết lập là niệm lực, tịnh thủy về không tản mạn là định lực, tịnh thủy về nhận thức là tuệ lực.
Theo ý nghĩa pháp chủ đạo, quyền là tịnh thủy; theo ý nghĩa không dao động, lực là tịnh thủy; theo ý nghĩa dẫn xuất (ra khỏi luân hồi), giác chi là tịnh thủy; theo ý nghĩa chủng tử, Đạo là tịnh thủy; theo ý nghĩa thiết lập, sự thiết lập niệm là tịnh thủy; theo ý nghĩa nỗ lực, chánh tinh tấn là tịnh thủy; theo ý nghĩa thành tựu, nền tảng của thần thông là tịnh thủy; theo ý nghĩa của thực thể, các chân lý là tịnh thủy; theo ý nghĩa không tàn mạn, chỉ tịnh là tịnh thủy, theo ý nghĩa quán xét, minh sát là tịnh thủy; theo ý nghĩa nhất vị, chỉ tịnh và minh sát là tịnh thủy; theo ý nghĩa không vượt trội, sự kết hợp chung là tịnh thủy; theo ý nghĩa thu thúc, giới thanh tịnh là tịnh thủy; theo ý nghĩa không tản mạn, tâm thanh tịnh là tịnh thủy; theo ý nghĩa nhận thức, kiến thanh tịnh là tịnh thủy; theo ý nghĩa thấu triệt, minh là tịnh thủy; theo ý nghĩa buông bỏ, sự giải thoát là tịnh thủy; theo ý nghĩa đoạn trừ, trí về sự đoạn tận là tịnh thủy; theo ý nghĩa tịnh lặng, trí không chấp thủ là tịnh thủy.
Ước muốn theo ý nghĩa nguồn cội là tịnh thủy, tác ý theo ý nghĩa nguồn sanh khởi là tịnh thủy, xúc theo ý nghĩa liên kết là tịnh thủy, thọ theo ý nghĩa hội tụ là tịnh thủy, định theo ý nghĩa dẫn đầu là tịnh thủy, niệm theo ý nghĩa pháp chủ đạo là tịnh thủy, tuệ theo ý nghĩa cao thượng trong các pháp thiện là tịnh thủy, sự giải thoát theo ý nghĩa cốt lỏi là tịnh thủy, Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc là tịnh thủy.
Phần giảng về Tịnh Thủy Nên Uống được đầy đủ.
Tụng phẩm thứ tư.
Phẩm Chính Yếu là phẩm thứ nhất.
--ooOoo--
Phần tóm lược của phẩm này là:
Trí, kiến, hơi thở vào,
quyền, giải thoát thứ năm,
cõi, nghiệp, lầm lạc, Đạo,
tịnh thủy, thảy là mười.
Phẩm thứ nhất, cao quý, tuyệt vời, không gì sánh được này đã được xác lập do các vị chuyên trì tụng về các Bộ Kinh.
--ooOoo--
[1] Sự thành tựu cõi tái sanh (gatisampatti) nói về sự tái sanh làm người, trời. Sự hư hỏng về cõi tái sanh (gativipatti) nói về sự tái sanh địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh (PṭsA. 3, 570).
[2] Ba sự tạo tác mạng sống (jīvitasaṅkhārā) là tuổi thọ, hơi nóng, và thức (PṭsA. 3, 572).
[3] Các chữ viết tắt qk (quá khứ), ht (hiện tại), vl (vị lai) căn cứ theo các động từ ahosi, atthi, bhavissati ở ba thời khác nhau với ý nghĩa: là, thì, có, v.v... (ND).
[4] Ý nghĩa của đoạn văn này có thể hiểu như sau: Nghiệp được tạo tác ở thời quá khứ có thể có quả báu hoặc không có quả báu ở một trong ba thời: quá khứ, hiện tại, hoặc vị lai. Nghiệp được tạo tác ở thời hiện tại có thể có quả báu hoặc không có quả báu ở một trong hai thời: quá khứ hoặc vị lai. Nghiệp được tạo tác ở thời vị lai có thể có quả báu hoặc không có quả báu ở thời vị lai. Các đoạn kế tiếp được giải thích tương tợ (ND).
Tôi đã được nghe như vầy: Một thời, đại đức Ānanda ngụ tại Kosambī, tu viện Ghosita. Chính ở tại nơi ấy, đại đức Ānanda đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các đại đức tỳ khưu.” “Thưa đại đức.” Các vị tỳ khưu ấy đã đáp lại đại đức Ānanda. Đại đức Ānanda đã nói điều này:
- Này các đại đức, bất cứ vị tỳ khưu hoặc tỳ khưu ni nào tuyên bố về phẩm vị A-la-hán ở sự hiện diện của tôi, tất cả đều do bốn đạo lộ hoặc do một đạo lộ nào đó của bốn đạo lộ này. Do bốn (đạo lộ) gì?
Này các đại đức, ở đây vị tỳ khưu tu tập minh sát có chỉ tịnh đi trước. Trong khi vị ấy tu tập minh sát có chỉ tịnh đi trước, đạo lộ được hình thành (cho vị ấy). Vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy. Trong khi vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy, các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt (đối với vị ấy).
Này các đại đức, còn có điều khác nữa là vị tỳ khưu tu tập chỉ tịnh có minh sát đi trước. Trong khi vị ấy tu tập chỉ tịnh có minh sát đi trước, đạo lộ được hình thành (cho vị ấy). Vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy. Trong khi vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy, các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt (đối với vị ấy).
Này các đại đức, còn có điều khác nữa là vị tỳ khưu tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung. Trong khi vị ấy tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung, đạo lộ được hình thành (cho vị ấy). Vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy. Trong khi vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy, các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt (đối với vị ấy).
Này các đại đức, còn có điều khác nữa là (trường hợp) tâm của vị tỳ khưu bị khuấy động bởi sự phóng dật đối với các pháp. Này các đại đức, lúc tâm ấy trụ lại, tập trung lại, được chuyên nhất, được định ở chính nội phần, lúc ấy là thời điểm; đạo lộ được hình thành cho vị ấy. Vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy. Trong khi vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy, các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt (đối với vị ấy).
Này các đại đức, bất cứ vị tỳ khưu hoặc tỳ khưu ni nào tuyên bố về phẩm vị A-la-hán ở sự hiện diện của tôi, tất cả đều do bốn đạo lộ này hoặc do một đạo lộ nào đó của bốn đạo lộ này.
Tu tập minh sát có chỉ tịnh đi trước là (có ý nghĩa) thế nào? Do tác động của sự thoát ly, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định. Về các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, theo ý nghĩa của sự quán xét là vô thường là minh sát, theo ý nghĩa của sự quán xét là khổ não là minh sát, theo ý nghĩa của sự quán xét là vô ngã là minh sát. Như thế là chỉ tịnh trước, minh sát sau. Vì thế được nói rằng: “Tu tập minh sát có chỉ tịnh đi trước.”
Tu tập: Có bốn sự tu tập: là sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, là sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền, là sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn (thích hợp) nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn, là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Đạo lộ được hình thành: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? Chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức là đạo lộ được hình thành, chánh tư duy theo ý nghĩa gắn chặt (tâm vào cảnh) là đạo lộ được hình thành, chánh ngữ theo ý nghĩa gìn giữ là đạo lộ được hình thành, chánh nghiệp theo ý nghĩa nguồn sanh khởi là đạo lộ được hình thành, chánh mạng theo ý nghĩa trong sạch là đạo lộ được hình thành, chánh tinh tấn theo ý nghĩa ra sức là đạo lộ được hình thành, chánh niệm theo ý nghĩa thiết lập là đạo lộ được hình thành, chánh định theo ý nghĩa không tản mạn là đạo lộ được hình thành. Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế.
‘Vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy.’ Rèn luyện: Rèn luyện là (có ý nghĩa) thế nào? Trong khi hướng tâm vị ấy rèn luyện, trong khi nhận biết vị ấy rèn luyện, trong khi nhận thấy vị ấy rèn luyện, trong khi quán xét lại vị ấy rèn luyện, trong khi khẳng định tâm vị ấy rèn luyện, trong khi hướng đến đức tin vị ấy rèn luyện, trong khi ra sức tinh tấn vị ấy rèn luyện, trong khi thiết lập niệm vị ấy rèn luyện, trong khi tập trung tâm vị ấy rèn luyện, trong khi nhận biết bởi tuệ vị ấy rèn luyện, trong khi biết rõ điều cần được biết rõ vị ấy rèn luyện, trong khi biết toàn diện điều cần được biết toàn diện vị ấy rèn luyện, trong khi dứt bỏ điều cần được dứt bỏ vị ấy rèn luyện, trong khi tác chứng điều cần được tác chứng vị ấy rèn luyện. Rèn luyện là (có ý nghĩa) như thế.
Tu tập: Tu tập là (có ý nghĩa) thế nào? Trong khi hướng tâm vị ấy tu tập, trong khi nhận biết vị ấy tu tập, trong khi nhận thấy vị ấy tu tập, trong khi quán xét lại vị ấy tu tập, trong khi khẳng định tâm vị ấy tu tập, trong khi hướng đến đức tin vị ấy tu tập, trong khi ra sức tinh tấn vị ấy tu tập, trong khi thiết lập niệm vị ấy tu tập, trong khi tập trung tâm vị ấy tu tập, trong khi nhận biết bởi tuệ vị ấy tu tập, trong khi biết rõ điều cần được biết rõ vị ấy tu tập, trong khi biết toàn diện điều cần được biết toàn diện vị ấy tu tập, trong khi dứt bỏ điều cần được dứt bỏ vị ấy tu tập, trong khi tu tập điều cần được tu tập vị ấy tu tập, trong khi tác chứng điều cần được tác chứng vị ấy tu tập. Tu tập là (có ý nghĩa) như thế.
Làm cho sung mãn: Làm cho sung mãn là (có ý nghĩa) thế nào? Trong khi hướng tâm vị ấy làm cho sung mãn, trong khi nhận biết vị ấy làm cho sung mãn, trong khi nhận thấy vị ấy làm cho sung mãn, trong khi quán xét lại vị ấy làm cho sung mãn, trong khi khẳng định tâm vị ấy làm cho sung mãn, trong khi hướng đến đức tin vị ấy làm cho sung mãn, trong khi ra sức tinh tấn vị ấy làm cho sung mãn, trong khi thiết lập niệm vị ấy làm cho sung mãn, trong khi tập trung tâm vị ấy làm cho sung mãn, trong khi nhận biết bởi tuệ vị ấy làm cho sung mãn, trong khi biết rõ điều cần được biết rõ vị ấy làm cho sung mãn, trong khi biết toàn diện điều cần được biết toàn diện vị ấy làm cho sung mãn, trong khi dứt bỏ điều cần được dứt bỏ vị ấy làm cho sung mãn, trong khi tu tập điều cần được tu tập vị ấy làm cho sung mãn, trong khi tác chứng điều cần được tác chứng vị ấy làm cho sung mãn. Làm cho sung mãn là (có ý nghĩa) như thế.
Trong khi vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy, các ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt (đối với vị ấy). Các ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) thế nào? Do Đạo Nhập Lưu, ba sự ràng buộc này được dứt bỏ là thân kiến, hoài nghi, sự cố chấp vào giới và nghi thức, hai ngủ ngầm này được chấm dứt là kiến ngủ ngầm, hoài nghi ngủ ngầm. Do Đạo Nhất Lai, hai sự ràng buộc này được dứt bỏ là ràng buộc của ái dục và ràng buộc của bất bình có tính chất thô thiển, hai ngủ ngầm này được chấm dứt là ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất thô thiển. Do Đạo Bất Lai, hai sự ràng buộc này được dứt bỏ là ràng buộc của ái dục và ràng buộc của bất bình có tính chất vi tế, hai ngủ ngầm này được chấm dứt là ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất vi tế. Do Đạo A-la-hán, năm sự ràng buộc này được dứt bỏ là ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật, vô minh, ba ngủ ngầm này được chấm dứt là ngã mạn ngủ ngầm, ái hữu ngủ ngầm, vô minh ngủ ngầm. Các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.
Do tác động của sự không sân độc, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là định ...(như trên)... Do tác động của sự nghĩ tưởng về ánh sáng, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là định ...(như trên)... Có sự quán xét về từ bỏ do tác động của hơi thở vào, có sự quán xét về từ bỏ do tác động của hơi thở ra, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là định. Về các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, theo ý nghĩa của sự quán xét là vô thường là minh sát, theo ý nghĩa của sự quán xét là khổ não là minh sát, theo ý nghĩa của sự quán xét là vô ngã là minh sát. Như thế là chỉ tịnh trước, minh sát sau. Vì thế được nói rằng: “Tu tập minh sát có chỉ tịnh đi trước.”
Tu tập: Có bốn sự tu tập: là sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, là sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền, là sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn (thích hợp) nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn, là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Đạo lộ được hình thành: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? Chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức là đạo lộ được hình thành, chánh tư duy theo ý nghĩa gắn chặt (tâm vào cảnh) là đạo lộ được hình thành, ...(như trên)... chánh định theo ý nghĩa không tản mạn là đạo lộ được hình thành. Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế.
‘Vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy.’ Rèn luyện: Rèn luyện là (có ý nghĩa) thế nào? Trong khi hướng tâm vị ấy rèn luyện, trong khi nhận biết ...(nt)... trong khi tác chứng điều cần được tác chứng vị ấy rèn luyện. Rèn luyện là (có ý nghĩa) như thế.
Tu tập: Tu tập là (có ý nghĩa) thế nào? Trong khi hướng tâm vị ấy tu tập, trong khi nhận biết vị ấy tu tập ...(như trên)... trong khi tác chứng điều cần được tác chứng vị ấy tu tập. Tu tập là (có ý nghĩa) như thế.
Làm cho sung mãn: Làm cho sung mãn là (có ý nghĩa) thế nào? Trong khi hướng tâm vị ấy làm cho sung mãn, trong khi nhận biết ...(như trên)... trong khi tác chứng điều cần được tác chứng vị ấy làm cho sung mãn. Làm cho sung mãn là (có ý nghĩa) như thế.
Trong khi vị ấy rèn luyện, tu tập, làm cho sung mãn đạo lộ ấy, các ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt (đối với vị ấy): Các ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) thế nào? Do Đạo Nhập Lưu, ba sự ràng buộc này được dứt bỏ là thân kiến, hoài nghi, sự cố chấp vào giới và nghi thức, hai ngủ ngầm này được chấm dứt là kiến ngủ ngầm, hoài nghi ngủ ngầm. Do Đạo Nhất Lai, hai sự ràng buộc này được dứt bỏ là ràng buộc của ái dục và ràng buộc của bất bình có tính chất thô thiển, hai ngủ ngầm này được chấm dứt là ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất thô thiển. Do Đạo Bất Lai, hai sự ràng buộc này được dứt bỏ là ràng buộc của ái dục và ràng buộc của bất bình có tính chất vi tế, hai ngủ ngầm này được chấm dứt là ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất vi tế. Do Đạo A-la-hán, năm sự ràng buộc này được dứt bỏ là ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật, vô minh, ba ngủ ngầm này được chấm dứt là ngã mạn ngủ ngầm, ái hữu ngủ ngầm, vô minh ngủ ngầm. Các ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.
Tu tập minh sát có chỉ tịnh đi trước là (có ý nghĩa) như thế.
Tu tập chỉ tịnh có minh sát đi trước là (có ý nghĩa) thế nào? Với ý nghĩa của sự quán xét là vô thường là minh sát, với ý nghĩa của sự quán xét là khổ não là minh sát, với ý nghĩa của sự quán xét là vô ngã là minh sát. Do xả ly là đối tượng của các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định. Như thế là minh sát trước, chỉ tịnh sau. Vì thế được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh có minh sát đi trước.”
Tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. Đạo lộ được hình thành: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế. ...(như trên)... Các ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.
Với ý nghĩa của sự quán xét sắc là vô thường là minh sát, với ý nghĩa của sự quán xét sắc là khổ não là minh sát, với ý nghĩa của sự quán xét sắc là vô ngã là minh sát. Do xả ly là đối tượng của các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định. Như thế là minh sát trước, chỉ tịnh sau. Vì thế được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh có minh sát đi trước.”
Tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. Đạo lộ được hình thành: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế. ...(như trên)... Các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.
Với ý nghĩa của sự quán xét thọ ... tưởng ... các hành ... thức ... mắt ... lão tử là vô thường là minh sát ...(nt)... lão tử là khổ não ...(nt)... lão tử là vô ngã là minh sát. Do xả ly là đối tượng của các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định. Như thế là minh sát trước, chỉ tịnh sau. Vì thế được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh có minh sát đi trước.”
Tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. Đạo lộ được hình thành: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế. ...(như trên)... Các ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.
Tu tập chỉ tịnh có minh sát đi trước là (có ý nghĩa) như thế.
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung là (có ý nghĩa) thế nào? Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo 16 biểu hiện: theo ý nghĩa đối tượng, theo ý nghĩa hành xứ, theo ý nghĩa dứt bỏ, theo ý nghĩa buông bỏ, theo ý nghĩa thoát ra, theo ý nghĩa ly khai, theo ý nghĩa an tịnh, theo ý nghĩa cao quý, theo ý nghĩa được giải thoát, theo ý nghĩa vô lậu, theo ý nghĩa vượt qua, theo ý nghĩa vô tướng, theo ý nghĩa vô nguyện, theo ý nghĩa không tánh, theo ý nghĩa nhất vị, theo ý nghĩa không vượt trội, theo ý nghĩa kết hợp chung.
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa đối tượng là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định có sự diệt tận là đối tượng. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét có sự diệt tận là đối tượng. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa đối tượng là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa của cảnh (đối tượng).”
Tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. Đạo lộ được hình thành: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế. ...(như trên)... Các ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế. Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa của cảnh (đối tượng) là (có ý nghĩa) như thế.
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa hành xứ là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa hành xứ là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa hành xứ.” Tu tập: ...(như trên)...
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa dứt bỏ là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ các phiền não đi cùng với phóng dật và (đang dứt bỏ) các uẩn, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ các phiền não đi cùng với vô minh và (đang dứt bỏ) các uẩn, minh sát theo ý nghĩa quán xét có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa dứt bỏ là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa dứt bỏ.” ...(như trên)...
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa buông bỏ là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang buông bỏ các phiền não đi cùng với phóng dật và (buông bỏ) các uẩn, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang buông bỏ các phiền não đi cùng với vô minh và (buông bỏ) các uẩn, minh sát theo ý nghĩa quán xét có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa buông bỏ là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa buông bỏ.” ...(như trên)...
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa thoát ra là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang thoát ra khỏi các phiền não đi cùng với phóng dật và (thoát ra khỏi) các uẩn, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang thoát ra khỏi các phiền não đi cùng với vô minh và (thoát ra khỏi) các uẩn, minh sát theo ý nghĩa quán xét có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa thoát ra là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa thoát ra.” ...(như trên)...
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa ly khai là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang ly khai các phiền não đi cùng với phóng dật và (ly khai) các uẩn, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang ly khai các phiền não đi cùng với vô minh và (ly khai) các uẩn, minh sát theo ý nghĩa quán xét có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa ly khai là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa ly khai.” ...(như trên)...
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa an tịnh là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định, là an tịnh, có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét là an tịnh có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa an tịnh là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa an tịnh.” ...(như trên)...
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa cao quý là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định, là cao quý, có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét là cao quý có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa cao quý là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa cao quý.” ...(như trên)...
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa được giải thoát là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định, là được giải thoát khỏi dục lậu, có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét là được giải thoát khỏi các vô minh lậu, có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, sự ly tham ái khỏi các tham ái là sự giải thoát của tâm, sự ly tham ái khỏi vô minh là sự giải thoát của tuệ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa được giải thoát là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa được giải thoát.” ...(như trên)...
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa vô lậu là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định, là vô lậu đối với dục lậu, có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét là vô lậu đối với vô minh lậu, có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa vô lậu là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa vô lậu.” ...(như trên)...
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa vượt qua là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang vượt qua các phiền não đi cùng với phóng dật và (vượt qua) các uẩn, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang vượt qua các phiền não đi cùng với vô minh và (vượt qua) các uẩn, minh sát theo ý nghĩa quán xét có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa vượt qua là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa vượt qua.” ...(như trên)...
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa vô tướng là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định, là vô tướng đối với tất cả các hiện tướng, có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét là vô tướng đối với tất cả các hiện tướng, có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa vô tướng là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa vô tướng.” ...(như trên)...
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa vô nguyện là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định, là vô nguyện đối với tất cả các nguyện ước, có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét là vô nguyện đối với tất cả các nguyện ước, có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa vô nguyện là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa vô nguyện.” ...(như trên)...
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa không tánh là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang dứt bỏ phóng dật, trạng thái chuyên nhất không tán loạn của tâm là định, là không đối với tất cả các cố chấp, có sự diệt tận là hành xứ. Đối với vị đang dứt bỏ vô minh, minh sát theo ý nghĩa quán xét là không đối với tất cả các cố chấp, có sự diệt tận là hành xứ. Như thế, chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa không tánh là có nhất vị, được kết hợp chung, không vượt trội lẫn nhau. Vì thế, được nói rằng: “Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa không tánh.” ...(như trên)...
Tu tập: Có bốn sự tu tập: là sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, là sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền, là sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn (thích hợp) nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn, là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Đạo lộ được hình thành: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế. ...(như trên)... Các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo ý nghĩa không tánh là (có ý nghĩa) như thế.
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung theo 16 biểu hiện là (có ý nghĩa) như thế.
Tu tập chỉ tịnh và minh sát kết hợp chung là (có ý nghĩa) như thế.
Tâm của vị tỳ khưu bị khuấy động bởi sự phóng dật đối với các pháp là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với vị đang tác ý vô thường, có ánh sáng sanh lên. (Hành giả) hướng tâm đến ánh sáng rằng: ‘Ánh sáng là pháp;’ sự tản mạn do việc ấy là phóng dật. Do sự phóng dật ấy, (hành giả), có tâm bị khuấy động, không nhận biết đúng theo thực thể về sự thiết lập là vô thường, không nhận biết đúng theo thực thể về sự thiết lập là khổ não, không nhận biết đúng theo thực thể về sự thiết lập là vô ngã. Vì thế, được nói rằng: “Tâm bị khuấy động bởi sự phóng dật đối với các pháp. Lúc ấy là thời điểm là lúc tâm ấy trụ lại, tập trung lại, được chuyên nhất, được định ngay ở nội phần.”
Đạo lộ được hình thành cho vị ấy: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế. ...(như trên)... Các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.
Đối với vị đang tác ý vô thường, có trí sanh lên ... có hỷ sanh lên ... có tịnh sanh lên ... có lạc sanh lên ... có sự cương quyết sanh lên ... có sự ra sức sanh lên ... có sự thiết lập sanh lên ... có xả sanh lên ... có ao ước sanh lên. (Hành giả) hướng tâm đến sự ao ước rằng: ‘Ao ước là pháp;’ sự tản mạn do việc ấy là phóng dật. Do sự phóng dật ấy, (hành giả), có tâm bị khuấy động, không nhận biết đúng theo thực thể về sự thiết lập là vô thường, không nhận biết đúng theo thực thể về sự thiết lập là khổ não, không nhận biết đúng theo thực thể về sự thiết lập là vô ngã. Vì thế, được nói rằng: “Tâm bị khuấy động bởi sự phóng dật đối với các pháp. Lúc tâm ấy trụ lại, tập trung lại, được chuyên nhất, được định ở chính nội phần, lúc ấy là thời điểm.” Đạo lộ được hình thành cho vị ấy: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế. ...(như trên)... Các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.
Đối với vị đang tác ý khổ não ...(như trên)... Đối với vị đang tác ý vô ngã, có ánh sáng sanh lên ... có trí sanh lên ... có hỷ sanh lên ... có tịnh sanh lên ... có lạc sanh lên ... có sự cương quyết sanh lên ... có sự ra sức sanh lên ... có sự thiết lập sanh lên ... có xả sanh lên ... có ao ước sanh lên. (Hành giả) hướng tâm đến sự ao ước rằng: ‘Ao ước là pháp;’ sự tản mạn do việc ấy là phóng dật. Do sự phóng dật ấy, (hành giả), có tâm bị khuấy động, không nhận biết đúng theo thực thể về sự thiết lập là vô ngã, về sự thiết lập là vô thường, về sự thiết lập là khổ não. Vì thế, được nói rằng: “Tâm bị khuấy động bởi sự phóng dật đối với các pháp ...(như trên)... Các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.
Đối với vị đang tác ý sắc là vô thường ...(nt)... Đối với vị đang tác ý sắc là khổ não ...(nt)... Đối với vị đang tác ý sắc là vô ngã ...(nt)... Đối với vị đang tác ý thọ ... tưởng ... các hành ... thức ... mắt ... lão tử là vô thường ...(nt)... Đối với vị đang tác ý lão tử là khổ não ...(nt)... Đối với vị đang tác ý lão tử là vô ngã, có ánh sáng sanh lên ... có trí sanh lên ... có hỷ sanh lên ... có tịnh sanh lên ... có lạc sanh lên ... có sự cương quyết sanh lên ... có sự ra sức sanh lên ... có sự thiết lập sanh lên ... có xả sanh lên ... có ao ước sanh lên. (Hành giả) hướng tâm đến sự ao ước rằng: ‘Ao ước là pháp;’ sự tản mạn do việc ấy là phóng dật. Do sự phóng dật ấy, (hành giả), có tâm bị khuấy động, không nhận biết đúng theo thực thể về lão tử có sự thiết lập là vô ngã, không nhận biết đúng theo thực thể về lão tử có sự thiết lập là vô thường, không nhận biết đúng theo thực thể về lão tử có sự thiết lập là khổ não. Vì thế, được nói rằng: “Tâm bị khuấy động bởi sự phóng dật đối với các pháp. Lúc ấy là thời điểm là lúc tâm ấy trụ lại, tập trung lại, được chuyên nhất, được định ngay ở nội phần.”
Đạo lộ được hình thành cho vị ấy: Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)... Đạo lộ được hình thành là (có ý nghĩa) như thế. ...(như trên)... Các sự ràng buộc được dứt bỏ, các ngủ ngầm được chấm dứt là (có ý nghĩa) như thế.
Tâm bị khuấy động bởi sự phóng dật đối với các pháp là (có ý nghĩa) như thế.
(1) Rung động về ánh sáng,
về tuệ, và về hỷ,
về tịnh, và về lạc,
bởi chúng tâm xao động,
(2) Rung động về cương quyết,
ra sức, và thiết lập,
do hướng tâm đến xả,
và ao ước về xả.
(3) Vị nào huân tập tuệ
về mười trường hợp này
biết phóng dật do pháp
không sa vào lầm lẫn.
(4) Bị tản mạn, ô nhiễm,
tu tập tâm đình chỉ;
tản mạn, không ô nhiễm,
tu tập bị thối thất.
(5) Tản mạn, không ô nhiễm,
tu tập không thối thất,
không tản, tâm vô nhiễm
tu tâm không đình chỉ.
(6) Với bốn trường hợp này,
hiểu rõ mười trường hợp
thâu hẹp và khuấy động
vì tản mạn của tâm.
Phần Giảng về sự Kết Hợp Chung được đầy đủ.
--ooOoo--
Đầy đủ phần duyên khởi: Này các tỳ khưu, đây là bốn thực thể, là không ngoài thực thể, không phải là dị thể. Bốn gì? Này các tỳ khưu, ‘Đây là Khổ,’ điều này là thực thể, điều này là không ngoài thực thể, điều này không phải là dị thể; ‘Đây là nhân sanh Khổ,’ điều này là thực thể, điều này là không ngoài thực thể, điều này không phải là dị thể; ‘Đây là sự diệt tận Khổ,’ điều này là thực thể, điều này là không ngoài thực thể, điều này không phải là dị thể; ‘Đây là sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ,’ điều này là thực thể, điều này là không ngoài thực thể, điều này không phải là dị thể. Này các tỳ khưu, đây là bốn thực thể, là không ngoài thực thể, không phải là dị thể.
Khổ là chân lý theo ý nghĩa của thực thể là (có ý nghĩa) thế nào? Bốn ý nghĩa về khổ của Khổ là thực thể, là không ngoài thực thể, không phải là dị thể: Ý nghĩa áp bức, ý nghĩa tạo tác, ý nghĩa nóng nảy, ý nghĩa chuyển biến của Khổ; bốn ý nghĩa này về khổ của Khổ là thực thể, là không ngoài thực thể, không phải là dị thể. Khổ là chân lý theo ý nghĩa của thực thể là (có ý nghĩa) như thế.
Nhân sanh (Khổ) là chân lý theo ý nghĩa của thực thể là (có ý nghĩa) thế nào? Bốn ý nghĩa về nhân sanh của nhân sanh (Khổ) là thực thể, là không ngoài thực thể, không phải là dị thể: Ý nghĩa tích lũy (nghiệp), ý nghĩa căn nguyên, ý nghĩa ràng buộc, ý nghĩa vướng bận của nhân sanh (Khổ); bốn ý nghĩa này về nhân sanh của nhân sanh (Khổ) là thực thể, là không ngoài thực thể, không phải là dị thể. Nhân sanh (Khổ) là chân lý theo ý nghĩa của thực thể là (có ý nghĩa) như thế.
Sự diệt tận (Khổ) là chân lý theo ý nghĩa của thực thể là (có ý nghĩa) thế nào? Bốn ý nghĩa về diệt tận của sự diệt tận (Khổ) là thực thể, là không ngoài thực thể, không phải là dị thể: Ý nghĩa xuất ly, ý nghĩa viễn ly, ý nghĩa không tạo tác, ý nghĩa bất tử của sự diệt tận (Khổ); bốn ý nghĩa này về diệt tận của sự diệt tận (Khổ) là thực thể, là không ngoài thực thể, không phải là dị thể. Sự diệt tận (Khổ) là chân lý theo ý nghĩa của thực thể là (có ý nghĩa) như thế.
Đạo là chân lý theo ý nghĩa của thực thể là (có ý nghĩa) thế nào? Bốn ý nghĩa về đạo của Đạo là thực thể, là không ngoài thực thể, không phải là dị thể: Ý nghĩa dẫn xuất, ý nghĩa nguyên nhân, ý nghĩa nhận thức, ý nghĩa pháp chủ đạo của Đạo; bốn ý nghĩa này về đạo của Đạo là thực thể, là không ngoài thực thể, không phải là dị thể. Đạo là chân lý theo ý nghĩa của thực thể là (có ý nghĩa) như thế.
Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt là với bao nhiêu biểu hiện? Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt là với bốn biểu hiện: theo ý nghĩa thực thể, theo ý nghĩa vô ngã, theo ý nghĩa chân lý, theo ý nghĩa thấu triệt; bốn chân lý được tổng hợp chung lại là với bốn biểu hiện này. Điều nào được tổng hợp chung lại, điều ấy là nhất thể. Nhất thể được thấu triệt bởi một trí, như thế bốn chân lý là có chung một sự thấu triệt.
Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa thực thể là (có ý nghĩa) thế nào? Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa thực thể là với bốn biểu hiện: Ý nghĩa về khổ của Khổ là ý nghĩa về thực thể, ý nghĩa về nhân sanh của nhân sanh (Khổ) là ý nghĩa về thực thể, ý nghĩa về diệt tận của sự diệt tận (Khổ) là ý nghĩa về thực thể, ý nghĩa về đạo của Đạo là ý nghĩa về thực thể; bốn chân lý được tổng hợp chung lại theo ý nghĩa thực thể là với bốn biểu hiện này. Điều nào được tổng hợp chung lại, điều ấy là nhất thể. Nhất thể được thấu triệt bởi một trí, như thế bốn chân lý là có chung một sự thấu triệt.
Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa vô ngã là (có ý nghĩa) thế nào? Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa vô ngã là với bốn biểu hiện: Ý nghĩa về khổ của Khổ là ý nghĩa về vô ngã, ý nghĩa về nhân sanh của nhân sanh (Khổ) là ý nghĩa về vô ngã, ý nghĩa về diệt tận của sự diệt tận (Khổ) là ý nghĩa về vô ngã, ý nghĩa về đạo của Đạo là ý nghĩa về vô ngã; bốn chân lý được tổng hợp chung lại theo ý nghĩa vô ngã là với bốn biểu hiện này. Điều nào được tổng hợp chung lại, điều ấy là nhất thể. Nhất thể được thấu triệt bởi một trí, như thế bốn chân lý là có chung một sự thấu triệt.
Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa chân lý là (có ý nghĩa) thế nào? Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa chân lý là với bốn biểu hiện: Ý nghĩa về khổ của Khổ là ý nghĩa về chân lý, ý nghĩa về nhân sanh của nhân sanh (Khổ) là ý nghĩa về chân lý, ý nghĩa diệt tận của sự diệt tận (Khổ) là ý nghĩa về chân lý, ý nghĩa về đạo của Đạo là ý nghĩa về chân lý; bốn chân lý được tổng hợp chung lại theo ý nghĩa chân lý là với bốn biểu hiện này. Điều nào được tổng hợp chung lại, điều ấy là nhất thể. Nhất thể được thấu triệt bởi một trí, như thế bốn chân lý là có chung một sự thấu triệt.
Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa thấu triệt là (có ý nghĩa) thế nào? Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa thấu triệt là với bốn biểu hiện: Ý nghĩa về khổ của Khổ là ý nghĩa về thấu triệt, ý nghĩa về nhân sanh của nhân sanh (Khổ) là ý nghĩa về thấu triệt, ý nghĩa diệt tận của sự diệt tận (Khổ) là ý nghĩa về thấu triệt, ý nghĩa về đạo của Đạo là ý nghĩa về thấu triệt; bốn chân lý được tổng hợp chung lại theo ý nghĩa thấu triệt là với bốn biểu hiện này. Điều nào được tổng hợp chung lại, điều ấy là nhất thể. Nhất thể được thấu triệt bởi một trí, như thế bốn chân lý là có chung một sự thấu triệt.
Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt là (có ý nghĩa) thế nào? Điều gì là vô thường, điều ấy là khổ não; điều gì là khổ não, điều ấy là vô thường. Điều gì là vô thường và khổ não, điều ấy là vô ngã. Điều gì là vô thường, khổ não, và vô ngã, điều ấy là thực thể. Điều gì là vô thường, khổ não, vô ngã, và thực thể, điều ấy là chân lý. Điều gì là vô thường, khổ não, vô ngã, thực thể, và chân lý, điều ấy là được tổng hợp chung lại. Điều gì được tổng hợp chung lại, điều ấy là nhất thể. Nhất thể được thấu triệt bởi một trí, như thế bốn chân lý là có chung một sự thấu triệt.
Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt là với bao nhiêu biểu hiện? Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt là với chín biểu hiện: theo ý nghĩa thực thể, theo ý nghĩa vô ngã, theo ý nghĩa chân lý, theo ý nghĩa thấu triệt, theo ý nghĩa biết rõ, theo ý nghĩa biết toàn diện, theo ý nghĩa từ bỏ, theo ý nghĩa tu tập, theo ý nghĩa tác chứng; bốn chân lý có chung một sự thấu triệt là với chín biểu hiện này. Điều gì được tổng hợp chung lại, điều ấy là nhất thể. Nhất thể được thấu triệt bởi một trí, như thế bốn chân lý là có chung một sự thấu triệt.
Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa thực thể là (có ý nghĩa) thế nào? Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa thực thể là với chín biểu hiện: Ý nghĩa về khổ của Khổ là ý nghĩa về thực thể, ý nghĩa về nhân sanh của nhân sanh (Khổ) là ý nghĩa về thực thể, ý nghĩa về diệt tận của sự diệt tận (Khổ) là ý nghĩa về thực thể, ý nghĩa về đạo của Đạo là ý nghĩa về thực thể, ý nghĩa về biết rõ của thắng trí là ý nghĩa về thực thể, ý nghĩa về biết toàn diện của toàn trí là ý nghĩa về thực thể, ý nghĩa về từ bỏ của sự từ bỏ là ý nghĩa về thực thể, ý nghĩa về tu tập của sự tu tập là ý nghĩa về thực thể, ý nghĩa về tác chứng của sự tác chứng là ý nghĩa về thực thể; bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa thực thể là với chín biểu hiện này. Điều gì được tổng hợp chung lại, điều ấy là nhất thể. Nhất thể được thấu triệt bởi một trí, như thế bốn chân lý là có chung một sự thấu triệt.
Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa vô ngã ... theo ý nghĩa chân lý ... theo ý nghĩa thấu triệt là (có ý nghĩa) thế nào? Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa thấu triệt là với chín biểu hiện: Ý nghĩa về khổ của Khổ là ý nghĩa về thấu triệt, ý nghĩa về nhân sanh của nhân sanh (Khổ) là ý nghĩa về thấu triệt, ý nghĩa về diệt tận của sự diệt tận (Khổ) là ý nghĩa về thấu triệt, ý nghĩa về đạo của Đạo là ý nghĩa về thấu triệt, ý nghĩa về biết rõ của thắng trí là ý nghĩa về thấu triệt, ý nghĩa về biết toàn diện của toàn trí là ý nghĩa về thấu triệt, ý nghĩa về từ bỏ của sự từ bỏ là ý nghĩa về thấu triệt, ý nghĩa về tu tập của sự tu tập là ý nghĩa về thấu triệt, ý nghĩa về tác chứng của sự tác chứng là ý nghĩa về thấu triệt; bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa thấu triệt là với chín biểu hiện này. Điều gì được tổng hợp chung lại, điều ấy là nhất thể. Nhất thể được thấu triệt bởi một trí, như thế bốn chân lý là có chung một sự thấu triệt.
Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt là với bao nhiêu biểu hiện? Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt là với mười hai biểu hiện: theo ý nghĩa thực thể, theo ý nghĩa vô ngã, theo ý nghĩa chân lý, theo ý nghĩa thấu triệt, theo ý nghĩa biết rõ, theo ý nghĩa biết toàn diện, theo ý nghĩa hiện tượng, theo ý nghĩa sự kiện, theo ý nghĩa điều đã được biết, theo ý nghĩa tác chứng, theo ý nghĩa chạm đến, theo ý nghĩa lãnh hội; bốn chân lý có chung một sự thấu triệt là với mười hai biểu hiện này. Điều gì được tổng hợp chung lại, điều ấy là nhất thể. Nhất thể được thấu triệt bởi một trí, như thế bốn chân lý là có chung một sự thấu triệt.
Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa thực thể là (có ý nghĩa) thế nào? Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa thực thể là với mười sáu biểu hiện: Ý nghĩa áp bức, ý nghĩa tạo tác, ý nghĩa nóng nảy, ý nghĩa chuyển biến của Khổ là ý nghĩa về thực thể; Ý nghĩa tích lũy (nghiệp), ý nghĩa căn nguyên, ý nghĩa ràng buộc, ý nghĩa vướng bận của nhân sanh (Khổ) là ý nghĩa về thực thể; Ý nghĩa xuất ly, ý nghĩa viễn ly, ý nghĩa không tạo tác, ý nghĩa bất tử của sự diệt tận (Khổ) là ý nghĩa về thực thể; Ý nghĩa dẫn xuất, ý nghĩa nguyên nhân, ý nghĩa nhận thức, ý nghĩa pháp chủ đạo của Đạo là ý nghĩa về thực thể; bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa thực thể là với mười sáu biểu hiện này. Điều gì được tổng hợp chung lại, điều ấy là nhất thể. Nhất thể được thấu triệt bởi một trí, như thế bốn chân lý là có chung một sự thấu triệt.
Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa vô ngã ... theo ý nghĩa chân lý ... theo ý nghĩa thấu triệt ... theo ý nghĩa biết rõ ... theo ý nghĩa biết toàn diện ... theo ý nghĩa hiện tượng ... theo ý nghĩa sự kiện ... theo ý nghĩa điều đã được biết ... theo ý nghĩa tác chứng ... theo ý nghĩa chạm đến ... theo ý nghĩa lãnh hội là (có ý nghĩa) thế nào? Bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa lãnh hội là với 16 biểu hiện: Ý nghĩa áp bức, ý nghĩa tạo tác, ý nghĩa nóng nảy, ý nghĩa chuyển biến của Khổ là ý nghĩa về lãnh hội; Ý nghĩa tích lũy (nghiệp), ý nghĩa căn nguyên, ý nghĩa ràng buộc, ý nghĩa vướng bận của nhân sanh (Khổ) là ý nghĩa về lãnh hội; Ý nghĩa xuất ly, ý nghĩa viễn ly, ý nghĩa không tạo tác, ý nghĩa bất tử của sự diệt tận (Khổ) là ý nghĩa về lãnh hội; Ý nghĩa dẫn xuất, ý nghĩa nguyên nhân, ý nghĩa nhận thức, ý nghĩa pháp chủ đạo của Đạo là ý nghĩa về lãnh hội; bốn chân lý có chung một sự thấu triệt theo ý nghĩa lãnh hội là với 16 biểu hiện này. Điều gì được tổng hợp chung lại, điều ấy là nhất thể. Nhất thể được thấu triệt bởi một trí, như thế bốn chân lý là có chung một sự thấu triệt.
Có bao nhiêu tướng trạng của chân lý? Có hai tướng trạng của chân lý: tướng trạng hữu vi và tướng trạng vô vi; đây là hai tướng trạng của chân lý.
Có bao nhiêu tướng trạng của chân lý? Có sáu tướng trạng của chân lý: Đối với các chân lý hữu vi, sự sanh khởi được nhận biết, sự hoại diệt được nhận biết, khi chúng tồn tại trạng thái biến đổi được nhận biết; đối với chân lý vô vi, sự sanh khởi không được nhận biết, sự hoại diệt không được nhận biết, khi tồn tại trạng thái biến đổi không được nhận biết; đây là sáu tướng trạng của chân lý.
Có bao nhiêu tướng trạng của chân lý? Có mười hai tướng trạng của chân lý: Đối với chân lý về Khổ, sự sanh khởi được nhận biết, sự hoại diệt được nhận biết, khi tồn tại trạng thái biến đổi được nhận biết; đối với chân lý về nhân sanh (Khổ), sự sanh khởi được nhận biết, sự hoại diệt được nhận biết, khi tồn tại trạng thái biến đổi được nhận biết; đối với chân lý về Đạo, sự sanh khởi được nhận biết, sự hoại diệt được nhận biết, khi tồn tại trạng thái biến đổi được nhận biết; đối với chân lý về sự diệt tận (Khổ), không sự sanh khởi được nhận biết, không sự hoại diệt được nhận biết, khi tồn tại không trạng thái biến đổi được nhận biết; đây là mười hai tướng trạng của chân lý.
Thuộc về bốn chân lý, có bao nhiêu là thiện, có bao nhiêu là bất thiện, có bao nhiêu là vô ký? Chân lý về nhân sanh (Khổ) là bất thiện, chân lý về Đạo là thiện, chân lý về sự diệt tận là vô ký, chân lý về Khổ có thể là thiện, có thể là bất thiện, có thể là vô ký.
Có thể ba chân lý được tổng hợp với một chân lý, một chân lý được tổng hợp với ba chân lý về phương diện nền tảng theo thứ lớp?
Có thể: Có thể là (có ý nghĩa) thế nào? (Nếu) chân lý về Khổ là bất thiện và chân lý về nhân sanh (Khổ) là bất thiện; như vậy theo ý nghĩa của bất thiện, hai chân lý được tổng hợp với một chân lý, một chân lý được tổng hợp với hai chân lý. (Nếu) chân lý về Khổ là thiện và chân lý về Đạo là thiện; như vậy theo ý nghĩa của thiện, hai chân lý được tổng hợp với một chân lý, một chân lý được tổng hợp với hai chân lý. (Nếu) chân lý về Khổ là vô ký và chân lý về sự diệt tận (Khổ) là vô ký; như vậy theo ý nghĩa của vô ký, hai chân lý được tổng hợp với một chân lý, một chân lý được tổng hợp với hai chân lý. Như vậy, có thể ba chân lý được tổng hợp với một chân lý, một chân lý được tổng hợp với ba chân lý về phương diện nền tảng theo thứ lớp.
[Duyên khởi ở Sāvatthī]
Này các tỳ khưu, trước lúc Toàn Giác, khi hãy còn là Bồ Tát chưa thành Chánh Đẳng Giác, điều này đã khởi đến ta: Đối với sắc, điều gì là khoái lạc, điều gì là tai hại, điều gì là xuất ly? Đối với thọ, điều gì là khoái lạc, điều gì là tai hại, điều gì là xuất ly? Đối với tưởng, điều gì là khoái lạc, điều gì là tai hại, điều gì là xuất ly? Đối với các hành, điều gì là khoái lạc, điều gì là tai hại, điều gì là xuất ly? Đối với thức, điều gì là khoái lạc, điều gì là tai hại, điều gì là xuất ly?
Này các tỳ khưu, điều này đã khởi đến ta đây: Tùy thuận vào sắc, lạc và hỷ tâm sanh lên; điều này là khoái lạc của sắc. Sắc là vô thường, là khổ não, có hiện tượng chuyển biến; điều này là tai hại của sắc. Sự loại bỏ ước muốn và tham ái ở sắc, sự từ bỏ ước muốn và tham ái ở sắc; điều này là xuất ly khỏi sắc. Tùy thuận vào thọ ... Tùy thuận vào tưởng ... Tùy thuận vào các hành ... Tùy thuận vào thức, lạc và hỷ tâm sanh lên; điều này là khoái lạc của thức. Thức là vô thường, là khổ não, có hiện tượng chuyển biến; điều này là tai hại của thức. Sự loại bỏ ước muốn và tham ái ở thức, sự từ bỏ ước muốn và tham ái ở thức; điều này là xuất ly khỏi thức.
Này các tỳ khưu, cho đến khi nào ta chưa biết rõ đúng theo thực thể khoái lạc là khoái lạc, tai hại là tai hại, xuất ly là xuất ly đối với năm thủ uẩn này là như vầy, này các tỳ khưu, cho đến khi ấy ta chưa công bố là ‘Đã hoàn toàn giác ngộ quả vô thượng Chánh Đẳng Giác’ ở thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người. Này các tỳ khưu, và đến khi ta đã biết rõ đúng theo thực thể khoái lạc là khoái lạc, tai hại là tai hại, xuất ly là xuất ly đối với năm thủ uẩn này là như vầy, này các tỳ khưu, khi ấy ta đã công bố là ‘Đã hoàn toàn giác ngộ quả vô thượng Chánh Đẳng Giác’ ở thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người. Hơn nữa, sự biết và thấy đã sanh khởi đến ta rằng: ‘Sự giải thoát của ta là không thể thay đổi. Đây là lần sanh cuối cùng, giờ không còn tái sanh nữa.’
‘Tùy thuận vào sắc, lạc và tâm sanh lên; điều này là sự khoái lạc của sắc,’ như thế sự thấu triệt do dứt bỏ là chân lý về nhân sanh (Khổ). ‘Sắc là vô thường, là khổ não, có hiện tượng chuyển biến; điều này là tai hại của sắc,’ như thế sự thấu triệt do biết toàn diện là chân lý về Khổ. ‘Sự loại bỏ ước muốn và tham ái, sự từ bỏ ước muốn và tham ái ở sắc; điều này là xuất ly khỏi sắc,’ như thế sự thấu triệt do tác chứng là chân lý về sự diệt tận (Khổ). ‘Liên quan ba sự kiện này, có sự nhận thức, suy nghĩ, lời nói, hành động, sự nuôi mạng, sự tinh tấn, niệm, định ,’[1]như thế sự thấu triệt do tu tập là chân lý về Đạo.
‘Tùy thuận vào thọ, ...(như trên)... Tùy thuộc vào tưởng, ...(như trên)... Tùy thuộc vào các hành, ...(như trên)... Tùy thuộc vào thức, lạc và hỷ tâm sanh lên; điều này là sự khoái lạc của thức,’ như thế sự thấu triệt do dứt bỏ là chân lý về nhân sanh (Khổ). ‘Thức là vô thường, là khổ não, có hiện tượng chuyển biến; điều này là tai hại của thức,’ như thế sự thấu triệt do biết toàn diện là chân lý về Khổ. ‘Sự loại bỏ ước muốn và tham ái ở thức, sự từ bỏ ước muốn và tham ái ở thức; điều này là xuất ly khỏi thức,’ như thế sự thấu triệt do tác chứng là chân lý về sự diệt tận (Khổ). ‘Liên quan ba sự kiện này, có sự nhận thức, suy nghĩ, lời nói, hành động, sự nuôi mạng, sự tinh tấn, niệm, định,’ như thế sự thấu triệt do tu tập là chân lý về Đạo.
Chân lý: Chân lý là theo bao nhiêu biểu hiện? Là theo ý nghĩa tầm cầu, theo ý nghĩa nắm giữ, theo ý nghĩa thấu triệt.
Chân lý theo ý nghĩa tầm cầu là (có ý nghĩa) thế nào? Lão tử có điều gì là căn nguyên, có điều gì là nhân sanh, có điều gì là sanh chủng, có điều gì là nguồn phát khởi? Chân lý theo ý nghĩa tầm cầu là (có ý nghĩa) như thế.
Lão tử có sanh là căn nguyên, có sanh là nhân sanh, có sanh là sanh chủng, có sanh là nguồn phát khởi; chân lý theo ý nghĩa nắm giữ là (có ý nghĩa) như thế. Nhận biết lão tử, nhận biết nhân sanh của lão tử, nhận biết sự diệt tận của lão tử, nhận biết sự thực hành đưa đến sự diệt tận của lão tử; chân lý theo ý nghĩa thấu triệt là (có ý nghĩa) như thế.
Sanh có điều gì là căn nguyên, có điều gì là nhân sanh, có điều gì là sanh chủng, có điều gì là nguồn phát khởi? Chân lý theo ý nghĩa tầm cầu là (có ý nghĩa) như thế. Sanh có hữu là căn nguyên, có hữu là nhân sanh, có hữu là sanh chủng, có hữu là nguồn phát khởi; chân lý theo ý nghĩa nắm giữ là (có ý nghĩa) như thế. Nhận biết sanh, nhận biết nhân sanh của sanh, nhận biết sự diệt tận của sanh, nhận biết sự thực hành đưa đến sự diệt tận của sanh; chân lý theo ý nghĩa thấu triệt là (có ý nghĩa) như thế.
Hữu có điều gì là căn nguyên, có điều gì là nhân sanh, có điều gì là sanh chủng, có điều gì là nguồn phát khởi? Chân lý theo ý nghĩa tầm cầu là (có ý nghĩa) như thế. Hữu có thủ là căn nguyên, có thủ là nhân sanh, có thủ là sanh chủng, có thủ là nguồn phát khởi; chân lý theo ý nghĩa nắm giữ là (có ý nghĩa) như thế. Nhận biết hữu, nhận biết nhân sanh của hữu, nhận biết sự diệt tận của hữu, nhận biết sự thực hành đưa đến sự diệt tận của hữu; chân lý theo ý nghĩa thấu triệt là (có ý nghĩa) như thế.
Thủ có điều gì là căn nguyên, có điều gì là nhân sanh, có điều gì là sanh chủng, có điều gì là nguồn phát khởi? Chân lý theo ý nghĩa tầm cầu là (có ý nghĩa) như thế. Thủ có ái là căn nguyên, có ái là nhân sanh, có ái là sanh chủng, có ái là nguồn phát khởi; chân lý theo ý nghĩa nắm giữ là (có ý nghĩa) như thế. Nhận biết thủ, nhận biết nhân sanh của thủ, nhận biết sự diệt tận của thủ, nhận biết sự thực hành đưa đến sự diệt tận của thủ; chân lý theo ý nghĩa thấu triệt là (có ý nghĩa) như thế.
Ái có điều gì là căn nguyên, có điều gì là nhân sanh, có điều gì là sanh chủng, có điều gì là nguồn phát khởi? Chân lý theo ý nghĩa tầm cầu là (có ý nghĩa) như thế. Ái có thọ là căn nguyên, có thọ là nhân sanh, có thọ là sanh chủng, có thọ là nguồn phát khởi; chân lý theo ý nghĩa nắm giữ là (có ý nghĩa) như thế. Nhận biết ái, nhận biết nhân sanh của ái, nhận biết sự diệt tận của ái, nhận biết sự thực hành đưa đến sự diệt tận của ái; chân lý theo ý nghĩa thấu triệt là (có ý nghĩa) như thế.
Thọ có điều gì là căn nguyên, có điều gì là nhân sanh, có điều gì là sanh chủng, có điều gì là nguồn phát khởi? Chân lý theo ý nghĩa tầm cầu là (có ý nghĩa) như thế. Thọ có xúc là căn nguyên, có xúc là nhân sanh, có xúc là sanh chủng, có xúc là nguồn phát khởi; chân lý theo ý nghĩa nắm giữ là (có ý nghĩa) như thế. Nhận biết thọ, nhận biết nhân sanh của thọ, nhận biết sự diệt tận của thọ, nhận biết sự thực hành đưa đến sự diệt tận của thọ; chân lý theo ý nghĩa thấu triệt là (có ý nghĩa) như thế.
Xúc có điều gì là căn nguyên, có điều gì là nhân sanh, có điều gì là sanh chủng, có điều gì là nguồn phát khởi? Chân lý theo ý nghĩa tầm cầu là (có ý nghĩa) như thế. Xúc có sáu xứ là căn nguyên, có sáu xứ là nhân sanh, có sáu xứ là sanh chủng, có sáu xứ là nguồn phát khởi; chân lý theo ý nghĩa nắm giữ là (có ý nghĩa) như thế. Nhận biết xúc, nhận biết nhân sanh của xúc, nhận biết sự diệt tận của xúc, nhận biết sự thực hành đưa đến sự diệt tận của xúc; chân lý theo ý nghĩa thấu triệt là (có ý nghĩa) như thế.
Sáu xứ có điều gì là căn nguyên, có điều gì là nhân sanh, có điều gì là sanh chủng, có điều gì là nguồn phát khởi? Chân lý theo ý nghĩa tầm cầu là (có ý nghĩa) như thế. Sáu xứ có danh sắc là căn nguyên, có danh sắc là nhân sanh, có danh sắc là sanh chủng, có danh sắc là nguồn phát khởi; chân lý theo ý nghĩa nắm giữ là (có ý nghĩa) như thế. Nhận biết sáu xứ, nhận biết nhân sanh của sáu xứ, nhận biết sự diệt tận của sáu xứ, nhận biết sự thực hành đưa đến sự diệt tận của sáu xứ; chân lý theo ý nghĩa thấu triệt là (có ý nghĩa) như thế.
Danh sắc có điều gì là căn nguyên, có điều gì là nhân sanh, có điều gì là sanh chủng, có điều gì là nguồn phát khởi? Chân lý theo ý nghĩa tầm cầu là (có ý nghĩa) như thế. Danh sắc có thức là căn nguyên, có thức là nhân sanh, có thức là sanh chủng, có thức là nguồn phát khởi; chân lý theo ý nghĩa nắm giữ là (có ý nghĩa) như thế. Nhận biết danh sắc, nhận biết nhân sanh của danh sắc, nhận biết sự diệt tận của danh sắc, nhận biết sự thực hành đưa đến sự diệt tận của danh sắc; chân lý theo ý nghĩa thấu triệt là (có ý nghĩa) như thế.
Thức có điều gì là căn nguyên, có điều gì là nhân sanh, có điều gì là sanh chủng, có điều gì là nguồn phát khởi? Chân lý theo ý nghĩa tầm cầu là (có ý nghĩa) như thế. Thức có các hành là căn nguyên, có các hành là nhân sanh, có các hành là sanh chủng, có các hành là nguồn phát khởi; chân lý theo ý nghĩa nắm giữ là (có ý nghĩa) như thế. Nhận biết thức, nhận biết nhân sanh của thức, nhận biết sự diệt tận của thức, nhận biết sự thực hành đưa đến sự diệt tận của thức; chân lý theo ý nghĩa thấu triệt là (có ý nghĩa) như thế.
Các hành có điều gì là căn nguyên, có điều gì là nhân sanh, có điều gì là sanh chủng, có điều gì là nguồn phát khởi? Chân lý theo ý nghĩa tầm cầu là (có ý nghĩa) như thế. Các hành có vô minh là căn nguyên, có vô minh là nhân sanh, có vô minh là sanh chủng, có vô minh là nguồn phát khởi; chân lý theo ý nghĩa nắm giữ là (có ý nghĩa) như thế. Nhận biết các hành, nhận biết nhân sanh của các hành, nhận biết sự diệt tận của các hành, nhận biết sự thực hành đưa đến sự diệt tận của các hành; chân lý theo ý nghĩa thấu triệt là (có ý nghĩa) như thế.
Lão tử là chân lý về Khổ, sanh là chân lý về nhân sanh, sự xuất ly cả hai là chân lý về sự diệt tận, nhận biết về sự diệt tận là chân lý của Đạo. Sanh là chân lý về Khổ, hữu là chân lý về nhân sanh, sự xuất ly cả hai là chân lý về sự diệt tận, nhận biết về sự diệt tận là chân lý của Đạo. Hữu là chân lý về Khổ, thủ là chân lý về nhân sanh, sự xuất ly cả hai là chân lý về sự diệt tận, nhận biết về sự diệt tận là chân lý của Đạo. Thủ là chân lý về Khổ, ái là chân lý về nhân sanh, sự xuất ly cả hai là chân lý về sự diệt tận, nhận biết về sự diệt tận là chân lý của Đạo. Ái là chân lý về Khổ, thọ là chân lý về nhân sanh, sự xuất ly cả hai là chân lý về sự diệt tận, nhận biết về sự diệt tận là chân lý của Đạo. Thọ là chân lý về Khổ, xúc là chân lý về nhân sanh, sự xuất ly cả hai là chân lý về sự diệt tận, nhận biết về sự diệt tận là chân lý của Đạo. Xúc là chân lý về Khổ, sáu xứ là chân lý về nhân sanh, sự xuất ly cả hai là chân lý về sự diệt tận, nhận biết về sự diệt tận là chân lý của Đạo. Sáu xứ là chân lý về Khổ, danh sắc là chân lý về nhân sanh, sự xuất ly cả hai là chân lý về sự diệt tận, nhận biết về sự diệt tận là chân lý của Đạo. Danh sắc là chân lý về Khổ, thức là chân lý về nhân sanh, sự xuất ly cả hai là chân lý về sự diệt tận, nhận biết về sự diệt tận là chân lý của Đạo. Thức là chân lý về Khổ, các hành là chân lý về nhân sanh, sự xuất ly cả hai là chân lý về sự diệt tận, nhận biết về sự diệt tận là chân lý của Đạo. Các hành là chân lý về Khổ, vô minh là chân lý về nhân sanh, sự xuất ly cả hai là chân lý về sự diệt tận, nhận biết về sự diệt tận là chân lý của Đạo.
Lão tử là chân lý về Khổ, sanh có thể là chân lý về Khổ, có thể là chân lý về nhân sanh, sự xuất ly cả hai là chân lý về sự diệt tận, nhận biết về sự diệt tận là chân lý của Đạo. Sanh là chân lý về Khổ, hữu có thể là chân lý về Khổ, có thể là chân lý về nhân sanh, sự xuất ly cả hai là chân lý về sự diệt tận, nhận biết về sự diệt tận là chân lý của Đạo ...(như trên)... Các hành là chân lý về Khổ, vô minh có thể là chân lý về Khổ, có thể là chân lý về nhân sanh, sự xuất ly cả hai là chân lý về sự diệt tận, nhận biết về sự diệt tận là chân lý của Đạo.
Phần Giảng về Chân Lý được đầy đủ.
Tụng Phẩm.
--ooOoo--
[Duyên khởi ở Sāvatthī]
Này các tỳ khưu, có bảy giác chi. Bảy là gì? Niệm giác chi, trạch pháp giác chi, cần giác chi, hỷ giác chi, tịnh giác chi, định giác chi, xả giác chi. Này các tỳ khưu, đây là bảy giác chi.
Các giác chi: Các giác chi là với ý nghĩa gì? ‘Đưa đến giác ngộ’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ (Sơ Đạo)’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ (Nhị Đạo)’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ (Tam Đạo)’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ (Tứ Đạo)’ là các giác chi.[2]
Với ý nghĩa được giác ngộ (Sơ Đạo) là các giác chi. Với ý nghĩa được giác ngộ (Nhị Đạo) là các giác chi. Với ý nghĩa được giác ngộ (Tam Đạo) là các giác chi. Với ý nghĩa được giác ngộ (Tứ Đạo) là các giác chi.
‘Làm cho giác ngộ (Sơ Đạo)’ là các giác chi. ‘Làm cho giác ngộ (Nhị Đạo)’ là các giác chi. ‘Làm cho giác ngộ (Tam Đạo)’ là các giác chi. ‘Làm cho giác ngộ (Tứ Đạo)’ là các giác chi.
Với ý nghĩa làm cho giác ngộ (Sơ Đạo) là các giác chi. Với ý nghĩa làm cho giác ngộ (Nhị Đạo) là các giác chi. Với ý nghĩa làm cho giác ngộ (Tam Đạo) là các giác chi. Với ý nghĩa làm cho giác ngộ (Tứ Đạo) là các giác chi.
Với ý nghĩa góp phần vào việc làm cho giác ngộ (Sơ Đạo) là các giác chi. Với ý nghĩa góp phần vào việc làm cho giác ngộ (Nhị Đạo) là các giác chi. Với ý nghĩa góp phần vào việc làm cho giác ngộ (Tam Đạo) là các giác chi. Với ý nghĩa góp phần vào việc làm cho giác ngộ (Tứ Đạo) là các giác chi.
Với ý nghĩa nhận lãnh tánh giác là các giác chi. Với ý nghĩa tiếp nhận tánh giác là các giác chi. Với ý nghĩa tạo lập tánh giác là các giác chi. Với ý nghĩa thành lập tánh giác là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn thành tánh giác là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn thiện tánh giác là các giác chi.
Với ý nghĩa của nguồn gốc là các giác chi. Với ý nghĩa hành vi của nguồn gốc là các giác chi. Với ý nghĩa nắm giữ về nguồn gốc là các giác chi. Với ý nghĩa phụ trợ của nguồn gốc là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn bị của nguồn gốc là các giác chi. Với ý nghĩa chín muồi của nguồn gốc là các giác chi. Với ý nghĩa phân tích về nguồn gốc là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn thành việc phân tích về nguồn gốc là các giác chi. Với ý nghĩa bản chất quyền lực ở việc phân tích về nguồn gốc là các giác chi. Với ý nghĩa đạt đến bản chất quyền lực ở việc phân tích về nguồn gốc là các giác chi.
Với ý nghĩa chủng tử là các giác chi. Với ý nghĩa hành vi của chủng tử là các giác chi. Với ý nghĩa nắm giữ về chủng tử là các giác chi. Với ý nghĩa phụ trợ của chủng tử là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn bị của chủng tử là các giác chi. Với ý nghĩa chín muồi của chủng tử là các giác chi. Với ý nghĩa phân tích về chủng tử là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn thành việc phân tích về chủng tử là các giác chi. Với ý nghĩa bản chất quyền lực ở việc phân tích về chủng tử là các giác chi. Với ý nghĩa đạt đến bản chất quyền lực ở việc phân tích về chủng tử là các giác chi.
Với ý nghĩa của duyên là các giác chi. Với ý nghĩa hành vi của duyên là các giác chi. Với ý nghĩa nắm giữ về duyên là các giác chi. Với ý nghĩa phụ trợ của duyên là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn bị của duyên là các giác chi. Với ý nghĩa chín muồi của duyên là các giác chi. Với ý nghĩa phân tích về duyên là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn thành việc phân tích về duyên là các giác chi. Với ý nghĩa bản chất quyền lực ở việc phân tích về duyên là các giác chi. Với ý nghĩa đạt đến bản chất quyền lực ở việc phân tích về duyên là các giác chi.
Với ý nghĩa của sự thanh tịnh là các giác chi. Với ý nghĩa hành vi của sự thanh tịnh là các giác chi. Với ý nghĩa nắm giữ về sự thanh tịnh là các giác chi. Với ý nghĩa phụ trợ của sự thanh tịnh là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn bị của sự thanh tịnh là các giác chi. Với ý nghĩa chín muồi của sự thanh tịnh là các giác chi. Với ý nghĩa phân tích về sự thanh tịnh là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn thành việc phân tích về sự thanh tịnh là các giác chi. Với ý nghĩa bản chất quyền lực ở việc phân tích về sự thanh tịnh là các giác chi. Với ý nghĩa đạt đến bản chất quyền lực ở việc phân tích về sự thanh tịnh là các giác chi.
Với ý nghĩa của sự không sai trái là các giác chi. Với ý nghĩa hành vi của sự không sai trái là các giác chi. Với ý nghĩa nắm giữ về sự không sai trái là các giác chi. Với ý nghĩa phụ trợ của sự không sai trái là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn bị của sự không sai trái là các giác chi. Với ý nghĩa chín muồi của sự không sai trái là các giác chi. Với ý nghĩa phân tích về sự không sai trái là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn thành việc phân tích về sự không sai trái là các giác chi. Với ý nghĩa bản chất quyền lực ở việc phân tích về sự không sai trái là các giác chi. Với ý nghĩa đạt đến bản chất quyền lực ở việc phân tích về sự không sai trái là các giác chi.
Với ý nghĩa của sự thoát ly là các giác chi. Với ý nghĩa hành vi của sự thoát ly là các giác chi. Với ý nghĩa nắm giữ về sự thoát ly là các giác chi. Với ý nghĩa phụ trợ của sự thoát ly là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn bị của sự thoát ly là các giác chi. Với ý nghĩa chín muồi của sự thoát ly là các giác chi. Với ý nghĩa phân tích về sự thoát ly là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn thành việc phân tích về sự thoát ly là các giác chi. Với ý nghĩa bản chất quyền lực ở việc phân tích về sự thoát ly là các giác chi. Với ý nghĩa đạt đến bản chất quyền lực ở việc phân tích về sự thoát ly là các giác chi.
Với ý nghĩa của sự giải thoát là các giác chi. Với ý nghĩa hành vi của sự giải thoát là các giác chi. Với ý nghĩa nắm giữ về sự giải thoát là các giác chi. Với ý nghĩa phụ trợ của sự giải thoát là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn bị của sự giải thoát là các giác chi. Với ý nghĩa chín muồi của sự giải thoát là các giác chi. Với ý nghĩa phân tích về sự giải thoát là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn thành việc phân tích về sự giải thoát là các giác chi. Với ý nghĩa bản chất quyền lực ở việc phân tích về sự giải thoát là các giác chi. Với ý nghĩa đạt đến bản chất quyền lực ở việc phân tích về sự giải thoát là các giác chi.
Với ý nghĩa vô lậu là các giác chi. Với ý nghĩa hành vi của vô lậu là các giác chi. Với ý nghĩa nắm giữ về vô lậu là các giác chi. Với ý nghĩa phụ trợ của vô lậu là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn bị của vô lậu là các giác chi. Với ý nghĩa chín muồi của vô lậu là các giác chi. Với ý nghĩa phân tích về vô lậu là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn thành việc phân tích về vô lậu là các giác chi. Với ý nghĩa bản chất quyền lực ở việc phân tích về vô lậu là các giác chi. Với ý nghĩa đạt đến bản chất quyền lực ở việc phân tích về vô lậu là các giác chi.
Với ý nghĩa của sự viễn ly là các giác chi. Với ý nghĩa hành vi của sự viễn ly là các giác chi. Với ý nghĩa nắm giữ về sự viễn ly là các giác chi. Với ý nghĩa phụ trợ của sự viễn ly là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn bị của sự viễn ly là các giác chi. Với ý nghĩa chín muồi của sự viễn ly là các giác chi. Với ý nghĩa phân tích về sự viễn ly là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn thành việc phân tích về sự viễn ly là các giác chi. Với ý nghĩa bản chất quyền lực ở việc phân tích về sự viễn ly là các giác chi. Với ý nghĩa đạt đến bản chất quyền lực ở việc phân tích về sự viễn ly là các giác chi.
Với ý nghĩa của sự xả ly là các giác chi. Với ý nghĩa hành vi của sự xả ly là các giác chi. Với ý nghĩa nắm giữ về sự xả ly là các giác chi. Với ý nghĩa phụ trợ của sự xả ly là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn bị của sự xả ly là các giác chi. Với ý nghĩa chín muồi của sự xả ly là các giác chi. Với ý nghĩa phân tích về sự xả ly là các giác chi. Với ý nghĩa hoàn thành việc phân tích về sự xả ly là các giác chi. Với ý nghĩa bản chất quyền lực ở việc phân tích về sự xả ly là các giác chi. Với ý nghĩa đạt đến bản chất quyền lực ở việc phân tích về sự xả ly là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa của nguồn gốc’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của chủng tử’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của duyên’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự thanh tịnh’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự không sai trái’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự thoát ly’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự giải thoát’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của vô lậu’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự viễn ly’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự xả ly’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa hành vi của nguồn gốc’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa hành vi của chủng tử’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa hành vi của duyên’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa hành vi của sự thanh tịnh’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa hành vi của sự không sai trái’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa hành vi của sự thoát ly’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa hành vi của sự giải thoát’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa hành vi của vô lậu’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa hành vi của sự viễn ly’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa hành vi của sự xả ly’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa nắm giữ về nguồn gốc’ là các giác chi. ...(nt)... ‘Được giác ngộ ý nghĩa nắm giữ về sự xả ly’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa phụ trợ của nguồn gốc’ là các giác chi. ...(nt)... ‘Được giác ngộ ý nghĩa phụ trợ của sự xả ly’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa hoàn bị của nguồn gốc’ là các giác chi. ...(nt)... ‘Được giác ngộ ý nghĩa hoàn bị của sự xả ly’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa chín muồi của nguồn gốc’ là các giác chi. ...(nt)... ‘Được giác ngộ ý nghĩa chín muồi của sự xả ly’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa phân tích về nguồn gốc’ là các giác chi. ...(nt)... ‘Được giác ngộ ý nghĩa phân tích về sự xả ly’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa hoàn thành việc phân tích về nguồn gốc’ là các giác chi. ...(nt)... ‘Được giác ngộ ý nghĩa hoàn thành việc phân tích về sự xả ly’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa bản chất quyền lực ở việc phân tích về nguồn gốc’ là các giác chi. ...(nt)... ‘Được giác ngộ ý nghĩa bản chất quyền lực ở việc phân tích về sự xả ly’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự nắm giữ’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự phụ trợ’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự hoàn bị’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự chuyên nhất’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự không tản mạn’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự ra sức’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự không tán loạn’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự không xao động’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự không loạn động’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự trụ tâm do thiết lập tính nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của đối tượng (cảnh)’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của hành xứ’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự dứt bỏ’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự buông bỏ’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự thoát ra’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự ly khai’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của tịnh’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự cao quý’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của giải thoát’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của vô lậu’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự vượt qua’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của vô tướng’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của vô nguyện’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của không tánh’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của nhất vị’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự không vượt quá’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự kết hợp chung’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự dẫn xuất’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của chủng tử’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự nhận thức’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của pháp chủ đạo’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa không tản mạn của chỉ tịnh’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa quán xét của minh sát’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa nhất vị của chỉ tịnh và minh sát’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa không vượt quá của sự kết hợp chung’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa thọ trì của việc học tập’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa hành xứ của đối tượng’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa ra sức đối với tâm bị trì trệ’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa kiềm chế đối với tâm bị phóng dật’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa dửng dưng (có trạng thái xả) đối với hai trạng thái (trì trệ và phóng dật) đã được trong sạch’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự đắc chứng thù thắng’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự thấu triệt bậc trên’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự lãnh hội chân lý’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự an lập Niết Bàn’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa cương quyết của tín quyền’ là các giác chi. ...(như trên)... ‘Được giác ngộ ý nghĩa nhận thức của tuệ quyền’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của tính chất không dao động ở sự không có đức tin của tín lực’ là các giác chi. ...(như trên)... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của tính chất không dao động ở vô minh của tuệ lực’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa thiết lập của niệm giác chi’ là các giác chi. ...(như trên)... ‘Được giác ngộ ý nghĩa phân biệt rõ của xả giác chi’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa nhận thức của chánh kiến’ là các giác chi. ...(như trên)... ‘Được giác ngộ ý nghĩa không tản mạn của chánh định’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa chủ đạo của các quyền’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa không thể bị lay chuyển của các lực’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa dẫn xuất (ra khỏi luân hồi)’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa chủng tử của Đạo’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa thiết lập của sự thiết lập niệm’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa nỗ lực của các chánh cần’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa thành tựu của các nền tảng của thần thông’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa thực thể của các chân lý’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa tịnh lặng của các việc thực hành (Thánh Đạo)’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa tác chứng của các Quả’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa đưa tâm (đến đối tượng) của tầm’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa khắn khít (vào đối tượng) của tứ’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa lan tỏa của hỷ’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa tràn ngập của lạc’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa chuyên nhất của tâm (định)’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự hướng tâm’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự nhận biết (của thức)’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự nhận biết (của tuệ)’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự nhận biết (của tưởng)’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự độc nhất’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa đã được biết của sự biết rõ’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa quyết đoán của sự biết toàn diện’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa buông bỏ của sự dứt bỏ’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa nhất vị của sự tu tập’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa chạm đến của sự tác chứng’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa tập hợp của các uẩn’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa bản thể của các giới’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa vị thế của các xứ’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa tạo tác của các pháp hữu vi’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa không tạo tác của Niết Bàn’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa của tâm’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa liên tục của tâm’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa thoát ra của tâm’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa ly khai của tâm’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về chủng tử của tâm’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về duyên của tâm’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về vật nương của tâm’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về lãnh vực của tâm’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về cảnh (đối tượng) của tâm’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về hành xứ của tâm’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về hành vi của tâm’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về cảnh (đã đạt đến) của tâm’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự quyết định của tâm’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự dẫn xuất (ra khỏi cảnh) của tâm’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự xuất ly của tâm’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự hướng tâm ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự nhận biết (của thức) ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự nhận biết (của tuệ) ở nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự nhận biết (của tưởng) ở nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa độc nhất ở nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự bám vào nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự tiến vào nhất thể (đối với sơ thiền)’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự hoan hỷ ở nhất thể (đối với nhị thiền)’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự an trụ ở nhất thể (đối với tam thiền)’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự giải thoát ở nhất thể (đối với tứ thiền)’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự nhận thức ‘Đây là tịnh’ ở nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về việc đã được tạo thành phương tiện ở nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về việc đã được tạo thành nền tảng ở nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về việc đã được thiết lập ở nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về việc đã được tích lũy ở nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về việc đã được khởi đầu tốt đẹp và tĩnh lặng ở nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự nắm giữ ở nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự phụ trợ ở nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự hoàn bị ở nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự liên kết ở nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự khẳng định ở nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự rèn luyện ở nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự tu tập ở nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa về sự làm cho sung mãn ở nhất thể’ ... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự khéo được hiện khởi ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự khéo được giải thoát ở nhất thể’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự được giác ngộ (Sơ Đạo) ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự được giác ngộ (Nhị Đạo) ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự được giác ngộ (Tam Đạo) ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự được giác ngộ (Tứ Đạo) ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự làm cho giác ngộ (Sơ Đạo) ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự làm cho giác ngộ (Nhị Đạo) ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự làm cho giác ngộ (Tam Đạo) ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự làm cho giác ngộ (Tứ Đạo) ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự dự phần làm cho giác ngộ (Sơ Đạo) ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự dự phần làm cho giác ngộ (Nhị Đạo) ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự dự phần làm cho giác ngộ (Tam Đạo) ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự dự phần làm cho giác ngộ (Tứ Đạo) ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự phát quang (Sơ Đạo) ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự phát quang (Nhị Đạo) ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự phát quang (Tam Đạo) ở nhất thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự phát quang (Tứ Đạo) ở nhất thể’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự làm sáng tỏ’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự chói sáng’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa thiêu đốt các phiền não’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa không nhơ bẩn’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa tách rời nhơ bẩn’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa hết nhơ bẩn’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của tĩnh lặng’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của thời điểm’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của tách ly’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của hạnh tách ly’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của ly dục’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của hạnh ly dục’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của diệt tận’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của hạnh diệt tận’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của xả ly’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của hạnh xả ly’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của giải thoát’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của hạnh giải thoát’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa của ước muốn’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa nguồn gốc của ước muốn’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa cơ sở của ước muốn’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa nỗ lực của ước muốn’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa thành tựu của ước muốn’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa cương quyết của ước muốn’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa ra sức của ước muốn’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa thiết lập của ước muốn’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa không tản mạn của ước muốn’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa nhận thức của ước muốn’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa của tinh tấn’ là các giác chi. ...(như trên)... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của tâm’ là các giác chi. ...(như trên)... ‘Được giác ngộ ý nghĩa của thẩm xét’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa nguồn cội của thẩm xét’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa cơ sở của thẩm xét’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa nỗ lực của thẩm xét’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa thành tựu của thẩm xét’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa cương quyết của thẩm xét’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa ra sức của thẩm xét’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa thiết lập của thẩm xét’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa không tản mạn của thẩm xét’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa nhận thức của thẩm xét’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa áp bức của Khổ’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa tạo tác của Khổ’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa nóng nảy của Khổ’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa chuyển biến của Khổ’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của nhân sanh (Khổ)’ ...(nt)... ý nghĩa tích lũy (nghiệp) ...(nt)... ý nghĩa căn nguyên ...(nt)... ý nghĩa ràng buộc ...(nt)... ý nghĩa vướng bận của nhân sanh (Khổ)’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của sự diệt tận (Khổ)’ ...(nt)... ý nghĩa xuất ly ...(nt)... ý nghĩa viễn ly ...(nt)... ý nghĩa không tạo tác ...(nt)... ý nghĩa bất tử của sự diệt tận (Khổ)’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của Đạo’ ...(nt)... ý nghĩa dẫn xuất ...(nt)... ý nghĩa chủng tử ...(nt)... ý nghĩa nhận thức ...(nt)... ý nghĩa pháp chủ đạo của Đạo’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ ý nghĩa của thực thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của vô ngã’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của chân lý’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của thấu triệt’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của biết rõ’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của biết toàn diện’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của hiện tượng’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của bản thể’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của điều đã được biết’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của tác chứng’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của chạm đến’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa của lãnh hội’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ về sự thoát ly’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ về sự không sân độc’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ về sự nghĩ tưởng đến ánh sáng’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ về sự không tản mạn’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ về sự xác định pháp’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ về trí (đối kháng vô minh)’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ về sự hân hoan’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ về sơ thiền’ là các giác chi. ...(như trên)... ‘Được giác ngộ sự chứng đạt về phi tưởng phi phi tưởng xứ’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ sự quán xét về vô thường’ là các giác chi ...(như trên)... ‘Được giác ngộ Đạo Nhập Lưu’ là các giác chi ...(như trên)... ‘Được giác ngộ Đạo A-la-hán’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ sự chứng đạt Quả A-la-hán’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ tín quyền theo ý nghĩa cương quyết’ là các giác chi. ...(như trên)... ‘Được giác ngộ tuệ quyền theo ý nghĩa nhận thức’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ tín lực theo ý nghĩa không dao động ở sự không có đức tin’ là các giác chi. ...(như trên)... ‘Được giác ngộ tuệ lực theo ý nghĩa không dao động ở vô minh’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ niệm giác chi theo ý nghĩa thiết lập’ là các giác chi. ...(như trên)... ‘Được giác ngộ xả giác chi theo ý nghĩa phân biệt rõ’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức’ là các giác chi. ...(như trên)... ‘Được giác ngộ chánh định theo ý nghĩa không tản mạn’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ các quyền theo pháp chủ đạo’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ các lực theo ý nghĩa không thể bị lay chuyển’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ các giác chi theo ý nghĩa dẫn xuất (ra khỏi luân hồi)’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ Đạo theo ý nghĩa chủng tử’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ các sự thiết lập niệm theo ý nghĩa thiết lập’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ ý nghĩa các chánh cần theo ý nghĩa nỗ lực’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ các nền tảng của thần thông theo ý nghĩa thành tựu’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ chân lý theo ý nghĩa thực thể’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ chỉ tịnh theo ý nghĩa không tản mạn’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ minh sát theo ý nghĩa quán xét’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa nhất vị’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ sự kết hợp chung theo ý nghĩa không vượt quá’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ tâm thanh tịnh theo ý nghĩa không tản mạn’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ kiến thanh tịnh theo ý nghĩa nhận thức’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ sự giải thoát theo ý nghĩa thoát khỏi’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ về minh theo ý nghĩa thấu triệt’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ sự giải thoát theo ý nghĩa buông bỏ’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ trí về sự đoạn tận theo ý nghĩa đoạn trừ’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ trí về sự vô sanh theo ý nghĩa tĩnh lặng’ là các giác chi.
‘Được giác ngộ về sự ước muốn theo ý nghĩa nguồn cội’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ về sự tác ý theo ý nghĩa nguồn sanh khởi’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ về xúc theo ý nghĩa liên kết’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ về thọ theo ý nghĩa hội tụ’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ về định theo ý nghĩa dẫn đầu’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ về niệm theo ý nghĩa pháp chủ đạo’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ về tuệ theo ý nghĩa của sự cao thượng trong các pháp thiện’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ về giải thoát theo ý nghĩa cốt lỏi’ là các giác chi. ‘Được giác ngộ về Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc’ là các giác chi.
[Duyên khởi ở Sāvatthī]
Tại nơi ấy, đại đức Sārīputta đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các đại đức tỳ khưu.” “Thưa đại đức.” Các vị tỳ khưu ấy đã trả lời đại đức Sārīputta. Đại đức Sārīputta đã nói điều này:
- Này các đại đức, đây là bảy giác chi. Bảy là gì? Niệm giác chi, trạch pháp giác chi ...(như trên)... xả giác chi. Này các đại đức, đây là bảy giác chi.
Này các đại đức, trong số bảy giác chi này, (nếu) tôi đây mong muốn an trú vào buổi sáng với bất cứ giác chi nào thì tôi an trú vào buổi sáng với chính giác chi ấy. (Nếu) tôi đây mong muốn an trú vào giữa trưa ...(như trên)... vào buổi chiều với bất cứ giác chi nào thì tôi an trú vào buổi chiều với chính giác chi ấy. Này các đại đức, nếu (điều gọi là) ‘niệm giác chi’ hiện hữu ở tôi, là ‘vô lượng’ ở tôi, là ‘khởi đầu thật tĩnh lặng’ ở tôi, và tôi nhận biết về điều ấy đang tồn tại là ‘Nó tồn tại.’ Nếu điều ấy biến mất ở tôi, tôi nhận biết rằng: ‘Nó biến mất ở tôi do duyên ấy.’ Nếu (điều gọi là) ‘trạch pháp giác chi’ ...(như trên)... ‘xả giác chi’ hiện hữu ở tôi, là ‘vô lượng’ ở tôi, là ‘khởi đầu thật tĩnh lặng’ ở tôi, và tôi nhận biết về điều ấy đang tồn tại là ‘Nó tồn tại.’ Nếu điều ấy biến mất ở tôi, tôi nhận biết rằng: ‘Nó biến mất ở tôi do duyên ấy.’
Này các đại đức, cũng giống như trường hợp đức vua hoặc vị quan đại thần của đức vua có chiếc rương đầy các loại vải nhiều màu sắc khác nhau. Nếu vị ấy mong muốn choàng lên vào buổi sáng một cặp vải nào đó thì có thể choàng lên vào buổi sáng chính cặp vải ấy. Nếu vị ấy mong muốn choàng lên vào giữa trưa ...(như trên)... vào buổi chiều một cặp vải nào đó thì có thể choàng lên vào buổi sáng chính cặp vải ấy. Này các đại đức, tương tợ y như thế trong số bảy giác chi này, (nếu) tôi mong muốn an trú vào buổi sáng với bất cứ giác chi nào thì tôi an trú vào buổi sáng với chính giác chi ấy. (Nếu) tôi mong muốn an trú vào giữa trưa ...(như trên)... vào buổi chiều với bất cứ giác chi nào thì tôi an trú vào buổi chiều với chính giác chi ấy. Này các đại đức, nếu (điều gọi là) ‘niệm giác chi’ hiện hữu ở tôi, là ‘vô lượng’ ở tôi, là ‘khởi đầu thật tĩnh lặng’ ở tôi, và tôi nhận biết về điều ấy đang tồn tại là ‘Nó tồn tại.’ Nếu điều ấy biến mất ở tôi, tôi nhận biết rằng: ‘Nó biến mất ở tôi do duyên ấy.’ Nếu (điều gọi là) ‘trạch pháp giác chi’ ...(như trên)... ‘xả giác chi’ hiện hữu ở tôi, là ‘vô lượng’ ở tôi, là ‘khởi đầu thật tĩnh lặng’ ở tôi, và tôi nhận biết về điều ấy đang tồn tại là ‘Nó tồn tại.’ Nếu điều ấy biến mất ở tôi, tôi nhận biết rằng:: ‘Nó biến mất ở tôi do duyên ấy.’
Có giác chi như vầy: “Nếu (điều gọi là) ‘niệm giác chi’ hiện hữu” là (có ý nghĩa) thế nào? Cho đến khi nào sự diệt tận còn được thiết lập thì cho đến khi ấy còn có giác chi như vầy: “Nếu (điều gọi là) ‘niệm giác chi’ hiện hữu.” Cũng giống như đối với cây đèn dầu đang được đốt cháy, cho đến khi nào còn có ngọn lửa thì cho đến khi ấy còn có ánh sáng, cho đến khi nào còn có ánh sáng thì cho đến khi ấy còn có ngọn lửa. Tương tợ y như thế, cho đến khi nào sự diệt tận còn được thiết lập thì cho đến khi ấy còn có giác chi như vầy: “Nếu (điều gọi là) ‘niệm giác chi’ hiện hữu.”
Có giác chi như vầy: “Nếu (niệm giác chi) là ‘vô lượng’” là (có ý nghĩa) thế nào? Các phiền não, toàn bộ các pháp đã xâm nhập, và các hành đưa đến tái sanh là có tính chất hạn lượng; sự diệt tận theo ý nghĩa không thể bị lay chuyển, theo ý nghĩa không tạo tác là vô hạn lượng. Cho đến khi nào sự diệt tận còn được thiết lập thì cho đến khi ấy còn có giác chi như vầy: “Nếu (niệm giác chi) là ‘vô lượng’.”
Có giác chi như vầy: “Nếu (niệm giác chi) là ‘khởi đầu tốt đẹp và tĩnh lặng’” là (có ý nghĩa) thế nào? Các phiền não, toàn bộ các pháp đã xâm nhập, và các hành đưa đến tái sanh là không tĩnh lặng; sự diệt tận theo ý nghĩa thanh tịnh, theo ý nghĩa cao quý là pháp tĩnh lặng. Cho đến khi nào sự diệt tận còn được thiết lập thì cho đến khi ấy còn có giác chi như vầy: “Nếu (niệm giác chi) là ‘khởi đầu tốt đẹp và tĩnh lặng’.”
“Và tôi nhận biết về điều ấy đang tồn tại là ‘Nó tồn tại.’ Nếu điều ấy biến mất, tôi nhận biết rằng ‘Nó biến mất ở tôi do duyên ấy’” là (có ý nghĩa) thế nào? Niệm giác chi tồn tại với bao nhiêu biểu hiện? Niệm giác chi biến mất với bao nhiêu biểu hiện?
Niệm giác chi tồn tại với tám biểu hiện. Niệm giác chi biến mất với tám biểu hiện.
Niệm giác chi tồn tại với tám biểu hiện gì? Do hướng tâm đến sự không sanh khởi, niệm giác chi tồn tại; do không hướng tâm đến sự sanh khởi, niệm giác chi tồn tại; do hướng tâm đến sự không vận hành, niệm giác chi tồn tại; do không hướng tâm đến sự vận hành, niệm giác chi tồn tại; do hướng tâm đến vô tướng, niệm giác chi tồn tại; do không hướng tâm đến hiện tướng, niệm giác chi tồn tại; do hướng tâm đến sự diệt tận, niệm giác chi tồn tại; do không hướng tâm đến các hành, niệm giác chi tồn tại; niệm giác chi tồn tại với tám biểu hiện này.
Niệm giác chi biến mất với tám biểu hiện gì? Do hướng tâm đến sự sanh khởi, niệm giác chi biến mất; do không hướng tâm đến sự không sanh khởi, niệm giác chi biến mất; do hướng tâm đến sự vận hành, niệm giác chi biến mất; do không hướng tâm đến sự không vận hành, niệm giác chi biến mất; do hướng tâm đến hiện tướng, niệm giác chi biến mất; do không hướng tâm đến vô tướng, niệm giác chi biến mất; do hướng tâm đến các hành, niệm giác chi biến mất; do không hướng tâm đến sự diệt tận, niệm giác chi biến mất; niệm giác chi biến mất với tám biểu hiện này.
“Và tôi nhận biết về điều ấy đang tồn tại là ‘Nó tồn tại.’ Nếu điều ấy biến mất, tôi nhận biết rằng ‘Nó biến mất ở tôi do duyên ấy’” là (có ý nghĩa) như thế.
Có giác chi như vầy: “Nếu (điều gọi là) ‘trạch pháp giác chi’ hiện hữu” là (có ý nghĩa) thế nào? ...(như trên)...
Có giác chi như vầy: “Nếu (điều gọi là) ‘xả giác chi’ hiện hữu” là (có ý nghĩa) thế nào? Cho đến khi nào sự diệt tận còn được thiết lập thì cho đến khi ấy còn hiện hữu giác chi như vầy: “Nếu (điều gọi là) ‘xả giác chi’ hiện hữu.” Cũng giống như đối với cây đèn dầu đang được đốt cháy, cho đến khi nào còn có ngọn lửa thì cho đến khi ấy còn có ánh sáng, cho đến khi nào còn có ánh sáng thì cho đến khi ấy còn có ngọn lửa. Tương tợ y như thế, cho đến khi nào sự diệt tận còn được thiết lập thì cho đến khi ấy còn có giác chi như vầy: “Nếu (điều gọi là) ‘xả giác chi’ hiện hữu.”
Có giác chi như vầy: “Nếu (xả giác chi) là ‘vô lượng’” là (có ý nghĩa) thế nào? Các phiền não, toàn bộ các pháp đã xâm nhập, và các hành đưa đến tái sanh là có tính chất hạn lượng; sự diệt tận theo ý nghĩa không thể bị lay chuyển, theo ý nghĩa không tạo tác là vô hạn lượng. Cho đến khi nào sự diệt tận còn được thiết lập thì cho đến khi ấy còn có giác chi như vầy: “Nếu (xả giác chi) là ‘vô lượng’.”
Có giác chi như vầy: “Nếu (xả giác chi) là ‘khởi đầu tốt đẹp và tĩnh lặng’” là (có ý nghĩa) thế nào? Các phiền não, toàn bộ các pháp đã xâm nhập, và các hành đưa đến tái sanh là không tĩnh lặng; sự diệt tận theo ý nghĩa thanh tịnh, theo ý nghĩa cao quý là pháp tĩnh lặng. Cho đến khi nào sự diệt tận còn được thiết lập thì cho đến khi ấy còn có giác chi như vầy: “Nếu (xả giác chi) là ‘khởi đầu tốt đẹp và tĩnh lặng’.”
“Và tôi nhận biết về điều ấy đang tồn tại là ‘Nó tồn tại.’ Nếu điều ấy biến mất, tôi nhận biết rằng: ‘Nó biến mất ở tôi do duyên ấy’” là (có ý nghĩa) thế nào? Xả giác chi tồn tại với bao nhiêu biểu hiện? Xả giác chi biến mất với bao nhiêu biểu hiện?
Xả giác chi tồn tại với tám biểu hiện. Xả giác chi biến mất với tám biểu hiện.
Xả giác chi tồn tại với tám biểu hiện gì? Do hướng tâm đến sự không sanh khởi, xả giác chi tồn tại; do không hướng tâm đến sự sanh khởi, xả giác chi tồn tại; do hướng tâm đến sự không vận hành, xả giác chi tồn tại; do không hướng tâm đến sự vận hành, xả giác chi tồn tại; do hướng tâm đến vô tướng, xả giác chi tồn tại; do không hướng tâm đến hiện tướng, xả giác chi tồn tại; do hướng tâm đến sự diệt tận, xả giác chi tồn tại; do không hướng tâm đến các hành, xả giác chi tồn tại. Xả giác chi tồn tại với tám biểu hiện này.
Xả giác chi biến mất với tám biểu hiện gì? Do hướng tâm đến sự sanh khởi, xả giác chi biến mất; do không hướng tâm đến sự không sanh khởi, xả giác chi biến mất; do hướng tâm đến sự vận hành, xả giác chi biến mất; do không hướng tâm đến sự không vận hành, xả giác chi biến mất; do hướng tâm đến hiện tướng, xả giác chi biến mất; do không hướng tâm đến vô tướng, xả giác chi biến mất; do hướng tâm đến các hành, xả giác chi biến mất; do không hướng tâm đến sự diệt tận, xả giác chi biến mất. Xả giác chi biến mất với tám biểu hiện này.
“Và tôi nhận biết về điều ấy đang tồn tại là ‘Nó tồn tại.’ Nếu điều ấy biến mất, tôi nhận biết rằng: ‘Nó biến mất ở tôi do duyên ấy’” là (có ý nghĩa) như thế.
Phần Giảng về Giác Chi được đầy đủ.
--ooOoo--
[1] ‘Liên quan ba trường hợp này, có sự nhận thức, suy nghĩ, lời nói, hành động, sự nuôi mạng, sự tinh tấn, niệm, định’ là nói về việc vận hành do tác động của sự thấu triệt về nhân sanh (Khổ), về Khổ, và về sự diệt tận (Khổ) (PṭsA. 3, 598).
[2] Bujjhati: được giác ngộ (Sơ Đạo, Đạo Nhập Lưu), anubujjhati: được giác ngộ (Nhị Đạo, Đạo Nhất Lai), paṭibujjhati: được giác ngộ (Tam Đạo, Đạo Bất Lai), sambujjhati: được giác ngộ (Tứ Đạo, Đạo A-la-hán). Bốn từ giác ngộ theo thứ bậc này đều có chung từ gốc √budh + ya + ti có nghĩa thụ động là ‘được giác ngộ’ áp dụng cho trường hợp chứng ngộ Đạo đầu tiên. Ba trường hợp sau có thêm các tiếp đầu ngữ anu (theo sau, kế tiếp), paṭi (hướng về, hướng đến), saṃ (hoàn toàn). Do không chọn được từ dịch thích hợp nên ghi đầy đủ nghĩa như vậy.
[Duyên khởi ở Sāvatthī]
“Này các tỳ khưu, khi từ tâm giải thoát[1]là được rèn luyện, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tạo thành phương tiện, được tạo thành nền tảng, được thiết lập, được tích lũy, được khởi đầu tốt đẹp và tĩnh lặng, mười một điều lợi ích là có thể mong mỏi. Mười một là gì? (Vị ấy) ngủ an lạc, thức dậy an lạc, không nhìn thấy mộng mị xấu xa, được loài người thương mến, được phi nhân thương mến, chư Thiên hộ trì, lửa hoặc thuốc độc hoặc dao gươm không hại được vị ấy, tâm được định nhanh chóng, sắc mặt trầm tỉnh, từ trần không mê mờ, (nếu) chưa thấu triệt pháp tối thượng thì được sanh về thế giới Phạm thiên. Này các tỳ khưu, khi từ tâm giải thoát là được rèn luyện, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tạo thành phương tiện, được tạo thành nền tảng, được thiết lập, được tích lũy, được khởi đầu tốt đẹp và tĩnh lặng, mười một điều lợi ích này là có thể mong mỏi.
Có (loại) từ tâm giải thoát có sự lan tỏa không giới hạn, có (loại) từ tâm giải thoát có sự lan tỏa giới hạn, có (loại) từ tâm giải thoát có sự lan tỏa khắp các phương.
Từ tâm giải thoát có sự lan tỏa không giới hạn là với bao nhiêu biểu hiện? Từ tâm giải thoát có sự lan tỏa giới hạn là với bao nhiêu biểu hiện? Từ tâm giải thoát có sự lan tỏa khắp các phương là với bao nhiêu biểu hiện?
Từ tâm giải thoát có sự lan tỏa không giới hạn là với năm biểu hiện. Từ tâm giải thoát có sự lan tỏa giới hạn là với bảy biểu hiện. Từ tâm giải thoát có sự lan tỏa khắp các phương là với mười biểu hiện.
Từ tâm giải thoát có sự lan tỏa không giới hạn là với năm biểu hiện gì? ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, không độc hại, không khổ sở, hãy sống được an lạc cho bản thân. Tất cả các sinh mạng ...(nt)... Tất cả các hiện hữu ...(nt)... Tất cả các cá nhân ...(nt)... Tất cả các hạng có bản ngã hãy là không thù nghịch, không độc hại, không khổ sở, hãy sống được an lạc cho bản thân.’ Từ tâm giải thoát có sự lan tỏa không giới hạn là với năm biểu hiện này.
Từ tâm giải thoát có sự lan tỏa giới hạn là với bảy biểu hiện gì? ‘Tất cả nữ nhân hãy là không thù nghịch, không độc hại, không khổ sở, hãy sống được an lạc cho bản thân. Tất cả nam nhân ... Tất cả Thánh nhân ... Tất cả phàm nhân ... Tất cả chư thiên ... Tất cả loài người ... Tất cả hàng đọa xứ hãy là không thù nghịch, không độc hại, không khổ sở, hãy sống được an lạc cho bản thân.’ Từ tâm giải thoát có sự lan tỏa giới hạn là với bảy biểu hiện này.
Từ tâm giải thoát có sự lan tỏa khắp các hướng là với mười biểu hiện gì? ‘Tất cả chúng sanh ở hướng đông hãy là không thù nghịch, không độc hại, không khổ sở, hãy sống được an lạc cho bản thân. Tất cả chúng sanh ở hướng tây ... Tất cả chúng sanh ở hướng bắc ... Tất cả chúng sanh ở hướng nam ... Tất cả chúng sanh ở hướng đông nam ... Tất cả chúng sanh ở hướng tây bắc ... Tất cả chúng sanh ở hướng đông bắc ... Tất cả chúng sanh ở hướng tây nam ... Tất cả chúng sanh ở hướng dưới ... Tất cả chúng sanh ở hướng trên hãy là không thù nghịch, không độc hại, không khổ sở, hãy sống được an lạc cho bản thân.’ ‘Tất cả các sinh mạng ở hướng đông ... các hiện hữu ... các cá nhân ... các hạng có bản ngã ... Tất cả nữ nhân ... Tất cả nam nhân ... Tất cả Thánh nhân ... Tất cả phàm nhân ... Tất cả chư thiên ... Tất cả loài người ... Tất cả hàng đọa xứ ở hướng đông ... Tất cả hàng đọa xứ ở hướng tây ... Tất cả hàng đọa xứ ở hướng bắc ... Tất cả hàng đọa xứ ở hướng nam ... Tất cả hàng đọa xứ ở hướng đông nam ... Tất cả hàng đọa xứ ở hướng tây bắc ... Tất cả hàng đọa xứ ở hướng đông bắc ... Tất cả hàng đọa xứ ở hướng tây nam ... Tất cả hàng đọa xứ ở hướng dưới ...(như trên)... Tất cả hàng đọa xứ ở hướng trên hãy là không thù nghịch, không độc hại, không khổ sở, hãy sống được an lạc cho bản thân.’ Từ tâm giải thoát có sự lan tỏa khắp các hướng là với mười biểu hiện này.
Đối với tất cả chúng sanh, xua đi sự áp bức bằng sự không áp bức, xua đi sự hãm hại bằng sự không hãm hại, xua đi sự bực bội bằng sự không bực bội, xua đi sự hủy hoại bằng sự không hủy hoại, xua đi sự quấy rối bằng sự không quấy rối rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch chớ có thù nghịch, hãy được an lạc chớ bị khổ đau, bản thân hãy được an lạc bản thân chớ bị khổ đau.’ ‘Thể hiện từ ái đến tất cả chúng sanh với tám biểu hiện này’ là từ ái. ‘Suy xét về pháp ấy’ là tâm. ‘Được giải thoát khỏi sự xâm nhập của tất cả các độc hại’ là giải thoát. ‘Từ ái và tâm và giải thoát’ là từ tâm giải thoát.
Cương quyết với đức tin rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi tín quyền.
Ra sức tinh tấn rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi tấn quyền.
Thiết lập niệm rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi niệm quyền.
Tập trung tâm rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi định quyền.
Nhận biết bằng tuệ rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi tuệ quyền.
Năm quyền này là sự rèn luyện của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được rèn luyện nhờ vào năm quyền này. Năm quyền này là sự tu tập của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được tu tập nhờ vào năm quyền này. Năm quyền này là được làm cho sung mãn nhờ vào từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được làm cho sung mãn nhờ vào năm quyền này. Năm quyền này là sự tô điểm của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được tô điểm khéo léo nhờ vào năm quyền này. Năm quyền này là sự bảo trì của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được bảo trì tốt đẹp nhờ vào năm quyền này. Năm quyền này là sự phụ trợ của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được phụ trợ tốt đẹp nhờ vào năm quyền này.
Đối với từ tâm giải thoát, năm quyền này là sự rèn luyện, là sự tu tập, là được làm cho sung mãn, là sự tô điểm, là sự bảo trì, là sự phụ trợ, là có sự toàn vẹn, là đồng hành, là đồng sanh, là đã được nối liền, là đã được liên kết, là sự tiến vào, là sự tạo niềm tin, là sự an trụ, là sự giải thoát, là sự chạm đến ‘Điều này là an tịnh,’ là đã được tạo thành phương tiện, là đã được tạo thành nền tảng, là đã được thiết lập, là đã được tích lũy, là đã được khởi đầu tốt đẹp và tĩnh lặng, là đã được tu tập tốt đẹp, là đã được khẳng định tốt đẹp, là đã được hiện khởi tốt đẹp, là đã được giải thoát tốt đẹp; chúng làm cho sanh trưởng, làm cho sáng tỏ, làm cho rạng rỡ.
(Khi tác ý) rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc,’ như thế (vị ấy) không rung động bởi sự không có đức tin; từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi tín lực.
(Khi tác ý) rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc,’ như thế (vị ấy) không rung động bởi sự biếng nhác; từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi tấn lực.
(Khi tác ý) rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc,’ như thế (vị ấy) không rung động bởi sự buông lung; từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi niệm lực.
(Khi tác ý) rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc,’ như thế (vị ấy) không rung động bởi sự phóng dật; từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi định lực.
(Khi tác ý) rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc,’ như thế (vị ấy) không rung động bởi vô minh; từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi tuệ lực.
Năm lực này là sự rèn luyện của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được rèn luyện nhờ vào năm lực này. Năm lực này là sự tu tập của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được tu tập nhờ vào năm lực này. Năm lực này là được làm cho sung mãn nhờ vào từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được làm cho sung mãn nhờ vào năm lực này. Năm lực này là sự tô điểm của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được tô điểm khéo léo nhờ vào năm lực này. Năm lực này là sự bảo trì của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được bảo trì tốt đẹp nhờ vào năm lực này. Năm lực này là sự phụ trợ của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được phụ trợ tốt đẹp nhờ vào năm lực này.
Đối với từ tâm giải thoát, năm quyền này là sự rèn luyện, là sự tu tập, đã được làm cho sung mãn, là sự tô điểm, là sự bảo trì, là sự phụ trợ, là có sự toàn vẹn, là đồng hành, là đồng sanh, là đã được nối liền, là đã được liên kết, là sự tiến vào, là sự tạo niềm tin, là sự an trụ, là sự giải thoát, là sự chạm đến ‘Điều này là an tịnh,’ là đã được tạo thành phương tiện, là đã được tạo thành nền tảng, là đã được thiết lập, là đã được tích lũy, là đã được khởi đầu tốt đẹp và tĩnh lặng, là đã được tu tập tốt đẹp, là đã được khẳng định tốt đẹp, là đã được hiện khởi tốt đẹp, là đã được giải thoát tốt đẹp; chúng làm cho sanh trưởng, làm cho sáng tỏ, làm cho rạng rỡ.
Thiết lập niệm rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi niệm giác chi.
Suy xét bằng tuệ rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi trạch pháp giác chi.
Ra sức tinh tấn rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi cần giác chi.
Làm an tịnh sự bực bội rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi hỷ giác chi.
Làm an tịnh sự thô xấu rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi tịnh giác chi.
Tập trung tâm rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi định giác chi.
Phân biệt rõ các phiền não bằng trí rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi xả giác chi.
Bảy giác chi này là sự rèn luyện của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được rèn luyện nhờ vào bảy giác chi này.
Bảy giác chi này là sự tu tập của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được tu tập nhờ vào bảy giác chi này.
Bảy giác chi này là được làm cho sung mãn nhờ vào từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được làm cho sung mãn nhờ vào bảy giác chi này.
Bảy giác chi này là sự tô điểm của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được tô điểm khéo léo nhờ vào bảy giác chi này.
Bảy giác chi này là sự bảo trì của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được bảo trì tốt đẹp nhờ vào bảy giác chi này.
Bảy giác chi này là sự phụ trợ của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được phụ trợ tốt đẹp nhờ vào bảy giác chi này.
Đối với từ tâm giảì thoát, bảy giác chi này là sự rèn luyện, là sự tu tập, đã được làm cho sung mãn, là sự tô điểm, là sự bảo trì, là sự phụ trợ, có sự toàn vẹn, là đồng hành, là đồng sanh, là đã được nối liền, là đã được liên kết, là sự tiến vào, là sự tạo niềm tin, là sự an trụ, là sự giải thoát, là sự chạm đến ‘Điều này là an tịnh,’ là đã được tạo thành phương tiện, là đã được tạo thành nền tảng, là đã được thiết lập, là đã được tích lũy, là đã được khởi đầu tốt đẹp và tĩnh lặng, là đã được tu tập tốt đẹp, là đã được khẳng định tốt đẹp, là đã được hiện khởi tốt đẹp, là đã được giải thoát tốt đẹp; chúng làm cho sanh trưởng, làm cho sáng tỏ, làm cho rạng rỡ.
Nhận thức đúng đắn rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi chánh kiến.
Gắn chặt đúng đắn (tâm vào cảnh) rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi chánh tư duy.
Gìn giữ đúng đắn rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi chánh ngữ.
Làm cho sanh khởi đúng đắn rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi chánh nghiệp.
Làm cho trong sạch rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi chánh mạng.
Ra sức đúng đắn rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi chánh tinh tấn.
Thiết lập đúng đắn rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi chánh niệm.
Tập trung (tâm) đúng đắn rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi chánh định.
Tám chi đạo này là sự rèn luyện của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được rèn luyện nhờ vào tám chi đạo này. Tám chi đạo này là sự tu tập của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được tu tập nhờ vào tám chi đạo này. Tám chi đạo này là được làm cho sung mãn nhờ vào từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được làm cho sung mãn nhờ vào tám chi đạo này. Tám chi đạo này là sự tô điểm của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được tô điểm khéo léo nhờ vào tám chi đạo này. Tám chi đạo này là sự bảo trì của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được bảo trì tốt đẹp nhờ vào tám chi đạo này. Tám chi đạo này là sự phụ trợ của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được phụ trợ tốt đẹp nhờ vào tám chi đạo này.
Đối với từ tâm giải thoát, tám chi đạo này là sự rèn luyện, là sự tu tập, đã được làm cho sung mãn, là sự tô điểm, là sự bảo trì, là sự phụ trợ, có sự toàn vẹn, là đồng hành, là đồng sanh, là đã được nối liền, là đã được liên kết, là sự tiến vào, là sự tạo niềm tin, là sự an trụ, là sự giải thoát, là sự chạm đến ‘Điều này là an tịnh,’ là đã được tạo thành phương tiện, là đã được tạo thành nền tảng, là đã được thiết lập, là đã được tích lũy, là đã được khởi đầu tốt đẹp và tĩnh lặng, là đã được tu tập tốt đẹp, là đã được khẳng định tốt đẹp, là đã được hiện khởi tốt đẹp, là đã được giải thoát tốt đẹp; chúng làm cho sanh trưởng, làm cho sáng tỏ, làm cho rạng rỡ.
Đối với tất cả các sinh mạng ... Đối với tất cả các hiện hữu ... Đối với tất cả các cá nhân ... Đối với tất cả các hạng có bản ngã ... Đối với tất cả nữ nhân ... Đối với tất cả nam nhân ... Đối với tất cả Thánh nhân ... Đối với tất cả phàm nhân ... Đối với tất cả chư thiên ... Đối với tất cả loài người ... Đối với tất cả hàng đọa xứ, xua đi sự áp bức bằng sự không áp bức, xua đi sự hãm hại bằng sự không hãm hại, xua đi sự bực bội bằng sự không bực bội, xua đi sự hủy hoại bằng sự không hủy hoại, xua đi sự quấy rối bằng sự không quấy rối rằng: ‘Tất cả chúng sanh hãy là không thù nghịch chớ có thù nghịch, hãy được an lạc chớ bị khổ đau, bản thân hãy được an lạc bản thân chớ bị khổ đau.’ ‘Thể hiện từ ái đến tất cả hàng đọa xứ với tám biểu hiện này’ là từ ái. ‘Suy xét về pháp ấy’ là tâm. ‘Được giải thoát khỏi sự xâm nhập của tất cả các độc hại’ là giải thoát. ‘Từ ái và tâm và giải thoát’ là từ tâm giải thoát.
Cương quyết với đức tin rằng: ‘Tất cả hàng đọa xứ hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi tín quyền ...(như trên)...; chúng làm cho sanh trưởng, làm cho sáng tỏ, làm cho rạng rỡ.
Đối với tất cả chúng sanh ở hướng đông ... Đối với tất cả chúng sanh ở hướng tây ... Đối với tất cả chúng sanh ở hướng bắc ... Đối với tất cả chúng sanh ở hướng nam ... Đối với tất cả chúng sanh ở hướng đông nam ... Đối với tất cả chúng sanh ở hướng tây bắc ... Đối với tất cả chúng sanh ở hướng đông bắc ... Đối với tất cả chúng sanh ở hướng tây nam ... Đối với tất cả chúng sanh ở hướng dưới ... Đối với tất cả chúng sanh ở hướng trên, xua đi sự áp bức bằng sự không áp bức, xua đi sự hãm hại bằng sự không hãm hại, xua đi sự bực bội bằng sự không bực bội, xua đi sự hủy hoại bằng sự không hủy hoại, xua đi sự quấy rối bằng sự không quấy rối rằng: ‘Tất cả chúng sanh ở hướng trên hãy là không thù nghịch chớ có thù nghịch, hãy được an lạc chớ bị khổ đau, bản thân hãy được an lạc bản thân chớ bị khổ đau.’ ‘Thể hiện từ ái đến tất cả hàng đọa xứ với tám biểu hiện này’ là từ ái. ‘Suy xét về pháp ấy’ là tâm. ‘Được giải thoát khỏi sự xâm nhập của tất cả các độc hại’ là giải thoát. ‘Từ ái và tâm và giải thoát’ là từ tâm giải thoát.
Cương quyết với đức tin rằng: ‘Tất cả hàng đọa xứ ở hướng trên hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi tín quyền ...(như trên)...; chúng làm cho sanh trưởng, làm cho sáng tỏ, làm cho rạng rỡ.
Đối với tất cả các sinh mạng ở hướng đông ... Đối với tất cả các hiện hữu ... Đối với tất cả các cá nhân ... Đối với tất cả các hạng có bản ngã ... Đối với tất cả nữ nhân ... Đối với tất cả nam nhân ... Đối với tất cả Thánh nhân ... Đối với tất cả phàm nhân ... Đối với tất cả chư thiên ... Đối với tất cả loài người ... Đối với tất cả hàng đọa xứ ... Đối với tất cả hàng đọa xứ ở hướng tây ... Đối với tất cả hàng đọa xứ ở hướng bắc ... Đối với tất cả hàng đọa xứ ở hướng nam ... Đối với tất cả hàng đọa xứ ở hướng đông nam ... Đối với tất cả hàng đọa xứ ở hướng tây bắc ... Đối với tất cả hàng đọa xứ ở hướng đông bắc ... Đối với tất cả hàng đọa xứ ở hướng tây nam ... Đối với tất cả hàng đọa xứ ở hướng dưới ... Đối với tất cả hàng đọa xứ ở hướng trên, xua đi sự áp bức bằng sự không áp bức, xua đi sự hãm hại bằng sự không hãm hại, xua đi sự bực bội bằng sự không bực bội, xua đi sự hủy hoại bằng sự không hủy hoại, xua đi sự quấy rối bằng sự không quấy rối rằng: ‘Tất cả hàng đọa xứ ở hướng trên hãy là không thù nghịch chớ có thù nghịch, hãy được an lạc chớ bị khổ đau, bản thân hãy được an lạc bản thân chớ bị khổ đau.’ ‘Thể hiện từ ái đến tất cả hàng đọa xứ với tám biểu hiện này’ là từ ái. ‘Suy xét về pháp ấy’ là tâm. ‘Được giải thoát khỏi sự xâm nhập của tất cả các độc hại’ là giải thoát. ‘Từ ái và tâm và giải thoát’ là từ tâm giải thoát.
Cương quyết với đức tin rằng: ‘Tất cả hàng đọa xứ ở hướng trên hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi tín quyền. Ra sức tinh tấn rằng: ‘Tất cả hàng đọa xứ ở hướng trên hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi tấn quyền. Thiết lập niệm rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi niệm quyền. Tập trung tâm rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi định quyền. Nhận biết bằng tuệ rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi tuệ quyền.
Năm quyền này là sự rèn luyện của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được rèn luyện nhờ vào năm quyền này. ...(như trên)...; chúng làm cho sanh trưởng, làm cho sáng tỏ, làm cho rạng rỡ.
Không dao động ở sự không có đức tin rằng: ‘Tất cả hàng đọa xứ ở hướng trên hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi tín quyền. Không dao động ở sự biếng nhác rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi tấn lực. Không dao động ở sự buông lung rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi niệm lực. Không dao động ở sự phóng dật rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi định lực. Không dao động ở vô minh rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi tuệ lực.
Năm lực này là sự rèn luyện của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được rèn luyện nhờ vào năm quyền này. ...(như trên)...; chúng làm cho sanh trưởng, làm cho sáng tỏ, làm cho rạng rỡ.
Thiết lập niệm rằng: ‘Tất cả hàng đọa xứ ở hướng trên hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi niệm giác chi. Suy xét bằng tuệ rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi trạch pháp giác chi. Ra sức tinh tấn rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi cần giác chi. Làm an tịnh sự bực bội rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi hỷ giác chi. Làm an tịnh sự thô xấu rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi tịnh giác chi. Tập trung tâm rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi định giác chi. Phân biệt rõ các phiền não bằng trí rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi xả giác chi.
Bảy giác chi này là sự rèn luyện của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được rèn luyện nhờ bảy giác chi này. ...(như trên)...; chúng làm cho sanh trưởng, làm cho sáng tỏ, làm cho rạng rỡ.
Nhận thức đúng đắn rằng: ‘Tất cả hàng đọa xứ ở hướng trên hãy là không thù nghịch, được yên ổn, được an lạc;’ như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi chánh kiến. Gắn chặt đúng đắn (tâm vào cảnh) rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi chánh tư duy. Gìn giữ đúng đắn rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi chánh ngữ. Làm cho sanh khởi đúng đắn rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi chánh nghiệp. Làm cho trong sạch rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi chánh mạng. Ra sức đúng đắn rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi chánh tinh tấn. Thiết lập đúng đắn rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi chánh niệm. Tập trung (tâm) đúng đắn rằng: ...(như trên)... như thế từ tâm giải thoát là được tăng cường bởi chánh định.
Tám chi đạo này là sự rèn luyện của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được rèn luyện nhờ vào tám chi đạo này. ...(như trên)... Tám chi đạo này là sự phụ trợ của từ tâm giải thoát, từ tâm giải thoát được phụ trợ tốt đẹp nhờ vào tám chi đạo này.
Đối với từ tâm giải thoát, tám chi đạo này là sự rèn luyện, là sự tu tập, đã được làm cho sung mãn, là sự tô điểm, là sự bảo trì, là sự phụ trợ, có sự toàn vẹn, là đồng hành, là đồng sanh, là đã được nối liền, là đã được liên kết, là sự tiến vào, là sự tạo niềm tin, là sự an trụ, là sự giải thoát, là sự chạm đến ‘Điều này là an tịnh,’ là đã được tạo thành phương tiện, là đã được tạo thành nền tảng, là đã được thiết lập, là đã được tích lũy, là đã được khởi đầu tốt đẹp và tĩnh lặng, là đã được tu tập tốt đẹp, là đã được khẳng định tốt đẹp, là đã được hiện khởi tốt đẹp, là đã được giải thoát tốt đẹp; chúng làm cho sanh trưởng, làm cho sáng tỏ, làm cho rạng rỡ.
Phần Giảng về Từ Ái được đầy đủ.
--ooOoo--
Ly tham ái là Đạo, sự giải thoát là Quả.
Ly tham ái là Đạo là (có ý nghĩa) thế nào? Vào sát-na Đạo Nhập Lưu, chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức loại bỏ tà kiến, loại bỏ các phiền não xu hướng theo điều ấy và các uẩn, loại bỏ tất cả các hiện tướng ở ngoại phần.
Ly tham ái có đối tượng là ly tham ái, có hành xứ là ly tham ái, được hiện khởi ở ly tham ái, được tồn tại ở ly tham ái, được thiết lập ở ly tham ái.[2]
Ly tham ái: Có hai ly tham ái: Niết Bàn là ly tham ái, và tất cả các pháp sanh lên từ đối tượng Niết Bàn đều là ly tham ái. ‘Bảy chi phần đồng sanh đi đến ly tham ái,’[3]như thế ly tham ái là đạo lộ. ‘Bằng đạo lộ ấy, chư Phật và các Thinh Văn đi đến Niết Bàn là hướng chưa đi,’ như thế là đạo lộ có tám chi phần. ‘Cho đến các đạo lộ của các học thuyết khác của số đông Sa-môn và Bà-la-môn, chính Thánh Đạo tám chi phần này là tột đỉnh, hạng nhất, dẫn đầu, tối thượng, và ưu tú,’ như thế trong số các đạo lộ, tám chi phần là hạng nhất.
Chánh tư duy, theo ý nghĩa gắn chặt (tâm vào cảnh), loại bỏ tà tư duy. ...(như trên)... Chánh ngữ, theo ý nghĩa gìn giữ, loại bỏ tà ngữ. ...(như trên)... Chánh nghiệp, theo ý nghĩa nguồn sanh khởi, loại bỏ tà nghiệp. ...(như trên)... Chánh mạng, theo ý nghĩa trong sạch, loại bỏ tà mạng. ...(như trên)... Chánh tinh tấn, theo ý nghĩa ra sức, loại bỏ tà tinh tấn. ...(như trên)... Chánh niệm, theo ý nghĩa thiết lập, loại bỏ tà niệm. ...(như trên)... Chánh định, theo ý nghĩa không tản mạn, loại bỏ tà định, loại bỏ các phiền não xu hướng theo điều ấy và các uẩn, loại bỏ tất cả các hiện tướng ở ngoại phần. Ly tham ái có đối tượng là ly tham ái, có hành xứ là ly tham ái, được hiện khởi ở ly tham ái, được tồn tại ở ly tham ái, được thiết lập ở ly tham ái.
Ly tham ái: Có hai ly tham ái: Niết Bàn là ly tham ái, và tất cả các pháp sanh lên từ đối tượng Niết Bàn đều là ly tham ái. ‘Bảy chi phần đồng sanh đi đến ly tham ái,’ như thế ly tham ái là đạo lộ. ‘Bằng đạo lộ ấy, chư Phật và các Thinh Văn đi đến Niết Bàn là hướng chưa đi,’ như thế là đạo lộ có tám chi phần. ‘Cho đến các đạo lộ của các học thuyết khác của số đông Sa-môn và Bà-la-môn, chính Thánh Đạo tám chi phần này là tột đỉnh, hạng nhất, dẫn đầu, tối thượng, và ưu tú,’ như thế trong số các đạo lộ, tám chi phần là hạng nhất.
Vào sát-na Đạo Nhất Lai, chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức ...(như trên)... Chánh định theo ý nghĩa không tản mạn loại bỏ sự ràng buộc của ái dục, sự ràng buộc của bất bình có tính chất thô thiển, ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất thô thiển, loại bỏ các phiền não xu hướng theo điều ấy và các uẩn, loại bỏ tất cả các hiện tướng ở ngoại phần. Ly tham ái có đối tượng là ly tham ái, có hành xứ là ly tham ái, được hiện khởi ở ly tham ái, được tồn tại ở ly tham ái, được thiết lập ở ly tham ái.
Ly tham ái: Có hai ly tham ái: Niết Bàn là ly tham ái, và tất cả các pháp sanh lên từ đối tượng Niết Bàn đều là ly tham ái. ‘Bảy chi phần đồng sanh đi đến ly tham ái,’ như thế ly tham ái là đạo lộ. ‘Bằng đạo lộ ấy, chư Phật và các Thinh Văn đi đến Niết Bàn là hướng chưa đi,’ như thế là đạo lộ có tám chi phần. ‘Cho đến các đạo lộ của các học thuyết khác của số đông Sa-môn và Bà-la-môn, chính Thánh Đạo tám chi phần này là tột đỉnh, hạng nhất, dẫn đầu, tối thượng, và ưu tú;’ như thế trong số các đạo lộ, tám chi phần là hạng nhất.
Vào sát-na Đạo Bất Lai, chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức ...(như trên)... Chánh định theo ý nghĩa không tản mạn loại bỏ sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất vi tế, ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất vi tế loại bỏ các phiền não xu hướng theo điều ấy và các uẩn, loại bỏ tất cả các hiện tướng ở ngoại phần. Ly tham ái có đối tượng là ly tham ái ...(như trên)... như thế trong số các đạo lộ, tám chi phần là hạng nhất.
Vào sát-na Đạo A-la-hán, chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức ...(nt)... Chánh định theo ý nghĩa không tản mạn loại bỏ ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật, vô minh, ngã mạn ngủ ngầm, ái hữu ngủ ngầm, vô minh ngủ ngầm, loại bỏ các phiền não xu hướng theo điều ấy và các uẩn, loại bỏ tất cả các hiện tướng ở ngoại phần. Ly tham ái có đối tượng là ly tham ái, có hành xứ là ly tham ái, được hiện khởi ở ly tham ái, được tồn tại ở ly tham ái, được thiết lập ở ly tham ái.
Ly tham ái: Có hai ly tham ái: Niết Bàn là ly tham ái, và tất cả các pháp sanh lên từ đối tượng Niết Bàn đều là ly tham ái. ‘Bảy chi phần đồng sanh đi đến ly tham ái,’ như thế ly tham ái là đạo lộ. ‘Bằng đạo lộ ấy, chư Phật và các Thinh Văn đi đến Niết Bàn là hướng chưa đi,’ như thế là đạo lộ có tám chi phần. ‘Cho đến các đạo lộ của các học thuyết khác của số đông Sa-môn và Bà-la-môn, chính Thánh Đạo tám chi phần này là tột đỉnh, hạng nhất, dẫn đầu, tối thượng, và ưu tú,’ như thế trong số các đạo lộ, tám chi phần là hạng nhất.
Ly tham ái là nhận thức, tức là chánh kiến. Ly tham ái là sự gắn chặt (tâm vào cảnh), tức là chánh tư duy. Ly tham ái là sự gìn giữ, tức là chánh ngữ. Ly tham ái là nguồn sanh khởi, tức là chánh nghiệp. Ly tham ái là sự trong sạch, tức là chánh mạng. Ly tham ái là sự ra sức, tức là chánh tinh tấn. Ly tham ái là sự thiết lập, tức là chánh niệm. Ly tham ái là sự không tản mạn, tức là chánh định.
Ly tham ái là sự thiết lập, tức là niệm giác chi. Ly tham ái là sự suy xét, tức là trạch pháp giác chi. Ly tham ái là sự ra sức, tức là cần giác chi. Ly tham ái là sự lan tỏa, tức là hỷ giác chi. Ly tham ái là sự an tịnh, tức là tịnh giác chi. Ly tham ái là sự không tản mạn, tức là định giác chi. Ly tham ái là sự phân biệt rõ, tức là xả giác chi.
Ly tham ái là không dao động ở sự không có đức tin, tức là tín lực. Ly tham ái là không dao động ở sự biếng nhác, tức là tấn lực. Ly tham ái là không dao động ở sự buông lung, tức là niệm lực. Ly tham ái là không dao động ở sự phóng dật, tức là định lực. Ly tham ái là không dao động ở sự vô minh, tức là tuệ lực.
Ly tham ái là sự cương quyết, tức là tín quyền. Ly tham ái là sự ra sức, tức là tấn quyền. Ly tham ái là sự thiết lập, tức là niệm quyền. Ly tham ái là sự không tản mạn, tức là định quyền. Ly tham ái là sự nhận thức, tức là tuệ quyền.
Các quyền, theo ý nghĩa chủ đạo, là ly tham ái. Lực, theo ý nghĩa không thể bị lay chuyển, là ly tham ái. Các giác chi, theo ý nghĩa dẫn xuất, là ly tham ái. Đạo, theo ý nghĩ chủng tử, là ly tham ái. Sự thiết lập niệm, theo ý nghĩa thiết lập, là ly tham ái. Các chân lý, theo ý nghĩa của thực thể, là ly tham ái. Chỉ tịnh, theo ý nghĩa không tản mạn, là ly tham ái. Minh sát theo ý nghĩa quán xét, là ly tham ái. Chỉ tịnh và minh sát, theo ý nghĩa nhất vị, là ly tham ái. Sự kết hợp chung, theo ý nghĩa không vượt quá, là ly tham ái. Giới thanh tịnh, theo ý nghĩa thu thúc, là ly tham ái. Tâm thanh tịnh, theo ý nghĩa không tản mạn, là ly tham ái. Kiến thanh tịnh, theo ý nghĩa nhận thức, là ly tham ái. Giải thoát, theo ý nghĩa thoát khỏi, là ly tham ái. Minh, theo ý nghĩa thấu triệt, là ly tham ái. Giải thoát, theo ý nghĩa buông bỏ, là ly tham ái. Trí về sự đoạn tận, theo ý nghĩa đoạn trừ, là ly tham ái. Ước muốn, theo ý nghĩa nguồn cội, là ly tham ái. Tác ý, theo ý nghĩa nguồn sanh khởi, là ly tham ái. Xúc, theo ý nghĩa liên kết, là ly tham ái. Thọ, theo ý nghĩahội tụ, là ly tham ái. Định, theo ý nghĩa dẫn đầu, là ly tham ái. Niệm, theo ý nghĩa chủ đạo, là ly tham ái. Tuệ, theo ý nghĩa cao thượng trong các pháp thiện, là ly tham ái. Giải thoát, theo ý nghĩa của cốt lỏi, là ly tham ái. Niết Bàn liên quan đến bất tử, theo ý nghĩa kết thúc, là ly tham ái.
Sự nhận thức là Đạo, tức là chánh kiến. Sự gắn chặt (tâm vào cảnh) là Đạo, tức là chánh tư duy ...nt)... Niết Bàn liên quan đến bất tử, theo ý nghĩa kết thúc, là Đạo. Ly tham ái là Đạo là (có ý nghĩa) như thế.
Sự giải thoát là Quả là (có ý nghĩa) thế nào? Vào sát-na Đạo Nhập Lưu, chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức được giải thoát khỏi tà kiến, được giải thoát khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và khỏi các uẩn, được giải thoát khỏi tất cả các hiện tướng ở ngoại phần. Sự giải thoát có đối tượng là giải thoát, có hành xứ là giải thoát, được hiện khởi ở giải thoát, được tồn tại ở giải thoát, được thiết lập ở giải thoát.
Sự giải thoát: Có hai sự giải thoát: ‘Niết Bàn là sự giải thoát, và tất cả các pháp sanh lên từ đối tượng Niết Bàn đều là sự giải thoát;’ như thế, giải thoát là Quả.
Chánh tư duy, theo ý nghĩa gắn chặt (tâm vào cảnh), giải thoát khỏi tà tư duy, giải thoát khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và các uẩn, giải thoát khỏi tất cả các hiện tướng ngoại phần. Sự giải thoát có đối tượng là giải thoát, có hành xứ là giải thoát, được hiện khởi ở giải thoát, được tồn tại ở giải thoát, được thiết lập ở giải thoát.
Sự giải thoát: Có hai sự giải thoát: ‘Niết Bàn là sự giải thoát, và tất cả các pháp sanh lên từ đối tượng Niết Bàn đều là sự giải thoát;’ như thế, giải thoát là Quả.
Chánh ngữ, theo ý nghĩa gìn giữ, giải thoát khỏi tà ngữ ... Chánh nghiệp, theo ý nghĩa nguồn sanh khởi, giải thoát khỏi tà nghiệp ... Chánh mạng, theo ý nghĩa trong sạch, giải thoát khỏi tà mạng ... Chánh tinh tấn, theo ý nghĩa ra sức, giải thoát khỏi tà tinh tấn ... Chánh niệm, theo ý nghĩa thiết lập, giải thoát khỏi tà niệm ... Chánh định, theo ý nghĩa không tản mạn, giải thoát khỏi tà định, giải thoát khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và khỏi các uẩn, giải thoát khỏi tất cả các hiện tướng ở ngoại phần. Sự giải thoát có đối tượng là giải thoát, có hành xứ là giải thoát, được hiện khởi ở giải thoát, được tồn tại ở giải thoát, được thiết lập ở giải thoát.
Sự giải thoát: Có hai sự giải thoát: ‘Niết Bàn là sự giải thoát, và tất cả các pháp sanh lên từ đối tượng Niết Bàn đều là sự giải thoát;’ như thế, sự giải thoát là Quả.
Vào sát-na Quả Nhất Lai, chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức ...(như trên)... Chánh định theo ý nghĩa không tản mạn giải thoát khỏi sự ràng buộc của ái dục, sự ràng buộc của bất bình có tính chất thô thiển, ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất thô thiển, giải thoát khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và khỏi các uẩn, giải thoát khỏi tất cả các hiện tướng ở ngoại phần. Sự giải thoát có đối tượng là giải thoát, có hành xứ là giải thoát, được hiện khởi ở giải thoát, được tồn tại ở giải thoát, được thiết lập ở giải thoát.
Sự giải thoát: Có hai sự giải thoát: ‘Niết Bàn là sự giải thoát, và tất cả các pháp sanh lên từ đối tượng Niết Bàn đều là sự giải thoát;’ như thế, giải thoát là Quả.
Vào sát-na Quả Bất Lai, chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức ...(như trên)... Chánh định theo ý nghĩa không tản mạn giải thoát khỏi sự ràng buộc của ái dục và sự ràng buộc của bất bình có tính chất vi tế, ái dục ngủ ngầm và bất bình ngủ ngầm có tính chất vi tế giải thoát khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và khỏi các uẩn, giải thoát khỏi tất cả các hiện tướng ở ngoại phần. Sự giải thoát có đối tượng là giải thoát, có hành xứ là giải thoát, được hiện khởi ở giải thoát, được tồn tại ở giải thoát, được thiết lập ở giải thoát.
Sự giải thoát: Có hai sự giải thoát: ...(nt)... giải thoát là Quả.
Vào sát-na Quả A-la-hán, chánh kiến theo ý nghĩa nhận thức ...(như trên)... Chánh định theo ý nghĩa không tản mạn giải thoát khỏi ái sắc, ái vô sắc, ngã mạn, phóng dật, vô minh, ngã mạn ngủ ngầm, ái hữu ngủ ngầm, vô minh ngủ ngầm, giải thoát khỏi các phiền não xu hướng theo điều ấy và khỏi các uẩn, giải thoát khỏi tất cả các hiện tướng ở ngoại phần. Sự giải thoát có đối tượng là giải thoát, có hành xứ là giải thoát, được tồn tại ở giải thoát, được thiết lập ở giải thoát.
Sự giải thoát: Có hai sự giải thoát: ‘Niết Bàn là sự giải thoát, và tất cả các pháp sanh lên từ đối tượng Niết Bàn đều là sự giải thoát;’ như thế, giải thoát là Quả.
Giải thoát là sự nhận thức, tức là chánh kiến. ...(như trên)... Giải thoát là sự không tản mạn, tức là chánh định. Giải thoát là sự thiết lập, tức là niệm giác chi. ...(như trên)... Giải thoát là sự phân biệt rõ, tức là xả giác chi. Giải thoát là không dao động ở sự không có đức tin, tức là tín lực. ...(như trên)... Giải thoát là không dao động ở vô minh, tức là tuệ lực. Giải thoát là sự cương quyết, tức là tín quyền ...(như trên)... Giải thoát là sự nhận thức, tức là tuệ quyền.
Các quyền, theo ý nghĩa chủ đạo, là sự giải thoát. Các lực, theo ý nghĩa không bị dao động, là sự giải thoát. Các giác chi, theo ý nghĩa dẫn xuất, là sự giải thoát. Đạo, theo ý nghĩ chủng tử, là sự giải thoát. Sự thiết lập niệm, theo ý nghĩa thiết lập, là sự giải thoát. Chánh cần, theo ý nghĩa nỗ lực là sự giải thoát. Các nền tảng của thần thông, theo ý nghĩa thành tựu, là sự giải thoát. Các chân lý, theo ý nghĩa thực thể, là sự giải thoát. Chỉ tịnh, theo ý nghĩa không tản mạn, là sự giải thoát. Minh sát theo ý nghĩa quán xét, là sự giải thoát. Chỉ tịnh và minh sát, theo ý nghĩa nhất vị, là sự giải thoát. Sự kết hợp chung, theo ý nghĩa không vượt quá, là sự giải thoát. Giới thanh tịnh, theo ý nghĩa thu thúc, là sự giải thoát. Tâm thanh tịnh, theo ý nghĩa không tản mạn, là sự giải thoát. Kiến thanh tịnh, theo ý nghĩa nhận thức, là sự giải thoát. Giải thoát, theo ý nghĩa thoát khỏi, là sự giải thoát. Minh, theo ý nghĩa thấu triệt, là sự giải thoát. Giải thoát, theo ý nghĩa buông bỏ, là sự giải thoát. Trí về vô thủ, theo ý nghĩa an tịnh, là sự giải thoát. Ước muốn, theo ý nghĩa nguồn cội, là sự giải thoát. Tác ý, theo ý nghĩa nguồn sanh khởi, là sự giải thoát. Xúc, theo ý nghĩa liên kết, là sự giải thoát. Thọ, theo ý nghĩa hội tụ, là sự giải thoát. Định, theo ý nghĩa dẫn đầu, là sự giải thoát. Niệm, theo ý nghĩa chủ đạo, là sự giải thoát. Tuệ, theo ý nghĩa cao thượng trong các pháp thiện, là sự giải thoát. Giải thoát, theo ý nghĩa của cốt lỏi, là sự giải thoát. Niết Bàn liên quan đến bất tử, theo ý nghĩa kết thúc, là sự giải thoát. Sự giải thoát là Quả là (có ý nghĩa) như thế.
Ly tham ái là Đạo, sự giải thoát là Quả là (có ý nghĩa) như thế.
Phần Giảng về Ly Tham Ái được đầy đủ.
--ooOoo--
Tôi đã được nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại Bārāṇasī, Isipatana, nơi vườn nai. Tại đó, đức Thế Tôn đã nói với các vị tỳ khưu nhóm năm vị rằng:
- Này các tỳ khưu, đây là hai cực đoan mà bậc xuất gia không nên thực hành. Hai là gì? Đây là sự say đắm về dục lạc trong các dục, kém cỏi, thô thiển, tầm thường, không cao thượng, không đem lại lợi ích, và đây là sự gắn bó với việc hành hạ bản thân, đau khổ, không cao thượng, không đem lại lợi ích. Này các tỳ khưu, sau khi không tiếp cận cả hai cực đoan ấy, lối thực hành trung hòa đã được đức Như lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn.
Và này các tỳ khưu, lối thực hành trung hòa đã được đức Như lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn, (lối thực hành trung hòa) ấy là gì? Đó chính là Thánh Đạo tám chi phần tức là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh cần, chánh niệm, chánh định. Này các tỳ khưu, lối thực hành trung hòa ấy đã được đức Như lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn.
Này các tỳ khưu, đây là chân lý cao thượng tức là sự Khổ: sanh là khổ, già cũng là khổ, bệnh cũng là khổ, chết cũng là khổ, sự gắn bó với những gì không ưa thích cũng là khổ, sự chia lìa với những gì ưa thích cũng là khổ, không đạt được điều ước muốn cũng là khổ, một cách tóm tắt năm thủ uẩn là khổ.
Này các tỳ khưu, đây là chân lý cao thượng tức là nhân sanh của Khổ. Điều ấy chính là ái đưa đến tái sanh, liên kết với khoái lạc và tham ái, có sự thỏa thích ở nơi này nơi khác tức là: dục ái, hữu ái, phi hữu ái.
Này các tỳ khưu, đây là chân lý cao thượng tức là sự diệt tận Khổ. Điều ấy là sự diệt tận và ly tham ái không còn dư sót, là sự buông bỏ, là sự từ bỏ, là sự giải thoát, là sự không còn chỗ nương tựa đối với chính ái ấy.
Này các tỳ khưu, đây là chân lý cao thượng tức là sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ. Đó chính là Thánh Đạo tám chi phần tức là chánh kiến ...(như trên)... chánh định.
Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là sự Khổ.’ Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là sự Khổ cần được biết toàn diện.’ ...(như trên)... đã được biết toàn diện.’
Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là nhân sanh Khổ.’ Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là nhân sanh Khổ cần được dứt bỏ.’ ...(như trên)... đã được dứt bỏ.’
Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là sự diệt tận Khổ.’ Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là sự diệt tận Khổ cần được tác chứng.’ ...(như trên)... đã được tác chứng.’
Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.’ Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ cần được tu tập.’ ...(như trên)... đã được tu tập.’
Này các tỳ khưu, cho đến khi nào sự biết và thấy đúng theo thực thể của ta về ba Luân và mười hai Thể của bốn chân lý cao thượng này chưa được thực sự thanh tịnh; này các tỳ khưu, cho đến khi ấy ta chưa công bố là ‘Đã hoàn toàn giác ngộ quả vô thượng Chánh Đẳng Giác’ ở thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người. Và này các tỳ khưu, bởi vì sự biết và thấy đúng theo thực thể của ta về ba Luân và mười hai Thể trong bốn chân lý cao thượng này đã được thực sự thanh tịnh; này các tỳ khưu, khi ấy ta đã công bố là ‘Đã hoàn toàn giác ngộ quả vô thượng Chánh Đẳng Giác’ ở thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người. Hơn nữa, sự biết và thấy đã sanh khởi đến ta rằng: ‘Sự giải thoát của ta là không thể thay đổi. Đây là lần sanh cuối cùng, giờ không còn tái sanh nữa.’
Đức Thế Tôn đã giảng về điều ấy. Các tỳ khưu nhóm năm vị đã hoan hỷ thâu nhận lời dạy của đức Thế Tôn. Và trong khi bài kinh này được thuyết giảng, Pháp nhãn không nhiễm bụi trần, không vết nhơ đã sanh khởi đến đại đức Koṇḍañña: ‘Điều gì có bản tánh được sanh lên, toàn bộ điều ấy đều có bản tánh hoại diệt.’
Khi bánh xe Pháp được chuyển vận bởi đức Thế Tôn, chư thiên ở địa cầu đã đồn đãi lời rằng: ‘Bánh xe Pháp tối thượng ấy đã được đức Thế Tôn chuyển vận tại Bārāṇasī, Isipatana, nơi vườn nai không thể bị chuyển vận nghịch lại bởi Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên nhân, Ma Vương, Phạm thiên, hoặc bất cứ ai ở trên đời.’ Sau khi nghe được tiếng đồn của chư thiên ở địa cầu, chư thiên ở cõi Tứ Đại Thiên Vương đã đồn đãi lời rằng: ...(như trên)... Sau khi nghe được tiếng đồn của chư thiên ở cõi Tứ Đại Thiên Vương, chư thiên ở cõi Đạo Lợi đã đồn đãi lời rằng: ...(như trên)... chư thiên ở cõi Dạ Ma ...(như trên)... chư thiên ở cõi Đẩu Suất ...(như trên)... chư thiên ở cõi Hóa Lạc Thiên ...(như trên)... chư thiên ở cõi Tha Hóa Tự Tại ...(như trên)... chư thiên thuộc hàng Phạm thiên đã đồn đãi lời rằng: ‘Bánh xe Pháp tối thượng ấy đã được đức Thế Tôn chuyển vận tại Bārāṇasī, Isipatana, nơi vườn nai không thể bị chuyển vận nghịch lại bởi Sa-môn, Bà-la-môn, thiên nhân, Ma Vương, Phạm thiên, hoặc bất cứ ai ở trên đời.’
Vào thời khắc ấy, vào giây phút ấy, lời đồn đãi ấy đã đi đến các cõi trời Phạm thiên. Và mười ngàn thế giới này đã bị lay chuyển, rung động, chấn động. Và ánh sáng vô lượng tuyệt vời đã hiện ra ở thế gian, vượt quá hào quang siêu phàm của chư thiên.
Khi ấy, đức Thế Tôn đã thốt lên lời cảm hứng này: ‘Quà nhiên Koṇḍañña đã hiểu được! Quà nhiên Koṇḍañña đã hiểu được!’ Do đó, đại đức Koṇḍañña đã có tên là ‘Aññākoṇḍañña.’[4]
(Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là sự Khổ.’
‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Trí đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Tuệ đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Minh đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa nhận thức. ‘Trí đã sanh khởi’ theo ý nghĩa đã được biết. ‘Tuệ đã sanh khởi’ theo ý nghĩa nhận biết. ‘Minh đã sanh khởi’ theo ý nghĩa thấu triệt. ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa chiếu sáng.
(Pháp) nhãn là pháp, trí là pháp, tuệ là pháp, minh là pháp, ánh sáng là pháp. Năm pháp này vừa là đối tượng vừa là hành xứ của sự phân tích các pháp. Các đối tượng của việc ấy cũng là các hành xứ của việc ấy, các hành xứ của việc ấy cũng là các đối tượng của việc ấy. Vì thế, được nói rằng: “Trí về các pháp là sự phân tích các pháp.”
Ý nghĩa của sự nhận thức là ý nghĩa, ý nghĩa của điều đã được biết là ý nghĩa, ý nghĩa của sự nhận biết là ý nghĩa, ý nghĩa của sự thấu triệt là ý nghĩa, ý nghĩa của chiếu sáng là ý nghĩa. Năm ý nghĩa này vừa là đối tượng vừa là hành xứ của sự phân tích các ý nghĩa. Các đối tượng của việc ấy cũng là các hành xứ của việc ấy, các hành xứ của việc ấy cũng là các đối tượng của việc ấy. Vì thế, được nói rằng: “Trí về các ý nghĩa là sự phân tích các ý nghĩa.”
Nói đến văn tự và ngôn từ để chỉ rõ về năm pháp. Nói đến văn tự và ngôn từ để chỉ rõ về năm ý nghĩa. Mười ngôn từ này vừa là đối tượng vừa là hành xứ của sự phân tích các ngôn từ. Các đối tượng của việc ấy cũng là các hành xứ của việc ấy, các hành xứ của việc ấy cũng là các đối tượng của việc ấy. Vì thế, được nói rằng: “Trí về các ngôn từ là sự phân tích các ngôn từ.”
Các trí về năm pháp, các trí về năm ý nghĩa, các trí về mười ngôn từ; hai mươi trí này vừa là đối tượng vừa là hành xứ của sự phân tích các phép biện giải. Các đối tượng của việc ấy cũng là các hành xứ của việc ấy, các hành xứ của việc ấy cũng là các đối tượng của việc ấy. Vì thế, được nói rằng: “Trí về các phép biện giải là sự phân tích các phép biện giải.”
(Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là sự Khổ cần được biết toàn diện.’ ...(như trên)... đã được biết toàn diện.’
‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Trí đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Tuệ đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Minh đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa nhận thức. ‘Trí đã sanh khởi’ theo ý nghĩa đã được biết. ‘Tuệ đã sanh khởi’ theo ý nghĩa nhận biết. ‘Minh đã sanh khởi’ theo ý nghĩa thấu triệt. ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa chiếu sáng.
(Pháp) nhãn là pháp, trí là pháp, tuệ là pháp, minh là pháp, ánh sáng là pháp. Năm pháp này vừa là đối tượng vừa là hành xứ của sự phân tích các pháp. Các đối tượng của việc ấy cũng là các hành xứ của việc ấy, các hành xứ của việc ấy cũng là các đối tượng của việc ấy. Vì thế, được nói rằng: “Trí về các pháp là sự phân tích các pháp.”
Ý nghĩa của sự nhận thức là ý nghĩa, ý nghĩa của điều đã được biết là ý nghĩa, ý nghĩa của sự nhận biết là ý nghĩa, ý nghĩa của sự thấu triệt là ý nghĩa, ý nghĩa của chiếu sáng là ý nghĩa. Năm ý nghĩa này vừa là đối tượng vừa là hành xứ của sự phân tích các ý nghĩa. Các đối tượng của việc ấy cũng là các hành xứ của việc ấy, các hành xứ của việc ấy cũng là các đối tượng của việc ấy. Vì thế, được nói rằng: “Trí về các ý nghĩa là sự phân tích các ý nghĩa.”
Nói đến văn tự và ngôn từ để chỉ rõ về năm pháp. Nói đến văn tự và ngôn từ để chỉ rõ về năm ý nghĩa. Mười ngôn từ này vừa là đối tượng vừa là hành xứ của sự phân tích các ngôn từ. Các đối tượng của việc ấy cũng là các hành xứ của việc ấy, các hành xứ của việc ấy cũng là các đối tượng của việc ấy. Vì thế, được nói rằng: “Trí về các ngôn từ là sự phân tích các ngôn từ.”
Các trí về năm pháp, các trí về năm ý nghĩa, các trí về mười ngôn từ; hai mươi trí này vừa là đối tượng vừa là hành xứ của sự phân tích các phép biện giải. Các đối tượng của việc ấy cũng là các hành xứ của việc ấy, các hành xứ của việc ấy cũng là các đối tượng của việc ấy. Vì thế, được nói rằng: “Trí về các phép biện giải là sự phân tích các phép biện giải.”
Ở chân lý cao thượng tức là sự Khổ có 15 pháp, 15 ý nghĩa, 30 ngôn từ, và 60 trí.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là nhân sanh Khổ.’ ...(như trên)... (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là nhân sanh Khổ cần được dứt bỏ.’ ...(như trên)... đã được dứt bỏ.’ ...(như trên)...
Ở chân lý cao thượng tức là nhân sanh Khổ có 15 pháp, 15 ý nghĩa, 30 ngôn từ, và 60 trí.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là sự diệt tận Khổ.’ ...(như trên)... (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là sự diệt tận Khổ cần được tác chứng.’ ...(như trên)... đã được tác chứng.’ ...(như trên)...
Ở chân lý cao thượng tức là sự diệt tận Khổ có 15 pháp, 15 ý nghĩa, 30 ngôn từ, và 60 trí.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ.’ ...(như trên)... (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ cần được tu tập.’ ...(như trên)... đã được tu tập.’ ...(như trên)...
Ở chân lý cao thượng tức là sự thực hành đưa đến sự diệt tận Khổ có 15 pháp, 15 ý nghĩa, 30 ngôn từ, và 60 trí.
Ở bốn chân lý cao thượng có 60 pháp, 60 ý nghĩa, 120 ngôn từ, và 240 trí.
Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là sự quán xét thân trên thân.’ Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Sự quán xét thân trên thân này đây cần được tu tập ...(như trên)... đã được tu tập.’
Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là sự quán xét thọ trên các thọ.’ ... tâm trên tâm.’ ... pháp trên các pháp.’ Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Sự quán xét pháp trên các pháp này đây cần được tu tập ...(như trên)... đã được tu tập.’
(Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là sự quán xét thân trên thân.’ ...(như trên)... (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Sự quán xét thân trên thân này đây cần được tu tập ...(như trên)... đã được tu tập.’
‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Trí đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Tuệ đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Minh đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa nhận thức. ‘Trí đã sanh khởi’ theo ý nghĩa đã được biết. ‘Tuệ đã sanh khởi’ theo ý nghĩa nhận biết. ‘Minh đã sanh khởi’ theo ý nghĩa thấu triệt. ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa chiếu sáng.
(Pháp) nhãn là pháp, trí là pháp, tuệ là pháp, minh là pháp, ánh sáng là pháp. Năm pháp này vừa là đối tượng vừa là hành xứ của sự phân tích các pháp. Các đối tượng của việc ấy cũng là các hành xứ của việc ấy, các hành xứ của việc ấy cũng là các đối tượng của việc ấy. Vì thế, được nói rằng: “Trí về các pháp là sự phân tích các pháp.”
Ý nghĩa của sự nhận thức là ý nghĩa, ý nghĩa của điều đã được biết là ý nghĩa, ý nghĩa của sự nhận biết là ý nghĩa, ý nghĩa của sự thấu triệt là ý nghĩa, ý nghĩa của chiếu sáng là ý nghĩa. Năm ý nghĩa này vừa là đối tượng vừa là hành xứ của sự phân tích các ý nghĩa. Các đối tượng của việc ấy cũng là các hành xứ của việc ấy, các hành xứ của việc ấy cũng là các đối tượng của việc ấy. Vì thế, được nói rằng: “Trí về các ý nghĩa là sự phân tích các ý nghĩa.”
Nói đến văn tự và ngôn từ để chỉ rõ về năm pháp. Nói đến văn tự và ngôn từ để chỉ rõ về năm ý nghĩa. Mười ngôn từ này vừa là đối tượng vừa là hành xứ của sự phân tích các ngôn từ. Các đối tượng của việc ấy cũng là các hành xứ của việc ấy, các hành xứ của việc ấy cũng là các đối tượng của việc ấy. Vì thế, được nói rằng: “Trí về các ngôn từ là sự phân tích các ngôn từ.”
Các trí về năm pháp, các trí về năm ý nghĩa, các trí về mười ngôn từ; hai mươi trí này vừa là đối tượng vừa là hành xứ của sự phân tích các phép biện giải. Các đối tượng của việc ấy cũng là các hành xứ của việc ấy, các hành xứ của việc ấy cũng là các đối tượng của việc ấy. Vì thế, được nói rằng: “Trí về các phép biện giải là sự phân tích các phép biện giải.”
Ở sự thiết lập niệm về quán thân trên thân có 15 pháp, 15 ý nghĩa, 30 ngôn từ, và 60 trí.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là sự quán xét thọ trên các thọ.’ ... tâm trên tâm.’ ... pháp trên các pháp.’ ...(như trên)... (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Sự quán xét pháp trên các pháp này đây cần được tu tập ...(như trên)... đã được tu tập.’ ...(như trên)... Ở sự thiết lập niệm về quán pháp trên các pháp có 15 pháp, 15 ý nghĩa, 30 ngôn từ, và 60 trí.
Ở bốn sự thiết lập niệm có 60 pháp, 60 ý nghĩa, 120 ngôn từ, và 240 trí.
Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn và các tạo tác do nỗ lực.’ Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn và các tạo tác do nỗ lực này đây cần được tu tập ...(như trên)... đã được tu tập.’
Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do tinh tấn ... định do tâm ... định do thẩm xét và các tạo tác do nỗ lực.’ Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do thẩm xét và các tạo tác do nỗ lực này đây cần được tu tập ...(như trên)... đã được tu tập.’
(Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn và các tạo tác do nỗ lực.’ ...(như trên)... (Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn và các tạo tác do nỗ lực này đây cần được tu tập ...(như trên)... đã được tu tập.’
‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Trí đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Tuệ đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Minh đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa nhận thức. ‘Trí đã sanh khởi’ theo ý nghĩa đã được biết. ‘Tuệ đã sanh khởi’ theo ý nghĩa nhận biết. ‘Minh đã sanh khởi’ theo ý nghĩa thấu triệt. ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa chiếu sáng.
(Pháp) nhãn là pháp, trí là pháp, tuệ là pháp, minh là pháp, ánh sáng là pháp. Năm pháp này vừa là đối tượng vừa là hành xứ của sự phân tích các pháp. Các đối tượng của việc ấy cũng là các hành xứ của việc ấy, các hành xứ của việc ấy cũng là các đối tượng của việc ấy. Vì thế, được nói rằng: “Trí về các pháp là sự phân tích các pháp.”
Ý nghĩa của sự nhận thức là ý nghĩa, ý nghĩa của điều đã được biết là ý nghĩa, ý nghĩa của sự nhận biết là ý nghĩa, ý nghĩa của sự thấu triệt là ý nghĩa, ý nghĩa của chiếu sáng là ý nghĩa. Năm ý nghĩa này vừa là đối tượng vừa là hành xứ của sự phân tích các ý nghĩa. Các đối tượng của việc ấy cũng là các hành xứ của việc ấy, các hành xứ của việc ấy cũng là các đối tượng của việc ấy. Vì thế, được nói rằng: “Trí về các ý nghĩa là sự phân tích các ý nghĩa.”
Nói đến văn tự và ngôn từ để chỉ rõ về năm pháp. Nói đến văn tự và ngôn từ để chỉ rõ về năm ý nghĩa. Mười ngôn từ này vừa là đối tượng vừa là hành xứ của sự phân tích các ngôn từ. Các đối tượng của việc ấy cũng là các hành xứ của việc ấy, các hành xứ của việc ấy cũng là các đối tượng của việc ấy. Vì thế, được nói rằng: “Trí về các ngôn từ là sự phân tích các ngôn từ.”
Các trí về năm pháp, các trí về năm ý nghĩa, các trí về mười ngôn từ; hai mươi trí này vừa là đối tượng vừa là hành xứ của sự phân tích các phép biện giải. Các đối tượng của việc ấy cũng là các hành xứ của việc ấy, các hành xứ của việc ấy cũng là các đối tượng của việc ấy. Vì thế, được nói rằng: “Trí về các phép biện giải là sự phân tích các phép biện giải.”
Ở nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn và các tạo tác do nỗ lực có 15 pháp, 15 ý nghĩa, 30 ngôn từ, và 60 trí.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do thẩm xét và các tạo tác do nỗ lực.’ ...(như trên)... (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do thẩm xét và các tạo tác do nỗ lực này đây cần được tu tập ...(như trên)... đã được tu tập.’ Ở nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do thẩm xét và các tạo tác do nỗ lực có 15 pháp, 15 ý nghĩa, 30 ngôn từ, và 60 trí.
Ở bốn nền tảng của thần thông có 60 pháp, 60 ý nghĩa, 120 ngôn từ, và 240 trí.
Này các tỳ khưu, Bồ Tát Vipassī có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Nhân sanh, nhân sanh.’ Này các tỳ khưu, Bồ Tát Vipassī có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Sự diệt tận, sự diệt tận.’ Ở lời tuyên bố của Bồ Tát Vipassī có 10 pháp, 10 ý nghĩa, 20 ngôn từ, và 40 trí.
Này các tỳ khưu, Bồ Tát Sikhī ... Bồ Tát Vessabhū ... Bồ Tát Kakusandha ... Bồ Tát Koṇāgamana ... Bồ Tát Kassapa có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Nhân sanh, nhân sanh.’ Này các tỳ khưu, Bồ Tát Kassapa có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Sự diệt tận, sự diệt tận.’ Ở lời tuyên bố của Bồ Tát Kassapa có 10 pháp, 10 ý nghĩa, 20 ngôn từ, và 40 trí.
Này các tỳ khưu, Bồ Tát Gotama có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Nhân sanh, nhân sanh.’ Này các tỳ khưu, Bồ Tát Gotama có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Sự diệt tận, sự diệt tận.’ Ở lời tuyên bố của Bồ Tát Gotama có 10 pháp, 10 ý nghĩa, 20 ngôn từ, và 40 trí.
Ở bảy lời tuyên bố của bảy vị Bồ Tát có 70 pháp, 70 ý nghĩa, 140 ngôn từ, và 280 trí.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi: ‘Cho đến ý nghĩa biết rõ của sự biết rõ là đã được biết, đã được thấy, đã được hiểu, đã được tác chứng, đã được chạm đến bởi tuệ. Không có ý nghĩa của sự biết rõ là không được chạm đến bởi tuệ.’ Ở ý nghĩa biết rõ của sự biết rõ có 25 pháp, 25 ý nghĩa, 50 ngôn từ, và 100 trí.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi: ‘Cho đến ý nghĩa biết toàn diện của sự biết toàn diện ...(như trên)... ‘Cho đến ý nghĩa dứt bỏ của sự dứt bỏ ...(như trên)... Cho đến ý nghĩa về tu tập của sự tu tập ...(như trên)... Cho đến ý nghĩa về tác chứng của sự tác chứng là đã được biết, đã được thấy, đã được hiểu, đã được tác chứng, đã được chạm đến bởi tuệ. Không có ý nghĩa tác chứng là không được chạm đến bởi tuệ.’ Ở ý nghĩa về tác chứng của sự tác chứng có 25 pháp, 25 ý nghĩa, 50 ngôn từ, và 100 trí.
Ở ý nghĩa biết rõ của sự biết rõ, về ý nghĩa biết toàn diện của sự biết toàn diện, về ý nghĩa dứt bỏ của sự dứt bỏ, về ý nghĩa tu tập của sự tu tập, về ý nghĩa về tác chứng của sự tác chứng có 125 pháp, 125 ý nghĩa, 250 ngôn từ, và 500 trí.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi: ‘Cho đến ý nghĩa về uẩn của các uẩn là đã được biết, đã được thấy, đã được hiểu, đã được tác chứng, đã được chạm đến bởi tuệ. Không có ý nghĩa về uẩn là không được chạm đến bởi tuệ.’ Ở ý nghĩa về uẩn của các uẩn có 25 pháp, 25 ý nghĩa, 50 ngôn từ, và 100 trí.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi: ‘Cho đến ý nghĩa về giới của các giới ... ‘Cho đến ý nghĩa về xứ của các xứ ... Cho đến ý nghĩa tạo tác của các tạo tác ... Cho đến ý nghĩa không tạo tác của không tạo tác là đã được biết, đã được thấy, đã được hiểu, đã được tác chứng, đã được chạm đến bởi tuệ. Không có ý nghĩa của không tạo tác là không được chạm đến bởi tuệ.’ Ở ý nghĩa không tạo tác của không tạo tác có 25 pháp, 25 ý nghĩa, 50 ngôn từ, và 100 trí.
Ở ý nghĩa về uẩn của các uẩn, ở ý nghĩa về giới của các giới, ở ý nghĩa về xứ của các xứ, ở ý nghĩa tạo tác của các tạo tác, ở ý nghĩa không tạo tác của không tạo tác có 125 pháp, 125 ý nghĩa, 250 ngôn từ, và 500 trí.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi: ‘Cho đến ý nghĩa về khổ của Khổ là đã được biết, đã được thấy, đã được hiểu, đã được tác chứng, đã được chạm đến bởi tuệ. Không có ý nghĩa của Khổ là không được chạm đến bởi tuệ.’ Ở ý nghĩa về khổ của Khổ có 25 pháp, 25 ý nghĩa, 50 ngôn từ, và 100 trí.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi: ‘Cho đến ý nghĩa về nhân sanh của nhân sanh ...(như trên)... ‘Cho đến ý nghĩa về diệt tận của sự diệt tận ...(như trên)... ‘Cho đến ý nghĩa về đạo của Đạo là đã được biết, đã được thấy, đã được hiểu, đã được tác chứng, đã được chạm đến bởi tuệ. Không có ý nghĩa của Đạo là không được chạm đến bởi tuệ.’ Ở ý nghĩa về đạo của Đạo có 25 pháp, 25 ý nghĩa, 50 ngôn từ, và 100 trí.
Ở bốn chân lý cao thượng có 100 pháp, 100 ý nghĩa, 200 ngôn từ, và 400 trí.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(nt)... ánh sáng đã sanh khởi: ‘Cho đến ý nghĩa về phân tích ý nghĩa của sự phân tích ý nghĩa là đã được biết, đã được thấy, đã được hiểu, đã được tác chứng, đã được chạm đến bởi tuệ. Không có ý nghĩa của sự phân tích ý nghĩa là không được chạm đến bởi tuệ.’ Ở ý nghĩa về phân tích ý nghĩa của sự phân tích ý nghĩa có 25 pháp, 25 ý nghĩa, 50 ngôn từ, và 100 trí.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi: ‘Cho đến ý nghĩa về phân tích pháp của sự phân tích pháp ...(như trên)... ‘Cho đến ý nghĩa về phân tích ngôn từ của sự phân tích ngôn từ ...(như trên)... ‘Cho đến ý nghĩa về phân tích phép biện giải của sự phân tích phép biện giải là đã được biết, đã được thấy, đã được hiểu, đã được tác chứng, đã được chạm đến bởi tuệ. Không có ý nghĩa của sự phân tích phép biện giải là không được chạm đến bởi tuệ.’ Ở ý nghĩa về phân tích phép biện giải của sự phân tích phép biện giải có 25 pháp, 25 ý nghĩa, 50 ngôn từ, và 100 trí.
Ở bốn phân tích có 100 pháp, 100 ý nghĩa, 200 ngôn từ, và 400 trí.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi: ‘Cho đến trí biết được khả năng người khác là đã được biết, đã được thấy, đã được hiểu, đã được tác chứng, đã được chạm đến bởi tuệ. Không có trí biết được khả năng người khác là không được chạm đến bởi tuệ.’ Ở trí biết được khả năng người khác có 25 pháp, 25 ý nghĩa, 50 ngôn từ, và 100 trí.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi: ‘Cho đến bảy thiên kiến và xu hướng ngủ ngầm ...(như trên)... ‘Cho đến trí song thông ...(như trên)... ‘Cho đến trí về sự thể nhập đại bi ...(như trên)... ‘Cho đến trí Toàn Giác ...(như trên)... ‘Cho đến trí không bị ngăn che là đã được biết, đã được thấy, đã được hiểu, đã được tác chứng, đã được chạm đến bởi tuệ. Không có trí không bị ngăn che là không được chạm đến bởi tuệ.’ Ở trí không bị ngăn che có 25 pháp, 25 ý nghĩa, 50 ngôn từ, và 100 trí.
Ở sáu pháp của đức Phật có 150 pháp, 150 ý nghĩa, 300 ngôn từ, và 600 trí.
Ở trường hợp về phân tích có 850 pháp, 850 ý nghĩa, 1700 ngôn từ, và 3400 trí.
Phần Giảng về sự Phân Tích được đầy đủ.
--ooOoo--
Một thời, đức Thế Tôn ngự tại Bārāṇasī ...(như trên)... Do đó, đại đức Koṇḍañña đã có tên là ‘Aññākoṇḍañña.’
(Pháp) nhãn đã sanh khởi, trí đã sanh khởi, tuệ đã sanh khởi, minh đã sanh khởi, ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là sự Khổ.’
‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Trí đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Tuệ đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Minh đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa nhận thức. ‘Trí đã sanh khởi’ theo ý nghĩa đã được biết. ‘Tuệ đã sanh khởi’ theo ý nghĩa nhận biết. ‘Minh đã sanh khởi’ theo ý nghĩa thấu triệt. ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa chiếu sáng.
(Pháp) nhãn là pháp, ý nghĩa của sự nhận thức là ý nghĩa. Trí là pháp, ý nghĩa của điều đã được biết là ý nghĩa. Tuệ là pháp, ý nghĩa của sự nhận biết là ý nghĩa. Minh là pháp, ý nghĩa của sự thấu triệt là ý nghĩa. Ánh sáng là pháp, ý nghĩa của chiếu sáng là ý nghĩa. Năm pháp này là năm ý nghĩa có Khổ là nền tảng, có Chân Lý là nền tảng, có Chân Lý là đối tượng, có Chân Lý là hành xứ, được tổng hợp lại ở Chân Lý, được hệ thuộc vào Chân Lý, được hiện khởi ở Chân Lý, được tồn tại ở Chân Lý, được thiết lập ở Chân Lý.
Pháp luân: Pháp Luân với ý nghĩa gì? ‘Chuyển vận Pháp và bánh xe’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận bánh xe và Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận theo Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận theo hành vi của Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận khi tồn tại ở Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận khi được thiết lập ở Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận trong khi thiết lập (người khác) ở Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận khi đạt được năng lực’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận trong khi tạo cho (người khác) đạt được năng lực ở Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận khi đạt được sự toàn hảo ở Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận trong khi tạo cho (người khác) đạt được sự toàn hảo ở Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận khi đạt được sự tự tín ở Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận trong khi tạo cho (người khác) đạt được sự tự tín ở Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận trong khi tôn vinh Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận trong khi tôn kính Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận trong khi tôn trọng Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận trong khi cúng dường Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận trong khi sùng kính Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận có Pháp là ngọn cờ’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận có Pháp là biểu hiệu’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận có Pháp là chủ đạo’ là Pháp Luân. ‘Hơn nữa, Pháp luân ấy là không thể bị chuyển vận nghịch lại bởi Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên nhân, Ma Vương, Phạm thiên, hoặc bất cứ ai ở trên đời’ là Pháp Luân.
‘Tín quyền là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Tấn quyền là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Niệm quyền là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Định quyền là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Tuệ quyền là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân.
‘Tín lực là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Tấn lực là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Niệm lực là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Định lực là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Tuệ lực là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân.
‘Niệm giác chi là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Trạch pháp giác chi là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Tinh tấn giác chi là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Hỷ giác chi là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Tịnh giác chi là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Định giác chi là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Xả giác chi là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân.
‘Chánh kiến là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. Chánh tư duy là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Chánh ngữ là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Chánh nghiệp là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Chánh mạng là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Chánh tinh tấn là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Chánh niệm là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Chánh định là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân.
‘Quyền theo ý nghĩa chủ đạo là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Lực theo ý nghĩa không thể bị lay chuyển là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Giác chi theo ý nghĩa dẫn xuất (ra khỏi luân hồi) là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Đạo theo ý nghĩa chủng tử là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Các sự thiết lập niệm theo ý nghĩa thiết lập là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Các chánh cần theo ý nghĩa nỗ lực là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Các nền tảng của thần thông theo ý nghĩa thành tựu là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Các chân lý theo ý nghĩa thực thể là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Chỉ tịnh theo ý nghĩa không tản mạn là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Minh sát theo ý nghĩa quán xét là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa nhất vị là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Sự kết hợp chung theo ý nghĩa không vượt quá là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Tâm thanh tịnh theo ý nghĩa không tản mạn là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Kiến thanh tịnh theo ý nghĩa nhận thức là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Trí về sự đoạn tận theo ý nghĩa đoạn trừ là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Trí về sự vô sanh theo ý nghĩa tĩnh lặng là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Ước muốn theo ý nghĩa nguồn cội là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Tác ý theo ý nghĩa nguồn sanh khởi là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Xúc theo ý nghĩa liên kết là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Thọ theo ý nghĩa hội tụ là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Định theo ý nghĩa dẫn đầu là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Niệm theo ý nghĩa pháp chủ đạo là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Tuệ theo ý nghĩa cao thượng trong các pháp thiện là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Sự giải thoát theo ý nghĩa cốt lỏi là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ‘Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là sự Khổ cần được biết toàn diện.’ ...(như trên)... đã được biết toàn diện.’
‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ...(nt)... ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa nhận thức. ...(nt)... ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa chiếu sáng.
(Pháp) nhãn là pháp, ý nghĩa của sự nhận thức là ý nghĩa. ...(như trên)... Ánh sáng là pháp, ý nghĩa của chiếu sáng là ý nghĩa. Năm pháp này là năm ý nghĩa có Khổ là nền tảng, có Chân Lý là nền tảng, có Chân Lý là đối tượng, có Chân Lý là hành xứ, được tổng hợp lại ở Chân Lý, được hệ thuộc vào Chân Lý, được hiện khởi ở Chân Lý, được tồn tại ở Chân Lý, được thiết lập ở Chân Lý.
Pháp luân: Pháp Luân (Bánh xe Pháp) với ý nghĩa gì? ‘Chuyển vận Pháp và bánh xe’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận bánh xe và Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận với Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận với hành vi của Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận khi tồn tại ở Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận khi được thiết lập ở Pháp’ là Pháp Luân. ...(như trên)... ‘Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là nhân sanh Khổ.’ ...(như trên)... (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là chân lý cao thượng tức là nhân sanh Khổ cần được dứt bỏ.’ ...(như trên)... đã được dứt bỏ.’ ...(như trên)...
‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ...(như trên)... ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa nhận thức. ...(như trên)... ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa chiếu sáng.
(Pháp) nhãn là pháp, ý nghĩa của sự nhận thức là ý nghĩa. ...(như trên)... Ánh sáng là pháp, ý nghĩa của chiếu sáng là ý nghĩa. Năm pháp này là năm ý nghĩa có Nhân Sanh là nền tảng, có Chân Lý là nền tảng ...(như trên)... có sự Diệt Tận là nền tảng, có Chân Lý là nền tảng ...(như trên)... có Đạo là nền tảng, có Chân Lý là nền tảng, có Chân Lý là đối tượng, có Chân Lý là hành xứ, được tổng hợp lại ở Chân Lý, được hệ thuộc vào Chân Lý, được hiện khởi ở Chân Lý, được tồn tại ở Chân Lý, được thiết lập ở Chân Lý.
Pháp luân: Pháp Luân (Bánh xe Pháp) với ý nghĩa gì? ‘Chuyển vận Pháp và bánh xe’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận bánh xe và Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận với Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận với hành vi của Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận khi tồn tại ở Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận khi được thiết lập ở Pháp’ là Pháp Luân. ...(như trên)... ‘Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân.
Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là sự quán xét thân trên thân.’ Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Sự quán xét thân trên thân này đây cần được tu tập ...(như trên)... đã được tu tập.’
Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là sự quán xét thọ trên các thọ.’ ...(như trên)... tâm trên tâm.’ ...(như trên)... pháp trên các pháp.’ Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Sự quán xét pháp trên các pháp này đây cần được tu tập ...(như trên)... đã được tu tập.’
(Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là sự quán xét thân trên thân.’ ...(như trên)... (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Sự quán xét thân trên thân này đây cần được tu tập ...(như trên)... đã được tu tập.’
‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ...(như trên)... ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa nhận thức. ...(như trên)... ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa chiếu sáng.
(Pháp) nhãn là pháp, ý nghĩa của sự nhận thức là ý nghĩa. ...(như trên)... Ánh sáng là pháp, ý nghĩa của chiếu sáng là ý nghĩa. Năm pháp này là năm ý nghĩa có thân là nền tảng, có sự thiết lập niệm là nền tảng ...(như trên)... có thọ là nền tảng, có sự thiết lập niệm là nền tảng ...(như trên)... có tâm là nền tảng, có sự thiết lập niệm là nền tảng ...(như trên)... có pháp là nền tảng, có sự thiết lập niệm là nền tảng ...(như trên)... có sự thiết lập niệm là đối tượng, có sự thiết lập niệm là hành xứ, được tổng hợp lại ở sự thiết lập niệm, được hệ thuộc vào sự thiết lập niệm, được hiện khởi ở sự thiết lập niệm, được tồn tại ở sự thiết lập niệm, được thiết lập ở sự thiết lập niệm.
Pháp luân: Pháp Luân (Bánh xe Pháp) với ý nghĩa gì? ‘Chuyển vận Pháp và bánh xe’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận bánh xe và Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận với Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận với hành vi của Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận khi tồn tại ở Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận khi được thiết lập ở Pháp’ là Pháp Luân. ...(như trên)... ‘Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân.
Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn và các tạo tác do nỗ lực.’ Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn và các tạo tác do nỗ lực này đây cần được tu tập ...(như trên)... đã được tu tập.’
Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(nt)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do tinh tấn và các tạo tác do nỗ lực.’ ...(nt)... định do tâm và các tạo tác do nỗ lực.’ ...(nt)... định do thẩm xét và các tạo tác do nỗ lực.’ Này các tỳ khưu, ta có được (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(nt)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do thẩm xét và các tạo tác do nỗ lực này đây cần được tu tập ...(nt)... đã được tu tập.’
(Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(nt)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn và các tạo tác do nỗ lực.’ (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(nt)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn và các tạo tác do nỗ lực này đây cần được tu tập ...(nt)... đã được tu tập.’
‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ...(nt)... ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa nhận thức. ...(nt)... ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa chiếu sáng.
(Pháp) nhãn là pháp, ý nghĩa của sự nhận thức là ý nghĩa. ...(như trên)... Ánh sáng là pháp, ý nghĩa của chiếu sáng là ý nghĩa. Năm pháp này là năm ý nghĩa có ước muốn là nền tảng, có nền tảng của thần thông là nền tảng, có nền tảng của thần thông là đối tượng, có nền tảng của thần thông là hành xứ, được tổng hợp lại ở nền tảng của thần thông, được hệ thuộc vào nền tảng của thần thông, được hiện khởi ở nền tảng của thần thông, được tồn tại ở nền tảng của thần thông, được thiết lập ở nền tảng của thần thông.
Pháp luân: Pháp Luân (Bánh xe Pháp) với ý nghĩa gì? ‘Chuyển vận Pháp và bánh xe’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận bánh xe và Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận với Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận với hành vi của Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận khi tồn tại ở Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận khi được thiết lập ở Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận trong khi thiết lập (người khác) ở Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận khi đạt được năng lực’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận trong khi tạo cho (người khác) đạt được năng lực ở Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận khi đạt được sự toàn hảo ở Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận trong khi tạo cho (người khác) đạt được sự toàn hảo ở Pháp’ là Pháp Luân. ...(như trên)... ‘Chuyển vận trong khi sùng kính Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận có Pháp là ngọn cờ’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận có Pháp là biểu hiệu’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận có Pháp là chủ đạo’ là Pháp Luân. ‘Hơn nữa, Pháp luân ấy là không thể bị chuyển vận nghịch lại bởi Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên nhân, Ma Vương, Phạm thiên, hoặc bất cứ ai ở trên đời’ là Pháp Luân.
‘Tín quyền là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân. ...(như trên)... ‘Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân.
(Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Đây là nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do tinh tấn và các tạo tác do nỗ lực.’ (Pháp) nhãn đã sanh khởi ...(như trên)... ánh sáng đã sanh khởi đối với các Pháp trước đây chưa từng được nghe: ‘Nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do tinh tấn và các tạo tác do nỗ lực này đây cần được tu tập ...(như trên)... đã được tu tập.’
‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ...(như trên)... ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa gì? ‘(Pháp) nhãn đã sanh khởi’ theo ý nghĩa nhận thức. ...(như trên)... ‘Ánh sáng đã sanh khởi’ theo ý nghĩa chiếu sáng.
(Pháp) nhãn là pháp, ý nghĩa của sự nhận thức là ý nghĩa. ...(nt)... Ánh sáng là pháp, ý nghĩa của chiếu sáng là ý nghĩa. Năm pháp này là năm ý nghĩa có tinh tấn là nền tảng, có nền tảng của thần thông là nền tảng ...(nt)... có tâm là nền tảng, ...(nt)... có thẩm xét là nền tảng, có nền tảng của thần thông là nền tảng, có nền tảng của thần thông là đối tượng, có nền tảng của thần thông là hành xứ, được tổng hợp lại ở nền tảng của thần thông, được hệ thuộc vào nền tảng của thần thông, được hiện khởi ở nền tảng của thần thông, được tồn tại ở nền tảng của thần thông, được thiết lập ở nền tảng của thần thông.
Pháp luân: Pháp Luân với ý nghĩa gì? ‘Chuyển vận Pháp và bánh xe’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận bánh xe và Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận với Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận với hành vi của Pháp’ là Pháp luân. ‘Chuyển vận khi tồn tại ở Pháp’ là Pháp Luân. ‘Chuyển vận khi được thiết lập ở Pháp’ là Pháp Luân. ...(như trên)... ‘Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc là pháp, chuyển vận pháp ấy’ là Pháp luân.
Phần Giảng về Pháp Luân được đầy đủ.
--ooOoo--
[1] Từ tâm giải thoát (mettācetovimutti) được giải thích ở bên dưới gồm có ba yếu tố: ‘mettā ca ceto ca vimutti cāti mettācetovimutti’ = ‘từ ái và tâm và giải thoát’ là từ tâm giải thoát.
[2] Đoạn này nếu dịch theo Chú Giải sẽ là: Ly tham ái có đối tượng là Niết Bàn, có hành xứ là Niết Bàn, được hiện khởi ở Niết Bàn, được tồn tại ở Niết Bàn, được thiết lập ở Niết Bàn (PṭsA. 3, 608).
[3] Là bảy chi phần còn lại của Thánh Đạo tám chi phần, trừ bớt đi chánh kiến (PṭsA. 3, 608).
[4] Tên gọi Aññākoṇḍañña (aññā + koṇḍañña) của vị này có nghĩa là “Koṇḍañña đã hiểu.” Từ aññā được trích từ lời nói của đức Phật là: “aññāsi vata bho Koṇḍañño, aññāsi vata bho Koṇḍañño” (Quà nhiên Koṇḍañña đã hiểu được! Quà nhiên Koṇḍañña đã hiểu được!) rồi ghép vào phía trước tên Koṇḍañña của vị ấy (ND).
Các pháp tối thượng ở thế gian là gì? Bốn sự thiết lập niệm, bốn chánh cần, bốn nền tảng của thần thông, năm quyền, năm lực, bảy giác chi, Thánh Đạo tám chi phần, bốn Thánh Đạo, bốn Quả vị Sa-môn, và Niết Bàn; các pháp này là tối thượng ở thế gian.
Tối thượng ở thế gian: Tối thượng ở thế gian với ý nghĩa gì? ‘Chúng (các pháp ấy) vượt qua thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng vượt lên ra khỏi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng vượt lên khỏi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng vượt lên từ thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng vượt quá thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng hoàn toàn vượt quá thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là trên hẳn thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng vượt qua tận cùng của thế gian’ là tối thượng ở thế gian.
‘Chúng xuất ly ra khỏi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng xuất ly khỏi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng xuất ly từ thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng được xuất ly ra khỏi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng được xuất ly bởi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng được xuất ly từ thế gian’ là tối thượng ở thế gian.
‘Chúng không trụ ở thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng không trụ tại thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng không bị nhiễm ô ở thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng không bị nhiễm ô bởi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng không tự làm vấy bẩn ở thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng không tự làm vấy bẩn với thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là không bị vấy bẩn ở thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là không bị vấy bẩn bởi thế gian’ là tối thượng ở thế gian.
‘Chúng là được phóng thích ở thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là được phóng thích bởi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là được phóng thích ra khỏi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là được phóng thích khỏi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là được phóng thích từ thế gian’ là tối thượng ở thế gian.
‘Chúng là được cách ly ở thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là được cách ly với thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là được cách ly ra khỏi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là được cách ly tại thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là được cách ly khỏi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là được cách ly từ thế gian’ là tối thượng ở thế gian.
‘Chúng là được trong sạch ra khỏi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là được trong sạch khỏi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là được trong sạch từ thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là được thanh tịnh ra khỏi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là được thanh tịnh khỏi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là được thanh tịnh từ thế gian’ là tối thượng ở thế gian.
‘Chúng thoát ra khỏi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng thoát khỏi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng thoát ra từ thế gian’ là tối thượng ở thế gian.
‘Chúng ly khai ra khỏi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng ly khai khỏi thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng ly khai từ thế gian’ là tối thượng ở thế gian.
‘Chúng không bám víu ở thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng không bị nắm giữ ở thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng không bị giam cầm ở thế gian’ là tối thượng ở thế gian.
‘Chúng đoạn trừ thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng có tính chất đã đoạn trừ thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng làm an tịnh thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng có tính chất đã làm an tịnh thế gian’ là tối thượng ở thế gian.
‘Chúng không là đường lối của thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng không là cảnh giới của thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng không là mục tiêu của thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng là không phổ quát đối với thế gian’ là tối thượng ở thế gian.
‘Chúng chối từ thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng không tiếp nhận lại thế gian (sau khi chối từ)’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng từ bỏ thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng không chấp thủ thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng lìa khỏi sự quyến luyến thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng không quyến luyến thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng nhàm chán thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Chúng không hứng thú thế gian’ là tối thượng ở thế gian. ‘Sau khi vượt qua hẳn và chế ngự thế gian, chúng an trụ’ là tối thượng ở thế gian.
Phần Giảng về Tối Thượng ở Thế Gian được đầy đủ.
--ooOoo--
[Duyên khởi ở Sāvatthī]
Này các tỳ khưu, đây là năm lực. Năm là gì? Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực. Này các tỳ khưu, đây là năm lực.
Vả lại, có 68 lực là tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực, lực của sự hổ thẹn (tội lỗi), lực của sự ghê sợ (tội lỗi), lực của sự phân biệt rõ, lực của sự tu tập, lực của sự không sai trái, lực của sự củng cố, lực của sự nhẫn nại, lực của sự chuẩn bị, lực của sự thuyết phục, lực của sự thống lãnh, lực của sự khẳng định, lực của chỉ tịnh, lực của minh sát, mười lực của bậc Hữu Học, mười lực của bậc Vô Học, mười lực của bậc Lậu Tận, mười lực của thần thông, mười lực của đức Như Lai.
Tín lực là gì? ‘Không dao động ở sự không có đức tin’ là tín lực. Với ý nghĩa nâng đỡ các pháp đồng sanh là tín lực. Theo ý nghĩa chấm dứt các phiền não là tín lực. Theo ý nghĩa làm trong sạch phần đầu sự thấu triệt là tín lực. Theo ý nghĩa khẳng định của tâm là tín lực. Theo ý nghĩa thanh lọc của tâm là tín lực. Theo ý nghĩa đắc chứng pháp đặc biệt là tín lực. Theo ý nghĩa thấu triệt hướng thượng là tín lực. Theo ý nghĩa chứng ngộ chân lý là tín lực. Theo ý nghĩa thiết lập vào sự diệt tận là tín lực. Điều này là tín lực.
Tấn lực là gì? ‘Không dao động ở sự biếng nhác’ là tấn lực. Với ý nghĩa nâng đỡ các pháp đồng sanh là tấn lực. Với ý nghĩa chấm dứt các phiền não là tấn lực. Với ý nghĩa làm trong sạch phần đầu của sự thấu triệt là tấn lực. Với ý nghĩa khẳng định của tâm là tấn lực. Với ý nghĩa thanh lọc của tâm là tấn lực. Với ý nghĩa đắc chứng pháp đặc biệt là tấn lực. Với ý nghĩa thấu triệt hướng thượng là tấn lực. Với ý nghĩa chứng ngộ chân lý là tấn lực. Với ý nghĩa thiết lập vào sự diệt tận. Điều này là tấn lực.
Niệm lực là gì? ‘Không dao động ở sự buông lung’ là niệm lực. Với ý nghĩa nâng đỡ các pháp đồng sanh là niệm lực. ...(như trên)... Với ý nghĩa thiết lập vào sự diệt tận là niệm lực. Điều này là niệm lực.
Định lực là gì? ‘Không dao động ở sự phóng dật’ là định lực. Với ý nghĩa nâng đỡ các pháp đồng sanh là định lực. ...(như trên)... Với ý nghĩa thiết lập vào sự diệt tận là định lực. Điều này là định lực.
Tuệ lực là gì? ‘Không dao động ở vô minh’ là tuệ lực. Với ý nghĩa nâng đỡ các pháp đồng sanh là tuệ lực. ...(như trên)... Với ý nghĩa thiết lập vào sự diệt tận là tuệ lực. Điều này là tuệ lực.
Lực của sự hổ thẹn (tội lỗi) là gì? ‘Do sự thoát ly, (hành giả) hổ thẹn về ước muốn trong các dục’ là lực của sự hổ thẹn. ‘Do không sân độc, hổ thẹn về sự sân độc’ là lực của sự hổ thẹn. ‘Do nghĩ tưởng về ánh sáng, hổ thẹn về sự lờ đờ buồn ngủ’ là lực của sự hổ thẹn. ‘Do không tản mạn, hổ thẹn về sự phóng dật’ là lực của sự hổ thẹn. ‘Do xác định pháp, hổ thẹn về hoài nghi’ là lực của sự hổ thẹn. ‘Do trí, hổ thẹn về vô minh’ là lực của sự hổ thẹn. ‘Do hân hoan, hổ thẹn về sự không hứng thú’ là lực của sự hổ thẹn. ‘Do sơ thiền, hổ thẹn về các pháp ngăn che’ là lực của sự hổ thẹn. ...(như trên)... ‘Do Đạo A-la-hán, hổ thẹn về toàn bộ phiền não’ là lực của sự hổ thẹn. Điều này là lực của sự hổ thẹn.
Lực của sự ghê sợ (tội lỗi) là gì? ‘Do sự thoát ly, (hành giả) ghê sợ về ước muốn trong các dục’ là lực của sự ghê sợ. ‘Do không sân độc, ghê sợ về sự sân độc’ là lực của sự ghê sợ. ‘Do nghĩ tưởng về ánh sáng, ghê sợ về sự lờ đờ buồn ngủ’ là lực của sự ghê sợ. ‘Do không tản mạn, ghê sợ về sự phóng dật’ là lực của sự ghê sợ. ‘Do xác định pháp, ghê sợ về hoài nghi’ là lực của sự ghê sợ. ‘Do trí, ghê sợ về vô minh’ là lực của sự ghê sợ. ‘Do hân hoan, ghê sợ về sự không hứng thú’ là lực của sự ghê sợ. ‘Do sơ thiền, ghê sợ về các pháp ngăn che’ là lực của sự ghê sợ. ...(như trên)... ‘Do Đạo A-la-hán, ghê sợ về toàn bộ phiền não’ là lực của sự ghê sợ. Điều này là lực của sự ghê sợ.
Lực của sự phân biệt rõ là gì? ‘Do sự thoát ly, (hành giả) phân biệt rõ về ước muốn trong các dục’ là lực của sự phân biệt rõ. ‘Do không sân độc, phân biệt rõ về sự sân độc’ là lực của sự phân biệt rõ. ‘Do nghĩ tưởng về ánh sáng, phân biệt rõ về sự lờ đờ buồn ngủ’ là lực của sự phân biệt rõ. ‘Do không tản mạn, phân biệt rõ về sự phóng dật’ là lực của sự phân biệt rõ. ‘Do sự xác định pháp, phân biệt rõ về hoài nghi’ là lực của sự phân biệt rõ. ‘Do trí, phân biệt rõ về vô minh’ là lực của sự phân biệt rõ. ‘Do hân hoan, phân biệt rõ về sự không hứng thú’ là lực của sự phân biệt rõ. ‘Do sơ thiền, phân biệt rõ về các pháp ngăn che’ là lực của sự phân biệt rõ. ...(như trên)... ‘Do Đạo A-la-hán, phân biệt rõ về toàn bộ phiền não’ là lực của sự phân biệt rõ. Điều này là lực của sự phân biệt rõ.
Lực của sự tu tập là gì? ‘Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, (hành giả) tu tập sự thoát ly’ là lực của sự tu tập. ‘Trong khi dứt bỏ sân độc, tu tập sự không sân độc’ là lực của sự tu tập. ‘Trong khi dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, tu tập sự nghĩ tưởng về ánh sáng’ là lực của sự tu tập. ‘Trong khi dứt bỏ phóng dật, tu tập sự không tản mạn’ là lực của sự tu tập. ‘Trong khi dứt bỏ hoài nghi, tu tập sự xác định pháp’ là lực của sự tu tập. ‘Trong khi dứt bỏ vô minh, tu tập trí’ là lực của sự tu tập. ‘Trong khi dứt bỏ sự không hứng thú, tu tập sự hân hoan’ là lực của sự tu tập. ‘Trong khi dứt bỏ các pháp ngăn che, tu tập sơ thiền’ là lực của sự tu tập. ...(như trên)... ‘Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, tu tập Đạo A-la-hán’ là lực của sự tu tập. Điều này là lực của sự tu tập.
Lực của sự không sai trái là gì? ‘Do trạng thái dứt bỏ ước muốn trong các dục, không có gì sai trái ở sự thoát ly’ là lực của sự không sai trái. ‘Do trạng thái dứt bỏ sân độc, không có gì sai trái ở sự không sân độc’ là lực của sự không sai trái. ‘Do trạng thái dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, không có gì sai trái ở sự nghĩ tưởng về ánh sáng’ là lực của sự không sai trái. ‘Do trạng thái dứt bỏ phóng dật, không có gì sai trái ở sự không tản mạn’ là lực của sự không sai trái. ‘Do trạng thái dứt bỏ hoài nghi, không có gì sai trái ở sự xác định pháp’ là lực của sự không sai trái. ‘Do trạng thái dứt bỏ vô minh, không có gì sai trái ở trí’ là lực của sự không sai trái. ‘Do trạng thái dứt bỏ sự không hứng thú, không có gì sai trái ở sự hân hoan’ là lực của sự không sai trái. ‘Do trạng thái dứt bỏ các pháp ngăn che, không có gì sai trái ở sơ thiền’ là lực của sự không sai trái. ...(như trên)... ‘Do trạng thái dứt bỏ toàn bộ phiền não, không có gì sai trái ở Đạo A-la-hán’ là lực của sự không sai trái. Điều này là lực của sự không sai trái.
Lực của sự củng cố là gì? ‘Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, nhờ vào tác động của sự thoát ly (hành giả) củng cố lại tâm’ là lực của sự củng cố. ‘Trong khi dứt bỏ sân độc bằng sự không sân độc (hành giả) củng cố lại tâm’ là lực của sự củng cố. ‘Trong khi dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ bằng sự nghĩ tưởng về ánh sáng (hành giả) củng cố lại tâm’ là lực của sự củng cố. ...(như trên)... ‘Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não bằng Đạo A-la-hán (hành giả) củng cố lại tâm’ là lực của sự củng cố. Điều này là lực của sự củng cố.
Lực của sự nhẫn nại là gì? ‘Do trạng thái dứt bỏ ước muốn trong các dục, (hành giả) chấp nhận sự thoát ly’ là lực của sự nhẫn nại. ‘Do trạng thái dứt bỏ sân độc, chấp nhận sự không sân độc’ là lực của sự nhẫn nại. ‘Do trạng thái dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, chấp nhận sự nghĩ tưởng về ánh sáng’ là lực của sự nhẫn nại. ‘Do trạng thái dứt bỏ phóng dật, chấp nhận sự không tản mạn’ là lực của sự nhẫn nại. ‘Do trạng thái dứt bỏ hoài nghi, chấp nhận sự xác định pháp’ là lực của sự nhẫn nại. ‘Do trạng thái dứt bỏ vô minh, chấp nhận trí’ là lực của sự nhẫn nại. ‘Do trạng thái dứt bỏ sự không hứng thú, chấp nhận hân hoan’ là lực của sự nhẫn nại. ‘Do trạng thái dứt bỏ các pháp ngăn che, chấp nhận sơ thiền’ là lực của sự nhẫn nại. ...(như trên)... ‘Do trạng thái dứt bỏ toàn bộ phiền não, chấp nhận Đạo A-la-hán’ là lực của sự nhẫn nại. Điều này là lực của sự nhẫn nại.
Lực của sự chuẩn bị là gì? ‘Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, nhờ vào tác động của sự thoát ly (hành giả) chuẩn bị tâm’ là lực của sự chuẩn bị. ‘Trong khi dứt bỏ sân độc, nhờ vào tác động của sự không sân độc (hành giả) chuẩn bị tâm’ là lực của sự chuẩn bị. ‘Trong khi dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, nhờ vào tác động của sự nghĩ tưởng về ánh sáng (hành giả) chuẩn bị tâm’ là lực của sự chuẩn bị. ...(như trên)... ‘Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, nhờ vào tác động của Đạo A-la-hán (hành giả) chuẩn bị tâm’ là lực của sự chuẩn bị. Điều này là lực của sự chuẩn bị.
Lực của sự thuyết phục là gì? ‘Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, nhờ vào tác động của sự thoát ly (hành giả) khiến tâm được thuyết phục’ là lực của sự thuyết phục. ‘Trong khi dứt bỏ sân độc, nhờ vào tác động của sự không sân độc (hành giả) khiến tâm được thuyết phục’ là lực của sự thuyết phục. ‘Trong khi dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, nhờ vào tác động của sự nghĩ tưởng về ánh sáng (hành giả) khiến tâm được thuyết phục’ là lực của sự thuyết phục. ...(như trên)... ‘Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, nhờ vào tác động của Đạo A-la-hán (hành giả) khiến tâm được thuyết phục’ là lực của sự thuyết phục. Điều này là lực của sự thuyết phục.
Lực của sự thống lãnh là gì? ‘Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, nhờ vào tác động của sự thoát ly (hành giả) chuyển tâm thành ưu thế’ là lực của sự thống lãnh. ‘Trong khi dứt bỏ sân độc, nhờ vào tác động của sự không sân độc (hành giả) chuyển tâm thành ưu thế’ là lực của sự thống lãnh. ‘Trong khi dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, nhờ vào tác động của sự nghĩ tưởng về ánh sáng (hành giả) chuyển tâm thành ưu thế’ là lực của sự thống lãnh. ...(như trên)... ‘Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, nhờ vào tác động của Đạo A-la-hán (hành giả) chuyển tâm thành ưu thế’ là lực của sự thống lãnh. Điều này là lực của sự thống lãnh.
Lực của sự khẳng định là gì? ‘Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, nhờ vào tác động của sự thoát ly (hành giả) khẳng định tâm’ là lực của sự khẳng định. ‘Trong khi dứt bỏ sân độc, nhờ vào tác động của sự không sân độc (hành giả) khẳng định tâm’ là lực của sự khẳng định. ‘Trong khi dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, nhờ vào tác động của sự nghĩ tưởng về ánh sáng (hành giả) khẳng định tâm’ là lực của sự khẳng định. ...(như trên)... ‘Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, nhờ vào tác động của Đạo A-la-hán (hành giả) khẳng định tâm’ là lực của sự khẳng định. Điều này là lực của sự khẳng định.
Lực của chỉ tịnh là gì? Do tác động của sự thoát ly, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là lực của chỉ tịnh. Do tác động của sự không sân độc, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là lực của chỉ tịnh. Do tác động của sự nghĩ tưởng về ánh sáng, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là lực của chỉ tịnh. ...(như trên)... Có sự quán xét về từ bỏ, do tác động của hơi thở vào, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là lực của chỉ tịnh. Có sự quán xét về từ bỏ, do tác động của hơi thở ra, trạng thái chuyên nhất không tản mạn của tâm là lực của chỉ tịnh.
Lực của chỉ tịnh: Lực của chỉ tịnh với ý nghĩa gì? ‘Nhờ vào sơ thiền, (hành giả) không rung động đối với các pháp ngăn che’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào nhị thiền, (hành giả) không rung động đối với tầm và tứ’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào tam thiền, (hành giả) không rung động đối với hỷ’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào tứ thiền, (hành giả) không rung động đối với lạc và khổ’ là lực của chỉ tịnh.
‘Nhờ vào sự chứng đạt không vô biên xứ, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về sắc, đối với sự nghĩ tưởng về bất bình, đối với sự nghĩ tưởng về sự khác biệt’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào sự chứng đạt thức vô biên xứ, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về không vô biên xứ’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào sự chứng đạt vô sở hữu xứ, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về thức vô biên xứ’ là lực của chỉ tịnh. ‘Nhờ vào sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về vô sở hữu xứ’ là lực của chỉ tịnh. ‘(Hành giả) không rung động không lay động không chao động đối với các sự phóng dật, đối với các phiền não đi cùng với phóng dật, và đối với các uẩn’ là lực của chỉ tịnh. Đây là lực của chỉ tịnh.
Lực của minh sát là gì? Sự quán xét về vô thường là lực của minh sát. ...(như trên)... Sự quán xét về từ bỏ là lực của minh sát. Sự quán xét về vô thường ở sắc là lực của minh sát. Sự quán xét về khổ não ở sắc là lực của minh sát. ...(như trên)... Sự quán xét về từ bỏ ở sắc là lực của minh sát. Sự quán xét về vô thường ở thọ ... ở tưởng ... ở các hành ... ở thức ... ở mắt ... ở lão tử là lực của minh sát. Sự quán xét về khổ não ở lão tử là lực của minh sát. ...(như trên)... Sự quán xét về từ bỏ ở lão tử là lực của minh sát.
Lực của minh sát: Lực của minh sát với ý nghĩa gì? ‘Do quán xét về vô thường, (hành giả) không rung động đối với sự nghĩ tưởng về thường’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về khổ não, không rung động đối với sự nghĩ tưởng về lạc’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về vô ngã, không rung động đối với sự nghĩ tưởng về ngã’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về nhàm chán, không rung động đối với sự nghĩ tưởng về vui thích’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về ly tham ái, không rung động đối với sự nghĩ tưởng về tham ái’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về diệt tận, không rung động đối với sự nghĩ tưởng về nhân sanh khởi’ là lực của minh sát. ‘Do quán xét về từ bỏ, không rung động đối với sự nghĩ tưởng về nắm giữ’ là lực của minh sát. ‘không rung động không chuyển động không chao động đối với vô minh, đối với các phiền não đi cùng với vô minh, và đối với các uẩn’ là lực của minh sát. Đây là lực của minh sát.
Mười lực của bậc Hữu Học, mười lực của bậc Vô Học là gì? ‘(Hành giả) học tập chánh kiến’ là lực của bậc Hữu Học. ‘Do trạng thái đã học tập xong ở điều ấy’ là lực của bậc Vô Học. ‘(Hành giả) học tập chánh tư duy’ là lực của bậc Hữu Học. ‘Do trạng thái đã học tập xong ở điều ấy’ là lực của bậc Vô Học. ‘(Hành giả) học tập chánh ngữ ... chánh nghiệp ... chánh mạng ... chánh tinh tấn ... chánh niệm ... chánh định ... chánh trí ... chánh giải thoát’ là lực của bậc Hữu Học. ‘Do trạng thái đã học tập xong ở điều ấy’ là lực của bậc Vô Học. Đây là mười lực của bậc Hữu Học, mười lực của bậc Vô Học.
Mười lực của bậc Lậu Tận là gì? Ở đây, đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, tất cả các hành là vô thường được thấy rõ đúng theo thực thể nhờ vào sự nhận biết đúng đắn. Sự việc đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, tất cả các hành là vô thường được thấy rõ đúng theo thực thể nhờ vào sự nhận biết đúng đắn; điều này cũng là lực của vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận. Sau khi đạt đến lực ấy, vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận nhận biết sự đoạn tận của các lậu hoặc rằng: ‘Các lậu hoặc của ta đã cạn kiệt.’
Hơn nữa, đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, các dục tợ như hố than cháy đỏ được thấy rõ đúng theo thực thể nhờ vào sự nhận biết đúng đắn. Sự việc đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, các dục tợ như hố than cháy đỏ được thấy rõ đúng theo thực thể nhờ vào sự nhận biết đúng đắn; điều này cũng là lực của vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận. Sau khi đạt đến lực ấy, vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận nhận biết sự đoạn tận của các lậu hoặc rằng: ‘Các lậu hoặc của ta đã cạn kiệt.’
Hơn nữa, đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, tâm là thuận theo sự viễn ly, là xuôi theo sự viễn ly, là nghiêng theo sự viễn ly, là tồn tại ở sự viễn ly, là hứng thú với sự thoát ly, là được hoàn toàn chấm dứt đối với các pháp đưa đến lậu hoặc. Sự việc đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, tâm là thuận theo sự viễn ly, là xuôi theo sự viễn ly, là nghiêng theo sự viễn ly, là tồn tại ở sự viễn ly, là hứng thú với sự thoát ly, là được hoàn toàn chấm dứt đối với các pháp đưa đến lậu hoặc; điều này cũng là lực của vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận. Sau khi đạt đến lực ấy, vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận nhận biết sự đoạn tận của các lậu hoặc rằng: ‘Các lậu hoặc của ta đã cạn kiệt.’
Hơn nữa, đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, bốn sự thiết lập niệm là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp. Sự việc đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, bốn sự thiết lập niệm là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp; điều này cũng là lực của vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận. Sau khi đạt đến lực ấy, vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận nhận biết sự đoạn tận của các lậu hoặc rằng: ‘Các lậu hoặc của ta đã cạn kiệt.’
Hơn nữa, đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, bốn chánh cần là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp. ...(nt)... bốn nền tảng của thần thông là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp. ...(nt)... năm quyền là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp. ...(nt)... năm lực là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp. ...(nt)... bảy chi phần đưa đến giác ngộ là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp. ...(nt)... Thánh Đạo tám chi phần là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp. Sự việc đối với vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận, Thánh Đạo tám chi phần là đã được tu tập, là đã được tu tập tốt đẹp; điều này cũng là lực của vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận. Sau khi đạt đến lực ấy, vị tỳ khưu là bậc Lậu Tận nhận biết sự đoạn tận của các lậu hoặc rằng: ‘Các lậu hoặc của ta đã cạn kiệt.’ Đây là mười lực của bậc Lậu Tận.
Mười lực của thần thông là gì? Thần thông do chú nguyện, thần thông do biến hóa, thần thông do ý tạo thành, thần thông do sự can thiệp của trí, thần thông do sự can thiệp của định, thần thông thuộc về bậc Thánh, thần thông sanh lên do kết quả của nghiệp, thần thông của người có phước báu, thần thông do sự hiểu biết, thần thông với ý nghĩa thành công do duyên ứng dụng đúng đắn tùy theo trường hợp; đây là mười lực của thần thông.
Mười lực của đức Như Lai là gì? Ở đây, đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể về điều hợp lý là hợp lý và điều phi lý là phi lý. Sự việc đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể về điều hợp lý là hợp lý và điều phi lý là phi lý, điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. Sau khi đạt đến lực ấy, đức Như Lai công bố về tư thế tối thượng, rống lên tiếng rống sư tử ở giữa hội chúng, chuyển vận Pháp Luân tối thượng.
Hơn nữa, đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể kết quả các sự thọ nhận về nghiệp ở thời quá khứ hiện tại vị lai tùy theo sự kiện, tùy theo chủng tử. Sự việc đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể kết quả các sự thọ nhận về nghiệp ở thời quá khứ hiện tại vị lai tùy theo sự kiện, tùy theo chủng tử, điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. Sau khi đạt đến lực ấy, đức Như Lai công bố về tư thế tối thượng, rống lên tiếng rống sư tử ở giữa hội chúng, chuyển vận Pháp Luân tối thượng.
Hơn nữa, đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể sự thực hành đưa đến tất cả các cõi tái sanh. Sự việc đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể sự thực hành đưa đến tất cả các cõi tái sanh, điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. Sau khi đạt đến lực ấy, đức Như Lai công bố về tư thế tối thượng, rống lên tiếng rống sư tử ở giữa hội chúng, chuyển vận Pháp Luân tối thượng.
Hơn nữa, đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể thế giới có vô số bản chất và có các bản chất khác biệt. Sự việc đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể thế giới có vô số bản chất và có các bản chất khác biệt, điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. ...(như trên)... chuyển vận Pháp Luân tối thượng.
Hơn nữa, đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể về khuynh hướng khác biệt của các chúng sanh. Sự việc đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể về khuynh hướng khác biệt của các chúng sanh, điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. ...(như trên)... chuyển vận Pháp Luân tối thượng.
Hơn nữa, đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể khả năng về các quyền của các chúng sanh khác, của các cá nhân khác. Sự việc đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể khả năng về các quyền của các chúng sanh khác, của các cá nhân khác, điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. ...(như trên)... chuyển vận Pháp Luân tối thượng.
Hơn nữa, đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể về phiền não, sự thanh lọc, sự thoát ra của thiền, của giải thoát, của định, và của sự chứng đạt. Sự việc đức Như Lai nhận biết đúng theo thực thể về phiền não, sự thanh lọc, sự thoát ra của thiền, của giải thoát, của định, và của sự chứng đạt, điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. ...(như trên)... chuyển vận Pháp Luân tối thượng.
Hơn nữa, đức Như Lai nhớ về nhiều kiếp sống trước như là một lần sanh, hai lần sanh ...(như trên)...; như thế Ngài nhớ lại nhiều kiếp sống trước với các nét cá biệt và đại cương. Sự việc đức Như Lai nhớ về nhiều kiếp sống trước như là một lần sanh, hai lần sanh ...(như trên)... điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. ...(như trên)... chuyển vận Pháp Luân tối thượng.
Hơn nữa, đức Như Lai, bằng thiên nhãn thuần tịnh vượt trội loài người, nhìn thấy chúng sanh trong khi chết đi rồi sanh lại ...(như trên)... Sự việc đức Như Lai, bằng thiên nhãn thuần tịnh vượt trội loài người, nhìn thấy chúng sanh trong khi chết đi rồi sanh lại ...(như trên)... điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. ...(như trên)... chuyển vận Pháp Luân tối thượng.
Hơn nữa, đức Như Lai, do sự đoạn tận của các lậu hoặc ngay trong kiếp hiện tại, sau khi tác chứng sự không còn lậu hoặc, sự giải thoát của ý, sự giải thoát của tuệ bằng thắng trí của tự thân, đã thể nhập và an trú. Sự việc đức Như Lai, do sự đoạn tận của các lậu hoặc ngay trong kiếp hiện tại, sau khi tác chứng sự không còn lậu hoặc, sự giải thoát của ý, sự giải thoát của tuệ bằng thắng trí của tự thân, đã thể nhập và an trú, điều này cũng là Như Lai lực của đức Như Lai. Sau khi đạt đến lực ấy, đức Như Lai công bố về tư thế tối thượng, rống lên tiếng rống sư tử ở giữa hội chúng, chuyển vận Pháp Luân tối thượng.
Tín lực với ý nghĩa gì? Tấn lực với ý nghĩa gì? Niệm lực với ý nghĩa gì? Định lực với ý nghĩa gì? Tuệ lực với ý nghĩa gì? Lực của sự hổ thẹn (tội lỗi) với ý nghĩa gì? Lực của sự ghê sợ (tội lỗi) với ý nghĩa gì? Lực của sự phân biệt rõ với ý nghĩa gì? ...(như trên)... Lực của đức Như Lai với ý nghĩa gì?
Với ý nghĩa của sự không dao động ở sự không có đức tin là tín lực. Với ý nghĩa của sự không dao động ở sự biếng nhác là tấn lực. Với ý nghĩa của sự không dao động ở sự buông lung là niệm lực. Với ý nghĩa của sự không dao động ở sự phóng dật là định lực. Với ý nghĩa của sự không dao động ở vô minh. là tuệ lực. ‘Hổ thẹn về các ác bất thiện pháp’ là lực của sự hổ thẹn (tội lỗi). ‘Ghê sợ về các ác bất thiện pháp’ là lực của sự ghê sợ (tội lỗi). ‘Phân biệt rõ các phiền não bằng trí’ là lực của sự phân biệt rõ. ‘Các pháp sanh lên trong trường hợp ấy là có nhất vị’ là lực của sự tu tập. ‘Không có gì sai trái ở điều ấy’ là lực của sự không sai trái. ‘Do điều ấy, (hành giả) củng cố lại tâm’ là lực của sự củng cố. ‘(Hành giả) chấp nhận điều ấy’ là lực của sự nhẫn nại. ‘Do điều ấy, (hành giả) chuẩn bị tâm’ là lực của sự chuẩn bị. ‘Do điều ấy, (hành giả) khiến tâm được thuyết phục’ là lực của sự thuyết phục. ‘Do điều ấy, (hành giả) chuyển tâm thành ưu thế’ là lực của sự thống lãnh. ‘Do điều ấy, (hành giả) khẳng định tâm’ là lực của sự khẳng định. ‘Do điều ấy, tâm được chuyên nhất’ là lực của chỉ tịnh. ‘(Hành giả) quán xét các pháp sanh lên trong trường hợp ấy’ là lực của minh sát. ‘(Hành giả) học tập ở điều ấy’ là lực của bậc Hữu Học. ‘Do trạng thái đã học tập xong ở điều ấy’ là lực của bậc Vô Học. ‘Do điều ấy, các lậu hoặc được cạn kiệt’ là lực của bậc Lậu Tận. ‘Được thành công cho vị ấy’ là lực của thần thông. Với ý nghĩa vô lượng là lực của đức Như Lai.
Phần Giảng về Lực được đầy đủ.
--ooOoo--
Tôi đã được nghe như vầy: Một thời, đức Thế Tôn ngự tại Sāvatthī, Jetavana, tu viện của ông Anāthapiṇḍika. Khi ấy, đại đức Ānanda đã đi đến gặp đức Thế Tôn, sau khi đến đã đảnh lễ đức Thế Tôn rồi ngồi xuống ở một bên. Khi đã ngồi xuống một bên, đại đức Ānanda đã bạch với đức Thế Tôn điều này:
- Bạch ngài, được nói rằng: ‘Thế giới là không, thế giới là không.’ Bạch ngài, cho đến như thế nào được nói rằng: ‘Thế giới là không’?
- Này Ānanda, bởi vì là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã, do đó được nói rằng: ‘Thế giới là không.’ Và này Ānanda, cái gì là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã? Này Ānanda, mắt là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã. Các sắc là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã. Nhãn thức là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã. Nhãn xúc là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã. Cảm thọ nào được sanh lên do duyên nhãn xúc dầu là lạc, hoặc là khổ, hoặc là không khổ không lạc, cảm thọ ấy cũng là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã.
Tai là không ... Các thinh là không ... Mũi là không ... Các khí là không ... Lưỡi là không ... Các vị là không ... Thân là không ... Các xúc là không ... Ý là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã. Các pháp là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã. Ý thức là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã. Ý xúc là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã. Cảm thọ nào được sanh lên do duyên ý xúc dầu là lạc, hoặc là khổ, hoặc là không khổ không lạc, cảm thọ ấy cũng là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã. Này Ānanda, bởi vì là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã, do đó được nói rằng: ‘Thế giới là không.’
Không đối với không, không đối với các hành, không do sự chuyển biến, không tối thắng, không do tướng trạng, không do áp chế, không đối với chi phần ấy, không do đoạn trừ, không do tịnh lặng, không do xuất ly, không đối với nội phần, không đối với ngoại phần, không đối với cả hai (nội và ngoại phần), không của cùng nhóm, không do khác nhóm, không do tầm cầu, không do nắm giữ, không do thành đạt, không do thấu triệt, không do tính chất giống nhau, không do tính chất khác biệt, không do nhẫn nại, không do khẳng định, không do thâm nhập, sự chấm dứt vận hành của vị có sự nhận biết rõ rệt là không theo ý nghĩa tuyệt đối của tất cả không tánh.
Cái gì là không đối với không? Mắt là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã, đối với vật thường còn, đối với vật vững bền, đối với vật vĩnh viễn, hoặc đối với pháp không chuyển biến. Tai là không ... Mũi là không ... Lưỡi là không ... Thân là không ... Ý là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã, đối với vật thường còn, đối với vật vững bền, đối với vật vĩnh viễn, hoặc đối với pháp không chuyển biến. Đây là không đối với không.
Cái gì là không đối với các hành? Có ba hành: phúc hành, phi phúc hành, bất động hành.[1]Phúc hành là không đối với phi phúc hành và đối với bất động hành. Phi phúc hành là không đối với phúc hành và đối với bất động hành. bất động hành là không đối với phúc hành và đối với phi phúc hành. Đây là ba hành.
Còn có ba hành khác nữa: thân hành, khẩu hành, ý hành. Thân hành là không đối với khẩu hành và đối với ý hành. Khẩu hành là không đối với thân hành và đối với ý hành. Ý hành là không đối với thân hành và đối với khẩu hành. Đây là ba hành.
Còn có ba hành khác nữa: Hành thời quá khứ, hành thời vị lai, hành thời hiện tại. Hành thời quá khứ là không đối với hành thời vị lai và thời hiện tại. Hành thời vị lai là không đối với hành thời quá khứ và thời hiện tại. Hành thời hiện tại là không đối với hành thời quá khứ và thời vị lai. Đây là ba hành. Đây là không đối với các hành.
Cái gì là không do sự chuyển biến? Sắc được sanh lên là không do bản thể, sắc đã qua không những là đã chuyển biến mà còn là không. Thọ được sanh lên là không do bản thể, thọ đã qua không những là đã chuyển biến mà còn là không. Tưởng được sanh lên ... Các hành được sanh lên ... Thức được sanh lên ... Mắt được sanh lên ... Hữu được sanh lên là không do bản thể, hữu đã qua không những là đã chuyển biến mà còn là không. Đây là không do sự chuyển biến.
Cái gì là không tối thắng? Địa vị này là tối thắng, địa vị này là hạng nhất, địa vị này là phi thường, tức là sự yên lặng của tất cả các hành, sự từ bỏ tất cả các mầm tái sanh, sự đoạn tận ái, sự ly tham ái, sự diệt tận, Niết Bàn. Đây là không tối thắng.
Cái gì là không do tướng trạng? Có hai tướng trạng: Tướng trạng của kẻ ngu và tướng trạng của người trí. Tướng trạng của kẻ ngu là không so với tướng trạng của người trí. Tướng trạng của người trí là không so với tướng trạng của kẻ ngu.
Có ba tướng trạng: Tướng trạng sanh lên, tướng trạng hoại diệt, tướng trạng thay đổi trong khi tồn tại. Tướng trạng sanh lên là không đối với tướng trạng hoại diệt và đối với tướng trạng thay đổi trong khi tồn tại. Tướng trạng hoại diệt là không đối với tướng trạng sanh lên và đối với tướng trạng thay đổi trong khi tồn tại. Tướng trạng thay đổi trong khi tồn tại là không đối với tướng trạng sanh lên và đối với tướng trạng hoại diệt.
Đối với sắc, tướng trạng sanh lên là không đối với tướng trạng hoại diệt và đối với tướng trạng đổi thay khi trụ lại. Đối với sắc, tướng trạng hoại diệt là không đối với tướng trạng sanh lên và đối với tướng trạng đổi thay khi trụ lại. Đối với sắc, tướng trạng đổi thay khi trụ lại là không đối với tướng trạng sanh lên và đối với tướng trạng hoại diệt. Đối với thọ ... tưởng ... các hành ... thức ... mắt ... lão tử, tướng trạng sanh lên là không đối với tướng trạng hoại diệt và đối với tướng trạng đổi thay khi trụ lại. Đối với lão tử, tướng trạng hoại diệt là không đối với tướng trạng sanh lên và đối với tướng trạng đổi thay khi trụ lại. Đối với lão tử, tướng trạng đổi thay khi trụ lại là không đối với tướng trạng sanh lên và đối với tướng trạng hoại diệt. Đây là không do tướng trạng.
Cái gì là không do áp chế? Do sự thoát ly, ước muốn trong các dục được áp chế và là không. Do không sân độc, sân độc được áp chế và là không. Do sự nghĩ tưởng về ánh sáng, sự lờ đờ buồn ngủ được áp chế và là không. Do không tản mạn, sự phóng dật được áp chế và là không. Do xác định pháp, hoài nghi được áp chế và là không. Do trí, vô minh được áp chế và là không. Do hân hoan, sự không hứng thú được áp chế và là không. Do sơ thiền, các pháp ngăn che được áp chế và là không. ...(như trên)... Do Đạo A-la-hán, toàn bộ phiền não được áp chế và là không. Đây là không do áp chế.
Cái gì là không đối với chi phần ấy? Do sự thoát ly, ước muốn trong các dục là không đối với chi phần ấy. Do không sân độc, sân độc là không đối với chi phần ấy. Do sự nghĩ tưởng về ánh sáng, sự lờ đờ buồn ngủ là không đối với chi phần ấy. Do không tản mạn, sự phóng dật là không đối với chi phần ấy. Do xác định pháp, hoài nghi là không đối với chi phần ấy. Do trí, vô minh là không đối với chi phần ấy. Do hân hoan, sự không hứng thú là không đối với chi phần ấy. Do sơ thiền, các pháp ngăn che là không đối với chi phần ấy. ...(như trên)... Do quán xét về ly khai, cố chấp vào sự ràng buộc là không đối với chi phần ấy. Đây là không đối với chi phần ấy.
Cái gì là không do đoạn trừ? Do sự thoát ly, ước muốn trong các dục được đoạn trừ và là không. Do không sân độc, sân độc được đoạn trừ và là không. Do nghĩ tưởng về ánh sáng, sự lờ đờ buồn ngủ được đoạn trừ và là không. Do không tản mạn, sự phóng dật được đoạn trừ và là không. Do xác định pháp, hoài nghi được đoạn trừ và là không. Do trí, vô minh được đoạn trừ và là không. Do hân hoan, sự không hứng thú được đoạn trừ và là không. Do sơ thiền, các pháp ngăn che được đoạn trừ và là không. ...(nt)... Do Đạo A-la-hán, toàn bộ phiền não được đoạn trừ và là không. Đây là không do đoạn trừ.
Cái gì là không do tịnh lặng? Do sự thoát ly, ước muốn trong các dục được tịnh lặng và là không. Do không sân độc, sân độc được tịnh lặng và là không. Do nghĩ tưởng về ánh sáng, sự lờ đờ buồn ngủ được tịnh lặng và là không. Do không tản mạn, phóng dật được tịnh lặng và là không. Do xác định pháp, hoài nghi được tịnh lặng và là không.
Do trí, vô minh được tịnh lặng và là không. Do hân hoan, sự không hứng thú được tịnh lặng và là không. Do sơ thiền, các pháp ngăn che được tịnh lặng và là không. ...(như trên)... Do Đạo A-la-hán, toàn bộ phiền não được tịnh lặng và là không. Đây là không do tịnh lặng.
Cái gì là không do xuất ly? Do sự thoát ly, ước muốn trong các dục được xuất ly và là không. Do không sân độc, sân độc được xuất ly và là không. Do sự nghĩ tưởng về ánh sáng, sự lờ đờ buồn ngủ được xuất ly và là không. Do không tản mạn, sự phóng dật được xuất ly và là không. Do xác định pháp, hoài nghi được xuất ly và là không. Do trí, vô minh được xuất ly và là không. Do hân hoan, sự không hứng thú được xuất ly và là không. Do sơ thiền, các pháp ngăn che được xuất ly và là không. ...(như trên)... Do Đạo A-la-hán, toàn bộ phiền não được xuất ly và là không. Đây là không do xuất ly.
Cái gì là không đối với nội phần? Mắt thuộc nội phần là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã, đối với vật thường còn, đối với vật vững bền, đối với vật vĩnh viễn, hoặc đối với pháp không chuyển biến. Tai thuộc nội phần là không ... Mũi thuộc nội phần là không ... Lưỡi thuộc nội phần là không ... Thân thuộc nội phần là không ... Ý thuộc nội phần là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã, đối với vật thường còn, đối với vật vững bền, đối với vật vĩnh viễn, hoặc đối với pháp không chuyển biến. Đây là không đối với nội phần.
Cái gì là không đối với ngoại phần? Các sắc thuộc ngoại phần là không ...(như trên)... Các pháp thuộc ngoại phần là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã, đối với vật thường còn, đối với vật vững bền, đối với vật vĩnh viễn, hoặc đối với pháp không chuyển biến. Đây là không đối với ngoại phần.
Cái gì là không đối với cả hai? Mắt thuộc nội phần và các sắc thuộc ngoại phần, cả hai điều này là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã, đối với vật thường còn, đối với vật vững bền, đối với vật vĩnh viễn, hoặc đối với pháp không chuyển biến. Tai thuộc nội phần và các thinh thuộc ngoại phần ... Mũi thuộc nội phần và các khí thuộc ngoại phần ... Lưỡi thuộc nội phần và các vị thuộc ngoại phần ... Thân thuộc nội phần và các xúc thuộc ngoại phần ... Ý thuộc nội phần và các pháp thuộc ngoại phần, cả hai điều này là không đối với tự ngã hoặc đối với vật thuộc về tự ngã, đối với vật thường còn, đối với vật vững bền, đối với vật vĩnh viễn, hoặc đối với pháp không chuyển biến. Điều này là không đối với cả hai.
Cái gì là không của cùng nhóm? Sáu nội xứ là cùng nhóm và là không. Sáu ngoại xứ là cùng nhóm và là không. Sáu nhóm của thức là cùng nhóm và là không. Sáu nhóm của xúc là cùng nhóm và là không. Sáu nhóm của thọ là cùng nhóm và là không. Sáu nhóm của tưởng là cùng nhóm và là không. Sáu nhóm của tư là cùng nhóm và là không. Đây là không của cùng nhóm.
Cái gì là không do khác nhóm? Sáu nội xứ đối với sáu ngoại xứ là khác nhóm và là không. Sáu xứ ngoại đối với sáu nhóm của thức là khác nhóm và là không. Sáu nhóm của thức đối với sáu nhóm của xúc là khác nhóm và là không. Sáu nhóm của xúc đối với sáu nhóm của thọ là khác nhóm và là không. Sáu nhóm của thọ đối với sáu nhóm của tưởng là khác nhóm và là không. Sáu nhóm của tưởng đối với sáu nhóm của tư là khác nhóm và là không. Đây là không do khác nhóm.
Cái gì là không do tầm cầu? Tầm cầu sự thoát ly là không đối với ước muốn trong các dục. Tầm cầu sự không sân độc là không đối với sân độc. Tầm cầu sự nghĩ tưởng về ánh sáng là không đối với sự lờ đờ buồn ngủ. Tầm cầu sự không tản mạn là không đối với phóng dật. Tầm cầu sự xác định pháp là không đối với hoài nghi. Tầm cầu trí là không đối với vô minh. Tầm cầu sự hân hoan là không đối với sự không hứng thú. Tầm cầu sơ thiền là không đối với các pháp ngăn che. ...(như trên)... Tầm cầu Đạo A-la-hán là không đối với toàn bộ phiền não. Đây là không do tầm cầu.
Cái gì là không do nắm giữ? Nắm giữ sự thoát ly là không đối với ước muốn trong các dục. Nắm giữ sự không sân độc là không đối với sân độc. Nắm giữ sự nghĩ tưởng về ánh sáng là không đối với sự lờ đờ buồn ngủ. Nắm giữ sự không tản mạn là không đối với sự phóng dật. Nắm giữ sự xác định pháp là không đối với hoài nghi. Nắm giữ trí là không đối với vô minh. Nắm giữ sự hân hoan là không đối với sự không hứng thú. Nắm giữ sơ thiền là không đối với các pháp ngăn che. ...(như trên)... Nắm giữ Đạo A-la-hán là không đối với toàn bộ phiền não. Đây là không do nắm giữ.
Cái gì là không do thành đạt? Thành đạt sự thoát ly là không đối với ước muốn trong các dục. Thành đạt sự không sân độc là không đối với sân độc. Thành đạt sự nghĩ tưởng về ánh sáng là không đối với sự lờ đờ buồn ngủ. Thành đạt sự không tản mạn là không đối với phóng dật. Thành đạt sự xác định pháp là không đối với hoài nghi. Thành đạt trí là không đối với vô minh. Thành đạt sự hân hoan là không đối với sự không hứng thú. Thành đạt sơ thiền là không đối với các pháp ngăn che. ...(như trên)... Thành đạt Đạo A-la-hán là không đối với toàn bộ phiền não. Đây là không do thành đạt.
Cái gì là không do thấu triệt? Thấu triệt sự thoát ly là không đối với ước muốn trong các dục. Thấu triệt sự không sân độc là không đối với sân độc. Thấu triệt sự nghĩ tưởng về ánh sáng là không đối với sự lờ đờ buồn ngủ. Thấu triệt sự không tản mạn là không đối với phóng dật. Thấu triệt sự xác định pháp là không đối với hoài nghi. Thấu triệt trí là không đối với vô minh. Thấu triệt sự hân hoan là không đối với sự không hứng thú. Thấu triệt sơ thiền là không đối với các pháp ngăn che. ...(như trên)... Thấu triệt Đạo A-la-hán là không đối với toàn bộ phiền não. Đây là không do thấu triệt.
Cái gì là không do tính chất giống nhau, là không do tính chất khác biệt? Ước muốn trong các dục là có tính chất khác biệt, sự thoát ly là có tính chất giống nhau. Vị đang suy nghĩ về tính chất giống nhau của sự thoát ly, đối với vị ấy là không về ước muốn trong các dục. Sân độc là có tính chất khác biệt, không sân độc là có tính chất giống nhau. Vị đang suy nghĩ về tính chất giống nhau của không sân độc, đối với vị ấy là không về sân độc. Sự lờ đờ buồn ngủ là có tính chất khác biệt, sự nghĩ tưởng về ánh sáng là có tính chất giống nhau. Vị đang suy nghĩ về tính chất giống nhau của sự nghĩ tưởng về ánh sáng, đối với vị ấy là không về sự lờ đờ buồn ngủ. Phóng dật là có tính chất khác biệt, sự không tản mạn là có tính chất giống nhau. Vị đang suy nghĩ về tính chất giống nhau của sự không tản mạn, đối với vị ấy là không về phóng dật. Hoài nghi là có tính chất khác biệt, sự xác định pháp là có tính chất giống nhau. Vị đang suy nghĩ về tính chất giống nhau của sự xác định pháp, đối với vị ấy là không về hoài nghi. Vô minh là có tính chất khác biệt, trí là có tính chất giống nhau. Vị đang suy nghĩ về tính chất giống nhau của trí, đối với vị ấy là không về vô minh. Sự không hứng thú là có tính chất khác biệt, hân hoan là có tính chất giống nhau. Vị đang suy nghĩ về tính chất giống nhau của hân hoan, đối với vị ấy là không về sự không hứng thú. Các pháp ngăn che là có tính chất khác biệt, sơ thiền là có tính chất giống nhau. Vị đang suy nghĩ về tính chất giống nhau của sơ thiền, đối với vị ấy là không về các pháp ngăn che. ...(như trên)... Toàn bộ phiền não là có tính chất khác biệt, Đạo A-la-hán là có tính chất giống nhau. Vị đang suy nghĩ về tính chất giống nhau của Đạo A-la-hán, đối với vị ấy là không về toàn bộ phiền não. Đây là không do tính chất giống nhau, là không do tính chất khác biệt.
Cái gì là không do nhẫn nại? Nhẫn nại đối với sự thoát ly là không đối với ước muốn trong các dục. Nhẫn nại đối với sự không sân độc là không đối với sân độc. Nhẫn nại đối với sự nghĩ tưởng về ánh sáng là không đối với sự lờ đờ buồn ngủ. Nhẫn nại đối với sự không tản mạn là không đối với phóng dật. Nhẫn nại đối với sự xác định pháp là không đối với hoài nghi. Nhẫn nại đối với trí là không đối với vô minh. Nhẫn nại đối với sự hân hoan là không đối với sự không hứng thú. Nhẫn nại đối với sơ thiền là không đối với các pháp ngăn che. ...(như trên)... Nhẫn nại đối với Đạo A-la-hán là không đối với toàn bộ phiền não. Đây là không do nhẫn nại.
Cái gì là không do khẳng định? Khẳng định sự thoát ly là không đối với ước muốn trong các dục. Khẳng định không sân độc là không đối với sự sân độc. Khẳng định sự nghĩ tưởng về ánh sáng là không đối với sự lờ đờ buồn ngủ. Khẳng định sự không tản mạn là không đối với sự phóng dật. Khẳng định sự xác định pháp là không đối với hoài nghi. Khẳng định trí là không đối với vô minh. Khẳng định sự hân hoan là không đối với không hứng thú. Khẳng định sơ thiền là không đối với các pháp ngăn che. ...(nt)... Khẳng định Đạo A-la-hán là không đối với toàn bộ phiền não. Đây là không do khẳng định.
Cái gì là không do thâm nhập? Thâm nhập sự thoát ly là không đối với ước muốn trong các dục. Thâm nhập sự không sân độc là không đối với sân độc. Thâm nhập sự nghĩ tưởng về ánh sáng là không đối với sự lờ đờ buồn ngủ. Thâm nhập sự không tản mạn là không đối với sự phóng dật. Thâm nhập sự xác định pháp là không đối với hoài nghi. Thâm nhập trí là không đối với vô minh. Thâm nhập sự hân hoan là không đối với sự không hứng thú. Thâm nhập sơ thiền là không đối với các pháp ngăn che. ...(như trên)... Thâm nhập Đạo A-la-hán là không đối với toàn bộ phiền não. Đây là không do thâm nhập.
Sự chấm dứt vận hành gì ở vị có sự nhận biết rõ rệt là không theo ý nghĩa tuyệt đối của tất cả không tánh? Ở đây, vị có sự nhận biết rõ rệt, chấm dứt sự vận hành của ước muốn trong các dục nhờ vào sự thoát ly, chấm dứt sự vận hành của sân độc nhờ vào không sân độc, chấm dứt sự vận hành của sự lờ đờ buồn ngủ nhờ vào sự nghĩ tưởng về ánh sáng, chấm dứt sự vận hành của phóng dật nhờ vào không tản mạn, chấm dứt sự vận hành của hoài nghi nhờ vào sự xác định pháp, chấm dứt sự vận hành của vô minh nhờ vào trí, chấm dứt sự vận hành của không hứng thú nhờ vào hân hoan, chấm dứt sự vận hành của các pháp ngăn che nhờ vào sơ thiền ...(như trên)... chấm dứt sự vận hành của toàn bộ phiền não nhờ vào Đạo A-la-hán.
Hoặc là đối với vị có sự nhận biết rõ rệt đang Vô Dư Niết Bàn ở cảnh giới Niết Bàn không còn dư sót, sự vận hành này của mắt được chấm dứt và sự vận hành khác của mắt không sanh lên, sự vận hành này của tai ...(như trên)... sự vận hành này của mũi ...(như trên)... sự vận hành này của lưỡi ...(như trên)... sự vận hành này của thân ...(nt)... sự vận hành này của ý được chấm dứt và sự vận hành khác của ý không sanh lên. Sự chấm dứt vận hành này ở vị có sự nhận biết rõ rệt là không theo ý nghĩa tuyệt đối của tất cả không tánh.
Phần Giảng về Không được đầy đủ.
Phẩm Kết Hợp Chung là phần thứ nhì.
Tómlược phẩm này:
Kết hợp chung, chân lý,
các chi phần giác ngộ,
tâm từ, ly tham ái
là phần giảng thứ năm,
(các phương pháp) phân tích,
bánh xe về Chánh Pháp,
tối thượng ở thế gian,
lực, và không (là mười).
Phần quý báu của các Bộ Kinh đã được thành lập này là phẩm thứ nhì, cao quý, tuyệt vời, không gì sánh được.
--ooOoo--
Sự quán xét về vô thường được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về khổ não được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về vô ngã được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? ...(như trên)... Sự quán xét về từ bỏ được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ?
Sự quán xét về vô thường được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về khổ não được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ nhàm chán được tròn đủ. Sự quán xét về vô ngã được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vĩ đại được tròn đủ. Sự quán xét về nhàm chán được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ sắc bén được tròn đủ. Sự quán xét về ly tham ái được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ rộng lớn được tròn đủ. Sự quán xét về diệt tận được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ thâm sâu được tròn đủ. Sự quán xét về từ bỏ được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vô song được tròn đủ. Bảy tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến bản tánh sáng suốt được tròn đủ. Tám tuệ[2]này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ phổ thông được tròn đủ. Chín tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vi tiếu được tròn đủ.
Tuệ vi tiếu là sự phân tích về phép biện giải. Từ việc xác định ý nghĩa bởi tuệ ấy, sự phân tích về ý nghĩa là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định pháp, sự phân tích về pháp là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định ngôn từ, sự phân tích về ngôn từ là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định phép biện giải, sự phân tích về phép biện giải là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Bốn phân tích này của vị ấy là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ.
Sự quán xét về vô thường ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? ...(như trên)... Sự quán xét về từ bỏ ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ?
Sự quán xét về vô thường ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. ...(như trên)... Sự quán xét về từ bỏ ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vô song được tròn đủ. Bảy tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến bản tánh sáng suốt được tròn đủ. Tám tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ phổ thông được tròn đủ. Chín tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vi tiếu được tròn đủ.
Tuệ vi tiếu là sự phân tích về phép biện giải. Từ việc xác định ý nghĩa bởi tuệ ấy, sự phân tích về ý nghĩa là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định pháp, sự phân tích về pháp là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định ngôn từ, sự phân tích về ngôn từ là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định phép biện giải, sự phân tích về phép biện giải là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Bốn phân tích này của vị ấy là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ.
Sự quán xét về vô thường ở thọ ... ở tưởng ... ở các hành ... ở thức ... ở mắt ... ở lão tử được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? ...(như trên)... Sự quán xét về từ bỏ ở lão tử được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về vô thường ở lão tử được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. ...(như trên)... Sự quán xét về từ bỏ ở lão tử được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vô song được tròn đủ. Bảy tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến bản tánh sáng suốt được tròn đủ. Tám tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ phổ thông được tròn đủ. Chín tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vi tiếu được tròn đủ.
Tuệ vi tiếu là sự phân tích về phép biện giải. Từ việc xác định ý nghĩa bởi tuệ ấy, sự phân tích về ý nghĩa là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định pháp, sự phân tích về pháp là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định ngôn từ, sự phân tích về ngôn từ là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định phép biện giải, sự phân tích về phép biện giải là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Bốn phân tích này của vị ấy là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ.
Sự quán xét về vô thường ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về vô thường ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về khổ não ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về khổ não ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về vô ngã ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về vô ngã ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về nhàm chán ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về nhàm chán ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về ly tham ái ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về ly tham ái ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ?
Sự quán xét về diệt tận ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về diệt tận ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về từ bỏ ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về từ bỏ ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ?
Sự quán xét về vô thường ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về vô thường ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về khổ não ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ nhàm chán được tròn đủ. Sự quán xét về khổ não ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về vô ngã ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vĩ đại được tròn đủ. Sự quán xét về vô ngã ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về nhàm chán ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ sắc bén được tròn đủ. Sự quán xét về nhàm chán ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về ly tham ái ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ rộng lớn được tròn đủ. Sự quán xét về ly tham ái ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về diệt tận ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ thâm sâu được tròn đủ. Sự quán xét về diệt tận ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về từ bỏ ở sắc được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vô song được tròn đủ. Sự quán xét về từ bỏ ở sắc thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Bảy tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến bản tánh sáng suốt được tròn đủ. Tám tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ phổ thông được tròn đủ. Chín tuệ này được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ vi tiếu được tròn đủ.
Tuệ vi tiếu là sự phân tích về phép biện giải. Từ việc xác định ý nghĩa bởi tuệ ấy, sự phân tích về ý nghĩa là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định pháp, sự phân tích về pháp là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định ngôn từ, sự phân tích về ngôn từ là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Từ việc xác định phép biện giải, sự phân tích về phép biện giải là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ. Bốn phân tích này của vị ấy là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ.
Sự quán xét về vô thường ở thọ ... ở tưởng ... ở các hành ... ở thức ... ở mắt ... ở lão tử được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về vô thường ở lão tử thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? ...(như trên)... Sự quán xét về từ bỏ ở lão tử được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ? Sự quán xét về từ bỏ ở lão tử thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ gì được tròn đủ?
Sự quán xét về vô thường ở lão tử được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. Sự quán xét về vô thường ở lão tử thuộc quá khứ hiện tại vị lai được tu tập, được làm cho sung mãn khiến tuệ đổng tốc được tròn đủ. ...(nt)... Bốn phân tích này của vị ấy là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ.
Này các tỳ khưu, bốn pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự tác chứng Quả Nhập Lưu. Bốn là gì? Thân cận bậc thiện nhân, lắng nghe Chánh Pháp, tác ý đúng đường lối, thực hành đúng theo ý nghĩa của Pháp. Này các tỳ khưu, bốn pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự tác chứng Quả Nhập Lưu.
Này các tỳ khưu, bốn pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự tác chứng Quả Nhất Lai. ... đưa đến sự tác chứng Quả Bất Lai. ... đưa đến sự tác chứng Quả A-la-hán. Bốn là gì? Thân cận bậc thiện nhân, lắng nghe Chánh Pháp, tác ý đúng đường lối, thực hành đúng theo ý nghĩa của Pháp. Này các tỳ khưu, bốn pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn đưa đến sự tác chứng Quả A-la-hán.
Này các tỳ khưu, bốn pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn, đưa đến sự thành đạt về tuệ ...(như trên)... đưa đến sự tăng trưởng của tuệ ...(như trên)... đưa đến sự tiến triển của tuệ ...(như trên)... đưa đến trạng thái tuệ vĩ đại ...(như trên)... đưa đến trạng thái tuệ phổ thông ...(như trên)... đưa đến trạng thái tuệ rộng lớn ...(như trên)... đưa đến trạng thái tuệ thâm sâu ...(như trên)... đưa đến trạng thái tuệ vô song ...(như trên)... đưa đến trạng thái tuệ bao la ...(như trên)... đưa đến sự dồi dào của tuệ ...(như trên)... đưa đến trạng thái tuệ nhạy bén ...(như trên)... đưa đến trạng thái tuệ nhẹ nhàng ...(như trên)... đưa đến trạng thái tuệ vi tiếu ...(như trên)... đưa đến trạng thái tuệ đổng tốc ...(như trên)... đưa đến trạng thái tuệ sắc bén ...(như trên)... đưa đến trạng thái tuệ thông suốt. Bốn là gì? Thân cận bậc thiện nhân, lắng nghe Chánh Pháp, tác ý đúng đường lối, thực hành đúng theo ý nghĩa của Pháp. Này các tỳ khưu, bốn pháp này được tu tập, được làm cho sung mãn đưa đến sự thành đạt về tuệ ...(như trên)... đưa đến sự tăng trưởng của tuệ ...(như trên)... đưa đến trạng thái tuệ thông suốt.
Đưa đến sự thành đạt về tuệ: Sự thành đạt về tuệ là gì? Là sự đạt được, sự thành đạt, sự đạt đến, sự thành tựu, sự chạm đến, sự tác chứng, sự hoàn thành của bốn trí về Đạo, của bốn trí về Quả, của bốn trí phân tích, của sáu thắng trí, của bảy mươi ba trí,[3]của bảy mươi bảy trí.[4]‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến sự thành đạt về tuệ;’ đây là sự thành đạt về tuệ.
Đưa đến sự tăng trưởng của tuệ: Sự tăng trưởng của tuệ gì? Tuệ của 7 vị Hữu Học và của phàm nhân hoàn thiện tăng trưởng, tuệ của vị A-la-hán tăng trưởng. ‘Các sự tăng trưởng đã được tăng trưởng đưa đến sự tăng trưởng của tuệ;’ đây là sự tăng trưởng của tuệ.
Đưa đến sự tiến triển của tuệ: Sự tiến triển của tuệ gì? Tuệ của bảy vị Hữu Học và của vị phàm nhân hoàn thiện đi đến sự tiến triển, tuệ của vị A-la-hán đã đi đến sự tiến triển. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến sự tiến triển của tuệ;’ đây là sự tiến triển của tuệ.
Đưa đến trạng thái tuệ vĩ đại: Tuệ vĩ đại là gì? ‘Nắm giữ các ý nghĩa vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các pháp vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các ngôn từ vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các phép biện giải vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các giới uẩn vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các định uẩn vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các tuệ uẩn vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các giải thoát uẩn vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các giải thoát-tri-kiến uẩn vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các sự hợp lý và không hợp lý vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các sự an trú và chứng đạt vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các chân lý cao thượng vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các sự thiết lập niệm vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các chánh cần vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các nền tảng thần thông vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các quyền vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các lực vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các giác chi vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các Thánh Đạo vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các Quả vị Sa-môn vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ các thắng trí vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Nắm giữ Niết Bàn có ý nghĩa tuyệt đối vĩ đại’ là tuệ vĩ đại. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ vĩ đại;’ đây là tuệ vĩ đại.
Đưa đến trạng thái tuệ phổ thông: Tuệ phổ thông là gì? ‘Trí vận hành về các uẩn phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các giới phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các xứ phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các sự sanh khởi tùy thuận phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các trường hợp không đạt được không tánh phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các ý nghĩa phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các pháp phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông.
‘Trí vận hành về các ngôn từ phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các phép biện giải phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các giới uẩn phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các định uẩn phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các tuệ uẩn phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các giải thoát uẩn phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các giải thoát-tri-kiến uẩn phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các sự hợp lý và không hợp lý phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các sự an trú và chứng đạt phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các chân lý cao thượng phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các sự thiết lập niệm phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các chánh cần phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các nền tảng thần thông phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các quyền phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các lực phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các giác chi phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các Thánh Đạo phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các Quả vị Sa-môn phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vận hành về các thắng trí phổ thông và khác biệt’ là tuệ phổ thông. ‘Trí vượt qua các pháp phổ biến đến phàm nhân rồi vận hành về Niết Bàn có ý nghĩa tuyệt đối’ là tuệ phổ thông. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ phổ thông;’ đây là tuệ phổ thông.
Đưa đến trạng thái tuệ rộng lớn: Tuệ rộng lớn là gì? ‘Nắm giữ các ý nghĩa rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các pháp rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các ngôn từ rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các phép biện giải rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các giới uẩn rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các định uẩn nghĩa rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các tuệ uẩn rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các giải thoát uẩn rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các giải thoát-tri-kiến uẩn rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các sự hợp lý và không hợp lý rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các sự an trú và chứng đạt rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các chân lý cao thượng rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các sự thiết lập niệm rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các chánh cần rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các nền tảng thần thông rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các quyền rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các lực rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các giác chi rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các Thánh Đạo rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các Quả vị Sa-môn rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ các thắng trí rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Nắm giữ Niết Bàn có ý nghĩa tuyệt đối rộng lớn’ là tuệ rộng lớn. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ rộng lớn;’ đây là tuệ rộng lớn.
Đưa đến trạng thái tuệ thâm sâu: Tuệ thâm sâu là gì? ‘Trí vận hành về các uẩn thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các giới thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các xứ thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các sự sanh khởi tùy thuận thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các trường hợp không đạt được không tánh thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các ý nghĩa thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các pháp thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các ngôn từ thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các phép biện giải thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các giới uẩn thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các định uẩn thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các tuệ uẩn thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các giải thoát uẩn thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các giải thoát-tri-kiến uẩn thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các sự hợp lý và không hợp lý thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các sự an trú và chứng đạt thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các chân lý cao thượng thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các sự thiết lập niệm thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các chánh cần thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các nền tảng thần thông thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các quyền thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các lực thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các giác chi thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các Thánh Đạo thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các Quả vị Sa-môn thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vận hành về các thắng trí thâm sâu’ là tuệ thâm sâu. ‘Trí vượt qua các pháp phổ biến đến phàm nhân rồi vận hành về Niết Bàn có ý nghĩa tuyệt đối’ là tuệ thâm sâu. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ thâm sâu;’ đây là tuệ thâm sâu.
Đưa đến trạng thái tuệ vô song: Tuệ vô song là gì? Cá nhân nào, do xác định ý nghĩa có sự phân tích về ý nghĩa được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ, do xác định pháp có sự phân tích về pháp được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ, do xác định ngôn từ có sự phân tích về ngôn từ được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ, do xác định phép biện giải có sự phân tích về phép biện giải được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ, đối với vị ấy không ai có thể vượt trội về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và về phép biện giải. ‘Và vị ấy là không thể bị vượt trội bởi những người khác’ là tuệ vô song.
Tuệ của phàm nhân hoàn thiện so với tuệ của hạng thứ tám (Đạo Nhập Lưu) là xa vời, là xa vời rõ rệt, là xa vời vô cùng rõ rệt, là không gần, là không kề cận; so với phàm nhân hoàn thiện, hạng thứ tám là có tuệ vô song. Tuệ của hạng thứ tám so với tuệ của vị Nhập Lưu là xa vời, là xa vời rõ rệt, là xa vời vô cùng rõ rệt, là không gần, là không kề cận; so với hạng thứ tám, vị Nhập Lưu là có tuệ vô song.
Tuệ của vị Nhập Lưu so với tuệ của vị Nhất Lai là xa vời, là xa vời rõ rệt, là xa vời vô cùng rõ rệt, là không gần, là không kề cận; so với vị Nhập Lưu, vị Nhất Lai là có tuệ vô song. Tuệ của vị Nhất Lai so với tuệ của vị Bất Lai là xa vời, là xa vời rõ rệt, là xa vời vô cùng rõ rệt, là không gần, là không kề cận; so với vị Nhất Lai, vị Bất Lai là có tuệ vô song. Tuệ của vị Bất Lai so với tuệ của vị A-la-hán là xa vời, là xa vời rõ rệt, là xa vời vô cùng rõ rệt, là không gần, là không kề cận; so với vị Bất Lai, vị A-la-hán là có tuệ vô song. Tuệ của vị A-la-hán so với tuệ của vị Phật Độc Giác là xa vời, là xa vời rõ rệt, là xa vời vô cùng rõ rệt, là không gần, là không kề cận; so với vị A-la-hán, vị Phật Độc Giác là có tuệ vô song; so với vị Phật Độc Giác và thế gian luôn cả chư Thiên, đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác là có tuệ vô song tối thắng. Là vị thiện xảo về các loại tuệ, có trí đã được phân hạng, có sự phân tích đã được đắc chứng, đã đạt đến bốn sự tự tín, là vị rành rẽ về mười lực, là bậc Nhân Ngưu, là bậc Nhân Sư, là người như loài rồng, là người có dòng dõi cao quý, là người cất đi gánh nặng, là vị có trí vô biên, có oai lực vô biên, có danh vọng vô biên, giàu có (về trí tuệ), có tài sản (trí tuệ) lớn lao, có của cải (trí tuệ), là vị lãnh đạo, vị hướng đạo, vị dẫn dắt, vị giúp cho nhận biết, vị giúp cho suy nghiệm, vị giúp cho quan sát, vị tạo niềm tin.
Bởi vì Ngài là đức Thế Tôn, là vị làm sanh lên đạo lộ chưa được sanh lên, là vị làm sanh khởi đạo lộ chưa được sanh khởi, là vị tuyên thuyết về đạo lộ chưa được tuyên thuyết, là vị biết về đạo lộ, là vị hiểu rõ về đạo lộ, là vị thông thạo về đạo lộ, hơn nữa hiện nay các Thinh Văn của Ngài là những người đi theo đạo lộ rồi an trú, là những người tiếp nối.
Bởi vì Ngài là đức Thế Tôn, là vị biết điều đã được biết, thấy điều đã được thấy, là mắt, là trí, là Pháp, là đấng Brahma, là vị nói ra, là vị nói lên, là vị đem lại ý nghĩa, là vị ban phát Bất Tử, là đấng Pháp Chủ, là đức Như Lai. Đối với đức Thế Tôn ấy, không gì là không được biết, không được thấy, không được hiểu, không được tác chứng, không được chạm đến bởi tuệ. Tính luôn cả quá khứ hiện tại vị lai, tất cả các pháp với mọi biểu hiện đều nổi bật ở trí của đức Phật Thế Tôn. Bất cứ điều gì được gọi là cần được biết, tất cả các điều ấy đều được biết. Ý nghĩa thuộc về bản thân, hoặc ý nghĩa thuộc về người khác, hoặc ý nghĩa thuộc về cả hai, hoặc ý nghĩa trong thời hiện tại, hoặc ý nghĩa liên quan đến thời vị lai, hoặc ý nghĩa hời hợt, hoặc ý nghĩa thâm sâu, hoặc ý nghĩa khó hiểu, hoặc ý nghĩa được che đậy, hoặc ý nghĩa cần được biết, hoặc ý nghĩa đã được kết luận, hoặc ý nghĩa không sai trái, hoặc ý nghĩa không ô nhiễm, hoặc ý nghĩa thuần khiết, hoặc ý nghĩa tuyệt đối, tất cả các điều ấy đều xoay chuyển ở bên trong trí của đức Phật. Tất cả các nghiệp về thân đều được xoay chuyển thuận theo trí của đức Phật Thế Tôn. Tất cả các nghiệp về khẩu đều được xoay chuyển thuận theo trí của đức Phật Thế Tôn. Tất cả các nghiệp về ý đều được xoay chuyển thuận theo trí của đức Phật Thế Tôn.
Trí của đức Phật Thế Tôn về thời điểm đã qua là không bị chướng ngại. Trí của đức Phật Thế Tôn về thời điểm chưa đến là không bị chướng ngại. Trí của đức Phật Thế Tôn về thời điểm hiện tại là không bị chướng ngại. Điều cần được biết là đến đâu, trí (của Ngài) là đến thế ấy; trí (của Ngài) là đến đâu, điều cần được biết là đến thế ấy. Trí (của Ngài) có cùng ranh giới với điều cần được biết, điều cần được biết có cùng ranh giới với trí (của Ngài). Sau khi vượt qua điều cần được biết, trí (của Ngài) không vận hành, không có hiện tượng của điều cần được biết vượt qua trí (của Ngài); các pháp ấy có tình trạng cùng chung ranh giới lẫn nhau. Giống như hai phần của chiếc hộp được gắn liền khít khao, phần hộp ở bên dưới không vượt quá phần bên trên, phần hộp ở bên trên không vượt qua phần bên dưới; chúng có tình trạng cùng chung ranh giới lẫn nhau. Tương tợ y như thế, điều cần được biết và trí của đức Phật Thế Tôn có tình trạng cùng chung ranh giới lẫn nhau. Điều cần được biết là đến đâu, trí (của Ngài) là đến thế ấy; trí (của Ngài) là đến đâu, điều cần được biết là đến thế ấy. Trí (của Ngài) có cùng ranh giới với điều cần được biết, điều cần được biết có cùng ranh giới với trí (của Ngài). Sau khi vượt qua điều cần được biết, trí (của Ngài) không vận hành, không có hiện tượng của điều cần được biết vượt qua trí (của Ngài); các pháp ấy có tình trạng cùng chung ranh giới lẫn nhau. Trí của đức Phật Thế Tôn vận hành ở tất cả các pháp.
Đối với đức Phật Thế Tôn, tất cả các pháp được gắn liền với sự hướng tâm, được gắn liền với sự mong muốn, được gắn liền với tác ý, được gắn liền với sự sanh lên của tâm. Trí của đức Phật Thế Tôn vận hành ở tất cả chúng sanh. Đức Phật biết thiên kiến, biết xu hướng ngủ ngầm, biết tánh hạnh, biết khuynh hướng của tất cả chúng sanh. Ngài nhận biết những chúng sanh có tầm nhìn bị vấy bụi ít và có tầm nhìn bị vấy bụi nhiều, có giác quan sắc sảo và có giác quan cùn lụt, có tánh khí tốt và có tánh khí tồi, có thể hiểu được một cách nhanh chóng và có thể hiểu được một cách khó khăn, có khả năng và không có khả năng. Thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người xoay chuyển ở bên trong trí của đức Phật. Giống như bất cứ loài cá và rùa nào, thậm chí tính luôn loại cá ông cá voi, đều xoay chuyển ở giữa biển cả bao la. Tương tợ như vậy, thế gian tính luôn cõi chư thiên, cõi Ma Vương, cõi Phạm thiên, cho đến dòng dõi Sa-môn, Bà-la-môn, chư thiên và loài người xoay chuyển ở bên trong trí của đức Phật. Giống như bất cứ loài có cánh nào, thậm chí tính luôn cả Kim-sỉ-điểu thuộc loại Venateyya, đều xoay chuyển ở khoảng không gian của bầu trời. Tương tợ y như thế, ngay cả những vị là tương đương với Sārīputta về tuệ, những vị ấy cũng chỉ xoay chuyển trong phạm vi trí của đức Phật.
Trí của đức Phật xâm nhập, chiếm cứ, và ngự trị tuệ của chư thiên và nhân loại. Ngay cả các vị thông thái dòng Sát-đế-lỵ, các vị thông thái dòng Bà-la-môn, các vị gia chủ thông thái, các vị Sa-môn thông thái, khôn ngoan, biết đến các giáo thuyết của những người khác như là (mũi tên) xuyên qua sợi tóc, nghĩ rằng họ là những người đi đến đập đổ những khuynh hướng tà kiến nhờ vào tuệ đã đạt được. Những người ấy liên tục chuẩn bị câu hỏi rồi đi đến gặp đức Như Lai và chất vấn. Những câu hỏi khó hiểu và che đậy ấy, khi được giảng giải được trả lời bởi đức Thế Tôn, trở thành những sự việc rõ ràng. Và những người ấy trở thành những người hỗ trợ đối với đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn vô cùng rạng rỡ ở tại nơi ấy, tức là về ‘Tuệ.’ Ngài là tối thắng và có tuệ vô song. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ vô song;’ đây là tuệ vô song.
Đưa đến trạng thái tuệ bao la: Tuệ bao la là gì? ‘Chế ngự tham ái’ là tuệ bao la. ‘Đã được chế ngự’ là tuệ bao la. ‘Chế ngự sân’ là tuệ bao la. ‘Đã được chế ngự’ là tuệ bao la. ‘Chế ngự si’ là tuệ bao la. ‘Đã được chế ngự’ là tuệ bao la. ‘Chế ngự sự giận dữ’ ... sự căm hận ... sự gièm pha ... sự hà hiếp ... sự ganh tỵ ... sự bỏn xẻn ... sự xảo trá ... sự đạo đức giả ... sự bướng bỉnh ... sự cống cao ... sự ngã mạn ... sự cao ngạo ... sự kiêu căng ... sự buông lung ... toàn bộ phiền não ... tất cả các ác hạnh ... tất cả các hành ... ‘Chế ngự tất cả nghiệp dẫn đến hữu’ là tuệ bao la. ‘Đã được chế ngự’ là tuệ bao la.
‘Tham ái là kẻ thù. Tuệ nghiền nát kẻ thù ấy’ là tuệ bao la. ‘Sân là kẻ thù. Tuệ nghiền nát kẻ thù ấy’ là tuệ bao la. ‘Si là kẻ thù. Tuệ nghiền nát kẻ thù ấy’ là tuệ bao la. ‘Sự giận dữ ... Sự căm hận ... Sự gièm pha ... Sự hà hiếp ... Sự ganh tỵ ... Sự bỏn xẻn ... Sự xảo trá ... Sự đạo đức giả ... Sự bướng bỉnh ... Sự cống cao ... Sự ngã mạn ... Sự cao ngạo ... Sự kiêu căng ... Sự buông lung ... Toàn bộ phiền não ... Tất cả các ác hạnh ... Tất cả các hành ... ‘Tất cả nghiệp dẫn đến hữu là kẻ thù. Tuệ nghiền nát kẻ thù ấy’ là tuệ bao la. Quả đất được gọi là bao la. ‘Đức Phật hội đủ về tuệ ấy có tính rộng lớn tương tợ như quả đất,’ như thế là tuệ bao la. Hơn nữa, điều này là sự đặt tên cho tuệ. ‘Bao la, mẫn tiệp, liên quan đến lãnh đạo’ là tuệ bao la. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ bao la;’ đây là tuệ bao la.
Đưa đến sự dồi dào của tuệ: Sự dồi dào của tuệ là gi? Ở đây, có người chú trọng về tuệ, thực hành về tuệ, có thiên hướng về tuệ, có khuynh hướng về tuệ, có tuệ là ngọn cờ, có tuệ là biểu hiệu, có tuệ là pháp chủ đạo, có nhiều tìm hiểu, nhiều suy xét, nhiều xem xét, nhiều quan sát, có sự việc để quan sát, an trú vào sự việc rõ ràng, thực hành tuệ ấy, chú trọng tuệ ấy, dồi dào tuệ ấy, thuận theo tuệ ấy, xuôi theo tuệ ấy, nghiêng theo tuệ ấy, khuynh hướng về tuệ ấy, có tuệ ấy là chủ đạo. Ví như người chú trọng về đồ chúng được gọi là ‘Người có nhiều đồ chúng;’ người chú trọng về y được gọi là ‘Người có nhiều y;’ người chú trọng về bình bát được gọi là ‘Người có nhiều bình bát;’ người chú trọng về sàng tọa được gọi là ‘Người có nhiều sàng tọa;’ tương tợ như thế, có người chú trọng về tuệ, thực hành về tuệ, có thiên hướng về tuệ, có khuynh hướng về tuệ, có tuệ là ngọn cờ, có tuệ là biểu hiệu, có tuệ là pháp chủ đạo, có nhiều tìm hiểu, nhiều suy xét, nhiều xem xét, nhiều quan sát, có sự việc để quan sát, an trú vào sự việc rõ ràng, thực hành tuệ ấy, chú trọng tuệ ấy, dồi dào tuệ ấy, thuận theo tuệ ấy, xuôi theo tuệ ấy, nghiêng theo tuệ ấy, khuynh hướng về tuệ ấy, có tuệ ấy là chủ đạo. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến sự dồi dào của tuệ;’ đây là sự dồi dào của tuệ.
Đưa đến trạng thái tuệ nhạy bén: Tuệ nhạy bén là gì? ‘Làm tròn đủ các giới vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ việc thu thúc các quyền vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ sự tri túc về vật thực vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ sự gắn bó với tỉnh thức vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ giới uẩn vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ định uẩn vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ tuệ uẩn vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ giải thoát uẩn vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ giải thoát-tri-kiến uẩn vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Thấu triệt các sự hợp lý và không hợp lý vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Làm tròn đủ sự an trú và chứng đạt vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Thấu triệt các chân lý cao thượng vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tu tập các sự thiết lập niệm vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tu tập các chánh cần vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tu tập các nền tảng thần thông vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tu tập các quyền vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tu tập các lực vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tu tập các giác chi vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tu tập Thánh Đạo vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tác chứng các Quả vị Sa-môn vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Thấu triệt các thắng trí vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Tác chứng Niết Bàn có ý nghĩa tuyệt đối vô cùng mau chóng’ là tuệ nhạy bén. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ nhạy bén;’ đây là tuệ nhạy bén.
Đưa đến trạng thái tuệ nhẹ nhàng: Tuệ nhẹ nhàng là gì? ‘Làm tròn đủ các giới vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Làm tròn đủ sự thu thúc các quyền vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Làm tròn đủ sự tri túc về vật thực vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Làm tròn đủ sự gắn bó với tỉnh thức vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Làm tròn đủ giới uẩn ... định uẩn ... tuệ uẩn ... giải thoát uẩn ... giải thoát-tri-kiến uẩn vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Thấu triệt các sự hợp lý và không hợp lý vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Làm tròn đủ sự an trú và chứng đạt vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Thấu triệt các chân lý cao thượng vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Tu tập các sự thiết lập niệm vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Tu tập các chánh cần vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Tu tập các nền tảng của thần thông vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Tu tập các quyền vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Tu tập các lực vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Tu tập các giác chi vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Tu tập Thánh Đạo vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Tác chứng các Quả vị Sa-môn vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Thấu triệt các thắng trí vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Tác chứng Niết Bàn có ý nghĩa tuyệt đối vô cùng nhẹ nhàng’ là tuệ nhẹ nhàng. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ nhẹ nhàng;’ đây là tuệ nhẹ nhàng.
Đưa đến trạng thái tuệ vi tiếu: Tuệ vi tiếu là gì? Ở đây có người: ‘Có nhiều tươi cười, có nhiều vui thích, có nhiều hài lòng, có nhiều hân hoan làm tròn đủ các giới’ là tuệ vi tiếu. ‘Có nhiều tươi cười, có nhiều vui thích, có nhiều hài lòng, có nhiều hân hoan làm tròn đủ sự thu thúc các quyền’ là tuệ vi tiếu. ‘Có nhiều tươi cười, có nhiều vui thích, có nhiều hài lòng, có nhiều hân hoan làm tròn đủ sự tri túc về vật thực’ là tuệ vi tiếu. ‘Có nhiều tươi cười, có nhiều vui thích, có nhiều hài lòng, có nhiều hân hoan làm tròn đủ sự gắn bó với tỉnh thức’ là tuệ vi tiếu. ‘Có nhiều tươi cười, có nhiều vui thích, có nhiều hài lòng, có nhiều hân hoan làm tròn đủ giới uẩn’ ... định uẩn ... tuệ uẩn ... giải thoát uẩn ... giải thoát-tri-kiến uẩn ... thấu triệt các sự hợp lý và không hợp lý ... làm tròn đủ sự an trú và chứng đạt ... thấu triệt các chân lý cao thượng ... tu tập các sự thiết lập niệm ... tu tập các chánh cần ... tu tập các nền tảng thần thông ... tu tập các quyền ... tu tập các lực ... tu tập các giác chi ... tu tập Thánh Đạo ... tác chứng các Quả vị Sa-môn’ là tuệ vi tiếu. ‘Có nhiều tươi cười, có nhiều vui thích, có nhiều hài lòng, có nhiều hân hoan thấu triệt các thắng trí’ là tuệ vi tiếu. ‘Có nhiều tươi cười, có nhiều vui thích, có nhiều hài lòng, có nhiều hân hoan tác chứng Niết Bàn có ý nghĩa tuyệt đối’ là tuệ vi tiếu. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ vi tiếu;’ đây là tuệ vi tiếu.
Đưa đến trạng thái tuệ đổng tốc: Tuệ đổng tốc là gì? Bất cứ sắc nào thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai, nội phần hoặc ngoại phần, thô hoặc tế, thấp kém hoặc cao quý, là ở xa hoặc ở gần, về toàn bộ sắc ấy ‘trực nhận một cách mau lẹ là vô thường’ là tuệ đổng tốc, ‘trực nhận một cách mau lẹ là khổ não’ là tuệ đổng tốc, ‘trực nhận một cách mau lẹ là vô ngã’ là tuệ đổng tốc. Bất cứ thọ nào ...(như trên)... Bất cứ tưỏng nào ...(như trên)... Bất cứ các hành nào ...(như trên)... Bất cứ thức nào thuộc quá khứ, hiện tại, hoặc vị lai, nội phần hoặc ngoại phần, thô hoặc tế, thấp kém hoặc cao quý, là ở xa hoặc gần, về toàn bộ thức ấy ‘trực nhận một cách mau lẹ là vô thường’ là tuệ đổng tốc, ‘trực nhận một cách mau lẹ là khổ não’ là tuệ đổng tốc, ‘trực nhận một cách mau lẹ là vô ngã’ là tuệ đổng tốc. Mắt ...(như trên)... Lão tử thuộc quá khứ, hiện tại, hoặc vị lai, ‘trực nhận một cách mau lẹ là vô thường’ là tuệ đổng tốc, ‘trực nhận một cách mau lẹ là khổ não’ là tuệ đổng tốc, ‘trực nhận một cách mau lẹ là vô ngã’ là tuệ đổng tốc.
Sau khi cân nhắc, xác định, phân biệt, làm rõ rệt rằng: ‘Sắc thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai là vô thường theo ý nghĩa đoạn tận, là khổ não theo ý nghĩa kinh hãi, là vô ngã theo ý nghĩa không có cốt lỏi,’ ‘trực nhận một cách mau lẹ về sự diệt tận sắc là Niết Bàn’ là tuệ đổng tốc. Sau khi cân nhắc, xác định, phân biệt, làm rõ rệt rằng: ‘Thọ ... Tưởng ... Các hành ... Thức ... Mắt ... Lão tử thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai là vô thường theo ý nghĩa đoạn tận, là khổ não theo ý nghĩa kinh hãi, là vô ngã theo ý nghĩa không có cốt lỏi,’ ‘trực nhận một cách mau lẹ về sự diệt tận lão tử là Niết Bàn’ là tuệ đổng tốc.
Sau khi cân nhắc, xác định, phân biệt, làm rõ rệt rằng: ‘Sắc thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai là vô thường, là pháp hữu vi, được tùy thuận sanh khởi, là pháp đoạn tận, là pháp biến hoại, là pháp ly tham ái, là pháp diệt tận,’ ‘trực nhận một cách mau lẹ về sự diệt tận sắc là Niết Bàn’ là tuệ đổng tốc. Sau khi cân nhắc, xác định, phân biệt, làm rõ rệt rằng: ‘Thọ ... Tưởng ... Các hành ... Thức ... Mắt ... Lão tử thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai là vô thường, là pháp hữu vi, được tùy thuận sanh khởi, là pháp đoạn tận, là pháp biến hoại, là pháp ly tham ái, là pháp diệt tận,’ ‘trực nhận một cách mau lẹ về sự diệt tận lão tử là Niết Bàn’ là tuệ đổng tốc. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ đổng tốc’ là tuệ đổng tốc.
Đưa đến trạng thái tuệ sắc bén: Tuệ sắc bén là gì? ‘Cắt đứt các phiền não một cách mau lẹ’ là tuệ sắc bén. ‘Không chịu đựng, dứt bỏ, làm tiêu tan, làm chấm dứt, làm cho không hiện hữu dục tầm đã sanh lên’ là tuệ sắc bén. ‘Không chịu đựng, dứt bỏ, làm tiêu tan, làm chấm dứt, làm cho không hiện hữu sân độc tầm đã sanh lên’ là tuệ sắc bén. ‘Không chịu đựng, dứt bỏ, làm tiêu tan, làm chấm dứt, làm cho không hiện hữu hãm hại tầm đã sanh lên ...(như trên)... các pháp ác bất thiện đã sanh lên’ là tuệ sắc bén. ‘Không chịu đựng, dứt bỏ, làm tiêu tan, làm chấm dứt, làm cho không hiện hữu tham ái đã sanh lên’ là tuệ sắc bén. ‘Không chịu đựng, dứt bỏ, làm tiêu tan, làm chấm dứt, làm cho không hiện hữu sân đã sanh lên ... si đã sanh lên ... sự giận dữ đã sanh lên ... sự căm hận đã sanh lên ... sự gièm pha ... sự hà hiếp ... sự ganh tỵ ... sự bỏn xẻn ... sự xảo trá ... sự đạo đức giả ... sự bướng bỉnh ... sự cống cao ... sự ngã mạn ... sự cao ngạo ... sự kiêu căng ... sự buông lung ... toàn bộ phiền não ... tất cả các ác hạnh ... tất cả các hành ... tất cả nghiệp dẫn đến hữu’ là tuệ sắc bén. ‘Ở một chỗ ngồi, bốn Thánh Đạo, bốn Quả vị Sa-môn, bốn phân tích, sáu thắng trí là được đắc chứng, được tác chứng, được chạm đến bằng tuệ’ là tuệ sắc bén. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ sắc bén’ là tuệ sắc bén.
Đưa đến trạng thái tuệ thông suốt: Tuệ thông suốt là gì? Ở đây, có người có nhiều kinh hoảng về tất cả các hành, có nhiều sợ sệt, có nhiều bất mãn, có nhiều không hứng thú, có nhiều không hứng khởi, tỏ vẻ không hứng thú ở tất cả các hành. ‘Thông suốt, khám phá tham uẩn chưa được thông suốt trước đây, chưa được khám phá trước đây’ là tuệ thông suốt. ‘Thông suốt, khám phá sân uẩn chưa được thông suốt trước đây, chưa được khám phá trước đây’ là tuệ thông suốt. ‘Thông suốt, khám phá si uẩn chưa được thông suốt trước đây, chưa được khám phá trước đây’ là tuệ thông suốt. ‘Thông suốt, khám phá sự giận dữ ... sự căm hận ... sự gièm pha ... sự hà hiếp ... sự ganh tỵ ... sự bỏn xẻn ... sự xảo trá ... sự đạo đức giả ... sự bướng bỉnh ... sự cống cao ... sự ngã mạn ... sự cao ngạo ... sự kiêu căng ... sự buông lung ... toàn bộ phiền não ... tất cả các ác hạnh ... tất cả các hành ... tất cả nghiệp dẫn đến hữu chưa được thông suốt trước đây, chưa được khám phá trước đây’ là tuệ thông suốt. ‘Chúng (bốn pháp ấy) đưa đến trạng thái tuệ thông suốt’ là tuệ thông suốt. Đây là 16 tuệ. Cá nhân hội đủ 16 tuệ này đạt đến (tuệ) phân tích.
Có hai hạng người đạt được phân tích: một hạng đã thực tập trước đây, một hạng đã không thực tập trước đây. Người nào đã thực tập trước đây, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.
Có hai hạng người đạt được phân tích, cả hai đều đã thực tập trước đây: một hạng đã nghe nhiều, một hạng đã không nghe nhiều. Người nào nghe nhiều, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.
Có hai hạng người đạt được phân tích, cả hai đều đã thực tập trước đây, cả hai đều đã nghe nhiều: một hạng có nhiều sự thuyết giảng, một hạng không có nhiều sự thuyết giảng. Người nào có nhiều sự thuyết giảng, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.
Có hai hạng người đạt được phân tích, cả hai đều đã thực tập trước đây, cả hai đều đã nghe nhiều, cả hai đều có nhiều sự thuyết giảng: một hạng đã nương tựa vào vị thầy, một hạng đã không nương tựa vào vị thầy. Người nào đã nương tựa vào vị thầy, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.
Có hai hạng người đạt được phân tích, cả hai đều đã thực tập trước đây, cả hai đều đã nghe nhiều, cả hai đều có nhiều sự thuyết giảng, cả hai đều đã nương tựa vào vị thầy: một hạng có nhiều sự an trú,[5]một hạng không có nhiều sự an trú. Người nào có nhiều sự an trú, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.
Có hai hạng người đạt được phân tích, cả hai đều đã thực tập trước đây, cả hai đều đã nghe nhiều, cả hai đều có nhiều sự thuyết giảng, cả hai đều đã nương tựa vào vị thầy, cả hai đều có nhiều sự an trú: một hạng có nhiều sự quán xét lại, một hạng không có nhiều sự quán xét lại. Người nào có nhiều sự quán xét lại, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.
Có hai hạng người đạt được phân tích, cả hai đều đã thực tập trước đây, cả hai đều đã nghe nhiều, cả hai đều có nhiều sự thuyết giảng, cả hai đều đã nương tựa vào vị thầy, cả hai đều có nhiều sự an trú, cả hai đều có nhiều sự quán xét lại: một hạng đạt được sự phân tích của bậc Hữu Học, một hạng đạt được sự phân tích của bậc Vô Học. Người nào đạt được sự phân tích của bậc Vô Học, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.
Có hai hạng người đạt được phân tích, cả hai đều đã thực tập trước đây, cả hai đều đã nghe nhiều, cả hai đều có nhiều sự thuyết giảng, cả hai đều đã nương tựa vào vị thầy, cả hai đều có nhiều sự an trú, cả hai đều có nhiều sự quán xét lại, cả hai đều đã đạt được sự phân tích của bậc Vô Học: một hạng đạt được sự toàn hảo của vị Thinh Văn, một hạng không đạt được sự toàn hảo của vị Thinh Văn. Người nào đạt được sự toàn hảo của vị Thinh Văn, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.
Có hai hạng người đạt được phân tích, cả hai đều đã thực tập trước đây, cả hai đều đã nghe nhiều, cả hai đều có nhiều sự thuyết giảng, cả hai đều đã nương tựa vào vị thầy, cả hai đều có nhiều sự an trú, cả hai đều có nhiều sự quán xét lại, cả hai đều đã đạt được sự phân tích của bậc Vô Học: một hạng đạt được sự toàn hảo của vị Thinh Văn, một hạng là vị Độc Giác Phật. Người nào là vị Độc Giác Phật, người ấy là trội hơn, là vượt lên, là khác biệt với vị kia. Trí của vị ấy được khai mở.
Tính luôn vị Độc Giác Phật và thế gian có cả chư thiên, đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác là tối thắng, đã đạt đến sự phân tích, là thiện xảo về các loại tuệ, có trí đã được phân hạng, có sự phân tích đã được đắc chứng, đã đạt đến bốn sự tự tín, là vị rành rẽ về mười lực, là bậc Nhân Ngưu, là bậc Nhân Sư ...(như trên)... Ngay cả các vị thông thái dòng Sát-đế-lỵ, các vị thông thái dòng Bà-la-môn, các vị gia chủ thông thái, các vị Sa-môn thông thái, khôn ngoan, biết đến các giáo thuyết của những người khác như là (mũi tên) xuyên qua sợi tóc, nghĩ rằng họ là những người đi đến đập đổ những khuynh hướng tà kiến nhờ vào tuệ đã đạt được. Những người ấy liên tục chuẩn bị câu hỏi rồi đi đến gặp đức Như Lai và chất vấn. Những câu hỏi khó hiểu và che đậy ấy, khi được giảng giải được trả lời bởi đức Thế Tôn, trở thành những sự việc rõ ràng. Và những người ấy trở thành những người hỗ trợ đối với đức Thế Tôn. Khi ấy, đức Thế Tôn vô cùng rạng rỡ ở tại nơi ấy, tức là về ‘Tuệ.’ Ngài đã đạt đến sự phân tích và là vị tối thắng.
Phần Giảng về Tuệ được đầy đủ.
--ooOoo--
[1] Phúc hành (puññābhisaṅkhāro) là sự tạo tác đem lại phước báu do năng lực của bố thí, trì giới, tham thiền, v.v..., và sự tu tập năm thiền sắc giới, phi phúc hành (apuññābhisaṅkhāro) là sự tạo tác không đem lại phước báu do hậu quả của các hành động như sát sanh, v.v..., bất động hành (āneñjābhisaṅkhāro) là sự tạo tác có kết quả không thay đổi, có liên quan đến bốn thiền vô sắc (PṭsA. 3, 633).
[2] Bảy tuệ thêm vào tuệ có tên “bản tánh sáng suốt (paṇḍiccaṃ)” là tám. Tám tuệ thêm vào tuệ phổ thông (puthupaññā) là chín (PṭsA. 3, 640).
[3] 73 trí: Là 73 trí đã được đề cập ở phần Tiêu Đề (PṭsA. 3, 642), xin xem tập I, trang 2-9.
[4] 73 trí: Chú giải cho trích dẫn ở Saṃyuttanikāya (PṭsA. 3, 642). Xem Kinh Bộ Tương Ưng, tập II, Chương I b, Phẩm IV, Mục IV: Những Căn Bản Của Trí (bản dịch của HT. Minh Châu): “Trí biết rằng già chết do duyên sanh. Trí biết rằng không có sanh thời không có già, chết. v.v...”
[5] Hạng có nhiều sự an trú (vihārabahulo) nghĩa là có nhiều an trú vào minh sát, có nhiều an trú vào sự chứng đạt Quả vị (PṭsA. 3, 653).
Điều gì là thần thông? Thần thông có bao nhiêu loại? có bao nhiêu lãnh vực? có bao nhiêu cơ sở? có bao nhiêu căn bản? có bao nhiêu cội nguồn?
Điều gì là thần thông? Theo ý nghĩa thành tựu là thần thông.
Thần thông có bao nhiêu loại? Thần thông có mười loại.
Thần thông có bao nhiêu lãnh vực? Thần thông có bốn lãnh vực, có bốn cơ sở, có tám căn bản, có mười sáu cội nguồn.
Mười loại thần thông gì? Thần thông do chú nguyện, thần thông do biến hóa, thần thông do ý tạo thành, thần thông do sự can thiệp của trí, thần thông do sự can thiệp của định, thần thông thuộc về bậc Thánh, thần thông sanh lên do kết quả của nghiệp, thần thông của người có phước báu, thần thông do chú thuật, thần thông với ý nghĩa thành tựu do duyên ứng dụng đúng đắn tùy theo trường hợp.
Bốn lãnh vực gì của thần thông? Sơ thiền là lãnh vực sanh lên do viễn ly, nhị thiền là lãnh vực của hỷ và lạc, tam thiền là lãnh vực của xả và lạc, tứ thiền là lãnh vực của không khổ không lạc. Bốn lãnh vực này của thần thông đưa đến sự đạt được thần thông, sự thành đạt thần thông, sự thể hiện thần thông, sự biến hóa thần thông, sở trường về thần thông, sự tự tín về thần thông.
Bốn cơ sở gì của thần thông? Ở đây vị tỳ khưu tu tập về nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do ước muốn và các tạo tác do nỗ lực, tu tập về nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do tinh tấn và các tạo tác do nỗ lực, tu tập về nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do tâm và các tạo tác do nỗ lực, tu tập về nền tảng của thần thông hội đủ (các yếu tố) định do thẩm xét và các tạo tác do nỗ lực. Bốn cơ sở này của thần thông đưa đến sự đạt được thần thông, sự thành đạt thần thông, sự thể hiện thần thông, sự biến hóa thần thông, sở trường về thần thông, tự tín về thần thông.
Tám căn bản gì của thần thông? Nếu do ước muốn, vị tỳ khưu đạt được định, đạt được trạng thái chuyên nhất của tâm, (như vậy) ước muốn không phải là định, định không phải là ước muốn; ước muốn là điều khác, định là điều khác. Nếu do tinh tấn, vị tỳ khưu đạt được định, đạt được trạng thái chuyên nhất của tâm, (như vậy) tinh tấn không phải là định, định không phải là tinh tấn; tinh tấn là điều khác, định là điều khác. Nếu do tâm, vị tỳ khưu đạt được định, đạt được trạng thái chuyên nhất của tâm, (như vậy) tâm không phải là định, định không phải là tâm; tâm là điều khác, định là điều khác. Nếu do thẩm xét, vị tỳ khưu đạt được định, đạt được trạng thái chuyên nhất của tâm, (như vậy) thẩm xét không phải là định, định không phải là thẩm xét; thẩm xét là điều khác, định là điều khác. Tám căn bản này của thần thông đưa đến sự đạt được thần thông, sự thành đạt thần thông, sự thể hiện thần thông, sự biến hóa thần thông, sở trường về thần thông, sự tự tín về thần thông.
Mười sáu cội nguồn gì của thần thông? ‘Không bị trì trệ, tâm không động bởi biếng nhác’ là bất động. ‘Không bị hưng phấn, tâm không động bởi phóng dật’ là bất động. ‘Không quá chăm chú, tâm không động bởi tham ái’ là bất động. ‘Không xua đuổi, tâm không động bởi sân độc’ là bất động. ‘Không lệ thuộc, tâm không động bởi kiến’ là bất động. ‘Không gắn bó, tâm không động bởi ước muốn và tham ái’ là bất động. ‘Được phóng thích, tâm không động bởi ái dục’ là bất động. ‘Thoát khỏi ràng buộc, tâm không động bởi phiền não’ là bất động. ‘Được thoát khỏi chướng ngại, tâm không động bởi chướng ngại phiền não’ là bất động. ‘Đạt đến trạng thái chuyên nhất, tâm không động bởi các phiền não có bản chất khác biệt’ là bất động. ‘Được nắm giữ bởi đức tin, tâm không động bởi không có đức tin’ là bất động. ‘Được nắm giữ bởi tinh tấn, tâm không động bởi biếng nhác’ là bất động. ‘Được nắm giữ bởi niệm, tâm không động bởi buông lung’ là bất động. ‘Được nắm giữ bởi định, tâm không động bởi phóng dật’ là bất động. ‘Được nắm giữ bởi tuệ, tâm không động bởi vô minh’ là bất động. ‘Đạt đến ánh sáng, tâm không động bởi bóng tối vô minh’ là bất động. Mười sáu cội nguồn này của thần thông đưa đến sự đạt được thần thông, sự thành đạt thần thông, sự thể hiện thần thông, sự biến hóa thần thông, sở trường về thần thông, sự tự tín về thần thông.
Thần thông gì do chú nguyện? Ở đây, vị tỳ khưu kinh nghiệm thần thông nhiều thể loại: chỉ là một hóa thành nhiều, là nhiều hóa thành một, hiện ra, biến mất, đi xuyên qua vách nhà, xuyên qua tường thành, xuyên qua núi non không bị ngăn trở như là ở khoảng không, trồi lên và chìm xuống vào trong đất như là ở trong nước, đi ở trên nước mà không làm chao động như là ở trên đất, di chuyển với thế kiết già ở trên hư không cũng như loài chim có cánh, bằng bàn tay sờ đến chạm vào ngay cả mặt trăng và mặt trời (là những vật) có đại thần lực như thế có đại oai lực như thế, bằng thân vị ấy thể hiện sự tác động đến tận cõi Phạm Thiên.
Ở đây: ở quan điểm này, ở sự mong muốn này, ở khuynh hướng này, ở sự chọn lọc này, ở Pháp này, ở Luật này, ở Pháp và Luật này, ở học thuyết này, ở Phạm hạnh này, ở lời dạy này của bậc Đạo Sư; vì thế được nói rằng: “Ở đây.”
Vị tỳ khưu: vị tỳ khưu là phàm nhân hoàn thiện, hoặc là vị Hữu Học, hoặc là vị A-la-hán có pháp không thể thay đổi.
Kinh nghiệm thần thông nhiều thể loại: là kinh nghiệm thể loại thần thông có cách thể hiện khác biệt.
Chỉ là một hóa thành nhiều: Bình thường là một, hướng tâm đến nhiều, hoặc hướng tâm đến một trăm, hoặc một ngàn, hoặc một trăm ngàn. Sau khi hướng tâm, chú nguyện bằng trí rằng: “Ta hãy là nhiều” và trở thành nhiều. Giống như đại đức Cūḷapanthaka chỉ là một hóa thành nhiều; tương tợ như thế, vị ấy, có thần thông đã đạt đến năng lực của ý, chỉ là một hóa thành nhiều.
Bahudhāpi hutvā eko hotīti pakatiyā bahuko ekaṃ āvajjati, āvajjitvā ñāṇena adhiṭṭhāti: ‘Eko homī’ti eko hoti. Yathāyasmā cullapatthako bahudhāpi hutvā eko hoti. Evameva so iddhimā cetovasippatto bahudhāpi hutvā eko hoti.
Là nhiều hóa thành một: Bình thường là nhiều, hướng tâm đến một. Sau khi hướng tâm, chú nguyện bằng trí rằng: “Ta hãy là một” và trở thành một. Giống như đại đức Cullapanthaka là nhiều hóa thành một; tương tợ như thế, vị ấy, có thần thông đã đạt đến năng lực của ý, là nhiều hóa thành một.
Hiện ra: là không bị ngăn che, không bị che đậy bởi bất cứ vật gì, được mở ra, được hiển hiện.
Biến mất: là bị ngăn che, bị che đậy bởi bất cứ vật gì, bị đóng lại, bị lật úp lại.
Đi xuyên qua vách nhà, xuyên qua tường thành, xuyên qua núi non không bị ngăn trở như là ở khoảng không: Là vị thành tựu sự chứng đạt đề mục hư không một cách tự nhiên. (Vị ấy) hướng tâm đến việc xuyên qua vách nhà, xuyên qua tường thành, xuyên qua núi non. Sau khi hướng tâm, chú nguyện bằng trí rằng: “Hãy là hư không” và trở thành hư không. (Vị ấy) đi xuyên qua vách nhà, xuyên qua tường thành, xuyên qua núi non không bị ngăn trở. Giống như những người, ở trạng thái bình thường không có thần thông, ở chỗ không bị ngăn che, không bị che đậy bất cứ vật gì, đi không bị ngăn trở; tương tợ như thế, vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, đi xuyên qua vách nhà, xuyên qua tường thành, xuyên qua núi non không bị ngăn trở như là ở khoảng không.
Trồi lên và chìm xuống vào trong đất như là ở trong nước: Là vị thành tựu sự chứng đạt đề mục nước một cách tự nhiên. (Vị ấy) hướng tâm đến đất. Sau khi hướng tâm, chú nguyện bằng trí rằng: “Hãy là nước” và trở thành nước. Vị ấy trồi lên và chìm xuống vào trong đất. Giống như những người, ở trạng thái bình thường không có thần thông, trồi lên và chìm vào trong nước; tương tợ như thế, vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, trồi lên và chìm xuống vào trong đất như là ở trong nước.
Đi ở trên nước mà không làm chao động như là ở trên đất: Là vị thành tựu sự chứng đạt đề mục đất một cách tự nhiên. (Vị ấy) hướng tâm đến nước. Sau khi hướng tâm, chú nguyện bằng trí rằng: “Hãy là đất” và trở thành đất. Vị ấy đi ở trên nước mà (nước) không bị tách ra. Giống như những người, ở trạng thái bình thường không có thần thông, đi ở trên đất mà (đất) không bị tách ra; tương tợ như thế, vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, đi ở trên nước mà (nước) không bị tách ra như là ở trên đất.
Di chuyển với thế kiết già ở trên hư không cũng như loài chim có cánh: Là vị thành tựu sự chứng đạt đề mục đất một cách tự nhiên. (Vị ấy) hướng tâm đến hư không. Sau khi hướng tâm, chú nguyện bằng trí rằng: “Hãy là đất” và trở thành đất. Vị ấy đi tới lui ở trên hư không bầu trời, rồi đứng lại, ngồi xuống, rồi nằm xuống. Giống như những người, ở trạng thái bình thường không có thần thông, đi tới lui ở trên đất, rồi đứng lại, ngồi xuống, rồi nằm xuống; tương tợ như thế, vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, đi tới lui ở trên hư không bầu trời, rồi đứng lại, ngồi xuống, rồi nằm xuống cũng như loài chim có cánh.
Bằng bàn tay sờ đến chạm vào ngay cả mặt trăng và mặt trời (là những vật) có đại thần lực như thế có đại oai lực như thế: Ở đây, vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, đang ngồi hoặc đang nằm, hưóng tâm đến mặt trăng và mặt trời. Sau khi hướng tâm, chú nguyện bằng trí rằng: “Hãy là ở trong tầm tay” và trở thành ở trong tầm tay. Vị ấy, đang ngồi hoặc đang nằm, bằng bàn tay đụng đến sờ đến chạm vào mặt trăng và mặt trời. Giống như những người, ở trạng thái bình thường không có thần thông, bằng bàn tay đụng đến sờ đến chạm vào bất cứ vật gì có hình thể ở trong tầm tay; tương tợ như thế, vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, đang ngồi hoặc đang nằm, bằng bàn tay đụng đến sờ đến chạm vào mặt trăng và mặt trời.
Bằng thân vị ấy thể hiện sự tác động đến tận cõi Phạm Thiên: Nếu vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, có ý muốn đi đến cõi Phạm Thiên, dầu xa chú nguyện là gần rằng: “Hãy là gần” và trở thành gần, dầu gần chú nguyện thành xa rằng: “Hãy là xa” và trở thành xa, dầu nhiều chú nguyện thành ít rằng: “Hãy là ít” và trở thành ít, dầu ít chú nguyện thành nhiều rằng: “Hãy là nhiều” và trở thành nhiều, nhìn thấy hình dáng của vị Phạm Thiên ấy bằng thiên nhãn, nghe được tiếng của vị Phạm Thiên ấy bằng thiên nhĩ, nhận biết tâm của vị Phạm Thiên ấy bằng trí biết được tâm của người khác. Nếu vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, có ý muốn đi đến cõi Phạm Thiên bằng thân được nhìn thấy, (vị ấy) hoán chuyển tâm theo năng lực của thân, chú nguyện tâm theo năng lực của thân. Sau khi hoán chuyển tâm theo năng lực của thân, sau khi chú nguyện tâm theo năng lực của thân, sau khi nhập vào lạc tưởng và khinh tưởng, vị ấy đi đến cõi Phạm Thiên bằng thân được nhìn thấy. Nếu vị ấy, có thần thông đã đạt được năng lực của ý, có ý muốn đi đến cõi Phạm Thiên bằng thân không được nhìn thấy, (vị ấy) hoán chuyển thân theo năng lực của tâm, chú nguyện thân theo năng lực của tâm. Sau khi hoán chuyển thân theo năng lực của tâm, sau khi chú nguyện thân theo năng lực của tâm, sau khi nhập vào lạc tưởng và khinh tưởng, vị ấy đi đến cõi Phạm Thiên bằng thân không được nhìn thấy. Vị ấy làm ra hình thể được tạo thành bởi ý có tất cả các bộ phận lớn nhỏ và có giác quan hoàn chỉnh ở phía trước vị Phạm Thiên ấy. Nếu vị có thần thông ấy đi kinh hành, hình biến hóa (của vị ấy) cũng đi kinh hành ở nơi ấy. Nếu vị có thần thông ấy đứng lại, hình biến hóa cũng đứng lại ở nơi ấy. Nếu vị có thần thông ấy ngồi xuống, hình biến hóa cũng ngồi xuống ở nơi ấy. Nếu vị có thần thông ấy nằm, hình biến hóa cũng nằm ở nơi ấy. Nếu vị có thần thông ấy phun khói, hình biến hóa cũng phun khói ở nơi ấy. Nếu vị có thần thông ấy phát sáng, hình biến hóa cũng phát sáng ở nơi ấy.
Nếu vị có thần thông ấy thuyết Pháp, hình biến hóa cũng thuyết Pháp ở nơi ấy. Nếu vị có thần thông ấy hỏi câu hỏi, hình biến hóa cũng hỏi câu hỏi ở nơi ấy. Nếu vị có thần thông ấy trả lời khi được hỏi câu hỏi, hình biến hóa cũng trả lời khi được hỏi câu hỏi ở nơi ấy. Nếu vị có thần thông ấy đứng chung chuyện vãn, bàn luận với vị Phạm Thiên ấy, hình biến hóa cũng đứng chung chuyện vãn, bàn luận với vị Phạm Thiên ấy ở nơi ấy. Vị có thần thông ấy làm bất cứ việc gì, hình biến hóa (của vị ấy) cũng làm chính ngay việc ấy. Đây là thần thông do chú nguyện.
Thần thông do biến hóa là gì? Vị Thinh Văn của đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác Sikhī tên là Abhibhū đứng ở cõi Phạm Thiên đã dùng giọng nói thông báo đến một ngàn cõi thế giới. Vị ấy đã thuyết Pháp với thân được nhìn thấy, đã thuyết Pháp với thân không được nhìn thấy, đã thuyết Pháp với nửa phần thân dưới được nhìn thấy với nửa phần thân trên không được nhìn thấy, đã thuyết Pháp với nửa phần thân trên được nhìn thấy với nửa phần thân dưới không được nhìn thấy. Vị ấy rời bỏ hình dạng bình thường và phô bày hình dạng của thiếu niên, hoặc phô bày hình dạng của loài rồng, hoặc phô bày hình dạng của loài nhân điểu, hoặc phô bày hình dạng của loài dạ-xoa, hoặc phô bày hình dạng của vị Thiên Vương, hoặc phô bày hình dạng của vị thiên nhân, hoặc phô bày hình dạng của Phạm Thiên, hoặc phô bày hình dạng của biển cả, hoặc phô bày hình dạng của ngọn núi, hoặc phô bày hình dạng của khu rừng, hoặc phô bày hình dạng của loài sư tử, hoặc phô bày hình dạng của loài cọp, hoặc phô bày hình dạng của loài beo, hoặc phô bày hình dạng của loài voi, hoặc phô bày hình dạng của loài ngựa, hoặc phô bày hình dạng của xe kéo, hoặc phô bày hình dạng của người lính, hoặc phô bày hình dạng của đoàn quân nhiều binh chủng. Đây là thần thông do biến hóa.
Thần thông do ý tạo thành là gì? Ở đây, vị tỳ khưu từ thân này làm ra thân khác có hình thể được tạo thành bởi ý với tất cả các bộ phận lớn nhỏ và có giác quan hoàn chỉnh. Cũng giống như người đàn ông rút ra sợi rơm từ cọng cỏ muñja. Vị ấy có thể nghĩ như vậy: “Đây là cọng cỏ muñja, đây là sợi rơm. Cọng cỏ muñja là khác, sợi rơm là khác. Nhưng chính sợi rơm được rút ra từ cọng cỏ muñja.” Hoặc cũng giống như người đàn ông có thể rút ra thanh gươm từ vỏ bọc. Vị ấy có thể nghĩ như vậy: “Đây là thanh gươm, đây là vỏ bọc. Thanh gươm là khác, vỏ bọc là khác. Nhưng chính thanh gươm được rút ra từ vỏ bọc.” Hoặc cũng giống như người đàn ông có thể tuốt ra con rắn từ lớp da. Vị ấy có thể nghĩ như vậy: “Đây là con rắn, đây là lớp da. Con rắn là khác, lớp da là khác. Nhưng chính con rắn được tuốt ra từ lớp da;” tương tợ như thế, vị tỳ khưu từ thân này làm ra thân khác có hình thể được tạo thành bởi ý với tất cả các bộ phận lớn nhỏ và có giác quan hoàn chỉnh. Đây là thần thông do ý tạo thành.
Thần thông do sự can thiệp của trí là gì? ‘Do sự quán xét về vô thường, ý nghĩa dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thường được thành tựu’ là thần thông do sự can thiệp của trí. ‘Do sự quán xét về khổ não, ý nghĩa dứt bỏ sự nghĩ tưởng về lạc ... ‘Do sự quán xét về vô ngã, ý nghĩa dứt bỏ sự nghĩ tưởng về ngã ... ‘Do sự quán xét về nhàm chán, ý nghĩa dứt bỏ sự vui thích ... ‘Do sự quán xét về ly tham ái, ý nghĩa dứt bỏ tham ái ... ‘Do sự quán xét về diệt tận, ý nghĩa dứt bỏ nhân sanh khởi ... ‘Do sự quán xét về từ bỏ, ý nghĩa dứt bỏ sự nắm giữ được thành tựu’ là thần thông do sự can thiệp của trí. Thần thông của đại đức Bakkula là do sự can thiệp của trí. Thần thông của đại đức Saṅkicca là do sự can thiệp của trí. Thần thông của đại đức Bhūtapāla là do sự can thiệp của trí. Đây là thần thông do sự can thiệp của trí.
Thần thông do sự can thiệp của định là gì ‘Do sơ thiền, ý nghĩa dứt bỏ các pháp ngăn che được thành tựu’ là thần thông do sự can thiệp của định. ‘Do nhị thiền, ý nghĩa dứt bỏ tầm tứ được thành tựu’ là thần thông do sự can thiệp của định. ‘Do tam thiền, ý nghĩa dứt bỏ hỷ được thành tựu’ ... ‘Do tứ thiền, ý nghĩa dứt bỏ lạc và khổ được thành tựu’ ... ‘Do sự chứng đạt không vô biên xứ, ý nghĩa dứt bỏ sự nghĩ tưởng về sắc, nghĩ tưởng về bất bình, nghĩ tưởng về khác biệt được thành tựu’ ... ‘Do sự chứng đạt thức vô biên xứ, ý nghĩa dứt bỏ sự nghĩ tưởng về không vô biên xứ được thành tựu’ ... ‘Do sự chứng đạt vô sở hữu xứ, ý nghĩa dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thức vô biên xứ được thành tựu’ ... ‘Do sự chứng đạt phi tưởng phi phi tưởng xứ, ý nghĩa dứt bỏ sự nghĩ tưởng về không vô biên xứ được thành tựu’ là thần thông do sự can thiệp của định. Thần thông của đại đức Sārī-putta là do sự can thiệp của định. Thần thông của đại đức Sañjīva là do sự can thiệp của định. Thần thông của đại đức Khāṇukoṇḍañña là do sự can thiệp của định. Thần thông của nữ cư sĩ Uttarā là do sự can thiệp của định. Thần thông của nữ cư sĩ Sāmāvatī là do sự can thiệp của định. Đây là thần thông do sự can thiệp của định.
Thần thông thuộc về bậc Thánh là gì? Ở đây, vị tỳ khưu nếu ước mong rằng: “Ta có thể an trú vào vật nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là không nhờm gớm,” rồi an trú vào nơi ấy với sự nghĩ tưởng là không nhờm gớm; nếu ước mong rằng: “Ta có thể an trú vào vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là nhờm gớm,” rồi an trú vào nơi ấy với sự nghĩ tưởng là nhờm gớm; nếu ước mong rằng: “Ta có thể an trú vào vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là không nhờm gớm,” rồi an trú vào nơi ấy với sự nghĩ tưởng là không nhờm gớm; nếu ước mong rằng: “Ta có thể an trú vào vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là nhờm gớm,” rồi an trú vào nơi ấy với sự nghĩ tưởng là nhờm gớm; nếu ước mong rằng: “Về vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm, sau khi ngăn ngừa cả hai vật ấy, với trạng thái xả ta có thể an trú (vào hai vật ấy) có niệm và có sự nhận biết rõ rệt,” rồi với trạng thái xả (vị ấy) an trú vào nơi ấy, có niệm và có sự nhận biết rõ rệt.
An trú vào vật nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là không nhờm gớm là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với sự việc không được mong muốn, hoặc là chuyên chú vào lòng từ hoặc là liên tưởng về bản thể. An trú vào vật nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là không nhờm gớm là (có ý nghĩa) như thế.
An trú vào vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là nhờm gớm là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với sự việc mong muốn, hoặc là chuyên chú vào bất tịnh hoặc là liên tưởng về vô thường. An trú vào vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là nhờm gớm là (có ý nghĩa) như thế.
An trú vào vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là không nhờm gớm là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với sự việc không mong muốn và đối với sự việc mong muốn, hoặc là chuyên chú vào lòng từ hoặc là liên tưởng về bản thể. An trú vào vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là không nhờm gớm là (có ý nghĩa) như thế.
An trú vào vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là nhờm gớm là (có ý nghĩa) thế nào? Đối với sự việc mong muốn, hoặc là chuyên chú vào bất tịnh hoặc là liên tưởng về vô thường. An trú vào vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm với sự nghĩ tưởng là nhờm gớm là (có ý nghĩa) như thế.
Về vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm, sau khi ngăn ngừa cả hai vật ấy, với trạng thái xả an trú (vào hai vật ấy), có niệm và có sự nhận biết rõ rệt là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, vị tỳ khưu, sau khi nhìn thấy sắc bằng mắt, là không vui không buồn, với trạng thái xả an trú (vào vật ấy), có niệm và có sự nhận biết rõ rệt. Sau khi nghe thinh (âm thanh) bằng tai ... Sau khi ngửi khí (mùi) bằng mũi ... Sau khi nếm vị bằng lưỡi ... Sau khi va chạm (cảnh) xúc bằng thân ... Sau khi nhận thức pháp bằng ý, là không vui không buồn, với trạng thái xả an trú (vào vật ấy), có niệm và có sự nhận biết rõ rệt. Về vật nhờm gớm và vật không nhờm gớm, sau khi ngăn ngừa cả hai vật ấy, với trạng thái xả an trú (vào hai vật ấy), có niệm và có sự nhận biết rõ rệt là (có ý nghĩa) như thế. Đây là thần thông thuộc về bậc Thánh.
Thần thông sanh lên do kết quả của nghiệp là gì? Là của tất cả các loài có cánh, là của tất cả chư thiên, là của một số thuộc nhân loại, là của một số thuộc hàng đọa xứ. Đây là thần thông sanh lên do kết quả của nghiệp.
Thần thông của người có phước báu là gì? Đức chuyển luân vương đi trên không trung cùng với đoàn quân bốn loại binh chủng thậm chí tính luôn cả những kẻ giữ ngựa chăn trâu. Thần thông của gia chủ Jotika là của người có phước báu, thần thông của gia chủ Jaṭila là của người có phước báu, thần thông của gia chủ Meṇḍaka là của người có phước báu, thần thông của gia chủ Ghosita là của người có phước báu. Đây là thần thông của người có phước báu.
Thần thông do chú thuật là gì? Sau khi nói lẩm nhẩm về chú thuật, những người rành rẽ về chú thuật đi trên không trung, phô bày voi, phô bày ngựa, phô bày xe kéo, phô bày người lính, phô bày đoàn quân nhiều binh chủng ở trên hư không bầu trời. Đây là thần thông do chú thuật.
Thần thông với ý nghĩa thành tựu do duyên nỗ lực đúng đắn tùy theo trường hợp là (có ý nghĩa) thế nào? ‘Do thoát ly, ý nghĩa dứt bỏ ước muốn trong các dục được thành tựu’ là thần thông với ý nghĩa thành tựu do duyên ứng dụng đúng đắn tùy theo trường hợp. ‘Do không sân độc, ý nghĩa dứt bỏ sân độc được thành tựu’ là thần thông với ý nghĩa thành tựu do duyên ứng dụng đúng đắn tùy theo trường hợp. ...(như trên)... ‘Do Đạo A-la-hán, ý nghĩa dứt bỏ toàn bộ phiền não được thành tựu’ là thần thông với ý nghĩa thành tựu do duyên ứng dụng đúng đắn tùy theo trường hợp. Thần thông với ý nghĩa thành tựu do duyên ứng dụng đúng đắn tùy theo trường hợp là (có ý nghĩa) như thế. Đây là mười loại thần thông.
Phần Giảng về Thần Thông được đầy đủ.
--ooOoo--
Sự lãnh hội: Lãnh hội nhờ vào gì? Lãnh hội nhờ vào tâm. Nếu lãnh hội nhờ vào tâm, vậy thì người không có trí (có thể) lãnh hội? Người không có trí không (thể) lãnh hội. Lãnh hội nhờ vào trí.
Nếu lãnh hội nhờ vào trí, vậy thì người không có tâm (có thể) lãnh hội? Người không có tâm không (thể) lãnh hội. Lãnh hội nhờ vào tâm và nhờ vào trí.
Nếu lãnh hội nhờ vào tâm và nhờ vào trí, vậy thì lãnh hội nhờ vào tâm dục giới và nhờ vào trí? Không phải lãnh hội nhờ vào tâm dục giới và nhờ vào trí.
Vậy thì lãnh hội nhờ vào tâm sắc giới và nhờ vào trí? Không phải lãnh hội nhờ vào tâm sắc giới và nhờ vào trí. Vậy thì lãnh hội nhờ vào tâm vô sắc giới và nhờ vào trí? Không phải lãnh hội nhờ vào tâm vô sắc giới và nhờ vào trí. Vậy thì lãnh hội nhờ vào tâm vận hành theo nghiệp và nhờ vào trí? Không phải lãnh hội nhờ vào tâm vận hành theo nghiệp và nhờ vào trí. Vậy thì lãnh hội nhờ vào tâm thuận theo chân lý và nhờ vào trí? Không phải lãnh hội nhờ vào tâm thuận theo chân lý và nhờ vào trí. Vậy thì lãnh hội nhờ vào tâm quá khứ và nhờ vào trí? Không phải lãnh hội nhờ vào tâm quá khứ và nhờ vào trí. Vậy thì lãnh hội nhờ vào tâm vị lai và nhờ vào trí? Không phải lãnh hội nhờ vào tâm vị lai và nhờ vào trí. Vậy thì lãnh hội nhờ vào tâm hợp thế hiện tại và nhờ vào trí? Không phải lãnh hội nhờ vào tâm hợp thế hiện tại và nhờ vào trí. Lãnh hội nhờ vào tâm hiện tại và nhờ vào trí ở sát-na Đạo Siêu Thế.
Lãnh hội nhờ vào tâm hiện tại và nhờ vào trí ở sát-na Đạo Siêu Thế là (có ý nghĩa) thế nào? Ở sát-na Đạo Siêu Thế: tâmcó tính chủ đạo trong các pháp sanh lênlà nhân và duyên của trí; trítương ưng với điều ấy, có hành xứ là sự diệt tận, có tính chất chủ đạo trong việc nhận thấylà nhân và duyên của tâm; trí tương ưng với điều ấy là hành xứ của sự diệt tận.[1]Lãnh hội nhờ vào tâm hiện tại và nhờ vào trí ở sát-na Đạo Siêu Thế là (có ý nghĩa) như thế.
Có phải sự lãnh hội chỉ là bấy nhiêu? Không phải, ở sát-na Đạo Siêu Thế: sự lãnh hội về nhận thấy là chánh kiến, sự lãnh hội về việc gắn chặt (tâm vào cảnh) là chánh tư duy, sự lãnh hội về gìn giữ là chánh ngữ, sự lãnh hội về nguồn sanh khởi là chánh nghiệp, sự lãnh hội về trong sạch là chánh mạng, sự lãnh hội về ra sức là chánh tinh tấn, sự lãnh hội về thiết lập là chánh niệm, sự lãnh hội về không tản mạn là chánh định.
Sự lãnh hội về thiết lập là niệm giác chi, sự lãnh hội về suy xét là trạch pháp giác chi, sự lãnh hội về ra sức là cần giác chi, sự lãnh hội về lan tỏa là hỷ giác chi, sự lãnh hội về an tịnh là tịnh giác chi, sự lãnh hội về không tản mạn là định giác chi, sự lãnh hội về phân biệt rõ là xả giác chi.
Sự lãnh hội về tính chất không dao động ở sự không có đức tin là tín lực, sự lãnh hội về tính chất không dao động ở biếng nhác là tấn lực, sự lãnh hội về tính chất không dao động ở buông lung là niệm lực, sự lãnh hội về tính chất không dao động ở phóng dật là định lực, sự lãnh hội về tính chất không dao động ở vô minh là tuệ lực.
Sự lãnh hội về cương quyết là tín quyền, sự lãnh hội về ra sức là tấn quyền, sự lãnh hội về thiết lập là niệm quyền, sự lãnh hội về không tản mạn là định quyền, sự lãnh hội về nhận thấy là tuệ quyền.
Sự lãnh hội về các quyền theo ý nghĩa pháp chủ đạo, sự lãnh hội về các lực theo ý nghĩa về tính chất không thể bị lay chuyển, sự lãnh hội về các giác chi theo ý nghĩa dẫn xuất (ra khỏi luân hồi), sự lãnh hội về Đạo theo ý nghĩa chủng tử, sự lãnh hội về thiết lập niệm theo ý nghĩa thiết lập, sự lãnh hội về các chánh cần theo ý nghĩa nỗ lực, sự lãnh hội về các nền tảng của thần thông theo ý nghĩa thành tựu, sự lãnh hội về chân lý theo ý nghĩa của thực thể, sự lãnh hội về chỉ tịnh theo ý nghĩa không tản mạn, sự lãnh hội về minh sát theo ý nghĩa quán sát, sự lãnh hội về chỉ tịnh và minh sát theo ý nghĩa nhất vị, sự lãnh hội về kết hợp chung theo ý nghĩa không vượt quá, sự lãnh hội về giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc, sự lãnh hội về tâm thanh tịnh theo ý nghĩa không tản mạn, sự lãnh hội về kiến thanh tịnh theo ý nghĩa nhận thấy, sự lãnh hội về giải thoát theo ý nghĩa được phóng thích, sự lãnh hội về minh theo ý nghĩa thấu triệt, sự lãnh hội về giải thoát theo ý nghĩa buông bỏ, trí về đoạn tận theo ý nghĩa đoạn trừ là sự lãnh hội.
Ước muốn theo ý nghĩa nguồn cội là sự lãnh hội, tác ý theo ý nghĩa nguồn sanh khởi là sự lãnh hội, xúc theo ý nghĩa liên kết là sự lãnh hội, thọ theo ý nghĩa hội tụ là sự lãnh hội, định theo ý nghĩa dẫn đầu là sự lãnh hội, niệm theo ý nghĩa pháp chủ đạo là sự lãnh hội, tuệ theo ý nghĩa cao thượng trong các pháp thiện là sự lãnh hội, giải thoát theo ý nghĩa cốt lỏi là sự lãnh hội, Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc là sự lãnh hội.
Có phải sự lãnh hội chỉ là bấy nhiêu? Không phải, ở sát-na Đạo Nhập Lưu: sự lãnh hội về nhận thấy là chánh kiến ...(như trên)... Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc là sự lãnh hội.
Có phải sự lãnh hội chỉ là bấy nhiêu? Không phải, ở sát-na Quả Nhập Lưu: sự lãnh hội về nhận thấy là chánh kiến ...(như trên)... trí về sự vô sanh theo ý nghĩa tĩnh lặng là sự lãnh hội. Ước muốn theo ý nghĩa nguồn cội là sự lãnh hội ...(như trên)... Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc là sự lãnh hội.
Có phải sự lãnh hội chỉ là bấy nhiêu? Không phải, ở sát-na Đạo Nhất Lai ... ở sát-na Quả Nhất Lai ... ở sát-na Đạo Bất Lai ... ở sát-na Quả Bất Lai ... ở sát-na Đạo A-la-hán ... ở sát-na Quả A-la-hán: sự lãnh hội về nhận thấy là chánh kiến, sự lãnh hội về sự gắn chặt (tâm vào cảnh) là chánh tư duy ...(như trên)... trí về sự vô sanh theo ý nghĩa tịnh lặng là sự lãnh hội. Ước muốn theo ý nghĩa nguồn cội là sự lãnh hội ...(như trên)... Niết Bàn liên quan đến bất tử theo ý nghĩa kết thúc là sự lãnh hội.
Vị này dứt bỏ các phiền não, dứt bỏ các phiền não thuộc quá khứ, dứt bỏ các phiền não thuộc vị lai, dứt bỏ các phiền não thuộc hiện tại. Dứt bỏ các phiền não thuộc quá khứ: Nếu (vị ấy) dứt bỏ các phiền não thuộc quá khứ, vậy thì (vị ấy) dứt bỏ pháp đã được cạn kiệt, làm diệt tận pháp đã được diệt tận, làm xa lìa pháp đã được xa lìa, làm biến mất pháp đã được biến mất; (vị ấy) dứt bỏ pháp thuộc quá khứ là pháp không hiện hữu. Như thế, (vị ấy) không dứt bỏ các phiền não thuộc quá khứ.
Dứt bỏ các phiền não thuộc vị lai: Nếu (vị ấy) dứt bỏ các phiền não thuộc vị lai, vậy thì (vị ấy) dứt bỏ pháp chưa được sanh ra, dứt bỏ pháp chưa được tạo lập, dứt bỏ pháp chưa được sanh lên, dứt bỏ pháp chưa được hiện khởi; (vị ấy) dứt bỏ pháp thuộc vị lai là pháp không hiện hữu. Như thế, (vị ấy) không dứt bỏ các phiền não thuộc vị lai.
Dứt bỏ các phiền não thuộc hiện tại: Nếu (vị ấy) dứt bỏ các phiền não thuộc hiện tại, vậy thì bị ái nhiễm (vị ấy) dứt bỏ tham ái, bị hư hỏng (vị ấy) dứt bỏ sân, bị mê muội (vị ấy) dứt bỏ vô minh, bị ràng buộc (vị ấy) dứt bỏ ngã mạn, bị tiêm nhiễm (vị ấy) dứt bỏ tà kiến, bị rơi vào tản mạn (vị ấy) dứt bỏ phóng dật, bị rơi vào không dứt khoát (vị ấy) dứt bỏ hoài nghi, bị rơi vào cố tật (vị ấy) dứt bỏ pháp ngủ ngầm; (như thế) các pháp đen và trắng[2]được kết hợp chung, hiện hữu một cách bình đẳng, sự tu tập Đạo là còn phiền não.
(Vị ấy) không dứt bỏ các phiền não thuộc quá khứ, không dứt bỏ các phiền não thuộc vị lai, không dứt bỏ các phiền não thuộc hiện tại: Nếu (vị ấy) không dứt bỏ các phiền não thuộc quá khứ, không dứt bỏ các phiền não thuộc vị lai, không dứt bỏ các phiền não thuộc hiện tại, vậy thì (phải chăng) không có sự tu tập Đạo, không có sự tác chứng Quả, không có sự dứt bỏ các phiền não, không có sự lãnh hội các pháp? Có sự tu tập Đạo, có sự tác chứng Quả, có sự dứt bỏ các phiền não, có sự lãnh hội các pháp. Như thế là (có ý nghĩa) thế nào? Giống như thân cây còn nhỏ có trái cây chưa được sanh ra, người ta có thể đốn ngã chính gốc cây ấy. Những trái cây chưa được sanh ra của cây ấy, chính vì chưa được sanh ra nên (sẽ) không được sanh ra, chính vì chưa được tạo lập nên (sẽ) không được tạo lập, chính vì chưa được sanh lên nên (sẽ) không được sanh lên, chính vì chưa được hiện hữu nên (sẽ) không được hiện hữu.
Tương tợ như thế, sự sanh lên là nhân, sự sanh lên là duyên đưa đến sự tạo lập các phiền não. Sau khi thấy được tai hại trong sự sanh lên, tâm tiến đến sự không sanh lên. Nhờ vào trạng thái của tâm ở sự không sanh lên, các phiền não nào có sự sanh lên là duyên có thể được tạo lập, các phiền não ấy chính vì chưa được sanh ra nên (sẽ) không được sanh ra, chính vì chưa được tạo lập nên (sẽ) không được tạo lập, chính vì chưa được sanh lên nên (sẽ) không được sanh lên, chính vì chưa được hiện hữu nên (sẽ) không được hiện hữu. Như vậy, do sự diệt tận của nhân có sự diệt tận của Khổ. Sự vận hành là nhân, hiện tướng là nhân, (nghiệp) tích lũy là nhân, (nghiệp) tích lũy là duyên đưa đến sự tạo lập các phiền não. Sau khi thấy được tai hại ở (nghiệp) tích lũy, tâm tiến đến sự không tích lũy (nghiệp). Nhờ vào trạng thái của tâm ở sự không tích lũy (nghiệp), các phiền não nào có (nghiệp) tích lũy là duyên có thể được tạo lập, các phiền não ấy chính vì chưa được sanh ra nên (sẽ) không được sanh ra, chính vì chưa được tạo lập nên (sẽ) không được tạo lập, chính vì chưa được sanh lên nên (sẽ) không được sanh lên, chính vì chưa được hiện hữu nên (sẽ) không được hiện hữu. Như vậy, do sự diệt tận của nhân có sự diệt tận của Khổ. Như vậy, có sự tu tập Đạo, có sự tác chứng Quả, có sự dứt bỏ các phiền não, có sự lãnh hội các pháp.
Phần Giảng về sự Lãnh Hội được đầy đủ.
--ooOoo--
[Duyên khởi ở Sāvatthī]
Này các tỳ khưu, cũng giống như bất cứ các hành động gì được thực hiện bằng sức lực tất cả các hành động ấy được thực hiện sau khi đã nương tựa vào trái đất, sau khi đã thiết lập ở trên trái đất; các hành động được thực hiện bằng sức lực này được thực hiện như vậy. Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế, sau khi nương tựa vào giới sau khi thiết lập ở giới, vị tỳ khưu tu tập Thánh Đạo tám chi phần, làm sung mãn Thánh Đạo tám chi phần.
Này các tỳ khưu, sau khi nương tựa vào giới sau khi thiết lập ở giới, vị tỳ khưu tu tập Thánh Đạo tám chi phần, làm sung mãn Thánh Đạo tám chi phần là (có ý nghĩa) thế nào? Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu tu tập chánh kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham ái, liên hệ đến diệt tận, có sự hướng đến xả ly; tu tập chánh tư duy ... tu tập chánh ngữ ... tu tập chánh nghiệp ... tu tập chánh mạng ... tu tập chánh tinh tấn ... tu tập chánh niệm ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham ái, liên hệ đến diệt tận, có sự hướng đến xả ly. Này các tỳ khưu, sau khi nương tựa vào giới sau khi thiết lập ở giới, vị tỳ khưu tu tập Thánh Đạo tám chi phần, làm sung mãn Thánh Đạo tám chi phần là (có ý nghĩa) như thế.
Này các tỳ khưu, cũng giống như bất cứ các hạt giống và các loài thảo mộc nào đạt được sự tăng trưởng, sự phát triển, sự tiến triển, tất cả các loài ấy (đạt được) sau khi đã nương tựa vào trái đất, sau khi đã thiết lập ở trên trái đất; các hạt giống và các loài thảo mộc này đạt được sự tăng trưởng, sự phát triển, sự tiến triển là như vậy. Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế, sau khi nương tựa vào giới, sau khi thiết lập ở giới, vị tỳ khưu trong khi tu tập Thánh Đạo tám chi phần, trong khi làm sung mãn Thánh Đạo tám chi phần, đạt được sự tăng trưởng, sự phát triển, sự tiến triển trong các pháp.
Này các tỳ khưu, sau khi nương tựa vào giới, sau khi thiết lập ở giới, vị tỳ khưu trong khi tu tập Thánh Đạo tám chi phần, trong khi làm sung mãn Thánh Đạo tám chi phần, đạt được sự tăng trưởng, sự phát triển, sự tiến triển trong các pháp là (có ý nghĩa) thế nào? Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu tu tập chánh kiến liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham ái, liên hệ đến sự diệt tận, có sự hướng đến xả ly; tu tập chánh tư duy ... tu tập chánh ngữ ... tu tập chánh nghiệp ... tu tập chánh mạng ... tu tập chánh tinh tấn ... tu tập chánh niệm ... tu tập chánh định liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham ái, liên hệ đến sự diệt tận, có sự hướng đến xả ly. Này các tỳ khưu, sau khi nương tựa vào giới, sau khi thiết lập ở giới, vị tỳ khưu trong khi tu tập Thánh Đạo tám chi phần, trong khi làm sung mãn Thánh Đạo tám chi phần, đạt được sự tăng trưởng, sự phát triển, sự tiến triển trong các pháp là (có ý nghĩa) như thế.
Đối với chánh kiến, có năm sự viễn ly, năm sự ly tham ái, năm sự diệt tận, năm sự xả ly, mười hai sự liên hệ. Đối với chánh tư duy ... Đối với chánh ngữ ... Đối với chánh nghiệp ... Đối với chánh mạng ... Đối với chánh tinh tấn ... Đối với chánh niệm ... Đối với chánh định, có năm sự viễn ly, năm sự ly tham ái, năm sự diệt tận, năm sự xả ly, mười hai sự liên hệ.
Đối với chánh kiến, có năm sự viễn ly gì? Sự viễn ly do áp chế, sự viễn ly do thay thế, sự viễn ly do đoạn trừ, sự viễn ly do tịnh lặng, sự viễn ly do xuất ly. Và sự viễn ly do áp chế là đối với các pháp ngăn che ở vị đang tu tập sơ thiền, sự viễn ly do thay thế là đối với các khuynh hướng tà kiến ở vị đang tu tập định dự phần vào thông suốt, sự viễn ly do đoạn trừ là ở vị đang tu tập Đạo đưa đến đoạn tận (là Đạo) tối thượng ở đời, sự viễn ly do tịnh lặng là ở vào thời điểm của Quả, và sự viễn ly do xuất ly là sự diệt tận, Niết Bàn. Đối với chánh kiến, có năm sự viễn ly này. Ở năm sự viễn ly này, có ước muốn được sanh lên, đức tin được chú trọng, và tâm của vị ấy khéo được khẳng định.
Đối với chánh kiến, có năm sự ly tham ái gì? Sự ly tham ái do áp chế, sự ly tham ái do thay thế, sự ly tham ái do đoạn trừ, sự ly tham ái do tịnh lặng, sự ly tham ái do xuất ly. Và sự ly tham ái do áp chế là đối với các pháp ngăn che ở vị đang tu tập sơ thiền, sự ly tham ái do thay thế là đối với các khuynh hướng tà kiến ở vị đang tu tập định dự phần vào thông suốt, sự ly tham ái do đoạn trừ là ở vị đang tu tập Đạo đưa đến đoạn tận (là Đạo) tối thượng ở đời, sự ly tham ái do tịnh lặng là ở vào thời điểm của Quả, và sự ly tham ái do xuất ly là sự diệt tận, Niết Bàn. Đối với chánh kiến, có năm sự ly tham ái này. Ở năm sự ly tham ái này, có ước muốn được sanh lên, đức tin được chú trọng, và tâm của vị ấy khéo được khẳng định.
Đối với chánh kiến, có năm sự diệt tận gì? Sự diệt tận do áp chế, sự diệt tận do thay thế, sự diệt tận do đoạn trừ, sự diệt tận do tịnh lặng, sự diệt tận do xuất ly. Và sự diệt tận do áp chế là đối với các pháp ngăn che ở vị đang tu tập sơ thiền, sự diệt tận do thay thế là đối với các khuynh hướng tà kiến ở vị đang tu tập định dự phần vào thông suốt, sự diệt tận do đoạn trừ là ở vị đang tu tập Đạo đưa đến đoạn tận (là Đạo) tối thượng ở đời, sự diệt tận do tĩnh lặng là ở vào thời điểm của Quả, và sự diệt tận do xuất ly là bản thể bất tử. Đối với chánh kiến, có năm sự diệt tận này. Ở năm sự diệt tận này, có ước muốn được sanh lên, đức tin được chú trọng, và tâm của vị ấy khéo được khẳng định.
Đối với chánh kiến, có năm sự xả ly gì? Sự xả ly do áp chế, sự xả ly do thay thế, sự xả ly do đoạn trừ, sự xả ly do tịnh lặng, sự xả ly do xuất ly. Và sự xả ly do áp chế là đối với các pháp ngăn che ở vị đang tu tập sơ thiền, sự xả ly do thay thế là đối với các khuynh hướng tà kiến ở vị đang tu tập định dự phần vào thông suốt, sự xả ly do đoạn trừ là ở vị đang tu tập Đạo đưa đến đoạn tận (là Đạo) tối thượng ở đời, sự xả ly do tĩnh lặng là ở vào thời điểm của Quả, và sự xả ly do xuất ly là sự diệt tận, Niết Bàn. Đối với chánh kiến, có năm sự xả ly này. Ở năm sự xả ly này, có ước muốn được sanh lên, đức tin được chú trọng, và tâm của vị ấy khéo được khẳng định. Đối với chánh kiến, có năm sự viễn ly, năm sự ly tham ái, năm sự diệt tận, năm sự xả ly, mười hai sự liên hệ này.
Đối với chánh tư duy ... Đối với chánh ngữ ... Đối với chánh nghiệp ... Đối với chánh mạng ... Đối với chánh tinh tấn ... Đối với chánh niệm ... Đối với chánh định, có năm sự viễn ly gì? Sự viễn ly do áp chế, sự viễn ly do thay thế, sự viễn ly do đoạn trừ, sự viễn ly do tịnh lặng, sự viễn ly do xuất ly. Và sự viễn ly do áp chế là đối với các pháp ngăn che ở vị đang tu tập sơ thiền, sự viễn ly do thay thế là đối với các khuynh hướng tà kiến ở vị đang tu tập định dự phần vào thông suốt, sự viễn ly do đoạn trừ là ở vị đang tu tập Đạo đưa đến đoạn tận (là Đạo) tối thượng ở đời, sự viễn ly do tĩnh lặng là ở vào thời điểm của Quả, và sự viễn ly do xuất ly là sự diệt tận, Niết Bàn. Đối với chánh định, có năm sự viễn ly này. Ở năm sự viễn ly này, có ước muốn được sanh lên, đức tin được chú trọng, và tâm của vị ấy khéo được khẳng định.
Đối với chánh định, có năm sự ly tham ái gì? Sự ly tham ái do áp chế, sự ly tham ái do thay thế, sự ly tham ái do đoạn trừ, sự ly tham ái do tịnh lặng, sự ly tham ái do xuất ly. Và sự ly tham ái do áp chế là đối với các pháp ngăn che ở vị đang tu tập sơ thiền, sự ly tham ái do thay thế là đối với các khuynh hướng tà kiến ở vị đang tu tập định dự phần vào thông suốt, sự ly tham ái do đoạn trừ là ở vị đang tu tập Đạo đưa đến đoạn tận (là Đạo) tối thượng ở đời, sự ly tham ái do tĩnh lặng là ở vào thời điểm của Quả, và sự ly tham ái do xuất ly là sự diệt tận, Niết Bàn. Đối với chánh định, có năm sự ly tham ái này. Ở năm sự ly tham ái này, có ước muốn được sanh lên, đức tin được chú trọng, và tâm của vị ấy khéo được khẳng định.
Đối với chánh định, có năm sự diệt tận gì? Sự diệt tận do áp chế, sự diệt tận do thay thế, sự diệt tận do đoạn trừ, sự diệt tận do tịnh lặng, sự diệt tận do xuất ly. Và sự diệt tận do áp chế là đối với các pháp ngăn che ở vị đang tu tập sơ thiền, sự diệt tận do thay thế là đối với các khuynh hướng tà kiến ở vị đang tu tập định dự phần vào thông suốt, sự diệt tận do đoạn trừ là ở vị đang tu tập Đạo đưa đến đoạn tận (là Đạo) tối thượng ở đời, sự diệt tận do tĩnh lặng là ở vào thời điểm của Quả, và sự diệt tận do xuất ly là bản thể bất tử. Đối với chánh định, có năm sự diệt tận này. Ở năm sự diệt tận này, có ước muốn được sanh lên, đức tin được chú trọng, và tâm của vị ấy khéo được khẳng định.
Đối với chánh định, có 5 sự xả ly gì? Sự xả ly do áp chế, sự xả ly do thay thế, sự xả ly do đoạn trừ, sự xả ly do tịnh lặng, sự xả ly do xuất ly. Và sự xả ly do áp chế là đối với các pháp ngăn che ở vị đang tu tập sơ thiền, sự xả ly do thay thế là đối với các khuynh hướng tà kiến ở vị đang tu tập định dự phần vào thông suốt, sự xả ly do đoạn trừ là ở vị đang tu tập Đạo đưa đến đoạn tận (là Đạo) tối thượng ở đời, sự xả ly do tĩnh lặng là ở vào thời điểm của Quả, và sự xả ly do xuất ly là sự diệt tận, Niết Bàn. Đối với chánh định, có 5 sự xả ly này. Ở 5 sự xả ly này, có ước muốn được sanh lên, đức tin được chú trọng, và tâm của vị ấy khéo được khẳng định. Đối với chánh định, có 5 sự viễn ly, 5 sự ly tham ái, 5 sự diệt tận, 5 sự xả ly, 12 sự liên hệ này.
Này các tỳ khưu, cũng giống như bất cứ các hành động gì được thực hiện bằng sức lực tất cả các hành động ấy đều được thực hiện sau khi đã nương tựa vào trái đất, sau khi đã thiết lập ở trên trái đất; các hành động được thực hiện bằng sức lực này đều được thực hiện như vậy. Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế, sau khi nương tựa vào giới, sau khi thiết lập ở giới, vị tỳ khưu tu tập bảy giác chi, làm sung mãn bảy giác chi. ...(nt)... trong khi tu tập bảy giác chi, trong khi làm sung mãn bảy giác chi, đạt được sự tăng trưởng, sự phát triển, sự tiến triển trong các pháp. ...(nt)... tu tập năm lực, làm sung mãn năm lực ...(nt)... trong khi tu tập năm lực, trong khi làm sung mãn năm lực, đạt được sự tăng trưởng, sự phát triển, sự tiến triển trong các pháp. ...(nt)... tu tập năm quyền, làm sung mãn năm quyền ...(nt)...
Này các tỳ khưu, cũng giống như bất cứ các hạt giống và các loài thảo mộc nào đạt được sự tăng trưởng, sự phát triển, sự tiến triển, tất cả các loài ấy (đạt được) sau khi đã nương tựa vào trái đất, sau khi đã thiết lập ở trên trái đất; các hạt giống và các loài thảo mộc này đạt được sự tăng trưởng, sự phát triển, sự tiến triển là như vậy. Này các tỳ khưu, tương tợ y như thế, sau khi nương tựa vào giới, sau khi thiết lập ở giới, vị tỳ khưu trong khi tu tập năm quyền, trong khi làm sung mãn năm quyền, đạt được sự tăng trưởng, sự phát triển, sự tiến triển trong các pháp.
Này các tỳ khưu, sau khi nương tựa vào giới, sau khi thiết lập ở giới, vị tỳ khưu trong khi tu tập năm quyền, trong khi làm sung mãn năm quyền, đạt được sự tăng trưởng, sự phát triển, sự tiến triển trong các pháp là (có ý nghĩa) thế nào? Này các tỳ khưu, ở đây vị tỳ khưu tu tập tín quyền liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham ái, liên hệ đến sự diệt tận, có sự hướng đến xả ly; tu tập tấn quyền ... tu tập niệm quyền ... tu tập định quyền ... tu tập tuệ quyền liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham ái, liên hệ đến sự diệt tận, có sự hướng đến xả ly. Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu, sau khi nương tựa vào giới ...(như trên)... đạt được sự tăng trưởng, sự phát triển, sự tiến triển trong các pháp là (có ý nghĩa) như thế.
Đối với tín quyền, có năm sự viễn ly, năm sự ly tham ái, năm sự diệt tận, năm sự xả ly, mười hai sự liên hệ. Đối với tấn quyền ... Đối với niệm quyền ... Đối với định quyền ... Đối với tuệ quyền, có năm sự viễn ly, năm sự ly tham ái, năm sự diệt tận, năm sự xả ly, mười hai sự liên hệ.
Đối với tín quyền, có năm sự viễn ly gì? Sự viễn ly do áp chế, sự viễn ly do thay thế, sự viễn ly do đoạn trừ, sự viễn ly do tịnh lặng, sự viễn ly do xuất ly. Và sự viễn ly do áp chế là đối với các pháp ngăn che ở vị đang tu tập sơ thiền, sự viễn ly do thay thế là đối với các khuynh hướng tà kiến ở vị đang tu tập định dự phần vào thông suốt, sự viễn ly do đoạn trừ là ở vị đang tu tập Đạo đưa đến đoạn tận (là Đạo) tối thượng ở đời, sự viễn ly do tĩnh lặng là ở vào thời điểm của Quả, và sự viễn ly do xuất ly là sự diệt tận, Niết Bàn. Đối với tín quyền, có năm sự viễn ly này. Ở năm sự viễn ly này, có ước muốn được sanh lên, đức tin được chú trọng, và tâm của vị ấy khéo được khẳng định. ...(như trên)... Đối với tín quyền, có năm sự viễn ly, năm sự ly tham ái, năm sự diệt tận, năm sự xả ly, mười hai sự liên hệ này.
Đối với tấn quyền ... Đối với niệm quyền ... Đối với định quyền ... Đối với tuệ quyền, có năm sự viễn ly gì? Sự viễn ly do áp chế, sự viễn ly do thay thế, sự viễn ly do đoạn trừ, sự viễn ly do tịnh lặng, sự viễn ly do xuất ly. ...(nt)... Đối với tuệ quyền, có năm sự viễn ly, năm sự ly tham ái, năm sự diệt tận, năm sự xả ly, mười hai sự liên hệ này.
Phần Giảng về sự Viễn Ly được đầy đủ.
--ooOoo--
Hành vi: Có tám hành vi: hành vi của oai nghi, hành vi của xứ, hành vi của niệm, hành vi của định, hành vi của trí, hành vi của Đạo, hành vi của sự đạt đến, và hành vi vì lợi ích của thế gian.
Hành vi của oai nghi: liên quan đến bốn oai nghi.
Hành vi của xứ: liên quan đến sáu nội ngoại xứ.
Hành vi của niệm: liên quan đến bốn sự thiết lập niệm.
Hành vi của định: liên quan đến bốn thiền.
Hành vi của trí: liên quan đến bốn Chân Lý cao thượng.
Hành vi của Đạo: liên quan đến bốn Thánh Đạo.
Hành vi của sự đạt đến: liên quan đến bốn Quả vị Sa-môn.
Hành vi vì lợi ích của thế gian: liên quan đến các đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác, liên quan một phần đến các vị Phật Độc Giác, liên quan một phần đến các vị Thinh Văn.
Hành vi của oai nghi là của các vị đã thành tựu ước nguyện. Hành vi của xứ là của các vị có sự hộ trì các căn. Hành vi của niệm là của các vị an trú vào sự không buông lung. Hành vi của định là của các vị gắn bó vào thắng tâm. Hành vi của trí là của các vị đã thành tựu sự giác ngộ. Hành vi của Đạo là của các vị thực hành đúng đắn. Hành vi của sự đạt đến là thuộc về các Quả đã được chứng đạt. Hành vi vì lợi ích của thế gian là của các đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh Đẳng Giác, là của các vị Phật Độc Giác một phần, là của các vị Thinh Văn một phần. Đây là tám hành vi.
Có tám hành vi khác nữa: Trong khi cương quyết là hành xử với tín, trong khi ra sức là hành xử với tấn, trong khi thiết lập là hành xử với niệm, trong khi hành động không tản mạn là hành xử với định, trong khi là nhận biết là hành xử với tuệ, trong khi nhận thức là hành xử với thức. ‘Ở vị thực hành như thế, các thiện pháp được thể hiện’ là hành xử với hành vi của xứ. ‘Vị thực hành như thế đạt đến sự thù thắng’ là hành xử với hành vi của sự thù thắng. Đây là tám hành vi.
Có tám hành vi khác nữa: Hành vi nhận thấy của chánh kiến, hành vi gắn chặt (tâm vào cảnh) của chánh tư duy, hành vi gìn giữ của chánh ngữ, hành vi nguồn sanh khởi của chánh nghiệp, hành vi trong sạch của chánh mạng, hành vi ra sức của chánh tinh tấn, hành vi thiết lập của chánh niệm, hành vi không tản mạn của chánh định. Đây là tám hành vi.
Phần Giảng về Hành Vi được đầy đủ.
--ooOoo--
Này các tỳ khưu, đây là ba phép kỳ diệu. Ba là gì? Phép kỳ diệu về thần thông, phép kỳ diệu về điểm hóa, phép kỳ diệu về giáo hóa.
Và này các tỳ khưu, phép kỳ diệu về thần thông là gì? Này các tỳ khưu, ở đây có vị kinh nghiệm nhiều thể loại thần thông: là một hóa thành nhiều, là nhiều hóa thành một, hiện ra, biến mất ...(như trên)... bằng thân vị ấy thể hiện sự tác động đến tận cõi Phạm Thiên. Này các tỳ khưu, điều này được gọi là phép kỳ diệu về thần thông.
Và này các tỳ khưu, phép kỳ diệu về điểm hóa là gì? Này các tỳ khưu, ở đây có vị chỉ điểm bằng hiện tướng rằng: “Ý của ngươi là như vầy, ý của ngươi là thế ấy, tâm của ngươi là như thế.” Dẫu cho vị ấy chỉ điểm nhiều, điều ấy cũng xảy ra đúng y như thế, không có sai khác. Này các tỳ khưu, hơn nữa ở đây có vị chẳng những không chỉ điểm bằng hiện tướng, mà chỉ lắng nghe âm thanh của loài người, hoặc của phi nhân, hoặc của chư thiên rồi chỉ điểm rằng: “Ý của ngươi là như vầy, ý của ngươi là thế ấy, tâm của ngươi là như thế.” Dẫu cho vị ấy chỉ điểm nhiều, điều ấy cũng xảy ra đúng y như thế, không có sai khác. Này các tỳ khưu, hơn nữa ở đây có vị chẳng những không chỉ điểm bằng hiện tướng, cũng không lắng nghe âm thanh của loài người, hoặc của phi nhân, hoặc của chư thiên rồi chỉ điểm, mà chỉ lắng nghe âm thanh lan truyền của sự suy tầm ở người đang suy tầm đang suy xét rồi chỉ điểm rằng: “Ý của ngươi là như vầy, ý của ngươi là thế ấy, tâm của ngươi là như thế.” Dẫu cho vị ấy chỉ điểm nhiều, điều ấy cũng xảy ra đúng y như thế, không có sai khác. Này các tỳ khưu, hơn nữa ở đây có vị chẳng những không chỉ điểm bằng hiện tướng, cũng không lắng nghe âm thanh của loài người, hoặc của phi nhân, hoặc của chư thiên rồi chỉ điểm, cũng không lắng nghe âm thanh lan truyền của sự suy tầm ở người đang suy tầm đang suy xét rồi chỉ điểm, mà chỉ dùng ý nắm giữ ý của vị đang thể nhập định không tầm không tứ và nhận biết rằng: “Theo như các tạo tác về ý của vị này đã được ước nguyện, thì kế liền tâm này vị ấy sẽ suy tầm đến điều suy tầm này như vầy.” Dẫu cho vị ấy chỉ điểm nhiều, điều ấy cũng xảy ra đúng y như thế, không có sai khác. Này các tỳ khưu, điều này được gọi là phép kỳ diệu về điểm hóa.
Và này các tỳ khưu, phép kỳ diệu về giáo hóa là gì? Này các tỳ khưu, ở đây có vị chỉ dạy như vầy: “Hãy suy tầm như vầy, chớ suy tầm như vầy. Hãy tác ý như vầy, chớ tác ý như vầy. Hãy dứt bỏ điều này, hãy thành tựu và an trú điều này.” Này các tỳ khưu, điều này được gọi là phép kỳ diệu về giáo hóa. Này các tỳ khưu, đây là ba phép kỳ diệu.
‘Thoát ly được thành tựu’ là thần thông. ‘Phản kháng lại ước muốn trong các dục’ là phép kỳ diệu. ‘Các vị nào hội đủ sự thoát ly ấy, tất cả các vị ấy có tâm được thanh tịnh, có tư duy không bị khuấy động’ là phép kỳ diệu về điểm hóa. ‘Hơn nữa, sự thoát ly ấy nên được rèn luyện như thế, nên được tu tập như thế, nên được làm cho sung mãn như thế, niệm tùy thuận theo việc ấy nên được thiết lập như thế’ là phép kỳ diệu về giáo hóa.
‘Không sân độc được thành tựu’ là thần thông. ‘Phản kháng lại sân độc’ là phép kỳ diệu. ‘Các vị nào hội đủ sự không sân độc ấy, tất cả các vị ấy có tâm được thanh tịnh, có tư duy không bị khuấy động’ là phép kỳ diệu về điểm hóa. ‘Hơn nữa, sự không sân độc ấy nên được rèn luyện như thế, nên được tu tập như thế, nên được làm cho sung mãn như thế, niệm tùy thuận theo việc ấy nên được thiết lập như thế’ là phép kỳ diệu về giáo hóa.
‘Sự nghĩ tưởng về ánh sáng được thành tựu’ là thần thông. ‘Phản kháng lại sự lờ đờ buồn ngủ’ là phép kỳ diệu. ‘Các vị nào hội đủ sự nghĩ tưởng về ánh sáng ấy, tất cả các vị ấy có tâm được thanh tịnh, có tư duy không bị khuấy động’ là phép kỳ diệu về điểm hóa. ‘Hơn nữa, sự nghĩ tưởng về ánh sáng ấy nên được rèn luyện như thế, nên được tu tập như thế, nên được làm cho sung mãn như thế, niệm tùy thuận theo việc ấy nên được thiết lập như thế’ là phép kỳ diệu về giáo hóa.
‘Sự không tản mạn được thành tựu’ là thần thông. ‘Phản kháng lại sự phóng dật’ là phép kỳ diệu. ‘Các vị nào hội đủ sự không tản mạn ấy, tất cả các vị ấy có tâm được thanh tịnh, có tư duy không bị khuấy động’ là phép kỳ diệu về điểm hóa. ‘Hơn nữa, sự không tản mạn ấy nên được rèn luyện như thế, nên được tu tập như thế, nên được làm cho sung mãn như thế, niệm tùy thuận theo việc ấy nên được thiết lập như thế’ là phép kỳ diệu về giáo hóa.
‘Sự xác định pháp được thành tựu’ là thần thông. ‘Phản kháng lại hoài nghi’ là phép kỳ diệu. ‘Các vị nào hội đủ sự xác định pháp ấy, tất cả các vị ấy có tâm được thanh tịnh, có tư duy không bị khuấy động’ là phép kỳ diệu về điểm hóa. ‘Hơn nữa, sự xác định pháp ấy nên được rèn luyện như thế, nên được tu tập như thế, nên được làm cho sung mãn như thế, niệm tùy thuận theo việc ấy nên được thiết lập như thế’ là phép kỳ diệu về giáo hóa.
‘Trí được thành tựu’ là thần thông. ‘Phản kháng lại vô minh’ là phép kỳ diệu. ‘Các vị nào hội đủ trí ấy, tất cả các vị ấy có tâm được thanh tịnh, có tư duy không bị khuấy động’ là phép kỳ diệu về điểm hóa. ‘Hơn nữa, trí ấy nên được rèn luyện như thế, nên được tu tập như thế, nên được làm cho sung mãn như thế, niệm tùy thuận theo việc ấy nên được thiết lập như thế’ là phép kỳ diệu về giáo hóa.
‘Sự hân hoan được thành tựu’ là thần thông. ‘Phản kháng lại sự không hứng thú’ là phép kỳ diệu. ‘Các vị nào hội đủ sự hân hoan ấy, tất cả các vị ấy có tâm được thanh tịnh, có tư duy không bị khuấy động’ là phép kỳ diệu về điểm hóa. ‘Hơn nữa, sự hân hoan ấy nên được rèn luyện như thế, nên được tu tập như thế, nên được làm cho sung mãn như thế, niệm tùy thuận theo việc ấy nên được thiết lập như thế’ là phép kỳ diệu về giáo hóa.
‘Sơ thiền được thành tựu’ là thần thông. ‘Phản kháng lại các pháp ngăn che’ là phép kỳ diệu. ‘Các vị nào hội đủ sơ thiền ấy, tất cả các vị ấy có tâm được thanh tịnh, có tư duy không bị khuấy động’ là phép kỳ diệu về điểm hóa. ‘Hơn nữa, sơ thiền ấy nên được rèn luyện như thế, nên được tu tập như thế, nên được làm cho sung mãn như thế, niệm tùy thuận theo việc ấy nên được thiết lập như thế’ là phép kỳ diệu về giáo hóa. ...(như trên)...
‘Đạo A-la-hán được thành tựu’ là thần thông. ‘Phản kháng lại toàn bộ phiền não’ là phép kỳ diệu. ‘Các vị nào hội đủ Đạo A-la-hán ấy, tất cả các vị ấy có tâm được thanh tịnh, có tư duy không bị khuấy động’ là phép kỳ diệu về điểm hóa. ‘Hơn nữa, Đạo A-la-hán ấy nên được rèn luyện như thế, nên được tu tập như thế, nên được làm cho sung mãn như thế, niệm tùy thuận theo việc ấy nên được thiết lập như thế’ là phép kỳ diệu về giáo hóa.
‘Thoát ly được thành tựu’ là thần thông. ‘Phản kháng lại ước muốn trong các dục’ là phép kỳ diệu. Thành tựu và phép kỳ diệu được gọi là phép kỳ diệu về thần thông. ‘Không sân độc được thành tựu’ là thần thông. ‘Phản kháng lại sân độc’ là phép kỳ diệu. Thành tựu và phép kỳ diệu được gọi là phép kỳ diệu về thần thông. ‘Sự nghĩ tưởng về ánh sáng được thành tựu’ là thần thông. ‘Phản kháng lại sự lờ đờ buồn ngủ’ là phép kỳ diệu. Thành tựu và phép kỳ diệu được gọi là phép kỳ diệu về thần thông. ...(như trên)... ‘Đạo A-la-hán được thành tựu’ là thần thông. ‘Phản kháng lại toàn bộ phiền não’ là phép kỳ diệu. Thành tựu và phép kỳ diệu được gọi là phép kỳ diệu về thần thông.
Phần Giảng về Phép Kỳ Diệu được đầy đủ.
--ooOoo--
Sự nhận biết về việc đoạn trừ hoàn toàn đối với tất cả các pháp, về sự diệt tận và tính chất không thiết lập là trí về ý nghĩa của các pháp đứng đầu được tịnh lặng là (có ý nghĩa) thế nào?
Đối với tất cả các pháp: là năm uẩn, mười hai xứ, mười tám giới, các pháp thiện, các pháp bất thiện, các pháp vô ký, các pháp thuộc dục giới, các pháp thuộc sắc giới, các pháp thuộc vô sắc giới, các pháp không còn lệ thuộc.
Về việc đoạn trừ hoàn toàn: Do sự thoát ly, (hành giả) đoạn trừ hoàn toàn ước muốn trong các dục. Do không sân độc, (hành giả) đoạn trừ hoàn toàn sân độc. Do sự nghĩ tưởng đến ánh sáng, (hành giả) đoạn trừ hoàn toàn sự lờ đờ buồn ngủ. Do không tản mạn, (hành giả) đoạn trừ hoàn toàn sự phóng dật. Do xác định pháp, (hành giả) đoạn trừ hoàn toàn sự hoài nghi. Do trí, (hành giả) đoạn trừ hoàn toàn vô minh. Do hân hoan, (hành giả) đoạn trừ hoàn toàn sự không hứng thú. Do sơ thiền, (hành giả) đoạn trừ hoàn toàn các pháp ngăn che. ...(như trên).., Do Đạo A-la-hán, (hành giả) đoạn trừ hoàn toàn toàn bộ phiền não.
Về sự diệt tận: Do thoát ly, (hành giả) diệt tận ước muốn trong các dục. Do không sân độc, (hành giả) diệt tận sân độc. Do sự nghĩ tưởng đến ánh sáng, (hành giả) diệt tận sự lờ đờ buồn ngủ. Do không tản mạn, (hành giả) diệt tận sự phóng dật. Do sự xác định pháp, (hành giả) diệt tận hoài nghi. Do trí, (hành giả) diệt tận vô minh. Do hân hoan, (hành giả) diệt tận sự không hứng thú. Do sơ thiền, (hành giả) diệt tận các pháp ngăn che. ...(như trên)... Do Đạo A-la-hán, (hành giả) diệt tận toàn bộ phiền não.
Do tính chất không thiết lập: Ở (hành giả) đã thành tựu thoát ly, ước muốn trong các dục không thiết lập. Ở (hành giả) đã thành tựu không sân độc, sân độc không thiết lập. Ở (hành giả) đã thành tựu sự nghĩ tưởng về ánh sáng, sự lờ đờ buồn ngủ không thiết lập. Ở (hành giả) đã thành tựu sự không tản mạn, phóng dật không thiết lập. Ở (hành giả) đã thành tựu sự xác định pháp, hoài nghi không thiết lập. Ở (hành giả) đã thành tựu trí, vô minh không thiết lập. Ở (hành giả) đã thành tựu hân hoan, sự không hứng thú không thiết lập. Ở (hành giả) đã thành tựu sơ thiền, các pháp ngăn che không thiết lập. ...(như trên)... Ở (hành giả) đã thành tựu Đạo A-la-hán, toàn bộ phiền não không thiết lập.
Được tịnh lặng: Do trạng thái dứt bỏ ước muốn các dục, sự thoát ly được tịnh lặng. Do trạng thái dứt bỏ sân độc, không sân độc được tịnh lặng. Do trạng thái dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, sự nghĩ tưởng đến ánh sáng được tịnh lặng. Do trạng thái dứt bỏ phóng dật, sự không tản mạn được tịnh lặng. Do trạng thái dứt bỏ hoài nghi, sự xác định pháp được tịnh lặng. Do trạng thái dứt bỏ vô minh, trí được tịnh lặng. Do trạng thái dứt bỏ sự không hứng thú, hân hoan được tịnh lặng. Do trạng thái dứt bỏ các pháp ngăn che, sơ thiền được tịnh lặng. ...(như trên)... Do trạng thái dứt bỏ toàn bộ phiền não, Đạo A-la-hán được tịnh lặng.
Pháp đứng đầu: Có mười ba pháp đứng đầu: Đứng đầu các sự vướng bận là ái, đứng đầu các sự trói buộc là ngã mạn, đứng đầu các pháp tiêm nhiễm là tà kiến, đứng đầu các sự tản mạn là phóng dật, đứng đầu các phiền não là vô minh, đứng đầu các sự cương quyết là tín, Đứng đầu các sự ra sức là tấn, đứng đầu các sự thiết lập là niệm, đứng đầu các sự không tản mạn là định, đứng đầu các sự nhận thức là tuệ, đứng đầu các sự vận hành là mạng quyền, đứng đầu các hành xứ là giải thoát, đứng đầu các hành là sự diệt tận.
Phần Giảng về Các Pháp Đứng Đầu Được Tịnh Lặng được đầy đủ.
--ooOoo--
[Duyên khởi ở Sāvatthī]
Này các tỳ khưu, đây là bốn sự thiết lập niệm. Bốn là gì? Này các tỳ khưu, vị tỳ khưu trong giáo pháp này an trú có sự quán xét thân trên thân, có nhiệt tâm, có sự nhận biết rõ rệt, có niệm, có thể chế ngự tham và ưu phiền ở trên đời. ...(như trên)... thọ trên các thọ ...(như trên)... tâm trên tâm ...(như trên)... pháp trên các pháp, có nhiệt tâm, có sự nhận biết rõ rệt, có niệm, có thể chế ngự tham và ưu phiền ở trên đời. Này các tỳ khưu, đây là bốn sự thiết lập niệm.
An trú có sự quán xét thân trên thân là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có vị quán xét thân (cấu thành bởi) nguyên tố đất là vô thường, không phải là thường; quán xét là khổ não, không phải là lạc; quán xét là vô ngã, không phải là ngã; nhàm chán, không vui thích; lìa tham ái, không tham ái; làm cho diệt tận, không làm cho sanh khởi; từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi quán xét là vô thường, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thường; trong khi quán xét là khổ não, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về lạc; trong khi quán xét là vô ngã, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về ngã; trong khi nhàm chán, (vị ấy) dứt bỏ sự vui thích; trong khi lìa tham ái, (vị ấy) dứt bỏ tham ái; trong khi làm cho diệt tận, (vị ấy) dứt bỏ nguồn sanh khởi; trong khi từ bỏ, (vị ấy) dứt bỏ sự nắm giữ. (Vị ấy) quán xét thân theo bảy biểu hiện này. Thân là sự thiết lập, không phải niệm. Niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm. Với niệm ấy, với trí ấy, (vị ấy) quán xét thân ấy. Vì thế, được gọi là: “Sự thiết lập niệm về quán xét thân trên thân.”
Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: là sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội các pháp đã được sanh lên tại nơi ấy, là sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền, là sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn (thích hợp) nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn, là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện.
Ở đây, có vị quán xét thân (cấu thành bởi) nguyên tố nước ... thân (cấu thành bởi) nguyên tố lửa ... thân (cấu thành bởi) nguyên tố gió ... thân (cấu thành bởi) tóc ... thân (cấu thành bởi) lông ... thân (cấu thành bởi) da ngoài ... thân (cấu thành bởi) da trong ... thân (cấu thành bởi) thịt ... thân (cấu thành bởi) máu ... thân (cấu thành bởi) gân ... thân (cấu thành bởi) xương ... thân (cấu thành bởi) tủy xương là vô thường, không phải thường; quán xét là khổ não, không phải lạc; quán xét là vô ngã, không phải ngã; nhàm chán, không vui thích; lìa tham ái, không tham ái; làm cho diệt tận, không làm cho sanh khởi; từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi quán xét là vô thường, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thường; trong khi quán xét là khổ não, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về lạc; trong khi quán xét là vô ngã, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về ngã; trong khi nhàm chán, (vị ấy) dứt bỏ sự vui thích; trong khi lìa tham ái, (vị ấy) dứt bỏ tham ái; trong khi làm cho diệt tận, (vị ấy) dứt bỏ nguồn sanh khởi; trong khi từ bỏ, (vị ấy) dứt bỏ sự nắm giữ. (Vị ấy) quán xét thân theo bảy biểu hiện này. Thân là sự thiết lập, không phải niệm. Niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm. Với niệm ấy, với trí ấy, (vị ấy) quán xét thân ấy. Vì thế, được gọi là: “Sự thiết lập niệm về quán xét thân trên thân.”
Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: là sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, là sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền, là sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn (thích hợp) nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn, là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. An trú có sự quán xét thân trên thân là (có ý nghĩa) như thế.
An trú có sự quán xét thọ trên các thọ là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có vị quán xét thọ lạc là vô thường, không phải thường; ...(như trên)...; từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi quán xét là vô thường, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thường; ...(như trên)...; trong khi từ bỏ, (vị ấy) dứt bỏ sự nắm giữ. (Vị ấy) quán xét thọ theo bảy biểu hiện này. Thọ là sự thiết lập, không phải niệm. Niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm. Với niệm ấy, với trí ấy, (vị ấy) quán xét thọ ấy. Vì thế, được gọi là: “Sự thiết lập niệm về quán xét thọ trên các thọ.”
Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. ...(như trên)... Ở đây, có vị quán xét thọ khổ ... thọ không khổ không lạc ... thọ lạc có hệ lụy vật chất ... thọ lạc không hệ lụy vật chất ... thọ khổ có hệ lụy vật chất ... thọ khổ không hệ lụy vật chất ... thọ không khổ không lạc có hệ lụy vật chất ... thọ không khổ không lạc không hệ lụy vật chất ... thọ sanh lên do nhãn xúc ... thọ sanh lên do nhĩ xúc ... thọ sanh lên do tỷ xúc ... thọ sanh lên do thiệt xúc ... thọ sanh lên do thân xúc ... thọ sanh lên do ý xúc là vô thường, không phải thường; ...(như trên)...; từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi quán xét là vô thường, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thường; ...(như trên)...; trong khi từ bỏ, (vị ấy) dứt bỏ sự nắm giữ. (Vị ấy) quán xét thọ theo bảy biểu hiện này. Thọ là sự thiết lập, không phải niệm. Niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm. Với niệm ấy, với trí ấy, (vị ấy) quán xét thọ ấy. Vì thế, được gọi là: “Sự thiết lập niệm về quán xét thọ trên các thọ.”
Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... An trú có sự quán xét thọ trên các thọ là (có ý nghĩa) như thế.
An trú có sự quán xét tâm trên tâm là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có vị quán xét tâm có tham ái là vô thường, không phải thường; ...(như trên)...; từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi quán xét là vô thường, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thường; ...(như trên)...; trong khi từ bỏ, (vị ấy) dứt bỏ sự nắm giữ. (Vị ấy) quán xét tâm theo bảy biểu hiện này. Tâm là sự thiết lập, không phải niệm. Niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm. Với niệm ấy, với trí ấy, (vị ấy) quán xét tâm ấy. Vì thế, được gọi là: “Sự thiết lập niệm về quán xét tâm trên tâm.”
Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. ...(như trên)...
Ở đây, có vị quán xét tâm lìa khỏi tham ái ... tâm có sân ... tâm lìa khỏi sân ... tâm có si ... tâm lìa khỏi si ... tâm co rút ... tâm tản mạn ... tâm đại hành ... tâm không đại hành ... tâm vượt trội ... tâm không vượt trội ... tâm định tĩnh ... tâm không định tĩnh ... tâm được giải thoát ... tâm chưa được giải thoát ... nhãn thức ... nhĩ thức ... tỷ thức ... thiệt thức ... thân thức ... ý thức là vô thường, không phải là thường; ...; từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi quán xét là vô thường, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thường; ...(như trên)...; trong khi từ bỏ, (vị ấy) dứt bỏ sự nắm giữ. (Vị ấy) quán xét tâm theo bảy biểu hiện này. Tâm là sự thiết lập, không phải niệm. Niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm. Với niệm ấy, với trí ấy, (vị ấy) quán xét tâm ấy. Vì thế, được gọi là: “Sự thiết lập niệm về quán xét tâm trên tâm.”
Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: ...(như trên)... là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. ...(như trên)... An trú có sự quán xét tâm trên tâm là (có ý nghĩa) như thế.
An trú có sự quán xét pháp trên các pháp là (có ý nghĩa) thế nào? Ở đây, có vị quán xét các pháp còn lại, ngoại trừ thân ngoại trừ thọ ngoại trừ tâm, là vô thường, không phải là thường; quán xét là khổ não, không phải là lạc; quán xét là vô ngã, không phải là ngã; nhàm chán, không vui thích; lìa tham ái, không tham ái; làm cho diệt tận, không làm cho sanh khởi; từ bỏ, không nắm giữ. Trong khi quán xét là vô thường, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về thường; trong khi quán xét là khổ não, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về lạc; trong khi quán xét là vô ngã, (vị ấy) dứt bỏ sự nghĩ tưởng về ngã; trong khi nhàm chán, (vị ấy) dứt bỏ sự vui thích; trong khi lìa tham ái, (vị ấy) dứt bỏ tham ái; trong khi làm cho diệt tận, (vị ấy) dứt bỏ nguồn sanh khởi; trong khi từ bỏ, (vị ấy) dứt bỏ sự nắm giữ. (Vị ấy) quán xét các pháp ấy theo bảy biểu hiện này. Các pháp là sự thiết lập, không phải niệm. Niệm vừa là sự thiết lập vừa là niệm. Với niệm ấy, với trí ấy, (vị ấy) quán xét các pháp ấy. Vì thế, được gọi là: “Sự thiết lập niệm về quán xét pháp trên các pháp.”
Sự tu tập: Có bốn sự tu tập: là sự tu tập theo ý nghĩa không vượt trội đối với các pháp đã được sanh lên trong trường hợp ấy, là sự tu tập theo ý nghĩa nhất vị đối với các quyền, là sự tu tập theo ý nghĩa khởi động tinh tấn (thích hợp) nhằm đạt đến giải thoát Niết Bàn, là sự tu tập theo ý nghĩa rèn luyện. An trú có sự quán xét pháp trên các pháp là (có ý nghĩa) như thế.
Phần Giảng về sự Thiết Lập Niệm được đầy đủ.
--ooOoo--
Tôi đã được nghe như vầy: Một thời đức Thế Tôn ngự tại tu viện của ông Anāthapiṇḍika, trong khu rừng (của thái tử) Jeta, ở thành Sāvatthī. Chính ở tại nơi ấy, đức Thế Tôn đã bảo các vị tỳ khưu rằng: “Này các tỳ khưu.” “Thưa ngài,” các vị tỳ khưu ấy đã đáp lại đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn đã nói điều này:
- Này các tỳ khưu, quả thật vị tỳ khưu ấy, trong lúc đang xem xét bất cứ hành nào là thường, sẽ có được sự nhẫn nại phù hợp; sự kiện này không được biết đến. Không có được sự nhẫn nại phù hợp, (vị ấy) sẽ đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn; sự kiện này không được biết đến. Không đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn, (vị ấy) sẽ tác chứng Quả Nhập Lưu, hoặc Quả Nhất Lai, hoặc Quả Bất Lai, hoặc Quả A-la-hán; sự kiện này không được biết đến.
Này các tỳ khưu, quả thật vị tỳ khưu ấy, trong lúc đang xem xét tất cả các hành là vô thường, sẽ có được sự nhẫn nại phù hợp; sự kiện này được biết đến. Có được sự nhẫn nại phù hợp, (vị ấy) sẽ đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn; sự kiện này được biết đến. Đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn, (vị ấy) sẽ tác chứng Quả Nhập Lưu, hoặc Quả Nhất Lai, hoặc Quả Bất Lai, hoặc Quả A-la-hán; sự kiện này được biết đến.
Này các tỳ khưu, quả thật vị tỳ khưu ấy, trong lúc đang xem xét bất cứ hành nào là lạc, sẽ có được sự nhẫn nại phù hợp; sự kiện này không được biết đến. Không có được sự nhẫn nại phù hợp, (vị ấy) sẽ đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn; sự kiện này không được biết đến. Không đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn, (vị ấy) sẽ tác chứng Quả Nhập Lưu, hoặc Quả Nhất Lai, hoặc Quả Bất Lai, hoặc Quả A-la-hán; sự kiện này không được biết đến.
Này các tỳ khưu, quả thật vị tỳ khưu ấy, trong lúc đang xem xét tất cả các hành là khổ não, sẽ có được sự nhẫn nại phù hợp; sự kiện này được biết đến. Có được sự nhẫn nại phù hợp, (vị ấy) sẽ đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn; sự kiện này được biết đến. Đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn, (vị ấy) sẽ tác chứng Quả Nhập Lưu, hoặc Quả Nhất Lai, hoặc Quả Bất Lai, hoặc Quả A-la-hán; sự kiện này được biết đến.
Này các tỳ khưu, quả thật vị tỳ khưu ấy, trong lúc đang xem xét bất cứ pháp nào là ngã, sẽ có được sự nhẫn nại phù hợp; sự kiện này không được biết đến. Không có được sự nhẫn nại phù hợp, (vị ấy) sẽ đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn; sự kiện này không được biết đến. Không đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn, (vị ấy) sẽ tác chứng Quả Nhập Lưu, hoặc Quả Nhất Lai, hoặc Quả Bất Lai, hoặc Quả A-la-hán; sự kiện này không được biết đến.
Này các tỳ khưu, quả thật vị tỳ khưu ấy, trong lúc đang xem xét tất cả các pháp là vô ngã, sẽ có được sự nhẫn nại phù hợp; sự kiện này được biết đến. Có được sự nhẫn nại phù hợp, (vị ấy) sẽ đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn; sự kiện này được biết đến. Đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn, (vị ấy) sẽ tác chứng Quả Nhập Lưu, hoặc Quả Nhất Lai, hoặc Quả Bất Lai, hoặc Quả A-la-hán; sự kiện này được biết đến.
Này các tỳ khưu, quả thật vị tỳ khưu ấy, trong lúc đang xem xét Niết Bàn là khổ não, sẽ có được sự nhẫn nại phù hợp; sự kiện này không được biết đến. Không có được sự nhẫn nại phù hợp, (vị ấy) sẽ đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn; sự kiện này không được biết đến. Không đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn, (vị ấy) sẽ tác chứng Quả Nhập Lưu, hoặc Quả Nhất Lai, hoặc Quả Bất Lai, hoặc Quả A-la-hán; sự kiện này không được biết đến.
Này các tỳ khưu, quả thật vị tỳ khưu ấy, trong lúc đang xem xét Niết Bàn là lạc, sẽ có được sự nhẫn nại phù hợp; sự kiện này được biết đến. Có được sự nhẫn nại phù hợp, (vị ấy) sẽ đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn; sự kiện này được biết đến. Đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn, (vị ấy) sẽ tác chứng Quả Nhập Lưu, hoặc Quả Nhất Lai, hoặc Quả Bất Lai, hoặc Quả A-la-hán; sự kiện này được biết đến.
(Vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp với bao nhiêu biểu hiện? đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn với bao nhiêu biểu hiện?
(Vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp với bốn mươi biểu hiện, đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn với bốn mươi biểu hiện.
(Vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp với bốn mươi biểu hiện gì? đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn với bốn mươi biểu hiện gì?
(Vị ấy nhận thấy) năm uẩn là vô thường, là khổ não, là ốm đau, là mụt nhọt, là mũi tên, là bất hạnh, là tật bệnh, là xa lạ, là tiêu hoại, là tai ương, là tai họa, là kinh hãi, là sự đe dọa, là lay chuyển, là mỏng manh, là không bền vững, là không sự bảo vệ, là không phải chỗ ngụ, là không sự nương tựa, là trống rỗng, là hão huyền, là không, là vô ngã, là tai hại, là pháp chuyển biến, là không có thực chất, là cội nguồn của bất hạnh, là kẻ hành quyết, là không hiện hữu, là có lậu hoặc, là tạo tác, là vật chất của Ma Vương, là pháp sanh ra, là pháp già, là pháp bệnh, là pháp tử, là pháp sầu muộn, là pháp than vãn, là pháp thất vọng, là pháp phiền não.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là vô thường, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là thường hằng, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là khổ não, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là lạc, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là ốm đau, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận 5 uẩn là vô bệnh, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là mụt nhọt, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không mụn nhọt, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là mũi tên, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không phải mũi tên, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là bất hạnh, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không bất hạnh, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là tật bệnh, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không tật bệnh, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là xa lạ, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn không phải là duyên của người khác, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là tiêu hoại, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là pháp không tiêu hoại, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là tai ương, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không tai ương, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là tai họa, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không tai họa, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là kinh hãi, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không kinh hãi, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là sự đe dọa, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là sự không đe dọa, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là lay chuyển, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không lay chuyển, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là mỏng manh, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không mỏng manh, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là không bền vững, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là bền vững, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là không sự bảo vệ, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là sự bảo vệ, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là không phải chỗ ngụ, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là chỗ ngụ, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là không sự nương tựa, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là sự nương tựa, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là trống rỗng, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không trống rỗng, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là hão huyền, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không hão huyền, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là không, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là tối thượng về không, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là vô ngã, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là chân lý tuyệt đối, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là tai hại, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không tai hại, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là pháp chuyển biến, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là pháp không chuyển biến, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là không có thực chất, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là có thực chất, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là cội nguồn của bất hạnh, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không phải cội nguồn của bất hạnh, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là kẻ hành quyết, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không phải kẻ hành quyết, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là không hiện hữu, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không phải phi hữu, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là có lậu hoặc, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không có lậu hoặc, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là tạo tác, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không tạo tác, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là vật chất của Ma Vương, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không vật chất, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là pháp sanh ra, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là vô sanh, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là pháp già, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không già, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là pháp bệnh, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không bệnh, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là pháp tử, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là bất tử, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là pháp sầu muộn, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không sầu muộn, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là pháp than vãn, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không than vãn, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là pháp thất vọng, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không thất vọng, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
Trong khi nhận thấy năm uẩn là pháp phiền não, (vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp. Trong khi nhận thấy rằng: ‘Sự diệt tận năm uẩn là không phiền não, là Niết Bàn,’ (vị ấy) đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn.
‘Là vô thường,’ như thế là sự quán xét về vô thường.
‘Là khổ não,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là ốm đau,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là mụt nhọt,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là mũi tên,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là bất hạnh,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là tật bệnh,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là sự xa lạ,’ như thế là sự quán xét về vô ngã.
‘Là tiêu hoại,’ như thế là sự quán xét về vô thường.
‘Là tai ương,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là tai họa,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là kinh hãi,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là sự đe dọa,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là lay chuyển,’ như thế là sự quán xét về vô thường.
‘Là mỏng manh,’ như thế là sự quán xét về vô thường.
‘Là không bền vững,’ như thế là sự quán xét về vô thường.
‘Là không sự bảo vệ,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là không phải chỗ ngụ,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là không sự nương tựa,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là trống rỗng,’ như thế là sự quán xét về vô ngã.
‘Là hão huyền,’ như thế là sự quán xét về vô ngã.
‘Là không,’ như thế là sự quán xét về vô ngã.
‘Là vô ngã,’ như thế là sự quán xét về vô ngã.
‘Là tai hại,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là pháp chuyển biến,’ như thế là sự quán xét về vô thường.
‘Là không có thực chất,’ như thế là sự quán xét về vô ngã.
‘Là cội nguồn bất hạnh,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là kẻ hành quyết,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là không hiện hữu,’ như thế là sự quán xét về vô thường.
‘Là có lậu hoặc,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là tạo tác,’ như thế là sự quán xét về vô thường.
‘Là vật chất Ma Vương,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là sanh ra,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là pháp già,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là pháp bệnh,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là pháp tử,’ như thế là sự quán xét về vô thường.
‘Là pháp sầu muộn,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là pháp than vãn,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là pháp thất vọng,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
‘Là pháp phiền não,’ như thế là sự quán xét về khổ não.
(Vị ấy) thành đạt sự nhẫn nại phù hợp với bốn mươi biểu hiện này, đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn với bốn mươi biểu hiện này.
Đối với vị thành đạt sự nhẫn nại phù hợp với bốn mươi biểu hiện này, đối với vị đạt đến sự xác định về tính chất đúng đắn với bốn mươi biểu hiện này, có bao nhiêu sự quán xét về vô thường? có bao nhiêu sự quán xét về khổ não? có bao nhiêu sự quán xét về vô ngã?
Hai lăm quán xét về vô ngã, năm mươi quán xét về vô thường, và có đến một trăm hai lăm nói về các khổ não.[3]
Phần Giảng về Minh Sát được đầy đủ.
--ooOoo--
Không khát khao, ‘Được giải thoát’ là giải thoát, minh và giải thoát, thắng giới, thắng tâm, thắng tuệ, tịnh, trí, sự nhận thấy, sự thanh tịnh, sự thoát ly, sự xuất ly, sự tách ly, sự xả ly, hành vi, giải thoát do thiền, sự tu tập, sự khẳng định, cuộc sống.
Không khát khao: Không khát khao với ước muốn trong các dục nhờ vào sự xuất ly, không khát khao với sân độc nhờ vào sự không sân độc ...(như trên)... không khát khao với các pháp ngăn che nhờ vào sơ thiền ...(như trên)... không khát khao với toàn bộ phiền não nhờ vào Đạo A-la-hán.
Giải thoát: ‘Được giải thoát khỏi ước muốn trong các dục nhờ vào sự xuất ly’ là giải thoát. ...(nt)... ‘Được giải thoát khỏi các pháp ngăn che nhờ vào sơ thiền’ là giải thoát. ...(nt)... ‘Được giải thoát khỏi toàn bộ phiền não nhờ vào Đạo A-la-hán’ là giải thoát.[4]
Minh và giải thoát: ‘Sự thoát ly được biết đến’ là minh, ‘được giải thoát khỏi ước muốn trong các dục’ là giải thoát, ‘trong khi được biết đến thì được giải thoát, trong khi được giải thoát thì được biết đến’ là minh và giải thoát. ‘Không sân độc được biết đến’ là minh, ‘được giải thoát khỏi sân độc’ là giải thoát, ‘trong khi được biết đến thì được giải thoát, trong khi được giải thoát thì được biết đến’ là minh và giải thoát. ...(như trên)... ‘Đạo A-la-hán được biết đến’ là minh, ‘được giải thoát khỏi toàn bộ phiền não’ là giải thoát, ‘trong khi được biết đến thì được giải thoát, trong khi được giải thoát thì được biết đến’ là minh và giải thoát.
Thắng giới, thắng tâm, thắng tuệ: Nhờ vào sự thoát ly, có giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc ước muốn trong các dục, có tâm thanh tịnh theo ý nghĩa không tản mạn, có kiến thanh tịnh theo ý nghĩa nhận thấy. Trong trường hợp này điều nào có ý nghĩa thu thúc điều ấy là sự học tập về thắng giới, trong trường hợp này điều nào có ý nghĩa không tản mạn điều ấy là sự học tập về thắng tâm, trong trường hợp này điều nào có ý nghĩa nhận thấy điều ấy là sự học tập về thắng tuệ. Nhờ vào không sân độc, có giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc sân độc ...(như trên)... Nhờ vào Đạo A-la-hán, có giới thanh tịnh theo ý nghĩa thu thúc toàn bộ phiền não, có tâm thanh tịnh theo ý nghĩa không tản mạn, có kiến thanh tịnh theo ý nghĩa nhận thấy. Trong trường hợp này điều nào có ý nghĩa thu thúc điều ấy là sự học tập về thắng giới, trong trường hợp này điều nào có ý nghĩa không tản mạn điều ấy là sự học tập về thắng tâm, trong trường hợp này điều nào có ý nghĩa nhận thấy điều ấy là sự học tập về thắng tuệ.
Tịnh: Nhờ vào sự thoát ly, (hành giả) làm tịnh lặng ước muốn trong các dục. Nhờ vào không sân độc, (hành giả) làm tịnh lặng sân độc. ...(như trên)... Nhờ vào Đạo A-la-hán, (hành giả) làm tịnh lặng toàn bộ phiền não.
Trí: Sự thoát ly nhờ vào trạng thái dứt bỏ ước muốn trong các dục là trí theo ý nghĩa đã được biết. Không sân độc nhờ vào trạng thái dứt bỏ sân độc là trí theo ý nghĩa đã được biết. ...(như trên)... Đạo A-la-hán nhờ vào trạng thái dứt bỏ toàn bộ phiền não là trí theo ý nghĩa đã được biết.
Sự nhận thấy: Sự thoát ly nhờ vào trạng thái dứt bỏ ước muốn trong các dục là sự nhận thấy nhờ vào trạng thái đã được thấy. Không sân độc nhờ vào trạng thái dứt bỏ sân độc là sự nhận thấy nhờ vào trạng thái đã được thấy. ...(như trên)... Đạo A-la-hán nhờ vào trạng thái dứt bỏ toàn bộ phiền não là sự nhận thấy nhờ vào trạng thái đã được thấy.
Sự thanh tịnh: Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, (hành giả) được thanh tịnh nhờ vào sự thoát ly. Trong khi dứt bỏ sân độc, (hành giả) được thanh tịnh nhờ vào không sân độc. ...(như trên)... Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, (hành giả) được thanh tịnh nhờ vào Đạo A-la-hán.
Sự thoát ly: Đây là sự xuất ly khỏi các dục, tức là sự thoát ly. Đây là sự xuất ly khỏi các sắc, tức là vô sắc. Hơn nữa, bất cứ điều gì hiện hữu, còn tạo tác, được tùy thuận sanh lên, sự diệt tận là thoát ly khỏi điều ấy. Đối với sân độc, không sân độc là sự thoát ly. Đối với sự lờ đờ buồn ngủ, nghĩ tưởng về ánh sáng là sự thoát ly. ...(như trên)... Đối với toàn bộ phiền não, Đạo A-la-hán là sự thoát ly.
Sự xuất ly: Đây là sự xuất ly khỏi các dục, tức là sự thoát ly. Đây là sự xuất ly khỏi các sắc, tức là vô sắc. Hơn nữa, bất cứ điều gì hiện hữu, còn tạo tác, được tùy thuận sanh lên, sự diệt tận là xuất ly khỏi điều ấy. Đối với ước muốn trong các dục, thoát ly là sự xuất ly. Đối với sân độc, không sân độc là sự xuất ly. Đối với sự lờ đờ buồn ngủ, nghĩ tưởng về ánh sáng là sự thoát ly. ...(như trên)... Đối với toàn bộ phiền não, Đạo A-la-hán là sự xuất ly.
Sự tách ly: Đối với ước muốn trong các dục, thoát ly là sự tách ly. ...(t)... Đối với toàn bộ phiền não, Đạo A-la-hán là sự tách ly.
Sự xả ly: ‘Nhờ vào sự thoát ly, (hành giả) xả ly ước muốn trong các dục’ là sự xả ly. ‘Nhờ vào không sân độc, (hành giả) xả ly sân độc’ là sự xả ly. ...(như trên)... ‘Nhờ vào Đạo A-la-hán, (hành giả) xả ly toàn bộ phiền não’ là sự xả ly.
Hành vi: Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, (hành giả) hành xử bằng sự thoát ly. Trong khi dứt bỏ sân độc, (hành giả) hành xử bằng không sân độc. ...(như trên)... Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, (hành giả) hành xử bằng Đạo A-la-hán.
Giải thoát do thiền: ‘Sự thoát ly được nung nấu là thiền, ‘(hành giả) thiêu đốt ước muốn trong các dục’ là thiền, ‘trong khi được nung nấu, (hành giả) giải thoát’ là giải thoát do thiền, ‘trong khi thiêu đốt, (hành giả) giải thoát’ là giải thoát do thiền, ‘được nung nấu’ là các pháp, ‘(hành giả) thiêu đốt’ là các phiền não, ‘biết điều được nung nấu và điều được thiêu đốt’ là có sự thiêu đốt do thiền. ‘Không sân độc được nung nấu’ là thiền, ‘(hành giả) thiêu đốt sân độc’ là thiền. ...(như trên)... ‘Sự nghĩ tưởng về ánh sáng được nung nấu’ là thiền, ‘(hành giả) thiêu đốt sự lờ đờ buồn ngủ’ là thiền. ...(như trên)... ‘Đạo A-la-hán được nung nấu’ là thiền, ‘(hành giả) thiêu đốt toàn bộ phiền não’ là thiền. ‘Trong khi được nung nấu, (hành giả) giải thoát’ là giải thoát do thiền, ‘trong khi thiêu đốt, (hành giả) giải thoát’ là giải thoát do thiền, ‘được nung nấu’ là các pháp, ‘(hành giả) thiêu đốt’ là các phiền não, ‘biết điều được nung nấu và điều được thiêu đốt’ là có sự thiêu đốt do thiền.
Sự tu tập, sự khẳng định, cuộc sống: ‘Trong khi dứt bỏ ước muốn trong các dục, (hành giả) tu tập sự thoát ly,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ‘Do nhờ năng lực của sự thoát ly, (hành giả) khẳng định tâm,’ (vị ấy) có được sự khẳng định. ‘Có được sự tu tập, có được sự khẳng định như thế, vị này đây sống tịnh lặng không phải không tịnh lặng; sống đúng đắn không sai trái, sống thanh tịnh không bị phiền não’ (vị ấy) có được cuộc sống. Có được sự tu tập, có được sự khẳng định, có được cuộc sống như thế, vị này đây đi đến bất cứ tập thể nào, dầu là tập thể Sát-đế-lỵ, dầu là tập thể Bà-la-môn, dầu là tập thể gia chủ, dầu là tập thể Sa-môn, vị ấy đi đến với lòng tự tín, không bị bối rối. Điều ấy là nguyên nhân của điều gì? Bởi vì vị ấy có được sự tu tập, có được sự khẳng định, có được cuộc sống như thế.
‘Trong khi dứt bỏ sân độc, (hành giả) tu tập không sân độc,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ...(nt)... ‘Trong khi dứt bỏ sự lờ đờ buồn ngủ, (hành giả) tu tập sự nghĩ tưởng về ánh sáng,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ...(nt)... ‘Trong khi dứt bỏ phóng dật, (hành giả) tu tập sự không tản mạn,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ...(nt)... ‘Trong khi dứt bỏ hoài nghi, (hành giả) tu tập sự xác định pháp,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ...(nt)... ‘Trong khi dứt bỏ vô minh, (hành giả) tu tập về minh,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ...(nt)... ‘Trong khi dứt bỏ sự không hứng thú, (hành giả) tu tập sự hân hoan,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ...(nt)... ‘Trong khi dứt bỏ các pháp ngăn che, (hành giả) tu tập sơ thiền,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ...(nt)... ‘Trong khi dứt bỏ toàn bộ phiền não, (hành giả) tu tập Đạo A-la-hán,’ (vị ấy) có được sự tu tập. ‘Do nhờ năng lực của Đạo A-la-hán, (hành giả) khẳng định tâm,’ (vị ấy) có được sự khẳng định. ‘Có được sự tu tập, có được sự khẳng định như thế, vị này đây sống tịnh lặng không phải không tịnh lặng; sống đúng đắn không sai trái, sống thanh tịnh không bị ô nhiễm’ (vị ấy) có được cuộc sống. Có được sự tu tập, có được sự khẳng định, có được cuộc sống như thế, vị này đây đi đến bất cứ tập thể nào, dầu là tập thể Sát-đế-lỵ, dầu là tập thể Bà-la-môn, dầu là tập thể gia chủ, dầu là tập thể Sa-môn, vị ấy đi đến với lòng tự tín, không bị bối rối. Điều ấy là nguyên nhân của điều gì? Bởi vì vị ấy có được sự tu tập, có được sự khẳng định, có được cuộc sống như thế.
Phần Giảng về Các Tiêu Đề được đầy đủ.
Phẩm Tuệ là phần thứ ba.
Đây là phần tóm lược:
Tuệ, thần thông, lãnh hội,
viễn ly, hạnh thứ năm,
phép kỳ diệu, đứng đầu,
thiết lập niệm, minh sát,
tiêu đề nữa là mười
thuộc phẩm Tuệ, thứ ba.
Tác Phẩm Phân Tích Đạo được đầy đủ.
--ooOoo--
[1] Hành xứ của sự diệt tận nghĩa là cảnh Niết Bàn (PṭsA. 3, 687).
[2] Các pháp đen và trắng (kaṇhāsukkadhammā) là các pháp bất thiện và thiện (PṭsA. 3, 688).
[3] Ở trên là 40 biểu hiện: liên quan đến vô ngã có 5, vô thường có 10, khổ não có 25, và có liên quan đến năm uẩn nên toàn bộ sẽ là 40 x 5 = 200, chính là tổng số của 25 + 50 + 125 ở câu cuối (PṭsA. 3, 700).
[4] Dịch theo văn bản Pāḷi của hai Tạng Anh và Tạng Thái: ‘nekkhammena kāmacchandato muccatīti vimokkho.’
Đạo Vô Ngại Giải
Paṭisambhidāmagga
Bhikkhu Ñāṇamoli dịch từ tiếng Pāḷi sang tiếng Anh:
THE PATH OF DISCRIMINATION
Nguyễn Văn Ngân dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt
2006
Đọc thêm:
(Paṭisambhidāmagga http://www.paliviet.info/VHoc/VHoc_37.htm http://www.paliviet.info/VHoc/VHoc_38.htm)
Cuốn Đạo Vô Ngại Giải (Paṭisambhidāmagga) này được thực hiện vì nhiều lý do. Thoạt tiên, tôi nghĩ rằng hình như cuốn này bổ túc quyển Phân Tích (Vibhaṅga), vì đã dịch quyển Phân Tích rồi thì dịch luôn Đạo Vô Ngại Giải cho trọn vẹn. Hơn nữa, với yêu cầu của Sư Chánh Kiến và sự hỏi han của Tiến sĩ Bình Anson đã khích lệ tôi phiên dịch cuốn Đạo Vô Ngại Giải này.
Cuốn Đạo Vô Ngại Giải này được dịch trọn vẹn từ cuốn The Path of Discrimination do tỳ kheo Ñāṇamoli dịch từ Paṭisambhidāmagga, tiếng Pāḷi. Đây là quyển thứ 12 trong Khuddakanikāya, Bộ Kinh Tiểu. Tôi rất tiếc không dịch, dù là tóm lược, phần giới thiệu giá trị của giáo sư A. K. Warder.
Chú giải của Đạo Vô Ngại Giải là cuốn Saddhammappakāsinī vốn được soạn dựa vào cuốn Visuddhimagga (bản Anh ngữ là The Path of Purification hay Con Đường Thanh Lọc). Cuốn Visuddhimagga được cẩn thận sắp xếp dựa theo dàn khung quyển Netti-pakaraṇaṁ (xin đọc The Guide, phần Giới Thiệu, trang liv) và trích dẫn ‘thoải mái’ từ cuốn Paṭisambhidāmagga (xin đọc The Path of Purification, phần Giới Thiệu, trang xliii). Vì mối liên hệ ấy, khi dịch cuốn này, tôi tham khảo cuốn The Path of Purification để không những lấy lời chú giải mà còn đối chiếu với những lời dịch trích dẫn từ Paṭisambhidāmagga vì cuốn The Path of Purification được tỳ kheo Ñāṇamoli hoàn chỉnh và duyệt lại lần cuối cùng, còn cuốn The Path of Discrimination thì không hẳn như thế. Tôi cũng tham khảo thêm hai cuốn của Ngài Kaccāna Thera soạn, được các Luận sư coi là ‘kim chỉ nam’ do tỳ kheo Ñāṇamoli dịch: Piṭaka Disclosure (Peṭakopadesa: Khai Mở Giáo Điển, nói đến phương pháp soạn chú giải), The Guide (Netti-pakaraṇaṁ: Luận về Hướng Dẫn Giải Thích, nói gọn Hướng Dẫn). Khi cần, tôi đối chiếu với bản Pāḷi của Vipassana Research Institute. Ở đôi chỗ, có vài chữ tôi dịch theo đề nghị của vị sư người Đức Nyāṇatiloka ghi trong cuốn The Buddha’s Path to Deliverance hay trong Buddhist Dictionary để cảm tạ nhà sư thông tuệ này và làm cho quyển Đạo Vô Ngại Giải thêm rõ ràng, linh động. Còn những nguồn tham khảo khác, tôi có liệt kê ở cuối sách.
Khi dịch, tôi coi trọng nguyên tắc căn bản sau đây: giữ vấn đề cho đơn giản. Tôi không phí một giây nghĩ đến việc tìm chữ văn hoa bóng bẩy để rồi phải định nghĩa nó và học thuộc lòng chữ ấy. Trong ba Tạng, những trường hợp như thế nhiều không kể xiết được. Tôi dịch theo mục đích hay theo nghĩa của nó. Như uống thuốc để trị bịnh, nếu uống thuốc để trị nhức đầu, ta gọi thuốc ấy là thuốc nhức đầu. Lối dùng chữ đi thẳng vào não như thế không gây hiểu lầm, không cần phải định nghĩa, không cần phải thuộc lòng và đỡ mất thì giờ. Chẳng hạn, như biết rằng quán vipassanā là để nhìn thấy ba thực tánh vô thường, khổ não và không phải là ngã của tất cả các hiện tượng nên tôi dịch vipassanā là quán thực tánh. Còn chữ saṅkhāra: nếu liên quan đến phát sanh do tùy thuộc (paṭicca samuppāda), tôi dịch là hành vi tạo quả; nếu là một trong năm tập hợp (khandha), tôi dịch là tạo lập tâm trạng như theo ý nghĩa trong Bộ Kinh Trung (M i 301). Tất cả những nghĩa ấy đã có trong ba Tạng. Giản dị như thế. Tôi không tạo chữ mới. Vì biết chắc rằng chỉ cần học Phật từ tạng Pāḷi là cũng dư đủ để vĩnh viễn giải thoát nên khi nghiên cứu học hỏi các dịch phẩm từ tạng này, tôi chỉ chú trọng đến việc suy xét, lãnh hội ý Phật để tìm cho ra ván gỗ và cách đóng bè vượt ra khỏi saṁsāra (luân hồi). Hoàn toàn không để ý gì đến việc tìm vật liệu đánh bóng các miếng ván ấy. Vì vật liệu đánh bóng ván bè, tự nó chả đưa ai qua đến bờ bên kia cả.
Với người không quen tiếng Pāḷi, xin cứ bỏ qua những chỗ này, quý vị không mất mát gì. Những chú thích ở cuối trang là của tỳ kheo Ñāṇamoli. Những chữ trong [...] do Ñāṇamoli thêm vào, trong (...) Ñāṇamoli cho là đồng nghĩa hay Pāḷi tương đương. Những chữ trong <...> là của giáo sư Warder. Riêng những chữ trong « ...» và các chú thích mang dấu hoa thị như *, 2*, 3*... n* ở bất cứ chỗ nào là của tôi.
Tôi dịch và ấn tống cuốn này để đền đáp phần nào thâm ân Đức Phật Gotama và giáo pháp của Ngài trong tạng Pāḷi đã dạy phương cách cụ thể để đương đầu hữu hiệu với khổ đau, nhờ đó, kinh nghiệm được hạnh phúc thanh thoát ở ngay đây và ngay bây giờ. Tôi cũng mang nặng ân Ngài Sāriputta đã giải thích có hệ thống, hướng dẫn thực tiễn cách lãnh hội giáo pháp căn bản của đức Phật như thế nào để có thể đưa đến giác ngộ. Nhưng vạn hạnh ấy chỉ có được nhờ đất nước, dân tộc Sri Lanka (Tích Lan) đã trông coi, lưu tồn nguyên vẹn Tam Tạng Pāḷi qua bao nhiêu thế kỷ; nhờ Hội Pali Text Society đã khuyến khích, trưởng dưỡng, phát huy việc học hỏi và sử dụng tiếng Pāḷi. Nhờ học hỏi các dịch phẩm tiên phong của Hội này, ước nguyện đi ngược giòng thời gian để tìm cho ra thông điệp ‘nguyên thủy’ của Đức Phật Gotama hai ngàn năm trăm năm trước nói gì có thể thành tựu được, để không còn khổ nạn đi từ bóng tối này sang bóng tối khác. Ở đây, xin chân thành ghi ân Hội Pali Text Society đã cho phép tôi dịch cuốn The Path of Discrimination (ấn bản 1997) sang tiếng Việt. Tôi cũng xin tri ân tỳ kheo Ñāṇamoli, người đã dịch cuốn Paṭisambhidāmagga sang tiếng Anh, và giáo sư A. K. Warder, người được Hội Pali Text Society trông cậy để thay mặt Ñāṇamoli duyệt lại lần cuối cùng trước khi in bản thảo gạch xóa chằng chịt trên những mảnh giấy tản mác, rời rạc. Tôi cũng mang ân tất cả các tác giả khác đã được tham khảo nơi đây.
Tôi thành kính ghi ân Tiến sĩ Bình Anson đã nỗ lực hỗ trợ sự nghiệp hoằng pháp bằng cách chuyển bản thảo lưu trữ dưới hình thức MS Word doc sang hình thức Unicode để có thể phổ biến quyển Đạo Vô Ngại Giải này trong mạng internet đến các Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, những người học Phật Việt Nam. Tôi cũng xin cảm tạ nhà tôi đã tuyệt đối tôn trọng thì giờ dịch kinh của tôi.
Nếu trong quyển này có một đoạn nào, một câu nào, một chữ nào giúp quý vị đi sâu hơn, hiểu rõ hơn Giáo Pháp của Đức Phật, đấy là nhờ trí tuệ của ngài Sāriputta và của tỳ kheo Ñāṇamoli. Trái lại, bất cứ thiếu sót nào trong sách này là của riêng tôi. Tôi xin chịu trách nhiệm về những thiếu sót ấy.
Dịch giả.
Toronto, Canada.
Dịch xong tháng 11, 2005.
Duyệt xong tháng 02, 2006.
* Trích dẫn từ kinh điển có xuất xứ được ghi theo quy ước xin hiểu như sau:
Ví dụ : D. iii, 238
D. : Dīghanikāya, Tuyển Tập Kinh Dài [Kinh Trường Bộ]
iii, : quyển thứ ba
238 : trang 238 bản tiếng Pāḷi (của PTS).
Với kinh Pháp Cú (Dh.), Kinh Tập (Sn.), con số theo sau là số thứ tự câu kệ: Dh. 156 là câu kệ thứ 156; Sn. 731 là kệ thứ 731.
* Chữ tắt:
A. : Aṅguttaranikāya; Tuyển Tập Kinh Giảng Theo Số Đề Mục Tăng Dần [Bộ Kinh Tăng Chi]
AA. : Manorathapūraṇī; Chú giải Bộ Kinh Giảng Theo Số Đề Mục Tăng Dần
AbhA. : Pañcappakaraṇatthakathā; Chú giải tạng luận ngoại trừ hai quyển Dhs. và Vbh.
AbhS : Abhidhammattasaṅgaha; Thắng Pháp Tập Yếu Luận
Asḷ : Atthasālinī; Chú giải của Dhammasaṅgaṇī
BPE : Buddhist Psychological Ethics; bản dịch quyển Dhammasaṅgaṇi ra Anh Ngữ
D. : Dīghanikāya; Tuyển Tập Kinh Dài [Trường Bộ]
DA. : Sumaṅgalavilāsinī; Chú giải Bộ Kinh Dài
Dh. : Dhammapada; Kinh Pháp Cú
DhA. : Dhammapada-aṭṭhakathā; Chú giải Kinh Pháp Cú
Dhs. : Dhammasaṅgaṇī; Liệt Kê Các Hiện Tượng
DhsA. : Atthasālinī; Chú giải Liệt Kê Các Hiện Tượng
DOD I, DOD II : The Dispeller of Delusion [I, II]; bản dịch tiếng Anh quyển Sammohavinodanī
It. : Itivuttaka; Phật Thuyết Như Vậy
Kvu. : Kathavāthu; Những Điểm Tranh Luận
LDB : The Long Discourses of the Buddha; Tuyển Tập Kinh Dài [Trường Bộ]
M : Majjhimanikāya; Tuyển Tập Kinh Vừa [Trung Bộ]
MA. : Papañcasūdanī; Chú giải Bộ Kinh Vừa
Mil. : Milandapañhapāli; Các Câu Hỏi của Vua Milinda
MLDB : The Middle Length Discourses of the Buddha; bản dịch tiếng Anh quyển Majjhimanikāya
Mṭ : Mūlaṭīka toVibhaṅga; Chú giải phụ cuốn Vibhaṅga
NdA : Saddhammapajjotikā; Chú giải cuốn Niddesa
Net. : Nettipakaraṇa; Luận Hướng Dẫn Giải Thích
Nid. : Niddesa (Mahā); (Đại) Nghĩa Thích
Pe : Peṭakopadesa; Khai Mở Giáo Điển hay Phương Pháp Soạn Chú Giải
Pm : Paramattha-mañjūsā; Chú giải Con Đường Thanh Lọc
Ps. : Paṭisambhidāmagga; Đạo Vô Ngại Giải
PsA. : Saddhammappakāsinī; Chú giải Đạo Vô Ngại Giải
Pug. : Puggalapaññatti; Nhân Chế Định
S. : Saṁyuttanikāya; Tuyển Tập Kinh Liên Kết [Tương Ưng]
SA. : Sāratthappakāsinī; Chú giải Tuyển Tập Kinh Liên Kết
Sn. : Suttanipāta; Kinh Tập
SnA. : Paramatthajotikā; Chú giải Kinh Tập
Thag. : Theragāthā; Trưởng Lão Tăng Kệ
Thīg. : Therīgāthā; Trưởng Lão Ni Kệ
Ud. : Udāna; Phật Tự Thuyết
Vbh. : Vibhaṅga; Phân Tích
VbhA. : Sammohavinodanī; Chú giải bộ Phân Tích
Vin. : Vinayapiṭaka; Tạng Luật
Vism. : Visuddhimagga; Con Đường Thanh Lọc
Ymk. : Yamaka; Song Đối
* Các Chữ Tắt Khác :
Be : Edition in Burmese Script; Ấn bản tiếng Miến Điện
BPS : Buddhist Publication Society
Ce : Edition in Sinhaḷa Script; Ấn bản tiếng Tích Lan
Ee : Edition in Roman Script; Ấn bản Pāḷi tiếng La Tinh
ff : following pages; các trang tiếp theo
PED : Pali English Dictionary
POD : The Path of Discrimination; Đạo Vô Ngại Giải
PTC : Pāli Tipiṭakaṁ Concordance; Tự Điển Thuật Ngữ Thông Dụng Tam Tạng Pāli.
PTS : Pali Text Society
cf : so với
đ : đoạn
đđ : các đoạn từ... đến
nđ : nghĩa đen
sđd : sách đã dẫn
[20] : con số trong dấu [ ] là số trang của quyển Paṭisambhidāmagga do PTS xuất bản.
GHI CHÚ DẪN NHẬP
Chương I - Làm quen với tác phẩm
Các phần i đến v: Các ý niệm và ý nghĩa của chúng
Đề mục ‘Mười đề nghị’ ở đầu đoạn 3 bao gồm các đề nghị từ 1 đến 10 phù hợp với các phần i đến v theo nghĩa tổng quát. Đoạn 4 ‘Tất Cả’ là phần tóm lược ngắn gọn để rồi được khai triển ra dưới hình thức đơn giản ở đoạn 5 thành 201 ý niệm <Nhóm A>. Nhóm này tạo thành danh sách căn bản đầu tiên xuất hiện khắp quyển sách này. Sau đó là sự khai triển tương tự nhưng theo khuôn mẫu bốn sự thực, nghĩa là đề cập tới sự sanh khởi, đoạn diệt và con đường dẫn đến đoạn diệt (đoạn 6-7). Rồi đến năm sự khai triển tương tự được phần mở đầu của mỗi đoạn quy định theo khuôn mẫu riêng.
Đoạn 18 kê ra mười lăm đặc tính căn bản của tái sanh <Nhóm E>. Chúng tạo thành 5 đặc tính chính và 10 đặc tính phụ của luân hồi. Trạng thái phủ định của chúng là nibbana. Các đoạn tiếp sau nêu lên sự tương phản giữa hai đối cực: yếu tố tạo thành và yếu tố chấm dứt luân hồi này (18-22).
Các đoạn 23-25 đưa ra danh mục ‘các ý nghĩa’ (đó là thay bằng các chữ đồng nghĩa), lập thành nhóm khác nhau. Trong danh mục này, ở đoạn 26 liệt kê chi tiết: năm năng lực gây ảnh hưởng, năm lực, bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ, đạo tám ngành và một danh mục tổng quát <Nhóm B>. Danh mục ấy, xuất hiện rải rác khắp tác phẩm này, được lập lại ở đoạn 41 (có bàn lấn sang một phần nào về bodhipakkhiya dhammas). <đoạn 42 Tĩnh Lặng và Quán Thực Tánh>
Còn bốn đạo lộ được bàn tới ở đoạn 40 <so với nhóm H>
Các đoạn 36-40 liệt ra một danh mục các ý niệm (xuất ly, ...) đối nghịch với các chướng ngại, bốn jhanas, bốn thành tựu cõi vô sắc, mười tám tuệ quán thực tánh chính, bốn đạo lộ và bốn quả <Nhóm C>. Danh mục này chỉ cho thấy định, tuệ quán, đạo lộ, quả cũng thường tái xuất hiện. <Phần i-v coi các ý niệm này là (i) cần được chứng biết trực tiếp (tất cả các ý niệm và ý nghĩa), (ii) cần được hiểu biết trọn vẹn (tất cả các hành vi tạo tác), (iii) cần được từ bỏ (các trạng thái bất thiện), (iv) cần được tu tập (bốn đạo lộ), (v) cần được chứng nghiệm (sự đoạn diệt)>. <đoạn 43 Đạo lộ: Nhóm I>
Các phần vi đến ix: Tiến triển <các cõi thiền, chứng đắc>
Các phần x đến xii: Ba đặc tính
Các phần xiii đến xvi: Bốn sự thực <đề cập trọn vẹn>
Chương II - Giới <đoạn 265 tu tập tăng thượng: Nhóm G>
Chương III - Định <so với Nhóm F>
Chương IV đến X - Tuệ quán
Sau phần nói về Giới (chương II), Định (chương III) là phần nói đến Tuệ Quán qua 7 giai đoạn (Chương IV đến X). Đại khái, các chương ấy là:
1) Lấy các ý niệm được định nghĩa ở Chương I và sự khám phá ra tương quan nhân quả giữa các ý niệm ấy (Chương IV), thoạt tiên bắt đầu từ một kiếp đời kéo dài sang các kiếp quá khứ và tương lai. Đây được gọi là phân biệt rõ các điều kiện, sự phân biệt ấy được thực hiện bằng cách suy diễn các điều kiện và các trạng thái sanh khởi có điều kiện thành bốn trường hợp diễn dịch: <a> các điều kiện quá khứ làm nhân cho <b> các điều kiện hay trạng thái hiện tại <c> điều kiện hiện tại làm nhân cho <d> các điều kiện hay trạng thái tương lai (đoạn 275: đưa ra khuôn mẫu căn bản cho tiến trình biến đổi vô cùng tận).
2) Sau khi suy diễn các điều kiện và các trạng thái sanh khởi có điều kiện theo cách này, tất cả đều được hiểu biết đầy đủ dưới ‘mười một tiêu đề kể từ quá khứ’ và dưới các tiêu đề này, tất cả những gì được tìm thấy chẳng qua chỉ là vô thường, không thỏa mãn và không phải là ngã (V).
3) Các điều kiện và các trạng thái ấy vô thường như thế nào nhờ xem xét sự sanh và diệt của bất kỳ trạng thái nào có thể nhận biết được (VI).
4) Bước tới là nhìn nhận rằng không những tất cả các trạng thái có thể nhận biết được khởi lên và diệt đi (không từ đâu đến và không biến vào đâu), mà cả thức nhận biết về các trạng thái ấy cũng khởi lên và diệt đi theo cách ấy. Đây là bước đầu quan trọng vì giờ đây, [có] sự thực chứng về luật sanh khởi và hủy diệt ứng dụng vào từng trạng thái có thể nhận biết được, kể luôn thức biết về trạng thái và sự kiện đó cũng sanh diệt như thế. Rồi lòng ham muốn đối tượng bắt đầu phai nhạt đi, không phải biết bằng trí năng mà bằng chứng nghiệm thâm sâu hơn, vì sự vô dụng của bám níu đến cái gì khởi lên để rồi diệt đi trong thức biến diệt này giờ đây thực sự được thể nghiệm. Tu tập ở đây có yếu tính đặc biệt trong việc phát triển khả năng ghi nhớ điều đã được học hỏi trong mọi trường hợp (VII). <Chú dẫn của Ñāṇamoli bị gián đoạn ở đây, nhưng ở phần cuối của Giới Thiệu Dẫn Nhập Luận III, chúng tôi tìm thấy các ‘giai đoạn’ còn lại của tuệ quán thực tánh, (5) trí về hiểm nguy, (6) bình thản, (7) chuyển tánh (VIII-X) dẫn đến sự ‘ngoi lên’ của Đạo Lộ Giải Thoát. Chúng tôi tìm thấy một mảnh giấy khác ghi chú tiếp khái lược của Ñāṇamoli về các chương của Luận Thuyết I như sau:>
Chương XI - Đạo lộ
Chương XII - Quả vị
Chương XIII - Tiêu Dao
Chương XIV - Duyệt xét
Chương XV đến XIX - Khác biệt: phân biệt
Chương XX đến XXIV - Trí trực chứng đến thực chứng
Chương XXV đến XXVIII - Bốn Vô Ngại Giải
Chương XXIX đến XXXI - An trú và Chứng Đắc
Chương XXXII đến XXXVII - Những giai đoạn cuối của đoạn diệt
Chương XXXVIII đến XLIII - Các loại trí
Chương XLIV đến XLIX - Quay đi
Chương L đến LV - Sáu abhiññās <Trí trực chứng>
Chương LVI đến LIX - Bốn Sự Thực <Bốn chức năng>
Chương LX đến LXVII - Bốn Sự Thực và Bốn Vô Ngại Giải
Chương LXVIII đến LXXIII - Sáu Trí Các Đệ Tử Không Có
Namo tassa bhagavato arahato sammāsambuddhassa
ĐẠO VÔ NGẠI GIẢI
PHẦN THỨ NHẤT
LUẬN I - TRÍ
BẢNG LIỆT KÊ
TRÍ CÁC ĐỆ TỬ CÓ:
Chương |
| Đoạn số |
I | Tuệ lắng nghelà trí biết về điều đã nghe (học hỏi) | 1 |
II | Tuệ về chế ngự sau khi nghe (học hỏi) là trí về giới | 251 |
III | Tuệ về định sau khi chế ngự là trí về tu tập định | 267 |
IV | Tuệ phân biệt rõ các điều kiện là trí biết về liên hệ nhân quả (hiện hữu) giữa các hiện tượng | 271 |
V | Tuệ định rõ các hiện tượng quá khứ, hiện tại, tương lai sau khi diễn dịch là trí hiểu biết toàn diện | 277 |
VI | Tuệ quán sự biến đổi của các hiện tượng đang hiện khởi là trí quán sanh diệt | 283 |
VII | Tuệ quán sự diệt [của tâm] sau khi quán tưởng về đối tượng là trí quán thực tánh | 295 |
VIII | Tuệ về biểu hiện hãi hùng là trí quán nguy hiểm | 299 |
IX | Tuệ muốn giải thoát, tư duy và điềm tĩnh, là trí bình thản trước các hành vi tạo quả | 306 |
X | Tuệ trồi lên và quay đi từ bên ngoài là trí chuyển tánh | 331 |
XI | Tuệ trồi lên và quay đi từ [bên ngoài lẫn bên trong] là trí về đạo lộ | 341 |
XII | Tuệ về làm lắng dịu nỗ lực là trí về quả | 348 |
XIII | Tuệ quán bất toàn bị cắt bỏ là trí về giải thoát | 354 |
XIV | Tuệ quán thực tánh các hiện tượng đạt được lúc đó là trí duyệt xét | 359 |
XV | Tuệ xác định các giác quan là trí về khác biệt trong căn cứ vật thể | 369 |
XVI | Tuệ xác định đối tượng bên ngoài là trí về khác biệt trong lãnh vực [căn cứ vật thể] | 378 |
XVII | Tuệ xác định hành xử là trí về sự khác biệt trong hành xử | 387 |
XVIII | Tuệ xác định bốn cõi là trí về sự khác biệt trong cảnh giới | 396 |
XIX | Tuệ xác định chín ý niệm là trí biết sự khác biệt giữa các ý niệm | 404 |
XX | Tuệ vốn là trí trực chứng là trí về điều được biết tới | 413 |
XXI | Tuệ vốn là hiểu biết trọn vẹn là trí theo nghĩa thẩm định (tìm hiểu kỹ) | 413 |
XXII | Từ bỏ là trí theo nghĩa dứt bỏ | 413 |
XXIII | Tuệ vốn là tu tập là trí theo nghĩa tác dụng duy nhất | 413 |
XXIV | Tuệ vốn là thực chứng là trí theo nghĩa thể nghiệm | 413 |
XXV | Tuệ biết khác biệt về nghĩa là vô ngại giải về nghĩa | 416 |
XXVI | Tuệ biết khác biệt về ý niệm là vô ngại giải về ý niệm | 416 |
XXVII | Tuệ biết khác biệt về ngôn ngữ là vô ngại giải về ngữ pháp | 416 |
XXVIII | Tuệ biết khác biệt về biện tài là vô ngại giải về biện tài | 416 |
XXIX | Tuệ biết khác biệt về trú là trí về nghĩa của trú | 434 |
XXX | Tuệ biết khác biệt về chứng đạt là trí về chứng đạt | 434 |
XXXI | Tuệ biết khác biệt về trú và chứng đạt là trí về nghĩa của trú và chứng đạt | 434 |
XXXII | Tuệ cắt đứt phiền não nhờ sự tinh khiết của không phân tâm là trí về định có kết quả tức thời | 441 |
XXXIII | Tuệ tức là thấy rõ có phần ưu thắng, tức là thành tựu trong an trú, tức là quyết tâm về mục tiêu tối thượng là trí về trú không xung đột | 444 |
XXXIV | Tuệ làm chủ do có hai lực, do lắng dịu ba hành vi tạo tác, do mười sáu loại tu tập của trí, và do chín loại tu tập của định, là trí về chứng đoạn diệt | 451 |
XXXV | Tuệ chấm dứt sự tiếp tục tái diễn của người hiểu biết rõ ràng tường tận là trí về hoàn toàn dập tắt | 461 |
XXXVI | Tuệ hoàn toàn cắt đứt tất cả các trạng thái, sự đoạn diệt của chúng, và sự không tái xuất hiện của chúng, là trí về nghĩa của cùng tột đỉnh | 464 |
XXXVII | Tuệ về cách biệt, về khác biệt và đồng nhất, về dập tắt lửa, là trí về tẩy trừ | 472 |
XXXVIII | Tuệ hiểu nghĩa của nỗ lực ở người cần mẫn và cố gắng là trí ứng dụng tinh tấn. | 478 |
XXXIX | Tuệ giải thích các ý niệm khác nhau là trí biểu lộ ý nghĩa | 482 |
XL | Tuệ hiểu rõ ràng sự bao hàm tất cả các ý niệm khác nhau thành một, sự khác biệt và đồng nhất, là trí về cái thấy trong sạch | 487 |
XLI | Tuệ nhờ điều được nhìn nhận là trí kể như là chọn | 494 |
XLII | Tuệ nhờ điều được nhận chân là trí thâm hiểu | 497 |
XLIII | Tuệ về tổng hợp là trí về trú [duyệt xét các trạng thái theo] phần | 500 |
XLIV | Tuệ do trạng thái được ưu thắng là trí quay đi bằng nhận thức | 505 |
XLV | Tuệ về khác biệt là trí quay đi bằng ý (tâm) | 508 |
XLVI | Tuệ về củng cố là trí quay đi của tâm | 511 |
XLVII | Tuệ về tánh không là trí quay đi của trí | 514 |
XLVIII | Tuệ về buông bỏ là trí quay đi bằng giải thoát | 517 |
XLIX | Tuệ về nghĩa của chân như (như thực, hiện thực) là trí quay đi theo sự thật | 520 |
L | Tuệ về nghĩa của thành tựu do xác định thân và tâm là một và nhờ giữ vững nhận thức an lạc và nhận thức nhẹ nhàng là trí về các loại thần thông (năng lực siêu nhiên) | 524 |
LI | Tuệ thấu rõ sự khác biệt và đồng nhất về âm thanh nhờ sự can dự của hướng tâm về đối tượng là trí về thanh tịnh của tai | 529 |
LII | Tuệ thấu rõ hành xử của thức trong sự khác biệt và đồng nhất bằng cách [quan sát] lòng tin [và không tin] trong [sáu] năng lực gây ảnh hưởng [bắt đầu bằng năng lực gây ảnh hưởng của mắt] nhờ sự can dự của ba loại tâm là trí thấu rõ ý (tâm). | 534 |
LIII | Tuệ thấu rõ các trạng thái sanh khởi do tùy thuộc qua sự can dự của khác biệt và đồng nhất [tương ứng] với hành vi [bất thiện và thiện] là trí nhớ lại kiếp quá khứ | 539 |
LIV | Tuệ bằng ánh sáng nhìn tượng biết ý thấy sự khác biệt và đồng nhất là trí thiên nhãn | 544 |
LV | Tuệ làm chủ ba năng lực gây ảnh hưởng theo sáu mươi bốn cách là trí về sự kiệt quệ của phiền não | 550 |
LVI | Tuệ về nghĩa của hiểu biết trọn vẹn là trí về khổ đau | 564 |
LVII | Tuệ về nghĩa của từ bỏ là trí về nguồn gốc | 564 |
LVIII | Tuệ về nghĩa của thực chứng là trí về đoạn diệt | 564 |
LIX | Tuệ về nghĩa của tu tập là trí về đạo lộ | 564 |
LX | Trí về khổ đau | 567 |
LXI | Trí về nguồn gốc của khổ | 567 |
LXII | Trí về diệt khổ | 567 |
LXIII | Trí về con đường dẫn đến diệt khổ | 567 |
LXIV | Trí về vô ngại giải về nghĩa | 570 |
LXV | Trí về vô ngại giải về ý niệm | 570 |
LXVI | Trí về vô ngại giải về ngữ pháp | 570 |
LXVII | Trí về vô ngại giải về biện tài | 570 |
[TRÍ CÁC ĐỆ TỬ KHÔNG CÓ:] | ||
LXVIII | Trí biết rõ tâm ý người khác | 573 |
LXIX | Trí biết rõ thành kiến và khuynh hướng ngủ ngầm của chúng sanh | 584 |
LXX | Trí về các cặp Biến Hóa (kỳ diệu) | 592 |
LXXI | Trí về lòng Đại Bi | 596 |
LXXII | Trí toàn giác | 598 |
LXXIII | Trí biết không ngăn ngại | 598 |
Đây là 73 loại trí. Trong số 73 trí ấy, các đệ tử có 67 trí, 6 loại trí cuối cùng, các đệ tử không có.
CHẤM DỨT BẢNG LIỆT KÊ.
[I- LUẬN VỀ TRÍ]«Ñāṇakathā»
CHƯƠNG I - HỌC HỎI
1. [4] Thế nào là tuệ nhờ lắng nghe[1]là trí biết về điều đã lắng nghe (học hỏi)? (so với Vbh 324f.)
[Toát yếu]
i. Tai lắng nghe như vầy: Các ý niệm này cần được chứng biết trực tiếp. Tuệ là hành vi hiểu biết tức là trí biết về điều đã lắng nghe (học hỏi). (cf. Dasuttara D iii 272ff).
ii. Tai lắng nghe như vầy: Các ý niệm này cần được hiểu biết trọn vẹn. Tuệ... «lập lại như ở đoạn i ở trên»
iii. Tai lắng nghe như vầy: Các ý niệm này cần được từ bỏ. Tuệ...
iv. Tai lắng nghe như vầy: Các ý niệm này cần được phát triển. Tuệ...
v. Tai lắng nghe như vầy: Các ý niệm này cần được thực chứng. Tuệ...
vi. Tai lắng nghe như vầy: Các ý niệm này có đặc tính suy giảm. Tuệ...
vii. Tai lắng nghe như vầy: Các ý niệm này có đặc tính ổn định. Tuệ...
viii. Tai lắng nghe như vầy: Các ý niệm này có đặc tính ưu việt. Tuệ...
ix. Tai lắng nghe như vầy: Các ý niệm này có đặc tính thể nhập. Tuệ...
x. Tai lắng nghe như vầy: Tất cả các hành vi tạo quả là vô thường. Tuệ...
xi. Tai lắng nghe như vầy: Tất cả các hành vi tạo quả là khổ. Tuệ...
xii. Tai lắng nghe như vầy: Tất cả các hành vi tạo quả không phải là ngã. Tuệ...
xiii. Tai lắng nghe như vầy: Đây là sự thật cao cả về khổ. Tuệ...
xiv. Tai lắng nghe như vầy: Đây là sự thật cao cả về nguồn gốc của khổ. Tuệ...
xv. Tai lắng nghe như vầy: Đây là sự thật cao cả về diệt khổ. Tuệ...
xvi. Tai lắng nghe như vầy: Đây là sự thật cao cả về con đường đưa đến diệt khổ. [5] Tuệ là hành vi hiểu biết tức là trí biết về điều đã lắng nghe (học hỏi).
[Phần i]
2. Thế nào là tuệ nhờ lắng nghe như vầy ‘Các ý niệm này cần được chứng biết trực tiếp’ là trí biết về điều đã lắng nghe (học hỏi)?[2]
[Mười đề nghị] (từ kinh Dasuttarasuttanta)
3. Một ý niệm cần được chứng biết trực tiếp: Tất cả các sanh linh được bảo tồn nhờ vật thực (D iii 211 và 273).
Hai ý niệm cần được chứng biết trực tiếp: Hai yếu tố [được tạo thành và không được tạo thành] (D iii 274, M iii 63).
Ba ý niệm cần được chứng biết trực tiếp: Ba cõi [cõi dục giới, sắc giới, vô sắc giới] (D iii 275, M iii 63).
Bốn ý niệm cần được chứng biết trực tiếp: Bốn sự thực cao cả (D iii 277).
Năm ý niệm cần được chứng biết trực tiếp: Năm nền tảng cho giải thoát (D iii 279, cf. Saṅgīti, D iii 241, A iii 21).
Sáu ý niệm cần được chứng biết trực tiếp: Sáu vô thượng (D iii 250, 281).
Bẩy ý niệm cần được chứng biết trực tiếp: Bẩy nền tảng để ca ngợi* (D iii 252, 283).
* niddasa vatthūni
Tám ý niệm cần được chứng biết trực tiếp: Tám nền tảng của nhiếp phục (D iii 263, 287; D ii 110).
Chín ý niệm cần được chứng biết trực tiếp: Chín cõi thiền để an trú (D iii 265, 290; D ii 156).
Mười ý niệm cần được chứng biết trực tiếp: Mười nền tảng cho đoạn tận* (D iii 291).
*nijjara vatthūni
[Tất cả]
4. ‘Này các tỳ kheo, tất cả cần được chứng biết trực tiếp. Và gì là tất cả cần được chứng biết trực tiếp? Mắt cần được chứng biết trực tiếp, các đối tượng hữu hình cần được chứng biết trực tiếp, nhận biết từ mắt cần được chứng biết trực tiếp, xúc chạm ở mắt cần được chứng biết trực tiếp, với xúc chạm ở mắt làm điều kiện bất cứ cảm nghiệm nào khởi lên, dù có dễ chịu, khó chịu hay không dễ chịu cũng chẳng khó chịu, cũng cần được chứng biết trực tiếp... Tai cần được chứng biết trực tiếp, âm thanh... Mũi cần được chứng biết trực tiếp, mùi... Lưỡi cần được chứng biết trực tiếp, vị... Thân cần được chứng biết trực tiếp, đối tượng xúc chạm được... Ý cần được chứng biết trực tiếp, đối tượng tâm ý cần được chứng biết trực tiếp, nhận biết từ ý cần được chứng biết trực tiếp, xúc chạm ở ý cần được chứng biết trực tiếp, với xúc chạm ở ý làm điều kiện, bất cứ cảm nghiệm nào khởi lên, dù có dễ chịu, khó chịu hay không dễ chịu cũng chẳng khó chịu cũng cần được chứng biết trực tiếp... (So với S iv 15ff., 29).
[201 ý niệm]
5.
1-5. Vật thể cần được chứng biết trực tiếp. Cảm nghiệm... Nhận thức... Tạo lập tâm trạng... Thức cần được chứng biết trực tiếp.
6-11. Mắt cần được chứng biết trực tiếp. Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý cần được chứng biết trực tiếp.
12-17. Vật hữu hình cần được chứng biết trực tiếp. Âm thanh... Mùi... Vị... Vật xúc chạm được... Đối tượng tâm ý...
18-23. Nhận biết từ mắt cần được chứng biết trực tiếp. Nhận biết từ tai... Nhận biết từ mũi... Nhận biết từ lưỡi... Nhận biết từ thân... Nhận biết từ ý... [6]
24-29. Xúc chạm ở mắt cần được chứng biết trực tiếp. Xúc chạm ở tai... Xúc chạm ở mũi... Xúc chạm ở lưỡi... Xúc chạm ở thân... Xúc chạm ở ý...
30-35. Cảm nghiệm sanh do xúc chạm ở mắt cần được chứng biết trực tiếp. Cảm nghiệm sanh do xúc chạm ở tai... Cảm nghiệm sanh do xúc chạm ở mũi... Cảm nghiệm sanh do xúc chạm ở lưỡi... Cảm nghiệm sanh do xúc chạm ở thân... Cảm nghiệm sanh do xúc chạm ở ý...
36-41. Nhận thức về đối tượng hữu hình cần được chứng biết trực tiếp. Nhận thức về âm thanh... Nhận thức về mùi... Nhận thức về vị... Nhận thức về đối tượng xúc chạm được... Nhận thức về đối tượng tâm ý...
42-47. Chủ ý về đối tượng hữu hình cần được chứng biết trực tiếp. Chủ ý về âm thanh... Chủ ý về mùi... Chủ ý về vị... Chủ ý về đối tượng xúc chạm được... Chủ ý về đối tượng tâm ý...
48-53. Khao khát đối tượng hữu hình cần được chứng biết trực tiếp. Khao khát âm thanh... Khao khát mùi... Khao khát vị... Khao khát đối tượng xúc chạm được... Khao khát đối tượng tâm ý...
54-59. Hướng tâm về đối tượng hữu hình cần được chứng biết trực tiếp. Hướng tâm về âm thanh... Hướng tâm về mùi... Hướng tâm về vị... Hướng tâm về đối tượng xúc chạm được... Hướng tâm về đối tượng tâm ý...
60-65. Suy xét đối tượng hữu hình cần được chứng biết trực tiếp. Suy xét âm thanh... Suy xét mùi... Suy xét vị... Suy xét đối tượng xúc chạm được... Suy xét đối tượng tâm ý...
66-71. Yếu tố đất cần được chứng biết trực tiếp. Yếu tố nước... Yếu tố nhiệt... Yếu tố gió... Yếu tố khoảng không... Yếu tố thức...
72-81. Đề mục* đất cần được chứng biết trực tiếp. Đề mục nước... Đề mục lửa... Đề mục gió... Đề mục mầu xanh lơ... Đề mục mầu vàng... Đề mục mầu đỏ... Đề mục mầu trắng... Đề mục khoảng không... Đề mục thức...
*nói cho đầy đủ là: Đề mục thiền (kasiṇa)
82-113. Tóc cần được chứng biết trực tiếp. Lông... Răng... Móng tay móng chân... Da... Thịt... Gân... Xương... Tủy... Thận... Tim... Gan... Mạng mỡ... Lá lách... Phổi... Ruột già... [7] Ruột non... Họng... Phân... Mật... Đờm... Mủ... Máu... Mồ hôi... Mỡ... Nước mắt... Huyết thanh... Nước dãi... Nước mũi... Chất lỏng ở khớp xương... Nước tiểu... Óc...
114-125. Nền tảng* của mắt cần được chứng biết trực tiếp. Nền tảng của đối tượng hữu hình2*... Nền tảng của tai... Nền tảng của âm thanh... Nền tảng của mũi... Nền tảng của mùi... Nền tảng của lưỡi... Nền tảng của vị ... Nền tảng của thân... Nền tảng của vật xúc chạm được... Nền tảng của ý3*... Nền tảng của đối tượng tâm ý4*...
* Nền tảng của năm giác quan (mắt...) là tế bào thụ cảm (āyatana = pasāda) cần thiết để tiếp nhận đối tượng của nó. Nếu tế bào này bị hư, giác quan sẽ không làm việc được. Ví dụ: tế bào thụ cảm của mắt là con ngươi. Xin đọc Bác sĩ W. F. Jayasuriya, The Psychology & Philosophy of Buddhism (An Introduction to the Abhidhamma), Buddhist Missionary Society [Kuala Lumpur, 1988], trang 82, 173ff. Đọc Nyanatiloka, Buddhist Dictionary, trang 28.
2* Theo Vibhaṅga (Phân Tích), đối tượng hữu hình ở đây do bốn yếu tố chính tạo thành và hiển hiện thành mầu sắc, ánh sáng... chứ không phải là vật nhìn theo không gian 3 chiều. Đọc Nyanatiloka, Buddhist Dictionary, trang 28.
3* manāyatana: một tên chung cho thức. Đọc Nyanatiloka, Buddhist Dictionary, trang 28.
4* Dhammāyatana, giống như yếu tố đối tượng tâm ý (dhamma-dhātu), đối tượng tâm ý (dhammārammaṇa). Đọc Nyanatiloka, Buddhist Dictionary , trang 28.
126-143. Yếu tố mắt* cần được chứng biết trực tiếp. Yếu tố đối tượng hữu hình... Yếu tố nhận biết từ mắt... Yếu tố tai*... Yếu tố âm thanh... Yếu tố nhận biết từ tai... Yếu tố mũi*... Yếu tố mùi... Yếu tố nhận biết từ mũi... Yếu tố lưỡi*... Yếu tố vị... Yếu tố nhận biết từ lưỡi... Yếu tố thân*... Yếu tố đối tượng xúc chạm được... Yếu tố nhận biết từ thân... Yếu tố ý2*... Yếu tố đối tượng tâm ý... Yếu tố nhận biết từ ý...
* Đây chính là năm giác quan. Được gọi là yếu tố vì đây là 18 phần tử căn bản của tiến trình nhận biết.
2* đọc 3* ở trên.
144-165. Năng lực gây ảnh hưởng của mắt cần được chứng biết trực tiếp. Năng lực gây ảnh hưởng của tai... Năng lực gây ảnh hưởng của mũi... Năng lực gây ảnh hưởng của lưỡi... Năng lực gây ảnh hưởng của thân... Năng lực gây ảnh hưởng của ý... Năng lực gây ảnh hưởng của sinh khí... Năng lực gây ảnh hưởng của nữ tính... Năng lực gây ảnh hưởng của nam tính... Năng lực gây ảnh hưởng dễ chịu của [thân]... Năng lực gây ảnh hưởng khó chịu của [thân]... Năng lực gây ảnh hưởng khoan khoái của [tâm]... Năng lực gây ảnh hưởng khó chịu của [tâm]... Năng lực gây ảnh hưởng của bình thản... Năng lực gây ảnh hưởng của tín... Năng lực gây ảnh hưởng của tinh tấn... Năng lực gây ảnh hưởng của quán niệm... Năng lực gây ảnh hưởng của định... Năng lực gây ảnh hưởng của tuệ... Năng lực gây ảnh hưởng của ‘Tôi sẽ chứng biết cái chưa biết’... Năng lực gây ảnh hưởng của chứng biết... Năng lực gây ảnh hưởng của bậc đã chứng ngộ hoàn toàn...
166-168. Yếu tố dục giới cần được chứng biết trực tiếp. Yếu tố sắc giới... Yếu tố vô sắc giới...
169-177. Cõi dục giới cần được chứng biết trực tiếp. [8] Cõi sắc giới... Cõi vô sắc giới... Cõi có nhận thức... Cõi không có nhận thức... Cõi không có nhận thức không phải không có nhận thức... Cõi có một tập hợp... Cõi có bốn tập hợp... Cõi có năm tập hợp...
178-181. Cõi sơ thiền cần được chứng biết trực tiếp. Cõi nhị thiền... Cõi tam thiền... Cõi tứ thiền...
182-185. Tâm giải thoát của lòng từ cần được chứng biết trực tiếp. Tâm giải thoát của lòng bi mẫn... Tâm giải thoát của hoan hỉ... Tâm giải thoát của bình thản...
186-189. Sự chứng đạt cõi không gian vô biên cần được chứng biết trực tiếp. Sự chứng đạt cõi thức vô biên... Sự chứng đạt cõi không có gì hết... Sự chứng đạt cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức...
190-201. Vô minh cần được chứng biết trực tiếp. Hành vi tạo quả... Thức... Tâm thức-Vật thể... Sáu giác quan... Xúc... Cảm nghiệm... Khao khát... Bám níu... Trở thành... Sanh... Già và Chết cần được chứng biết trực tiếp.
[Bốn Sự Thực]
6. Khổ cần được chứng biết trực tiếp. Nguồn gốc của khổ... Sự diệt khổ... Con đường dẫn đến diệt khổ cần được chứng biết trực tiếp.[3]
7.
1. a-d. Vật thể cần được chứng biết trực tiếp. Nguồn gốc của vật thể... Sự đoạn diệt của vật thể... Con đường dẫn đến đoạn diệt vật thể... [và cứ tiếp tục từ a đến d cho các ý niệm còn lại của 201 ý niệm được liệt kê ở đ. 5 cho đến]...
201. a-d. Già và chết cần được chứng biết trực tiếp. Nguồn gốc của già và chết... Sự chấm dứt già và chết... Con đường dẫn đến chấm dứt già và chết...
8. Ý nghĩa của việc hiểu trọn vẹn khổ đau cần được chứng biết trực tiếp. Ý nghĩa của từ bỏ nguồn gốc của khổ... Ý nghĩa của thực chứng sự diệt khổ... Ý nghĩa của tu tập con đường dẫn đến diệt khổ cần được chứng biết trực tiếp.
9.
1. a-d. Ý nghĩa của việc hiểu trọn vẹn vật thể cần được chứng biết trực tiếp. Ý nghĩa của từ bỏ nguồn gốc của vật thể... Ý nghĩa của thực chứng đoạn diệt của vật thể... Ý nghĩa của tu tập con đường dẫn đến đoạn diệt vật thể...[và cứ tiếp tục từ a đến d cho các ý niệm còn lại của 201 ý niệm được liệt kê ở đ. 5 cho đến]...
[9] 201. a-d. Ý nghĩa của việc hiểu trọn vẹn già và chết cần được chứng biết trực tiếp. Ý nghĩa của từ bỏ nguồn gốc của già và chết... Ý nghĩa của thực chứng đoạn diệt già và chết... Ý nghĩa của tu tập con đường dẫn đến đoạn diệt già và chết cần được chứng biết trực tiếp.
10. Ý nghĩa của hiểu rõ tức là hiểu trọn vẹn khổ đau cần được chứng biết trực tiếp. Ý nghĩa của hiểu rõ tức là từ bỏ nguồn gốc của khổ đau... Ý nghĩa của hiểu rõ tức là thực chứng sự diệt khổ... Ý nghĩa của hiểu rõ tức là tu tập con đường dẫn đến diệt khổ cần được chứng biết trực tiếp.
11.
1. a-d. Ý nghĩa của việc hiểu rõ như hiểu trọn vẹn vật thể cần được chứng biết trực tiếp. Ý nghĩa của việc hiểu rõ như từ bỏ nguồn gốc của vật thể... Ý nghĩa của việc hiểu rõ như việc thực chứng đoạn diệt của vật thể... Ý nghĩa của việc hiểu rõ như tu tập con đường dẫn đến đoạn diệt vật thể [và cứ tiếp tục từ a đến d cho các ý niệm còn lại của 201 ý niệm được liệt kê ở đ. 5 cho đến]...
201. a-d. Ý nghĩa của hiểu rõ như hiểu trọn vẹn già và chết cần được chứng biết trực tiếp. Ý nghĩa của hiểu rõ như từ bỏ nguồn gốc của già và chết... Ý nghĩa của hiểu rõ [như] thực chứng đoạn diệt già và chết... Ý nghĩa của hiểu rõ [như] tu tập con đường dẫn đến đoạn diệt già và chết cần được chứng biết trực tiếp.
12. Khổ đau cần được chứng biết trực tiếp. Nguồn gốc của khổ... Sự diệt khổ... Sự đoạn diệt nguồn gốc của khổ... Sự đoạn diệt ham muốn tạo khổ đau... Vị của khổ đau...* Sự nguy hiểm trong khổ đau... Sự thoát ly khỏi khổ đau cần được chứng biết trực tiếp.[4]
* dukkhassa assādo abhiññeyyo:vị của khổ đau cần được chứng biết trực tiếp.
13.
1. a-h. Vật thể cần được chứng biết trực tiếp. Nguồn gốc của vật thể... Sự đoạn diệt của vật thể... Sự đoạn diệt nguồn gốc của vật thể... Sự đoạn diệt ham muốn vật thể tạo khổ đau... Vị của vật thể... Sự nguy hiểm trong vật thể... Sự thoát ly khỏi vật thể... [và cứ tiếp tục tám ví dụ đan cử từ a đến h cho các ý niệm còn lại của 201 ý niệm được liệt kê ở đ. 5 cho đến]...
201. a-h. Già và chết cần được chứng biết trực tiếp. Nguồn gốc của già và chết... Sự đoạn diệt già và chết... Sự đoạn diệt nguồn gốc của già và chết... Sự đoạn diệt ham muốn già và chết... Vị của già và chết... Sự nguy hiểm trong già và chết... Sự thoát ly khỏi già và chết cần được chứng biết trực tiếp.
14. Khổ đau cần được chứng biết trực tiếp. Nguồn gốc của khổ... [10] Sự diệt khổ... Con đường dẫn đến diệt khổ... Vị của khổ đau... Sự nguy hiểm trong khổ đau... Sự thoát ly khỏi khổ đau cần được chứng biết trực tiếp.
15.
1. a-g. Vật thể cần được chứng biết trực tiếp. Nguồn gốc của vật thể... Sự diệt tận của vật thể... Con đường dẫn đến diệt tận của vật thể... Vị của vật thể*... Sự nguy hiểm trong vật thể... Sự thoát ly khỏi vật thể... [và cứ tiếp tục bẩy ví dụ đan cử từ a đến g cho các ý niệm còn lại của 201 ý niệm được liệt kê ở đ. 5 cho đến]...
*rūpassa assādo
201. a-g. Già và chết cần được chứng biết trực tiếp. Nguồn gốc của già và chết... Sự chấm dứt già và chết... Con đường dẫn đến chấm dứt già và chết... Vị của già và chết*... Sự nguy hiểm trong già và chết... Sự thoát ly khỏi già và chết cần được chứng biết trực tiếp.
* jarāmaraṇassa assādo
[Bảy Quán Tưởng]
16. Quán vô thường cần được chứng biết trực tiếp. Quán khổ... Quán không phải là ngã... Quán nhàm chán... Quán hết ham muốn... Quán đoạn diệt... Quán buông bỏ cần được chứng biết trực tiếp.[5]
17.
1. a-g. Quán vô thường trong vật thể cần được chứng biết trực tiếp. Quán khổ trong vật thể... Quán không phải là ngã trong vật thể... Quán nhàm chán trong vật thể... Quán hết ham muốn trong vật thể... Quán đoạn diệt trong vật thể... Quán buông bỏ trong hợp vật thể... [và cứ tiếp tục bẩy ví dụ đan cử từ a đến g cho các ý niệm còn lại của 201 ý niệm được liệt kê ở đ. 5 cho đến]...
201. a-g. Quán vô thường trong già và chết cần được chứng biết trực tiếp. Quán khổ trong già và chết... Quán không phải là ngã trong già và chết... Quán nhàm chán trong già và chết... Quán hết ham muốn trong già và chết... Quán đoạn diệt trong già và chết... Quán tưởng về từ bỏ trong già và chết cần được chứng biết trực tiếp.
[15 đặc tính tất yếu của hiện hữu]
18.
1. Nguồn sanh khởi cần được chứng biết trực tiếp.*
* uppādo abhiññeyyo
2. Tiếp tục tái diễn hiện hữu cần được chứng biết trực tiếp.*
*pavattaṁ abhiññeyyaṁ
3. Điều kiện để còn sanh tử cần được chứng biết trực tiếp.*
*nimittaṁ abhiññeyyaṁ. Nghĩa đen của nimitta là biểu tượng (tướng) [của hành vi tạo quả]. Ngài Nyāṇatiloka nói rằng khi chữ nimitta đi cùng với uppādo (nguồn sanh khởi của hiện hữu) và pavattaṁ (tiếp tục tái diễn hiện hữu) trong một văn mạch «như ở các tiểu đoạn 18.1; 18.2 và 18.3 của các đđ. 18-22», ta có thể hiểu nimitta là những điều kiện để còn sanh tử. Đọc Nyanatiloka Thera, The Buddha’s Path to Deliverance, BPS [Kandy, Sri Lanka, 2000] đ. 194, đ. 199 trang 197 và 201. Đọc Nyanatiloka Thera, Buddhist Dictionary, nghĩa thứ năm của nimitta, trang 108. Ở các đoạn 18-22 và ở bất cứ chỗ nào hội đủ tinh thần như đã nói, hay chỗ nào thích hợp, tôi sẽ dịch nimitta vàpavattaṁ theo đề nghị của Ngài Nyāṇatiloka. Đọc thêm chú thích ở Luận V nói về Giải Thoát, đ. 1 về sự giải thoát khỏi nimitta này.
4. Tích lũy [kamma: nghiệp] cần được chứng biết trực tiếp.
5. Kết sanh cần được chứng biết trực tiếp.
6. Cảnh giới [tái sanh] tới cần được chứng biết trực tiếp.
7. Sanh sản [các tập hợp] cần được chứng biết trực tiếp.
8. Tái sanh khởi cần được chứng biết trực tiếp.
9. Sanh cần được chứng biết trực tiếp.
10. Già cần được chứng biết trực tiếp.
11. Bệnh cần được chứng biết trực tiếp.
12. Chết cần được chứng biết trực tiếp.
13. Khổ não cần được chứng biết trực tiếp.
14. Ta thán cần được chứng biết trực tiếp.
15. Tuyệt vọng cần được chứng biết trực tiếp.[6]
1. Không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu...*
* anuppādo abhiññeyyo
2. Không tiếp tục tái diễn hiện hữu...*
* appavattaṁ abhiññeyyaṁ
3. Không có điều kiện để còn sanh tử...*
* animittaṁ abhiññeyyaṁ
4. Không tích lũy...
5. Không kết sanh...
6. Không có cảnh giới [tái sanh] tới ...
7. Không sanh sản...
8. Không tái sanh khởi...
9. Không sanh...
10. Không già...
11. Không bệnh...
12. Không chết...
13. Không khổ não...
14. Không ta thán...
15. Không tuyệt vọng...
1. Nguồn sanh khởi của hiện hữu cần được chứng biết trực tiếp. Không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu cần được chứng biết trực tiếp.
2. Tiếp tục tái diễn hiện hữu... Không tiếp tục tái diễn...
3. Điều kiện để còn... Không có điều kiện để còn...
4. Tích lũy... Không tích lũy...
5. Kết sanh... Không kết sanh...
6. Cảnh giới [tái sanh] tới... Không có cảnh giới...
7. Sanh sản... Không sanh sản...
8. Tái sanh khởi... Không tái sanh khởi...
9. Sanh... Không sanh...
10. Già... Không già...
11. Bệnh... Không bệnh...
12. Chết... Không chết...
13. Khổ não... Không khổ não...
14. Ta thán... Không ta thán...
15. Tuyệt vọng... Không tuyệt vọng...
19.
1. Nguồn sanh khởi của hiện hữu là khổ cần được chứng biết trực tiếp.
2. Tiếp tục tái diễn hiện hữu là khổ...
3. -14. ...
15. Tuyệt vọng là khổ cần được chứng biết trực tiếp.
1. Không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu là hạnh phúc toàn hảo* cần được chứng biết trực tiếp.
* sukha: hạnh phúc toàn hảo
2. Không tiếp tục tái diễn hiện hữu là hạnh phúc toàn hảo...
3. -14...
15. Không tuyệt vọng là hạnh phúc toàn hảo cần được chứng biết trực tiếp.
1. Nguồn sanh khởi của hiện hữu là khổ và không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu là hạnh phúc toàn hảo cần được chứng biết trực tiếp.
2. Tiếp tục tái diễn hiện hữu là khổ và không tiếp tục tái diễn hiện hữu là hạnh phúc toàn hảo...
3. -14...
[12] 15. Tuyệt vọng là khổ và không tuyệt vọng là hạnh phúc toàn hảo cần được chứng biết trực tiếp.
20.
1. Nguồn sanh khởi của hiện hữu là hãi hùng cần được chứng biết trực tiếp.
2. Tiếp tục tái diễn hiện hữu là hãi hùng...
3. -14. ...
15. Tuyệt vọng là hãi hùng cần được chứng biết trực tiếp.
1. Không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu là an ổn cần được chứng biết trực tiếp.
2. Không tiếp tục tái diễn hiện hữu là an ổn...
3. -14. ...
[13] 15. Không tuyệt vọng là an ổn cần được chứng biết trực tiếp.
1. Nguồn sanh khởi của hiện hữu là hãi hùng và không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu là an ổn cần được chứng biết trực tiếp.
2. Tiếp tục tái diễn hiện hữu là hãi hùng và không tiếp tục tái diễn hiện hữu là an ổn...
3. -14. ...
15. Tuyệt vọng là hãi hùng và không thất vọng là an ổn cần được chứng biết trực tiếp.
21.
1. Nguồn sanh khởi của hiện hữu là thế tục cần được chứng biết trực tiếp.
2. Tiếp tục tái diễn hiện hữu là thế tục...
3. -14. ...
15. Tuyệt vọng là thế tục cần được chứng biết trực tiếp.
1. Không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu là phi thế tục cần được chứng biết trực tiếp.
2. Không tiếp tục tái diễn hiện hữu là phi thế tục...
3. -14. ...
15. Không tuyệt vọng là phi thế tục cần được chứng biết trực tiếp.
1. Nguồn sanh khởi của hiện hữu là thế tục và không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu là phi thế tục cần được chứng biết trực tiếp.
2. Tiếp tục tái diễn hiện hữu là thế tục và không tiếp tục tái diễn hiện hữu là phi thế tục...
3. -14. ...
15. Tuyệt vọng là thế tục và không tuyệt vọng là phi thế tục cần được chứng biết trực tiếp.
22.
1. Nguồn sanh khởi của hiện hữu là những hành vi tạo quả cần được chứng biết trực tiếp.*
* uppādo saṅkhārāti abhiññeyyaṁ
2. Tiếp tục tái diễn hiện hữu là hành vi tạo quả...*
* pavattaṁ saṅkhārāti abhiññeyyaṁ
3. -14. ...*
* nimittaṁ saṅkhārāti abhiññeyyaṁ
15. Tuyệt vọng là hành vi tạo quả cần được chứng biết trực tiếp.
1. Không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu là nibbana cần được chứng biết trực tiếp*.
* anuppādo nibbānanti abhiññeyyaṁ
2. Không tiếp tục tái diễn hiện hữu là nibbana*...
* appavattaṁ nibbānanti abhiññeyyaṁ
3. -14. ...*
* animittaṁ nibbānanti abhiññeyyaṁ
15. Không tuyệt vọng là nibbana cần được chứng biết trực tiếp.
1. Nguồn sanh khởi của hiện hữu là những hành vi tạo quả và không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu là nibbana cần được chứng biết trực tiếp.
2. Tiếp tục tái diễn hiện hữu là những hành vi tạo quả và không tiếp tục tái diễn hiện hữu là nibbana...
3. -14. ...
15. Tuyệt vọng là hành vi tạo quả và không tuyệt vọng là nibbana cần được chứng biết trực tiếp.
HẾT PHẦN ĐỌC LẦN THỨ NHẤT
[Các ý nghĩa liên kết với Thánh Đạo]
23. Giữ gìn lời nói * là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp, trang bị tâm thức (đọc M ii 206) là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp, chu toàn là ý nghĩa... hợp nhất là ý nghĩa... không phân tâm là ý nghĩa... nỗ lực... không phân tán2*... không khuấy rối... bất động... tâm vững do trụ nhất điểm... đối tượng [để dựa vào]... lãnh vực... từ bỏ... dứt bỏ... trồi lên... quay đi... an tịnh... [mục tiêu] cao thượng... giải thoát... không nhiễm lậu... vượt qua... không dấu hiệu... không ước nguyện... chân không... tác dụng (hương vị) duy nhất [của tĩnh lặng và quán thực tánh]... [16] không vượt quá [tĩnh lặng và quán thực tánh]... sóng đôi giữa [tĩnh lặng và quán thực tánh]... lối thoát ra khỏi [cái được tạo thành]... nguyên nhân [khiến cho chứng nhập nibbana]... thấy rõ [nibbana] là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp, ưu thắng là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp. (Với những đoạn 23-43 cf. Ch. XIII đđ. 23-43).[7]
* pariggahacó nhiều nghĩa: (1) bao gồm; (2) giữ gìn lời nói: nđ là vì niềm nở chấp nhận ý nghĩa (attha) của chánh ngữ (sammā vācā) nên từ bỏ, không nói dối, không nói độc ác, không nói lời tàn nhẫn và không nói nhăng cuội (M iii 252); (3) vật sở hữu; (4) thêm sức mạnh; (5) phân biệt rõ (giai đoạn của quán thực tánh [AbhS Ch. 9 đ. 29ff.]). Khi liên kết với tám chánh đạo, pariggaha ở đây mang nghĩa thứ hai. Đọc Ñāṇamoli, A Pali English Glossary of Buddhist Technical Terms [BPS, 1994] trang 69.
2*avisāra:không phân tán, không dàn trải ra.
[Ý nghĩa của tĩnh lặng* và quán thực tánh 2*]
24. Không phân tâm là ý nghĩa của tĩnh lặng* cần được chứng biết trực tiếp. Quán tưởng là ý nghĩa của quán thực tánh2*... Tác dụng (hương vị) duy nhất là ý nghĩa của tĩnh lặng* và quán thực tánh2*... Không vượt quá là ý nghĩa của sóng đôi giữa [tĩnh lặng* và quán thực tánh2*] cần được chứng biết trực tiếp..
* samatha:tĩnh lặng, chỉ cho jhāna, đồng nghĩa với (=) ‘định’. Định nghĩa này tìm thấy ở Dhs. đ. 54 và 11: Tĩnh lặng [samatha = cittass’ ekaggatā (nhất tâm) = samādhi (định)].
2* vipassanā: quán thực tánh. Samatha-vipassanā là hai hình thức thiền đi sóng đôi (yuganaddha) với nhau để đưa đến đạo lộ giải thoát. Ở đây, có thể dịch samatha-vipassanā là Định-Tuệ. Đọc Ñāṇamoli, A Pali English Glossary of Buddhist Technical Terms [BPS, 1994] trang 109-110.
[Ý nghĩa của các Ý niệm Liên Quan tới chặng Đầu, chặng Giữa và chặng Cuối của Thánh Đạo]
25. Hành trì là ý nghĩa của huân tập cần được chứng biết trực tiếp. Lãnh vực là ý nghĩa của đối tượng... Nỗ lực là ý nghĩa của tâm lười biếng... Chế ngự là ý nghĩa của tâm bị dao động... Nhìn với lòng bình thản[8]là ý nghĩa của tâm được thanh lọc theo hai cách cần được chứng biết trực tiếp. Thành tựu ưu việt là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp. Hiểu cao hơn là ý nghĩa... Chứng ngộ đồng thời Sự Thực* là ý nghĩa... Củng cố vào đoạn diệt 8 là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp.
* Luận XXIII nói đến sự chứng ngộ đồng thời các Sự Thực.
[Ý nghĩa của Năm Năng Lực]
26. Cả quyết là ý nghĩa của năng lực gây ảnh hưởng của tín cần được chứng biết trực tiếp. Nỗ lực là ý nghĩa của năng lực gây ảnh hưởng của tinh tấn... Thiết lập là ý nghĩa của năng lực gây ảnh hưởng của niệm... Không phân tâm là ý nghĩa của năng lực gây ảnh hưởng của định... Thấy rõ là ý nghĩa của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ cần được chứng biết trực tiếp.
Không lay chuyển vì không tin là ý nghĩa của tín lực cần được chứng biết trực tiếp. Không lay chuyển vì lười biếng là ý nghĩa của tấn lực... Không lay chuyển vì xao lãng là ý nghĩa của niệm lực... Không lay chuyển vì dao động là ý nghĩa của định lực... Không lay chuyển vì vô minh là ý nghĩa của tuệ lực cần được chứng biết trực tiếp.
Thiết lập là ý nghĩa của yếu tố tạo thành giác ngộ của quán niệm cần được chứng biết trực tiếp. Tìm hiểu là ý nghĩa của yếu tố tạo thành giác ngộ của đi tìm sự thật... Nỗ lực là ý nghĩa của yếu tố tạo thành giác ngộ của tinh tấn... Chan hòa là ý nghĩa của yếu tố tạo thành giác ngộ của hỉ... An tịnh là ý nghĩa của yếu tố tạo thành giác ngộ của tĩnh lặng... Không phân tâm là ý nghĩa của yếu tố tạo thành giác ngộ của định... Tư duy là ý nghĩa của yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản cần được chứng biết trực tiếp.
Thấy rõ là ý nghĩa của chánh kiến cần được chứng biết trực tiếp. Hướng tâm trụ vào là ý nghĩa của chánh tư duy... Giữ gìn lời nói là ý nghĩa của chánh ngữ... Nguồn sanh khởi là ý nghĩa của chánh hành... Giữ trong sạch là ý nghĩa của chánh mạng... [17] Nỗ lực là ý nghĩa của chánh tinh tấn... Thiết lập là ý nghĩa của chánh niệm... Không phân tâm là ý nghĩa của chánh định cần được chứng biết trực tiếp.[9]
Ưu thắng là ý nghĩa của các năng lực gây ảnh hưởng cần được chứng biết trực tiếp. Không lay chuyển là ý nghĩa của các lực... Lối thoát là ý nghĩa của các yếu tố tạo thành giác ngộ... Nguyên nhân là ý nghĩa của Thánh đạo... Thiết lập là ý nghĩa của các nền tảng của quán niệm... Cố gắng là ý nghĩa của chánh tinh tấn... Thành tựu là ý nghĩa của các nền tảng của thần thông... Chân như (như thực) theo nghĩa các sự thực cần được chứng biết trực tiếp.[10]
27. Làm lắng dịu là ý nghĩa của [bốn] nỗ lực cần được chứng biết trực tiếp.[11]Thực chứng là ý nghĩa của [bốn] quả vị cần được chứng biết trực tiếp.
[Ý nghĩa của Năm Yếu Tố Cõi Thiền]
28. Hướng tâm là ý nghĩa của hướng tâm vào đối tượng cần được chứng biết trực tiếp. Tiếp tục hướng tâm là ý nghĩa của suy xét đối tượng... Chan hòa là ý nghĩa của hỉ... Thấm ướt là ý nghĩa của hạnh phúc toàn hảo... Hợp nhất là ý nghĩa của tâm [định] cần được chứng biết trực tiếp.[12]
[Các Ý Nghĩa Khác]
29. Hướng sự chú ý đến là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp. Nhận biết là ý nghĩa... Hành vi hiểu biết là ý nghĩa... Nhận thức là ý nghĩa... Tính đơn chiếc là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp.
Điều được biết đếnlà ý nghĩa của trí trực chứng cần được chứng biết trực tiếp.* Phán đoán (tìm hiểu) là ý nghĩa của hiểu trọn vẹn... Dứt bỏ là ý nghĩa của từ bỏ... Tác dụng duy nhất là ý nghĩa của tu tập... Thể nghiệm là ý nghĩa của thực chứng... Nhóm là ý nghĩa của các tập hợp... Yếu tố là ý nghĩa của các phần tử... Nền tảng là ý nghĩa của các nền tảng... Được tạo thành là ý nghĩa của [các hiện tượng] được tạo thành... Không được tạo thành là ý nghĩa của cái không được tạo thành cần được chứng biết trực tiếp.
* nói ’chứng biết trực tiếp’ [abhijānaṁ] là để chỉ rõ sự hiểu biết trọn vẹn [parijānaṁ] về điều đã được biết tới [ñātapariññā]. Đọc Bhikkhu Bodhi, The Connected Discourses of the Buddha I, Wisdom Publications [Boston, 2000] chú thích 42, trang 1052. Đọc thêm chú thích ở đoạn 45.
[Ý nghĩa liên kết đến Tâm]
30. Tâm là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp. Sự kế vị «nhau»ngay lập tức của tâm là ý nghĩa... Sự trồi lên của tâm là ý nghĩa... Sự quay đi của tâm là ý nghĩa... Các nguyên nhân của tâm là ý nghĩa... Các điều kiện của tâm là ý nghĩa... Các nền tảng vật thể của tâm là ý nghĩa... Cảnh giới của tâm là ý nghĩa... Đối tượng hỗ trợ của tâm là ý nghĩa... Lãnh vực của tâm là ý nghĩa... <Sự hành xử của tâm...> Sự luân chuyển của tâm là ý nghĩa... Sự hướng dẫn tâm là ý nghĩa... Lối thoát của tâm là ý nghĩa... Sự thoát ly của tâm là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp.[13]
[Ý nghĩa Liên Kết Đến Nhất Điểm]
31. [14]Hướng tâm để ý trong nhất điểm là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp. Nhận biết [18] trong nhất điểm là ý nghĩa... Hành vi hiểu biết trong nhất điểm là ý nghĩa... Nhận thức trong nhất điểm là ý nghĩa... Tính đơn chiếc trong nhất điểm là ý nghĩa... Buộc tâm lại trong nhất điểm là ý nghĩa... Đi vào (lao vào) trong nhất điểm [với sơ thiền] là ý nghĩa... Có lòng tin trong nhất điểm [với nhị thiền] là ý nghĩa... Điềm tĩnh trong nhất điểm [với tam thiền] là ý nghĩa... Được giải thoát trong nhất điểm [với tứ thiền] là ý nghĩa... Thấy rõ rằng ‘Đây là an lạc’ trong nhất điểm là ý nghĩa... Thuần thục* trong nhất điểm là ý nghĩa... Tạo thành căn bản là ý nghĩa... Tạo thành nền tảng trong nhất điểm là ý nghĩa... Kết hợp thành một với nhất điểm là ý nghĩa... Hành trì thích hợp (đem lại đồng nhất thể) trong nhất điểm là ý nghĩa... Nắm giữ 2*trong nhất điểm là ý nghĩa... Tài nguyên tâm thức trong nhất điểm là ý nghĩa... Chu toàn trong nhất điểm là ý nghĩa... Tổng hợp với nhất điểm là ý nghĩa... Vững vàng trong nhất điểm là ý nghĩa... Lập lại (trau giồi) trong nhất điểm là ý nghĩa... Tu tập trong nhất điểm là ý nghĩa... Làm phong phú trong nhất điểm là ý nghĩa... Hoàn toàn trưởng thành (hoàn toàn trưởng thành tới cùng nhất thể) trong nhất điểm là ý nghĩa... Hoàn toàn giải thoát trong nhất điểm là ý nghĩa... Được hiểu biết 3*[nhờ đạo lộ thứ nhất] trong nhất điểm là ý nghĩa... Được hiểu biết thêm [nhờ đạo lộ thứ hai] trong nhất điểm là ý nghĩa... Được hiểu biết thêm nữa [nhờ đạo lộ thứ ba] trong nhất điểm là ý nghĩa... Được hiểu biết trọn vẹn [nhờ đạo lộ thứ tư] trong nhất điểm là ý nghĩa... Sáng suốt 4*trong nhất điểm là ý nghĩa... Sáng suốt thêm trong nhất điểm là ý nghĩa... Sáng suốt thêm nữa trong nhất điểm là ý nghĩa... Sáng suốt trọn vẹn trong nhất điểm là ý nghĩa... Tham dự vào giác ngộ 5*trong nhất điểm là ý nghĩa... Tham dự vào giác ngộ thêm trong nhất điểm là ý nghĩa... Tham dự vào giác ngộ thêm nữa trong nhất điểm là ý nghĩa... Tham dự vào giác ngộ trọn vẹn trong nhất điểm là ý nghĩa... Chiếu sáng trong nhất điểm là ý nghĩa... <Ý nghĩa của thắp sáng lên trong nhất điểm...> Chiếu sáng thêm trong nhất điểm là ý nghĩa... Chiếu sáng thêm nữa trong nhất điểm là ý nghĩa... Chiếu sáng trọn vẹn trong nhất điểm là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp.
* thuần thục: yānīkata, nđ. làm thành cỗ xe.
2*đọc chú thích giữa trang ở Luận I đ. 23.
3*bujjhanaṭṭho:được hiểu biết.
4*bodhanaṭṭho:sáng suốt.
5*bodhipakkhiyaṭṭho:tham dự vào, có đặc tính giác ngộ.
[Ý nghĩa liên kết với Thánh Đạo]
32. [15]Giải thích là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp. Thắp sáng lên là ý nghĩa... Thiêu đốt nhiễm lậu là ý nghĩa... Không có tỳ vết là ý nghĩa... Không bị vấy bẩn là ý nghĩa... Không vấy bẩn là ý nghĩa... Nhất như (tịch lặng) là ý nghĩa... Giải thoát giai đoạn* là ý nghĩa... Sống cách ly là ý nghĩa... Hành xử dưới ảnh hưởng của sống cách ly2*là ý nghĩa... Hết ham muốn là ý nghĩa... Hành xử dưới ảnh hưởng của hết ham muốn3*là ý nghĩa... [19] Đoạn diệt là ý nghĩa... Hành xử dưới ảnh hưởng của đoạn diệt 4*là ý nghĩa... Buông bỏ là ý nghĩa... Hành xử dưới ảnh hưởng của buông bỏ 5*là ý nghĩa... Giải thoát là ý nghĩa... Hành xử dưới ảnh hưởng của giải thoát 6*là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp.
* samaya: giải thoát giai đoạn, đọc Luận V đ. 25.
2* vivekacariyaṭṭho
3* virāgacariyaṭṭho
4* nirodhacariyaṭṭho
5*vosaggacariyaṭṭho
6*vimutticariyaṭṭho
[Ý nghĩa của Bốn Nền Tảng Của Thành Tựu]
33. [16]Ý muốn làm là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp. Nguồn gốc là ý nghĩa của ý muốn làm cần được chứng biết trực tiếp. Nền tảng là ý nghĩa của ý muốn làm... Nỗ lực là ý nghĩa của ý muốn làm... Thành tựu là ý nghĩa của ý muốn làm... Cả quyết là ý nghĩa của ý muốn làm... Cố gắng là ý nghĩa của ý muốn làm... Thiết lập (làm nền tảng) là ý nghĩa của ý muốn làm... Không tán loạn là ý nghĩa của ý muốn làm... Thấy rõ là ý nghĩa của ý muốn làm cần được chứng biết trực tiếp.
Tinh tấn là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp. Nguồn gốc là ý nghĩa của tinh tấn... [và cứ thế như với ý muốn làm ở đoạn trên, cho đến]... Thấy rõ là ý nghĩa của tinh tấn cần được chứng biết trực tiếp. Sự [thanh tịnh tự nhiên của]* tâm là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp. Nguồn gốc [thanh tịnh tự nhiên của]* tâm là ý nghĩa... [và cứ thế như với ước muốn ở đoạn trên, cho đến]... Thấy rõ sự [thanh tịnh tự nhiên của]* tâm là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp.
*Dịch theo Ñāṇamoli ở Vism. XXII 36 để rõ nghĩa.
Tìm hiểu là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp. nguồn gốc là ý nghĩa của tìm hiểu... [và cứ thế như với ước muốn ở đoạn trên, cho đến]... Thấy rõ là ý nghĩa của tìm hiểu cần được chứng biết trực tiếp.
[Ý nghĩa của Bốn Sự Thực]
34. Khổ là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp. Bức bách là ý nghĩa của khổ cần được chứng biết trực tiếp... Được tạo thành là ý nghĩa của khổ[17]... Sự thiêu đốt (thống khổ) là ý nghĩa của khổ... Biến đổi là ý nghĩa của khổ cần được chứng biết trực tiếp.
Nguồn gốc là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp. Tích lũy [kamma] là ý nghĩa của nguồn gốc... Căn nguyên là ý nghĩa của nguồn gốc... Trói buộc là ý nghĩa của nguồn gốc... Chướng ngại là ý nghĩa của nguồn gốc cần được chứng biết trực tiếp.
Đoạn diệt là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp. [20] Thoát ly là ý nghĩa của đoạn diệt... Sống cách ly là ý nghĩa của đoạn diệt... Không còn được tạo thành là ý nghĩa của đoạn diệt... Không còn chết nữa là ý nghĩa của đoạn diệt cần được chứng biết trực tiếp.
Con Đường Giải Thoát là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp. Lối thoát là ý nghĩa của Con Đường Giải Thoát... Nguyên nhân là ý nghĩa của Con Đường Giải Thoát... Thấy rõ là ý nghĩa của Con Đường Giải Thoát... Ưu thắng là ý nghĩa của Con Đường Giải Thoát cần được chứng biết trực tiếp.
[Ý nghĩa của Hành Trì Chung] (so với đ. 489, XII 17)
35. Chân như (như thực) là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp. Không phải là ngã là ý nghĩa... Sự thực là ý nghĩa... Hiểu rõ là ý nghĩa... Chứng biết trực tiếp là ý nghĩa... Hiểu biết trọn vẹn là ý nghĩa... Ý niệm là ý nghĩa... Yếu tố là ý nghĩa... Điều được biết tới là ý nghĩa... Thực chứng là ý nghĩa... Thể nghiệm là ý nghĩa... Chứng ngộ đồng thời là ý nghĩa cần được chứng biết trực tiếp.
[[18]Đối Nghịch với các Chướng Ngại, Bốn Cõi Thiền, Bốn Chứng Đạt cõi vô sắc giới, Mười Tám Quán Thực Tánh Chính, Bốn Đạo Lộ và Quả Vị] (Nhóm C; so với Luận XXX).
36. Xuất ly cần được chứng biết trực tiếp. Không sân hận... Nghĩ đến ánh sáng... Không phân tâm... Tìm hiểu rõ hiện tượng... Trí... Hỉ cần được chứng biết trực tiếp.
37. Sơ thiền cần được chứng biết trực tiếp. Nhị thiền... Tâm thiền... Tứ thiền cần được chứng biết trực tiếp.
38. Cõi không gian vô biên cần được chứng biết trực tiếp. Cõi thức vô biên... Cõi không có gì hết... Cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức cần được chứng biết trực tiếp.
[Mười Tám Tuệ Quán Thực Tánh Chính]
39. Quán vô thường* cần được chứng biết trực tiếp. Quán khổ2*... Quán không phải là ngã3*... Quán nhàm chán2*... Quán hết ham muốn2*... Quán đoạn diệt*... Quán buông bỏ3*... Quán hủy diệt*... Quán hoại diệt*... Quán biến đổi*... Quán không dấu hiệu*... Quán không ước nguyện2*... Quán tánh không3*... Quán thực tánh vào các hiện tượng là tuệ tăng thượng*... Trí thấy biết đúng như thật3*... Quán hiểm nguy2*... Quán tư duy3*... Quán quay đi cần được chứng biết trực tiếp.3*
* quán đặc tính vô thường
2* quán đặc tính khổ não
3*quán đặc tính không phải là ngã
40. Đạo lộ nhập giòng cần được chứng biết trực tiếp. Quả vị nhập giòng... Đạo lộ trở lại một lần... Quả vị trở lại một lần... Đạo lộ không trở lại... Quả vị không trở lại... Đạo lộ arahant... Quả vị arahant cần được chứng biết trực tiếp. [21]
[Năng lực gây ảnh hưởng... qua Ý nghĩa của chúng - đọc đ. 26][19]
41. Qua ý nghĩa của cả quyết, năng lực gây ảnh hưởng của tín cần được chứng biết trực tiếp. Qua ý nghĩa của nỗ lực, năng lực gây ảnh hưởng của tinh tấn... Qua ý nghĩa của thiết lập, năng lực gây ảnh hưởng của quán niệm... Qua ý nghĩa của không phân tâm, năng lực gây ảnh hưởng của định... Qua ý nghĩa của thấy rõ, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ cần được chứng biết trực tiếp.
Qua ý nghĩa của không lay chuyển vì không tin, tín lực cần được chứng biết trực tiếp. Qua ý nghĩa của không lay chuyển vì lười biếng, tấn lực... Qua ý nghĩa của không lay chuyển vì sao lãng, niệm lực... Qua ý nghĩa của dao động, định lực... Không lay chuyển vì vô minh, tuệ lực cần được chứng biết trực tiếp.
Qua ý nghĩa của thiết lập (đặt nền tảng), yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm cần được chứng biết trực tiếp. Qua ý nghĩa của tìm hiểu, yếu tố tạo thành giác ngộ của đi tìm sự thật... Qua ý nghĩa của nỗ lực, yếu tố tạo thành giác ngộ của tinh tấn... Qua ý nghĩa của thấm nhập (chan hòa), yếu tố tạo thành giác ngộ của hỉ... Qua ý nghĩa của an tịnh, yếu tố tạo thành giác ngộ của tĩnh lặng... Qua ý nghĩa của không phân tâm, yếu tố tạo thành giác ngộ của định... Qua ý nghĩa của tư duy theo nghĩa yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản cần được chứng biết trực tiếp.
Qua ý nghĩa của thấy rõ, chánh kiến cần được chứng biết trực tiếp. Qua ý nghĩa của hướng tâm, chánh tư duy... Qua ý nghĩa của giữ gìn lời nói, chánh ngữ... Qua ý nghĩa của nguồn sanh khởi, chánh hành... Qua ý nghĩa của giữ cho sạch, chánh mạng... Qua ý nghĩa của nỗ lực, chánh tinh tấn... Qua ý nghĩa của thiết lập (đặt nền tảng), chánh niệm... Qua ý nghĩa của không phân tâm, chánh định cần được chứng biết trực tiếp.
Qua ý nghĩa của ưu thắng, các năng lực gây ảnh hưởng cần được chứng biết trực tiếp. Qua ý nghĩa của không lay chuyển, các lực... Qua ý nghĩa của lối thoát, yếu tố tạo thành giác ngộ... Qua ý nghĩa của nguyên nhân, Thánh đạo... Qua ý nghĩa của thiết lập (đặt nền tảng), nền tảng của quán niệm... Qua ý nghĩa của cố gắng chân chánh, chánh tinh tấn... Qua ý nghĩa của thành tựu, nền tảng của thần thông... Qua ý nghĩa của chân như (như thực), các Sự thực cần được chứng biết trực tiếp.
42. Qua ý nghĩa của không phân tâm, tĩnh lặng* cần được chứng biết trực tiếp. Qua ý nghĩa của quán tưởng, quán thực tánh*... Qua ý nghĩa của tác dụng (hương vị) duy nhất, tĩnh lặng* và quán thực tánh*... Qua ý nghĩa của không vượt quá [của bất cứ trạng thái nào], sự sóng đôi giữa [tĩnh lặng và quán thực tánh*] cần được chứng biết trực tiếp.
* Xin đọc chú thích giữa trang về hai chữ này ở Luận I đ. 24.
Qua ý nghĩa của chế ngự, thanh lọc giới cần được chứng biết trực tiếp. Qua ý nghĩa của không phân tâm, thanh lọc tâm... Qua ý nghĩa của thấy rõ, [22] thanh lọc quan điểm sai lạc... Qua ý nghĩa của tự tại, giải thoát... Qua ý nghĩa của hiểu rõ ràng, minh trí... Qua ý nghĩa của dứt bỏ, tiêu dao... Qua ý nghĩa của cắt đứt, trí về hủy diệt... Qua ý nghĩa của làm lắng dịu, trí về không sanh khởi cần được chứng biết trực tiếp.
[Qua ý nghĩa của chặng Đầu, chặng Giữa và chặng Cuối của Thánh Đạo][20](Nhóm I)
43. Ý muốn làm, qua nghĩa nguồn gốc của nó, cần được chứng biết trực tiếp. Chú tâm suy xét, qua nghĩa nguồn sanh khởi của nó... Xúc, qua nghĩa tổng hợp [các giác quan bên trong và đối tượng bên ngoài cho xúc chạm]... Cảm giác, qua nghĩa nơi gặp gỡ [cho khao khát]... Định, qua nghĩa đi đầu [thống lĩnh các tâm phụ tùy]... Quán niệm, qua nghĩa ưu thắng [trong việc an trú trong đối tượng]... Tuệ, qua nghĩa cao hơn tất cả... Tiêu dao, qua nghĩa cốt lõi của nó, cần được chứng biết trực tiếp. Nibbāna hiển lộ lên từ bất tử, qua nghĩa kết thúc của nó, cần được chứng biết trực tiếp.
44. Bất cứ ý niệm nào được chứng biết trực tiếp đều được biết [đến]. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Vì vậy nên nói rằng: ‘Tai lắng nghe như vầy: Các ý niệm này cần được chứng biết trực tiếp. Tuệ là hành vi hiểu biết tức là trí về điều đã nghe (học hỏi)’.
HẾT PHẦN ĐỌC LẦN THỨ HAI
[1]Chữ avadhāna (lắng nghe, lóng tai) không có trong tự điển PTS. So với ohitasoto (M i 480, iii 201...) và sotaṁ odahanta (lắng tai, M iii 221).
[2]‘Chứng biết trực tiếp’ (abhiññā) ở đây có nghĩa là biết bằng kinh nghiệm bản thân. ‘Hiểu biết đầy đủ ‘pariññā’ dành riêng cho sự thật thứ nhất (khổ đế). ‘Tuệ’ (paññā) để chỉ cho sự hiểu biết về bốn sự thật với sự thể nghiệm Nibbāna được thực chứng.
[3]Trong mỗi trường hợp, chữ ‘nguồn gốc’ là điều kiện chính để sanh khởi tất cả các hiện tượng. Trong mỗi trường hợp ‘sự đoạn diệt’ là nibbāna, vốn là sự vắng mặt của tất cả hành vi tạo quả, và ‘con đường đưa đến diệt khổ’ là Tám Chánh Đạo.
[4]Đọc M i 89f, ... nói về 3 khía cạnh ‘ngọt ngào, nguy hiểm, thoát ly’ này.
[5]‘Bẩy Quán Tưởng’ này là 7 quán thực tánh đầu tiên của 18 quán thực tánh chính, đọc đ. 39 sắp tới. Nibbidā (hết tha thiết, thay cho nibbāna) có nghĩa nhàm chán, ngao ngán, ngán ngẩm và ghê tởm. Virāga (hết ham muốn, nghĩa đen: nhạt mầu), ngụ ý đến sự phai nhạt của lòng ham muốn (rāga) vốn nhuộm mầu (rajjati) tâm thức.
[6](đ. 18). Mười lăm đặc tính này được giải thích đầy đủ trong Con Đường Thanh Lọc (Visuddhimagga), chương XXI «đoạn 38»: ‘Nguồn sanh khởi của hiện hữu là sự xuất hiện ở đây (trong kiếp sống này) có hành vi tạo quả (kamma) làm điều kiện. Tiếp tục tái diễn hiện hữu là (tiếp tục) xảy ra cái đã sanh khởi theo cách ấy. Điều kiện để còn sanh tử là dấu hiệu của tất cả các hành vi tạo quả. Tích lũy là kamma tức là dấu hiệu của kết sanh trong tương lai. Kết sanh là sự tái xuất hiện ở tương lai. Cảnh giới [tái sanh] tới là cảnh giới trong đó kết sanh xảy ra. Sự sanh sản là sanh sản các tập hợp. Tái sanh khởi là kamma trổ quả diễn ra. Sanh là sanh ra có trở thành làm điều kiện, tự nó là điều kiện cho già, bệnh... vân vân.
[7](đ. 23). 31 danh từ trong đoạn này đề cập đến những khía cạnh khác nhau của tám thánh đạo và 8 chi ngành của nó. Chữ ‘giữ gìn lời nói ’ đứng trước sự ‘sanh khởi’ của chúng và chúng được ‘sắp xếp’ với nhau, ‘được chu toàn’... ‘Đối tượng để dựa vào’: chữ ārammaṇa trong kinh có nghĩa là ‘cái gì để dựa vào’ và liên kết với ālambati (dựa vào). Sau này, nó được coi là thuật ngữ dùng cho vật thể hữu hình, nếu thiếu nó, thức sẽ không xảy ra. ‘Lãnh vực’ là phạm vi của đối tượng hữu hình tức là ‘lãnh vực’ nhận biết từ mắt. Trồi lên: thuật ngữ chỉ cho sự biểu hiện của tám thánh đạo tức là thấy nibbana (đọc đ. 333, đặc biệt từ đđ. 341ff. kể sau này). ‘Quay đi’ là sự quay đi của tâm, bỏ lại những điều kiện để còn tái diễn sanh tử (hay dấu hiệu của mọi hành vi tạo quả) bên ngoài và khỏi những nhiễm lậu bên trong như tham... tức là thấy nibbana. ‘Tác dụng duy nhất’: thuật ngữ chỉ cho ‘tác dụng duy nhất của giải thoát’ được hoàn thành nhờ định (định tương đương với tĩnh lặng) và tuệ quán thực tánh được cân bằng và phát triển đồng đều (đó là ‘sóng đôi’ ). Về attha, đọc đđ. 418, 430.
[8]Chữ ajjhupekkhanā (nhìn khách quan) được kết hợp với upekkhā (thản nhiên): thản nhiên nhìn không can thiệp. Đây là cái nhìn ‘củng cố vững vàng trong đoạn diệt’ để chỉ cho sự thành tựu quả vị.
[9]Nghĩa của đạo tám ngành được giải thích ở Vism. chương XVI.
[10]‘Nguyên nhân’ như ở đ. 33. ‘Cố gắng chân chánh’ (sammappadhāna) giống như ‘chánh tinh tấn’ (sammā-vāyāma) trong tám thánh đạo. Tathāta (như thực hay chân như) được giải thích ở đđ. 520ff., hay là ‘cái gì không lừa phỉnh’.
[11]‘Nỗ lực (payoga, nđ công việc) là 4 giai đoạn thực chứng ‘4 đạo lộ’ làm lắng dịu các nhiễm lậu (so với đđ. 349 và XXX 6).
[12]Đây là 5 yếu tố của sơ thiền. ‘Thấm ướt’ (abhisandana) được giải nghĩa bằng chữ temana (làm cho ẩm ướt), do vậy, tự điển PTS không đúng trong trường hợp này.
[13](đ. 30). ‘Tâm kế vị nhau’ là sự liên tục không gián đoạn. ‘Cảnh giới của tâm’ là cảnh giới của sanh linh ba cõi dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Abhinīhāra: với nghĩa ‘hướng đến’ (không có trong tự điển của PTS), đọc Vism Chương XI đđ. 93, «chú thích 37 trang 797 sđd», 117; XIII đ. 16, đ. 95. Chú giải cắt nghĩa là hình thái của tâm tự vận chuyển từ đối tượng này sang đối tượng khác. Tâm Đạo cung cấp ‘lối thoát’ ra khỏi luân hồi. Tâm có sự thoát ly khỏi ham muốn ái dục trong xuất ly và cứ thế với các chướng ngại khác (đọc đ. 36).
[14](đ. 31) ‘Nhất điểm’, theo chú giải, là hợp nhất của đối tượng duy nhất. Đọc thêm Luận III đđ. 4 và 15-8. Về bốn từ ngữ pakkhandhati (đi vào), pasīdati (tin tưởng), santiṭṭhati (thản nhiên, điềm đạm) và vimuccati (được giải thoát) đọc M iii 105, 112. Về 5 từ ngữ bắt đầu bằng yānakata (thuần thục) đọc A iv 309. Về chữ adhiṭṭhāna là ‘quyết tâm’ đọc đ. 269 và PsA 161 Se. <Chú giải tán thành cả 5 từ ngữ jotana, ... và tuần tự kết hợp 2-5 hay 1-4 với bốn đạo lộ, thêm lời giải khả dĩ chấp nhận được cho chữ còn lại, trang 100 PTS edn.> <cf. Luận XIII>.
[15](đ. 32) Đoạn này tả các khía cạnh của con đường giải thoát.
[16](đ. 33) Đoạn này bàn tới bốn Nền Tảng của Thần Thông (Con Đường Đưa Đến Năng Lực): «ý muốn làm, tinh tấn, nhất tâm, tìm hiểu. Đọc Vbh trang 216. M i 103)».
[17]Trong sách của PTS thiếu đoạn dukkhassa saṅkhataṭṭho abhiññeyyo.
[18]Bảy chướng ngại là ước muốn tình dục, sân hận, hôn trầm thụy miên, dao động, hoài nghi, vô minh và tẻ nhạt (đọc đ. 135).
[19]Trong đoạn 26, chú giải nói ‘ý nghĩa được các trạng thái diễn tả, nhưng ở đây, các trạng thái được miêu tả bằng ý nghĩa’.
[20]Ý nghĩa đưa ra trong đoạn này để chỉ đạo lộ giải thoát, chú giải cắt nghĩa như sau (PTS edn. trang 106-8): ‘Ý muốn làm kể như là mong muốn làm điều thiện là nguồn gốc cho phương cách hành trì và từ đó tạo kết quả. Chính sự suy xét sáng suốt phát sanh ra các trạng thái thiện. Cảm giác là lý do chính yếu để khao khát; khi khao khát bị từ bỏ, sự từ bỏ này được thành tựu đặc biệt nhờ có hiểu rõ cảm giác đi kèm. Lại nữa, xúc là nguyên nhân chính để có cảm giác và khi xúc được hiểu trọn vẹn thì cảm giác được hiểu trọn vẹn. Đó là lý do tại sao trong bẩy ý niệm cần được chứng biết trực tiếp còn lại,xúc được đề cập trước hết. Giờ đây, xúc được định nghĩa bằng hành vi của nó là ‘sự gặp gỡ của cả ba’ (đó là mắt, vật hữu hình, nhận biết từ mắt, đọc M i 111), và vì nó là biểu hiện cho sự gặp gỡ của cả ba, xúc có nghĩa là hợp lại. Lại nữa, khi tâm và tâm phụ tùy rơi vào ảnh hưởng của nó, cảm giác gặp gỡ chúng và đi vào diễn trình tâm thức. Đó là lý do tại sao cảm giác có nghĩa là nơi gặp gỡ. Rồi, như chóp mái nhà giữ chặt tất cả các khớp đà gỗ lại với nhau, định là trạng thái đi đầu, cao nhất trong các trạng thái thiện trong việc tập trung các tâm và tâm phụ tùy, đó là lý do tại sao định có nghĩa đi đầu. Quán niệm có ý nghĩa của ưu thắng khi hành giả phát triển tĩnh lặng và quán thực tánh, nó giữ ưu thắng trong việc an trú vào đối tượng, và khi quán niệm được thiết lập thì tất cả các trạng thái thiện thi hành chức năng khác biệt về đối tượng này. Tuệ thuộc về Thánh Đạo có nghĩa là cao hơn cả, đi đầu và vượt hẳn tất cả các trạng thái thiện. Sự giải thoát của đạo quả là vững chắc vì nó không chịu mất mát nào và do đó nó có nghĩa là cốt lõi (lõi cây). Bất tử được nói ra vì ở đó không có chết chóc, và vì nó không chịu nhiễm độc do đối nghịch với nhiễm lậu. Nó là điều kiện căn bản vì nó cung cấp nền tảng cho sanh linh bằng chứng ngộ. Nó được gọi là nibbāna vì có được an lạc từ khổ đau của vòng luân hồi. Nó cũng được gọi là nibbāna vì ở đó không có khao khát được gọi là vāna «ham muốn». Vì là cứu cánh của Tăng Đoàn, nó có nghĩa là chấm dứt ’.
[Phần ii]
45. Thế nào là tuệ nhờ lắng nghe như vầy ‘Các ý niệm này cần được hiểu biết trọn vẹn’ là trí biết về điều đã lắng nghe (học hỏi)?
[Mười đề nghị] (kinh Dasuttara, D iii 272ff.)
46.
Một ý niệm cần được hiểu biết trọn vẹn*: Xúc chịu ảnh hưởng của phiền não và tạo ra bám níu (D iii 272).
Hai ý niệm cần được hiểu biết trọn vẹn: Tâm thức và vật thể (D iii 273).
Ba ý niệm cần được hiểu biết trọn vẹn: Ba loại cảm nghiệm (D iii 275).
Bốn ý niệm cần được hiểu biết trọn vẹn: Bốn vật thực (D iii 276).
Năm ý niệm cần được hiểu biết trọn vẹn: Năm tập hợp [làm đối tượng cho] bám níu (D iii 233, 278).
Sáu ý niệm cần được hiểu biết trọn vẹn: Sáu giác quan bên trong [bắt đầu bằng mắt] (D iii 243, 280).
Bảy ý niệm cần được hiểu biết trọn vẹn: Bẩy cõi, nơi tái sanh thức xảy ra (D iii 282).
Tám ý niệm cần được hiểu biết trọn vẹn: Tám chuyện thế gian (D iii 286).
Chín ý niệm cần được hiểu biết trọn vẹn: Chín cõi của sanh linh (D iii 288).
Mười ý niệm cần được hiểu biết trọn vẹn: Mười căn cứ [đó là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, đối tượng hữu hình, âm thanh, mùi, hương, vật xúc chạm được] (D iii 290).
* ’hiểu biết trọn vẹn’ [parijānaṁ] theo 3 loại: (1) nhờ hiểu biết trọn vẹn điều đã được biết tới [ñātapariññā], người học Phật hiểu rõ 5 tập hợp theo đặc tính của chúng...; (2) nhờ hiểu biết trọn vẹn do xem xét tỉ mỉ kỹ lưỡng [tīraṇapariññā] các tập hợp ấy dưới hình thức vô thường, khổ đau... qua 42 hình thái. (3) nhờ hiểu biết trọn vẹn như từ bỏ [pahānapariññā] ham muốn năm tập hợp bằng đạo lộ siêu thế. Đọc Bhikkhu Bodhi, The Connected Discourses of the Buddha I, [Wisdom Publications, Boston, 2000] chú thích 36 trang 354.
Trong kinh, khác biệt giữa ‘chứng biết trực tiếp’ [abhijānaṁ] (đọc chú thích ở đ. 29) và ’hiểu biết trọn vẹn’ được chú giải nêu ra rõ rệt hơn, sắc nét hơn. Trong kinh, abhijānāti (và các chữ cùng gốc với nó) chỉ rõ trí trực chứng về các hiện tượng phù hợp với khuôn mẫu do bốn Chân Lý Cao Cả tạo dựng. Các sekha (bậc hữu học) và Arahant đều có loại trí này. Ngược lại, parijānāti (và các chữ cùng gốc với nó) thường được dùng để nói tới Arahant, và có nghĩa trí cuối cùng do abhijānāti phát khởi ra. Chẳng hạn, kinh Mūlapariyāya (M i 4, đ. 7-34) nhấn mạnh rằng sekha ‘đã trực tiếp chứng biết’ từng nền tảng một trong 24 nền tảng của ngã mạn (maññanā, maññitā), nhưng cần phải tu tập thêm để hiểu biết chúng trọn vẹn (pariññeyyaṁ tassa). Câu ‘vị ấy đã hiểu biết trọn vẹn’ (pariññātaṁ tassa) chỉ được dùng khi nói về bậc Arahant. Đọc Bhikkhu Bodhi, sđd, chú thích 42 trang 1052-53.
[Tất cả]
47. ‘Này các tỳ kheo, tất cả cần được hiểu biết trọn vẹn. Và gì là tất cả cần được hiểu biết trọn vẹn? Mắt cần được hiểu biết trọn vẹn, các đối tượng hữu hình cần được hiểu biết trọn vẹn, nhận biết từ mắt cần được hiểu biết trọn vẹn, xúc chạm ở mắt cần được hiểu biết trọn vẹn, với xúc chạm ở mắt làm điều kiện bất cứ cảm nghiệm nào khởi lên, dù có dễ chịu, khó chịu [23] hay không dễ chịu cũng chẳng khó chịu, cũng cần được hiểu biết trọn vẹn... Tai cần được hiểu biết trọn vẹn, âm thanh... Mũi cần được hiểu biết trọn vẹn, mùi... Lưỡi cần được hiểu biết trọn vẹn, vị... Thân cần được hiểu biết trọn vẹn, đối tượng xúc chạm được... Ý cần được hiểu biết trọn vẹn, đối tượng tâm ý cần được hiểu biết trọn vẹn, nhận biết từ ý cần được hiểu biết trọn vẹn, xúc chạm ở ý cần được hiểu biết trọn vẹn, với xúc chạm ở ý làm điều kiện, bất cứ cảm nghiệm nào khởi lên, dù có dễ chịu, khó chịu hay không dễ chịu cũng chẳng khó chịu cũng cần được hiểu biết trọn vẹn... (Cf. S iv 16ff. và đ. 4).
[201 ý niệm]
48. Vật thể cần được hiểu biết trọn vẹn.[1]Cảm nghiệm... [và cứ thế như ở đoạn 5 cho đến]... Già và chết cần được hiểu biết trọn vẹn.
49-85. Khổ cần được hiểu biết trọn vẹn. Nguồn gốc của khổ... [và cứ thế như ở các đoạn 6-43 cho đến]...Nibbāna hiển lộ lên từ bất tử, qua nghĩa kết thúc, cần được hiểu biết trọn vẹn.
86. Khi hành giả tạo nỗ lực chứng được bất cứ trạng thái nào, các trạng thái ấy được hiểu biết trọn vẹn và phán đoán (tìm hiểu) thích đáng.
Khi hành giả tạo nỗ lực chứng được sự từ bỏ, sự từ bỏ ấy được hiểu biết trọn vẹn và phán đoán (tìm hiểu) thích đáng.
Khi không sân hận... Khi nghĩ về ánh sáng... Khi không phân tâm... Khi tìm hiểu rõ hiện tượng... Khi trí... Khi hỉ... [24] Khi cõi sơ thiền... Khi cõi nhị thiền... Khi cõi tam thiền... Khi cõi tứ thiền...
Khi cõi không gian vô biên... Khi cõi thức vô biên... Khi cõi không có gì... Khi cõi không có nhận thức không phải không có nhận thức... Khi quán vô thường... Khi quán khổ... Khi quán không phải là ngã... Khi quán nhàm chán... Khi quán hết ham muốn... Khi quán diệt tận... Khi quán buông bỏ... Khi quán hủy hoại... Khi quán diệt mất... Khi [25] quán biến đổi... Khi quán không dấu hiệu... Khi quán không ước nguyện... Khi quán tánh không... Khi quán thực tánh chiếu vào các hiện tượng là tuệ tăng thượng... Khi thấy biết như thật... Khi quán nguy hiểm... Khi quán tư duy... Khi quán quay đi...
Khi đạo lộ nhập giòng... [26] Khi đạo lộ trở lại một lần... Khi đạo lộ không trở lại... Khi đạo lộ arahant mà hành giả tạo nỗ lực chứng đạt được, đạo lộ arahant ấy được hiểu biết trọn vẹn và phán đoán (tìm hiểu) thích đáng.
87. Khi hành giả tạo nỗ lực chứng đạt được bất cứ trạng thái nào, các trạng thái ấy được hiểu biết trọn vẹn và phán đoán (tìm hiểu) thích đáng. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Vì vậy nên nói rằng: ‘Tai lắng nghe như vầy: Các ý niệm này cần được hiểu biết trọn vẹn. Tuệ là hành vi hiểu biết tức là trí về điều đã lắng nghe (học hỏi)’
[Phần iii]
88. Thế nào là tuệ nhờ lắng nghe như vầy ‘Các ý niệm này cần được từ bỏ’ là trí biết về điều đã lắng nghe (học hỏi)?
[Mười đề nghị] (kinh Dasuttara, D iii 273ff.)
89. Một ý niệm cần được từ bỏ: Ngã mạn ‘Tôi là’ (D iii 273).
Hai ý niệm cần được từ bỏ: Vô minh và khao khát trở thành «hay: khao khát hiện hữu »(D iii 274).
Ba ý niệm cần được từ bỏ: Ba loại khao khát (ái dục, trở thành, không trở thành «hay: khao khát diệt tận») (D iii 275).
Bốn ý niệm cần được từ bỏ: Bốn dòng nước lũ (D iii 276).
Năm ý niệm cần được từ bỏ: Năm chướng ngại (D iii 278).
Sáu ý niệm cần được từ bỏ: Sáu loại khao khát (D iii 280).
Bảy ý niệm cần được từ bỏ: Bẩy khuynh hướng ngủ ngầm (D iii 282).
Tám ý niệm cần được từ bỏ: Tám sai lạc (đối nghịch với tám chánh đạo) (D iii 286).
Chín ý niệm cần được từ bỏ: Chín ý niệm bắt nguồn từ khao khát (D iii 288, dẫn nguồn từ kinh Mahānidāna được PsA in lại trang 118-9, ấn bản của PTS).
Mười ý niệm cần được từ bỏ: Mười sai lạc (tám sai lạc ở trên cộng với cái biết sai lạc và giải thoát sai lạc) (D iii 290).
90. Hai loại từ bỏ: Từ bỏ bằng cách cắt đứt và từ bỏ bằng cách làm lắng dịu. Từ bỏ bằng cách cắt đứt xảy ra trong vị hành giả tu tập đạo lộ siêu thế dẫn đến hủy diệt (nhiễm lậu), và từ bỏ bằng cách làm lắng dịu xảy ra vào khoảnh khắc «đắc»quả.
Ba loại từ bỏ: thoát ly ái dục, dưới hình thức này, đó là xuất ly; thoát ly bất cứ loại vật thể nào, dưới hình thức này, đó là phi vật thể; thoát ly bất cứ cái gì hiện hữu, bất cứ cái gì được tạo thành, bất cứ cái gì sanh khởi do tùy thuộc, dưới hình thức này, đó là đoạn diệt. Ái dục bị từ bỏ và dứt bỏ trong người đã đạt được xuất ly. Bất cứ loại vật thể bị từ bỏ và dứt bỏ trong người đã chứng được «trạng thái»phi vật thể. Các hành vi tạo quả bị từ bỏ và dứt bỏ trong người đã đạt được đoạn diệt.
Bốn loại từ bỏ: khi sự hiểu rõ dưới hình thức hiểu biết trọn vẹn thấu triệt được sự thực về khổ đau, thì sự hiểu rõ ấy từ bỏ; khi [27] sự hiểu rõ dưới hình thức từ bỏ thấu triệt được sự thực về nguồn gốc của khổ đau, thì sự hiểu rõ ấy từ bỏ; khi sự hiểu rõ dưới hình thức thực chứng thấu triệt được sự thực về chấm dứt khổ đau, thì sự hiểu rõ ấy từ bỏ; khi sự hiểu rõ dưới hình thức tu tập thấu triệt được sự thực về con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau, thì sự hiểu rõ ấy từ bỏ.
Năm loại từ bỏ: từ bỏ bằng cách đè nén, từ bỏ bằng cách thay thế đức tính đối lập, từ bỏ bằng cách cắt đứt, từ bỏ bằng cách làm cho lắng dịu, từ bỏ bằng cách thoát ly. Có sự từ bỏ các chướng ngại bằng cách đè nén trong người tu tập sơ thiền; từ bỏ quan điểm (sai lạc) bằng cách thay thế quan điểm đối lập trong người tu tập định đưa đến thể nhập*; từ bỏ (nhiễm lậu) bằng cách cắt đứt trong người tu tập đạo lộ siêu thế đưa đến hủy diệt (nhiễm lậu); từ bỏ (nỗ lực tu tập) bằng cách làm lắng dịu ở khoảnh khắc «đắc»quả; từ bỏ bằng cách thoát ly là sự đoạn diệt, nibbana.
* đưa đến thể nhập: nibbedhabhāgiyaṁ.
[Tất cả]
91. ‘Này các tỳ kheo, tất cả cần được từ bỏ. Và gì là tất cả cần được từ bỏ? Mắt cần được từ bỏ, các đối tượng hữu hình cần được từ bỏ, nhận biết từ mắt cần được từ bỏ, xúc chạm ở mắt cần được từ bỏ, với xúc chạm ở mắt làm điều kiện bất cứ cảm nghiệm nào khởi lên, dù có dễ chịu, khó chịu hay không dễ chịu cũng chẳng khó chịu, cũng cần được từ bỏ... Tai cần được từ bỏ, âm thanh... Mũi cần được từ bỏ, mùi... Lưỡi cần được từ bỏ, vị... Thân cần được từ bỏ, đối tượng xúc chạm được... Ý cần được từ bỏ, đối tượng tâm ý cần được từ bỏ, nhận biết từ ý cần được từ bỏ, xúc chạm ở ý cần được từ bỏ, với xúc chạm ở ý làm điều kiện, bất cứ cảm nghiệm nào khởi lên, dù có dễ chịu, khó chịu hay không dễ chịu cũng chẳng khó chịu cũng cần được từ bỏ... (so với S iv 16).
[201 ý niệm]
92. Khi tỳ kheo thấy vật thể, vị ấy từ bỏ. Khi tỳ kheo thấy cảm nghiệm... [và cứ thế như ở đoạn 5 cho đến]... Khi tỳ kheo thấy già và chết, vị ấy từ bỏ.
93-129. Khi tỳ kheo thấy khổ vị ấy từ bỏ. Khi tỳ kheo thấy nguồn gốc của khổ... [và cứ thế như ở các đoạn 6-43 cho đến]... Khi thấy nibbana nhập vào bất tử theo nghĩa kết thúc, vị ấy từ bỏ.
130. Bất cứ ý niệm nào được từ bỏ thì bị dứt bỏ. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Vì vậy nên nói rằng: ‘Tai lắng nghe như vầy: Các ý niệm này cần được từ bỏ. Tuệ là hành vi hiểu biết tức là trí về điều đã lắng nghe (học hỏi)’.
HẾT PHẦN ĐỌC LẦN THỨ BA
[Phần iv]
131. [28] Thế nào là tuệ nhờ lắng nghe như vầy ‘Các ý niệm này cần được tu tập’ là trí biết về điều đã lắng nghe (học hỏi)?
[Mười đề nghị]
132. Một ý niệm cần được phát triển: quán về thân có khả ý đi kèm[2](D iii 272).
Hai ý niệm cần được phát triển: tĩnh lặng và quán thực tánh (D iii 273).
Ba ý niệm cần được phát triển: Ba loại định (D iii 274).
Bốn ý niệm cần được phát triển: Bốn nền tảng của quán niệm (D iii 276).
Năm ý niệm cần được phát triển: Năm yếu tố của chánh định(D iii 277).
Sáu ý niệm cần được phát triển: Sáu lãnh vực quán niệm (D iii 280).
Bẩy ý niệm cần được phát triển: Bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ (D iii 282).
Tám ý niệm cần được phát triển: Tám chánh đạo (D iii 286).
Chín ý niệm cần được phát triển: Chín yếu tố trong nỗ lực thanh lọc(D iii 288).
Mười ý niệm cần được phát triển: Mười đề mục tham thiền (D iii 290).
133. Hai loại phát triển: phát triển thế tục và phát triển siêu thế.
Ba loại phát triển: phát triển trạng thái thiện cõi sắc giới, phát triển trạng thái thiện cõi vô sắc giới, phát triển trạng thái thiện không được kể đến.* Về phát triển trạng thái thiện cõi sắc giới, có 3 loại: thấp, trung và cao. Về phát triển trạng thái thiện cõi vô sắc giới có loại thấp, trung và cao. Còn về phát triển trạng thái thiện không được kể đến (thì chỉ) có loại cao.
*không được kể đến(đứng riêng ngoài): đó làĐạo lộ . Đọc Vism. III đ. 23.
Bốn loại phát triển: khi sự hiểu rõ dưới hình thức hiểu biết trọn vẹn thấu triệt được sự thực về khổ đau, thì sự hiểu rõ ấy phát triển; khi sự hiểu rõ dưới hình thức từ bỏ thấu triệt được sự thực về nguồn gốc của khổ đau, thì sự hiểu rõ ấy phát triển; khi sự hiểu rõ dưới hình thức thực chứng thấu triệt được sự thực về chấm dứt khổ đau, thì sự hiểu rõ ấy phát triển; khi sự hiểu rõ dưới hình thức tu tập thấu triệt được sự thực về con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau, thì sự hiểu rõ ấy phát triển.
134. Bốn loại phát triển nữa: phát triển bằng cách tìm tòi, phát triển bằng cách thu đạt được, phát triển bằng tác dụng duy nhất, phát triển bằng cách lập lại.[3]
Phát triển bằng cách tìm tòilà gì? Khi bất cứ ai đi vào định, các trạng thái được tạo ra trong vị ấy có một tác dụng duy nhất (đó là giải thoát): đây là phát triển bằng cách tìm tòi (nhập định).
Phát triển bằng cách thu đạt đượclà gì? Khi bất cứ ai đã đi vào định, các trạng thái được tạo ra trong vị ấy không vượt quá nhau: đây là phát triển bằng cách thu đạt được (nhập định).
Phát triển bằng tác dụngduy nhất là gì? Khi tỳ kheo phát triển năng lực gây ảnh hưởng của tín theo nghĩa cả quyết và bốn năng lực gây ảnh hưởng (kia) có tác dụng duy nhất trong vị ấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tín, đấy là sự tu tập theo nghĩa tác dụng duy nhất trong các năng lực gây ảnh hưởng. Khi vị ấy phát triển năng lực gây ảnh hưởng [29] của tinh tấn theo nghĩa nỗ lực... qua năng lực gây ảnh hưởng của tinh tấn... Khi vị ấy phát triển năng lực gây ảnh hưởng của quán niệm theo nghĩa thiết lập... qua năng lực gây ảnh hưởng của quán niệm... Khi vị ấy phát triển năng lực gây ảnh hưởng của định theo nghĩa không phân tâm... qua năng lực gây ảnh hưởng của định... Khi vị ấy phát triển năng lực gây ảnh hưởng của tuệ theo nghĩa thấy rõ và bốn năng lực gây ảnh hưởng (kia) có tác dụng duy nhất trong vị ấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tuệ, đấy là sự phát triển theo nghĩa tác dụng duy nhất trong các năng lực gây ảnh hưởng.
Khi tỳ kheo phát triển tín lực theo nghĩa không lay chuyển vì không tin và bốn lực (kia) có tác dụng duy nhất trong vị ấy qua tín lực, đấy là sự phát triển theo nghĩa tác dụng duy nhất của các lực. Khi vị ấy phát triển tấn lực theo nghĩa không lay chuyển vì lười biếng... qua tấn lực... Khi vị ấy phát triển niệm lực theo nghĩa không lay chuyển vì xao lãng... qua niệm lực... Khi vị ấy phát triển định lực theo nghĩa không lay chuyển vì phân tâm... qua định lực... Khi vị ấy phát triển tuệ lực theo nghĩa không lay chuyển vì vô minh và bốn lực (kia) có tác dụng duy nhất trong vị ấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tuệ, đấy là sự phát triển theo nghĩa tác dụng duy nhất của các lực.
Khi tỳ kheo phát triển yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm theo nghĩa thiết lập và sáu yếu tố tạo thành giác ngộ (kia) có tác dụng duy nhất trong vị ấy qua yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm, đấy là sự phát triển theo nghĩa tác dụng duy nhất của các yếu tố tạo thành giác ngộ. Khi vị ấy phát triển yếu tố tạo thành giác ngộ của đi tìm sự thật theo nghĩa tìm hiểu... qua yếu tố tạo thành giác ngộ của đi tìm sự thật... Khi vị ấy phát triển yếu tố tạo thành giác ngộ của tinh tấn theo nghĩa nỗ lực... qua yếu tố tạo thành giác ngộ của tinh tấn... Khi vị ấy phát triển yếu tố tạo thành giác ngộ của hỉ theo nghĩa chan hòa... qua yếu tố tạo thành giác ngộ của hỉ... Khi vị ấy phát triển yếu tố tạo thành giác ngộ của tĩnh lặng theo nghĩa an lạc... qua yếu tố tạo thành giác ngộ của tĩnh lặng... Khi vị ấy phát triển yếu tố tạo thành giác ngộ của định theo nghĩa không phân tâm... qua yếu tố tạo thành giác ngộ của định... [30] Khi vị ấy phát triển yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản theo nghĩa tư duy và sáu yếu tố tạo thành giác ngộ (kia) có tác dụng duy nhất trong vị ấy qua yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản, đấy là sự phát triển theo nghĩa tác dụng duy nhất của các yếu tố tạo thành giác ngộ.
Khi vị ấy phát triển chánh kiến theo nghĩa thấy rõ và bẩy chi ngành (kia) của chánh đạo có tác dụng duy nhất trong vị ấy qua chánh kiến, đấy là sự phát triển theo nghĩa tác dụng duy nhất của các chi ngành chánh đạo. Khi vị ấy phát triển chánh tư duy theo nghĩa hướng tâm trụ vào... qua chánh kiến... Khi vị ấy phát triển chánh ngữ theo nghĩa giữ gìn lời nói... qua chánh ngữ... Khi vị ấy phát triển chánh hành theo nghĩa nguồn sanh khởi... qua chánh hành... Khi vị ấy phát triển chánh mạng theo nghĩa giữ cho sạch... qua chánh mạng... Khi vị ấy phát triển chánh tinh tấn theo nghĩa nỗ lực... qua chánh tinh tấn... Khi vị ấy phát triển chánh niệm theo nghĩa an trú... qua chánh niệm... Khi vị ấy phát triển chánh định theo nghĩa không phân tâm và bẩy chi ngành (kia) của chánh đạo có tác dụng duy nhất trong vị ấy qua chánh định, đấy là sự phát triển theo nghĩa tác dụng duy nhất của các chi ngành chánh đạo.
Đây là sự phát triển theo nghĩa tác dụng duy nhất.
Phát triển bằng cách lập lạilà gì? Ở đây vị tỳ kheo lập lại vào buổi sáng, lập lại vào buổi trưa, lập lại vào buổi chiều tối, lập lại trước khi ăn, lập lại sau khi ăn,[4]lập lại vào canh đầu, canh giữa, canh cuối, lập lại vào ban đêm, lập lại vào ban ngày, lập lại vào ban đêm và ban ngày, lập lại lúc trăng mờ một nửa, lập lại vào lúc trăng thanh một nửa, lập lại vào mùa mưa, lập lại vào mùa lạnh, lập lại vào mùa nóng, lập lại vào thời thanh xuân, lập lại vào thời trung niên, lập lại vào thời cao niên cuối đời. Đây là phát triển bằng cách lập lại.
Đây là bốn loại phát triển.
135. Bốn loại phát triển khác: [31] Phát triển theo nghĩa các trạng thái khởi lên không vượt quá nhau trong hành giả, phát triển theo nghĩa tác dụng duy nhất của năng lực gây ảnh hưởng, phát triển theo nghĩa tinh tấn thích đáng có hiệu quả, phát triển theo nghĩa lập lại.
Thế nào là phát triển theo nghĩa trạng thái khởi lên không vượt quá nhau trong hành giả ?
Khi vị ấy từ bỏ ham muốn ái dục và các trạng thái được tạo nên trong vị ấy không vượt quá nhau nhờ xuất ly, thì phát triển theo nghĩa trạng thái không vượt quá nhau được tạo nên trong vị ấy. Khi vị ấy từ bỏ sân hận... nhờ không sân hận... Khi vị ấy từ bỏ dã dượi buồn ngủ nhờ nghĩ về ánh sáng... Khi vị ấy từ bỏ dao động... nhờ không phân tâm... Khi vị ấy từ bỏ nghi hoặc nhờ tìm hiểu rõ hiện tượng... Khi vị ấy từ bỏ vô minh... nhờ trí... Khi vị ấy từ bỏ tẻ nhạt và các trạng thái được tạo nên trong vị ấy không vượt quá nhau nhờ hoan hỉ, thì phát triển theo nghĩa các trạng thái không vượt quá nhau được tạo nên trong vị ấy.
Khi vị ấy từ bỏ chướng ngại và các trạng thái được tạo nên trong vị ấy không vượt quá nhau nhờ sơ thiền, thì phát triển theo nghĩa không vượt quá trạng thái được tạo nên trong vị ấy. Khi vị ấy từ bỏ hướng tâm về đối tượng và suy xét đối tượng... nhờ nhị thiền... Khi vị ấy từ bỏ hỉ... bằng tam thiền... Khi vị ấy từ bỏ lạc và các trạng thái khởi lên trong vị ấy không vượt quá nhau nhờ tứ thiền, thì phát triển theo nghĩa trạng thái không vượt quá nhau được tạo nên trong vị ấy.
Khi vị ấy từ bỏ ý tưởng về vật thể, các ý tưởng về chống đối và các ý tưởng về sai biệt [32] và các trạng thái được tạo nên trong vị ấy không vượt quá nhau nhờ nhập định cõi không gian vô biên thì sự phát triển theo nghĩa trạng thái không vượt quá nhau được tạo nên trong vị ấy. Khi vị ấy từ bỏ ý tưởng về nhập định cõi không gian vô biên... nhờ nhập định cõi thức vô biên... Khi vị ấy từ bỏ ý tưởng về nhập định cõi thức vô biên nhờ nhập định cõi không có gì... Khi vị ấy từ bỏ ý tưởng về cõi không có gì và các trạng thái khởi lên trong vị ấy không vượt quá nhau nhờ nhập định cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức thì sự phát triển theo nghĩa các trạng thái không vượt quá nhau được tạo nên trong vị ấy.
Khi vị ấy từ bỏ ý tưởng về trường tồn và các trạng thái khởi lên trong vị ấy không vượt quá nhau nhờ quán vô thường, thì sự phát triển theo nghĩa các trạng thái không vượt quá được tạo nên trong vị ấy. Khi vị ấy từ bỏ ý tưởng về vui sướng... nhờ quán khổ... Khi vị ấy từ bỏ ý tưởng về ngã... nhờ quán không phải là ngã... Khi vị ấy từ bỏ ưa thích... nhờ quán nhàm chán ... Khi vị ấy từ bỏ tham... nhờ quán (lòng tham) phai nhạt... Khi vị ấy từ bỏ sanh khởi... nhờ quán diệt tận... Khi vị ấy từ bỏ nắm giữ... nhờ quán buông bỏ... Khi vị ấy từ bỏ ý tưởng về hợp thể chung nhờ quán hủy diệt... Khi vị ấy từ bỏ tích lũy nhờ cách quán diệt mất... Khi vị ấy từ bỏ ý tưởng về trường tồn nhờ quán biến đổi... Khi vị ấy từ bỏ dấu hiệu... nhờ quán không dấu hiệu... [33] Khi vị ấy từ bỏ mong ước nhờ quán không còn ước nguyện... Khi vị ấy từ bỏ diễn giải sai lạc nhờ quán tính không... Khi vị ấy từ bỏ diễn giải sai lạc vì nắm giữ tại lõi nhờ quán thực tánh chiếu vào các hiện tượng là tuệ tăng thượng... Khi vị ấy từ bỏ diễn giải sai lạc vì si mê nhờ thấy biết như thật... Khi vị ấy từ bỏ diễn giải sai lạc vì dựa vào (hành vi tạo quả) nhờ quán nguy hiểm... Khi vị ấy từ bỏ không tư duy nhờ quán tư duy... Khi vị ấy từ bỏ diễn giải sai lạc vì trói buộc và các trạng thái được tạo nên trong vị ấy không vượt quá nhau nhờ quán quay đi, thì sự phát triển theo nghĩa các trạng thái không vượt quá nhau sanh khởi trong vị ấy.
Khi vị ấy từ bỏ nhiễm lậu đi cùng với quan điểm sai lạc[5]và các trạng thái khởi lên trong vị ấy không vượt quá nhau nhờ đạo lộ nhập giòng, thì sự phát triển theo nghĩa các trạng thái không vượt quá nhau được tạo nên trong vị ấy. Khi vị ấy từ bỏ nhiễm lậu thô... nhờ đạo lộ trở lại một lần... Khi vị ấy từ bỏ tàn dư nhiễm lậu... nhờ đạo lộ không trở lại... Khi vị ấy từ bỏ tất cả nhiễm lậu và các trạng thái khởi lên trong vị ấy không vượt quá nhau nhờ đạo lộ arahant, thì sự phát triển theo nghĩa các trạng thái không vượt quá nhau được tạo nên trong vị ấy.
Sự phát triển theo nghĩa các trạng thái không vượt quá nhau được tạo nên trong vị ấy là như thế.
Thế nào là phát triển theo nghĩa tác dụng duy nhất của các năng lực gây ảnh hưởng ?
Khi vị ấy từ bỏ ham muốn ái dục và năm năng lực gây ảnh hưởng có tác dụng duy nhất trong vị ấy bằng xuất ly, thì sự phát triển theo nghĩa tác dụng duy nhất của các năng lực gây ảnh hưởng. Khi vị ấy từ bỏ sân hận... [và cứ thế với các chướng ngại còn lại]. [34]
Khi vị ấy từ bỏ các chướng ngại và năm năng lực gây ảnh hưởng có tác dụng duy nhất trong vị ấy bằng sơ thiền, thì sự phát triển theo nghĩa tác dụng duy nhất của các năng lực gây ảnh hưởng. Khi vị ấy từ bỏ hướng tâm về đối tượng và suy xét đối tượng... [và cứ thế với các cõi thiền còn lại].
Khi vị ấy từ bỏ nhận thức về vật thể, nhận thức về đối kháng (hay: đối ngại) nhận thức về khác biệt... [và cứ thế với các chứng đắc cõi vô sắc giới còn lại].
Khi vị ấy từ bỏ nhận thức về trường tồn... [và cứ thế với cácTuệ Quán Thực Tánhchính còn lại].
Khi vị ấy từ bỏ nhiễm lậu đi cùng với quan điểm sai lạc... [và cứ thế với các đạo lộ còn lại cho đến]... Khi vị ấy từ bỏ tất cả các nhiễm lậu và các trạng thái khởi lên trong vị ấy có tác dụng duy nhất bằng đạo lộ arahant, thì sự phát triển theo nghĩa tác dụng duy nhất của các năng lực gây ảnh hưởng.
Đó là phát triển theo nghĩa tác dụng duy nhất của các năng lực gây ảnh hưởng.
Thế nào là phát triển theo nghĩa tinh tấn thích đáng có hiệu quả ? Khi vị ấy từ bỏ ham muốn ái dục nhờ xuất ly, thì phát triển theo nghĩa tinh cần thích hợp có hiệu quả. Khi... [và cứ thế với cácchướng ngại còn lại].
Khi vị ấy từ bỏ cácchướng ngại và tinh tấn thích đáng có hiệu quả nơi vị ấy nhờ cõi sơ thiền... [và cứ thế với cáccõi thiền còn lại].
Khi vị ấy từ bỏ ý tưởng về vật thể... [và cứ thế với các chứng đắc cõi vô sắc giới còn lại].
Khi vị ấy từ bỏ ý tưởng về trường tồn... [và cứ thế với cácTuệ Quán Thực Tánhchính còn lại].
Khi vị ấy từ bỏ nhiễm lậu đi cùng với quan điểm sai lạc... [và cứ thế với các đạo lộ còn lại cho đến]... Khi vị ấy từ bỏ tất cả các nhiễm lậu và tinh tấn thích đáng có hiệu quả nơi vị ấy có tác dụng duy nhất nhờ đạo lộ arahant, thì sự phát triển theo nghĩa tinh tấn thích đáng có hiệu quả.
Đó là phát triển theo nghĩa tinh tấn thích đáng có hiệu quả.
Thế nào là phát triển theo nghĩa lập lại ? Khi vị ấy từ bỏ ham muốn ái dục và lập lại xuất ly, thì phát triển theo nghĩa lập lại. Khi... [và cứ thế với cácchướng ngại còn lại].
Khi vị ấy từ bỏ cácchướng ngại và tinh tấn thích đáng có hiệu quả nơi vị ấy bằng cõi sơ thiền... [và cứ thế với cáccõi thiền còn lại].
Khi vị ấy từ bỏ ý tưởng về vật thể... [và cứ thế với các chứng đắc cõi vô sắc giới còn lại].
Khi vị ấy từ bỏ ý tưởng về trường tồn... [và cứ thế với cácTuệ Quán Thực Tánhchính còn lại].
Khi vị ấy từ bỏ nhiễm lậu đi cùng với quan điểm sai lạc... [và cứ thế với các đạo lộ còn lại cho đến]... Khi vị ấy từ bỏ tất cả các nhiễm lậu và lập lại đạo lộ arahant, thì sự phát triển theo nghĩa lập lại.
Đó là phát triển theo nghĩa lập lại.
Đây là bốn loại phát triển.
[201 ý niệm]
136. Khi thấy rõ vật thể, vị ấy phát triển. Khi thấy rõ cảm nghiệm, vị ấy... [và cứ thế như ở đ. 5 cho đến]... Khi thấy rõ già chết, vị ấy phát triển.
137-173. Khi thấy rõ khổ đau... [và cứ thế như ở đđ. 6-43 cho đến]... Thấy rõ nibbana nhập vào bất tử qua ý nghĩa kết thúc, vị ấy phát triển.
174- Bất cứ trạng thái nào được phát triển đều có tác dụng (hương vị) duy nhất. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biết đó. Như vậy nên nói: ‘Tai lắng nghe như vầy: ‘Những ý niệm này cần được phát triển’. Tuệ là hành vi hiểu biết tức là trí về điều đã lắng nghe (học hỏi)’.
HẾT PHẦN ĐỌC LẦN THỨ TƯ
[Phần v]
175. Thế nào là tuệ nhờ lắng nghe như vầy ‘Các ý niệm này cần được thực chứng’ là trí biết về điều đã lắng nghe (học hỏi)?
[Mười đề nghị]
176. Một ý niệm cần được thực chứng: Tâm giải thoát bất động (D iii 273).
Hai ý niệm cần được thực chứng: Minh trí và giải thoát (D iii 274).
Ba ý niệm cần được thực chứng: Ba loại minh (D iii 275).
Bốn ý niệm cần được thực chứng: Bốn quả vị sa môn (D iii 277).
Năm ý niệm cần được thực chứng: Năm nhóm chánh pháp(đó là: giới, định, tuệ, giải thoát và tri kiến giải thoát (D iii 279).
Sáu ý niệm cần được thực chứng: [35] Sáu loại trí trực chứng (D iii 281).
Bẩy ý niệm cần được thực chứng: Bẩy lực của người phiền não đã bị tuyệt diệt (D iii 283).
Tám ý niệm cần được thực chứng: Tám giải thoát (D iii 288; cf. Mahānidāna, D ii 70-1).
Chín ý niệm cần được thực chứng: Chín đoạn diệt liên tiếp (D iii 290).
Mười ý niệm cần được thực chứng: Mười ý niệm cho người không còn phải học (D iii 292).
[Tất cả]
177. ‘Này các tỳ kheo, tất cả cần được thực chứng. Và gì là tất cả cần được thực chứng? Mắt cần được thực chứng, các đối tượng hữu hình cần được thực chứng, nhận biết từ mắt cần được thực chứng, xúc chạm ở mắt cần được thực chứng, với xúc chạm ở mắt làm điều kiện bất cứ cảm nghiệm nào khởi lên, dù có dễ chịu, khó chịu hay không dễ chịu cũng chẳng khó chịu, cũng cần được thực chứng... Tai cần được thực chứng, âm thanh... Mũi cần được thực chứng, mùi... Lưỡi cần được thực chứng, vị cần được thực chứng... Thân cần được thực chứng, đối tượng xúc chạm cần được thực chứng... Ý cần được thực chứng, đối tượng tâm ý cần được thực chứng, nhận biết từ ý cần được thực chứng, xúc chạm ở ý cần được thực chứng, với xúc chạm ở ý làm điều kiện, bất cứ cảm nghiệm nào khởi lên, dù có dễ chịu, khó chịu hay không dễ chịu cũng chẳng khó chịu cũng cần được thực chứng.
[201 ý niệm]
178. Khi tỳ kheo thấy vật thể, vị ấy thực chứng. Khi tỳ kheo thấy cảm nghiệm... [và cứ thế như ở đ. 5 cho đến]... Khi tỳ kheo thấy già và chết, vị ấy thực chứng.
179-215. Khi tỳ kheo thấy khổ vị ấy thực chứng... [và cứ thế như ở đđ. 6-43 cho đến]... Khi thấy rõ Nibbāna nhập vào bất tử theo nghĩa kết thúc, vị ấy thực chứng.
216. Bất cứ trạng thái nào được thực chứng đều được thể nghiệm. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tai lắng nghe như vầy: ‘Những ý niệm này cần được thực chứng. Tuệ là hành vi hiểu biết tức là trí về điều đã lắng nghe (học hỏi)’.
[Phần vi - ix]
217. Thế nào là tuệ nhờ lắng nghe như vầy ‘Các trạng thái này đưa đến suy giảm, các trạng thái này đưa đến ổn định, các trạng thái này đưa đến ưu việt, các trạng thái này đưa đến thể nhập là trí về điều đã lắng nghe (học hỏi) ? (cf. D iii 277)
218. Khi nhận thức và chú tâm suy xét có ái dục đi kèm xảy ra với người chứng sơ thiền, đó là trạng thái đưa đến suy giảm. Khi quán niệm tương thuận với cõi [thiền] đó trở nên ổn cố, đó là trạng thái đưa đến ổn định. Khi nhận thức và chú tâm suy xét không có hướng tâm vào đối tượng đi kèm xảy ra với người ấy, đó là trạng thái đưa đến ưu việt. Khi nhận thức và chú tâm suy xét có nhàm chán đi kèm [36] và liên kết với hết ham muốn xảy ra với người ấy, đó là trạng thái đưa đến thể nhập.*
*nibbedhabhāgiyo dhammo: trạng thái đưa đến thể nhập.
Khi nhận thức và chú tâm suy xét có hướng tâm vào đối tượng đi kèm xảy ra với người chứng nhị thiền, đó là trạng thái đưa đến suy giảm. Khi quán niệm tương thuận với cõi [thiền] đó trở nên ổn cố, đó là trạng thái đưa đến ổn định. Khi nhận thức và chú tâm suy xét có hạnh phúc toàn hảo của bình thản và [thân]an lạc * đi kèm xảy ra với người ấy, đó là trạng thái đưa đến ưu việt. Khi nhận thức và chú tâm suy xét có nhàm chán đi kèm và liên kết với hết ham muốn xảy ra với người ấy, đó là trạng thái đưa đến thể nhập.
* upekkhāsukha:hạnh phúc toàn hảo của bình thản và [thân] an lạc (xả lạc). Những chữ trong dấu [] do Ñāṇamoli thêm vào.
Khi nhận thức và chú tâm suy xét có hạnh phúc toàn hảo của hỉ và [thân]an lạc * đi kèm xảy ra với người chứng tam thiền, đó là trạng thái đưa đến suy giảm. Khi quán niệm tương thuận với cõi tam [thiền] đó trở nên ổn cố, đó là trạng thái đưa đến ổn định. Khi nhận thức và chú tâm suy xét có không khổ không lạc đi kèm xảy ra với người ấy, đó là trạng thái đưa đến ưu việt. Khi nhận thức và chú tâm suy xét có nhàm chán đi kèm và liên kết với hết ham muốn xảy ra với người ấy, đó là trạng thái đưa đến thể nhập.
*pītisukha:hạnh phúc toàn hảo của hỉ và [thân] an lạc (hỉ lạc).
Khi nhận thức và chú tâm suy xét có hạnh phúc toàn hảo của bình thản và [thân] an lạc đi kèm xảy ra với người chứng tứ thiền, đó là trạng thái đưa đến suy giảm. Khi quán niệm tương thuận với cõi [thiền] đó trở nên ổn cố, đó là trạng thái đưa đến ổn định. Khi nhận thức và chú tâm suy xét có cõi không gian vô biên đi kèm xảy ra với người ấy, đó là trạng thái đưa đến ưu việt. Khi nhận thức và chú tâm suy xét có nhàm chán đi kèm và liên kết với hết ham muốn xảy ra với người ấy, đó là trạng thái đưa đến thể nhập.
Khi nhận thức và chú tâm suy xét có sắc thể đi kèm xảy ra với người chứng cõi không gian vô biên, đó là trạng thái đưa đến suy giảm. Khi quán niệm tương thuận với cõi [thiền] đó trở nên ổn cố, đó là trạng thái đưa đến ổn định. Khi nhận thức và chú tâm suy xét có cõi không gian vô biên đi kèm xảy ra với người ấy, đó là trạng thái đưa đến ưu việt. Khi nhận thức và chú tâm suy xét có nhàm chán đi kèm và liên kết với hết ham muốn xảy ra với người ấy, đó là trạng thái đưa đến thể nhập.
Khi nhận thức và chú tâm suy xét có cõi không gian vô biên đi kèm xảy ra với người chứng cõi thức vô biên, đó là trạng thái đưa đến suy giảm. Khi quán niệm tương thuận với [sự chứng đắc] đó trở nên ổn cố, đó là trạng thái đưa đến ổn định. Khi nhận thức và chú tâm suy xét có cõi không có gì đi kèm xảy ra với người ấy, đó là trạng thái đưa đến ưu việt. Khi nhận thức và chú tâm suy xét có nhàm chán đi kèm và liên kết với hết ham muốn xảy ra với người ấy, đó là trạng thái đưa đến thể nhập.
Khi nhận thức và chú tâm suy xét có cõi thức vô biên đi kèm xảy ra với người chứng cõi không có gì, đó là trạng thái đưa đến suy giảm. Khi quán niệm tương thuận với [sự chứng đắc] đó trở nên ổn cố, đó là trạng thái đưa đến ổn định. Khi nhận thức và chú tâm suy xét có cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức đi kèm xảy ra với người ấy, đó là trạng thái đưa đến ưu việt. Khi nhận thức và chú tâm suy xét có nhàm chán đi kèm và liên kết với hết ham muốn xảy ra với người ấy, đó là trạng thái đưa đến thể nhập.
219. [37] Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biết đó. Như vậy nên nói: ‘Tai lắng nghe như vầy: ‘Các trạng thái này đưa đến suy giảm, các trạng thái này đưa đến ổn định, các trạng thái này đưa đến ưu việt, các trạng thái này đưa đến thể nhập. Tuệ là hành vi hiểu biết tức là trí về điều đã lắng nghe (học hỏi)’.
[Phần x - xii]
220. Thế nào là tuệ nhờ lắng nghe như vầy: ‘Tất cả các hành vi tạo quả đều vô thường, tất cả các hành vi tạo quả đều khổ đau, tất cả các hiện tượng đều không phải là ngã’ là trí về điều đã lắng nghe (học hỏi) ? (Dh 277-9).
221. Tai lắng nghe như vầy: Vật thể là vô thường theo nghĩa hủy diệt, khổ theo nghĩa hãi hùng,[6]không phải là ngã theo nghĩa không có lõi.Trí về cái được nghe tới (học hỏi) là tuệ như là hành vi hiểu biếtđiều học hỏi đó. Tai lắng nghe như vầy: Cảm nghiệm... [và cứ thế với 201 ý niệm còn lại như trong đ. 5 cho đến]... Tai lắng nghe như vầy: Già và chết là vô thường theo nghĩa hủy diệt, khổ theo nghĩa hãi hùng,không phải là ngã theo nghĩa không có lõi. Trí biết về điều đã lắng nghe (học hỏi) là tuệ như là hành vi hiểu biếtvề điều đó.
222. Như vậy nên nói: ‘Tai lắng nghe như vầy:Tất cả các hành vi tạo quả đều vô thường, tất cả các hành vi tạo quả đều khổ đau, tất cả các hiện tượng đều không phải là ngã’. Tuệ là hành vi hiểu biết tức là trí biết về điều đã lắng nghe (học hỏi).
[Phần xiii - xvi]
223. Thế nào là tuệ nhờ lắng nghe như vầy: ‘Đây là sự thực cao cả về khổ, đây là sự thực cao cả về nguồn gốc của khổ, đây là sự thực cao cả về diệt khổ, đây là sự thực cao cả về con đường diệt khổ, là trí biết về điều đã lắng nghe (học hỏi) ?
224. Trong đó, sự thực cao cả về khổ là gì? Sanh là khổ, già là khổ, chết là khổ, khổ não và ta thán, đau đớn, khổ sở và tuyệt vọng là khổ, không thích mà gặp là khổ, thích mà phải lìa là khổ, cầu không được là khổ, nói tóm lại, năm tập hợp [làm đối tượng] cho bám níu là khổ.[7]
225. Trong đó, sanh là gì? Sự sanh vào các đẳng loại khác nhau của các chúng sanh, sự sanh ra của chúng, hạ sanh (vào tử cung), sự sanh đẻ, sự biểu hiện các tập hợp, sự hình thành các nền tảng [cho thức], đây được gọi là sanh (S ii 3).
226. Trong đó, già là gì? Sự già nua của các đẳng loại khác nhau của các chúng sanh, tuổi già của chúng, răng rụng, tóc bạc da nhăn, sinh khí giảm suy và năng lực gây ảnh hưởng yếu đuối đi, đây được gọi là già (S ii 2).
227. [38] Trong đó, chết là gì? Sự chết của các đẳng loại khác nhau của các chúng sanh, sự qua đời của họ, tan rã, tiêu mất, chết, hết tuổi thọ, các tập hợp rã ra, thây nằm xuống, năng lực gây ảnh hưởng của sinh khí bị gián đoạn, đây được gọi là chết (S ii 2).
228. Trong đó, khổ não là gì? Khổ não, phiền não, áo não, khổ não trong tâm, khổ não lớn lao trong tâm,* đốt cháy tâm can, khổ sở, mũi tên sầu ở người mất thân quyến hay mất của hay mất sức khỏe hay mất thói quen hay mất «chánh»kiến hay người bị ảnh hưởng bởi khổ đau này hay khổ đau khác, như vậy gọi là khổ não (M iii 249, «D iii 235»).[8]
* Tiếng Pāḷi là: soko, socanā, socitattaṁ, antosoko, antoparisoko. Tiếng Anh dịch là: sorrow, sorrowing, sorrowfulness, inner sorrow, inner sorriness. Giữ phong thái ấy tôi dịch là: khổ não, phiền não, áo não, khổ não trong tâm, khổ não lớn lao trong tâm.
229. Trong đó, ta thán là gì?Ai oán và than thở, than van và thương tiếc, phàn nàn và rên rỉ, nói nhảm, la hét, om sòm, kêu la ở người mất thân quyến hay mất của hay mất sức khỏe hay mất thói quenhay mất «chánh»kiến* hay người bị ảnh hưởng bởi phiền muộn này hay phiền muộn khác, như vậy gọi là ta thán (M iii 249).
230. Trong đó, đau đớn là gì? Khó chịu thân xác, khổ thân xác, cái gì cảm thấy khó chịu và đau đớn sanh do xúc chạm với thân, cảm giác khó chịu và đau đớn sanh do xúc chạm với thân, như vậy gọi là đau đớn (M iii 250).
231. Trong đó, khổ sở là gì? Tâm khó chịu, khổ tâm, cái gì cảm thấy khó chịu và đau đớn sanh do xúc chạm với tâm, cảm thọ khó chịu và đau đớn sanh do xúc chạm với tâm, như vậy gọi là khổ sở (M iii 250).
232. Trong đó, tuyệt vọng là gì? Ưu phiền và thất vọng, sầu não và tuyệt vọng, não ruột và vô vọng ở người mất thân quyến, mất của, mất sức khỏe, mất thói quen,[9]mất «chánh»kiến* hay người bị ảnh hưởng bởi phiền muộn này hay phiền muộn khác, như vậy gọi là tuyệt vọng (so với M iii 250).
* diṭṭhivyasanena:mất «chánh»kiến, dịch theo Maurice Walshe, The Long Discourses of the Buddha, Wisdom Publications [Boston, 1995] D iii 235.
233. Trong đó, không thích mà gặp là gì? Ở đây [39] sự gặp gỡ, chung đụng, trùng phùng, kinh nghiệm các vật hữu hình, âm thanh, mùi, vị, vật xúc chạm được không ưa thích, không mong mỏi, không mừng đón, hay với [những ai] muốn gây tổn hại đến người khác, muốn tán bại người khác, cái gì không phải là duyên hệ khắng khít, như vậy gọi là không thích mà gặp là khổ.
234. Trong đó, thích mà phải lìa là gì? Ở đây không gặp gỡ, không chung đụng, không trùng phùng, không kinh nghiệm các vật hữu hình, âm thanh, mùi, vị, vật xúc chạm được vốn được ưa thích, mong mỏi, mừng đón, hay với [những ai] muốn tốt lành đến với người khác, muốn cho an lành, muốn cho thoải mái, cái gì là duyên hệ khắng khít, hay là mẹ hay cha hay anh em trai gái hay bạn hữu hay bạn đồng hành hay thân quyến hay bà con, là cái được gọi là thích mà phải lìa là khổ.
235. Trong đó, cầu không được là khổ là gì? Với người phải chịu sanh có ao ước này: — mong rằng mình không phải chịu sanh chi phối và mong rằng sanh không đến với mình. Nhưng [chỉ] ao ước không thôi, làm sao thành tựu ao ước đó được. Đây là cầu không được là khổ. Với người phải chịu già có ao ước này:... Với người phải chịu bệnh có ao ước này:... Với người phải chịu chết có ao ước này:... Với người phải chịu khổ não và ta thán, đau đớn, khổ sở và tuyệt vọng có ao ước này: — mong rằng mình không phải chịu khổ não và ta thán, đau đớn, khổ sở và thất vọng chi phối và mong rằng khổ não và ta thán, đau đớn, khổ sở và tuyệt vọng đó không đến với mình. Nhưng [chỉ] ao ước không thôi, làm sao thành tựu ao ước đó được. Đây là cầu không được là khổ (M iii 250).
236. Trong đó, nói tóm lại, năm tập hợp [làm đối tượng] cho bám níu là khổ là gì? Đó là tập hợp vật thể [làm đối tượng] cho bám níu, tập hợp cảm nghiệm [làm đối tượng] cho bám níu, tập hợp nhận thức [làm đối tượng] cho bám níu, tập hợp tạo lập tâm trạng [làm đối tượng] cho bám níu, tập hợp thức [làm đối tượng] cho bám níu. Các tập hợp [làm đối tượng] cho bám níu này là khổ. Đây là sự thực cao cả về khổ (M iii 250).
237. Trong đó, sự thực cao cả về nguyên nhân của khổ là gì? Đó là khao khát vốn tạo thêm hiện hữu trở thành, có ưa thích và tham đi kèm, ưa thích cái này cái kia, đó là khao khát ái dục, khao khát hiện hữu, khao khát diệt tận (M iii 250).
238. [40] Nhưng khao khát sanh khởi ở đâu, trú ở chỗ nào? Trong thế gian này, khao khát sanh khởi nơi khả ái và khả ý, và trú ở nơi đó. Và trong thế gian này, cái gì khả ái và khả ý? Mắt là khả ái và khả ý: khao khát sanh khởi ở nơi nào, nó trú ở nơi đó. Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý... Đối tượng hữu hình... Âm thanh... Mùi... Vị... Vật xúc chạm được... Nhận biết từ mắt... Nhận biết từ tai... Nhận biết từ mũi... Nhận biết từ lưỡi... Nhận biết từ thân... Nhận biết từ ý... Đối tượng tâm ý... Xúc chạm ở mắt... Xúc chạm ở tai... Xúc chạm ở mũi... Xúc chạm ở lưỡi... Xúc chạm ở thân... Xúc chạm ở ý... Cảm nghiệm sanh do tiếp xúc với mắt... Cảm nghiệm sanh do tiếp xúc với tai... Cảm nghiệm sanh do tiếp xúc với mũi... Cảm nghiệm sanh do tiếp xúc với lưỡi... Cảm nghiệm sanh do tiếp xúc với thân... Cảm nghiệm sanh do tiếp xúc với ý... Nhận thức về đối tượng hữu hình... Nhận thức về âm thanh... Nhận thức về mùi... Nhận thức về vị... Nhận thức về vật xúc chạm được... Nhận thức về đối tượng tâm ý... Chủ ý về đối tượng hữu hình... Chủ ý về âm thanh... Chủ ý về mùi... Chủ ý về vị... Chủ ý về vật xúc chạm được... Chủ ý về đối tượng tâm ý... Khao khát đối tượng hữu hình... Khao khát âm thanh... Khao khát mùi... Khao khát vị... Khao khát vật xúc chạm được... Khao khát đối tượng tâm ý... Hướng tâm về đối tượng hữu hình... Hướng tâm về âm thanh... Hướng tâm về mùi... Hướng tâm về vị... Hướng tâm về vật xúc chạm được... Hướng tâm về đối tượng tâm ý... Suy xét về đối tượng hữu hình... Suy xét về âm thanh... Suy xét về mùi... Suy xét về vị... Suy xét về vật xúc chạm được... Suy xét về đối tượng tâm ý khả ái và khả ý: khao khát sanh khởi ở nơi nào, nó trú ở nơi đó.
Đây là sự thực cao cả về nguồn gốc của khổ đau (M iii 250).
239. Trong đó, sự thực cao cả về diệt khổ là gì? Là sự phai nhạt và ngưng hẳn, khước từ, từ bỏ, buông bỏ và bác bỏ không còn dư tàn của chính lòng khao khát đó (M iii 251).
240. Nhưng khao khát bị từ bỏ ở đâu, nó diệt ở chỗ nào? Trong thế gian này, khao khát bị từ bỏ nơi khả ái và khả ý, và nó diệt ở nơi đó. Và trong thế gian này, cái gì khả ái và khả ý? Mắt là khả ái và khả ý... [và cứ thế như ở đ. 237]... Suy xét về đối tượng tâm ý khả ái và khả ý: khao khát bị từ bỏ ở nơi nào, nó diệt ở nơi đó. Đây được gọi là sự thực cao cả về diệt khổ.
241. Trong đó, sự thực cao cả về con đường diệt khổ là gì? Chính là thánh đạo tám ngành, đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, [41] chánh hành, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
242. Trong đó, chánh kiến là gì? Là trí biết về khổ, trí biết về nguyên nhân của khổ, trí biết về diệt khổ, trí biết về con đường diệt khổ. Đây được gọi là chánh kiến.
243. Trong đó, chánh tư duy là gì? Là nghĩ về xuất ly, nghĩ về không sân hận, nghĩ về không tàn hại. Đây được gọi là chánh tư duy.
244. Trong đó, chánh ngữ là gì? Tránh không nói dối, tránh không nói lời gây thù oán, tránh không nói lời thô ác, tránh không nói nhăng cuội.* Đây được gọi là chánh ngữ.
* nói nhăng cuội: nói mách lẻo, nói nhảm nhí, nói tào lao...
245. Trong đó, chánh hành là gì? Tránh không sát hại sinh linh, tránh không lấy của không cho, tránh không tà dâm. Đây được gọi là chánh hành.
246. Trong đó, chánh mạng là gì? Ở đây người thánh đệ tử sau khi đã từ bỏ nghề bất chính, sống bằng nghề chân chính. Đây được gọi là chánh mạng.
247. Trong đó, chánh tinh tấn là gì? Ở đây một tỳ kheo khởi lên ý muốn không để cho sanh khởi các ý tưởng bất thiện chưa sanh, và vị ấy cố gắng, tâm nỗ lực mãnh liệt và ráng hết sức. Vị ấy khởi lên ý muốn từ bỏ các ý tưởng bất thiện đã sanh khởi, và vị ấy cố gắng... Vị ấy khởi lên ý muốn cho sanh khởi các ý tưởng thiện chưa sanh, và vị ấy cố gắng... Vị ấy khởi lên ý muốn duy trì, không để diệt mất, củng cố, gia tăng, phát triển và hoàn thiện các ý tưởng thiện đã sanh khởi, và vị ấy cố gắng, tâm nỗ lực mãnh liệt và ráng hết sức. Đây được gọi là chánh tinh tấn.
248. Trong đó, chánh niệm là gì? Ở đây một tỳ kheo sống quán thân đúng như thân, nhiệt tâm, hiểu biết tường tận và có quán niệm, sau khi từ bỏ tham lam và buồn đau ở đời. Vị ấy sống quán cảm giác đúng như cảm giác, nhiệt tâm... sống quán tâm đúng như tâm, nhiệt tâm... sống quán thân đúng như thân, nhiệt tâm... Vị ấy sống quán đối tượng tâm ý đúng như đối tượng tâm ý, nhiệt tâm, hiểu biết tường tận và có quán niệm, sau khi từ bỏ tham lam và buồn đau ở đời. Đây được gọi là chánh niệm.
249. Trong đó, chánh định là gì? Ở đây hoàn toàn sống cách ly khỏi ái dục, sống cách ly khỏi những ý tưởng bất thiện, vị tỳ kheo chứng và trú sơ thiền có hỉ và lạc [của thân] do cách ly sanh, có hướng tâm và suy xét đối tượng đi kèm. Với sự an tĩnh của hướng tâm và suy xét đối tượng, vị tỳ kheo chứng và trú nhị thiền, vốn có [42] tín và nhất tâm, có hỉ và lạc [của thân] do định sanh, không có hướng tâm vào đối tượng, không có suy xét đối tượng. Từ bỏ hỉ, vị ấy trú trong bình thản, có quán niệm và hiểu biết tường tận, cảm thấy thân lạc, vị ấy chứng và trú tam thiền như các bậc Thánh đã tuyên bố: ‘Người thản nhiên và có quán niệm sống trong an lạc’. Từ bỏ khổ đau và lạc [của thân] và với sự diệt mất hỉ và khổ sở từ trước, vị ấy chứng và trú từ thiền, vốn không khổ không lạc và có sự thanh tịnh của quán niệm do bình thản. Đây được gọi là chánh định.
Đây được gọi là sự thực cao cả về con đường diệt khổ.
250. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tai lắng nghe như vầy: Đây là sự thực cao cả về khổ, đây là sự thực cao cả về nguồn gốc của khổ, đây là sự thực cao cả về diệt khổ, đây là sự thực cao cả về con đường diệt khổ. Tuệ là hành vi hiểu biết tức là trí biết về điều đã lắng nghe (học hỏi)’.
[CHƯƠNG II - GIỚI]
251. Thế nào là tuệ về chế ngự sau khi nghe (học hỏi) là trí về giới ?
252. Năm loại giới: giới dưới hình thức thanh lọc có hạn, giới dưới hình thức thanh lọc vô hạn, giới dưới hình thức thanh lọc trọn vẹn, giới dưới hình thức thanh lọc không bị diễn giải sai lạc,[10]giới dưới hình thức thanh lọc đã lắng dịu.
253. Trong đó, giới dưới hình thức thanh lọc có hạn là gì? Là các học giới dành cho những người chưa hoàn toàn gia nhập Tăng Đoàn: như vậy là giới dưới hình thức thanh lọc có hạn.
254. Giới dưới hình thức thanh lọc vô hạn là gì? Là những học giới dành cho những người đã hoàn toàn gia nhập Tăng Đoàn: như vậy là giới dưới hình thức thanh lọc vô hạn.
255. Giới dưới hình thức thanh lọc trọn vẹn là gì? Là các học giới của những người thế tục rộng lượng, những người đang hoàn thiện [khóa học] đưa đến quả vị hữu học (còn tu tập), bất chấp thân thể mạng sống, sau khi từ bỏ hẳn [bám níu] vào cuộc sống: như vậy là giới dưới hình thức thanh lọc trọn vẹn.
256. Giới dưới hình thức thanh lọc không bị diễn giải sai lạc là gì? Là giới cho bẩy loại hữu học (còn tu tập): [11]như vậy là giới dưới hình thức thanh lọc không bị diễn giải sai lạc. [43]
257. Giới dưới hình thức thanh lọc đã được lắng dịu [12]là gì? Là của các đệ tử phiền não đã hết, của bậc Toàn Giác, của Phật Độc Giác (Pacceka), của các bậc Toàn Giác đã thành tựu và giác ngộ toàn triệt: như vậy là giới dưới hình thức thanh lọc đã được lắng dịu.
258. Cógiới có hạn độ và có giới vô hạn độ. Trong đó, giới có hạn độ là gì? Có giới lấy lợi lộc làm hạn độ, có giới lấy danh làm hạn độ, có giới lấy thân quyến làm hạn độ, có giới lấy tay chân làm hạn độ, có giới lấy mạng sống làm hạn độ.
Giới lấy lợi lộc làm hạn độ là gì? Ở đây với lợi lộc làm nhân, với lợi lộc làm điều kiện, với lợi lộc làm nguyên nhân có người vi phạm học giới đã thọ: giới như thế lấy lợi lộc làm hạn độ.
Giới lấy danh làm hạn độ là gì? Ở đây với danh làm nhân... có người vi phạm học giới đã thọ: giới như thế lấy danh làm hạn độ.
Giới lấy thân quyến làm hạn độ là gì? Ở đây với thân quyến làm nhân... có người vi phạm học giới đã thọ: giới như thế lấy thân quyến làm hạn độ.
Giới lấy tay chân làm hạn độ là gì? Ở đây với tay chân làm nhân... có người vi phạm học giới đã thọ: giới như thế lấy tay chân làm hạn độ.
Giới lấy mạng sống làm hạn độ là gì? Ở đây với mạng sống làm nhân, với mạng sống làm điều kiện, với mạng sống làm nguyên nhân có người vi phạm học giới đã thọ: giới như thế lấy mạng sống làm hạn độ.
Những loại giới như thế bị rách toang, bị lủng, vấy bẩn, loang lỗ, các giới ấy không đem lại giải thoát, không được bậc trí giới thiệu, các giới ấy bị hiểu sai lạc, không đưa đến định, không là nền tảng cho bất hối, không là nền tảng cho hân hoan, không là nền tảng cho tĩnh lặng, không là nền tảng cho hạnh phúc, không là nền tảng cho định, không là nền tảng cho thấy biết như thật; các giới ấy không đưa đến nhàm chán hoàn toàn, đến hết ham muốn, đến diệt tận, đến an tịnh, đến trí trực chứng, đến giác ngộ, đến nibbana: giới như thế có hạn độ.[13]
259. Giới vô hạn độ là gì? Có giới [44] không lấy lợi lộc làm hạn độ, có giới không lấy danh làm hạn độ, có giới không lấy thân quyến làm hạn độ, có giới không lấy tay chân làm hạn độ, có giới không lấy mạng sống làm hạn độ.
Giới không lấy lợi lộc làm hạn độ là gì? Ở đây có người, với lợi lộc làm nhân, với lợi lộc làm điều kiện, với lợi lộc làm nguyên nhân, không gợi lên ngay cả ý tưởng phạm giới, thì làm sao người ấy sẽ thực sự vi phạm học giới đã thọ? Giới như thế không lấy lợi lộc làm hạn độ.
Giới không lấy danh làm hạn độ là gì? Ở đây có người, với danh làm nhân... Giới như thế không lấy danh làm hạn độ.
Giới không lấy thân quyến làm hạn độ là gì? Ở đây có người, với thân quyến làm nhân... Giới như thế không lấy thân quyến làm hạn độ.
Giới không lấy tay chân làm hạn độ là gì? Ở đây có người, với tay chân làm nhân... Giới như thế lấy tay chân làm hạn độ.
Giới không lấy mạng sống làm hạn độ là gì? Ở đây có người, với mạng sống làm nhân, với mạng sống làm điều kiện, với mạng sống làm nguyên nhân, không gợi lên ngay cả ý tưởng phạm giới, thì làm sao người ấy sẽ thực sự vi phạm học giới đã thọ? Giới như thế không lấy mạng sống làm hạn độ.
Những loại giới như thế không bị rách toang, không bị lủng, không bị vấy bẩn, không bị loang lỗ, các giới ấy đem lại giải thoát, được bậc trí giới thiệu, các giới ấy không bị hiểu sai lạc, đưa đến định, là nền tảng cho bất hối, là nền tảng cho hân hoan, là nền tảng cho tĩnh lặng, là nền tảng cho hạnh phúc, là nền tảng cho định, là nền tảng cho thấy biết như thật; các giới ấy đưa đến nhàm chán hoàn toàn, đến hết ham muốn, đến diệt tận, đến an tịnh, đến trí trực chứng, đến giác ngộ, đến nibbana: giới như thế không có hạn độ.
260. Giới là gì? Có bao nhiêu loại giới? Giới bắt nguồn từ đâu? Giới phối hợp với bao nhiêu ý niệm?
261. Giới là gì ? Có giới là chủ ý, giới là tâm phụ tùy, giới là chế ngự, giới là không xâm phạm.
262. Có bao nhiêu loại giới ? Có ba loại giới (thói quen); giới (thói quen) thiện, giới (thói quen) bất thiện, giới (thói quen) bất định tính.
263. Giới bắt nguồn từ đâu ? Giới (thói quen) thiện bắt nguồn từ tâm thiện, [45] giới (thói quen) bất thiện bắt nguồn từ tâm bất thiện, giới (thói quen) bất định tính bắt nguồn từ tâm bất định.
264. Giới phối hợp với bao nhiêu ý niệm ?
Giới phối hợp với chế ngự, giới phối hợp với không vi phạm, giới phối hợp với ý chí tạo ra trạng thái [như chế ngự và không vi phạm chẳng hạn].
Về sát hại sanh linh, giới có nghĩa là chế ngự, giới có nghĩa là không vi phạm. Về lấy của không cho... dâm dục... nói dối... nói lời độc ác... nói lời thô bạo... nói nhăng cuội... tham lam... sân hận... Về quan điểm sai lạc, giới có là nghĩa chế ngự, giới có nghĩa là không vi phạm.
Về ham muốn ái dục, nhờ xuất ly, giới có nghĩa là chế ngự, giới có nghĩa là không vi phạm. Về sân hận, nhờ không sân hận, giới có nghĩa... Về dã dượi buồn ngủ, nhờ nghĩ đến ánh sáng, giới có nghĩa... Về dao động, nhờ không tán loạn... Về hồ nghi, nhờ tìm hiểu kỹ hiện tượng... Về vô minh, nhờ trí... Về tẻ nhạt, nhờ hân hoan, giới có nghĩa là chế ngự, giới có nghĩa là không vi phạm.
Về chướng ngại, nhờ sơ thiền, giới có nghĩa là chế ngự, giới có nghĩa là không vi phạm. Về hướng tâm về đối tượng và suy xét đối tượng, nhờ nhị thiền... Về hỉ, nhờ tam thiền... Về lạc và khổ, nhờ tứ thiền, giới có nghĩa là chế ngự, giới có nghĩa là không vi phạm.
Trong trường hợp nhận thức về sắc thể, nhận thức về chống đối và nhận thức về khác biệt, nhờ chứng cõi không gian vô biên, giới có nghĩa chế ngự, giới có nghĩa không vi phạm. Trong trường hợp nhận thức về cõi không gian vô biên, nhờ chứng cõi thức vô biên... Trong trường hợp nhận thức về cõi thức vô biên, nhờ chứng cõi không có gì... Trong trường hợp nhận thức về cõi không có gì, nhờ chứng cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức, giới có nghĩa là chế ngự, giới có nghĩa là không vi phạm.
Trong trường hợp nhận thức về trường tồn, nhờ quán vô thường, giới có nghĩa là chế ngự, giới có nghĩa là không vi phạm. Trong trường hợp nhận thức về vui sướng, nhờ quán khổ... Trong trường hợp nhận thức về ngã, nhờ quán không phải là ngã... Trong trường hợp nhận thức về thích thú, nhờ quán nhàm chán... Trong trường hợp ý tưởng về tham lam, nhờ quán sự phai nhạt của ham muốn... Trong trường hợp ý tưởng về sanh khởi, nhờ quán diệt... Trong trường hợp nhận thức về bám níu, nhờ quán từ bỏ... Trong trường hợp nhận thức về hợp thể chung, nhờ quán hủy diệt... Trong trường hợp nhận thức về tích lũy, nhờ quán diệt mất... trong trường hợp nhận thức về trường tồn, nhờ quán thay đổi... Trong trường hợp dấu hiệu [của hành vi tạo quả], nhờ quán không dấu hiệu... Trong trường hợp ước nguyện, nhờ quán không còn ước nguyện... Trong trường hợp giải thích sai lạc, nhờ quán tánh không... Trong trường hợp giải thích sai lạc vì tham, nhờ quán thực tánh các hiện tượng vốn là tuệ tăng thượng... Trong trường hợp giải thích sai lạc vì mơ hồ lẫn lộn, nhờ thấy biết như thật... Trong trường hợp giải thích sai lạc vì dựa vào [hành vi tạo quả], nhờ quán hiểm nguy... Trong trường hợp không tư duy, nhờ quán tư duy... [46] Trong trường hợp giải thích sai lạc vì trói buộc, nhờ quán quay đi, giới có nghĩa là chế ngự, giới có nghĩa là không vi phạm.
Trong trường hợp các nhiễm lậu đi cùng với quan điểm sai lạc, nhờ đạo lộ nhập giòng, giới có nghĩa chế ngự, giới có nghĩa không vi phạm. Trong trường hợp các nhiễm lậu thô, nhờ đạo lộ trở lại một lần... Trong trường hợp các nhiễm lậu còn xót lại, nhờ đạo lộ không trở lại... Trong trường hợp tất cả các nhiễm lậu, nhờ đạo lộ arahant, giới có nghĩa chế ngự, giới có nghĩa không vi phạm.
265. Năm loại giới.
Trong trường hợp sát sanh, từ bỏ là giới, kiêng tránh là giới, chủ ý là giới, chế ngự là giới, không vi phạm là giới. Những giới như thế dẫn tâm đến bất hối, đến hân hoan, đến hỉ, đến lắng dịu, đến vui vẻ, đến lập lại, đến phát triển, đến phong phú, đến thiện mỹ, đến điều kiện cần thiết [cho định], đến trang bị [cho định], đến toàn thiện, đến nhàm chán hoàn toàn, đến hết ham muốn, đến đoạn diệt, đến an tịnh, đến trí trực chứng, đến giác ngộ, đến nibbana: sự thanh lọc dưới hình thức chế ngự trong những giới như thế là giới tăng thượng. Trong tiến trình thanh lọc dưới hình thức chế ngự, tâm được định không trở nên tán loạn: sự thanh lọc dưới hình thức không tán loạn trong những giới như thế là tâm tăng thượng. Vị ấy thấy đúng như thật tiến trình thanh lọc dưới hình thức chế ngự, và vị ấy thấy đúng như thật tiến trình thanh lọc dưới hình thức không tán loạn: sự thanh lọc dưới hình thức thấy rõ là tuệ tăng thượng. Ở đây, ý nghĩa của chế ngự là huân tập trong giới tăng thượng; ở đây, ý nghĩa của không tán loạn là huân tập trong tâm tăng thượng; ở đây, ý nghĩa của thấy rõ là huân tập trong giới tăng thượng.[14]Vị ấy tu tập bằng cách hướng đến ba loại huân tập này, vị ấy huân tập bằng cách biết rõ chúng, bằng cách thấy rõ chúng, bằng cách duyệt xét chúng, bằng cách củng cố [tâm] vững vàng trên chúng, bằng cách cả quyết bằng lòng tin về chúng, bằng cách nỗ lực thực hiện, bằng cách thiết lập quán niệm, bằng cách định tâm, bằng cách hiểu với trí tuệ, bằng cách chứng biết trực tiếp điều cần được chứng biết trực tiếp, bằng cách hiểu biết trọn vẹn điều cần phải hiểu biết trọn vẹn, bằng cách từ bỏ điều cần phải từ bỏ, bằng cách thực chứng điều cần phải thực chứng, vị ấy huân tập bằng cách tu tập điều cần phải tu tập.
Trong trường hợp lấy của không cho... [và cứ thế với 10 tiến trình <tạo nghiệp> bất thiện như ở đ. 264, lập lại từng trường hợp còn lại như ở đ. 265 nói trên]...
Trong trường hợp ham muốn ái dục, nhờ xuất ly... [lập lại từng chướng ngại còn lại của đ. 264 như ở đ. 265 nói trên]... [47]
Trong trường hợp các chướng ngại, nhờ sơ thiền...
Trong trường hợp ý tưởng về sắc thể, ý tưởng về chống đối và ý tưởng về khác biệt, nhờ chứng cõi không gian vô biên...
Trong trường hợp nhận thức về trường tồn, nhờ quán vô thường...
Trong trường hợp các nhiễm lậu đi cùng với quan điểm sai lạc, nhờ đạo lộ nhập giòng... Trong trường hợp các nhiễm lậu thô, nhờ đạo lộ trở lại một lần... Trong trường hợp các nhiễm lậu còn xót lại, nhờ đạo lộ không trở lại... Trong trường hợp tất cả các nhiễm lậu, nhờ đạo lộ arahant, từ bỏ là giới, kiêng tránh là giới, chủ ý là giới, chế ngự là giới, không vi phạm là giới, những giới như thế dẫn đến tâm không ăn năn, vị ấy huân tập bằng cách tu tập điều cần phải tu tập. [48]
266. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ về chế ngự sau khi lắng nghe (học hỏi) là trí về giới’.
[CHƯƠNG III - ĐỊNH]
267. Thế nào là tuệ về định sau khi chế ngự là trí về tu tập định?
268. Một loại định: Sự hợp nhất của tâm.
Hai loại định: Định thế gian và định siêu thế.
Ba loại định: Định có hướng tâm về đối tượng và suy xét đối tượng, định không có hướng tâm về đối tượng và chỉ có suy xét đối tượng, định không có cả hướng tâm về đối tượng và suy xét đối tượng.
Bốn loại định: Định có đặc tính suy giảm, định có đặc tính ổn định, định có đặc tính ưu việt, định có đặc tính thể nhập. (D iii 277)
Năm loại định: Chan hòa (thấm vào) hạnh phúc toàn hảo của hỉ, chan hòa (thấm vào) lạc, chan hòa (thấm vào) bình thản, chan hòa (thấm vào) ánh sáng, dấu hiệu của duyệt xét.
Sáu loại định: Định là sự hợp nhất tâm thức và không xao lãng khi tưởng niệm đức Phật, định... khi tưởng niệm Giáo Pháp, định... khi tưởng niệm Tăng Đoàn, định... khi tưởng niệm giới... định... khi tưởng niệm đến bố thí rộng rãi, định là sự hợp nhất tâm thức và không xao lãng khi quán tưởng đến chư thiên.
Bẩy loại định: Thiện xảo trong định, thiện xảo trong đắc định, thiện xảo duy trì định, thiện xảo khi xuất định, [49] thiện xảo trong sự lành mạnh của định, thiện xảo trong lãnh vực của định, thiện xảo trong việc hướng dẫn định.
Tám loại định: Định là sự hợp nhất tâm thức và không xao lãng khi quán đề mục đất... định... khi quán đề mục nước... khi quán đề mục lửa... khi quán đề mục đất... khi quán đề mục gió... khi quán tưởng đề mục mầu xanh... khi quán đề mục mầu vàng... khi quán đề mục mầu đỏ... định là sự hợp nhất tâm thức và không xao lãng khi quán tưởng đề mục mầu trắng.
Chín loại định: Có loại định cõi sắc giới hạ trung thượng; có loại định cõi vô sắc giới hạ trung thượng; có loại định tánh không; có loại định không dấu hiệu; có loại định không ước nguyện.
Mười loại định: Định là sự hợp nhất tâm thức và không xao lãng khi quán tưởng đến «tử thi»phình trương, định... đến xanh đen, định... đến máu mủ, định... đến nứt nẻ (đứt lìa), định... đến thú xé ăn... định... đến phân lìa, định... rã rục, định... chảy máu, định... bị sâu khoét, định là sự hợp nhất tâm thức và không xao lãng khi quán tưởng đến bộ xương.
Có năm mươi lăm loại định.
269. Hơn nữa, định có hai mươi lăm nghĩa: Định có nghĩa là giữ vững, định có nghĩa là trang bị... định có nghĩa là hoàn thành... có nghĩa là hợp nhất... không phân tâm... không phân tán... không huyên náo... không dao động... định có nghĩa là giải thoát, định vì sự ổn cố của tâm trong việc thiết lập nhất điểm, định (samādhi) vì gắng thành tựu nhất như (samaṁ), định vì không thành tựu khác biệt, định vì gắng thành tựu nhất như, định vì không thành tựu bất nhất, định vì nhập vào nhất như, định vì không nhập vào bất nhất, định vì nhất như được nhập vào, định vì không nhập vào bất nhất, định vì nhất như được thắp sáng lên (jhāyati), định vì nó thiêu đốt (jhāpeti) bất nhất, định vì nhất như được thắp sáng lên, định vì bất nhất bị thiêu đốt, định vì nó là nhất như, phúc lạc. Đây là hai mươi lăm nghĩa của định.[15]
270. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Định sau khi chế ngự là trí về tu tập định’. [50]
[CHƯƠNG IV - SANH KHỞI DO TÙY THUỘC]
271. Thế nào là tuệ phân biệt rõ* các điều kiện là trí biết về liên hệ nhân quả (hiện hữu) giữa các hiện tượng?
*pariggaha:xin đọc chú thích về chữ này ở đoạn 23, Luận I này.
Vô minh có liên hệ nhân quả (hiện hữu) với sự sanh khởi của các hành vi tạo quả, có liên hệ nhân quả (hiện hữu) với sự tiếp tục tái diễn của chúng, có liên hệ nhân quả (hiện hữu) với điều kiện để còn hành vi tạo quả, có liên hệ nhân quả (hiện hữu) với sự tích lũy của chúng, có liên hệ nhân quả (hiện hữu) với trói buộc của chúng, có liên hệ nhân quả (hiện hữu) với chướng ngại của chúng, có liên hệ nhân quả (hiện hữu) với nguồn gốc của chúng, có liên hệ nhân quả (hiện hữu) với nhân của chúng, có liên hệ nhân quả (hiện hữu) với nguyên nhân của chúng. Tuệ phân biệt rõ các điều kiện như vầy ‘Vô minh là một điều kiện, các hành vi tạo quả được sanh khởi có điều kiện, và cả hai trạng thái này đều được sanh khởi có điều kiện’ theo chín khía cạnh là trí về liên hệ nhân quả giữa các trạng thái. Vô minh trong quá khứ cũng như trong tương lai có liên hệ nhân quả với sự sanh khởi của các hành vi tạo quả, có liên hệ nhân quả với sự xảy ra của chúng,... có liên hệ nhân quả với nguyên nhân của chúng. Tuệ phân biệt rõ các điều kiện như vầy... [như trên]... theo chín khía cạnh là trí về liên hệ nhân quả giữa các trạng thái.
Các hành vi tạo quả có liên hệ nhân quả với sự sanh khởi của thức...
Thức có liên hệ nhân quả với sự sanh khởi của tâm thức-vật thể...
Tâm thức-vật thể có liên hệ nhân quả với sự sanh khởi của sáu giác quan...
Sáu giác quan có liên hệ nhân quả với sự sanh khởi của xúc...
Xúc có liên hệ nhân quả với sự sanh khởi của cảm nghiệm...
Cảm nghiệm có liên hệ nhân quả với sự sanh khởi của khao khát...
Khao khát có liên hệ nhân quả với sự sanh khởi của bám níu...
Bám níu có liên hệ nhân quả với sự sanh khởi của trở thành...
Trở thành có liên hệ nhân quả với sự sanh khởi của sanh...
Sanh có liên hệ nhân quả với sự sanh khởi của già chết, ... liên hệ nhân quả với sự tái diễn của nó, liên hệ nhân quả với dấu hiệu của nó, liên hệ nhân quả với sự tích lũy của nó, liên hệ nhân quả với trói buộc của nó, liên hệ nhân quả với chướng ngại của nó, liên hệ nhân quả với sự sanh khởi của nó, liên hệ nhân quả với nguyên nhân của nó, liên hệ nhân quả với điều kiện của nó. Tuệ phân biệt... là trí về liên hệ nhân quả giữa các trạng thái.
272. Tuệ phân biệt rõ các điều kiện như vầy: ‘Vô minh là nguyên nhân, các hành vi tạo quả được sanh khởi có nguyên nhân, và cả hai trạng thái này được khởi lên có nguyên nhân’ là [51] trí về liên hệ nhân quả giữa các trạng thái. Tuệ phân biệt rõ các điều kiện như vầy: ‘Trong quá khứ cũng như trong tương lai vô minh là nguyên nhân, các hành vi tạo quả được sanh khởi có nguyên nhân, và cả hai trạng thái này được sanh khởi có nguyên nhân’ là trí về liên hệ nhân quả giữa các trạng thái. Tuệ phân biệt rõ các điều kiện như vầy: ‘Các hành vi tạo quả là nguyên nhân, thức được sanh khởi có nguyên nhân, và cả hai trạng thái này được sanh khởi có nguyên nhân’... ‘Thức là nguyên nhân, tâm thức và vật thể được sanh khởi có nguyên nhân, và cả hai trạng thái này được sanh khởi có nguyên nhân’... ‘Tâm thức và vật thể là nguyên nhân, sáu giác quan được sanh khởi có nguyên nhân, và cả hai trạng thái này được sanh khởi có nguyên nhân’... ‘Sáu giác quan là nguyên nhân, xúc được sanh khởi có nguyên nhân, và cả hai trạng thái này được sanh khởi có nguyên nhân’... ‘Xúc là nguyên nhân, cảm nghiệm được sanh khởi có nguyên nhân, và cả hai trạng thái này được sanh khởi có nguyên nhân’... Cảm nghiệm là nguyên nhân, khao khát được sanh khởi có nguyên nhân, và cả hai trạng thái này được sanh khởi có nguyên nhân’... Khao khát là nguyên nhân, bám níu được sanh khởi có nguyên nhân, và cả hai trạng thái này được sanh khởi có nguyên nhân’... ‘Bám níu là nguyên nhân, trở thành được sanh khởi có nguyên nhân, và cả hai trạng thái này được sanh khởi có nguyên nhân’... ‘Trở thành là nguyên nhân, sanh được sanh khởi có nguyên nhân, và cả hai trạng thái này được sanh khởi có nguyên nhân’... Tuệ phân biệt rõ các điều kiện như vầy: ‘Sanh là nguyên nhân, già và chết được sanh khởi có nguyên nhân, và cả hai trạng thái này được sanh khởi có nguyên nhân,’ là trí về liên hệ nhân quả giữa các trạng thái. Tuệ phân biệt rõ các điều kiện như vầy: ‘Trong quá khứ cũng như trong tương lai sanh là nguyên nhân, già và chết được sanh khởi có nguyên nhân, và cả hai trạng thái này được sanh khởi có nguyên nhân,’ là trí về liên hệ nhân quả giữa các trạng thái.
273. Tuệ phân biệt rõ các điều kiện như vầy: ‘Vô minh là tùy thuộc, các hành vi tạo quả được sanh khởi do tùy thuộc, và cả hai trạng thái này được sanh khởi do tùy thuộc’ là trí biết về liên hệ nhân quả giữa các trạng thái. Tuệ phân biệt rõ các điều kiện như vầy: ‘Trong quá khứ cũng như trong tương lai vô minh là tùy thuộc, các hành vi tạo quả được sanh khởi do tùy thuộc, và cả hai trạng thái này được sanh khởi do tùy thuộc’ là trí... [cứ thế hoàn tất đoạn này như ở đ. 272 nhưng thay chữ ‘nguyên nhân’ bằng chữ ‘tùy thuộc’].
274. Tuệ phân biệt rõ các điều kiện như vầy: ‘Vô minh là một điều kiện, [52] các hành vi tạo quả được sanh khởi có điều kiện, và cả hai trạng thái này được sanh khởi có điều kiện’ là trí về liên hệ nhân quả giữa các trạng thái. Tuệ phân biệt rõ các điều kiện như vầy: ‘Trong quá khứ cũng như trong tương lai vô minh là một điều kiện, các hành vi tạo quả được sanh khởi có điều kiện, và cả hai trạng thái này được sanh khởi có điều kiện,’ là trí... [cứ thế hoàn tất đoạn này như ở đ. 272 nhưng thay chữ ‘nguyên nhân’ bằng chữ ‘điều kiện’].
275. [16]Trong hiện hữu với tiến trình tạo nghiệp có từ trước* [kiếp sống này] có si mê, tức là vô minh; có tích lũy, tức là hành vi tạo quả, có quyến luyến, tức là khao khát; có nắm giữ,2*tức là bám níu; có chủ ý, tức là trở thành; như vậy trong tiến trình tạo nghiệp, năm thành tố đó hiện hữu từ trước [kiếp sống này] là những điều kiện cho kết sanh ở đây [trong kiếp hiện tiền này].
* kamma-bhava, dịch theo sửa đổi củaÑāṇamoli ở Vism. ch. XVII đ.292 vì ý rõ hơn. Đọc thêm Vism. XVII 250f. PED của PTS trang 499 nói là: ‘Trong nghiệp dẫn đến trở thành có từ trước’.
2* dịch theo Vism. XIX đ. 13.
Ở đây [trong kiếp hiện tiền này] có kết sanh, tức là thức, có nhập [vào tử cung], tức là tâm thức và vật thể; có cảm tính giác quan, tức là căn cứ [cho xúc chạm]; có vật được xúc chạm, tức là xúc; có cái cảm nhận được, tức là cảm nghiệm; như vậy trong tiến trình luân hồi ở đây, năm thành tố này có những điều kiện trong hành vi tạo quả đã làm ở quá khứ.
Ở đây [trong kiếp hiện tiền này] với sự chín mùi các căn cứ có si mê, tức là vô minh; có tích lũy, tức là hành vi tạo quả; có quyến luyến, tức là khao khát; có nắm giữ, tức là bám níu; có chủ ý, tức là trở thành; như vậy trong tiến trình tạo nghiệp, năm thành tố này là những điều kiện cho kết sanh ở tương lai.
Trong tương lai có kết sanh, tức là thức, có nhập [vào tử cung] tức là tâm thức và vật thể; có cảm tính giác quan, tức là căn cứ [cho xúc chạm]; có vật được xúc chạm, tức là xúc; có cái cảm nhận được, tức là cảm nghiệm; như vậy trong tiến trình luân hồi, năm thành tố này có điều kiện trong hành vi tạo quả làm ở đây [trong kiếp hiện tiền này].
Nên vị ấy biết, thấy, nhận chân, hiểu rõ bốn trường hợp diễn dịch như thế [nguyên nhân quá khứ, kết quả hiện tiền, nguyên nhân hiện tại, kết quả ở tương lai], ba thời, và sự phát sanh do tùy thuộc với ba kết nối, theo hai mươi hình thái này [năm hình thái cho mỗi trường hợp diễn dịch].
276. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ phân biệt rõ các điều kiện là trí về liên hệ nhân quả giữa các trạng thái.’
[CHƯƠNG V - HIỂU BIẾT TOÀN DIỆN]
(đọc S ii 107ff.)
277. [53]Thế nào là tuệ định rõ các hiện tượng quá khứ, hiện tại, tương lai sau khi diễn dịch [17]là trí hiểu biết toàn diện?
278. Bất cứ vật thể nào, dù là quá khứ, tương lai hay hiện tại, trong hay ngoài, thô hay tế, thấp kém hay cao sang, xa hay gần - vị ấy định rõ rằng tất cả vật thể là vô thường: đây là một loại trí hiểu biết toàn diện. Vị ấy định rõ nó là khổ đau: đây là một loại trí hiểu biết toàn diện. Vị ấy định rõ nó không phải là ngã: đây là một loại trí hiểu biết toàn diện. Bất cứ cảm nghiệm nào... Bất cứ nhận thức nào... Bất cứ tạo lập tâm trạng nào... Bất cứ thức nào, dù là quá khứ, tương lai hay hiện tại, trong hay ngoài, thô hay tế, thấp kém hay cao sang, xa hay gần - vị ấy định rõ tất cả thức là vô thường: đây là một loại trí hiểu biết toàn diện. Vị ấy định rõ nó là khổ đau: đây là một loại hiểu biết toàn diện. Vị ấy định rõ nó không phải là ngã: đây là một loại trí hiểu biết toàn diện.
Mắt, dù là quá khứ, tương lai hay hiện tại,... [và cứ thế với 201 ý niệm còn lại liệt kê ở đ. 5 cho đến]... Già và chết, dù là quá khứ, tương lai hay hiện tại, vị ấy định rõ là vô thường: đây là một loại trí hiểu biết toàn diện. Vị ấy định rõ nó là khổ đau: đây là một loại trí hiểu biết toàn diện. Vị ấy định rõ nó không phải là ngã: đây là một loại trí hiểu biết toàn diện.
279. Sau khi diễn dịch, tuệ định rõ như vầy: ‘Vật thể, dù là quá khứ, tương lai hay hiện tại, là vô thường theo nghĩa hủy diệt, khổ đau theo nghĩa hãi hùng, không phải là ngã theo nghĩa không có cốt lõi’ là một loại trí hiểu biết toàn diện. Sau khi tóm lược lại, tuệ định rõ như vầy: ‘Cảm nghiệm... Nhận thức... Tạo lập tâm trạng... Thức dù là quá khứ, tương lai hay hiện tại, là vô thường theo nghĩa hủy diệt, khổ đau theo nghĩa hãi hùng, không phải là ngã theo nghĩa không có cốt lõi’ là một loại trí hiểu biết toàn diện.
Sau khi diễn dịch, tuệ định rõ như vầy: Mắt, dù là quá khứ, tương lai hay hiện tại,... [và cứ thế với 201 ý niệm còn lại liệt kê ở đ. 5 cho đến]... Già và chết, dù là quá khứ, tương lai hay hiện tại, là vô thường theo nghĩa hủy diệt, khổ đau theo nghĩa hãi hùng, không phải là ngã theo nghĩa không có cốt lõi’ là một loại trí hiểu biết toàn diện.
280. Sau khi diễn dịch, tuệ định rõ như vầy: Vật thể, dù là quá khứ, tương lai hay hiện tại, là vô thường, được tạo thành, sanh khởi do tùy thuộc, phải chịu hủy diệt, phải chịu diệt mất, phải chịu hết ham muốn, phải chịu diệt tận’ là trí hiểu biết toàn diện.
Sau khi diễn dịch, tuệ định rõ như vầy: ‘Mắt, dù là quá khứ, tương lai hay hiện tại, ... [và cứ thế với 201 ý niệm còn lại liệt kê ở đ. 5 cho đến]... Già và chết, dù là quá khứ, tương lai hay hiện tại, là vô thường được tạo thành, sanh khởi do tùy thuộc, phải chịu hủy diệt, phải chịu diệt mất, phải chịu hết ham muốn, phải chịu diệt tận’ là trí hiểu biết toàn diện. [54]
281. Sau khi diễn dịch, tuệ định rõ như vầy: ‘Với sanh làm điều kiện nên có già và chết; nếu không có sanh làm điều kiện sẽ không có già và chết’ là trí hiểu biết toàn diện. Sau khi diễn dịch, tuệ định rõ như vầy: ‘Trong quá khứ và cả vị lai cũng thế, với sanh làm điều kiện nên có già và chết; nếu không có sanh làm điều kiện sẽ không có già và chết’ là trí hiểu biết toàn diện.
Sau khi diễn dịch, tuệ định rõ như vầy: ‘Với trở thành làm điều kiện nên có sanh; nếu không có trở thành làm điều kiện sẽ không có sanh... [và cứ thế với các yếu tố còn lại của Sanh Khởi Do Tùy Thuộc cho đến]... Sau khi diễn dịch, tuệ định rõ như vầy: ‘Với vô minh làm điều kiện nên có hành vi tạo quả, nếu không có vô minh làm điều kiện sẽ không có hành vi tạo quả là trí hiểu biết toàn diện. Sau khi diễn dịch, tuệ định rõ như vầy: ‘Trong quá khứ và cả vị lai cũng thế, với vô minh làm điều kiện nên có hành vi tạo quả, nếu không có vô minh làm điều kiện sẽ không có hành vi tạo quả’ là trí hiểu biết toàn diện.
282. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Sau khi diễn dịch, tuệ định rõ các hiện tượng quá khứ, hiện tại, tương lai là trí hiểu biết toàn diện.’
[1]Câu ‘cần được hiểu biết trọn vẹn’ được thay cho ‘cần được chứng biết trực tiếp’ của phần i.
[2]Câu ‘có khả ý đi kèm’ được giả định là muốn đề cập tới Vin iii (Pā. i). Nhóm năm là: chan hòa lạc, hỉ, tâm (ceto), ánh sáng, biểu tượng tư duy. Nhóm chín là: thanh tịnh của giới hạnh, tâm, quan điểm, nghi hoặc, biết và thấy cái gì là đạo và cái gì không phải là đạo, biết và thấy đạo lộ, biết và thấy (đọc Majjhimanikāya, kinh số 24), tuệ và giải thoát.
[3]esanā không phải chỉ cho danh từ ‘mong ngóng’ ... như tự điển PTS đã nêu ra, nhưng là hành vi kiếm tìm: ở đây hành vi kiếm tìm nhập định. Āsevanā có nghĩa ‘trau giồi’ như ‘lập đi lập lại’ theo thuật ngữ Abhidhamma.
[4]thiếu chữ Pacchābhattaṁ āsevati trong bản của PTS.
[5]Diṭṭhekaṭṭhā ‘đi kèm với quan điểm sai lạc’ = các trạng thái đi kèm với quan điểm sai lạc. Chú giải phân biệt 3 loại đi kèm <loại thứ nhất là ‘đi kèm với quan điểm sai lạc’ vừa nói. Còn hai loại kia là:> (2) ‘cùng bị từ bỏ’ (pahānekaṭṭhā) = đó là các trạng thái đi kèm với quan điểm sai lạc và bị từ bỏ cùng với quan điểm sai lạc ấy bằng đạo lộ nhập giòng; (3) ’cùng sanh khởi’ (sahajekaṭṭhā) = đó là các trạng thái cùng sanh khởi với quan điểm sai lạc trong một tâm duy nhất (Chú giải trang 94, ấn bản Tích Lan; đọc Vbh 366 và chú giải của nó).
[6]viết làdukkhaṁ bhayaṭṭhena trong cả hai trường hợp.
[7]Xin tham khảo thêm ở D ii 305, bản Miến Điện ở India Office Library và bản Thái Lan; S v 241về đoạn nói về Bốn Sự Thực này.
[8]Tôi (Ñāṇamoli) đã cố nghĩ nhiều về một chữ: đó là soko (khổ não), socanā (phiền não), socitattaṁ (áo não), antosoko (nội tâm khổ não), antoparisoko (nội tâm ưu não)... khi đổi sang chữ chuyển hóa từ các danh từ khác, động từ khác..., thì đứt sự liên hệ <PsA (trang 155 PTS edn.) và PsGp (trang 97) nói dhamma ở đây có nghĩa là hetu (đó là nhân của khổ đau.>
[9]Sīla cũng còn có nghĩa rộng hơn giới đức theo nghĩa thói quen hay tập quán có tính thiện hay bất thiện. Ở đây muốn nói đến nghĩa rộng này. Đọc Vism Ch. 1.
[10]Đọc Vism I đ. 35 và XXII đ. 58 để biết về chữ chuyển hóa từ parāmāsa (dính mắc).
[11]Bảy loại ‘hữu học’ (sekha) là các vị đã chứng 4 đạo lộ và 3 quả vị đầu. Còn vị đã chứng quả vị Arahant đã tốt nghiệp, ‘không còn học nữa’ (asekha).
[12]Chữ đã được lắng dịu (passaddha) dùng ở đây hay ở chỗ khác có nghĩa là chấm dứt, ngưng nỗ lực khi đã đạt được mục đích. <chữ ‘cầm chắc’ chính xác hơn ‘đạt được’>.
[13]Về các giới bị rách toang... xin đọc A iv 55, «D ii 80; A iii 322; S iv 272».
[14]Có lẽ người ta nên dịch là: ‘ở đây, bất cứ mục đích nào dưới hình thức chế ngự là huân tập thuộc giới tăng thượng, ở đây, bất cứ mục đích nào dưới hình thức không tán loạn là huân tập thuộc tâm tăng thượng, ở đây, bất cứ mục đích nào dưới hình thức thấy rõ là huân tập thuộc tuệ tăng thượng’.
[15]So với các đoạn 23, 31, 265. Chú giải cắt nghĩa là định được năm năng lực gây ảnh hưởng kể từ tín quyện lấy, vì định là một trong năm năng lực ấy. Mỗi năng lực được trang bị bằng bốn năng lực kia (trang 166, ấn bản Sinhalese, tiếng Tích Lan).
[16]<về bốn ‘trường hợp diễn dịch’, đọc phần ghi chú giới thiệu về Luận 1>
[17]sau khi diễn dịch (saṅkhipitvā) muốn đề cập tới bốn trường hợp diễn dịch (catusaṅkhepā) ở đ. 275.
283.Thế nào là tuệ quán sự biến đổi của các hiện tượng đang hiện khởi là trí quán sanh diệt?
284. Vật thể đang hiện khởi là [vật thể] đã được tạo ra; đặc tính của sự phát sanh này là sanh, đặc tính biến đổi của nó là diệt, quán sanh diệt ấy là trí. Cảm nghiệm đang hiện khởi... Nhận thức đang hiện khởi... Tạo lập tâm trạng đang hiện khởi... Thức đang hiện khởi đã được tạo ra; đặc tính của sự phát sanh này là sanh, đặc tính biến đổi của nó là diệt, quán sanh diệt ấy là trí.
Mắt đang hiện khởi... [và cứ thế với 201 ý niệm còn lại liệt kê ở đ. 5 cho đến]... Trở thành đang hiện khởi là hiện hữu đã được tạo ra; đặc tính của sự phát sanh này là sanh, đặc tính biến đổi của nó là diệt, quán sanh diệt ấy là trí.
285. Người thấy sự sanh của năm tập hợp thì thấy được bao nhiêu đặc tính của chúng? Người thấy sự diệt của năm tập hợp thì thấy được bao nhiêu đặc tính của chúng? Người thấy sự sanh diệt của năm tập hợp thì thấy được bao nhiêu bao nhiêu đặc tính của chúng?
Người thấy sự sanh của năm tập hợp thì thấy được hai mươi lăm đặc tính. Người thấy sự diệt của năm tập hợp thì thấy được hai mươi lăm đặc tính. Người thấy sự sanh diệt của năm tập hợp thì thấy được hai mươi lăm đặc tính. [55]
286. Người thấy sự sanh của tập hợp vật thể thì thấy được bao nhiêu đặc tính? Người thấy sự diệt của tập hợp vật thể thì thấy được bao nhiêu đặc tính? Người thấy sự sanh diệt của tập hợp vật thể thì thấy được bao nhiêu đặc tính? Người thấy sự sanh của tập hợp cảm nghiệm thì thấy được bao nhiêu đặc tính?... của tập hợp nhận thức...? ... của tập hợp tạo lập tâm trạng...? Người thấy được sự sanh của tập hợp thức thì thấy bao nhiêu đặc tính? Người thấy sự diệt của tập hợp thức thì thấy được bao nhiêu đặc tính? Người thấy sự sanh diệt của tập hợp thức thì thấy được bao nhiêu đặc tính?
Người thấy sự sanh của tập hợp vật thể thì thấy được năm đặc tính, người thấy sự diệt của nó thì thấy năm đặc tính, người thấy sự sanh diệt của nó thì thấy được mười đặc tính. Người thấy được sự sanh của tập hợp cảm nghiệm... của tập hợp nhận thức... của tập hợp tạo lập tâm trạng... Người thấy sự sanh của tập hợp thức thì thấy được năm đặc tính, người thấy sự diệt của nó thì thấy được năm đặc tính, người thấy được sự sanh diệt của nó thì thấy mười đặc tính.
287. Người thấy sự sanh của tập hợp vật thể thì thấy được năm đặc tính nào?
Người thấy sự sanh của tập hợp vật thể theo nghĩa căn nguyên có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của vô minh nên có sanh khởi của vật thể. Người thấy sự sanh của tập hợp vật thể theo nghĩa căn nguyên có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của khao khát nên có sanh khởi của vật thể. Người thấy sự sanh của tập hợp vật thể theo nghĩa căn nguyên có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của hành vi tạo quả (kamma) nên có sanh khởi của vật thể. Người thấy sự sanh của tập hợp vật thể theo nghĩa căn nguyên có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của dưỡng tố nên có sanh khởi của vật thể. Người thấy đặc tính của sự phát sanh thì thấy được sự sanh của tập hợp vật thể.
Người thấy sự sanh của tập hợp vật thể thì thấy được năm đặc tính này.
Người thấy sự diệt của tập hợp vật thể thì thấy được năm đặc tính nào?
Người thấy sự diệt của tập hợp vật thể theo nghĩa đoạn diệt có điều kiện như vầy: Với sự đoạn diệt của vô minh nên có sự đoạn diệt của vật thể. Người thấy sự diệt của tập hợp vật thể theo nghĩa đoạn diệt có điều kiện như vầy: Với sự đoạn diệt của khao khát ... Với sự đoạn diệt của hành vi tạo quả (kamma)... Với sự đoạn diệt của dưỡng tố nên có sự đoạn diệt của vật thể. Người thấy [56] đặc tính biến đổi thì thấy được sự diệt của tập hợp vật thể.
Người thấy sự diệt của tập hợp vật thể thì thấy được năm đặc tính này.
Người thấy sanh diệt thì thấy được mười đặc tính này.
288. Người thấy sự sanh của tập hợp cảm nghiệm thì thấy được năm đặc tính nào?
Người thấy sự sanh của tập hợp cảm nghiệm theo nghĩa căn nguyên có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của vô minh nên có sự sanh khởi của cảm nghiệm. Người thấy sự sanh của tập hợp cảm nghiệm theo nghĩa căn nguyên có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của khao khát... Với sự sanh khởi của hành vi tạo quả (kamma)... Với sự sanh khởi của xúc chạm nên có sự sanh khởi của cảm nghiệm. Người thấy đặc tính của sự phát sanh thì thấy được sự sanh của tập hợp cảm nghiệm.
Người thấy sự sanh của tập hợp cảm nghiệm thì thấy được năm đặc tính này.
Người thấy sự diệt của tập hợp cảm nghiệm thì thấy được năm đặc tính nào?
Người thấy sự diệt của tập hợp cảm nghiệm theo nghĩa đoạn diệt có điều kiện như vầy: Với sự đoạn diệt của vô minh... Với sự đoạn diệt của khao khát... Với sự đoạn diệt của hành vi tạo quả (kamma)... Với sự đoạn diệt của xúc chạm nên có đoạn diệt của cảm nghiệm. Người thấy đặc tính biến đổi thì thấy được sự diệt của tập hợp cảm nghiệm.
Người thấy sự diệt của tập hợp cảm nghiệm thì thấy được năm đặc tính này.
Người thấy sanh diệt thì thấy được mười đặc tính này.
289. Người thấy sự sanh của tập hợp nhận thức thì thấy được năm đặc tính nào?
Người thấy sự sanh của tập hợp nhận thức... [hoàn tất như ở đ. 288].
Người thấy sanh diệt thì thấy được mười đặc tính này.
290. Người thấy sự sanh của tập hợp tạo lập tâm trạng thì thấy được năm đặc tính nào?
Người thấy sự sanh của tập hợp tạo lập tâm trạng... [hoàn tất như ở đ. 288].
Người thấy sanh diệt thì thấy được mười đặc tính này.
291. Người thấy sự sanh của tập hợp thức thì thấy được năm đặc tính nào?
Người thấy được sự sanh của tập hợp thức theo nghĩa căn nguyên có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của vô minh... Với sự sanh khởi của khao khát... Với sự sanh khởi của hành vi tạo quả (kamma)... Với sự sanh khởi của tâm thức-vật thể nên có sự sanh khởi của thức. Người [57] thấy đặc tính của sự phát sanh thì thấy được sự sanh của tập hợp thức.
Người thấy sự sanh của tập hợp thức thì thấy năm đặc tính này.
Người thấy sự diệt của tập hợp thức thì thấy năm đặc tính nào?
Người thấy sự diệt của tập hợp thức theo nghĩa đoạn diệt có điều kiện như vầy: Với sự đoạn diệt của vô minh... Với sự đoạn diệt của khao khát... Với sự đoạn diệt của hành vi tạo quả... Với sự đoạn diệt của tâm thức-vật thể nên có sự đoạn diệt của thức. Người thấy đặc tính của biến đổi thấy được sự đoạn diệt của tập hợp thức.
Người thấy sanh diệt thì thấy được mười đặc tính này.
292. Người thấy sự sanh của năm tập hợp thì thấy được hai mươi lăm đặc tính này; người thấy sự diệt của năm tập hợp thì thấy được hai mươi lăm đặc tính này; người thấy sự sanh diệt của chúng thì thấy được năm mươi đặc tính này.
293. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ quán sự biến đổi của các hiện tượng đang hiện hữu là trí quán sanh diệt.’
294. Tập hợp vật thể có bốn yếu tố chính* làm căn nguyên; ba tập hợp tâm kia là cảm nghiệm, nhận thức và tạo lập tâm trạng có xúc làm căn nguyên; còn tập hợp thức có tâm thức-vật thể làm căn nguyên của nó (đọc M iii 17)
*bốn yếu tố chính là: đất, nước, gió, lửa. Dịch theo M iii 17.
[CHƯƠNG VII - DIỆT]
295.Thế nào là tuệ quán sự diệt [của tâm]sau khi quán tưởng về đối tượng là trí quán thực tánh?
296. Tâm có vật thể làm đối tượng khởi lên và diệt đi. Sau khi quán tưởng điều ấy xong, tỳ kheo quán sự diệt của tâm đó.
Vị ấy quán: người ấy quán ra sao? Người ấy quán vô thường, chứ không quán trường tồn; vị ấy quán khổ đau [58] chứ không quán vui sướng, vị ấy quán không phải là ngã chứ không quán là ngã; vị ấy trở nên nhàm chán, không lấy làm ưa thích; làm cho lòng tham phai nhạt đi, vị ấy không khêu gợi nó; vị ấy làm cho diệt tận, chứ không sanh khởi; vị ấy buông bỏ, chứ không nắm giữ. Khi quán vô thường vị ấy từ bỏ nhận thức về trường tồn; khi quán khổ vị ấy từ bỏ nhận thức về vui sướng; khi quán không phải là ngã vị ấy từ bỏ nhận thức về ngã; khi vị ấy trở nên nhàm chán vị ấy từ bỏ ưa thích; khi lòng tham của vị ấy phai nhạt đi, vị ấy từ bỏ tham; khi vị ấy làm cho diệt tận, vị ấy từ bỏ sanh khởi; khi vị ấy buông bỏ, vị ấy không nắm giữ.
Tâm có cảm nghiệm làm đối tượng khởi lên... [hoàn tất như trên]...
Tâm có nhận thức làm đối tượng khởi lên...
Tâm có tạo lập tâm trạng khởi lên...
Tâm có thức làm đối tượng khởi lên... [hoàn tất như trên]... khi vị ấy buông bỏ, vị ấy không nắm giữ.
Tâm có mắt làm đối tượng khởi lên... [và cứ thế với 201 ý niệm còn lại liệt kê ở đ. 5 cho đến]...
Tâm có già và chết làm đối tượng khởi lên... [hoàn tất như trên]... khi vị ấy buông bỏ, vị ấy không nắm giữ.
297. Sự thay thế đối tượng
Sự thuyên chuyển tuệ tri
Năng lực tạo chú ý - Đây là
Quán thực tánh theo sau tư duy.
Thấy cả hai giống nhau
Do suy luận từ một đối tượng,
Chú tâm vào diệt - đây là
Quán thực tánh trong tướng diệt.
Sau khi suy tưởng về đối tượng
Vị ấy quán hoại diệt,
từ đó biểu lộ rỗng không - đây
là quán thực tánh tăng thượng
Thuần thục về ba quán tưởng,
Và cả về quán thực tánh bốn phần,
Thuần thục ba biểu hiện
Các quan điểm sai lạc khác sẽ không lay chuyển vị ấy.
298. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ quán sự diệt [của tâm] sau khi quán tưởng về đối tượng là trí quán thực tánh.’
[59][CHƯƠNG VIII - BIỂU HIỆN HÃI HÙNG]
299.Thế nào là tuệ về biểu hiện hãi hùng là trí quán nguy hiểm?
300. (1. a) Tuệ về biểu hiện hãi hùng như vầy: ‘Nguồn sanh khởi của hiện hữu là hãi hùng’ là trí quán nguy hiểm. Tuệ về biểu hiện hãi hùng như vầy: ‘Tiếp tục tái diễn hiện hữu là hãi hùng’... ‘Điều kiện để còn sanh tử là hãi hùng’... ‘Tích lũy là hãi hùng’... ‘Kết sanh là hãi hùng’... ‘Cảnh giới sẽ tái sanh vào là hãi hùng’... ‘Sanh sản là hãi hùng’... ‘Tái sanh khởi là hãi hùng’... ‘Sanh là hãi hùng’... ‘Già là hãi hùng’... ‘Bệnh là hãi hùng’... ‘Chết là hãi hùng’... ‘Khổ não là hãi hùng’... ‘Ta thán là hãi hùng’... Tuệ về biểu hiện hãi hùng như vầy ‘Tuyệt vọng là hãi hùng’ là trí quán nguy hiểm.
(1. b) Trí về trạng thái an lạc (santipada) là điều này: ‘không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu là an ổn’. Trí về trạng thái an lạc là điều này: ‘không tiếp tục tái diễn hiện hữu là an ổn’ ... [và cứ thế với 15 ý niệm còn lại liệt kê ở đ. 18]... Trí về trạng thái an lạc là điều này: ‘Không tuyệt vọng là an ổn’.
(1. c) Trí về trạng thái an lạc là điều này: ‘Nguồn sanh khởi của hiện hữu là hãi hùng, không sanh khởi là an ổn’... [và cứ thế như ở đ. 18]... Trí về trạng thái an lạc là điều này: ‘Tuyệt vọng là hãi hùng và không tuyệt vọng là an ổn’.
301. (2.a) Tuệ về biểu hiện hãi hùng như vầy: ‘Nguồn sanh khởi của hiện hữu là khổ đau’ là trí quán nguy hiểm... [và cứ thế như ở đ. 19]... Tuệ về biểu hiện hãi hùng như vầy ‘Tuyệt vọng là khổ đau’ là trí quán nguy hiểm.
(2.b) Trí về trạng thái an lạc là điều này ‘không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu là hạnh phúc toàn hảo’... Trí về trạng thái an lạc là điều này ‘Không tuyệt vọng là hạnh phúc toàn hảo’.
(2.c) Trí về trạng thái an lạc là điều này: ‘Nguồn sanh khởi của hiện hữu là khổ đau, không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu là hạnh phúc toàn hảo’... Trí về trạng thái an lạc là điều này: ‘Tuyệt vọng là khổ đau, Không tuyệt vọng là hạnh phúc toàn hảo’.
302. (3.a) Tuệ về biểu hiện hãi hùng như vầy: ‘Nguồn sanh khởi của hiện hữu là thế tục’ là trí quán nguy hiểm... Tuệ về biểu hiện hãi hùng như vầy: ‘Tuyệt vọng là thế tục’ là trí quán nguy hiểm. [60]
(3.b) Trí về trạng thái an lạc là điều này ‘không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu là phi thế tục’... Trí về trạng thái an lạc là điều này ‘Không tuyệt vọng là phi thế tục’.
(3.c) Trí về trạng thái an lạc là điều này ‘Tuyệt vọng là thế tục, không tuyệt vọng là phi thế tục’.
303. (4.a) Tuệ về biểu hiện hãi hùng như vầy: ‘Nguồn sanh khởi của hiện hữu là hành vi tạo quả’ là trí quán nguy hiểm... Tuệ về biểu hiện hãi hùng như vầy: ‘Tuyệt vọng là hành vi tạo quả’ là trí quán nguy hiểm.
(4.b) Trí về trạng thái an lạc là điều này ‘Không còn nguồn sanh khởi là nibbana, không tuyệt vọng là nibbana’.
(4.c) Trí về trạng thái an lạc là điều này ‘Nguồn sanh khởi của hiện hữu là các hành vi tạo quả, không còn sanh khởi của hiện hữu là nibbana’... Trí về trạng thái an lạc là điều này ‘Tuyệt vọng là hành vi tạo quả, không tuyệt vọng là nibbana.’
304. Vị ấy quán khổ đau
Nguồn sanh khởi của hiện hữu, tiếp tục tái diễn hiện hữu, và điều kiện để còn sanh tử,
Tích lũy, kết sanh -
Và đây là trí quán về nguy hiểm của vị ấy.
Vị ấy quán là hạnh phúc toàn hảo:
Không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu, không tiếp tục tái diễn hiện hữu, không có điều kiện để còn sanh tử,
không tích lũy, không kết sanh -
Và đây là trí quán về an lạc của vị ấy.
Trí quán về nguy hiểm có
Năm nguồn cội;
Trí quán về an lạc cũng có năm -
Vị ấy hiểu rõ cả mười trí ấy.
Thuần thục hai loại trí này
Các quan điểm sai lạc khác sẽ không lay chuyển vị ấy.
305. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ về biểu hiện hãi hùng là trí quán nguy hiểm.’
[CHƯƠNG IX - BÌNH THẢN TRƯỚC HÀNH VI TẠO QUẢ]
306.Thế nào là tuệ muốn giải thoát, tư duy và điềm tĩnh,* là trí bình thản trước các hành vi tạo quả? (cf. Thag 270 và ThagA).
*santiṭṭhanā: điềm tĩnh.
307. Tuệ muốn giải thoát, tư duy và điềm tĩnh, [bận bịu với] nguồn sanh khởi của hiện hữu là trí bình thản trước hành vi tạo quả. Tuệ muốn giải thoát, tư duy, và điềm tĩnh, [bận bịu với] tiếp tục tái diễn hiện hữu... [và cứ thế với 15 ý niệm còn lại liệt kê ở đ. 18]... Tuệ muốn giải thoát, tư duy và điềm tĩnh, [bận bịu với] tuyệt vọng là trí bình thản trước hành vi tạo quả.
308. Tuệ muốn giải thoát, tư duy và điềm tĩnh như vầy: ‘Nguồn sanh khởi của hiện hữu là khổ đau’ là trí bình thản trước hành vi tạo quả [61]... Tuệ muốn giải thoát, tư duy và điềm tĩnh như vầy: ‘Tuyệt vọng là khổ đau’ là trí bình thản trước hành vi tạo quả.
309. Tuệ muốn giải thoát, tư duy và điềm tĩnh như vầy: ‘Nguồn sanh khởi của hiện hữu là hãi hùng’ là trí bình thản trước hành vi tạo quả... Tuệ muốn giải thoát, tư duy và điềm tĩnh như vầy: ‘Tuyệt vọng là hãi hùng’ là trí bình thản trước hành vi tạo quả.
310. Tuệ muốn giải thoát, tư duy và điềm tĩnh như vầy: ‘Nguồn sanh khởi của hiện hữu là thế tục’ là trí bình thản trước hành vi tạo quả... Tuệ muốn giải thoát, tư duy và điềm tĩnh như vầy: ‘Tuyệt vọng là thế tục’ là trí bình thản trước hành vi tạo quả.
311. Tuệ muốn giải thoát, tư duy và điềm tĩnh như vầy: ‘Nguồn sanh khởi của hiện hữu là các hành vi tạo quả’ là trí bình thản trước hành vi tạo quả... Tuệ muốn giải thoát, tư duy và điềm tĩnh như vầy: ‘Tuyệt vọng là hành vi tạo quả’ là trí bình thản trước hành vi tạo quả.
312. Nguồn sanh khởi của hiện hữu là các hành vi tạo quả; vị ấy vô can nhìn các hành vi tạo quả với lòng bình thản: như vậy là bình thản trước hành vi tạo quả. Cả hai hành vi tạo quả và lòng bình thản đều là hành vi tạo tác; vị ấy vô can nhìn các hành vi tạo tác ấy với lòng bình thản: như vậy là bình thản trước hành vi tạo quả. Tiếp tục tái diễn hiện hữu là hành vi tạo quả... Tuyệt vọng là hành vi tạo quả, vị ấy vô can nhìn các hành vi tạo quả với lòng bình thản: như vậy là bình thản trước hành vi tạo quả. Cả hai hành vi tạo quả và lòng bình thản đều là hành vi tạo tác; vị ấy vô can nhìn các hành vi tạo tác ấy với lòng bình thản: như vậy là bình thản trước hành vi tạo quả.
313. Với người thế tục, có bao nhiêu cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả?
Với người thế tục, có tám cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả.
314. Với người hữu học (còn tu tập), có bao nhiêu cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả? Với người không còn tham, có bao nhiêu cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả? [62] Với người thế tục, có hai cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả. Với người hữu học (còn tu tập), có ba cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả. Với người không còn tham, có ba cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả.
315. Với người thế tục, hai cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả là gì?
Người thế tục hoặc thích thú bình thản trước hành vi tạo quả hay thấy rõ nó bằng quán thực tánh. Với người thế tục, đây là hai cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả.
316. Với người hữu học (còn tu tập), ba cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả là gì?
Với người hữu học, hoặc ưa thích bình thản trước hành vi tạo quả hay thấy rõ nó bằng quán thực tánh, hay sau khi quán tưởng, vị ấy trú vào thành quả đắc được [của đạo lộ]. Với người hữu học, đây là ba cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả.
317. Với người không còn tham, ba cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả là gì?
Với người không còn tham nhìn bình thản trước hành vi tạo quả bằng quán thực tánh, hay sau khi quán tưởng, trú vào thành quả đắc được «của đạo lộ»hay bằng cách vô can nhìn với lòng bình thản, vị ấy sống trú trong trống không hay sống trú trong không dấu hiệu hay sống trú trong không ước nguyện. Với người không còn tham, đây là ba cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả.
318. Thế nào là sự tương đồng giữa cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả của người thế tục và của người hữu học?
Khi ưa thích bình thản trước hành vi tạo quả, người thế tục làm ô nhiễm tâm của mình, và đấy là chướng ngại cho tu tập, trở ngại cho sự thấu suốt liễu tri, một điều kiện cho kết sanh trong tương lai. Khi ưa thích bình thản trước hành vi tạo quả, người hữu học làm ô nhiễm tâm của mình, và đấy là chướng ngại cho tu tập, trở ngại cho sự thấu suốt liễu tri, một điều kiện cho kết sanh trong tương lai. Đây là sự tương đồng giữa cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả của người thế tục và người hữu học (còn tu tập).
319. Thế nào là sự tương đồng giữa cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả của người thế tục, của người hữu học và của người không còn tham?
Người thế tục thấy bình thản trước hành vi tạo quả bằng quán thực tánh là vô thường, khổ đau và không phải là ngã. Người hữu học thấy bình thản trước hành vi tạo quả bằng quán thực tánh là vô thường, khổ đau và không phải là ngã. Người không còn tham thấy bình thản trước hành vi tạo quả bằng quán thực tánh là vô thường, khổ đau và không phải là ngã. [63] Đây là sự tương đồng giữa cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả của người thế tục, người hữu học và người không còn tham.
320. Thế nào là sự khác biệt giữa cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả của người thế tục, của người hữu học và của người không còn tham?
Với người thế tục, bình thản trước hành vi tạo quả là thiện. Với người hữu học, bình thản trước hành vi tạo quả là thiện. Với người không còn tham, bình thản trước hành vi tạo quả là bất định. Đây là sự khác biệt giữa cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả của người thế tục, của người hữu học và của người không còn tham theo nghĩa thiện và bất thiện.
321. Thế nào là sự khác biệt giữa cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả của người thế tục, của người hữu học và của người không còn tham?
Với người thế tục, bình thản trước hành vi tạo quả đôi khi được nhận ra rõ ràng, đôi khi không được nhận ra rõ ràng. Với người hữu học, đôi khi được nhận ra rõ ràng, đôi khi không được nhận ra rõ ràng. Với người không còn tham, bình thản trước hành vi tạo quả luôn luôn được nhận ra rõ ràng. Đây là sự khác biệt giữa các cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả của người thế tục, người hữu học và người không còn tham theo nghĩa điều được nhận ra và không được nhận ra.
322. Thế nào là sự khác biệt giữa các cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả của người thế tục, của người hữu học và của người không còn tham?
Người thế tục thấy bình thản trước hành vi tạo quả với quán thực tánh còn non xanh. Người hữu học thấy bình thản trước hành vi tạo quả với quán thực tánh còn non xanh. Người không còn tham thấy bình thản trước hành vi tạo quả với quán thực tánh đã chín mùi. Đây là sự khác biệt giữa các cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả của người thế tục, người hữu học và người không còn tham theo nghĩa chín mùi và không chín mùi.
323. Thế nào là sự khác biệt giữa các cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả của người thế tục, của người hữu học và của người không còn tham?
Người thế tục thấy rõ bình thản trước hành vi tạo quả bằng quán thực tánh để chứng đạo lộ nhập giòng do từ bỏ ba kết buộc. Người hữu học thấy rõ bình thản trước hành vi tạo quả bằng quán thực tánh để chứng [đạo lộ] cao hơn, sau khi ba kết buộc đã bị từ bỏ. Người không còn tham thấy rõ bình thản trước hành vi tạo quả với quán thực tánh để sống trú trong hạnh phúc toàn hảo ở ngay đây và ngay bây giờ, sau khi tất cả các nhiễm lậu đã bị đoạn diệt. Đây là sự khác biệt giữa các cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả của người thế tục, người hữu học và người không còn tham theo nghĩa cái gì bị từ bỏ và không bị từ bỏ. [64]
324. Thế nào là sự khác biệt giữa các cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả của người thế tục, người hữu học và người không còn tham?
Người thế tục hoặc ưa thích bình thản trước hành vi tạo quả hay thấy rõ nó bằng quán thực tánh. Với người hữu học, hoặc ưa thích bình thản trước hành vi tạo quả hay thấy rõ nó bằng quán thực tánh, hay sau khi quán tưởng, vị ấy chứng trú vào thành quả đắc được [của đạo lộ]. Với người không còn tham nhìn bình thản trước hành vi tạo quả bằng quán thực tánh, hay sau khi quán tưởng, chứng trú vào thành quả đắc được «của đạo lộ»hay bằng cách vô can nhìn với lòng bình thản, vị ấy sống trú trong trống không hay sống trong không biểu tượng hay sống trong không ước nguyện. Đây là sự khác biệt giữa các cách điều hướng tâm để được bình thản trước hành vi tạo quả của người thế tục, của người hữu học và của người không còn tham theo nghĩa sống trú và thành đạt.
325. Có bao nhiêu loại bình thản trước hành vi tạo quả nhờ tĩnh lặng? Có bao nhiêu loại bình thản trước hành vi tạo quả nhờ quán thực tánh?
Tám loại bình thản trước hành vi tạo quả nhờ tĩnh lặng. Mười loại bình thản trước hành vi tạo quả nhờ quán thực tánh.
326. Tám loại bình thản trước hành vi tạo quả nhờ tĩnh lặng là gì?
Tuệ tư duy đến chướng ngại với mục đích chứng đạt sơ thiền và điềm tĩnh, là trí về bình thản trước hành vi tạo quả. Tuệ tư duy đến hướng tâm về đối tượng và suy xét đối tượng với mục đích chứng đạt nhị thiền và điềm tĩnh, là trí về bình thản trước hành vi tạo quả. Tuệ tư duy về hỉ với mục đích chứng đạt tam thiền và điềm tĩnh, là trí về bình thản trước hành vi tạo quả. Tuệ tư duy về lạc và khổ với mục đích chứng đạt tứ thiền và điềm tĩnh, là trí bình thản trước hành vi tạo quả. Tuệ tư duy đến nhận thức về sắc thể, nhận thức về chống đối và nhận thức về sai biệt với mục đích chứng đạt cõi không gian vô biên và điềm tĩnh, là trí về bình thản trước hành vi tạo quả. Tuệ tư duy đến nhận thức về cõi không gian vô biên với mục đích chứng đạt cõi thức vô biên và điềm tĩnh, là trí bình thản trước hành vi tạo quả. Tuệ tư duy đến nhận thức về cõi thức vô biên với mục đích chứng đạt cõi không có gì và điềm tĩnh, là trí về bình thản trước hành vi tạo quả. Tuệ tư duy đến nhận thức về cõi không có gì với mục đích chứng đạt cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức và điềm tĩnh, là trí bình thản trước hành vi tạo quả.
Đây là tám loại bình thản trước hành vi tạo quả nhờ tĩnh lặng.
327. Mười loại bình thản trước hành vi tạo quả nhờ quán thực tánh là gì? [65]
Tuệ tư duy về nguồn sanh khởi của hiện hữu, tiếp tục tái diễn của hiện hữu, điều kiện để còn sanh tử, tích lũy, kết sanh, cảnh giới sẽ tái sanh, tái xuất hiện, sanh, già, bệnh, chết, sầu não, ta thán, tuyệt vọng, và về điềm tĩnh, với mục đích chứng đạt đạo lộ nhập giòng là trí về bình thản trước hành vi tạo quả. Tuệ tư duy về nguồn sanh khởi của hiện hữu,... tuyệt vọng, và về điềm tĩnh, với mục đích chứng đạt quả vị nhập giòng là trí về bình thản trước hành vi tạo quả. Tuệ... đạo lộ trở lại một lần... quả vị trở lại một lần... đạo lộ không trở lại... quả vị không trở lại... đạo lộ arahant... <quả vị arahant... sống trú trong trống không...> Tuệ tư duy về nguồn sanh khởi của hiện hữu,... tuyệt vọng, và về điềm tĩnh, với mục đích chứng đạt an trú trong không dấu hiệu>, và về điềm tĩnh, là trí về bình thản trước hành vi tạo quả.
Đây là mười loại bình thản trước hành vi tạo quả nhờ quán thực tánh.
328. Có bao nhiêu loại bình thản trước hành vi tạo quả là thiện? Có bao nhiêu bất thiện? Có bao nhiêu bất định tính?
Có mười lăm loại bình thản trước hành vi tạo quả là thiện. Có ba loại bình thản trước hành vi tạo quả là bất định tính. Không có loại bình thản trước hành vi tạo quả bất thiện.
329. [Bây giờ] tuệ về tư duy
Và điềm tĩnh [như sau]:
Tám lãnh vực của tâm
Là: hai cho người thế tục
Và ba cho người hữu học
Và ba cho người đã hết tham, qua đó
Tâm của vị đó đã quay đi.
Với định, có tám điều kiện,
Và có mười lãnh vực cho trí, nữa
Chúng tạo thành mười tám loại
Bình thản trước hành vi tạo quả,
Tự chúng làm điều kiện cho
[Cả] ba loại giải thoát.
[Nên] người đã có tuệ
Khiến cho [tất cả] 18 hình thái này xảy ra
Thuần thục về bình thản
Trước hành vi tạo quả, và vì thế
Các nhận thức sai lạc khác sẽ không lay chuyển vị ấy.
330. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ muốn giải thoát, tư duy và điềm tĩnh, là trí về các loại bình thản trước hành vi tạo quả.’
[CHƯƠNG X - CHUYỂN TÁNH]
331.Thế nào là tuệ trồi lên và quay đi từ bên ngoài là trí chuyển tánh?
332. Nó vượt qua nguồn sanh khởi của hiện hữu, như vậy nó là chuyển tánh. Nó vượt qua tiếp tục tái diễn hiện hữu... điều kiện để còn sanh tử... tích lũy... kết sanh... cảnh giới sẽ tái sanh vào... sanh sản... tái sanh khởi... sanh... già... bệnh... chết... sầu não... ta thán... nó vượt qua tuyệt vọng, như vậy nó là chuyển tánh. Nó vượt qua biểu tượng của hành vi tạo quả bên ngoài,* như vậy nó là chuyển tánh. Nó nhập vào2*không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu, như vậy nó là chuyển tánh. Nó nhập vào vô sanh... Nó nhập vào không tuyệt vọng, như vậy là chuyển tánh. Nó nhập vào đoạn diệt, nibbana, như vậy nó là chuyển tánh.
* vượt qua biểu tượng của hành vi tạo quả bên ngoài là trồi lên khỏi giới vực của hành vi tạo quả, được gọi là ‘bên ngoài’ vì nibbana không do điều kiện tạo thành nằm ở bên ngoài (Pm. 866).
2*pakkhandati có nghĩa làanupavisati: nhập vào, đi vào (Pm. 866).
Sau khi vượt qua nguồn sanh khởi của hiện hữu, nó nhập vào không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu, như vậy nó là chuyển tánh. Sau khi vượt qua sanh, nó nhập vào vô sanh... Sau khi vượt qua tuyệt vọng, nó nhập vào không tuyệt vọng... như vậy là chuyển tánh. Sau khi vượt qua biểu tượng của hành vi tạo quả bên ngoài, nó nhập vào đoạn diệt, nibbana, như vậy nó là chuyển tánh.
333. Nó trồi lên từ nguồn sanh khởi của hiện hữu, như vậy nó là chuyển tánh... Nó trồi lên từ tuyệt vọng, như vậy nó là chuyển tánh. Nó trồi lên từ biểu tượng của hành vi tạo quả bên ngoài, như vậy nó là chuyển tánh.
Nó nhập vào không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu, như vậy nó là chuyển tánh... Nó nhập vào không tuyệt vọng, như vậy nó là chuyển tánh. Nó nhập vào đoạn diệt, nibbana, như vậy nó là chuyển tánh.
Sau khi trồi lên từ nguồn sanh khởi của hiện hữu, nó nhập vào không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu, như vậy nó là chuyển tánh... [67] Sau khi trồi lên từ tuyệt vọng, nó nhập vào không tuyệt vọng... như vậy nó là chuyển tánh. Sau khi trồi lên từ biểu tượng của hành vi tạo quả bên ngoài, nó nhập vào đoạn diệt, nibbana, như vậy nó là chuyển tánh.
334. Nó quay đi từ nguồn sanh khởi của hiện hữu, như vậy nó là chuyển tánh. Nó quay đi từ tuyệt vọng, như vậy nó là chuyển tánh. Nó quay đi từ biểu tượng của hành vi tạo quả bên ngoài, như vậy nó là chuyển tánh.
Nó nhập vào không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu, như vậy nó là chuyển tánh... Nó nhập vào không tuyệt vọng, như vậy nó là chuyển tánh. Nó nhập vào đoạn diệt, nibbana, như vậy nó là chuyển tánh.
Sau khi quay đi từ nguồn sanh khởi của hiện hữu, nó nhập vào không còn sanh khởi của hiện hữu, như vậy nó là chuyển tánh... Sau khi quay đi từ tuyệt vọng, nó nhập vào không tuyệt vọng... như vậy nó là chuyển tánh. Sau khi quay đi từ biểu tượng của hành vi tạo quả bên ngoài, nó nhập vào đoạn diệt, nibbana, như vậy nó là chuyển tánh.
335. Có bao nhiêu ý niệm về chuyển tánh khởi lên nhờ tĩnh lặng? Có bao nhiêu ý niệm về chuyển tánh khởi lên nhờ quán thực tánh?
Có tám ý niệm về chuyển tánh khởi lên nhờ tĩnh lặng. Có mười ý niệm về chuyển tánh khởi lên nhờ quán thực tánh.
336. Tám ý niệm về chuyển tánh khởi lên nhờ tĩnh lặng là gì? Để chứng sơ thiền, nó vượt qua chướng ngại, như vậy là chuyển tánh. Để chứng nhị thiền... [và cứ thế như ở đ. 326 cho đến]... [68] Để chứng cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức, nó vượt qua nhận thức về cõi không có gì, như vậy nó là chuyển tánh.
Đây là tám ý niệm về chuyển tánh khởi lên nhờ tĩnh lặng.
337. Mười ý niệm về chuyển tánh khởi lên nhờ quán thực tánh là gì? Để chứng đạo lộ nhập giòng, nó vượt qua nguồn sanh khởi của hiện hữu, như vậy nó là chuyển tánh... [và cứ thế như ở đ. 327 cho đến]... tuyệt vọng, biểu tượng của hành vi tạo quả bên ngoài, như vậy nó là chuyển tánh. Để chứng quả vị nhập giòng, nó vượt qua nguồn sanh khởi của hiện hữu, như vậy là chuyển tánh. Để chứng đạo lộ trở lại một lần... quả vị trở lại một lần... đạo lộ không trở lại... quả vị không trở lại... đạo lộ arahant... <quả vị arahant... sống trú trong trống không...> Để chứng <không biểu tượng> nó vượt qua nguồn sanh khởi của hiện hữu, tuyệt vọng, biểu tượng của hành vi tạo quả bên ngoài, như vậy nó là chuyển tánh.
Đây là mười loại bình thản trước hành vi tạo quả nhờ quán thực tánh.
338. Có bao nhiêu ý niệm chuyển tánh thiện? Có bao nhiêu ý niệm chuyển tánh bất thiện? Có bao nhiêu ý niệm chuyển tánh bất định tính?
Có mười lăm ý niệm chuyển tánh thiện. Ba ý niệm chuyển tánh bất định tính. Không có bao nhiêu ý niệm chuyển tánh bất thiện.
339. Vật thể và phi vật thể,
Ước nguyện và không ước nguyện,
Bị kết buộc và không kết buộc,
trồi lên và không trồi lên.
Với định, có tám điều kiện,
Và có mười lãnh vực cho trí, nữa
Tạo thành mười tám loại của
Trạng thái chuyển tánh
Tự chúng làm điều kiện cho
[Cả] ba loại giải thoát.
[Nên] người có tuệ đã
Khiến cho [tất cả] 18 hình thái này xảy ra
Thuần thục về quay đi
như thuần thục về trồi lên, và vì thế
Các quan điểm sai khác kia sẽ không lay chuyển vị ấy.
340. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ trồi lên và quay đi từ bên ngoài là chuyển tánh.’ [69]
[CHƯƠNG XI - ĐẠO LỘ]
341.Thế nào là tuệ trồi lên và quay đi từ [bên ngoài lẫn bên trong]là trí về đạo lộ?
342. Vào khoảnh khắc ở đạo lộ nhập giòng:
Chánh kiến theo nghĩa thấy rõ (a) trồi lên từ quan điểm sai lạc, và nó trồi lên từ nhiễm lậu và từ các tập hợp do nhiễm lậu sanh, và (b) từ bên ngoài, nó trồi lên từ tất cả các biểu tượng; như vậy nên nói: ‘Trí về đạo lộ là tuệ trồi lên và quay đi khỏi cả hai bên’.
Chánh tư duy theo nghĩa hướng tâm trụ vào (a) trồi lên...
Chánh ngữ theo nghĩa giữ gìn lời nói (a) trồi lên...
Chánh hành theo nghĩa nguồn sanh khởi (a) trồi lên...
Chánh mạng theo nghĩa giữ cho sạch (a) trồi lên...
Chánh tinh tấn theo nghĩa nỗ lực (a) trồi lên...
Chánh niệm theo nghĩa thiết lập (a) trồi lên...
Chánh định theo nghĩa không phân tâm (a) trồi lên từ định sai lạc và nó trồi lên từ các nhiễm lậu và từ các tập hợp do nhiễm lậu sanh, và (b) từ bên ngoài, nó trồi lên từ tất cả các dấu hiệu; như vậy nên nói: ‘Trí về đạo lộ là tuệ trồi lên và quay đi khỏi cả hai bên’.
343. Vào khoảnh khắc ở đạo lộ trở lại một lần:
Chánh kiến theo nghĩa thấy [70]... chánh định theo nghĩa không phân tâm (a) trồi lên từ những kết buộc thô của ham muốn ái dục và của sựđối kháng lại, từ những khuynh hướng ngủ ngầm thô của ham muốn ái dục và của sự chống đối lại, trồi lên từ những nhiễm lậu và từ các tập hợp do nhiễm lậu sanh, và (b) từ bên ngoài, nó trồi lên từ tất cả các dấu hiệu*; như vậy nên nói: ‘Trí về đạo lộ là tuệ về trồi lên và quay đi từ cả hai bên’.
* dấu hiệu là biểu tượng của năm tập hợp. Đọc Vism. XXIII đ. 13.
344. Vào khoảnh khắc ở đạo lộ không trở lại:
Chánh kiến theo nghĩa thấy... chánh định theo nghĩa không phân tâm (a) trồi lên từ những kết buộc còn xót lại của ham muốn ái dục và của sự chống đối, từ những khuynh hướng ngủ ngầm còn xót lại của ham muốn ái dục và của sự đối kháng lại, xuất khởi từ những nhiễm lậu và từ các tập hợp do nhiễm lậu sanh, và (b) từ bên ngoài, nó trồi lên từ tất cả các dấu hiệu; như vậy nên nói: ‘Trí về đạo lộ là tuệ trồi lên và quay đi từ cả hai bên’.
345. Vào khoảnh khắc ở đạo lộ Arahant:
Chánh kiến theo nghĩa thấy... chánh định theo nghĩa không phân tâm (a) trồi lên từ ham muốn hiện hữu cõi sắc giới, từ ham muốn hiện hữu cõi vô sắc giới, từ ngã mạn, từ dao động, từ vô minh, và (b) từ bên ngoài, nó trồi lên từ tất cả các dấu hiệu; như vậy nên nói: ‘Trí về đạo lộ là tuệ về trồi lên và quay đi từ cả hai bên’.
346. Vị ấy thiêu đốt (đọc từ PsA là jhāpeti) cái không sanh bằng cái sanh,
Từ đó jhāna có tên như thế
Nhờ thuần thục về giải thoát jhana
Các quan điểm sai khác sẽ không lay chuyển vị ấy
Nếu sau khi định, vị ấy thấy bằng trí trực quán
và cũng thế, sau trí trực quán, vị ấy tập trung
Thì quán thực tánh và tĩnh lặng tăng cấp
Và buộc đều vào nhau
Thấy hành vi tạo quả là khổ
và đoạn diệt là lạc
Tuệ từ hai trồi lên này
Chạm trạng thái Vô sanh
vị ấy biết rõ con đường giải thoát
Thuần thục trong khác biệt và nhất điểm
Khi thuần thục trong hai loại trí ấy
Các quan điểm sai khác sẽ không lay chuyển vị ấy.
347. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ trồi lên và quay đi từ [bên ngoài lẫn bên trong] là trí về đạo lộ’. [71]
[CHƯƠNG XII - QUẢ VỊ]
348.Thế nào là tuệ về làm lắng dịu nỗ lực* là trí về quả?
*Đọc chú thích ở đ. 27 Luận I về nỗ lực.
349. Vào khoảnh khắc ở đạo lộ nhập giòng:
Chánh kiến theo nghĩa thấy trồi lên từ quan điểm sai lạc, và nó trồi lên từ nhiễm lậu và từ các tập hợp do nhiễm lậu sanh, và từ bên ngoài, nó trồi lên từ tất cả các dấu hiệu. Chánh kiến khởi lên vì sự lắng dịu nỗ lực đó: Đây là quả của đạo lộ.
Chánh tư duy theo nghĩa hướng tâm trụ vào trồi lên...
Chánh ngữ theo nghĩa giữ gìn lời nói trồi lên...
Chánh hành theo nghĩa nguồn sanh khởi trồi lên...
Chánh mạng theo nghĩa giữ cho sạch trồi lên...
Chánh tinh tấn theo nghĩa nỗ lực trồi lên...
Chánh niệm theo nghĩa thiết lập trồi lên...
Chánh định theo nghĩa không tán loạn trồi lên từ định sai lạc và nó trồi lên từ các nhiễm lậu và từ các tập hợp do nhiễm lậu sanh, và từ bên ngoài, nó trồi lên từ tất cả các dấu hiệu. Chánh định [72] khởi lên vì sự lắng dịu nỗ lực đó: Đây là quả của đạo lộ.
350. Vào khoảnh khắc ở đạo lộ trở lại một lần:
Chánh kiến theo nghĩa thấy... chánh định theo nghĩa không phân tâm trồi lên từ những kết buộc thô của ham muốn ái dục và của sự chống đối lại, từ những khuynh hướng ngủ ngầm thô của ham muốn ái dục và của sự chống đối lại, trồi lên từ những nhiễm lậu và từ các tập hợp do nhiễm lậu sanh, và từ bên ngoài, nó trồi lên từ tất cả các dấu hiệu. Chánh kiến khởi lên vì sự lắng dịu nỗ lực đó: Đây là quả của đạo lộ.
351. Vào khoảnh khắc ở đạo lộ không trở lại:
Chánh kiến theo nghĩa thấy... chánh định theo nghĩa không phân tâm trồi lên từ những kết buộc còn xót lại ham muốn ái dục và của sự chống đối lại, từ những khuynh hướng ngủ ngầm còn xót lại của ham muốn ái dục và của sự chống đối lại, nó trồi lên từ những nhiễm lậu và từ các tập hợp do nhiễm lậu sanh, và từ bên ngoài, nó trồi lên từ tất cả các dấu hiệu. Chánh kiến khởi lên vì sự lắng dịu nỗ lực đó: Đây là quả của đạo lộ.
352. Vào khoảnh khắc ở đạo lộ Arahant:
Chánh kiến theo nghĩa thấy... chánh định theo nghĩa không phân tâm trồi lên từ khao khát hiện hữu cõi sắc giới, từ khao khát hiện hữu cõi vô sắc giới, từ ngã mạn, từ dao động, từ vô minh, từ khao khát hiện hữu trở thành, và từ vô minh, và nó trồi lên từ những nhiễm lậu và từ các tập hợp do nhiễm lậu sanh, và từ bên ngoài, nó trồi lên từ tất cả các dấu hiệu. Chánh kiến khởi lên vì sự lắng dịu nỗ lực đó: Đây là quả của đạo lộ.
353. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ về lắng dịu nỗ lực là trí về quả’.
[CHƯƠNG XIII - GIẢI THOÁT]
354.Thế nào là tuệ quán bất toàn bị cắt bỏ là trí về giải thoát?
355. Đến giai đoạn đạo lộ nhập giòng, các bất toàn sau đây bị cắt bỏ hẳn trong tâm người tu tập:
1. quan điểm [sai lạc] cho ngã* trường tồn
*sakkāyadiṭṭhi
2. hoài nghi,
3. diễn giải sai về giới và nghi lễ,
i. khuynh hướng tiềm ẩn đến quan điểm [sai lạc]
ii. khuynh hướng tiềm ẩn đến hoài nghi
Tâm đã được giải thoát, hoàn toàn giải thoát khỏi năm bất toàn này với các hình thái ám ảnh của chúng. [73]
Trí theo nghĩa giải thoát khỏi các bất toàn và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biết đó. Như vậy nên nói: ‘tuệ quán bất toàn bị cắt bỏ là trí về giải thoát’.
356. Đến giai đoạn đạo lộ trở lại một lần, các bất toàn sau đây hoàn toàn bị cắt bỏ trong tâm người tu tập:
4. kết buộc thô của ham muốn ái dục,
5. kết buộc thô của sự chống đối lại,
iii. khuynh hướng ngủ ngầm thô của ham muốn ái dục và
iv. khuynh hướng ngủ ngầm thô của sự chống đối lại,
Tâm đã được giải thoát, hoàn toàn giải thoát khỏi bốn bất toàn này với các hình thái ám ảnh của chúng.
Trí theo nghĩa giải thoát khỏi các bất toàn và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biết đó. Như vậy nên nói: ‘tuệ quán bất toàn bị cắt bỏ là trí về giải thoát’.
357. Đến giai đoạn đạo lộ không trở lại, các bất toàn sau hoàn toàn bị cắt bỏ trong tâm người tu tập:
4. kết buộc còn xót lại của ham muốn ái dục,
5. kết buộc còn xót lại của sự chống đối lại,
iii. khuynh hướng ngủ ngầm còn xót lại của ham muốn ái dục
iv. khuynh hướng ngủ ngầm còn xót lại của sự chống đối lại,
Tâm đã được giải thoát, hoàn toàn giải thoát khỏi bốn bất toàn này với các hình thái ám ảnh của chúng.
Trí theo nghĩa giải thoát khỏi các bất toàn và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biết đó. Như vậy nên nói: ‘tuệ quán bất toàn bị cắt bỏ là trí về giải thoát’.
358. Đến giai đoạn đạo lộ arahant, các bất toàn sau đây hoàn toàn bị cắt bỏ trong tâm người tu tập:
6. khao khát [hiện hữu] cõi sắc giới,
7. khao khát [hiện hữu] cõi vô sắc giới,
8. ngã mạn,
9. dao động,
10. vô minh,
v. khuynh hướng ngã mạn ngủ ngầm
vi. khuynh hướng khao khát hiện hữu ngủ ngầm
vii. khuynh hướng vô minh ngủ ngầm
Tâm đã được giải thoát, hoàn toàn giải thoát khỏi tám bất toàn này với các hình thái ám ảnh của chúng.
Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ quán bất toàn bị cắt bỏ là trí về giải thoát’.
[CHƯƠNG XIV - DUYỆT XÉT]
359.Thế nào là tuệ quán thực tánh các hiện tượng đạt được lúc đó là trí duyệt xét?
360. Ở khoảnh khắc đạo lộ nhập giòng:
Chánh kiến theo nghĩa thấy rõ đạt được lúc đó, chánh tư duy theo nghĩa hướng tâm trụ vào đạt được lúc đó, chánh ngữ theo nghĩa giữ gìn lời nói..., chánh hành theo nghĩa nguồn sanh khởi..., [74] chánh mạng theo nghĩa giữ cho sạch..., chánh tinh tấn theo nghĩa nỗ lực..., chánh niệm theo nghĩa thiết lập..., chánh định theo nghĩa không phân tâm đạt được lúc đó; yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm theo nghĩa thiết lập đạt được lúc đó, yếu tố tạo thành giác ngộ của đi tìm sự thực theo nghĩa tìm hiểu..., yếu tố tạo thành giác ngộ của tinh tấn theo nghĩa nỗ lực..., yếu tố tạo thành giác ngộ của hỉ theo nghĩa chan hòa..., yếu tố tạo thành giác ngộ của tĩnh lặng theo nghĩa an tịnh..., yếu tố tạo thành giác ngộ của định theo nghĩa không phân tâm..., yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản theo nghĩa tư duy đạt được lúc đó;
tín lực theo nghĩa không lay chuyển vì không tin đạt được lúc đó; tấn lực theo nghĩa không lay chuyển vì lười biếng..., niệm lực theo nghĩa không lay chuyển vì xao lãng..., định lực theo nghĩa không lay chuyển vì dao động..., tuệ lực theo nghĩa không lay chuyển vì vô minh đạt được lúc đó;
năng lực gây ảnh hưởng của tín theo nghĩa cả quyết đạt được lúc đó; năng lực gây ảnh hưởng của tinh tấn..., năng lực gây ảnh hưởng của niệm theo nghĩa thiết lập..., năng lực gây ảnh hưởng của định theo nghĩa không phân tâm..., năng lực gây ảnh hưởng của tuệ theo nghĩa đạt được lúc đó;
các năng lực gây ảnh hưởng theo nghĩa ưu thắng đạt được lúc đó; các lực theo nghĩa không lay chuyển..., các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa lối thoát..., đạo lộ theo nghĩa nguyên nhân..., nền tảng của quán niệm theo nghĩa thiết lập..., nỗ lực chân chánh theo nghĩa tinh tấn..., nền tảng của thần thông theo nghĩa thành tựu..., các Sự thực theo nghĩa như thực (chân thực) đạt được lúc đó;
tĩnh lặng theo nghĩa không phân tâm đạt được lúc đó; quán thực tánh theo nghĩa quán tưởng..., tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa tác dụng duy nhất..., sóng đôi theo nghĩa không vượt quá nhau đạt được lúc đó;
thanh lọc giới theo nghĩa chế ngự đạt được lúc đó; thanh lọc tâm theo nghĩa không phân tâm..., thanh lọc quan điểm theo nghĩa thấy rõ..., giải thoát theo nghĩa được tự do..., minh trí theo nghĩa hiểu rõ..., tiêu dao theo nghĩa dứt bỏ..., trí hoại diệt theo nghĩa cắt đứt đạt được lúc đó; [75]
theo nghĩa nguồn gốc, hăng hái đạt được lúc đó; theo nghĩa nguồn sanh khởi, suy xét...; theo nghĩa phối hợp lại, xúc..., theo nghĩa gặp gỡ, cảm nghiệm..., theo nghĩa đi trước, định...; theo nghĩa ưu thắng, quán niệm...; theo nghĩa cao cả nhất, tuệ... theo nghĩa cốt lõi (hương vị), tiêu dao...; theo nghĩa kết thúc, nibbana trồi lên từ bất tử đạt được lúc đó.
Sau khi trồi lên, vị ấy duyệt xét. Các trạng thái này đạt được lúc đó.
361. Ở khoảnh khắc quả vị nhập giòng:
Chánh kiến theo nghĩa thấy rõ đạt được lúc đó, chánh tư duy... [và cứ thế như ở đ. 360 cho đến]..., tiêu dao theo nghĩa dứt bỏ..., trí về không sanh khởi theo nghĩa lắng dịu đạt được lúc đó; ước muốn theo nghĩa nguồn gốc đạt được lúc đó; suy xét... [và cứ thế như ở đ. 360 cho đến]..., nibbana, trồi lên từ bất tử theo nghĩa kết thúc, đạt được lúc đó.
Sau khi trồi lên, vị ấy duyệt xét. Các trạng thái này lúc đó khởi lên.
362. Ở khoảnh khắc đạo lộ trở lại một lần:
... [như ở đ. 360 cho đến]...
363. Ở khoảnh khắc quả vị trở lại một lần:
... [như ở đ. 361 cho đến]...,
364. Ở khoảnh khắc đạo lộ không trở lại:
... [như ở đ. 360 cho đến]...
365. Ở khoảnh khắc quả vị không trở lại:
... [như ở đ. 361 cho đến]...,
366. Ở khoảnh khắc đạo lộ arahant:
... [như ở đ. 360 cho đến]...
367. Ở khoảnh khắc quả vị arahant:
Chánh kiến... [và cứ thế như ở đ. 361 cho đến]..., [76] nibbana trồi lên từ bất tử theo nghĩa chấm dứt, đạt được lúc đó.
Sau khi trồi lên, vị ấy duyệt xét. Các trạng thái này đạt được lúc đó.
368. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ quán thực tánh của hiện tượng đạt được lúc đó là trí duyệt xét’.
[CHƯƠNG XV - XÁC ĐỊNH CÁC GIÁC QUAN]
369.Thế nào là tuệ xác định các giác quan là trí về khác biệt trong căn cứ vật thể?
370. Hành giả xác định các giác quan như thế nào?
Vị ấy xác định mắt, vị ấy xác định tai,... mũi... lưỡi... thân... vị ấy xác định ý.
371. Hành giả xác định mắt như thế nào? (Cf. đ 287).
Vị ấy xác định như vầy: Mắt do vô minh tạo ra. Mắt do thèm khát tạo ra... Mắt do hành động tạo ra... Mắt do dưỡng tố tạo ra... Mắt được tạo ra do [bám níu] từ bốn yếu tố chính... Mắt được khởi lên... Vị ấy xác định như vầy: Mắt đã được tạo ra. Vị ấy xác định như vầy: Mắt, trước không có, đã được tạo ra, sẽ không hiện hữu. Vị ấy xác định mắt có không gian hữu hạn. Vị ấy xác định như vầy: Mắt là vô thường, do điều kiện tạo nên, sanh khởi do tùy thuộc, chịu hủy diệt, chịu diệt mất, chịu tàn tạ, chịu diệt tận. Vị ấy xác định mắt vô thường, chứ không tồn tại lâu dài; vị ấy xác định mắt là khổ đau, chứ không phải vui sướng; vị ấy xác định nó không phải là ngã, chứ không xác định là ngã; vị ấy trở nên nhàm chán, không lấy làm ưa thích; làm cho lòng tham phai nhạt đi, [77] vị ấy không khêu gợi nó; vị ấy làm cho diệt tận, chứ không sanh khởi; vị ấy buông bỏ, chứ không nắm giữ. Xác định là vô thường, vị ấy từ bỏ quan niệm về trường tồn; xác định là khổ đau, vị ấy từ bỏ quan niệm về vui sướng; xác định không phải là ngã, vị ấy từ bỏ quan niệm về ngã; trở nên nhàm chán, vị ấy từ bỏ thích thú; tạo nên phai nhạt, vị ấy từ bỏ ham muốn; tạo nên diệt tận, vị ấy từ bỏ nguồn sanh khởi; buông bỏ, vị ấy từ bỏ bám giữ. Hành giả xác định mắt như thế đấy.
372. Hành giả xác định tai như thế nào?
... [như ở đ. 371]...
373. Hành giả xác định mũi như thế nào?
... [như ở đ. 371]...
374. Hành giả xác định lưỡi như thế nào?
... [như ở đ. 371]...
375. Hành giả xác định thân như thế nào?
... [như ở đ. 371]...
376. Hành giả xác định ý như thế nào?
... [như ở đ. 371]... Hành giả xác định ý như thế đấy.
377. Vị đó xác định các ý niệm như thế ấy. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ xác định các giác quan là trí về khác biệt trong căn cứ vật thể’.
[CHƯƠNG XVI - XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG BÊN NGOÀI]
378.Thế nào là tuệ xác định «đối tượng»bên ngoài là trí về sự khác biệt trong lãnh vực [căn cứ vật thể]?
379. Hành giả xác định các «đối tượng»bên ngoài như thế nào?
Vị ấy xác định vật hữu hình bên ngoài, vị ấy xác định âm thanh... mùi... vị... vật xúc chạm được bên ngoài.
380. Hành giả xác định vật hữu hình bên ngoài như thế nào?
Vị ấy xác định như vầy: Vật hữu hình do vô minh tạo ra. Vị ấy ... [và cứ thế như ở đ. 371 cho đến]... [78] ...buông bỏ, vị ấy từ bỏ bám giữ. Hành giả xác định vật hữu hình bên ngoài như thế đấy.
381-385. Hành giả xác định âm thanh bên ngoài... [và cứ thế như ở đ. 372-376 cho đến]... Hành giả xác định các đối tượng bên ngoài như thế đấy.
386. [Hành giả xác định các đối tượng bên ngoài như thế đấy]. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ xác định đối tượng bên ngoài là trí về sự khác biệt trong lãnh vực [căn cứ vật thể]’. [79]
[CHƯƠNG XVII - HÀNH XỬ]
387.Thế nào là tuệ xác định hành xử là trí biết sự khác biệt trong hành xử?
388. Hành xử có ba loại: hành xử của tâm, hành xử của si mê, hành xử của trí.
389. Hành xử của tâm là gì?
Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm để thấy các đối tượng hữu hình là hành xử của tâm. Nghĩa của nhận biết từ mắt thấy đối tượng hữu hình là hành xử của tâm. Từ đó hệ quả là yếu tố ý [xảy ra] là hành vi hướng đến [đối tượng] vì các đối tượng hữu hình đã được nhìn thấy là hành xử của tâm. Từ đó hệ quả là yếu tố nhận biết từ ý [xảy ra] vì hướng đến đối tượng hữu hình là hành xử của tâm.
Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm để nghe âm thanh là hành xử của tâm. Nghĩa của nhận biết từ tai nghe âm thanh là hành xử của tâm... [và cứ thế như trên]...
Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm để ngửi mùi...
Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm để nếm vị...
Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm để xúc chạm vật sờ mó được...
Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm để nhận biết các đối tượng tâm ý là hành xử của tâm. Nghĩa của nhận biết về các đối tượng tâm ý như là nhận biết từ ý là hành xử của tâm. Kết quả từ đó là yếu tố ý [xảy ra] như là hành vi hướng đến [đối tượng] vì các đối tượng tâm ý đã được nhận biêt là hành xử của tâm. Kết quả từ đó là yếu tố nhận biết từ ý [xảy ra] vì hướng đến đối tượng là hành xử của tâm. [80]
390. Hành xử của tâm: theo nghĩa nào?
Tâm hành xử không có tham: đây là hành xử của tâm. Tâm hành xử không có sân: đây là hành xử của tâm. Tâm hành xử không có si:... Tâm hành xử không có ngã mạn (tự hào):... Tâm hành xử không có quan điểm [sai lạc]:... Tâm hành xử không có dao động:... Tâm hành xử không có nghi hoặc:... Tâm hành xử không có khuynh hướng ngủ ngầm:... Tâm hành xử không liên kết với tham:... Tâm hành xử không liên kết với sân:... Tâm hành xử không liên kết với si:... Tâm hành xử không liên kết với ngã mạn (tự hào):... Tâm hành xử không liên kết với quan điểm [sai lạc]:... Tâm hành xử không liên kết với dao động: ... Tâm hành xử không liên kết với nghi hoặc:... Tâm hành xử không liên kết với khuynh hướng ngủ ngầm:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi thiện:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi bất thiện:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi có thể khiển trách được:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi không thể khiển trách được:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi đen tối:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi minh bạch:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi tạo an vui:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi tạo khổ đau:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi hưởng quả an vui:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi chịu quả khổ đau:... Tâm hành xử đến cái gì được nhận biết [đối tượng]: Đây là hành xử của tâm. Hành xử của tâm ấy là như thế: đây là một loại hành xử của tâm. Tâm này trong sạch tự bản chất theo nghĩa không có nhiễm lậu: đây là một loại hành xử của tâm.
Đấy là hành xử của tâm.
391. Hành xử si mê là gì?
Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm vì sự thúc đẩy của tham đắm đến các đối tượng hữu hình khả ý là hành xử của tâm: hành vi thúc đẩy ấy của tham là hành vi của si mê. Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm vì sự thúc đẩy của sân đến các đối tượng hữu hình bất khả ý là hành xử của tâm: hành vi thúc đẩy ấy của sân là hành vi của si mê. Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm vì sự thúc đẩy của si đến các đối tượng không hẳn tạo [tham hay sân] là hành xử của tâm: hành vi thúc đẩy ấy của si là hành vi của si mê. Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm vì sự thúc đẩy của ngã mạn như là trói buộc là hành xử của tâm: hành vi thúc đẩy ấy của ngã mạn là hành vi của si mê. Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm vì sự thúc đẩy của quan điểm [sai lạc] như diễn giải sai lạc [81] là hành xử của tâm: hành vi thúc đẩy ấy của quan điểm [sai lạc] là hành vi của si mê. Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm vì sự thúc đẩy của dao động như tán loạn là hành xử của tâm: hành vi thúc đẩy ấy của dao động là hành vi của si mê. Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm vì sự thúc đẩy của nghi hoặc như không kết luận dứt khoát là hành xử của tâm: hành vi thúc đẩy ấy của nghi hoặc là hành vi của si mê. Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm vì sự thúc đẩy của khuynh hướng ngủ ngầm như thói quen lâu đời khó thay đổi là hành xử của tâm: hành vi thúc đẩy ấy của khuynh hướng ngủ ngầm là hành vi của si mê.
Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm vì sự thúc đẩy của tham đắm các âm thanh là hành xử của tâm: hành vi thúc đẩy ấy của tham là hành vi của si mê. Hành vi... [và cứ thế như trên]... tham đắm mùi...
... tham đắm vị...
... tham đắm vật xúc chạm được...
Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm vì sự thúc đẩy của tham đắm các đối tượng tâm ý là hành xử của tâm: hành vi thúc đẩy ấy của tham là hành vi của si mê. Hành vi... [và cứ thế như trên]... Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm vì sự thúc đẩy của khuynh hướng ngủ ngầm là hành xử của tâm: hành vi thúc đẩy ấy của khuynh hướng ngủ ngầm là hành vi của si mê.
392. Hành xử của si mê: hành xử của si mê theo nghĩa nào?
Tâm hành xử với tham: Đây là hành xử si mê của tâm. Tâm hành xử với sân: Đây là hành xử si mê của tâm. Tâm hành xử với si: Đây là hành xử si mê của tâm. Tâm hành xử với ngã mạn: Đây là hành xử si mê của tâm. Tâm hành xử với quan điểm [sai lạc]:... Tâm hành xử với dao động... Tâm hành xử với nghi hoặc... Tâm hành xử với khuynh hướng ngủ ngầm:... Tâm hành xử liên kết với tham:... Tâm hành xử liên kết với sân:... Tâm hành xử liên kết với si:... Tâm hành xử liên kết với ngã mạn:... Tâm hành xử liên kết với quan điểm [sai lạc]:... [82] Tâm hành xử liên kết với dao động:... Tâm hành xử liên kết với nghi hoặc:... Tâm hành xử liên kết với khuynh hướng ngủ ngầm:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi thiện:... Tâm hành xử liên kết với hành vi bất thiện:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi không thể khiển trách được: ... Tâm hành xử liên kết với hành vi đen tối:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi minh bạch:...
Tâm hành xử không liên kết với hành vi tạo an vui:... Tâm hành xử liên kết với hành vi tạo khổ đau:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi hưởng quả an vui:... Tâm hành xử liên kết với hành vi chịu quả khổ đau:... Tâm hành xử đến cái gì chưa biết: đây là hành xử si mê. Hành xử si mê ấy là như thế: đây là một loại hành xử si mê.
Đây là hành xử si mê.
393. Hành xử của trí là gì?
Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm với mục đích quán vô thường là hành xử của tâm: sự quán vô thường ấy là hành xử của trí. Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm với mục đích quán khổ đau... với mục đích quán không phải là ngã... với mục đích quán nhàm chán... với mục đích quán hết ham muốn... với mục đích quán đoạn diệt... với mục đích quán buông bỏ... với mục đích quán hủy diệt... với mục đích quán diệt... với mục đích quán biến đổi... với mục đích quán không dấu hiệu... với mục đích quán không ước nguyện... với mục đích quán trống không... với mục đích quán thực tánh chiếu rọi vào các hiện tượng là tuệ tăng thượng... với mục đích thấy biết đúng như thật... với mục đích quán hiểm nguy... với mục đích quán tư duy là hành xử của tâm: hành vi quán tư duy ấy là hành xử của trí. Hành vi hướng sự chú ý bất định theo chức năng của tâm với mục đích quán quay đi là hành xử của tâm: sự quán quay đi ấy là hành xử của trí. Đạo lộ nhập giòng là hành xử của trí. Quả vị nhập giòng... Đạo lộ trở lại một lần là hành xử của trí. Quả vị trở lại một lần... Đạo lộ không trở lại là hành xử của trí. Quả vị không trở lại... Đạo lộ arahant là hành xử của trí. Quả vị arahant là hành xử của trí.
394. Hành xử của trí: hành xử của trí theo nghĩa nào?
Tâm hành xử không có tham: đây là hành xử của trí. Tâm hành xử không có sân:... Tâm hành xử không có si:... Tâm hành xử không có ngã mạn:... [83] Tâm hành xử không có quan điểm [sai lạc]:... Tâm hành xử không có dao động:... Tâm hành xử không có nghi hoặc:... Tâm hành xử không có khuynh hướng ngủ ngầm:... Tâm hành xử không liên kết với tham:... Tâm hành xử không liên kết với sân:... Tâm hành xử không liên kết với si:... Tâm hành xử không liên kết với ngã mạn:... Tâm hành xử không liên kết với quan điểm [sai lạc]:... Tâm hành xử không liên kết với dao động:... Tâm hành xử không liên kết với nghi hoặc:... Tâm hành xử không liên kết với khuynh hướng ngủ ngầm:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi thiện:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi bất thiện:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi có thể khiển trách được:... Tâm hành xử liên kết với hành vi không thể khiển trách được:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi đen tối:... Tâm hành xử liên kết với hành vi minh bạch:... Tâm hành xử liên kết với hành vi tạo an vui:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi tạo khổ đau:... Tâm hành xử liên kết với hành vi hưởng quả an vui:... Tâm hành xử không liên kết với hành vi chịu quả khổ đau:... Tâm hành xử đến cái gì được nhận biết: Đây là hành xử của trí. Hành xử si mê ấy là như thế: đây là một loại hành xử của trí.
Đây là hành xử của trí.
395. Hành xử của tâm là một, hành xử của si mê là một điều khác, hành xử của trí là một điều khác nữa.
Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ xác định hành xử là trí về sự khác biệt trong hành xử’.
[CHƯƠNG XVIII - CẢNH GIỚI]
396.Thế nào là tuệ xác định bốn cõi là trí về sự khác biệt trong cảnh giới?
397. Có bốn cảnh giới: dục giới, sắc giới, vô sắc giới và cõi không được kể đến.
398. Cõi dục giới là gì? (đọc Dhs 1280)
Kể từ địa ngục Avīci phía dưới cho đến cảnh giới chư thiên Paranimmitavasavatti phía trên, các tập hợp, các yếu tố, các nền tảng, vật thể, cảm nghiệm, nhận thức, tạo lập tâm trạng và thức hiện hữu trong khoảng cách này, có giới vức của chúng ở đây, được tính kể ở đây: đây là cõi dục giới.
399. Cõi sắc giới là gì? [84] (đọc Dhs 1282)
Kể từ Thế giới Brahmā phía dưới cho đến cảnh giới chư thiên Akaniṭṭha phía trên, các trạng thái tâm và tâm phụ tùy trong người đã chứng [cảnh giới đó nhờ thiền định] hay người đã được tái sanh [ở đó] hay vị [như arahant] đang trú [ở đó] trong an lạc ở ngay đây và ngay bây giờ, thuộc các trạng thái có giới vức của chúng ở đây, được tính kể ở đây: đây là cõi sắc giới.
400. Cõi vô sắc giới là gì? (đọc Dhs 1284)
Kể từ chư thiên cõi không gian vô biên phía dưới cho đến cảnh giới chư thiên cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức phía trên, các trạng thái tâm và tâm phụ tùy trong người đã chứng hay đã được tái sanh hay đang trú trong an lạc ở ngay đây và ngay bây giờ, thuộc các trạng thái có giới vức của chúng ở đây, được tính kể ở đây: đây là cõi vô sắc giới.
401. Cõi không được tính kể đến là gì? (đọc Dhs 1291)
Các đạo lộ và quả vị của các đạo lộ không được tính kể đến và các trạng thái không được tạo thành: đây là cảnh giới không được tính kể đến.*
Đây là bốn cảnh giới.
* apariyāpannā(không được tính kể đến, đứng riêng ngoài), đó là: 4 đạo lộ, 4 quả vị và niết bàn. Đọc Dhs. đoạn 583, 992, 1287ff.
402. Bốn cảnh giới khác: bốn nền tảng của quán niệm, bốn chánh tinh tấn, bốn nền tảng của thần thông (con đường đưa đến năng lực), bốn jhānas, bốn trạng thái vô lượng, bốn chứng đạt cõi vô sắc giới, bốn vô ngại giải, bốn loại tiến triển (D iii 228), bốn đối tượng phụ trợ (Vbh 332), bốn truyền thống của Bậc Thánh (D iii 224)*, bốn giềng mối gìn giữ(D iii 232)2*, bốn điềm lành (A ii 32)3*, bốn bước của Giáo Pháp chân chánh (A ii 29)4*.
Đây là [mỗi một cho] bốn cảnh giới.
* ariyavaṁsā(thánh chủng):·hài lòng với bất cứ tấm y cũ nào, ·hài lòng với bất cứ thực phẩm cúng dường nào, ·hài lòng với bất cứ chỗ ở nào, ·thích và hoan hỉ trong việc từ bỏ & trong tu tập. Đọc thêm A ii 27.
2*saṅgaha-vatthūni: ·bố thí, ·nói lời hòa nhã, ·làm điều ích lợi, ·không thiên vị. Đọc thêm A ii 32, D iii 152.
3* là: ·sống nơi thích hợp, ·giao kết với bậc Thánh, ·tự biết mình (đọc D iii 254), ·đã làm phước từ trước.
4* là: ·không tham, ·không sân, ·chánh niệm, ·chánh định.
403. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ xác định bốn cõi là trí về sự khác biệt trong cảnh giới’.
[CHƯƠNG XIX - CÁC Ý NIỆM]
404.Thế nào là tuệ xác định chín ý niệm là trí biết sự khác biệt giữa các ý niệm?
405. Hành giả xác định các ý niệm như thế nào?
Vị ấy xác định các ý niệm cõi dục giới là thiện, vị ấy xác định các ý niệm cõi dục giới bất thiện, vị ấy xác định các ý niệm cõi dục giới bất định. Vị ấy xác định các ý niệm cõi sắc giới là thiện, vị ấy xác định các ý niệm đó bất định. Vị ấy xác định các ý niệm cõi vô sắc giới là thiện, vị ấy xác định các ý niệm vô sắc giới ấy bất định. Vị ấy xác định các ý niệm không được kể đến là thiện, vị ấy xác định các ý niệm không được kể đến ấy bất định. [85]
406. Vị ấy xác định các ý niệm cõi dục giới là thiện, vị ấy xác định các ý niệm cõi dục giới bất thiện, vị ấy xác định các ý niệm cõi dục giới bất định như thế nào?
Vị ấy xác định mười lộ trình của nghiệp là thiện, vị ấy xác định mười lộ trình của nghiệp là bất thiện. Vị ấy xác định [tâm] cõi sắc thể và [tâm] quả của hành động và [tâm] duy tác là bất định. Đây là cách vị ấy xác định các ý niệm cõi dục giới là thiện, vị ấy xác định các ý niệm cõi dục giới bất thiện, vị ấy xác định các ý niệm cõi dục giới bất định.
Vị ấy xác định các ý niệm cõi sắc giới là thiện, xác định các ý niệm cõi sắc giới bất định như thế nào?
Vị ấy xác định bốn jhānas là thiện cho các vị ‘an cư lập nghiệp’ ở đây [nhờ tái sanh trong cõi dục giới], vị ấy xác định bốn jhānas là bất định cho các vị tái sanh ở đấy [trong cõi vô sắc giới]. Đây là cách vị ấy xác định các ý niệm cõi sắc giới là thiện, xác định các ý niệm cõi sắc giới bất định.
Vị ấy xác định các ý niệm cõi vô sắc giới là thiện, xác định các ý niệm cõi vô sắc giới là bất định như thế nào?
Vị ấy xác định bốn thành tựu ở cõi vô sắc giới là thiện cho các vị ‘an cư lập nghiệp’ ở đây, vị ấy xác định bốn thành tựu ở cõi vô sắc giới là bất định cho các vị tái sanh ở đấy. Đây là cách vị ấy xác định các ý niệm cõi vô sắc giới là thiện, xác định các ý niệm cõi vô sắc giới là bất định.
Vị ấy xác định các ý niệm không được tính kể đến là thiện, xác định các ý niệm không được tính kể đến là bất định như thế nào?
Vị ấy xác định bốn đạo lộ là thiện. Vị ấy xác định bốn quả vị sa môn và nibbana là bất định. Đây là cách vị ấy xác định các ý niệm không được tính kể đến là thiện, xác định các ý niệm không được tính kể đến bất định.
Đây là cách vị ấy xác định các ý niệm.
407. Chín trạng thái bắt nguồn từ hân hoan: Khi hành giả chú ý [đến đối tượng] là vô thường, hân hoan khởi lên trong vị ấy; khi vị ấy hân hoan, hỉ lạc khởi lên trong vị ấy; khi tâm hỉ lạc, thân* của vị ấy trở nên thư thái; khi thân thư thái «tâm của»vị ấy cảm thấy dễ chịu; khi cảm thấy dễ chịu, tâm của vị ấy được định; khi tâm định, vị ấy thấy và biết đúng như thật; khi thấy và biết đúng như thật vị ấy trở nên nhàm chán; khi trở nên nhàm chán, lòng tham của vị ấy phai nhạt. Với lòng tham phai nhạt, vị ấy được giải thoát. Khi vị ấy chú ý [đến đối tượng] là khổ... Khi vị ấy chú ý [đối tượng] là không phải là ngã ... với lòng tham phai nhạt, vị ấy được giải thoát.
* kāya:theo Rhys Davids, thân ở đây là nāma-kāya, thân tâm thức. Đọc M. Walshe, The Long Discourses of the Buddha, chú thích 1079, 1155 trang 618, 619, 624.
408. Khi vị ấy thấy vật thể là vô thường, hân hoan khởi lên trong vị ấy... Khi vị ấy thấy cảm nghiệm... nhận thức... tạo lập tâm trạng... thức là vô thường... là khổ... là không phải là ngã, hân hoan khởi lên trong vị ấy; ... Với lòng tham phai nhạt, vị ấy được giải thoát.
Khi vị ấy thấy mắt là vô thường, hân hoan... [và cứ thế lập lại như ở đ. 407 cho các ý niệm còn lại của 201 ý niệm được liệt kê ở đ. 5 cho đến]... Khi vị ấy thấy già và chết là [86] vô thường, hân hoan ... Với lòng tham phai nhạt, vị ấy được giải thoát.
Đây là chín trạng thái bắt nguồn từ hân hoan.
409. Chín trạng thái bắt nguồn từ suy xét kỹ lưỡng* [đối tượng] là vô thường, hân hoan khởi lên trong vị ấy; khi vị ấy hân hoan, hỉ khởi lên trong vị ấy; khi cảm nhận hỉ, thân của vị ấy trở nên thư thái; khi thân thư thái, vị ấy cảm thấy dễ chịu; khi cảm thấy dễ chịu, tâm của vị ấy được định; khi tâm định, vị ấy hiểu đúng như thật: ‘Đây là khổ’, vị ấy hiểu đúng như thật: ‘Đây là nguồn gốc của khổ’, vị ấy hiểu đúng như thật: ‘Đây là sự diệt khổ’, vị ấy hiểu đúng như thật: ‘Đây là con đường đưa đến diệt khổ’. Khi vị ấy suy xét kỹ lưỡng [đối tượng] là khổ... Khi vị ấy suy xét kỹ lưỡng [đối tượng] là không phải là ngã ... hân hoan khởi lên trong vị ấy; ... vị ấy hiểu đúng như thật: ‘Đây là con đường đưa đến diệt khổ’.
* yoniso manasikāra:suy xét kỹ lưỡng theo nghĩa suy nghĩ hợp với sự thực, theo tinh thần phát sanh do tùy thuộc (paṭiccasamuppāda) nói ở M iii 142; S ii 105. Nó là cội nguồn của giải thoát. Đọc Ñāṇamoli, The Guide, PTS [Oxford, 1977], chú thích 46/2 trang 17.
Trái lại là ayoniso manasikāra, suy xét không đúng với sự thực. MA nói nó là cội nguồn của điên đảo, dẫn đến quan điểm sai lạc, khổ đau như ở M i 7. Đọc Ñāṇamoli và Bhikkhu Bodhi, sđd, chú thích 33, trang 1169.
410. Khi vị ấy thấy vật thể là vô thường, hân hoan khởi lên trong vị ấy... Khi vị ấy thấy cảm nghiệm... nhận thức... tạo lập tâm trạng... thức là vô thường... là khổ... là không phải là ngã, hân hoan khởi lên trong vị ấy; ... vị ấy hiểu đúng như thật: ‘Đây là con đường đưa đến diệt khổ’.
Khi vị ấy thấy mắt là vô thường, hân hoan... [và cứ thế lập lại như ở đ. 409 cho các ý niệm còn lại của 201 ý niệm được liệt kê ở đ. 5 cho đến]... Khi vị ấy thấy già và chết là vô thường, hân hoan ... vị ấy hiểu đúng như thật ‘Đây là con đường [87] đưa đến diệt khổ’.
Đây là chín trạng thái bắt nguồn suy xét kỹ lưỡng.
411. Chín loại khác biệt. (D iii 289; cf. đ. 89)
Vì có khác biệt về yếu tố*, nên khác biệt về xúc khởi lên. Vì có khác biệt về xúc, nên khác biệt về cảm giác khởi lên. Vì có khác biệt về cảm giác, nên khác biệt về nhận thức khởi lên. Vì có khác biệt về nhận thức, nên khác biệt về tư duy khởi lên. Vì có khác biệt về tư duy, nên khác biệt về ước muốn khởi lên. Vì có khác biệt về ước muốn, nên khác biệt về ám ảnh2*khởi lên. Vì có khác biệt về ám ảnh, nên khác biệt về tìm cầu khởi lên. Vì có khác biệt về tìm cầu, nên khác biệt về lợi lộc khởi lên.
* khác biệt về yếu tố làkhác biệt về bản chất nội tại [bản chất ‘trống không’ và ‘không phải là sanh linh’] của các hiện tượng. Đọc Bhikkhu Bodhi, The Connected Discourses of the Buddha, Vol. I, [Wisdom Publications, Boston, 2000], chú thích 223, trang 788. Đọc thêm Dhātusaṁyutta S. ii 140 ff.
2*ám ảnh [pariḷāha] dịch theo Maurice Walshe, sđd, trang 521. Nđ. cơn sốt nhiễm lậu.
Đây là chín loại khác biệt.
412. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ xác định chín ý niệm là trí biết sự khác biệt giữa các ý niệm’.
[CHƯƠNG XX-XXIV. - TRÍ TRỰC CHỨNG]
413.Thế nào là: (XX) tuệ vốn là trí trực chứng là trí về điều được biết tới? (XXI) tuệ vốn là hiểu biết trọn vẹn là trí theo nghĩa thẩm định (tìm hiểu kỹ)? (XXII) từ bỏ là trí theo nghĩa dứt bỏ? (XXIII) tuệ vốn là tu tập là trí theo nghĩa tác dụng duy nhất? (XXIV) Tuệ vốn là thực chứng là trí theo nghĩa thể nghiệm ?
414. Bất cứ trạng thái nào được chứng biết trực tiếp đều được biết tới. Bất cứ trạng thái nào được hiểu biết trọn vẹn đều được thẩm định (tìm hiểu kỹ). Bất cứ trạng thái nào bị từ bỏ đều bị dứt bỏ. Bất cứ trạng thái nào được tu tập đều có tác dụng (hương vị) duy nhất. Bất cứ trạng thái nào được thực chứng đều được thể nghiệm.
415. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ vốn là trí trực chứng là trí về điều được biết tới, tuệ vốn là hiểu biết trọn vẹn là trí theo nghĩa thẩm định (tìm hiểu kỹ); từ bỏ là trí theo nghĩa dứt bỏ; tuệ vốn là tu tập là trí theo nghĩa tác dụng duy nhất; tuệ vốn là thực chứng là trí theo nghĩa thể nghiệm. [88] (so với Vism 606, SA về S i 11)
[CHƯƠNG XXV-XXVIII. - BỐN VÔ NGẠI GIẢI]
416.Thế nào là: (XXV) tuệ biết khác biệt về nghĩa là trí vô ngại giải về nghĩa? (XXVI) Tuệ biết khác biệt về ý niệm là trí vô ngại giải về ý niệm? (XXVII) Tuệ biết khác biệt về ngôn ngữ là trí vô ngại giải về ngữ pháp? (XXVIII) Tuệ biết khác biệt về biện tài là trí vô ngại giải về biện tài?
417. Năng lực gây ảnh hưởng của tín là một ý niệm, năng lực gây ảnh hưởng của tấn là một ý niệm, năng lực gây ảnh hưởng của niệm là một ý niệm, năng lực gây ảnh hưởng của định là một ý niệm, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ là một ý niệm. Năng lực gây ảnh hưởng của tín là một ý niệm, năng lực gây ảnh hưởng của tấn là một ý niệm khác, năng lực gây ảnh hưởng của niệm là một ý niệm khác, năng lực gây ảnh hưởng của định là một ý niệm khác, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ là một ý niệm khác. Các năng lực gây ảnh hưởng khác nhau này được thấu rõ do cùng một trí từ đó chúng được biết đến. Do vậy nói rằng: ‘Tuệ biết khác biệt về ý niệm là trí vô ngại giải về ý niệm’.
418. Nghĩa hiểu theo cả quyết là một nghĩa, nghĩa hiểu theo nỗ lực là một nghĩa, nghĩa hiểu theo thiết lập là một nghĩa, nghĩa hiểu theo không phân tâm là một nghĩa, nghĩa hiểu theo thấy là một nghĩa. Nghĩa hiểu theo cả quyết là một nghĩa, nghĩa hiểu theo nỗ lực là một nghĩa khác, nghĩa hiểu theo thiết lập là một nghĩa khác, nghĩa hiểu theo không phân tâm là một nghĩa khác, nghĩa hiểu theo thấy là một nghĩa khác. Các nghĩa khác nhau này được thấu rõ do cùng một trí từ đó chúng được biết đến. Do vậy nói rằng: ‘Tuệ biết khác biệt về nghĩa là trí vô ngại giải về nghĩa’.
419. Có sự truyền đạt rõ ràng từ-ngữ để chỉ năm ý niệm này và có sự truyền đạt rõ ràng từ-ngữ để chỉ năm nghĩa này. Ngôn ngữ cho các ý niệm này là một loại, ngôn ngữ cho những nghĩa này là một loại khác. Các ngôn ngữ khác nhau này được thấu rõ do cùng một trí từ đó chúng được biết đến. Do vậy nói rằng: ‘Tuệ biết khác biệt về ngôn ngữ là trí vô ngại giải về ngữ pháp’.
420. Có trường hợp trí về năm loại ý niệm này và có trường hợp trí về năm loại nghĩa này, và có trường hợp trí về mười loại ngôn ngữ này. Những trường hợp ấy của trí về các loại ý niệm này là một, những trường hợp ấy của trí về các loại nghĩa này là một cái khác. Các trí khác nhau này được thấu rõ do cùng một trí từ đó chúng được biết đến. Do vậy nói rằng: ‘Tuệ biết khác biệt về biện tài là trí vô ngại giải về biện tài’.
421. Tín lực là một ý niệm, tấn lực là một ý niệm, niệm lực là một ý niệm, định lực là một ý niệm, tuệ lực là một ý niệm. Tín lực là một ý niệm, tấn lực là một ý niệm khác, niệm lực là một ý niệm khác, định lực là một ý niệm khác, tuệ lực là một ý niệm khác. [89] Các ý niệm khác nhau này được thấu rõ do cùng một trí từ đó chúng được biết đến. Do vậy nói rằng: ‘Tuệ biết khác biệt về ý niệm là trí vô ngại giải về ý niệm’.
422. Nghĩa của không lay chuyển vì bất tin là một nghĩa, nghĩa của không lay chuyển vì lười biếng là một nghĩa, nghĩa của không lay chuyển vì vô ý là một nghĩa, nghĩa của không lay chuyển vì dao động là một nghĩa, nghĩa của không lay chuyển vì vô minh là một nghĩa. Nghĩa của không lay chuyển vì bất tin là một nghĩa, nghĩa của không lay chuyển vì ăn không ngồi rồi là một nghĩa khác, nghĩa của không lay chuyển vì xao lãng là một nghĩa khác, nghĩa của không lay chuyển vì dao động là một nghĩa khác, nghĩa của không lay chuyển vì vô minh là một nghĩa khác. Các nghĩa khác nhau này được thấu rõ do cùng một trí từ đó chúng được biết đến. Do vậy nói rằng: ‘Tuệ biết khác biệt về nghĩa là trí vô ngại giải về nghĩa’.
423. Có sự truyền đạt rõ ràng từ-ngữ để chỉ năm trạng thái này và [cứ thế như ở đ. 419] ... Do vậy nói rằng: ‘Tuệ biết khác biệt về ngôn ngữ là trí vô ngại giải về ngữ pháp’.
424. Có những trường hợp về trí của năm loại ý niệm... [cứ thế như ở đ. 419] ... Do vậy nói rằng: ‘Tuệ biết khác biệt về biện tài là trí vô ngại giải về biện tài’.
425. Yếu tố giác ngộ của niệm là một ý niệm, yếu tố giác ngộ của tìm hiểu sự thực là một ý niệm, yếu tố giác ngộ của tinh tấn là một ý niệm, yếu tố giác ngộ của hỉ là một ý niệm, yếu tố giác ngộ của tĩnh lặng là một ý niệm, yếu tố giác ngộ của định là một ý niệm, yếu tố giác ngộ của bình thản là một ý niệm. Yếu tố giác ngộ của niệm là một ý niệm,... yếu tố giác ngộ của bình thản là một ý niệm khác. Do vậy nói rằng: ‘Tuệ biết khác biệt về ý niệm là trí vô ngại giải về ý niệm’. [90]
426. Nghĩa hiểu theo thiết lập là một nghĩa, nghĩa hiểu theo tìm hiểu sự thực là một nghĩa, nghĩa hiểu theo tinh tấn là một nghĩa, nghĩa hiểu theo thấm nhập là một nghĩa, nghĩa hiểu theo an lạc là một nghĩa. Nghĩa hiểu theo không phân tâm là một nghĩa, nghĩa hiểu theo tư duy là một nghĩa khác. Nghĩa hiểu theo thiết lập là một nghĩa khác,... Nghĩa hiểu theo tư duy là một nghĩa khác. Các nghĩa khác nhau này được thấu rõ do cùng một trí từ đó chúng được biết đến. Do vậy nói rằng: ‘Tuệ biết khác biệt về nghĩa là trí vô ngại giải về nghĩa’.
427. Có sự truyền đạt rõ ràng từ-ngữ để chỉ bẩy ý niệm này và có sự truyền đạt rõ ràng từ-ngữ để chỉ bẩy nghĩa này. Nghĩa cho các ý niệm này [cứ thế như ở đ. 419]
428. Có những trường hợp về trí của bẩy loại ý niệm này. Có những trường hợp về trí của bẩy loại nghĩa này. Có những trường hợp về trí của mười bốn loại ý niệm này. Có những trường hợp về trí của mười bốn loại ngôn ngữ này. Có những trường hợp về trí của các ý niệm này... [cứ thế như ở đ. 420]
429. Chánh kiến là một ý niệm, chánh tư duy là một ý niệm, chánh ngữ là một ý niệm, chánh hành là một ý niệm, chánh mạng là một ý niệm, chánh tinh tấn là một ý niệm, chánh niệm là một ý niệm, chánh định là một ý niệm. Chánh kiến là một ý niệm,... chánh định là một ý niệm khác. Những ý niệm khác biệt này...
430. Nghĩa hiểu theo thấy là một nghĩa, nghĩa hiểu theo hướng tâm trụ vào là một nghĩa, nghĩa hiểu theo duy trì * là một nghĩa, nghĩa hiểu theo nguồn sanh khởi là một nghĩa, nghĩa hiểu theo làm cho sạch là một nghĩa, nghĩa hiểu theo nỗ lực là một nghĩa, nghĩa hiểu theo thiết lập là một nghĩa khác, nghĩa hiểu theo không phân tâm là một nghĩa khác. Nghĩa hiểu theo thấy là một nghĩa,... [91] nghĩa hiểu theo không phân tâm là một nghĩa khác. Các nghĩa khác nhau này...
* nđ: giữ vững
431. Có sự truyền đạt rõ ràng từ-ngữ để chỉ tám ý niệm này và có sự truyền đạt rõ ràng từ-ngữ để chỉ tám nghĩa này. Nghĩa cho các ý niệm này [cứ thế như ở đ. 419]
432. Có những trường hợp về trí của tám loại ý niệm này. Có những trường hợp về trí của tám loại nghĩa này. Có những trường hợp về trí của mười sáu loại ý niệm này. Có những trường hợp về trí của các ý niệm này... [cứ thế như ở đ. 420]
433. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ biết khác biệt về nghĩa là trí vô ngại giải về nghĩa. Tuệ biết khác biệt về ý niệm là trí vô ngại giải về ý niệm. Tuệ biết khác biệt về ngôn ngữ là trí vô ngại giải về ngữ pháp. Tuệ biết khác biệt về biện tài là trí vô ngại giải về biện tài’.
[CHƯƠNG XXIX-XXXI. - TRÚ VÀ CHỨNG ĐẠT]
434.Thế nào là (XXIX) tuệ biết khác biệt về trú là trí về nghĩa của trú. Là (XXX) tuệ biết khác biệt về chứng đạt là trí về chứng đạt. Là (XXXI) tuệ biết khác biệt về trú và chứng đạt là trí về nghĩa của trú và chứng đạt?
435. Khi hành giả thấy rõ ràng dấu hiệu [của hành vi tạo quả] là hãi hùng và thấy sự diệt đi [của chúng] mỗi lần áp dụng [trí của mình đến các dấu hiệu ấy] vì đã quyết chí về không dấu hiệu [một khía cạnh của nibbana], đây là trú không dấu hiệu [của quán thực tánh]. Khi hành giả thấy rõ ước nguyện [của hành vi tạo quả] là hãi hùng và thấy sự diệt mất [của chúng] mỗi lần áp dụng [trí của mình đến các dấu hiệu ấy] vì đã quyết chí về không ước nguyện [khía cạnh của nibbana], đây là trú trong không ước nguyện [của quán thực tánh]. Khi hành giả thấy rõ sự diễn giải sai lạc [về hành vi tạo quả] là hãi hùng và thấy sự diệt mất [của chúng] mỗi khi vị ấy áp dụng [trí của mình đến các hành vi tạo quả ấy] vì đã quyết chí về tánh không [khía cạnh của nibbana], đây là trú vào tánh không [của quán thực tánh].
436. Khi thấy rõ dấu hiệu ấy là hãi hùng và, nhờ bình thản coi sự xảy ra của các dấu hiệu ấy và chú tâm đến đoạn diệt, nibbana, là không dấu hiệu, hành giả chứng [quả] vì chí đã quyết về không dấu hiệu, đây là chứng không dấu hiệu. Khi thấy rõ ước nguyện là hãi hùng và, [92] nhờ bình thản coi sự xảy ra của các dấu hiệu ấy và chú tâm đến đoạn diệt, nibbana, là không ước nguyện, hành giả chứng đắc [quả] vì chí đã quyết về không ước nguyện, đây là chứng không ước nguyện. Khi thấy rõ sự diễn giải sai lạc ấy là hãi hùng và, nhờ bình thản coi sự xảy ra và chú tâm đến đoạn diệt, nibbana, là tánh không, hành giả chứng [quả] vì chí đã quyết về tánh không, đây là chứng chân không.
437. Khi hành giả thấy rõ dấu hiệu [của hành vi tạo quả] là hãi hùng và thấy sự diệt đi [của chúng] mỗi khi áp dụng [trí của mình đến các dấu hiệu ấy] và nhờ bình thản coi sự xảy ra của các dấu hiệu ấy và chú tâm đến đoạn diệt, nibbana, là không dấu hiệu, hành giả chứng [quả] vì chí đã quyết về không dấu hiệu, đây là trú và chứng không dấu hiệu. Khi... [thay ước nguyện và không ước nguyện bằng dấu hiệu và không dấu hiệu]... Khi... [thay diễn giải sai lạc và tánh không bằng dấu hiệu và không dấu hiệu]... đây là trú và chứng chân không.
438. Khi hành giả thấy rõ dấu hiệu của vật thể là hãi hùng và thấy nó diệt đi mỗi khi áp dụng [trí của mình đến nó] vì chí đã quyết về không dấu hiệu, đây là trú trong không dấu hiệu. Khi... [thay ước nguyện và không ước nguyện]... Khi... [thay diễn giải sai lạc và tánh không]... đây là trú chân không.
Khi hành giả thấy rõ dấu hiệu của vật thể là hãi hùng và, nhờ bình thản coi sự xảy ra và chú tâm đến đoạn diệt, nibbana, là không dấu hiệu, hành giả chứng [quả] vì chí đã quyết về không dấu hiệu, đây là chứng không dấu hiệu. Khi... [thay ước nguyện và không ước nguyện]... Khi... [thay diễn giải sai lạc và tánh không]... đây là chứng chân không.
Khi hành giả thấy rõ dấu hiệu của vật thể là hãi hùng và thấy nó diệt đi mỗi khi vị ấy áp dụng [trí của mình đến nó] và, nhờ bình thản coi sự xảy ra và chú tâm đến đoạn diệt, nibbana, là không dấu hiệu, hành giả chứng [quả] vì chí đã quyết về không dấu hiệu [đặc tính của nibbana], đây là trú và chứng không dấu hiệu. Khi... [thay ước nguyện và không ước nguyện]... Khi... [93] [thay diễn giải sai lạc và tánh không]... đây là chứng và trú chân không.
Khi hành giả thấy rõ dấu hiệu của cảm nghiệm... [và cứ thế lập lại ba đoạn trên với các tập hợp còn lại và cho các ý niệm còn lại của 201 ý niệm được liệt kê ở đ. 5 cho đến]...
Khi hành giả thấy rõ dấu hiệu của già và chết... đây là chứng và trú chân không. [94]
439. Trú không dấu hiệu là một; trú không ước nguyện là một cái khác; trú chân không là một cái khác; chứng không dấu hiệu là một; chứng không ước nguyện là một cái khác; chứng chân không là một cái khác; trú và chứng không dấu hiệu là một; trú và chứng không ước nguyện là một cái khác; trú và chứng chân không là một cái khác.
440. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ biết khác biệt về trú là trí về nghĩa của trú, tuệ biết khác biệt về chứng đạt là trí về chứng đạt, tuệ biết khác biệt về trú và chứng đạt là trí về nghĩa của trú và chứng đạt’.
[CHƯƠNG XXXII. ĐỊNH CÓ KẾT QUẢ TỨC THỜI]
441.Thế nào là tuệ cắt đứt phiền não nhờ sự tinh khiết của không phân tâm là trí về định [có kết quả]tức thời?
442. Nhờ xuất ly, định là không phân tâm tức là nhất tâm; nhờ có định ấy nên trí khởi lên; nhờ có trí ấy, nên phiền não bị đoạn diệt. Kể như thế thì định có trước và trí có sau; nhờ trí đó nên nhiễm lậu bị diệt trừ. Như vậy nên nói: ‘tuệ cắt đứt phiền não nhờ sự tinh khiết của không phân tâm là trí về định có kết quả tức thời’.
Phiền não:Các phiền não này là gì?
Đây là phiền não về ái dục, phiền não trở thành, phiền não về quan điểm và phiền não về vô minh.
Các phiền não này bị đoạn diệt ở đâu?
Ở đạo lộ nhập giòng, phiền não về quan điểm hoàn toàn bị đoạn diệt, và các phiền não về ái dục, trở thành và vô minh còn mạnh đủ để sanh vào cảnh khổ* bị đoạn diệt. Các phiền não này bị đoạn diệt ở đây.
* apāyagamanīyo:sanh vào cảnh khổ.
Ở đạo lộ trở lại một lần, phiền não thô về ái dục bị đoạn diệt và các phiền não về trở thành và vô minh đi cùng với nó bị đoạn diệt. Các phiền não này bị đoạn diệt ở đây.
Ở đạo lộ không trở lại, phiền não về ái dục bị tuyệt diệt và các phiền não về trở thành và vô minh đi cùng với nó bị đoạn diệt. Các phiền não này bị đoạn diệt ở đây.
Ở đạo lộ arahant, các phiền não về trở thành và vô minh bị tuyệt diệt. Các phiền não này bị đoạn diệt ở đây. [95]
Không phân tâm là nhất tâm nhờ không sân hận... do nghĩ đến ánh sáng... nhờ không phân tâm... nhờ tìm hiểu rõ các hiện tượng... nhờ trí... nhờ hân hoan...
Không phân tâm là nhất tâm nhờ chứng cõi không gian vô biên... nhờ chứng cõi thức vô biên... nhờ chứng cõi không có gì... nhờ chứng cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức...
Không phân tâm là nhất tâm nhờ đề mục đất... đề mục nước... đề mục lửa... đề mục gió... đề mục mầu xanh... đề mục mầu vàng... đề mục mầu đỏ... đề mục trắng... đề mục hư không*... đề mục tâm2*...
* ākāsakasiṇavasena
2*viññāṇakasiṇavasena
Không phân tâm là nhất tâm quán tưởng đến đức Phật... Không phân tâm là nhất tâm quán tưởng đến Giáo Pháp Chân Chính... Không phân tâm là nhất tâm quán tưởng đến Tăng Đoàn... Không phân tâm là nhất tâm quán tưởng đến Giới... Không phân tâm là nhất tâm quán tưởng đến bố thí... Không phân tâm là nhất tâm quán tưởng đến chư thiên... quán niệm đến hơi thở... quán niệm đến cái chết... quán niệm đến thân... quán niệm đến an lạc...
Không phân tâm là nhất tâm đến [tử thi] phình trương... đến xanh đen, ... đến máu mủ,... đến nứt nẻ (đứt lìa),... đến thú xé ăn,... đến phân lìa, đến rã rục, <đến chảy máu...> đến [tử thi] bị sâu khoét... đến bộ xương...
Không phân tâm là nhất tâm nhờ thở vào hơi dài... nhờ thở ra hơi dài... nhờ thở vào hơi ngắn... nhờ thở ra hơi ngắn... nhờ thở vào kinh nghiệm toàn thân [hơi thở]... nhờ thở ra kinh nghiệm toàn thân [hơi thở]... nhờ thở vào làm lắng dịu hành vi của thân.. nhờ thở ra làm lắng dịu hành vi của thân... nhờ thở ra kinh nghiệm hoan hỉ... nhờ thở vào kinh nghiệm hoan hỉ... nhờ thở ra kinh nghiệm an lạc... nhờ thở vào kinh nghiệm an lạc... nhờ thở ra kinh nghiệm hành vi của tâm... nhờ thở vào kinh nghiệm hành vi của tâm... nhờ thở ra làm lắng dịu hành vi của tâm... nhờ thở vào làm lắng dịu hành vi của tâm... nhờ thở ra kinh nghiệm tâm... nhờ thở vào kinh nghiệm tâm... nhờ thở ra kinh nghiệm tâm hân hoan... nhờ thở vào kinh nghiệm tâm hân hoan... nhờ thở ra kinh nghiệm tâm định... nhờ thở vào kinh nghiệm tâm định... nhờ thở ra kinh nghiệm tâm giải thoát... nhờ thở vào kinh nghiệm tâm giải thoát... nhờ thở ra quán vô thường... nhờ thở vào quán vô thường... nhờ thở ra quán hết ham muốn... nhờ thở vào quán hết ham muốn... nhờ thở ra quán diệt tận... nhờ thở vào quán diệt tận... nhờ thở vào quán xuất ly...
Không phân tâm là nhất tâm nhờ thở vào quán xuất ly là định; vì thế... [96] [hoàn tất như từ đầu của đoạn này cho đến]... trí về định có kết quả tức thời’.
Nhiễm lậu:Các nhiễm lậu...
Ở đạo lộ arahant, các nhiễm lậu về trở thành và vô minh bị tuyệt diệt. Các nhiễm lậu này bị đoạn diệt ở đây.
443. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ cắt đứt phiền não nhờ sự tinh khiết của không phân tâm là trí về định có kết quả tức thời’.
[CHƯƠNG XXXIII. - TRÚ KHÔNG XUNG ĐỘT]
444.Thế nào là tuệ tức là thấy có phần ưu thắng, tức là thành tựu trong an trú và tức là quyết tâm về mục tiêu cao thượng là trí về trú không xung đột?
445. Thấy có phần ưu thắng:
Quán vô thường là thấy có phần ưu thắng, quán khổ đau là thấy có phần ưu thắng, quán không phải là ngã làthấy có phần ưu thắng.
Quán vô thường trong vật thể là thấy có phần ưu thắng, quán khổ đau trong vật thể là thấy có phần ưu thắng, quán không phải là ngã trong vật thể làthấy có phần ưu thắng. Quán vô thường trong cảm nghiệm ... trong nhận thức... trong tạo lập tâm trạng... trong thức...
Quán vô thường trong mắt... [và cứ thế cho các ý niệm còn lại của 201 ý niệm được liệt kê ở đ. 5 cho đến]... quán không phải là ngã trong già và chết làthấy có phần ưu thắng. [97]
446. Và là thành tựu trong an trú:
Trú chân không là thành tựu trong an trú, trú không dấu hiệu là thành tựu trong an trú, trú không ước nguyện là thành tựu trong an trú.
447. Quyết tâm về mục tiêu tối thượng:
Chí hướng về chân không là quyết tâm về mục tiêu tối thượng, chí hướng về trú không dấu hiệu là quyết tâm về mục tiêu tối thượng, chí hướng về không ước nguyện là quyết tâm về mục tiêu tối thượng.
448. Trú không xung đột:
Cõi sơ thiền là trú không xung đột, nhị thiền... tam thiền... tứ thiền... chứng cõi không gian vô biên... chứng cõi thức vô biên... chứng cõi không có gì... chứng cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức là trú không xung đột.
449. Trú không xung đột: trú không xung đột theo nghĩa nào?
Cõi sơ thiền dẹp bỏ chướng ngại, vì vậy gọi là trú không xung đột. Cõi nhị thiền từ bỏ hướng tâm và suy xét đối tượng... Cõi tam thiền dẹp bỏ hỉ... Cõi tứ thiền dẹp bỏ lạc và khổ... Chứng cõi không gian vô biên từ bỏ nhận thức về sắc thể... nhận thức về đối ngại, nhận thức về sai biệt, chứng cõi thức vô biên từ bỏ nhận thức về cõi không gian vô biên... chứng cõi không có gì từ bỏ nhận thức về cõi thức vô biên... chứng cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức từ bỏ nhận thức về cõi không có gì, vì vậy gọi là trú không xung đột.
450. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ tức là thấy rõ có phần ưu thắng, tức là thành tựu trong an trú và tức là quyết tâm về mục tiêu tối thượng là trí về trú không xung đột’.
[CHƯƠNG XXXIV. - CHỨNG ĐOẠN DIỆT]
451.Thế nào là tuệ làm chủ do có hai lực, do lắng dịu ba hành vi tạo tác, do mười sáu loại tu tập* của trí, và do chín loại tu tập* của định, là trí về chứng đoạn diệt?
* cariyā = exercise. nv. behaviour.
452. Về hai lực: hai lực ấy là lực tĩnh lặng và lực quán thực tánh.
Lực tĩnh lặng * là gì? Không phân tâm là nhất tâm nhờ xuất ly là lực tĩnh lặng. Không phân tâm là nhất tâm nhờ không sân hận là lực tĩnh lặng. Không phân tâm là nhất tâm nhờ nghĩ đến ánh sáng [98] [và cứ thế như ở đ. 442 cho đến]... Không phân tâm là nhất tâm nhờ thở ra quán từ bỏ là lực tĩnh lặng.
* tĩnh lặng ở đây chính là định. Đọc lại chú thích số 7 ở đ. 23.
453. Lực tĩnh lặng: Tĩnh lặng là lực theo nghĩa nào?
Không lay chuyển vì chướng ngại qua sơ thiền, như vậy là lực tĩnh lặng. Qua nhị thiền... [và cứ thế như ở đ. 449 cho đến]... không lay chuyển vì nhận thức cõi không có gì nhờ chứng cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức, như vậy là lực tĩnh lặng.
Nó không thể lay chuyển được, không thể dời chuyển được và không thể bị sự dao động, nhiễm lậu và tập hợp đi kèm với dao động đổi hướng nên tĩnh lặng là lực.
Đây là lực tĩnh lặng.
454. Quán thực tánh kể như là lực là gì?
Quán vô thường là quán thực tánh kể như là lực, quán khổ đau... quán không phải là ngã... quán nhàm chán... quán hết ham muốn... quán đoạn diệt... quán buông bỏ là quán thực tánh kể như là lực. (đ. 16)
Quán vô thường trong vật thể là quán thực tánh kể như là lực, quán khổ đau trong vật thể... quán không phải là ngã trong vật thể... quán nhàm chán trong vật thể... quán hết ham muốn trong vật thể... quán đoạn diệt trong vật thể... quán buông bỏ trong vật thể là quán thực tánh kể như là lực... Quán vô thường trong cảm nghiệm... trong nhận thức... trong tạo lập tâm trạng... trong thức...
Quán vô thường trong mắt... [và cứ thế với 7 cách quán còn lại cho các ý niệm của 201 ý niệm còn lại được liệt kê ở đ. 5 cho đến]... quán buông bỏ trong già và chết là quán thực tánh kể như là lực.
455. Lực quán thực tánh: quán thực tánh làlực theo nghĩa nào?
Không lay chuyển vì nhận thức về trường tồn nhờ quán vô thường, như vậy là lực quán thực tánh. Không lay chuyển vì nhận thức về vui sướng nhờ quán về khổ, như vậy là lực quán thực tánh. Không lay chuyển vì nhận thức về ngã nhờ quán không phải là ngã... không lay chuyển vì thích thú nhờ quán nhàm chán... không lay chuyển vì tham nhờ quán hết ham muốn... không lay chuyển vì sanh khởi nhờ quán [99] diệt... Không lay chuyển vì bám níu nhờ quán buông bỏ, như vậy quán thực tánh là lực.
Nó không thể lay chuyển được, không thể dời chuyển được và không thể bị đổi hướng vì dao động, vì nhiễm lậu và các tập hợp đi kèm với vô minh nên quán thực tánh là lực.
Đây là quán thực tánh kể như là lực.
456. Do lắng dịu ba hành vi tạo quả: do lắng dịu ba hành vi tạo quả nào?
Trong người chứng nhị thiền, hành vi tạo quả bằng lời dưới hình thức hướng tâm và suy xét đối tượng đã được hoàn toàn lắng dịu. Trong người chứng tứ thiền, hành vi tạo quả bằng việc làm dưới hình thức hơi thở vào và hơi thở ra đã được hoàn toàn lắng dịu. Trong người chứng diệt thọ tưởng, hành vi tạo quả bằng ý dưới hình thức nhận thức và cảm nghiệm đã được hoàn toàn lắng dịu. Do lắng dịu ba hành vi tạo quả này.
457. Do mười sáu loại tu tập của trí: Do mười sáu loại tu tập nào của trí ? (cf. đ. 393)
Quán vô thường là tu tập của trí. Quán khổ đau... Quán không phải là ngã... Quán nhàm chán... Quán hết ham muốn... Quán đoạn diệt... Quán buông bỏ là tu tập của trí. Quán quay đi là tu tập của trí. Đạo lộ nhập giòng là tu tập của trí.... Quả nhập giòng... Đạo lộ trở lại một lần... Quả vị trở lại một lần... Đạo lộ không trở lại... Quả vị không trở lại... Đạo lộ arahant... Quả vị arahant là tu tập của trí. Do mười sáu loại tu tập này của trí.
458. Do chín loại tu tập của định: Do chín loại tu tập nào của định?
Cõi sơ thiền là tu tập của định. Cõi nhị thiền... Cõi tam thiền... Cõi tứ thiền... Chứng cõi không gian vô biên... chứng cõi thức vô biên... chứng cõi không có gì... chứng cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức là tu tập của định. Cũng thế với hướng tâm về đối tượng, suy xét về đối tượng, hỉ, lạc và nhất tâm có mục đích chứng sơ thiền... có mục đích chứng cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức. Do chín loại tu tập này của định.
459. Làm chủ: có năm loại. Có sự làm chủ trong việc hướng sự chú ý, trong sự chứng đắc, trong quyết định (về thời hạn), trong trồi lên, [100] trong quán sát.
Vị tỳ kheo hướng sự chú ý đến sơ thiền ở bất cứ chỗ nào, khi nào, trong thời gian bao lâu theo ý muốn, không gặp khó khăn gì trong việc hướng sự chú ý, như vậy là làm chủ trong việc hướng sự chú ý. Vị tỳ kheo chứng sơ thiền ở bất cứ chỗ nào, khi nào, trong thời gian bao lâu theo ý muốn, không gặp khó khăn gì trong việc chứng đắc, như vậy là làm chủ trong việc chứng đắc. Vị tỳ kheo quyết định (về thời hạn) nhập sơ thiền ở bất cứ chỗ nào, khi nào, trong thời gian bao lâu theo ý muốn, không gặp khó khăn gì trong việc quyết định (về thời hạn), như vậy là làm chủ trong việc quyết định (về thời hạn). Vị tỳ kheo trồi lên từ sơ thiền «xuất thiền»ở bất cứ chỗ nào, khi nào, trong thời gian bao lâu theo ý muốn, không gặp khó khăn gì trong việc trồi lên «xuất thiền», như vậy là làm chủ trong việc trồi lên «xuất thiền». Vị tỳ kheo quán sát sơ thiền ở bất cứ chỗ nào, khi nào, trong thời gian bao lâu theo ý muốn, không gặp khó khăn gì trong việc quán sát, như vậy là làm chủ trong việc quán sát.
Vị tỳ kheo hướng sự chú ý đến nhị thiền...
Vị tỳ kheo hướng sự chú ý đến tam thiền...
Vị tỳ kheo hướng sự chú ý đến tứ thiền...
Vị tỳ kheo hướng sự chú ý đến chứng đắc cõi không gian vô biên...
Vị tỳ kheo hướng sự chú ý đến chứng đắc cõi thức vô biên...
Vị tỳ kheo hướng sự chú ý đến chứng đắc cõi không có gì...
Vị tỳ kheo hướng sự chú ý đến chứng đắc cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức ở bất cứ chỗ nào... Vị tỳ kheo quán sát sự chứng đắc cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức ở bất cứ chỗ nào... vị ấy không gặp khó khăn gì trong việc quán sát, như vậy là làm chủ trong việc quán sát.
460. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘tuệ làm chủ do làm chủ hai lực, do lắng dịu ba hành vi tạo tác, do mười sáu loại tu tập của trí, và do chín loại tu tập của định, là trí về chứng đoạn diệt’.
[CHƯƠNG XXXV. HOÀN TOÀN DẬP TẮT]
461.Thế nào là tuệ chấm dứt sự tiếp tục tái diễn của người hiểu biết rõ ràng tường tận là trí về hoàn toàn dập tắt ?
462. Ở đây, người hiểu biết rõ ràng tường tận, nhờ xuất ly, chấm dứt sự tiếp tục tái diễn ham muốn ái dục; nhờ không sân hận, chấm dứt sự tiếp tục tái diễn sân hận; nhờ nghĩ về ánh sáng, chấm dứt sự tiếp tục tái diễn dã dượi buồn ngủ; nhờ không phân tâm, chấm dứt sự tiếp tục tái diễn dao động; nhờ tìm hiểu kỹ các hiện tượng, chấm dứt sự tiếp tục tái diễn hoài nghi; nhờ trí, chấm dứt sự tiếp tục tái diễn vô minh; nhờ hoan hỉ, chấm dứt sự tiếp tục tái diễn buồn chán.
Vị ấy nhờ sơ thiền, chấm dứt sự tiếp tục tái diễn chướng ngại... [và cứ thế với các jhanas, chứng đắc vô sắc giới và các đạo lộ cho đến]... Vị ấy nhờ đạo lộ arahant, chấm dứt sự tiếp tục tái diễn mọi nhiễm lậu [101].
Hay cũng có thể, khi hiểu biết rõ ràng tường tận, vị ấy chứng hoàn toàn dập tắt nhờ niết bàn không có bám níu nào còn xót lại thì vị ấy chấm dứt sự tiếp tục tái diễn của mắt và tiếp tục tái diễn mới của mắt khởi lên, vị ấy chấm dứt sự tiếp tục tái diễn của tai... tiếp tục tái diễn của mũi... tiếp tục tái diễn của lưỡi... tiếp tục tái diễn của thân... vị ấy chấm dứt sự tiếp tục tái diễn của ý và sự tiếp tục tái diễn mới của ý khởi lên.
Tuệ hiểu biết về chấm dứt sự tiếp tục tái diễn này của người hiểu biết rõ ràng tường tận là trí về hoàn toàn dập tắt.
463. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ chấm dứt sự tiếp tục tái diễn của người hiểu biết rõ ràng tường tận là trí hoàn toàn dập tắt’.
[CHƯƠNG XXXVI. - CÙNG TỘT ĐỈNH*]
* samasīsī: vốn có nghĩa là ‘người chứng quả Arahant ngay lúc chết’: muốn nói đến sự chứng quả và cái chết xảy ra đồng thời. Đọc Ñāṇamoli, The Guide, PTS [Oxford, 1977], chú thích 946/5 trang 246, 305. Đọc thêm B. C. Law, Human Types, PTS [Oxford, 1997], đoạn 19, trang 20. Chương này nói hễ đã đoạn tận được tột đỉnh của nhiễm lậu thì đồng thời cũng đạt được tột đỉnh của giải thoát nghĩa là chứng quả Arahant, không thấy đề cập gì đến khía cạnh xảy ra đồng thời của sự đoạn tận tất cả nhiễm lậu và đoạn tận mạng sống.
464.Thế nào là tuệ hoàn toàn cắt đứt tất cả các trạng thái, sự đoạn diệt của chúng, và sự không tái xuất hiện của chúng, là trí về nghĩa của cùng tột đỉnh?
465. Tất cả các trạng thái: Năm tập hợp, mười hai căn cứ, mười tám yếu tố, trạng thái thiện, trạng thái bất thiện, trạng thái bất định tính; các trạng thái cõi dục giới, cõi sắc giới, vô sắc giới, cõi không được tính kể đến.
466. Hoàn toàn cắt đứt: vị ấy hoàn toàn cắt đứt ham muốn ái dục nhờ xuất ly, hoàn toàn cắt đứt sân hận nhờ không sân hận... dã dượi buồn ngủ nhờ nghĩ về ánh sáng... dao động nhờ không phân tâm... hoài nghi nhờ tìm hiểu các hiện tượng... vô minh nhờ trí... buồn chán nhờ hoan hỉ...
Vị ấy hoàn toàn cắt đứt chướng ngại nhờ sơ thiền ... [và cứ thế với các jhanas, chứng đắc vô sắc giới và các đạo lộ cho đến]... Vị ấy hoàn toàn cắt đứt tất cả các nhiễm lậu nhờ đạo lộ arahant.
467.Sự đoạn diệt của chúng: Vị ấy làm cho ham muốn ái dục đoạn diệt nhờ xuất ly, vị ấy làm cho sân hận đoạn diệt nhờ không sân hận, ... dã dượi buồn ngủ nhờ nghĩ về ánh sáng... dao động nhờ không phân tâm... hoài nghi nhờ tìm hiểu các hiện tượng... vô minh nhờ trí... buồn chán nhờ hoan hỉ...
Vị ấy làm cho chướng ngại đoạn diệt nhờ sơ thiền... [và cứ thế với các jhanas, chứng đắc vô sắc giới và các đạo lộ cho đến]... Vị ấy làm cho tất cả các nhiễm lậu đoạn diệt nhờ đạo lộ arahant.
468. Không tái xuất hiện: Ham muốn ái dục không tái xuất hiện ở người đã chứng xuất ly. Sân hận không tái xuất hiện ở người đã chứng [102] không sân hận, ... [và cứ thế với các chướng ngại còn lại].
Các chướng ngại không tái xuất hiện ở người đã chứng đắc sơ thiền ... [và cứ thế cho đến]... không nhiễm lậu nào tái xuất hiện ở người đã chứng đạo lộ arahant.
469. Cùng: Xuất ly cũng giống [như giải thoát] vì ham muốn ái dục đã bị từ bỏ. Không sân hận cũng giống thế vì sân hận đã bị từ bỏ... [và cứ thế với các chướng ngại còn lại].
Sơ thiền cũng như thế vì các chướng ngại ấy đã bị từ bỏ... [và cứ thế cho đến]... Đạo lộ arahant cũng như thế vì tất cả các nhiễm lậu đã bị từ bỏ.
470. Tột đỉnh: * Có mười ba: Tột đỉnh của [tất cả] chướng ngại là tham ái, tột đỉnh của [tất cả] ràng buộc là ngã mạn (kiêu hãnh), tột đỉnh của [tất cả] diễn giải nhầm lẫn là quan điểm [sai lạc], tột đỉnh của [tất cả] tán loạn là dao động, tột đỉnh của [tất cả] nhiễm lậu là vô minh. Tột đỉnh của cả quyết là tín, tột đỉnh của nỗ lực là tinh tấn, tột đỉnh của thiết lập là quán niệm, tột đỉnh của không tán loạn là định. Tột đỉnh của thấy rõ là tuệ. Tột đỉnh của tiếp tục tái diễn 2*là năng lực gây ảnh hưởng của sinh khí. Tột đỉnh của [tất cả] lãnh xứ là giải thoát.3*Tột đỉnh của [tất cả] hành vi tạo quả là đoạn diệt.
* sīsa: nđ đầu.
2*pavattaṁ.
3*gocarasīsañca vimokkho: Tột đỉnh của [tất cả] lãnh xứ là giải thoát. Lãnh xứ (quê hương) của các tỳ kheo là bốn nền tảng của quán niệm (S v 148) nói riêng; hay nói chung là 37 yếu tố đưa đến giác ngộ, 9 trạng thái siêu thế là quê hương của chư Phật, Phật Pacceka và các đệ tử của Ngài (Dh. 22).
471. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ hoàn toàn cắt đứt tất cả các trạng thái, sự đoạn diệt của chúng, và sự không tái xuất hiện của chúng, là trí về nghĩa của cùng tột đỉnh’.
[CHƯƠNG XXXVII. - TẨY TRỪ *]
* sallekha: nghĩa là tẩy trừ uế nhiễm. Tu khổ hạnh là để tẩy trừ. Đây không phải là lối sống cực kỳ khắc khổ như bớt ăn để đầy đọa cơ thể đưa đến sallekhana (cái chết tự nguyện vì đói) như của đạo Jain. Đọc luận án Thạc Sĩ của Bhikkhu Saranapala,Dhutāṅga: Buddhist Severe Ascetism [McMaster University, 2002], trang 21. Đọc thêm Bhikkhu Bodhi, The Middle Length Discourses of the Buddha, chú thích 106-7 trang 1182-3. Kinh Tẩy Trừ Uế Nhiễm (Sallekhasutta) trong Majjhimanikāya nói đến 44 hình thái tẩy trừ uế nhiễm.
472.Thế nào là tuệ về cách biệt, về khác biệt và đồng nhất, về dập tăt lửa, là trí về tẩy trừ?
473. Tách biệt: Tham cách biệt [khỏi giải thoát], sân cách biệt, si cách biệt, giận dữ... thù hận... khinh bỉ... thống trị... đố kỵ... tham vô độ... lừa dối... gian lận... cứng đầu... tự phụ... ngã mạn (tự hào)... cao ngạo... hợm hĩnh... xao lãng... tất cả các nhiễm lậu... tất cả các nết hạnh xấu xa... tất cả các hành vi tạo nghiệp bị cách biệt. Tất cả các hành vi dẫn đến trở thành bị cách biệt. [103]
474. Khác biệt và đồng nhất: Ham muốn ái dục có khác biệt [với giải thoát] và xuất ly đồng nhất [với giải thoát], sân hận có khác biệt và không sân hận có đồng nhất... xảy ra... [và cứ thế với các chướng ngại còn lại].
Các chướng ngại có sự khác biệt và cõi sơ thiền có sự đồng nhất... [và cứ thế cho đến]... tất cả các nhiễm lậu sự khác biệt và đạo lộ arahant có sự đồng nhất.
475. Lửa: Có năm loại: lửa [đức] hạnh, lửa từ phẩm chất đặc biệt của [định], lửa tuệ, lửa phước đức, lửa Chánh Pháp. Lửa phi đức hạnh bị dập tắt vì nó bị lửa của [đức] hạnh tiêu diệt. Lửa của cái gì đối nghịch với phẩm chất đặc biệt bị dập tắt vì nó bị lửa của phẩm chất đặc biệt tiêu diệt. Lửa của thiếu trí tuệ bị dập tắt vì nó bị lửa tuệ tiêu diệt. Lửa của phi phước đức bị dập tắt vì nó bị lửa phước đức tiêu diệt. Lửa của phi chánh pháp bị dập tắt vì nó bị lửa Chánh Pháp tiêu diệt.
476. Tẩy trừ: Ham muốn ái dục là không tẩy trừ, xuất ly là tẩy trừ. Sân hận là không tẩy trừ, không sân hận là tẩy trừ... [và cứ thế với chướng ngại còn lại].
Các chướng ngại là không tẩy trừ, sơ thiền là tẩy trừ... [và cứ thế cho đến]... Tất cả các nhiễm lậu là không tẩy trừ, đạo lộ arahant là tẩy trừ.
477. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘tuệ về cách biệt, về khác biệt và đồng nhất, về dập tắt lửa, là trí về tẩy trừ’.
[CHƯƠNG XXXVIII. - ỨNG DỤNG TINH TẤN]
478.Thế nào là tuệ hiểu nghĩa của nỗ lực ở người cần mẫn *và cố gắng là trí ứng dụng tinh tấn?
*asallīna:cần mẫn.
479. Tuệ hiểu nghĩa của nỗ lực ở người cần mẫn và cố gắng làm cho trạng thái bất thiện chưa sanh không khởi lên là trí ứng dụng tinh tấn. Tuệ hiểu nghĩa của nỗ lực ở người cần mẫn và cố gắng từ bỏ trạng thái bất thiện đã khởi lên là trí ứng dụng tinh tấn. Tuệ hiểu nghĩa của nỗ lực ở người cần mẫn và cố gắng làm cho trạng thái thiện chưa sanh khởi lên [104] là trí ứng dụng tinh tấn. Tuệ hiểu nghĩa của nỗ lực ở người cần mẫn và cố gắng duy trì, không để suy đồi, củng cố, làm cho phong phú, phát huy và toàn thiện các trạng thái thiện đã khởi lên là trí ứng dụng tinh tấn.
480. Tuệ hiểu nghĩa của nỗ lực ở người cần mẫn và cố gắng làm cho ham muốn ái dục chưa sanh không khởi lên là trí ứng dụng tinh tấn. Tuệ hiểu nghĩa của nỗ lực ở người cần mẫn và cố gắng từ bỏ ham muốn ái dục đã khởi lên là trí ứng dụng tinh tấn. Tuệ hiểu nghĩa của nỗ lực ở người cần mẫn và cố gắng làm cho xuất ly chưa sanh được khởi lên là trí ứng dụng tinh tấn. Tuệ hiểu nghĩa của nỗ lực ở người cần mẫn và cố gắng duy trì, không để suy đồi, củng cố, làm cho phong phú, phát huy và toàn thiện xuất ly đã khởi lên là trí ứng dụng tinh tấn. Tuệ hiểu... [và cứ thế với bẩy chướng ngại còn lại].
Tuệ hiểu nghĩa của nỗ lực ở người cần mẫn và cố gắng làm cho các chướng ngại chưa sanh... cho sơ thiền khởi lên... [và cứ thế cho đến]... Tuệ hiểu nghĩa của nỗ lực ở người cần mẫn và cố gắng làm cho tất cả nhiễm lậu chưa sanh không khởi lên là trí ứng dụng tinh tấn. Tuệ hiểu nghĩa của nỗ lực ở người cần mẫn và cố gắng từ bỏ tất cả nhiễm lậu đã khởi lên là trí ứng dụng tinh tấn. Tuệ hiểu nghĩa của nỗ lực ở người cần mẫn và cố gắng làm cho đạo lộ arahant chưa sanh khởi lên là trí ứng dụng tinh tấn. Tuệ hiểu nghĩa của nỗ lực ở người cần mẫn và cố gắng duy trì, không để suy đồi, củng cố, làm cho phong phú, phát huy và toàn thiện đạo lộ arahant đã khởi lên là trí ứng dụng tinh tấn.
481. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ hiểu nghĩa của nỗ lực ở người cần mẫn và cố gắng là trí ứng dụng tinh tấn’.
[CHƯƠNG XXXIX. - BIỂU LỘ Ý NGHĨA]
482.Thế nào là tuệ giải thích các ý niệm khác nhau là trí biểu lộ ý nghĩa?
483. Các ý niệm khác nhau: Năm tập hợp, mười hai xuất xứ, mười tám yếu tố, phẩm tính thiện, phẩm tính bất thiện, phẩm tính bất định; các ý niệm cõi dục giới, các ý niệm cõi sắc giới, các ý niệm vô sắc giới, các ý niệm cõi không được tính kể đến.
484. Giải thích: Vị ấy giải thích vật thể là vô thường, nó là khổ đau, nó không phải là ngã. Vị ấy giải thích cảm nghiệm... nhận thức... tạo lập tâm trạng... thức...
Vị ấy giải thích mắt [105]... [và cứ thế cho các ý niệm của 201 ý niệm còn lại được liệt kê ở đ. 5 cho đến]... vị ấy giải thích già và chết là vô thường, là khổ đau, không phải là ngã.
485. Biểu lộ ý nghĩa:
Người từ bỏ ham muốn ái dục biểu lộ ý nghĩa của xuất ly. Người từ bỏ sân hận... [và cứ thế với các chướng ngại còn lại]...
Người từ bỏ chướng ngại biểu lộ ý nghĩa của sơ thiền... [và cứ thế cho tới]... Người từ bỏ tất cả nhiễm lậu biểu lộ ý nghĩa của đạo lộ arahant.
486. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘tuệ giải thích các ý niệm khác nhau là trí biểu lộ ý nghĩa’.
[CHƯƠNG XL. - CÁI THẤY TRONG SẠCH]
487.Thế nào là tuệ hiểu rõ ràng sự bao hàm tất cả các ý niệm khác nhau thành một, sự khác biệt và đồng nhất, là trí về cái thấy trong sạch?
488. Tất cả các ý niệm: Năm tập hợp, ... [và cứ thế như ở đ. 465].
489. Bao hàm thành một: Có mười hai cách bao hàm tất cả các ý niệm thành một: theo nghĩa chân như (như thực), theo nghĩa không phải là ngã, theo nghĩa sự thực, theo nghĩa hiểu rõ, theo nghĩa chứng biết trực tiếp, theo nghĩa hiểu biết trọn vẹn, theo nghĩa ý niệm, theo nghĩa yếu tố, theo nghĩa điều đã biết tới, theo nghĩa thực chứng, theo nghĩa thể nghiệm, theo nghĩa chứng ngộ đồng thời. Có sự bao hàm tất cả các ý niệm thành một theo mười hai cách này. (đọc đ. 35)
490. Khác biệt và đồng nhất: Ham muốn ái dục có sự khác biệt, xuất ly có sự đồng nhất... [và cứ thế như ở đ. 474]... tất cả các nhiễm lậu sự khác biệt và đạo lộ arahant có sự đồng nhất.
491. Hiểu rõ: Vị ấy thấu rõ sự thực về khổ với sự hiểu rõ dưới hình thức hiểu biết trọn vẹn. Vị ấy thấu rõ sự thực về nguồn gốc khổ đau với sự hiểu rõ ràng dưới hình thức từ bỏ. Vị ấy thấu rõ sự thực về diệt khổ với sự hiểu rõ ràng dưới hình thức thực chứng. Vị ấy thấu rõ sự thực về đạo lộ dẫn đến diệt khổ với sự hiểu rõ dưới hình thức tu tập.
492. Cái thấy trong sạch: Ở khoảnh khắc đạo lộ nhập giòng, cái thấy được lọc sạch. Ở khoảnh khắc quả vị nhập giòng, cái thấy được lọc sạch. Ở khoảnh khắc [106] đạo lộ trở lại một lần... Ở khoảnh khắc quả vị trở lại một lần... Ở khoảnh khắc đạo lộ không trở lại... Ở khoảnh khắc quả vị không trở lại... Ở khoảnh khắc đạo lộ arahant... Ở khoảnh khắc quả vị arahant, cái thấy được lọc sạch.
493. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ hiểu rõ ràng sự bao hàm tất cả các ý niệm khác nhau thành một, sự khác biệt và nhất điểm, là trí về cái thấy trong sạch’.
[CHƯƠNG XLI. - CHỌN*]
*khanti.chọn, chấp nhận. Hai nghĩa này không có trong tự điển của PTS và của Childers. Tìm thấy trong A Pali-English Glossary of Buddhist Technical Terms do Ñāṇamoli sưu tập, trang 40. Tôi xin trích lục từ Visuddhimagga như sau:‘Ayamettha amhākaṁ khanti ’: đây là điều chúng tôi chọn [Vism XIII đ. 123] và từ Majjhimanikāya như sau: ‘Saddhā, ruci, anussava, ākāraparivittakka, diṭṭhinijjhāna-kkhanti ’:tín, chinh phục lòng tin,** truyền thống, suy nghĩ kỹ, chấp nhận quan điểm có tư duy [M ii 171ff...]; hai yếu tố đầu đầy cảm tính, yếu tố thứ ba là mù quáng chấp nhận, yếu tố thứ tư dựa trên lý tính, yếu tố cuối cùng là tiến trình nhận thức dựa trên suy tưởng, kinh nghiệm và giác quan. Ba yếu tố đầu tuy được tin tưởng, được thừa nhận nhưng chưa hẳn là đúng. Hai yếu tố sau có thể không được tin tưởng nhưng chưa hẳn là sai. Đọc Ñāṇamoli và Bhikkhu Bodhi, The Middle Length Discourses of the Buddha, Phẩm Cankī số 95, Bộ Kinh Trung và chú thích 884 trang 1297.
** chinh phục ‘lòng tin’ (anunaya) như: cha mẹ ghẻ cần chinh phục con riêng của người phối ngẫu, làm cho chúng tin rằng tuy không phải là cha mẹ đẻ, nhưng họ là những người tốt và chấp nhận được.
494.Thế nào là tuệ nhờ điều được nhìn nhận là trí kể như là chọn?
495. Vật thể được nhìn nhận là vô thường, được nhìn nhận là khổ, được nhìn nhận không phải là ngã; bất cứ cái gì được nhìn nhận mà vị ấy chọn, tuệ vì điều được nhìn nhận như vậy là trí kể như là chọn. Cảm nghiệm được nhìn nhận là vô thường... Nhận thức... Tạo lập tâm trạng... Thức... Mắt được nhìn nhận là vô thường... [và cứ thế cho các ý niệm của 201 ý niệm còn lại được liệt kê ở đ. 5 cho đến]... Già được nhìn nhận là vô thường, được nhìn nhận là khổ, được nhìn nhận không phải là ngã; bất cứ cái gì được nhìn nhận mà vị ấy chọn, tuệ vì điều được nhìn nhận như vậy là trí kể như là chọn.
496. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ vì điều được nhìn nhận là trí kể như là chọn’.
[CHƯƠNG XLII. - THÂM HIỂU]
497.Thế nào là tuệ nhờ điều được nhận chân*là trí thâm hiểu?
* phuṭṭa:nđ xúc.
498. Vị ấy nhận chân vật thể là vô thường, nhận chân nó là khổ, nhận chân nó không phải là ngã; nhận chân đến bất cứ cái gì, vị ấy thâm hiểu, như vậy tuệ nhờ điều gì nhận chân là trí thâm hiểu. Vị ấy nhận chân cảm nghiệm... nhận thức... tạo lập tâm trạng... thức...
Vị ấy nhận chân mắt là vô thường, ... [và cứ thế cho các ý niệm của 201 ý niệm còn lại được liệt kê ở đ. 5 cho đến]... Vị ấy nhận chân già và chết, nhận chân nó là khổ, nhận chân nó không phải là ngã; nhận chân đến bất cứ cái gì, vị ấy thâm hiểu, như vậy tuệ nhờ điều gì được nhận chân là trí thâm hiểu.
499. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ nhờ điều được nhận chân là trí thâm hiểu’. [107]
[CHƯƠNG XLIII. - TRÚ THEO PHẦN*]
*Đây là sống quán theo phần [padesena] các tập hợp, căn xứ, yếu tố, bốn đế trong tương quan với cảm nghiệm. Quyển Aṭṭhasālinī (trang 30-31) nói đây là bằng chứng đức Phật giảng Abhidhamma. Đọc Bhikkhu Bodhi, The Connected Discourses of the Buddha Vol. II, Phẩm Trú (S v 12) và chú thích 19 trang 1894.
500.Thế nào là tuệ về tổng hợp là trí về trú [duyệt xét các trạng thái theo]phần?
501. Có cái-cảm-nghiệm-được do quan điểm sai lạc qui định, có cái-cảm-nghiệm-được do sự lắng dịu của quan điểm sai lạc qui định. Có cái-cảm-nghiệm-được do quan điểm chân chánh qui định, có cái-cảm-nghiệm-được do sự lắng dịu của quan điểm chân chánh qui định.
Có cái-cảm-nghiệm-được do tư duy sai lạc qui định...
Có cái-cảm-nghiệm-được do lời nói sai lạc qui định...
Có cái-cảm-nghiệm-được do việc làm sai lạc qui định...
Có cái-cảm-nghiệm-được do nghề nghiệp bất chánh qui định...
Có cái-cảm-nghiệm-được do nỗ lực sai lạc qui định...
Có cái-cảm-nghiệm-được do quán niệm sai lạc qui định...
Có cái-cảm-nghiệm-được do định sai lạc qui định...
Có cái-cảm-nghiệm-được do trí sai lạc qui định...
Có cái-cảm-nghiệm-được do giải thoát sai lạc qui định, có cái-cảm-nghiệm-được do sự lắng dịu của giải thoát sai lạc. Có cái-cảm-nghiệm-được do giải thoát chân chánh qui định, có cái-cảm-nghiệm-được do sự lắng dịu của giải thoát chân chánh qui định.
502. Có cái-cảm-nghiệm-được do ước muốn qui định, có cái-cảm-nghiệm-được do sự lắng dịu của ước muốn qui định.
Có cái-cảm-nghiệm-được do hướng tâm về đối tượng qui định, có cái-cảm-nghiệm-được do sự lắng dịu của hướng tâm về đối tượng qui định.
Có cái-cảm-nghiệm-được do nhận thức qui định, có cái-cảm-nghiệm-được do sự lắng dịu của nhận thức qui định.
Có cái-cảm-nghiệm-được do ước muốn không lắng dịu, hướng tâm về đối tượng không lắng dịu, nhận thức không lắng dịu qui định. Có cái-cảm-nghiệm-được do ước muốn đã lắng dịu và hướng tâm về đối tượng không lắng dịu, nhận thức không lắng dịu qui định. Có cái-cảm-nghiệm-được do ước muốn đã lắng dịu, hướng tâm về đối tượng đã lắng dịu, nhận thức không lắng dịu qui định. Có cái-cảm-nghiệm-được do ước muốn đã lắng dịu, hướng tâm về đối tượng đã lắng dịu, nhận thức đã lắng dịu qui định.
503. Có nỗ lực[1][cần đến] để chứng [quả vị arahant] chưa chứng, và khi cảnh giới đó đã chứng, có cái-cảm-nghiệm-được do thực trạng ấy qui định.
504. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ về tổng hợp là trí về trú [duyệt xét các trạng thái theo] phần’.
[CHƯƠNG XLIV. QUAY ĐI BẰNG NHẬN THỨC]
505.Thế nào là tuệ do trạng thái được ưu thắng là trí quay đi bằng nhận thức?
506. Do xuất ly được ưu thắng, tuệ quay đi khỏi ham muốn ái dục bằng nhận thức, như vậy là tuệ nhờ trạng thái được ưu thắng là trí quay đi bằng nhận thức. Do không sân hận được ưu thắng, tuệ... [và cứ thế với các chướng ngại còn lại của 7 chướng ngại]. [108]
Do sơ thiền được ưu thắng, tuệ quay đi khỏi các chướng ngại bằng nhận thức, như vậy tuệ do trạng thái được ưu thắng là trí quay đi... [và cứ thế cho đến]... Do đạo lộ arahant được ưu thắng, tuệ quay đi khỏi tất cả các chướng ngại bằng nhận thức, như vậy tuệ do trạng thái được ưu thắng là trí quay đi bằng nhận thức.
507. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ do trạng thái được ưu thắng là trí quay đi bằng nhận thức’.
[CHƯƠNG XLV. QUAY ĐI BẰNG Ý]
508.Thế nào là tuệ về khác biệt là trí quay đi bằng ý (tâm)?
509. Ham muốn ái dục là sự khác biệt, xuất ly là sự đồng nhất: khi hành giả cố ý đồng nhất với xuất ly, tâm của vị ấy quay đi khỏi ham muốn ái dục, như thế là tuệ về khác biệt là trí quay đi bằng ý (tâm). Sân hận... [và cứ thế với các chướng ngại còn lại của 7 chương ngại].
Các chướng ngại là sự khác biệt và cứ thế cho đến]... Tất cả các nhiễm lậu là sự khác biệt, đạo lộ arahant là sự đồng nhất: khi hành giả cố ý đồng nhất với đạo lộ arahant, tâm của vị ấy quay đi khỏi tất cả các nhiễm lậu, như thế là tuệ về khác biệt là trí quay đi bằng ý.
510. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ về khác biệt là trí quay đi bằng ý (tâm)’.
[CHƯƠNG XLVI. QUAY ĐI CỦA TÂM]
511.Thế nào là tuệ về củng cố là trí quay đi của tâm?
512. Người từ bỏ ham muốn ái dục củng cố tâm bằng xuất ly, như vậy là tuệ về củng cố là trí quay đi của tâm. Người từ bỏ sân hận... [và cứ thế với các chướng ngại còn lại của 7 chướng ngại]. [109]
Người từ bỏ các chướng ngại ấy củng cố tâm bằng sơ thiền, như vậy là tuệ về củng cố là trí quay đi của tâm... [và cứ thế cho đến]... Người từ bỏ tất cả các chướng ngại củng cố tâm bằng đạo lộ arahant, như vậy là tuệ về củng cố là trí quay đi của tâm.
513. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ về củng cố là trí quay đi của tâm’.
[CHƯƠNG XLVII. QUAY ĐI CỦA TRÍ]
514.Thế nào là tuệ về tánh không là trí quay đi của trí?
515. Khi hành giả biết và thấy đúng như thật rằng mắt không có tự ngã hay không có bất cứ cái gì thuộc về ngã hay không có bất cứ cái gì thường còn hay trường cửu hay vĩnh cửu hay không chịu đổi thay, thì trí của vị ấy quay đi khỏi diễn giải sai lạc (cố chấp) về mắt, như vậy là tuệ về tánh không là trí quay đi của trí.
Khi hành giả biết và thấy đúng như thật rằng tai...
Khi hành giả biết và thấy đúng như thật rằng mũi...
Khi hành giả biết và thấy đúng như thật rằng lưỡi...
Khi hành giả biết và thấy đúng như thật rằng thân...
Khi hành giả biết và thấy đúng như thật rằng ý không có tự ngã hay không có bất cứ cái gì thuộc về ngã hay không có bất cứ cái gì thường còn hay trường cửu hay vĩnh cửu hay không chịu đổi thay, thì trí của vị ấy quay đi khỏi diễn giải sai lạc (cố chấp) về ý, như vậy là tuệ về tánh không là trí quay đi của trí.
516. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ về tánh không là trí quay đi của trí’.
[CHƯƠNG XLVIII. QUAY ĐI BẰNG GIẢI THOÁT]
517.Thế nào là tuệ về buông bỏ là trí quay đi bằng giải thoát?
518. Hành giả buông bỏ ham muốn ái dục bằng xuất ly, như vậy là tuệ về buông bỏ là trí quay đi bằng giải thoát. Vị ấy buông bỏ sân hận... [và cứ thế với các chướng ngại còn lại của 7 chướng ngại]. [110]
Hành giả buông bỏ các chướng ngại ấy bằng sơ thiền, như vậy là tuệ về buông bỏ là trí quay đi bằng giải thoát... [và cứ thế cho đến]... Hành giả buông bỏ tất cả các chướng ngại bằng đạo lộ arahant, như vậy là tuệ về buông bỏ là trí quay đi bằng giải thoát.
519. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ về buông bỏ là trí quay đi bằng giải thoát’.
[CHƯƠNG XLIX. QUAY ĐI THEO SỰ THỰC]
520.Thế nào là tuệ về nghĩa của chân như (như thực, hiện thực) là trí quay đi theo sự thật ?
521. Người hiểu trọn vẹn ý nghĩa khổ não, ý nghĩa được tạo thành, ý nghĩa thiêu đốt, ý nghĩa biến đổi của khổ đau, thì người ấy quay đi: như vậy là tuệ về nghĩa của chân như (như thực, hiện thực) là trí quay đi theo sự thật.
Người hiểu trọn vẹn ý nghĩa tích lũy, ý nghĩa căn nguyên, ý nghĩa trói buộc, ý nghĩa trở ngại của nguồn gốc «của khổ», thì người ấy quay đi: như vậy...
Người thực chứng ý nghĩa thoát khỏi, ý nghĩa cách ly, ý nghĩa không do điều kiện tạo thành, ý nghĩa bất tử của diệt «khổ», thì người ấy quay đi: như vậy...
Người phát huy ý nghĩa lối thoát, ý nghĩa nguyên nhân, ý nghĩa thấy, ý nghĩa ưu thắng của con đường giải thoát, thì người ấy quay đi: như vậy là tuệ về nghĩa của chân như (như thực, hiện thực) là trí quay đi theo các sự thật.
522. Có sự quay đi bằng nhận thức, quay đi bằng ý chí, quay đi của tâm, quay đi của trí, quay đi bằng giải thoát, quay đi theo sự thật.
Người nào nhận thức, người ấy quay đi, như vậy là quay đi bằng nhận thức. Người nào cố ý, người ấy quay đi, như vậy là quay đi bằng ý chí. Người nào nhận biết, người ấy quay đi, như vậy là quay đi bằng tâm.[2]Người nào dùng trí người ấy quay đi, như vậy là quay đi bằng trí. Người nào buông bỏ, người ấy quay đi, như vậy là quay đi bằng giải thoát. Người quay đi theo nghĩa của chân như, như vậy là quay đi theo sự thật.
Ở đâu có quay đi bằng nhận thức, ở đấy có sự quay đi bằng ý chí: ở đâu có quay đi bằng ý chí, ở đấy có sự quay đi bằng nhận thức.
Ở đâu có quay đi bằng nhận thức và bằng ý chí, ở đấy có sự quay đi của tâm: ở đâu có quay đi của tâm, ở đấy có sự quay đi bằng nhận thức và bằng ý chí.
Ở đâu có quay đi bằng nhận thức, bằng ý chí và có sự quay đi của tâm: ở đấy có quay đi của trí; ở đâu có sự quay đi của trí, ở đấy có sự quay đi bằng nhận thức, bằng ý chí và có quay đi của tâm.
Ở đâu có quay đi bằng nhận thức, bằng ý chí, có sự quay đi của tâm và có quay đi của trí: ở đấy có sự quay đi bằng giải thoát. Ở đâu có quay đi bằng giải thoát, ở đấy có sự quay đi bằng nhận thức, bằng ý chí, có sự quay đi của tâm và có quay đi của trí.
Ở đâu có quay đi bằng nhận thức, bằng ý chí, có sự quay đi của tâm, có quay đi của trí và có sự quay đi bằng giải thoát: ở đấy có quay đi theo các sự thật. Ở đâu có quay đi theo các sự thật, ở đấy có quay đi bằng nhận thức, bằng ý chí, có quay đi của tâm, có quay đi của trí và quay đi bằng giải thoát.
523. Trí theo nghĩa điều được biết tới [111] và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ về nghĩa của chân như (như thực, hiện thực) là trí quay đi theo sự thật’.
[CHƯƠNG L. NĂNG LỰC SIÊU NHIÊN
(THẦN THÔNG)]
524.Thế nào là tuệ về nghĩa của thành tựu bằng cách xác định thân và tâm là một và bằng cách giữ vững nhận thức an lạc và nhận thức nhẹ nhàng là trí về các loại thần thông (năng lực siêu nhiên)?
525. Ở đây vị tỳ kheo tu tập nền tảng của thần thông có cả hai: định do ước muốn có nỗ lực của ý chí đi kèm*. Vị ấy tu tập nền tảng của thần thông có cả hai: định do tinh tấn có nỗ lực của ý chí đi kèm. Vị ấy tu tập nền tảng của thần thông có cả hai: định do sự thanh tịnh tự nhiên của tâm2*nỗ lực của ý chí đi kèm. Vị ấy tu tập nền tảng của thần thông có cả hai: định do suy tư có nỗ lực của ý chí đi kèm.
*padhāna-sankhāra-samannāgata: nỗ lực của ý chí đi kèm. Đọc Nyanatiloka, Buddhist Dictionary [Kandy, 1970], trang 64.
2*đọc chú thích giữa trang ở đoạn 33 Luận I này.
526. Vị ấy hoàn toàn tu tập và hoàn toàn luyện tâm theo bốn nền tảng của thần thông này, và làm cho tâm nhu nhuyễn dễ điều khiển.
527. Sau khi hoàn toàn tu tập và hoàn toàn luyện tâm theo bốn nền tảng của thần thông này, và làm cho tâm nhu nhuyễn dễ điều khiển, vị ấy nhập thân chung với tâm, và vị ấy nhập tâm chung với thân, vị ấy tùy thuận thân để hòa điệu với tâm, vị ấy tùy thuận tâm để hòa điệu với thân, vị ấy giữ vững thân để hòa điệu với tâm, vị ấy giữ vững tâm để hòa điệu với thân. Sau khi tùy thuận thân để hòa điệu với tâm, tùy thuận tâm để hòa điệu với thân, sau khi giữ vững thân để hòa điệu với tâm, giữ vững tâm để hòa điệu với thân, vị ấy sống trú với nhận thức an lạc* và nhận thức nhẹ nhàng2*thấm nhuần toàn thân.
*sukhasaññañca; 2* lahusaññañca
Với tâm được tu tập, lọc sạch và sáng sủa như vậy, vị ấy điều hướng, dẫn tâm mình đến trí thần thông. Vị ấy kinh nghiệm* các loại thần thông, từ một biến thành nhiều, từ nhiều biến thành một; vị ấy hiện ra rồi biến mất đi; vị ấy đi xuyên qua tường, qua hào lũy, qua núi không bị trở ngại như qua hư không; vị ấy độn thổ và trồi lên mặt đất như ở trong nước, đi trên nước mà nước không nứt vỡ như đi trên đất; ngồi xếp bằng phi hành như chim giương cánh; tay sờ mó mặt trăng mặt trời2*là những gì vĩ đại và oai lực như vậy; vị ấy điều thân mình bay xa đến cõi trời Phạm Thiên (D i 77).
* paccabhuhoti
2*DA không có bình giải thiết thực nào về điều này, các luận sư hiện đại cũng chả nói gì, nhưng có lẽ ‘sờ mó mặt trăng mặt trời’ muốn đề cập tới thể nghiệm huyền linh. Trong bất cứ trường hợp nào, chắc chắn là không nên hiểu theo nghĩa đen của nó. Đọc Maurice Walshe, The Long Discourses of the Buddha, [Wisdom Publications, Boston, 1995] chú thích 129, trang 546.
528. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ về nghĩa của thành công do xác định thân và tâm là một và nhờ giữ vững nhận thức an lạc và nhận thức nhẹ nhàng là trí về các loại thần thông (năng lực siêu nhiên)’.
[112] [CHƯƠNG LI. THANH LỌC TAI*]
* sotadhātu (yếu tố tai): là một trong 18 yếu tố (dhātu) tâm, sinh lý làm nền tảng cho tiến trình nhận thức của tri giác con người. Đó là sáu giác quan (mắt, mũi... ý), sáu đối tượng và sáu nhận biết tương ứng. Mỗi giác quan, mỗi đối tượng, mỗi nhận biết là một yếu tố căn bản cho tiến trình ấy. Nếu thiếu một yếu tố, sẽ không có nhận thức.
529.Thế nào là tuệ thấu rõ sự khác biệt và đồng nhất về âm thanh nhờ sự can dự của hướng tâm về đối tượng là trí về thanh lọc tai?
530. Ở đây một tỳ kheo tu tập nền tảng của thần thông... [và cứ thế như ở đ. 525].
531. Vị ấy hoàn toàn tu tập... [và cứ thế như ở đ. 526].
532. Sau khi hoàn toàn tu tập và hoàn toàn luyện tâm theo bốn nền tảng của thần thông này, và làm cho tâm nhu nhuyễn dễ điều khiển, vị ấy chú ý tới âm thanh xa và vị ấy chú ý tới âm thanh gần, vị ấy chú ý tới âm thanh thô và vị ấy chú ý tới âm thanh tế và vị ấy chú ý tới âm thanh êm dịu; vị ấy chú ý tới âm thanh ở hướng đông và... ở hướng tây và... ở hướng bắc... ở hướng nam... ở hướng đông bắc... ở hướng tây nam... ở hướng tây bắc... ở hướng đông nam... và vị ấy chú ý tới âm thanh hướng hạ... vị ấy chú ý tới âm thanh hướng thượng.
Với tâm được tu tập, lọc sạch và sáng sủa như vậy, vị ấy điều hướng, dẫn tâm mình đến trí thanh lọc tai với thiên nhĩ thông đã được thanh tịnh và vượt hẳn loài người, vị ấy nghe cả hai loại âm thanh của chư thiên và của loài người, xa cũng như gần [D i 79].
533. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘tuệ thấu rõ sự khác biệt và đồng nhất về âm thanh nhờ sự can dự của hướng tâm về đối tượng là trí về thanh lọc tai’.
[113][CHƯƠNG LII. THẤU RÕ TÂM Ý*]
*cetopariyañāṇaniddeso
534. Thế nào là tuệ thấu rõ hành xử của thức trong sự khác biệt và đồng nhất bằng cách [quan sát]lòng tin [và không tin]trong [sáu]năng lực gây ảnh hưởng [bắt đầu bằng năng lực gây ảnh hưởng của mắt]nhờ sự can dự của ba loại tâm là trí thấu rõ ý (tâm)?
535. Ở đây một tỳ kheo tu tập nền tảng của thần thông... [và cứ thế như ở đ. 525].
536. Vị ấy hoàn toàn tu tập... [và cứ thế như ở đ. 526].
537. Sau khi hoàn toàn tu tập và hoàn toàn luyện tâm theo bốn nền tảng của thần thông này, và làm cho tâm nhu nhuyễn dễ điều khiển, vị ấy hiểu [sự can thiệp của ba loại tâm] như vầy: ‘Vật thể này được bắt nguồn từ năng lực gây ảnh hưởng của lạc, năng lực gây ảnh hưởng của ưu và năng lực gây ảnh hưởng của bình thản’.
Với tâm được tu tập, lọc sạch và sáng sủa như vậy, vị ấy điều hướng, dẫn tâm mình đến trí thấu rõ tâm tư người khác. Bằng tâm mình thấu rõ tâm tư của chúng sanh khác, của người khác, vị ấy biết như vầy: tâm có tham vị ấy biết tâm có tham, tâm không tham biết không tham; tâm có sân vị ấy biết tâm có sân, tâm không sân biết là không sân; tâm có si vị ấy biết tâm có si, tâm không si biết là không si; tâm chuyên chú* vị ấy biết tâm chuyên chú, tâm bị tán loạn biết tâm bị tán loạn; tâm cao thượng2*vị ấy biết tâm cao thượng; tâm vô thượng3*vị ấy biết tâm vô thượng, tâm không vô thượng biết tâm không vô thượng; tâm đã định vị ấy biết tâm đã định; tâm không định biết tâm không định; tâm đã được giải thoát vị ấy biết tâm đã giải thoát; tâm không được giải thoát biết tâm không được giải thoát [D i 79].
*saṁkhitta nđ: được kềm chế; 2*mahaggata; 3*uttara
538. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ thấu rõ hành xử của thức trong sự khác biệt và đồng nhất bằng cách [quan sát] lòng tin [và bất tin] trong [sáu] năng lực gây ảnh hưởng [bắt đầu bằng năng lực gây ảnh hưởng của mắt] nhờ sự can dự của ba loại tâm là trí thấu rõ ý (tâm).’
[CHƯƠNG LIII. NHỚ KIẾP QUÁ KHỨ]
539. Thế nào là tuệ thấu rõ các trạng thái sanh khởi do tùy thuộc qua sự can dự của khác biệt và đồng nhất [tương ứng]với hành vi [bất thiện và thiện]là trí nhớ lại kiếp quá khứ? [114]
540. Ở đây một tỳ kheo tu tập nền tảng của thần thông... [và cứ thế như ở đ. 525].
541. Vị ấy hoàn toàn tu tập... [và cứ thế như ở đ. 526].
542. Sau khi hoàn toàn tu tập và hoàn toàn luyện tâm theo bốn nền tảng của thần thông này, và làm cho tâm nhu nhuyễn dễ điều khiển, vị ấy hiểu như vầy: ‘Khi cái này hiện hữu, cái kia sẽ có; với sự sanh khởi của cái này, cái kia sanh khởi’. Nghĩa là: với vô minh làm điều kiện nên có hành vi tạo quả; với hành vi tạo quả làm điều kiện, thức; với thức làm điều kiện, tâm thức-vật thể; với tâm thức-vật thể làm điều kiện, sáu giác quan; với sáu giác quan làm điều kiện, xúc; với xúc làm điều kiện, cảm nghiệm; với cảm nghiệm làm điều kiện, thèm khát; với thèm khát làm điều kiện, bám níu; với bám níu làm điều kiện, trở thành; với trở thành làm điều kiện, sanh; với sanh làm điều kiện nên có già chết, khổ não ta thán, đau đớn, khổ sở hay tuyệt vọng; như thế là sự sanh khởi của toàn khối khổ đau.’
Với tâm được tu tập, lọc sạch và sáng sủa như vậy, vị ấy điều hướng, dẫn tâm mình đến trí nhớ lại kiếp quá khứ của mình; vị ấy nhớ lại nhiều kiếp quá khứ của mình, nghĩa là: ‘Một lần sanh ra, hai lần sanh ra, ba lần sanh ra, bốn lần sanh ra, năm lần sanh ra, mười lần sanh ra, hai mươi lần sanh ra, ba mươi lần sanh ra, bốn mươi lần sanh ra, năm mươi lần sanh ra, một trăm lần sanh ra, một ngàn lần sanh ra, một trăm ngàn lần sanh ra, nhiều nguyên đại thế giới hủy hoại,* nhiều nguyên đại thế giới hình thành,2*nhiều nguyên đại thế giới hủy hoại và hình thành; ở đó ta được đặt tên như thế này, chủng tộc như thế, diện mạo như thế, thức ăn như vậy, có kinh nghiệm khoái lạc khổ đau như vậy, cuối đời chấm dứt như thế, từ chỗ đó chết như thế, ta xuất hiện ở nơi khác và cũng thế ở đó ta được đặt tên như thế này, chủng tộc như thế, diện mạo như thế, thức ăn như vậy, có kinh nghiệm khoái lạc khổ đau như vậy, cuối đời chấm dứt như thế, từ chỗ đó chết như thế, ta xuất hiện ở đây’; vị ấy nhớ lại các khía cạnh và điểm riêng biệt của các kiếp quá khứ của mình như thế [D i 81].
*saṁvaṭṭa:vũ trụ (cakkavāḷa) này bị lửa, nước,gió hủy hoại đến độ trở lại trạng thái nguyên sơ của nó, hay không còn gì tồn tại. Kế đến là samvaṭṭaṭṭhāyī, giai đoạn trống trải hay xáo trộn vẫn tái diễn. Đọc R. A. Childers, A Dictionary of the Pali Language, trang 185. Đọc PTS, Pali English Dictionary trang 656; và Vism XIII đ. 28.
2*vivaṭṭa: tiến trình ‘hồi sinh, tái thiết’ bắt đầu. Sau đó là thời kỳ vivaṭṭaṭṭhāyī, tiếp tục phục hồi cho đến hết giai đoạn của nó để rồi giai đoạn saṁvaṭṭa xảy ra trở lại, cứ thế tái diễn không ngừng. Đọc R. A. Childers, sđd, trang 185. Đọc thêm PTS , sđd, trang 637.
543. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ thấu rõ các trạng thái sanh khởi do tùy thuộc qua sự can dự của khác biệt và đồng nhất [tương ứng] với hành vi [bất thiện và thiện] là trí nhớ lại kiếp quá khứ.’
[CHƯƠNG LIV. THIÊN NHÃN]
544. Thế nào là tuệ bằng ánh sáng nhìn tượng biết ý * thấy sự khác biệt và đồng nhất là trí thiên nhãn?
* Nhìn tượng biết ý: dịch sát là ‘nhìn các biểu tượng hữu hình có mang ý nghĩa’: như nhìn đồ gốm, ta biết sau khi rơi xuống nó sẽ vỡ. Nhìn hành nghiệp của chúng sanh, Đức Phật thấy sau khi chết họ sẽ đi về đâu tương ứng với việc làm thân khẩu ý của họ.
545. Ở đây một tỳ kheo tu tập nền tảng của thần thông... [và cứ thế như ở đ. 525].
546. Vị ấy hoàn toàn tu tập... [và cứ thế như ở đ. 526].
547. Sau khi hoàn toàn tu tập và hoàn toàn luyện tâm theo bốn nền tảng của thần thông này, và làm cho tâm nhu nhuyễn dễ điều khiển, [115] vị ấy chú ý đến ý nghĩ về ánh sáng, vị ấy giữ vững nhận thức về ngày: ‘Ngày như thế nào, đêm như thế ấy; đêm như thế nào, ngày như thế ấy’. Với tâm mở ra và không bị bao kín, vị ấy tu tập nó với hào quang đi kèm.
548. Với tâm được tu tập, lọc sạch và sáng sủa như vậy, vị ấy điều hướng, dẫn tâm mình đến trí về sự chết và tái xuất hiện của chúng sanh. Với thiên nhãn vốn đã được thanh tịnh và vượt hẳn loài người, vị ấy thấy chúng sanh chết và tái xuất hiện, thấp hèn và cao sang, đẹp và xấu, sanh vào cảnh giới hạnh phúc và khổ đau; vị ấy hiểu chúng sanh lưu chuyển theo nghiệp của họ: ‘Những chúng sanh này hành xử ác trong việc làm, lời nói và ý nghĩ, phỉ báng các bậc Thánh, có quan niệm sai lạc, tạo các hành vi vì quan niệm sai lạc, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, đã sanh vào cảnh khổ, trong cảnh bất hạnh, cảnh ác,* địa ngục. Còn những chúng sanh này hành xử thiện trong việc làm, lời nói và ý nghĩ, không phỉ báng các bậc Thánh, có quan niệm chân chánh, tạo các hành vi vì quan niệm chân chánh, sau khi thân hoại mạng chung, sau khi chết, tái sanh vào cảnh phước lành, cảnh chư thiên; như vậy với thiên nhãn thông vốn đã được thanh tịnh và vượt hẳn loài người, vị ấy thấy chúng sanh chết và tái xuất hiện, thấp hèn và cao sang, đẹp và xấu, sanh vào cảnh giới hạnh phúc và khổ đau; vị ấy hiểu chúng sanh lưu chuyển theo nghiệp của họ [D i 82].
*vinipāta:chốn đọa đầy, nơi không còn mọi cơ hội (Vism. XIII đ. 93). Cả ba cảnh khổ đề cập ở đây đều đồng nghĩa với địa ngục là nơi nguyên nhân [aya = kāraṇa: lý do, nghĩa này không có trong tự điển của PTS] để được sanh về cõi chư thiên (sagga) hay chứng giải thoát đã bị tháo bỏ (Vism. XIII đ. 92).
549. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ bằng ánh sáng nhìn tượng biết ý thấy sự khác biệt và đồng nhất là trí thiên nhãn.’
[CHƯƠNG LV. ĐOẠN DIỆT PHIỀN NÃO]
550. Thế nào là tuệ làm chủ ba năng lực gây ảnh hưởng theo sáu mươi bốn cách là trí về sự kiệt quệ phiền não? [3]
551. Về ba năng lực gây ảnh hưởng nào?
Năng lực gây ảnh hưởng của ‘Tôi sẽ biết điều chưa biết’, ‘trí hiểu biết toàn triệt cuối cùng’ và ‘trí của bậc đã chứng ngộ hoàn toàn’.
552. Năng lực gây ảnh hưởng của tôi sẽ biết điều chưa biết đi tới bao nhiêu nơi? Năng lực gây ảnh hưởng của trí hiểu biết toàn triệt cuối cùng đi tới bao nhiêu nơi? Năng lực gây ảnh hưởng của trí hiểu biết toàn triệt cuối cùng đi tới bao nhiêu nơi?
Năng lực gây ảnh hưởng của tôi sẽ biết điều chưa biết đi đến một nơi, đến đạo lộ nhập giòng. Năng lực gây ảnh hưởng của trí hiểu biết toàn triệt cuối cùng đi đến sáu nơi [116], đến quả vị nhập giòng, đến đạo lộ trở lại một lần, đến quả vị trở lại một lần, đến đạo lộ không trở lại, đến quả vị không trở lại, đến đạo lộ arahant. Năng lực gây ảnh hưởng của trí của bậc đã chứng ngộ hoàn toàn đi đến quả vị arahant.
553. Ở khoảnh khắc của đạo lộ nhập giòng, ‘năng lực gây ảnh hưởng của tôi sẽ biết điều chưa biết ’ được năng lực gây ảnh hưởng của tín trang bị bằng cả quyết, được năng lực gây ảnh hưởng của tinh tấn trang bị bằng nỗ lực, được năng lực gây ảnh hưởng của niệm trang bị bằng thiết lập, được năng lực gây ảnh hưởng của định trang bị bằng không phân tâm, được năng lực gây ảnh hưởng của tuệ trang bị bằng thấy rõ, được năng lực gây ảnh hưởng của ý trang bị bằng nhận biết, được năng lực gây ảnh hưởng của hỉ trang bị bằng hân hoan, được năng lực gây ảnh hưởng của sinh khí trang bị bằng sự ưu thắng của tiếp tục tái diễn không ngừng nghỉ.
Ở khoảnh khắc của đạo lộ nhập giòng, tất cả các trạng thái được sanh ra [vào ngay khoảnh khắc ấy], ngoại trừ vật thể do tâm tạo ra,* là thiện, không có nhiễm lậu, dẫn đến thoát ly, dẫn đến phân tán mỏng, thuộc về siêu thế, có nibbana làm đối tượng.
* cittasamuṭṭhāna rūpa: vật thể do tâm tạo ra xuất hiện ở khoảnh khắc tâm bhavaṅga đầu tiên ngay sau kết sanh thức. Kết sanh thức không tạo nên loại vật thể này, vì vào sát na tái sanh, vật thể do tâm tạo ra khởi lên do nghiệp sanh. Đọc Bhikkhu Bodhi, A Comprehensive Manual of Abhidhamma, BPS [Kandy, 1993], trang 248. Đó là hiểu theo Abhidhamma. Còn một cách hiểu ‘vật thể do tâm tạo ra’ khác nữa là sắc mặt thay đổi khi tâm tính thay đổi.
Ở khoảnh khắc của đạo lộ nhập giòng, ‘năng lực gây ảnh hưởng của tôi sẽ biết điều chưa biết ’ có tám năng lực gây ảnh hưởng này làm trang bị hiện hữu đồng thời, làm trang bị hỗ tương, làm trang bị hỗ trợ, làm trang bị liên kết cho năng lực này, chúng đi kèm nhau, cùng hiện hữu, được kết hợp, được liên kết; chúng là những khía cạnh và là trang bị cho năng lực này.[4]
554. Ở khoảnh khắc của đạo lộ nhập giòng, ‘năng lực gây ảnh hưởng của trí hiểu biết toàn triệt cuối cùng’ được năng lực gây ảnh hưởng của tín trang bị bằng cả quyết, được năng lực gây ảnh hưởng của tinh tấn trang bị bằng nỗ lực, được năng lực gây ảnh hưởng của niệm trang bị bằng thiết lập, được năng lực gây ảnh hưởng của định trang bị bằng không tán loạn, được năng lực gây ảnh hưởng của tuệ trang bị bằng chứng thấy, được năng lực gây ảnh hưởng của ý trang bị bằng nhận biết, được năng lực gây ảnh hưởng của hỉ trang bị bằng hân hoan, được năng lực gây ảnh hưởng của sinh khí trang bị sự ưu thắng của tiếp tục tái diễn không ngừng nghỉ.
Ở khoảnh khắc của quả vị nhập giòng, tất cả các trạng thái được sanh ra [vào ngay khoảnh khắc ấy], ngoại trừ vật thể do tâm tạo ra, là bất định, không có phiền não, thuộc về siêu thế, có nibbana làm đối tượng.
Ở khoảnh khắc của quả vị nhập giòng, năng lực gây ảnh hưởng của trí hiểu biết toàn triệt cuối cùng có tám năng lực gây ảnh hưởng này làm trang bị hiện hữu đồng thời, làm trang bị hỗ tương, làm trang bị hỗ trợ, làm trang bị liên kết cho năng lực này, chúng đi kèm nhau, cùng hiện hữu, được kết hợp, được liên kết; chúng là những khía cạnh và là trang bị cho năng lực này. [117]
555. Ở khoảnh khắc của đạo lộ trở lại một lần...
556. Ở khoảnh khắc của quả vị trở lại một lần...
557. Ở khoảnh khắc của đạo lộ không trở lại...
558. Ở khoảnh khắc của quả vị không trở lại...
559. Ở khoảnh khắc của đạo lộ arahant...năng lực gây ảnh hưởng của trí hiểu biết toàn triệt cuối cùng được năng lực gây ảnh hưởng của tín trang bị bằng cả quyết... [và cứ thế như trên]... được năng lực gây ảnh hưởng của sinh khí trang bị bằng sự ưu thắng của tái diễn không ngừng nghỉ.
Ở khoảnh khắc của đạo lộ arahant, tất cả các trạng thái được sanh ra [vào ngay khoảnh khắc ấy], ngoại trừ vật thể do tâm tạo ra, là thiện, không có phiền não, dẫn đến thoát ly, dẫn đến phân tán mỏng, thuộc về siêu thế, có nibbana làm đối tượng.
560. Ở khoảnh khắc của quả vị arahant... năng lực gây ảnh hưởng của trí hiểu biết toàn triệt cuối cùng được năng lực gây ảnh hưởng của tín trang bị bằng cả quyết... [và cứ thế như trên]... được năng lực gây ảnh hưởng của sinh khí trang bị bằng sự ưu thắng của tiếp tục tái diễn không ngừng nghỉ.
Ở khoảnh khắc của quả vị arahant, tất cả các trạng thái được sanh ra [vào ngay khoảnh khắc ấy], ngoại trừ vật thể do tâm tạo ra, là bất định, không có phiền não, thuộc về siêu thế, có nibbana làm đối tượng.
Ở khoảnh khắc của quả vị arahant, năng lực gây ảnh hưởng của trí hiểu biết toàn triệt cuối cùng có tám năng lực gây ảnh hưởng này làm trang bị hiện hữu đồng thời, làm trang bị hỗ tương, làm trang bị hỗ trợ, làm trang bị liên kết cho năng lực này, chúng đi kèm nhau, cùng hiện hữu, được kết hợp, được liên kết; chúng là những khía cạnh và là trang bị cho năng lực này.
Như thế tám nhóm tám này tạo thành sáu mươi bốn (khía cạnh).
561. Phiền não: Các phiền não này là gì? Đây là phiền não về ái dục, phiền não trở thành, phiền não về quan điểm và phiền não về vô minh.
Các phiền não này bị kiệt quệ ở đâu?
Ở đạo lộ nhập giòng, phiền não về quan điểm hoàn toàn bị kiệt quệ, [118] và các phiền não về ái dục, trở thành và vô minh vẫn còn đủ mạnh để sanh vào cảnh khổ* bị kiệt quệ. Các phiền não này bị kiệt quệ ở đây.
* apāyagamanīyo:sanh vào cảnh khổ (đọa xứ ).
Ở đạo lộ trở lại một lần, phiền não thô về ái dục bị kiệt quệ và các phiền não về trở thành và vô minh đi cùng với nó bị kiệt quệ. Các phiền não này bị kiệt quệ ở đây.
Ở đạo lộ không trở lại, nhiễm lậu về ái dục bị kiệt quệ và các phiền não về trở thành và vô minh đi cùng với nó bị kiệt quệ. Các phiền não này bị kiệt quệ ở đây.
Ở đạo lộ arahant, các phiền não về trở thành và vô minh hoàn toàn bị kiệt quệ. Các phiền não này bị kiệt quệ ở đây.
563. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ làm chủ ba năng lực gây ảnh hưởng theo sáu mươi bốn cách là trí về sự kiệt quệ của phiền não.’
[CHƯƠNG LVI - LIX. SỰ THỰC]
564. Thế nào là tuệ về nghĩa của hiểu biết trọn vẹn là trí về khổ đau, là tuệ về nghĩa của từ bỏ là trí về nguồn gốc, là tuệ về nghĩa của thực chứng là trí về đoạn diệt, là tuệ về nghĩa của tu tập là trí về đạo lộ?
565. Khổ đau có nghĩa bức bách, được tạo thành, bị thiêu đốt, biến đổi là nghĩa hiểu biết trọn vẹn của nó. Nguồn gốc có nghĩa tích lũy, căn nguyên, trói buộc, trở ngại là nghĩa từ bỏ của nó. Đoạn diệt có nghĩa thoát khỏi, cách ly, không được tạo thành, không còn chết nữa là nghĩa thực chứng của nó. Đạo lộ có nghĩa lối thoát, nguyên nhân, chứng thấy, ưu thắng là nghĩa tu tập của nó.
566. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Tuệ về nghĩa của hiểu biết trọn vẹn là trí về khổ đau, là tuệ về nghĩa của từ bỏ là trí về nguồn gốc, là tuệ về nghĩa của thực chứng là trí về đoạn diệt, là tuệ về nghĩa của tu tập là trí về đạo lộ.’
[CHƯƠNG LX - LXIII. TRÍ VỀ SỰ THỰC]
567. Trí về khổ đau, trí về nguồn gốc của khổ, trí về diệt khổ, trí về con đường dẫn đến diệt khổ có như thế nào? [119]
568. Trí trong người có được đạo lộ là trí về khổ đau và đó là trí về nguồn gốc của khổ và đó là trí về diệt khổ và đó là trí về con đường dẫn đến diệt khổ.
Trong đó, trí về khổ đau là gì?
Bất cứ hiểu biết nào, hành vi hiểu biết nào, tìm hiểu,* cân nhắc,2*tìm hiểu các hiện tượng, ghi nhớ, để ý, để tâm, học hỏi, rành mạch, thông minh, biết phán xét, lý luận, nghiên cứu, toàn diện,3*mẫn tiệp,4*hướng dẫn,5*tuệ quán thực tánh, hiểu biết thấu đáo, sắc sảo,6*tuệ, tuệ như khả năng, tuệ như lực, tuệ như vũ khí, tuệ như thành lũy, tuệ như ánh sáng, tuệ như hào quang, tuệ như thắp sáng, tuệ như bảo vật, không mơ hồ, tìm hiểu các hiện tượng, chánh kiến, chỉ khởi lên do tùy thuộc vào khổ đau: đây được gọi là trí về khổ đau (cf. Dhs. 16).
*vicayo,2*pavicayo,3*bhūri, 4*medhā, 5*pāriṇāyikā, 6*patodo : nđ dùi nhọn, dao nhọn.
Bất cứ hiểu biết nào, ... chánh kiến, chỉ khởi lên do tùy thuộc vào nguồn gốc của khổ đau...
Bất cứ hiểu biết nào, ... chánh kiến, chỉ khởi lên do tùy thuộc vào sự diệt tận của khổ đau...
Bất cứ hiểu biết nào, ... chánh kiến, chỉ khởi lên do tùy thuộc vào con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau: đây được gọi là trí về con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau.
566. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Trí về khổ đau, trí về nguồn gốc của khổ, trí về diệt khổ, trí về con đường dẫn đến diệt khổ.’
[CHƯƠNG LXIV - LXVII. VÔ NGẠI GIẢI]
570. Trí vô ngại giải về nghĩa, trí vô ngại giải về ý niệm, trí vô ngại giải về ngôn ngữ, trí vô ngại giải về biện tài là thế nào?
571. Trí vô ngại giải về nghĩa là trí về nghĩa, trí vô ngại giải về ý niệm là trí về ý niệm, trí vô ngại giải về ngôn ngữ là trí về các loại ngữ pháp, trí vô ngại giải về biện tài là trí về các loại biện tài.
Tuệ biết khác biệt về nghĩa là trí vô ngại giải về nghĩa. Tuệ biết khác biệt về ý niệm là trí vô ngại giải về ý niệm. Tuệ biết khác biệt về ngôn ngữ là trí vô ngại giải về ngữ pháp. Tuệ biết khác biệt về biện tài là trí vô ngại giải về biện tài.
Tuệ xác định nghĩa là trí vô ngại giải về nghĩa... [120]
Tuệ ghi nhớ nghĩa là trí vô ngại giải về nghĩa...
Tuệ để ý về nghĩa là trí vô ngại giải về nghĩa...
Tuệ biết về các loại nghĩa là trí vô ngại giải về nghĩa...
Tuệ gợi lại của nghĩa là trí vô ngại giải về nghĩa...
Tuệ sáng tỏ nghĩa là trí vô ngại giải về nghĩa...
Tuệ làm nghĩa sáng chói là trí vô ngại giải về nghĩa...
Tuệ giải thích nghĩa là trí vô ngại giải về nghĩa... Tuệ giải thích biện tài là trí vô ngại giải về biện tài.
572. Trí theo nghĩa điều được biết tới và tuệ theo nghĩa hành vi hiểu biếtđó. Như vậy nên nói: ‘Trí vô ngại giải về nghĩa, trí vô ngại giải về ý niệm, trí vô ngại giải về ngữ pháp, trí vô ngại giải về biện tài.’ [121]
[TRÍ CÁC ĐỆ TỬ KHÔNG CÓ]
[CHƯƠNG LXVIII. BIẾT RÕ TÂM Ý NGƯỜI KHÁC]
573. Trí biết rõ tâm ý người khác của Như Lai là gì?
574. Ở đây Như Lai (tathāgata) thấy chúng sanh có ít bụi trong mắt họ, có nhiều bụi trong mắt họ, có căn tánh bén nhạy, có căn tánh chậm lụt, có tánh thiện, có tánh ác, dễ dạy và khó dạy, và cũng thế, có người thấy sợ thế giới khác và cái gì khiển trách được, có người không thấy sợ thế giới khác và cái gì khiển trách được. (M i 169; S i 138; Vin i 6)
575. Có ít bụi trong mắt, có nhiều bụi trong mắt:
Người có lòng tin* có ít bụi trong mắt, người không có lòng tin có nhiều bụi trong mắt. Người tinh tấn có ít bụi trong mắt, người lười biếng có nhiều bụi trong mắt. Người có quán niệm được củng cố có ít bụi trong mắt, người hay quên có nhiều bụi trong mắt. Người tâm định có ít bụi trong mắt, người tâm không định có nhiều bụi trong mắt. Người có tuệ có ít bụi trong mắt, người không có tuệ có nhiều bụi trong mắt.
* saddhā:lòng tin (tín). Nđ. ‘rõ ràng’, ‘lắng đọng’ (đó là nước bùn đã bị vẫn đục giờ đã lắng đọng và trở nên trong suốt), và chữ pasīdati được dùng cho cả hai nghĩa lọc trong của nước và có lòng tin. Chữ lòng tin vì thế được coi là lắng đọng sự quấy rầy của hoài nghi và sự trong suốt của tâm nhờ cả quyết hay tin cậy. Đọc Ñāṇamoli, The Guide [PTS, 1977], chú thích 162/1trang 47.
576. Có căn tánh bén nhạy, có căn tánh chậm lụt:
Người có lòng tin có căn tánh bén nhạy, người không có lòng tin có căn tánh chậm lụt... [và cứ thế với các khả năng còn lại].
577. Có tánh thiện, có tánh ác:
Người có lòng tin có tánh thiện, người không có lòng tin có tánh ác...
578. Dễ dạy và khó dạy:
Người có lòng tin dễ dạy, người không có lòng tin khó dạy... [122]
579. Cũng thế có người thấy sợ thế giới khác và sợ cái gì khiển trách được, có người không thấy sợ thế giới khác và cái gì khiển trách được.
Người có lòng tin thấy sợ thế giới khác và cái gì khiển trách được, người không có lòng tin không thấy sợ thế giới khác và cái gì khiển trách được... người không có tuệ không thấy sợ thế giới khác và cái gì khiển trách được.
580. Thế giới:
Thế giới tập hợp, thế giới yếu tố, thế giới căn xứ, thế giới bất hạnh,* thế giới tạo ra bất hạnh,2*thế giới an vui,3*thế giới tạo ra an vui.4*
*vipattibhava, 2*vipattisambhava, 3*sampattibhava, 4*sampattisambhava
Một thế giới: tất cả chúng sanh được tồn tại nhờ vật thực.
Hai thế giới: tâm thức và vật thể.
Ba thế giới: ba loại cảm nghiệm.
Bốn thế giới: bốn loại vật thực.
Năm thế giới: năm tập hợp làm đối tượng cho sự bám níu.
Sáu thế giới: sáu giác quan bên trong.
Bẩy thế giới: bẩy giai đoạn hay cõi tái sanh thức xảy ra.
Tám thế giới: tám chuyện thế gian.
Chín thế giới: chín nơi cư trú của sanh linh.
Mười thế giới: mười căn xứ (không kể tâm và đối tượng của nó)
Mười hai thế giới: mười hai căn xứ.
Mười tám thế giới: mười tám yếu tố*.
* 18 yếu tố (dhātu): 6 giác quan, 6 đối tượng và 6 nhận biết tương ứng. Đọc chú thích ở trước đoạn 529.
581. Cái gì khiển trách được:
Tất cả các nhiễm lậu đều khiển trách được, tất cả các việc làm lỗi lầm... tất cả các hành vi tạo quả cố ý... tất cả các hành động dẫn đến trở thành đều là những gì khiển trách được.
582. Nhận thức sắc bén về hãi hùng ở thế gian này vừa được nói ra như thế, điều khiển trách được vừa được nói ra như thế, được trình bầy, như lưỡi kiếm sát nhân đã được rút ra khỏi vỏ.*
* ukkhittāsike vadhake.
583. Ngài biết, thấy, nhận chân và thấu rõ năm khả năng này theo năm mươi khía cạnh.
Đây là trí biết rõ tâm ý người khác của Như Lai.
[CHƯƠNG LXIX. THÀNH KIẾN & KHUYNH HƯỚNG NGỦ NGẦM]
584. [123] Trí của Như Lai biết rõ thành kiến và khuynh hướng ngủ ngầm của chúng sanh là gì ?
585. Ở đây Như Lai biết rõ thành kiến của chúng sanh, Ngài biết rõ khuynh hướng ngủ ngầm của chúng sanh, Ngài biết rõ hành xử của chúng sanh, Ngài biết rõ chí hướng của họ, Ngài biết rõ chúng sanh có khả năng và không có khả năng.
586. Thành kiến của chúng sanh là gì ?
Chúng sanh có người tán thành quan điểm hiện hữu hay tán thành quan điểm không hiện hữu như: ‘Thế giới này trường cửu’ hay ‘Thế giới này không trường cửu’ hay ‘Thế giới này hữu hạn’ hay ‘Thế giới
này vô hạn’ hay ‘Linh hồn và thân thể này là một’ hay ‘Linh hồn là một, thân thể là một cái khác’ hay ‘Như Lai hiện hữu sau khi chết’ hay ‘Như Lai không hiện hữu sau khi chết’ hay ‘Như Lai vừa hiện hữu vừa không hiện hữu sau khi chết’. Còn không, tránh các cực đoan này, có người chọn [trí siêu thế] tương thuận với hiện tượng sanh khởi do tùy thuộc vào nguyên nhân nhất định hay họ thu thập trí hiểu biết như thật.
Ngài cũng biết chúng sanh theo đuổi ái dục như vầy: ‘Người này coi trọng ái dục’, thiên về ái dục, chí hướng về ái dục.’[5]Ngài cũng biết chúng sanh theo đuổi xuất ly như vầy: ‘Người này coi trọng xuất ly’, thiên về xuất ly, chí hướng về xuất ly.’ Ngài cũng biết chúng sanh theo đuổi sân hận như vầy: ‘Người này coi trọng sân hận’, thiên về sân hận, chí hướng về sân hận.’ Ngài cũng biết chúng sanh theo đuổi không sân hận như vầy: ‘Người này coi trọng không sân hận’, thiên về không sân hận, chí hướng về không sân hận.’ Ngài cũng biết chúng sanh theo đuổi dã dượi buồn ngủ như vầy: ‘Người này coi trọng dã dượi buồn ngủ’, thiên về dã dượi buồn ngủ, chí hướng về dã dượi buồn ngủ.’ Ngài cũng biết chúng sanh theo đuổi ý nghĩ đến ánh sáng như vầy: ‘Người này coi trọng ý nghĩ đến ánh sáng’, thiên về ý nghĩ đến ánh sáng, chí hướng về ý nghĩ đến ánh sáng.’
Đây là thành kiến của chúng sanh.
587. Khuynh hướng ngủ ngầm của chúng sanh là gì ?
Có bẩy khuynh hướng ngủ ngầm của chúng sanh: Khuynh hướng tham ái ngủ ngầm, khuynh hướng chống đối ngủ ngầm, khuynh hướng ngã mạn (tự hào) ngủ ngầm, khuynh hướng quan điểm [sai lạc] ngủ ngầm, khuynh hướng hoài nghi ngủ ngầm, khuynh hướng khao khát trở thành ngủ ngầm, khuynh hướng vô minh ngủ ngầm.
Trên thế gian này, bất cứ chỗ nào có bất cứ cái gì khả ái và dễ ưa chuộng, chỗ đó có khuynh hướng tham ái ngủ ngầm. Trên thế gian này, bất cứ chỗ nào có bất cứ cái gì [124] không khả ái và khó ưa, chỗ đó có khuynh hướng chống đối ngủ ngầm. Nên từ hai trạng thái này, vô minh phát triển, và có thể coi là ngã mạn (tự hào), nhận thức [sai lạc] và hoài nghi đi cùng với vô minh.
Đây là khuynh hướng ngủ ngầm của chúng sanh.
588. Hành xử của chúng sanh là gì ?
Hành vi tạo quả thiện cố ý,* hành vi tạo quả bất thiện cố ý,2*và hành vi tạo quả bất động cố ý3*- tạo quả nhỏ hay lớn.
* là tám tâm thiện cõi dục giới khi bố thí, trì giới... và năm thuộc sắc giới (5 cõi thiền) phát sanh nhờ tu [thiền]; (Vism. XVII đ. 60).
2* là 12 tâm phụ tùy bất thiện khi sát sanh... (Vism. XVII đ. 60).
3* có 4 thiện tâm liên kết với cõi vô sắc khởi lên khi tu [thiền vô sắc này: không gian vô biên, thức vô biên, không có gì, không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức] (Vism. XVII đ. 60).
Đây là hành xử của chúng sanh.
589. Chí hướng của chúng sanh là gì ?
Có chúng sanh có chí hướng thấp hèn, có chúng sanh có chí hướng cao thượng. Hướng đến cái thấp hèn, chúng sanh trau giồi, lai vãng và chào đón cái thấp hèn. Hướng đến cái cao thượng, chúng sanh trau giồi, lai vãng và chào đón cái cao thượng. Cũng thế trong quá khứ, hướng đến cái thấp hèn, chúng sanh đã trau giồi, đã lai vãng và đã chào đón cái thấp hèn. Hướng đến cái cao thượng, chúng sanh đã trau giồi, đã lai vãng và đã chào đón cái cao thượng. Cũng thế trong tương lai, hướng đến cái thấp hèn, chúng sanh sẽ trau giồi, sẽ lai vãng và sẽ chào đón cái thấp hèn. Hướng đến cái cao thượng, chúng sanh sẽ trau giồi, sẽ lai vãng và sẽ chào đón cái cao thượng.
Đây là chí hướng của chúng sanh.
590. Chúng sanh không có khả năng là gì ?
Bất cứ chúng sanh nào có nghiệp là trở ngại, có nhiễm lậu là trở ngại, có nghiệp quả là trở ngại, không tin tưởng, không ước muốn, không tuệ, và không có khả năng thắp sáng tínhchân chánh chắc chắn của các trạng thái thiện - đây là chúng sanh không có khả năng.
591. Chúng sanh có khả năng là gì?
Bất cứ chúng sanh nào không có nghiệp là trở ngại, không có nhiễm lậu là trở ngại, không có nghiệp quả là trở ngại, tin tưởng, ước muốn, có tuệ, và có khả năng thắp sáng tính chắc chắn chân chánh * của các trạng thái thiện - đây là chúng sanh có khả năng.
* Đọc Luận XXIX đoạn 2 về tính chắc chắn chân chánh này.
Đây là trí của Như Lai biết rõ thành kiến và khuynh hướng ngủ ngầm của chúng sanh.
[CHƯƠNG LXX. CÁC CẶP BIẾN HÓA (KỲ DIỆU)]
592. [125] Trí về các cặp Biến Hóa (kỳ diệu) của Như Lai là gì ?
593. Ở đây Như Lai thi triển các cặp Biến Hóa (Kỳ diệu) mà các đệ tử không có được.*
* asādhāraṇaṁ sāvakehi.
594. Ngài tạo một đám lửa từ phần trên cơ thể và phun nước từ phần dưới cơ thể: Ngài phun nước từ phần trên cơ thể và tạo một đám lửa từ phần dưới cơ thể.
Ngài tạo một đám lửa từ phía đông của cơ thể và phun nước từ phía tây của cơ thể: Ngài phun nước từ phía đông của cơ thể và tạo một đám lửa từ phía tây của cơ thể.
... từ mắt phải... mắt trái... từ mắt trái... mắt phải...
... từ tai phải... tai trái...
... từ cánh mũi phải... cánh mũi trái...
... từ vai phải... vai trái...
... từ tay phải... tay trái...
... từ hông phải... hông trái...
... từ chân phải... chân trái...
... từ mỗi ngón tay ngón chân... mỗi kẽ tay kẽ chân...
Ngài tạo một đám lửa từ mỗi sợi tóc và phun nước từ mỗi sợi tóc: Ngài tạo một đám lửa [126] từ mỗi chân tóc và phun nước từ mỗi chân tóc.
595. Ở giữa sáu mầu xanh da trời, vàng, đỏ, trắng, hồng và mầu trong suốt, Thế Tôn bước đi trong khi hình ảnh biến hiện của Ngài lại đứng hoặc ngồi hay nằm, Thế Tôn đứng trong khi hình ảnh biến hiện của Ngài lại bước hoặc ngồi hay nằm xuống, Thế Tôn ngồi trong khi hình ảnh biến hiện của Ngài lại bước đi hoặc đứng hay nằm xuống, Thế Tôn nằm xuống trong khi hình ảnh biến hiện của Ngài lại bước đi hoặc đứng hay ngồi, hình ảnh biến hiện của Thế Tôn bước đi trong khi Ngài lại đứng hoặc ngồi hay nằm xuống, hình ảnh biến hiện của Thế Tôn đứng trong khi Ngài lại bước đi hoặc ngồi hay nằm xuống, hình ảnh biến hiện của Thế Tôn ngồi trong khi Ngài lại bước đi hoặc đứng hay nằm xuống, hình ảnh biến hiện của Thế Tôn nằm xuống trong khi Ngài bước đi hoặc đứng hay ngồi.
Đây là Trí về các cặp Biến Hóa (kỳ diệu) của Như Lai.
[CHƯƠNG LXXI. LÒNG ĐẠI BI]
596. Trí thành tựu lòng đại bi của Như Lai là gì ?
597. Từ các đấng Giác Ngộ, Thế Tôn, những vị thấy bằng nhiều cách, rải lòng Đại Bi đến các chúng sanh.
Từ các đấng Giác Ngộ, Thế Tôn, những vị thấy như vầy ‘Đời sống thế tục[6]
Từ các đấng Giác Ngộ, Thế Tôn, những vị thấy như vầy ‘Đời sống thế tục bương chải’*...
*uyyutto
... ‘Đời sống thế tục cứ mãi trôi’...
... ‘Đời sống thế tục nằm trên con đường sai lạc’...
... Thế giới [6]này không bền và đi đến chỗ hủy diệt (M ii 68)...
... Thế giới này không có nơi trú ẩn và không có sự bảo vệ (M ii 68)...
... Thế giới này tự nó không có gì, [127] phải bỏ lại tất cả và tiếp tục hành trình (M ii 68)...
... Thế giới này không đầy đủ, không thỏa mãn và làm nô lệ cho thèm khát (M ii 68)...
... ‘Đời sống thế tục không có nơi trú ẩn...
... ‘Đời sống thế tục không có sự bảo bọc...
... ‘Đời sống thế tục không nơi nương náu...
... ‘Đời sống thế tục không phải nơi nương náu...
... Thế giới này bị dao động và không an tĩnh...
... ‘Đời sống thế tục bị tên gây thương tích, bị nhiều tên xuyên thủng; chẳng có ai ngoài tôi để rút mũi tên ra...
... ‘Đời sống thế tục tăm tối vì bóng vô minh, với ngục tối của nhiễm lậu bị khóa cài, chẳng có ai ngoài tôi để soi sáng...
... ‘Đời sống thế tục lần bước trong vô minh, mù quáng, bao kín trong bọc [vô minh] (Vin iii 3), là mớ chỉ rối ren, cuộn [chỉ] bị thắt nút, rối như tổ chim* (D ii 55), việc tái sanh vào cảnh khổ, những cảnh bất hạnh và đọa đầy không được miễn trừ’...
*gulāguṇṭhika-jāta
... ‘Đời sống thế tục bị nhiễm độc vô minh, là vũng bùn nhiễm lậu...
... ‘Đời sống thế tục bị cuốn trong mạng nhện thèm khát...
... ‘Đời sống thế tục bị bọc kín trong lưới thèm khát...
... ‘Đời sống thế tục bị giòng thèm khát cuốn trôi đi...
... ‘Đời sống thế tục bị trói buộc vì sự trói buộc của thèm khát...
... ‘Đời sống thế tục có khuynh hướng thèm khát ngủ ngầm lót ở dưới’...
... ‘Đời sống thế tục bị thống khổ vì thèm khát thiêu đốt’...
... ‘Đời sống thế tục [128] khổ sở vì thèm khát tạo khổ đau’...
... ‘Đời sống thế tục bị cuốn trong mạng nhện của quan điểm sai lạc’...
... ‘Đời sống thế tục bị bọc kín trong lưới quan điểm sai lạc’...
... ‘Đời sống thế tục bị giòng quan điểm sai lạc cuốn trôi đi’...
... ‘Đời sống thế tục bị trói buộc vì sự trói buộc của quan điểm sai lạc’...
... ‘Đời sống thế tục có khuynh hướng ngủ ngầm của quan điểm sai lạc lót ở dưới’...
... ‘Đời sống thế tục bị thống khổ vì nhận thức quan điểm thiêu đốt’...
... ‘Đời sống thế tục khổ sở vì nhận thức quan điểm tạo khổ đau’...
... ‘Đời sống thế tục ăn đời ở kiếp (có quan hệ lâu dài) với tái sanh’...
... ‘Đời sống thế tục có sự già lão lót ở dưới’...
... ‘Đời sống thế tục bị đau khổ quấy rối’...
... ‘Đời sống thế tục bị cái chết đánh gục’...
... ‘Đời sống thế tục xây dựng trên khổ đau’...
... ‘Đời sống thế tục bị vướng lụy vì thèm khát’...
... ‘Đời sống thế tục bị bức tường già lão vây quanh’...
... ‘Đời sống thế tục bị cái chết giăng bẫy’...
... ‘Đời sống thế tục bị trói buộc bằng những sợi dây lớn: bằng sợi dây tham, bằng sợi dây sân, bằng sợi dây si, bằng sợi dây ngã mạn (tự hào), bằng sợi dây quan điểm sai lạc, bằng sợi dây nhiễm lậu, bằng sợi dây nết hạnh xấu xa. Chẳng có ai ngoài tôi để giải thoát đời sống này ra khỏi những trói buộc ấy’...
... ‘Đời sống thế tục đã đi vào đường hầm chật ních; chẳng có ai ngoài tôi để chỉ chốn thênh thang’...
... ‘Đời sống thế tục bị trở ngại vì một chướng ngại lớn; chẳng có ai ngoài tôi để cắt đứt trở ngại ấy’...
... ‘Đời sống thế tục đã rơi vào hố sâu; chẳng có ai ngoài tôi để kéo nó ra ngoài hố sâu ấy’...
... ‘Đời sống thế tục đã đi vào hoang dã, chẳng có ai ngoài tôi để đi băng qua miền hoang dã đó’...
... ‘Đời sống thế tục đã bắt đầu lăn vào khúc quanh lớn,* chẳng có ai ngoài tôi để giải thoát đời sống này ra khỏi khúc quanh ấy’...
* mahāvidugga
... ‘Đời sống thế tục bị chìm lấp trong con lạch lớn, chẳng có ai ngoài tôi để kéo nó ra ngoài con lạch ấy’...
... ‘Đời sống thế tục sa vào vũng lầy lớn, [129] chẳng có ai ngoài tôi để kéo nó ra ngoài vũng lầy ấy’...
... ‘Đời sống thế tục dễ bị thương tổn’...
... ‘Đời sống thế tục đang bốc cháy vì lửa tham, lửa sân, lửa si, lửa sanh, già và chết, khổ não và ta thán, đau đớn, khổ sở và tuyệt vọng; chẳng có ai ngoài tôi để dập tắt những ngọn lửa này’...
... ‘Đời sống thế tục, như người bị dẫn đến chỗ [hành quyết], bị trừng phạt bằng cách không bao giờ có nơi trú ẩn, như hình phạt áp dụng vào kẻ bất lương’...
... ‘Đời sống thế tục bị những điều cực kỳ không khả ái trói buộc và được xây dựng trên đau đớn tổn hại, chẳng có ai ngoài tôi để giải thoát nó’...
... ‘Đời sống thế tục không có lối thoát và đã đến tình trạng khốn khổ cùng cực; chẳng có ai ngoài tôi để bảo hộ nó’...
... ‘Đời sống thế tục tràn ngập khổ đau, và đã bị nó bức bách từ lâu’...
... ‘Đời sống thế tục mãi mãi đói, khát’...
... ‘Đời sống thế tục mù quáng và không thấy gì’...
... ‘Đời sống thế tục đã mất người lãnh đạo và không người hướng dẫn’...
... ‘Đời sống thế tục đã thất lạc trên con đường sai lạc và không thấy con đường thẳng, chẳng có ai ngoài tôi để đưa nó đến thánh đạo’...
... ‘Đời sống thế tục đã trôi dạt trên giòng nước lũ, chẳng có ai ngoài tôi để cứu nó ra khỏi giòng nước lũ ấy’...
... ‘Đời sống thế tục bị hai loại quan điểm sai lạc ám ảnh’... (It 43)
... ‘Đời sống thế tục diễn ra bất như ý vì ba loại nết hạnh xấu xa’...
... ‘Đời sống thế tục bị bốn ách tròng vào’... (D iii 230)
... ‘Đời sống thế tục bị trói buộc bằng bốn hệ lụy’... (D iii 230)
... ‘Đời sống thế tục bám vào bốn loại bám níu’... (D iii 230)
... ‘Đời sống thế tục bắt đầu đi vào năm cõi tái sanh’... (D iii 234)
... ‘Đời sống thế tục đượm mầu tham đắm theo năm loại khoái lạc giác quan’... (D iii 234)
... ‘Đời sống thế tục bị năm chướng ngại ngăn chặn’... [130] (D iii 234)
... ‘Đời sống thế tục đấu khẩu từ sáu nguồn gốc gây tranh cãi (D iii 246)...
... ‘Đời sống thế tục đượm mầu tham đắm theo sáu loại thèm khát’... (D iii 244)
... ‘Đời sống thế tục bị sáu loại quan điểm sai lạc ám ảnh’... (M i 8)
... ‘Đời sống thế tục có bẩy khuynh hướng ngủ ngầm nằm lót ở dưới’... (D iii 254)
... ‘Đời sống thế tục bị ràng buộc bằng bẩy trói buộc’... (A iv 8)
... ‘Đời sống thế tục tự hào bằng bẩy loại ngã mạn’... (Vbh 383)
... ‘Đời sống thế tục tạo ra tám chuyện tục lụy’*... (D iii 260)
* loka-dhammā:được, mất, khen, chê...
... ‘Đời sống thế tục bị tám đường sai lạc* thắt chặt’... (D iii 254)
* micchatā: trái ngược với tám thánh đạo
... ‘Đời sống thế tục bị ung thối vì tám lầm lỗi của con người’*... (Vbh 387)
*... aṭṭhahi purisadosehi dussati lokasannivāsoti...
... ‘Đời sống thế tục bị tức bực* vì chín điều gây khó chịu2*’... (A iv 408)
* āghātito
2*āghātavātthūni. Đọc Như Nhiên, Phân Tích, [Toronto, 2005] đoạn 967 và chú thích 248 trang 594.
... ‘Đời sống thế tục tự cao tự đại vì chín ngã mạn’... (Vbh 389)
... ‘Đời sống thế tục đượm mầu tham đắm vì chín trạng thái bắt nguồn từ thèm khát’*... (D iii 288)
*navahi taṇhamūlakehi dhammehi(chín nguồn gốc của thèm khát): Vì thèm khát nên có tìm cầu, vì tìm cầu nên có thủ lợi, vì thủ lợi nên có quyết định, vì quyết định nên có tham dục, vì tham dục nên có bám níu, vì bám níu nên có chiếm hữu, vì chiếm hữu nên có tham lam, vì tham lam nên lo gìn giữ, vì lo gìn giữ nên có chuyện dùng gậy gộc kiếm dao, cãi cọ tranh chấp... dối trá và các hành vi bất thiện khác khởi lên. Đọc phẩm Mahānidāna (M ii 59); Maurice Walshe, The Long Discourses of the Buddha (Boston: Wisdom, 1995), đoạn 9, trang 224.
... ‘Đời sống thế tục bị ô nhiễm vì mười nền tảng của nhiễm lậu’... (Vbh 341, 391)
... ‘Đời sống thế tục gặp oán thù vì mười thù hằn’... (A v 150)
... ‘Đời sống thế tục có mười tiến trình tạo nghiệp bất thiện’... (D iii 269)
... ‘Đời sống thế tục bị ràng buộc bằng mười trói buộc’... (A v 17)
... ‘Đời sống thế tục bị mười đường sai lạc thắt chặt’... (D iii 290)
... ‘Đời sống thế tục có mười nền tảng của quan điểm sai lạc’... (Vbh 392)
... ‘Đời sống thế tục có mười nền tảng quan niệm thế giới hữu hạn’... (Vbh 392)
... ‘Đời sống thế tục bị chia ra nhiều loại vì 108 khác biệt đa dạng của thèm khát’... (Vbh 400)
Từ các đấng Giác Ngộ, Thế Tôn, những vị thấy như vầy: ‘Đời sống thế tục bị 62 loại quan điểm sai lạc ám ảnh’, rải lòng Đại Bi đến các chúng sanh.
Từ các đấng Giác Ngộ, Thế Tôn, những vị thấy như vầy: ‘Ta đã qua đến bờ bên kia nhưng thế gian còn kẹt lại; Ta đã được giải thoát còn thế gian chưa được giải thoát; Ta đã được điều ngự còn thế gian chưa được điều ngự; Ta đã được an lạc [131] còn thế gian chưa được an lạc; Ta đã được thư thái còn thế gian chưa được thư thái; Ta đã dập tắt «tái sanh»còn thế gian chưa dập tắt; Ta, sau khi đã qua bên kia bờ, có thể mang qua bên kia bờ; Ta, đã được giải thoát, có thể giải thoát «người khác»; Ta, đã được điều ngự, có thể dạy điều ngự; Ta đã được an lạc, có thể tạo an lạc; Ta, đã được thư thái, có thể tạo thư thái; Ta, đã dập tắt «tái sanh», có thể dạy dập tắt’, từ nhận định đó Ngài rải lòng Đại Bi đến các chúng sanh.
Đây là Trí thành tựu lòng Đại Bi của Như Lai.
[CHƯƠNG LXXII-LXXIII. TRÍ TOÀN GIÁC VÀ TRÍ BIẾT KHÔNG NGĂN NGẠI]
598. Trí toàn giác* của Thế Tôn là gì ?
* sabbaññuta-ñāṇa:biết mọi sự
599. Trí biết không chừa ngoại lệ nào tất cả những gì được tạo thành và không được tạo thành, như vậy là trí toàn giác: ở đấy không có ngăn ngại, như vậy nó được gọi là trí biết không ngăn ngại.
Trí ấy biết tất cả quá khứ, như vậy nó là trí biết không ngăn ngại: ở đấy nó không có ngăn ngại, như vậy nó là trí biết không ngăn ngại.
Trí ấy biết tất cả tương lai, ...
Trí ấy biết tất cả hiện đang được sanh khởi, ...
Mắt và các vật hữu hình: trí ấy biết tất cả, ...
Tai và âm thanh: trí ấy biết tất cả, ...
Mũi và mùi: trí ấy biết tất cả, ...
Lưỡi và vị: trí ấy biết tất cả, ...
Thân và vật xúc chạm được: trí ấy biết tất cả, ...
Ý và các đối tượng tâm ý: trí ấy biết tất cả, ...
600. Về tầm mức ý nghĩa vô thường, nghĩa khổ đau, nghĩa không phải là ngã: trí ấy biết tất cả, như vậy là trí toàn giác; [132] ở đấy không có ngăn ngại, như vậy nó được gọi là trí biết không ngăn ngại.
Về tầm mức ý nghĩa vô thường, nghĩa khổ đau, nghĩa không phải là ngã của vật thể: trí ấy biết tất cả, ... [và cứ thế với 201 ý niệm liệt kê ở đ. 5 cho đến]...
Về tầm mức ý nghĩa vô thường, nghĩa khổ đau, nghĩa không phải là ngã của già và chết: trí ấy biết tất cả, ...
601. Về tầm mức ý nghĩa trí trực chứng trong chứng biết trực tiếp: trí ấy biết tất cả, ...
Về tầm mức ý nghĩa hiểu biết trọn vẹn trong hiểu biết trọn vẹn: trí ấy biết tất cả, ...
Về tầm mức ý nghĩa từ bỏ trong từ bỏ: trí ấy biết tất cả, ...
Về tầm mức ý nghĩa tu tập trong tu tập: trí ấy biết tất cả, ...
Về tầm mức ý nghĩa thực chứng trong thực chứng: trí ấy biết tất cả, ...
Về tầm mức ý nghĩa tập hợp trong các tập hợp: trí ấy biết tất cả, ...
Về tầm mức ý nghĩa yếu tố trong tất cả hiện tượng: trí ấy biết tất cả, ...
Về tầm mức ý nghĩa xuất xứ trong các xuất xứ: trí ấy biết tất cả, ...
Về tầm mức ý nghĩa được tạo thành trong cái được tạo thành: trí ấy biết tất cả, ...
Về tầm mức ý nghĩa không được tạo thành trong cái không được tạo thành: trí ấy biết tất cả, ...
602. Về phạm vi của các trạng thái thiện: trí ấy biết tất cả, ...
Về phạm vi của các trạng thái bất thiện: trí ấy biết tất cả, ...
Về phạm vi của các trạng thái bất định tính: ...
Về phạm vi của các trạng thái thuộc cõi dục giới: ...
Về phạm vi của các trạng thái thuộc cõi sắc giới: ...
Về phạm vi của các trạng thái thuộc cõi vô sắc giới: ...
Về phạm vi của các trạng thái không được tính kể đến: trí ấy biết tất cả, ...
603. Trọn vẹn ý nghĩa của khổ đau trong khổ đau: trí ấy biết tất cả, ...
Trọn vẹn ý nghĩa của nguồn gốc «của khổ»trong nguồn gốc «của khổ»: ...
Trọn vẹn ý nghĩa của diệt «khổ»trong diệt «khổ»: ...
Trọn vẹn ý nghĩa của con đường «diệt khổ»trong con đường «diệt khổ»: trí ấy biết tất cả, ...
604. Trọn vẹn ý nghĩa của vô ngại giải về nghĩa trong vô ngại giải về nghĩa: trí ấy biết tất cả, ...
Trọn vẹn ý nghĩa của vô ngại giải về ý niệm trong vô ngại giải về ý niệm: trí ấy biết tất cả, ...
Trọn vẹn ý nghĩa của vô ngại giải về ngữ pháp trong vô ngại giải về ngữ pháp: trí ấy biết tất cả, ... [133]
Trọn vẹn ý nghĩa của vô ngại giải về biện tài trong vô ngại giải về biện tài: trí ấy biết tất cả, ...
605. Trọn vẹn ý nghĩa của trí biết rõ tâm ý người khác: trí ấy biết tất cả, ...
Trọn vẹn ý nghĩa của trí biết thành kiến và khuynh hướng tiềm ẩn của chúng sanh: trí ấy biết tất cả, ...
Trọn vẹn ý nghĩa của trí về các cặp Biến Hóa: trí ấy biết tất cả, ...
Trọn vẹn ý nghĩa của trí thành tựu lòng Đại Bi: trí ấy biết tất cả, như vậy là trí toàn giác; ở đấy không có ngăn ngại, như vậy nó được gọi là trí biết không ngăn ngại.
606. Trọn vẹn ý nghĩa của cái được nhìn thấy, được nghe, được nhận biết bằng tri giác, được thông hiểu, được gặp gỡ, được kiếm tìm, được tâm quan sát, trong thế giới có chư thiên, có Māras, có thần Brahmā, trong thế hệ này với các tu sĩ và Bà la môn, với các hoàng tử và dân chúng: trí ấy biết tất cả, như vậy là trí toàn giác; ở đấy không có ngăn ngại, như vậy nó được gọi là trí biết không ngăn ngại.
607.
Ở đây, trong thế giới này, không có gì vị ấy không thấy
Không có gì không được nhận chân, và không có gì không thể nhận biết
Vị ấy đã thể nghiệm tất cả những gì có thể biết:
Vì thế Như Lai được gọi là Người chứng biết tất cả*
*chứng biết tất cả = Toàn Giác.
608. Người chứng biết tất cả: Người chứng biết tất cả theo nghĩa nào?
Có mười bốn loại trí của bậc Giác Ngộ:
Trí biết về khổ là trí của bậc Giác Ngộ.
Trí biết về nguồn gốc của khổ...
Trí biết về diệt khổ...
Trí biết về con đường diệt khổ...
Trí vô ngại giải về nghĩa...
Trí vô ngại giải về ý niệm...
Trí vô ngại giải về ngữ pháp...
Trí vô ngại giải về biện tài...
Trí biết rõ tâm ý người khác ...
Trí biết thành kiến và khuynh hướng ngủ ngầm của chúng sanh ...
Trí về các cặp Biến Hóa...
Trí thành tựu lòng Đại Bi...
Trí biết tất cả là trí của đức Phật.
Trí biết không ngăn ngại là trí của đức Phật.
Có mười bốn loại trí của đức Phật. Trong 14 loại trí đó, các đệ tử chỉ có tám loại, các đệ tử không có sáu loại còn lại.
609. [134] Về phạm vi ý nghĩa của khổ đau trong khổ đau tất cả đều được biết đến, không có nghĩa của khổ đau nào là không biết, như vậy là trí toàn giác; ở đấy không có ngăn ngại, như vậy nó được gọi là trí biết không ngăn ngại.
Về phạm vi ý nghĩa của khổ đau trong khổ đau tất cả đều được thấy, tất cả đều được nhận chân, tất cả đều được thực chứng, tất cả đều được thể nghiệm bằng tuệ, như vậy là trí toàn giác; ở đấy không có ngăn ngại, như vậy nó được gọi là trí biết không ngăn ngại.
Về phạm vi ý nghĩa của nguồn gốc của khổ trong nguồn gốc của khổ... [và cứ thế với các sự thực còn lại]
610. Về phạm vi ý nghĩa vô ngại giải về nghĩa trong vô ngại giải về nghĩa ... [và cứ thế với các vô ngại giải còn lại cho đến]...
Về phạm vi ý nghĩa vô ngại giải về biện tài trong vô ngại giải về biện tài: tất cả đều được biết đến, không có nghĩa nào của vô ngại giải về biện tài là không biết, như vậy là trí toàn giác; ở đấy không có ngăn ngại, như vậy nó được gọi là trí biết không ngăn ngại.
Về phạm vi ý nghĩa vô ngại giải về biện tài trong vô ngại giải về biện tài: tất cả đều được thấy, tất cả đều được nhìn nhận, tất cả đều được thực chứng, tất cả đều được thể nghiệm bằng tuệ, không có nghĩa nào của vô ngại giải về biện tài là không được thể nghiệm bằng tuệ, như vậy là trí toàn giác; ở đấy không có ngăn ngại, như vậy nó được gọi là trí biết không ngăn ngại.
611. Về phạm vi của trí biết rõ tâm ý người khác...
Về phạm vi của trí biết thành kiến và khuynh hướng tiềm ẩn của chúng sanh ...
Về phạm vi của trí về các cặp Biến Hóa...
Về phạm vi về Trí thành tựu lòng Đại Bi...
Về phạm vi của cái được nhìn thấy, được nghe, biết bằng tri giác, nhận biết, gặp gỡ, tìm kiếm, được tâm quan sát, trong thế giới có chư thiên, có Māras, có thần Brahmā, trong thế hệ này với các tu sĩ và Bà la môn, với các hoàng tử và dân chúng: tất cả đều được biết đến, tất cả đều được thấy,... trí toàn giác: nó không có ngăn ngại, như vậy nó được gọi là trí biết không ngăn ngại.
612. Ở đây trong thế giới này không có gì là Ngài không thấy
Không có gì không được nhận biết, và không có gì là không thể biết;
Ngài đã kinh nghiệm tất cả những gì có thể biết được:
Vì thế, Thế Tôn được gọi là Người chứng thấy tất cả.
CHẤM DỨT PHẦN LUẬN VỀ TRÍ.
[1]Atthi āsavan ti atthi viriyaṁ; āsāvan ti pi pāṭho (PsA Se trang 230). Nghĩa này của chữ āsavan không tìm thấy đâu cả, kể luôn tự điển của PTS. <Ấn bản PsA của PTS viết là āyavaṁ và āyāvaṁ nhưng cho rằng những chữ ấy trong ấn bản Sinhalese là những chữ biến thể (trang 338). Giống như kinh văn Miến Điện và Cam Bốt, quyển PsGp (trang 159) không nói gì về vấn đề này. Có lẽ các tác giả ấy viết āyāvaṁ từ āyu, ‘sống động’, ‘khỏe mạnh’ và không thấy trở ngại gì. Vì với chữ biến thể, chữ ayava trong CPD có ghi chú āyāmaṁ từ đoạn kinh tương tự ở S v 13 có cùng nghĩa ‘mở rộng’, ‘sức mạnh’. Có lẽ Mahānāma viết nguyên văn như vậy và Gp cũng thế.>
[2]Cetayanto vivaṭṭatī ti cetovivaṭṭo; vijānanto vivaṭṭatī ti cittavaṭṭo. Như vậy citta = viññāṇa. Đọc đ. 553. <được trang bị với nhận thức (cognition) bằng khả năng gây ảnh hưởng của ý, vì vậy viññāṇa = mano. Đọc thêm Luận III đ. 9 vềcitta = mano <ý>. So với Dhs. trang 10 được in lại ở Luận III đ. 394.
[3]Các đoạn tiếp sau ‘sự kiệt quệ của phiền não’ (từ đđ 551-562) được lập lại không thay đổi ở Luận IV đ. 113ff.
[4]Với đi kèm, cùng hiện hữu sanh khởi đồng thời,... đọc Dhs gocchakas <cf. Dhs trang 259; Asl trang 356, Moh trang 81>
[5]nguyên văn: yathābhūtaṁ vā ñāṇaṁ. Ayaṁ puggalo kāmagaruko kāmāsayo kāmādhimutto ti kāmaṁ sevantañ ñeva jānāti...
[6]<Giữa những hàng gạch bỏ, trên bản thảo tỳ kheo Ñāṇamoli đã viết ‘thay chữ thế giới bằng cuộc sống trong bất kỳ thế giới (hoàn cảnh) nào, thay đời sống thế tục bằng tiến triển về đời sống trong bất kỳ thế giới nào.’ Trước khi gạch bỏ, tỳ kheo này đã nghĩ tới việc thay chữ thế giới bằng tình cảnh con người và tiến bộ về tình cảnh con người thay cho đời sống thế tục. Ở đây không rõ là Ñāṇamoli đã dứt khoát chưa, nên chúng tôi không đưa ra thay đổi nào vào bản dịch của tỳ kheo này. Có lẽ định nghĩa về chữ loka ở đđ 579-80 khiến cho ta nghĩ rằng chữ ‘thế giới’ không được chỉnh cho lắm và có lẽ chữ như ‘tình cảnh’ hay ‘kiếp sống’ có thể thích hợp hơn vì bao quát hơn. Tuy nhiên, cứ để riêng ý nghĩa trung dung và phổ thông của chữ viết bằng tiếng Pali này ra, thì chữ này hình như gần gũi với chữ ‘thế giới’ hay ‘vũ trụ’ (nhưng theo nguyên lý mà nói thì không có một ‘thực thể’ nào trong hiện thực mà chỉ thuần là ‘ý niệm’), chữ ‘thế giới’ có thể có những nghĩa rộng hay nghĩa hẹp, đặc biệt là nghĩa có tính chủ quan như: ‘Vị ấy sống trong thế giới riêng của người ấy’>.
GHI CHÚ DẪN NHẬP
Trong Luận Thuyết này, các loại quan điểm sai lạc chính đề cập trong Kinh được chia nhóm và được bàn tới dưới năm đề mục hay phần. Các đề mục đó là:
i. định nghĩa về quan điểm sai lạc,
ii. các quan điểm sai lạc ấy được xây dựng trên nền tảng nào
iii. phương cách qua đó quan điểm sai lạc chấp chặt lấy
iv. các quan điểm sai lạc có thể được phân theo loại
v. cách thức vận hành của quan điểm sai lạc
Còn có phần cuối cùng, đó là:
vi. phương cách thoát khỏi quan điểm sai lạc
Trong những phần này, sự phân loại có nhiều trùng lắp và hoán thế nhau.
Năm phần chính trên vận hành theo ý nghĩa đại khái như sau:
(i) sự diễn giải lầm lạc là đặc tính của quan điểm sai lạc, như sự khẳng định ‘tôi’, ‘của tôi’, ‘tự ngã của tôi’ được khơi dậy từ (ii) năm tập hợp, rồi (iii) nó tác dụng như bụi cây rậm rạp, khó thoát ra được. (iv) Chẳng hạn, chính quan điểm sai lạc về bản ngã (sakkāyadiṭṭhi) vốn (v) giải thích sai năm tập hợp vì lấy chúng làm đối tượng. (vi) Thoát khỏi quan điểm sai lạc là chứng đạo lộ nhập giòng.
Các chi tiết thoạt trông có vẻ mơ hồ lẫn lộn trên đều nằm trong kiểu mẫu chính này. Bất cứ quan niệm ước đoán nào nghe nói đến có thể được phân tích theo phương pháp này.
Không phải tất cả các dữ kiện chính yếu về quan điểm sai lạc có trong Kinh đều được bàn ở đây; ví dụ, sự mô tả chi tiết về quan điểm có bản ngã của các đạo sư nào đó nói ở kinhSāmaññaphala (Sa môn quả) của Dīgha Nikāya (D kinh số 2). Lý do là Luận Thuyết này không có mục đích tả lại các quan điểm đã được nêu ra, nhưng nhắm vào việc cung cấp một phương cách qua đó có thể phân loại được bất cứ quan điểm sai lạc nào; và vì nó tiếp nối các thí dụ trong phẩm đầu tiên của Dīgha Nikāya và phẩm thứ 102 củaMajjhima Nikāya.
[LUẬN VỀ QUAN ĐIỂM]
«Diṭṭhikathā»
[Tóm lược]
1. [135] Quan điểm là gì? Có bao nhiêu loại nền tảng của quan điểm? Có bao nhiêu loại ám ảnh vì quan điểm? Có bao nhiêu loại quan điểm? Có bao nhiêu loại giải thích lầm lạc vì quan điểm? Diệt trừ nền tảng của quan điểm là gì?
I. Quan điểm là gì? Hiểu sai vì giải thích sai là quan điểm.
II. Có bao nhiêu loại nền tảng của quan điểm? Có tám loại.
III. Có bao nhiêu loại ám ảnh vì quan điểm? Có 18 loại.
IV. Có bao nhiêu loại quan điểm? Có 16 loại.
V. Có bao nhiêu loại giải thích lầm lạc vì quan điểm? Có 300 loại.
VI. Diệt trừ nền tảng của quan điểm là gì? Đạo lộ nhập giòng là sự hủy diệt nền tảng của quan điểm.
[Phần I]
2. Quan điểm là hiểu sai vì giải thích sai là thế nào?
Hiểu sai vì giải thích sai vật thể như vầy: ‘Đây là của tôi, đây là tôi, đây là bản ngã của tôi’ (S xii 62, 5) là quan điểm sai lạc. Hiểu sai vì giải thích sai cảm nghiệm như vầy: ‘Đây là của tôi, đây là tôi, đây là bản ngã của tôi’ là quan điểm... Hiểu sai vì giải thích sainhận thức... [và cứ thế với 198 ý niệm của 201 ý niệm liệt kê ở Luận I đ. 5, ngoại trừ ba khả năng gây ảnh hưởng (siêu thế) cuối cùng, cho đến]... [136-8]. Hiểu sai vì giải thích sai già và chết như vầy: ‘Đây là của tôi, đây là tôi, đây là bản ngã của tôi’ là quan điểm sai lạc.
Quan điểm sai lạc là hiểu sai vì giải thích sai như thế đấy.
[Phần II]
3. Tám loại nền tảng của quan điểm là gì?
Các tập hợp là nền tảng của quan điểm, vô minh là nền tảng của quan điểm, xúc..., nhận thức..., hướng tâm về đối tượng..., không suy xét kỹ lưỡng*..., bạn ác..., học hỏi từ ngoại đạo là nền tảng của quan điểm.
* ayoniso manisakāra.
4. Các tập hợp là nhân, các tập hợp là điều kiện, theo nghĩa nguồn sanh khởi [1]của quan điểm, như thế các tập hợp là nền tảng của quan điểm. Vô minh... Xúc... Nhận thức... Hướng tâm về đối tượng... không suy xét kỹ lưỡng... Bạn ác... học hỏi từ ngoại đạo là nguyên nhân, học hỏi từ ngoại đạo là điều kiện, theo nghĩa nguồn sanh khởi, cho sự sanh khởi của quan điểm sai lạc, như vậy học hỏi từ ngoại đạo là nền tảng của quan điểm sai lạc.
Đây là tám loại nền tảng của quan điểm.
[Phần III]
5. Mười tám loại ám ảnh vì quan điểm là gì?
Bất cứ quan điểm nào là nguồn cội đưa đến các quan điểm sai lạc, rừng quan điểm rậm rạp, trói buộc của quan điểm, mũi tên quan điểm, gò bó của quan điểm, trở ngại của quan điểm, nguy hiểm ngầm của quan điểm, khuynh hướng ngủ ngầm của quan điểm, thiêu đốt của quan điểm, cơn sốt (nhiệt tình) của quan điểm, nút thắt của quan điểm, bám níu lấy quan điểm, giải thích sai vì quan điểm, hiểu sai vì quan điểm.
Đây là mười tám loại ám ảnh vì quan điểm. [139]
[Phần IV]
6. Mười sáu loại quan điểm là gì?
Đó là:
i. quan điểm thỏa mãn (khoái lạc)
ii. quan điểm về ngã,
iii. quan điểm sai lạc,
iv. quan điểm chấp ngã,*
*sakkāya
v. quan điểm trường cửu dựa trên chấp ngã
vi. quan điểm đoạn diệt dựa trên chấp ngã
vii. quan điểm hữu hạn
viii. quan điểm quá khứ hữu hạn
ix. quan điểm tương lai hữu hạn
x. quan điểm kết buộc [gây thiệt hại]
xi. quan điểm ràng buộc với ngã mạn ‘Tôi’
xii. quan điểm ràng buộc với ngã mạn ‘của Tôi’
xiii. quan điểm liên kết với các chủ trương về bản ngã
xiv. quan điểm liên kết với các chủ trương về thế giới
xv. quan điểm hiện hữu [trường cửu]
xvi. quan điểm không hiện hữu [đoạn diệt]
Đây là mười sáu loại quan điểm.
[Phần V]
7. Qua quan điểm thoả mãn, có sự giải thích sai theo bao nhiêu khía cạnh?
Qua quan điểm về ngã, có sự giải thích sai theo bao nhiêu khía cạnh?
... qua quan điểm sai lạc, ... ?
... qua quan điểm chấp ngã, ... ?
... qua quan điểm trường cửu dựa trên chấp ngã, ... ?
... qua quan điểm đoạn diệt dựa trên chấp ngã, ... ?
... qua quan điểm hữu hạn, ... ?
... qua quan điểm quá khứ hữu hạn, ... ?
... qua quan điểm tương lai hữu hạn, ... ?
... qua quan điểm kết buộc [gây thiệt hại] , ... ?
... qua quan điểm ràng buộc với ngã mạn ‘Tôi’, ... ?
... qua quan điểm ràng buộc với ngã mạn ‘của Tôi’, ... ?
... qua quan điểm liên kết với các chủ trương về bản ngã, ... ?
... qua quan điểm liên kết với các chủ trương về thế giới, ... ?
... qua quan điểm về hiện hữu [trường cửu], ...?
Qua quan điểm không hiện hữu [đoạn diệt], có sự giải thích sai theo bao nhiêu khía cạnh?
Qua quan điểm thoả mãn, có sự giải thích sai theo 35 khía cạnh.
Qua quan điểm về ngã, có sự giải thích sai theo 20 khía cạnh.
Qua quan điểm sai lạc, có sự giải thích sai theo 10 khía cạnh.
... qua quan điểm chấp ngã, có giải thích sai theo 20 khía cạnh.
... qua quan điểm trường cửu dựa trên chấp ngã, có sự giải thích sai theo 15 khía cạnh.
... qua quan điểm đoạn diệt dựa trên chấp ngã, có sự giải thích sai theo 5 khía cạnh.
... qua quan điểm hữu hạn, có sự giải thích sai theo 50 khía cạnh.
... qua quan điểm quá khứ hữu hạn, có sự giải thích sai theo 18 khía cạnh.
... qua quan điểm tương lai hữu hạn, có sự giải thích sai theo 44 khía cạnh.
... qua quan điểm kết buộc, có sự giải thích sai theo 18 khía cạnh.
... qua quan điểm ràng buộc với ngã mạn ‘Tôi’, có sự giải thích sai theo 18 khía cạnh.
... qua quan điểm ràng buộc với ngã mạn ‘của Tôi’, có sự giải thích sai theo 18 khía cạnh.
... qua quan điểm liên kết với các chủ trương về bản ngã, có sự giải thích sai theo 20 khía cạnh. [140]
... qua quan điểm liên kết với các chủ trương về thế giới, có sự giải thích sai theo 8 khía cạnh.
... qua quan điểm về hiện hữu, có sự giải thích sai theo 1 khía cạnh.
Qua quan điểm không hiện hữu, có sự giải thích sai theo 1 khía cạnh.
(i)
8. Qua quan điểm thoả mãn (khoái lạc), có sự giải thích sai theo 35 khía cạnh nào?
(1) ‘Bất cứ lạc và hỉ nào khởi lên do tùy thuộc vào vật thể là thỏa mãn của vật thể’ (S iii 28), và bất cứ nhận biết lầm lạc nào và bất cứ giải thích lầm lạc nào [về thỏa mãn đó] là quan điểm sai lạc. Quan điểm đó không phải là thỏa mãn, thỏa mãn đó không phải là quan điểm; quan điểm là một và thỏa mãn là một cái khác; quan điểm [cùng với] sự thỏa mãn được gọi là quan điểm thỏa mãn (khoái lạc).
9. Quan điểm thỏa mãn (khoái lạc) là quan điểm sai lạc; quan điểm sai lạc là quan điểm lầm lẫn. Người có quan điểm lầm lẫn đó sai trái trong quan điểm của người ấy. Không nên tu tập với, lai vãng hay sùng kính người lầm lẫn trong quan điểm. Tại sao không? Tại vì quan điểm của vị ấy đã bị uế nhiễm.
10. Bất cứ lòng tham muốn có quan điểm đều không phải là quan điểm, và quan điểm không phải là lòng tham; quan điểm là một và lòng tham là một cái khác; quan điểm [cùng với] lòng tham được gọi là lòng tham muốn có quan điểm. Người có quan điểm đó và lòng tham đó là người bị [lòng tham muốn có] quan điểm thiêu đốt. Tặng vật dâng cúng đến người bị [lòng tham muốn có] quan điểm thiêu đốt đó không mang lại phước báu lớn lao hay lợi ích lớn lao. Tại sao không? Tại vì quan điểm của vị ấy đã bị uế nhiễm.
11. Quan điểm thỏa mãn (khoái lạc) là quan điểm sai lạc; người có quan điểm sai lạc sẽ sanh vào hai nơi, đó là: địa ngục hay cõi súc sanh. Khi một người có quan điểm sai lạc, các việc làm thuộc thân miệng ý được thi hành và hoàn tất theo quan điểm sai lạc đó, và bất cứ chủ ý nào, nguyện vọng nào, ước nguyện nào và hành vi tạo quả nào của vị ấy là tất cả các trạng thái đưa đến điều không mong mỏi, không ước nguyện, đưa đến điều không hoan hỉ đón mừng, đưa đến tổn hại, và đưa đến khổ đau. Tại sao thế? Tại vì quan điểm của vị ấy đã bị uế nhiễm.
12. Như khi hạt giống nimba hay hạt giống kosataki hay hạt mướp đắng được gieo vào đất ướt và hạt giống ấy hút hết bất cứ phân bón hữu cơ đặc hay lỏng ở đấy, [141] tất cả đưa đến chất đắng, đến chất chua nồng, đến không thỏa mãn. Tại sao thế? Tại vì hạt giống đã bị uế nhiễm, cũng thế, người có quan điểm sai lạc sẽ sanh vào hai nơi; ... [lập lại như trên] ... Tại sao thế? Tại vì quan điểm của vị ấy đã bị uế nhiễm.
13. Quan điểm thỏa mãn (khoái lạc) là quan điểm sai lạc. Quan điểm sai lạc là nguồn đưa đến các quan điểm, rừng quan điểm rậm rạp, [lập lại như ở đ. 5] ... hiểu sai vì quan điểm.
14-17. (2)-(5) Bất cứ lạc và hỉ nào khởi lên do tùy thuộc vào cảm nghiệm ... [và cứ thế, lập lại đ. 8 cho bốn tập hợp còn lại].
18-23. (6)-(11) Bất cứ lạc và hỉ nào khởi lên do tùy thuộc vào mắt ... [và cứ thế, với các giác quan còn lại].
24-29. (12)-(17) Bất cứ lạc hỉ nào khởi lên do tùy thuộc vào đối tượng của mắt ... [và cứ thế, với mỗi đối tượng của từng giác quan còn lại].
30-35. (18)-(23) Bất cứ lạc và hỉ nào khởi lên do tùy thuộc vào nhận biết từ mắt ... [và cứ thế, với mỗi nhận biết còn lại của 6 nhận biết].
36-41. (24)-(29) Bất cứ lạc và hỉ nào khởi lên do tùy thuộc vào xúc chạm ở mắt ... [và cứ thế, với mỗi xúc chạm ở từng giác quan còn lại của 6 giác quan].
42-47. (30)-(35) Bất cứ lạc và hỉ nào khởi lên do tùy thuộc vào cảm giác do xúc chạm ở mắt sanh... [và cứ thế, với từng loại của 6 loại cảm giác còn lại].
Quan điểm thỏa mãn (khoái lạc) là quan điểm sai lạc. Quan điểm sai lạc là nguồn cội đưa đến các quan điểm, rừng quan điểm rậm rạp, [lập lại như ở cuối đ. 9] ... hiểu sai vì quan điểm. [143]
48. [Quan điểm sai lạc như thế] là sự trói buộc cho tâm bị ám ảnh theo 18 khía cạnh [bắt đầu từ nguồn cội đưa đến các quan điểm]. [Nhưng] có những kết buộc cũng là quan điểm sai lạc, có những kết buộc không phải là quan điểm.
Những kết buộc nào cũng là quan điểm sai lạc? Quan điểm [sai lạc] cho ngã hiện hữu trường tồn, và hiểu sai về giới và nghi lễ. Đây là những kết buộc cũng là quan điểm sai lạc.
Những kết buộc nào không phải là quan điểm? Những kết buộc của ham muốn ái dục, của chống đối, của ngã mạn (tự hào), của hoài nghi, của khao khát trở thành, của đố kỵ, của tham vô độ, của khuynh hướng ngủ ngầm, của vô minh... Những kết buộc này không phải là quan điểm.
Qua quan điểm thỏa mãn (khoái lạc), có sự giải thích sai theo 35 khía cạnh.
(ii)
49. Qua quan điểm về ngã, có sự giải thích sai theo bao nhiêu khía cạnh?
Ở đây một người thế tục thiếu hiểu biết* không kính trọng các bậc Thánh, không biết gì về Giáo Pháp Chân Chánh của các bậc Thánh, không được huân tập theo Giáo Pháp Chân Chánh của các bậc Thánh, không kính trọng hiền nhân, không biết gì về Giáo Pháp Chân Chánh của các hiền nhân, không được huân tập theo Giáo Pháp Chân Chánh của các hiền nhân,
(1) coi vật thể là ngã, hay (2) cho ngã có vật thể, hay (3) vật thể ở trong ngã, hay (4) ngã trong vật thể; hay (5) coi cảm nghiệm là ngã, hay (6) cho ngã có cảm nghiệm, hay (7) cảm nghiệm ở trong ngã, hay (8) ngã trong cảm nghiệm; hay (9) coi nhận thức là ngã, hay (10) cho ngã có nhận thức, hay (11) nhận thức ở trong ngã, hay (12) ngã trong nhận thức; hay (13) coi tạo lập tâm trạng là ngã, hay (14) cho ngã có tạo lập tâm trạng, hay (15) tạo lập tâm trạng ở trong ngã, hay (16) ngã trong tạo lập tâm trạng; hay (17) coi thức là ngã, hay (18) cho ngã có thức, hay (19) thức ở trong ngã, hay (20) ngã trong thức. (đọc S iii 46f.)
*‘thế tục’ có nghĩa tạo ra nhiều nhiễm lậu, còn nhận thức sai lạc; ‘thiếu hiểu biết’ có nghĩa không có cơ hội học hỏi kinh điển, không biết được sự chứng đắc quả vị cao [Asḷ 348-349].
50. (1) Người ấy coi vật thể là ngã như thế nào? Ở đây có người coi đề mục thiền bằng đất như vầy ‘Đề mục thiền bằng đất là gì thì ta là cái đó; ta là gì thì đề mục thiền bằng đất là cái đó’, và vị ấy thấy đề mục thiền bằng đất và ngã giống nhau. Cũng như người thấy ngọn lửa của cây đèn đã thắp lên và mầu lửa của nó giống nhau, như thế ‘Ngọn lửa là cái gì, [144] thì mầu lửa là cái đó; mầu lửa là cái gì, ngọn lửa là cái đó’, cũng thế, ở đây có người coi... giống nhau.
Quan điểm là hiểu sai vì giải thích sai. Quan điểm không phải là nền tảng và nền tảng không phải là quan điểm; quan điểm là một cái, nền tảng là một cái khác. Quan điểm này [cùng với] nền tảng là loại quan điểm đầu tiên về ngã lấy vật thể làm nền tảng.
51. Các quan điểm về ngã là quan điểm sai lạc, ... [lập lại đđ 9-13].
52. [Quan điểm sai lạc như thế] là sự trói buộc cho tâm ... [lập lại đ. 48].
53-55. Ở đây có người coi đề mục thiền bằng nước là ngã ... [như ở đđ 50-52].
56-58. Ở đây có người coi đề mục thiền bằng lửa là ngã ...
59-61. Ở đây có người coi đề mục thiền bằng gió là ngã ...
62-64. Ở đây có người coi đề mục thiền mầu xanh là ngã ...
65-67. Ở đây có người coi đề mục thiền mầu vàng là ngã ...
68-70. Ở đây có người coi đề mục thiền mầu đỏ là ngã ...
71-73. Ở đây có người coi đề mục thiền mầu trắng là ngã ...
Người ấy coi vật thể là ngã như thế đấy.
74. (2) Người ấy coi ngã có vật thể như thế nào?[2]
Ở đây có người coi cảm nghiệm... nhận thức... tạo lập tâm trạng... thức là ngã. Người ấy nghĩ rằng ‘Đây là bản ngã của tôi, nhưng cái ngã này của tôi có vật thể nhờ vật thể này’ và coi ngã có vật thể như thế. Giống như cây có bóng mát, cũng thế người ấy có thể nói ‘Đây là cây, đây là bóng mát; cây là một cái, bóng mát là một cái khác; nhưng cây này có bóng mát nhờ bóng mát ấy’ và như thế coi cây có bóng mát, cũng thế, ở đây có người thấy... có vật thể.
Quan điểm là hiểu sai vì giải thích sai. Quan điểm không phải là nền tảng và nền tảng không phải là quan điểm; quan điểm là một cái, nền tảng là một cái khác. Quan điểm này [cùng với] nền tảng là loại quan điểm thứ hai về ngã lấy vật thể làm nền tảng.
75. Các quan điểm về ngã là quan điểm sai lạc...
76. [Quan điểm sai lạc như thế] là sự trói buộc cho tâm ...
Người ấy coi ngã có vật thể như thế đấy. [145]
77. (3) Người ấy coi vật thể ở trong ngã như thế nào? Ở đây có người coi cảm nghiệm... nhận thức... tạo lập tâm trạng... thức là ngã. Người ấy nghĩ rằng ‘Đây là bản ngã của tôi, nhưng vật thể này nằm trong ngã ấy và như vậy coi vật thể ở trong ngã. Giống như đóa hoa có hương, cũng thế người ấy có thể nói ‘Đây là hoa, đây là hương; hoa là một cái, hương là một cái khác; nhưng hương này ở trong hoa này’, và như thế coi hương ở trong hoa, cũng thế, ở đây có người thấy... vật thể ở trong ngã.
Hiểu sai vì giải thích sai là quan điểm. Quan điểm không phải là nền tảng và nền tảng không phải là quan điểm; quan điểm là một cái, nền tảng là một cái khác. Quan điểm này [cùng với] nền tảng là loại quan điểm thứ ba về ngã lấy vật thể làm nền tảng.
78. Các quan điểm về ngã là quan điểm sai lạc...
79. [Quan điểm sai lạc như thế] là sự trói buộc cho tâm ...
Người ấy coi vật thể ở trong ngã như thế đấy.
80. (4) Người ấy coi ngã trong vật thể như thế nào? Ở đây có người coi cảm nghiệm... nhận thức... tạo lập tâm trạng... thức là ngã. Người ấy nghĩ rằng ‘Đây là bản ngã của tôi, nhưng ngã của tôi nằm trong vật thể này và như vậy coi ngã ở trong vật thể. Giống như đá quý cất trong hộp, cũng thế người ấy có thể nói ‘Đây là đá quý, đây là hộp; đá quý là một cái, hộp là một cái khác; nhưng đá quý này ở trong hộp này’, và như thế coi đá quý ở trong hộp, cũng thế, ở đây có người thấy... ngã trong vật thể.
Hiểu sai vì giải thích sai là quan điểm... Quan điểm này [cùng với] nền tảng là loại quan điểm thứ tư về ngã lấy vật thể làm nền tảng.
81. Các quan điểm về ngã là quan điểm sai lạc...
82. [Quan điểm sai lạc như thế] là sự trói buộc cho tâm ...
Người ấy coi ngã ở trong vật thể như thế đấy.
83. (5) Người ấy coi cảm nghiệm là ngã như thế nào? Ở đây có người coi cảm nghiệm sanh do xúc chạm với mắt, ... cảm nghiệm sanh do xúc chạm với tai,... cảm nghiệm sanh do xúc chạm với mũi,... cảm nghiệm sanh do xúc chạm với lưỡi,... cảm nghiệm sanh do xúc chạm với thân,... cảm nghiệm sanh do xúc chạm với ý là ngã [146] như vầy ‘Cảm nghiệm sanh do xúc chạm với ý là gì, thì ta là cái đó; cái ta là gì thì cảm nghiệm sanh do xúc chạm với ý là cái đó’, và người ấy coi cảm nghiệm sanh do xúc chạm với ý và ngã giống như nhau. Giống như ... [tỉ dụ như ở đ. 50]... cũng thế, ở đây có người coi... giống như nhau.
Quan điểm này [cùng với] nền tảng là loại quan điểm đầu tiên về ngã lấy cảm nghiệm làm nền tảng.
84. Các quan điểm về ngã là quan điểm sai lạc...
85. [Quan điểm sai lạc như thế] là sự trói buộc cho tâm ...
Người ấy coi cảm nghiệm là ngã như thế đấy.
86-88. (6) Người ấy coi ngã có cảm nghiệm như thế nào?
Ở đây có người coi nhận thức... tạo lập tâm trạng... thức... vật thể là ngã. Người ấy nghĩ rằng ‘Đây là bản ngã của tôi, nhưng cái ngã này của tôi có cảm nghiệm bằng cảm nghiệm này’ và như thế coi ngã có cảm nghiệm. Giống như... [hoàn tất như ở đđ 74-76 với cùng tỉ dụ và những thay đổi thích hợp].
Người ấy coi ngã có cảm nghiệm như thế đấy.
89-91. (7) Người ấy coi cảm nghiệm ở trong ngã như thế nào?
Ở đây có người coi nhận thức... tạo lập tâm trạng... thức... vật thể là ngã. Người ấy nghĩ rằng ‘Đây là bản ngã của tôi, nhưng cảm nghiệm này ở trong ngã này’ và như thế coi cảm nghiệm ở trong ngã. Giống như... [lấy tỉ dụ ở đ. 77].
Người ấy coi cảm nghiệm ở trong ngã như thế đấy.
92-94. (8) Người ấy coi ngã ở trong cảm nghiệm như thế nào?
Ở đây có người coi nhận thức... tạo lập tâm trạng... thức... vật thể là ngã. Người ấy nghĩ rằng ‘Đây là bản ngã của tôi, nhưng ngã này của tôi ở trong cảm nghiệm này’ và như thế coi ngã ở trong cảm nghiệm. Giống như... [lấy tỉ dụ ở đ. 80].
Người ấy coi ngã ở trong cảm nghiệm như thế đấy.
95-97. (9) Người ấy coi nhận thức là ngã như thế nào? Ở đây có người coi nhận thức sanh do xúc chạm với mắt... nhận thức sanh do xúc chạm với tai... nhận thức sanh do xúc chạm với mũi... nhận thức sanh do xúc chạm với lưỡi... nhận thức sanh do xúc chạm với thân... nhận thức sanh do xúc chạm với ý là ngã như vầy... [147]
Người ấy coi nhận thức là ngã như thế đấy.
98-100. (10) Người ấy coi ngã có nhận thức như thế nào?
Ở đây có người coi tạo lập tâm trạng... thức... vật thể... cảm nghiệm là ngã. Người ấy nghĩ rằng ‘Đây là bản ngã của tôi, nhưng cái ngã này của tôi có nhận thức nhờ vào nhận thức này’ và như thế coi ngã có nhận thức. Giống như...
Người ấy coi ngã có nhận thức như thế đấy.
101-103. (11) Người ấy coi nhận thức trong ngã như thế nào?
Ở đây có người coi tạo lập tâm trạng... thức... vật thể... cảm nghiệm là ngã. Người ấy nghĩ rằng ‘Đây là bản ngã của tôi, nhưng nhận thức này ở trong ngã này’ và như thế coi nhận thức ở trong ngã. Giống như...
Người ấy coi nhận thức ở trong ngã như thế đấy.
104-106. (12) Người ấy coi ngã ở trong nhận thức như thế nào?
Ở đây có người coi tạo lập tâm trạng... thức... vật thể... cảm nghiệm là ngã. Người ấy nghĩ rằng ‘Đây là bản ngã của tôi, nhưng ngã này của tôi ở trong nhận thức này’ và như thế coi ngã ở trong nhận thức. Giống như...
Người ấy coi ngã ở trong nhận thức là như thế đấy.
107-109. (13) Người ấy coi tạo lập tâm trạng là ngã như thế nào? Ở đây có người coi tác ý sanh do xúc chạm với mắt... tác ý sanh do xúc chạm với ý là ngã như vầy... ‘Tác ý sanh do xúc chạm với ý là gì...’ là giống như nhau. Giống như...
Người ấy coi tạo lập tâm trạng là ngã như thế đấy.
110-112. (14) Người ấy coi ngã có tạo lập tâm trạng như thế nào?
Ở đây có người coi thức... nhận thức là ngã. Người ấy nghĩ rằng ‘Đây là bản ngã của tôi, nhưng cái ngã này của tôi có tạo lập tâm trạng nhờ vào tạo lập tâm trạng này’ và như thế coi ngã có tạo lập tâm trạng. Giống như...
Người ấy coi ngã có tạo lập tâm trạng như thế đấy. [148]
113-115. (15) Người ấy coi tạo lập tâm trạng ở trong ngã như thế nào?
Ở đây có người coi thức... nhận thức là ngã. Người ấy nghĩ rằng ‘Đây là bản ngã của tôi, nhưng những tạo lập tâm trạng này ở trong ngã này’ và như thế coi tạo lập tâm trạng ở trong ngã. Giống như...
Người ấy coi tạo lập tâm trạng ở trong ngã như thế đấy.
116-118. (16) Người ấy coi ngã ở trong tạo lập tâm trạng như thế nào?
Ở đây có người coi thức... nhận thức là ngã. Người ấy nghĩ rằng ‘Đây là bản ngã của tôi, nhưng ngã này của tôi ở trong những tạo lập tâm trạng này’ và như thế coi ngã ở trong tạo lập tâm trạng. Giống như...
Người ấy coi ngã ở trong tạo lập tâm trạng như thế đấy.
119-121. (17) Người ấy coi thức là ngã như thế nào? Ở đây có người coi nhận biết từ mắt... nhận biết từ tai... nhận biết từ mũi... nhận biết từ lưỡi... nhận biết từ thân... nhận biết từ ý là ngã như vầy ‘Nhận biết từ ý là gì thì ta là cái đó; ta là gì thì nhận biết từ ý là cái đó’, và vị ấy coi nhận biết từ ý và ngã giống như nhau. Giống như một người thấy ngọn lửa của cây đèn đã thắp lên...
Người ấy coi thức là ngã như thế đấy.
122-124. (18) Người ấy coi ngã có thức như thế nào?
Ở đây có người coi vật thể... cảm nghiệm... nhận thức... tạo lập tâm trạng là ngã. Người ấy nghĩ rằng ‘Đây là bản ngã của tôi, nhưng cái ngã này của tôi có thức bằng thức này’ và như thế coi ngã có thức. Giống như có một cây...
Người ấy coi ngã có thức như thế đấy.
125-127. (19) Người ấy coi thức ở trong ngã như thế nào?
Ở đây có người coi vật thể... tạo lập tâm trạng là ngã. Người ấy nghĩ rằng ‘Đây là bản ngã của tôi, nhưng thức này ở trong ngã này’ và như thế coi thức ở trong ngã. Giống như đóa hoa có hương...
Người ấy coi thức ở trong ngã như thế đấy.
128. (20) Người ấy coi ngã ở trong thức như thế nào?
Ở đây có người coi vật thể... tạo lập tâm trạng là ngã. Người ấy nghĩ rằng ‘Đây là bản ngã của tôi, nhưng bản ngã này của tôi ở trong thức này’ và như thế coi [149] ngã ở trong thức. Giống như có viên đá quý... thức ở trong ngã.
Người ấy coi ngã ở trong thức như thế đấy.
Hiểu sai vì giải thích sai là quan điểm... Quan điểm này [cùng với] nền tảng là loại quan điểm thứ tư về ngã lấy thức làm nền tảng.
129. Quan điểm về ngã là quan điểm sai lạc... [như ở đđ 9-13]... hiểu sai vì các quan điểm.
130. [Quan điểm sai lạc như thế] là sự trói buộc cho tâm... [như ở đ. 48]... Những kết buộc này không phải là quan điểm.
Người ấy coi thức ở trong ngã như thế đấy.
Qua quan điểm về ngã, có sự giải thích sai theo 20 khía cạnh này.
(iii)
131. Qua quan điểm sai lạc, có sự giải thích sai theo 10 khía cạnh nào?
(1) Không có thí thực: đây là một nền tảng. Hiểu sai vì giải thích sai do quan điểm sai lạc nhìn nhận như thế là quan điểm. Quan điểm không phải là nền tảng và nền tảng không phải là quan điểm; quan điểm là một cái, nền tảng là một cái khác. Quan điểm này [cùng với] nền tảng là loại quan điểm sai lạc thứ nhất có nền tảng sai lạc. (đọc D i 86).
132. Quan điểm sai lạc là quan điểm lầm lẫn. Người có... [và cứ thế như ở đ. 9 cho đến]... hiểu sai vì các quan điểm.
133. [Quan điểm sai lạc như thế] là sự trói buộc cho tâm... [và cứ thế như ở đ. 48 cho đến]... Những kết buộc này không phải là quan điểm.
134-136. (2) Không có cúng dường: đây là một nền tảng...
137-139. (3) Không có tế lễ: đây là một nền tảng...
140-142. (4) Không có quả của hành vi thiện ác: đây là một nền tảng...
143-145. (5) Không có đời này: đây là một nền tảng...
146-148. (6) Không có đời sau: đây là một nền tảng...
149-151. (7) Không có mẹ: đây là một nền tảng...
152-154. (8) Không có cha: đây là một nền tảng...
155-157. (9) Không có loài hóa sanh*: đây là một nền tảng...
*opapātika.
158. (10) Không có các sa môn và brahmans thiện đức tự ngộ nhờ trí trực chứng và công bố cho thế giới này và thế giới khác: đây là một nền tảng... Quan điểm này [cùng với] nền tảng là loại quan điểm sai lạc thứ mười có nền tảng sai lạc.
159. Quan điểm sai lạc là quan điểm lầm lẫn. Người có... hiểu sai vì các quan điểm.
160. [Quan điểm sai lạc như thế] là sự trói buộc cho tâm... Những kết buộc này không phải là quan điểm.
Qua quan điểm sai lạc, có sự giải thích sai theo 10 khía cạnh này.
(iv)
161. Qua quan điểm chấp ngã, có sự giải thích sai theo 20 khía cạnh nào ?
Ở đây một người thế tục thiếu hiểu biết... [và cứ thế như ở đ. 49]... hay (20) ngã trong thức.
162-222. (1) Người ấy coi vật thể là ngã như thế nào? Ở đây có người... [lập lại đđ 50-130]... [150]
Qua quan điểm chấp ngã, có sự giải thích sai theo 20 khía cạnh này.
(v)
223. Qua quan điểm trường cửu dựa trên chấp ngã, có sự giải thích sai theo 15 khía cạnh nào ?
Ở đây một người thế tục thiếu hiểu biết... [và cứ thế như ở đ. 49] ...
(1) coi ngã có vật thể, hay (2) vật thể ở trong ngã, hay (3) ngã ở trong vật thể; hay (4) coi ngã có cảm nghiệm, hay (5) cảm nghiệm ở trong ngã, hay (6) ngã ở trong cảm nghiệm; hay (7) coi ngã có nhận thức, hay (8) nhận thức ở trong ngã, hay (9) ngã ở trong nhận thức; hay (10) coi ngã có tạo lập tâm trạng, hay (11) tạo lập tâm trạng ở trong ngã, hay (12) ngã ở trong tạo lập tâm trạng; hay (13) coi ngã có thức, hay (14) thức ở trong ngã, hay (15) ngã ở trong thức.
224-284. (1) Người ấy coi ngã có vật thể như thế nào? Ở đây có người... [lập lại đđ 74-82, 86-94, 98-106, 110-118, 122-130]...
Qua quan điểm trường cửu dựa trên chấp ngã, có sự giải thích sai theo 15 khía cạnh này.
(vi)
285. Qua quan điểm đoạn diệt dựa trên chấp ngã, có sự diễn giải sai lạc theo 5 khía cạnh nào?
Ở đây một người thế tục thiếu hiểu biết... [và cứ thế như ở đ. 49] ... (1) coi vật thể là ngã... hay (2) cảm nghiệm là ngã... hay (3) nhận thức là ngã... hay (4) tạo lập tâm trạng là ngã... hay (5) thức là ngã.
286-321. (1) Người ấy coi vật thể là ngã như thế nào? Ở đây có người... [lập lại đđ 50-73, 83-85, 95-97, 107-109, 119-121] ...
Qua quan điểm đoạn diệt dựa trên chấp ngã, có sự diễn giải sai lạc theo 5 khía cạnh này.
(vii)
322. Qua quan điểm giả định [bằng cách nhìn nhận hay bác bỏ] hữu hạn, có sự diễn giải sai lạc theo 50 khía cạnh nào?
Qua quan điểm giả định bằng cách nhìn nhận hữu hạn, có sự diễn giải sai lạc như vầy ‘Thế giới này trường tồn’[3]theo bao nhiêu khía cạnh?
Qua quan điểm giả định bằng cách nhìn nhận hữu hạn, có sự diễn giải sai lạc như vầy ‘Thế giới này không trường tồn’ theo bao nhiêu khía cạnh?
Qua quan điểm giả định bằng cách nhìn nhận hữu hạn,... như vầy ‘Thế giới này có tận cùng [trong không gian]’?
... như vầy ‘Thế giới này không có tận cùng [trong không gian]’?
... như vầy ‘Linh hồn và thể xác giống nhau’?
... như vầy ‘Linh hồn là một cái, thể xác là một cái khác’?
... như vầy ‘Như Lai hiện hữu sau khi chết’?
... như vầy ‘Như Lai không hiện hữu sau khi chết’?
... như vầy ‘Như Lai vừa hiện hữu vừa không hiện hữu sau khi chết’?
Qua quan điểm giả định bằng cách nhìn nhận hữu hạn, có sự diễn giải sai lạc như vầy ‘Như Lai không hiện hữu cũng không phải không hiện hữu sau khi chết’ theo bao nhiêu khía cạnh?
Qua quan điểm giả định bằng cách nhìn nhận hữu hạn, có sự diễn giải sai lạc theo 5 khía cạnh [mỗi khía cạnh được đề cập theo 10 trường hợp vừa kể trên].
323. Qua quan điểm giả định bằng cách nhìn nhận hữu hạn, có sự diễn giải sai lạc như vầy ‘Thế giới này trường tồn’ theo 5 khía cạnh nào?
(1) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Vật thể là thế giới này và thế giới này trường tồn’ là một quan điểm. Hữu hạn được quan điểm đó giả định, như vậy nó là quan điểm giả định hữu hạn. Quan điểm ấy không phải là nền tảng và nền tảng không phải là quan điểm ấy; quan điểm là một cái, nền tảng là một cái khác. Quan điểm này [cùng với] nền tảng là loại quan điểm đầu tiên giả định hữu hạn như vầy ‘Thế giới này trường tồn’.
324. Quan điểm giả định hữu hạn là quan điểm sai lạc; quan điểm sai lạc là quan điểm lầm lẫn... [và cứ thế như ở đ. 9]...
325. [Quan điểm sai lạc như thế] là sự trói buộc cho tâm... [và cứ thế như ở đ. 46]... Những kết buộc này không phải là quan điểm.
326-328. (2) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Cảm nghiệm là thế giới này và thế giới này trường tồn’ là một quan điểm...
329-331. (3)... như vầy ‘Nhận thức là thế giới này và thế giới này trường tồn’...
332-334. (4)... như vầy ‘Tạo lập tâm trạng là thế giới này và thế giới này trường tồn’...
335. (5) ... như vầy ‘Thức là thế giới này và thế giới này trường tồn’... [152] Quan điểm này [cùng với] nền tảng là loại quan điểm thứ năm giả định hữu hạn như vầy ‘Thế giới này trường tồn’.
336-337. Quan điểm giả định hữu hạn là quan điểm sai lạc...
Có sự diễn giải sai lạc theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy ‘Thế giới này trường tồn’.
338. Qua quan điểm giả định bằng cách nhìn nhận hữu hạn, có sự diễn giải sai lạc như vầy ‘Thế giới này không trường tồn’ theo 5 khía cạnh nào?
(6) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Vật thể là thế giới này và thế giới này không trường tồn’ là một quan điểm. Hữu hạn được quan điểm đó giả định... Quan điểm này [cùng với] nền tảng là loại quan điểm đầu tiên giả định hữu hạn như vầy ‘Thế giới này không trường tồn’.
339-340. Quan điểm giả định hữu hạn là quan điểm sai lạc...
341-352. (7)-(10) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Cảm nghiệm là thế giới này và thế giới này không trường tồn’... [và tương tự như thế với các tập hợp còn lại]...
Có sự diễn giải sai lạc theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy ‘Thế giới này không trường tồn’.
353. Qua quan điểm giả định bằng cách nhìn nhận hữu hạn, có sự diễn giải sai lạc như vầy ‘Thế giới này có tận cùng’ theo 5 khía cạnh nào?
(11) Ở đây có người trải tâm (bao khắp) đến không gian có giới hạn mầu xanh. Vị ấy nghĩ rằng ‘Thế giới này có tận cùng, bị hạn chế’, và nhận biết giới hạn như thế. Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Cái gì vị ấy trải tâm đến là nền tảng và là thế giới này’ là một quan điểm. Tính hữu hạn được quan điểm đó giả định. Quan điểm ấy không phải là nền tảng... là quan điểm đầu tiên giả định hữu hạn như vầy ‘Thế giới này có tận cùng’.
354-355. Quan điểm giả định hữu hạn là quan điểm sai lạc... Những kết buộc này không phải là quan điểm.
356-357. (12) Ở đây có người trải tâm (bao khắp) đến không gian có giới hạn mầu vàng...
(13) Ở đây có người trải tâm (bao khắp) đến không gian có giới hạn mầu đỏ...
(14) Ở đây có người trải tâm (bao khắp) đến không gian có giới hạn mầu trắng...
(15) Ở đây có người trải tâm (bao khắp) đến không gian sáng chói có giới hạn...
[153] Có sự diễn giải sai lạc theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy ‘Thế giới này có tận cùng’.
358. Qua quan điểm cực đoan giả định bằng cách nhìn nhận hữu hạn, có sự diễn giải sai lạc như vầy ‘Thế giới này không tận cùng’ theo 5 khía cạnh nào?
Ở đây có người trải tâm (bao khắp) đến không gian rộng rãi mầu xanh. Vị ấy nghĩ rằng ‘Thế giới này không có tận cùng, vô cùng tận’, và nhận biết vô cùng tận như thế. Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Cái gì... là quan điểm đầu tiên giả định hữu hạn như vầy ‘Thế giới này không tận cùng’.
359-360. Quan điểm giả định hữu hạn là quan điểm sai lạc... Những kết buộc này không phải là quan điểm.
361-372. (17-20) Ở đây có người trải tâm (bao khắp) đến không gian rộng rãi mầu vàng... đỏ... trắng... sáng chói...
Có sự diễn giải sai lạc theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy ‘Thế giới này không tận cùng’.
373. Qua quan điểm giả định bằng cách nhìn nhận hữu hạn, có sự diễn giải sai lạc như vầy ‘Linh hồn và thân thể này giống nhau’ theo 5 khía cạnh nào?
(21) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Vật thể là linh hồn và thân thể này; linh hồn và thân thể giống nhau’ là một quan điểm. Tính hữu hạn được quan điểm đó giả định... là quan điểm đầu tiên giả định hữu hạn như vầy ‘linh hồn và thân thể giống nhau’.
374-375. Quan điểm giả định hữu hạn là quan điểm sai lạc... Những kết buộc này không phải là quan điểm.
376-387. (22)-(25) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Cảm nghiệm... Nhận thức... Tạo lập tâm trạng... Thức là linh hồn và thân thể này...
Có sự diễn giải sai lạc theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy ‘linh hồn và thân thể giống nhau’.
388. Qua quan điểm giả định bằng cách nhìn nhận hữu hạn, có sự diễn giải sai lạc như vầy ‘Linh hồn là một, và thân thể là một cái khác’ theo 5 khía cạnh nào?
(26) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Vật thể là thân thể này, và linh hồn không phải là thân thể này’; linh hồn là một, và thân thể là một cái khác’ là một quan điểm. Tính hữu hạn được quan điểm đó giả định... là quan điểm cực đoan đầu tiên giả định hữu hạn như vầy ‘linh hồn là một, và thân thể là một cái khác’.
389-390. Quan điểm giả định hữu hạn là quan điểm sai lạc... Những kết buộc này không phải là quan điểm.
391-402. (27)-(30) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Cảm nghiệm ... Nhận thức... Tạo lập tâm trạng... Thức là thân thể này, và linh hồn không phải là thân thể này...’ [154]
Có sự diễn giải sai lạc theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy ‘linh hồn là một, và thân thể là một cái khác’.
403. Qua quan điểm giả định bằng cách nhìn nhận hữu hạn, có sự diễn giải sai lạc như vầy ‘Như Lai hiện hữu sau khi chết’ theo 5 khía cạnh nào?
(31) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Ở đây, chỉ có vật thể mới mang ý niệm chết; còn Như Lai, khi xác thân tan rã, hiện hữu và tồn tại và khởi lên và được phát sanh ra’ là một quan điểm. Tính hữu hạn được quan điểm đó giả định... là quan điểm cực đoan đầu tiên giả định hữu hạn như vầy ‘Như Lai hiện hữu sau khi chết’.
404-405. Quan điểm giả định hữu hạn là quan điểm sai lạc... Những kết buộc này không phải là quan điểm.
406-417. (32)-(35) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Chỉ có cảm nghiệm... nhận thức... tạo lập tâm trạng... thức mới mang ý niệm chết ở đây, ...
Có sự diễn giải sai lạc theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy ‘Như Lai hiện hữu sau khi chết’.
418. Qua quan điểm giả định bằng cách nhìn nhận hữu hạn, có sự diễn giải sai lạc như vầy ‘Như Lai không hiện hữu sau khi chết’ theo 5 khía cạnh nào?
(36) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Ở đây, chỉ vật thể mới mang ý niệm chết; Như Lai, khi xác thân tan rã, bị đoạn diệt, mất; Như Lai không hiện hữu sau khi chết’ là một quan điểm. Tính hữu hạn được quan điểm đó giả định... là quan điểm đầu tiên giả định hữu hạn như vầy ‘Như Lai không hiện hữu sau khi chết’.
419-420. Quan điểm giả định hữu hạn là quan điểm sai lạc... Những kết buộc này không phải là quan điểm.
421-432. (37)-(40) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Chỉ có cảm nghiệm... nhận thức... tạo lập tâm trạng... thức mới mang ý niệm chết ở đây...
Có sự diễn giải sai lạc theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy ‘Như Lai không hiện hữu sau khi chết’.
433. Qua quan điểm giả định bằng cách nhìn nhận hữu hạn, có sự diễn giải sai lạc như vầy ‘Như Lai vừa hiện hữu vừa không hiện hữu sau khi chết’ theo 5 khía cạnh nào?
(41) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Ở đây, chỉ có vật thể mới mang ý niệm chết; Như Lai, khi xác thân tan rã, cả hai đều hiện hữu và không hiện hữu’ là một quan điểm. Tính hữu hạn được quan điểm đó giả định... là quan điểm đầu tiên giả định hữu hạn như vầy ‘Như Lai vừa hiện hữu vừa không hiện hữu sau khi chết’.
434-435. Quan điểm giả định hữu hạn là quan điểm sai lạc... Những kết buộc này không phải là quan điểm.
436-447. (42)-(45) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Chỉ có cảm nghiệm... nhận thức... tạo lập tâm trạng... thức mới mang ý niệm chết ở đây...
Có sự diễn giải sai lạc theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy ‘Như Lai vừa hiện hữu vừa không hiện hữu sau khi chết’.
448.Qua quan điểm giả định bằng cách nhìn nhận hữu hạn, có sự diễn giải sai lạc như vầy ‘Như Lai vừa không hiện hữu cũng không phải không hiện hữu sau khi chết’ theo 5 khía cạnh nào? [155]
(46) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Ở đây, chỉ có vật thể mới mang ý niệm chết; Như Lai, khi xác thân tan rã, vừa không hiện hữu cũng không phải không hiện hữu’ là một quan điểm. Tính hữu hạn được quan điểm đó giả định... là quan điểm đầu tiên giả định hữu hạn như vầy ‘Như Lai vừa không hiện hữu cũng không phải không hiện hữu sau khi chết’.
449-450. Quan điểm giả định hữu hạn là quan điểm sai lạc... Những kết buộc này không phải là quan điểm.
451-462. (47)-(50) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Chỉ có cảm nghiệm... nhận thức... tạo lập tâm trạng... thức mới mang ý niệm chết ở đây...
Có sự diễn giải sai lạc theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy ‘Như Lai vừa không hiện hữu cũng không phải không hiện hữu sau khi chết’.
Có sự diễn giải sai lạc theo 50 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn.
(viii)
463. Qua quan điểm, có sự diễn giải sai lạc về hữu hạn quá khứ theo 18 khía cạnh nào? (Đọc Brahmajālasutta «D i 40-41»).
Có bốn loại người chủ trương về trường cửu, bốn loại người chủ trương về trường cửu một phần và không trường cửu một phần, bốn loại người chủ trương vô biên một phần và hữu biên một phần, bốn loại người ngụy biện trườn uốn như lươn, và hai loại người chủ trương sự vật xảy rakhông vì nguyên nhân hiển nhiên nào.
Có sự diễn giải sai lạc về hữu hạn quá khứ theo 18 khía cạnh này.
(ix)
464. Qua quan điểm, có sự diễn giải sai lạc về hữu hạn tương lai theo 44 khía cạnh nào? (Đọc Brahmajālasutta «D i 41-42»).
Có mười sáu loại người chủ trương có nhận thức, tám loại người chủ trương không có nhận thức, tám loại người chủ trương không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức, bẩy loại người chủ trương đoạn diệt, và năm loại người chủ trương nibbana ở ngay đây và ngay bây giờ.
Có sự diễn giải sai lạc về hữu hạn tương lai theo 44 khía cạnh này.
(x)
465. Qua quan điểm, có sự diễn giải sai lạc kết buộc theo 18 khía cạnh nào?
Bất cứ quan điểm nào là nguồn cội đưa đến các quan điểm, ... [lập lại đ 5] ... hiểu sai vì quan điểm.
Qua quan điểm, có sự diễn giải sai lạc kết buộc theo 18 khía cạnh này.
(xi)
466. Qua quan điểm, có sự diễn giải sai lạc ràng buộc với ngã mạn ‘Tôi’ theo 18 khía cạnh nào?
(1) Hiểu sai vì giải thích sai mắt là ‘Tôi’ là một quan điểm ràng buộc với ngã mạn ‘Tôi’. Quan điểm ấy không phải là nền tảng... [156] là quan điểm đầu tiên ràng buộc với ngã mạn ‘Tôi’.
467-468. Quan điểm ràng buộc với ngã mạn ‘Tôi’ là quan điểm sai lạc... Những kết buộc này không phải là quan điểm.
469-470. (2) Hiểu sai vì giải thích sai mắt là ‘Tôi’ là một quan điểm ràng buộc với ngã mạn ‘Tôi’...
471-515. (3)... mũi... (4)... lưỡi... (5)... thân... (6)... ý... (7) đối tượng hữu hình... (8)... âm thanh... (9)... mùi... (10)... vị... (11) ... vật xúc chạm được... (12)... đối tượng tâm ý... (13)... nhận biết từ mắt... (14)... nhận biết từ tai... (15)... nhận biết từ mũi... (16)... nhận biết từ lưỡi... (17)... nhận biết từ thân...
516-518. (18) Hiểu sai vì giải thích sai nhận biết từ ý là ‘Tôi’ là một quan điểm ràng buộc với ngã mạn ‘Tôi’...
Qua quan điểm, có sự diễn giải sai lạc ràng buộc với ngã mạn ‘Tôi’ theo 18 khía cạnh này.
(xii)
519. Qua quan điểm, có sự diễn giải sai lạc ràng buộc với ngã mạn ‘của Tôi’ theo 18 khía cạnh nào?
(1) Hiểu sai vì giải thích sai mắt là ‘của Tôi’ là một quan điểm ràng buộc với ngã mạn ‘của Tôi’. Quan điểm ấy không phải là nền tảng... là quan điểm đầu tiên ràng buộc với ngã mạn ‘của Tôi’.
520-521. Quan điểm ràng buộc với ngã mạn ‘của Tôi’ là quan điểm sai lạc... Những kết buộc này không phải là quan điểm.
522-524. (2) Hiểu sai vì giải thích sai mắt là ‘của Tôi’ là một quan điểm ràng buộc với ngã mạn ‘của Tôi’...
525-569. (3) ... mũi... [và cứ thế như ở đđ 471-515]
570-572. (18) Hiểu sai vì giải thích sai ý thức là ‘của Tôi’ là một quan điểm ràng buộc với ngã mạn ‘của Tôi’...
Qua quan điểm, có sự diễn giải sai lạc ràng buộc với ngã mạn ‘của Tôi’ theo 18 khía cạnh này.
(xiii)
573-654. Qua quan điểm, có sự diễn giải sai lạc liên kết với các chủ trương về bản ngã theo 20 khía cạnh nào?
Ở đây một người thế tục thiếu hiểu biết... [lập lại như ở đđ 49-130]... [157]
Có sự diễn giải sai lạc liên kết với các chủ trương về bản ngã theo 20 khía cạnh này.
(xiv)
655-657. Qua quan điểm liên kết với các chủ trương về thế giới, có sự diễn giải sai lạc theo 8 khía cạnh nào?
(1) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Bản ngã và thế giới này trường cửu’ là một quan điểm liên kết với chủ trương về thế giới. Quan điểm ấy không phải là nền tảng... Những kết buộc này không phải là quan điểm.
658-660. (2) Hiểu sai vì giải thích sai như vầy ‘Bản ngã và thế giới này trường cửu’ là một quan điểm liên kết với chủ trương về thế giới...
661-663. (3) ... như vầy ‘Bản ngã và thế giới này vừa trường cửu vừa không trường cửu...’
664-666. (4) ... như vầy ‘Bản ngã và thế giới này không trường cửu cũng không phải không trường cửu’...
667-669. (5) ... như vầy ‘Bản ngã và thế giới này hữu hạn’...
670-672. (6) ... như vầy ‘Bản ngã và thế giới này vô hạn’...
673-675. (7) ... như vầy ‘Bản ngã và thế giới này vừa hữu hạn vừa vô hạn’...
676-678. (8) ... như vầy ‘Bản ngã và thế giới này vừa không hữu hạn vừa không vô hạn’...
Những kết buộc này không phải là quan điểm.
Qua quan điểm, có sự diễn giải sai lạc liên kết với thế giới theo 8 khía cạnh này.
(xv)
679. Giải thích sai bằng cách do dự* là quan điểm về hiện hữu [trường tồn].
*đ. 701 sắp tới nói thêm về sự do dự (oliyana) này.
(xvi)
680. Giải thích sai bằng cách đi quá trớn* là quan điểm về không hiện hữu [đoạn diệt].
*đ. 701 sắp tới nói thêm về sự quá trớn (atidhāvana) này.
[PHÂN LOẠI XUNG CHIẾU]
681. Có bao nhiêu loại quan điểm (xv) về hiện hữu và bao nhiêu loại quan điểm (xvi) không hiện hữu là (i) diễn giải sai lạc theo 35 khía cạnh qua quan điểm thỏa mãn khoái lạc (vị ngọt)?
Có bao nhiêu loại quan điểm (xv) về hiện hữu và bao nhiêu loại quan điểm (xvi) không hiện hữu là (ii) diễn giải sai lạc theo 20 khía cạnh qua quan điểm về ngã?
Có bao nhiêu loại quan điểm về hiện hữu và bao nhiêu loại quan điểm đoạn diệt là diễn giải sai lạc theo 10 khía cạnh qua quan điểm sai lạc?
Có bao nhiêu quan điểm về hiện hữu...
Có bao nhiêu loại quan điểm (xv) về hiện hữu và bao nhiêu loại quan điểm (xvi) không hiện hữu là (xiv) diễn giải sai lạc theo 8 khía cạnh qua quan điểm liên kết với chủ trương về thế giới?
682. (i) Giải thích sai theo 35 khía cạnh qua quan điểm thỏa mãn khoái lạc (vị ngọt) có thể [tất cả] vừa là (xv) quan điểm hiện hữu hay (xvi) quan điểm không hiện hữu.
683. (ii) Giải thích sai theo 20 khía cạnh qua các quan điểm về ngã là 15 loại (xv) quan điểm hiện hữu và 5 loại (xvi) quan điểm không hiện hữu.
684. (iii) Giải thích sai theo 10 khía cạnh qua quan điểm sai lạc là tất cả (xvi) quan điểm không hiện hữu.
685. (iv) Giải thích sai theo 20 khía cạnh qua quan điểm chấp ngã là 15 loại (xv) quan điểm hiện hữu và 5 loại (xvi) quan điểm không hiện hữu.
686. (v) Giải thích sai theo 15 khía cạnh qua quan điểm trường cửu dựa trên chấp ngã [158] là tất cả (xvi) quan điểm không hiện hữu.
687. (vi) Giải thích sai theo 5 khía cạnh qua quan điểm đoạn diệt dựa trên chấp ngã là tất cả (xvi) quan điểm không hiện hữu.
688. (vii) [Giải thích sai theo 50 khía cạnh:]
(1) Giải thích sai theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy: ‘Thế giới này trường cửu’ là tất cả (xv) quan điểm hiện hữu.
(2) Giải thích sai theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy: ‘Thế giới này không trường cửu’ là tất cả (xvi) quan điểm không hiện hữu.
689. (3) Giải thích sai theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy: ‘Thế giới này hữu hạn’ có thể vừa là [tất cả] (xv) quan điểm hiện hữu hay (xvi) quan điểm không hiện hữu.
(4) Giải thích sai theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy: ‘Thế giới này vô hạn’ có thể vừa là [tất cả] (xv) quan điểm hiện hữu hay (xvi) quan điểm không hiện hữu.
690. (5) Giải thích sai theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy: ‘Linh hồn và thân thể này giống nhau’ là tất cả (xvi) quan điểm không hiện hữu.
(6) Giải thích sai theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy: ‘Linh hồn là một cái, thân thể này là một cái khác’ là tất cả (xv) quan điểm hiện hữu.
691. (7) Giải thích sai theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy: ‘Như Lai hiện hữu sau khi chết’ là tất cả (xv) quan điểm hiện hữu.
(8) Giải thích sai theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy: ‘Như Lai không hiện hữu sau khi chết’ là tất cả (xvi) quan điểm không hiện hữu.
(9) Giải thích sai theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy: ‘Như Lai vừa hiện hữu, vừa không hiện hữu sau khi chết’ có thể [tất cả] vừa là (xv) quan điểm hiện hữu hay (xvi) quan điểm không hiện hữu.
(10) Giải thích sai theo 5 khía cạnh qua quan điểm giả định hữu hạn như vầy: ‘Như Lai không hiện hữu, cũng không phải không hiện hữu sau khi chết’ có thể vừa là [tất cả] (xv) quan điểm hiện hữu hay (xvi) quan điểm không hiện hữu.
692. (viii) Giải thích sai theo 18 khía cạnh qua quan điểm hữu hạn quá khứ có thể [tất cả] vừa là (xv) quan điểm hiện hữu hay (xvi) quan điểm không hiện hữu.
693. (ix) Giải thích sai theo 44 khía cạnh qua quan điểm hữu hạn tương lai có thể [tất cả] vừa là (xv) quan điểm hiện hữu hay (xvi) quan điểm không hiện hữu.
694. (x) Giải thích sai theo 18 khía cạnh qua quan điểm kết buộc có thể [tất cả] vừa là (xv) quan điểm hiện hữu hay (xvi) quan điểm không hiện hữu.
695. (xi) Giải thích sai theo 18 khía cạnh qua quan điểm ràng buộc với ‘Tôi’ là tất cả (xvi) quan điểm không hiện hữu.
696. (xii) Giải thích sai theo 18 khía cạnh qua quan điểm ràng buộc với ‘của Tôi’ là tất cả (xv) quan điểm hiện hữu.
697. (xiii) Giải thích sai theo 20 khía cạnh qua quan điểm liên kết với ngã là 15 loại (xv) quan điểm hiện hữu và 5 loại (xvi) quan điểm không hiện hữu.
698. (xiv) Giải thích sai theo 8 khía cạnh qua quan điểm liên kết với thế giới có thể [tất cả] vừa là (xv) quan điểm hiện hữu hay (xvi) quan điểm không hiện hữu.
699. Tất cả các quan điểm là (i) quan điểm thỏa mãn khoái lạc (vị ngọt).
Tất cả các quan điểm là (ii) quan điểm về ngã.
Tất cả các quan điểm là (iii) quan điểm sai lạc.
Tất cả các quan điểm là (iv) quan điểm chấp ngã.
Tất cả các quan điểm là (vii) quan điểm giả định [bằng cách xác nhận hay bác bỏ] hữu hạn. [159]
Tất cả các quan điểm là (x) các quan điểm kết buộc.
Tất cả các quan điểm là (xiii) quan điểm liên kết với các chủ trương về ngã.
700. Quan điểm hiện hữu, và quan điểm không hiện hữu:
Những kẻ thích lý luận [chỉ] lấy cặp này làm nền tảng;
Vì họ không hiểu biết về đoạn diệt,
Đấy chính là nơi thế gian này sai lạc ngay trong nhận thức.[4]
[Phần VI]
701. Này các tỳ kheo, có hai loại quan điểm, và khi chư thiên và loài người bị chúng ám ảnh, có vị do dự, có vị quá trớn: chỉ có ai có tuệ nhãn mới thấy rõ.
‘Và có vị do dự như thế nào? Chư thiên và loài người yêu thích hiện hữu, thích thú với hiện hữu, hoan hỉ trong hiện hữu. Khi dạy Giáo Pháp Chân Chánh cho họ để chấm dứt trở thành (hiện hữu), tâm thức của họ không thâm nhập vào, không an định, không vững chắc và cả quyết. Có vị do dự như thế đấy.
‘Và có vị quá trớn như thế nào? Có vị xấu hổ, nhục nhã và cảm thấy ghê tởm vì chính bản ngã đó, họ hoan hỉ với không hiện hữu như vầy: ‘Kính thưa quý Ngài, khi thân thể này rã ra, ngã này bị cắt đứt, đoạn diệt, không còn hiện hữu nữa sau khi chết, đó là an tịnh, đó là vô thượng, đó là sự thực’. Có vị quá trớn như thế đấy.
‘Và có ai có tuệ nhãn mới thấy rõ như thế nào? Ở đây có tỳ kheo thấy sự vật đúng như nó đang là. Sau khi thấy sự vật đúng như nó đang là, vị ấy đi vào con đường đưa đến nhàm chán nó, đến hết ham muốn nó, đến đoạn diệt lòng tham về nó. Người có tuệ nhãn thấy rõ như thế đấy.
‘Ai, nhờ thấy được hiện tính đúng như nó đang là
Và có thể vượt qua hiện tính ấy
Biết chắc* nó đúng như là
Người ấy được giải thoát vì khao khát trở thành giờ đã kiệt
Người ấy biết trọn vẹn cái đang là, nên không còn
Khao khát trở thành hay khao khát đoạn diệt,
Rồi với sự chấm dứt trở thành của cái đang là
Người tỳ kheo ấy không còn sanh tử nữa. (It 43) [160]
*Tuy bài kệ này trích từ kinh thứ 43 của Itivuttaka, nhưng bản của Paṭisambhidhāmagga viết làyathābhūte adhimuccanti: biết chắc nó đúng như là. Trong Itivuttaka, nguyên văn bài kệ này viết là yathābhūte vimuccanti nhưngchú giải của Itivuttaka nói phải hiểu vimuccanti là adhimuccanti cho phù hợp với Paṭisambhidhāmagga như tôi đã dịch. Đọc Peter Masefield, The Itivuttaka, PTS [Oxford, 2000], trang 46, chú thích số 104.
702. Ba loại người có quan điểm lầm lẫn, ba loại người có quan điểm chính xác.
Ba loại người nào có quan điểm lầm lẫn? Đạo sư của các giáo phái khác, đệ tử của họ và bất cứ ai có quan điểm sai lạc. Đây là ba loại người có quan điểm lầm lẫn.
Ba loại người nào có quan điểm chính xác? Chư Phật, đệ tử của các Ngài và bất cứ ai có chánh kiến. Đây là ba loại người có quan điểm chính xác.
703.
Người bần tiện* được biết tới
Khi đầy phẫn nộ, thù hận
Và thô lỗ ngạo mạn, trong quan điểm kẻ ấy
Lầm lỗi và gian trá (Sn 116)
Là bậc Thánh Thiện được biết tới là người thanh tịnh
Người tự thanh lọc mình khỏi phẫn nộ
và thù hận, quan điểm những người ấy
chính xác và hiền trí.
*vasala. Bản tiếng Anh viết outcast (kẻ bị đời ruồng bỏ) là sai, tôi đã sửa thành outcaste và dịch là người bần tiện. Đọc PED trang 604.
704. Quan điểm lầm lẫn có ba loại; quan điểm chính xác có ba loại.
Ba loại quan điểm nào là lầm lẫn? ‘Đây là của tôi’ là một quan điểm lầm lẫn. ‘Đây là Tôi’ là một quan điểm lầm lẫn. ‘Đây là bản ngã của tôi’ là một quan điểm lầm lẫn. Đây là ba loại quan điểm lầm lẫn.
Ba loại quan điểm nào là chính xác? ‘Đây không phải là của tôi ’ là một quan điểm chính xác. ‘Đây không phải là Tôi ’ là một quan điểm chính xác. ‘Đây không phải là bản ngã của tôi ’ là một quan điểm chính xác. Đây là ba loại quan điểm chính xác.
705. ‘Đây là của tôi’ là quan điểm nào thế? Có bao nhiêu quan điểm thuộc loại này? Những quan điểm này liên kết với loại hữu hạn nào?
‘Đây là Tôi’ là quan điểm nào thế? Có bao nhiêu quan điểm thuộc loại này? Những quan điểm này liên kết với loại hữu hạn nào?
‘Đây là bản ngã của tôi’ là quan điểm nào thế? Có bao nhiêu quan điểm thuộc loại này? Những quan điểm này liên kết với loại hữu hạn nào?
‘Đây là của tôi’: là (viii) quan điểm về hữu hạn quá khứ. Có 18 quan điểm thuộc loại này. Những quan điểm này liên kết với hữu hạn quá khứ.
‘Đây là Tôi’: là (ix) quan điểm về hữu hạn tương lai. Có 44 quan điểm thuộc loại này. Những quan điểm này liên kết với loại hữu hạn tương lai. [161]
‘Đây là bản ngã của tôi’: là (ii) quan điểm về bản ngã với 20 nền tảng và quan điểm chấp ngã với 20 nền tảng. Quan điểm chấp ngã này dẫn đầu sáu mươi hai loại quan điểm. Những quan điểm này liên kết với loại hữu hạn quá khứ và hữu hạn tương lai.
706. ‘Này các tỳ kheo, những ai đã tìm thấy cứu cánh cuộc đời của họ trong Ta, những người ấy có quan điểm [chân chánh]. Trong số những người có quan điểm [chân chánh], có năm loại người tìm thấy cứu cánh cuộc đời của họ ở đây [ngay trong cõi đời này], có năm loại người tìm thấy cứu cánh cuộc đời của họ [ở bốn cảnh giới Tinh Khiết] sau khi từ bỏ kiếp sống này.
Năm loại người nào tìm thấy cứu cánh cuộc đời của họ ở đây? Là: người sẽ tái sanh nhiều nhất bẩy lần (sattakkhattuparama), người sanh từ gia đình thánh thiện này sang gia đình thánh thiện khác (kolankola), người chỉ tái sanh một lần (ekabījin), bậc Trở Lại Một Lần (sakadāgāmin), và bậc Arahant trong cõi đời này ở đây và ngay bây giờ. Đây là năm loại người tìm thấy cứu cánh cuộc đời của họ ở đây [ngay trong cõi đời này].
Năm loại người nào tìm thấy cứu cánh cuộc đời của họ sau khi từ bỏ kiếp sống này? Là: người chứng nibbana ở đoạn đầu kiếp sống tới của họ (antarāparinibbāyin), người chứng nibbana ở nửa đoạn sau kiếp sống tới của họ (upahaccaparinibbāyin), người chứng nibbana không cần thúc đẩy (asaṅkhāraparinibbāyin), người chứng nibbana cần thúc đẩy (sasaṅkhāraparinibbāyin),* người đi ngược giòng hướng đến cõi Chư Thiên Cao Nhất (uddahaṁsota-akaniṭṭhagāmin). Đây là năm loại người tìm thấy cứu cánh cuộc đời của họ sau khi từ bỏ kiếp sống này (A v 119).
* Cả hai chữ asaṅkhāra ‘không cần thúc đẩy’ vàsasaṅkhāra ‘cần thúc đẩy’ không có trong tự điển PED của PTS. Chỉ có chữ asaṅkhāra có trong Critical Pali Dictionary. Đọc Ñāṇamoli, The Guide, [Oxford, 1977], đ. 443/3 và 945, trang 108 và 246. Tìm thấy ở Dhs đ. 146. Ngài Buddhaghosa giảng nghĩa này ở Aḷs trang 156 hay ở The Expositor I, II trang 207.
‘Này các tỳ kheo, những ai hoàn toàn tin nơi Ta, tất cả đều đã nhập giòng. Trong những người nhập giòng, có năm loại người tìm thấy cứu cánh cuộc đời của họ ở đây [ngay trong cõi đời này], có năm loại người tìm thấy cứu cánh cuộc đời của họ sau khi từ bỏ kiếp sống này.
‘Năm loại người nào tìm thấy cứu cánh cuộc đời của họ ở đây? Là: người sẽ tái sanh nhiều nhất bẩy lần, người sanh từ gia đình thánh thiện này sang gia đình thánh thiện khác, người chỉ tái sanh một lần, bậc Trở Lại Một Lần, và bậc Arahant trong cõi đời này ở đây và ngay bây giờ. Đây là năm loại người tìm thấy cứu cánh cuộc đời của họ ở đây [ngay trong cõi đời này].
‘Năm loại người nào tìm thấy cứu cánh cuộc đời của họ sau khi từ bỏ kiếp sống này? Là: người chứng nibbana ở đoạn đầu đời trong kiếp sống tới của họ, người chứng nibbana ở nửa đoạn đời sau trong kiếp sống tới của họ, người chứng nibbana không cần thúc đẩy, người chứng nibbana cần thúc đẩy, người đi ngược giòng hướng đến cõi Chư Thiên Cao Nhất. Đây là năm loại người tìm thấy cứu cánh cuộc đời của họ sau khi từ bỏ kiếp sống này.
‘Này các tỳ kheo, những ai hoàn toàn tin nơi Ta, tất cả đều đã nhập giòng. Trong những người nhập giòng, có năm loại người tìm thấy cứu cánh cuộc đời của họ ở đây [ngay trong cõi đời này], có năm loại người tìm thấy cứu cánh cuộc đời của họ sau khi từ bỏ kiếp sống này.’ (A v 120).
CHẤM DỨT PHẦN LUẬN VỀ QUAN ĐIỂM.
[1]đọc uppādāya thay cho chữ upādāya.
[2]Cf. Nett trang 111.
[3]Ở đây ‘thế giới này’ (loka) là ngã (atta). (PsA. trang 452 ấn bản của PTS, so với Brahmajāla và Poṭṭhapāda. D i 13ff., 197 và DA 377).
[4]PTS quyển i, trang 159, theo chú giải, dòng 1ff. nên đọc như sau:
sabbā va tā (sabbāvatā) diṭṭhiyo saṁyojanikā diṭṭhiyo,
sabbā va tā attavāda-paṭisaṁyuttā diṭṭhiyo.
Bhavañ ca diṭṭhiṁ vibhavañ ca diṭṭhiṁ
Evaṁ dvayaṁ takkitā nissitāse
Tesaṁ nirodhamhi nā h’atthi ñāṇaṁ
Yatthāyaṁ loko viparītasāññaī ti.
GHI CHÚ DẪN NHẬP
Ba phần đầu (từ i đến iii) thực ra đã tự rõ nghĩa. Phần i nói đến trạng thái chung của tâm hiển nhiên gây trở ngại cho định, đến các trạng thái giúp cho luyện định, và đến các khía cạnh khác nhau của chúng.
Phần ii đề cập tới những đáp ứng sai lầm tạm thời của tâm khi tập quán hơi thở làm đình trệ tu tập.
Phần iiichỉ cách tránh những lầm lỗi nhỏ này và phân tích tỉ mỉ tiến trình chứng đạt sự nhập định hoàn toàn. Nó kết thúc bằng một bài kệ ca ngợi người chứng quả vị Arahant qua cách hành trì này. Sau bài kệ ấy là phần chú giải nói tới nibbana - cứu cánh của toàn thể phần thực hành - tới phẩm hạnh của đức Phật - tới niềm tin vào trí tuệ toàn giác của Ngài cung cấp động lực để tăng tiến cho đến khi đạt được thể nghiệm bằng thực chứng cá nhân và cho đến khi nhu cầu về niềm tin được bỏ đi.
Ba phần này tạo thành một loại khảo sát và giới thiệu tổng quát trước phần phân tích tỉ mỉ cách hành trì thực sự, như đã nói khái quát trong các Kinh, được tiến hành ở Phần iv. Các phần này dựa trên Nhóm B, và tạo thành thí dụ được triển khai nhiều nhất của phần đó.
Phần iv- là phần chính của Luận thuyết này - thoạt tiên trông rắc rối nhưng đến khi xem xét toàn thể Luận thuyết thì thấy có hệ thống và khắng khít trong tất cả chi tiết và trong những đoạn trùng lắp. Để nhận chân trọn vẹn giá trị phần này, trước hết cần phải nhớ rằng quán hơi thở là một trong những phương pháp tu tập bốn Nền Tảng của Quán Niệm nói ở các Kinh (D kinh số 22, M kinh số 10), nhớ rằng sự tu tập này ở dưới hình thức không ngừng thực tập quán niệm và hiểu biết rõ ràng tường tận được điều hướng đúng đắn. Lại nữa, như đã trình bầy, các ‘cặp bốn’ nói đến người đang thực hành quán niệm ngay bây giờ (như: ‘Vị ấy biết ‘Tôi thở vào hơi dài’...) và người đang thực tập cho thành tựu định lực, tuệ giác, đạo lộ trong tương lai, nhưng chưa đạt được (Vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm toàn thân [hơi thở] tôi sẽ thở vào...). Cuối cùng, trình tự ‘định, tuệ, chứng đạo lộ’ được theo đúng sát sao và như thế cung ứng sự nhất quán về cấu trúc đến toàn thể phần này.
Có ghi nhớ những nét đại cương ấy thì phương án sau trở nên rõ ràng.
Trong hai Nền Tảng đầu đề cập tới trí hiểu biết ở giây phút hiện tại, chúng ta có:
a) phân tích cách nhận biết về đối tượng thiền quán (‘thở vào hơi dài’...) (đđ 194-195);
b) chỉ cho thấy rằng sự quán tưởng này cũng chính là phần thực hành Nền Tảng Quán Niệm thứ nhất, đó là ‘Quán Thân’ (đđ 196-198);
c) chỉ cho thấy rằng, sau khi đạt được định, quán niệm và hiểu biết rõ ràng tường tận được thực hành cùng một lúc khi áp dụng tuệ giác (đđ 199-202);
d) phần kết luận liệt kê các trạng thái hiện hữu trong khi quán tưởng như thế ở các tầng nhập định kế tiếp nhau (đđ 203-125). Đoạn này rút ra từ Luận Thuyết I đđ 41-43.
Với mười bốn Nền Tảng còn lại đề cập tới tương lai, phương án quy mô thiết lập nền tảng của định sau đây được áp dụng khắp luận này:
i. phân tích cách nhận biết đối tượng của định (‘Vị ấy tập như vầy ‘Kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], tôi sẽ thở vào’...); sự phân tích này tương ứng với (a) ở trên, nhưng khác đi nhiều về chi tiết và nội dung;
ii. chỉ cho thấy nền tảng nào trong bốn Nền Tảng Quán Niệm đang được thực tập; giống như (b) ở trên;
iii. phân tích và nói rõ ‘tập’ có nghĩa là gì;
iv. chỉ cho thấy rằng quán niệm và hiểu biết rõ ràng tường tận được áp dụng như thế nào; giống như (c) ở trên;
v. kết luận, giống như (d) ở trên;
Bốn đoạn từ i đến iv trong năm đoạn vừa nói trên được lập lại đúng theo từng chữ trong mỗi trường hợp của 14 trường hợp, ngoại trừ một số chữ then chốt được thay khi cần.
Theo cách này, mỗi một cứ điểm trong số 16 cứ điểm*sẽ được bàn riêng cho tới chứng đắc đạo lộ.
*cứ điểm: 16 cứ điểm được áp dụng với hơi thở vào và hơi thở ra thì ta có 32 hình thái liệt kê ở đ. 183 của luận này.
Sáu phần cuối cùng, từ v đến x, chỉ đưa ra sự phân loại ngắn gọn về các giai đoạn trí về nhập định (v), về tuệ giác khởi đầu (vi), về các loại tuệ giác tiếp sau đưa đến sự xuất khởi của Đạo lộ (vii đến ix) và Quả của Đạo Lộ (x). Các phần này đã được đề cập chi tiết ở Luận Thuyết I, từ các chương V đến XII.
Các phần chính của luận thuyết này được giải thích trong Chương VIII của Con Đường Thanh Lọc (Visuddhimagga) (q.v.).
[III- LUẬN VỀ QUÁN HƠI THỞ]
«Ānāpānassatikathā »
[Tóm lược]
1. [162] Khi bất cứ ai tu tập định bằng cách quán hơi thở [1]với 16 cứ điểm, có hơn 200 loại trí khởi lên trong vị ấy:
I. tám loại trí về chướng ngại và tám loại trí về trợ giúp,
II. mười tám loại trí về bất toàn,
III. mười ba loại trí về giữ trong sạch,
IV. ba mươi hai loại trí trong người thực hành quán niệm,
V. hai mươi bốn loại trí nhờ định,
VI. bẩy mươi hai loại trí nhờ quán thực tánh,
VII.tám loại trí về nhàm chán,
VIII.tám loại trí biết về cái gì tương thuận với nhàm chán,
IX. tám loại trí như là làm lắng dịu nhàm chán,
X. hai mươi mốt loại trí về hạnh phúc giải thoát.
[Phần i]
2. Tám loại trí về chướng ngại và tám loại trí về trợ giúp là gì?
3. Ham muốn ái dục là chướng ngại cho định, xuất ly là trợ giúp cho định.
Sân hận là chướng ngại..., không sân hận là trợ giúp...
Dã dượi buồn ngủ là chướng ngại..., nghĩ đến ánh sáng là trợ giúp...
Dao động là chướng ngại..., không tán loạn là trợ giúp...
Nghi là chướng ngại..., tìm hiểu rõ hiện tượng là trợ giúp...
Vô minh là chướng ngại..., trí là trợ giúp...
Tẻ nhạt là chướng ngại..., hoan hỉ là trợ giúp...
Cũng vậy, tất cả các trạng thái bất thiện là chướng ngại cho định, tất cả các trạng thái thiện là trợ giúp cho định.
Đây là tám loại trí về chướng ngại và tám loại trí về trợ giúp.
4. Khi tâm được điều hướng, điều hướng khéo, qua 16 khía cạnh này, tâm củng cố các nhất điểm và được lọc sạch chướng ngại. [163]
Các nhất điểm này là gì?
Xuất ly là nhất điểm, không sân hận là nhất điểm, nghĩ đến ánh sáng là nhất điểm, không tán loạn là nhất điểm, tìm hiểu rõ hiện tượng là nhất điểm, trí là nhất điểm, hoan hỉ là nhất điểm, các trạng thái thiện là nhất điểm.
5. Những chướng ngại này là gì?
Ham muốn ái dục là chướng ngại cho định, sân hận là chướng ngại, dã dượi buồn ngủ là chướng ngại, dao động là chướng ngại, nghi là chướng ngại, vô minh là chướng ngại, tẻ nhạt là chướng ngại, các trạng thái bất thiện là chướng ngại.
Chướng ngại : chướng ngại theo nghĩa nào?
Chướng ngại theo nghĩa án ngữ các lối thoát.
Các lối thoát ấy là gì?
Xuất ly là lối thoát cho các bậc thánh nhân, các bậc thánh nhân được thoát ra nhờ xuất ly: ước muốn tình dục án ngữ lối thoát đó, và bởi vì con người bị ước muốn tình dục tạo khó khăn nên không hiểu được lối thoát của thánh nhân dưới hình thức xuất ly.
Không sân hận..., sân hận...
Nghĩ đến ánh sáng..., dã dượi buồn ngủ...
Không tán loạn..., dao động...
Tìm hiểu rõ hiện tượng..., nghi...
Trí..., vô minh...
Hoan hỉ..., tẻ nhạt...
Cũng thế, tất cả các trạng thái thiện là lối thoát cho các bậc thánh nhân, các bậc thánh nhân được thoát ra nhờ tất cả các trạng thái thiện: tất cả các trạng thái bất thiện án ngữ lối thoát đó, và bởi vì con người bị tất cả các trạng thái bất thiện tạo khó khăn nên không hiểu được lối thoát của thánh nhân dưới hình thức trạng thái thiện.
[Phần ii]
6. Khi người có tâm được lọc sạch khỏi những chướng ngại này [164], người ấy tu tập định bằng quán hơi thở qua mười sáu cứ điểm, mười tám bất toàn sau đây khởi lên trong vị ấy theo từng chập ngắn ngủi.[2]
Mười tám bất toàn nào khởi lên?
(1) Khi vị ấy chú tâm theo dõi chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối hơi thở vào,[3]tâm của vị ấy bị phân tán phía trong, và như thế là một ngăn trở cho định.
(2) Khi vị ấy chú tâm theo dõi chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối hơi thở ra, tâm của vị ấy bị phân tán phía ngoài, và như thế là một ngăn trở cho định.
(3) Những hành vi khao khát như hy vọng, tham luyến, hơi thở vào là một ngăn trở cho định.
(4) Những hành vi khao khát như hy vọng, tham luyến, hơi thở ra là một ngăn trở cho định.
(5) Khi mệt vì thở vào (hơi quá dài hay quá ngắn), bất kỳ sự mong ngóng hơi thở ra nào đều là một ngăn trở cho định.
(6) Khi mệt vì thở ra (hơi quá dài hay quá ngắn), bất kỳ sự mong ngóng hơi thở vào nào đều là một ngăn trở cho định.[4]
7.
Chú tâm theo dõi hơi thở vào
Và cũng theo dõi hơi thở ra
Bên trong phân tâm sẽ xảy đến
Bên ngoài để phân tâm cuốn hút
Mong ngóng thở ra ở người
Mệt mỏi nhiều vì thở vào,
Mong ngóng thở vào ở người
Mệt mỏi nhiều vì thở ra;
Sáu nhược điểm này của định
Dựa trên quán hơi thở
Sẽ ngăn tâm thoát ra khỏi
Phân tâm do chúng tạo nên;
Và ai không biết về giải thoát
Ắt phải tin lời người khác.
8. (7) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến dấu hiệu,[5]tâm của người ấy có thể bị hơi thở vào lay động, đây là một trở ngại cho định.
(8) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến hơi thở vào, tâm của người ấy có thể bị dấu hiệu ấy lay động, đây là một trở ngại cho định.
(9) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến dấu hiệu, tâm của người ấy có thể bị hơi thở ra lay động, đây là một trở ngại cho định.
(10) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến hơi thở ra, tâm của người ấy có thể bị dấu hiệu lay động, đây là một ngăn trở cho định.
(11) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến hơi thở vào, tâm của người ấy có thể bị hơi thở ra lay động, đây là một ngăn trở cho định.
(12) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến hơi thở ra, tâm của người ấy có thể bị hơi thở vào lay động, đây là một ngăn trở cho định.
9. [165]
Hướng tâm chú ý đến dấu hiệu trong khi tâm
Vẫn bị hơi thở vào phân tán;
Hướng tâm chú ý đến hơi thở vào trong khi tâm
Vẫn bị dấu hiệu phân tán;
Hướng tâm chú ý đến dấu hiệu trong khi tâm
Bị hơi thở ra phân tán;
Hướng tâm chú ý đến hơi thở ra trong khi tâm
Bị dấu hiệu phân tán;
Hướng tâm chú ý đến hơi thở vào trong khi tâm
Vẫn bị hơi thở ra phân tán;
Hướng tâm chú ý đến hơi thở ra trong khi tâm
Bị hơi thở vào phân tán;
Sáu nhược điểm này của định
Dựa trên quán hơi thở
Sẽ ngăn tâm thoát ra khỏi
Phân tán do chúng tạo nên;
Và ai không biết về giải thoát
Ắt phải tin lời người khác.
10. (13) Tâm buông theo [hơi thở] quá khứ bị [6]xao lãng thắng thế là một ngăn trở cho định.
(14) Tâm lay động vì ngóng chờ [hơi thở] tương lai là một ngăn trở cho định.
(15) Tâm giải đãi bị lười biếng thắng thế là một ngăn trở cho định.
(16) Nỗ lực quá sức, tâm bị dao động thắng thế là một ngăn trở cho định.
(17) Khi bị lôi cuốn, tâm bị tham thắng thế là một ngăn trở cho định.
(18) Khi chán ghét, tâm bị sân hận thắng thế là một ngăn trở cho định.
11.
Tâm nào: săn đuổi quá khứ,
Mong ngóng tương lai, lười biếng,
Nỗ lực quá sức hay bị lôi cuốn,
Hay chán ghét, tâm ấy không được định
Sáu nhược điểm này của định
Dựa trên quán hơi thở
Là như thế khi chúng vấy bẩn tư tưởng người đó
Vị ấy không biết được Tâm Tăng Thượng.
12. (1) Khi theo dõi chặng đầu, chặng giữa chặng cuối hơi thở vào, tâm hành giả bị phân tán bên trong, cả thân lẫn tâm vị ấy không yên, bị xáo trộn và dao động. (2) Khi theo dõi chặng đầu, chặng giữa chặng cuối hơi thở ra, tâm hành giả bị xao lãng bên ngoài, cả thân lẫn tâm vị ấy không yên, bị xáo trộn và dao động. (3) Hơi thở vào với hành vi khao khát như hy vọng, tham luyến, cả thân lẫn tâm vị ấy không yên, bị xáo trộn và dao động. (4) Hơi thở ra với hành vi khao khát như hy vọng, tham luyến, cả thân... (5) [166] Vì trong vị ấy mong ngóng hơi thở ra khi mệt vì hơi thở vào [quá dài hay quá ngắn] cả thân lẫn... (6) Vì trong vị ấy mong ngóng hơi thở vào khi mệt vì hơi thở ra [quá dài hay quá ngắn] cả thân lẫn... (7) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến dấu hiệu, tâm của người ấy vẫn bị hơi thở vào dao động, cả thân lẫn... (8) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến hơi thở vào, tâm của người ấy vẫn bị dấu hiệu dao động, cả thân lẫn... (9) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến dấu hiện, tâm của người ấy vẫn bị hơi thở ra dao động, cả thân lẫn... (10) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến hơi thở ra, tâm của người ấy vẫn bị dấu hiệu dao động, cả thân lẫn... (11) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến hơi thở vào, tâm của người ấy vẫn bị hơi thở ra dao động, cả thân lẫn... (12) Nếu, khi hành giả hướng tâm chú ý đến hơi thở ra, tâm của người ấy vẫn bị hơi thở vào dao động, cả thân lẫn... (13) Tâm chạy theo [hơi thở] quá khứ bị phân tâm thắng thế, cả thân lẫn... (14) Tâm bị dao động vì mong ngóng [hơi thở] tương lai, cả thân lẫn... (15) Tâm giải đãi bị lười biếng thắng thế, cả thân lẫn... (16) Nỗ lực quá sức, tâm bị dao động thắng thế cả thân lẫn... (17) Khi bị lôi cuốn, tâm bị tham công kích cả thân lẫn... (18) Khi chán ghét, tâm bị sân hận thắng thế cả thân lẫn tâm vị ấy không yên, bị xáo trộn và dao động.
13.
Người nào mà việc quán hơi thở
Không được tu tập, không toàn thiện,
Thấy xáo trộn trong thân
Tâm vị ấy cũng như thế,
Rồi vị ấy bị dao động trong thân
Trong tâm vị ấy cũng như thế.
Người nào mà việc quán hơi thở
Được tu tập, được toàn thiện,
Thì không xáo trộn trong thân
Tâm vị ấy cũng như thế,
Rồi vị ấy không bị dao động trong thân
Trong tâm vị ấy cũng như thế.
14. Khi tâm được lọc sạch những chướng ngại này [đề cập ở phần i.] hành giả tu tập định bằng quán hơi thở qua mười sáu cứ điểm, mười tám bất toàn này khởi lên trong vị ấy theo từng chập ngắn ngủi.
[Phần iii]
15. Mười ba loại trí về giữ trong sạch là gì?
(1) Tâm chạy theo [hơi thở] quá khứ bị phân tán thắng thế: bằng cách tránh điều này vị tỳ kheo tập trung tâm vào một nơi, như vậy tâm không bị phân tán.
(2) Tâm mong ngóng [hơi thở] tương lai có thể bị lay động: [167] bằng cách tránh điều này vị tỳ kheo trấn tĩnh tâm vào một nơi, như thế tâm cũng không bị phân tán.
(3) Tâm giải đãi bị lười biếng thắng thế: bằng cách cố gắng làm, vị ấy từ bỏ lười biếng, như thế tâm cũng không bị phân tán.
(4) Nỗ lực quá sức, tâm bị dao động thắng thế: bằng cách chế ngự, vị ấy từ bỏ dao động, như thế tâm cũng không bị phân tán.
(5) Khi bị lôi cuốn, tâm bị tham thắng thế: bằng cách hiểu biết rõ ràng tường tận điều đó, vị tỳ kheo từ bỏ tham, như thế tâm cũng không bị phân tán.
(6) Khi chán ghét, tâm bị sân hận thắng thế: bằng cách hiểu biết rõ ràng tường tận điều đó, vị tỳ kheo từ bỏ sân hận, như thế tâm cũng không bị phân tán.
Tâm được trong sạch, sáng sủa và đạt được nhất điểm qua sáu khía cạnh này.
16. Những nhất điểm này là gì?
(7) nhất điểm dưới hình thức thiết lập ý muốn buông bỏ tặng phẩm [khi bố thí],
(8) nhất điểm dưới hình thức thiết lập biểu tượng của tĩnh lặng [trong khi định],
(9) nhất điểm dưới hình thức thiết lập đặc tính của diệt (vaya) [trong quán thực tánh],
(10) nhất điểm dưới hình thức thiết lập đoạn diệt [nirodha] [trong đạo lộ].
17. Nhất điểm dưới hình thức thiết lập ý muốn buông bỏ tặng phẩm của người nhất quyết từ bỏ. Nhất điểm dưới hình thức thiết lập biểu tượng của tĩnh lặng của người dồn hết cho Tâm Tăng Thượng. Nhất điểm dưới hình thức thiết lập đặc tính của diệt của người thực hành quán thực tánh. Nhất điểm dưới hình thức thiết lập đoạn diệt vốn của các bậc Thánh.
18. Trong bốn trường hợp đạt được nhất điểm này, tâm
(11) đi vào tiến trình thanh lọc của đạo lộ [7]
(12) được bình thản tăng cường,
(13) được trí thoả mãn.
19. Đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối của sơ thiền là gì?
Tiến trình thanh lọc của đạo lộ là đoạn đầu, tăng cường bình thản là đoạn giữa và thỏa mãn*là đoạn cuối của sơ thiền.
* ở đây, tuy dùng chữ encouragement (khích lệ), nhưng ở Vism IV đ. 113, tỳ kheo Ñāṇamoli đã sửa thành satisfaction (thỏa mãn). Vì thế, tôi chọn chữ satisfaction để dịch cho phù hợp với thay đổi này và để thống nhất với sự thỏa mãn vừa mới nói ở đ. 18 (13). Đoạn 22 sắp tới đây nói đến đặc tính này ở đoạn cuối của sơ thiền.
20. Tiến trình thanh lọc của đạo lộ là đoạn đầu của sơ thiền: đoạn đầu có mấy đặc tính?
Đoạn đầu có ba đặc tính:
i. tâm được thanh lọc khỏi các trở ngại của [cõi thiền] đó;
ii. vì được thanh lọc, nên tâm tiến đến đoạn giữa [trạng thái quân bình, vốn là] dấu hiệu của tĩnh lặng;
iii. vì đã tiến đến, nên tâm đi vào trạng thái quân bình ấy.
Và vì tâm đã được lọc sạch các trở ngại của thiền, và bởi vì nó được thanh lọc, nên tâm tiến đến đoạn giữa [trạng thái quân bình, vốn là] dấu hiệu của tĩnh lặng, và vì đã tiến đến, nên tâm đi vào trạng thái quân bình ấy, [168] tiến trình thanh lọc của đạo lộ là đoạn đầu của sơ thiền. Đây là ba đặc tính của đoạn đầu. Vì thế nên nói rằng sơ thiền tốt đẹp ở đoạn đầu với [ba] đặc tính.
21. Tăng cường bình thản là đoạn giữa của sơ thiền: đoạn giữa có mấy đặc tính?
Đoạn giữa có ba đặc tính: người tỳ kheo
iv. vô can nhìn tâm đã được thanh lọc với lòng bình thản;
v. vô can nhìn tâm đã tiến đến tĩnh lặng với lòng bình thản;
vi. vô can nhìn sự thiết lập nhất điểm với lòng bình thản.
Và vì tỳ kheo [bây giờ] vô can nhìn tâm đã được thanh lọc với lòng bình thản và vô can nhìn tâm đã tiến đến tĩnh lặng với lòng bình thản và vô can nhìn sự thiết lập nhất điểm với lòng bình thản, sự tăng cường bình thản đó là đoạn giữa của sơ thiền. Đây là ba đặc tính của đoạn giữa. Vì thế nên nói rằng sơ thiền tốt đẹp ở đoạn giữa vốn có [ba] đặc tính.
22. Thỏa mãn là đoạn cuối của sơ thiền: đoạn cuối có bao nhiêu đặc tính?
Đoạn cuối có bốn đặc tính:
vii. thỏa mãn theo nghĩa không có sự vượt quá giữa các trạng thái khởi lên trong đó;
viii. thỏa mãn theo nghĩa các năng lực gây ảnh hưởng có tác dụng (hương vị) duy nhất;
ix. thỏa mãn theo nghĩa nỗ lực thích đáng có hiệu quả;
x. thỏa mãn theo nghĩa lập lại;
là thỏa mãn ở đoạn cuối của sơ thiền. Đây là bốn đặc tính của đoạn cuối. Vì thế nên nói rằng sơ thiền tốt đẹp ở đoạn cuối vốn có [bốn] đặc tính.
23. Tâm đã đạt tới chu kỳ ba đoạn [đầu, giữa và cuối] và tốt đẹp theo ba thể thức đó và có 10 đặc tính như thế cũng có luôn [năm yếu tố của cõi thiền] là hướng tâm về đối tượng, suy xét đối tượng, hỉ, lạc và cương quyết cũng như [năm năng lực gây ảnh hưởng và năm lực] tín tấn niệm định và tuệ.
24. Đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối của nhị thiền là gì?
Tiến trình thanh lọc của đạo lộ là đoạn đầu của nhị thiền, tăng cường bình thản là đoạn giữa và thỏa mãn là đoạn cuối.
25-28. Tiến trình thanh lọc của đạo lộ là đoạn đầu của nhị thiền: đoạn đầu có mấy đặc tính?
Đoạn đầu có ba... [lập lại các đoạn từ 20 đến 23, thay chữ sơ thiền bằng chữ nhị thiền] [169]
29-33. Đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối của tam thiền là gì? ... [lập lại các đoạn từ 19 đến 23]
34-38. Đoạn đầu, đoạn giữa, đoạn cuối của tứ thiền là gì? ...
39-58. ... [lập lại cũng cùng năm đoạn như thế với mỗi phần của 4 chứng đắc cõi vô sắc] ...
59-148. ... [lập lại cũng cùng năm đoạn như thế với mỗi phần của 18 Tuệ Quán Thực Tánh Chính] ...
149-168. ... [lập lại cũng cùng năm đoạn như thế với mỗi phần của 4 đạo lộ] ... [170]
[Tỷ dụ Lưỡi Cưa]
169.
Dấu hiệu, thở vào, thở ra không phải là đối tượng
của một tâm duy nhất;
Người không biết ba điều này
Tu không tăng tiến. [171]
Dấu hiệu, thở vào, thở ra không phải là đối tượng
của một tâm duy nhất;
Người biết rõ ba điều này
Tu có thể tăng tiến.
170. Thế nào là nói ba điều này không phải là đối tượng của một tâm duy nhất?, tuy chúng không phải là không được biết tới?, tâm không bị phân tán, vị tỳ kheo thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt?
Giả thử có một thân cây đặt nằm trên mặt đất bằng, một người dùng cưa cắt nó. Quán niệm của người ấy được thiết lập nhờ chỗ các răng cưa tiếp xúc với thân cây mà không chú ý tới sự di chuyển tới lui của các răng cưa ấy, cho dù các răng cưa ấy không phải là không được người cưa biết tới khi các răng ấy di chuyển tới lui; và người cưa thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt.
Khi thân cây ấy được đặt nằm trên mặt đất bằng thì dấu hiệu buộc quán niệm [8]cũng thế. Các răng cưa như thế nào, các hơi thở vào và hơi thở ra cũng thế. Vì quán niệm của người được thiết lập nhờ chỗ các răng cưa tiếp xúc với thân cây mà không chú ý tới sự di chuyển tới lui của các răng cưa ấy, cho dù các răng cưa ấy không phải là không được người cưa biết tới khi các răng cưa ấy di chuyển tới lui; và như vậy người cưa thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt, cũng thế, vị tỳ kheo ngồi, sau khi lập quán niệm ở đỉnh mũi hay môi trên xong, không chú ý tới sự di chuyển vào ra của các hơi thở vào và hơi thở ra, cho dù các hơi thở ấy không phải là không được tỳ kheo biết tới khi các hơi thở vào ra; và như vậy vị ấy thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt.
Nỗ lựclà gì? Thân và tâm của người tinh tấn trở nên dễ điều khiển: đây là nỗ lực.
Phận sựlà gì? Các bất toàn cần được từ bỏ nơi người tinh tấn, và các tâm hướng về đối tượng của vị ấy đã được êm dịu: đây là phận sự.
Kết quả đặc biệt là gì? Ở người tinh tấn, các kết buộc đi tới tình trạng bị từ bỏ, và các khuynh hướng ngủ ngầm của người ấy đi tới tình trạng bị diệt trừ: đây là kết quả đặc biệt.
Như vậy, ba điều này không phải là đối tượng của một tâm duy nhất, [172] tuy chúng không phải là không được biết tới, tâm không bị phân tán, và vị ấy thể hiện nỗ lực, làm phận sự và đạt kết quả đặc biệt.
171.
Quán niệm hơi thở vào và
hơi thở ra của người nào
được hoàn hảo, khéo tu tập,
Và mang dần tới tăng trưởng
Theo đúng như lời Phật dạy,
Người đó soi sáng thế giới này
Giống như trăng tròn không mây.[9]
172. Thở vào (āna) là hơi thở đi vào (assāsa); thở ra (apāna) là hơi thở đi ra (passāsa)*.[10]Thiết lập (nền tảng) nhờ hơi thở vào là niệm; thiết lập (nền tảng) nhờ hơi thở ra là niệm. Khi thở vào niệm được thiết lập (đặt nền tảng) trong vị ấy; khi thở ra niệm được thiết lập (đặt nền tảng) trong vị ấy.
*ở Vism VIII đ. 164 viết là: assāsa là hơi gió đi ra; passāsa là hơi gió đi vào như đã nói theo chú giải của tạng Luật.
173. Hoàn hảo: hoàn hảo theo nghĩa phân biệt rõ*[cõi thiền, tuệ quán và đạo lộ]; hoàn hảo theo nghĩa [các trạng thái liên kết sau đó] trang bị [lẫn cho nhau]; hoàn hảo theo nghĩa tuyệt hảo.
*pariggaha. Xin đọc lại chú thích về chữ này ở Luận I đ. 23.
174. Khéo tu tập: Có bốn loại tu tập:
i. tu tập theo nghĩa không có sự vượt quá giữa các trạng thái khởi lên trong đó; (Luận I 135)
ii. tu tập theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất của các năng lực gây ảnh hưởng (Luận I 134)
iii. tu tập theo nghĩa hiệu quả vì nỗ lực thích đáng;
iv. tu tập theo nghĩa lập lại;
Bốn loại tu tập này đã được thuần thục, tạo thành nền tảng, được củng cố, được điêu luyện và đem lại đồng nhất thể.*
*Câu: ‘đã được thuần thục... đồng nhất thể’ tìm thấy ở D ii 103; S ii 274 ff. Có lẽ vì phần so sánh giữa samaṁ và susamaṁ ở đoạn sắp tới nên bhikkhu Ñāṇamoli dịch susamāraddhā là brought to very sameness: ‘đem lại đồng nhất thể’. Maurice Walshe dịch chữ này là properly undertaken (LDB trang 246); Bhikkhu Bodhi dịch là fully perfect it (CDB I trang 707-8).
‘Được thuần thục’: Ở bất cứ nơi nào, nếu muốn, vị ấy làm chủ, có quyền lực và hoàn toàn tự tin,*các trạng thái [tĩnh lặng và quán thực tánh] sẵn sàng để vị ấy hướng tới, sẵn sàng để vị ấy sử dụng theo ý muốn, sẵn sàng để vị ấy chú tâm suy xét, sẵn sàng để vị ấy khởi tâm. ‘Được thuần thục’ được nói vì lý do đó.
*vesārajja: hoàn toàn tự tin
‘Tạo thành nền tảng’: quán niệm của vị ấy được thiết lập vững vàng (vững đặt) trên bất cứ nền tảng nào tâm của vị ấy trụ vào. Tâm của vị ấy trụ vào bất cứ nền tảng nào nơi quán niệm của vị ấy được thiết lập vững vàng (vững đặt). ‘Tạo thành nền tảng’ được nói vì lý do đó.
‘Củng cố’, quán niệm của vị ấy luân chuyển song hành với bất cứ cái gì vị ấy điều tâm tới. Vị ấy điều tâm tới bất cứ cái gì quán niệm của vị ấy luân chuyển song hành với. ‘Củng cố’ được nói vì lý do đó.
‘Được điêu luyện’: được điêu luyện theo nghĩa giữ vững, được điêu luyện theo nghĩa trang bị, được điêu luyện theo nghĩa hoàn hảo. Khi tỳ kheo gìn giữ quán niệm, vị ấy chế ngự được các trạng thái xấu xa, bất thiện. ‘Được điêu luyện’ được nói vì lý do đó.
‘Đem lại đồng nhất thể’ (susamāraddhā): Có bốn loại ‘đem lại đồng nhất thể’: đem lại đồng nhất thể theo nghĩa không có sự vượt quá giữa các trạng thái khởi lên; đem lại đồng nhất thể theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất của các năng lực gây ảnh hưởng; đem lại đồng nhất thể theo nghĩa hiệu quả vì nỗ lực thích đáng; đem lại đồng nhất thể vì chính đáng hủy bỏ (susamugghātattā)*nhiễm lậu vốn đối nghịch với trạng thái này.
* Bản của VRI viết là susamūhatattā.
‘Đồng nhất thể’ (susamaṁ): [11]Có nhất thể (samaṁ) và đồng nhất thể (susamaṁ). Nhất thể là gì? Các trạng thái nào khởi lên vốn không lỗi và mang đặc tính giác ngộ: đây là nhất thể. ‘Đồng nhất thể’ là gì? Đối tượng cho những trạng thái như đoạn diệt, nibbana: đây là ‘đồng nhất thể’. Nhất thể này và đồng nhất thể này được biết đến, thấy rõ, nhận ra, được thực chứng, được thể nghiệm với tuệ; nỗ lực không mệt mỏi được mang lại để toàn thiện (āraddha), quán niệm đã được thiết lập (đặt nền tảng) không suy giảm, thân được an tịnh, mát lạnh (asāraddha),*tâm định nhất điểm. ‘Đem lại đồng nhất thể’ (susamāraddhā) được nói vì lý do đó.
*dịch sát: không cuồng nhiệt. Đọc Peter Masefield, The Itivuttaka, PTS [Oxford, 2000], trang 110.
175. Mang dần tới tăng trưởng: tăng trưởng chuẩn bị từ trước và sau đó mang đến tăng trưởng nhờ hơi thở vào dài, tăng trưởng chuẩn bị từ trước và sau đó mang lại tăng trưởng nhờ hơi thở ra dài, ... [và cứ thế với 32 thể thức, đọc đ. 183 dưới đây, cho đến] ... tăng trưởng chuẩn bị từ trước và sau đó mang đến tăng trưởng nhờ hơi thở ra dài quán từ bỏ. Tất cả các loại niệm hơi thở với 16 cứ điểm cũng được chuẩn bị cho tăng trưởng và mang tới tăng trưởng phụ thuộc vào nhau. ‘Mang dần tới tăng trưởng’ được nói vì lý do đó.
176. Theo đúng như: ‘Theo đúng như’ có mười nghĩa, đó là, nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của tự chủ, nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của an tịnh trong tâm, ... là nghĩa của hoàn toàn dập tắt phiền não trong tâm, là nghĩa của trí trực chứng, ... là nghĩa của hiểu biết trọn vẹn, ... là nghĩa của từ bỏ, ... là nghĩa của tu tập, ... [174] là nghĩa của thực chứng, ... là nghĩa của chứng ngộ đồng thời, ... nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của củng cố đoạn tận.
177. Buddha (Bậc Giác Ngộ): là Thế Tôn, là bậc tự trông cậy vào chính mình*, không thầy chỉ dạy về những tri kiến chưa từng nghe từ trước,[12]người tự khám phá (abhisambujjhati) ra chân lý, đạt toàn giác trong tứ đế, các lực và làm chủ.
*sayambhū:tự trông cậy vào chính mình, không mong mỏi ở ai khác. Đây là phẩm tính của một vị Phật (Đọc PED trang 697; đọc R. C Childers, A Dictionary of the Pali Language, [Cosmo Publications, New Delhi, 1979] trang 471). Sayambhunā, bậc tự thông hiểu Đạo Pháp, không học từ ai khác. Đọc T. W. Rhys Davids, F. Max Müller hiệu đính, The Questions of Milinda, Vol. II, [Low Price Publications, Delhi, 1996] chú thích 6, trang 6.
Buddha:Buddha theo nghĩa nào? Ngài là người khám phá (bujjhitar) ra chân lý, do đó ngài là bậc giác ngộ (buddha). Ngài là người đánh thức (bodhetar) cuộc đời này, do đó ngài là bậc giác ngộ. Ngài được giác ngộ nhờ hiểu biết toàn triệt, giác ngộ nhờ thấy biết tất cả, giác ngộ không dựa vào chỉ dẫn của một ai, giác ngộ vì uy lực,[13]ngài được giác ngộ bằng phẩm hạnh diệt xong nhiễm lậu, được giác ngộ bằng phẩm hạnh giải thoát khỏi các đặc tính tất yếu của hiện hữu.*Ngài hoàn toàn không còn tham, do đó ngài là bậc giác ngộ; Ngài hoàn toàn không còn sân, do đó ngài là bậc giác ngộ; Ngài hoàn toàn không còn si, do đó ngài là bậc giác ngộ; Ngài hoàn toàn không còn ô nhiễm, do đó ngài là bậc giác ngộ; Ngài đã đi trên đạo lộ giải thoát chỉ có một chiều, do đó ngài là bậc giác ngộ; Ngài một mình khám phá ra giác ngộ toàn triệt vô thượng, do đó ngài là bậc giác ngộ. Ngài là bậc giác ngộ vì đã hủy diệt vô minh và chứng đạt giác ngộ.
* Nirupadhi: giải thoát khỏi các đặc tính tất yếu của hiện hữu, những gì tất yếu của hiện hữu theo nghĩa rộng nhất của nó (nghĩa hẹp: không còn luyến ái). Đọc Ñāṇamoli, The Guide, PTS [Oxford, 1977], chú thích 164/12, trang 49. Xin đọc Luận I đ. 18 liệt kê 15 đặc tính căn bản tất yếu của hiện hữu này.
Buddha: đây không phải là tên do mẹ đặt ra, do cha đặt ra, do anh đặt ra, do chị đặt ra, do bạn hữu và những người đồng hành đặt ra, do bà con và thân quyến đặt ra, do sa môn và brahmans đặt ra, do chư thiên đặt ra: đây là danh hiệu (lấy) từ sự giải thoát cuối cùng của các bậc Giác Ngộ, các bậc Thế Tôn, cùng với sự chứng đạt trí toàn giác ở cội cây Giác Ngộ, danh hiệu ‘bậc Giác Ngộ (Buddha)’ là một (ý niệm) diễn bày dựa trên chứng ngộ.
178. Đã dạy: Theo đúng như đức Phật đã dạy, nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của tự chủ, nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của an tịnh trong tâm, ... [và cứ thế như ở đ 176 cho đến] nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của củng cố đoạn tận.
179. Người đó: người đó là cư sĩ hay đã xuất gia, sống không gia đình.
180. Thế giới: thế giới tập hợp, ... [lập lại Luận I đ 580 cho đến] Mười tám thế giới: Mười tám yếu tố.
181. Soi sáng: Sau khi đã tìm ra nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của tự chủ, [175] vị ấy là ngôi sao soi sáng, chiếu sáng thế giới này. Sau khi đã tìm ra nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của an tịnh trong tâm,... [và cứ thế như ở đ 176 cho đến]... Sau khi đã tìm ra nghĩa của ‘theo đúng như’ là nghĩa của củng cố đoạn diệt, vị ấy là ngôi sao soi sáng, chiếu sáng thế giới này.
182. Giống như trăng tròn không mây: Các ô nhiễm giống như đám mây, trí của bậc thánh giống như mặt trăng. Người tỳ kheo giống như con của phạm thiên làm chủ trăng tròn. Khi không có mây, không có sương mù, không có khói bụi do quyền lực của Thần Nguyệt Thực Rāhu phát ra, mặt trăng rọi sáng, chói sáng và sáng ngời, người tỳ kheo khi được giải thoát khỏi ô nhiễm cũng rọi sáng, chói sáng và sáng ngời như thế. ‘Giống như trăng tròn không mây’ được nói vì lý do đó.
Đây là mười ba loại trí thanh tẩy.
CHẤM DỨT PHẦN THUẬT KỂ.
[Phần iv]
183. Ba mươi hai loại trí của người làm việc có quán niệm*là gì?
*satokārissa:người làm việc có quán niệm
[Tóm lược Kinh: 4 nhóm, 16 cứ điểm, 32 hình thái]
Ở đây, một tỳ kheo đi đến cánh rừng hay đến gốc cây hay đến chỗ trống vắng, ngồi xuống; sau khi đã ngồi khoanh chân, giữ thẳng thân hình, thiết lập quán niệm trước mặt, luôn giữ quán niệm vị ấy thở vào, luôn giữ quán niệm vị ấy thở ra.
(1) Đang thở vào hơi dài, vị ấy biết rõ ‘Tôi thở vào hơi dài’; (2) hay đang thở ra hơi dài, vị ấy biết rõ ‘Tôi thở ra hơi dài’; (3) Đang thở vào hơi ngắn, vị ấy biết rõ ‘Tôi thở vào hơi ngắn’; (4) hay đang thở ra hơi ngắn, vị ấy biết rõ ‘Tôi thở ra hơi ngắn’. (5) Vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], tôi sẽ thở vào’; (6) Vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], tôi sẽ thở ra’; (7) Vị ấy tập như vầy: ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở vào’;*(8) Vị ấy tập như vầy: ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở ra’.
*‘hành vi của thân’ chính là hơi thở vào và hơi thở ra (M i 301). Tuy bắt nguồn từ tâm (cittasamuṭṭhāna), nhưng hơi thở vẫn được coi là ‘hành vi của thân’ vì sự hiện hữu của nó có liên hệ mật thiết với cơ thể do nghiệp tạo ra và hơi thở được tạo nên lấy cơ thể làm phương tiện (Pm 263). Đọc đ. 266.
(9) Vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm sự hoan hỉ, tôi sẽ thở vào’; (10) Vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm sự hoan hỉ, tôi sẽ thở ra’; (11) Vị ấy tập như vầy ‘Kinh nghiệm sự an lạc, tôi sẽ thở vào’; (12) Vị ấy tập như vầy ‘Kinh nghiệm sự an lạc, tôi sẽ thở ra’. (13) Vị ấy tập như vầy [176] ‘Kinh nghiệm hành vi của tâm,*tôi sẽ thở vào’; (14) Vị ấy tập như vầy ‘Kinh nghiệm hành vi của tâm, tôi sẽ thở ra’. (15) Vị ấy tập như vầy ‘Làm lắng dịu hành vi của tâm, tôi sẽ thở vào’; (16) Vị ấy tập như vầy ‘Làm lắng dịu hành vi của tâm, tôi sẽ thở ra’.
* Phẩm Cūḷavedalla trong Bộ Kinh Trung nói: ‘Nhận thức và cảm thọ thuộc tâm, đây là những trạng thái có liên hệ mật thiết với tâm; đó là lý do tại sao cảm thọ và nhận thức là ‘hành vi của tâm’’ (M i 301). Chú giải MA nói rằng hành vi của tâm, hành vi của thân có liên hệ mật thiết với tâm và thân theo nghĩa do tâm, do thân tạo ra. Đọc Ñāṇamoli và Bhikkhu Bodhi, The Middle Length Discourses of the Buddha, Wisdom Publications, [Boston, 1995], chú thích 466, trang 1240.
(17) Vị ấy tập như vầy ‘Kinh nghiệm tâm,*tôi sẽ thở vào’; (18) Vị ấy tập như vầy ‘Kinh nghiệm tâm, tôi sẽ thở ra’. (19) Vị ấy tập như vầy ‘Làm tâm hân hoan, tôi sẽ thở vào’2*; (20) Vị ấy tập như vầy ‘Làm tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra’. (21) Vị ấy tập như vầy ‘Làm tâm định, tôi sẽ thở vào’3*; (22) Vị ấy tập như vầy ‘Làm tâm định, tôi sẽ thở ra’. (23) Vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm, tôi sẽ thở vào’4*; (24) Vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm, tôi sẽ thở ra’.
*‘kinh nghiệm tâm’ [cittapaṭisaṁvedī] được hiểu theo bốn jhānas.
2* ‘làm tâm hân hoan’ (abhippamodayaṁcittaṁ) được giải thích là hoặc chứng hai cõi thiền có hỉ hay khi thể nhập các cõi thiền có tuệ giác dẫn đến đoạn diệt khởi lên...
3*‘làm tâm định’ (samādahaṁcittaṁ) để chỉ cho nhập cõi thiền hay sự định tâm ngắn ngủi khởi lên cùng với tuệ giác.
4* ‘giải thoát tâm’ (vimocayaṁcittaṁ) có nghĩa là giải thoát tâm khỏi các chướng ngại và các yếu tố thiền còn thô bằng cách định tâm theo mức độ tăng dần, và thoát khỏi các lệch lạc trong nhận thức bằng tuệ giác. ĐọcÑāṇamoli và Bhikkhu Bodhi, sđd, chú thích 1120, trang 1325.
(25) Vị ấy tập như vầy ‘Quán vô thường, tôi sẽ thở vào’; (26) Vị ấy tập như vầy ‘Quán vô thường, tôi sẽ thở ra’. (27) Vị ấy tập như vầy ‘Quán hết ham muốn, tôi sẽ thở vào’; (28) Vị ấy tập như vầy ‘Quán hết ham muốn, tôi sẽ thở ra’. (29) Vị ấy tập như vầy ‘Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vào’; (30) Vị ấy tập như vầy ‘Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra’. (31) Vị ấy tập như vầy ‘Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vào’; (32) Vị ấy tập như vầy ‘Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra’. (Vin iii 70f.; M iii 83; S v 311f.; A v 111).
[Chúgiải về đoạn kinh dẫn nhập]
184. Ở đây: trong nhận thức này, trong chọn lựa này, trong ưa chuộng này, trong tuyển chọn này, trong Giáo Pháp này, trong Giới Luật (vinaya) này, trong lãnh vực Giáo Pháp và Giới Luật này, trong giáo lý này, trong đời sống Phạm Hạnh này, trong Giáo Huấn của bậc Đạo Sư này. ‘Ở đây’ được nói vì lý do đó.
185. Một tỳ kheo: Một tỳ kheo là người thế tục rộng lượng hay bậc hữu học hay một Arahant đã chứng trạng thái không thể đả kích được.
186. Cánh rừng: sau khi đã đi quá mốc ranh, tất cả đều là rừng.
187. Gốc cây: chỗ ngồi của tỳ kheo được sửa soạn, hay cái giường, ghế, đệm, chiếu, miếng da hay mớ cỏ, lá, giạ của tỳ kheo trải ra, chỗ vị ấy đi, đứng, ngồi hay nằm.
188. Trống vắng: nơi người cư sĩ hay đạo sĩ ít qua lại.
189. Chỗ: nhà, chái nhà, dinh thự, biệt thự, hang động.
190. Ngồi xuống; sau khi đã ngồi khoanh chân: vị ấy đã ngồi xuống, sau khi đã ngồi khoanh chân xong xuôi.
191. Giữ thẳng thân hình: thân của vị ấy thẳng, đặt định [vững chãi], xếp đặt đâu vào đó.
192. Thiết lập quán niệm trước mặt vị ấy (parimukhaṁ satiṁ upaṭṭhapetvā): pari có nghĩa duy trì; mukhaṁ (nđ: cái miệng) có nghĩa lối thoát; satiṁ (niệm) có nghĩa thiết lập (nền tảng). ’Parimukhaṁ satiṁ upaṭṭhapetvā’ (quán niệm được thiết lập trước mặt vị ấy) được nói vì lý do đó.[14]
193. Luôn giữ quán niệm vị ấy thở vào, luôn giữ quán niệm vị ấy thở ra: [177] vị ấy là người làm việc có quán niệm theo 32 khía cạnh:
(1) Khi vị ấy biết rõ nhất tâm và không tán loạn qua thở vào hơi dài, niệm được thiết lập (tạo nền tảng) trong vị ấy; nhờ vào quán niệm đó và trí đó, vị ấy là người làm việc có quán niệm. (2) Khi vị ấy biết rõ nhất tâm và không tán loạn qua thở ra hơi dài... (32) Khi vị ấy biết rõ nhất tâm và không tán loạn qua thở ra quán từ bỏ, niệm được thiết lập (tạo nền tảng) trong vị ấy; nhờ vào quán niệm đó và trí đó, vị ấy là người làm việc có quán niệm.
194. Như thế nào là (1) đang thở vào hơi dài, vị ấy biết rõ ‘Tôi thở vào hơi dài’; (2) hay đang thở ra hơi dài, vị ấy biết rõ ‘Tôi thở ra hơi dài’?
[Phân tích Trí về Đối Tượng Quán Tưởng]
195. (a) Vị ấy thở vào một hơi dài đo bằng khoảng cách. (b) Vị ấy thở ra một hơi dài đo bằng khoảng cách. (c) Vị ấy thở vào và thở ra những hơi thở vào và hơi thở ra dài đo bằng khoảng cách. Khi vị ấy thở vào và thở ra những hơi vào dài và hơi ra dài đo bằng khoảng cách, hăng hái khởi lên.*(d) Với hăng hái, vị ấy thở vào hơi dài tinh tế hơn trước đo bằng khoảng cách. (e) Với hăng hái, vị ấy thở ra hơi dài tinh tế hơn trước đo bằng khoảng cách. (f) Với hăng hái, vị ấy thở vào và thở ra những hơi vào và ra dài tinh tế hơn trước đo bằng khoảng cách. Khi, với hăng hái, vị ấy thở vào và thở ra những hơi vào và ra dài tinh tế hơn trước đo bằng khoảng cách, hân hoan khởi lên. (g) Với hân hoan, vị ấy thở vào hơi dài tinh tế hơn trước đo bằng khoảng cách. (h) Với hân hoan, vị ấy thở ra hơi dài tinh tế hơn trước đo bằng khoảng cách. (i) Với hân hoan, vị ấy thở vào và thở ra những hơi vào và ra dài tinh tế hơn trước đo bằng khoảng cách. Với hân hoan, khi vị ấy thở vào và thở ra những hơi vào và ra dài, tinh tế hơn trước đo bằng khoảng cách, tâm của vị ấy quay đi khỏi những hơi thở dài vào và ra, và bình thản được thiết lập.[15]
* chando uppajjati: chanda ở đây có nghĩa ý muốn làm, ý muốn này khởi lên vì thành quả đạt được khi hành thiền tiến triển. Vì thế tôi dịch là ‘hăng hái khởi lên’. Đọc Ñāṇamoli, The Path of Purification [BPS, 1991], chú thích 46 trang 783.
[Nền tảng của quán niệm]
196. Những hơi thở vào và hơi thở ra dài theo chín khía cạnh này là thân thể. [16]‘Thiết lập’ (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Thân là thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm và nhờ vào trí, vị ấy quán thân. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán thân đúng như thân.[17][178]
197. Vị ấy quán: [18]Vị ấy quán thân đó như thế nào? Vị ấy quán thân đó vô thường, chứ không trường tồn; quán khổ não chứ không quán vui sướng; quán không phải là ngã chứ không quán là ngã; vị ấy đâm ra nhàm chán, hết thích thú; vị ấy khiến cho lòng tham phai nhạt, không khơi dậy nó; vị ấy làm cho đoạn diệt, không còn sanh khởi; vị ấy buông bỏ, không nắm giữ. Khi quán vô thường, vị ấy từ bỏ nhận thức cho là trường tồn; khi quán khổ não, vị ấy từ bỏ nhận thức cho là vui sướng; khi quán không phải là ngã, vị ấy từ bỏ nhận thức cho là ngã; khi trở nên nhàm chán, vị ấy hết thích thú; khi lòng tham của vị ấy phai nhạt, vị ấy từ bỏ tham; khi làm cho đoạn diệt, vị ấy từ bỏ sanh khởi; khi buông bỏ, vị ấy không còn nắm giữ. Vị ấy quán thân như thế đấy.
198. Tu tập: có bốn loại tu tập: tu tập theo nghĩa không có sự vượt quá giữa các trạng thái khởi lên trong đó; tu tập theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất của các năng lực gây ảnh hưởng; tu tập theo nghĩa hiệu quả của nỗ lực thích đáng và tu tập theo nghĩa lập lại.
[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận *][19]
199. Khi vị ấy biết chắc2*sự nhất tâm và không tán loạn qua những hơi thở vào dài và hơi thở ra dài, cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, được nhận biết rõ khi chúng xuất hiện (được thiết lập), được nhận biết rõ khi chúng biến mất;3*nhận thức của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, được nhận biết rõ khi chúng xuất hiện (được thiết lập), được nhận biết rõ khi chúng biến mất; sự hướng tâm về đối tượng của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, được nhận biết rõ khi chúng xuất hiện (được thiết lập), được nhận biết rõ khi chúng diệt đi.
*sampajāna: hiểu biết thấu đáo tường tậncó đặc tính là không mơ hồ lẫn lộn. Nhiệm vụ của nó là tìm hiểu (phán xét). Biểu hiện của nó là xem xét kỹ lưỡng (Vism IV đ. 172).
2*viditā ; 3*abbhatthaṁ
200. Cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, được nhận biết rõ khi chúng xuất hiện (được thiết lập), được nhận biết rõ khi chúng biến mất như thế nào?
Sự sanh khởi của cảm nghiệm được nhận biết rõ theo nghĩa sanh khởi có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của vô minh, nên có sự sanh khởi của cảm nghiệm. Sự sanh khởi của cảm nghiệm được nhận biết rõ theo nghĩa sanh khởi có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của khao khát, nên có sự sanh khởi của cảm nghiệm... Sự sanh khởi của cảm nghiệm được nhận biết rõ theo nghĩa sanh khởi có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của hành vi tạo quả, nên có sự sanh khởi của cảm nghiệm. Sự sanh khởi của cảm nghiệm được nhận biết rõ theo nghĩa sanh khởi có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của xúc, nên có sự sanh khởi của cảm nghiệm. Cũng thế, khi vị ấy thấy được đặc tính của phát sanh, vị ấy đã nhận biết rõ sự sanh khởi của cảm nghiệm. Sự sanh khởi của cảm nghiệm được nhận rõ như thế đấy. (so với I đ. 288).
Thế nào là sự xuất hiện (được thiết lập) của cảm nghiệm được nhận biết rõ? Khi vị ấy suy xét [cảm nghiệm] là vô thường, sự xuất hiện (thiết lập) của hủy diệt được nhận rõ; khi vị ấy suy xét cảm nghiệm là khổ não, sự xuất hiện (thiết lập) của hãi hùng được nhận biết rõ; khi vị ấy suy xét cảm nghiệm không phải là tự ngã, sự xuất hiện (thiết lập) của tánh không được nhận biết rõ. Sự xuất hiện (được thiết lập) của cảm nghiệm được nhận biết rõ như thế đấy.
Thế nào là sự biến mất của cảm nghiệm được nhận rõ? Sự biến mất của cảm nghiệm được nhận biết rõ theo nghĩa diệt tận có điều kiện như vầy: Với sự diệt tận của vô minh, nên có sự diệt tận của cảm nghiệm. Sự biến mất của cảm nghiệm được nhận biết rõ theo nghĩa diệt tận có điều kiện như vầy: Với sự diệt tận của khao khát, nên có sự diệt tận của cảm nghiệm... [179] Với sự diệt tận của hành vi tạo quả, nên có sự diệt tận của cảm nghiệm. Sự biến mất của cảm nghiệm được nhận biết rõ theo nghĩa diệt tận có điều kiện như vầy: Với sự diệt tận của xúc, nên có sự diệt tận của cảm nghiệm. Cũng thế, khi vị ấy thấy được đặc tính của biến đổi, vị ấy đã nhận biết rõ sự biến mất của cảm nghiệm. Sự biến mất của cảm nghiệm được nhận biết rõ là như thế đấy.
Cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, được nhận biết rõ khi chúng xuất hiện (được thiết lập), được nhận biết rõ khi chúng biến mất như thế đấy.
201. Nhận thức được nhận rõ khi chúng khởi lên, được nhận biết rõ khi chúng xuất hiện (được thiết lập), được nhận biêt rõ khi chúng biến mất như thế nào?
Sự sanh khởi của nhận thức được nhận rõ theo nghĩa sanh khởi có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của vô minh, nên có sự sanh khởi của nhận thức... Với sự sanh khởi của khao khát... Với sự sanh khởi của xúc... [và cứ thế như ở đ. 200 cho tới hết].
202. Hướng tâm về đối tượng được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, được nhận biết rõ khi chúng xuất hiện (được thiết lập), được nhận biết rõ khi chúng biến mất như thế nào?
Sự sanh khởi của hướng tâm về đối tượng được nhận biết rõ theo nghĩa sanh khởi có điều kiện như vầy: Với sự sanh khởi của vô minh, nên có sự sanh khởi của hướng tâm về đối tượng... Với sự sanh khởi của khao khát... Với sự sanh khởi của hành vi tạo quả... Với sự sanh khởi của nhận thức... [và cứ thế như ở đ. 200 cho tới hết]... [180] [20]
Hướng tâm về đối tượng được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, được nhận biết rõ khi chúng xuất hiện (được thiết lập), được nhận biết rõ khi chúng biến mất như thế đấy.
[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]
203. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không tán loạn qua hơi thở vào dài và hơi thở ra dài, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng, hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như;*vị ấy tổng hợp các lực...; vị ấy tổng hợp các yếu tố tạo thành giác ngộ... ; vị ấy tổng hợp đạo lộ...;[21]vị ấy tổng hợp các trạng thái [khác], hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như.*
*samatthañcapaṭivijjhati: thể nhập được ý nghĩa của nhất như.
204. Vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng: vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng như thế nào? Vị ấy tổng hợp năng lực gây ảnh hưởng của tín theo nghĩa quyết tâm của nó, vị ấy tổng hợp năng lực gây ảnh hưởng của tinh tấn theo nghĩa nỗ lực của nó, vị ấy tổng hợp năng lực gây ảnh hưởng của niệm theo nghĩa thiết lập (nền tảng) của nó, vị ấy tổng hợp năng lực gây ảnh hưởng của định theo nghĩa không tán loạn của nó, vị ấy tổng hợp năng lực gây ảnh hưởng của tuệ theo nghĩa thấy rõ của nó. Người này tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng ấy trên đối tượng này. ‘Vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng’ được nói vì lý do đó.
205. Vị ấy hiểu rõ lãnh vực của chúng: đối tượng của vị ấy là lãnh vực của vị ấy; lãnh vực của vị ấy là đối tượng của vị ấy. Vị ấy hiểu rõ, như thế vị ấy là một người; hành vi hiểu biết là tuệ tri.[22]
Nhất như:sự xuất hiện của đối tượng là nhất như, tâm không tán loạn là nhất như, làm tâm trong sạch là nhất như.
Ý nghĩa:mang ý nghĩa không lỗi, mang ý nghĩa không nhiễm lậu, mang ý nghĩa giữ trong sạch, nghĩa tối hậu.
Thể nhập: vị ấy thể nhập sự xuất hiện (thiết lập) đối tượng, vị ấy thể nhập ý nghĩa không tán loạn của tâm, vị ấy thể nhập sự cương quyết của tâm, vị ấy thể nhập sự giữ tâm trong sạch. ‘Thể nhập được ý nghĩa của nhất như’ được nói vì lý do đó.
206. Vị ấy tổng hợp các lực: Vị ấy tổng hợp các lực như thế nào? Vị ấy tổng hợp tín lực theo nghĩa không lay chuyển vì bất tin của nó. Vị ấy tổng hợp tấn lực theo nghĩa không lay chuyển vì lười biếng của nó. Vị ấy tổng hợp niệm lực theo nghĩa không lay chuyển vì sự xao lãng của nó. Vị ấy tổng hợp định lực theo nghĩa không lay chuyển vì dao động của nó. Vị ấy tổng hợp tuệ lực theo nghĩa không lay chuyển vì vô minh của nó. Người này tổng hợp các lực ấy trên đối tượng này. ‘Vị ấy tổng hợp các lực’ được nói vì lý do đó.
207. Vị ấy hiểu rõ lãnh vực của chúng: ... [vân vân... như ở đ. 205 cho đến hết]. [181]
208.Vị ấy tổng hợp các yếu tố tạo thành giác ngộ: vị ấy tổng hợp các yếu tố tạo thành giác ngộ như thế nào? Vị ấy tổng hợp yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm theo nghĩa thiết lập (nền tảng) của nó. Vị ấy tổng hợp yếu tố tạo thành giác ngộ của đi tìm sự thật theo nghĩa tìm hiểu của nó. Vị ấy tổng hợp yếu tố tạo thành giác ngộ của tinh tấn theo nghĩa nỗ lực của nó. Vị ấy tổng hợp yếu tố tạo thành giác ngộ của hỉ theo nghĩa chan hòa của nó. Vị ấy tổng hợp yếu tố tạo thành giác ngộ của tĩnh lặng theo nghĩa an lạc của nó. Vị ấy tổng hợp yếu tố tạo thành giác ngộ của định theo nghĩa không tán loạn của nó. Vị ấy tổng hợp yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản theo nghĩa tư duy*của nó. Người này tổng hợp các yếu tố tạo thành giác ngộ ấy trên đối tượng này. ‘Vị ấy tổng hợp các yếu tố tạo thành giác ngộ’ được nói vì lý do đó.
*paṭisaṅkhānaṭṭhena:theo nghĩa tư duy.
209. Vị ấy hiểu rõ lãnh vực của chúng: ... [vân vân... như ở đ. 205 cho đến hết].
210.Vị ấy tổng hợp đạo lộ: Vị ấy tổng hợp đạo lộ như thế nào? Vị ấy tổng hợp chánh kiến theo nghĩa thấy rõ của nó. Vị ấy tổng hợp chánh tư duy theo nghĩa hướng tâm trụ vào của nó. Vị ấy tổng hợp chánh ngữ theo nghĩa giữ gìn lời nói của nó.*Vị ấy tổng hợp chánh hành theo nghĩa nguồn sanh khởi của nó. Vị ấy tổng hợp chánh mạng theo nghĩa trong sạch của nó. Vị ấy tổng hợp chánh tinh tấn theo nghĩa nỗ lực của nó. Vị ấy tổng hợp chánh niệm theo nghĩa thiết lập (nền tảng) của nó. Vị ấy tổng hợp chánh định theo nghĩa không tán loạn. Người này tổng hợp đạo lộ ấy trên đối tượng này. ‘Vị ấy tổng hợp đạo lộ’ được nói vì lý do đó.
*pariggahaṭṭhena:theo nghĩa giữ gìn lời nói.
211. Vị ấy hiểu rõ lãnh vực của chúng: ... [vân vân... như ở đ. 205 cho đến hết].
212.Vị ấy tổng hợp các trạng thái [khác]: Vị ấy tổng hợp các trạng thái [khác] như thế nào? Vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng theo nghĩa ưu thắng của chúng. Vị ấy tổng hợp các lực theo nghĩa không lay chuyển của chúng. Vị ấy tổng hợp các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa lối thoát của chúng. Vị ấy tổng hợp đạo lộ theo nghĩa nhân của chúng. Vị ấy tổng hợp các nền tảng (thiết lập) quán niệm theo nghĩa thiết lập (nền tảng) của chúng. Vị ấy tổng hợp chánh tinh tấn theo nghĩa nỗ lực của chúng. Vị ấy tổng hợp nền tảng của thần thông (con đường dẫn đến năng lực) theo nghĩa thành tựu của chúng. Vị ấy tổng hợp các sự thực theo nghĩa chân như (hiện thực) của chúng.
213. Vị ấy tổng hợp tĩnh lặng theo nghĩa không tán loạn của nó. Vị ấy tổng hợp quán thực tánh theo nghĩa quán tưởng. Vị ấy tổng hợp tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất của chúng. Vị ấy tổng hợp sự phối hợp theo nghĩa không vượt quá của nó.
214. Vị ấy tổng hợp tiến trình thanh lọc giới theo nghĩa chế ngự của nó. Vị ấy tổng hợp tiến trình thanh lọc tâm theo nghĩa không tán loạn của nó. Vị ấy tổng hợp tiến trình thanh lọc quan điểm theo nghĩa thấy rõ của nó. Vị ấy tổng hợp giải thoát theo nghĩa tiêu dao tự tại của nó. [182] Vị ấy tổng hợp minh trí theo nghĩa hiểu rõ. Vị ấy tổng hợp tiêu dao tự tại theo nghĩa từ bỏ của nó. Vị ấy tổng hợp trí hủy diệt theo nghĩa cắt đứt của nó. Vị ấy tổng hợp trí về không sanh khởi theo nghĩa làm lắng dịu của nó.
215. Vị ấy tổng hợp hăng hái theo nghĩa nguồn gốc của nó. Vị ấy tổng hợp chú tâm suy xét theo nghĩa nguồn sanh khởi của nó. Vị ấy tổng hợp xúc theo nghĩa gặp gỡ của nó. Vị ấy tổng hợp định theo nghĩa tiên phong của nó. Vị ấy tổng hợp niệm theo nghĩa ưu thắng của nó. Vị ấy tổng hợp tuệ theo nghĩa cao nhất trong tất cả của nó. Vị ấy tổng hợp tiêu dao tự tại theo nghĩa cốt lõi của nó. Vị ấy tổng hợp Nibbana, vốn nhập vào với bất tử, theo nghĩa chấm dứt của nó. Người này tổng hợp đạo lộ ấy trên đối tượng này. ‘Vị ấy tổng hợp các trạng thái [khác]’ được nói vì lý do đó.
216.Vị ấy hiểu rõ lãnh vực của chúng: ... [vân vân... như ở đđ 205*cho đến hết].
*Nguyên văn: đđ 106-7. Trong Luận III, hai đoạn này không mang cùng nội dung để lập lại. Tôi đã sửa lại cho đúng (như ở đ. 205).
(ii)
217. Như thế nào là (3) đang thở vào một hơi ngắn, vị ấy biết rõ ‘Tôi thở vào hơi ngắn’; (4) đang thở ra một hơi ngắn, vị ấy biết rõ ‘Tôi thở ra hơi ngắn’?
[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]
218. (a) Vị ấy thở vào một hơi ngắn đo bằng một chốc ngắn ngủi. (b) Vị ấy thở ra một hơi ngắn đo bằng một chốc ngắn ngủi. (c) Vị ấy thở vào và thở ra những hơi thở vào ngắn và những hơi thở ra ngắn đo bằng một chốc ngắn ngủi. Khi vị ấy thở vào và thở ra những hơi thở vào ngắn và những hơi thở ra ngắn đo bằng một chốc ngắn ngủi, tinh tấn khởi lên. (d) Với hăng hái, vị ấy thở vào hơi thở ngắn tinh tế hơn trước đo bằng một chốc ngắn ngủi. (e) ... [và cứ thế như ở đoạn đ. 195 cho đến hết, thay chữ dài bằng chữ ngắn và thay chữ khoảng cách bằng một chốc ngắn ngủi].
[Nền tảng của Quán Niệm]
219. Những hơi thở vào và những hơi thở ra ngắn theo chín khía cạnh là thân thể. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Thân được gọi là thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) [183] vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm và nhờ vào trí, vị ấy quán thân. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán thân đúng như thân’.
220. Vị ấy quán: ... [lập lại đ. 197].
221. Tu tập: ... [lập lại đ. 198].
[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]
222-225. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài và hơi thở ra dài, cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, ... [và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết].
[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]
226-238. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài và hơi thở ra dài, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng, hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực, ... [và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết].
(iii)
239. Như thế nào là (5) Vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], tôi sẽ thở vào’; (6) Vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], tôi sẽ thở ra’?
[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]
240. Thân: có hai loại thân: thân tâm thức và thân vật thể.
Thân tâm thức là gì? Cảm nghiệm, nhận thức, chủ ý, xúc, chú tâm suy xét, tâm tánh*là thân tâm thức, và cái được gọi là hành vi của tâm cũng thế: những điều này là thân tâm thức.
*tâm tánh (nāma = mentality: lề thói, cung cách suy nghĩ)
Thân vật thể là gì? Bốn yếu tố chính và các yếu tố rút ra từ những yếu tố chính này, hơi thở vào và hơi thở ra, dấu hiệu buộc [quán niệm], và những gì được gọi là hành vi của thân cũng thế: đây là thân vật thể.
241. Vị ấy kinh nghiệm các thân này như thế nào? Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài, quán niệm của vị ấy được thiết lập (đặt nền tảng). Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy kinh nghiệm các thân này. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở ra dài, ... qua những hơi thở vào ngắn, ... qua những hơi thở ra ngắn, ... quán niệm của vị ấy được thiết lập (đặt nền tảng). Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy kinh nghiệm các thân này.
242. Khi vị ấy hướng tới, vị ấy kinh nghiệm các thân này. Khi vị ấy biết rõ, vị ấy kinh nghiệm các thân này. Khi vị ấy thấy rõ,... duyệt lại,... dứt khoát tâm của mình,... cả quyết bằng niềm tin,... nỗ lực tinh cần,... thiết lập (đặt nền tảng) quán niệm,... định tâm,... Khi vị ấy biết rõ bằng tuệ,... Khi vị ấy trực tiếp chứng biết cái cần được chứng biết trực tiếp,... Khi vị ấy hiểu biết đầy đủ cái cần được hiểu biết đầy đủ,... [184] Khi vị ấy từ bỏ cái cần được từ bỏ,... Khi vị ấy tu tập cái cần được tu tập,... Khi vị ấy thực chứng cái cần được thực chứng, vị ấy kinh nghiệm các thân này. Các thân này được kinh nghiệm như thế đấy.
[Nền tảng của Quán Niệm]
243. Những hơi thở và và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở] là một thân. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Thân đó được gọi là thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm và nhờ vào trí đó, vị ấy quán thân đó. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán thân đúng như thân’.
244. Vị ấy quán: ... [lập lại đ. 197].
245. Tu tập: ... [lập lại đ. 198].
[Tập luyện]
246. Những hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở] là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự; những hơi thở vào và ra ấy là Tiến Trình Thanh Lọc Tâm theo nghĩa không phân tán; những hơi thở vào và ra ấy là Tiến Trình Thanh Lọc Quan Điểm theo nghĩa chứng thấy. Nghĩa của chế ngự trong đó là tu tập về Giới Tăng Thượng; nghĩa của không phân tán trong đó là tu tập về Tâm Tăng Thượng; nghĩa của chứng thấy trong đó là tu tập về Tuệ Tăng Thượng.
247. Khi chú ý đến ba loại tu tập này vị ấy tu tập, khi biết rõ chúng, vị ấy tu tập, khi thấy rõ, ... [và cứ thế như ở đ. 242 cho đến] ... khi vị ấy thực chứng điều cần được thực chứng, vị ấy tu tập.
[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]
248-251. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không tán loạn qua những hơi thở vào dài và hơi thở ra dài, trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, ... [và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết].
[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]
252-264. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không tán loạn qua những hơi thở vào dài và hơi thở ra dài, trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng, hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... [và cứ như thế như ở đđ 203-215 cho đến hết].
(iv)
265. Như thế nào là (7) Vị ấy tập như vầy: ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở vào’; (8) Vị ấy tập như vầy: ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở ra’?
[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]
266. Hành vi của thân là gì? Những hơi thở vào dài là thân; những hơi thở này có liên hệ mật thiết với cơ thể, là hành vi của thân,[23]vị ấy tu tập cho lắng dịu, cho ngưng lại, cho tịch lặng những hành vi của thân này. Những hơi thở ra dài thuộc về thân;... Những hơi thở vào ngắn thuộc về thân;... Những hơi thở ra ngắn thuộc về thân;... Những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở] thuộc về thân;... Những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở] thuộc về thân; những hơi thở này có liên hệ mật thiết với cơ thể, là hành vi của thân, vị ấy tu tập cho lắng dịu, cho ngưng lại, cho tịch lặng những hành vi của thân này.
Lúc có những hành vi của thân như thế vì thân nghiêng phía sau, qua lại, theo mọi hướng, nghiêng phía trước, dao động, khích động, di chuyển, lay động, [185] vị ấy tu tập như vầy ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở ra’. Lúc có những hành vi của thân như thế vì thân không nghiêng phía sau, qua lại, theo mọi hướng, nghiêng phía trước, khích động, thay đổi luôn, di chuyển, lay động, vắng lặng và tinh tế, vị ấy tu tập như vầy ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở vào’.
Rồi vị tỳ kheo tu tập như vầy ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở vào’, vị tỳ kheo tu tập như vầy ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở ra’: nhờ thế, không tạo ra kinh nghiệm hơi gió, và không tạo ra những hơi thở ra và hơi thở vào, và không tạo ra quán hơi thở, và không tạo ra định nhờ quán hơi thở, và kết quả là bậc trí không thâm nhập vào và không xuất khởi từ thành tựu đó.
Rồi vị tỳ kheo tu tập như vầy ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở vào’, vị tỳ kheo tu tập như vầy ‘Làm lắng dịu hành vi của thân, tôi sẽ thở ra: nhờ thế, tạo ra kinh nghiệm hơi gió, và có tạo ra những hơi thở ra và hơi thở vào, và có tạo ra quán hơi thở, và có tạo ra định nhờ quán hơi thở, và kết quả là bậc trí thâm nhập vào và xuất khởi ra từ thành tựu đó. Như cái gì? Như gõ cái chiêng. Thoạt tiên, âm thanh thô sượng đục phát ra và [tâm diễn ra] vì biểu tượng của âm thanh sượng này được nhận biết rõ, chú ý đến, được quan sát kỹ; và khi âm thanh thô sượng này ngưng, rồi sau đó những âm thanh yếu ớt xảy ra và [tâm diễn ra] vì biểu tượng [24]của âm thanh yếu ớt này được nhận biết rõ, chú ý đến, được quan sát kỹ; và khi âm thanh yếu ớt này ngưng, thì sau đó tâm xảy ra vì nó có dấu hiệu của những âm thanh yếu ớt này làm đối tượng - cũng thế, thoạt tiên những hơi thở vào và hơi thở ra thô xảy ra và [tâm không bị tán loạn] vì dấu hiệu của những hơi thở vào và hơi thở ra thô được nhận biết rõ, chú ý đến, được quan sát kỹ; và khi những hơi thở vào và hơi thở ra thô này ngưng, rồi sau đó những hơi thở vào [186] và hơi thở ra yếu ớt xảy ra và [tâm không bị phân tán] vì biểu tượng của những hơi thở vào và hơi thở ra yếu ớt này được nhận biết rõ, chú ý đến, được quan sát kỹ; và khi những hơi thở vào và hơi thở ra yếu ớt này ngưng, thì sau đó tâm xảy ra vì nó có dấu hiệu của những những hơi thở vào và hơi thở ra yếu ớt này làm đối tượng của nó. Nhờ thế, có tạo ra kinh nghiệm hơi gió, và có tạo ra những hơi thở ra và hơi thở vào, và có tạo ra quán hơi thở, và có tạo ra định nhờ quán hơi thở, và kết quả là bậc trí thâm nhập vào và xuất khởi từ thành tựu đó.
[Nền tảng của Quán Niệm]
267. Những hơi thở vào và hơi thở ra làm lắng dịu hành vi của thân là một thân. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Thân được gọi là thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm và nhờ vào trí, vị ấy quán thân đó. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán thân đúng như thân’.
268. Vị ấy quán: ... [lập lại đ 197].
269. Tu tập: ... [lập lại đ 198].
[Tập luyện]
270-271. Những hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở] là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự; ... [lập lại phần còn lại của đđ 246-247 cho đến hết].
[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]
272-275. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài và hơi thở ra dài làm lắng dịu hành vi của thân, cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... [và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết].
[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]
276-288. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào dài và hơi thở ra dài làm lắng dịu hành vi của thân, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng, hiểu rõ lãnh vực của chúng, thấu rõ được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... [và cứ thế như ở đđ 203-206 cho đến hết].
[Kết Luận Đoạn Bốn Câu Thứ Nhất]
289. Tám loại trí về quán, và tám loại thiết lập (nền tảng) của quán niệm.
Bốn nền tảng từ Kinh đề cập tới sự quán tưởng thân đúng như thân.
CHẤM DỨT PHẦN THUẬT KỂ.
(v)
290. (9) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Cảm nghiệm hoan hỉ, tôi sẽ thở vào’; (10) vị ấy tập như vầy: ‘Cảm nghiệm hỉ, tôi sẽ thở ra’?
[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]
291. Hỉ là gì? Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài, vì hỉ nên hân hoan khởi lên trong vị ấy... Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở ra dài,... qua những hơi thở vào ngắn... qua những hơi thở ra ngắn, qua những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm [187] toàn thân [hơi thở],... qua những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở] qua những hơi thở vào làm lắng dịu hành vi của thân, qua những hơi thở ra dài làm lắng dịu hành vi của thân, vì hỉ nên hân hoan khởi lên trong vị ấy. Bất cứ hỉ nào, hân hoan nào, hành vi tạo hân hoan nào, sự hoan hỷ nào, vui vẻ nào, khoan khoái nào, thỏa mãn nào, thơ thới nào, tâm tư thanh thoát nào, là hỉ.[25]
292. Vị ấy kinh nghiệm hỉ như thế nào? Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài, quán niệm của vị ấy được thiết lập (đặt nền tảng). Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy kinh nghiệm hỉ đó. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở ra dài,... qua những hơi thở vào ngắn,... qua những hơi thở ra ngắn,... qua những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở],... qua những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], qua những hơi thở vào làm lắng dịu hành vi của thân, qua những hơi thở ra làm lắng dịu hành vi của thân, quán niệm của vị ấy được thiết lập (đặt nền tảng). Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy kinh nghiệm hỉ đó.
293. Khi vị ấy hướng tới, vị ấy kinh nghiệm hỉ đó. Khi vị ấy biết rõ, hỉ đó được kinh nghiệm... [và cứ thế như ở đ. 242 cho đến]... Khi vị ấy thực chứng cái cần được thực chứng, vị ấy kinh nghiệm hỉ đó. Hỉ đó được kinh nghiệm như thế đấy.
[Nền tảng của Quán Niệm]
294. Qua những hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở] có cảm giác. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Cảm giác là sự thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm và nhờ vào trí, vị ấy quán cảm giác đó. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán cảm giác đúng như cảm giác’.
295. Vị ấy quán: ... [lập lại đ. 197].
296. Tu tập: ... [lập lại đ. 198].
[Tập luyện]
297-298. Những hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hỉ là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự;... [lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết].
[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]
299-302. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hỉ, cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... [và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết].
[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]
303-315. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hỉ, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng, hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... [và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết].
(vi)
316. (11) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Cảm nghiệm lạc, tôi sẽ thở vào; (12) vị ấy tập như vầy: ‘Cảm nghiệm lạc, tôi sẽ thở ra’?
[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]
317. Lạc là gì? Lạc có hai loại: Lạc thuộc thân và lạc thuộc tâm.
Lạc thuộc thân là gì? Bất cứ sự khỏe khoắn cơ thể, cơ thể dễ chịu, cơ thể khoẻ khoắn và dễ chịu sanh do tiếp xúc với thân, chào đón cảm giác dễ chịu sanh từ xúc chạm với thân, là lạc thuộc thân.[26]
Lạc thuộc tâm là gì? Bất cứ sự khỏe khoắn tâm tư, tâm tư dễ chịu, tâm tư khoẻ khoắn và dễ chịu sanh do tiếp xúc với tâm, chào đón cảm thọ dễ chịu sanh từ xúc chạm với tâm, là lạc thuộc tâm.
318. Vị ấy kinh nghiệm lạc đó như thế nào? Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài,... qua những hơi thở ra dài,... qua những hơi thở vào ngắn... qua những hơi thở ra ngắn, qua những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở],... qua những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở],... qua những hơi thở vào dài làm lắng dịu hành vi của thân, qua những hơi thở ra dài làm lắng dịu hành vi của thân, qua những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm lạc,... qua những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc... quán niệm của vị ấy được thiết lập (đặt nền tảng). Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy kinh nghiệm lạc đó.
319. Khi vị ấy hướng tâm tới, vị ấy kinh nghiệm lạc đó. Khi vị ấy biết rõ,... [và cứ thế như ở đ 242 cho đến]... Khi vị ấy thực chứng cái cần được thực chứng, vị ấy kinh nghiệm hỉ đó. Hỉ đó được kinh nghiệm như thế đấy.
[Nền tảng của Quán Niệm]
320. Qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc, có cảm nghiệm. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Cảm nghiệm là sự thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm và nhờ vào trí, vị ấy quán cảm nghiệm đó. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán cảm giác đúng như cảm giác’.
321. Vị ấy quán: ... [lập lại đ 197].
322. Tu tập: ... [lập lại đ 198].
[Tập luyện]
323-324. Những hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự;... [lập lại những phần còn lại của đđ 246-247 cho đến hết].
[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]
325-328. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc, cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... [và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết].
[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]
329-341. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng, hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực,... [và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết].
(vii)
342. (13) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm hành vi của tâm, tôi sẽ thở vào’; (14) vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm hành vi của tâm, tôi sẽ thở ra?
[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]
343. Hành vi của tâmlà gì? Nhận thức và cảm thọ vì những hơi thở vào dài là thuộc tâm; những thứ này có liên hệ mật thiết với tâm, là những hành vi của tâm.23 Nhận thức và cảm thọ vì những hơi thở ra dài,... những hơi thở vào ngắn... những hơi thở ra ngắn... những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở],... những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở],... những hơi thở vào dài làm lắng dịu hành vi của thân, những hơi thở ra dài làm lắng dịu hành vi của thân, những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc,... những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm lạc,... những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc là thuộc tâm; những thứ này có liên hệ mật thiết với tâm, là những hành vi của tâm. Đây là hành vi của tâm.
344. Vị ấy kinh nghiệm lạc đó như thế nào? Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không tán loạn qua những hơi thở vào dài,... những hơi thở ra dài,... những hơi thở vào ngắn... những hơi thở ra ngắn, những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở],... những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở],... những hơi thở vào dài làm lắng dịu hành vi của thân, những hơi thở ra dài làm lắng dịu hành vi của thân, những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm hỉ,... những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hỉ... những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm lạc,... những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc... quán niệm của vị ấy được thiết lập (đặt nền tảng). Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, những hành vi của tâm đó được kinh nghiệm .
345. Khi vị ấy hướng tâm tới, những hành vi của tâm đó được kinh nghiệm. Khi vị ấy biết rõ, hỉ đó được kinh nghiệm... [và cứ thế như ở đ 242 cho đến]... Khi vị ấy thực chứng cái cần được thực chứng, những hành vi của tâm đó được kinh nghiệm. Những hành vi của tâm đó được kinh nghiệm như thế đấy.
[Nền tảng của Quán Niệm]
346. Qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hành vi của tâm đó nên có cảm nghiệm. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Cảm nghiệm là sự thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm và nhờ vào trí, vị ấy quán cảm nghiệm đó. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán cảm giác đúng như cảm giác’.
347. Vị ấy quán: ... [lập lại đ 197].
348. Tu tập: ... [lập lại đ 198].
[Tập luyện]
349-350. Những hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hành vi của tâm là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự;... [lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết].
[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]
351-354. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hành vi của tâm, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... [và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết].
[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]
355-367. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hành vi của tâm, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng, hiểu rõ lãnh vực của chúng, thấu rõ được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... [và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết].
(viii)
368. (15) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Lắng dịu hành vi của tâm, tôi sẽ thở vào’; (16) vị ấy tập như vầy: ‘Lắng dịu hành vi của tâm, tôi sẽ thở ra’?
[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]
369. Hành vi của tâm là gì? Nhận thức và cảm thọ vì những hơi thở vào dài... những hơi thở ra dài... những hơi thở vào ngắn... những hơi thở ra ngắn... những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở],... những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm toàn thân [hơi thở], những hơi thở vào làm lắng dịu hành vi của thân, những hơi thở ra làm lắng dịu hành vi của thân, những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hỉ,... những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm hỉ,... những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm lạc,... những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm lạc,... những hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hành vi của tâm,... những hơi thở vào trong khi kinh nghiệm hành vi của tâm
là thuộc tâm; những thứ này có liên hệ mật thiết với tâm, là những hành vi của tâm; vị ấy tu tập cho lắng dịu, cho ngưng lại, cho tịch lặng những hành vi của tâm này.
[Nền tảng của Quán Niệm]
370. Qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm hành vi của tâm đó nên có cảm nghiệm. Thiết lập (nền tảng) ... Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán cảm giác đúng như cảm giác’.
371. Vị ấy quán: ... [lập lại đ 197].
372. Tu tập: ... [lập lại đ 198].
[Tập luyện]
373-374. Những hơi thở vào và hơi thở ra làm lắng dịu hành vi của tâm là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự... «lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».*
* bản POD không có những chữ trong ngoặc kép «»này. Tôi tiếp nối các đoạn trước để giòng tư tưởng của quý vị không bị đứt đoạn.
[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]
375-378. Khi làm lắng dịu hành vi của tâm qua những hơi thở vào và hơi thở ra, vị ấy biết rõ sự nhất tâm và không phân tán, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».
[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]
379-391. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra làm tĩnh lặng hành vi của tâm, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng... «và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết».
[Kết luận Đoạn Bốn Câu Thứ Hai]
392. Tám loại trí về quán, và tám loại thiết lập (nền tảng) của quán niệm. Bốn nền tảng từ Kinh đề cập tới quán cảm giác đúng như cảm giác.
(ix)
393. (17) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Kinh nghiệm tâm, tôi sẽ thở vào; (18) vị ấy tập như vầy:‘ Kinh nghiệm tâm, tôi sẽ thở ra’?
[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]
394. Tâmđólà gì? Có tâm là thức do những hơi thở vào dài;... Có tâm là thức do những hơi thở vào ngắn;... [và cứ thế với tất cả các hình thái khác cho đến]... Có tâm là thức do những hơi thở ra làm tĩnh lặng hành vi của thân; bất cứ thức, ý, sự tạo ý niệm, tâm, sự trong suốt, [190] ý, ý xứ, năng lực gây ảnh hưởng, thức, tập hợp thức, <yếu tố ý thức do các yếu tố đã nói ấy tạo ra> nào, là tâm.[27]*
* Đọc Như Nhiên, Phân Tích, đ 184 nói về nguyên tố ý & ý thức.
395. Vị ấy kinh nghiệm tâm đó như thế nào? Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài,... [và cứ thế với tất cả các hình thái khác cho đến]... Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra làm lắng dịu hành vi của tâm, quán niệm của vị ấy được thiết lập (đặt nền tảng). Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó vị ấy kinh nghiệm tâm đó.
396. Khi vị ấy hướng tâm tới, những hành vi của tâm đó được kinh nghiệm. Khi vị ấy biết rõ,... [và cứ thế như ở đ 242 cho đến]... Khi vị ấy thực chứng cái cần được thực chứng, vị ấy kinh nghiệm hành vi của tâm đó. Vị ấy kinh nghiệm hành vi của tâm đó như thế đãy.
[Nền tảng của Quán Niệm]
397. Qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm tâm nên có tâm làm thức. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Tâm làm thức là sự thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy quán tâm làm thức đó. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán tâm đúng như tâm’.
398. Vị ấy quán: ... «lập lại đ 197».
399. Tu tập: ... «lập lại đ 198».
[Tập luyện]
400-402. Những hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm tâm là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự;... «lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».
[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]
402-405. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm tâm, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».
[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]
406-418. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm tâm, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng,... «hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết».
(x)
419.(19) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Làm tâm hân hoan, tôi sẽ thở vào’; (20) vị ấy tập như vầy: ‘Làm tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra’?
[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]
420. Làm cho tâm hân hoan là gì? Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào, ... [và cứ thế với tất cả các hình thái khác cho đến]... Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở ra trong khi kinh nghiệm tâm, hành vi làm tâm hân hoan khởi lên trong vị ấy. Bất cứ hành vi tạo hân hoan nào, hoan hỷ nào, vui vẻ nào, khoan khoái nào, thỏa mãn nào, thơ thới nào, tâm tư thanh thoát nào, là hành vi làm tâm hân hoan.
[Nền tảng của Quán Niệm]
421. Qua hơi thở vào và hơi thở ra làm tâm hân hoan nên có tâm làm thức. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm... «Quán là trí. Tâm làm thức là sự thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy quán tâm làm thức đó». Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán tâm đúng như tâm’.
422. Vị ấy quán: ... «lập lại đ 197».
423. Tu tập: ... «lập lại đ 198».
[Tập luyện]
424-425. Những hơi thở vào và hơi thở ra trong khi kinh nghiệm tâm là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự;... «lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».
[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]
426-429. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra làm tâm hân hoan, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».
[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]
430-442. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra làm tâm hân hoan, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng,... «hiểu rõ lãnh vực của chúng, thấu rõ được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết».
(xi)
443.(21) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Làm tâm định, tôi sẽ thở vào’; (22) vị ấy tập như vầy: ‘Làm tâm định, tôi sẽ thở ra’.?[191]
[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]
444. Định là gì? Sự nhất tâm và không phân tán vì những hơi thở vào dài là định... [và cứ thế với tất cả các hình thái khác cho đến]... Sự nhất tâm và không phân tán vì những hơi thở ra là định; bất cứ sự ổn cố nào, sự vững chắc nào, sự trụ vững của tâm, không lao chao, không phân tán, tâm không dao động, tĩnh lặng, năng lực gây ảnh hưởng của định, định lực, chánh định, là định. [28]*
*Đọc Như Nhiên, Phân Tích, đ 436, trang 322.
[Nền tảng của Quán Niệm]
445. Qua hơi thở vào và hơi thở ra làm tâm định nên có tâm làm thức. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm... «Quán là trí. Tâm làm thức là sự thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy quán tâm làm thức đó». Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán tâm đúng như tâm’.
446. Vị ấy quán: ... «lập lại đ 197».
447. Tu tập: ... «lập lại đ 198».
[Tập luyện]
448-449. Những hơi thở vào và hơi thở ra làm cho tâm định là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự;... «lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».
[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]
450-453. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra làm tâm định, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».
[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]
454-466. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra làm tâm định, «vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng,... hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết».
(xii)
467. (23) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Giải thoát tâm, tôi sẽ thở vào’; (22) vị ấy tập như vầy: ‘Giải thoát tâm, tôi sẽ thở ra’?
[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]
468. Vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi tham, tôi sẽ thở vào’, vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi tham, tôi sẽ thở ra’; vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi sân, tôi sẽ thở vào’, vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi sân, tôi sẽ thở ra’; vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi si, tôi sẽ thở vào’, vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi si, tôi sẽ thở ra’; vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi ngã mạn (kiêu hãnh), tôi sẽ thở vào’,... vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi quan điểm [sai lạc], tôi sẽ thở vào’,... vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi nghi hoặc, tôi sẽ thở vào’,... vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi đờ đẫn lười biếng, tôi sẽ thở vào’,... vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi dao động, tôi sẽ thở vào’,... vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi tính không biết hổ thẹn, tôi sẽ thở vào’,... vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi tính không biết ghê sợ tội lỗi, tôi sẽ thở vào’, vị ấy tập như vầy ‘Giải thoát tâm khỏi tính không biết ghê sợ tội lỗi, tôi sẽ thở ra’.
[Nền tảng của Quán Niệm]
469. Qua hơi thở vào và hơi thở ra giải thoát tâm nên có tâm làm thức. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm... «Quán là trí. Tâm làm thức là sự thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy quán tâm làm thức đó». Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán tâm đúng như tâm’.
470. Vị ấy quán:... «lập lại đ 197».
471. Tu tập:... «lập lại đ 198».
[Tập luyện]
472-473. Những hơi thở vào và hơi thở ra giải thoát tâm là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự;... «lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».
[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]
474-475. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra giải thoát tâm, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».
[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]
476-490. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra giải thoát tâm, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng,... «hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... và cứ thế như ở đ 203-215 cho đến hết».
[Kết luận Đoạn Bốn Câu Thứ Ba]
491. Tám loại trí về quán, và tám loại thiết lập (nền tảng) của quán niệm.
Bốn nền tảng từ Kinh đề cập tới sự quán tâm đúng như tâm.
(xiii)
492. (25) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Quán vô thường, tôi sẽ thở vào’; (26) vị ấy tập như vầy: ‘Quán vô thường, tôi sẽ thở ra’?
[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]
493. Vô thường: Vô thường là gì? Năm tập hợp là vô thường.
Vô thường theo nghĩa nào? Vô thường theo nghĩa sanh và diệt.
494. Người thấy sự sanh khởi của năm tập hợp thấy bao nhiêu đặc tính? Người thấy sự diệt tận của năm tập hợp thấy bao nhiêu đặc tính? Người thấy sự sanh diệt của năm tập hợp thấy bao nhiêu đặc tính? [192]
Người thấy sự sanh khởi của năm tập hợp thấy hai mươi lăm đặc tính. Người thấy sự diệt tận của năm tập hợp thấy hai mươi lăm đặc tính. Người thấy sự sanh diệt của năm tập hợp thấy năm mươi đặc tính.[29]
495. Vị ấy tập như vầy: ‘Quán vô thường trong vật thể, tôi sẽ thở vào’; vị ấy tập như vầy: ‘Quán vô thường trong vật thể, tôi sẽ thở ra’; vị ấy tập như vầy: ‘Quán vô thường trong cảm nghiệm, tôi sẽ thở vào’;... [và cứ thế với 201 trạng thái còn lại đã liệt kê ở Luận I đ 5 cho đến]... vị ấy tập như vầy: ‘Quán vô thường trong già và chết, tôi sẽ thở ra’.
[Nền tảng của Quán Niệm]
496. Qua những hơi thở vào và hơi thở ra quán tâm nên có các đối tượng của tâm ý. Thiết lập (nền tảng) là quán niệm. Quán là trí. Cácđối tượng của tâm ý là sự thiết lập (nền tảng), nhưng chúng không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy quán các đối tượng của tâm ý đó. Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán các đối tượng của tâm ý đúng như các đối tượng của tâm ý’.
497. Vị ấy quán:... «lập lại đ 197».
498. Tu tập:... «lập lại đ 198».
[Tập luyện]
499-500. Những hơi thở vào và hơi thở ra giải thoát tâm là Tiến Trình Thanh Lọc Giới theo nghĩa chế ngự;... «lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».
[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]
501-504. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra quán vô thường, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên,... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».
[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]
505-517. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra quán vô thường, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng,... «hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết».
(xiv)
518. (27) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Quán hết ham muốn, tôi sẽ thở vào’; (28) vị ấy tập như vầy: ‘Quán hết ham muốn, tôi sẽ thở ra’?
[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]
519. Thấy rõ nguy hiểm trong vật thể, vị ấy có ý muốn làm cho lòng ham muốn vật thể phai nhạt, vị ấy có niềm tin quả quyết và tâm của vị ấy từ đó dứt khoát; vị ấy tập như vầy: ‘Quán hết ham muốn vật thể, tôi sẽ thở vào’; vị ấy tập như vầy: ‘Quán hết ham muốn vật thể, tôi sẽ thở ra’. Thấy rõ nguy hiểm trong cảm nghiệm... [và cứ thế với 201 ý niệm còn lại đã liệt kê ở Luận I đ 5 cho đến]... Thấy rõ nguy hiểm trong già và chết, vị ấy có nỗ lực làm cho lòng ham muốn già và chết phai nhạt, vị ấy có quả quyết trong tín và tâm của vị ấy từ đó dứt khoát; vị ấy tập như vầy: ‘Quán hết ham muốn già và chết, tôi sẽ thở vào’; vị ấy tập như vầy: ‘Quán hết ham muốn già và chết, tôi sẽ thở ra’... vị ấy tập như vầy: ‘Quán vô thường trong già và chết, tôi sẽ thở ra’.
[Nền tảng của Quán Niệm]
520. Qua những hơi thở vào và hơi thở ra quán hết ham muốn có các đối tượng của tâm ý. Thiết lập (nền tảng) này «là quán niệm. Quán là trí. Các đối tượng của tâm ý là sự thiết lập (nền tảng), nhưng chúng không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy quán các đối tượng của tâm ý đó». Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán các đối tượng của tâm ý đúng như các đối tượng của tâm ý’.
[Tập luyện]
521-522. Những hơi thở vào và hơi thở ra quán hết ham muốn là Tiến Trình Thanh Lọc Giới «theo nghĩa chế ngự;... lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».
[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]
523-526. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra quán hết ham muốn, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, ... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».
[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]
527-539. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra quán lòng tham phai nhạt, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng,... «hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết».
(xv)
540. (29) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Quán diệt tận, tôi sẽ thở vào’; (30) vị ấy tập như vầy: ‘Quán diệt tận, tôi sẽ thở ra’?
[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]
541. Thấy rõ nguy hiểm trong vật thể, vị ấy có ý muốn diệt tận vật thể, vị ấy có niềm tin quả quyết và tâm của vị ấy từ đó dứt khoát; vị ấy tập như vầy: ‘Quán diệt tận vật thể, tôi sẽ thở vào’; vị ấy tập như vầy: ‘Quán diệt tận vật thể, tôi sẽ thở ra’. Thấy rõ nguy hiểm trong cảm nghiệm... [và cứ thế với 201 ý niệm còn lại đã liệt kê ở Luận I đ 5 cho đến]... Thấy rõ nguy hiểm trong già và chết, vị ấy có ý muốn diệt tận già và chết, vị ấy có niềm tin quả quyết và tâm của vị ấy từ đó dứt khoát; vị ấy tập như vầy: ‘Quán diệt tận của già và chết, tôi sẽ thở vào’; vị ấy tập như vầy: ‘Quán diệt tận của già và chết, tôi sẽ thở ra’... vị ấy tập như vầy: ‘Quán diệt tận của già và chết, tôi sẽ thở ra’.
542. Có nguy hiểm trong vô minh theo bao nhiêu khía cạnh? Vô minh diệt theo bao nhiêu khía cạnh?
Có nguy hiểm trong vô minh theo năm khía cạnh. Vô minh diệt theo tám khía cạnh.
Có nguy hiểm trong vô minh theo năm khía cạnh nào?
Có nguy hiểm trong vô minh theo nghĩa vô thường; có nguy hiểm trong vô minh theo nghĩa khổ não, theo nghĩa không phải là ngã,... theo nghĩa thiêu đốt (thống khổ),... có nguy hiểm trong vô minh theo nghĩa biến đổi. Có nguy hiểm trong vô minh theo năm khía cạnh này.
Vô minh diệt theo tám khía cạnh nào?
Vô minh diệt với sự diệt tận của nguồn gốc, vô minh diệt với sự diệt tận của nguồn sanh khởi,... với sự diệt tận của sanh,... với sự diệt tận của sanh sản,... với sự diệt tận của nguyên nhân,... với sự diệt tận của điều kiện,... vô minh diệt với sự sanh khởi của trí, vô minh diệt với sự xuất hiện của diệt tận. Vô minh diệt theo tám khía cạnh này.
Sau khi đã thấy rõ nguy hiểm của vô minh theo năm khía cạnh này, vị ấy có ý muốn làm cho vô minh diệt tận, vị ấy có niềm tin quả quyết và tâm của vị ấy từ đó dứt khoát; vị ấy tập như vầy: ‘Quán sự diệt tận của vô minh, tôi sẽ thở vào’; vị ấy tập như vầy: ‘Quán sự diệt tận của vô minh, tôi sẽ thở ra’.
543. Trong hành vi tạo quả, có nguy hiểm theo bao nhiêu khía cạnh? Có bao nhiêu ... [và cứ thế như ở đ 542 cho đến] ... vị ấy tập như vầy: ‘Quán sự diệt tận của hành vi tạo quả, tôi sẽ thở ra’.
544. Có nguy hiểm trong thức theo bao nhiêu khía cạnh?
545. ... nguy hiểm trong tâm thức-vật thể...?
546. ... nguy hiểm trong sáu giác quan...?
547. ... nguy hiểm trong xúc...?
548. ... nguy hiểm trong cảm giác...?
549. ... nguy hiểm trong thèm khát...?
550. ... nguy hiểm trong bám níu...?
551. ... nguy hiểm trong trở thành...?
552. ... nguy hiểm trong sanh...?
553. Có nguy hiểm trong già và chết theo bao nhiêu khía cạnh? Già và chết diệt theo bao nhiêu khía cạnh?
Có nguy hiểm trong già và chết theo năm khía cạnh. Già và chết diệt ... [194]
... ‘Tôi sẽ thở ra quán sự diệt tận của già và chết’
[Nền tảng của Quán Niệm]
554. Qua những hơi thở vào và hơi thở ra quán diệt tận nên có các đối tượng của tâm ý. Thiết lập (nền tảng) này «là quán niệm. Quán là trí. Các đối tượng của tâm ý là sự thiết lập (nền tảng), nhưng chúng không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy quán các đối tượng của tâm ý đó». Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán các đối tượng của tâm ý đúng như các đối tượng của tâm ý’.
[Tập luyện]
555-556. Những hơi thở vào và hơi thở ra quán diệt tận là Tiến Trình Thanh Lọc Giới «theo nghĩa chế ngự; ... lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».
[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]
557-560. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra quán diệt tận qua, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, ... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».
[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]
561-573. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra quán diệt tận, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng,... «hiểu rõ lãnh vực của chúng, thấu rõ được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết».
(xvi)
574. (31) Như thế nào là vị ấy tập như vầy: ‘Quán buông bỏ, tôi sẽ thở vào; (32) vị ấy tập như vầy: ‘Quán buông bỏ, tôi sẽ thở ra’?
[Phân Tích Đề Mục Quán Tưởng]
575. Buông bỏ: có hai loại buông bỏ: buông bỏ là dứt bỏ và buông bỏ là sự đi vào (lao vào).
576. Dứt bỏ vật thể, như thế buông bỏ là dứt bỏ; tâm đi vào (lao vào) sự diệt tận của vật thể, nibbana, như thế buông bỏ kể như là sự đi vào (lao vào); vị ấy tập như vầy: ‘Quán buông bỏ vật thể, tôi sẽ thở vào’, vị ấy tập như vầy: ‘Quán buông bỏ vật thể, tôi sẽ thở ra’. Dứt bỏ cảm nghiệm, ... [và cứ thế với 201 ý niệm còn lại đã liệt kê ở Luận thuyết I đ 5 cho đến]... ‘Quán buông bỏ già và chết, tôi sẽ thở ra’.
[Nền tảng của Quán Niệm]
577. Qua những hơi thở vào và hơi thở ra quán buông bỏ các đối tượng của tâm ý. Thiết lập (nền tảng) này «là quán niệm. Quán là trí. Các đối tượng của tâm ý là sự thiết lập (nền tảng), nhưng chúng không phải là quán niệm. Quán niệm vừa là thiết lập (nền tảng) vừa là quán niệm. Nhờ vào quán niệm đó và nhờ vào trí đó, vị ấy quán các đối tượng của tâm ý đó». Đó là lý do tại sao nói ‘Tu tập nền tảng (thiết lập) quán niệm dưới hình thức quán các đối tượng của tâm ý đúng như các đối tượng của tâm ý’.
[Tập luyện]
578-579. Những hơi thở vào và hơi thở ra quán buông bỏ là Tiến Trình Thanh Lọc Giới «theo nghĩa chế ngự; ... lập lại những đoạn còn lại của đđ 246-247 cho đến hết».
[Bài tập Quán Niệm và Hiểu Biết Thấu Đáo Tường Tận]
580-583. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra quán buông bỏ, các cảm nghiệm của vị ấy được nhận biết rõ khi chúng khởi lên, ... «và cứ thế như ở đđ 199-202 cho đến hết».
[Tổng hợp các Năng Lực Gây Ảnh Hưởng...]
584-596. Khi vị ấy biết chắc sự nhất tâm và không phân tán qua hơi thở vào và hơi thở ra quán buông bỏ, vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng,... «hiểu rõ lãnh vực của chúng, thể nhập được ý nghĩa của nhất như; vị ấy tổng hợp các lực... và cứ thế như ở đđ 203-215 cho đến hết».
[Kết luận Đoạn Bốn Câu Thứ Tư]
597. Tám loại trí về quán, và tám loại thiết lập (nền tảng) của quán niệm.
Bốn nền tảng từ Kinh đề cập tới sự quán đối tượng của tâm ý đúng như đối tượng của tâm ý.
Đây là ba mươi hai loại trí trong những người làm việc có quán niệm.
(v)
598. Hai mươi bốn loại trí nhờ định là gì?
599. Sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở vào dài là định. Sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở ra dài là định... [và cứ thế với tất cả hai mươi bốn hình thái ở ba đoạn bốn câu đầu cho đến]... Sự nhất tâm và không phân tán qua những hơi thở dài giải thoát tâm là định. Đây là hai mươi bốn loại trí nhờ định.
(vi)
600. Bảy mươi hai loại trí nhờ tuệ quán thực tánh là gì [195]?
601. Vì hơi thở vào dài [30]có tuệ quán thực tánh theo nghĩa quán vô thường, có tuệ quán thực tánh theo nghĩa quán khổ đau, có tuệ quán thực tánh theo nghĩa quán không phải là ngã. Vì hơi thở ra dài... [và cứ thế với tất cả hai mươi bốn hình thái ở ba đoạn bốn câu đầu cho đến]... Vì hơi thở ra dài giải thoát tâm có tuệ quán thực tánh theo nghĩa quán vô thường, có tuệ quán thực tánh theo nghĩa quán khổ đau, có tuệ quán thực tánh theo nghĩa quán không phải là ngã.
Đây là bẩy mươi hai loại trí nhờ tuệ quán thực tánh.
(vii)
602. Tám loại trí về nhàm chán là gì?
603. Khi quán vô thường, hành giả biết và thấy hơi thở vào đúng như thực, như vậy là có trí về nhàm chán. Khi quán vô thường, hành giả biết và thấy hơi thở ra đúng như thực,... khi quán hết ham muốn, hành giả biết và thấy hơi thở vào... hơi thở ra đúng như thực,... khi quán đoạn diệt, hành giả biết và thấy hơi thở vào... hơi thở ra đúng như thực,... Khi quán buông bỏ, hành giả biết và thấy hơi thở vào đúng như thực, như vậy là có trí về nhàm chán. Khi quán buông bỏ, hành giả biết và thấy hơi thở ra đúng như thực, như vậy là có trí về nhàm chán.
Đây là tám loại trí về nhàm chán.
(viii)
604. Tám loại trí tương thuận với nhàm chán là gì?
605. Tuệ về biểu hiện hãi hùng do hơi thở vào trong người đang quán vô thường là trí tương thuận với nhàm chán. Tuệ về biểu hiện hãi hùng do hơi thở ra trong người đang quán vô thường là trí tương thuận với nhàm chán. Tuệ về biểu hiện hãi hùng do hơi thở vào trong người đang quán hết ham muốn... [và cứ thế với tám hình thái còn lại của đoạn bốn câu thứ tư cho đến]... Tuệ về biểu hiện hãi hùng do hơi thở ra trong người đang quán buông bỏ là trí tương thuận với nhàm chán.
Đây là tám loại trí tương thuận với nhàm chán.
(ix)
606. Tám loại trí như là làm lắng dịu nhàm chán là gì?
607. Tuệ tư duy và điềm tĩnh do hơi thở vào trong người quán vô thường là trí như là sự lắng dịu nhàm chán. Tuệ... [và cứ thế với tám hình thái còn lại của đoạn bốn câu thứ tư cho đến]... Tuệ tư duy và thản nhiên do hơi thở ra trong người quán vô thường là trí như là sự lắng dịu nhàm chán.
Đây là tám loại trí như là làm lắng dịu nhàm chán.
(x)
608. Hai mươi mốt loại trí về hạnh phúc toàn hảo của giải thoát *là gì?(cf. I 355ff.)
*vimuttisukha:hạnh phúc toàn hảo của giải thoát
609. Với đạo lộ nhập giòng, trí về hạnh phúc toàn hảo của giải thoát khởi lên do sự từ bỏ và cắt đứt:
1) quan điểm [sai lạc] cho có bản ngã,
2) hoài nghi,
3) hiểu sai về giới và nghi lễ,
4) khuynh hướng về quan điểm [sai lạc] ngủ ngầm,
5) khuynh hướng về hoài nghi ngủ ngầm.
610. Với đạo lộ trở lại một lần, trí về hạnh phúc toàn hảo của giải thoát khởi lên do sự từ bỏ và cắt đứt:
6) kết buộc thô lậu về thèm muốn khoái lạc giác quan,
7) kết buộc thô lậu về chống đối,
8) khuynh hướng ngủ ngầm của kết buộc thô lậu về thèm muốn khoái lạc giác quan,
9) khuynh hướng ngủ ngầm của kết buộc thô lậu về chống đối. [196]
611. Với đạo lộ không trở lại, trí về hạnh phúc toàn hảo của giải thoát khởi lên do sự từ bỏ và cắt đứt:
10) tàn dư của kết buộc về thèm muốn khoái lạc giác quan,
11) tàn dư của kết buộc về chống đối,
12) khuynh hướng ngủ ngầm của tàn dư của kết buộc về thèm muốn khoái lạc giác quan,
13) khuynh hướng ngủ ngầm của tàn dư của kết buộc về chống đối.
612. Với đạo lộ Arahant, trí về hạnh phúc toàn hảo của giải thoát khởi lên do sự từ bỏ và cắt đứt:
14) ham muốn hiện hữu cõi sắc giới,
15) ham muốn hiện hữu cõi vô sắc giới,
16) ngã mạn (tự hào),
17) dao động,
18) vô minh,
19) khuynh hướng ngã mạn (tự hào) ngủ ngầm,
20) khuynh hướng ham muốn hiện hữu ngủ ngầm,
21) khuynh hướng vô minh ngủ ngầm.
Đây là hai mươi mốt loại trí về hạnh phúc toàn hảo của giải thoát.
Đây là trên hai trăm loại trí khởi lên trong người tu tập định nhờ quán niệm hơi thở với mười sáu nền tảng.
CHẤM DỨT LUẬN THUYẾT VỀ QUÁN HƠI THỞ.
[1]Ānāpānasati - quán hơi thở (= Āna + apāna + sati) : Ānaṁ là hơi thở đi vào; apānaṁ là hơi thở ra. Tuy nhiên có người nói ngược lại (PsA 320 Se).
[2]Bản của PTS, quyển 1, trang 164, I. 2, viết là: khaṇikasamodhānā ime aṭṭhārasa upakkilesā uppajjanti ‘Khi bất toàn khởi lên, chúng liên tiếp khởi lên như thế trong từng khoảnh khắc, theo thứ tự chớp nhoáng, chứ không trong một tâm sát na (PsA 321 Se)
[3]Với hơi thở vào, chặng đầu là đầu mũi hay môi trên, chặng giữa là quả tim, và chặng cuối là rốn (PsA 322 Se). Với hơi thở ra thì kể ngược lại.
[4]Sau khi kết luận rằng ‘Đề mục thiền quán này phụ thuộc vào luồng hơi thở qua cánh mũi’, thì ao ước dưới hình thức mong ngóng những hơi thở thô tiếp tục đi vào là biểu hiện của khao khát làm ngăn trở định vì thiếu sự ổn định của nhất tâm... Người thở hơi vào quá dài hay quá ngắn có thể cảm thấy khó chịu vì mệt mỏi thân tâm do hơi thở ấy tạo ra (PsA 322 Se).
[5]Dấu hiệu là nơi hơi thở vào và hơi thở ra chạm phải. Vì hơi thở vào và ra đánh vào đầu mũi người có mũi dài và môi trên người có mũi ngắn’ (PsA 323 Se).
[6]Đây là ‘Tâm theo dõi hơi thở ra hơi thở vào đã đi quá nơi xúc chạm và đã đi mất từ chỗ ấy’. Câu kế là ‘Tâm mong đợi và đón chờ hơi thở vào chưa tới nơi xúc chạm’ (PsA 323 Se)
[7]PTS quyển I, trang 167, 1. 20 đọc là paṭipadāvisuddhipakkhantaṁ. Toàn đoạn văn này được bàn ở chương IV , Con Đường Thanh Lọc (trang 148-9).
[8]‘Dấu hiệu buộc quán niệm’ là đỉnh mũi hay môi trên là nguyên nhân và là dấu hiệu để buộc quán niệm’ (PsA 328 Se)
[9]Toàn bài kệ ở Thag 549; hai câu cuối ở Dh 382. đ 182 lấy candimā (trăng tròn) với nghĩa candi-mant (người làm chủ trăng) như satimā.
[10]Đọc ānan ti assāso no passāso, apānan ti passāso no assāso. Assāsavasena và cứ thế không có đoạn văn mới sau chữassāso.
[11]Lối chơi chữ ở samaṁ (nhất thể) liên kết với chữ sammati (quá khứ phân từ là santo an tịnh) và cũng cách dùng chữ như thế ở đây với tiếp đầu ngữ saṁ (= hợp lại) xảy ra nhiều lần trong tác phẩm này. Xem chữ ‘nhất thể’ ở phần danh từ Việt Pāḷi ở cuối sách.
[12]Anācariyako pubbe ananussutesu dhammesu.
[13]Visavitāya: không có trong tự điển của PTS: Đọc Luận Thuyết XXII đ. 5 (Ps ii 205, PsA 655 ấn bản của PTS); Cf. DhsA 109, DhsAA 65 ấn bản của Vidyodaya: ‘Visavitāyā ti arahatāya’.
[14]‘Có nghĩa duy trì ’ theo nghĩa được giữ vững. Cái gì được giữ vững? Lối thoát. Định, khi dựa trên niệm hơi thở, tự nó là lối thoát, dẫn thẳng tới đạo lộ arahant. Như vậy mới nói ‘có nghĩa lối thoát’. Nghĩa của ‘lối thoát khỏi sanh tử luân hồi’ được diễn tả bằng nghĩa của mukha (miệng) ở phía trước. ‘Có ý nghĩa thiết lập’ theo nghĩa tự tánh. Nghĩa của đoạn này là: Sau khi đã làm cho niệm thành lối thoát được giữ vững. Nhưng có người nói ‘có nghĩa duy trì’ tượng trưng cho ‘duy trì là ý nghĩa của quán niệm’; và ‘có nghĩa của lối thoát’ tượng trưng cho ‘cửa vào và ra là nghĩa của hơi thở vào và hơi thở ra’. Vậy thì điều được ngụ ý chính là: Sau khi đã thiết lập quán niệm thành lối thoát được giữ vững của hơi thở vào và hơi thở ra’ (PsA 350-1).
[15]Có thể thấy sự khác biệt giữa văn phong của Bhadantācariya Dhammapāla và của Bhadantācariya Mahānāma qua lời bình giải của hai vị về cùng đoạn văn này. Luận bình của ngàiDhammapāla về đoạn này được trích dẫn trong Visuddhimagga Chương VIII (trang 273), còn của ngài Mahānāma tìm thấy trong chú giải của Paṭisambhidā. Về câu ‘tâm của vị ấy quay đi’, vị sau nói: Assāsapassāse nissāya paṭibhāganimitte uppajjante pakati-assāsapassāsato cittaṁ nivattati (Khi biểu tượng tương tự (tợ tướng) dựa trên hơi thở vào và hơi thở ra khởi lên, tâm quay đi khỏi những hơi thở vào và hơi thở ra ấy)- PsA 351 Se), nhưng vị trước nói: ‘Anukkamena assāsapassāsānaṁ ativiya sukhumatarabhāvappattiyā anupaṭṭhahane vicetabbākārappatteheti tehi cittaṁ vinivaṭṭati. Keci ‘Bhāvanābalena pana sukhumatarabhāvappatesu assāsa passāsesu tattha paṭibhāganimitte uppanne pakatiassāsapassāsato cittaṁ nivattatī’ ti’ (Vào lúc không có biểu hiện nào của hơi thở vào và hơi thở ra vì đã đạt tới mức rất tinh tế, tâm quay đi khỏi những hơi thở ấy khi đạt sắc thái đặc biệt như thế người ta phải tự hỏi những hơi thở ấy có hiện hữu hay không. Nhưng có người nói rằng khi hơi thở vào và hơi thở ra đã đạt tới trạng thái vi tế hơn dưới ảnh hưởng của sự phát triển thiền định, thì tâm quay đi khỏi những hơi thở vào ra bình thường đó ngay khi biểu tượng tương tự khởi lên ở đấy - VismA 261). Chữ ‘có người - keci ’ trên được dành cho những người phát biểu ý tưởng nghe qua xa lạ, ở đây Paramatthamañjūsā (chú giải của quyển Visuddhimagga) có lẽ muốn nói tới lời giải thích trong Saddhammappakāsinī (chú giải của quyển Paṭisambhidāmagga) bằng chữ ‘keci ’ này.
[16]Hơi thở vào và hơi thở ra được coi như những vi tử li ti* là thân thể theo nghĩa nhóm, và biểu tượng khởi lên nhờ hơi thở vào bình thường và hơi thở ra bình thường cũng được gọi là ‘biểu tượng’. ‘Thiết lập quán niệm’: quán niệm được gọi là ‘thiết lập’ (nền tảng) vì, sau khi đã tiếp nhận đối tượng, quán niệm vẫn ở đấy. ‘Quán là trí ’: có nghĩa quán về thân biểu tượng trong tĩnh lặng và quán thân tâm thức & thân vật thể trong tuệ quán thực tánh là trí. ‘Thân là sự thiết lập (nền tảng)’: thân được gọi là thiết lập (nền tảng) vì quán niệm, sau khi đã tiếp đón nó, vẫn còn ở đó. ‘Nhưng nó không phải là quán niệm’: thân đó không được gọi là ‘quán niệm’ (PsA 351 Se).
*[kalāpa: vi tử li ti] (Pm 259).
[17]‘Quán thân đúng như thân’: thân của nhiều loại, là quán thân đó. Hay, quán một tấm thân nào đó, chứ không phải quán về bất cứ ý tưởng nào khác liên quan đến thân đó; không quán về trường tồn, vui sướng, ngã và cái đẹp trong cái thân vốn vô thường, khổ não, không phải là ngã và bất tịnh, mà quán thân vô thường, khổ não, không phải là ngã và bất tịnh. Hay chỉ giản dị quán thân thôi chứ không quán trong thân đó bất cứ thân nào được giả định là ‘Tôi’, của tôi hay đàn bà, đàn ông (PsA 352, Se). Đọc thêm MA i 241f.
[18]Đọc Luận I đ. 296.
[19]Đọc A ii 45 để thấy sự thích đáng của tiểu mục này.
[20]Do cắt bỏ đi vì trùng lắp, nên sự thay thế chữ xúc bằng chữ nhận thức bị thiếu mất trong bản của PTS.
[21]Bản của PTS vol. I trang 180 1.15 viết: samatthañ ca paṭivijjhati... pe... balāni ca samodhāneti... pe... bojjhaṅge ca samodhāneti... pe... maggañ ca samodhāneti... pe... dhamme, như sẽ thấy ở sau.
[22]Viết là: ārammaṇaṁ. Pajānāti ti puggalo. Pajānanā paññā.
[23]Đọc M i 301.
[24]‘Dấu hiệu là một khía cạnh của những âm thanh đó; và dấu hiệu của âm thanh không là gì ngoài chính âm thanh đó’. (PsA 358 Se).
[25]Đọc Dhs. đ. 9.
[26]Đọc Dhs. đ. 3.
[27]Đọc Dhs đ 6. <Viết là tajjā mano->.
[28]Đọc Dhs. đ 15.
[29]Đọc Luận thuyết I đ. 285f.
[30]Viết là Dīghaṁ assāsā aniccato (?); đọc chú giải (PTS ed. đ. 526) (assāsā ở abl. sing [xuất xứ cách, số ít]).
«Indriyakathā»
Xuất xứ Kinh: ở Sāvatthi
1. [Tập II] ‘Như vầy tôi nghe: Có một dạo Thế Tôn cư trú tại Sāvatthi trong vườn Jeta, công viên của ông Anāthapiṇḍika. Ở đây, Ngài nói với các tỳ kheo như sau: ‘Này các tỳ kheo’. Các tỳ kheo đáp: ‘Kính thưa Thế Tôn’. Thế Tôn nói như thế này:
2. ‘Này các tỳ kheo, có năm năng lực gây ảnh hưởng này. Năm năng lực gây ảnh hưởng nào? Năng lực gây ảnh hưởng của tín, năng lực gây ảnh hưởng của tấn, năng lực gây ảnh hưởng của niệm, năng lực gây ảnh hưởng của định, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ. Đây là năm năng lực gây ảnh hưởng này’. (S v 193)
3. Năm năng lực gây ảnh hưởng này được thanh lọc theo bao nhiêu khía cạnh?
Năm năng lực gây ảnh hưởng này được thanh lọc theo mười lăm khía cạnh.
Khi tỳ kheo tránh những người không có niềm tin, tạo tình đạo hữu, lai vãng và tôn kính những người có niềm tin, và ôn lại kinh điển khích lệ niềm tin, năng lực gây ảnh hưởng của tín được thanh lọc trong vị ấy theo ba khía cạnh này.
Khi tỳ kheo tránh những người lười biếng, tạo tình đạo hữu, lai vãng và tôn kính những người tinh cần, và duyệt lại chánh nỗ lực, năng lực gây ảnh hưởng của tấn được thanh lọc trong vị ấy theo ba khía cạnh này.
Khi tỳ kheo tránh những người hay quên, tạo tình đạo hữu, lai vãng và tôn kính những người có quán niệm, và duyệt lại nền tảng của quán niệm, năng lực gây ảnh hưởng của niệm được thanh lọc trong vị ấy theo ba khía cạnh này.
Khi tỳ kheo tránh những người tâm không định, tạo tình đạo hữu, lai vãng và tôn kính những người tâm định, và duyệt lại các cõi thiền jhānas và các giải thoát, năng lực gây ảnh hưởng của định được thanh lọc trong vị ấy theo ba khía cạnh này.
Khi tỳ kheo tránh những người không có tuệ, tạo tình đạo hữu, lai vãng và tôn kính những người có tuệ, và duyệt lại sự vận hành của trí thâm sâu, [2] năng lực gây ảnh hưởng của tuệ được thanh lọc trong vị ấy theo ba khía cạnh này.
Như thế, khi vị ấy tránh năm loại người này, tạo tình đạo hữu, lai vãng và tôn kính năm loại người này, và duyệt lại năm loại Kinh này, năm loại năng lực gây ảnh hưởng này được thanh lọc trong vị ấy theo mười lăm khía cạnh này.
4. Năm năng lực gây ảnh hưởng này được phát triển theo bao nhiêu khía cạnh? Có sự phát triển năm năng lực gây ảnh hưởng này theo bao nhiêu khía cạnh?
Năm năng lực gây ảnh hưởng này được phát triển theo mười khía cạnh. Có sự phát triển năm năng lực gây ảnh hưởng này theo mười khía cạnh.
Khi vị ấy từ bỏ không tin, vị ấy phát triển năng lực gây ảnh hưởng của tín; khi vị ấy phát triển năng lực gây ảnh hưởng của tín, vị ấy từ bỏ không tin.
Khi vị ấy từ bỏ lười biếng, vị ấy phát triển năng lực gây ảnh hưởng của tấn; khi vị ấy phát triển năng lực gây ảnh hưởng của tấn, vị ấy từ bỏ lười biếng.
Khi vị ấy từ bỏ sao lãng, vị ấy phát triển năng lực gây ảnh hưởng của niệm; khi vị ấy phát triển năng lực gây ảnh hưởng của niệm, vị ấy từ bỏ sao lãng.
Khi vị ấy từ bỏ dao động, vị ấy phát triển năng lực gây ảnh hưởng của định; khi vị ấy phát triển năng lực gây ảnh hưởng của định, vị ấy từ bỏ dao động.
Khi vị ấy từ bỏ vô minh, vị ấy phát triển năng lực gây ảnh hưởng của tuệ; khi vị ấy phát triển năng lực gây ảnh hưởng của tuệ, vị ấy từ bỏ vô minh.
Năm năng lực gây ảnh hưởng ấy được phát triển theo mười khía cạnh này. Có sự phát triển năm năng lực gây ảnh hưởng ấy theo mười khía cạnh này.
5. Năm năng lực gây ảnh hưởng này đã được phát triển, hoàn toàn phát triển theo bao nhiêu khía cạnh?
Năm năng lực gây ảnh hưởng này đã được phát triển, hoàn toàn phát triển theo mười khía cạnh.
Bởi vì không tin đã bị từ bỏ, bị từ bỏ hoàn toàn, năng lực gây ảnh hưởng của tín đã được phát triển, hoàn toàn phát triển; bởi vì năng lực gây ảnh hưởng của tín [1]đã được phát triển, hoàn toàn phát triển, không tin đã bị từ bỏ, bị từ bỏ hoàn toàn.
Bởi vì lười biếng...
Bởi vì sao lãng...
Bởi vì dao động...
Bởi vì vô minh đã bị từ bỏ, bị từ bỏ hoàn toàn, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ đã được phát triển, hoàn toàn phát triển; bởi vì năng lực gây ảnh hưởng của tuệ đã được phát triển, hoàn toàn phát triển, vô minh đã bị từ bỏ, bị từ bỏ hoàn toàn.
Năm năng lực gây ảnh hưởng này đã được phát triển, hoàn toàn phát triển theo mười khía cạnh.
6. Năm năng lực gây ảnh hưởng này được phát triển theo bao nhiêu khía cạnh? Năm năng lực gây ảnh hưởng này đã được phát triển, hoàn toàn phát triển cũng như được lắng dịu, hoàn toàn được lắng dịu theo bao nhiêu khía cạnh? [3]
Ở khoảnh khắc đạo lộ nhập giòng, năm năng lực gây ảnh hưởng này được phát triển, ở khoảnh khắc quả vị nhập giòng, năm năng lực gây ảnh hưởng này đã được phát triển, hoàn toàn phát triển cũng như được lắng dịu, hoàn toàn được lắng dịu.
Ở khoảnh khắc đạo lộ trở lại một lần...
Ở khoảnh khắc đạo lộ không trở lại...
Ở khoảnh khắc đạo lộ arahant năm năng lực gây ảnh hưởng này được phát triển, ở khoảnh khắc quả vị arahant, năm năng lực gây ảnh hưởng này đã được phát triển, hoàn toàn phát triển cũng như được lắng dịu, hoàn toàn được lắng dịu.
Như thế, có bốn tiến trình thanh lọc trong các đạo lộ, có bốn tiến trình thanh lọc trong các quả vị, có bốn tiến trình thanh lọc trong sự cắt đứt, có bốn tiến trình thanh lọc trong sự lắng dịu hóa. Năm năng lực gây ảnh hưởng ấy được phát triển theo bốn khía cạnh này. Năm năng lực gây ảnh hưởng ấy đã được phát triển, hoàn toàn phát triển cũng như được lắng dịu, hoàn toàn được lắng dịu theo bốn khía cạnh này.
7. Có sự phát triển các năng lực gây ảnh hưởng này trong bao nhiêu loại người? Các năng lực gây ảnh hưởng này đã được phát triển trong bao nhiêu loại người?
Có sự phát triển các năng lực gây ảnh hưởng trong tám loại người.
Các năng lực gây ảnh hưởng ấy đã được phát triển trong ba loại người.
Có sự phát triển các năng lực gây ảnh hưởng trong tám loại người nào? Trong bẩy bậc hữu học và người thế tục rộng lượng. Có sự phát triển các năng lực gây ảnh hưởng trong tám loại người này.
Các năng lực gây ảnh hưởng ấy đã được phát triển trong ba loại người nào? Đệ tử của bậc Toàn Giác (người lắng nghe, Thanh Văn) không còn phiền não, được giác ngộ nhờ học hỏi, các năng lực gây ảnh hưởng này đã được phát triển trong ngài. Bậc (Độc Giác Phật) đã chứng ngộ không tuyên bố cho ai biết theo nghĩa tự giác ngộ (không do ai khác chỉ dạy), các năng lực gây ảnh hưởng này đã được phát triển trong ngài. Như Lai, người đã thành tựu, giác ngộ toàn triệt, theo nghĩa ngài là bậc không đo thấu được,*các năng lực gây ảnh hưởng này đã được phát triển trong ngài. Trong ba loại người ấy, các năng lực gây ảnh hưởng này đã được phát triển.
*appameyyaṭṭhena tathāgata arahaṁ sammāsambuddho: Như Lai, người đã thành tựu (Arahaṁ: Ứng cúng), giác ngộ toàn triệt (sammāsambuddho), theo nghĩa ngài là bậc không đo thấu được.
Có sự phát triển các năng lực gây ảnh hưởng trong tám loại người này. Các năng lực gây ảnh hưởng đó đã được phát triển trong ba loại người này.
Xuất xứ kinh Sāvatthi <kết thúc>
8. ‘Này các tỳ kheo, có năm năng lực gây ảnh hưởng này. Năm năng lực gây ảnh hưởng nào? Năng lực gây ảnh hưởng của tín, năng lực gây ảnh hưởng của tấn, năng lực gây ảnh hưởng của niệm, năng lực gây ảnh hưởng của định, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ. [4]
‘Này các tỳ kheo, nếu có bất cứ sa môn hay brahmans nào không hiểu được nguồn sanh khởi, sự hủy diệt, sự ngọt ngào, sự nguy hiểm và sự thoát ly của năm năng lực gây ảnh hưởng này, những sa môn hay brahmans đó không thể được coi là sa môn trong số các sa môn, không thể được coi là brahmans trong số các brahmans, những bậc thiện nhân đó không, nhờ tự thực chứng qua trí trực chứng ở ngay đây và ngay bây giờ, nhập vào và trú trong cứu cánh đời sa môn hay cứu cánh đời brahmans. Về năm năng lực gây ảnh hưởng này, nhưng nếu có bất cứ sa môn hay brahmans nào hiểu được nguồn sanh khởi, sự hủy diệt, sự ngọt ngào, nguy hiểm và sự thoát ly, những sa môn hay brahmans đó có thể được coi là sa môn trong số các sa môn, có thể được coi là brahmans trong số các brahmans, những bậc thiện nhân đó, nhờ tự thực chứng qua trí trực chứng ở ngay đây và ngay bây giờ, nhập vào và trú trong cứu cánh đời sa môn hay cứu cánh đời brahmans. (S v 194)
9. Có nguồn sanh khởi của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bao nhiêu khía cạnh? Vị tỳ kheo hiểu nguồn sanh khởi của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bao nhiêu khía cạnh? Có sự hủy diệt của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bao nhiêu khía cạnh? Vị tỳ kheo hiểu sự hủy diệt của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bao nhiêu khía cạnh? Có sự ngọt ngào của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bao nhiêu khía cạnh? Vị tỳ kheo hiểu sự ngọt ngào của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bao nhiêu khía cạnh? Có sự nguy hiểm của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bao nhiêu khía cạnh? Vị tỳ kheo hiểu sự nguy hiểm của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bao nhiêu khía cạnh? Có sự thoát ly của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bao nhiêu khía cạnh? Vị tỳ kheo hiểu sự thoát ly của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bao nhiêu khía cạnh?
Có nguồn sanh khởi của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bốn mươi khía cạnh. Vị tỳ kheo hiểu nguồn sanh khởi của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bốn mươi khía cạnh. Có sự hủy diệt của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bốn mươi khía cạnh. Vị tỳ kheo hiểu sự hủy diệt của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bốn mươi khía cạnh. Có sự ngọt ngào của năm năng lực gây ảnh hưởng theo hai mươi lăm khía cạnh. Vị tỳ kheo hiểu sự ngọt ngào của năm năng lực gây ảnh hưởng theo hai mươi lăm khía cạnh. Có sự nguy hiểm của năm năng lực gây ảnh hưởng theo hai mươi lăm khía cạnh. Vị tỳ kheo hiểu sự nguy hiểm của năm năng lực gây ảnh hưởng theo hai mươi lăm khía cạnh. [5] Có sự thoát ly của năm năng lực gây ảnh hưởng theo tám mươi khía cạnh. Vị tỳ kheo hiểu sự thoát ly của năm năng lực gây ảnh hưởng theo tám mươi khía cạnh.
10. Có nguồn sanh khởi của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bốn mươi khía cạnh nào? Vị tỳ kheo hiểu nguồn sanh khởi của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bốn mươi khía cạnh nào?
Nguồn sanh khởi của hướng sự chú ý [của tâm] với mục đích cả quyết là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tín. Nguồn sanh khởi của tinh tấn nhờ ảnh hưởng của cả quyết là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tín. Nguồn sanh khởi của chú tâm suy xét nhờ ảnh hưởng của cả quyết là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tín. Sự thiết lập nhất tâm qua ảnh hưởng của năng lực gây ảnh hưởng của tín là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tín ấy.
Nguồn sanh khởi của hướng sự chú ý với mục đích nỗ lực là nguồn sanh khởi năng lực gây ảnh hưởng của tấn. Nguồn sanh khởi của tinh tấn nhờ ảnh hưởng của nỗ lực là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tấn. Nguồn sanh khởi của chú tâm suy xét nhờ ảnh hưởng của nỗ lực là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tấn. Sự thiết lập nhất tâm qua ảnh hưởng của năng lực gây ảnh hưởng của tấn là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tấn ấy.
Nguồn sanh khởi của hướng sự chú ý với mục đích thiết lập là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của niệm. Nguồn sanh khởi của tinh tấn nhờ ảnh hưởng của thiết lập là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của niệm. Nguồn sanh khởi của chú tâm suy xét nhờ ảnh hưởng của thiết lập là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của niệm. Sự thiết lập nhất tâm qua ảnh hưởng của năng lực gây ảnh hưởng của niệm là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của niệm ấy.
Nguồn sanh khởi của hướng sự chú ý với mục đích không phân tâm là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của định. Nguồn sanh khởi của tinh tấn nhờ ảnh hưởng của không phân tâm là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của định. Nguồn sanh khởi của chú tâm suy xét nhờ ảnh hưởng của không phân tâm là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của định. Sự thiết lập nhất tâm qua ảnh hưởng của năng lực gây ảnh hưởng của định là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của định ấy.
Nguồn sanh khởi của hướng sự chú ý với mục đích thấy rõ là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ. Nguồn sanh khởi của tinh tấn nhờ ảnh hưởng của thấy rõ là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ. Nguồn sanh khởi của chú tâm suy xét nhờ ảnh hưởng của thấy rõ là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ. Sự thiết lập nhất tâm qua ảnh hưởng của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ ấy.
Nguồn sanh khởi của hướng sự chú ý [của tâm] với mục đích cả quyết là nguồn sanh khởi năng lực gây ảnh hưởng của tín. Nguồn sanh khởi của hướng sự chú ý với mục đích nỗ lực là nguồn sanh khởi năng lực gây ảnh hưởng của tấn. Sự sanh khởi của hướng sự chú ý với mục đích thiết lập [6] là nguồn sanh khởi năng lực gây ảnh hưởng của niệm. Nguồn sanh khởi của hướng sự chú ý với mục đích không phân tâm là nguồn sanh khởi năng lực gây ảnh hưởng của định. Nguồn sanh khởi của hướng sự chú ý với mục đích thấy rõ là nguồn sanh khởi năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
Nguồn sanh khởi của tinh tấn nhờ ảnh hưởng của cả quyết là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tín. Nguồn sanh khởi của tinh tấn nhờ ảnh hưởng của nỗ lực là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tấn. Nguồn sanh khởi của tinh tấn nhờ ảnh hưởng của thiết lập là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của niệm. Nguồn sanh khởi của tinh tấn nhờ ảnh hưởng của không tán loạn là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của định. Nguồn sanh khởi của tinh tấn nhờ ảnh hưởng của thấy rõ là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
Nguồn sanh khởi của chú tâm suy xét nhờ ảnh hưởng của cả quyết là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tín. Nguồn sanh khởi của chú tâm suy xét nhờ ảnh hưởng của nỗ lực là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tấn. Nguồn sanh khởi của chú tâm suy xét nhờ ảnh hưởng của thiết lập là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của niệm. Nguồn sanh khởi của chú tâm suy xét nhờ ảnh hưởng của không tán loạn là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của định. Nguồn sanh khởi của chú tâm suy xét nhờ ảnh hưởng của thấy rõ là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
Sự thiết lập nhất tâm qua ảnh hưởng của năng lực gây ảnh hưởng của tín là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tín ấy. Sự thiết lập nhất tâm qua ảnh hưởng của năng lực gây ảnh hưởng của tấn là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tấn ấy. Sự thiết lập nhất tâm qua ảnh hưởng của năng lực gây ảnh hưởng của niệm là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của niệm ấy. Sự thiết lập nhất tâm qua ảnh hưởng của năng lực gây ảnh hưởng của định là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của định ấy. Sự thiết lập nhất tâm qua ảnh hưởng của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ là nguồn sanh khởi của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ ấy.
Có nguồn sanh khởi của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bốn mươi khía cạnh này. Vị tỳ kheo hiểu nguồn sanh khởi của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bốn mươi khía cạnh này.
11. Có sự hủy diệt của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bốn mươi khía cạnh nào? Vị tỳ kheo hiểu sự hủy diệt của năm năng lực gây ảnh hưởng theo bốn mươi khía cạnh nào?
Sự hủy diệt của hướng sự chú ý có mục đích cả quyết là sự hủy diệt năng lực gây ảnh hưởng của tín. Sự hủy diệt của tinh tấn nhờ ảnh hưởng của cả quyết là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của tín. Sự hủy diệt của chú tâm suy xét nhờ ảnh hưởng của cả quyết là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của tín. Không thiết lập nhất tâm qua ảnh hưởng của năng lực gây ảnh hưởng của tín là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của tín ấy.
Sự hủy diệt của hướng sự chú ý với mục đích nỗ lực [7] là hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của tấn. Sự hủy diệt của tinh tấn...
Sự hủy diệt của hướng sự chú ý với mục đích thiết lập là hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của niệm. Sự hủy diệt của tinh tấn...
Sự hủy diệt của hướng sự chú ý với mục đích không phân tâm là hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của định. Sự hủy diệt của tinh tấn...
Sự hủy diệt của hướng sự chú ý với mục đích thấy rõ là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ. Sự hủy diệt của tinh tấn nhờ ảnh hưởng của thấy rõ là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ. Sự hủy diệt của chú tâm suy xét nhờ ảnh hưởng của thấy rõ là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ. Không thiết lập nhất tâm nhờ ảnh hưởng của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ ấy.
Sự hủy diệt của hướng sự chú ý với mục đích cả quyết là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của tín. Sự hủy diệt của hướng sự chú ý với mục đích nỗ lực là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của tấn. Sự hủy diệt của hướng sự chú ý với mục đích thiết lập là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của niệm. Sự hủy diệt của hướng sự chú ý với mục đích không tán loạn là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của định. Sự hủy diệt của hướng sự chú ý với mục đích thấy rõ là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
Sự hủy diệt của tinh tấn nhờ ảnh hưởng của cả quyết là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của tín. Sự hủy diệt của tinh tấn nhờ ảnh hưởng của nỗ lực...
Sự hủy diệt của chú tâm suy xét nhờ ảnh hưởng của cả quyết là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của tín. Sự hủy diệt của chú tâm suy xét... [8]
Không thiết lập nhất tâm qua ảnh hưởng của năng lực gây ảnh hưởng của tín là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của tín ấy. Không thiết lập nhất tâm qua ảnh hưởng của năng lực gây ảnh hưởng của tấn là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của tấn ấy. Không thiết lập nhất tâm qua ảnh hưởng của năng lực gây ảnh hưởng của niệm là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của niệm ấy. Không thiết lập nhất tâm qua ảnh hưởng của năng lực gây ảnh hưởng của định là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của định ấy. Không thiết lập nhất tâm qua ảnh hưởng của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ là sự hủy diệt của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ ấy.
Có sự hủy diệt của năm năng lực gây ảnh hưởng ấy theo bốn mươi khía cạnh này. Vị tỳ kheo hiểu sự hủy diệt của năm năng lực gây ảnh hưởng ấy theo bốn mươi khía cạnh này.
12. Có sự ngọt ngào của năm năng lực gây ảnh hưởng theo hai mươi lăm khía cạnh nào? Vị tỳ kheo hiểu sự ngọt ngào của năm năng lực gây ảnh hưởng theo hai mươi lăm khía cạnh nào?
Không có sự xuất hiện của bất tín là sự ngọt ngào của năng lực gây ảnh hưởng của tín. Không có sự ám ảnh của bất tín là sự ngọt ngào của năng lực gây ảnh hưởng của tín. Hoàn toàn tự tin trong hành xử của cả quyết là sự ngọt ngào của năng lực gây ảnh hưởng của tín. Thành đạt an trú là sự ngọt ngào của năng lực gây ảnh hưởng của tín. Lạc và hỉ khởi lên phụ thuộc vào năng lực gây ảnh hưởng của tín là sự ngọt ngào của năng lực gây ảnh hưởng của tín.
Không có sự xuất hiện của lười biếng là sự ngọt ngào của năng lực gây ảnh hưởng của tấn. Không có sự ám ảnh của lười biếng là... Hoàn toàn tự tin trong hành xử của nỗ lực là... Thành đạt an trú là... Lạc và hỉ khởi lên phụ thuộc vào năng lực gây ảnh hưởng của tấn là sự ngọt ngào của năng lực gây ảnh hưởng của tấn.
Không có sự xuất hiện của sao lãng là sự ngọt ngào của năng lực gây ảnh hưởng của niệm. Không có sự ám ảnh của sao lãng là... Hoàn toàn tự tin trong hành xử của thiết lập là... Thành đạt an trú là... [9] Lạc và hỉ khởi lên phụ thuộc vào năng lực gây ảnh hưởng của niệm là sự ngọt ngào của năng lực gây ảnh hưởng của niệm.
Không có sự xuất hiện của dao động là sự ngọt ngào của năng lực gây ảnh hưởng của định. Không có sự ám ảnh của dao động là... Hoàn toàn tự tin trong hành xử của không tán loạn là... Thành đạt an trú là... Lạc và hỉ khởi lên phụ thuộc vào năng lực gây ảnh hưởng của định là sự ngọt ngào của năng lực gây ảnh hưởng của định.
Không có sự xuất hiện của vô minh là sự ngọt ngào của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ. Không có sự ám ảnh của vô minh là... Hoàn toàn tự tin trong hành xử của thấy rõ là... Thành đạt an trú là... Lạc và hỉ khởi lên phụ thuộc vào năng lực gây ảnh hưởng của tuệ là sự ngọt ngào của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
Có sự ngọt ngào của năm năng lực gây ảnh hưởng theo hai mươi lăm khía cạnh này. Vị tỳ kheo hiểu sự ngọt ngào của năm năng lực gây ảnh hưởng theo hai mươi lăm khía cạnh này.
13. Có sự nguy hiểm của năm năng lực gây ảnh hưởng theo hai mươi lăm khía cạnh nào? Vị tỳ kheo hiểu sự nguy hiểm của năm năng lực gây ảnh hưởng theo hai mươi lăm khía cạnh nào?
Sự xuất hiện của bất tín là sự nguy hiểm của năng lực gây ảnh hưởng của tín. Ám ảnh của bất tín xuất hiện là sự nguy hiểm của năng lực gây ảnh hưởng của tín. Có nguy hiểm của năng lực gây ảnh hưởng của tín theo nghĩa vô thường. Có nguy hiểm của năng lực gây ảnh hưởng của tín theo nghĩa khổ não. Có nguy hiểm của năng lực gây ảnh hưởng của tín theo nghĩa không phải là ngã.
Sự xuất hiện của lười biếng là sự nguy hiểm của năng lực gây ảnh hưởng của tấn. Ám ảnh của lười biếng xuất hiện là nguy hiểm của năng lực gây ảnh hưởng của tấn. Có nguy hiểm của năng lực gây ảnh hưởng của tín theo nghĩa vô thường... khổ não... không phải là ngã.
Sự xuất hiện của sao lãng là sự nguy hiểm của năng lực gây ảnh hưởng của niệm. Ám ảnh của sao lãng xuất hiện là sự nguy hiểm của năng lực gây ảnh hưởng của niệm. Có nguy hiểm của năng lực gây ảnh hưởng của niệm theo nghĩa vô thường... khổ não... không phải là ngã.
Sự xuất hiện của dao động là sự nguy hiểm của năng lực gây ảnh hưởng của định. Ám ảnh của dao động xuất hiện là nguy hiểm của [10] năng lực gây ảnh hưởng của định. Có nguy hiểm của năng lực gây ảnh hưởng của định theo nghĩa vô thường... khổ não... không phải là ngã.
Sự xuất hiện của vô minh là sự nguy hiểm của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ. Ám ảnh của vô minh xuất hiện là sự nguy hiểm của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ. Có nguy hiểm của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ theo nghĩa vô thường... khổ não... không phải là ngã.
Có sự nguy hiểm của năm năng lực gây ảnh hưởng theo hai mươi lăm khía cạnh này. Vị tỳ kheo hiểu sự nguy hiểm của năm năng lực gây ảnh hưởng theo hai mươi lăm khía cạnh này.
14. Có sự thoát ly của năm năng lực gây ảnh hưởng này theo tám mươi khía cạnh nào? Vị tỳ kheo hiểu sự thoát ly của năm năng lực gây ảnh hưởng này theo tám mươi khía cạnh nào?
Nhờ cả quyết, năng lực gây ảnh hưởng của tín đã thoát ly khỏi bất tín, đã thoát ly khỏi sự ám ảnh của bất tín, đã thoát ly khỏi nhiễm lậu và khỏi những tập hợp phát sanh từ đó, và đã thoát ly khỏi tất cả những dấu hiệu từ bên ngoài, đã thoát ly khỏi hình thức năng lực gây ảnh hưởng của tín có trước đó bằng cách đạt được hình thức cao thượng của năng lực gây ảnh hưởng của tín này.
Nhờ nỗ lực, năng lực gây ảnh hưởng của tấn đã thoát ly khỏi lười biếng,...
Nhờ thiết lập, năng lực gây ảnh hưởng của niệm đã thoát ly khỏi xao lãng,...
Nhờ không tán loạn, năng lực gây ảnh hưởng của định đã thoát ly khỏi dao động,...
Nhờ thấy rõ, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ đã thoát ly khỏi vô minh, đã thoát ly khỏi hình thức năng lực gây ảnh hưởng của tuệ có trước đó bằng cách đạt được hình thức cao thượng của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ này.
15. Do sơ thiền, năm năng lực gây ảnh hưởng đã thoát ly khỏi trạng thái trước đó của chúng. Do nhị thiền, năm năng lực gây ảnh hưởng đã thoát ly khỏi năm năng lực gây ảnh hưởng ở cõi thiền thứ nhất. Do cõi thiền thứ ba , năm năng lực gây ảnh hưởng... do cõi thiền thứ tư... do chứng cõi không gian vô biên... do chứng cõi [11] thức vô biên... do chứng cõi không có gì... Do chứng cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức, năm năng lực gây ảnh hưởng đã thoát ly khỏi năm năng lực gây ảnh hưởng ở cõi không có gì. Do quán vô thường, năm năng lực gây ảnh hưởng đã thoát ly khỏi năm năng lực gây ảnh hưởng chứng ở cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức. Do quán khổ não, năm năng lực gây ảnh hưởng đã thoát ly khỏi năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán vô thường. Do quán không phải là ngã... do quán nhàm chán... do quán hết ham muốn... do quán đoạn diệt... do quán buông bỏ... do quán hủy diệt... do quán diệt mất... do quán biến đổi... do quán không dấu hiệu... do quán không ước nguyện... do quán tánh không... do quán thực tánh chiếu vào các hiện tượng là tuệ tăng thượng... do trí biết như thật... do quán nguy hiểm... do quán tư duy... Do quán quay đi, năm năng lực gây ảnh hưởng đã thoát ly khỏi năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán tư duy. Do quán đạo lộ nhập giòng, năm năng lực gây ảnh hưởng đã thoát ly khỏi năm năng lực gây ảnh hưởng trong khi quán quay đi. Do [12] quán quả vị nhập giòng, năm năng lực gây ảnh hưởng đã thoát ly khỏi năm năng lực gây ảnh hưởng ở đạo lộ nhập giòng. Do đạo lộ trở lại một lần, năm năng lực gây ảnh hưởng... Do quả vị trở lại một lần... Do đạo lộ không trở lại... Do quả vị không trở lại... Do đạo lộ arahant... Do quả vị arahant, năm năng lực gây ảnh hưởng đã thoát ly khỏi năm năng lực gây ảnh hưởng ở đạo lộ arahant.
16. Năm năng lực gây ảnh hưởng trong xuất ly đã thoát ly khỏi ham muốn khoái lạc giác quan. Năm năng lực gây ảnh hưởng trong không sân hận đã thoát ly khỏi sân hận. Năm năng lực gây ảnh hưởng trong ý nghĩ về ánh sáng đã thoát ly khỏi dã dượi buồn ngủ. Năm năng lực gây ảnh hưởng trong không tán loạn đã thoát ly khỏi dao động. Năm năng lực gây ảnh hưởng trong tìm hiểu hiện tượng đã thoát khỏi nghi hoặc. Năm năng lực gây ảnh hưởng trong trí đã thoát khỏi vô minh. Năm năng lực gây ảnh hưởng trong hoan hỉ đã thoát khỏi tẻ nhạt. Năm năng lực gây ảnh hưởng trong cõi thiền thứ nhất đã thoát khỏi các chướng ngại. Năm năng lực gây ảnh hưởng trong cõi thiền thứ hai đã thoát khỏi hướng tâm và suy xét đối tượng. Năm năng lực gây ảnh hưởng trong cõi thiền thứ ba đã thoát khỏi hỉ. Năm năng lực gây ảnh hưởng trong cõi thiền thứ tư đã thoát khỏi lạc và khổ. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi chứng cõi không gian vô biên đã thoát khỏi nhận thức về sắc thể,*khỏi nhận thức về phản ứng vì ảnh hưởng đến giác quan,2*và nhận thức về sai biệt. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi chứng cõi thức vô biên đã thoát khỏi nhận thức về cõi không gian vô biên. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi chứng cõi không có gì đã thoát khỏi nhận thức về cõi thức vô biên. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi chứng cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức đã thoát khỏi cõi không có gì. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán vô thường đã thoát khỏi quan niệm về trường tồn. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán khổ não đã thoát khỏi quan niệm về vui sướng. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán không phải là ngã đã thoát khỏi quan niệm về ngã. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán nhàm chán đã thoát khỏi thích thú. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán hết ham muốn đã thoát khỏi lòng tham. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán đoạn diệt đã thoát khỏi sanh khởi. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán buông bỏ đã thoát khỏi bám níu. [13] Năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán hủy diệt đã thoát khỏi quan niệm về một hợp thể chung. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán diệt mất đã thoát khỏi tích lũy. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán biến đổi đã thoát khỏi quan niệm về vĩnh cửu. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán không dấu hiệu đã thoát khỏi dấu hiệu. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán không ước nguyện đã thoát khỏi ước nguyện. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán tánh không đã thoát khỏi diễn giải sai lạc. Năm năng lực gây ảnh hưởng trong quán thực tánh chiếu vào các hiện tượng vốn là tăng thượng tuệ đã thoát khỏi diễn giải sai lạc bằng cách nắm bắt ngay tại lõi. Năm năng lực gây ảnh hưởng trong trí thấy và biết đúng như thật đã thoát khỏi diễn giải sai lạc vì mơ hồ lẫn lộn. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán hiểm nguy đã thoát khỏi diễn giải sai lạc vì lệ thuộc vào khoái lạc giác quan.3*Năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán tư duy đã thoát khỏi không tư duy. Năm năng lực gây ảnh hưởng khi quán quay đi đã thoát khỏi hệ lụy buộc ràng. Năm năng lực gây ảnh hưởng trong đạo lộ nhập giòng đã thoát khỏi nhiễm lậu đi cùng với quan điểm [sai lạc]. Năm năng lực gây ảnh hưởng trong đạo lộ trở lại một lần đã thoát khỏi nhiễm lậu thô. Năm năng lực gây ảnh hưởng trong đạo lộ không trở lại đã thoát khỏi tàn dư nhiễm lậu còn xót lại.
*rūpasaññāya
2*paṭighasaññāya: khi giác quan (mắt...) gặp đối tượng của nó (vật hữu hình...), nó tạo ra nhận thức về phản ứng vì kích thích, ảnh hưởng đến giác quan. Đọc C. A. F. Rhys Davids, Buddhist Psychological Ethics, [Oxford, 1997], chú thích số 1 trang 65-66.
3*ālaya: Tỳ kheo Ñāṇamoli dịch là reliance (nương dựa, lệ thuộc) như ở The Guide, đ. 297 trang 82; The Path of Purification, I 140; VIII 245; XX 90; XXII 113, 120. Nếu dịch ālaya là nương dựa, lệ thuộc không thôi thì không rõ nghĩa. Nếu dịch ālaya là khoái lạc giác quan thì trùng với kāma và nghĩa có thể hơi hạn hẹp. Chú giải MA nói ālaya bao gồm khoái lạc của đối tượng giác quan và những ý tưởng khao khát, tơ vương đến khoái lạc ấy. Vì thế Bhikkhu Bodhi chọn chữ adhesion, hấp lực của khoái lạc giác quan, để dịch ālaya, chứa đựng 2 ý nghĩa ấy. Đọc Ñāṇamoli và Bhikkhu Bodhi, The Middle Length Discourses of the Buddha, Wisdom Publications [Boston, 1995], chú thích 306, trang 1216-7.
Và trong trường hợp tất cả những ai có phiền não đã hoàn toàn tuyệt diệt, năm năng lực gây ảnh hưởng ấy trong bất cứ hoàn cảnh nào đã thoát khỏi, hoàn toàn thoát khỏi, và được lắng dịu, hoàn toàn lắng dịu.
Có sự thoát ly trong trường hợp năm năng lực gây ảnh hưởng theo tám mươi khía cạnh này. Vị tỳ kheo hiểu sự thoát ly trong trường hợp năm năng lực gây ảnh hưởng theo tám mươi khía cạnh này.
PHẦN THUẬT KỂ
Xuất xứ KinhSāvatthi.
17. ‘Này các tỳ kheo, có năm năng lực gây ảnh hưởng này. Năm năng lực gây ảnh hưởng nào? Năng lực gây ảnh hưởng của tín, năng lực gây ảnh hưởng của tấn, năng lực gây ảnh hưởng của niệm, năng lực gây ảnh hưởng của định, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
‘Và, này các tỳ kheo, năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy như thế nào? Trong bốn yếu tố nhập giòng. Năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy ở đây. Năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy ở đâu? [14] Trong bốn nỗ lực. Năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy ở đây. Năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy ở đâu? Trong bốn nền tảng của quán niệm. Năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy ở đây. Năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy ở đâu? Trong bốn cõi thiền (jhānas). Năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy ở đây. Năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy ở đâu? Trong bốn sự thực cao cả. Năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy ở đây.’ (S v 196).
18. Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tín trong bốn yếu tố nhập giòng theo bao nhiêu khía cạnh? Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tấn trong bốn nỗ lực theo bao nhiêu khía cạnh? Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của niệm trong bốn nền tảng của quán niệm theo bao nhiêu khía cạnh? Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của định trong bốn jhānas theo bao nhiêu khía cạnh? Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tuệ trong bốn chân lý cao cả theo bao nhiêu khía cạnh?
Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tín trong bốn yếu tố nhập giòng theo hai mươi khía cạnh. Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tấn trong bốn nỗ lực theo hai mươi khía cạnh. Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của niệm trong bốn nền tảng của quán niệm theo hai mươi khía cạnh. Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của định trong bốn jhānas theo hai mươi khía cạnh. Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tuệ trong bốn chân lý cao cả theo hai mươi khía cạnh.
19. Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tín trong bốn yếu tố nhập giòng theo hai mươi khía cạnh nào?
Trong yếu tố nhập giòng dưới hình thức giao kết với các bậc trí đức:*năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của cả quyết; và qua năng lực gây ảnh hưởng của tín, năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa nỗ lực, năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa thiết lập, năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa không phân tâm, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy theo nghĩa thấy rõ. Trong yếu tố nhập giòng dưới hình thức nghe Giáo Pháp Chân Chính:2*... Trong yếu tố nhập giòng dưới hình thức suy xét kỹ lưỡng3*... Trong yếu tố nhập giòng dưới hình thức thực hành theo Giáo Pháp Chân Chính:4*năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của cả quyết; và qua năng lực gây ảnh hưởng của tín, năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa nỗ lực, năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa thiết lập, năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa không phân tâm, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy theo nghĩa thấy rõ. (cf. XXI 4).
*sappurisasaṁseva;
2* saddhamma savana;
3* yoniso manasikāra
4* dhammānudhammapaṭipatti. Đây là bốn điều kiện tiên khởi để nhập giòng. Đọc S v 348.
Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tín trong bốn yếu tố nhập giòng theo hai mươi khía cạnh này.
20. Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tấn trong bốn nỗ lực theo hai mươi khía cạnh nào?
Trong nỗ lực chân chánh không cho phát sanh các trạng thái bất thiện chưa sanh: năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của nỗ lực; và qua năng lực gây ảnh hưởng của tấn, năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa thiết lập, năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa không phân tâm, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy theo nghĩa thấy rõ, năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy theo nghĩa cả quyết. Trong nỗ lực chân chánh từ bỏ các trạng thái bất thiện đã sanh: ... Trong nỗ lực chân chánh làm cho phát sanh các trạng thái thiện chưa sanh: ... Trong nỗ lực chân chánh để duy trì, không cho biến mất, củng cố, gia tăng, phát triển và toàn thiện các trạng thái thiện đã sanh: ...
Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tấn trong bốn nỗ lực theo hai mươi khía cạnh này.
21. Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của niệm trong bốn nền tảng của quán niệm theo hai mươi khía cạnh nào?
Trong nền tảng của quán niệm dưới hình thức quán thân đúng như thân: năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của thiết lập; và qua năng lực gây ảnh hưởng của niệm, năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa không phân tâm, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy theo nghĩa thấy rõ, năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy theo nghĩa cả quyết, và năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa nỗ lực. Trong nền tảng của quán niệm dưới hình thức quán cảm giác đúng như cảm giác: ... Trong nền tảng của quán niệm dưới hình thức quán tâm đúng như tâm: ... Trong nền tảng của quán niệm dưới hình thức quán đối tượng của tâm ý đúng như đối tượng của tâm ý: ... [16]
Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của niệm trong bốn nền tảng của quán niệm theo hai mươi khía cạnh này.
22. Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của định trong bốn jhānas theo hai mươi khía cạnh nào?
Trong cõi sơ thiền: năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của không phân tâm; và qua năng lực gây ảnh hưởng của định, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy theo nghĩa thấy rõ, năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy theo nghĩa cả quyết, và năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa nỗ lực, và năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa thiết lập. Trong cõi thiền thứ hai: ... Trong cõi thiền thứ ba: ... Trong cõi thiền thứ tư: ...
Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của định trong bốn jhānas theo hai mươi khía cạnh này.
23. Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tuệ trong bốn chân lý cao cả theo hai mươi khía cạnh nào?
Trong chân lý cao cả về khổ: năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của thấy rõ; và qua năng lực gây ảnh hưởng của tuệ, năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy theo nghĩa cả quyết, năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa nỗ lực, năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa thiết lập, năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa không phân tâm. Trong chân lý cao cả về nguồn gốc của khổ: ... Trong chân lý cao cả về diệt khổ: ... Trong chân lý cao cả về con đường diệt khổ: ...
Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tuệ trong bốn chân lý cao cả theo hai mươi khía cạnh này.
24. [2]Hành xử của năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tín trong bốn yếu tố nhập giòng theo bao nhiêu khía cạnh? Hành xử của năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tấn... theo bao nhiêu khía cạnh? ... qua năng lực gây ảnh hưởng của niệm... ?... qua năng lực gây ảnh hưởng của định ...?... qua năng lực gây ảnh hưởng của tuệ2.
Hành xử của năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tín trong bốn yếu tố nhập giòng theo hai mươi khía cạnh. Hành xử của năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tấn trong bốn nỗ lực chân chánh theo hai mươi khía cạnh... qua năng lực gây ảnh hưởng của niệm trong bốn [17] nền tảng của quán niệm theo hai mươi khía cạnh... qua năng lực gây ảnh hưởng của định trong bốn cõi thiền theo hai mươi khía cạnh... qua năng lực gây ảnh hưởng của tuệ trong bốn chân lý cao cả theo hai mươi khía cạnh.
25. Hành xử của năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tín trong bốn yếu tố nhập giòng theo hai mươi khía cạnh nào?
Trong yếu tố nhập giòng dưới hình thức giao kết với các bậc trí đức: hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của cả quyết; và qua năng lực gây ảnh hưởng của tín, hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa nỗ lực, hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa thiết lập, hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa không phân tâm, hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy theo nghĩa thấy rõ. Trong yếu tố nhập giòng dưới hình thức nghe Giáo Pháp Chân Chính... Trong yếu tố nhập giòng dưới hình thức suy xét kỹ lưỡng ... Trong yếu tố nhập giòng dưới hình thức thực hành theo Giáo Pháp Chân Chính: ...
Hành xử của năm «năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tín trong bốn yếu tố nhập giòng theo hai mươi khía cạnh này»*
* nguyên văn bản POD không có câu trong «»này. Tôi chép xuống để tư tưởng của quý vị không bị đứt đoạn.
26. Năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tấn trong bốn nỗ lực theo hai mươi khía cạnh nào?
Trong nỗ lực chân chánh không cho phát sanh các trạng thái bất thiện chưa sanh: hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của nỗ lực; và qua năng lực gây ảnh hưởng của tấn, hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa thiết lập, hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa không phân tâm, hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy theo nghĩa thấy rõ, hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy theo nghĩa cả quyết. Trong nỗ lực chân chánh từ bỏ các trạng thái bất thiện đã sanh: ... Trong nỗ lực chân chánh làm cho phát sanh các trạng thái thiện chưa sanh: ... Trong nỗ lực chân chánh để duy trì, không cho biến mất, củng cố, gia tăng, phát triển và toàn thiện các trạng thái thiện đã sanh: ... [18]
Hành xử của năm «năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tấn trong bốn nỗ lực theo hai mươi khía cạnh này».
27. Hành xử của năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của niệm trong bốn nền tảng của quán niệm theo hai mươi khía cạnh nào?
Trong nền tảng của quán niệm dưới hình thức quán thân đúng như thân: hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của thiết lập; và qua năng lực gây ảnh hưởng của niệm, hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa không phân tâm, hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy theo nghĩa thấy rõ, hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy theo nghĩa cả quyết, và hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa nỗ lực. Trong nền tảng của quán niệm dưới hình thức quán cảm giác đúng như cảm giác: ... Trong nền tảng của quán niệm dưới hình thức quán tâm đúng như tâm: ... Trong nền tảng của quán niệm dưới hình thức quán đối tượng của tâm ý đúng như đối tượng của tâm ý: ...
Hành xử của năm «năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của niệm trong bốn nền tảng của quán niệm theo hai mươi khía cạnh này».
28. Hành xử của năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của định trong bốn jhānas theo hai mươi khía cạnh nào?
Trong cõi sơ thiền: hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của không phân tâm; và qua năng lực gây ảnh hưởng của định, hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy theo nghĩa thấy rõ, hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy theo nghĩa cả quyết, và hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa nỗ lực, và hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa thiết lập. Trong cõi thiền thứ hai: ... Trong cõi thiền thư ba: ... Trong cõi thiền thứ tư: ...
Hành xử của năm... «năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của định trong bốn jhānas theo hai mươi khía cạnh này».
29. Hành xử của năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tuệ trong bốn chân lý cao cả theo hai mươi khía cạnh nào?
Trong chân lý cao cả về khổ: hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của thấy rõ; và qua năng lực gây ảnh hưởng của tuệ, hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy theo nghĩa cả quyết, hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa nỗ lực, hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của quán niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa thiết lập, hành xử của năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa không phân tâm. Trong chân lý cao cả về nguồn gốc của khổ: ... Trong chân lý cao cả về diệt khổ: ... Trong chân lý cao cả về con đường diệt khổ: ... [19]
Hành xử của năm năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy qua năng lực gây ảnh hưởng của tuệ trong bốn chân lý cao cả theo hai mươi khía cạnh này.
[Hành xử]
30. Sự hành xử và sống trú đã được khám phá và thấu rõ như của người cư xử như vậy và sống thuận như vậy khiến cho các bậc trí tuệ cùng tu trong Cuộc Sống Phạm Hạnh có thể tin tưởng những điều sâu sắc như: ‘Chắc chắn là vị tôn giả này đã chứng hay sẽ chứng [thành quả ưu việt].[3]
31. Hành xử: có tám loại hành xử: hành xử về dáng điệu, hành xử liên quan đến các căn xứ, hành xử của quán niệm, hành xử của định, hành xử của trí, hành xử của các đạo lộ, hành xử của thành đạt, hành xử mang tính siêu thế.
Hành xử về dáng điệu: đề cập đến bốn dáng diệu.
Hành xử liên quan đến các căn cứ: đề cập đến sáu căn cứ trong, ngoài.
Hành xử của quán niệm : đề cập đến bốn nền tảng của quán niệm.
Hành xử của định: đề cập đến bốn jhānas.
Hành xử của trí: đề cập đến bốn sự thật cao cả.
Hành xử của các đạo lộ: đề cập đến bốn đạo lộ cao cả.
Hành xử của thành đạt: đề cập đến bốn quả vị của đời sa môn.
Hành xử mang tính siêu thế: đề cập đến chư Phật, các vị đã hoàn toàn thành tựu và giác ngộ toàn triệt, đề cập đến chư Phật Độc Giác, và một phần đề cập đến các đệ tử.
Hành xử về dáng điệu thuộc về ai biết được ý định muốn làm một dáng điệu.*
* iriyāpathacariyā ca paṇidhisampannānaṁ. Nghĩa là biết rõ ý định muốn cử động trước khi làm cử động ấy.
Hành xử liên quan đến các căn cứ thuộc về ai canh phòng các của giác quan.
Hành xử của quán niệm thuộc về ai sống trú trong chuyên cần.
Hành xử của định thuộc về ai dành hết cuộc đời mình cho tâm tăng thượng.
Hành xử của trí thuộc về ai có được [một phần] tuệ trí.[4]
Hành xử của các đạo lộ thuộc về ai đã nhập đúng vào đạo lộ.
Hành xử của tới đích thuộc về ai đã chứng quả vị [của đạo lộ].
Hành xử mang tính siêu thế thuộc về chư Phật, về các vị đã hoàn toàn thành tựu và giác ngộ toàn triệt, chư Phật Độc Giác, và một số các đệ tử.
Đây là tám loại hành xử [20].
32. Tám loại hành xử khác: Người quyết tâm, cư xử với lòng tin; người nỗ lực, cư xử với tinh tấn; người thiết lập, cư xử với quán niệm; người có ảnh hưởng đến ‘không phân tâm’, cư xử với định; người thông hiểu, cư xử với tuệ; người thấy sáng suốt, cư xử với hành xử thức; người như thế thâm nhập đạo lộ, chứng thành quả ưu việt; như vậy người ấy cư xử với hành xử ưu việt; trong người thâm nhập đạo lộ, các trạng thái thiện được trải rộng ra (āyāpenti), như thế người ấy cư xử với hành xử của căn xứ (āyatana).[5]
Đây là tám loại hành xử khác.
33. Tám loại hành xử khác nữa: chánh kiến là hành xử của thấy rõ, chánh tư duy là hành xử của hướng tâm trụ vào, chánh ngữ là hành xử của giữ gìn lời nói, chánh hành là hành xử của tạo nguồn sanh khởi, chánh mạng là hành xử của làm cho sạch, chánh tinh tấn là hành xử của nỗ lực, chánh niệm là hành xử của thiết lập, chánh định là hành xử của không phân tâm.
Đây là tám loại hành xử khác.
34. Sống trú: người cả quyết trú trong niềm tin, người nỗ lực trú trong tinh tấn, người thiết lập trú trong quán niệm, người có ảnh hưởng đến không phân tâm trú trong định, người thấu hiểu trú trong tuệ.
35. Đã được khám phá: cả quyết như là ý nghĩa của năng lực gây ảnh hưởng của tín đã được khám phá, nỗ lực như là ý nghĩa của năng lực gây ảnh hưởng của tấn đã được khám phá, thiết lập như là ý nghĩa của năng lực gây ảnh hưởng của niệm đã được khám phá, không tán loạn như là ý nghĩa của năng lực gây ảnh hưởng của định đã được khám phá, thấy rõ như là ý nghĩa của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ đã được khám phá.
36. Thấu rõ: cả quyết là ý nghĩa của năng lực gây ảnh hưởng của tín đã được thấu rõ, ... [hoàn tất như ở đ 35, «thay khám phá bằng chữ thấu rõ cho phù hợp»].
37. Như của người cư xử thuận như vậy: như của người cư xử như vậy với niềm tin, như của người cư xử như vậy với nỗ lực, như của người cư xử như vậy với quán niệm, như của người cư xử như vậy với định, như của người cư xử như vậy với tuệ.
38. Như của người sống thuận như vậy: như của người sống thuận như vậy với niềm tin, ... [hoàn tất như ở đ 37, «thay cư xử bằng chữ sống thuận cho phù hợp»]. [21]
39. Bậc trí tuệ: trí tuệ, thông thái, kiến thức, hiểu biết, có được trạng thái giác ngộ.
40. Cùng tu trong Cuộc Sống Phạm Hạnh: [những người hành trì Vinaya] cùng giữ với nhau, cùng tụng [Pāṭimokkha] với nhau, [và có] cùng huấn thị.
41. Những điều sâu sắc: điều được gọi là ‘sâu sắc’ là các jhānas, giải thoát, định, chứng đạt, đạo lộ, quả vị, [sáu] trí trực chứng, và [bốn] vô ngại giải.
42. Có thể tin tưởng: có thể có niềm tin, có thể có quả quyết.
43. Chắc chắn: đây là chữ mang ý nghĩa hoàn toàn, không có hoài nghi gì, không phải là không dứt khoát, không mâu thuẫn, không {một mặt} hai lòng, tất yếu, không mơ hồ, rõ ràng, chữ ‘chắc chắn’ này.[6]
44. Vị tôn giả này: đây là lời quý mến, đầy kính trọng.
45. Đã chứng: đã thành đạt.
46. Hay sẽ chứng: sẽ thành đạt.[7]
Xuất xứ Kinh đã nêu
47. ‘Này các tỳ kheo, có năm năng lực gây ảnh hưởng này. Năm năng lực gây ảnh hưởng nào? Năng lực gây ảnh hưởng của tín, năng lực gây ảnh hưởng của tấn, năng lực gây ảnh hưởng của niệm, năng lực gây ảnh hưởng của định, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
48. Năm năng lực gây ảnh hưởng này sẽ được tìm thấy theo bao nhiêu khía cạnh? Năm năng lực gây ảnh hưởng này sẽ được tìm thấy theo sáu khía cạnh.
49. Các năng lực gây ảnh hưởng ấy sẽ được tìm thấy theo nghĩa nào? Theo nghĩa có ưu thắng, theo nghĩa thanh lọc ở giai đoạn đầu, theo nghĩa nổi bật, theo nghĩa cương quyết, theo nghĩa chấm dứt, theo nghĩa tạo dựng.
50. Các năng lực gây ảnh hưởng ấy sẽ được tìm thấy theo nghĩa có ưu thắng như thế nào?
Khi tỳ kheo từ bỏ không tin, năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy trong vị ấy theo nghĩa ưu thắng của cả quyết; và nhờ năng lực gây ảnh hưởng của tín, năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa nỗ lực, năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa thiết lập, [22] năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa không phân tâm, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy theo nghĩa thấy rõ. Khi vị ấy từ bỏ lười biếng, năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của nỗ lực, và nhờ năng lực gây ảnh hưởng của tấn... Khi vị ấy từ bỏ xao lãng, năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của thiết lập, và nhờ năng lực gây ảnh hưởng của niệm... Khi vị ấy từ bỏ dao động, năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của không phân tâm, và nhờ năng lực gây ảnh hưởng của định... Khi vị ấy từ bỏ vô minh, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của thấy rõ, và nhờ năng lực gây ảnh hưởng của tuệ, năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy theo nghĩa cả quyết, năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa nỗ lực, năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa thiết lập, năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa không phân tâm.
51. Khi vị ấy từ bỏ ham muốn khoái lạc giác quan bằng xuất ly, năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của cả quyết, và nhờ năng lực gây ảnh hưởng của tín, năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa nỗ lực, năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa thiết lập, năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa không phân tâm, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy theo nghĩa thấy rõ.
Khi vị ấy từ bỏ ham muốn khoái lạc giác quan bằng xuất ly, năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của nỗ lực, và nhờ năng lực gây ảnh hưởng của tấn...
Khi vị ấy từ bỏ ham muốn khoái lạc giác quan bằng xuất ly, năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của thiết lập, và nhờ năng lực gây ảnh hưởng của niệm...
Khi vị ấy từ bỏ ham muốn khoái lạc giác quan bằng xuất ly, năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của không phân tâm, và nhờ năng lực gây ảnh hưởng của định...
Khi vị ấy từ bỏ ham muốn khoái lạc giác quan bằng xuất ly, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy trong vị ấy theo nghĩa ưu thắng của thấy rõ, và nhờ năng lực gây ảnh hưởng của tuệ, năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy theo nghĩa cả quyết, năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa nỗ lực, năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa thiết lập, năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa không phân tâm.
52. Khi vị ấy từ bỏ sân hận nhờ không sân hận... [23]
53. Khi vị ấy từ bỏ dã dượi buồn ngủ nhờ nghĩ đến ánh sáng...
54. Khi vị ấy từ bỏ dao động nhờ không phân tâm...
55. Khi vị ấy từ bỏ nghi hoặc nhờ tìm hiểu rõ hiện tượng...
56. Khi vị ấy từ bỏ vô minh nhờ trí...
57. Khi vị ấy từ bỏ tẻ nhạt nhờ hân hoan...
58-61. Khi vị ấy từ bỏ chướng ngại nhờ sơ thiền... [và cứ thế với các jhanas còn lại]
62-65. ... [các đoạn tương tự cho mỗi chứng đắc vô sắc giới].
66-83. ... [các đoạn tương tự cho mỗi Quán Thực Tánh Chính của 18 Quán Thực Tánh Chính].
84-86. ... [các đoạn tương tự cho mỗi đạo lộ của ba đạo lộ đầu tiên].
87. Khi vị ấy từ bỏ tất cả nhiễm lậu nhờ đạo lộ arahant, năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của cả quyết, và nhờ năng lực gây ảnh hưởng của tín, năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa nỗ lực, năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa thiết lập, năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa không phân tâm, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy theo nghĩa thấy rõ.
Khi vị ấy từ bỏ tất cả nhiễm lậu nhờ đạo lộ arahant, năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của nỗ lực, và nhờ năng lực gây ảnh hưởng của tấn, năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa thiết lập, ... năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy theo nghĩa cả quyết.
Khi vị ấy từ bỏ tất cả nhiễm lậu nhờ đạo lộ arahant, năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của thiết lập, và nhờ năng lực gây ảnh hưởng của niệm, năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa không phân tâm, năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa nỗ lực.
Khi vị ấy từ bỏ tất cả nhiễm lậu nhờ đạo lộ arahant, năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của không phân tâm, và nhờ năng lực gây ảnh hưởng của định, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy theo nghĩa thấy rõ, ... năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa thiết lập.
Khi vị ấy từ bỏ tất cả nhiễm lậu nhờ đạo lộ arahant, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng của thấy rõ, và nhờ năng lực gây ảnh hưởng của tuệ, năng lực gây ảnh hưởng của tín sẽ được tìm thấy theo nghĩa cả quyết, năng lực gây ảnh hưởng của tấn sẽ được tìm thấy theo nghĩa nỗ lực, năng lực gây ảnh hưởng của niệm sẽ được tìm thấy theo nghĩa thiết lập, năng lực gây ảnh hưởng của định sẽ được tìm thấy theo nghĩa không tán loạn.
Các năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy theo nghĩa ưu thắng là như thế đấy.
88. Các năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy theo nghĩa thanh lọc đoạn đầu như thế nào?
Năng lực gây ảnh hưởng của tín theo nghĩa cả quyết; tiến trình thanh lọc giới theo nghĩa chế ngự không tin là thanh lọc đoạn đầu của năng lực gây ảnh hưởng của tín. Năng lực gây ảnh hưởng của tấn theo nghĩa nỗ lực; tiến trình thanh lọc giới theo nghĩa chế ngự lười biếng là thanh lọc đoạn đầu của năng lực gây ảnh hưởng của tấn. Năng lực gây ảnh hưởng của niệm theo nghĩa thiết lập; tiến trình thanh lọc giới theo nghĩa chế ngự sao lãng là thanh lọc đoạn đầu của năng lực gây ảnh hưởng của niệm. Năng lực gây ảnh hưởng của định theo nghĩa không phân tâm; tiến trình thanh lọc giới theo nghĩa chế ngự dao động là thanh lọc đoạn đầu của năng lực gây ảnh hưởng của định. Năng lực gây ảnh hưởng của tuệ theo nghĩa thấy rõ; tiến trình thanh lọc giới theo nghĩa chế ngự vô minh là thanh lọc đoạn đầu của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
89. Trong xuất ly có năm năng lực gây ảnh hưởng; tiến trình thanh lọc giới theo nghĩa chế ngự ham muốn khoái lạc giác quan là sự thanh lọc đoạn đầu của năm năng lực gây ảnh hưởng. Trong không sân hận có năm năng lực gây ảnh hưởng; tiến trình thanh lọc giới theo nghĩa chế ngự sân hận là sự thanh lọc đoạn đầu của năm năng lực gây ảnh hưởng. Trong ý nghĩ về ánh sáng... [và cứ thế với từng yếu tố còn lại của năm chướng ngại, bốn jhanas, bốn chứng đắc vô sắc giới, mười tám Tuệ Quán Thực Tánh Chính, và bốn đạo lộ, cho đến]... Trong đạo lộ arahant có năm năng lực gây ảnh hưởng; tiến trình thanh lọc giới theo nghĩa chế ngự tất cả các nhiễm lậu là sự thanh lọc đoạn đầu của năm năng lực gây ảnh hưởng.
Các năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy theo nghĩa thanh lọc đoạn đầu như thế đấy.
90. Các năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy theo nghĩa nổi bật như thế nào?
Với sự phát triển của năng lực gây ảnh hưởng của tín, hăng hái khởi lên; với sự từ bỏ không tin, hăng hái khởi lên; với sự từ bỏ ám ảnh của không tin, hăng hái khởi lên; với sự từ bỏ nhiễm lậu đi cùng với quan niệm [sai lạc], hăng hái khởi lên; với sự từ bỏ nhiễm lậu thô, hăng hái khởi lên; với sự từ bỏ tàn dư nhiễm lậu còn xót lại, hăng hái khởi lên; với sự từ bỏ tất cả nhiễm lậu, hăng hái khởi lên; qua hăng hái, hân hoan khởi lên; rồi vì hân hoan, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật như là đức tin. Qua hân hoan, hỉ khởi lên; rồi vì hỉ, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật lên là đức tin. Qua hỉ, lắng dịu khởi lên; rồi vì lắng dịu, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật lên là đức tin. Qua lắng dịu, hạnh phúc toàn hảo khởi lên; rồi vì hạnh phúc toàn hảo, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật lên là đức tin. Qua lạc, ánh sáng khởi lên; rồi vì ánh sáng, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật lên là đức tin. Qua ánh sáng, yếu tính khẩn cấp khởi lên; rồi vì yếu tính khẩn cấp, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật lên là đức tin. Với yếu tính khẩn cấp, vị ấy định tâm; rồi vì định, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật lên là đức tin. Vị ấy hết lòng nỗ lực tâm được định như thế; rồi vì nỗ lực, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật lên là đức tin. Vị ấy hoàn toàn bình thản vô can nhìn tâm nỗ lực như thế; rồi vì bình thản, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật lên là đức tin. Nhờ bình thản nên tâm được giải thoát khỏi nhiều loại nhiễm lậu; rồi vì giải thoát, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật lên là đức tin. Bởi vì những trạng thái đó được giải thoát, chúng có một tác dụng (hương vị) duy nhất; rồi vì phát triển theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật lên là đức tin. Vì được tu tập phát triển, nên nó chuyển hướng đến cái gì siêu việt [đó là hướng đến nibbana]; rồi vì chuyển hướng, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật lên là đức tin. Vì sau khi đã chuyển hướng, vị ấy [đó là người bây giờ sở hữu đạo lộ,] vì thế buông bỏ [cả nhiễm lậu và các tập hợp]; rồi vì buông bỏ, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật lên là đức tin. Bởi vì sau khi đã buông bỏ [cả nhiễm lậu và các tập hợp], vì thế đoạn diệt [không còn tái sanh khởi nữa]; rồi vì đoạn diệt, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật lên là đức tin.
Có hai loại buông bỏ bằng đoạn diệt: buông bỏ là dứt bỏ và buông bỏ là đi vào (lao vào). Nó dứt bỏ các nhiễm lậu và các tập hợp, như thế buông bỏ là dứt bỏ; tâm đi vào (lao vào) đoạn diệt vốn là trạng thái niết bàn, như thế buông bỏ là đi vào (lao vào). Đây là hai loại buông bỏ bằng đoạn diệt.[8]
91. Với sự phát triển của năng lực gây ảnh hưởng của tấn, hăng hái khởi lên, với sự từ bỏ lười biếng, hăng hái khởi lên, với sự từ bỏ ám ảnh của lười biếng, hăng hái khởi lên; với sự từ bỏ nhiễm lậu đi cùng với quan điểm [sai lạc], hăng hái khởi lên, ... [và cứ thế như ở đ. 90 cho đến hết, thay chữ tin bằng chữ tấn].
92. Với sự phát triển của năng lực gây ảnh hưởng của niệm, hăng hái khởi lên, [25] với sự từ bỏ xao lãng, hăng hái khởi lên,...
93. Với sự phát triển của năng lực gây ảnh hưởng của định, hăng hái khởi lên, với sự từ bỏ dao động, hăng hái khởi lên,...
94. Với sự phát triển của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ, hăng hái khởi lên, với sự từ bỏ vô minh, hăng hái khởi lên, ... [26] Đây là hai loại buông bỏ bằng đoạn diệt.
Các năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy theo nghĩa nổi bật như thế đấy.
CHẤM DỨT PHẦN THUẬT KỂ THỨ HAI.
95-99. Các năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy theo nghĩa quyết tâm như thế nào?
Với sự phát triển của năng lực gây ảnh hưởng của tín, hăng hái khởi lên; từ đó năng lực gây ảnh hưởng của tín vững chắc như niềm tin do hăng hái. Qua ước muốn hăng hái hân hoan khởi lên; từ đó năng lực gây ảnh hưởng của tín vững chắc như niềm tin do hân hoan...
Các năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy theo nghĩa quyết tâm như thế đấy.
100. Các năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy theo nghĩa chấm dứt như thế nào?
Theo nghĩa cả quyết, năng lực gây ảnh hưởng của tín chấm dứt không tin, chấm dứt sự ám ảnh của không tin. Theo nghĩa nỗ lực, năng lực gây ảnh hưởng của tấn chấm dứt lười biếng, chấm dứt sự ám ảnh của lười biếng. Theo nghĩa thiết lập, năng lực gây ảnh hưởng của niệm chấm dứt xao lãng, chấm dứt sự ám ảnh của sao lãng. Theo nghĩa không phân tâm, năng lực gây ảnh hưởng của định chấm dứt dao động, chấm dứt sự ám ảnh của dao động. Theo nghĩa thấy rõ, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ chấm dứt vô minh, chấm dứt sự ám ảnh của vô minh.
101. Trong xuất ly, năm năng lực gây ảnh hưởng chấm dứt ham muốn khoái lạc giác quan. Trong không sân hận, năm năng lực gây ảnh hưởng chấm dứt sân hận... [và cứ thế với các chướng ngại còn lại của bẩy chướng ngại, ... cho đến]... Trong đạo lộ arahant, năm năng lực gây ảnh hưởng chấm dứt tất cả nhiễm lậu.
Các năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy theo nghĩa chấm dứt như thế đấy.
102. Các năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy theo nghĩa tạo dựng như thế nào?
Người có niềm tin tạo dựng năng lực gây ảnh hưởng của tín trên cả quyết, năng lực gây ảnh hưởng của tín ở người có niềm tin được tạo dựng trên cả quyết. Người có tinh cần tạo dựng năng lực gây ảnh hưởng của tấn trên nỗ lực, năng lực gây ảnh hưởng của tấn ở người có tinh cần được tạo dựng trên nỗ lực. Người có quán niệm tạo dựng năng lực gây ảnh hưởng của niệm trên thiết lập, năng lực gây ảnh hưởng của niệm ở người có quán niệm được tạo dựng trên thiết lập. Người có định tạo dựng năng lực gây ảnh hưởng của định trên không phân tâm, năng lực gây ảnh hưởng của định ở người có định được tạo dựng trên không phân tâm. Người có hiểu biết tạo dựng năng lực gây ảnh hưởng của tuệ trên thấy rõ, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ ở người có hiểu biết được tạo dựng trên thấy rõ.
103. Người hành thiền tạo dựng năm năng lực gây ảnh hưởng trên xuất ly; [27] năm năng lực gây ảnh hưởng ấy ở người hành thiền được tạo dựng trên xuất ly. Người hành thiền tạo dựng năm năng lực gây ảnh hưởng trên không sân hận; năm năng lực gây ảnh hưởng ấy ở người hành thiền được tạo dựng trên không sân hận... [và cứ thế cho đến]... Người hành thiền tạo dựng năm năng lực gây ảnh hưởng trên đạo lộ arahant; năm năng lực gây ảnh hưởng ấy ở người hành thiền được tạo dựng trên đạo lộ arahant.
Các năng lực gây ảnh hưởng sẽ được tìm thấy theo nghĩa tạo dựng như thế đấy.
104. Khi người thế tục tu tập định, người ấy thuần thục trong việc thiết lập theo bao nhiêu khía cạnh? Khi bậc hữu học...? Khi người phiền não đã bị tuyệt diệt tu tập định, người ấy thuần thục trong việc thiết lập theo bao nhiêu khía cạnh?
Khi người thế tục tu tập định, người ấy thuần thục trong việc thiết lập theo bẩy khía cạnh. Khi bậc hữu học tu tập định, vị ấy thuần thục trong việc thiết lập theo tám khía cạnh. Khi người phiền não đã bị tuyệt diệt tu tập định, vị ấy thuần thục trong việc thiết lập theo mười khía cạnh.
105. Khi người thế tục tu tập định, người ấy thuần thục trong việc thiết lập theo bẩy khía cạnh nào?
Vì [đề mục quán tưởng] đã được hướng tới: người ấy thuần thục trong việc thiết lập đối tượng, người ấy thuần thục trong việc thiết lập biểu tượng của an tịnh, người ấy thuần thục trong việc thiết lập biểu tượng của nỗ lực, người ấy thuần thục trong việc thiết lập biểu tượng của không tán loạn, người ấy thuần thục trong việc thiết lập ánh sáng, người ấy thuần thục trong việc thiết lập khuyến khích, người ấy thuần thục trong việc thiết lập bình thản.
Khi người thế tục tu tập định, người ấy thuần thục trong việc thiết lập theo bẩy khía cạnh này.
106. Khi bậc hữu học tu tập định, vị ấy thuần thục trong việc thiết lập theo tám khía cạnh nào?
Vì [đề mục quán tưởng] đã được hướng tới: người ấy thuần thục trong việc thiết lập đối tượng,... người ấy thuần thục trong việc thiết lập bình thản, người ấy thuần thục trong việc thiết lập nhất tâm.
Khi bậc hữu học tu tập định, vị ấy thuần thục trong việc thiết lập theo tám khía cạnh này.
107. Khi người có phiền não đã bị tuyệt diệt tu tập định, vị ấy thuần thục trong việc thiết lập theo mười khía cạnh nào? [28]
Vì [đề mục quán tưởng] đã được hướng tới: người ấy thuần thục trong việc thiết lập đối tượng,... người ấy thuần thục trong việc thiết lập bình thản, người ấy thuần thục trong việc thiết lập nhất tâm, người ấy thuần thục trong việc thiết lập sai biệt, người ấy thuần thục trong việc thiết lập giải thoát.
Khi người có phiền não đã bị tuyệt diệt tu tập định, vị ấy thuần thục trong việc thiết lập theo mười khía cạnh này.
108. Khi người thế tục tu tập tuệ quán, người ấy thuần thục trong việc thiết lập theo bao nhiêu khía cạnh, người ấy thuần thục trong việc không thiết lập theo bao nhiêu khía cạnh? Khi bậc hữu học...? Khi người phiền não đã bị tuyệt diệt tu tập tuệ quán, người ấy thuần thục trong việc thiết lập theo bao nhiêu khía cạnh, người ấy thuần thục trong việc không thiết lập theo bao nhiêu khía cạnh?
Khi người thế tục tu tập tuệ quán, người ấy thuần thục trong việc thiết lập theo chín khía cạnh, người ấy thuần thục trong việc không thiết lập theo chín khía cạnh. Khi bậc hữu học tu tập tuệ quán, người ấy thuần thục trong việc thiết lập theo mười khía cạnh, người ấy thuần thục trong việc không thiết lập theo mười khía cạnh. Khi người phiền não đã bị tuyệt diệt tu tập tuệ quán, người ấy thuần thục trong việc thiết lập theo mười hai khía cạnh, người ấy thuần thục trong việc thiết lập theo mười hai khía cạnh.
109. Khi người thế tục tu tập tuệ quán, người ấy thuần thục trong việc thiết lập theo chín khía cạnh nào? người ấy thuần thục trong việc không thiết lập theo chín khía cạnh nào?
Người ấy thuần thục trong việc thiết lập (sự xuất hiện) vô thường, và thuần thục trong việc không thiết lập trường tồn; thuần thục trong việc thiết lập khổ não, và thuần thục trong việc không thiết lập vui sướng; thuần thục trong việc thiết lập không phải là ngã, và thuần thục trong việc không thiết lập ngã; thuần thục trong việc thiết lập hoại diệt, và thuần thục trong việc không thiết lập kiên cố; thuần thục trong việc thiết lập hủy diệt, và thuần thục trong việc không thiết lập tích lũy; thuần thục trong việc thiết lập biến đổi, và thuần thục trong việc không thiết lập trường cửu; thuần thục trong việc thiết lập không biểu tượng, và thuần thục trong việc không thiết lập biểu tượng; thuần thục trong việc thiết lập không ước nguyện, và thuần thục trong việc không thiết lập ước nguyện; thuần thục trong việc thiết lập tánh không, và thuần thục trong việc không thiết lập diễn giải sai lạc.
Khi người thế tục tu tập tuệ quán, người ấy thuần thục trong việc thiết lập theo chín khía cạnh này, người ấy thuần thục trong việc không thiết lập theo chín khía cạnh này.
110. Khi bậc hữu học tu tập tuệ quán, người ấy thuần thục trong việc thiết lập theo mười khía cạnh nào [29]? người ấy thuần thục trong việc không thiết lập theo mười khía cạnh nào?
Người ấy thuần thục trong việc thiết lập (sự xuất hiện) vô thường, và thuần thục trong việc không thiết lập trường tồn; ... thuần thục trong việc thiết lập tánh không, và thuần thục trong việc không thiết lập diễn giải sai lạc; thuần thục trong việc thiết lập trí, và thuần thục trong việc không thiết lập si mê.
Khi bậc hữu học tu tập tuệ quán, người ấy thuần thục trong việc thiết lập theo mười khía cạnh này, người ấy thuần thục trong việc không thiết lập theo mười khía cạnh này.
111. Khi người phiền não đã bị tuyệt diệt tu tập tuệ quán, người ấy thuần thục trong việc thiết lập theo mười hai khía cạnh nào? người ấy thuần thục trong việc không thiết lập theo mười hai khía cạnh nào?
Người ấy thuần thục trong việc thiết lập (sự xuất hiện) vô thường, và thuần thục trong việc không thiết lập trường tồn; ... thuần thục trong việc thiết lập tánh không, và thuần thục trong việc không thiết lập diễn giải sai lạc; thuần thục trong việc thiết lập trí, và thuần thục trong việc không thiết lập si mê; thuần thục trong việc thiết lập không hệ lụy, và thuần thục trong việc không thiết lập hệ lụy; thuần thục trong việc thiết lập diệt tận, và thuần thục trong việc không thiết lập hành vi tạo quả.
Khi người phiền não đã bị tuyệt diệt tu tập tuệ quán, người ấy thuần thục trong việc thiết lập theo mười hai khía cạnh này, người ấy thuần thục trong việc không thiết lập theo mười hai khía cạnh này.
112. Vì [đề mục quán tưởng] đã được hướng tới:
Nhờ thuần thục trong việc thiết lập đối tượng, người ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng, hiểu rõ lãnh vực và thể nhập ý nghĩa của nhất như, người ấy tổng hợp các lực,... người ấy tổng hợp các yếu tố tạo thành giác ngộ... người ấy tổng hợp các trạng thái [khác], hiểu rõ lãnh vực và thể nhập ý nghĩa của nhất như; ‘Người ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng’, người ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng như thế nào? Người ấy tổng hợp năng lực gây ảnh hưởng của tín theo nghĩa cả quyết, [người ấy tổng hợp năng lực gây ảnh hưởng của tấn theo nghĩa nỗ lực, người ấy tổng hợp năng lực gây ảnh hưởng của niệm theo nghĩa thiết lập, người ấy tổng hợp năng lực gây ảnh hưởng của định theo nghĩa không phân tâm, người ấy tổng hợp năng lực gây ảnh hưởng của tuệ theo nghĩa thấy rõ;] [9]
Nhờ thuần thục trong việc thiết lập biểu tượng của tĩnh lặng, [vị ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng,] ...
Nhờ thuần thục trong việc thiết lập biểu tượng của nỗ lực, [vị ấy]...
Nhờ thuần thục trong việc thiết lập biểu tượng của không phân tâm...
Nhờ thuần thục trong việc thiết lập ánh sáng...
Nhờ thuần thục trong việc thiết lập khuyến khích...
Nhờ thuần thục trong việc thiết lập bình thản...
Nhờ thuần thục trong việc thiết lập nhất tâm...
Nhờ thuần thục trong việc thiết lập sai biệt ...
Nhờ thuần thục trong việc thiết lập tự tại...
Nhờ thuần thục trong việc thiết lập vô thường...
Nhờ thuần thục trong việc không thiết lập trường tồn ...
Nhờ... [và cứ thế với các cặp còn lại của đ. 111 cho đến]...
Nhờ thuần thục trong việc thiết lập đoạn diệt...
Nhờ thuần thục trong việc không thiết lập hành vi tạo quả, người ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng, ... [người ấy tổng hợp các trạng thái [khác], hiểu rõ lãnh vực và thể nhập ý nghĩa của nhất như; [‘người ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng’, người ấy tổng hợp các năng lực gây ảnh hưởng như thế nào? Người ấy tổng hợp năng lực gây ảnh hưởng của tín theo nghĩa cả quyết, ... người ấy tổng hợp năng lực gây ảnh hưởng của tuệ theo nghĩa thấy rõ]. [30] [10]
113. Tuệ như là làm chủ ba năng lực gây ảnh hưởng theo sáu mươi bốn khía cạnh là trí về hủy diệt (kiệt quệ) các phiền não.
114. Về ba năng lực gây ảnh hưởng nào? Năng lực gây ảnh hưởng của ‘tôi sẽ chứng biết cái chưa biết’, năng lực gây ảnh hưởng của trí hiểu biết toàn triệt cuối cùng, năng lực gây ảnh hưởng của bậc đã chứng ngộ hoàn toàn.
115-124. Có bao nhiêu nơi... [lập lại nguyên vẹn Luận I đđ 552-562]... [31]. Các phiền não này bị hủy diệt ở đây.
125. Ở đây, trong thế giới này, không có gì vị ấy không thấy
Không có gì không được nhận chân, và không có gì không biết
Vị ấy đã kinh nghiệm tất cả những gì có thể biết:
Vì thế Như Lai được gọi là Người chứng biết tất cả.
126. Người chứng biết tất cả: Người chứng biết tất cả theo nghĩa nào? [lập lại Luận I đ. 608].
127. Trọn vẹn ý nghĩa của khổ đau trong khổ đau được biết rõ, không có nghĩa gì của khổ đau không được biết tới, vì thế Ngài là Người chứng biết tất cả. Sự chứng biết tất cả là năng lực gây ảnh hưởng của tuệ. Nhờ năng lực gây ảnh hưởng của tuệ nên có năng lực gây ảnh hưởng của tín theo nghĩa cả quyết, năng lực gây ảnh hưởng của tấn theo nghĩa nỗ lực, năng lực gây ảnh hưởng của niệm theo nghĩa thiết lập, năng lực gây ảnh hưởng của định theo nghĩa không phân tâm.
Trọn vẹn ý nghĩa của khổ đau trong khổ đau được tuệ thấy rõ, nhận chân, thực chứng, [32] thể nghiệm, không có ý nghĩa gì của khổ đau không được biết tới, vì thế Ngài là Người chứng biết tất cả. Sự chứng biết tất cả là năng lực gây ảnh hưởng của tuệ. Nhờ...
Trọn vẹn ý nghĩa nguồn gốc của khổ đau trong nguồn gốc khổ đau... [và cứ thế với các sự thực trong bốn sự thực cao cả còn lại].
128. Trọn vẹn ý nghĩa của vô ngại giải về nghĩa trong vô ngại giải về nghĩa... [và cứ thế với các vô ngại giải trong bốn vô ngại giải còn lại cho đến]...
Trọn vẹn ý nghĩa của vô ngại giải về trí trong vô ngại giải về trí được biết rõ... không có nghĩa gì của vô ngại giải về trí không được biết tới, vì thế Ngài là Người chứng biết tất cả...
Trọn vẹn ý nghĩa của vô ngại giải về trí trong vô ngại giải về trí được thấy rõ, được nhận chân...
129. Trọn vẹn ý nghĩa của trí biết rõ về năng lực của người khác...
Trọn vẹn ý nghĩa của trí biết rõ về năng lực của thành kiến và khuynh hướng ngủ ngầm của chúng sanh.
Trọn vẹn ý nghĩa của cặp Biến Hóa...
Trọn vẹn ý nghĩa của thành tựu lòng Đại Bi...
Trọn vẹn ý nghĩa của cái được nhìn thấy, được nghe, được nhận biết bằng tri giác, được thông hiểu, được gặp phải, được kiếm tìm, được tâm quan sát, trong thế giới có chư thiên, có Māras, có thần Brahmā, trong thế hệ này với các sa môn và Bà la môn, với các hoàng tử và dân chúng, trọn vẹn ý nghĩa ấy được thấy rõ, được nhận chân, được thực chứng, được trực nghiệm bằng tuệ, không có gì không được tuệ trực nghiệm, vì thế Ngài là Người chứng biết tất cả. Sự chứng biết tất cả là năng lực gây ảnh hưởng của tuệ. Nhờ năng lực gây ảnh hưởng của tuệ nên có năng lực gây ảnh hưởng của tín theo nghĩa cả quyết... và năng lực gây ảnh hưởng của định theo nghĩa không phân tâm.
130. Người nào có niềm tin, người ấy nỗ lực; người nào nỗ lực, người ấy có niềm tin. Người nào có niềm tin, người ấy ổn cố. Người nào ổn cố, người ấy có niềm tin. Người nào có niềm tin, người ấy định; người nào định, người ấy có niềm tin. Người nào có niềm tin, người ấy hiểu. Người nào hiểu, người ấy có niềm tin.
Người nào nỗ lực, người ấy ổn cố; người nào ổn cố, người ấy nỗ lực. Người nào nỗ lực, người ấy định; người nào định, người ấy nỗ lực. Người nào nỗ lực, người ấy hiểu; người nào hiểu, người ấy nỗ lực. Người nào nỗ lực, người ấy có niềm tin; người nào có niềm tin, người ấy nỗ lực.
Người nào ổn cố, người ấy định; người nào định, người ấy ổn cố.
Người nào định, người ấy hiểu; người nào hiểu, người ấy định...
Người nào hiểu, người ấy có niềm tin; người nào có niềm tin, người ấy hiểu. Người nào hiểu, người ấy nỗ lực; người nào nỗ lực, người ấy hiểu. Người nào hiểu, người ấy định; người nào định, người ấy hiểu.
131. Vì có niềm tin, nên được nỗ lực; vì được nỗ lực nên có niềm tin. Vì có niềm tin, nên được ổn cố; vì được ổn cố nên có niềm tin. Vì có niềm tin, nên được định; vì được định, nên có niềm tin. Vì có niềm tin, nên có hiểu biết; vì có hiểu biết, nên có niềm tin.
Vì được nỗ lực, nên được ổn cố; vì được ổn cố, nên được nỗ lực... [33]
Vì được ổn cố, nên được định; vì được định, nên được ổn cố... < ... được định... có hiểu biết... >
Vì có hiểu biết nên có niềm tin; vì có niềm tin, nên có hiểu biết. Vì có hiểu biết, nên được nỗ lực; vì được nỗ lực nên có hiểu biết. Vì có hiểu biết nên có ổn cố; vì có ổn cố nên có hiểu biết. Vì có hiểu biết nên được định; vì có định nên có hiểu.
132-140. Mắt nhìn chiếu diệu của đức Phật là trí của Phật. Trí của Phật là mắt nhìn chiếu diệu của Phật. Với con mắt nhìn chiếu diệu ấy, đức Phật thấy chúng sanh có nhiễm ít bụi trong mắt của họ, thấy chúng sanh có nhiễm nhiều bụi trong mắt của họ... [lập lại Luận I đđ 574-582 không cần thay đổi gì nữa].
141. Ngài biết rõ và thấy và nhận chân và hiểu rõ năm năng lực gây ảnh hưởng này theo năm mươi khía cạnh.
PHẦN THUẬT KỂ THỨ BA CHẤM DỨT.
LUẬN THUYẾT VỀ NĂNG LỰC GÂY ẢNH HƯỞNG CHẤM DỨT.
[1]Đọc là saddhindriyassa thay cho assaddhiyassa (PTS ed. vol. ii, trang 2, 1.24)
[2](đ. 24) Cách luận giải thứ nhất ở (đđ 18-23) đề cập tới các năng lực gây ảnh hưởng ngay tại sát na sanh khởi của các năng lực ấy, trong khi cách luận giải thứ hai ở (đđ 24-29) đề cập tới sự trau giồi, sự toàn thiện các năng lực này kéo dài trong một thời gian sau khi chúng đã sanh khởi (PsA 376 Se).
[3]Đọc thí dụ tương tự về lối dùng thành ngữ này ở M i 11.
[4](đ 31) ‘[Một phần] tuệ trí’ có nghĩa tuệ từ giai đoạn khởi đầu phân tích Tâm thức-Vật thể cho tới giai đoạn trước giai đoạn chứng Đạo lộ, đó là giai đoạn Chuyển Tánh (PsA 377 Se)
[5](đ 32) về ý nghĩa của chữ āyatana, xin đọc Vism 481.
[6]Đọc Nd 1 3. Chữ avatthāpana (rõ ràng) không có trong Tự Điển của PTS.
[7]Các đoạn đđ 31-33 được đề cập lại trong Luận về Hành Xử (Luận XXV).
[8](đ 90) Về phần cuối đ. này, so sánh với Luận III đ. 576.
[9](đ. 112) so với Luận III đđ 203ff.
[10]Quyển II bản của PTS trang 29, 11.19ff.: chữ peyyālas (cắt bỏ đi vì trùng lắp) được đặt trong câu văn ở đây không rõ ràng lắm; ‘41’ nên được đặt đầu đoạn 1.19 chứ không đặt ở 1.23. ‘Āvajjitattā’ chi phối cho đến hết trang, và các mệnh đề phụ bắt đầu bằng (1) ārammaṇūpaṭṭhānakusalavasena’... (2) ‘samathanimittūpaṭṭhānakusalavasena’..., vân vân. Hàng cuối nên chấm dứt bằng ‘samathañ ca paṭivijjhati... pe...’. (Đọc bản Miến Điện, ...)
«Vimokkhakathā »
Xuất Xứ Kinh đã đưa ra.
1. [35] ‘Này các Tỳ kheo, có ba loại giải thoát này. Ba giải thoát nào? Giải thoát vì tánh không, giải thoát vì không còn điều kiện để sanh tử, giải thoát vì không ước nguyện.*Này các Tỳ kheo, đây là ba loại giải thoát. < Không tìm xuất xứ kinh; so với Vin iii 93. Peṭ 253 nơi tỳ kheo Ñāṇamoli tìm không ra xuất xứ kinh, bản dịch của tỳ kheo này trang 69>. (ở D iii 219 có ba samādhis theo loại này).
* Ba khía cạnh giải thoát này của đạo lộ nhập giòng có nibbana làm đối tượng. Ba khía cạnh ấy là: giải thoát vì không có điều kiện để còn sanh tử (animittaṁ vimokkha), giải thoát vì vô ước nguyện (appaṇihita vimokkha) và giải thoát vì tánh không (suññata vimokkha). Đối tượng ấy (nibbana) được coi như: không có điều kiện hay không có hành vi tạo quả (animittaṁ), vô ước nguyện (appaṇihita) và tánh không (suññata). Đọc Nyanatiloka Thera, The Buddha’s Path to Deliverance [BPS, 2000], đ. 199, trang 201.
2. Hơn nữa, có sáu mươi tám loại giải thoát. [Cũng như] Giải thoát vì tánh không, giải thoát vì không còn điều kiện để sanh tử tái diễn, giải thoát vì không ước nguyện*[không đếm - kể luôn trong số này].
* không ước nguyện: không còn khao khát, mong muốn...
Có giải thoát xuất khởi từ bên trong, có giải thoát xuất khởi từ bên ngoài, có giải thoát xuất khởi theo cả hai cách; [đếm là 3;]
Bốn giải thoát xuất khởi từ bên trong, bốn giải thoát xuất khởi từ bên ngoài, bốn giải thoát xuất khởi theo cả hai cách; [đếm 9 - giải thoát đầu tiên của ba bộ bốn này có luôn 3 loại vừa nói trên;]
Bốn giải thoát tương thuận với xuất khởi từ bên trong, bốn giải thoát tương thuận với xuất khởi từ bên ngoài, bốn giải thoát tương thuận với xuất khởi theo cả hai cách; [đếm 12;]
Bốn giải thoát là an tịnh xuất khởi từ bên trong, bốn giải thoát là an tịnh xuất khởi từ bên ngoài, bốn giải thoát là an tịnh xuất khởi theo cả hai cách; [đếm 12;]
Giải thoát được diễn giải như vầy: có vật thể, vị ấy thấy tỷ dụ điển hình của vật thể; giải thoát được diễn giải như vầy: không nhận thức đến vật thể bên trong (bản thân vị ấy), vị ấy thấy tỷ dụ điển hình của vật thể bên ngoài; giải thoát được diễn giải như vầy: chí hướng vị ấy chỉ nhắm đến cái cao đẹp;*giải thoát kể như là chứng đạt cõi không gian vô biên; giải thoát kể như là chứng đạt cõi thức vô biên; giải thoát kể như là chứng đạt cõi không có gì; giải thoát kể như là chứng đạt cõi không nhận thức cũng không phải không nhận thức; giải thoát kể như là chứng đạt cõi diệt nhận thức và cảm nghiệm. [đếm 8;]
*subhaṁ: cao đẹp, nói đến bốn tâm vô lượng. Đọc đ. 20 sắp tới.
Giải thoát theo thời*, giải thoát không theo thời2*. [đếm 2]
*samayavimokkho; 2*asamayavimokkho.Đọc đđ. 25 sắp tới.
Giải thoát tạm thời*, giải thoát vĩnh viễn2*. [đếm 2]
*sāmayikovimokkho; 2*asāmayikovimokkho.Đọc đđ. 27 sắp tới.
Giải thoát suy chuyển được*, giải thoát không suy chuyển được2*. [đếm 2]
*kuppovimokkho; 2*akuppovimokkho
Giải thoát có tính thế tục, giải thoát siêu thế. [đếm 2]
Giải thoát chịu ảnh hưởng của nhiễm lậu*, giải thoát không chịu ảnh hưởng của nhiễm lậu2*. [đếm 2]
*sāsavovimokkho; 2*asāsavovimokkho
Giải thoát thế gian,*giải thoát xuất thế,2*giải thoát còn xuất thế hơn là xuất thế.3*[đếm 3]
*sāmiso vimokkho, 2*nirāsimo vimokkho, 3*nirāmisānirāmisataro vimokkho
Giải thoát nhờ ước nguyện, giải thoát nhờ không ước nguyện,*giải thoát nhờ ước nguyện đã được lắng dịu. [đếm 2- vì loại thứ 2 đã kể ở trên rồi]
* ước nguyện: paṇihito; không ước nguyện: appaṇihito
Giải thoát còn kết buộc, giải thoát không còn kết buộc. [đếm 2]
Giải thoát dựa trên nhất như, giải thoát dựa trên sai biệt. [đếm 2] [36] giải thoát nhận thức, giải thoát trí, giải thoát được diễn giải như thế này: [Tất cả những gì đã được kinh nghiệm ở đây] có thể trở thành mát lạnh; [đếm 3]
Giải thoát jhana, giải thoát tâm nhờ không bám níu. [đếm 2]
3. Giải thoát vì tánh không là gì?
Ở đây, này các tỳ kheo, một tỳ kheo đi vào khu rừng hay đi đến gốc cây hay đến nơi trống vắng, nhận xét như vầy: ‘Cái này không có ngã hay không có cái thuộc về ngã’. Từ đó vị ấy tìm cách không diễn giải sai lạc, như vậy là giải thoát nhờ tánh không. Đây là giải thoát vì tánh không.
4. Giải thoát vì không có điều kiện để còn sanh tử*là gì?
Ở đây, này các tỳ kheo, một tỳ kheo đi vào khu rừng hay đi đến gốc cây hay đến nơi trống vắng, nhận xét như vầy: ‘Cái này không có ngã hay không có cái thuộc về ngã’. Từ đó vị ấy tìm cách làm vắng bặt điều kiện (vô tướng), như vậy là giải thoát vì không có điều kiện để còn sanh tử. Đây là giải thoát vì không có điều kiện để còn sanh tử.
* Đọc chú thích ở Luận I đ. 18.
5. Giải thoát vì không ước nguyện là gì?
Ở đây, này các tỳ kheo, một tỳ kheo đi vào khu rừng hay đi đến gốc cây hay đến nơi trống vắng, nhận xét như vầy: ‘Cái này không có ngã hay không có cái thuộc về ngã’. Từ đó vị ấy tìm cách không ước nguyện, như vậy là giải thoát nhờ không ước nguyện. Đây là giải thoát vì tính không ước nguyện.
6. Giải thoát xuất khởi [từ nhiễm lậu] bên trong là gì?
Bốn jhanas. Đây là giải thoát xuất khởi từ bên trong.
7. Giải thoát xuất khởi [từ đối tượng] bên ngoài là gì?
Bốn chứng đạt vô sắc giới. Đây là giải thoát xuất khởi từ bên ngoài.
8. Giải thoát xuất khởi theo cả hai cách là gì?
Bốn đạo lộ cao quý. Đây là giải thoát xuất khởi theo cả hai cách.
9. Bốn giải thoát xuất khởi từ bên trong là gì?
Sơ thiền xuất khởi từ các chướng ngại. Nhị thiền xuất khởi từ hướng tâm về đối tượng và xoay quanh đối tượng. Tam thiền xuất khởi từ hỉ. Tứ thiền xuất khởi từ lạc và khổ. Đây là bốn giải thoát tương thuận với xuất khởi từ bên trong.
10. Bốn giải thoát xuất khởi từ bên ngoài là gì?
Sự chứng đạt cõi không gian vô biên xuất khởi từ nhận thức về vật thể, từ nhận thức về đối kháng và nhận thức về sai biệt. Sự chứng đạt cõi thức vô biên xuất khởi từ nhận thức về cõi không gian vô biên. Sự chứng đạt cõi không có gì xuất khởi từ nhận thức về cõi thức vô biên. Sự chứng đạt cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức xuất khởi từ nhận thức về cõi không có gì. Đây là bốn giải thoát xuất khởi từ bên ngoài.
11.Bốn giải thoát xuất khởi theo cả hai cách là gì?
Đạo lộ nhập giòng xuất khởi từ quan điểm [sai lạc] cho là có bản ngã, xuất khởi từ hoài nghi, xuất khởi từ diễn giải sai lạc về giới luật và về nghi lễ, và cũng xuất khởi từ khuynh hướng ngủ ngầm đến quan điểm [sai lạc] và đến hoài nghi, và nó xuất khởi từ nhiễm lậu và từ các tập hợp sanh ra vì những nhiễm lậu ấy, và nó xuất khởi từ tất cả các dấu hiệu [37] từ bên ngoài. Đạo lộ trở lại một lần xuất khởi từ những kết buộc thô trược của ham muốn khoái lạc giác quan và của đối kháng, và xuất khởi từ những khuynh hướng thô trược ngủ ngầm đến ham muốn khoái lạc giác quan và của đối kháng và nó xuất khởi từ những nhiễm lậu và từ các tập hợp sanh ra vì những nhiễm lậu ấy, và nó xuất khởi từ tất cả các dấu hiệu từ bên ngoài. Đạo lộ không trở lại xuất khởi từ những kết buộc còn xót lại của ham muốn khoái lạc giác quan và của đối kháng, và xuất khởi từ những khuynh hướng ngủ ngầm đến ham muốn khoái lạc giác quan và đến đối kháng còn xót lại, và nó xuất khởi từ những nhiễm lậu và từ các tập hợp sanh ra vì những nhiễm lậu ấy, và nó xuất khởi từ tất cả các dấu hiệu từ bên ngoài. Đạo lộ arahant xuất khởi từ ham muốn trở thành [sanh linh] cõi sắc giới, từ ham muốn trở thành [sanh linh] cõi vô sắc giới, từ ngã mạn (kiêu hãnh), khao khát hiện hữu và vô minh, và xuất khởi từ những nhiễm lậu và từ các tập hợp sanh ra vì những nhiễm lậu ấy, và nó xuất khởi từ tất cả các dấu hiệu từ bên ngoài. Đây là bốn giải thoát xuất khởi theo cả hai cách.
12. Bốn giải thoát tương thuận với xuất khởi từ bên trong là gì?
Hướng tâm về đối tượng và xoay quanh đối tượng và hỉ và sự nhất tâm có mục đích chứng đạt sơ thiền. Hướng tâm về đối tượng... nhị thiền... tam thiền... Hướng tâm về đối tượng và xoay quanh đối tượng và hỉ và sự nhất tâm có mục đích chứng đạt tứ thiền. Đây là bốn giải thoát tương thuận với xuất khởi từ bên trong.
13. Bốn giải thoát tương thuận với xuất khởi từ bên ngoài là gì?
Hướng tâm về đối tượng và xoay quanh đối tượng và hỉ và sự nhất tâm có mục đích chứng đạt cõi không gian vô biên. Hướng tâm về đối tượng... cõi thức vô biên ... cõi không có gì ... Hướng tâm về đối tượng và xoay quanh đối tượng và hỉ và lạc sự nhất tâm có mục đích chứng đạt cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức. Đây là bốn giải thoát tương thuận với xuất khởi từ bên ngoài.
14. Bốn giải thoát tương thuận với xuất khởi theo cả hai cách là gì?
Quán vô thường và quán khổ não và quán không phải là ngã có mục đích chứng đạt đạo lộ nhập giòng. Quán vô thường... đạo lộ trở lại một lần... đạo lộ không trở lại... Quán vô thường và quán khổ não và quán không phải là ngã có mục đích chứng đạt đạo lộ arahant. Đây là bốn giải thoát tương thuận với xuất khởi theo cả hai cách.
15. Bốn giải thoát như là lắng dịu sự xuất khởi từ bên trong là gì?
Sự thành đạt sơ thiền hay kết quả của cõi thiền ấy. Sự thành đạt nhị thiền hay kết quả của cõi thiền ấy. Sự thành đạt tam thiền hay kết quả của cõi thiền ấy. Sự thành đạt tứ thiền hay kết quả của cõi thiền ấy. Đây là [38] bốn giải thoát như là lắng dịu sự xuất khởi từ bên trong.
16. Bốn giải thoát như là lắng dịu sự xuất khởi từ bên ngoài là gì?
Thành đạt sự chứng đắc cõi không gian vô biên hay kết quả của cõi ấy. Thành đạt sự chứng đắc cõi thức vô biên hay kết quả của cõi ấy. Thành đạt sự chứng đắc cõi không có gì hay kết quả của cõi ấy. Thành đạt sự chứng đắc cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức hay kết quả của cõi thiền ấy. Đây là bốn giải thoát như là lắng dịu sự xuất khởi từ bên ngoài.
17. Bốn giải thoát như là lắng dịu sự xuất khởi theo cả hai bên là gì?
Nhập giòng, quả vị của đạo lộ dự lưu. Trở lại một lần, quả vị của đạo lộ trở lại một lần. Không trở lại, quả vị của đạo lộ không trở lại. Arahant, quả vị của đạo lộ arahant. Đây là bốn giải thoát như là lắng dịu sự xuất khởi theo cả hai bên.
18. Giải thoát được diễn giải như vầy: có vật thể, vị ấy thấy tỉ dụ về vật thể là gì?
Ở đây có người chú ý đến dấu hiệu xanh-đen bên trong người ấy <đó là tóc của người ấy, PsA>. Người ấy có được nhận thức về xanh-đen. Vị ấy nhận biết kỹ, ghi nhớ kỹ, phân biệt kỹ [1]dấu hiệu đó. Sau khi đã nhận biết kỹ, ghi nhớ kỹ, phân biệt kỹ dấu hiệu đó, người ấy chú tâm đến dấu hiệu xanh đen bên ngoài. Người ấy có được nhận thức về xanh-đen. Vị ấy nhận biết kỹ, ghi nhớ kỹ, phân biệt kỹ dấu hiệu đó. Sau khi đã nhận biết kỹ, ghi nhớ kỹ, phân biệt kỹ dấu hiệu đó, người ấy chú tâm đến dấu hiệu xanh đen bên ngoài, người ấy lập lại, phát triển và phong phú nó. Ý niệm sau đây đến với người ấy như vầy: ‘Đây là vật thể bên trong, bên ngoài và cả hai bên’. Người ấy hiểu rõ vật thể như thế.
Ở đây có người chú ý đến dấu hiệu vàng bên trong người ấy...
Ở đây có người chú ý đến dấu hiệu đỏ bên trong người ấy...
Ở đây có người chú ý đến dấu hiệu trắng bên trong người ấy... Ý niệm sau đây đến với người ấy như vầy: ‘Đây là vật thể bên trong, bên ngoài và cả hai bên’. Người ấy hiểu rõ vật thể như thế.
Giải thoát đã được diễn giải như vầy: có vật thể, vị ấy thấy tỉ dụ về vật thể là như thế.
19. Giải thoát được diễn giải như vầy: Không nhận thức đến vật thể bên trong,vị ấy thấy tỉ dụ về vật thể bên ngoài là gì?
Ở đây có người chú ý [39] đến dấu hiệu xanh-đen bên trong người ấy. Người ấy không có được nhận thức về xanh-đen. Người ấy chú tâm đến dấu hiệu xanh-đen phía ngoài. Người ấy có được nhận thức về xanh-đen. Vị ấy nhận biết kỹ... Sau khi đã nhận biết kỹ,... phong phú nó. Ý niệm sau đây đến với người ấy như vầy: ‘Không có vật thể bên trong, đây là vật thể bên ngoài’. Người ấy hiểu rõ tỉ dụ điển hình về vật thể.
Ở đây có người chú ý đến dấu hiệu vàng bên trong...
Ở đây có người chú ý đến dấu hiệu đỏ bên trong...
Ở đây có người chú ý đến dấu hiệu trắng bên trong... Ý niệm sau đây đến với người ấy như vầy: ‘Không có vật thể bên trong, đây là vật thể bên ngoài’. Người ấy hiểu rõ tỉ dụ điển hình về vật thể.
Giải thoát được diễn giải như vầy: không nhận thức đến vật thể bên trong, vị ấy thấy tỉ dụ điển hình của vật thể phía ngoài là như vậy.
20. Giải thoát được diễn giải như vầy: chí hướng vị ấy chỉ nhắm đến cái cao đẹp là gì?
Ở đây vị tỳ kheo sống chan hòa một phương với tâm có từ ái đi kèm. Cũng thế với phương thứ hai, phương thứ ba, phương thứ bốn; cũng thế với phương trên, phương dưới, chung quanh; khắp nơi vị ấy sống chan hòa với toàn thế giới, coi mình giống như tất cả với tâm có từ ái đi kèm, sung mãn, cao quý, không đo lường được, không sầu não. Nhờ tu tập lòng từ ái, chúng sanh không ghê gớm (appaṭikkūla).
Ở đây vị tỳ kheo sống chan hòa một phương với tâm có bi mẫn đi kèm... Nhờ tu tập lòng bi mẫn, chúng sanh không ghê gớm.
Ở đây vị tỳ kheo sống chan hòa một phương với tâm có hoan hỉ đi kèm... Nhờ tu tập lòng hoan hỉ, chúng sanh không ghê gớm.
Ở đây vị tỳ kheo sống chan hòa một phương với tâm có bình thản đi kèm... Nhờ tu tập lòng bình thản, chúng sanh không ghê gớm.
Giải thoát được diễn giải như vầy: chí hướng vị ấy chỉ nhắm đến cái cao đẹp là như vậy.
21. Giải thoát kể như là chứng đạt cõi không gian vô biên là gì?
Ở đây nhờ hoàn toàn vượt qua ý niệm về sắc thể, với sự vắng mặt của ý niệm đối kháng, không còn chú ý tới sai biệt, [ý thức rõ là] ‘Không gian vô biên’, vị tỳ kheo nhập vào và trú trong cõi không gian vô biên. Đây là sự giải thoát kể như là chứng đạt cõi không gian vô biên.
22. Giải thoát kể như là chứng đạt cõi thức vô biên là gì?
Ở đây nhờ hoàn toàn vượt qua cõi không gian vô biên, [40] [ý thức rõ là] ‘Thức vô biên’, vị tỳ kheo nhập vào và trú trong cõi thức vô biên. Đây là sự giải thoát kể như là chứng đạt cõi thức vô biên.
23. Giải thoát kể như là chứng đạt cõi không có gì là gì?
Ở đây nhờ hoàn toàn vượt qua cõi thức vô biên, [ý thức rõ là] ‘Không có gì cả’, vị tỳ kheo nhập vào và trú trong cõi không có gì. Đây là sự giải thoát kể như là chứng đạt cõi không có gì.
24. Giải thoát kể như là chứng đạt cõi không nhận thức cũng không phải không nhận thức là gì?
Ở đây nhờ hoàn toàn vượt qua cõi không có gì, [ý thức rõ là] ‘Không có gì cả’, vị tỳ kheo nhập vào và trú trong cõi không nhận thức cũng không phải không nhận thức. Đây là sự giải thoát kể như là chứng đạt cõi không nhận thức cũng không phải không nhận thức.
25. Giải thoát theo thời*là gì?
Chứng đạt bốn jhanas và bốn cõi vô sắc. Đây là giải thoát theo thời.
*Samayavimutto: muốn nói tới bậc Nhập Giòng, Trở Lại Một Lần, Không Trở Lại (chú giải của Pug.). Bậc này, đôi lúc vẫn thể nghiệm tám giai đoạn giải thoát, sau khi đã thấy rõ các giai đoạn ấy bằng tuệ quán, một số nhiễm lậu của vị ấy hoàn toàn bị hủy diệt. Đây là giải thoát theo thời. Đọc B. C. Law, Human Types, PTS [Oxford, 1997], chú thích số 1 trang 4 và đ. 1 trang 17. Đọc M i 197; M iii 111. Nhưng Bhikkhu Bodhi dịch chữ này là temporary liberation, ‘giải thoát tạm thời’ như ở đoạn 27. Đọc Ñāṇamoli & Bhikkhu Bodhi, The Middle Length Discourses of the Buddha, Wisdom Publications [Boston, 1995], chú thích 348, trang 1223.
26. Giải thoát không theo thời *là gì?
Bốn đạo lộ cao quý, bốn quả vị sa môn và nibbana. Đây là giải thoát không theo thời.
*Asamayavimutto: ·muốn nói tới Sukkhavipassaka-khīṇāsavas (là bậc quán các hiện tượng tâm sinh lý không ngừng thay đổi biểu hiện qua sáu giác quan (mắt, mũi,... ý) theo kinh Bốn Niệm Xứ đã giảng, nhờ thế chứng thánh đạo. Vị ấy ‘được giải thoát nhờ tuệ’ (paññāvimuttā kho mayaṁ) nhưng không có thần thông hay nhập jhānas (S ii 124). Đọc Henepola Gunaratana, The Path of Serenity and Insight, Motilal Banarsidass Publishers [Delhi, 1994] trang 147, 199, 200, 212.
·Đọc Bhikkhu Bodhi, The Connected Discourses of the Buddha Vol I, (S ii 124) trang 615; chú thích 210 trang 785.
·Tuy không đôi khi thể nghiệm tám giai đoạn giải thoát, nhưng sau khi đã thấy rõ các giai đoạn ấy bằng tuệ quán, các nhiễm lậu của vị ấy hoàn toàn bị hủy diệt. Đây là giải thoát không (chỉ) theo thời. Thực ra, tất cả các Ariyas đều được giải thoát tăng thượng như thế. Đọc B. C. Law, Human Types, PTS [Oxford, 1997], chú thích số 2 trang 4 và đ. 2 trang 17.
·Đọc thêm R. C. Childers, A Dictionary of the Pali Language, Cosmo Publications [New Delhi, 1979] tra thuật ngữ Samatho nói đến Sukkhavipassaka, trang 429.
27. Giải thoát tạm thời là gì?
Thành tựu bốn jhanas và bốn cõi vô sắc. Đây là giải thoát tạm thời.
28. Giải thoát vĩnh viễn*là gì?
Bốn đạo lộ cao quý, bốn quả vị sa môn và nibbana. Đây là giải thoát vĩnh viễn.
* vĩnh viễn: nđ không tạm thời, pāraṅgato na pacceti tādi : hễ đã qua sông thì không còn trở lại (Sn 803).
29. Giải thoát suy chuyển được *là gì?
Thành tựu bốn jhanas và bốn cõi vô sắc. Đây là giải thoát suy chuyển được.
*Kuppadhammo: chỉ cho cư sĩ, bậc nhập giòng và trở lại một lần đã chứng tám samāpattis (nhập định). Là những người không chắc chắn hay không củng cố vững vàng trên đạo lộ. Gọi như thế vì các chướng ngại tâm thức đối nghịch với trạng thái định (hay nhập định) và tuệ quán chưa bị hoàn toàn chận đứng, chưa bị xóa bỏ nên sự chứng đắc không tồn tại và sụp đổ. Đọc B. C. Law, sđd, chú thích số 3, trang 4; đoạn 3 trang 17.
30. Giải thoát không suy chuyển*được là gì?
Bốn đạo lộ cao quý, bốn quả vị sa môn và nibbana. Đây là giải thoát không suy chuyển được.
*Akuppadhammo:chỉ cho bậc không trở lại, đã chứng các samāpattis và chokhīṇāsavas (người đã tận diệt tất cả nhiễm lậu). Chỉ cho người không còn lạc lối, chắc chắn, củng cố vững vàng trên đạo lộ. Gọi như thế vì các chướng ngại cho trạng thái định (hay nhập định) và tuệ quán thực tánh ba pháp ấn đã hoàn toàn bị chận đứng, bị xóa bỏ, nên sự chứng đắc không còn bị các cuộc nói chuyện vô ích và hành vi đã làm vì xao lãng hủy diệt đi. (Chú giải). Đọc B. C. Law, sđd, chú thích số 4, trang 4.
31. Giải thoát có tính thế tục là gì?
Chứng đạt bốn jhanas và bốn cõi vô sắc. Đây là giải thoát có tính thế tục.
32. Giải thoát siêu thế là gì?
Bốn đạo lộ cao quý, bốn quả vị sa môn và nibbana. Đây là giải thoát siêu thế.
33. Giải thoát chịu ảnh hưởng của phiền não là gì?
Chứng đạt bốn jhanas và bốn cõi vô sắc. Đây là giải thoát chịu ảnh hưởng của phiền não.
34. Giải thoát không chịu ảnh hưởng của phiền não là gì? [41]
Bốn đạo lộ cao quý, bốn quả vị sa môn và nibbana. Đây là giải thoát không chịu ảnh hưởng của phiền não.
35. Giải thoát thế gian là gì?
Giải thoát không thể tách rời khỏi thế gian. Đây là giải thoát thế gian.
36. Giải thoát xuất thế là gì?
Giải thoát không thể tách rời khỏi xuất thế. Đây là giải thoát xuất thế.
37. Giải thoát còn xuất thế hơn là xuất thế là gì?
Bốn đạo lộ cao quý, bốn quả vị sa môn và nibbana. Đây là giải thoát còn xuất thế hơn là xuất thế.
38. Giải thoát nhờ ước nguyện là gì?
Chứng đạt bốn jhanas và bốn cõi vô sắc. Đây là giải thoát nhờ ước nguyện.
39. Giải thoát nhờ không ước nguyện là gì?
Bốn đạo lộ cao quý, bốn quả vị sa môn và nibbana. Đây là giải thoát nhờ không ước nguyện.
40. Giải thoát nhờ ước muốn đã được lắng dịu là gì?
Sự thành đạt sơ thiền hay kết quả của cõi thiền ấy... [và cứ thế như ở đ. 15]. Thành đạt sự chứng đắc cõi không gian vô biên... [và cứ thế như ở đ. 16]. Đây là giải thoát nhờ lắng dịu ước nguyện.
41. Giải thoát còn bị kết buộc là gì?
Chứng đạt bốn jhanas và bốn cõi vô sắc.
42. Giải thoát không còn bị kết buộc là gì?
Bốn đạo lộ cao quý, bốn quả vị sa môn và nibbana. Đây là giải thoát không còn bị kết buộc.
43. Giải thoát dựa trên nhất như là gì?
Bốn đạo lộ cao quý, bốn quả vị sa môn và nibbana. Đây là giải thoát dựa trên nhất như.
44. Giải thoát dựa trên sai biệt là gì?
Chứng đạt bốn jhanas và bốn cõi vô sắc. Đây là giải thoát dựa trên sai biệt.
45. Giải thoát nhận thức là gì?
Có thể rằng một giải thoát nhận thức là mười giải thoát nhận thức và có thể rằng mười giải thoát nhận thức là một giải thoát nhận thức, đúng theo [mười loại] đối tượng và [một] tác dụng [giải thoát của nó].
Có thể: có thể như thế nào?
Trí quán về vô thường được giải thoát khỏi nhận thức về trường tồn, [42] như thế có giải thoát về nhận thức. Trí quán về khổ não được giải thoát khỏi nhận thức về vui sướng, như thế có giải thoát về nhận thức. Trí quán về không phải là ngã được giải thoát khỏi nhận thức về ngã... Trí quán về nhàm chán được giải thoát khỏi nhận thức về thích thú... Trí quán về hết ham muốn được giải thoát khỏi nhận thức về tham... Trí quán về đoạn diệt được giải thoát khỏi nhận thức về nguồn sanh khởi... Trí quán về buông bỏ được giải thoát khỏi nhận thức về nắm giữ... Trí quán về không dấu hiệu được giải thoát khỏi nhận thức về dấu hiệu... Trí quán về không ước nguyện được giải thoát khỏi nhận thức về ước nguyện... Trí quán về tánh không được giải thoát khỏi nhận thức về diễn giải sai lạc, như thế có giải thoát nhận thức.
Có thể rằng một giải thoát nhận thức là mười giải thoát nhận thức và có thể rằng mười giải thoát nhận thức là một giải thoát nhận thức, đúng theo đối tượng và tác dụng là như thế.
Trí quán về vô thường trong vật thể được giải thoát khỏi nhận thức về trường tồn [của nó], như thế có giải thoát nhận thức. Trí quán về khổ não trong vật thể... Trí quán về tánh không trong vật thể được giải thoát khỏi nhận thức [của nó] như là diễn giải sai lạc... [và cứ thế với các ý niệm của 201 ý niệm còn lại liệt kê ở Luận I đ. 5 cho đến]. Trí quán về vô thường trong già và chết được giải thoát khỏi nhận thức trường tồn [của nó], như thế nó là giải thoát về nhận thức. Trí quán về tánh không trong già và chết được giải thoát khỏi nhận thức [của nó] như là diễn giải sai lạc, như thế nó là giải thoát về nhận thức.
Có thể rằng một giải thoát nhận thức là mười giải thoát nhận thức và có thể rằng mười giải thoát nhận thức là một giải thoát nhận thức, đúng theo đối tượng và tác dụng là như thế.
46. Giải thoát trí là gì?
Có thể rằng một giải thoát của trí là mười giải thoát của trí và có thể rằng mười giải thoát của trí là một giải thoát của trí, đúng theo đối tượng và tác dụng.
Có thể: có thể như thế nào?
Trí biết như thật kể như là quán vô thường được giải thoát khỏi sự không biết như mơ hồ về trường cửu, như thế có giải thoát của trí. Trí biết như thật kể như là quán khổ não được giải thoát khỏi sự không biết như mơ hồ về vui sướng... Trí biết như thật kể như là quán không phải là ngã được giải thoát khỏi sự không biết như mơ hồ về ngã... Trí biết như thật kể như là quán nhàm chán được giải thoát khỏi sự không biết như mơ hồ về thích thú... Trí biết như thật kể như là quán hết ham muốn [43] được giải thoát khỏi sự không biết như mơ hồ về tham... Trí biết như thật kể như là quán đoạn diệt được giải thoát khỏi sự không biết như mơ hồ về nguồn sinh khởi... Trí biết như thật kể như là quán buông bỏ được giải thoát khỏi sự không biết như mơ hồ về nắm giữ... Trí biết như thật kể như là quán không dấu hiệu được giải thoát khỏi sự không biết như mơ hồ về dấu hiệu... Trí biết như thật kể như là quán ước nguyện được giải thoát khỏi sự không biết như mơ hồ về ước nguyện... Trí biết như thật kể như là quán tánh không được giải thoát khỏi sự không biết như mơ hồ về diễn giải sai lạc, như thế có giải thoát của trí.
Có thể rằng một giải thoát của trí là mười giải thoát của trí và có thể rằng mười giải thoát của trí là một giải thoát của trí, đúng theo đối tượng và tác dụng là như thế.
Trí biết như thật kể như là quán về vô thường trong vật thể được giải thoát khỏi sự không biết như mơ hồ về trường tồn, như thế có giải thoát của trí... Trí biết như thật kể như là quán về tánh không trong vật thể được giải thoát khỏi sự không biết như mơ hồ về diễn giải sai lạc nó, như thế có giải thoát của trí... [và cứ thế với các ý niệm của 201 ý niệm còn lại liệt kê ở Luận I đ. 5 cho đến]... Trí biết như thật kể như là quán vô thường trong già và chết... Trí biết như thật kể như là quán tánh không trong già và chết được giải thoát khỏi sự không biết như mơ hồ về diễn giải sai lạc nó, như thế có giải thoát của trí.
Có thể rằng một giải thoát về trí là mười giải thoát về trí và có thể rằng mười giải thoát về trí là một giải thoát về trí, đúng theo đối tượng và tác dụng là như thế đấy.
47. Giải thoát được diễn giải như thế này: [tất cả những gì đã được kinh nghiệm ở đây] có thể trở thành mát lạnh là gì?
Có thể rằng một giải thoát được diễn giải như vầy: ‘Nó có thể trở thành mát lạnh’ là mười giải thoát được diễn giải như vầy: ‘Nó có thể trở thành mát lạnh’ và có thể rằng mười giải thoát được diễn giải như vầy ‘Nó có thể trở thành mát lạnh’ là một giải thoát được diễn giải như vầy: ‘Nó có thể trở thành mát lạnh’.
Có thể: có thể như thế nào?
Tính mát lạnh không thể vượt qua được của trí kể như là quán vô thường được giải thoát từ thiêu đốt, ám ảnh và âu lo cực độ về trường tồn, như thế có giải thoát được diễn giải như vầy ‘Nó có thể trở thành mát lạnh’. Tính mát lạnh không thể vượt qua được của trí kể như là quán khổ não được giải thoát từ thiêu đốt, ám ảnh và âu lo cực độ về vui sướng, ... Tính mát lạnh không thể vượt qua được của trí kể như là quán không phải là ngã được giải thoát từ thiêu đốt, ám ảnh và âu lo cực độ về tự ngã... Tính mát lạnh không thể vượt qua được của trí kể như là quán nhàm chán [44] được giải thoát từ thiêu đốt, ám ảnh và âu lo cực độ về thích thú... Tính mát lạnh không thể vượt qua được của trí kể như là quán hết ham muốn được giải thoát từ thiêu đốt, ám ảnh và âu lo cực độ về tham... Tính mát lạnh không thể vượt qua được của trí kể như là quán đoạn diệt được giải thoát từ thiêu đốt, ám ảnh và âu lo cực độ về nguồn sanh khởi... Tính mát lạnh không thể vượt qua được của trí kể như là quán buông bỏ được giải thoát từ thiêu đốt, ám ảnh và âu lo cực độ về bám giữ... Tính mát lạnh không thể vượt qua được của trí kể như là quán không dấu hiệu được giải thoát từ thiêu đốt, ám ảnh và âu lo cực độ về dấu hiệu... Tính mát lạnh không thể vượt qua được của trí kể như là quán không ước nguyện được giải thoát từ thiêu đốt, ám ảnh và âu lo cực độ về ước nguyện... Tính mát lạnh không thể vượt qua được của trí kể như là quán tánh không được giải thoát từ thiêu đốt, ám ảnh và âu lo cực độ về diễn giải sai lạc, như thế có giải thoát được diễn giải như vầy ‘Nó có thể trở thành mát lạnh’.
Có thể.. đúng theo đối tượng và tác dụng là như thế đấy.
Tính mát lạnh không thể vượt qua được của trí kể như là quán vô thường trong vật thể được giải thoát từ thiêu đốt, ám ảnh và âu lo cực độ về trường tồn, như thế có giải thoát được diễn giải như vầy ‘Nó có thể trở thành mát lạnh’... Tính mát lạnh không thể vượt qua được của trí kể như là quán tánh không trong vật thể được giải thoát từ thiêu đốt, ám ảnh và âu lo cực độ về diễn giải nó sai lạc... [và cứ thế với các ý niệm của 201 ý niệm còn lại liệt kê ở Luận I đ. 5 cho đến]...
Tính mát lạnh không thể vượt qua được của trí kể như là quán già và chết... Tính mát lạnh không thể vượt qua được của trí kể như là quán tánh không trong già và chết được giải thoát từ thiêu đốt, ám ảnh và âu lo cực độ về diễn giải nó sai lạc, như thế có giải thoát được diễn giải như vầy ‘Nó có thể trở thành mát lạnh’...
Có thể.. đúng theo đối tượng và tác dụng là như thế đấy.
Đây là giải thoát được diễn giải như vầy: [tất cả những gì đã được kinh nghiệm ở đây] có thể trở thành mát lạnh.
48. Giải thoát nhờ thiền định*là gì?
Xuất ly được thắp sáng lên (jhāyati), như thế nó là thiền định; nó thiêu đốt ham muốn khoái lạc giác quan, như thế nó là thiền định; việc được thắp sáng lên (jhāyanto), như thế nó là giải thoát nhờ thiền định; thiêu đốt (jhāpento), nó được giải thoát, như thế nó là giải thoát nhờ thiền định; chúng [đó là các trạng thái thiện] đã được thắp sáng lên (jhāyanti); chúng [đó là] các phiền não bị thiêu đốt (jhāpenti); vị ấy biết rõ cái được thắp sắng lên (jhāta) và cái bị thiêu đốt (jhāpa), như thế nó là giải thoát nhờ thiền định. [45]
*jhānavimokkha.
Không sân hận được thắp sáng lên, ... nó thiêu đốt sân hận...
Nhận thức về ánh sáng được thắp sáng lên, ... nó thiêu đốt dã dượi buồn ngủ...
Không phân tâm được thắp sáng lên, ... nó thiêu đốt dao động...
Tìm hiểu hiện tượng được thắp sáng lên, ... nó thiêu đốt hoài nghi
Trí được thắp sáng lên, ... nó thiêu đốt vô minh...
Hoan hỉ được thắp sáng lên, ... nó thiêu đốt tẻ nhạt...
Sơ thiền được thắp sáng lên, ... nó thiêu đốt các chướng ngại...
Nhị thiền được thắp sáng lên, ... nó thiêu đốt hướng tâm về đối tượng và xoay quanh đối tượng...
Tam thiền được thắp sáng lên, ... nó thiêu đốt hỉ...
Tứ thiền được thắp sáng lên, ... nó thiêu đốt lạc và khổ...
Sự thành đạt cõi không gian vô biên...
Sự thành đạt cõi thức vô biên...
Sự thành đạt cõi không có gì...
Sự thành đạt cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức...
Đạo lộ nhập giòng... [so với Luận I đ. 442]
Đạo lộ trở lại một lần...
Đạo lộ không trở lại...
Đạo lộ arahant được thắp sáng lên, như vậy có thiền định; nó thiêu đốt tất cả các phiền não, như vậy có thiền định; việc được thắp sáng lên, nó được giải thoát, như thế nó là giải thoát nhờ thiền định; thiêu đốt, nó được giải thoát, như thế nó là giải thoát nhờ thiền định; chúng [đó là] các trạng thái thiện đã được thắp sáng lên; vị ấy thiêu đốt chúng [đó là các phiền não]; vị ấy biết rõ cái được thắp sắng lên và cái bị thiêu đốt, như thế nó là giải thoát nhờ thiền định.
Đây là giải thoát nhờ thiền định.
49. Giải thoát của tâm nhờ không bám níu là gì?
Có thể rằng một giải thoát của tâm nhờ không bám níu là mười giải thoát của tâm nhờ không bám níu và có thể rằng mười giải thoát của tâm nhờ không bám níu là một giải thoát của tâm nhờ không bám níu, đúng theo đối tượng và tác dụng.
Có thể: có thể như thế nào?
Trí kể như là quán vô thường được giải thoát khỏi bám níu về trường tồn, như thế có giải thoát tâm nhờ không bám níu. Trí kể như là quán khổ não được giải thoát từ bám níu về vui sướng... Trí kể như là quán không phải là ngã được giải thoát khỏi bám níu về ngã... Trí kể như là quán nhàm chán được giải thoát khỏi bám níu về thích thú... Trí kể như là quán hết ham muốn được giải thoát khỏi bám níu về tham... Trí kể như là quán đoạn diệt được giải thoát khỏi bám níu về nguồn sanh khởi... Trí kể như là quán buông bỏ được giải thoát khỏi bám níu về nắm giữ... Trí kể như là quán không dấu hiệu được giải thoát khỏi bám níu về dấu hiệu... Trí kể như là quán không ước nguyện [46] được giải thoát từ bám níu về ước nguyện... Trí kể như là quán tánh không được giải thoát từ bám níu về những diễn giải sai lạc... như thế có giải thoát tâm nhờ không bám níu.
Có thể.. đúng theo đối tượng và tác dụng là như thế đấy.
Trí kể như là quán vô thường trong vật thể được giải thoát khỏi bám níu về trường tồn, như thế có giải thoát tâm nhờ không bám níu. Trí kể như là quán tánh không trong vật thể được giải thoát khỏi bám níu như là diễn giải nó sai lạc... [và cứ thế với các ý niệm của 201 ý niệm còn lại liệt kê ở Luận I đ. 5 cho đến]... Trí kể như là quán già và chết là vô thường... Trí kể như là quán già và chết là tánh không được giải thoát khỏi bám níu như là diễn giải nó sai lạc, như thế có giải thoát tâm nhờ không bám níu.
Có thể.. đúng theo đối tượng và tác dụng là như thế đấy.
50. Trí quán vô thường được giải thoát khỏi bao nhiêu loại bám níu?
Trí quán khổ não được giải thoát khỏi bao nhiêu loại bám níu?
Trí quán không phải là ngã được giải thoát khỏi bao nhiêu loại bám níu?
Trí quán nhàm chán được giải thoát khỏi bao nhiêu loại bám níu?
Trí quán hết ham muốn được giải thoát khỏi bao nhiêu loại bám níu?
Trí quán đoạn diệt được giải thoát khỏi bao nhiêu loại bám níu?
Trí quán buông bỏ được giải thoát khỏi bao nhiêu loại bám níu?
Trí quán không dấu hiệu được giải thoát khỏi bao nhiêu loại bám níu?
Trí quán không ước nguyện được giải thoát khỏi bao nhiêu loại bám níu?
Trí quán tánh không được giải thoát khỏi bao nhiêu loại bám níu?
51. Trí quán vô thường được giải thoát khỏi ba loại bám níu.
Trí quán khổ não được giải thoát khỏi một loại bám níu.
Trí quán không phải là ngã được giải thoát khỏi ba loại bám níu.
Trí quán nhàm chán được giải thoát khỏi một loại bám níu.
Trí quán hết ham muốn được giải thoát khỏi một loại bám níu.
Trí quán đoạn diệt được giải thoát khỏi bốn loại bám níu.
Trí quán buông bỏ được giải thoát khỏi bốn loại bám níu.
Trí quán không dấu hiệu được giải thoát khỏi ba loại bám níu.
Trí quán không ước nguyện được giải thoát khỏi một loại bám níu.
Trí quán tánh không được giải thoát khỏi ba loại bám níu.
52. Trí quán vô thường được giải thoát khỏi ba loại bám níu nào?
Thoát khỏi bám lấy nhận thức sai lạc, bám lấy giới luật và nghi lễ, bám lấy chủ trương cho có ngã. Trí quán vô thường được giải thoát khỏi ba loại bám níu này.
Trí quán khổ nãođược giải thoát khỏi một loại bám níu nào? [47]
Thoát khỏi bám lấy khoái lạc giác quan. Trí...
Trí quán không phải là ngãđược giải thoát khỏi ba loại bám níu nào?
Thoát khỏi bám lấy nhận thức sai lạc, bám lấy giới luật và nghi lễ, bám lấy chủ trương cho có ngã. Trí...
Trí quán nhàm chánđược giải thoát khỏi một loại bám níu nào?
Thoát khỏi bám lấy khoái lạc giác quan. Trí...
Trí quán hết ham muốnđược giải thoát khỏi một loại bám níu nào?
Thoát khỏi bám lấy khoái lạc giác quan. Trí...
Trí quán diệt tậnđược giải thoát khỏi bốn loại bám níu nào?
Thoát khỏi bám lấy khoái lạc giác quan, bám lấy nhận thức sai lạc, bám lấy giới luật và nghi lễ, bám lấy chủ trương cho có ngã. Trí...
Trí quán buông bỏđược giải thoát khỏi bốn loại bám níu nào?
Thoát khỏi bám lấy khoái lạc giác quan, bám lấy nhận thức sai lạc, bám lấy giới luật và nghi lễ, bám lấy chủ trương cho có ngã. Trí...
Trí quán không dấu hiệuđược giải thoát khỏi ba loại bám níu nào?
Thoát khỏi bám lấy quan điểm sai lạc, [2]bám lấy giới luật và nghi lễ, bám lấy chủ trương cho có ngã. Trí...
Trí quán không ước nguyệnđược giải thoát khỏi một loại bám níu nào?
Thoát khỏi bám lấy khoái lạc giác quan. Trí...
Trí quán tánh không được giải thoát khỏi ba loại bám níu nào?
Thoát khỏi bám lấy nhận thức sai lạc, bám lấy giới luật và nghi lễ, bám lấy chủ trương cho có ngã. Trí quán về tánh không được giải thoát khỏi ừ ba loại bám níu này.
53. Trí quán vô thường, trí quán không phải là ngã, trí quán không dấu hiệu và trí quán tánh không, bốn loại trí này được giải thoát khỏi ba loại bám níu, đó là: bám lấy nhận thức sai lạc, bám lấy giới luật và nghi lễ, bám lấy chủ trương cho có ngã.
Trí quán khổ não, trí quán nhàm chán, trí quán hết ham muốn và trí quán không ước nguyện, [48] bốn loại trí này được giải thoát khỏi một loại bám níu, đó là: bám lấy khoái lạc giác quan.
Trí quán đoạn diệt, trí quán buông bỏ, hai loại trí này được giải thoát khỏi bốn loại bám níu, đó là: bám lấy khoái lạc giác quan, bám lấy nhận thức sai lạc, bám lấy giới luật và nghi lễ, bám lấy chủ trương cho có ngã.
Đây là giải thoát của tâm nhờ không bám níu.
CHẤM DỨT PHẦN THUẬT KỂ THỨ NHẤT.
54. Bây giờ, ba cánh cửa này dẫn tới giải thoát đưa đến lối ra khỏi thế gian [đó là]: (i) dẫn đến sự thấy rõ tất cả các hành vi tạo nghiệp đều bị giới hạn và bị vây bủa*và dẫn đến sự thâm nhập của tâm vào yếu tố2*không điều kiện, (ii) dẫn đến sự quấy động3*tất cả các hành vi tạo nghiệp trong tâm và dẫn đến sự thâm nhập của tâm vào yếu tố không ước nguyện, (iii) dẫn đến sự thấy rõ tất cả các hiện tượng là xa lạ4*và dẫn đến sự thâm nhập của tâm vào yếu tố2*tánh không. Đây là ba cánh cửa dẫn tới giải thoát đưa đến lối ra khỏi thế gian này.
*các hành vi tạo nghiệp bị sanh diệt giới hạn và vây bủa, vì quán vô thường đã giới hạn chúng như vầy: ‘Hành vi tạo nghiệp không hiện hữu trước khi khởi lên’; khi tìm hiểu về số phận của chúng thì thấy chúng bị vây bủa như sau: ‘Không vượt quá diệt, sau khi diệt chúng hoàn toàn tan biến’.
2* Visuddhimagga (Con Đường Thanh Lọc), ch. XV đ. 22 nói yếu tố (dhātu) là thuật ngữ để chỉ cho những gì không có linh hồn, tự ngã. Yếu tố không điều kiện (hay: vô tướng giới)
3* quấy động tâm: bằng cách tạo nhu cầu khẩn cấp trong tâm, vì quán khổ não đòi hỏi ý thức cấp thiết về hành vi tạo nghiệp.
4* thấy rõ các hiện tượng là xa lạ: để quán chúng không phải là ngã như sau: ‘không phải là Tôi’; ‘không phải của Tôi’. Vism XXI đ. 68.
55. Khi vị ấy chú tâm suy xét các hành vi tạo quả là vô thường, với vị ấy, các hành vi đó biểu hiện ra như thế nào? Khi vị ấy chú tâm suy xét các hành vi tạo quả là khổ não, với vị ấy, các hành vi đó biểu hiện ra như thế nào? Khi vị ấy chú tâm suy xét các hành vi tạo quả không phải là ngã, với vị ấy, các hành vi đó biểu hiện ra như thế nào?
Khi vị ấy chú tâm suy xét các hành vi tạo quả là vô thường, với vị ấy, các hành vi đó biểu hiện ra sự hoại diệt. Khi vị ấy chú tâm suy xét các hành vi tạo quả là khổ não, với vị ấy, các hành vi đó biểu hiện ra sự hãi hùng. Khi vị ấy chú tâm suy xét các hành vi tạo quả không phải là ngã, với vị ấy, các hành vi đó biểu hiện ra tánh không.
56. Khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, tâm của vị ấy phong phú*ở đâu? Khi vị ấy chú tâm suy xét khổ não, tâm của vị ấy phong phú ở đâu? Khi vị ấy chú tâm suy xét không phải là ngã, tâm của vị ấy phong phú ở đâu?
*bahulaṁ: phong phú
Khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, tâm của vị ấy [49] có nhiều cả quyết. Khi vị ấy chú tâm suy xét khổ não, tâm của vị ấy có nhiều an tịnh. Khi vị ấy chú tâm suy xét các hành vi tạo quả không phải là ngã, tâm của vị ấy có trí tuệ rộng lớn.
57. Khi người có nhiều cả quyết chú tâm suy xét vô thường, người ấy đạt được năng lực gây ảnh hưởng nào? Khi người có nhiều an tịnh chú tâm suy xét khổ não, người ấy đạt được năng lực gây ảnh hưởng nào? Khi người có trí tuệ rộng lớn chú tâm suy xét không phải là ngã, người ấy đạt được năng lực gây ảnh hưởng nào?
Khi người có nhiều cả quyết chú tâm suy xét vô thường, người ấy đạt được năng lực gây ảnh hưởng của tín. Khi người có nhiều an tịnh chú tâm suy xét khổ não, người ấy đạt được năng lực gây ảnh hưởng định. Khi người có trí tuệ rộng lớn chú tâm suy xét không phải là ngã, người ấy đạt được năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
58. (1) Khi người có nhiều cả quyết chú tâm suy xét vô thường, năng lực gây ảnh hưởng nào có ưu thắng trong người ấy? (2) Trong sự phát triển, có bao nhiêu năng lực gây ảnh hưởng tiếp nối năng lực gây ảnh hưởng có ưu thắng này là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, [3]có tác dụng (hương vị) duy nhất? (3) Phát triển theo nghĩa nào? (4) Ai tu tiến?
(5) Khi người có nhiều an tịnh chú tâm suy xét khổ não, năng lực gây ảnh hưởng nào có ưu thắng trong người ấy? (6) Trong sự phát triển, có bao nhiêu năng lực gây ảnh hưởng tiếp nối năng lực gây ảnh hưởng có ưu thắng này là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, có tác dụng (hương vị) duy nhất? (7) Phát triển theo nghĩa nào? (8) Ai tu tiến?
(9) Khi người có trí tuệ rộng lớn chú tâm suy xét không phải là ngã, năng lực gây ảnh hưởng nào có ưu thắng trong người ấy? (10) Trong sự phát triển, có bao nhiêu năng lực gây ảnh hưởng tiếp nối năng lực gây ảnh hưởng có ưu thắng này là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, có tác dụng (hương vị) duy nhất? (11) Phát triển theo nghĩa nào? (12) Ai tu tiến?
(1) Khi người có nhiều cả quyết chú tâm suy xét vô thường, năng lực gây ảnh hưởng của tín có ưu thắng trong người ấy. (2) Trong sự phát triển, bốn năng lực gây ảnh hưởng tiếp nối năng lực gây ảnh hưởng ưu thắng này của tín, là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, có tác dụng (hương vị) duy nhất. (3) Phát triển theo nghĩa có tác dụng (hương vị) duy nhất. (4) Ai đeo đuổi đúng cách người ấy tu tiến: không có sự tiến bộ cho các năng lực gây ảnh hưởng trong người đeo đuổi sai cách.
(5) Khi người có nhiều an tịnh chú tâm suy xét khổ não, năng lực gây ảnh hưởng của định có ưu thắng trong người ấy. (6) Trong sự phát triển, bốn năng lực gây ảnh hưởng kia tiếp nối năng lực gây ảnh hưởng ưu thắng này của định, là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, có tác dụng (hương vị) duy nhất. (7) Phát triển theo nghĩa có tác dụng (hương vị) duy nhất. (8) Ai đeo đuổi đúng cách người ấy tu tiến: không có sự tiến bộ cho các năng lực gây ảnh hưởng trong người đeo đuổi sai cách.
(9) Khi người có trí tuệ rộng lớn chú tâm suy xét không phải là ngã, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ có ưu thắng trong người ấy. (10) Trong sự phát triển, bốn năng lực gây ảnh hưởng kia tiếp nối năng lực gây ảnh hưởng ưu thắng này của tuệ, là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, có tác dụng (hương vị) duy nhất. (11) Phát triển theo nghĩa có tác dụng (hương vị) duy nhất. (12) Ai đeo đuổi đúng cách người ấy tu tiến: không có sự tiến bộ cho các năng lực gây ảnh hưởng trong người đeo đuổi sai cách.
59. (1) Khi người có nhiều cả quyết chú tâm suy xét vô thường, năng lực gây ảnh hưởng nào có ưu thắng trong người ấy? (2) Trong sự phát triển, có bao nhiêu năng lực gây ảnh hưởng tiếp nối năng lực gây ảnh hưởng có ưu thắng này là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, có tác dụng (hương vị) duy nhất? (3) Vào lúc thấu hiểu, năng lực gây ảnh hưởng nào có ưu thắng trong người ấy? Trong sự thấu hiểu, có bao nhiêu năng lực gây ảnh hưởng tiếp nối năng lực gây ảnh hưởng có ưu thắng này là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, có tác dụng (hương vị) duy nhất? (5) Phát triển theo nghĩa nào? (6) Thấu hiểu theo nghĩa nào?
(7) Khi người có nhiều an tịnh chú tâm suy xét khổ não, năng lực gây ảnh hưởng nào có ưu thắng trong người ấy? (8) Trong sự phát triển... (12) Thấu hiểu theo nghĩa nào?
(13) Khi người có trí tuệ rộng lớn chú tâm suy xét không phải là ngã, năng lực gây ảnh hưởng nào có ưu thắng trong người ấy? (14) Trong sự phát triển... (15) Thấu hiểu theo nghĩa nào? [51]
(1) Khi người có nhiều cả quyết chú tâm suy xét vô thường, năng lực gây ảnh hưởng của tín có ưu thắng trong người ấy. (2) Trong sự phát triển, bốn năng lực gây ảnh hưởng kia tiếp nối năng lực gây ảnh hưởng có ưu thắng này của tín là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, có tác dụng (hương vị) duy nhất. (3) Vào lúc thấu hiểu, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ có ưu thắng trong người ấy. Trong sự thấu hiểu, có bốn năng lực gây ảnh hưởng tiếp nối năng lực gây ảnh hưởng có ưu thắng này của tuệ là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, có tác dụng (hương vị) duy nhất. (5) Phát triển theo nghĩa có tác dụng (hương vị) duy nhất. (6) Thấu hiểu theo nghĩa thấy rõ: nên người nào thấu hiểu, người ấy tu tiến, và người nào tu tiến, người ấy thấu hiểu.
(7) Khi người có nhiều an tịnh chú tâm suy xét khổ não, năng lực gây ảnh hưởng của định có ưu thắng trong người ấy. (8) Trong sự phát triển... có tác dụng (hương vị) duy nhất. (9) Vào lúc thấu hiểu, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ có ưu thắng trong người ấy. (10) Trong sự thấu hiểu... (12) Thấu hiểu theo nghĩa thấy rõ: nên người nào thấu hiểu, người ấy tu tiến, và người nào tu tiến, người ấy thấu hiểu.
(13) Khi người có trí tuệ rộng lớn chú tâm suy xét không phải là ngã, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ có ưu thắng trong người ấy. (14) Trong sự phát triển... có tác dụng (hương vị) duy nhất. (15) Vào lúc thấu hiểu, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ có ưu thắng trong người ấy. (16) Trong sự thấu hiểu ... (18) Thấu hiểu theo nghĩa thấy rõ: nên người nào thấu hiểu, người ấy tu tiến, và người nào tu tiến, người ấy thấu hiểu.
60. (1) Khi người chú tâm suy xét vô thường, năng lực gây ảnh hưởng nào nổi bật trong người ấy? Với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật nào, người ấy là Bậc được Giải Thoát bằng Tín?
(2) Khi người chú tâm suy xét khổ não, năng lực gây ảnh hưởng nào nổi bật trong người ấy? Với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật nào, người ấy là Bậc Thân Chứng?
(3) Khi người chú tâm suy xét không phải là ngã, năng lực gây ảnh hưởng nào nổi bật trong người ấy? Với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật nào, người ấy là Bậc Đạt Tuệ Kiến? [52]
(1) Khi người chú tâm suy xét vô thường, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật trong người ấy. Với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của tín, người ấy là Bậc được Giải Thoát bằng Tín.*
*Saddhāvimutta. Puggalapaññatti coi vị này giống như diṭṭhipatta nhưng thêm rằng vị này không lấy tuệ để duyệt xét và thẩm định lời đức Phật dạy ở bình diện rộng rãi như diṭṭhipatta đã làm. Đọc B. C. Law, sđd, trang 105. Đọc M i 479. Ñāṇamoli and Bhikkhu Bodhi, The Middle Length Discourses of the Buddha, chú thích 706, trang 1272. Đọc Nyanatiloka, The Buddha’s Path to Deliverance, [BPS, 2000], đ. 200, trang 202. Đọc chú thích về diṭṭhipatta dưới đây.
(2) Khi người chú tâm suy xét khổ não, năng lực gây ảnh hưởng của định nổi bật trong người ấy. Với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của định, người ấy là Bậc Thân Chứng.*
* bậc Thân Chứng [Kāyasakkhin]: bậc lần đầu tiên tiếp xúc cõi thiền (vô sắc); rồi sau đó chứng ngộ Nibbāṇa. Mợ nhấn mạnh rằng để được công nhận làKāyasakkhin, vị này cần có một trong những chứng đạt cõi vô sắc kể cả chứng diệt tận nhận thức và cảm nghiệm (saññāvedayitanirodha). Đọc Ñāṇamoli and Bhikkhu Bodhi, sđd, chú thích 704, trang 1272. Còn Puggalapaññatti nói vị này thể nghiệm tám giải thoát, rồi chứng mục đích tối hậu (summum bonum) là Nibbāṇa. Đọc B. C. Law, sđd, chú thích 3, trang 6.
(3) Khi người chú tâm suy xét không phải là ngã, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ nổi bật trong người ấy. Với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của tuệ, người ấy là Bậc đạt Tuệ Kiến.*
* bậc đạt Tuệ Kiến [diṭṭhipatta]: Chú giải của Puggalapaññatti cho rằng vị này thấu triệt bốn Sự Thực. Nhờ đã hoàn toàn thấu hiểu bằng tuệ quán và bằng thực hành giáo pháp của đức Phật và sau khi thấy rõ các hiện tượng bằng tuệ quán, nên một phần nhiễm lậu bị hủy diệt. Đọc B. C. Law, sđd, (chú thích số 1, trang 7; đ. 33 trang 22; đ. 2 trang 101, trang 105).Tuy chưa chứng vô sắc giới, vị này đã lấy tuệ để duyệt xét và thẩm định lời dạy của đức Phật. Đọc Ñāṇamoli and Bhikkhu Bodhi, sđd, chú thích 705, trang 1272. So với A iv 451; M i 478.
61. [Vào sát na chứng quả của đạo lộ thứ nhất] vị ấy đã được giải thoát nhờ có đức tin (saddhahanto vimutto), như vậy, người ấy là Bậc được Giải Thoát bằng Tín (Saddhāvimutta); vị ấy đã thực chứng [4][nibbana] bằng cách xúc chạm (tiếp xúc), như vậy, vị ấy là bậc Thân Chứng; vị ấy đã chứng [nibbana] bằng kiến giải, như vậy, vị ấy là bậc Tuệ Kiến.
[Vào sát na chứng quả vị của ba đạo lộ còn lại] vị ấy đã được giải thoát nhờ có đức tin (saddhahanto vimuccatti), như vậy vị ấy là Bậc Giải Thoát bằng Tín; vị ấy lần đầu xúc chạm (tiếp xúc) cõi jhana và sau đó thực chứng đoạn diệt, nibbana, như vậy, vị ấy là bậc Thân Chứng; vì đã biết rõ, thấy rõ, nhận chân, thực chứng, và thể nghiệm (kinh nghiệm) bằng tuệ giác rằng hành vi tạo quả là khổ và đoạn diệt là lạc, như vậy, vị ấy là bậc Tuệ Kiến.
62. Có vị là bậc Giải Thoát bằng Tín, có vị là bậc Thân Chứng và có vị là bậc Tuệ Kiến. Có thể là theo đối tượng và theo chức năng, ba vị này là bậc Giải Thoát bằng Tín, bậc Thân Chứng và bậc Tuệ Kiến.
Có thể:có thể như thế nào?
(1) Khi người chú tâm suy xét vô thường, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của tín, người ấy là bậc được Giải Thoát bằng Tín. Khi người chú tâm suy xét khổ não, năng lực gây ảnh hưởng của tín [vẫn] nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của tín, người ấy là bậc được Giải Thoát bằng Tín. Khi người chú tâm suy xét không phải là ngã, năng lực gây ảnh hưởng của tín [vẫn] nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của tín, người ấy là bậc được Giải Thoát bằng Tín. Đây là ba loại người được Giải Thoát bằng Tín qua tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tín là như thế.
(2) Khi người chú tâm suy xét khổ não, năng lực gây ảnh hưởng của định nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của định, người ấy là bậc Thân Chứng. Khi người chú tâm suy xét không phải là ngã, năng lực gây ảnh hưởng của định [vẫn] nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của định, người ấy là bậc Thân Chứng. Khi người chú tâm suy xét vô thường, năng lực gây ảnh hưởng của tín [vẫn] nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của tín, người ấy là bậc Thân Chứng. Đây là ba loại Thân Chứng qua tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của định là như thế.
(3) Khi người chú tâm suy xét không phải là ngã, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của tuệ, người ấy là bậc đạt Tuệ Kiến. [53] Khi người chú tâm suy xét vô thường, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ [vẫn] nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của tuệ, người ấy là bậc đạt Tuệ Kiến. Khi người chú tâm suy xét khổ não, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ [vẫn] nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của tuệ, người ấy là bậc đạt Tuệ Kiến. Đây là ba loại đạt Tuệ Kiến qua tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ là như thế.
Có vị là bậc giải thoát bằng Tín, có vị là bậc Thân Chứng và có vị là bậc Tuệ Kiến. Có thể là theo đối tượng và theo chức năng, ba vị này là bậc giải thoát bằng Tín, bậc Thân Chứng và bậc Tuệ Kiến.
Có vị là bậc được Giải Thoát bằng Tín, có vị là bậc Thân Chứng và có vị là bậc Tuệ Kiến. có thể là theo đối tượng và theo chức năng, trong ba vị này bậc Giải Thoát bằng Tín là một, bậc Thân Chứng là người khác và bậc Tuệ Kiến là một người khác nữa.
Có thể:có thể như thế nào?
(1) Khi người chú tâm suy xét vô thường, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của tín, người ấy là bậc được Giải Thoát bằng Tín. (2) Khi người chú tâm suy xét khổ não, năng lực gây ảnh hưởng của định nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của định, người ấy là bậc Thân Chứng. (3) Khi người chú tâm suy xét không phải là ngã, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của tuệ, người ấy là bậc Tuệ Kiến.
Có vị là bậc được giải thoát bằng Tín, có vị là bậc Thân Chứng và có vị là bậc Tuệ Kiến. Có thể là theo đối tượng và theo chức năng, trong ba vị này bậc giải thoát bằng Tín là một, bậc Thân Chứng là người khác và bậc Tuệ Kiến là một người khác nữa.
63. (1) Khi người chú tâm suy xét vô thường, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật đó của tín, người ấy chứng đạo lộ nhập giòng; như vậy vị ấy được gọi là người Hành theo Đức Tin. Bốn năng lực gây ảnh hưởng kia tiếp nối năng lực gây ảnh hưởng nổi bật này của tín, là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp. Dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tín, có sự phát triển trong bốn năng lực gây ảnh hưởng [kia]. Tất cả những ai đã chứng đạo lộ nhập giòng dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tín, đều là những người Hành theo Đức Tin.
Khi người chú tâm suy xét vô thường, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật đó của tín, người ấy chứng quả vị nhập giòng; như vậy vị ấy được gọi là người được Giải Thoát bằng Tín. Bốn năng lực gây ảnh hưởng kia tiếp nối năng lực gây ảnh hưởng nổi bật này của tín, là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp. Dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tín, bốn năng lực gây ảnh hưởng [kia] được phát triển, [54] rất phát triển. Tất cả những ai đã chứng quả vị nhập giòng dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tín, đều là những người Giải Thoát bằng Tín.
Khi người chú tâm suy xét vô thường, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật ấy của tín, người ấy chứng đạo lộ trở lại một lần...
... quả vị trở lại một lần được chứng đắc...
... vị ấy chứng đạo lộ không trở lại...
... quả vị không trở lại được chứng đắc...
... chứng đạo lộ arahant... là những vị Hành theo Đức Tin.
Khi người chú tâm suy xét vô thường, năng lực gây ảnh hưởng của tín nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật đó của tín, vị ấy chứng được quả vị arahant; như vậy vị ấy được gọi là người được Giải Thoát bằng Tín... Tất cả những ai đã chứng quả vị arahant dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tín đều là những người Giải Thoát bằng Tín.
(2) Khi người chú tâm suy xét khổ não, năng lực gây ảnh hưởng của định nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật đó của định, đạo lộ nhập giòng được chứng đắc; như vậy vị ấy được gọi là bậc Thân Chứng. Bốn năng lực gây ảnh hưởng kia tiếp nối... Dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của định, có sự phát triển trong bốn năng lực gây ảnh hưởng [kia]. Tất cả những ai đã chứng đạo lộ nhập giòng dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của định đều là những bậc Thân Chứng.
Khi người chú tâm suy xét khổ não, năng lực gây ảnh hưởng của định nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật đó của định, quả vị nhập giòng được chứng đắc; như vậy vị ấy được gọi là bậc Thân Chứng. Bốn năng lực gây ảnh hưởng kia tiếp nối ... Dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của định, bốn năng lực gây ảnh hưởng [kia] được phát triển, rất phát triển. Tất cả những ai đã chứng đạo lộ nhập giòng dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của định, đều là những người Thân Chứng.
... vị ấy chứng đạo lộ trở lại một lần...
... quả vị trở lại một lần được chứng đắc...
... vị ấy chứng đạo lộ không trở lại...
... quả vị không trở lại được chứng đắc...
... vị ấy chứng đạo lộ arahant... là những vị Thân Chứng.
Khi người chú tâm suy xét khổ não, năng lực gây ảnh hưởng của định nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật đó của định, quả vị arahant được thực chứng; như vậy vị ấy được gọi là bậc Thân Chứng... Tất cả những ai đã chứng quả vị arahant dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của định, đều là những bậc Thân Chứng.
(3) Khi người chú tâm suy xét không phải là ngã, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật đó của tuệ, vị ấy chứng đạo lộ nhập giòng; như vậy vị ấy được gọi là bậc Hành theo Dhamma. Bốn năng lực gây ảnh hưởng kia tiếp nối... Dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ, có sự phát triển trong bốn năng lực gây ảnh hưởng [kia]. [55] Tất cả những ai đã chứng đạo lộ nhập giòng dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ đều là những bậc Hành theo Dhamma.
Khi người chú tâm suy xét không phải là ngã, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật đó của định, quả vị nhập giòng được chứng đắc; như vậy vị ấy được gọi là bậc Tuệ Kiến. Bốn năng lực gây ảnh hưởng kia tiếp nối ... Dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ, bốn năng lực gây ảnh hưởng [kia] được phát triển, rất phát triển. Tất cả những ai đã chứng đạo lộ nhập giòng dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng nổi bật của tuệ, đều là những người bậc Tuệ Kiến.
... vị ấy chứng đạo lộ trở lại một lần...
... quả vị trở lại một lần được chứng đắc...
... vị ấy chứng đạo lộ không trở lại...
... quả vị không trở lại được chứng đắc...
... vị ấy chứng đạo lộ arahant... là những vị hành theo Dhamma.
Khi người chú tâm suy xét không phải là ngã, năng lực gây ảnh hưởng của tuệ nổi bật trong người ấy; với năng lực gây ảnh hưởng nổi bật đó của tuệ, quả vị arahant được chứng đắc; như vậy vị ấy được gọi là bậc Tuệ Kiến. Bốn năng lực gây ảnh hưởng kia tiếp nối ... Dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ, bốn năng lực gây ảnh hưởng [kia] được phát triển, rất phát triển. Tất cả những ai đã chứng quả vị arahant dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ, đều là những bậc Tuệ Kiến.
64. Tất cả những ai đã tu tập, đang tu tập, sẽ tu tập, đã thành tựu, đang thành tựu, sẽ thành tựu, đã chứng tới, đang chứng tới, sẽ chứng tới, đã chứng đạt, đang chứng đạt, sẽ chứng đạt, đã hiểu rõ, đang hiểu rõ, sẽ hiểu rõ, đã thực chứng, đang thực chứng, sẽ thực chứng, đã thể nghiệm, đang thể nghiệm, sẽ thể nghiệm, [5]đã làm chủ, đang làm chủ, sẽ làm chủ, đã chu toàn, đang chu toàn, sẽ chu toàn, đã hoàn toàn tự tin, đang hoàn toàn tự tin, sẽ hoàn toàn tự tin, xuất ly, là những bậc được giải thoát bằng tín dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tín, là những bậc Thân Chứng dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của định, là những bậc Tuệ Kiến dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
Tất cả những ai... không sân hận... [và cứ thế với từng yếu tố đối nghịch với các chướng ngại còn lại của bẩy chướng ngại]...
Tất cả những ai... cõi sơ thiền... [và cứ thế với từng cõi thiền còn lại của bốn cõi thiền và bốn chứng đắc cõi vô sắc]... [56]
Tất cả những ai... quán vô thường... [và cứ thế với từng tuệ quán còn lại của mười tám Tuệ Quán Thực Tánh chính]...
Tất cả những ai... đạo lộ nhập giòng... [và cứ thế với từng đạo lộ còn lại của bốn đạo lộ]...
Tất cả những ai... bốn nền tảng của quán niệm...
Tất cả những ai... bốn chánh tinh tấn...
Tất cả những ai... bốn nền tảng của thần thông...
Tất cả những ai... năm năng lực gây ảnh hưởng [của tín, tấn...] ...
Tất cả những ai... năm lực...
Tất cả những ai... bẩy yếu tố đưa đến giác ngộ...
Tất cả những ai... tám thánh đạo...
Tất cả những ai đã tu tập, đang tu tập, sẽ tu tập, đã thành tựu, đang thành tựu, sẽ thành tựu, đã chứng tới, đang chứng tới, sẽ chứng tới, đã chứng đạt, đang chứng đạt, sẽ chứng đạt, đã hiểu rõ, đang hiểu rõ, sẽ hiểu rõ, đã thực chứng, đang thực chứng, sẽ thực chứng, đã thể nghiệm, đang thể nghiệm, sẽ thể nghiệm, đã làm chủ, đang làm chủ, sẽ làm chủ, đã chu toàn, đang chu toàn, sẽ chu toàn, đã hoàn toàn tự tin, đang hoàn toàn tự tin, sẽ hoàn toàn tự tin, tám giải thoát, là những bậc được giải thoát bằng tín dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tín, là những bậc Thân Chứng dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của định, là những bậc Tuệ Kiến dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
Tất cả những ai đã chứng tới, đang chứng tới... sẽ hoàn toàn tự tin... bốn vô ngại giải, là những bậc được Giải Thoát...
Tất cả những ai đã hiểu rõ, đang hiểu rõ, sẽ hiểu rõ... sẽ hoàn toàn tự tin... ba minh, là những bậc được Giải Thoát...
Tất cả những ai đã tu luyện, đang tu luyện, sẽ tu luyện, đã thể nghiệm, đang thể nghiệm, sẽ thể nghiệm, đã làm chủ, đang làm chủ, sẽ làm chủ, đã chu toàn, đang chu toàn, sẽ chu toàn, đã hoàn toàn tự tin, đang hoàn toàn tự tin, sẽ hoàn toàn tự tin, ba huân tập, là những bậc được Giải Thoát...
Tất cả những ai hoàn toàn hiểu rõ khổ đau, người từ bỏ nguốn gốc của khổ đau, người thực chứng diệt tận, người tu tập đạo lộ, là [57] những người được giải thoát bằng tín qua tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tín, là bậc Thân Chứng qua tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của định, là bậc Tuệ Kiến qua tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
65. Có sự hiểu rõ tứ Đế theo bao nhiêu khía cạnh? Vị ấy hiểu rõ tứ Đế theo bao nhiêu khía cạnh?
Có sự hiểu rõ tứ Đế theo bốn khía cạnh. Vị ấy hiểu rõ tứ Đế theo bốn khía cạnh.
Vị ấy hiểu rõ sự thật về khổ bằng sự thấu hiểu của hiểu biết trọn vẹn, vị ấy hiểu rõ nguồn gốc của khổ bằng sự thấu hiểu từ bỏ, vị ấy hiểu rõ sự diệt khổ bằng sự thấu hiểu thực chứng, vị ấy hiểu rõ con đường diệt khổ bằng sự thấu hiểu tu tập. Có sự hiểu rõ bốn Sự Thực theo bốn khía cạnh này.
Người hiểu rõ tứ Đế theo bốn khía cạnh này được Giải Thoát bằng Tín dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tín, bậc Thân Chứng qua tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của định, bậc Tuệ Kiến qua tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
66. Có sự hiểu rõ tứ Đế theo bao nhiêu khía cạnh? Vị ấy hiểu rõ tứ Đế theo bao nhiêu khía cạnh?
Có sự hiểu rõ tứ Đế theo chín khía cạnh. Vị ấy hiểu rõ tứ Đế theo chín khía cạnh.
Vị ấy hiểu rõ sự thật về khổ bằng sự thấu hiểu của hiểu biết trọn vẹn, vị ấy hiểu rõ nguồn gốc của khổ bằng sự thấu hiểu từ bỏ, vị ấy hiểu rõ sự diệt khổ bằng sự thấu hiểu thực chứng, vị ấy hiểu rõ con đường diệt khổ bằng sự thấu hiểu tu tập. Có sự hiểu rõ tất cả các hiện tượng bằng trí trực chứng, có sự hiểu rõ tất cả các hành vi tạo quả bằng sự thấu hiểu của hiểu biết trọn vẹn, có sự hiểu rõ tất cả các trạng thái bất thiện bằng cách từ bỏ, có sự thấu hiểu bốn đạo lộ bằng cách tu tập, có sự thấu hiểu đoạn diệt bằng thực chứng.
Người hiểu rõ tứ Đế theo chín khía cạnh này là bậc được Giải Thoát bằng Tín dưới tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tín, là bậc Thân Chứng qua tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của định, là bậc Tuệ Kiến qua tác dụng của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
CHẤM DỨT PHẦN THUẬT KỂ THỨ HAI[58]
67. Khi người chú tâm suy xét các hành vi tạo quả là vô thường, với vị ấy các hành vi đó xuất hiện như thế nào? Khi người chú tâm suy xét các hành vi tạo quả là khổ não, với vị ấy các hành vi đó xuất hiện như thế nào? Khi người chú tâm suy xét hành vi tạo quả không phải là ngã, với vị ấy các hành vi đó xuất hiện như thế nào? [6]
Khi người chú tâm suy xét các hành vi tạo quả là vô thường, với vị ấy các hành vi đó xuất hiện như hoại diệt. Khi người chú tâm suy xét các hành vi tạo quả là khổ não, với vị ấy các hành vi đó xuất hiện như sự hãi hùng. Khi người chú tâm suy xét hành vi tạo quả không phải là ngã, với vị ấy các hành vi đó xuất hiện như tánh không.
68. Khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, tâm của vị ấy phong phú ở đâu? Khi vị ấy chú tâm suy xét khổ não, tâm của vị ấy phong phú ở đâu? Khi vị ấy chú tâm suy xét không phải là ngã, tâm của vị ấy phong phú ở đâu?
Khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, tâm của vị ấy có nhiều cả quyết. Khi vị ấy chú tâm suy xét khổ não, tâm của vị ấy có nhiều an tịnh. Khi vị ấy chú tâm suy xét không phải là ngã, tâm của vị ấy có nhiều trí tuệ.
69. Khi người có nhiều cả quyết chú tâm suy xét vô thường, người ấy đạt được giải thoát nào? Khi người có nhiều an tịnh chú tâm suy xét khổ não, người ấy đạt được giải thoát nào? Khi người có nhiều trí tuệ chú tâm suy xét không phải là ngã, người ấy đạt được giải thoát nào?
Khi người có nhiều cả quyết chú tâm suy xét vô thường, người ấy đạt được giải thoát không dấu hiệu. Khi người có nhiều an tịnh chú tâm suy xét khổ não, người ấy đạt được giải thoát vô ước nguyện. Khi người có nhiều trí tuệ chú tâm suy xét không phải là ngã, người ấy đạt được giải thoát tánh không.
70. (1) Khi người có nhiều cả quyết chú tâm suy xét vô thường, giải thoát nào có ưu thế trong người ấy? (2) Trong sự phát triển, có bao nhiêu giải thoát*tiếp nối giải thoát có ưu thế này là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, có tác dụng (hương vị) duy nhất? (3) Phát triển theo nghĩa nào? (4) Ai phát triển?
*ở đây POD viết là faculties là sai. Bản Be viết là: bhāvanāya kati vimokkhā tādanvayā honti,... ko bhāveti? Nên tôi đã sửa lại và dịch là giải thoát không những để đúng với bản Pāḷi mà còn đúng với câu trả lời ở điểm (2) phía dưới.
(5) Khi người có nhiều an tịnh chú tâm suy xét khổ não, giải thoát nào có ưu thế trong người ấy? (6) Trong sự phát triển, có bao nhiêu giải thoát*tiếp nối... (7) Phát triển theo nghĩa nào? (8) Ai phát triển?
*ở đây POD viết là faculties là sai... Tôi đã sửa lại và dịch là giải thoát không những để đúng với bản Pāḷi mà còn đúng với câu trả lời ở điểm (6) phía dưới.
(9) Khi người có nhiều trí tuệ chú tâm suy xét không phải là ngã, giải thoát nào có ưu thế trong người ấy? (10) Trong sự phát triển có bao nhiêu [59] giải thoát tiếp nối giải thoát có ưu thế ấy... (11) Phát triển theo nghĩa nào? (12) Ai phát triển?
(1) Khi người có nhiều cả quyết chú tâm suy xét vô thường, giải thoát không dấu hiệu có ưu thế trong người ấy. (2) Trong sự phát triển, có hai giải thoát*tiếp nối giải thoát có ưu thế này là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, có tác dụng (hương vị) duy nhất. (3) Phát triển theo nghĩa có tác dụng (hương vị) duy nhất. (4) Ai đeo đuổi đúng cách người ấy tu tiến: không có sự tiến bộ cho các giải thoát trong người đeo đuổi sai cách.
*Bản Be viết là: bhāvanāya dve vimokkhā tādanvayā honti...
(5) Khi người có nhiều an tịnh chú tâm suy xét khổ não, giải thoát không ước nguyện có ưu thế trong người ấy. (6) Trong sự phát triển, có hai giải thoát*tiếp nối giải thoát có ưu thế này là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, có tác dụng (hương vị) duy nhất. (7) Phát triển theo nghĩa có tác dụng (hương vị) duy nhất. (8) Ai đeo đuổi đúng cách người ấy tu tiến: không có sự tiến bộ cho các giải thoát trong người đeo đuổi sai cách.
* Bản Be viết là: bhāvanāya kati vimokkhā tādanvayā honti,...
(9) Khi người có nhiều trí tuệ chú tâm suy xét không phải là ngã, giải thoát tánh không có ưu thế trong người ấy. (10) Trong sự phát triển, có hai giải thoát tiếp nối giải thoát có ưu thế này là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, có tác dụng (hương vị) duy nhất. (11) Phát triển theo nghĩa có tác dụng (hương vị) duy nhất. (12) Ai đeo đuổi đúng cách người ấy tu tiến: không có sự tiến bộ cho các giải thoát trong người đeo đuổi sai cách.
71. (1) Khi người có nhiều cả quyết chú tâm suy xét vô thường, giải thoát nào có ưu thế trong người ấy? (2) Trong sự phát triển, có bao nhiêu giải thoát tiếp nối giải thoát có ưu thế này là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, có tác dụng (hương vị) duy nhất? (3) Vào khoảnh khắc hiểu rõ, giải thoát nào có ưu thế trong vị ấy? (4) Trong sự hiểu rõ, có bao nhiêu giải thoát tiếp nối giải thoát có ưu thế này là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, có tác dụng (hương vị) duy nhất? (5) Phát triển theo nghĩa nào? (6) Hiểu rõ theo nghĩa nào?
(7) Khi người có nhiều an tịnh chú tâm suy xét khổ não, giải thoát nào có ưu thế trong người ấy? (8) Trong sự phát triển,... (12) Hiểu rõ theo nghĩa nào? [60]
(13) Khi người có nhiều trí tuệ chú tâm suy xét không phải là ngã, giải thoát nào có ưu thế trong người ấy? (14) Trong sự phát triển,... (18) Hiểu rõ theo nghĩa nào?
(1) Khi người có nhiều cả quyết chú tâm suy xét vô thường, giải thoát không dấu hiệu có ưu thế trong người ấy. (2) Trong sự phát triển, có hai giải thoát tiếp nối giải thoát có ưu thế này là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, có tác dụng (hương vị) duy nhất. (3) Vào khoảnh khắc hiểu rõ, giải thoát không dấu hiệu có ưu thế trong vị ấy. (4) Trong sự hiểu rõ, có hai giải thoát tiếp nối giải thoát có ưu thế này là những điều kiện cùng hiện hữu, hỗ tương, phụ thuộc, kết hợp, có tác dụng (hương vị) duy nhất. (5) Phát triển theo nghĩa có tác dụng (hương vị) duy nhất. (6) Hiểu rõ theo nghĩa thấy rõ: nên ai hiểu rõ người ấy tu tiến, ai tu tiến người ấy hiểu rõ.
(7) Khi người có nhiều an tịnh chú tâm suy xét khổ não, giải thoát không ước nguyện có ưu thế trong người ấy. (8) Trong sự phát triển,... (9) Vào khoảnh khắc hiểu rõ, giải thoát không dấu hiệu có ưu thế trong vị ấy. (10) Trong sự hiểu rõ... (12) Hiểu rõ theo nghĩa thấy rõ: nên ai hiểu rõ người ấy tu tiến, ai tu tiến người ấy hiểu rõ.
(13) Khi người có nhiều trí tuệ chú tâm suy xét không phải là ngã, giải thoát tánh không có ưu thế trong người ấy. (14) Trong sự phát triển,... (18) Hiểu rõ theo nghĩa thấy rõ: nên ai hiểu rõ người ấy tu tiến, ai tu tiến người ấy hiểu rõ.
72. (1) Khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, giải thoát nào nổi bật lên trong vị ấy? Với giải thoát nổi bật nào, vị ấy là Bậc Giải Thoát bằng Tín? [61]
(2) Khi vị ấy chú tâm suy xét khổ não, giải thoát nào nổi bật lên trong vị ấy? Với giải thoát nổi bật nào, vị ấy là Bậc Thân Chứng?
(3) Khi vị ấy chú tâm suy xét không phải là ngã, giải thoát nào nổi bật lên trong vị ấy? Với giải thoát nổi bật nào, vị ấy là Bậc Tuệ Kiến?
(1) Khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, giải thoát không dấu hiệu nổi bật lên trong vị ấy. Với giải thoátkhông dấu hiệu nổi bật, vị ấy là Bậc Giải Thoát bằng Tín.
(2) Khi vị ấy chú tâm suy xét khổ não, giải thoát không ước nguyện nổi bật lên trong vị ấy. Với giải thoát không ước nguyện nổi bật, vị ấy là Bậc Thân Chứng.
(3) Khi vị ấy chú tâm suy xét không phải là ngã, giải thoát tánh không nổi bật lên trong vị ấy. Với giải thoát tánh không nổi bật, vị ấy là Bậc Tuệ Kiến.
73 *. [Vào sát na chứng quả của đạo lộ thứ nhất] vị ấy đã được giải thoát nhờ có đức tin (saddhahanto vimutto), như vậy, người ấy là bậc được Giải Thoát bằng Tín (Saddhā-vimutto); vị ấy đã thực chứng [nibbana] bằng cách xúc chạm (tiếp xúc), như vậy, vị ấy là bậc Thân Chứng; vị ấy đã chứng [nibbana] bằng Tuệ Kiến, như vậy, vị ấy là bậc Tuệ Kiến. [7]
[Vào sát na chứng quả vị của ba đạo lộ còn lại] vị ấy đã được giải thoát nhờ có đức tin (saddhahanto vimuccatti), như vậy vị ấy là bậc Giải Thoát bằng Tín; vị ấy lần đầu xúc chạm (tiếp xúc) cõi jhana và sau đó thực chứng đoạn diệt, nibbana, như vậy, vị ấy là bậc Thân Chứng; vì đã biết rõ, thấy rõ, nhận chân, thực chứng, và tiếp xúc (thể nghiệm) bằng tuệ giác rằng hành vi tạo quả là khổ và đoạn diệt là lạc, như vậy, vị ấy là bậc Tuệ Kiến.
* Đoạn này, thay vì mang số 73, POD ghi là 74. Tôi đã kiểm với bản Pāḷi và biết rằng POD không bỏ xót đoạn 73. Chỉ ghi số sai, tôi đã sửa thành đ. 73. Vì ảnh hưởng giây chuyền cho đến hết Luận này, nên các đoạn kế tiếp cũng đã được sửa thành đđ 74-102 thay vì đđ 75-103 như đã ghi trong POD.
74. Tất cả những ai đã tu tập, đang tu tập, sẽ tu tập,... [và cứ thế như ở đ. 64]... sẽ hoàn toàn tự tin, xuất ly, là những bậc được Giải Thoát bằng Tín dưới tác dụng của giải thoát không dấu hiệu, là những bậc Thân Chứng dưới tác dụng của giải thoát không ước nguyện, là những bậc Tuệ Kiến dưới tác dụng của giải thoát tánh không. [8]
Tất cả những ai... không sân hận...
... [và cứ thế như ở đ. 64 cho đến]...
Tất cả những ai hoàn toàn hiểu rõ khổ đau, người từ bỏ nguốn gốc của khổ đau, người thực chứng diệt tận, người tu tập đạo lộ, là những người được Giải Thoát bằng Tín qua tác dụng của giải thoát không dấu hiệu, là những bậc Thân Chứng dưới tác dụng của giải thoát không ước nguyện, là những bậc Tuệ Kiến dưới tác dụng của giải thoát tánh không.
75. Có sự hiểu rõ tứ Đế theo bao nhiêu khía cạnh? Vị ấy hiểu rõ tứ Đế theo bao nhiêu khía cạnh?[9]
Có sự hiểu rõ tứ Đế theo bốn khía cạnh. Vị ấy hiểu rõ tứ Đế theo bốn khía cạnh.
Vị ấy hiểu rõ sự thật về khổ ... [và cứ thế như ở đ. 65 cho đến] [62]... Có sự hiểu rõ bốn Sự Thực theo bốn khía cạnh này.
Người hiểu rõ tứ Đế theo bốn khía cạnh này là bậc được Giải Thoát bằng Tín dưới tác dụng của giải thoát không dấu hiệu, là bậc Thân Chứng dưới tác dụng của giải thoát không ước nguyện, là bậc Tuệ Kiến dưới tác dụng của giải thoát tánh không.
76. Có sự hiểu rõ tứ Đế theo bao nhiêu khía cạnh? Vị ấy hiểu rõ tứ Đế theo bao nhiêu khía cạnh?
Có sự hiểu rõ tứ Đế theo chín khía cạnh. Vị ấy hiểu rõ tứ Đế theo chín khía cạnh.
Vị ấy hiểu rõ sự thật về khổ... [và cứ thế như ở đđ 66 cho đến]... thấu hiểu bốn đạo lộ bằng cách tu tập, có sự thấu hiểu diệt tận bằng thực chứng.
Người hiểu rõ tứ Đế theo chín khía cạnh này là bậc được Giải Thoát bằng Tín dưới tác dụng của giải thoát không dấu hiệu, là bậc Thân Chứng dưới tác dụng của giải thoát không ước nguyện, là bậc Tuệ Kiến dưới tác dụng của giải thoát tánh không.
77. Khi chú tâm suy xét vô thường, vị ấy biết và thấy đúng như thực điều gì? Có sự thấy đúng như thế nào? Do suy luận từ đó, tất cả các hành vi tạo nghiệp được thấy rõ là vô thường như thế nào? Nghi ngờ bị từ bỏ ở đâu?
Khi chú tâm suy xét khổ não, vị ấy biết và thấy đúng như thực điều gì? Có sự thấy đúng như thế nào? Do suy luận từ đó, tất cả các hành vi tạo nghiệp được thấy rõ là khổ não như thế nào? Nghi ngờ bị từ bỏ ở đâu?
Khi chú tâm suy xét không phải là ngã, vị ấy biết và thấy đúng như thực điều gì? Có sự thấy đúng như thế nào? Do suy luận từ đó, tất cả các hiện tượng [10]được thấy rõ là không phải là ngã như thế nào? Nghi ngờ bị từ bỏ ở đâu?
Khi chú tâm suy xét vô thường, vị ấy biết và thấy đúng như thực điều kiện để còn sanh tử.*Vì vậy mới nói ‘thấy đúng’. Như vậy, từ đó suy luận, tất cả các hành vi tạo nghiệp được thấy rõ là vô thường. Nghi ngờ bị từ bỏ ở đây.
* Đọc chú thích của dịch giả ở Luận I đ. 18. Đến đây người đọc hiểu tại sao Ngài Nyāṇatiloka đề nghị dịch chữ nimitta (nđ: dấu hiệu của hành vi tạo nghiệp) là điều kiện để còn sanh tử.
Khi chú tâm suy xét khổ não, vị ấy biết và thấy đúng như thựcsự tiếp tục tái diễn hiện hữu. Vì vậy mới nói ‘thấy đúng’. Như vậy, từ đó [63] suy luận, tất cả các hành vi tạo nghiệp được thấy rõ là khổ não. Nghi ngờ bị từ bỏ ở đây.
Khi chú tâm suy xét không phải là ngã, vị ấy biết và thấy đúng như thực điều kiện để còn sanh tử vàsự tiếp tục tái diễn hiện hữu. Vì vậy mới nói ‘thấy đúng’. Như vậy, từ đó suy luận, tất cả các hiện tượng10 được thấy rõ là không phải là ngã. Nghi ngờ bị từ bỏ ở đây.
78. Trí Biết Đúng Như Thật, Thấy Đúng và Vượt Qua Nghi Hoặc - ba ý niệm này khác nhau ở nghĩa và ở tên gọi hay cả ba đồng nghĩa, chỉ khác nhau ở tên gọi?
Trí Biết Đúng Như Thật, Thấy Đúng và Vượt Qua Nghi Hoặc - ba ý niệm này đồng nghĩa, chỉ khác nhau ở tên gọi.
79. Khi chú tâm suy xét vô thường, cái gì hãi hùng xuất hiện trước vị ấy? Khi chú tâm suy xét khổ não, cái gì hãi hùng xuất hiện trước vị ấy? Khi chú tâm suy xét không phải là ngã, cái gì hãi hùng xuất hiện trước vị ấy?
Khi chú tâm suy xét vô thường, điều kiện để còn sanh tử là cái gì hãi hùng xuất hiện trước vị ấy. Khi chú tâm suy xét khổ não, sự tiếp tục tái diễn hiện hữu là cái gì hãi hùng xuất hiện trước vị ấy. Khi chú tâm suy xét không phải là ngã, điều kiện để còn sanh tử vàsự tiếp tục tái diễn hiện hữu là cái gì hãi hùng xuất hiện trước vị ấy.
80. Tuệ biết về sự Xuất Hiện Hãi Hùng, Trí về Hiểm Nguy, Nhàm Chán - các ý niệm này khác nhau ở nghĩa và ở tên gọi hay cả ba đồng nghĩa, chỉ khác nhau ở tên gọi?
Tuệ biết về sự Xuất Hiện Hãi Hùng, Trí về Hiểm Nguy, Nhàm Chán - các ý niệm này đồng nghĩa, chỉ khác nhau ở tên gọi.
81. Quán Không phải là ngã và Quán về Tánh Không - các ý niệm này khác nhau ở nghĩa và ở tên gọi hay cả hai đồng nghĩa, chỉ khác nhau ở tên gọi?
Quán Không phải là ngã và Quán về Tánh Không - các ý niệm này đồng nghĩa, chỉ khác nhau ở tên gọi.
82. Khi chú tâm suy xét vô thường, sau khi tư duy về điều gì thì có trí khởi lên trong vị ấy? Khi chú tâm suy xét khổ não, sau khi tư duy về điều gì thì có trí khởi lên trong vị ấy? Khi chú tâm suy xét không phải là ngã, sau khi tư duy về điều gì thì có trí khởi lên trong vị ấy?
Khi chú tâm suy xét vô thường, sau khi tư duy về điều kiện để còn sanh tử thì có trí khởi lên trong vị ấy. Khi chú tâm suy xét [64] khổ não, sau khi tư duy về sự tiếp tục tái diễn hiện hữu thì có trí khởi lên trong vị ấy. Khi chú tâm suy xét không phải là ngã, sau khi tư duy về điều kiện để còn sanh tử vàsự tiếp tục tái diễn hiện hữu thì có trí khởi lên trong vị ấy.
83. Ước Muốn Được Giải Thoát, Quán Tư Duy và Thản Nhiên trước Hành Vi Tạo Quả - các ý niệm này khác nhau ở nghĩa và ở tên gọi hay cả hai đồng nghĩa, chỉ khác nhau ở tên gọi?
Ước Muốn Được Giải Thoát, Quán Tư Duy và Thản Nhiên trước Hành Vi Tạo Quả - các ý niệm này đồng nghĩa, chỉ khác nhau ở tên gọi.
84. Khi chú tâm suy xét vô thường, tâm của vị ấy ngoi lên từ cái gì? Tâm của vị ấy thâm nhập vào đâu?
Khi chú tâm suy xét khổ não, tâm của vị ấy ngoi lên từ cái gì? Tâm của vị ấy thâm nhập vào đâu?
Khi chú tâm suy xét không phải là ngã, tâm của vị ấy ngoi lên từ cái gì? Tâm của vị ấy thâm nhập vào đâu?
Khi chú tâm suy xét vô thường, tâm của vị ấy ngoi lên từ điều kiện để còn sanh tử. Tâm của vị ấy thâm nhập vào trạng thái không có điều kiện để còn sanh tử.
Khi chú tâm suy xét khổ não, tâm của vị ấy ngoi lên từ sự tiếp tục tái diễn hiện hữu. Tâm của vị ấy thâm nhập vào không tiếp tục tái diễn hiện hữu.
Khi chú tâm suy xét không phải là ngã, tâm của vị ấy ngoi lên từ điều kiện để còn sanh tử vàsự tiếp tục tái diễn hiện hữu. Tâm của vị ấy thâm nhập vào không có điều kiện để còn sanh tử, vàokhông tiếp tục tái diễn hiện hữu, vào nibbana dưới hình thức đoạn diệt.
85. Tuệ Xuất Khởi và Quay Đi từ Bên Ngoài, Trí Chuyển Tánh - các ý niệm này khác nhau ở nghĩa và ở tên gọi hay cả hai đồng nghĩa, chỉ khác nhau ở tên gọi?
Tuệ Xuất Khởi và Quay Đi từ Bên Ngoài, Trí Chuyển Tánh - các ý niệm này đồng nghĩa, chỉ khác nhau ở tên gọi.
86. Khi chú tâm suy xét vô thường, vị ấy được giải thoát bằng giải thoát nào? Khi chú tâm suy xét khổ não, vị ấy được giải thoát bằng giải thoát nào? Khi chú tâm suy xét không phải là ngã, vị ấy được giải thoát bằng giải thoát nào?
Khi chú tâm suy xét vô thường, vị ấy được giải thoát bằng giải thoát không có điều kiện để còn sanh tử. Khi chú tâm suy xét khổ não, vị ấy được giải thoát bằng giải thoát không ước nguyện. Khi chú tâm suy xét không phải là ngã, vị ấy được giải thoát bằng giải thoát chân không.
87. Tuệ Xuất Khởi và Quay Đi từ Cả Hai, Trí Đạo Lộ - các ý niệm này khác nhau ở nghĩa và ở tên gọi hay cả hai đồng nghĩa, chỉ khác nhau ở tên gọi?
Tuệ Xuất Khởi và Quay Đi từ Cả Hai, Trí Đạo Lộ - các ý niệm này đồng nghĩa, chỉ khác nhau ở tên gọi.
88. Ba giải thoát ấy trong những sát na khác nhau theo bao nhiêu khía cạnh? Ba giải thoát ấy trong một sát na theo bao nhiêu khía cạnh?
Ba giải thoát ấy trong những sát na khác nhau theo bốn khía cạnh. Ba giải thoát ấy trong một sát na theo bẩy khía cạnh.
89. Ba giải thoát ấy trong những sát na khác nhau theo bốn khía cạnh nào?
Theo nghĩa có ưu thế, theo nghĩa giữ vững, theo nghĩa hướng dẫn, theo nghĩa lối thoát.
Ba giải thoát trong những sát na khác nhau theo nghĩa có ưu thế như thế nào?
Khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, sự giải thoát không có điều kiện để còn sanh tử có ưu thế; khi vị ấy chú tâm suy xét khổ não, sự giải thoát không ước nguyện có ưu thế; khi vị ấy chú tâm suy xét không phải là ngã, sự giải thoát chân không có ưu thế. Ba giải thoát ấy vào những sát na khác nhau theo nghĩa có ưu thế là như thế.
Ba giải thoát ấy trong những sát na khác nhau theo nghĩa giữ vững như thế nào?
Khi chú tâm suy xét vô thường, vị ấy giữ vững tâm dưới ảnh hưởng của giải thoát không có điều kiện để còn sanh tử. Khi chú tâm suy xét khổ não, vị ấy giữ vững tâm dưới ảnh hưởng của giải thoát không ước nguyện . Khi chú tâm suy xét không phải là ngã, vị ấy giữ vững tâm dưới ảnh hưởng của giải thoát chân không. Ba giải thoát ấy trong những sát na khác nhau theo nghĩa có vững vàng là như thế.
Ba giải thoát ấy trong những sát na khác nhau theo nghĩa hướng dẫn như thế nào?
Khi chú tâm suy xét vô thường, vị ấy hướng dẫn tâm dưới ảnh hưởng của giải thoát không có điều kiện để còn sanh tử. Khi chú tâm suy xét khổ não, vị ấy hướng dẫn tâm dưới ảnh hưởng của giải thoát không ước nguyện. Khi chú tâm suy xét không phải là ngã, vị ấy hướng dẫn tâm dưới ảnh hưởng của giải thoátchân không. Ba giải thoát ấy trong những sát na khác nhau theo nghĩa có hướng dẫn là như thế.
Ba giải thoát ấy trong những sát na khác nhau theo nghĩa lối thoát như thế nào?
Khi chú tâm suy xét vô thường, [66] vị ấy được đưa tới đoạn diệt, nibbana, dưới ảnh hưởng của giải thoát không có điều kiện để còn sanh tử. Khi chú tâm suy xét khổ não, vị ấy được đưa tới đoạn diệt, nibbana, dưới ảnh hưởng của giải thoát không ước nguyện. Khi chú tâm suy xét không phải là ngã, vị ấy được đưa tới đoạn diệt, nibbana, dưới ảnh hưởng của giải thoát chân không. Ba giải thoát ấy trong những sát na khác nhau theo nghĩa có lối thoát là như thế.
Ba giải thoát ấy trong những sát na khác nhau theo bốn khía cạnh này.
90. Ba giải thoát ấy trong một sát na theo bẩy khía cạnh nào?
Theo nghĩa tổng hợp, theo nghĩa chứng đắc, theo nghĩa thu đạt, theo nghĩa hiểu rõ, theo nghĩa thực chứng, theo nghĩa thể nghiệm, theo nghĩa chứng ngộ đồng thời.
Các giải thoát ấy trong một sát na theo nghĩa tổng hợp, ... theo nghĩa chứng ngộ đồng thời là thế nào?
Khi chú tâm suy xét vô thường, vị ấy được giải thoát khỏi điều kiện để còn sanh tử, như vậy là có giải thoát không có điều kiện để còn sanh tử. Vị ấy không còn mơ ước gì về cái từ đó vị ấy được giải thoát. Như vậy là có giải thoát không ước nguyện. Vị ấy không có cái vị ấy không mơ ước, như vậy là có giải thoát chân không. Vị ấy không có dấu hiệu của cái vị ấy không có, như vậy là có giải thoát không có điều kiện để còn sanh tử .
Ba giải thoát ấy trong một sát na theo nghĩa tổng hợp, ... theo nghĩa chứng ngộ đồng thời là như thế.
Khi chú tâm suy xét khổ não, vị ấy được giải thoát khỏi ước nguyện, như vậy là có giải thoát không ước nguyện. Vị ấy không có cái vị ấy không mơ ước, như vậy là có giải thoát chân không. Vị ấy không có dấu hiệu của cái vị ấy không có, như vậy là có giải thoát không có điều kiện để còn sanh tử. Vị ấy không cònmong ước gì về dấu hiệu của cái vị ấy không có dấu hiệu, như vậy là có giải thoát không ước nguyện.
Ba giải thoát ấy trong một sát na theo nghĩa tổng hợp, ... theo nghĩa chứng ngộ đồng thời là như thế. [67]
Khi chú tâm suy xét không phải là ngã, vị ấy được giải thoát khỏi diễn giải sai lạc, như vậy là có giải thoát chân không. Vị ấy không có dấu hiệu của cái vị ấy không có, như vậy là có giải thoát không có điều kiện để còn sanh tử . Vị ấy không cònmong ước gì về dấu hiệu của cái vị ấy không có, như vậy là có giải thoát không ước nguyện. Vị ấy không có cái vị ấy không có mơ ước, như vậy là có giải thoát chân không.
Ba giải thoát ấy trong một sát na theo nghĩa tổng hợp, ... theo nghĩa chứng ngộ đồng thời là như thế.
Ba giải thoát ấy trong một sát na theo bẩy khía cạnh này.
91. Có giải thoát, có lối dẫn đến, có lối dẫn đến giải thoát, có cái đối nghịch với giải thoát, có cái tương thuận với giải thoát, có sự quay đi là giải thoát, có sự tu tập giải thoát, có sự an tịnh của giải thoát.
92. Giải thoát là gì? Giải thoát chân không, giải thoát không dấu hiệu, giải thoát không ước nguyện.
93. Giải thoát chân không là gì?
Trí quán vô thường là giải thoát chân không vì nó thoát khỏi diễn giải sai lạc*là trường tồn. Trí quán khổ não là giải thoát chân không vì nó thoát khỏi diễn giải sai lạc*là vui sướng. Trí quán không phải là ngã là giải thoát chân không vì nó thoát khỏi diễn giải sai lạc*là ngã. Trí quán nhàm chán là giải thoát chân không vì nó thoát khỏi diễn giải sai lạc*là thích thú. Trí quán hết ham muốn là giải thoát chân không vì nó thoát khỏi diễn giải sai lạc là ham muốn. Trí quán diệt tận là giải thoát chân không vì nó thoát khỏi diễn giải sai lạc là nguồn sanh khởi.
*Ở Vism. XXI 73,Ñāṇamoli đã thêm [các hành vi tạo quả]’ sau diễn giải sai lạc: Trí quán vô thường là giải thoát chân không vì nó thoát khỏi việc diễn giải sai lạc [các hành vi tạo quả] là trường tồn...
Trí quán buông bỏ là giải thoát chân không vì nó thoát khỏi diễn giải sai lạc là nắm giữ. Trí quán không dấu hiệu là giải thoát chân không vì nó thoát khỏi diễn giải sai lạc là dấu hiệu. Trí quán không ước nguyện là giải thoát chân không vì nó thoát khỏi diễn giải sai lạc là ước nguyện. Trí quán tánh không là giải thoát chân không vì nó thoát khỏi tất cả các diễn giải sai lạc.
Trí quán vô thường trong sắc thể là giải thoát chân không vì nó thoát khỏi diễn giải sai lạc là trường tồn... [và cứ thế với mười quán tưởng về mỗi ý niệm của 201 ý niệm liệt kê ở Luận I đ. 5 cho đến]... Trí quán tánh không trong già và chết là giải thoát chân không vì nó thoát khỏi tất cả các diễn giải sai lạc.
Đây là giải thoát chân không.
94. Giải thoát không dấu hiệu là gì?
Trí quán vô thường là giải thoát không dấu hiệu vì nó thoát khỏi biểu tượng*là trường tồn. [và cứ thế như ở đ. 93 thay diễn giải sai lạc bằng dấu hiệu cho tới]... Trí quán không dấu hiệu là giải thoát không dấu hiệu vì nó thoát khỏi tất cả các dấu hiệu. Trí quán không ước nguyện là giải thoát không dấu hiệu vì nó thoát khỏi dấu hiệu kể như là ước nguyện. Trí quán tánh không là giải thoát không dấu hiệu vì nó thoát khỏi dấu hiệu là diễn giải sai lạc.
Trí quán vô thường trong sắc thể là giải thoát không dấu hiệu vì nó thoát khỏi diễn giải sai lạc là trường tồn... [và cứ thế với mười quán tưởng về mỗi ý niệm của 201 ý niệm liệt kê ở Luận I đ. 5 cho đến]... Trí quán tánh không trong già và chết là giải thoát không dấu hiệu vì nó thoát khỏi tất cả các diễn giải sai lạc.
Đây là giải thoát không dấu hiệu.
95. Giải thoát không ước nguyện là gì?
Trí quán vô thường là giải thoát không ước nguyện vì nó thoát khỏi ước nguyện *là trường tồn. [và cứ thế như ở đ. 93 thay diễn giải sai lạc bằng ước nguyện cho tới]... [69] Trí quán không dấu hiệu là giải thoát không ước nguyện vì nó thoát khỏi ước nguyện [11]là biểu tượng. Trí quán không ước nguyện là giải thoát không ước nguyện vì nó thoát khỏi tất cả các ước nguyện. Trí quán tánh không là giải thoát không ước nguyện vì nó thoát khỏi ước nguyện là diễn giải sai lạc.
Trí quán vô thường trong sắc thể là giải thoát không ước nguyện vì nó thoát khỏi ước nguyện là trường tồn... [và cứ thế với mười quán tưởng về mỗi ý niệm của 201 ý niệm liệt kê ở Luận I đ. 5 cho đến]... Trí quán tánh không trong già và chết là giải thoát không ước nguyện vì nó thoát khỏi ước nguyện là diễn giải sai lạc.
Đây là giải thoát không ước nguyện. [12]
Đây là giải thoát.
96. Lối dẫn đến là gì?
Các trạng thái thiện, không lỗi góp phần vào giác ngộ và được phát sanh tại đó - đây là lối dẫn đến.
97. Lối dẫn đến giải thoát là gì?
Cái gì mà các trạng thái trên lấy làm đối tượng, đó là đoạn diệt, nibbana - đây là lối dẫn đến giải thoát.
98. Cái đối nghịch với giải thoát là gì?
Ba nguồn gốc bất thiện đối nghịch với giải thoát, ba loại nết hạnh xấu xa đối nghịch với giải thoát, tất cả các trạng thái bất thiện đối nghịch với giải thoát. Đây là cái đối nghịch với giải thoát. [70]
99. Cái tương thuận với giải thoát là gì?
Ba nguồn gốc thiện tương thuận với giải thoát, ba loại nết hạnh tương thuận với giải thoát, tất cả các trạng thái thiện tương thuận với giải thoát. Đây là cái tương thuận với giải thoát.
100. Sự quay đi là giải thoát là gì?
Quay đi của nhận thức, quay đi của ý, quay đi của tâm, quay đi của trí, quay đi là giải thoát, quay đi trong các sự thực.
Người nào nhận biết người ấy quay đi, ... [và cứ thế, lập lại Luận I đ. 522 cho đến hết].
Đây là quay đi là giải thoát.
101. Trau giồi, tu tập và làm phong phú sơ thiền. Trau giồi, tu tập và làm phong phú nhị thiền... tam thiền... tứ thiền... chứng đạt cõi không gian vô biên... chứng đạt cõi thức vô biên... chứng đạt cõi không có gì... chứng đạt cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức... đạo lộ nhập giòng... đạo lộ trở lại một lần... đạo lộ không trở lại. Trau giồi, tu tập và làm phong phú đạo lộ arahant. [71] Đây là sự tu tập giải thoát.
102. Sự an tịnh như là giải thoát là gì?
Thành đạt hay kết quả của sơ thiền. Thành đạt hay kết quả của nhị thiền... tam thiền... tứ thiền... chứng đạt cõi không gian vô biên... chứng đạt cõi thức vô biên... chứng đạt cõi không có gì... chứng đạt cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức. Quả nhập giòng của đạo lộ nhập giòng. Quả trở lại một lần của đạo lộ trở lại một lần. Quả không trở lại của đạo lộ không trở lại. Quả arahant của đạo lộ arahant.
Đây là an tịnh như là giải thoát.
CHẤM DỨT PHẦN THUẬT KỂ THỨ BA.
CHẤM DỨT LUẬN THUYẾT VỀ GIẢI THOÁT
[1]‘Svāvatthikam avatthāpeti - phân biệt kỹ lưỡng’: avatthika và avatthāpeti không có trong Tự điển của PTS; nhưng hãy đọc vavatthapeti.
[2]Ở đây, bản của PTS, quyển ii, trang 47, 1.21 có chữ kāmūpādānā là sai.
[3]Các điều kiện cùng hiện hữu (sahajāta-paccaya)... hiểu theo bộ Paṭṭhāna.
[4]Quyển Visuddhimagga (PTS ed. trang 660), trích đoạn này, đọc như sau: ‘phuṭṭhantaṁ sacchikato ti kāyasakkhī diṭṭhattā patto ti diṭṭhippatto’ được Paramatthamañjūsā chấp nhận, nhưng quyển Saddhammappakāsinī tán thành câu ‘phuṭṭhattā sacchikato ti kāyasakkhī diṭṭhattā patto ti diṭṭhippatto’ và đã bình giải tương xứng.
Quyển Paramatthamañjūsā nói: ‘Phuṭṭhantaṁ sacchikato’ ti phuṭṭhānaṁ anantaraṁ phuṭṭhanto; phuṭṭhānaṁ arūpajjhānānaṁ anantaro kālo ti adhippāyo. Accantasaṁyogo c’etaṁ vacanaṁ. Phuṭṭhānanatarakālaṁ eva sacchikaraṇūpāyena sacchikātabbaṁ sacchākāsī ti vuttaṁ hoti. Bhāvanapuṁsakaṁ va etaṁ, yathā ‘ekam antan’ ti. Yo hi arūpajihānena rūpakāyato nāmakāyekadesato ca vikkhambhanavimokkhena vimutto, tena nirodhasankhāto vimokkho ālocito pakāsito viya hoti. Tasmā so sacchikā-tabbaṁ yathā ālocitaṁ nāmakāyena sacchākāsi ti kāyasakkhī ti vuccati, na tu vimutto ekaccānaṁ āsavānaṁ aparikkhīṇattā. ‘Diṭṭhantaṁ patto’ ti dassana-sankhātassa sotāpattimaggañāṇakiccassa anantaraṁ patto ti vuttaṁ hoti; paṭhamaphalato paṭṭhāya hi yāva aggamaggā diṭṭhippatto ti. Diṭṭhitāppatto ti vā pāṭho: Catusaccadassanasankhātāya diṭṭhiyā nirodhaṁ patto ti attho.’ (Phuṭṭhantaṁ sacchikato: kết quả của trạng thái đã được thể nghiệm (phuṭṭh-anto) là trạng thái kế tiếp xảy ra (anantaraṁ) sau trạng thái đã được thể nghiệm (kinh nghiệm); điều ngụ ý ở đây là thời gian (kāla) kế tiếp các cõi thiền vô sắc. Về mặt văn phạm, thuật ngữ này là một accanta saṁyoga (trạng từ diễn đạt ý nghĩa tiếp liền theo đó). Điều muốn nói là vị ấy đã thực chứng phút giây kế ngay trạng thái đã được thể nghiệm, vốn là thời gian phải được thực chứng bằng những phương tiện đưa đến thực chứng ấy. Nếu không, về mặt văn phạm đây là danh từ trừu tượng trung tính như ‘ekam antaṁ (ở một bên)’. Vì người được giải thoát từ thân vật thể «hay: tập hợp sắc thể»nhờ cõi vô sắc và từ một phần của thân tâm thức «hay: 4 tập hợp tâm»nhờ sự giải thoát dưới hình thức đè nén thôi như vậy, ở một mức độ nào đó, đã đặt vào (ālocita), đã chỉ định, loại giải thoát gọi là diệt tận, nhưng chưa thể nghiệm nó bằng thân. Như vì lấy diệt tận làm đối tượng, một số nhiễm lậu nào đó sẽ bị tận diệt (khepita), vị ấy thực chứng sự diệt tận đó. Đó là lý do tại sao vị ấy được gọi là bậc thân chứng vì vị ấy đã thực chứng điều cần phải thực chứng bằng thân tâm thức; như thể sự thực chứng ấy đã được đặt định; vị ấy chưa hoàn toàn giải thoát vì một số nhiễm lậu chưa bị hoàn toàn hủy diệt. ‘Diṭṭhantaṁ patto’: điều muốn nói ở đây là vị ấy đã thực chứng cái kế cận (anantaraṁ) với chức năng của trí đạo nhập giòng, cái chức năng được gọi là ‘thấy rõ’; vì từ quả vị nhập giòng cho đến đạo lộ cao nhất vị ấy được gọi là bậc Tuệ Kiến (diṭṭhippatto). Một lối viết khác nữa là diṭṭhitāpatto; nghĩa là vị ấy đã chứng đạt diệt tận nhờ chánh kiến được gọi là ‘thấy rõ bốn sự thực’ - VismA 851 Be 1910).
Quyển Saddhammappakāsinī nói: ‘Phuṭṭhattā sacchikato ti kāyasakkhī ti sukkhavipassekatte sati upacārajjhānaphassassa rūparūpajjhānalābhitte sati rūparūpajjhānaphassassa phuṭṭhattā nibbānaṁ sacchikato ti kāyasakkhī ti nāma. Kāyena vuttappakāre jhānaphasse ca nibbāna ca sakkhī ti vuttaṁ hoti. ‘Diṭṭhippatto’ ti diṭṭhattā patto ti sotāpattimaggakkhaṇe sampayuttena paññindriyena nibbānassa diṭṭhattā paccha sotāpattiphalādivasena nibbānaṁ patto ti diṭṭhippatto. Paññindriyasankhātāya diṭṭhiyā nibbānaṁ patto ti vuttaṁ hoti’. (‘Phuṭṭhattā sacchikato ti kāyasakkhī: được gọi là ‘bậc thân chứng vì vị ấy đã thực chứng nibbana vì tiếp xúc (thể nghiệm) với cận thiền (access jhana) trong trường hợp người chỉ quán thực tánh (sukkha vipassaka: bare/dry insight worker) đọc chú thích ở Luận V đ. 26; đọc Vism XXI đ. 112 và XXIII đ. 18), hay vì tiếp xúc (thể nghiệm) với jhana sắc thể hay vô sắc thể trong trường hợp người chứng đạt jhana sắc thể hay vô sắc thể, sau khi đã được tiếp xúc (được thể nghiệm-phuṭṭhattā); ở đây ngụ ý vị ấy thực chứng bằng thân trong cả hai trường hợp tiếp xúc với jhana (thể nghiệm) và nibbana:’Diṭṭhippatto’: vị ấy đã chứng đạt vì nó đã được thấy rõ. Vì nibbana sau khi đã được thấy rõ nhờ năng lực gây ảnh hưởng của tuệ được kết hợp vào khoảnh khắc đạo lộ nhập giòng, vị ấy sau đó chứng nibbana nhờ quả nhập giòng, như thế vị ấy đã chứng vì tuệ kiến (chứ không phải đạt tới tuệ kiến); ở đây ngụ ý vị ấy chứng nghiệm nibbana nhờ tuệ kiến gọi là năng lực gây ảnh hưởng của tuệ- PsA 396).
[5]Bản của PTS viết là phassitā vā phassanti vā phassissanti vā (đã thể nghiệm...) nhưng bản của Miến Điện ghi passitā vā... (đã thấy rõ...).
[6]Cf. đđ 55f. của Luận Thuyết V này.
[7]Cf. đ. 61.
[8]Cf. đ. 64.
[9]Cf. đ. 65.
[10]Bản của PTS viếtsabbe sankhārā anattato, nhưng bản của Miến Điện ghi sabbe dhammā anattato (đọc Luận I đ. 220 và Dh 279). Đọc Như Nhiên, Giải Thoát Bằng Năm Tập Hợp, trang 115, có giải thích tại sao chữ dhammā được dùng thay cho chữ sankhārā.
[11]Nên đọc là... nimittato paṇidhiyā muccatī ti... ở quyển II của PTS, trang 60, 1. 6
[12]Thiếu câu Ayaṁ appaṇihito vimokkho trong quyển của PTS.
«Gatikathā »
1. [72] (i) Trong trường hợp sanh vào cảnh giới may mắn, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], trong bao nhiêu nhân, tái sanh có điều kiện [1]của nó liên kết với trí ?
(ii) Trong trường hợp khattiyas*giầu có, brahmans giầu có, cư sĩ giầu có, chư thiên cõi dục giới, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], trong bao nhiêu nhân, tái sanh có điều kiện của nó liên kết với trí?
*Tất cả vua chúa, tù trưởng bộ lạc đều là khattiyas, những người thuộc giai cấp cao nhất của Ấn Độ thời bấy giờ. Đọc Như Nhiên, Phân Tích, chú thích số 68, chương 17, trang 531.
(iii) Trong trường hợp chư thiên cõi sắc giới, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], trong bao nhiêu nhân, tái sanh có điều kiện của nó liên kết với trí?
(iv) Trong trường hợp chư thiên cõi vô sắc giới, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], trong bao nhiêu nhân, tái sanh có điều kiện của nó liên kết với trí?
(i) Trong trường hợp sanh vào cảnh giới may mắn, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], tái sanh có điều kiện của nó trong tám nhân liên kết với trí.
(ii) Trong trường hợp khattiyas giầu có, brahmans giầu có, cư sĩ giầu có, chư thiên cõi dục giới, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], tái sanh có điều kiện của nó trong tám nhân liên kết với trí.
(iii) Trong trường hợp chư thiên cõi sắc giới, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], tái sanh có điều kiện của nó trong tám nhân liên kết với trí.
(iv) Trong trường hợp chư thiên cõi vô sắc giới, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], tái sanh có điều kiện của nó trong tám nhân liên kết với trí.
2. Trong trường hợp sanh vào cảnh giới may mắn, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], trong tám nhân nào tái sanh có điều kiện của nó liên kết với trí?
Vào khoảnh khắc thúc đẩy*[2]của việc làm thiện [của kiếp trước], ba nhân thiện là những điều kiện cùng hiện hữu để chủ ý được tạo ra ở khoảnh khắc đó; vì thế câu ‘với những nhân thiện làm điều kiện nên có hành vi tạo quả’ được nói ra. [3]Vào khoảnh khắc quyến luyến [ngay trước khi chết], [4]hai nhân [đó là tham và si] bất thiện, là những điều kiện cùng hiện hữu để chủ ý được tạo ra ở khoảnh khắc đó; vì thế câu ‘với những nhân bất thiện làm điều kiện nên có hành vi tạo quả’ được nói ra. Vào khoảnh khắc kết sanh thức [trong kiếp đời mới] ba nhân bất định tính [5]là những điều kiện cùng hiện hữu để chủ ý được tạo ra ở khoảnh khắc đó; vì thế câu ‘với tâm thức-vật thể làm điều kiện nên có thức và vì có thức làm điều kiện nên có tâm thức-vật thể’ được nói ra.2*
*thúc đẩy (javana): nđ ‘tốc hành’. Là một chức năng của tâm, nó thích hợp với giai đoạn của tiến trình nhận thức theo sau ngay tức thì giai đoạn xác định [đó là trong tiến trình ngũ môn. Trong tiến trình ý môn, giai đoạn javana theo sau tâm hướng về ý môn] và gồm có một loạt (thường là 7 tâm cùng loại) diễn ra thật nhanh «tốc hành»trên đối tượng để tìm hiểu nó. Về mặt đạo đức, giai đoạn javana quan trọng vì ở giai đoạn này, các tâm thiện hay bất thiện phát sanh ở những ai không phải là Arahant (với Arahant, giai đoạn javana này có tính bất định). Cũng như C. A. F. Rhys Davids, Bhikkhu Bodhi đề nghị để nguyên chữ javana không dịch. Đọc Bhikkhu Bodhi, A Comprehensive Manual of Abhidhamma, BPS, [Kandy 1993] đoạn (12) trang 124, chú thích 8, 9 trang 372, trang 389. Chữ ‘tiến trình’ (vīthi: nđ ‘lộ trình’) được dịch theo Bhikkhu Bodhi, sđd, đ. 4 trang 151.
2*tena vuccati - nāmarūpapaccayā pi viññāṇaṁ viññāṇapaccayā pi nāmarūpaṁ. Đọc chú thích số 6 ở đoạn 17 sắp tới.
3. Vào lúc tiếp nối tái sanh, năm tập hợp là những điều kiện cùng hiện hữu, [73] điều kiện hỗ tương, điều kiện phụ thuộc và điều kiện không kết hợp. Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, bốn yếu tố chínhlà những điều kiện cùng hiện hữu, điều kiện hỗ tương, điều kiện phụ thuộc và điều kiện không kết hợp. Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, ba yếu tố tạo mạng sống [một kiếp đời, nhiệt, thức 5a] là những điều kiện cùng hiện hữu, điều kiện hỗ tương, điều kiện phụ thuộc và điều kiện không kết hợp. Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, tâm thức và vật thể là những điều kiện cùng hiện hữu, điều kiện hỗ tương, điều kiện phụ thuộc và điều kiện không kết hợp.
Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, mười bốn điều kiện này*là những điều kiện cùng hiện hữu, điều kiện hỗ tương, điều kiện phụ thuộc và điều kiện không kết hợp.2*
*mười bốn điều kiện (cuddasa dhammā) này là: 5 tập hợp + 4 yếu tố chính + 3 yếu tố tạo mạng sống + (1) tâm thức + (1) vật thể = 14.
2* điều kiện không kết hợp (vippayuttapaccayā)
4. Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, bốn tập hợp tâm là những điều kiện cùng hiện hữu, điều kiện hỗ tương, điều kiện phụ thuộc và điều kiện kết hợp. Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, năm năng lực gây ảnh hưởng [của tín, tấn...] là những điều kiện cùng hiện hữu, điều kiện hỗ tương, điều kiện phụ thuộc và điều kiện kết hợp. Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, ba nhân là những điều kiện cùng hiện hữu, điều kiện hỗ tương, điều kiện phụ thuộc và điều kiện kết hợp. Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, tâm*và thức là những điều kiện cùng hiện hữu, điều kiện hỗ tương, điều kiện phụ thuộc và điều kiện kết hợp.
*tâm [nāma]: dịch theo Nyanatiloka Thera, Buddhist Dictionary, trang 103.
Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, mười bốn điều kiện*này là những điều kiện cùng hiện hữu, điều kiện hỗ tương, điều kiện phụ thuộc và điều kiện kết hợp.2*
*mười bốn điều kiện (cuddasa dhammā) này là: 4 tập hợp tâm + 5 năng lực gây ảnh hưởng + 3 nhân + (1) tâm thức + (1) vật thể = 14.
2* điều kiện kết hợp (sampayuttapaccayā)
5. Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, hai mươi tám điều kiện này*là những điều kiện cùng hiện hữu, điều kiện hỗ tương, điều kiện phụ thuộc và điều kiện không kết hợp.2*
*14 điều kiện ở đ. 3 + 14 điều kiện ở đ. 4 = 28.
2*Khi cộng thành 28 điều kiện (aṭṭhavīsati dhammā), 14 điều kiện kết hợp (sampayuttapaccayā) nói ở đ. 4 + 14 điều kiện không kết hợp (vippayuttapaccayā) ở đ. 3 = 28 điều kiện không kết hợp.
6. Trong trường hợp sanh vào cảnh giới may mắn, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], tái sanh có điều kiện của nó liên kết với trí trong tám nhân này.
7-10. (ii) Trong trường hợp khattiyas giầu có, brahmans giầu có, cư sĩ giầu có, chư thiên cõi dục giới, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], trong tám nhân nào tái sanh có điều kiện của nó liên kết với trí?
Vào khoảnh khắc thúc đẩy... [lập lại các đoạn 2-5]. [74]
11. Trong trường hợp khattiyas giầu có, brahmans giầu có, cư sĩ giầu có, chư thiên cõi dục giới, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], tái sanh có điều kiện của nó liên kết với trí trong tám nhân này.
12-15. (iii) Trong trường hợp chư thiên cõi sắc giới, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], trong tám nhân nào... [lập lại các đoạn 2-5].
16. Trong trường hợp chư thiên cõi sắc giới, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], tái sanh có điều kiện của nó liên kết với trí trong tám nhân này.
17. (iv) Trong trường hợp chư thiên cõi vô sắc giới, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], trong tám nhân nào tái sanh có điều kiện của nó liên kết với trí? [75]
Vào khoảnh khắc thúc đẩy... [lập lại đ. 2 cho đến]... vì thế câu ‘với tâm làm điều kiện nên có thức và vì có thức làm điều kiện nên có tâm’ được nói ra.[6]
18. Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, bốn tập hợp tâm ... [lập lại đoạn 4 cho đến]... điều kiện kết hợp.
19. Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, mười bốn điều kiện này là những điều kiện cùng hiện hữu, điều kiện hỗ tương, điều kiện phụ thuộc và điều kiện kết hợp.6
20. Trong trường hợp chư thiên cõi vô sắc giới, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], tái sanh có điều kiện của nó trong tám nhân liên kết với trí.
21. (i) Trong trường hợp sanh vào cảnh giới may mắn, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], trong bao nhiêu nhân, tái sanh có điều kiện của nó không liên kết với trí ?
(ii) Trong trường hợp khattiyas giầu có, brahmans giầu có, cư sĩ giầu có, chư thiên cõi dục giới, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], trong bao nhiêu nhân, tái sanh có điều kiện của nó không liên kết với trí?
(i) Trong trường hợp sanh vào cảnh giới may mắn, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], tái sanh có điều kiện của nó trong sáu nhân không liên kết với trí.
(ii) Trong trường hợp khattiyas giầu có, brahmans giầu có, cư sĩ giầu có, chư thiên cõi dục giới, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], tái sanh có điều kiện của nó trong sáu nhân [76] không liên kết với trí.[7]
22. (i) Trong trường hợp sanh vào cảnh giới may mắn, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], trong sáu nhân nào, tái sanh có điều kiện của nó không liên kết với trí ?
Vào khoảnh khắc thúc đẩy của việc làm thiện [của kiếp trước], hai nhân thiện là những điều kiện cùng hiện hữu để chủ ý được tạo ra ở khoảnh khắc đó; vì thế câu ‘với những nhân thiện làm điều kiện nên có hành vi tạo quả’ được nói ra. Vào khoảnh khắc quyến luyến [ngay trước khi chết], hai nhân [đó là tham và si] bất thiện, là những điều kiện cùng hiện hữu để chủ ý được tạo ra ở khoảnh khắc đó; vì thế câu‘với những nhân bất thiện làm điều kiện nên có hành vi tạo quả’ được nói ra. Vào khoảnh khắc kết sanh thức [trong kiếp đời mới] hai nhân bất định tính là những điều kiện cùng hiện hữu cho để chủ được tạo ra ở khoảnh khắc đó; vì thế câu ‘với tâm thức-vật thể làm điều kiện nên có thức và vì có thức làm điều kiện nên có tâm thức-vật thể’ mới được nói ra.
23. Vào lúc tiếp nối tái sanh, năm tập hợp... [lập lại đ. 3]
Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, mười bốn điều kiện này là những điều kiện cùng hiện hữu, điều kiện hỗ tương, điều kiện phụ thuộc và điều kiện không kết hợp. [8]
24. Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, bốn tập hợp [9]là những điều kiện cùng hiện hữu, ... Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, bốn năng lực gây ảnh hưởng [bỏ năng lực gây ảnh hưởng của tuệ] là những điều kiện cùng hiện hữu, ... Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, hai nhân [đó là không tham, không sân] là những điều kiện cùng hiện hữu,... Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, tâm*và thức là những điều kiện cùng hiện hữu, điều kiện hỗ tương, điều kiện phụ thuộc và điều kiện kết hợp.
Vào khoảnh khắc tiếp nối tái sanh, mười hai điều kiện này là những điều kiện cùng hiện hữu, điều kiện hỗ tương, điều kiện phụ thuộc và điều kiện kết hợp. [77]
25. Vào khoảnh khắc kết sanh, hai mươi sáu*điều kiện này là những điều kiện cùng hiện hữu, điều kiện hỗ tương, điều kiện phụ thuộc và điều kiện không kết hợp.
*14 (ở đ. 23) + 12 (ở đ. 24) = 26.
26. Trong trường hợp sanh vào cảnh giới may mắn, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], tái sanh có điều kiện của nó không liên kết với trí trong sáu nhân này.
27-30. (ii) Trong trường hợp khattiyas giầu có, brahmans giầu có, cư sĩ giầu có, chư thiên cõi dục giới, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], trong sáu nhân nào, tái sanh có điều kiện của nó không liên kết với trí?
Vào khoảnh khắc thúc đẩy... [lập lại các đoạn 22-25].
31. Trong trường hợp khattiyas giầu có, brahmans giầu có, cư sĩ giầu có, chư thiên cõi dục giới, [ở khoảnh khắc tiếp nối tái sanh], tái sanh có điều kiện của nó không liên kết với trí trong sáu nhân này.
CHẤM DỨT PHẦN LUẬN THUYẾT VỀ CÕI TÁI SANH TỚI
[1]Về cấu trúc văn phạm của ‘katīnaṁ hetūnaṁ paccaya upapatti hoti ’ so sánh với Ps i 52. ‘Cảnh giới may mắn’ có nghĩa là được tái sanh làm người hay chư thiên. <Đọc PsA 639 bản của PTS>
[2]Về chữ ‘thúc đẩy’, đọc The Path of Purification (Con Đường Thanh Lọc), trang 23 «chương I đ. 58»và so với Luận I đ. 391.
[3]Ba nhân thiện là không tham, không sân, không si. ‘Với những nhân thiện làm điều kiện nên có hành vi tạo quả’ được nói theo phương thức của Duyên Khởi trong một sát na tâm duy nhất (đọc Vbh 142). Hành vi tạo quả ở hình thức số nhiều [thay vì số ít như trong Vibhaṅga] vì tất cả các tâm phụ tùy [kể cả nhận thức và cảm nghiệm] đều được bao gồm trong tập hợp tạo lập tâm trạng (PsA 403 Se).
[4]‘Khoảnh khắc quyến luyến’ là khi nghiệp sắp sửa chín mùi bằng cách cho kiết sanh thức trong kiếp tới xuất hiện hoặc tạo ra hay làm cho hình tượng của cõi sanh tới xuất hiện (đọc Vism XVII đ. 136f. 278) và khiến [tâm] quyến luyến. ‘Quyến luyến’ là ham muốn, khát vọng. Vì lúc gần chết, người ấy còn quyến luyến đến ngọn lửa của địa ngục Avīci vì bị si mê làm cho tâm không ổn định, nên cần phải nói gì đến các cõi sanh tới khác? (đọc PsA 403 Se)
[5]Ba nhân bất định tính là không tham, không sân, không si. <5a - Mahānāma>
[6]Chư Thiên ở cõi này không có sắc tính (cõi vô sắc) nên trong ấn bản của PTS trang 75, 11. 8 và 9 nên viết là: ‘tena vuccati - nāmapaccayā pi viññāṇaṁ viññāṇapaccayā pi nāmaṁ’ (đọc PsA 405 Se). «Bản của Be cũng nên sửa cho đúng như thế». Cũng vì thế, đoạn kết luận này chỉ có 14 điều kiện thay vì 28.
[7]Vì tái sanh ở cõi sắc giới và vô sắc giới chỉ xảy ra với kết sanh ba nhân, nên các cõi này không được đề cập ở đây (PsA 405 Se). Hệ quả từ đó là đoạn 11.23-5 và 32-34 (Rūpāvacarānaṁ...) trang 75 ấn bản của PTS phải bị bỏ đi (như bản Miến Điện đã làm) và điều này phù hợp với đoạn kết của Luận thuyết này. Tương tự như thế, bỏ luôn đoạn 11 1-3 (Rūpāvacarānaṁ...) trang 76 bản của PTS.
[8]‘Nissayapaccayā honti’ đã bị bỏ đi ở 1. 25 trang 76 ấn bản của PTS.
[9]Đoạn 1. 26 trang 76, bản PTS viết khandhā thay cho dhammā.
«Kammakathā »
1. [78] Đã có hành vi, đã có quả do hành vi tạo; đã có hành vi, đã không có quả do hành vi tạo.
Đã có hành vi, hiện có quả do hành vi tạo; đã có hành vi, hiện không có quả do hành vi tạo.
Đã có hành vi, sẽ có quả do hành vi tạo; đã có hành vi, sẽ không có quả do hành vi tạo.
Có hành vi, có quả do hành vi tạo; có hành vi, không có quả do hành vi tạo.
Có hành vi, sẽ có quả do hành vi tạo; có hành vi, sẽ không có quả do hành vi tạo.
Sẽ có hành vi, sẽ có quả do hành vi tạo; sẽ có hành vi, sẽ không có quả do hành vi tạo.
2. Đã có hành vi thiện, đã có quả do hành vi thiện tạo; đã có hành vi thiện, đã không có quả do hành vi thiện tạo.
Đã có... [và cứ thế như ở đ. 1, nhưng thêm chữ thiện và quả do hành vi thiện tạo trong từng trường hợp của 6 trường hợp].
3. Đã có hành vi bất thiện, đã có quả do hành vi thiện tạo; đã có hành vi bất thiện, đã không có quả do hành vi bất thiện tạo.
Đã có... [và cứ thế như ở đ. 1, nhưng thêm chữ bất thiện và quả do hành vi bất thiện tạo trong từng trường hợp của 6 trường hợp].
4. Đã có hành vi đáng quở trách...
5. Đã có hành vi không thể quở trách...
6. Đã có hành vi đen tối...
7. Đã có hành vi trong sáng...
8. Đã có hành vi tạo hạnh phúc...
9. Đã có hành vi tạo khổ đau...
10. Đã có hành vi đem lại hạnh phúc...
11. Đã có hành vi đem lại khổ đau...
Sẽ có hành vi đem lại khổ đau, sẽ có quả do hành vi đem lại khổ đau tạo; sẽ có hành vi đem lại khổ đau, sẽ không có quả do hành vi đem lại khổ đau tạo.
LUẬN THUYẾT VỀ HÀNH VI.
«Vipallāsakathā»
Nguồn gốc Kinh đã nêu
1. [80] Này các tỳ kheo, có bốn điên đảo về nhận thức, điên đảo về tâm, điên đảo về quan điểm. Bốn gì? Này các tỳ kheo, [coi] cái vô thường là trường tồn đó là điên đảo về nhận thức, điên đảo về tâm, điên đảo về quan điểm. [Coi] cái khổ não là vui sướng đó là điên đảo về nhận thức, điên đảo về tâm, điên đảo về quan điểm. [Coi] cái không phải là ngã* là ngã đó là điên đảo về nhận thức, điên đảo về tâm, điên đảo về quan điểm. [Coi] cái xấu xa là đẹp đó là điên đảo về nhận thức, điên đảo về tâm, điên đảo về quan điểm. Này các tỳ kheo, đây là bốn điên đảo về nhận thức, điên đảo về tâm, điên đảo về quan điểm.
* Cf. Vinaya i, 100.
Này các tỳ kheo, có bốn không điên đảo về nhận thức, không điên đảo về tâm, không điên đảo về quan điểm. Bốn loại nào? Này các tỳ kheo, [coi] cái vô thường là vô thường đó là không điên đảo về nhận thức, không điên đảo về tâm, không điên đảo về quan điểm. [Coi] cái khổ não là khổ não đó là không điên đảo về nhận thức, không điên đảo về tâm, không điên đảo về quan điểm. [Coi] cái không phải là ngã là không phải là ngã đó là không điên đảo về nhận thức, không điên đảo về tâm, không điên đảo về quan điểm. [Coi] cái xấu xa là xấu xa đó là không điên đảo về nhận thức, không điên đảo về tâm, không điên đảo về quan điểm. Này các tỳ kheo, đây là bốn không điên đảo về nhận thức, không điên đảo về tâm, không điên đảo về quan điểm.
‘Chúng sanh chỉ nhận định sai
Với tâm bị phỉnh lừa và nhận định lệch lạc
‘Coi biến đổi không ngừng là trường tồn
Coi khổ đau là hạnh phúc, coi ngã là
cái không phải là ngã, coi cao đẹp ở cái ô uế, [81]--
Những người như thế phiêu lưu trên đường nhận thức điên đảo
Là sản phẩm của tâm cuồng điên, bệnh hoạn
Nô lệ cho Māra, không thoát khỏi trói buộc,
Chúng sanh bị sanh tử luân hồi.
Nhưng khi chư Phật, phóng hào quang
Xuất hiện trên đời, truyền Chánh Pháp,
để lắng dịu khổ đau. Nghe chư Phật giảng,
chúng sanh sáng suốt, tâm trí phục hồi và thấy
vô thường đúng là vô thường, thấy khổ đau
đúng là khổ đau, thấy cái không phải là ngã đúng là không phải là ngã, coi cái ô uế đúng là ô uế.
Nhờ chánh kiến như vậy nên họ vượt mọi khổ đau. (A ii 52)*
* dịch theo F. L. Woodward, Gradual Sayings II [PTS, 1995], trang 61.
2. Trong người thành tựu [chánh] kiến [vì là bậc nhập giòng], bốn điên đảo này bị từ bỏ hay không bị từ bỏ?
Có cái bị từ bỏ, có cái không bị từ bỏ. Điên đảo về nhận thức, điên đảo về tâm, điên đảo về quan điểm [coi] cái vô thường cho là trường tồn trong vị ấy bị từ bỏ. Nhận thức [coi] cái khổ não cho là vui sướng khởi lên, tâm cũng khởi lên, nhưng trong vị ấy điên đảo về quan điểm như thế bị từ bỏ. Điên đảo về nhận thức, điên đảo về tâm, điên đảo về quan điểm [coi] cái không phải là ngã cho là ngã trong vị ấy bị từ bỏ. Nhận thức [coi] cái xấu xa cho là đẹp khởi lên, tâm cũng khởi lên, nhưng trong vị ấy điên đảo về quan điểm như thế bị từ bỏ.
3. Trong hai trường hợp [thứ nhất và thứ ba] sáu điên đảo bị từ bỏ. Trong hai trường hợp [thứ hai và thứ bốn] hai điên đảo bị từ bỏ và bốn điên đảo không bị từ bỏ. Trong [cả] bốn trường hợp tám điên đảo bị từ bỏ và bốn điên đảo không bị từ bỏ.[1]
CHẤM DỨT LUẬN VỀ ĐIÊN ĐẢO
[1]Lúc đầu, bốn điên đảo được kể vào bốn (trường hợp) đó là coi vô thường là thường, coi khổ là sướng, coi không phải là ngã là ngã, coi ô uế là cao đẹp. Ở đây, đoạn cuối các điên đảo được kể là ba, đó là nhận thức điên đảo, tâm điên đảo, quan điểm điên đảo; như vậy cả thẩy là ‘mười hai’ (‘tám’ và ‘bốn’) trong bốn ‘trường hợp’ trên.
«Maggakathā »
1. [82] Đạo lộ: Đạo lộ theo nghĩa nào?
Ở khoảnh khắc đạo lộ nhập giòng:
Chánh kiến theo nghĩa thấy rõ là đạo lộ và nguyên nhân để từ bỏ nhận thức sai lạc, là đạo lộ và nguyên nhân để củng cố các trạng thái cùng hiện hữu, để chấm dứt nhiễm lậu, để thanh lọc bước đầu hiểu rõ [sự thực], để quyết tâm, để giữ tâm trong sạch, để chứng đạt ưu việt, để hiểu sâu hơn, để chứng ngộ đồng thời sự thực, và là đạo lộ và nguyên nhân cho nền tảng của đoạn diệt.
Chánh tư duy theo nghĩa hướng tâm trụ vào là đạo lộ và nguyên nhân để từ bỏ ý nghĩ sai lạc, là đạo lộ và nguyên nhân để củng cố các trạng thái cùng hiện hữu,... và là đạo lộ và nguyên nhân cho nền tảng của đoạn diệt;
Chánh ngữ theo nghĩa gìn giữ lời nói là đạo lộ và nguyên nhân để từ bỏ lời nói sai lạc, là đạo lộ và nguyên nhân để củng cố các trạng thái cùng hiện hữu, ... [83]
Chánh hành theo nghĩa nguồn sanh khởi là đạo lộ và nguyên nhân để từ bỏ hành động sai lạc,...
Chánh mạng theo nghĩa giữ trong sạch là đạo lộ và nguyên nhân để từ bỏ lối sống sai lạc,...
Chánh tinh tấn theo nghĩa nỗ lực là đạo lộ và nguyên nhân để từ bỏ nỗ lực sai lạc,...
Chánh niệm theo nghĩa thiết lập là đạo lộ và nguyên nhân để từ bỏ quán niệm sai lạc,...
Chánh định theo nghĩa không phân tâm là đạo lộ và nguyên nhân để từ bỏ định tâm sai lạc, là đạo lộ và nguyên nhân để củng cố các trạng thái cùng hiện hữu, để chấm dứt nhiễm lậu, để thanh lọc bước đầu hiểu rõ [sự thực], để quyết tâm, để giữ tâm trong sạch, để chứng đạt ưu việt, để hiểu sâu hơn, để chứng ngộ đồng thời sự thực, và là đạo lộ và nguyên nhân cho nền tảng của đoạn diệt.
2. Ở khoảnh khắc đạo lộ trở lại một lần:
Chánh kiến theo nghĩa thấy rõ...
...
Chánh định theo nghĩa không phân tâm là đạo lộ và nguyên nhân để từ bỏ kết buộc thô của khoái lạc giác quan và sự đối kháng lại và những khuynh hướng ngủ ngầm của khoái lạc giác quan và sự đối kháng lại, là đạo lộ và nguyên nhân để củng cố các trạng thái cùng hiện hữu, ... và là đạo lộ và nguyên nhân cho nền tảng của đoạn diệt.
3. Ở khoảnh khắc đạo lộ không trở lại:
Chánh kiến theo nghĩa thấy rõ...
...
Chánh định theo nghĩa không phân tâm [84] là đạo lộ và nguyên nhân để từ bỏ kết buộc tàn dư của khoái lạc giác quan và sự đối kháng lại và những khuynh hướng tàn dư ngủ ngầm của khoái lạc giác quan và sự đối kháng lại, là đạo lộ và nguyên nhân để củng cố các trạng thái cùng hiện hữu, ... và là đạo lộ và nguyên nhân cho nền tảng của đoạn diệt.
4. Ở khoảnh khắc đạo lộ arahant:
Chánh kiến theo nghĩa thấy rõ...
...
Chánh định theo nghĩa không phân tâm là đạo lộ và nguyên nhân để từ bỏ khao khát [làm sanh linh] cõi sắc giới, từ bỏ khao khát [làm sanh linh] cõi vô sắc giới, từ bỏ ngã mạn (kiêu mạn), từ bỏ dao động, từ bỏ vô minh, từ bỏ khuynh hướng ngã mạn (kiêu mạn) ngủ ngầm, từ bỏ khuynh hướng khao khát hiện hữu ngủ ngầm, từ bỏ khuynh hướng vô minh ngủ ngầm, là đạo lộ và nguyên nhân để củng cố các trạng thái cùng hiện hữu, để chấm dứt nhiễm lậu, để thanh lọc bước đầu hiểu rõ [sự thực], để quyết tâm, để giữ tâm trong sạch, để chứng đạt ưu việt, để hiểu sâu hơn, để chứng ngộ đồng thời sự thực, và là đạo lộ và nguyên nhân cho nền tảng của đoạn diệt.
5. Đạo lộ của thấy rõ là chánh kiến, đạo lộ của hướng tâm trụ vào là chánh tư duy, đạo lộ của giữ gìn lời nói là chánh ngữ, đạo lộ của sanh khởi là chánh hành, đạo lộ của trong sạch là chánh mạng, đạo lộ của nỗ lực là chánh tinh tấn, đạo lộ của thiết lập là chánh niệm, đạo lộ của không phân tâm là chánh định.
Đạo lộ của thiết lập là yếu tố tạo thành giác ngộ của quán niệm, đạo lộ của tìm hiểu là yếu tố tạo thành giác ngộ của đi tìm sự thật, đạo lộ của nỗ lực là yếu tố tạo thành giác ngộ của chánh tinh tấn, đạo lộ của thấm nhuần (chan hòa) là yếu tố tạo thành giác ngộ của hỉ, đạo lộ của an tịnh là yếu tố tạo thành giác ngộ của tĩnh lặng, đạo lộ của không phân tâm là yếu tố tạo thành giác ngộ của định, đạo lộ của tư duy là yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản.
Đạo lộ không lay chuyển vì không tin là tín lực, đạo lộ không lay chuyển vì lười biếng là tấn lực, đạo lộ không lay chuyển vì sao lãng là niệm lực, đạo lộ không lay chuyển vì dao động là định lực, đạo lộ không lay chuyển vì vô minh là tuệ lực.
Đạo lộ của cả quyết là năng lực gây ảnh hưởng của tín, đạo lộ của nỗ lực là năng lực gây ảnh hưởng của tinh tấn, đạo lộ của thiết lập [85] là năng lực gây ảnh hưởng của quán niệm, đạo lộ của không phân tâm là năng lực gây ảnh hưởng của định, đạo lộ của thấy rõ là năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
Các năng lực gây ảnh hưởng là đạo lộ theo nghĩa ưu thắng, các lực là đạo lộ theo nghĩa không lay chuyển, các yếu tố tạo thành giác ngộ là đạo lộ theo nghĩa lối thoát, các yếu tố của đạo lộ là đạo lộ theo nghĩa nhân,[1] nền tảng của quán niệm là đạo lộ theo nghĩa thiết lập, các nỗ lực chân chánh là đạo lộ theo nghĩa tinh tấn, các nền tảng của thần thông là đạo lộ theo nghĩa thành tựu, các sự thực là đạo lộ theo nghĩa chân như (thực tại).
Tĩnh lặng* là đạo lộ theo nghĩa không phân tâm, quán thực tánh là đạo lộ theo nghĩa quán tưởng, tĩnh lặng và quán thực tánh là đạo lộ theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất, sóng đôi là đạo lộ theo nghĩa không vượt quá nhau.
Thanh lọc giới là đạo lộ theo nghĩa chế ngự, thanh lọc tâm là đạo lộ theo nghĩa không phân tâm, thanh lọc quan điểm là đạo lộ theo nghĩa thấy rõ, giải thoát là đạo lộ theo nghĩa tự tại, minh trí là đạo lộ theo nghĩa hiểu rõ, tiêu dao là đạo lộ theo nghĩa dứt bỏ, trí về hoại diệt là đạo lộ theo nghĩa cắt đứt.
Theo nghĩa lấy nguồn gốc làm nền tảng, ước muốn là đạo lộ; theo nghĩa nguồn sanh khởi, chú ý suy xét là đạo lộ; theo nghĩa tổng hợp, xúc là đạo lộ; theo nghĩa nơi gặp gỡ, cảm nghiệm là đạo lộ; theo nghĩa trước tiên, định là đạo lộ; theo nghĩa ưu thắng, quán niệm là đạo lộ; theo nghĩa cao cả nhất, tuệ là đạo lộ; theo nghĩa cốt lõi, tiêu dao là đạo lộ; theo nghĩa chấm dứt, nibbana xuất khởi từ không còn sanh tử là đạo lộ.
LUẬN VỀ CÁC ĐẠO LỘ.
[1]Bản của Miến Điện viết là hetuṭṭhena maggangā maggo.
«Maṇḍapeyyakathā »
1. [86] Này các tỳ kheo, đời sống phạm hạnh này là phần tinh hoa để uống khi có mặt Đạo Sư. (S ii 29)
2. Có ba loại tinh hoa để uống khi có mặt Đạo Sư: tinh hoa của thuyết giảng, tinh hoa của người thu nhận và tinh hoa của đời phạm hạnh.
3. Tinh hoa của thuyết giảng*là gì?
Là lời tuyên bố, lời giảng, tuyên thuyết, thiết lập, khai mở, giải thích, diễn giải bốn sự thực cao cả; lời tuyên bố, lời giảng, tuyên thuyết, thiết lập, khai mở, giải thích, diễn giải bốn nền tảng của quán niệm; ... bốn chánh tinh tấn, ... bốn nền tảng của thần thông, ... năm năng lực gây ảnh hưởng, ... năm lực, ... bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ; tám thánh đạo. Đây là tinh hoa của thuyết giảng.
*desanāmaṇḍa
4. Tinh hoa của người thu nhận *là gì?
Là các tỳ kheo, tỳ kheo ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ, chư thiên, loài người, và bất kỳ ai khác hiểu [về sự thực]. Đây là tinh hoa của người thu nhận.
* (paṭiggahamaṇḍa): là các đệ tử có khả năng hiểu được lời giảng. Đọc Bhikkhu Bodhi, The Connected Discourses of the Buddha I, Wisdom Publications [Boston, 2000], chú thích số 64, trang 745.
5. Tinh hoa của đời Phạm Hạnh là gì?
Là tám thánh đạo này, đó là: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Đây là tinh hoa của đời Phạm Hạnh.
* brahmacariyamaṇḍa.
6. Cả quyết là tinh hoa của năng lực gây ảnh hưởng của tín, không tin là cặn bã; sau khi gạn bỏ cặn bã của không tin, vị ấy uống tinh hoa của năng lực gây ảnh hưởng của tín, như vậy là phần tinh hoa để uống. Nỗ lực là tinh hoa của năng lực gây ảnh hưởng của tấn, lười biếng là cặn bã; sau khi gạn bỏ cặn bã của lười biếng, vị ấy uống tinh hoa của năng lực gây ảnh hưởng của tấn, như vậy là phần tinh hoa để uống. Thiết lập là tinh hoa của năng lực gây ảnh hưởng của niệm, xao lãng là cặn bã; sau khi gạn bỏ cặn bã của xao lãng, vị ấy uống tinh hoa của thiết lập trong năng lực gây ảnh hưởng của niệm, như vậy là phần tinh hoa để uống. Không phân tâm là tinh hoa của năng lực gây ảnh hưởng của định, dao động là cặn bã; sau khi gạn bỏ cặn bã của dao động, vị ấy uống tinh hoa của không phân tâm trong năng lực gây ảnh hưởng của định, như vậy là phần tinh hoa để uống. Thấy rõ là tinh hoa của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ, vô minh là cặn bã; sau khi gạn bỏ cặn bã của vô minh, vị ấy uống tinh hoa của thấy rõ trong năng lực gây ảnh hưởng của tuệ, như vậy là phần tinh hoa để uống.
Tính không lay chuyển vì không tin là tinh hoa của tín lực, không tin là cặn bã; sau khi gạn bỏ cặn bã của không tin, vị ấy uống tinh hoa của tính không lay chuyển vì không tin, như vậy là phần tinh hoa để uống. Tính không lay chuyển vì lười biếng là tinh hoa của tấn lực, lười biếng là cặn bã... Tính không lay chuyển vì xao lãng là tinh hoa của niệm lực, xao lãng là cặn bã... Tính không lay chuyển vì dao động là tinh hoa của định lực, dao động là cặn bã... Tính không lay chuyển vì vô minh là tinh hoa của tuệ lực, vô minh là cặn bã, sau khi gạn bỏ cặn bã của vô minh, vị ấy uống tinh hoa của tính không lay chuyển vì vô minh trong tuệ lực, như vậy là phần tinh hoa để uống.
Thiết lập là tinh hoa của yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm, xao lãng là cặn bã; sau khi gạn bỏ cặn bã của xao lãng, vị ấy uống tinh hoa của thiết lập trong yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm, như vậy là phần tinh hoa để uống. Tìm hiểu sự thật là tinh hoa của yếu tố tạo thành giác ngộ của đi tìm sự thật, vô minh là cặn bã;... Nỗ lực là tinh hoa của yếu tố tạo thành giác ngộ của tấn, lười biếng là cặn bã... Chan hòa là tinh hoa của yếu tố tạo thành giác ngộ của hỉ, cơn sốt nhiễm lậu*là cặn bã... An tịnh là tinh hoa [88] của yếu tố tạo thành giác ngộ của tĩnh lặng, kích động của đòi hỏi sinh lý 2*là cặn bã... Không phân tâm là tinh hoa của yếu tố tạo thành giác ngộ của định, dao động là cặn bã... Tư duy là tinh hoa của yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản, không tư duy là cặn bã, sau khi gạn bỏ cặn bã của không tư duy, vị ấy uống tinh hoa của tư duy trong yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản, như vậy là phần tinh hoa để uống.
*pariḷāha [= kilesa]: cơn sốt nhiễm lậu. Đọc Ñāṇamoli, A Pali English Glossary of Buddhist Technical Terms, BPS, [Kandy, 1994] trang 7. Theo chú giải MA :pariḷāha là cơn sốt của các nhiễm lậu và hậu quả do chúng tạo nên. Đọc Bhikkhu Ñāṇamoli and Bhikkhu Bodhi,The Middle Length Discourses of the Buddha, Wisdom [Boston, 1995], chú thích 44, trang 1172.
2*duṭṭhulla.
Thấy rõ là tinh hoa của chánh kiến, nhận thức sai lạc là cặn bã, sau khi gạn bỏ cặn bã của nhận thức sai lạc, vị ấy uống tinh hoa của thấy rõ trong chánh kiến, như vậy là phần tinh hoa để uống. Hướng tâm trụ vào là tinh hoa của chánh tư duy, tư duy sai lạc là cặn bã; ... Giữ gìn lời nói là tinh hoa của chánh ngữ, nói sai lạc là cặn bã; ... Nguồn sanh khởi là tinh hoa của chánh hành, hành sai lạc là cặn bã; ... Giữ trong sạch là tinh hoa của chánh mạng, kiếm sống bất chánh là cặn bã; ... Nỗ lực là tinh hoa của chánh tinh tấn, nỗ lực sai lạc là cặn bã;... Thiết lập là tinh hoa của chánh niệm, quán niệm sai lạc là cặn bã;... Không phân tâm là tinh hoa của chánh định, định tâm sai lạc là cặn bã, sau khi gạn bỏ cặn bã của định tâm sai lạc, vị ấy uống tinh hoa của không phân tâm trong chánh định, như vậy là phần tinh hoa để uống.
7. Có tinh hoa, có thức để uống, có cặn bã.
Cả quyết là tinh hoa của năng lực gây ảnh hưởng của tín, không tin là cặn bã; bất cứ tinh túy (hương vị) nào của nghĩa trong đó, bất cứ tinh túy nào của ý niệm trong đó, bất cứ tinh túy [1]nào của tiêu dao trong đó là thức để uống. Nỗ lực là tinh hoa của năng lực gây ảnh hưởng của tinh tấn, lười biếng là cặn bã; bất cứ [89] tinh túy (hương vị) nào của nghĩa trong đó, bất cứ tinh túy nào của ý niệm trong đó, bất cứ tinh túy nào của tiêu dao trong đó là thức để uống. Thiết lập là tinh hoa của năng lực gây ảnh hưởng của niệm, xao lãng là cặn bã; bất cứ tinh túy (hương vị) nào của nghĩa trong đó, bất cứ tinh túy nào của ý niệm trong đó, bất cứ tinh túy nào của tiêu dao trong đó là thức để uống. Không phân tâm là tinh hoa của năng lực gây ảnh hưởng của định, dao động là cặn bã; bất cứ tinh túy (hương vị) nào của nghĩa trong đó, bất cứ tinh túy của ý niệm nào trong đó, bất cứ tinh túy nào của tiêu dao trong đó là thức để uống. Thấy rõ là tinh hoa của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ, vô minh là cặn bã; bất cứ tinh túy (hương vị) nào của nghĩa trong đó, bất cứ tinh túy nào của ý niệm nào trong đó, bất cứ tinh túy nào của tiêu dao trong đó là thức để uống.
Tính không lay chuyển vì không tin là tinh hoa của tín lực, không tin là cặn bã; bất cứ tinh túy (hương vị) nào của nghĩa trong đó, bất cứ tinh túy nào của ý niệm trong đó, bất cứ tinh túy nào của tiêu dao trong đó là thức để uống. Tính không lay chuyển vì lười biếng là tinh hoa của tấn lực, lười biếng là cặn bã... Tính không lay chuyển vì xao lãng là tinh hoa của niệm lực, xao lãng là cặn bã... Tính không lay chuyển vì dao động là tinh hoa của định lực, dao động là cặn bã... Tính không lay chuyển vì vô minh là tinh hoa của tuệ lực, vô minh là cặn bã, bất cứ tinh túy (hương vị) nào của nghĩa trong đó, bất cứ tinh túy nào của ý niệm trong đó, bất cứ tinh túy nào của tiêu dao trong đó là thức để uống.
Thiết lập là tinh hoa của yếu tố tạo thành giác ngộ của quán niệm, xao lãng là cặn bã; ... [và cứ thế với bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ và các yếu tố đối nghịch của chúng cho đến] ... Tư duy là tinh hoa của yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản, không tư duy là cặn bã, bất cứ tinh túy (hương vị) nào của nghĩa trong đó, bất cứ tinh túy nào của ý niệm trong đó, bất cứ tinh túy nào của tiêu dao trong đó là thức để uống.
Thấy rõ là tinh hoa của chánh kiến, nhận thức sai lạc là cặn bã; ... [và cứ thế với tám chi ngành thánh đạo cho đến] ... [90] Không phân tâm là tinh hoa của chánh định, định tâm sai lạc là cặn bã, bất cứ tinh túy (hương vị) nào của nghĩa trong đó, bất cứ tinh túy nào của ý niệm trong đó, bất cứ tinh túy nào của tiêu dao trong đó là thức để uống.
8. Thấy rõ là tinh hoa của chánh kiến, hướng tâm trụ vào là tinh hoa của chánh tư duy, giữ gìn lời nói là tinh hoa của chánh ngữ, nguồn sanh khởi là tinh hoa của chánh hành, làm cho sạch là tinh hoa của chánh mạng, nỗ lực là tinh hoa của chánh tinh tấn, thiết lập là tinh hoa của chánh niệm, không phân tâm là tinh hoa của chánh định.
Thiết lập là tinh hoa của yếu tố tạo thành giác ngộ của quán niệm, tìm hiểu là tinh hoa của yếu tố tạo thành giác ngộ của đi tìm sự thật; chan hòa là tinh hoa của yếu tố tạo thành giác ngộ của hỉ, an tịnh là tinh hoa của yếu tố tạo thành giác ngộ của tĩnh lặng, không phân tâm là tinh hoa của yếu tố tạo thành giác ngộ của định, tư duy là tinh hoa của yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản.
Tính không lay chuyển vì không tin là tinh hoa của tín lực, tính không lay chuyển vì lười biếng là tinh hoa của tấn lực, tính không lay chuyển vì xao lãng là tinh hoa của niệm lực, tính không lay chuyển vì dao động là tinh hoa của định lực, tính không lay chuyển vì vô minh là tinh hoa của tuệ lực.
Cả quyết là tinh hoa của năng lực gây ảnh hưởng của tín; nỗ lực là tinh hoa của năng lực gây ảnh hưởng của tấn; thiết lập là tinh hoa của năng lực gây ảnh hưởng của niệm, không phân tâm là tinh hoa của năng lực gây ảnh hưởng của định, thấy rõ là tinh hoa của năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
Theo nghĩa ưu thắng, các năng lực gây ảnh hưởng là tinh hoa; theo tính không lay chuyển, các lực là tinh hoa; theo nghĩa lối thoát, các yếu tố tạo thành giác ngộ là tinh hoa; theo nghĩa nguyên nhân, đạo lộ là tinh hoa; theo nghĩa thiết lập, các nền tảng của quán niệm là tinh hoa, theo nghĩa nỗ lực, các chánh tinh tấn là tinh hoa; theo nghĩa thành công, nền tảng của thành tựu là tinh hoa; theo nghĩa chân như (thực tại), các Sự Thực là tinh hoa. [2]
Theo nghĩa không phân tâm, tĩnh lặng là tinh hoa, theo nghĩa quán tưởng, quán thực tánh là tinh hoa. Theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất, tĩnh lặng và quán thực tánh là tinh hoa. Theo nghĩa không vượt quá nhau, sóng đôi là tinh hoa.
Theo nghĩa thu thúc, thanh lọc giới là tinh hoa, theo nghĩa không tán loạn, thanh lọc tâm là tinh hoa; theo nghĩa thấy rõ, thanh lọc quan điểm là tinh hoa; [91] theo nghĩa tự tại, giải thoát là tinh hoa; theo nghĩa hiểu rõ, trí sáng suốt là tinh hoa; theo nghĩa dứt bỏ, tiêu dao là tinh hoa; theo nghĩa cắt đứt, trí về hoại diệt là tinh hoa.
Theo nghĩa lấy nguồn gốc làm nền tảng, ước muốn là tinh hoa; theo nghĩa nguồn sanh khởi, chú ý suy xét là tinh hoa; theo nghĩa phối hợp, xúc là tinh hoa; theo nghĩa nơi gặp gỡ, cảm nghiệm là tinh hoa; theo nghĩa trước tiên, định là tinh hoa; theo nghĩa ưu thắng, quán niệm là tinh hoa; theo nghĩa cao cả nhất, tuệ là tinh hoa; theo nghĩa cốt lõi, tiêu dao là tinh hoa; theo nghĩa chấm dứt, nibbana xuất khởi từ không còn sanh tử là tinh hoa.
LUẬN VỀ TINH HOA ĐỂ UỐNG.
PHẦN THUẬT KỂ
CHẤM DỨT PHẦN THỨ NHẤT
Đây là mục lục của phần thứ nhất:
Trí, quan điểm, hơi thở và năng lực gây ảnh hưởng,
Rồi đến giải thoát là thứ năm,
Kế là cảnh giới tái sanh tới, hành vi và các điên đảo,
Các Đạo lộ, ‘tinh hoa để uống’: là mười.
«Yuganandhakathā»
*yuganandha: nđ cột lại thành cặp
1. [92] ‘Như vầy tôi nghe. Có một dạo, tôn giả Ānanda lưu trú ở Kosambi trong vườn Ghosita. Ở đấy, tôn giả nói với các tỳ kheo như vầy: ‘Này các đạo hữu tỳ kheo’ - Các tỳ kheo ấy trả lời: ‘Vâng, thưa đạo hữu’. Tôn giả Ānanda nói:
‘Này các đạo hữu tỳ kheo, bất cứ tỳ kheo hay tỳ kheo ni nào tuyên bố trước mặt tôi là đã chứng quả Arahant, sự chứng quả ấy luôn luôn nhờ bốn con đường hay nhờ vào một trong bốn con đường ấy. Bốn con đường nào?
‘Ở đây vị tỳ kheo tu quán thực tánh có thiền tĩnh lặng đi trước.*Làm như thế, con đường 2*mở ra trong vị ấy. Vị ấy lập lại, tu tập và làm cho phong phú con đường ấy. Khi làm như thế, các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt.
* samathapubbaṅgamaṁ vipassanaṁ: MA giải thích phương cách này như sau: ‘Ở đây, vị tỳ kheo đạt cận định hay nhập định; đây là sự tĩnh lặng. Vị ấy quán thực tánh thấy rằng sự tĩnh lặng và các trạng thái phụ thuộc vào sự tĩnh lặng đó đều là vô thường, ...; đây là tuệ thấy thực tánh. Như vậy tĩnh lặng xảy ra trước, quán thực tánh xảy ra sau (MA 1: 112). Đọc Henepola Gunaratana, The Path of Serenity and Insight, Motilal Banarsidass Publishers [Delhi, 1994] trang 149.
2* Theo chú giải, con đường này là đạo lộ siêu thế thứ nhất. Đọc F. L. Woodward, Gradual Sayings II [PTS, 1995] chú thích 1, tr. 162.
‘Lại nữa, vị tỳ kheo tu tập thiền tĩnh lặng có quán thực tánh đi trước.*Làm như thế, con đường mở ra trong vị ấy. Vị ấy lập lại, tu tập và làm cho phong phú con đường ấy. Khi làm như thế, các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt.
*vipassanāpubbaṅgamaṁ samathaṁ:MA giải thích phương thức này như sau: ‘Ở đây, vị tỳ kheo quán thực tánh thấy rằng năm tập hợp làm đối tượng cho bám níu là vô thường... mà không thiền các loại tĩnh lặng (cận định hay nhập định) như vừa nói; đây là quán thực tánh. Với sự hoàn tất quán thực tánh ấy, sự nhất tâm lấy sự xuất ly khỏi các trạng thái xảy ra trong vị ấy làm đối tượng; đây là sự tĩnh lặng. Như vậy quán thực tánh xảy ra trước, tĩnh lặng xảy ra sau (MA 1: 113). Đọc Henepola Gunaratana, sđd, trang 149. Đọc thêm S ii 124.
‘Lại nữa, vị tỳ kheo tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi.*Làm như thế, con đường mở ra trong vị ấy. Vị ấy lập lại, tu tập và làm cho phong phú con đường ấy. Khi làm như thế, các kết buộc của vị ấy [93] bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt.
* Hiển nhiên ở đây, chữ yuganandha (sóng đôi) có nghĩa là đồng bộ (samasīsa). Chú giải cắt nghĩa là ‘ở khoảnh khắc chứng nhập vị ấy làm an tịnh các hành vi tạo quả; ở khoảnh khắc an tịnh các hành vi tạo quả, vị ấy chứng nhập. Bằng cách nào? Vị ấy chứng nhập thiền thứ nhất. Xuất khỏi thiền thứ nhất, vị ấy làm an tịnh các hành vi tạo quả và nhập thiền thứ hai. Xuất khỏi thiền thứ hai, vị ấy... cứ như thế... Đọc F. L. Woodward, Gradual Sayings II [PTS, 1995], chú thích 1, tr 163.
‘Lại nữa, vì lượng giá quá mức các thể nghiệm [hiển bầy trong lúc quán tưởng], tâm của vị tỳ kheo bị dao động. [Về sau], khi [1]tâm của vị này bên trong bình lặng trở lại, tái ổn định, phục hồi trạng thái nhất tâm và được tập trung trở lại. [2]Rồi con đường mở ra trong vị ấy. Vị ấy lập lại, tu tập và làm cho phong phú con đường ấy. Khi làm như thế, các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt.
‘Khi bất cứ tỳ kheo hay tỳ kheo ni nào tuyên bố trước mặt tôi là đã chứng quả Arahant, sự chứng quả ấy luôn luôn nhờ bốn con đường hay nhờ vào một trong bốn con đường ấy.’’ (A ii 156)
2. Vị ấy tu quán thực tánh có thiền tĩnh lặng đi trước như thế nào?
Sự hợp nhất của tâm và không tán loạn nhờ xuất ly là định. Quán thực tánh theo nghĩa quán vô thường các trạng thái được tạo nên ở trong, theo nghĩa quán khổ não các trạng thái được tạo nên ở trong, theo nghĩa quán không phải là ngã các trạng thái được tạo nên ở trong. Như thế có tĩnh lặng trước và quán thực tánh sau. Vì thế nên nói ‘Vị ấy tu quán thực tánh có thiền tĩnh lặng đi trước’.
Vị ấy tu tập: có bốn loại tu tập: tu tập theo nghĩa không có sự vượt quá giữa các trạng thái khởi lên ở trong, tu tập theo nghĩa các năng lực gây ảnh hưởng có tác dụng (hương vị) duy nhất, tu tập theo nghĩa hiệu quả của nỗ lực thích đáng, tu tập theo nghĩa lập lại.
Con đường mở ra: Con đường ấy mở ra như thế nào? Chánh kiến theo nghĩa thấy rõ là con đường mở ra, chánh tư duy theo nghĩa hướng tâm trụ vào là con đường mở ra, chánh ngữ theo nghĩa giữ gìn lời nói là con đường mở ra, chánh hành theo nghĩa nguồn sanh khởi là con đường mở ra, chánh mạng theo nghĩa giữ cho sạch là con đường mở ra, chánh tinh tấn theo nghĩa nỗ lực là con đường mở ra, chánh niệm theo nghĩa thiết lập là con đường mở ra và chánh định theo nghĩa không phân tâm là con đường mở ra. Con đường ấy mở ra là như thế.
Vị ấy lập lại, tu tập và làm cho phong phú con đường ấy.
Vị ấy lập lại: Vị ấy lập lại như thế nào? Khi vị ấy chú ý, vị ấy lập lại. Khi vị ấy biết, vị ấy lập lại. Khi vị ấy thấy rõ,... quán sát,... [94] quyết tâm,... cả quyết với niềm tin,... nỗ lực tinh cần, ... thiết lập (xây dựng) quán niệm... định tâm,... Khi vị ấy hiểu bằng tuệ,... Khi vị ấy chứng biết trực tiếp điều cần được chứng biết trực tiếp,... Khi vị ấy hiểu trọn vẹn điều cần được hiểu trọn vẹn,... Khi vị ấy từ bỏ cái cần phải từ bỏ,... Khi vị ấy tu tập điều cần được tu tập,... Khi vị ấy thực chứng điều cần được thực chứng, vị ấy lập lại. Vị ấy lập lại như thế đấy.
Vị ấy tu tập: Vị ấy tu tập như thế nào? Khi vị ấy chú ý, vị ấy tu tập. Khi vị ấy biết, vị ấy tu tập... [và cứ thế như đoạn trên cho đến]... Khi vị ấy thực chứng điều cần được thực chứng, vị ấy tu tập. Vị ấy tu tập như thế đấy.
Vị ấylàm cho phong phú: Vị ấy làm cho phong phú như thế nào? Khi vị ấy chú ý, vị ấy làm cho phong phú. Khi vị ấy biết, vị ấy làm cho phong phú... [và cứ thế như đoạn trên cho đến]... Khi vị ấy thực chứng điều cần được thực chứng, vị ấy làm cho phong phú. Vị ấy làm cho phong phú như thế đấy.
Khi làm như thế, các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt. Các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt như thế nào?
Với đạo lộ nhập giòng: ba kết buộc bị từ bỏ, đó là: nhận thức [sai lạc] về bản ngã, hoài nghi, diễn giải sai lạc về giới nghi; và hai khuynh hướng ngủ ngầm, đó là: khuynh hướng về quan điểm ngủ ngầm và khuynh hướng hoài nghi ngủ ngầm bị tuyệt diệt.
Với đạo lộ trở lại một lần: hai kết buộc bị từ bỏ, đó là: kết buộc thô lậu về ham muốn ái dục và kết buộc thô lậu về đối ngại; và hai khuynh hướng ngủ ngầm, đó là: khuynh hướng thô lậu ngủ ngầm về ham muốn ái dục, khuynh hướng thô lậu về đối ngại bị tuyệt diệt.
Với đạo lộ không trở lại: hai kết buộc bị từ bỏ, đó là: kết buộc còn xót lại về ham muốn ái dục và kết buộc còn xót lại về đối ngại; [95] và hai khuynh hướng ngủ ngầm, đó là: khuynh hướng ngủ ngầm còn xót lại về ham muốn ái dục, khuynh hướng còn xót lại về đối ngại bị tuyệt diệt.
Với đạo lộ arahant: năm kết buộc bị từ bỏ, đó là: khao khát [làm sanh linh] cõi sắc giới, khao khát [làm sanh linh] cõi vô sắc giới, ngã mạn (kiêu mạn), dao động, vô minh; và ba khuynh hướng ngã mạn (kiêu mạn) ngủ ngầm, khuynh hướng khao khát hiện hữu ngủ ngầm, khuynh hướng vô minh ngủ ngầm bị tuyệt diệt.
Các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt như thế đấy.
3. Sự hợp nhất của tâm và không phân tâm nhờ không sân hận... [lập lại đ. 2].
4-70. ... [lập lại đ. 2 cho từng trường hợp sau: các trường hợp đối nghịch với 7 chướng ngại (I đ. 36)], 4 jhanas, 4 chứng đắc vô sắc, 10 đề mục thiền kasinas, 10 tưởng niệm, 10 loại bất tịnh và 32 hình thái quán niệm hơi thở, cho đến]...
71. Sự hợp nhất của tâm và không phân tâm nhờ thở ra quán buông bỏ là định. Quán thực tánh... [và cứ thế như ở đ. 2 cho đến hết].
Vị ấy tu tập quán thực tánh có thiền tĩnh lặng đi trước là như thế.
72. Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng có quán thực tánh đi trước như thế nào?
Quán thực tánh theo nghĩa quán vô thường, theo nghĩa quán khổ não, theo nghĩa quán không phải là ngã. Sự hợp nhất của tâm và không tán loạn vì những trạng thái phát sanh bên trong có buông bỏ làm đối tượng cho chúng là định. Như vậy, có tuệ quán thực tánh trước rồi có tĩnh lặng sau. Vì thế mới nói ‘Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng có quán thực tánh đi trước’.
Vị ấy tu tập:... [như ở đ. 2].
Con đường mở ra như thế nào? ...
73. Quán thực tánh theo nghĩa quán vật thể là vô thường, theo nghĩa quán vật thể là khổ não, theo nghĩa quán vật thể là không phải là ngã. Sự hợp nhất của tâm và không phân tâm vì ... [và cứ thế, lập lại đ. 72] ... [97]
74-272. ... [lập lại đ. 72 cho từng trường hợp của 201 ý niệm còn lại liệt kê ở Luận I đ. 5 cho đến]...
273. Quán thực tánh theo nghĩa quán già và chết là vô thường... [lập lại đ. 72].
Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng có quán thực tánh đi trước là như thế.
274. Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi như thế nào?
Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo mười sáu khía cạnh: (1) theo nghĩa đối tượng, (2) theo nghĩa lãnh vực, (3) theo nghĩa từ bỏ, (4) theo nghĩa dứt bỏ, (5) theo nghĩa ngoi lên, (6) theo nghĩa quay đi, (7) theo nghĩa yên tịnh, (8) theo nghĩa cao thượng, (9) theo nghĩa giải thoát, (10) theo nghĩa không phiền não, (11) theo nghĩa vượt qua, (12) theo nghĩa không có điều kiện để còn sanh tử, (13) theo nghĩa không ước nguyện, (14) theo nghĩa tánh không, (15) theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất, (16) theo nghĩa không vượt quá và theo nghĩa sóng đôi.
275. (1) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa đối tượng như thế nào?
Khi vị ấy từ bỏ dao động thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định có đoạn diệt làm đối tượng. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng có đoạn diệt làm đối tượng cho nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa đối tượng có tác dụng (hương vị) duy nhất sóng đôi nhau, và không vượt quá nhau. Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa đối tượng.’
Vị ấy tu tập: Có bốn loại tu tập: ... [lập lại như ở đ. 2].
Đó là cách vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa đối tượng.
276. (2) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa lãnh vực như thế nào?
Khi vị ấy từ bỏ dao động thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa lãnh vực có tác dụng (hương vị) duy nhất, [98] sóng đôi nhau, và không vượt quá nhau. Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa lãnh vực.’
Vị ấy tu tập: ...
277. (3) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa từ bỏ như thế nào?
Khi vị ấy từ bỏ nhiễm lậu liên kết với dao động và từ bỏ các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ nhiễm lậu liên kết với vô minh và từ bỏ các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa từ bỏ có tác dụng (hương vị) duy nhất, sóng đôi nhau, và không vượt quá nhau. Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa từ bỏ.’
Vị ấy tu tập: ...
278. (4) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa dứt bỏ như thế nào?
Khi vị ấy dứt bỏ nhiễm lậu liên kết với dao động và dứt bỏ các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy dứt bỏ nhiễm lậu liên kết với vô minh và dứt bỏ các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì tuệ quán thực tánh của vị ấy... có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa dứt bỏ có tác dụng (hương vị) duy nhất, sóng đôi nhau, và không vượt quá nhau. Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa dứt bỏ.’
Vị ấy tu tập: ...
279. (5) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa ngoi lên như thế nào?
Khi vị ấy ngoi lên từ nhiễm lậu liên kết với dao động và ngoi lên từ các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy ngoi lên từ nhiễm lậu liên kết với vô minh và ngoi lên từ các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa ngoi lên có tác dụng (hương vị) duy nhất, sóng đôi nhau, và không vượt quá nhau. Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa ngoi lên.’
Vị ấy tu tập: ...
280. (6) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa quay đi như thế nào?
Khi vị ấy quay đi từ nhiễm lậu liên kết với dao động và quay đi từ các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy quay đi từ nhiễm lậu liên kết với vô minh và quay đi từ các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa quay đi có tác dụng (hương vị) duy nhất, sóng đôi nhau, và không vượt quá nhau. Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa quay đi.’
Vị ấy tu tập: ...
281. (7) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa yên tịnh như thế nào?
Khi vị ấy từ bỏ dao động, thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định yên tịnh có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, [99] thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng là yên tịnh, có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa yên tịnh... Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa yên tịnh.’
Vị ấy tu tập: ...
282. (8) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa cao thượng như thế nào?
Khi vị ấy từ bỏ dao động, thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định cao thượng có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng là cao thượng, có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa cao thượng... Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa cao thượng.’
Vị ấy tu tập: ...
283. (9) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa giải thoát như thế nào?
Khi vị ấy từ bỏ dao động, thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định được giải thoát tự tại có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng được giải thoát, có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa giải thoát... Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa giải thoát.’
Vị ấy tu tập: ...
284. (10) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa không phiền não như thế nào?
Khi vị ấy từ bỏ dao động, thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định được tự tại khỏi phiền não của khoái lạc giác quan và có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng được tự tại khỏi phiền não của vô minh, có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa tự tại khỏi phiền não... Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa không phiền não.’
Vị ấy tu tập: ...
285. (11) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa vượt qua như thế nào?
Khi vị ấy vượt qua nhiễm lậu liên kết với dao động và vượt qua các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy vượt qua nhiễm lậu liên kết với vô minh và vượt qua các tập hợp [là hậu quả của nhiễm lậu], thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán tưởng có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa vượt qua... Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa vượt qua.’
Vị ấy tu tập: ...
286. (12) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa không có điều kiện để còn sanh tử như thế nào? [100]
Khi vị ấy từ bỏ dao động, thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định được tự tại khỏi tất cả các điều kiện để còn sanh tử có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa được tự tại khỏi tất cả các điều kiện để còn sanh tử, có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa không có điều kiện để còn sanh tử... Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa không có điều kiện để còn sanh tử.’
Vị ấy tu tập: ...
287. (13) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa không ước nguyện như thế nào?
Khi vị ấy từ bỏ dao động, thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định được tự tại khỏi tất cả các ước nguyện có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa được tự tại khỏi tất cả các ước nguyện, có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa không ước nguyện... Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa không ước nguyện.’
Vị ấy tu tập: ...
288. (14) Vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa không như thế nào?
Khi vị ấy từ bỏ dao động, thì sự hợp nhất của tâm và không phân tâm của vị ấy là định không có tất cả các diễn giải sai lạc có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Khi vị ấy từ bỏ vô minh, thì tuệ quán thực tánh của vị ấy theo nghĩa quán là không có tất cả các diễn giải sai lạc, có đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Như vậy thiền tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa không... Vì thế mới nói ‘vị ấy tu tập thiền tĩnh lặng và quán thực tánh sóng đôi theo nghĩa không.’
Vị ấy tu tập: ... [3]
289. Như thế nào là tâm của vị tỳ kheo bị dao động vì lượng giá quá mức các thể nghiệm [hiển bầy trong lúc quán tưởng]?
Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, ánh sáng phát ra trong vị ấy. Vị ấy chú tâm hướng đến ánh sáng như vầy [101] ‘ánh sáng là thể nghiệm [của bậc Thánh]. Phân tâm vì sự kiện đó chính là dao động. Khi tâm của vị ấy bị dao động vì lượng giá quá mức, vị ấy không hiểu đúng như thật sự biểu hiện là vô thường, vị ấy không hiểu đúng như thật sự biểu hiện là khổ não, vị ấy không hiểu đúng như thật sự biểu hiện là không phải là ngã. Vì vậy mới nói tâm của vị tỳ kheo bị dao động vì lượng giá quá mức các thể nghiệm [hiển bầy trong lúc quán tưởng]. [Về sau], khi 1 tâm của vị này bên trong bình lặng trở lại, tái ổn định, phục hồi trạng thái nhất tâm và được tập trung trở lại. Rồi con đường mở ra trong vị ấy...
Con đường ấy mở ra như thế nào?... [lập lại như ở đ. 2]... Con đường mở ra như thế đấy.
... [lập lại như ở đ. 2]...
Các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt như thế đấy.
290. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, trí khởi lên trong vị ấy.
291. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, hoan hỉ khởi lên...
292. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, an tịnh khởi lên...
293. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, hạnh phúc toàn hảo khởi lên...
294. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, cả quyết khởi lên...
295. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, nỗ lực khởi lên...
296. Trong khi vị ấy chú tâm... an trú khởi lên... bình thản khởi lên...
297. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vô thường, quyến luyến* khởi lên trong vị ấy. Vị ấy chú tâm tới nó như vầy ‘Quyến luyến là thể nghiệm [của bậc Thánh]. Phân tâm vì sự kiện đó là sự dao động. Khi tâm của vị ấy bị dao động vì lượng giá quá mức, vị ấy không hiểu đúng như thật sự biểu hiện là vô thường, vị ấy không hiểu đúng như thật sự biểu hiện là khổ não, vị ấy không hiểu đúng như thật sự biểu hiện là không phải là ngã. Vì vậy mới nói tâm của vị tỳ kheo bị dao động vì lượng giá quá mức các thể nghiệm [hiển bầy trong lúc quán tưởng]. [Về sau], khi tâm của vị này bên trong bình lặng trở lại, tái ổn định, phục hồi trạng thái nhất tâm và được tập trung trở lại. Rồi con đường mở ra trong vị ấy...
* Quyến luyến (nikanti) phát xuất do tuệ quán thực tánh. Khi tuệ quán thực tánh được ánh sáng, trí, hoan hỉ,... (như đã nói ở đđ. 289-295) trang hoàng lộng lẫy, sự quyến luyến trông tinh tế an ổn khởi lên trong vị ấy. Quyến luyến phụ thuộc vào tuệ quán thực tánh, vị này không thể nhận biết rõ quyến luyến là nhiễm lậu, lại ngộ nhận cho rằng đã chứng đạo, chứng quả; cái không phải là đạo, không phải là quả lại cho là đạo, là quả nên tiến trình quán chiếu bị đứt đoạn. Bất toàn này có thể khởi lên. Đọc Vism. XX 124, đ. 122-124. Đọc thêm chú thích 2* ở đoạn 5743 sắp tới.
Con đường ấy mở ra như thế nào?... Con đường mở ra như thế đấy.
...
Các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt như thế đấy.
298-306. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét khổ não, ... [lập lại đđ 289-297, thay vô thường bằng khổ não...
307-315. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét không phải là ngã, ... [lập lại đđ 289-297, thay vô thường bằng không phải là ngã... [102]...
Các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt như thế đấy.
316-342. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét vật thể là vô thường, ... là khổ não, ... là không phải là ngã...
343-5714. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét cảm nghiệm là vô thường, ... là khổ não, ... là không phải là ngã... [và cứ thế với từng trường hợp của 201 ý niệm liệt kê ở Luận I đ. 5 cho đến]...
5715-5742. Trong khi vị ấy chú tâm suy xét già và chết là vô thường, ... là khổ não, ... là không phải là ngã...
Các kết buộc của vị ấy bị từ bỏ và các khuynh hướng ngủ ngầm bị tuyệt diệt như thế đấy.
Tâm của vị tỳ kheo bị dao động vì lượng giá quá mức các thể nghiệm [hiển bầy trong lúc quán tưởng] là như thế đấy.
5743.
Giao động vì ánh sáng
Vì trí, vì hoan hỉ,
Vì sự nhẹ nhõm, dễ chịu
Bởi thế, tâm vị ấy hoang mang;
Giao động vì cả quyết,
Nỗ lực, và vững chãi,
Bình thản trong hướng tâm *
Và bình thản, và quyến luyến.
Nhưng khi xét kỹ và
Hiểu rõ mười thể nghiệm 2*này
Vị ấy đối trị khéo giao động như thế
Thôi không còn hoang mang.
Giờ đây, nếu bị phân tâm và vấy nhiễm [4]
Sự tu tập của tâm tụt lùi; [103]
Và nếu bị phân tâm và vấy nhiễm,
Sự tu tập sụt giảm.
Nếu được thanh lọc và không vấy nhiễm,
Sự tu tập không sụt giảm;
Nếu không bị phân tâm và không vấy nhiễm,
Tu tập sẽ không tụt lùi.
Như thế tâm vị ấy không bị phân tán
Vì mười thể nghiệm 2*ấy
Có thể hiểu theo bốn cách
Phân tán hay không phân tán này của tâm.
* Tác ý liên kết với hướng tâm về ý môn được gọi là ‘bình thản trong hướng tâm’ vì nó xảy ra khi hướng tâm với cái nhìn vô can [ajjhupekkhana] (Pm 819). Đọc Ñāṇamoli, The Path of Purification, BPS [Kandy, 1991], chú thích 37 chương XXI, trang 845.
2* nđ: trạng thái «phát sanh». Nếu không thấy đúng như thật, các thể nghiệm bất toàn này trở thành tai hại như bắt rắn đằng đuôi. Vì: ·nhận định sai lạc (ánh sáng đã phát sanh trong ta),·ngã mạn (thật là dễ chịu khi ánh sáng phát sanh), ·tham ái (thích hưởng thụ, quyến luyến ánh sáng ấy), ·coi ánh sáng ấy (là của tôi, là tôi, là bản ngã của tôi) (M i 135). Cùng cách hiểu như thế với 9 thể nghiệm còn lại. Nếu suy xét là: ·vô thường: theo nghĩa sau khi khởi lên, nó không còn nữa: Ánh sáng đã khởi lên, nhưng nó không bền, được tạo thành, khởi lên theo điều kiện, phải chịu hủy diệt, tàn lụi, hoại suy, chấm dứt; ·không phải là ngã theo nghĩa không có quyền năng nào có thể ảnh hưởng nó, ·không xứng ý theo nghĩa bị sanh diệt áp bức; ·vị ấy coi ánh sáng đó (không phải của tôi, không là tôi, không là bản ngã của tôi). Cùng cách hiểu như thế với 9 thể nghiệm còn lại. Đọc thêm Vism. ch. XX đđ. 125-127.
LUẬN THUYẾT VỀ SÓNG ĐÔI.
[1]Ở đây và trong tất cả ví dụ điển hình (nêu ở A ii 156 và ở đ. 289 sau đây trong Luận này), nên viết là dhammuddhaccaviggahitamānaso. Hoti āvuso samayo... Cf. M iii 289.
[2]Cf. M iii 112.
[3]Trong khi sự giải thích hai đoạn kinh trước đề cập tới giai đoạn trước khi con đường siêu thế hiển bầy, thì sự giải thích của đoạn kinh thứ ba chỉ nói tới sát na đạo lộ (PsA 587, ấn bản PTS). <Như Mahānāma chú thích, trang 588, khía cạnh thứ 15 «theo nghĩa có tác dụng (hương vị) duy nhất»và khía cạnh thứ 16 «theo nghĩa không vượt quá», cũng như «theo nghĩa»‘sóng đôi’ cuối cùng, đã được bao gồm trong từng chú thích từ 1-14 nên sau đoạn 288, không có những lời giải thích riêng gì nữa.>
[4]Viết là Vikkhipati c’eva kilissati ca, và ở trang 103 1.1 cũng thế.
«Saccakathā »
1. ‘Này các tỳ kheo, bốn điều này là như vậy (thực), không phải không vậy (không thực), không khác đi được. Bốn điều gì? Này các tỳ kheo, ‘Đây là khổ’ là điều vốn như vậy, không phải không vậy, không khác đi được. ‘Đây là nguồn gốc của khổ’ là điều vốn như vậy, không phải không vậy, không khác đi được. ‘Đây là sự đoạn diệt khổ’ là điều vốn như vậy, không phải không vậy, không khác đi được. ‘Đây là con đường dẫn đến đoạn diệt khổ’ là điều vốn như vậy, không phải không vậy, không khác đi được. (S v 430)
2. Khổ đau là chân lý theo nghĩa chân như (hiện thực) là thế nào? Khổ đau có bốn nghĩa của khổ vốn như vậy, không phải không vậy, không khác đi được: Khổ đau có nghĩa bức bách, nghĩa được tạo thành, nghĩa thiêu đốt (thống khổ), nghĩa biến đổi. Khổ đau có bốn nghĩa này của khổ vốn như vậy, không phải không vậy, không khác đi được. Khổ đau là chân lý theo nghĩa chân như là như thế.
3. Nguồn gốc là chân lý theo nghĩa chân như là thế nào? Nguồn gốc có bốn nghĩa của nguồn gốc vốn như vậy, không phải không vậy, không khác đi được: Nguồn gốc có nghĩa tích lũy, nghĩa căn nguyên, nghĩa trói buộc, nghĩa chướng ngại. Nguồn gốc có bốn nghĩa này của nguồn gốc vốn như vậy, không phải không vậy, không khác đi được. Nguồn gốc là chân lý theo nghĩa chân như là như thế.
4. Sự đoạn diệt là chân lý theo nghĩa chân như là thế nào? Sự đoạn diệt có bốn nghĩa của đoạn diệt vốn như vậy, không phải không vậy, không khác đi được: [105] Đoạn diệt có nghĩa thoát ly, nghĩa cách ly, nghĩa không được tạo thành, nghĩa không còn chết. Sự đoạn diệt có bốn nghĩa này của đoạn diệt vốn như vậy, không phải không vậy, không khác đi được. Sự đoạn diệt là chân lý theo nghĩa chân như là như thế.
5. Con đường là chân lý theo nghĩa chân như là thế nào? Con đường có bốn nghĩa của chấm dứt vốn như vậy, không phải không vậy, không khác đi được: con đường có nghĩa lối thoát, nghĩa nguyên nhân, nghĩa thấy rõ, nghĩa ưu thắng. Con đường có bốn nghĩa này của đạo lộ vốn như vậy, không phải không vậy, không khác đi được. Con đường là chân lý theo nghĩa chân như là như thế.
6. Bốn chân lý này có sự thấu hiểu duy nhất theo bao nhiêu khía cạnh? Bốn chân lý này có sự thấu hiểu duy nhất theo bốn khía cạnh: theo nghĩa chân như (hiện thực), theo nghĩa không phải là ngã, theo nghĩa sự thực, theo nghĩa thấu hiểu. Bốn chân lý theo bốn khía cạnh này được bao gồm thành một. Cái gì được bao gồm thành một, cái ấy là sự hợp nhất. Sự hợp nhất được thấu hiểu bằng một trí duy nhất. Như vậy, bốn chân lý này có sự thấu hiểu duy nhất.
7. Thế nào là có sự thấu hiểu duy nhất về bốn chân lý này theo nghĩa chân như (hiện thực)? Bốn chân lý này có sự thấu hiểu duy nhất theo nghĩa chân như qua bốn khía cạnh: khổ có nghĩa khổ theo nghĩa chân như của nó, nguồn gốc có nghĩa nguồn gốc theo nghĩa chân như của nó, sự đoạn diệt có nghĩa đoạn diệt theo nghĩa chân như của nó, con đường có nghĩa đạo lộ theo nghĩa chân như của nó. Bốn chân lý theo bốn khía cạnh này được bao gồm thành một. Cái gì được bao gồm thành một, cái ấy là sự hợp nhất. Sự hợp nhất được thấu hiểu bằng một trí duy nhất. Như vậy, bốn chân lý này có sự thấu hiểu duy nhất.
8. Thế nào là có sự thấu hiểu duy nhất về bốn chân lý này theo nghĩa không phải là ngã? Bốn chân lý này có sự thấu hiểu duy nhất theo nghĩa không phải là ngã qua bốn khía cạnh: khổ có nghĩa khổ theo nghĩa không phải là ngã của nó, nguồn gốc có nghĩa nguồn gốc theo nghĩa không phải là ngã của nó, sự đoạn diệt có nghĩa chấm dứt theo nghĩa không phải là ngã của nó, con đường có nghĩa đạo lộ theo nghĩa không phải là ngã của nó. Bốn chân lý theo bốn khía cạnh này được bao gồm thành một. Cái gì được bao gồm thành một, ... có sự thấu hiểu duy nhất.
9. Thế nào là có sự thấu hiểu duy nhất về bốn chân lý này theo nghĩa sự thực? Bốn chân lý này có sự thấu hiểu duy nhất theo nghĩa sự thực qua bốn khía cạnh: khổ có nghĩa khổ theo nghĩa sự thực của nó, ... con đường có nghĩa đạo lộ theo nghĩa sự thực của nó. Bốn chân lý theo bốn khía cạnh này được bao gồm thành một. Cái gì được bao gồm thành một, ... có sự thấu hiểu duy nhất. [106]
10. Thế nào là có sự thấu hiểu duy nhất về bốn chân lý này theo nghĩa thấu hiểu? Bốn chân lý này có sự thấu hiểu duy nhất theo nghĩa thấu hiểu qua bốn khía cạnh: khổ có nghĩa khổ theo nghĩa thấu hiểu của nó, ... con đường có nghĩa đạo lộ theo nghĩa thấu hiểu của nó. Bốn chân lý theo bốn khía cạnh này được bao gồm thành một. Cái gì được bao gồm thành một, ... có sự thấu hiểu duy nhất.
11. Thế nào là có sự thấu hiểu duy nhất về bốn chân lý này? Cái gì vô thường, cái ấy là khổ; cái gì vô thường và khổ, cái ấy không phải là ngã; cái gì vô thường, khổ và không phải là ngã, cái ấy là như vậy (thực); cái gì vô thường, khổ, không phải là ngã, là như vậy (thực), cái ấy là chân lý; cái gì vô thường, khổ, không phải là ngã, là như vậy (thực), là chân lý, cái ấy được bao gồm thành một. Cái gì được bao gồm thành một, cái ấy là sự hợp nhất. Sự hợp nhất được thấu hiểu bằng một trí duy nhất. Như vậy, bốn chân lý này có sự thấu hiểu duy nhất.
12. Có sự thấu hiểu duy nhất về bốn chân lý qua bao nhiêu khía cạnh? Có sự thấu hiểu duy nhất về bốn chân lý qua chín khía cạnh: theo nghĩa chân như (hiện thực), theo nghĩa không phải là ngã, theo nghĩa sự thực, theo nghĩa thấu hiểu, theo nghĩa trí trực chứng, theo nghĩa hiểu biết trọn vẹn, theo nghĩa từ bỏ, theo nghĩa tu tập, theo nghĩa thực chứng. Bốn chân lý qua chín khía cạnh này được bao gồm thành một. Cái gì được bao gồm thành một, cái ấy là sự hợp nhất. Sự hợp nhất được thấu hiểu bằng một trí duy nhất. Như vậy, bốn chân lý này có sự thấu hiểu duy nhất.
13. Thế nào là có sự thấu hiểu duy nhất về bốn chân lý theo nghĩa chân như (hiện thực)? Có sự thấu hiểu duy nhất về bốn chân lý theo nghĩa chân như qua chín khía cạnh: khổ có nghĩa khổ theo nghĩa chân như của nó, nguồn gốc có nghĩa nguồn gốc theo nghĩa chân như của nó, đoạn diệt có nghĩa đoạn diệt theo nghĩa chân như của nó, con đường có nghĩa đạo lộ theo nghĩa chân như của nó, trí trực chứng có nghĩa trí trực chứng theo nghĩa chân như của nó, hiểu biết trọn vẹn có nghĩa hiểu biết trọn vẹn theo nghĩa chân như của nó, từ bỏ có nghĩa từ bỏ theo nghĩa chân như của nó, tu tập có nghĩa tu tập theo nghĩa chân như của nó, thực chứng có nghĩa thực chứng theo nghĩa chân như của nó. Bốn chân lý theo chín khía cạnh được bao gồm thành một. Cái gì được bao gồm thành một, cái ấy là sự hợp nhất. Sự hợp nhất được thấu hiểu bằng một trí duy nhất. Như vậy, bốn chân lý này có sự thấu hiểu duy nhất. [107]
14. Thế nào là có sự thấu hiểu duy nhất về bốn chân lý theo nghĩa không phải là ngã? Có ... [như ở đ. 13].
15. Thế nào là có sự thấu hiểu duy nhất về bốn chân lý theo nghĩa sự thực? Có ...
16. Thế nào là có sự thấu hiểu duy nhất về bốn chân lý theo nghĩa thấu rõ? Có ...
17. Có sự thấu hiểu duy nhất về bốn chân lý qua bao nhiêu khía cạnh? Có sự thấu hiểu duy nhất về bốn chân lý qua mười hai khía cạnh: theo nghĩa chân như, theo nghĩa không phải là ngã, theo nghĩa sự thực, theo nghĩa thấu hiểu, theo nghĩa trí trực chứng, theo nghĩa hiểu biết trọn vẹn, theo nghĩa điều kiện căn bản, theo nghĩa nền tảng căn bản, [1]theo nghĩa điều được biết, theo nghĩa thực chứng, theo nghĩa thể nghiệm, theo nghĩa chứng ngộ đồng thời. Bốn chân lý theo mười hai khía cạnh được bao gồm thành một. Cái gì được bao gồm thành một, cái ấy là sự hợp nhất. Sự hợp nhất được thấu hiểu bằng một trí duy nhất. Như vậy, bốn chân lý này có sự thấu hiểu duy nhất.
18. Thế nào là có sự thấu hiểu duy nhất về bốn chân lý theo nghĩa chân như (hiện thực)? Có sự thấu hiểu duy nhất về bốn chân lý theo nghĩa chân như theo mười sáu khía cạnh: Khổ đau có nghĩa bức bách, nghĩa được tạo thành, nghĩa thiêu đốt (thống khổ), nghĩa biến đổi theo nghĩa chân như của nó; nguồn gốc có nghĩa tích lũy, nghĩa căn nguyên, nghĩa hệ lụy, nghĩa trở ngại theo nghĩa chân như của nó; sự đoạn diệt có nghĩa thoát ly, nghĩa cách ly, nghĩa không được tạo thành, nghĩa không còn chết theo nghĩa chân như của nó; con đường có nghĩa lối thoát, nghĩa nguyên nhân, nghĩa thấy rõ, nghĩa ưu thắng theo nghĩa chân như của nó. Bốn chân lý qua mười sáu khía cạnh này được bao gồm thành một. Cái gì được bao gồm thành một, cái ấy là sự hợp nhất. Sự hợp nhất được thấu hiểu bằng một trí duy nhất. Như vậy, bốn chân lý này có sự thấu hiểu duy nhất. [108]
19. Thế nào là có sự thấu hiểu duy nhất về bốn chân lý theo nghĩa không phải là ngã? Có ...
20. ... theo nghĩa sự thực...
21. ... theo nghĩa thấu hiểu...
22. ... theo nghĩa trí trực chứng...
23. ... theo nghĩa hiểu biết trọn vẹn...
24. ... theo nghĩa điều kiện căn bản...
25. ... theo nghĩa nền tảng căn bản...
26. ... theo nghĩa điều được biết...
27. ... theo nghĩa thực chứng...
28. ... theo nghĩa thể nghiệm...
29. ... theo nghĩa chứng ngộ đồng thời...
30. Các chân lý có bao nhiêu đặc tính? Các chân lý có hai đặc tính: đặc tính được tạo thành và đặc tính không được tạo thành. Các chân lý có hai đặc tính này.
31. Các chân lý có bao nhiêu đặc tính? Các chân lý có sáu đặc tính: Với các chân lý được tạo thành sự sanh khởi của chúng được biết tới, sự hủy diệt của chúng được biết tới, sự biến đổi trong khi hiện hữu của chúng được biết tới; Với các chân lý không được tạo thành sự không sanh khởi của nó được biết tới, sự không hủy diệt của nó được biết tới, sự không biến đổi trong khi hiện hữu của nó được biết tới. Các chân lý có sáu đặc tính này.
32. Các chân lý có bao nhiêu đặc tính? Các chân lý có mười hai đặc tính: với chân lý của khổ, sự sanh khởi của nó được biết tới, sự hủy diệt của nó được biết tới, sự biến đổi trong khi hiện hữu của nó được biết tới; với chân lý về nguồn gốc sự sanh khởi của nó được biết tới, sự hủy diệt của nó được biết tới, sự biến đổi trong khi hiện hữu của nó được biết tới; với chân lý về đoạn diệt sự sanh khởi của nó được biết tới, sự hủy diệt của nó được biết tới, sự biến đổi trong khi hiện hữu của nó được biết tới; với chân lý về con đường sự sanh khởi của nó được biết tới, sự hủy diệt của nó được biết tới, sự biến đổi trong khi hiện hữu của nó được biết tới. Các chân lý có mười hai đặc tính này.
33. Trong bốn chân lý, có bao nhiêu thiện, bao nhiêu bất thiện, bao nhiêu bất định? Chân lý về nguồn gốc là bất thiện, chân lý về con đường thoát khổ [109] là thiện, chân lý về sự đoạn diệt là bất định, chân lý về khổ có thể thiện hay bất thiện hay bất định.
34. Có thể: Có thể như thế nào? Vì chân lý về khổ là bất thiện và chân lý về nguồn gốc là bất thiện, như vậy theo nghĩa bất thiện, hai chân lý này được một chân lý bao gồm và một chân lý được hai chân lý bao gồm. Vì chân lý về khổ là thiện và chân lý về con đường thoát khổ là thiện, như vậy theo nghĩa thiện, hai chân lý này được một chân lý bao gồm và một chân lý được hai chân lý bao gồm. Vì chân lý về khổ là bất định và chân lý về đoạn diệt là bất định, như vậy theo nghĩa bất định, hai chân lý này được một chân lý bao gồm và một chân lý được hai chân lý bao gồm. Như vậy, ba chân lý này có thể được một chân lý bao gồm và một chân lý có thể được ba chân lý bao gồm, ứng với tỷ dụ [đã nêu].
35. Này các tỳ kheo, trước khi giác ngộ, hồi vẫn còn là Bodhisatta (Bồ Tát) chưa giác ngộ, Ta nghĩ rằng ‘Trong vật thể, cái gì là vị ngọt, cái gì là nguy hiểm, cái gì là thoát ly? Trong cảm nghiệm, cái gì là vị ngọt, cái gì là nguy hiểm, cái gì là thoát ly? Trong nhận thức, cái gì là vị ngọt, cái gì là nguy hiểm, cái gì là sự thoát ly? Trong tạo lập tâm trạng, cái gì là vị ngọt, cái gì là nguy hiểm, cái gì là thoát ly? Trong thức, cái gì là vị ngọt, cái gì là nguy hiểm, cái gì là thoát ly?
Ta nghĩ rằng ‘Trong vật thể, lạc thú và hoan hỉ khởi lên phụ thuộc vào vật thể là vị ngọt; sự vô thường, khổ não và phải chịu biến đổi trong vật thể là nguy hiểm; dẹp bỏ ước muốn và tham, từ bỏ ước muốn và tham là thoát ly. Trong cảm nghiệm, ...Trong nhận thức, ... Trong tạo lập tâm trạng, ... Trong thức, lạc thú và hoan hỉ khởi lên... dẹp bỏ ước muốn và tham, từ bỏ ước muốn và tham là thoát ly.
Với năm tập hợp [làm đối tượng] cho sự bám níu này, một khi Ta không trực tiếp chứng biết đúng như thật vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, thoát ly là thoát ly, khi ấy [110] Ta không tuyên bố là đã tìm ra giác ngộ toàn triệt vô thượng trong thế giới này có các chư Thiên, Māras và Phạm Thiên, trong thế hệ này với các sa môn và bà la môn, hoàng tử và quần chúng loài người của nó. Nhưng với năm tập hợp [làm đối tượng] cho sự bám níu này, một khi Ta trực tiếp chứng biết đúng như thật vị ngọt là vị ngọt, nguy hiểm là nguy hiểm, thoát ly là thoát ly, thì Ta tuyên bố là đã tìm ra giác ngộ toàn triệt vô thượng trong thế giới này có các chư Thiên, Māras và Phạm Thiên, trong thế hệ này với các sa môn và bà la môn, hoàng tử và quần chúng loài người của nó. Và tri kiến này khởi lên trong Ta: ‘Sự giải thoát của tâm Ta bất động, đây là đời sống cuối cùng, sẽ không còn sanh tử nữa’. (S iii 26)
36. Hiểu rõ bằng cách từ bỏ như vầy: ‘Trong vật thể, lạc thú và hoan hỉ khởi lên phụ thuộc vào vật thể là vị ngọt’ là [trí biết] sự thật về nguồn gốc. Hiểu rõ bằng cách hiểu biết trọn vẹn như vầy: ‘Trong vật thể, sự vô thường, khổ não và phải chịu biến đổi trong vật thể là nguy hiểm’ là [trí biết] sự thật về khổ. Hiểu rõ bằng cách từ bỏ như vầy: ‘Trong vật thể, sự dẹp bỏ ước muốn và tham, từ bỏ ước muốn và tham là thoát ly’ là [trí biết] sự thật về diệt khổ. Hiểu rõ bằng cách tu tập dưới hình thức nhận định, tư duy, nói năng, cư xử, sinh hoạt, nỗ lực, quán niệm và định trong ba trường hợp [nguồn gốc, khổ, đoạn diệt] là [trí về] chân lý về con đường thoát khổ.
Hiểu rõ bằng cách từ bỏ như vầy: ‘Trong cảm nghiệm...
...’Trong nhận thức...
...’Trong tạo lập tâm trạng...
...’Trong thức...
37. Chân lý: chân lý qua bao nhiêu khía cạnh? chân lý qua ba khía cạnh: [111] theo nghĩa tìm hiểu, theo nghĩa bất di dịch,* theo nghĩa hiểu rõ...
* bất di dịch: pariggaha, nđ gìn giữ
38. Chân lý theo nghĩa tìm hiểu là gì? [vân vân...]
‘Già và chết lấy gì làm nguồn cội, lấy gì làm nguồn gốc, từ đâu sanh ra, do cái gì tạo nên?’: đây là chân lý theo nghĩa tìm hiểu. ‘Già và chết lấy sanh làm nguồn cội, lấy sanh làm nguồn gốc, được sanh ra từ sanh, do sanh tạo nên’: đây là chân lý theo nghĩa bất di dịch. Vị ấy hiểu rõ già và chết và nguồn cội của chúng và sự đoạn diệt của chúng và con đường dẫn đến đoạn diệt của chúng: đây là chân lý theo nghĩa hiểu rõ.
‘Sanh lấy gì làm nguồn cội,..., do cái gì tạo nên?’: đây là chân lý theo nghĩa tìm hiểu. ‘Sanh lấy trở thành làm nguồn cội, ..., do trở thành tạo nên’: đây là chân lý theo nghĩa bất di dịch. Vị ấy hiểu rõ sanh và nguồn gốc của nó và sự đoạn diệt của nó và con đường dẫn đến đoạn diệt của nó: đây là chân lý theo nghĩa hiểu rõ.
‘Trở thành lấy gì làm nguồn cội, ..., do cái gì tạo nên?’: đây là chân lý theo nghĩa tìm hiểu. ‘Trở thành lấy bám níu làm nguồn cội, ..., do bám níu tạo nên’: đây là chân lý theo nghĩa bất di dịch. Vị ấy hiểu rõ sanh và nguồn gốc của nó và sự đoạn diệt của nó và con đường dẫn đến đoạn diệt của nó: đây là chân lý theo nghĩa hiểu rõ.
‘Bám níu lấy gì làm nguồn cội, ..., do cái gì tạo nên?’: đây là chân lý theo nghĩa tìm hiểu. ‘Bám níu lấy khao khát làm nguồn gốc, ..., do khao khát tạo nên’: đây là chân lý theo nghĩa bất di dịch. Vị ấy hiểu rõ sanh và nguồn gốc của nó và sự đoạn diệt của nó và con đường dẫn đến đoạn diệt của nó: đây là chân lý theo nghĩa hiểu rõ.
‘Khao khát lấy gì làm nguồn cội, ..., do cái gì tạo nên?’: đây là chân lý theo nghĩa tìm hiểu. ‘Khao khát lấy cảm nghiệm làm nguồn cội, ..., do cảm nghiệm tạo nên’: đây là chân lý theo nghĩa bất di dịch. Vị ấy hiểu rõ sanh và nguồn gốc của nó và sự đoạn diệt của nó và con đường dẫn đến đoạn diệt của nó: đây là chân lý theo nghĩa hiểu rõ. [112]
‘Cảm nghiệm lấy gì làm nguồn cội, ..., do cái gì tạo nên?’: đây là chân lý theo nghĩa tìm hiểu. ‘Cảm nghiệm lấy xúc chạm làm nguồn cội, ..., do xúc chạm tạo nên’: đây là chân lý theo nghĩa bất di dịch. Vị ấy hiểu rõ sanh và nguồn gốc của nó và sự đoạn diệt của nó và con đường dẫn đến đoạn diệt của nó: đây là chân lý theo nghĩa hiểu rõ.
‘Xúc chạm lấy gì làm nguồn cội, ..., do cái gì tạo nên?’: đây là chân lý theo nghĩa tìm hiểu. ‘Xúc chạm lấy sáu giác quan làm nguồn cội, ..., do sáu giác quan tạo nên’: đây là chân lý theo nghĩa bất di dịch. Vị ấy hiểu rõ sanh và nguồn gốc của nó và sự đoạn diệt của nó và con đường dẫn đến đoạn diệt của nó: đây là chân lý theo nghĩa hiểu rõ.
‘Sáu giác quan lấy gì làm nguồn cội, ..., do cái gì tạo nên?’: đây là chân lý theo nghĩa tìm hiểu. ‘Sáu giác quan lấy tâm thức-vật thể làm nguồn cội, ..., do tâm thức-vật thể tạo nên’: đây là chân lý theo nghĩa bất di dịch. Vị ấy hiểu rõ sanh và nguồn gốc của nó và sự đoạn diệt của nó và con đường dẫn đến đoạn diệt của nó: đây là chân lý theo nghĩa hiểu rõ.
‘Tâm thức-vật thể lấy gì làm nguồn cội, ..., do cái gì tạo nên?’: đây là chân lý theo nghĩa tìm hiểu. ‘Tâm thức-vật thể lấy thức làm nguồn cội,..., do thức tạo nên’: đây là chân lý theo nghĩa bất di dịch. Vị ấy hiểu rõ sanh và nguồn gốc của nó và sự đoạn diệt của nó và con đường dẫn đến đoạn diệt của nó: đây là chân lý theo nghĩa hiểu rõ.
‘Thức lấy gì làm nguồn cội, ..., do cái gì tạo nên?’: đây là chân lý theo nghĩa tìm hiểu. ‘Thức lấy hành vi tạo quả làm nguồn cội, ..., do hành vi tạo quả tạo nên’: đây là chân lý theo nghĩa bất di dịch. Vị ấy hiểu rõ sanh và nguồn gốc của nó và sự đoạn diệt của nó và con đường dẫn đến đoạn diệt của nó: đây là chân lý theo nghĩa hiểu rõ. [113]
‘Hành vi tạo quả lấy gì làm nguồn cội, ..., do cái gì tạo nên?’: đây là chân lý theo nghĩa tìm hiểu. ‘Hành vi tạo quả lấy vô minh làm nguồn cội, ..., do vô minh tạo nên’: đây là chân lý theo nghĩa bất di dịch. Vị ấy hiểu rõ sanh và nguồn gốc của nó và sự đoạn diệt của nó và con đường dẫn đến đoạn diệt của nó: đây là chân lý theo nghĩa hiểu rõ.
39. Già chết là chân lý của khổ đau, sanh là chân lý về nguồn gốc của khổ, thoát ly từ cả hai là chân lý diệt khổ, hành vi hiểu rõ sự diệt tận ấy là chân lý về con đường thoát khổ.
Sanh là chân lý của khổ, trở thành là chân lý về nguồn gốc, thoát ly từ cả hai là chân lý về đoạn diệt, hành vi hiểu rõ sự đoạn diệt ấy là chân lý về con đường thoát khổ.
Trở thành là chân lý của khổ, bám níu là chân lý về nguồn gốc, thoát ly từ cả hai...
Bám níu là chân lý của khổ, khao khát là chân lý về nguồn gốc, ...
Khao khát là chân lý của khổ, cảm nghiệm là chân lý về nguồn gốc của khổ, ...
Cảm nghiệm là chân lý của khổ, xúc chạm là chân lý về nguồn gốc, ...
Xúc chạm là chân lý của khổ, sáu giác quan là chân lý về nguồn gốc, ...
Sáu giác quan là chân lý của khổ, tâm thức-vật thể là chân lý về nguồn gốc, ...
Tâm thức-vật thể là chân lý của khổ, thức là chân lý về nguồn gốc, ...
Thức là chân lý của khổ, hành vi tạo quả là chân lý về nguồn gốc, ...
Hành vi tạo quả là chân lý của khổ, vô minh là chân lý về nguồn gốc, thoát ly từ cả hai là chân lý về đoạn diệt, hành vi hiểu rõ sự đoạn diệt ấy là chân lý về con đường thoát khổ.
40. Già chết là chân lý của khổ, sanh có thể là chân lý của khổ hay có thể là chân lý về nguồn gốc, thoát ly từ cả hai là chân lý về đoạn diệt, hành vi hiểu rõ sự đoạn diệt ấy là chân lý về con đường thoát khổ.
Sanh là chân lý của khổ, [114] trở thành có thể là chân lý của khổ hay có thể là chân lý về nguồn gốc của khổ, thoát ly từ cả hai là chân lý về đoạn diệt, hành vi hiểu rõ sự đoạn diệt ấy là chân lý về con đường thoát khổ.
...
Hành vi tạo quả là chân lý của khổ, vô minh có thể là chân lý của khổ hay có thể là chân lý về nguồn gốc của khổ, thoát ly từ cả hai là chân lý về đoạn diệt, hành vi hiểu rõ sự đoạn diệt ấy là chân lý về con đường thoát khổ.
LUẬN THUYẾT VỀ CHÂN LÝ.
PHẦN THUẬT KỂ
[1]Ấn bản của PTS quyển ii, trang 107, đoạn 1.17 thay vì là tathaṭṭhena viết là dhātaṭṭhena (đọc Luận I, đoạn 35 và chú giải.) Tương tự như thế ở PTS quyển ii, trang 108, đoạn 1. 3.
«Bojjhaṅgatikathā »
1. [115] ‘Này các tỳ kheo, có bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ. Bảy yếu tố nào? Đó là yếu tố tạo thành giác ngộ của quán niệm, yếu tố tạo thành giác ngộ của đi tìm sự thật, yếu tố tạo thành giác ngộ của tinh tấn, yếu tố tạo thành giác ngộ của hỉ, yếu tố tạo thành giác ngộ của tĩnh lặng, yếu tố tạo thành giác ngộ của định, yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản. Đây là bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ. (S v 77)
2. Yếu tố tạo thành giác ngộ: yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa nào?
Các yếu tố ấy đưa đến giác ngộ, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức,* [1]nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng giữ cho tỉnh thức,2*... Chúng tiếp tục tỉnh thức,3*... Chúng hoàn toàn tỉnh thức,4*nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
*bujjhantīti:được đánh thức = tỉnh thức, tỉnh ngộ, hay thức từ giấc ngủ nhiễm lậu triền miên; nđ thức không ngủ.
2*anubujjhantīti: giữ cho tỉnh
3*paṭibujjhantīti: nđ tiếp tục không ngủ
4*sambujjhantīti:nđ hoàn toàn không ngủ. Dịch bốn chú thích này từ chú giải của bộ Phân Tích theo Bhikkhu Ñāṇamoli, Dispeller of Delusion II, PTS, 1991, đoạn 1510-1512.
Các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa được hiểu biết*. Các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa được hiểu biết thêm*... theo nghĩa được hiểu biết thêm nữa*... theo nghĩa được hiểu biết trọn vẹn*. Các yếu tố ấy đem lại giác ngộ nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Các yếu tố ấy gìn giữ giác ngộ,... Các yếu tố ấy tiếp tục gìn giữ giác ngộ,... Các yếu tố ấy đem lại giác ngộ hoàn toàn, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa sáng suốt2*. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa sáng suốt thêm2*... Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa sáng suốt thêm nữa2*... Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa sáng suốt trọn vẹn2*... Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa góp phần vào [2]giác ngộ3*... theo nghĩa góp phần vào giác ngộ thêm 3*... theo nghĩa góp phần vàogiác ngộ thêm nữa 3*... theo nghĩa góp phần vàogiác ngộ trọn vẹn3*... Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa chứng đạt trạng thái giác ngộ... theo nghĩa đạt được trạng thái giác ngộ... theo nghĩa nắm lấy trạng thái giác ngộ... theo nghĩa nhận thức được trạng thái giác ngộ... theo nghĩa cố ý hoàn thành trạng thái giác ngộ... theo nghĩa làm cho trạng thái giác ngộ xảy ra...
* được hiểu biết (bujjhanaṭṭhena), được hiểu biết thêm (anubujjhanaṭṭhena), được hiểu biết thêm nữa (paṭibujjhanaṭṭhena), được hiểu biết trọn vẹn (sambujjhanaṭṭhena). Đọc Luận I đ. 31.
2* sáng suốt (bodhanaṭṭhena), sáng suốt thêm (anubodhanaṭṭhena), sáng suốt thêm nữa (paṭibodhanaṭṭhena), sáng suốt trọn vẹn (sambodhanaṭṭhena). Đọc Luận I đ. 31.
3* giác ngộ (bodhi), giác ngộ thêm (anubodhi), giác ngộ thêm nữa (paṭibodhi), giác ngộ trọn vẹn, toàn triệt (sambodhi). Đọc Luận I đ. 31.
3. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa nguồn gốc. [3]Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa hành xử của nguồn gốc... theo nghĩa gìn giữ của nguồn gốc... theo nghĩa trang bị của nguồn gốc... theo nghĩa toàn thiện của nguồn gốc... [116] theo nghĩa chín mùi của nguồn gốc... theo nghĩa vô ngại giải về nguồn gốc... theo nghĩa chứng được vô ngại giải về nguồn gốc... theo nghĩa làm chủ vô ngại giải về nguồn gốc... theo nghĩa sau khi đã chứng được sự làm chủ vô ngại giải về nguồn gốc.
4. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa nguyên nhân. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa hành xử của nguyên nhân... theo nghĩa gìn giữ của nguyên nhân... theo nghĩa trang bị của nguyên nhân... theo nghĩa toàn thiện của nguyên nhân... theo nghĩa chín mùi của nguyên nhân... theo nghĩa vô ngại giải về nguyên nhân... theo nghĩa chứng được vô ngại giải về nguyên nhân... theo nghĩa làm chủ vô ngại giải về nguyên nhân... theo nghĩa sau khi đã chứng được sự làm chủ vô ngại giải về nguyên nhân.
5. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa điều kiện. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa hành xử của điều kiện... theo nghĩa gìn giữ của điều kiện... theo nghĩa trang bị của điều kiện... theo nghĩa toàn thiện của điều kiện... theo nghĩa chín mùi của điều kiện... theo nghĩa vô ngại giải về điều kiện... theo nghĩa chứng được vô ngại giải về điều kiện... theo nghĩa làm chủ vô ngại giải về điều kiện... theo nghĩa sau khi đã chứng được sự làm chủ vô ngại giải về điều kiện.
6. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa thanh lọc. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa hành xử của thanh lọc... theo nghĩa gìn giữ của thanh lọc... theo nghĩa trang bị của thanh lọc... theo nghĩa toàn thiện của thanh lọc... theo nghĩa chín mùi của thanh lọc... theo nghĩa vô ngại giải về thanh lọc... theo nghĩa chứng được vô ngại giải về thanh lọc... theo nghĩa làm chủ vô ngại giải về thanh lọc... theo nghĩa sau khi đã chứng được sự làm chủ vô ngại giải về thanh lọc.
7. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa không lỗi. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa hành xử của không lỗi... theo nghĩa gìn giữ của không lỗi... theo nghĩa trang bị của không lỗi... theo nghĩa toàn thiện của không lỗi... theo nghĩa chín mùi của không lỗi... theo nghĩa vô ngại giải về không lỗi... theo nghĩa chứng được vô ngại giải về không lỗi... theo nghĩa làm chủ vô ngại giải về không lỗi... theo nghĩa sau khi đã chứng được sự làm chủ biện giải về không lỗi.
8. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa xuất ly. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa hành xử của xuất ly... theo nghĩa gìn giữ của xuất ly... theo nghĩa trang bị của xuất ly... theo nghĩa toàn thiện của xuất ly... theo nghĩa chín mùi của xuất ly... theo nghĩa vô ngại giải về xuất ly... theo nghĩa chứng được vô ngại giải về xuất ly... theo nghĩa làm chủ vô ngại giải về xuất ly... theo nghĩa sau khi đã chứng được sự làm chủ vô ngại giải về xuất ly.
9. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa giải thoát. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa hành xử của giải thoát... theo nghĩa gìn giữ của giải thoát... theo nghĩa trang bị của giải thoát... theo nghĩa toàn thiện của [117] giải thoát... theo nghĩa chín mùi của giải thoát... theo nghĩa vô ngại giải về giải thoát... theo nghĩa chứng được vô ngại giải về giải thoát... theo nghĩa làm chủ vô ngại giải về giải thoát... theo nghĩa sau khi đã chứng được sự làm chủ vô ngại giải về giải thoát.
10. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa không phiền não. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa hành xử của không phiền não... theo nghĩa gìn giữ của không phiền não... theo nghĩa trang bị của không phiền não... theo nghĩa toàn thiện của không phiền não... theo nghĩa chín mùi của không phiền não... theo nghĩa vô ngại giải về không phiền não... theo nghĩa chứng được vô ngại giải về không phiền não... theo nghĩa làm chủ vô ngại giải về không phiền não... theo nghĩa sau khi đã chứng được sự làm chủ vô ngại giải về không phiền não.
11. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa sống cách ly. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa hành xử của sống cách ly... theo nghĩa gìn giữ của sống cách ly... theo nghĩa trang bị của sống cách ly... theo nghĩa toàn thiện của cuộc sống cách ly... theo nghĩa chín mùi của sống cách ly... theo nghĩa vô ngại giải về sống cách ly... theo nghĩa chứng được vô ngại giải về sống cách ly... theo nghĩa làm chủ vô ngại giải về sống cách ly... theo nghĩa sau khi đã chứng được sự làm chủ vô ngại giải về sống cách ly.
12. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa buông bỏ. Chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa hành xử của buông bỏ... theo nghĩa gìn giữ của buông bỏ... theo nghĩa trang bị của buông bỏ... theo nghĩa toàn thiện của buông bỏ... theo nghĩa chín mùi của buông bỏ... theo nghĩa vô ngại giải về buông bỏ... theo nghĩa chứng được vô ngại giải về buông bỏ... theo nghĩa làm chủ vô ngại giải về buông bỏ... theo nghĩa sau khi đã chứng được sự làm chủ vô ngại giải về buông bỏ.
13. Chúng tỉnh thức theo nghĩa nguồn gốc, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức theo nghĩa nguyên nhân, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức theo nghĩa điều kiện... theo nghĩa thanh lọc... theo nghĩa không lỗi... theo nghĩa xuất ly... theo nghĩa giải thoát... [118] theo nghĩa không phiền não... theo nghĩa sống cách ly... theo nghĩa buông bỏ, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
14. Chúng tỉnh thức theo nghĩa hành xử của nguồn gốc, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức theo nghĩa hành xử của nguyên nhân, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức theo nghĩa hành xử của điều kiện... theo nghĩa hành xử của thanh lọc... theo nghĩa hành xử của không lỗi... theo nghĩa hành xử của xuất ly... theo nghĩa hành xử của giải thoát... theo nghĩa hành xử của không phiền não... theo nghĩa hành xử của sống cách ly... theo nghĩa hành xử của buông bỏ, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
15. Chúng tỉnh thức theo nghĩa gìn giữ của nguồn gốc, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... [hoàn tất bằng cách phối hợp gìn giữ với nguyên nhân, điều kiện, ... cho đến buông bỏ]
16. Chúng tỉnh thức theo nghĩa trang bị của nguồn gốc, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... [hoàn tất bằng cách phối hợp trang bị với nguyên nhân, vân vân]
17. Chúng tỉnh thức theo nghĩa toàn thiện của nguồn gốc, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... [hoàn tất bằng cách phối hợp toàn thiện với nguyên nhân, vân vân]
18. Chúng tỉnh thức theo nghĩa chín mùi của nguồn gốc, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... [hoàn tất bằng cách phối hợp chín mùi với nguyên nhân, vân vân]
19. Chúng tỉnh thức theo nghĩa vô ngại giải về nguồn gốc, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... [hoàn tất bằng cách phối hợp vô ngại giải với nguyên nhân, vân vân]
20. Chúng tỉnh thức theo nghĩa đem lại * vô ngại giảivề nguồn gốc, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... [hoàn tất bằng cách phối hợp đem lại vô ngại giải với nguyên nhân, vân vân, cho đến]... Chúng tỉnh thức theo nghĩa đem lại vô ngại giải về buông bỏ, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
*‘Pāpana = đem lại (= khiến cho chứng được, từ chữ pāpuṇāti) không có trong tự điển PTS. Chú thích này của Ñāṇamoli. Tôi không thể đặt chú thích này ở cuối trang được vì máy sẽ ghi là chú thích số 4.
21. Chúng tỉnh thức theo nghĩa phát triển sự làm chủ vô ngại giải về nguồn gốc, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... [hoàn tất bằng cách phối hợp phát triển sự làm chủ vô ngại giải với nguyên nhân, vân vân, cho đến]... Chúng tỉnh thức theo nghĩa phát triển sự làm chủ vô ngại giải về buông bỏ, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
22. Chúng tỉnh thức theo nghĩachứng được sự làm chủ vô ngại giải về nguồn gốc, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... [hoàn tất bằng cách phối hợp chứng được sự làm chủ vô ngại giải với nguyên nhân, vân vân, cho đến]... Chúng tỉnh thức theo nghĩa chứng được sự làm chủ vô ngại giải về buông bỏ, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
23. Chúng tỉnh thức theo nghĩa gìn giữ, [4]nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức theo nghĩa trang bị, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng đánh thức theo nghĩa toàn thiện... theo nghĩa hợp nhất... theo nghĩa không phân tâm... theo nghĩa nỗ lực... theo nghĩa không dàn trải ra... theo nghĩa không khuấy rối... theo nghĩa bất động... Chúng tỉnh thức theo nghĩa <giữ vững - Đọc Luận I đoạn 23> tâm do trụ nhất điểm, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức theo nghĩa đối tượng [để dựa vào]... theo nghĩa lãnh vực... [119] theo nghĩa từ bỏ... dứt bỏ... ngoi lên... quay đi... an tịnh... cao thượng... giải thoát... không phiền não... vượt qua... không dấu hiệu... không ước nguyện [5]... chân không... tác dụng (hương vị) duy nhất... không vượt quá nhau... sóng đôi... lối thoát... nguyên nhân... thấy rõ... Chúng tỉnh thức theo nghĩa ưu thắng, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
24. Chúng tỉnh thức trong không phân tâm là nghĩa của tĩnh lặng, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức trong quán tưởng là nghĩa của quán thực tánh,... trong tác dụng (hương vị) duy nhất là nghĩa của tĩnh lặng và quán thực tánh. Chúng tỉnh thức trong không vượt quá nhau là nghĩa của sóng đôi, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
25. Chúng tỉnh thức trong sự hành trì là nghĩa của huân tập, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức trong lãnh vực là nghĩa của đối tượng hỗ trợ... Chúng tỉnh thức trong trạng thái nỗ lực là nghĩa của tâm lười biếng, ... Chúng tỉnh thức trong trạng thái chế ngự là nghĩa của tâm bị dao động,... Chúng tỉnh thức trong trạng thái vô can nhìn với lòng bình thản là nghĩa của tâm được thanh lọc theo hai cách, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức trong thành tựu ưu việt là một nghĩa... Chúng tỉnh thức trong việc hiểu cao hơn là một nghĩa... Chúng tỉnh thức trong chứng ngộ đồng thời các sự thực là một nghĩa... Chúng tỉnh thức trong việccủng cố đoạn diệt là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
26. Chúng tỉnh thức trong cả quyết là nghĩa của năng lực gây ảnh hưởng của tín, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức trong... [và cứ thế với các năng lực còn lại của năm năng lực gây ảnh hưởng - đọc Luận I đ. 26].
Chúng tỉnh thức trong không lay chuyển vì không tin là nghĩa của tín lực. Chúng... [và cứ thế với các lực còn lại của năm lực].
Chúng tỉnh thức trong thiết lập là nghĩa của yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng... [và cứ thế với các yếu tố còn lại của bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ]. [120]
Chúng tỉnh thức trongthấy rõ là nghĩa của chánh kiến, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng... [và cứ thế với các chi ngành còn lại của tám chánh đạo].
Chúng tỉnh thức trong sự ưu thắng là nghĩa của các năng lực gây ảnh hưởng, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng... [và cứ thế như ở Luận I đ. 26]. Chúng tỉnh thức trong chân như (như thực) là nghĩa của các sự thực, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
27. Chúng tỉnh thức trong sự làm lắng dịu là nghĩa của [bốn] phận việc, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức trong sự thực chứng phẩm chất của [bốn] quả như là một ý nghĩa,*nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức trong hành vi hiểu biết là nghĩa của tuệ, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. [6]
*phalānaṁ bujjhantīti bojjhaṅgā.
28. Chúng tỉnh thức trong hướng tâm là nghĩa của hướng tâm vào đối tượng, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng... [và cứ thế như ở Luận I đ. 28 cho đến]... Chúng tỉnh thức trong sự hợp nhất là nghĩa của tâm [đã định], nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
29. Chúng tỉnh thức trong hướng sự chú ý là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng... [và cứ thế như ở Luận I đ. 29 cho đến]... Chúng tỉnh thức trong tính đơn chiếc *là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
* tính đơn chiếc: ekodi
Chúng tỉnh thức trong điều đã chứng biết là nghĩa của trí trực chứng, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng... [và cứ thế như ở Luận I đoạn 29 cho đến]... [121] Chúng tỉnh thức trong trạng thái không được tạo thành là nghĩa của cái không được tạo thành, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
30. Chúng tỉnh thức trong tâm như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng... [và cứ thế như ở Luận I đoạn 30 cho đến]... Chúng tỉnh thức trong sự thoát ly của tâm như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
31. Chúng tỉnh thức trong sự chú ý đến nhất điểm như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức trong nhận biết nhất điểm như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức trong hành vi hiểu biết về nhất điểm như là một nghĩa... trong nhận thức về nhất điểm như là một nghĩa... trong tính đơn chiếc của nhất điểm như là một nghĩa... [trong buộc tâm trong nhất điểm là một nghĩa [7]...] trong sự đi vào (lao vào) nhất điểm là một nghĩa... trong việc có tin tưởng về nhất điểm như là một nghĩa... trong sự trở nên bình thản với nhất điểm như là một nghĩa... trong tình trạng được giải thoát trong nhất điểm như là một nghĩa... trong việc thấy rõ rằng ‘Đây là an lạc’ trong nhất điểm như là một nghĩa... [122] [và cứ thế như ở Luận I đoạn 31 cho đến]... Chúng tỉnh thức trong sự chiếu sáng trọn vẹn trong nhất điểm như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
32. Chúng tỉnh thức trong từ bỏ như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức trong đoạn diệt như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. [8]
Chúng tỉnh thức trong giải thích [9]như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng... [và cứ thế như ở Luận I đoạn 32 cho đến]... [123] Chúng tỉnh thức trong hành xử dưới ảnh hưởng của giải thoát như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
33. Chúng tỉnh thức trong ý muốn làm như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng ... [và cứ thế như ở Luận I đoạn 33 cho đến]... Chúng tỉnh thức trong tìm hiểu như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
34. Chúng tỉnh thức trong bức bách như là một nghĩa của khổ, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức trong trạng thái được tạo thành như là một nghĩa của khổ,... trong sự thiêu đốt (thống khổ) như là một nghĩa của khổ... [124] trong biến đổi như là một nghĩa của khổ, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. [10]
Chúng tỉnh thức trong tích lũy như là nghĩa của nguồn gốc, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức trong căn nguyên như là nghĩa của nguồn gốc,... trong trói buộc như là nghĩa của nguồn gốc,... trong trở ngại như là nghĩa của nguồn gốc, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
Chúng tỉnh thức trong thoát ly như là nghĩa của đoạn diệt, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức trong sự sống cách ly như là nghĩa của đoạn diệt,... trong trạng thái không còn được tạo thành như là nghĩa của đoạn diệt,... trong không còn chết nữa như là nghĩa của đoạn diệt, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
Chúng tỉnh thức trong lối thoát như là nghĩa của con đường giải thoát, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức trong nguyên nhân như là nghĩa của con đường giải thoát,... trong thấy rõ như là nghĩa của con đường giải thoát,... trong ưu thắng như là nghĩa của con đường giải thoát, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
35. Chúng tỉnh thức trong chân như (như thực) như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức trong tính không thể khác được như là một nghĩa,[11]... trong không phải là ngã như là một nghĩa... [và cứ thế như ở Luận I đ. 35 cho đến]... Chúng tỉnh thức trong chứng ngộ đồng thời như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
36. Chúng tỉnh thức trong xuất ly như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... [và cứ thế với các phẩm tính đối nghịch với các chướng ngại còn lại của 7 chướng ngại như ở Luận I đ. 36].
37. Chúng tỉnh thức trong Sơ thiền như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... [và cứ thế với các jhanas còn lại].
38. Chúng tỉnh thức trong cõi không gian vô biên như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... [và cứ thế với các chứng đạt vô sắc giới còn lại].
39. Chúng tỉnh thức trong quán vô thường như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... [và cứ thế với các tuệ quán còn lại của 18 tuệ quán thực tánh chính ].
40. Chúng tỉnh thức trong đạo lộ nhập giòng như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ. Chúng tỉnh thức trong đạo lộ trở lại một lần... trong đạo lộ không trở lại... trong đạo lộ arahant như là một nghĩa, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
41. Chúng tỉnh thức trong năng lực gây ảnh hưởng của tín qua ý nghĩa của cả quyết, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... Chúng... [và cứ thế với các năng lực còn lại của năm năng lực gây ảnh hưởng ].
Chúng tỉnh thức trong tín lực qua ý nghĩa của không lay chuyển vì không tin, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... Chúng... [và cứ thế với các lực còn lại của năm lực ].
Chúng tỉnh thức trong yếu tố tạo thành giác ngộ của quán niệm qua ý nghĩa của thiết lập, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... Chúng... [và cứ thế với các yếu tố còn lại của bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ ].
Chúng tỉnh thức trong chánh kiến qua ý nghĩa thấy rõ của nó, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... Chúng... [và cứ thế với các chi ngành còn lại của tám chánh đạo ]. [125]
Chúng tỉnh thức trong các năng lực gây ảnh hưởng qua ý nghĩa của ưu thắng, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... Chúng... [và cứ thế như ở Luận I đ. 41 cho đến]... Chúng tỉnh thức trong các Chân Lý qua ý nghĩa của như thực (chân thực), nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
42. Chúng tỉnh thức trong tĩnh lặng qua ý nghĩa của không phân tâm, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... Chúng... [và cứ thế như ở Luận I đ. 42 cho đến]... Chúng tỉnh thức trong sóng đôi qua ý nghĩa của không vượt quá, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
Chúng tỉnh thức trong tiến trình thanh lọc giới qua ý nghĩa của chế ngự, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... Chúng... [và cứ thế như ở Luận I đoạn 42 cho đến]... Chúng tỉnh thức trong trí biết về không sanh khởi qua ý nghĩa của làm cho lắng dịu, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
43. Chúng tỉnh thức trong hăng hái qua ý nghĩa nguồn gốc của nó, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ... Chúng... [và cứ thế như ở Luận I đoạn 43 cho đến]... Chúng tỉnh thức trong tuệ về Nibbāna hiển lộ lên từ bất tử qua ý nghĩa của kết thúc, nên chúng là các yếu tố tạo thành giác ngộ.
Nguồn gốc kinh Sāvatthi (S v 70)
44. Ở đấy tôn giả Sāriputta nói với các tỳ kheo như vầy: [12]‘Này các hiền hữu. Các tỳ kheo trả lời: ‘Thưa hiền hữu’. tôn giả Sāriputta nói điều này:
‘Này các hiền hữu, có bẩy các yếu tố tạo thành giác ngộ này. Bảy yếu tố nào? Chúng là yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm, ... yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản. Có bẩy các yếu tố tạo thành giác ngộ này.
‘Với bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ này, nếu muốn an trú trong bất cứ yếu tố nào vào buổi sáng, tôi an trú trong yếu tố đó vào buổi sáng; nếu muốn an trú trong bất cứ yếu tố nào vào buổi trưa, tôi an trú trong yếu tố đó vào buổi trưa; nếu muốn an trú trong bất cứ yếu tố nào vào buổi chiều tối, tôi an trú trong yếu tố đó vào buổi chiều tối. [126]
‘Nếu yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm xảy ra trong trí tôi, trong trí tôi yếu tố ấy vô lượng, diễn ra toàn hảo; và trong khi yếu tố ấy đang tồn tại, [13]tôi biết rằng nó đang tồn tại; nếu nó tan rã trong tôi, tôi biết nó tan rã trong tôi vì một nguyên nhân nhất định nào đó. Nếu yếu tố tạo thành giác ngộ của tìm hiểu xảy ra, ... yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản xảy ra trong trí tôi, trong trí tôi yếu tố ấy vô lượng, diễn ra toàn hảo; trong khi yếu tố ấy tồn tại, tôi biết rằng nó đang tồn tại; nếu nó tan rã trong tôi, tôi biết nó tan rã trong tôi vì một nguyên nhân nhất định nào đó.
‘Giả tỷ có nhà vua hay một vị quan phụ trách một Bộ của vua có cái rương đầy quần áo nhiều mầu sắc, nếu muốn mặc bộ nào vào buổi sáng, người ấy sẽ mặc bộ ấy vào buổi sáng; nếu muốn mặc bộ nào vào buổi trưa, người ấy sẽ mặc bộ ấy vào buổi trưa; nếu muốn mặc bộ nào vào buổi tối, người ấy sẽ mặc bộ ấy vào buổi tối; cũng thế với bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ này, nếu muốn an trú trong bất cứ yếu tố nào vào buổi sáng, ta an trú trong yếu tố đó vào buổi sáng; ... tôi biết nó tan rã trong tôi vì một nguyên nhân nhất định nào đó (S v 70).
45. Như thế nào là có yếu tố giác ngộ như vầy: ‘Nếu yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm xảy ra trong trí tôi ’?
Một khi đoạn diệt đã được củng cố, thì có yếu tố giác ngộ như vầy: ‘Nếu yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm xảy ra trong trí tôi ’. Như thể có một ngọn đèn dầu đang cháy, hễ có ngọn lửa, thì có ánh sáng, hễ có ánh sáng thì có ngọn lửa; cũng thế, một khi đoạn diệt đã được củng cố, thì có yếu tố giác ngộ như vầy: ‘Nếu yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm xảy ra trong trí tôi ’. [127]
46. Như thế nào là có yếu tố giác ngộ như vầy: ‘Yếu tố ấy vô lượng xảy ra trong trí tôi ’?
Các nhiễm lậu có liên hệ chặt chẽ với hạn mức đo lường*, [14]và cũng thế với tất cả những ám ảnh, và với những hành vi tái tạo trở thành; đoạn diệt là không đo lường được theo nghĩa bất động và theo nghĩa không được tạo thành. Một khi đoạn diệt đã được củng cố, thì có yếu tố giác ngộ như vầy: ‘Yếu tố ấy vô lượng xảy ra trong trí tôi ’.
* Chú giải MA nói rằng người ta có thể dùng nhiễm lậu làm tiêu chuẩn để xếp loại (nđ. đo lường: pamāṇakaraṇa) một người là kẻ phàm tục, nhập giòng, trở lại một lần hay không trở lại. Đọc Ñāṇamoli and Bhikkhu Bodhi, The Middle Length Discourses of the Buddha, Wisdom Publications [Boston, 1995], chú thích 452, trang 1238.
47. Như thế nào là có yếu tố giác ngộ như vầy: ‘Yếu tố ấy diễn ra toàn hảo (đem lại đồng nhất thể) trong trí tôi ’?
Nhiễm lậu không giống nhau, [15]các ám ảnh, các hành vi tái tạo trở thành cũng như thế; đoạn diệt là một trạng thái nhất như theo nghĩa an lạc và theo nghĩa vô thượng. Một khi đoạn diệt đã được củng cố, thì có yếu tố giác ngộ như vầy: ‘Yếu tố ấy diễn ra toàn hảo (đem lại đồng nhất thể) trong trí tôi.’
48. Như thế nào là ‘trong khi yếu tố ấy đang tồn tại 13, tôi biết rằng nó đang tồn tại; nếu nó tan rã trong tôi, tôi biết nó tan rã trong tôi vì một nguyên nhân nhất định nào đó ’?
Yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm tồn tại theo bao nhiêu khía cạnh? Yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm tan rã theo bao nhiêu khía cạnh?
Yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm tồn tại theo tám khía cạnh; yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm tan rã theo tám khía cạnh.
49. Yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm tồn tại theo tám khía cạnh nào?
Yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm tồn tại nhờ không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu được hướng tâm để ý tới; yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm tồn tại nhờ nguồn sanh khởi của hiện hữu không được hướng tâm để ý tới;... nhờ không tiếp tục tái diễn hiện hữu được hướng tâm để ý tới;... nhờ tiếp tục tái diễn hiện hữu không được hướng tâm để ý tới;... nhờ không dấu hiệu được hướng tâm để ý tới;... nhờ dấu hiệu không được hướng tâm để ý tới; nhờ đoạn diệt được hướng tâm để ý tới... yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm tồn tại nhờ hành vi tạo quả không được hướng tâm để ý tới.
Yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm tồn tại theo tám khía cạnh này.
50. Yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm tan rã theo tám khía cạnh nào?
Yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm tan rã vì nguồn sanh khởi của hiện hữu được hướng tâm để ý tới; yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm tan rã vì không còn nguồn sanh khởi của hiện hữu không được hướng tâm để ý tới;... vì tiếp tục tái diễn hiện hữu được hướng tâm để ý tới;... vì không tiếp tục tái diễn hiện hữu không được hướng tâm để ý tới;... vìdấu hiệu được hướng tâm để ý tới;... vì không dấu hiệu không được hướng tâm để ý tới; vì hành vi tạo quả được hướng tâm để ý tới... yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm tan rã vì đoạn diệt không được hướng tâm để ý tới.
Yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm tan rã theo tám khía cạnh này. [128]
‘Trong khi yếu tố ấy đang tồn tại13, tôi biết rằng nó đang tồn tại; nếu nó tan rã trong tôi, tôi biết nó tan rã trong tôi vì một nguyên nhân nhất định nào đó là như thế.
51-56. ... yếu tố tạo thành giác ngộ của tìm hiểu...
57-62. ... yếu tố tạo thành giác ngộ của tinh tấn...
63-68. ... yếu tố tạo thành giác ngộ của hỉ...
69-74. ... yếu tố tạo thành giác ngộ của tĩnh lặng...
75-80. ... yếu tố tạo thành giác ngộ của định...
81-86. Như thế nào là có yếu tố giác ngộ như vầy: ‘Nếu yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản xảy ra trong trí tôi ’?
Một khi...
...
Yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản tan rã theo tám khía cạnh này.
‘Trong khi yếu tố ấy tồn tại13, tôi biết rằng nó đang tồn tại; nếu nó tan rã trong tôi, tôi biết nó tan rã trong tôi vì một nguyên nhân nhất định nào đó là như thế.
LUẬN THUYẾT VỀ CÁC YẾU TỐ TẠO THÀNH GIÁC NGỘ.
[1]Đọc Luận I đ. 31.
[2]Bodhipakkhiya: có đặc tính giác ngộ, nhưng chú giải viết là bodhapakkhiya và giải thích là góp phần, hỗ trợ người được giác ngộ (PsA 429 Se).
[3]Các đoạn từ 3-12 tượng trưng cho sự hoán vị các phần tử của hai nhóm chữ: ·nhóm một có 10, đó là: (1) nguồn gốc, (2) nguyên nhân, (3) điều kiện, (4) thanh lọc, (5) không lỗi, (6) xuất ly, (7) giải thoát, (8) không phiền não, (9) sống cách ly, (10) buông bỏ; ·nhóm hai có 9: (a) hành xử, (b) giữ lấy, (c) trang bị, (d) chu toàn, (e) chín mùi, (f) vô ngại giải, (g) đem lại vô ngại giải = tuệ quán, (h) tu tập để làm chủ trong vô ngại giải (= đạo lộ), (i) với tới sự làm chủ trong vô ngại giải (= quả). Nhóm hoán vị thứ nhất (đoạn 3-12) sắp đặt như sau: 1a, b, ... i; 2a, b, ... i; ...; 10a, b, ... i. Nhóm một này được nối tiếp bằng (đoạn 13-22) sắp đặt như sau: 1, 2, 3, 4, ... 10; a1, 2, ...10; b1, 2, ... 10; i1, 2, ... 10. Vibhaṅga (Vbh. 16) cũng chọn phương thức tương tự như thế. Ta thấy chữ vasībhāvaṭṭhena «theo nghĩa làm chủ»rải rác khắp đoạn này.
[4]Trong những đoạn (23-43) tiếp sau ở phần này, sự xếp đặt giống y như trình tự đã nói ở các đoạn 23-43 của Luận I. Chỉ có một hay hai thay đổi không được đề cập ở đây, và cũng có một hay hai khác biệt sẽ được ghi nhận riêng.
[5]Mệnh đề ‘không ước nguyện’ ở đây trong bản của PTS bị bỏ đi.
[6]Mệnh đề ‘Chúng tỉnh thức trong hành vi hiểu biết’... không có trong Luận I đoạn 27.
[7]Ở đây, trong bản của PTS, thiếu mệnh đề ‘ổn định trong nhất điểm’ có ở Luận I.
[8]Hai mệnh đề ‘từ bỏ’ và ‘đoạn diệt’ không có trong bản của Luận I đoạn 32.
[9]Ấn bản của PTS quyển ii, trang 18 viết là pakāsanaṭṭho được chú giải PsA tán thành (Đọc Luận I đoạn 32 và chú giải).
[10]Ở đây mỗi một chân lý trong tứ đế chỉ có bốn mệnh đề, trong khi ở Luận I đoạn 34, lại có tới 5 mệnh đề.
[11]Câu ‘tính không thể khác được: (anaññatha)’ không có ở Luận I đoạn 35.
[12]Ở đây chú giải nói: ‘Trưởng lão [Sāriputta], muốn chỉ sự vận hành của các yếu tố tạo thành giác ngộ bằng cách giải thích rộng rãi một bài kinh do chính ngài đã thuyết từ trước, nên đã nêu nguồn gốc (nidāna) của Kinh mở đầu bằng ‘Vào một lúc’, và bắt đầu nói một câu khái quát. Nhưng chính vì bài kinh này do chính Ngài giảng nên không thể dùng câu ‘Như vầy tôi nghe’ mà dùng câu ‘tôn giả Sāriputta’ để phân biệt với người đang giảng, tự coi mình là một người khác. Cách nói đó được sử dụng rộng rãi ở thế gian [ngoài Tăng đoàn]’. (PsA 430 Se).
[13]Viết theo Saṁyutta: Tiṭṭhantaṁ ca naṁ tiṭṭhatī ti pajānāmi. «Bản của Be đoạn 20 viết là: tiṭṭhantañca naṁ ‘tiṭṭhātī’ti pajānāmi».
[14]Đọc M i 298.
[15]Đọc Vbh. Chữ sama trong sama-dhammo là lời đùa cợt ở chữ samaṁ = giống nhau và sammati = được an tịnh (n. upasama = an tịnh và pp. santa = an lạc). Đọc thêm các chữ trong bản tra dưới mục ‘nhất thể, nhất như’.
«Mettākathā »
1. [130] ‘Này các tỳ kheo, khi sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được trau giồi, được phát triển và được phong phú, được thuần thục,* được tạo thành nền tảng, được củng cố, được vun bồi và được thực hiện đúng đắn thì có thể trông đợi mười một điều lành. Mười một điều lành nào? Người «thực hành tâm từ»ngủ được an vui, thức dậy an vui, ngủ không ác mộng, loài người mến mộ, phi nhân mến mộ, chư thiên bảo vệ, lửa và thuốc độc2* không hại được; tâm người ấy dễ định, sắc mặt toát vẻ an nhiên; khi chết không mê ám, và nếu chưa thể nhập trạng thái vô thượng,3* người ấy sẽ được sanh vào cõi chư Thiên. Khi sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được trau giồi, được phát triển và được phong phú, được thuần thục, được tạo thành nền tảng, được củng cố, được vun bồi và được thực hiện đúng đắn thì có thể trông đợi mười một điều lành ấy. (A v 342).
* yānikatā (Be:yanīkatā): được thuần thục, nđ: được làm thành cỗ xe
2*sau chữ thuốc độc, còn có chữ ‘đao kiếm’ trong F. L. Woodward, Gradual Sayings V, PTS, (Oxford, 1996) trang 219.
3* đó là quả vị Arahant. Đọc F. L. Woodward, sđd, trang 219.
2. Có sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ chan hòa đến mọi loài, có sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ chan hòa đến riêng từng loại, có sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ chan hòa theo phương hướng.
3. Có sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ chan hòa đến mọi loài qua bao nhiêu khía cạnh? Có sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ chan hòa đến riêng từng loại qua bao nhiêu khía cạnh? Có sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ chan hòa về phương hướng qua bao nhiêu khía cạnh?
Có sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ chan hòa đến mọi loài qua năm khía cạnh. Có sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ chan hòa đến riêng từng loại qua bẩy khía cạnh. Có sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ chan hòa về phương hướng qua mười khía cạnh.
4. Có sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ chan hòa đến mọi loài qua năm khía cạnh nào?
Mong cho tất cả chúng sanh sống không thù hận, âu lo và ưu sầu (ác ý), mong cho họ sống hạnh phúc.
Mong cho tất cả chúng sanh có hơi thở...
Mong cho tất cả những ai...
Mong cho tất cả những người... [131]
Mong cho tất cả những cá nhân sống không thù hận, âu lo và ưu sầu (ác ý), mong cho họ sống hạnh phúc.
Có sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ chan hòa đến mọi loài qua năm khía cạnh này.
5. Có sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ chan hòa đến riêng từng loại qua bẩy khía cạnh nào?
Mong cho tất cả người nữ sống không thù hận, âu lo và ưu sầu, mong cho họ sống hạnh phúc.
Mong cho tất cả người nam...
Mong cho tất cả bậc Thánh...
Mong cho tất cả những ai không phải là Thánh...
Mong cho tất cả các chư thiên...
Mong cho tất cả loài người...
Mong cho tất cả chúng sanh đang trong cảnh khổ sống không thù hận, âu lo và ưu sầu, mong cho họ sống hạnh phúc.
Có sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ chan hòa đến riêng từng loại qua bẩy khía cạnh này.
6. Có sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ với chan hòa theo phương hướng qua bao nhiêu khía cạnh nào?
(1) Mong cho tất cả chúng sanh ở phương đông sống không thù hận, âu lo và ưu sầu, mong cho họ sống hạnh phúc.
(2) Mong cho tất cả chúng sanh ở phương tây...
(3) Mong cho tất cả chúng sanh ở phương bắc...
(4) Mong cho tất cả chúng sanh ở phương nam...
(5) Mong cho tất cả chúng sanh ở phương đông bắc*...
(6) Mong cho tất cả chúng sanh ở phương tây nam*...
(7) Mong cho tất cả chúng sanh ở phương tây bắc*...
(8) Mong cho tất cả chúng sanh ở phương đông nam*...
* Nguyên văn: giữa hướng đông, giữa hướng tây, giữa hướng bắc, giữa hướng nam. Dịch theo luận án Tiến Sĩ của ngài Paravahera Vajirañāna Mahāthera, Buddhist Meditation in Theory and Practice, Buddhist Missionary Society [Kuala Lumpur, 3rd ed.] trang 290.
(9) Mong cho tất cả chúng sanh ở phương dưới...
(10) Mong cho tất cả chúng sanh ở phương trên sống không thù hận, âu lo và ưu sầu, mong cho họ sống hạnh phúc.
(1)-(10) Mong cho tất cả chúng sanh có hơi thở ở phương đông...
(1)-(10) Mong cho tất cả những ai ở phương đông...
(1)-(10) Mong cho tất cả những người ở phương đông...
(1)-(10) Mong cho tất cả những cá nhân ở phương đông...
(1)-(10) Mong cho tất cả người nữ ở phương đông...
(1)-(10) Mong cho tất cả người nam ở phương đông...
(1)-(10) Mong cho tất cả bậc Thánh ở phương đông...
(1)-(10) Mong cho tất cả những ai không phải là Thánh ở phương đông...
(1)-(10) Mong cho tất cả các chư thiên ở phương đông...
(1)-(10) Mong cho tất cả loài người ở phương đông...
(1)-(10) Mong cho tất cả chúng sanh trong cảnh khổ ở phương đông...
ở phương trên sống không thù hận, âu lo và ưu sầu, mong cho họ sống hạnh phúc.
Có sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ chan hòa theo mười phương hướng này.
7. Là tâm từ (mettā) vì nó đối xử tử tế (mettayati) qua tám khía cạnh này, đó là: với tất cả chúng sanh, nó bác bỏ bức bách của họ để thay bằng không bức bách, nó bác bỏ tổn thương của họ để thay bằng không tổn thương, nó bác bỏ thất vọng của họ để thay bằng không thất vọng, nó bác bỏ đọa đầy của họ để thay bằng không đọa đầy, nó bác bỏ phiền nhiễu của họ để thay vào bằng không phiền nhiễu [bằng ý tưởng] ‘Mong cho tất cả chúng sanh sống không thù hận và không thù nghịch, hạnh phúc chứ không khổ đau, an lạc trong tâm chứ không khổ sở trong tâm’. Nó là ý nguyện (ceto) vì nó cố tình muốn như vậy (cetayati). [132] Nó là giải thoát (vimutti) vì nó được giải thoát (vimuccati) khỏi những ám ảnh của sân hận. Tâm từ (mettā), ý nguyện (ceto) và giải thoát (vimutti): đây là sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ.
8. Khi vị ấy cả quyết với đức tin như vầy: ‘Mong cho tất cả chúng sanh sống không thù hận, hạnh phúc, an lạc’, thì sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được tăng cường bằng năng lực gây ảnh hưởng của tín. [1]Khi vị ấy hết sức tinh tấn như vầy: ‘Mong cho tất cả chúng sanh sống không thù hận, an ổn, hạnh phúc’, thì sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được tăng cường bằng năng lực gây ảnh hưởng của tinh tấn. Khi vị ấy thiết lập quán niệm như vầy: ‘Mong cho tất cả chúng sanh sống không thù hận, an ổn, hạnh phúc’, thì sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được tăng cường bằng năng lực gây ảnh hưởng của niệm. Khi vị ấy định tâm như vầy: ‘Mong cho tất cả chúng sanh sống không thù hận, an ổn, hạnh phúc’, thì sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được tăng cường bằng năng lực gây ảnh hưởng của định. Khi vị ấy hiểu bằng tuệ như vầy: ‘Mong cho tất cả chúng sanh sống không thù hận, an ổn, hạnh phúc’, thì sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được tăng cường bằng năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
9. Năm năng lực gây ảnh hưởng này là sự lập lại (trau giồi) giải thoát của tâm do thực hành lòng từ: sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được lập lại (trau giồi) bằng năm năng lực gây ảnh hưởng này. Năm năng lực gây ảnh hưởng này là phát triển sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ: sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được phát triển bằng năm năng lực gây ảnh hưởng này. Năm năng lực gây ảnh hưởng này làm phong phú sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ: sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được làm cho phong phú bằng năm năng lực gây ảnh hưởng này. Năm năng lực gây ảnh hưởng này là sự trang hoàng cho giải thoát của tâm do thực hành lòng từ: sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được trang hoàng rực rỡ bằng năm năng lực gây ảnh hưởng này. Năm năng lực gây ảnh hưởng này là sự che chở cần thiết cho sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ: sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được che chở cẩn thận bằng năm năng lực gây ảnh hưởng này. Năm năng lực gây ảnh hưởng này là trang bị cho sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ: sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được trang bị đầy đủ bằng năm năng lực gây ảnh hưởng này.
10. Năm năng lực gây ảnh hưởng này là sự giải thoát của tâm do lập lại (trau giồi), phát triển, trang hoàng, che chở cần thiết, trang bị, toàn thiện; chúng đi kèm với lòng từ, cùng hiện hữu, phối hợp, liên kết với nó, chúng là sự đi vào (lao vào) nó, có tin tưởng ở nó, giữ vững nó, và đưa lại giải thoát của nó; chúng là sự thấy rõ lòng từ rằng ‘Đây là an lạc’; chúng được thuần thục, được tạo thành nền tảng của nó, được củng cố; [133] được vun bồi và được thực hiện đúng đắn (mang lòng từ đến nhất như), phát triển nó khéo léo, giữ nó thật vững, khéo tạo dựng nó, và giải thoát triệt để; chúng phát sanh nó, chiếu sáng nó và thắp nó sáng lên.
11. Khi [nghĩ] ‘Mong cho tất cả chúng sanh sống không thù hận, an ổn, hạnh phúc’ vị ấy không bị bất tin làm cho lay chuyển, thì sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được tăng cường bằng tín lực. Khi [nghĩ] ‘Mong cho tất cả chúng sanh sống không thù hận, an ổn, hạnh phúc’ vị ấy không bị lười biếng làm cho lay chuyển, thì sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được tăng cường bằng tấn lực. Khi [nghĩ] ‘Mong cho tất cả chúng sanh sống không thù hận, an ổn, hạnh phúc’ vị ấy không bị sao lãng làm cho lay chuyển, thì sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được tăng cường bằng niệm lực. Khi [nghĩ] ‘Mong cho tất cả chúng sanh sống không thù hận, an ổn, hạnh phúc’ vị ấy không bị dao động làm cho lay chuyển, thì sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được tăng cường bằng định lực. Khi [nghĩ] ‘Mong cho tất cả chúng sanh sống không thù hận, an ổn, hạnh phúc’ vị ấy không bị vô minh làm cho lay chuyển, thì sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được tăng cường bằng tuệ lực.
12. Năm lực này là sự lập lại (trau giồi) giải thoát của tâm do thực hành lòng từ: sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được lập lại (trau giồi) bằng năm lực này. Năm lực này... [và cứ thế như ở đ. 9 cho đến] Năm lực này là trang bị cho sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ: sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được trang bị đầy đủ bằng năm lực này.
13. Năm lực này là sự giải thoát của tâm do lập lại (trau giồi) lòng từ, phát triển lòng từ,... [và cứ thế như ở đ. 10]... [134] thắp nó sáng lên.
14. Khi vị ấy thiết lập quán niệm như vầy ‘Mong cho tất cả chúng sanh sống không thù hận, an ổn, hạnh phúc’ thì sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được tăng cường bằng yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm. Khi vị ấy tìm hiểu sự thật bằng tuệ như vầy... bằng yếu tố tạo thành giác ngộ của đi tìm sự thật. Khi vị ấy hết sức tinh tấn như vầy... bằng yếu tố tạo thành giác ngộ của tinh tấn... Khi vị ấy làm lắng dịu sự ám ảnh như vầy... bằng yếu tố tạo thành giác ngộ của hỉ... Khi vị ấy làm lắng dịu sự kích động của đòi hỏi sinh lý* như vầy... bằng yếu tố tạo thành giác ngộ của tĩnh lặng. Khi vị ấy định tâm như vầy... bằng yếu tố tạo thành giác ngộ của định. Khi vị ấy quán tưởng về nhiễm lậu bằng trí như vầy ‘Mong cho tất cả chúng sanh sống không thù hận, an ổn, hạnh phúc’ thì sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được tăng cường bằng yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản.
*đọc Luận X đoạn 6 về chữ này.
15. Bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ này là sự lập lại (trau giồi) giải thoát của tâm do thực hành lòng từ: sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được lập lại (trau giồi) bằng bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ này. Bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ này... [và cứ thế như ở đ. 9 cho đến]... được trang bị đầy đủ bằng bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ này.
16. Bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ này là sự giải thoát của tâm do lập lại (trau giồi) lòng từ, phát triển lòng từ,... [và cứ thế như ở đ. 10 cho đến]... thắp nó sáng lên.
17. Khi vị ấy thấy đúng như vầy ‘Mong cho tất cả chúng sanh sống không thù hận, an ổn, hạnh phúc’ thì sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được tăng cường bằng chánh kiến. Khi vị ấy hướng [ý tưởng] đến [đối tượng của nó] đúng như vầy... bằng chánh tư duy. Khi vị ấy gìn giữ lời nói đúng như vầy... bằng chánh ngữ. Khi vị ấy tạo nguồn sanh khởi đúng như vầy... bằng chánh hành. Khi vị ấy giữ cho sạch đúng như vầy... bằng chánh mạng. Khi vị ấy nỗ lực đúng như vầy... bằng chánh tinh tấn. Khi vị ấy thiết lập đúng như vầy... bằng chánh niệm. Khi vị ấy tập trung đúng như vầy ‘Mong cho tất cả chúng sanh sống không thù hận, an ổn, hạnh phúc’ thì sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được tăng cường bằng chánh định.
18. Tám chi ngành của chánh đạo này là sự lập lại (trau giồi) giải thoát của tâm do thực hành lòng từ: sự giải thoát của tâm do thực hành lòng từ được lập lại (trau giồi) bằng tám chi ngành của chánh đạo này. Tám chi ngành của chánh đạo này... [và cứ thế như ở đ. 9]... được trang bị đầy đủ bằng tám chi ngành của chánh đạo này.
19. Tám chi ngành của chánh đạo này là sự giải thoát của tâm do lập lại (trau giồi) lòng từ, phát triển lòng từ,... [và cứ thế như ở đ. 10]... [136] thắp nó sáng lên.
20-32. [Là tâm từ (mettā) vì nó đối xử tử tế (mettayati) theo tám khía cạnh này, đó là]: với tất cả chúng sanh có hơi thở, [nó bác bỏ]... [và cứ thế như ở các đoạn 7-19, thay chữ chúng sanh bằng chúng sanh có hơi thở]...
33-45. ... với tất cả những ai...
46-68. ... với tất cả những người...
69-71. ... với tất cả những cá nhân...
72-84. ... với tất cả người nữ...
85-97. ... với tất cả người nam...
98-110. ... với tất cả bậc Thánh...
111-123. ... với tất cả những ai không phải là Thánh...
124-136. ... với tất cả các chư thiên...
137-149. ... với tất cả loài người...
150-163. ... với tất cả chúng sanh đang trong cảnh khổ...
164-176. ... (1) với tất cả những chúng sanh ở phương đông...
177-289. ... (2) với tất cả những chúng sanh ở phương tây...
... (3) ở phương bắc...
... (4)-(10) ở phương trên... [137]
290-302. ... (1) với tất cả những chúng sanh có hơi thở ở phương đông...
... (2)-(10) ở phương trên...
303-432. ... (1) với tất cả những ai ở phương đông...
... (2)-(10) ở phương trên...
433-562. ... (1)-(10) với tất cả những người ở phương đông... ở phương trên...
563-692. ... (1)-(10) với tất cả những cá nhân ở phương đông... ở phương trên...
693-822. ... (1)-(10) với tất cả người nữ ở phương đông... ở phương trên...
823-952. ... (1)-(10) với tất cả người nam ở phương đông... ở phương trên...
953-1082. ... (1)-(10) với tất cả bậc Thánh ở phương đông... ở phương trên...
1083-1212. ... (1)-(10) với những ai không phải là Thánh ở phương đông... ở phương trên...
1213-1342. ... (1)-(10) với tất cả các chư thiên ở phương đông... ở phương trên...
1343-1472. ... (1)-(10) với tất cả loài người ở phương đông... ở phương trên...
1473-1602. ... (1)-(10) với tất cả chúng sanh đang trong cảnh khổ ở phương đông... ở phương trên... [138-139].
HẾT PHẦN LUẬN THUYẾT VỀ TÂM TỪ
[1]Bản của PTS quyển ii, trang 132, 11.4 ff. viết: saddhindriyaparibhāvitā và tương tự như thế với các năng lực gây ảnh hưởng khác. <Ở Luận này, đọc phần giới thiệu>
«Virāgakathā»
1. [140] Hết ham muốn là đạo lộ giải thoát, tiêu dao là quả của đạo lộ ấy.
2. Hết ham muốn là đạo lộ giải thoát như thế nào?
Vào khoảnh khắc đạo lộ nhập giòng:
Chánh kiến, theo nghĩa thấy rõ, đoạn trừ* nhận thức sai lạc; nó làm đoạn diệt dần* nhiễm lậu và chán ngán* các tập hợp là kết quả của những nhiễm lậu đó, và nhàm chán* tất cả các dấu hiệu biểu hiện bên ngoài.
Hết ham muốn* có phai nhạt** làm đối tượng cho nó, có ngao ngán** làm lãnh vực cho nó, được xây dựng trên từ bỏ,** đứng trên nhàm chán**, được thiết lập trên ngán ngẩm.**
* những chữ có dấu hoa thị* dịch từ chữ virajjati, những chữ có dấu ** dịch từ chữ virāga. Đọc Nāṇamoli and Bhikkhu Bodhi, The Middle Length Discourses of the Buddha, trang 1384-5. Đọc Nāṇamoli, The Guide, PTS [Oxford, 1979], đoạn 43, 87, 167, 173, 218, 236, 298, 377, 379, 426, 480, 757, 806, 836, 938f. để thấy sự thay đổi nghĩa của chữ này. Đọc thêm F. W. Woodward, Gradual Sayings ii, trang 56.
Hết ham muốn: có hai loại hết ham muốn: (1) hết ham muốn kể như là nibbana; và (2) hết ham muốn được diễn tả như vầy: ‘Tất cả các trạng thái sanh ra có nibbana làm đối tượng đều là những loại hết ham muốn.’
Bảy chi ngành chánh đạo hiện hữu đồng thời [với chánh kiến] dẫn đến hết ham muốn, vì thế, hết ham muốn là đạo lộ. Nhờ đạo lộ ấy, chư Phật và đệ tử của các Ngài đi về hướng chưa bao giờ đi [trước đó], đó là nibbana, như vậy đạo lộ là tám ngành. Với tất cả các đạo lộ có trong tín ngưỡng của nhiều đạo sĩ và brahmans khác, thánh đạo tám ngành là cao cả nhất, tốt đẹp nhất, chính yếu, đứng đầu, giá trị nhất, như thế thánh đạo tám ngành là tốt đẹp nhất trong các đạo lộ.
Chánh tư duy theo nghĩa hướng tâm đoạn diệt dần tư duy sai lạc... [thay thế sao cho phù hợp và hoàn tất như trên]...
Chánh ngữ...
Chánh hành...
Chánh mạng...
Chánh tinh tấn...
Chánh niệm...
Chánh định theo nghĩa không phân tâm... [141]... như thế thánh đạo tám ngành là hạng nhất trong các đạo lộ.
3. Vào khoảnh khắc đạo lộ trở lại một lần:
Chánh kiến theo nghĩa thấy rõ,...
Chánh định theo nghĩa không phân tâm đoạn diệt dần nhiễm lậu thô của ham muốn ái dục và của chống đối, đoạn diệt dần nhiễm lậu ngủ ngầm tàn dư của ham muốn ái dục và của chống đối, đoạn diệt dần nhiễm lậu và chán ngán các tập hợp vốn là kết quả của những nhiễm lậu đó, và nhàm chán tất cả các dấu hiệu biểu hiện bên ngoài.
Hết ham muốn có phôi pha làm đối tượng cho nó,...
Hết ham muốn: có hai loại hết ham muốn...
Bẩy chi ngành chánh đạo... như thế thánh đạo tám ngành là hạng nhất trong các đạo lộ.
4. Vào khoảnh khắc đạo lộ không trở lại:
Chánh kiến, theo nghĩa thấy rõ,...
...
Chánh định theo nghĩa không phân tâm đoạn diệt dần nhiễm lậu tàn dư của ham muốn ái dục và của chống đối, nhiễm lậu ngủ ngầm tàn dư của ham muốn ái dục và của chống đối, đoạn diệt dần nhiễm lậu và các tập hợp vốn là kết quả của những nhiễm lậu đó, và nhàm chán tất cả các dấu hiệu biểu hiện bên ngoài.
Hết ham muốn có phôi pha làm đối tượng cho nó,... [142]
Hết ham muốn: có hai loại hết ham muốn...
Bảy chi ngành chánh đạo... như thế thánh đạo tám ngành là hạng nhất trong các đạo lộ.
5. Vào khoảnh khắc đạo lộ arahant:
Chánh kiến, theo nghĩa thấy rõ,...
Chánh định theo nghĩa không phân tâm đoạn diệt dần khao khát trở thành [sanh linh] cõi sắc giới, khao khát trở thành [sanh linh] cõi vô sắc giới, đoạn diệt dần ngã mạn (tự hào), đoạn diệt dần dao động, đoạn diệt dần vô minh, đoạn diệt dần khuynh hướng ngã mạn (tự hào) ngủ ngầm, đoạn diệt dần khao khát hiện hữu và vô minh, đoạn diệt dần nhiễm lậu và ngao ngán các tập hợp vốn là kết quả của những nhiễm lậu đó, và nhàm chán tất cả các dấu hiệu biểu hiện bên ngoài.
Hết ham muốn có phôi pha làm đối tượng cho nó,...
Hết ham muốn: có hai loại hết ham muốn...
Bảy chi ngành chánh đạo... như thế thánh đạo tám ngành là hạng nhất trong các đạo lộ.
6. Hết ham muốn kể như là thấy rõ ấy là chánh kiến. Hết ham muốn kể như là hướng tâm ấy là chánh tư duy. Hết ham muốn kể như là giữ gìn lời nói ấy là chánh ngữ. Hết ham muốn kể như là giữ cho sạch ấy là chánh mạng. Hết ham muốn kể như là nỗ lực ấy là chánh tinh tấn. Hết ham muốn kể như là thiết lập ấy là chánh niệm. Hết ham muốn kể như là không phân tâm ấy là chánh định.
Hết ham muốn kể như là thiết lập là yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm. Hết ham muốn kể như là tìm hiểu là yếu tố tạo thành giác ngộ của đi tìm sự thật. Hết ham muốn kể như là nỗ lực là yếu tố tạo thành giác ngộ của tinh tấn. Hết ham muốn kể như là chan hòa là yếu tố tạo thành giác ngộ của hỉ. Hết ham muốn kể như là an lạc là yếu tố tạo thành giác ngộ của tĩnh lặng. Hết ham muốn kể như là không phân tâm ấy là yếu tố tạo thành giác ngộ của định. Hết ham muốn kể như là tư duy là yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản. [143]
Hết ham muốn kể như là không lay chuyển vì không tin là tín lực. Hết ham muốn kể như là không lay chuyển vì lười biếng là tấn lực. Hết ham muốn kể như là không lay chuyển vì xao lãng là niệm lực. Hết ham muốn kể như là không lay chuyển vì dao động là định lực. Hết ham muốn kể như là không lay chuyển vì vô minh là tuệ lực.
Hết ham muốn kể như là cả quyết là năng lực gây ảnh hưởng của tín. Hết ham muốn kể như là nỗ lực là năng lực gây ảnh hưởng của tinh tấn. Hết ham muốn kể như là thiết lập là năng lực gây ảnh hưởng của niệm. Hết ham muốn kể như là không phân tâm là năng lực gây ảnh hưởng của định. Hết ham muốn kể như là thấy rõ là năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
Các năng lực gây ảnh hưởng là hết ham muốn theo nghĩa ưu thắng. Các lực là hết ham muốn theo nghĩa không lay chuyển. Các yếu tố tạo thành giác ngộ là hết ham muốn theo nghĩa lối thoát. Đạo lộ là hết ham muốn theo nghĩa nguyên nhân. Các nền tảng của quán niệm là hết ham muốn theo nghĩa thiết lập. Các chánh tinh tấn là hết ham muốn theo nghĩa nỗ lực. Các nền tảng của thần thông (đường đến thần lực) là hết ham muốn theo nghĩa thành tựu. Các sự thực là hết ham muốn theo nghĩa chân như (như thực).
Tĩnh lặng là hết ham muốn theo nghĩa không phân tâm. Quán thực tánh là hết ham muốn theo nghĩa quán tưởng. Tĩnh lặng và quán thực tánh là hết ham muốn theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất. Sóng đôi là hết ham muốn theo nghĩa không vượt quá.
Thanh lọc giới là hết ham muốn theo nghĩa thu thúc. Thanh lọc tâm là hết ham muốn theo nghĩa không phân tâm. Thanh lọc quan điểm là hết ham muốn theo nghĩa thấy rõ. Giải thoát là hết ham muốn theo nghĩa được tự tại. Minh trí là hết ham muốn theo nghĩa hiểu rõ. Tiêu dao là hết ham muốn theo nghĩa dứt bỏ. Trí về tuyệt diệt là hết ham muốn theo nghĩa cắt đứt.
Theo nghĩa nguồn gốc, tinh tấn là hết ham muốn. Theo nghĩa nguồn sanh khởi, suy xét là hết ham muốn.Theo nghĩa kết hợp, xúc là hết ham muốn. Theo nghĩa nơi gặp gỡ, cảm giác là hết ham muốn. Theo nghĩa đứng hạng nhất, định là hết ham muốn. Theo nghĩa ưu thắng, niệm là hết ham muốn. Theo nghĩa cao nhất, tuệ là hết ham muốn. Theo nghĩa cốt lõi (hương vị), giải thoát là hết ham muốn. Theo nghĩa kết thúc, nibbana vốn hợp nhất với bất tử là hết ham muốn.
Hết ham muốn là đạo lộ giải thoát là như thế.
7. Giải thoát là quả của nó là thế nào?
Vào khoảnh khắc quả nhập giòng:
Chánh kiến, theo nghĩa thấy rõ, được giải thoát khỏi quan điểm sai lạc, và nó được giải thoát khỏi nhiễm lậu và được giải thoát khỏi các tập hợp vốn là kết quả của những nhiễm lậu đó, và được giải thoát khỏi tất cả các dấu hiệu biểu hiện bên ngoài.
Tiêu dao có tiêu dao làm đối tượng cho nó, có tiêu dao làm lãnh vực cho nó, được xây dựng trên tiêu dao, đứng trên tiêu dao, được thiết lập trên tiêu dao.
Tiêu dao:có hai loại tiêu dao: (1) tiêu dao kể như là nibbana; và (2) tiêu dao kể như là quả được diễn tả như vầy: ‘Tất cả các trạng thái sanh ra có nibbana làm đối tượng đều được giải thoát.’
Chánh tư duy theo nghĩa hướng tâm vào... [thay thế cho phù hợp và hoàn tất như trên]... [144]
Chánh ngữ...
Chánh hành...
Chánh mạng...
Chánh tinh tấn...
Chánh niệm...
Chánh định theo nghĩa không phân tâm... ‘Tất cả các trạng thái sanh ra có nibbana làm đối tượng đều được giải thoát.’
8. Vào khoảnh khắc quả vị trở lại một lần:
Chánh kiến theo nghĩa thấy rõ,...
Chánh định theo nghĩa không phân tâm được giải thoát khỏi nhiễm lậu thô của ham muốn ái dục và của chống đối, được giải thoát khỏi nhiễm lậu ngủ ngầm tàn dư của ham muốn ái dục và của chống đối, và được giải thoát khỏi các nhiễm lậu và được giải thoát khỏi các tập hợp vốn là kết quả của những nhiễm lậu đó, và được giải thoát khỏi tất cả các dấu hiệu biểu hiện bên ngoài.
Tiêu dao có tiêu dao làm đối tượng cho nó,...
Tiêu dao:có hai loại tiêu dao: ... ‘Tất cả các trạng thái sanh ra có nibbana làm đối tượng đều được giải thoát.’
9. Vào khoảnh khắc quả vị không trở lại:
Chánh kiến, theo nghĩa thấy rõ,...
...
Chánh định theo nghĩa không phân tâm được giải thoát khỏi nhiễm lậu tàn dư của ham muốn ái dục và của chống đối, được giải thoát khỏi nhiễm lậu ngủ ngầm tàn dư của ham muốn ái dục và của chống đối, và được giải thoát khỏi nhiễm lậu và được giải thoát khỏi các tập hợp vốn là kết quả của những nhiễm lậu đó, và được giải thoát khỏi tất cả các dấu hiệu biểu hiện bên ngoài. [145]
Tiêu dao có tiêu dao làm đối tượng cho nó,...
Tiêu dao:có hai loại tiêu dao: ... ‘Tất cả các trạng thái sanh ra có nibbana làm đối tượng đều được giải thoát.’
10. Vào khoảnh khắc quả vị arahant:
Chánh kiến, theo nghĩa thấy rõ,...
Chánh định theo nghĩa không phân tâm được giải thoát khỏi khao khát trở thành [sanh linh] cõi sắc giới, khỏi khao khát trở thành [sanh linh] cõi vô sắc giới, khỏi ngã mạn (tự hào), khỏi dao động, khỏi vô minh, khỏi khuynh hướng ngã mạn (tự hào) ngủ ngầm, khỏi khao khát hiện hữu và vô minh ngủ ngầm, được giải thoát khỏi nhiễm lậu và được giải thoát khỏi các tập hợp vốn là kết quả của những nhiễm lậu đó, và được giải thoát khỏi tất cả các dấu hiệu biểu hiện bên ngoài.
Tiêu dao có tiêu dao làm đối tượng cho nó,...
Tiêu dao:có hai loại tiêu dao: ... ‘Tất cả các trạng thái sanh ra có nibbana làm đối tượng đều được giải thoát.’
11. Tiêu dao kể như là thấy rõ ấy là chánh kiến. Tiêu dao kể như là hướng tâm ấy là chánh tư duy.... Tiêu dao kể như là không phân tâm ấy là chánh định.
Tiêu dao kể như là thiết lập là yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm. Tiêu dao kể như là tìm hiểu là yếu tố tạo thành giác ngộ của đi tìm sự thật... Tiêu dao kể như là tư duy là yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản.
Tiêu dao kể như là không lay chuyển vì không tin là tín lực... Tiêu dao kể như là không lay chuyển vì vô minh là tuệ lực.
Tiêu dao kể như là cả quyết là năng lực gây ảnh hưởng của tín... Tiêu dao kể như là thấy rõ là năng lực gây ảnh hưởng của tuệ.
Các năng lực gây ảnh hưởng là tiêu dao theo nghĩa ưu thắng. Các lực là giải thoát theo nghĩa không lay chuyển... Các sự thực là tiêu dao theo nghĩa chân như (như thực).
Tĩnh lặng là tiêu dao theo nghĩa không phân tâm... [146] Sóng đôi là tiêu dao theo nghĩa không vượt quá.
Thanh lọc giới là tiêu dao theo nghĩa thu thúc... Giải thoát là tiêu dao theo nghĩa được tự tại. Minh trí là tiêu dao theo nghĩa hiểu rõ. Tiêu dao là tiêu dao theo nghĩa dứt bỏ. Trí về không sanh khởi là tiêu dao theo nghĩa an tịnh.[1]
Theo nghĩa nguồn gốc, tinh tấn là tiêu dao. Theo nghĩa nguồn sanh khởi, suy xét là tiêu dao... Theo nghĩa kết thúc, nibbana vốn hợp nhất với bất tử là tiêu dao.
Tiêu dao là quả của nó là như thế.
Hết ham muốn là đạo lộ giải thoát, tiêu dao là quả của nó là như thế.
LUẬN THUYẾT VỀ HẾT HAM MUỐN
[1]Thay vì samucchedaṭṭhena khaye ñāṇaṁ vimutti, bản của PTS trang 146, 1.7 viết là: paṭipassāddhiṭṭhena anuppāde ñāṇaṁ vimutti.
«Paṭisambhidākathā»
1. [147] ‘Như vầy tôi nghe. Có một thời Thế Tôn cư trú ở Bārāṇasi trong Vườn Nai ở Isipatana. Ở đấy, Ngài nói với nhóm năm tu sĩ như vầy:*
* Đây là bài pháp đầu tiên của đức Phật, ghi lại sự hoằng dương giáo pháp của Ngài ở Vin I 10-12. Kinh này được phân tích ở kinh Trung Bộ số 141và ở Vibhaṅga trang 99-105; chú giải ở VbhA trang 93-122 và ở Vis. 498-510. Về giải thích chi tiết theo phương pháp trong chú giải, đọc Rewata Dhamma, The First Discourse of the Buddha. Đọc Bhikkhu Bodhi, The Connected Discourses of the Buddha II, Wisdom [Boston, 2000], chú thích 380, trang 1962.
‘Này các tỳ kheo, có hai loại cực đoan không nên được những người xuất gia trau giồi. Hai loại nào? Loại theo đuổi khoái lạc thấp hèn, đê tiện, của người trần tục, không cao cả, tai hại; và loại theo đuổi lối tu hành xác gây đau đớn, không cao cả, tai hại. Tránh cả hai cực đoan này, Như Lai tìm ra trung đạo làm sanh khởi kiến giải, làm sanh khởi trí, dẫn đến an tịnh, đến trí trực chứng, đến giác ngộ toàn triệt, đến nibbana. Trung đạo do Như Lai tìm ra đó là gì? Đó là Thánh Đạo Tám Ngành: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định. Đây là trung đạo do Như Lai tìm ra làm sanh khởi kiến giải, làm sanh khởi trí, dẫn đến an tịnh, đến trí trực chứng, đến giác ngộ toàn triệt, đến nibbana.
‘Đây là sự thực cao cả về khổ đau: sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, không thích mà gặp là khổ, muốn mà không được là khổ - nói tóm lại, năm tập hợp làm đối tượng cho bám níu là khổ.
‘Đây là sự thực cao cả về nguồn gốc của khổ đau: chính khao khát dẫn đến tái sanh, được thích thú và ham muốn đi kèm, tìm kiếm thích thú ở chỗ này chỗ kia; đó là khao khát khoái lạc giác quan, khao khát trở thành, và khao khát đoạn diệt. [148]
‘Đây là sự thực cao cả về chấm dứt khổ đau: đó là sự phôi pha và hết hẳn không còn tàn dư của chính khao khát đó, bác bỏ, buông bỏ, từ bỏ, gạt bỏ nó.
‘Đây là sự thực cao cả về con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau: đó là Thánh Đạo Tám Ngành: chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh hành, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.
‘Có sự thực cao cả này về khổ đau’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh trí khởi lên, ánh sáng khởi lên trong Ta. Sự thực cao cả về khổ đau này cần được hiểu biết trọn vẹn: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh trí khởi lên, ánh sáng khởi lên trong Ta. Sự thực cao cả về khổ đau này đã được hiểu biết trọn vẹn: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh trí khởi lên, ánh sáng khởi lên trong Ta.
‘Có sự thực cao cả này về nguồn gốc của khổ đau’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên... ánh sáng khởi lên trong Ta. Sự thực cao cả về nguồn gốc khổ đau này phải bị từ bỏ’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên... ánh sáng khởi lên trong Ta. Sự thực cao cả này về nguồn gốc khổ đau đã bị từ bỏ: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên... ánh sáng khởi lên trong Ta.
‘Có sự thực cao cả này về chấm dứt khổ đau’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên... ánh sáng khởi lên trong Ta. Sự thực cao cả này về chấm dứt khổ đau phải được thực chứng’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên... ánh sáng khởi lên trong Ta. Sự thực cao cả này về chấm dứt khổ đau này đã được thực chứng: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên... ánh sáng khởi lên trong Ta.
‘Có sự thực cao cả này về con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên... ánh sáng khởi lên trong Ta. Sự thực cao cả này về con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau này phải được tu tập’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên... ánh sáng khởi lên trong Ta. Sự thực cao cả về con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau này đã được tu tập: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh trí khởi lên, ánh sáng khởi lên trong Ta.
‘Này các tỳ kheo, một khi tri kiến đúng như thật của Ta về bốn Chân Lý Cao Cả qua ba giai đoạn và mười hai hình thái* không được thanh lọc kỹ lưỡng theo cách này, [149] Ta sẽ không tuyên bố là đã tìm thấy giác ngộ vô thượng, toàn triệt trong thế giới này có chư thiên, Marās và Brahmā, trong quần chúng sa môn và các brahmins, chư thiên và loài người. Nhưng một khi tri kiến đúng như thật của Ta về bốn Chân Lý Cao Cả qua ba giai đoạn và mười hai hình thái đã được thanh lọc kỹ lưỡng theo cách này, thì Ta tuyên bố là đã tìm thấy giác ngộ toàn triệt vốn vô thượng trong thế giới này có chư thiên, Marās và Brahmā, trong quần chúng sa môn và các brahmins, chư thiên và loài người.
Tri kiến này khởi lên trong Ta: ‘Sự giải thoát của tâm thức Ta là bất động. Đây là lần sanh cuối cùng của Ta. Từ giờ sẽ không còn tái sanh nào nữa.’
*Ba giai đoạn (tiparivaṭṭa) này là: (1) trí biết về từng Chân Lý (saccañāṇa), chẳng hạn: ‘Đây là Chân Lý Cao Cả về khổ đau’; (2) trí biết về công việc phải làm với từng Chân Lý (kiccañāṇa), chẳng hạn: ‘Chân Lý Cao Cả về khổ đau cần được hiểu biết trọn vẹn’; (3) trí biết về sự thành tựu từng Chân Lý (katañāṇa), chẳng hạn: ‘Chân Lý Cao Cả về khổ đau đã được hiểu biết trọn vẹn’. Lấy ba giai đoạn ấy nhân cho bốn Chân Lý ta có mười hai hình thái (dvādasākāra). Đọc Bhikkhu Bodhi, sđd, chú thích 382.
Thế Tôn đã tuyên bố như thế. Rất phấn khởi, các tỳ kheo của nhóm năm người lấy làm hoan hỉ lời dạy của Thế Tôn.
‘Trong lúc bài kinh đang giảng, kiến giải về Dhamma trong sạch không vấy bụi và không nhiễm lậu trong tôn giả Koṇḍañña khởi lên như sau: ‘Bất cứ cái gì khởi lên phải bị diệt đi’.
‘Và khi Thế Tôn chuyển bánh xe Giáo Pháp,* chư Thiên cõi đất này nói lớn: ‘Ở Bārāṇasi trong Vườn Nai ở Isipatana, bánh xe Giáo Pháp vô thượng đã được Thế Tôn vận chuyển, sẽ không bị một sa môn nào, brahmin nào, chư thiên nào, Māra nào, Brahmā nào hay bất cứ ai trong thế giới này chận đứng nó được.’ Sau khi nghe chư thiên cõi đất này nói lớn như thế, chư thiên ở cõi Cātumahārājika «Tứ Đại Thiên Vương»nói lớn: ‘Ở Bārāṇasi... bánh xe Giáo Pháp vô thượng đã được Thế Tôn vận chuyển, sẽ không bị... bất cứ ai trong thế giới này chận đứng nó được.’ Sau khi nghe chư thiên cõi Cātumahārājika, chư thiên cõi Tāvatiṁsa... chư thiên cõi Tusita... chư thiên cõiYāma... chư thiên cõi Nimmānarati... chư thiên cõi Paranimmitavasavatti... chư thiên ở Brahmā nói lớn: ‘Ở Bārāṇasi...’ Như thế, vào sát na đó, tích tắc đó, giây khắc đó, tiếng nói ấy truyền đến cõi trời Phạm Thiên, và hệ thống mười ngàn thế giới chuyển động, rung động, rúng động và một hào quang vô lượng rực rỡ phát ra trong thế giới này vượt hẳn uy lực thần diệu của chư thiên. Rồi Thế Tôn thốt lên lời cảm hứng này: ‘Koṇḍañña đã thực sự hiểu!Koṇḍañña đã thực sự hiểu! Từ đó Koṇḍañña có tên Aññātar Koṇḍañña - Koṇḍañña người đã thực sự hiểu! (Vin i 9; S v 420).
*Spk giải thích dhammacakka theo trí thấu triệt (paṭivedhañāṇa) bắt nguồn từ trí tuệ và đã làm cho Thế Tôn thành đạt các quả vị Thánh. Trí thấu triệt thuộc về siêu thế (lokuttara); và trí về thuyết giảng (desanāñāṇa) phát sanh từ lòng từ bi của Ngài để có thể dạy các đệ tử theo phương cách mà họ có thể chứng các quả vị ấy. Trí thuyết giảng thuộc về thế tục (lokiya). Chỉ có chư Phật mới có hai loại trí này, người khác không có được. Bánh Xe Giáo Pháp vẫn được Thế Tôn khởi sự vận chuyển (pavatteti nāma) cho đến khi Koṇḍañña và mười tám koṭis (1 koṭi = 10 triệu) chư thiên củng cố được quả vị nhập giòng. Đến khi họ an trú trong quả vị đó rồi, thì Bánh Xe ấy mới bắt đầu quay (pavattitaṁ nāma). Đọc Bhikkhu Bodhi, sđd, quyển I chú thích 57 trang 743; quyển II chú thích 383 trang 1962.
2.‘Có sự thực cao cả này về khổ đau’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh trí khởi lên, ánh sáng khởi lên trong Ta. [150]
3. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào?Trí khởi lên: theo nghĩa nào?Tuệ khởi lên: theo nghĩa nào?Minh trí khởi lên: theo nghĩa nào?Ánh sáng khởi lên: theo nghĩa nào?
Kiến giải khởi lên theo nghĩa thấy rõ. Trí khởi lên theo nghĩa điều được biết tới.Tuệ khởi lên theo nghĩa hành vi hiểu biết.Minh trí khởi lên theo nghĩa thấu rõ.Ánh sáng khởi lên theo nghĩa hào quang.
4. Kiến giải là một ý niệm. Trí là một ý niệm.Tuệ là một ý niệm.Minh trí là một ý niệm.Ánh sáng là một ý niệm. Năm ý niệm này là đối tượng hỗ trợ và là lãnh vực của vô ngại giải về ý niệm. Ý niệm nào là đối tượng hỗ trợ của vô ngại giải, ý niệm ấy là lãnh vực của nó. Ý niệm nào là lãnh vực của vô ngại giải, ý niệm ấy là đối tượng hỗ trợ của nó. Vì vậy mới nói: Trí biết về ý niệm là vô ngại giải về các ý niệm.[1]
Nghĩa như là thấy rõ là một nghĩa, nghĩa như là điều được biết tới là một nghĩa, nghĩa như là hành vi hiểu biết là một nghĩa, nghĩa như là hiểu rõ là một nghĩa, nghĩa như là hào quang là một nghĩa. Năm nghĩa này là đối tượng hỗ trợ và là lãnh vực của vô ngại giải về nghĩa. Nghĩa nào là đối tượng hỗ trợ, nghĩa ấy là lãnh vực của nó. Nghĩa nào là lãnh vực của nó, nghĩa ấy là đối tượng hỗ trợ của nó. Vì vậy mới nói: Trí biết về nghĩa là vô ngại giải về nghĩa.
Có sự truyền đạt ngôn ngữ để chỉ ra năm loại ý niệm và có sự truyền đạt ngôn ngữ để chỉ ra năm loại nghĩa. Mười loại này về ngôn ngữ là đối tượng hỗ trợ và là lãnh vực của vô ngại giải về ngữ pháp. Loại nào là đối tượng hỗ trợ của ngôn ngữ, loại ấy là lãnh vực của nó. Loại nào là lãnh vực của nó, loại ấy là đối tượng hỗ trợ của nó. Vì vậy mới nói: Trí biết về các loại ngôn ngữ là vô ngại giải về ngữ pháp.
Có [những trường hợp] trí biết về năm loại ý niệm và [những trường hợp của] trí về năm loại nghĩa và [những trường hợp về] mười loại ngữ pháp. Hai mươi [trường hợp] này [về] trí là đối tượng hỗ trợ và là lãnh vực của vô ngại giải về biện tài.* Loại nào là đối tượng hỗ trợ của vô ngại giải, loại ấy là lãnh vực của nó. Loại nào là lãnh vực của vô ngại giải, loại ấy là đối tượng hỗ trợ của nó. Vì vậy mới nói: Trí biết về các loại biện tài là vô ngại giải về biện tài.
* Biện tài (paṭibhāṇa) ở đây được hiểu là trí tuệ siêu việt (Benjamin Clough) có khả năng biết được nguồn gốc và đặc tính của mọi hiện tượng (R. Spence Hardy). Đọc R. C. Childers, A Dictionary of The Pali Language, trang 366. Trí tuệ siêu việt này còn làm sáng tỏ, làm rõ, xác định rõ ba loại vô ngại giải kia. Đọc Ñāṇamoli, The Dispeller of Delusion II, đđ. 1942, 1951, 1973-74 trang 126, 133.
5.‘Sự thực cao cả này về khổ đau cần được hiểu biết trọn vẹn’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
6-7. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào?... [lập lại đ. 3].
8. ‘Sự thực cao cả này về khổ đau đã được hiểu biết trọn vẹn’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
9-10 Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ... [lập lại đ. 3]. [151]
... Vì vậy mới nói: Trí biết về các loại biện tài là vô ngại giải về biện tài.
11. Trong trường hợp sự thực cao cả về khổ đau có 15 ý niệm, 15 nghĩa, 30 [trường hợp về] ngữ pháp và 60 [trường hợp về] trí.
12.‘Sự thực cao cả này về nguồn gốc của khổ đau’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
13. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào?...
14. Kiến giải là một ý niệm,...
15.‘Sự thực cao cả này về nguồn gốc của khổ đau cần được từ bỏ’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
16-17. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
18. ‘Sự thực cao cả này về nguồn gốc của khổ đau đã bị từ bỏ’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
19-20. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ... [152]
21. Trong trường hợp sự thực cao cả về nguồn gốc của khổ đau có 15 ý niệm, 15 nghĩa, 30 [trường hợp về] ngữ pháp và 60 [trường hợp về] trí.
22.‘Có sự thực cao cả này về chấm dứt khổ đau’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
23-24. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào?...
25.‘Sự thực cao cả này về chấm dứt khổ đau này cần được thực chứng’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
26-27. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
28. ‘Sự thực cao cả này về chấm dứt khổ đau đã được thực chứng’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
29-30. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
31. Trong trường hợp sự thực cao cả về sự chấm dứt khổ đau có 15 ý niệm, 15 nghĩa, 30 [trường hợp về] ngữ pháp và 60 [trường hợp về] trí.
32.‘Có sự thực cao cả này về con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
33-34. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào?...
35.‘Sự thực cao cả này về con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau cần được tu tập’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
36-37. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
38. ‘Sự thực cao cả này về con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau đã được tu tập’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
39-40. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
41. Trong trường hợp sự thực cao cả về con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau có 15 ý niệm, 15 nghĩa, 30 [trường hợp về] ngữ pháp và 60 [trường hợp về] trí.
42. Trong trường hợp bốn sự thực cao cả hợp lại có 60 ý niệm, 60 nghĩa, 120 [trường hợp về] ngữ pháp và 240 [trường hợp về] trí.
43. Có sự quán tưởng này về thân: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh trí khởi lên, ánh sáng khởi lên trong Ta. Sự quán tưởng này về thân đúng như thân cần được tu tập: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta. Sự quán tưởng thân đúng như thân này đã được tu tập: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
‘Có sự quán tưởng này về cảm giác đúng như cảm giác: này các tỳ kheo,...
‘Có sự quán tưởng này về tâm đúng như tâm: này các tỳ kheo,...
‘Có sự quán tưởng này về đối tượng tâm ý đúng như đối tượng tâm ý: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta. (S v 178).
44. Có sự quán tưởng này về thân đúng như thân: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta. [153]
45. [2]Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ... [như ở đoạn 3]
Kiến giải khởi lên theo nghĩa thấy rõ... Ánh sáng khởi lên theo nghĩa hào quang.
46. Kiến giải là một ý niệm. ... [và cứ thế như ở đoạn 4] ... Vì vậy mới nói: Trí biết về các loại biện tài là vô ngại giải về biện tài.
47.Sự quán tưởng này về thân đúng như thân cần được tu tập: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
48-49. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
50. Sự quán tưởng này về thân đúng như thân đã được tu tập: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
51-52. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
53. Trong trường hợp quán thân đúng như thân có 15 ý niệm, 15 nghĩa, 30 [trường hợp về] ngữ pháp và 60 [trường hợp về] trí.
54. Có sự quán tưởng này về cảm giác đúng như cảm giác: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
55-56. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
57.Có sự quán tưởng này về cảm giác đúng như cảm giác cần được tu tập: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
58-59. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
60. Sự quán tưởng này về cảm giác đúng như cảm giác đã được tu tập: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
61-62. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
63. Trong trường hợp quán cảm giác đúng như cảm giác có 15 ý niệm, 15 nghĩa, 30 [trường hợp về] ngữ pháp và 60 [trường hợp về] trí.
64. Có sự quán tưởng này về tâm đúng như tâm: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
65-66. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
67.Sự quán tưởng này về tâm đúng như tâm cần được tu tập: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
68-69. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
70. Sự quán tưởng này về tâm đúng như tâm đã được tu tập: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
71-72. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
73. Trong trường hợp quán tâm đúng như tâm có 15 ý niệm, 15 nghĩa, 30 [trường hợp về] ngữ pháp và 60 [trường hợp về] trí. [154]
74. Có sự quán tưởng này về đối tượng tâm ý đúng như đối tượng tâm ý: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
75-76. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
77.Sự quán tưởng này về đối tượng tâm ý đúng như đối tượng tâm ý cần được tu tập: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
78-79. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
80. Sự quán tưởng này về đối tượng tâm ý đúng như đối tượng tâm ý đã được tu tập: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
81-82. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
83. Trong trường hợp quán đối tượng tâm ý đúng như đối tượng tâm ý có 15 ý niệm, 15 nghĩa, 30 [trường hợp về] ngữ pháp và 60 [trường hợp về] trí.
84. Trong trường hợp bốn nền tảng của quán niệm hợp lại có 60 ý niệm, 60 nghĩa, 120 [trường hợp về] ngữ pháp và 240 [trường hợp về] trí.
85. ‘Có nền tảng này của thần thông (đường đến uy lực) vốn có định do ý muốn và hành là nỗ lực: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh trí khởi lên, ánh sáng khởi lên trong Ta. Có nền tảng này của thần thông có định do ý muốn và hành là nỗ lực cần được tu tập: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta. Có nền tảng này của thần thông có định do ý muốn và hành là nỗ lực đã được tu tập: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
‘Có nền tảng này của thần thông có định do tinh tấn và hành là nỗ lực...
‘Có nền tảng này của thần thông có định do tâm và hành là nỗ lực...
‘Có nền tảng này của thần thông có định do suy tư và hành là nỗ lực...’ (S v 258)
86.‘Có nền tảng này của thần thông có định do ý muốn và hành là nỗ lực: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
87-88.Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
89.Nền tảng này của thần thông có định do ý muốn và hành là nỗ lực cần được tu tập: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
90-91. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ...
92. Nền tảng này của thần thông có định do ý muốn và hành là nỗ lực đã được tu tập: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
93-94. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ... [155]
95. Trong trường hợp nền tảng của thần thông có định do ý muốn và hành là nỗ lực có 15 ý niệm, 15 nghĩa, 30 [trường hợp về] ngữ pháp và 60 [trường hợp về] trí.
96-104.Có nền tảng này của thần thông có định do tinh tấn và hành là nỗ lực: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
... [hoàn tất như trên]...
105. Trong trường hợp nền tảng của thần thông có định do tinh tấn và hành là nỗ lực có 15 ý niệm, 15 nghĩa, 30 [trường hợp về] ngữ pháp và 60 [trường hợp về] trí.
106-114.Có nền tảng này của thần thông có định do tâm và hành là nỗ lực: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
... [hoàn tất như trên]...
115. Trong trường hợp nền tảng của thần thông có định do tâm và hành là nỗ lực có 15 ý niệm, 15 nghĩa, 30 [trường hợp về] ngữ pháp và 60 [trường hợp về] trí.
116-124.Có nền tảng này của thần thông có định do suy tư và hành là nỗ lực: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
... [hoàn tất như trên]... [156]
125. Trong trường hợp nền tảng của thần thông có định do suy tư và hành là nỗ lực có 15 ý niệm, 15 nghĩa, 30 [trường hợp về] ngữ pháp và 60 [trường hợp về] trí.
126. Trong trường hợp bốn nền tảng của thần thông hợp lại có 60 ý niệm, 60 nghĩa, 120 [trường hợp về] ngữ pháp và 240 [trường hợp về] trí.
127. Sanh khởi, sanh khởi: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh trí khởi lên, ánh sáng khởi lên trong bồ tát Vipassin (S ii 7).
‘Đoạn diệt, đoạn diệt: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh trí khởi lên, ánh sáng khởi lên trong bồ tát Vipassin (S ii 9).
128. Trong lời tuyên bố của bồ tát Vipassin có 10 ý niệm, 10 nghĩa, 20 [trường hợp về] ngữ pháp và 40 [trường hợp về] trí.
129-130. Sanh khởi, sanh khởi: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe... ánh sáng khởi lên trong bồ tát Sikhin (S ii 9).
131-132. ... trong bồ tát Vessabhū (S ii 9).
133-134. ... trong bồ tát Kakusandha (S ii 9).
135-136 ... trong bồ tát Koṇāgamana (S ii 9).
137-138 ... trong bồ tát Kassapa (S ii 9).
139*. Sanh khởi, sanh khởi: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh trí khởi lên, ánh sáng khởi lên trong bồ tát Gotama (đọc S ii 10 và 105).
‘Đoạn diệt, đoạn diệt: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh trí khởi lên, ánh sáng khởi lên trong bồ tát Gotama (đọc S ii 10 và 105).
*Trong POD không có đoạn 139, thay vào đó là 140. Cho đến hết phần Luận này, tất cả các đoạn sau đó sẽ là 140-171thay vì 141-172 như ở trong POD.
140. Trong lời tuyên bố của bồ tát Gotama có 10 ý niệm, 10 nghĩa, 20 [trường hợp về] ngữ pháp và 40 [trường hợp về] trí.
141. Trong lời tuyên bố của bẩy Bồ tát có 70 ý niệm, 70 nghĩa, 140 [trường hợp về] ngữ pháp và 280 [trường hợp về] trí.
142. Cho tới khi nghĩa trực chứng của trí trực chứng [3]được chứng biết, được thấy rõ, được nhận chân, được thực chứng và được thể nghiệm bằng tuệ, và cho tới mức không có nghĩa của trí trực chứng mà không được thể nghiệm bằng tuệ, thì kiến giải khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh trí khởi lên, ánh sáng khởi lên.
Trong trường hợp nghĩa trí trực chứng của trí trực chứng có 25 ý niệm, 25 nghĩa, 50 [trường hợp về] ngữ pháp và 100 [trường hợp về] trí.
143. Cho tới khi nghĩa hiểu biết trọn vẹn của hiểu biết trọn vẹn được chứng biết,...
144. ... nghĩa từ bỏ của từ bỏ...
145. ... nghĩa tu tập của tu tập...
146. ... nghĩa thực chứng của thực chứng... [157]... ánh sáng khởi lên.
Trong trường hợp thực chứng có 25 ý niệm, 25 nghĩa, 50 [trường hợp về] ngữ pháp và 100 [trường hợp về] trí.
147. Trong trường hợp nghĩa thực chứng của trí thực chứng, nghĩa hiểu biết trọn vẹn của hiểu biết trọn vẹn, nghĩa từ bỏ của từ bỏ, nghĩa tu tập của tu tập, nghĩa thực chứng của thực chứng có 125 ý niệm, 125 nghĩa, 250 [trường hợp về] ngữ pháp và 500 [trường hợp về] trí.
148. Cho tới khi nghĩa tập hợp của tập hợp [4]được chứng biết, được thấy rõ, được nhận chân... ánh sáng khởi lên.
Trong trường hợp nghĩa tập hợp của tập hợp có 25 ý niệm, 25 nghĩa, 50 [trường hợp về] ngữ pháp và 100 [trường hợp về] trí.
149. Cho tới khi nghĩa yếu tố của yếu tố được chứng biết,...
150. ... nghĩa xuất xứ của các căn cứ...
151. ... nghĩa được tạo thành trong các trường hợp được tạo thành...
152. ... nghĩa không được tạo thành của không được tạo thành... ánh sáng khởi lên.
Trong trường hợp nghĩa không được tạo thành của không được tạo thành có 25 ý niệm, 25 nghĩa, 50 [trường hợp về] ngữ pháp và 100 [trường hợp về] trí.
153. Trong trường hợp nghĩa tập hợp của tập hợp, nghĩa yếu tố của yếu tố, nghĩa xuất xứ của xuất xứ, nghĩa được tạo thành của được tạo thành, nghĩa không được tạo thành của không được tạo thành có 125 ý niệm, 125 nghĩa, 250 [trường hợp về] ngữ pháp và 500 [trường hợp về] trí.
154. Cho tới khi nghĩa khổ đau của khổ đau được chứng biết, được thấy rõ, được nhận chân... ánh sáng khởi lên.
Trong trường hợp nghĩa khổ đau của khổ đau có 25 ý niệm, 25 nghĩa, 50 [trường hợp về] ngữ pháp và 100 [trường hợp về] trí.
155. Cho tới khi nghĩa nguồn gốc của nguồn gốc «khổ đau»được chứng biết,...
156. ... nghĩa chấm dứt của chấm dứt «khổ đau»...
157. ... nghĩa con đường của con đường «dẫn đến chấm dứt khổ đau»...
Trong trường hợp nghĩa con đường của con đường «dẫn đến chấm dứt khổ đau»có 25 ý niệm, 25 nghĩa, 50 [trường hợp về] ngữ pháp và 100 [trường hợp về] trí.
158. Trong trường hợp bốn chân lý cao cả hợp lại có 100 ý niệm, 100 nghĩa, 200 [trường hợp về] ngữ pháp và 400 [trường hợp về] trí.
159. Cho tới khi nghĩa vô ngại giải về nghĩa của vô ngại giải về nghĩa được chứng biết, được thấy rõ, được nhận chân... ánh sáng khởi lên.
Trong trường hợp nghĩa vô ngại giải về nghĩa của vô ngại giải về nghĩa có 25 ý niệm, 25 nghĩa, 50 [trường hợp về] ngữ pháp và 100 [trường hợp về] trí.
160. ... nghĩa vô ngại giải về ý niệm của vô ngại giải về ý niệm...
161. ... nghĩa vô ngại giải về ngữ pháp của vô ngại giải về ngữ pháp...
162. ... nghĩa vô ngại giải về biện tài của vô ngại giải về biện tài... ánh sáng khởi lên. [158]
Trong trường hợp ý nghĩa của biện tài vô ngại giải của vô ngại giải về biện tài có 25 ý niệm, 25 nghĩa, 50 [trường hợp về] ngữ pháp và 100 [trường hợp về] trí.
163. Trong trường hợp bốn biện giải hợp lại có 100 ý niệm, 100 nghĩa, 200 [trường hợp về] ngữ pháp và 400 [trường hợp về] trí.
164. Cho tới khi trí biết rõ tâm ý người khác được chứng biết, được thấy rõ, được nhận chân, ... ánh sáng khởi lên.
Trong trường hợp trí biết rõ tâm ý người khác có 25 ý niệm, 25 nghĩa, 50 [trường hợp về] ngữ pháp và 100 [trường hợp về] trí.
165. ... trí biết rõ thành kiến và khuynh hướng ngủ ngầm...
166. ... trí biết về Cặp Biến Hóa...
167. ... trí biết về lòng Đại Bi...
168. ... trí biết về Toàn Giác...
169. ... Cho tới khi Trí Biết Không Ngăn Ngại được chứng biết, được thấy rõ, được nhận chân, ... ánh sáng khởi lên.
Trong trường hợp Trí Biết Không Ngăn Ngại có 25 ý niệm, 25 nghĩa, 50 [trường hợp về] ngữ pháp và 100 [trường hợp về] trí.
170. Trong trường hợp sáu Giáo Pháp Của Phật có 150 ý niệm, 150 nghĩa, 300 [trường hợp về] ngữ pháp và 600 [trường hợp về] trí.
171. Trong vấn đề biện giải có 850 ý niệm, 850 nghĩa, 1700 [trường hợp về] ngữ pháp và 3400 [trường hợp về] trí.
LUẬN VỀ VÔ NGẠI GIẢI.
[1]Đọc Vbh. 293.
[2]Không phải dễ mà đơn giản hóa những chỗ cắt bỏ đi vì trùng lắp (peyyāla) trong bản của PTS, nơi mà câu cuối cùng được ghi đầy đủ ở đây. Tuy nhiên, trong bản dịch này, câu đầu tiên đã được ghi đầy đủ để ý nghĩa rõ ràng, những chỗ còn lại được thu ngắn đi.
[3]So với Luận I đ. 29.
[4]So với Luận I đ. 29.
«Dhammacakkakathā»
1. [159] ‘Như vầy tôi nghe. Có một thời Thế Tôn cư trú ở Bārāṇasi ... [như kinh ở Luận XVI]...
... Từ đó Koṇḍañña có tên Aññātar Koṇḍañña - Koṇḍañña người đã thực sự hiểu! (S v 420).
2. ‘Có sự thực cao cả này về khổ đau’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh trí khởi lên, ánh sáng khởi lên trong Ta.
3. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào?Trí khởi lên: theo nghĩa nào?Tuệ khởi lên: theo nghĩa nào?Minh trí khởi lên: theo nghĩa nào?Ánh sáng khởi lên: theo nghĩa nào?
Kiến giải khởi lên theo nghĩa thấy rõ. Trí khởi lên theo nghĩa điều được biết tới.Tuệ khởi lên theo nghĩa hành vi hiểu biết.Minh trí khởi lên theo nghĩa thấu rõ.Ánh sáng khởi lên theo nghĩa hào quang.
4. Kiến giải là một trạng thái, nghĩa như là thấy rõ của nó là một nghĩa. Trí là một trạng thái, nghĩa như là điều được biết tới của nó là một nghĩa. Tuệ là một trạng thái, nghĩa như là hành vi hiểu biết của nó là một nghĩa.<Minh trí là một trạng thái, nghĩa như là hiểu rõ của nó là một nghĩa.>Ánh sáng là một trạng thái, nghĩa như là hào quang của nó là một nghĩa. Năm trạng thái này [và] năm nghĩa có khổ đau làm nền tảng cho chúng, có sự thực làm nền tảng cho chúng, có sự thực làm đối tượng cho chúng, có sự thực làm lãnh vực cho chúng, được sự thực tạo thành, được sự thực bao gồm, được xây dựng trên sự thực, đứng trên sự thực, được thiết lập trên sự thực.
Bánh Xe Giáo Pháp: Bánh Xe Giáo Pháp theo nghĩa nào?
Ngài bắt đầu chuyển vận Giáo Pháp và [Giáo Pháp đó tự nó là] Bánh Xe, như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp. Ngài bắt đầu chuyển vận Bánh Xe và [cũng như chuyển vận] Giáo Pháp, như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp. Ngài bắt đầu chuyển vận bằng Giáo Pháp, như vậy... Ngài bắt đầu chuyển vận bằng hành trì Giáo Pháp,* như vậy... Đứng trong Giáo Pháp, Ngài bắt đầu chuyển vận, như vậy... Đã an trú trong Giáo Pháp, Ngài bắt đầu chuyển vận, như vậy... [Làm cho người khác] an trú trong Giáo Pháp, Ngài bắt đầu chuyển vận, như vậy... Đã làm chủ được Giáo Pháp, Ngài bắt đầu chuyển vận, như vậy... [Làm cho người khác] làm chủ được Giáo Pháp, Ngài bắt đầu chuyển vận, như vậy... [160] Đạt mức tối thượng trong Giáo Pháp, Ngài bắt đầu chuyển vận, như vậy... [Làm cho người khác] đạt mức tối thượng trong Giáo Pháp, Ngài bắt đầu chuyển vận, như vậy... Đạt sự tự tin hoàn toàn ở Giáo Pháp, Ngài bắt đầu chuyển vận, như vậy... [Làm cho người khác] đạt sự tự tin hoàn toàn ở Giáo Pháp, Ngài bắt đầu chuyển vận, như vậy... Tôn kính Giáo Pháp, Ngài bắt đầu chuyển vận, như vậy... Kính trọng Giáo Pháp, Ngài bắt đầu chuyển vận, như vậy... Qúi trọng Giáo Pháp, Ngài bắt đầu chuyển vận, như vậy... Cung kính Giáo Pháp, Ngài bắt đầu chuyển vận, như vậy... Tôn trọng Giáo Pháp, Ngài bắt đầu chuyển vận, như vậy... Có Giáo Pháp làm cờ, Ngài bắt đầu chuyển vận, như vậy... Có Giáo Pháp làm lọng, Ngài bắt đầu chuyển vận, như vậy... Có Giáo Pháp ưu thắng, Ngài bắt đầu chuyển vận, như vậy... và có Giáo Pháp sẽ không bị một sa môn nào, brahmin nào, chư thiên nào, Māra nào, Brahmā nào hay bất cứ ai trong thế giới này chận đứng được, như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp.
*dhammacariyāya: hành trì Giáo Pháp
5. Năng lực gây ảnh hưởng của tín là Giáo Pháp và Ngài bắt đầu chuyển vận Giáo Pháp ấy, như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp. Năng lực gây ảnh hưởng của tấn là Giáo Pháp và Ngài bắt đầu chuyển vận Giáo Pháp ấy, như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp. Năng lực gây ảnh hưởng của niệm... Năng lực gây ảnh hưởng của định... Năng lực gây ảnh hưởng của tuệ là Giáo Pháp và Ngài bắt đầu chuyển vận Giáo Pháp ấy, như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp.
Tín lực là Giáo Pháp và Ngài bắt đầu chuyển vận Giáo Pháp ấy, như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp. Tấn lực... Niệm lực... Định lực... Tuệ lực ... như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp.
Yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm là Giáo Pháp và Ngài bắt đầu chuyển vận Giáo Pháp ấy, như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp. Yếu tố tạo thành giác ngộ của đi tìm sự thật... Yếu tố tạo thành giác ngộ của tinh tấn... Yếu tố tạo thành giác ngộ của hỉ... Yếu tố tạo thành giác ngộ của tĩnh lặng... Yếu tố tạo thành giác ngộ của định... Yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản [161]... như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp.
Chánh kiến là Giáo Pháp và Ngài bắt đầu chuyển vận Giáo Pháp ấy, như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp. Chánh tư duy... Chánh ngữ... Chánh hành... Chánh mạng... Chánh tinh tấn... Chánh niệm... Chánh định... như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp.
Các năng lực gây ảnh hưởng theo nghĩa ưu thắng là Giáo Pháp và Ngài bắt đầu chuyển vận Giáo Pháp ấy, như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp. Các lực theo nghĩa không thể lay chuyển được... Các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa lối thoát... Đạo lộ giải thoát theo nghĩa nguyên nhân... Các nền tảng của quán niệm theo nghĩa thiết lập... Các chánh tinh tấn theo nghĩa nỗ lực... Các nền tảng của thần thông (con đường đến uy lực) theo nghĩa thành tựu... Các sự thực theo nghĩa chân như (hiện thực) là Giáo Pháp và Ngài bắt đầu chuyển vận Giáo Pháp ấy, như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp.
Tĩnh lặng theo nghĩa không phân tâm là Giáo Pháp và Ngài bắt đầu chuyển vận Giáo Pháp ấy, như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp. Quán thực tánh theo nghĩa quán tưởng... Tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất... Sóng đôi theo nghĩa không vượt quá là Giáo Pháp và Ngài bắt đầu chuyển vận Giáo Pháp ấy, như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp.
Thanh lọc giới theo nghĩa chế ngự là Giáo Pháp và Ngài bắt đầu chuyển vận Giáo Pháp ấy, như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp. Thanh lọc tâm theo nghĩa không tán loạn... Thanh lọc quan điểm sai lạc theo nghĩa thấy rõ... Giải thoát theo nghĩa được tự tại... Minh trí theo nghĩa hiểu rõ... Tiêu dao theo nghĩa dứt bỏ... [162] ... Trí đoạn diệt theo nghĩa cắt đứt... Trí về không sanh khởi theo nghĩa an tịnh là Giáo Pháp và Ngài bắt đầu chuyển vận Giáo Pháp ấy, như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp.
Theo nghĩa nguồn gốc, hăng hái là Giáo Pháp và Ngài bắt đầu chuyển vận Giáo Pháp ấy, như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp. Theo nghĩa nguồn sanh khởi, suy xét... Theo nghĩa kết hợp, xúc... Theo nghĩa nơi gặp gỡ, cảm giác... Theo nghĩa đứng hạng nhất, định ... Theo nghĩa ưu thắng, niệm... Theo nghĩa cao nhất, tuệ... Theo nghĩa là cốt lõi (hương vị), giải thoát... Theo nghĩa cứu cánh, nibbana vốn hợp nhất với bất tử là Giáo Pháp và Ngài bắt đầu chuyển vận Giáo Pháp ấy, như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp.
6. ‘Sự thực cao cả này về khổ đau cần được hiểu biết trọn vẹn’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên, trí khởi lên, tuệ khởi lên, minh trí khởi lên, ánh sáng khởi lên trong Ta.
7-9.Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào?... [hoàn tất như trên]...
10. ‘Sự thực cao cả này về khổ đau đã được hiểu biết trọn vẹn’: này các tỳ kheo, ... ánh sáng khởi lên trong Ta.
11-13. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào?
14. ‘Có sự thực cao cả này về nguồn gốc của khổ đau’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
15. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào?...Ánh sáng khởi lên: theo nghĩa nào?...
Kiến giải khởi lên theo nghĩa thấy rõ.. Ánh sáng khởi lên theo nghĩa hào quang.
16. Kiến giải là một trạng thái, nghĩa như là thấy rõ của nó là một nghĩa... Ánh sáng là một trạng thái, nghĩa như là hào quang của nó là một nghĩa. Năm trạng thái này có nguồn gốc của khổ đau làm nền tảng cho chúng, có sự thực làm nền tảng cho chúng... được thiết lập trên sự thực.
Bánh Xe Giáo Pháp: Bánh Xe Giáo Pháp theo nghĩa nào... [hoàn tất như ở đ. 4]
17. Năng lực gây ảnh hưởng của tín là Giáo Pháp và ... [hoàn tất như ở đ. 5]
18.‘Sự thực cao cả này về nguồn gốc của khổ đau phải bị từ bỏ’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa.... ánh sáng khởi lên trong Ta.
19-21. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ... [lập lại các đ. 15-17]
22. ‘Sự thực cao cả này về nguồn gốc của khổ đau đã bị từ bỏ’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa.... ánh sáng khởi lên trong Ta. [163]
23-25. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ... [lập lại các đ. 15-17]
26.‘Có sự thực cao cả này về sự chấm dứt khổ đau’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
27. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào?... Ánh sáng khởi lên: theo nghĩa nào?...
Kiến giải khởi lên theo nghĩa thấy rõ... Ánh sáng khởi lên theo nghĩa hào quang.
28. Kiến giải là một trạng thái, nghĩa như là thấy rõ của nó là một nghĩa... Ánh sáng là một trạng thái, nghĩa như là hào quang của nó là một nghĩa. Năm trạng thái này có sự chấm dứt khổ đau làm nền tảng cho chúng, có sự thực làm nền tảng cho chúng... được thiết lập trên sự thực.
Bánh Xe Giáo Pháp: Bánh Xe Giáo Pháp theo nghĩa nào... [hoàn tất như ở đ. 4]
29. Năng lực gây ảnh hưởng của tín là Giáo Pháp và ... [hoàn tất như ở đ. 5]
30.‘Sự thực cao cả này về sự chấm dứt khổ đau cần được thực chứng’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa.... ánh sáng khởi lên trong Ta.
31-33. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ... [lập lại các đ. 27-29]
34. ‘Sự thực cao cả này về sự chấm dứt khổ đau đã được thực chứng’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa.... ánh sáng khởi lên trong Ta.
35-37. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ... [lập lại các đ. 27-29]
38.‘Có sự thực cao cả này về con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.
39. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào?... Ánh sáng khởi lên: theo nghĩa nào?...
Kiến giải khởi lên theo nghĩa thấy rõ... Ánh sáng khởi lên theo nghĩa hào quang.
40. Kiến giải là một trạng thái, nghĩa như là thấy rõ của nó là một nghĩa... Ánh sáng là một trạng thái, nghĩa như là hào quang của nó là một nghĩa. Năm trạng thái này có con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau làm nền tảng cho chúng, có sự thực làm nền tảng cho chúng... được thiết lập trên sự thực.
Bánh Xe Giáo Pháp: Bánh Xe Giáo Pháp theo nghĩa nào... [hoàn tất như ở đ. 4]
41. Năng lực gây ảnh hưởng của tín là Giáo Pháp và ... [hoàn tất như ở đ. 5]...
42.’’Sự thực cao cả này về con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau cần được tu tập’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa.... ánh sáng khởi lên trong Ta.’
43-45. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ... [lập lại các đ. 39-41]
46. ‘‘Sự thực cao cả này về con đường dẫn đến chấm dứt khổ đau đã được tu tập’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa.... ánh sáng khởi lên trong Ta.’
47-49. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ... [lập lại các đ. 39-41]
50. ‘’Có sự quán tưởng này về thân đúng như thân’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta. ‘Sự quán tưởng này về thân đúng như thân cần được tu tập’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta. ‘Sự quán tưởng này về thân đúng như thân đã được tu tập’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.’
‘Có sự quán tưởng này về cảm giác đúng như cảm giác: này các tỳ kheo,...
‘Có sự quán tưởng này về tâm đúng như tâm: này các tỳ kheo,...
‘Có sự quán tưởng này về đối tượng tâm ý đúng như đối tượng tâm ý: này các tỳ kheo,... ánh sáng khởi lên trong Ta. (S v 178).
51. ‘‘Có sự quán tưởng này về thân đúng như thân: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.’
52. Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ... Ánh sáng khởi lên: theo nghĩa nào?
Kiến giải khởi lên theo nghĩa thấy rõ... Ánh sáng khởi lên theo nghĩa hào quang.
53. Kiến giải là một trạng thái, nghĩa thấy rõ của nó là một nghĩa... Ánh sáng là một trạng thái, nghĩa hào quang của nó là một nghĩa. Năm trạng thái này có thân làm nền tảng cho chúng, có nền tảng của quán niệm làm nền tảng cho chúng... được thiết lập trên nền tảng của quán niệm.
Bánh Xe Giáo Pháp: Bánh Xe Giáo Pháp theo nghĩa nào... [hoàn tất như ở đ. 4]
54. Năng lực gây ảnh hưởng của tín là Giáo Pháp và ... [hoàn tất như ở đ. 5]...
55-58. ‘‘Sự quán tưởng này về thân đúng như thân cần được tu tập’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.’
59-62. ‘‘Sự quán tưởng này về thân đúng như thân đã được tu tập’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.’
63-74. ... Năm trạng thái này có cảm giác làm nền tảng cho chúng, có nền tảng của quán niệm làm nền tảng cho chúng...
75-86. ... Năm trạng thái này có tâm làm nền tảng cho chúng, có nền tảng của quán niệm làm nền tảng cho chúng...
87-90. ... Năm trạng thái này có đối tượng tâm ý làm nền tảng cho chúng, có nền tảng của quán niệm làm nền tảng cho chúng... [164]
91. ‘‘Có nền tảng này của thần thông (đường đưa đến uy lực) vốn có cả định do ý muốn và hành là nỗ lực’: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa từng nghe như kiến giải khởi lên, ... ánh sáng khởi lên trong Ta. ‘‘Nền tảng này của thần thông có cả định do ý muốn và hành là nỗ lực cần được tu tập’: này các tỳ kheo, những điều chưa từng nghe... ánh sáng khởi lên trong Ta. ‘‘Nền tảng này của thần thông có cả định do ý muốn và hành là nỗ lực đã được tu tập’: này các tỳ kheo, những điều chưa từng nghe... ánh sáng khởi lên trong Ta.
‘‘Có nền tảng này của thần thông có cả định do tinh tấn và hành là nỗ lực’:...
‘‘Có nền tảng này của thần thông có cả định do tâm và hành là nỗ lực’:...
‘‘Có nền tảng này của thần thông có cả định do suy tư và hành là nỗ lực’: ... (S v 258)
92.‘‘Có nền tảng này của thần thông có cả định do ý muốn và hành là nỗ lực: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.’
93.Kiến giải khởi lên: theo nghĩa nào? ... Ánh sáng khởi lên: theo nghĩa nào?
Kiến giải là một trạng thái, nghĩa thấy rõ của nó là một nghĩa... Ánh sáng là một trạng thái, nghĩa hào quang của nó là một nghĩa. Năm trạng thái này có ý muốn làm nền tảng cho chúng, có nền tảng của thần thông làm nền tảng cho chúng... được thiết lập trên nền tảng của thần thông.
94. Bánh Xe Giáo Pháp: Bánh Xe Giáo Pháp theo nghĩa nào... [hoàn tất như ở đoạn 4]
95. Năng lực gây ảnh hưởng của tín là Giáo Pháp và ... [hoàn tất như ở đ. 5]...
96-99. ‘‘Nền tảng này của thần thông có cả định do ý muốn và hành là nỗ lực cần được tu tập: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.’
100-103. ‘‘Nền tảng này của thần thông có cả định do ý muốn và hành là nỗ lực đã được tu tập: này các tỳ kheo, những điều từ trước chưa... ánh sáng khởi lên trong Ta.’
104-115. ... Năm trạng thái này có tinh tấn làm nền tảng cho chúng, có nền tảng của thần thông làm nền tảng cho chúng...
116-127. ... Năm trạng thái này có tâm làm nền tảng cho chúng, có nền tảng của thần thông làm nền tảng cho chúng...
128-139. ... Năm trạng thái này có suy tư làm nền tảng cho chúng, có nền tảng của thần thông làm nền tảng cho chúng... [165] Như vậy nó là Bánh Xe Giáo Pháp.
CHẤM DỨT PHẦN LUẬN VỀ BÁNH XE GIÁO PHÁP
«Lokuttarakathā»
1. Những trạng thái nào là siêu thế?
Bốn Nền Tảng của Quán Niệm, bốn Chánh Tinh Tấn, bốn Nền Tảng của Thần Thông (con đường đến uy lực), năm Năng Lực Gây Ảnh Hưởng, năm Lực, bẩy Yếu Tố Tạo Thành Giác Ngộ, Đạo tám Ngành; rồi đến bốn Đạo Lộ Thánh, bốn Quả Vị Sa Môn, và Nibbana.
2. Siêu thế: Siêu thế theo nghĩa nào?
Chúng đi ngang qua thế giới này (lokaṁ taranti), vì thế chúng siêu thế (lokuttara). Chúng vượt qua thế giới này (lokā uttaranti), vì thế chúng siêu thế. Chúng vượt bỏ thế giới này (lokato uttaranti), vì thế chúng siêu thế. Chúng vượt ra từ thế giới này (lokamhā uttaranti), vì thế chúng siêu thế. Chúng vượt khỏi thế giới này, vì thế chúng siêu thế. Chúng hoàn toàn vượt khỏi thế giới này, vì thế chúng siêu thế. Chúng đã hoàn toàn vượt khỏi thế giới này, vì thế chúng siêu thế. Chúng riêng biệt với thế giới này, vì thế chúng siêu thế. Chúng đi đến tận cùng của thế giới này, vì thế chúng siêu thế. Chúng thoát khỏi thế giới này, vì thế chúng siêu thế. Chúng thoát bỏ thế giới này ... Chúng thoát ra từ thế giới này... Chúng đã thoát khỏi thế giới này... Chúng được thế giới này để cho thoát... Chúng đã thoát ra từ thế giới này, vì thế chúng siêu thế.
Chúng không đứng trong thế giới này, vì thế chúng siêu thế. Chúng không đứng trên thế giới này... Chúng không tự làm ô uế trong thế giới này... Chúng không tự làm ô uế với thế giới này... Chúng không bị ô uế trong thế giới này... Chúng không bị ô uế vì thế giới này... Chúng không bị làm cho ô uế trong thế giới này... Chúng không bị thế giới này làm cho ô uế... Chúng thong dong tự tại giữa thế giới này... Chúng được thế giới này phóng thích... Chúng được phóng thích từ thế giới này... Chúng được phóng thích bỏ thế giới này... Chúng được phóng thích ra khỏi thế giới này, [167] ... Chúng được phân cách với thế giới này... Chúng được thế giới này phân cách... Chúng được phân cách từ thế giới này... Chúng được phân cách khỏi thế giới này... Chúng được phân cách ra khỏi thế giới này, vì thế chúng siêu thế.
Chúng được giữ cho trong sạch trong thế giới này, vì thế chúng siêu thế. Chúng được trở nên trong sạch ở thế giới này... Chúng được trở nên trong sạch từ thế giới này... Chúng được hoàn toàn giữ cho trong sạch trong thế giới này... Chúng được hoàn toàn trở nên trong sạch ở thế giới này... Chúng được hoàn toàn trở nên trong sạch từ thế giới này... Chúng ngoi lên khỏi thế giới này... Chúng ngoi lên bỏ thế giới này... Chúng ngoi ra khỏi thế giới này... Chúng quay đi từ thế giới này... Chúng quay đi bỏ thế giới này... Chúng quay đi khỏi thế giới này... Chúng không bị ràng buộc trong thế giới này... Chúng không bị chụp giữ trong thế giới này... Chúng không bị hạn chế trong thế giới này... Chúng đoạn tuyệt thế giới này... Với thế giới bị đoạn tuyệt... Chúng làm an tịnh thế giới này... Với thế giới được an tịnh, vì thế chúng siêu thế.
Chúng không phải là con đường của thế giới này, vì thế chúng siêu thế. Chúng không phải là nơi đến của thế giới này... Chúng không phải là mục tiêu thế giới này nhắm đến... Chúng không phải là tầm thường trong thế giới này, vì thế chúng siêu thế.
Chúng tống khứ thế giới này ra ngoài, vì thế chúng siêu thế. Chúng không trở lại thế giới này... Chúng từ bỏ thế giới này... Chúng không bám níu thế giới này... Chúng không liên can đến thế giới này... Chúng không dây mơ rễ má với thế giới này, vì thế chúng siêu thế. Chúng không ham muốn* thế giới này... Chúng không dụ hoặc thế giới này... Chúng đã vượt khỏi và vượt qua thế giới này, vì thế chúng siêu thế.
* vidhūpentīti: nđ không tích lũy, chất chứa.
LUẬN VỀ SIÊU THẾ
«Balakathā»
1. [168] Này các tỳ kheo, có năm lực này, năm lực nào? Tín lực, tấn lực, niệm lực, định, tuệ lực. Đây là năm lực.’ (S v 249; A iii 12).
2. Hơn thế, có tới sáu mươi tám lực.
«Ngoài»tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực, tuệ lực [như đã nói], còn có:
Lực hổ thẹn, lực biết sợ lầm lỗi, lực tư duy, lực thiền quán*, lực của không lỗi, lực hỗ trợ,2*lực chọn lựa,[1]lực chuẩn bị, lực thuyết phục,3*lực chủ tể, lực quyết tâm.
Lực tĩnh lặng, lực quán thực tánh;
Mười lực của bậc hữu học, mười lực của bậc đã học xong;
Mười lực của người phiền não đã bị đoạn tận;
Mười lực thần thông (năng lực siêu nhiên);
Mười lực của Như Lai.
*bhāvanā-bala: lực thiền quán, lực do tu 7 yếu tố tạo thành giác ngộ, (Đọc A ii 10).
2*sangaha-bala
3* nijjhatti-bala: dịch theo Bhikkhu Ñāṇamoli, A Pali-English Grossary of Buddhist Technical Terms, trang 57. Đọc M i 320.
3. Tín lực là gì? Không lay chuyển vì không tin, như thế là tín lực. Tín lực theo nghĩa củng cố các trạng thái cùng hiện hữu. Tín lực theo nghĩa chấm dứt nhiễm lậu. Tín lực theo nghĩa thanh lọc bước đầu hiểu rõ. Tín lực theo nghĩa quyết tâm. Tín lực theo nghĩa rửa sạch tâm. Tín lực theo nghĩa chứng đạt ưu việt. Tín lực theo nghĩa hiểu sâu hơn. Tín lực theo nghĩa chứng ngộ đồng thời sự thực. Tín lực theo nghĩa an trú trong đoạn diệt. [2]Đây là tín lực.
4. Tấn lực là gì? Không lay chuyển vì lười biếng, như thế là tấn lực. Tấn lực theo nghĩa củng cố các trạng thái cùng hiện hữu... [và cứ thế như ở đ. 3]... Tấn lực theo nghĩa an trú trong đoạn diệt. Đây là tấn lực. [169]
5.Niệm lực là gì? Không lay chuyển vì xao lãng, như thế là niệm lực. Niệm lực theo nghĩa củng cố các trạng thái kết hợp... Niệm lực theo nghĩa an trú trong đoạn diệt. Đây là niệm lực.
6. Định lực là gì? Không lay chuyển vì dao động, như thế là định lực. ... Định lực theo nghĩa an trú trong đoạn diệt. Đây là định lực.
7. Tuệ lực là gì? Không lay chuyển vì vô minh, như thế là tuệ lực... Tuệ lực theo nghĩa an trú trong đoạn diệt. Đây là tuệ lực.
8. Lực hổ thẹn là gì? Nhờ xuất ly, nó có lương tâm ngần ngại về ham muốn ái dục, như thế là lực hổ thẹn. Nhờ không sân hận... [và cứ thế với các chướng ngại còn lại của bẩy chướng ngại và các trạng thái đối nghịch với các chướng ngại ấy, bốn jhanas, bốn chứng đắc cõi vô sắc giới, mười tám tuệ quán thực tánh chính, và bốn đạo lộ cho đến]... Nhờ đạo lộ arahant, đây là lương tâm ngần ngại với tất cả các nhiễm lậu, như thế là lực hổ thẹn. <so với Luận XXX và ‘C’>
9.Lực biết sợ lầm lỗi là gì? Nhờ xuất ly, nó là sự xấu hổ vì ham muốn ái dục, như thế là lực biết sợ lầm lỗi. Nhờ không sân hận... Nhờ đạo lộ arahant, đây là sự xấu hổ vì tất cả các nhiễm lậu, như thế là lực biết sợ lầm lỗi.
10. Lực tư duy là gì? Nhờ xuất ly, nó suy tư về ham muốn ái dục, như thế là lực tư duy. Nhờ không sân hận... [170] Nhờ đạo lộ arahant, nó tư duy về tất cả các nhiễm lậu, như thế là lực tư duy.
11. Lực thiền quán là gì? Người nào từ bỏ ham muốn ái dục, người ấy tu tập xuất ly, như thế là lực thiền quán. Người nào từ bỏ sân hận... Người nào từ bỏ tất cả nhiễm lậu, người ấy tu tập đạo lộ arahant, như thế là lực thiền quán. Đây là lực thiền quán.
12. Lực của không lỗi là gì? Vì ham muốn ái dục đã bị từ bỏ, không khiển trách gì được trong xuất ly, như thế là lực của không lỗi. Vì sân hận đã bị từ bỏ... Vì tất cả nhiễm lậu đã bị từ bỏ, không khiển trách gì được trong đạo lộ arahant, như thế là lực của không lỗi. Đây là lực của không lỗi.
13. Lực hỗ trợ là gì? Người nào từ bỏ ham muốn ái dục, người ấy hỗ trợ tâm bằng xuất ly, như vậy là lực hỗ trợ. Người nào từ bỏ sân hận... Người nào từ bỏ tất cả nhiễm lậu, người ấy hỗ trợ tâm bằng đạo lộ arahant, như thế là lực hỗ trợ. Đây là lực hỗ trợ. [171]
14.Lực chọn lựa là gì? Vì ham muốn ái dục đã bị từ bỏ, người ấy chọn xuất ly, như vậy là lực chọn lựa. Vì không sân hận đã bị từ bỏ... Vì tất cả nhiễm lậu đã bị từ bỏ, người ấy chọn đạo lộ arahant, như thế là lực chọn lựa. Đây là lực chọn lựa. [3]
15.Lực chuẩn bị là gì? Người nào từ bỏ ham muốn ái dục, người ấy chuẩn bịtâm bằng xuất ly, như vậy là lực chuẩn bị. Người nào từ bỏ sân hận... Người nào từ bỏ tất cả nhiễm lậu, người ấy chuẩn bị tâm bằng đạo lộ arahant, như thế là lực chuẩn bị. Đây là lực chuẩn bị.
16. Lực thuyết phục * là gì? Người nào từ bỏ ham muốn ái dục, người ấy thuyết phụctâm bằng xuất ly, như vậy là lực thuyết phục. Người nào từ bỏ sân hận... Người nào từ bỏ tất cả nhiễm lậu, người ấy thuyết phục tâm bằng đạo lộ arahant, như thế là lực thuyết phục. Đây là lực thuyết phục.
* ở đây tuy dịch nijjhatti là notification, nhưng ở A Pali-English Grossary of Buddhist Technical Terms, trang 57, Ñāṇamoli đã sửa thành persuation.
17. Lực chủ tể là gì? Người nào từ bỏ ham muốn ái dục, người ấy hành xử sự làm chủ tâm bằng xuất ly, như vậy là lực chủ tể. Người nào từ bỏ sân hận... Người nào từ bỏ tất cả nhiễm lậu, người ấy hành xử tâm bằng đạo lộ arahant, như thế là lực chủ tể. Đây là lực chủ tể.
18. Lực quyết tâm là gì? Người nào từ bỏ ham muốn ái dục, người ấy quyết giữ vững tâm bằng xuất ly, như vậy là lực quyết tâm. Người nào từ bỏ sân hận... Người nào từ bỏ tất cả nhiễm lậu, người ấy quyết giữ vững tâm bằng đạo lộ arahant, như thế là lực quyết tâm. Đây là lực quyết tâm. [172]
19. Lực tĩnh lặng là gì? Không phân tâm như là nhất tâm nhờ xuất ly là lực tĩnh lặng. Không phân tâm như là nhất tâm nhờ không sân hận là lực tĩnh lặng... [và cứ thế với tất cả các ý niệm liệt kê ở Luận I đ. 442 cho đến] ... Không phân tâm như là nhất tâm nhờ thở ra quán buông bỏ là lực tĩnh lặng.
Lực tĩnh lặng theo nghĩa nào?
Lực tĩnh lặnglà gì? Không phân tâm là nhất tâm nhờ xuất ly là lực tĩnh lặng... [lập lại Luận I đ. 452]... Không phân tâm là nhất tâm nhờ thở ra quán buông bỏ là lực tĩnh lặng.
20. Lực tĩnh lặng theo nghĩa nào? Nhờ sơ thiền, nó không bị lay chuyển vì các chướng ngại, như thế là lực tĩnh lặng... [lập lại Luận I đ. 453]... Nhờ chứng đắc cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức, nó không bị lay chuyển vì nhận thức cõi không có gì, như thế là lực tĩnh lặng.
Nó không thể lay chuyển được, không thể dời chuyển được và không thể bị sự dao động, nhiễm lậu và tập hợp đi kèm với dao động làm cho đổi hướng nên tĩnh lặng là lực.
Đây là lực tĩnh lặng.
21. Lực quán thực tánh là gì? Quán vô thường là lực quán thực tánh, ... [lập lại Luận I đ. 454]... quán buông bỏ trong già và chết là lực quán thực tánh.
22. Quán thực tánh là lực theo nghĩa nào? Không lay chuyển vì nhận thức về trường tồn nhờ quán vô thường, như vậy là quán thực tánh là lực... [lập lại Luận I đ. 454]... Không lay chuyển vì bám níu nhờ quán buông bỏ, như vậy quán thực tánh là lực.
Nó không thể lay chuyển được, không thể dời chuyển được và không thể bị sự dao động, nhiễm lậu và tập hợp đi kèm với vô minh làm cho đổi hướng nên quán thực tánh là lực.
Đây là lực quán thực tánh.
23. Mười lực của bậc hữu học và mười lực của bậc đã học xong là gì? Vị ấy học tập (sikkhati) chánh kiến, như vậy là lực của bậc hữu học (sekha); bởi vì vị ấy được học tập (sikkhitattā) ở phương diện đó là lực của bậc đã học xong (asekha). Vị ấy học tập chánh tư duy, như vậy là lực của bậc hữu học; bởi vì vị ấy được học tập ở phương diện đó là lực của bậc đã học xong. Vị ấy học tập chánh ngữ... Vị ấy học tập chánh hành... Vị ấy học tập chánh mạng... Vị ấy học tập chánh tinh tấn... Vị ấy học tập chánh niệm... Vị ấy học tập chánh định... Vị ấy học tập chánh trí... Vị ấy học tập chánh giải thoát, như vậy là lực của bậc hữu học; bởi vì vị ấy được học tập ở phương diện đó là lực của bậc đã học xong.
Đây là mười lực của bậc hữu học và mười lực của bậc đã học xong.
24. Mười lực của người có phiền não đã bị đoạn tận là gì?
Ở đây người tỳ kheo có phiền não đã bị đoạn tận đã rõ ràng nhìn thấy đúng như thật với hiểu biết chân chánh rằng tất cả các hành vi tạo quả là vô thường. Vì đã hiểu như thế, đấy là lực của người có phiền não đã bị đoạn tận, do kết quả của lực đó vị tỳ kheo có phiền não đã bị đoạn tận mới tuyên bố rằng ‘phiền não của tôi đã bị đoạn tận’.
25. Lại nữa, khi vị tỳ kheo có phiền não đã bị đoạn tận đã rõ ràng nhìn thấy đúng như thật với hiểu biết chân chánh rằng khoái lạc giác quan như hố than hồng. Vì đã hiểu như thế, ... [hoàn tất như ở đ. 24].
26. Lại nữa, khi vị tỳ kheo có phiền não đã bị đoạn tận, tâm của vị ấy có khuynh hướng về, có xu hướng về , ngả về lối sống cách ly, tạo nỗ lực cách ly, thích thú xuất ly, đã hoàn toàn đoạn diệt những trạng thái dẫn đến phiền não. Vì đã làm như thế, ... [174].
27. Lại nữa, khi vị tỳ kheo có phiền não đã bị đoạn tận, vị ấy đã tu tập bốn nền tảng của quán niệm, tu tập chúng nhuần nhuyễn. Vì đã làm như thế, ...
28. Lại nữa, khi vị tỳ kheo có phiền não đã bị đoạn tận, vị ấy đã tu tập bốn chánh tinh tấn, tu tập chúng nhuần nhuyễn. Vì đã làm như thế, ...
29. Lại nữa, khi vị tỳ kheo có phiền não đã bị đoạn tận, vị ấy đã tu tập bốn nền tảng của thần thông (con đường đến uy lực), tu tập chúng nhuần nhuyễn. Vì đã làm như thế, ...
30. Lại nữa, khi vị tỳ kheo có phiền não đã bị đoạn tận, vị ấy đã tu tập năm năng lực gây ảnh hưởng, tu tập chúng nhuần nhuyễn. Vì đã làm như thế, ...
31. Lại nữa, khi vị tỳ kheo có phiền não đã bị đoạn tận, vị ấy đã tu tập năm lực, tu tập chúng nhuần nhuyễn. Vì đã làm như thế, ...
32. Lại nữa, khi vị tỳ kheo có phiền não đã bị đoạn tận, vị ấy đã tu tập bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ, tu tập chúng nhuần nhuyễn. Vì đã làm như thế, ...
33. Lại nữa, khi vị tỳ kheo có phiền não đã bị đoạn tận, vị ấy đã tu tập đạo lộ tám ngành, tu tập chúng nhuần nhuyễn. Vì đã làm như thế, ...
Đây là mười lực của người có phiền não đã bị đoạn tận.
34. Mười lực thần thông (năng lực siêu nhiên) là gì?
Thần thông là quyết tâm, thần thông là chuyển hóa, thần thông là [thân] do tâm tạo, thần thông nhờ sự can dự của trí, thần thông nhờ sự can dự của định, thần thông của các bậc Thánh, thần thông sanh từ quả của việc làm, thần thông vì công đức, thần thông nhờ minh trí, thần thông theo nghĩa thành tựu vì việc làm đúng thời đúng dịp (đọc Luận XXII đ. 4 ff.).
Đây là mười lực thần thông.
35. Mười lực của Như Lai là gì?
Ở đây Như Lai hiểu đúng như thật điều có thể được* là có thể được, không thể được là không thể được. Vì Ngài biết đúng như thế, đây là lực của Như Lai, do kết quả của lực đó Như Lai mới tự xưng địa vị lãnh đạo, rống lên tiếng sư tử trong hội chúng, chuyển bánh xe «Giáo Pháp»vô thượng.
*ṭhānacó 3 nghĩa: nơi chốn, có thể xảy ra, lý do [DhsA 53]. Bhikkhu Ñāṇamoli, A Pali-English Grossary of Buddhist Technical Terms, trang 47.
Đọc M i 69. MA chỉ nói đây là trí biết rõ tương quan giữa nhân và quả nhưngVbh đoạn 809 dùng M iii 65-67 để cắt nghĩa đoạn này. Đọc Bhikkhu Ñāṇamoli and Bodhi, The Middle Length Discourses of the Buddha, [Boston 1995], chú thích 182 trang 1197.
C. A. F. Rhys Davids nói đây là trí biết rành chuyện đó có hay không theo định luật nhân quả. Đọc C A F Rhys Davids, Buddhist Psychological Ethics, PTS, [Oxford 1997], đoạn 1337-1338.
36. Lại nữa, Như Lai hiểu đúng như thật kết quả của việc làm quá khứ, hiện tại, tương lai có thể xảy ra và nguyên nhân của nó. [175] Vì Ngài hiểu đúng như thế, đây là...
37. Lại nữa, Như Lai hiểu đúng như thật tất cả con đường sẽ dẫn về đâu. Vì Ngài hiểu đúng như thế, đây là...
38. Lại nữa, Như Lai hiểu đúng như thật thế giới có nhiều nguyên lý khác biệt. Vì Ngài hiểu đúng như thế, đây là...
39. Lại nữa, Như Lai hiểu đúng như thật sự quyết tâm khác nhau của tất cả chúng sanh. Vì Ngài hiểu đúng như thế, đây là...
40. Lại nữa, Như Lai hiểu đúng như thật khuynh hướng của các năng lực gây ảnh hưởng trong các sanh linh khác, trong các người khác. Vì Ngài hiểu đúng như thế, đây là...
41. Lại nữa, Như Lai hiểu đúng như thật nhiễm lậu, sự trong sạch, sự ngoi lên, trong các jhanas, giải thoát, định, và chứng đắc. Vì Ngài hiểu đúng như thế, đây là...
42. Lại nữa, Như Lai nhớ lại nhiều kiếp quá khứ của Ngài, đó là: một kiếp, ...[và cứ thế như ở Luận I đ. 542]... như thế với tất cả khía cạnh và đặc điểm riêng, Ngài nhớ lại nhiều kiếp quá khứ của Ngài. Vì Ngài nhớ lại như thế, đây là...
43. Lại nữa, Như Lai với thiên nhãn vốn được thanh tịnh và vượt hẳn loài người, thấy rõ chúng sanh chết đi rồi tái xuất hiện, ... [và cứ thế như ở Luận I đ. 548]... hiểu rõ chúng sanh đang luân chuyển đúng với hành nghiệp của họ. [176] Vì Ngài thấy như thế, đây là...
44. Lại nữa, do tự bản thân thể nghiệm trí trực chứng, Như Lai ở đây và ngay bây giờ nhập vào và an trú trong tâm giải thoát và tuệ giải thoát vốn không có phiền não vì phiền não đã bị đoạn tận. Vì Ngài làm như thế, đây là...
Đây là mười lực của Như Lai.
45. Tín lực theo nghĩa nào?
Tấn lực theo nghĩa nào?
Niệm lực theo nghĩa nào?
Định lực theo nghĩa nào?
Tuệ lực theo nghĩa nào?
Lực hổ thẹn theo nghĩa nào?
Lực biết sợ lầm lỗi theo nghĩa nào?
Lực tư duy theo nghĩa nào?
Lực thiền quán theo nghĩa nào?
Lực của không lỗi theo nghĩa nào?
Lực hỗ trợ theo nghĩa nào?
Lực chọn lựa theo nghĩa nào?
Lực chuẩn bị theo nghĩa nào?
Lực thuyết phục theo nghĩa nào?
Lực chủ tể theo nghĩa nào?
Lực quyết tâm theo nghĩa nào?
Lực tĩnh lặng theo nghĩa nào?
Lực quán thực tánh theo nghĩa nào?
Mười lực của bậc hữu học theo nghĩa nào?
Mười lực của bậc đã học xong theo nghĩa nào?
Mười lực của người phiền não đã bị đoạn tận theo nghĩa nào?
Mười lực thần thông (năng lực siêu nhiên) theo nghĩa nào?
Mười lực của Như Lai theo nghĩa nào?
Tín lực theo nghĩa không lay chuyển vì không tin.
Tấn lực theo nghĩa không lay chuyển vì lười biếng.
Niệm lực theo nghĩa không lay chuyển vì xao lãng.
Định lực theo nghĩa không lay chuyển vì dao động.
Tuệ lực theo nghĩa không lay chuyển vì vô minh.
Lương tâm ngần ngại vì các trạng thái ác, bất thiện, như thế nó là lực hổ thẹn.
Xấu hổ vì các trạng thái ác, bất thiện, như thế nó là lực biết sợ lầm lỗi.
Tư duy về tất cả các nhiễm lậu bằng trí, như thế là lực tư duy.
Các trạng thái được tạo nên trong đó có một tác dụng (hương vị) duy nhất, như vậy nó là lực thiền quán.
Ở đó chả có gì có thể khiển trách được, như thế là lực của không lỗi.
Bằng cách hỗ trợ tâm, như thế là lực hỗ trợ.
Vị ấy chọn lựa điều đó, như thế là lực chọn lựa.
Vị ấy chuẩn bị tâm, như thế là lực chuẩn bị.
Vị ấy thuyết phục tâm bằng điều đó, như thế là lực thuyết phục.
Vị ấy hành xử sự làm chủ tâm bằng điều đó, như thế là lực chủ tể.
Vị ấy giữ vững tâm bằng điều đó, như thế là lực quyết tâm.
Do tâm được hợp nhất, như thế là lực tĩnh lặng.
Vị ấy quán các trạng thái phát sanh ở bên trong, như thế là lực quán thực tánh.
Vị ấy học tập ở trong, như thế là lực của bậc hữu học.
Vì sau khi đã được học tập bên trong, như thế là lực của bậc đã học xong.
Bằng cách đoạn tận phiền não, như thế là lực của người phiền não đã bị đoạn tận.
Đấy là thần thông của vị ấy, như thế là lực thần thông.
Lực của Như Lai theo nghĩa không đo lường được.
LUẬN VỀ LỰC
[1]’’khanti-bala (lực chọn lựa)’’ là sự chịu đựng điều khó mà chịu đựng’ (PsA 44Se), như vậy khiến ta nghĩ tới ‘kham nhẫn’ hơn là ‘chọn lựa’. Nhưng ‘’khamati (chọn lựa)’: tassa yogissa khamati ruccati (hành giả có sự chọn lựa ấy, ưa chuộng hơn ấy) (PsA 450), như vậy khiến ta nghĩ tới ‘chọn lựa’ hơn là ‘kiên nhẫn’. <so với Luận XXIX>
Cũng thế, ‘paññāpeti (chuẩn bị sẵn)’ có nghĩa là ‘làm cho hoan hỉ’ (PsA 450) và ‘nijjhāpeti’ (thuyết phục) có nghĩa là ‘khiến phải nghĩ tới’ (muốn việc gì xảy ra)’ (PsA 450).
[2]So với Luận IX đoạn 1 về cấu trúc đoạn này.
[3]Bình giải về đoạn 2, PsA (trang 449) viết khanti-bala là sự chịu đựng điều khó mà chịu đựng’ (dukkhama), như vậy ngụ ý khanti là ‘kham nhẫn’; nhưng điều này lại không phù hợp với đoạn 14.
«Suññakathā»
1. [177] ‘Như vầy tôi nghe. Có một dạo Thế Tôn cư trú ở Sāvatthi ở Vườn Jeta, công viên của Anāthapiṇḍika. Rồi tôn giả Ānanda đi đến chỗ Thế Tôn, và sau khi đảnh lễ Ngài, tôn giả ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống xong, tôn giả hỏi Thế Tôn như vầy: ‘Kính thưa Thế Tôn, ‘‘Thế giới này trống rỗng, thế giới này trống rỗng’’ được nói lên. Thế giới này trống rỗng theo nghĩa nào?’
‘Bởi vì nó không có tự ngã hay không có cái gì thuộc về tự ngã, nên ‘thế giới này trống rỗng’ được nói lên, Ānanda. Và cái không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã là gì? Mắt không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, vật hữu hình không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, nhận thức từ mắt không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, xúc chạm với mắt không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã; bất cứ cảm nghiệm nào phát sinh do xúc chạm với mắt, hoặc dễ chịu hay khó chịu hay không dễ chịu cũng chả khó chịu, đều không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã. Tai không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, âm thanh... Mũi không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, mùi... Lưỡi không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, vị... Thân không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, đối tượng xúc chạm được... Ý không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, đối tượng của ý... nhận thức từ ý... xúc chạm với ý... bất cứ cảm nghiệm nào phát sinh do xúc chạm với ý, hoặc dễ chịu hay khó chịu hay không dễ chịu cũng chả khó chịu, đều không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã. Bởi vì nó không có tự ngã hay không có cái thuộc về tự ngã, nên câu ‘thế giới này trống rỗng’ được nói lên’ (S iv 54).
2. Có trống rỗng như là trống rỗng, trống rỗng của các hành vi tạo tác, trống rỗng trong biến đổi, trống rỗng vô thượng, trống rỗng theo đặc tính.
Có trống rỗng bằng cách đè nén, trống rỗng bằng cách thay thế đức tính đối lập, trống rỗng bằng cách cắt đứt, trống rỗng bằng cách làm cho lắng dịu, trống rỗng bằng cách thoát ly. [178] <so với Luận I đ. 90: năm loại>
Có trống rỗng bên trong, trống rỗng bên ngoài, trống rỗng cả hai phía.
Có trống rỗng tương tự, có trống rỗng dị biệt.
Có trống rỗng trong sự kiếm tìm, trống rỗng trong gìn giữ, trống rỗng trong thành đạt, trống rỗng trong hiểu rõ.
Có trống rỗng trong đồng nhất, có trống rỗng trong sai biệt.
Có trống rỗng trong chọn lựa, trống rỗng trong cương quyết, trống rỗng trong thâm hiểu, và trống rỗng trong nghĩa tối hậu của tất cả các loại trống rỗng, là chấm dứt sự tiếp tục tái diễn trong [vị Arahant], bậc hoàn toàn hiểu thấu đáo tường tận.
3. Trống rỗng như là trống rỗng là gì?
Mắt không có ngã hay không có cái thuộc về ngã, không có cái gì trường tồn, mãi mãi tồn tại, vĩnh cửu hay không chịu biến đổi. Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý không có ngã hay không có cái thuộc về ngã, không có cái gì trường tồn, mãi mãi tồn tại, vĩnh cửu hay không chịu biến đổi.
Đây là trống rỗng như là trống rỗng.
4. Trống rỗng của hành vi tạo tác là gì?
Có ba loại hành vi tạo tác: hành vi tạo phước, hành vi tổn phước, hành vi tạo bất động.
Hành vi tạo phước không có hành vi tổn phước và hành vi tạo bất động. Hành vi tổn phước không có hành vi tạo phước và hành vi tạo bất động. Hành vi tạo bất động không có hành vi tạo phước và hành vi tổn phước.
Đây là ba loại hành vi tạo tác.
Có ba loại hành vi tạo tác nữa: hành vi tạo tác của thân, hành vi tạo tác của lời nói và hành vi tạo tác của ý.
Hành vi tạo tác của thân không có hành vi tạo tác của lời nói và hành vi tạo tác của ý. Hành vi tạo tác của lời nói không có hành vi tạo tác của thân và hành vi tạo tác của ý. Hành vi tạo tác của ý không có hành vi tạo tác của lời nói và hành vi tạo tác của thân.
Đây là ba loại hành vi tạo tác.
Có ba loại hành vi tạo tác khác nữa: hành vi tạo tác quá khứ, hành vi tạo tác tương lai và hành vi tạo tác đang hiện khởi.
Hành vi tạo tác quá khứ không có hành vi tạo tác tương lai và hành vi tạo tác đang hiện khởi. Hành vi tạo tác tương lai không có hành vi tạo tác quá khứ và hành vi tạo tác đang hiện khởi. Hành vi tạo tác đang hiện khởi không có hành vi tạo tác quá khứ và hành vi tạo tác tương lai.
Đây là ba loại hành vi tạo tác.
Đây là sự trống rỗng của hành vi tạo tác.
5.Trống rỗng trong biến đổi là gì?Vật thể được sanh ra không có tự tánh; [1]vật thể đã biến mất đi [2]bị biến đổi và trống rỗng. Cảm nghiệm được sanh ra không có tự tánh, cảm nghiệm đã biến mất đi bị biến đổi và trống rỗng. Nhận thức được sanh ra... [và cứ thế với 199 của 201 ý niệm liệt kê ở Luận I đ. 5, bỏ đi hai khoen của Sanh Khởi Do Tùy Thuộc, cho đến]... Trở thành được sanh ra không có tự tánh, [179] trở thành đã biến mất đi bị biến đổi và trống rỗng.
6. Trống rỗng vô thượng là gì? Trạng thái này vô thượng, trạng thái này là nhất, trạng thái này tuyệt hảo, đó là sự an tịnh của tất cả các hành vi tạo tác, buông bỏ tất cả bản thể ngầm, sự hủy diệt (diệt tận) khao khát, lòng tham phai nhạt, đoạn diệt, nibbana.
Đây là trống rỗng vô thượng.
7. Trống rỗng theo đặc tính là gì?
Có hai loại đặc tính: đặc tính của người ngu và đặc tính của người trí. Đặc tính của người ngu là không có đặc tính của người trí, đặc tính của người trí là không có đặc tính của người ngu (A i 102).
Có ba loại đặc tính: đặc tính sanh, đặc tính diệt và đặc tính biến đổi khi đang tồn tại. Đặc tính sanh là không có đặc tính diệt và đặc tính biến đổi khi đang tồn tại. Đặc tính diệt là không có đặc tính sanh và đặc tính biến đổi khi đang tồn tại. Đặc tính biến đổi khi đang tồn tại là không có đặc tính sanh và đặc tính diệt. Đặc tính sanh của vật thể không có đặc tính diệt và đặc tính biến đổi khi đang tồn tại. Đặc tính diệt của vật thể không có đặc tính sanh và đặc tính biến đổi khi đang tồn tại. Đặc tính biến đổi của vật thể khi đang tồn tại là không có đặc tính sanh và đặc tính diệt. Đặc tính sanh của cảm nghiệm... [và cứ thế với các ý niệm còn lại của 201 ý niệm liệt kê ở Luận I đ. 5, cho đến]... đặc tính biến đổi khi đang tồn tại của già và chết không có đặc tính sanh và đặc tính diệt.
Đây là trống rỗng theo đặc tính.
8. Trống rỗng bằng cách đè nén là gì?
Ham muốn khoái lạc giác quan bị đè nén và bị hủy diệt nhờ xuất ly. Sân hận bị đè nén và bị hủy diệt nhờ không sân hận... [và cứ thế với các chướng ngại còn lại của bẩy chướng ngại và các trạng thái đối nghịch với các chướng ngại ấy, bốn jhanas, bốn chứng đắc cõi vô sắc giới, mười tám thiền quán thực tánh chính, và bốn đạo lộ cho đến]..., Tất cả các nhiễm lậu bị đè nén và bị hủy diệt nhờ đạo lộ arahant.
Đây là trống rỗng bằng cách đè nén. [180]
9. Trống rỗng bằng cách thay thế đức tính đối lập là gì?
Nhờ xuất ly, ham muốn khoái lạc giác quan bị hủy diệt bằng cách thay thế đức tính đối lập. Nhờ không sân hận, sân hận bị hủy diệt bằng cách thay thế đức tính đối lập... [và cứ thế như trên, bỏ đi bốn đạo lộ cho đến]... Nhờ quán quay đi, sự giải thích sai lạc vì trói buộc bị hủy diệt bằng cách thay thế đức tính đối lập.
Đây là trống rỗng bằng cách thay thế đức tính đối lập
10. Trống rỗng bằng cách cắt đứt là gì?
Nhờ xuất ly, ham muốn khoái lạc giác quan vừa bị cắt đứt và vừa bị hủy diệt. Nhờ không sân hận... [và cứ thế cho đến]... Nhờ đạo lộ arahant, tất cả nhiễm lậu vừa bị cắt đứt và vừa bị hủy diệt.
Đây là trống rỗng bằng cách cắt đứt.
11. Trống rỗng bằng cách làm cho lắng dịu là gì?
Nhờ xuất ly, ham muốn khoái lạc giác quan vừa được lắng dịu và vừa bị hủy diệt. Nhờ không sân hận... [và cứ thế cho đến]... Nhờ đạo lộ arahant, tất cả nhiễm lậu vừa được lắng dịu và vừa bị hủy diệt.
Đây là trống rỗng bằng cách làm cho lắng dịu.
12. Trống rỗng bằng cách thoát ly là gì?
Nhờ xuất ly, ham muốn khoái lạc giác quan vừa được thoát ly và vừa bị hủy diệt. Nhờ không sân hận... [và cứ thế cho đến]... Nhờ đạo lộ arahant, tất cả nhiễm lậu vừa được thoát ly và vừa bị hủy diệt.
Đây là trống rỗng bằng cách thoát ly.
13. Trống rỗng bên trong là gì?
Ở bên trong, mắt không có ngã hay không có cái thuộc về ngã, không phải là cái gì trường tồn, mãi mãi tồn tại, vĩnh cửu hay không chịu biến đổi. Ở bên trong, tai... Ở bên trong, mũi... Ở bên trong, lưỡi... Ở bên trong, thân... Ở bên trong, ý không có ngã hay không có cái thuộc về ngã, không phải là cái gì trường tồn, mãi mãi tồn tại, vĩnh cửu hay không chịu biến đổi.
Đây là trống rỗng bên trong.
14. Trống rỗng bên ngoài là gì?
Ở bên ngoài, vật hữu hình không có ngã hay không có cái thuộc về ngã, không phải là cái gì trường tồn, mãi mãi tồn tại, vĩnh cửu hay không chịu biến đổi. Ở bên ngoài, âm thanh... Ở bên ngoài, mùi... Ở bên ngoài, vị... Ở bên ngoài, vật xúc chạm được... Ở bên ngoài, đối tượng tâm ý không có ngã hay không có cái thuộc về ngã, không phải là cái gì trường tồn, mãi mãi tồn tại, vĩnh cửu hay không chịu biến đổi.
Đây là trống rỗng bên ngoài.
15. Trống rỗng cả hai phía là gì?
Ở bên trong mắt và ở bên ngoài vật hữu hình cả hai đều không có ngã hay không có cái thuộc về ngã, không phải là cái gì trường tồn, mãi mãi tồn tại, vĩnh cửu hay không chịu biến đổi. Ở bên trong tai và ở bên ngoài âm thanh... Ở bên trong mũi và ở bên ngoài mùi... Ở bên trong lưỡi và ở bên ngoài vị... Ở bên trong thân và ở bên ngoài vật xúc chạm được... Ở bên trong ý và ở bên ngoài đối tượng tâm ý cả hai đều không có ngã hay không có cái thuộc về ngã, không phải là cái gì trường tồn, mãi mãi tồn tại, vĩnh cửu hay không chịu biến đổi.
Đây là trống rỗng cả hai phía.
16. Trống rỗng tương tự là gì?
Sáu giác quan bên trong đều vừa tương tự và trống rỗng. Sáu nền tảng bên ngoài đều vừa tương tự và trống rỗng. Sáu nhóm nhận biết từ giác quan đều vừa tương tự và trống rỗng. Sáu nhóm xúc đều vừa tương tự và trống rỗng. Sáu nhóm cảm nghiệm đều vừa tương tự và trống rỗng. Sáu nhóm nhận thức đều vừa tương tự và trống rỗng. Sáu nhóm chủ ý đều vừa tương tự và trống rỗng.
Đây là trống rỗng tương tự.
17. Trống rỗng dị biệt là gì?
Sáu giác quan bên trong đều vừa dị biệt với và không có sáu nền tảng bên ngoài. Sáu nền tảng bên ngoài đều vừa dị biệt với và không có sáu nhóm nhận biết từ giác quan. Sáu nhóm nhận biết từ giác quan đều vừa dị biệt với và không có sáu nhóm xúc. Sáu [182] nhóm xúc đều vừa dị biệt với và không có sáu nhóm cảm nghiệm. Sáu nhóm cảm nghiệm đều vừa dị biệt với và không có sáu nhóm nhận thức. Sáu nhóm nhận thức đều vừa dị biệt với và không có chủ ý.
Đây là trống rỗng dị biệt.
18. Trống rỗng trong sự tìm kiếm là gì?
Tìm kiếm xuất ly là không có ham muốn khoái lạc giác quan. Tìm kiếm trạng thái đối nghịch, bốn jhanas, bốn chứng đắc cõi vô sắc giới, mười tám thiền quán thực tánh chính, và bốn đạo lộ cho đến]... Tìm kiếm đạo lộ arahant là không có tất cả các nhiễm lậu.
Đây là trống rỗng trong sự tìm kiếm.
19. Trống rỗng trong gìn giữ là gì?
Gìn giữ xuất ly là không có ham muốn khoái lạc giác quan. Gìn giữ không sân hận... [và cứ thế]... Gìn giữ đạo lộ arahant là không có tất cả các nhiễm lậu.
Đây là trống rỗng trong gìn giữ.
20. Trống rỗng trong thành đạt là gì?
Thành đạt xuất ly là không có ham muốn khoái lạc giác quan. Thành đạt không sân hận... [và cứ thế]... Thành đạt đạo lộ arahant là không có tất cả các nhiễm lậu.
Đây là trống rỗng trong thành đạt.
21. Trống rỗng trong hiểu rõ là gì?
Hiểu rõ xuất ly là không có ham muốn khoái lạc giác quan. Hiểu rõ không sân hận... [và cứ thế]... Hiểu rõ đạo lộ arahant là không có tất cả các nhiễm lậu.
Đây là trống rỗng trong hiểu rõ. [183]
22. Trống rỗng trong đồng nhất và trống rỗng trong sai biệt là gì?
Ham muốn khoái lạc giác quan là sai biệt và xuất ly là đồng nhất; không có ham muốn khoái lạc giác quan trong người quyết tâm đồng nhất với xuất ly. Sân hận là sai biệt... [và cứ thế]... Tất cả các nhiễm lậu là sai biệt và đạo lộ arahant là đồng nhất; không có ham muốn khoái lạc giác quan trong người quyết tâm đồng nhất với đạo lộ arahant.
Đây là trống rỗng trong đồng nhất và trống rỗng trong sai biệt.
23. Trống rỗng trong chọn lựa là gì?
Chọn lựa xuất ly là không có ham muốn khoái lạc giác quan. Chọn lựa không sân hận... [và cứ thế]... Chọn lựa đạo lộ arahant là không có tất cả các nhiễm lậu.
Đây là trống rỗng trong chọn lựa.
24. Trống rỗng trong cương quyết là gì?
Cương quyết xuất ly là không có ham muốn khoái lạc giác quan. Cương quyết không sân hận... [và cứ thế]... Cương quyết trong đạo lộ arahant là không có tất cả các nhiễm lậu.
Đây là trống rỗng trong cương quyết.
25. Trống rỗng trong thâm hiểu là gì?
Thâm hiểu xuất ly là không có ham muốn khoái lạc giác quan. Thâm hiểu không sân hận... [và cứ thế]... Thâm hiểu trong đạo lộ arahant là không có tất cả các nhiễm lậu.
Đây là trống rỗng trong thâm hiểu.
26. Trống rỗng trong nghĩa tối hậu của tất cả các loại trống rỗng, là chấm dứt sự tiếp tục tái diễn trong [vị Arahant], bậc hoàn toàn hiểu thấu đáo tường tận là gì?
Ở đây [trong cái gì còn lại của kiếp sống này] nhờ xuất ly, người hoàn toàn hiểu thấu đáo tường tận kết liễu sự tiếp tục tái diễn của ham muốn khoái lạc giác quan; nhờ xuất ly, vị ấy chấm dứt sự tiếp tục tái diễn của sân hận; nhờ nghĩ đến ánh sáng... [và cứ thế]... nhờ đạo lộ arahant, vị ấy chấm dứt tất cả nhiễm lậu.
Hay, nhờ yếu tố nibbana không có [kết quả của] bám níu [quá khứ] còn xót lại, trong người hoàn toàn hiểu thấu đáo tường tận rằng sự tiếp tục tái diễn này của mắt đã chấm dứt và sự tiếp tục tái diễn này của mắt không còn sanh khởi nữa; sự tiếp tục tái diễn này của mũi [3]... của lưỡi... của thân... sự tiếp tục tái diễn này của ý đã chấm dứt và sự tiếp tục tái diễn này của ý không còn sanh khởi nữa.
Đây là trống rỗng theo nghĩa tối hậu của tất cả các loại trống rỗng, vốn là sự chấm dứt tình trạng tiếp tục tái diễn trong [vị Arahant], bậc hoàn toàn hiểu thấu đáo tường tận. [4]
LUẬN THUYẾT VỀ TRỐNG RỖNG
CHẤM DỨT PHẦN THỨ HAI VỀ SÓNG ĐÔI.
Đây là mục lục của Phần thứ Hai này:
Sóng đôi, các sự thực cao cả, các yếu tố tạo thành giác ngộ,
Tâm từ và hết ham muốn là thứ năm,
Các vô ngại giải, Bánh Xe Giáo Pháp,
Siêu Thế, lực và tánh trống rỗng.
[1]Trong Piṭaka (Đại Tạng), hình như đây là lần đề cập duy nhất đến thuật ngữ sabhāva (tự tánh). ‘Không có tự tánh’: ở đây ‘tự tánh’ (sabhāva) là sayaṁ bhāvo (bản tánh tự nó), nghĩa là tự nó khởi lên (sayam eva uppādo). Hay sabhāva là sako bhāvo (tánh riêng); sanh khởi riêng (attano yeva uppādo). Vì sự hiện hữu phụ thuộc vào các điều kiện (paccayāyattavuttitā) nên trong hiện hữu không có bản tánh tự nó hay tánh riêng, như thế, nó là ‘không có tự tánh’. Điều muốn nói ở đây là nó không có bản tánh tự nó hay tánh riêng. Hay, nó là tánh tự nó có (sakassa bhāvo); bởi vì trong số các ý niệm khác nhau kể từ yếu tố đất «địa đại», mỗi ý niệm là riêng biệt (sako) và ‘tánh’ là danh từ trừu tượng để chỉ cho ý niệm; và từng ý niệm một không có bất cứ thực chất nào được gọi là ‘tánh’, vì thế ngoài nó ra, nó không có bất kỳ tánh nào: nghĩa là nó không có tánh nào khác. Như thế, điều muốn nói ở đây là mọi sự có một tự tánh duy nhất. Hay nói khác đi, ‘không có tự tánh’ (sabhāvena suññaṁ) được coi là trống rỗng vì trống rỗng là tự tánh của nó (suññasabhāvena suññaṁ). Nghĩa là gì? Nghĩa là trống rỗng vì trống rỗng là trống rỗng chứ không phải trống rỗng vì trống rỗng trừu tượng nào khác. Nhưng nếu có ai nói: ‘Tánh riêng là tự tánh; và nó không có tự tánh đó. Nghĩa là gì? Một ý niệm được gọi là một ‘tánh’; [tánh (bhāvo)] đó được phân biệt bằng tiền trí từ ‘tự’ (sa) khi so sánh với bất kỳ cái gì khác và như vậy được gọi là ‘tự-tánh’ (sa-bhāvo). Vì không có sự hiện hữu của bất cứ thực thể nào, sự kiện không hiện hữu của vật thể được diễn tả bằng ‘vật thể được sanh ra không có tự tánh’. Nên lập luận như vầy: vì thế, câu ‘vật thể được sanh ra’ sẽ mâu thuẫn; vì cái gì hễ không sanh khởi thì không thể nói là ‘được sanh ra’. Vì nibbana không sanh khởi nên không được gọi là ‘được sanh ra’. Vậy thì ở đây chỉ cái được sanh ra sẽ không có sanh làm tự tánh, và thay vì tiếp tục nói rằng ‘bởi vì tự tánh, sanh, già và chết là không’, sự diễn đạt này nên kết thúc bằng chữ ‘hiện hữu’. Nếu chữ ‘được sanh ra’ (vijāta) có thể ứng dụng vào cái gì không sanh khởi, thì cũng nói được là ‘‘sanh’ được sanh ra’ và ‘‘già chết’ được sanh ra’. Vì chữ ‘được sanh ra’ không thể ứng dụng vào sanh, già và chết, là những gì không sanh khởi, nên những chữ ‘không có tự tánh có nghĩa là không hiện hữu’ mâu thuẫn với chữ ‘được sanh ra’ vì cái gì hễ không hiện hữu thì không sanh khởi. Và chữ ‘không’ cho cái gì không hiện hữu lại mâu thuẫn với sự sử dụng ngôn ngữ nói trên của Thế Tôn về ‘thế giới’ và cũng mâu thuẫn với sách luận lý học và ngữ học (ñāyasaddagantha); và nó mâu thuẫn với nhiều lập luận. Vì thế, sự khẳng định đó nên bị bác bỏ vì phi lý. Trong nhiều câu Phật dậy như: ‘Này các tỳ kheo, cái gì bậc hiền trí trên thế gian này nói không hiện hữu, Ta cũng nói cái đó không hiện hữu. Cái gì bậc hiền trí nói có hiện hữu, Ta cũng nói cái đó có hiện hữu.... Các bậc hiền trí trên thế gian này nói vật thể vô thường, khổ não, biến đổi, Ta cũng nói vật thể như thế’ (S iii 138-9), và trong nhiều cuộc tranh luận, các hiện tượng hiện hữu trong sát na ngắn ngủi của riêng chúng’ (Sdhp 460-1 Se, đọc ấn bản PTS trang 634-5).
[2]Vigataṁ rūpaṁ - ‘vật thể đã biến mất đi’: về chữ ‘đã biến mất đi, vắng mặt’ (vigata) xin đọc ‘điều kiện khiếm hiện «vắng mặt, ly khứ duyên»’ (vigata-paccaya) (TkP 1).
[3]Viết là ghānapavattaṁ.
[4]Đọc Trsl. Vism. chương XVI chú thích 25 về phần dịch của chú giải đoạn này (ấn bản của PTS trang 638).
«Mahāpaññākathā»
1. [185] Quán vô thường, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện loại tuệ nào? <so với Luận I đoạn 16 trở đi.>
Quán khổ não, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện loại tuệ nào?
Quán không phải là ngã, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện loại tuệ nào?
Quán nhàm chán, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện loại tuệ nào?
Quán hết ham muốn, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện loại tuệ nào?
Quán đoạn diệt, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện loại tuệ nào?
Quán buông bỏ, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện loại tuệ nào?
Quán vô thường, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện tuệ thôi thúc.
Quán khổ não, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện tuệ thể nhập.
Quán không phải là ngã, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện đại tuệ.
Quán nhàm chán, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện tuệ sắc bén.
Quán hết ham muốn, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện tuệ dồi dào.
Quán đoạn diệt, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện tuệ sâu sắc.
Quán buông bỏ, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện tuệ vô song.
Bẩy loại tuệ này, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện sự uyên bác.
Tám loại tuệ này, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện tuệ rộng lớn.
Chín loại tuệ này, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện tuệ tạo nụ cười.
Tuệ tạo nụ cười là vô ngại giải về biện tài.
Với sự xác định nghĩa của [thánh nhân], vô ngại giải về nghĩa được tuệ thành tựu, thực chứng và thể nghiệm. Với sự xác định ý niệm, vô ngại giải về ý niệm được tuệ thành tựu, thực chứng và thể nghiệm. Với sự xác định ngữ pháp, vô ngại giải về ngữ pháp được tuệ thành tựu, thực chứng và thể nghiệm. Với sự xác định rõ về biện tài, vô ngại giải về biện tài được tuệ thành tựu, [186] thực chứng và thể nghiệm. Vị ấy đã thành tựu, thực chứng và thể nghiệm bốn vô ngại giải này.
2. Quán vô thường trong vật thể, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện loại tuệ nào?
Quán khổ não trong vật thể, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện loại tuệ nào?
...
Quán buông bỏ trong vật thể, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện loại tuệ nào?
Quán vô thường trong vật thể, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện tuệ thôi thúc.
Quán khổ não trong vật thể, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện tuệ thể nhập.
...
Quán buông bỏ trong vật thể, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện tuệ vô song.
Bẩy loại tuệ này, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện sự uyên bác.
...
Chín loại tuệ này, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện tuệ tạo nụ cười.
Tuệ tạo nụ cười là vô ngại giải về biện tài.
Với sự xác định nghĩa của [thánh nhân],... vị ấy đã thành tựu, thực chứng và thể nghiệm bốn vô ngại giải này.
Quán vô thường trong cảm nghiệm... [và cứ thế với mỗi ý niệm của 201 ý niệm liệt kê ở Luận I đ. 5 cho đến]...
Quán vô thường trong già và chết, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện loại tuệ nào?
Quán khổ não trong già và chết ... [hoàn tất như trên]... [187]
... vị ấy đã thành tựu, thực chứng và thể nghiệm bốn vô ngại giải này.
3. Quán vô thường trong vật thể, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện loại tuệ nào?
Quán vô thường trong vật thể quá khứ, tương lai và hiện tại, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện loại tuệ nào?
Quán khổ não trong vật thể...?
Quán khổ não trong vật thể quá khứ, tương lai và hiện tại...?
Quán không phải là ngã trong vật thể...?
Quán không phải là ngã trong vật thể quá khứ, tương lai và hiện tại...?
Quán nhàm chán trong vật thể...?
Quán nhàm chán trong vật thể quá khứ, tương lai và hiện tại...?
Quán hết ham muốn trong vật thể...?
Quán hết ham muốn trong vật thể quá khứ, tương lai và hiện tại...?
Quán đoạn diệt trong vật thể...?
Quán đoạn diệt trong vật thể quá khứ, tương lai và hiện tại...?
Quán buông bỏ trong vật thể...?
Quán buông bỏ trong vật thể quá khứ, tương lai và hiện tại, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện loại tuệ nào?
Quán vô thường trong vật thể, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện tuệ thôi thúc.
Quán vô thường trong vật thể quá khứ, tương lai và hiện tại, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện tuệ thôi thúc.
Quán khổ não trong vật thể... hoàn thiện tuệ thể nhập.
Quán khổ não trong vật thể quá khứ, tương lai và hiện tại... tuệ thôi thúc.
Quán không phải là ngã trong vật thể... đại tuệ.
Quán không phải là ngã trong vật thể quá khứ, tương lai và hiện tại... tuệ thôi thúc.
Quán nhàm chán trong vật thể... [188] ... tuệ sắc bén.
Quán nhàm chán trong vật thể quá khứ, tương lai và hiện tại... tuệ thôi thúc.
Quán hết ham muốn trong vật thể... tuệ dồi dào.
Quán hết ham muốn trong vật thể quá khứ, tương lai và hiện tại... tuệ thôi thúc.
Quán đoạn diệt trong vật thể... tuệ sâu sắc.
Quán đoạn diệt trong vật thể quá khứ, tương lai và hiện tại... tuệ thôi thúc.
Quán buông bỏ trong vật thể... tuệ vô song.
Quán buông bỏ trong vật thể quá khứ, tương lai và hiện tại, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện tuệ thôi thúc.
Bẩy loại tuệ này... [hoàn tất như ở đ. 1]... bốn vô ngại giải này.
Quán vô thường trong cảm nghiệm, khi được tu tập và được phong phú, hoàn thiện loại tuệ nào?
Quán vô thường trong cảm nghiệm quá khứ, tương lai và hiện tại... [và cứ thế với mỗi ý niệm của 201 ý niệm liệt kê ở Luận I đ. 5 cho đến]...
Quán vô thường trong già và chết ...
Quán vô thường trong già và chết quá khứ, tương lai và hiện tại... ?
...
Quán vô thường trong già và chết quá khứ, tương lai và hiện tại, hoàn thiện tuệ thôi thúc.
... bốn vô ngại giải này. [189]
4. ‘Này các tỳ kheo, bốn điều kiện này, khi được tu tập và được phong phú, đưa đến thực chứng quả vị nhập giòng. Bốn điều kiện nào? Giao kết với người trí đức, nghe Pháp, suy xét kỹ lưỡng, sống thuận theo Pháp. Bốn điều kiện này, khi được tu tập và được phong phú đưa đến thực chứng quả vị nhập giòng.’ (S v 410)
‘Này các tỳ kheo, bốn điều kiện này, khi được tu tập và được phong phú, đưa đến thực chứng quả vị trở lại một lần... [lập lại như trên]’.
‘Này các tỳ kheo, bốn điều kiện này, khi được tu tập và được phong phú, đưa đến thực chứng quả vị không trở lại...’
‘Này các tỳ kheo, bốn điều kiện này, khi được tu tập và được phong phú, đưa đến thực chứng quả vị arahant...’
‘Này các tỳ kheo, bốn điều kiện này, khi được tu tập và được phong phú đưa đến thành đạt tuệ, đến thức tỉnh tuệ, đến sự dồi dào của tuệ, đến trạng thái đại tuệ, đến trạng thái của tuệ rộng lớn, đến trạng thái của tuệ dồi dào, đến trạng thái của tuệ sâu sắc, đến trạng thái của tuệ vô song, đến trạng thái của tuệ rộng khắp, đến trạng thái của tuệ sung mãn, đến trạng thái của tuệ nhanh chóng, đến trạng thái của tuệ lanh lẹ (nhẹ nhàng), đến trạng thái của tuệ tạo nụ cười, đến trạng thái của tuệ thôi thúc, đến trạng thái của tuệ sắc bén, đến trạng thái của tuệ thể nhập. Bốn điều kiện nào? Giao kết với người trí đức, nghe Pháp, suy xét kỹ lưỡng, sống thuận theo Pháp. Bốn điều kiện này, khi được tu tập và được phong phú đưa đến sự thành đạt tuệ,... đến tuệ thể nhập.
5. Đưa đến sự thành đạt tuệ: Thành đạt tuệ là gì? Nó là sự thành tựu, thành đạt, đạt tới, hoàn thành, thể nghiệm, thực chứng và hành trì bốn loại trí đạo, bốn loại trí quả, bốn loại trí vô ngại giải, sáu loại trí về trí trực chứng, bẩy mươi ba loại trí (Bản kê ở Luận I ), bẩy mươi bẩy loại trí (S ii 59). Chúng đưa đến sự thành đạt tuệ: đây là sự thành đạt tuệ. [190]
6. Đưa đến sự thức tỉnh của tuệ: Thức tỉnh của tuệ là gì? Trong bẩy bậc hữu học và trong người thế tục hữu phước, trí tuệ tăng trưởng; trong vị arahant, tuệ <đã> tăng trưởng. Sự tăng trưởng đưa đến sự thức tỉnh của tuệ: đây là sự thức tỉnh của tuệ.
7.Đưa đến sự dồi dào của tuệ: Sự dồi dào của tuệ là gì? Trong bẩy bậc hữu học và trong người thế tục hữu phước, trí tuệ đi đến chỗ dồi dào; trong vị arahant, tuệ <đã> đi đến chỗ dồi dào. Chúng đưa đến sự dồi dào của tuệ: đây là sự dồi dào của tuệ.
8. Đưa đến trạng thái đại tuệ: Đại tuệ là gì? Nó gìn giữ nghĩa vĩ đại, vì thế nó là đại tuệ. Nó gìn giữ ý niệm vĩ đại, vì thế nó là đại tuệ. Nó gìn giữ ngữ pháp vĩ đại, vì thế nó là đại tuệ. Nó gìn giữ biện tài vĩ đại, vì thế nó là đại tuệ. Nó gìn giữ Tập Hợp Giới vĩ đại... Tập Hợp Định vĩ đại... Tập Hợp Tuệ vĩ đại... Tập Hợp Giải Thoát vĩ đại... Tập Hợp Giải Thoát Tri Kiến vĩ đại... những điều có thể và không thể vĩ đại... an trú và thành tựu vĩ đại... các sự thực cao cả vĩ đại... các nền tảng vĩ đại của quán niệm... các nỗ lực chân chánh vĩ đại... những con đường vĩ đại đưa đến uy lực (nền tảng của thần thông)... những năng lực gây ảnh hưởng vĩ đại... những lực vĩ đại... những yếu tố tạo thành giác ngộ vĩ đại... Thánh đạo vĩ đại... những quả Sa môn vĩ đại... các trí trực chứng vĩ đại... nghĩa tối hậu vĩ đại, [191] nibbana, vì thế nó là đại tuệ. Chúng đưa đến đại tuệ, vì thế nó là đại tuệ.
9. Đưa đến trạng thái của tuệ rộng lớn: Tuệ rộng lớn là gì? Trí biết về nhiều loại tập hợp cách biệt rộng lớn xảy ra, vì thế nó là tuệ rộng lớn. Trí biết về nhiều loại yếu tố cách biệt rộng lớn xảy ra, vì thế nó là tuệ rộng lớn. Trí biết về nhiều loại xuất xứ cách biệt rộng lớn... về nhiều loại phát sanh do tùy thuộc cách biệt rộng lớn... về nhiều loại trạng thái cách biệt rộng lớn không thể hiểu được vì tính trống rỗng... về nhiều loại nghĩa cách biệt rộng lớn... về nhiều loại ý niệm cách biệt rộng lớn... về nhiều loại ngữ pháp cách biệt rộng lớn... về nhiều loại biện tài cách biệt rộng lớn... về nhiều loại tập hợp giới cách biệt rộng lớn... tập hợp định... tập hợp tuệ... tập hợp giải thoát... tập hợp giải thoát tri kiến... điều có thể được và không thể được... an trú và chứng đắc... các sự thật cao cả... các nền tảng của quán niệm... chánh tinh tấn... con đường đến uy lực (nền tảng của thần thông)... các năng lực gây ảnh hưởng... các lực... các yếu tố tạo thành giác ngộ... các đạo lộ cao cả... các quả vị sa môn... Trí biết về nhiều loại trí trực chứng cách biệt rộng lớn xảy ra, vì thế nó là tuệ rộng lớn. Sau khi đã vượt qua các trạng thái khác biệt người phàm tục đều có, trí biết về ý nghĩa tối hậu, nibbana, xảy ra, vì thế nó là tuệ rộng lớn. Chúng đưa đến trạng thái của tuệ rộng lớn, vì thế nó là tuệ rộng lớn.
10. Đưa đến trạng thái của tuệ dồi dào: Tuệ dồi dào là gì? [192] Nó gìn giữ nghĩa dồi dào, vì thế nó là tuệ dồi dào. Nó gìn giữ ý niệm dồi dào, vì thế nó là tuệ dồi dào. Nó gìn giữ ngữ pháp dồi dào... [và cứ thế như ở đ. 8 cho đến]... Nó gìn giữ trí trực chứng dồi dào, vì thế nó là tuệ dồi dào. Nó gìn giữ ý nghĩa tối hậu, nibbana, vì thế nó là tuệ dồi dào. Chúng đưa đến trạng thái của tuệ dồi dào, vì thế nó là tuệ dồi dào.
11. Đưa đến trạng thái của tuệ sâu sắc: Tuệ sâu sắc là gì? Trí biết về nhiều loại tập hợp sâu sắc xảy ra, vì thế nó là tuệ sâu sắc. Trí biết về nhiều loại yếu tố sâu sắc xảy ra, vì thế nó là tuệ sâu sắc. Trí biết về nhiều loại xuất xứ sâu sắc... [và cứ thế như ở đoạn 9 cho đến]... [193] Trí biết về nhiều loại trí trực chứng sâu sắc xảy ra, vì thế nó là tuệ sâu sắc. Trí biết về ý nghĩa tối hậu, nibbana, xảy ra, vì thế nó là tuệ sâu sắc. Chúng đưa đến trạng thái của tuệ sâu sắc, vì thế nó là tuệ sâu sắc.
12. Đưa đến trạng thái của tuệ vô song: Tuệ vô song là gì?
Khi một [thánh] nhân đã thành tựu, đã thực chứng và đã thể nghiệm vô ngại giải về nghĩa theo bản chất của nghĩa, đã thành tựu, đã thực chứng và đã thể nghiệm vô ngại giải về ý niệm theo bản chất của ý niệm, đã thành tựu, đã thực chứng và đã thể nghiệm vô ngại giải về ngữ pháp theo bản chất của ngữ pháp, đã thành tựu, đã thực chứng và đã thể nghiệm vô ngại giải về biện tài theo bản chất của biện tài, thì không ai [người phàm tục] khác có thể với tới nghĩa, ý niệm, ngữ pháp và biện tài của vị ấy, những người khác [vốn là người phàm tục] không thể với tới vị ấy được, vì thế nó là tuệ vô song.
Tuệ của người thế tục hữu phước ở xa, ở khoảng cách xa, ở khoảng cách thật xa, không gần, không bì được với tuệ của vị đứng hàng thứ Tám [người có đạo lộ nhập giòng]; so với người thế tục hữu phước, thì bậc thứ Tám có tuệ vô song. Tuệ của bậc thứ Tám ở xa... không bì được [194] với tuệ của bậc Nhập Giòng; so với bậc thứ Tám, thì bậc Nhập Giòng có tuệ vô song. Tuệ của bậc Nhập Giòng ở xa... không bì được với tuệ của bậc Trở Lại Một Lần; so với bậc Nhập Giòng, thì bậc Trở Lại Một Lần có tuệ vô song. Tuệ của bậc Trở Lại Một Lần ở xa... không bì được với tuệ của bậc Không Trở Lại; so với bậc Trở Lại Một Lần, thì bậc Không Trở Lại có tuệ vô song. Tuệ của bậc Không Trở Lại ở xa... không bì được với tuệ của bậc Arahant; so với bậc Không Trở Lại, thì bậc Arahant có tuệ vô song. Tuệ của bậc Arahant ở xa... không bì được với tuệ của đức Phật Pacceka «Phật Độc Giác»; so với bậc Arahant, thì đức Phật Pacceka có tuệ vô song.
So với đức Phật Pacceka và thế giới có các chư thiên, thì Như Lai, bậc Ứng Cúng và Giác Ngộ Toàn Triệt, là bậc cao nhất có tuệ vô song; Ngài thông suốt các loại tuệ, có đủ loại trí, đã chứng các vô ngại giải, đã thành tựu bốn không sợ hãi,* dễ điều khiển mười lực, ngưu nam, 2*người sư tử, người voi ngà,3*người phi thường, [1]người chịu gánh nặng, [2]có trí không giới hạn, ánh sáng không giới hạn, danh tiếng không giới hạn, [trí] phong phú, [trí] dồi dào, [trí] phồn thịnh, bậc lãnh đạo, người đào tạo (đặt giới luật), người dẫn đạo [theo con đường Chánh Pháp], người khiến cho phát sanh tuệ, khiến phải tư duy, khiến phải quan tâm, khiến cho được tự tín. ‘Vì Thế Tôn là người làm cho Dậy Khởi Đạo Lộ Chưa Dậy Khởi, người Tạo ra Đạo Lộ Chưa Tạo, người Tuyên Bố Đạo Lộ Chưa Tuyên Bố, người Biết Đạo Lộ, người Tìm Thấy Đạo Lộ, Thuần Thục về Đạo Lộ, nhưng giờ đây khi sống thuận theo Đạo Lộ, nhờ học theo Ngài, các đệ tử sau này sẽ thành tựu được Đạo Lộ.’ (M iii 8). ‘Vì Thế Tôn biết điều cần phải biết, thấy rõ điều cần phải thấy; Ngài là Mắt, là Trí, là Chánh Pháp, là Thần (brahma),4*là người Xướng Ngôn, người Tuyên Thuyết và người làm Sáng Tỏ Ý Nghĩa,5*là người Bố Thí Bất Tử, là Chúa Tể của Giáo Pháp, là Như Lai.’ (M i 111). Không có gì trong quá khứ, tương lai và hiện đang sanh khởi mà Thế Tôn không biết, không thấy, không nhận chân, không thực chứng, không thể nghiệm bằng tuệ. Vạn sự đều nằm trong tâm điểm của trí Thế Tôn dưới mọi khía cạnh. Có bất cứ điều khả tri nào có thể biết được -- nghĩa [3]của mình hay của người khác hay của cả hai, nghĩa ở ngay đây và ngay bây giờ hay của kiếp đời sắp tới, nghĩa hiển nhiên [195] hay nghĩa thâm sâu, nghĩa mù mờ hay nghĩa được phát lộ phơi bày, nghĩa do suy luận hay nghĩa trực tiếp thẳng thừng, nghĩa không lỗi, nghĩa uyên nguyên, nghĩa lọc rửa hay nghĩa tối hậu -- tất cả đều sẵn trong trí Phật. Tất cả hành vi từ thân đều sẵn với trí Phật, tất cả hành vi từ miệng đều sẵn với trí Phật, tất cả hành vi từ ý đều sẵn với trí Phật. Trí biết về quá khứ của Phật không bị ngăn ngại, trí biết về tương lai của Phật không bị ngăn ngại, trí biết về cái đang hiện khởi của Phật không bị ngăn ngại. Điều có thể biết được nhiều chừng nào, trí của Phật nhiều chừng ấy, trí của Phật nhiều chừng nào, điều có thể biết được nhiều chừng ấy; trí của Ngài cùng bao trùm với điều có thể biết được, điều có thể biết được cùng bao trùm với trí của Ngài; trí của Ngài không vượt quá điều có thể biết được, và không có điều có thể biết được nào vượt quá trí của Ngài, các trạng thái này cùng bao trùm nhau. Như thể khi hai bề mặt giống hệt nhau được đặt sát vào nhau, mặt dưới không vượt quá mặt trên, mặt trên cũng không vượt quá mặt dưới, cả hai cùng bao trùm nhau, cũng thế, với đức Phật, đấng Thế Tôn, điều có thể biết được và trí của Ngài cùng bao trùm nhau. Điều có thể biết được nhiều chừng nào, trí của Phật nhiều chừng ấy... [như trên]... các trạng thái này cùng bao trùm nhau. Trí của Phật vói tới vạn sự; vạn sự đều sẵn đấy theo sự hướng tâm tới của đức Phật, đấng Thế Tôn, sẵn đấy theo ý nguyện của Ngài, sẵn đấy theo ước muốn của Ngài, sẵn đấy theo sự chú ý của Ngài, sẵn đấy theo sự sanh khởi của tâm Ngài. Trí của Phật vói tới tất cả chúng sanh; đức Phật biết rõ tất cả các thành kiến của chúng sanh, tất cả các khuynh hướng ngủ ngầm của chúng sanh, tính nết của chúng sanh, chí hướng của chúng sanh, Ngài biết chúng sanh có ít bụi trong mắt, nhiều bụi trong mắt, có năng lực gây ảnh hưởng sắc bén, có năng lực gây ảnh hưởng trì độn; tánh nết thiện, tánh nết bất thiện,6* dễ giáo huấn, khó giáo huấn, có khả năng hay không có khả năng. Thế giới này, với chư thiên của nó, với Māras và các thần Brahmā của nó, thế hệ này với các sa môn và brahmans của nó, với các hoàng tử và loài người của nó, diễn ra trong phạm vi trí của Phật. Như bất kỳ loài cá nào, loài rùa nào [196] kể luôn cả loài thủy quái lớn nhất đều ở trong đại dương, cũng thế, thế giới này... diễn ra trong phạm vi trí của Phật. Như bất kỳ loài có cánh nào, ngay cả Venateyya Garuḷa 7*nằm trong một phần của không gian, cũng thế, kể cả những vị nào có tuệ ngang bằng với tuệ của Sāriputta [4]đều ở trong một phần trí của Phật. Trí của Phật vói tới sự hiểu biết của chư thiên và của loài người và vượt hẳn sự hiểu biết ấy. Ngay cả những người kiến thức quảng bác của giai cấp Khattiya, của Brahman, của cư sĩ, của sa môn, những nhà thông thái và biết chi li quan điểm sai lạc của người khác như người chẻ tóc [biết bắn tên], những người, mà ai cũng nghĩ rằng, phải bắt tay vào việc phân tích quan điểm [sai lạc] bằng sự hiểu biết mà họ có [5]- ngay với những người ấy, đã đặt ra vấn đề, đến gặp và hỏi Thế Tôn những [câu hỏi] mù mờ và có ẩn ý, được Thế Tôn giải thích, trả lời với những lý lẽ làm sáng tỏ vấn đề của họ, và họ trở thành người bỏ đạo [6]của họ để theo Ngài, rồi Thế Tôn, chính Ngài sáng chói vượt bực trong vấn đề tuệ giác. Như vậy, Ngài là bậc cao nhất có tuệ vô song.
*vesārajja: không sợ hãi (vô úy) vì không sợ ai có thể kết án vô căn cứ về bốn điều sau: (1) chứng ngộ hoàn toàn, (2) nhiễm lậu đã bị đoạn tận, (3) những trở ngại đã vượt qua, (4) thuyết giảng giáo pháp đưa đến hoàn toàn chấm dứt khổ đau (M i 71-72).
2*purisāsabha: ngưu nam. Ngưu nghĩa là cao nhất, còn có nghĩa là vị Phật đời quá khứ. Đọc Ñāṇamoli, DOD II, đoạn 2002, trang 142.
3*purisanāga
4* là Mắt theo nghĩa là người dẫn đầu về tuệ nhãn; là Trí theo nghĩa tuyên bố những gì cần được biết đến; là Chánh Pháp vì Ngài được tạo thành từ Giáo Pháp do Ngài thuyết ra sau khi quán xét trong tâm thức; là brahma theo nghĩa cao cả nhất. ĐọcÑāṇamoli và Bhikkhu Bodhi, MLDB, chú thích 231, trang 1204.
5* Dịch theo Bhikkhu Ñāṇamoli và Bhikkhu Bodhi sđd trang 203. Dịch theo nguyên văn: là ngườiVận chuyển, là người Duy Trì, là người Đem lại Mục Đích.
6*svākāra, dvākāra
7* quái vật trong huyền thoại có đầu và thân đàn bà, có cánh và móng như chim.
13. Đưa đến trạng thái của tuệ rộng khắp: Tuệ rộng khắp là gì? Nó vượt qua (abhibhuyyati) tham, vì thế nó là tuệ rộng khắp (bhūri); nó đã vượt qua, vì thế nó là tuệ rộng khắp; nó vượt qua sân,...; nó đã vượt qua,... nó vượt qua si,...; nó đã vượt qua,... nó vượt qua giận dữ... [197]... ác cảm... khinh bỉ... hách dịch... đố kỵ... tham quá độ... lừa dối... gian lận... cứng đầu... tự phụ... tự hào (ngã mạn)... cao ngạo... hợm hĩnh... xao lãng... tất cả nhiễm lậu... tất cả nết hạnh xấu xa... tất cả hành vi tạo tác qua thân... Nó vượt qua tất cả các hành vi dẫn đến trở thành, vì thế nó là tuệ rộng khắp; nó đã vượt qua, vì thế nó là tuệ rộng khắp.
Tham là kẻ địch (ari); nó nghiền nát kẻ địch đó, vì thế nó tuệ là rộng khắp (bhūri = bhū-ari). Sân hận là kẻ địch; nó nghiền nát kẻ địch đó, vì thế nó là tuệ rộng khắp. Si là kẻ địch... giận dữ... ác cảm... khinh bỉ... hách dịch... đố kỵ... tham quá độ... lừa dối... gian lận... cứng đầu... tự phụ... tự hào (ngã mạn)... cao ngạo... hợm hĩnh... xao lãng... tất cả nhiễm lậu... tất cả nết hạnh xấu xa... tất cả hành vi tạo quả... Tất cả các hành vi dẫn đến trở thành là kẻ địch; nó nghiền nát kẻ địch đó, vì thế nó là tuệ rộng khắp.
Trái đất này rộng khắp (bhūri); Ngài có tuệ bao la, dàn trải rộng như trái đất, vì thế nó là tuệ rộng khắp. Hơn nữa, những thuật ngữ này để chỉ cho tuệ, đó là: Rộng khắp (bhūri= bhūte atthe ramati), Mẫn Tiệp*và Chỉ Nam 2*: vì thế nó là tuệ rộng khắp.
* medhā
2* pariṇāyikā
Chúng đưa đến trạng thái của tuệ rộng khắp, vì thế nó là tuệ rộng khắp.
14. Đưa đến trạng thái của tuệ sung mãn: Tuệ sung mãn là gì? Ở đây có người coi tuệ quan trọng đối với họ, người có tuệ khí, người tuệ khuynh (có khuynh hướng thiên về tuệ), người quả quyết về tuệ, cờ của họ là tuệ, phướng của họ là tuệ, tuệ chiếm ưu thắng trong người đó, người có nhiều tìm tòi, người có nhiều xem xét kĩ lưỡng, người có nhiều khảo sát, người có nhiều cách quan sát, [7]bản tánh của họ là quan sát, người chỉ chấp nhận dữ kiện có xác chứng, khí chất của người đó là như thế, [8]người coi tuệ hệ trọng, người có nhiều tuệ, người có xu hướng về tuệ, người có khuynh hướng về tuệ, người dựa vào tuệ, người quả quyết về tuệ, trong người ấy tuệ có ưu thắng.
Như thể với người coi lớp học [có học trò] là quan trọng, người ấy được gọi là ‘người quan tâm đến lớp học’; người coi y quan trọng, người ấy được gọi là ‘người quan tâm đến y’; người coi bát quan trọng, người ấy được gọi là ‘người quan tâm đến bát’; người coi chỗ ở quan trọng, người ấy được gọi là ‘người quan tâm đến chỗ ở’; ở đây cũng thế, [198] có người coi tuệ quan trọng đối với họ, người có tuệ khí, người tuệ khuynh... [như thế] trong người ấy tuệ có ưu thắng. Chúng đưa đến trạng thái của tuệ sung mãn, vì thế nó là tuệ sung mãn.
15. Đưa đến trạng thái của tuệ nhanh chóng: Tuệ nhanh chóng là gì? Nó nhanh chóng toàn thiện giới, vì thế nó là tuệ nhanh chóng. Nó nhanh chóng toàn thiện sự chế ngự các năng lực gây ảnh hưởng, vì thế nó là tuệ nhanh chóng. Nó nhanh chóng toàn thiện trí biết số lượng vừa phải khi ăn... để ý đến giờ thức dậy... tập hợp giới... tập hợp định... tập hợp tuệ... tập hợp giải thoát... tập hợp giải thoát tri kiến. Nó nhanh chóng thể nhập điều có thể xảy ra và không thể xảy ra... vì thế nó là tuệ nhanh chóng. Nó nhanh chóng toàn thiện các an trú và chứng đắc... Nó nhanh chóng thể nhập Sự thực cao cả... Nó nhanh chóng phát triển nền tảng của quán niệm... Nó nhanh chóng phát triển các chánh tinh tấn... Nó nhanh chóng phát triển con đường dẫn đến uy lực (nền tảng của thần thông)... Nó nhanh chóng phát triển các năng lực gây ảnh hưởng... Nó nhanh chóng phát triển các lực... Nó nhanh chóng phát triển các yếu tố tạo thành giác ngộ... Nó nhanh chóng phát triển đạo lộ... Nó nhanh chóng thực chứng quả vị sa môn... Nó nhanh chóng thể nhập trí trực chứng... Nó nhanh chóng thể nhập nghĩa tối hậu, nibbana, vì thế nó là tuệ nhanh chóng. Nó đưa đến trạng thái của tuệ nhanh chóng, vì thế nó là tuệ nhanh chóng.
16. Đưa đến trạng thái của tuệ lanh lẹ (nhẹ nhàng): Tuệ lanh lẹ (nhẹ nhàng) là gì? Nó lanh lẹ toàn thiện giới, vì thế nó là tuệ lanh lẹ. Nó lanh lẹ toàn thiện sự chế ngự các năng lực gây ảnh hưởng... [và cứ thế như ở đoạn 15 trên cho đến]... [199] Nó lanh lẹ thể nhập nghĩa tối hậu, nibbana, vì thế nó là tuệ lanh lẹ. Nó đưa đến trạng thái của tuệ lanh lẹ (nhẹ nhàng), vì thế nó là tuệ lanh lẹ (nhẹ nhàng).
17. Đưa đến trạng thái của tuệ tạo nụ cười: Tuệ tạo nụ cười là gì? Ở đây người với nhiều nụ cười, tính vui vẻ, hài lòng và hân hoan toàn thiện giới, vì thế nó là tuệ tạo nụ cười. Với nhiều nụ cười, tính vui vẻ, hài lòng và hân hoan, vị ấy toàn thiện sự chế ngự các năng lực gây ảnh hưởng... [và cứ thế như ở đ. 15 trên cho đến]... [200] Với nhiều nụ cười, tính vui vẻ, hài lòng và hân hoan, vị ấy thể nhập nghĩa tối hậu, nibbana, vì thế nó là tuệ tạo nụ cười. Nó đưa đến trạng thái của tuệ tạo nụ cười, vì thế nó là tuệ tạo nụ cười.
18. Đưa đến trạng thái của tuệ thôi thúc: Tuệ thôi thúc là gì?
Bất cứ vật thể nào, dù là quá khứ, tương lai hay đang hiện khởi, trong hay ngoài, thô hay tế, xấu hay tốt, xa hay gần -- nó sớm thôi thúc cho biết rằng*tất cả vật thể đều vô thường, vì thế nó là tuệ thôi thúc; nó sớm thôi thúc cho biết rằng tất cả vật thể đều khổ não, vì thế nó là tuệ thôi thúc, nó sớm thôi thúc cho biết rằng tất cả vật thể không phải là ngã, vì thế nó là tuệ thôi thúc. Bất cứ cảm nghiệm nào, ... [và cứ thế với 201 ý niệm liệt kê ở đ. 5 cho đến]... Bất cứ già và chết nào dù là quá khứ, tương lai hay đang hiện khởi,... nó sớm thôi thúc cho biết rằng già và chết là vô thường, vì thế nó là tuệ thôi thúc; nó sớm thôi thúc cho biết rằng già và chết là khổ não, vì thế nó là tuệ thôi thúc; nó sớm thôi thúc cho biết rằng già và chết là không phải là ngã, vì thế nó là tuệ thôi thúc.
* javana: thôi thúc cho biết (impulse, alert intellection). Tôi dịch cả hai nghĩa của chữ javana ở đây. Bắt nguồn từ chữ ju, nó có nghĩa là ‘nhanh chóng/tốc hành’ và ‘đi’. So Ingan Sadaw trong Dhātvattha-sangaha: jū jave ca gati ca. Chữ nhanh chóng/tốc hành chả có nghĩa gì cả. Còn chữ ‘đi’ trong triết học có nghĩa gì? Trong ngữ căn Pāḷi, nó thường có nghĩa là biết, tiến trình nhận thức, diễn biến tâm thức. Trong chú giải, có những câu như ‘ye gatyatthā te buddhyatthā’; ‘’I’ gatyaṁ tad-atthā ye pavattipāpunesu pi te buddhiyam pi’ vì thế javana có nghĩa là ‘biết’, ‘nhận biết’. Trước tiên, nó biểu thị một chức năng (kicca), sau đó là trạng thái vận hành chức năng của tâm (kiccavanta). Chức năng của javana tồn tại trong 7 sát na, dài hơn các tâm khác, vì thế nghĩa tốc hành của javana không còn thiết yếu nữa. Đọc S. Z. Aung và C. A. F. Rhys Davids, Compendium of Philosophy, PTS [Oxford, 1995] trang 245-250.
Trong lộ trình của tâm, ở sát na thứ mười hai, chức năng của javana là hành vi nhận biết. Nó được hiểu là ‘đi’ (không phải là tốc hành), hay diễn biến tâm thức. Đọc Rhys Davids and Stede, Pali-English Dictionary, PTS [Oxford, 1921], trang 280.
Sau khi đã xác định, thẩm định, minh định và làm sáng tỏ rằng vật thể quá khứ, tương lai hay đang hiện khởi là vô thường theo nghĩa hủy diệt, khổ não theo nghĩa hãi hùng, không phải là ngã theo nghĩa không có cốt lõi, nó sớm thôi thúc cho biết sự đoạn diệt của vật thể, nibbana, vì thế nó là tuệ thôi thúc. Sau khi đã xác định, thẩm định, minh định và làm sáng tỏ rằng vật thể quá khứ, tương lai hay đang hiện khởi là vô thường, được tạo thành, sanh khởi do tùy thuộc, phải chịu đoạn diệt, phải chịu diệt đi, phải chịu phai nhạt, phải chịu hủy diệt, nó sớm thôi thúc cho biết sự đoạn diệt của vật thể, nibbana, vì thế nó là tuệ thôi thúc. Sau khi đã xác định, thẩm định, minh định và làm sáng tỏ rằng cảm nghiệm... [và cứ thế với 201 ý niệm liệt kê ở đ. 5 cho đến]... Sau khi đã xác định, thẩm định, minh định và làm sáng tỏ rằng già và chết là vô thường theo nghĩa hủy diệt... phải chịu hủy diệt, nó sớm thôi thúc cho biết sự đoạn diệt của già và chết, nibbana, vì thế nó là tuệ thôi thúc. Chúng đưa đến trạng thái của tuệ thôi thúc, vì thế nó là tuệ thôi thúc.
19. Đưa đến trạng thái của tuệ sắc bén: Tuệ sắc bén là gì?
Nó mau chóng cắt đứt nhiễm lậu, vì thế nó là tuệ sắc bén. Nó không chịu đựng được ý tưởng ham muốn khoái lạc giác quan, từ bỏ nó, vứt bỏ nó, loại trừ nó, hủy diệt nó, vì thế nó là tuệ sắc bén. Nó không chịu đựng được ý tưởng sân hận... ý tưởng hung bạo, từ bỏ nó, vứt bỏ nó, loại trừ nó, hủy diệt nó, vì thế nó là tuệ sắc bén. Bất cứ khi nào ý tưởng độc ác bất thiện khởi lên, nó không chịu đựng được những ý tưởng ấy, từ bỏ chúng, vứt bỏ chúng, loại trừ chúng, hủy diệt chúng, vì thế nó là tuệ sắc bén. Nó không chịu đựng được tham... sân hận... si... giận dữ... ác cảm... khinh bỉ... hách dịch... đố kỵ... tham quá độ... lừa dối... gian lận... cứng đầu... tự phụ... tự hào (ngã mạn)... cao ngạo... hợm hĩnh... xao lãng... tất cả nhiễm lậu... tất cả nết hạnh xấu xa... tất cả hành vi tạo quả đã khởi lên... tất cả các hành vi dẫn đến trở thành, từ bỏ nó, vứt bỏ nó, loại trừ nó, hủy diệt nó, vì thế nó là tuệ sắc bén. Trong một buổi tọa thiền, bốn đạo lộ và bốn quả sa môn và bốn vô ngại giải và sáu trí trực chứng được thu đạt, được thực chứng, được thể nghiệm bằng tuệ, vì thế nó là tuệ sắc bén. Chúng đưa đến trạng thái của tuệ sắc bén, vì thế nó là tuệ sắc bén.
20. Đưa đến trạng thái của tuệ thể nhập: Tuệ thể nhập là gì? Ở đây có người đa cảm về sự khẩn thiết về tất cả các hành vi tạo tác, nhiều sợ hãi, nhiều bất mãn, nhiều tẻ nhạt, nhiều thất vọng, không ham thích bề ngoài tất cả các hành vi tạo tác; vị ấy thể nhập, phá toang khối tham đắm từ trước chưa bao giờ thể nhập, chưa bao giờ phá toang nó, vì thế nó là tuệ thể nhập. Vị ấy thể nhập; phá toang khối sân hận... khối si [202] ... khối giận dữ... ác cảm... khinh bỉ... hách dịch... đố kỵ... tham quá độ... lừa dối... gian lận... cứng đầu... tự phụ... tự hào (ngã mạn)... cao ngạo... hợm hĩnh... xao lãng... tất cả nhiễm lậu... tất cả nết hạnh xấu xa... tất cả hành vi tạo quả... Vị ấy thể nhập; phá toang tất cả các hành vi dẫn đến trở thành từ trước chưa bao giờ thể nhập và phá toang, vì thế nó là tuệ thể nhập. Chúng đưa đến trạng thái của tuệ thể nhập, vì thế nó là tuệ thể nhập.
21. Có mười sáu loại tuệ. Người thành tựu được mười sáu loại tuệ này người ấy đã chứng được các vô ngại giải.
22. Có hai loại người đã chứng các vô ngại giải: người đã tu tập [trong các kiếp trước], còn người kia thì không. Người đã tu tập từ trước vượt qua người kia, vượt quá người kia, vị ấy ưu việt hơn; và trí của vị ấy có thể chia [thành hai].
23. Có hai loại người đã chứng các vô ngại giải và đã tu tập từ trước: một người được truyền dạy kỹ còn người kia thì không. Người được truyền dạy kỹ vượt qua người kia, vượt quá người kia, vị ấy ưu việt hơn; và trí của vị ấy có thể chia hai.
24. Có hai loại người đã chứng các vô ngại giải, đã tu tập từ trước và được truyền dạy kỹ: một loại thuyết giảng nhiều, còn loại kia thì không. Người thuyết giảng nhiều vượt qua người kia, vượt quá người kia, vị ấy ưu việt hơn; và trí của vị ấy có thể chia hai.
25. Có hai loại người đã chứng các vô ngại giải, đã tu tập từ trước, được truyền dạy kỹ và thuyết giảng nhiều: một loại nương tựa vào*sư giáo thọ, còn loại kia thì không. Người nương tựa vào sư giáo thọ vượt qua người kia, vượt quá người kia, vị ấy ưu việt hơn; và trí của vị ấy có thể chia hai.
*garūpanissita.
26. Có hai loại người đã chứng các vô ngại giải, đã tu tập từ trước, được truyền dạy kỹ, thuyết giảng nhiều và nương tựa vào sư giáo thọ: một loại sống trú nhiều vào [tuệ quán thực tánh và quả vị], còn loại kia thì không. Người sống trú nhiều vượt qua người kia, vượt quá người kia, vị ấy ưu việt hơn; và trí của vị ấy có thể chia hai.
27. Có hai loại người đã chứng các vô ngại giải, đã tu tập từ trước, được truyền dạy kỹ, thuyết giảng nhiều, nương tựa vào sư giáo thọ và sống trú nhiều: một loại quán sát nhiều, còn loại kia thì không. Người quán sát nhiều vượt qua người kia, vượt quá người kia, vị ấy ưu việt hơn; và trí của vị ấy có thể chia hai.
28. Có hai loại người đã chứng các vô ngại giải, đã tu tập từ trước, được truyền dạy kỹ, đi thuyết giảng nhiều, nương tựa vào sư giáo thọ, sống trú nhiều, quán sát nhiều: một loại chứng vô ngại giải của người bước vào đạo lộ còn loại kia chứng vô ngại giải của bậc đã học xong. Người chứng vô ngại giải của bậc đã học xong vượt qua người kia, vượt quá người kia, vị ấy ưu việt hơn; và trí của vị ấy có thể chia hai.
29. Có hai loại người đã chứng các vô ngại giải, đã tu tập từ trước, được truyền dạy kỹ, đi thuyết giảng nhiều, nương tựa vào sư giáo thọ, sống trú nhiều, quán sát nhiều, đã chứng vô ngại giải của bậc đã học xong: một người với tới tâm vô lượng của đệ tử, loại kia thì không. Người với tới tâm vô lượng của đệ tử vượt qua người kia, vượt quá người kia, vị ấy ưu việt hơn; và trí của vị ấy có thể chia hai.
30. Có hai loại người đã chứng các vô ngại giải, đã tu tập từ trước, được truyền dạy kỹ, đi thuyết giảng nhiều, nương tựa vào sư giáo thọ, sống trú nhiều, quán sát nhiều, đã chứng vô ngại giải của bậc đã học xong: một người với tới tâm vô lượng của đệ tử, người kia là đức Phật Pacceka. Người là đức Phật Pacceka vượt qua người kia, vượt quá người kia, vị ấy ưu việt hơn; và trí của vị ấy có thể chia hai.
So với một vị Phật Pacceka và thế giới này có chư thiên của nó, Thế Tôn, bậc Ứng Cúng và Giải Thoát Toàn Triệt, là bậc cao nhất, người đã chứng các vô ngại giải; Ngài tinh thông về các loại tuệ... [và cứ thế như ở đoạn 12 cho đến]... [204] rồi chính Thế Tôn sáng chói vượt bực trong vấn đề tuệ giác. Như vậy, Ngài là bậc cao nhất trong các vị đã chứng các vô ngại giải.
LUẬN THUYẾT VỀ ĐẠI TUỆ ĐÃ ĐƯỢC HOÀN TẤT
[1]‘ajānanaṭṭhena purisājañño’ (PsA 470 Se)
[2]so với Sn 79.
[3]Chữ attha ở đây có hai ý: ‘nghĩa’ và ‘lợi ích’ hay ‘mục đích’.
[4]Chú giải viết là Sāriputtasamā paññavanto (PsA 474 Se).
[5]So với M i 176.
[6]‘Upakkhittakā - người đổi đạo’: không có trong từ điển của PTS. Chữ này dưới tự mục upakkitaka không thích hợp ở đây. Te khattīyapaṇḍitādayo bhavagato pañhāvissajjanen’ eva bhavagato samīpe khittakā pādakhittakā sampajjanti sāvaka va sampajjanti upāsakā vā ti atto’ (PsA 175-6 Se).
[7]‘sampekkhāyana - người có nhiều cung cách quán sát’: không có trong tự điển của PTS. (đọc PsA 477 Se).
[8]Ở đây viết là vibhūtavihāri, taccarito, taggaruko, ... (trang 197, 1. 23 và trang 198, 1. 4).
«Iddhikathā»
1. [205] Thần thông là gì?
Có bao nhiêu loại thần thông?
Bao nhiêu cõi có thần thông? Bao nhiêu nền tảng?
Bao nhiêu bước?
Bao nhiêu nguồn gốc?
2. Thần thông là gì? Thần thông theo nghĩa thành tựu.
3. Có bao nhiêu loại thần thông? Có mười loại thần thông; thần thông có bốn cõi, bốn nền tảng, tám bước và mười sáu nguồn gốc.
4. Mười loại thần thông ấy là gì? (1) thần thông như là quyết định, (2) thần thông như là biến hình, (3) thần thông như là [thân] do tâm tạo, (4) thần thông do trí can dự, (5) thần thông do định can dự, (6) thần thông của các bậc Thánh, (7) thần thông do quả của nghiệp sanh, (8) thần thông của công đức, (9) thần thông nhờ phù thuật, (10) thần thông theo nghĩa thành tựu nhờ việc làm đúng thời.
5. Bốn cõi thần thông ấy là gì? Đó là: sơ thiền là cõi sanh từ cách ly; nhị thiền là cõi hỉ và lạc; tam thiền là cõi bình thản và lạc, tứ thiền là cõi không khổ cũng không lạc. Bốn cõi thần thông này dẫn đến thành tựu thần thông, đến thành đạt thần thông, đến sự biến hóa vì thần thông, đến uy lực của thần thông, đến sự làm chủ thần thông, đến không sợ hãi* trong thần thông.
* Vesārajjani. nguyên vănassurance. Ở Vism. XII đ. 49, Ñāṇamoli sửa assurance thành fearlessness: không sợ hãi. Đọc chú thích ở cuối đoạn 12, Luận XXI về chữ này.
6. Bốn nền tảng ấy của thần thông là gì? Ở đây một tỳ kheo tu tập nền tảng của thần thông có cả hai: định do ý muốn làm và hành vi tạo tác là nỗ lực. Vị ấy tu tập nền tảng của thần thông có cả hai: định do tinh tấn và hành vi tạo tác là nỗ lực. Vị ấy tu tập nền tảng của thần thông có cả hai: định do tâm và hành vi tạo tác là nỗ lực. Vị ấy tu tập nền tảng của thần thông có cả hai: định do tìm hiểu và hành vi tạo tác là nỗ lực. Bốn nền tảng của thần thông này dẫn đến thành tựu thần thông, ... đến không sợ hãi trong thần thông.[1]
7. Tám bước ấy là gì? [206] Nếu vị tỳ kheo đạt định, đạt nhất tâm do ý muốn làm hỗ trợ, ý muốn làm ấy không phải là định, và định ấy không phải là ý muốn làm; ý muốn làm là một cái, định là một cái khác. Nếu vị tỳ kheo đạt định, đạt nhất tâm do tinh tấn hỗ trợ, tinh tấn ấy không phải là định, và định ấy không phải là tinh tấn; tinh tấn là một cái, định là một cái khác. Nếu vị tỳ kheo đạt định, đạt nhất tâm do tâm hỗ trợ, tâm ấy không phải là định, và định ấy không phải là tâm; tâm là một cái, định là một cái khác. Nếu vị tỳ kheo đạt định, đạt nhất tâm do tìm hiểu hỗ trợ, tìm hiểu ấy không phải là định, và định ấy không phải là tìm hiểu; tìm hiểu là một cái, định là một cái khác. Tám bước đến thần thông đưa đến thành tựu thần thông ... đến không sợ hãi trong thần thông. [2]
8. Mười sáu nguồn gốc ấy của thần thông là gì? Tâm không chán nản là tâm không bị lay động vì lười biếng, do vậy nó bất động. Tâm không mừng rỡ thơ thới là tâm không bị lay động vì dao dộng, do vậy nó bất động. Tâm không bị quyến rũ là tâm không bị lay động vì tham, vì thế nó bất động. Tâm không chán ghét là tâm không bị lay động vì sân hận, vì thế nó bất động. Tâm độc lập là tâm không bị lay động vì quan điểm [sai lạc], vì thế nó bất động. Tâm không vướng kẹt thì không bị lay động vì ước muốn và tham, vì thế nó bất động. Tâm được giải thoát thì không bị lay động vì ham muốn ái dục, vì thế nó bất động. Tâm không liên kết*thì không bị lay động vì nhiễm lậu, vì thế nó bất động. Tâm không chướng ngại thì không bị lay động vì chướng ngại của nhiễm lậu, [3]vì thế nó bất động. Tâm hợp nhất thì không bị lay động vì nhiễm lậu của sai biệt, vì thế nó bất động. Tâm được tín gìn giữ thì không bị lay động vì không tin, vì thế nó bất động. Tâm được tinh tấn gìn giữ thì không bị lay động vì lười biếng, vì thế nó bất động. Tâm được quán niệm gìn giữ thì không bị lay động vì xao lãng, vì thế nó bất động. Tâm được định gìn giữ thì không bị lay động vì dao động, vì thế nó bất động. Tâm được tuệ gìn giữ thì không bị lay động vì vô minh, vì thế nó bất động. Tâm được chiếu sáng thì không bị lay động vì bóng tối của vô minh, vì thế nó bất động. Mười sáu nguồn gốc của thần thông này đưa đến thành tựu thần thông... đến không sợ hãi trong thần thông. [207].
* visaññuttaṁ cittaṁ: tâm không bị ràng buộc, cột trói.
9. (1) Thần thông là quyết định là gì?
Ở đây một tỳ kheo kinh nghiệm các loại thần thông (năng lực siêu nhiên); từ một biến thành nhiều, từ nhiều biến thành một; vị ấy hiện ra rồi biến mất đi; vị ấy đi xuyên qua tường, qua hào lũy, qua núi không bị trở ngại như qua hư không; vị ấy độn thổ và trồi lên mặt đất như ở trong nước, đi trên nước mà nước không nứt vỡ như đi trên đất; chân ngồi xếp bằng vị ấy phi hành như chim giương cánh; tay vị ấy sờ mó mặt trăng mặt trời là những gì rất vĩ đại và oai lực; vị ấy điều thân mình bay xa đến cõi trời Phạm Thiên.
Ở đây:trong lãnh vực quan điểm này, trong lãnh vực chọn lựa này, trong lãnh vực ưa chuộng hơn này, trong lãnh vực tuyển chọn này, trong Giáo Pháp này, trong Giới Luật (vinaya) này, trong lãnh vực Giáo Pháp và Giới Luật này, trong giáo lý này, trong cuộc sống Phạm Hạnh này, trong Giáo Huấn của bậc Đạo Sư này. ‘Ở đây’ được nói vì lý do đó.
11. Một tỳ kheo: Một tỳ kheo là người thế tục hữu phước hay bậc hữu học hay một Arahant đã chứng trạng thái không thể công kích được.
12. Kinh nghiệm các loại thần thông: kinh nghiệm những khía cạnh khác nhau của thần thông.
13. Từ một biến thành nhiều: từ một, vị ấy hướng tâm chú ý đến [bản thân] biến thành nhiều hay thành trăm, thành ngàn, hay một trăm ngàn; sau khi hướng tâm chú ý xong, với trí, vị ấy quyết định ‘Ta hãy biến thành nhiều’. Vị ấy biến thành nhiều. Như tôn giả Cūḷa Panthaka từ một, biến thành nhiều, cũng thế người có thần thông làm chủ được ý, từ một biến thành nhiều.
14. Từ nhiều biến thành một: từ nhiều, vị ấy hướng tâm chú ý đến [bản thân] biến thành một; sau khi hướng tâm chú ý xong, với trí, vị ấy quyết định ‘Ta hãy biến thành một’. Vị ấy biến thành một. Như tôn giả Cūḷa Panthaka từ một, biến thành nhiều, cũng thế người có thần thông làm chủ được ý, từ nhiều biến thành một.
15. Vị ấy hiện ra: vị ấy không bị cái gì che khuất, không bị ẩn khuất, vị ấy phát lộ ra, vị ấy hiển hiện.
16. Rồi biến mất đi: vị ấy bị cái gì che khuất, bị ẩn khuất, bị đóng kín, bao bọc. [208]
17. Vị ấy đi xuyên qua tường, qua hào lũy, qua núi không bị trở ngại như qua hư không: tự nhiên, vị ấy là người đạt được đề mục thiền hư không. Vị ấy hướng tâm chú ý đến: ‘qua tường, qua hào lũy, qua núi’; hướng tâm chú ý xong, với trí, vị ấy quyết định ‘Hãy biến chỗ ấy thành hư không’. Có hư không. Vị ấy đi xuyên qua tường, qua hào lũy, qua núi không bị trở ngại. Như người bình thường không có thần thông đi qua không bị trở ngại những nơi không có chướng ngại, hào lũy, cũng thế, người có thần thông làm chủ được ý, đi qua tường, hào lũy, núi không bị trở ngại như qua hư không.
18. Vị ấy độn thổ và trồi lên mặt đất như ở trong nước: tự nhiên, vị ấy là người đạt được đề mục thiền nước. Vị ấy hướng tâm chú ý đến đất; hướng tâm chú ý xong, với trí, vị ấy quyết định ‘Hãy biến chỗ ấy thành nước’. Chỗ ấy bèn có nước. Vị ấy độn thổ và trồi lên mặt đất. Như người bình thường không có thần thông (năng lực siêu nhiên) lặn xuống và trồi lên mặt nước, cũng thế, người có thần thông làm chủ được ý, độn thổ và trồi lên mặt đất như ở trong nước.
19. Đi trên nước mà nước không nứt vỡ như đi trên đất: tự nhiên, vị ấy là người đạt được đề mục thiền đất. Vị ấy hướng tâm chú ý đến nước; hướng tâm chú ý xong, với trí, vị ấy quyết định ‘Hãy biến chỗ ấy thành đất’. Chỗ ấy bèn có đất. Vị ấy đi trên nước mà nước không nứt vỡ. Như người bình thường không có thần thông (năng lực siêu nhiên) đi trên đất liền, cũng thế, người có thần thông làm chủ được ý, đi trên nước mà nước không nứt vỡ như trên mặt đất.
20. Chân ngồi xếp bằng vị ấy phi hành như chim giương cánh: tự nhiên, vị ấy là người đạt được đề mục thiền đất. Vị ấy hướng tâm chú ý đến hư không; hướng tâm chú ý xong, với trí, vị ấy quyết định ‘Hãy biến chỗ ấy thành đất’. Chỗ ấy bèn có đất. Vị ấy du hành (đi bộ), đứng, ngồi, nằm trong hư không, trong bầu trời. Như người bình thường không có thần thông (năng lực siêu nhiên) du hành (đi bộ), đứng, ngồi, nằm trên mặt đất, đi trên đất liền, cũng thế, người có thần thông này làm chủ được ý, du hành (đi bộ), đứng, ngồi, nằm trong hư không, trong bầu trời như chim giương cánh.
21. Tay vị ấy sờ mó mặt trăng mặt trời là những gì vĩ đại và oai lực như vậy: Ở đây người có thần thông [209] làm chủ được ý, trong khi vị ấy đang ngồi hay đang nằm, Vị ấy hướng tâm chú ý đến mặt trăng mặt trời; hướng tâm chú ý xong, với trí, vị ấy quyết định ‘Hãy biến nó nằm trong tầm tay’. Nó nằm trong tầm tay. Ngồi hay nằm, tay vị ấy sờ mó mặt trăng mặt trời. Như thể có người bình thường không có thần thông (năng lực siêu nhiên), tay vị ấy sờ mó đối tượng trong tầm tay cũng thế, người có thần thông này làm chủ được ý, ngồi hay nằm, tay vị ấy sờ mó mặt trăng mặt trời.
22. Vị ấy điều thân mình bay xa đến cõi trời Phạm Thiên: nếu người có thần thông (năng lực siêu nhiên) làm chủ được ý này muốn đi đến cõi trời Phạm Thiên, dù xa, vị ấy quyết định gần: ‘Hãy đến gần’. Thì cõi đó đến gần. Dù gần, vị ấy quyết định xa: ‘Hãy ở xa’. Thì cõi đó ở xa. Dù nhiều, vị ấy quyết định ít: ‘Hãy có ít’. Thì có ít. Dù ít, vị ấy quyết định nhiều: ‘Hãy có nhiều’. Thì có nhiều. Với thiên nhãn, vị ấy thấy được khía cạnh hữu hình (đối tượng) của Phạm Thiên đó. Với thiên nhĩ, vị ấy nghe được âm thanh của Phạm Thiên đó; với tha tâm trí, vị ấy biết được tâm của Phạm Thiên đó. Nếu người có thần thông (năng lực siêu nhiên) làm chủ được ý này muốn đi đến cõi trời Phạm Thiên bằng thân hữu hình, vị ấy biến đổi tâm cho phù hợp với thân, vị ấy quyết định tâm phù hợp với thân, vị ấy dễ dàng đạt được nhận thức an lạc và nhận thức nhẹ, và vị ấy đi đến cõi trời Phạm Thiên bằng thân hữu hình. Nếu người có thần thông (năng lực siêu nhiên) làm chủ được ý này muốn đi đến cõi trời Phạm Thiên bằng thân vô hình, vị ấy biến đổi tâm cho phù hợp với thân, vị ấy quyết định tâm phù hợp với thân, vị ấy dễ dàng đạt được nhận thức an lạc và nhận thức nhẹ, và vị ấy đi đến cõi trời Phạm Thiên bằng thân vô hình. Vị ấy tạo hóa thân trước mặt Phạm Thiên đó, do tâm tạo, đủ tứ chi, không thiếu giác quan nào. Nếu người có thần thông (năng lực siêu nhiên) đi lên đi xuống, hóa thân đó cũng đi lên đi xuống ở đấy. Nếu người có thần thông đứng, hóa thân cũng đứng ở đó. Nếu người có thần thông ngồi, hóa thân cũng ngồi ở đó. Nếu người có thần thông nằm, hóa thân cũng nằm ở đó. [210] Nếu người có thần thông phun khói, hóa thân cũng phun khói ở đó. Nếu người có thần thông phun lửa, hóa thân cũng phun lửa ở đó. Nếu người có thần thông giảng Giáo Pháp, hóa thân cũng giảng Giáo Pháp ở đó. Nếu người có thần thông đặt câu hỏi, hóa thân cũng đặt câu hỏi ở đó. Nếu được hỏi, người có thần thông trả lời, hóa thân được hỏi, cũng trả lời ở đó. Nếu người có thần thông đứng với Phạm Thiên, đối thoại, hội thoại với Phạm Thiên đó, hóa thân cũng đứng với Phạm Thiên, đối thoại, hội thoại với Phạm Thiên ở đó. Người có thần thông làm bất cứ điều gì, hóa thân cũng làm điều đó.
Đây là thần thông như là quyết định.
23. (2) Thần thông như là biến hình (đa dạng) là gì? Thế Tôn Sikhin, bậc Ứng Cúng và Giải Thoát Toàn Triệt, có đệ tử tên là Abhibhū. Đứng trong thế giới Phạm Thiên, vị này có thể truyền thông bằng tiếng với cõi mười ngàn thế giới. Vị ấy giảng Giáo Pháp bằng thân hữu hình, và vị ấy giảng Giáo Pháp bằng thân vô hình; vị ấy giảng Giáo Pháp với nửa thân dưới hữu hình, và vị ấy giảng Giáo Pháp với nửa thân trên vô hình. Vị ấy giảng Giáo Pháp với nửa thân trên hữu hình, và vị ấy giảng Giáo Pháp với nửa thân dưới vô hình. Vị ấy bỏ hình dáng bình thường và cho thấy hình dáng một cậu trai, của Nāga (rắn), hình dáng của Supaṇṇa (quỷ có cánh), hay hình dáng của thần linh, hay hình dáng của Đế Thích, hay hình dáng của chư thiên [ở cảnh trời dục giới khác], hay hình dáng của Phạm Thiên [Brahmā], hay hình dáng của biển, hay hình dáng của núi, hay hình dáng của rừng, hay hình dáng của sư tử, hay hình dáng của cọp, hay hình dáng của báo, hay hình dáng của voi, hay vị ấy cho thấy chiếc xe ngựa, hay cho thấy người lính bộ, hay cho thấy cuộc dàn quân. Đây là thần thông như là biến hình (đa dạng).
24. (3) Thần thông như là [thân] do tâm tạo là gì? Ở đây vị tỳ kheo từ tấm thân này tạo ra một thân khác, có vật thể, do tâm tạo, [211] có đủ tứ chi, không thiếu giác quan nào. Như một người rút cỏ lau ra khỏi vỏ lau và nghĩ như vầy: ‘Đây là vỏ lau, đây là cỏ lau; vỏ lau là một, cỏ lau là một cái khác, cỏ lau rút ra từ vỏ lau này’; hay có người rút kiếm ra khỏi vỏ và nghĩ như vầy: ‘Đây là kiếm, đây là vỏ; vỏ kiếm là một, lưỡi kiếm là một cái khác, lưỡi kiếm rút ra từ vỏ kiếm này’; hay như một người kéo rắn ra khỏi da của nó và nghĩ như vầy: ‘Đây là con rắn, [4]đây là da rắn; da rắn là một, rắn là một cái khác, con rắn được lột ra từ lớp da này’; cũng thế, vị tỳ kheo từ tấm thân này tạo ra một thân khác, có vật thể, do tâm tạo, có đủ tứ chi, không thiếu giác quan nào. Đây là thần thông kể như là [thân] do tâm tạo.
25. (4) Thần thông do trí can dự là gì? Ý nghĩa của từ bỏ nhận thức về trường tồn thành tựu được nhờ quán vô thường, như vậy nó là thần thông do sự can dự của trí. Ý nghĩa của từ bỏ nhận thức về vui sướng thành tựu được nhờ quán khổ não... Ý nghĩa của từ bỏ nhận thức về ngã thành tựu được nhờ quán không phải là ngã... Ý nghĩa của từ bỏ nhận thức về ham thích thành tựu được nhờ quán nhàm chán... Ý nghĩa của từ bỏ tham thành tựu được nhờ quán hết ham muốn... Ý nghĩa của từ bỏ nguồn sanh khởi thành tựu được nhờ quán đoạn diệt... Ý nghĩa của từ bỏ bám níu thành tựu được nhờ quán buông bỏ... như vậy nó là thành công do sự can dự của trí. Đã có thành công do sự can dự của trí ở tôn giả Bakkula. Đã có thành công do sự can dự của trí ở tôn giả Sankicca. Đã có thành công do sự can dự của trí nơi tôn giả Bhūtapāla. Đây là thành công do sự can dự của trí.
26. (5) Thần thông do định can dự là gì? Ý nghĩa của từ bỏ chướng ngại thành tựu được nhờ sơ thiền, như vậy nó là thành công do sự can dự của định. Ý nghĩa của từ bỏ hướng tâm về đối tượng và suy xét đối tượng thành tựu được nhờ nhị thiền, như vậy nó là thành công do sự can dự của định. Ý nghĩa của từ bỏ hỉ thành tựu được nhờ tam thiền... Ý nghĩa của từ bỏ lạc và khổ thành tựu được nhờ tứ thiền... Ý nghĩa của từ bỏ nhận thức về sắc thể, nhận thức về đối ngại, và nhận thức về sự khác biệt thành tựu được nhờ chứng đạt cõi không gian vô biên... Ý nghĩa của từ bỏ cõi không gian vô biên thành tựu được nhờ chứng đạt cõi thức vô biên... Ý nghĩa của từ bỏ cõi thức vô biên thành tựu được nhờ chứng đạt cõi không có gì... Ý nghĩa của từ bỏ cõi không có gì thành tựu được nhờ chứng đạt cõi không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức, [212] như vậy nó là thành công do sự can dự của định. Đã có thành công do sự can dự của định nơi tôn giả Sāriputta. Đã có thành công do sự can dự của định ở tôn giả Sañjīva. Đã có thành công do sự can dự của định ở tôn giả Khāṇukondañña. Đã có thành công do sự can dự của định ở nữ cư sĩ Uttāra. Đã có thành công do sự can dự của định ở nữ cư sĩ Samāvatī. Đây là thành công do sự can dự của định.
27. (6) Thần thông của các bậc Thánh là gì? Ở đây nếu có tỳ kheo ước (1) ‘Mong cho tôi trú biết không ghê tởm cái đáng ghê tởm’, về việc đó, vị ấy trú biết không ghê tởm cái đáng ghê tởm. Nếu vị ấy ước (2) ‘Mong cho tôi trú biết ghê tởm cái không ghê tởm’, về việc đó, vị ấy trú biết cái ghê tởm cái không ghê tởm. Nếu vị ấy ước (3) ‘Mong cho tôi trú biết không ghê tởm cái đáng ghê tởm và cái không ghê tởm’, về việc đó, vị ấy trú biết không ghê tởm. Nếu vị ấy ước (4) ‘Mong cho tôi trú biết ghê tởm cái đáng ghê tởm và cái không ghê tởm’, về việc đó, vị ấy trú biết ghê tởm. Nếu vị ấy ước (5) ‘Tránh cả hai [khía cạnh] ghê tởm và không ghê tởm, mong cho tôi trú trong bình thản đến đối tượng ấy, có quán niệm và hoàn toàn hiểu biết tường tận’, về việc đó, vị ấy trú trong bình thản đến đối tượng ấy, có quán niệm và hoàn toàn hiểu biết tường tận.
(1) Vị ấy trú biết không ghê tởm cái đáng ghê tởm như thế nào? Trong trường hợp gặp đối tượng không khả ý, vị ấy rải tâm từ đến nó hay liên tưởng đến * bốn yếu tố chính. Vị ấy trú biết không ghê tởm cái đáng ghê tởm như thế đấy.
* liên tưởng đến: coi nó như là. Đọc Vism. XII đ 38.
(2) Vị ấy trú biết ghê tởm cái không ghê tởm như thế nào? Trong trường hợp gặp đối tượng khả ý, vị ấy chú tâm đến coi nó bất tịnh hay liên tưởng đến vô thường. Vị ấy trú biết ghê tởm cái không ghê tởm như thế đấy.
(3) Vị ấy trú biết không ghê tởm cái đáng ghê tởm và cái không ghê tởm như thế nào? Trong trường hợp gặp đối tượng không khả ý và khả ý, vị ấy rải tâm từ đến nó hay liên tưởng đến bốn yếu tố chính. Vị ấy trú biết không ghê tởm cái đáng ghê tởm và cái không ghê tởm như thế đấy.
(4) Vị ấy trú biết ghê tởm cái không ghê tởm và cái đáng ghê tởm’ như thế nào? Trong trường hợp gặp đối tượng khả ý và không khả ý, vị ấy chú tâm đến coi nó bất tịnh hay liên tưởng đến vô thường. Vị ấy trú biết ghê tởm cái không ghê tởm và cái đáng ghê tởm như thế đấy.
(5) Vị ấy tránh cả hai [khía cạnh] ghê tởm và không ghê tởm, trú trong bình thản đến đối tượng ấy, có quán niệm và hoàn toàn hiểu biết tường tận như thế nào? [213] Ở đây khi mắt thấy vật hữu hình, vị tỳ kheo không hân hoan hay cũng không phiền muộn; vị ấy trú trong bình thản, có quán niệm và hoàn toàn hiểu biết tường tận. Khi tai nghe âm thanh... Khi mũi ngửi mùi... Khi thân chạm vật xúc chạm được... Khi ý nhận biết đối tượng của tâm thức, vị ấy không hân hoan cũng không phiền muộn, trú trong bình thản, có quán niệm và hoàn toàn hiểu biết tường tận. Vị ấy tránh cả hai [khía cạnh] ghê tởm và không ghê tởm, trú trong bình thản đến đối tượng ấy, có quán niệm và hoàn toàn hiểu biết tường tận như thế đấy.
Đây là thần thông của các bậc Thánh.
28. (7) Thần thông do quả của nghiệp sanh là gì? Thành công trong các loài chim, trong tất cả chư thiên, trong một số người, trong những sanh linh ở chốn đọa đày, đó là thành công do quả của nghiệp sanh.
29. (8) Thần thông của công đức là gì? Vua Chuyển Luân du hành trong hư không với bốn đạo quân, có cả tùy tùng và người chăn cừu. Cư sĩ Jotika có thần thông do công đức này. Cư sĩ Jaṭilaka có thần thông do công đức này. Cư sĩ Ghosika có thần thông do công đức này. Cư sĩ Meṇḍaka có thần thông do công đức này. Thần thông của năm công đức này là thần thông do công đức. Đây là thần thông của công đức.
30. (9) Thần thông nhờ phù thuật là gì? Người có phù thuật sau khi đọc phù chú, du hành trong hư không, và họ cho thấy voi, ngựa, chiếc xe ngựa, người lính bộ, cuộc dàn quân trên không. Đây là thần thông nhờ phù thuật.
31. (10) Thần thông theo nghĩa thành công nhờ việc làm đúng thời là gì? Ý nghĩa của từ bỏ ham muốn khoái lạc giác quan thành công nhờ xuất ly, vì thế nó là thần thông theo nghĩa thành công nhờ việc làm đúng thời. [214] ... [và cứ thế với bẩy chướng ngại, bốn cõi thiền, bốn chứng đạt vô sắc giới, mười tám quán thực tánh chánh, bốn đạo lộ, cho đến] ... Ý nghĩa của từ bỏ tất cả nhiễm lậu thành công nhờ đạo lộ arahant, vì thế nó là thần thông theo nghĩa thành công do việc làm đúng thời. Đây là thần thông theo nghĩa thành công nhờ việc làm đúng thời. [5]
CHẤM DỨT LUẬN THUYẾT VỀ THẦN THÔNG.
«Abhisamayakathā »
* Abhisamaya. Là một trong những khái niệm căn bản về phương pháp thiền quán của đạo Phật, abhisamaya là sự tu tập thực tiễn để chứng ngộ chân lý trong đạo Phật, nó luôn luôn được phối hợp với toàn thể tiến trình giác ngộ. Trong tạng Pāḷi, paññā là yếu tố chính của sự giác ngộ và abhisamaya là phương thức căn bản để thực chứng sự giác ngộ đó. Giác ngộ không phải chỉ là ý niệm mà còn có thể thực chứng được bằng cách quán và hiểu biết trọn vẹn đúng như thật các hiện tượng. Với người nỗ lực để chứng ngộ, điều quan trọng nhất là sự thực có thể tự nó hiển bầy bằng cách trực tiếp quán đúng như thật các hiện tượng đúng như chúng đang là. Abhisamaya mang đặc tính như thế. Khi giảng dạy, Đức Phật dùng chữ rất bình thường giản dị như ‘thấy’ (passati), sự kiện này đã giải thích những gì vừa nói trên. ‘Người nào thấy dhamma, người ấy thấy Ta’: yo dhammaṁ passati so maṁ passati (S iii 120)... người nào thấy lẽ phát sanh do tùy thuộc, người ấy thấy dhamma (M i 190f)... Nói về paññā là cách tu thực tiễn, đức Phật đề cập tới ba loại tu tập: nghe (sutamayā), suy nghĩ (cintāmayā) và tham thiền (bhāvanāmayā). Sau khi bàn xong nghĩa tổng quát về abhisamaya, ta nói tới phần ứng dụng đặc biệt của nó là phương pháp hành thiền khi các đệ tử của đức Phật áp dụng nó vào con đường giải thoát. Đến đây, ta có thể nói rằng từ khởi thủy, phương pháp hành thiền của đạo Phật là quán bốn Chân Lý Cao Cả, và sự hiểu biết trọn vẹn bốn Chân Lý Cao Cả này (saccābhisamaya) đã được coi là cách nhìn thấy sự thực (dhammānupassanā, dhammābhisamaya) nhờ những hoạt động dựa trên trí tuệ (paññā). Vì thế, sự nghiên cứu về abhisamaya là cần thiết vì: (1) hiểu được rằng abhisamaya có giá trị ngang bằng với giác ngộ, nibbana (niết bàn) và vimokkha (giải thoát), từ đó, nó là một loại giác ngộ; (2) hiểu trọn vẹn được abhisamaya đã đóng vai trò như thế nào trong các giai đoạn tu tập và phép thiền của các đệ tử; (3) làm sáng tỏ mối liên hệ giữa abhisamaya và paññā từ những điểm giống nhau giữa Mahāyāna và Theravāda... Đọc Kyòshò Hayashima, Abhisamaya trong Encyclopædia of Buddhism, Vol. I, [Government of Ceylon, 1961] trang 105-114.
Trong quyển này, tỳ kheo Ñāṇamoli đã dịch chữ abhisamaya là convergence (đồng quy). Chắc muốn bao hàm câu nói của tôn giả Gavampati với đại ý là người chứng được một Chân Lý Cao Cả thì cũng chứng luôn ba Chân Lý Cao Cả kia (S v 437). Khi giảng đoạn kinh S v 437 này, Ngài Kaccāna Thera (có lẽ thế kỷ thứ 2 trước tây lịch) nói là ‘có sự chứng ngộ cả bốn Chân Lý Cao Cả xảy ra đồng thời, vào một sát na, trong một tâm, không trước không sau.’ Đọc Kaccāna Thera, Peṭakopadesa trang 134 (Piṭaka-Disclosure đ. 539, tr 180). Trong Visuddhimagga tr 690 (The Path of Purification, ch. XXII đ. 92), ngài Buddhaghosa (thế kỷ thứ 5 tây lịch) viết: ‘vào lúc hiểu trọn vẹn các Chân Lý Cao Cả, mỗi trí của bốn đạo thi hành cùng một lúc bốn nhiệm vụ: hiểu trọn vẹn, từ bỏ, thực chứng và phát triển.’
Tổng hợp các ý trên, trong quyển này, tôi dịch Abhisamaya = convergence là sự chứng ngộ đồng thời.
1. [215] Có sự chứng ngộ đồng thời. [1]
Vị tỳ kheo chứng ngộ đồng thời bằng cách nào?
Chứng ngộ đồng thời bằng tâm. [2]
Nếu vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm, như vậy, người không trí cũng chứng ngộ đồng thời?
Người không trí không chứng ngộ đồng thời; vị tỳ kheo chứng ngộ đồng thời bằng trí.
Nếu vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng trí, như vậy, người không tâm cũng chứng ngộ đồng thời?
Người không tâm không chứng ngộ đồng thời; vị tỳ kheo chứng ngộ đồng thời bằng tâm và bằng trí.
Nếu vị tỳ kheo chứng ngộ đồng thời bằng tâm và bằng trí, như vậy, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm cõi dục giới và bằng trí?
Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm cõi dục giới và bằng trí.
Vậy thì, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm cõi sắc giới và bằng trí?
Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm cõi sắc giới và bằng trí.
Vậy thì, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm cõi vô sắc giới và bằng trí?
Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm cõi vô sắc giới và bằng trí.
Vậy thì, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm là quả của nghiệp2*và bằng trí?
2*tâm là quả của nghiệp: gọi tắt là tâm quả.
Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm quả và bằng trí.
Vậy thì, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm là chủ của nghiệp và bằng trí?
Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm là chủ của nghiệp và bằng trí.
Vậy thì, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm tương thuận với sự thực và bằng trí?
Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm tương thuận với sự thực và bằng trí.
Vậy thì, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm quá khứ và bằng trí?
Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm quá khứ và bằng trí.
Vậy thì, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm tương lai và bằng trí?
Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm tương lai và bằng trí.
Vậy thì, vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm thế tục đang hiện khởi và bằng trí?
Vị ấy không chứng ngộ đồng thời bằng tâm thế tục đang hiện khởi và bằng trí. Vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm hiện khởi ở sát na đạo lộ siêu thế và bằng trí.
Vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm hiện khởi ở sát na đạo lộ siêu thế và bằng trí như thế nào?
Ở sát na đạo lộ siêu thế, tâm với [bản chất] sanh khởi của nó có đặc tính ưu thắng là nguyên nhân và là điều kiện cho trí, [216] và tâm liên kết với [trí] đó lấy đoạn diệt làm lãnh vực của nó; và cũng thế, trí với đặc tính ưu thắng của nó là thấy rõ, là nguyên nhân và là điều kiện cho tâm; và cũng thế, trí liên kết với [tâm] đó lấy đoạn diệt làm lãnh vực của nó. Vị ấy chứng ngộ đồng thời bằng tâm hiện khởi ở sát na đạo lộ siêu thế và bằng trí như thế đấy.
2. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?
Không. Ở sát na đạo lộ siêu thế có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến; có chứng ngộ đồng thời của hướng tâm trụ vào, vốn là chánh tư duy; có chứng ngộ đồng thời của giữ gìn lời nói, vốn là chánh ngữ; có chứng ngộ đồng thời của nguồn sanh khởi, vốn là chánh hành; có chứng ngộ đồng thời của giữ trong sạch, vốn là chánh mạng; có chứng ngộ đồng thời của nỗ lực, vốn là chánh tinh tấn; có chứng ngộ đồng thời của thiết lập (nền tảng), vốn là chánh niệm; có chứng ngộ đồng thời của không tán loạn, vốn là chánh định. Có chứng ngộ đồng thời của thiết lập (nền tảng), vốn là yếu tố tạo thành giác ngộ của chánh niệm... [và cứ thế với các yếu tố tạo thành giác ngộ kế tiếp]... có chứng ngộ đồng thời của tư duy, vốn là yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản. Có chứng ngộ đồng thời của không lay chuyển vì không tin, vốn là tín lực... [và cứ thế với các lực kế tiếp]... có chứng ngộ đồng thời của không lay chuyển vì vô minh, vốn là tuệ lực. Có chứng ngộ đồng thời của cả quyết, vốn là năng lực gây ảnh hưởng của tín... [và cứ thế với các năng lực gây ảnh hưởng kế tiếp]... Có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là năng lực gây ảnh hưởng của tuệ. Có chứng ngộ đồng thời của các năng lực gây ảnh hưởng theo nghĩa ưu thắng; có chứng ngộ đồng thời của các lực theo nghĩa không lay chuyển; có chứng ngộ đồng thời của các yếu tố tạo thành giác ngộ theo nghĩa lối thoát; có chứng ngộ đồng thời của các đạo lộ theo nghĩa nguyên nhân; có chứng ngộ đồng thời của các nền tảng của quán niệm theo nghĩa thiết lập (nền tảng); có chứng ngộ đồng thời của chánh tinh tấn theo nghĩa nỗ lực; có chứng ngộ đồng thời của nền tảng của thần thông theo nghĩa thành tựu; có chứng ngộ đồng thời của các sự thực theo nghĩa chân như (hiện thực). Có chứng ngộ đồng thời của tĩnh lặng theo nghĩa không phân tâm; có chứng ngộ đồng thời của quán thực tánh theo nghĩa quán tưởng; có chứng ngộ đồng thời của tĩnh lặng và quán thực tánh theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất; có chứng ngộ đồng thời của sóng đôi theo nghĩa không vượt quá. Thanh lọc giới theo nghĩa chế ngự là chứng ngộ đồng thời; thanh lọc tâm theo nghĩa không tán loạn là chứng ngộ đồng thời; thanh lọc quan điểm theo nghĩa thấy rõ là chứng ngộ đồng thời; giải thoát theo nghĩa tự do là chứng ngộ đồng thời; minh trí theo nghĩa hiểu rõ là chứng ngộ đồng thời; tiêu dao theo nghĩa dứt bỏ là chứng ngộ đồng thời; trí biết về tuyệt diệt theo nghĩa cắt đứt là chứng ngộ đồng thời. Theo nghĩa nguồn gốc, ý muốn làm là chứng ngộ đồng thời; theo nghĩa nguồn sanh khởi, suy xét là chứng ngộ đồng thời; theo nghĩa gom lại, xúc là chứng ngộ đồng thời; theo nghĩa trước hết, [217] định là chứng ngộ đồng thời; theo nghĩa ưu thắng, quán niệm là chứng ngộ đồng thời; theo nghĩa cao nhất, tuệ là chứng ngộ đồng thời; theo nghĩa cốt lõi, tiêu dao là chứng ngộ đồng thời; theo nghĩa kết cuộc, nibbana trồi lên từ bất tử là chứng ngộ đồng thời. [3]
3. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?
Không. Ở sát na đạo lộ nhập giòng: có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến;... [và cứ thế như ở đ. 2]... trí biết về tuyệt diệt theo nghĩa cắt đứt là chứng ngộ đồng thời. Theo nghĩa nguồn gốc, ý muốn làm là chứng ngộ đồng thời... [và cứ thế như ở đ. 2]... theo nghĩa kết cuộc, nibbana trồi lên từ bất tử là chứng ngộ đồng thời.
4. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?
Không. Ở sát na quả vị nhập giòng: có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến;... [và cứ thế như ở đ. 2]... trí biết về không sanh khởi theo nghĩa làm lắng dịu là chứng ngộ đồng thời. Theo nghĩa nguồn gốc, ý muốn làm là chứng ngộ đồng thời... [và cứ thế như ở đ. 2]... theo nghĩa kết cuộc, nibbana trồi lên từ bất tử là chứng ngộ đồng thời.
5. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?
Không. Ở sát na đạo lộ trở lại một lần: có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến;... [lập lại đ. 3]...
6. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?
Không. Ở sát na quả vị trở lại một lần: có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến;... [lập lại đ. 4]...
7. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?
Không. Ở sát na đạo lộ không trở lại: có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến;... [lập lại đ. 3]...
8. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?
Không. Ở sát na quả vị không trở lại: có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến;... [lập lại đ. 4]...
9. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?
Không. Ở sát na đạo lộ arahant: có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến;... [lập lại đ. 3]...
10. Vậy thì, chứng ngộ đồng thời chỉ có bấy nhiêu thôi?
Không. Ở sát na quả vị arahant: có chứng ngộ đồng thời của thấy rõ, vốn là chánh kiến;... [lập lại đ. 4]...
11. [Khi bậc thánh] này từ bỏ nhiễm lậu, [4][thì] vị ấy từ bỏ nhiễm lậu quá khứ, từ bỏ nhiễm lậu tương lai, từ bỏ nhiễm lậu đang hiện khởi?
[Hãy giả định là] vị ấy từ bỏ nhiễm lậu quá khứ.
Nếu vị ấy từ bỏ nhiễm lậu quá khứ, vị ấy hủy diệt cái đã bị hủy diệt rồi, chấm dứt cái đã bị chấm dứt rồi, làm tan biến cái đã bị tan biến rồi. Cái gì thuộc về quá khứ, hiện không có, mà vị ấy lại từ bỏ?
Như vậy, vị ấy không từ bỏ nhiễm lậu quá khứ. [Hãy giả định là] vị ấy từ bỏ nhiễm lậu tương lai.
Nếu vị ấy từ bỏ nhiễm lậu tương lai, vị ấy từ bỏ cái chưa sanh ra, từ bỏ cái chưa phát sanh, từ bỏ cái chưa sanh khởi, từ bỏ cái chưa biểu hiện. Cái gì thuộc về tương lai, hiện không có, mà vị ấy từ bỏ?
Như vậy, vị ấy không từ bỏ nhiễm lậu tương lai. [Hãy giả định là] vị ấy từ bỏ nhiễm lậu đang hiện khởi.
Nếu vị ấy từ bỏ nhiễm lậu đang hiện khởi, dù có bị tham khêu gợi, vị ấy từ bỏ tham; dù có bị sân hận tạo phiền não, vị ấy từ bỏ sân hận; dù có bị mê muội, vị ấy từ bỏ si mê; dù có bị ràng buộc, vị ấy từ bỏ ngã mạn (tự hào); dù có hiểu sai, vị ấy từ bỏ quan điểm [sai lạc]; dù có bị xao lãng, vị ấy từ bỏ dao động; dù không nhất quyết, vị ấy từ bỏ nghi hoặc; dù có thói quen lâu đời, vị ấy từ bỏ khuynh hướng ngủ ngầm; các trạng thái tối sáng xảy ra sóng đôi nhau, và có sự tu tập đạo lộ có nhiễm lậu. [218]
Như vậy, vị ấy không từ bỏ nhiễm lậu quá khứ, không từ bỏ nhiễm lậu tương lai, không từ bỏ nhiễm lậu đang hiện khởi.
Nếu vị ấy không từ bỏ nhiễm lậu quá khứ, không từ bỏ nhiễm lậu tương lai, không từ bỏ nhiễm lậu đang hiện khởi thì không có sự phát triển đạo lộ, không có sự chứng quả đạo lộ, không có sự chứng ngộ đồng thời các hiện tượng?
Không phải thế. Vẫn có sự phát triển đạo lộ, có sự chứng quả đạo lộ, có sự chứng ngộ đồng thời các hiện tượng.
Bằng cách nào?
12. Giả sử có một cây non chưa sanh trái, và một người cắt đứt rễ của nó thì trái chưa sanh vẫn mãi không sanh và sẽ không sanh ra, chúng vẫn mãi không phát sanh và sẽ không phát sanh, chúng vẫn mãi không sanh khởi và sẽ không sanh khởi, chúng vẫn mãi không biểu hiện và sẽ không biểu hiện. Cũng thế, sanh khởi là nguyên nhân, sanh khởi là điều kiện cho sự phát sanh nhiễm lậu. Thấy rõ nguy hiểm trong sanh khởi, nên tâm đi vào (lao vào) không sanh khởi. Với tâm đi vào (lao vào) không sanh khởi, nhiễm lậu lẽ ra được phát sanh có sanh khởi làm điều kiện vẫn mãi không sanh và sẽ không sanh ra... vẫn mãi không biểu hiện và sẽ không biểu hiện. Nên với sự đoạn diệt của nguyên nhân nên có đoạn diệt của khổ đau... Tiếp tục tái diễn là nguyên nhân... Điều kiện để còn sanh tử là nguyên nhân... Tích lũy là nguyên nhân... tích lũy là điều kiện cho phát sanh nhiễm lậu. Thấy rõ nguy hiểm trong tích lũy, nên tâm đi vào (lao vào) không tích lũy. Với tâm đi vào (lao vào) không tích lũy, nhiễm lậu lẽ ra được phát sanh có tích lũy làm điều kiện vẫn mãi không sanh và sẽ không sanh ra... vẫn mãi không biểu hiện và sẽ không biểu hiện. Nên với sự đoạn diệt của nguyên nhân nên có sự đoạn diệt của khổ đau. Như vậy có sự phát triển đạo lộ, có sự chứng quả đạo lộ, có sự chứng ngộ đồng thời các hiện tượng.
CHẤM DỨT LUẬN THUYẾT VỀ CHỨNG NGỘ ĐỒNG THỜI.
[1]Để dịch chữ abhisamaya là convergence (đồng quy), < Ñāṇamoli đã có ý định viết một chú thích, nhưng tìm không thấy chú thích ấy. Lời dịch này mang tính cách ngữ nguyên, có lẽ muốn diễn đạt sự hiểu rõ bốn Sự thực như là sự hiểu rõ duy nhất, là sự ‘đồng quy, hội tụ’. Hãy so sánh với PsA trang 164 ấn bản của PTS. Ở trang 102, để giải thích chữ sam ở đây, Mahānāma hình như dùng chữ sammā, nghĩa là ‘đi thẳng vào’, dù bản của Miến Điện viết là sam-ā, vốn tán đồng ý tưởng của Ñāṇamoli; hơn nữa, PsA trang 686 viết là sam-ā mà không ghi lại sự biến hóa hình thái của chữ này. Tuy nhiên, Aggavaṁsā (Sadd trang 419 và 884) ở đây hỗ trợ chữ sammā, như thế, chữ sam-ā có thể chỉ là sự ‘tu chính’ vội vàng. Theo ngữ nguyên, chữ sammā vốn có nghĩa là ‘đi cùng’. So với V. 91>
[2]Viết là: Kena abhisameti? Cittena abhisameti. Hañci cettena, ...
[3]Về đoạn này, hãy so với Luận I đ 26 và 360.
[4]Viết là:Yvāyaṁ kilese pajahati, atīte kilese pajahati, anāgate.... Chú giải nói là ‘Yvāyan ti ayaṁ maggaṭṭho ariyo puggalo’ (PsA 512 Se). Bản của Miến Điện diễn đạt ý tưởng này bằng cách viết như sau: ‘Yvāyaṁ yo ayaṁ abhisamayo’ hình như không hoàn toàn đúng lắm.
«Vivekakathā »
1. ‘Này các tỳ kheo, như bất cứ thành tựu nào được thực hiện bằng thể lực, tất cả đều được thực hiện nhờ dựa vào trái đất này, đứng trên trái đất này, và những thành tựu được thực hiện như thế đấy; cũng thế, chính nhờ dựa vào giới hạnh, đứng trên giới hạnh mà tỳ kheo tu tập thánh đạo tám ngành, làm phong phú thánh đạo tám ngành.
‘Này các tỳ kheo, nhờ dựa vào giới hạnh, đứng trên giới hạnh mà tỳ kheo tu tập thánh đạo tám ngành, làm phong phú thánh đạo tám ngành như thế nào? Ở đây, này các tỳ kheo, vị tỳ kheo tu tập chánh kiến dựa vào cách ly, dựa vào hết ham muốn, dựa vào đoạn diệt, đem lại buông bỏ; vị ấy tu tập chánh tư duy... chánh ngữ... chánh hành... chánh mạng... chánh tinh tấn... chánh niệm... vị tỳ kheo tu tập chánh định dựa vào cách ly, dựa vào hết ham muốn, dựa vào đoạn diệt, đem lại buông bỏ. Nhờ dựa vào giới hạnh, đứng trên giới hạnh mà tỳ kheo tu tập thánh đạo tám ngành, làm phong phú thánh đạo tám ngành như thế đó.
‘Này các tỳ kheo, như các hạt giống và cây non sẽ tăng trưởng, phát triển và trưởng thành, tất cả đều diễn ra nhờ dựa vào trái đất này, đứng trên trái đất này, và chúng sẽ tăng trưởng, lớn lên và trưởng thành như thế đấy, cũng thế, nhờ dựa vào giới hạnh, đứng trên giới hạnh, [220] mà tỳ kheo tu tập thánh đạo tám ngành, làm phong phú thánh đạo tám ngành, đạt được tăng trưởng, phát triển và trưởng thành trong các trạng thái [thiện].
‘Này các tỳ kheo, thế nào là dựa vào giới hạnh, đứng trên giới hạnh, mà tỳ kheo tu tập thánh đạo tám ngành, làm phong phú thánh đạo tám ngành, đạt được tăng trưởng, phát triển và trưởng thành trong các trạng thái [thiện]? Ở đây, này các tỳ kheo, vị tỳ kheo tu tập chánh kiến dựa vào cách ly... [như trên]... vị tỳ kheo tu tập chánh định dựa vào cách ly, dựa vào hết ham muốn, dựa vào đoạn diệt, đem lại buông bỏ.’ (S v 45f.)
2. Trong trường hợp chánh kiến, có năm loại cách ly, năm loại hết ham muốn, năm loại đoạn diệt, năm loại buông bỏ và mười hai yếu tốhỗ trợ.*
* dvaadasa nissayaa : mười hai yếu tố hỗ trợ.
Trong trường hợp chánh tư duy...
Trong trường hợp chánh ngữ...
Trong trường hợp chánh hành...
Trong trường hợp chánh mạng...
Trong trường hợp chánh tinh tấn...
Trong trường hợp chánh niệm...
Trong trường hợp chánh định...
3. Trong trường hợp chánh kiến, năm loại cách ly ấy là gì?
Đó là: cách ly bằng cách đè nén, cách ly bằng cách thay thế đức tính đối lập, cách ly bằng cách cắt đứt, cách ly bằng cách làm lắng dịu và cách ly như là thoát ly.
Cách ly bằng cách đè nén là cách ly các chướng ngại trong người tu tập sơ thiền. Cách ly bằng cách thay thế đức tính đối lập là cách ly những nguồn cội đưa đến quan điểm sai lạc trong người tu tập định đưa đến hiểu rõ. Cách ly bằng cách cắt đứt trong người tu tập đạo lộ siêu thế dẫn đến hủy diệt [nhiễm lậu]. Cách ly bằng cách làm lắng dịu ở khoảnh khắc quả. Cách ly như là thoát ly là đoạn diệt, nibbana.
Trong trường hợp chánh kiến, đây là năm loại sống cách ly. Và [trong trường hợp cách ly], vị ấy (1) tràn đầy hăng hái *, (2) cả quyết với niềm tin và (3) tâm của vị ấy hoàn toàn được củng cố.
* hăng hái: chanda (ý muốn làm).
4. Trong trường hợp chánh kiến, năm loại hết ham muốn ấy là gì?
Đó là: hết ham muốn bằng cách đè nén, hết ham muốn bằng cách thay thế đức tính đối lập, hết ham muốn bằng cách cắt đứt, hết ham muốn bằng cách làm lắng dịu và hết ham muốn như là thoát ly.
Hết ham muốn bằng cách đè nén là loại bỏ các chướng ngại trong người tu tập sơ thiền. Hết ham muốn bằng cách thay thế đức tính đối lập là loại bỏ những nguồn cội đưa đến quan điểm sai lạc... [và cứ thế như ở đoạn 3]... Hết ham muốn như là thoát ly là đoạn diệt, nibbana.
Trong trường hợp chánh kiến, đây là năm loại hết ham muốn. Và [trong trường hợp hết ham muốn], vị ấy (4) tràn đầy hăng hái, (5) cả quyết với niềm tin và (6) tâm của vị ấy hoàn toàn được củng cố. [221]
5. Trong trường hợp chánh kiến, năm loại đoạn diệt ấy là gì?
Đó là: đoạn diệt bằng cách đè nén, đoạn diệt bằng cách thay thế đức tính đối lập, đoạn diệt bằng cách cắt đứt, đoạn diệt bằng cách làm lắng dịu và đoạn diệt như là thoát ly.
Đoạn diệt bằng cách đè nén là đoạn diệt các chướng ngại trong người tu tập sơ thiền... [và cứ thế như ở đoạn 3]... Đoạn diệt như là thoát ly là đoạn diệt, nibbana.
Trong trường hợp chánh kiến, đây là năm loại đoạn diệt. Và [trong trường hợp đoạn diệt], vị ấy (7) tràn đầy hăng hái, (8) cả quyết với niềm tin và (9) tâm của vị ấy hoàn toàn được củng cố.
6. Trong trường hợp chánh kiến, năm loại buông bỏ ấy là gì?
Đó là: buông bỏ bằng cách đè nén, buông bỏ bằng cách thay thế đức tính đối lập, buông bỏ bằng cách cắt đứt, buông bỏ bằng cách làm lắng dịu và buông bỏ như là thoát ly.
Buông bỏ bằng cách đè nén là buông bỏ các chướng ngại trong người tu tập sơ thiền... [và cứ thế như ở đoạn 3]... Buông bỏ như là thoát ly là đoạn diệt, nibbana.
Trong trường hợp chánh kiến, đây là năm loại buông bỏ. Và [trong trường hợp buông bỏ], vị ấy (10) tràn đầy hăng hái, (11) cả quyết với niềm tin và (12) tâm của vị ấy hoàn toàn được củng cố. [1]
Trong trường hợp chánh kiến, đây là năm loại cách ly, năm loại hết ham muốn, năm loại đoạn diệt, năm loại buông bỏ và mười hai yếu tố hỗ trợ.1
7-10. Trong trường hợp chánh tư duy, năm loại cách ly ấy là gì?
11-14. Trong trường hợp chánh ngữ...
15-18. Trong trường hợp chánh hành...
19-22. Trong trường hợp chánh mạng...
23-26. Trong trường hợp chánh tinh tấn...
27-30. Trong trường hợp chánh niệm...
31-34. Trong trường hợp chánh định... [222]
Đó là: cách ly bằng cách đè nén...
Cách ly bằng cách đè nén là...
Trong trường hợp chánh định, đây là năm loại cách ly. Và [trong trường hợp cách ly], vị ấy (10) tràn đầy hăng hái, (11) cả quyết với niềm tin và (12) tâm của vị ấy hoàn toàn được củng cố.
Trong trường hợp chánh định, đây là năm loại cách ly, năm loại hết ham muốn, năm loại đoạn diệt, năm loại buông bỏ và mười hai yếu tố hỗ trợ.
35-64. ‘Này các tỳ kheo, như bất cứ thành tựu nào được thực hiện... [223] [lập lại đ. 1 cho đến] đứng trên giới hạnh mà tỳ kheo tu tập bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ...
‘... tu tập bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ, làm phong phú bẩy yếu tố tạo thành giác ngộ, đạt được tăng trưởng, phát triển và trưởng thành trong các trạng thái [thiện].
65-88. ... năm lực...
89-100. ... năm năng lực gây ảnh hưởng... [224]
Trong năng lực gây ảnh hưởng của định, đây là năm loại cách ly, năm loại hết ham muốn, năm loại đoạn diệt, năm loại buông bỏ và mười hai yếu tố hỗ trợ.
CHẤM DỨT LUẬN THUYẾT VỀ CÁCH LY.
[1]Sở dĩ không có diễn giải riêng về ‘mười hai yếu tố hỗ trợ’ (đọc ấn bản tiếng Pāḷi của PTS, quyển ii) là vì chẳng có gì để giải thích cả: các yếu tố hỗ trợ ấy chỉ là: ‘hăng hái’, ‘niềm tin’ và ‘củng cố’ trong bốn trường hợp: ‘cách ly’, ‘hết ham muốn’, ‘đoạn diệt’ và ‘buông bỏ’. 3 nhân với 4 thành 12. Đọc PsA 515. ‘Hăng hái’, ‘niềm tin’ và ‘củng cố’ đã được định nghĩa rõ ở Luận I.
«Cariyākathā»
1. [225] Hành xử: Có tám loại. ... [lập lại Luận IV, các đoạn từ 31 đến 33 mà không thay đổi hay thêm thắt gì].
LUẬN THUYẾT VỀ HÀNH XỬ HOÀN TẤT.
«Paṭihāriyakathā»
1. [227] ‘Này các tỳ kheo, có ba loại kỳ diệu (biến hóa). Ba kỳ diệu nào? Kỳ diệu về thần thông, kỳ diệu về biết tâm ý, kỳ diệu về giảng dạy.
‘Này các tỳ kheo, kỳ diệu về thần thông là gì? Ở đây, này các tỳ kheo, một tỳ kheo kinh nghiệm các loại thần thông (năng lực siêu nhiên) khác nhau; là một vị ấy biến thành nhiều,... [và cứ thế như ở Luận I đ. 527 cho đến]... vị ấy điều thân mình bay xa đến cõi trời Phạm Thiên. Này các tỳ kheo, đây được gọi là kỳ diệu về thần thông.
‘Này các tỳ kheo, kỳ diệu về biết tâm ý *là gì? Ở đây, này các tỳ kheo, nhờ dấu hiệu [như dáng điệu chẳng hạn], một người nói: ‘Ý của ông như vậy, ý của ông như thế, tâm của ông là như vậy’ và dù vị ấy nói nhiều đến đâu, vị ấy nói nó đúng như vậy và không gì khác. Ở đây có người không nhờ dấu hiệu, mà nhờ nghe giọng người hay giọng không phải của người, hay của chư thiên, [1]vị ấy nói rằng: ‘Ý của ông như vậy, ý của ông như thế, tâm của ông là như vậy’ và dù vị ấy nói nhiều đến đâu, vị ấy nói nó đúng như vậy và không gì khác. Ở đây có người không nói nhờ nhìn dấu hiệu, không nhờ nghe giọng người hay giọng không phải của người, hay của chư thiên, mà sau khi nghe [2]lời nói rõ ràng của người suy tư hiểu biết 2*, vị ấy nói rằng: ‘Ý của ông như vậy, ý của ông như thế, tâm của ông là như vậy’ và dù vị ấy nói nhiều đến đâu, vị ấy nói nó đúng như vậy và không gì khác. Ở đây có người không nhờ dấu hiệu, không nhờ nghe giọng người hay giọng không phải của người, hay của chư thiên, không nhờ lời nói rõ ràng của người suy tư hiểu biết, [228] mà nhờ thấu rõ tâm ý của người đạt định không hướng tâm và suy xét đối tượng, vị ấy biết rằng ‘người này khi suy nghĩ về đối tượng nào, sẽ lập tức hướng tâm đến đối tượng ấy’ vị ấy nói rằng: ‘Ý của ông như vậy, ý của ông như thế, tâm của ông là như vậy’ và dù vị ấy nói nhiều đến đâu, vị ấy nói nó đúng như vậy và nó không gì khác. Này các tỳ kheo, đây được gọi là kỳ diệu về biết tâm ý.
* nđ: nói ra tâm ý kẻ khác.
2* ‘lời nói rõ ràng của người suy tư hiểu biết’ dịch theo Woodward, sđd, trang 154. Vitakka-vicāra ở đây có nghĩa là ‘khi chú ý đến đối tượng của nó, tâm bắt đầu suy tư về đối tượng ấy’. Woodward, sđd, chú thích số 6, trang 154.
‘Và này các tỳ kheo, kỳ diệu về giảng dạy là gì? Ở đây, này các tỳ kheo, có người khuyên như vầy: ‘Sử dụng hướng tâm như thế này, chớ như thế khác; suy xét thế này, chớ như thế khác; từ bỏ cái này, làm điều này, sống trú trong cái này’. Này các tỳ kheo, đây được gọi là kỳ diệu về giảng dạy.
Này các tỳ kheo, đây là ba loại kỳ diệu.*(A i 170).
* trong ba loại này, đức Phật nhàm chán, bác bỏ và ghê tởm hai loại đầu vì có những kẻ không tin cũng biết dùng chú thuật Gandhāra và Maṇika để trổ thần thông và đọc được tâm ý kẻ khác. Đức Phật chỉ coi trọng kỳ diệu về giảng dạy. Đọc kinh Kevaddha, D i 214.
2. Xuất ly * thành công (ijjhati): đây là thần thông (iddhi). Nó biến thái (paṭiharati) ham muốn khoái lạc giác quan: như vậy nó là sự biến hóa (pāṭihāriya). Tất cả những ai thành tựu được sự xuất ly đó đều trong sạch trong tâm và tư tưởng không huyên náo: đây là biến hóa nhờ biết tâm ý. Sự xuất ly ấy phải được trau giồi như vậy, phải được phát triển như vậy, phải được làm cho phong phú như vậy: đây là biến hóa nhờ giảng dạy.
* Nekkhamma: không còn ái dục. Tuy bắt nguồn từ nir + vkramcó nghĩa là xuất gia, chữ này luôn được dùng là chữ phản nghĩa với kāma. Đọc Nyanatiloka, Buddhist Dictionary, trang 105.
Không sân hậnthành công... [và cứ thế với các chướng ngại còn lại của 7 chướng ngại và các đức tính đối nghịch, bốn cõi thiền, bốn chứng đạt vô sắc giới, mười tám tuệ quán thực tánh chính, bốn đạo lộ, (nhưng không có bốn quả) - Đọc Luận I các đ. từ 36 đến 40]...
Đạo lộ arahantthành công (ijjhati): đây là thần thông (iddhi). Nó biến thái (paṭiharati) tất cả nhiễm lậu: như vậy nó là biến hóa (pāṭihāriya). Tất cả những ai thành tựu được đạo lộ arahant ấy đều trong sạch trong tâm và tư tưởng không huyên náo: đây là biến hóa nhờ biết tâm ý. Đạo lộ arahant ấy phải được trau giồi như vậy, phải được phát triển như vậy, phải được làm cho phong phú như vậy, quán niệm phải được thiết lập đúng với đạo lộ ấy như vậy: đây là biến hóa nhờ giảng dạy.
3. Xuất ly thành công: đây là thần thông. Nó biến thái ham muốn khoái lạc giác quan: như vậy nó là sự biến hóa. Thần thông ấy (iddhi) và biến hóa ấy (paṭihāriya) tạo nên cái gọi là biến hóa nhờ thần thông (iddhi-paṭihāriya).
Không sân hậnthành công... [và cứ thế như trên cho đến]...
Đạo lộ arahantthành công: đây là thần thông. Nó biến thái tất cả nhiễm lậu: như vậy nó là sự biến hóa. Thần thông ấy và biến hóa ấy tạo nên cái gọi là biến hóa nhờ thần thông.
CHẤM DỨT LUẬN THUYẾT VỀ KỲ DIỆU (BIẾN HÓA).
[1]‘của người đã hiểu được tâm đó’ (PsA 516 Se). «parato ghosaṁ: thiên nhĩ thông. Chú thích số 5 của F. L. Woodward, Gradual Sayings I, trang 154».
[2]‘Sau khi nghe câu ai nói nhảm khi đang buồn ngủ hay khi bất ý, khởi lên vì tâm hướng về âm thanh đó (PsA 516 Se, ấn bản của PTS 693). «Nhưng theo Woodward, câu truyện này muốn nói ‘tình cờ nghe lời phẩm bình’, như vậy ngụ ý khả năng ‘nhìn ra vấn đề như hai với hai là bốn’. Chú thích số 6 của F. L. Woodward, sđd, trang 154».
«Samasīsakathā »
*xin đọc Luận I, chương 36.
1.Tuệ hoàn toàn cắt đứt tất cả các trạng thái, diệt tận của các trạng thái ấy, và sự không tái xuất hiện của các trạng thái ấy, là trí về nghĩa của cùng tột đỉnh.
2. Tất cả các trạng thái: Năm tập hợp, ... [Lập lại Luận I từ đoạn 465 cho đến 470 mà không sửa đổi hay thêm thắt gì].
CHẤM DỨT LUẬN VỀ CÙNG TỘT ĐỈNH.
«Saṭipaṭṭhānakathā »
1. ‘Này các tỳ kheo, có bốn nền tảng của quán niệm. Bốn nền tảng nào? Ở đây, này các tỳ kheo, vị tỳ kheo sống quán thân đúng như thân, nhiệt tâm, hiểu thấu đáo tường tận, có quán niệm, sau khi đã từ bỏ tham lam và ưu phiền ở đời. Vị ấy sống quán cảm giác đúng như cảm giác... Vị ấy sống quán tâm đúng như tâm... Vị ấy sống quán đối tượng tâm ý đúng như đối tượng tâm ý, nhiệt tâm, hiểu thấu đáo tường tận, có quán niệm, sau khi đã từ bỏ tham lam và ưu phiền ở đời. Đây là bốn nền tảng của quán niệm. (S v 73).
2. Vị ấy sống quán thân đúng như thân như thế nào?
Ở đây có người quán thân đất này là vô thường, không trường tồn, là khổ chứ không vui sướng, không phải là ngã chứ không là ngã; vị ấy trở nên nhàm chán, không còn thích thú; vị ấy làm lòng tham phai nhạt, không khêu gợi nó lên; vị ấy tạo đoạn diệt, không sanh khởi; vị ấy buông bỏ, không bám giữ. Khi quán vô thường, vị ấy từ bỏ quan niệm trường tồn; khi quán khổ não, vị ấy từ bỏ quan niệm vui sướng; khi quán không phải là ngã, vị ấy từ bỏ quan niệm về ngã; khi trở nên nhàm chán, vị ấy từ bỏ thích thú; khi lòng tham của vị ấy phai nhạt, vị ấy từ bỏ tham; khi vị ấy tạo đoạn diệt, vị ấy từ bỏ sanh khởi; khi buông bỏ, vị ấy không còn bám giữ. <so với Luận I đ. 16>
3. Vị ấy quán thân theo bẩy khía cạnh: Thân này là sự thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm là cả hai: vừa là thiết lập (nền tảng), vừa là quán niệm. Nhờ quán niệm đó và nhờ trí đó, vị ấy quán thân. Vậy thì ‘Tu tập Nền Tảng (Thiết Lập) của Quán Niệm dưới hình thức quán thân đúng như thân’ được nói ra. <so với Luận III đ. 196>
4. Tu tập: có bốn loại tu tập: tu tập theo nghĩa các trạng thái được tạo nên trong đó không vượt quá nhau, tu tập theo nghĩa tác dụng (hương vị) duy nhất của các năng lực gây ảnh hưởng, tu tập theo nghĩa nỗ lực thích đáng có hiệu quả, tu tập theo nghĩa lập lại.[1]<Luận I đ 135>
5-7. Ở đây có người quán thân nước...
8-10. ... lửa...
11-13. ... gió...
14-16. ... tóc...
17-19. ... lông...
20-22. ... da...
23-25. ... ruột...
26-28. ... thịt...
29-31. ... máu...
32-34. ... gân...
35-37. ... xương...
38-40. ... tủy... [233]
... theo nghĩa lập lại.
Vị ấy sống quán thân đúng như thân như thế đấy. <Luận I đ 5>
41. Vị ấy sống quán cảm giác đúng như cảm giác như thế nào?
Ở đây có người quán cảm giác khoan khoái dễ chịu là vô thường, chứ không lâu bền... vị ấy từ bỏ bám giữ.
42. Vị ấy quán cảm giác theo bẩy khía cạnh: Cảm giác này là sự thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm là cả hai: vừa là thiết lập (nền tảng), vừa là quán niệm. Nhờ quán niệm đó và nhờ trí đó, vị ấy quán cảm giác. Vậy thì ‘Tu tập Nền Tảng (Thiết Lập) của Quán Niệm dưới hình thức quán cảm giác đúng như cảm giác’ được nói ra. <so với Luận III đ. 294>
43. Tu tập: ... theo nghĩa lập lại.
44-46. Ở đây có người quán cảm giác đau đớn khó chịu...
47-49. Ở đây có người quán cảm giác không khoan khoái dễ chịu cũng không đau đớn khó chịu...
... theo nghĩa lập lại.
Vị ấy sống quán cảm giác đúng như cảm giác như thế đấy.
50. Vị ấy sống quán tâm đúng như tâm như thế nào?
Ở đây có người quán tâm tham là vô thường, chứ không lâu bền... vị ấy từ bỏ bám giữ.
51. Vị ấy quán tâm theo bẩy khía cạnh: Tâm này là sự thiết lập (nền tảng), nhưng nó không phải là quán niệm. Quán niệm là cả hai: vừa là thiết lập (nền tảng), vừa là quán niệm. Nhờ quán niệm đó và nhờ trí đó, vị ấy quán tâm. Vậy thì ‘Tu tập Nền Tảng (Thiết Lập) của Quán Niệm dưới hình thức quán tâm đúng như tâm’ được nói ra. <so với Luận III đ. 397>
52. Tu tập: ... theo nghĩa lập lại.
53-55. Ở đây có người quán tâm không tham...
56-58. ... tâm thù hận...
59-61. ... tâm không thù hận...
62-64. ... tâm si mê...
65-67. ... tâm không si mê...
68-70. ... tâm chuyên chú...
71-73. ... tâm tán loạn...
74-76. ... tâm cao thượng...
77-79. ... tâm không cao thượng...
80-82. ... tâm không vô thượng...
83-85. ... tâm vô thượng...
86-88. ... tâm định...
89-91. ... tâm không định...
92-94. ... tâm được giải thoát...
95-97. ... tâm không được giải thoát...
98-100. ... nhận biết từ mắt...
101-103. ... nhận biết từ tai...
104-106. ... nhận biết từ mũi...
107-109. ... nhận biết từ lưỡi...
110-112. ... nhận biết từ thân...
113-115. ... nhận biết từ ý...
... theo nghĩa lập lại.
Vị ấy sống quán tâm đúng như tâm như thế đấy.
116. Vị ấy sống quán đối tượng tâm ý đúng như đối tượng tâm ý như thế nào?
Ở đây có người quán tất cả đối tượng tâm ý không kể thân, không kể cảm giác, không kể tâm, là vô thường, chứ không lâu bền... vị ấy từ bỏ bám giữ. <so với Luận III, đ 495>
117. Vị ấy quán đối tượng tâm ý theo bẩy khía cạnh: Đối tượng tâm ý là sự thiết lập (nền tảng), nhưng chúng không phải là quán niệm. Quán niệm là cả hai: vừa là thiết lập (nền tảng), vừa là quán niệm. Nhờ quán niệm đó và nhờ trí đó, vị ấy quán các đối tượng tâm ý này. Vậy thì ‘Tu tập Nền Tảng (Thiết Lập) của Quán Niệm dưới hình thức [235] quán đối tượng tâm ý đúng như đối tượng tâm ý’ được nói ra.
118. Tu tập: ... theo nghĩa lập lại.
Vị ấy sống quán đối tượng tâm ý đúng như đối tượng tâm ý như thế đấy.
CHẤM DỨT LUẬN THUYẾT VỀ CÁC NỀN TẢNG CỦA QUÁN NIỆM.
[1]Đọc Luận III các đoạn từ 196-198 nói đầy đủ các hình thức tu tập này.
«Vipassanākathā»
1. ‘Như vầy tôi nghe. Có một thời Thế Tôn trú tại Sāvatthi, trong vườn Jeta, công viên của Anāthapiṇḍika. Ở đấy, Ngài nói với các tỳ kheo như thế này: ‘Này các tỳ kheo’. Các tỳ kheo trả lời: ‘Kính thưa Ngài’. Thế Tôn nói thế này:
2. Này các tỳ kheo, khi tỳ kheo thấy bất cứ hành vi tạo quả nào là trường tồn thì vị ấy không thể chọn lựa [1]tương thuận [với sự thực], và nếu không thể chọn lựa tương thuận [với sự thực] thì vị ấy sẽ không thể nào thâm nhập được sự chắc chắn chân chánh,* và nếu không thâm nhập được sự chắc chắn chân chánh thì vị ấy sẽ không thể thực chứng quả vị nhập giòng, quả vị trở lại một lần, quả vị không trở lại, quả vị arahant. Này các tỳ kheo, khi tỳ kheo thấy tất cả hành vi tạo quả là vô thường thì vị ấy có thể chọn lựa tương thuận [với sự thực], và nhờ có chọn lựa tương thuận [với sự thực] thì vị ấy sẽ có thể thâm nhập vào sự chắc chắn chân chánh, và nhờ thâm nhập được sự chắc chắn chân chánh thì vị ấy sẽ có thể thực chứng quả vị nhập giòng, quả vị trở lại một lần, quả vị không trở lại và quả vị arahant.
*‘sammattaniyāma (certainty of rightness): chắc chắn chân chánh’ chính là tám chánh đạo: được gọi là chân chánh kể từ chánh kiến, là sự chắc chắn tất nhiên của đường hướng không thể đảo ngược (Pm. 784). Bhikkhu Bodhi dịch là the fixed course of rightness: đạo lộ bất biến của chân chánh. Nó tượng trưng cho đạo lộ siêu thế (ariyamagga). Chú giải Bộ Kinh Liên Kết nói một khi đạo lộ này đã khởi lên thì việc chứng quả không bị trở ngại. Đọc Bhikkhu Bodhi, The Connected Discourses of the Buddha Vol. I: chú thích 530, trang 468 về bài kệ ở (S i 196); chú thích 268 trang 1099 về đoạn kinh ở (S iii 227f).
3. Này các tỳ kheo, khi tỳ kheo thấy bất cứ hành vi tạo quả nào là khả ái dễ chịu thì vị ấy không thể chọn lựa tương thuận [với sự thực], và... [và cứ thế như ở đ. 2 cho đến]... quả vị [237] arahant. Này các tỳ kheo, khi tỳ kheo tất cả hành vi tạo quả đều là khổ não thì vị ấy có thể chọn lựa tương thuận [với sự thực], và... [và cứ thế như ở đ. 2 cho đến] ... quả vị arahant.
4. Này các tỳ kheo, khi tỳ kheo thấy bất cứ hiện tượng nào là ngã thì vị ấy không thể chọn lựa tương thuận [với sự thực], và... [và cứ thế như ở đ. 2 cho đến]... quả vị arahant. Này các tỳ kheo, khi tỳ kheo thấy tất cả các hiện tượng [2]đều không phải là ngã thì vị ấy có thể chọn lựa tương thuận [với sự thực], và... [và cứ thế như ở đ. 2 cho đến]... quả vị arahant.
5. Này các tỳ kheo, khi tỳ kheo thấy nibbana là khổ não thì vị ấy không thể chọn lựa tương thuận [với sự thực], và... [và cứ thế như ở đ. 2 cho đến]... quả vị arahant. Này các tỳ kheo, khi tỳ kheo thấy nibbana là an lạc thì vị ấy có thể chọn lựa tương thuận [với sự thực], và... [và cứ thế như ở đ. 2 cho đến]... quả vị arahant.
6. Vị ấy chọn lựa tương thuận [với sự thực] theo bao nhiêu khía cạnh? Vị ấy thâm nhập vào sự chắc chắn chân chánh theo bao nhiêu khía cạnh?
Vị ấy chọn lựa tương thuận [với sự thực] theo bốn mươi khía cạnh. Vị ấy thâm nhập vào sự chắc chắn chân chánh theo bốn mươi khía cạnh.
7. Vị ấy chọn lựa tương thuận [với sự thực] theo bốn mươi khía cạnh nào?
Vị ấy thâm nhập vào sự chắc chắn chân chánh theo bốn mươi khía cạnh nào?
[Vị ấy] thấy rõ năm tập hợp là vô thường, khổ não, bệnh hoạn, mụn nhọt, mũi tên, hoạn họa, ưu sầu, xa lạ, phân rã, dịch, tai ương, khủng khiếp, đe dọa, suy vong, không bền, không được bảo vệ, không nơi trú ẩn, không nơi nương dựa, trống rỗng, rỗng tuếch,* trống không, không phải là ngã, nguy hiểm, phải chịu biến đổi, không cốt lõi, nguồn cội của tai ương, sát nhân, phải chịu đoạn diệt, chịu phiền não, được tạo thành, là miếng mồi của Māra, chịu sanh, già, bệnh, chết, khổ não, ta thán, đau đớn, khổ sở, tuyệt vọng và nhiễm lậu.
*tuccha: rỗng tuếch hay không quan trọng vì chả có giá trị gì cả. Vism. XX 19.
8. Thấy rõ năm tập hợp là vô thường, vị ấy chọn lựa tương thuận; thấy rõ sự đoạn diệt của năm tập hợp như thế nào chính là nibbana, vốn trường cửu, vị ấy nhập vào chắc chắn chân chánh.
Thấy rõ năm tập hợp là khổ, vị ấy chọn lựa tương thuận; thấy rõ sự đoạn diệt của năm tập hợp như thế nào chính là nibbana, vốn an lạc, vị ấy nhập vào chắc chắn chân chánh.
Thấy rõ ... là bệnh hoạn... vốn lành mạnh...
... mụn nhọt... vốn không là mụn nhọt...
... mũi tên... vốn không là mũi tên...
... hoạn họa... vốn không là hoạn họa...
... ưu sầu... vốn không là ưu sầu...
... xa lạ... vốn độc lập với các hiện tượng khác...
... phân rã... vốn không phân rã...
... dịch... vốn không là dịch...
... tai ương... vốn không là tai ương...
... khủng khiếp... vốn không là khủng khiếp...
... đe dọa... vốn không là đe dọa...
... mong manh... vốn không mong manh...
... suy vong... vốn không suy vong...
... không bền... vốn bền...
... không được bảo vệ... vốn được bảo vệ...
... không nơi trú ẩn... vốn là nơi trú ẩn...
... không nơi nương dựa... vốn là nơi nương dựa...
... trống rỗng... [240] vốn không trống rỗng...
... rỗng tuếch... vốn không rỗng tuếch...
... trống không... vốn là tánh trống không tối hậu...
... không phải là ngã... vốn là ý nghĩa (cứu cánh) tối hậu...
... nguy hiểm... vốn không nguy hiểm...
... phải chịu biến đổi... vốn không chịu biến đổi...
... không cốt lõi... vốn là cốt lõi...
... nguồn cội của tai ương... vốn không là nguồn cội của tai ương...
... sát nhân... vốn không là sát nhân...
... phải chịu đoạn diệt... vốn không chịu đoạn diệt...
... chịu phiền não... vốn tự tại khỏi phiền não...
... được tạo thành... vốn không được tạo thành... [241]
... là miếng mồi của Māra... vốn không là miếng mồi...
... chịu sanh, vốn không sanh...
... già... vốn không già...
... bệnh... vốn không bệnh...
... chết... vốn không chết...
... khổ não... vốn không khổ não...
... ta thán... vốn không có ta thán...
...
... tuyệt vọng... vốn không tuyệt vọng...
Thấy rõ năm tập hợp là nhiễm lậu, vị ấy chọn lựa tương thuận; thấy rõ sự đoạn diệt của năm tập hợp như thế nào chính là nibbana, vốn không có nhiễm lậu, vị ấy nhập vào chắc chắn chân chánh.
9. Được coi là vô thường, thì đó là quán vô thường.
Được coi là khổ đau, thì đó là quán khổ.
Được coi là bệnh hoạn, thì đó là quán khổ.
Được coi là mụn nhọt, thì đó là quán khổ.
Được coi là mũi tên, thì đó là quán khổ.
Được coi là hoạn họa, thì đó là quán khổ.
Được coi là ưu sầu, thì đó là quán khổ.
Được coi là xa lạ, thì đó là quán không phải là ngã.
Được coi là phân rã, thì đó là quán vô thường.
Được coi là dịch, thì đó là quán khổ.
Được coi là tai ương, thì đó là quán khổ.
Được coi là khủng khiếp [242] , thì đó là quán khổ.
Được coi là đe dọa, thì đó là quán khổ.
Được coi là mong manh, thì đó là quán vô thường.
Được coi là suy vong, thì đó là quán vô thường.
Được coi là không bền, thì đó là quán vô thường.
Được coi là không được bảo vệ, thì đó là quán khổ.
Được coi là không nơi trú ẩn, thì đó là quán khổ.
Được coi là không nơi nương dựa, thì đó là quán khổ.
Được coi là trống rỗng, thì đó là quán không phải là ngã.
Được coi là rỗng tuếch, thì đó là quán không phải là ngã.
Được coi là trống không, thì đó là quán không phải là ngã.
Được coi là không phải là ngã, thì đó là quán không phải là ngã.
Được coi là nguy hiểm, thì đó là quán khổ.
Được coi là phải chịu biến đổi, thì đó là quán vô thường.
Được coi là không cốt lõi, thì đó là quán vô thường.
Được coi là nguồn cội của tai ương, thì đó là quán khổ.
Được coi là sát nhân, thì đó là quán khổ.
Được coi là phải chịu đoạn diệt, thì đó là quán vô thường.
Được coi là chịu phiền não, thì đó là quán khổ.
Được coi là được tạo thành, thì đó là quán vô thường.
Được coi là miếng mồi của Māra, thì đó là quán khổ.
Được coi là phải chịu sanh, thì đó là quán khổ.
Được coi là phải chịu già, thì đó là quán khổ.
Được coi là phải chịu bệnh, thì đó là quán khổ.
Được coi là phải chịu chết, thì đó là quán vô thường.
Được coi là phải chịu khổ não, thì đó là quán khổ.
Được coi là phải chịu ta thán, thì đó là quán khổ.
Được coi là phải chịu tuyệt vọng, thì đó là quán khổ.
Được coi là phải chịu nhiễm lậu, thì đó là quán khổ.
Qua bốn mươi khía cạnh này, vị ấy chọn tương thuận [với sự thực]. Qua bốn mươi khía cạnh này, vị ấy nhập vào chắc chắn chân chánh.
10. Khi vị ấy chọn tương thuận [với sự thực] qua bốn mươi khía cạnh này, vị ấy nhập vào chắc chắn chân chánh qua bốn mươi khía cạnh này, vị ấy có bao nhiêu loại quán vô thường, có bao nhiêu loại quán khổ não, có bao nhiêu loại quán không phải là ngã?
Hai mươi lăm loại quán không phải là ngã,
Và năm mươi loại quán vô thường,
Một trăm hai mươi lăm loại quán tưởng còn lại
Được coi là quán khổ đau.*
* tổng cộng là hai trăm loại: quán mỗi tập hợp theo 40 loại. Có năm tập hợp, như vậy thành 200.
CHẤM DỨT LUẬN THUYẾT VỀ QUÁN THỰC TÁNH.
«Mātikākathā»
1.
Không bị khô bức (đọc M i 341)
Được giải thoát, vì thế nó là giải thoát.
Minh trí <là> tiêu dao tự tại <PsA 701>
Giới tăng thượng,
Tâm tăng thượng,
Tuệ tăng thượng,
Lắng dịu.
Trí.
Thấy rõ.
Thanh lọc.
Xuất ly.
Thoát ly.
<Cách ly>
Buông bỏ.
Hành xử.
Giải thoát nhờ thiền định.
Tu tập,
Quyết định,
Cuộc sống.
2.Không bị khô bức:
Không bị khô bức vì ham muốn ái dục nhờ xuất ly. Không bị khô bức vì sân hận nhờ không sân hận... [và cứ thế với các chướng ngại còn lại của 7 chướng ngại, bốn cõi thiền, bốn chứng đạt vô sắc giới, mười tám tuệ quán thực tánh chánh, bốn đạo lộ, như ở Luận I các đoạn từ 36-40, nhưng không kể bốn quả, cho đến] ... Không bị khô bức vì bất cứ nhiễm lậu nào nhờ đạo lộ Arahant.
3. Được giải thoát, vì thế nó là giải thoát: [1]Nó được giải thoát khỏi ham muốn ái dục nhờ xuất ly, như vậy nó là giải thoát. Nó được giải thoát khỏi sân hận nhờ không sân hận, như vậy nó là giải thoát. Nó được giải thoát khỏi tất cả các nhiễm lậu nhờ đạo lộ Arahant, như vậy nó là giải thoát.
4. Minh trí <là> tiêu dao tự tại: xuất ly được nhận chân (vijjati), như vậy nó là minh trí; vị ấy được giải phóng khỏi ham muốn ái dục, như vậy nó là tiêu dao. Nó được nhận chân, vị ấy được giải phóng; được giải phóng, nó được nhận chân, như vậy minh trí <là> tiêu dao tự tại. Không sân hận... Đạo lộ Arahant được nhận chân, như vậy nó là minh trí; vị ấy được giải phóng khỏi tất cả các nhiễm lậu, như vậy nó là tiêu dao tự tại. Được nhận chân, vị ấy được tiêu dao; được tiêu dao, nó được nhận chân, như vậy minh trí <là> tiêu dao tự tại.
5. Giới tăng thượng, tâm tăng thượng, tuệ tăng thượng:
Vì xuất ly nên có sự thanh lọc giới theo nghĩa chế ngự ham muốn ái dục, có sự thanh lọc tâm theo nghĩa không phân tâm, có sự thanh lọc quan điểm theo nghĩa thấy rõ. Trong đó nghĩa của chế ngự là huân tập trong giới tăng thượng, trong đó nghĩa của không xao lãng là huân tập trong tâm tăng thượng, trong đó nghĩa của thấy rõ [244] là huân tập trong tuệ tăng thượng. Vì không sân hận... Vì đạo lộ Arahant nên có sự thanh lọc giới theo nghĩa chế ngự tất cả các nhiễm lậu, có sự thanh lọc tâm theo nghĩa không phân tâm, có sự thanh lọc quan điểm theo nghĩa thấy rõ. Trong đó nghĩa của chế ngự là huân tập trong giới tăng thượng, trong đó nghĩa của không xao lãng là huân tập trong tâm tăng thượng, trong đó nghĩa của thấy rõ [244] là huân tập trong tuệ tăng thượng. <so với Luận I đ. 265>
6. Lắng Dịu: Nhờ xuất ly, vị ấy làm lắng dịu ham muốn ái dục. Nhờ không sân hận... Nhờ đạo lộ Arahant vị ấy làm lắng dịu tất cả các nhiễm lậu.
7. Trí : Xuất ly vì từ bỏ ham muốn ái dục là trí theo nghĩa được biết tới. Không sân hận... Đạo lộ Arahant vì từ bỏ tất cả các nhiễm lậu là trí theo nghĩa được biết tới.
8. Thấy rõ: Xuất ly vì từ bỏ ham muốn ái dục là thấy rõ vì được nhìn thấy. Không sân hận... Đạo lộ Arahant vì từ bỏ tất cả các nhiễm lậu là thấy rõ vì được nhìn thấy.
9. Thanh lọc: Người từ bỏ ham muốn ái dục thì được trong sạch nhờ xuất ly. Người từ bỏ sân hận... Người từ bỏ tất cả các nhiễm lậu thì được trong sạch nhờ đạo lộ Arahant.
10. Xuất ly: Đây là sự thoát ly khỏi ham muốn ái dục, đó là xuất ly. Đây là sự thoát ly khỏi các loại sắc thể, đó là vô sắc thể. Nhưng với bất cứ cái gì hiện hữu, được tạo thành, và sanh khởi lên do tùy thuộc, thì đoạn diệt là xuất ly.
Không sân hận là sự xuất ly khỏi sân hận. Nghĩ về ánh sáng... Đạo lộ Arahant là sự xuất ly khỏi tất cả các nhiễm lậu.
11. Thoát ly:
Đây là thoát ly khỏi khoái lạc giác quan, đó là xuất ly. Đây là thoát ly khỏi các loại sắc thể, đó là vô sắc thể. Nhưng với bất cứ cái gì hiện hữu, được tạo thành, và sanh khởi lên do tùy thuộc, thì đoạn diệt là xuất ly.
Xuất ly là sự thoát ly khỏi ham muốn ái dục.
Không sân hận là sự thoát ly khỏi sân hận. Nghĩ về ánh sáng... Đạo lộ Arahant là sự thoát ly khỏi tất cả các nhiễm lậu.
12. Cách ly: Xuất ly là sự cách ly khỏi ham muốn ái dục. [245] Không sân hận... Đạo lộ Arahant là sự cách ly khỏi tất cả các nhiễm lậu.
13. Buông bỏ: Vị ấy buông bỏ ham muốn ái dục nhờ xuất ly. Vị ấy buông bỏ sân hận nhờ không sân hận... Vị ấy buông bỏ tất cả các nhiễm lậu nhờ đạo lộ Arahant.
14. Hành xử: Người từ bỏ ham muốn ái dục nhờ hành xử theo xuất ly. Người từ bỏ sân hận... Người từ bỏ tất cả các nhiễm lậu nhờ hành xử theo đạo lộ Arahant.
15. Giải thoát nhờ thiền định:
Xuất ly được thắp sáng lên (jhāyati), như thế nó là thiền định; nó thiêu đốt (jhāpeti) ham muốn ái dục, như thế nó là thiền định. Được thắp sáng lên (jhāyanto), như thế nó là giải thoát nhờ thiền định; thiêu đốt (jhāpento), nó được giải thoát, như thế nó là giải thoát nhờ thiền định. Chúng [là các trạng thái thiện] được thắp sáng lên (jhāyanti); chúng [là các phiền não] bị thiêu đốt (jhāpenti); vị ấy biết rõ cái gì được thắp sắng lên (jhāta) và cái gì bị thiêu đốt (jhāpa), như thế có giải thoát nhờ thiền định.
Không sân hận được thắp sáng lên ...
Đạo lộ arahant được thắp sáng lên, như vậy nó là thiền dịnh... vị ấy biết rõ cái gì được thắp sắng lên và cái gì bị thiêu đốt, như thế nó là giải thoát nhờ thiền định.
Đây là giải thoát nhờ thiền định.
16. Tu tập, quyết tâm, và cuộc sống:
Người từ bỏ ham muốn ái dục tu tập xuất ly, như vậy vị ấy có sự tu tiến; nhờ xuất ly vị ấy giữ vững tâm, như vậy vị ấy có quyết tâm. Có sự tu tiến và có quyết tâm như vậy, vị ấy sống cuộc đời đúng hệt như [xuất ly], chứ không phải sống cuộc sống khác đi (dị biệt); vị ấy sống chân chánh, không sống bất chánh; vị ấy sống cuộc đời được tinh lọc, không phải sống cuộc đời ô uế. Có sự tu tiến, có quyết tâm và có cuộc sống [chân chánh] như vậy, nếu đến với bất cứ nhóm người nào, cho dù đó là nhóm khattiya, brahman, thí chủ, sa môn, vị ấy đến với lòng tự tín và không ngần ngại. Tại sao thế? Vì vị ấy có sự tu tiến, có quyết tâm và có cuộc sống [chân chánh].
Người từ bỏ sân hận... [246]
Người từ bỏ tất cả các nhiễm lậu... có cuộc sống [chân chánh].
CHẤM DỨT LUẬN THUYẾT VỀ ĐỀ MỤC.
Đây là mục lục:
Trí, quan điểm, hơi thở, năng lực gây ảnh hưởng,
và giải thoát là thứ năm,
Cõi sanh tới, hành vi tạo tác và điên đảo,
Đạo lộ và tinh hoa tạo thành mười.
Sóng đôi, các sự thực, các yếu tố tạo thành giác ngộ,
Tâm từ, hết ham muốn là thứ năm,
Vô Ngại Giải, Bánh xe Chánh Pháp,
Cõi siêu thế, các lực và trống rỗng.
Tuệ, thần thông, chứng ngộ đồng thời,
Cách ly, hành xử là thứ năm,
Kỳ diệu và cùng tột đỉnh,
Quán niệm, quán thực tánh và bảng đề mục.
QUYỂN ‘ĐẠO VÔ NGẠI GIẢI’ CHẤM DỨT.
[1]Bản của PTS, quyển II, trang 243, 11. 7-9 viết... Arahattamaggena sabba-kilesehi nicchāto. (sang đoạn khác) Muccatī ti vimokkho ti. Nekkhammena.
A Comprehensive Manual of Abhidhamma, Mahāthera Nārada and Bhikkhu Bodhi, BPS 1993.
A Dictionary of Pāli I, Margaret Cone, PTS, 2001.
A Pali-English Glossary of Buddhist Technial Terms, compiled by Bhikkhu Ñāṇamoli. BPS, 1994.
Abhidhamma Philosophy, J. Kashyap, Bharatiya Vidya Prakashanm India, 2nd Edition, 1996.
The Buddha’s Path to Deliverance, Nyanatiloka Thera, BPS, 5th Edition, 2000.
Buddhist Dictionary, Nyanatiloka, 3rd Edition, BPS, 1970.
Buddhist Meditation, Theory and Practice, Paravahera Vajiraṅnāna Thera, Buddhist Missionary Mission, Kuala Lumpur, Malaysia, 1987.
Buddhist Psychological Ethics, C. A. F. Rhys Davids, PTS 1997.
Chaṭṭha Saṅgāyana CD ROM, Version 1.1, Vipassana Research Institue, India.
Concise Pāli-English Dictionary, A. P. Buddhadatta Mahāthera, The Colombo Apothecaries’ Co., LTD, 1968.
The Connected Discourses of the Buddha, I & II, Bhikkhu Bodhi, Wisdom Publications, Boston 2000.
Dhutāṅga: ‘Buddhist Severe Ascetism’ Bhikkhu Saranapala, McMaster University, 2002.
Dictionary of the Pali Language, R. C. Childers, London, 1875.
Discourse on Elements, U Nārada Mūla Paṭṭhāna Sayadaw, Pali Text Society, Oxford, 1999.
The Dispeller of Delusion I & Ī, Bhikkhu Ñāṇamoli, Pali Text Society, Oxford, 1996.
Encyclopæ dia of Buddhism, Government of Ceylon, 1961.
The Expositor I, II, Pe Maung Tin, Pali Text Society, Oxford, 1976.
Gradual Sayings, Wōdward & Hare, Pali Text Society, Oxford, 1995.
The Group of Discourses, 2nd ed., K. R. Norman, Pali Text Society, Oxford 2001.
The Guide, Ñāṇamoli, Pali Text Society, Oxford, 1977.
Human Types, B. C. Law, Pali Text Society, Oxford, 1997.
The Itivuttaka, Peter Masefield, Pali Text Society, Oxford, 2000.
Kindred Sayings, Rhys Davids & Wōdward, Pali Text Society, Oxford 1995, 96, 97, 99.
The Long Discourses of the Buddha, Maurice Walshe, Wisdom Publications, Boston 1995.
The Middle Length Discourses of the Buddha, Bhikkhu Ñāṇamoli and Bhikkhu Bodhi, Wisdom Publications, Boston 1995.
Pāli English Dictionary, Rhys Davids and Stede, Pali Text Society, Oxford, 1921.
The Path of Purification, Bhikkhu Ñāṇamoli, BPS, 5th Edition, 1991.
The Path of Serenity and Insight, Henepola Gunaratana, Motilal Banarsidass, New Delhi, 1994.
Piṭaka Disclosure, Ñāṇamoli, Pali Text Society, Oxford, 1979.
The Psychology & Philosophy of Buddhism, Dr. W. F. Jayasuriya, Buddhist Missionary Mission, Kuala Lumpur, Malaysia, 1988.
Pāli Tipiṭakaṁ Concordance, listed by F. L. Woodward and others; arranged & edited by E. M. Hare, PTS, 1955 & after.
Tranquillity & Insight, Amadeo Solé-Leris, Shambhala, 1986.
The Udāna & The Itivuttaka, John D. Ireland, BPS, 1997.
-ooOoo-
BẢNG TRA DANH TỪ VIỆT-PĀḶI- ANH
Chú thích:
Con số La mã (I, II, III.... XXX) là số Luận Thuyết. Con số thường là số đoạn văn trong Luận Thuyết ấy, không phải số trang. Ví dụ: XXII 23: Luận thuyết thứ XXII, đoạn 23.
* , « » do tôi bổ sung, trong sách không có.
Chữ trong < > là của giáo sư Warder.
-ooOoo-
Abhibhū: Abhibhū, tên một đệ tử của đức Phật Sikhin XXII 23.
Akaniṭṭha: Cảnh giới chư thiên Akaniṭṭha I 399.
Am hiểu [Saññin, Percipient]: II 364.
An lạc, trạng thái [Santipada; Peace, state of]: I 300 f., 304.
An ổn [Khema, Safety]: I 20, 300.
An tịnh [Santi , Peaceful]: I 23, 31, 444; XI 281; XIV 10.
An trú [Santa-vihāra, Peaceful abiding]: IV 12
An trú vào tánh không [Suñña vihāra, Void abiding]: I 317, 327, 439, 446.
Arahant [Arahant]: Arahant II 706; III 185; XI 1; XXI 6f.; XXII 11.
Ách* [Yogā, Yoke]: I 597.
Ái dục (= tình dục) [Kāma, Sensual-desire]: I 89, 90, 218, 237, 343, 356, 586, 587, 597; XXVI 1; XIX 25; XXI 19; XXII 8.
Ám ảnh, nhiệt tình [Pariḷāha, « Obsession, Consumption» , Anguish]: I 411, 597; IV 12, 90, 100; V 47; XIV 14.
Ám ảnh [Pariyuṭṭhāna, Obsession]: I 355; II 5; VIII 46; XIV 7.
Ánh sáng [Obhāsa, Illumination]: I 544, 568; IV 90, 105; XI 289; XVI 3; XVII 4.
Ánh sáng [Āloka, Light]: I 268, 329, 339, 547; XV 13; XVI 14. Đọc Nghĩ đến ánh sáng.
Áp bức [Pīḷana, Oppressing]: I 34, 565*; XII 2; XIII 7.
Âm thanh [Sadda, Sound]: I 5 (Nhóm A), 529; III 266. Đọc thêm đối tượng hữu hình...
Âu lo cực độ [Daratha, Distress]: V 47.
Bà la môn [Brāhmaṇa, Brahman]: II 158; VI 1.
Bám níu (thủ) [Upādāna, Clinging]: I 5 (Nhóm A), 46, 224, 597; V 49, 50; XX 26. Đọc Vô minh...
Bạn [Mitta, Friend]: II 3.
Bánh xe Chánh Pháp [Dhamma-cakka, Wheel of the True Idea]: XVII 4.
Bao hàm thành một [Ekasaṅgahatā, Includability]: I 487.
Bắt nguồn từ (được) [Samuṭṭhita, Originated]: I 537, 553.
Bậc đã giác ngộ [Buddha, Enlightened One]: IV 132. Đọc thêm Buddha.
Bậc đạt Tuệ kiến [Diṭṭhippatta, One attained to Vision]: V 60, 63, 65, 73.
Bậc giải thoát bằng Tín [Saddhā-vimutta, One liberated by Faith]: V 60, 63, 65, 73.
Bậc hành theo Dhamma [Dhammānusārin, Dhamma-devotee]: V 63.
Bậc Thánh [Ariya, Noble One]: I 548; II 49; III 5, 17; XIV 5; XIX 34; XXII 27.
Bất cứ cái gì hiện hữu [Bhūta; Whatever is /become]: I 90.
Bất động [Aniñjana, Non perturbation]: I 23; XIII 23.
Bất động [Āneñja, Imperturbable]*: I 588.
Bất định tính [Avyākata, Indeterminate]: I 262, 320, 369, 391, 393, 405, 465, 602; VI 2; XII 32.
Bất mãn [Ukkaṇṭhana, Dissatisfaction]: XXI 20.
Bất thiện [Akusala, Unprofitable]: I 247, 262, 390, 405, 465, 479, 602; V 98; VI 2; VII 3; XII 33.
Bất toàn (cấu uế) [Upakkilesa, Imperfection]: I 355; III 1, 6.
Bên ngoài [Bahiddhā, bāhira; External]: I 278, 331ff., 341, 378; III 6; V 7, 18, 85; XV 7; XX 14.
Bên trong [Ajjhatta, Internal]: I 278, 341, 269; III 6; V 6, 18; XX 13.
Bệnh [Byādhi, Sickness]: I 18 (Nhóm I).
Bi [Karuṇā, Compassion]: I 5 (Nhóm A); 596; IV 29; XVI 167.
Biến đổi [Aññathatta, Alteration/ Otherness, otherwise]: XII 31, 32*; XX 7, 25, 30.
Biến đổi [Vipariṇāma, Change]: I 34, 39 (Nhóm C), 283; III 542; IV 109; XII 2; XX 3, 13; XXIX 7.
Biến hóa [Pāṭihāriya, Metamorphosis]: I 592, 605, 608, 611; XVI 166; XXVI rải rác...
Biến hóa [Vikubbana, Transformation]: XIX 34; XXII 5, 23.
Biết ghê sợ tội lỗi (lực) [Ottappa bala, Shame power]: XIX 9.
Biết mọi sự [Sabbaññutā, Omniscience]: III 177.
Biết rõ tâm ý người khác [Indriyaparopariya, Penetration of others’ faculties]: I 573; IV 129; XVI 164.
Biểu hiện [Upaṭṭhāna, Appearance]: III 200; XI 289
Biểu hiện hãi hùng [Bhayat’upaṭṭhāna, Appearance as terror]: I 299f,; III 200, 605; V 81.
Bình thản (xả) [Upekkhā, Equanimity]: I 5 (Nhóm A), 25, 218, 268, 537; III 18, 195; IV 90, 205; XXII 5, 27. Đọc Yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm...
Bình thản trước hành vi tạo quả [Saṅkhārūpekkhā, Equanimity about formation]: I 306f.; V 83.
Biện tài [Paṭibhāna, Perspicuity]: I 420. Đọc vô ngại giải và ý nghĩa.
Bồ tát (chưa giác ngộ, nhưng nỗ lực để thành Phật) [Bodhisatta]: XII 35; XVI 127.
Bốn loại tự tín* [Catuvesārajjappatto, Four kinds of assurance]: XXI 12.
Buddha. Đọc Thế Tôn: III 1177; XV 2; XXI 12.
Buộc (tâm) [Upanibandhana, Anchoring]: I 31; III 170*, 240. XIII 31*.
Buông bỏ [Paṭinissagga, Relinquishment]: I 16, 17*, 32, 39 (Nhóm C), 371*, 380*, 517; III 575; IV 90; XI 72; XII 12; XXI 3; XXIV 1, 6; XXX 13.
Bước [Pada, Step]: I 402; XXII 7.
Cá nhân [Attabhāva, Personality]: XIV 4.
Cả quyết (thắng giải), nỗ lực, thiết lập, không phân tâm, thấy rõ [Adhimokkha, paggaha, upaṭṭhāna, avikkhepa, dassana; Resolution, exertion, establishment, non distraction, seeing]: I 26, (Nhóm B), 33, 470, 585; IV 10; V 56, 68; XI 294; XIX 39.
Cái được tạo thành (pháp hữu vi) [Saṅkhata, Formed]: I 29, 34, 90, 608, 611; XII 2, 30; XVI 151; XXI 18; XXIX 9.
Cái không được tạo thành (pháp vô vi) [Asaṅkhata, Unformed]: I 29, 34, 401, 599, 601; XII 4, 30; XIII 46, XVI 152.
Cái xấu xa [Asubha, Foulness]: I 442 (Nhóm F); VIII 1; XXII 27.
Cảm nghiệm (nói chung), cảm giác (thân), cảm thọ (tâm tư) (thọ) [Vedanā, Feeling]: I 4, 5 (Nhóm A), 43 (Nhóm I), 46, 230, 231, 238, 249, 275, 294, 411, 456, 580; II 42f.; III 199, 240, 343; XVI 43; XVII 50; XXI 1, 16; XXVII 1. Đọc thêm vật thể... và vô minh...
Cảm nghiệm được [Vedayita, Felt]: I 501.
Cảm tính, tế bào thụ cảm của giác quan [Pasāda, Sensitivity]: I 275.
Can dự [Vipphāra, Intervention]: I 529, 534, 539; XIX 34; XXII 25.
Cần mẫn [Asallīnatta, Bestirring]: I 478.
Căn cứ vật thể [Vatthu, Physical basis]: I 30, 369.
Căn nguyên [Nidāna, Source]: I 34; XII 3, 37.
Căn nguyên có điều kiện [Paccaya-samudaya, Conditioned origin]: I 287.
Cánh cửa dẫn tới giải thoát [Vimokkha-mukha, Gateway to liberation]: V 54, 91, 97.
Cảnh giới [Bhūmi, Plane]: I 30, 396; XXII 5.
Cảnh giới tái sanh tới (sanh thú) [Gati, Destination]: I 18 (Nhóm E), 548, 607; II 11; VI rải rác.
Cảnh khổ [Apāya, State of deprivation]: I 442, 548, 562, 597; XIV 5; XXII 28.
Cánh rừng [Arañña, Forest]: III 186.
Cao đẹp, đẹp [Subha, Beautiful]: V 20; VIII 1.
Cao ngạo [Atimāna, Haughtiness]: I 473. Đọc giận dữ...
Cao thượng (tâm) [Mahaggata, Exalted]: I 537; V 20.
Cắt đứt (đoạn tận) [Samuccheda, Cutting-off]: I 42, 90, 441*, 464; IV 6; XX 10; XXIV 3.
Cặp Biến hóa [Yamaka-pāṭihāriya, Twin metamorphosis]: I 592; IV 29.
Chắc chắn [Niyāma, Certainty]: XXIX 2.
Chắc chắn chân chánh* [Sammattaniyāma, Certainty of rightness]: I 590; XXIX 2.
Chấm dứt [Pariyādāna, Terminating]: IV 49, 100; IX 1; XIX 3; XX 26.
Chan hòa (biến mãn) [Pharaṇa, Intentness upon]: I 26 (Nhóm B), 28, 268; II 353; IX 5; XIV 2.
Chân như (như thực) [Tathatā, Suchness (trueness)]: I 26 (Nhóm B), 35, 360*, 489, 520; XII 6, 17.
Chánh định [Sammā samādhi, Right concentration]: I 26 (Nhóm B), 132, 244; III 444.
Chánh hành [Sammā kammanta, Right acting]: I 26 (Nhóm B), 245. Đọc chánh kiến...
Chánh niệm [Sammā sati, Right mindfulness]: I 26 (Nhóm B), 248. Đọc chánh kiến...
Chánh kiến [Sammā diṭṭhi, Right view]: I 26 (Nhóm B), 242, 349, 568; II 606; III 211; IV 33; VIII 2; IX 1; XI 2; XV 2; XVI 1; XIX 23; XXIII 2; XXIV 3.
Chánh kiến... [Sammā diṭṭhi,.. Right view,...]: I 26 (Nhóm B), 241, 342, 501; IX 1.
Chánh mạng [Sammā ājīva, Right living]: I 26 (Nhóm B), 246. Đọc chánh kiến...
Chánh ngữ [Sammā vācā, Right speaking]: I 26 (Nhóm B), 244. Đọc chánh kiến...
Chánh tinh tấn [Sammā-vāyāma, Right effort]: I 26 (Nhóm B), 247. Đọc thêm chánh kiến...
Chánh tinh tấn [Vāyāma; Effort, Right]: I 247.
Chánh tư duy [Sammā sankappa, Right thought]: I 26 (Nhóm B), 243. Đọc chánh kiến...
Chấp ngã [Sakkāya, Individuality]: I 355; II 6f., 48, 161, 705; III 609.
Chấp thuận [Upagamana, Adoption]: I 275.
Chế ngự [Saṁvara, Restraint]: I 42 (Nhóm B), 261; XXX 5.
Chế ngự [Viniggaha, Curbing]: I 25; III 15; XIII 25.
Chết [Maraṇa, Death]: I 5 (Nhóm A), 18 (Nhóm E), 224, 496, 548, 587; II 322; XXIX 7.
Chiếu sáng [Jotana, Lighting]: I 31.
Chín mùi [Paripāka, Ripening]: XIII 3.
Chống đối lại [Paṭigha, Resistance]: I 135 (Nhóm C), 343, 356, 587; II 48; V 21.
Chu toàn [Pāripūri, Perfection]: I 23, 31, 265, 269; III 173, 174; XIII 2, 23; XIV 10.
Chú ý [Āvajjati, Adverts]: XI 289.
Chú ý đến (hướng tâm) [Āvajjana, Adverting]: I 29, 31, 389, 391, 393, 459; III 8, 174; IV 10.
Chú ý... [Āvajjanta,... Adverts...]: I 265 (Nhóm G); III 242, 247.
Chủ ý (tác ý) [Cetanā, Volition]: I 5 (Nhóm A), 238, 261, 275; II 11; III 240; VI 2, 22*; XX 16, 17*.
Chư Thiên [Devatā, deva; Deity]: VI 1; X4; XIV 5; XXII 23, 28.
Chướng ngại [Paripantha, Obstacle]: I 318; III 2f.
Chứng (đã) [Samāpanna, Attained]: I 399
Chứng biết trực tiếp [Abhijānana, Directly knowing]: I 25; XII 17.
Chứng đắc (sự) [Samāpajjana, Attaining]: I 459
Chứng đắc [Adhigama, adhigamana, Arrival]: V 90; IX 1
Chứng đắc cõi vô sắc giới [Āruppasamāpatti, Immaterial attainments]: V 7, 25, 31, 33, 38, 41, 43, 44.
Chứng đạt [Samāpatti, Attainment]: I 5 (Nhóm A), 38, 434, 459; IV 41; V 40; XIX 41; XXI 8.
Chứng đạt không dấu hiệu [ Animitta samāpatti, Signless attainment]: I 439.
Chứng đoạn diệt [Nirodhasamāpatti, Attainment of cessation]: I 451
Chứng được, vói tới [Pāpana, Reaching]: XIII 3, XXI 12*.
Chứng ngộ đồng thời [Abhisamaya, Convergence]: I 25, 35, 489; III 176*, V 90; IX 1; XII 17, 29*; XIX 3; XXIII rải rác.
Chúng sanh có hơi thở [Pāṇa, Breathing thing]: XIV 4.
Chuyển tánh [Gotrabhū, Change of lineage]: I 231ff.; V 85.
Cố gắng [Padahana, Endeavouring]: I 26 (Nhóm B).
Cố gắng [Pahitatta, Endeavour]: I 478.
Cố gắng chân chánh [Sammappadhāna, Right endeavour]: I 26 (Nhóm B), 402; IV 20, 26; X 3; XVIII 1; XIX 28; XXI 8.
Cố gắng, ráng sức [Padhāna, Endeavour]: I 26 (Nhóm B), 33; XXII 6. Đọc thêm chánh tinh tấn.
Cõi 10 ngàn thế giới [Loka-dhātu, World principle]: XXII 23.
Cõi chúng sanh có / không có nhận thức (tưởng) [Saññābhavo/Āsaññābhavo; Percipient/non-p. being]: I 5.
Cõi chư Thiên [Sagga, Heaven]: I 548.
Cõi có (1, ... 5) tập hợp* [Vokārabhavo, Constituent being]: I 5.
Cõi dục giới [Kāma-bhava, Sensual-desire being]: I 5 (Nhóm A).
Cõi dục giới [Kāmāvacara, Sensual desire sphere]: I 397, 405, 465, 602; II 48; XXIII 7.
Cõi không gian vô biên [Ākāsānañcāyatana, Base consisting of boundless space]: I 5 (Nhóm A), 38 (Nhóm C), 218, 320, 400, 448; III 39; IV 15; V 10, 16, 21, 40, 101.
Cõi sắc giới [Rūpabhava, Material being]: I 345, 358.
Cõi sắc giới [Rūpāvacara, Material sphere]: I 133, 268, 397, 405, 465, 602; VI 1; XXIII 1.
Cõi súc sanh [Tiracchāna-yoni, Animal world]: II 11
Cõi thiền Jhana [Jhāna]: I 5 (Nhóm A), 37 (Nhóm C), 90, 218, 249, 326, 336, 346, 402, 406, 448, 452, 457f., 466, 474; III 19; IV 15, 22, 28, 31; V 6, 9, 12, 16, 25, 31, 33, 38, 40, 41, 43, 44, 48, 61, 101; XIX 41; XXII 5; XXIV 3; XXX 15.
Cõi trong đó chúng sanh có một, bốn, năm tập hợp* [Ekavokārabhavo, kātuvokārabhavo, pañcavokārabhavo; One (four, five) constituent(s) being:]: I 5 (169-177).
Cõi vô sắc [Arūpabhava, Immaterial being]: I 5 (Nhóm A).
Cõi vô sắc [Arūpāvacara, Immaterial sphere]: I 133, 268, 397, 402, 405, 406, 465, 602; XXIII 1.
Con đường [Paṭipadā, Way]: I 241 f.; III 18; XII 38; XIX 37. Đọc thêm khổ đau...
Công đức [Puññavant, Meritorious]: XXII 29.
Cūḷa Panthaka: Tôn giả Cūḷa Panthaka XXII 13.
Củng cố các trạng thái cùng hiện hữu [Upatthambhana, Stiffening]: IX 1; XIX 3.
Cùng hiện hữu (câu sanh) [Sahajāta, Conascent]: I 553; V 58, 70; VI 2, 3; IX 1; XIV 10; XV 2; XIX 3.
Cùng tột đỉnh [Sama-sīsin, Same-headedness]: I 464; XXVII rải rác.
Cư sĩ [Gahapati, Householder]: VI 1.
Cứng đầu [Thamba, Obduracy]: I 473. Đọc giận dữ...
Dựa vào [Ālaya, Reliance]: I 135 (Nhóm C). I 264; IV 16*.
Dã dượi buồn ngủ (hôn trầm thụy miên) [Thīna-middha, Stiffness and torpor]: I 135 (Nhóm C), 462; III 468. Đọc ham muốn ái dục...
Dáng điệu (oai nghi) [Iriyāpatha, Posture]: IV 31.
Dao động (trạo cử) [Uddhacca, Agitation]: I 26 (Nhóm C), 135 (Nhóm C), 345, 358, 390 (Nhóm D) 453, 470; III 10, 468; XI 275, 289; XIX 6; XXII 3. Đọc thêm phần ham muốn khoái lạc giác quan... và không tin ...
Dao động (bị) [Uddhata, Agigated]: I 25.
Dao động vì lượng giá quá mức các thể nghiệm [Dhammuddhacca-viggahita, Agitated by overestimation of idea]: XI 289
Dẹp bỏ [Vinaya, Removal]: XII 36.
Dễ điều khiển [Kammaniya, Wieldy]: I 526; III 170*.
Dhamma [Dhamma]: Dhamma I 35, 275, 475. Đọc ý niệm.
Dị biệt [Visabhāga, Disimiliar]: XX 17.
Diễn bầy (khái niệm) [Paññatti , Description (concept)]: III 177.
Diễn dịch [Saṅkhepa, Generalization]: I 275, 277
Diễn giải sai lạc (tà giải) [Abhinivesa, Misinterpretation]: I 135 (Nhóm C), 435; II 2ff., 8; IV 109; V 3, 91, 94; XI 288.
Diệt mất [Vaya, Fall]: I 39 (Nhóm C), 280, 283, 297, 434; III 16, 493; IV 109; XII 31; XXI 18.
Diệt tận (sự) [Atthangama, Subsidence]: III 200; IV 9.
Diệt tận [Vibhava, Non being]: I 237, 586; II 6f., 48.
Do dự [Oliyana, Holding back]: II 679, 701.
Do tâm tạo [Manomaya, Mind-made]: XIX 34; XXII 22, 24.
Do tùy thuộc vào, vì [Ārabbha, Contingent upon]: I 568.
Dồi dào của tuệ [Paññāvepulla, Abundance of understanding]: XXI 7.
Dòng nước lũ (bộc lưu) [Ogha, Flood]: I 89.
Dứt bỏ [Cāga, pariccāga; Giving up]: I 23, 29, 42 (Nhóm B); III 17, 575; IV 17; XI 278; XII 23.
Dứt khoát [Adhiṭṭhita, Steadied]: III 519, 542; XXIV 3.
Đa dạng [Papañca, Diversification]: I 597.
Đa dạng [Vikubbana, Versatility]: XXII 23.
Đại tuệ [Mahā-paññā, Great understanding]: XXI rải rác, 8.
Đạo lộ [Magga, Path]: I 26 (Nhóm B), 34, 39 (Nhóm C), 132, 241, 323, 327, 341f., 401, 406, 552, 555, 568; III 149, 203; IV 6, 31, 41, 103; V 8, 30, 32, 34, 39, 42, 43, 87, 101; IX rải rác; X 3, 5; XI 1, 2; XII 5; XV 1, 2; XVI 1; XVIII 1; XIX 33; XXI 8, 12; XXIII 1; XXIV 1, 3.
Đặc tính [Lakkhaṇa, Characteristic]: I 284; III 16, 494; XII 30; XX 7.
Đặc tính ưu việt (thù thắng) [Visesa, Distinction, partaking of]: I 25, 217f., 268; IV 32; XI 1, XIX 3.
Đất, nước, gió, lửa [Paṭhavī, āpo, tejo, vāyo; Earth, water, fire, air]: XXVII 2.
Đau đớn (khổ) [Dukkha, Pain]: I 16, 39 (Nhóm C), 224, 230, 390; III 542; IV 13, 109; VII 9; VIII 1. Đọc khổ não, vô thường...
Đau đớn (khổ) [Dukkha, Painful]: I 220; XII 34; XXIX 3, 5.
Đè nén (nhiếp phục) [Vikkhambhana, Suppression]: I 90; XX 8; XXIV 3.
Đem lại đồng nhất thể* [Susamāraddhā, Brought to very sameness]: III 174.
Đế Thích [Indra, Indra]: XXII 23.
Đệ tử [Sāvaka, Disciple]: IV 7, 31; XV 2.
Đi cùng với [Eka-ṭṭha, Coefficient with]: I 135 (Nhóm C), 442, 587*.
Đi kèm (câu sanh) [Sahagata, Accompanying]: XIV 10.
Đi vào (lao vào) [Pakkhandhana; Entering into (launching out into)]: I 31; III 20, 575; IV 90; XIV 10.
Đi vào [Pakkhandati, Enters into]: I 333.
Địa ngục [Niraya, Hell]: I 548.
Địa ngục Avīci [Avīci]: I 398
Điên đảo [Vipallāsa, Perversion]: VIII rải rác...
Định [Samādhi, Concentration]: I 43 (Nhóm I), 90, 132, 134, 267f., 442, 451, 458, 525; III 1f., 443, 444; IV 31, 41, 90, 104; XI 2; XIX 34, 41; XXI 8; XXII 6, 7, 26; XXIV 3; XXX 5. Đọc năng lực gây ảnh hưởng của tín... tín lực... yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm... chánh kiến... hăng hái...
Định có kết quả tức thời [Ānantarika-samādhi, Concentration with immediate result]: I 442.
Định rõ [Vavatthāna, Defining]: I 277-282.
Điềm lành [Cakka, Blessing]: I 402.
Điềm tĩnh [Santiṭṭhana, Composure, becoming composed]: I 31, 306f.; III 607.
Điều có thể và không thể [ợhānaṭṭhāna, Possible and impossible]: XIX 35, 36; XXI 8.
Điều được biết tới [ờāta, Known]: I 29, 35, 44, 413; III 174; V 61; XIII 7; XV 13, 143; XVII 4; XXI 12.
Điều hướng [Abhinīhāra; Guiding (conveying), guidance]: I 30, 313f.; III 174; V 91.
Điều kiện (duyên) [Paccaya, Condition]: I 30, 272, 274, 275; II 4; III 200, 542; V 58; VI 2; XIII 5; XXIII 1.
Điều kiện để còn sanh tử, dấu hiệu (tướng) [Nimitta, Sign]: I 18 (Nhóm E), 135 (Nhóm C), 268, 271*, 272, 342, 349-352*, 435, 529, 544; III 8, 16, 20, 169, 240, 266; IV 14, 105, 109; V 4, 18, 79, 82, 84, 90; XI 286; XIII 49; XV 7.
Điều kiện cần thiết [Parikkhāra, Requisite]: I 265; XIV 9.
Đoạn đầu [Ādi, Beginning]: III 19; IV 49; IX 1; XIX 3
Đoạn diệt [Nirodha, Cessation]: I 16, 25, 32, 34, 39 (Nhóm C), 90, 176, 239f., 265, 280, 287, 332, 436, 451, 470; III 16, 174, 176, 200, 542, 576; IV 90, 111; V 61, 84, 89, 97; IX 1; XI 275; XII 4, 38; XIII 32, 45, 46, 49; XVI 127; XIX 3; XX 6; XXI 3, 18; XXIII 1; XXIV 1, 3, 5. Đọc thêm khổ đau ...
Đoạn diệt [Uccheda, Annihilation]: II 6f., 285, 364.
Đòi hỏi sinh lý [Duṭṭhula, Depravity]: X 6 ; XIV 14.
Đời sống Phạm hạnh [Brahmacariya, Good Life]: III 184.
Đố kỵ [Issā, Envy]: I 473. Đọc giận dữ...
Đối tượng [hỗ trợ] (cảnh) [Ārammaṇa, Supporting object]: I 23, 402, 553; III 174, 204; IV 105; V 98; XI 275; XIII 23, XV 2; XVI 4; XVII 4.
Đối tượng [Vatthu, Object]: XXII 27.
Đối tượng hữu hình, âm thanh, mùi, vị, vật xúc chạm được [Rūpa, sadda, gandha, rasa, phoṭṭhabba; Visible object, sound, odour, flavour, tangible object]: I 233, 391; XXII 27.
Đối tượng hữu hình, âm thanh, mùi, vị, vật xúc chạm được, ý niệm [Rūpa, sadda, gandha, rasa, phoṭṭhabba, dhamma; Visible object, sound, odour, flavour, tangible object, idea]: I 4, 5 (Nhóm A), 238, 378, 389; II 24f.; XX 14.
Đối tượng, hỗ trợ [Ārammaṇa; Object, supporting]: I 23, 402, 553; III 174, 204; IV 105; V 97; XI 275; XIII 23; XV 2; XVI 4; XVII 4.
Đề mục (tham thiền) lửa [Tejo-kasiṇa, Fire kasina]: I 5 (Nhóm A), 442 (Nhóm F).
Đề mục khoảng không [Ākāsa kasiṇa, Space kasina]: I 5 (Nhóm A), 442 (Nhóm F); XXII 17. Đọc thêm đề mục đất...
Đề mục nước (biến xứ nước) [Āpo-kasiṇa, Water kasina]: I 5 (Nhóm A), 442 (Nhóm F); XXII 18.
Đề mục tham thiền (biến xứ) [Kasiṇa, Kasina]: I 5 (Nhóm A), 132, 268, 442, (Nhóm F); II 50; XXII 17. Đọc thêm đề mục đất...
Đề mục thiền đất [Paṭhavī-kasiṇa, Earth kasina]: I 5 (Nhóm A), 268, 442 (Nhóm F); II 50; XXII 19.
Đúng đắn, chân chánh (tính) [Sammatta, Rightness]: I 590; XXIX 2.
Đúng như thật [Yāthabhūta, Correct]: V 46, 78; XIX 24.
Đưa đến quan điểm sai lạc [Diṭṭhigata; View, recourse to]: II 5; XXIV 3.
Đưa lại giải thoát* [Vimuñcana, Delivering]: XIV 10.
Đức hạnh [Caraṇa, Virtuous conduct]: I 475.
Đức Phật Độc Giác [Pacceka Buddha]: I 257; IV 7, 31; XXI 12.
Được chứng biết trực tiếp [Abhiññāta, Directly known]: I 44.
Được hiểu biết [Bujjhana, Enlightening]: I 31; XIII 2.
Được hướng tới (đã) [Āvajjita, Adverted to]: IV 105, 112
Được sanh khởi có nguyên nhân [Hetusamuppanna, Causally-arisen]: I 273.
Được tạo ra do bám níu [Upādā, upādāya; Derived-by-clinging]: I 371; III 240.
Ghê tởm [Paṭikkūla, Repulsive]: XXII 27.
Ghosita: Cư sĩ Ghosita XXII 29.
Già [Jarā, Ageing]: I 5 (Nhóm A), 18 (Nhóm E), 224, 226, 597. Đọc thêm vô minh...
Giác ngộ cao cả [Bodhi, Enlightenment]: III 177; V 96; XIII 2.
Giác ngộ toàn triệt, giác ngộ trọn vẹn (chánh giác) [Sambodhi; Enlightenment, full enlightenment]: I 265; III 177.
Giác quan (xứ) [Āyatana, Base]: I 580; XX 16f.
Giai đoạn hay cõi tái sanh thức xảy ra [thức trú] [Viññāṇaṭṭhiti, Station of consciousness]: I 46. « Đọc D ii 69, note 352 M Walshe; A iv 38» .
Giải thích [Pakāsana, Explaining]: I 32, 482, 571; XIII 32.
Giải thoát (được) [Vimutti, Liberated]: I 31; XI 283.
Giải thoát [Vimokkha, Liberation]: I 23, 42 (Nhóm B), 176, 470, 517; III 9; IV 41, 90; V rải rác, 18f., 48, 64, 91; XIII 23, XXX 3.
Giải thoát giai đoạn [Samaya; Occasion, occasional]: I 32; V 25.
Giải thoát khỏi các đặc tính căn bản của hiện hữu (nđ: không còn luyến ái, nhiễm lậu) [Nirupadhi ; Essentials of being, being free]: III 177. Đọc I 18.
Giải thoát nhờ thiền định [Jhāna-vimokkha, Jhana liberation]: V 48; XXX 15.
Giận dữ... [Kodha, Anger]: I 473; XXI 13, 19.
Gian lận [Sāṭheyya, Fraud]: I 473. Đọc giận dữ...
Giáo huấn [Sāsana, Dispensation]: III 184.
Giáo lý [Pāvacana, Doctrine]: III 184.
Giáo Pháp Của Phật [Buddha dhamma, Buddha Idea]: XVI 170.
Gió [Vāyo, Air]: Đọc đất...
Giềng mối gìn giữ (nhiếp pháp sự) [Saṅgaha-vatthūni; Help, instance of]: I 402; « đọc thêm A ii 32, D iii 152» .
Giới [Sīla, Virtue]: I 42 (Nhóm B), 251f.; III 609; IV 88; XXI 8; XXIV 1; XXX 5.
Giới tăng thượng [Adhisīla, Higher virtue]: I 265; III 246.
Giới và nghi lễ [Sīlabbata, Virtue and duty]: I 355; II 48.
Giữ gìn lời nói (chấp trì ) [Pariggaha, Embracing]: I 23, 26 (Nhóm B) IX 1, nắm vững I 31, 269, 272ff.; thấu triệt III 173, giữ vững 174; XII 37; XIII 3, 23; XX 19.
Giữ trong sạch [Vodāna, Cleansing]: I 26 (Nhóm B); III 1, 15, 205; IX 1; XIX 3, 41.
Gốc cây [Rukka-mūla, Root of a tree]: III 187.
Gợi lại [Pabhāvana, Evocation]: I 571.
Gút thắt* (hệ phược) [Ganthā , Knots]: I 597.
Hãi hùng [Bhaya, Terror]: I 20, 221, 279, 299ff., 435, 582; V 55, 67; XXI 18.
Ham muốn ái dục [Kāma-rāga, Greed for sense desire]: XXII 8.
Ham muốn ái dục, sân hận, dã dượi buồn ngủ, dao động, nghi hoặc, vô minh, tẻ nhạt [Kāmacchanda, vyāpāda, thīnamiddha, uddhacca, vicikicchā, avijjā, arati ; Zeal for sensual desires, ill will, stiffness and torpor, agitation, uncertainty, ignorance, boredom]: I 135 (Nhóm C), 466, 474f,; III 3; XIX 8f.
Hành trì (sự) [Samādāna, Undertaking]: I 25; XXI 5*.
Hành vi [Kamma, Action]: I 390, 548; II 11, 140. Đọc kamma.
Hành vi hiểu biết [Pajānana, Act of understanding]: I 1, 568.
Hành vi tạo quả (hành) [Saṅkhāra, Formation]: I 5 (Nhóm A), 22, 90, 220, 275, 294, 303, 306ff., 451, 456, 470, 525, 588; II 11; III 240, 266, 343; IV III; V 54, 61, 66, 67; VI 2; XIII 46, 49; XIX 24; XX 4; XXI 13, 20; XXII 6; XXIX 3. Đọc thêm vật thể... và vô minh.
Hành vi tạo quả [Kamma, Kamma]: I 287, 371, 473, 559, 590; II 11; III 200; VI 2; VII rải rác; XIX 34, 36; XXI 12; XXII 4. Đọc hành vi.
Hành xử [Cariyā, cāra; Behaviour]: I 30, 32, 387, 451, 534; IV 3, 12, 24, 30; XIII 3; XXV rải rác; XXX 14.
Hạnh phúc toàn hảo (lạc) [Sukha, Bliss]: I 19, 28, 268, 301, 407; III 112, 317, 609; IV 90; XI 293; XXII 5.
Hạnh phúc toàn hảo của bình thản và [thân] an lạc (xả lạc) [Upekkhāsukha, Bliss of equanimity/Equanimity and [bodily] pleasure]: I 218.
Hạnh phúc toàn hảo của giải thoát [Vimuttisukha, Bliss of deliverance]: III 609.
Hạnh phúc toàn hảo của hỉ và [thân] an lạc (hỉ lạc) [Pītisukha, Bliss of happiness/Happiness pleasure]: I 218.
Hăng hái, tinh tấn, tâm, tìm hiểu [Chanda, viriya, citta, vimaṁsā; Zeal, energy, cognizance, inquiry] I 33, 525; XVI 85; XXII 6.
Hân hoan [Pāmojja, Gladness]: I 265, 407; III 195, 291; IV 90.
Hấp dẫn (sự) « nđ: ngọt ngào, thỏa mãn khoái lạc» [Assāda), Attraction]: I 12, 14; II 6, 8; IV 9.
Hết ham muốn (ly tham) [Virāga, Fading away]: I 16, 32, 39 (Nhóm C), 218, 265, 280; III 519; XV rải rác; XXI 3, 18; XXIV 1, 4.
Hỉ [Pīti, Happiness]: I 28, 265, 268, 407; III 290; IV 90; XI 291; XXII 5.
Hiểu biết rõ ràng tường tận (tỉnh giác) [Sampajāna, Fully aware]: I 461*, III 15.
Hiểu biết toàn diện, đầy đủ [Sammasana, Comprehension]: I 278.
Hiểu biết trọn vẹn (biến tri), từ bỏ (đoạn trừ), thực chứng (tác chứng), tu tập [Pariññā, pahāna, sacchikiriyā, bhāvanā; Full understanding, abandoning, realizing, developing]: (I 8, 29, 46ff, 90, 133, 564; V 65. Đọc trí trực chứng...<4 chức năng>).
Hiểu biết trọn vẹn (tuệ tri ) [Parijānana, Full understanding]: I 35, 601*, XII 17.
Hiểu biết, hành vi [Pajānana, Understanding, act of]: I 29, 32, 44; XII 39; XIII 27; XVI 3; XVII 4.
Hiểu cao hơn [Uttari paṭivedha, Penetrating higher]: I 25.
Hiện hữu [ợhiti, Presence]: I 271.
Hiện khởi (đang) [Paccuppanna, Presently arisen]: I 278, 284; XX 4; XXI 3, 12, 18; XXIII 1, 11. Đọc quá khứ...
Hoại diệt [Bhaṅga, Dissolution]: I 295f.
Hoan hỉ [Muditā; Gladness, sympathetic]: I 5 (Nhóm A), Đọc Tâm từ.
Hoàn toàn dập tắt phiền não [Parinibbāna, parinibbāpana; Extinguishment]: I 451, III 176.
Hoàn toàn tự tin [Vesārajja, Assurance]: III 174; IV 12; V 64.
Hơi thở vào và hơi thở ra [Assāsa-passāsa, In-breath and out-breath]: I 442 (Nhóm F), 456; III rải rác, 240, 266.
Hỗ trợ (y chỉ) [Nissaya, Support]: I 553; V 58; VI 3; XXII 7.
Hỗ tương [Aññamañña, Mutuality]: V 58; VI 3.
Hợm hĩnh [Mada, Vanity]: I 473. Đọc giận dữ...
Hợp nhất (nhất tâm, định tâm) [Ekagga, Unification]: I 23, 28, 268, 269, 452; III 193, 444, 599; X 12; XIII 23, XXII 7.
Hợp thể chung, tổng thể chung, kết hợp [Ghana, Compactness]: I 135 (Nhóm C); IV 109.
Huân tập [Sikkhā, Training]: I 25, 265; V 64; XXX 5.
Hung bạo [Vihiṁsā, Cruelty]: XXI 19.
Hủy diệt [Khaya; Destruction, exhaustion]: I 39 (Nhóm C), 42 (Nhóm B), 90, 221, 279, 360; III 200; IV 109; V 55, 67; XXI 18; XIV 3.
Hướng tâm trụ vào [Abhiniropana, Directing onto]: I 26 (Nhóm B), 28, 389; IX 1.
Hướng tâm về đối tượng (tầm) [Vitakka, Applied-thought]: I 5 (Nhóm A), 28, 135, (Nhóm C), 218, 238, 168, 326, 456, 502, 529; II 3; III 23, 202; V 12.
Hương vị [Rasa, Taste]: I 5 (Nhóm A); X 7. Đọc thêm vật hữu hình...
Hữu hạn [Anta, Finiteness]: II 6f., 322, 363.
Hữu học [Sekha, Initiate]: I 256, 314; III 185; IV 106; XIX 23; XXI 6f.; XXII 11.
Jotilaka, cư sĩ Jotilaka: XXII 29.
Kế vị nhau ngay lập tức [Ānantarika, Intermediate succession]: I 30.
Kết buộc [Saṁyojana, Fetters]: I 323, 343, 356, 597; II 6f., 48, 365; III 170*, 610-1.
Kết hợp (tương ưng) [Sampayutta, Association, associated]: V 58; VI 1, 2, 11; V 64; XXII 5.
Kết quả đặc biệt (thắng giải, thù thắng ?) [Visesa, Distinctive effect]: III 170.
Kết quả từ đó [Vipāka, Resultant]: I 389.
Kết sanh [Paṭisandhi, Rebirth linking]: I 18 (Nhóm E), 275, 318; VI 2, 3.
Kết thúc [Pariyosāna, Ending]: I 43 (Nhóm I ), 85.
Khả ái, dễ chịu [Sukha, Pleasant]: XXIX 3.
Khả ý [Iṭṭha, Agreeable]: XXII 27.
Khác biệt [Nānatta, Difference]: I 135 (Nhóm C), 346, 369, 378, 387, 396, 404, 411, 416, 434, 472, 487, 508, 529, 539, 544; IV 107; V 21, 44; XX 22; XXII 8.
Khao khát (ái) [Taṅhā, Craving]: I 5 (Nhóm A), 89, 237, 238, 275, 287, 371, 470, 597; III 6, 12, 200. Đọc thêm vô minh ...
Khattiya, giai cấp cao nhất Ấn độ thời ấy [Khattiya]: VI 1; XXI 12.
Khāṇu-Kondañña, tôn giả Khāṇu-Kondañña: XXII 26.
Khẩn thiết về [Ubbega, Sense of urgency]: XXI 20.
Khía cạnh [Ākāra, Aspect]: I 553; III 196.
Khía cạnh hữu hình [Rūpa, Visual aspect]: XXII 22.
Khinh bỉ [Makkhā, Contempt]: I 473. Đọc giận dữ...
Khô bức [Nicchāta, Unparched]: XXX 2.
Khổ, không thỏa mãn... [Dukkha, Suffering]: I 19, 301, 597.
Khổ, nguồn gốc của khổ, diệt khổ, con đường dẫn đến diệt khổ [Dukkha, dukkhasamudaya, dukkhanirodha, dukkhanirodhagāminī paṭipāda; Suffering, origin of s., cessation of s., way leading to cessation of s.]: I 6, 8, 10, 12, 14, 19, 32, 90, 133 223f., 242, 409, 564, 567, 603; II 11; IV 127; V 65; XII 1, 12; XVI 1, 155f.
Khổ não (sầu) [Soka, Sorrow]: I 18 (Nhóm E), 224, 228; XXIX 7.
Khổ sở, khó chịu (ưu) [Domanassa, Grief]: I 5 (Nhóm A), 224, 231, 537; XXVIII 1.
Khoảnh khắc (sát na) [Khaṇa, Moment]: I 342; V 89; VI 2; XV 2; XXIII 1.
Không ăn năn [Avippaṭisāra, Non remorse]: I 265.
Không có gì [Ākiñcañña, Nothingness]: Đọc cõi không gian vô biên...
Không có nhận thức cũng không phải không có nhận thức (phi tưởng phi phi tưởng) [Nevasaññānāsaññā, Neither perception nor non perception]: - Đọc cõi không gian vô biên...
Không còn chết (bất tử) [Amata, Deathless]: I 34, 43 (Nhóm I), 346; XII 4.
Không còn điều kiện để còn sanh tử, không dấu hiệu (vô tướng) [Animitta, Signless]: I 23, 39 (Nhóm C), 393*, 435; IV 109; V 4, 45, 54, 69, 84, 94; XI 286; XIII 23, 49.
Không được kể đến [Apariyāpanna, Unincluded]: I 133, 397, 405, 465, 602. Xem định nghĩa ở I 401.*
Không dàn trải ra [Avisāra, Non dissipation]: I 23, 269; XIII 23.
Không dấu hiệu, không ước nguyện, không [Animitta, appaṇihita, suñña; Signless, desireless, void]: I 23, 36 (Nhóm C), 268.
Không ghê gớm [Appaṭikkūla, Unrepulsive]: V 20.
Không hệ lụy [Visaṁyoga, Non bondage]: IV 111.
Không kết hợp (bất tương ưng) [Vippayutta, Dissociation]: VI 3.
Không khổ không lạc [Adukkhama-sukha, Neither pain nor pleasure]: I 218; XXII 5.
Không khác đi được [Anaññathatta, Not otherwise]: XII 1.
Không khuấy rối [Anāvila, Non commotion]: I 23, 269; XIII 23, XXVI 2.
Không lỗi [Anavajja, Blamelessness]: XIII 7.
Không lay chuyển [Akampiya, Unshakability]: I 26 (Nhóm B).
Không phải là ngã [Anattā, Not-self]: I 16, 35, 39 (Nhóm C), 220; III 542; IV 13, 109; V 81, VIII 6, 17; XXIX 4, 7.
Không phân tâm [Avikkhepa, Non distraction]: I 23, 24, 26 (Nhóm B), 265, 268, 269, 452; III 193, 444, 599; IV 10, 105; IX 1; XI 2; XII 23, XXX 5. Đọc cả quyết... thấy rõ... xuất ly... thiết lập (an trú)...
Không phiền não [Anāsava, Cankerlessness]: I 23; XI 284, XIII 10, 23. Đọc phiền não.
Không sợ hãi [Vesārajja, Intrepidity, fearlessness]: XXII 5.
Không sân hận [Avyāpāda, Non ill-will]: I 243. Đọc xuất ly...
Không sanh khởi [Anuppāda, Non arising]: I 18 (Nhóm E), 361; XIII 49.
Không tàn hại [Avihiṁsā, Non cruelty]: I 243.
Không thể đả kích được [Akuppa, Unassailable]: III 185; XVI 1.
Không thể lay chuyển [Akuppa, Unshakable]: I 26.
Không tiếp tục tái diễn [Appavatti, Non occurrence]: I 18 (Nhóm E); XIII 49.
Không tin [Assaddhiya, Non faith]: XIX 3.
Không tin, lười biếng, xao lãng, dao động, vô minh [Assaddhiya, kosajja, pamāda, uddhacca, avijjā; Non faith, indolence, negligence, agitation, ignorance]: I 26, (Nhóm B); IV 12.
Không trở lại (bất hoàn) [Anāgāmitā, Non return]: I 39 (Nhóm C). Đọc Nhập giòng...
Không ước nguyện [Appaṇihita, Desireless]: I 23, 39 (Nhóm C), 435; IV 16,* 109; V 5, 39, 45, 54, 69, 96; XI 287; XIII 23. Đọc không dấu hiệu, không còn điều kiện...
Không vấy bẩn [Nimmala, Stainless]: I 32.
Không vi phạm [Avītikkama, Non transgression]: I 261 f.
Không vượt quá [Anativattana, Non excess]: I 23, 24, 42 (Nhóm B), 135 (Nhóm C); III 22; XIII 23.
Không, chân không [Suñña, Void]: V 55, 67, 69, 93; XIII 23; XXIX 7. Đọc Không dấu hiệu.
Khởi lên (được) [Uppanna, Arisen]: I 371.
Khuynh hướng ngủ ngầm [Anusaya, Underlying tendency]: I 89, 343, 355f., 390 (Nhóm D), 391, 584, 587, 597, 605; II 48; III 170, 609; IV 129; XI 1; XVI 165.
Kiếm tìm [Esanā, Search]: I 134, 411; XII 38; XX 18.
Kiếp quá khứ [Pubbe-nivāsa, Past life]: I 542; XIX 42.
Kiệt quệ: I 550, 561f. Đọc hủy diệt...
Kinh nghiệm [Paṭividita, Experienced]: III 242.
Kỳ diệu. Đọc Biến hóa.
Lạc [Sukha, Pleasure]: I 135 (Nhóm C), 390; II 8; IV 12, 109; VII 8; VIII 1; lạc thú XII 34.
Làm [tâm] hân hoan [Āmodana, Gladdening]: III 291, 420
Làm chủ [Vasi, Mastery]: I 451, 459, 550; III 174; IV 113; V 64; XIII 3; XXII 5, 13.
Làm lắng dịu (khinh an) [Passaddhi, paṭipassadhi; Tranquillity, tranquillizing]: I 27, 42 (Nhóm B), 90, 265, 348; III 1, 606; IV 6, 90; V 15, 56, 68, 103; XI 292; XX 11; XXIV 3; XXX 6.
Làm ô nhiễm [Kilisati, Defiles]: I 318.
Làm phong phú (sung mãn) [Bahulīkamma, Making much of]: I 31.
Lãnh vực [Gocara, Domain]: I 23, 24, 30, 268, 378, 470; III 203; IV 112; XI 276; XIII 23, XV 2; XVI 4; XVII 4, XXIII 1.
Lãnh vực quán niệm [Anussati, Recollections]: I 132, 268, 442 (Nhóm F), 539.
Lao vào: đọc đi vào...
Lắng dịu [Vūpasama, Quieting]: I 501. Đọc nhất như.
Lắng tai nghe [Sotāvadhāna, Applying the ear]: I 3
Lập lại [Āsevanā, Repetition]: I 31, 134, 135, 265; III 22; XIV 9.
Liên hệ duyên khởi [ợhiti, Causal relationship]: I 272.
Linh hồn [Jīva, Soul]: I 322, 586.
Loài người [Manussa, Human being]: X 4; XIV 5; XXII 28.
Lõi [Sāra, Core]: I 43 (Nhóm I), 135 (Nhóm C), 221, 279; XXI 18; XXIX 7.
Lối thoát [Niyyāna, Outlet]: I 23, 26 (Nhóm B), 30, 34; III 5, 192; V 54, 89; XII 5; XIII 23.
Lợi lộc [Lābha, Gain]: I 411.
Lòng tin [Pasīdana, Confidence]: I 31; XIV 10.
Lòng từ, lòng bi mẫn, hoan hỉ, bình thản [Mettā, karuṇā, muditā, upekkhā ; Loving kindness, compassion, sympathetic gladness, equanimity]: I 5 (Nhóm A); V 20.
Luân chuyển [Gata, Travelling]: I 30.
Luân chuyển song hành [Anuparivattati, Parallel turnovers/adapts]: III 174
Luật [Vinaya, Discipline]: III 184.
Lừa dối[Māyā, Deceit]: I 473. Đọc giận dữ...
Lửa [Aggi, Fire]: I 597.
Lửa [Tejo, Fire]: I 472, 475.
Lực [Bala, Power]: I 26 (Nhóm B), 451; III 174, 203; IV 112; IX 5; X 3; XVIII 1; XIX rải rác, 31; XXI 8; XXIV 65.
Lực chọn lựa* [Khanti-bala, Choice power]: XIX 14.
Lực chủ tể [Issariya-bala, Lordship power]: XIX 17.
Lực của bậc đã học xong* [Asekha-bala; Power of the adept]: XIX 23.
Lực của bậc hữu học* [Sekha-bala, Power of the initiate]: XIX 23.
Lực của biết hổ thẹn [Hiri bala, Conscience power]: XIX 8.
Lực của không lỗi [Anavajja-bala, Blamelessness power]: XIX 12.
Lực của người nhiễm lậu đã bị đoạn tận [Khīṇāsava-bala, Power of one whose cankers are exhausted]: I 176, XIX 24.
Lực của Như Lai [Tathāgata-bala, Power of a Perfect One]: XIX 35.
Lực do chuẩn bị sẵn [Paññatti-bala, Readiness power]: XIX 15.
Lực hỗ trợ [Sangaha-bala, Assistance power]: XIX 13.
Lực quán niệm [Sati-bala, Mindfulness power]: I 26 (Nhóm B), XIX 5.
Lực quyết tâm [Adhiṭṭhāna-bala, Steadiness power]: XIX 18.
Lực thần thông (siêu nhiên) [Iddhi-bala; Power of success (supernormal power)]: XIX 34.
Lực thiền quán (do tu tập 7 yếu tố tạo thành giác ngộ) [Bhāvanā-bala, Development power]: XIX 11. « Đọc A ii 10» .
Lực thuyết phục [Nijjhatti-bala, Persuation power]: XIX 16.
Lực tĩnh lặng [Samatha-bala, Serenity power ]: I 452; XIX 19.
Lực tư duy, suy tưởng [Paṭisankhāna-bala, Reflexion power]: XIX 10.
Lực tuệ quán [Vipassanā bala, Insight power]: I 454; XIX 21.
Lười biếng [Kosajja, Indolence]: I 26, (Nhóm B); III 10; XIX 4; XXII 8. Đọc thêm không tin...
Lưỡi [Jivhā, Tongue]: I 5 (Nhóm A). Đọc thêm mắt...
Mắt [Cakkhu, Eye]: XVI 3; XVII 3f.
Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý [Cakkhu, sota, ghāna, jivhā, kāya, mano; Eye, ear, nose, tongue, body, mind]: I 4, 5 (Nhóm A), 238, 369, 415, 599; II 18ff., 366; XX 1, 13, 26; XXII 27.
Mặt trời [Suriya, Sun]: XII 21.
Mặt trăng [Canda, Moon]: III 171; XXII 21.
Mang dần tới tăng trưởng [Paricita; Growth, brought to]: III 175; XIV 1.
Mát lạnh [Sīti, Cool]: V 47.
Màu xanh [Nīla, Blue]: I 442 (Nhóm F), V 18.
Meṇḍaka: Cư sĩ Meṇḍaka XXII 29.
Māra, Ác ma: I 606; XXIX 7.
Minh trí [Vijja, Science]: XIX 34.
Minh trí [Vijja, Recognition]: I 42 (Nhóm B), 176, 360*; ba minh V 64; XVI 3; XXX 4.
Mơ hồ [Sammoha, Confusion]: V 46.
[Mục tiêu] cao thượng [Paṇitā, Sublime (goal) the]: I 23, 444; IV 14; XI 282; XIII 23, 47.
Nắm giữ [Ādāna, Grasping]: I 135 (Nhóm C).
Năng lực gây ảnh hưởng (căn, quyền) [Indriya, Faculty]: I 5 (Nhóm A), 26 (Nhóm B), 226, 360, 560, 573, 605; III 22, 204; IV rải rác, 112; V 57; VI 4; IX 5; X 3; XIV 8; XVIII 1; XIX 30, 40; XXI 89.
Năng lực gây ảnh hưởng của ‘Tôi sẽ chứng biết cái chưa biết’, của bậc đã chứng ngộ hoàn toàn, của chứng biết, định, lưỡi, ý, thân, tuệ, khó chịu của [tâm], khoan khoái của [tâm]... I 5 (Nhóm A).
Năng lực gây ảnh hưởng của bình thản...[Upekkhindriya,... Equanimity faculty...]: I 5 (Nhóm A).
Năng lực gây ảnh hưởng của định [Samādhindriya, Concentration faculty]: I 26 (Nhóm B); IV rải rác; XIX 6.
Năng lực gây ảnh hưởng của mắt [Cakkhundriya, Eye faculty]: I 5 (Nhóm A).
Năng lực gây ảnh hưởng của nữ tính [Itthindriya, Feminity faculty]: I 5 (Nhóm A)
Năng lực gây ảnh hưởng của nam tính... [Purisindriya, Masculinity faculty]: I 5 (Nhóm A).
Năng lực gây ảnh hưởng của ý [Manindriya, Mind faculty]: I 5 (Nhóm A), 553.
Năng lực gây ảnh hưởng của sinh khí [Jīvitindriya, Life faculty]: I 5 (Nhóm A), 227, 470, 553.
Năng lực gây ảnh hưởng của tai [Sotindriya, Ear faculty]: I 5 (Nhóm A). Đọc năng lực gây ảnh hưởng của mắt...
Năng lực gây ảnh hưởng của thân [Kāyindriya, Body faculty]: I 5 (Nhóm A). Đọc năng lực gây ảnh hưởng của mắt...
Năng lực gây ảnh hưởng của tín, tấn, niệm, định, tuệ [Saddhaindriya, viriyindriya, satindriya, samādhindriya, paññaindriya; Faith faculty, faculties of energy, mindfulness, concentration, understanding]: I 5 (Nhóm A), 26 (Nhóm B), 553; III 23; IV 2ff.; V 57; XIV 8.
Năng lực gây ảnh hưởng của tôi sẽ chứng biết điều chưa biết (vị tri đương tri căn) [Aññātaññassāmīindriya, I-shall-come-to-know-the-unknown faculty]: I 5 (Nhóm A), 551; IV 114.
Năng lực gây ảnh hưởng của tuệ [Paññindriya, Understanding faculty]: I 26 (Nhóm B); IV rải rác; V 57. Đọc thêm năng lực gây ảnh hưởng của tín...
Năng lực gây ảnh hưởng dễ chịu của (thân)...[Sukhindriya, Pleasure faculty]: I 5 (Nhóm A).
Năng lực gây ảnh hưởng khó chịu của (thân)... [Dukkhindriya, Pain faculty]: I 5 (Nhóm A).
Năng lực siêu nhiên [Iddhividha, Supernormal power]: I 524; XXII rải rác. Đọc thần thông...
Nāga, Rắn Nāga: XXII 23.
Nền tảng [Pāda, Basis]: I 33
Nền tảng [Upaṭṭhāna, Foundation]: III 192, 196.
Nền tảng, xuất xứ [Āyatana, Base]: I 275, 465, 601; IV 31, 32; XVI 150; XX 16f.
Nền tảng để ca ngợi (thù diệu) [Niddasavatthu, Grounds for commendation]: I 3.
Nền tảng cho giải thoát (giải thoát xứ) [Vimuttāyatana, Base for deliverance]: I 3
Nền tảng của đoạn tận (đoạn tận sự) [Nijjara-vatthu, Ground for decay]: I 3.
Nền tảng của đối tượng hữu hình [Rūpāyatana, Visible object base]: I 5 (Nhóm A).
Nền tảng của đối tượng tâm ý (pháp xứ) [Dhammāyatana, Idea base]: I 5 (Nhóm A). Đọc thêm đối tượng hữu hình...
Nền tảng của đề mục thiền [Kasiṇāyatanāni, Kasina bases]. Đây không phải là ‘đối tượng để thôi miên’ (T. Rhys Davids). Cõi thiền khác với tình trạng thôi miên ở chỗ hành giả vẫn có tự chủ, tự kiểm soát hoàn toàn chứ không bị ám thị. Đọc chú thích 1127 của M. Walshe trang 622.
Nền tảng của mắt (chính là các tế bào thụ cảm của nó= con ngươi, mắt xứ) [Cakkhāyatana, Eye base]: I 5 (Nhóm A). Cùng cách hiểu như thế với tai, mũi, lưỡi, thân.
Nền tảng của nhiếp phục (thắng xứ ) [Abhibhāyatana, Bases for mastery]: I 3.
Nền tảng của quán niệm [Satipaṭṭhāna, Foundation of mindfulness]: I 26 (Nhóm B), 132, 402; III 196; IV 21, 27; X 3; XVIII 1; XIX 27; XXI 8.
Nền tảng của ý (tên chung cho tất cả thức) [Manāyatana, Mind base]: I 5 (Nhóm A).
Nền tảng của tai (tế bào thụ cảm của tai, nhĩ xứ) [Sotāyatana, Ear base]: I 5 (Nhóm A). Đọc nền tảng của mắt...
Nền tảng của thân (tế bào thụ cảm của thân, thân xứ) [Kāyāyatana, Body base]: I 5 (Nhóm A). Đọc nền tảng của mắt...
Nền tảng của thần thông [Iddhipāda, Basis for success]: I 26 (Nhóm B), 33, 402, 525; X 3; XVI 85; XVII 91; XVIII 1; XIX 29; XXI 8; XXII 6. Đọc thêm ước muốn...
Nền tảng vật thể [Vatthu, physical basic]: I 30, 369.
Nền tảng, tế bào thụ cảm (xứ) [Āyatana, Base]: I 5 (Nhóm A), 29, 46, 225.
Nết hạnh xấu xa [Duccarita, Misconduct]: I 73, 597; V 99.
Ngã [Attā, Self]: I 135 (Nhóm C), 515; II 6, 49, 473; IV 109; V 3; VIII 1; XX 1, 3, 13; XXIX 4.
Ngã mạn ‘Tôi’[Ahan-ti-māna, Conceit ‘I’]: II 6f., 465.
Ngã mạn ‘Tôi là’ [Asmi-māna, Conceit ‘I am’]: I 89.
Ngã mạn (tự hào) [Māna, Conceit (proud)]: I 345, 358, 390 (Nhóm D), 470, 473, 607; II 48; III 468. Đọc giận dữ...
Nghi [Vicikicchā, Uncertainty]: I 135 (Nhóm C); II 48; III 468, 609. Đọc ham muốn ái dục...
Nghĩ đến ánh sáng [Āloka-saññā, Perception of light]: I 36 (Nhóm C). Đọc xuất ly...
Nghĩa tối hậu [Paramattha, Ultimate meaning]: XX 26; XXI 8.
Ngôn ngữ, ngữ pháp [Nirutti, Language]: I 419. Đọc thêm Vô ngại giải.
Người [Puggala, Person]: II 9; III 204; IV 7; V 62; XIV 4.
Người đê tiện* [Vasala, Outcaste]: II 703.
Người chủ trương sự vật xảy ra không vì nguyên nhân hiển nhiên nào (người chủ trương vô nhân luận) [Adhiccasamuppannika, Fortuitous-originist]: II 463.
Người chứng biết tất cả (Toàn Giác) [Samantacakkhu, All-seer]: I 618; IV 125*.
Người hành theo đức tin [Saddhānusārin, Faith devotee]: V 63.
Người không còn phải học (đã chứng quả A la hán) [Asekha, Adept]: I 176.
Người không còn tham [Vītarāga, One without greed]: I 314.
Người mang gánh nặng* [Purisadhorayho, Man burden-drawer]: XXI 12.
Người nữ [Itthi, Woman]: XIV 5, 6, 72, 693.
Người nam [Purisa, Man]: XIV 5.
Người ngụy biện trườn uốn như lươn [Amarāvikkhepika, Eel-wriggler]: II 463.
Người phi thường [Purisajañño, Man thoroughbred]: XXI 12.
Người thế tục (phàm phu) [Puthujjana, Ordinary man]: I 314; II 49; IV 104. Đọc người thế tục hữu phước...
Người thế tục hữu phước [Kalyāṇaputhujjana, Magnanimous ordinary man]: I 255; III 185; XXI 6f., 12; XXII 11.
Người thu nhận (đệ tử) [Paṭiggaha, Recipient]: X 4.
Người tu quán thực tánh, người tu tuệ [Sukkha vipassaka Bare insight worker]: Chú thích ở V 26, 61.
Nguồn gốc [Mūla, Root]: I 33, 43 (Nhóm B); V 98, 99; XII 3; XXII 8.
Nguồn gốc [Samudaya, Origin]: I 34, 327, 272, 287; III 542; IV 9; XII 3, 37. Đọc khổ não....
Nguồn sanh khởi (căn nguyên, gốc) [Samuṭṭhāna; Originating, origination]: I 26 (Nhóm B), 43 (Nhóm I), 116; IX 1.
Nguồn sanh khởi của hiện hữu [Uppāda, Arising]: (Nhóm E) I 18f, 300, 327, 332*; XIII 49f.* Đọc sanh khởi...
Nguy hiểm [Ādīnava, Danger]: I 12, 14, 39 (Nhóm C), 299f., 304; III 519, 541; IV 9, 81; XII 35; XXIX 7.
Nguyên đại [Kappa, Aeon]: I 542
Nguyên nhân (duyên khởi ) [Paccaya, Conditionality]: I 271.
Nguyên nhân (nhân) [Hetu, Causality]: I 272.
Nguyên nhân [Hetu, Cause]: I 23, 26 (Nhóm B), 30, 34, 273; II 4; III 542; VI 1f., 4; IX 1; XII 5; XIII 4, 23; XIX 36; XXIII 1.
Nguyên nhân nhất định [Idappaccaya, Specific conditionality]: I 586*; XIII 44.
Nguyện vọng [Patthanā, Aspiration]: II 11.
Nhàm chán [Nibbidā, Dispassion]: I 16, 39 (Nhóm C), 218, 265, 407f.; III 1, 603; V 80; XXI 3.
Nhận biết (sự), hiểu biết [Vijānana, Cognizing]: I 29, 31, 275, 389.
Nhận biết bằng mũi lưỡi thân [Muta, Sensed]: đọc thấy...
Nhận biết từ mắt (nhãn thức) [Cakkhu-viṇṇāṇa, Eye consciousness]: I 4, 5 (Nhóm A), 238, 389; XXVIII 98.
Nhận biết từ tai (nhĩ thức) [Sota-viññāṇa, Ear consciousness]: I 5 (Nhóm A). Đọc nhận biết từ mắt.
Nhận biết từ thân (thân thức) [Kāyaviññāṇa, Body consciousness]: I 5 (Nhóm A). Đọc nhận biết từ mắt
Nhận chân (đã hiểu ra) [Vidita: tìm ra, Recognized]: I 321, 494, 610; III 174, 199; IV 28; V 61.
Nhận chân [Phuṭṭha, Touched]: V 61.
Nhẫn nại, chọn lựa [Khanti, Patience]: I 494; III 184; XIX 14; XX 23; XXIX 2.
Nhận thức [Saññā, Perception]: I 5 (Nhóm A), 218, 238, 294, 411, 456, 502, 524; II 3; III 201, 202, 240, 343; V 21, 45; VIII 1; XX 16; XXII 22. Đọc vật thể...
Nhận thức, hiểu biết (sự) [Sañjānana, Perceiving]: I 29, 31.
Nhập giòng [Sotāpatti, Stream entry]: I 323; II 606; IV 18f., 24f.; XXI 4.
Nhập vào tử cung [Okkamana, Descent into a womb]: I 275.
Nhất <<tâm>>, tính đơn chiếc [Ekodi, Singleness]: I 29, 31; XIII 29*.
Nhất tâm [Ekatta, Unity]: I 23, 31, 269, 346, 472, đồng nhất 474, 487, 529, 534, 539, 543*, 544*, 549*; III 4, 16-18*, 21; IV 10, 106; V 43; XII 11; XX 22.
Nhất thể (đồng), nhất như [Susama; Sameness, very]: I 31; III 174, 203; XIII 47.
Nhất thể, nhất như [Sama; Same, sameness]: I 32, 269, 464, 469; IV 112; XIII 47; XIV 9; XXX 16.
Nhiễm lậu [Kilesa, Defilement]: I 135 (Nhóm C), 342, 390, 453, 470, 473, 581, 590, 597; IV 14, 90; IX 1; XI 277; XIII 96.
Nhiễm lậu [Sankilesa, Corruption]: XIX 41.
Nhóm Chánh Pháp (Pháp uẩn) [Dhamma-kkhandha, Aggregate of True Ideas]: I 176.
Nhu thuận, mềm mại [Mudu, Malleable]: I 526.
Như Lai [Tathāgata, Perfect One]: I 257, 573f.; II 322; IV 7, 31, 125; XIX 35f.; XXI 12.
Như thực. Đọc Chân như...
Như vậy [Tatha, Such]: XII 1, 11.
Niết bàn (cõi) [Nibbāna-dhātu, Nibbana principle ]: I 462; V 84.
Niết bàn [Nibbāna, Nibbana]: I 22, 43 (Nhóm I), 265, 303, 332, 361, 436, 554; II 364; III 174; IV 90; V 37, 39, 42, 43, 84, 89, 97; XIII 43; XV 2, 7; XVIII 1; XX 6, 26; XXI 8, 18; XXIV 3; XXIX 5, 8. Đọc thêm Hoàn toàn diệt tắt phiền não.
Nói dối [Musāvāda, False speech]: I 244.
Nơi gặp gỡ [Samosaraṇa, Meeting place]: I 43 (Nhóm I).
Nỗ lực [Paggaha, Exertion]: I 23, 25, 26 (Nhóm B), 33, 478; III 15; IV 10, 90, 105; IX 1; XI 295; XIII 23. Đọc cả quyết... thấy rõ... xuất ly, thiết lập...
Nỗ lực, sức mạnh [Āsava, āsāva; Vigour]: I 503.
Nổi bật [Adhimatta, Outstandingness]: IV 49*, 90, 91; V 60.
Ổn cố [ợhiti, Stationariness]: III 444.
Ổn định (chỉ ) [ợhiti, Stagnation, partaking of]: I 1*, 217, 268; D iii 277*.
Paranimmitavasavatti: Cảnh giới Paranimmitavasavatti I 398.
Phạm vi [Addhāna, Extent]: III 95
Phán đoán sai lạc [Parāmāsa, Misapprehension]: I 355, 470; II 2ff., 8; III
609.
Phát triển, tu tập [Bhāvanā, Development, developing]: I 29, 31, 90, 131ff., 265, 564; III 174, 196, 198; IV 90; V 58, 70, 101; XI 2; XIII 3; XIV 9; XXVIII 4; XXX 16. Đọc thêm trí trực chứng... và hiểu biết trọn vẹn...
Phẩm chất đặc biệt [Guṇa, Special quality]: I 475.
Phận sự [Payoga, Task]: III 170; XIX 34; XXII 31.
Phi vật chất [Anāmisa, Unmaterialistic]: I 21, 302.
Phi vật thể [Arūpa, Immaterial(ity)]: I 90; V 36.
Phình trương [Uddhumātaka, Bloated]: I 268, 442 (Nhóm F).
Phiền bực [Vihesaṁ, Harassment]: XIV 7*.
Phiền não [Āsava, Canker]: I 46, 176, 257, 441, 442, 550, 561; IV 7, 16, 107, 113; V 33; XIII 10; XIX 24; XXIX 7.
Phối hợp [Saṁsaṭṭha, Conjointed]: XIV 10.
Phù thuật [Vijja , Science]: XXII 30.
Phước đức, công đức [Puñña, Merit]: I 475; XX 4.
Quả (dị thục) [Vipāka, Result]: V 16, 40, 103; VII 1; XIX 34, 36; XXII 28
Quả do nghiệp sanh (quả dị thục) [Kamma-vipāka, Action-result]: XXII 28. Đọc quả.
Quá khứ [Atīta, Past]: I 272, 275, 278, 599; II 6f., 463; XIX 36; XX 4; XXI 3, 12, 18; XXIII 1, 11.
Quả nhập giòng (dự lưu), trở lại một lần (nhất hoàn), không trở lại (bất hoàn), arahant (a la hán) [Sotāpatti, sakadāgāmitā, anāgāmitā, arahant; Stream entry, once return, non return, arahantship]: I 40 (Nhóm C), 327, 432, 393, 442, 552; II 606; III 609; IV 6, 15; V 11, 14.
Quá trớn [Atidhāvana, Overreaching]: II 680, 701.
Quả vị [Phala, Fruition]: I 27, 40, 90, 316, 327, 348ff., 401, 552; IV 6, 41; V 17, 102; XV 1; XXI 4; XXIV 3.
Quả vị Arahant [Arahatta, Arahantship]: I 40 (Nhóm C)
Quả vị sa môn (sa môn quả) [Sāmañña-phala, Fruit of asceticism]: I 176, 406; IV 31; V 30, 32, 34, 39, 42, 43; XVIII 1; XXI 8.
Quán [Anupassanā, Contemplation]: I 24, 39 (Nhóm C), 42 (Nhóm B), 284; III 196.
Quan điểm [sai lạc] về ngã (thân kiến) [Sakkāyadiṭṭhi; View of individuality, wrong]: I 355.
Quan điểm lầm lẫn [Vippanna-diṭṭhi, Mistaken view]: II 9.
Quan điểm sai lạc (tà kiến) [Diṭṭhi, View]: I 42 (Nhóm B), 297, 342, 349, 355, 390, 442, 470, 586, 597; II rải rác, 6, 8; III 184, 468, 609; VIII 1; XXII 8, 10.
Quan điểm sai lạc (tà kiến) [Micchā diṭṭhi, Wrong view]: I 342, 390, (Nhóm D), 501; II 6f., 8, 131.
Quan điểm thoả mãn khoái lạc [Assāda-diṭṭhi, Hedonistic view]: II 16.
Quan điểm, nền tảng của [Diṭṭhiṭṭhāna; View, basis for]: II 1f.
Quán niệm [Sati, Mindfulness]: I 43 (Nhóm I), 218, 248; III 1f., 12, 174, 192, 196; IV 31; XXVIII 4. Đọc thêm Năng lực gây ảnh hưởng của tín... tín lực... chánh kiến...
Quán sát [Paccavekkhaṇa, Reviewing]: I 265, 359, 459; XI 2.
Quán thực tánh [Vipassanā, Insight]: I 24, 39 (Nhóm C), 41 (Nhóm B), 132, 295f., 295, 315, 332, 325, 335, 346, 359, 435; III 1, 12, 601; XI 1, 2; XXIX rải rác.
Quán vô thường, ... 18 Tuệ Quán Thực Tánh chính: I 39 (Nhóm C), 393; III 59.
Quán vô thường, quán khổ não, quán không phải là ngã [Aniccānupassanā, dukkhānupassanā, anattānupassanā; Contemplation of impermanence, pain, not self]: III 601; V 14. Đọc vô thường.
Quán vô thường, quán khổ não, quán không phải là ngã, quán nhàm chán, quán hết ham muốn, quán đoạn diệt, quán buông bỏ [Aniccānupassanā, dukkhānupassanā, anattānupassanā, nibbidānupassanā, virāgānupassanā, nirodhānupassanā, paṭinissaggānupassanā; Contemplation of impermanence, pain, not self, dispassion, fading away, cessation, relinquishment]: I 16, 39 (Nhóm C), 86*, 135*, 454*, 455*, 457*; V 45, 52, 93; XXI 1, 3. Đọc thêm vô thường - Bẩy quán tưởng.
Quán về thân [Kāyagatā sati, Mindfulness occupied with body]: I 132, 442 (Nhóm F).
Quán về thân có khả ý đi kèm* [Kāyagatā sati sāta-sahagatā, Mindfulness occupied with body and accompanied by enjoyment]: I 131.
Quay đi [Vivaṭṭati, Turns away]: I 334.
Quay đi, lìa bỏ [Vivaṭṭa, Turning away]: I 23, 30, 39 (Nhóm C), khước từ 505-523; IV 90; V 86, 101; XI 280; XIII 23.
Quyến luyến [Nikanti, Attachment]: I 275; III 6; VI 2, 22; XI 297.
Quyết tâm [Adhiṭṭhāna, Decision]: XIX 34; XXII 9. Đọc thêm vững.
Ràng buộc [Vinibandha, Shackle]: I 391, 470; II 6f., 366.
Rāhu: Thần nguyệt thực Rāhu III 182.
Rơi vào đọa xứ* (nđ cảnh khổ) [Āpayagamanīyo, Deprivation (state of)]: I 442. Đọc Vism. IV 63, VII 16, XIII 92; XIV 113; XVII 262; XXII 14.
Sợ hãi [Uttāsa, Fear]: XXI 20.
Sự thật (đế) [Sacca, Actuality]: I 3, 26 (Nhóm B), 35, 90, 133, 233f., 520; III 177; IV 22, 29, 31; V 65; IX 1; X 3; XII rải rác, 6, 11, 17, 38; XVII 4; XIX 3; XXI 8; XXIII 1.
Sa môn và bà la môn [Samaṇabrāhmaṇa, Ascetics and brahmans]: II 158.
Sai lạc (tà) [Micchatta, Wrongness]: I 89, 597.
Sân hận [Dosa, Hate]: I 390 (Nhóm D); III 468; XXI 13.
Sân hận [Vyāpāda, Ill will]: I 135 (Nhóm C), 462; III 10; XIV 7; XXI 19; XXII 8. Đọc thêm ham muốn khoái lạc giác quan...
Sáng suốt [Bodhana, Enlightening]: I 31.
Sanh [Jāti, Birth]: I 5 (Nhóm A), 18 (Nhóm E), 224, 225, 542; XXIX 7. Đọc thêm vô minh...
Sanh [Udaya, Rise]: I 283 ff.; III 493.
Sanh khởi [Uppāda, Arising]: I 135 (Nhóm C), 272, 479; III 200; XII 31; XVI 127; XXIII 1. Đọc nguồn sanh khởi của hiện hữu.
Sanh khởi có điều kiện [Paccaya-samuppanna, Conditionally arisen]: I 271, 549.
Sanh khởi do tùy thuộc [Paṭicca-samuppanna, Dependently-arisen]: I 90; XXI 18.
Sanh khởi do tùy thuộc [Paṭicca-samuppāda, Dependent origination]: I 271ff.
Sanh linh [Satta, Being]: I 3, 225, 558, 590; V 20; XIV 4; XVI 166; XIX 39.
Sanh sản (sự) [Nibbatti, Generation]: I 18 (Nhóm E), 284.
Sankicca: Tôn giả Sankicca XXII 25.
Sañjīva: Tôn giả Sañjīva XXII 21.
Sát hại sanh linh [Pāṇātipāta, Killing living things]: I 245, 264, 265.
Sáu giác quan: mắt, mũi,... (lục nhập) [Saḷāyatana, sixfold base]: I 5 (Nhóm A). Đọc thêm vô minh...
Sāmāvati: Nữ cư sĩ Sāmāvati XXII 26.
Sāriputta: Ngài Sāriputta (tác giả của cuốn này) đệ tử trí tuệ nhất của đức Phật XIII 44; XXI 12; XXII 26.
Si mê [Aññāṇa, Unknowing]: I 388, 390 (Nhóm D), 391; IV 110.
Si mê [Moha, Delusion]: I 135 (Nhóm C), 275, 390 (Nhóm D); III 468; XXI 13. Đọc thêm tham...
Siêu thế [Lokuttara, Supramundane]: I 90, 133, 268, 553; IV 31; V 32; XvIII rải rác; XXIII 1; XXII 3.
Sikhin: Đức Phật Sikhin XXII 23.
Sinh khí [Jīvita, Life]: I 226, XXX 16.
Sóng đôi [Yugananda, Coupling]: I 23, 24, 42, (Nhóm B), 346; XI rải rác; XXII 23.
Sống cách ly (viễn ly) [Viveka, Seclusion]: I 32, 34, 565*; XII 4; XIII 11; 34*; XIX 26; XXII 5; XXIV rải rác; XXX 12.
Sống trú không dấu hiệu [Animitta vihāra, Signless abiding]: I 318, 327, 439, 446.
Sống trú không xung đột* [Araṇavihāra, Abiding without conflict]: I 444
Sống trú trong duyệt xét các trạng thái theo phần [Padesa-vihāra, Abiding in reviewing of ideas as parts]: I 500
Sống trú trong hạnh phúc toàn hảo ở ngay đây và ngay bây giờ [Diṭṭha-dhamma-sukhavihāra, Abiding in bliss here and now]: I 323.
Sống trú trong không ước nguyện [Appaṇihita vihāra, Desireless abiding]: I 317, 446.
Supaṇṇa: Thần Supaṇṇa XXII 23.
Suy giảm, đưa đến (chịu phần tai hại) [Hīna-bhāgiya; Diminution, partaking of]: I 1, 217f., 268.
Suy luận [Neyya, Deducible]: XXI 12.
Suy nghĩ [Sankappa, Thought]: I 411; XXVI 2. Đọc chánh tư duy...
Suy xét đối tượng (tứ) [Vicāra, Sustained-thought]: I 5 (Nhóm A), 28, 135, (Nhóm C), 238, 268, 456.
Suy xét [Manasikāra, Attention]: I 43 (Nhóm I), 218; II 3; III 174, 240; IV 10; XXI 4.
Ta thán (bi) [Pariveda, Lamentation]: I 18 (Nhóm E), 224, 229.
Tác dụng (hương vị) duy nhất [Ekorasa, Single function (taste)]: I 23.
Tách biệt [Puthu, Separation]: I 472.
Tai [Sota, Ear]: I 1. Đọc mắt...
Tài nguyên tâm thức, dụng cụ (tư cụ) [Parivāra; Equipment, equipage]: I 23, 31, 265, 269, 553; III 173, 174; XIII 3, 23; XIV 9.
Tái sanh [Nibbatta, Reborn]: I 399.
Tái sanh khởi [Upapatti, Rearising]: I 18 (Nhóm E), 275, 318; VI 2, 3.
Tám chuyện thế gian « được thua, danh vô danh; vinh nhục; sướng khổ» [Loka-dhamma, Worldly ideas]: I 46.
Tàn dư (nhiễm lậu) [Anusahagata, Secondary defilements]: I 135 (Nhóm C), 442; III 611*.
Tán loạn, phân tâm (xao lãng) [Vikkhepa, Distraction]: I 470; III 10.
Tánh không [Suññatā, Voidness]: I 39 (Nhóm C), 514; III 109; V 3, 45, 54, 81; XI 288; XX rải rác.
Tặng vật dâng cúng [Dāna, Gift]: II 10, 16.
Tâm [Ceto, Will]: I 508; V 20; XII 36; XIV 7; XIX 44; XXII 17.
Tâm [Citta, Cognizance]: I 24, 28, 30, 33, 42 (Nhóm B), 248, 511, 534, 537; III 170, 174, 394; V 49; VIII 1; IX 1; XV 143, 85; XVII 50; XXII 6, 22; XXIII 1; XXVIII 1.
Tâm giải thoát [Ceto-vimutti; Will, deliverance of]: I 5 (Nhóm A), 176; XIV 1; XIX 44.
Tâm giải thoát: đọc Tâm.
Tâm lười biếng [Līna, Slack cognizance]: I 25; III 10.
Tâm phụ tùy (tâm sở) [Cetasika, Consciousness concomitant]: I 261.
Tâm tăng thượng [Adhicitta, Higher cognizance]: I 265; III 17, 246.
Tâm tánh [Nāma, Mentality]: III 240; VI 4, 17.
Tâm thức-vật thể [Nāma-rūpa, Mentality-materiality]: I 5 (Nhóm A), 275, 291, 294, 580; VI 2. Đọc thêm Vô minh...
Tâm từ [Mettā, Loving kindness]: XIV rải rác, 7; XXII 27.
Tâm vững do trụ nhất điểm [Ekattūpaṭṭhāna, Establishment in unity]: I 23, 269; IV 10, 106; XIII 23; XXVIII 3.
Tấn lực [Viriya-bala, Energy power]: I 26 (Nhóm B), XIX 4.
Tập hợp (uẩn) [Khandha, Aggregate]: I 29, 224, 225, 236, 285, 294, 342, 398, 453, 463, 483, 488, 580, 601; II 3; III 493; IV 14; VI 3; XI 277; XV 2, 7; XVI 148; XXI 8; XXIX 7.
Tập hợp làm đối tượng cho bám níu (thủ uẩn) [Upādāna-kkhandha, Aggregate as object of clinging]: I 46.
Tập hợp tâm [Arūpakkhandha, Immaterial aggregate]: VI 4.
Tất cả [Sabba, All]: I 4, 46, 91, 176.
Tẩy trừ [Sallekha, Effacement]: I 476.
Tẻ nhạt [Arati, Boredom]: I 135 (Nhóm C), XXI 20. Đọc thêm ham muốn ái dục...
Thắp sáng lên [Jhāyati, Ignited = Lighted]: I 269, 346; V 48; XXX 15.
Tham [Rāga, Greed]: I 135 (Nhóm C), 237, 343, 356, 390 (Nhóm D), 391, 413, 537, 587, 597; II 10, 48; III 10, 468; XII 35; XXI 13, 19, 20; XXII 8.
Tham lam [Abhijjhā, Covetousness]: XXVIII 1.
Tham vô độ [Maccher, Avarice]: I 473. Đọc giận dữ...
Thành đạt [Patti, Arrival]: IV 31; IX 1; XIX 3
Thành kiến [Āsaya, Bias]: I 584, 586, 605; IV 129; XVI 165.
Thanh lọc [Visuddhi , Purification]: IV 6, 88; XIII 6; XXX 5, 9.
Thanh lọc ở giai đoạn đầu [Ādi-visodhana, Purification the beginning]: IV 49; IX 1; XIX 3.
Thanh lọc giới [Sīla-visuddhi Purification of virtue]: I 42 (Nhóm B); XXX 5.
Thanh lọc quan điểm [Diṭṭhi-visuddhi, Purification of view]: I 42 (Nhóm B); XXX 5.
Thanh lọc tâm [Citta-visuddhi, Purification of cognizance]: I 42 (Nhóm B); XXX 5.
Thành tựu [Ijjhana, Succeeding]: I 26 (Nhóm B), 33, 434; XIX 34; XXII 2, 31.
Thành tựu [Lābha, Attaining]: XXII 5
Thay thế bằng cái đối lập [Tad-aṅga, Substitution of opposites]: I 90; XX 9; XXIV 3.
Thâm hiểu [Pariyogāha, Fathoming]: I 497, 529, 534, 539; XX 25.
Thấm ướt [Abhisandana, Moistening]: I 28.
Thân [Kāya, Body]: I 5 (Nhóm A), 132, 249, 524, 548; III 12, 196, 240, 266; XVI 43; XVI 149; XXI 122, 124; XXVIII 1, 3. Đọc mắt, ...
Thân chứng [Kāyasakkhin, Body witness]: V 60, 63, 65, 73.
Thần thông [Iddhi, Success]: I 527; XIX 34; XXII rải rác, 9.
Thấp, cao [Hīna, paṇīta; Inferior, superior]: I 133, 268, 278, 589; XXI 18.
Thất vọng (không vừa ý) [Anabhirati, Disenchantment]: XXI 20.
Thấu rõ tâm ý [Cetopariya, Penetration of wills]: XXII 22.
Thấu rõ, hiểu rõ ràng, liễu tri [Paṭivedha, Penetration]: I 10, 35, 42 (Nhóm B), 90, 133, 217, 260; III 176, V 59, 65, 71, 90; XII 6, 17, 38; XVI 3; XIX 3; XX 21, XXIV 3.
Thấy [Diṭṭha, Seen]: đọc thêm Điều được biết tới...
Thấy đúng [Sammā dassana, Right seeing]: V 77, 78.
Thấy rõ (kiến) [Dassana, Seeing]: I 23, 33, 34, 265, 487, 544; V 77; XII 5; XIII 23; XVI 3; XVII 4; XXIII 1; XXX 5; 8. Đọc thêm cả quyết.
Thấy rõ, hướng tâm trụ vào, giữ gìn lời nói, nguồn sanh khởi, giữ trong sạch, nỗ lực, không phân tâm [Dassana, abhiniropana, pariggaha, samuṭṭhāna, vodāna, paggaha, avikkhepa; Sēing, directing onto, embracing, originating, cleansing, exerting, establishing, non distraction]: I 26 (Nhóm B), 39, 342, 349; IX 1; XV 2.
Thấy, nghe, ngửi, nếm, chạm, biết [Dassana, savana, ghāyana, sāyana, phusana, vijānana]: I 389.
Thấy, nghe, nhận biết bằng mũi lưỡi thân, nhận biết bằng ý [Diṭṭha, suta, muta, viññāta; Sēn, heard, sensed, cognized]: I 606; IV 129.
Theo chức năng [Kriyā, Functional]: I 389, 391, 393.
Theo đúng như [Yathā, According as]: III 176, 178,* 181*
Thế giới [Loka, World]: I 580, 586, 597, 606; II 6f., 143, 322, 555; III 180; IV 129; V 54; XII 35; XVIII 2; XIX 38; XX 1; XXI 12; XXVIII 1.
Thế giới Brahmā [Brahmaloka, Brahmā World]: I 399; XIV 1; XXII 22.
Thế tục (nđ vật chất) [Āmisa, Materialistic]: I 21, 302, 310, 339; V 2, 35. Đọc Vism. chú thích 13, trang 847 về chữ này.
Thế tục [Lokiya, Mundane]: I 133, 268; V 31; XXIII 1.
Thể nghiệm (được) (nđ xúc chạm) [Phassita, Sounded]: I 216; V 61.
Thể nghiệm (nđ xúc chạm) [Phassana, Sounding]: I 29, 35, 216, 413f.; V 61; 90; XII 177, XXI 5.
Thể nhập* [Nibbedha, Penetration]: I 1, 90.
Thể nhập (có đặc tính)* [Nibbedhabhāgiyaṁ, Partaking of penetration]: I 90. XXIV 3.
Thiết lập (an trú) [Upaṭṭhāna, Establishment]: I 26 (Nhóm B), 33, 511; III 192, 196; IV 10, 105, 108; IX 1; XIX 3. Đọc cả quyết...
Thiết lập, tìm hiểu sự thật, nỗ lực, chan hòa, an tịnh, không phân tâm, tư duy [Upaṭṭhāna, paricaya, paggaha, pharaṇa, upasama, avikkhepa, paṭisaṅkhāna; Establishment, investigating, exertion, intentness upon, peace, non distraction, reflexion]: I 26 (Nhóm B)
Thích thú [Abhinandati, Delights]: I 315.
Thiên nhãn [Dibba-cakkhu, Divine eye]: I 544, 548; XIX 43.
Thiên nhĩ thông [Dibba-sotadhātu, Divine ear principle]: I 532; XXII 22.
Thiêu đốt [Jhāpeti, Consumes]: I 269, 346; V 48; XXX 15.
Thiêu đốt [Santāpa, santāpana; Burning up (torment)]: I 32, 34, 597; III 542; V 47; XII 2.
Thiện [Kusala, Profitable]: I 133,247, 262, 320, 328, 338, 390, 405, 465, 553, 602; III 4; IV 32; V 97, 100; VI 2; VII 2; XII 32.
Thiện xảo [Kosalla, Skill]: I 268.
Thô, tế [Oḷārika, sukhuma; Gross, subtle]: I 135 (Nhóm C), 278, 532; XXI 18.
Thoát ly (sự) [Nissaraṇa, Escape]: I 12, 30, 34, 90; IV 9; XII 4, 34, 38; XX 12; XXIV 3; XXX 11.
Thông hiểu [Viññāta, Cognized]: I 390, 606; IV 129.
Thống trị [Palāsa, Domineering]: I 473. Đọc giận dữ...
Thở [Assāsa-passāsa, Breath]: III 172.
Thở vào thở ra [Ānāpāna, Breathing in and breathing out]: I 442 (Nhóm F); III rải rác, 172.
Thời [Addhā, Period]: I 275.
Thu đạt được [Pāṭilābha, Obtainment, obtaining]: I 134; V 40, 90, 102; XIII 2; XX 20; XXI 5; XXII 5.
Thuần thục (nđ: làm thành cỗ xe) [Yānikata; Vehicle, made the]: I 31.
Thuyết pháp [Desanā, Teaching]: X 2.
Thúc đẩy [Javana, Impulsion]: I 391, V 2.
Thù hận [Upanāha, Enmity]: I 473. Đọc giận dữ...
Thường còn [Nicca, Permanence]: I 135 (Nhóm C), 515; VIII 1; XX 3, 13.
Thức, nhận biết [Viññāṇa, Consciousness]: I 4, 5 (Nhóm A), 46, 275, 294, 388, 534, 580; II 30f.; III 394; IV 32; V 22; VI 2, 4, 18; XXI 16. Đọc vật thể... ước muốn,... vô minh...
Thực chứng (được) [Sacchikata, Realized]: III 174.
Thực chứng [Sacchikiriya, Realizing]: I 27, 29, 35, 90, 175f., 564; V 90; XIII 7; XIX 44; XXI 5. Đọc thêm trí trực chứng... hiểu biết trọn vẹn...
Thức tỉnh của tuệ [Paññā-buddhi, Awakening of understanding]: XXI 6
Tiến triển [Paṭipadā, Progress]: I 402.
Tiến trình (lộ trình) tạo <nghiệp> bất thiện* [Kamma-patha, Courses of unprofitable <action>]: I 265 đọc M i 47, 286f.
Tiến trình (lộ trình) tạo nghiệp* [Kamma-patha, Courses of action]: I 265, 406*, 579.
Tiến trình luân hồi* [Upapattibhavasmiṁ, Being-as rearising]: I 275.
Tiến trình tạo nghiệp [Kamma-bhava, Being-as-action]: I 275.
Tiếp tục tái diễn, xảy ra [Pavatta, pavatti; Occurrence]: I 18 (Nhóm E), 272, 436, 46, 470; V 79, 82, 84; XIII 49; XX 26.
Tiếp tục, duy trì [Upavicāra, Sustention]: I 28.
Tích lũy [Āyūhanā, Accumulation]: I 18 (Nhóm E), 34, 135 (Nhóm C), 272, 275; IV 109; XII 3.
Tiêu dao tự tại = giải thoát [Vimutti, Deliverance]: I 3, 32, 42, 43 (Nhóm I), 176, 269, 354ff., 501; III 1, 609; IV 107; V 84; X 7; XIII 9; XIV 7, 10; XV 1, 7; XIX 44; XXI 8; XXX 4.
Tìm hiểu [Paricaya , Investigation]: I 26 (Nhóm B), 568.
Tìm hiểu hiện tượng [Dhamma-vicaya, Investigation of ideas]: I 568.
Tìm hiểu rõ hiện tượng, ý niệm (trạch pháp) [Dhammavavatthāna, Definition of ideas]: I 36 (Nhóm C); III 3*.
Tìm hiểu, tìm tòi [Vīmaṁsā, Inquiry]: I 33, 525; XVI 85, XXII 6. Đọc thêm hăng hái...
Tín [Saddhā, Faith]: I 575, 590; III 23, 541; V 61, 73; XIV 8; XXII 8; XXIV 3.
Tín, tấn, niệm, định, tuệ lực [Saddhā-bala, viriya-bala, sati-bala, samādhi-bala, pañña-bala; Faith power, power of energy, mindfulness, concentration and understanding]: I 26 (Nhóm B); XIX 4.
Tinh hoa để uống [Maṇḍapeyya, Fine extract]: X rải rác...
Tính không biết hổ thẹn [Ahiri, Consciencelessness]: III 468.
Tính không biết sợ tội lỗi [Anottappa, Shamelessness]: III 468 (cf. Tính không biết hổ thẹn).
Tĩnh lặng = định (an chỉ) [Samatha, Serenity]: I 24, 42 (Nhóm B), 132, 325, 335, 346, 360, 452; III 16, 20, 176, 444; IV 105; XI 1.
Tinh tấn [Viriya, Energy]: I 26 (Nhóm B), 33, 478, 525; III 22; XVI 85; XIX 4; XXII 6. Đọc thêm năng lực gây ảnh hưởng của tín... tín lực,... yếu tố tạo thành giác ngộ của niệm...
Toàn giác, trí hiểu biết mọi sự (biến tri) [Sabbaññuta-ñāṇa, Omniscience knowledge]: I 598; XVI 168.
Tóc [Kesa, Head hair]: I 5 (Nhóm A); XXVIII 14.
Tôi [Ahaṁ, I]: II 2, 6f., 50, 366. Đọc ngã mạn ‘Tôi’ và ngã mạn ‘Tôi là’.
Tối thượng (ba la mật) [Pāramī, Perfection]: V 64, XVII 4*.
Tôn giả Bakkula [Bakkula]: XXII 25
Tồn tại [ợhita, Present]: XX 7.
Tổn thương* [Upaghātaṁ, Injury]: XIV 7.
Tổng hợp [Samodhāna, Combination]: I 500.
Tổng hợp [Samodhāna, Combining]: I 31, 43 (Nhóm I); III 6, 214; V 90.
Tổng hợp [Samodhāneti, Combines]: III 203.
Tột đỉnh (nđ: đầu) [Sīsa, Head]: I 470.
Trang hoàng [Alaṅkāra, adornment]: XIV 9.
Trạng thái an lạc [Santi-pada, State of peace]: I 300f., 304.
Trạng thái giác ngộ [Buddhi; Enlightenment, state of being enlightened]: III 177; IV 39; XIII 2.
Trạng thái vô lượng [Appamañña, Measureless state]: I 402.
Tranh cãi [Vivāda, Dispute]: I 597.
Tránh [Veramaṇi, Abstention]: I 244.
Trau giồi: - đọc lập lại.
Trí [ờāṇa, Knowledge]: I rải rác, 38 (Nhóm C), 135, 242, 388, 393, 420, 442, 451, 457, 501, 514, 567, 598; III 1, 18, 193, 196, 542; IV 31, 110; V 46, 79; VI 1; XI 290; XII 11, XVI 3f.; XVII 4; XIX 34; XX 15, 8, 12; XXI 117, 25.
Trí biết không ngăn ngại [Anāvaraṇa-ñāṇa, Unobstructed knowledge]: I 599; XVI 169.
Trí biết như thật [Yāthabhūta-ñāṇa, Correct knowledge]: I 39, 586* (Nhóm C).
Trí trực chứng (thắng trí ) [Abhiññā, Direct knowledge]: I 2-44, 176; IV 41, XIX 44; XXI 8.
Trí trực chứng (thắng trí), hiểu biết trọn vẹn (biến tri), đoạn trừ, chứng nghiệm (tác chứng), tu tập [Abhiññā, pariññā, pahāna, sacchikiriyā, bhāvanā; Direct knowledge, full understanding, abandoning, realizing, developing]: I 29, 265, 413, 601; III 176; V 66, XIX 13, 17; XVI 142f.
Trí tuệ [Veda, Wisdom]: V 56, 68.
Trí về hủy diệt [Khaye-ñāṇa, Knowledge of destruction]: I 42 (Nhóm B).
Trí về không sanh khởi [Anuppāde-ñāṇa, Knowledge of non-arising]: I 42 (Nhóm B).
Trói buộc, hệ lụy [Saṁyoga, Bondage]: I 34, 135 (Nhóm C), 271; IV 111; XII 3.
Trở lại một lần (nhất hoàn) [Sakadāgāmitā, Once-return]: I 39 (Nhóm C). Đọc nhập giòng...
Trở ngại [Antarāya, Obstruction]: I 318.
Trở ngại [Palibodha; Impeding, impediment]: I 34, 272, 470, 565*, 597; XII 3.
Trở thành (hữu) [Bhava, Being]: I 5 (Nhóm A), 86, 237, 275, 345, 358, 442; II 6f., 48, 601; XIII 46, XXI 13. Đọc thêm vô minh...
Trồi lên, ngoi lên [Vuṭṭhāna, Emerging]: I 23, 30, 268, 342, 459; V 6, 85; XI 279; XIII 23; XIX 41.
Trồi lên[Vuṭṭhāti, Emerges]: I 333.
Trống vắng [Suñña, Empty]: III 188. Đọc chân không.
Trú 9 cõi thiền (9 thứ đệ trú ) [Vihāra, Abiding]: I 3.
Trú xứ của sanh linh [Sattāvāsa, Abode of beings]: I 46.
Trường cửu [Dhuva, Everlasting(ness)]: I 515 (Nhóm C); IV 109; XX 3, 13.
Trường cửu [Sassata, Eternal]: I 586; 116f., 223, 322, 363; XX 13.
Trưởng thành [Samuggata, Grown up]: I 31.
Truyền thống bậc Thánh (thánh chủng) [Ariya-vaṁsa, Noble Ones’ Heritage]: I 402.
Tuệ [Paññā, Understanding]: I rải rác, 26 (Nhóm B), 43 (Nhóm I ) 44, 475, 568, 590; XIII 27; XV 13; XV 114; XXI rải rác; XXX 5.
Tuệ dồi dào [Vipula-paññā, Abundant understanding]: XXI 10.
Tuệ giải thoát [Paññā-vimutti, Understanding-deliverance]: XIX 44.
Tuệ lanh lẹ [Lahu-paññā; Rapid (light) understanding]: XXI 16.
Tuệ lực [Paññā bala, Understanding power]: I 26 (Nhóm B); XIX 7.
Tuệ nhanh chóng [Sighā-paññā, Quick understanding]: XXI 15.
Tuệ quán thực tánh vào các hiện tượng là tuệ tăng thượng [Adhipaññā-dhamma-vipassanā, Insight into ideas that is higher understanding]: I 39 (Nhóm C). Đọc quán vô thường...-18 Tuệ quán thực tánh chính.
Tuệ rộng khắp [Bhūri-paññā, Over-all understanding]: XX 13.
Tuệ rộng lớn [Puthu-paññā, Wide understanding]: XXI 9.
Tuệ sắc bén[Tikkha-paññā, Keen understanding]: XXI 29.
Tuệ sâu sắc, sâu xa [Gambhīra-paññā, Profound understanding]: XXI 11.
Tuệ sung mãn [Paññā-bāhulla, Much understanding]: XXI 14.
Tuệ tăng thượng [Adhipaññā, Higher understanding]: I 39 (Nhóm C), 265, 297; III 246.
Tuệ tạo nụ cười [Hāsa-paññā, Laughing understanding]: XXI 17.
Tuệ thể nhập [Nibbedhika-paññā, Penetrative understanding]: XXI 20.
Tuệ thôi thúc [Javana-paññā, Impulsive understanding]: XXI 1, 18.
Tuệ vô song [Asāmanta-paññā, Unequalled understanding]: XXI 12. Kindred Sayings PTS nói nên viết là appamatta (KS V, chú thích 3 trang 351)*.
Tuyệt vọng (não) [Upāyāsa, Despair]: I 5 (Nhóm A), 18 (Nhóm E) 224, 227, 232.
Tư duy [Paṭisankhā, Reflexion]: I 26 (Nhóm B), 39 (Nhóm C), 84, 295, 297, 306f., 326; III 607. Đọc thêm thiết lập...
Từ bỏ [Pahāna, Abondoning]: I 23, 29, 88ff. 135, 564; IX 1; XI 277; XII 277, XII 23, 32. Đọc hiểu biết trọn vẹn... và trí trực chứng...
Tự chủ [Attadamatha, Self control]: III 176.
Tự phụ [Sārambha, Presumption]: I 473. Đọc giận dữ...
Tự tại [Mutta, Freedom]: I 42 (Nhóm B).
Tự tính [Sabhāva, Individual essence]: XX 5.
Tương lai [Anāgata, Future]: I 272, 275, 277; XIX 36; XX 4; XXI 3, 12, 18; XXIII 1, 11.
Tương tự [Sabhāga, Similiar]: XX 16.
Tương thuận với [Anuloma, Conformity]: I 586; III 604f.; XXIX 2ff.
Tỳ kheo [Bhikkhu]: III 185; X4; XXII 11 Bhūtapāla XXII 25.
Uttarā: Nữ cư sĩ Uttarā XXII 26.
Uy lực [Visavitā, Majesty]: III 177; XXII 5.
Uyên bác [Paṇḍicca, Sagacity]: XXI 1.
Ưa chuộng [Ruci, Preference]: III 184.
Ưa thích [Nandi, Delight]: I 135 (Nhóm C), 237, 553.
Ước muốn tình dục [Chanda-rāga, Zeal and greed]: I 12; XII 35; XII 8.
Ước nguyện [Paṇidhi, Desire]: I 135 (Nhóm C), 435; II 11; IV 109; V 5, 38, 90; XI 287.
Ước nguyện giải thoát [Muñcitukamyatā, Desire for deliverance]: I 306ff.; V 83.
Ưu thắng [Ādhipateyya, Dominance]: I 23, 26 (Nhóm B), 34, 43 (Nhóm I); IV 49; V 8 9; XII 5; XIII 23.
Vận chuyển* [Abhinīhāra, Conveying]: Chú thích 13, I 30.
Vận hành của trí thâm sâu* [Gambhīrañāṇacariyaṁ paccavekkhato, Behaviour of profound knowledge]: IV 3.
Vật thể [Rūpa, Material]: V 18, 21.
Vật thể [Rūpa, Materiality]: I 135 (Nhóm C), 537; III 240; V 18, 21, 35.
Vật thể, cảm nghiệm, nhận thức, tạo lập tâm trạng, thức [Rūpa, vedanā, saññā, saṅkhāra, viññāṇa, Materiality...]: I 5 (Nhóm A), 48, 90, 236, 294; II 8, 49, 323; XII 35.
Vật thực [Āhāra, Nutriment]: I 3, 46, 287, 294, 371, 580.
Vi tế [Sukhuma, Subtle]: I 278.
Vô lượng [Appamāṇa, Measureless]: XIII 46.
Vô minh [Avijja, Ignorance]: I 5, 26 (Nhóm B), 89, 135 (Nhóm C), 275, 287, 345, 358, 371, 379, 442, 470, 597; II 3, 48; III 200; XI 277; XIX 7; XXII 8. Đọc thêm không tin... ham muốn khoái lạc giác quan...
Vô minh, hành vi tạo quả, thức, sáu giác quan, xúc, cảm nghiệm, khao khát, bám níu, trở thành, sanh, già-và-chết [Avijja ... Ignorance...]: I 5 (Nhóm A), 272, 542; III 542; XII 37.
Vô ngại giải [Paṭisambhidā, Discrimination]: I 402, 416, 570, 604; IV 41, 128; V 64; XIII 3; XVI rải rác, 159; XXI 1.
Vô sắc giới [Arūpa, Immaterial(ity)]: I 345, 358.
Vô thường [Anicca, Impermanence]: I 16, 39 (Nhóm C); III 493, 542; IV 13; XII 34; XIX 24; XXII 27; XXIX 2. Đọc thêm quán vô thường...
Vô thường, khổ não, vô ngã [Anicca, dukkha, anattā; Impermanence, painful, not self]: I 222, 278, 296, 319, 371, 407, 445, 454, 457, 484, 600; III 197, 200; IV 15, 109; V 55, 67, 79; VIII 1; XI 2, 289; XII 11; XXI 18; XXII 25; XXVIII 2; XXIX 7.
Vô thượng [Anuttariya, Unsurpassables]: I 3.
Voi đực* [Nāgo , Tusker]: XXI 12.
Vững, vững vàng [Adhiṭṭhāna; Steadiness, steadying]: I 23, 31, 269, 459, 524; cương quyết III 23, 241; IV 49, 95; V 90; IX 1; XIV 10; XIX 3, XXX 1, 16. Đọc quyết tâm...
Vượt qua [Taraṇa, Crossing over]: I 23; XI 285; XIII 23.
Vượt qua nghi hoặc [Kaṅkhā-vitaraṇā, Overcoming of doubt]: V 78.
Vua Chuyển Luân [Cakkavattin, Wheel turning Monarch]: XXII 29.
Vui vẻ [Somanassa, Joy]: I 265, 537, 553; II 8; IV 12; XII 34. Đọc năng lực gây ảnh hưởng dễ chịu...
Xa lạ [Para, Alien]: V 54.
Xa, gần [Dūre, Santike; Far, near]: II 278, 532; XXI 18; XXII 22.
Xao lãng [Pamāda, Negligence]: I 26 (Nhóm B), 473; XIX 3. Đọc sân hận... và không tin...
Xác định [Vavatthāna, Defining]: I 369, 378, 387, 396, 404-412, 524; XXI 1.
Xảy đến [Samudācaranti, Visit]: I 218*.
Xét đoán [Tīraṇa, Judging]: I 29, 413.
Xuất ly, không sân hận, nghĩ đến ánh sáng, không phân tâm, tìm hiểu hiện tượng, trí, hoan hỉ (đối nghịch với 7 chướng ngại) [Nekkhamma, avyāpāda, ālokasaññā, avikkhepa, dhammavavatthāna, ñāṇa, muditā; Renunciation, non ill-will, perception of light, non-distraction, definition of ideas, knowledge and gladness]: I 36 (Nhóm C), 90, 243, 474, 586; XIII 8, XXX 10.
Xúc [Phassa, samphassa; Contact]: I 4, 5, (Nhóm A), 43 (Nhóm I), 46, 230 275, 288, 294, 411; II 3, 36f.; III 200, 240, 317;V 61; XXI 16.
Xúc chạm phải [Phuṭṭha, Touched]: I 497.
Xúc chạm ở mắt [Cakkhu-samphassa, Eye contact]: I 5 (Nhóm A), 238.
Xúc chạm ở tai [Sotasamphassa, Ear contact]: I 5 (Nhóm A). Đọc xúc chạm ở mắt...
Xúc chạm ở thân [Kāyasamphassa, Body contact]: I 5 (Nhóm A). Đọc xúc chạm ở mắt...
Xung đột [Raṇa, Conflict]: I 444.
Ý muốn làm [Chanda, Zeal]: I 43 (Nhóm I), 247, 411, 502, 590; tinh tấn III 195, 541; IV 10, 90; XXIV 3.
Yếu tính khẩn cấp [Saṁvega, Sense of urgency]: IV 90.
Yếu tố (cõi) dục giới [Kāmadhātu, Sensual desire principle]: I 3, 5 (Nhóm A).
Yếu tố [Dhātu, Principle]: I 3, 5 (Nhóm A), 29, 35, 411, 465, 580, 601; V 54, 84; XII 17; XVI 149; XIX 38; XXII 27.
Yếu tố đất [Paṭhivī-dhātu, Earth principle]: I 5 (Nhóm A).
Yếu tố chính (đại) [Mahābhūta, Great entity]: I 371; III 240; VI 3.
Yếu tố đối tượng hữu hình [Rūpa-dhātu, Visible object principle]: I 5 (Nhóm A).
Yếu tố đối tượng tâm ý (pháp giới) [Dhammadhātu, Idea principle]: I 5 (Nhóm A). Đọc thêm yếu tố đối tượng hữu hình...
Yếu tố mắt [Cakkhu dhātu, Eye principle]: I 5 (Nhóm A),
Yếu tố nhận biết từ mắt [Cakkhu-viṇṇāṇa-dhātu, Eye consciousness principle]: I 5 (Nhóm A).
Yếu tố nhận biết từ tai [Sotaviññāṇadhātu, Ear consciousness principle]: I 5 (Nhóm A). Đọc yếu tố nhận biết từ mắt..
Yếu tố nhiệt [Tejo dhātu, Fire principle]: I 5 (Nhóm A).
Yếu tố ý [Mano-dhātu, Mind principle]: I 5 (Nhóm A), 389.
Yếu tố nhận biết từ ý [Mano-viññaṇa-dhātu, Mind consciouness principle]: I 5 (Nhóm A), 389.
Yếu tố tai [Sota-dhātu, Ear principle]: I 5 (Nhóm A). Đọc yếu tố mắt...
Yếu tố tạo mạng sống [Jīvitasaṅkhāra, Life-formations]: VI 3.
Yếu tố tạo thành giác ngộ (giác chi) [Bojjhanga, Enlightenment factor]: I 26 (Nhóm B), 132; III 203; IV 112; IX 5; X 5; XIII rải rác; XVIII 1; XIX 32; XX 18; XXIV 35.
Yếu tố tạo thành giác ngộ [ytttgn] của quán niệm, ytttgn của tìm hiểu sự thực, ytttgn của tinh tấn, ytttgn của hỉ, ytttgn của tĩnh lặng, ytttgn của định, ytttgn của bình thản [Sati-sambojjhanga, dhammavicaya-s., viriya-s., pīti-s., passaddhi-s., samādhi-s., upekkhā-s. ..Mindfulness enlightenment factor...]: I 26 (Nhóm B); XIII rải rác.
Yếu tố tạo thành giác ngộ của bình thản [Upekkhā-sambojjhanga, Equanimity enlightenment factor]: I 26 (Nhóm B); XIII rải rác...
Yếu tố tạo thành giác ngộ của đi tìm sự thật [Dhammavicaya- sambojjhanga, Investigation of ideas enlightenment factor]: I 26 (Nhóm B). Đọc thêm yếu tố tạo thành giác ngộ của quán niệm...
Yếu tố tạo thành giác ngộ của định [Samādhi-bijjhanga, Concentration enlightenment factor]: I 26 (Nhóm B); XIII rải rác.
Yếu tố tạo thành giác ngộ của hỉ [Pīti sambojjhanga, Happiness enlightenment factor]: I 26 (Nhóm B); XIII rải rác. Đọc yếu tố tạo thành giác ngộ của quán niệm...
Yếu tố tạo thành giác ngộ của tĩnh lặng [Passaddhi-sambojjhanga, Tranquillity enlightenment factor]: I 26 (Nhóm B). Đọc thêm Yếu tố tạo thành giác ngộ của quán niệm...
Yếu tố tạo thành giác ngộ của tinh tấn [Viriya-sambojjhanga, Energy enlightenment factor]: I 26 (Nhóm B), XIII rải rác...
Yếu tố thân [Kāyadhātu, Body principle]: I 5 (Nhóm A). Đọc yếu tố mắt...
Yếu tố thân thức [Kāyaviññāṇadhātu, Body consciousness principle]: I 5 (Nhóm A). Đọc yếu tố nhãn thức...
Yên tịnh [Upasama, Peace]: I 26 (Nhóm A), 265. Đọc thiết lập...
Ý [Ceto, Mind]: XXII 13, 22. Đọc thêm tâm.
Ý muốn [Ākankhaṇa, Wish]: III 174.
Ý nghĩa [Attha, Meaning]: I 8, 23ff., 41, 264, 269, 389, 418, 482, 571, 600, 609; III 176, 203, 205; IV 35, 112; X 7; XII 7, XIII 24; XV 14; XVII 3; XX 216; XXI 1, 8, 12; XXX 5.
Ý niệm (trạng thái, hiện tượng...) [Dhamma, Idea]: I 1, 2, 3, 4, 5 (Nhóm A), 7, 9, 11, 13, 15, 17, 36, 46, 48, 86-89, 91, 131-3, 135, 174-7, 216-9, 220, 222, 238, 240, 247-9, 275, 404, 417, 464, 483, 487, 539, 553, 580, 597; II 49; III 184, 203; IV 112; V 7, 54, 66; IX 1; XI 1, 289; XIII 7; XV 2, 7; XVI 4, 43; XVII 4, 50; XIX 3; XXI 1, 8, 12; XXII 23; XXVIII 1; XXIX 4. Đọc thêm dhamma, vật hữu hình... vô ngại giải.
Ý thức [Mano-viññaṇa, Mind consciouness]: I 5 (Nhóm A).
Nhóm A : 201 ý niệm liệt kê ở Luận I đ. 5 bắt đầu bằng Vật thể và chấm dứt ở già và chết. I 5, 7, 9, 11, 13, 15, 17, 48, 92, 136, 178, 221, 278, 279, 280, 284, 296, 408, 410, 438, 445, 484, 498, 600; II 2 (bỏ 3 năng lực gây ảnh hưởng siêu thế); III 495, 519, 541, 576; V 45, 46, 47, 93, 94, 95; XI 72-273, 316-5742; XX 5, 7; XXI 2, 3, 18.
Nhóm B : 5 năng lực gây ảnh hưởng, 5 lực, 7 yếu tố tạo thành giác ngộ, 8 thánh đạo; các năng lực gây ảnh hưởng, các lực... sự thực; tĩnh lặng... tiêu dao.
Theo chiều thuận: I 26 (không đủ) 41-42, 134, 418; III 203-211; V 64; XIII 26; XIV 8-19; XVII 5.
Theo chiều nghịch: I 360; IX 5; X 6, 8; XV 6, 11; XXIII 2f.
Nhóm C : đối nghịch với 7 chướng ngại (xuất ly,... đọc I 135), 4 jhanas, 4 Chứng đắc (nhập định) các cõi vô sắc giới, 18 tuệ quán thực tánh chính, 4 đạo lộ (4 quả vị), I 36-40, 86, 135, 264, 265, 452, 480, 485, 506, 509, 512, 518; III 3-168; IV 16, 51, 89, 100; XI 2-8; XIII 26f.; XIX 8f., 19, 20; XX 8f., 18, 25; XXII 26, 31; XXVI 2f.; XXX 2ff.
Nhóm D : Tham, sân, si, ngã mạn, quan điểm sai lạc, dao động, hoài nghi, khuynh hướng ngủ ngầm I 390, 391, 392, 394; cf. III 468.
Nhóm E : Nguồn sanh khởi của hiện hữu, tiếp tục tái diễn hiện hữu, điều kiện để còn sanh tử, tích lũy, kết sanh, cảnh tái sanh tới, sanh sản, tái sanh, sanh, già, bệnh, chết, khổ não, ta thán, tuyệt vọng I 18f., 300, 307*, 327, 332*; XIII 49f.*.
Nhóm F : 10 đề mục thiền, 10 tưởng niệm, 10 loại bất tịnh, 32 hình thái về quán hơi thở I 442, 452; XI 9-71; XIX 19-20.
Nhóm G : Khi vị ấy chú tâm, biết, đã thực chứng điều cần được thực chứng. I 265; III 242, 247, 293, 319, 345, 396; XI 2.
Nhóm H : 4 đạo lộ và các bất toàn bị từng đạo lộ hủy diệt... I 442.
Nhóm I : hăng hái, ... nibbana hiển lộ lên từ bất tử. I 43, 85, 129, 215, 360; III 215; X 8; XVII 5.
Tỷ dụ :
Các hạt giống nimba và kosataki và mướp đắng II 12.
Ngọn lửa của cây đèn thắp lên và mầu lửa là một II 50.
Cây có bóng mát II 54.
Hương ở trong đóa hoa II 77.
Đá quý trong hộp II 80.
Lưỡi cưa III 169.
Cái chiêng III 266.
Rương đầy quần áo XIII 44.
Ngọn lửa đèn dầu và ánh sáng XIII 45.
Hố than hồng XIX 25.
Hai bề mặt giống hệt nhau XXI 12.
Cá và rùa trong đại dương XXI 12.
Cỏ lau và vỏ lau XXII 24.
Lưỡi kiếm và vỏ kiếm của nó XXII 24.
Con rắn và da của nó XXII 24.
Cây non chưa sanh trái XXIII 12.
Ví dụ
40 ví dụ ở Luận XXIX đ. 7.
Apadānapāḷi là tựa đề của tập Kinh thứ mười ba thuộc Tiểu Bộ(Khuddakanikāya). Chúng tôi đề nghị tựa đề tiếng Việt là Thánh Nhân Ký Sự. Chú giải của tập Kinh Apadānapāḷi có tên là Visuddhajanavilāsinī, nhưng các chi tiết liên quan đến vị Chú Giải Sư không được tìm thấy.
Apadānapāḷi gồm có bốn phần:
- Buddhāpadāna (liên quan đến Phật Toàn Giác)
- Paccekabuddhāpadāna (liên quan đến Phật Độc Giác)
- Therāpadāna (559 câu chuyện về các vị trưởng lão)
- và Therī-apadāna (40 câu chuyện về các vị trưởng lão ni).
Dựa theo văn bản Pāḷi – Sinhala, ấn bản Buddha Jayanti Tripitaka Series của nước quốc giáo Sri Lanka, bộ Kinh song ngữ Apadānapāḷi - Thánh Nhân Ký Sự được trình bày thành 3 tập:
- Apadānapāḷi tập I gồm có hai phần đầu là Buddhāpadāna - Phật Toàn Giác Ký Sự và Paccekabuddhāpadāna - Phật Độc Giác Ký Sự, cộng thêm 400 ký sự về các vị trưởng lão của phần ba Therāpadāna - Trưởng Lão Ký Sự.
- Apadānapāḷi tập II gồm có 159 ký sự còn lại của phần ba tức là Therāpadāna - Trưởng Lão Ký Sự.
- Apadānapāḷi tập III gồm 40 ký sự về các trưởng lão ni thuộc phần bốn có tên là Therī-apadāna - Trưởng Lão Ni Ký Sự.
Phần thứ nhất Buddhāpadāna - Phật Toàn Giác Ký Sự đề cập đến câu chuyện của tiền thân đức Bồ Tát khi Ngài là đấng Chuyển Luân Vương Tilokavijaya (ApA. 109). Vị này đã dùng năng lực của tâm tạo nên tòa lâu đài bằng châu báu và đã cúng dường đến vô số chư Phật Toàn Giác, chư Phật Độc Giác, và chư vị Thinh Văn đệ tử bằng tác ý. Điểm đáng chú ý ở đây là tất cả các chi tiết ở cuộc lễ cúng dường này chỉ là những diễn tiến trong tâm thức của vị Chuyển Luân Vương Tilokavijaya, và không nên hiểu rằng đã có diễn ra một cuộc hội họp của các vị đã chứng quả Giác Ngộ trong hai thời quá khứ và hiện tại, tức là chư Phật gồm ba hạng: Toàn Giác, Độc Giác, và Thinh Văn (câu kệ 22 và 52). Hơn nữa, chính đức Phật Gotama thời hiện tại của chúng ta cũng đã xác nhận rằng quả báu của sự cúng dường ở trong tâm này đã giúp cho tiền thân của Ngài được sanh về cõi trời Đạo Lợi (câu kệ 53).
Trái lại, phần thứ nhì Paccekabuddhāpadāna - Phật Độc Giác Ký Sự không đề cập đến các hành động quá khứ đã có liên quan đến sự giải thoát trong thời hiện tại của chư Phật Độc Giác, mà là “những kệ ngôn cao thượng đã được chư Phật Độc Giác là các đấng Chiến Thắng nói lên. Những kệ ngôn ấy đã được đấng Sư Tử dòng Sakya, bậc Tối Thượng Nhân, giảng giải vì mục đích của việc nhận thức Giáo Pháp” (câu kệ 138). Những lời kệ này của chư Phật Độc Giác cũng được tìm thấy ở Chương I, phần 3, Suttanipāta (Kinh Tập), là tập Kinh thứ 5 thuộc Khuddaka-nikāya (Tiểu Bộ). Điều cần lưu ý ở đây là do nhân duyên lời thỉnh cầu của ngài Ānanda mà đức Phật Gotama đã thuyết giảng hai phần Buddhāpadāna - Phật Toàn Giác Ký Sự và Paccekabuddhāpadāna - Phật Độc Giác Ký Sự này.
Hai phần cuối, Therāpadāna - Trưởng Lão Ký Sự gồm có 559 câu chuyện về các vị trưởng lão được chia làm 56 phẩm (vagga), và Therī-apadāna - Trưởng Lão Ni Ký Sự gồm có 40 câu chuyện về các vị trưởng lão ni được chia làm 4 phẩm. Các câu chuyện này đề cập đến những hành động đã được tiền thân của các vị này thực hiện trong thời quá khứ. Đối tượng của các việc phước thiện này có tính chất đa dạng, có thể là các vị Phật Toàn Giác, Độc Giác, hoặc Thinh Văn. Thậm chí việc lễ bái cúng dường các vật có liên quan đến các Ngài như là cội Bồ Đề, ngôi bảo tháp, tấm y ca-sa, và ngay cả dấu chân đã được đức Phật để lại trên nền đất, v.v... cũng đã làm sanh khởi niềm tin đưa đến việc hành thiện của tiền thân các vị này, cuối cùng đem lại sự thành tựu Niết Bàn cho các vị trong kiếp sống cuối cùng. Một số tiền thân có sự phát nguyện thành tựu vị thế tối thắng và đã nhận được chú nguyện thành tựu của các vị Phật đương thời. Thêm vào đó, các ký sự này còn đề cập đến việc thành tựu về phước báu Nhân Thiên và các sự thành công của tiền thân các vị ấy trong các kiếp sống kế tiếp trước khi gặp được đức Phật Gotama, rồi việc xuất gia trở thành tỳ khưu hay tỳ khưu ni, sau đó thành tựu quả vị Thinh Văn A-la-hán, và chứng đắc các pháp thù thắng là bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, sáu thắng trí, và Niết Bàn. Các chi tiết được trình bày ở mỗi ký sự đã được chư Thinh Văn tỳ khưu và tỳ khưu ni đích thân thuật lại, dài ngắn cũng không chừng đổi, đôi lúc có xen lẫn một vài dòng kệ chú thích của người sưu tập. câu chuyện ngắn nhất chỉ có vài ba câu kệ (gāthā), câu chuyện dài nhất có hơn hai trăm câu kệ (400 dòng).
Xét rằng 139 câu kệ của hai phần đầu tức là Buddhāpadāna - Phật Toàn Giác Ký Sự và Paccekabuddhāpadāna - Phật Độc Giác Ký Sự chỉ là một phần rất khiêm tốn so với gần 7.800 câu kệ của toàn thể bộ Kinh này, cho nên có thể nói rằng trọng tâm của bộ Kinh hướng đến các vị Thánh Thinh Văn tỳ khưu và tỳ khưu ni. Đặc biệt, đối với những vị Thinh Văn có được sự thành tựu về các vị thế tối thắng vào thời đức Phật Gotama, thì tiền thân của các vị này trong quá khứ cũng đã có sự phát khởi ước muốn thành tựu vị thế ấy, cũng có làm việc phước thiện thù thắng, và cũng được chú nguyện bởi vị Phật của thời kỳ ấy. Có giả thuyết cho rằng hai phần đầu Buddhāpadāna - Phật Toàn Giác Ký Sự và Paccekabuddhāpadāna - Phật Độc Giác Ký Sự đã được thêm vào nhằm để khẳng định rằng: Con đường Giải Thoát là gồm có ba hạng: Toàn Giác, Độc Giác, và Thinh Văn. Dầu hạnh nguyện và sự thực hành của ba hạng Phật là khác nhau về đẳng cấp, nhưng cứu cánh giải thoát đều giống nhau là sự đoạn tận các lậu hoặc, chấm dứt khổ đau, và Niết Bàn.
Có thể đưa ra nhận xét rằng bộ Kinh Apadāna - Thánh Nhân Ký Sự chủ yếu nói về vai trò của nghiệp (kamma) trong quá trình luân hồi (saṃsāra), về sự gặt hái kết quả (phala) của hành động đã làm trong các kiếp quá khứ (pubbakamma). Apadāna - Thánh Nhân Ký Sự không chỉ nêu lên các thiện nghiệp có quả thành tựu tốt đẹp mà còn có nhắc đến một số ác nghiệp đưa đến kết quả xấu xa. Ví dụ như ký sự của Trưởng Lão Upālittherāpadāna kể lại câu chuyện tiền thân của vị này đã thực hiện hành động cung kính đến đức Phật Padumuttara và đã ước nguyện trở thành vị tỳ khưu đứng đầu về Luật. Tuy nhiên, vào kiếp sanh làm vị hoàng tử tên Candana, do việc đã dùng voi khuấy rối đến một vị Phật đang đi khất thực, cho nên trong kiếp cuối cùng dẫu bị sanh làm người thợ cạo thuộc dòng dõi thấp kém, nhưng vị Trưởng Lão Upāli này vẫn trở thành vị tỳ khưu đứng đầu về Luật trong Giáo Pháp của đức Thế Tôn Gotama.
Điểm đặc biệt là các việc quét dọn, xây dựng viền rào, cúng dường đến cội cây Bồ Đề, hay là các hành động kiến tạo và quét vôi bảo tháp, dâng hoa đến bảo tháp, và cúng dường xá-lợi cũng là nhân tố cho những thành tựu phước báu lớn lao và còn đưa đến thành tựu quả vị A-la-hán ở vào thời đức Phật nữa. Nói đến xá-lợi, điểm đáng lưu ý là ngay cả đức Phật cũng tỏ lòng tôn trọng đến xá-lợi của các vị Thinh Văn: Ký sự 50 về Trưởng Lão Cunda mô tả đức Thế Tôn đã nhận lấy xá-lợi của vị Trưởng Lão Sāriputta bằng hai tay, và trong khi phô bày xá-lợi ấy đã tán dương vị Thinh Văn đệ nhất này (tập I, 1254-1255). Tương tợ như thế, Ngài cũng đã nâng lên xá-lợi của vị Trưởng Lão Ni Mahāpajāpatigotamī bằng hai tay khi nhắc đến công hạnh của bà (tập III, Ký Sự 17, 404-415). Và có nhiều ký sự nói về các vị Thinh Văn đã được giải thoát Niết Bàn do công hạnh cúng dường xá-lợi trong quá khứ. Thêm vào đó, việc cúng dường thực phẩm và các vật dụng cần thiết đến đức Phật và Hội Chúng tỳ khưu là có được thành quả lớn lao đã được khẳng định qua nhiều ký sự ở bộ Kinh này.
Đặc biệt, có phần ký sự tên Pubbakammapiloti-apadāna đề cập đến các nghiệp xấu do tiền thân đức Phật Gotama đã tạo nên trong mười hai kiếp sống quá khứ. Các nghiệp này đã trổ quả vào lúc Ngài đã thành tựu quả vị Phật Toàn Giác. Ví dụ như việc nữ du sĩ ngoại đạo Sundarikā đã vu cáo Ngài trong thời hiện tại là do tiền thân của Ngài, lúc sanh làm kẻ vô lại Munāḷī, đã vu cáo đức Phật Độc Giác Sarabhu, và vào một kiếp khác đã bôi nhọ vị ẩn sĩ Bhīma có năm thắng trí có đại thần lực là “người vẫn còn đắm say dục lạc;” về việc nàng Ciñcamānavikā vu cáo gian sự liên hệ thân mật giữa nàng và đức Phật là do nhân của sự vu cáo vị Thinh Văn tên Nanda vào thời đức Phật Sabbābhibhū; về việc voi Nālāgirī chạy đến Ngài với ý muốn hãm hại là do việc tiền thân đã cỡi voi công kích một vị Phật Độc Giác đang đi khất thực. Và về các chứng khó chịu ở thân cũng là do tác động của nghiệp quá khứ ví dụ như chứng nhức đầu do đã có tâm hoan hỷ khi trong thấy các con cá bị giết chết, về chứng đau lưng do đã đánh gục đối thủ trong một cuộc giao đấu, về bệnh tiêu chảy do trong thời quá khứ làm một vị thầy thuốc đã cố ý cho thuốc xổ đến con trai nhà triệu phú, v.v... Có điều thắc mắc là các ký sự Pubbakammapilotika này có liên quan đến đức Phật, nhưng tại sao lại không được xếp vào Buddhāpadāna - Phật Toàn Giác Ký Sự, mà lại được sắp vào phần của các vị Thinh Văn, Therāpadāna - Trưởng Lão Ký Sự?
Một điều khác cũng đã được ghi nhận như sau: Trong các tập Kinh thuộc Tiểu Bộ (Khuddakanikāya), chủ đề về nghiệp đã được trình bày theo các sự sắp xếp khác nhau:
- Jātaka - Bổn Sanh, Buddhavaṃsa - Phật Sử, Cariyāpiṭaka - Hạnh Tạng nói về các tiền thân của đức Phật Gotama.
- Apadāna - Thánh Nhân Ký Sự liên quan đến các vị Thinh Văn tỳ khưu và tỳ khưu ni.
- Vimānavatthu - Chuyện Thiên Cung và Petavatthu - Chuyện Ngạ Quỷ thì đề cập đến nghiệp quả của nhiều hạng người.
Về hình thức, bộ Kinh Apadāna - Thánh Nhân Ký Sự được viết theo thể kệ thơ (gāthā), mỗi câu kệ gồm có bốn pāda được trình bày thành hai dòng. Đa số các câu kệ của tập Kinh này làm theo thể thông thường gồm có tám âm cho mỗi pāda. Chúng tôi chủ trương ghi lại lời dịch Việt theo lối văn xuôi hầu ý nghĩa chuyển dịch được phần trọn vẹn. Đôi chỗ hai câu kệ được dịch chung thành một đoạn dựa theo tính chất hoàn chỉnh về văn phạm hoặc về ý nghĩa của chúng. Cũng cần nói thêm về văn bản Pāḷi được trình bày ở đây đã được phiên âm lại từ văn bản Pāḷi – Sinhala, ấn bản Buddha Jayanti Tripitaka Series của nước quốc giáo Sri Lanka.
Về phương diện dịch thuật và trình bày văn bản tiếng Việt, có một số điều cần lưu ý như sau: Mặc dầu toàn bộ văn bản là các lời tự thuật, tuy nhiên chúng tôi chỉ trình bày ở dạngchữ nghiêng cho những đoạn có tính chất đối thoại trực tiếp hoặc những điều ước nguyện, suy nghĩ. Về từ xưng hô của hàng đệ tử đối với đức Phật, chúng tôi sử dụng từ “con” ở ngôi thứ nhất cho những trường hợp trực tiếp, và “tôi” cho những trường hợp xét rằng người nghe là các đối tượng khác. Về văn phong của lời dịch, chúng tôi chủ trương ghi lại lời tiếng Việt sát theo văn bản gốc và cố gắng không bỏ sót từ nào không dịch. Lời văn tiếng Việt của chúng tôi có chứa đựng những mấu chốt giúp cho những ai có ý thích nghiên cứu Pāḷi thấy ra được cấu trúc của loại ngôn ngữ này. Việc làm này của chúng tôi không hẳn đã được hoàn hảo, dẫu sao cũng là bước khởi đầu nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu cổ ngữ Phật Học của người Việt Nam. Tuy nhiên, một số sai sót trong quá trình phiên dịch đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ yếu kém.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành ghi nhận sự quan tâm chăm sóc trực tiếp hoặc gián tiếp đối với công tác phiên dịch của chúng tôi về phương diện vật thực bồi dưỡng và thuốc men chữa bệnh của các vị hữu ân sau: Bhikkhunī Sukhettā Nichanaporn Ketjan (Thái), Cô Phạm Thu Hương (Hồng Kông), gia đình Phật tử Phạm Trọng Độ & Ngô Thị Liên, Phật tử Diệu Hiền, Phật tử Phấn Nguyễn, và Phật tử Ngô Lý Vạn Ngọc. Công việc soạn thảo này được thông suốt, không bị gián đoạn, chính là nhờ có sự hỗ trợ cấp thời và quý báu của quý vị. Thành tâm cầu chúc quý vị luôn giữ vững niềm tin và thành tựu được nhiều kết quả trong công việc tu tập giải thoát và hộ trì Tam Bảo.
Một điều thiếu sót lớn nếu không đề cập đến sự nhiệt tình giúp đỡ của Phật tử Mam Pitiya trong việc tham khảo bản dịch tiếng bản xứ. Cũng không quên không nhắc đến những sự ủng hộ, khích lệ, và công đức góp ý về phần tiếng Việt của Đại Đức Đức Hiền, cùng với hai vị Phật tử Tung Thiên và Đông Triều đã sắp xếp thời gian đọc qua bản thảo và đã giúp cho chúng tôi tránh được một số điểm vụng về trong việc sử dụng từ ngữ tiếng Việt. Nhân đây, cũng xin ghi nhận sự cúng dường cuốn Từ Điển Tiếng Việt của Đại Đức Tâm Pháp, nhờ thế đã giúp cho chúng tôi rất nhiều trong việc xác định từ ngữ được thêm phần chính xác. Chúng tôi cũng xin thành tâm tùy hỷ và tán dương công đức của các thí chủ đã nhiệt tâm đóng góp tài chánh giúp cho Công Trình Ấn Tống Tam Tạng Song Ngữ Pāḷi - Việt được tồn tại và phát triến, mong sao phước báu Pháp thí này luôn dẫn dắt quý vị vào con đường tu tập đúng theo Chánh Pháp, thành tựu Chánh Trí, chứng ngộ Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử nữa.
Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc soạn thảo tập Kinh này được thành tựu đến thầy tổ, song thân, và tất cả chúng sanh trong tam giới. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ, và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.
Kính bút,
ngày 01 tháng 06 năm 2008
Tỳ Khưu Indacanda (Trương đình Dũng)
ApA. : Apadāna Aṭṭhakathā - Chú Giải Apadāna (PTS.)
ND : Chú thích của Người Dịch
PTS.: Nhà Xuất Bản Pali Text Society (Anh Quốc)
TTPV. : Tam Tạng Pāḷi - Việt
Apadānapāḷi là tựa đề của tập Kinh thứ mười ba thuộc Tiểu Bộ. Chúng tôi đề nghị tựa đề tiếng Việt là Thánh Nhân Ký Sự. Chú giải của tập Kinh Apadānapāḷi có tên là Visuddhajanavilāsinī.
Apadānapāḷi gồm có bốn phần:
- Buddhāpadāna (liên quan đến Phật Toàn Giác)
- Paccekabuddhāpadāna (liên quan đến Phật Độc Giác)
- Therāpadāna (559 câu chuyện về các vị trưởng lão)
- và Therī-apadāna (40 câu chuyện về các vị trưởng lão ni).
Bộ Kinh song ngữ Apadānapāḷi - Thánh Nhân Ký Sự được trình bày thành 3 tập:
- Apadānapāḷi tập I gồm có hai phần đầu nói về Phật Toàn Giác và Phật Độc Giác, cộng với 400 ký sự về các vị trưởng lão thuộc phần ba Therāpadāna - Trưởng Lão Ký Sự.
- Apadānapāḷi tập II được trình bày ở đây gồm có 159 ký sự còn lại thuộc phần ba Therāpadāna - Trưởng Lão Ký Sự.
- Apadānapāḷi tập III gồm 40 ký sự về các trưởng lão ni thuộc phần bốn có tên là Therī-apadāna - Trưởng Lão Ni Ký Sự.
Về nội dung, Apadānapāḷi - Thánh Nhân Ký Sự tập II được chia làm 16 phẩm (vagga) có số thứ tự các phẩm từ XLI - LVI. Mỗi phẩm gồm có 10 ký sự, riêng phẩm cuối cùng chỉ có 9. Tên ký sự đầu tiên trong mỗi phẩm được sử dụng lại để đặt tên cho phẩm ấy, ví dụ phẩm XLI Metteyyavaggo - Phẩm Metteyya dựa vào tựa đề của ký sự 401 là Tissametteyyattherāpadānaṃ - Ký Sự về Trưởng Lão Tissametteyya. Điều cần lưu ý là chỉ có một số ít vị trưởng lão được xác định danh tánh, các vị còn lại có tên được gọi theo hành động phước thiện đã làm, ví dụ ký sự 403 về Trưởng Lão Mettagū vì vị này hành trì tâm từ ái (mettā), ký sự 404 về Trưởng Lão Dhotaka vì vị này có nhận xét rằng các vị tỳ khưu là những vị đã gội rửa (dhota) các điều ác xấu, v.v...
Các câu chuyện của Therāpadāna - Trưởng Lão Ký Sự có chủ đề liên quan đến những hành động phước thiện của các vị tỳ khưu ở trong thời quá khứ. Những thiện nghiệp này đã đem lại phước báu cho các vị ấy trong nhiều kiếp, cuối cùng vào kiếp chót các vị này đã xuất gia với đức Phật Gotama trở thành tỳ khưu, được chứng quả vị A-la-hán, đã thành tựu tam minh, đắc chứng bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí. Các điểm chi tiết được trình bày ở mỗi ký sự đã được các vị tỳ khưu đích thân thuật lại. Có nhiều ký sự dài với nhiều chi tiết hay lạ, những cũng có những ký sự ngắn được tóm tắt chỉ trong một vài câu kệ. Một số nghiệp bất thiện cũng đã được đề cập đến và nghiệp quả xấu phải gánh chịu do những hành động ấy đem lại cũng không phải là nhỏ. Đa số các thiện nghiệp đều lấy đối tượng cúng dường là chư Phật trong thời quá khứ, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến những phước thiện được làm nhắm đến các đối tượng khác xét rằng chúng sanh trong thời điểm hiện nay vẫn còn có cơ duyên được gần gũi. Các thiện nghiệp này xét ra đơn giản, dễ làm, nhưng cũng có kết quả vô cùng lớn lao. Ký sự 494 ghi nhận việc chỉ có tưởng nhớ đến đức Phật và cúng dường bông hoa ở không trung cũng thoát khỏi khổ cảnh 31 kiếp, ký sự 498 xác nhận rằng tâm ý trong việc phước thiện là quan trọng, còn đối tượng thọ lãnh không hẳn là chủ yếu (câu kệ 5324-5327), ký sự 524 ghi lại rằng chỉ cần nương nhờ (quy y) với vị tỳ khưu cũng có kết quả thoát khỏi khổ cảnh 31 kiếp, ký sự 538 thuật lại việc hốt lá cây Bồ Đề đem đi đổ cũng đã giúp cho người hành thiện được sanh làm Trời và nếu phải làm người thì được sanh vào giai cấp cao quý, ký sự 549 đề cập đến trường hợp vị phải chịu sự tái sanh làm con chim bồ câu, nhưng nhờ vào nghiệp lực của quá khứ vẫn tìm đến để phục vụ vị tỳ khưu đang tu tập ở trong rừng từ đó được sanh thiên, ký sự 557 nói về quả báu của việc cúng dường xá-lợi đức Phật. Đặc biệt ký sự 539 vốn quen thuộc nhưng lại có kết cuộc bất ngờ, đáng ngạc nhiên. Đây là câu chuyện của một người Bà-la-môn đến với Giáo Pháp của đức Phật Thích Ca lúc tuổi đã già và đã bị các vị tỳ khưu đương thời từ chối việc cho xuất gia. Nhờ công đức cúng dường một muỗng thức ăn đến ngài Sāriputta (Xá-lợi-phất) trước đây mà người Bà-la-môn này đã được ngài Sāriputta cho xuất gia trở thành tỳ khưu theo lời chỉ dạy của đức Phật. Điều ngạc nhiên ở đây người này lại chính là vị trưởng lão Rādha đã được đức Thế Tôn tán dương là vị đứng đầu trong số các vị tỳ khưu có tài biện giải.
Về hình thức, Therāpadāna - Trưởng Lão Ký Sự được viết theo thể kệ thơ (gāthā), mỗi câu kệ gồm có bốn pāda được trình bày thành hai dòng. Đa số các câu kệ của tập Kinh này làm theo thể thông thường gồm có tám âm cho mỗi pāda. Chúng tôi chủ trương ghi lại lời dịch Việt theo lối văn xuôi hầu ý nghĩa chuyển dịch được phần trọn vẹn. Đôi chỗ hai câu kệ được dịch chung thành một đoạn dựa theo tính chất hoàn chỉnh về văn phạm hoặc về ý nghĩa của chúng. Cũng cần nói thêm về văn bản Pāḷi được trình bày ở đây đã được phiên âm lại từ văn bản Pāḷi – Sinhala, ấn bản Buddha Jayanti Tripitaka Series của nước quốc giáo Sri Lanka.
Về phương diện dịch thuật và trình bày văn bản tiếng Việt, có một số điều cần lưu ý như sau: Mặc dầu toàn bộ văn bản là các lời tự thuật, tuy nhiên chúng tôi chỉ trình bày ở dạngchữ nghiêng cho những đoạn đối thoại trực tiếp hoặc những điều ước nguyện, suy nghĩ. Về từ xưng hô của hàng đệ tử đối với đức Phật, chúng tôi sử dụng từ “con” ở ngôi thứ nhất cho những trường hợp trực tiếp, và “tôi” cho những trường hợp xét rằng người nghe là các đối tượng khác. Về văn phong của lời dịch, chúng tôi chủ trương ghi lại lời tiếng Việt sát theo văn bản gốc và cố gắng không bỏ sót từ nào không dịch. Lời văn tiếng Việt của chúng tôi có chứa đựng những mấu chốt giúp cho những ai có ý thích nghiên cứu Pāḷi thấy ra được cấu trúc của loại ngôn ngữ này. Việc làm này của chúng tôi không hẳn đã được hoàn hảo, dẫu sao cũng là bước khởi đầu nhằm thúc đẩy việc nghiên cứu cổ ngữ Phật Học của người Việt Nam. Tuy nhiên, một số sai sót trong quá trình phiên dịch đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ yếu kém.
Cũng xin chân thành ghi nhận sự quan tâm chăm sóc trực tiếp hoặc gián tiếp đối với công tác phiên dịch của chúng tôi về phương diện vật thực bồi dưỡng và thuốc men chữa bệnh của các vị hữu ân sau: Thầy Thích Tâm Không (Seattle), Bhikkhunī Sukhetta Nichanaporn Ketjan (Thái), gia đình Phật tử Phạm Trọng Độ, gia đình Phật tử Lý Hoàng Anh, Phật tử Võ Đức Hùng, Cô Phạm Thu Hương và Cô Hoàng Thị Thịnh (Hồng Kông). Công việc soạn thảo này được thông suốt, không bị gián đoạn, chính là nhờ có sự hỗ trợ quý báu của quý vị. Thành tâm cầu chúc quý vị luôn giữ vững niềm tin và thành tựu được nhiều kết quả trong công việc tu tập giải thoát và hộ trì Tam Bảo.
Một điều thiếu sót lớn nếu không đề cập đến sự nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi của Phật tử Mam Pitiya trong việc tham khảo bản dịch tiếng bản xứ. Cũng không quên không nhắc đến những sự ủng hộ, khích lệ, và công đức góp ý về phần tiếng Việt của Đại Đức Đức Hiền cùng với hai vị Phật tử Tung Thiên và Đông Triều đã giúp cho chúng tôi tránh được một số điểm vụng về trong việc sử dụng từ ngữ tiếng Việt. Chúng tôi cũng xin thành tâm tùy hỷ và tán dương công đức của các thí chủ đã nhiệt tâm đóng góp tài chánh giúp cho Công Trình Ấn Tống Tam Tạng Song Ngữ Pāḷi - Việt được tồn tại và phát triến, mong sao phước báu Pháp thí này luôn dẫn dắt quý vị vào con đường tu tập đúng theo Chánh Pháp.
Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc soạn thảo tập Kinh này được thành tựu đến thầy tổ, song thân, và tất cả chúng sanh trong tam giới. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ, và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.
Kính bút,
ngày 02 tháng 05 năm 2008
Tỳ Khưu Indacanda (Trương đình Dũng)
ApA. : Apadāna Aṭṭhakathā - Chú Giải Apadāna (PTS.)
ND : Chú thích của Người Dịch
PTS.: Nhà Xuất Bản Pali Text Society (Anh Quốc)
TTPV. : Tam Tạng Pāḷi - Việt
Apadānapāḷi là tựa đề của tập Kinh thứ mười ba thuộc Tiểu Bộ. Chúng tôi đề nghị tựa đề tiếng Việt là Thánh Nhân Ký Sự. Sự chọn lựa tựa đề của chúng tôi được căn cứ vào lời giảng của Ngài Chú Giải Sư Dhammapāla ở Cariyāpiṭaka-Aṭṭhakathā (Chú Giải Hạnh Tạng) rằng: “Buddhāpadāniyaṃ là đề tài được thuyết giảng, là đề tài được trình bày có liên quan đến công hạnh khó làm thuộc thời xa xưa nghĩa là việc làm quá khứ của chư Phật” (335). Về ý nghĩa của từ apadāna, có nhiều tài liệu nghiên cứu tiếng Anh thảo luận về ý nghĩa của từ này và từ tương đương của Sanskrit là avadāna, nhưng vẫn chưa có được câu trả lời xác định và hợp lý về phương diện ngôn ngữ học. Từ điển A Dictionary of Pali, Part I của Margaret Cone do nhà xuất bản Pali Text Society phát hành năm 2001 ghi nghĩa rằng: “— 2. a person’s “reaping”, (the result of) one’s action,” và “—3. the story of a person’s actions and their result;” tuy nhiên, các ý nghĩa này cũng chỉ là những kết luận được rút ra từ các ngữ cảnh có liên quan ở các văn bản Pāli.
Apadānapāḷi gồm có bốn phần:
- Buddhāpadāna (liên quan đến Phật Toàn Giác)
- Paccekabuddhāpadāna (liên quan đến Phật Độc Giác)
- Therāpadāna (559 câu chuyện về các vị trưởng lão)
- và Therī-apadāna (40 câu chuyện về các vị trưởng lão ni).
Tập Kinh được trình bày ở đây là phần thứ tư, Therī-apadāna, chúng tôi đề nghị tựa đề tiếng Việt là Trưởng Lão Ni Ký Sự. Chú giải của tập Kinh Apadānapāḷi có tên là Visuddhajanavilāsinī chỉ đề cập đến ba phần đầu, còn phần chú giải liên quan đến các vị tỳ khưu ni lại không được đề cập đến, có thể đã không được thực hiện.
Về nội dung, Therī-apadāna - Trưởng Lão Ni Ký Sự được trình bày thành bốn phẩm (vagga), mỗi phẩm gồm có 10 ký sự, tổng cộng là 40 câu chuyện được kể lại bởi các vị tỳ khưu ni đã sống, tu tập, và thành Đạo dưới sự hướng dẫn của đức Phật Gotama, tức là đức Phật Thích Ca đang được chúng ta thờ phụng hiện nay. Các câu chuyện này có chủ đề liên quan đến những hành động cúng dường thù thắng của các vị tỳ khưu ni này ở trong quá khứ. Những thiện nghiệp này đã đem lại phước báu cho các vị ấy trong nhiều kiếp, cuối cùng vào kiếp chót các vị này đã xuất gia trở thành tỳ khưu ni, được chứng quả vị A-la-hán, thành tựu tam minh, đắc chứng bốn tuệ phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí. Một số nghiệp bất thiện cũng đã được đề cập đến và nghiệp quả xấu phải gánh chịu do những hành động ấy đem lại cũng không phải là nhỏ. Các chi tiết được trình bày ở mỗi ký sự đã được đích thân các vị tỳ khưu ni đích thân thuật lại, dài ngắn cũng không chừng đổi, đôi lúc có xen lẫn một vài dòng kệ chú thích của người sưu tập. Tên của một số vị trưởng lão ni đã được ghi nhận theo hành động, ví dụ vị ni Mekhalādāyikā có tên gọi theo hành động cúng dường sợi dây thắt lưng (mekhala), Maṇḍapadāyikā do việc cúng dường mái che (maṇḍapa), v.v… Tên của nhiều vị trưởng lão ni được thấy ở Therīgāthā - Trưởng Lão Ni Kệ, nhưng không phải là tất cả. Ngược lại tên của một số vị trưởng lão ni có ở Therīgāthā nhưng không được tìm thấy ở Apadāna. So sánh giữa hai văn bản, một vài vị ni có tên gọi không giống nhau nhưng chi tiết trình bày lại tương đồng. Nói chung, có một số tư liệu xét ra là mới lạ đối với hàng học Phật người Việt được chứa đựng trong tập Kinh này.
Về hình thức, Therī-apadāna - Trưởng Lão Ni Ký Sự được viết theo thể kệ thơ (gāthā), mỗi câu kệ gồm có bốn pāda được trình bày thành hai dòng. Đa số các câu kệ của tập Kinh này làm theo thể thông thường gồm có tám âm cho mỗi pāda. Chúng tôi chủ trương ghi lại lời dịch Việt theo lối văn xuôi hầu ý nghĩa chuyển dịch được phần trọn vẹn. Đôi chỗ hai câu kệ được dịch chung thành một đoạn dựa theo tính chất hoàn chỉnh về văn phạm hoặc về ý nghĩa của chúng. Cũng cần nói thêm về văn bản Pāḷi được trình bày ở đây đã được phiên âm lại từ văn bản Pāḷi – Sinhala, ấn bản Buddha Jayanti Tripitaka Series của nước quốc giáo Sri Lanka.
Về phương diện dịch thuật và trình bày văn bản tiếng Việt, có một số điều cần lưu ý như sau: Mặc dầu toàn bộ văn bản là các lời tự thuật, tuy nhiên chúng tôi chỉ trình bày ở dạngchữ nghiêng cho những đoạn có tính chất đối thoại trực tiếp hoặc những điều ước nguyện, suy nghĩ. Về từ xưng hô của hàng đệ tử đối với đức Phật, chúng tôi sử dụng từ “con” ở ngôi thứ nhất cho những trường hợp trực tiếp, và “tôi” cho những trường hợp xét rằng người nghe là các đối tượng khác. Về sự xưng hô của đức Phật với người đối diện, chúng tôi thay đổi theo suy nghĩ chủ quan, lúc thì “bà” dùng cho Mahāpajāpati Gotamī, “em” dùng cho Nandā người em gái cùng cha khác mẹ, “nàng, các nàng” dùng cho Yasodharā, Kisāgotamī, Rūpanandā, và những vị ni trước đây là hầu thiếp ở trong cung, “ngươi, các ngươi” dùng cho các vị tỳ khưu, và ít dùng từ “con, các con” ở ngôi thứ hai cho các trường hợp này; điểm này xét ra cần có thêm sự đầu tư suy nghĩ. Về văn phong của lời dịch, chúng tôi chủ trương ghi lại lời tiếng Việt sát theo văn bản gốc và cố gắng không bỏ sót từ nào không dịch. Lời văn tiếng Việt của chúng tôi có chứa đựng những mấu chốt giúp cho những ai có ý thích nghiên cứu Pāḷi thấy ra được cấu trúc của loại ngôn ngữ này. Việc làm này của chúng tôi không hẳn đã được hoàn hảo, dẫu sao cũng là bước khởi đầu nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu cổ ngữ Phật Học của người Việt Nam. Tuy nhiên, một số sai sót trong quá trình phiên dịch đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ yếu kém.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành ghi nhận sự quan tâm chăm sóc trực tiếp hoặc gián tiếp đối với công tác phiên dịch của chúng tôi về phương diện vật thực bồi dưỡng và thuốc men chữa bệnh của các vị hữu ân sau: Sư Cô Trí Anh - chùa Linh Sơn (Pháp), Bhikkhunī Sukhettā Nichanaporn Ketjan (Thái), Cô Phạm Thu Hương và Cô Hoàng Thị Thịnh (Hồng Kông), Cô Upekkhā (Úc Đại Lợi), Phật tử Daw Pat Gray (Myanmar). Công việc soạn thảo này được thông suốt, không bị gián đoạn, chính là nhờ có sự hỗ trợ cấp thời và quý báu của quý vị. Thành tâm cầu chúc quý vị luôn giữ vững niềm tin và thành tựu được nhiều kết quả trong công việc tu tập giải thoát và hộ trì Tam Bảo.
Một điều thiếu sót lớn nếu không đề cập đến sự nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi của sinh viên Karunaratna trong việc tham khảo bản dịch tiếng bản xứ. Cũng không quên không nhắc đến những sự ủng hộ, khích lệ, và công đức góp ý về phần tiếng Việt các vị: Đại Đức Dhammapāla (Trần Văn Tha), Đại Đức Chánh Kiến, Đại Đức Đức Hiền, Đại Đức Ni Nguyên Hương đã sắp xếp thời gian đọc qua bản thảo và đã giúp cho chúng tôi tránh được một số điểm vụng về trong việc sử dụng từ ngữ tiếng Việt. Nhân đây, cũng xin ghi nhận sự cúng dường Từ Điển Tiếng Việt của Đại Đức Tâm Pháp, nhờ thế đã giúp cho chúng tôi rất nhiều trong việc xác định từ ngữ được thêm phần chính xác. Chúng tôi cũng xin thành tâm tùy hỷ và tán dương công đức của các thí chủ đã nhiệt tâm đóng góp tài chánh giúp cho Công Trình Ấn Tống Tam Tạng Song Ngữ Pāḷi - Việt được tồn tại và phát triến, mong sao phước báu Pháp thí này luôn dẫn dắt quývị vào con đường tu tập đúng theo Chánh Pháp, thành tựu Chánh Trí, chứng ngộ Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử nữa.
Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc soạn thảo tập Kinh này được thành tựu đến thầy tổ, song thân, và tất cả chúng sanh trong tam giới. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ, và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.
Kính bút,
ngày 31 tháng 12 năm 2007
Tỳ Khưu Indacanda (Trương đình Dũng)
ApA. : Apadāna Aṭṭhakathā - Chú Giải Apadāna (PTS.)
ND : Chú thích của Người Dịch
PTS.: Nhà Xuất Bản Pali Text Society (Anh Quốc)
TTPV. : Tam Tạng Pāḷi - Việt
1. Trong khi đức Như lai ngự tại Jetavana, bậc hiền trí xứ Videha[1]đã cúi mình hỏi Ngài rằng: “Bạch đấng Anh Hùng, nghe nói có các vị được gọi là đức Phật Toàn Tri, các vị ấy được thành tựu là do các nguyên nhân nào?”
2. Khi ấy, bậc Đại Ẩn Sĩ, đấng Toàn Tri cao quý, đã nói với vị hiền nhân Ānanda bằng âm điệu ngọt ngào rằng: “Những vị nào có hành động hướng thượng đã được thực hiện đến chư Phật quá khứ, (nhưng) có sự giải thoát chưa được thành đạt trong các Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.
3. Chính nhờ vào yếu tố đầu tiên ấy đối với phẩm vị giác ngộ, đồng thời nhờ vào sự quyết định, nhờ vào năng lực lớn lao, và nhờ vào quyền lực của tuệ, những vị sáng suốt có trí tuệ vô cùng sắc bén thành tựu phẩm vị Toàn Tri.
4. Các đấng Pháp Vương là (vô số) không thể đếm được. Ta cũng đã phát nguyện về bản thể giác ngộ ở nơi các vị Phật quá khứ, và đã được thành tựu dầu chỉ bằng tâm ý.
5. Giờ đây, các ngươi với tâm ý thanh tịnh hãy lắng nghe các ký sự về chư Phật Toàn Giác: Các đấng Pháp Vương đã được tròn đủ ba mươi pháp toàn hảo là (vô số) không thể đếm được.[2]
6. Ta đã cung kính chắp mười ngón tay lại đê đầu đảnh lễ phẩm vị Toàn Giác của chư Phật Tối Thượng, (đảnh lễ) các đấng Lãnh Đạo Thế Gian cùng với các Hội Chúng (Thinh Văn).[3]
7. Cho đến các châu báu vô số kể được tìm thấy ở trên bầu trời và ở dưới mặt đất tại các địa phận của chư Phật (trong mười ngàn thế giới),[4]Ta đã mang lại toàn bộ (châu báu ấy) bằng tâm (chú nguyện).
8. Tại nơi ấy ở trên mặt đất bằng bạc, Ta đã hóa hiện ra tòa lâu đài làm bằng châu báu, có nhiều tầng lầu, có chiều cao vươn tận không trung.
9. (Tòa lâu đài) có trụ cột được tô điểm, khéo được thực hiện, khéo được phân bố, có giá trị lớn lao, có chỗ nối liền làm bằng vàng, được tô điểm bằng các cổng chào và các lọng che.
10. Tầng thứ nhất bằng ngọc bích xinh đẹp tương tợ bầu trời không chút bợn nhơ. Ở tầng lầu bằng vàng cao quý có hồ sen với những đóa hoa sen chen chúc.
11. Có tầng lầu làm bằng san hô với màu sắc của san hô, có tầng lầu màu đỏ xinh đẹp, có tầng lầu với ánh sáng màu cánh kiến đang chiếu sáng các phương.
12. Có tiền sảnh khéo được phân bố, có các tháp nhọn, có các cửa ra vào hình sư tử, có bốn viền rào làm thích ý với những mạng lưới vòng hoa có hương thơm.
13. Có các nhà mái nhọn cao quý màu xanh, màu vàng, màu đỏ, màu trắng, và màu đen thuần khiết được điểm tô bằng bảy loại châu báu.
14. Có mặt tiền ở phần trên được rạng rỡ với các đóa hoa sen cùng với (hình ảnh) các loài thú dữ và chim muông, được trải ra với các chòm tinh tú và các vì sao, được điểm tô với mặt trăng và mặt trời.
15. (Các tầng lầu) được che phủ bởi màn lưới bằng vàng có các chuông lục lạc bằng vàng. Các tràng hoa bằng vàng quyến rũ vang lên âm thanh nhờ vào sức đẩy của làn gió.
16. Có dãy cờ hiệu khéo nhuộm với các màu khác nhau là màu đỏ tía, màu đỏ, màu vàng, màu hồng được dựng lên.
17. Được tô điểm với nhiều kiểu giường được lót trải bằng các tấm vải mịn màng của xứ Ka-si, có đến hàng trăm chiếc giường làm bằng ngọc pha-lê, bằng bạc, bằng ngọc ma-ni, bằng hồng ngọc, và bằng đá quý tương tợ như thế.
18. Có những tấm mền lông thú màu vàng úa được làm ở các xứ Dukūla, xứ Trung Hoa, và xứ Pattuṇṇa. Bằng tâm ý, Ta đã sắp xếp tất cả (các chiếc giường) với các tấm trải đủ các loại.
19. Ở khắp các tầng lầu, có những người đứng nghiêm cầm các ngọn đuốc làm bằng ngọc ma-ni đỏ được điểm tô bằng châu báu ở chóp nhọn.
20. Những cột trụ dựng đứng (ở cổng), những cổng chào xinh đẹp làm bằng vàng (được khai thác từ sông) Jambu, làm bằng lõi gỗ (cây khira), và còn làm bằng bạc nữa, (tất cả đều) chói sáng.
21. Có nhiều gian tiếp giáp được khéo phân bố, được tô điểm với những cánh cửa và chốt khóa. Cả hai phía (của tòa lâu đài) đều có nhiều chậu chứa đầy những đóa sen đỏ và sen xanh.
22. Ta đã hóa hiện ra tất cả chư Phật thời quá khứ là các đấng Lãnh Đạo Thế Gian cùng Hội Chúng với các vị Thinh Văn trong dáng vóc tự nhiên.
23. Chư Phật cùng các vị Thinh Văn sau khi đi vào bằng cánh cửa ấy đã ngồi xuống ở ghế ngồi toàn bộ đều làm bằng vàng, (hình thành) đoàn thể các bậc Thánh Nhân.
24. Và có những vị trong lúc này là các vị Phật vô thượng ở thế gian. (Chư Phật) quá khứ và hiện tại, tất cả các vị đã bước lên tòa lâu đài.
25. Hàng trăm vị Phật Độc Giác, các đấng Tự Chủ, là các bậc không bị khuất phục trong quá khứ và hiện tại, tất cả các vị đã bước lên tòa lâu đài.
26. Có nhiều cây Như Ý thuộc cõi trời và thuộc loài người, (từ các cây ấy) Ta đã mang lại toàn bộ vải vóc và đã khoác ba lá y lên (các vị ấy).
27. Ta đã chứa đầy các bình bát xinh đẹp làm bằng ngọc ma-ni với các vật thực cứng mềm đáng được thưởng thức, có đầy đủ nước uống và thức ăn, rồi đã dâng cúng (đến các vị ấy).
28. 29. Tất cả các vị ấy, đoàn thể các bậc Thánh nhân, đều đồng đẳng về Thiên nhãn (và) gắn bó với tấm y thanh bạch. Được toại ý với vật thực tối thắng (của Ta) gồm có mật ong, đường thô, luôn cả dầu ăn, và mật mía, (các vị) đã đi vào gian phòng làm bằng châu báu tợ như những con sư tử cư ngụ ở hang động.
30. Các vị đã nằm xuống với tư thế của loài sư tử ở chiếc giường vô cùng giá trị, có sự tỉnh thức, rồi đã ngồi dậy và đã xếp vào tư thế kiết già ở trên chiếc giường, thể nhập vào sự thỏa thích trong thiền là hành xứ của tất cả chư Phật.
31. Một số vị khác thuyết giảng Giáo Pháp, một số vị khác tiêu khiển bằng thần thông, một số vị khác đã phát triển được năng lực của các thắng trí thì hướng tâm vào các thắng trí, hàng ngàn vị khác thể hiện các sự biến hóa về thần thông.
32. Chư Phật cũng chất vấn chư Phật về chủ đề liên quan đến cảnh giới của các đấng Toàn Tri. Nhờ vào tuệ, các vị giác ngộ rốt ráo về sự việc một cách sâu sắc và hoàn hảo.
33. Các vị Thinh Văn chất vấn chư Phật, chư Phật chất vấn các vị Thinh Văn. Các vị ấy chất vấn lẫn nhau và trả lời cho nhau.
34. Chư Phật Toàn Giác, chư Phật Độc Giác, chư Thinh Văn, và tín chúng, các vị ấy vui thích ở tòa lâu đài tùy theo sự thỏa thích của bản thân như vầy:
35. ‘Nguyện cho những chiếc lọng che bằng châu báu với những chuỗi vòng hoa bằng vàng và những mạng lưới ngọc trai viền quanh được tồn tại, nguyện cho tất cả hãy duy trì ở trên đỉnh đầu (của tôi).’
36. ‘Nguyện cho những mái che bằng vải được tô điểm với những ngôi sao bằng vàng (và) những mái che được tô điểm với những tràng hoa hãy xuất hiện, nguyện cho tất cả hãy duy trì ở trên đỉnh đầu (của tôi).’
37. (Tòa lâu đài có hồ nước) được trải dài với những vòng hoa và chuỗi bông, được rạng rỡ với những chuỗi bông hoa thơm ngát, được viền quanh bằng những chuỗi vải vóc, được tô điểm bằng những chuỗi châu báu.
38. (Hồ nước) được tô điểm với các đóa hoa chen chúc, được tỏa lên mùi hương thơm ngào ngạt, được thể hiện bởi năm loại hương thơm tổng hợp lại, được phủ lên bằng tấm che bằng vàng.
39. ‘Nguyện cho bốn phía của hồ nước hãy biểu hiện màu sắc vàng chói với những sen hồng sen xanh được phơi bày, với các bụi phấn của hoa sen được tỏa ra.’
40. ‘Nguyện cho tất cả cây cối ở xung quanh tòa lâu đài hãy trổ hoa.’Và các bông hoa đã tự mình phóng thích, đi đến, và rải rắc ở tòa lâu đài.
41. ‘Nguyện cho các con chim công ở tại nơi ấy hãy nhảy múa, các con thiên nga hãy líu lo, các con chim ca-lăng-tần-già và các bầy chim ở xung quanh hãy cất tiếng hót.’
42. ‘Nguyện cho tất cả các chiếc trống hãy vang lên, tất cả các cây đàn vīṇā ấy hãy tấu nhạc. Nguyện cho tất cả các cuộc trì tụng (được) tiến hành ở xung quanh của tòa lâu đài.’
43. 44. ‘Nguyện cho những chiếc ghế bành bằng vàng khổng lồ, hội đủ hào quang, không bị hỏng hóc, làm bằng châu báu hãy tồn tại từ thế giới này đến thế giới khác cho đến địa phận của chư Phật. Nguyện cho những cây đèn ấy hãy chói sáng. Nguyện cho hệ thống mười ngàn (thế giới) hãy trở thành (sáng chói như là) một ngọn đèn.’
45. ‘Nguyện cho các kiều nữ luôn cả các vũ công, các toán mỹ nhân hãy nhảy múa. Nguyện cho các màn trình diễn đa dạng hãy được phô diễn ở xung quanh của tòa lâu đài.’
46. (Khi ấy) Ta dựng lên ngọn cờ hiệu ở ngọn cây, ở chóp núi, ở đỉnh ngọn núi Sineru; tất cả (các ngọn cờ đều) được tô điểm, có năm màu.
47. ‘Nguyện cho loài người, loài rồng, Càn-thát-bà, và tất cả chư Thiên ấy hãy đi đến.’ Các vị đã đến quây quần xung quanh tòa lâu đài, chắp tay lễ bái.
48. ‘Bất cứ thiện nghiệp nào là việc cần phải thực hiện để sanh lên cõi trời đều đã được tôi thực hiện tốt đẹp bằng thân, bằng lời nói, bằng ý.
49. Có những chúng sanh là hữu tưởng và có những chúng sanh là vô tưởng, nguyện cho tất cả các vị ấy đều được hưởng phần chia sẻ quả báu phước thiện đã được thực hiện của tôi.
50. Quả báu phước thiện của tôi đã được thực hiện, đã được biết chắc chắn, đã được ban phát đến những vị ấy, còn những vị nào chưa biết về điều ấy thì chư Thiên đã đi đến và thông báo.
51. Các chúng sanh nào (sống) nhờ vào vật thực ngụ ở tất cả các thế giới, do oai lực của tôi nguyện cho tất cả đều thọ lãnh vật thực hợp ý.’
52. Vật cúng dường đã được Ta cúng dường bằng tâm ý, Ta đã làm hóa hiện ra tòa lâu đài bằng tâm ý. Tất cả chư Phật Toàn Giác, chư Phật Độc Giác, chư Thinh Văn của các đấng Chiến Thắng đã được cúng dường.
53. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại, Ta đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
54. Ta nhận biết hai cõi tái sanh, ở bản thể Thiên nhân và loài người, Ta không biết đến cảnh giới khác; điều này là quả báu của ước nguyện bằng tâm ý.
55. (Nếu sanh ra ở cõi trời) Ta là vượt trội chư Thiên, (nếu sanh làm người) Ta là vị thống lãnh nhân loại, Ta được hội đủ tướng mạo về sắc thân, trong cõi hữu không ai sánh bằng (Ta) về trí tuệ.
56. Vật thực tối thượng đủ các loại và châu báu không phải là ít ỏi, (cùng với) vô số các loại vải từ trên không tức thời hiện đến cho Ta.
57. Ở đất liền, luôn cả ở ngọn núi, ở trên hư không, ở trong nước, ở trong rừng, mỗi khi Ta vươn tay ra thì các thức ăn của cõi trời hiện đến cho Ta.
58. Ở đất liền, —nt— Ta vươn tay ra thì mọi châu báu hiện đến cho Ta.
59. Ở đất liền, —nt— Ta vươn tay ra thì mọi vật thơm hiện đến cho Ta.
60. Ở đất liền, —nt— Ta vươn tay ra thì mọi xe thuyền hiện đến cho Ta.
61. Ở đất liền, —nt— Ta vươn tay ra thì mọi tràng hoa hiện đến cho Ta.
62. Ở đất liền, —nt— Ta vươn tay ra thì đồ trang sức hiện đến cho Ta.
63. Ở đất liền, —nt— Ta vươn tay ra thì tất cả thiếu nữ hiện đến cho Ta.
64. Ở đất liền, —nt— Ta vươn tay ra thì mật và đường hiện đến cho Ta.
65. Ở đất liền, —nt— Ta vươn tay ra thì mọi vật thực hiện đến cho Ta.
66. Nhằm đạt được phẩm vị Toàn Giác cao quý, Ta (đã) bố thí tặng phẩm quý giá đến những kẻ không có tài sản, những người lữ khách, những kẻ ăn xin, và những người bộ hành.
67. Ta trở thành đức Phật ở trên đời khiến cho ngọn núi gào thét, khiến cho tảng đá gầm lên tiếng vang ầm ĩ, khiến cho thế gian luôn cả chư Thiên vui cười.
68. Mười phương ở thế giới vũ trụ đối với người đang du hành là vô tận (không có điểm tận cùng). Và ở mỗi phương (thế giới) ấy, các địa phận của chư Phật là (vô số) không thể đếm được.
69. (Khi là đấng Chuyển Luân Vương) Ta có hào quang được nổi danh với (hình thức) tia ánh sáng di chuyển thành từng đôi. Mạng lưới hào quang đã là ánh sáng vĩ đại hiện hữu ở khoảng giữa mười ngàn thế giới.
70. ‘Nguyện cho tất cả mọi người ở chừng ấy thế giới đều nhìn thấy Ta. Nguyện cho tất cả đều có tâm ý vui mừng và tất cả đều tiến bước theo Ta. (Nguyện cho tất cả đều tiến bước theo Ta đến tận chỗ ngụ của đấng Phạm Thiên).’[5]
71. Ta đã vỗ vào chiếc trống Bất Tử với tiếng vang ngọt ngào được phát ra.[6]‘Nguyện cho tất cả mọi người ở khoảng giữa mười ngàn thế giới hãy lắng nghe âm thanh ngọt ngào.
72. Trong khi đám mây Giáo Pháp đang đổ mưa, nguyện cho tất cả không còn lậu hoặc.[7]Những chúng sanh nào là hạng thấp kém ở nơi đây, nguyện cho những người ấy được là bậc Nhập Lưu.’
73. Sau khi bố thí những gì cần được bố thí, sau khi làm viên mãn giới hạnh không thiếu sót, sau khi đi đến sự toàn hảo về pháp xuất ly, Ta đã đạt đến phẩm vị Toàn Giác tối thượng.
74. Sau khi đã vấn hỏi các bậc trí tuệ, sau khi đã thể hiện sự tinh tấn tối thượng, sau khi đã đi đến sự toàn hảo về pháp nhẫn nại, Ta đã đạt đến phẩm vị Toàn Giác tối thượng.
75. Sau khi đã thực hành pháp quyết định một cách bền vững, sau khi đã làm tròn đủ sự toàn hảo về pháp chân thật, sau khi đã đi đến sự toàn hảo về pháp từ ái, Ta đã đạt đến phẩm vị Toàn Giác tối thượng.
76. Sau khi đã là bình đẳng trong mọi trường hợp đối với lợi lộc và không lợi lộc, đối với an lạc và khổ đau, đối với sự kính trọng và chê bai, Ta đã đạt đến phẩm vị Toàn Giác tối thượng.
77. Sau khi thấy được sự biếng nhác là nguy hiểm và thậm chí (thấy được) sự tinh tấn là an toàn, các ngươi hãy có sự nỗ lực tinh tấn; điều này là lời giáo huấn của chư Phật.
78. Sau khi thấy được sự tranh cãi là nguy hiểm và sự không tranh cãi là an toàn, các ngươi hãy có sự hợp nhất, thân thiện; điều này là lời giáo huấn của chư Phật.
79. Sau khi thấy được sự xao lãng là nguy hiểm và sự không xao lãng là an toàn, các ngươi hãy tu tập Đạo Lộ có tám chi phần; điều này là lời giáo huấn của chư Phật.
80. Tất cả chư Phật và các bậc A-la-hán đã tụ hội lại. Các ngươi hãy tôn kính đảnh lễ chư Phật Toàn Giác và các bậc A-la-hán.”
81. Như vậy, chư Phật là không thể nghĩ bàn. Giáo Pháp của chư Phật là không thể nghĩ bàn. Đối với những ai tịnh tín vào những điều không thể nghĩ bàn, quả thành tựu cho những người ấy là không thể nghĩ bàn.
Trong khi trình bày về phẩm hạnh Phật của bản thân, đức Thế Tôn đã nói về bản thể của Giáo Pháp tên là Buddhāpadāniyaṃ như thế ấy.
Ký Sự về Phật Toàn Giác được đầy đủ.
--ooOoo--
Giờ xin thỉnh các vị hãy lắng nghe ký sự về Phật Độc Giác:
82. Trong khi đức Như lai ngự tại Jetavana, bậc hiền trí xứ Videha đã cúi mình hỏi Ngài rằng: “Bạch đấng Anh Hùng, nghe nói có các vị được gọi là đức Phật Độc Giác, các vị ấy được thành tựu là do các nguyên nhân nào?”
83. Khi ấy, bậc Đại Ẩn Sĩ, đấng Toàn Tri cao qúy, đã nói với vị hiền nhân Ānanda bằng âm điệu ngọt ngào rằng: “Những vị nào có hành động hướng thượng đã được thể hiện đến chư Phật quá khứ, (nhưng) có sự giải thoát chưa được thành đạt trong (thời kỳ) Giáo Pháp của các đấng Chiến Thắng.
84. Chính nhờ vào yếu tố đầu tiên ấy về sự chấn động của tâm, các vị sáng suốt có trí tuệ vô cùng sắc bén vẫn thành tựu phẩm vị Độc Giác chỉ nhờ vào đối tượng nhỏ nhoi mặc dầu (ở vào thời kỳ) không có các vị Phật (Toàn Giác).
85. Trong toàn bộ thế gian, ngoại trừ Ta không có ai sánh bằng các vị Phật Độc Giác. Ta sẽ khéo léo thuyết giảng một cách khái quát về đức hạnh này của các bậc đại hiền trí ấy.
86. Là những người đang mong mỏi phương thuốc vô thượng (Niết Bàn), tất cả các ngươi, với tâm khéo tín thành, hãy lắng nghe những lời nói tốt đẹp như là viên mật về các bậc đại ẩn sĩ đã được tự chính mình giác ngộ.
87. (Hãy lắng nghe) những lời thuật lại theo tuần tự của các vị Phật Độc Giác đã tụ hội lại,[8]và (hãy lắng nghe) về sự tai hại và nền tảng của sự xa lìa tham ái, theo đó các vị đã thành tựu quả vị Giác Ngộ.
88. Với sự nghĩ tưởng về ly tham ái đối với các sự việc có tham ái, với các tâm không ái luyến trong thế gian bị luyến ái, sau khi từ bỏ các chướng ngại (toàn bộ phiền não) và chiến thắng các loạn tưởng (62 tà kiến), theo đúng như thế các vị đã thành tựu quả vị Giác Ngộ:
89. Buông bỏ sự trừng phạt đối với tất cả chúng sanh, và không hãm hại bất cứ ai trong số họ, với tâm từ ái người có sự thương tưởng đến điều lợi ích hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).[9]
90. Buông bỏ sự trừng phạt đối với tất cả chúng sanh, và không hãm hại bất cứ ai trong số họ, không nên mong mỏi về con trai, sao lại (mong mỏi) về bạn bè? Hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác.
91. Các sự ái luyến hiện diện ở người có sự thân cận đã được tạo nên, theo sau sự ái luyến là khổ đau này được thành lập. Trong khi xem xét thấy điều tai hại sanh lên từ sự ái luyến, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác.
92. Trong khi thương tưởng đến bạn bè thân hữu, (thời) xao lãng mục đích, có tâm bị ràng buộc. Trong khi xem xét thấy mối nguy hiểm này ở sự giao du, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác.
93. Sự mong mỏi ở các con và những người vợ tương tợ như lùm tre rậm bị vướng víu. Trong khi không bị vướng víu như là mụt măng tre, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác.
94. Tương tợ như con nai ở trong rừng không bị trói buộc đi đến nơi kiếm ăn tùy theo ý thích, bậc tri thức trong khi xem xét về sự tự do hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác.
95. Có sự mời gọi giữa bạn bè về chuyện nghỉ ngơi, về việc đứng gần, về sự ra đi, ở cuộc du hành, trong khi xem xét về sự tự do không được (kẻ khác) ham thích,[10]hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác.
96. Sự vui đùa thích thú ở giữa đám bạn bè và lòng thương yêu đối với con cái là bao la, trong khi chán ghét sự tách lìa khỏi những người yêu dấu, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác.
97. Người không lòng bất bình trải khắp bốn phương, tự hài lòng với thức này thứ nọ, chịu đựng mọi hiểm nghèo không lòng hoảng sợ, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
98. Ngay cả các vị đã xuất gia cũng khó đồng thuận, những kẻ tại gia sống dưới mái gia đình cũng vậy, đã là người ít bị bận tâm về con cái của kẻ khác, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
99. Hãy cởi bỏ hình tướng tại gia như loài cây koviḷāro có lá được rũ bỏ, là người anh hùng, sau khi cắt đứt mọi sự ràng buộc của gia đình, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
100. Nếu có thể đạt được bạn là kẻ đồng hành cẩn trọng, sáng suốt, sống ngay thẳng, sau khi khắc phục mọi hiểm nghèo hãy nên du hành với vị ấy, có sự hoan hỷ, có niệm.
101. Nếu không thể đạt được bạn là kẻ đồng hành cẩn trọng, sáng suốt, sống ngay thẳng, tương tợ như vị vua từ bỏ lãnh địa đã xâm chiếm được, hãy nên sống một mình như là con long tượng cư ngụ đơn độc ở trong khu rừng.
102. Quả vậy, chúng ta ca ngợi sự thành tựu bạn bè. Những bạn bè vượt trội (hoặc) tương đương là nên giao thiệp. (Nếu) những người này là không đạt được, (chỉ nên) thọ hưởng những gì không bị chê trách, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
103. Sau khi nhìn thấy những (vòng) vàng sáng chói khéo được hoàn thành bởi con trai người thợ kim hoàn, (chúng) đang va chạm vào nhau khi hai vòng ở trên cùng cánh tay, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
104. Tương tợ như thế, cùng với người thứ hai có thể xảy ra sự chuyện vãn bằng lời nói và sự quyến luyến sâu đậm cho tôi. Trong khi xem xét thấy mối nguy hiểm này trong tương lai, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
105. Bởi vì các dục là đa dạng, ngọt ngào, làm thích ý, chúng khuấy động tâm bằng nhiều hình thức ẩn hiện. Sau khi nhìn thấy điều tai hại ở trong các loại dục, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
106. Điều này là tai họa, là mụt nhọt, là bất hạnh, là tật bệnh, là mũi tên, và là sự nguy hiểm cho tôi. Sau khi nhìn thấy mối nguy hiểm này ở trong các loại dục, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
107. Lạnh, nóng, đói, khát, gió và sức nóng, muỗi mòng và rắn rết, sau khi đã khắc phục tất cả những điều này, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
108. Tợ như con voi có thân hình khổng lồ, có đốm hoa sen, cao thượng, đã lìa bỏ các bầy đàn, đang sống trong rừng theo như ý thích, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
109. Người ưa thích sự tụ hội có thể chạm đến sự giải thoát tạm thời[11]là điều không có cơ sở. Sau khi cân nhắc lời nói của đấng quyến thuộc của mặt trời, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
110. (Nghĩ rằng): ‘Tôi đã vượt lên trên các sự trái khuấy của tà kiến, đã đạt đến quy luật, đã tiếp thâu đạo lộ, có trí đã được sanh khởi, không cần người khác dẫn dắt,’ hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
111. Không tham lam, không lừa gạt, không khao khát, không chê bai, có tật xấu và sự mê muội đã được loại trừ, không còn ước ao (tham vọng) về toàn thể thế giới, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
112. Nên lánh xa hẳn bạn bè ác xấu là kẻ không nhìn thấy mục đích, đã dấn sâu vào sở hành sai trái. Không nên chính mình giao thiệp với kẻ bám víu (vào tà kiến), bị xao lãng. Hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
113. Nên cộng sự với vị nghe nhiều (học rộng), nắm giữ Giáo Pháp, là người bạn cao thượng, có biện tài. Sau khi nhận biết các mục đích, nên lìa bỏ điều nghi hoặc, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
114. Trong khi không chú trọng và không mong mỏi sự vui đùa, sự thích thú, và khoái lạc ngũ dục ở trên đời, đã lánh xa việc trang sức, có sự nói lời chân thật, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
115. Sau khi từ bỏ con và vợ, cha và mẹ, các tài sản và lúa gạo, các quyến thuộc và các dục đúng theo giới hạn (về năng lực của bản thân), hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
116. Điều này (ngũ dục) là sự ràng buộc, hạnh phúc ở đây là sự khoái lạc nhỏ nhoi, chính sự khổ đau ở đây là nhiều hơn. Người có trí, sau khi biết được điều này là móc câu, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
117. Tợ như loài loài thủy tộc phá tan chiếc lưới ở trong nước, tợ như ngọn lửa không còn quay lại nơi đã bị đốt cháy, sau khi đã tự phá tan các sự ràng buộc, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
118. Có mắt nhìn xuống và không có sự buông thả ở bước chân đi, có các căn được hộ trì, có tâm ý được canh phòng, không bị ngập tràn (bởi dục vọng), trong khi không bị thiêu đốt (bởi phiền não), hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
119. Sau khi trút bỏ các biểu tượng gia chủ tương tợ như cây san hô có lá được rũ bỏ, sau khi đã ra đi, mặc y ca-sa, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
120. Sự tham đắm trong các vị nếm là việc không làm, không có sự buông thả, không có sự nuôi dưỡng kẻ khác, có sự đi khất thực theo tuần tự từng nhà, có tâm không quyến luyến ở các gia đình, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
121. Sau khi dứt bỏ năm pháp che lấp của tâm, sau khi xua đuổi hẳn tất cả các tùy phiền não, không bị lệ thuộc (tà kiến), sau khi cắt đứt ái luyến và sân hận, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
122. Sau khi đã bỏ lại sau lưng lạc và khổ cùng với hỷ và ưu ngay trước đây, sau khi đạt được xả (của tứ thiền), sự vắng lặng (của định ở tứ thiền), và sự thanh tịnh (của giải thoát), hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
123. Có sự nỗ lực tinh tấn để đạt đến chân lý tuyệt đối, có tâm không thụ động, có sự thực hành không biếng nhác, có sự cố gắng bền bỉ, có được sức mạnh và năng lực, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
124. Trong khi không bỏ phế việc ẩn cư tham thiền, là người thường xuyên hành trì thuận pháp đối với các pháp,[12]là người nhận chân được sự tai hại trong các hữu, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
125. Trong khi ước nguyện sự đoạn diệt ái (Niết Bàn), không xao lãng, không ngây ngô khờ khạo, có sự nghe nhiều, có niệm, đã hiểu rõ Giáo Pháp, được quả quyết, có sự tinh tấn, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
126. Trong khi không kinh hãi tợ như con sư tử không kinh hãi đối với các tiếng động, trong khi không dính mắc tợ như làn gió không bị dính mắc ở tấm lưới, trong khi không vấy bẩn tợ như đóa sen không bị vấy bẩn bởi nước, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
127. Tợ như con sư tử có sức mạnh của các răng nanh, là vua của các loài thú, có cuộc sống khuất phục và chế ngự (các con thú), hãy nên lai vãng các trú xứ xa vắng, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
128. Vào thời điểm đang rèn luyện từ, bi, hỷ, xả, và giải thoát, trong khi không bị chống đối bởi toàn bộ thế gian, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
129. Trong khi từ bỏ tham ái sân hận và si mê, trong khi tự phá tan các sự ràng buộc, trong khi không kinh hãi về sự đoạn tận mạng sống, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
130. Người ta cộng sự và phục vụ có động cơ và chủ đích (lợi lộc), ngày nay những người bạn không có động cơ (lợi lộc) là khó đạt được, những người (chỉ) biết đến lợi ích của chính mình là những người không trong sạch, hãy nên sống một mình tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
131. “Những vị có giới thanh tịnh, có tuệ hoàn toàn thanh tịnh, định tĩnh, gắn bó với sự tỉnh thức, là người hành pháp minh sát, có sự thấy biết đặc biệt về các pháp, nhận biết rõ ràng về các chi phần của Đạo và các yếu tố đưa đến giác ngộ.[13]
132. Sau khi rèn luyện không tánh (giải thoát), vô nguyện (giải thoát), và vô tướng (giải thoát) trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, những bậc trí tuệ nào không tiến đến bản thể Thinh Văn (sẽ) trở thành các đấng Tự Chủ, các bậc Chiến Thắng đơn độc.
133. Là những vị có các yếu tố cao thượng, có sự tập hợp của nhiều bản chất tự nhiên, cai quản được các tâm, đã vượt qua giòng lũ của tất cả khổ đau, có tâm phấn chấn, có sự thấy biết chân lý tuyệt đối, tương đương loài sư tử, tợ như sừng của loài tê giác (chỉ là một không hai).
134. Có các giác quan an tịnh, có tâm ý an tịnh, có định, có sự hành sử trí tuệ thâm sâu của tự thân, là những ngọn đèn đang soi sáng mục đích cho các kẻ khác ở thế giới này, những vị Phật Độc Giác này được quý trọng vào mọi thời điểm.
135. Có tất cả các pháp ngăn che đã được dứt bỏ, là vị chúa của mọi người, là những ngọn đèn của thế gian có ánh sáng của vàng khối, hiển nhiên là những bậc xứng đáng được cúng dường ở thế gian, những vị Phật Độc Giác này được quý trọng vào mọi thời điểm.
136. Lời khéo được giảng dạy của chư Phật Độc Giác lưu truyền ở thế gian luôn cả chư Thiên. Sau khi đã nghe được như thế, những kẻ ngu nào không hành theo những kẻ ấy quẩn quanh trong những khổ đau lượt này đến lượt khác.
137. Lời khéo được giảng dạy của chư Phật Độc Giác tương tợ như mật ong đang nhỏ xuống từng giọt. Sau khi đã nghe được như thế, những ai gắn bó với sự thực hành, những người ấy (sẽ) trở thành những người thấy được chân lý, có được trí tuệ.”
138. Sau khi đã ra đi (đạt được quả vị giác ngộ), những kệ ngôn cao thượng đã được chư Phật Độc Giác là các đấng Chiến Thắng nói lên, những kệ ngôn ấy đã được đấng Sư Tử dòng Sakya, bậc Tối Thượng Nhân, giảng giải vì mục đích của việc nhận thức Giáo Pháp.
139. Vì lòng thương tưởng thế gian, đấng Sư Tử, bậc Tự Chủ (Gotama), đã thực hiện, đã giảng giải những kệ ngôn này của chư Phật Độc Giác ấy nhằm mục đích làm tăng trưởng sự chấn động tâm, sự không quyến luyến, và sự khôn ngoan vượt bực (của các bậc thiện trí).
Ký Sự về Phật Độc Giác được đầy đủ.
--ooOoo--
[1]Đây chính là ngài Ānanda. Chú giải của Apadāna giải thích vedehamuni là vị hiền trí con trai của một người phụ nữ sanh ra ở xứ sở Vedeha (ApA. 128).
[2]Đức Phật Gotama kể về thời kỳ Bồ Tát là vị Chuyển Luân Vương Tilokavijaya (ApA. 103). Sở dĩ không dùng chữ nghiêng để tiện cho việc trình bày ở các phần sau.
[3] sasaṅghe sāvakasaṅghasahite(Sđd. 103).
[4]yāvatā buddhakhettesūti dasasahassacakkavāḷesu buddhakhettesu(Sđd. 104).
[5] Câu 1 và 2 được thấy ở Tạng Thái và Tạng Anh. Câu 1 và 3 được thấy ở Tạng Miến.
[6] Ta đã thuyết giảng Giáo Pháp Bất Tử với âm thanh vi diệu được phát ra (ND).
[7] Chú Giải ghi rằng: ‘sabbe bhikkhubhikkhunī-ādayo’ = ‘tất cả’ là tỳ khưu, tỳ khưu ni, v.v... (Sđd.).
[8] Chú Giải nêu tên một số các vị Độc Giác Phật như là: Ariṭṭha, Upariṭṭha, Tagarasikhi, Yasassī, Sudassana, Piyadassī, ... Sumaṅgala, Dibbila, v.v... (ApA. 129).
[9] yathā khaggassa nāma visāṇaṃ ekameva hoti adutiyaṃ, evameva so paccekasambuddho takkappo tassadiso tappaṭibhāgo(ApA. 133).
[10] “Sự tự do không được (kẻ khác) ham thích” là nói về sự xuất gia (ApA. 167).
[11] “sāmayikaṃ vimuttinti lokiyasamāpattiṃ” (ApA. 182): “sự giải thoát tạm thời là sự thể nhập hiệp thế” (các tầng thiền và ngũ thông - ND).
[12] Theo Chú Giải, có hai cách giải thích: “thực hành pháp minh sát tùy thuận theo sự diễn biến của các pháp như là ngũ uẩn, v.v...,” hoặc là “hành tuần tự theo chín pháp siêu thế là bốn Đạo, bốn Quả, và Niết Bàn” (ApA.196).
[13] Chúng tôi hiểu rằng từ câu 131-137 là lời giảng dạy của đức Phật Gotama (ND).
Giờ xin thỉnh các vị hãy lắng nghe ký sự về các vị trưởng lão:
140. Ở không xa núi Hi-mã-lạp có ngọn núi tên là Lambaka, có khu ẩn cư của tôi đã khéo được xây dựng, có gian nhà rộng bằng lá đã khéo được tạo lập.
141. Ở không xa khu ẩn cư của tôi là con sông nhỏ có bờ nước lúp xúp có bãi nước cạn xinh đẹp được trải lớp cát vô cùng trong sạch, làm thích ý.
142. Con sông nhỏ chảy qua tại nơi ấy, không có cát, không có hố sâu, (có nước) dịu ngọt, không có mùi khó chịu, điểm tô khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
143. Tại nơi ấy có con sông nhỏ, và có các con cá sấu kumbhīla, cá lưỡi kiếm, cá sấu suṃsumāra và các con rùa lởn vởn ở nơi này đang điểm tô khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
144. Có các loại cá như là cá pāṭhīna, cá pāvusa, cá valaja, cá muñja, cá rohita, cá maggura đang vượt giòng nước, chúng điểm tô khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
145. Ở hai bên bờ của con sông, có những giống cây được đơm hoa, kết trái đang trĩu xuống từ cả hai phía, chúng điểm tô khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
146. Có các cây xoài, cây sālā, cây tilaka, cây pāṭalī, cây sinduvāraka tỏa ra hương thơm của cõi trời được nở rộ hoa ở khu ẩn cư của tôi.
147. Có các cây campaka, cây salala, cây nīpa, cây nāga, cây nguyệt quế, cây dứa hoang tỏa ra hương thơm của cõi trời được nở rộ hoa ở khu ẩn cư của tôi.
148. Có các cây atimutta, cây asoka,và cây bhaginimālā được nở rộ hoa, có các cây aṅkola và các cây bimbijāla được nở rộ hoa ở khu ẩn cư của tôi.
149. Có các cây dừa dại, và luôn cả cây kandalī, các cây godhuka, và các bụi cây tiṇasūlika tỏa ra hương thơm của cõi trời đang điểm tô khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
150. Có nhiều cây kaṇikāra, cây kaṇṇika, cây asana, và cây ajjuna tỏa ra hương thơm của cõi trời đang điểm tô khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
151. Có các cây nguyệt quế, cây nguyệt quế núi, cây koviḷāra được nở rộ hoa, tỏa ra hương thơm của cõi trời đang điểm tô khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
152. Có nhiều cây bả đậu, cây kuṭaja, cây kadamba, cây vakula tỏa ra hương thơm của cõi trời đang điểm tô khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
153. Các cây āḷaka, các cây isimugga, các cây chuối, và các cây chanh được phát triển nhờ vào làn nước thơm, chúng trĩu những quả.
154. Một số sen hồng trổ hoa, một số khác đơm nhụy, một số khác nữa đã úa tàn; các đóa sen hồng luôn luôn được nở rộ ở trong hồ nước.
155. Chen chúc với những lá cây siṅghāṭaka, những đóa sen hồng đang tượng hình có những rễ sen đang cắm xuống luôn luôn rực rỡ ở trong hồ nước.
156. Được đem lại, các cây ambagandhī, các cây uttāla, các cây bandhujīvaka tỏa ra hương thơm của cõi trời luôn luôn được nở rộ ở trong hồ nước.
157. Các loài cá pāṭhīna, cá pāvusa, cá valaja, cá muñja, cá rohita, cá aṅgula, và cá maṅgura nữa luôn luôn sống ở trong hồ nước.
158. Các con cá sấu loại kumbhīla, loại suṃsumāra, loại cá tantigāha, các hạng quỷ sứ, các loài rắn, và các loài mãng xà luôn luôn sống ở trong hồ nước.
159. Các chim bồ câu, các loài ngỗng trời, ngỗng đỏ, các loài sống ở sông, các chim cu cu, chim két, chim sáo sống nương tựa vào hồ nước ấy.
160. Các loài chim kukutthaka, chim kulīraka, chim pokkharasātaka ở rừng, chim le le, và chim suvapota sống nương tựa vào hồ nước ấy.
161. Các chim thiên nga, chim cò, chim công, chim cu cu, gà rừng, chim pampaka, và chim jīvaṃjīva sống nương tựa vào hồ nước ấy.
162. Nhiều loài chim (ở đất liền) như chim cú mèo, chim gõ kiến, chim kurara, chim diều hâu, và chim mahākāla sống nương tựa vào hồ nước ấy.
163. Nhiều con hươu, heo rừng, chó sói, chó rừng, nai, và loài thú suggapota sống nương tựa vào hồ nước ấy.
164. Các con sư tử, cọp, báo, gấu, chó sói, linh cẩu, và các con voi mātaṅga (đến tuổi) bị tiết dục ở ba nơi sống nương tựa vào hồ nước ấy.
165. Các hạng kim-sỉ-điểu luôn cả các loài khỉ, và cũng có những người thợ rừng, các người phục vụ, luôn cả các thợ săn sống nương tựa vào hồ nước ấy.
166. Ở không xa khu ẩn cư của tôi, có các cây tinduka, cây piyāla, cây cam thảo, và cây kāsumārī thường xuyên trĩu những trái.
167. Ở không xa khu ẩn cư của tôi, có các cây kosumbha, cây salala, cây nīpa có trái ngọt thường xuyên trĩu những trái.
168. Các cây harītaka, cây āmalaka, cây xoài, cây mận đỏ, cây vibhīṭaka, cây táo, cây bhallātaka, và cây billa, chúng trĩu những trái.
169. Ở khu ẩn cư của tôi có nhiều loại (rễ củ) như là củ āluva, củ kalamba, củ biḷālī, củ takkaḷa, củ jīvaka, và củ sutaka nữa.
170. Ở không xa khu ẩn cư của tôi đã có những hồ nước khéo được tạo lập, có nước trong, có nước mát, có những bến nước cạn xinh đẹp làm thích ý.
171. Có hương thơm của cõi trời tỏa ra từ (hồ nước) được che phủ bởi những sen hồng, sen xanh, kết hợp với sen trắng, được che phủ bởi những cây mạn-đà-la.
172. Khi ấy, tôi sống ở khu ẩn cư đáng yêu khéo được xây dựng ở trong khu rừng được đơm hoa, được kết trái, được hội đủ tất cả các yếu tố như thế.
173. (Tôi) là vị đạo sĩ khổ hạnh tên Surucī có giới hạnh, thành tựu về phận sự, chứng thiền, luôn luôn thỏa thích về thiền, đã đạt được năng lực về năm thắng trí.
174. Hai mươi bốn ngàn học trò đã phục vụ tôi. Tất cả những vị này đều là Bà-la-môn, có dòng dõi (cao quý), có danh vọng.
175. Họ đã đạt đến sự toàn hảo về (khoa) tướng mạo, về truyền thống gồm cả văn tự và nghi thức, về từ ngữ, về văn phạm, và về giáo lý (của Bà-la-môn).
176. Những người học trò của tôi là khéo được học tập, và rành rẽ về các hiện tượng thiên nhiên, về các điềm báo hiệu, về các tướng mạo, về địa lý, về trái đất, và về không gian.
177. Là những người ít đòi hỏi, cẩn trọng, (thọ) chút ít vật thực, không tham lam, hài lòng với việc có hay không có, các vị này luôn luôn hầu cận tôi.
178. Là những bậc trí tuệ, chứng thiền, thỏa thích về thiền, có tâm thanh tịnh, được định tĩnh, không mong mỏi bất cứ điều gì, các vị luôn luôn hầu cận tôi.
179. Là những bậc trí tuệ đã đạt được sự toàn hảo về các thắng trí, vui thích trong hành xứ của mình, có sự đi lại ở không trung, các vị luôn luôn hầu cận tôi.
180. Các vị ấy là các bậc trí tuệ đã thu thúc ở sáu căn môn, không có dục vọng, có các giác quan được phòng hộ, và không quyến luyến; những người học trò của tôi khó mà tiếp cận.
181. Các vị ấy trải qua đêm với việc ngồi xuống bằng thế kiết già, với việc đứng và đi kinh hành; những người học trò của tôi khó mà tiếp cận.
182. Các vị không ái luyến những gì cám dỗ, không nổi giận những gì khiêu khích, không mê muội những gì mê hoặc; những người học trò của tôi khó mà tiếp cận.
183. Trong khi thử nghiệm các vị ấy thường xuyên thể hiện phép thần thông, các vị ấy làm rung chuyển trái đất; bằng sự đối nghịch khó mà tiếp cận.
184. Và trong khi giải trí, những người học trò ấy giải trí với trò chơi của thiền, các vị đem lại trái cây từ cây mận đỏ; những người học trò của tôi khó mà tiếp cận.
185. Một số khác đi đến Tây Ngưu Hóa Châu, một số khác đến Đông Thắng Thần Châu, và một số khác đến Bắc Cu Lu Châu, bằng sự tìm kiếm khó mà tiếp cận.
186. Các vị ấy chuyển đi túi đồ dùng ở phía trước và tiến lên ngay ở phía sau, bầu trời là bị che lấp bởi hai mươi bốn ngàn vị.
187. Một số vị dùng vật thực là trái cây đã rụng xuống, có vị nấu bằng lửa, có vị không dùng lửa (ăn sống), có vị dùng răng, và cũng có vị dùng cối giã, có vị nghiền nát bằng đá.
188. Một số vị ưa thích sự tẩy sạch (tội) có sự lội xuống nước sáng tối, một số vị thực hiện việc rải rắc nước (ở cơ thể); những người học trò của tôi khó mà tiếp cận.
189. (Một số vị) có lông ở nách và móng tay chân được để dài, có răng dính bựa, có đầu vấy bụi, được tẩm hương bằng hương thơm của giới hạnh; những người học trò của tôi khó mà tiếp cận.
190. Vào sáng sớm, các vị đạo sĩ tóc bện có khổ hạnh cao tột sau khi tụ hội lại đã nói về sự thành công và thất bại, rồi ra đi ở trên không trung.
191. Trong khi những vị này ra đi, có tiếng động ồn ào phát ra bởi âm thanh của các tấm da dê khiến chư Thiên được hoan hỷ.
192. Có sự di chuyển ở không trung, các vi ẩn sĩ ra đi phương này phương khác. Được nâng đỡ bởi năng lực của mình, các vị ấy ra đi theo như ước muốn.
193. Chính tất cả các vị di chuyển ở hư không này là những vị làm rung chuyển trái đất, có oai lực nổi bật, khó mà khuất phục, tợ như biển cả không bị xao động.
194. Một số vị ẩn sĩ có hạnh đứng và đi kinh hành, một số vị có hạnh ngồi, một số vị có vật thực đã được rơi xuống; những người học trò của tôi khó mà tiếp cận.
195. Những vị này an trú tâm từ, tầm cầu sự lợi ích cho tất cả chúng sanh. Tất cả các vị ấy không ca ngợi về bản thân và không khinh miệt bất cứ ai.
196. Không bị hãi sợ như là sư tử chúa, có sức mạnh như là voi chúa, khó mà tiếp cận như là loài hổ, các vị đi đến gặp tôi.
197. Các thầy về pháp thuật, chư Thiên, các loài rồng, càn-thát-bà, và loài quỷ sứ, các ác thần, những người khổng lồ, các loài nhân điểu sống nương tựa vào hồ nước ấy.
198. Các vị ấy mang búi tóc và túi vật dụng, có y choàng là tấm da dê, có sự di chuyển ở không trung, tất cả sống nương tựa vào hồ nước ấy.
199. Các vị này luôn luôn (có hành vi) đúng đắn, có sự kính trọng lẫn nhau. Trong số hai mươi bốn ngàn vị, tiếng động hỉ mũi không xảy ra.
200. Trong khi đặt xuống từng bước từng bước chân, các vị khéo thu thúc, có ít tiếng động. Sau khi đến gần, hết thảy tất cả đều đê đầu đảnh lễ tôi.
201. Được vây quanh bởi những người học trò thanh tịnh và khổ hạnh ấy, tôi sống tại nơi ấy, ở khu ẩn cư, có thiền chứng, được thỏa thích về thiền.
202. Khu ẩn cư được tỏa hương với hương thơm trái cây của các cây cho quả và hai loại hương thơm giới hạnh của các vị ẩn sĩ và hương thơm của các bông hoa.
203. Tôi không biết đến ngày và đêm, sự thù hận ở tôi không được biết đến. Trong khi giáo huấn những người học trò của mình, tôi đạt được niềm vui dào dạt.
204. Trong khi các bông hoa đang trổ hoa và những trái cây đang kết trái, các hương thơm của cõi trời tỏa ra điểm tô khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
205. Khi ấy, là người có nhiệt tâm, cẩn trọng, sau khi xuất khỏi định, tôi đã cầm lấy túi vật dụng rồi đi sâu vào rừng.
206. Khi ấy, tôi đã khéo được học tập về các hiện tướng và luôn cả về giấc mơ đã được khởi lên, tôi duy trì câu chú thuật đang được hiện hành.
207. Đức Thế Tôn Anomadassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, bậc Toàn Giác có ước muốn độc cư nên đã đi đến núi Hi-mã-lạp.
208. Sau khi đã đi sâu vào núi Hi-mã-lạp, đấng Bi Mẫn cao cả, bậc Hiền Trí, đấng Tối Thượng Nhân đã xếp chân thế kiết già rồi ngồi xuống.
209. Tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy đấng Toàn Giác có vẻ ngời sáng làm thích ý, tợ như bông hoa súng được tỏa sáng, tợ như ngọn lửa tế thần được cháy rực.
210. Tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian tợ như cây đèn đang chiếu sáng, như là tia chớp ở bầu trời, tợ như cây sālā chúa đã được trổ hoa
211. Bậc Cao Quý này là đấng Đại Hùng, vị Đoạn Tận khổ đau, bậc Hiền Trí. Do việc nhìn thấy Ngài, toàn bộ khổ đau được phóng thích.
212. Sau khi nhìn thấy vị Trời của chư Thiên, tôi đã suy xét về tướng mạo: “Là đức Phật hay không phải là đức Phật? Vậy ta hãy quan sát bậc Hữu Nhãn.”
213. Những bánh xe có ngàn căm được nhìn thấy ở lòng bàn chân cao quý. Sau khi nhìn thấy những tướng mạo của Ngài, tôi đã đi đến quyết định (Ngài là) đức Như Lai.
214. Khi ấy, tôi đã cầm lấy chiếc chổi và đã quét dọn. Rồi tôi đã tự mình mang lại những đóa hoa và đã cúng dường đến đức Phật tối thượng.
215. Sau khi đã cúng dường đến bậc Toàn Giác, vị đã vượt qua dòng nước lũ, không còn lậu hoặc, tôi đã khoác tấm da dê một bên vai rồi đã lễ bái đấng Lãnh Đạo Thế Gian (và đã nói rằng):
216. “Đấng Toàn Giác bậc không còn lậu hoặc đã an trú với trí tuệ nào, tôi sẽ tán dương trí tuệ ấy. Xin các người hãy lắng nghe tôi nói.
217. Bạch đấng Tự Chủ có sự tấn hóa vô lượng, xin Ngài hãy tiếp độ thế gian này. Sau khi đi đến nhìn thấy Ngài, những người ấy vượt qua dòng nước nghi hoặc.
218. Bạch đấng Tối Thượng của loài người, Ngài là bậc thầy, là cờ hiệu, là biểu tượng, là mục đích tối cao, là nơi nương tựa, là sự nâng đỡ, và là ngọn đèn của chúng sanh.
219. Bạch đấng Toàn Tri, có thể đo lường nước ở biển cả bằng vật chứa, nhưng không thể nào đo lường trí tuệ của Ngài.
220. Bạch đấng Toàn Tri, có thể nắm lấy trái đất đặt vào đĩa cân, nhưng không thể nào nắm lấy trí tuệ của Ngài.
221. Bạch đấng Toàn Tri, có thể đo đạc bầu trời bằng sợi dây thừng hoặc bằng ngón tay, nhưng không thể nào đo lường trí tuệ của Ngài.
222. (Trí tuệ của đức Phật) vượt hẳn nước trong đại dương và đất liền rắn rỏi. So sánh với trí tuệ của đức Phật không gì được xem là tương đương.
223. Bạch đấng Hữu Nhãn, ở thế gian luôn cả chư Thiên những ai có tâm (được) vận hành, họ đều đi vào trong màng lưới ở trí tuệ của Ngài.
224. Bạch đấng Toàn Tri, bằng trí tuệ nào Ngài (đã) chứng đạt sự Giác Ngộ tối thượng toàn vẹn thì bằng trí tuệ ấy Ngài (đã) chế ngự các ngoại đạo khác.”
225. Sau khi ngợi ca bằng các câu kệ này, vị đạo sĩ khổ hạnh tên Surucī ấy đã trải ra tấm da dê ở trên mặt đất rồi đã ngồi xuống.
226. Được truyền tụng rằng ngọn núi chúa (Neru) đã chìm sâu vào trong đại dương tám mươi bốn ngàn (do-tuần) và đã vươn cao cũng với khoảng cách như thế.
227. Ngọn núi Neru ấy đã vươn cao đến chừng ấy về chiều dài và chiều rộng. Nó đã bị nghiền nát thành trăm ngàn koṭi mảnh vụn nhỏ.
228. “Bạch đấng Toàn Tri, trong khi được xếp thành từng nhóm một trăm ngàn những mảnh vụn nhỏ ấy đã đi đến sự chấm dứt, nhưng trí tuệ của Ngài vẫn không thể nào đo lường được.
229. Nếu người nào rào quanh nước bằng tấm lưới có lỗ nhỏ, thì bất cứ các chúng sanh ở trong nước đều có thể rơi vào trong tấm lưới.
230. Bạch đấng Đại Hùng, tương tợ y như thế những người nào là phàm phu ngoại đạo đang lao theo việc nắm bắt tà kiến đều đã bị mê muội do sự vướng mắc (vào mạng lưới tà kiến).
231. Do trí tuệ trong sạch và tầm nhìn không bị che lấp của Ngài, những người đã đi vào trong mạng lưới không vượt hơn trí tuệ của Ngài.”
232. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn Anomadassī, đấng Chiến Thắng có danh vọng lớn lao, sau khi xuất khỏi thiền định, đã quan sát phương hướng.
233. 234. Vị Thinh Văn của bậc Hiền Trí Anomadassī tên là Nisabha được tháp tùng bởi một trăm ngàn vị có tâm an tịnh như thế ấy, là các bậc Vô Lậu, được trong sạch, có sáu thắng trí, có thiền chứng. Sau khi biết được tâm của đức Phật, vị ấy đã đi đến gần đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
235. Tại nơi ấy, đứng ở trên không trung các vị ấy đã đi nhiễu quanh, tay chắp lên lễ bái, rồi đã đáp xuống gần bên đức Phật.
236. Đức Thế Tôn Anomadasasī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, bậc Chiến Thắng đã ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu và đã để lộ nụ cười.
237. Vị thị giả của đấng Toàn Tri bậc Đại Ẩn Sĩ, có tên là Varuṇa, sau khi đắp y một bên vai, đã hỏi đấng Lãnh Đạo Thế Gian rằng:
238. “Bạch đức Thế Tôn, điều gì là nguyên nhân của việc nở nụ cười của bậc Đạo Sư? Bởi vì chư Phật, không có nguyên nhân các Ngài không để lộ nụ cười.”
239. Đức Thế Tôn Anomadasasī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu đã ngồi xuống ở giữa Hội Chúng và đã nói lên lời kệ này:
240. “Người nào đã cúng dường Ta bằng bông hoa và cũng đã ngợi ca trí tuệ (của Ta), Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.”
241. Nhận biết lời nói của đức Phật, tất cả chư Thiên đã tụ hội lại. Có ước muốn được nghe Chánh Pháp, các vị ấy đã đi đến gần đấng Toàn Giác.
242. Chư Thiên có đại thần lực ở tất cả các thế giới, các vị nào có ước muốn được nghe Chánh Pháp, các vị ấy đã đi đến gần đấng Toàn Giác.
243. “Các con voi, các con ngựa, các cỗ xe, các binh lính và quân đội gồm bốn binh chủng sẽ thường xuyên hộ tống người này; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
244. Sáu mươi ngàn nhạc cụ và những chiếc trống lớn được tô điểm sẽ thường xuyên phục vụ người này; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
245. Mười sáu ngàn phụ nữ được trang điểm, được trang hoàng bằng các loại vải vóc nhiều màu sắc, có các bông tai bằng ngọc trai và ngọc ma-ni.
246. Có lông mi cong, có nụ cười, có điệu bộ duyên dáng, có eo thon, các nàng sẽ thường xuyên vây quanh người này; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
247. Người này sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong một trăm ngàn kiếp, và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương ở quốc độ một ngàn lần.
248. Và sẽ là vị Chủa của chư Thiên cai quản Thiên quốc một ngàn lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
249. Khi đạt đến cuộc sống cuối cùng, người này sẽ đi đến bản thể nhân loại. Người nữ Bà-la-môn tên Sāriyā sẽ mang bào thai (vị này).
250. Người nam này sẽ được biết đến với danh hiệu dòng họ của người mẹ, và sẽ có trí tuệ sắc bén với tên là Sāriputta.
251. Sau khi lìa bỏ tám mươi koṭi người này sẽ xuất gia, không còn sở hữu gì. Trong khi tầm cầu vị thế an tịnh, người này sẽ lang thang ở trái đất.
252. Vô lượng kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
253. Là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống,[1]được tạo ra từ Giáo Pháp, (người này) sẽ trở thành vị Thinh Văn hàng đầu với tên là Sāriputta.
254. Được phát xuất từ núi Hi-mã-lạp, con sông Bhāgīrathī này đổ về biển cả, làm thỏa mãn đại dương.
255. Tương tợ y như thế, vị Sāriputta này, được tự tin vào ba bộ Vệ Đà, sẽ đạt đến sự toàn hảo về trí tuệ, và sẽ làm thỏa ý các chúng sinh.
256. Bắt nguồn từ núi Hi-mã-lạp cho đến biển cả và đại dương, số lượng cát ở vào khoảng giữa ấy là vô số kể bằng cách tính đếm.[2]
257. Mặc dầu có thể tính toán toàn bộ số lượng cát ấy bằng cách tính đếm, nhưng sẽ không có mức tận cùng ở trí tuệ của Sāriputta.
258. Trong khi đang được tồn tại ở dạng hạt nhỏ, cát của dòng sông có thể bị cạn kiệt, nhưng sẽ không có mức tận cùng ở trí tuệ của Sāriputta.
259. Các làn sóng của biển cả là không thể ước lượng bằng cách tính đếm, tương tợ y như thế sẽ không có điểm tận cùng về trí tuệ của Sāriputta.
260. Người này sẽ làm hài lòng đấng Toàn Giác Gotama bậc cao quý dòng Sakya, sẽ đi đến sự toàn hảo về trí tuệ, và sẽ trở thành vị Thinh Văn hàng đầu.
261. Trong khi làm đổ mưa những cơn mưa Giáo Pháp, người này sẽ tiếp tục vận hành đúng đắn bánh xe Pháp đã được chuyển vận bởi người con trai dòng Sakya như thế ấy.
262. Sau khi biết rõ tất cả điều này, đức Gotama bậc cao quý dòng Sakya sẽ ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu và sẽ thiết lập (người này) vào vị thế tối thắng.”
263. Ôi, việc làm đã khéo được thực hiện bởi tôi đến bậc Đạo Sư Anomadasasī! Sau khi thể hiện sự tôn kính đến vị ấy, tôi đã đạt đến sự toàn hảo về mọi phương diện.
264. Việc làm đã được thực hiện ở vô lượng kiếp (trước đây) đã cho tôi nhìn thấy quả báu tại đây. Như là tốc độ của mũi tên khéo được bắn ra, tôi đã thiêu đốt các phiền não (của tôi).
265. Lúc bấy giờ, trong lúc tầm cầu pháp không tạo tác Niết Bàn là vị thế không bị lay chuyển, trong lúc xem xét tất cả các ngoại đạo, tôi đã luân hồi ở cõi hữu.
266. Cũng giống như người bị bệnh nên tìm kiếm phương linh dược, nên xem xét toàn bộ khu rừng nhằm thoát khỏi cơn bệnh.
267. Trong lúc tầm cầu pháp không tạo tác Niết Bàn là vị thế Bất Tử, tôi đã xuất gia vào đời tu ẩn sĩ liên tục năm trăm kiếp sống.
268. Tôi đã duy trì búi tóc bện, có y choàng là tấm da dê, tôi đã đạt đến sự toàn hảo của các thắng trí và đã đi đến thế giới Phạm Thiên.
269. Ngoại trừ Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, không có sự thanh tịnh ở ngoại giáo. Thật vậy, bất cứ chúng sanh nào có trí giác ngộ đều được trở nên thanh tịnh trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.
270. Pháp (thanh tịnh) này là sự tạo thành do hành động của bản thân, pháp này không là sự truyền tụng. Trong lúc tầm cầu pháp không tạo tác, tôi đã lai vãng bến bãi tồi tệ.
271. Giống như người tầm cầu lõi cây, sau khi đốn ngã cây chuối rồi chẻ hai, không thể tìm thấy lõi cây ở nơi ấy bởi vì cây chuối là không có lõi.
272. Tương tợ y như thế, các ngoại đạo ở thế gian và số đông người với những tà kiến khác nhau là vắng bóng Niết Bàn, giống như cây chuối là không có lõi.
273. Khi đạt đến cuộc sống cuối cùng, tôi đã là thân quyến của Phạm Thiên.[3]Sau khi từ bỏ của cải lớn lao, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình
(Tụng Phẩm thứ nhất).
274. Vị Bà-la-môn tên Sañjaya là vị giảng huấn, thông thạo về chú thuật, thông suốt về ba tập Vệ-đà, tôi sống dưới sự hướng dẫn của vị ấy.[4]
275. Bạch đấng Đại Hùng, vị Bà-la-môn tên Assaji là Thinh Văn của Ngài, khó mà tiếp cận, có oai lực nổi bật, khi ấy (đang) đi khất thực.
276. Tôi đã nhìn thấy bậc hiền trí ấy, có trí tuệ, được định tĩnh trong sự sáng suốt, có tâm thanh tịnh, là bậc Long Tượng, tợ như đóa sen khéo được nở rộ,
277. Sau khi nhìn thấy vị anh hùng ưu tú, cao quý, khéo được rèn luyện, có tâm ý thanh tịnh, tâm của tôi đã khởi lên rằng: “Phải chăng vị này là A-la-hán?
278. Phải chăng con người đáng mến, biết cách xử trí, có dáng vóc lịch sự, khéo thu thúc, đã được rèn luyện trong sự rèn luyện tối thượng, là người nhìn thấy sự Bất Tử?
279. Hay là ta nên hỏi về mục đích tối thượng với tâm ý hớn hở? Được ta hỏi, vị ấy sẽ trả lời. Khi ấy, ta hãy hỏi tiếp.”
280. Trong khi vị ấy đang đi khất thực, tôi đã đi ở phía sau chờ đợi cơ hội để hỏi về vị thế Bất Tử.
281. Khi vị ấy đi đến giữa đường, tôi đã đi đến gần và đã hỏi rằng: “Thưa vị anh hùng, ngài có dòng họ thế nào? Thưa ngài, ngài là học trò của vị nào?”
282. Được tôi hỏi, vị ấy tợ như con sư tử không bị hãi sợ đã trả lời rằng: “Này đạo hữu, đức Phật đã xuất hiện ở thế gian, tôi là học trò của Ngài ấy.”
283. “Thưa vị đại anh hùng, người nối dõi, bậc có danh vọng lớn lao, Giáo Pháp lời dạy của đức Phật của ngài là như thế nào? Thưa ngài, xin ngài hãy thuyết giảng tận tường cho tôi.”
284. Được tôi hỏi, vị ấy đã thuyết giảng về toàn bộ Đạo Lộ thâm sâu vi tế, là pháp tiêu diệt mũi tên tham ái, có sự xua đi tất cả khổ đau (như vầy):
285. “Các pháp nào có nguồn sanh khởi do nhân, đức Như Lai đã nói về nhân của chúng và về sự diệt tắt của chúng, bậc Đại Sa-môn đã có lời dạy như thế.”
286. Khi câu hỏi vừa được trả lời, tôi đây đã chứng đắc Quả vị thứ nhất. Sau khi lắng nghe lời dạy của đấng Chiến Thắng, tôi đã trở nên không còn vấy bụi, không còn nhơ bẩn.
287. Sau khi lắng nghe lời nói của bậc hiền trí, sau khi nhìn thấy Giáo Pháp tối thượng, với Chánh Pháp đã được thâm nhập tôi đã nói lên lời kệ ngôn này:
288. “Đây chính là Giáo Pháp, nếu chỉ bấy nhiêu thôi đã thấu triệt được Niết Bàn không sầu muộn (là pháp) đã không được nhìn thấy, đã bị trôi qua trong hàng vạn kiếp sống.”
289. Trong lúc tầm cầu Giáo Pháp, tôi đây đã lai vãng bến bãi tồi tệ. (Giờ đây) mục đích ấy của tôi đã đượcđạt đến, tôi không còn thời gian để xao lãng.
290. Tôi đã được vị Assaji làm cho hoan hỷ. Sau khi đạt đến vị thế Bất Động, trong khi tìm kiếm người bạn, tôi đã đi đến khu ẩn cư.
291. Sau khi nhìn thấy tôi ngay từ đàng xa, bạn của tôi, là người khéo được học tập và được thành tựu bốn oai nghi, đã nói lên lời nói này:
292. “Bạn có khuôn mặt và ánh mắt an tịnh, dường như bản thể hiền trí đã được (bạn) nhìn thấy. Phải chăng bạn đã chứng đắc sự Bất Tử, Niết Bàn, vị thế trường cửu?
293. Dường như bạn (đã) đạt đến điều xứng đáng với sự tốt đẹp và đã được làm cho trở thành điềm đạm, tợ như con voi đã được chế ngự trong giai đoạn thuần hóa. Này người Bà-la-môn, phải chăng bạn được an tịnh?”
294. “Bất Tử là sự xua đi mũi tên sầu muộn đã được tôi chứng đắc. Bạn cũng vậy, hãy chứng đắc điều ấy. Chúng ta hãy đi đến gặp đức Phật.”
295. Sau khi đáp lại rằng: “Lành thay!” bạn của con là người khéo được học tập đã dùng tay nắm lấy tay con và đã đi đến gặp Ngài.
296. Bạch người con trai dòng Sakya, cả hai chúng con cũng sẽ xuất gia trong sự chứng minh của Ngài. Sau khi đi đến Giáo Pháp của Ngài, chúng con sống không còn lậu hoặc.
297. Kolita là đứng đầu về thần thông, còn con có sự đạt đến bờ kia về trí tuệ. Chính cả hai chúng con đã hợp nhất làm rạng rỡ Giáo Pháp.
298. Có ước nguyện chưa được hoàn thành, con đã lai vãng bến bãi tồi tệ. Sau khi đi đến diện kiến Ngài, ước nguyện của con đã được tròn đủ.
299. Sau khi đã mọc vững vàng ở trên trái đất, các cây cối nở hoa lúc vào mùa. Chúng tỏa ra các hương thơm của cõi trời và làm cho tất cả chúng sinh được vui lòng.
300. Bạch đấng Đại Hùng, bạch người con trai dòng Sakya có danh vọng lớn lao, tương tợ như thế ấy, sau khi đã thiết lập ở trong Giáo Pháp của Ngài, con tầm cầu thời điểm để trổ hoa.
301. Trong lúc tầm cầu bông hoa giải thoát là việc ra khỏi sự luân hồi ở các cõi, với sự đạt được bông hoa giải thoát, con làm cho tất cả chúng sinh được vui lòng.
302. Bạch đấng Hữu Nhãn, cho đến địa phận của chư Phật, không gì sánh bằng tuệ của người con trai của Ngài ngoại trừ bậc Hiền Trí.
303. Được thuần phục trong sự thuần hóa tối thượng, những người học trò đã khéo được huấn luyện của Ngài và Hội Chúng đã khéo được học tập luôn luôn tháp tùng Ngài.
304. Là những bậc trí tuệ, chứng thiền, thỏa thích về thiền, có tâm thanh tịnh, được định tĩnh, các bậc hiền trí được thành tựu sự tốt đẹp về đạo đức luôn luôn tháp tùng Ngài.
305. Là những bậc trí tuệ, ít đòi hỏi, cẩn trọng, (thọ) chút ít vật thực, không tham lam, hài lòng với việc có hay không có, các vị luôn luôn tháp tùng Ngài.
306. Là những bậc trí tuệ chuyên sống ở rừng, thông thạo pháp giũ bỏ (đầu đà), chứng thiền, mặc y thô, thỏa thích sự độc cư, các vị luôn luôn tháp tùng Ngài.
307. Là những vị thực hành (bốn Đạo) trú vào Quả vị (A-la-hán), và những vị Hữu Học có thành tựu Quả vị, các vị tầm cầu mục đích tối thượng luôn luôn tháp tùng Ngài.
308. Các vị là bậc Nhập Lưu không còn nhơ bẩn, các vị là bậc Nhất Lai, các vị Bất Lai, và các vị A-la-hán luôn luôn tháp tùng Ngài.
309. Các bậc Thinh Văn ấy, có nhiều vị được thiện xảo về các pháp thiết lập niệm, được thỏa thích trong việc tu tập các chi phần đưa đến giác ngộ, tất cả các vị luôn luôn tháp tùng Ngài.
310. Các vị được thiện xảo về các nền tảng của thần thông, được thỏa thích trong việc tu tập định, được gắn bó vào chánh tinh tấn, luôn luôn tháp tùng Ngài.
311. Các vị có ba minh và sáu thắng trí, đã đi đến sự toàn hảo về thần thông, đã đạt được sự toàn hảo về tuệ, luôn luôn tháp tùng Ngài.
312. Bạch đấng Đại Hùng, các vị học trò như thế ấy của Ngài đã khéo được học tập, khó mà tiếp cận, có oai lực nổi bật, luôn luôn tháp tùng Ngài.
313. Được tháp tùng bởi những người học trò thu thúc, nhiệt tình ấy, Ngài tợ như (con sư tử) vua của loài thú không bị hãi sợ, tợ như (mặt trăng) vua của các vì sao chiếu sáng rực rỡ.
314. Sau khi đã mọc vững vàng ở trên trái đất, các loài thảo mộc phát triển. Chúng đạt được sự lớn mạnh và phô bày sự kết trái.
315. Bạch người con trai dòng Sakya có danh vọng lớn lao, Ngài là tương tợ trái đất. Sau khi thiết lập ở Giáo Pháp, các vị ấy đạt được quả vị Bất Tử.
316. Có các con sông Sindhu, luôn cả sông Sarassatī, sông Candabhāgikā, sông Gaṅgā, sông Yamunā, luôn cả sông Sarabhū, và sông Mahī.
317. Khi những con sông này trôi chảy và biển cả tiếp nhận, những con sông này từ bỏ tên gọi trước đây và chỉ được biết đến là ‘biển cả’ mà thôi.
318. Tương tợ y như thế, bốn giai cấp này sau khi xuất gia trong sự chứng minh của Ngài, các vị từ bỏ tên gọi trước đây và được biết đến là ‘con trai của đức Phật.’
319. Cũng giống như mặt trăng không bị vết nhơ trong lúc đang di chuyển ở bầu không gian thì vượt trội tất cả các quần thể tinh tú ở thế giới về ánh sáng.
320. Bạch đấng Đại Hùng, tương tợ y như thế, được tháp tùng bởi chư Thiên và nhân loại, Ngài vượt lên trên tất cả các hạng này và chói sáng vào mọi lúc.
321. Được khởi lên từ dưới sâu, sóng không thể vượt qua được bờ biển. Tất cả các đợt sóng chạm đến bờ biển thì chúng tan tác trở thành bọt nước.
322. Tương tợ y như thế, các ngoại đạo ở trên thế gian và nhiều người với các quan điểm khác nhau có ý định nói về giáo lý, bọn họ không vượt qua Ngài là bậc Hiền Trí.
323. Và bạch đấng Hữu Nhãn, nếu họ gặp Ngài xin Ngài hãy đáp lại. Sau khi đi đến gặp Ngài, những người ấy trở thành như là bọt nước
324. Cũng giống như giống cây kumuda, cây mandālaka, và nhiều loài cây khác được sanh ra ở trong nước, chúng bị lấm nhơ bởi nước và bùn lầy.
325. Tương tợ y như thế, nhiều chúng sanh được sanh ra lớn lên ở trên đời bị sầu khổ bởi tham ái sân hận giống như cây kumuda ở bãi bùn vậy.
326. Cũng giống như đóa hoa sen là loài được sanh ra ở trong nước, lớn lên ở giữa làn nước, nó không bị lấm nhơ bởi nước, có tua nhị cũng được trong sạch.
327. Bạch đấng Đại Hùng, tương tợ y như thế, bậc Đại Hiền Trí được sanh ra ở trên thế gian, Ngài không bị lấm nhơ bởi thế gian như là đóa hoa sen không bị lấm nhơ bởi nước.
328. Cũng giống như nhiều loài hoa mọc trong nước trổ hoa vào tháng Rammaka, chúng không vượt quá tháng ấy, khi ấy là thời điểm của việc trổ hoa.
329. Bạch người con trai dòng Sakya, Ngài đã trổ hoa bằng sự giải thoát, tương tợ y như thế các vị ấy (cũng vậy). Các học trò không vượt quá lời dạy như là đóa hoa sen là loài được sanh ra ở trong nước (không trổ hoa trễ thời hạn).
330. Cây sālā chúa khéo được trổ hoa tỏa ra hương thơm của cõi trời. Được vây quanh bởi những cây sālā khác, cây sālā chúa tỏa sáng.
331. Bạch đấng Đại Hùng, tương tợ y như thế Ngài đã trổ hoa bằng trí tuệ của vị Phật. Được tháp tùng bởi Hội Chúng tỳ khưu, Ngài tỏa sáng như là cây sālā chúa.
332. Cũng giống như núi Hi-mã-lạp bằng đá là nguồn dược liệu cho tất cả chúng sinh, là chốn cư ngụ của các loài rồng, các A-tu-la, và chư Thiên.
333. Bạch đấng Đại Hùng, tương tợ y như thế Ngài ví như nguồn dược liệu cho tất cả chúng sinh. Các vị có được ba minh, sáu thắng trí, và đã đi đến sự toàn hảo về thần thông (nhờ nương tựa vào Ngài).
334. Bạch đấng Đại Hùng, được Ngài chỉ dạy với lòng bi mẫn, các vị ấy thỏa thích với sự thỏa thích trong Giáo Pháp, các vị sống theo lời dạy của Ngài.
335. Giống như con sư tử, vua của loài thú, sau khi rời khỏi chỗ ngụ nó quan sát bốn phương và rống lên ba lần.
336. Khi chúa của loài thú gầm thét, mọi thú vật đều kinh hoàng. Bởi vì nó có dòng dõi như thế, nó luôn luôn làm các loài thú run sợ.
337. Bạch đấng Đại Hùng, khi Ngài thuyết Pháp thì trái đất rúng động, những ai có khả năng giác ngộ được giác ngộ, phe đảng của Ma Vương run sợ.
338. Bạch đấng Đại Hiền Trí, khi Ngài thuyết Pháp tất cả các ngoại đạo run sợ, tợ như bầy chim quạ bay tán loạn, như là các con thú run sợ đối với (sư tử) chúa của loài thú.
339. Những vị có đồ chúng ở trên thế gian được gọi là ‘các bậc thầy.’ Các vị ấy thuyết giảng đến đám đông học thuyết đã được tuần tự truyền thừa.
340. Bạch đấng Đại Hùng, tuy nhiên Ngài không là như vậy. Ngài thuyết giảng Giáo Pháp đến các chúng sinh sau khi đã tự thân giác ngộ về các Chân Lý và toàn bộ các pháp thuộc về giác ngộ.
341. Sau khi biết được tánh khí bộc lộ và tiềm ẩn, về sự mạnh và yếu của các quyền, sau khi hiểu rõ về tính chất có hay không có khả năng, Ngài thuyết Pháp tợ như là cơn mưa lớn (gào thét).
342. 343. Đám đông có các quan điểm khác nhau, trong khi đang suy xét, có thể ngồi đến tận cùng thế giới vũ trụ. Nhằm cắt đứt sự nghi hoặc ấy, bậc Hiền Trí vị thiện xảo về sự so sánh đối chiếu, sau khi biết được tâm của tất cả, Ngài cắt đứt sự nghi hoặc của chúng sinh ngay trong khi đang giảng giải về một câu hỏi.
344. Trái đất là được tràn đầy bởi chính các vị như là Upatissa (Sāriputta). Chính tất cả các vị ấy, tay chắp lên, đã ngợi ca đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
345. Trong khi ngợi ca đến trọn kiếp, họ đã ngợi ca về những đức hạnh khác nhau. Họ đã không thể nào ước lượng được, các đấng Như Lai là vô lượng.
346. Giống như tôi đã ngợi ca đấng Chiến Thắng bằng sức mạnh của mình, trong khi ngợi ca đến một koṭi (mười triệu) kiếp họ cũng đã ca ngợi y như vậy
347. Nếu có vị Thiên nhân hoặc người nào đó đã được học tập rành rẽ có ý định do lường (các đức hạnh ấy), vị ấy chỉ có thể gánh lấy nỗi phiền muộn mà thôi.
348. Bạch người con trai dòng Sakya có danh vọng lớn lao, sau khi đã thiết lập ở trong Giáo Pháp của Ngài, sau khi đã đi đến sự toàn hảo về tuệ, con sống không có lậu hoặc.
349. Con hoàn toàn chế ngự các ngoại đạo, con vận hành Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Hôm nay con là vị Tướng Quân Chánh Pháp trong Giáo Pháp của người con trai dòng Sakya.
350. Việc làm đã được thực hiện ở vô lượng kiếp đã cho tôi nhìn thấy quả báu tại đây. Như là tốc độ của mũi tên khéo được bắn ra, tôi đã thiêu đốt các phiền não (của tôi).
351. Nếu người nào đó có thể mang vác vật nặng thường xuyên ở trên đầu, người ấy sẽ bị khổ sở bởi vật nặng, tương tợ như thế tôi phải gánh chịu các vật nặng.
352. Trong khi đang bị thiêu đốt bởi ba ngọn lửa, tôi đã luân hồi ở các cõi. Tôi đã chịu đựng gánh nặng của hữu giống như tôi đã phải nâng lên ngọn núi Neru.
353. Và gánh nặng đã được tôi đặt xuống, các hữu đã được tôi hủy diệt, mọi việc cần làm trong Giáo Pháp của người con trai dòng Sakya đã được làm xong.
354. Cho đến địa phận của chư Phật ngoại trừ bậc Cao Quý dòng Sakya, tôi là đứng đầu về tuệ, người sánh bằng tôi không tìm thấy.
355. Được khéo thiện xảo về định, tôi đã đạt đến sự toàn hảo về thần thông. Và hôm nay trong khi mong muốn tôi có thể biến hóa thành ngàn người.
356. Bạch đấng Đại Hiền Trí, Ngài đã thuyết giảng Giáo Pháp cho con. Con có được năng lực đối với sự an trú theo tuần tự, diệt (thọ tưởng) định là nơi an nghỉ của con.
357. Thiên nhãn của con được thanh tịnh, con là thiện xảo về định, được gắn bó vào chánh tinh tấn, được thỏa thích trong việc tu tập các chi phần đưa đến giác ngộ.
358. Bởi vì pháp gì vị Thinh Văn cần phải đạt đến, toàn bộ tất cả đã được tôi thực hiện. Ngoại trừ đấng Bảo Hộ Thế Gian người sánh bằng tôi không tìm thấy.
359. Được thiện xảo về việc thể nhập định, có sự đạt được nhanh chóng đối với các thiền giải thoát, được thỏa thích trong việc tu tập các chi phần đưa đến giác ngộ, tôi đã đạt đến sự toàn hảo về các đức hạnh của vị Thinh Văn.
360. Với đức hạnh tốt lành của vị Thinh Văn, với trí giác ngộ, do sự tôn kính đối với bậc Tối Thượng Nhân, với đức tin, tâm (của tôi) luôn luôn được gắn liền ở các việc thực hành Phạm hạnh.
361. Như là con rắn có nọc độc đã được lấy đi, như là trâu rừng có sừng đã bị cắt lìa, có sự ngã mạn kiêu ngạo đã được quăng bỏ, tôi đến gần Hội Chúng với sự vô cùng tôn kính.
362. Nếu trí tuệ của tôi là có hình dạng thì trái đất không thể sánh bằng, điều này là quả báu của việc ngợi ca trí tuệ của đứcThế Tôn Anomadassī.
363. Tôi tiếp tục vận hành đúng đắn bánh xe Pháp đã được chuyển vận bởi người con trai dòng Sakya như thế ấy; điều này là quả báu của việc ngợi ca trí tuệ.
364. Vào bất cứ lúc nào và ở bất cứ nơi đâu, mong rằng kẻ có ước muốn xấu xa, biếng nhác, có sự tinh tấn kém cỏi, ít học hỏi, có hành vi sai trái chớ đến gần tôi.
365. Và mong rằng bậc nghe nhiều (học rộng), có sự sáng suốt, khéo được định tĩnh trong các giới, được gắn liền với sự tịnh lặng của tâm đứng (với tôi) dầu là (đứng) ở trên đầu.
366. Tôi nói điều này với các vị là hết thảy chư đại đức đã tụ hội lại nơi đây, các vị chớ có ước muốn xấu xa, hãy tự hài lòng (với vật có được), có thiền chứng, luôn luôn thỏa thích trong thiền.
367. Sau khi nhìn thấy vị Thinh Văn tên Assaji ấy lần đầu tiên, tôi đã trở nên không còn vấy bụi, không còn nhơ bẩn; bậc trí tuệ ấy là người thầy của tôi.
368. Nhờ vào tác động của điều ấy, giờ đây tôi đã trở thành vị Tướng Quân Chánh Pháp. Sau khi đạt đến sự toàn hảo về mọi phương diện, tôi sống không còn lậu hoặc.
369. Vị Thinh Văn tên Assaji ấy đã là người thầy của tôi. Vị ấy cư ngụ ở phương nào, tôi thực hiện việc nằm quay đầu (hướng về phương ấy).
370. Sau khi nhớ lại việc làm của tôi, đức Gotama bậc Cao Quý dòng Sakya đã ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu và đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng.
371. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
372. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
373. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát (bốn Đạo và bốn Quả), và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sāriputta đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sāriputta là phần thứ nhất.
--ooOoo--
374. Đức Thế Tôn Anomadassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, đã cư ngụ tại núi Hi-mã-lạp, đứng đầu hội chúng chư Thiên.
375. Lúc bấy giờ, tôi là Long Vương có tên là Varuṇa. Tôi biến hóa thành dáng vóc theo như ước muốn. Tôi đã cư ngụ ở đại dương.
376. Sau khi giải tán đám tùy tùng, tôi đã tổ chức tấu nhạc. Khi ấy tôi đã tháp tùng đấng Toàn Giác và đã bảo các long nữ ca hát.
377. Trong khi các nhạc cụ (của Long Cung) đang được tấu lên, chư Thiên đã trình tấu các nhạc cụ (của cõi trời). Đức Phật cũng đã lắng nghe âm thanh của cả hai và đã tự mình nhận biết.
378. Sau khi thỉnh mời đấng Toàn Giác, tôi đã đi đến cung điện của mình. Sau khi cho sắp đặt chỗ ngồi, tôi đã bảo thông báo về thời gian.
379. Trong lúc chiếu sáng tất cả các phương, đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã đi đến cung điện của tôi, được tháp tùng bởi một ngàn bậc Vô Lậu.
380. Vào lúc đấng Đại Hùng, vị Trời của chư Thiên, đấng Nhân Ngưu cùng với Hội Chúng tỳ khưu đã ngồi xuống, khi ấy tôi đã làm toại ý các vị với cơm ăn và nước uống.
381. Đấng Đại Hùng, bậc Tự Chủ, nhân vật cao cả, sau khi ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu đã nói lên những lời kệ này:
382. “Người nào đã cúng dường đến đức Phật đấng Lãnh Đạo Thế Gian và Hội Chúng, với sự tịnh tín ấy ở trong tâm, người ấy sẽ đi đến thế giới chư Thiên.
383. Người ấy sẽ cai quản Thiên quốc bảy mươi bảy lần và sẽ ngự trị tám trăm quốc độ thuộc đất liền ở trái đất.
384. Người ấy sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương năm mươi lăm lần. Trong thời gian ấy, các của cải không thể ước lượng được sẽ sanh lên cho người ấy.
385. Vào vô lượng kiếp về sau này, có bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
386. Sau khi mệnh chung từ địa ngục, người ấy sẽ đi đến bản thể nhân loại, sẽ trở thành thân quyến của Phạm Thiên (dòng dõi Bà-la-môn) với tên là Kolita.
387. Về sau, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, người ấy sẽ xuất gia và sẽ trở thành vị Thinh Văn thứ nhì của đức Thế Tôn Gotama.
388. Có sự ra sức tinh tấn, có tính khẳng quyết, đã đạt đến sự toàn hảo về thần thông, sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, (người ấy) sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
389. Lệ thuộc vào bạn ác xấu, tôi đã chịu sự khống chế của ái dục. Với tâm ý tồi bại, tôi đã giết chết người mẹ và cả người cha nữa.
390. Nơi chốn nào tôi đi tái sanh dầu là địa ngục hay nhân loại, do bị liên đới đến ác nghiệp tôi chết với đầu bị vỡ.
391. Lần sau cùng này của tôi là sự hiện hữu cuối cùng trong sự luân chuyển. Thậm chí ở đây, sự việc như thế cũng sẽ xảy ra vào thời điểm tử biệt của tôi.
392. Được gắn bó với sự cô tịch, được thỏa thích trong sự tu tập về định, sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
393. Đã đạt đến sự toàn hảo về thần thông, (chỉ) bằng ngón chân cái tôi có thể làm lay động ngay cả trái đất vô cùng sâu thẳm, dày đặc, khó thể hủy hoại.
394. Tôi không nhìn thấy bản ngã, sự ngã mạn của tôi không được biết đến, tôi thể hiện tâm tôn trọng đến các vị sa-di.
395. Về việc làm mà tôi đã khẳng định trước đây vô lượng kiếp, tôi đã thành tựu nền tảng ấy, tôi đã đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc.
396 - 398. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
(Các câu kệ 396, 397, 398 tương tợ như các câu kệ 371, 372, 373).
Đại đức trưởng lão Mahāmoggallāna đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Mahāmoggallāna là phần thứ nhì.
--ooOoo--
399. Khi đấng Bảo Hộ Thế Gian Niết Bàn, tôi thể hiện sự cúng dường đến đức Thế Tôn Padumuttara, bậc Đạo Sư, đấng Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy.
400. Với tâm phấn chấn, dân chúng được vui mừng hoan hỷ. Trong khi mọi người sanh khởi tâm chấn động, niềm phỉ lạc đã khởi lên ở tôi.
401. Tôi đã đưa quyến thuộc bạn bè đến và đã nói lời nói này: “Đấng Đại Hùng đã Viên Tịch Niết Bàn, giờ đây chúng ta hãy thực hiện sự cúng dường.”
402. Sau khi đáp lại rằng: “Lành thay! Chúng ta sẽ thực hiện sự tích lũy phước báu ở nơi đức Phật, đấng Bảo Hộ Thế Gian,” bọn họ đã sanh khởi nỗi vui mừng còn hơn tôi nữa.
403. Họ đã thiết lập lễ đài khéo được thực hiện cao một trăm cánh tay,[5]trải dài 150 cánh tay, là cung điện vươn cao đến tận bầu trời.
404. Tại đó, sau khi thực hiện tòa lâu đài được tô điểm với những hàng cây thốt nốt, tôi đã làm cho tâm của mình được tịnh tín và đã cúng dường đến ngôi bảo tháp tối thượng.
405. Ngôi bảo tháp chiếu sáng bốn phương trông như là khối lửa được phát cháy, như là cây sālā chúa đã được trổ hoa, như là cầu vồng ngũ sắc ở không trung.
406. Tại nơi ấy, sau khi đã làm cho tâm được tịnh tín, sau khi đã thực hiện nhiều việc tốt lành, sau khi nhớ lại nghiệp quá khứ, tôi đã sanh lên cõi trời.
407. Tôi đã chú nguyện phương tiện di chuyển ở cõi trời là cỗ xe ngựa được kéo bởi một ngàn con. Tòa lâu đài cao ngất của tôi được vươn cao bảy tầng lầu.
408. Đã có 1.000 nhà mái nhọn làm toàn bằng vàng. Trong lúc chiếu sáng tất cả các phương, chúng tỏa sáng bằng hào quang của chúng.
409. Khi ấy, cũng có những tháp nhọn khác làm bằng hồng ngọc. Với nguồn ánh sáng, chúng cũng rọi sáng bốn phương ở chung quanh.
410. Các ngôi nhà mái nhọn đã được hóa hiện ra, đã được sanh lên do nghiệp phước thiện. Được làm bằng ngọc ma-ni, chúng cũng rọi sáng mười phương ở chung quanh.
411. Trong lúc chúng đang rực sáng, đã có được ánh sáng vĩ đại. Tôi vượt trội tất cả chư Thiên; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
412. Trong sáu mươi ngàn kiếp, tôi đã là vị Sát-đế-lỵ tên Ubbiddha cư trú ở trái đất, là người chinh phục bốn phương.
413. Tương tợ y như thế, được hài lòng với nghiệp của chính mình, trong kiếp Bhadda[6]tôi đã ba mươi lần trở thành đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao, được thành tựu bảy loại báu vật, là chúa tể của bốn châu lục.
414. Cũng ở tại nơi ấy, cung điện dành cho tôi được vươn cao như là cầu vồng, có chiều dài là 24 (do-tuần) và chiều rộng là mười hai (do-tuần).
415. Thành phố tên là Rammaka có cổng chào và tường thành vững chãi, có chiều dài năm trăm (do-tuần) và chiều rộng là một nửa của chiều dài, được đông đúc bởi các đám dân chúng trông tợ như thành phố của các cõi trời.
416. Khi ấy thành phố là đông đúc giống như hai mươi lăm cây kim được bỏ chung vào trong hộp đựng kim, chúng va chạm lẫn nhau.
417. Cũng như thế ấy, thành phố của tôi tràn đầy những voi, ngựa, xe cộ, luôn luôn đông đúc với những con người; Rammaka là thành phố tuyệt vời.
418. Tại nơi ấy, tôi đã ăn, tôi đã uống, và đã trở về lại bản thể Thiên nhân. Vào kiếp sống cuối cùng, tôi đã có được sự thành tựu về dòng dõi.
419. Được sanh ra ở gia tộc Bà-la-môn có sự tích lũy nhiều châu ngọc, tôi cũng đã từ bỏ tám mươi koṭi vàng và tôi đã xuất gia.
420 - 422. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Mahākassapa đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Mahākassapa là phần thứ ba.
--ooOoo--
423. Tôi đã nhìn thấy đức Thế Tôn Sumedha, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, bậc Lãnh Đạo Thế Gian đang an trú vào hạnh độc cư.
424. Sau khi đi đến gặp bậc Toàn Giác, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Sumedha, tôi đã chắp tay lên và đã thỉnh cầu đức Phật tối thượng rằng:
425. “Bạch đấng Đại Hùng, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, con sẽ dâng lên cây đèn đến Ngài là vị đang tham thiền ở dưới cội cây, xin Ngài thương xót.”
426. Bậc trí tuệ ấy, đấng Tự Chủ cao quý trong số các vị đang thuyết giảng đã chấp nhận. Khi ấy, tôi đã khoan thủng các thân cây và đã gắn thiết bị vào.
427. Tôi đã dâng lên đức Phật, đấng quyến thuộc của thế gian một ngàn tim đèn. Sau khi đã cháy sáng bảy ngày, các cây đèn của tôi đã lụi tàn.
428. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại, tôi đã được sanh ra ở Thiên cung.
429. Được đạt đến bản thể Thiên nhân, có cung điện đã được hóa hiện ra cho tôi, nó chiếu sáng ra xung quanh; điều này là quả báu của việc dâng cúng cây đèn.
430. Khi ấy, tôi đã chiếu sáng ở xung quanh một trăm do-tuần, tôi vượt trội tất cả chư Thiên; điều này là quả báu của việc dâng cúng cây đèn.
431. Tôi đã là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc ba mươi ba kiếp, không người nào xem thường tôi; điều này là quả báu của việc dâng cúng cây đèn.
432. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương hai mươi tám lần. Khi ấy, tôi nhìn thấy (xa khoảng cách) một do-tuần ở xung quanh vào ban ngày và ban đêm.
433. Tôi nhìn thấy một ngàn thế giới bằng trí tuệ trong Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, tôi đã đạt được Thiên nhãn; điều này là quả báu của việc dâng cúng cây đèn.
434. Đấng Toàn Giác tên Sumedha là ba mươi ngàn kiếp về trước. Với tâm ý trong sạch, tôi đã dâng cúng cây đèn đến Ngài.
435 - 437. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Anuruddha đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Anuruddha là phần thứ tư.
--ooOoo--
438. Là vị giảng huấn, thông thạo về chú thuật, thông suốt về ba tập Vệ-đà, tôi đã dẫn đầu các học trò đi đến gặp bậc Tối Thượng Nhân.
439. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, bậc Đại Hiền Trí đã tán dương việc làm của tôi một cách ngắn gọn.
440. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp ấy, tôi đã đảnh lễ bậc Đạo Sư. Tôi đã chắp tay lên và đã ra đi, mặt hướng phía bên phải.
441. Sau khi lắng nghe một cách tóm tắt, tôi đã thuyết giảng một cách chi tiết. Sau khi lắng nghe lời giảng của tôi, tất cả những người học trò đều có tâm hoan hỷ.
442. Sau khi xua đi tà kiến của mình, họ đã khiến tâm được tịnh tín vào đức Phật. Tôi cũng thuyết giảng một cách tóm tắt, một cách chi tiết tương tợ y như thế.
443. Là người biết rõ đường hướng của Vi Diệu Pháp, thông thạo về các đề tài thuyết giảng, sau khi làm cho tất cả hiểu rõ, tôi sống không còn lậu hoặc.
444. Trước đây năm trăm kiếp, có bốn vị chúa tể ở bốn châu lục là những vị vô cùng nổi tiếng, được thành tựu bảy loại báu vật.
445. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Puṇṇa Mantāniputta đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Puṇṇa Mantāniputta là phần thứ năm.
--ooOoo--
446. Ở thành phố Haṃsavatī, vị Bà-la-môn tên Sujāta có sự tích lũy tám mươi koṭi, có dồi dào tài sản và lúa gạo.
447. Là vị giảng huấn, thông thạo về chú thuật, thông suốt về ba tập Vệ-đà, đã đạt đến sự toàn hảo về (khoa) tướng mạo, về truyền thống, và về giáo lý (của Bà-la-môn).
448. Khi ấy, các du sĩ ngoại đạo có một ngọn lửa, các Thinh Văn của đức Phật Gotama, các vị lang thang, và cả các đạo sĩ khổ hạnh du hành ở trái đất.
449. Bọn họ cũng tháp tùng theo tôi (cho rằng): ‘Vị Bà-la-môn nổi tiếng.’ Nhiều người tôn vinh tôi, tôi không tôn vinh bất cứ người nào.
450. Tôi không nhìn thấy bậc xứng đáng sự tôn vinh, khi ấy tôi ngã mạn và ương ngạnh. Khi đấng Chiến Thắng còn chưa xuất hiện thì không có từ ngữ ‘Đức Phật.’
451. Bao ngày đêm trôi qua, đấng Lãnh Đạo Padumuttara, bậc Hữu Nhãn, sau khi xua đi tất cả tăm tối, đã xuất hiện ở thế gian.
452. Vào lúc Giáo Pháp được phổ biến rộng rãi, được biết nhiều, và trở thành phổ thông, khi ấy đức Phật đã đi đến đến thành phố tên Haṃsa.
453. Khi ấy, vì lợi ích của người cha, đức Phật bậc Hữu Nhãn ấy đã thuyết giảng Giáo Pháp. Vào thời điểm ấy, đám đông ở xung quanh là một do-tuần.
454. Khi ấy, được thỏa thuận trong số mọi người, vị đạo sĩ khổ hạnh tên Sunanda ấy đã che phủ hết thảy hội chúng của đức Phật bằng những bông hoa.
455. Và trong khi bậc Tối Thượng đang công bố bốn Sự Thật ở nơi mái che bằng bông hoa, đã có sự lãnh hội Giáo Pháp của một trăm ngàn koṭi người.
456. Đức Phật đã đổ mưa những cơn mưa Giáo Pháp trong bảy ngày đêm. Khi đạt đến ngày thứ tám, đấng Chiến Thắng đã tán dương vị Sunanda rằng:
457. “Người này trong khi luân hồi ở cõi hữu, dầu ở thế giới chư Thiên hay loài người, sẽ trở thành bậc ưu tú trong số tất cả và sẽ luân hồi ở các cõi.
458. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
459. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Puṇṇo Mantāniputta.”
460. Lúc bấy giờ, trong khi làm cho tất cả dân chúng vui mừng, trong khi thị hiện năng lực của chính mình, bậc Toàn Giác đã tán dương đạo sĩ khổ hạnh Sunanda như thế.
461. Dân chúng chắp tay lễ bái vị đạo sĩ khổ hạnh Sunanda (nghĩ rằng): “Sau khi thể hiện sự tôn kính đến đức Phật, vị ấy đã làm trong sạch cảnh giới tái sanh của bản thân.”
462. Tại nơi ấy, sau khi lắng nghe lời nói của bậc Hiền Trí, tôi đã có sự suy tư rằng: “Ta cũng sẽ thể hiện sự tôn kính giống như ta nhìn thấy vị Gotama.”
463. Sau khi suy nghĩ như thế, tôi đã suy nghĩ về hành động của tôi rằng: “Ta sẽ thực hành việc làm gì ở Phước Điền vô thượng?”
464. Và vị tỳ khưu này là vị trì tụng trong số tất cả các vị trì tụng trong Giáo Pháp, và đã được chọn lựa là vị đứng đầu về Luật, tôi đã ước nguyện vị thế ấy.
465. Tài sản này của tôi là vô lượng, không thể bị xao động tợ như biển cả. Với của cải ấy tôi đã cho xây dựng tu viện dành cho đức Phật.
466. Có khu vườn tên là Sobhana ở phía Đông của thành phố. Sau khi đã mua bằng một trăm ngàn, tôi đã cho thực hiện tu viện dành cho Hội Chúng.
467. Sau khi đã xây dựng các nhà mái nhọn, các lầu đài, các mái che, các tòa nhà, các hang động, các đường kinh hành khéo được tạo lập, tôi đã cho thực hiện tu viện dành cho Hội Chúng.
468. Sau khi đã cho xây dựng nhà tắm hơi, nhà đốt lửa, rồi giếng nước, nhà tắm, tôi đã dâng cúng đến Hội Chúng tỳ khưu.
469. Tôi đã dâng cúng mọi thứ này (gồm có) các ghế dài, các ghế đẩu, các vật dụng, các son nồi, và thuốc men dành cho tu viện.
470. Sau khi đã thiết lập sự phòng hộ, tôi đã cho xây dựng tường thành vững chắc, không cho bất cứ việc gì quấy rầy đến những bậc có tâm thanh tịnh như thế ấy.
471. Tôi đã cho xây dựng một trăm ngàn chỗ ngụ ở tu viện dành cho Hội Chúng. Sau khi bố trí đầy đủ tiện nghi, tôi đã cống hiến đến bậc Toàn Giác.
472. “Bạch bậc Hiền Trí, xin Ngài hãy tiếp nhận ngôi tu viện đã được con hoàn thành. Bạch đấng Anh Hùng, con sẽ dâng cúng đến Ngài. Bạch đấng Hữu Nhãn, xin Ngài hãy chấp thuận.”
473. Bậc Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đấng Lãnh Đạo sau khi biết được tâm tư của tôi đã chấp thuận.
474. Sau khi biết được sự chấp thuận của bậc Đại Ẩn Sĩ, đấng Toàn Tri, sau khi đã chuẩn bị thức ăn, tôi đã thông báo về thời điểm.
475. Khi thời điểm đã được thông báo, đấng Lãnh Đạo Padumuttara đã đi đến tu viện của tôi cùng với một ngàn bậc Vô Lậu.
476. Biết được lúc Ngài đã ngồi xuống, tôi đã làm toại ý Ngài với cơm ăn và nước uống. Biết được lúc Ngài đã thọ thực xong, tôi đã nói lời nói này:
477. “Bạch đấng Hiền Trí, tu viện tên Sobhana đã được mua bằng một trăm ngàn và đã được cho xây dựng với chừng cỡ ấy, xin Ngài hãy tiếp nhận.
478. Do sự dâng cúng tu viện này và do các nguyện lực của tác ý, trong khi sanh ra ở cõi hữu, mong sao con đạt được điều con đã ước nguyện.”
479. Sau khi thọ nhận tu viện dành cho Hội Chúng đã được xây dựng khéo léo, đấng Toàn Giác đã ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu và đã nói lời nói này:
480. “Người nào đã dâng lên tu viện dành cho Hội Chúng đã được xây dựng khéo léo đến đức Phật, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
481. Các con voi, các con ngựa, các cỗ xe, các binh lính và quân đội gồm bốn binh chủng sẽ thường xuyên hộ tống người này; điều này là quả báu về (sự dâng cúng) tu viện dành cho Hội Chúng.
482. Sáu mươi ngàn nhạc cụ và những chiếc trống lớn được tô điểm sẽ thường xuyên tháp tùng người này; điều này là quả báu về (sự dâng cúng) tu viện dành cho Hội Chúng.
483. Tám mươi sáu ngàn phụ nữ được trang điểm, được trang hoàng bằng các loại vải vóc nhiều màu sắc, có các bông tai bằng ngọc trai và ngọc ma-ni.
484. Có lông mi cong, có nụ cười, có điệu bộ duyên dáng, có eo thon, các nàng sẽ thường xuyên vây quanh người này; điều này là quả báu về (sự dâng cúng) tu viện dành cho Hội Chúng.
485. Người này sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong ba mươi ngàn kiếp, và sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc một ngàn lần.
486. (Người này) sẽ thọ lãnh mọi thứ mà vị Thiên Vương có thế đạt được, sẽ có của cải không bị thiếu hụt, và sẽ cai quản Thiên quốc.
487. (Người này) sẽ trở thành trở thành đấng Chuyển Luân Vương ở quốc độ một ngàn lần. Vương quyền ở trái đất là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
488. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
489. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Upāli.
490. Sau khi đạt được sự toàn hảo về Luật và rành rẽ về sự thành lập hay không thành lập (tội), trong lúc duy trì Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, (người này) sẽ sống không còn lậu hoặc.
491. Sau khi biết rõ mọi việc này, đức Gotama bậc Cao Quý dòng Sakya sẽ ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu và sẽ thiết lập (người này) vào vị thế tối thắng.”
492. Con ao ước về Giáo Pháp của Ngài đã là vô lượng (kiếp). (Giờ) con đã đạt mục đích ấy và có được sự đoạn tận tất cả mọi điều trói buộc.
493. Giống như khi bị buộc vào cọc nhọn, người đàn ông khiếp sợ hình phạt của đức vua, trong khi không tìm thấy sự thoải mái ở cọc nhọn thì mong mỏi chỉ mỗi sự phóng thích.
494. Bạch đấng Đại Hùng, tương tợ y như thế con khiếp sợ hình phạt của sự hiện hữu. Trong khi bị buộc vào cọc nhọn của nghiệp báo, con bị phiền muộn vì sự cảm thọ khát khao.
495. Bị thiêu đốt bởi ba ngọn lửa, con không thấy thoải mái ở hiện hữu. Cũng tợ như người bị hành phạt bởi đức vua, con tầm cầu sự giải thoát.
496. Giống như người bị rắn độc cắn thì bị nọc độc hành hạ, người ấy có thể tìm kiếm phương thuốc là cách thức làm cho tiêu tan nọc độc.
497. Trong khi tìm kiếm có thể nhìn thấy phương thuốc là vật làm tiêu tan nọc độc. Sau khi uống thuốc ấy, người ấy có thể có được sự an lạc do việc thoát khỏi nọc độc.
498. Bạch đấng Đại Hùng, tương tợ y như thế, bị hành hạ bởi vô minh con đã tầm cầu phương thuốc Chánh Pháp, giống như người đàn ông bị hãm hại bởi nọc độc (đã tìm phương thuốc giải độc).
499. Trong khi tìm kiếm phương thuốc Giáo Pháp, con đã nhìn thấy lời chỉ dạy của vị dòng Sakya ấy là cao quý trong số tất cả các loại thuốc men, là sự nhổ lên tất cả các mũi tên.
500. Sau khi uống vào phương thuốc Giáo Pháp, con đã xóa sạch tất cả nọc độc, con đã chạm đến Niết Bàn có trạng thái mát mẻ không già không chết.
501. Giống như người bị ma quỷ khuấy rối, bị hành hạ bởi ma quỷ nhập vào, thì có thể tìm thầy chữa bệnh ma quỷ nhằm thoát khỏi ma quỷ.
502. Trong khi tìm kiếm có thể nhìn thấy vị rành rẽ các sự hiểu biết về ma quỷ. Vị ấy có thể diệt trừ ma quỷ cho người ấy và có thể làm cho tiêu tan tận gốc rễ.
503. Bạch đấng Đại Hùng, tương tợ y như thế con bị phiền muộn bởi sự xâm nhập của tăm tối, con tìm kiếm ánh sáng của trí tuệ nhằm sự giải thoát khỏi tăm tối.
504. Giờ con đã nhìn thấy bậc Hiền Trí dòng họ Sakya có sự trong sạch đối với các điều tăm tối phiền não. Vị ấy đã xua đi sự tăm tối của con, tợ như người thầy chữa bệnh ma quỷ xua đi ma quỷ.
505. Con đã cắt đứt dòng chảy luân hồi, đã chận đứng dòng nước tham ái, đã thủ tiêu tất cả hữu tận gốc rễ, tợ như vị thầy chữa bệnh ma quỷ.
506. Giống như loài nhân điểu lao xuống con rắn là mồi của bản thân nó, nó khuấy động hồ nước lớn ở xung quanh đến một trăm do-tuần.
507. Sau khi bắt được con rắn, con nhân điểu liền gây tổn thương phía dưới đầu (con rắn). Sau khi tóm lấy (con rắn), nó ra đi đến nơi dự tính.
508. Bạch đấng Đại Hùng, tương tợ y như thế, trong khi tầm cầu (Niết Bàn) không còn tạo tác, con đã tẩy uế sạch sẽ các điều xấu xa, cũng giống như con nhân điểu có sức mạnh (tìm kiếm con mồi rồi tiêu diệt).
509. Con đã nhìn thấy Giáo Pháp cao quý là đạo lộ an tịnh vô thượng, con đã nắm giữ điều này và an trú giống như con nhân điểu tóm lấy con rắn rồi mang đi.
510. Có loại dây leo tên là āsāvatī được sanh ra tại khu rừng Cittalatāvana (ở cõi trời Đạo Lợi). Đối với loại dây leo ấy một ngàn năm nó sanh ra một trái.
511. Chư Thiên gần gũi với loại dây leo ấy cho đến khi nó có trái sau thời gian dài lâu. Loài dây leo thượng hạng āsāvatī ấy được chư Thiên yêu quý như thế.
512. Con thân cận với bậc Hiền Trí ấy đến một trăm ngàn (năm),[7]con lễ bái sáng chiều như là chư Thiên gần gũi với trái āsāvatī vậy.
513. Sự phục vụ không phải là không có kết quả và sự lễ bái là không phải là rỗng không. Dầu con đang trải qua (luân hồi) dài lâu thăm thẳm, cơ hội (về sự xuất hiện của đức Phật) đã không bỏ rơi con.
514. Trong khi xem xét các cõi, con không nhìn thấy sự tiếp nối tái sanh. Không còn nền tảng tái sanh, đã hoàn toàn giải thoát, được an tịnh, con đi đó đây.
515. Bạch đấng Đại Hùng, cũng giống như đóa hoa sen nở rộ nhờ tia nắng mặt trời, tương tợ y như thế con được thăng hoa nhờ vào hào quang của đức Phật.
516. Giống như trong việc sanh sản của loài hạc nâu, hạc nâu đực không bao giờ được biết đến, những con hạc nâu cái ấy luôn luôn được thụ thai trong khi những cơn mưa đang gào thét.
517. Những con hạc nâu cái ấy còn duy trì bào thai lâu dài đến chừng nào cơn mưa còn chưa đổ xuống. Khi cơn mưa đổ xuống, chúng được thoát khỏi gánh nặng.
518. Được gào thét bởi cơn mưa Giáo Pháp của đức Phật Padumuttara, con đã kết tụ bào thai Giáo Pháp nhờ vào âm thanh của cơn mưa Giáo Pháp.
519. Con mang theo bào thai phước báu đến một trăm ngàn (kiếp),[8]con không được thoát khỏi gánh nặng (luân hồi) khi cơn mưa Giáo Pháp chưa gào thét.
520. Bạch đấng Hiền Trí của dòng họ Sakya, khi nào Ngài gào thét với cơn mưa Giáo Pháp ở thành Kapilavatthu đáng yêu thì con được giải thoát khỏi gánh nặng (luân hồi).
521. Con đã nhận thức về không tánh, về vô tướng, và cũng như thế về vô nguyện, về bốn Quả vị và tất cả các pháp.
(Tụng phẩm thứ nhì).
522. Con ước nguyện về Giáo Pháp của Ngài đã là vô lượng (kiếp). (Giờ) con đã đạt đến mục đích ấy và vị thế an tịnh vô thượng (Niết Bàn).
523. Cũng giống như vị ẩn sĩ (tỳ khưu) là bậc trì tụng, con đã đạt đến sự toàn hảo về Luật, không có vị nào sánh bằng với con, con duy trì Giáo Pháp.
524. Về Luật (Tỳ Khưu và Tỳ Khưu Ni), luôn cả Luật Hợp Phần (Đại Phẩm và Tiểu Phẩm), theo cách chia làm ba phần và phần thứ năm, ở đây con không có điều gì nghi ngờ về mẫu tự hay từ ngữ.
525. Con được rành rẽ về việc khiển trách tội, về việc sửa chữa tội, về sự thành lập hay không thành lập tội, về việc phục hồi (phẩm vị), về việc làm cho hết tội, con đã đạt đến sự toàn hảo về mọi lãnh vực.
526. Sau khi lấy ra một điều học ở Luật (Phân Tích) thậm chí ở Luật Hợp Phần, con có thế gỡ rối về cả hai bộ Luật và giải thích điều cốt lõi.
527. Con vô cùng thiện xảo về ngôn từ và rành rẽ về điều lợi ích hoặc không lợi ích. Không có điều (Luật) gì là con không biết đến, con là vị có sự chăm chú về Giáo Pháp của bậc Đạo Sư.
528. Giờ đây trong thời điểm hiện tại, con xua đi tất cả mọi điều ngờ vực về Giáo Pháp của người con trai dòng Sakya, con cắt đứt tất cả các điều nghi hoặc.
529. Con rành rẽ về câu cú, luôn cả phần phụ thuộc của câu cú, về mẫu tự, luôn cả từ ngữ, về nhập đề, về kết thúc, về tất cả các lãnh vực này.
530. Cũng giống như vị vua hùng mạnh có thể khống chế và gây khó khăn cho kẻ địch, sau khi toàn thắng cuộc chiến thì có thể kiến thiết thành phố ở tại nơi ấy.
531. (Đức vua) có thể cho xây dựng tường thành, luôn cả hào rãnh, trạm gác, cổng thành, và nhiều vọng canh đủ các loại ở thành phố.
532. Ở tại nơi ấy, (đức vua) có thể cho xây dựng ngã tư đường, bùng binh, khu phố chợ khéo được phân bố, và phòng hội họp để quyết định điều hay lẽ thiệt.
533. Đức vua bổ nhiệm vị tướng lãnh quân đội với nhiệm vụ tiêu diệt những kẻ nghịch, để biết được thế yếu và thế mạnh nhằm bảo toàn binh lực.
534. Nhằm mục đích bảo quản phẩm vật, đức vua bổ nhiệm người nam thiện xảo trong việc cất giữ làm người thủ khố: “Chớ làm thất thoát phẩm vật của Trẫm.”
535. Người nào tận tụy đối với đức vua và mong muốn ngài có được sự tiến triển, đức vua ban cho người ấy quyền phân xử để được trở thành cận thần của ngài.
536. Đức vua phong cho vị giảng huấn thông thạo về chú thuật, rành rẽ về các điềm báo hiệu và các hiện tượng đã được sanh khởi vào địa vị quân sư.
537. (Đức vua) hội đủ những yếu tố này được gọi là ‘Sát-đế-lỵ.’ (Quần thần) luôn bảo vệ đức vua tợ như con ngỗng đỏ luôn hộ trì kẻ bị khổ đau.
538. Bạch đấng Đại Hùng, tương tợ như thế ấy, Ngài được gọi là “Pháp Vương” của thế gian luôn cả chư Thiên, tợ như vị Sát-đế-lỵ có kẻ thù đã bị đánh bại.
539. Sau khi đánh bại các ngoại đạo và luôn cả Ma Vương cùng với đội quân binh, sau khi hủy diệt sự tăm tối ấy, Ngài đã xây dựng thành phố Giáo Pháp.
540. Bạch đấng Trí Tuệ, tại nơi ấy giới là tường thành, trí của Ngài là cổng thành, tín của Ngài là trạm gác, và sự thu thúc là người canh gác cổng.
541. Bạch đấng Hiền Trí, sự thiết lập niệm là vọng canh, tuệ của Ngài là bùng binh, và nền tảng của thần thông là ngã tư đường; con đường Giáo Pháp đã khéo được xây dựng.
542. Toàn bộ Kinh, Vi Diệu Pháp, và luôn cả Luật là lời dạy của đức Phật gồm có chín thể loại; đây là phòng hội về Giáo Pháp của Ngài.
543. Sự an trú không tánh, sự an trú vô tướng, và sự an trú vô nguyện, (bốn Quả vị Sa-môn) không bị lay chuyển, và sự tịch diệt (Niết Bàn); đây là căn nhà Giáo Pháp của Ngài.
544. Vị có tên Sāriputta đã được chọn lựa là vị đứng đầu về tuệ, được rành rẽ về biện tài, là vị Tướng Quân Chánh Pháp của Ngài.
545. Bạch đấng Hiền Trí, vị tên Kolita được thiện xảo về sanh tử (thông), đã đạt đến sự toàn hảo về thần thông là viên quan tế tự của Ngài.
546. Bạch đấng Hiền Trí, vị duy trì truyền thống cổ xưa (Mahākassapa), có oai lực nổi bật, khó mà tiếp cận, đứng đầu về đức hạnh trong việc giáo giới các pháp giũ bỏ, là viên quan phán xử của Ngài.
547. Bạch đấng Hiền Trí, vị tên Ānanda nghe nhiều (học rộng), nắm giữ Giáo Pháp, có sự trì tụng toàn bộ về lời chỉ dạy, là vị bảo vệ Giáo Pháp của Ngài.
548. Sau khi điểm qua tất cả các vị này, đức Thế Tôn đã cân nhắc đến tôi và đã ban cho tôi việc phân xử về Luật đã được bậc Thức Tri thuyết giảng.
549. Bất cứ vị Thinh Văn nào của đức Phật hỏi câu hỏi về Luật, tôi không cần có sự suy nghĩ về câu hỏi ấy, tôi giảng giải đúng ngay ý nghĩa câu hỏi ấy
550. Cho đến địa phận của chư Phật ngoại trừ bậc Đại Hiền Trí ấy, không ai sánh bằng tôi về Luật, làm sao sẽ có vị hơn được?
551. Sau khi ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu, đức Gotama khẳng định như vầy: “Không có vị nào sánh bằng Upāli về Luật (Phân Tích) và các bộ Hợp Phần.”
552. Cho đến Giáo Pháp của bậc Đạo Sư có chín thể loại đã được đức Phật nói ra, đối với người nhận thức được ‘Luật là nền tảng’ thì tất cả (Giáo Pháp) đều được bao gồm trong Luật.
553. Sau khi nhớ lại việc làm của tôi, đức Gotama bậc Cao Quý dòng Sakya đã ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu và đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng.
554. Tôi đã ước nguyện về vị thế ấy từ trăm ngàn (kiếp), tôi đã đạt đến mục đích ấy, đã đạt đến sự toàn hảo về Luật.
555. Trước đây tôi đã là người thợ cạo râu tóc đem lại niềm vui cho các vị dòng Sakya. Sau khi lìa bỏ sự xuất thân ấy, tôi đã trở thành người con trai của bậc Đại Ẩn Sĩ.
556. Trước đây hai kiếp, vị hộ trì trái đất là vị Sát-đế-lỵ tên Añjasa có oai lực vô biên, có danh vọng vô lượng, có tài sản lớn lao.
557. Là người con trai của vị vua ấy, tôi là vị Sát-đế-lỵ tên Candana. Tôi đã ỷ lại vào sự kiêu hãnh về dòng dõi và sự kiêu hãnh về danh vọng và của cải.
558. Một trăm ngàn con long tượng mātaṅga (đến tuổi) bị tiết dục ở ba nơi, được tô điểm với tất cả các loại trang sức, luôn luôn hộ tống tôi.
559. Khi ấy, được tháp tùng bởi các binh lính của mình, là người có ý thích đi đạo khu vườn, tôi đã cỡi lên con voi Sirika và đã rời khỏi thành phố.
560. Đức Phật tên Devala[9]đầy đủ tánh hạnh, có các căn được phòng hộ, khéo thu thúc đã đi đến phía trước tôi.
561. Khi ấy, tôi đã thúc con voi Sirika và đã công kích đức Phật. Do đó, con voi ấy đã nổi cơn giận dữ và không chịu nhấc bàn chân lên.
562. Sau khi nhìn thấy con voi có tâm ý bất bình, tôi đã thể hiện sự giận dữ đối với đức Phật. Sau khi gây khó khăn cho đức Phật, tôi đã đi đến khu vườn.
563. Tôi không tìm thấy sự thoải mái ở tại nơi ấy giống như cái đầu đã bị bốc cháy, tôi bị thiêu đốt vì sự bực bội tợ như con cá bị vướng vào lưỡi câu.
564. Việc xảy ra cho tôi tợ như trái đất bị rực cháy đến tận bờ biển, tôi đã đi đến gặp người cha và đã nói lời nói này:
565. “Việc con đã công kích đấng Tự Chủ tợ như con rắn độc bị nổi giận, tợ như khối lửa đã tiến đến, tợ như con voi có sự huấn luyện bị động cỡn.
566. Đức Phật, đấng Chiến Thắng có khổ hạnh nổi bật khủng khiếp, đã bị con công kích. Trước khi tất cả chúng ta bị tiêu diệt, chúng ta hãy xin bậc Hiền Trí ấy thứ lỗi.
567. Ngài là vị có bản thân đã được rèn luyện được định tĩnh, nếu chúng ta không được vị ấy tha thứ thì xứ sở của con sẽ bị tiêu hoại trong vòng bảy ngày.
568. (Các vị vua) Sumekhala, Kosiya, Siggava, và luôn cả Sattuko sau khi công kích các vị ẩn sĩ, họ cùng với cư dân của xứ sở đã lâm cảnh khổ đau.
569. Khi các vị ẩn sĩ đã tự chế ngự, có sự thực hành Phạm hạnh, nổi cơn bực tức, các vị làm cho thế gian cùng với biển cả và núi non luôn cả chư Thiên bị hủy hoại.”
570. Tôi đã triệu tập các nam nhân trong phạm vi ba ngàn do-tuần, và tôi đã đi đến gặp đấng Tự Chủ với ý định sám hối tội lỗi.
571. Hết thảy tất cả có y phục ướt đẫm, có đầu tóc ướt đẫm đã chắp tay lên. Sau khi quỳ xuống ở bàn chân của đức Phật, bọn họ đã nói lời nói này:
572. “Bạch đấng Đại Hùng, dân chúng cầu xin Ngài, xin Ngài hãy tha thứ, xin Ngài hãy xua đi nỗi bực bội, xin Ngài chớ hủy hoại xứ sở của chúng tôi.”
573. “Xin tất cả loài người và chư Thiên cùng với hạng người khổng lồ và các quỷ dữ hãy đập bể đầu của con bằng cái chày vồ làm bằng sắt vào mọi lúc.”
574. (Vị Phật đáp): “Ngọn lửa không tồn tại ở nước, hạt giống không mọc lên ở tảng đá, sâu bọ không tồn tại ở thuốc men, sự giận dữ không nảy sanh ở đức Phật.
575. Cũng giống như trái đất thì không lay chuyển, biển cả thì không thể đo lường, và không gian thì vô tận, tương tợ như vậy chư Phật là không giao động.
576. Các đấng Đại Hùng luôn nhẫn nại, các đạo sĩ khổ hạnh luôn thứ tha. Đối với các vị đã nhẫn nại đã thứ tha, việc đi đến sự bực bội là không có.”
577. Nói xong điều này, trong khi xua đi sự bực bội, đức Phật khi ấy đã bay lên không trung ở phía trước đám đông dân chúng.
578. Bạch đấng trí tuệ, do nghiệp ấy con đã đi đến bản thể thấp kém. Sau khi tự vượt lên trên số phận ấy, con đã đi vào thành phố không hãi sợ (Niết Bàn).
579. Bạch đấng Đại Hùng, cũng vào khi ấy con đã cầu xin đấng Tự Chủ thứ lỗi và vị ấy đã xua đi sự bực bội đang thiêu đốt con, đang tồn tại vững chắc ở con.
570. Bạch đấng Đại Hùng, hôm nay cũng vậy trong khi con đang bị thiêu đốt bởi ba ngọn lửa, Ngài đã dập tắt ba ngọn lửa và giúp con đạt đến trạng thái mát mẻ.
571. Nếu các người có sự chú ý vào việc nghe thì hãy lắng nghe khi tôi đang nói. Tôi sẽ giảng giải ý nghĩa cho các người về việc tôi đã thấy được vị thế (Niết Bàn) như thế nào.
572. Sau khi đã khinh miệt đấng Tự Chủ là vị có tâm an tịnh, định tĩnh ấy, do nghiệp ấy ngày hôm nay tôi đã bị sanh ra vào dòng dõi thấp kém.
573. Các người chớ để cơ hội trôi qua bởi vì khi cơ hội đã trôi qua các người sẽ sầu muộn. Các người hãy nên tinh tấn cho lợi ích của chính mình, cơ hội sẽ xảy đến cho các người.
574. Và (Giáo Pháp) đối với một số người là sự ói mửa, đối với một số người là sự tháo dạ, đối với số người là chất độc chết người và đối với một số người là phương thuốc.
575. Là sự ói mửa đối với những người đang thực hành, là sự xổ ruột đối với những người tiến đến Quả vị, là phương thuốc đối với những người có sự thành tựu Quả vị, là Phước Điền đối với những người tầm cầu.
576. Chất độc chết người (tác hại) đối với những kẻ thù nghịch Giáo Pháp như thế nào, thì con rắn độc có nọc độc tà kiến thiêu đốt người đàn ông ấy như vậy.
587. Được uống một lần, chất độc chết người chấm dứt mạng sống. Còn người khi đã thù nghịch với Giáo Pháp thì bị thiêu đốt một koṭi (mười triệu) kiếp.
588. Do sự nhẫn nại, do sự không hãm hại, và do sự hành trì tâm từ ái, đức Phật giúp thế gian luôn cả chư Thiên vượt qua; vì thế các người không nên thù nghịch.
589. Chư Phật tương đương với trái đất, các Ngài không bị vướng bận vào các sự được lợi hay mất lợi, vào sự kính trọng hay không kính trọng; vì thế các người không nên thù nghịch.
590. Trong trường hợp kẻ phá hoại Devadatta, kẻ cướp Aṅgulimāla, con voi Dhanapāla, và (người con trai) Rāhula, bậc Hiền Trí là bình đẳng đối với tất cả.
591. Các vị này không có sự bất bình, các vị này không biết đến sự luyến ái. Đức Phật là bình đẳng đối với tất cả, đối với kẻ phá hoại cũng như đối với người con ruột.
592. Sau khi nhìn thấy ở trên đường tấm y ca-sa bị quăng bỏ lấm lem bởi phân bò, nên chắp tay ở trên đầu đảnh lễ biểu tượng của bậc Ẩn Sĩ.
593. Chư Phật quá khứ, hiện tại, và vị lai được thanh tịnh nhờ vào biểu tượng này, vì thế những vị này đáng được lễ bái.
594. Luật tốt đẹp được xem như là bậc Đạo Sư, tôi duy trì Luật bằng trái tim. Trong khi tôn kính đối với Luật, tôi sẽ luôn luôn an trú.
595. Luật là khuynh hướng của tôi, Luật là chỗ đứng và là đường kinh hành (của tôi), tôi sắp xếp sự cư ngụ ở trong Luật, Luật là hành xứ của tôi.
596. Tôi đã đạt đến sự toàn hảo về Luật và cũng rành rẽ các pháp dàn xếp (về tranh tụng). Bạch đấng Đại Hùng, Upāli đảnh lễ ở bàn chân của Ngài là bậc Đạo Sư.
597. Trong khi lễ bái bậc Toàn Giác và bản chất tốt đẹp của Giáo Pháp, tôi đây sẽ du hành từ làng này đến làng khác, từ thành phố này đến thành phố khác.
598. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, giờ đây không còn tái sanh nữa.
599. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
600. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Upāli đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Upāli là phần thứ sáu.
--ooOoo--
601. (Đây là) lần đầu tiên tôi đã nhìn thấy đấng Toàn Giác Padumuttara, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Hướng Đạo, vị đã đạt đến nền tảng của bậc Giác Ngộ.
602. Cho đến tất cả Dạ-xoa đã tụ hội lại ở cội cây Bồ Đề. Họ vây quanh và chắp tay lên đảnh lễ bậc Toàn Giác.
603. Với tâm ý hớn hở, tất cả chư Thiên ấy di chuyển đó đây ở trên không trung (nói rằng): “Đức Phật này đã ngự đến xua tan bóng đêm tăm tối.”
604. Được tràn ngập niềm vui, các vị ấy đã phát lên tiếng vang lớn rằng: “Chúng ta sẽ thiêu đốt các phiền não ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.”
605. Nhận biết giọng nói được thốt thành lời của chư Thiên, tôi đã trở nên mừng rỡ. Với tâm mừng rỡ tôi đã dâng cúng bữa ăn đầu tiên (đến đức Phật).
606. Sau khi biết được ý định của tôi, bậc Đạo Sư đấng Vô Thượng ở thế gian đã ngồi xuống ở hội chúng chư Thiên và đã nói lên những lời kệ này:
607. “Sau khi ra đi bảy ngày, Ta đã chứng đắc phẩm vị Giác Ngộ. Đây là bữa ăn đầu tiên của Ta, là vật nuôi dưỡng cơ thể đối với việc hành Phạm hạnh.
608. Bởi vì người nào từ cõi trời Đẩu Suất đi đến nơi đây và đã dâng lên thức ăn cho Ta, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
609. Người ấy sẽ cai quản Thiên quốc ba mươi ngàn kiếp. Sau khi vượt trội tất cả chư Thiên, người ấy sẽ cư ngụ ở cõi trời.
610. Sau khi mệnh chung từ thế giới chư Thiên, người ấy sẽ đi đến bản thể nhân loại, là đấng Chuyển Luân Vương cai quản quốc độ ở tại nơi ấy một ngàn lần.
611. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
612. Sau khi mệnh chung từ cõi trời, người ấy sẽ đi đến bản thể nhân loại. Sau khi lìa gia đình xuất gia, người ấy sẽ sống sáu năm (khổ hạnh).
613. Sau đó, vào năm thứ bảy đức Phật sẽ thuyết giảng Chân Lý. Vị tên là Koṇḍañña sẽ chứng ngộ đầu tiên.”
614. Tôi đã xuất gia theo (đức Bồ Tát) vị đã lìa khỏi (gia đình). Sự tinh tấn đã được tôi thể hiện tốt đẹp. Nhằm mục đích thiêu đốt các phiền não tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
615. Đấng Toàn Tri, đức Phật ở thế gian luôn cả chư Thiên, đã ngự đến Isināma tại Vườn Nai, và đã vỗ lên tiếng trống Bất Tử.
616. Bây giờ, tôi đây đã đạt đến vị thế Bất Tử, thanh tịnh, vô thượng. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
617 - 619. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Aññākoṇḍaññađã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Aññākoṇḍañña là phần thứ bảy.
--ooOoo--
620. Lúc bấy giờ, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Tự Chủ, nhân vật cao cả đã cư ngụ tại Cittakūṭa (đỉnh núi Citta) ở phía trước núi Hi-mã-lạp.
621. Ở tại nơi ấy, tôi đã là (con sư tử) vua của loài thú có dáng vóc dũng mãnh đi khắp bốn phương. Nhiều người hoảng hốt sau khi nghe tiếng rống của nó.
622. Sau khi cầm lấy đóa sen khéo được nở rộ, tôi đã đi đến gần đấng Nhân Ngưu và đã dâng đến đức Phật (khi Ngài) đã xuất khỏi định.
623. Sau khi lễ bái đức Phật tối thượng, bậc Tối Thượng Nhân từ bốn hướng, tôi đã làm cho tâm của mình được tịnh tín rồi đã rống lên tiếng rống của loài sư tử.
624. Bậc Thông Suốt Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đã ngồi xuống ở chỗ ngồi của mình và đã nói lên những lời kệ này:
625. Nhận biết giọng nói của đức Phật, tất cả chư Thiên đã tụ hội lại (nói rằng): “Vị đứng đầu trong số các bậc thuyết giảng đã đi đến, chúng ta sẽ lắng nghe Giáo Pháp của Ngài.”
626. Đấng Lãnh Đạo Thế Gian, bậc Đại Hiền Trí có sự nhìn thấy tương lai xa vời, đã tán dương đức tin của tôi ở phía trước chư Thiên đang được tràn ngập niềm vui ấy rằng:
627. “Người nào đã dâng cúng đóa hoa sen này và đã rống lên tiếng rống của loài sư tử, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
628. Vào kiếp thứ tám về sau này, người này sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, là chúa tể của bốn châu lục.
629. (Người này) sẽ là đấng Chuyển Luân Vương có sức mạnh vĩ đại tên Paduma cai quản lãnh địa ở trên trái đất sáu mươi bốn lần.
630. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
631. Khi Phật Ngôn được công bố, (người này) sẽ là thân quyến của Phạm Thiên (dòng dõi Bà-la-môn). (Người này) sẽ lìa khỏi phẩm vị Bà-la-môn và sẽ xuất gia ngay khi ấy.
632. Có tính khẳng quyết về sự nỗ lực, được an tịnh, không còn mầm mống tái sanh, (người này) sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, sẽ Niết Bàn, không còn lậu hoặc.
633. Tại chỗ ngụ hẻo lánh ở trong rừng đầy dẫy ác thú, (vị ấy) sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, sẽ Niết Bàn, không còn lậu hoặc.”
634 - 636. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Piṇḍolabhāradvāja đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Piṇḍolabhāradvāja là phần thứ tám.
--ooOoo--
637. Sông Gaṅgā có tên là Bhāgīrathī, được phát xuất từ núi Hi-mã-lạp. Tôi đã là người chèo thuyền ở bến tàu hiểm trở, và ở bờ này tôi chèo qua (bờ kia).
638. Tôi đã được nghe trước rằng đấng Lãnh Đạo Padumuttara sẽ vượt qua dòng sông cùng với một trăm ngàn vị có năng lực.
639. Sau khi gom lại nhiều chiếc thuyền, tôi đã thực hiện mái che được chuẩn bị khéo léo bởi những người thợ mộc ở trên (một) chiếc thuyền, rồi đã chờ đợi đấng Nhân Ngưu.
640. Và đấng Toàn Giác đã ngự đến và đã bước lên chiếc thuyền ấy. Đứng ở giữa (dòng) nước, bậc Đạo Sư đã nói lên những lời kệ này:
641. “Người nào đã đưa bậc Toàn Giác và Hội Chúng Vô Lậu sang bờ kia, do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, (người này) sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên.
642. Sẽ có cung điện hình dạng chiếc thuyền được kiến tạo khéo léo sanh lên cho ngươi. Sẽ có mái che bằng bông hoa được duy trì ở trên không vào mọi lúc.
643. Năm mươi tám kiếp về sau, (người này) sẽ là vị Sát-đế-lỵ tên Tāraka, là đấng Chuyển Luân Vương có sự chinh phục bốn phương.
644. Năm mươi bảy kiếp về sau, (người này) sẽ là vị Sát-đế-lỵ tên Campaka có sức mạnh lớn lao và sẽ rực sáng như mặt trời đang mọc.
645. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
646. Sau khi mệnh chung từ cõi trời, người ấy sẽ đi đến bản thể nhân loại và sẽ trở thành thân quyến của Phạm Thiên (dòng dõi Bà-la-môn) với tên là Revata.
647. Được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, (người này) sau khi lìa khỏi gia đình sẽ xuất gia trong Giáo Pháp của đức Thế Tôn Gotama.
648. Sau khi xuất gia, vị ấy sau này sẽ là vị hành Minh Sát có sự gắn bó mật thiết, sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, sẽ Niết Bàn, không còn lậu hoặc.”
649. Tôi có sự tinh tấn, có khả năng tiến hành các phận sự là điều kiện đưa đến sự an ổn khỏi các điều ràng buộc. Tôi duy trì thân mạng cuối cùng ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.
650. Việc làm đã được thực hiện ở một trăm ngàn kiếp đã cho tôi nhìn thấy quả báu tại đây. Như là tốc độ của mũi tên khéo được bắn ra, tôi đã thiêu đốt các phiền não của tôi.
651. Sau đó, khi nhìn thấy tôi được vui thích ở rừng, bậc Hiền Trí, người đã đi đến tận cùng thế gian, đấng Đại Trí đã tuyên bố tôi là vị đứng đầu trong số các vị tỳ khưu cư ngụ ở rừng.
652. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Khadiravaniya Revata đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Khadiravaniya Revata là phần thứ chín.
--ooOoo--
653. Sau khi đi ra khỏi cổng tu viện, bậc Đại Hiền Trí Padumuttara trong lúc đổ mưa cơn mưa Bất Tử đã giúp cho đám đông dân chúng đạt đến Niết Bàn.
654. Một trăm ngàn vị anh hùng ấy có sáu thắng trí, có đại thần lực, tháp tùng bậc Toàn Giác tợ như bóng không có sự xa lìa (hình).
655. Tôi đã ngồi trên mình voi (nắm giữ) chiếc lọng trắng cao quý tối thượng. Sau khi nhìn thấy hình dáng vô cùng lịch sự, tôi đã có niềm hạnh phúc sanh khởi.
656. Leo xuống từ mình voi, tôi đã đi đến gần bậc Nhân Ngưu. Tôi đã cầm lấy chiếc lọng làm bằng châu báu của tôi che cho đức Phật Tối Thượng.
657. Sau khi biết được ý định của tôi, bậc Đại Ần Sĩ Padumuttara đã ngưng lại cuộc thuyết giảng ấy và đã nói lên những lời kệ này:
658. “Người nào đã nắm giữ chiếc lọng được tô điểm các vật trang sức bằng vàng, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
659. Từ nơi này ra đi, người nam này sẽ cư ngụ ở cõi trời Đẩu Suất và sẽ thọ hưởng sự thành đạt, được các tiên nữ trọng vọng.
660. (Người này) sẽ cai quản Thiên quốc ba mươi bốn lần, sẽ là vị thống lãnh quân đội cư ngụ ở trái đất trong một trăm lẻ tám kiếp sống.
661. (Người này) sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương năm mươi tám lần và sẽ cai quản lãnh thổ vương quốc rộng bao la ở trên trái đất.
662. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
663. Có tên là Ānanda (người này) sẽ là thân bằng quyến thuộc, sẽ trở thành người thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ là biểu tượng của gia tộc dòng Sakya.
664. (Người này) sẽ có sự nhiệt tâm, và cẩn trọng nữa, được rành rẽ về nhiều chân lý, có hành vi khiêm nhường, không nhẫn tâm, có sự trì tụng toàn bộ.
665. Có tính khẳng quyết về sự nỗ lực, được an tịnh, không còn mầm mống tái sanh, (người này) sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, sẽ Niết Bàn, không còn lậu hoặc.”
666. Các con voi sống ở rừng là loài voi mātaṅga (đến tuổi) bị tiết dục ở ba nơi, được sáu mươi tuổi, có các ngà như cán cày, là phương tiện di chuyển của đức vua.
667. Hàng trăm ngàn vị ấy cũng là các bậc trí tuệ và có đại thần lực, tất cả các vị ấy là không sánh bằng đối với đức Phật đấng Tượng Vương.
668. Tôi lễ bái vào canh đầu, vào canh giữa, và vào canh cuối. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã phục vụ đức Phật Tối Thượng.
669. Tôi có sự nhiệt tâm, và cẩn trọng nữa, có sự nhận biết mình, có niệm (đầy đủ), đã đạt đến Quả vị Nhập Lưu, và rành rẽ về các nền tảng của bậc Hữu Học.
670. Việc tôi đã khẳng định về hành động ở một trăm ngàn kiếp trước đây, tôi đã thành tựu nền tảng ấy, tôi đã được tồn tại, được bất động ở Chánh Pháp.
671. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
672. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
673. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ānanda đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ānanda là phần thứ mười.
--ooOoo--
Phật (Toàn Giác), Phật Độc Giác, vị Sāriputta, vị Koḷita, vị Kassapa, vị Anuruddha, vị trưởng lão Puṇṇa, vị Upāli, vị Aññāsikoṇḍañña, vị Piṇḍola, vị Revata, và bậc trí tuệ Ānanda; toàn bộ sáu trăm năm mươi câu kệ đã được gộp chung lại.
Phẩm Đức Phật là phẩm thứ nhất.
--ooOoo--
[1] orasoti urasi jāto= oraso nghĩa là được sanh ra từ ngực (ApA. 278). Lúc thuyết Pháp, sự phát âm ở ngực đã được đức Phật sử dụng đến. Do việc lắng nghe Giáo Pháp, các vị này sẽ thành tựu các Đạo Quả nên được gọi là ‘sanh ra từ ngực.’
[2]Hằng hà sa số, nhiều như cát sông Hằng.
[3] Nghĩa là đã sanh ra ở gia tộc Bà-la-môn (ApA. 230).
[4] Xem thêm chi tiết về sự kiện này ở Luật Đại Phẩm (Chương I, tụng phẩm 4).
[5] Hattha là đơn vị đo chiều dài bằng một cánh tay, khoảng nửa mét (ND).
[6] Kiếp Bhadda là kiếp có năm vị Phật Toàn Giác xuất hiện.
[7] satasahassasaṃvaccharaṃ (Apa. 281). saṃvaccharaṃ có ý nghĩa là ‘năm.’
[8] kappasatasahassaṃ (Sđd. 282), kappa có ý nghĩa là ‘kiếp.’
[9] Mặc dầu văn bản ghi là sambuddho nghĩa là Phật Toàn Giác, nhưng Chú Giải giải thích đây là paccekasambudddho Phật Độc Giác (ApA. 288).
674. (Vào lúc ấy) đấng Bảo Hộ Thế Gian, bậc Tối Thượng Nhân Siddhattha đã Niết Bàn, Phật Ngôn đã được lan rộng, Giáo Pháp đã được nhiều người hiểu biết.
675. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã thực hiện bảo tọa sư tử. Sau khi làm xong bảo tọa sư tử, tôi đã thực hiện ghế kê chân.
676. Và khi trời mưa ở bảo tọa sư tử, tôi đã xây dựng ngôi nhà ở tại nơi ấy. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, tôi đã được sanh lên cõi trời Đẩu Suất.
677. Ngay lập tức đã có cung điện được kiến tạo khéo léo dành cho tôi dài hai mươi bốn do-tuần, rộng mười bốn do-tuần.
678. Có một trăm ngàn thiếu nữ luôn luôn vây quanh tôi. Và có chiếc ghế bành làm bằng vàng đã khéo được hóa hiện ra ở tòa lâu đài.
679. Phương tiện di chuyển bằng voi, phương tiện di chuyển bằng ngựa, phương tiện di chuyển của cõi trời được sẵn sàng. Các tòa lâu đài và luôn cả các kiệu khiêng đều dược sanh lên theo như ước muốn.
680. Có các chiếc ghế bành làm bằng ngọc ma-ni và nhiều chiếc khác làm bằng lõi gỗ, tất cả đều được sanh lên cho tôi; điều này là quả báu của bảo tọa sư tử.
681. Tôi bước lên những đôi giày làm bằng vàng, làm bằng bạc, làm bằng pha-lê và ngọc bích; điều này là quả báu của chiếc ghế kê chân.
682. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
683. Trước đây bảy mươi ba kiếp, đã có ba lần làm đấng Chuyển Luân Vương[1]tên Inda. Trước đây bảy mươi hai kiếp, đã có ba lần làm đấng Chuyển Luân Vương tên Sumana.
684. Trước đây đúng bảy mươi kiếp, đã có ba lần làm đấng Chuyển Luân Vương tên Varuṇa, được thành tựu bảy loại báu vật, là chúa tể ở bốn châu lục.
685. Bốn (tuệ) phân tích, ―(nt)― đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sīhāsanadāyaka[2]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sīhāsanadāyaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
686. Đức Thế Tôn Siddhattha đã có hội chúng cư sĩ đông đảo. Những người ấy đã đi đến nương nhờ vào đức Phật, họ đặt niềm tin vào đức Như Lai.
687. Tất cả đã tụ hội lại, bàn bạc, rồi xây dựng hội trường dành cho bậc Đạo Sư. Không có được một cây cột trụ, họ tìm kiếm ở khu rừng bạt ngàn.
688. Khi ấy, tôi đã nhìn thấy bọn họ ở trong rừng và đã đi đến gần đám đông. Sau khi chắp tay lên, tôi đã hỏi đám đông.
689. Được tôi hỏi, những người cư sĩ có giới hạnh ấy đã trả lời rằng: “Chúng tôi có ý định xây dựng hội trường nhưng không có được một cây cột trụ.”
690. “Xin các vị hãy giao cho tôi, tôi sẽ dâng đến bậc Đạo Sư một cây cột trụ. Tôi sẽ mang cây cột trụ đến, các vị không phải bận tâm.”
691. Họ đã xem xét cây cột trụ của tôi, và đã được tin tưởng với tâm ý hớn hở. Sau đó, họ đã quay trở lại và đã đi về nhà của mình.
692. Khi ấy, lúc đám đông cư sĩ ra đi không lâu, tôi đã dâng cúng cây cột trụ. Tôi đã trở nên mừng rỡ, với tâm mừng rỡ tôi đã dựng đứng cây cột trụ trước tiên.
693. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, tôi đã được sanh lên cõi trời. Có cung điện cao ráo dành cho tôi, được vươn cao một trăm tầng lầu.
694. Khi ấy, tôi luôn luôn được người hầu hạ trong lúc những chiếc trống lớn được vỗ vang. (Trước đây) năm mươi lăm kiếp, tôi đã là đức vua Yasodhara.
695. Ở tại nơi ấy, dành cho tôi cũng có cung điện được vươn cao một trăm tầng lầu, được kề cận nhà mái nhọn cao quý, và có một cây cột trụ thích ý.
696. (Trước đây) hai mươi mốt kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Udena. Ở tại nơi ấy, cũng có cung điện được vươn cao một trăm tầng lầu dành cho tôi.
697. Nơi chốn nào tôi đi tái sanh dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, tôi đều thọ hưởng mọi sự an lạc; điều này là quả báu của một cây cột trụ.
698. Kể từ khi tôi đã dâng cúng cây cột trụ trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của một cây cột trụ.
699. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekatthambhika[3]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekatthambhika là phần thứ nhì.
--ooOoo--
700. Tấm vải sợi lanh đã được tôi dâng cúng đến đức Thế Tôn Padumuttara, đấng Tự Chủ, bậc Đại Ẩn Sĩ, đấng Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy.
701. Đức Phật tên Padumuttara đã chú nguyện đến tôi đây rằng: “Với sự dâng cúng tấm vải này, ngươi sẽ có được màu da vàng chói.
702. Được thúc đẩy bởi các nhân tố trong sạch, sau khi thọ hưởng hai sự thành tựu (trời và người), ngươi sẽ trở thành người em trai của đức Thế Tôn Gotama.
703. Là người say mê ái dục, thiên về khoái lạc, bám víu vào sự tham đắm trong các dục, khi ấy bị thúc đẩy bởi đức Phật, ngươi sẽ xuất gia.
704. Được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, sau khi xuất gia ở tại nơi ấy, ngươi sẽ biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, và sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
705. (Trước đây) một trăm ngàn kiếp đã có bốn vị (Chuyển Luân Vương) tên là Cela. (Trước đây) sáu mươi ngàn kiếp đã có bốn vị (là Chuyển Luân Vương) tên là Upacela.
706. (Trước đây) năm mươi ngàn kiếp đã có bốn vị (là Chuyển Luân Vương) tên cũng là Cela, được thành tựu bảy loại báu vật, là chúa tể ở bốn châu lục.
707. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Nanda[4]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Nanda là phần thứ ba.
--ooOoo--
708. Lúc bấy giờ, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đã tách lìa khỏi đám đông, và Ngài đã cư ngụ ở núi Hi-mã-lạp.
709. Khi ấy, tôi cũng sống ở khu ẩn cư tại núi Hi-mã-lạp. Khi đấng Anh Hùng ngự đến không bao lâu, tôi đã đi đến gặp đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
710. Tôi đã cầm lấy chiếc lọng che bằng bông hoa và đã đi đến gần đấng Nhân Ngưu. Trong lúc Ngài đang nhập định, tôi đã tạo ra sự khuấy rối.
711. Tôi đã nâng lên bằng hai bàn tay và đã dâng lên chiếc lọng che bằng bông hoa. Đức Thế Tôn, bậc Đại Hiền Trí Padumuttara đã thọ nhận.
712. Tất cả chư Thiên có tâm hoan hỷ, các vị ấy đi đến núi Hi-mã-lạp. Các vị đã thể hiện hành động tán thưởng (nói rằng): “Bậc Hữu Nhãn sẽ nói lời tùy hỷ.”
713. Nói xong điều này, chư Thiên ấy đã đi đến gần bậc Tối Thượng Nhân trong lúc Ngài đang ở trên không trung cầm lấy chiếc lọng bằng hoa sen hồng thượng hạng của tôi. (Đức Phật đã nói rằng):
714. “Vị đạo sĩ khổ hạnh đã nâng lên chiếc lọng có một trăm cánh sen và đã dâng cúng đến Ta, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
715. (Người ấy) sẽ cai quản Thiên quốc hai mươi lăm kiếp và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương ba mươi bốn lần.
716. (Người ấy) luân hồi đến chốn nào, là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, khi đang đứng ở bên ngoài trời thì sẽ có đóa hoa sen hồng che chở (cho vị ấy).
717. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
718. Khi Phật Ngôn được công bố, (người ấy) sẽ đạt được bản thể nhân loại và sẽ trở thành vị giỏi nhất về (biến hóa) thân được tạo ra bởi ý.
719. Sẽ có hai người anh em trai. Các hai đều có tên là Panthaka. Sau khi thọ hưởng mục đích tối thượng, cả hai sẽ làm sáng chói Giáo Pháp.”
720. Được mười tám tuổi, tôi đây đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Tôi không đạt được điều gì xuất sắc ở trong Giáo Pháp của người con trai dòng Sakya.
721. Bản chất của tôi đã là đần độn, trước đây tôi đã bị khi dễ. Và người anh trai đã xua đuổi tôi rằng: “Bây giờ ngươi hãy đi về nhà của mình đi.”
722. Trong khi bị xua đuổi ở tại cổng ra vào của tu viện dành cho Hội Chúng, với tâm ý rầu rĩ tôi đây đã đứng tại nơi ấy với niềm ao ước về bản thể Sa-môn.
723. Đức Thế Tôn đã đi đến nơi ấy. Ngài đã xoa đầu tôi. Sau khi nắm lấy cánh tay của tôi, Ngài đã dẫn tôi đi vào tu viện dành cho Hội Chúng.
724. Với lòng thương tưởng, bậc Đạo Sư đã đưa cho tôi miếng giẻ chùi chân (và nói rằng): “Ngươi hãy chú nguyện cho được trong sạch như vầy theo một hướng đã được xác định đúng đắn.”
725. Sau khi cầm lấy vật ấy bằng hai tay, tôi đã nhớ lại đóa sen hồng. Tại nơi ấy tâm của tôi đã được giải thoát, tôi đã đạt được phẩm vị A-la-hán.
726. Tôi đã đạt đến sự toàn hảo về mọi phương diện trong việc (biến hóa) các thân được tạo ra bởi ý.Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
727. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Cullapanthaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Cullapanthaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
728. Khi đấng Bảo Hộ Thế Gian nhân vật cao cả Sumedha đã Niết Bàn, với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã thể hiện sự cúng dường đến ngôi bảo tháp.
729. Và ở tại nơi ấy, các vị nào là bậc Lậu Tận, có sáu thắng trí, có đại thần lực, tôi đã triệu tập các vị ấy lại ở tại nơi ấy và đã thực hiện bữa trai phạn đến Hội Chúng.
730. Lúc bấy giờ, vị thị giả của đức Thế Tôn Sumedha tên là Sumodha đã có mặt. Khi ấy, vị ấy đã nói lời tùy hỷ.
731. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, tôi đã sanh về Thiên cung. Tám mươi sáu ngàn tiên nữ đã cùng tôi vui sướng.
732. Các nàng ấy luôn luôn phục tòng chỉ mình tôi bằng mọi thứ dục lạc, tôi vượt trội các vị Thiên nhân khác; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
733. Vào kiếp thứ hai mươi lăm, tôi đã là vị Sát-đế-lỵ tên Varuṇa. Khi ấy, tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương có vật thực vô cùng tinh khiết.
734. Dân chúng không gieo hạt giống, cũng không theo sau lưỡi cày, họ thọ dụng gạo sāli này không phải cày không phải nấu.
735. Sau khi trị vì vương quốc tại nơi ấy, tôi đã đi đến bản thể Thiên nhân lần nữa. Khi ấy, cũng giống như tôi họ đã được tái sanh, có sự đầy đủ về của cải.
736. Tất cả sanh linh, là bạn hay không phải là bạn, đều không hãm hại tôi. Thậm chí tôi được tất cả yêu quý; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
737. Kể từ khi tôi đã cúng dường vật thí trước đây ba mươi ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc thoa vật thơm (ở ngôi bảo tháp).
738. Ở vào kiếp Bhadda này, tôi đã là vị thống lãnh dân chúng độc nhất, là đấng Chuyển Luân Vương có đại oai lực, có sức mạnh lớn lao.
739. Tôi đây đã an trú nhiều người vào năm giới cấm và còn giúp cho họ đạt đến nhàn cảnh nữa, tôi đã được chư Thiên yêu quý.
740. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Piḷindivaccha đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Piḷindivaccha là phần thứ năm.
--ooOoo--
741. Tôi đã lắp đặt gương soi ở tòa lâu đài bảy tầng của đức Thế Tôn Padumuttara là bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy.
742. Được tùy tùng bởi một ngàn bậc Vô Lậu, bậc Đại Hiền Trí, đấng Chúa Tể của loài người, bậc Nhân Ngưu đã đi đến hương thất.
743. Trong lúc làm cho hương thất chiếu sáng, vị Trời của chư Thiên, đấng Nhân Ngưu, bậc Đạo Sư đứng ở Hội Chúng tỳ khưu đã nói lên những lời kệ này:
744. “Nhờ người nào chỗ ngụ này được chiếu sáng và gương soi đã khéo được lắp đặt, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
745. Có các tấm gương làm bằng vàng, làm bằng bạc, và làm bằng ngọc bích. Từ tấm gương sẽ hiện ra bất cứ những gì được yêu thích ở trong tâm.
746. Người ấy sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc sáu mươi bốn lần, và kế tiếp đó sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương một ngàn lần.
747. Vào kiếp thứ hai mươi mốt, (người ấy) sẽ là vị Sát-đế-lỵ tên Vimala, sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương là người chinh phục bốn phương.
748. Có thành phố tên Reṇuvatī được xây dựng bằng các viên gạch, được kiến trúc dạng hình vuông trải dài ba trăm do-tuần.
749. Có tòa lâu đài tên Sudassana được hóa hiện ra bởi vị Trời Vissakamma, có các nhà mái nhọn cao quý được điểm tô bằng bảy loại châu báu.
750. Được nhộn nhịp với mười loại âm thanh, được đông đảo các nhà pháp thuật, (thành phố này) sẽ là tương tợ như thành phố Sudassana của chư Thiên.
751. Ánh sáng của thành phố ấy phát ra ngay trong khi mặt trời đang mọc, và luôn luôn chiếu sáng thành phố ấy tám do-tuần ở xung quanh.
752. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
753. Được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, sau khi mệnh chung từ cõi trời Đẩu Suất, người ấy sẽ trở thành con trai của đức Thế Tôn Gotama.
754. Nếu sống tại gia, người ấy có thể trở thành đấng Chuyển Luân Vương. Việc con người như thế ấy đi đến sự vui sướng trong đời sống tại gia là không có cơ sở.
755. Sau khi lìa khỏi gia đình, người ấy sẽ xuất gia, có sự hành trì tốt đẹp, và sẽ trở thành vị A-la-hán với tên là Rāhula.”
756. Bạch đấng Đại Hiền Triết, giống như loài chim kikī bảo vệ trứng, giống như loài bò mộng bảo vệ cái đuôi, con là người cẩn trọng, được tròn đủ về giới, con đã hộ trì như vậy.
757. Sau khi hiểu được Giáo Pháp của Ngài, tôi đã sống vui sướng trong Giáo Pháp. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
758. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Rāhula đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Rāhula là phần thứ sáu.
--ooOoo--
759. Khi đức Thế Tôn Padumuttara, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu đã ngồi xuống ở sườn núi, tôi đã đi đến gần bậc Tối Thượng Nhân ấy.
760. Sau khi nhìn thấy bông hoa kaṇikāra đã được nở rộ, khi ấy tôi đã ngắt lìa ở cuống hoa. Sau khi tô điểm ở chiếc lọng che, tôi đã che ở phía bên trên của đức Phật.
761. Và tôi đã dâng lên vật thực gồm có cơm thượng hạng và thức ăn ngon. Tại nơi ấy, tôi đã chăm lo bữa ăn cho tám vị Sa-môn với đức Phật là vị thứ chín.
762. 763. Đấng Đại Hùng, bậc Tự Chủ, nhân vật cao cả đã nói lời tùy hỷ rằng: “Do sự dâng cúng chiếc lọng che này và sự hiến tặng món cơm thượng hạng, do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, (người này) sẽ thọ hưởng sự thành công. (Người này) sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc ba mươi sáu lần.
764. Và (người này) sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương hai mươi mốt lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
765. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên là Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
766. Trong khi Giáo Pháp đang chiếu sáng, (người này) sẽ đi đến bản thể nhân loại, sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Upasena.”
767. (Đây) là lần cuối cùng của tôi trong sự luân chuyển, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tôi duy trì thân mạng cuối cùng sau khi đã tiêu diệt Ma Vương cùng với đạo quân binh.
768. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Upasena Vaṅgantaputta đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Upasenavaṅgantaputta là phần thứ bảy.
(Tụng phẩm thứ ba).
--ooOoo--
769. Con voi cao quý, có ngà như cán cày, là phương tiện di chuyển của đức vua đã được tôi dâng cúng đến đức Phật Padumuttara, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy.
770. (Con voi) được rạng rỡ với chiếc lọng trắng, có các vật trang sức dành cho loài voi. Sau khi đã cho định giá toàn bộ vật ấy, tôi đã cho xây dựng tu viện dành cho Hội Chúng
771. Tôi đã cho xây dựng năm mươi bốn ngàn tòa lâu đài và đã thực hiện bữa trai phạn lớn lao rồi đã dâng đến bậc Đại Ẩn Sĩ.
772. Đấng Đại Hùng, bậc Tự Chủ, nhân vật cao cả đã nói lời tùy hỷ. Trong lúc làm cho tất cả dân chúng được vui mừng, Ngài đã thuyết giảng về đạo lộ Bất Tử.
773. Đức Phật tên Padumuttara đã chú nguyện về việc ấy cho tôi. Sau khi ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu, Ngài đã nói lên những lời kệ này:
774. “Người này đã cho xây dựng năm mươi bốn ngàn tòa lâu đài, Ta sẽ thuyết giảng về quả thành tựu. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
775. Mười tám ngàn ngôi nhà mái nhọn sẽ được hiện ra ở cung trời tối thượng (dành cho người này) và chúng được làm toàn bộ bằng vàng.
776. (Người này) sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc năm mươi lần và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương năm mươi tám lần.
777. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
778. Được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, sau khi mạng chung từ thế giới chư Thiên, vị ấy sẽ lập tức được sanh lên ở gia tộc sang trọng, có của cải lớn lao.
779. Về sau, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, vị ấy sẽ xuất gia và sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, có tên là Raṭṭhapāla.
780. Có tính khẳng quyết về sự nỗ lực, được an tịnh, không còn mầm mống tái sanh, (người ấy) sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, sẽ Niết Bàn, không còn lậu hoặc.”
781. Tôi đã vươn dậy, đã ra đi, đã từ bỏ sự thành đạt về của cải. Của cải ví như bãi nước bọt, sự yêu thương đối với của cải không được tìm thấy ở nơi tôi.
782. Tôi có sự tinh tấn, có khả năng tiến hành các phận sự là điều kiện đưa đến sự an ổn khỏi các điều ràng buộc. Tôi duy trì thân mạng cuối cùng ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.
783. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Raṭṭhapāla đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Raṭṭhapāla là phần thứ tám.
--ooOoo--
784. Trong khi tôi đang dọn dẹp cái hang ở khu rừng tại ngọn núi cao nhất, đức Thế Tôn tên Siddhattha đã đi đến gặp tôi.
785. Sau khi nhìn thấy đức Phật đã đi lại gần, tôi đã trải ra tấm thảm và đã dâng cúng chỗ ngồi làm bằng bông hoa đến bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy.
786. Sau khi ngồi xuống ở chỗ ngồi làm bằng bông hoa, và sau khi biết được cảnh giới tái sanh của tôi, bậc Lãnh Đạo Thế Gian Siddhattha đã thốt lên về tính chất vô thường rằng:
787. “Quả vậy, các pháp hữu vi là vô thường, có pháp sanh và diệt, sau khi sanh lên chúng hoại diệt, sự tịnh lặng của chúng là an lạc.”
788. Sau khi nói điều ấy, đấng Toàn Tri, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, bậc Trí Tuệ đã bay lên không trung như là chim thiên nga chúa ở trên bầu trời.
789. Sau khi từ bỏ tà kiến của mình, tôi đã tu tập tưởng về vô thường. Sau khi tu tập một ngày, tôi đã mệnh chung ở tại nơi ấy.
790. Được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, tôi đã thọ hưởng hai sự thành tựu (trời và người). Khi đạt đến cuộc sống cuối cùng, tôi đã sanh vào dòng dõi hạ liệt.
791. Sau khi lìa khỏi gia đình, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Vào lúc bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
792. Có sự ra sức tinh tấn, có tính khẳng quyết, khéo được định tĩnh trong các giới, sau khi làm vui lòng bậc Long Tượng vĩ đại, tôi đã đạt được sự tu lên bậc trên.
793. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng bông hoa.
794. Kể từ khi tôi đã tu tập tưởng (về vô thường) trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi đã đạt được sự đoạn tận các lậu hoặc trong khi đang tu tập tưởng (về vô thường) ấy.
795. Bốn (tuệ) phân tích, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sopāka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sopāka là phần thứ chín.
--ooOoo--
796. Có ý định dâng tặng phẩm vật hiến cúng, tôi đã cho chuẩn bị vật thực. Trong khi chờ đợi các vị Bà-la-môn, tôi đã đứng ở khu vực bùng binh rộng lớn.
797. Và tôi đã nhìn thấy đấng Toàn Giác Piyadassī có danh vọng lớn lao, bậc Hướng Đạo của toàn bộ thế gian, đấng Tự Chủ, nhân vật cao cả.
798. Được tháp tùng bởi các vị Thinh Văn, đức Thế Tôn có hào quang, tợ như mặt trời đang chói sáng, đang tiến bước ở trên đường lộ.
799. Sau khi chắp tay lên, tôi đã làm cho tâm của mình được tịnh tín. Tôi đã thỉnh mời dầu chỉ bằng tâm ý: “Mong sao bậc Đại Hiền Triết đi đến gần.”
800. Biết được ý định của tôi, đấng Đạo Sư, bậc Vô Thượng ở thế gian, cùng với một ngàn bậc Lậu Tận đã đi đến cửa nhà của tôi.
801. “Bạch đấng Siêu Nhân, con kính lễ Ngài! Bạch đấng Tối Thượng Nhân, con kính lễ Ngài! Xin thỉnh Ngài bước lên tòa lâu đài và ngồi xuống ở bảo tọa sư tử.”
802. Bậc đã (tự) rèn luyện có đoàn tùy tùng đã được rèn luyện, bậc đã (tự) vượt qua, bậc cao quý trong số các vị đang tiếp độ (chúng sanh) vượt qua sau khi bước lên tòa lâu đài đã ngồi xuống ở chỗ ngồi quý cao.
803. Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình dâng cúng lên đức Phật vật thực mà tôi có được (và) đã được chuẩn bị ở trong căn nhà của chính mình.
804. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, sanh niềm phấn khởi, tôi đã chắp tay lễ bái đức Phật tối thượng. Ôi tính chất cao thượng của đức Phật!
805. Trong số 8 hạng Thánh Nhân tùy tùng đang thọ thực, có nhiều bậc Vô Lậu. Oai lực ấy là của chính Ngài, con đi đến nương tựa vào Ngài.
806. Và đức Thế Tôn Piyadassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, đã ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu và đã nói lên những lời kệ này:
807. “Người nào đã chăm lo vật thực đến Hội Chúng có bản thể chính trực, định tĩnh, và (đến) đức Như Lai bậc Toàn Giác. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
808. Người ấy sẽ cai quản Thiên quốc hai mươi bảy lần. Được hài lòng với việc làm của chính mình, người ấy sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên.
809. Và người ấy sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương mười tám lần, và sẽ ngự trị năm trăm quốc độ thuộc đất liền ở trái đất.”
810. Sau khi đã đi sâu vào trong khu vườn cây, khu rừng thưa, khu rừng rậm được lai vãng bởi loài cọp, và sau khi đã ra sức nỗ lực, các phiền não đã được thiêu đốt bởi tôi.
811. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây 1.800 kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng bữa ăn.
812. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sumaṅgala đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sumaṅgala là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị có bảo tọa sư tử, vị có một cây cột trụ, vị Nanda, vị Cullapanthaka, vị Piḷinda, và luôn cả vị Rāhula, vị Vaṅganta, vị Raṭṭhapāla, vị Sopāka, và luôn cả vị Maṅgala là mười (ký sự) thuộc phẩm thứ nhì. Và ở đây, có một trăm ba mươi tám câu kệ đã được giảng giải
Phẩm Sīhāsanadāyaka là phẩm thứ nhì.
--ooOoo--
813. Ở không xa núi Hi-mã-lạp, có ngọn núi tên là Nisabha, có khu ẩn cư của tôi đã khéo được xây dựng, có gian nhà rộng bằng lá đã khéo được tạo lập.
814. Khi ấy, là vị đạo sĩ tóc bện có sự khổ hạnh cao tột tên là Kosiya, tôi sống ở (ngọn núi) Nisabha, mỗi một mình không có người thứ hai.
815. Khi ấy, tôi không thọ dụng trái cây, rễ cây, và lá cây (còn ở trên cây). Trong khi ấy, tôi sống nhờ các lá cây úa vàng đã rụng.
816. Ngay cả trong khi đang buông bỏ mạng sống, tôi cũng không làm cho sự nuôi mạng bị hư hỏng. Tôi làm cho tâm của mình được hài lòng, tôi tránh xa sự tầm cầu sai trái (trong việc nuôi mạng).
817. Mỗi khi tâm liên quan đến tham ái sanh khởi ở tôi, tôi tự mình quán sát. Khi được chăm chú, tôi đã thuần hóa tâm tham ái ấy rằng:
818. “Ngươi bị ái luyến ở điều quyến rũ, bị sân hận ở điều gây khó chịu, và bị mê muội bởi điều làm cho mê mẩn, ngươi hãy tự mình thoát ra khỏi khu rừng.
819. Trú xứ này dành cho các đạo sĩ khổ hạnh đã được thanh tịnh, không còn nhơ nhuốc. Ngươi chớ làm hư hoại sự thanh tịnh, ngươi hãy tự mình thoát ra khỏi khu rừng.
820. (Nếu) trở thành người tại gia, ngươi sẽ luôn gánh chịu sự bị ràng buộc. Ngươi cũng chớ lầm lẫn về hai việc (xuất gia và tại gia), ngươi hãy tự mình thoát ra khỏi khu rừng.
821. Giống như loại củi gỗ thiêu xác chết không phải là vật để dùng cho công việc ở bất cứ nơi nào khác, dầu ở làng mạc hay rừng thẳm, bởi vì nó không còn được xem là củi đốt nữa.
822. Tợ như loại củi gỗ thiêu xác chết, ngươi không còn là người tại gia và cũng không phải là xuất gia. Hôm nay ngươi là người không còn thuộc về cả hai hạng, ngươi hãy tự mình thoát ra khỏi khu rừng.
823. Nếu điều này xảy ra cho ngươi, thì ai nhận biết điều này ở ngươi? Nếu ngươi từ bỏ phận sự về đức tin thì sẽ có nhiều sự biếng nhác ở ngươi.
824. Các bậc tri thức sẽ ghét bỏ ngươi giống như người dân thành phố chán ghét sự ô nhiễm. Các bậc ẩn sĩ sẽ xua đuổi và luôn quở trách ngươi.
825. Các bậc tri thức sẽ phê phán ngươi đã vi phạm lời giáo huấn. Ngay trong khi không đạt được sự cộng trú, làm sao ngươi có thể sinh sống?
826. Con voi có sức mạnh đến gần và xua đuổi con voi là loài mātaṅga (đến tuổi) bị tiết dục ở ba nơi, được sáu mươi tuổi ra khỏi bầy.
827. Trong khi bị tách rời khỏi bầy, con voi không có được sự an ổn, thoải mái. Nó bị khổ sở, tâm rối loạn. Trong khi buồn bực, nó bị giao động.
828. Tương tợ như thế ấy, các vị đạo sĩ tóc bện cũng sẽ xua đuổi ngươi là kẻ có tâm ý xấu xa. Trong khi bị tách rời khỏi các vị ấy, ngươi sẽ không đạt được sự an ổn, thoải mái.
829. Bị xâm nhập bởi mũi tên sầu muộn, ngươi bị thiêu đốt vì sự bực bội dầu là ban ngày hoặc ban đêm, tợ như con voi bị tách rời khỏi bầy.
830. Giống như vàng kim loại không bao giờ làm cho cái búa bị thiêu đốt ở bất cứ đâu, tương tợ như thế với sự lìa bỏ giới ngươi sẽ không làm cho (phiền não) được thiêu đốt ở bất cứ nơi nào.
831. Dầu cho đang sống ở tại gia, ngươi sẽ sinh sống cách nào? Tài sản thuộc về người mẹ cũng như thuộc về người cha để dành lại cho ngươi là không có.
832. Trong khi tự mình làm công việc khiến mồ hôi tuôn ra ở cơ thể, ngươi sẽ sinh sống ở tại gia như vậy. Tốt đẹp thay là điều ấy không được ngươi ưa thích.”
833. Tại nơi ấy, tôi ngăn chặn tâm có khuynh hướng bị ô nhiễm theo cách như thế. Sau khi thực hiện lời giảng giải với nhiều pháp khác nhau, tôi đã ngăn chặn được các suy nghĩ xấu xa.
834. Như thế, trong khi tôi đang an trú với sự an trú vào sự không xao lãng, ba mươi ngàn năm đã trôi qua khi tôi ở trong khu rừng.
835. Sau khi nhìn thấy (tôi là) người tầm cầu mục đích tối thượng được thỏa thích với sự không xao lãng, bậc Toàn Giác Padumuttara đã đi đến gặp tôi.
836. Là bậc vô lượng, không người tương đương, có hào quang màu (vàng chói) của trái cây timbarūsaka, không ai sánh bằng về dáng vóc, khi ấy đức Phật đã đi kinh hành ở không trung.
837. Tợ như cây sālā chúa đã được trổ hoa, tợ như tia chớp ở khoảng giữa đám mây trên bầu trời, đức Phật không ai sánh bằng về trí tuệ khi ấy đã đi kinh hành ở không trung.
838. Tợ như con sư tử chúa không bị hãi sợ, tợ như con voi chúa kiêu hãnh, tợ như con cọp chúa chói sáng, (đức Phật) khi ấy đã đi kinh hành ở không trung.
839. Có hào quang màu vàng chói của đồng tiền vàng, giống như than hồng của gỗ khadira, như là viên ngọc ma-ni như ý, (đức Phật) khi ấy đã đi kinh hành ở không trung.
840. Với ánh sáng tinh khiết của ngọn núi Kelāsa, tợ như mặt trăng vào ngày rằm, tợ như mặt trời ở chính ngọ, (đức Phật) khi ấy đã đi kinh hành ở không trung.
841. Sau khi nhìn thấy Ngài đang đi kinh hành ở không trung, khi ấy tôi đã suy nghĩ như vầy: “Phải chăng chúng sanh này là Thiên nhân, hay đây là loài người?
842. Con người như thế này ở trên trái đất thì ta chưa từng được nghe hoặc được thấy. Cũng có lời chú thuật (về tướng mạo), người này sẽ là bậc đạo sư.”
843. Sau khi suy nghĩ như thế, tôi đã làm cho tâm của mình được tịnh tín. Khi ấy tôi đã gom lại nhiều loại bông hoa và vật thơm.
844. Sau khi chuẩn bị chỗ ngồi bằng bông hoa, tôi đã nói với bậc có tâm ý tốt đẹp, làm thích ý, vị đứng đầu trong số các bậc Điều Phục Nhân lời nói này:
845. “Bạch đấng Đại Hùng, chỗ ngồi này đã được con chuẩn bị là thích hợp đối với Ngài. Trong khi làm cho tâm của con được vui vẻ, xin Ngài hãy ngồi xuống ở chỗ ngồi bằng bông hoa.”
846. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống ở nơi ấy, tợ như con sư tử không bị hãi sợ. Đức Phật đã ngồi ở chỗ ngồi bằng bông hoa quý cao trong bảy ngày đêm.
847. Trong khi lễ bái (Ngài), tôi đã đứng bảy ngày đêm. Bậc Đạo Sư, đấng Vô Thượng ở thế gian đã xuất khỏi thiền định.
848. Trong khi tán dương việc làm của tôi, Ngài đã nói lời nói này: “Ngươi hãy tu tập sự niệm tưởng về đức Phật là (pháp) vô thượng trong các pháp tu tập.
849. Sau khi tu tập về sự niệm tưởng này, ngươi sẽ được tròn đủ tâm ý và sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên ba mươi ngàn kiếp.
850. Ngươi sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc tám mươi lần. Ngươi sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương ở trong quốc độ một ngàn lần.
851. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm. Ngươi sẽ thọ hưởng mọi thứ ấy; điều này là quả báu của việc tưởng niệm về đức Phật.
852. Trong khi luân hồi ở cõi này cõi khác, ngươi sẽ đạt được tài sản lớn lao, sẽ không có sự thiếu hụt về của cải; điều này là quả báu của việc tưởng niệm về đức Phật.
853. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
854. Sau khi từ bỏ tám mươi koṭi (tám trăm triệu), nhiều nô tỳ và nhân công, ngươi sẽ xuất gia trong Giáo Pháp của đức Thế Tôn Gotama.
855. Sau khi làm hài lòng đấng Toàn Giác Gotama bậc cao quý dòng Sakya, ngươi sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư với tên gọi là Subhūti.
856. Sau khi ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu, (đức Phật ấy) sẽ thiết lập ngươi vào vị thế tối thắng về hai phương diện là có đức hạnh đáng được cúng dường và tương tợ như thế về việc an trú vào sự không say đắm.”
857. Sau khi nói điều này, bậc Toàn Giác tên Padumuttara, bậc Trí Tuệ đã bay lên không trung như là chim thiên nga chúa ở trên bầu trời.
858. Được chỉ dạy bởi đấng Bảo Hộ Thế Gian, tôi đã lễ bái đức Như Lai. Được hoan hỷ, tôi luôn luôn tu tập sự niệm tưởng về đức Phật, là pháp tối thượng.
859. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại, tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
860. Tôi đã là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc tám mươi lần. Và tôi đã là đấng Chuyển Luân Vương một ngàn lần.
861. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm. Tôi thọ hưởng sự thành tựu tốt đẹp; điều này là quả báu của việc tưởng niệm về đức Phật.
862. Trong khi luân hồi ở cõi này cõi khác, tôi đạt được tài sản lớn lao, tôi không có sự thiếu hụt về của cải; điều này là quả báu của việc tưởng niệm về đức Phật.
863. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc tưởng niệm về đức Phật.
864. Bốn (tuệ) phân tích, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Subhūti đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Subhūti là phần thứ nhất.
--ooOoo--
865. Đấng Chiến Thắng tên Padumuttara là bậc thông suốt về tất cả các pháp. Sau khi phát cháy như là khối lửa, bậc Toàn Giác đã viên tịch Niết Bàn.
866. Đám đông dân chúng đã cùng nhau đi đến và cúng dường đức Như Lai. Sau khi hoàn tất giàn hỏa thiêu khéo được thực hiện, họ đã nâng thi thể lên.
867. Sau khi thực hiện phận sự đối với thi thể, họ đã tập trung xá-lợi ở tại nơi ấy. Tất cả bọn họ gồm chư Thiên và loài người đã xây dựng ngôi bảo tháp dành cho đức Phật.
868. Tầng thứ nhất làm bằng vàng, tầng thứ nhì làm bằng ngọc ma-ni, tầng thứ ba làm bằng bạc, tầng thứ tư làm bằng ngọc pha-lê.
869. Tương tợ, viền mép của tầng thứ năm đã được làm bằng hồng ngọc, tầng thứ sáu làm bằng đá quý, phần bên trên làm bằng tất cả các loại châu báu.
870. Phần bên dưới làm bằng ngọc ma-ni, bục nền làm bằng châu báu. Được làm toàn bộ bằng vàng, ngôi bảo tháp vươn lên chiều cao một do-tuần.
871. Khi ấy, chư Thiên đã tụ hội lại ở nơi ấy và đã cùng nhau bàn bạc rằng: “Chúng ta cũng sẽ kiến tạo ngôi bảo tháp dành cho đấng Bảo Hộ Thế Gian như thế ấy.
872. Xá-lợi không có các mảnh rời rạc, (xá-lợi) thân thể được kết thành một khối. Chúng ta sẽ thực hiện lớp vỏ bọc ở ngôi bảo tháp dành cho đức Phật này.”
873. Với bảy loại châu báu, chư Thiên đã làm tăng thêm một do-tuần nữa. Có chiều cao hai do-tuần, ngôi bảo tháp ấy xua đi bóng tối.
874. Khi ấy, loài rồng đã tụ hội lại ở nơi ấy và đã cùng nhau bàn bạc rằng: “Loài người và luôn cả chư Thiên, bọn họ đã kiến tạo ngôi bảo tháp dành cho đức Phật.
875. Thế gian cùng với chư Thiên không xao lãng, chúng ta chớ nên xao lãng. Chúng ta cũng sẽ kiến tạo ngôi bảo tháp dành cho đấng Bảo Hộ Thế Gian như thế ấy.”
876. Sau khi đã tụ tập chung lại, loài rồng đã phủ lớp ngọc bích, ngọc sa-phia, và ngọc ma-ni như ý lên ngôi bảo tháp dành cho đức Phật.
877. Giờ đây, ngôi bảo điện dành cho đức Phật đã được làm bằng ngọc ma-ni toàn bộ, khi ấy có chiều cao ba do-tuần, là nguồn tạo ra ánh sáng.
878. Khi ấy, các nhân điểu đã tụ hội lại và đã cùng nhau bàn bạc rằng: “Loài người, chư Thiên, và loài rồng, bọn họ đã kiến tạo ngôi bảo tháp dành cho đức Phật.
879. Thế gian cùng với chư Thiên không xao lãng, chúng ta chớ nên xao lãng. Chúng ta cũng sẽ kiến tạo ngôi bảo tháp dành cho đấng Bảo Hộ Thế Gian như thế ấy.”
880. Loài nhân điểu đã thực hiện ở ngôi bảo tháp lớp vỏ bọc phụ trội toàn bộ làm bằng ngọc ma-ni. Họ cũng đã làm phát triển ngôi bảo điện của đức Phật được cao thêm một do-tuần.
881. Với chiều cao bốn do-tuần, ngôi bảo tháp của đức Phật chiếu sáng và khiến cho tất cả các phương được rực rỡ tợ như mặt trời đã mọc lên.
882. Khi ấy, các ác thần đã tụ hội lại và đã cùng nhau bàn bạc rằng: “Loài người, luôn cả chư Thiên, loài rồng, và loài nhân điểu cũng tương tợ như thế.
883. Bọn họ đã xây dựng ngôi bảo tháp hạng nhất dành cho đức Phật tối thượng một cách cá biệt. Thế gian cùng với chư Thiên không xao lãng, chúng ta chớ nên xao lãng.
884. Chúng ta cũng sẽ kiến tạo ngôi bảo tháp dành cho đấng Bảo Hộ Thế Gian như thế ấy. Bằng các loại châu báu, chúng ta sẽ phủ lên ngôi bảo điện dành cho đức Phật cho được cao thêm.”
885. Các ác thần cũng đã làm phát triển ngôi bảo điện của đức Phật được cao thêm một do-tuần. Khi ấy, với chiều cao năm do-tuần, ngôi bảo tháp được rực rỡ.
888. Chúng ta cũng sẽ kiến tạo ngôi bảo tháp dành cho đấng Bảo Hộ Thế Gian như thế ấy. Bằng các loại ngọc pha-lê, chúng ta sẽ phủ lên ngôi bảo điện dành cho đức Phật cho được cao thêm.”
889. Loài Dạ-xoa cũng đã làm phát triển ngôi bảo điện của đức Phật được cao thêm một do-tuần. Khi ấy, với chiều cao sáu do-tuần, ngôi bảo tháp được rực rỡ.
890. Lúc bấy giờ, các Càn-thát-bà đã tụ hội lại và đã cùng nhau bàn bạc rằng: “Loài người, chư Thiên, loài rồng, các ác thần, và loài nhân điểu cũng tương tợ như thế.
891. Tất cả đã kiến tạo ngôi bảo tháp dành cho đức Phật. Trong việc này chúng ta là những người chưa làm gì. Chúng ta cũng sẽ kiến tạo ngôi bảo tháp dành cho đấng Bảo Hộ Thế Gian như thế ấy.”
892. Sau khi đã làm thành bảy tầng, các Càn-thát-bà đã đặt lên chiếc lọng. Khi ấy, các Càn-thát-bà đã kiến tạo ngôi bảo tháp toàn bộ làm bằng vàng.
893. Khi ấy, với chiều cao bảy do-tuần, ngôi bảo tháp được rực rỡ. Đêm và ngày không phân biệt được, (vì) ánh sáng luôn luôn hiện hữu.
894. Mặt trăng, mặt trời, luôn cả các vì sao không hơn được ánh sáng của ngôi bảo tháp. Thậm chí ánh đèn cũng đã không được đốt lên ở xung quanh một trăm do-tuần.
895. Vào thời điểm ấy, những người nào cúng dường ngôi bảo tháp, những người ấy không bước lên ngôi bảo tháp mà họ thảy lên ở không trung.
896. Được chư Thiên chỉ định, con Dạ-xoa tên Abhisammata (có nhiệm vụ) máng lên cờ hiệu hoặc vòng hoa ở phía bên trên.
897. Những người ấy không nhìn thấy con Dạ-xoa ấy mà nhìn thấy vòng hoa được nó mang đi. Sau khi nhìn thấy như thế rồi ra đi, tất cả những người ấy đi đến cõi tái sanh tốt đẹp.
898. Những người không có niềm tin ở lời Phật dạy và những người được tịnh tín vào Giáo Pháp có ước muốn trông thấy phép kỳ diệu thì họ cúng dường đến ngôi bảo tháp.
899. Khi ấy, tôi đã là người làm công ở thành phố Hamsavatī. Sau khi nhìn thấy dân chúng được vui mừng, khi ấy tôi đã suy nghĩ như vầy:
900. “Đối với vị có được gian nhà xá-lợi như vầy, vị ấy ắt hẳn là đức Thế Tôn cao thượng. Và đám dân chúng này đang thể hiện trạng thái hớn hở một cách nhiệt thành.
901. Ta cũng sẽ thể hiện sự tôn kính đến đấng Bảo Hộ Thế Gian như thế ấy, ta sẽ trở thành người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy trong tương lai.”
902. Có tấm thượng y đã được khéo giặt sạch bởi người thợ giặt, tôi đã máng vào ngọn tre rồi đã nâng lá cờ hiệu lên ở không trung.
903. Con Dạ-xoa Abhisammata đã cầm lấy lá cờ hiệu của tôi và đưa lên không trung. Sau khi nhìn thấy lá cờ hiệu phất phơ trong gió, tôi đã khởi lên niềm vui dào dạt.
904. Tại nơi ấy, sau khi làm cho tâm được tịnh tín tôi đã đi đến gần vị Sa-môn. Sau khi đảnh lễ vị tỳ khưu ấy, tôi đã hỏi về quả thành tựu của lá cờ hiệu.
905. Vị ấy đã giảng cho tôi về sự sanh khởi nỗi vui mừng và phỉ lạc của tôi: “Ngươi sẽ luôn luôn thọ hưởng quả thành tựu của lá cờ hiệu ấy.
906. Các con voi, các con ngựa, các cỗ xe, các binh lính và quân đội gồm bốn binh chủng sẽ thường xuyên hộ tống ngươi; điều này là quả báu của việc cúng dường lá cờ hiệu.
907. Sáu mươi ngàn nhạc cụ và những chiếc trống lớn được tô điểm sẽ thường xuyên hộ tống ngươi; điều này là quả báu của việc cúng dường lá cờ hiệu.
908. Có 86.000 nữ nhân đã được trang điểm, được điểm tô với các loại vải nhiều màu sắc, có các bông tai bằng ngọc trai và ngọc ma-ni.
909. Có lông mi cong, có nụ cười, vô cùng yểu điệu, có eo thon, các nàng sẽ thường xuyên vây quanh ngươi; điều này là quả báu của việc cúng dường lá cờ hiệu.
910. Ngươi sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong 30.000 kiếp. Ngươi sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc tám mươi lần.
911. Và ngươi sẽ là đấng Chuyển Luân Vương một ngàn lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng cách tính đếm.
912. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
913. Sau khi mệnh chung ở thế giới chư Thiên, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, được gắn liền với nghiệp phước thiện, ngươi sẽ là thân quyến của Phạm Thiên (dòng dõi Bà-la-môn).
914. Sau khi từ bỏ 80 koṭi (tám trăm triệu), nhiều nô tỳ và nhân công, ngươi sẽ xuất gia trong Giáo Pháp của đức Thế Tôn Gotama.
915. Sau khi làm hài lòng đấng Toàn Giác Gotama bậc cao quý dòng Sakya, ngươi sẽ là Thinh Văn của bậc Đạo Sư, có tên là Upavāna.”
916. Việc làm đã được thực hiện ở một trăm ngàn kiếp đã cho tôi nhìn thấy quả báu tại đây. Như là tốc độ của mũi tên khéo được bắn ra, tôi đã thiêu đốt các phiền não của tôi.
917. Trong khi tôi là đấng Chuyển Luân Vương chúa tể của bốn châu lục, các ngọn cờ luôn được kéo lên ở xung quanh (tôi) đến ba do-tuần.
918. Từ khi tôi đã thực hiện việc làm trước đây 100.000 kiếp, tôi không biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường lá cờ hiệu.
919. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Upavāna đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Upavāna là phần thứ nhì.
--ooOoo—
920. Lúc bấy giờ, tôi đã là người hầu hạ mẹ ở thành phố Candavatī. Mẹ và cha của tôi bị mù, tôi phụng dưỡng họ.
921. Khi ấy, tôi đã đi đến nơi thanh vắng và ngồi xuống, tôi đã suy nghĩ như vầy: “Trong khi phụng dưỡng mẹ và cha, ta không đạt được sự xuất gia.
922. Bị che lấp bởi sự tăm tối ấy, (chúng sanh) bị thiêu đốt bởi ba loại lửa (tham, sân, si). Khi nỗi hãi sợ như thế ấy đã sanh khởi, không có người nào là bậc hướng đạo.
923. Đức Phật đã hiện khởi ở thế gian, Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng chiếu sáng. Với người có nghiệp phước thiện thì bản thân có thể tiếp độ được.
924. Tôi đã học tập về ba sự nương nhờ và đã gìn giữ chúng được toàn vẹn. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp, tôi thoát khỏi khổ cảnh.
925. Vị sa-môn tên Nisabha là vị Thinh Văn hàng đầu của đức Phật. Tôi đã đi đến gặp vị ấy và đã nhận lãnh sự đi đến nương nhờ (thọ trì Tam Quy).
926. Cho đến khi ấy, tuổi thọ được biết là một trăm ngàn năm. Tôi đã gìn giữ sự đi đến nương nhờ được toàn vẹn chừng ấy thời gian.
927. Khi đang ở vào thời điểm cuối cùng, tôi đã tưởng nhớ lại sự nương nhờ ấy. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp, tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
928. Khi đã đạt đến thế giới chư Thiên, được thành tựu về nghiệp phước thiện, bất cứ khu vực nào tôi đi đến tôi đều đạt được tám chủng tử:
929. Tôi được tôn vinh ở mọi phương, tôi có tuệ sắc bén, tất cả chư Thiên đều phục tùng, tôi đạt được của cải vô lượng.
930. Có màu da vàng chói, tôi đều được yêu mến ở mọi nơi, tôi trung thành đối với các bạn hữu tôi, danh vọng của tôi là cao tột.
931. Tôi đã là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc tám mươi lần. Tôi đã thọ hưởng sự an lạc của cõi trời, đã được các tiên nữ trọng vọng.
932. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương bảy mươi lăm lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
933. Khi đạt đến cuộc sống cuối cùng, được thành tựu về nghiệp phước thiện, tôi đã được sanh ra trong nhà đại bá hộ vô cùng sang trọng ở thành phố Sāvatthī.
934. Được những đứa trẻ tháp tùng, tôi đã rời khỏi thành phố. Có được sự cười giỡn vui đùa, tôi đã đi đến tu viện dành cho Hội Chúng.
935. Tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy vị sa-môn đã được giải thoát, không còn mầm mống tái sanh. Vị ấy đã thuyết giảng Giáo Pháp cho tôi và đã ban sự nương nhờ đến tôi.
936. Sau khi lắng nghe về sự nương nhờ, tôi đây đã tưởng nhớ lại sự nương nhờ của tôi. Tôi đã ngồi ở ngay chỗ ngồi ấy và đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
937. Vào lúc bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán. Nhận biết đức hạnh (của tôi), đấng Toàn Giác, bậc Hữu Nhãn, đã cho (tôi) tu lên bậc trên.
938. Tôi đã đi đến các sự nương nhờ trước đây vô lượng kiếp. Do đó, nghiệp khéo được tôi thực hiện đã cho tôi nhìn thấy quả báu tại đây.
939. Sự nương nhờ của tôi đã được gìn giữ cẩn thận, tâm ý đã khéo được củng cố. Sau khi thọ hưởng mọi thứ danh vọng, tôi đã đạt đến vị thế Bất Động.
940. Những vị nào có sự lắng nghe, xin các vị hãy lắng nghe tôi nói. Tôi sẽ giảng cho các vị về đạo lộ đã được tự thân nhìn thấy của mình.
941. “Đức Phật đã hiện khởi ở thế gian, Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng được hiện hữu. Tiếng trống Bất Tử đã được vỗ lên là sự xua đi các mũi tên sầu muộn.
942. Bằng sức lực của mình, các vị có thể thực hiện hành động hướng thượng ở Phước Điền vô thượng, tương tợ như thế, (với năng lực của mình) các vị sẽ chạm đến Niết Bàn.
943. Sau khi đã thọ nhận ba sự nương nhờ, sau khi đã gìn giữ năm giới cấm, sau khi đã làm cho tâm được tịnh tín ở nơi đức Phật, các vị sẽ tiến hành việc chấm dứt khổ đau.
944. Sau khi thực hành tương tợ như tôi, sau khi gìn giữ toàn vẹn các giới cấm, không bao lâu sau tất cả các vị cũng sẽ đạt được phẩm vị A-la-hán.”
945. Có được ba minh, tôi đã đạt đến thần thông, và được rành rẽ về tâm của người khác. Bạch đấng Đại Hùng, vị Thinh Văn của Ngài xin đảnh lễ ở bàn chân của bậc Đạo Sư.
946. (Kể từ khi) tôi đã đi đến nương nhờ đức Phật trước đây vô lượng kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc đi đến nương nhờ.
947. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tisaraṇagamaniya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tisaraṇagamaniya là phần thứ ba.
--ooOoo--
948. Khi ấy, tôi đã là người làm công ở thành phố Candavatī. Bị vướng bận trong việc quán xuyến công việc của người khác, tôi không đạt được sự xuất gia.
949. (Tôi đã suy nghĩ rằng): “Bị che lấp bởi sự tăm tối ấy, (chúng sanh) bị thiêu đốt bởi ba loại lửa (tham, sân, si), vậy thì bằng phương pháp nào, ta có thể được thoát khỏi?
950. Và ta là người làm công khốn khổ, vật xứng đáng để dâng cúng thì ta không có. Hay là ta nên thọ trì và làm toàn vẹn năm giới cấm?”
951. Vị Thinh Văn của bậc Hiền Trí Anomadassī có tên là Nisabha. Tôi đã đi đến gặp vị ấy và đã nhận lãnh năm điều học (về giới).
952. Cho đến khi ấy, tuổi thọ được biết là một trăm ngàn năm. Tôi đã gìn giữ năm giới cấm được toàn vẹn chừng ấy thời gian.
953. Khi thời điểm của tử thần đã đến, chư Thiên an ủi tôi rằng: “Thưa ngài, có cỗ xe được thắng một ngàn (ngựa) dành cho ngài, nó đã đến rồi.”
954. Khi tâm cuối cùng đang diễn tiến, tôi đã tưởng nhớ lại giới hạnh của tôi. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp, tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
955. Và tôi đã là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc ba mươi lần. Tôi đã thọ hưởng sự an lạc của cõi trời, đã được các tiên nữ trọng vọng.
956. Tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương bảy mươi lăm lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
957. Được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, sau khi mạng chung từ thế giới chư Thiên, tôi đã được sanh ra trong nhà đại bá hộ vô cùng sang trọng ở thành phố Vesālī.
958. Vào thời điểm cận kề mùa mưa, trong lúc Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng đang chói sáng, mẹ và luôn cả cha của tôi đã nhận lãnh năm điều học (về giới).
959. Do việc đã lắng nghe, tôi đã mau chóng tưởng nhớ lại giới hạnh của mình. Tôi đã ngồi ở ngay chỗ ngồi ấy và đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
960. Vào lúc năm tuổi tính từ khi sanh, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán. Sau khi nhận biết đức hạnh (của tôi), đức Phật, bậc Hữu Nhãn, đã cho (tôi) tu lên bậc trên.
961. Sau khi gìn giữ năm điều học (về giới) được toàn vẹn, trong vô lượng kiếp trước đây tôi đã không đi đến đọa xứ.
962. Do nhờ tác động của các giới cấm ấy, tôi đây đã thọ hưởng danh vọng. Trong khi ngợi ca (về quả báu của giới) cho dầu đến một koṭi (mười triệu) kiếp, tôi cũng chỉ có thể ngợi ca được một phần nhỏ.
963. Sau khi gìn giữ năm giới cấm, tôi đạt được ba chủng tử: Tôi là người có tuổi thọ, có của cải lớn lao, có tuệ sắc bén.
964. Tôi chỉ đang ngợi ca phần phụ trội trong số toàn thể (quả báu) có liên hệ đến loài người. Sau khi luân hồi ở cõi này cõi khác, tôi đều đạt được các điều này.
965. Vị Thinh Văn của đấng Chiến Thắng là người đang thực hành giới cấm vô số kể, nếu vị ấy vui thích trong các cõi tái sanh thì quả thành tựu sẽ như thế nào?
966. Năm giới cấm đã được thực hành tốt đẹp bởi tôi là người làm công có sự quán sát. Nhờ vào giới hạnh ấy, ngày hôm nay tôi đã cởi bỏ mọi điều trói buộc.
967. (Kể từ khi) tôi đã gìn giữ năm giới cấm trước đây vô lượng kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của năm giới cấm.
968. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pañcasīlasamādāniya[5]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pañcasīlasamādāniya là phần thứ tư.
--ooOoo--
969. Bậc Toàn Giác (Siddhattha) có màu da vàng chói, tợ như cây cột trụ bằng vàng, có ba mươi hai hảo tướng, đang đi ở khu phố chợ.
970. Sau khi nhìn thấy đấng Quang Đăng của thế gian Siddhattha, bậc vô lượng vô song, đấng Quang Minh, bậc đã được rèn luyện, tôi đã đạt được niềm phỉ lạc tột bậc.
971. Sau khi thỉnh mời bậc Toàn Giác, tôi đã chăm lo bữa ăn đến bậc Đại Hiền Trí ấy. Khi ấy, bậc Đại Bi đấng Bảo Hộ đã nói lời tùy hỷ đến tôi.
972. Sau khi làm cho tâm được tịnh tín ở đức Phật, ở đấng Đại Bi ấy là bậc tạo ra niềm an ủi cao tột, tôi đã sướng vui ở cõi trời một kiếp.
973. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng vật thực.
974. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Annasaṃsāvaka[6]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Annasaṃsāvaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
975. Với tâm ý trong sạch, tôi đã dâng cúng khói hương ở liêu cốc của đức Thế Tôn Siddhattha, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy.
976. Nơi chốn nào tôi đi tái sanh dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, tôi đều là đối tượng yêu quý của tất cả; điều này là quả báu của việc dâng cúng khói hương.
977. Kể từ khi tôi đã dâng cúng khói hương trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng khói hương.
978. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Dhūpadāyaka[7]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Dhūpadāyaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
979. Sau khi bỏ đi lớp cát cũ ở cội cây Bồ Đề tối thượng của đức Thế Tôn Vipassī, tôi đã rải lên lớp cát sạch.
980. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng cát trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng cát.
981. Trước đây năm mươi ba kiếp, tôi đã trở thành đức vua cai quản dân chúng, là vị Chuyển Luân Vương tên Mahāpulina có oai lực lớn lao.
982. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pulinapūjaka[8]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pulinapūjaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
983. Lúc bấy giờ, tôi là con cá sấu ở bờ sông Candabhāgā. Gắn bó với khu vực kiếm ăn của mình, tôi đã đi đến bến đò của con sông.
984. Vào thời điểm ấy, bậc Tự Chủ Siddhattha, nhân vật cao cả ấy, có ý định vượt qua dòng sông nên đã đi về phía bến đò của con sông.
985. Và khi đấng Toàn Giác tiến đến gần, tôi cũng đã tiến đến gần nơi ấy. Tôi đã đi đến gần bậc Toàn Giác và đã thốt lên lời nói này:
986. “Bạch đấng Đại Anh Hùng, xin hãy ngự lên (ở lưng), tôi sẽ đưa Ngài sang (sông) là địa phận thuộc về tôi do tổ tiên truyền lại. Bạch đấng Đại Hiền Trí, xin hãy thương xót (đến tôi).”
987. Nghe được tiếng kêu gào của tôi, bậc Đại Hiền Trí đã ngự lên (ở lưng). Được mừng rỡ, với tâm mừng rỡ tôi đã đưa đấng Lãnh Đạo Thế Gian sang (sông).
988. Ở bờ bên kia của dòng sông, tại nơi ấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian Siddhattha đã an ủi tôi rằng: “Ngươi sẽ đạt được Bất Tử.”
989. Sau khi chết đi lìa bỏ thân ấy, tôi đã đi đến thế giới chư Thiên. Tôi đã thọ hưởng sự an lạc của cõi trời, đã được các tiên nữ trọng vọng.
990. Và tôi đã là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc bảy lần. Tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương chúa tể của trái đất ba lần.
991. Gắn bó với sự độc cư, cẩn trọng, và khéo thu thúc, tôi duy trì thân mạng cuối cùng ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.
992. (Kể từ khi) tôi đã đưa đấng Nhân Ngưu sang (sông) trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc đưa sang (sông).
993. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Uttariya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Uttariya là phần thứ tám.
--ooOoo--
994. (Tôi đã nhìn thấy) bậc Toàn Giác Vipassī có màu da vàng chói, đấng Xa Phu cao quý, vị Anh Hùng của nhân loại, đấng Hướng Đạo đang đi ở khu phố chợ.
995. Sau khi nhìn thấy vị Huấn Luyện Viên cho người chưa được huấn luyện, bậc Đại Hùng Biện, đấng Đại Trí như thế ấy, được tịnh tín, tôi đã chắp tay lại với tâm ý vui mừng.
996. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc chắp tay ấy trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc chắp tay.
997. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekañjalika[9]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekañjalika là phần thứ chín.
--ooOoo--
998. Lúc bấy giờ, tôi đã là người thương buôn ở thành phố Bandhumatī. Chính nhờ thế, tôi cấp dưỡng người vợ và gieo trồng sự thành tựu về nhân lành.
999. Trong khi bậc Đại Ẩn Sĩ Vipassī đang đi ở trên đường, tôi đã dâng cúng đến bậc Đạo Sư một tấm vải sợi lanh nhằm mục đích hành thiện.
1000. Kể từ khi tôi đã dâng cúng tấm vải sợi lanh trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng tấm vải sợi lanh.
1001. Trước đây hai mươi bảy kiếp, tôi đã là Sindhavasandana, vị chúa tể độc nhất ở bốn châu lục, được thành tựu bảy loại báu vật.
1002. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Khomadāyaka[10]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Khomadāyaka là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị Subhūti, vị Upavāna, vị có sự nương nhờ, vị gìn giữ giới, vị ngợi ca về vật thực, vị (cúng dường) khói hương, vị (dâng cúng) cát, cùng với vị Uttariya, vị có sự chắp tay, và vị dâng cúng tấm vải sợi lanh, chính là mười (ký sự) thuộc phần thứ ba. Một trăm tám mươi lăm câu kệ đã được nói lên và tất cả đã được gộp chung lại.
Phẩm Subhūti là phẩm thứ ba.
(Tụng phẩm thứ tư).
--ooOoo--
1003. Vào lúc đấng Tự Chủ, nhân vật cao cả thiền tịnh bảy ngày, với tâm tịnh tín, với ý vui mừng tôi đã hầu cận đức Phật tối thượng.
1004. Sau khi biết được thời điểm bậc Đại Hiền Trí Padumuttara đã xuất khỏi (thiền), tôi đã cầm lấy nải chuối lớn và đã đi đến gần (Ngài).
1005. Đức Thế Tôn, đấng Lãnh Đạo Thế Gian, đã thọ nhận trái cây ấy. Trong lúc làm cho tâm tôi được tịnh tín, bậc Đại Hiền Trí đã thọ dụng (trái cây ấy).
1006. Sau khi thọ dụng, đấng Toàn Giác, bậc Xa Phu vô thượng đã ngồi xuống ở chỗ ngồi của mình và đã nói lên những lời kệ này:
1007. “Các cộng đồng Dạ Xoa nào sống ở ngọn núi này, các hạng chúng sanh nào sống ở rừng hãy lắng nghe lời nói của Ta.
1008. Người nào đã hầu cận đức Phật, tợ như con sư tử vua của loài thú, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
1009. Người này đây sẽ trở thành vị Thiên Vương mười một lần. Và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương ba mươi bốn lần.
1010. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
1011. Người này sẽ mắng nhiếc các vị sa-môn có giới hạnh không còn lậu hoặc, và sẽ nhận lấy biệt danh do quả thành tựu của ác nghiệp.
1012. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Kuṇḍadhāna.”
1013. Được gắn bó với sự cô tịch, chứng thiền, thỏa thích về thiền, tôi đã làm vui lòng bậc Đạo Sư và tôi sống không còn lậu hoặc.
1014. Được các vị Thinh Văn hàng đầu vây quanh, được Hội Chúng tỳ khưu tháp tùng, đấng Chiến Thắng đã ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu và đã bảo người rút thẻ bốc thăm.
1015. Sau khi đắp y một bên vai, tôi đã đảnh lễ đấng Lãnh Đạo Thế Gian, và ở trước bậc Cao Quý trong số các vị đang thuyết giảng tôi đã rút được (thẻ bốc thăm) đầu tiên.
1016. Do việc làm ấy, đức Thế Tôn, bậc làm rung động mười ngàn (thế giới), đã ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu và đã thiết lập tôi vào vị thế hàng đầu.
1017. Tôi có sự tinh tấn, có khả năng tiến hành các phận sự là điều kiện đưa đến sự an ổn khỏi các điều ràng buộc. Tôi duy trì thân mạng cuối cùng ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.
1018. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kuṇḍadhāna đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kuṇḍadhāna là phần thứ nhất.
--ooOoo--
1019. Lúc bấy giờ, tôi đã là vị Bà-la-môn tên Sobhita. Được tháp tùng bởi những người học trò của mình, tôi đã đi đến tu viện.
1020. Vào thời điểm ấy, được tháp tùng bởi Hội Chúng tỳ khưu, đức Thế Tôn bậc Tối Thượng Nhân sau khi bước ra khỏi cổng tu viện đã đứng lại.
1021. Tôi đã nhìn thấy đấng Toàn Giác bậc đã được rèn luyện ấy được tháp tùng bởi các vị đã được rèn luyện. Sau khi đã làm cho tâm của mình được tịnh tín, tôi đã ngợi ca đấng Lãnh Đạo Thế Gian rằng:
1022. “Những loại nào là thảo mộc, tất cả các loại ấy đều tăng trưởng ở trên đất. Tương tợ như thế, các chúng sanh có sự giác ngộ được phát triển ở trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.
1023. Ngài là bậc Xa Phu có trí tuệ và là bậc Đại Ẩn Sĩ đối với đám đông dân chúng. Ngài nâng đỡ họ ra khỏi con đường sai trái và nói cho họ về Đạo Lộ.
1024. Ngài là bậc đã được rèn luyện được vây quanh bởi các vị đã được rèn luyện, là bậc chứng thiền cùng với các vị được thỏa thích về thiền, là bậc có sự nhiệt tâm cùng với những vị có tính khẳng quyết và an tịnh như thế ấy.
1025. Được tô điểm bởi đoàn tùy tùng có phước đức và trí tuệ, Ngài chói sáng. Hào quang của Ngài tỏa ra giống như (ánh sáng) trong lúc mặt trời mọc.”
1026. Sau khi nhìn thấy tâm đã được tịnh tín (của tôi), bậc Đại Ẩn Sĩ Padumuttara đứng ở Hội Chúng tỳ khưu đã nói lên những lời kệ này:
1027. “Người Bà-la-môn nào đã khởi lên niềm vui và đã tán dương về Ta, người ấy sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong một trăm ngàn kiếp.
1028. Bởi vì sau khi mệnh chung từ cõi trời Đẩu Suất, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch (người ấy) sẽ xuất gia trong Giáo Pháp của đức Thế Tôn Gotama.
1029. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp, (người ấy) sẽ đạt được phẩm vị A-la-hán, sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, và sẽ có tên là Sāgata.”
1030. Sau khi xuất gia, tôi đã lìa bỏ ác nghiệp bằng thân. Sau khi dứt bỏ nết xấu về lời nói, tôi đã làm thanh tịnh về sự nuôi mạng sống.
1031. Trong khi sống như vậy, tôi được rành rẽ về các bản thể của (đề mục) lửa. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
1032. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sāgata đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sāgata là phần thứ nhì.
--ooOoo--
1033. Ngôi bảo tháp của đấng Bảo Hộ Padumuttara tên là Paduma. Tôi đã cho xây dựng bảo tọa bằng đá và đã cho thếp vàng.
1034. Sau khi nâng cao chiếc lọng che làm bằng châu báu và chiếc quạt lông đuôi bò, tôi đã dâng đến đức Phật là đấng quyến thuộc của thế gian như thế ấy.
1035. Khi ấy, cho đến chư Thiên ở địa cầu tất cả đã tụ hội lại (nói rằng): “Ngài sẽ thuyết giảng về quả thành tựu của những chiếc lọng che làm bằng châu báu.
1036. Và khi bậc Đạo Sư đang thuyết giảng, chúng ta sẽ lắng nghe tất cả điều ấy. Chúng ta có thể làm sanh khởi niềm vui thích hơn nữa đối với Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.”
1037. Được vây quanh bởi Hội Chúng tỳ khưu, đấng Tự Chủ, nhân vật cao cả, sau khi ngồi xuống ở bảo tọa bằng vàng đã nói lên những lời kệ này:
1038. “Bảo tọa làm bằng vàng và châu báu này được dâng cúng bởi người nào, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
1039. Người ấy sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc ba mươi kiếp và sẽ ngự trị khu vực xung quanh một trăm do-tuần bằng hào quang.
1040. Sau khi đi đến thế giới nhân loại, (người ấy) sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương tên Pabhassara và sẽ có oai lực nổi bật.
1041. Dầu là ban ngày hoặc ban đêm, vị Sát-đế-lỵ sẽ rực sáng ở xung quanh tám ratana (hai mét), tợ như mặt trời đã mọc lên.
1042. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
1043. Sau khi mệnh chung từ chính cõi trời Đẩu Suất, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch (người ấy) sẽ trở thành thân quyến của đấng Phạm Thiên (dòng dõi Bà-la-môn) với tên là Kaccāna.
1044. Về sau, người ấy sẽ xuất gia và sẽ trở thành vị A-la-hán, không còn lậu hoặc. Đức Gotama, đấng Quang Đăng của thế gian, sẽ thiết lập vào vị thế hàng đầu.
1045. (Người ấy) sẽ giảng giải một cách chi tiết về câu hỏi đã được hỏi một cách tóm tắt. Và trong khi giảng giải về câu hỏi ấy, (người ấy) sẽ làm thỏa mãn tâm tư (của người hỏi).”
1046. Được sanh ra cao quý trong gia tộc giàu có, tôi đã là vị Bà-la-môn thông thạo về chú thuật. Sau khi từ bỏ các tài sản và lúa gạo, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
1047. Tôi giảng giải một cách chi tiết cho những người đang hỏi cho dầu (hỏi) một cách tóm tắt. Tôi làm thỏa mãn tâm tư của những người ấy, tôi làm cho bậc Tối Thượng Nhân hoan hỷ.
1048. Được hoan hỷ về tôi, đấng Đại Hùng, bậc Tự Chủ, nhân vật cao cả, sau khi ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu, đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng.
1049. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Mahākaccāna đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Mahākaccāna là phần thứ ba.
--ooOoo--
1050. Lúc bấy giờ, đức Phật Padumuttara, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy đang đi du hành đường xa.
1051. Sau khi cầm lấy đóa sen hồng khéo được nở rộ, cùng với đóa sen xanh và bông hoa nhài, tôi đã cầm lấy món cơm thượng hạng và đã dâng cúng đến bậc Đạo Sư.
1052. Đấng Đại Hùng đã thọ dụng món cơm thượng hạng có thức ăn tuyệt hảo. Và Ngài đã cầm lấy bông hoa ấy rồi đã đưa ra cho dân chúng xem. (Ngài nói):
1053. “Hoa sen là là loài hoa tối thượng, đáng quý, đáng mến, đáng yêu ở thế gian. Người nào đã dâng cúng bông hoa này đến Ta, người ấy đã làm được việc làm vô cùng khó khăn.
1054. Người nào đã dâng lên bông hoa và đã dâng cúng món cơm thượng hạng đến Ta, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
1055. Người ấy sẽ cai quản Thiên quốc mười tám lần. Sẽ có hoa sen xanh, luôn cả sen hồng, và hoa nhài ở phía bên trên người ấy.
1056. Do quả thành tựu về phước báu của người này, tức thời sẽ có chiếc lọng che đượm mùi hương cõi trời được tạo ra và sẽ được duy trì ở trên không trung.
1057. (Người ấy) sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương hai mươi lăm lần, và sẽ ngự trị năm trăm quốc độ thuộc đất liền ở trái đất.
1058. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
1059. Được hài lòng với nghiệp của chính mình, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, (người ấy) sẽ trở thành bà con quyến thuộc, là nguồn đem lại niềm hoan hỷ cho dòng họ Sakya.
1060. Về sau, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, người ấy sẽ xuất gia. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, (người ấy) sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.
1061. Đấng quyến thuộc của thế gian Gotama ấy sẽ thiết lập vị đã đạt được các (tuệ) phân tích, có phận sự đã được làm xong, không còn lậu hoặc (ấy) vào vị thế tối thắng.
1062. Có tính khẳng quyết về sự nỗ lực, được an tịnh, không còn mầm mống tái sanh, người ấy sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, (và sẽ) có tên là Udāyi.”
1063. Tham, sân, si mê, ngã mạn, và gièm pha đều bị tiêu hoại. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
1064. Là người có sự tinh cần, cẩn trọng, tôi cũng đã làm vui lòng đấng Toàn Giác. Và đấng Toàn Giác, được hoan hỷ, đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng.
1065. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kāḷudāyī đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kāḷudāyī là phần thứ tư.
--ooOoo--
1066. Lúc bấy giờ, bậc Toàn Giác Atthadassī, đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại đã bước đi ở trên đường lộ, được Hội Chúng tỳ khưu tháp tùng.
1067. Được tùy tùng bởi những người học trò, tôi đã lìa khỏi căn nhà. Sau khi đi ra khỏi nơi ấy, tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
1068. Sau khi đảnh lễ bậc Toàn Giác, tôi đã chắp tay lên ở đầu. Sau khi làm cho tâm của mình được tịnh tín, tôi đã ngợi ca đấng Lãnh Đạo Thế Gian:
1069. “Cho đến các chúng sanh thuộc sắc giới, vô sắc giới, hoặc vô tưởng, tất cả các chúng sanh ấy đều được bao gồm ở trong trí tuệ của Ngài.
1070. Người nào dùng tấm lưới lỗ nhỏ vây quanh nước, bất cứ loài sinh vật nào ở trong nước chúng đều ở trong tấm lưới.
1071. Chúng sanh thuộc sắc giới và vô sắc giới là có tâm tư, tất cả các chúng sanh ấy đều được bao gồm ở trong trí tuệ của Ngài.
1072. Ngài tiếp độ thế gian dẫy đầy tăm tối này. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của Ngài, bọn họ vượt qua được luồng (suy nghĩ về) hoài nghi.
1073. Thế gian bị bao trùm bởi vô minh, bị tràn ngập bởi bóng tối. Trong khi trí tuệ của Ngài đang chiếu sáng, các bóng tối đều bị tiêu diệt.
1074. Ánh mắt của Ngài là sự xua đi bóng tối lớn lao của tất cả (chúng sanh). Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của Ngài, nhiều người được Niết Bàn.
1075. Sau khi đã đổ đầy mật ong tinh khiết vào cái hũ, tôi đã nâng lên bằng cả hai tay và đã dâng đến bậc Đại Ẩn Sĩ.
1076. Đấng Đại Hùng, bậc Đại Ẩn Sĩ đã tự tay thọ nhận. Và sau khi thọ dụng (mật ong) ấy, đấng Toàn Tri đã bay lên khoảng không ở bầu trời.
1077. Đứng ở trên không trung, bậc Đạo Sư Atthadassī đấng Nhân Ngưu, trong khi làm tâm của tôi được tịnh tín, đã nói lên những lời kệ này:
1078. “Người nào đã tán dương trí tuệ này, đã ngợi ca đức Phật tối thượng, do sự tịnh tín ấy ở trong tâm người ấy không đi đến chốn khổ đau.
1079. Người ấy sẽ cai quản Thiên quốc mười bốn lần và sẽ ngự trị tám trăm quốc độ thuộc đất liền ở trái đất.
1080. Rồi (người ấy) sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương năm trăm lần và sẽ cai quản vô số xứ sở và quốc độ ở trái đất.
1081. Là vị giảng huấn, thông thạo về chú thuật, thông suốt về ba tập Vệ-đà, (người ấy) sẽ xuất gia trong Giáo Pháp của đức Thế Tôn Gotama.
1082. (Người ấy) sẽ dùng trí tuệ suy xét về ý nghĩa thâm sâu vi tế và sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, có tên là Mogharāja.
1083. (Người ấy) sẽ được thành tựu ba minh, sẽ là vị có phận sự đã được làm xong, và sẽ trở thành bậc không còn lậu hoặc. Đấng Xa Phu cao cả Gotama sẽ thiết lập (người ấy) vào vị thế tối thắng.”
1084. Sau khi từ bỏ sự gắn bó liên quan đến loài người, sau khi cắt đứt mối ràng buộc đối với sự tái sanh, sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
1085. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Mogharāja đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Mogharāja là phần thứ năm.
--ooOoo--
1086. Khi đấng Bảo Hộ Thế Gian, bậc Tối Thượng Nhân Atthadassī đã Niết Bàn, tôi đã hộ độ Hội Chúng tỳ khưu với tâm ý trong sạch.
1087. Sau khi thỉnh mời Hội Chúng quý báu có bản thể chính trực, đã được định tĩnh, tôi đã thực hiện mái che bằng cây mía và đã phục vụ bữa ăn đến Hội Chúng tối thượng.
1088. Nơi chốn nào tôi đi tái sanh dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, tôi đều vượt trội tất cả chúng sanh; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
1089. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây một ngàn tám trăm kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng cây mía.
1090. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Adhimutta đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Adhimutta là phần thứ sáu.
--ooOoo--
1091. Lúc bấy giờ, tôi đã là vị đạo sĩ khổ hạnh ở không xa núi Hi-mã-lạp. Tôi sống bằng củ tỏi, củ tỏi là thực phẩm của tôi.
1092. Tôi đã chất (tỏi) đầy các túi xách rồi đã đi đến tu viện dành cho Hội Chúng. Được mừng rỡ, tôi đã dâng cúng củ tỏi đến Hội Chúng với tâm mừng rỡ.
1093. Sau khi dâng cúng củ tỏi đến Hội Chúng đã được thỏa thích trong Giáo Pháp của bậc Tối Thượng Nhân Vipassī, tôi đã sướng vui ở cõi trời một kiếp.
1094. Kể từ khi tôi đã dâng cúng củ tỏi trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của các củ tỏi.
1095. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Lasuṇadāyaka[11]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Lasuṇadāyaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
1096. Khi đấng Bảo Hộ Thế Gian Sikhī, bậc cao quý trong số các vị đang thuyết giảng, đã Niết Bàn, tôi đã trở nên mừng rỡ, với tâm mừng rỡ tôi đã đảnh lễ ngôi bảo tháp tối thượng.
1097. Khi ấy, sau khi thảo luận với những người thợ mộc, tôi đã dâng cúng phần tài chánh. Tôi đã trở nên mừng rỡ, với tâm mừng rỡ tôi đã cho xây dựng ngôi sảnh đường dài.
1098. Tôi đã sống ở giữa chư Thiên tám kiếp không bị gián đoạn. Trong các kiếp còn lại, tôi đã luân hồi xen kẽ (giữa cõi trời và cõi người).
1099. Chất độc không ngấm vào cơ thể, các loại vũ khí không hãm hại được tôi, tôi không bị chết đuối ở trong nước; điều này là quả báu của ngôi sảnh đường dài.
1100. Nếu tôi ao ước cơn mưa thì có đám mây lớn đổ mưa xuống, ngay cả chư Thiên cũng chịu sự điều khiển của tôi; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
1101. Tôi đã là (đấng Chuyển Luân Vương) được thành tựu bảy loại châu báu ba mươi lần, không người nào chê bai tôi; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
1102. (Kể từ khi) tôi đã cho thực hiện ngôi sảnh đường dài trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của ngôi sảnh đường dài.
1103. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Āyāgadāyaka[12]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Āyāgadāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
1104. Phía trước bảo tọa sư tử của đức Thế Tôn Siddhattha, tôi đã thiết lập bánh xe Pháp đã được làm khéo léo, đã được ngợi khen bởi các bậc trí thức.
1105. Với dáng vóc lịch sự, có binh lực và phương tiện di chuyển xứng đáng, tôi được rực rỡ. Nhiều người thường xuyên gắn bó vây quanh tôi.
1106. Có sáu mươi ngàn nhạc công luôn luôn phục vụ tôi, với đoàn tùy tùng tôi được rực rỡ; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
1107. (Kể từ khi) tôi đã thiết lập bánh xe (Pháp) trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của bánh xe Pháp.
1108. Trước đây mười một kiếp, đã có tám vị thống lãnh dân chúng cùng tên Sahassarāja, là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1109. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Dhammacakkika[13]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Dhammacakkika là phần thứ chín.
--ooOoo--
1110. Ở phía trước ngôi bảo tháp tối thượng của đức Thế Tôn Siddhattha, tôi đã treo giăng những tấm vải nhiều màu sắc và đã thiết lập cây như ý.
1111. Nơi chốn nào tôi đi tái sanh dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, có cây như ý rực rỡ hiện diện ở cánh cửa lớn của tôi.
1112. Tôi và luôn cả nhóm tùy tùng là những người sống nương tựa vào tôi, chúng tôi luôn luôn lấy vải từ cây như ý ấy rồi mặc vào.
1113. Kể từ khi tôi đã thiết lập cây (như ý) trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của cây như ý.
1114. Và trước đây vào kiếp thứ bảy, đã có tám vị Sát-đế-lỵ tên Suceḷa, là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1115. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kapparukkhiya[14]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kapparukkhiya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị Kuṇḍa, vị Sāgata, vị Kaccāna, vị Udāyi, vị Mogharāja, vị Adhimutta, vị dâng cúng củ tỏi, vị có sảnh đường dài, vị liên quan bánh xe Pháp, và vị có cây như ý là thứ mười, (tổng cộng) là một ngàn hai trăm câu kệ.
Phẩm Kuṇḍadhāna là phẩm thứ tư.
--ooOoo--
1116. Đấng Lãnh Đạo Thế Gian ấy được tháp tùng bởi một ngàn bậc Vô Lậu. Gắn bó với sự độc cư, Ngài ra đi (một mình) để thiền tịnh.
1117. Là vị trang phục bằng da dê mang theo ba gậy chống (để máng vật dụng), tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian được vây quanh bởi Hội Chúng tỳ khưu.
1118. Tôi đã đắp tấm da dê ở một bên vai rồi đã chắp tay lên ở đầu. Sau khi đảnh lễ bậc Toàn Giác, tôi đã ngợi ca đấng Lãnh Đạo Thế Gian rằng:
1119. “Giống như các loài sanh ra trong quả trứng, các loài (sanh ra) ở nơi ẩm thấp, các loài có sự hóa sanh, các loài sanh ra từ nước, tất cả các loài có cánh như các con quạ, v.v... luôn luôn có sự di chuyển ở không trung.
1120. Bất cứ hạng nào có mạng sống và sự hiện hữu dầu là hữu tưởng hoặc vô tưởng, tất cả các hạng ấy đều được bao gồm ở trong trí tuệ của Ngài.
1121. Và các hương thơm nào thuộc núi non ở ngọn núi Hi-mã-lạp tối thượng, tất cả các hương thơm ấy cũng không sánh bằng một phần giới (hương) của Ngài.
1122. Thế giới này luôn cả chư Thiên là bị lao vào sự tăm tối của si mê. Và trí tuệ của Ngài trong lúc chiếu sáng đã hủy diệt các sự tăm tối.
1123. Giống như khi mặt trời đã lặn, các chúng sanh đi đến sự tối tăm; tương tợ như vậy khi đức Phật không xuất hiện, thế gian đi đến sự si mê.
1124. Bạch đức Phật tối thượng, giống như mặt trời đang mọc lên luôn luôn làm tiêu tan bóng tối, tương tợ y như thế Ngài luôn luôn tiêu diệt sự si mê.
1125. Có tính khẳng quyết về sự nỗ lực, Ngài là đức Phật ở thế gian luôn cả chư Thiên. Do đã được hài lòng với việc làm của Ngài, Ngài đã làm cho nhiều chúng sanh được hoan hỷ.”
1126. Sau khi tùy hỷ với toàn bộ sự việc ấy, bậc Đại Hiền Trí Padumuttara đấng Trí Tuệ đã bay lên không trung, tợ như loài thiên nga chúa ở trên bầu trời.
1127. Sau khi đã bay lên, bậc Toàn Giác, vị Đại Ẩn Sĩ Padumuttara, đấng Đạo Sư, đứng trên không trung đã nói lên những lời kệ này:
1128. “Người nào ca ngợi trí tuệ này bằng cách liên hệ với các ví dụ so sánh, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
1129. Người ấy sẽ trở thành vị Thiên Vương mười tám lần, và sẽ ngự trị quốc độ thuộc đất liền ở trái đất ba trăm lần.
1130. Và (người ấy) sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương hai mươi lăm lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
1131. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka, sẽ xuất hiện ở thế gian.
1132. Được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, sau khi mệnh chung từ chính cõi trời Đẩu Suất, (người ấy) sẽ có tên là Upāli dầu là hạ tiện về dòng dõi.
1133. Và về sau, người ấy sẽ xuất gia và sẽ từ bỏ điều ác. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, (người ấy) sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.
1134. Được hoan hỷ, đức Phật Gotama, người con trai dòng Sakya có danh vọng lớn lao ấy, sẽ thiết lập vị đã được hiểu biết về Luật ấy vào vị thế tối thắng.”
1135. Do đức tin, tôi đã xuất gia, có phận sự đã được làm xong, không còn lậu hoặc. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
1136. Và đức Thế Tôn đã thương tưởng đến tôi. Tôi có sự tự tin về Luật. Được hài lòng với nghiệp của chính mình, tôi sống không còn lậu hoặc.
1137. Được thu thúc trong giới bổn Pātimokkha và ở năm giác quan, tôi nắm giữ toàn bộ tất cả về Luật là nguồn phát sanh lên châu báu.
1138. Và bậc Đạo Sư đấng Vô Thượng ở thế gian đã biết được đức hạnh của tôi. Sau khi ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu, Ngài đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng.
1139. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Upāli đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bhāgineyya-Upāli là phần thứ nhất.
--ooOoo--
1140. Tôi đã thực hiện sự tô trét bằng vôi bột và đã cho xây dựng đường kinh hành của bậc Hiền Trí Anomadassī, đấng Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy.
1141. Tôi đã trải lót đường kinh hành với những bông hoa có màu sắc khác nhau. Sau khi thực hiện mái che ở không trung, tôi đã chăm lo bữa ăn đến đức Phật tối thượng.
1142. Tôi đã chắp tay lên và đã đảnh lễ bậc có sự hành trì tốt đẹp. Khi ấy, tôi đã dâng tặng ngôi giảng đường dài đến đức Thế Tôn.
1143. Biết được ý định của tôi, bậc Đạo Sư đấng Vô Thượng ở thế gian, đức Thế Tôn, bậc Hữu Nhãn đã thọ nhận, vì lòng bi mẫn.
1144. Sau khi thọ nhận, đấng Toàn Giác bậc xứng đáng cúng dường (ở thế gian) luôn cả chư Thiên đã ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu và đã nói lên những lời kệ này:
1145. “Người nào với tâm mừng rỡ đã thực hiện ngôi giảng đường dài cho Ta, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
1146. Vào thời điểm tử biệt của người có được nghiệp phước thiện này, ngay lập tức sẽ hiện diện cỗ xe ngựa được thắng một ngàn con.
1147. Người nam này sẽ đi đến thế giới chư Thiên bằng cỗ xe ấy. Khi sự việc tốt lành được thành tựu, chư Thiên sẽ tùy hỷ.
1148. (Người này) sẽ cư ngụ ở cung điện có các nhà mái nhọn cao quý, vô cùng giá trị, đứng đầu trong các cung điện, có vữa tô là châu báu và đất sét.
1149. (Người này) sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong ba mươi ngàn kiếp, và sẽ trở thành vị Thiên Vương trong hai mươi lăm kiếp.
1150. Và (người này) sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương bảy mươi bảy lần. Tất cả các vị ấy đều có chung một tên là Yasodhara với cùng ý nghĩa.
1151. Sau khi thọ hưởng hai sự thành tựu và gom góp sự tích lũy về phước thiện, (người này) sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương ở kiếp thứ hai mươi tám.
1152. Cũng ở tại nơi ấy, có cung điện quý cao đã được hóa hiện ra bởi vị Trời Vissakamma. (Người này) sẽ cư ngụ tại thành phố được náo nhiệt với mười loại tiếng động ấy.
1153. Vô lượng kiếp về sau, (người này) với tên là Okkāka sẽ là vị vua ở trong xứ sở, là đấng bảo hộ trái đất có đại thần lực.
1154. Và người nữ quý cao ấy trong số tất cả 16.000 nữ nhân, là vị nữ Sát-đế-lỵ đã được sanh ra cao quý, sẽ hạ sanh chín người con.
1155. Sau khi sanh chín người con, người nữ Sát-đế-lỵ sẽ chết đi. Một người nữ khác trẻ trung và yêu dấu sẽ làm hoàng hậu chánh cung.
1156. Sau khi làm đức vua Okkāka vui thích, người con gái sẽ đạt được sự ưu đãi. Sau khi đạt được sự ưu đãi, người con gái ấy sẽ lưu đày các người con.
1157. Và những người con bị lưu đày ấy sẽ đi đến ngọn núi (Hi-mã-lạp) tối thượng. Do nỗi lo sợ vì sự chia lìa dòng dõi, tất cả bọn họ đã sống chung với các người chị.
1158. Và một người con gái sẽ bị thương tổn bởi nhiều căn bệnh. Các vị Sát-đế-lỵ sẽ vùi lấp (nàng ở trong hố đất, nói rằng): ‘Chớ tách rời dòng dõi của chúng ta.’
1159. Có vị Sát-đế-lỵ sẽ đưa nàng ấy đi rồi sống cùng với nàng ấy. Lúc bấy giờ, sự chia lìa có nguồn gốc gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện.
1160. Hậu duệ của hai vị ấy sẽ thuộc về dòng dõi tên là Koliya. Họ thọ hưởng của cải thuộc về nhân loại ở tại nơi ấy không phải là ít.
1161. Sau khi mệnh chung từ xác thân ấy, (người này) sẽ đi đến thế giới chư Thiên. Cũng ở tại nơi ấy, (người này) sẽ có được cung điện quý cao, thích ý.
1162. Được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, sau khi mệnh chung từ thế giới chư Thiên, (người này) sẽ đi đến bản thể loài người và sẽ có tên là Soṇa.
1163. Có sự ra sức tinh tấn, có tính khẳng quyết, trong khi đang nỗ lực ở trong Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, (người này) sẽ biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc và sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.
1164. Đức Thế Tôn Gotama, bậc Cao Quý dòng Sakya, vị có sự thấy không giới hạn, bậc có sự biết toàn diện, đấng Đại Hùng sẽ thiết lập (người này) vào vị thế tối thắng.”
1165. Tôi đã được rèn luyện trong sự rèn luyện tối thượng, tâm của tôi đã khéo được củng cố, tất cả nhiệm vụ đã được đặt xuống, tôi đã Niết Bàn không còn lậu hoặc.
1166. Đấng Long Tượng dòng dõi Aṅgīrasa, tợ như con sư tử đã được sanh ra tốt đẹp, sau khi ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng.
1167. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Soṇa Koṭikaṇṇa đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Soṇakoṭikaṇṇa là phần thứ nhì.
--ooOoo--
1168. Tất cả mọi người đi đến đức Toàn Giác Padumuttara, bậc Đại Hiền Trí có tâm từ ái, đấng Lãnh Đạo cao cả của toàn thể thế gian,
1169. Tất cả (mọi người) dâng cúng vải vóc, luôn cả chỗ nằm ngồi, thực phẩm, thức ăn và nước uống đến bậc Đạo Sư (và) ở Phước Điền vô thượng.
1170. (Nghĩ rằng): “Ta cũng sẽ dâng cúng vật thí đến vị Trời của chư Thiên như thế ấy,” tôi đã thỉnh mời đức Phật tối thượng và luôn cả Hội Chúng vô thượng.
1171. Và được tôi khích lệ những người này đã thỉnh mời đức Như Lai và toàn thể Hội Chúng tỳ khưu là Phước Điền vô thượng.
1172. Tôi đã sửa soạn chiếc ghế bành bằng vàng (trị giá) một trăm ngàn, được phủ thảm lông cừu, (được làm) bằng sợi len, bông gòn, chỉ lanh, và bông vải, là chỗ ngồi vô cùng giá trị xứng đáng với đức Phật.
1173. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị Trời của chư Thiên, đấng Nhân Ngưu, được vây quanh bởi Hội Chúng tỳ khưu đã đi đến cửa nhà của tôi.
1174. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã đi ra tiếp đón bậc Toàn Giác, đấng Bảo Hộ Thế Gian có danh tiếng, và đã rước Ngài vào căn nhà của mình.
1175. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã làm toại ý đức Phật, đấng Lãnh Đạo Thế Gian, và một trăm ngàn vị tỳ khưu với món cơm thượng hạng.
1176. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, sau khi ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu đã nói lên những lời kệ này:
1177. “Người nào đã dâng cúng chỗ ngồi bằng vàng được phủ thảm len lông cừu này, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
1178. Người ấy sẽ cai quản Thiên quốc bảy mươi bốn lần và sẽ thọ hưởng sự thành đạt, được các tiên nữ trọng vọng.
1179. (Người ấy) sẽ ngự trị một ngàn xứ sở vương quốc ở trái đất và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương năm mươi mốt lần.
1180. (Người ấy) sẽ là người có gia tộc cao sang trọng số tất cả các dòng dõi xuất thân. Và về sau, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, người ấy sẽ xuất gia và sẽ trở thành vị Thinh Văn của bậc Đạo Sư, có tên là Bhaddiya.”
1181. Gắn bó với sự độc cư, tôi đã cư ngụ ở nơi thanh vắng. Và tất cả các Quả vị đã được tôi chứng đạt, giờ đây tôi có điều ô nhiễm đã được dứt bỏ.
1182. Biết rõ mọi việc của tôi, đấng Toàn Tri, bậc Lãnh Đạo Thế Gian sau khi ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng.
1183. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bhaddiya Kāḷigodhāyaputta đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bhaddiya Kāḷigodhāputta là phần thứ ba.
--ooOoo--
1184. Sau khi tạo nên một liêu cốc nhỏ ở trong rừng, tôi sống ở trong vùng đồi núi, tự hài lòng với việc có hay không có, với việc có được danh tiếng hay không có danh tiếng.
1185. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, cùng với một trăm ngàn vị có năng lực đã đi đến khu vực của tôi.
1186. Khi bậc Đại Hùng tên Padumuttara đi đến gần, tôi đã chuẩn bị tấm thảm cỏ và đã dâng cúng đến bậc Đạo Sư.
1187. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, với tâm ý trong sạch, tôi đã dâng cúng trái āmaṇḍa và nước uống đến bậc có bản thể chính trực.
1188. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của trái āmaṇḍa.
1189. Trước đây bốn mươi mốt kiếp, tôi đã là vị Arindama độc nhất, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1190. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sanniṭṭhāpaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sanniṭṭhāpaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
1191. Bậc Toàn Giác tên Sumedha đi ở khu phố chợ, có mắt nhìn xuống, có lời nói cân nhắc, có niệm, có giác quan thu thúc.
1192. (Dân chúng) đã mang đến tôi năm bó hoa sen xanh để làm vòng hoa đội đầu. Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình cúng dường vật ấy đến đức Phật.
1193. Và những bông hoa được dâng lên ấy đã trở thành mái che cho bậc Đạo Sư, và đã di chuyển theo đấng Long Tượng giống như những người học trò di chuyển theo người thầy.
1194. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa cho đến ba mươi ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
1195. Trước đây hai ngàn kiếp, đã có năm vị Sát-đế-lỵ cùng tên Hatthiya, là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1196. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pañcahatthiya[15]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pañcahatthiya là phần thứ năm.
--ooOoo--
1197. Khi đấng Bảo Hộ Thế Gian Vipassī nhân vật cao cả đã Niết Bàn, tôi đã cầm lấy đóa sen hồng khéo được nở rộ dâng lên giàn hỏa thiêu.
1198. Và khi bông hoa được dâng lên giàn hỏa thiêu, nó đã bay lên hư không bầu trời. Tôi đã tạo nên và đã duy trì mái che ở không trung nơi giàn hỏa thiêu.
1199. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
1200. Trước đây bốn mươi bảy kiếp, (tôi đã là) đấng Chuyển Luân Vương tên Padumissara, là người chinh phục bốn phương, có oai lực lớn lao.
1201. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Padumacchadaniya[16]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Padumacchadaniya là phần thứ sáu.
--ooOoo--
1202. Chiếc giường cao quý được trải lên bằng các lớp vải đã được tôi dâng cúng đến đức Thế Tôn Siddhattha, vị có tâm từ ái như thế ấy.
1203. Đức Thế Tôn đã thọ nhận chỗ nằm ngồi thích hợp. Đấng Chiến Thắng đã từ chỗ ngồi đứng dậy rồi bay lên không trung.
1204. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng chiếc giường trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng chiếc giường.
1205. Trước đây năm mươi mốt kiếp, (tôi đã là) vị tên Varuṇa Deva, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1206. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sayanadāyaka[17]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sayanadāyaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
1207. Sau khi gom góp các viên gạch, tôi đã cho xây dựng đường kinh hành của đấng Hiền Trí Atthadassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy.
1208. Đường kinh hành đã được kiến tạo tốt đẹp, cao năm ratana (1,25 mét), dài một trăm cánh tay (50 mét), đáng được trân trọng, thích ý.
1209. Đức Thế Tôn, đấng Tối Thượng Nhân Atthadassī đã thọ nhận. Ngài đã cầm lấy cát bằng bàn tay và đã nói lên những lời kệ này:
1210. “Do sự dâng cúng cát và đường kinh hành đã khéo được xây dựng này, (người ấy) sẽ thọ hưởng cát có chứa đựng bảy loại châu báu.
1211. (Người ấy) sẽ cai quản Thiên quốc ở giữa chư Thiên ba kiếp và sẽ thọ hưởng sự thành đạt, được các tiên nữ trọng vọng.
1212. Sau khi đi đến thế giới nhân loại, (người ấy) sẽ là đức vua ở quốc độ. Và người ấy sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương ở trái đất ba lần.”
1213. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây một ngàn tám trăm kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của đường kinh hành.
1214. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Caṅkamadāyaka[18]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Caṅkamadāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
1215. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara vị thọ nhận các vật hiến cúng có danh vọng lớn lao đã tiếp độ đám đông dân chúng rồi Niết Bàn.
1216. Và trong khi bậc Toàn Giác đang Niết Bàn, mười ngàn (thế giới) đã rúng động. Khi ấy, đã có tập thể dân chúng đông đảo, và chư Thiên đã tụ hội lại.
1217. Sau khi cúng dường trầm hương cùng với các loại bột thơm và hoa nhài, tôi đã trở nên mừng rỡ. Với tâm mừng rỡ, tôi đã thoa lên đấng Tối Thượng Nhân.
1218. Biết được ý định của tôi, bậc Đạo Sư, đấng Vô Thượng ở thế gian, bậc Toàn Giác ngay khi đang nằm đã nói lên những lời kệ này:
1219. “Người nào đã phủ lên (cơ thể Ta) bằng vật thơm và tràng hoa vào thời điểm cuối cùng của Ta, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
1220. Mệnh chung ở đây, người nam này sẽ đi đến cõi trời Đẩu Suất. Sau khi cai quản vương quốc ở tại nơi ấy, người ấy sẽ đi đến cõi Hóa Lạc Thiên.
1221. Sau khi cúng dường tràng hoa cao quý tối thượng theo phương thức này đây, được hài lòng với nghiệp của chính mình, người ấy sẽ thọ hưởng sự thành đạt.
1222. Người nam này cũng sẽ tái sanh ở cõi trời Đẩu Suất lần nữa. Sau khi mệnh chung từ cõi trời ấy (người này) sẽ đi đến bản thể nhân loại.
1223. Người con trai dòng Sakya, đấng Long Tượng cao cả ở thế gian luôn cả chư Thiên, bậc Hữu Nhãn sẽ giúp cho nhiều chúng sanh giác ngộ rồi sẽ Niết Bàn.
1224. Trong khi đã thành đạt sự xuất gia (làm đạo sĩ), được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch (người này) sẽ đi đến gặp bậc Toàn Giác, và khi ấy sẽ hỏi câu hỏi.
1225. Bậc Toàn Giác, đấng Toàn Tri, bậc Lãnh Đạo Thế Gian sẽ làm cho (người này) vui vẻ. Sau khi biết toàn diện về hành động phước thiện, Ngài sẽ phô bày các Chân Lý (cao thượng).
1226. Và được hài lòng về câu hỏi, người này sẽ hớn hở, có tâm chăm chú. Sau khi đảnh lễ bậc Đạo Sư, (người này) sẽ cầu xin sự xuất gia.
1227. Đức Phật ấy, bậc rành rẽ về Giáo Pháp cao cả, sau khi nhìn thấy (người này) có tâm tịnh tín, hoan hỷ với nghiệp của mình, sẽ cho (người này) xuất gia.
1228. Sau khi nỗ lực trong Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác, sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, người nam này sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
(Tụng phẩm thứ năm).
1229. Được gắn liền với nghiệp quá khứ, có sự chăm chú, khéo được định tĩnh, tôi là người con trai chánh thống của đức Phật, đã được sanh ra từ Giáo Pháp, đã được tạo ra tốt đẹp.
1230. Sau khi đi đến gặp đấng Pháp Vương, tôi đã hỏi câu hỏi tối thượng. Và trong khi giảng giải về câu hỏi của tôi, Ngài đã đưa tôi vào dòng chảy Giáo Pháp.
1231. Sau khi hiểu được Giáo Pháp của Ngài, tôi đã sống, được thỏa thích trong Giáo Pháp. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
1232. Trước đây một trăm ngàn kiếp, đấng Lãnh Đạo Padumuttara đã Niết Bàn không còn chấp thủ, tợ như cây đèn đã tắt vì sự cạn kiệt về dầu thắp.
1233. Đã có ngôi bảo tháp làm bằng châu báu cao bảy do-tuần. Tại nơi ấy, tôi đã cúng dường ngọn cờ tốt đẹp về mọi mặt, làm thích ý.
1234. Và vị Thinh Văn hàng đầu tên Tissa của đức Phật Kassapa, người thừa tự Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, đã là con trai ruột của tôi.
1235. Do tâm ý kém cỏi, tôi đã nói lời nói không tốt đẹp với vị ấy. Do quả thành tựu của nghiệp ấy, tôi đã nhìn thấy đấng Chiến Thắng vào thời điểm cuối cùng.
1236. Tại rừng cây sālā Upavattana, ở chỗ nằm cuối cùng, đấng Hiền Trí, bậc Đại Hùng, đấng Chiến Thắng, bậc có sự lợi ích và lòng bi mẫn, đã cho (tôi) xuất gia.
1237. Giờ đây, đúng ngày hôm nay là sự xuất gia, đúng ngày hôm nay là sự tu lên bậc trên, đúng ngày hôm nay là sự Viên Tịch Niết Bàn trong sự hiện diện của bậc Tối Thượng Nhân.
1238. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Subhadda đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.]
Ký sự về trưởng lão Subhadda là phần thứ chín.
--ooOoo--
1239. Sau khi cho thực hiện cây cột trụ dành cho đức Thế Tôn Siddhattha, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy, tôi đã phủ lên bằng các bông hoa nhài
1240. Sau khi làm hoàn tất, tôi đã đem bông hoa ấy lại gần đức Phật. Tôi đã cầm lấy phần còn lại của bông hoa và đã dâng lên đức Phật.
1241. Đức Phật, đấng Lãnh Đạo cao cả của thế gian trông tợ như cây cột trụ bằng vàng. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng tặng cây cột trụ bông hoa đến Ngài.
1242. Đấng Toàn Giác, bậc có sự nghi hoặc đã được loại trừ, được tháp tùng bởi những vị đã vượt qua các bộc lưu, sau khi ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu đã nói lên những lời kệ này:
1243. “Người nào đã dâng cúng cột trụ bông hoa đang tỏa ra mùi hương của cõi trời đến Ta, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
1244. Mệnh chung ở đây, người nam này sẽ đi đến thế giới chư Thiên, (và sẽ) được hội chúng chư Thiên tôn trọng, được các bông hoa nhài phủ quanh.
1245. Được phát khởi từ nghiệp phước thiện, có chỗ trú ngụ cao vút làm bằng vàng và ngọc ma-ni, có cung điện sẽ được hiện ra cho vị ấy.
1246. Người ấy sẽ cai quản Thiên quốc bảy mươi bốn kiếp và sẽ thọ hưởng sự thành đạt, được các tiên nữ trọng vọng.
1247. (Người ấy) sẽ ngự trị quốc độ thuộc đất liền ở trái đất ba trăm lần, và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương bảy mươi lăm lần.
1248. (Người ấy) sẽ trở thành vị thống lãnh nhân loại tên là Dujjaya. Được nương tựa vào nghiệp của chính mình, (người ấy) sẽ thọ hưởng phước báu ấy.
1249. (Người ấy) sẽ không đi đến đọa xứ và sẽ đi đến bản thể nhân loại. Và số vàng không ít hơn một trăm koṭi (một tỷ) sẽ được tích lũy (cho người ấy).
1250. Người ấy sẽ sanh vào dòng dõi Bà-la-môn và sẽ là người con trai ruột thông minh yêu dấu của (Bà-la-môn) Vaṅganta và bà Sārī.
1251. Và về sau, người ấy sẽ xuất gia trong Giáo Pháp của đức Aṅgīrasa (Phật Gotama) và sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư có tên là Cūlacunda.
1252. Người ấy sẽ trở thành bậc có lậu hoặc được đoạn tận ngay khi còn là vị sa-di. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, người ấy sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
1253. Tôi đã phục vụ đấng Đại Hùng và nhiều vị hiền đức khác, và tôi đã hầu cận người anh trai của tôi nhằm đạt đến mục đích tối thượng.
1254. Tôi đã phục vụ người anh trai của tôi,[19]tôi đã đặt xá-lợi (của anh tôi) ở trong bình bát và đã trình lên đấng Toàn Giác, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu.
1255. Đức Phật ở thế gian luôn cả chư Thiên đã cầm lấy bằng hai tay, và trong khi phô bày xá-lợi ấy Ngài đã tán dương vị Thinh Văn hàng đầu.
1256. Tâm của tôi đã khéo được giải thoát, đức tin của tôi đã được thiết lập. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
1257. Bốn (tuệ) phân tích, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Cunda đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Cunda là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị Upāli, vị Soṇa, vị Bhaddiya, vị Sanniṭṭhāpaka, vị Hatthiya, mái che, giường nằm, đường kinh hành, vị Subhadda, vị tên Cunda; (tổng cộng) có một trăm bốn mươi câu kệ và bốn câu thêm vào đó.
Phẩm Upāli là phẩm thứ năm.
--ooOoo--
[1]Câu kệ này và câu kế được ghi theo Chú Giải (ApA. 312).
[2] Sīhāsanadāyakangh ĩa là “vị dâng cúng bảo tọa (āsana) sư tử (sīha), Pháp tọa.”
[3] Ekatthambhikangh ĩa là “vị liên quan đến một (eka) cây cột trụ (thambha).”
[4]Nanda là người em trai cùng cha (đức vua Suddhodana) khác mẹ (con bà Mahāpajāpati Gotamī) của thái tử Siddhattha (Sĩ-đạt-ta).
[5] Pañcasīlasamādāniyanghĩa là “vị có sự thọ trì (samādāna) năm (pañca) giới cấm (sīla).”
[6] Annasaṃsāvakanghĩa là “vị ngợi ca (saṃsāvaka) về việc (dâng cúng) vật thực (anna).”
[7] Dhūpadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) khói hương (dhūpa), tức là xông khói có mùi thơm.”
[8] Pulinapūjaka nghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) cát (pulina).”
[9] Ekañjalikanghĩa là “vị có một lần (eka) chắp tay (añjali).”
[10] Khomadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) tấm vải sợi lanh (khoma).”
[11] Lasuṇadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) tỏi (lasuṇa).”
[12] Āyāgadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) sảnh đường dài (āyāga).”
[13] Dhammacakkikanghĩa là “vị có bánh xe (cakka) Giáo Pháp (Dhamma).”
[14] Kapparukkhiyanghĩa là “vị liên quan đến cây (rukkha) như ý (kappa).”
[15] Pañcahatthiya nghĩa là “vị liên quan đến năm (pañca) bó (hattha) hoa sen xanh.”
[16] Padumacchadaniyanghĩa là “vị liên quan đến mái che (chadana) bằng hoa sen hồng (paduma).”
[17] Sayanadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) chiếc giường (sayana).”
[18] Caṅkamadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) đường đi kinh hành (caṅkama).”
[19]Anh trai của vị Cunda này là ngài Sāriputta, tức là vị Thinh Văn hàng đầu (ND).
1258. Chiếc quạt đã được tôi dâng cúng đến đức Phật Padumuttara, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy, đấng Chúa Tể của loài người như thế ấy.
1259. Sau khi đã làm cho tâm của mình được tịnh tín, tôi đã chắp tay lên. Tôi đã đảnh lễ bậc Toàn Giác rồi ra đi, mặt hướng phía bắc.
1260. Sau khi cầm lấy chiếc quạt, bậc Đạo Sư đấng Vô Thượng ở thế gian, trong khi đang đứng ở nơi Hội Chúng tỳ khưu đã nói lên lời kệ này:
1261. “Do sự dâng cúng chiếc quạt này và do các nguyện lực của tâm, (người ấy) không sa vào đọa xứ trong một trăm ngàn kiếp.”
1262. Có sự ra sức tinh tấn, có tính khẳng quyết, được định tĩnh là đức tính của tâm, vào lúc bảy tuổi tính từ khi sanh tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
1263. (Trước đây) sáu mươi ngàn kiếp, đã có mười sáu vị vua tên Vījamāna là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1264. Bốn (tuệ) phân tích, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Vidhūpanadāyaka[1]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vidhūpanadāyaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
1265. Sau khi trèo lên tảng đá cao, đấng Tối Thượng Nhân đã ngồi xuống. Tôi là vị Bà-la-môn thông thạo về chú thuật (cư ngụ) ở không xa ngọn núi.
1266. Khi đấng Đại Hùng, vị Trời của chư Thiên, bậc Nhân Ngưu đã ngồi xuống, tôi đã chắp tay lên và đã ngợi ca đấng Lãnh Đạo Thế Gian rằng:
1267. “Vị này là đức Phật, đấng Đại Hùng, bậc giảng giải về Giáo Pháp cao quý, đứng đầu Hội Chúng tỳ khưu, chói sáng như là đống lửa.
1268. Tợ như đại dương không bị suy suyển, tợ như biển cả khó mà vượt qua, bậc Hữu Nhãn thuyết giảng Giáo Pháp tợ như (con sư tử) vua của loài thú không bị hãi sợ.”
1269. Biết được ý định của tôi, đấng Lãnh Đạo Padumuttara đứng ở nơi Hội Chúng tỳ khưu, đã nói lên những lời kệ này:
1270. “Sự chắp tay này đã được dâng cúng và đức Phật tối thượng đã được ngợi ca bởi người nào, (người ấy) sẽ cai quản Thiên quốc ba mươi ngàn kiếp.
1271. Cho đến một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Toàn Giác tên Aṅgīrasa, vị đã dứt bỏ tội lỗi, sẽ hiện khởi.
1272. (Người ấy) sẽ là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, là vị A-la-hán với tên Sataraṃsī.”
1273. Vào lúc bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Tôi có ánh sáng tỏa ra, (cho nên) tôi có tên là Sataraṃsī (trăm tia sáng).
1274. Ở mái che hoặc ở gốc cây, tôi là người có thiền chứng, được thỏa thích về thiền. Tôi duy trì thân mạng cuối cùng ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.
1275. (Trước đây) sáu mươi ngàn kiếp, (đã có) bốn vị có tên Rāma là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1276. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sataraṃsiya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sataraṃsika là phần thứ nhì.
--ooOoo--
1277. Với tâm ý trong sạch, tôi đã dâng cúng chiếc giường đến đức Phật Padumuttara ấy, bậc có lòng thương tưởng đến tất cả thế gian.
1278. Do sự dâng cúng chiếc giường ấy, có sự thành tựu của hạt giống (đã được gieo) ở thửa ruộng tốt, các của cải được sanh lên cho tôi đây; điều này là quả báu của chiếc giường.
1279. Tôi thực hiện việc nằm ngủ ở trên không trung, tôi nâng đỡ trái đất này, tôi có quyền lãnh đạo đối với các sanh mạng; điều này là quả báu của chiếc giường.
1280. (Trước đây) năm ngàn kiếp, đã có tám vị (tên là) Mahāvara. Và (trước đây) ba ngàn bốn trăm kiếp, (đã có) bốn vị có oai lực lớn lao.
1281. Bốn (tuệ) phân tích, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sayanadāyaka[2]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sayanadāyaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
1282. Đã có lễ hội ở cội Đại Bồ Đề của đức Phật Padumuttara. Tôi đã mang theo cái bầu nước đã được trang hoàng và tôi đã dâng cúng nước có hương thơm.
1283. Vào thời điểm rưới nước cho cội Bồ Đề, có đám mây lớn đã đổ mưa. Và đã có tiếng động lớn trong lúc sấm sét đang nổ ra.
1284. Tôi đã mệnh chung ở tại nơi ấy (và đã tái sanh) tợ như tốc độ của tia sét ấy. Trong khi đứng ở thế giới chư Thiên, tôi đã nói lên lời kệ này:
1285. “Ôi đức Phật! Ôi Giáo Pháp! Ôi sự thành tựu của bậc Đạo Sư của chúng ta! (Khi) thân thể của tôi bị ngã xuống thì tôi sướng vui ở thế giới chư Thiên.”
1286. Chỗ trú ngụ của tôi cao vút, có một trăm tầng lầu được vươn lên, có một trăm ngàn thiếu nữ luôn luôn vây quanh tôi.
1287. Các bệnh tật của tôi không được biết đến, sự sầu muộn của tôi không có, tôi không nhìn thấy sự bực bội; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
1288. (Trước đây) hai ngàn tám trăm kiếp, tôi đã là đức vua Saṃvasita, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1289. Bốn (tuệ) phân tích, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Gandhodakiya[3]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Gandhodakiya là phần thứ tư.
--ooOoo--
1290. Tôi đã dâng cúng con ngựa thuần chủng đến đức Phật Padumuttara. Sau khi dâng tặng cho bậc Toàn Giác, tôi đã đi về căn nhà của mình.
1291. Vị có tên Devala là Thinh Văn hàng đầu của bậc Đạo Sư, là người thừa tự của Giáo Pháp cao quý, đã đi đến gặp tôi (nói rằng):
1292. “Đức Thế Tôn chỉ sử dụng bình bát và vật dụng thiết yếu của mình, con ngựa thuần chủng là không thích hợp. Biết được ý định của ngươi nên bậc Hữu Nhãn đã chấp thuận.”
1293. Sau khi cho người định giá con ngựa Sindhu có tốc độ như gió là phương tiện di chuyển mau chóng, tôi đã dâng cúng vật dụng thích hợp đến đức Phật Padumuttara.
1294. Nơi chốn nào tôi đi tái sanh dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, có những con ngựa với tốc độ như gió, đáng được thuần phục, được tô điểm, (đã) sanh lên cho tôi.
1295. Những ai đạt được sự tu lên bậc trên (với Ngài), lợi ích của những vị ấy là đã được thành tựu tốt đẹp. Nếu đức Phật sẽ hiện hữu ở thế gian, tôi có thể gặp lại Ngài lần nữa.
1296. Tôi đã là vị vua có oai lực lớn lao, là người chinh phục bốn phương, là chúa tể của xứ Jambudīpa hai mươi tám lần.
1297. Lần sau cùng này của tôi là sự hiện hữu cuối cùng trong sự luân chuyển. Sau khi từ bỏ sự hơn thua, tôi đã đạt được vị thế Bất Động.
1298. (Trước đây) ba mươi bốn ngàn kiếp, tôi đã là vị Sát-đế-lỵ có quyền uy vĩ đại, được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1299. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Opavayha đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Opavayha là phần thứ năm.
--ooOoo--
1300. Tôi đã dâng cúng vật thực đến đức Phật Padumuttara. Tôi đã đi đến địa điểm thọ trai ấy và đã rải rắc các bông hoa nhài.
1301. Đức Phật, đấng Lãnh Đạo cao cả của thế gian, bậc có bản thể chính trực, định tĩnh, ngồi ở chỗ ngồi ấy đã tán dương về phần vật thực rằng:
1302. Cũng giống như chỉ một ít hạt giống được gieo xuống cánh đồng màu mỡ, khi có mưa rào thích hợp đổ xuống, kết quả làm vui lòng người nông phu.
1303. Tương tợ y như thế, phần vật thực này đã được ngươi gieo xuống thửa ruộng màu mỡ, trong khi sanh ra ở cõi hữu, quả báu sẽ làm ngươi vui lòng.”
1304. Sau khi nói xong điều này, sau khi đã ngợi ca về phần vật thực, bậc Toàn Giác tên Padumuttara đã ra đi, mặt hướng phía bắc.
1305. Tôi đã thu thúc trong giới bổn Pātimokkha và ở năm giác quan, được gắn bó với sự cô tịch, tôi sống không còn lậu hoặc.
1306. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Saparivārāsana[4]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Saparivārāsana là phần thứ sáu.
--ooOoo--
1307. Sau khi đã khéo an trú trong Chánh Pháp của đức Phật Padumuttara, bậc có lòng thương tưởng đến tất cả sanh linh, tôi đã có được quan điểm chính chắn.
1308. Tôi đã dâng cúng vật thí là các cây đèn sau khi đã đặt vòng quanh cội Bồ Đề. Trong khi đang có niềm tin, tôi đã tức thời thắp sáng các cây đèn.
1309. Nơi chốn nào tôi đi tái sanh dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, có những người cầm đuốc ở không trung; điều này là quả báu của việc dâng cúng đèn.
1310. Tôi thể nghiệm được sự nhìn thấy ở xung quanh một trăm do-tuần, sau khi đã vượt xuyên qua bức tường, xuyên qua tảng đá, và ngọn núi.
1311. (Trước đây) ba ngàn bốn trăm kiếp, các vị vua có tên Satacakkhu đã là các đấng Chuyển Luân Vương có quyền uy vĩ đại, có oai lực lớn lao.
1312. Nhờ vào phần dư sót của nghiệp ấy, tôi đã đạt được sự đoạn tận các lậu hoặc. Tôi duy trì thân mạng cuối cùng ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.
1313. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pañcadīpaka[5]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pañcadīpaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
1314. Ở tại cội cây Bồ Đề của đức Phật Padumuttara, tôi đã trở nên mừng rỡ. Với tâm mừng rỡ tôi đã treo ngọn cờ ở chóp đỉnh của cội cây.
1315. Tôi đã nhặt các lá cây bị rụng xuống rồi đã đổ bỏ ở bên ngoài. Tôi đã đảnh lể cội Bồ Đề tối thượng tợ như (đảnh lễ) bậc Toàn Giác là vị trong sạch bên trong, trong sạch bên ngoài, đã được giải thoát, không còn lậu hoặc, đang ở trước mặt.
1316. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đứng ở nơi Hội Chúng tỳ khưu đã nói lên những lời kệ này:
1317. “Do cả hai việc là dâng cúng ngọn cờ và sự phục vụ này, người ấy không đi đến khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.
1318. (Người ấy) sẽ thọ hưởng sự huy hoàng ở cõi trời không phải là ít ở giữa chư Thiên, sẽ là vị vua ở quốc độ hàng trăm lần, và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương có tên Uggata.
1319. Được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, sau khi thọ hưởng sự thành đạt (người ấy) sẽ thỏa thích trong Giáo Pháp của đức Thế Tôn Gotama.”
1320. Có tính khẳng quyết về sự nỗ lực, được an tịnh, không còn mầm mống tái sanh, tôi duy trì thân mạng cuối cùng ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.
1321. (Trước đây) năm mươi mốt ngàn kiếp, (tôi đã) có tên Uggata. (Trước đây) năm mươi ngàn kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Megha.
1322. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Dhajadāyaka[6]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Dhajadāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
1323. Trong khi công bố về bốn Sự Thật, trong khi giúp cho đám đông dân chúng chứng ngộ Niết Bàn, bậc chuyển vận Giáo Pháp cao quý (đã) đổ mưa cơn mưa Bất Tử.
1324. Tôi đã cầm lấy đóa sen hồng còn cả cuống đứng ở tầng thượng. Được mừng rỡ, tôi đã ném lên không trung (cúng dường) bậc Hiền Trí Padumuttara.
1325. Và trong khi đóa sen hồng đang đi đến, ngay khi ấy đã có điều kỳ diệu. Biết được ý định của tôi, bậc cao quý trong số các vị đang thuyết giảng đã nắm lấy.
1326. Sau khi cầm lấy đóa sen tối thượng trong các loài hoa bằng bàn tay hạng nhất, (đức Phật) đứng ở nơi Hội Chúng tỳ khưu đã nói lên những lời kệ này:
1327. “Người nào đã thảy đóa sen hồng này đến đấng Toàn Tri, bậc Hướng Đạo, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
1328. (Người ấy) sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc ba mươi kiếp, và sẽ ngự trị quốc độ thuộc đất liền ở trái đất bảy trăm lần.
1329. Sau khi tính đếm số lượng cánh hoa ở tại nơi ấy, (người ấy) sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương (bấy nhiêu lần), khi ấy sẽ có trận mưa bông hoa đổ xuống từ không trung.
1330. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
1331. Là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, (người ấy) sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
1332. Tôi đã ra khỏi lòng (mẹ) có sự nhận biết mình, có niệm (đầy đủ). Vào lúc năm tuổi tính từ khi sanh, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
1333. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Paduma đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Paduma là phần thứ chín.
--ooOoo--
1334. Vào lúc bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã đi đến gần bậc Tối Thượng Nhân.
1335. Đối với đức Thế Tôn Tissa, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy, tôi đã trở nên mừng rỡ. Với tâm mừng rỡ, tôi đã gieo trồng cội Bồ Đề tối thượng.
1336. (Cội Bồ Đề) là giống cây mọc ở trên mặt đất có tên là Asana. Tôi đã chăm sóc cội Bồ Đề tối thượng Asana năm năm.
1337. Sau khi nhìn thấy cội cây đã được trổ hoa là điều kỳ diệu khiến lông rởn ốc. Trong khi tán dương việc làm của mình, tôi đã đi đến gặp đức Phật tối thượng.
1338. Khi ấy, bậc Toàn Giác Tissa, đấng Tự Chủ, nhân vật cao cả ấy, sau khi ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu, đã nói lên những lời kệ này:
1339. “Người nào đã gieo trồng cội cây Bồ Đề này và đã tôn trọng sự cúng dường đức Phật, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
1340. Người ấy sẽ cai quản Thiên quốc ở giữa chư Thiên ba mươi kiếp, và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương sáu mươi bốn lần.
1341. Được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, sau khi mệnh chung từ chính cõi trời Đẩu Suất, sau khi thọ hưởng hai sự thành đạt, người ấy sẽ sướng vui ở bản thể nhân loại.
1342. Có tính khẳng quyết về sự nỗ lực, được an tịnh, không còn mầm mống tái sanh, sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, người ấy sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
1343. Tôi đã gắn bó với sự độc cư, được an tịnh, không còn mầm mống tái sanh. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
1344. Kể từ khi tôi đã gieo trồng cội Bồ Đề trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc gieo trồng cội Bồ Đề.
1345. Trước đây bảy mươi bốn kiếp, (tôi đã) được nổi tiếng với tên Daṇḍasena. Khi ấy, tôi đã là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật.
1346. Trước đây bảy mươi ba kiếp, đã có bảy vị lãnh chúa là các đấng Chuyển Luân Vương tên Samantanemi.
1347. Trước đây hai mươi lăm kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Puṇṇaka, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1348. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Asanabodhiya[7]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Asanabodhiya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị có cây quạt, vị Sataraṃsī, chiếc giường, vị có nước hương thơm, vị có phương tiện di chuyển, vị có vật phụ thuộc, cây đèn, ngọn cờ, vị cúng dường hoa sen hồng, và cội Bồ Đề là thứ mười. Như thế, (tổng cộng) có chín mươi hai câu kệ đã được nói đến.
Phẩm Vījanī là phẩm thứ sáu.
--ooOoo--
1349. Tôi đã nhìn thấy khu rừng bao la rậm rạp ít có tiếng động, không bị chộn rộn, chính là nơi trú ngụ của các vị ẩn sĩ, là địa điểm tiếp nhận các vật hiến cúng.
1350. Sau khi thực hiện ngôi bảo tháp bằng cát, tôi đã rải rắc nhiều bông hoa khác loại. Tôi đã đảnh lễ (ngôi bảo tháp) đã được tạo nên như là (đảnh lễ) bậc Toàn Giác đang ở trước mặt.
1351. Trở thành vị vua được thành tựu bảy loại báu vật, là chúa tể của quốc độ, tôi hài lòng với nghiệp của chính mình; điều này là quả báu của việc cúng dường ngôi bảo tháp.
1352. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường ngôi bảo tháp.
1353. (Trước đây) tám mươi kiếp, tôi đã là đấng Chuyển Luân Vương Anantayasa được thành tựu bảy loại báu vật, là chúa tể ở bốn châu lục.
1354. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sakacintaniya[8]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sakacintaniya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
1355. Sau khi đi ra khỏi trú xá và bước lên ở con đường kinh hành, trong khi công bố về bốn Sự Thật, Ngài thuyết giảng về đạo lộ Bất Tử.
1356. Nhận biết được giọng nói của đấng Sikhī là đức Phật tối thượng như thế ấy, tôi đã cầm lấy nhiều loại bông hoa và đã tung lên ở không trung.
1357. Do việc làm ấy ở nơi đấng Chúa Tể của loài người, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, sau khi từ bỏ sự hơn thua tôi đã đạt được vị thế Bất Động.
1358. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường bông hoa.
1359. Trước đây hai mươi kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Sumedha, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1360. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Avopupphiya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Avopupphiya là phần thứ nhì.
--ooOoo--
1361. Lúc bấy giờ, tôi đã là loài ngỗng đỏ ở bờ sông Sindhu. Và tôi đã khéo ngăn ngừa các điều ác, có thức ăn thuần là loài thảo mộc ở trong nước.
1362. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm đang di chuyển ở trên không trung. Tôi đã dùng mỏ ngắt lấy bông hoa sālā và đã dâng lên (đức Phật) Vipassī.
1363. “Người nào có niềm tin ở đức Như Lai không bị lay chuyển khéo được thiết lập, do sự tịnh tín ấy ở trong tâm người ấy không đi đến khổ cảnh.”
1364. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng. Hạt giống tốt đã được tôi gieo trồng trong khi tôi là loài chim.
1365. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường bông hoa.
1366. (Trước đây) mười bảy kiếp, tám vị này có cùng một tên là Sucāru-dassana. Họ đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1367. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Paccāgamaniya[9]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Paccāgamaniya là phần thứ ba.
--ooOoo--
1368. “Ai là người nhìn thấy bậc Toàn Giác có màu da vàng chói, đấng Anh Hùng cao thượng quý phái, bậc Đại Ẩn Sĩ, đấng Chinh Phục mà không tịnh tín?
1369. Tợ như núi Hi-mã-lạp là không thể đo lường được, tợ như biển cả là khó mà vượt qua, tương tợ y như thế về thiền của đức Phật, ai là người nhìn thấy mà không tịnh tín?
1370. Giống như trái đất với vòng đai rừng đa dạng là không thể ước lượng được, tương tợ y như thế về giới của đức Phật, ai là người nhìn thấy mà không tịnh tín?
1371. Tợ như không gian là không bị khuấy động, giống như bầu trời là không thể tính đếm, tương tợ y như thế về trí của đức Phật, ai là người nhìn thấy mà không tịnh tín?”
1372. Vị Bà-la-môn tên Sena đã ngợi ca đức Phật tối thượng, bậc không bị đánh bại Siddhattha, bằng bốn câu kệ này.
1373. (Vị ấy) đã không đi đến khổ cảnh trong chín mươi bốn kiếp, đã thọ hưởng sự thành đạt tốt đẹp ở các cõi trời không phải là ít.
1374. Sau khi ngợi ca đấng Lãnh Đạo Thế Gian trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc tán dương.
1375. (Trước đây) mười bốn kiếp, đã có bốn vị tên Uggata là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1376. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Parappasādaka[10]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Parappasādaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
1377. Bậc có tên Vessabhū đã là vị thứ ba trong số các bậc Ẩn Sĩ.[11]Bậc Tối Thượng Nhân đã đi sâu vào rừng và đã cư ngụ ở khu rừng rậm.
1378. Tôi đã cầm lấy củ và rễ sen rồi đã đi đến gần bên đức Phật. Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình dâng lên vật ấy đến đức Phật.
1379. Và bằng cái vòi tôi đã được va chạm với bậc có sự Giác Ngộ cao quý Vessabhū. Tôi chưa biết đến sự sung sướng nào bằng hoặc hơn điều ấy.
1380. (Đây là) lần sau cùng của tôi trong sự luân chuyển, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Điều lành đã được tôi gieo trồng trong khi tôi là loài long tượng.
1381. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây 31 kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng củ sen.
1382. Và (trước đây) mười ba kiếp, đã có mười sáu vị vua tên Samodhāna là các bậc thống lãnh nhân loại, là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1383. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bhisadāyaka[12]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bhisadāyaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
1384. Tôi đã là người (thợ săn) lai vãng ở các khu vực hiểm trở của những ngọn núi. Tợ như con sư tử đã được sanh ra tốt đẹp, tôi giết các bầy thú rừng và sống ở trong vùng đồi núi.
1385. Về phần đức Thế Tôn Atthadassī, đấng Toàn Tri, bậc cao quý trong số các vị đang thuyết giảng, có ý định tiếp độ tôi Ngài đã đi đến ngọn núi cao nhất.
1386. Sau khi giết chết con nai đốm, tôi đã tiến đến để ăn thịt. Vào lúc ấy, đức Thế Tôn trong lúc khất thực đã đi đến gần.
1387. Tôi đã cầm lấy những miếng thịt ngon và đã dâng cúng đến bậc Đạo Sư ấy. Khi ấy, trong lúc giúp cho tôi chứng đạt Niết Bàn, đấng Đại Hùng đã nói lời tùy hỷ.
1388. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, tôi đã đi vào khu vực hiểm trở của ngọn núi. Sau khi làm cho niềm phỉ lạc sanh khởi, tôi đã qua đời ở tại nơi ấy.
1389. Do sự dâng cúng thịt ấy và do các nguyện lực của tâm, tôi đã sướng vui ở thế giới chư Thiên trong một ngàn năm trăm kiếp.
1390. Do chính sự dâng cúng thịt ấy và sự tưởng niệm về đức Phật, trong những kiếp còn lại điều lành đã được tôi tích lũy.
1391. (Trước đây) ba mươi tám kiếp, đã có tám vị tên là Dīghāyu. Trước đây sáu ngàn kiếp, đã có hai vị tên là Varuṇa.
1392. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sucintita[13]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sucintita là phần thứ sáu.
--ooOoo--
1393. Lúc bấy giờ, tôi đã là loài chim có màu sắc đẹp đẽ, là vị thống lãnh loài nhân điểu. Tôi đã nhìn thấy đức Phật bậc Vô Nhiễm đang đi ở núi Gandhamādana.
1394. Sau khi bỏ đi dáng vóc của loài nhân điểu, tôi đã mang lốt người thanh niên. Tôi đã dâng cúng một tấm vải đến đấng Chúa Tể của loài người như thế ấy.
1395. Và sau khi tiếp nhận mảnh vải ấy, đức Phật, đấng Lãnh Đạo cao cả của thế gian, bậc Đạo Sư đứng ở không trung, đã nói lên lời kệ này:
1396. “Do sự dâng cúng tấm vải này và do các nguyện lực của tâm, sau khi từ bỏ nguồn gốc nhân điểu (người ấy) sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên.”
1397. Và sau khi ca ngợi sự dâng cúng tấm vải, đức Thế Tôn Atthadassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu đã ra đi, mặt hướng phía bắc.
1398. Trong khi sanh ra ở cõi hữu, tôi có được sự thành tựu về vải vóc, có được mái che ở trên không trung; điều này là quả báu của việc dâng cúng tấm vải.
1399. (Trước đây) 36 kiếp, đã có bảy người tên Aruṇaka là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao, là các vị thống lãnh nhân loại.
1400. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Vatthadāyaka[14]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vatthadāyaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
1401. Đức Thế Tôn Anomadassī, bậc không còn mầm mống tái sanh, ngồi ở vùng đồi núi đã lan tỏa với tâm từ ái ở thế gian vô hạn lượng.
1402. Khi ấy, tôi đã là con khỉ ở ngọn núi Hi-mã-lạp tối thượng. Sau khi nhìn thấy đấng Anoma vô lượng, tôi đã làm cho tâm tịnh tín ở đức Phật.
1403. Lúc bấy giờ, ở không xa núi Hi-mã-lạp có những cây xoài đã được kết trái. Tôi đã hái trái chín từ nơi ấy và đã dâng cúng trái xoài cùng với mật ong.
1404. 1405. Đức Phật, bậc Đại Hiền Trí Anomadassī đã chú nguyện điều ấy cho tôi rằng: “Do cả hai việc là sự dâng cúng mật ong và sự dâng cúng trái xoài này, (người ấy) sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong năm mươi bảy kiếp, và trong những kiếp còn lại sẽ luân hồi xen kẽ (giữa cõi trời và cõi người).
1406. (Người ấy) sẽ làm cho nghiệp ác được loại trừ nhờ vào trí giác ngộ đã được hoàn toàn chín muồi, sẽ không đi đến đọa xứ, và sẽ thiêu đốt các phiền não.”
1407. Tôi đã được huấn luyện với sự huấn luyện tối thượng bởi bậc Đại Ẩn Sĩ. Sau khi từ bỏ sự hơn thua, tôi đã đạt được vị thế Bất Động.
1408. (Trước đây) bảy ngàn bảy trăm kiếp, mười bốn vị vua ấy có tên Ambaṭṭhaja đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1409. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ambadāyaka[15]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ambadāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
1410. Lúc bấy giờ, tôi đã là người làm tràng hoa tên là Sumana. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, vị thọ nhận các vật hiến cúng của thế gian.
1411. Tôi đã cầm lấy bông hoa nhài tối thượng bằng cả hai tay và đã dâng lên đức Phật Sikhī, đấng quyến thuộc của thế gian.
1412. Do sự cúng dường bông hoa này và do các nguyện lực của tác ý, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường bông hoa.
1413. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường bông hoa.
1414. (Trước đây) hai mươi sáu kiếp, đã có bốn vị vua có danh vọng lớn lao là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật.
1415. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sumana đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sumana là phần thứ chín.
--ooOoo--
1416. (Đức Phật Sikhī) tợ như loài sư tử có dáng vóc không bị hãi sợ, tợ như con sư tử đã được sanh ra cao quý, tợ như con hổ hùng tráng quý cao, tợ như con chim thuộc loài nhân điểu cao cả.
1417. Đức Phật Sikhī, nơi nương nhờ của tam giới, vị không còn dục vọng, bậc không bị đánh bại, đấng cao cả trong số các vị Sa-môn đã ngồi xuống, được vây quanh bởi Hội Chúng tỳ khưu.
1418. Tôi đã đặt để bông hoa anojā thượng hạng ở trong cái rương. Với chính cái rương ấy, tôi đã đâng đến đức Phật tối thượng.
1419. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm đối với bậc Chúa Tể của loài người, đấng Nhân Ngưu, sau khi từ bỏ sự hơn thua tôi đã đạt được vị thế Bất Động.
1420. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
1421. (Trước đây) tròn đủ ba mươi kiếp, đã có năm vị tên Devabhūti là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật.
1422. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pupphacaṅgoṭiya[16]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pupphacaṅgoṭiya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị có sự suy nghĩ của mình, vị Avopupphī, cùng với vị có sự quay trở lại, vị có sự tạo niềm tin cho người khác, vị dâng cúng củ sen, vị có sự suy nghĩ khôn khéo, vị cúng dường tấm vải, vị dâng cúng xoài, vị Sumana, và luôn cả vị có cái rương bông hoa. (Tổng cộng) có bảy mươi mốt câu kệ đã được nói lên, đã được tính đếm bởi các vị nhìn thấy sự lợi ích.
Phẩm Sakacintaniya là phẩm thứ bảy.
--ooOoo--
1423. Tôi đã dâng lên bông hoa āpāṭali ở ngôi bảo tháp của đấng quyến thuộc thế gian Sikhī (được tạo lập) ở khu vực cao ráo tại con đường lớn.
1424. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường ngôi bảo tháp.
1425. Trước đây mười lăm kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Bhūmiya, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1426. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Nāgasamāla đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Nāgasamāla là phần thứ nhất.
--ooOoo--
1427. Sau khi nhìn thấy vết chân đã bước qua của đấng quyến thuộc mặt trời Tissa, tôi đã trở nên mừng rỡ. Với tâm mừng rỡ tôi đã làm cho tâm được tịnh tín ở bàn chân của Ngài.
1428. Kể từ khi tôi đã đạt được sự suy tưởng ấy trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về vết chân (của đức Phật).
1429. Trước đây vào kiếp thứ bảy, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Sumedha, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1430. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Padasaññaka[17]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Padasaññaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
1431. Tôi đã nhìn thấy tấm y may từ vải bị quăng bỏ của bậc Đạo Sư được treo ở ngọn cây, do đó tôi đã chắp tay lên và đã đảnh lễ tấm y may từ vải bị quăng bỏ ấy.
1432. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về đức Phật.
1433. Trước đây vào kiếp thứ tư, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ (tên) Dumasāra, là người chinh phục bốn phương, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1434. Bốn (tuệ) phân tích, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Buddhasaññaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Buddhasaññaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
1435. Tôi đi sâu vào khu rừng rậm và cư ngụ ở trong khu rừng lớn. Tôi đã nhìn thấy đức Phật Vipassī, vị thọ nhận các vật hiến cúng.
1436. Tôi đã dâng cúng củ sen và nước rửa tay. Sau khi đê đầu đảnh lễ ở bàn chân, tôi đã ra đi mặt hướng phía bắc.
1437. Kể từ khi tôi đã dâng cúng củ sen trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc phước thiện.
1438. Trước đây vào kiếp thứ ba, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ mệnh danh Bhisa, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1439. Bốn (tuệ) phân tích, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bhisāluvadāyaka[18]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bhisāluvadāyaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
1440. Vị có tên Khaṇḍa đã là bậc Thinh Văn hàng đầu của (đức Phật) Vipassī. Một phần vật thực đã được tôi dâng cúng đến vị thọ nhận các vật hiến cúng của thế gian.
1441. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm đối với đấng Nhân Ngưu bậc Chúa Tể của loài người, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của một phần vật thực.
1442. Trước đây bốn mươi kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Varuṇa, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1443. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekasaññaka[19]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekasaññaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
1444. Ở không xa núi Hi-mã-lạp đã có hồ nước thiên nhiên rộng lớn được bao phủ bởi trăm loại lá cây và là chỗ cư ngụ của nhiều loại chim khác nhau.
1445. Tôi đã tắm và đã uống nước tại nơi ấy, và tôi cư ngụ ở không xa. Tôi đã nhìn thấy bậc đứng đầu các vị Sa-môn đang di chuyển bằng đường không trung.
1446. Biết được ý định của tôi, bậc Đạo Sư, đấng Vô Thượng ở thế gian, ngay khi ấy đã từ cung trời ngự xuống đứng ở trên mặt đất.
1447. Bằng cái sừng, tôi đã đem cỏ lại và đã dâng cúng chỗ ngồi. Đức Thế Tôn, đấng Lãnh Đạo cao cả của ba cõi, đã ngồi xuống ở tại chỗ ấy.
1448. Sau khi làm cho tâm của mình được tịnh tín, tôi đã đảnh lễ đấng Lãnh Đạo Thế Gian. Tôi đã khom mình xuống di chuyển sang một bên trong lúc đang chiêm ngưỡng bậc Đại Hiền Trí.
1449. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, tôi đã sanh lên cõi Hóa Lạc Thiên, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc trải lót (chỗ ngồi).
1450. Trước đây vào kiếp thứ nhì, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ mệnh danh Miga, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1451. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tiṇasantharadāyaka[20]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tiṇasantharadāyaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
1452. (Trước đây) ba mươi ngàn kiếp, (đã hiện khởi) bậc Toàn Giác, đấng Lãnh Đạo Thế Gian tên Sumedha có ba mươi hai hảo tướng.
1453. Có màu da vàng chói, Ngài là đấng Chúa Tể của loài người như thế ấy. Năm cây kim khâu đã được tôi dâng cúng đến Ngài nhằm mục đích may y.
1454. Chính nhờ vào việc dâng cúng kim khâu ấy mà trí tuệ sắc bén, nhẹ nhàng, thoải mái, có sự nhận thấy rõ ý nghĩa vi tế, đã sanh khởi đến tôi.
1455. Bốn vị vua tên Dipadādhipati đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1456. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Tôi duy trì thân mạng cuối cùng ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.
1457. Bốn (tuệ) phân tích, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sūcidāyaka[21]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sūcidāyaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
1458. Lúc bấy giờ, tôi đã là con trai nhà triệu phú, mảnh mai, khéo được nuôi dưỡng. Tôi đã đặt bông hoa pāṭali vào lòng và đã mang theo bông hoa ấy.
1459. Bậc Toàn Giác có màu da vàng chói đang đi ở khu phố chợ. Ngài có ba mươi hai hảo tướng, tợ như cây cột trụ bằng vàng.
1460. Tôi đã trở nên mừng rỡ, với tâm mừng rỡ tôi đã cúng dường bông hoa. Tôi đã lễ bái Đấng Hiểu Biết Thế Gian Tissa, đấng Bảo Hộ, vị Trời của nhân loại.
1461. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường bông hoa.
1462. Trước đây sáu mươi ba kiếp, (tôi đã là) vị có tên Abhisammata, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1463. Bốn (tuệ) phân tích, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pāṭalipupphiya[22]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pāṭalipupphiya là phần thứ tám.
--ooOoo--
1464. Trong thời quá khứ, tôi đã là thợ săn thú rừng ở trong khu rừng hoang rậm. Tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy bậc Toàn Giác có tướng mạo quý cao Tissa.
1465. Ngài đang ngồi ở nơi không xa, trên chiếc thảm lá của mình. Tôi đã chắp tay lại đối với Ngài rồi đã ra đi, mặt hướng phía đông.
1466. Sau đó, tia sét đánh xuống vào lúc ấy đã giáng vào đầu của tôi. Vào thời điểm mệnh chung, tôi đây đã thực hiện việc chắp tay lần nữa.
1467. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc chắp tay trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc chắp tay.
1468. (Trước đây) năm mươi bốn kiếp, (tôi đã là) vị có tên Migaketu, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1469. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật. Đại đức trưởng lão Ṭhitañjaliya[23]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ṭhitañjaliya là phần thứ chín.
--ooOoo--
1470. Đấng Chiến Thắng tên Padumuttara là bậc thông suốt về tất cả các pháp. Là bậc đã (tự mình) rèn luyện được tháp tùng bởi các vị đã được rèn luyện, đấng Chiến Thắng đã rời khỏi thành phố.
1471. Lúc bấy giờ, ở thành phố Haṃsavatī tôi đã là người làm tràng hoa. Tại nơi ấy bông hoa nào là tuyệt hảo, tôi đã cầm lấy ba bông hoa (ấy).
1472. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, ở lối đi ngược lại tại khu phố chợ. Sau khi nhìn thấy bậc Toàn Giác, vào lúc ấy tôi đây đã suy nghĩ như vầy:
1473. “Ta được gì với những bông hoa này khi ta đem chúng dâng đến đức vua? Ta có thể đạt được ngôi làng, hoặc cánh đồng làng, hoặc ngàn đồng tiền?
1474. Đấng Bảo Hộ Thế Gian là vị Điều Phục những ai chưa được điều phục, là bậc Trí Tuệ, là nguồn đem lại sự an lạc cho tất cả chúng sanh, sau khi cúng dường Ngài ta sẽ đạt được tài sản Bất Tử.”
1475. Sau khi suy nghĩ như thế, tôi đã làm cho tâm của mình được tịnh tín. Khi ấy, tôi đã cầm ba đóa (hoa sen) màu đỏ và đã ném lên không trung.
1476. Ngay khi vừa được tôi ném lên không trung, các bông hoa ấy đã xòe ra. Chúng duy trì tại nơi ấy ở trên đầu, có cuống hoa ở phía trên, miệng hoa ở phía dưới.
1477. Sau khi nhìn thấy, bất cứ những ai thuộc loài người thì đã thốt lên tiếng hoan hô, chư Thiên ở trên không trung thì đã thể hiện hành động tán thán:
1478. “Điều kỳ diệu đã xuất hiện ở thế gian nhờ vào tác động của đức Phật tối thượng. Tất cả chúng ta sẽ lắng nghe Giáo Pháp nhờ vào tác động của những bông hoa.”
1479. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đứng ở ngay tại đường lộ, đã nói lên những lời kệ này:
1480. “Người thanh niên nào đã cúng dường đức Phật bằng ba đóa sen hồng, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
1481. (Người này) sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong một trăm ngàn kiếp, và sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc ba mươi kiếp.
1482. Ngay lập tức sẽ hiện ra cung điện tên Mahāvitthārika, có chiều dài ba trăm do-tuần, chiều rộng một trăm năm mươi do-tuần.
1483. Và có bốn trăm ngàn tháp nhọn sẽ được hóa hiện ra, có các nhà mái nhọn cao quý, được đầy đủ các giường nằm rộng lớn.
1484. Hàng trăm ngàn koṭi nàng tiên thiện xảo về điệu vũ và lời ca, lại còn được thuần thục về trình tấu nhạc cụ nữa, sẽ quây quần xung quanh.
1485. (Người này) sẽ sống ở tại cung điện cao quý như thế ấy trong sự chộn rộn của đám nữ nhân, thường xuyên có cơn mưa bông hoa thuộc về cõi trời có màu đỏ.
1486. Đồng thời sẽ có những bông hoa màu đỏ có kích thước bằng bánh xe treo lơ lửng ở chốt gắn tường bằng ngà voi ở bên ngoài cánh cửa, ở cổng chào.
1487. Tại nơi ấy, bên trong cung điện cao quý được lót toàn bằng cánh hoa, (và các cánh hoa) sau khi được trải ra và phủ lên thì sẽ nhập chung với nhau ngay lập tức.
1488. Các bông hoa màu đỏ tinh khiết ấy bao bọc xung quanh nơi cư ngụ một trăm do-tuần và tỏa ngát hương thơm cõi trời.
1489. Và (người này) sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương bảy mươi lăm lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
1490. Sau khi thọ hưởng hai sự thành tựu, không có tai họa, không có sự nguy khốn, khi kiếp sống cuối cùng được đạt đến (người này) sẽ chạm đến Niết Bàn.”
1491. Quả nhiên đức Phật đã được tôi nhìn thấy rõ ràng, thương vụ đã được kinh doanh khéo léo; sau khi cúng dường ba đóa hoa sen hồng, tôi đã thọ hưởng ba sự thành tựu.
1492. Hôm nay, tôi là người đã đạt được Giáo Pháp, đã được giải thoát một cách trọn vẹn. Có bông sen đỏ khéo nở rộ sẽ được duy trì ở trên đầu của tôi.
1493. Trong lúc bậc Đạo Sư Padumuttara đang thuyết giảng về việc làm của tôi, đã có sự chứng ngộ Giáo Pháp của hàng ngàn chúng sanh và sinh mạng.
1494. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường đức Phật trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của ba đóa sen hồng.
1495. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, giờ đây không còn tái sanh nữa.
1496. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tipadumiya[24]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tipadumiya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị trưởng lão có tràng hoa, vị có sự suy tưởng về dấu chân, vị có sự suy tưởng (về đức Phật), vị dâng cúng củ sen, vị suy tưởng về một phần (vật thực), vị dâng cúng cỏ, (vị dâng cúng) kim khâu, vị có các bông hoa pāṭali, vị đứng chắp tay, vị có ba đóa sen hồng; (tổng cộng) có bảy mươi lăm câu kệ.
Phẩm Nāgasamāla là phẩm thứ tám.
--ooOoo--
1497. Tôi đi xuôi theo dòng nước ở bờ sông Candabhāgā và tôi đã nhìn thấy vị Sa-môn đang ngồi, thanh tịnh, không bị chộn rộn.
1498. Tại nơi ấy, sau khi làm cho tâm được tịnh tín, vào lúc ấy tôi đã suy nghĩ như vầy: “Đã vượt qua, vị này sẽ giúp cho vượt qua. Đã rèn luyện, vị này sẽ giúp cho rèn luyện.
1499. Đã được tự tại, (vị này) sẽ giúp cho tự tại. Đã được an tịnh, (vị này) sẽ giúp cho an tịnh. Đã giải thoát, (vị này) sẽ giúp cho giải thoát. Và đã Niết Bàn, (vị này) sẽ giúp cho Niết Bàn.”
1500. Sau khi đã tự mình suy nghĩ như thế, tôi đã cầm lấy bông hoa timira và đã rải rắc lên đỉnh đầu của bậc Đại Ẩn Sĩ Siddhattha.
1501. Tôi đã chắp tay lên và đã đi nhiễu vòng quanh. Sau khi đảnh lễ ở bàn chân của bậc Đạo Sư, tôi đã ra đi về hướng khác.
1502. Vừa mới ra đi không bao lâu, (con sư tử) vua của loài thú đã tấn công tôi. Trong lúc đi lần theo triền núi, tôi đã ngã xuống ngay tại chỗ ấy.
1503. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
1504. (Trước đây) năm mươi sáu kiếp, đã có đúng bảy vị có danh vọng lớn lao là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1505. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Timirapupphiya[25]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Timirapupphiya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
1506. Bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Tôi đã đảnh lễ ở bàn chân của bậc Đạo Sư với tâm ý trong sạch.
1507. Tôi đã ném bảy bông hoa naṅgalikī lên không trung, (tâm) hướng về đức Phật Tissa có biển cả đức hạnh vô biên.
1508. Sau khi cúng dường con đường đã được đấng Thiện Thệ đi qua với tâm ý vui mừng, khi ấy được tịnh tín tôi đã thực hiện việc chắp tay bằng các bàn tay của mình.
1509. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
1510. Trước đây vào kiếp thứ tám, đã có ba vị (cùng tên) Aggisikha là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1511. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Gatasaññaka[26]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Gatasaññaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
1512. Ở trong khu rừng hoang rậm tôi đã đạt được tâm bi mẫn tối cao. Tôi đã ngồi xuống ở gốc cây, và tôi đã bị bệnh trầm trọng.
1513. Vì lòng thương tưởng, bậc Đạo Sư Tissa đã đi đến bên tôi. Đang ở trạng thái nằm, tôi đây đã chắp tay lại ở đầu.
1514. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã đảnh lễ bậc Toàn Giác tối thượng của tất cả chúng sanh, và tôi đã mệnh chung ở tại nơi ấy.
1515. (Kể từ khi) tôi đã đảnh lễ bậc Tối Thượng Nhân trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc đảnh lễ.
1516. Trước đây vào kiếp thứ năm, đã có đúng năm vị (cùng tên) Mahāsikha, là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1517. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Nipannañliya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Nipannañliya là phần thứ ba.
--ooOoo--
1518. Vị tỳ khưu tên Abhibhū ấy có đại thần lực, có tam minh, là vị Thinh Văn hàng đầu của (đức Thế Tôn) Sikhī. Vị ấy đã đi đến núi Hi-mã-lạp.
1519. Tôi cũng là vị ẩn sĩ sống ở khu ẩn cư xinh xắn tại núi Hi-mã-lạp, khi ấy tôi có năng lực trong các pháp vô lượng (tâm) và các thần thông.
1520. Tợ như loài có cánh ở trên bầu trời, tôi đã định cư ở ngọn núi. Sau khi cầm lấy bông hoa adha, tôi đã đi đến ngọn núi.
1521. Sau khi cầm lấy bảy bông hoa, tôi đã rải rắc ở trên đỉnh đầu. Và khi được vị anh hùng nhìn thấy, tôi đã ra đi mặt hướng phía đông.
1522. Sau khi trở về khu ẩn cư, tôi đã đi đến chỗ trú ngụ. Tôi đã cầm lấy túi vật dụng và đã đi vào trong vùng đồi núi.
1523. Con trăn có bộ dạng ghê rợn có sức mạnh khủng khiếp đã hành hạ tôi. Tôi đã nhớ lại việc làm trước đây và đã mệnh chung tại nơi ấy.
1524. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường bông hoa.
1525. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Adhopupphiya[27]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Adhopupphiya là phần thứ tư.
--ooOoo--
1526. Trước đây, tôi đã tạo lập chỗ cư ngụ ở núi Hi-mã-lạp. Có y choàng là tấm da dê, tôi sống ở trong vùng đồi núi.
1527. Tôi đã nhìn thấy bậc Toàn Giác có màu da vàng chói, tợ như mặt trời có trăm tia ánh sáng, tợ như cây sālā chúa đã được trổ hoa, đi vào bên trong khu rừng.
1528. Sau khi làm cho tâm được tịnh tín đối với hào quang của bậc Đại Ẩn Sĩ Vipassī, tôi đã chắp tay lên, ngồi chồm hổm, rồi đê đầu đảnh lễ.
1529. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về hào quang.
1530. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Raṃsisaññaka[28]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Raṃsisaññaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
1531. Tôi là vị mặc y phục bằng vỏ cây ở núi Hi-mã-lạp. Và sau khi bước lên đường kinh hành tôi đã ngồi xuống, mặt hướng phía đông.
1532. Tôi đã nhìn thấy đấng Thiện Thệ Phussa ở ngọn núi, khi ấy Ngài đang thỏa thích ở trong thiền. Tôi đã chắp tay lên và đã làm cho tâm được tịnh tín ở ánh hào quang.
1533. Kể từ khi tôi đã đạt được sự suy tưởng ấy trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về hào quang.
1534. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Raṃsisaññaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Raṃsisaññaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
1535. Tôi là vị mặc tấm da dê sần sùi ở núi Hi-mã-lạp. Sau khi nhìn thấy đấng Chiến Thắng cao quý Phussa, có trái cây ở bàn tay tôi đã dâng cúng trái cây.
1536. (Do) việc tôi đã dâng cúng trái cây với tâm ý trong sạch, khi tôi được sanh lên ở cõi hữu thì có trái cây hiện đến cho tôi.
1537. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng trái cây trước đây 92 kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
1538. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Phaladāyaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Phaladāyaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
1539. Tôi sống ở tấm thảm bằng lá cây tại núi Hi-mã-lạp. Khi (đức Phật) Phussa đang nói về Giáo Pháp, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín ở âm thanh.
1540. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
1541. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Saddasaññaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Saddasaññaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
1542. Đã có lễ hội ở cội Đại Bồ Đề của đức Thế Tôn Vipassī. Trong khi đang đi đến về việc xuất gia, tôi đã đi đến gần lễ hội.
1543. Tôi đã cầm lấy nước bông hoa và đã rưới xuống cội Bồ Đề (nói rằng): “Đã được giải thoát, Ngài sẽ giúp cho chúng con giải thoát. Đã Niết Bàn, Ngài sẽ giúp cho chúng con Niết Bàn.”
1544. (Kể từ khi) tôi đã rưới nước (bông hoa) ở cội Bồ Đề trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc rưới nước (bông hoa) ở cội Bồ Đề.
1545. Ở kiếp thứ ba mươi ba trong thời hiện tại, đã có tám vị thống lãnh dân chúng cùng tên Udakāsecana, các vị này là các đấng Chuyển Luân Vương.
1546. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bodhisiñcaka[29]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bodhisiñcaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
1547. Tôi đã lội vào nước ở hồ sen, trong khi đang ngắt các đóa sen hồng tôi đã nhìn thấy đấng Toàn Giác Phussa có ba mươi hai hảo tướng.
1548. Tôi đã cầm lấy đóa sen hồng và đã ném lên không trung. Sau khi thực hiện việc làm tịnh tín, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
1549. Sau khi xuất gia, với thân và ý đã được thu thúc, con đã từ bỏ sở hành xấu xa về lời nói và đã làm trong sạch sự nuôi mạng sống.
1550. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
1551. Đã có mười tám vị lãnh chúa tên Padumābhāsa và bốn mươi tám (vị lãnh chúa) trong mười tám kiếp.
1552. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Padumapupphiya[30]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Padumapupphiya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị có bông hoa timira, và vị có bông hoa naṅgalī, vị nằm chắp tay, bông hoa adha, hai vị có sự suy tưởng về hào quang, vị dâng cúng trái cây, vị có sự suy tưởng về âm thanh, và vị rưới nước (bông hoa), vị có đóa sen hồng; (tổng cộng) có năm mươi sáu câu kệ đã được thuật lại.
Phẩm Timirapupphiya là phẩm thứ chín.
--ooOoo--
1553. 1554. Đối với người đang cúng dường đến đối tượng xứng đáng sự cúng dường như là đức Phật hoặc là vị Thinh Văn đang vượt qua chướng ngại, hoặc đã vượt qua sầu muộn và than vãn, đối với người đang cúng dường đến các vị đã đạt Niết Bàn không còn hãi sợ như thế ấy thì không thể nào ước định được phước báu (của người ấy) là thế này hay thế kia, bằng bất cứ cách thức gì.
1555. Ở đây người nào có thể được làm chúa tể thậm chí của cả bốn châu lục, điều ấy không giá trị bằng một phần mười sáu của một phần nhỏ của sự cúng dường.
1556. Với tâm ý trong sạch, tôi đã dâng cúng vữa vôi ở chỗ khe nứt tại ngôi bảo tháp của bậc Tối Thượng Nhân Siddhattha.
1557. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây 94 kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc tu bổ.
1558. Trước đây ba mươi kiếp, (đã có) mười ba vị tên Paṭisaṅkhāra là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật.
1559. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sudhāpiṇḍiya[31]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sudhāpiṇḍiya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
1560. Được mừng rỡ, với tâm mừng rỡ tôi đã dâng cúng chiếc ghế sạch bong đến đức Phật, bậc quyến thuộc của mặt trời, đấng Bảo Hộ Thế Gian Tissa.
1561. Trước đây ba mươi tám kiếp, tôi đã là đức vua Mahāruci. Của cải đã là thừa thãi và giường nằm không phải là ít.
1562. Sau khi dâng cúng đến đức Phật chiếc ghế với tâm ý trong sạch, tôi đã thọ hưởng nghiệp của mình đã được bản thân khéo thực hiện trong thời quá khứ.
1563. Kể từ khi tôi đã dâng cúng chiếc ghế trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng chiếc ghế.
1564. Trước đây ba mươi tám kiếp, (đã có) Ruci, Uparuci, và luôn cả Mahāruci là vị thứ ba, ba vị ấy là các đấng Chuyển Luân Vương.
1565. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sucintita[32]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sucintita là phần thứ nhì.
--ooOoo--
1566. Tôi bị lâm vào cảnh vô cùng khốn khổ và bị xâm nhập bởi mùi hôi thối. Tôi đã dâng cúng một nửa mảnh vải đến đức Thế Tôn Tissa.
1567. Sau khi dâng cúng một nửa mảnh vải, tôi đã sướng vui ở cõi trời một kiếp. Trong những kiếp còn lại, việc tốt lành đã được tôi cho thực hiện.
1568. Kể từ khi tôi đã dâng cúng mảnh vải trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng mảnh vải.
1569. (Trước đây) bốn mươi chín kiếp, ba mươi hai vị thống lãnh dân chúng tên Samantacchadana đã là các đấng Chuyển Luân Vương.
1570. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Aḍḍhacelaka[33]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Aḍḍhacelaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
1571. Trong thời quá khứ, tôi đã là người thợ rèn ở kinh thành Bandhumā. Tôi đã dâng cúng kim khâu đến bậc Đại Ẩn Sĩ Vipassī.
1572. Do nhờ nghiệp như thế ấy, trí tuệ (của tôi) tương đương sự tuyệt hảo của kim cương. Tôi có được sự xa lìa tham ái, tôi được giải thoát, tôi đạt được sự đoạn tận các lậu hoặc.
1573. Trong tất cả các kiếp quá khứ, hiện tại, và vị lai, tôi đã thành đạt mọi thứ nhờ vào trí tuệ; điều này là quả báu của việc dâng cúng kim khâu.
1574. Trước đây chín mươi mốt kiếp, đã có bảy vị tên Vajira là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1575. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sūcidāyaka[34]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sūcidāyaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
1576. Tôi đã thực hiện bảo tháp có hương thơm được bao phủ với các bông hoa nhài, được làm xứng đáng với đức Phật, được dành cho đức Thế Tôn Siddhattha.
1577. Đức Phật, đấng Lãnh Đạo cao cả của thế gian, tợ như cây cột trụ bằng vàng, được chói sáng như là bông hoa súng, được cháy rực như là ngọn lửa tế thần.
1578. Tợ như con hổ hùng tráng quý cao, tợ như con sư tử đã được sanh ra cao quý, là vị đứng đầu trong số các bậc Sa-môn, Ngài đã ngồi ở phía trước Hội Chúng tỳ khưu. Sau khi đảnh lễ ở bàn chân của bậc Đạo Sư, tôi đã ra đi, mặt hướng phía bắc.
1579. Kể từ khi tôi đã dâng cúng tràng hoa có hương thơm trước đây chín mươi bốn kiếp, nhờ vào quả báu của hành động đã được thực hiện đến đức Phật một cách đặc biệt, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
1580. (Trước đây) ba mươi chín kiếp, đã có mười sáu vị có tên là Devagandha. Các vị ấy đã là đấng Chuyển Luân Vương.
1581. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Gandhamāliya[35]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Gandhamāliya là phần thứ năm.
--ooOoo--
1582. Trước đây, tôi đã là thợ săn thú rừng ở khu rừng hoang rậm. Sau khi nhìn thấy cội câypāṭali có màu lục, tôi đã đặt xuống ba bông hoa.
1583. 1584. Khi ấy, tôi đã ngắt các lá cây héo úa rồi ném ra bên ngoài. Sau khi đảnh lễ cội cây pāṭali tợ như (đang đảnh lễ) bậc Toàn Giác đấng Lãnh Đạo Thế Gian Vipassī là bậc trong sạch bên trong, trong sạch bên ngoài, đã khéo được giải thoát, không còn lậu hoặc đang ở trước mặt,[36]tôi đã mệnh chung ở tại nơi ấy.
1585. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường cội Bồ Đề trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường cội cây Bồ Đề.
1586. Trước đây ba mươi ba kiếp, mười ba vị vua tên Samantapāsādika đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1587. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tipupphiya[37]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tipupphiya là phần thứ sáu.
--ooOoo--
1588. Tôi đã nhìn thấy bậc Ẩn Sĩ Siddhattha tối thượng, vị thọ nhận các vật hiến cúng ở trong khu rừng rậm mênh mông, ít tiếng động, không bị náo loạn.
1589. Ngài là loài Long Tượng có trạng thái Niết Bàn, như là loài bò mộng thuần chủng, tợ như vì sao osadhī đang chiếu sáng, được hội chúng chư Thiên tôn kính. Niềm hạnh phúc của tôi đã được dâng trào, ngay lập tức trí tuệ đã được sanh lên cho tôi .
1590. Sau khi dâng cúng mật ong đến bậc Đạo Sư vừa xuất khỏi thiền định, tôi đã đảnh lễ ở bàn chân của bậc Đạo Sư rồi ra đi, mặt hướng phía đông.
1591. (Trước đây) ba mươi bốn kiếp, tôi đã là đức vua Sudassana, và ở bữa ăn ngay lập tức có mật ong cùng với các củ sen chảy ra, có cơn mưa mật ong đã đổ xuống; điều này là quả báu của nghiệp quá khứ..
1592. Kể từ khi tôi đã cúng dường mật ong trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường mật ong.
1593. Trước đây ba mươi bốn kiếp, bốn vị Sudassana ấy đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1594. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Madhupiṇḍika[38]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Madhupiṇḍika là phần thứ bảy.
--ooOoo--
1595. Tôi đã dâng cúng tấm thảm lá cây đến đức Thế Tôn Siddhattha. Tôi đã xếp đặt vật dụng và bông hoa ở xung quanh.
1596. Tôi đã thọ hưởng tòa lâu đài có đức tính đáng yêu vô cùng quý giá như thế. Và các bông hoa có trị giá lớn lao tuôn trào ra ở chiếc giường của tôi.
1597. Tôi nằm ở chiếc giường đã được trang hoàng, được trải lót bông hoa, và ngay lập tức có cơn mưa bông hoa đổ mưa ở giường của tôi.
1598. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng tấm thảm lá cây trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của tấm thảm.
1599. Trước đây vào kiếp thứ năm, bảy vị thống lãnh dân chúng tên Tiṇasantharaka ấy đã được sanh lên, các vị này là các đấng Chuyển Luân Vương.
1601. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Senāsanadāyaka[39]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Senāsanadāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
1601. Đã có đoàn người vô cùng đông đúc đến với đức Thế Tôn Vipassī. Tôi là đã người làm việc phục dịch năng động trong mọi công chuyện.
1602. Và vật xứng đáng để dâng cúng đến đấng Thiện Thệ bậc Đại Ẩn Sĩ thì tôi không có. Tôi đã đảnh lễ ở bàn chân của bậc Đạo Sư với tâm ý trong sạch.
1603. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc phục dịch trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc phục dịch.
1604. Và trước đây vào kiếp thứ tám, tôi đã là đức vua Sucintita, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1605. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Veyyāvaccaka[40]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Veyyāvaccaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
1606. Tôi đã là người thổi tù và vỏ ốc (thông báo) của đức Thế Tôn Vipassī. Tôi thường xuyên gắn bó với việc phục vụ đến đấng Thiện Thệ, bậc Đại Ẩn Sĩ.
1607. Quý vị hãy nhìn xem quả báu của việc phục vụ đến đấng Bảo Hộ Thế Gian như thế ấy. Có sáu mươi ngàn nhạc công luôn luôn vây quanh tôi.
1608. (Kể từ khi) tôi đã phục vụ bậc Đại Ẩn Sĩ trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc phục vụ.
1609. Trước đây hai mươi bốn kiếp, mười sáu vị vua có tên Mahānigghosa đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1610. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Buddhupaṭṭhāka[41]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Buddhupaṭṭhāka là phần thứ mười.
--ooOoo--
(Vị dâng) vữa vôi, vị đã khéo suy nghĩ, (một nửa) mảnh vải, cây kim khâu, vị có tràng hoa có hương thơm, vị dâng ba bông hoa, mật ong, chỗ nằm ngồi, việc phục dịch, và người phục vụ; (tổng cộng) có đúng sáu mươi câu kệ đã được thuật lại trong phẩm này.
Phẩm Sudhāpiṇḍiya là phẩm thứ mười.
--ooOoo--
Phẩm Buddha là phẩm thứ nhất, phẩm bảo tọa sư tử, phẩm Subhūti, phẩm Kuṇḍadhāna, phẩm Upāli, phẩm vị có cây quạt, phẩm vị đã tự mình suy nghĩ, phẩm Nāgasamāla, phẩm (bông hoa) timira, với phẩm (vị dâng) vữa vôi; mười phẩm ấy có một ngàn bốn trăm câu kệ và thêm năm mươi lăm câu nữa.
Nhóm “Mười” từ phẩm Buddha.
Nhóm “Một Trăm” thứ nhất được đầy đủ.
--ooOoo--
1611. Bậc Toàn Giác có màu da vàng chói, vị thọ nhận các vật hiến cúng, trong khi đi ra khỏi khu rừng bao la, Ngài đã đạt đến Niết Bàn, lìa khỏi tham ái.
1612. Tôi đã dâng lên một muỗng thức ăn đến bậc Đại Ẩn Sĩ Siddhattha, đấng Đại Hùng, bậc Trí Tuệ đã được an tịnh như thế ấy.
1613. Trong lúc đức Phật, đấng quyến thuộc của mặt trời, đang giúp cho đám đông dân chúng đang tiếp bước theo sau được thành tựu Niết bàn, có niềm hạnh phúc cao thượng đã sanh khởi đến tôi.
1614. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng thức ăn.
1615. Trước đây tám mươi bảy kiếp, chính bảy vị có tên Mahāreṇu là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật.
1616. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bhikkhādāyaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bhikkhādāyaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
1617. Đức Phật, bậc Đại Ẩn Sĩ có màu da vàng chói như là loài bò mộng thuần chủng, tợ như giống voi mātaṅga (đến tuổi) bị tiết dục ở ba nơi.
1618. Tôi đã nhìn thấy bậc Trưởng Thượng của thế gian đang bước đi ở trên đường, đang chiếu sáng tất cả các phương tợ như mặt trăng đã được tròn đầy.
1619. Sau khi làm cho tâm được tịnh tín ở trí tuệ (của Ngài), tôi đã chắp tay lên và đã đảnh lễ đấng Siddhattha với tâm tịnh tín, với ý vui mừng.
1620. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về trí tuệ (của đức Phật).
1621. Trước đây 73 kiếp, mười sáu vị đứng đầu nhân loại đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1622. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ñāṇasaññaka[42]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ñāṇasaññaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
1623. Lúc bấy giờ, tôi đã là người làm tràng hoa cư ngụ ở (thành phố) Tivarā. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Siddhattha.
1624. 1625. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng cúng bó bông hoa. Do nhờ tác động của nghiệp ấy, ở bất cứ nơi nào tôi sanh ra, tôi đều được thọ hưởng quả báu tăng trưởng của việc đã được thực hiện tốt đẹp của mình trước đây, tôi được vây quanh bởi những người tốt của xứ Malla; điều này là quả báu của việc dâng cúng đức Phật.
1626. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
1627. Xét đến chín mươi bốn (kiếp) trừ ra thời hiện tại, ở tại nơi ấy đã có năm trăm vị vua tên là Najjūpama.
1628. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Uppalahatthiya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Uppalahatthiya là phần thứ ba.
--ooOoo--
1629. Tôi đã dâng cúng bông hoa nhài đến đức Thế Tôn Siddhattha. Tôi đã đặt xuống bảy bông hoa ở hai bàn chân (của Ngài) với sự mừng rỡ.
1630. Do việc làm ấy, giờ đây tôi vượt trội nhân loại và chư Thiên. Tôi duy trì thân mạng cuối cùng ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.
1631. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường bông hoa.
1632. Trước đây vào kiếp thứ năm, đã có mười ba đấng Chuyển Luân Vương tên Samantagandha là các vị thống lãnh dân chúng (chinh phục) bốn phương.
1633. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Padapūjaka[43]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Padapūjaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
1634. Lúc bấy giờ, tôi đã là người làm tràng hoa tên Sudassana. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, đấng Vô Nhiễm, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu.
1635. Tôi đã cầm lấy bông hoa nhài và đã cúng dường đến (đức Phật) Padumuttara. Có nhãn quan trong sạch, có thiện ý, tôi đã chứng đắc Thiên nhãn.
1636. Do sự cúng dường bông hoa này và do các nguyện lực của tâm, tôi đã không đi đến khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.
1637. Trước đây ba mươi sáu kiếp, đã có mười sáu vị vua tên Devuttara là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1638. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Muṭṭhipupphiya[44]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Muṭṭhipupphiya là phần thứ năm.
--ooOoo--
1639. (Tôi đã nhìn thấy) bậc Toàn Giác có màu da vàng chói, chói sáng như là ngọn lửa từ bơ lỏng, cháy rực như là ngọn lửa tế thần, đang di chuyển bằng đường không trung.
1640. Tôi đã dùng bàn tay múc nước và đã hắt lên không trung. Đấng Đại Hùng, đức Phật, đấng Bi Mẫn, bậc Ẩn Sĩ đã tiếp nhận.
1641. Sau khi biết được ý định của tôi, bậc Đạo Sư tên Padumuttara đứng ở trên không trung đã nói lên lời kệ này:
1642. “Do sự dâng cúng nước này và do sự sanh khởi niềm phỉ lạc, (người ấy) không bị sanh vào khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.”
1643. Do việc làm ấy ở nơi đấng Chúa Tể của loài người, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, sau khi từ bỏ sự hơn thua, tôi đã đạt được vị thế Bất Động.
1644. (Trước đây) sáu ngàn năm trăm kiếp, ba đấng Chuyển Luân Vương tên Sahassarāja ấy đã là các vị thống lãnh dân chúng (chinh phục) bốn phương.
1645. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Udakapūjaka[45]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Udakapūjaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
1646. Đức Phật Padumuttara, đấng Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy, bậc an tịnh như thế ấy đã ngồi xuống ở tấm thảm cỏ.
1647. Sau khi cầm lấy tràng hoa sậy và buộc lại thành chiếc quạt, tôi đã dâng đến đức Phật, đấng Chúa Tể của loài người như thế ấy.
1648. Đấng Toàn Tri, bậc Lãnh Đạo Thế Gian đã thọ nhận chiếc quạt. Sau khi biết được ý định của tôi, Ngài đã nói lên lời kệ này:
1649. “Giống như thân thể của Ta được mát mẻ, sự bực bội không được biết đến, tương tợ y như thế mong rằng tâm ngươi được giải thoát khỏi ba loại lửa.”
1650. Tất cả chư Thiên là những vị sống nương tựa vào khu rừng đã hội tụ lại. Chúng tôi lắng nghe lời dạy của đức Phật là điều làm cho người thí chủ được hoan hỷ.
1651. Ngồi xuống tại nơi ấy ở phía trước Hội Chúng tỳ khưu, đức Thế Tôn, trong lúc làm cho thí chủ được hoan hỷ, đã nói lên những lời kệ này:
1652. “Do sự dâng cúng chiếc quạt này và do các nguyện lực của tâm, (người này) sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương có tên là Subbata.
1653. Nhờ vào phần dư sót của nghiệp ấy, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, (người này) sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương có tên là Māluta.
1654. Do sự dâng cúng chiếc quạt này và do tính chất đầy đủ của việc tôn kính, (người này) không đi đến khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.”
1655. (Trước đây) ba mươi ngàn kiếp, ba mươi tám vị ấy tên là Subbata. (Trước đây) hai mươi chín ngàn kiếp, (đã có) tám vị tên là Māluta.
1656. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Naḷamāliya[46]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Naḷamāliya là phần thứ bảy.
(Tụng phẩm thứ bảy được chấm dứt).
--ooOoo--
1657. Sau khi đã đi sâu vào khu rừng rậm ít tiếng động, không bị náo loạn, tôi đã dâng cúng bảo tọa sư tử đến (đức Phật) Atthadassī như thế ấy.
1658. Tôi đã cầm lấy một nắm tràng hoa và đã đi nhiễu quanh Ngài. Sau khi phục vụ bậc Đạo Sư, tôi đã ra đi, mặt hướng phía bắc.
1659. Do việc làm ấy ở nơi đấng Chúa Tể của loài người, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, tôi đã tự thân đạt được Niết Bàn, tất cả các hữu đã được xóa sạch.
1660. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây một ngàn tám trăm kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của bảo tọa sư tử.
1661. Trước đây bảy trăm kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ Sannibbāpaka, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1662. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Āsanūpaṭṭhāpaka[47]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Āsanūpaṭṭhāpaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
1663. Tôi sống trên tấm thảm bằng lá ở không xa núi Hi-mã-lạp. Khi ấy, tôi đạt được sự ham thích các loại cỏ và có thói quen nằm ngủ (ở thảm lá).
1664. Sau khi mang lại và sửa soạn (các) trái táo, trái bhallātaka, và trái billa, tôi đào xới các loại rễ củ kalamba, biḷālī, và takkala.
1665. Sau khi biết được ý định của tôi, đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đã đi đến khu vực của tôi.
1666. Khi bậc Long Tượng, vị Trời của chư Thiên, đấng Nhân Ngưu đi đến, tôi đã dâng lên củ biḷālī và đã đặt vào trong bình bát.
1667. Khi ấy, trong lúc làm cho tôi được hoan hỷ, bậc Đại Hùng đã thọ dụng. Sau khi thọ dụng, đấng Toàn Tri đã nói lên lời kệ này:
1668. “Sau khi làm cho tâm của mình được tịnh tín, ngươi đã dâng cúng củ biḷālī đến Ta, ngươi không đi đến khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.”
1669. Trước đây năm mươi bốn kiếp, (tôi đã là) vị tên Sumekhaliya, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1670. (Đây) là lần cuối cùng của tôi trong sự luân chuyển, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Tôi duy trì thân mạng cuối cùng ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.
1671. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Biḷālidāyaka[48]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Biḷālidāyaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
1672. Bậc Toàn Giác có màu da vàng chói tợ như mặt trời có trăm tia ánh sáng, đang làm cho tất cả các phương rực sáng tợ như mặt trăng đã được tròn đầy.
1673. Ngài được vây quanh bởi các vị Thinh Văn tợ như quả đất được bao quanh bởi các biển cả. Tôi đã cầm lấy bông hoa nāga và đã dâng các bột phấn hoa đến (đức Phật) Vipassī.
1674. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bột phấn hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
1675. Trước đây bốn mươi lăm kiếp, tôi đã là vị Sát-đế-lỵ tên Reṇu, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1676. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Reṇupūjaka[49]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Reṇupūjaka là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị dâng cúng thức ăn, vị suy tưởng về trí tuệ, vị liên quan đến bó (bông hoa), vị cúng dường bàn chân, vị liên quan đến nắm bông hoa, vị dâng cúng nước, vị có tràng hoa sậy, vị phục vụ, vị dâng cúng củ biḷālī, và phấn hoa; (tổng cộng) có sáu mươi sáu câu kệ.
Phẩm Bhikkhādāyī là phẩm thứ mười một.
--ooOoo--
1677. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn Vipassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu đã đi vào thành Bandhuma cùng với sáu mươi tám ngàn vị.
1678. Sau khi rời khỏi thành phố, tôi đã đi đến ngôi bảo tháp ở trên đảo. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, vị thọ nhận các vật hiến cúng.
1679. Có tám mươi bốn ngàn Dạ-xoa ở lân cận (đã) phục vụ tôi một cách cung kính, tợ như các tập thể chư Thiên (phục vụ) vị thần Inda.
1680. Khi ấy, tôi đã đi ra khỏi cung điện và đã cầm lấy tấm vải. Tôi đã đê đầu đảnh lễ và đã dâng cúng đến bậc Đại Ẩn Sĩ.
1681. “Ôi đức Phật! Ôi Giáo Pháp! Ôi sự thành tựu của bậc Đạo Sư của chúng ta! Do nhờ năng lực của đức Phật, quả đất này đã rúng động.”
1682. Và sau khi nhìn thấy điều phi thường kỳ diệu khiến lông rởn ốc ấy, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín vào đức Phật, đấng Chúa Tể của loài người như thế ấy.
1683. Sau khi làm cho tâm được tịnh tín và đã dâng cúng tấm vải đến bậc Đạo Sư, tôi đây cùng với các quan lại và đám tùy tùng đã đi đến nương nhờ (đức Phật).
1684. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
1685. Trước đây mười lăm kiếp, đã có mười sáu vị tên Suvāhana, là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1686. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Mahāparivāra[50]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Mahāparivāra là phần thứ nhất.
--ooOoo--
1687. Đấng Chiến Thắng cao quý Atthadassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu sau khi rời khỏi trú xá đã đi đến hồ nước.
1688. Sau khi tắm và uống nước, bậc Toàn Giác, đức Thế Tôn, đã khoác lên một tấm y rồi đã đứng ở tại nơi ấy, quan sát khắp các phương.
1689. Tôi đã đi vào cung điện và đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian. Tôi đã trở nên mừng rỡ, với tâm mừng rỡ khi ấy tôi đã vỗ tay.
1690. Đức Phật đang chói sáng tợ như mặt trời, đang tỏa sáng tợ như khối vàng. Tôi đã ra sức trong điệu vũ lời ca và năm loại nhạc khí (cúng dường Ngài).
1691. Nơi chốn nào tôi đi tái sanh, dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, tôi vượt trội tất cả chúng sanh, danh tiếng của tôi là rộng khắp.
1692. “Bạch đấng Siêu Nhân, con kính lễ Ngài! Bạch đấng Tối Thượng Nhân, con kính lễ Ngài! Bạch bậc Hiền Trí, sau khi làm cho bản thân được hoan hỷ Ngài đã làm cho những người khác được hoan hỷ. ”
1693. Sau khi xem xét rồi ngồi xuống, sau khi đã tạo niềm vui ở bậc có sự hành trì tốt đẹp, sau khi phục vụ đấng Toàn Giác, tôi đã sanh lên cõi trời Đẩu Suất.
1694. Trước đây một ngàn sáu trăm kiếp, đã có hai, rồi chín vị cùng tên Ekacintita, là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1695. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sumaṅgala đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sumaṅgala là phần thứ nhì.
--ooOoo--
1696. Cuộc giao chiến giữa hai vị Thiên Vương đang diễn tiến đã trở nên hỗn độn, tiếng kêu la ầm ĩ đã vang lên.
1697. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, bậc Đạo Sư đứng ở không trung đã làm cho đám đông người bị giao động.
1698. Tất cả chư Thiên mừng rỡ, buông bỏ áo giáp và vũ khí, liền khi ấy đã đảnh lễ đấng Toàn Giác rồi ngồi xuống, có sự chăm chú.
1699. Biết được ý định của chúng tôi, Ngài đã cất cao giọng nói. Là bậc có lòng thương xót, đấng Hiểu Biết Thế Gian đã giúp cho đám đông dân chúng thành tựu Niết Bàn:
1700. “Người có tâm sân hận hãm hại một mạng sống, do sự sân hận ấy của tâm (người này) sanh vào địa ngục.
1701. Ví như con voi đối đầu trong chiến trận hãm hại nhiều mạng người, các ngươi hãy làm tâm của mình được tịnh lặng, chớ có giết hại lần này lần khác.”
1702. Ngay cả các binh đội của hai vị vua Dạ-xoa cũng đã bị kinh ngạc. Và họ đã đi đến nương nhờ đấng Trưởng Thượng của thế gian hoàn thiện như thế ấy.
1703. Bậc Hữu Nhãn đã khiến cho dân chúng suy tưởng, hơn nữa còn tiếp độ họ. Ngay trong khi đang cùng với chư Thiên xem xét, Ngài đã ra đi mặt hướng phía bắc.
1704. (Đây là) lần đầu tiên tôi đã đi đến nương nhờ đấng Chúa Tể của loài người như thế ấy, tôi đã không đi đến khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.
1705. (Trước đây) ba mươi ngàn kiếp, mười sáu vị vua lãnh đạo chiến xa tên Mahādundubhi đã là các đấng Chuyển Luân Vương.
1706. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Saraṇagamanīya[51]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Saraṇagamanīya là phần thứ ba.
--ooOoo--
1707. Lúc bấy giờ, tôi đã là vị Thiên Vương tên Varuṇa. Có binh lực và phương tiện di chuyển xứng đáng, tôi đã phục vụ đấng Toàn Giác.
1708. Khi đấng Bảo Hộ Thế Gian, bậc Tối Thượng Nhân Atthadassī đã Niết Bàn, tôi đã cầm lấy tất cả các nhạc cụ và đã đi đến cội Bồ Đề tối thượng.
1709. Tôi đã phối hợp (âm thanh của) chũm chọe vào lời ca và điệu vũ, tôi đã phục vụ cội Bồ Đề tối thượng tợ như (phục vụ) bậc Toàn Giác đang ở trước mặt.
1710. Sau khi phục vụ cội Bồ Đề ấy là loài thảo mộc mọc ở trên trái đất, tôi đã xếp chân vào thế kiết già và đã mệnh chung ở tại nơi ấy.
1711. Được hài lòng với nghiệp của mình, tôi đã được tịnh tín đối với cội Bồ Đề tối thượng. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, tôi đã sanh lên cõi Hóa Lạc Thiên.
1712. Trong khi luân chuyển ở cõi này cõi khác ở giữa loài người và ở giữa chư Thiên, có sáu mươi ngàn nhạc cụ luôn luôn vây quanh tôi.
1713. Trước đây năm trăm kiếp, đã có ba mươi bốn vị Sát-đế-lỵ tên là Subāhu, (các vị ấy) đã được thành tựu bảy loại báu vật.
1714. Đối với tôi, ba loại lửa đã được dập tắt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Tôi duy trì thân mạng cuối cùng ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.
1715. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekāsaniya[52]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekāsaniya là phần thứ tư.
--ooOoo--
1716. Đức Thế Tôn tên Vipassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, đang ngồi thuyết giảng đạo lộ Bất Tử cho tập thể dân chúng.
1717. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của Ngài là đấng Chúa Tể của loài người như thế ấy, tôi đã dâng lên đức Phật bốn bông hoa bằng vàng.
1718. Khi ấy, đã có mái che bằng vàng (che) khắp cả hội chúng. Hào quang của đức Phật và vẻ sáng của vàng đã là nguồn ánh sáng bao la.
1719. Với tâm phấn chấn, với ý vui mừng, tràn đầy niềm phấn khởi, tôi đã chắp tay lên. Tôi đã là nguồn sanh lên niềm hạnh phúc, là sự đưa đến an lạc trong thời hiện tại cho những người ấy.
1720. Sau khi thỉnh cầu bậc Toàn Giác và đảnh lễ bậc có sự hành trì tốt đẹp, sau khi làm cho sanh khởi niềm hưng phấn, tôi đã đi về chỗ trú ngụ của mình.
1721. Bước vào chỗ ngụ, tôi đã tưởng nhớ đến đức Phật tối thượng. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, tôi đã sanh lên cõi trời Đẩu Suất.
1722. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
1723. Trước đây bốn mươi ba kiếp, đã có mười sáu vị vua tên Nemisammata, là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1724. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Suvaṇṇapupphiya[53]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Suvaṇṇapupphiya là phần thứ năm.
--ooOoo--
1725. Tôi cư ngụ ở cội cây Rājāyatana cùng với các quan lại và đám tùy tùng. Khi ấy đức Thế Tôn Sikhī, đấng quyến thuộc của thế gian, Viên Tịch Niết Bàn.
1726. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã đi đến nơi hỏa táng. Tại nơi ấy, sau khi trình tấu nhạc cụ, tôi đã đặt xuống vật thơm và tràng hoa.
1727. Sau khi cúng dường ở giàn hỏa thiêu, tôi đã đảnh lễ nơi hỏa táng. Tôi đã đi về chỗ trú ngụ của mình, với tâm tịnh tín, với ý vui mừng.
1728. 1729. Bước vào chỗ ngụ, tôi đã tưởng nhớ đến sự cúng dường lễ hỏa táng. Do việc làm ấy ở nơi đấng Chúa Tể của loài người, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, tôi đã thọ hưởng sự thành đạt ở giữa chư Thiên và ở giữa loài người. Sau khi từ bỏ sự hơn thua, tôi đã đạt được vị thế Bất Động.
1730. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường lễ hỏa táng.
1731. Trước đây hai mươi chín kiếp, mười sáu vị vua (có cùng) tên Uggata đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1732. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Citakapūjaka[54]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Citakapūjaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
1733. Lúc bấy giờ, đấng Cao Cả của thế gian Vipassī đã buông bỏ sự duy trì tuổi thọ. Quả địa cầu là trái đất có nước bao quanh đã rúng động.
1734. Vào lúc chấm dứt tuổi thọ của đức Phật, chỗ ngụ được lợp mái, được trải rộng, có tràng hoa khéo được trang hoàng của tôi cũng đã rúng động.
1735. Khi chỗ ngụ bị rúng động, nỗi sợ hãi đã sanh khởi ở tôi. Việc đã xảy ra là do nguyên nhân gì? Nguồn ánh sáng bao la đã xuất hiện là do nguyên nhân gì?
1736. (Thiên Vương) Vessavaṇa đã đi đến nơi ấy và đã trấn an đám đông dân chúng rằng: “Không có điều lo ngại cho sanh mạng, các người hãy có sự chăm chú, bình tĩnh.”
1737. “Ôi đức Phật! Ôi Giáo Pháp! Ôi sự thành tựu của bậc Đạo Sư của chúng ta! Trong khi điều ấy sanh khởi, quả địa cầu đã tự rúng động.”
1738. Sau khi đã tán dương năng lực của đức Phật, tôi đã sướng vui ở cõi trời một kiếp. Trong những kiếp còn lại, việc tốt lành đã được tôi thực hiện.
1739. Kể từ khi tôi đã đạt được sự suy tưởng ấy trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về đức Phật.
1740. Trước đây mười bốn kiếp, tôi đã là vị vua có sự huy hoàng tên Samita, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1741. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Buddhasaññaka[55]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Buddhasaññaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
1742. Bị lạc lối ở trong khu rừng bạt ngàn, các vị Thinh Văn có hạnh sống ở rừng của đức Phật Padumuttara đi quanh quẩn tợ như những người mù.
1743. Sau khi suy tưởng về bậc Toàn Giác danh hiệu Padumuttara, những người con trai ấy của bậc Hiền Trí ấy đã bị lạc lối ở trong khu rừng lớn.
1744. Từ chỗ ngụ, tôi đã bước xuống và đã đi đến bên các vị tỳ khưu. Tôi đã chỉ đường và đã dâng cúng thức ăn đến các vị ấy.
1745. Do việc làm ấy ở nơi đấng Chúa Tể của loài người, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, vào lúc bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
1746. Trước đây năm trăm kiếp, mười hai vị tên Sacakkhu đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật.
1747. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Maggasaññaka[56]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Maggasaññaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
1748. Lúc bấy giờ, ngay sau khi đấng Thiện Thệ Atthadassī tịch diệt, tôi đã sanh vào dòng giống Dạ-xoa, và tôi đã đạt được danh tiếng.
1749. Đối với tôi, quả thật là khó được thành tựu, khó được chói sáng, khó được vươn lên, là việc đấng Hữu Nhãn đã viên tịch Niết Bàn trong khi tôi đang tìm kiếm của cải.
1750. Vị Thinh Văn tên Sāgara đã biết được ý định của tôi. Có ý định tiếp độ tôi, vị ấy đã đi đến gần bên tôi (nói rằng):
1751. “Điều gì khiến ngươi sầu muộn? Này người khôn ngoan, chớ lo ngại, ngươi hãy thực hành Giáo Pháp. Sự thành tựu về hạt giống (giác ngộ) đã được đức Phật ban phát cho tất cả.
1752. 1753. Người cúng dường bậc Toàn Giác đấng Lãnh Đạo Thế Gian (khi Ngài) đang còn tại tiền, và người cúng dường xá-lợi của Ngài khi Ngài đã tịch diệt dầu chỉ nhỏ bằng hạt mù-tạt, khi niềm tịnh tín ở trong tâm là tương đương thì phước báu đạt được lớn lao là tương đương; vì thế ngươi hãy cho xây dựng ngôi bảo tháp rồi hãy cúng dường các xá-lợi của đấng Chiến Thắng.”
1754. Sau khi lắng nghe lời nói của vị Sāgara, tôi đã cho thực hiện ngôi bảo tháp của đức Phật. Tôi đã phục vụ ngôi bảo tháp tối thượng của bậc Hiền Trí năm năm.
1755. Do việc làm ấy ở nơi đấng Chúa Tể của loài người, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, sau khi thọ hưởng sự thành đạt tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
1756. Và trước đây bảy trăm kiếp, bốn vị (cùng) tên Bhūripañña đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1757. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Paccupaṭṭhānasaññaka[57]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Paccupaṭṭhānasaññaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
1758. Khi đấng Vipassī đang đản sanh, có nguồn ánh sáng bao la đã xuất hiện. Và quả địa cầu cùng với biển cả và núi non đã rúng động.
1759. Và các nhà tiên tri đã dự báo rằng: “Đức Phật, bậc cao cả đối với tất cả chúng sanh, sẽ xuất hiện ở thế gian và sẽ tiếp độ dân chúng.”
1760. Sau khi nghe lời nói của các nhà tiên tri, tôi đã thực hiện việc cúng dường đản sanh. Không có sự cúng dường nào như là sự cúng dường đản sanh.
1761. Sau khi thực hành việc tốt lành, tôi đã làm cho tâm của mình được tịnh tín. Sau khi thực hiện việc cúng dường đản sanh, tôi đã mệnh chung ở tại nơi ấy.
1762. Nơi chốn nào tôi đi tái sanh dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, tôi vượt trội tất cả chúng sanh; điều này là quả báu của việc cúng dường đản sanh.
1763. Những người vú nuôi chăm sóc tôi thuận theo năng lực tâm của tôi, những người ấy không thể nào làm tôi nổi giận; điều này là quả báu của việc cúng dường đản sanh.
1764. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc cúng dường trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đản sanh.
1765. Trước đây vào kiếp thứ ba, ba mươi bốn vị thống lãnh dân chúng (cùng) tên Supāricāriya đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1766. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Jātipūjaka[58]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Jātipūjaka là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị có tùy tùng, vị Sumaṅgala, vị nương nhờ, vị có chỗ ngồi, vị dâng bông hoa, vị cúng dường lễ hỏa táng, vị suy tưởng về đức Phật, vị chỉ đường, vị có sự phục vụ, vị với sự đản sanh; (tổng cộng) có chín mươi câu kệ đã được nói lên và đã được tính đếm bởi các bậc trí.
Phẩm Mahāparivāra là phẩm thứ mười hai.
--ooOoo--
[1] Vidhūpanadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) cái quạt (vidhūpana).”
[2] Sayanadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) chiếc giường (sayana).”
[3] Gandhodakiyanghĩa là “vị liên quan đến nước (udaka) có hương thơm (gandha).”
[4] Saparivārāsananghĩa là “vị có vật thực (asana) và các vật phụ thuộc (parivāra).”
[5] Pañcadīpakanghĩa là “vị có năm (pañca) cây đèn (dīpaka).”
[6] Dhajadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) cây cờ (dhaja).”
[7] Asanabodhiyanghĩa là “vị liên quan đến cội Bồ Đề (bodhi) là giống cây asana.”
[8] Sakacintaniyanghĩa là “vị có sự suy nghĩ (cintana) của chính mình (saka).”
[9] Paccāgamaniyanghĩa là “vị có sự quay trở lại (pati-ā-gamana).”
[10] Parappasādakanghĩa là “vị tạo cho người khác (para) có được đức tin (pasādaka).”
[11]Là vị thứ ba trong số ba vị Phật Toàn Giác Vipassī, Sikhī, Vessabhū (ApA. 389).
[12] Bhisadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) củ sen (bhisa).”
[13] Sucintita nghĩa là “vị đã suy nghĩ (cintita) khôn khéo (su).”
[14] Vatthadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) tấm vải (vattha).”
[15] Ambadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái xoài (amba).”
[16] Pupphacaṅgoṭiyanghĩa là “vị liên quan đến cái rương (caṅgoṭaka) có chứa đựng bông hoa (puppha).”
[17] Padasaññakanghĩa là “vị có sự suy tưởng (saññaka) về vết chân (pada) của đức Phật.”
[18] Bhisāluvadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) củ sen (bhisāluva).”
[19] Ekasaññakanghĩa là “vị có một lần (eka) suy tưởng (saññā).”
[20] Tiṇasantharadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) tấm thảm (santhara) bằng cỏ (tiṇa).”
[21] Sūcidāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) kim khâu (sūci).”
[22] Pāṭalipupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) pāṭali.”
[23] Ṭhitañjaliya nghĩa là “vị đã đứng (ṭhita) chắp tay (añjali).”
[24] Tipadumiya nghĩa là “vị liên quan đến ba (ti) đóa sen hồng (paduma).”
[25] Timirapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) timira.”
[26] Gatasaññaka nghĩa là “vị suy tưởng (saññaka) đến con đường đức Phật đi qua (gata).”
[27] Adhopupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) adha.”
[28] Raṃsisaññaka nghĩa là “vị suy tưởng (saññaka) đến hào quang (raṃsi) đức Phật.”
[29] Bodhisiñcakanghĩa là “vị rưới nước (siñcaka) cội cây Bồ Đề (bodhi).”
[30] Padumapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến hoa (puppha) sen hồng (paduma).”
[31] Sudhāpiṇḍiya nghĩa là “vị liên quan đến cục (piṇḍa) vôi bột (sudhā).”
[32] Sucintitanghĩa là “vị đã suy nghĩ (cintita) khéo léo (su).”
[33] Aḍḍhacelakanghĩa là “vị liên quan đến một nửa (aḍḍha) mảnh vải (cela).”
[34] Sūcidāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) kim khâu (sūci).”
[35] Gandhamāliyanghĩa là “vị liên quan đến tràng hoa (māla) có hương thơm (gandha).”
[36]Ngài Vipassī đã chứng quả Phật tại cội cây pāṭali (TTPV 42, câu kệ 34, trang 189).
[37] Tipupphiyanghĩa là “vị liên quan đến ba (ti) bông hoa (puppha).”
[38] Madhupiṇḍikanghĩa là “vị liên quan đến khối (piṇḍa) mật ong (madhu).”
[39] Senāsanadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) chỗ nằm ngồi (senāsana).”
[40] Veyyāvaccaka nghĩa là “vị làm công việc phục dịch (veyyāvaccaka) đến đức Phật.”
[41] Buddhupaṭṭhākanghĩa là “vị là người phục vụ (upaṭṭhāka) của đức Phật (Buddha).”
[42] Ñāṇasaññaka nghĩa là “vị suy tưởng (saññaka) về trí tuệ (ñāṇa) của đức Phật.”
[43] Padapūjakanghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) ở bàn chân (pada).”
[44] Muṭṭhipupphiyanghĩa là “vị liên quan đến số bông hoa (puppha) ở nắm tay (muṭṭhi).”
[45] Udakapūjakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) nước (udaka).”
[46] Naḷamāliyanghĩa là “vị liên quan đến tràng hoa (mālā) sậy (naḷa).”
[47] Āsanūpaṭṭhāpakanghĩa là “vị thiết lập (upaṭṭhāpaka) bảo tọa (āsana) sư tử.”
[48] Biḷālidāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây biḷāli.”
[49] Reṇupūjakanghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) bột phấn hoa (reṇu).”
[50] Mahāparivāranghĩa là “vị có đoàn tùy tùng (parivāra) đông đảo (mahā).”
[51] Saraṇagamanīya nghĩa là “vị liên quan việc đi đến (gamana) nương nhờ (saraṇa), tức là đã quy y.”
[52] Ekāsaniya nghĩa là “vị liên quan đến một (eka) chỗ ngồi (āsana).”
[53] Suvaṇṇapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến đóa hoa (puppha) bằng vàng (suvaṇṇa).”
[54] Citakapūjakanghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) lễ hỏa táng (citaka).”
[55] Buddhasaññaka nghĩa là “vị suy tưởng (saññaka) về đức Phật (buddha).”
[56] Maggasaññaka nghĩa là “vị suy tưởng (saññaka) về con đường (magga).”
[57] Paccupaṭṭhānasaññaka nghĩa là “vị suy tưởng (saññaka) về sự chăm sóc phục vụ hầu hạ (paccupaṭṭhāna).”
[58] Jātipūjakanghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) bông hoa nhài (jāti).”
1767. Là vị giảng huấn, thông thạo về chú thuật, thông suốt về ba tập Vệ-đà, trong khi đang đứng ở ngoài trời, tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
1768. Bậc Đại Ẩn Sĩ giống như là con sư tử đang đi lang thang ở trong rừng, tợ như con cọp chúa không có sự sợ hãi, tợ như giống voi mātaṅga (đến tuổi) bị tiết dục ở ba nơi.
1769. Tôi đã cầm lấy bông hoa sereyya và đã ném lên không trung. Do nhờ năng lực của đức Phật, (các bông hoa ấy) quây quần ở khắp nơi.
1770. Bậc Đại Hùng, đấng Toàn Tri, bậc Lãnh Đạo Thế Gian đã chú nguyện. Các mái che bằng bông hoa ở xung quanh đã rải rắc ở đấng Nhân Ngưu.
1771. Kế đó, tấm màn bằng bông hoa ấy, có các cuống hoa ở phía trong và các vành hoa bên ngoài, đã trở thành mái che trong bảy ngày và sau đó đã biến mất.
1772. Và sau khi nhìn thấy điều phi thường kỳ diệu khiến lông rởn ốc ấy, tôi đã làm cho tâm tịnh tín ở đức Phật, bậc Thiện Thệ, đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
1773. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch tôi đã không đi đến khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.
1774. (Trước đây) mười lăm ngàn kiếp, hai mươi lăm vị (cùng) tên Cittamālā ấy đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1775. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sereyyaka[1]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sereyyaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
1776. Ở không xa núi Hi-mã-lạp có ngọn núi tên là Kukkuṭa. Ở trung tâm của ngọn núi ấy có vị Bà-la-môn thông thạo về chú thuật sinh sống.
1777. Có năm ngàn người học trò luôn luôn vây quanh tôi. Các vị ấy đã là những người (ngủ) thức dậy trước (tôi) và được tự tin vào các chú thuật.
1778. “Hỡi người thầy của chúng con, đức Phật đã hiện khởi ở trên thế gian, xin thầy biết rõ về điều ấy. Đấng Chiến Thắng cao quý có ba mươi hai hảo tướng và tám mươi tướng phụ, có vầng hào quang tợ như mặt trời chiếu sáng.”
1779. Sau khi lắng nghe lời nói của những người học trò, vị Bà-la-môn thông thạo về chú thuật đã rời khu ẩn cư và hỏi những người học trò phương hướng về khu vực mà đấng Đại Hùng bậc Lãnh Đạo Thế Gian cư ngụ.
1780. Tôi đã lễ bái phương hướng ấy (hướng đến) đấng Chiến Thắng, bậc không người đối thủ. Với tâm phấn chấn, với ý vui mừng, tôi đã tôn vinh đức Như Lai ấy.
1781. “Này các đệ tử, hãy đến. Chúng ta sẽ đi và sẽ diện kiến đức Như Lai. Sau khi đảnh lễ ở bàn chân của bậc Đạo Sư, chúng ta sẽ lắng nghe Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.”
1782. Tôi đã ra đi một mình và tôi đã lâm bệnh. Trong khi bị hành hạ bởi căn bệnh, tôi đã đi đến nhà nghỉ chân để nằm nghỉ.
1783. Sau khi triệu tập tất cả những người học trò lại, tôi đã hỏi họ về đức Như Lai: “Đức độ của đấng Bảo Hộ Thế Gian, bậc có sự Giác Ngộ tuyệt đối, là như thế nào?”
1784. Được tôi hỏi, các vị ấy đã trả lời theo như đã nhìn thấy. Các vị đã mô tả đức Phật tối thượng ấy một cách kính trọng như Ngài đang ở trước mặt của tôi.
1785. Sau khi lắng nghe lời nói của họ, tôi đã làm cho tâm của mình được tịnh tín. Sau khi thực hiện ngôi bảo tháp bằng các bông hoa, tôi đã mệnh chung ở tại nơi ấy.
1786. Sau khi hỏa táng thi thể của tôi, các vị ấy đã đi đến gặp đức Phật. Họ đã chắp tay lên và đã đảnh lễ bậc Đạo Sư.
1787. Sau khi thực hiện ngôi bảo tháp bằng các bông hoa dành cho đức Thiện Thệ bậc Đại Ẩn Sĩ, tôi đã không đi đến khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.
1788. (Trước đây) bốn mươi bốn ngàn kiếp, mười sáu vị Sát-đế-lỵ (cùng) tên Aggisama đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1789. (Trước đây) hai mươi ngàn kiếp, ba mươi tám vị lãnh chúa (cùng) tên Ghatāsana đã là các đấng Chuyển Luân Vương.
1790. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pupphathūpiya[2]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pupphathūpiya là phần thứ nhì.
--ooOoo--
1791. (Tôi đã nhìn thấy) bậc Toàn Giác có màu da vàng chói, có ba mươi hai hảo tướng dẫn đầu Hội Chúng tỳ khưu đang đi ra khỏi khu rừng bao la.
1792. Có ý muốn dâng tặng vật hiến cúng, tôi đây đã chuẩn bị món cơm sữa ở trong cái đĩa kim loại vô cùng quý giá rồi đã đem dâng tặng bậc có năng lực.
1793. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu đã khéo léo bước lên con đường kinh hành ở bầu trời trên không trung.
1794. Và sau khi nhìn thấy điều phi thường kỳ diệu khiến lông rởn ốc ấy, sau khi đặt chiếc đĩa kim loại xuống tôi đã đảnh lễ (đức Phật) Vipassī.
1795. “Bạch đấng Toàn Tri, Ngài là vị Trời ở (thế gian có cả) chư Thiên cùng nhân loại. Bạch đấng Đại Hiền Trí, vì lòng thương tưởng xin Ngài hãy thọ nhận.”
1796. Biết được ý định của tôi, đức Thế Tôn, đấng Toàn Tri, bậc Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đạo Sư, bậc Đại Hiền Trí ở trên đời đã thọ nhận.
1797. Kể từ khi tôi đã cúng dường vật thí trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của món cơm sữa.
1798. Trước đây bốn mươi mốt kiếp, tôi đã là vị Sát-đế-lỵ tên Buddha, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1799. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pāyāsadāyaka[3]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pāyāsadāyaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
1800. Sau khi ngồi xuống ở nơi cao quý của tòa lâu đài, tôi đã nhìn thấy đấng Chiến Thắng Vipassī, bậc Toàn Tri, người tiêu diệt sự tăm tối, tợ như cây kakudha đang chói sáng.
1801. Đấng Lãnh Đạo Thế Gian (đang) đi ở không xa tòa lâu đài. Hào quang của Ngài tỏa ra tợ như ánh sáng của mặt trời.
1802. Và tôi đã cầm lấy nước thơm rồi đã rải rắc vào đức Phật tối thượng. Với sự tịnh tín ấy ở trong tâm, tôi đã mệnh chung ở tại nơi ấy.
1803. (Kể từ khi) tôi đã rải rắc nước thơm trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
1804. Trước đây ba mươi mốt kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Sugandha, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1805. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Gandhodakiya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Gandhodakiya là phần thứ tư.
--ooOoo--
1806. Trong khi trấn an dân chúng, tôi đã giải thích về điềm báo hiệu khi vị Vipassī đang đản sanh rằng: “Đức Phật sẽ hiện khởi ở thế gian.
1807. Và vị nào trong khi đản sanh mười ngàn thế giới đã rúng động, vị ấy giờ đây là đức Thế Tôn, bậc Đạo Sư, đấng Hữu Nhãn (đang) thuyết giảng Giáo Pháp.
1808. Và vị nào trong khi đản sanh đã có nguồn ánh sáng bao la, vị ấy giờ đây là đức Thế Tôn, bậc Đạo Sư, đấng Hữu Nhãn (đang) thuyết giảng Giáo Pháp.
1809. Và vị nào trong khi đản sanh các dòng sông đã ngưng chảy, vị ấy giờ đây là đức Thế Tôn, bậc Đạo Sư, đấng Hữu Nhãn (đang) thuyết giảng Giáo Pháp.
1810. Và vị nào trong khi đản sanh ngọn lửa ở địa ngục Avīci đã không bốc cháy, vị ấy giờ đây là đức Thế Tôn, bậc Đạo Sư, đấng Hữu Nhãn (đang) thuyết giảng Giáo Pháp.
1811. Và vị nào trong khi đản sanh bầy chim đã không bay lượn, vị ấy giờ đây là đức Thế Tôn, bậc Đạo Sư, đấng Hữu Nhãn (đang) thuyết giảng Giáo Pháp.
1812. Và vị nào trong khi đản sanh làn gió ngưng thổi, vị ấy giờ đây là đức Thế Tôn, bậc Đạo Sư, đấng Hữu Nhãn (đang) thuyết giảng Giáo Pháp.
1813. Và vị nào trong khi đản sanh tất cả châu báu đã rực sáng, vị ấy giờ đây là đức Thế Tôn, bậc Đạo Sư, đấng Hữu Nhãn (đang) thuyết giảng Giáo Pháp.
1814. Và vị nào trong khi đản sanh đã có việc bước đi bảy bước chân, vị ấy giờ đây là đức Thế Tôn, bậc Đạo Sư, đấng Hữu Nhãn (đang) thuyết giảng Giáo Pháp.
1815. Và ngay khi được sanh ra, bậc Toàn Giác đã chiếu sáng tất cả các phương, Ngài đã thốt lên lời nói hùng tráng; điều này là thông lệ của chư Phật.”
1816. Sau khi làm cho dân chúng động tâm, tôi đã ngợi ca đấng Lãnh Đạo Thế Gian. Sau khi đảnh lễ bậc Toàn Giác, tôi đã ra đi, mặt hướng phía đông.
1817. (Kể từ khi) tôi đã ca ngợi đức Phật trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc ca ngợi.
1818. Trước đây 90 kiếp, (tôi đã là) vị tên Sammukhāthavika, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1819. Trước đây 89 kiếp, (tôi đã là) vị tên Paṭhavidundubhī, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1920. Trước đây 88 kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Obhāsa, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1821. Trước đây 87 kiếp, (tôi đã là) vị tên Saritacchedana, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1822. Trước đây 86 kiếp, (tôi đã là) vị tên Agginibbāpana, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1823. Trước đây 85 kiếp, (tôi đã là) vị tên Gatipacchedana, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1824. Trước đây 84 kiếp, (tôi đã là) vị vua tên Vātasama, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1825. Trước đây 83 kiếp, (tôi đã là) vị tên Ratanapajjala, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1826. Trước đây 82 kiếp, (tôi đã là) vị tên Padavikkamana, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1827. Trước đây 81 kiếp, (tôi đã là) vị vua tên Vilokana, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1828. Trước đây 80 kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Girisāra, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1829. Bốn (tuệ) phân tích, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sammukhāthavika[4]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sammukhāthavika là phần thứ năm.
--ooOoo--
1830. Tôi đã là vị Bà-la-môn ở thành phố Dhaññavatī về (khoa) tướng mạo, về truyền thống gồm cả văn tự và nghi thức.
1831. Là người thông suốt ba tập Vệ-đà, tôi được rành rẽ về điềm báo hiệu, biết về từ ngữ, về văn phạm, và tôi đã chỉ dạy các học trò về chú thuật.
1832. Có ý muốn dâng tặng vật hiến cúng trong khi đoàn tụ với cha mẹ, tôi đã đặt năm bó sen xanh ở trên chiếc ghế nhỏ.
1833. Khi ấy, đức Thế Tôn Vipassī, đấng Nhân Ngưu, dẫn đầu Hội Chúng tỳ khưu đi đến, trong lúc làm cho tất cả các phương rực sáng.
1834. Sau khi sắp xếp chỗ ngồi, tôi đã thỉnh mời bậc Đại Hiền Trí. Sau khi trải ra (các) bông hoa ấy, tôi đã rước (đức Phật) đến ngôi nhà của mình.
1835. Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình dâng đến đức Phật phần vật thực đã có sẵn ở trong nhà của tôi.
1836. Biết được thời điểm Ngài đã thọ thực xong, tôi đã dâng cúng bó bông hoa. Đấng Toàn Tri, sau khi nói lời tùy hỷ, đã ra đi, mặt hướng phía bắc.
1837. Kể từ khi tôi đã dâng cúng bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng bông hoa.
1838. Vào kiếp kế liền trước đây, tôi đã là đức vua Varadassana, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1839. Bốn (tuệ) phân tích, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kusumāsaniya[5]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kusumāsaniya là phần thứ sáu.
--ooOoo--
1840. Là vị giảng huấn, thông thạo về chú thuật, thông suốt về ba tập Vệ-đà, tôi sống tại khu ẩn cư ở không xa núi Hi-mã-lạp.
1841. Tôi có vật cúng dường đến ngọn lửa, có các bông sen trắng và trái cây. Sau khi đặt vào trong chiếc giỏ, tôi đã treo lên ở ngọn cây.
1842. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, có ý định tiếp độ tôi, trong khi khất thực Ngài đã đi đến gần tôi.
1843. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng cúng trái cây đến đức Phật. Tôi đã là nguồn sanh lên niềm hạnh phúc, là sự đưa đến an lạc trong thời hiện tại cho chính tôi.
1844. Bậc Toàn Giác có màu da vàng chói, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đứng ở trên không trung đã nói lên lời kệ này:
1845. “Do sự dâng cúng trái cây này và do các nguyện lực của tác ý, (người này) không đi đến khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.”
1846. Do nhờ nhân tố trong sạch ấy, tôi đã thọ hưởng sự thành đạt. Sau khi từ bỏ sự hơn thua, tôi đã đạt được vị thế Bất Động.
1847. Trước đây bảy trăm kiếp, tôi đã là đức vua Sumaṅgala, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1848. Bốn (tuệ) phân tích, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Phaladāyaka[6]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Phaladāyaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
1849. Tôi sống trong vùng đồi núi tại núi Hi-mã-lạp. Sau khi nhìn thấy bãi cát đang chói sáng, tôi đã tưởng nhớ đến đức Phật tối thượng rằng:
1850. “Về trí tuệ, không có gì so sánh, không có gì đối địch với bậc Đạo Sư. Sau khi biết rõ tất cả các pháp, Ngài đã giải thoát nhờ vào trí tuệ.
1851. Bạch đấng Siêu Nhân, con kính lễ Ngài! Bạch đấng Tối Thượng Nhân, con kính lễ Ngài! Không có gì sánh bằng trí tuệ của Ngài cho dầu là trí tuệ hạng nhất.”
1852. Sau khi làm cho tâm của mình được tịnh tín ở trí tuệ (đức Phật), tôi đã sướng vui ở cõi trời một kiếp. Trong những kiếp còn lại, điều tốt lành đã được tôi thực hiện.
1853. Kể từ khi tôi đã đạt được sự suy tưởng ấy trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về trí tuệ.
1854. Trước đây bảy mươi ba kiếp, (tôi đã là) vị độc nhất tên Pulinapupphiya, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1855. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ñāṇasaññaka[7]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ñāṇasaññaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
1856. Bậc Toàn Giác Vipassī có màu da vàng chói, bậc xứng đáng sự cúng dường, dẫn đầu các vị Thinh Văn, đã rời khỏi tu viện.
1857. Sau khi nhìn thấy đức Phật tối thượng, đấng Toàn Tri, bậc tiêu diệt sự tăm tối, với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã cúng dường bông hoa có hương thơm.
1858. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm đối với đấng Chúa Tể của loài người như thế ấy, tôi đã trở nên mừng rỡ, với tâm mừng rỡ tôi đã đảnh lễ đức Như Lai lần nữa.
1859. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
1860. Trước đây bốn mươi mốt kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Caraṇa, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1861. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Gandhapupphiya[8]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Gandhapupphiya là phần thứ chín.
--ooOoo--
1862. Ở không xa núi Hi-mã-lạp có ngọn núi tên Gotama được che phủ bởi nhiều loại cây cối khác nhau, là nơi trú ngụ của các nhóm chúng sanh vĩ đại.
1863. Và có khu ẩn cư đã được tạo nên ở trung tâm của ngọn núi ấy. Được vây quanh bởi những học trò của mình, tôi sống tại khu ẩn cư.
1864. “Này các nhóm học trò của ta, hãy mang lại cho ta hoa sen hồng. Chúng ta sẽ thực hiện việc cúng dường đức Phật, đấng Chúa Tể của loài người như thế ấy.”
1865. Các vị ấy đã đáp lại rằng: “Xin vâng,” rồi đã mang lại hoa sen hồng cho tôi. Tại nơi ấy, sau khi xác định đối tượng, tôi đã dâng lên đức Phật.
1866. Khi ấy, tôi đã triệu tập các người học trò lại và đã giáo huấn điều tốt đẹp: “Các ngươi chớ xao lãng, không xao lãng là nguồn đem lại sự an lạc.”
1867. Sau khi đã giáo huấn như vậy cho những người học trò có sự chấp nhận lời dạy bảo ấy, được gắn bó với đức tính không xao lãng, tôi đã mệnh chung vào khi ấy.
1868. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
1869. (Trước đây) 51 kiếp, tôi đã là đức vua Jaluttama, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
xxxx. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Padumapūjaka[9]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Padumapūjaka là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị Sereyyaka, vị có ngôi bảo tháp bằng bông hoa, vị (dâng cúng) cơm sữa, vị (rắc) nước thơm, vị ca ngợi, vị có chỗ ngồi, vị (dâng cúng) trái cây, vị suy tưởng, bông hoa có hương thơm, vị có hoa sen hồng; (tổng cộng) có 105 câu kệ đã được thuật lại bởi các vị nhìn thấy sự lợi ích.
Phẩm Sereyyaka là phẩm thứ mười ba.
--ooOoo--
1870. Đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu thuyết giảng về vị thế Bất Tử đến tập thể dân chúng đông đảo.
1871. Sau khi lắng nghe lời nói của Ngài, tôi đã bật thốt lên lời. Khi ấy, tôi đã chắp tay lên và có sự chăm chú.
1872. “Giống như biển cả là đứng đầu trong số các nguồn nước, núi đá Neru là cao quý trong số các ngọn núi, tương tợ y như thế những người nào vận hành năng lực của tâm những người ấy không đạt được một phần trí tuệ của đức Phật.”
1873. Sau khi qui định đường lối trong Giáo Pháp, đức Phật, đấng Bi Mẫn, bậc Ẩn Sĩ, đã ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu và đã nói lên những lời kệ này:
1874. “Người nào đã ca ngợi trí tuệ về đức Phật, đấng Lãnh Đạo Thế Gian, người ấy sẽ không đi đến khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.
1875. (Người ấy) sẽ thiêu đốt các phiền não, có sự chăm chú, khéo được định tĩnh, sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, với tên là Sobhita.”
1876. (Trước đây) năm mươi ngàn kiếp, bảy vị (cùng) tên Yasuggata đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1877. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tam minh đã được thành tựu, tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
1878. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sobhita đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sobhita là phần thứ nhất.
--ooOoo--
1879. Ở bờ sông Vitatthā, cây pilakkha đã được kết trái. Trong khi tìm kiếm giống cây ấy, tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
1880. Sau khi nhìn thấy cây ketaka đã được trổ hoa, khi ấy tôi đã cắt ở cuống hoa và đã dâng lên đức Phật Sikhī, đấng quyến thuộc của thế gian.
1881. “Bạch đức Phật tối thượng, bạch bậc Đại Hiền Trí, với trí tuệ nào Ngài đã đạt được vị thế trường tồn Bất Tử, con xin cúng dường trí tuệ ấy.”
1882. Sau khi cúng dường trí tuệ, tôi đã nhìn thấy cây pilakkha, tôi đã được chứng đạt tuệ ấy; điều này là quả báu của việc cúng dường trí tuệ.
1883. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường trí tuệ.
1884. Trước đây mười ba kiếp, mười hai vị (cùng) tên Phaluggata đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1885. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sudassana đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sudassana là phần thứ nhì.
--ooOoo--
1886. Lúc bấy giờ, tôi đã là loài kim-sỉ-điểu ở bờ sông Candabhāgā. Và tôi đã có thức ăn là bông hoa, tương tợ như vậy có y phục là bông hoa.
1887. Và đức Thế Tôn Atthadassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu đã đi ra ở phía trên chóp đỉnh của khu rừng, tợ như chim thiên nga chúa ở trên bầu trời.
1888. “Bạch đấng Siêu Nhân, con kính lễ Ngài! Tâm của Ngài khéo được thanh tịnh. Ngài có khuôn mặt và ánh mắt an tịnh, có khuôn mặt và các giác quan trong sáng.”
1889. Bậc Trí Tuệ có tuệ bao la đã từ bầu trời bước xuống. Ngài đã trải ra tấm y hai lớp rồi đã ngồi vào tư thế kiết già.
1890. Tôi đã cầm lấy trầm hương hòa tan rồi đã đi đến gần đấng Chiến Thắng. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng lên đức Phật.
1891. Sau khi đảnh lễ đấng Toàn Giác, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, sau khi làm cho sanh khởi niềm hưng phấn, tôi đã ra đi, mặt hướng phía bắc.
1892. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường trầm hương (trước đây) một ngàn tám trăm kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
1893. Trước đây một ngàn bốn trăm kiếp, ba vị (cùng) tên Rohita ấy đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1894. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Candanapūjaka[10]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Candanapūjaka là phần thứ ba.
(Tụng phẩm thứ tám).
--ooOoo--
1895. Là vị giảng huấn, gắn bó với sự hiến cúng, vị Bà-la-môn thông thạo về chú thuật tên Sunanda đã cúng hiến cho lễ hiến cúng.
1896. Khi ấy, đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, bậc Cao Cả, đấng Bi Mẫn, bậc Ẩn Sĩ, trong lúc thương tưởng dân chúng đã đi kinh hành ở trên không trung.
1897. Sau khi đã đi kinh hành, bậc Toàn Giác, đấng Toàn Tri, bậc Lãnh Đạo Thế Gian, vị không còn mầm mống tái sanh, đã lan tỏa bằng tâm từ ái đến các chúng sanh một cách không giới hạn.
1898. Sau khi đã cắt các bông hoa ở cuống, vị Bà-la-môn thông thạo về chú thuật đã triệu tập lại tất cả các học trò rồi đã thảy (các bông hoa) lên không trung.
1899. Khi ấy, do nhờ năng lực của đức Phật, mái che của các bông hoa đã trải khắp cả thành phố và đã không biến mất trong bảy ngày.
1900. Do nhờ nhân tố trong sạch ấy, tôi đã thọ hưởng sự thành đạt. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi đã vượt qua sự ràng buộc ở thế gian.
1901. (Trước đây) 1100 kiếp, ba mươi lăm vị Sát-đế-lỵ có (cùng) tên Ambaraṃsa đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
xxxx. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pupphachadaniya[11]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pupphachadaniya là phần thứ tư.
--ooOoo--
1902. Ở không xa núi Hi-mã-lạp có ngọn núi tên là Vasabha. Ở chân ngọn núi ấy có khu ẩn cư đã được tạo lập.
1903. Khi ấy, là vị Bà-la-môn tôi đã chỉ dạy ba ngàn học trò. Sau khi triệu tập những người học trò ấy lại, tôi đã ngồi xuống ở một bên.
1904. Sau khi ngồi xuống ở một bên, là vị Bà-la-môn thông thạo về chú thuật, trong lúc tầm cầu về sự hiểu biết của đức Phật, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín ở trí tuệ (của Ngài).
1905. Tại nơi ấy, sau khi làm cho tâm được tịnh tín, tôi đã ngồi xuống ở tấm thảm bằng lá. Sau khi xếp vào tư thế kiết già, tôi đã mệnh chung ở tại nơi ấy.
1906. Kể từ khi tôi đã đạt được sự suy tưởng ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về trí tuệ.
1907. (Trước đây) hai mươi bảy kiếp, tôi đã là đức vua Siridhara, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1908. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Rahosaññaka[12]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Rahosaññaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
1909. (Đức Phật) ngồi ở trong vùng đồi núi tợ như cây kaṇikāra đang cháy sáng, khiến cho tất cả các phương rực sáng tợ như vì sao osadhī.
1910. Đã có ba người thanh niên khéo được học tập về nghề nghiệp của mình cầm lấy túi vật dụng đi theo tôi ở phía sau.
1911. Có bảy bông hoa đã bị rụng xuống ở trong cái giỏ vì sức nóng. Tôi đã cầm lấy các bông hoa ấy và đã dâng lên (hướng tâm đến) trí tuệ của đức Vessabhū.
1912. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường trí tuệ.
1913. Trước đây hai mươi chín kiếp, (tôi đã là) vị tên Vipulābha, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1914. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Campakapupphiya[13]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Campakapupphiya là phần thứ sáu.
--ooOoo--
1915. Tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian, bậc có lậu hoặc đã được đoạn tận, vị đã đạt năng lực, đang ngồi ở nơi khoảnh rừng rộng, được vây quanh bởi Hội Chúng tỳ khưu.
1916. “Một trăm ngàn vị có ba minh, có sáu thắng trí, có đại thần lực quây quanh bậc Toàn Giác, ai là người nhìn thấy mà không tịnh tín?
1917. Ở (thế gian) gồm cả chư Thiên, người có sự tương đương về trí tuệ không tìm thấy, ai là người nhìn thấy bậc Toàn Giác có trí tuệ vô biên mà không tịnh tín?
1918. Và người ta không thể làm tổn hại Pháp Thân đang chiếu sáng (giống như) toàn bộ hầm mỏ châu ngọc, ai là người nhìn thấy (Ngài) mà không tịnh tín?”
1919. Với ba lời kệ này, vị Nārada Saragacchiya đã ngợi ca về đấng Toàn Giác bậc không bị đánh bại Padumuttara.
1920. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm và do sự ngợi ca đức Phật, tôi đã không đi đến khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.
1921. Trước đây ba ngàn kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Sumitta, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1922. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Atthasandassaka[14]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Atthasandassaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
1923. Tên của tôi là Nārada, mọi người biết tôi là (dòng dõi) Kesava. Trong khi tìm hiểu về điều thiện và bất thiện, tôi đã đi đến gần bên đức Phật.
1924. Trong khi an ủi chúng sanh, bậc Đại Hiền Trí Atthadassī, đấng Bi Mẫn có tâm từ ái, bậc Hữu Nhãn ấy thuyết giảng Giáo Pháp.
1925. Sau khi đã làm cho tâm của mình được tịnh tín, tôi đã chắp tay ở đầu. Sau khi đảnh lễ bậc Đạo Sư, tôi đã ra đi, mặt hướng phía đông.
1926. (Trước đây) một ngàn bảy trăm kiếp, tôi đã là đức vua chúa tể trái đất, là đấng Chuyển Luân Vương tên Amittatāpana có oai lực lớn lao.
1927. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekapasādaniya[15]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekapasādaniya là phần thứ tám.
--ooOoo--
1928. Lúc bấy giờ, tôi đã là vua của loài thú, là con sư tử đã được sanh ra cao quý. Trong khi tìm kiếm chỗ hiểm trở ở ngọn núi, tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
1929. “Vị này ắt hẳn là đấng Đại Hùng, người giúp cho đám đông dân chúng được (giải thoát) Niết Bàn. Hay là ta nên hầu cận vị Trời của chư Thiên, đấng Nhân Ngưu?”
1930. Sau khi bẻ gãy nhánh cây sālā, tôi đã mang lại bông hoa còn lớp vỏ bọc. Tôi đã đi đến gần bậc Toàn Giác và đã dâng cúng bông hoa tối thượng.
1931. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng bông hoa.
1932. Và trước đây vào kiếp thứ chín, ba vị vua tên Virocana đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1933. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sālapupphadāyaka[16]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sālapupphadāyaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
1934. Lúc bấy giờ, tôi đã là kẻ đồ tể, là kẻ giết hại các sanh mạng khác. Tôi nằm ngủ ở sườn núi không xa bậc Đạo Sư Sikhī.
1935. Tôi nhìn thấy đức Phật, bậc Lãnh Đạo cao cả của thế gian vào ban đêm và ban ngày. Nhưng vật xứng đáng để dâng cúng đến đấng Chúa Tể của loài người thì tôi không có.
1936. Tôi đã cầm lấy trái cây piyāla và đã đi đến gần đức Phật. Đức Thế Tôn, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu đã thọ nhận.
1937. Kế từ đó về sau tôi đã theo phục vụ đấng Hướng Đạo. Với sự tịnh tín ấy ở trong tâm, tôi đã mệnh chung ở tại nơi ấy.
1938. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường trái cây trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
1939. Trước đây mười lăm kiếp, ba vị (tên) Piyālī đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1940. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Piyālaphaladāyaka[17]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Piyālaphaladāyaka là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị Sobhita, vị Sudassana, (vị dâng cúng) trầm hương, (vị dâng cúng) mái che bằng bông hoa, vị suy tưởng về nơi thanh vắng, vị có bông hoa campaka, cùng với vị chỉ dạy về mục đích, vị có một lần tịnh tín, vị dâng cúng bông hoa sālā, và vị dâng cúng trái cây là thứ mười; (tổng cộng) có bảy mươi hai câu kệ đã được tính đếm bởi các bậc trí.
Phẩm Sobhita là phẩm thứ mười bốn.
--ooOoo--
1941. Khi đức Thế Tôn, bậc Tối Thượng Nhân Atthadassī viên tịch đã Niết Bàn, tôi đã cho thực hiện chiếc lọng che ở thượng tầng và đã dâng lên ở ngôi bảo tháp.
1942. Tôi đã nhiều lần đi đến và đã lễ bái ngôi bảo tháp của bậc Đạo Sư. Tôi đã thực hiện mái che bằng bông hoa và tôi đã đặt ở phía trên chiếc lọng che.
1943. Tôi đã cai quản Thiên quốc (trước đây) một ngàn bảy trăm kiếp, tôi không đi đến bản thể loài người; điều này là quả báu của việc cúng dường ngôi bảo tháp.
1944. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Atichattiya[18]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Atichattiya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
1945. Khi đấng Bảo Hộ Thế Gian, bậc Nhân Ngưu Dhammadassī đã Niết Bàn, tôi đã dựng lên cột cờ ở ngôi bảo tháp của đức Phật tối thượng.
1946. Sau khi tạo lập cái cầu thang, tôi đã bước lên ngôi bảo tháp tối thượng. Tôi đã cầm lấy bông hoa nhài và đã dâng lên ở ngôi bảo tháp.
1947. Ôi đức Phật! Ôi Giáo Pháp! Ôi sự thành tựu của bậc Đạo Sư của chúng ta! Tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường ngôi bảo tháp.
1948. Trước đây chín mươi bốn kiếp, mười sáu vị vua (cùng) tên Thūpasikkhara đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1949. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Thambhāropaka[19]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Thambhāropaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
1950. Khi đấng Bảo Hộ Thế Gian bậc Tối Thượng Nhân Piyadassī đã Niết Bàn, với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã thực hiện viền rào bằng ngọc trai.
1951. Sau khi cho rải quanh với các viên ngọc ma-ni, tôi đã thực hiện viền rào tuyệt hảo. Sau khi thực hiện lễ hội ở viền rào, tôi đã mệnh chung ở tại nơi ấy.
1952. Nơi chốn nào tôi đi tái sanh dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, có các người cầm giữ những viên ngọc ma-ni ở trên không trung; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
1953. Trước đây một ngàn sáu trăm kiếp, ba mươi hai vị vua (cùng) tên Maṇippabhā đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1954. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Vedikāraka[20]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vedikāraka là phần thứ ba.
--ooOoo--
1955. Đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, bậc Toàn Giác, sau khi phát cháy như là khối lửa, đã viên tịch Niết Bàn.
1956. Và khi bậc Đại Hùng đã Niết Bàn, đã có ngôi bảo tháp rộng rãi. Người người túc trực ngày và đêm ở gian nhà xá-lợi cao quý tối thượng.
1957. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã thực hiện vòng rào chắn bằng gỗ trầm hương. Và khi ấy, có làn khói phù hợp với ngôi bảo tháp được nhìn thấy.
1958. Trong khi được sanh lên ở cõi hữu, dầu ở bản thể Thiên nhân hay nhân loại, tôi không nhìn thấy tôi có sự thua kém; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
1959. Trước đây mười lăm kiếp, đã có tám vị (vua), tất cả các vị ấy có (cùng) tên Samatta, là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1960. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Saparivāriya[21]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Saparivāriya là phần thứ tư.
--ooOoo--
1961. Khi đức Thế Tôn Siddhattha, đấng Bảo Hộ Thế Gian, vị thọ nhận các vật hiến cúng đã Niết Bàn, đã có lễ hội ở ngôi đại bảo tháp.
1962. Trong khi lễ hội dành cho bậc Đại Ẩn Sĩ Siddhattha đang được tiến hành, tôi đã cầm lấy bông hoa ummā và đã dâng lên ngôi bảo tháp.
1963. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường bảo tháp.
1964. Và trước đây vào kiếp thứ chín, tám mươi lăm vị vua (cùng) tên Somadeva đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1965. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ummāpupphiya[22]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ummāpupphiya là phần thứ năm.
--ooOoo--
1966. Tôi đã thực hiện vòng rào chắn ở cội Bồ Đề của bậc Hiền Trí Anomadassī. Tôi đã dâng cúng khối vôi bột và đã làm công việc tô trét.
1967. Sau khi nhìn thấy hành động đã được thực hiện khéo léo ấy, đấng Tối Thượng Nhân Anomadassī, bậc Đạo Sư, đứng ở Hội Chúng tỳ khưu đã nói lên những lời kệ này:
1968. “Do việc làm về vôi bột này và do các nguyện lực của tác ý, (người này) sẽ thọ hưởng sự thành đạt và sẽ chấm dứt khổ đau.”
1969. Tôi có vẻ mặt tịnh tín, có sự chăm chú, khéo được định tĩnh. Tôi duy trì thân mạng cuối cùng ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.
1970. Trước đây tròn đủ một trăm kiếp không thiếu hụt, (tôi đã là) đức vua tên Sabbaghana, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1971. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Anulepadāyaka[23]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Anulepadāyaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
1972. Bậc Hữu Nhãn vượt qua con sông nhỏ rồi đi vào khu rừng. Tôi đã nhìn thấy bậc Toàn Giác Siddhattha có ba mươi hai hảo tướng ấy.
1973. Tôi đã cầm lấy cuốc xẻng và cái giỏ rồi đã san bằng con đường ấy. Tôi đã đảnh lễ bậc Đạo Sư và đã làm cho tâm của mình được tịnh tín.
1974. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng đường đi.
1975. (Trước đây) năm mươi bảy kiếp, tôi đã là vị thống lãnh dân chúng độc nhất với tên Suppabuddha; vị lãnh đạo ấy là chúa tể loài người.
1976. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Maggadāyaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Maggadāyaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
1977. Trong thời quá khứ, tôi đã là thợ đóng xe thuyền khéo được học tập về nghề mộc. Tôi đã thực hiện tấm ván bằng gỗ trầm hương và đã dâng cúng đến đấng quyến thuộc của thế gian.
1978. Cung điện bằng vàng khéo được hóa hiện ra này chói sáng. Phương tiện di chuyển bằng voi, phương tiện di chuyển bằng ngựa, phương tiện di chuyển của cõi trời được sẵn sàng.
1979. Các tòa lâu đài luôn cả các kiệu khiêng được sanh lên theo như ước muốn, châu báu của tôi không bị suy suyển; điều này là quả báu của tấm ván gỗ.
1980. (Kể từ khi) tôi đã dâng tấm ván gỗ trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của tấm ván gỗ.
1981. Trước đây năm mươi bảy kiếp, bốn vị (cùng) tên Nimmita đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1982. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Phalakadāyaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Phalakadāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
1983. Đấng Tự Chủ bậc không bị đánh bại tên Sumedha, trong khi thực hành hạnh độc cư, đã đi sâu vào khu rừng lớn.
1984. Sau khi nhìn thấy cây salala đã được trổ hoa, tôi đã buộc thành vòng hoa đội đầu. Tôi đã dâng lên đức Phật bằng cách đặt ở trước mặt đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
1985. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây ba mươi ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
1986. (Trước đây) một ngàn chín trăm kiếp, mười sáu vị (cùng) tên Nimmita đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1987. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Vaṭaṃsakiya[24]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vaṭaṃsakiya là phần thứ chín.
--ooOoo--
1988. Tôi đã dâng cúng chiếc ghế bành có mái che ở phía trên đến đức Thế Tôn Sumedha, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy.
1989. Lúc bấy giờ, chiếc ghế bành ấy có đầy đủ bảy loại châu báu luôn luôn sanh lên cho tôi, đúng theo ý định của tôi.
1990. Kể từ khi tôi đã dâng cúng chiếc ghế bành trước đây ba mươi ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của chiếc ghế bành.
1991. (Trước đây) hai chục ngàn kiếp, ba người (cùng) tên Suvaṇṇābha (đã là) các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
1992. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pallaṅkadāyaka[25]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pallaṅkadāyaka là phần thứ mười.
--ooOoo--
Chiếc lọng che, cây cột (đèn), viền rào quanh, vị có nhóm tùy tùng, vị liên quan đến bông hoa umma, vị tô trét, vị dâng cúng đường đi, vị dâng cúng tấm ván gỗ, vị có vòng hoa đội đầu, vị dâng cúng chiếc ghế bành; (tổng cộng) có năm mươi sáu câu kệ đã được thuật lại.
Phẩm Chatta là phẩm thứ mười lăm.
--ooOoo--
1993. (Tôi đã nhìn thấy đức Thế Tôn Sikhī) tợ như mặt trăng không bị bợn nhơ, tinh khiết, trong sạch, không bị loạn động, đã đoạn tận sự vui thích ở hiện hữu, đã vượt qua sự ái luyến ở đời.
1994. Là bậc đã vượt qua, cao quý trong số các đấng đang tiếp độ, Ngài đang giúp cho dân chúng thành tựu Niết Bàn. Ngài đang tham thiền ở trong khu rừng, có sự chăm chú, vô cùng định tĩnh.
1995. Sau khi buộc lại các bông hoa bandhujīvaka bằng sợi chỉ, tôi đã dâng lên đức Phật đấng quyến thuộc của thế gian Sikhī.
1996. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
1997. Trước đây vào kiếp thứ bảy, tôi đã là vị chúa tể của loài người có danh vọng vĩ đại tên Samantacakkhu, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
1998. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bandhujīvaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bandhujīvaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
1999. Là người bị bận rộn trong việc quán xuyến công việc của người khác, tôi đã làm điều lầm lỗi. Bị xâm chiếm bởi nỗi lo sợ và hốt hoảng, tôi đã trốn chạy đến cuối khu rừng.
2000. Sau khi nhìn thấy giống cây đã được trổ hoa, dính thành từng chùm, khéo léo phô bày, tôi đã ngắt lấy bông hoa màu nâu đỏ và đã rải rắc ở cội cây Bồ Đề.
2001. Sau khi quét dọn cội cây Bồ Đề là giống cây pāṭalī tối thượng ấy, tôi đã xếp chân vào tư thế kiết già và ngồi xuống ở gốc cội cây Bồ Đề.
2002. Trong khi tìm kiếm con đường (tôi) đã đi qua, bọn họ đã đến gần chỗ tôi. Và ở tại nơi ấy, sau khi nhìn thấy bọn họ, tôi đã quan sát cội cây Bồ Đề tối thượng.
2003. Và với tâm ý trong sạch, tôi đã đảnh lễ cội cây Bồ Đề. Tôi đã bị rơi xuống ở hẻm núi đáng kinh sợ có độ sâu bằng nhiều cây thốt nốt.
2004. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường cội Bồ Đề.
2005. Và trước đây vào kiếp thứ ba, tôi đã là đức vua Susaññata, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2006. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tambapupphiya[26]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tambapupphiya là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2007. Đấng Lãnh Đạo Thế Gian đang đi ra tợ như mặt trời đang mọc, như là mặt trời có tia sáng màu vàng, như là mặt trăng vào ngày rằm.
2008. Đã có tất cả sáu mươi tám ngàn vị Lậu Tận (A-la-hán) đã tháp tùng bậc Toàn Giác, vị Chúa Tể của loài người, đấng Nhân Ngưu.
2009. Với tâm ý trong sạch tôi đã quét dọn con đường ấy, và trong khi đấng Lãnh Đạo Thế Gian đang đi ra, tôi đã trương lên lá cờ ở tại nơi ấy.
2010. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên ngọn cờ trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng ngọn cờ.
2011. Trước đây vào kiếp thứ tư, tôi đã là vị vua có sức mạnh vĩ đại, được thành tựu về mọi phương diện, được nổi danh là Sudhaja.
2012. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Vīthisammajjaka[27]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vīthisammajjaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
2013. Trong khi là vị Thiên tử, tôi đã cúng dường đến đấng Lãnh Đạo Sikhī. Tôi đã cầm lấy bông hoa kakkāru và đã dâng lên đức Phật.
2014. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2015. Và trước đây vào kiếp thứ chín, tôi đã là đức vua Sattuttama, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2016. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kakkārupūjaka[28]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kakkārupūjaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
2017. Trong khi là vị Thiên tử, tôi đã cúng dường đến đấng Lãnh Đạo Sikhī. Tôi đã cầm lấy bông hoa mandārava và đã dâng lên đức Phật.
2018. Trong bảy ngày, đã có tràng hoa của cõi trời là chiếc lọng che cho đức Như Lai. Tất cả dân chúng đã tụ hội lại và đã lễ bái đức Như Lai.
2019. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2020. Và trước đây vào kiếp thứ mười, tôi đã là đức vua Jutindhara, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2021. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Mandāravapūjaka[29]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Mandāravapūjaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
2022. Ở không xa núi Hi-mã-lạp có ngọn núi tên là Kukkuṭa. Bảy vị Phật Độc Giác ấy cư ngụ ở chân ngọn núi ấy.
2023. Sau khi nhìn thấy cây kadamba đã được trổ hoa tợ như mặt trăng (vua của các ngọn đèn) đã mọc lên, bằng cả hai tay tôi đã hái và đã rải rắc ở bảy vị Phật.
2024. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2025. Trước đây chín mươi hai kiếp, bảy vị (cùng) tên Puppha đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2026. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kadambapupphiya[30]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kadambapupphiya là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2027. Ở không xa núi Hi-mã-lạp, có ngọn núi tên Bhūtagaṇa. Ở tại nơi ấy có đấng Chiến Thắng, bậc Tự Chủ, bậc tách ly khỏi thế gian cư ngụ đơn độc.
2028. Tôi đã cầm lấy những bông hoa tiṇasūla và đã dâng lên đức Phật. Tôi không trở thành người bị rơi vào đọa xứ trong chín mươi chín ngàn kiếp.
2029. Trước đây mười một kiếp, tôi đã là vị Dharaṇīruha độc nhất, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2030. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tiṇasūlaka[31]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tiṇasūlaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
2031. (Tôi đã là) vị Bà-la-môn thông thạo về chú thuật tên Suvaccha sống ở trong vùng đồi núi, được tùy tùng bởi các người học trò của mình.
2032. Đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, có ý định tiếp độ tôi, Ngài đã đi đến khu ẩn cư của tôi.
2033. Ngài (đã) đi kinh hành ở trên không trung, tương tợ như thế Ngài (đã) phun khói, (đã) chói sáng. Sau khi nhận biết sự vui mừng ở tôi, Ngài đã ra đi, mặt hướng phía đông.
2034. Sau khi nhìn thấy điều phi thường kỳ diệu khiến lông rởn ốc ấy, tôi đã cầm lấy bông hoa nāga và đã rải rắc ở con đường (Ngài) đã đi qua.
2035. (Kể từ khi) tôi đã rải rắc bông hoa trước đây một trăm ngàn kiếp, do nhờ sự tịnh tín ấy ở trong tâm tôi đã không đi đến khổ cảnh.
2036. (Trước đây) ba ngàn một trăm kiếp, tôi đã là đức vua Mahāratha, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2037. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Nāgapupphiya[32]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Nāgapupphiya là phần thứ tám.
--ooOoo--
2038. Sau khi đã đi sâu vào khu rừng rậm, tôi sinh sống, là người thợ săn. Sau khi nhìn thấy cây punnāga đã được trổ hoa, tôi đã tưởng nhớ đến đức Phật tối thượng.
2039. Tôi đã thu nhặt bông hoa xinh đẹp tỏa hương thơm ngào ngạt ấy. Sau khi thực hiện ngôi bảo tháp ở trên cát, tôi đã dâng lên đức Phật.
2040. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2041. (Trước đây) 91 kiếp, tôi đã là vị Tamonuda độc nhất, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2042. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Punnāgapupphiya[33]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Punnāgapupphiya là phần thứ chín.
--ooOoo--
2043. Ở không xa núi Hi-mã-lạp đã có hồ nước thiên nhiên rộng lớn, được che phủ bởi các bông sen đỏ và sen xanh, được tràn ngập bởi các bông sen trắng.
2044. Lúc bấy giờ, tôi đã là loài chim tên gọi kukuttha, có giới hạnh, được thành tựu trí sáng suốt, rành rẽ về phước và tội.
2045. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, bậc Đại Hiền Trí đã lai vãng ở không xa hồ nước thiên nhiên.
2046. Tôi đã ngắt hoa súng trắng mọc ở trong nước và đã dâng đến bậc Đại Ẩn Sĩ. Biết được ý định của tôi, bậc Đại Hiền Trí đã thọ nhận.
2047. Và sau khi đã dâng cúng vật thí ấy, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, tôi đã không đi đến khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.
2048. Trước đây 1600 kiếp, tám vị thống lãnh dân chúng (cùng) tên Varuṇa này đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2049. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kumudadāyaka[34]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kumudadāyaka là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị (có hoa) bandhujīvaka, vị có hoa màu nâu đỏ, (vị quét dọn) con đường đi, vị có hoa kakkāru, hoa mandārava, vị có hoa kadamba, vị có hoa tiṇasūla, vị có hoa nāga, hoa punnāga, vị có hoa komuda; (tổng cộng) có năm mươi sáu câu kệ đã được thuật lại.
Phẩm Bandhujīvaka là phẩm thứ mười sáu.
--ooOoo--
2050. Sau khi lìa khỏi khu rừng bao la, vị Chúa Tể của loài người, đấng Nhân Ngưu, bậc Hữu Nhãn tên Paduma đã thuyết giảng Giáo Pháp.
2051. Đã có cuộc hội họp của các Dạ-xoa ở không xa bậc Đại Ẩn Sĩ. Vì công việc ấy, các Dạ-xoa đã đi đến và ngay lập tức đã xem xét.
2052. Nhận biết lời nói của đức Phật và sự thuyết giảng về Bất Tử, với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã vỗ tay và đã phục vụ (Ngài).
2053. Quý vị hãy nhìn xem quả báu của việc phục vụ bậc Đạo Sư đã khéo được thực hành, tôi đã không đi đến khổ cảnh trong ba mươi ngàn kiếp.
2054. Trước đây hai ngàn chín trăm kiếp, (tôi đã là) vị tên Samalaṅkata, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2055. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Supāricariya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Supāricariya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2056. Đức Thế Tôn tên Siddhattha, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, dẫn đầu các vị Thinh Văn, đã bước đi ở trong thành phố.
2057. Tôi đã được vinh dự là người canh gác ở hậu cung của đức vua. Tôi đã đi đến gần tòa lâu đài và đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
2058. Tôi đã cầm lấy bông hoa kaṇavera và đã rải rắc ở Hội Chúng tỳ khưu. Tôi đã thực hiện nhiều lần ở đức Phật, sau đó đã rải rắc nhiều hơn nữa.
2059. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường bông hoa.
2060. Trước đây tám mươi bảy kiếp, bốn vị (cùng) tên Mahiddhika đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2061. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kaṇaverapupphiya[35]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kaṇaverapupphiya là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2062. Trước đây, tôi quả nhiên đã có dâng cúng trái cây đến đức Thế Tôn Tissa. Và tôi đã dâng lên trái dừa được công nhận là vật ăn được.
2063. Sau khi tôi đã dâng cúng trái cây ấy đến đức Phật, bậc Đại Ẩn Sĩ Tissa, tôi được vui mừng là người đã làm xong việc theo như dự tính, tôi đã được tái sanh theo như ước muốn.
2064. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
2065. Trước đây mười ba kiếp, tôi đã là đức vua Indasama, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2066. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Khajjakadāyaka[36]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Khajjakadāyaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
2067. Còn về đức Thế Tôn Atthadassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, Ngài bay lên bầu trời và di chuyển bằng đường không trung.
2068. Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình cúng dường đến bất cứ khu vực nào mà đấng Đạo Sư, bậc Đại Hiền Trí, đã đi đến và đứng lại ở khu vực ấy.
2069. (Kể từ khi) tôi đã nhìn thấy bậc Đại Hiền Trí (trước đây) một ngàn tám trăm kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường khu vực (đức Phật đã đứng).
2070. (Trước đây) một ngàn một trăm kiếp, (tôi đã là) vị tên Gosujāta, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2071. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Desapūjaka[37]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Desapūjaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
2072. Đấng Toàn Giác Vessabhū, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, bậc Hiền Trí đã đi sâu vào khu rừng lớn cho việc nghỉ ngơi giữa ngày.
2073. Khi ấy, tôi đã thu nhặt bông hoa kaṇikāra và đã làm chiếc lọng che. Sau khi thực hiện chiếc lọng che bằng bông hoa, tôi đã dâng lên đức Phật.
2074. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2075. Trước đây hai mươi kiếp, tám vị Sát-đế-lỵ (cùng) tên Soṇṇābha đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2076. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kaṇikāracchadaniya[38]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kaṇikāracchadaniya là phần thứ năm.
--ooOoo--
2077. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn tên Phussa, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đấng Anh Hùng, trong khi giúp cho đám đông dân chúng thành tựu Niết Bàn, Ngài (đã) đi ở trên đường.
2078. Theo tuần tự, đức Thế Tôn đã đi đến gần chỗ của tôi. Do đó, tôi đã nhận lấy bình bát và đã dâng cúng bơ lỏng và dầu ăn.
2079. Kể từ khi tôi đã dâng cúng bơ lỏng trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng bơ lỏng.
2080. Trước đây 56 kiếp, tôi đã là vị tên Samodaka độc nhất, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2081. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sappidāyaka[39]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sappidāyaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2082. Tôi (đã) di chuyển xuôi dòng ở bờ sông Candabhāgā. Tôi đã nhìn thấy đấng Tự Chủ ở tại nơi ấy tợ như cây sālā chúa đã được trổ hoa.
2083. Tôi đã cầm lấy bông hoa yūthika và đã đi đến gần bậc Đại Hiền Trí. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng lên đức Phật.
2084. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2085. Trước đây sáu mươi bảy kiếp, tôi đã là vị tên Samuddhara độc nhất, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2086. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Yūthikāpupphiya[40]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Yūthikāpupphiya là phần thứ bảy.
--ooOoo--
2087. Lúc bấy giờ, tôi đã là người con trai của đức vua ở thành phố Tivarā đáng yêu. Sau khi nhận được tặng phẩm, tôi đã dâng cúng đến bậc An Tịnh.
2088. Đức Thế Tôn đã chấp thuận và đã dùng bàn tay sờ vào tấm vải. Sau khi chấp thuận, (đức Phật) Siddhattha đã bay lên khoảng không ở bầu trời.
2089. Trong khi đức Phật đang đi, các tấm vải đã chạy theo phía sau của Ngài. Tại nơi ấy tôi đã làm cho tâm được tịnh tín; đức Phật là nhân vật cao cả của chúng ta.
2090. Kể từ khi tôi đã dâng cúng tấm vải trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng tấm vải.
2091. Trước đây sáu mươi bảy kiếp, khi ấy tôi đã là đấng Chuyển Luân Vương, là vị chúa tể của loài người tên Parisuddha, có oai lực lớn lao.
2092. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Dussadāyaka[41]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Dussadāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
2093. Ở tại thành phố Bandhumatī, đã có hội chúng cư sĩ đông đảo. Tôi đã là người ưu tú trong số họ, và họ là các cộng sự viên của tôi.
2094. Sau khi tụ tập tất cả bọn họ lại, tôi đã khuyến khích về công việc phước thiện: “Chúng ta sẽ làm tràng hoa dâng đến Hội Chúng là Phước Điền tối thượng.”
2095. Thuận theo mãnh lực của niềm ước muốn của tôi, họ đã đáp lại rằng: “Tốt lắm,” và họ đã hoàn tất tràng hoa ấy. (Tôi đã nói rằng): “Chúng ta hãy dâng đến (đức Phật) Vipassī.”
2096. Kể từ khi tôi đã dâng cúng tràng hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng tràng hoa.
2097. Trước đây năm mươi chín kiếp, tôi đã là vị thống lãnh dân chúng độc nhất tên Ādeyya, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2098. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Samādapaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Samādapaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
2099. Đức Thế Tôn tên Tissa đã là bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu. (Tôi đã nhìn thấy) bậc Hiền trí, vị thiện xảo về việc an trú (thiền quả), đang đi vào hương thất.
2100. Tôi đã cầm lấy tràng hoa có hương thơm ngào ngạt và đã đi đến gần đấng Chiến Thắng. Chính vì không làm ồn đến đấng Toàn Giác, tôi đã dâng cúng một nhúm năm ngón tay (bông hoa).
2101. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên hương thơm trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của một nhúm năm ngón tay (bông hoa).
2102. Trước đây bảy mươi hai kiếp, vị vua tên Sayampabha đã là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2103. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pañcaṅguliya[42]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pañcaṅguliya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị có sự phục vụ tốt, vị có bông hoa kaṇavera, vị có vật ăn được, vị cúng dường khu vực, bông hoa kaṇikāra, vị dâng cúng bơ lỏng, bông hoa yūthika, vị dâng cúng tấm vải, tràng hoa, và một nhúm năm ngón tay; (tổng cộng) có năm mươi bốn câu kệ.
Phẩm Supāricariya là phẩm thứ mười bảy.
--ooOoo--
2104. Ở núi Hi-mã-lạp đã có hồ nước thiên nhiên rộng lớn. Là loài quỷ sứ đã được sanh ra ở tại nơi ấy, tôi đã có dáng vẻ rùng rợn, có sức mạnh lớn lao.
2105. Bông súng trắng ở tại nơi ấy trổ hoa. Chúng được sanh ra có kích thước bằng bánh xe. Tôi đã thu nhặt bông hoa ấy, và đã có sự gặp gỡ với bậc có Năng Lực vào lúc ấy.
2106. Về đức Thế Tôn Atthadassī, bậc Chúa Tể của loài người, đấng Nhân Ngưu, sau khi nhìn thấy bông hoa đã được gom lại, Ngài đã đi đến gần chỗ của tôi.
2107. Và khi bậc Toàn Giác, vị Trời của chư Thiên, đấng Nhân Ngưu đã đi đến gần, tôi đã gặp Ngài; tôi đã cầm lấy bông hoa và đã dâng lên đức Phật.
2108. Khi ấy, hội chúng ấy đã trải dài đến tận cùng núi Hi-mã-lạp. Đức Như Lai đã đi đến, có được đầy đủ mái che cho toàn bộ hội chúng.
2109. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa (trước đây) một ngàn tám trăm kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2110. Trước đây mười lăm kiếp, bảy vị thống lãnh dân chúng (cùng) tên Sahassaratha ấy đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2111. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kumudamāliya[43]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kumudamāliya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2112. Tôi đã cho thực hiện cầu thang để bước lên tòa lâu đài của đức Thế Tôn Koṇḍañña, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy.
2113. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, sau khi thọ hưởng sự thành đạt, tôi duy trì thân mạng cuối cùng ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.
2114. (Trước đây) ba mươi mốt ngàn kiếp, ba vị vua (cùng) tên Sambahula đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2115. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Nisseṇidāyaka[44]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Nisseṇidāyaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2116. Trong thời quá khứ, tôi đã là thợ săn thú rừng ở trong khu rừng hoang rậm. Tôi đã nhìn thấy đức Phật Vipassī, vị Trời của chư Thiên, đấng Nhân Ngưu.
2117. Sau khi nhìn thấy giống cây rattika (nở hoa ban đêm) có chứa dược liệu đã được trổ hoa, tôi đã thu hoạch bông hoa luôn cả cuống và đã dâng đến bậc Đại Ẩn Sĩ.
2118. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng bông hoa.
2119. Và trước đây vào kiếp thứ tám, tôi đã là đức vua tên Suppasanna, được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2120. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Rattipupphiya[45]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Rattipupphiya là phần thứ ba.
--ooOoo--
2121. Tôi đã thực hiện cái giếng dành cho đức Thế Tôn Vipassī. Và khi ấy, sau khi dâng cúng đồ ăn khất thực, tôi đã dâng (cái giếng) đến Ngài.
2122. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của cái giếng.
2123. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Udapānadāyaka[46]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Udapānadāyaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
2124. Khi bậc Lãnh Đạo Padumuttara, đấng Bảo Hộ Thế Gian đã Niết Bàn, với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng cúng bảo tọa sư tử.
2125. Tại nơi ấy, sau khi thực hiện sự cúng dường với nhiều vật thơm và tràng hoa đến Ngài là nguồn đem lại sự an lạc trong thời hiện tại, nhiều người thành tựu Niết Bàn.
2126. Sau khi đảnh lễ cội Bồ Đề tối thượng với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã không đi đến khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.
2127. (Trước đây) mười lăm ngàn kiếp, tám vị vua (cùng) tên Siluccaya ấy đã là các đấng Chuyển Luân Vương.
2128. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sīhāsanadāyaka[47]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sīhāsanadāyaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
2129. Đức Thế Tôn Anomadassī, bậc Chúa Tể của loài người, đấng Nhân Ngưu đã đi kinh hành ở ngoài trời nhằm sự thoải mái (cho cơ thể) trong thời hiện tại.
2130. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã đảnh lễ và đã rải rắc bông hoa. Các bông hoa đã rơi ở bàn chân được giở lên và ở trên đỉnh đầu.
2131. Trước đây 20.000 kiếp, năm người (cùng) tên Pupphacchadaniya đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2132. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Maggadattika đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Maggadattika là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2133. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng cúng một ngọn đèn ở cây salala là cội Bồ Đề tối thượng của bậc Hiền Trí Padumuttara.
2134. Trong khi (tôi) được sanh lên ở cõi hữu, sự tích lũy phước báu đã được sanh theo, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường ngọn đèn.
2135. Trước đây một ngàn sáu trăm kiếp, bốn người (cùng) tên Candābha ấy đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2136. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekadīpiya[48]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekadīpiya là phần thứ bảy.
(Tụng phẩm thứ chín).
--ooOoo--
2137. Có con sông nhỏ đã phát xuất từ phần bên dưới của núi Hi-mã-lạp. Và lúc bấy giờ, bậc Tự Chủ cư ngụ ở phần đất cạnh bờ sông ấy.
2138. Tôi đã cầm lấy chiếc ghế bành làm bằng ngọc ma-ni có màu sắc xinh xắn, đáng yêu. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng lên đức Phật.
2139. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên ngọc ma-ni trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2140. Và trước đây mười hai kiếp, tám vị vua (cùng) tên Sataraṃsi ấy đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2141. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Maṇipūjaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Maṇipūjaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
2142. Ở thành phố Bandhumatī, tôi đã là người thầy thuốc khéo được học tập, là nguồn đem lại sự an lạc cho những bệnh nhân có sự khổ đau.
2143. Sau khi nhìn thấy vị Sa-môn có giới hạnh, vô cùng sáng suốt, bị lâm bệnh. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng cúng thuốc chữa bệnh.
2144. Chính nhờ thế, vị Sa-môn có giác quan thu thúc đã được lành bệnh. Người là vị hầu cận của (đức Phật) Vipassī, có tên là Asoka.
2145. Kể từ khi tôi đã dâng cúng phương thuốc trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của thuốc chữa bệnh.
2146. Và trước đây vào kiếp thứ tám, (tôi đã là) vị tên Sabbosadha, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2147. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tikicchaka[49]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tikicchaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
2148. Vào thời kỳ đức Thế Tôn Vessabhū, tôi đã là người phụ việc tu viện. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã phục vụ Hội Chúng tối thượng.
2149. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc phục vụ.
2150. Trước đây vào kiếp thứ bảy, chính bảy vị (cùng tên) Samodaka ấy đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2151. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Saṅghupaṭṭhāka[50]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Saṅghupaṭṭhāka là phần thứ mười.
--ooOoo--
Bông súng trắng, rồi vị có cầu thang, giống cây nở hoa về đêm, vị dâng cúng giếng nước, vị có bảo tọa sư tử, vị rải rắc (bông hoa) ở con đường, vị có một ngọn đèn, vị dâng lên ngọc ma-ni, vị y sĩ, vị phục vụ; (tổng cộng) có bốn mươi chín câu kệ.
Phẩm Kumuda là phẩm thứ mười tám.
--ooOoo--
2152. (Tôi đã nhìn thấy) đấng Toàn Giác có màu da vàng chói tợ như mặt trời đã mọc lên đang quan sát phương hướng trong lúc đang di chuyển ở không trung.
2153. Sau khi nhìn thấy cây kuṭaja đã được trổ hoa, đã được phát tán ngang dọc, tôi đã ngắt lấy (bông hoa) từ trên cây và đã dâng lên (đức Phật) Phussa.
2154. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2155. Trước đây 17 kiếp, bảy vị (cùng tên) Pupphita đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2156. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kuṭajapupphiya[51]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kuṭajapupphiya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2157. Đấng Toàn Giác, bậc Tự Chủ tên Siddhattha là vị đã được các bậc có đức hạnh ca ngợi. Được thành tựu về thiền định, Ngài đã ngồi ở trong vùng đồi núi.
2158. Trong khi tìm kiếm bông hoa tối thượng sanh trưởng ở trong nước tại hồ nước thiên nhiên, tôi đã nhìn thấy các bông hoa bandhujīvaka gần kề bên cạnh.
2159. Tôi đã nâng lên (các bông hoa) bằng cả hai tay và đã đi đến gần bậc Đại Hiền Trí. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng lên (đức Phật) Siddhattha.
2160. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường bông hoa.
2161. Trước đây 14 kiếp, tôi đã là người độc nhất thống lãnh dân chúng, là đấng Chuyển Luân Vương tên Samuddakappa có oai lực lớn lao.
2162. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bandhujīvaka[52]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bandhujīvaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2163. (Tôi đã nhìn thấy đức Phật Sikhī) ngồi ở trong vùng đồi núi tợ như cây kaṇikāra đang cháy sáng, tợ như biển cả không thể đo lường, giống như là quả địa cầu bao la.
2164. Tương tợ như loài bò mộng thuần chủng, Ngài được tôn vinh bởi hội chúng chư Thiên. Tôi đã trở nên mừng rỡ, với tâm mừng rỡ, tôi đã đi đến gần bậc Tối Thượng Nhân.
2165. Sau khi lấy ra bảy bông hoa đã được che phủ bằng tấm vải mịn, tôi đã dâng lên đức Phật Sikhī, đấng quyến thuộc của thế gian.
2166. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2167. Trước đây hai mươi kiếp, tôi đã là đấng Chuyển Luân Vương độc nhất với tên là Mahānela, có quyền uy vĩ đại, có oai lực lớn lao.
2168. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Koṭumbariya[53]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Koṭumbariya là phần thứ ba.
--ooOoo--
2169. Đức Thế Tôn tên Tissa, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, đã bước đi ở trên đường lộ, được tháp tùng bởi các vị Thinh Văn.
2170. Năm bó hoa sen và bốn bó nữa đã được tôi cất giữ. Có ý định dâng vật hiến cúng nhằm thành tựu công đức, tôi đã cầm (các bông hoa) lên.
2171. Trong lúc bậc Toàn Giác, đấng Tối Thượng Nhân, bậc có màu da vàng chói, đang đi ở khu phố chợ, được chiếu rọi bởi ánh hào quang của đức Phật, tôi đã cúng dường (bông hoa) đến Ngài
2172. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2173. Trước đây mười ba kiếp, năm vị được gọi tên là Usabha đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2174. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pañcahatthiya[54]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pañcahatthiya là phần thứ tư.
--ooOoo--
2175. (Tôi đã nhìn thấy) đấng Lãnh Đạo Thế Gian tợ như mặt trời đang mọc lên, tợ như mặt trời có tia sáng màu trắng, tợ như cây kakudha đang chói sáng.
2176. Tôi đã nghiền các hạt đậu tây ở trong mật viên tinh khiết. Trong khi đứng ở ngay tại tòa lâu đài, tôi đã dâng cúng đến đấng quyến thuộc của thế gian
2177. Đã hiện diện tám trăm ngàn vị Thinh Văn của đức Phật. Món ấy dầu được tràn đầy bình bát của tất cả các vị, mà vẫn còn nhiều hơn thế nữa.
2178. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, tôi đã không bị đọa vào khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.
2179. Trong bốn mươi ngàn kiếp, ba mươi tám người ấy có (cùng) tên là Isimugga, họ đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2180. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Isimuggadāyaka[55]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Isimuggadāyaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
2181. Tôi đã là người sử dụng chiếc trống con ở thành phố Rammavatī. Thường xuyên bận rộn với công việc phục vụ, tôi đã đi đến cội Bồ Đề tối thượng.
2182. Được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, tôi đã phục vụ sáng chiều, tôi đã không bị đọa vào khổ cảnh trong một ngàn tám trăm kiếp.
2183. Trước đây một ngàn năm trăm kiếp, tôi đã là vị thống lãnh dân chúng tên Muraja, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2184. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bodhi-upaṭṭhāka[56]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bodhi-upaṭṭhāka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2185. Khi vị Thiên nhân mệnh chung từ tập thể chư Thiên do sự chấm dứt của tuổi thọ, chư Thiên đang tùy hỷ thường thốt lên ba lời nói rằng:
2186. “Này bạn, từ nơi đây bạn hãy đi đến nhàn cảnh có sự cộng trú với loài người. Có bản thể nhân loại, bạn hãy đạt được niềm tin tối thượng vào Chánh Pháp.
2187. Mong rằng niềm tin ấy của bạn được tạo lập, được sanh khởi cội rễ, được vững vàng trong Chánh Pháp đã khéo được công bố, và không bị dao động cho đến hết cuộc đời.”
2188. “Bạn hãy làm việc thiện bằng thân, nhiều việc thiện bằng khẩu. Bạn hãy làm việc thiện bằng ý, (là việc) không có khổ đau, không có mầm tái sanh.
2189. Sau đó, hãy làm nhiều việc phước còn có mầm tái sanh ấy bằng sự bố thí. Bạn cũng nên hướng dẫn những người bạn khác vào Chánh Pháp, vào Phạm hạnh.”
2190. Do lòng thương tưởng này, khi biết vị Thiên nhân đang mệnh chung, chư Thiên thường nói lời tùy hỷ rằng: “Hãy trở lại thành phố chư Thiên lần nữa.”
2191. Khi ấy, lúc hội chúng chư Thiên đã hội tụ lại, đã có sự dao động ở tôi rằng: “Bị mệnh chung từ nơi này, ta sẽ đi đến sanh chủng nào?”
2192. Sau khi biết được sự dao động của tôi, vị Sa-môn có các giác quan đã được tu tập ấy, với ý muốn tiếp độ tôi, nên đã đi đến gặp tôi.
2193. Vị Thinh Văn của (đức Phật) Padumuttara tên là Sumana. Khi ấy, vị ấy đã chỉ dạy ý nghĩa và Giáo Pháp, và đã làm cho tôi chấn động.
2194. Sau khi lắng nghe lời nói của vị ấy, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín ở đức Phật. Sau khi đảnh lễ bậc trí tuệ ấy, tôi đã qua đời ở tại nơi ấy.
2195. Được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, tôi đã được sanh ra ở chính tại nơi ấy, tôi đã không bị đọa vào khổ cảnh trong 100.000 kiếp.
2196. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekacintika[57]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekacintika là phần thứ bảy.
--ooOoo--
2197. Trong khi là vị Thiên nhân, tôi đã được các tiên nữ trọng vọng. Tôi đã nhớ lại nghiệp quá khứ, tôi đã nhớ đến đức Phật tối thượng.
2198. Sau khi lấy ra bông hoa tikaṇṇi, tôi đã làm cho tâm của chính mình được tịnh tín và đã dâng lên đức Phật Vipassī, đấng Nhân Ngưu.
2199. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2200. Trước đây 73 kiếp, bốn vị (cùng) tên Ramuttama đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2201. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tikaṇṇipupphiya[58]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tikaṇṇipupphiya là phần thứ tám.
--ooOoo--
2202. Lúc bấy giờ, đã xảy âm thanh ầm ĩ ở chư Thiên ở cõi trời Đạo Lợi rằng: “Đức Phật Niết Bàn ở thế gian, và chúng ta vẫn còn tham ái.”
2203. Chư Thiên ấy đã bị khơi dậy bởi nỗi niềm chấn động, đã bị chiếm hữu bởi mũi tên sầu muộn. Được hỗ trợ bằng năng lực của chính mình, tôi đã đi đến gần bên đức Phật.
2204. Tôi đã cầm lấy bông hoa mandārava mềm mại đã được hóa hiện ra, tôi đã dâng lên đức Phật vào thời điểm viên tịch Niết Bàn.
2205. Khi ấy, tất cả chư Thiên và các tiên nữ đã tùy hỷ với tôi. Tôi đã không bị đọa vào khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.
2206. Trước đây sáu mươi ngàn kiếp, mười sáu người (cùng) tên Mahā-mallajana ấy đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2207. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekacāriya[59]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekacāriya là phần thứ chín.
--ooOoo--
2208. Bị (phiền não) chế ngự, tất cả các vị ấy đã cùng nhau đi đến gặp tôi và tham thiền. Trong khi các vị ấy đang tham thiền, họ đã có sự bực bội khởi lên.
2209. Lúc bấy giờ, vị có tên Sunanda, Thinh Văn của đức Phật bậc Hiền Trí Dhammadassī, đã đi đến gặp tôi.
2210. Khi ấy, những người nào đã có sự sinh hoạt gắn bó với tôi, những người ấy đã dâng cúng bông hoa đến tôi. Tôi đã cầm lấy bông hoa ấy và đã dâng lên vị Thinh Văn.
2211. Tôi đây đã qua đời và cũng đã tái sanh ở tại nơi ấy lần nữa. Tôi đã không đi đến đọa xứ trong một ngàn tám trăm kiếp.
2212. Trước đây 1300 kiếp, tám vị (cùng) tên Dhūmaketu đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2213. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tivaṇṭipupphiya[60]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tivaṇṭipupphiya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Bông hoa kuṭaja, vị có bông hoa bandhujīva, bông hoa koṭumbara, bó bông hoa, hạt đậu tây, cội Bồ Đề, vị có một lần suy nghĩ, vị có bông hoa tikaṇṇi, vị có một lần hành xử, bông hoa tivaṇṭi; (tổng cộng) có sáu mươi hai câu kệ đã được thuật lại.
Phẩm Kuṭajapupphiya là phẩm thứ mười chín.
--ooOoo--
2214. Tòa lâu đài với tám mươi bốn ngàn cột trụ làm bằng vàng đã khéo được hóa hiện ra cho tôi, tợ như (phép mầu do) cây như ý của chư Thiên.
2215. Với tâm ý trong sạch, tôi đã cầm lấy bông hoa tamāla và đã dâng lên đức Phật Sikhī là đấng quyến thuộc của thế gian.
2216. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2217. Trước đây hai mươi kiếp, chỉ một mình (tôi) có tên Candatitta, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2218. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tamālapupphiya[61]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tamālapupphiya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2219. Cỏ mà vị ẩn sĩ sống ở trong rừng (đã) cắt cho bậc Đạo Sư, tất cả cỏ ấy đã ngã xuống ở trên mặt đất, nghiêng về phía phải.
2220. Khi ấy, tôi đã cầm lấy cỏ ấy và đã trải ra ở phần cao nhất của mặt đất. Và tôi đã mang lại chỉ ba lá cây thốt nốt.
2221. Sau khi làm mái che bằng cỏ, tôi đã dâng cúng đến (đức Phật) Siddhattha. Chư Thiên và nhân loại đã duy trì (mái che) cho bậc Đạo Sư ấy trong bảy ngày.
2222. Kể từ khi tôi đã dâng cúng cỏ trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng cỏ.
2223. Trước đây sáu mươi lăm kiếp, bốn vị (cùng) tên Mahaddhana đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2224. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tiṇasantharadāyaka[62]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tiṇasantharadāyaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2225. Lúc bấy giờ, ngôi bảo tháp của đức Thế Tôn Phussa ở trong khu rừng bao la đã bị phá sập bởi các con voi, có cây cối đã mọc lên ở nơi ấy.
2226. Được vui lòng với các đức hạnh của bậc Thầy của tam giới ấy, tôi đã san bằng chỗ lồi lõm và đã dâng cúng khối vôi bột.
2227. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của khối vôi bột.
2228. (Trước đây) bảy mươi bảy kiếp, mười sáu vị (cùng) tên Jitasena đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2229. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Khaṇḍaphulliya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Khaṇḍaphulliya là phần thứ ba.
--ooOoo--
2230. Lúc bấy giờ, ở thành phố Tīvarā đáng yêu đã có khu vườn thượng uyển. Ở tại nơi ấy, tôi đã là người giữ vườn, có sự sinh hoạt gắn bó với đức vua.
2231. Đấng Tự Chủ tên Paduma đã là vị có hào quang. Khi bậc Hiền Trí ấy ngồi ở nơi cây sen trắng, bóng râm đã không rời khỏi Ngài.
2232. Sau khi nhìn thấy cây asoka đã được trổ hoa, nặng trĩu từng chùm, có dáng nhìn xinh đẹp, tôi đã dâng lên đức Phật có tên là Padumuttara.
2233. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2234. Trước đây ba mươi bảy kiếp, mười sáu vị (cùng tên) Aruṇañjaha đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2235. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Asokapūjaka[63]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Asokapūjaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
2236. Sau khi nhìn thấy cây aṅkola với chùm hoa cao quý có lớp vỏ bọc đã được trổ hoa, tôi đã hái xuống bông hoa ấy và đã đi đến gặp đức Phật.
2237. Vào thời điểm ấy, bậc Đại Hiền Trí Siddhattha có sự ẩn cư. Sau khi bày tỏ sự tôn kính trong chốc lát, tôi đã rải rắc bông hoa ở nơi hang động.
2238. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2239. Trước đây ba mươi sáu kiếp, (tôi đã là) vị Devagajjita độc nhất, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2240. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Aṅkolaka[64]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy. Ký sự về trưởng lão Aṅkolaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
2241. Tôi đã có một vườn hoa ở thành phố Dvāravatī. Và có giếng nước ở ngay tại nơi ấy là nguồn cung cấp (nước) cho các loài thực vật.
2242. Có lòng thương tưởng đến tôi, vị Siddhattha không bị đánh bại ấy, được hỗ trợ bằng năng lực của chính mình, đi đến ở trên không trung.
2243. Tôi không nhìn thấy bất cứ vật nào khác đáng để cúng dường đến bậc Đại Ẩn Sĩ. Sau khi nhìn thấy chồi non của cây asoka, tôi đã thảy (chồi non ấy) lên không trung.
2244. Trong khi đức Phật đang di chuyển, các chồi non ấy đi theo phía sau của Ngài. Tôi đây sau khi đã nhìn thấy thần thông ấy (đã tán dương rằng): “Ôi tính chất cao thượng của đức Phật!”
2245. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên chồi non trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2246. Trước đây hai mươi bảy kiếp, tôi đã là vị Ekassara độc nhất, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2247. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kisalayapūjaka[65]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kisalayapūjaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2248. Tôi đã là con khỉ có sức mạnh và nhanh nhẹn, thường lai vãng ở nơi hiểm trở của ngọn núi. Sau khi nhìn thấy cây tinduka có trái, tôi đã tưởng nhớ đến đức Phật tối thượng.
2249. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã lìa khỏi (chỗ ngụ) vài ngày và đã xem xét đấng Lãnh Đạo Thế Gian Siddhattha, bậc đã đi đến tận cùng ba cõi.
2250. Sau khi biết được ý định của tôi, bậc Đạo Sư đấng Vô Thượng ở thế gian cùng với một ngàn bậc Vô Lậu đã đi đến gần tôi.
2251. Sau khi làm cho sanh khởi niềm hưng phấn, tôi đã đi đến gần, có trái cây ở tay. Đức Thế Tôn, đấng Toàn Tri, bậc cao quý trong số các vị đang thuyết giảng đã thọ nhận.
2252. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
2253. Trước đây năm mươi bảy kiếp, (tôi đã là) vị có tên Upananda, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2254. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tindukadāyaka[66]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tindukadāyaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
2255. Vì lòng thương tưởng hậu thế, đức Thế Tôn tên Sumedha, đấng Trưởng Thượng của thế gian, bậc Nhân Ngưu, đấng Chiến Thắng đã ra sức nỗ lực.
2256. Trong khi bậc Chúa Tể của loài người như thế ấy đang đi kinh hành, tôi đã dâng lên đức Phật nắm tay gồm những bông hoa girinela.
2257. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, tôi đã không bị đọa vào khổ cảnh trong ba mươi ngàn kiếp.
2258. Trong hai ngàn ba trăm kiếp, tôi đã là vị Sát-đế-lỵ tên Sunela, là người độc nhất được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2259. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Muṭṭhipūjaka[67]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Muṭṭhipūjaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
2260. Đấng Tự Chủ tên Sumaṅgala, bậc không bị đánh bại, đấng Chiến Thắng đã rời khỏi khu rừng bao la và đã đi vào thành phố.
2261. Sau khi thực hành việc đi khất thực, bậc Hiền Trí đã lìa khỏi thành phố. Có phận sự đã được làm xong, bậc Toàn Giác ấy đã cư ngụ ở trong khu rừng.
2262. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã cầm lấy bông hoa kiṅkaṇi và đã dâng lên đức Phật, đấng Tự Chủ, bậc Đại Ẩn Sĩ.
2263. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2264. Trước đây tám mươi sáu kiếp, (tôi đã là) vị tên Apilāpiya, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2265. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kiṅkaṇipupphiya[68]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kiṅkaṇipupphiya là phần thứ chín.
--ooOoo--
2266. Đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, bậc Hữu Nhãn đã rời khỏi khu rừng bao la và đã đi đến trú xá.
2267. Sau khi cầm lấy bông hoa yūthika tối thượng bằng cả hai tay, tôi đã dâng lên đức Phật, bậc có tâm từ ái như thế ấy.
2268. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, tôi đã thọ hưởng sự thành tựu và đã không bị sanh vào khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.
2269. Trước đây năm mươi kiếp, tôi đã là người độc nhất thống lãnh dân chúng tên Samittanandana, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2270. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Yūthikāpupphiya[69]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Yūthikāpupphiya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị có bông hoa tamāla, thảm trải bằng cỏ, vị khám phá sự đổ vỡ, vị liên quan đến bông hoa asoka, vị có bông hoa aṅkola, chồi non, trái cây tinduka, các bông hoa nela, vị có bông hoa kiṅkaṇi, vị có bông hoa yūthikā; (tổng cộng) có năm mươi tám câu kệ.
Phẩm Tamālapupphiya là phẩm thứ hai mươi.
--ooOoo--
Vị dâng cúng thức ăn, (vị có) đoàn tùy tùng, bông hoa sereyya, trưởng lão Sobhita là tương tợ, vị có chiếc lọng che, bông hoa bandhujīva, và luôn cả vị có sự phục vụ khéo léo, bông hoa kumuda, bông hoa kuṭaja, và luôn cả vị có bông hoa tamāla đã được thực hiện là thứ mười. Có sáu trăm câu kệ và sáu mươi sáu câu thêm vào đó.
Nhóm “Mười” từ phẩm Bhikkhā.
Nhóm “Một Trăm” thứ nhì được đầy đủ.
--ooOoo--
[1] Sereyyaka nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa sereyya.”
[2] Pupphathūpiya nghĩa là “vị liên quan đến ngôi bảo tháp (thūpa) bằng bông hoa (puppha).”
[3] Pāyāsadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) món cơm sữa (pāyāsa).”
[4] Sammukhāthavika nghĩa là “vị đã ngợi ca (thavika) trực tiếp ở trước mặt (sammukhā).”
[5] Kusumāsaniya nghĩa là “vị liên quan đến chỗ ngồi (āsana) bằng bông hoa (kusuma).”
[6] Phaladāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala).”
[7] Ñāṇasaññaka nghĩa là “vị suy tưởng (saññaka) về trí tuệ (ñāṇa) của đức Phật.”
[8] Gandhapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) có mùi thơm (gandha).”
[9] Padumapūjaka nghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) hoa sen hồng (paduma).”
[10] Candanapūjakanghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) trầm hương (candana).”
[11] Pupphachadaniyanghĩa là “vị liên quan đến mái che (chadana) bằng bông hoa (puppha).”
[12] Rahosaññaka nghĩa là “vị suy tưởng (saññaka) về nơi thanh vắng (raho).”
[13] Campakapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) campaka.”
[14] Atthasandassaka nghĩa là “vị chỉ dạy (sandassaka) về ý nghĩa, mục đích (attha)”.
[15] Ekapasādaniya nghĩa là “vị liên quan đến việc một lần (eka) có được đức tin (pasādana).”
[16] Sālapupphadāyakanghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) bông hoa (puppha) sālā.”
[17] Piyālaphaladāyakanghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) trái cây (phala) piyāla.”
[18] Atichattiya nghĩa là “vị liên quan đến chiếc lọng che ở thượng tầng (atichatta).”
[19] Thambhāropaka nghĩa là “vị dựng lên (āropaka) cây cột (thambha).”
[20] Vedikārakanghĩa là “vị thực hiện (kāraka) viền rào (vedi).”
[21] Saparivāriyanghĩa là “vị liên quan đến nhóm tùy tùng (parivāra) của mình (sa).”
[22] Ummāpupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) ummā.”
[23] Anulepadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) vữa để tô trét (anulepa).”
[24] Vaṭaṃsakiya nghĩa là “vị liên quan đến vòng hoa đội đầu (vaṭaṃsaka).”
[25] Pallaṅkadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) chiếc ghế bành (pallaṅka).”
[26] Tambapupphiya nghĩa là “vị liên quan bông hoa (puppha) màu nâu đỏ (tamba).”
[27] Vīthisammajjaka nghĩa là “vị quét dọn (sammajjaka) con đường (vīthi).”
[28] Kakkārupūjaka nghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) bông hoa kakkāru.”
[29] Mandāravapūjaka nghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) bông hoa mandārava.”
[30] Kadambapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) kadamba.”
[31] Tiṇasūlaka nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa tiṇasūlaka.”
[32] Nāgapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) nāga.”
[33] Punnāgapupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) punnāga.”
[34] Kumudadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) hoa súng trắng (kumuda).”
[35] Kaṇaverapupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) kaṇavera.”
[36] Khajjakadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) vật thực để nhai (khajjaka).”
[37] Desapūjaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) khoảnh đất, vùng đất (desa).”
[38] Kaṇikāracchadaniya nghĩa là “vị liên quan đến mái che (chadana) bằng bông hoa kaṇikāra.”
[39] Sappidāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) bơ lỏng (sappi).”
[40] Yūthikāpupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) yūthika.”
[41] Dussadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) tấm vải (dussa).”
[42] Pañcaṅguliyanghĩa là “vị liên quan đến 1 nhúm năm (pañca) ngón tay (aṅgula).”
[43] Kumudamāliya nghĩa là “vị liên quan đến tràng hoa (māla) kumuda.”
[44] Nisseṇidāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) cầu thang (nisseṇī).”
[45] Rattipupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (māla) nở vào ban đêm (ratti).”
[46] Udapānadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) cái giếng (udapāna).”
[47] Sīhāsanadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) bảo tọa sư tử (sīhāsana).”
[48] Ekadīpiyanghĩa là “vị liên quan đến một (eka) ngọn đèn (dīpa).”
[49] Tikicchakanghĩa là “vị thầy thuốc.”
[50] Saṅghupaṭṭhākanghĩa là “vị phục vụ (upaṭṭhāka) Hội Chúng (saṅgha).”
[51] Kuṭajapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) kuṭaja.”
[52] Bandhujīvaka nghĩa là “vị có bông hoa bandhujīvaka.”
[53] Koṭumbariyanghĩa là “vị liên quan đến tấm vải mịn koṭumbara.”
[54] Pañcahatthiyanghĩa là “vị liên quan đến năm (pañca) bó (hattha) hoa.”
[55] Isimuggadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) đậu tây (isimugga).”
[56] Bodhi-upaṭṭhākanghĩa là “vị phục vụ (upaṭṭhāka) cội cây Bồ Đề (bodhi).”
[57] Ekacintikanghĩa là “vị có một lần (eka) suy nghĩ (cintika).”
[58] Tikaṇṇipupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) tikaṇṇi.”
[59] Ekacāriya nghĩa là “vị có một lần (eka) hành xử (cāriya).”
[60] Tivaṇṭipupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) tivaṇṭi.”
[61] Tamālapupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) tamāla.”
[62] Tiṇasantharadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) tấm thảm (santhara) bằng cỏ (tiṇa).”
[63] Asokapūjaka nghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) bông hoa asoka.”
[64] Aṅkolakanghĩa là “vị có bông hoa aṅkola.”
[65] Kisalayapūjakanghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) các chồi non (kisalaya).”
[66] Tindukadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây tinduka.”
[67] Muṭṭhipūjaka nghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) nắm (muṭṭhi) bông hoa.”
[68] Kiṅkaṇipupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) kiṅkaṇi.”
[69] Yūthikāpupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) yūthikā.”
2271. Sau khi nhìn thấy cây kaṇikāra đã được trổ hoa, khi ấy tôi đã hái xuống (bông hoa) và đã dâng lên (đức Phật) Tissa, bậc đã vượt qua dòng lũ như thế ấy.
2272. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2273. Trước đây ba mươi lăm kiếp, (tôi đã là) vị nổi danh tên Aruṇapāṇī, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2274. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kaṇikārapupphiya[1]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kaṇikārapupphiya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2275. Đức Thế Tôn Sikhī hùng tráng có màu da vàng chói, có trăm ánh hào quang, có sự huy hoàng, có tâm từ ái, đã bước lên con đường kinh hành.
2276. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, sau khi đảnh lễ bậc có trí tuệ tối thượng, tôi đã cầm lấy bông hoa minela và đã dâng lên đức Phật.
2277.(Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2278. Vào kiếp (thứ) hai mươi chín, (tôi đã là) vị tên Sumedhayasa, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2279. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Minelapupphiya[2]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Minelapupphiya là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2280. Bậc Toàn Tri, đấng Lãnh Đạo Thế Gian (sáng chói) trông tợ như cây cột trụ bằng vàng. Đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã lội xuống hồ nước lạnh và đã tắm.
2281. Với tâm phấn chấn, với ý vui mừng, tôi đã cầm lấy bông hoa kiṅkiṇi và đã dâng lên (đức Phật) Vipassassī, đấng Chúa Tể của loài người như thế ấy.
2263. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2283. Vào kiếp (thứ) hai mươi bảy, (tôi đã là) đức vua Bhīmaratha, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2284. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kiṅkiṇikapupphiya[3]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kiṅkiṇikapupphiya là phần thứ ba.
--ooOoo--
2285. Đức Thế Tôn Atthadassī, bậc Chúa Tể của loài người, đấng Nhân Ngưu dẫn dầu các bậc Thinh Văn đã đi đến bờ sông Gaṅgā.
2286. Sông Gaṅgā đã tràn nước đến mé bờ khiến loài quạ có thể uống được, khó thể vượt qua. Tôi đã đưa đức Phật, bậc Tối Thượng của loài người, cùng với Hội Chúng tỳ khưu sang sông.
2287. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây một ngàn tám trăm kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc đưa sang (sông).
2288. Trước đây một ngàn ba trăm kiếp, năm vị (cùng tên) Sabbhogavā đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2289. Và trong kiếp sống cuối cùng này, tôi đã được sanh ra trong gia tộc Bà-la-môn. Cùng với ba người bạn, tôi đã xuất gia trong Giáo Pháp của bậc Đạo Sư.
xxxx. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Taraṇiya[4]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Taraṇiya là phần thứ tư.
--ooOoo--
2290. Tôi đã người phụ việc tu viện của đức Thế Tôn Vipassī. Tôi đã cầm lấy bông hoa nigguṇḍi và đã dâng lên đức Phật.
2291. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi một kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2292. Trước đây ba mươi lăm kiếp, tôi đã là người độc nhất thống lãnh dân chúng tên Mahāpatāpa, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2293. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Nigguṇḍipupphiya[5]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Nigguṇḍipupphiya là phần thứ năm.
--ooOoo--
2294. Sau khi nhìn thấy vị Sa-môn có tâm ý thanh tịnh, không bị chộn rộn, đang thọ thực, tôi đã cầm lấy bình nước và đã dâng cúng đến (đức Phật) Siddhattha.
2295. Giờ đây, tôi không còn bợn nhơ, được xa lìa ô nhiễm, sự hoài nghi đã được đoạn tận. Trong khi sanh lên ở cõi hữu, quả báu tốt đẹp phát sanh (đến tôi).
2296. Kể từ khi tôi đã cúng dường nước trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng nước.
2297. Trước đây sáu mươi mốt kiếp, tôi đã là (vị có tên) Vimala độc nhất, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2298. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Udakadāyaka[6]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Udakadāyaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2299. (Tôi đã nhìn thấy) bậc Điều Phục Nhân Siddhattha ngồi ở trong vùng đồi núi đang chói sáng như là cây kaṇikāra, đang làm cho tất cả các phương rực sáng.
2300. Khi ấy, không do dự tôi đã dùng cây cung và đã dương lên mũi tên. Sau khi đã cắt đứt bông hoa có luôn cả cuống, tôi đã dâng lên đức Phật.
2301. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2302. Trước đây năm mươi mốt kiếp, tôi đã là (vị có tên) Jutindhara độc nhất, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2303. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Salalamāliya[7]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Salalamāliya là phần thứ bảy.
--ooOoo--
2304. Trong khi đi theo sau từng bước chân của bậc Đại Ẩn Sĩ Vipassī, tôi đã nhìn thấy bàn chân đang bước đi được điểm tô dấu hiệu hình bánh xe (của Ngài).
2305. Sau khi nhìn thấy cây koraṇḍa đã được trổ hoa, tôi đã cúng dường (bông hoa) ở dấu chân (Ngài). Trở nên mừng rỡ, tôi đã đảnh lễ dấu chân tối thượng với tâm mừng rỡ.
2306. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường dấu chân (đức Phật).
2307. Vào kiếp thứ bảy mươi lăm, tôi đã là Vītamala độc nhất, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2308. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Koraṇḍapupphiya[8]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Koraṇḍapupphiya là phần thứ tám.
--ooOoo--
2309. Chân đế bình bát đã được tôi cúng dường đến đấng quyến thuộc của thế gian Sikhī. Tôi cai quản toàn bộ trái đất này cùng với tất cả tài nguyên.
2310. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Tôi duy trì thân mạng cuối cùng ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.
2311. Trước đây hai mươi bảy kiếp, bốn người (cùng) tên Samanta-caraṇa đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2312. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ādhāradāyaka[9]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ādhāradāyaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
2313. Tôi đã cúng dường một chiếc lọng đến đức Thế Tộn Tissa, vị Trời của chư Thiên như thế ấy, với tâm ý trong sạch.
2314. Điều ác xấu của tôi được chận đứng, có sự thành tựu của điều thiện. (Chư Thiên) nắm giữ chiếc lọng ở không trung (che cho tôi), điều này là quả báu của nghiệp quá khứ.
2315. (Đây là) lần sau cùng của tôi trong sự luân chuyển, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Tôi duy trì thân mạng cuối cùng ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.
2316. Kể từ khi tôi đã dâng cúng chiếc lọng trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng chiếc lọng.
2317. Trước đây bảy mươi hai kiếp, tám bậc thống lãnh dân chúng (cùng) tên Mahānidāna đã là các đấng Chuyển Luân Vương.
2318. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Vātātapanivāriya[10]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vātātapanivāriya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Bông hoa kaṇikāra, bông hoa minela, bông hoa kiṅkiṇi, và với sự vượt qua, vị có bông hoa nigguṇḍi, vị cúng dường nước, bông hoa salala, và bông hoa kuraṇḍaka, (vị dâng cúng) chân đế bình bát, lọng che nắng; (tổng cộng) có bốn mươi tám câu kệ.
Phẩm Kaṇikārapupphiya là phẩm thứ hai mươi mốt.
--ooOoo--
2319. Con voi hạng nhất có ngà dài như gọng xe, vững chãi, đã được tôi dâng cúng đến đức Thế Tôn Siddhattha, bậc Chúa Tể của loài người như thế ấy.
2320. Tôi thọ hưởng mục đích tối thượng là trạng thái an tịnh vô thượng. Vật thí cao quý đã được tôi dâng cúng đến vị tầm cầu lợi ích cho tất cả thế gian.
2321. Kể từ khi tôi đã dâng cúng con voi trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng con voi.
2322. Vào kiếp (thứ) bảy mươi tám, mười sáu vị Sát-đế-lỵ (cùng) tên Samantapāsādika đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2323. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Hatthidāyaka[11]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Hatthidāyaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2324. Tôi đã dâng cúng đôi dép đến vị ẩn sĩ già cả, sống ở rừng, có sự khổ hạnh dài lâu, có nội tâm đã được phát triển.
2325. Bạch đấng Chúa Tể của loài người, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, do việc làm ấy con thọ hưởng mọi phương tiện di chuyển; điều này là quả báu của nghiệp quá khứ.
2326. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của đôi dép.
2327. Trước đây bảy mươi bảy kiếp, tám vị Sát-đế-lỵ (cùng) tên Suyāna đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2328. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pānadhidāyaka[12]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pānadhidāyaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2329. Vào lúc ấy, trong lúc tiếp độ đám đông dân chúng thành tựu Niết Bàn, (đức Phật) Vessabhū, đứng đầu Hội Chúng tỳ khưu, (đã) thuyết giảng về các Chân Lý Cao Thượng.
2330. Là người thành tựu tâm bi mẫn cao tột, tôi đã đi đến cuộc hội họp. Ngồi xuống, an tịnh, tôi đây đã lắng nghe Giáo Pháp của bậc Đạo Sư.
2331. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của Ngài, tôi đã đi đến thế giới của chư Thiên. Tôi đã cư ngụ giữa chư Thiên trong thành phố ở tại nơi ấy ba mươi kiếp.
2332.Kể từ khi tôi đã đạt được sự suy tưởng ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về Chân Lý.
2333. Trước đây hai mươi sáu kiếp, tôi đã là người độc nhất thống lãnh dân chúng tên Ekaphusita, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2334. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Saccasaññaka[13]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Saccasaññaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
2335. Sau khi nhìn thấy tấm y may từ vải bị quăng bỏ của bậc Đạo Sư được treo ở ngọn cây, tôi đã chắp tay lên và đã đảnh lễ tấm y may từ vải bị quăng bỏ.
2336. Kể từ khi tôi đã đạt được sự suy tưởng ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2337. Trước đây hai mươi lăm kiếp, tôi đã là người độc nhất thống lãnh dân chúng tên Amitābha, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2338. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekasaññaka[14]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekasaññaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
2339. (Tôi đã nhìn thấy đức Phật) tợ như mặt trời đang mọc lên, tợ như mặt trời có tia sáng màu trắng, tợ như con hổ hùng tráng quý cao khéo được sanh ra, (đang ngồi) ở trong vùng đồi núi.
2340. Năng lực ấy của đức Phật chói sáng ở trong vùng đồi núi. Sau khi đã làm cho tâm được tịnh tín ở ánh hào quang, tôi đã sướng vui ở cõi trời một kiếp.
2341. Do nhờ sự tịnh tín ấy ở trong tâm và cũng nhờ vào sự niệm tưởng đến đức Phật, việc thiện đã được tôi thực hiện tốt đẹp trong các kiếp còn lại.
2342. Kể từ khi tôi đã đạt được sự suy tưởng ấy trước đây ba mươi ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về đức Phật.
2343. Vào kiếp thứ năm mươi bảy, tôi đã là người độc nhất thống lãnh dân chúng tên Sujāta, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2344. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Raṃsisaññaka[15]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Raṃsisaññaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
2345. Ở tại cội cây Assattha đã được phát triển, có ánh sáng màu xanh lục, tôi đã đạt được sự suy tưởng thuần túy hướng đến đức Phật, có niệm (đầy đủ).
2346. Kể từ khi tôi đã đạt được sự suy tưởng ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, do nhờ tác động của sự suy tưởng ấy, sự đoạn tận các lậu hoặc đã được tôi đạt đến.
2347. Trước đây mười ba kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Dhaniṭṭha, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2348. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Saṇṭhita[16]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Saṇṭhita là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2349. Chiếc quạt lá cọ đã được tôi dâng cúng đến đấng quyến thuộc của mặt trời Tissa nhằm mục đích dập tắt sự nóng nực và làm lắng dịu sự bực bội.
2350. Tôi tự mình dập tắt ngọn lửa tham ái và đặc biệt hơn nữa là ngọn lửa sân hận. Và tôi dập tắt ngọn lửa si mê; điều này là quả báu của chiếc quạt lá cọ.
2351. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Tôi duy trì thân mạng cuối cùng ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.
2352. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2353. Trước đây sáu mươi ba kiếp, (tôi đã là) vị tên Mahānāma, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2354. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tālavaṇṭadāyaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tālavaṇṭadāyaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
2355. Sau khi cầm lấy tấm vải choàng thô xấu, tôi đã (đi đến) thành phố của vị thầy tế độ. Và tôi học tập về chú thuật làm bẻ gãy mũi tên.
2356. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, vị thọ nhận các vật hiến cúng. Là bậc ưu tú, quý cao, tột đỉnh, đức Phật Tissa là bậc Tối Thượng của đám đông.
2357. Khi tấm vải choàng thô xấu được trải ra, đấng Tối Thượng Nhân, bậc Đại Hùng, đấng Trưởng Thượng của thế gian, bậc Nhân Ngưu trong khi bước đi đã đặt chân lên (tấm vải choàng).
2358. Sau khi nhìn thấy đấng Quang Đăng của thế gian ấy tợ như mặt trăng không bị bợn nhơ, với tâm ý trong sạch tôi đã đảnh lễ ở bàn chân của bậc Đạo Sư.
2359. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng tấm vải choàng thô xấu trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của tấm vải choàng thô xấu.
2360. Trước đây ba mươi bảy kiếp, tôi đã là người độc nhất thống lãnh dân chúng tên Sunanda, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2361. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Akkantasaññaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Akkantasaññaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
2362. Ngồi ở nơi cao quý của tòa lâu đài, được trọng vọng bởi đám phụ nữ, tôi đã nhìn thấy vị Sa-môn bị lâm bệnh và đã thỉnh vào trong nhà.
2363. Khi bậc Đại Hùng, vị Trời của chư Thiên, đấng Nhân Ngưu đã đi vào, tôi đã dâng cúng bơ lỏng và dầu ăn đến bậc Đại Ẩn Sĩ Siddhattha.
2364. Sau khi nhìn thấy sự mệt nhọc đã được lắng xuống, khuôn mặt và giác quan đã được rạng rỡ, tôi đã đảnh lễ ở bàn chân của bậc Đạo Sư và đã ngợi ca ở phía trước Ngài.
2365. Là bậc đã đạt đến sự toàn hảo về thần thông, sau khi nhìn thấy tôi có nội tâm đã khéo được tịnh tín, bậc Trí Tuệ đã bay lên không trung như là chim thiên nga chúa ở trên bầu trời.
2366. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây 94 kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của bơ lỏng và dầu ăn.
2367. Trước đây mười bảy kiếp, (tôi đã là) vị tên Jutideva, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2368. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sappidāyaka[17]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sappidāyaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
2369. Con đường kinh hành của đức Thế Tôn Piyadassī đã được tôi làm sạch sẽ, được che bởi những cây sậy, có sự ngăn cản gió và sức nóng.
2370. Tôi đã nỗ lực trong Giáo Pháp của bậc Đạo Sư nhằm mục đích lánh xa điều ác, nhằm sự thành tựu việc thiện, nhằm sự dứt bỏ các điều ô nhiễm.
2371. Trước đây 11 kiếp, (tôi đã là) vị nổi danh tên Aggideva, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2372. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pāpanivāriya[18]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pāpanivāriya là phần thứ mười.
--ooOoo--
(Vị cúng dường) con voi, đôi dép, (vị suy tưởng về) Chân Lý, và các hào quang, (vị có sự suy tưởng) đã được bền vững, và vị có cây quạt lá cọ, tương tợ là vị suy tưởng về việc (đức Phật) đã bước lên, bơ lỏng, vị có sự ngăn cản điều ác; (tổng cộng) có năm mươi bốn câu kệ.
Phẩm Hatthi là phẩm thứ hai mươi hai.
--ooOoo--
2373. Vật tựa (lưng) đã được tôi dâng cúng đến đức Thế Tôn Atthadassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy, bậc Chúa Tể của loài người như thế ấy.
2374. Tôi cai quản trái đất bao la bao gồm biển cả và tôi thực hiện quyền lãnh đạo đối với các sanh mạng ở trên trái đất.
2375. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tam minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.
2376. Trước đây sáu mươi hai kiếp, ba vị Sát-đế-lỵ (cùng) tên Ekāpassita ấy đã là các Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2377. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ālambanadāyaka[19]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ālambanadāyaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2378. Trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi đã là bậc thầy của đám đông. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, vị thọ nhận các vật hiến cúng.
2379. 2380. Mảnh da thú đã được tôi dâng cúng đến đấng quyến thuộc của thế gian Sikhī. Nhờ vào việc làm ấy ở đấng Chúa Tể của loài người, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, tôi đã thọ hưởng sự thành tựu, tôi đã thiêu đốt các phiền não. Tôi duy trì thân mạng cuối cùng ở Giáo Pháp của đấng Chánh Đẳng Giác.
2381. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng tấm da dê trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của tấm da dê.
2382. Trước đây vào kiếp thứ năm, tôi đã là đức vua Sudāyaka, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2383. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ajinadāyaka[20]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ajinadāyaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2384. Trong thời quá khứ, tôi đã là thợ săn thú rừng ở trong khu rừng hoang rậm. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, đấng Vô Nhiễm, vị thọ nhận các vật hiến cúng.
2385. Tôi đã dâng cúng đến bậc Đại Ẩn Sĩ Vipassī một lát thịt. Tôi được thiết lập làm vị chúa tể ở thế gian luôn cả chư Thiên.
2386. Do nhờ sự dâng cúng lát thịt này, châu báu sanh lên cho tôi. Hai loại châu báu này ở thế gian đưa đến sự thành tựu của đời hiện tại.
2387. Tôi thọ hưởng tất cả các thứ ấy nhờ vào năng lực của sự dâng cúng lát thịt. Thân thể của tôi mềm mại, trí tuệ của tôi có sự nhận biết vi tế.
2388. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng lát thịt trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng lát thịt.
2389. Trước đây vào kiếp thứ tư, tôi đã là người độc nhất thống lãnh dân chúng. Vị ấy tên là Mahārohita, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2390. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Dvirataniya[21]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Dvirataniya là phần thứ ba.
(Tụng phẩm thứ mười).
--ooOoo--
2391. Tôi đã cho thực hiện vòng rào chắn đến đức Thế Tôn Siddhattha. Và tôi đã dâng cúng sự bảo vệ đến đấng Thiện Thệ, bậc Đại Ẩn Sĩ.
2392. Do tính chất đặc biệt của nghiệp ấy, tôi không nhìn thấy sự kinh hoàng và sựhãi sợ. Khi được sanh lên ở bất cứ đâu, sự run sợ của tôi là không được biết đến.
2393. (Kể từ khi) tôi đã cho thực hiện vòng rào chắn trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của vòng rào chắn.
2394. Trước đây vào kiếp thứ sáu, (tôi đã là) vị tên Apassena, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2395. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ārakkhadāyaka[22]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ārakkhadāyaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
2396. Tôi đã dâng cúng đến gian nhà sưởi ấm đến đức Thế Tôn Vipassī, chỗ trú ngụ và bình chứa nước nóng đến những người bị bệnh.
2397. Do việc làm ấy, thân thể của tôi đã được tạo thành tốt đẹp, tôi không còn biết đến bệnh tật; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
2398. Kể từ khi tôi đã dâng cúng gian nhà trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của gian nhà sưởi ấm.
2399. Trước đây vào kiếp thứ bảy, tôi đã là vị tên Aparājita độc nhất, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2400. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Avyādhika[23]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Avyādhika là phần thứ năm.
--ooOoo--
2401. Nārada là tên của tôi, (mọi người) biết đến tôi là Kassapa. Tôi đã nhìn thấy đức Phật Vipassī, vị đứng đầu trong số các Sa-môn, được chư Thiên tôn kính.
2402. Đức Phật có các tướng mạo phụ là vị thọ nhận các vật hiến cúng. Tôi đã cầm lấy bông hoa aṅkola và đã dâng lên đức Phật.
2403. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2404. Trước đây bảy mươi bốn kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Romasa, có sự trang sức với ngọc trai và tràng hoa, có binh lực và phương tiện di chuyển xứng đáng.
2405. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Aṅkolapupphiya[24]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Aṅkolapupphiya là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2406. Trong khi đi ra khu vực vườn hoa, tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian. Tôi đã cầm lấy vòng hoa đội đầu bằng vàng được kiến tạo khéo léo.
2407. Cỡi trên lưng của con voi, tôi đã mau chóng từ nơi ấy leo xuống và đã dâng lên đức Phật Sikhī, đấng quyến thuộc của thế gian.
2408. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2409. Trước đây 27 kiếp, tôi đã là người độc nhất thống lãnh dân chúng tên Mahāpatāpa, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2410. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sovaṇṇavaṭaṃsakiya[25]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sovaṇṇavaṭaṃsakiya là phần thứ bảy.
--ooOoo--
2411. Khi đấng Bảo Hộ Thế Gian Sikhī, bậc cao quý trong số các vị đang thuyết giảng, đã Niết Bàn, tôi đã thực hiện việc cúng dường cội Bồ Đề với những vòng hoa đội đầu được xếp đặt các nơi.
2412. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc cúng dường trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường cội Bồ Đề.
2413. Trước đây hai mươi sáu kiếp, tôi đã là vị tên Meghabbha, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2414. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Miñjavaṭaṃsakiya[26]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Miñjavaṭaṃsakiya là phần thứ tám.
--ooOoo--
2415. Lúc bấy giờ, tôi đã là người làm tràng hoa tên Asita. Sau khi chọn lấy vòng hoa đội đầu, tôi đã ra đi để dâng lên đức vua.
2416. Khi chưa gặp được đức vua, tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Sikhī. Được mừng rỡ, tôi đã dâng (vòng hoa) lên đức Phật với tâm mừng rỡ.
2417. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2418. Trước đây hai mươi lăm kiếp, tôi đã là vị vua có oai lực lớn lao tên Vebhāra, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2419. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sukatāveliya[27]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sukatāveliya là phần thứ chín.
--ooOoo--
2420. Đấng Anh Hùng Vessabhū là bậc ưu tú, quý cao trong số các vị thắng trận. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã đảnh lễ đức Phật tối thượng.
2421. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc đảnh lễ.
2422. (Trước đây) 24 kiếp, (tôi đã là) vị tên Vigatānanda, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2423. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekavandiya[28]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekavandiya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vật tựa (lưng), tấm da dê, vị dâng cúng thịt, vị thí chủ về sự bảo vệ, sự không bị bệnh, (bông hoa) aṅkola, (vòng hoa) vàng, (vòng hoa) ruột cây, vòng hoa đội đầu, và sự đảnh lễ; (tổng cộng) có năm mươi lăm câu kệ đã được tính đếm bởi các vị nhìn thấy sự lợi ích.
Phẩm Ālambanadāyaka là phẩm thứ hai mươi ba.
--ooOoo--
2424. Sau khi đi ra khỏi cổng của tu viện, tôi đã trải ra tấm ván. Và tôi đã phục vụ nước nhằm đạt đến mục đích tối thượng.
2425. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu ở (sự bố thí) chỗ ngồi và nước.
2426. Trước đây mười lăm kiếp, (tôi đã là) vị có tên Abhisāma, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2427. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Udakāsanadāyaka[29]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Udakāsanadāyaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2428. Lúc bấy giờ, tôi đã là người thợ làm gốm ở thành phố Bandhumatī. Trong khi ấy tôi đã cung cấp bát đĩa đến Hội Chúng tỳ khưu.
2429. (Kể từ khi) tôi đã cung cấp bát đĩa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của (việc dâng cúng) bát đĩa.
2430. Trước đây năm mươi ba kiếp, (tôi đã là) vị tên Anantajāli, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2431. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bhājanadāyaka[30]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bhājanadāyaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2432. Tôi đã là người bán bánh ngọt ở thành phố Aruṇavatī. Tôi đã nhìn thấy đấng Chiến Thắng Sikhī đang đi ngang qua cánh cửa của tôi.
2433. Với tâm ý trong sạch, tôi đã nhận lấy bình bát của đức Phật và đã dâng cúng bánh ngọt sālā đến đức Phật, bậc đã đi đến đạo lộ chân chánh.
2434. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng vật thực cứng trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của bánh ngọt sālā.
2435. Trước đây mười bốn kiếp, tôi đã là vị Amitañjala, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2436. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sālapūpiya[31]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sālapūpiya là phần thứ ba.
--ooOoo--
2437. Lúc bấy giờ, tôi đã là người thợ đan lát ở trong thành phố Tivarā đáng yêu. Dân chúng ở nơi ấy được tịnh tín ở đấng Quang Đăng của thế gian Siddhattha.
2438. Người ta tìm kiếm chiếc chiếu nhằm mục đích cúng dường đến đấng Bảo Hộ Thế Gian. Tôi đã dâng cúng chiếc chiếu đến những người đang tiến hành việc cúng dường đức Phật.
2439. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của chiếc chiếu.
2440. (Trước đây) bảy mươi bảy kiếp, tôi đã là đức vua Jutindhara, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2441. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kilañjadāyaka[32]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kilañjadāyaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
2442. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã cho thực hiện vòng rào chắn ở cội cây Bồ Đề tối thượng của đức Thế Tôn Vipassī.
2443. (Kể từ khi) tôi đã cho thực hiện vòng rào chắn trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của vòng rào chắn.
2444. Trước đây mười một kiếp, tôi đã là vị tên Suriyassama, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2445. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Vedikāraka[33]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vedikāraka là phần thứ năm.
--ooOoo--
2446. Lúc bấy giờ, tôi đã là người thợ nhuộm màu ở thành phố Aruṇavatī. Tôi đã nhuộm các màu sắc khác nhau cho các xấp vải ở ngôi bảo tháp.
2447. Kể từ khi tôi đã nhuộm màu sắc trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng màu sắc.
2448. Trước đây hai mươi ba kiếp, (tôi đã là) vị tên Candupama, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2449. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Vaṇṇākāra đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vaṇṇākāra là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2450. Trong thời quá khứ, tôi đã là thợ săn thú rừng ở trong khu rừng hoang rậm. Sau khi nhìn thấy cây piyāla đã được trổ hoa, tôi đã rải rắc (bông hoa) ở con đường (đức Phật) đã đi qua.
2451. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2452. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Piyālapupphiya[34]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Piyālapupphiya là phần thứ bảy.
--ooOoo--
2453. Nương tựa vào nghề nghiệp của mình, tôi đã đi đến khu rừng rậm. Sau khi nhìn thấy bậc Toàn Giác đang đi, tôi đã dâng cúng vật thí là trái xoài.
2454. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc hiến dâng trái xoài.
2455. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ambayāgadāyaka[35]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ambayāgadāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
2456. Khi đấng Bảo Hộ Thế Gian, bậc Tối Thượng Nhân Atthadassī đã Niết Bàn, việc bố trí đã được tôi điều hành ở ngôi bảo tháp tối thượng của đức Phật.
2457. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy (trước đây) một ngàn tám trăm kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc bố trí.
2458. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Jagatikāraka[36]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Jagatikāraka là phần thứ chín.
--ooOoo--
2459. Trước đây, tôi đã là người thợ rèn ở trong kinh thành Tivarā. Tôi đã dâng cúng một lưỡi rìu đến đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại.
2460. Kể từ khi tôi đã dâng cúng lưỡi rìu trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng lưỡi rìu.
2461. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Vāsidāyaka[37]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vāsidāyaka là phần thứ mười.
--ooOoo--
Chỗ ngồi và nước, bát đĩa, vị có bánh ngọt sālā, vị liên quan đến chiếc chiếu, vòng rào chắn, thợ nhuộm màu, bông hoa piyāla,vị bố thí vật hiến dâng là trái xoài, việc bố trí, vị dâng cúng lưỡi rìu; (tổng cộng) có ba mươi tám câu kệ.
Phẩm Udakāsana là phẩm thứ hai mươi bốn.
--ooOoo--
2462. Trước đây, tôi đã là thợ săn thú ở trong khu rừng hoang rậm. Sau khi cầm lấy và mang theo hạt tuvara nướng, tôi đã dâng cúng đến Hội Chúng.
2463. Kể từ khi tôi đã cúng dường vật thí trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của hạt tuvara nướng.
2464. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tuvaradāyaka[38]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tuvaradāyaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2465. Sau khi đã kiểm tra cẩn thận cây cung, tôi đã đi sâu vào trong rừng. Tôi đã nhìn thấy vươn lên đóa hoa sen có tua nhụy rủ xuống.
2466. Sau khi cầm lấy (bông hoa) bằng hai bàn tay, tôi đã chắp tay lên ở đầu và đã dâng lên đức Phật Tissa, bậc quyến thuộc của thế gian.
2467. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2468. (Trước đây) bảy mươi ba kiếp, bảy vị (cùng) tên Kesara đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2469. Bốn (tuệ) phân tích, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Nāgakesariya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Nāgakesariya là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2470. Tôi là con gà nước sống ở giữa hồ nước thiên nhiên. Khi ấy, tôi đã nhìn thấy vị Trời của chư Thiên đang di chuyển ở trên không trung.
2471. Với tâm ý trong sạch, tôi đã dùng mỏ ngắt đóa hoa sen (có tua nhụy) và đã dâng lên đức Phật, đấng quyến thuộc của thế gian Tissa.
2472. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2473. (Trước đây) bảy mươi ba kiếp, (tôi đã là) vị tên Satapatta, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2474. Bốn (tuệ) phân tích, ―(như trên)― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Naḷinakesariya[39]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Naḷinakesariya là phần thứ ba.
--ooOoo--
2475. Đấng Lãnh Đạo Thế Gian ra đi cùng với một ngàn vị có lậu hoặc đã được đoạn tận. Tôi đã cầm lấy bông hoa viravi và đã dâng lên đức Phật.
2476. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2477. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Viravipupphiya[40]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Viravipupphiya là phần thứ tư.
--ooOoo--
2478. Tôi đã là người trông nom liêu cốc của đức Thế Tôn Siddhattha. Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình xông khói vào lúc này lúc khác.
2479. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2480. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kuṭidhūpaka[41]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kuṭidhūpaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
2481. Với sự thuần thành tuyệt đối, việc dâng cúng bình bát đã được tôi cung ứng đến bậc Đại Ẩn Sĩ Siddhattha, bậc có bản thể chính trựcnhư thế ấy.
2482. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng bình bát.
2483. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pattadāyaka[42]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pattadāyaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2484. Khi đấng Bảo Hộ Thế Gian, bậc Tối Thượng Nhân Siddhattha Niết Bàn, tôi đã nhận được một phần xá-lợi của bậc Chúa Tể của loài người như thế ấy.
2485. Sau khi nhận lấy phần xá-lợi ấy của đức Phật, đấng quyến thuộc của mặt trời, trong năm năm tôi đã chăm sóc (phần xá-lợi ấy) như là (chăm sóc) bậc Tối Thượng Nhân đang còn tại tiền.
2486. Kể từ khi tôi đã cúng dường xá-lợi trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu ở sự hầu cận xá-lợi.
2487. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Dhātupūjaka[43]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Dhātupūjaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
2488. Lúc bấy giờ, tôi đã đặt bảy bông hoa sattali ở trên đầu rồi đã dâng lên đức Phật, bậc Tối Thượng Nhân Vessabhū.
2489. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường bông hoa.
2490. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sattalipupphapūjaka[44]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sattalipupphapūjaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
2491. Đấng Chiến Thắng, bậc Tự Chủ tên Padumuttara, là nhân vật cao cả. Ngài công bố về bốn Sự Thật và làm sáng tỏ về vị thế Bất Tử.
2492. Khi ấy, sau khi ngắt rời các bông hoa bimbijālika, tôi đã dâng lên đức Phật, bậc Chúa Tể của loài người như thế ấy.
2493. Trước đây sáu mươi tám kiếp, bốn vị (cùng tên) Kiñjakesara đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2494. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bimbijāliya[45]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bimbijāliya là phần thứ chín.
--ooOoo--
2495. Đấng Tự Chủ tên Kakusandha, bậc không bị đánh bại, sau khi lìa khỏi khu rừng bao la đã đi đến gần con sông lớn.
2496. Khi ấy, với tâm tịnh tín tôi đã cầm lấy bông hoa uddālaka và đã dâng cúng đến đấng Tự Chủ, bậc đã tự chế ngự, có bản thể chính trực.
2497. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng bông hoa.
2498. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Uddāladāyaka[46]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Uddāladāyaka là phần thứ mười.
--ooOoo--
Hạt tuvara nướng, (vị trưởng lão) Nāgakesariya, các bông hoa sen, các bông hoa viravi, vị xông khói liêu cốc, bình bát, xá-lợi, các bông hoa sattali, các bông hoa bimbijālika, cùng với bông hoa uddālaka; (tổng cộng) có ba mươi bảy câu kệ đã được tính đếm bởi các bậc thông minh.
Phẩm Tuvaradāyaka là phẩm thứ hai mươi lăm.
--ooOoo--
2499. Trong khi đang trú ở thế giới chư Thiên, tôi được hoan hỷ sau khi lắng nghe Giáo Pháp của bậc Đại Ẩn Sĩ Vipassī, và tôi đã nói nên lời nói này:
2500. “Bạch đấng Siêu Nhân, con kính lễ Ngài! Bạch đấng Tối Thượng Nhân, con kính lễ Ngài! Trong khi thuyết giảng về vị thế Bất Tử, Ngài đã giúp cho nhiều người vượt qua. ”
2501. Kể từ khi tôi đã nói lên lời nói ấy trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc tán dương.
2502. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Thomaka[47]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Thomaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2503. Có ước muốn thực hiện hành động hướng thượng ở Giáo Pháp của đức Phật tối thượng, tôi đã lìa bỏ vóc dáng Thiên nhân và đã cùng với người vợ đi đến nơi này.
2504. Vị Thinh Văn của (đức Phật) Padumuttara tên là Devala. Vật thực đã được tôi dâng cúng đến vị ấy với tâm ý trong sạch.
2505. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của món vật thực.
2506. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekāsanadāyaka[48]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekāsanadāyaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2507. Bậc Giác Ngộ, đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại tên Ānanda đã viên tịch Niết Bàn ở trong rừng già hoang rậm, không có bóng người.
2508. Khi ấy, tôi đã từ thế giới chư Thiên đi đến nơi đây và đã thực hiện lễ hỏa táng. Tại đó, tôi đã thiêu đốt thi thể và đã thể hiện sự tôn kính.
2509. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2510. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Citakapūjaka[49]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Citakapūjaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
2511. Ở không xa núi Hi-mã-lạp, có ngọn núi tên là Vikata. Ở trung tâm của ngọn núi ấy, có vị Sa-môn, có các giác quan đã được tu tập, cư ngụ.
2512. Sau khi nhìn thấy sự an tịnh của vị ấy, với tâm ý trong sạch tôi đã cầm lấy ba bông hoa campaka và đã rải rắc chúng.
2513. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2514. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ticampakapupphiya[50]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ticampakapupphiya là phần thứ tư.
--ooOoo--
2515. Tôi đã dâng lên các bông hoa sattapāṭali đến đức Phật (trong lúc Ngài) ngồi ở trong vùng đồi núi, đang chói sáng như là cây kaṇikāra.
2516. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2517. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sattapāṭaliya[51]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sattapāṭaliya là phần thứ năm.
--ooOoo--
2518. Lúc bấy giờ, vị tên Candana đã là người con trai của đấng Giác Ngộ. Tôi đã dâng cúng (đến vị ấy) một đôi dép (ước nguyện rằng): “Xin ngài hãy giúp con thành tựu quả vị Giác Ngộ.”
2519. Kể từ khi tôi đã dâng cúng đôi dép trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của đôi dép.
2520. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Upāhanadāyaka[52]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Upāhanadāyaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2521. Sau khi đã thực hiện một bó (hoa), tôi đã bước đi ở đường lộ. Tôi đã nhìn thấy bậc Cao Cả trong số các vị Sa-môn được tháp tùng bởi Hội Chúng tỳ khưu.
2522. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, và với niềm phỉ lạc tột độ, tôi đã cầm lấy (bó hoa) bằng cả hai tay và đã dâng lên đức Phật.
2523. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường bông hoa.
2524. Trước đây bảy mươi ba kiếp, tôi đã là vị lãnh chúa tên Jotiya, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2525. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Mañjaripūjaka[53]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Mañjaripūjaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
2526. Tôi là vị mặc y phục bằng vỏ cây ở ngọn núi Hi-mã-lạp. Thu thúc trong các điều kiện hạn chế, tôi có thức ăn là muối và lá cây.
2527. Vào lúc bữa ăn sáng đã điểm, (đức Phật) Siddhattha đã đi đến gặp tôi. Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình dâng lên các thứ ấy đến đức Phật.
2528. Kể từ khi tôi đã dâng cúng lá cây trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng lá cây.
2529. (Trước đây) hai mươi bảy kiếp, tôi đã là đức vua Yadatthiya, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2530. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Paṇṇadāyaka[54]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Paṇṇadāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
2531. Lúc bấy giờ, là vị hành pháp ngụ ở rừng đấng Toàn Giác đã cư ngụ ở gốc cây. Tôi đã thực hiện gian nhà lá và đã dâng cúng đến bậc không bị đánh bại.
2532. Kể từ khi tôi đã cúng dường cái chòi lá trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng cái chòi.
2533. Trước đây hai mươi tám kiếp, mười sáu vị vua được gọi là Sabbattha-abhivassī đã là các đấng Chuyển Luân Vương.
2534. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kuṭidāyaka[55]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kuṭidāyaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
2535. (Tôi đã nhìn thấy) đấng Toàn Giác Sikhī có màu da vàng chói ngồi ở trong vùng đồi núi đang chiếu sáng các hào quang như là ngọn lửa.
2536. Tôi đã cầm lấy bông hoa aggaja và đã đi đến gần đấng Tối Thượng Nhân. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng lên đức Phật (bông hoa ấy).
2537. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2538. (Trước đây) hai mươi lăm kiếp, tôi đã là vị tên Amita, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2539. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Aggajapupphiya[56]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Aggajapupphiya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị tán dương, một bữa ăn, giàn hỏa thiêu, bông hoa campaka, bông hoa sattapāṭali, đôi dép, bó hoa, lá cây, vị dâng cúng cái chòi, bông hoa aggaja; và các câu kệ đã được tính đếm ở đây là bốn mươi mốt câu cả thảy.
Phẩm Thomaka là phẩm thứ hai mươi sáu.
--ooOoo--
2540. Trong khi đấng Nhân Ngưu Siddhattha có màu da vàng chói đang đi ở khu phố chợ, tôi đã cầm lấy hai bông hoa cao quý mọc ở trong nước và đã đi đến gặp Ngài.
2541. Tôi đã đặt xuống một bông hoa ở các bàn chân ở đức Phật tối thượng, và tôi đã cầm lấy một bông hoa rồi đã thảy lên không trung.
2542. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng bông hoa.
2543. Trước đây ba mươi hai kiếp, tôi đã là vị lãnh chúa độc nhất tên Antalikkhacara, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2544. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ākāsukkhipiya[57]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ākāsukkhipiya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
254Khi đức Thế Tôn Siddhattha, đấng Nhân Ngưu đã Niết Bàn, ngay khi ấy tôi đã thoa dầu ở vòng rào chắn của cội Bồ Đề.
2546. Kể từ khi tôi đã thoa dầu trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc thoa (dầu).
2547. Trước đây hai mươi bốn kiếp, tôi đã là vị Sát-đế-lỵ tên Succhavi, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2548. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Telamakkhiya[58]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Telamakkhiya là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2549. Bông hoa aḍḍhacanda đã được tôi dâng cúng ở cội cây Bồ Đề tối thượng của đức Thế Tôn Tissa là loại thảo mộc sanh trưởng ở trên trái đất.
2550. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường cội Bồ Đề.
2551. Trước đây hai mươi lăm kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Devala, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2552. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Aḍḍhacandiya[59]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Aḍḍhacandiya là phần thứ ba.
--ooOoo--
2553. Lúc bấy giờ, trong khi là vị Thiên nhân, tôi đã ngự xuống trái đất. Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình dâng cúng năm ngọn đèn.
2554. Kể từ khi tôi đã dâng cúng ngọn đèn trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng ngọn đèn.
2555. Trước đây năm mươi lăm kiếp, tôi đã là vị lãnh chúa độc nhất tên Samantacakkhu, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2556. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Padīpiya[60]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Padīpiya là phần thứ tư.
--ooOoo--
2557. Ở không xa núi Hi-mã-lạp có ngọn núi tên là Romaso. Ở tại chân ngọn núi ấy, có vị Sa-môn có các giác quan đã được tu tập.
2558. Tôi đã cầm lấy củ biḷālī và đã dâng cúng đến vị Sa-môn. Bậc Đại Hùng, đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại, đã nói lời tùy hỷ rằng:
2559. “Ngươi đã dâng cúng củ biḷālī đến Ta với tâm ý trong sạch. Trong khi (ngươi) tái sanh vào cõi hữu, quả báu sẽ sanh khởi đến ngươi.”
2560. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng củ biḷālī trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của củ biḷālī.
2561. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Biḷālidāyaka[61]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Biḷālidāyaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
2562. Lúc bấy giờ, tôi đã là con chim ưng ở bờ sông Candabhāgā. Tôi đã gắp lấy con cá lớn và đã dâng cúng đến bậc Hiền Trí Siddhattha.
2563. Kể từ khi tôi đã dâng cúng con cá trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng con cá.
2564. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Macchadāyaka[62]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Macchadāyaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2565. Lúc bấy giờ, tôi đã là lính kiểm lâm ở bờ sông Candabhāgā. Tôi đã nhìn thấy đức Phật Siddhattha đang di chuyển ở trên không trung.
2566. Trong khi ngước nhìn bậc Đại Hiền Trí, tôi đã chắp tay lên. Sau khi làm cho tâm của mình được tịnh tín, tôi đã đảnh lễ đấng Lãnh Đạo.
2567. (Kể từ khi) tôi đã đảnh lễ đấng Nhân Ngưu trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc đảnh lễ.
2568. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Javahaṃsaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Javahaṃsaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
2569. Lúc bấy giờ, tôi đã là loài kim-sỉ-điểu ở bờ sông Candabhāgā. Tôi đã nhìn thấy đức Phật Vipassī được bao phủ bằng mạng lưới hào quang.
2570. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, và với niềm phỉ lạc tột độ, tôi đã cầm lấy bông hoa salala và đã rải rắc đến (đức Phật) Vipassī.
2571. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2572. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Salalapupphiya[63]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Salalapupphiya là phần thứ tám.
--ooOoo--
2573. Ở trung tâm của núi Hi-mã-lạp có cái hồ nước đã khéo được tạo lập. Tôi đã là loài quỷ dữ ở tại nơi ấy, có bản chất quấy rối, là kẻ gây nên nỗi hãi sợ.
2574. Có ý muốn tiếp độ tôi, bậc Thương Tưởng, đấng Bi Mẫn, bậc Lãnh Đạo Thế Gian Vipassī ấy đã đi đến gặp tôi.
2575. Khi bậc Đại Hùng, vị Trời của chư Thiên, đấng Nhân Ngưu đã đi đến gần, tôi đã đi ra khỏi nơi trú ẩn và đã đảnh lễ đấng Đạo Sư.
2576. (Kể từ khi) tôi đã đảnh lễ bậc Tối Thượng Nhân trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc đảnh lễ.
2577. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Upāgatāsaya[64]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Upāgatāsaya là phần thứ chín.
--ooOoo--
2578. Bậc Toàn Giác Vipassī có màu da vàng chói là bậc xứng đáng sự cúng dường. Bậc Đạo Sư dẫn đầu Hội Chúng tỳ khưu đã đứng ở bờ sông.
2579. Thuyền bè là phương tiện vượt qua biển cả không được tìm thấy ở tại nơi ấy. Tôi đã đi ra khỏi dòng sông và đã đưa đấng Lãnh Đạo Thế Gian sang (sông).
2580. (Kể từ khi) tôi đã đưa bậc Tối Thượng Nhân sang (sông) trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc đưa sang (sông).
2581. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Taraṇiya[65]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Taraṇiya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị có sự thảy lên (bông hoa), dầu thoa, vị có (bông hoa) aḍḍhacanda, vị dâng cúng cây đèn, vị dâng cúng củ biḷāli, con cá, vị tên Javahaṃsaka, vị dâng cúng bông hoa salala, loài quỷ dữ, vị đưa sang (sông) là mười. Và ở đây được ghi nhận là bốn mươi mốt câu kệ cả thảy.
Phẩm Ākāsukkhipiya là phẩm thứ hai mươi bảy.
--ooOoo--
2582. Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình dâng cúng một cái ghế. Và tôi đã dâng lên cái gối nhằm đạt đến mục đích tối thượng
2583. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng cái gối trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của cái gối.
2584. Trước đây vào kiếp thứ sáu mươi ba, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Asama, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2585. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Suvaṇṇabimbohaniya[66]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Suvaṇṇabimbohaniya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2586. Biết được ý định của tôi, bậc Đạo Sư, đấng Lãnh Đạo cao cả của thế gian, đã đi đến bằng thần thông với thân được tạo thành bởi ý.
2587. Khi Ngài đang đi đến gần, tôi đã đảnh lễ bậc Đạo Sư, đấng Tối Thượng Nhân. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng cúng (một) nắm hạt mè.
2588. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của nắm hạt mè.
2589. Trước đây mười sáu kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Nandiya, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2590. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tilamuṭṭhidāyaka[67]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tilamuṭṭhidāyaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2591. (Đức Phật Siddhattha) sống ở trong vùng đồi núi kề cận biển cả. Sau khi đi ra tiếp đón (Ngài), tôi đã thực hiện và đã dâng cúng cái hộp (đựng bông hoa).
2592. Sau khi dâng cúng cái hộp đựng bông hoa đến bậc Đại Ẩn Sĩ Siddhattha, đấng có lòng thương tưởng đối với tất cả chúng sanh, tôi đã sướng vui ở cõi trời một kiếp.
2593. Kể từ khi tôi đã dâng cúng cái hộp trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của cái hộp.
2594. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Caṅgoṭakiya[68]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Caṅgoṭakiya là phần thứ ba.
--ooOoo--
2595. Đức Thế Tôn Koṇḍañña là vị có tâm bình đẳng như hư không, có thiền chứng không bị chướng ngại, có tham ái đã được lìa bỏ như thế ấy.
2596. Bậc Đạo Sư, đấng Chúa Tể của loài người, là vị vượt qua tất cả si mê, là bậc có sự tầm cầu lợi ích cho tất cả thế gian, tôi đã dâng cúng thuốc cao đến Ngài.
2597. Kể từ khi tôi đã dâng cúng thuốc cao trước đây vô lượng kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của thuốc cao.
2598. Trước đây mười lăm kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Cirappa, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2599. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Abbhañjanadāyaka[69]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Abbhañjanadāyaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
2600. Tôi đã dâng cúng khu vực sinh sống (cô tịch) đến vị Sa-môn bậc Đại Ẩn Sĩ đang cư ngụ tại cội cây sung, nơi tấm thảm lá cây đã được xác định.
2601. Sau khi chắp tay lên, tôi đã trải ra tấm thảm bằng bông hoa đến (đức Phật) Tissa, bậc Chúa Tể của loài người, đấng Bảo Hộ Thế Gian như thế ấy.
2602. (Kể từ khi) tôi đã thực hiện tấm thảm bằng bông hoa trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của tấm thảm.
2603. Trước đây mười bốn kiếp, tôi đã là bậc thống lãnh loài người tên Ekañjalika, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2604. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekañjaliya[70]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekañjaliya là phần thứ năm.
--ooOoo--
2605. Việc cúng dường tấm vải bạt đã được tôi dâng cúng ở đối tượng đáng được cúng dường vô thượng trước tiên hết là bậc Đạo Sư, Giáo Pháp, và luôn cả Hội Chúng của bậc Đại Ẩn Sĩ nữa.
2606. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng tấm vải bạt.
2607. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Potthadāyaka[71]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Potthadāyaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2608. Tôi đi xuôi theo dòng nước ở bờ sông Candabhāgā. Tôi đã đặt ở giàn hỏa thiêu bảy bông hoa māluva.
2609. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường lễ hỏa táng trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường giàn hỏa thiêu.
2610. Trước đây sáu mươi bảy kiếp, bảy vị (cùng) tên Paṭijagga đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật.
2611. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Citakapūjaka[72]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Citakapūjaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
2612. Ở ngọn núi Hi-mã-lạp, có con sông Mahāsindhu có dáng hình xinh đẹp. Ở tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy (đức Phật) Sudassana; Ngài là bậc có tham ái đã được lìa bỏ, có ánh sáng rực rỡ.
2613. Sau khi nhìn thấy bậc được gắn liền với sự an tịnh tột bực, được tịnh tín tôi đã tự tay mình dâng cúng rễ cây āluva đến Ngài.
2614. Kể từ khi tôi đã dâng cúng rễ cây āluva trước đây 31 kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của rễ cây āluva.
2615. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Āluvadāyaka[73]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Āluvadāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
2616. Lúc bấy giờ, đấng Tự Chủ tên Romasa là bậc có sự hành trì tốt đẹp. Với tâm ý trong sạch, tôi đã dâng cúng đóa hoa sen trắng (đến Ngài).
2617. Kể từ khi tôi đã dâng cúng đóa hoa sen trắng trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của đóa hoa sen trắng.
2618. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekapuṇḍarīka[74]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekapuṇḍarīka là phần thứ chín.
--ooOoo--
2619. Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình cho xây dựng cây cầu ở đường lộ lớn gập ghềnh để giúp cho mọi người vượt qua (đoạn đường ấy).
2620. (Kể từ khi) tôi đã cho xây dựng cây cầu trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng cây cầu.
2621. Trước đây 55 kiếp, tôi đã là vị tên Samogadha độc nhất, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2622. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Taraṇīya[75]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Taraṇīya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vàng, nắm hạt mè, cái hộp, thuốc cao, sự chắp tay, vị có tấm vải bạt, giàn hỏa thiêu, rễ cây āluva, một đóa hoa sen trắng, với cây cầu; (tổng cộng) có bốn mươi hai câu kệ đã được tính đếm bởi các bậc trí.
Phẩm Suvaṇṇabimbohana là phẩm thứ hai mươi tám.
(Tụng phẩm thứ mười một).
--ooOoo--
2623. Tôi đã ngồi xuống trong gian nhà lá, có bữa ăn là vật thực bằng lá cây. Bậc Đại Hiền Trí đã đi đến gần tôi trong lúc tôi đang ngồi.
2624. Bậc Quang Đăng của thế gian Siddhattha là người thầy thuốc của tất cả thế gian. Khi Ngài đã ngồi xuống ở tấm thảm lá cây, tôi đã dâng cúng lá cây đến Ngài.
2625. Kể từ khi tôi đã dâng cúng lá cây trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng lá cây.
2626. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Paṇṇadāyaka[76]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Paṇṇadāyaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2627. (Đức Phật Siddhattha) ấy có sự an tịnh sánh bằng núi Sineru, tợ như vật nâng đỡ trái đất, sau khi xuất khỏi thiền định đã đi đến gần tôi về việc khất thực.
2628. Và có những loại trái cây ngọt như trái harītaka, trái āmalaka, trái xoài, trái mận đỏ, trái vibhīṭaka, trái táo, trái bhallātaka, và trái billa.
2829. Với tâm ý trong sạch, tôi đã dâng cúng tất cả thức ấy đến bậc Đại Ẩn Sĩ Siddhattha, vị có lòng thương tưởng đối với tất cả thế gian.
2630. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
2631. Trước đây năm mươi bảy kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Ekajjha, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2632. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Phaladāyaka[77]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Phaladāyaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2633. Bậc Nhân Ngưu đang đi đến, giống như loài sư tử lang thang ở trong rừng, giống như loài bò mộng thuần chủng, tợ như cây kakudha đang chói sáng.
2634. Với tâm ý trong sạch, tôi đã thực hiện việc đi ra tiếp đón đấng Quang Đăng của thế gian Siddhattha, vị thầy thuốc của tất cả thế gian.
2635. (Kể từ khi) tôi đã đi ra tiếp đón đấng Nhân Ngưu trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc đi ra tiếp đón.
2636. Trước đây hai mươi bảy kiếp, tôi đã là người độc nhất thống lãnh dân chúng tên Saparivāra, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2637. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Paccuggamaniya[78]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Paccuggamaniya là phần thứ ba.
--ooOoo--
2638. Lúc bấy giờ, tôi đã là con yêu tinh ở cánh cổng phía nam. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, tợ như mặt trời có tia sáng màu vàng.
2639. Tôi đã dâng cúng một bông hoa đến bậc Tối Thượng Nhân Vipassī, vị có sự tầm cầu lợi ích cho tất cả thế gian, bậc Chúa Tể của loài người như thế ấy.
2640. Kể từ khi tôi đã dâng cúng bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2641. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekapupphiya[79]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekapupphiya là phần thứ tư.
--ooOoo--
2642. Ở bờ sông Nammadā, có đấng Tự Chủ là bậc không bị đánh bại. Ngài đã chứng đạt thiền định, được thanh tịnh, không bị chộn rộn.
2643. Sau khi nhìn thấy đấng Toàn Giác, bậc không bị đánh bại, tôi đã được tịnh tín, có tâm ý vui mừng, Khi ấy, tôi đã dâng cúng đấng Tự Chủ ấy với bông hoa maghava.
2644. Kể từ khi tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2645. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Maghavapupphiya[80]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Maghavapupphiya là phần thứ năm.
--ooOoo--
2646. (Tôi đã nhìn thấy) bậc Chúa Tể của loài người, đấng Long Tượng, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đang bước đi ở đường lộ.
2647. Sau khi cho người thỉnh mời bậc có sự tầm cầu lợi ích cho tất cả thế gian ấy, tôi đã dâng cúng người phục vụ đến bậc Đại Ẩn Sĩ Siddhattha.
2648. Sau khi tiếp nhận, đấng Toàn Giác bậc Đại Hiền Trí đã gởi trả lại (người phục vụ cho tôi), rồi đã từ chỗ ngồi ấy đứng dậy và ra đi, mặt hướng phía đông.
2649. Kể từ khi tôi đã dâng cúng người phục vụ trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc phục vụ.
2650. Trước đây năm mươi bảy kiếp, (tôi đã là) vị tên Balasena, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2651. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Upaṭṭhākadāyaka[81]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Upaṭṭhākadāyaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2652. Tôi đã ca ngợi sự nghiệp của các đấng Thiện Thệ đến bậc Đại Ẩn Sĩ. Được tịnh tín, tôi đã đảnh lễ bằng đầu và bằng các bàn tay của mình ở bàn chân (của bậc Đại Ẩn Sĩ).
2653. (Kể từ khi) tôi đã ngợi ca sự nghiệp (của chư Phật) trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc ca ngợi.
2654. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Apadāniya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Apadāniya là phần thứ bảy.
--ooOoo--
2655. Hội Chúng của đức Thế Tôn Vipassī là được tôn sùng kính trọng. Có điều bất hạnh đã xảy đến cho tôi là trước đây thân quyến đã có sự chia rẽ.
2656. Tôi đã đi đến sự xuất gia nhằm làm lắng dịu điều bất hạnh. Tại nơi ấy, do sự mong mỏi Giáo Pháp của bậc Đạo Sư, tôi đã được thỏa thích trong bảy ngày.
2657. Kể từ khi tôi đã xuất gia trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc xuất gia.
2658. Trước đây sáu mươi bảy kiếp, bảy vị lãnh chúa được biết đến với tên “Sunikkhama” đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2659. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sattāhapabbajita[82]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sattāhapabbajita là phần thứ tám.
--ooOoo--
2660. Lúc bấy giờ, tên của tôi là Veṭambarī. Người cha của tôi đã nắm lấy cánh tay của tôi và đã đưa tôi đến bậc Đại Hiền Trí.
2661. (Nghĩ rằng): “Chư Phật này, các đấng Lãnh Đạo cao cả của thế gian, sẽ chỉ dạy cho ta.” Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình phục vụ các vị ấy một cách tôn kính.
2662. Kể từ khi tôi đã chăm sóc chư Phật trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc phục vụ.
2663. Trước đây hai mươi ba kiếp, bốn vị Sát-đế-lỵ (cùng) tên Samaṇupaṭṭhāka đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2664. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Buddhupaṭṭhāka[83]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Buddhupaṭṭhāka là phần thứ chín.
--ooOoo--
2665. Nhằm đạt đến mục đích tối thượng, chúng tôi tám mươi bốn ngàn người đã xuất gia, không còn sở hữu gì. Trong số các vị ấy, tôi đã là người đứng đầu.
2666. Và các vị này được thanh tịnh, không bị chộn rộn, dầu còn tham ái và còn sự tái sanh. Được tịnh tín, các vị này đã tự tay phục vụ (chư Thánh nhân) một cách tôn kính.
2667. Có các lậu hoặc đã được đoạn tận, có sân hận đã được tống khứ, có phận sự đã được hoàn thành, không còn lậu hoặc, các đấng Tự Chủ không bị đánh bại đã lan tỏa với tâm từ ái.
2668. Sau khi phục vụ chư vị đã tự mình giác ngộ, tôi có được niệm, nhưng tôi đã gần kề sự chết. Và chúng tôi đã đi đến bản thể chư Thiên.
2669. (Kể từ khi) tôi đã gìn giữ giới hạnh trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc tự chế ngự.
2670. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pubbaṅgamiya[84]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pubbaṅgamiya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Lá cây, (các) trái cây, sự đi ra tiếp đón, vị có một bông hoa, và (vị có) bông hoa maghava, người phục vụ, sự nghiệp (của chư Phật), sự xuất gia, vị phục vụ chư Phật, vị đứng đầu; (tổng cộng) có bốn mươi tám câu kệ đã được thuật lại.
Phẩm Paṇṇadāyaka là phần thứ hai mươi chín.
--ooOoo--
2671. Lúc bấy giờ, tôi đã là vị Bà-la-môn tên Ajita. Có ý định dâng tặng vật hiến cúng, tôi đã thu thập nhiều loại bông hoa.
2672. Sau khi nhìn thấy giàn hỏa thiêu của đấng quyến thuộc thế gian Sikhī đang bốc cháy, tôi đã đem số bông hoa ấy lại và đã rải rắc ở giàn hỏa thiêu.
2673. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2674. Trước đây hai mươi bảy kiếp, bảy vị thống lãnh loài người (cùng) tên Supajjalita ấy đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2675. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Citakapūjaka[85]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Citakapūjaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2676. Tôi đã là vị mang y phục bằng vỏ cây, có y choàng là tấm da dê, có năm thắng trí đã được phát sanh, là người chạm đến mặt trăng.
2677. Sau khi nhìn thấy đấng Quang Đăng của thế gian Vipassī đã ngự đến chỗ tôi, tôi đã nắm giữ những bông hoa san hô (hình chiếc lọng) che cho bậc Đạo Sư.
2678. (Kể từ khi) tôi đã nắm giữ bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc nắm giữ.
2679. Trước đây tám mươi bảy kiếp, tôi đã là vị lãnh chúa độc nhất tên Samantadhāraṇa, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2680. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pupphadhāraka[86]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pupphadhāraka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2681. Lúc bấy giờ, người con trai của tôi đã xuất gia, có trang phục là y ca-sa. Và vị ấy đã đạt được bản thể của vị Phật, đã Niết Bàn, được thế gian tôn vinh.
2682. Trong lúc tìm hiểu về (tăm tích) người con trai của mình, tôi đã đi lần theo ở phía sau. Tôi đã đi đến giàn hỏa thiêu của con người vĩ đại đã được Niết Bàn.
2683. Ở tại nơi ấy, tôi đã chắp tay lên và đã đảnh lễ giàn hỏa thiêu. Khi ấy, tôi đã cầm lấy chiếc lọng trắng và đã dâng lên.
2684. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên chiếc lọng trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng chiếc lọng.
2685. Trước đây hai mươi lăm kiếp, bảy vị thống lãnh dân chúng (cùng) tên Mahāraha ấy đã là các đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2686. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Chattadāyaka[87]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Chattadāyaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
2687. Khi mặt trời còn chưa mọc lên, đã có tiếng gầm rú dữ dội (báo hiệu) sự xuất hiện của đức Phật tối thượng bậc Đại Ẩn Sĩ ở trên thế gian.
2688. Tại nơi ấy, tôi đã nghe được tiếng động nhưng tôi không nhìn thấy đấng Chiến Thắng ấy. Và khi sự chết đã gần kề, tôi đã nhớ lại sự suy tưởng về đức Phật.
2689. Kể từ khi tôi đã đạt được sự suy tưởng ấy trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về đức Phật.
2690. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Saddasaññaka[88]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Saddasaññaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
2691. Sau khi rời khỏi cánh cổng của tu viện, tôi đã trải lót xương sọ của loài bò (ở con đường lầy lội). Tôi thọ hưởng nghiệp của mình; điều này là quả báu của nghiệp quá khứ.
2692. (Tôi có) các loài ngựa dòng Sindhu thuần chủng có tốc độ của gió, có các phương tiện di chuyển nhanh chóng, tôi thọ hưởng tất cả (các) thứ này; điều này là quả báu của (việc trải lót) xương sọ của loài bò.
2693. Ôi hành động đã khéo được thực hiện bởi tôi ở thửa ruộng tốt là hành động tuyệt vời. Việc khác không có giá trị bằng một phần (mười sáu) so với hành động đã được thực hiện ở nơi Hội Chúng.
2694. (Kể từ khi) tôi đã trải lót xương sọ của loài bò trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc trải lót.
2695. (Trước đây) bảy mươi lăm kiếp, tôi đã là vị tên Suppatiṭṭhita, là người độc nhất có quyền uy vĩ đại, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2696. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Gosīsanikkhepaka[89]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Gosīsanikkhepaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
2697. Lúc bấy giờ, tôi đã là loài kim-sỉ-điểu ở ngọn núi Hi-mã-lạp. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, tợ như mặt trời có tia sáng màu vàng.
2698. Khi đức Phật Vipassī đấng Lãnh Đạo Thế Gian ấy đi đến gần tôi, khi ấy tôi đã rải rắc trầm hương và luôn cả cỏ thơm ở bàn chân (Ngài).
2699. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bàn chân ấy trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường ở bàn chân.
2700. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pādapūjaka[90]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pādapūjaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2701. 2702. Lúc bấy giờ, tôi đã là vị Bà-la-môn tên Upasāḷhaka. Sau khi nhìn thấy bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, đi sâu vào khu rừng rậm, tôi đã đảnh lễ vị thọ nhận các vật hiến cúng của thế gian ở hai bàn chân. Biết được tôi có tâm đã được tịnh tín, đức Phật đã biến mất.
2703. Sau khi lìa khỏi khu rừng rậm, tôi đã tưởng nhớ đến đức Phật tối thượng. Sau khi tán dương khu vực ấy, tôi đã sướng vui ở cõi trời một kiếp.
2704. (Kể từ khi) tôi đã tán dương khu vực ấy trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc tán dương.
2705. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Desakittaka[91]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Desakittaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
2706. Tôi đã là người thợ săn ở ngọn núi Hi-mã-lạp. Tôi đã nhìn thấy đức Phật Vipassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu.
2707. Sau khi đi đến gặp bậc Toàn Giác, tôi đã làm công việc phục vụ. Và tôi đã đi đến nương nhờ đối với bậc Chúa Tể của loài người như thế ấy.
2708. (Kể từ khi) tôi đã đi đến nương nhờ trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc đi đến nương nhờ.
2709. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Saraṇagamaniya[92]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Saraṇagamaniya là phần thứ tám.
--ooOoo--
2710. (Tôi đã là) người khổng lồ được nổi tiếng với tên là Romasa. Tôi đã dâng cúng một chùm trái xoài đến bậc Đại Ẩn Sĩ Vipassī.
2711. Kể từ khi tôi đã dâng cúng xoài trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái xoài.
2712. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ambapiṇḍiya[93]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ambapiṇḍiya là phần thứ chín.
--ooOoo--
2713. Tôi đã nhìn thấy đấng Chiến Thắng Vipassī đang đi khất thực. Tôi đã dâng lên một vá thức ăn đến đấng Chúa Tể của loài người như thế ấy.
2714. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, khi ấy tôi đã đảnh lễ và tôi đã ngợi ca đức Phật nhằm đạt đến mục đích tối thượng.
2715. (Kể từ khi) tôi đã ngợi ca (đức Phật) trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc ngợi ca (đức Phật).
2716. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Anusaṃsāvaka[94]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Anusaṃsāvaka là phần thứ mười.
--ooOoo--
Giàn hỏa thiêu, bông hoa san hô, chiếc lọng (trắng), tiếng động, việc trải lót xương sọ của loài bò, (vị đảnh lễ) bàn chân, (vị tán dương) khu vực, sự nương nhờ, trái xoài, và luôn cả vị ngợi ca (đức Phật); (tổng cộng) có bốn mươi bảy câu kệ đã được tính đếm bởi các bậc trí.
Phẩm Citakapūjaka là phẩm thứ ba mươi.
--ooOoo--
Bông hoa kaṇikāra, vị cúng dường voi, vật tựa (lưng), chỗ ngồi và nước, hạt tuvara nướng, vị tán dương, và luôn cả việc thảy lên (không trung), gối kê đầu, vị dâng cúng lá cây, và vị cúng dường lễ hỏa táng; toàn bộ các câu kệ ở đây là bốn trăm năm mươi mốt câu.
Tất cả gồm có hai ngàn năm trăm và bảy mươi hai câu thêm vào đó nữa. (Tổng cộng) có ba trăm ký sự đã được tính đếm bởi các vị nhìn thấy sự lợi ích.
Nhóm “Một Trăm” thứ ba được đầy đủ.
--ooOoo--
[1] Kaṇikārapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) kaṇikāra.”
[2] Minelapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) minela.”
[3] Kiṅkiṇikapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) kiṅkiṇi.”
[4] Taraṇiya nghĩa là “vị liên quan đến việc đưa sang (taraṇa) sông.”
[5] Nigguṇḍipupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) nigguṇḍi.”
[6] Udakadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) nước (udaka).”
[7] Salalamāliya nghĩa là “vị liên quan đến chùm hoa (mālā) salala.”
[8] Koraṇḍapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) koraṇḍa.”
[9] Ādhāradāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) chân đế (ādhāra) bình bát.”
[10] Vātātapanivāriya nghĩa là “vị liên quan đến vật ngăn cản (nivāraṇa) gió (vāta) và sức nóng (ātapa).”
[11] Hatthidāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) con voi (hatthi).”
[12] Pānadhidāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) đôi dép (pānadhi).”
[13] Saccasaññakanghĩa là “vị suy tưởng (saññaka) về Chân Lý (sacca).”
[14] Ekasaññakanghĩa là “vị có một lần (eka) suy tưởng (saññā).”
[15] Raṃsisaññakanghĩa là “vị suy tưởng (saññaka) đến hào quang (raṃsi) của đức Phật.”
[16] Saṇṭhitanghĩa là “vị (có sự suy tưởng) đã được bền vững (saṇṭhita).”
[17] Sappidāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) bơ lỏng (sappi).”
[18] Pāpanivāriya nghĩa là “vị liên quan đến vật ngăn chặn (nivāraṇa) điều ác (pāpa).”
[19] Ālambanadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) vật tựa lưng (ālambana).”
[20] Ajinadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) tấm da dê (ajina).”
[21] Dvirataniyanghĩa là “vị liên quan đến hai (dvi) loại châu báu (ratana).”
[22] Ārakkhadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) sự bảo vệ (ārakkha).”
[23] Avyādhikanghĩa là “vị không có bệnh tật (vyādhi).”
[24] Aṅkolapupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) aṅkola.”
[25] Sovaṇṇavaṭaṃsakiya nghĩa là “vị liên quan đến vòng hoa đội đầu (vaṭaṃsaka) bằng vàng (sovaṇṇa).”
[26] Miñjavaṭaṃsakiya nghĩa là “vị liên quan đến vòng hoa đội đầu (vaṭaṃsaka) bằng ruột cây (miñja).”
[27] Sukatāveliya nghĩa là “vị liên quan đến vòng hoa đội đầu (āveli) đã được làm (kata) khéo léo (su).”
[28] Ekavandiya nghĩa là “vị liên quan đến một lần (eka) đảnh lễ (vandana).”
[29] Udakāsanadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) nước (udaka) và chỗ ngồi (āsana).”
[30] Bhājanadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) bát đĩa (bhājana).”
[31] Sālapūpiyanghĩa là “vị liên quan đến bánh ngọt (pūpa) sālā.”
[32] Kilañjadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) chiếc chiếu (kilañja).”
[33] Vedikāraka nghĩa là “vị thực hiện (kāraka) vòng rào chắn (vedi).”
[34] Piyālapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) piyāla.”
[35] Ambayāgadāyaka nghĩa là “vị thí chủ (dāyaka) của việc hiến dâng (yāga) trái xoài (amba).”
[36] Jagatikārakanghĩa là “vị thực hiện (kāraka) việc bố trí (jagati).”
[37] Vāsidāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) lưỡi rìu (vāsi).”
[38] Tuvaradāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) hạt tuvara nướng.”
[39] Naḷinakesariyanghĩa là “vị liên quan đến đóa sen (naḷina) có tua nhụy (kesarī).”
[40] Viravipupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) viravi.”
[41] Kuṭidhūpakanghĩa là “vị xông khói (dhūpaka) thơm ở liêu cốc (kuṭi).”
[42] Pattadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) bình bát (patta).”
[43] Dhātupūjakanghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) xá-lợi (dhātu).”
[44] Sattalipupphapūjakanghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) bông hoa (puppha) sattali.”
[45] Bimbijāliyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) bimbijāliya.”
[46] Uddāladāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) bông hoa uddāla.”
[47] Thomakanghĩa là “vị tán dương (thomaka).”
[48] Ekāsanadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) vật thực (asana) một lần (eka).”
[49] Citakapūjakanghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) lễ hỏa táng (citaka).”
[50] Ticampakapupphiyanghĩa là “vị liên quan đến ba (ti) bông hoa (puppha) campaka.”
[51] Sattapāṭaliyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa sattapāṭali.”
[52] Upāhanadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) đôi dép (upāhana).”
[53] Mañjaripūjakanghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) bó hoa (mañjari).”
[54] Paṇṇadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) lá cây (paṇṇa).”
[55] Kuṭidāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) liêu cốc (kuṭi).”
[56] Aggajapupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) aggaja.”
[57] Ākāsukkhipiya nghĩa là “vị liên quan đến việc thảy lên (ukkhepa) không trung (ākāsa).”
[58] Telamakkhiya nghĩa là “vị liên quan đến việc thoa (makkhana) dầu (tela).”
[59] Aḍḍhacandiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa aḍḍhacandiya.”
[60] Padīpiya nghĩa là “vị liên quan đến ngọn đèn (padīpa).”
[61] Biḷālidāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) củ biḷālī.”
[62] Macchadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) cá (maccha).”
[63] Salalapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) salala.”
[64] Upāgatāsaya nghĩa là “vị có chỗ ngụ (āsaya) đã được đức Phật đi đến gần (upāgata).”
[65] Taraṇiya nghĩa là “vị liên quan đến việc đưa sang (taraṇa) sông.”
[66] Suvaṇṇabimbohaniyanghĩa là “vị liên quan đến cái gối (bimbohana) vàng (suvaṇṇa).”
[67] Tilamuṭṭhidāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) nắm tay (muṭṭhi) hạt mè (tila).”
[68] Caṅgoṭakiya nghĩa là “vị liên quan đến cái hộp (caṅgoṭaka).”
[69] Abbhañjanadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) thuốc cao (abbhañjana).”
[70] Ekañjaliya nghĩa là “vị liên quan đến một lần (eka) chắp tay (añjali).”
[71] Potthadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) tấm vải bạt (pottha).”
[72] Citakapūjaka nghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) lễ hỏa táng (citaka).”
[73] Āluvadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) rễ cây āluva.”
[74] Ekapuṇḍarīka nghĩa là “vị có một (eka) đóa hoa sen trắng (puṇḍarīka).”
[75] Taraṇīya nghĩa là “vị liên quan đến việc vượt qua (taraṇa).”
[76] Paṇṇadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) lá cây (paṇṇa).”
[77] Phaladāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala).”
[78] Paccuggamaniya nghĩa là “vị liên quan đến việc đi ra tiếp đón (paccuggamana).”
[79] Ekapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến một (eka) bông hoa (puppha).”
[80] Maghavapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) maghava.”
[81] Upaṭṭhākadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) người phục vụ (upaṭṭhāka).”
[82] Sattāhapabbajita nghĩa là “vị đã xuất gia (dāyaka) bảy (satta) ngày (aha).”
[83] Buddhupaṭṭhāka nghĩa là “vị phục vụ (upaṭṭhāka) đức Phật (buddha).”
[84] Pubbaṅgamiya nghĩa là “liên quan đến vị đứng đầu, vị đi (gam) ở phía trước (pubba).”
[85] Citakapūjaka nghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) lễ hỏa táng (citaka).”
[86] Pupphadhāraka nghĩa là “vị nắm giữ (dhāraka) bông hoa (puppha).”
[87] Chattadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) chiếc lọng che (chatta).”
[88] Saddasaññaka nghĩa là “vị suy tưởng (saññaka) về âm thanh (sadda).”
[89] Gosīsanikkhepaka nghĩa là “vị đặt xuống (nikkhepaka) những cái sọ (sīsa) của loài bò (go).”
[90] Pādapūjaka nghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) ở bàn chân (pāda).”
[91] Desakittakanghĩa là “vị tán dương (kittaka) khu vực (desa).”
[92] Saraṇagamaniyanghĩa là “vị liên quan việc đi đến (gamana) nương nhờ (saraṇa), tức là đã quy y.”
[93] Ambapiṇḍiyanghĩa là “vị liên quan đến chùm (piṇḍa) xoài (amba).”
[94] Anusaṃsāvakanghĩa là “vị ngợi ca (anusaṃsāvaka) đức Phật.”
2717. Trong thời quá khứ, tôi đã là con voi ở hội chúng các vị Ẩn Sĩ. Do niềm tịnh tín, tôi đã rải rắc nhụy của hoa sen đến các bậc Đại Ẩn Sĩ.
2718. Các đấng Chiến Thắng Độc Giác tối thượng là những vị có các ái đã được giũ bỏ như thế ấy. Sau khi làm cho tâm được tịnh tín ở các vị ấy, tôi đã sướng vui ở cõi trời một kiếp.
2719. Kể từ khi tôi đã rải rắc nhụy hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2720. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Padumakesariya[1]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Padumakesariya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2721. Tôi đã dâng cúng tràng hoa có hương thơm đến bậc Đại Ẩn Sĩ Vipassī. Tôi đã dâng cúng tấm vải thượng hạng bằng tơ lụa đến bậc có bản thể chính trực
2722. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng vật thơm trước đây trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng vật thơm.
2723. Trước đây mười lăm kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Sucela, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2724. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sabbagandhiya[2]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sabbagandhiya là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2725. Tôi đã nhìn thấy đức Phật Vipassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, tợ như cây kaṇikāra đang cháy sáng, tợ như mặt trời đang mọc lên.
2726. Tôi đã chắp tay lên và đã rước Ngài về nhà của mình. Sau khi đã rước đấng Toàn Giác (về nhà), tôi đã dâng cúng vật thực thượng hạng.
2727. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thực thượng hạng trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của vật thực thượng hạng.
2728. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Paramannadāyaka[3]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Paramannadāyaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
2729. Đã có lễ hội ở cội Đại Bồ Đề của đức Thế Tôn Vipassī đúng vào lúc đấng Toàn Giác, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu đang ngự ở cội cây.
2730. Vào thời điểm ấy, được tháp tùng bởi Hội Chúng tỳ khưu, đức Thế Tôn (đã) công bố về Bốn Sự Thật, trong lúc thốt lên với lời nói hùng tráng.
2731. Trong khi thuyết giảng một cách giản lược và trong khi thuyết giảng một cách chi tiết, đấng Toàn Giác, bậc đã phơi bày điều bị che lấp, đã giúp cho đám đông dân chúng thành tựu Niết Bàn.
2732. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của Ngài, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy, tôi đã đảnh lễ ở bàn chân của bậc Đạo Sư và đã ra đi, mặt hướng phía bắc.
2733. Kể từ khi tôi đã lắng nghe Giáo Pháp trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về Giáo Pháp.
2734. Trước đây ba mươi ba kiếp, tôi đã là vị lãnh chúa độc nhất tên Sutavā, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2735. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Dhammasaññaka[4]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Dhammasaññaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
2736. Lúc bấy giờ, đã có khu ẩn cư ở bờ sông Bhāgīrathī. Có sự mong cầu, tôi đã đi đến khu ẩn cư ấy, tay cầm trái cây.
2737. Ở tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy (đức Phật) Vipassī tợ như mặt trời có tia sáng màu vàng. Tôi đã dâng cúng đến bậc Đạo Sư tất cả trái cây mà tôi có.
2738. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
2739. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Phaladāyaka[5]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Phaladāyaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
2740. Bạch đức Phật Anh Hùng, con kính lễ Ngài! Ngài đã được giải thoát về mọi phương diện. Vì con đã bị lâm vào cảnh bất hạnh, xin Ngài hãy là nơi nương nhờ của con đây.
2741. Đức Siddhattha, bậc không người đối địch ở thế gian, đã chú nguyện cho tôi đây rằng: “Hội Chúng là vô thượng, không thể đo lường, sánh bằng biển lớn.
2742. Ngươi hãy làm cho tâm được tịnh tín ở Hội Chúng, thửa ruộng không bị nhơ bẩn, nguồn ban phát kết quả vô cùng tận. Ngươi đã gieo hạt giống tốt, ngươi hãy trồng tỉa ở tại nơi ấy.”
2743. Sau khi nói xong điều này, sau khi đã chỉ dạy cho tôi như thế, đấng Toàn Tri, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, đã bay lên khoảng không ở bầu trời.
2744. Khi bậc Toàn Tri, đấng Nhân Ngưu, vừa mới ra đi không bao lâu, tôi đã gần kề sự chết, và tôi đã được sanh lên cõi trời Đẩu Suất.
2745. Khi ấy, sau khi đã làm cho tâm được tịnh tín ở Hội Chúng, thửa ruộng không bị nhơ bẩn, nguồn ban phát kết quả vô cùng tận, tôi đã sướng vui ở cõi trời một kiếp.
2746. Kể từ khi tôi đã đạt được niềm tịnh tín trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của niềm tịnh tín.
2747. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sampasādaka[6]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sampasādaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2748. Tự viện của đức Thế Tôn Siddhattha đã được tôi tạo dựng trong khi các con chim được yên lặng ở những cội cây có bóng râm dày đặc.
2749. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, vị thọ nhận các vật hiến cúng. Tôi đã bàn giao tu viện đến bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu.
2750. Được mừng rỡ, với tâm mừng rỡ tôi đã dâng cúng trái cây và bông hoa. Sau đó, có niềm tịnh tín đã được sanh lên, tôi đã chuyển giao khu rừng ấy.
2751. Bất cứ vật gì tôi đã dâng cúng đến đức Phật với tâm ý trong sạch (đều có) quả báu sanh khởi đến tôi trong khi tôi tái sanh vào cõi hữu.
2752. Kể từ khi tôi đã dâng cúng tu viện trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của tu viện.
2753. Trước đây ba mươi bảy kiếp, bảy vị (cùng) tên Mudusītala đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2754. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ārāmadāyaka[7]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ārāmadāyaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
2755. Tôi đã nhìn thấy vị Thinh Văn của bậc Hiền Trí Atthadassī. Trong khi vị ấy đang xây dựng công trình mới ở trong khuôn viên (tu viện), tôi đã đi đến gần (nơi ấy).
2756. Và khi công trình mới đã được hoàn thành, với tâm tịnh tín với ý vui mừng ở Phước Điền vô thượng, tôi đã dâng cúng lớp vữa tô.
2757. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây một ngàn tám trăm kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của lớp vữa tô.
2758. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Anulepadāyaka[8]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Anulepadāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
2759. 2760. Trong giấc mơ, tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian Siddhattha, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, tợ như mặt trời đang mọc lên, tợ như mặt trời có tia sáng màu vàng, đang đi vào bên trong khu rừng. Sau khi làm cho tâm được tịnh tín vào điều ấy, tôi đã sanh lên nhàn cảnh.
2761. Kể từ khi tôi đã đạt được sự suy tưởng ấy trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về đức Phật.
2762. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Buddhasaññaka[9]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Buddhasaññaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
2763. Sườn núi đã được tôi làm sạch sẽ dành cho đức Thế Tôn Piyadassī. Và tôi đã bố trí lu nước cho việc sử dụng của vị (Phật) như thế ấy.
2764. 2765. Đức Phật, bậc Đại Hiền Trí Piyadassī, đã chú nguyện về việc ấy cho tôi rằng: “Tòa lâu đài ấy có một ngàn khu vực, có một trăm quả cầu tròn, được trang hoàng với những lá cờ, được làm với màu lục, và châu báu không phải là ít sẽ được sanh lên (cho ngươi).” Sau khi dâng cúng vật thí là sườn núi, tôi đã sướng vui ở cõi trời một kiếp.
2766. Trước đây 32 kiếp, (tôi đã là) vị Sát-đế-lỵ tên Susuddha, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2767. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pabbhāradāyaka[10]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pabbhāradāyaka là phần thứ mười.
--ooOoo--
Tua nhụy, vật thơm, và vật thực, vị có sự suy tưởng về Giáo Pháp, và (cúng dường) bằng trái cây, niềm tịnh tín, và vị dâng cúng tu viện, lớp vữa tô, vị suy tưởng về đức Phật, và vị dâng cúng sườn núi; (tổng cộng) có năm mươi mốt câu kệ đã được thuật lại.
Phẩm Padumakesariya là phẩm thứ ba mươi mốt.
--ooOoo--
2768. Hàng rào đã được tôi cho xây dựng đến bậc Hiền Trí Dhammadassī. Và sự bảo vệ đã được tôi dâng cúng đến bậc Chúa Tể của loài người như thế ấy.
2769. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây một ngàn tám trăm kiếp, do tính chất đặc biệt của nghiệp ấy tôi đã đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc.
2770. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ārakkhadāyaka[11]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ārakkhadāyaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2771. Đấng Chiến Thắng luôn luôn chiếu sáng tợ như cây sālā non trẻ đã được mọc lên tốt đẹp, tợ như cây sobhañjana đã vươn cao, tợ như tia sét ở trên bầu trời.
2772. Với tâm ý trong sạch, tôi đã dâng cúng vật thực đến bậc Đại Ẩn Sĩ Vessabhū, vị Trời của chư Thiên ấy.
2773. Đức Phật, đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại, đã nói lời tùy hỷ về vật (cúng dường) ấy đến tôi rằng: “Trong khi (ngươi) tái sanh vào cõi hữu, mong rằng quả báu sanh khởi đến ngươi.”
2774. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của vật thực.
2775. Trước đây hai mươi lăm kiếp, tôi đã là vị tên Amittabha độc nhất, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2776. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bhojanadāyaka[12]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bhojanadāyaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2777. Tôi đã nhìn thấy đấng Chiến Thắng Siddhattha đang di chuyển ở khoảng không của cõi trời. Và không có dấu chân (được lưu lại) ở bầu trời, ở trên không trung, ở lớp khí quyển.
2778. Sau khi nhìn thấy sự di chuyển của bậc Hiền Trí và nhìn thấy y của đấng Chánh Đẳng Giác bị lay động bởi làn gió, niềm hạnh phúc đã lập tức sanh khởi đến tôi.
2779. Kể từ khi tôi đã đạt được sự suy tưởng ấy trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về đức Phật.
2780. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Gatasaññaka[13]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Gatasaññaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
2781. Tôi là vị Bà-la-môn tên Nesāda sống ở bờ sông. Tôi đã quét dọn khu ẩn cư bằng những bông hoa (sen) có trăm cánh.
2782. Sau khi nhìn thấy bậc Toàn Giác, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Siddhattha có màu da vàng chói, đang di chuyển qua khu rừng, niềm vui đã sanh khởi đến tôi.
2783. Sau khi đi ra tiếp đón bậc Toàn Giác, đấng Trưởng Thượng của thế gian, bậc Nhân Ngưu, tôi đã rước (Ngài) về khu ẩn cư và đã rải rắc (đến Ngài) với những đóa hoa sen hạng nhất.
2784. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2785. Trước đây bảy mươi ba kiếp, bốn vị (cùng tên) Pādapāvara đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2786. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sattapadumiya[14]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sattapadumiya là phần thứ tư.
--ooOoo--
2787. Đấng Toàn Giác Siddhattha, bậc không bị đánh bại, có màu da vàng chói tợ như mặt trời có trăm tia sáng, đang đi ở không xa.
2788. Tôi đã đi ra tiếp đón và đã đưa Ngài đi vào khu ẩn cư. Với tâm ý trong sạch, tôi đã dâng cúng chỗ ngồi bằng bông hoa.
2789. Khi ấy, tràn đầy niềm phấn khởi tôi đã chắp tay lên. Sau khi làm cho tâm được tịnh tín ở đức Phật, tôi đã ước nguyện về nghiệp ấy rằng:
2790. “Có phước thiện nào đã được tôi thực hiện ở đấng Tự Chủ bậc không bị đánh bại, do nhờ tất cả (các) thiện nghiệp ấy, mong rằng tôi được vô nhiễm ở trong Giáo Pháp.”
2791. Kể từ khi tôi đã dâng cúng chỗ ngồi bằng bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của chỗ ngồi bằng bông hoa.
2792. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pupphāsanadāyaka[15]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pupphāsanadāyaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
2793. Ngôi bảo tháp của đấng quyến thuộc thế gian Sikhī tên là Uttama. Lúc bấy giờ, tôi đã mò mẫm lang thang ở trong khu rừng hoang vắng.
2794. Sau khi lìa khỏi khu rừng bao la, tôi đã nhìn thấy ngôi bảo tọa sư tử. Tôi đã khoác y một bên vai, đã chắp tay lên, và đã ngợi ca đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
2795. Sau khi đã ngợi ca đức Phật, đấng Lãnh Đạo cao cả của thế gian, hết một khoảng thời gian trong ngày, (tôi đã) trở nên mừng rỡ, với tâm mừng rỡ tôi đã thốt lên lời nói này:
2796. “Bạch đấng Siêu Nhân, con kính lễ Ngài! Bạch đấng Tối Thượng Nhân, con kính lễ Ngài! Bạch đấng Đại Hùng, bạch bậc Trưởng Thượng của thế gian, bạch đấng Nhân Ngưu, Ngài là đấng Toàn Tri.”
2797. Bằng cách lấy Ngài làm đối tượng, tôi đã ngợi ca đức Phật Sikhī và đã đảnh lễ ngôi bảo tọa, sau đó tôi đã ra đi, mặt hướng phía Bắc.
2798. (Kể từ khi) tôi đã ngợi ca đấng cao quý trong số các vị đang thuyết giảng trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc ca ngợi.
2799. Trước đây hai mươi bảy kiếp, bảy vị (cùng) tên Atulya ấy đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2800. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Āsanatthavika[16]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Āsanatthavika là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2801. Trong khi thuyết giảng về vị thế Bất Tử, đấng Đại Hùng có vóc dáng tốt đẹp, được tháp tùng bởi các bậc Thinh Văn, cư ngụ ở căn nhà tối thượng.
2802. Bằng lời nói ngọt ngào ấy, Ngài (đã) thu hút đám đông dân chúng. Lời giảng đã vang vang và bao quát ở chư Thiên và nhân loại.
2803. Sau khi lắng nghe âm thanh vang vang của bậc Đại Ẩn Sĩ Siddhattha, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín ở âm thanh và tôi đã đảnh lễ đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
2804. Kể từ khi tôi đã đạt được sự suy tưởng ấy trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về đức Phật.
2805. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Saddasaññaka[17]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Saddasaññaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
2806. (Tôi đã nhìn thấy đức Phật) Siddhattha đang chiếu sáng tất cả các phương ở trong vùng đồi núi, tợ như con sư tử đã được sanh ra cao quý, tợ như khối lửa ở ngọn núi.
2807. Sau khi nhìn thấy ánh sáng của đức Phật, ánh sáng của mặt trời, và tương tợ như thế ấy ánh sáng của mặt trăng, niềm hạnh phúc đã sanh khởi đến tôi.
2808. Sau khi nhìn thấy ba loại ánh sáng, tôi đã khoác tấm da dê một bên vai và đã ngợi ca đức Phật, đấng Lãnh Đạo Thế Gian, bậc Tối Thượng của các vị Thinh Văn.
2809. Bởi vì ở thế gian có ba nguồn ánh sáng xua đuổi bóng tối ở trên đời là mặt trăng, mặt trời, và đức Phật đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
2810. Tôi đã trình bày ví dụ so sánh và đã tán dương bậc Đại Hiền Trí. Sau khi tán dương vẻ đẹp của đức Phật, tôi đã sướng vui ở cõi trời một kiếp.
2811. Kể từ khi tôi đã tán dương đức Phật trước đây 94 kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc tán dương.
2812. Trước đây 61 kiếp, tôi đã là vị độc nhất tên Ñāṇadhara, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2813. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tiraṃsiya[18]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tiraṃsiya là phần thứ tám.
--ooOoo--
2814. Lúc bấy giờ, tôi đã là người nông dân ở bờ sông Sindhu. Tôi bị vướng bận trong việc quán xuyến công việc của người khác và (sống) lệ thuộc vào vật thực của người khác.
2815. Trong lúc đi dọc theo sông Sindhu, tôi đã nhìn thấy đấng Chiến Thắng Siddhattha đang ngồi thiền định tợ như đóa hoa sen đã nở rộ.
2816. Khi ấy, tôi đã ngắt bảy bông hoa kandali ở cuống hoa. Tôi đã dâng lên ở đỉnh đầu của đức Phật, đấng quyến thuộc của mặt trời.
2817. Bậc Toàn Giác có màu da vàng chói, được định tĩnh trong (đề mục) thích hợp, tợ như loài voi mātaṅga (đến tuổi) bị tiết dục ở ba nơi khó mà tiếp cận.
2818. Sau khi đi đến gần vị (có tính) cẩn trọng có (các) giác quan đã được tu tập ấy, tôi đã chắp tay lên và đã đảnh lễ bậc Đạo Sư.
2819. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2820. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kandalipupphiya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kandalipupphiya là phần thứ chín.
--ooOoo--
2821. (Tôi đã nhìn thấy) đấng Đại Hùng Vipassī, vị Anh Hùng ưu tú, quý cao, bậc Đại Ẩn Sĩ có sự chinh phục, tợ như con sư tử đã được sanh ra cao quý.
2822. Khi bậc thọ nhận các vật hiến cúng đang bước đi ở đường lộ, tôi đã cầm lấy tràng hoa kumuda và đã rải rắc đến đức Phật tối thượng.
2823. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2824. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kumudamāliya[19]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kumudamāliya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị dâng cúng sự bảo vệ, vị dâng cúng vật thực, vị có sự suy tưởng về đức Phật đã đi qua, vị liên quan đến đóa hoa sen, vị có chỗ ngồi bằng bông hoa, vị ca ngợi, vị có sự suy tưởng về âm thanh, ba loại hào quang, vị có hoa kandali, vị có hoa kumuda, (tổng cộng) có năm mươi bảy câu kệ.
Phẩm Ārakkhadāyaka là phẩm thứ ba mươi hai.
--ooOoo--
2825. Tôi đã nhìn thấy đấng Tối Thượng Nhân, bậc không bị đánh bại Siddhattha đã được định tĩnh, đã được đạt đến, và đã nhập vào thiền định.
2826. Tôi đã cầm lấy bông hoa ummā và đã dâng lên đức Phật. Tất cả các bông hoa có đầu quay về một hướng, có cuống hoa ở phía trên, có miệng hoa ở phía dưới.
2827. Trong khi ngự ở trên không trung, chúng có nhiều màu sắc tợ như chiếc thảm bông hoa. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, tôi đã sanh lên cõi trời Đẩu Suất.
2828. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2829. Trước đây năm mươi lăm kiếp, tôi đã vị lãnh chúa độc nhất tên Samantacchadana, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2830. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ummāpupphiya[20]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ummāpupphiya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2831. (Tôi đã nhìn thấy) đấng Nhân Ngưu đang chiếu sáng, trông tợ như cây kakudha đang chói sáng, giống như con bò mộng thuần chủng, tợ như vì sao osadhī đang tỏa rạng.
2832. Tôi đã chắp tay lên và đã đảnh lễ đấng Đạo Sư. Được hoan hỷ với việc làm của bản thân, tôi đã ngợi ca đấng Đạo Sư.
2833. Sau khi nhặt lấy cát vô cùng trong sạch và túm lại bằng vạt váy, tôi đã rải rắc ở con đường đã đi qua của bậc Đại Ẩn Sĩ Vipassī.
2834. Sau đó, với tâm ý trong sạch tôi đã rải xuống một nửa số cát ở chỗ nghỉ ngơi ban ngày của bậc Chúa Tể của loài người như thế ấy.
2835. (Kể từ khi) tôi đã rải xuống số cát trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của cát.
2836. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pulinapūjaka[21]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pulinapūjaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2837. Sau khi nhìn thấy tấm y may từ vải bị quăng bỏ của bậc Đạo Sư được treo ở ngọn cây, tôi đã chắp tay lên và đã nâng tấm y lên cao hơn nữa.
2838. Sau khi nhìn lại từ đàng xa, nụ cười đã sanh khởi đến tôi. Sau khi chắp tay lên, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín hơn nữa.
2839. Kể từ khi tôi đã đạt được sự suy tưởng trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về đức Phật.
2840. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Hāsajanaka[22]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Hāsajanaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
2841. Vào lúc bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã là người thông thạo về chú thuật. Tôi đã duy trì truyền thống gia tộc, sự tế lễ đã được tôi khuyến khích.
2842. Khi ấy, tám mươi bốn ngàn con thú bị giết chết bởi tôi. Chúng đã bị đưa lại ở cột trụ bằng lõi cây và được sẵn sàng cho mục đích tế lễ.
2843. (Đức Phật) trông tợ thỏi vàng đặt ở cửa miệng lò nung, như là than gỗ khadira cháy rực, tợ như mặt trời đang mọc lên, tợ như mặt trăng vào ngày rằm.
2844. Đấng Toàn Giác Siddhattha, vị đã hoàn thành tất cả phận sự, bậc đem lại phúc lợi được tôn kính bởi tam giới, đã đi đến gần và đã nói lời nói này:
2845. “Này người trai trẻ, việc không hãm hại sanh mạng của mọi loài, sự xa lánh việc trộm cắp, việc gian dâm, và việc uống chất say khiến Ta được hoan hỷ.
2846. Và sự thích thú trong sở hành bình lặng, sự hiểu rộng, lòng biết ơn, các pháp này nên được ca ngợi ở thế giới này và thế giới khác.
2847. Sau khi làm phát triển những pháp này, được vui thích về sự lợi ích đối với tất cả chúng sanh, sau khi làm cho tâm được tịnh tín ở đức Phật, hãy tu tập Đạo Lộ tối thượng.”
2848. Sau khi đã nói lời này, sau khi đã chỉ dạy tôi như thế, đấng Toàn Tri, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu đã bay lên không trung và ra đi.
2849. Tôi đã làm cho tâm được trong sạch trước, và sau đó đã làm cho tâm được tịnh tín. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, tôi đã sanh lên cõi trời Đẩu Suất.
2850. (Kể từ khi) tôi đã làm cho tâm được tịnh tín trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về đức Phật.
2851. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Yaññasāmika[23]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Yaññasāmika là phần thứ tư.
--ooOoo--
2852. Tôi sống ở khu ẩn cư tại bờ sông Candabhāgā. Tôi đã nhìn thấy con nai màu vàng chói đang bước đi ở trong khu rừng.
2853. Sau khi làm cho tâm được tịnh tín ở con nai, tôi đã tưởng nhớ đến đấng Trưởng Thượng của thế gian. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, tôi đã tưởng nhớ đến các vị Phật khác.
2854. Chư Phật nào thuộc thời quá khứ xa xăm, hiện tại, và vị lai, ba (thời) chư Phật ấy chói sáng như thế ấy tợ như con nai chúa.
2855. Kể từ khi tôi đã đạt được sự suy tưởng ấy trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về đức Phật.
2856. Trước đây hai mươi bảy kiếp, tôi đã là vị lãnh chúa độc nhất tên Araññasatta, là đấng Chuyển Luân Vương có oai lực lớn lao.
2857. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Nimittasaññaka[24]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Nimittasaññaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
2858. Bậc Toàn Giác (Siddhattha), có màu da vàng chói tợ như cây cột trụ bằng vàng, có ba mươi hai hảo tướng, đang đi ở khu phố chợ.
2859. Tôi đã rước bậc Toàn Giác Siddhattha, vị đã hoàn thành tất cả phận sự, bậc không còn dục vọng, vị không bị đánh bại, và tôi đã chăm lo bữa ăn đến bậc Đại Hiền Trí ấy.
2860. Khi ấy, bậc Hiền Trí, đấng Bi Mẫn ở thế gian đã chiếu sáng đến tôi. Sau khi làm cho tâm được tịnh tín ở đức Phật, tôi đã sướng vui ở cõi trời một kiếp.
2861. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng vật thực.
2862. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Annasaṃsāvaka[25]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Annasaṃsāvaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
2863. Khi vị Thiên nhân mệnh chung từ tập thể chư Thiên do sự chấm dứt của tuổi thọ, chư Thiên đang tùy hỷ thường thốt lên ba lời nói rằng:
2864. “Này bạn, từ nơi đây bạn hãy đi đến nhàn cảnh có sự cộng trú với loài người. Có bản thể nhân loại, bạn hãy đạt được niềm tin tối thượng vào Chánh Pháp.
2865. Mong rằng niềm tin ấy của bạn được tạo lập, được sanh khởi cội rễ, được vững vàng trong Chánh Pháp đã khéo được công bố, và không bị dao động cho đến hết cuộc đời.”
2866. “Bạn hãy làm việc thiện bằng thân, nhiều việc thiện bằng khẩu. Bạn hãy làm việc thiện bằng ý, (là việc) không có khổ đau, không có mầm tái sanh.
2867. Sau đó, hãy làm nhiều việc phước còn có mầm tái sanh ấy bằng sự bố thí. Bạn cũng nên hướng dẫn những người bạn khác vào Chánh Pháp, vào Phạm hạnh.”
2868. Do lòng thương tưởng này, chư Thiên khi đã biết vị thiên nhân đang mệnh chung, thường nói lời tùy hỷ rằng: “Hãy trở lại thành phố chư Thiên lần nữa.”
2869. Khi ấy, lúc hội chúng chư Thiên đã hội tụ lại, đã có sự dao động ở tôi rằng: “Bị mệnh chung từ nơi này, ta sẽ đi đến sanh chủng nào?”
2870. Sau khi biết được sự dao động của tôi, vị Sa-môn có các giác quan đã được tu tập ấy, với ý muốn tiếp độ tôi, đã đi đến gặp tôi.
2871. Vị Thinh Văn của (đức Phật) Padumuttara tên là Sumana. Khi ấy, vị ấy đã chỉ dạy ý nghĩa và Giáo Pháp, và đã làm cho tôi chấn động.
(Tụng phẩm thứ mười hai).
2872. Sau khi lắng nghe lời nói của vị ấy, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín ở đức Phật. Sau khi đảnh lễ bậc trí tuệ ấy, tôi đã qua đời ở tại nơi ấy.
2873. Được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, tôi đã được sanh ra ở chính tại nơi ấy. Trong khi sống ở trong bụng mẹ, tôi đã được người mẹ cưu mang lần nữa.
2874. Sau khi mệnh chung từ thân ấy, tôi đã được sanh về thế giới chư Thiên. Khi ấy, tôi không nhận thấy tâm ưu phiền trong khoảng thời gian ấy.
2875. Sau khi mệnh chung từ cõi trời Đạo Lợi, tôi đã hạ sanh vào bụng mẹ. Sau khi ra khỏi bụng mẹ, tôi đã biết được (nghiệp) đen lẫn trắng.
2876. Chỉ mới bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã đi vào tu viện của đức Thế Tôn Gotama, người con trai của dòng Sakya như thế ấy.
2877. Khi Phật Ngôn đã được lan rộng, khi Giáo Pháp đã được nhiều người hiểu biết, tôi đã nhìn thấy ở tại nơi ấy những vị thực hành Giáo Pháp, những vị tỳ khưu của bậc Đạo Sư.
2878. Có thành phố tên là Sāvatthī, đức vua Kosala ngự ở tại nơi ấy. Đức vua đã đi đến cội Bồ Đề tối thượng bằng chiếc xe được kéo bằng voi.
2879. Sau khi nhìn thấy con voi của đức vua, tôi đã tưởng nhớ lại nghiệp quá khứ. Tôi đã chắp tay lên và đã đi đến cuộc hội họp.
2880. Chỉ mới bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Vị Thinh Văn tên Ānanda đã hầu cận đức Phật.
2881. (Là người) có hành vi hoàn hảo, lại có nghị lực, có niệm, và nghe nhiều, trong khi làm tâm của đức vua được tịnh tín, vị có sự chói sáng rực rỡ đã truyền đạt lại (Giáo Pháp).
2882. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của vị ấy, tôi đã tưởng nhớ lại nghiệp quá khứ. Trong khi là người đứng ở ngay tại chỗ ấy, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
2883. Sau khi khoác y một bên vai, tôi đã chắp tay lên ở đầu. Sau khi đảnh lễ đấng Toàn Giác, tôi đã thốt lên lời kệ này:
2884. Tôi đã nâng lên bông hoa nigguṇḍī rồi đã đặt xuống ở bảo tọa sư tử của đức Phật Padumuttara, đấng Chúa Tể của loài người, bậc Đạo Sư.
2885. “Bạch đấng Chúa Tể của loài người, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, nhờ vào nghiệp ấy con đã từ bỏ sự hơn thua và đã đạt được vị thế Bất Động.”
2886. Trong hai mươi lăm ngàn kiếp, các bậc thống lãnh loài người (ở mỗi kiếp) đã là từng nhóm tám vị Sát-đế-lỵ có tuổi thọ dài, rất dài.[26]
2887. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Nigguṇḍipupphiya[27]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Nigguṇḍipupphiya là phần thứ bảy.
--ooOoo--
2888. Sau khi cùng nhau đi đến, tất cả dân chúng tiến hành việc cúng dường trọng thể đến đức Thế Tôn Vessabhū, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy.
2889. Khi ấy, tôi đã thực hiện một khối vôi bột cùng với vòng hoa đội đầu bằng bông hoa nhài, và tôi đã dâng lên ở phía trước bảo tọa sư tử.
2890. Tất cả dân chúng sau khi cùng nhau đi đến nhìn thấy bông hoa tối thượng (nói rằng): “Người nào đã cúng dường bông hoa này đến đức Phật tối thượng như thế ấy?”
2891. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, tôi đã sanh lên cõi Hóa Lạc Thiên. Tôi thọ hưởng nghiệp của mình đã khéo được thực hiện bởi bản thân trong thời quá khứ.
2892. Nơi chốn nào tôi đi tái sanh dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, tôi đều là đối tượng yêu quý của tất cả; điều này là quả báu của việc cúng dường bông hoa.
2893. Tôi không biết đến sự phỉ báng (nào) đã được thực hiện bởi tôi bằng thân, bằng lời nói, hay bằng ý đối với các vị đạo sĩ khổ hạnh, những vị đã chế ngự bản thân.
2894. Do việc ấy đã được thực hành tốt đẹp và do các nguyện lực của tâm, tôi là đối tượng được cúng dường của tất cả; điều này là quả báu của việc không phỉ báng.
2895. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2896. Trước đây mười một kiếp, vị Sát-đế-lỵ tên Sahassāra đã là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2897. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sumanāveliya[28]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sumanāveliya là phần thứ tám.
--ooOoo--
2898. (Trong lúc) đức Thế Tôn Siddhattha bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy đang công bố về Sự Thật, đang giúp cho các sanh linh thành tựu Niết Bàn.
2899. (Khi ấy) tôi đã mang lại bông hoa sen mọc ở trong nước, làm thích ý. Sau khi thực hiện chiếc lọng che bằng bông hoa, tôi đã dâng lên đức Phật.
2900. Bậc Hiểu Biết Thế Gian Siddhattha, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đấng Đạo Sư, đứng ở Hội Chúng tỳ khưu đã nói lên lời kệ này:
2901. “Người nào sau khi làm cho tâm được tịnh tín ở Ta đã nắm giữ chiếc lọng che bằng bông hoa, do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, người ấy không đi đến chốn khổ đau.”
2902. Nói xong lời này, bậc Toàn Giác đấng Lãnh Đạo Thế Gian Sid-dhattha đã giải tán hội chúng rồi đã bay lên khoảng không ở bầu trời.
2903. Khi vị Trời của nhân loại đứng dậy, chiếc lọng che màu trắng cũng đã vươn lên. Chiếc lọng che tối thượng di chuyển ở phía trước đức Phật tối thượng.
2904. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên chiếc lọng che trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của chiếc lọng bằng bông hoa.
2905. Vào kiếp thứ 74, tám vị (cùng) tên Jalasikha đã là các đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2906. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pupphachattiya[29]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pupphachattiya là phần thứ chín.
--ooOoo--
2907. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, làm mưa cơn mưa Giáo Pháp, tợ như nước mưa tuôn ở bầu trời.
2908. Tôi đã nhìn thấy bậc Toàn Giác ấy đang thuyết giảng về vị thế Bất Tử. Sau khi làm cho tâm của mình được tịnh tín, tôi đã đi về nhà của mình.
2909. Tôi đã cầm lấy chiếc lọng che đã được tô điểm, và đã đi đến gặp bậc Tối Thượng Nhân. Tôi đã trở nên mừng rỡ, với tâm mừng rỡ tôi đã ném (chiếc lọng) lên không trung.
2910. Tợ như chiếc xe kéo đã được khéo điều khiển, tợ như vị đứng đầu các bậc Thinh Văn đã được huấn luyện, (chiếc lọng che) đã tiến đến gần đấng Toàn Giác và đã đứng yên ở trên đỉnh đầu.
2911. Bậc Thương Tưởng, đấng Bi Mẫn, đức Phật, đấng Lãnh Đạo cao cả của thế gian đã ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu và đã nói lên những lời kệ này:
2912. “Chiếc lọng che đã được tô điểm làm thích ý này đã được dâng cúng bởi người nào, do sự tịnh tín ấy ở trong tâm người ấy không đi đến khổ cảnh.
2913. Người ấy sẽ cai quản Thiên quốc ở giữa chư Thiên bảy lần, và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương ba mươi hai lần.
2914. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
2915. Là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, (người ấy) sẽ biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc và sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
2916. Hiểu được lời nói hùng tráng đã được thốt lên là ngôn từ của đức Phật, với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã khởi lên niềm vui dào dạt.
2917. Sau khi từ bỏ thân nhân loại, tôi đã ngự đến sanh chủng Thiên nhân. Có tòa lâu đài tối thượng làm thích ý đã được sanh lên cho tôi.
2918. Trong khi (tôi) rời khỏi cung điện, có chiếc lọng che màu trắng đã được cầm giữ (che cho tôi). Khi ấy tôi đã đạt được sự tưởng nhớ lại; điều này là quả báu của nghiệp quá khứ.
2919. Sau khi mệnh chung từ thế giới chư Thiên, tôi đã đi đến bản thể nhân loại. Trước đây bảy trăm kiếp, tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương ba mươi sáu lần.
2920. Sau khi chết đi lìa bỏ thân ấy, tôi đã đi đến thành phố chư Thiên. Sau khi tuần tự luân hồi, tôi đã quay trở lại cuộc sống nhân loại.
2921. Trong khi tôi hạ sanh vào bụng mẹ, có những người đã nắm giữ chiếc lọng màu trắng (che cho tôi). Được bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
2922. Vị Bà-la-môn tên Sunanda là thông thạo về chú thuật. Vị ấy đã cầm lấy chiếc lọng che bằng pha-lê và đã dâng cúng đến vị Tối Thượng Thinh Văn.
2923. Bậc đại anh hùng, nhà thuyết giảng vĩ đại Sāriputta đã nói lời tùy hỷ. Sau khi lắng nghe lời tùy hỷ của vị ấy, tôi đã tưởng nhớ lại nghiệp quá khứ.
2924. Tôi đã chắp tay lên và đã làm cho tâm của mình được tịnh tín. Sau khi nhớ lại nghiệp quá khứ, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán
2925. Sau khi từ chỗ ngồi đứng dậy, tôi đã chắp tay lên ở đầu. Tôi đã đảnh lễ bậc Toàn Giác và đã thốt lên lời nói này:
2926. Trước đây một trăm ngàn kiếp, đức Phật, bậc Vô Thượng ở thế gian, đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara là vị thọ nhận các vật hiến cúng.
2927. Tôi đã dâng cúng chiếc lọng che đã được tô điểm có nhiều màu sắc đến Ngài. Đấng Tự Chủ, nhân vật cao cả, đã nhận lấy bằng hai tay.
2928. Ôi đức Phật! Ôi Giáo Pháp! Ôi sự thành tựu của bậc Đạo Sư của chúng ta! Do sự dâng cúng một chiếc lọng che, tôi đã không đi đến chốn khổ đau.
2929. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
2930. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Saparivārachattadāyaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Saparivārachattadāyaka là phần thứ 10.
--ooOoo--
Bông hoa ummā, (vị cúng dường) cát, nụ cười, vật tế lễ, vật báo hiệu, vị ngợi ca (về sự cúng dường vật thực), vị có bông hoa nigguṇḍī, bông hoa nhài, vị có chiếc lọng che bằng bông hoa, vị có chiếc lọng che và các vật phụ thuộc, (tổng cộng) có hơn một trăm lẻ bảy câu kệ.
Phẩm Ummāpupphiya là phẩm thứ ba mươi ba.
--ooOoo--
2931. Tôi đã dâng cúng nhang thơm đến đức Thế Tôn Siddhattha. Nhang thơm ấy được bao phủ bằng (mùi hương của) các bông hoa nhài và được phù hợp với đức Phật.
2932. Đấng Toàn Giác, bậc Lãnh Đạo Thế Gian tợ như cây cột trụ bằng vàng, tợ như bông hoa súng được chói sáng, tợ như ngọn lửa tế thần được cháy rực.
2933. Tợ như con hổ hùng tráng quý cao, tợ như con sư tử đã được sanh ra cao quý, Ngài đã ngồi xuống ở phía trước Hội Chúng gồm các vị tỳ khưu cao quý trong số các bậc Sa-môn.
2934. Sau khi nhìn thấy, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín và đã chắp tay lên. Sau khi đảnh lễ ở bàn chân của bậc Đạo Sư, tôi đã ra đi, mặt hướng phía bắc.
2935. Kể từ khi tôi đã cúng dường hương thơm cho đến chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường hương thơm.
2936. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Gandhadhūpiya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Gandhadhūpiya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2937. (Tôi đã nhìn thấy) bậc Toàn Giác có màu da vàng chói, chói sáng như là ngọn lửa từ bơ lỏng, cháy rực như là ngọn lửa tế thần, đang di chuyển bằng đường không trung.[30]
2938. Tôi đã dùng bàn tay múc nước và đã hắt lên không trung. Đấng Đại Hùng, đức Phật, đấng Bi Mẫn, bậc Ẩn Sĩ đã tiếp nhận.
2939. Đứng ở trên không trung, bậc Đạo Sư tên Padumuttara sau khi biết được ý định của tôi đã nói lên lời kệ này:
2940. “Do sự dâng cúng nước này và do sự sanh khởi niềm phỉ lạc, ngươi không bị sanh vào khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.”
2941. Bạch đấng Chúa Tể của loài người, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, nhờ vào việc làm ấy, sau khi từ bỏ sự hơn thua, con đã đạt được vị thế Bất Động.
2942. Và (trước đây) sáu ngàn năm trăm kiếp, ba đấng Chuyển Luân Vương tên Sahassarāja đã là các vị thống lãnh dân chúng (chinh phục) bốn phương.
2943. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Udakapūjaka[31]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Udakapūjaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
2944. Sau khi đã đi sâu vào khu rừng rậm, tôi sinh sống, là người thợ săn. Sau khi nhìn thấy cây punnāga đã được trổ hoa, tôi đã tưởng nhớ đến đức Phật tối thượng.[32]
2945. Tôi đã thu nhặt bông hoa xinh đẹp tỏa hương thơm ngào ngạt ấy. Sau khi thực hiện ngôi bảo tháp ở trên cát, tôi đã dâng (bông hoa) lên đức Phật.
2946. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
2947. (Trước đây) chín mươi mốt kiếp, tôi đã là vị Tamonuda độc nhất, là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao.
2948. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Punnāgapupphiya[33]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Punnāgapupphiya là phần thứ ba.
--ooOoo--
2949. Tôi đã là người gánh cỏ ở thành phố Haṃsavatī. Tôi sinh sống bằng việc gánh cỏ. Nhờ thế, tôi nuôi dưỡng các đứa trẻ.
2950. Đấng Chiến Thắng tên Padumuttara là bậc thông suốt về tất cả các pháp. Sau khi xua đi điều tăm tối ấy, đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã hiện khởi.
2951. Sau khi ngồi xuống ở căn nhà của mình, vào lúc ấy tôi đã suy nghĩ như vầy: “Đức Phật đã hiện khởi ở thế gian, và vật xứng đáng để dâng cúng thì ta không có.
2952. Đây là tấm vải choàng duy nhất của ta. Ta không có người thí chủ nào. Việc tiếp xúc với địa ngục là khổ sở. Ta sẽ ươm trồng vật cúng dường.”
2953. Sau khi suy nghĩ như thế, tôi đã làm cho tâm của mình được tịnh tín. Tôi đã cầm lấy tấm vải độc nhất và đã dâng cúng đến đức Phật tối thượng.
2954. Sau khi dâng cúng tấm vải độc nhất, tôi đã nói lớn tiếng rằng: “Bạch đấng Anh Hùng, bậc Đại Hiền Trí, nếu Ngài là vị Phật xin Ngài hãy giúp con vượt qua.”
2955. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, trong khi tán dương vật dâng cúng của tôi, đã nói lời tùy hỷ với tôi rằng:
2956. “Do tấm vải độc nhất này và do các nguyện lực của tác ý, (người này) không đi đến đọa xứ trong một trăm ngàn kiếp.
2957. (Người này) sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc ba mươi sáu lần và sẽ là đấng Chuyển Luân Vương ba mươi ba lần.
2958. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm. Trong khi luân hồi ngươi sẽ hiện hữu ở thế giới chư Thiên hoặc ở loài người.
2959. Có sắc đẹp, hội đủ đức hạnh, có thân hình không bị kém sút, ngươi sẽ đạt được vải vóc không bị suy suyển, không thể ước lượng, theo như ước muốn.”
2960. Sau khi nói điều này, bậc Toàn Giác tên Padumuttara, bậc Trí Tuệ, đã bay lên không trung như là chim thiên nga chúa ở trên bầu trời.
2961. Nơi chốn nào tôi đi tái sanh dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, tôi không có sự thiếu hụt về của cải; điều này là quả báu của một tấm vải.
2962. Vải vóc hiện ra cho tôi theo mỗi lần giở lên của bước chân. Tôi đứng trên tấm vải ở bên dưới, có tấm che ở phía trên cho tôi.
2963. Và trong ngày hôm nay, nếu muốn tôi có thể che phủ bằng các loại vải vóc đối với bầu vũ trụ, luôn cả rừng rậm cùng với núi non.
2964. Nhờ vào chỉ một tấm vải ấy, trong khi luân hồi ở cõi này cõi khác tôi có được màu da vàng chói, rồi tôi luân hồi ở cõi này cõi khác.
2965. Quả thành tựu của một tấm vải đã không đi đến sự hư hoại ở bất cứ nơi đâu. Đây là lần sanh sau cùng của tôi, (quả thành tựu ấy) được chín muồi cho tôi ở ngay cả nơi đây.
2966. Kể từ khi tôi đã dâng cúng tấm vải trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của một tấm vải.
2967. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
2968. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekadussadāyaka[34]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekadussadāyaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
2969. Lúc bấy giờ, đấng Toàn Giác tên Vipassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, được tùy tùng bởi các bậc Lậu Tận, đã cư ngụ tại tu viện của Hội Chúng.
2970. Rồi đấng Lãnh Đạo Thế Gian Vipassī cùng với tám trăm ngàn bậc Lậu Tận đã đi ra từ cánh cổng tu viện.
2971. Là vị quấn y phục bằng da dê và cũng là vị mặc y phục bằng vỏ cây, tôi đã cầm lấy nước bông hoa kusumbha rồi đã đi đến gần bậc Toàn Giác.
2972. Sau khi đã làm cho tâm của mình được tịnh tín, tràn đầy niềm phấn khởi, tay chắp lên, tôi đã cầm lấy nước bông hoa kusumbha và đã rưới lên đức Phật.
2973. Do việc làm ấy, bậc Toàn Giác tên Padumuttara đã tán dương việc làm của tôi, rồi đã ra đi theo như ý định.
2974. Kể từ khi tôi đã cúng dường năm ngàn giọt (nước), tôi đã (trở thành vị Thiên Vương) cai quản Thiên quốc đúng hai ngàn năm trăm kiếp.
2975. Tôi đã là đấng Chuyển Luân Vương đúng hai ngàn năm trăm kiếp. Với nghiệp còn dư sót, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
2976. Vào lúc tôi là vị Thiên Vương, vào lúc tôi là vị thống lãnh nhân loại, tôi có tên là Phusita, chính tên gọi ấy là thuộc về tôi.
2977. Trong khi là vị Thiên nhân cũng như khi là loài người, mưa đổ xuống như nhỏ giọt ở xung quanh tôi một sải tay.
2978. Các lần tái sanh của tôi đã được tiêu diệt, các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận; điều này là quả báu của giọt nước.
2979. Mùi thơm tỏa ra từ thân thể của tôi giống như mùi của trầm hương. Mùi thơm của tôi từ cơ thể tỏa ra (khoảng cách) một nửa kosa.[35]
2980. Là người có được nghiệp phước thiện đang tỏa ra hương thơm của cõi trời, mọi người sau khi ngửi được mùi hương biết được là Phusita đã đi đến đây.
2981. Các cành cây, các lá cây, các nhánh cây, và luôn cả toàn bộ các loại cỏ, thuận theo ý định của tôi, có hương thơm được sanh lên trong giây lát.
2982. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường trầm hương trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của giọt nước.
2983. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Phusitakampiya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Phusitakampiya là phần thứ năm.
--ooOoo--
2984. Ngôi bảo tháp của đức Thế Tôn Padumuttara, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy, đã ngự ở trong khu rừng đông đúc thú dữ.
2985. Không người nào đã dám đi đến để đảnh lễ ngôi bảo tháp. Bị bao phủ bởi cỏ, cây cối, và dây leo, ngôi bảo tháp đã bị sụp đổ.
2986. Khi ấy, tôi đã là người thợ rừng theo nghề của cha và ông nội. Tôi đã nhìn thấy ngôi bảo tháp đổ nát, bị chằng chịt bởi cỏ và dây leo ở trong khu rừng.
2987. Sau khi nhìn thấy ngôi bảo tháp của đức Phật, tôi đã thiết lập tâm cung kính rằng: “Đây là ngôi bảo tháp của đức Phật tối thượng, nó đã bị sụp đổ và còn tồn tại ở trong khu rừng.
2988. Thật không đúng đắn, không hợp lẽ đối với người biết được điều phải quấy! Ta hãy dọn sạch ngôi bảo tháp của đức Phật rồi hãy chăm lo công việc khác.”
2989. Sau khi dọn sạch cỏ, cây cối, và dây leo ở ngôi bảo tháp, tôi đã đảnh lễ tám lượt rồi đã cúi mình ra đi.
2990. Do việc làm ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại, tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
2991. Tại nơi ấy, có cung điện bằng vàng vô cùng rực rỡ đã được kiến tạo khéo léo dành cho tôi, có chiều cao là sáu mươi do-tuần, chiều rộng ba mươi do-tuần.
2992. Tôi đã cai quản Thiên quốc ba trăm lượt. Và tôi đã là đấng Chuyển Luân Vương hai mươi lăm lần.
2993. Trong khi luân hồi ở cõi này cõi khác, tôi đạt được của cải lớn lao, tôi không có sự thiếu hụt về của cải; điều này là quả báu của việc dọn sạch (ngôi bảo tháp).
2994. Khi tôi đang di chuyển bằng kiệu khiêng, bằng lưng voi ở trong khu rừng, bất cứ hướng nào tôi đi đến, khu rừng đều có sự trợ giúp đến tôi.
2995. Được gắn liền với nghiệp phước thiện, gốc cây hoặc thậm chí gai nhọn mà tôi không nhìn thấy bằng mắt, tự chính chúng được dời đi.
2996. Và bệnh cùi, nhọt, chàm, động kinh, ghẻ, lở, ngứa không xảy đến cho tôi; điều này là quả báu của việc dọn sạch (ngôi bảo tháp).
2997. Còn có điều phi thường khác nữa cho tôi khi ngôi bảo tháp đã được dọn sạch là tôi không biết đến khối u mọc lên ở cơ thể của tôi.
2998. Còn có điều phi thường khác nữa cho tôi khi ngôi bảo tháp đã được dọn sạch là tôi luân hồi ở hai cõi, ở bản thể Thiên nhân và loài người.
2999. Còn có điều phi thường khác nữa cho tôi khi ngôi bảo tháp đã được dọn sạch là tôi có màu da vàng chói, có sự phát ra ánh sáng ở khắp mọi nơi.
3000. Còn có điều phi thường khác nữa cho tôi khi ngôi bảo tháp đã được dọn sạch là sự khó chịu biến mất và sự khoan khoái hiện hữu.
3001. Còn có điều phi thường khác nữa cho tôi khi ngôi bảo tháp đã được dọn sạch là tâm tôi được trong sạch, có sự chăm chú, khéo được định tĩnh.
3002. Còn có điều phi thường khác nữa cho tôi khi ngôi bảo tháp đã được dọn sạch là sau khi ngồi ở ngay chỗ ngồi ấy tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
3003. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc làm sạch sẽ.
3004. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pabhaṅkara đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pabhaṅkara là phần thứ sáu.
--ooOoo--
3005. Tôi đã là người làm công cho người khác ở thành phố Bandhumatī. Tôi bị vướng bận trong việc quán xuyến công việc của người khác và (sống) lệ thuộc vào vật thực của người khác.
3006. Sau khi đi đến nơi vắng vẻ rồi ngồi xuống, vào lúc ấy tôi đã suy nghĩ như vầy: “Đức Phật đã hiện khởi ở thế gian và hành động hướng thượng của ta là không có.”
3007. Thời điểm để dọn sạch cảnh giới tái sanh, cơ hội đã được sắp xếp cho ta. Việc tiếp xúc với địa ngục là khổ sở cho những chúng sanh thật sự không có phước báu.”
3008. Sau khi suy nghĩ như thế, tôi đã đi đến gặp người chủ công việc. Sau khi yêu cầu về công việc trong một ngày, tôi đã đi vào khu rừng.
3009. Khi ấy, tôi đã mang lại cỏ, cây gỗ, và dây leo. Sau khi dựng lên ba cây gậy, tôi đã thực hiện cái lều bằng cỏ.
3010. Sau khi cúng hiến cái lều nhỏ ấy vì sự lợi ích của Hội Chúng, tôi đã trở về nội trong ngày hôm ấy và đã đi đến gặp người chủ công việc.
3011. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp, tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi. Do nhờ (quả báu của việc dâng cúng) cái lều nhỏ bằng cỏ, tại nơi ấy có cung điện được kiến tạo khéo léo dành cho tôi đã được hóa hiện ra.
3012. (Cung điện ấy) có một ngàn khu vực, có một trăm quả cầu tròn được trang hoàng với những lá cờ, được làm với màu lục, có một trăm ngàn tháp nhọn đã hiện diện ở cung điện của tôi.
3013. Nơi chốn nào tôi đi tái sanh dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, có tòa lâu đài hiện diện kế bên đúng theo ý định của tôi.
3014. Sự sợ hãi, hoặc trạng thái u mê, hoặc lông rởn ốc là không được biết đến, tôi không biết đến sự run sợ của tôi; điều này là quả báu của cái lều nhỏ bằng cỏ.
3015. Các con sư tử, cọp, báo, gấu, chó sói, linh cẩu, tất cả đều tránh xa tôi; điều này là quả báu của cái lều nhỏ bằng cỏ.
3016. Các loài bò sát và các hạng ma quỷ, các con rắn, các ác thần, và các quỷ sứ, các hạng này cũng tránh xa tôi; điều này là quả báu của cái lều nhỏ bằng cỏ.
3017. Tôi không nhớ tôi có sự nhìn thấy giấc mộng xấu xa (lần nào), niệm của tôi hiện hữu; điều này là quả báu của cái lều nhỏ bằng cỏ.
3018. Chỉ nhờ vào cái lều nhỏ bằng cỏ, tôi thọ hưởng sự thành đạt, tôi đã đắc chứng Giáo Pháp của đức Thế Tôn Gotama.
3019. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của cái lều nhỏ bằng cỏ.
3020. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tiṇakuṭidāyaka[36]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tiṇakuṭidāyaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
3021. Lúc bấy giờ, ở thành phố Haṃsavatī tôi đã là vị Bà-la-môn, là vị giảng huấn, thông thạo về chú thuật, thông suốt về ba tập Vệ-đà.
3022. Tôi là người có dòng dõi, khéo được học tập, được các người học trò của mình trọng vọng. Khi ấy, tôi đã đi ra khỏi thành phố nhằm mục đích rửa tội bằng nước.
3023. Đấng Chiến Thắng tên Padumuttara là bậc thông suốt về tất cả các pháp. Được tháp tùng bởi một ngàn bậc Vô Lậu, đấng Chiến Thắng đã đi vào thành phố.
3024. Tôi đã nhìn thấy vị có dáng vóc vô cùng tao nhã như là đã được tạo nên bởi sự không còn dục vọng, được tháp tùng bởi các vị A-la-hán. Sau khi nhìn thấy, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín.
3025. Tôi đã chắp tay lên ở đầu và đã cúi chào bậc có sự hành trì tốt đẹp. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng cúng tấm áo choàng.
3026. Sau khi nâng lên bằng cả hai tay, tôi đã thảy tấm vải choàng lên. Hội chúng của đức Phật đứng đến nơi đâu thì tấm vải choàng đã che đến nơi ấy.
3027. Khi ấy, trong lúc làm tấm che cho Hội Chúng tỳ khưu đông đảo, v.v... đang đi khất thực, (tấm vải choàng) đã đứng yên, khiến cho tôi được vui mừng.
3028. Trong khi tôi đang từ nhà bước ra, đấng Tự Chủ, nhân vật cao cả, bậc Đạo Sư, đứng ở tại đường lộ, đã nói lời tùy hỷ với tôi rằng:
3029. “Người nào với tâm tịnh tín, với ý vui mừng đã dâng cúng tấm vải choàng đến Ta, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
3030. (Người ấy) sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên ba mươi ngàn kiếp, và sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc năm mươi lần.
3031. Người có được nghiệp phước thiện, trong khi đang sống ở thế giới chư Thiên, sẽ có được sự che phủ bằng tấm vải ở xung quanh một trăm do-tuần.
3032. Và (người ấy) sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương ba mươi sáu lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
3033. Người có được nghiệp phước thiện, trong khi luân hồi ở cõi hữu, sẽ tức thời đạt được mọi điều ước nguyện ở trong tâm.
3034. Người nam này sẽ đạt được các tấm vải làm bằng tơ lụa, bằng sợi len, bằng chỉ lanh, và bằng bông vải có giá trị cao.
3035. Người nam này sẽ đạt được mọi ước nguyện ở trong tâm và sẽ thọ hưởng quả thành tựu của (việc dâng cúng) một tấm vải vào mọi thời điểm.
3036. Về sau, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, người ấy sẽ xuất gia và sẽ đắc chứng Giáo Pháp của đức Thế Tôn Gotama.”
3037. Ôi việc làm của tôi đã được thực hiện tốt đẹp đến đấng Toàn Tri, bậc Đại Ẩn Sĩ. Sau khi dâng cúng một tấm vải choàng, tôi đã đạt được vị thế Bất Tử.
3038. Trong lúc tôi sống ở mái che, ở gốc cây, hoặc ở ngôi nhà trống vắng, có tấm che bằng vải được duy trì ở xung quanh tôi một sải tay.
3039. Tôi sử dụng y và vật dụng không phải do gợi ý xin xỏ, tôi có sự thành đạt về cơm ăn nước uống; điều này là quả báu của tấm áo choàng.
3040. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng tấm vải.
3041. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Uttareyyadāyaka[37]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Uttareyyadāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
3042. Đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc thông suốt về tất cả các pháp, trong khi công bố về bốn Sự Thật, đã giúp cho nhiều người vượt qua.
3043. Lúc bấy giờ, tôi là vị đạo sĩ tóc bện có sự khổ hạnh cao tột. Khi ấy tôi di chuyển ở hư không, (vừa đi) vừa phất phơ các y phục bằng vỏ cây.
3044. Tôi không thể di chuyển ở phía trên của đức Phật tối thượng. Lúc ấy, tợ như con chim bị va vào tảng đá, tôi đã không đạt được sự di chuyển.
3045. Sự hư hoại về oai nghi này chưa từng xảy ra cho tôi trước đây. Giống như người nổi trên mặt nước, tôi (thường) di chuyển ở không trung như vậy.
3046. “Chắc là có người có bản chất cao thượng đang ngồi ở phía bên dưới. Hừ! Ta sẽ tìm hiểu việc này. Ít ra ta cũng có thể đạt được nguyên nhân.”
3047. Trong khi từ không trung đáp xuống, tôi đã nghe tiếng nói của bậc Đạo Sư đang thuyết giảng về tính chất vô thường, khi ấy tôi đã học tập điều ấy.
3048. Sau khi đã học tập sự suy tưởng về vô thường, tôi đã đi về khu ẩn cư của tôi. Sau khi sống đến hết tuổi thọ, tôi đã mệnh chung ở tại nơi ấy.
3049. Khi đang ở vào thời điểm cuối cùng, tôi đã nhớ lại sự lắng nghe Giáo Pháp ấy. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp, tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
3050. Tôi đã sướng vui ở thế giới chư Thiên ba mươi ngàn kiếp. Và tôi đã cai quản Thiên quốc năm mươi mốt lần.
3051. Và tôi đã là đấng Chuyển Luân Vương bảy mươi mốt lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
3052. Sau khi ngồi xuống ở căn nhà của người cha, vị Sa-môn có giác quan đã được tu tập, trong khi giải thích về câu kệ ngôn, đã đề cập đến tính chất vô thường.
3053. Trong khi luân hồi ở cõi này cõi khác, tôi có nhớ lại sự suy tưởng (về vô thường) ấy, (nhưng) tôi (đã) không thấu triệt điểm cốt yếu là Niết Bàn, vị thế Bất Tử.
3054. “Quả vậy, các pháp hữu vi là vô thường, có pháp sanh và diệt, sau khi sanh lên chúng hoại diệt, sự tịnh lặng của chúng là an lạc.”[38]
3055. Sau khi lắng nghe câu kệ ngôn, tôi đã nhớ lại việc làm quá khứ. Sau khi ngồi ở ngay chỗ ngồi ấy, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
3056. Vào lúc bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán. Sau khi nhận biết đức hạnh (của tôi), đức Phật, bậc Hữu Nhãn, đã cho tu lên bậc trên.
3057. Trong khi chỉ là đứa bé trai, tôi đã hoàn tất việc cần làm. Hôm nay, còn có việc gì tôi cần phải làm ở Giáo Pháp của người con trai dòng Sakya?
3058. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; (điều này) là quả báu của việc lắng nghe Chánh Pháp.
3059. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Dhammasavaṇiya[39]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Dhammasavaṇiya là phần thứ chín.
--ooOoo--
3060. Tôi đã là người làm tràng hoa ở thành phố Haṃsavatī. Tôi đã lội xuống hồ sen và đã hái những đóa hoa sen.
3061. Đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc thông suốt về tất cả các pháp, cùng với một trăm ngàn bậc có tâm an tịnh như thế ấy.
3062. Khi ấy, trong khi lưu tâm đến sự tiến hóa của tôi, Ngài cùng với các bậc Lậu Tận trong sạch có sáu thắng trí, đã đi đến chỗ của tôi.
3063. Sau khi nhìn thấy vị Trời của chư Thiên, bậc Tự Chủ, đấng Lãnh Đạo Thế Gian, khi ấy tôi đã ngắt đóa hoa sen ở cuống và đã thảy lên không trung.
3064. “Bạch đấng Anh Hùng, nếu Ngài là đức Phật, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, xin cho các đóa sen tự đi đến và duy trì ở trên đỉnh đầu Ngài.”
3065. Đấng Đại Hùng, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu đã chú nguyện. Do nhờ oai lực của đức Phật, chúng đã duy trì ở trên đỉnh đầu.
3066. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại, tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
3067. Có cung điện được kiến tạo khéo léo dành cho tôi đây. Nó được gọi tên là “Satapattaṃ” có chiều cao sáu mươi do-tuần, chiều rộng ba mươi do-tuần.
3068. Tôi đã là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc một ngàn lần. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương bảy mươi lăm lần.
3069. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm. Tôi thọ hưởng nghiệp của mình, (là nghiệp) đã khéo được thực hiện bởi bản thân trong thời quá khứ.
3070. Chỉ nhờ vào một đóa sen hồng ấy, sau khi thọ hưởng sự thành đạt, tôi đã đắc chứng Giáo Pháp của đức Thế Tôn Gotama.
3071. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3072. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của một đóa sen hồng.
3073. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ukkhittapadumiya[40]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ukkhittapadumiya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Nhang thơm, (vị cúng dường) nước, bông hoa punnāga, vị có tấm vải độc nhất, giọt nước (thơm), vị Pabhaṅkara, vị dâng cúng cái lều (cỏ), vị có tấm áo choàng, vị có sự lắng nghe, vị có một đóa sen hồng; các câu kệ được gộp chung lại ở phẩm này là một trăm câu kệ và bốn mươi bốn câu nữa.
Phẩm Gandhadhūpiya là phẩm thứ ba mươi bốn.
--ooOoo--
3074. Đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc thông suốt về tất cả các pháp, trong khi giảng giải ở cõi này cõi khác, Ngài đã giúp cho nhiều người vượt qua.
3075. Khi ấy, tôi là con thiên nga chúa cao quý trong số các loài chim (lưỡng sanh). Tôi lặn xuống hồ nước thiên nhiên và vui giỡn trò đùa của loài thiên nga.
3076. Vào khi ấy, đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đấng Chiến Thắng, đã đi đến ở bên trên của hồ nước thiên nhiên.
3077. Sau khi nhìn thấy vị Trời của chư Thiên, bậc Tự Chủ, đấng Lãnh Đạo Thế Gian, tôi đã ngắt đóa sen hồng trăm cánh đáng yêu ở cuống hoa.
3078. Được tịnh tín vào đấng Lãnh Đạo Thế Gian, sau khi dùng mỏ gắp lấy và thảy lên bầu trời, tôi đã cúng dường đến đức Phật tối thượng.
3079. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đứng ở không trung đã nói lời tùy hỷ đến tôi rằng:
3080. “Do một đóa sen hồng này và do các nguyện lực của tác ý, ngươi không đi đến đọa xứ trong một trăm ngàn kiếp.”
3081. Nói xong điều ấy, bậc Toàn Giác tên Padumuttara, sau khi tán dương việc làm của tôi, đã ra đi theo như ý định.
3082. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3083. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekapadumiya[41]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekapadumiya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
3084. Lúc bấy giờ, tôi đã là con khỉ ở bờ sông Candabhāgā. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, đang ngồi ở trong vùng đồi núi.
3085. (Đức Phật) đang làm cho tất cả các phương rực sáng tợ như cây sālā chúa đã được trổ hoa. Sau khi nhìn thấy bậc hội đủ các tướng mạo chính và phụ, tôi đã trở nên hoan hỷ.
3086. Với tâm phấn chấn, với ý vui mừng, có tâm ý mừng rỡ vì phỉ lạc, tôi đã nâng ba đóa sen xanh lên ở trên đầu.
3087. Sau khi dâng lên các bông hoa đến bậc Đại Ẩn Sĩ Vipassī, sau khi đạt đến sự tôn kính, tôi đã ra đi, mặt hướng phía bắc.
3088. Trong khi đang cúi mình ra đi với tâm ý trong sạch, tôi đã rơi xuống ở giữa tảng đá và đã đi đến sự chấm dứt mạng sống.
3089. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại, tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
3090. Tôi đã cai quản Thiên Quốc ba trăm lần và đã là đấng Chuyển Luân Vương năm trăm lần.
3091. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3092. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ti-uppalamāliya[42]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ti-uppalamāliya là phần thứ nhì.
--ooOoo--
3093. Đấng Đạo Sư tên Tissa đã là bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu. Sau khi nhìn thấy sự đoạn tận mầm mống tái sanh (sự Viên Tịch Niết Bàn) của Ngài, tôi đã treo lên lá cờ.
3094. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại, tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
3095. Tôi đã cai quản Thiên Quốc ba trăm lần và đã là đấng Chuyển Luân Vương năm trăm lần.
3096. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm. Tôi thọ hưởng nghiệp của mình, (là nghiệp) đã khéo được thực hiện bởi bản thân trong thời quá khứ.
3097. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng lá cờ.
3098. Và giờ đây, trong lúc mong muốn tôi có thể che đậy (mặt đất) có rừng rậm luôn cả núi non bằng loại vải sợi lanh; vào khi ấy quả báu của tôi đã được thể hiện.
3099. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Dhajadāyaka[43]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Dhajadāyaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
3100. Ở không xa núi Hi-mã-lạp, có ngọn núi tên là Bhūtagaṇa. Tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy tấm y may từ vải bị quăng bỏ vướng ở ngọn cây.
3101. Khi ấy, tôi đã thu nhặt ba bông hoa kiṅkiṇi và đã trở nên mừng rỡ, với tâm mừng rỡ, tôi đã cúng dường tấm y may từ vải bị quăng bỏ.
3102. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của ba đóa hoa.
3103. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tikiṅkiṇipūjaka[44]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tikiṅkiṇipūjaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
3104. Ở không xa núi Hi-mã-lạp có ngọn núi tên là Hārita. Khi ấy, đấng Tự Chủ tên Nārada đã cư ngụ ở gốc cây.
3105. Tôi đã thực hiện gian nhà bằng cây sậy và đã lợp bằng cỏ. Sau khi dọn sạch sẽ con đường kinh hành, tôi đã dâng cúng đến đấng Tự Chủ.
3106. Tôi đã sướng vui ở thế giới chư Thiên trong mười bốn kiếp, và đã cai quản Thiên Quốc bảy mươi bốn lần.
3107. Và tôi đã là đấng Chuyển Luân Vương bảy mươi bảy lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
3108. Cung điện của tôi có chiều cao tợ như chiếc cầu vồng đã xuất hiện, có ngàn cây cột trụ, không thể so sánh, là cung điện có sự rực rỡ.
3109. Được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, sau khi thọ hưởng hai sự thành tựu, tôi đã xuất gia trong Giáo Pháp của đức Thế Tôn Gotama.
3110. Có tính khẳng quyết về sự nỗ lực, được an tịnh, không còn mầm mống tái sanh, sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3111. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Naḷāgārika[45]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Naḷāgārika là phần thứ năm.
--ooOoo--
3112. Ở không xa núi Hi-mã-lạp có ngọn núi tên là Cāpala. Đức Phật tên Sudassana đã cư trú ở trong vùng đồi núi.
3113. Sau khi hái bông hoa ở núi Hi-mã-lạp, tôi đã nhìn thấy đức Phật, đấng Vô Nhiễm, bậc đã vượt qua dòng nước lũ, không còn lậu hoặc, đang di chuyển ở không trung.
3114. Khi ấy, tôi đã đặt tám bông hoa campaka ở trên đầu rồi đã dâng lên đức Phật, đấng Tự Chủ, bậc Đại Ẩn Sĩ.
3115. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3116. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Campakapupphiya[46]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Campakapupphiya là phần thứ sáu.
--ooOoo--
3117. Ở không xa núi Hi-mã-lạp có ngọn núi tên là Romasa. Khi ấy, cũng có vị Phật tên Sambhava đã cư ngụ ở ngoài trời.
3118. Tôi đã lìa khỏi chỗ cư ngụ và đã mang đến (dâng) đóa sen hồng. Sau khi đã cầm giữ (đóa sen) một ngày, tôi đã quay trở về chỗ trú ngụ.
3119. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3120. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Padumapūjaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Padumapūjaka là phần thứ bảy.
(Tụng phẩm thứ mười ba).
--ooOoo--
3121. Ở không xa núi Hi-mã-lạp có ngọn núi tên là Lambaka. Bậc Toàn Giác tên Upatissa đã đi kinh hành ở bên ngoài trời.
3122. Lúc bấy giờ, tôi đã là thợ săn thú rừng ở trong khu rừng hoang rậm. Tôi đã nhìn thấy vị Trời của chư Thiên, đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại ấy.
3123. Với tâm ý trong sạch, khi ấy tôi đã dâng cúng nắm cỏ để làm chỗ ngồi đến đức Phật, bậc Đại Ẩn Sĩ ấy.
3124. Sau khi dâng cúng đến vị Trời của chư Thiên, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín nhiều hơn nữa. Tôi đã đảnh lễ bậc Toàn Giác rồi đã ra đi, mặt hướng phía bắc.
3125. Vừa mới ra đi không bao lâu, (con sư tử) vua của loài thú đã tấn công tôi. Trong lúc bị con sư tử vật ngã, tôi đã mệnh chung ở tại nơi ấy.
3126. (Do) việc làm đã được tôi thực hiện đến đức Phật tối thượng, bậc không còn lậu hoặc, là vừa mới xảy ra đây, tợ như tốc độ của mũi tên khéo được bắn ra, tôi đã đi đến thế giới của chư Thiên.
3127. Ở tại nơi ấy, tòa lâu đài xinh đẹp có một ngàn khu vực, có một trăm quả cầu tròn, được trang hoàng với những lá cờ, có màu lục, đã được hóa hiện ra do nghiệp phước thiện.
3128. Ánh sáng của tòa lâu đài tỏa ra tợ như ánh mặt trời đã mọc lên cao. Được quây quần với các nàng tiên nữ trẻ, tôi đã sướng vui theo ước muốn của dục vọng.
3129. Sau khi mệnh chung từ thế giới chư Thiên, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, tôi đã đi đến bản thể loài người và đã đạt được sự đoạn tận các lậu hoặc.
3130. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng chỗ ngồi trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của nắm cỏ.
3131. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tiṇamuṭṭhidāyaka[47]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tiṇamuṭṭhidāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
3132. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, đấng đã vượt qua dòng nước lũ, không còn lậu hoặc, đang ngồi ở trong vùng đồi núi tợ như cây kaṇikāra đang cháy sáng.
3133. Sau khi nhìn thấy cây tinduka có trái, tôi đã ngắt cả chùm. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng cúng đến (đức Phật) Vessabhū.
3134. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
3135. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tindukaphaladāyaka[48]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tindukaphaladāyaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
3136. Lúc bấy giờ, bậc Toàn Giác tên Revata đã cư ngụ ở bờ sông. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm tợ như mặt trời có tia sáng màu vàng.
3137. (Đức Phật) trông tợ thỏi vàng đặt ở cửa miệng lò nung, như là than gỗ khadira cháy rực, tợ như vì sao osadhī đang chiếu sáng, tôi đã thể hiện sự chắp tay lại.
3138. (Kể từ khi) tôi đã thể hiện sự chắp tay ấy trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc chắp tay.
3139. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekañjaliya[49]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekañjaliya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị có đóa sen hồng, vị có tràng hoa sen xanh, lá cờ, vị có bông hoa kiṅkiṇi, (gian nhà bằng) cây sậy, bông hoa campaka, đóa sen hồng, nắm (cỏ), cây tinduka, và vị chắp tay lại là tương tợ; (tổng cộng) có sáu mươi sáu câu kệ đã được tính đếm bởi các bậc trí.
Phẩm Ekapadumiya là phẩm thứ ba mươi lăm.
--ooOoo--
3140. Trong thời quá khứ, tôi đã là thợ săn thú rừng ở trong khu rừng hoang rậm. Tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy bậc Toàn Giác được vây quanh bởi hội chúng chư Thiên.
3141. Trong lúc Ngài đang công bố về bốn Sự Thật (và) đang tiếp độ đám đông dân chúng, tôi đã lắng nghe lời nói ngọt ngào tương tợ tiếng hót của loài chim karavīka.
3142. Sau khi làm cho tâm được tịnh tín vào âm vang giọng nói Phạm Thiên của bậc Hiền Trí Sikhī, đấng quyến thuộc của thế gian, tôi đạt được sự đoạn tận các lậu hoặc.
3143. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của niềm tịnh tín.
3144. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Saddasaññaka[50]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Saddasaññaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
3145. Lúc bấy giờ, tôi đã là người trồng lúa mạch ở thành phố Aruṇavatī. Sau khi nhìn thấy bậc Toàn Giác ở đường lộ, tôi đã trải xuống bó rơm lúa mạch.
3146. Biết được ý định của tôi, bậc có lòng thương tưởng, đấng Bi Mẫn, bậc Lãnh Đạo cao cả của thế gian Sikhī, đã ngồi xuống ở tấm trải bằng rơm lúa mạch.
3147. Sau khi nhìn thấy bậc Vô Nhiễm, vị có thiền chứng vĩ đại, đấng Hướng Đạo, đã ngồi xuống, sau khi làm cho sanh khởi niềm hưng phấn, tại nơi ấy tôi đã mệnh chung.
3148. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc trải thảm rơm lúa mạch.
3149. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Yavakalāpiya[51]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Yavakalāpiya là phần thứ nhì.
--ooOoo--
3150. Sau khi nhìn thấy cây kiṃsuka đã được trổ hoa, tôi đã chắp tay lên. Sau khi suy tưởng về đức Phật Siddhattha, tôi đã cúng dường ở không trung.
3151. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3152. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kiṃsukapūjaka[52]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kiṃsukapūjaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
3153. Và sau khi nhìn thấy dấu chân đã bước qua của đấng quyến thuộc thế gian Sikhī, tôi đã khoác tấm da dê một bên vai và đã đảnh lễ dấu chân tối thượng.
3154. Sau khi nhìn thấy cây koraṇḍa, một loài thảo mộc mọc ở trên trái đất, đã được trổ hoa, tôi đã ngắt một chùm và đã cúng dường ở dấu chân có hình bánh xe.
3155. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường dấu chân.
3156. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sakoṭakakoraṇḍadāyaka[53]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sakoṭakakoraṇḍadāyaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
3157. Lúc bấy giờ, tôi đã đi sâu vào khu rừng hoang rậm và đã đốn cây tre. Sau khi cầm lấy thanh đòn ngang, tôi đã dâng cúng đến Hội Chúng.
3158. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, tôi đã đảnh lễ các bậc có sự hành trì tốt đẹp. Tôi cũng đã dâng cúng thanh đòn ngang, rồi đã ra đi, mặt hướng phía bắc.
3159. Kể từ khi tôi đã dâng cúng cây gậy trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng cây gậy.
3160. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Daṇḍadāyaka[54]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Daṇḍadāyaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
3161. Bậc Giác Ngộ tên Sataraṃsī, đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại, sau khi xuất khỏi định đã đi đến tôi về việc khất thực.
3162. Sau khi nhìn thấy vị Phật Độc Giác có tâm thanh tịnh, tôi đã dâng cúng món cháo xoài đến Ngài với tâm ý trong sạch.
3163. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây 94 kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của món cháo xoài.
3164. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ambayāgudāyaka[55]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ambayāgudāyaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
3165. Đấng Lãnh Đạo Thế Gian Vipassī, trong khi lìa khỏi việc nghỉ ngơi ban ngày, trong khi đi đó đây về việc khất thực, Ngài đã đi đến gần chỗ của tôi.
3166. Do điều ấy, được sung sướng, có tâm ý vui mừng, tôi đã dâng cúng chiếc hộp đựng muối xinh đẹp đến đức Phật tối thượng như thế ấy, (và) tôi đã sướng vui ở cõi trời một kiếp.
3167. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng chiếc hộp xinh đẹp trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của chiếc hộp.
3168. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Supuṭakapūjaka[56]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Supuṭakapūjaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
3169. Do được tịnh tín, tôi đã tự tay mình dâng cúng một chiếc giường đến đức Thế Tôn Vipassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy.
3170. Tôi đã đạt được phương tiện di chuyển bằng voi, phương tiện di chuyển bằng ngựa, phương tiện di chuyển của cõi trời. Do nhờ sự dâng cúng cái giường nhỏ ấy, tôi đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc.
3171. Kể từ khi tôi đã dâng cúng chiếc giường trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng chiếc giường.
3172. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Mañcadāyaka[57]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Mañcadāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
3173. Lúc bấy giờ, tôi là đạo sĩ lõa thể. Vị tỳ khưu và tôi đã bước lên chiếc thuyền. Trong khi chiếc thuyền đang bị đắm, vị tỳ khưu đã ban cho tôi sự nương nhờ.
3174. (Kể từ khi) vị ấy ban cho sự nương nhờ đến tôi trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc đi đến nương nhờ.
3175. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Saraṇagamaniya[58]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Saraṇagamaniya là phần thứ chín.
--ooOoo--
3176. Lúc bấy giờ, bậc Toàn Giác tên Tissa đã cư ngụ ở trong khu rừng lớn. Sau khi Ngài đã từ chính cõi trời Đẩu Suất về lại nơi đây, tôi đã dâng cúng vật thực.
3177. Sau khi đảnh lễ bậc Toàn Giác có danh vọng lớn lao tên Tissa, sau khi đã làm cho tâm của mình được tịnh tín, tôi đã đi đến cõi trời Đẩu Suất.
3178. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của món vật thực.
3179. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Piṇḍapātika[59]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Piṇḍapātika là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị có sự suy tưởng về âm thanh, vị trồng lúa mạch, các bông hoa kiṃsuka, và bông hoa koraṇḍa, thanh đòn ngang, món cháo xoài, vị có chiếc hộp xinh đẹp, vị dâng cúng chiếc giường, sự nương nhờ, và món vật thực; (tổng cộng) có bốn mươi câu kệ.
Phẩm Saddasaññaka là phẩm thứ ba mươi sáu.
--ooOoo--
3180. Sau khi từ cõi trời Đạo Lợi đi đến nơi đây, người thanh niên tên Maṅgala đã cầm lấy bông hoa mandārava dành cho bậc Đại Ẩn Sĩ Vipassī.
3181. Tôi đã đặt ở trên đỉnh đầu của (đức Phật) đang ngồi nhập định. Sau khi đã duy trì bảy ngày, tôi đã trở về lại thế giới chư Thiên.
3182. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3183. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Mandāravapupphiya[60]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Mandāravapupphiya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
3184. Sau khi từ cõi trời Dạ Ma đi đến vị Gotama vinh quang và quý trọng ở cõi người, tôi đã cầm lấy bông hoa kakkāru và đã dâng lên đức Phật.
3185. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường đức Phật trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3186. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kakkārupupphiya[61]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kakkārupupphiya là phần thứ nhì.
--ooOoo--
3187. Đấng Toàn Giác tên Phussa là bậc thông suốt về tất cả các pháp. Có ước muốn độc cư, bậc Trí Tuệ đã đi đến gần chỗ của tôi.
3188. Sau khi đã làm cho tâm được tịnh tín vào đấng Đại Bi, bậc Chiến Thắng ấy, tôi đã cầm lấy rễ và củ sen rồi đã dâng cúng đến đức Phật tối thượng.
3189. Kể từ khi tôi đã dâng cúng củ sen trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng củ sen.
3190. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bhisamuḷāladāyaka[62]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bhisamuḷāladāyaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
3191. Lúc bấy giờ, tôi đã là vị thầy về pháp thuật ở núi Hi-mã-lạp. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, vị có danh vọng lớn lao đang đi kinh hành.
3192. Khi ấy, tôi đã đặt ba bông hoa kesarī ở trên đầu, rồi đã đi đến gần và đã cúng dường đến bậc Toàn Giác Vessabhū.
3193. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3194. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kesarapupphiya[63]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kesarapupphiya là phần thứ tư.
--ooOoo--
3195. Lúc bấy giờ, bậc Giác Ngộ tên Paduma đã sống ở ngọn núi Cittakūṭa. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại ấy.
3196. Sau khi nhìn thấy cây aṅkola đã được trổ hoa, khi ấy tôi đã thu nhặt (bông hoa). Tôi đã đi đến gặp bậc Giác Ngộ và đã cúng dường đấng Chiến Thắng Paduma.
3197. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3198. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Aṅkolapupphiya[64]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Aṅkolapupphiya là phần thứ năm.
--ooOoo--
3199. Đấng Toàn Giác có màu da vàng chói, tợ như cây cột trụ bằng vàng, có ba mươi hai hảo tướng, đang đi ở khu phố chợ.
3200. Sau khi ngồi xuống ở nơi cao quý của tòa lâu đài, tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian. Tôi đã cầm lấy bông hoa kadamda và đã cúng dường đến đức Phật Vipassī.
3201. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3202. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kadambapupphiya[65]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kadambapupphiya là phần thứ sáu.
--ooOoo--
3203. Lúc bấy giờ, đấng Giác Ngộ tên Anoma đã sống ở bờ sông Gaṅgā. Sau khi cầm lấy bông hoa uddālaka, tôi đã cúng dường đến bậc không bị đánh bại.
3204. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3205. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Uddālapupphiya[66]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Uddālapupphiya là phần thứ bảy.
--ooOoo--
3206. Và bậc Giác Ngộ Upasanta sống ở trong vùng đồi núi. Tôi đã cầm lấy một bông hoa campaka và đã đi đến gần bậc Tối Thượng Nhân.
3207. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã cầm lấy bằng hai tay và đã cúng dường đến đấng Hiền Trí Độc Giác tối thượng, bậc không bị đánh bại.
3208. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3209. Bốn (tuệ) phân tích, ―nt― tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekacampakapupphiya[67]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekacampakapupphiya là phần thứ tám.
--ooOoo--
3210. Tôi đi xuôi theo dòng nước ở bờ sông Candabhāgā. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, tợ như cây sālā chúa đã được trổ hoa.
3211. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã cầm lấy bông hoa timira và đã rải rắc ở đỉnh đầu đấng Hiền Trí Độc Giác tối thượng.
3212. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3213. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Timirapupphiya[68]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Timirapupphiya là phần thứ chín.
--ooOoo--
3214. Lúc bấy giờ, tôi đã là loài kim-sỉ-điểu ở bờ sông Candabhāgā. Tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy vị Trời của chư Thiên, đấng Nhân Ngưu, đang đi kinh hành.
3215. Tôi đã thu hái bông hoa salala và đã dâng cúng đến đức Phật. Đấng Đại Hùng đã ngửi bông hoa salala có hương thơm của cõi trời.
3216. Sau khi thọ nhận, đấng Toàn Giác, bậc Lãnh Đạo Thế Gian Vipassī, đấng Đại Hùng đã ngửi (bông hoa), trong khi tôi đang nhìn xem.
3217. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã đảnh lễ bậc Tối Thượng Nhân. Tôi đã chắp tay lên và đã leo lên ngọn núi lần nữa.
3218. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3219. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Salalapupphiya[69]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Salalapupphiya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Bông hoa mandārava, bông hoa kakkāru, củ sen, bông hoa kesara, bông hoa aṅkola, vị có bông hoa kadamba, bông hoa uddāla, một bông hoa campaka, bông hoa timira, và cả bông hoa salala nữa; (tổng cộng) có bốn mươi câu kệ.
Phẩm Mandāravapupphiya là phẩm thứ ba mươi bảy.
--ooOoo--
3220. Sau khi nhìn thấy cây pāṭalī, một loài thảo mộc mọc ở trên trái đất, được xanh tươi, tôi đã đắp y một bên vai, chắp tay lên, và đã đảnh lễ cây pāṭalī.
3221. Tôi đã chắp tay lên và thể hiện tâm ý cung kính đến bậc trong sạch bên trong, trong sạch bên ngoài, đã khéo được giải thoát, không còn lậu hoặc.
3222. Tôi đã đảnh lễ cây pāṭalī tợ như (đảnh lễ) đấng Toàn Giác Vipassī, bậc được thế gian tôn sùng, là đại dương về lòng bi mẫn và trí tuệ, đang ở trước mặt.
3223. (Kể từ khi) tôi đã đảnh lễ cội Bồ Đề trước đây 91 kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc đảnh lễ.
3224. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bodhivandaka[70]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bodhivandaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
3225. Đức Thế Tôn tên Vipassī là đấng Tự Chủ, nhân vật cao cả. Được tháp tùng bởi những người học trò của mình, đấng Chiến Thắng đã đi vào thành Bandhuma.
3226. Tôi đã đặt ba bông hoa pāṭalī vào lòng của tôi. Chính vì có ý định gội đầu, tôi đã đi đến bến tàu ở dòng sông.
3227. Sau khi đi ra khỏi thành Bandhumatī, tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian được chói sáng như là bông hoa súng, được cháy rực như là ngọn lửa tế thần.
3228. Tợ như con hổ hùng tráng quý cao, tợ như con sư tử đã được sanh ra cao quý, đấng Cao Quý trong số các vị Sa-môn dẫn đầu Hội Chúng tỳ khưu đang bước đi.
3229. Được tịnh tín ở đấng Thiện Thệ, bậc có sự rửa sạch các cấu uế ô nhiễm ấy, tôi đã cầm lấy ba bông hoa và đã cúng dường đến đức Phật tối thượng.
3230. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3231. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pāṭalipupphiya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pāṭalipupphiya là phần thứ nhì.
--ooOoo--
3232. Lúc bấy giờ, tôi đã là con khỉ ở bờ sông Candabhāgā. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, đang ngồi ở trong vùng đồi núi.[71]
3233. (Đức Phật) đang làm cho tất cả các phương rực sáng tợ như cây sālā chúa đã được trổ hoa. Sau khi nhìn thấy bậc hội đủ các tướng mạo chính và phụ, tôi đã trở nên hoan hỷ.
3234. Với tâm phấn chấn, với ý vui mừng, có tâm ý mừng rỡ vì phỉ lạc, tôi đã nâng ba đóa sen xanh lên ở trên đầu.
3235. Sau khi cúng dường các bông hoa đến bậc Đại Ẩn Sĩ Phussa, sau khi thể hiện sự tôn kính, tôi đã ra đi, mặt hướng phía bắc.
3236. Trong khi đang cúi mình ra đi với tâm ý trong sạch, tôi đã rơi xuống ở giữa tảng đá và đã đi đến sự chấm dứt mạng sống.
3237. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ cuộc sống trước đây, tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
3238. Và tôi đã cai quản Thiên quốc ba trăm lần. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương năm trăm lần.
3239. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3240. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ti-uppalamāliya[72]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ti-uppalamāliya là phần thứ ba.
--ooOoo--
3241. Vào lúc đấng Toàn Giác, bậc Đại Ẩn Sĩ Padumuttara đã Niết Bàn, tất cả dân chúng đã tụ hội lại và họ đã di chuyển nhục thân (của Ngài).
3242. Trong khi nhục thân đang được di chuyển, trong khi các chiếc trống đang được vang lên, với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã cúng dường bông hoa paṭṭi.
3243. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; (điều này) là quả báu ở việc đã cúng dường nhục thân (đức Phật).
3244. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3245. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3246. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Paṭṭipupphiya[73]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Paṭṭipupphiya là phần thứ tư.
--ooOoo--
3247. Bậc Toàn Giác tên Sumana, đấng Lãnh Đạo Thế Gian, đã hiện khởi. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã cúng dường bông hoa thất diệp.
3248. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa thất diệp trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của bông hoa thất diệp.
3249. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3250. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3251. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sattapaṇṇiya[74]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sattapaṇṇiya là phần thứ năm.
--ooOoo--
3252. Khi giàn hỏa thiêu đang được thực hiện và khi vật thơm các loại được đặt vào, với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã cúng dường một nắm tay vật thơm.
3253. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường giàn hỏa thiêu trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường lễ hỏa táng.
3254. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3255. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3256. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Gandhamuṭṭhiya[75]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Gandhamuṭṭhiya là phần thứ sáu.
--ooOoo--
3257. Khi đức Thế Tôn tên Padumuttara đã viên tịch Niết Bàn và đã được đưa lên giàn hỏa thiêu, tôi đã cúng dường bông hoa sālā.
3258. Kể từ khi tôi đã cúng dường bông hoa trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường lễ hỏa táng.
3259. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3260. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3261. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Citakapūjaka[76]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Citakapūjaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
3262. Tôi sở hữu chiếc quạt lá cọ vô cùng giá trị được bao phủ với các bông hoa nhài, và tôi đã dâng cúng đến đức Thế Tôn Siddhattha.
3263. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng chiếc quạt lá cọ trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của chiếc quạt lá cọ.
3264. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3265. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3266. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sumanatālavaṇṭiya[77]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sumanatālavaṇṭiya là phần thứ tám.
--ooOoo--
3267. Sau khi thực hiện tràng hoa nhài, tôi đã nắm giữ (tràng hoa) đứng ở phía trước đức Thế Tôn Siddhattha, bậc đã gội rửa (tội lỗi), vị đạo sĩ khổ hạnh.
3268. (Kể từ khi) tôi đã nắm giữ tràng hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc nắm giữ tràng hoa nhài.
3269. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3270. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3271. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sumanadāmiya[78]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sumanadāmiya là phần thứ chín.
--ooOoo--
3272. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, đấng Vô Nhiễm, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu đang ngồi ở trong vùng đồi núi tợ như cây kaṇikāra đang cháy sáng.
3273. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã chắp tay lên ở đầu. Tôi đã cầm lấy trái cây kāsumāri và đã dâng cúng đến đức Phật tối thượng.
3274. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
3275. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3276. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3277. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kāsumāriphaladāyaka[79]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kāsumāriphaladāyaka là phần thứ mười.
--ooOoo--
Cội cây Bồ Đề, bông hoa pāṭalī, vị có (ba) đóa sen xanh, bông hoa paṭṭi, các bông hoa thất diệp, nắm tay vật thơm, giàn hỏa thiêu, (chiếc quạt) lá cọ, vị có tràng hoa nhài, và luôn cả vị có trái cây kāsumāri; (tổng cộng) có năm mươi chín câu kệ.
Phẩm Bodhivandaka là phẩm thứ ba mươi tám.
--ooOoo--
[1] Padumakesariya nghĩa là “vị liên quan đến việc rải rắc nhựy (kesara) sen hồng (paduma).”
[2] Sabbagandhiya nghĩa là “vị liên quan đến tất cả (sabba) các loại hương thơm (gandha).”
[3] Paramannadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) vật thực (anna) thượng hạng (parama).”
[4] Dhammasaññaka nghĩa là “vị suy tưởng (saññaka) về Giáo Pháp (dhamma).”
[5] Phaladāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala).”
[6] Sampasādaka nghĩa là “vị tự tạo niềm tin (pasādaka) cho chính mình (sam).”
[7] Ārāmadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) tu viện (ārāma).”
[8] Anulepadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) vữa tô (anulepa).”
[9] Buddhasaññakanghĩa là “vị suy tưởng (saññaka) về đức Phật (buddha).”
[10] Pabbhāradāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) sườn núi (pabbhāra).”
[11] Ārakkhadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) sự bảo vệ (ārakkha).”
[12] Bhojanadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) vật thực (bhojana).”
[13] Gatasaññaka nghĩa là “vị suy tưởng (saññaka) về đức Phật đã đi qua (gata).”
[14] Sattapadumiya nghĩa là “vị liên quan đến bảy (satta) đóa sen hồng (paduma).”
[15] Pupphāsanadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) chỗ ngồi (āsana) bằng bông hoa (puppha).”
[16] Āsanatthavika nghĩa là “vị ngợi ca (thavika) ngôi bảo tọa (āsana).”
[17] Saddasaññaka nghĩa là “vị suy tưởng (saññaka) về âm thanh (sadda).”
[18] Tiraṃsiya nghĩa là “vị liên quan đến ba (ti) nguồn ánh sáng (raṃsi).”
[19] Kumudamāliya nghĩa là “vị liên quan đến tràng hoa (mālā) kumuda.”
[20] Ummāpupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) ummā.”
[21] Pulinapūjaka nghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) cát (pulina).”
[22] Hāsajanaka nghĩa là “vị làm sanh khởi (janaka) nụ cười (hāsa).”
[23] Yaññasāmika nghĩa là “vị làm chủ (sāmika) lễ cúng tế (yañña).”
[24] Nimittasaññaka nghĩa là “vị suy tưởng (saññaka) về hiện tướng (nimitta).”
[25] Annasaṃsāvaka nghĩa là “vị ngợi ca (saṃsāvaka) về việc dâng cúng vật thực (anna).”
[26] abbuda là số 1 thêm vào 56 số không, nirabbuda là số 1 thêm vào 63 số không (ND).
[27] Nigguṇḍipupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) nigguṇḍi.”
[28] Sumanāveliya nghĩa là “vị liên quan đến vòng hoa đội đầu (āveli) bằng hoa nhài (sumana).”
[29] Pupphachattiya nghĩa là “vị liên quan đến chiếc lọng che(chatta) bằng bông hoa.”
[30] Ký sự này tương tợ ký sự 106 về trưởng lão Udakapūjaka.
[31] Udakapūjaka nghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) nước (udaka).”
[32] Ký sự này giống y như ký sự 159 về trưởng lão Punnāgapupphiya.
[33] Punnāgapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) punnāga.”
[34] Ekadussadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) một(eka) tấm vải (dussa).”
[35] kosa là khoảng cách bằng 500 lần chiều dài của cây cung.
[36] Tiṇakuṭidāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) cái lều nhỏ (kuṭi) bằng cỏ (tiṇa).”
[37] Uttareyyadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) tấm áo choàng(uttareyya).”
[38]Câu kệ này được thấy ở nhiều nơi thuộc Tạng Kinh.
[39] Dhammasavaṇiyanghĩa là “vị liên quan đến việc lắng nghe (savaṇa) Pháp (dhamma).”
[40] Ukkhittapadumiya nghĩa là “vị liên quan đến đóa sen hồng (paduma) đã được thảy lên (ukkhitta) không trung.”
[41] Ekapadumiyanghĩa là “vị liên quan đến một (eka) đóa sen hồng (paduma).”
[42] Ti-uppalamāliyanghĩa là “vị liên quan đến vòng hoa (mālā) gồm ba (ti) đóa sen xanh (uppala).”
[43] Dhajadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) lá cờ (dhaja).”
[44] Tikiṅkiṇipūjakanghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) ba (ti) bông hoa kiṅkiṇi.”
[45] Naḷāgārikanghĩa là “vị liên quan đến gian nhà (āgāra) bằng cây sậy (naḷa).”
[46] Campakapupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) campaka.”
[47] Tiṇamuṭṭhidāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) nắm (muṭṭhi) cỏ (tiṇa).”
[48] Tindukaphaladāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) tinduka.”
[49] Ekañjaliya nghĩa là “vị liên quan đến một lần (eka) chắp tay (añjali).”
[50] Saddasaññakanghĩa là “vị suy tưởng (saññaka) về âm thanh (sadda).”
[51] Yavakalāpiyanghĩa là “vị liên quan đến bó rơm (kalāpa) lúa mạch (yava).”
[52] Kiṃsukapūjaka nghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) bông hoa kiṃsuka.”
[53] Sakoṭakakoraṇḍadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) chùm (sakoṭaka) bông hoa koraṇḍa.”
[54] Daṇḍadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) cây gậy (daṇḍa).”
[55] Ambayāgudāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) cháo (yāgu) xoài (amba).”
[56] Supuṭakapūjaka nghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) chiếc hộp (puṭaka) xinh đẹp (su).”
[57] Mañcadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) chiếc giường (mañca).”
[58] Saraṇagamaniya nghĩa là “vị liên quan việc đi đến (gamana) nương nhờ (saraṇa), tức là đã quy y.”
[59] Piṇḍapātika nghĩa là “vị liên quan đến đồ ăn khất thực (piṇḍapāta).”
[60] Mandāravapupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) mandārava.”
[61] Kakkārupupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) kakkāru.”
[62] Bhisamuḷāladāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) rễ (bhisa) và củ sen (muḷāla).”
[63] Kesarapupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) kesarī.”
[64] Aṅkolapupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) aṅkola.”
[65] Kadambapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) kadamba.”
[66] Uddālapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) uddāla.”
[67] Ekacampakapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến một (eka) bông hoa (puppha) campaka.”
[68] Timirapupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) timira.”
[69] Salalapupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) salala.”
[70] Bodhivandakanghĩa là “vị đảnh lễ (vandaka) cội cây Bồ Đề (bodhi).”
[71]Nội dung ký sự này tương tợ như ký sự 342 về trưởng lão Ti-uppalamāliya.
[72] Ti-uppalamāliyanghĩa là “vị liên quan đến vòng hoa (mālā) gồm ba (ti) đóa sen xanh (uppala).”
[73] Paṭṭipupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) paṭṭi.”
[74] Sattapaṇṇiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa thất diệp (sattapaṇṇa).”
[75] Gandhamuṭṭhiyanghĩa là “vị liên quan đến nắm tay (muṭṭhi) vật thơm (gandha).”
[76] Citakapūjakanghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) giàn hỏa thiêu (citaka).”
[77] Sumanatālavaṇṭiya nghĩa là “vị liên quan đến chiếc quạt (vaṇṭa) lá cọ (tāla) được bao phủ với các bông hoa nhài (sumana).”
[78] Sumanadāmiya nghĩa là “vị liên quan đến tràng hoa (dāma) bông nhài (sumana).”
[79] Kāsumāriphaladāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) kāsumāri.”
3278. Đức Thế Tôn tên Sataraṃsī là đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại. Có ước muốn độc cư, bậc Toàn Giác đã ra đi về việc khất thực.
3279. Tay có trái cây, tôi đã nhìn thấy đấng Nhân Ngưu và đã đi đến gần Ngài. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng cúng trái cây avaṇṭa.
3280. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
3281. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3282. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3283. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Avaṇṭaphaladāyaka[1]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Avaṇṭaphaladāyaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
3284. Tôi đã là người phụ việc chùa ở thành phố Bandhumatī. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, đang di chuyển ở trên không trung.
3285. Tôi đã cầm lấy trái cây bánh mì và đã dâng cúng đến đức Phật tối thượng. Bậc có danh vọng lớn lao đã thọ nhận, trong khi đang đứng ở hư không.
3286. Sau khi tôi đã dâng cúng trái cây đến đức Phật với tâm ý trong sạch, tôi có được sự sanh khởi niềm vui, (điều ấy là) nguồn đem lại sự an lạc trong thời hiện tại.
3287. Khi ấy, tôi đã đạt đến niềm phỉ lạc bao la và sự an lạc tối thượng. Còn có châu báu sanh lên (cho tôi) khi tôi được sanh ra nơi này nơi khác.
3288. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
3289. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3290. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3291. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Labujadāyaka[2]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Labujadāyaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
3292. Đấng Tối Thượng Nhân đã cư ngụ ở bờ sông Vinatā. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, đấng có sự chăm chú, vô cùng định tĩnh.
3293. Được tịnh tín ở Ngài, bậc có sự rửa sạch các cấu uế ô nhiễm, tôi đã cầm lấy trái sung và đã dâng cúng đến đức Phật tối thượng.
3294. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
3295. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3296. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3297. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Udumbaraphaladāyaka[3]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Udumbaraphaladāyaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
3298. Sau khi nhìn thấy đức Phật Atthadassī, bậc có danh vọng lớn lao, ở cuối khu rừng, tôi đã dâng cúng trái cây pilakkha với tâm tịnh tín, với ý vui mừng.
3299. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây (trước đây) một ngàn tám trăm kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
3300. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3301. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3302. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pilakkhaphaladāyaka[4]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pilakkhaphaladāyaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
3303. Trong khi bậc Toàn Giác có màu da vàng chói, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đang đi trên đường, tôi đã dâng cúng trái cây phārusa.
3304. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
3305. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3306. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3307. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Phārusaphaladāyaka[5]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Phārusaphaladāyaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
3308. Lúc bấy giờ, tất cả dân chúng đã tụ hội lại và đã đi đến khu rừng. Khi ấy, trong lúc tìm kiếm trái cây, họ đã đạt được trái cây.
3309. Tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy bậc Toàn Giác, đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng cúng trái cây valli.
3310. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
3311. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3312. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3313. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Valliphaladāyaka[6]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Valliphaladāyaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
3314. Tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian tợ như cây kaṇikāra được cháy sáng, tợ như mặt trăng vào ngày rằm, tợ như cây đèn đang chiếu sáng.
3315. Tôi đã cầm lấy trái chuối và đã dâng cúng đến bậc Đạo Sư. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã đảnh lễ và ra đi.
3316. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
3317. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3318. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3319. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kadaliphaladāyaka[7]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kadaliphaladāyaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
3320. Lúc bấy giờ, đấng Giác Ngộ tên Ajjuna, đã cư ngụ ở núi Hi-mã-lạp. Ngài là bậc Hiền Trí, được thành tựu tánh hạnh, và thiện xảo về định.
3321. Tôi đã cầm lấy trái mít jīvajīvaka có kích thước bằng hũ nước. Tôi đã đặt vào cái chậu bằng lá và đã dâng cúng đến bậc Đạo Sư.
3322. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
3323. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3324. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3325. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Panasaphaladāyaka[8]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Panasaphaladāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
3326. Vào thời kỳ Giáo Pháp của (đức Phật) Vipassī, một hang động đã được tôi xây dựng dành cho Hội Chúng bốn phương ở tại kinh thành Bandhumā.
3327. Sau khi trải lót nền đất của hang động bằng các tấm vải, tôi đã cống hiến. Với tâm phấn chấn, với ý vui mừng, khi ấy tôi đã thực hiện lời ước nguyện rằng:
3328. “Mong rằng tôi có thể làm hài lòng bậc Toàn Giác, có thể đạt được sự xuất gia, và có thể đạt đến sự an tịnh tối thượng, Niết Bàn vô thượng.”
3329. Do nhờ chính nhân tố trong sạch ấy, tôi đã luân hồi chín mươi kiếp. Dầu trở thành vị Thiên nhân hay là loài người, tôi đã chói sáng, là người có phước báu đã được tạo lập (trước đây).
3330. Sau đó, nhờ vào phần dư sót của nghiệp, tại đây trong kiếp sống cuối cùng, tôi đã được sanh làm người con trai độc nhất của nhà bá hộ cao cả ở tại Campā.
3331. Ngay khi tôi vừa được sanh ra, nghe tin người cha đã khởi ước muốn này: “Ta ban cho công tử hai chục koṭi (hai trăm triệu) tiền, không thiếu đồng nào.”
3332. Các sợi lông của tôi, dài bốn ngón tay, được mọc lên ở cả hai lòng bàn chân. Chúng là mảnh mai, có sự xúc chạm mềm mại, xinh xắn như là bông vải.
3333. Chín mươi kiếp đã trôi qua, kiếp này là thêm một kiếp nữa, tôi không biết đến việc các bàn chân được đặt xuống ở mặt đất không có trải lót.
3334. Tôi đã làm hài lòng bậc Toàn Giác, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Và phẩm vị A-la-hán đã được tôi đạt đến. Tôi có được trạng thái mát mẻ, chứng được Niết Bàn.
3335. Đấng Toàn Tri đã xác định tôi là người đứng đầu trong số các vị đã ra sức tinh tấn, và có lậu hoặc đã được đoạn tận, là bậc A-la-hán, có sáu thắng trí, có đại thần lực.
3336. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng hang động.
3337. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3338. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3339. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
3340. Tại hồ nước lớn Anotatta, ở trước Hội Chúng tỳ khưu, bậc trưởng lão Soṇa Koṭivisa khi được hỏi câu hỏi đã trả lời.
Đại đức trưởng lão Soṇa Koṭivisa đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Soṇakoṭivisa là phần thứ chín.
--ooOoo--
3341. Ở trong khu rừng có nhiều loại hương thơm ở gần hồ nước Anotatta, ở trên mặt phẳng của tảng núi đá đáng yêu được lấp lánh bởi nhiều loại châu ngọc.
3342. Được vây quanh bởi Hội Chúng tỳ khưu đông đảo, đấng Lãnh Đạo Thế Gian, ngồi ở tại nơi ấy, đã giảng giải về các việc làm quá khứ của bản thân:
3343. “Này các tỳ khưu, hãy lắng nghe Ta. Nghiệp nào đã được tạo ra bởi Ta, nếu là nghiệp vụn vặt thì cũng sẽ chín muồi cho dầu ở vào bản thể của vị Phật.
3344. Trong những đời sống khác trước đây, Ta đã là kẻ vô lại tên Munāḷī. Ta đã vu cáo đức Phật Độc Giác Sarabhū, (Ngài là) vị không làm điều sái quấy.
3345. Do quả thành tựu của nghiệp ấy, Ta đã luân hồi lâu dài ở địa ngục trong nhiều ngàn kiếp và đã nhận chịu cảm thọ khổ đau.
3346. Do phần dư sót của nghiệp ấy, tại đây trong kiếp sống cuối cùng, Ta đã nhận lãnh sự vu cáo vì nguyên nhân của (nữ du sĩ ngoại đạo) Sundarikā.
3347. Đức Phật Sabbābhibhū có vị Thinh Văn tên là Nanda. Do sự vu cáo vị (Thinh Văn) ấy, Ta đã luân hồi lâu dài ở địa ngục.
3348. Ta đã luân hồi lâu dài ở địa ngục trong mười ngàn năm. Đạt được bản thể nhân loại, Ta đã nhận lãnh nhiều sự vu cáo.
3349. Do phần dư sót của nghiệp ấy, nàng Ciñcamānavikā đã vu cáo Ta với sự không có thật ở trước đám đông dân chúng.
3350. Ta đã là vị Bà-la-môn thông thái, được tôn vinh kính trọng. Ta đã chỉ dạy về chú thuật cho năm trăm người trai trẻ ở tại khu rừng lớn.
3351. Vị ẩn sĩ Bhīma có năm thắng trí, có đại thần lực, đã đi đến nơi ấy. Và sau khi nhìn thấy vị ấy đi đến, Ta đã vu cáo vị không làm điều sái quấy.
3352. Kế đó, Ta đã nói với các người học trò rằng: ‘Vị ẩn sĩ này có sự thọ hưởng dục lạc.’ Ngay trong khi Ta đang nói, các người trai trẻ đã vui thích theo.
3353. Sau đó, tất cả các người trai trẻ, trong khi khất thực theo từng nhà, đã nói với đám đông dân chúng rằng: ‘Vị ẩn sĩ này có sự thọ hưởng dục lạc.’
3354. Do quả thành tựu của nghiệp ấy, tất cả năm trăm vị tỳ khưu này đã gánh chịu sự vu cáo, vì nguyên nhân của (nữ du sĩ ngoại đạo) Sundarikā.
3355. Trong thời quá khứ, vì nguyên nhân tài sản Ta đã giết chết người anh (em) trai khác mẹ (cùng cha). Ta đã xô vào hẻm núi hiểm trở và đã nghiền nát bằng tảng đá.
3356. Do quả thành tựu của nghiệp ấy, Devadatta đã ném tảng đá và đã làm dập ngón cái ở bàn chân của Ta do mảnh vỡ của tảng đá.
3357. Trước đây, Ta đã là đứa bé trai đang đùa giỡn ở con đường lớn. Sau khi nhìn thấy đức Phật Độc Giác, Ta đã ném đá vụn ở con đường (vào vị Phật ấy).
3358. Do quả thành tựu của nghiệp ấy, tại đây trong kiếp sống cuối cùng, Devadatta đã bố trí các sát thủ nhằm mục đích giết hại Ta.
3359. Trước đây, Ta đã là kẻ cỡi voi. (Nhìn thấy) bậc Hiền Trí Độc Giác tối thượng đang đi đó đây để khất thực, Ta đã dùng con voi công kích vị ấy.
3360. Do quả thành tựu của nghiệp ấy, ở trong kinh thành Giribbaja con voi Nālāgirī quẩn trí hung hãn đã tiến gần đến Ta.
3361. Ta đã là đức vua, người trị vì. Ta đã giết chết người đàn ông bằng cây thương. Do quả thành tựu của nghiệp ấy, Ta đã bị nung nấu ở địa ngục một cách dữ dội.
3362. Do phần dư sót của nghiệp ấy, giờ đây toàn bộ lớp da ở bàn chân của Ta đã gây khó chịu, bởi vì nghiệp không bị tiêu hoại.
3363. Ta đã là đứa trẻ đánh cá ở trong ngôi làng của các ngư phủ. Sau khi nhìn thấy các con cá bị giết chết, Ta đã sanh tâm vui mừng.
3364. Do quả thành tựu của nghiệp ấy, đã có sự đau nhức ở đầu của Ta. Và khi Viḍūdabha nổi loạn, tất cả dòng tộc Sakya (Thích Ca) đã bị giết chết.
3365. Vào thời Giáo Pháp của (đức Phật) Phussa, Ta đã quở mắng các vị Thinh Văn rằng: ‘Các ngươi hãy nhai, hãy ăn lúa mạch, và chớ có ăn cơm gạo sālī.’
3366. Do quả thành tựu của nghiệp ấy, Ta đã (phải) ăn lúa mạch ba tháng. Khi ấy, được vị Bà-la-môn thỉnh mời, Ta đã cư ngụ ở Verañjā.
3367. Khi cuộc đấu vật đang được diễn tiến, Ta đã đánh gục người con trai dòng Malla. Do quả thành tựu của nghiệp ấy, đã có sự đau nhức ở lưng của Ta.
3368. Ta đã là người thầy thuốc. Ta đã cho người con trai nhà triệu phú thuốc xổ. Do quả thành tựu của nghiệp ấy, Ta có bệnh tiêu chảy.
3369. Lúc bấy giờ, Ta đã là Jotipāla. Ta đã nói với đấng Thiện Thệ Kassapa rằng: ‘Giác Ngộ là sự đạt được vô cùng khó khăn, do đâu sự Giác Ngộ lại có cho kẻ cạo đầu?’
3370. Do quả thành tựu của nghiệp ấy, Ta đã thực hành nhiều việc làm khó khăn trong sáu năm ở Uruvelā, sau đó Ta đã đạt được quả vị Giác Ngộ.
3371. Ta đã không đạt được quả vị Giác Ngộ tối thượng bằng con đường (Trung Đạo) này. Bị ngăn cản bởi nghiệp quá khứ, Ta đã tầm cầu đạo lộ sai trái (khổ hạnh).
3372. Ta có sự chấm dứt về phước và tội, Ta đã tránh xa mọi điều bực bội, Ta không sầu muộn, không đau buồn, Ta sẽ Niết Bàn, không còn lậu hoặc.”
3373. Đấng Chiến Thắng, vị đã đạt được toàn bộ năng lực của các thắng trí, ở trước Hội Chúng tỳ khưu, tại hồ nước lớn Anotatta, đã giảng giải như thế.
Đức Thế Tôn đã nói về bài giảng Giáo Pháp tên Pubbakamma-pilotika[9]đề cập đến hành động trong quá khứ của bản thân như thế ấy.
Ký sự về Phật Toàn Giác tên Pubbakammapilotika là phần thứ mười.
--ooOoo--
Trái cây avaṇṭa, luôn cả trái bánh mì, trái sung, và trái pilakkha, trái cây phārusa, trái cây valli, và vị có trái chuối, trái mít, vị Koṭivīsa, và ký sự tên “Pubbakammapiloti” của bậc Đại Ẩn Sĩ; (tổng cộng) có chín mươi mốt câu kệ đã được tính đếm bởi các bậc trí.
Phẩm Avaṇṭaphala là phẩm thứ ba mươi chín.
(Tụng phẩm thứ mười bốn).
--ooOoo--
3374. Tôi đã là người gác cổng ở thành phố Haṃsavatī. Của cải đã được tích lũy trong nhà của tôi là không bị suy suyển, không thể đo lường.
3375. Sau khi đi đến nơi vắng vẻ rồi ngồi xuống, tôi đã được vui vẻ tâm trí. Sau khi ngồi xuống ở nơi cao quý của tòa lâu đài, khi ấy tôi đã suy nghĩ như vầy:
3376. “Ta đã đạt được nhiều của cải, nội phòng của ta là trù phú. Ngay cả đức vua Ānanda, vị chúa tể trái đất, cũng đã thỉnh mời (ta).
3377. Và đức Phật này đã hiện khởi. Bậc Hiền Trí là hiện tượng hiếm hoi. Và của cải của ta được biết đến, ta sẽ dâng cúng vật thí đến bậc Đạo Sư.
3378. Vật thí cao quý đã được vương tử Paduma dâng cúng đến đấng Chiến Thắng là các con long tượng cùng với các ghế bành, và sự ủng hộ không phải là ít ỏi.
3379. Ta cũng sẽ dâng cúng vật thí chưa được những người khác dâng cúng trước đây đến Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng. Ta sẽ là người làm đầu tiên.”
3380. Sau khi suy nghĩ về quả báu hạnh phúc ở sự cống hiến của việc ấy theo nhiều cách, tôi đã nhìn thấy sự dâng cúng vật dụng là đáp ứng được ý định của tôi.
3381. “Ta sẽ dâng cúng các loại vật dụng chưa được những người khác dâng cúng trước đây đến Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng. Ta sẽ là người làm đầu tiên.”
3382. Ngay lập tức tôi đã đi đến các người làm nghề tre và đã bảo làm lọng che. Tôi đã tập trung một trăm ngàn chiếc lọng che thành một đống.
3383. Tôi đã tập trung một trăm ngàn tấm vải thành một đống. Tôi đã tập trung một trăm ngàn bình bát thành một đống.
3384. Tôi đã bảo làm đúng theo quy cách các chiếc búa nhỏ, các con dao nhỏ, và luôn cả các kim khâu, các đồ cắt móng, rồi đã cho treo chúng ở bên dưới chiếc lọng che.
3385. Tôi đã bảo làm đúng theo quy cách các cây quạt gió, các cây quạt lá cọ, các quạt lông chim công, các quạt đuôi bò rừng, các đồ lọc nước, và các vật đựng dầu.
3386. Tôi đã bảo làm đúng theo quy cách các hộp đựng kim, các dây đeo ở vai, luôn cả các dây buộc thân, và các chân kê (bình bát) đã được làm khéo léo.
3387. Tôi đã chứa đầy các chậu đựng vật dụng và luôn cả các tô nhỏ bằng đồng với thuốc men, rồi đã đặt chúng ở bên dưới chiếc lọng che.
3388. Tôi đã chứa đầy các chậu với mọi thứ như là rễ cây, cỏ usīra, mật mía, trái tiêu dài, các hạt tiêu, trái harītakī, củ gừng.
3389. Tôi đã bảo làm đúng theo quy cách các đôi dép, các đôi giày, các vật lau khô nước, các cây gậy chống được làm khéo léo.
3390. (Tôi đã bảo làm) các ống thuốc bôi, các que bôi thuốc, các bình lọc nước, các chìa khóa, các túi đựng chìa khóa được thêu với năm loại màu sắc.
3391. Tôi đã bảo làm đúng theo quy cách các vải băng bó, các ống dẫn khói, và luôn cả các chân đèn, các vật đo lường, và các hòm nhỏ.
3392. Tôi đã bảo làm đúng theo quy cách các kẹp gắp, các cây kéo, rồi các vật hốt rác, và luôn cả các túi đựng thuốc men.
3393. Tôi đã bảo làm đúng theo quy cách các ghế dài, các ghế đẩu, và các ghế bành bằng bốn vật liệu [10]và đã xếp đặt ở bên dưới chiếc lọng che.
3394. Tôi đã bảo làm đúng theo quy cách các tấm nệm lông cừu, các tấm nệm bông gòn, luôn cả các tấm nệm ở ghế đẩu, và các chiếc gối đã được làm khéo léo.
3395. (Tôi đã bảo làm) các vật kỳ cọ, các loại sáp ong, dầu ăn, lò sưởi ấm tay, hộp đựng, các tấm ván, kim khâu, cùng với tấm trải giường.
3396. (Tôi đã bảo làm) các chỗ nằm ngồi, các thảm chùi chân, các gậy chống ở giường ghế, các vật chà răng và tăm xỉa răng, các dầu thơm bôi ở đầu.
3397. (Tôi đã bảo làm) các vật tạo ra lửa, các ghế rơm, các nắp bình bát và các tô nhỏ, các vá múc nước, bột tắm, và chậu nhuộm.
3398. (Tôi đã bảo làm) cái chổi, bể nước, tương tợ như thế là vải choàng tắm mưa, tấm lót ngồi, vải đắp ghẻ, và y nội.
3399. (Tôi đã bảo làm) thượng y và y hai lớp, dụng cụ xông mũi, đồ làm sạch miệng, nhiều giấm chua và muối, mật ong và thức uống từ sữa chua.
3400. (Tôi đã bảo làm) nhang thơm, sáp ong, vải vụn, khăn lau mặt, chỉ sợi, bất cứ vật gì được gọi là vật có thể dâng cúng, và bất cứ vật gì thích hợp đối với bậc Đạo Sư.
3401. Sau khi tập hợp mọi thứ này lại, tôi đã đi đến gặp đức vua Ānanda. Sau khi đã gặp bậc sanh thành của vị Đại Ẩn Sĩ, tôi đã đê đầu đảnh lễ và đã nói lời nói này:
3402. “(Chúng ta) đã được sanh ra và lớn lên cùng nhau, tâm ý của cả hai là tương đồng, có sự chia sẻ sướng khổ, và cả hai có cùng chí hướng.
3403. Tâu vị cảm hóa kẻ thù địch, (thần) có nỗi khổ trong tâm có liên quan đến bệ hạ. Tâu vị Sát-đế-lỵ, nếu bệ hạ có khả năng xin bệ hạ hãy dẹp tan nỗi khổ ấy.”
3404. “Nỗi khổ của ngươi là nỗi khổ của trẫm, tâm ý của cả hai là tương đồng. Nếu là việc có liên quan đến trẫm thì ngươi hãy nhận biết rằng: ‘Việc đã được hoàn tất.’”
3405. “Tâu đại vương, xin bệ hạ hiểu cho thần, nỗi khổ của thần là khó mà dẹp tan. Trong khi có thể, xin bệ hạ hãy tuyên bố rằng có một vật quý giá mà bệ hạ khó từ bỏ được.”
3406. “Cho dù là vương quốc, cho đến sanh mạng của trẫm, nếu có sự lợi ích cho ngươi với những vật này, thì trẫm sẽ ban cho, không ngần ngại.”
3407. “Tâu bệ hạ, quả nhiên bệ hạ đã tuyên bố. (Tuy nhiên) điều ấy đã được nhiều người tuyên bố một cách xằng bậy. Hôm nay thần sẽ biết rằng bệ hạ có được cương quyết trong mọi vấn đề (hay không?).”
3408. “Ngươi đã ép buộc trẫm quá đáng trong khi trẫm đang ban phát cho ngươi. Ngươi được lợi ích gì với việc đã ép buộc trẫm? Ngươi hãy nói cho trẫm điều đã được ngươi mong mỏi.”
3409. “Tâu đại vương, thần ao ước đức Phật tối thượng, đấng Vô Thượng. Thần sẽ chăm lo bữa ăn đến bậc Toàn Giác, xin chớ để cho cuộc sống của thần trở thành tội lỗi.”
3410. “Trẫm sẽ ban cho ngươi điều ân huệ khác, chớ cầu xin (trẫm về) đức Như Lai. Đức Phật tợ như viên ngọc ma-ni như ý, không thể ban tặng cho bất cứ ai.”
3411. “Tâu bệ hạ, phải chăng điều đã được ngài tuyên bố là (sẽ ban tặng) ngay cả sanh mạng của chính mình? Đúng ra nên ban tặng đức Như Lai hơn là bố thí sanh mạng.”
3412. “Bậc Đại Hùng nên được đặt riêng, đấng Chiến Thắng không thể ban tặng cho bất cứ ai, đức Phật sẽ không được trẫm đồng ý. Ngươi hãy chọn lấy tài sản vô hạn lượng đi.”
3413. “Chúng ta hãy tìm đến sự phân xử, chúng ta sẽ hỏi các vị quan tòa. Chúng ta hãy tranh cãi về vấn đề ấy theo cách thức mà họ sẽ giải bày.”
3414. Tôi đã nắm lấy tay của đức vua rồi đã đi đến tòa án. Trước các vị quan phán xử, tôi đã nói lời nói này:
3415. “Xin các quan phán xử hãy lắng nghe tôi. Đức vua đã ban cho tôi điều ân huệ, không loại trừ bất cứ vật gì, ngài cũng đã ban luôn cả sanh mạng nữa.
3416. Khi ngài đã ban điều ân huệ cho tôi, tôi đã cầu xin đức Phật tối thượng. (Như vậy) đức Phật là đã được ban cho tôi một cách tốt đẹp, hay là tôi còn có điều nghi ngờ?”
3417. “Chúng tôi sẽ lắng nghe lời nói của ngươi và của đức vua là vị hộ trì xứ sở. Sau khi lắng nghe lời nói của cả hai, chúng tôi sẽ chặt đứt điều nghi hoặc ở tại nơi đây.”
3418. “Tâu bệ hạ, có phải ngài đã ban cho tất cả mọi thứ thuộc quyền sở hữu đến người này, và cũng đã ban luôn cả sanh mạng nữa, không loại trừ bất cứ vật gì?”
3419. “Chính vì bị lâm vào tình cảnh khó khăn, (người này) đã cầu xin điều ân huệ vô thượng. Sau khi biết được người này vô cùng đau khổ, trẫm đã ban cho mọi thứ thuộc quyền sở hữu.”
3420. “Tâu bệ hạ, phần thua là thuộc về ngài, đức Như Lai nên được ban cho người này. Sự nghi hoặc của hai vị đã được chặt đứt, xin hai vị hãy duy trì đúng theo sự việc.”
3421. Đứng ngay tại nơi ấy, đức vua đã nói điều này với vị quan phán xử: “Này các hiền thần, nếu các ngươi cũng có thể ban cho trẫm (điều ân huệ) thì trẫm (sẽ) nhận lại đức Phật.”
3422. “Sau khi đã làm tròn đủ ý định của ngươi, sau khi đã chăm lo bữa ăn cho đức Như Lai, ngươi nên giao lại bậc Toàn Giác cho vị có danh vọng lớn lao Ānanda.”
3423. Sau khi đảnh lễ các vị quan phán xử và cả vị Sát-đế-lỵ Ānanda nữa, tôi đã trở nên hớn hở vui mừng và đã đi đến gặp đấng Toàn Giác.
3424. Sau khi đã đi đến gặp đấng Toàn Giác, bậc đã vượt qua dòng nước lũ, không còn lậu hoặc, tôi đã đê đầu đảnh lễ và đã nói lời nói này:
3425. “Bạch đấng Hữu Nhãn, xin Ngài hãy nhận lời cùng với một trăm ngàn vị có năng lực. Ngài đang đem lại nỗi vui mừng cho tâm của con, xin Ngài hãy ngự đến căn nhà của con.”
3426. Biết được ý định của tôi, đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, bậc Hữu Nhãn, đã nhận lời.
3427. Sau khi biết được sự nhận lời (của đức Phật), tôi đã đảnh lễ bậc Đạo Sư. Trở nên mừng rỡ, có tâm phấn chấn, tôi đã đi về nhà.
3428. Sau khi triệu tập lại bạn bè và các viên quan lại, tôi đã nói lời nói này: “Tôi đã đạt được sự thành tựu vô cùng khó khăn, giống như (đã đạt được) viên ngọc ma-ni như ý.
3429. Ngài là đấng Vô Lượng, Vô Song, là bậc Trí Tuệ không người tương đương, không kẻ sánh bằng, là đấng Chiến Thắng không người đối thủ, chúng ta sẽ cúng dường Ngài bằng vật gì?
3430. Tương tợ như vậy, đấng Nhân Ngưu chính là vị tương đương với bậc không thể sánh bằng, không có người thứ hai, vì thế hành động hướng thượng xứng đáng với đức Phật là việc làm khó khăn đối với tôi.
3431. Chúng ta hãy thu thập những bông hoa khác loại và hãy thực hiện mái che bằng bông hoa; mọi sự cúng dường này sẽ là xứng đáng với đức Phật.”
3432. Tôi đã cho thực hiện mái che bằng hoa sen xanh, luôn cả hoa sen hồng, hoa vassika, hoa adhimuttaka, hoa campaka, và hoa nāga.
3433. Tôi đã sắp đặt một trăm ngàn chỗ ngồi ở bóng râm của các chiếc lọng che. Chỗ ngồi cuối cùng dành cho tôi trị giá hơn một trăm (đồng tiền).
3434. Tôi đã sắp đặt một trăm ngàn chỗ ngồi ở bóng râm của các chiếc lọng che. Sau khi cho chuẩn bị cơm nước, tôi đã thông báo về thời điểm.
3435. Khi thời điểm đã được thông báo, bậc Đại Hiền Trí Padumuttara cùng với một trăm ngàn vị có năng lực đã đi đến căn nhà của tôi.
3436. Cùng với một trăm ngàn vị có năng lực, đấng Tối Thượng Nhân đã ngồi xuống (chỗ ngồi) có chiếc lọng che đang được duy trì ở phía bên trên, ở mái che làm bằng bông hoa khéo được nở rộ.
3437. “Bạch đấng Hữu Nhãn, xin Ngài hãy thọ nhận một trăm ngàn chiếc lọng che, một trăm ngàn chỗ ngồi đúng phép tắc và không phạm sai trái.”
3438. Có ý định giúp cho tôi vượt qua, đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, bậc Đại Hiền Trí ấy đã tiếp nhận.
3439. Tôi đã dâng cúng mỗi vị tỳ khưu một cái bình bát riêng biệt. Các vị đã xả bỏ bình bát trước đây và đã sử dụng bình bát bằng kim loại.
3440. Đức Phật đã ngồi ở mái che bông hoa bảy ngày đêm. Trong khi giúp cho nhiều chúng sanh được giác ngộ, Ngài đã chuyển vận bánh xe Giáo Pháp.
3441. Trong khi Ngài đang chuyển vận bánh xe Giáo Pháp ở bên dưới mái che bông hoa, đã có sự lãnh hội Giáo Pháp của tám mươi bốn ngàn (chúng sanh).
3442. Khi ngày thứ bảy đã đến, bậc Đại Hiền Trí Padumuttara ngồi ở bóng râm của chiếc lọng che đã nói lên những lời kệ này:
3443. “Người thanh niên nào đã dâng cúng vật thí cao quý không thiếu sót món gì đến Ta, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
3444. Các con voi, các con ngựa, các cỗ xe, các binh lính và quân đội gồm bốn binh chủng sẽ thường xuyên hộ tống người này; điều này là quả báu của việc dâng cúng mọi thứ.
3445. Phương tiện di chuyển bằng voi, phương tiện di chuyển bằng ngựa, các kiệu khiêng, và các cỗ xe kéo sẽ thường xuyên phục vụ người này; điều này là quả báu của việc dâng cúng mọi thứ.
3446. Sáu mươi ngàn cỗ xe ngựa được trang hoàng với tất cả các loại trang sức sẽ thường xuyên hộ tống người này; điều này là quả báu của việc dâng cúng mọi thứ.
3447. Sáu mươi ngàn nhạc cụ và những chiếc trống lớn được tô điểm sẽ thường xuyên trình tấu đến người này; điều này là quả báu của việc dâng cúng mọi thứ.
3448. Tám mươi sáu ngàn phụ nữ được trang điểm, được trang hoàng bằng các loại vải vóc nhiều màu sắc, có các bông tai bằng ngọc trai và ngọc ma-ni.
3449. Có lông mi cong, có nụ cười, có điệu bộ duyên dáng, có eo thon, các nàng sẽ thường xuyên vây quanh người này; điều này là quả báu của việc dâng cúng mọi thứ.
3450. (Người này) sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong 30.000 kiếp, và sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc 1.000 lần.
3451. Và (người này) sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương một ngàn lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
3452. Trong khi đang sống ở thế giới chư Thiên, người có được nghiệp phước thiện sở hữu chiếc lọng che bằng châu báu bao trùm toàn bộ thế giới chư Thiên.
3453. Khi (người này) ước ao bóng râm, thì có chiếc lọng che được tạo ra từ vải và bông hoa sẽ che bóng râm một cách thường xuyên, thuận theo tâm ý của người này.
3454. Sau khi mệnh chung từ thế giới chư Thiên, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, được gắn liền với nghiệp phước thiện, (người này) sẽ trở thành thân quyến của Phạm Thiên (dòng dõi Bà-la-môn).
3455. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
3456. Biết rõ về toàn bộ việc này, đức Gotama bậc cao quý dòng Sakya, sau khi ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu, sẽ thiết lập (người này) vào vị thế tối thắng.
3457. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, có tên là Piḷindivaccha, và sẽ được kính trọng trong số chư Thiên, các A-tu-la, và các Càn-thát-bà.
3458. Sau khi trở thành người được mến mộ đối với tất cả, đối với các vị tỳ khưu, đối với các vị tỳ khưu ni, và tương tợ như thế ấy đối với các người tại gia, vị ấy sẽ sống, không còn lậu hoặc.”
3459. Việc làm đã được thực hiện (trước đây) một trăm ngàn kiếp, đã cho tôi nhìn thấy quả báu tại đây. Như là tốc độ của mũi tên khéo được bắn ra, tôi đã thiêu đốt các phiền não của tôi.
3460. Ôi, việc làm đã khéo được tôi thực hiện ở Phước Điền vô thượng. Sau khi thực hiện việc làm ở tại nơi ấy, tôi đã đạt được vị thế Bất Động.
3461. Chính người thanh niên đã dâng cúng vật thí cao quý không thiếu sót món gì, đã là người đầu tiên, đã là vị tiên phong; điều này là quả báu của việc dâng cúng ấy.
3462. Sau khi dâng cúng các chiếc lọng che đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng tám phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3463. Tôi không biết đến sự lạnh, sự nóng, bụi bặm và mồ hôi không vấy bẩn, không có sự nguy khốn, và không có tai họa, tôi luôn luôn được tôn trọng.
3464. Tôi có làn da mềm mại, có tâm ý trong sạch, một trăm ngàn chiếc lọng che là thuộc về tôi trong khi tôi luân hồi ở cõi hữu.
3465. Do tác động của nghiệp ấy, (các chiếc lọng ấy) được gắn mọi thứ trang sức và được duy trì ở đỉnh đầu của tôi, ngoại trừ đời sống này.
3466. Tại sao không có sự duy trì các chiếc lọng cho tôi trong đời sống này? Vì tất cả các nghiệp đã được tôi làm là nhằm đạt đến chiếc lọng giải thoát.
3467. Sau khi dâng cúng các tấm vải đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng tám phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3468. Trong khi tôi luân hồi ở cõi hữu, tôi có màu da vàng chói, không lấm bụi, có sự phát ánh sáng, có sự huy hoàng, cơ thể của tôi là bóng láng.
3469. Có một trăm ngàn tấm vải màu trắng, màu vàng, và màu đỏ được duy trì ở đỉnh đầu của tôi; điều này là quả báu của việc dâng cúng các tấm vải.
3470. Từ thành quả của những việc ấy, ở tất cả các nơi tôi đều có được y phục làm bằng tơ lụa, bằng sợi len, bằng chỉ lanh, và bằng bông vải.
3471. Sau khi dâng cúng các bình bát đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng mười phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3472. Tôi sử dụng các đĩa làm bằng hồng ngọc, các đĩa bằng vàng, các đĩa bằng ngọc ma-ni, và luôn cả các tô nhỏ bằng bạc vào mọi thời điểm.
3473. Tôi không có sự nguy khốn và không có tai họa, luôn luôn được tôn trọng. Tôi có sự thành tựu về cơm ăn, nước uống, vải vóc, và giường nằm.
3474. Các của cải của tôi không bị tiêu hoại, tôi có tâm vững chãi. Tôi luôn luôn có sự mong muốn về Giáo Pháp, ít phiền não, không còn lậu hoặc.
3475. Ở tất cả các nơi, ở thế giới chư Thiên hay ở loài người, những đức tính này là gắn bó không lìa bỏ tôi, cũng giống như bóng râm của cây cối vậy.
3476. Sau khi dâng cúng nhiều chiếc búa nhỏ được gắn liền với chùm tua có màu sắc, khéo được thực hiện, đến đức Phật tối thượng và tương tợ y như thế đến Hội Chúng, tôi thọ hưởng tám phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3477. Tôi luôn luôn dũng cảm, không có sự loạn động, và có sự toàn hảo về các lòng tự tin, có nghị lực, có sự tinh cần, có tâm ý được tập trung.
3478. Từ thành quả của việc ấy, ở khắp mọi nơi tôi đều đạt được sự dứt trừ phiền não, (cùng với) trí tuệ tinh tế, không thể ước lượng, tinh khiết.
3479. Với tâm tịnh tín, tôi đã dâng cúng nhiều con dao nhỏ không bị sần sùi, không thô kệch, rất bóng láng, đến đức Phật và tương tợ y như thế đến Hội Chúng.
3480. Tôi thọ hưởng năm phước báu tương xứng với nghiệp của tôi. (Tôi có được) tâm tốt đẹp, sự tinh cần, sự nhẫn nại, và con dao từ ái.
3481. (Và) lưỡi gươm tuệ vô thượng có tính chất dứt trừ mũi tên tham ái. Từ thành quả của những việc ấy, tôi đạt được trí tuệ sánh với kim cương.
3482. Sau khi dâng cúng các cây kim khâu đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng năm phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3483. Trong khi luân hồi ở cõi này cõi khác, tôi luôn luôn có tuệ sắc bén, không có sự hoài nghi, có sự cắt đứt mọi điều nghi hoặc, có sắc đẹp và có của cải.
3484. Tôi đã nhìn thấy ý nghĩa và nguyên nhân thâm sâu vi tế bằng trí tuệ. Trí tuệ của tôi là sự tiêu diệt điều tăm tối, được sánh với kim cương cao quý.
3485. Sau khi dâng cúng các đồ cắt móng đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể tối thượng, tôi thọ hưởng năm phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3486. Tôi có được nhiều tôi nam tớ gái, bò, ngựa, người làm công, người canh gác, người hầu tắm, người phục vụ bữa ăn, người đầu bếp ở khắp tất cả các nơi.
3487. Sau khi dâng cúng các cây quạt gió và các cây quạt lá cọ xinh xắn đến đức Thiện Thệ, tôi thọ hưởng tám phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3488. Tôi không biết đến sự lạnh (và) sự nóng, sự bứt rứt không hiện hữu, tôi không biết đến sự ưu phiền và sự bực bội ở tâm của tôi.
3489. Từ thành quả của việc ấy của tôi, tất cả các ngọn lửa của tôi là lửa tham ái, lửa sân hận và si mê, lửa ngã mạn, và lửa tà kiến đã bị dập tắt.
3490. Sau khi dâng cúng các quạt lông chim công, các quạt đuôi bò rừng đến Hội Chúng, tập thể tối thượng, tôi có phiền não được lặng yên, tôi sống không có tật xấu.
3491. Sau khi dâng cúng các đồ lọc nước đến đức Thiện Thệ và các bậc tối thượng thực hành Giáo Pháp, tôi thọ hưởng năm phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3492. Tôi vượt trội tất cả và đạt được tuổi thọ ở cõi trời, tôi không bao giờ bị áp bức bởi những kẻ trộm cướp hoặc những kẻ thù địch.
3493. Từ thành quả của những việc ấy, người ta cũng không làm tổn hại tôi bằng vũ khí hoặc bằng thuốc độc, tình trạng chết yểu không xảy đến cho tôi.
3494. Sau khi dâng cúng các vật đựng dầu đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng năm phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3495. Tôi có dáng vóc vô cùng tao nhã, có giọng nói tốt, tâm ý khéo hướng thượng, tâm tư không rối loạn, tôi được bảo vệ bằng mọi phương cách bảo vệ.
3496. Sau khi dâng cúng các hộp đựng kim đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng ba phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3497. Tôi có sự an lạc của tâm, có sự an lạc của thân, có sự an lạc sanh lên từ các oai nghi; tôi đạt được các đức tính này từ thành quả của việc ấy.
3498. Sau khi dâng cúng các dây đeo ở vai đến đấng Chiến Thắng và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng ba phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3499. Và từ thành quả của việc ấy, tôi đạt được trí biết tâm của người khác, tôi nhớ lại kiếp sống thứ nhì, tôi có làn da đẹp toàn diện.
3500. Sau khi dâng cúng các dây buộc thân đến đấng Chiến Thắng và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng sáu phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3501. Tôi không chao động ở các tầng định, tôi có năng lực đối với các tầng định, tôi có hội chúng không thể bị chia rẽ, có lời nói luôn luôn được thừa nhận.
3502. Tôi có niệm đã được thiết lập, sự run sợ của tôi là không được biết đến, các đức tính này được gắn liền dầu ở thế giới chư Thiên hay là nhân loại.
3503. Sau khi dâng cúng các chân kê (bình bát) đến đấng Chiến Thắng và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi được thừa hưởng năm loại màu sắc, tôi không bị lay động bởi bất cứ điều gì.
3504. Bất cứ các Pháp nào tôi đã được nghe đều là những sự thức tỉnh cho niệm và trí. Những gì đã được tôi ghi nhớ là không tiêu hoại, chúng được xét đoán cẩn thận.
3505. Sau khi dâng cúng các chậu đựng cùng các vật dụng đến đức Phật và tập thể tối thượng, tôi thọ hưởng ba phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3506. Tôi đạt được các chậu đựng làm bằng vàng, làm bằng bạc, luôn cả làm bằng ngọc pha-lê, và còn làm bằng hồng ngọc nữa.
3507. Những người vợ, và các tôi trai tớ gái, các tượng binh, kỵ binh, xa binh, bộ binh, và luôn cả những người nữ trung thành nữa, đều là thuộc quyền sử dụng (của tôi) vào mọi lúc.
3508. Các môn khoa học, các từ ngữ về chú thuật, luôn cả nhiều kinh điển các loại, cùng tất cả các học nghệ, đều là thuộc quyền sử dụng (của tôi) vào mọi lúc.
3509. Sau khi dâng cúng các tô nhỏ đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng ba phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3510. Tôi đạt được các tô nhỏ làm bằng vàng, làm bằng bạc, luôn cả làm bằng ngọc pha-lê, và còn làm bằng hồng ngọc nữa.
3511. Tôi đạt được các tô nhỏ làm bằng gỗ assattha, bằng vỏ trái bầu, hoặc bằng các lá sen, và các vỏ sò ốc cho việc uống mật ong.
3512. Tôi có sự thực hành về phận sự, về đức hạnh, về các hành động thuộc về ứng xử; tôi đạt được các đức tính này từ thành quả của việc ấy.
3513. Sau khi dâng cúng thuốc men đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng mười phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3514. Từ thành quả của việc ấy, tôi có tuổi thọ, có sức mạnh, dũng cảm, có sắc đẹp, có uy quyền, có sự sung sướng, không có sự nguy khốn, không có tai họa, và luôn luôn được tôn trọng, không có sự xa lìa với những người yêu mến của tôi.
3515. Sau khi dâng cúng các đôi dép đến đấng Chiến Thắng và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng ba phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3516. Sáu chục trăm ngàn (sáu triệu) phương tiện di chuyển bằng voi, phương tiện di chuyển bằng ngựa, các kiệu khiêng, và các cỗ xe kéo luôn luôn vây quanh tôi.
3517. Trong khi tôi luân hồi ở cõi hữu, có những chiếc giày làm bằng ngọc ma-ni, bằng len, bằng vàng, và bằng bạc hiện ra ở những lần giở bàn chân lên.
3518. Theo quy luật tự nhiên, chúng di chuyển hướng đến việc tẩy sạch các hành động tội lỗi; tôi đạt được các đức tính này từ thành quả của việc ấy.
3519. Sau khi dâng cúng các đôi giày đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi đã mang vào chiếc giày có thần lực và tôi sống theo như ước muốn.
3520. Sau khi dâng cúng các miếng vải lau khô nước đến đức Phật và tập thể tối thượng, tôi thọ hưởng năm phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3521. Tôi có màu da vàng chói, không lấm bụi, có sự phát ánh sáng, có sự huy hoàng, cơ thể của tôi là bóng láng, không vấy bẩn bụi bặm và mồ hôi; tôi đạt được các đức tính này từ thành quả của việc ấy.
3522. Sau khi dâng cúng các cây gậy chống đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể tối thượng, tôi thọ hưởng sáu phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3523. Tôi có nhiều người con trai, sự run sợ của tôi là không được biết đến, tôi không bao giờ bị áp bức, tôi được bảo vệ bằng mọi phương cách bảo vệ, thậm chí sự té ngã tôi cũng không biết, tâm ý của tôi không bị tản mạn.
3524. Sau khi dâng cúng thuốc bôi đến đức Phật và Hội Chúng, tập thể tối thượng, tôi thọ hưởng tám phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3535. Tôi có (cặp) mắt to màu trắng, màu vàng, và màu đỏ, có nhãn quan được tịnh tín không bị vẩn đục, được lánh xa mọi tật bệnh.
3526. Tôi đạt được Thiên nhãn, và tuệ nhãn vô thượng; tôi đạt được các đức tính này từ thành quả của việc ấy.
3527. Sau khi dâng cúng các chìa khóa đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi đạt được chìa khóa trí tuệ, vật mở ra cánh cửa Giáo Pháp.
3528. Sau khi dâng cúng các túi đựng chìa khóa đến đức Phật và Hội Chúng, tập thể tối thượng, tôi thọ hưởng hai phước báu tương xứng với nghiệp của tôi. Trong khi luân hồi ở cõi hữu, tôi ít giận dữ, không buồn phiền.
3529. Sau khi dâng cúng các vải băng bó đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng năm phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3530. Trong khi luân hồi ở cõi hữu, tôi không chao động ở các tầng định, tôi có năng lực đối với các tầng định, tôi có hội chúng không thể bị chia rẽ, có lời nói luôn luôn được thừa nhận, có sự thành tựu của cải được sanh lên.
3531. Sau khi dâng cúng các ống dẫn khói đến đấng Chiến Thắng và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng ba phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3532. Niệm của tôi là trực chỉ, các sợi gân khéo được liên kết, tôi đạt được Thiên nhãn, là từ thành quả của của việc ấy.
3533. Sau khi dâng cúng các chân đèn đến đấng Chiến Thắng và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng ba phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3534. Tôi có sự sanh ra tốt đẹp, được đầy đủ các phần thân thể, có tuệ hướng đến giác ngộ; tôi đạt được các đức tính này từ thành quả của việc ấy.
3535. Sau khi dâng cúng các vật đo lường và các hòm nhỏ đến đức Phật và tập thể tối thượng, tôi thọ hưởng mười phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3536. Tôi luôn luôn cảnh giác, có được sự an lạc, có danh vọng lớn lao, đồng thời có cả tương lai, được xa lìa sự thất bại, có sự tinh tế, được lánh khỏi tất cả các hiểm họa.
3537. 3538. Và tôi có sự đạt được các đức tính vĩ đại, tôi có hành vi bình lặng, sự kích động đã được xa lìa hẳn, tôi đạt được các vật đo lường và các hòm nhỏ có bốn màu, cùng với các con voi, các con ngựa, và châu báu, những vật này của tôi không bị tiêu hoại; điều này là quả báu của việc dâng cúng các vật đo lường.
3539. Sau khi dâng cúng các ống đựng thuốc bôi đến đức Phật và Hội Chúng, tập thể tối thượng, tôi thọ hưởng năm phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3540. Tôi có đủ tất cả các tướng mạo, có tuổi thọ, trí tuệ, và (tâm) định tĩnh, thân của tôi luôn luôn được thoát khỏi mọi sự mệt nhọc.
3541. Sau khi dâng cúng các cây kéo có cán nhỏ vô cùng bén đến Hội Chúng, tôi đạt được trí tuệ vô lượng và tinh khiết, vật cắt xén các phiền não.
3542. Sau khi dâng cúng các kẹp gắp đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi đạt được trí tuệ vô lượng và tinh khiết, vật gắp bỏ các phiền não.
3543. Sau khi dâng cúng các dụng cụ xông mũi đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng tám phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3544. Tôi có đức tin, giới hạnh, luôn cả sự hổ thẹn tội lỗi, và đức tính ghê sợ (tội lỗi), có sự học hỏi, sự dứt bỏ của cải, sự nhẫn nại, và trí tuệ là đức tính thứ tám.
3545. Sau khi dâng cúng các ghế đẩu đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng năm phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3546. Tôi được sanh ra ở gia tộc thượng lưu, tôi có của cải lớn lao, tất cả tôn trọng tôi, danh tiếng của tôi được lan truyền.
3547. Trong một trăm ngàn kiếp, các chiếc ghế bành hình vuông thường xuyên vây quanh tôi, tôi vui thích trong sự ban phát.
3548. Sau khi dâng cúng các tấm nệm đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng sáu phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3549. Tôi có thân thể đều đặn, được tôn trọng, là người mềm mỏng, có dáng vóc tao nhã, tôi đạt được nhóm tùy tùng có trí tuệ; điều này là quả báu của việc dâng cúng nệm.
3550. Tôi đạt được các nệm bông vải đủ các hình dạng, nhiều tấm thảm dệt có hình vẽ, các tấm tranh vải quý giá, và nhiều loại chăn mền.
3551. Tôi đạt được các tấm áo khoác mềm mại, các mảnh da dê mềm mại, và các tấm trải lót nhiều loại; điều này là quả báu của việc dâng cúng nệm.
3552. Kể từ khi tôi nhớ được bản thân, kể từ khi tôi đạt được sự hiểu biết, tôi không là kẻ vô tích sự, tôi là chiếc nôi của thiền; điều này là quả báu của việc dâng cúng các tấm nệm.
3553. Sau khi dâng cúng các chiếc gối đến đấng Chiến Thắng và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng sáu phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3554. Tôi luôn luôn kê đầu ở những chiếc gối len, những chiếc gối gương sen, và những chiếc gối gỗ trầm màu đỏ.
3555. Sau khi hướng dẫn trí đến Đạo lộ cao quý tám chi phần, bốn quả vị Sa-môn, tôi an trú vào các pháp ấy trong mọi thời điểm.
3556. Sau khi hướng dẫn trí đến sự bố thí, sự rèn luyện, sự thu thúc, và các pháp vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) thuộc sắc giới , tôi an trú vào các pháp ấy trong mọi thời điểm.
3557. Sau khi đặt tâm trí vào phận sự, đức hạnh, sự thực hành, và các hành động thuộc về ứng xử, tôi an trú (vào các pháp ấy) trong mọi thời điểm.
3558. Sau khi hướng dẫn trí đến dường kinh hành, hoặc sự nỗ lực tinh tấn ở các chi phần giác ngộ, tôi an trú vào các pháp ấy theo như ý thích.
3559. Sau khi hướng dẫn trí đến Giới, Định, Tuệ, và sự Giải Thoát vô thượng, tôi an trú vào các pháp ấy một cách an lạc.
3560. Sau khi dâng cúng các ghế rơm đến đấng Chiến Thắng và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng hai phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3561. Tôi hưởng thụ nhiều ghế bành thượng hạng làm bằng vàng, làm bằng ngọc ma-ni, làm bằng ngà voi và lõi gỗ; điều này là quả báu của chiếc ghế rơm.
3562. Sau khi dâng cúng các ghế kê chân đến đấng Chiến Thắng và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng hai phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3563. Tôi đạt được nhiều phương tiện di chuyển; điều này là quả báu của chiếc ghế kê chân. Các tôi nam tớ gái, các người vợ, và những người khác sống nương tựa đều phục vụ tôi một cách nghiêm chỉnh; điều này là quả báu của chiếc ghế kê chân.
3564. Sau khi dâng cúng các chất dầu bôi đến Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng năm phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3565. Tôi có được sự không bệnh tật, sự thành tựu về dáng vóc, sự tiếp thu Giáo Pháp một cách nhạy bén, sự đạt được cơm ăn nước uống, và nhóm năm là tuổi thọ, sắc đẹp, an vui, sức mạnh, và trí tuệ.
3566. Sau khi dâng cúng bơ lỏng và dầu ăn đến Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng năm phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3567. Tôi luôn luôn có được sức mạnh, được thành tựu về dáng vóc, có cơ thể tươi vui, không có bệnh, sạch sẽ; điều này là quả báu của bơ lỏng và dầu ăn.
3568. Sau khi dâng cúng vật làm sạch miệng đến đức Phật và Hội Chúng, tập thể tối thượng, tôi thọ hưởng năm phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3569. Tôi có cổ họng sạch sẽ, có giọng nói ngọt ngào, được tránh khỏi bệnh ho, bệnh suyển, và hương thơm của hoa sen luôn luôn tỏa ra từ miệng của tôi.
3570. Sau khi dâng cúng sữa đông đầy đủ phẩm chất đến đức Phật và Hội Chúng, tập thể tối thượng, tôi thọ hưởng tài sản bất tử cao quý, đó là niệm hướng đến thân.
3571. Sau khi dâng cúng mật ong đạt được màu sắc và hương vị đến đấng Chiến Thắng và Hội Chúng, tôi uống hương vị giải thoát không thể ước lượng, không gì sánh bằng.
3572. Sau khi dâng cúng chất tinh túy ở trạng thái thiên nhiên đến đức Phật và Hội Chúng, tập thể tối thượng, tôi thọ hưởng bốn (Thánh) Quả tương xứng với nghiệp của tôi.
3573. Sau khi dâng cúng cơm ăn và nước uống đến đức Phật và Hội Chúng, tập thể tối thượng, tôi thọ hưởng mười phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3574. Tôi luôn luôn có tuổi thọ, có sức mạnh, sáng suốt, có dung sắc, có uy quyền, có sự sung sướng, có sự thành tựu về cơm ăn và nước uống, dũng cảm, có trí tuệ, tôi đạt được những đức tính này trong khi luân hồi ở cõi hữu.
3575. Sau khi dâng cúng nhang (thơm) đến đức Thiện Thệ và Hội Chúng, tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng mười phước báu tương xứng với nghiệp của tôi.
3576. 3577. Trong khi luân hồi ở cõi này cõi khác, tôi đạt được cơ thể có mùi thơm ngào ngạt, có uy quyền, có tuệ nhạy bén, có danh tiếng, có tuệ sắc bén, có tuệ bao la, có tuệ vi tiếu, và tuệ thâm sâu, có tuệ rộng lớn, và tuệ đổng tốc. Giờ đây, do nhờ tác động của chính việc ấy, tôi đạt đến sự tịnh lặng, an lạc, Niết Bàn.
3578. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3579. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3580. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Piḷindivaccha đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Piḷindivaccha là phần thứ nhất.
--ooOoo--
3581. Tôi đã là vị chủ quản đường lộ ở thành phố Haṃsavatī. Tôi đã tập hợp thân quyến của tôi lại và đã nói lời nói này:
3582. “Đức Phật, Phước Điền vô thượng, đã hiện khởi ở thế gian. Ngài là vị thọ nhận các vật hiến cúng của toàn bộ thế gian.
3583. Các vị Sát-đế-lỵ, luôn cả các thị dân, và các Bà-la-môn vô cùng sang trọng có tâm tịnh tín có ý vui mừng, họ đã thể hiện tinh thần cộng đồng.
3584. Các người nài voi, các lính ngự lâm, các người đánh xe, các binh lính có tâm tịnh tín có ý vui mừng, họ đã thể hiện tinh thần cộng đồng.
3585. Các vị con lai (có cha dòng Sát-đế-lỵ và mẹ là nô bộc), các người con trai của đức vua, các thương buôn, và các Bà-la-môn có tâm tịnh tín có ý vui mừng, họ đã thể hiện tinh thần cộng đồng.
3586. Các người đầu bếp, các người phục vụ, các người hầu tắm, các người làm tràng hoa có tâm tịnh tín có ý vui mừng, họ đã thể hiện tinh thần cộng đồng.
3587. Các người thợ nhuộm, các người thợ dệt, các người thuộc da, và các người thợ cạo có tâm tịnh tín có ý vui mừng, họ đã thể hiện tinh thần cộng đồng.
3588. Các người làm tên, các người thợ tiện, các người thợ da, luôn cả các người thợ mộc có tâm tịnh tín có ý vui mừng, họ đã thể hiện tinh thần cộng đồng.
3589. Các người thợ rèn, các người thợ vàng, cũng vậy các người thợ thiếc có tâm tịnh tín có ý vui mừng, họ đã thể hiện tinh thần cộng đồng.
3590. Các người làm công, luôn cả các trẻ sai vặt, nhiều kẻ nô lệ làm công, tùy theo năng lực của mình họ đã thể hiện tinh thần cộng đồng.
3591. Các người gánh nước, các người gánh củi, các nông dân, và các người gánh cỏ, tùy theo năng lực của mình họ đã thể hiện tinh thần cộng đồng.
3592. Các người trồng hoa, luôn cả các người làm tràng hoa, các người hốt lá, các người gánh trái cây, tùy theo năng lực của mình họ đã thể hiện tinh thần cộng đồng.
3593. Các cô kỹ nữ, các cô hầu đội nước, các cô bán bánh, và các bà bán cá, tùy theo năng lực của mình họ đã thể hiện tinh thần cộng đồng.
3594. Xin quý vị hãy đi đến. Tất cả chúng ta hãy tụ hội lại và cùng nhau kết hợp lại thành nhóm. Chúng ta sẽ thực hiện hành động hướng thượng đến Phước Điền vô thượng.”
3595. Sau khi lắng nghe lời nói của tôi, họ đã tức thời kết hợp lại thành nhóm và đã cho thực hiện hội trường phục vụ được xây dựng khéo léo dành cho Hội Chúng tỳ khưu.
3596. Sau khi cho làm hoàn tất hội trường ấy, tôi đã trở nên phấn khởi, có tâm ý hớn hở. Được tất cả những người ấy tháp tùng, tôi đã đi đến gặp bậc Toàn Giác.
3597. Sau khi đi đến gần bậc Toàn Giác, đấng Bảo Hộ Thế Gian, bậc Nhân Ngưu, tôi đã đảnh lễ ở bàn chân của bậc Đạo Sư và đã nói lời nói này:
3598. “Bạch đấng Anh Hùng, ba trăm người nam này là cùng nhóm. Bạch bậc Hiền Trí, họ cống hiến đến Ngài hội trường phục vụ đã được xây dựng khéo léo.”
3599. Bậc Hữu Nhãn đứng đầu Hội Chúng tỳ khưu đã tiếp nhận, và trước ba trăm người Ngài đã nói lên những lời kệ này:
3600. “Ba trăm người cùng với vị trưởng thượng đã hợp tác cùng nhau. Sau khi thực hiện, tất cả các ngươi sẽ thọ hưởng thành quả.
3601. Khi đạt đến kiếp sống cuối cùng, các ngươi sẽ chạm được Niết Bàn an tịnh, có trạng thái mát mẻ, vô thượng, không già, không chết.”
3602. Đức Phật, bậc Toàn Tri, vị Sa-môn vô thượng, đã chú nguyện như thế. Sau khi lắng nghe lời nói của đức Phật, tôi đã bày tỏ sự vui mừng.
3603. Tôi đã sướng vui ở thế giới chư Thiên ba mươi ngàn kiếp. Và tôi đã là vị thống lãnh chư Thiên cai quản Thiên quốc năm trăm lần.
3604. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương một ngàn lần. Các vị Đại Thiên đã đảnh lễ tôi khi tôi đang cai quản Thiên quốc.
3605. Ở đây, trong vương quốc nhân loại, nhóm người (trước đây) trở thành bà con họ hàng. Khi kiếp sống cuối cùng đã đến, có người Bà-la-môn tên Vāseṭṭha.
3606. Tôi đã là người con trai của vị ấy, có sự tích lũy tám mươi koṭi (tám trăm triệu). Tên của tôi là Sela. Tôi đạt đến sự toàn hảo về sáu chi phần (của vị Bà-la-môn).
3607. 3608. Trong khi dẫn đầu những người học trò của mình đi bách bộ đó đây, tôi đã nhìn thấy vị đạo sĩ khổ hạnh tên Keṇiya, mang búi tóc và giỏ vật dụng, có vật cúng hiến đã được chuẩn bị, và tôi đã nói lời nói này: “Có phải ông đã thỉnh mời cô dâu, hoặc chú rể, hay là đức vua?”
3609. “Tôi có ý định dâng tặng vật hiến cúng đến vị Bà-la-môn đã được công nhận là vị Trời. Tôi không thỉnh mời đức vua, vật hiến cúng của tôi không có.
3610. Và tôi thì không có cô dâu, chú rể của tôi thì không được biết đến. Còn vị đem lại niềm hoan hỷ cho dòng họ Sakya là bậc Trưởng Thượng ở thế gian luôn cả chư Thiên.
3611. Vị ấy là nguồn đem lại sự an lạc cho tất cả chúng sanh, vì sự lợi ích và tấn hóa của toàn bộ thế gian, vị ấy đã được tôi thỉnh mời ngày hôm nay. Đây là vật chuẩn bị cho vị ấy.
3612. Đức Phật đã được (tôi) thỉnh mời vào ngày mai là vị có màu da tợ như trái cây timbarū, là bậc vô lượng, vô song, không thể sánh bằng về dáng vóc.
3613. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy trông tợ thỏi vàng đặt ở cửa miệng lò nung, như là than gỗ khadira cháy rực, tương tợ tia chớp.
3614. Đức Phật đã được tôi thỉnh mời ấy giống như ngọn lửa ở đỉnh ngọn núi, tợ như mặt trăng vào ngày rằm, giống như là màu sắc ngọn lửa của cây sậy.
3615. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy như là con sư tử, không bị hãi sợ, đã vượt qua sự sợ hãi, là bậc Hiền Trí có sự chấm dứt việc tái sanh.
3616. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy là vị thiện xảo trong các pháp của chư Phật. Ngài không bao giờ bị áp bức bởi những kẻ khác, tương tợ con voi.
3617. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy là vị thiện xảo về sự thực hành trong Chánh Pháp, là vị Phật hùng tráng không thể sánh bằng, tương tợ con bò mộng.
3618. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy là vị có phẩm hạnh vô biên, có danh vọng vô lượng, có tất cả tướng mạo rực rỡ, tương tợ (Chúa Trời) Sakka.
3619. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy là vị có năng lực, có đồ chúng, có sự huy hoàng, có sự vẻ vang, khó mà tiếp cận, tương tợ đấng Phạm Thiên.
3620. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy có Giáo Pháp đã đạt, là đấng Thập Lực, là bậc thông thạo về năng lực và siêu năng lực, tương tợ trái đất.
3621. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy được vây bủa bởi các làn sóng giới hạnh, không bị lay động do sự nhận thức (của giác quan) đối với các đối tượng, tương tợ biển cả.
3622. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy là khó mà tiếp cận, khó mà chế ngự, không bị lay chuyển, hướng thượng, cao thượng, tương tợ núi Neru.
3623. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy có trí tuệ vô biên, tương đương với bậc không thể sánh bằng, không thể ước lượng, đã đạt đến tột đỉnh, tương tợ bầu không gian.
(Tụng phẩm thứ mười lăm).
3624. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy là vị an ủi, là chốn nâng đỡ cho những kẻ bị khiếp hãi lo sợ, là sự bảo vệ cho những người đến nương nhờ.
3625. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy là hầm mỏ châu báu, là chỗ trú của những người có trí giác ngộ, là Phước Điền của những người tầm cầu sự an lạc.
3626. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy là bậc an ủi, tạo ra niềm phấn khởi, là đấng ban phát quả vị Sa-môn, tương tợ đám mây (đem lại cơn mưa).
3627. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy là con mắt của thế gian, có oai lực lớn lao, là sự xua đi tất cả các bóng tối, tương tợ mặt trời (xua tan đêm đen).
3628. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy là bậc Hiền Trí có sự nhìn thấy bản thể trong các sự giải thoát khỏi đối tượng của các giác quan, tương tợ mặt trăng (lìa bỏ các chỗ đã rọi đến).
3629. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy là bậc trưởng thượng, đã tự mình vươn lên ở thế gian, được tô điểm với các tướng mạo, là bậc vô lượng.
3630. Vị nào có trí tuệ không thể đo lường, vị nào có giới không thể tương đương, vị nào có sự giải thoát không thể sánh bằng, vị ấy là Đức Phật đã được tôi thỉnh mời.
3631. Vị nào có nghị lực không sánh bằng được, vị nào có sức mạnh không nên suy tưởng, vị nào có sự nỗ lực hàng đầu, vị ấy là đức Phật đã được tôi thỉnh mời.
3632. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy có tất cả các chất độc hại là tham, sân, và si đã được xóa sạch, tương tợ thuốc chữa bệnh.
3633. Đức Phật, đấng Đại Hùng đã được tôi thỉnh mời ấy có sự xua đi căn bệnh phiền não, nhiều sự khổ đau, và tất cả các bóng tối, tương tợ vị lương y.”
3634. “Này ông, vị mà ông nói là ‘Đức Phật,’ thậm chí tiếng gọi ấy cũng khó mà đạt được.” Sau khi được nghe rằng: ‘Đức Phật! Đức Phật!’ đã có sự phỉ lạc sanh khởi đến tôi.
3635. Niềm phỉ lạc của tôi không (thể) nắm giữ ở bên trong đã bộc lộ ra ngoài. Trong khi có tâm phỉ lạc, tôi đây đã nói lời nói này:
3636. “Vậy thì đức Thế Tôn, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu ấy là ở đâu? Tôi sẽ đi đến nơi ấy và sẽ đảnh lễ đấng ban phát quả vị Sa-môn.”
3637. Sau khi nắm lấy cánh tay phải (của tôi), (vị đạo sĩ Keṇiya) tràn đầy niềm phấn khởi, tay chắp lại, đã nói với tôi về đấng Pháp Vương, bậc có sự xua đi các mũi tên sầu muộn, rằng:
3638. “Ông hãy nhìn xem khu rừng lớn này tợ như đám mây khổng lồ đang trỗi dậy, như là lớp thuốc bôi màu lục, trông như là biển cả.
3639. Đức Phật, bậc Điều Phục những ai chưa được điều phục, đấng Hiền Trí ấy ngự ở nơi đây, đang hướng dẫn những người cần được hướng dẫn và giúp cho họ giác ngộ những chi phần giác ngộ.”
3640. Tợ như người khát nước tìm kiếm nước, tợ như người bị đói tìm kiếm thức ăn, như là bò mẹ khao khát con bê, tôi đã tìm đến đấng Chiến Thắng tương tợ như thế.
3641. Là người biết lối hành xử và cách tiếp cận hay dở thích hợp với tình huống, tôi đã chỉ dạy những người học trò của mình trong khi họ đang đi đến chỗ của đấng Chiến Thắng rằng:
3642. “Này các chàng trai, các đấng Thế Tôn là khó mà tiếp cận, tợ như những con sư tử có sở hành đơn độc, các trò nên đi đến, bước từng bước từng bước một.
3643. Giống như con rắn độc khủng khiếp, tợ như con sư tử vua của loài thú, tợ như con voi có ngà đã bị nổi cơn, chư Phật là khó mà tiếp cận như thế ấy.
3644. Này các chàng trai, hãy kềm lại sự ho khan và khịt mũi. Các trò hãy đi đến gần bên đức Phật, bước từng bước từng bước một.
3645. Chư Phật là các vị thầy của thế gian luôn cả chư Thiên, là những bậc quý trọng sự yên tịnh, ít gây tiếng động, khó mà tiếp cận, khó đến gần bên.
3646. Khi ta hỏi câu hỏi hoặc là trao đổi xã giao, khi ấy các trò hãy im lặng, hãy đứng yên như là có bản chất của bậc hiền trí.
3647. Về Chánh Pháp mà vị ấy thuyết giảng nhằm đạt đến Niết Bàn an ổn, các trò hãy chú tâm đến ý nghĩa ấy. Việc lắng nghe Chánh Pháp là hạnh phúc.”
3648. Sau khi đi đến gần bậc Toàn Giác, tôi đã chào hỏi với bậc Hiền Trí. Sau khi đã trao đổi lời thăm hỏi ấy, tôi đã quan sát các tướng mạo.
3649. Tôi nhìn thấy ba mươi tướng mạo, nhưng tôi vẫn còn hoài nghi về hai tướng mạo. Đấng Hiền Trí đã dùng thần thông cho thấy vật kín có lớp vỏ bọc lại.
3650. Đấng Chiến Thắng đã thè lưỡi ra uốn lại, rồi đã chạm vào lỗ tai và lỗ mũi, (sau đó) đã che lấp toàn bộ cái trán.
3651. Sau khi nhìn thấy các tướng mạo được đầy đủ cùng với các tướng phụ của Ngài, tôi đã đi đến kết luận là “Đức Phật,” và đã xuất gia cùng với các người học trò.
3652. Cùng với ba trăm (người học trò), tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Chưa đến nửa tháng, tất cả chúng tôi đã đạt được Niết Bàn.
3653. Sau khi đã cùng nhau thực hiện công việc ở Phước Điền vô thượng, sau khi đã cùng nhau luân hồi, họ đã cùng nhau dừng lại.
3654. Sau khi dâng cúng các cây đà chống, tôi đã sống theo tính chất cộng đồng. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp, tôi đạt được tám nhân tố:
3655. Tôi được tôn vinh ở các phương, và của cải của tôi là vô lượng, tôi là chốn nâng đỡ cho tất cả, sự run sợ của tôi không được biết đến.
3656. Các bệnh tật của tôi không được biết đến, và tôi gìn giữ được tuổi thọ, tôi là người có làn da mềm mại, tôi cư ngụ ở trú xứ đã được mong mỏi.
3657. Sau khi dâng cúng tám cây đà chống, tôi đã sống theo tính chất cộng đồng. Tôi có các tuệ phân tích và phẩm vị A-la-hán, điều này là phần phụ trội của điều thứ tám.
3658. Bạch đấng Đại Hiền Trí, con có toàn bộ nguồn nhiên liệu đã cạn, có phận sự đã được làm xong, không còn lậu hoặc, là người con trai của Ngài, có tên là Aṭṭhagopānasī.
3659. Sau khi dâng cúng năm cây cột trụ, tôi đã sống theo tính chất cộng đồng. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp, tôi đạt được năm nhân tố:
3660. Tôi không dao động nhờ vào tâm từ ái, tôi có các bộ phận cơ thể không bị thiếu sót, tôi có lời nói được thừa nhận, cũng vậy tôi không bị công kích.
3661. Tâm của tôi không bị tản mạn, tôi không bị dao động bởi bất cứ điều gì. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp, tôi không bị bợn nhơ ở trong Giáo Pháp.
3662. Bạch đấng Đại Hùng, bạch bậc Hiền Trí, vị tỳ khưu Thinh Văn của Ngài có sự tôn kính, có sự phục tùng, có phận sự đã được làm xong, không còn các lậu hoặc, xin đảnh lễ Ngài.
3663. Tôi đã thực hiện chiếc ghế bành được làm khéo léo và đã bố trí ở hội trường. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp, tôi đạt được năm nhân tố:
3664. Sau khi được sanh vào gia tộc thượng lưu, tôi có của cải lớn lao. Tôi là người được thành tựu mọi thứ, sự bỏn xẻn ở tôi không được biết đến.
3665. Khi tôi mong muốn ra đi, chiếc ghế bành hiện diện kế bên. Bằng chiếc ghế bành tối thượng, tôi đi đến nơi đã được tôi mong muốn.
3666. Do việc dâng cúng chiếc ghế bành ấy, tôi đã xua đi tất cả bóng tối. Bạch đấng Hiền Trí, vị trưởng lão đã đạt được toàn bộ năng lực của thắng trí xin đảnh lễ Ngài.
3667. Tôi đã hoàn thành tất cả các phận sự, phận sự của mình và phận sự đối với người khác. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp, tôi đã đi vào thành phố không sợ hãi (Niết Bàn).
3668. Tôi đã dâng cúng vật hữu dụng chính là hội trường đã được hoàn thành. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp, tôi đã đạt đến bản thể tối thượng.
3669. Bất cứ các huấn luyện viên nào ở thế gian, khi họ huấn luyện các con voi, các con ngựa, họ thực hiện nhiều cách hành hạ khác nhau, họ huấn luyện bằng sự tàn bạo.
3670. Bạch đấng Đại Hùng, Ngài không huấn luyện các người nam và nữ như thế ấy. Ngài huấn luyện trong sự huấn luyện tối thượng, không gậy, không dao.
3671. Trong khi tán dương các đức tính của sự bố thí, bậc Hiền Trí là vị thiện xảo về việc thuyết giảng. Ngay trong khi đang trả lời một câu hỏi, bậc Hiền Trí đã giác ngộ cho ba trăm người.
3672. Được đấng Điều Ngự huấn luyện, chúng tôi đã được hoàn toàn giải thoát, không còn lậu hoặc, đã đạt được toàn bộ năng lực của thắng trí, đã được tịch diệt về sự đoạn tận mầm mống tái sanh.
3673. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây một trăm ngàn kiếp, tất cả các điều lo sợ đã được vượt qua; điều này là quả báu của việc dâng cúng hội trường.
3674. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3675. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3676. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sela đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sela là phần thứ nhì.
--ooOoo--
3677. (Tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian) tợ như cây kaṇikāra đang cháy sáng, tợ như cây đèn đang phát sáng, tợ như vì sao osadhī đang chiếu sáng, giống như tia chớp ở bầu trời.
3678. (Tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian) không bị hãi sợ, không có sợ sệt, tợ như con sư tử vua của loài thú, đang tỏa sáng ánh sáng trí tuệ, đang chế ngự các nhóm người ngoại đạo.
3679. Tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian đang tiếp độ thế gian này, đang cắt đứt mọi điều nghi hoặc, tợ như (con sư tử) vua của loài thú đang gầm thét.
3680. Tôi đã là vị mang búi tóc, khoác tấm da dê, cao thượng, ngay thẳng, có sự huy hoàng. Tôi đã cầm lấy y phục bằng vỏ cây và đã trải xuống ở cạnh bàn chân (của đức Phật).
3681. Tôi đã cầm lấy chất bôi thơm kāḷānusāriya và đã thoa lên đức Như Lai. Sau khi thoa lên bậc Toàn Giác, tôi đã ngợi ca về đấng Lãnh Đạo Thế Gian rằng :
3682. “Bạch đấng Đại Hiền Trí, Ngài đã vượt qua dòng nước lũ, Ngài tiếp độ thế gian này, Ngài chiếu sáng bằng ánh sáng trí tuệ, trí tuệ tối thượng (của Ngài) là không bị che lấp.
3683. Ngài chuyển vận bánh xe Giáo Pháp, Ngài chế ngự các ngoại đạo khác, Ngài là vị cao quý đã chiến thắng trận đấu, Ngài làm trái đất rúng động.
3684. Các làn sóng ở đại dương bị vỡ tan ở bờ biển, tương tợ y như thế tất cả các tà kiến bị tan vỡ ở trí tuệ của Ngài.
3685. Khi lưới có lỗ nhỏ được đặt vào ở trong hồ nước, các sinh vật đi vào trong lưới thì bị khống chế ngay lập tức.
3686. Bạch Ngài, tương tợ y như thế các ngoại đạo ở thế gian dựa dẫm vào dị giáo tầm thường, họ xoay vần bên trong trí tuệ cao quý của Ngài.
3687. Ngài là bến bờ của những người đang bị cuốn trôi ở dòng nước lũ, chính Ngài là vị bảo hộ của những người không thân quyến, Ngài là sự bảo vệ cho những người bị khổ đau vì hãi sợ, là nơi nương tựa của những người có mục tiêu đã bị xao lãng.
3688. Ngài là vị anh hùng độc nhất, không người tương tợ, là sự tích lũy bi mẫn và từ ái, có giới tốt đẹp, không kẻ sánh bằng, được an tịnh, có năng lực, vững chãi, đã chiến thắng cuộc hành trình.
3689. Ngài là bậc trí tuệ, có sự si mê đã được xa lìa, không còn dục vọng, không có hoài nghi, đã sống trọn vẹn, có sân hận đã được chối bỏ, không ô nhiễm, đã được thanh lọc, tinh khiết.
3690. Ngài đã vượt lên sự quyến luyến, có sự kiêu hãnh đã được tiêu diệt, có tam minh, đã đi đến tận cùng của tam giới, đã vượt qua ranh giới, có sự kính trọng Giáo Pháp, có mục đích đã được thực hiện, có đạo lộ hữu ích.
3691. Ngài giống như ngôi sao (hướng dẫn) chiếc thuyền, giống như của cải chôn giấu là nguồn tạo sự an ủi, giống như con sư tử không bị hãi sợ, tợ như con voi chúa kiêu kỳ.”
3692. Sau khi ngợi ca bậc có danh vọng lớn lao Padumuttara bằng mười câu kệ, sau khi đã đảnh lễ ở bàn chân của bậc Đạo Sư, khi ấy tôi đã đứng, im lặng.
3693. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, bậc Đạo Sư, đứng ở Hội Chúng tỳ khưu, đã nói lên những lời kệ này:
3694. “Người nào đã tán dương giới hạnh và trí tuệ, luôn cả Giáo Pháp của Ta, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
3695. (Người ấy) sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên sáu chục ngàn kiếp. Sau khi vượt trội chư Thiên khác, (người ấy) sẽ được thiết lập làm vị chúa tể.
3696. Về sau người ấy sẽ xuất gia, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, người ấy sẽ xuất gia trong Giáo Pháp của đức Thế Tôn Gotama.
3697. Sau khi xuất gia, sau khi lánh xa ác nghiệp bằng thân, sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, (người ấy) sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
3698. “Bạch đấng Đại Hùng, giống như đám mây đang nổi sấm (sét) thì làm cho trái đất này thỏa mãn, tương tợ y như thế Ngài đã làm con thỏa mãn bằng Giáo Pháp.”
3699. Sau khi ngợi ca giới hạnh, trí tuệ, Giáo Pháp, và đấng Lãnh Đạo Thế Gian, tôi đã đạt đến sự an tịnh tuyệt đối, Niết Bàn, vị thế bất hoại.
3700. Ôi, nếu như đức Thế Tôn bậc Hữu Nhãn ấy có thể tồn tại lâu dài, thì (nhiều người) có thể nhận thức điều chưa được biết đến và có thể chạm đến vị thế Bất Tử.
3701. Đây là lần sinh ra sau cùng của tôi, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
3702. (Kể từ khi) tôi đã ngợi ca đức Phật trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc tán dương.
3703. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, giờ đây không còn tái sanh nữa.
3704. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3705. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sabbakittika[11]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sabbakittika là phần thứ ba.
--ooOoo--
3706. Khu ẩn cư của tôi đã được xây dựng khéo léo ở bờ sông Sindhu. Tại nơi ấy, tôi chỉ dạy các học trò về truyền thống cùng với tướng mạo.
3707. Các vị ấy có sự ao ước về Giáo Pháp, đã được huấn luyện, có ước muốn được nghe lời giáo huấn tốt đẹp. Đã đạt đến sự toàn hảo về sáu chi phần, các vị ấy sống ở bờ sông Sindhu.
3708. Khi ấy, trong lúc đang tầm cầu mục đích tối thượng, các vị sống ở trong khu rừng bao la.
3709. Bậc Toàn Giác tên Sumedha lúc bấy giờ đã hiện khởi ở thế gian. Thương tưởng đến chúng tôi, đấng Hướng Đạo đã đi đến gần.
3710. Khi đấng Đại Hùng, bậc Lãnh Đạo Thế Gian Sumedha đã đi đến gần, tôi đã làm tấm thảm trải bằng cỏ và đã dâng cúng đến bậc Trưởng Thượng của thế gian.
3711. Tôi đã cầm lấy mật ong từ khu rừng bao la và đã dâng cúng đến đức Phật tối thượng. Bậc Toàn Giác đã thọ dụng và đã nói lời nói này:
3712. “Người nào được tịnh tín đã tự tay mình dâng cúng mật ong ấy đến Ta, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
3713. Do sự dâng cúng mật ong này và do tấm thảm trải bằng cỏ, (người ấy) sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên ba mươi ngàn kiếp.
3714. Vào ba mươi ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
3715. Là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, (người ấy) sẽ biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc và sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
3716. Sau khi đã từ thế giới chư Thiên đi đến nơi đây, khi (tôi) nhập vào bụng mẹ, có cơn mưa mật ong đã đổ xuống, che lấp trái đất với mật ong.
3717. Và ngay khi tôi đang ra khỏi bụng mẹ một cách vô cùng khó khăn, tại nơi ấy cũng có cơn mưa mật ong đã liên tục đổ mưa đến tôi.
3718. Sau khi lìa khỏi nhà, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình, tôi có sự đạt được về cơm ăn và nước uống; điều này là quả báu của việc dâng cúng mật ong.
3719. Tôi được dồi dào về mọi dục lạc sau khi đã sống ở (thế giới) chư Thiên và nhân loại. Chính nhờ sự dâng cúng mật ong ấy, tôi đã đạt được sự đoạn tận các lậu hoặc
3720. Khi trời đổ mưa ở cỏ dài bốn ngón tay, khi loài thảo mộc mọc ở trên đất đã được trổ hoa và đã che phủ khắp, ở ngôi nhà trống vắng, ở mái che và ở cội cây, tôi sống luôn luôn được an lạc, không còn lậu hoặc.
3721. Tôi đã vượt lên tất cả các cõi trung bình, to lớn, và thấp kém. Hôm nay các lậu hoặc của tôi đã được đoạn tận, giờ đây không còn tái sanh nữa.
3722. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí (trước đây) ba mươi ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng mật ong.
3723. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, giờ đây không còn tái sanh nữa.
3724. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3725. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Madhudāyaka[12]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Madhudāyaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
3726. Đức Thế Tôn tên Piyadassī là đấng Tự Chủ, bậc Lãnh Đạo Thế Gian. Đấng Toàn Giác, bậc Hiền Trí có ước muốn độc cư, thiện xảo về định.
3727. Sau khi đi sâu vào khu rừng rậm, bậc Đại Hiền Trí Piyadassī, đấng Tối Thượng Nhân, đã trải ra tấm y may từ vải bị quăng bỏ rồi ngồi xuống.
3728. Trong thời quá khứ, tôi đã là thợ săn thú rừng ở trong khu rừng hoang rậm. Khi ấy, trong lúc tìm kiếm loài nai pasada, tôi (đã) đi lang thang.
3729. Tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy đấng Toàn Giác, bậc đã vượt qua dòng nước lũ, không còn lậu hoặc, tợ như cây sālā chúa đã được trổ hoa, tợ như mặt trời đã mọc lên.
3730. Sau khi nhìn thấy vị Trời của chư Thiên, bậc có danh vọng lớn lao Piyadassī, khi ấy tôi đã lội xuống hồ nước thiên nhiên và đã mang lại đóa sen hồng.
3731. Sau khi mang lại đóa sen hồng trăm cánh làm thích ý, tôi đã xây dựng ngôi nhà mái nhọn và đã phủ lên bằng hoa sen hồng.
3732. Bậc có lòng thương tưởng, đấng Bi Mẫn, bậc Đại Hiền Trí Piyadassī, đức Phật, đấng Chiến Thắng đã ngụ bảy ngày đêm ở ngôi nhà mái nhọn.
3733. Sau khi bỏ đi các (bông hoa) héo úa, tôi đã che lên bằng (bông hoa) mới. Liền sau đó, tôi đã chắp tay lên và đứng yên.
3734. Bậc Đại Hiền Trí Piyadassī đã xuất khỏi định. Trong lúc đang quan sát các phương, đấng Lãnh Đạo thế gian đã ngồi xuống.
3735. Khi ấy, vị thị giả có đại thần lực tên Sudassana đã hiểu được tâm của đức Phật, bậc Đạo Sư Piyadassī.
3736. Được tháp tùng bởi tám mươi ngàn vị tỳ khưu, vị ấy đã đi đến gần đấng Lãnh Đạo Thế Gian đang ngồi an lạc ở cuối khu rừng.
3737. Và cho đến chư Thiên ngự ở trong khu rừng rậm, sau khi biết được tâm của đức Phật, khi ấy tất cả đã tụ hội lại.
3738. Khi các Dạ-Xoa, các ác thần, cùng với các loài quỷ sứ đã cùng nhau đi đến, và khi Hội Chúng tỳ khưu đã đến nơi, đấng Chiến Thắng đã thốt lên các lời kệ này:
3739. “Người nào đã cúng dường và đã thực hiện chỗ ngụ cho Ta bảy ngày, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
3740. Bằng trí tuệ, Ta sẽ tán dương điều thật khó mà nhìn thấy, vô cùng vi tế, sâu thẳm, đã được thể hiện tốt đẹp. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
3741. (Người ấy) sẽ cai quản Thiên quốc mười bốn kiếp. Có tòa nhà mái nhọn vĩ đại, được che phủ bằng các đóa sen hồng, sẽ được duy trì ở không trung dành cho người ấy; điều này là quả báu của việc làm với bông hoa.
3742. (Người ấy) sẽ luân hồi xen kẽ (giữa cõi trời và cõi người) hai ngàn bốn trăm kiếp. Tại nơi ấy sẽ có cung điện làm bằng bông hoa được duy trì ở không trung (dành cho người ấy).
3743. Giống như nước không làm lem luốc cánh hoa sen, tương tợ y như thế các điều ô nhiễm không làm hoen ố trí của người này.
3744. Sau khi đã loại trừ năm pháp che lấp ở trong tâm, người này sẽ làm sanh khởi tâm về việc xuất ly và sẽ xuất gia lìa khỏi gia đình. Sau đó, trong lúc cung điện làm bằng bông hoa đang được duy trì, người này sẽ ra đi.
3745. Trong khi con người cẩn trọng có chánh niệm (này) đang ngụ ở gốc cây, tại nơi ấy sẽ có cung điện làm bằng bông hoa được duy trì ở đỉnh đầu (của người này).
3746. Sau khi dâng cúng y phục, vật thực, thuốc chữa bệnh, và chỗ nằm ngồi đến Hội Chúng tỳ khưu, (người này) sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
3747. Tôi đã ra đi xuất gia bằng sự di chuyển của ngôi nhà mái nhọn. Ngôi nhà mái nhọn được duy trì trong khi (tôi) đang ngụ ở gốc cây.
3748. Sự suy tư về y phục và vật thực không có ở tôi. Được gắn liền với nghiệp phước thiện, tôi nhận được hoàn toàn đầy đủ.
3749. Nhiều koṭi kiếp sống của tôi, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm, đã trôi qua vô ích, các bậc Lãnh Đạo Thế Gian đều đã giải thoát.
3750. (Trước đây) một ngàn tám trăm kiếp, đấng Hướng Đạo Piyadassī (đã hiện khởi). Sau khi phục vụ Ngài, tôi đã đi đến lần nhập thai này.
3751. Tại đây, tôi đã nhìn thấy bậc Toàn Giác, đấng Hữu Nhãn tên Anoma. Tôi đã đi đến gặp vị ấy và đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
3752. Đức Phật, bậc Đoạn Tận khổ đau, đấng Chiến Thắng đã giảng giải cho tôi về Đạo Lộ. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của Ngài, tôi đã đạt đến vị thế Bất Động.
3753. Sau khi đã làm vui lòng đấng Toàn Giác Gotama, bậc Cao Quý dòng Sakya, sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
3754. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường đức Phật (trước đây) một ngàn tám trăm kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3755. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, giờ đây không còn tái sanh nữa.
3756. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3757. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Padumakūṭāgāriya[13]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Padumakūṭāgāriya là phần thứ năm.
--ooOoo--
3758. Ở không xa núi Hi-mã-lạp có ngọn núi tên là Sobhita. Khu ẩn cư của tôi đã được xây dựng khéo léo, đã được tạo lập bởi những người học trò của tôi.
3759. Tại nơi ấy, có nhiều mái che và các cây sinduvāraka đã được trổ hoa. Tại nơi ấy, có nhiều cây táo rừng và các cây jīvajīvaka đã được trổ hoa.
3760. Tại nơi ấy, có nhiều cây nigguṇḍiya, cây táo, cây āmalaka, cây phārusaka, các dây bầu trái dài, và các giống sen trắng đã được trổ hoa.
3761. Tại nơi ấy, có các cây ālaka, cây beluva, cây chuối, cây chanh. Tại nơi ấy, có nhiều cây mahānāma, cây ajjuṇa, và cây piyaṅguka.
3762. Tại nơi ấy, có các cây kosamba, cây salala, cây nīpa, cây nigrodha, và cây kapitthana. Khu ẩn cư của tôi là như thế ấy. Tôi cùng với các người học trò của mình đã cư ngụ tại nơi ấy.
3763. Đức Thế Tôn Anomadassī, bậc Tự Chủ, đấng Lãnh Đạo Thế Gian, trong khi tầm cầu sự yên tịnh đã đi đến gần khu ẩn cư của tôi.
3764. Khi đấng Đại Hùng Anomadassī có danh vọng lớn lao đã đi đến gần, bỗng nhiên có căn bệnh về gió đã phát khởi đến đấng Bảo Hộ Thế Gian.
3765. Tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian trong lúc đang đi lang thang ở khu rừng. Tôi đã đi đến gần đấng Toàn Giác, bậc Hữu Nhãn có danh vọng lớn lao.
3766. Ngay sau khi nhìn thấy cử chỉ (của Ngài), khi ấy tôi đã nhận ra rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, có cơn bệnh đã nảy sanh đến đức Phật của chúng ta.”
3767. Tôi đã tức tốc đi về khu ẩn cư, ở chỗ các người học trò của tôi. Có ý định bào chế thuốc chữa bệnh, khi ấy tôi đã triệu tập các người học trò lại.
3768. Tuân theo lời nói của tôi, các người học trò, tất cả đều có lòng kính trọng, đã tụ tập lại một chỗ do sự tôn kính đối với bậc Đạo Sư của tôi.
3769. Sau khi cấp tốc trèo lên núi và mang về tất cả các loại thuốc, tôi đã bào chế loại nước hỗn hợp và tôi đã dâng cúng đến đức Phật tối thượng.
3770. Khi bậc Đại Hùng, đấng Toàn Tri, bậc Lãnh Đạo Thế Gian đã thọ dụng, cơn (bệnh) gió của đấng Thiện Thệ bậc Đại Ẩn Sĩ đã mau chóng được dập tắt.
3771. Sau khi nhìn thấy sự khó chịu đã được êm dịu, bậc có danh vọng lớn lao Anomadassī đã ngồi xuống ở chỗ ngồi của mình và đã nói lên những lời kệ này:
3772. “Người nào đã dâng cúng thuốc chữa bệnh đến Ta và đã làm êm dịu cơn bệnh của Ta, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
3773. Người này sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong một trăm ngàn kiếp. Ở tại nơi ấy, người này sẽ luôn luôn vui thích các nhạc cụ được trình tấu.
3774. Sau khi đi đến thế giới loài người, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, (người này) sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương một ngàn lần.
3775. Vào kiếp thứ năm mươi lăm, (người này) sẽ là vị Sát-đế-lỵ tên Anoma, là người chinh phục bốn phương, là vị chúa tể của vùng đất Jambu.
3776. Là đấng Chuyển Luân Vương được thành tựu bảy loại báu vật, có oai lực lớn lao, (người này) sẽ làm chấn động luôn cả cõi trời Đạo Lợi và sẽ được thiết lập làm vị chúa tể.
3777. Trở thành vị Thiên nhân hay là người (nhân loại), (người này) sẽ ít bệnh tật. Sau khi xa lìa sự bám víu (của gia đình), (người này) sẽ vượt qua căn bệnh (phiền não) ở thế gian.
3778. Vô lượng kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
3779. Là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, (người này) sẽ biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc và sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.
3780. Sau khi thiêu đốt các phiền não, (người này) sẽ vượt qua dòng chảy tham ái, và sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, có tên là Bakkula.
3781. Biết rõ toàn bộ việc này, đức Gotama, bậc Cao Quý dòng Sakya, sau khi ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu, sẽ thiết lập (người này) vào vị thế tối thắng.”
3782. Đức Thế Tôn Anomadassī, bậc Tự Chủ, đấng Lãnh Đạo Thế Gian, trong khi xem xét về sự độc cư, đã đi đến gần khu ẩn cư của tôi.
3783. Khi bậc Đại Hùng, đấng Toàn Tri, bậc Lãnh Đạo Thế Gian đã đi đến gần, được tịnh tín, tôi đã tự tay mình làm toại ý Ngài bằng mọi thứ dược phẩm.
3784. Việc làm đã khéo được thực hiện bởi tôi đây là sự thành tựu về hạt giống ở Phước Điền màu mỡ, bởi vì từ khi việc của tôi đã được thực hiện tốt đẹp, tôi không bao giờ có thể bị hao hụt.
3785. Điều lợi ích cho tôi đã được tôi đạt thành một cách tốt đẹp, là việc tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo. Nhờ vào phần dư sót của nghiệp ấy, tôi đã đạt đến vị thế Bất Động.
3786. Sau khi biết rõ về tất cả điều này, đức Gotama, bậc Cao Quý dòng Sakya, sau khi ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu, đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng.
3787. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây vô lượng kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của thuốc chữa bệnh.
3788. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, giờ đây không còn tái sanh nữa.
3789. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3790. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bakkula đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bakkula là phần thứ sáu.
--ooOoo--
3791. Người vợ của tôi đã qua đời. Con trai tôi (đã chết) được đưa đến bãi tha ma. Mẹ, cha, và anh trai (của tôi đang) được thiêu chung một giàn hỏa thiêu.
3792. Bị nung nấu bởi nỗi sầu muộn ấy, tôi đã trở nên gầy ốm, vàng vọt. Bị dày vò bởi nỗi sầu muộn ấy, tôi đã có sự rối loạn tâm trí.
3793. Bị khổ sở bởi mũi tên sầu muộn, tôi đã đi vào bên trong khu rừng. Tôi ăn trái cây đã được rụng xuống và cư ngụ ở gốc cây.
3794. Đấng Toàn Giác tên Sumedha, bậc Đoạn Tận khổ đau, đấng Chiến Thắng, có ý định tiếp độ tôi, Ngài đã đi đến gần chỗ của tôi.
3795. Nghe được tiếng bước chân của bậc Đại Ẩn Sĩ Sumedha, tôi đã ngửng đầu lên, ngước nhìn bậc Đại Hiền Trí.
3796. Đấng Đại Hùng đã ngự đến, niềm phỉ lạc đã sanh khởi ở tôi. Sau khi nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian ấy, khi ấy tâm trí của tôi đã được tập trung lại.
3797. Sau khi đạt được niệm trở lại, tôi đã dâng cúng nắm lá cây. Đức Thế Tôn, bậc Hữu Nhãn, vì lòng thương tưởng đã ngồi xuống ở tại nơi ấy.
3798. Sau khi ngồi xuống ở tại nơi ấy, đức Thế Tôn, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Sumedha đã thuyết giảng Giáo Pháp xua đi mũi tên sầu muộn cho tôi rằng:
3799. “Không được mời mọc, từ nơi ấy họ đã đi đến. Không được cho phép, từ nơi đây họ đã ra đi. Họ đã đi đến như thế nào thì họ đã ra đi như thế ấy; có sự than vãn gì trong trường hợp ấy?
3800. Cũng giống như những người bộ hành vào lúc cơn mưa đang đổ xuống, do việc đổ xuống của cơn mưa, họ đi đến chỗ có sự tốt đẹp (để trú mưa).
3801. Và khi cơn mưa đã tạnh, họ tự động ra đi theo như ý thích. Mẹ và cha của ngươi là tương tợ như thế; có sự than vãn gì trong trường hợp ấy?
3802. Các người lữ hành là những người khách có tính chất dao động, chuyển động, rung động, mẹ và cha của ngươi là tương tợ như thế; có sự than vãn gì trong trường hợp ấy?
3803. Cũng giống như loài rắn quăng bỏ lớp da già cỗi rồi đi đến lớp da (mới), tương tợ như thế mẹ và cha của ngươi đã bỏ lại xác thân ở nơi đây.”
3804. Hiểu được lời nói của đức Phật, tôi đã lìa bỏ mũi tên sầu muộn. Sau khi làm cho sanh khởi niềm hưng phấn, tôi đã đảnh lễ đức Phật tối thượng.
3805. Sau khi đã đảnh lễ bậc Long Tượng, tôi đã cúng dường bó hoa giri có được hương thơm của cõi trời đến đấng Lãnh Đạo Thế Gian Sumedha.
3806. Sau khi cúng dường bậc Toàn Giác, tôi đã chắp tay lên ở đầu. Trong lúc tưởng nhớ đến các đức hạnh cao cả, tôi đã ngợi ca đấng Lãnh Đạo Thế Gian rằng:
3807. “Bạch đấng Đại Hùng, bậc Toàn Tri, đấng Lãnh Đạo Thế Gian, Ngài đã vượt qua. Bạch đấng Đại Hiền Trí, Ngài tiếp độ tất cả chúng sanh bằng trí tuệ.
3808. Bạch đấng Đại Hiền Trí, Ngài đã cắt đứt sự hoài nghi cũng như sự lưỡng lự. Bạch đấng Hữu Nhãn, Ngài đã sắp xếp Đạo Lộ cho con bằng trí tuệ của Ngài.
3809. Các bậc A-la-hán đã đạt đến sự thành tựu, có sáu thắng trí, có đại thần lực, là các bậc trí tuệ có sự du hành ở không trung ngay lập tức tháp tùng theo.
3810. Có các vị Thinh Văn là các bậc Hữu Học đang thực hành và có các bậc đã trú vào Quả vị A-la-hán. Các vị Thinh Văn của Ngài nở rộ như đóa sen hồng vào lúc mặt trời mọc.
3811. Bạch đấng Hữu Nhãn, giống như đại dương là không bị suy suyển, không thể ước lượng, khó mà vượt qua, tương tợ như vậy, được hội đủ về trí tuệ Ngài là bậc vô lượng.”
3812. Sau khi đảnh lễ đấng Chiến Thắng của thế gian, bậc Hữu Nhãn có danh vọng lớn lao, trong khi lễ bái các phương tôi đã cúi mình ra đi.
3813. Sau khi mệnh chung từ thế giới chư Thiên, trong khi luân chuyển ở cõi này cõi khác, tôi đã hạ sanh vào bụng mẹ, có sự nhận biết, có niệm.
3814. Sau khi lìa khỏi nhà, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Tôi có sự nhiệt tâm, cẩn trọng, chứng thiền, có sự yên tịnh là hành xứ.
3815. Sau khi đã khẳng quyết về sự nỗ lực, sau khi đã làm vui lòng bậc Đại Hiền Trí, tôi thường xuyên đi đó đây, tợ như mặt trăng đã được thoát khỏi đám mây dày đặc.
3816. Tôi gắn bó với sự độc cư, được an tịnh, không còn mầm mống tái sanh. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
3817. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường đức Phật (trước đây) ba mươi ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3818. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, giờ đây không còn tái sanh nữa.
3819. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3820. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Girimānanda đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Girimānanda là phần thứ bảy.
--ooOoo--
3821. Khi (đức Phật) Kakusandha, vị Bà-la-môn hoàn hảo đã Niết Bàn, tôi đã cầm lấy tràng hoa salala và đã cho thực hiện mái che.
3822. Trong khi đi đến cõi trời Đạo Lợi, tôi đạt được cung điện tối thượng, tôi vượt trội chư Thiên khác; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
3823. Dầu là ban ngày hay ban đêm, trong khi đang đi kinh hành và đứng lại, tôi được che bởi các bông hoa salala; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
3824. Ngay chính trong kiếp này (kể từ khi) tôi đã cúng dường đức Phật, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
3825. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, tôi sống không còn lậu hoặc.
3826. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3827. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Salalamaṇḍapiya[14]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Salalamaṇḍapiya là phần thứ tám.
--ooOoo--
3828. Chỗ cư ngụ của tôi đã khéo được hóa hiện ra ở gần biển cả, có hồ nước đã khéo được tạo lập, được líu lo bởi loài ngỗng đỏ.
3829. (Hồ nước) được che phủ bởi các cây mạn-đà-la, bởi các đóa sen xanh và sen đỏ. Và con sông chảy qua nơi ấy có bến nước cạn xinh xắn làm thích ý.
3830. (Dòng sông) chứa đầy dẫy những cá và rùa, đông đúc với nhiều loại chim khác nhau, náo nhiệt bởi các chim công và chim cò cùng với những loài dơi và loài chim sáo, v.v...
3831. Và ở đây có các loài sống ở sông như là các con chim bồ câu, các loài ngỗng trời, các con ngỗng đỏ, các chim le le, các con chim cu, các loài pampaka, và các con jīvaṃjīvaka.
3832. (Dòng sông) có các chim thiên nga, chim cò làm ầm ĩ, có nhiều chim cú và loài piṅgala, được đầy đủ bảy loại châu báu, với bãi cát có ngọc ma-ni và ngọc trai.
3833. Tất cả các cây đều làm bằng vàng, được tỏa ra với nhiều hương thơm khác loại. Chúng thắp sáng chỗ trú ngụ ngày và đêm vào mọi thời điểm.
3834. Sáu mươi ngàn loại nhạc cụ được phát ra âm thanh sáng chiều. Mười sáu ngàn người nữ luôn luôn quây quần bên tôi.
3835. Tôi đã rời khỏi nơi cư ngụ (đi đến gặp) đấng Lãnh Đạo Thế Gian Sumedha. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã đảnh lễ bậc có danh vọng lớn lao ấy.
3836. Sau khi đảnh lễ bậc Toàn Giác, tôi đã thỉnh mời Ngài cùng Hội Chúng. Đấng Lãnh Đạo Thế Gian Sumedha trí tuệ ấy đã chấp nhận.
3837. Sau khi thực hiện việc thuyết giảng Giáo Pháp cho tôi, bậc Đại Hiền Trí đã cho giải tán. Tôi đã đảnh lễ bậc Toàn Giác và đã đi về chỗ cư ngụ của tôi.
3838. Tôi đã thông báo với nhóm tùy tùng rằng: “Vào buổi sáng, đức Phật sẽ đi đến chỗ ngụ (này). Tất cả các người hãy tụ hội lại.”
3839. (Họ đã đáp rằng): “Việc chúng tôi sống thân cận với ngài là điều lợi ích cho chúng tôi, là điều đã được thành đạt tốt đẹp cho chúng tôi. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện việc cúng dường đến bậc Đạo Sư, đức Phật tối thượng.”
3840. Sau khi sắp đặt thức ăn và nước uống, tôi đã thông báo về thời gian. Đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã ngự đến cùng với một trăm ngàn vị có năng lực.
3841. Tôi đã thực hiện việc tiếp đón với các loại nhạc cụ có đủ năm yếu tố. Bậc Tối Thượng Nhân đã ngồi xuống ở chiếc ghế làm toàn bằng vàng.
3842. Khi ấy, đã có chiếc lọng làm toàn bằng vàng ở phía trên, có những cái quạt quạt gió ở phía bên trong của Hội Chúng tỳ khưu.
3843. Tôi đã làm toại ý Hội Chúng tỳ khưu với cơm ăn nước uống dồi dào. Tôi đã dâng cúng đến Hội Chúng tỳ khưu mỗi vị một xấp vải đôi.
3844. Vị thọ nhận các vật hiến cúng của thế gian mà mọi người gọi là “Sumedha,” sau khi ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu, đã nói lên lời kệ này:
3845. “Người nào đã làm toại ý Ta và tất cả các vị này với cơm ăn nước uống, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
3846. Người này sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên một ngàn tám trăm kiếp, và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương một ngàn lần.
3847. Người này sanh lên chốn nào, là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, sẽ có chiếc lọng làm toàn bằng vàng che cho người ấy vào mọi lúc.
3848. Vào ba mươi ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
3849. Là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, (người này) sẽ biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc và sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.
3850. (Người này) sẽ ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu và sẽ rống lên tiếng rống của loài sư tử. Nhiều người cầm chiếc lọng ở giàn hỏa thiêu, và (người này) được thiêu ở bên dưới chiếc lọng.”
3851. Trạng thái Sa-môn đã được tôi đạt đến, các phiền não đã được tôi thiêu đốt, ở mái che hoặc ở gốc cây, tôi không biết đến sự nóng bức.
3852. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây ba mươi ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu việc dâng cúng mọi thứ.
3853. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, tôi sống không còn lậu hoặc.
3854. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3855. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sabbadāyaka[15]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sabbadāyaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
3856. Sau khi đi sâu vào núi Hi-mã-lạp, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc thông suốt về tất cả các pháp, đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã ngồi xuống.
3857. Tôi đã không nhìn thấy bậc Toàn Giác (trước đây), và tôi cũng không được nghe lời đồn đãi. Khi ấy, tôi đi lang thang ở trong rừng, đang tìm kiếm thức ăn cho mình.
3858. Ở tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy bậc Toàn Giác có ba mươi hai hảo tướng. Sau khi nhìn thấy, tôi đã có ý nghĩ rằng: “Người này có tên là gì nhỉ?”
3859. Sau khi xem xét các tướng mạo, tôi đã tưởng nhớ lại vốn hiểu biết của mình; bởi vì điều này tôi đã được nghe các bậc trí tuệ cao niên giảng giải cặn kẽ.
3860. (Tôi đã suy nghĩ rằng): “Theo như lời nói ấy của họ thì người này sẽ là đức Phật. Có lẽ ta nên tôn trọng thì số phận của ta sẽ được sáng sủa?”
3861. Tôi đã mau chóng đi về lại khu ẩn cư và đã chọn lấy dầu của cây madhu. Tôi đã mang theo một hũ và đã đi đến gặp đấng Nhân Ngưu.
3862. Tôi đã cầm lấy cái chạng ba và đã dựng lên ở ngoài trời. Tôi đã thắp sáng cây đèn và đã đảnh lễ tám lần.
3863. Đức Phật, bậc Tối Thượng Nhân đã ngồi bảy ngày đêm. Sau đó, đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã xuất thiền vào lúc cuối đêm.
3864. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã (trải qua) bảy ngày đêm. Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình dâng cúng cây đèn đến đức Phật.
3865. Khi ấy, do nhờ oai lực của đức Phật, tất cả các khu rừng được tạo bằng hương thơm, được thấm nhuần hương thơm ở ngọn núi, đã di chuyển đến gần đấng Chiến Thắng.
3866. Các loài thảo mộc mọc ở trên đất thuộc loài có hoa có hương thơm thì đã được trổ hoa. Khi ấy, do nhờ oai lực của đức Phật, tất cả đã tụ hội lại.
3867. Cho đến các loài rồng và các loài nhân điểu ở núi Hi-mã-lạp, có ý muốn nghe Giáo Pháp, cả hai loài ấy đã đi đến gần bên đức Phật.
3868. Vị Sa-môn tên Devala là bậc Thinh Văn hàng đầu của đức Phật, cùng với một trăm ngàn vị có năng lực, đã đi đến gần bên đức Phật.
3869. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, sau khi ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu, đã nói lên những lời kệ này:
3870. “Người nào được tịnh tín, đã tự tay mình dâng cúng cây đèn đến Ta, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
3871. (Người ấy) sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên sáu mươi ngàn kiếp, và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương một ngàn lần.
(Tụng phẩm thứ mười sáu).
3872. (Người ấy) sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc ba mươi sáu lần, và sẽ cai trị vương quốc rộng lớn ở trái đất bảy trăm lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
3873. Do sự dâng cúng cây đèn này, (người ấy) sẽ có Thiên nhãn. Người này sẽ luôn luôn nhìn thấy khoảng cách tám kosa[16]ở xung quanh.
3874. Trong khi (người này) mệnh chung từ thế giới chư Thiên và đang đi tái sanh, sẽ có cây đèn được duy trì ban ngày luôn cả ban đêm (cho người này).
3875. Khi con người có được nghiệp phước thiện đang được sanh ra, thành phố (ở nơi sanh ra) là rộng đến đâu thì sẽ được chói sáng đến đấy.
3876. (Người này) đi tái sanh ở chốn nào, là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, chính nhờ tám phần quả báu về đèn của sự dâng cúng cây đèn này, sẽ không ai vượt trội con người này; điều này là quả báu của việc dâng cúng cây đèn.
3877. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
3878. Là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, (người này) sẽ biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc và sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.
3879. Sau khi đã làm vui lòng đấng Toàn Giác Gotama, bậc Cao Quý dòng Sakya, (người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, có tên là Ajita.”
3880. Tôi đã sướng vui ở thế giới chư Thiên sáu mươi ngàn kiếp. Ở tại nơi ấy, tôi cũng có một trăm cây đèn chói sáng vào mọi thời điểm.
3881. Các ánh sáng của tôi tỏa ra cho dù ở thế giới chư Thiên hay là nhân loại. Sau khi tưởng nhớ đến đức Phật tối thượng, tôi đã khởi lên niềm vui dào dạt.
3882. Sau khi mệnh chung từ cõi trời Đẩu Suất, tôi đã hạ sanh vào bụng mẹ. Trong khi tôi đang được sanh ra, đã có ánh sáng chan hòa.
3883. Sau khi lìa khỏi nhà, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Tôi đã đi đến gặp vị Bāvari và đã trở thành học trò (của vị ấy).[17]
3884. Trong khi sống ở núi Hi-mã-lạp, tôi đã nghe về đấng Lãnh Đạo Thế Gian. Trong lúc tầm cầu mục đích tối thượng, tôi đã đi đến gặp đấng Hướng Đạo.
3885. Đức Phật là bậc đã được rèn luyện, là bậc giúp cho (người khác) rèn luyện, là bậc đã vượt qua dòng nước lũ, không còn mầm mống tái sanh. Đức Phật đã thuyết giảng về Niết Bàn, sự thoát khỏi tất cả khổ đau.
3886. Việc đi đến ấy của tôi đã được thành công bởi vì bậc Đại Hiền Trí đã được vui lòng. Tôi đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật.
3887. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng cây đèn trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng cây đèn.
3888. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, tôi sống không còn lậu hoặc.
3889. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật vào thời hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3890. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ajita đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ajita là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị Piḷindivaccha, vị Sela, vị Sabbakitti, vị dâng cúng mật ong, vị có ngôi nhà mái nhọn, vị Bakkula, vị Girimānanda, vị tên Salala, vị dâng cúng mọi thứ, và luôn cả vị Ajita; (tổng cộng) các câu kệ đã được tính đếm ở đây gồm có năm trăm câu kệ và hai mươi câu thêm vào đó nữa.
Phẩm Piḷindivaccha là phẩm thứ bốn mươi bốn.
--ooOoo--
Đóa sen hồng, luôn cả vị dâng cúng sự bảo vệ, bông hoa Ummā, cùng với vị dâng cúng vật thơm và nước, một đóa sen hồng, vị có sự suy tưởng về âm thanh, bông hoa mandārava, vị đảnh lễ cội Bồ Đề, trái cây avaṇṭa, và vị Piḷindivaccha; (tổng cộng) các câu kệ đã được tính đếm là một ngàn một trăm và bảy mươi bốn câu kệ.
Nhóm “Mười” từ phẩm Paduma.
Nhóm “Một Trăm” thứ tư được đầy đủ.
--ooOoo--
[1] Avaṇṭaphaladāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) avaṇṭa.”
[2] Labujadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) labuja.”
[3] Udumbaraphaladāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) udumbara.”
[4] Pilakkhaphaladāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) pilakkha.”
[5] Phārusaphaladāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) phārusa.”
[6] Valliphaladāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) valli.”
[7] Kadaliphaladāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái (phala) chuối.”
[8] Panasaphaladāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái (phala) mít (panasa).”
[9] Pubbakammapilotika tạm dịch là sự việc có liên quan (pilotika) nghiệp (kamma) quá khứ (pubba).
[10] Bốn loại vật liệu là vàng, ngọc ma-ni, ngọc pha-lê, và hồng ngọc (Ap. tập 2, câu kệ 4760, 5368, 6397; Ap. tập 3, câu kệ 174).
[11] Sabbakittika nghĩa là “vị tán dương (kittika) tổng thể (sabba) về đức Phật.
[12] Madhudāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) mật ong (madhu).”
[13] Padumakūṭāgāriya nghĩa là “vị liên quan đến ngôi nhà mái nhọn (kūṭāgāra) bằng bông sen hồng (paduma).”
[14] Salalamaṇḍapiya nghĩa là “vị liên quan đến mái che (maṇḍapa) bông hoa salala.”
[15] Sabbadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) mọi thứ (sabba).”
[16] kosa là khoảng cách bằng 500 lần chiều dài của cây cung.
[17] Tên của một vị đạo sư Bà-la-môn (ND).
3891. Ở gần đỉnh của sườn núi, (tôi là) vị đạo sĩ khổ hạnh tên Sobhita (chỉ) ăn trái cây đã được rụng xuống và cư ngụ ở trong vùng đồi núi.
3892. Khi ấy, trong lúc tầm cầu mục đích tối thượng về việc đạt đến thế giới Phạm Thiên, tôi đã mang lửa và củi lại rồi nhóm lửa.
3893. Có ý muốn tiếp độ tôi, đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara ấy, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đã đi đến khu vực của tôi.
3894. “Này bậc đại phước, ông đang làm gì vậy? Xin ông hãy cho tôi lửa và củi. Tôi (sẽ) chăm sóc ngọn lửa, nhờ đó tôi sẽ có được sự trong sạch.”
3895. “Hỡi người nhân loại, ngài là bậc hiền thiện. Hỡi đấng Thiên Nhân, ngài biết rõ (sự việc). Ngài hãy chăm sóc ngọn lửa, lửa và củi của ngài đây này.”
3896. Sau đó, đấng Chiến Thắng đã cầm lấy gỗ củi và đã nhóm lên ngọn lửa. Gỗ củi (của tôi) ở nơi ấy đã không bốc cháy; (đó là) điều kỳ diệu của bậc Đại Ẩn Sĩ.
3897. “Ngọn lửa của ông không bốc cháy, sự hiến cúng của ông không có, sự hành trì của ông là vô nghĩa. Vậy ông hãy chăm sóc ngọn lửa của Ta.”
3898. “Hỡi vị đại anh hùng, ngọn lửa ấy của ngài được gọi là loại lửa gì? Xin ngài giảng giải cho tôi luôn, cả hai chúng ta sẽ chăm sóc (ngọn lửa) ấy.”
3899. “Về sự diệt tận các pháp là nhân tố, và về sự tịnh lặng các ô nhiễm, sau khi từ bỏ sự ganh tỵ và bỏn xẻn; ba việc này là sự cúng hiến của Ta.”
3900. “Này vị đại anh hùng, ngài là hạng người như thế nào? Thưa ngài, ngài có dòng dõi thế nào? Sở hành và cách tu luyện của ngài khiến tôi thích thú vô cùng.”
3901. “Ta được sanh ra trong gia tộc Sát-đế-lỵ, đã đạt đến sự toàn hảo về thắng trí, đã được đoạn tận tất cả các lậu hoặc, giờ đây không còn tái sanh nữa.”
3902. “Hỡi đấng Phát Quang, hỡi vị Xua Tan tăm tối, hỡi bậc Thiên Nhân, nếu ngài là đức Phật, đấng Toàn Tri, là bậc Đoạn Tận khổ đau, tôi sẽ lễ bái ngài.”
3903. Tôi đã trải ra tấm da dê và đã dâng cúng chỗ ngồi: “Hỡi đấng Bảo Hộ, hỡibậc Toàn Tri, xin ngài hãy ngồi xuống. Tôi sẽ phục vụ ngài.”
3904. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống tại chỗ ấy, trên tấm da dê đã khéo được trải rộng. Sau khi thỉnh mời bậc Toàn Giác, tôi đã đi đến ngọn núi.
3905. Và tôi đã chất trái cây tinduka đầy túi đựng vật dụng rồi mang về. Tôi đã trộn trái cây với mật ong rồi dâng lên đức Phật.
3906. Khi ấy, đấng Chiến Thắng đã thọ dụng trong lúc tôi đang trầm tư. Tại đó, trong khi ngắm nhìn bậc Lãnh Đạo Thế Gian, tôi đã khiến tâm được tịnh tín.
3907. Bậc Thông Suốt Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đã ngồi ở khu ẩn cư của tôi và đã nói lên những lời kệ này:
3908. “Người nào (với tâm) tịnh tín tự tay mình làm Ta được thỏa mãn với trái cây, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
3909. Người ấy sẽ cai quản Thiên quốc hai mươi lăm lần, và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương một ngàn lần.
3910. 3911. Được gắn liền với nghiệp phước thiện, cơm ăn, nước uống, vải vóc, và chỗ nằm vô cùng giá trị biết được ước muốn của người ấy ngay lập tức sẽ sanh lên cho người ấy là người đã có nghiệp (thiện) trong quá khứ. Và người này sẽ luôn luôn được vui vẻ, không có tật bệnh.
3912. Chốn nào người ấy sanh lên, là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, người ấy sẽ được sung sướng ở khắp mọi nơi rồi sẽ đi đến bản thể nhân loại.
3913. Là vị giảng huấn, thông thạo về chú thuật, thông suốt ba tập Vệ-đà, người ấy sẽ đi đến với bậc Toàn Giác và sẽ trở thành bậc A-la-hán.”
3914. Từ khi tôi nhớ lại bản thân, từ khi tôi đạt được hiểu biết, tôi không có sự thiếu hụt về của cải; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
3915. Tôi đã đạt được Giáo Pháp cao quý, đã tiêu diệt tham ái và sân hận, đã được đoạn tận tất cả các lậu hoặc, giờ đây không còn tái sanh nữa.
3916. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3917. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3918. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tissametteyya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tissametteyya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
3919. Ở gần đỉnh của sườn núi, có đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại, cư ngụ ở trong vùng đồi núi. Đức Phật đáng kính bị lâm bệnh.
3920. Cho đến lúc ấy, đã có tiếng động ở vùng lân cận khu ẩn cư của tôi. Trong khi đức Phật đang (viên tịch) Niết Bàn, có ánh sáng đã xuất hiện.
3921. Từ loài gấu, chó sói, linh cẩu, cọp, và sư tử ở trong cụm rừng già cho đến toàn bộ (thú rừng) đã rống lên.
3922. Sau khi nhìn thấy hiện tượng bất thường ấy, tôi đã đi đến ngọn núi. Tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy đấng Giác Ngộ, bậc không bị đánh bại, đã tịch diệt.
3923. Bậc không bị đánh bại đã tịch diệt ví như là cây sālā chúa đã được trổ hoa, tợ như mặt trời đã mọc lên, như là đống than đã tàn ngọn lửa.
3924. Sau khi gom đầy cỏ và củi, tôi đã tạo dựng giàn hỏa thiêu ở tại nơi ấy. Sau khi hoàn tất giàn hỏa thiêu khéo được tạo dựng, tôi đã thiêu đốt thi thể.
3925. Sau khi thiêu đốt thi thể, tôi đã rưới nước thơm. Ngay khi ấy, có con Dạ-xoa đứng ở trên không trung đã đặt tên (cho tôi) rằng:
3926. “Này vị hiền trí, công việc đối với bậc Đại Ẩn Sĩ, đấng Tự Chủ đã được ông làm đầy đủ, vậy ông hãy luôn luôn có tên là Puṇṇaka.”[1]
3927. Sau khi chết đi lìa bỏ thân ấy, tôi đã đi đến thế giới chư Thiên. Tại nơi ấy, có hương thơm bằng chất liệu thuộc cõi trời tỏa ra ở không trung.
3928. Cũng ở tại nơi đó, khi ấy tên gọi của tôi đã là “Puṇṇaka.” Dầu trở thành vị Thiên nhân hay là loài người, tôi đều làm tròn đủ ý định (của mình).
3929. Lần sau cùng này của tôi là sự hiện hữu cuối cùng trong sự luân chuyển. Cũng ở nơi đây tên Puṇṇaka được công bố là tên gọi (của tôi).
3930. Sau khi đã làm hài lòng đấng Toàn Giác Gotama, bậc Cao Quý dòng Sakya, sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
3931. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của công việc (hỏa táng) thi thể.
3932. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, tôi sống không còn lậu hoặc.
3933. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3934. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Puṇṇaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Puṇṇaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
3935. Ở không xa núi Hi-mã-lạp, có ngọn núi tên là Asoka. Tại nơi ấy, khu ẩn cư của tôi đã được hóa hiện ra bởi vị trời Vissakamma.
3936. Bậc Toàn Giác cao cả, đấng Đại Bi, bậc Hiền Trí tên Sumedha vào buổi sáng sau khi mặc y đã đi đến tôi để khất thực.
3937. Khi bậc Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đại Hùng Sumedha đi đến, tôi đã nhận lấy bình bát của đấng Thiện Thệ và đã chứa đầy với bơ lỏng và dầu ăn.
3938. Sau khi đã dâng cúng đức Phật tối thượng, bậc Lãnh Đạo Thế Gian Sumedha, tôi đã chắp tay lên và đã khởi lên niềm vui dào dạt:
3939. “Do sự bố thí bơ lỏng này và do các nguyện lực của tác ý, dầu trở thành vị Thiên nhân hay là loài người, mong sao cho tôi đạt được sự an lạc sung mãn.
3940. Mong sao cho tôi lánh xa chốn đọa đày trong khi luân hồi cõi này cõi khác. Mong sao cho tôi khẳng định được tâm về điều ấy và đạt được vị thế Bất Động.”
3941. “Này người Bà-la-môn, điều lợi ích cho ngươi đã được ngươi đạt thành một cách tốt đẹp, là việc ngươi đã nhìn thấy Ta. Sau khi đi đến gặp Ta, ngươi sẽ trở thành vị A-la-hán.
3942. Sau khi đạt đến thành công lớn, ngươi hãy tự tin, chớ lo sợ. Bởi vì sau khi bố thí bơ lỏng đến Ta, ngươi được hoàn toàn giải thoát khỏi sự (tái) sanh.
3943. Do sự bố thí bơ lỏng này và do các nguyện lực của tác ý, dầu trở thành vị Thiên nhân hay là loài người, ngươi sẽ đạt được sự an lạc sung mãn.
3944. Do sự bố thí bơ lỏng này và do sự hành trì tâm từ ái, ngươi sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong một ngàn tám trăm kiếp.
3945. Và ngươi sẽ trở thành vị Thiên Vương ba mươi tám lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
3946. Và ngươi sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương năm mươi mốt lần, là người chinh phục bốn phương, là đấng chúa tể của vùng đất Jambu.
3947. Tợ như đại dương là không bị xao động, giống như trái đất là khó mang vác, và tương tợ y như thế của cải thuộc về ngươi sẽ là vô lượng.”
3948. Sau khi từ bỏ sáu mươi koṭi (600 triệu) tiền vàng, tôi đã xuất gia. Trong khi tầm cầu điều tốt đẹp gì mà tôi đã đi đến với Bāvarī[2]?
3949. Tại nơi ấy, tôi học tập các chú thuật và sáu phần về tướng số. “Bạch đấng Đại Hiền Trí,[3]trong khi hủy diệt điều tăm tối ấy Ngài đã hiện khởi.
3950. Bạch đấng Đại Hiền Trí, có sự ước muốn về việc nhìn thấy Ngài con đã đi đến. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của Ngài, con đã đạt đến vị thế Bất Động.”
3951. Tôi đã dâng cúng bơ lỏng đến đức Phật trong ba mươi ngàn kiếp. Trong khoảng thời gian ấy, tôi không biết rõ lượng bơ lỏng đã được tôi dâng cúng.
3952. Hiểu được ý định của tôi, biết được tâm tư của tôi, (mọi vật) đã được sanh lên, đã được tạo ra theo như ước muốn. Tôi được thỏa mãn về mọi thứ.
3953. Ôi đức Phật! Ôi Giáo Pháp! Ôi sự thành tựu của bậc Đạo Sư của chúng ta! Bởi vì sau khi dâng cúng chỉ chút ít bơ lỏng, tôi đạt được vô lượng.
3954. Cho đến nước trong đại dương được nhìn thấy từ núi Neru so sánh với bơ lỏng của tôi thì không chạm đến được phần chia của một góc (bơ lỏng của tôi).
3955. Cho đến số lượng của vũ trụ đang được hình thành, khoảng không gian ấy không sánh bằng các tấm vải đã được sanh lên cho tôi.
3956. Núi chúa Hi-mã-lạp cũng chính là ngọn núi hàng đầu sẽ không là sự so sánh đối với vật thơm đã được thoa cho tôi.
3957. (Tôi đã đạt được) vải vóc, vật thơm, bơ lỏng, thức ăn, và ở kiếp hiện tại này là Niết Bàn không còn tạo tác; điều này là quả báu của việc dâng cúng bơ lỏng.
3958. (Tôi có được) sự trú vào các thiết lập niệm, có hành xứ về thiền định, có sự thọ hưởng các chi phần giác ngộ ở ngày hôm nay; điều này là quả báu của việc dâng cúng bơ lỏng.
3959. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, tôi sống không còn lậu hoặc.
3960. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3961. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Mettagū[4]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Mettagū là phần thứ ba.
--ooOoo--
3962. Sông Gaṅgācó tên là Bhāgīrathī được phát xuất từ núi Hi-mã-lạp, lúc bấy giờ chảy dọc theo cửa khẩu của (thành phố) Haṃsavatī.
3963. Tu viện tên là Sobhita đã khéo được tạo lập ở cạnh bờ sông Gaṅgā. Đức Phật Padumuttara, đấng Lãnh Đạo Thế Gian, cư ngụ tại nơi ấy.
3964. Như là vị (Chúa Trời) Inda với chư Thiên cõi Đạo Lợi, đức Thế Tôn đã ngồi xuống ở tại nơi ấy phía trước đám người tợ như con sư tử không bị hãi sợ.
3965. Tôi là vị Bà-la-môn sống ở thành phố Haṃsavatī có tên là Chaḷaṅga. Tôi là vị đại hiền trí có tên như thế.
3966. Khi ấy, có một ngàn tám trăm người theo tôi. Được tháp tùng bởi những người học trò ấy, tôi đã đi đến bờ sông Gaṅgā.
3967. Tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy các vị sa-môn không giả dối, có các tội lỗi đã được gội rửa, đang băng qua sông Bhāgīrathī. Tôi đã tức thời suy nghĩ như vầy:
3968. “Những người con trai có danh tiếng lớn lao này của đức Phật trong khi sáng chiều băng qua (sông) khiến bản thân bị khó khăn, bản thân của họ bị hành hạ.
3969. Đức Phật được gọi là vị Cao Cả của thế gian luôn cả chư Thiên, (vậy mà) ta không có hành động cúng dường là việc làm trong sạch con đường đi đến các cảnh giới tái sanh.
3970. Hay là ta nên cho thực hiện cây cầu ở sông Gaṅgā (dâng) đến đức Phật Tối Thượng? Sau khi cho thực hiện việc làm này, ta (sẽ) vượt qua sự hiện hữu này.”
3971. Trong khi tin tưởng rằng: “Hành động được làm sẽ có (kết quả) dồi dào cho ta,” tôi đã bố thí một trăm ngàn và đã cho xây dựng cây cầu.
3972. Sau khi đã cho xây dựng cây cầu ấy, tôi đã đi đến đấng Lãnh Đạo Thế Gian. Sau khi chắp tay lên ở đầu, tôi đã nói lời nói này:
3973. “Bạch đấng Đại Hiền Trí, cây cầu lớn này đã được làm hết một trăm ngàn và đã được con bảo làm vì lợi ích của Ngài, xin Ngài thọ nhận.”
3974. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đã ngồi xuống ở hội chúng tỳ khưu và đã nói lên những lời kệ này:
3975. “Người nào được tịnh tín đã bảo thực hiện cây cầu cho Ta với các bàn tay của mình, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
3976. Dẫu cho bị rơi xuống từ vực thẳm, từ ngọn núi, hoặc từ thân cây, thậm chí bị chết đi, người này sẽ đạt được vị thế; điều này là quả báu của việc dâng cúng cây cầu.
3977. Các kẻ thù không áp chế được, ví như cơn gió không áp chế được cây đa có mạng rễ đã được phát triển; điều này là quả báu của việc dâng cúng cây cầu.
3978. Các kẻ cướp không áp chế người này, các vị Sát-đế-lỵ không khinh bỉ, người này thoát khỏi tất cả kẻ thù; điều này là quả báu của việc dâng cúng cây cầu.
3979. Khi hiện diện ở ngoài trời (và) bị thiêu đốt bởi sức nóng dữ dội, (do) được gắn liền với nghiệp phước thiện, các cảm thọ sẽ không có.
3980. Ởthế giới chư Thiên hoặc ở loài người, sau khi biết được ước muốn của người ấy, phương tiện di chuyển bằng voi sẽ được hóa hiện ra, sẽ được tạo ra ngay lập tức.
3981. Một ngàn con ngựa giống Sindhu có tốc độ của gió là phương tiện di chuyển nhanh chóng sẽ đi đến sáng chiều; điều này là quả báu của việc dâng cúng cây cầu.
3982. Sau khi đi đến bản thể nhân loại, người này sẽ được sung sướng. Ngay cả ở đây cũng sẽ có phương tiện di chuyển bằng voi cho chính con người ấy.
3983. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
3984. Là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, (người này) sẽ biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc và sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
3985. Ôi việc làm của tôi đã được thực hiện tốt đẹp đến vị (Phật) tên Padumuttara! Sau khi thể hiện sự tôn kính đến vị ấy, tôi đã đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc.
3986. Có tính khẳng quyết về sự nỗ lực, tôi được an tịnh, không còn mầm mống tái sanh. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
3987. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
3988. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, giờ đây không còn tái sanh nữa.
3989. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Dhotaka[5]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Dhotaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
3990. Ở không xa núi Hi-mã-lạp, có ngọn núi tên là Anoma, có khu ẩn cư của tôi đã khéo được xây dựng, có gian nhà rộng bằng lá đã khéo được tạo lập.
3991. Và con sông chảy qua nơi ấy có bến nước cạn xinh xắn làm thích ý. Và dọc theo bến nước cạn ấy, có nhiều sen hồng sen xanh mọc lên.
3992. Có các loài cá như là cá pāṭhīna, cá pāvusa, cá valaja, cá muñja, và cá rohita. Con sông nhỏ, chứa đầy dẫy những cá và rùa, luôn luôn trôi chảy.
3993. Ở nơi ấy, các loài hoa timira, hoa asoka, hoa khuddamālaka, hoa nguyệt quế, hoa nguyệt quế núi đã được nở rộ tỏa hương đến khu ẩn cư của tôi.
3994. Ở nơi ấy, loài hoa kūṭaja và các rừng hoa nhài được nở rộ. Ở nơi ấy, có nhiều cây sālā, cây salala, và cây campaka được nở rộ.
3995. Các loài cây ajjuna, cây atimutta, và cây mahānāma được nở rộ, và loài cây asana có hương thơm ngọt ngào, chúng nở rộ hoa ở khu ẩn cư của tôi.
3996. Các loại cây uddālaka, cây pāṭalika, cây yūthika, cây piyaṅguka, và cây bimbijālaka bao phủ ở xung quanh nửa do-tuần.
3997. Ở nơi ấy, có nhiều loại cây mātaṅgava, cây sattali, cây pāṭalī, cây sinduvāraka, cây aṅkolaka, và cây tālakūṭa được nở rộ hoa.
3998. Ở nơi ấy, có nhiều cây cánh kiến trắng nở rộ hoa ở khu ẩn cư của tôi. Trong khi những cây này đang nở rộ hoa, nhiều cây trở nên rực rỡ. Khu ẩn cư của tôi tỏa ra với hương thơm ấy ở xung quanh.
3999. Và có những loại trái cây ngọt như trái harītaka, trái āmalaka, trái xoài, trái mận đỏ, trái vibhīṭaka, trái táo, trái bhallātaka, và trái billa.
4000. Và ở nơi ấy có những loại trái cây như trái tinduka, trái piyāla, trái cam thảo, trái kāsumārī, trái mít, trái sa-kê, trái chuối, trái badarī.
4001. Ở nơi ấy, có nhiều trái cây ambāṭaka và trái cây vallikāra. Các cây bījapūra và cây sapāriya được kết trái ở khu ẩn cư của tôi.
4002. Từ nơi ấy có nhiều trái cây như trái āḷaka, trái isimugga, và trái moda bao phủ, đã chín tới và trĩu nặng. Và có các trái cây như trái vả và trái sung.
4003. Ở nơi ấy, có nhiều trái ớt, trái tiêu, trái đa, trái táo rừng, trái sung, và trái pāriya đã chín một phần.
4004. Và có nhiều loại cây này và loại cây khác đã kết trái ở khu ẩn cư của tôi. Cũng có nhiều cây có bông hoa đã đơm hoa ở khu ẩn cư của tôi.
4005. Các loài thảo mộc như là āluva, kaḷamba, bilālī, takkala, ālaka, luôn cả tālaka đều được tìm thấy ở khu ẩn cư của tôi.
4006. Ở không xa khu ẩn cư của tôi (đã) có hồ nước thiên nhiên rộng lớn, có nước trong, có nước mát, có bến nước cạn xinh xắn, làm thích ý.
4007. Ở nơi ấy, có nhiều sen hồng, sen xanh, kết hợp với sen trắng, được che phủ bởi những cây mạn-đà-la, tỏa ra với nhiều hương thơm khác loại.
4008. Có những đóa sen hồng đang tượng hình, các đóa hoa khác nở hoa có tua nhụy, có nhiều đóa có các cánh hoa rũ xuống trở thành những gương sen.
4009. Có mật tiết ra từ củ sen, có sữa và bơ lỏng từ các rễ và ngó sen, chúng tỏa ra nhiều hương thơm khác loại (hòa quyện) với hương thơm ấy ở xung quanh.
4010. Có nhiều bông súng trắng và mùi thơm của xoài thoảng qua được nhận biết. Ở kế bờ hồ nước thiên nhiên, có nhiều cây dừa dại được đơm bông.
4011. Có các cây bandhujīva khéo nở rộ hoa và các cây setavārī có hương thơm ngát. Có các con cá sấu loại kumbhīla, loại suṃsumāra, và loại gahaka được sanh ra ở tại nơi ấy.
4012. Có nhiều mãng xà là loài thú kiếm mồi trong hồ nước thiên nhiên ở tại nơi ấy. Và có các loài cá pāṭhīna, cá pāvusa, cá valaja, cá muñja, và cá rohita.
4013. Có đầy dẫy các loài cá, các con rùa, và các con rái cá nữa. Và có các con chim bồ câu, các con ngỗng trời, các con gà rừng, và các loài sống ở sông.
4014. Có nhiều chim le le, ngỗng đỏ, chim campaka, chim jīvajīvaka, chim kalandaka, chim ưng, chim diều hâu, và chim uddhara.
4015. Có nhiều chim koṭṭhaka, chim sukapota, loài cua, loài bò rừng, loài thú kāreṇī, và loài thú tilaka sống nương nhờ hồ nước ấy.
4016. Các con sư tử, cọp, báo, gấu, chó sói, linh cẩu, các loài khỉ, và luôn cả loài kim-sỉ-điểu được nhìn thấy ở khu ẩn cư của tôi.
4017. Trong khi ngửi các hương thơm ấy, trong khi ăn các thứ trái cây (ấy), và trong khi uống nước có hương thơm (ấy), tôi sống ở khu ẩn cư của tôi.
4018. Có các con sơn dương, nai, heo rừng, hươu, các loài có dáng vóc nhỏ bé, và luôn cả các con đom đóm có ánh sáng sống ở khu ẩn cư của tôi.
4019. Ở nơi ấy có nhiều chim thiên nga, chim cò, chim công, chim sáo, chim cu, chim mañjarikā, chim cú mèo, và chim gõ kiến.
4020. Có nhiều loài yêu tinh, loài người khổng lồ, và luôn cả loài quỉ sứ, loài quỷ dữ, loài nhân điểu, và luôn cả các loài bò sát sống ở khu ẩn cư của tôi.
4021. Có nhiều vị ẩn sĩ có đại oai lực, có tâm thanh tịnh, được định tĩnh, tất cả đều mang bầu nước, có y choàng là tấm da dê, các vị mang búi tóc rối ấy sống ở khu ẩn cư của tôi.
4022. Và (các vị ấy) nhìn với khoảng cách của cán cày, cẩn trọng, có hành vi thanh tịnh, hài lòng với việc có hay không có, sống ở khu ẩn cư của tôi.
4023. Được hỗ trợ bởi các năng lực của bản thân, các vị ấy luôn luôn di chuyển ở không trung (vừa đi) vừa phất phơ bộ y phục vỏ cây vừa kềm giữ tấm y da dê.
4024. Các vị ấy không mang theo nước, củi gỗ, hoặc củi nhóm lửa, và các vị ấy đã tự thân đạt được (các thứ ấy), điều này là quả báu của phép kỳ diệu.
4025. Sau khi nhận lấy cái máng bằng kim loại, các vị ấy sống ở giữa rừng ví như những con voi dòng long tượng, tợ như con sư tử không bị hãi sợ.
4026. Một số vị đi đến Tây Ngưu Hóa Châu, một số vị khác đi đến Đông Thắng Thần Châu, và một số vị khác đi đến Bắc Câu Lưu Châu tùy theo năng lực của tự thân. Sau khi mang lại vật thực từ các nơi ấy, các vị thọ thực chung.
4027. Khi ấy, trong lúc tất cả các vị có oai lực nổi bật như thế ấy đang ra đi, khu rừng được rộn ràng bởi âm thanh bộ y bằng da dê của (các vị).
4028. “Bạch đấng Đại Hiền Trí, các vị như thế ấy là những người học trò có sự khổ hạnh nổi bậc của con. Được tùy tùng bởi các vị ấy, con sống ở khu ẩn cư của con.
4029. Được hoan hỷ với việc làm của bản thân, các vị này đã cùng nhau tụ hội, và cũng đã được huấn luyện. Là những người có sự mong mỏi về việc làm của bản thân, có giới hạnh, cẩn trọng, rành rẽ về các pháp vô lượng tâm, họ đã làm con hài lòng.”
4030. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, bậc Hướng Đạo sau khi nhận biết thời điểm đã đi đến.
4031. Sau khi đi đến, đấng Toàn Giác, bậc Hiền Trí, vị có sự nhiệt tâm, cẩn trọng, đã ôm lấy bình bát, rồi đấng Toàn Giác đã đến gần tôi để khất thực.
4032. Khi đấng Đại Hùng, bậc Lãnh Đạo Padumuttara đã đi đến, tôi đã sắp xếp tấm thảm cỏ và đã rải rắc bằng các bông hoa sālā.
4033. Tôi đã thỉnh đấng Toàn Giác ngồi xuống. Trở nên mừng rỡ, với tâm ý đã được kích động, tôi đã mau chóng leo lên ngọn núi và đã thâu nhặt gỗ trầm hương.
4034. Sau khi hái trái mít có kích thước bằng bầu nước, có hương thơm cõi trời, tôi đã đặt ở trên vai rồi đã đi đến gần đấng Hướng Đạo.
4035. Sau khi đã dâng trái cây đến đức Phật, tôi đã thoa trầm hương. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã đảnh lễ đức Phật tối thượng.
4036. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đã ngồi xuống ở giữa những vị ẩn sĩ và đã nói những lời kệ này:
4037. “Người nào đã dâng cúng trái cây, trầm hương, và chỗ ngồi đến Ta, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
4038. Cho dầu ở làng hoặc ở rừng, ở các sườn núi hoặc ở các hang động, vật thực sẽ hiện ra đúng theo tâm (ước muốn) của người này.
4039. Được sanh lên ở thế giới chư Thiên hoặc ở loài người, người nam này sẽ làm toại ý nhóm tùy tùng với các thức ăn và với các loại vải vóc.
4040. Chốn nào được sanh lên là bản thể Thiên nhân hay loài người, sau khi có được của cải không bị suy suyển, người nam này sẽ luân hồi.
4041. Người này sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong ba mươi ngàn kiếp, và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương một ngàn lần.
4042. Và người này sẽ cai quản Thiên quốc bảy mươi mốt lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
4043. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
4044. Là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, (người này) sẽ biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc và sẽ sống không còn lậu hoặc.”
4045. Điều lợi ích được thành tựu một cách tốt đẹp đã được thành tựu đến tôi, là việc tôi đã được nhìn thấy đấng Lãnh Đạo, tôi đã thành tựu tam minh, tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
4046. Cho dầu ở làng hoặc ở rừng, ở các sườn núi hoặc ở các hang động, sau khi biết được tâm của tôi vật thực luôn luôn hiện đến cho tôi.
4047. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4048. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4049. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Upasiva đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Upasiva là phần thứ năm.
--ooOoo--
4050. Trong thời quá khứ, tôi đã là thợ săn thú rừng ở trong khu rừng rậm hoang dã. Trong lúc tìm kiếm thú rừng là loài nai, tôi đã nhìn thấy đấng Chiến Thắng, bậc Tự Chủ.
4051. Bậc Toàn Giác, đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại tên là Anuruddha. Khi ấy, có ước muốn độc cư, bậc trí tuệ ấy đã đi sâu vào trong khu rừng.
4052. Tôi đã cầm lấy bốn cây gậy rồi đã đặt ở bốn vị trí. Sau khi thực hiện mái che đã được làm khéo léo, tôi đã phủ lên bằng những đóa hoa sen.
4053. Sau khi đã lợp xong mái che, tôi đã đảnh lễ đấng Tự Chủ. Tôi đã quăng bỏ cây cung ngay tại chỗ ấy và đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
4054. Được xuất gia không bao lâu, bệnh tật đã khởi lên cho tôi. Tôi đã nhớ lại việc làm trước đây rồi đã qua đời ở tại nơi ấy.
4055. Được gắn liền với nghiệp trước đây, tôi đã đi đến cõi trời Đẩu Suất. Ở tại nơi ấy, có cung điện bằng vàng được tạo ra theo như ước muốn.
4056. Tôi đã chú nguyện về phương tiện di chuyển ở cõi trời là chiếc xe đã được buộc vào một ngàn con ngựa. Sau khi bước lên chiếc xe ấy, tôi ra đi theo như ước muốn.
4057. Từ đó, trong khi tôi là vị Thiên nhân và trong khi tôi được đưa đi, có chiếc lọng được che cho tôi ở xung quanh một trăm do-tuần.
4058. Tôi nằm ở cái giường thường xuyên được lót bằng bông hoa. Và có các đóa hoa sen từ trên không trung liên tục rơi xuống.
4059. Khi ảo ảnh (ở mắt) đang lung linh và sức nóng đang thiêu đốt, sức nóng đã không làm tôi bị nóng bức; điều này là quả báu của mái che.
4060. Trong khi vượt qua khổ cảnh, các địa ngục đã đóng lại đối với tôi. Ở mái che hoặc ở gốc cây, tôi không biết đến sự nóng bức.
4061. Sau khi chú nguyện sự niệm tưởng về đất, tôi băng qua nước biển mặn, việc làm của tôi đây đã được thực hiện tốt đẹp; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4062. Thậm chí không có con đường, tôi tạo ra con đường, tôi đi bằng đường không trung. Ôi việc làm của tôi đã được thực hiện tốt đẹp; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4063. Tôi biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh, tất cả các lậu hoặc của tôi đã được đoạn tận; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4064. Cuộc sống trước đây đã được buông bỏ, tôi là tỳ khưu của đức Phật, và là người thừa tự Chánh Pháp; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4065. Tôi đã làm hài lòng đấng Thiện Thệ Gotama, bậc Cao Quý của dòng Sakya. Tôi là ngọn cờ của Giáo Pháp, là người thừa tự Giáo Pháp; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4066. Tôi đã hầu cận đấng Toàn Giác Gotama bậc Cao Quý của dòng Sakya và đã hỏi đấng Lãnh Đạo Thế Gian về Đạo Lộ đi đến bờ kia.
4067. Được yêu cầu, đức Phật đã thuyết giảng về Đạo Lộ thâm sâu vi tế. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của Ngài, tôi đã đạt đến sự diệt tận các lậu hoặc.
4068. Ôi việc làm của tôi đã được thực hiện tốt đẹp! Tôi đã được giải thoát khỏi sự sanh, đã được đoạn tận tất cả các lậu hoặc, giờ đây không còn tái sanh nữa.
4069. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4070. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4071. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Nandaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Nandaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
4072. Vào lúc bấy giờ, có vị đạo sĩ khổ hạnh tên là Anoma đã tạo lập khu ẩn cư được xây dựng khéo léo ở gần chóp đỉnh của sườn núi và đã sống ở gian nhà rộng bằng lá.
4073. Sự thực hành khổ hạnh của vị ấy đã được thành tựu. Được đạt đến sự thành tựu về các năng lực của bản thân, vị hiền trí có sự nhiệt tâm, cẩn trọng, đang tiến đến bản thể sa-môn của chính mình.
4074. (Vị ấy) tự tin ở giáo lý của mình và rành rẽ về học thuyết của người khác, được nổi tiếng ở trên trời dưới đất và rành rẽ về điềm báo hiệu.
4075. Vị hiền trí không còn sầu muộn, không giết hại, (thọ) chút ít vật thực, không tham lam, hài lòng với việc có hay không có, chứng thiền, thỏa thích về thiền.
4076. Bậc Toàn Giác cao cả, đấng Bi Mẫn, bậc Hiền Trí tên Piyadassī, có ước muốn giúp cho chúng sanh vượt qua, khi ấy Ngài đã lan tỏa với tâm bi mẫn.
4077. Sau khi nhìn thấy người có khả năng giác ngộ, bậc Đại Hiền Trí Piyadassī vẫn đi đến dẫu cho (khoảng cách là) một ngàn vũ trụ, và bậc Hiền Trí giáo giới (người ấy).
4078. Có ý muốn tiếp độ tôi, Ngài đã đi đến khu ẩn cư của tôi. Tôi chưa từng nhìn thấy đấng Chiến Thắng trước đây, và cũng chưa từng được nghe từ bất cứ ai.
4079. Tôi hiểu biết rành rẽ về các điềm báo hiệu, các mộng mị, và các tướng mạo. Tôi được nổi tiếng về thiên văn địa lý và rành rẽ về thuật chiêm tinh.
4080. Tại đó, sau khi lắng nghe đức Phật tôi đây đã làm cho tâm được tịnh tín. Trong khi ăn hoặc trong khi ngồi xuống, tôi thường xuyên nhớ lại.
4081. Khi tôi nhớ lại như vậy, đức Thế Tôn cũng đã tưởng nhớ lại. Trong khi tưởng nhớ đến đức Phật, tôi có được phỉ lạc ngay lập tức.
4082. Và đã xảy ra một lần khác nữa, bậc Đại Hiền Trí đã đi đến gần tôi. Tôi cũng không biết về người đã đi đến: “Vị này là đức Phật, bậc Đại Hiền Trí.”
4083. Bậc Thương Tưởng, đấng Bi Mẫn, bậc Đại Hiền Trí Piyadassī đã tỏ rõ về bản thân rằng: “Ta là đức Phật (ở thế gian) gồm luôn cả chư Thiên.”
4084. Sau khi nhận ra đấng Toàn Giác, bậc Đại Hiền Trí Piyadassī, tôi đã làm cho tâm của chính mình được tịnh tín rồi đã nói lời nói này:
4085. “Những người khác tự ngồi xuống ở ghế đẩu, ghế bành, và các ghế dài. Còn ngài là đấng Toàn Tri, xin ngài hãy ngồi xuống chỗ ngồi bằng châu báu.”
4086. Ngay khi ấy, tôi đã hóa hiện ra chiếc ghế đẩu toàn bộ làm bằng châu báu và đã dâng lên bậc Hiền Trí Piyadassī (chiếc ghế) đã được hóa hiện ra bằng thần thông.
4087. Và khi Ngài đã ngồi xuống trên chiếc ghế đẩu bằng châu báu đã được hóa hiện ra bằng thần thông, tôi đã tức thời dâng đến Ngài trái mận đỏ có kích thước bằng bầu nước.
4088. Sau khi làm cho tôi sanh khởi niềm vui, bậc Đại Hiền Trí đã thọ dụng. Khi ấy, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín và đã đảnh lễ bậc Đạo Sư.
4089. Rồi đức Thế Tôn Piyadassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, ngồi ở chỗ ngồi bằng châu báu đã nói lên các lời kệ này:
4090. “Người nào đã dâng cúng Ta chiếc ghế đẩu làm bằng châu báu và trái cây bất tử, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
4091. (Người này) sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong bảy mươi bảy kiếp, và sẽ là đấng Chuyển Luân Vương bảy mươi lăm lần.
4092. (Người này) sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc ba mươi hai lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
4093. (Người này) sẽ đạt được nhiều chiếc ghế bành khéo được tạo ra làm bằng vàng, làm bằng bạc, làm bằng hồng ngọc, và luôn cả làm bằng châu báu.
4094. Khi ấy, có vô số chiếc ghế bành sẽ quây quanh con người có được nghiệp phước thiện, ngay cả trong lúc (vị ấy) đang đi kinh hành.
4095. Các ngôi nhà mái nhọn, các tòa lâu đài, và chỗ nằm vô cùng giá trị, sau khi biết được tâm (ước muốn) của người này sẽ được hiện ra ngay khi ấy.
4096. Sáu mươi ngàn con voi loài long tượng được trang hoàng với tất cả các loại trang sức, có chuông vàng, có trang phục với yên cương bằng vàng.
4097. Được cỡi bởi các vị trưởng làng có các bàn tay cầm giáo và móc câu, chúng sẽ hộ tống người này; điều này là quả báu của chiếc ghế bằng châu báu.
4098. Sáu mươi ngàn con ngựa dòng Sindhu thuần chủng là phương tiện vận chuyển nhanh chóng, được trang hoàng với tất cả các loại trang sức.
4099. Được cỡi bởi các vị trưởng làng có mang cung với gươm, chúng cũng sẽ hộ tống người này; điều này là quả báu của chiếc ghế bằng châu báu.
4100. Sáu mươi ngàn cỗ xe được trang hoàng với tất cả các loại trang sức, có các mảnh da báo và cả da hổ được bày biện, có các ngọn cờ được giương cao.
4101. Được cỡi bởi các vị trưởng làng có các tay cầm cung mang áo giáp, chúng sẽ thường xuyên hộ tống người này; điều này là quả báu của chiếc ghế bằng châu báu.
4102. Sáu mươi ngàn con bò cái sữa sẽ sản xuất ra các con bò con và bò đực cao quý; điều này là quả báu của chiếc ghế bằng châu báu.
4103. Mười sáu ngàn phụ nữ được trang điểm với tất cả các loại trang sức, được trang hoàng bằng các loại vải vóc nhiều màu sắc, có các bông tai bằng ngọc trai và ngọc ma-ni.
4104. Có lông mi cong, có nụ cười, có điệu bộ duyên dáng, có eo thon, các nàng sẽ thường xuyên vây quanh người này; điều này là quả báu của chiếc ghế bằng châu báu.
4105. Vào một ngàn tám trăm kiếp, bậc Hữu Nhãn tên là Gotama sau khi hủy diệt điều tăm tối ấy và sẽ trở thành đức Phật ở thế gian.
4106. (Người này) sẽ đi đến chiêm ngưỡng vị (Phật) ấy, sẽ xuất gia, không còn sở hữu gì, sẽ làm hài lòng bậc Đạo Sư, và sẽ vô cùng thỏa thích trong Giáo Pháp.
4107. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, (người này) sẽ tiêu diệt các phiền não. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, (người này) sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
4108. Tôi có sự tinh tấn, có khả năng thực hành các phận sự là điều kiện đưa đến sự an ổn khỏi các điều ràng buộc. Trong khi ước nguyện mục đích tối thượng, tôi sống ở trong Giáo Pháp.
4109. Đây là lần sau cùng của tôi, là kiếp sống cuối cùng trong sự luân chuyển. (Tôi) đã được đoạn tận tất cả các lậu hoặc, giờ đây không còn tái sanh nữa.
4110. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4111. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4112. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Hemaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Hemaka là phần thứ bảy.
(Tụng phẩm thứ mười bảy).
--ooOoo--
4113. Lúc bấy giờ, ở kinh thành Ketumatī có đức vua tên Vijaya, là vị anh hùng, được hội đủ sức lực, đã cư ngụ ở tại thành phố.
4114. Khi vị vua ấy bị xao lãng, những kẻ lục lâm đã nổi dậy. Khi ấy, những điều tội lỗi và các sự phóng đãng nữa đã tàn phá hoại xứ sở.
4115. Vào lúc biên thùy bị rối loạn, vị thuần hóa kẻ thù (đức vua) đã lập tức cho tập trung các binh lính luôn cả các nhân viên quân đội, và khi ấy đã lên án kẻ thù.
4116. Lúc bấy giờ, các nài voi, các lính ngự lâm, các bậc anh hùng, đội quân áo giáp da, các cung thủ, và các thủ lãnh, tất cả đã tập trung lại.
4117. Lúc bấy giờ, các người đầu bếp, các thợ hớt tóc, các người hầu tắm, các người làm tràng hoa, các vị anh hùng thắng trận, tất cả đã tập trung lại.
4118. Lúc bấy giờ, các người tay có cầm dao, tay có cầm cung, có áo giáp, các võ sĩ thắng trận, tất cả đã tập trung lại.
4119. Lúc bấy giờ, các con voi mātaṅga (đến tuổi) bị tiết dục ở ba nơi được sáu mươi tuổi có sự trang sức với các chuông vàng, tất cả đã tập trung lại.
4120. Lúc bấy giờ, các dũng sĩ đã được huấn luyện, có sức chịu đựng sự lạnh, sự nóng, và sự mang vác các vật thối tha, tất cả đã tập trung lại.
4121. Lúc bấy giờ, có tiếng tù và vỏ ốc, tiếng trống lớn, và tiếng trống trầm. Trong lúc đang giải trí với những tiếng trống này, tất cả bọn họ đã tập trung lại.
4122. Lúc bấy giờ, trong khi đánh đập nhau, trong khi làm cho nhau té ngã bằng các chĩa ba các cây trượng và bùa chú, bằng các áo giáp và các mũi thương, tất cả đã tập trung lại.
4123. Lúc bấy giờ, là kẻ chiến thắng vị vua ấy đã không lắng nghe kẻ bại trận về bất cứ điều gì và đã làm sáu chục ngàn sanh mạng phải khiếp đảm ở nơi cọc nhọn.
4124. Những con người (ấy) đã thốt ra lời rằng: “Ôi, vị vua bất nhân! Đối với kẻ đang bị nung nấu ở địa ngục thì khi nào sẽ là sự kết thúc?”
4125. Khi ấy, trong lúc trằn trọc ở trên giường, tôi (như là) nằm ở địa ngục, cả ngày lẫn đêm tôi không ngủ. Với cây cọc nhọn họ làm cho tôi hoảng sợ.
4126. (Tôi đã suy nghĩ rằng): “Được gì với sự chểnh mảng, với vương quốc, với xe cộ, và với binh lực? Chúng không phải là để bám víu, chúng luôn luôn làm tôi hãi sợ.
4127. Được gì cho tôi với các người con trai, với các người vợ, và với toàn bộ vương quốc? Hay là ta nên xuất gia, ta nên làm trong sạch đạo lộ tái sanh?”
4128. 4129. Không mong mỏi việc lai vãng ở chiến trường, vào địa vị, tôi đã từ bỏ sáu mươi ngàn con voi loài long tượng được trang hoàng với tất cả các loại trang sức, có chuông vàng, có trang phục yên cương bằng vàng, được cỡi bởi các vị trưởng làng có các bàn tay cầm giáo và móc câu. Bị nóng nảy bởi hành động của chính mình, tôi đã ra đi vào đời sống không gia đình.
4130. 4131. (Tôi đã từ bỏ) sáu mươi ngàn con ngựa dòng Sindhu thuần chủng, là phương tiện vận chuyển nhanh chóng, được trang hoàng với tất cả các loại trang sức, được cỡi bởi các vị trưởng làng có các bàn tay cầm cung mang áo giáp. Sau khi buông bỏ tất cả các thứ ấy, tôi đã ra đi vào đời sống không gia đình.
4132. (Tôi đã từ bỏ) sáu mươi ngàn cỗ xe được trang hoàng với tất cả các loại trang sức, có các mảnh da báo và cả da hổ được bày biện, có các ngọn cờ được giương cao. Sau khi bảo đem đi tất cả các thứ ấy, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
4133. (Tôi đã từ bỏ) sáu mươi ngàn con bò cái, tất cả đều mang bầu sữa. Sau khi quăng bỏ luôn cả lũ bò cái, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
4134. (Tôi đã từ bỏ) sáu mươi ngàn phụ nữ được trang điểm với tất cả các loại trang sức, được trang hoàng bằng các loại vải vóc nhiều màu sắc, có các bông tai bằng ngọc trai và ngọc ma-ni.
4135. Các nàng có lông mi cong, có nụ cười, có điệu bộ duyên dáng, có eo thon. Tôi đã từ bỏ các nàng đang khóc lóc và đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
4136. (Tôi đã từ bỏ) sáu mươi ngàn ngôi làng có đầy đủ tất cả. Sau khi quăng bỏ vương quốc ấy, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
4137. Sau khi rời khỏi thành phố, tôi đã đi đến núi Hy-mã-lạp. Tôi đã tạo lập khu ẩn cư ở bờ sông Bhāgīrathī.
4138. Sau khi xây dựng gian nhà rộng bằng lá, tôi đã xây dựng ngôi nhà thờ lửa. Có sự nỗ lực tinh tấn, có tính khẳng quyết, tôi sống ở khu ẩn cư của tôi.
4139. Và trong lúc tham thiền ở mái che, ở gốc cây, hoặc ở ngôi nhà trống vắng, tuy nhiên sự run sợ của tôi là không được biết đến, tôi không nhìn thấy sự kinh hoàng và hãi sợ.
4140. Đấng Toàn Giác tên Sumedha, bậc Cao Cả, đấng Bi Mẫn, bậc Hiền Trí, trong khi chói sáng với ánh sáng trí tuệ đã lập tức hiện khởi ở thế gian.
4141. Ở lân cận khu ẩn cư của tôi có con Dạ-xoa có đại thần lực, khi ấy đã thông báo cho tôi về đức Phật tối thượng đã hiện khởi:
4142. “Đức Phật bậc Hữu Nhãn tên Sumedha đã hiện khởi ở thế gian. Ngài giúp cho tất cả loài người vượt qua. Ngài cũng sẽ giúp cho ngươi vượt qua.”
4143. Sau khi lắng nghe lời nói của con Dạ-xoa, ngay khi ấy sự chấn động đã xuất hiện (ở tôi). Trong lúc suy nghĩ “Đức Phật! Đức Phật!” tôi đã xếp đặt lại khu ẩn cư.
4144. Và sau khi quăng bỏ lửa củi, tôi đã tự sắp xếp thảm trải. Sau khi lễ bái khu ẩn cư, tôi đã rời khỏi khu rừng.
4145. Sau khi cầm lấy trầm hương từ khu rừng ấy, trong khi tìm kiếm vị Trời của chư Thiên từ làng này đến làng khác, từ thành phố này đến thành phố khác, tôi đã đi đến gần bậc Hướng Đạo.
4146. Vào thời điểm ấy, đức Thế Tôn, bậc Lãnh Đạo Thế Gian Sumedha, trong khi công bố về bốn Sự Thật (đã) giác ngộ nhiều người.
4147. Sau khi đã chắp tay lên và đặt trầm hương ở trên đầu, tôi đã đảnh lễ đấng Toàn Giác và đã nói lên những lời kệ này:
4148. “Trong khi hoa nhài đang nở rộ, (hương thơm) tỏa ra vùng lân cận. Bạch đấng Anh Hùng, Ngài tỏa ra khắp mọi phương với hương thơm của đức hạnh.
4149. Trong khi các loài hoa campaka, hoa mù u, hoa atimuttaka, hoa dứa dại, hoa sālā đang nở rộ, (hương thơm) tỏa ra theo chiều gió.
4150. Bạch đấng Đại Hùng, bậc Trưởng Thượng của thế gian, vị có danh tiếng vĩ đại, sau khi nghe được danh thơm của Ngài, con từ núi Hi-mã-lạp đã đi đến nơi đây, con xin cúng dường Ngài.”
4151. Tôi đã thoa trầm hương cao quý lên đấng Lãnh Đạo Thế Gian Sumedha. Sau khi làm cho tâm của mình được tịnh tín, ngay khi ấy tôi đã đứng yên lặng.
4152. Đức Thế Tôn tên Sumedha, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu đã ngồi xuống ở hội chúng tỳ khưu và đã nói lên những lời kệ này:
4153. “Người nào đã ca tụng về đức hạnh của Ta và đã cúng dường trầm hương, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
4154. (Người này) sẽ là người cao quý, thẳng thắn, có sự huy hoàng, có ngôn từ được (người khác) thâu nhận, có hào quang trong hai mươi lăm kiếp.
4155. Người này sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong hai ngàn sáu trăm kiếp, và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương một ngàn lần.
4156. (Người này) sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc ba mươi ba lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
4157. Mệnh chung từ nơi ấy, người này sẽ đi đến bản thể nhân loại, được gắn liền với nghiệp phước thiện, sẽ là thân quyến của Phạm Thiên.[6]
4158. (Sẽ có) người Bà-la-môn tên Bāvarī là vị giảng huấn, thông thạo về chú thuật, thông suốt ba tập Vệ-đà, hội đủ ba tướng mạo.
4159. Sau khi trở thành đệ tử của vị ấy, (người này) sẽ thông thạo về chú thuật và sẽ đi đến với đấng Toàn Giác Gotama, bậc cao quý dòng Sakya.
4160. Người này sẽ hỏi các câu hỏi khôn khéo, sẽ tu tập Đạo Lộ, sẽ biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, và sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
4161. Ba loại lửa (tham sân si) của tôi đã được dập tắt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
4162. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4163. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4164. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Todeyya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Todeyya là phần thứ tám.
--ooOoo--
4165. Khi ấy, tôi đã là người con trai của nhà triệu phú ở thành phố Hamsavatī. Tôi được cung ứng và được vây quanh bởi các loại dục lạc.
4166. Khi ấy, những người ghi dấu các căn nhà đã dựng lên ba tòa nhà. Sau khi bước lên tòa nhà, tôi được vây quanh bởi các điệu vũ và lời ca ở tại nơi ấy.
4167. Các loại nhạc cụ kết hợp với (âm thanh của) chũm chọe được biểu diễn cho tôi. Tất cả những người phụ nữ đang nhảy múa hoàn toàn thu hút tâm ý của tôi.
4168. Những vũ công về các điệu vũ velāpika, lāmaṇika, kuñjavāsī, và timajjhika, những người nhào lộn, và những diễn viên hài luôn luôn vây quanh tôi.
4169. Có nhiều nhạc công, những người đánh trống, các diễn viên uốn dẻo, các vũ công, các diễn viên, và ngay cả các kịch sĩ luôn luôn vây quanh tôi.
4170. Các người thợ hớt tóc, các người hầu tắm, các người đầu bếp, các người làm tràng hoa, các người giữ trẻ, các người nhào lộn, các võ sĩ đấu vật, tất cả bọn họ luôn luôn vây quanh tôi.
4171. Trong khi những người này đang đùa giỡn, luyện tập về kỹ xảo, tôi không biết đến ngày và đêm tợ như vị Chúa Trời Inda ở cõi trời Tam Thập.
4172. Những người lữ hành, những người đi đường, tất cả các hành khất, nhiều người bộ hành, trong lúc xin ăn bọn họ thường xuyên đi đến nhà của tôi.
4173. Các Sa-môn và luôn cả các Bà-la-môn là những Phước Điền vô thượng, trong lúc làm tăng trưởng phước báu của tôi, các vị đi đến nhà của tôi.
4174. Các hạng đạo sĩ che một mảnh vải, đạo sĩ che bằng dây leo, các du sĩ ngoại đạo, đạo sĩ có tấm choàng bằng bông hoa, đạo sĩ chống ba cây gậy, đạo sĩ có một chòm tóc, tất cả đều đi đến nhà của tôi.
4175. Các vị đạo lõa thể, các kẻ cướp giật, các người hành pháp trâu bò, các người hành pháp chư Thiên, các người tu hạnh bôi trét bụi và bùn đất (ở cơ thể), những người này đi đến nhà của tôi.
4176. Nhiều vị đạo sĩ nhóm parivattaka, nhóm siddhipatta, nhóm koṇḍapuggaṇika, các đạo sĩ khổ hạnh, và các người tu ở rừng đi đến nhà của tôi.
4177. Những người Oḍḍaka, luôn cả các người Ta-min, các người Sākula, các người Malayālaka, các người Sabara, và cả các người Yonaka nữa đi đến nhà của tôi.
4178. Tất cả những người xứ sở Andhaka, xứ sở Muṇḍaka, xứ sở Kolaka, xứ sở Sānuvindaka, và xứ sở Trung Hoa xa xôi đi đến nhà của tôi.
4179. Các người xứ sở Alasandaka, xứ sở Pallavaka, xứ sở Babbara, xứ sở Bhagga, xứ sở Kārusa, xứ sở Rohita, và xứ sở Cetaputta đi đến nhà của tôi.
4180. Các người xứ sở Mādhuraka, xứ sở Kosalaka, xứ sở Kāsika, xứ sở Hatthiporika, xứ sở Isiṇḍa, luôn cả các người xứ sở Makkala đi đến nhà của tôi.
4181. Các người xứ sở Celāvaka, xứ sở Aramma, xứ sở Okkala, xứ sở Meghala, xứ sở Khuddaka, luôn cả xứ sở Suddaka đi đến nhà của tôi.
4182. Các người xứ sở Rohaṇa, xứ sở Sindhava, xứ sở Citaka, xứ sở Ekakaṇṇika, xứ sở Suraṭṭha, và xứ sở Aparanta đi đến nhà của tôi.
4183. Các người xứ sở Suppāraka, xứ sở Kikumāra, xứ sở Malaya, xứ sở Soṇṇabhūmika, xứ sở Vajjī, và xứ sở Tāra, tất cả bọn họ đi đến nhà của tôi.
4184. Những người làm ống thổi, những người thợ dệt, những người thợ thuộc da, những người thợ mộc, những người thợ rèn, và những người thợ làm đồ gốm đi đến nhà của tôi.
4185. Những người thợ làm ngọc, thợ làm kim khí, thợ kim hoàn, người buôn vải, và thợ làm chì, tất cả đi đến nhà của tôi.
4186. Những người thợ làm tên, thợ tiện gỗ, thợ dệt, và những người làm hương liệu, những người thợ nhuộm, và những người thợ may đi đến nhà của tôi.
4187. Những người buôn dầu, những người vận chuyển gỗ, những người vận chuyển nước, những người đưa tin, những người đầu bếp, và những người bảo quản vật thực đi đến nhà của tôi.
4188. Những người gác cổng, những người hộ vệ, những người canh ngục, những người đổ bỏ rác bông hoa, các nài voi, các quản tượng đi đến nhà của tôi.
4189. Tôi đã dâng đến vị Đại Vương Ānanda là người bị xao lãng. Tôi làm đầy đủ sự thiếu hụt (của đức vua) bằng châu báu có bảy màu sắc.
4190. Những người đã được tôi đề cập đến là những nhóm người có màu da khác nhau. Sau khi biết được tâm của họ, tôi đã làm thỏa mãn họ bằng châu báu.
4191. Trong khi họ đang nói những lời vui vẻ, trong khi những cái trống lớn được vỗ vang lên, trong khi họ đang thổi những chiếc tù và vỏ ốc, tôi sướng vui ở tại ngôi nhà của chính mình.
4192. 4193. Vào thời điểm ấy, đức Thế Tôn, đấng Lãnh Đạo Padumuttara, bậc Hữu Nhãn ấy, được tháp tùng bởi một trăm ngàn vị tỳ khưu là các bậc Lậu Tận có năng lực, đã ngự đến ở trên đường, trong lúc đang tỏa sáng tất cả các phương tợ như cây đèn chiếu sáng.
4194. Tất cả các chiếc trống lớn được vỗ lên trong khi bậc Lãnh Đạo Thế Gian đang đi. Hào quang của Ngài tỏa ra tợ như ánh mặt trời đã mọc lên cao.
4195. Do ánh hào quang đã đi vào dầu chỉ bằng cánh cửa sổ, ở trong gian nhà ngay lập tức đã có ánh sáng vô cùng bao la.
4196. Sau khi nhìn thấy ánh hào quang của đức Phật, tôi đã nói với đám đông rằng: “Chắc chắn rằng đức Phật tối thượng đã đi đến con đường này.”
4197. Tôi đã cấp tốc bước xuống khỏi tòa nhà và đã đi đến khu phố chợ. Tôi đã đảnh lễ bậc Toàn Giác và đã nói lời nói này:
4198. “Xin đức Phật đấng Lãnh Đạo Padumuttara hãy thương tưởng đến con.” Bậc Hiền Trí ấy đã nhận lời cùng với một trăm ngàn vị có năng lực.
4199. Sau khi thỉnh mời, tôi đã hướng dẫn bậc Toàn Giác đi đến ngôi nhà của mình. Tại nơi ấy, tôi đã làm toại ý bậc Đại Hiền Trí với cơm ăn và nước uống.
4200. Biết được thời điểm đã thọ thực xong của đức Phật tối thượng như thế ấy, tôi đã phục vụ đức Phật tối thượng bằng một trăm khúc tấu nhạc.
4201. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đã ngồi xuống ở trong nhà và đã nói lên những lời kệ này:
4202. “Người nào đã phục vụ Ta bằng các khúc tấu nhạc và đã dâng cúng ta cơm ăn nước uống, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
4203. Sau khi đã có dồi dào về lương thực, với vàng, với thức ăn, người nam này sẽ cho thực hiện bốn châu lục thành một vương quốc.
4204. (Người này) sẽ thọ trì năm giới cấm và sau đó là mười đường lối về (thiện) nghiệp. Sau khi thọ trì và trong lúc hành theo, người này sẽ chỉ dạy hội chúng.
4205. Một trăm ngàn nữ nhân được trang điểm sẽ thường xuyên trình tấu nhạc cụ cho người này; điều này là quả báu của việc phục vụ.
4206. (Người này) sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong ba mươi ngàn kiếp, và sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc sáu mươi bốn lần.
4207. Và (người này) sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương sáu mươi bốn lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
4208. Vào một trăm ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
4209. (Người này) sẽ sanh vào bản thể Thiên nhân hay loài người. Người này sẽ có của cải không bị thiếu hụt và sẽ đi đến bản thể loài người.
4210. Sau khi trở thành vị giảng huấn, thông suốt ba tập Vệ-đà, trong lúc tầm cầu mục đích tối thượng, (người này) sẽ đi đó đây ở trái đất này.
4211. Về sau, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, người này sẽ xuất gia và sẽ thỏa thích trong Giáo Pháp của đức Thế Tôn Gotama.
4212. Người này sẽ làm hài lòng đấng Toàn Giác Gotama bậc cao quý dòng Sakya, sẽ thiêu đốt các phiền não, và sẽ trở thành vị A-la-hán.”
4213. Giờ đây, tôi sống trong Giáo Pháp của người con trai dòng Sakya không bị hãi sợ, tợ như con cọp chúa ở trong rừng, như là con sư tử vua của loài thú.
4214. Tôi không nhìn thấy sự tái sanh của tôi ở thế giới chư Thiên hoặc ở loài người, ở nơi nghèo khó hoặc ở vào khổ cảnh; điều này là quả báu của việc phục vụ.
4215. Tôi đã được gắn liền với sự độc cư, được an tịnh, không còn mầm mống tái sanh. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4216. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4217. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4218. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Jatukaṇṇi đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Jatukaṇṇi là phần thứ chín.
--ooOo--
4219. Ở không xa núi Hi-mã-lạp, có ngọn núi tên là Paduma, có khu ẩn cư của tôi đã khéo được xây dựng, có gian nhà rộng bằng lá đã khéo được tạo lập.
4220. Các con sông chảy qua nơi ấy có những bến nước cạn xinh xắn làm thích ý. Các con sông luôn luôn có nước trong, có nước mát, xinh đẹp.
4221. Có các loài cá như là cá pāṭhīna, cá pāvusa, cá valaja, cá muñja, và cá rohita. Những loài cá này thường xuyên sống ở dòng sông, đồng thời làm cho các con sông trở nên rực rỡ.
4222. (Các con sông) được che phủ bởi các cây xoài và cây mận. Tương tợ như thế, có các cây bông hường, cây tilaka, cây bả đậu, cây hoa kèn làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4223. Các cây aṅkolaka, cây bimbijāla, và cây māyākārī được trổ hoa, trong khi tỏa ra hương thơm chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4224. Các cây atimutta, cây sattalika, cây nāga, và cây sālā được trổ hoa, trong khi tỏa ra hương thơm của cõi trời chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4225. Các cây kosamba, cây salala, cây nīpa, và cây aṭṭhaṅga khéo được trổ hoa, trong khi tỏa ra hương thơm của cõi trời chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4226. Ở khu ẩn cư có nhiều loại trái cây như trái harītaka, trái āmalaka, trái xoài, trái mận đỏ, trái vibhīṭaka, trái táo, trái bhallātaka, và trái billa.
4227. Tại nơi ấy, ở khu ẩn cư của tôi các cây kalamba, cây kandalī trổ hoa, trong khi tỏa ra hương thơm của cõi trời chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4228. Các cây asokapiṇḍī, cây varī, và cây nimba được trổ hoa, trong khi tỏa ra hương thơm của cõi trời chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4229. Các cây punnāga, cây giripunnāga, cây timira ở tại nơi ấy được trổ hoa, trong khi tỏa ra hương thơm của cõi trời chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4230. Các cây nigguṇḍī, cây sirinigguṇḍī, cây campa ở tại nơi này được trổ hoa, trong khi tỏa ra hương thơm của cõi trời chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4231. Không xa có cái hồ nước được líu lo bởi loài ngỗng đỏ, được che phủ bởi các cây mạn-đà-la, bởi các bông sen xanh và các bông sen đỏ.
4232. Có bến nước cạn xinh xắn làm thích ý, có nước trong, có nước mát, trong vắt tương tợ ngọc pha-lê, (cái hồ nước) làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4233. Ở tại nơi ấy, có các bông sen xanh, các bông sen trắng, và các bông sen đỏ nở rộ. Được che phủ bởi các cây mạn-đà-la, (cái hồ nước) làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4234. Có các loại cá như là cá pāṭhīna, cá pāvusa, cá valaja, cá muñja, cá rohita. Và trong khi thơ thẩn ở tại nơi ấy, chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4235. Có các con cá sấu kumbhīla, cá sấu suṃsumāra, các con rùa, các con gaha, các con rắn, và các con mãng xà làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4236. Và ở tại nơi ấy có các loài sống ở sông như chim bồ câu, ngỗng trời, ngỗng đỏ, chim le le, chim sáo, chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4237. Các cây nayita, cây ambagandhī, và cây dừa dại ở tại nơi ấy được trổ hoa, trong khi tỏa ra hương thơm của cõi trời chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4238. Có các con sư tử, cọp, báo, gấu, chó sói, và linh cẩu, trong khi đi lang thang ở khu rừng bao la chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4239. Có các vị (đạo sĩ) mang các búi tóc, có y choàng là tấm da dê, trong khi đi lang thang ở khu rừng bao la các vị làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4240. Các vị này mặc các tấm da dê, cẩn trọng, có hành vi thanh tịnh, có hành trang ít ỏi, tất cả các vị ấy làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4241. Lúc bấy giờ, các vị đã cầm lấy túi vật dụng rồi đi sâu vào rừng. Trong khi thọ thực các rễ và trái cây, các vị thường xuyên sống ở khu ẩn cư.
4242. Các vị ấy không đem lại củi (và) nước rửa chân. Do năng lực của tất cả các vị (các vật dụng) được tự chúng mang lại.
4243. Có tám mươi bốn ngàn vị ẩn sĩ đã tụ hội ở tại nơi này. Tất cả các vị này là các vị tầm cầu mục đích tối thượng, có thiền chứng.
4244. Là các đạo sĩ khổ hạnh, có sự hành trì Phạm hạnh, đang năng nổ trong việc duy trì sự nhập định, có sự di chuyển ở không trung, tất cả các vị thường xuyên sống ở khu ẩn cư.
4245. Mỗi năm ngày, các vị tụ hội lại, có sự chăm chú, có hành vi thanh tịnh. Sau khi đảnh lễ lẫn nhau, các vị ra đi bằng hướng đối nghịch.
4246. Đấng Chiến Thắng tên Padumuttara là bậc thông suốt về tất cả các pháp. Trong khi hủy diệt điều tăm tối ấy, đấng Chiến Thắng đã tức thời hiện khởi.
4247. Ở lân cận khu ẩn cư của tôi có con Dạ-xoa có đại thần lực. Khi ấy, nó đã thông báo cho tôi về đấng Toàn Giác bậc Lãnh Đạo Padumuttara rằng:
4248. “Thưa ngài, đức Phật bậc Đại Hiền Trí Padumuttara này đã xuất hiện. Ngài hãy mau đi đến và phục vụ bậc Toàn Giác.”
4249. Sau khi lắng nghe lời nói của con Dạ-xoa, khi ấy với tâm ý trong sạch, tôi đã xếp đặt lại khu ẩn cư và đã lìa khỏi khu rừng.
4250. Như là mảnh vải đang bốc cháy, sau khi lìa khỏi khu ẩn cư tôi đã trú ngụ (chỉ) một đêm và đã đi đến gặp đấng Hướng Đạo.
4251. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, trong khi công bố về bốn Sự Thật đã thuyết giảng về vị thế Bất Tử.
4252. Sau khi cầm lấy đóa sen khéo được nở rộ, tôi đã đi đến gần bậc Đại Ẩn Sĩ. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng lên đức Phật.
4253. Sau khi cúng dường bậc Toàn Giác, đấng Lãnh Đạo Padumuttara, tôi đã khoác tấm da dê một bên vai rồi đã ngợi ca đấng Lãnh Đạo Thế Gian rằng:
4254. “Đấng Toàn Giác bậc không còn lậu hoặc sống ở thế gian này với trí tuệ nào, tôi sẽ tán dương trí tuệ ấy. Xin các người hãy lắng nghe tôi nói.
4255. Sau khi cắt đứt dòng chảy luân hồi, Ngài đã giúp cho tất cả chúng sanh vượt qua. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của Ngài, họ vượt qua dòng chảy ái dục.
4256. Bạch đấng Tối Thượng của loài người, Ngài là bậc thầy, là biểu hiệu, là ngọn cờ, là mục đích tối cao, là nơi nương tựa, là sự nâng đỡ, là ngọn đèn của chúng sanh.
4257. Bạch đấng Toàn Tri, cho đến những người được gọi là các bậc Xa Phu có đồ chúng ở trên thế gian, Ngài là đấng Cao Cả, tất cả những người ấy đều được gộp chung lại ở Ngài.
4258. Bạch đấng Toàn Tri, bằng trí tuệ của Ngài, Ngài đã giúp cho nhiều người vượt qua. Sau khi đi đến diện kiến Ngài, họ sẽ được chấm dứt khổ đau.
4259. Bạch đấng Hữu Nhãn, bạch đấng Đại Hiền Trí, những hương thơm nào đã được sanh lên và tỏa ra ở thế gian, không có gì sánh bằng hương thơm ở Phước Điền của Ngài.
4260. Bạch đấng Hữu Nhãn, Ngài giúp cho thoát khỏi sự sanh vào loài thú, địa ngục. Bạch đấng Đại Hiền Trí, Ngài giảng giải về Đạo Lộ an tịnh, không còn tạo tác.”
4261. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đã ngồi xuống ở hội chúng tỳ khưu và đã nói lên những lời kệ này:
4262. “Người nào được tịnh tín đã tự tay mình cúng dường trí tuệ của Ta, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
4263. Người này sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong ba mươi ngàn kiếp, và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương một ngàn lần.”
4264. Tôi đã nhận lãnh điều lợi ích đã được đạt thành một cách tốt đẹp. Sau khi làm hài lòng bậc có sự hành trì tốt đẹp, sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
4265. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4266. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4267. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Udena đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Udena là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị trưởng lão Metteyya, vị Puṇṇaka, vị Mettagū, luôn cả vị Dhotaka, vị Upasīva, vị Nanda, và vị Hemaka là vị thứ bảy ở nơi ấy, vị Todeyya, vị Jatukaṇṇī, và vị Udeno có danh vọng lớn lao. Ở đây là ba trăm câu kệ và thêm vào tám mươi ba câu.
Phẩm Metteyya là phẩm thứ bốn mươi mốt.
--ooOoo--
4268. Bậc Toàn Giác tên Sumedha, đấng Bi Mẫn cao cả, vị Hiền Trí, bậc Cao Cả của thế gian có ước muốn độc cư nên đã đi đến núi Hi-mã-lạp.
4269. Sau khi đi sâu vào núi Hi-mã-lạp, đấng Lãnh Đạo Thế Gian, bậc Tối Thượng Nhân Sumedha đã xếp chân kiết già rồi ngồi xuống.
4270. Đấng Lãnh Đạo Thế Gian Sumedha ấy đã thể nhập vào định. Đức Phật bậc Tối Thượng Nhân đã ngồi bảy ngày đêm.
4271. Tôi đã cầm lấy túi vật dụng rồi đã đi sâu vào khu rừng. Tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy đấng Toàn Giác, bậc đã vượt qua dòng nước lũ, không còn lậu hoặc.
4272. Khi ấy, tôi đã cầm lấy cây chổi và đã quét khu ẩn cư. Sau khi dựng lên bốn cây cọc, tôi đã tạo nên cái mái che.
4273. Sau khi mang lại bông hoa sālā, tôi đã che phủ mái che. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã đảnh lễ đức Như Lai.
4274. Người ta nói về bậc thông thái có trí tuệ bao la là “Sumedha.” Ngài đã ngồi xuống ở hội chúng tỳ khưu và đã nói lên những lời kệ này.
4275. Nhận biết lời nói của đức Phật, tất cả chư Thiên đã tụ hội lại. Quả nhiên, đức Phật tối thượng bậc Hữu Nhãn (đã) thuyết giảng Giáo Pháp.
4276. Đấng Toàn Giác tên Sumedha, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đã ngồi xuống ở hội chúng chư Thiên và đã nói lên những lời kệ này:
4277. “Người nào đã duy trì mái che được che phủ bằng bông hoa sālā cho Ta suốt bảy ngày, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
4278. Dầu trở thành vị Thiên nhân hay nhân loại, (người này) sẽ có làn da màu vàng chói, sẽ có của cải dồi dào, sẽ có sự thọ hưởng các dục lạc.
4279. Sáu mươi ngàn con voi loài long tượng được trang hoàng với tất cả các loại trang sức, có chuông vàng, có trang phục yên cương bằng vàng.
4280. Được cỡi bởi các vị trưởng làng có các bàn tay cầm giáo và móc câu, chúng sẽ đi đến phục vụ người nam này sáng chiều. Được hộ tống bởi những con long tượng ấy, người nam này sẽ vui sướng.
4281. Sáu mươi ngàn con ngựa dòng Sindhu với sự sanh ra được thuần chủng, là phương tiện vận chuyển nhanh chóng, được trang hoàng với tất cả các loại trang sức.
4282. Được cỡi bởi các vị trưởng làng có mang cung với gươm, chúng sẽ thường xuyên hộ tống tôi; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4283. Sáu mươi ngàn cỗ xe được trang hoàng với tất cả các loại trang sức, có các mảnh da báo và cả da hổ được bày biện, có các ngọn cờ được giương cao.
4284. Được cỡi bởi các vị trưởng làng có các tay cầm cung mang áo giáp, chúng sẽ thường xuyên hộ tống tôi; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4285. Sẽ luôn luôn hiện hữu sáu mươi ngàn ngôi làng có đầy đủ tất cả, có tài sản và lúa gạo dồi dào, được thành công tốt đẹp về mọi mặt; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4286. Các con voi, các con ngựa, các cỗ xe, các binh lính và quân đội gồm bốn binh chủng sẽ thường xuyên hộ tống người này; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4287. (Người này) sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong một ngàn tám trăm kiếp, và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương một ngàn lần.
4288. Và (người này) sẽ cai quản Thiên quốc ba trăm lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
4289. Vào ba mươi ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
4290. Là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, (người này) sẽ biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc và sẽ sống không còn lậu hoặc.”
4291. Tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian cách đây ba mươi ngàn kiếp, trong khoảng thời gian này tôi đã tầm cầu vị thế Bất Tử.
4292. Điều lợi ích cho tôi đã được tôi đạt thành một cách tốt đẹp là tôi đã hiểu được Giáo Pháp, tam minh đã được thành tựu, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.
4293. Bạch đấng Siêu Nhân, con kính lễ Ngài! Bạch đấng Tối Thượng Nhân, con kính lễ Ngài! Sau khi tán dương trí tuệ của Ngài, con đã đạt được vị thế Bất Động.
4294. Nơi chốn nào tôi đi tái sanh dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, tôi đều được sung sướng ở tất cả các nơi, là quả báu của tôi về việc tán dương trí tuệ.
4295. Lần sau cùng này của tôi là sự hiện hữu cuối cùng trong sự luân chuyển. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4296. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4297. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4298. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bhaddāli đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bhaddāli là phần thứ nhất.
--ooOoo--
4299. Ở bờ sông Candabhāgā có khu ẩn cư của tôi đã khéo được xây dựng, có gian nhà rộng bằng lá được rải cát vô cùng tinh khiết đã khéo được tạo lập.
4300. Con sông nhỏ có bờ nước lúp xúp, có bãi nước cạn xinh xắn làm thích ý, có đủ các loài cá và rùa, được loài cá sấu lai vãng.
4301. Có các con gấu, công, báo, chim cu rừng, và chim sáo. Chúng hót líu lo vào mọi lúc, làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4302. Có các chim cu cu có âm giọng lôi cuốn và các con thiên nga có âm điệu ngọt ngào. Chúng hót líu lo tại nơi ấy, làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4303. Có các con sư tử, cọp, heo rừng, chó sói, chó rừng, và linh cẩu. Chúng gầm rú ở nơi hiểm trở của ngọn núi, làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4304. Có các con linh dương, nai, chó rừng, lợn rừng. Nhiều con gầm rú ở nơi hiểm trở của ngọn núi, làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4305. Có các loại cây uddālaka, cây campaka, cây pāṭalī, cây sindu-vāraka, cây atimutta, và cây asoka nở rộ hoa ở khu ẩn cư của tôi.
4306. Có các loại cây aṅkola, cây yūthika, luôn cả cây sattalī, cây bimbijālika, cây kaṇṇika, và cây kaṇikāra nở rộ hoa ở khu ẩn cư của tôi.
4307. Có các loại cây nāga, cây sālā, cây saḷala, cây sen trắngđược trổ hoa ở nơi đây. Trong khi tỏa ra hương thơm của cõi trời, chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4308. Có các loại cây ajjuna, cây asana, và cây mahānāma được trổ hoa ở nơi đây, có các cây sālā và các bông hoa của cây kê làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4309. Có các cây xoài, cây mận đỏ, cây tilaka, cây nimba, và cây sālakalyāṇī, trong khi tỏa ra hương thơm của cõi trời chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4310. Có các loại cây asoka, cây kapittha, và cây bhaginimāla được trổ hoa ở nơi đây, trong khi tỏa ra hương thơm của cõi trời chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4311. Các loại cây kadamba, luôn cả các cây chuối, và cây isimugga đã được gieo trồng, chúng thường xuyên trĩu nặng những trái làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4312. Có những loại cây có trái như cây harītaka, cây āmalaka, cây xoài, cây mận đỏ, cây vibhītaka, cây táo, cây bhallātaka, và cây billa ở khu ẩn cư của tôi.
4313. Không xa có cái hồ nước khéo được thiết lập làm thích ý, được che phủ bởi các cây mạn-đà-la, bởi các bông sen đỏ và các bông sen xanh.
4314. Có những đóa sen đỏ đang tượng hình, các đóa hoa khác nở hoa có tua nhụy, luôn cả các đóa có các cánh hoa rủ xuống, chúng nở hoa ở khu ẩn cư của tôi.
4315. Có các loại cá như là cá pāṭhīna, cá pāvusa, cá valaja, cá muñja, cá rohita. Trong khi thơ thẩn ở làn nước trong, chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4316. Có mùi thơm của xoài được thoảng qua và có các cây dứa dại ở dọc bờ sông. Trong khi tỏa ra hương thơm của cõi trời, chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4317. Có mật tiết ra từ củ sen, có sữa và bơ lỏng từ các rễ và ngó sen. Trong khi tỏa ra hương thơm của cõi trời, chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4318. Ở nơi ấy có cát sáng chói được trải ra và được ve vãn bởi làn nước với các bông hoa tàn đã được nở rộ giờ yên nghỉ, chúng làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4319. Các vị (đạo sĩ) mang búi tóc rối, có y choàng là tấm da dê, tất cả đều mặc y phục bằng vỏ cây, họ làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4320. Và (các vị ấy) nhìn với khoảng cách của cán cày, cẩn trọng, có hành vi thanh tịnh, không mong mỏi về sự thọ hưởng các dục lạc, sống ở khu ẩn cư của tôi.
4321. Tất cả các vị có (lông) nách, móng tay chân, và các lông được mọc dài, có răng bẩn, có đầu lấm bụi, mang bụi dơ (ở thân), sống ở khu ẩn cư của tôi.
4322. Và các vị ấy đã đạt đến sự toàn hảo về các thắng trí, có sự di chuyển ở không trung. Trong khi bay lên bầu trời, các vị này làm cho khu ẩn cư của tôi trở nên rực rỡ.
4323. Khi ấy, được tùy tùng bởi những người học trò ấy, tôi sống ở khu rừng. Luôn luôn thể nhập vào thiền, tôi không biết đến ngày và đêm.
4324. Vào thời điểm ấy, đức Thế Tôn, bậc Đại Hiền Trí, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Atthadassī, trong khi xua đi điều tăm tối ấy đã hiện khởi.
4325. Rối có người học trò nọ đã đi đến gặp tôi. Người ấy có ý định học về các chú thuật và sáu phần về danh hiệu và tướng số (và đã nói rằng):
4326. “Đức Phật, bậc Đại Hiền Trí Atthadassī đã xuất hiện ở thế gian. Trong khi công bố về bốn Sự Thật, Ngài thuyết giảng về vị thế Bất Tử.”
4327. Được hớn hở vui mừng hoan hỷ, có khuynh hướng đi đến với Giáo Pháp, tôi đã rời khỏi khu ẩn cư và đã nói lời nói này:
4328. “Đức Phật có ba mươi hai hảo tướng đã xuất hiện ở thế gian. Các người hãy đi đến, tất cả chúng ta sẽ đi gặp đấng Chánh Đẳng Giác.”
4329. Là những người tầm cầu mục đích tối thượng, có sự đáp ứng theo lời giáo huấn, đã hướng đến sự toàn hảo trong Chánh Pháp, các vị ấy đã đồng ý rằng: “Lành thay!”
4330. Khi ấy, trong lúc tầm cầu mục đích tối thượng, các vị (đạo sĩ) mang các búi tóc ấy, có y choàng là tấm da dê, đã rời khỏi khu rừng.
4331. Vào thời điểm ấy, đức Thế Tôn Atthadassī vị có danh tiếng lớn lao trong khi công bố về bốn Sự Thật, Ngài thuyết giảng về vị thế Bất Tử.
4332. Tôi đã cầm lấy chiếc lọng màu trắng và đã che cho đức Phật tối thượng. Sau khi nắm giữ (chiếc lọng) trong một ngày, tôi đã đảnh lễ đức Phật tối thượng.
4333. Kế đó, đức Thế Tôn, đấng Trưởng Thượng của thế gian, bậc Nhân Ngưu Atthadassī đã ngồi xuống ở hội chúng tỳ khưu và đã nói lên những lời kệ này:
4334. “Người nào được tịnh tín nắm giữ chiếc lọng (che) cho Ta bằng các bàn tay của mình, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
4335. Khi người này được sanh lên, ở bản thể Thiên nhân hay nhân loại, sẽ có chiếc lọng luôn luôn che cho người này; điều này là quả báu của việc dâng cúng chiếc lọng.
4336. Người này sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong bảy mươi bảy kiếp, và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương một ngàn lần.
4337. Và sẽ trở thành vị Thiên Vương bảy mươi bảy lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
4338. Vào một ngàn tám trăm kiếp, bậc Hữu Nhãn Gotama, đấng cao quý dòng Sakya, trong khi xua đi điều tăm tối ấy, sẽ hiện khởi.
4339. Là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, (người này) sẽ biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc và sẽ sống không còn lậu hoặc.”
4340. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm là đã nắm giữ chiếc lọng (che) cho đức Phật, trong khoảng thời gian này, tôi không biết đến việc không được che bởi chiếc lọng trắng
4341. Lần sau cùng này của tôi là sự hiện hữu cuối cùng trong sự luân chuyển. Việc nắm giữ chiếc lọng được vận hành liên tục đến tận ngày hôm nay.
4342. Ôi, việc làm đã được tôi khéo thực hiện đến (đức Phật) Atthadassī như thế ấy. Tôi đã được đoạn tận tất cả các lậu hoặc, giờ đây không còn tái sanh nữa.
4343. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4344. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4345. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekachattiya[7]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekachattiya là phần thứ nhì.
--ooOoo--
4346. Lúc bấy giờ, tôi đã suy xét về sự sanh, sự già, và sự chết. Sau khi lìa khỏi sự sống chung, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
4347. Trong khi tuần tự du hành, tôi đã đi đến bờ sông Gaṅgā. Ở tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy khoảnh đất nổi cao lên ở bờ sông Gaṅgā.
4348. Sau khi tạo lập khu ẩn cư ở tại nơi ấy, tôi sống ở khu ẩn cư. Đường kinh hành của tôi đã khéo được thực hiện, được lai vãng bởi các bầy chim khác loại.
4349. Chúng đến gần tôi, và trở nên quen thuộc. Và chúng hót líu lo một cách quyến rũ. Trong khi đùa vui với chúng, tôi sống ở khu ẩn cư.
4350. Ở lân cận khu ẩn cư của tôi, có con sư tử (vua của loài thú) đi khắp bốn phương. Sau khi rời khỏi chỗ trú ẩn, nó đã gầm lên như là tiếng sấm.
4351. Và khi con nai chúa gào thét, nụ cười đã xuất hiện ở tôi. Trong lúc tìm kiếm con nai chúa, tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
4352. Sau khi nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian Tissa, vị Trời của chư Thiên, tôi đã trở nên mừng rỡ. Với tâm mừng rỡ tôi đã cúng dường nhụy bông hoa nāga.
4353. Tôi đã ca tụng đấng Lãnh Đạo Thế Gian như là mặt trời đang mọc lên, như là cây sālā chúa đã được trổ hoa, như là vì sao osadhī đang chiếu sáng.
4354. “Bạch đấng Toàn Tri, Ngài đã giải thoát thế gian này luôn cả chư Thiên bằng trí tuệ của Ngài. Sau khi làm cho Ngài hài lòng, (chúng sanh) được hoàn toàn giải thoát khỏi sự sanh.
4355. Bạch đấng Toàn Tri, do sự không nhìn thấy chư Phật là các vị có sự nhìn thấy tất cả, (chúng sanh) bị xâm chiếm bởi ái dục sân hận (rồi) rơi vào địa ngục Vô Gián.
4356. Bạch đấng Toàn Tri, bạch đấng Lãnh Đạo Thế Gian, sau khi đi đến diện kiến Ngài, tất cả được giải thoát khỏi hữu (và) chạm đến Đạo Lộ Bất Tử.
4357. Khi chư Phật, các bậc Hữu Nhãn, các đấng Phát Quang xuất hiện, sau khi thiêu đốt các phiền não các Ngài thị hiện ánh sáng.”
4358. Sau khi tán dương đấng Toàn Giác Tissa, bậc Lãnh Đạo cao cả của thế gian, tôi đã trở nên mừng rỡ. Với tâm mừng rỡ tôi đã cúng dường hoa tiṇasūla.
4359. Sau khi biết được ý định của tôi, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Tissa đã ngồi xuống chỗ ngồi của mình rồi đã nói lên những lời kệ này:
4360. “Người nào được tịnh tín tự tay mình che phủ Ta bằng các bông hoa, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
4361. Người ấy sẽ cai quản Thiên quốc hai mươi lăm lần, và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương bảy mươi lăm lần.
4362. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm. Và (đó là) kết quả về hành động của người ấy do sự cúng dường các bông hoa.
4363. Và người nam này, được gắn liền với nghiệp phước thiện, khi đã gội đầu xong nếu ao ước về bông hoa, (bông hoa) sẽ hiện ra ở phía trước.
4364. (Nếu người này) ước muốn bất cứ điều gì với các dục, chính điều ấy sẽ hiện ra. Sau khi làm tròn đủ ý định, (người này) sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
( Tụng phẩm thứ mười tám).
4365. Có sự nhận biết mình, có niệm (đầy đủ), tôi đã thiêu đốt các phiền não. Tôi đã ngồi ở ngay chỗ ngồi ấy và đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
4366. Trong khi đi kinh hành, trong khi nằm, trong khi ngồi, hay trong khi đứng, tôi sống thường xuyên tưởng nhớ đến đức Phật tối thượng.
4367. Ở tại nơi ấy, tôi không có sự thiếu hụt về y phục, vật thực, thuốc men, và chỗ nằm ngồi; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4368. Bây giờ, tôi đây đã đạt đến vị thế Bất Tử, thanh tịnh, vô thượng. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
4369. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4370. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4371. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4372. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tiṇasūlakachadaniya[8]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tiṇasulakachadaniya là phần thứ ba.
--ooOoo--
4373. Tôi đã là người bán thịt heo ở thành phố Bandhumatī. Sau khi nấu chín phổi và lòng, tôi trộn chung vào món thịt ngọt.
4374. Tôi đã đi đến nơi tụ hội (của các vị tỳ khưu) và đã nhận lấy một bình bát. Sau khi chứa đầy bình bát ấy, tôi đã dâng lên hội chúng tỳ khưu.
4375. Khi ấy, vị tỳ khưu trưởng lão lớn nhất tại nơi ấy đã chúc phúc cho tôi rằng: “Với sự đầy đặn của bình bát này, mong rằng con sẽ đạt được sự an lạc sung mãn.
4376. Được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, con sẽ thọ hưởng hai sự thành tựu (trời người), trong khi kiếp cuối cùng đang hiện hữu con sẽ thiêu đốt các phiền não.”
4377. Tại đó, sau khi làm cho tâm được tịnh tín, tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi. Tại nơi ấy, tôi có thức ăn, tôi có nước uống, và tôi đạt được sự an lạc sung mãn.
4378. Khi ở mái che hoặc ở gốc cây, tôi đã nhớ lại việc làm trước đây. Ngay lập tức có trận mưa về cơm ăn và nước uống đổ mưa xuống cho tôi.
4379. Lần sau cùng này của tôi là sự hiện hữu cuối cùng trong sự luân chuyển. Ngay cả ở đây, cơm ăn và nước uống đổ mưa xuống cho tôi trong mọi thời điểm.
4380. Do chính sự dâng cúng thịt ấy, sau khi trải qua các kiếp sống, sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
4381. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng thịt ngọt.
4382. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4383. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4384. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Madhumaṃsadāyaka[9]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Madhumaṃsadāyaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
4385. Tôi (đã) sống ở vườn thượng uyển của thành phố Bandhumatī. Đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã ngồi xuống ở gần nơi khu ẩn cư của tôi.
4386. Tôi đã cầm lấy chồi non của cây nāga và đã dâng lên đức Phật. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã đảnh lễ đấng Thiện Thệ.
4387. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường chồi non trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4388. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4389. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4390. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Nāgapallavaka[10]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Nāgapallavaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
4391. Khi bậc Thiện Thệ, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Siddhattha viên tịch Niết Bàn, tất cả chư Thiên cùng nhân loại đã cúng dường đến bậc Tối Thượng Nhân.
4392. Và khi đấng Lãnh Đạo Thế Gian Siddhattha được đưa lên giàn hỏa thiêu, mọi người cúng dường lễ hỏa táng của bậc Đạo Sư tùy theo năng lực của mình.
4393. Tôi đã thắp lên ngọn đèn ở không xa giàn hỏa thiêu cho đến khi mặt trời mọc lên. Ngọn đèn đã chiếu sáng đến tôi.
4394. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
4395. Tại nơi ấy, có cung điện đã khéo được kiến tạo dành cho tôi được biết tên là “Ekadīpi.” Có một trăm ngàn ngọn đèn đã cháy sáng ở cung điện của tôi.
4396. Thân hình của tôi luôn luôn chiếu sáng tợ như mặt trời đang mọc lên. Với tất cả các hào quang của cơ thể, tôi luôn luôn có được ánh sáng.
4397. Bằng mắt, sau khi đã vượt lên ngọn núi, xuyên qua bức tường, xuyên qua tảng đá, tôi (có thể) nhìn thấy xung quanh một trăm do-tuần.
4398. Tôi đã sướng vui ở thế giới chư Thiên bảy mươi bảy lần. Và tôi đã cai quản Thiên quốc ba mươi mốt lần.
4399. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương hai mươi tám lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
4400. Sau khi mệnh chung từ thế giới chư Thiên, tôi đã tái sanh vào bụng mẹ. Ngay cả khi đi vào bụng mẹ, mắt của tôi không nhắm lại.
4401. Bốn tuổi tính từ khi sanh, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Chưa đầy nửa tháng, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
4402. Tôi đã làm cho Thiên nhãn được thanh tịnh, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả phiền não đã được cắt lìa; điều này là quả báu của một ngọn đèn.
4403. Tôi (có thể) nhìn thấy sau khi đã vượt lên thậm chí toàn bộ ngọn núi, xuyên qua bức tường, xuyên qua tảng đá; điều này là quả báu của một ngọn đèn.
4404. Đối với tôi các sự gập ghềnh trở thành bằng phẳng, bóng đen không được biết đến, tôi không nhìn thấy sự tăm tối; điều này là quả báu của một ngọn đèn.
4405. Kể từ khi tôi đã dâng cúng cây đèn trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của một ngọn đèn.
4406. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4407. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4408. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekadīpiya[11]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekadīpiya là phần thứ sáu.
--ooOoo--
4409. Tôi đã là người làm tràng hoa ở thành phố Bandhumatī. Sau khi chất đầy ở bên hông, tôi đã đi đến khu phố chợ.
4410. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đấng Lãnh Đạo Thế Gian, với năng lực lớn lao, dẫn đầu hội chúng tỳ khưu đi ra.
4411. Sau khi nhìn thấy đấng Quang Đăng của thế gian Vipassī, vị giúp cho thế gian vượt qua, tôi đã lấy ra bông hoa từ bên hông và đã cúng dường đến đức Phật tối thượng.
4412. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4413. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4414. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4415. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ucchaṅgapupphiya[12]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ucchaṅgapupphiya là phần thứ bảy.
--ooOo--
4416. Lúc bấy giờ, sau khi tiếp đãi người khách của tôi, tôi đã đi đến ngôi làng nhỏ. Sau khi nhìn thấy con sông bị tràn ngập, tôi đã đi đến tu viện của hội chúng.
4417. Là những vị chuyên sống ở rừng, thông thạo pháp giũ bỏ (đầu đà), chứng thiền, mặc y thô, thỏa thích sự độc cư, các vị trí tuệ ấy sống ở tu viện của hội chúng.
4418. Sự đi lại của các vị đã được giải thoát tốt đẹp như thế ấy là bị gián đoạn. Các vị ấy không đi để khất thực chính vì dòng sông ngăn trở.
4419. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tràn đầy niềm phấn khởi, tôi đã chắp tay lên. Tôi đã lấy gạo của tôi rồi đã dâng cúng vật thí là cháo.
4420. Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình dâng cúng cháo đến năm vị. Được hài lòng với việc làm của chính mình, tôi đã đi đến cõi Đạo Lợi.
4421. Và có cung điện làm bằng ngọc ma-ni dành cho tôi được tạo ra ở hội chúng Tam Thập. Được gần gũi với đám nữ nhân, tôi vui thích ở cung điện tuyệt vời.
4422. Tôi đã là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc ba mươi ba lần. Tôi đã là đấng Chuyển Luân Vương cai quản lãnh thổ rộng lớn ba mươi lần.
4423. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm. Ở thế giới chư Thiên hoặc ở loài người, tôi đều thọ hưởng danh vọng.
4424. Khi đạt đến cuộc sống cuối cùng, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Khi tóc được cạo bỏ, tôi đã thấu triệt tất cả.
4425. Trong khi biết chắc rằng thân thể là sự suy tàn hoặc là sự hoại diệt cũng thế, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán trước việc thọ trì điều học.
4426. Sự bố thí cao quý của tôi đã được bố thí tốt đẹp, việc đổi trao đã được gắn liền tốt đẹp. Do chính việc dâng cúng cháo ấy, tôi đã đạt đến vị thế Bất Động.
4427. Tôi không biết đến sự sầu muộn, sự than vãn, sự bệnh tật, sự lo lắng, sự bực bội của tâm đã được sanh khởi; điều này là quả báu của việc dâng cúng cháo.
4428. Sau khi dâng cúng cháo ở Phước Điền vô thượng của hội chúng, tôi thọ hưởng năm điều lợi ích. Ôi tính chất đã được hiến dâng tốt đẹp của món cháo!
4429. Sự không bị bệnh, có sắc đẹp, chuyên chú vào Giáo Pháp, đạt được cơm nước, tuổi thọ là điều (lợi ích) thứ năm đối với tôi.
4430. Bất cứ người nào trong khi sanh khởi niềm phấn khởi, người ấy nên dâng cúng cháo đến hội chúng. Là bậc trí tuệ, (người ấy) có thể nhận lãnh năm điều này.[13]
4431. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây ba mươi ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng cháo.
4432. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4433. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4434. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Yāgudāyaka[14]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Yāgudāyaka là phần thứ tám.
--ooOo--
4435. Trước đây, tôi đã là người đi rừng, thường xuyên làm việc ở trong rừng. Sau khi cầm lấy gói cơm, tôi đã đi làm công việc.
4436. Ở nơi ấy, tôi đã nhìn thấy bậc Toàn Giác, đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại. Sau khi nhìn thấy Ngài đang từ rừng đi ra để khất thực, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín.
4437. Bị vướng bận trong sự quán xuyến công việc của người khác, và phước báu của tôi là không được biết đến. Có gói cơm này, tôi sẽ chăm lo bữa ăn cho bậc Hiền Trí.
4438. Khi ấy, tôi đã cầm lấy gói cơm và đã dâng cúng đến đấng Tự Chủ. Trong khi tôi đang suy tư, bậc Hiền Trí đã thọ dụng (gói cơm).
4439. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
4440. Tôi đã là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc ba mươi sáu lần. Tôi đã là đấng Chuyển Luân Vương ba mươi ba lần.
4441. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm. Tôi được sung sướng có danh vọng; điều này là quả báu của gói cơm.
4442. Trong khi luân hồi ở cõi này cõi khác, tôi đạt được tài sản không ước lượng được, tôi không có sự thiếu hụt về của cải; điều này là quả báu của gói cơm.
4443. Các của cải được sanh lên cho tôi tương đương với dòng nước của con sông, tôi không thể nào đo lường; điều này là quả báu của gói cơm.
4444. “Ngươi hãy nhai món này, hãy ăn món này, hãy nằm ở chiếc giường này,” vì thế tôi được sung sướng; điều này là quả báu của gói cơm.
4445. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của gói cơm.
4446. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4447. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4448. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Patthodanadāyaka[15]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Patthodanadāyaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
4449. Khi đấng Bi Mẫn, bậc Lãnh Đạo Thế Gian Siddhattha đã viên tịch Niết Bàn, khi Phật Ngôn đã được phổ biến, được tôn kính bởi chư Thiên cùng nhân loại.
4450. Tại nơi ấy, tôi đã là người giai cấp hạ tiện, là người làm ghế dài và ghế đẩu. Tôi sinh sống bằng công việc ấy. Nhờ thế, tôi nuôi dưỡng các đứa trẻ.
4451. Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình làm xong chiếc ghế dài khéo được hoàn tất. Rồi tôi đã đích thân đi đến và đã dâng cúng đến hội chúng tỳ khưu
4452. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
4453. Được đi đến thế giới của chư Thiên, tôi vui thích ở cõi trời Tam Thập. Các giường nằm có giá trị lớn lao được sanh lên theo như ước muốn.
4454. Tôi đã là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc năm mươi lần. Tôi đã là đấng Chuyển Luân Vương tám mươi lần.
4455. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm. Tôi được sung sướng có danh vọng; điều này là quả báu của việc dâng cúng chiếc giường.
4456. Sau khi mệnh chung từ thế giới chư Thiên, nếu tôi đi đến cõi nhân loại, các chiếc giường xinh đẹp vô cùng giá trị tự chính chúng hiện ra cho tôi.
4457. Lần sau cùng này của tôi là sự hiện hữu cuối cùng trong sự luân chuyển. Thậm chí hôm nay cũng là thời điểm của chiếc giường, có chiếc giường hiện diện.
4458. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng chiếc giường.
4459. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4460. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4461. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Mañcadāyaka[16]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Mañcadāyaka là phần thứ mười.
--ooOo--
Vị Bhaddāli, vị (dâng) một chiếc lọng, vị Tiṇasūla, vị dâng cúng thịt, vị (dâng) chồi non cây nāga, vị có ngọn đèn, vị có (bông hoa) ở bên hông, vị dâng cúng cháo, vị có gói cơm, vị dâng cúng chiếc giường. Và các câu kệ được tính đếm ở đây là hai trăm câu kệ và một câu kệ được thêm vào đó.
Phẩm Bhaddāli là phẩm thứ bốn mươi hai.
--ooOoo--
[1] Puṇṇakanghĩa là “người đã làm đầy đủ.”
[2]Tên của một vị đạo sư Bà-la-môn (ND).
[3]Lúc này là lời đối thoại với đức Phật Gotama (ND).
[4] Mettagūnghĩa là “người đã đạt đến (gū) tâm từ ái (mettā).”
[5] Dhotaka nghĩa là “người đã được gội rửa (dhota).”
[6] Người Bà-la-môn (brāhmaṇa) tự hào là thân quyến của Phạm Thiên (brahmā).
[7] Ekachattiyanghĩa là “vị liên quan đến một (eka) chiếc lọng (chatta).”
[8] Tiṇasūlakachadaniyanghĩa là “vị liên quan đến việc che phủ (chadanaṃ) bằng các bông hoa tiṇasūla.”
[9] Madhumaṃsadāyakanghĩa là ‘vị dâng cúng (dāyaka) thịt (maṃsa) ngọt (madhu).’
[10] Nāgapallavakanghĩa là “vị liên quan đến chồi non (pallava) của cây nāga.”
[11] Ekadīpiyanghĩa là “vị liên quan đến một (eka) cây đèn (dīpa).”
[12] Ucchaṅgapupphiyanghĩa là “vị mang bông hoa (puppha) ở hông (ucchaṅga).”
[13] Ở các Tạng Miến, Thái, Anh có thêm 2 câu kệ (4 dòng). Không thêm vào vì ý nghĩa không có gì đặc biệt.
[14] Yāgudāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) cháo (yāgu).”
[15] Patthodanadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) gói (pattha) cơm (odana).”
[16] Mañcadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) chiếc giường (mañca).”
4630. Ở vào kiếp Bhadda này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên Kassapa, thuộc dòng dõi, có danh tiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên.
4631. Bậc như thế ấy đã sống không còn pháp chướng ngại, không cần sự nâng đỡ, có tâm ý sánh bằng bầu không gian, thường xuyên (trú vào) không tánh, thỏa thích ở vô tướng.
4632. Bậc Đại Bi, đấng Anh Hùng, rành rẽ về phương thức huấn luyện, có tâm không quyến luyến, lìa phiền não, không thân cận với gia đình và đồ chúng.
4633. 4634. Bị bận rộn trong những việc hữu ích cho những người khác, đấng Tế Độ Thế Gian ấy ngồi giữa đại chúng đang hướng dẫn chúng sanh luôn cả chư Thiên về Đạo Lộ đưa đến Niết Bàn, về việc làm khô cạn bãi lầy đưa đến cảnh giới (tái sanh), về pháp Bất Tử có phẩm vị tối thắng, cản ngăn sự già và sự chết.
4635. Thốt lên âm điệu của loài chim karavīka (ca-lăng-tầng-già), đấng Bảo Hộ, đức Như Lai, với âm thanh của Phạm Thiên đang tiếp độ những người có lối đi bị lầm lạc, không người hướng dẫn, ra khỏi chốn vô cùng khốn khổ.
4636. Trong lúc đấng Lãnh Đạo Thế Gian đang thuyết giảng Giáo Pháp không bợn nhơ, tôi đã nhìn thấy Ngài. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của Ngài, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
4637. Và sau khi xuất gia, lúc bấy giờ trong khi suy nghĩ về Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, bị quấy rối bởi việc chung đụng nên tôi đã sống chỉ mỗi một mình ở trong khu rừng đáng yêu.
4638. Sự yên tịnh về thân của tôi trở thành nhân duyên chính yếu cho tôi có được sự yên tịnh ở tâm, có được sự nhìn thấy nỗi sợ hãi trong việc chung đụng.
4639. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4640. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4641. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekavihāriya[14]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekavihāriya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
4642. Đã có lễ hội ở cội Đại Bồ Đề của đức Thế Tôn Vipassī. Đám đông dân chúng đã cùng nhau đi đến và cúng dường cội Bồ Đề tối thượng.
4643. Tôi không nghĩ rằng bậc đạo sư nào có cội Bồ Đề được cúng dường như thế này lại là vị kém cỏi, Ngài phải là vị Phật tối thượng.
4644. Do đó, tôi đã cầm lấy chiếc tù và vỏ ốc và đã phục vụ cội cây Bồ Đề. Trong khi thổi (tù và) trọn cả ngày, tôi đã đảnh lễ cội Bồ Đề tối thượng.
4645. Hành động được thực hiện vào lúc cận kề cái chết đã đưa tôi đến thế giới chư Thiên. Cơ thể của tôi vừa ngã xuống là tôi sướng vui ở thế giới chư Thiên.[15]
4646. Có sáu mươi ngàn nhạc công luôn luôn hớn hở vui mừng hoan hỷ phục vụ tôi; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4647. Tôi đã là đức vua Sudassana bảy mươi mốt kiếp, là người chinh phục bốn phương, là vị chúa tể của vùng đất Jambu.
4648. Kế đó, có trăm loại nhạc cụ luôn luôn vây quanh tôi. Tôi thọ hưởng nghiệp quả của chính mình; điều này là quả báu của việc phục vụ.
4649. Nơi chốn nào tôi sanh lên, là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, các chiếc trống luôn luôn vang lên đến tôi ngay cả khi (nhập thai) đi vào bụng mẹ.
4650. Sau khi phục vụ đấng Toàn Giác, sau khi thọ hưởng sự thành đạt, tôi đã đạt đến vị thế Bất Động là Niết Bàn, bình yên, bất tử.
4651. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4652. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4653. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4654. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekasaṅkhiya[16]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekasaṅkhiya là phần thứ nhì.
--ooOoo--
4655. Khi ấy, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đã đi vào thành phố cùng với một trăm ngàn vị có năng lực (A-la-hán).
4656. Trong khi các vị an tịnh như thế ấy đang đi vào thành phố, các châu báu đã phát sáng, đã có tiếng reo hò vào ngay lúc ấy.
4657. Trong khi đức Phật đang đi vào thành phố, do năng lực của đức Phật những chiếc trống đã vang lên dầu không được vỗ, các cây đàn vīṇā tự phát ra âm thanh.
4658. Tôi không nhìn thấy đức Phật tối thượng bậc Đại Hiền Trí Padumuttara. Và sau khi nhìn thấy điều kỳ diệu, tại nơi ấy tôi đã khiến tâm được tịnh tín.
4659. “Ôi đức Phật! Ôi Giáo Pháp! Ôi sự thành tựu của bậc Đạo Sư chúng ta! Dầu không có tâm tư, các nhạc cụ tự chính mình phát ra âm thanh.”
4660. Kể từ khi tôi đã đạt được sự suy tưởng ấy trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về đức Phật.
4661. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4662. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4663. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pāṭihīrasaññaka[17]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pāṭihīrasaññaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
4664. Tôi đã nhìn thấy bậc Tối Thượng Nhân giống như là cây kaṇikāra được cháy sáng, như là cây đèn được chiếu sáng, như là kim loại vàng đang tỏa sáng.
4665. Sau khi xếp đặt túi nước, y phục vỏ cây, và bình đựng nước, tôi đã khoác tấm da dê một bên vai rồi đã ngợi ca đức Phật tối thượng rằng:
4666. “Bạch đấng Đại Hiền Trí, trong khi hủy diệt điều tăm tối được che đậy bởi màng lưới si mê ấy, sau khi thể hiện ánh sáng trí tuệ, Ngài đã vượt qua.
4667. Bạch đấng Vô Thượng, xin Ngài hãy tiếp độ thế gian này bao gồm tất cả. Dầu cho đi khắp trái đất không có gì tương đương với trí tuệ của Ngài.
4668. Với trí tuệ ấy, đức Phật được gọi là ‘Đấng Toàn Tri.’ Bạch đấng Đại Hùng, con xin đảnh lễ đấng Toàn Tri không gì che lấp ấy.”
4669. (Kể từ khi) tôi đã ngợi ca đức Phật tối thượng trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc ngợi ca trí tuệ.
4670. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4671. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4672. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ñāṇatthavika[18]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ñāṇatthavika là phần thứ tư.
--ooOoo--
4673. Tôi đã là người gác cổng ở thành phố Bandhumatī. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, đấng Vô Nhiễm, bậc thông suốt về tất cả các pháp.
4674. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã cầm lấy khúc mía và đã dâng cúng đến đức Phật tối thượng, bậc Đại Ẩn Sĩ Vipassī..
4675. Kể từ khi tôi đã dâng cúng mía trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của khúc mía.
4676. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4677. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4678. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ucchukhaṇḍika[19]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ucchukhaṇḍika là phần thứ năm.
--ooOoo--
4679. Bậc Tự Giác Ngộ tên Romasa ngụ ở trong vùng đồi núi. Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình dâng lên Ngài bông hoa kalamba.
4680. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của bông hoa kalamba.
4681. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4682. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4683. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kalambadāyaka[20]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kalambadāyaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
4684. Sau khi nhìn thấy đức Phật, đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại trong khu rừng, tôi đã cầm lấy trái cây ambāṭaka và đã dâng cúng đến đấng Tự Chủ.
4685. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
4686. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4687. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4688. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ambāṭakadāyaka[21]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ambāṭakadāyaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
4689. Tôi đích thân mang lại các loại trái cây như trái harītaka, trái āmalaka, trái xoài, trái mận đỏ, trái vibhīṭaka, trái táo, trái bhallātaka, và trái billa.
4690. Tôi đã nhìn thấy bậc Hiền Trí là vị có thiền chứng, được thích thú về thiền, đã đi đến sườn núi. Bậc Đại Hiền Trí đang bị hành hạ bởi cơn bệnh, không có người thứ hai (phục vụ).
4691. Tôi đã cầm lấy trái harītaka và đã dâng cúng đến đấng Tự Chủ. Khi thuốc men vừa mới tác dụng, cơn bệnh đã lắng dịu ngay lập tức.
4692. Có sự khó chịu đã được loại trừ, đức Phật đã nói lời tùy hỷ rằng: “Do sự dâng cúng thuốc men, và do sự dứt hẳn cơn bệnh, ...
4693. ... mong rằng ngươi được sung sướng ở khắp mọi nơi dầu được trở thành vị Thiên nhân hay loài người hoặc ở sanh chủng khác, và bệnh hoạn chớ xảy đến cho ngươi.”
4694. Sau khi nói điều này, bậc Toàn Giác, đấng Tự Chủ, vị không bị đánh bại, bậc trí tuệ đã bay lên không trung như là chim thiên nga chúa ở trên bầu trời.
4695. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái harītaka đến đấng Tự Chủ, bậc Đại Ẩn Sĩ, cho đến kiếp sống này bệnh hoạn đã không xảy đến cho tôi.
4696. Lần sau cùng này của tôi là sự hiện hữu cuối cùng trong sự luân chuyển, tam minh đã được đắc chứng, lời dạy của đức Phật đã được thực hành.
4697. Kể từ khi tôi đã dâng cúng thuốc men trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của thuốc men.
4698. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4699. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4700. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Harītakadāyaka[22]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Harītakadāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
4701. Khi ấy, tôi đã là con voi chúa có ngà dài như gọng xe, vững chải. Trong khi đi lang thang ở khu rừng bạt ngàn tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
4702. Sau khi cầm lấy chùm trái xoài, tôi đã dâng cúng đến bậc Đạo Sư. Đấng Đại Hùng, bậc Lãnh Đạo Thế Gian Siddhattha đã thọ lãnh.
4703. Khi ấy, đấng Chiến Thắng đã thọ dụng trong lúc tôi đang trầm tư. Tại đó, sau khi làm cho tâm được tịnh tín, tôi đã đạt đến cõi trời Đẩu Suất.[23]
4704. Từ nơi ấy tôi đã mệnh chung, và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương. Tôi thọ hưởng sự thành đạt theo đường lối thế ấy.
4705. Có tính khẳng quyết về sự nỗ lực, tôi được an tịnh, không còn mầm mống tái sanh. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
4706. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
4707. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4708. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4709. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ambapiṇḍiya[24]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ambapiṇḍiya là phần thứ chín.
--ooOoo--
4710. Đức Phật Padumuttara, vị đang nắm giữ danh vọng tối thượng, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy đang đi đó đây để khất thực.
4711. Sau khi thâu hoạch trái cây đầu mùa, với tâm ý trong sạch tôi đã dâng cúng đến đấng Đạo Sư, bậc Anh Hùng xứng đáng sự cúng dường.
4712. “Bạch đấng Chúa Tể của loài người, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, nhờ vào nghiệp ấy con đã từ bỏ sự hơn thua và đã đạt được vị thế Bất Động.”
4713. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng vật đầu mùa.
4714. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4715. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4716. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Jambuphaliya[25]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Jambuphaliya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị trưởng lão sống một mình, vị (thổi) tù và vỏ ốc, vị (tưởng đến) điều kỳ diệu, vị ngợi ca (đức Phật), vị có khúc mía, vị dâng bông hoa kalamba, vị dâng trái ambāṭaka, vị (dâng) trái cây harītaka, vị có chùm xoài, vị dâng trái mận đỏ là thứ mười. Và các câu kệ đã được tính đếm bởi các bậc trí là tám mươi sáu câu kệ.
Phẩm Ekavihārī là phẩm thứ bốn mươi bốn.
--ooOoo--
4462. Đối với đức Thế Tôn Vipassī, cây Pāṭalī là (tên của) cội cây Bồ Đề tối thượng. Sau khi nhìn thấy cội cây cao cả ấy tôi đã khiến tâm được tịnh tín.
4463. Sau khi cầm lấy cái chổi, tôi đã quét cội Bồ Đề liền khi ấy. Sau khi quét cội Bồ Đề ấy, tôi đã đảnh lễ cây Pāṭalī.
4464. Tại nơi ấy, sau khi làm cho tâm được tịnh tín tôi đã chắp tay lên ở đầu, trong khi tôn kính cội Bồ Đề ấy tôi đã khom mình bước đi.
4465. Trong khi tưởng nhớ đến cội cây Bồ Đề tối thượng, tôi bước đi ở lối đi bộ. Có con trăn có hình dáng khủng khiếp, có sức mạnh lớn lao đã bức hiếp tôi.
4466. Hành động đã được tôi làm trong lúc gần đây đã khiến cho tôi được vui lòng với kết quả. Con trăn nuốt chửng lấy thân hình của tôi, và tôi sướng vui ở thế giới chư Thiên.[1]
4467. Tâm của tôi không bị chộn rộn, luôn luôn tinh khiết, trong trắng. Tôi không còn biết đến mũi tên sầu muộn (và) sự bực bội ở tâm của tôi.
4468. Bệnh cùi, bệnh mụt nhọt, bệnh chàm, bệnh động kinh, bệnh ghẻ, bệnh lở loét, và bệnh ngứa không có ở tôi; điều này là quả báu của việc quét.
4469. Sự sầu muộn và sự than vãn ở trong trái tim của tôi là không được biết đến, tâm không bị cong quẹo, được ngay thẳng; điều này là quả báu của việc quét.
4470. Tôi không vị vướng mắc ở các tầng định, tâm ý được tự tín. Tôi muốn bất cứ tầng định nào, chính tầng định ấy tự đạt đến cho tôi.
4471. Tôi không say đắm ở điều quyến rũ và các sự việc xấu xa, tôi không bị mê muội ở điều ngu xuẩn; điều này là quả báu của việc quét.
4472. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc quét.
4473. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4474. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4475. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sakiṃsammajjaka[2]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sakiṃsammajjaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
4476. Tôi đã là người gánh cỏ ở thành phố Haṃsavatī. Tôi sinh sống bằng việc gánh cỏ. Nhờ thế, tôi nuôi dưỡng các đứa trẻ.[3]
4477. Đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc thông suốt về tất cả các pháp, đấng Lãnh Đạo Thế Gian, sau khi xua đi điều tăm tối ấy đã hiện khởi.
4478. Sau khi ngồi xuống tại ngôi nhà của chính mình, tôi đã tức thời suy nghĩ như vầy: “Đức Phật đã hiện khởi ở thế gian mà vật xứng đáng để dâng cúng không được tìm thấy.
4479. Đây là tấm vải choàng duy nhất của ta. Ta không có gì để trở thành người thí chủ. Việc tiếp xúc với địa ngục là khổ sở. Ta sẽ ươm trồng vật cúng dường.”
4480. Sau khi suy nghĩ như thế, tôi đã làm cho tâm của mình được tịnh tín. Tôi đã cầm lấy tấm vải độc nhất và đã dâng cúng đến đức Phật tối thượng.
4481. Sau khi dâng cúng tấm vải độc nhất, tôi đã thốt lớn tiếng rằng: “Bạch đấng Anh Hùng, bậc Đại Hiền Trí, nếu Ngài là vị Phật xin Ngài hãy giúp con vượt qua.”
4482. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, trong khi tán dương vật dâng cúng của tôi, đã nói lời tùy hỷ đến tôi rằng:
4483. “Do tấm vải độc nhất này và do các nguyện lực của tác ý, ngươi (sẽ) không đi đến đọa xứ trong một trăm ngàn kiếp.
4484. Ngươi sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc ba mươi sáu lần và sẽ là đấng Chuyển Luân Vương ba mươi ba lần.
4485. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm. Trong khi luân hồi ngươi sẽ hiện hữu ở thế giới chư Thiên hoặc ở loài người.
4486. Có sắc đẹp, hội đủ đức hạnh, có thân hình không bị kém sút, ngươi sẽ đạt được vải vóc không bị suy suyển, không thể ước lượng, theo như ước muốn.”
4487. Sau khi nói điều này, bậc Toàn Giác, đấng Lãnh Đạo Padumuttara, bậc trí tuệ đã bay lên không trung như là chim thiên nga chúa ở trên bầu trời.
4488. Nơi chốn nào tôi đi tái sanh dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, tôi không có sự thiếu hụt về của cải; điều này là quả báu của một tấm vải.
4489. Vải vóc hiện ra cho tôi theo mỗi lần giở lên của bước chân. Tôi đứng trên tấm vải ở bên dưới, có tấm che ở phía trên cho tôi.
4490. Và trong ngày hôm nay, nếu muốn tôi có thể che phủ bằng các loại vải vóc đối với bầu vũ trụ có cả rừng rậm cùng với núi non.
4491. Nhờ vào chỉ một tấm vải ấy, trong khi luân hồi ở cõi này cõi khác tôi có được màu da vàng chói, rồi tôi luân hồi ở cõi này cõi khác.
4492. Quả thành tựu của một tấm vải đã không đi đến sự hư hoại ở bất cứ nơi đâu. Đây là lần sanh sau cùng của tôi, (quả thành tựu ấy) được chín muồi cho tôi ở ngay cả nơi đây.
4493. Kể từ khi tôi đã dâng cúng tấm vải trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của một tấm vải.
4494. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4495. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4496. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekadussadāyaka[4]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekadussadāyaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
4497. Ở không xa núi Hi-mã-lạp, có ngọn núi tên là Gosita, có khu ẩn cư của tôi đã khéo được xây dựng, có gian nhà rộng bằng lá đã khéo được tạo lập.
4498. Khi ấy, (tôi) có tên là Nārada. (Người ta) biết đến tôi với tên là Kassapa. Trong lúc tầm cầu đạo lộ thanh tịnh, tôi sống ở (núi) Gosita.
4499. Bậc Toàn Giác, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc thông suốt về tất cả các pháp, vị ưa thích sự độc cư, đã đi đến bằng đường không trung.
4500. Sau khi nhìn thấy hào quang của bậc Đại Ẩn Sĩ đang di chuyển ở trên chóp đỉnh của khu rừng, tôi đã xếp đặt chiếc giường gỗ và đã trải ra tấm da dê.
4501. Sau khi xếp đặt chỗ ngồi tôi đã chắp tay lên ở đầu. Sau khi bày tỏ sự vui mừng, tôi đã nói lời nói này:
4502. “Bạch đấng Đại Hùng, Ngài là vị phẫu thuật, là người thầy thuốc của các bệnh nhân. Bạch đấng Lãnh Đạo, xin Ngài hãy ban cho con liều thuốc của người bị cơn bệnh hành hạ.
4503. Bạch đức Phật tối thượng, bạch đấng Hiền Trí, những người nào có mục đích về sức khỏe nhìn thấy Ngài đạt được sự thành tựu về mục đích trường cửu, sự tái sanh của những người này được lụi tàn.
4504. Con là người thọ dụng trái cây đã rụng xuống, con không có vật dâng cúng đến Ngài. Con có chỗ ngồi này, thỉnh Ngài ngồi xuống ở chiếc giường gỗ.”
4505. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống ở tại nơi ấy tợ như con sư tử không bị hãi sợ. Sau khi chờ đợi trong chốc lát, Ngài đã nói lời nói này:
4506. “Ngươi hãy tự tin, chớ lo sợ. Ngươi đã đạt được viên ngọc như ý. Điều gì đã được ngươi ước nguyện, tất cả sẽ được tròn đủ trong thời vị lai.
4507. Điều đã được làm ấy của ngươi ở Phước Điền vô thượng không là vô ích. Đối với người nào có tâm đã được củng cố, bản thân của (người ấy) có thể tiếp độ được.
4508. Do sự dâng cúng chỗ ngồi này và do các nguyện lực của tác ý, ngươi (sẽ) không đi đến đọa xứ trong một trăm ngàn kiếp.
4509. Ngươi sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc năm mươi lần và sẽ là đấng Chuyển Luân Vương tám mươi lần.
4510. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm. Ngươi sẽ được sung sướng ở khắp mọi nơi và sẽ luân chuyển ở vòng luân hồi.”
4511. Sau khi nói điều này, bậc Toàn Giác, đấng Lãnh Đạo Padumuttara, bậc trí tuệ đã bay lên không trung như là chim thiên nga chúa ở trên bầu trời.
4512. Về phương tiện di chuyển bằng voi, phương tiện di chuyển bằng ngựa, xe kéo, và cỗ xe, tôi đạt được tất cả mọi thứ này; điều này là quả báu của một chổ ngồi.
4513. Ngay cả khi đã đi vào rừng rậm, lúc nào tôi mong muốn về chỗ ngồi, chiếc ghế bành biết được ước muốn của tôi hiện diện ở bên cạnh.
4514. Trong khi đã đi vào trong nước, lúc nào tôi mong muốn về chỗ ngồi, chiếc ghế bành biết được ước muốn của tôi hiện diện ở bên cạnh.
4515. Nơi chốn nào tôi đi tái sanh dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, luôn luôn có một trăm ngàn chiếc ghế bành vây quanh tôi.
4516. Tôi (đã) luân hồi ở hai cảnh giới, trong bản thể Thiên nhân và loài người. Tôi (đã) được sanh ra ở hai gia tộc, Sát-đế-lỵ và Bà-la-môn.
4517. Sau khi dâng cúng một chỗ ngồi ở Phước Điền vô thượng, sau khi nắm lấy chiếc ghế bành Giáo Pháp, tôi sống không còn lậu hoặc.
4518. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của một chỗ ngồi.
4519. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4520. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4521. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekāsanadāyaka[5]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekāsanadāyaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
4522. Ở không xa núi Hi-mã-lạp, có ngọn núi tên là Kadamba. Ở sườn ngọn núi ấy, có bảy vị Phật ấy đã cư ngụ.
4523. Sau khi nhìn thấy cây kadamba đã được trổ hoa, tôi đã chắp tay lên. Tôi đã hái bảy bông hoa và đã tung lên với tâm (nghĩ) về phước báu.
4524. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
4525. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4526. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4527. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4528. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sattakadambapupphiya[6]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sattakadambapupphiya là phần thứ tư.
--ooOo--
4529. Trước đây, tôi đã là người thợ rừng có sự quan tâm (phụng dưỡng) đến cha và mẹ. Tôi sinh sống nhờ vào việc giết thú rừng, tôi không biết đến điều tốt lành.
4530. Do lòng thương tưởng, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Tissa, bậc Hữu Nhãn, đã lưu lại ba (dấu) bàn chân ở xung quanh chỗ cư ngụ của tôi.
4531. Và sau khi nhìn thấy ba (dấu) bàn chân đã đi qua của bậc Đạo Sư tên Tissa, tôi đã trở nên mừng rỡ. Với tâm mừng rỡ, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín ở (dấu) bàn chân.
4532. Sau khi nhìn thấy cây koraṇḍa mọc ở trên đất đã được trổ hoa, tôi đã hái một số (bông hoa) và đã cúng dường ở (dấu) bàn chân tối thượng.
4533. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
4534. Nơi chốn nào tôi đi tái sanh là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, tôi là người có màu da của bông hoa koraṇḍa và có cả vẻ sáng ngời nữa.
4535. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường ở bàn chân.
4536. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4537. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4538. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Koraṇḍapupphiya[7]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Koraṇḍapupphiya là phần thứ năm.
--ooOoo--
4539. Đã suy nghĩ tận tường, đức Thế Tôn, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu đã đi vào khu rừng lớn và đã bị hành hạ bởi bệnh gió. Sau khi nhìn thấy, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín và đã đem lại bơ lỏng nguyên chất.
4540. Do bản thân đã được thực hành, do bản thân đã được tích lũy (thiện nghiệp), dòng sông Bhāgīrathī này và bốn đại dương tự cung cấp bơ lỏng cho tôi.
4541. Và trái đất kinh khủng, không thể đo lường, không thể ước lượng này, hiểu biết được ước muốn của tôi nó trở thành tinh thể mật ngọt (cho tôi).
4542. Từ bốn châu lục, các giống cây này là loài thảo mộc mọc ở trên đất, hiểu biết được ước muốn của tôi chúng trở thành những cây như ý (cho tôi).
4543. Tôi đã là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc năm mươi lần, và đã là đấng Chuyển Luân Vương năm mươi mốt lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
4544. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của phần bơ lỏng nguyên chất.
4545. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4546. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4547. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ghatamaṇḍadāyaka[8]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ghatamaṇḍadāyaka là phần thứ sáu.
--ooOo--
4548. Đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc thông suốt về tất cả các pháp, trong khi công bố về bốn Sự Thật đã giúp cho nhiều người vượt qua.[9]
4549. Vào lúc bấy giờ, tôi là vị đạo sĩ tóc bện có sự khổ hạnh cao tột. Khi ấy, tôi di chuyển ở hư không, (vừa đi) vừa phất phơ các y phục bằng vỏ cây.
4550. Tôi không thể di chuyển ở phía trên của đức Phật tối thượng. Như là con chim bị va vào tảng đá, tôi không đạt được sự di chuyển.
4551. Tợ như người đã đi vào trong nước, tôi di chuyển ở hư không như vậy. Sự hư hoại về các oai nghi này chưa từng xảy ra cho tôi trước đây.
4552. (Nghĩ rằng): “Nào! Ta sẽ tìm hiểu việc này. Ít ra ta cũng có thể đạt được lý do.” Trong khi từ không trung đáp xuống, tôi đã nghe tiếng nói của bậc Đạo Sư.
4553. Khi ấy, Ngài đang thuyết giảng về tính chất vô thường với âm điệu khích lệ, cuốn hút, dễ nghe, tôi đã học tập chỉ có pháp ấy của Ngài.
4554. Sau khi đã học tập sự nhận biết về vô thường, tôi đã đi về khu ẩn cư của tôi. Sau khi sống đến hết tuổi thọ, tôi đã mệnh chung ở tại nơi ấy.
4555. Khi đang ở vào thời điểm cuối cùng, tôi đã nhớ lại sự lắng nghe về Chánh Pháp. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
4556. Tôi đã sướng vui ở thế giới chư Thiên ba mươi ngàn kiếp. Và tôi đã cai quản Thiên quốc năm mươi mốt lần.
4557. Và tôi đã là đấng Chuyển Luân Vương hai mươi mốt lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
4558. Tôi đã thọ hưởng phước báu của chính mình, tôi đã được sung sướng ở cõi này cõi khác. Trong khi luân hồi ở cõi này cõi khác, tôi đã nhớ lại sự suy tưởng (về vô thường) ấy. Tôi không thấu triệt điểm cốt yếu là Niết Bàn, vị thế Bất Tử.
4559. Sau khi ngồi xuống ở căn nhà của người cha, vị Sa-môn có giác quan đã được tu tập, trong khi giải thích về câu kệ ngôn, đã đề cập đến tính chất vô thường:
4560. “Quả vậy, các pháp hữu vi là vô thường, có pháp sanh và diệt, sau khi sanh lên chúng hoại diệt, sự tịnh lặng của chúng là an lạc.”
4561. Sau khi lắng nghe câu kệ, tôi đã nhớ lại sự suy tưởng trước đây. Sau khi ngồi ở ngay chỗ ngồi ấy, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
4562. Vào lúc bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán. Đức Phật đã cho (tôi) tu lên bậc trên; điều này là quả báu của việc lắng nghe Giáo Pháp.
4563. Kể từ khi tôi đã lắng nghe Giáo Pháp trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc nghe Giáo Pháp.
4564. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4565. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4566. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekadhammasavaṇiya[10]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekadhammasavaṇiya là phần thứ bảy.
--ooOoo--
4567. Tôi đã là người nông dân ở thành phố Haṃsavatī. Tôi sinh sống bằng công việc trồng trọt. Nhờ thế, tôi nuôi dưỡng các đứa trẻ.
4568. Khi ấy, thửa ruộng đã được thành tựu tốt đẹp, lúa của tôi đã được kết hạt. Và khi thời điểm gặt hái đã đến, vào lúc ấy tôi đã suy nghĩ như vầy:
4569. “Thật không đúng đắn, không tốt đẹp cho ta là người biết về lành dữ, sao ta có thể thọ dụng phẩm vật đầu mùa nếu khi ấy ta chưa dâng cúng đến Hội Chúng!
4570. Vị này là đức Phật có ba mươi hai hảo tướng, tương đương với bậc không thể sánh bằng. Nhờ Ngài, Hội Chúng là Phước Điền vô thượng đã được thành lập.
4571. Ta sẽ dâng cúng vật thí là lúa mới đến các ngài trước tiên hết.” Sau khi suy nghĩ như thế, tôi đã trở nên mừng rỡ, tâm tư được khoan khoái.
4572. Tôi đã mang theo lúa từ thửa ruộng và đã đi đến bậc Toàn Giác. Sau khi đi đến bậc Toàn Giác, đấng Nhân Ngưu, bậc Trưởng Thượng của thế gian, tôi đã đảnh lễ ở bàn chân của bậc Đạo Sư rồi đã nói lời nói này:
4573. “Bạch đấng Hiền Trí, lúa mới đã được thành tựu và Ngài cũng là người thọ lãnh. Bạch bậc Hữu Nhãn, vì lòng thương tưởng xin Ngài chấp nhận.”
4574. Sau khi biết được ý định của tôi, bậc Hiểu Biết Thế Gian Tissa, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đã nói lên những lời kệ này:
4575. “Có bốn hạng được thực hành (bốn Đạo) và có bốn Quả được tồn tại. Hội Chúng này có bản thể chính trực, được định tĩnh với tuệ và giới.
4576. Phước báu có mầm mống tái sanh (hữu lậu) của những người đang hiến cúng, của những chúng sanh có lòng mong mỏi phước báu đang thực hiện, đã được dâng cúng đến Hội Chúng là có quả báu lớn.
4577. Lúa mới nên được dâng cúng đến Hội Chúng ấy, vật khác cũng vậy. Sau khi xác định là Hội Chúng, ngươi hãy đưa các vị tỳ khưu đến tư gia, và hãy dâng cúng đến Hội Chúng tỳ khưu vật đã được chuẩn bị tại nhà.”
4578. Sau khi xác định là Hội Chúng, tôi đã đưa các vị tỳ khưu đến nhà, và đã dâng cúng đến Hội Chúng tỳ khưu vật đã được tôi chuẩn bị tại nhà.
4579. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
4580. Tại nơi ấy, cung điện bằng vàng vô cùng rực rỡ đã được kiến tạo khéo léo dành cho tôi có chiều cao là sáu mươi do-tuần, chiều rộng ba mươi do-tuần.
(Tụng phẩm thứ mười chín).
4581. Chỗ cư ngụ của tôi được phân bố chằng chịt, đông đảo các nhóm nữ nhân. Tại nơi ấy, tôi ăn, tôi uống, và tôi sống ở cõi Tam Thập.
4582. Và tôi đã cai quản Thiên quốc ba trăm lần và đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương năm trăm lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
4583. Trong khi luân hồi ở cõi này cõi khác, tôi đạt được tài sản không ước lượng được, tôi không có sự thiếu hụt về của cải; điều này là quả báu của lúa mới.
4584. Về phương tiện di chuyển bằng voi, phương tiện di chuyển bằng ngựa, kiệu khiêng, và cỗ xe kéo, tôi đạt được tất cả mọi thứ này; điều này là quả báu của lúa mới.
4585. Về vải vóc mới, trái cây tươi, thức ăn mới lạ có phẩm vị cao sang, tôi đạt được tất cả mọi thứ này; điều này là quả báu của lúa mới.
4586. Về y phục làm bằng tơ lụa, bằng sợi len, bằng chỉ lanh, và bằng bông vải, tôi đạt được tất cả mọi thứ này; điều này là quả báu của lúa mới.
4587. Về đám tôi trai, bầy tớ gái, và các nữ nhân đã được trang điểm, tôi đạt được tất cả mọi thứ này; điều này là quả báu của lúa mới.
4588. Sự lạnh, sự nóng nực hoặc sự bực bội không được tôi biết đến. Sự khổ sở thuộc về tâm ở trái tim không được tôi biết đến.
4589. (Được bảo rằng): “Ngươi hãy nhai món này, hãy ăn món này, hãy nằm ở chiếc giường này,” tôi đạt được tất cả mọi thứ này; điều này là quả báu của lúa mới.
4590. Giờ đây, lần sau cùng này là sự hiện hữu cuối cùng trong sự luân chuyển. Quả báu của vật dâng cúng khiến tôi luôn luôn được hoan hỷ đến tận hôm nay
4591. Sau khi đã dâng cúng lúa mới đến Hội Chúng là tập thể cao quý tối thượng, tôi thọ hưởng tám điều lợi ích thích đáng với việc làm của tôi:
4592. Tôi có sắc đẹp, có danh vọng, có của cải to lớn, là người không bị tai họa, tôi luôn luôn có quyền lực lớn lao, luôn luôn có hội chúng không bị chia rẽ.
4593. Bất cứ những ai cư ngụ ở trên trái đất, tất cả đều tôn trọng tôi. Và bất cứ những gì là vật nên được dâng cúng tôi đều đạt được trước tiên hết.
4594. Ở giữa hội chúng tỳ khưu hoặc trước mặt đức Phật tối thượng, các thí chủ đã đi vượt qua tất cả các vị và dâng cúng đến chính tôi.
4595. Tôi thọ hưởng các điều lợi ích này bởi vì tôi đã dâng cúng lúa mới đến Hội Chúng là tập thể tối thượng trước tiên hết; điều này là quả báu của lúa mới.
4596. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của lúa mới.
4597. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4598. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4599. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sucintita[11]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sucintita là phần thứ tám.
--ooOoo--
4600. Vì niềm tin, tôi đã ra đi và đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Thiên về nghiệp khổ hạnh, tôi đã là vị mang y phục bằng vỏ cây.
4601. Hơn nữa đức Thế Tôn Atthadassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu vào lúc bấy giờ đã hiện khởi, đang giúp cho nhiều người vượt qua.
4602. 4603. Và sức lực của tôi quả nhiên đã bị cạn kiệt bởi cơn bệnh trầm trọng. Tôi đã tưởng nhớ đến đức Phật tối thượng và đã tạo nên ngôi bảo tháp tối thượng ở trên bãi cát. Với tâm mừng rỡ, với ý phấn chấn, tôi đã dùng tay rải rắc các bông hoa kiṅkaṇī bằng vàng.
4604. Với tâm tịnh tín ấy đối với vị Atthadassī như thế ấy, tôi đã đi vòng quanh ngôi bảo tháp như là có đức Phật hiện diện.
4605. Trong khi đi đến thế giới của chư Thiên, tôi đạt được sự an lạc bao la. Tại nơi ấy, tôi đã có màu da vàng chói; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4606. Tôi có tám trăm triệu người nữ đã được trang điểm thường xuyên phục vụ cho tôi; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4607. Có sáu mươi ngàn nhạc cụ gồm các trống lớn và các trống nhỏ, các tù và vỏ ốc và các trống con. Các chiếc trống đã vang lên một cách vui nhộn ở tại nơi ấy.
4608. Có tám mươi bốn ngàn con voi là những con voi mātaṅga (đến tuổi) bị tiết dục ở ba nơi được sáu mươi tuổi đã được trang điểm.
4609. Được che phủ với những tấm lưới vàng, các con voi thể hiện sự phục vụ đến tôi. Sự thiếu hụt của tôi về binh lực luôn cả về voi là không được biết đến.
4610. Tôi đã thọ hưởng quả thành tựu của những bông hoa kiṅkaṇī bằng vàng. Tôi đã cai quản Thiên quốc năm mươi tám lần.
4611. Và tôi đã là đấng Chuyển Luân Vương bảy mươi mốt lần. Tôi đã cai quản vương quốc ở mặt đất trên quả địa cầu một trăm lẻ một lần.
4612. Giờ đây, đã đạt đến Bất Tử là không còn tạo tác, khó nhìn thấy vô cùng, tôi đây đã được đoạn tận các sự trói buộc, giờ đây không còn tái sanh nữa.
4613. Kể từ khi tôi đã dâng lên bông hoa trước đây một ngàn tám trăm kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4614. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4615. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4616. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sovaṇṇakiṅkaṇiya[12]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sovaṇṇakiṅkaṇiya là phần thứ chín.
--ooOoo--
4617. Đức Phật là vị đã tu tập về tâm, đã chế ngự bản thân, được định tĩnh, đang cư xử theo đường lối Phạm hạnh, thích thú trong sự tịnh lặng của tâm.
4618. Tôi đã suy tưởng về bậc Toàn Giác đã vượt qua dòng nước lũ, về bậc Hiền Trí được thỏa thích về thiền, đã tiến vào sự thể nhập (định), có ánh sáng của cánh hoa súng.
4619. Sau khi lấy nước bằng cái bầu (đựng nước), tôi đã đi đến đức Phật tối thượng. Sau khi rửa các bàn chân của đức Phật, tôi đã dâng cúng cái bầu nước.
4620. Và bậc Toàn Giác, đấng Lãnh Đạo Padumuttara đã truyền lệnh rằng: “Bằng cái bầu này, ngươi hãy đem nước lại và hãy đặt ở cạnh bàn chân của Ta.”
4621. Tôi đã đáp lại rằng: “Lành thay!” Và với lòng tôn kính bậc Đạo Sư, tôi đã mang lại nước bằng cái bầu và đã đưa đến gần đức Phật tối thượng.
4622. Trong khi làm cho tâm của tôi được mát mẻ, đấng Đại Hùng đã nói lời tùy hỷ rằng: “Do sự dâng cúng cái bầu này, mong rằng ý định của người được thành tựu.”
4623. Tôi đã sướng vui ở thế giới chư Thiên trong mười lăm kiếp. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương ba mươi lần.
4624. Vào ban ngày hoặc ban đêm nếu tôi đang đi kinh hành hoặc đang đứng, có người cầm cây gậy vàng đứng ở phía trước tôi.
4625. Sau khi dâng cúng cái bầu nước đến đức Phật, tôi đạt được cây gậy vàng. Hành động đã được thực hiện dầu là nhỏ nhoi trở thành to lớn như thế ấy.
4626. Kể từ khi tôi đã dâng cúng cái bầu nước trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của cái bầu nước.
4627. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4628. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4629. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Soṇṇakontarika[13]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Soṇṇakontarika là phần thứ mười.
--ooOo--
Vị trưởng lão quét một lần, vị có tấm vải độc nhất, vị có một chỗ ngồi, vị dâng (bông hoa) kadamba, vị dâng (bông hoa) koraṇḍa, vị (dâng) bơ lỏng, vị lắng nghe (Giáo Pháp), vị đã khéo suy nghĩ, vị liên quan đến (bông hoa) kiṅkaṇī, và vị có cây gậy vàng. Có một trăm câu kệ và thêm vào bảy mươi mốt câu nữa.
Phẩm Sakiṃsammajjaka là phẩm thứ bốn mươi ba.
--ooOoo--
4717. Bậc Đại Hùng Kakusandha là bậc thông suốt về tất cả các pháp. Ngài đã đi vào bên trong khu rừng, tách biệt khỏi đám đông.
4718. Sau khi cầm lấy phần hột và ruột (của trái vibhīṭaka), tôi đã buộc lại bằng sợi dây leo. Vào lúc bấy giờ, đức Thế Tôn tham thiền ở trong vùng đồi núi.
4719. Sau khi nhìn thấy vị Trời của chư Thiên, với tâm ý trong sạch tôi đã dâng cúng phần hột và ruột đến đấng Anh Hùng là bậc xứng đáng sự cúng dường.
4720. Ngay trong chính kiếp này kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của phần hột và ruột (của trái cây).
4721. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4722. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4723. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Vibhīṭakamiñjiya[26]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vibhīṭakamiñjiya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
4724. Khi ấy, là vị mặc y phục vỏ cây, tôi đã trang phục bằng da dê. Tôi đã khuân vác túi nặng trái táo và đã đem về khu ẩn cư.
4725. Vào thời điểm ấy, đức Phật Sikhī đã là vị đơn độc không có người thứ hai. Trong khi biết được về mọi thời điểm, Ngài đã đi đến khu ẩn cư của tôi.
4726. Sau khi làm cho tâm của mình được tịnh tín, tôi đã đảnh lễ bậc có sự hành trì tốt đẹp. Đưa ra bằng cả hai tay, tôi đã dâng cúng trái táo đến đức Phật.
4727. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái táo.
4728. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4729. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4730. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Koladāyaka[27]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Koladāyaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
4731. Khu ẩn cư của tôi đã khéo được xây dựng ở bờ sông Candabhāgā, được rải rác với những cây billa, được mọc lên với nhiều giống cây khác loại.
4732. Sau khi nhìn thấy trái cây billa có mùi thơm ngát, tôi đã tưởng nhớ đến đức Phật tối thượng. Được hớn hở, với tâm ý bị chấn động tôi đã làm đầy gói nặng.
4733. Tôi đã đi đến (đức Phật) Kakusandha và đã dâng cúng trái cây billa đã chín đến Phước Điền, đến đấng Anh Hùng với tâm ý trong sạch.
4734. Ngay trong chính kiếp này kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
4735. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4736. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4737. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Billaphaliya[28]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Billaphaliya là phần thứ ba.
--ooOoo--
4738. Đấng Toàn Giác có màu da vàng chói, có ba mươi hai hảo tướng tợ như cây sālā chúa đã được trổ hoa, đang di chuyển ở phía trên chóp đỉnh của khu rừng bao la.
4739. Tôi đã xếp đặt tấm trải cỏ và đã cầu xin đức Phật tối thượng rằng: “Xin đức Phật hãy thương tưởng đến con, con muốn dâng cúng vật thực.”
4740. Sau khi biết được ý định của tôi, đấng Bi Mẫn, vị có lòng thương tưởng, có danh tiếng lớn lao Atthadassī đã ngự xuống khu ẩn cư của tôi.
4741. Sau khi ngự xuống, đấng Toàn Giác đã ngồi xuống ở tấm thảm lá cỏ. Tôi đã cầm lấy trái cây bhallātaka và đã dâng cúng đến đức Phật tối thượng.
4742. Khi ấy, đấng Chiến Thắng đã thọ dụng trong lúc tôi đang trầm tư. Tại đó, sau khi làm cho tâm được tịnh tín, tôi đã đảnh lễ đấng Chiến Thắng.
4743. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây một ngàn tám trăm kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
4744. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4745. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4746. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bhallātakadāyaka[29]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bhallātakadāyaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
4747. Tôi đã lấy ra tràng hoa uttalī và đã dâng lên cội Bồ Đề là cây Nigrodha đã được phát triển có ánh sáng màu xanh.
4748. Việc tôi đã dâng lên bông hoa là ngay trong chính kiếp này, tôi không biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường cội Bồ Đề.
4749. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4750. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4751. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Uttalipupphiya[30]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Uttalipupphiya là phần thứ năm.
--ooOoo--
4752. Sau khi đi sâu vào trong rừng cây sālā khéo được trổ hoa, bậc Hiền Trí Vessabhū đã ngồi xuống ở những nơi hiểm trở của ngọn núi trông như là con sư tử đã được sanh ra cao quý.
4753. Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình cúng dường (bông hoa) ambāṭaka đến Phước Điền, đến bậc Đại Hùng với tâm tịnh tín với ý vui mừng.
4754. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4755. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4756. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4757. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ambāṭakiya[31]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ambāṭakiya là phần thứ sáu.
--ooOoo--
4758. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng cúng bảo tọa sư tử đến đức Thế Tôn Padumuttara là bậc tầm cầu lợi ích cho tất cả chúng sanh.
4759. Ở bất cứ nơi đâu tôi sinh sống, ở thế giới chư Thiên hoặc ở loài người, tôi đạt được cung điện đồ sộ; điều này là quả báu của bảo tọa sư tử.
4760. Và có nhiều chiếc ghế bành làm bằng vàng, làm bằng bạc, làm bằng hồng ngọc, làm bằng ngọc ma-ni luôn luôn hiện ra cho tôi.
4761. Sau khi đã thực hiện chỗ ngồi giác ngộ cho vị tên Padumuttara, tôi được sanh ra trong gia đình thượng lưu. Ôi tính chất tốt đẹp của Giáo Pháp!
4762. (Kể từ khi) tôi đã thực hiện bảo tọa sư tử trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của bảo tọa sư tử.
4763. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4764. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4765. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sīhāsanika[32]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sīhāsanika là phần thứ bảy.
--ooOoo--
4766. Đấng Toàn Giác Sumedha là đấng Bi Mẫn cao cả, bậc Hiền Trí. Sau khi đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua, vị có danh vọng lớn lao ấy đã Niết Bàn.
4767. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã thực hiện ghế kê chân ở bên cạnh bảo tọa sư tử của bậc Đại Ẩn Sĩ Sumedha.
4768. Tôi đã thực hiện nghiệp tốt lành (là nghiệp) có kết quả là sự an lạc, đưa đến sự an lạc. Được gắn liền với nghiệp phước thiện, tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
4769. Trong khi sống ở tại nơi ấy, tôi là người có được nghiệp phước thiện, khi tôi giở các bàn chân lên là có những chiếc ghế đẩu vàng hiện ra cho tôi.
4770. Những người nào có được sự lắng nghe ở Ngài, các sự lợi ích cho họ đã được đạt thành tốt đẹp. (Thậm chí) sau khi thể hiện sự tôn kính đến bậc đã Niết Bàn, họ (cũng) đạt được sự an lạc lớn lao.
4771. Việc làm cũng đã được tôi thực hiện tốt đẹp, việc đổi trao đã được gắn liền tốt đẹp. Sau khi thực hiện chiếc ghế kê chân, tôi đạt được chiếc ghế đẩu vàng.
4772. Bất cứ phương nào tôi ra đi vì bất cứ lý do gì, tôi đều bước đi ở trên chiếc ghế đẩu vàng; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
4773. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây ba mươi ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của ghế kê chân.
4774. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4775. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4776. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pādapīṭhiya[33]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pādapīṭhiya là phần thứ tám.
--ooOoo--
4777. Sau khi thực hiện viền rào đã được làm khéo léo ở cội cây Bồ Đề tối thượng của đức Phật Padumuttara, tôi đã làm cho tâm của mình được tịnh tín.
4778. Các vật dụng nhân tạo và thiên nhiên vô cùng sang trọng đã từ không trung rơi xuống; điều này là quả báu của cái viền rào.
4779. Trong khi lao vào cuộc chiến đấu kinh hoàng nổ ra từ hai phe, tôi không nhìn thấy sự kinh hoàng và hãi sợ; điều này là quả báu của cái viền rào.
4780. Sau khi biết được ước muốn của tôi, cung điện được sanh lên, xinh đẹp, với những chiếc giường trị giá lớn lao; điều này là quả báu của cái viền rào.
4781. (Kể từ khi) tôi đã xây dựng cái viền rào trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của cái viền rào.
4782. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4783. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4784. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Vedikāraka[34]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vedikāraka là phần thứ chín.
--ooOoo--
4785. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã cho thực hiện căn nhà ở cội Bồ Đề của đức Thế Tôn Siddhattha là vị Chúa Tể của loài người như thế ấy.
4786. Tôi đạt đến cõi trời Đẩu Suất. Tôi sống ở trong ngôi nhà châu báu. Sự lạnh hoặc sự nóng không có đến tôi, gió không chạm vào thân thể của tôi.
4787. Trước đây sáu mươi lăm kiếp, tôi đã là đấng Chuyển Luân Vương. Có thành phố tên là Kāsika đã được hóa hiện ra bởi vị Trời Vissakamma.
4788. (Thành phố này) dài mười do-tuần, rộng tám do-tuần. Ở trong thành phố này không có gỗ, dây thừng, và gạch ngói.
4789. Có tòa lâu đài tên là Maṅgala đã được hóa hiện ra bởi vị Trời Vissakamma. Chiều ngang đã là một do-tuần, chiều rộng nửa do-tuần.
4790. Đã có tám mươi bốn ngàn cột làm bằng vàng và các tháp nhọn làm bằng ngọc ma-ni, mái che đã là bằng bạc.
4791. Có ngôi nhà làm bằng vàng toàn bộ đã được hóa hiện ra bởi vị Trời Vissakamma. Nơi này đã được tôi cư ngụ; điều này là quả báu của việc dâng cúng căn nhà.
4792. Sau khi thọ hưởng tất cả các thứ ấy ở cõi trời và người, hôm nay tôi đã đạt đến Niết Bàn là vị thế an tịnh không gì hơn được.
4793. (Kể từ khi) tôi đã cho thực hiện căn nhà ở cội Bồ Đề trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng căn nhà.
4794. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4795. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4796. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bodhighariya[35]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bodhighariya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị có trái cây vibhīṭaka, vị dâng trái táo, vị dâng trái billa, vị dâng trái bhallātaka, vị dâng tràng hoa uttalī, vị dâng bông hoa ambāṭaka, luôn cả vị có chỗ ngồi, vị dâng ghế kê chân, vị làm cái viền rào, vị cho thực hiện căn nhà của cội Bồ Đề. Ở đây, các câu kệ đã được tính đếm là bảy mươi chín câu, tất cả đã được thuật lại ở phẩm này.
Phẩm Vibhīṭaka là phẩm thứ bốn mươi lăm.
--ooOoo--
4797. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã cho thực hiện nền đất ở cội cây Bồ Đề tối thượng của bậc Hiền Trí Dhammadassī.
4798. Dầu tôi bị ngã từ vực thẳm, từ ngọn núi, hoặc từ thân cây, chết đi tôi có được sự nâng đỡ; điều này là quả báu của nền đất.
4799. Lũ trộm cướp không áp bức tôi, các vị Sát-đế-lỵ không xem thường tôi, tôi vượt trội tất cả các kẻ thù; điều này là quả báu của nền đất.
4800. Ở nơi nào tôi đi tái sanh dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, tôi đều được tôn vinh ở tất cả các nơi; điều này là quả báu của nền đất.
4802. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4803. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4804. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Jagatidāyaka[36]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Jagatidāyaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
4805. Tôi đã cầm lấy cánh quạt lông công và đã đi đến đấng Lãnh Đạo Thế Gian. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng cúng cánh quạt lông công.
4806. Do cánh quạt lông công này và do các nguyện lực của tác ý, ba ngọn lửa[37]đã được dập tắt, tôi đạt được sự an lạc lớn lao.
4807. Ôi chư Phật! Ôi Giáo Pháp! Ôi sự thành tựu của bậc Đạo Sư chúng ta! Sau khi dâng cúng cánh quạt lông công, tôi đạt được sự an lạc lớn lao.
4808. Ba ngọn lửa (tham sân si) của tôi đã được dập tắt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, giờ đây không còn tái sanh nữa.
4809. Kể từ khi tôi đã cúng dường vật thí trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của cánh quạt lông công.
4810. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4811. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4812. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Morahatthiya[38]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Morahatthiya là phần thứ nhì.
--ooOoo--
4813. Tôi đã đảnh lễ cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn Tissa. Tôi đã lấy ra cây quạt và đã hầu quạt bảo tọa sư tử ở tại nơi ấy.
4814. (Kể từ khi) tôi đã hầu quạt bảo tọa sư tử trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc hầu quạt.
4815. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4816. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4817. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sīhāsanavījaka[39]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sīhāsanavījaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
4818. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã cầm ba ngọn đuốc ở cội cây Bồ Đề tối thượng của đức Phật Padumuttara.
4819. (Kể từ khi) tôi đây đã cầm ngọn đuốc trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng ngọn đuốc.
4820. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4821. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4822. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ti-ukkādhāraka[40]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ti-ukkādhāraka là phần thứ tư.
--ooOoo--
4823. Tôi đã dâng cúng tấm lót chân đến đấng Hiền Trí Kakusandha, vị Bà-la-môn toàn hảo, trong lúc Ngài đang tiến hành việc nghỉ ngơi giữa ngày.
4824. Ngay trong chính kiếp này kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của tấm lót chân.
4825. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4826. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4827. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Akkamanadāyaka[41]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Akkamanadāyaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
4828. Tôi đã cầm lấy bông hoa koraṇḍa rừng và đã dâng lên đức Phật, đấng Thế Tôn Siddhattha, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy.
4829. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4830. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4831. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4832. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Vanakoraṇḍiya[42]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vanakoraṇḍiya là phần thứ sáu.
(Tụng phẩm thứ hai mươi).
--ooOoo--
4833. Trái đất nảy sanh ra than hừng, mặt đất trở thành tro nóng. Đức Thế Tôn Padumuttara đã đi kinh hành ở ngoài trời.
4834. Sau khi cầm lấy chiếc lọng che màu trắng, tôi đã đi đường xa. Sau khi nhìn thấy đấng Toàn Giác ở tại nơi ấy, niềm hạnh phúc đã khởi đến cho tôi.
4835. Mặt đất được phủ lên bởi màn ảo ảnh, trái đất này toàn là than hừng. Có cơn gió mạnh thổi đến làm mất đi sự thoải mái của cơ thể.
4836. “Xin Ngài hãy thọ lãnh chiếc lọng che này diệt trừ được sự lạnh và nóng, có sự cản ngăn đối với sức nóng của cơn gió, con sẽ được chạm đến sự tịch diệt.”
4837. Sau khi biết được ý định của tôi, bậc Thương Tưởng, đấng Bi Mẫn, bậc Đại Ẩn Sĩ, đấng Chiến Thắng Padumuttara khi ấy đã thọ lãnh.
4838. Tôi đã là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc ba mươi kiếp. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương năm trăm lần.
4839. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm. Tôi thọ hưởng nghiệp của chính mình đã được bản thân thực hiện tốt đẹp trước đây.
4840. Đây là lần sinh ra sau cùng của tôi, là lần hiện hữu cuối cùng trong sự luân chuyển. Ngay cả hôm nay cũng có chiếc lọng che màu trắng được cầm che cho tôi trong mọi thời điểm.
4841. Kể từ khi tôi đã dâng cúng chiếc lọng che trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng chiếc lọng.
4842. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4843. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4844. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekachattiya[43]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekachattiya là phần thứ bảy.
--ooOoo--
4845. Khi đức Thế Tôn Padumuttara, bậc có danh vọng lớn lao viên tịch Niết Bàn, tôi đã làm những vòng hoa đội đầu rồi đã đặt lên nhục thân (của Ngài).
4846. Tại nơi ấy, sau khi làm cho tâm được tịnh tín, tôi đã đi đến cõi Hóa Lạc Thiên. Trong khi sống ở thế giới chư Thiên, tôi nhớ lại nghiệp phước thiện.
4847. Có cơn mưa bông hoa từ bầu trời rơi xuống ở tôi vào mọi thời điểm. Nếu tôi luân hồi ở loài người, tôi là vị vua có danh vọng lớn lao.
4848. Tại nơi ấy có cơn mưa bông hoa rơi xuống ở tôi vào mọi lúc, do nhờ tác động của sự cúng dường bông hoa đến chính Ngài ấy là bậc có sự nhìn thấy tất cả.
4849. Lần sau cùng này của tôi là sự hiện hữu cuối cùng trong sự luân chuyển. Ngay cả hôm nay cũng có cơn mưa bông hoa rơi xuống ở tôi vào mọi lúc.
4850. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường nhục thân (đức Phật).
4851. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4852. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4853. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Jātipupphiya[44]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Jātipupphiya là phần thứ tám.
--ooOoo--
4854. Khi nhục thân (đức Phật) được đưa đi, khi những chiếc trống đang được vỗ lên, tôi đã cúng dường bông hoa paṭṭi với tâm tịnh tín, với ý vui mừng.
4855. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường nhục thân (đức Phật).
4856. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4857. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4858. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Paṭṭipupphiya[45]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Paṭṭipupphiya là phần thứ chín.
--ooOoo--
4859. Khi giàn hỏa thiêu đang được thực hiện, khi các vật thơm nhiều loại đã được mang lại, tôi đã cúng dường (một) nắm tay vật thơm với tâm tịnh tín, với ý vui mừng.
4860. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường giàn hỏa thiêu trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường lễ hỏa táng (đức Phật).
4861. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4862. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4863. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Gandhapūjaka[46]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Gandhapūjaka là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị (thực hiện) nền đất, vị có cánh quạt chim công, vị (hầu quạt) bảo tọa, vị cầm giữa ngọn đuốc, vị có tấm lót chân, vị có bông hoa koraṇḍa rừng, vị dâng cúng chiếc lọng che, vị cúng dường hoa jāti, vị trưởng lão có bông hoa paṭṭi, và vị cúng dường vật thơm là thứ mười. Và có sáu mươi bảy câu kệ đã được tính đếm bởi các bậc trí.
Phẩm Jagatidāyaka là phẩm thứ bốn mươi sáu.
--ooOoo--
4864. Khi đức Thế Tôn tên là Padumuttara viên tịch Niết Bàn và được đặt lên ở giàn hỏa thiêu, tôi đã cúng dường bông hoa sālā.
4865. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường lễ hỏa táng (đức Phật).
4866. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, tôi sống không còn lậu hoặc.
4867. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4868. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sālakusumiya[47]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sālakusumiya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
4869. Khi đức Thế Tôn Sikhī, đấng quyến thuộc của thế gian đang được thiêu đốt, tôi đã dâng lên giàn hỏa thiêu của Ngài tám bông hoa campaka.
4870. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường giàn hỏa thiêu (đức Phật).
4871. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4872. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4873. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Citakapūjaka[48]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Citakapūjaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
4874. Khi nhục thân của bậc Đại Ẩn Sĩ Vessabhū đang được đốt cháy, tôi đã cầm lấy nước thơm và đã làm nguội giàn hỏa thiêu.
4875. (Kể từ khi) tôi đã làm nguội giàn hỏa thiêu trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của nước thơm.
4876. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4877. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4878. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Citakanibbāpaka[49]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Citakanibbāpaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
4879. Khi đức Thế Tôn Vipassī đang đi kinh hành ở trước mặt, với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã cho thực hiện cây cầu.
4880. (Kể từ khi) tôi đã cho thực hiện cây cầu trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng cây cầu.
4881. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4882. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4883. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Setudāyaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Setudāyaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
4884. Tôi đã dâng cúng chiếc quạt được phủ lên bởi những bông hoa nhài đến đức Thế Tôn Siddhattha. Tôi nắm giữ danh vọng lớn lao.
4885. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng chiếc quạt trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của chiếc quạt.
4886. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4887. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4888. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sumanatālavaṇṭiya[50]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sumanatālavaṇṭiya là phần thứ năm.
--ooOoo--
4889. Đức Thế Tôn, đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại tên là Sataraṃsī. Có ước muốn độc cư, đấng Toàn Giác đã ra đi về việc khất thực.
4890. Có trái cây ở tay, tôi đã nhìn thấy và đã đi đến gặp đấng Nhân Ngưu. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng cúng trái avaṇṭa.
4891. Trước đây chín mươi bốn kiếp, kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
4892. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4893. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4894. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Avaṇṭaphaliya[51]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Avaṇṭaphaliya là phần thứ sáu.
--ooOoo--
4895. Khi ấy, tôi đã là người phụ việc tu viện ở thành phố Bandhumatī. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm đang di chuyển ở trên không trung.
4896. Tôi đã cầm lấy trái mít và đã dâng cúng đến đức Phật tối thượng. Bậc có danh vọng lớn lao đã thọ lãnh trong khi đang đứng ở ngay trên không trung.
4897. Đối với tôi, Ngài là nguồn sanh lên niềm hạnh phúc đem lại sự an lạc trong thời hiện tại. Tôi đã dâng cúng trái cây đến đức Phật với tâm ý trong sạch.
4898. Khi ấy, tôi đã đạt đến niềm phỉ lạc vĩ đại và sự an lạc thù thắng. Và khi tôi tái sanh ở nơi này nơi khác, có châu báu hiện lên (cho tôi).
4899. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
4900. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4901. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4902. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Labujadāyaka[52]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Labujadāyaka là phần thứ bảy.
--ooOoo—
4903. Sau khi nhìn thấy đức Phật Atthadassī, bậc có danh vọng lớn lao ở cuối rừng, với tâm tịnh tín với ý vui mừng tôi đã dâng lên trái của cây sung.
4904. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây một ngàn tám trăm kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
4905. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4906. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4907. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pilakkhaphaladāyaka[53]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pilakkhaphaladāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
4908. Ai là người nhìn thấy đấng Nhân Ngưu, vị Trời của chư Thiên, đang tiến bước ở trên đường tợ như cây kakudha đang chói sáng mà không tịnh tín?
4909. Ai là người nhìn thấy bậc đã xua đi điều tăm tối ấy, đã giúp cho nhiều người vượt qua, đang chói sáng với ánh sáng trí tuệ mà không tịnh tín?
4910. Ai là người nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian đang hướng dẫn một trăm ngàn vị có năng lực, đang tiếp độ nhiều chúng sanh mà không tịnh tín ?
4911. Ai là người nhìn thấy vị đang vỗ lên chiếc trống Giáo Pháp, đang chế ngự các nhóm ngoại đạo, đang gầm lên tiếng rống sư tử mà không tịnh tín?
4912. Cho đến các Phạm Thiên từ thế giới Phạm Thiên đã đi đến và hỏi các câu hỏi khôn khéo, ai là người nhìn thấy mà không tịnh tín?
4913. Thế gian luôn cả chư Thiên thể hiện sự chắp tay đối với Ngài rồi thỉnh cầu, nhờ Ngài họ thọ hưởng phước báu, ai là người nhìn thấy mà không tịnh tín?
4914. Tất cả mọi người tụ tập lại và thỉnh cầu bậc Hữu Nhãn, được yêu cầu Ngài không rung động, ai là người nhìn thấy mà không tịnh tín?
4915. Khi Ngài đang đi vào thành phố, có nhiều chiếc trống vang lên và các con voi hào hứng rống lên, ai là người nhìn thấy mà không tịnh tín?
4916. Trong khi đang đi ở đường lộ, toàn bộ hào quang của Ngài luôn luôn chiếu sáng, những chỗ bị gập ghềnh trở thành bằng phẳng, ai là người nhìn thấy mà không tịnh tín?
4917. Khi đức Phật đang nói, (lời Ngài) được nghe ở bầu vũ trụ, Ngài làm cho tất cả chúng sanh được hiểu rõ, ai là người nhìn thấy mà không tịnh tín?
4918. (Kể từ khi) tôi đã ngợi ca đức Phật trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc ca ngợi.
4919. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4920. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4921. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sayampaṭibhāṇiya[54]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sayampaṭibhāṇiya là phần thứ chín.
--ooOoo--
4922. Khi ấy, tôi đã đi sâu vào núi Hi-mã-lạp rồi đọc tụng chú thuật. Năm mươi bốn ngàn người đệ tử đã phục vụ tôi.
4923. Là những vị hiểu biết về kinh Vệ-đà, tất cả đã học thuộc lòng, đã đạt đến sự toàn hảo về sáu chi phần. Được hỗ trợ bởi những sự hiểu biết của chính bản thân, các vị ấy sống ở núi Hi-mã-lạp.
4924. Sau khi mệnh chung từ tập thể cõi trời Đâu Suất, vị Thiên tử có danh vọng lớn lao đã sanh vào bụng mẹ với sự nhận biết và có niệm.
4925. Khi bậc Toàn Giác đang được sanh ra, mười ngàn thế giới đã chuyển động. Khi đấng Lãnh Đạo đang được sanh ra, những người mù đã đạt được thị giác.
4926. Toàn bộ quả đất này đã chuyển động với mọi hình thức. Sau khi nghe được tiếng gầm thét, đám đông dân chúng đã hoảng hốt.
4927. Tất cả mọi người đã tập trung lại và đã đi đến gặp tôi (hỏi rằng): “Quả đất này đã chuyển động, sẽ có hậu quả gì đây?”
4928. Khi ấy, tôi đã nói với họ rằng: “Các người chớ sợ hãi, sự nguy hại không có cho các người. Tất cả cũng nên tự tin, sự xuất hiện này là có điều tốt đẹp.
4929. Bị tác động bởi tám nguyên nhân, quả đất này chuyển động. Các điều báo hiệu như thế này được nhìn thấy, có ánh sáng bao la vĩ đại.
4930. Không còn nghi ngờ nữa, đức Phật tối thượng, bậc Hữu Nhãn sẽ hiện khởi.” Sau khi làm cho dân chúng biết rõ, tôi đã thuyết giảng về năm giới cấm.
4931. Sau khi lắng nghe về năm giới cấm và về sự xuất hiện của đức Phật là điều hy hữu, họ đã trở nên hớn hở vui mừng với niềm phấn khởi đã được sanh lên, với tâm ý vui mừng.
4932. (Kể từ khi) tôi đã giải thích về điềm báo hiệu trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc giải thích.
4933. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4934. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4935. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Nimittavyākaraṇiya[55]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Nimittavyākaraṇiya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị trưởng lão liên quan đến bông hoa sālā, luôn cả vị cúng dường (giàn hỏa thiêu), và vị làm nguội (giàn hỏa thiêu), vị dâng cúng cây cầu, vị có cây quạt, (vị dâng lên) trái avaṇṭa, vị dâng lên trái mít, (vị dâng lên) trái sung, vị ca ngợi, và vị Bà-la-môn liên quan việc giải thích. Có bảy mươi hai câu kệ đã được tính đếm bởi các bậc trí.
Phẩm Sālakusumiya là phẩm thứ bốn mươi bảy.
--ooOoo--
[1]Vị này đã bị con trăn giết chết và đã được sanh lên cõi trời liền tức thì.
[2] Sakiṃsammajjakanghĩa là “vị một lần (sakiṃ) quét tước (sammajjaka).”
[3]Ký sự này tương tợ như ký sự 334, Apadāna - Thánh Nhân Ký Sự, tập I (Tam Tạng Pāḷi - Việt tập 39).
[4] Ekadussadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) một (eka) tấm vải (dussa).”
[5] Ekāsanadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) một (eka) chỗ ngồi (āsana).”
[6] Sattakadambapupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bảy (satta) bông hoa (puppha) kadamba.”
[7] Koraṇḍapupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) koraṇḍa.”
[8] Ghatamaṇḍadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) bơ lỏng (ghata) nguyên chất (maṇḍa).”
[9]Ký sự này tương tợ ký sự 339, Apadāna - Thánh Nhân Ký Sự, tập I (Tam Tạng Pāḷi - Việt tập 39).
[10] Ekadhammasavaṇiyanghĩa là “vị liên quan đến việc một lần (eka) lắng nghe (savaṇa) Giáo Pháp (dhamma).”
[11] Sucintitanghĩa là “vị đã suy nghĩ (cintita) khéo léo (su).”
[12] Sovaṇṇakiṅkaṇiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa kiṅkaṇībằng vàng (sovaṇṇa).”
[13] Soṇṇakontarika nghĩa là “vị có liên quan đến cây gậy (konta) bằng vàng (soṇṇa).”
[14] Ekavihāriya nghĩa là “vị liên quan đến sự cư ngụ (vihāra) một mình (eka).”
[15] Vị ấy bị té chết và được sanh lên cõi trời ngay khi ấy.
[16] Ekasaṅkhiyanghĩa là “vị liên quan đến một lần (eka) thổi chiếc chiếc tù và vỏ ốc (saṅkha).”
[17] Pāṭihīrasaññakanghĩa là “vị tưởng nhớ (saññaka) đến điều kỳ diệu (pāṭihīra).”
[18] Ñāṇatthavikanghĩa là “vị ngợi ca (thavika) trí tuệ (ñāṇa) của đức Phật.”
[19] Ucchukhaṇḍikanghĩa là “vị liên quan đến khúc (khaṇḍa) mía (ucchu).”
[20] Kalambadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) bông hoa kalamba.”
[21] Ambāṭakadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây ambāṭaka.”
[22] Harītakadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây harītaka.”
[23] Vị ấy đã chết đi sanh lên cõi trời Đẩu Suất (ND).
[24] Ambapiṇḍiyanghĩa là “vị liên quan đến chùm (piṇḍa) trái xoài (amba).”
[25] Jambuphaliyanghĩa là “vị liên quan đến trái cây (phala) mận đỏ (jambu).”
[26] vibhīṭakamiñjiyanghĩa là “vị liên quan đến phần ruột (miñja) của trái cây vibhīṭaka.”
[27] Koladāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái táo (kola).”
[28] Billaphaliyanghĩa là “vị liên quan đến trái cây (phala) có tên là billa.”
[29] Bhallātakadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây bhallātaka.”
[30] Uttalipupphiyanghĩa là “vị có liên quan đến bông hoa (puppha) uttalī.”
[31] Ambāṭakiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa ambāṭaka.”
[32] Sīhāsanikanghĩa là “vị liên quan đến bảo tọa (āsana) sư tử (sīha),” là chỗ ngồi ở cội cây Bồ Đề (bodhiyā āsanaṃ) và trên chỗ ngồi đó đức Phật đã chứng quả vị Giác Ngộ (ND).
[33] Pādapīṭhiyanghĩa là “vị liên quan đến cái ghế (pīṭha) kê chân (pāda).”
[34] Vedikārakanghĩa là “vị thực hiện (kāraka) cái viền rào (vedi, vedikā).”
[35] Bodhighariya nghĩa là “vị liên quan đến căn nhà (ghara) ở cội cây Bồ Đề (bodhi).”
[36] Jagatidāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) nền đất (jagati) ở cội cây Bồ Đề.”
[37] Ba ngọn lửa là lửa tham, lửa sân, và lửa si (ND).
[38] Morahatthiya nghĩa là “vị liên quan đến cái cánh (hattha) của chim công (mora),” diễn dịch là cánh quạt lông công (ND).
[39] Sīhāsanavījaka nghĩa là “vị quạt mát (vījaka) bảo tọa sư tử (sīhāsana).”
[40] Ti-ukkādhāraka nghĩa là “vị cầm (dhāraka) ba (ti) ngọn đuốc (ukkā).”
[41] Akkamanadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) tấm lót chân (akkamana).”
[42] Vanakoraṇḍiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa koraṇḍa rừng (vana).”
[43] Ekachattiya nghĩa là “vị liên quan đến một (eka) chiếc lọng che (chatta).”
[44] Jātipupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) jāti.”
[45] Paṭṭipupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) paṭṭi.”
[46] Gandhapūjakanghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) vật thơm (gandha).”
[47] Sālakusumiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (kusuma) sālā.”
[48] Citakapūjakanghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) giàn hỏa thiêu (citaka).”
[49] Citakanibbāpakanghĩa là vị làm nguội (nibbāpaka) giàn hỏa thiêu (citaka).”
[50] Sumanatālavaṇṭiyanghĩa là “vị liên quan đến chiếc quạt (tālavaṇṭa) được gắn hoa lài (sumanā).”
[51] Avaṇṭaphaliyanghĩa là “vị liên quan đến trái cây (phala) avaṇṭa.”
[52] Labujadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (labuja) trái mít (dāyaka).”
[53] Pilakkhaphaladāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) của cây sung (pilakkha).”
[54] Sayampaṭibhāṇiya nghĩa là “vị liên quan đến việc đích thân mình (sayaṃ) ca ngợi (paṭibhāṇa).”
[55] Nimittavyākaraṇiya nghĩa là “vị liên quan đến việc giải thích (vyākaraṇa) các điềm báo hiệu (nimitta).”
4936. Tôi đã nhìn thấy bậc Toàn Giác có màu da vàng chói, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đấng Lãnh Đạo Thế Gian, đang di chuyển ở phía trên chóp đỉnh của khu rừng bao la.
4937. Sau khi cầm lấy tràng hoa sậy và ngay trong khi đang đi ra, tôi đã nhìn thấy đấng Toàn Giác, bậc đã vượt qua dòng lũ, vị không còn lậu hoặc ở tại nơi ấy.
4938. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã cúng dường tràng hoa sậy đến đấng Đại Hùng, bậc xứng đáng cúng dường, vị có lòng thương tưởng đến tất cả thế gian.
4939. (Kể từ khi) tôi đã dâng lên bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4940. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4941. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4942. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Naḷamāliya[1]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Naḷamāliya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
4943. Đấng Chiến Thắng tên Padumuttara là bậc thông suốt về tất cả các pháp. Có ước muốn độc cư, bậc Toàn Giác di chuyển ở trên không trung.
4944. Ở không xa núi Hi-mã-lạp, có cái hồ thiên nhiên rộng lớn. Ở tại nơi ấy đã là chỗ cư ngụ của tôi, được liên quan đến nghiệp phước thiện.
4945. Sau khi rời khỏi nơi cư ngụ, tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian được chói sáng như là bông hoa súng, được cháy rực như là ngọn lửa tế thần.
4946. Trong lúc xem xét, tôi đã không nhìn thấy bông hoa tôi sẽ cúng dường đến đấng Lãnh Đạo. Sau khi làm cho tâm của mình được tịnh tín, tôi đã đảnh lễ bậc Đạo Sư.
4947. Tôi đã cầm lấy viên ngọc ma-ni ở trên đầu của tôi và đã cúng dường đến đấng Lãnh Đạo Thế Gian (ước nguyện rằng): “Do sự cúng dường viên ngọc ma-ni này, cầu mong quả thành tựu được tốt đẹp.”
4948. Đứng ở trên không trung, đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, bậc Đạo Sư đã nói lên lời kệ này:
4949. “Mong rằng ý định ấy được thành tựu cho ngươi. Ngươi sẽ đạt được sự an lạc lớn lao. Ngươi hãy thọ hưởng danh vọng lớn lao do sự cúng dường ngọc ma-ni này.”
4950. Nói xong điều ấy, đức Thế Tôn tên Padumuttara, vị Phật tối thượng, đã đi đến nơi mà tâm đã dự tính.
4951. Tôi đã là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc sáu mươi kiếp. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương hàng trăm lần.
4952. Trong khi tôi là vị Thiên nhân đang nhớ lại việc làm trước đây thì ngọc ma-ni, là vật tạo ra ánh sáng của tôi, hiện ra cho tôi.
4953. Tám mươi sáu ngàn nữ nhân có đồ trang sức và vải vóc đủ màu sắc, có các bông tai bằng ngọc trai và ngọc ma-ni là những người vợ của tôi.
4954. (Các nàng) có làn mi cong, có nụ cười, có bộ ngực xinh, có eo thon, thường xuyên vây quanh tôi; điều này là quả báu của việc cúng dường ngọc ma-ni.
4955. Các vật dụng và các đồ trang sức của tôi được thực hiện khéo léo làm bằng vàng, làm bằng ngọc ma-ni, và làm bằng hồng ngọc đúng theo ước muốn.
4956. Các ngôi nhà mái nhọn, các hang động đáng yêu, và chỗ nằm ngồi vô cùng xứng đáng, sau khi biết được ước muốn của tôi, chúng hiện ra theo như ước muốn.
4957. Và những người nào đạt được sự lắng nghe đã khéo được thành tựu (vì sự lắng nghe) là Phước Điền của nhân loại, là phương thuốc cho tất cả các sanh linh, các vị ấy có được những sự lợi ích.
4958. Việc làm của tôi cũng đã được thực hiện tốt đẹp là việc tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo, tôi được thoát khỏi đọa xứ, tôi đạt được vị thế Bất Động.
4959. Nơi nào tôi đi tái sanh dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, tôi luôn luôn có ánh sáng từ bảy loại châu báu ở xung quanh.
4960. Do chính sự cúng dường ngọc ma-ni ấy, tôi đã thọ hưởng sự thành tựu, ánh sáng trí tuệ đã được tôi nhìn thấy, tôi đạt đến vị thế Bất Động.
4961. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường ngọc ma-ni trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường ngọc ma-ni.
4962. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4963. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4964. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật. Đại đức trưởng lão Maṇipūjaka[2]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Maṇipūjaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
4965. Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn tên là Kosika đã cư ngụ tại núi Cittakūṭa. Đức Phật, bậc Hiền Trí là vị chứng thiền, thỏa thích với thiền, vui thích với sự độc cư.
4966. Tôi đã dẫn đầu nhóm phụ nữ đi sâu vào núi Hi-mã-lạp và tôi đã nhìn thấy đức Phật Kosika tợ như mặt trăng ngày rằm.
4967. Khi ấy, tôi đã cầm lấy một trăm ngọn đuốc và đặt vòng quanh (đức Phật). Tôi đã đứng bảy ngày đêm và đã ra đi vào ngày thứ tám.
4968. Khi đức Phật Kosika, đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại đã xuất khỏi (thiền), với tâm tịnh tín tôi đã đảnh lễ Ngài và đã dâng cúng một phần vật thực.
4969. “Bạch vị Chúa Tể của loài người, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, do việc làm ấy con đã sanh lên cõi trời Đẩu Suất; điều này là quả báu của một phần vật thực.”
4970. Luôn luôn có ánh sáng cho tôi vào ban ngày và cả ban đêm nữa. Tôi tỏa ra ánh sáng ở xung quanh một trăm do-tuần.
4971. Tôi đã là đấng Chuyển Luân Vương, người chinh phục bốn phương, đấng chúa tể của vùng đất Jambu năm mươi lăm kiếp.
4972. Khi ấy, thành phố của tôi đã được sung túc, thịnh vượng, khéo được xây dựng có chiều dài ba mươi do-tuần, và chiều rộng hai mươi do-tuần.
4973. Thành phố tên là Sobhana đã được hóa hiện ra bởi vị Trời Vissakamma, không thiếu vắng mười loại âm thanh được kết hợp với (âm thanh của) chũm chọe.
4974. Ở trong thành phố ấy không có dây thừng, gỗ, và gạch ngói. Toàn bộ chỉ làm bằng vàng và chiếu sáng trong thời gian liên tục.
4975. Có bốn tường thành bao bọc, ba mặt đã được làm bằng ngọc ma-ni, và ở chính giữa có hàng cây cọ đã được hóa hiện ra bởi vị Trời Vissakamma.
4976. Có mười ngàn ngàn hồ nước được che đậy bởi sen hồng và sen xanh, được phủ lên bởi những sen trắng, được tỏa ra với nhiều hương thơm khác loại.
4977. (Kể từ khi) tôi đã cầm giữ ngọn đuốc trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cầm giữ cây đuốc.
4978. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4979. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4980. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ukkāsatika[3]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ukkāsatika là phần thứ ba.
--ooOoo--
4981. Tôi đã cầm lấy cây quạt hoa nhài ở cội cây Bồ Đề tối thượng của đức Thế Tôn Vipassī và đã quạt mát cội cây Bồ Đề tối thượng.
4982. (Kể từ khi) tôi đã quạt mát cội cây Bồ Đề tối thượng trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc hầu quạt.
4983. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4984. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4985. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sumanavījaniya[4]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sumanavījaniya là phần thứ tư.
--ooOoo--
4986. Trong khi bậc Đại Ần Sĩ Vipassī đang đi tìm kiếm (vật thực), tôi đã nhìn thấy bình bát (của Ngài) trống không và tôi đã đặt đầy sữa đông (ở bình bát).
4987. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thực trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của sữa đông.
4988. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4989. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4990. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kummāsadāyaka[5]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kummāsadāyaka là phần thứ năm.
--ooOoo—
4991. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng cúng tám thẻ vật thực đến đức Thế Tôn Kassapa, vị Bà-la-môn toàn hảo.
4992. Ngay trong chính kiếp này (kể từ khi) tôi đã dâng cúng tám thẻ vật thực, tôi không biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của tám thẻ vật thực.
4993. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4994. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
4995. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kusaṭṭhadāyaka[6]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kusaṭṭhadāyaka là phần thứ sáu.
--ooOoo—
4996. Lúc bấy giờ, bậc Toàn Giác tên Sobhita đã cư ngụ tại núi Cittakūṭa. Tôi đã hái bông hoa nguyệt quế mọc ở núi và đã cúng dường đến đấng Tự Chủ.
4997. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường đức Phật trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
4998. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
4999. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5000. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Giripunnāgiya[7]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Giripunnāgiya là phần thứ bảy.
--ooOoo--
5001. Lúc bấy giờ, bậc Toàn Giác tên Sumana đã cư ngụ tại thành phố Takkarā. Tôi đã cầm lấy trái cây vallikāra và đã dâng cúng đến đấng Tự Chủ.
5002. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5003. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5004. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5005. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Vallikāraphaladāyaka[8]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vallikāraphaladāyaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
5006. Sau khi đã rời khỏi việc nghỉ ngơi giữa ngày, đức Thế Tôn Anomadassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, bậc Hữu Nhãn đã bước lên đường lộ.
5007. Sau khi cầm lấy đôi dép đã được làm khéo léo, tôi đã tiến bước đường xa. Tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy bậc Toàn Giác, vị có ánh nhìn thu hút, đang đi bộ.
5008. Sau khi làm cho tâm của mình được tịnh tín, tôi đã đem đôi dép lại và đặt xuống ở cạnh bàn chân (đức Phật) rồi đã nói lời nói này:
5009. “Bạch bậc Đại Hùng, vị Chúa của nhàn cảnh, đấng Hướng Đạo, xin Ngài hãy bước lên, mong sao mục đích của con được thành tựu là con sẽ đạt được quả báu do việc này.”
5010. Đức Thế Tôn Anomadassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu đã bước lên đôi dép, rồi đã nói lời nói này:
5011. “Người nào được tịnh tín tự tay mình đã dâng cúng đến Ta đôi đép, Ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.”
5012. Nhận biết giọng nói của đức Phật, tất cả chư Thiên đã tụ hội lại, với tâm phấn chấn, với ý vui mừng, tràn đầy niềm phấn khởi, có hai tay chắp lên.
5013. “Do việc dâng cúng đôi dép, người này sẽ được sung sướng và sẽ cai quản Thiên quốc năm mươi lăm lần.
5014. Và sẽ là đấng Chuyển Luân Vương một ngàn lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
5015. Vào vô lượng kiếp về sau này, có bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
5016. Là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, (người này) sẽ biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc và sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
5017. Người có phước báu (này) sẽ được sanh lên ở thế giới chư Thiên hoặc là loài người, sẽ nhận lãnh chiếc xe tương tợ chiếc xe của chư Thiên.”
5018. Các tòa lâu đài, các kiệu khiêng, các con voi của tôi là được trang điểm. Các chiếc xe được thắng ngựa giống tốt luôn hiện hữu cho tôi.
5019. Ngay cả trong khi lìa khỏi gia đình, tôi đã rời khỏi bằng xe ngựa. Trong khi các sợi tóc đang được cạo, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
5020. Điều lợi ích cho tôi đã được tôi đạt thành một cách tốt đẹp, việc đổi trao đã được gắn liền tốt đẹp. Sau khi dâng cúng một đôi dép, tôi được đạt đến vị thế Bất Động.
5021. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng đôi dép trước đây vô lượng kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của đôi dép.
5022. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5023. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5024. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pānadhidāyaka[9]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pānadhidāyaka là phần thứ chín.
--ooOoo—
5025. Trong thời quá khứ, tôi đã là thợ săn thú rừng ở trong khu rừng hoang rậm. Trong lúc tìm kiếm loài linh dương, tôi đã nhìn thấy con đường kinh hành.
5026. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã ôm cát ở bên hông (bằng vạt y) và đã rải lên đường kinh hành của đấng Thiện Thệ quang vinh.
5027. (Kể từ khi) tôi đã rải cát trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của cát.
5028. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5029. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5030. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pulinacaṅkamiya[10]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pulinacaṅkamiya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị có tràng hoa sậy, vị dâng ngọc ma-ni, vị có trăm ngọn đuốc, vị có cây quạt, món sữa đông, thẻ vật thực, luôn cả bông hoa nguyệt quế ở núi, trái cây vallikāra, vị dâng đôi dép, và đường kinh hành rải cát. Có chín mươi lăm câu kệ đã được tính đếm bởi các bậc trí.
Phẩm Naḷamālī là phẩm thứ bốn mươi tám.
--ooOoo--
5031. Đức Thế Tôn, bậc Tự Chủ tên Tissa là nhân vật cao cả. Sau khi cởi ra tấm y may từ vải bị quăng bỏ, đấng Chiến Thắng đã đi vào trú xá.
5032. Sau khi cầm lấy cây cung đã được uốn cong, tôi đã bước đi vì nhu cầu thức ăn. Tôi đã nắm lấy con dao cong và đã đi vào khu rừng rậm.
5033. Khi ấy, tôi đã nhìn thấy tấm y may từ vải bị quăng bỏ được treo ở ngọn cây tại nơi ấy. Tôi đã để cây cung xuống ngay tại nơi ấy và đã chắp tay lên ở đầu.
5034. Với tâm hoan hỷ, với ý vui mừng, tôi đã tưởng nhớ đến đức Phật tối thượng và đã đảnh lễ tấm y may từ vải bị quăng bỏ với niềm phỉ lạc dạt dào.
5035. (Kể từ khi) tôi đã đảnh lễ tấm y may từ vải bị quăng bỏ trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc đảnh lễ.
5036. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5037. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5038. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Paṃsukūlasaññaka[11]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Paṃsukūlasaññaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
5039. (Tôi) là vị giảng huấn, thông thạo về chú thuật, thông suốt về ba tập Vệ-đà, về tướng mạo, về truyền thống gồm cả văn tự và nghi thức.
5040. Lúc bấy giờ, những người học trò đi đến với tôi tợ là làn nước chảy ở dòng sông. Tôi dạy bọn họ về các chú thuật đêm ngày không biếng nhác.
5041. Trong khi ấy, đấng Toàn Giác Siddhattha đã hiện khởi ở thế gian. Sau khi xua đi điều tăm tối ấy, Ngài đã vận hành ánh sáng của trí tuệ.
5042. Tôi có người đệ tử nọ, vị ấy đã thuật lại cho các đệ tử của tôi. Khi ấy, sau khi nghe được sự việc này bọn họ đã nói với tôi rằng:
5043. “Đức Phật, đấng Toàn Tri, bậc Lãnh Đạo Thế Gian đã hiện khởi ở trên đời. Dân chúng đi theo vị ấy, lợi lộc cho chúng ta sẽ không còn.”
5044. (Tôi đã nói rằng): “Chư Phật, các bậc Hữu Nhãn có danh vọng lớn lao là những vị hiếm khi hiện khởi. Hay là ta nên nhìn thấy đức Phật tối thượng, đấng Lãnh Đạo Thế Gian?”
5045. Tôi đã cầm lấy tấm da dê, bộ y phục vỏ cây, và túi đựng nước của tôi rồi đã rời khỏi khu ẩn cư. Tôi đã thông báo với các đệ tử rằng:
5046. “Tương tợ như bông hoa của cây odumbara và chú thỏ ở mặt trăng, tương tợ như sữa của các con quạ, chư vị Lãnh Đạo Thế Gian là điều hy hữu.
5047. Đức Phật đã hiện khởi ở thế gian cũng như (được sanh vào) bản thể nhân loại là điều hy hữu. Và trong khi có được cả hai, việc nghe (Giáo Pháp) là điều vô cùng hy hữu.
5048. Đức Phật đã hiện khởi ở thế gian. Này chư vị, chúng ta sẽ nhận được (Pháp) nhãn của chúng ta. Chư vị hãy đến, tất cả chúng ta sẽ đi gặp đấng Chánh Đẳng Giác.”
5049. Khi ấy, tất cả các vị ấy đều mang túi đựng nước, mặc y phục da dê thô xấu, quấn búi tóc rối đã rời khỏi khu rừng.
5050. Những vị tầm cầu mục đích tối thượng (ấy) trong khi nhìn với khoảng cách của cán cày, không còn các vướng bận và sân hận, tợnhư những con sư tử không bị hãi sợ.
5051. Ít bị bận rộn, không tham lam, cẩn trọng, có hành vi thanh tịnh, các vị ấy trong khi vừa lo việc kiếm sống vừa đi đến gần đức Phật tối thượng.
5052. Khi chỉ còn một do-tuần rưỡi, có cơn bệnh đã sanh khởi đến tôi. Sau khi đã tưởng nhớ đến đức Phật tối thượng, tôi đã qua đời ở tại nơi ấy.
5053. Kể từ khi tôi đã đạt được sự suy tưởng trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc suy tưởng về đức Phật.
5054. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5055. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5056. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Buddhasaññaka[12]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Buddhasaññaka là phần thứ nhì.
--ooOoo—
5057. Lúc bấy giờ, tôi đã lội xuống hồ nước đã bị nhiều con voi sử dụng, và vì lý do đói (bụng) tôi (đã) nhổ lên củ sen ở tại nơi ấy.
5058. Vào thời điểm ấy, đức Thế Tôn danh hiệu Padumuttara là vị Phật mặc y màu đỏ (đang) di chuyển ở trên không trung.
5059. Khi ấy, trong khi Ngài đang phất phơ các lá y may từ vải bị quăng bỏ, tôi đã nghe được tiếng động. Trong khi chú ý ở phía bên trên, tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
5060. 5061. Trong khi đứng ngay tại nơi ấy, tôi đã thỉnh cầu đấng Lãnh Đạo Thế Gian rằng: “Xin đức Phật, bậc Hữu Nhãn, vì lòng thương tưởng hãy thọ lãnh mật ong cùng với các củ sen, sữa, bơ lỏng, và rễ sen của con.” Do đó, đấng Bi Mẫn, bậc Đạo Sư có danh vọng lớn lao, đã ngự xuống.
5062. Bậc Hữu Nhãn vì lòng thương tưởng đã thọ nhận vật thực của tôi. Sau khi thọ nhận, bậc Toàn Giác đã thực hiện lời tùy hỷ đến tôi rằng:
5063. “Này người có đại phước, mong rằng ngươi được an lạc. Mong rằng cảnh giới tái sanh được thành tựu cho ngươi. Do việc dâng cúng củ sen này, ngươi sẽ đạt được sự an lạc lớn lao.”
5064. Sau khi nói lên điều ấy, đấng Toàn Giác tên Padumuttara, bậc Toàn Giác, đấng Chiến Thắng đã cầm lấy thức ăn rồi đã ra đi bằng đường không trung.
5065. Sau đó, tôi đã cầm lấy củ sen và đã đi về lại khu ẩn cư của mình. Sau khi đã treo củ sen ở trên cây, tôi đã tưởng nhớ lại việc dâng cúng của mình.
5066. Khi ấy, có cơn gió lớn đã nổi lên và đã làm lay chuyển khu rừng. Bầu trời đã gào thét trong lúc sấm sét đang nổ ra.
5067. Sau đó, tia sét đánh xuống đã giáng vào đầu của tôi. Khi ấy, trong khi bị khuỵu xuống tôi đây đã lìa đời ở tại nơi ấy.
5068. Được gắn liền với nghiệp phước thiện, tôi đã đi đến cõi trời Đẩu Suất. (Khi) thân thể của tôi bị ngã xuống, tôi đã sướng vui ở thế giới chư Thiên.
5069. Có tám mươi sáu ngàn nữ nhân đã được trang điểm hầu cận sáng tối; điều này là quả báu của việc dâng cúng củ sen.
5070. Sau khi đi đến sự sanh ra ở loài người, tôi luôn luôn được sung sướng, tôi không có sự thiếu hụt về của cải; điều này là quả báu của việc dâng cúng củ sen.
5071. Là người được thương tưởng bởi vị Trời của chư Thiên như thế ấy, tôi đã được đoạn tận tất cả các lậu hoặc, giờ đây không còn tái sanh nữa.
5072. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thực trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng củ sen.
5073. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5074. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5075. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bhisadāyaka[13]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bhisadāyaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
5076. Khu ẩn cư của tôi được xây dựng khéo léo ở phía nam của núi Hi-mã-lạp. Vào lúc bấy giờ, trong khi tầm cầu mục đích tối thượng tôi cư ngụ ở trong rừng.
5077. Trong lúc tìm kiếm vị thầy, tôi sống mỗi một mình với rễ và trái cây, hài lòng với việc có hay không có.
5078. Trong khi ấy, đấng Toàn Giác tên Sumedha đã hiện khởi ở thế gian. Trong lúc tiếp độ đám đông dân chúng, Ngài công bố về bốn Sự Thật.
5079. Tôi không được nghe về đấng Toàn Giác, cũng không có ai nói với tôi. Khi tám năm đang trôi qua, tôi đã nghe về đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
5080. Sau khi dập tắt củi lửa và quét dọn khu ẩn cư, tôi đã cầm lấy gói vật dụng và đã rời khỏi khu rừng.
5081. Trong khi cư ngụ chỉ một đêm ở các ngôi làng và các khu phố chợ, khi ấy theo tuần tự tôi đã đi đến gần con sông Candavatī.
5082. Vào thời điểm ấy, trong lúc tiếp độ nhiều chúng sanh, đức Thế Tôn đấng Lãnh Đạo Thế Gian Sumedha thuyết giảng về vị thế Bất Tử.
5083. Tôi đã vượt qua đám đông người và đã đảnh lễ đấng Chiến Thắng sánh tợ đại dương. Tôi đã khoác tấm da dê một bên vai rồi đã ngợi ca đấng Lãnh Đạo Thế Gian rằng:
5084. “Ngài là đấng Tối Thượng của loài người, là bậc thầy, là biểu hiệu, là ngọn cờ, là mục đích tối cao, là nơi nương tựa, là sự nâng đỡ, là ngọn đèn của chúng sanh.
(Tụng phẩm thứ hai mươi mốt).
5085. Bạch bậc Hiền Trí, Ngài là bậc khôn khéo về kiến thức, là đấng Anh Hùng đã giúp cho chúng sanh vượt qua, ở thế gian không có người nào khác là đấng Tiếp Độ, không ai là trội hơn Ngài.
5086. Biển cả vĩ đại hiển nhiên là có thể đo lường bằng đầu ngọn cỏ kusa, tuy nhiên bạch đấng Toàn Tri, trí tuệ của Ngài là không thể đo lường được.
5087. Bạch đấng Hữu Nhãn, sau khi đặt trái đất lên đĩa cân là có thể xác định, tuy nhiên sự đo lường trí tuệ của Ngài là không thể có.
5088. Không gian có thể ước lượng bằng sợi dây thừng hoặc bằng ngón tay, tuy nhiên bạch đấng Toàn Tri, giới hạnh của Ngài là không thể đo lường.
5089. Bạch đấng Hữu Nhãn, nước ở đại dương, bầu trời, và trái đất, những vật này là có thể đo lường, còn Ngài là không thể đo lường.”
5090. Sau khi đã tán dương đấng Toàn Tri có danh vọng lớn lao bằng sáu câu kệ, khi ấy tôi đã chắp tay lên rồi đứng im lặng.
5091. Người ta nói về người có tuệ bao la, sáng suốt là “Sumedha.” Ngài đã ngồi xuống ở hội chúng tỳ khưu và đã nói lên những lời kệ này:
5092. “Người nào, được tịnh tín, đã tán dương trí tuệ của Ta bằng tâm ý của mình, ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
5093. Người này sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong bảy mươi bảy kiếp, và sẽ là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc một ngàn lần.
5094. Và (người này) sẽ là đấng Chuyển Luân Vương hàng trăm lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
5095. Dầu trở thành vị Thiên nhân hay là nhân loại, (người này) được tụ hội với nghiệp phước thiện, sẽ có tuệ sắc bén, tâm tư không bị kém sút.
5096. Vào ba mươi ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
5097. Sau khi lìa khỏi gia đình, (người này) sẽ xuất gia, không còn sở hữu gì, và sẽ chạm đến phẩm vị A-la-hán vào lúc bảy tuổi tính từ khi sanh.”
5098. Từ khi tôi nhớ lại bản thân, từ khi tôi đạt được Giáo Pháp, trong khoảng thời gian này tôi không biết đến tâm tư không được thích ý.
5099. Tôi đã luân hồi ở tất cả các cõi và đã thọ hưởng đầy đủ, tôi không có sự thiếu hụt về của cải; điều này là quả báu của việc ngợi ca trí tuệ.
5100. Ba ngọn lửa (tham sân si) của tôi đã được dập tắt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, giờ đây không còn tái sanh nữa.
5101. Kể từ khi tôi đã ngợi ca trí tuệ trước đây ba mươi ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc ngợi ca trí tuệ.
5102. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5103. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5104. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ñāṇatthavika[14]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ñāṇatthavika là phần thứ tư.
--ooOoo--
5105. Sau khi từ bỏ năm phần dục lạc, các sắc yêu quý, các vật thích ý, tôi đã từ bỏ tám mươi koṭi và đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
5106. Sau khi xuất gia, tôi đã tránh xa nghiệp ác do thân. Sau khi từ bỏ ác hạnh do khẩu, tôi cư ngụ ở bờ sông.
5107. Trong khi tôi đang sống mỗi một mình, đức Phật tối thượng đã đi đến gặp tôi. Tôi không biết về “Đức Phật.” Tôi đã thực hiện việc chào hỏi.
5108. Sau khi thực hiện việc chào hỏi, tôi đã hỏi tên và dòng họ: “Phải chăng ngài là Thiên thần, là vị Càn-thát-bà, hay là Chúa của chư Thiên Sakka?
5109. Ngài là ai? Là con trai của ai? Phải chăng vị Đại Phạm Thiên đã đi đến nơi đây? Ngài tỏa sáng tất cả các phương giống như là mặt trời đang mọc.
5110. Thưa ngài, một ngàn cây căm bánh xe được thấy ở bàn chân. Ngài là ai? Là con trai của ai? Làm thế nào chúng tôi nhận biết ngài? Xin ngài cho biết tên và dòng họ, xin ngài hãy xua đi nỗi nghi hoặc của tôi.”
5111. “Ta không phải là Thiên thần, không phải là Càn-thát-bà, cũng không phải là Chúa của chư Thiên Sakka. Và Ta cũng không có bản thể của Phạm Thiên, đối với các vị này Ta là bậc Tối Thượng.”
5112. Ta đã vượt lên phạm vi của các vị ấy, ta đã cắt lìa sự trói buộc của các dục. Sau khi thiêu đốt tất cả các phiền não, ta đạt đến phẩm vị Toàn Giác tối thượng.”
5113. Sau khi lắng nghe lời nói của vị ấy, tôi đã nói lời nói này: “Bạch đấng Đại Hiền Trí, nếu Ngài là đức Phật, đấng Toàn Tri, bậc Đoạn Tận khổ đau, xin thỉnh Ngài ngồi xuống, tôi sẽ cúng dường Ngài.”
5114. Tôi đã trải ra tấm da dê và tôi đã dâng cúng đến đấng Đạo Sư. Đức Thế Tôn đã ngồi xuống ở tại nơi ấy tợ như con sư tử (ngồi xuống) ở hang núi.
5115. Tôi đã cấp tốc leo lên ngọn núi và đã hái trái xoài, bông hoa sālā xinh xắn, và gỗ trầm hương vô cùng giá trị.
5116. Tôi đã mau mắn nâng lên tất cả các thứ ấy và đã đi đến gần đấng Lãnh Đạo Thế Gian. Tôi đã dâng cúng trái cây và đã cúng dường bông hoa sālā đến đức Phật.
5117. Với tâm hoan hỷ, với ý vui mừng, tôi đã thoa trầm hương và đã đảnh lễ bậc Đạo Sư với niềm phỉ lạc dạt dào.
5118. Khi ấy, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Sumedha đã ngồi xuống ở tấm da dê. Trong khi làm cho tôi được hoan hỷ, Ngài đã tán dương việc làm của tôi rằng:
5119. “Do cả hai việc dâng cúng trái cây cùng với hương thơm tràng hoa này, (người này) sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong hai trăm năm mươi kiếp, và sẽ trở thành người vận dụng quyền lực với tâm tư không bị sút kém.
5120. (Người này) sẽ đi đến bản thể nhân loại trong hai ngàn sáu trăm kiếp và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương có đại thần lực (chinh phục) bốn phương.
5121. Có thành phố tên là Vebhāra toàn bằng vàng được tô điểm với châu báu các loại sẽ được hóa hiện ra bởi vị thần Vissakamma.
5122. Theo phương cách này đây, người ấy sẽ luân hồi các cõi. Dầu ở bản thể Thiên nhân hay nhân loại, (người này) sẽ được tôn vinh ở khắp mọi nơi. Khi đạt đến lần hiện hữu cuối cùng, (người này) sẽ là thân quyến của đấng Phạm Thiên.[15]
5123. Sau khi lìa khỏi gia đình, (người này) sẽ trở thành người không có gia đình, sẽ thông suốt về các thắng trí, và sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
5124. Nói xong điều này, trong lúc tôi đang trầm tư, bậc Toàn Giác đấng Lãnh Đạo Thế Gian Sumedha đã ra đi bằng đường không trung.
5125. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
5126. Sau khi mệnh chung từ cõi trời Đẩu Suất, tôi đã tái sanh vào bụng mẹ. Khi tôi sống ở trong bào thai, tôi không có thiếu hụt về sự thọ hưởng.
5127. Khi tôi đã ở trong bụng mẹ, do ước muốn của tôi, thức ăn nước uống và vật thực cho người mẹ được sanh lên theo như ước muốn.
5128. Vào lúc bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Khi tóc (cạo) được rơi xuống, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
5129. Trong lúc suy tầm về nghiệp quá khứ, tôi đã nhìn thấy không phải là kém cỏi, tôi đã nhớ lại việc làm của tôi trong ba mươi ngàn kiếp.
5130. “Bạch đấng Siêu Nhân, con kính lễ Ngài! Bạch đấng Tối Thượng Nhân, con kính lễ Ngài! Sau khi đi đến với Giáo Pháp của Ngài, con đã đạt được vị thế Bất Động.”
5131. Kể từ khi tôi đã cúng dường đức Phật trước đây ba mươi ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5132. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5133. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5134. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Candanamāliya[16]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Candanamāliya là phần thứ năm.
--ooOoo—
5135. Khi đấng Bảo Hộ Thế Gian, bậc Lãnh Đạo Thế Gian Siddhattha Niết Bàn, tôi đã đưa các thân quyến của tôi đến và tôi đã thực hiện việc cúng dường xá-lợi.
5136. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường xá-lợi kể trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường xá-lợi.
5137. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5138. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5139. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Dhātupūjaka[17]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Dhātupūjaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
5140. Ở ngọn núi Hi-mã-lạp, (tôi là) vị đạo sĩ khổ hạnh tên Devaḷa. Con đường kinh hành của tôi ở tại nơi ấy đã được tạo nên bởi các vị phi nhân.
5141. Lúc bấy giờ, (tôi) là vị quấn búi tóc rối mang túi đựng nước, trong khi tầm cầu mục đích tối thượng, tôi đã rời khỏi khu rừng bao la.
5142. Khi ấy, tám mươi bốn ngàn người đệ tử đã phục vụ tôi. Được sanh ra theo nghiệp của mình, các vị sống ở trong khu rừng bao la.
5143. Sau khi rời khỏi khu ẩn cư, tôi đã tạo nên ngôi bảo tháp bằng cát. Tôi đã gom góp các bông hoa các loại và đã cúng dường ngôi bảo tháp ấy.
5144. Ở tại nơi ấy, sau khi làm cho tâm được tịnh tính, tôi đi vào khu ẩn cư. Tất cả các người đệ tử đã tụ hội lại và đã hỏi tôi về sự việc này:
5145. “Chúng tôi cũng muốn biết ngài sẽ lễ bái vị Thiên thần nào ở ngôi bảo tháp đã được xây dựng bằng cát. Được hỏi, xin ngài hãy giải thích cho chúng tôi.”
5146. “Các đấng Hữu Nhãn có danh vọng lớn lao đã được xác định rõ ở trong câu chú thuật của chúng ta. Đương nhiên, ta lễ bái các vị Phật tối thượng có danh vọng lớn lao ấy.”
5147. “Các bậc Đại Hùng, các đấng Toàn Tri, các vị Lãnh Đạo Thế Gian ấy là như thế nào? Màu da thế nào? Giới hạnh thế nào? Các vị có danh vọng lớn lao ấy là như thế nào?”
5148. “Chư Phật có ba mươi hai tướng mạo, và còn có bốn mươi cái răng. Với lông mi dài như của bò cái tơ, các con mắt của các vị ấy trông giống như trái cam thảo rừng.
5149. Và trong khi bước đi, chư Phật ấy chỉ nhìn với khoảng cách của cán cày. Đầu gối của các vị ấy không phát tiếng, âm thanh của các khớp không nghe được.
5150. Và trong khi bước đi, các đấng Thiện Thệ bước đi đều nhấc lên bàn chân phải trước tiên; điều này là trạng thái tự nhiên của chư Phật.
5151. Và chư Phật ấy không bị hãi sợ tương tợ như con sư tử vua của loài thú. Các vị chẳng bao giờ ca tụng bản thân và không khinh miệt các hạng chúng sanh.
5152. Được thoát khỏi sự kiêu ngạo và chê bai, là bình đẳng đối với tất cả sanh linh, chư Phật là những vị không ca tụng chính mình; điều này là trạng thái tự nhiên của chư Phật.
5153. Và trong khi được sanh ra, chư Phật Toàn Giác ấy thị hiện ánh sáng và làm toàn thể trái đất này rung chuyển theo sáu cách.
5154. Và chư vị này nhìn thấy địa ngục, khi ấy địa ngục được tiêu diệt, có đám mây lớn đổ mưa; điều này là trạng thái tự nhiên của chư Phật.
5155. Các bậc Long Tượng ấy là như thế, và có danh vọng lớn lao không thể sánh bằng, không bị vượt trội về thể hình, các đấng Như Lai là vô lượng.”
5156. Tất cả các người đệ tử đã tùy hỷ những lời nói của tôi với sự kính trọng. Và họ đã thực hành theo đúng như thế, tùy theo sức mạnh, tùy theo năng lực.
5157. Trong khi tin tưởng lời nói của tôi, những đệ tử có sự mong mỏi về nghiệp của mình tôn vinh (ngôi bảo tháp) cát với tâm ý hướng về bản thể đức Phật.
5158. Vào lúc bấy giờ, vị Thiên tử có danh vọng lớn lao sau khi mệnh chung ở cõi trời Đẩu Suấtđã sanh vào bụng mẹ, mười ngàn thế giới đã rung động.
5159. Tôi đã đứng ở đường kinh hành không xa khu ẩn cư. Tất cả các đệ tử đã tụ tập lại và đã đi đến ở bên tôi (hỏi rằng):
5160. “Trái đất gầm thét như loài bò mộng, rống lên như loài sư tử, khuấy động như loài cá sấu, sẽ có hậu quả gì đây?”
5161. “Đấng Toàn Giác mà ta tán dương lúc ở gần ngôi bảo tháp bằng cát, giờ đây đức Thế Tôn bậc Đạo Sư ấy đã nhập vào bụng mẹ.”
5162. Sau khi thực hiện việc giảng pháp cho họ và tán dương bậc Đại Hiền Trí, tôi đã giải tán các đệ tử của mình rồi đã xếp vào thế kiết già.
5163. Và sức lực của tôi quả nhiên đã cạn kiệt, tôi đã bị bệnh một cách trầm trọng. Tôi đã tưởng nhớ đến đức Phật tối thượng và đã mệnh chung ở tại nơi ấy.
5164. Khi ấy, tất cả các người đệ tử đã tụ hội lại và đã thực hiện giàn hỏa thiêu. Và sau khi cầm lấy thi thể của tôi họ đã đặt lên giàn hỏa thiêu.
5165. Các vị ấy đã tụ hội lại, vây quanh giàn hỏa thiêu, và đã chắp tay lên ở đầu. Bị ưu phiền bởi mũi tên sầu muộn, các vị ấy đã khóc rống lên.
5166. Trong khi các vị ấy đang than vãn, tôi đã đi đến gần giàn hỏa thiêu (nói rằng): “Này các bậc trí tuệ, ta là thầy của các ngươi, các ngươi chớ có sầu muộn.
5167. Các ngươi hãy nên nỗ lực cho lợi ích của mình đêm ngày không biếng nhác. Các ngươi chớ trở nên xao lãng, thời khắc của các ngươi đã được xếp đặt.”
5168. Sau khi chỉ dạy các đệ tử của mình, tôi đã trở lại thế giới chư Thiên. Và tôi đã sướng vui ở thế giới chư Thiên mười tám kiếp.
5169. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương năm trăm lần, và đã cai quản Thiên quốc hàng trăm lần.
5170. Trong những kiếp còn lại, tôi đã luân hồi xen lẫn (ở cõi trời và cõi người), tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường cát.
5171. Giống như vào tháng Komudī, có nhiều giống cây trổ hoa. Tương tợ y như thế, nhờ bậc Đại Ẩn Sĩ tôi cũng được trổ hoa vào thời điểm.
5172. Chính sự tinh tấn là có khả năng tiến hành các phận sự, là điều kiện đưa đến sự an ổn khỏi các điều ràng buộc. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5173. (Kể từ khi) tôi đã tán dương đức Phật trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc tán dương.
5174. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5175. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5176. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pulinuppādaka[18]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pulinuppādaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
5177. Đức Thế Tôn Atthadassī, bậcTự Chủ, đấng Lãnh Đạo Thế Gian, đức Như Lai đã đi đến gần bờ của con sông Vinakā.
5178. Là loài rùa di chuyển ở trong nước, có ý định đưa đức Phật vượt qua, tôi đã đi ra khỏi nước và đã đi đến gần đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
5179. “Xin đức Phật Atthadassī bậc Đại Hiền Trí hãy bước lên ngưòi con, con sẽ đưa Ngài vượt qua. Ngài là bậc Đoạn Tận khổ đau.”
5180. Sau khi biết được ý định của tôi, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Atthadassī có danh vọng lớn lao đã bước lên và đứng ở trên lưng của tôi.
5181. Từ khi tôi nhớ lại bản thân, từ khi tôi đạt được hiểu biết, tôi chưa từng có sự sung sướng dường thế ấy giống như khi được lòng bàn chân (Ngài) chạm đến.
5182. Sau khi vượt qua, đấng Toàn Giác Atthadassī có danh vọng lớn lao đã đứng ở bờ sông và đã nói lên những lời kệ này:
5183. “Ngay khi tâm vừa nghĩ rằng: ‘Ta (sẽ) vượt qua dòng nước chảy của con sông,’ và con rùa chúa có trí tuệ này đã đưa Ta vượt qua.
5184. Do sự vượt qua này của đức Phật và do sự hành trì tâm từ ái, (đối tượng này) sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên trong một ngàn tám trăm kiếp.
5185. Sau khi từ thế giới chư Thiên đi đến nơi đây, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, (đối tượng này) ngồi ở ngay chỗ ngồi ấy, sẽ vượt qua dòng chảy nghi hoặc.”
5186. Cũng giống như chỉ một ít hạt giống được gieo xuống cánh đồng tốt đẹp, khi có mưa rào thích hợp đổ xuống, kết quả làm hài lòng người nông phu.
5187. Tương tợ y như thế, thửa ruộng đức Phật này đã được thuyết giảng bởi đấng Chánh Đẳng Giác, khi có mưa rào thích hợp đổ xuống kết quả sẽ làm tôi hài lòng.
5188. Có tính khẳng quyết về sự nỗ lực, tôi được an tịnh, không còn mầm mống tái sanh. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
5189. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây một ngàn tám trăm kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc vượt qua.
5190. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5191. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5192. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Taraṇiya[19]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Taraṇiya là phần thứ tám.
--ooOoo--
5193. Vào lúc đức Phật, đấng Chiến Thắng Dīpaṅkara đã chú nguyện cho (vị ẩn sĩ) Sumedha rằng: “Vô lượng kiếp về sau, vị này sẽ trở thành đức Phật.
5194. Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
5195. Sau khi đã ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được, vị này sẽ được giác ngộ ở gốc cội cây Assattha, trở thành bậc Toàn Giác có danh vọng lớn lao.
5196. Upatissa và Kolita sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
5197. Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Citta và luôn cả Āḷavaka sẽ là hai nam cư sĩ hàng đầu.
5198. Khujjuttarā và Nandamātā sẽ là hai nữ cư sĩ hàng đầu. Cội Bồ Đề của đấng Chiến Thắng này được gọi tên là ‘Assattha’.”[20]
5199. Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư Thiên và nhân loại, được hoan hỷ, chắp tay lên lễ bái.
5200. Khi ấy, tôi đã là người trai trẻ khéo được học tập tên Megha. Tôi đã nghe được lời chú nguyện thù thắng của bậc Đại Hiền Trí đến vị Sumedha.
5201. Có được niềm tin với vị Sumedha đầy lòng bi mẫn, trong khi vị anh hùng ấy đang hành hạnh xuất gia, tôi đã cùng xuất gia (với vị ấy).
5202. Tôi đã thu thúc trong giới bổn Pātimokkhavà ở năm giác quan, có sự nuôi mạng trong sạch, có niệm, là vị anh hùng, là người thực hành lời dạy của đấng Chiến Thắng.
5203. Trong khi đang an trú như thế, do một người bạn xấu xa nào đó tôi bị xúi giục vào hành vi sai trái và đã đánh mất đạo lộ tốt đẹp.
5204. Là người bị tác động bởi sự suy tầm, tôi đã xa lìa lời giáo huấn. Sau đó vì người bạn tồi ấy, tôi đã phạm vào việc giết chết người mẹ.
5205. Tôi đã thực hiện nghiệp vô gián, với tâm ý xấu xa tôi đã giết chết (người mẹ). Từ nơi ấy chết đi, tôi đã đi đến đại địa ngục Avīci vô cùng khiếp đảm.
5206. Trong khi đang ở chốn đọa đày, bị khổ sở, tôi đã chịu đựng dài lâu. Tôi đã không nhìn thấy vị anh hùng Sumedha bậc cao quý của loài người nữa.
5207. Trong kiếp này, tôi đã là loài cá khổng lồ ở biển cả. Sau khi nhìn thấy con thuyền ở biển khơi, tôi đã đến gần mục tiêu của việc kiếm mồi.
5208. Sau khi nhìn thấy tôi, các người thương buôn kinh sợ đã tưởng nhớ đến đức Phật tối thượng. Tôi đã nghe tiếng kêu lớn “Gotama” đã được thốt lên bởi những người ấy.
5209. Sau khi nhớ lại sự hiểu biết trước đây, từ nơi ấy tôi đã mệnh chung. Tôi đã được sanh ra trong gia đình sung túc dòng dõi Bà-la-môn ở thành Sāvatthī.
5210. Có tên là Dhammaruci, tôi đã là người ghê tởm tất cả các điều ác. Vào lúc bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã nhìn thấy bậc Quang Đăng của thế gian.
5211. Tôi đã đi đến tu viện Jetavana to lớn và đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Tôi đã đi đến (nương nhờ) đức Phật ba lần vào ban đêm và ban ngày.
5212. Khi ấy, bậc Hiền Trí đã nhìn thấy và đã nói với tôi rằng: “Này Dhammaruci, lâu thật.” Do đó, tôi đã nói với đức Phật về sự việc quá khứ đã xảy ra:
5213. “Thật là lâu lắm, hôm nay con quả nhiên được nhìn thấy hình dáng xinh đẹp của Ngài, thân thể không gì sánh bằng, có một trăm phước tướng, là vật làm duyên đưa đến Niết Bàn trước đây.
5214. Bạch đấng Đại Hiền Trí, bóng tối đã được Ngài tiêu diệt lâu lắm rồi. Dòng sông (ái dục) đã được làm cho khô cạn nhờ vào sự hộ trì tốt đẹp. Sự ô nhiễm đã được làm trong sạch lâu lắm rồi. Con mắt đã có được cấu tạo bằng trí tuệ.
5215. Bạch đức Gotama, con được gần gũi với Ngài trong thời gian dài, con đã không bị tiêu hoại lần nữa trong khoảng thời gian dài. Hôm nay con được hội tụ với Ngài lần nữa bởi vì những việc đã làm không bị hoại diệt.”
5216. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5217. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5218. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Dhammaruci đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Dhammaruci là phần thứ chín.
--ooOo--
5219. Vào lúc ấy, tôi đã đi sâu vào rừng cây sālā. Khu ẩn cư của tôi được xây dựng khéo léo, được phủ lên bởi những bông hoa sālā, tôi cư ngụ ở khu rừng.
5220. Và đức Thế Tôn Piyadassī, đấng Tự Chủ, là nhân vật cao cả. Có ước muốn độc cư, bậc Toàn Giác đã đi đến khu rừng cây sālā.
5221. Khi ấy, tôi đã rời khỏi khu ẩn cư và đã đi đến khu rừng. Trong khi tìm kiếm rễ và trái cây tôi đi lang thang ở trong rừng bao la.
5222. Tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy đấng Toàn Giác Piyadassī, bậc có danh vọng lớn lao, ngồi vững chải, thể nhập (định), đang chói sáng ở trong khu rừng lớn.
5223. Tôi đã dựng bốn cây gậy và đã tạo nên mái che được làm khéo léo ở phía bên trên của đức Phật, rồi đã phủ lên bằng các bông hoa sālā.
5224. Tôi đã cầm giữ mái che được phủ lên bằng bông hoa sālā trong bảy ngày. Tại đó, sau khi làm cho tâm được tịnh tín tôi đã đảnh lễ đức Phật tối thượng.
5225. Vào thời điểm ấy, đức Thế Tôn đã xuất khỏi định. Trong khi nhìn với khoảng cách của cán cày, bậc Tối Thượng Nhân đã ngồi xuống.
5226. Vị Thinh Văn của bậc Đạo Sư Piyadassī tên là Varuṇa cùng với một trăm ngàn vị có năng lực đã đi đến gặp đấng Hướng Đạo.
5227. Và đức Thế Tôn Piyadassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, bậc Chiến Thắng sau khi ngồi xuống ở hội chúng tỳ khưu đã để lộ nụ cười.
5228. Anuruddha, vị thị giả của bậc Đạo Sư Piyadassī, đã khoác y một bên vai rồi đã hỏi bậc Đại Hiền Trí rằng:
5229. “Bạch đức Thế Tôn, bậc Đạo Sư để lộ nụ cười trong khi biết được lý do, vậy nguyên nhân của việc thể hiện nụ cười của bậc Đạo Sư là gì?”
5230. Ta đã nhớ lại việc làm của người trai trẻ đã cầm giữ mái che bằng bông hoa cho ta trong bảy ngày, nên ta đã để lộ nụ cười.
5231. Ta không nhìn thấy khoảng không gian nào dung chứa được phước báu, và không khoảng không gian nào được như ý dầu ở thế giới chư Thiên hay nhân loại.
5232. Đối với người có được nghiệp phước thiện đang sinh sống ở thế giới chư Thiên, cho đến hội chúng của người ấy sẽ được phủ lên bởi bông hoa sālā.
5233. Tại đó, trong khi nghiệp phước thiện đã được hội tụ, người ấy sẽ luôn luôn vui sướng với các điệu vũ, các lời ca, và các khúc tấu nhạc của Thiên đình.
5234. Cho đến hội chúng của người ấy sẽ có được hương thơm hạng nhất. Và sẽ có cơn mưa bông hoa sālā rơi xuống liền khi ấy.
5235. Mệnh chung từ nơi ấy, người nam này sẽ đi đến cõi nhân loại. Thậm chí ở nơi đây cũng có mái che bằng bông hoa sālā được duy trì trong mọi thời điểm.
5236. Ở nơi đây, điệu vũ và lời ca, được kết hợp với (âm thanh của) chũm chọe, sẽ thường xuyên vây quanh người này; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5237. Và khi mọc trời đang mọc lên, sẽ có cơn mưa bông hoa sālā rơi xuống. Được gắn liền với nghiệp phước thiện, (bông hoa sālā) đổ mưa vào mọi thời điểm.
5238. Vào một ngàn tám trăm kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
5239. Là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, (người này) sẽ biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc và sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
5240. Sẽ có mái che bông hoa sālā cho người này khi đang chứng ngộ Giáo Pháp. Trong khi người này đang được thiêu đốt ở giàn hỏa thiêu, sẽ có mái che ở tại nơi ấy.”
5241. Sau khi tán dương quả thành tựu, trong khi làm hài lòng hội chúng với cơn mưa Giáo Pháp, bậc Đại Hiền Trí Piyadassī đã thuyết giảng Giáo Pháp.
5242. Tôi đã cai quản Thiên quốc của chư Thiên trong ba mươi kiếp. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương sáu mươi bảy lần.
5243. Sau khi từ thế giới chư Thiên đi đến nơi đây, tôi nhận được sự an lạc lớn lao. Thậm chí ở nơi đây cũng sẽ có mái che bông hoa sālā trong mọi thời điểm.
5244. Sau khi đã làm hài lòng bậc Đại Hiền Trí Gotama đấng cao quý dòng Sakya, sau khi từ bỏ sự hơn thua, tôi đã đạt được vị thế Bất Động.
5245. Kể từ khi tôi đã cúng dường đức Phật trước đây một ngàn tám trăm kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5246. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5247. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5248. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sālamaṇḍapiya đã nói lên những lời kệ này như thế.
Ký sự về trưởng lão Sālamaṇḍapiya là phần thứ mười.
--ooOoo--
Tấm y may từ vải bị quăng bỏ, vị tưởng nhớ đến đức Phật, vị dâng cúng củ sen, vị tán dương trí tuệ, vị có trầm hương, vị cúng dường xá-lợi, vị tái sanh do cát, vị vượt qua, vị Dhammaruci, vị có mái che bông hoa sālā là tương tợ. Có hai trăm câu kệ và thêm vào mười chín câu nữa.
Phẩm Saṃsukūla là phẩm thứ năm mươi mốt.
--ooOoo--
5249. Tôi đã nhìn thấy đức Phật Vipassī, vị không còn ô nhiễm, đấng Lãnh Đạo Thế Gian ngồi ở trong vùng đồi núi, chói sáng tợ như là cây kaṇikāra.
5250. Tôi đã lấy ra ba bông hoa kiṅkaṇi và đã dâng lên (Ngài). Sau khi đã cúng dường đấng Toàn Giác, tôi đi (nhiễu quanh Ngài) mặt hướng phía phải.
5251. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
5252. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường đức Phật trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5253. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5254. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5255. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tikiṅkaṇipupphiya[21]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tikiṅkaṇipupphiya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
5256. Ở không xa núi Hi-mã-lạp, có ngọn núi tên là Udaṅgaṇa. Tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy tấm y may từ vải bị quăng bỏ được treo ở ngọn cây.
5257. Khi ấy, sau khi hái xuống ba bông hoa kiṅkaṇi, tôi đã trở nên mừng rỡ. Với tâm mừng rỡ, tôi đã cúng dường (ba bông hoa) đến tấm y may từ vải bị quăng bỏ.
5258. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
5259. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh sau khi đã cúng dường đến biểu tượng của bậc A-la-hán (tấm y).
5260. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5261. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5262. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Paṃsukūlapūjaka[22]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Paṃsukūlapūjaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
5263. Trước đây, tôi đã là người thợ rừng cùng với cha và ông. Tôi sinh sống nhờ vào việc giết thú rừng. Điều tốt lành của tôi là không có.
5264. Do lòng thương tưởng, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Tissa, bậc Hữu Nhãn, đã lưu lại ba (dấu) bàn chân ở xung quanh chỗ cư ngụ của tôi.
5265. Và sau khi nhìn thấy ba (dấu) bàn chân đã đi qua của bậc Đạo Sư tên Tissa, tôi đã trở nên mừng rỡ. Với tâm mừng rỡ, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín ở (dấu) bàn chân.
5266. Sau khi nhìn thấy cây koraṇḍa mọc ở trên đất đã được trổ hoa, tôi đã hái một nhúm (bông hoa) và đã cúng dường ở (dấu) bàn chân tối thượng.
5267. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
5268. Nơi chốn nào tôi sanh lên, là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, tôi có làn da (màu bông hoa) koraṇḍa, tôi có được vẻ ngời sáng.
5269. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường (dấu) bàn chân (đức Phật).
5270. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5271. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5272. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Koraṇḍapupphiya[23]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Koraṇḍapupphiya là phần thứ ba.
--ooOoo--
5273. Sau khi nhìn thấy cây kiṃsuka được trổ hoa, tôi đã chắp tay lên. Sau khi tưởng nhớ đến đức Phật tối thượng, tôi đã cúng dường ở không trung.
5274. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
5275. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5276. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5277. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5278. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kiṃsukapupphiya[24]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kiṃsukapupphiya là phần thứ tư.
--ooOoo--
5279. Lúc bấy giờ, vị Thinh Văn tên Sujāta của đức Thế Tôn Padumuttara, trong lúc tìm kiếm vải bị quăng bỏ, đã đi quanh quẩn ở đống rác.
5280. Là người làm thuê cho những người khác ở trong thành phố Haṃsavatī, tôi đã dâng cúng một nửa số vải và đã đê đầu đảnh lễ (vị ấy).
5281. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
5282. Tôi đã là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc ba mươi ba lần. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương bảy mươi bảy lần.
5283. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm. Do việc dâng cúng một nửa số vải, tôi được vui vẻ, sự sợ hãi không có.
5284. Và hôm nay, trong khi mong muốn tôi có thể che phủ (hết thảy) núi non và rừng rậm bằng các tấm vải sợi lanh; điều này là quả báu của một nửa số vải.
5285. Kể từ khi tôi đã dâng vật thí trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của một nửa số vải.
5286. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5287. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5288. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Upaḍḍhadussadāyaka[25]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Upaḍḍhadussadāyaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
5289. Đã suy nghĩ tận tường, đức Thế Tôn, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu đã đi vào khu rừng lớn và đã bị hành hạ bởi bệnh gió. Sau khi nhìn thấy, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín và đã đem lại bơ lỏng nguyên chất.
5290. Do bản thân đã được thực hành, do bản thân đã được tích lũy (thiện nghiệp), dòng sông Bhāgīrathī này và bốn đại dương tự cung cấp bơ lỏng cho tôi.
5291. Và quả đất kinh khủng, không thể đo lường, không thể ước lượng này, hiểu biết được ước muốn của tôi, trở thành tinh thể mật ngọt (cho tôi).
5292. Từ bốn châu lục, các giống cây này là loài thảo mộc mọc ở trên đất, hiểu biết được ước muốn của tôi, chúng trở thành những cây như ý (cho tôi).
5293. Tôi đã là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc năm mươi lần. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương năm mươi mốt lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
5294. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi sáu kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của phần bơ lỏng nguyên chất.
5295. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5296. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5297. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ghatamaṇḍadāyaka[26]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ghatamaṇḍadāyaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
5298. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã cúng dường bình nước uống đến hội chúng tỳ khưu vô thượng của đức Phật Padumuttara.
5299. Dầu ở trên đỉnh núi hoặc ở ngọn cây, ở trên không trung hoặc ở trên đất liền, khi nào tôi muốn nước uống, (nước uống) hiện ra cho tôi ngay tức khắc.
5300. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng nước.
5301. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5302. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5303. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Udakadāyaka[27]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Udakadāyaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
5304. Ở không xa núi Hi-mã-lạp, có ngọn núi tên là Yamaka, có khu ẩn cư của tôi đã khéo được xây dựng, có gian nhà rộng bằng lá đã khéo được tạo lập.
5305. (Tôi) là vị đạo sĩ tóc bện tên Nārada có sự khổ hạnh cao tột. Mười bốn ngàn người đệ tử sống quanh tôi.
5206. Lúc bấy giờ, trong khi đang thiền tịnh tôi đã suy nghĩ như vầy: “Tất cả mọi người tôn vinh ta. Ta không tôn vinh bất cứ ai.
5307. Ta không có vị giáo giới, không biết đến bất cứ vị diễn giả nào. Ta đi đến cư ngụ ở trong rừng, không có thầy giáo thọ và thầy tế độ.
5308. Đối với ta, không có thầy giáo thọ để ta phục vụ với tâm cung kính trong lúc kề cận thì sự cư ngụ ở rừng là không có ý nghĩa.
5309. Như thế, ta sẽ tự tìm kiếm vị thầy đáng kính, đáng thọ nhận sự cúng dường của ta. Ta sẽ sống có sự hỗ trợ, không người nào sẽ trách móc.”
5310. Không xa khu ẩn cư của tôi có con sông nhỏ với bờ nước lúp xúp, có bãi nước cạn khéo được thiết lập, được trải lớp cát vô cùng trong sạch, làm thích ý.
5311. Khi ấy, tôi đã đi đến con sông tên là Amarikā. Tôi đã gom cát lại và đã thực hiện ngôi bảo tháp bằng cát.
5312. “Những vị nào đã là các bậc Toàn Giác, là những vị Hiền Trí có sự đoạn tận việc tái sanh, ngôi bảo tháp như thế này là dành cho các vị ấy;” tôi đã làm điều ấy trở thành ấn chứng.
5313. Sau khi thực hiện ngôi bảo tháp cát, tôi đã biến hóa thành vàng. Tôi đã cúng dường ba ngàn bông hoa kiṅka bằng vàng.
5314. Tràn đầy niềm phấn khởi, tôi chắp tay lên lễ bái sáng chiều. Tôi đã đảnh lễ ngôi bảo tháp cát như là đảnh lễ bậc Toàn Giác ở trước mặt.
5315. Mỗi khi các điều ô nhiễm là các suy tầm về đời sống tại gia sanh khởi, tôi tưởng nhớ đến đấng Thiện Thệ đến ngôi bảo tháp, lập tức tôi quán xét lại rằng:
5316. “Thưa ông, trong khi sống nương tựa vào đấng Hướng Đạo, bậc Xa Phu, sao ông có thể sống chung với các điều ô nhiễm, thật không thích hợp cho ông!”
5317. Lúc bấy giờ, mỗi khi suy tưởng đến ngôi bảo tháp, sự cung kính đã có đến tôi. Tôi đã xua đuổi các suy tầm xấu xa như là con voi bị khổ sở vì cây lao nhọn.
5318. Trong khi đang an trú như thế, vị vua Thần Chết đã chế ngự tôi. Mệnh chung ở tại nơi ấy, tôi đã đi đến thế giới Phạm Thiên.
5319. Sau khi sống đến hết tuổi thọ, tôi đã sanh ra ở cõi Tam Thập (Đạo Lợi). Tôi đã là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc tám mươi lần.
5320. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương ba trăm lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
5321. Tôi thọ hưởng quả thành tựu của những bông hoa kiṅkaṇi ấy. Trong đời sống, có một trăm ngàn người bảo mẫu ở quanh tôi.
5322. Do bản chất của sự việc đã được thực hành ở ngôi bảo tháp, bụi bặm và cáu đất không làm nhơ nhuốc, các mồ hôi không tiết ra ở cơ thể, tôi có được vẻ ngời sáng.
5323. Ôi ngôi bảo tháp đã khéo được xây dựng bởi tôi, con sông Amarikā đã khéo được nhìn thấy bởi tôi! Sau khi thực hiện ngôi bảo tháp bằng cát, tôi đạt được vị thế Bất Động.
5324. Với người có ước muốn làm việc lành có sự nắm được điều cốt yếu, dầu có thửa ruộng hoặc không có thửa ruộng, việc thực hành đều có kết quả tốt đẹp.
5325. Cũng giống như người nam có sức mạnh nỗ lực để vượt qua biển cả, sau khi cầm lấy khúc gỗ nhỏ nhoi, có thể lao mình vào đại dương (nghĩ rằng):.
5326. “Nương tựa vào khúc gỗ này, ta sẽ vượt qua biển lớn.” Với sự nỗ lực và tinh tấn, người nam (ấy) có thể vượt qua biển cả.
5327. Tương tợ y như thế, việc làm đã được thực hiện bởi tôi dầu nhỏ nhoi và bé bỏng, sau khi nương tựa vào việc làm ấy tôi đã tự mình vượt khỏi luân hồi.
5328. Khi đạt đến lần hiện hữu cuối cùng, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch tôi đã được sanh ra trong nhà đại bá hộ vô cùng sang trọng ở thành phố Sāvatthī.
5329. Có niềm tin, mẹ và cha của tôi đã đi đến nương nhờ vào đức Phật. Có sự đạt được (Pháp) nhãn, cả hai người này hành xử thuận theo Giáo Pháp.
5330. Sau khi nhặt lấy vỏ khô của cội cây Bồ Đề, họ đã cho xây dựng ngôi bảo tháp bằng vàng. Sáng chiều họ trực tiếp lễ bái người con trai của dòng họ Sakya.
5331. Vào ngày lễ Uposatha, họ đã dời đi ngôi bảo tháp bằng vàng. Trong khi tán dương công hạnh của đức Phật, họ đã trải qua ba canh (của đêm).
5332. Sau khi nhìn thấy ngôi bảo tháp (vàng), tôi đã nhớ lại ngôi bảo tháp bằng cát. Tôi đã ngồi ở ngay chỗ ngồi ấy và đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
(Tụng phẩm thứ hai mươi hai).
5333. Trong khi tìm kiếm đấng Chiến Thắng ấy, tôi đã nhìn thấy vị Tướng Quân Chánh Pháp. Sau khi lìa khỏi gia đình, tôi đã xuất gia trong sự chứng minh của vị ấy.
5334. Vào lúc bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán. Sau khi nhận biết đức hạnh (của tôi), đức Phật bậc Hữu Nhãn đã cho tu lên bậc trên.
5336. Trong khi chỉ là đứa bé trai, tôi đã hoàn thành được công việc. Giờ đây, việc cần phải làm trong Giáo Pháp của người con trai dòng họ Sakya đã được tôi thực hiện.
5337. (Tôi trở thành) vị ẩn sĩ đã vượt qua mọi sự hận thù và hãi sợ, đã vượt lên mọi điều trói buộc. “Bạch đấng Đại Hùng, con là Thinh Văn của Ngài; điều này là quả báu của bông hoa bằng vàng.”
5338. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5339. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5340. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Pulinathūpiya[28]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Pulinathūpiya là phần thứ tám.
--ooOoo--
5341. Ở không xa núi Hi-mã-lạp, có ngọn núi tên là Hārita. Vào lúc bấy giờ, có bậc Tự Chủ tên Nārada đã cư ngụ ở tại gốc cây.
5342. Tôi đã làm gian nhà bằng cây sậy và đã lợp mái bằng cỏ. Tôi đã làm sạch sẽ đường kinh hành và đã dâng cúng đến bậc Tự Chủ.
5343. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
5344. Tại nơi ấy, có cung điện được kiến tạo khéo léo dành cho tôi, có chiều dài sáu mươi do-tuần, chiều rộng ba mươi do-tuần, đã được hóa hiện ra từ căn chòi bằng cây sậy.
5345. Tôi đã sướng vui ở thế giới chư Thiên mười bốn kiếp. Và tôi đã cai quản Thiên quốc bảy mươi mốt lần.
5346. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương ba mươi bốn lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
5347. Sau khi bước lên tòa lâu đài Giáo Pháp tương đương với mọi biểu hiện cao quý, tôi an trú trong Giáo Pháp của người con trai dòng họ Sakya theo như ý thích.
5348. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của căn chòi bằng cây sậy.
5349. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5350. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5351. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Naḷakuṭidāyaka[29]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Naḷakuṭidāyaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
5352. Trong thời quá khứ, tôi đã là thợ săn thú rừng. Khi ấy, trong khi đi lang thang ở khu rừng, tôi đã nhìn thấy đức Phật, đấng Vô Nhiễm, bậc thông suốt về tất cả các pháp.
5353. Được tịnh tín, tôi đã cầm lấy trái cây piyāla và đã tự tay mình dâng cúng đến đức Phật tối thượng, là Phước Điền, là đấng Anh Hùng.
5354. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5355. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5356. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5357. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Piyālaphaladāyaka[30]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Piyālaphaladāyaka là phần thứ mười.
Phẩm Tikiṅkaṇipupphiya là phẩm thứ năm mươi.
--ooOoo—
Vị có bông hoa kiṅkaṇi, y may từ vải bị quăng bỏ, bông hoa koraṇḍa, rồi bông hoa kiṃsuka, vị có một nửa số vải, vị dâng cúng bơ lỏng, vị (dâng cúng) nước, vị thực hiện ngôi bảo tháp, vị có gian nhà bằng cây sậy là thứ chín, và vị dâng cúng trái cây piyāla. Có một trăm câu kệ ngôn và chín câu thêm vào đó.
--ooOoo--
Phẩm Metteyya, phẩm Bhaddāli, và luôn cả phẩm Sakiṃsammajjaka, phẩm Ekavihārī, phẩm Vibhīṭakī, phẩm Jagatī, phẩm Sālapupphiya, phẩm Naḷāgāra, phẩm Paṃsukūla, và phẩm Kiṅkaṇipupphiya là tương tợ. Có một ngàn bốn trăm tám mươi hai câu kệ.
Nhóm “Mười” từ phẩm Metteyya.
Nhóm “Một Trăm” thứ năm được đầy đủ.
--ooOoo--
5358. Đấng Toàn Giác tên Sumedha có ba mươi hai hảo tướng. Có ước muốn độc cư, đức Thế Tôn đã đi đến núi Hi-mã-lạp.
5359. Sau khi đã đi sâu vào núi Hi-mã-lạp, đấng Bi Mẫn cao cả, bậc Hiền Trí, đấng Tối Thượng Nhân đã xếp chân thế kiết già rồi ngồi xuống.
5360. Khi ấy, tôi đã là người nắm giữ pháp thuật, là vị du hành ở không trung. Sau khi cầm lấy cây chỉa ba được thực hiện khéo léo, tôi đi ở trên không trung.
5361. Đức Phật chói sáng ở trong khu rừng giống như ngọn lửa ở trên đỉnh núi, tợ như mặt trăng ngày rằm, tợ như cây sālā chúa đã được trổ hoa.
5362. Hào quang của đức Phật vượt ra khỏi chóp đỉnh của khu rừng và tỏa rộng giống như là màu sắc ngọn lửa của cây sậy, sau khi nhìn thấy tôi đã làm cho tâm được tịnh tín.
5363. Trong khi chọn lựa, tôi đã nhìn thấy bông hoa kaṇikāra có hương thơm của cõi trời. Sau khi cầm lấy ba bông hoa, tôi đã cúng dường đến đức Phật tối thượng.
5364. Khi ấy, do nhờ năng lực của đức Phật, ba bông hoa của tôi (xoay ngược lại) có các cuống hoa ở bên trên và các cánh hoa ở bên dưới, tạo thành bóng râm che cho đức Phật.
6365. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
5366. Tại nơi ấy, có cung điện được kiến tạo khéo léo dành cho tôi được biết (với tên) là “kaṇikārī” có chiều dài sáu mươi do-tuần, chiều rộng ba mươi do-tuần.
5367. (Cung điện) có một ngàn cột trụ chống có màu lục, một trăm mái tròn được trang hoàng với những ngọn cờ. Có một trăm ngàn tháp nhọn đã hiện diện ở cung điện của tôi.
5368. Có những chiếc ghế bành làm bằng vàng, làm bằng ngọc ma-ni, và cũng làm bằng hồng ngọc nữa, luôn cả ngọc pha-lê (hiện ra) ở bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào theo ước muốn.
5369. Và có chiếc giường vô cùng giá trị được trải loại nệm bông gòn có một phần lông rái cá, và được gắn liền với chiếc gối.
5370. Khi nào tôi ước muốn việc ra đi, thì sau khi rời khỏi nơi cư ngụ và trong lúc thực hiện cuộc du hành cùng với chư Thiên, tôi dẫn đầu hội chúng chư Thiên.
5371. Tôi đứng, ở phía bên dưới là bông hoa, ở phía bên trên của tôi ở xung quanh một trăm do-tuần có mái che được phủ bằng các bông hoa kaṇika.
5372. Có sáu mươi ngàn nhạc công đã phục vụ sáng chiều. Họ thường xuyên vây quanh tôi đêm ngày không biếng nhác.
5373. Ở tại nơi ấy, tôi sướng vui với các điệu vũ, các lời ca, các tiếng chũm chọe, và các khúc tấu nhạc, với niềm sướng vui của việc giải trí. Tôi vui thích theo sự mong muốn này mong muốn khác.
5374. Lúc bấy giờ, ở tại nơi ấy tôi đã ăn, tôi đã uống, tôi vui thích ở cõi trời Tam Thập. Được gần gũi với các đám nữ nhân, tôi vui thích ở lâu đài tuyệt hảo.
5375. Và tôi đã cai quản Thiên quốc năm trăm lần. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương ba trăm lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
5376. Trong khi luân hồi ở cõi này cõi khác, tôi nhận lãnh của cải lớn lao, tôi không có sự thiếu hụt về của cải; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5377. Tôi (đã) luân hồi ở hai cảnh giới trong bản thể Thiên nhân và loài người, tôi không biết đến cõi tái sanh khác; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5378. Tôi (đã) được sanh ra ở hai gia tộc, Sát-đế-lỵ và luôn cả Bà-la-môn, tôi không biết đến gia tộc hạ tiện; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5379. Về phương tiện di chuyển bằng voi, phương tiện di chuyển bằng ngựa, kiệu khiêng, và cỗ xe kéo, tôi đạt được tất cả mọi thứ này; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5380. Về đám tôi trai, bầy tớ gái, và các nữ nhân đã được trang điểm, tôi đạt được tất cả mọi thứ này; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5381. Về y phục làm bằng tơ lụa, bằng sợi len, bằng chỉ lanh, và bằng bông vải, tôi đạt được tất cả mọi thứ này; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5382. Về vải vóc mới, trái cây tươi, thức ăn mới lạ có phẩm vị cao sang, tôi đạt được tất cả mọi thứ này; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5383. “Ngài hãy nhai món này, ngài hãy ăn món này, ngài hãy nằm ở chiếc giường này,” tôi đạt được tất cả mọi thứ này; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5384. Tôi được tôn vinh ở tất cả các nơi, danh vọng của tôi được thăng tiến, tôi luôn luôn có phe cánh đông đảo, luôn luôn có hội chúng không bị chia rẽ, tôi là hạng nhất trong số các quyến thuộc; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5385. Tôi không biết đến sự lạnh (và) sự nóng, sự bực bội không được biết đến. Sự khổ sở thuộc về tâm ở trái tim của tôi không được biết đến.
5386. Sau khi có được làn da màu vàng ròng, tôi luân hồi ở cõi này cõi khác, tôi không biết đến việc tàn tạ sắc thân; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5387. Sau khi mệnh chung ở thế giới chư Thiên, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch tôi đã được sanh ra trong nhà đại bá hộ vô cùng sang trọng ở thành phố Sāvatthī.
5388. Sau khi từ bỏ năm phần dục lạc, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Vào lúc bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
5389. Sau khi nhận biết đức hạnh (của tôi), đức Phật bậc Hữu Nhãn đã cho tu lên bậc trên, tôi là vị trẻ tuổi xứng đáng được cúng dường; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5390. Thiên nhãn của tôi được thanh tịnh, tôi là thiện xảo về định, đã đạt đến sự toàn hảo về các thắng trí; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5391. Tôi đã thành tựu các pháp phân tích, là vị rành rẽ về các nền tảng của thần thông, đã đạt đến sự toàn hảo về các pháp; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5392. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường đức Phật trước đây ba mươi ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5393. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5394. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5395. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tikaṇikārapupphiya[31]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tikaṇikārapupphiya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
5396. Tôi đã là người thợ làm đồ gốm ở thành phố Haṃsavatī. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, đấng đã vượt qua dòng nước lũ, không còn lậu hoặc.
5397. Tôi đã dâng cúng đến đức Phật tối thượng bình bát bằng đất sét đã được làm khéo léo. Tôi đã dâng cúng bình bát đến đức Thế Tôn là vị có bản thể chính trựcnhư thế ấy.
5398. Trong khi tôi được sanh ra ở cuộc đời, tôi đạt được các chiếc đĩa vàng và các chiếc chiếu nhỏ bằng bạc, bằng vàng, và bằng ngọc ma-ni.
5399. Tôi thọ dụng những cái đĩa, điều này là quả báu của nghiệp phước thiện. Và tôi có bản chất của bình bát (chứa đựng) các loại danh vọng và các loại tài sản.
5400. Cũng giống như chỉ một ít hạt giống được gieo xuống cánh đồng màu mỡ, khi có mưa rào thích hợp đổ xuống, kết quả làm hài lòng người nông phu.
5401. Tương tợ y như thế, việc dâng cúng bình bát này được gieo xuống thửa ruộng đức Phật, khi trận mưa rào phỉ lạc đổ mưa, kết quả sẽ làm tôi hài lòng.
5402. So sánh với các thửa ruộng được biết đến, ngay cả các Hội Chúng (tỳ khưu) và luôn cả các tập thể, không có gì sánh bằng thửa ruộng đức Phật là nguồn cung cấp an lạc cho chúng sanh.
5403. “Bạch đấng Siêu Nhân, con kính lễ Ngài! Bạch đấng Tối Thượng Nhân, con kính lễ Ngài! Sau khi dâng cúng một cái bình bát, con đạt được vị thế Bất Động.”
5404. Kể từ khi tôi đã dâng cúng bình bát trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng bình bát.
5405. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5406. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5407. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ekapattadāyaka[32]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ekapattadāyaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
5408. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, đấng Vô Nhiễm, bậc Trưởng Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu ngồi ở trong vùng đồi núi, chói sáng như là cây kaṇikāra.
5409. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã chắp tay lên ở đầu. Sau khi cầm lấy trái cây kāsumārika, tôi đã dâng cúng đến đức Phật tối thượng.
5410. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5411. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5412. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5413. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kāsumāriphaladāyaka[33]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kāsumāriphaladāyaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
5414. Đức Thế Tôn có ngàn ánh hào quang, đấng Tự Chủ, vị không bị đánh bại đã xuất ra khỏi sự độc cư và đã ra đi về việc khất thực.
5415. Có được một nắm trái cây, tôi đã nhìn thấy và đã đi đến gặp đấng Nhân Ngưu. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng cúng trái cây avaṭa.
5416. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5417. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5418. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5419. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Avaṭaphaliya[34]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Avaṭaphaliya là phần thứ tư.
--ooOoo--
5420. Trong lúc đấng Toàn Giác, bậc có màu da vàng chói, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đang tiến bước ở trên đường, tôi đã dâng cúng trái cây vāra.
5421. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5422. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5423. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5424. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật. Đại đức trưởng lão Vāraphaliya[35]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vāraphaliya là phần thứ năm.
--ooOoo—
5425. Tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian tợ như cây kaṇikāra được đốt cháy, tợ như mặt trăng ngày rằm, tợ như cây đèn đang cháy sáng.
5426. Được tịnh tín, tôi đã cầm lấy trái cây chanh và đã tự tay mình dâng cúng đến bậc Đạo Sư, đấng trí tuệ xứng đáng cúng dường.
5427. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5428. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5429. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5430. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Mātuluṅgaphaladāyaka[36]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Mātuluṅgaphaladāyaka là phần thứ sáu.
--ooOoo--
5431. Vào lúc bấy giờ, bậc Toàn Giác, đấng Hiền Trí tên Ajjuna, vị hội đủ về hạnh kiểm và thiện xảo về định đã cư ngụ tại núi Hy-mã-lạp.
5432. Sau khi cầm lấy ước chừng một chậu trái cây ajeli, trái cây jīvajīvaka, và trái cây chattapaṇṇa, tôi đã dâng cúng đến bậc Đạo Sư.
5433. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5434. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5435. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5436. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ajeliphaladāyaka[37]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ajeliphaladāyaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
5437. Trong lúc đấng Toàn Giác, bậc có màu sắc màu vàng chói, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đang tiến bước ở trên đường, tôi đã dâng cúng trái cây amoda.
5438. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5439. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5440. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5441. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Amodaphaliya[38]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Amodaphaliya là phần thứ tám.
--ooOoo--
5442. Đức Thế Tôn tên Sataraṃsī, đấng Tự Chủ, vị không bị đánh bại, đã xuất ra khỏi sự độc cư và đã ra đi về việc khất thực.
5443. Có được một nắm trái cây, tôi đã nhìn thấy và đã đi đến gặp đấng Nhân Ngưu. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng cúng trái cây thốt nốt.
5444. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5445. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5446. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5447. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tālaphaladāyaka[39]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tālaphaladāyaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
5448. Vào lúc bấy giờ, là người phụ việc tu viện ở thành phố Bandhumatī, tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm đang di chuyển ở trên không trung.
5449. Tôi đã cầm lấy trái dừa và đã dâng cúng đến đức Phật tối thượng. Bậc có danh vọng lớn lao đã thọ lãnh trong khi đứng ở trên hư không.
5450. Trái cây đã được tôi dâng cúng đến đức Phật với tâm ý trong sạch, đối với tôi là nguồn sanh lên niềm hạnh phúc đưa đến sự an lạc trong thời hiện tại.
5451. Khi ấy, tôi đã đạt đến niềm phỉ lạc lớn lao và sự an lạc cùng tột. Khi tôi được sanh ra ở nơi này nơi nọ, châu báu còn hiện lên cho tôi.
5452. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5453. Thiên nhãn của tôi được thanh tịnh, tôi là thiện xảo về định, đã đạt đến sự toàn hảo về các thắng trí; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5454. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5455. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5456. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Nāḷikeradāyaka[40]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Nāḷikeradāyaka là phần thứ mười.
--ooOoo--
Bông hoa kaṇikāra, một bình bát, vị có trái cây kāsumāri, trái cây avaṭa là tương tợ, và trái cây vāra, trái chanh, trái cây ajeli, luôn cả trái cây amoda, trái cây thốt nốt, và trái dừa là tương tợ. Các câu kệ đã được tính đếm ở đây là một trăm câu kệ, không có hơn kém.
Phẩm Kaṇikāra là phẩm thứ năm mươi mốt.
--ooOoo--
[1] Naḷamāliyanghĩa là “vị liên quan đến tràng hoa (mālā) sậy (naḷa).”
[2] Maṇipūjakanghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) ngọc ma-ni (maṇi).”
[3] Ukkāsatikanghĩa là “vị liên quan đến một trăm (sata) cây đuốc (ukkā).
[4] Sumanavījaniyanghĩa là “vị liên quan đến cây quạt (vījana) hoa nhài (sumana).”
[5] Kummāsadāyakanghĩa là “vị cúng dường (dāyaka) sữa đông (kummāsa).”
[6] Kusaṭṭhadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) tám (aṭṭha) thẻ vật thực (kusa).” Lá cỏ kusa được dùng làm thăm để chọn ra các vị tỳ khưu đi đến nhà thí chủ thọ thực (ND).
[7] Giripunnāgiyanghĩa là “vị liên quan đến hoa nguyệt quế (punnāga) mọc ở núi.”
[8]Vallikāraphaladāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) vallikāra.”
[9] Pānadhidāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) đôi dép (pānadhi).” Chú Giải giải thích từ pānadhiṃ là upāhanayugaṃ nên được dịch là đôi dép (ApA. i, 448).
[10] Pulinacaṅkamiyanghĩa là “vị liên quan đến được kinh hành (caṅkama) rải cát (pulina).”
[11] Paṃsukūlasaññakanghĩa là “vị tưởng nhớ (saññaka) đến tấm y may từ vải bị quăng bỏ (paṃsukūla).”
[12] Buddhasaññaka nghĩa là “vị tưởng nhớ (saññaka) đến đức Phật (buddha).”
[13] Bhisadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) củ sen (bhisa).”
[14] Ñāṇatthavika nghĩa là “vị ngợi ca (thavika) về trí tuệ (ñāṇa).”
[15] Nghĩa là sẽ thuộc dòng dõi Bà-la-môn (ND).
[16] Candanamāliya nghĩa là “vị liên quan đến trầm hương (candana) và tràng hoa (mālā).”
[17] Dhātupūjaka nghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) xá-lợi (dhātu).”
[18] Pulinuppādakanghĩa là “vị tạo nên (uppādaka) ngôi bảo tháp bằng cát (pulina).”
[19] Taraṇiya nghĩa là “vị liên quan đến việc vượt qua (taraṇa ).”
[20] Xem lời chú nguyện đầy đủ ở tập Kinh Buddhavaṃsa - Phật Sử, trang 30-33 (Tam Tạng Pāḷi - Việt tập 42).
[21] Tikiṅkaṇipupphiya nghĩa là “vị liên quan đến ba (ti) bông hoa (puppha) kiṅkaṇi.”
[22] Paṃsukūlapūjaka nghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) tấm y may từ vải bị quăng bỏ (paṃsukūla).”
[23] Koraṇḍapupphiya nghĩa là “vị có liên quan đến bông hoa (puppha) koraṇḍa.”
[24] Kiṃsukapupphiya nghĩa là “vị có liên quan đến bông hoa (puppha) kiṃsuka.”
[25] Upaḍḍhadussadāyaka nghĩa là vị dâng cúng (dāyaka) một nửa (upaḍḍha) số vải.”
[26] Ghatamaṇḍadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) bơ lỏng (ghata) nguyên chất (maṇḍa).”
[27] Udakadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) nước (udaka).”
[28] Pulinathūpiya nghĩa là “vị liên quan đến ngôi bảo tháp (thūpa) bằng cát (pulina).”
[29] Naḷakuṭidāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) căn chòi (kuṭi) bằng cây sậy (naḷa).
[30] Piyālaphaladāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) piyāla.”
[31] Tikaṇikārapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến ba (ti) bông hoa kaṇikāra.”
[32] Ekapattadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) một (eka) bình bát (patta).”
[33] Kāsumāriphaladāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) kāsumāri.”
[34] Avaṭaphaliya nghĩa là “vị liên quan đến trái cây (phaliya) avaṭa.”
[35] Vāraphaliya nghĩa là “vị liên quan đến trái cây (phaliya) vāra.”
[36] Mātuluṅgaphaladāyaka nghĩa là vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) chanh (mātuluṅga).”
[37] Ajeliphaladāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) ajeli.”
[38] Amodaphaliya nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) amoda.”
[39] Tālaphaladāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) thốt nốt (tāla).”
[40] Nāḷikeradāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) dừa (nāḷikera).”
5457. Trong thời quá khứ, tôi đã là thợ săn thú rừng. Trong lúc đi lang thang ở trong khu rừng, tôi đã nhìn thấy đức Phật, đấng Vô Nhiễm, bậc thông suốt về tất cả các pháp.
5458. Được tịnh tín, tôi đã cầm lấy trái cây kurañjiya và đã tự tay mình dâng cúng đến đức Phật tối thượng là Phước Điền, là đấng Anh Hùng.
5459. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5460. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5461. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5462. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kurañjiyaphaladāyaka[1]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kurañjiyaphaladāyaka là phần thứ nhất.
--ooOoo--
5463. Trong lúc đấng Toàn Giác, bậc có màu da vàng chói, vị thọ nhận các vật hiến cúng đang tiến bước ở trên đường, tôi đã dâng cúng trái táo rừng.
5464. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5465. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5466. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5467. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kapitthaphaladāyaka[2]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kapitthaphaladāyaka là phần thứ nhì.
--ooOoo--
5468. Trong lúc vị Trời của chư Thiên đấng Nhân Ngưu, tợ như cây kakudha đang chói sáng, đang tiến bước ở trên đường, tôi đã dâng cúng trái cây kosumbha.
5469. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5470. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5471. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5472. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kosumbhaphaladāyaka[3]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kosumbhaphaladāyaka là phần thứ ba.
--ooOoo--
5473. Đấng Tối Thượng Nhân đã cư ngụ ở bờ của con sông Vinatā. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, đấng Vô Nhiễm, có sự chăm chú, vô cùng định tĩnh.
5474. Khi ấy, với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã cúng dường đến đức Phật tối thượng với bông hoa của cây ketaka có mùi thơm ngọt ngào.
5475. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5476. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5477. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5478. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ketakapupphiya[4]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ketakapupphiya là phần thứ tư.
--ooOoo--
5479. Trong lúc đấng Toàn Giác, bậc có màu da vàng chói, vị thọ nhận các vật hiến cúng, đang tiến bước ở trên đường, tôi đã dâng cúng bông hoa nāga.
5480. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5481. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5482. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5483. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Nāgapupphiya[5]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Nāgapupphiya là phần thứ năm.
--ooOoo--
5484. Vào lúc bấy giờ, tôi đã là loài kim-sỉ-điểu ở bên bờ sông Candabhāgā. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại.
5485. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tràn đầy niềm phấn khởi, có tay chắp lên, tôi đã cầm lấy bông hoa ajjuna và đã cúng dường đến đấng Tự Chủ.
5486. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân kim-sỉ-điểu tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
5487. Và tôi đã là vị Chúa của chư Thiên cai quản Thiên quốc ba mươi sáu lần. Tôi đã là đấng Chuyển Luân Vương cai quản vương quốc rộng lớn mười lần.
5488. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm. Ôi, hạt giống của tôi đã được gieo xuống thửa ruộng tốt là đấng Tự Chủ!
5489. Tôi tìm thấy điều tốt lành, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Giờ đây, tôi là vị xứng đáng sự cúng dường trong Giáo Pháp của người con trai dòng Sakya.
5490. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5491. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5492. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ajjunapupphiya[6]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ajjunapupphiya là phần thứ sáu.
--ooOoo—
5493. Ở không xa núi Hi-mã-lạp, có ngọn núi tên là Cāvala. Đức Phật tên Sudassana cư ngụ ở trong vùng đồi núi.
5494. Tôi đã cầm lấy bông hoa ở các ngọn núi Hi-mã-lạp rồi đã đi trên không trung. Tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy đấng Toàn Giác, bậc đã vượt qua dòng nước lũ, không còn lậu hoặc.
5495. Sau khi cầm lấy bông hoa kuṭaja, tôi đã chắp tay lên ở đầu, và tôi đã dâng lên đức Phật, đấng Tự Chủ, bậc Đại Hiền Trí.
5496. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5497. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5498. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5499. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kuṭajapupphiya[7]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kuṭajapupphiya là phần thứ bảy.
--ooOoo—
5500. 5501. Trong thời quá khứ, tôi đã là thợ săn thú rừng ở khu rừng hoang rậm. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, đấng Vô Nhiễm, đứng đầu hội chúng chư Thiên đang công bố về bốn Sự Thật, đang thuyết giảng về vị thế Bất Tử. Tôi đã lắng nghe Giáo Pháp ngọt ngào của đức Sikhī là đấng quyến thuộc của thế gian.
5502. Tôi đã làm cho tâm được tịnh tín ở âm vang (của đức Phật), ở nhân vật không người sánh bằng. Tại nơi ấy, sau khi làm cho tâm được tịnh tín tôi đã vượt qua cảnh giới khó thể vượt qua.
5503. Kể từ khi tôi đã đạt được sự nhận biết trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc nhận biết âm vang.
5504. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5505. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5504. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Ghosasaññaka[8]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Ghosasaññaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
5505. Lúc bấy giờ, tôi là vị Bà-la-môn tên Varuṇa thông suốt về chú thuật. Tôi đã lìa bỏ mười người con trai và đã đi sâu vào khu rừng.
5506. Tôi đã tạo lập khu ẩn cư khéo được xây dựng, khéo được phân chia, làm thích ý. Sau khi làm nên gian nhà rộng bằng lá, tôi sống ở trong khu rừng.
5507. Đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, vị thọ nhận các vật hiến cúng, có ý định tiếp độ tôi, Ngài đã đi đến khu ẩn cư của tôi.
5508. Ánh sáng đã trở thành bao la đến tận lùm cây rậm của khu rừng. Khi ấy, do nhờ năng lực của đức Phật khu rừng được phát sáng.
5509. Sau khi nhìn thấy điều kỳ diệu ấy của đức Phật tối thượng như thế ấy, tôi đã cầm lấy túi đựng bình bát và đã chứa đầy với trái cây.
5510. Tôi đã đi đến gặp bậc Toàn Giác và đã dâng cúng túi trái cây. Vì lòng thương tưởng đến tôi, đức Phật đã nói lời nói này:
5511. “Ngươi hãy cầm lấy túi nặng (trái cây) và đi đến ở phía sau Ta. Và khi Hội Chúng đã thọ dụng, phước báu sẽ thành tựu cho ngươi.”
5512. Tôi đã cầm lấy cái túi ấy và đã dâng cúng đến Hội Chúng tỳ khưu. Ở tại nơi ấy, sau khi làm cho tâm được tịnh tín tôi đã sanh lên cõi trời Đẩu Suất.
5513. Được liên kết với nghiệp phước thiện, ở tại nơi ấy tôi luôn luôn thọ hưởng sự sung sướng với các điệu vũ, các lời ca, và các khúc tấu nhạc của cõi trời.
5514. Nơi chốn nào tôi sanh lên, dầu là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, tôi không có sự thiếu hụt về của cải; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5515. Sau khi dâng cúng trái cây đến đức Phật, tôi đã được thiết lập làm vị chúa tể cho đến tận bốn châu lục, luôn cả các đại dương và các ngọn núi nữa.
5516. Và đối với tôi, ngay cả các bầy chim bay lên ở không trung, chúng cũng đi đến chịu sự điều khiển của tôi; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5517. Và cho đến các loài chúng sanh như các dạ-xoa, các loài quỷ sứ, các vị Thiên nhân kumbhaṇḍa, và các loài nhân điểu ở lùm cây rậm của khu rừng cũng đi đến phục vụ cho tôi.
5518. Loài rùa, loài chó, loài ong, và cả hai loài mòng muỗi, chúng cũng đi đến chịu sự điều khiển của tôi; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5519. Các loài chim gọi là thần điểu, thuộc loài có cánh, có sức mạnh lớn lao, chúng cũng đi đến nương nhờ ở tôi; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5520. Ngay cả các loài rồng có tuổi thọ dài lâu, có thần lực, có danh vọng lớn lao, chúng cũng đi đến chịu sự điều khiển của tôi; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5521. Loài sư tử, loài cọp, loài báo, cùng các loài gấu, chó sói, và linh cẩu, chúng cũng đi đến chịu sự điều khiển của tôi; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5522. Các vị sống bằng cỏ thần dược và các vị sống ở trên không trung, tất cả đi đến nương nhờ ở tôi; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5523. Sau khi chạm đến đối tượng (Niết Bàn) khó được nhìn thấy, vô cùng hoàn hảo, thâm sâu, khéo được chói sáng, tôi an trú; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5524. Sau khi chạm đến tám giải thoát tôi sống không còn lậu hoặc. Và tôi là người có sự nhiệt tâm, cẩn trọng; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5525. Những vị nào là con trai của đức Phật, đã trú vào Thánh Quả, có sân hận đã được cạn kiệt, có danh vọng lớn lao, tôi đã là một vị nữa trong số những vị ấy; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5526. Được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, sau khi đi đến sự toàn hảo về các thắng trí, sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, tôi sống không còn lậu hoặc.
5527. Những vị nào là con trai của đức Phật, có được tam minh, đã đạt đến thần thông, có danh vọng lớn lao, đã chứng đạt Thiên nhĩ, tôi đã là một vị nữa trong số những vị ấy.
5528. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
5529. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5530. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5531. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sabbaphaladāyaka[9]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sabbaphaladāyaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
5532. Ở không xa núi Hi-mã-lạp, có ngọn núi tên là Romasa. Khi ấy, cũng có đức Phật tên là Sambhava đã sống ở ngoài trời.
5533. Sau khi rời khỏi nơi cư ngụ, tôi đã nắm giữ đóa hoa sen. Sau khi nắm giữ (đóa hoa sen) trong một ngày, tôi đã quay trở về nơi cư ngụ.
5534. (Kể từ khi) tôi đã tôn vinh đức Phật trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc tôn vinh đức Phật.
5535. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5536. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5537. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Padumadhāraka[10]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Padumadhāraka là phần thứ mười.
--ooOoo--
Trái cây kurañjiya, trái táo rừng, trái cây kosumbha, và bông hoa của cây ketaka, bông hoa nāga, bông hoa ajjuna, luôn cả vị có bông hoa kuṭaja, vị nhận biết âm vang, và vị trưởng lão là người dâng cúng tất cả trái cây, vị cầm giữ đóa hoa sen là tương tợ. Và ở đây có tám mươi câu kệ và có ba câu kệ được thêm vào đó.
Phẩm Phaladāyaka là phẩm thứ năm mươi hai.
--ooOoo—
5538. Ở không xa núi Hi-mã-lạp, có ngọn núi tên là Lambaka. Ở tại nơi ấy, đấng Toàn Giác Upatissa đã đi kinh hành ở ngoài trời.
5539. Trong thời quá khứ, tôi đã là thợ săn thú rừng ở khu rừng hoang rậm. Sau khi nhìn thấy vị Trời của Chư Thiên ấy, tôi đã dâng cúng nắm cỏ.
5540. Sau khi dâng cúng vật để lót ngồi đến đức Phật, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín. Sau khi đảnh lễ bậc Toàn Giác, tôi đã ra đi mặt hướng về phía bắc.
5541. Khi đã ra đi không bao lâu, vua của loài thú đã sát hại tôi. Trong khi ngã xuống vì con sư tử, tôi đã lìa đời ở tại nơi ấy.
5542. (Do) nghiệp đã được tôi thực hiện đến đức Phật tối thượng, bậc không còn lậu hoặc vừa mới đây, tôi đã đi đến thế giới của chư Thiên tợ như tốc độ của mũi tên đã khéo được bắn ra.
5543. Ở tại nơi ấy, có tòa lâu đài xinh đẹp đã được hiện ra do nghiệp phước thiện. (Tòa lâu đài) có một ngàn cột trụ chống màu lục, có một trăm mái tròn được trang hoàng với những ngọn cờ.
5544. Ánh sáng của tòa lâu đài tỏa ra tợ như mặt trời đã mọc lên. Được quây quần với các nàng tiên nữ, tôi vui thích theo sự mong muốn này mong muốn khác.
5545. Sau khi mệnh chung từ thế giới chư Thiên, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch tôi đã đi đến bản thể nhân loại và đạt được sự đoạn tận các lậu hoặc.
5546. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng vật lót ngồi trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của nắm cỏ.
5547. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5548. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5549. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Tiṇamuṭṭhidāyaka[11]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Tiṇamuṭṭhidāyaka là phần thứ nhất.
--ooOoo—
5550. Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình dâng cúng một cái giường đến đức Thế Tôn Vipassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy.
5551. Tôi đã đạt được phương tiện di chuyển bằng voi, phương tiện di chuyển bằng ngựa, phương tiện di chuyển của cõi trời. Do nhờ sự dâng cúng cái giường ấy, tôi đã đạt đến sự đoạn tận các lậu hoặc.
5552. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng cái giường trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng cái giường.
5553. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5554. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5555. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Mañcadāyaka[12]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Mañcadāyaka là phần thứ nhì.
--ooOoo—
5556. Vào lúc bấy giờ, có vị tỳ khưu và tôi là đạo sĩ lõa thể đã bước lên chiếc thuyền. Trong khi chiếc thuyền đang bị vỡ tan, vị tỳ khưu đã ban cho tôi sự nương nhờ (quy y).[13]
5557. (Kể từ khi) vị ấy đã ban cho tôi sự nương nhờ trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; (đây) là quả báu trong việc đi đến nương nhờ.
5558. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5559. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5560. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Saraṇagamaniya[14]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Saraṇagamaniya là phần thứ ba.
--ooOoo—
5561. Vào lúc bấy giờ, tôi cư ngụ ở vườn hoa của đức vua ở trong thành phố Bandhumatī. Tôi đã là vị mặc y phục da thú có mang túi đựng nước.
5562. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, đấng Tự Chủ ấy, bậc không bị đánh bại, có tính khẳng quyết về sự nỗ lực, có thiền chứng, thỏa thích về thiền, có năng lực.
5563. Ngài được thành tựu về mọi dục lạc, đã vượt qua dòng lũ, không còn lậu hoặc. Sau khi nhìn thấy, được tịnh tín, tôi đã dâng cúng dầu thoa với ý vui mừng.
5564. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của dầu thoa.
5565. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5566. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5567. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Abbhañjanadāyaka[15]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Abbhañjanadāyaka là phần thứ tư.
--ooOoo--
5568. Lúc đấng Lãnh Đạo Thế Gian Vipassī đang đi ra sau việc nghỉ ngơi giữa ngày, tôi đã dâng cúng tấm vải đẹp và nhẹ. Tôi đã vui thích ở cõi trời một kiếp.
5569. (Kể từ khi) tôi đã dâng cúng tấm vải đẹp trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của tấm vải đẹp.
5570. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5571. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5572. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Supaṭadāyaka[16]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Supaṭadāyaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
5573. Vào lúc bấy giờ, tôi đã đi vào khu rừng rậm và đã đốn cây tre. Sau khi thực hiện cây gậy chống, tôi đã dâng cúng đến Hội Chúng.
5574. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, tôi đã đảnh lễ các vị có sự hành trì tốt đẹp. Sau khi dâng cúng cây gậy chống, tôi đã ra đi mặt hướng về phía bắc.
5575. Kể từ khi tôi đã dâng cúng cây gậy trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng cây gậy.
5576. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5577. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5578. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Daṇḍadāyaka[17]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Daṇḍadāyaka là phần thứ sáu.
(Tụng phẩm thứ hai mươi ba).
--ooOoo--
5579. Trong thời quá khứ, tôi đã là thợ săn thú rừng. Trong khi lang thang ở trong khu rừng, tôi đã nhìn thấy đức Phật, đấng Vô Nhiễm, bậc thông suốt về tất cả các pháp.
5580. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã cúng dường bông hoa nela ở đấng Đại Bi ấy là bậc vui thích về các sự lợi ích cho tất cả chúng sanh.
5581. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5582. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5583. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5584. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Girinelapūjaka[18]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Girinelapūjaka là phần thứ bảy.
--ooOoo--
5585. Trong thời quá khứ, tôi đã hốt lá cây Bồ Đề bị rơi rụng ở sân của ngôi bảo tháp và đã đem đi đổ. Tôi đã thọ lãnh hai mươi phần công đức:
5586. Trong khi luân hồi ở cõi này cõi khác, do nhờ oai lực của nghiệp ấy tôi luân hồi ở hai cõi, ở bản thể Thiên nhân và luôn cả ở loài người nữa.
5587. Sau khi mệnh chung từ thế giới chư Thiên, tôi đã đi đến cõi nhân loại. Tôi (đã) được sanh ra ở hai gia tộc, Sát-đế-lỵ và luôn cả Bà-la-môn nữa.
5588. Tôi có sắc đẹp, sạch sẽ, được đầy đủ các bộ phận cơ thể chính và phụ, thân hình được phát triển, có cơ thể toàn vẹn không khiếm khuyết.
5589. Dầu được sanh ra ở thế giới chư Thiên hay nhân loại, hoặc ở bất cứ nơi đâu, tôi đều có màu da vàng chói tương tợ như vàng kim loại được đốt nóng.
5590. Khi lá cây Bồ Đề được đổ bỏ tốt đẹp, tôi luôn luôn có được làn da mềm mại, mịn màng, láng lẩy, tinh tế, và thanh nhã.
5591. Khi thân thể đã được sanh lên ở bất cứ nơi nào trong số các cõi, bụi bặm và cáu đất không làm dơ bẩn (thân thể), là quả thành tựu do việc đổ bỏ lá.
5592. Hơn nữa, lúc nóng bức, có gió nóng, hoặc do sức nóng của ngọn lửa, các mồ hôi không tiết ra ở cơ thể của tôi đây, là quả thành tựu cho việc đổ bỏ lá.
5593. Bệnh cùi, bệnh mụt nhọt, bệnh chàm, tàn nhang, và tương tợ là mụn trứng cá, và bệnh ngứa không có ở cơ thể, là quả thành tựu cho việc đổ bỏ lá.
5594. Tôi đây còn có đức hạnh khác nữa là khi tái sanh ở cõi này cõi khác, các tật bệnh không có ở cơ thể, là quả thành tựu cho việc đổ bỏ lá.
5595. Tôi đây còn có đức hạnh khác nữa là khi tái sanh ở cõi này cõi khác, sự bị ức chế không sanh lên ở tâm, là quả thành tựu cho việc đổ bỏ lá.
5596. Tôi đây còn có đức hạnh khác nữa là khi tái sanh ở cõi này cõi khác, không có các kẻ thù, là quả thành tựu cho việc đổ bỏ lá.
5597. Tôi đây còn có đức hạnh khác nữa là khi tái sanh ở cõi này cõi khác, có sự không thiếu hụt về của cải, là quả thành tựu cho việc đổ bỏ lá.
5598. Tôi đây còn có đức hạnh khác nữa là khi tái sanh ở cõi này cõi khác, không có sự sợ hãi đối với lửa, đối với các vị vua, đối với các kẻ cướp, và khi ở trong nước.
5599. Tôi đây còn có đức hạnh khác nữa là khi tái sanh ở cõi này cõi khác, các tôi trai tớ gái là những người hầu cận xử sự thuận theo tâm ý (tôi).
5600. Khi sanh lên ở cõi nhân loại, tuổi thọ không bị giảm thiểu so với khoảng thời gian của đời người, tôi tồn tại đến hết tuổi thọ.
5601. Những người ở bên trong, những người ở bên ngoài, các thị dân, và những cư dân của xứ sở, những người ước ao sự tiến hóa, những người mong mỏi sự an lạc, tất cả đều gắn bó (với tôi).
5602. Tôi có của cải, có danh vọng, có sự vinh quang, có phe nhóm quyến thuộc. Tôi có sự hãi sợ và run rẩy được xa lìa, tôi có được tất cả.
5603. Chư Thiên, loài người, các hạng A-tu-la, các Càn-thát-bà, các Dạ-xoa và quỷ sứ, tất cả các hạng ấy luôn luôn hộ trì tôi trong khi tôi luân hồi ở các cõi.
5604. Sau khi thọ hưởng các danh vọng cả hai nơi, ở thế giới chư Thiên và nhân loại, cuối cùng tôi được đạt đến Niết Bàn vinh quang vô thượng.
5605. Người nam nào tích lũy phước báu có liên quan đến bậc Toàn Giác hoặc cội Bồ Đề của bậc Đạo Sư ấy, đối với người ấy có điều gì gọi là khó đạt được.
5606. Sau khi vượt trội những người khác về Đạo, về Quả, về sự truyền thừa, và về các đức hạnh của thiền và các thắng trí, tôi Niết Bàn không còn lậu hoặc.
5607. Trước đây, sau khi đổ bỏ lá của cội cây Bồ Đề với tâm ý vui mừng, tôi luôn luôn được sở hữu với hai mươi yếu tố này.
5608. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5609. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5610. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bodhisammajjaka[19]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bodhisammajjaka là phần thứ tám.
--ooOoo--
5611. Sau khi xuất khỏi định, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc thông suốt về tất cả các pháp, vị Lãnh Đạo Thế Gian đã đi kinh hành.
5612. Khi ấy, tôi đã cầm lấy túi nặng trái cây và trong lúc mang đi, tôi đã nhìn thấy đức Phật, đấng Vô Nhiễm, bậc Đại Hiền Trí đang đi kinh hành.
5613. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã chắp tay lên ở đầu. Sau khi đảnh lễ bậc Toàn Giác, tôi đã dâng cúng trái cây āmaṇḍa.
5614. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của (việc dâng cúng) trái cây āmaṇḍa.
5615. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5616. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5617. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Āmaṇḍaphaladāyaka[20]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Āmaṇḍaphaladāyaka là phần thứ chín.
--ooOoo—
5618. Ở vào kiếp Bhadda này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên Kassapa, thuộc dòng dõi, có danh tiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên (dòng dõi Bà-la-môn).
5619. Ngài có đầy đủ các tướng phụ, ba mươi hai hảo tướng, được bao quanh bởi quầng ánh sáng, được hội tụ lại với mạng lưới hào quang.
5620. Là người làm cho thoải mái giống như mặt trăng, là nguồn tạo ra ánh sáng tợ như mặt trời, là người dập tắt (lửa phiền não) giống như cơn mưa, là biểu hiện của đức hạnh tợ như biển cả.
5621. Với giới tợ như trái đất, với định như là núi Hi-mã-lạp, với tuệ ví như bầu trời, không bị dính mắc giống như làn gió.
5622. Có lần nọ, bậc Đại Anh Hùng ấy, vị có sự tự tin ở nơi các hội chúng, trong khi đang tiếp độ đám đông dân chúng, Ngài đã công bố về các Sự Thật.
5623. Chính vào lúc ấy, tôi đã là con trai nhà triệu phú ở tại thành Bārāṇasī có danh vọng lớn lao. Khi ấy, tôi có được dồi dào về tài sản và lúa gạo.
5624. Trong khi lang thang đi bách bộ, tôi đã đến gần Vườn Nai (Lộc Uyển) và tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, đang thuyết giảng về vị thế Bất Tử.
5625. Với giọng nói thân mật vui vẻ có âm điệu sánh bằng chim karavīka, có âm vang như tiếng kêu của loài thiên nga, Ngài đang làm cho đám đông dân chúng hiểu rõ.
5626. Tôi đã nhìn thấy vị Trời của chư Thiên và đã lắng nghe giọng nói ngọt ngào. Sau khi dứt bỏ các của cải không phải là ít, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
5627. Được xuất gia như vậy, tôi đã được nghe nhiều, và không bao lâu tôi đã trở thành vị Pháp sư, có tài biện giải về nhiều mặt.
5628. Có sự tự tin về màu sắc, với tâm vui mừng tôi đã tán dương lập đi lập lại về màu sắc của màu da vàng chói ở giữa đại chúng:
5629. “Đức Phật này có lậu hoặc đã được cạn kiệt, không còn phiền muộn, hoài nghi đã được chặt đứt, đã đạt đến sự đoạn tận tất cả các nghiệp, đã được giải thoát về sự đoạn tận các mầm mống tái sanh.
5630. Vị này đây là đức Thế Tôn, là đức Phật, là loài sư tử không gì vượt trội, là bậc chuyển vận bánh xe Phạm hạnh của thế gian luôn cả chư Thiên.
5631. Đã được rèn luyện, Ngài là vị giúp cho đại chúng rèn luyện. Là bậc an tịnh và là vị ẩn sĩ đã Niết Bàn, Ngài hướng dẫn đại chúng Niết Bàn. Đã được tự tại, Ngài giúp cho đại chúng được tự tại.
5632. Đấng Chiến Thắng ấy là bậc anh hùng, là người dũng cảm, là vị khôn ngoan, là bậc trí tuệ, là vị có lòng bi mẫn, là bậc có năng lực, là người thắng trận, không thô tháo, không còn quyến luyến.
5633. Đấng Hiền Trí là không có dục vọng, không dao động, khôn ngoan, không mê mờ, không thể sánh bằng, có thể gánh vác trọng trách, là loài bò mộng, là loài voi, là loài sư tử, và còn là vị có khả năng trong số các bậc thầy nữa.
5634. Là vị Trời Phạm Thiên, là vị anh hùng về thuyết giảng, vị không còn tham ái, không còn ô nhiễm, dứt bỏ sự ham muốn, không nhẫn tâm, lìa sầu khổ, không ai sánh bằng, thu thúc, và trong sạch.
5635. Là người Bà-la-môn, là vị Sa-môn, là người bảo hộ, là người thầy thuốc, là người phẫu thuật, là người chiến sĩ, là bậc đã giác ngộ, là người con trai đã lắng nghe, là người không dao động, là người được trào dâng niềm hoan hỷ.
5636. Là người thiết lập, là người duy trì, là người phá hủy, là người thực hiện, là người hướng dẫn, là người giảng giải, là người làm cho hoan hỷ, là người đập vỡ, là người cắt đứt, là người lắng nghe, là người khen ngợi.
5637. Ngài là vị không nhẫn tâm, lìa sầu khổ, không còn phiền muộn, không có hoài nghi, không dục vọng, không vướng bụi trần, là người kham nhẫn, là người ra đi, là vị diễn giả, là người giảng giải.
5638. Là người giúp cho vượt qua, là người làm cho tiến bộ, là người bảo làm, là người mở tung ra, là người dẫn đi, là người chịu đựng, là người tiêu diệt, là người phá hủy, là vị khổ hạnh có sự nhiệt tâm.
5639. Có tâm bình lặng, hoàn toàn an tịnh, không bạn đồng hành, đầy lòng trắc ẩn, là chúng sanh kỳ diệu, không lừa đảo, là người đã hoàn tất, là vị ẩn sĩ thứ bảy.
5640. Là đấng Chiến Thắng đã vượt qua sự hoài nghi, không còn ngã mạn, không thể đo lường, không thể so sánh, đã vượt trên mọi phương thức khen chê, người đã đi đến tận cùng về các Sự Thật và các điều cần hiểu biết.
5641. Niềm tịnh tín ở con người có phẩm chất cao quý ấy đưa đến Bất Tử. Vì thế, niềm tin ở đức Phật, ở Giáo Pháp, và ở Hội Chúng là có sự thành tựu lớn lao.”
5642. Trong khi tán dương bậc nương nhờ tối thượng của tam giới với những đức hạnh, v.v... như thế, tôi đã thực hiện việc thuyết giảng Giáo Pháp ở giữa các hội chúng.
5643. Từ nơi ấy chết đi, tôi đã thọ hưởng sự an lạc lớn lao ở cõi trời Đẩu Suất. Mệnh chung từ nơi ấy, được sanh lên ở giữa loài người, tôi là người có hương thơm ngạt ngào.
5644. Tôi có hơi thở và hương thơm ở miệng, có hương thơm ở cơ thể tương tợ y như thế, và có hương thơm của mồ hôi một cách liên tục. Các hương thơm này vượt trội mọi thứ hương thơm.
5645. Hương thơm ở miệng của tôi luôn luôn có mùi thơm của hoa sen, hoa súng, và hoa campaka. Và trong lúc đang thuyết trình, cơ thể của tôi luôn luôn tỏa ra mùi thơm tương tợ như thế ấy
5646. Và tất cả quả báu ấy của việc ngợi ca về đức hạnh là kỳ diệu bậc nhất. Xin tất cả các vị hãy lắng nghe tôi với tâm ý chăm chú, tôi sẽ giảng giải toàn bộ.
5647. Sau khi nói về hạnh lành của đức Phật vì lợi ích cho các sự gắn bó của loài người, tôi được sung sướng ở khắp mọi nơi, được sở hữu hai loại tài sản có tính chất luân chuyển.
5648. Tôi có danh vọng, được sung sướng, dễ mến, thông minh, có vẻ nhìn đáng yêu, là vị diễn giả không bị chê bai, không khuyết điểm, và có trí tuệ như thế.
5649. Khi tuổi thọ được cạn kiệt, Niết Bàn là điều dễ dàng đạt được đối với những người có sự tận tụy đối với đức Phật. Tôi sẽ trình bày về nguyên nhân của họ, xin các vị hãy lắng nghe điều ấy đúng theo thực thể.
5650. Trong lúc tôi đang đảnh lễ sự an tịnh và oai lực của đức Thế Tôn đúng theo phương pháp; do việc đó cho dù sanh lên ở bất cứ đâu tôi đều có danh vọng.
5651. Trong lúc tán dương đức Phật là bậc Đoạn Tận khổ đau, Giáo Pháp là an tịnh không tạo tác, tôi đã là người ban phát sự an lạc đến chúng sanh; do đó tôi được an lạc.
5652. Trong lúc nói về hạnh lành của đức Phật, tôi có được niềm phỉ lạc đối với đức Phật, tôi đã làm sanh khởi sự yêu mến đối với bản thân và sự yêu mến đối với người khác; do điều ấy tôi là người dễ mến.
5653. Tôi đã khuất phục các ngoại đạo xấu xa ở đoàn người dẫy đầy các hàng ngoại đạo. Trong lúc nói về hạnh lành (của Ngài) tôi đã làm rạng rỡ đấng Lãnh Đạo; do đó tôi có sự rạng rỡ.
5654. Trong lúc nói về hạnh lành của bậc Toàn Giác, Tôi cũng là người tạo ra sự yêu mến ở dân chúng, tợ như mặt trăng vào mùa thu; do điều ấy tôi đã có vẻ nhìn đáng yêu.
5655. Tôi đã ngợi ca đấng Thiện Thệ bằng mọi ngôn từ (sắc bén) tương tợ như tính năng của lưỡi dao găm; do điều ấy tôi là người hùng biện có tài biện luận về nhiều mặt.
5656. Bị thiếu trí, những kẻ ngu dốt chê bai bậc Đại Hiền Trí. Tôi đã quở trách bọn họ bằng Chánh Pháp; do điều ấy tôi là người không bị quở trách.
5657. Do nhờ việc tán dương đức Phật đến chúng sanh, tôi đã xua đi các điều ô nhiễm, tôi có tâm ý không còn ô nhiễm do nhờ tác động của nghiệp ấy.
5658. Là người thuyết giảng về sự niệm tưởng về đức Phật, tôi đã làm sanh khởi tánh giác ngộ cho những người nghe; do điều ấy tôi đã là người có trí tuệ, nhìn thấy rõ mục đích một cách khôn khéo.
5659. Có kẻ thù là tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, có biển cả luân hồi đã được vượt qua, tôi sẽ thành tựu sự tịch diệt tợ như ngọn lửa không còn nhiên liệu (sẽ lụi tàn).
5660. Việc tôi đã ngợi ca đấng Chiến Thắng là ngay trong chính kiếp này, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc ca ngợi đức Phật.
5661. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5662. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5663. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sugandha[21]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sugandha là phần thứ mười.
--ooOoo--
Vị dâng cúng cỏ, vị dâng cúng chiếc giường, luôn cả vị nương nhờ, vị dâng dầu thoa, (vị dâng cúng) tấm vải đẹp, vị dâng cúng cây gậy, tương tợ y như thế là vị cúng dường bông hoa nela, vị quét cội Bồ Đề, vị dâng cúng trái cây āmaṇḍa, vị Bà-la-môn có hương thơm là thứ mười. Và ở đây, được tính đếm toàn bộ là một trăm với hai mươi ba câu kệ.
Phẩm Tiṇadāyaka là phẩm thứ năm mươi ba.
--ooOoo--
5664. Trước đây một trăm ngàn kiếp, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Lãnh Đạo không có dục vọng, có sự chiến thắng không bị chế ngự, đã hiện khởi.
5665. Đấng Anh Hùng có con mắt hình lá sen, có khuôn mặt không vết bẩn như là mặt trăng, tương tợ ngọn núi vàng, có hào quang sánh bằng ánh sáng mặt trời.
5666. Là vị có sự thu hút ánh mắt và tâm trí của chúng sanh, được tô điểm với các hảo tướng, đã vượt trên mọi phương thức phê phán, được kính trọng bởi loài người và các hạng (Thiên Thần) bất tử.
5667. Trong khi giác ngộ chúng sanh, bậc Toàn Giác là người hùng biện, có âm điệu ngọt ngào, có sự liên tục gắn bó với lòng bi mẫn, và tự tin ở nơi các hội chúng.
5668. Ngài thuyết giảng Giáo Pháp ngọt ngào bao gồm bốn Sự Thật. Ngài tiếp độ những sanh mạng bị chìm đắm trong vũng lầy mê muội.
5669. Khi ấy, tôi đã là một vị đạo sĩ độc hành có chỗ ngụ ở núi Hi-mã-lạp. Trong khi đi đến thế giới loài người bằng đường không trung, tôi đã nhìn thấy đấng Chiến Thắng.
5670. Tôi đã đi đến gần và đã lắng nghe sự thuyết giảng Giáo Pháp của đấng Anh Hùng trong lúc Ngài đang tán dương đức hạnh lớn lao của vị Thinh Văn:
5671. “Giống như vị Kaccāyana này, trong khi giảng giải một cách chi tiết điều đã được Ta nói một cách tóm tắt, khiến cho hội chúng và Ta hài lòng.
5672. Ta không nhìn thấy bất cứ vị Thinh Văn nào khác tương tợ như thế. Vì thế, ở vị thế tối thắng vị này là đứng đầu. Này các tỳ khưu, các ngươi hãy ghi nhận như vậy.”
5673. Khi ấy, tôi đã trở nên sửng sốt sau khi lắng nghe lời nói làm thích ý. Tôi đã đi đến núi Hi-mã-lạp và đã mang lại bó bông hoa.
5674. Sau khi cúng dường đến đấng Nương Nhờ của thế gian, tôi đã phát nguyện vị thế ấy. Khi ấy, biết được thiên hướng của tôi, bậc dứt bỏ sự ham muốn đã chú nguyện rằng:
5675. “Các ngươi hãy nhìn vị ẩn sĩ cao quý này có làn da màu của vàng đã được tinh luyện, có lông tóc dựng đứng, có bả vai đầy đặn, đứng chắp tay bất động.
5676. Có ánh mắt tràn ngập niềm vui, có thiên hướng về việc tán dương đức Phật, có thân hình cao quý tợ như Giáo Pháp, như là đã được tưới lên sự Bất Tử.
5677. Sau khi lắng nghe về đức hạnh của vị Kaccāna, (người này) đang đứng phát nguyện vị thế ấy vào thời vị lai xa vời của bậc Đại Hiền Trí Gotama.
5678. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Kaccāna.
5679. Người này sẽ là người nghe nhiều học rộng, có đại trí tuệ, hiểu biết ý định của bậc Hiền Trí, và sẽ thành tựu vị thế ấy như đã được Ta chú nguyện.”
5680. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5681. Tôi (đã) luân hồi ở hai cảnh giới trong bản thể Thiên nhân và loài người, tôi không biết đến cõi tái sanh khác; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5682. Tôi (đã) được sanh ra ở hai gia tộc, Sát-đế-lỵ và Bà-la-môn, tôi không bị sanh vào gia tộc hạ tiện; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5683. Chính ở kiếp sống cuối cùng hiện nay, tôi đã được sanh ra ở thành phố Ujjenī, (con trai) của vị Bà-la-môn là viên quan tế tự của vua Caṇḍapajjota.
5684. Tôi là Kaccāna, con trai của Tiriṭavaccha, người mẹ tên là Candimā. Tôi là người khôn khéo, thông suốt các bộ Vệ Đà, có làn da cao quý.
5685. Được phái đi bởi vị quân vương nhằm mục đích tìm hiểu về đức Phật, tôi đã được nhìn thấy đấng Lãnh Đạo là cổng thành của sự giải thoát, là sự tích lũy về đức hạnh.
5686. Và tôi đã được nghe lời nói không bợn nhơ có sự làm khô ráo bùn lầy của con đường, tôi đã thành tựu sự Bất Tử thanh tịnh cùng với bảy người còn lại.
5687. Tôi đã trở thành vị hiểu biết về ý định của đấng Thiện Thệ, bậc Đại Hiền Trí. Và tôi đã được thiết lập vào vị thế tối thắng, có ước nguyện đã được thành tựu tốt đẹp.
5688. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5689. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5690. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Mahākaccāna đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Mahākaccāna là phần thứ nhất.
--ooOoo--
5691. Trước đây một trăm ngàn kiếp, đã hiện khởi đấng Lãnh Đạo tên Padumuttara là bậc có danh xưng cao thượng, là bậc không thể đo lường.
5692. Ngài có khuôn mặt với hình dáng của đóa hoa sen, có làn da mịn không vết nhơ của đóa hoa sen, không bị nhơ nhuốc bởi thế gian tương tợ đóa hoa sen không bị lấm lem bởi nước.
5693. Đấng Anh Hùng có con mắt hình lá sen, dễ mến tương tợ đóa hoa sen, và có hương thơm nổi bật của đóa hoa sen, do đó Ngài là Padumuttara.
5694. Và bậc Trưởng Thượng của thế gian, không còn ngã mạn, tợ như con mắt cho những kẻ mù, có bản thể an tịnh, là nơi tồn trữ các đức hạnh, là biển cả về lòng bi mẫn và sự hiểu biết.
5695. Có lần nọ, đấng Đại Hùng, vị được đấng Phạm Thiên cùng các hàng A-tu-la và chư Thiên nể vì, được loài người có cả chư Thiên vây quanh, là tối thượng ở giữa dân chúng.
5696. Với khuôn mặt có hương thơm ngát, và với âm thanh ngọt ngào, trong lúc làm hài lòng tất cả hội chúng, Ngài đã tán dương vị Thinh Văn của mình rằng:
5697. “Không có vị nào khác có khuynh hướng về đức tin, có sự hiểu biết tốt đẹp, có sự gắn bó với việc chiêm ngưỡng Ta như là vị này, giống như vị tỳ khưu Vakkali này vậy.”
5698. Khi ấy, tôi đã là con trai của người Bà-la-môn ở trong thành phố Haṃsavatī. Tôi đã được nghe lời nói ấy và đã thích thú vị thế ấy.
5698. Khi ấy, tôi đã thỉnh mời đức Như Lai bậc Vô Nhiễm ấy cùng với các vị Thinh Văn. Sau khi cung cấp vật thực bảy ngày, tôi đã khoác lên (các vị) với những xấp vải đôi.
5700. Được đắm chìm trong biển cả ân đức vô hạn lượng ấy, được tràn đầy phỉ lạc, tôi đã quỳ xuống đê đầu ở Ngài và đã nói lời nói này:
5701. “Bạch đấng Hiền Trí, mong sao con sẽ trở thành vị tỳ khưu đứng đầu trong số những vị có đức tin như vị ấy, là vị đã được Ngài tán dương vào bảy ngày trước đây.”
5702. Được nói như vậy, đấng Đại Hùng bậc Đại Hiền Trí vị có tầm nhìn không bị chướng ngại đã phát biểu ở giữa hội chúng lời nói này:
5703. “Các ngươi hãy nhìn người thanh niên này, mặc vải vàng bóng láng, thân hình được mang sợi dây quàng vai vàng chói, có sự thu hút ánh mắt của mọi người.
5704. Trong thời vị lai xa xăm, người này đây sẽ là vị Thinh Văn đứng đầu trong số những vị có khuynh hướng đức tin của bậc Đại Ẩn Sĩ Gotama.
5705. (Người này) sẽ luân hồi, dầu trở thành vị Thiên nhân hay là loài người, đều được tránh khỏi mọi sự bực bội, được tựu hội trọn vẹn mọi thứ của cải, được sung sướng.
5706. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên là Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
5707. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Vakkali.”
5708. Do tính chất đặc biệt của nghiệp ấy và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
5709. Sau khi được sung sướng ở tất cả các nơi trong khi luân hồi ở cõi này cõi khác, tôi đã được sanh ra ở thành Sāvatthī trong một gia đình nọ.
5710. 5711. (Là đứa bé) mảnh mai như bơ tươi, yếu ớt như mầm non mới mọc, lờ đờ, nằm ngửa ra, (cha mẹ tôi) bị đe dọa vì nỗi hãi sợ từ loài quỷ sứ, với tâm ý khốn khổ, đã đặt tôi nằm xuống ở cạnh bàn chân của bậc Đại Ẩn Sĩ (nói rằng): “Bạch đấng Bảo Hộ, chúng con dâng Ngài đứa bé này. Bạch đấng Lãnh Đạo, xin Ngài hãy là nơi nương nhờ (cho nó).”
5712. Khi ấy, bậc Hiền Trí ấy, nơi nương nhờ của những ai bị kinh sợ, đã nhận lãnh tôi bằng bàn tay mềm mại dịu dàng, có màng lưới (ở các ngón tay), có dấu hiệu hình vỏ ốc (ở lòng bàn tay).
5713. Từ đó trở đi, nhờ vào Ngài tôi được bảo vệ với sự không phải phòng vệ. Mọi sự thù nghịch được tiêu tan, tôi lớn lên trong an lạc.
5714. Không được ở cạnh đấng Thiện Thệ dầu chỉ trong chốc lát là tôi bất mãn. Vào lúc bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
5715. Không được thỏa mãn, tôi ước ao sắc thân được phân bố với mọi nét xinh đẹp, đã được tạo nên do (mười) pháp toàn hảo, là nơi tích tụ quý cao của những điều may mắn.
5716. Khi ấy, biết được tôi hứng thú với sắc thân của đức Phật, đấng Chiến Thắng đã giáo giới tôi rằng: “Này Vakkali, thôi đi. Sao ngươi lại hứng thú ở sắc thân là vật được vui thích bởi những kẻ ngu?
5717. Chỉ người nào nhìn thấy Chánh Pháp, người trí tuệ ấy nhìn thấy Ta. Trong khi không nhìn thấy Chánh Pháp, dầu đang nhìn Ta cũng vẫn không thấy được.
5718. Xác thân có sự tai hại không giới hạn, tương tợ loại cây có độc dược, là chỗ trú ẩn của tất cả các loại bệnh tật, là toàn bộ khối đống khổ đau.
5719. Do đó, ngươi hãy nhàm chán sắc thân, hãy nhìn xem sự sanh và diệt của các uẩn, ngươi sẽ đi đến sự tận cùng của tất cả các nhiễm ô một cách an lạc.”
5720. Đấng Lãnh Đạo ấy, vị tầm cầu sự lợi ích, đã giáo huấn tôi như thế. Tôi đã leo lên núi Gijjhakūṭa và tham thiền ở cái hang nơi triền núi.
5721. Đứng ở chân ngọn núi, bậc Đại Hiền Trí ấy đã nói với tôi rằng: “Này Vakkali.” Nghe được lời nói ấy của đấng Chiến Thắng, tôi đã hoan hỷ.
5722. Tôi đã lao mình xuống vực núi sâu hàng trăm thân người. Khi ấy, do nhờ năng lực của đức Phật, tôi đã đến được mặt đất hoàn toàn bình yên.
5723. Ngài cũng đã thuyết giảng Giáo Pháp lần nữa về sự sanh và diệt của các uẩn. Sau khi hiểu được Pháp ấy, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
5724. Khi ấy, ở giữa hội chúng vô cùng đông đảo, đấng Đại Trí, bậc đã đi đến tận cùng của sự chết, đã tuyên bố tôi là vị đứng đầu trong số các vị có khuynh hướng đức tin.
5725. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5726. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5727. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5728. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Vakkali đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vakkali là phần thứ nhì.
--ooOoo--
5729. Đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc thông suốt về tất cả các pháp đã nổi bật ở trái đất và bầu trời, tương tợ như mặt trời vào mùa thu.
5730. Ngài đánh thức những đóa hoa sen xứng đáng được dẫn dắt bằng ánh sáng của ngôn từ. Đấng Lãnh Đạo làm khô ráo bùn lầy ô nhiễm nhờ vào những tia hào quang của sự hiểu biết.
5731. Ngài tiêu diệt danh vọng của những người ngoại đạo tương tợ như mặt trời tiêu diệt ánh sáng của loài đom đóm. Ngài soi rõ ánh sáng về ý nghĩa của các Sự Thật tợ như mặt trời làm cho châu báu được rạng rỡ.
5732. Ngài là nơi quy tụ của các đức hạnh tợ như biển cả là nơi chứa đựng các báu vật. Như là đám mây, Ngài trút xuống các loài hữu tình cơn mưa Giáo Pháp.
5733. Vào lúc bấy giờ, tôi đã là vị quan phân xử ở thành phố tên Haṃsā. Tôi đã đi đến và đã lắng nghe Giáo Pháp của bậc có tên là Padumuttara.
5734. Trong khi Ngài đang công bố đức hạnh của vị Thinh Văn có kinh nghiệm của vị giáo giới cho các tỳ khưu, khiến tâm ý của tôi được vui thích.
5735. Nghe xong, được hài lòng, với tâm ý vui mừng tôi đã thỉnh mời đức Như Lai cùng với các đệ tử. Sau khi chăm lo bữa ăn, tôi đã phát nguyện vị thế ấy.
5736. Khi ấy, bậc Đại Phước với giọng nói êm dịu của chim thiên nga và của tiếng trống đã nói rằng: “Các ngươi hãy nhìn vị quan đại thần này là người có sự tự tin trong việc xác định.
5737. (Người này) quỳ xuống ở cạnh bàn chân của Ta, có lông tóc dựng đứng, có màu da rạng rỡ, có bả vai đầy đặn, có ánh mắt và khuôn mặt được tịnh tín.
5738. Con người có danh vọng lớn lao ấy đang làm cho đám tùy tùng đông đảo được hài lòng. Có thiên hướng hoan hỷ, người này phát nguyện vị thế của vị (Thinh Văn) có kinh nghiệm.
5739. Do phần vật thực này và do các nguyện lực của tác ý, người này (sẽ) không đi đến khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp.
5740. Có được sự lộng lẫy của vị Trời trong số chư Thiên, có bản chất vĩ đại ở giữa loài người, sau khi đã thọ hưởng phần còn lại, (người này) sẽ thành tựu Niết Bàn.
5741. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
5742. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Kappina.”
5743. Từ đó, tôi đã thực hành sự tôn kính khéo được thể hiện trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đẩu Suất.
5744. Sau khi chỉ bảo cho chư Thiên, nhân loại, và các vị quốc vương theo lẽ phải, tôi đã sanh ra trong dòng dõi làm nghề dệt ở kế cận thành Bārāṇasī.
5745. Cùng với vợ và nhóm tùy tùng một ngàn người, tôi đã hộ độ năm trăm vị Phật Độc Giác.
5746. Sau khi đã cung cấp vật thực ba tháng, kế đó chúng tôi đã dâng cúng ba y. Từ nơi ấy chết đi, tất cả chúng tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
5747. Mệnh chung từ nơi ấy, tất cả chúng tôi đã đi đến bản thể loài người lần nữa. Chúng tôi đã được sanh ra ở trong thành Kukkuṭa, cạnh sườn núi Hi-mã-lạp.
5748. Tôi đã là vị hoàng tử có danh vọng lớn lao tên là Kappina. Những người còn lại, được sanh ra ở gia đình các quan cận thần, đã tháp tùng bản thân tôi.
5749. Tôi đã đạt được sự sung sướng về vương quốc lớn lao, có đầy đủ tất cả các loại dục lạc. Tôi đã nghe về sự xuất hiện của đức Phật được thuật lại bởi những người thương buôn rằng:
5750. “Đức Phật đã hiện khởi ở thế gian là nhân vật độc nhất không ai sánh bằng. Ngài công bố Chánh Pháp về Bất Tử là sự an lạc tối thượng.
5751. Các đệ tử của Ngài là những vị vô cùng chính chắn, khéo được giải thoát, và không còn lậu hoặc.” Sau khi nghe được lời nói tốt đẹp của những người ấy, tôi đã tôn trọng những người thương buôn.
5752. Sau khi từ bỏ vương quyền, tôi cùng với đám cận thần đã ra đi, hướng tâm về đức Phật. Tôi đã nhìn thấy con sông Mahācandā được tràn đầy, ngập đến bờ.
5753. (Con sông) có dòng nước chảy xiết, không có bến tàu, không có cầu treo, khó vượt qua. Tôi đã vượt qua một cách an toàn sau khi tưởng nhớ đến hạnh lành của đức Phật (rằng):
5754. “Nếu đức Phật là bậc đã vượt qua dòng nước hiện hữu, là vị đã đi đến tận cùng của thế giới, là bậc sáng suốt. Do lời nói chân thật này, xin cho việc ra đi của tôi được thành tựu.
5755. Nếu Đạo Lộ đi đến an tịnh là sự giải thoát và là sự an lạc tuyệt đối. Do lời nói chân thật này, xin cho việc ra đi của tôi được thành tựu.
5756. Nếu Hội Chúng là đã vượt qua khu rừng rậm, là Phước Điền vô thượng. Do lời nói chân thật này, xin cho việc ra đi của tôi được thành tựu.”
5757. Liền với khi sự chân thật cao quý đã được thực hiện, nước đã được lìa khỏi con đường. Do đó, tôi đã vượt qua bờ sông đáng yêumột cách thoải mái.
5758. 5759. Khi ấy, tôi đã nhìn thấy đức Phật đang ngồi phía trước các vị Thinh Văn tợ như mặt trời đang mọc lên, tợ như ngọn núi vàng đang chói sáng, tợ như cây đèn đã được thắp sáng, tợ như mặt trăng được tháp tùng bởi các vì sao, trông như là vị Chúa Trời đang đổ xuống đám mưa những lời thuyết giảng.
5760. Tôi đã cùng với các vị cận thần đảnh lễ rồi đã tiến vào ở một bên. Sau đó, biết được thiên hướng của chúng tôi, đức Phật đã thuyết giảng Giáo Pháp.
5761. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp không bợn nhơ, chúng tôi đã nói với đấng Chiến Thắng rằng: “Bạch đấng Đại Hùng, xin Ngài hãy xuất gia cho chúng con. Chúng con nhàm chán về sự hiện hữu.”
5762. Bậc Hiền Trí thứ bảy đã nói như vầy: “Này các tỳ khưu, Giáo Pháp đã khéo được thuyết giảng đưa đến sự đoạn tận khổ đau cho các ngươi. Các ngươi hãy thực hành Phạm hạnh.”
5763. Cùng với lời nói, tất cả chúng tôi cũng đã trở thành những vị mang y phục tỳ khưu, đã được tu lên bậc trên, và là những vị Nhập Lưu trong Giáo Pháp.
5764. Sau đó, đấng Hướng Đạo đã đi đến Jetavana và đã chỉ dạy. Được chỉ dạy bởi đấng Chiến Thắng, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
5765. Sau đó, tôi đã chỉ dạy một ngàn vị tỳ khưu ấy. Lúc bấy giờ, do việc chỉ dạy của tôi các vị ấy cũng đã trở thành các bậc không còn lậu hoặc.
5766. Được hoan hỷ về đức hạnh ấy, đấng Chiến Thắng ở đám đông dân chúng đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng: “Kappina đứng đầu các vị giáo giới tỳ khưu.”
5767. Việc làm đã được thực hiện ở một trăm ngàn kiếp đã cho tôi nhìn thấy quả báu tại đây. Như là tốc độ của mũi tên khéo được bắn ra, tôi đã thiêu đốt các phiền não của tôi.
5768. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5769. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5770. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Mahākappina đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Mahākappina là phần thứ ba.
--ooOoo--
5771. Trước đây một trăm ngàn kiếp, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc hiểu biết về toàn bộ thế gian, đấng Hiền Trí, bậc Hữu Nhãn đã hiện khởi.
5772. Là bậc giáo giới, là vị làm cho hiểu rõ, là vị giúp cho tất cả chúng sanh vượt qua, được thiện xảo trong việc thuyết giảng, đức Phật đã giúp cho nhiều người vượt qua.
5773. Bậc Thương Tưởng, đấng Bi Mẫn, vị tầm cầu sự lợi ích cho tất cả chúng sanh, cũng đã an trú vào ngũ giới cho tất cả các ngoại đạo đã đi đến.
5774. Như thế, được tô điểm với các vị A-la-hán có năng lực như thế ấy, (thế gian) đã không bị rối loạn và trống vắng các vị ngoại đạo.
5775. Bậc Đại Hiền Trí ấy cao năm mươi tám ratana (14.50 m) tợ như cây cột trụ bằng vàng, có ba mươi hai hảo tướng.
5776. Cho đến khi ấy, tuổi thọ được biết là một trăm ngàn năm. Trong khi tồn tại như thế, Ngài đã giúp cho nhiều người vượt qua.
5777. Khi ấy, là con trai nhà triệu phú có danh vọng lớn lao ở tại Haṃsavatī, tôi đã đi đến gặp đấng Quang Đăng của thế gian và đã lắng nghe việc thuyết giảng Giáo Pháp.
5778. Sau khi lắng nghe lời nói của Ngài đang tán dương vị Thinh Văn đang phân bố chỗ trú ngụ cho các vị tỳ khưu, tôi đã được hoan hỷ.
5779. Sau khi thực hiện hành động hướng thượng đến bậc Đại Ẩn Sĩ ấy cùng với Hội Chúng, tôi đã quỳ xuống đê đầu ở bàn chân (Ngài) và đã phát nguyện vị thế ấy.
5780. Khi ấy, trong lúc tán dương việc làm của tôi, đấng Đại Hùng đã nói rằng: “Người đã chăm lo vật thực đến đấng Lãnh Đạo Thế Gian cùng với Hội Chúng trong bảy ngày ...
5781. ... là người này đây có mắt hình lá sen, có bả vai sư tử, có làn da vàng chói, đã quỳ xuống ở cạnh bàn chân của Ta trong lúc phát nguyện vị thế tối thượng.
5782. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
5783. Khi ấy, người này sẽ là Thinh Văn của vị Phật ấy, được nổi tiếng với tên là Dabba, và sẽ là vị phân bố chỗ trú ngụ hàng đầu.”
5784. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
5785. Và tôi đã cai quản Thiên quốc ba trăm lần, và đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương năm trăm lần.
5786. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm. Do nhờ tác động của nghiệp ấy tôi đã được sung sướng ở tất cả các nơi.
5787. Trước đây chín mươi mốt kiếp, bậc Lãnh Đạo tên Vipassī là vị có ánh mắt thu hút, vị thấy rõ tất cả các pháp đã hiện khởi.
5788. Có tâm xấu xa, tôi đã chửi mắng vị Thinh Văn đã đoạn tận tất cả các lậu hoặc của đức Phật như thế ấy, dầu đã biết rõ là “Vị trong sạch.”
5789. Tôi đã lấy ra tấm thẻ của chính bậc vĩ nhân ấy và tôi đã dâng cúng cơm sữa đến các vị Thinh Văn đại ẩn sĩ (không có phần vị ấy).
5790. Ở vào kiếp Bhadda này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên Kassapa có danh tiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên (dòng dõi Bà-la-môn).
5791. Ngài đã làm chói sáng Giáo Pháp, đã khuất phục các hàng ngoại đạo xấu xa, đã huấn luyện những người đáng được huấn luyện, và đã Niết Bàn cùng các Thinh Văn.
5792. Khi đấng Bảo Hộ cùng các vị đệ tử đã Niết Bàn và Giáo Pháp đang đi đến tiêu hoại, chư Thiên bị chấn động, có tóc xổ ra, mặt đầy nước mắt, đã than vãn rằng:
5793. “Sự nhìn thấy Giáo Pháp sẽ bị lụi tàn, chúng ta sẽ không nhìn thấy các vị có sự hành trì tốt đẹp, chúng ta sẽ không được nghe Chánh Pháp. Ôi, chúng ta thật kém phước!”
5794. Khi ấy, toàn bộ quả đất này, vốn bất động, đã có sự chuyển động qua lại. Và biển cả như là có sự sầu muộn đã gào lên âm giọng thê thảm.
5795. Những cái trống không người (sử dụng) đã vang lên từ khắp bốn phương, và các tiếng sấm đem lại sự kinh hãi đã nổ ra khắp nơi.
5796. Những đốm lửa đã rơi xuống từ không trung, và cột khói được nhìn thấy. Tất cả cây cối, chúng sanh, và các loài thú đã kêu gào thảm thiết.
5797. Sau khi nhìn thấy sự bạo tàn xuất hiện báo hiệu sự tiêu hoại của Giáo Pháp, bị chấn động bảy vị tỳ khưu chúng tôi khi ấy đã suy nghĩ rằng:
5798. “Không có Giáo Pháp, đối với chúng ta là đã đủ với cuộc sống rồi. Chúng ta hãy đi vào khu rừng lớn và gắn bó với lời dạy của đấng Chiến Thắng.”
5799. Khi ấy, chúng tôi đã nhìn thấy ngọn núi cao chót vót ở trong khu rừng. Chúng tôi đã leo lên ngọn núi ấy bằng chiếc thang và đã làm chiếc thang rơi xuống.
5800. Khi ấy, vị trưởng lão của chúng tôi đã giáo huấn rằng: “Sự xuất hiện của đức Phật là điều hy hữu, đức tin là điều khó đạt thì (chúng ta) đã đạt được, và Giáo Pháp còn sót lại là ít ỏi.
5801. Các cơ hội đã qua đi và rơi vào biển cả khổ đau vô tận. Do đó, việc thực hành nên được thực hiện trong khi lời dạy của bậc Hiền Trí vẫn còn tồn tại.”
5802. Vị trưởng lão ấy đã trở thành bậc A-la-hán, vị kế tiếp khi ấy là bậc Bất Lai, những vị khác được gắn bó với thiện giới đã đi đến thế giới của chư Thiên.
5803. Vị vượt qua luân hồi đã Niết Bàn, và chỉ một vị ở cõi Tịnh Cư Thiên. Còn tôi, Pukkusāti, Sabhiya, Bāhiya là tương tợ như nhau.
5804. Và luôn cả Kumārakassapa nữa, chúng tôi đã tái sanh ở nơi này nơi khác. Được thương thưởng bởi đấng Gotama, chúng tôi đã được giải thoát khỏi sự trói buộc của luân hồi.
5805. Tôi đã được sanh ra ở thành Kusinārā giữa những người Mallā. Ngay khi tôi còn ở trong bào thai, mẹ của tôi bị chết và đã được đưa lên giàn hỏa thiêu. Từ nơi ấy tôi đã được rơi xuống.
5806. Được rơi xuống ở nơi đống củi, do đó tôi được nổi danh là Dabba.[22]Với năng lực của việc hành trì Phạm hạnh, vào lúc bảy tuổi tôi đã được giải thoát.
5807. Do quả báu của cơm sữa, tôi đã đạt được năm yếu tố. Do sự chửi mắng vị có lậu hoặc đã được đoạn tận, tôi đã bị vu cáo nhiều lần bởi những kẻ xấu.[23]
5808. Giờ đây, tôi đã vượt qua cả hai điều thiện và ác. Sau khi đạt được sự an tịnh tuyệt đối, tôi sống không còn lậu hoặc.
5809. Tôi đã phân bố chỗ trú ngụ và đã làm cho các vị có sự hành trì tốt đẹp được vui vẻ. Được hoan hỷ về đức hạnh ấy, đấng Chiến Thắng đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng.
5810. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5811. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5812. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Dabba Mallaputta đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Dabba Mallaputta là phần thứ tư.
--ooOoo--
5813. Trước đây một trăm ngàn kiếp, đấng Lãnh Đạo, bậc Anh Hùng tên Padumuttara, vị hữu ích của tất cả thế gian đã hiện khởi.
5814. Lúc bấy giờ, tôi đã là vị Bà-la-môn được nổi tiếng, thông suốt các bộ Vệ Đà. Tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian đang tiến hành việc nghỉ ngơi giữa ngày.
5815. Ngài đang công bố về bốn Sự Thật, đang giác ngộ chúng sanh luôn cả chư Thiên, đang tán dương vị đứng đầu trong số các vị thuyết giảng hay ở nơi đám đông dân chúng.
5816. 5817. Khi ấy, có tâm hoan hỷ tôi đã thỉnh mời đức Như Lai và đã trang hoàng mái che bằng những tấm vải có nhiều màu khắc khác nhau, được sáng chói bởi nhiều loại châu báu. Tại nơi ấy, tôi đã chăm lo bữa ăn đến Ngài là bậc cùng với Hội Chúng. Tôi đã cung cấp bữa ăn có hương vị tối thắng đa dạng trong bảy ngày.
5818. Sau khi cúng dường Ngài cùng các vị Thinh Văn bằng những bông hoa có nhiều màu sắc khác nhau, tôi đã quỳ xuống ở cạnh bàn chân (Ngài) và đã phát nguyện vị thế ấy.
5819. Khi ấy, đấng Hiền Trí cao quý với thiên hướng thực hành hạnh bi mẫn đã nói rằng: “Các ngươi hãy nhìn xem người Bà-la-môn cao quý này có khuôn mặt và con mắt của những đóa hoa sen.
5820. (Người này) tràn ngập niềm phỉ lạc và hưng phấn, có lông tóc dựng đứng, có mắt mở to tỏ lộ nụ cười, có lòng khao khát Giáo Pháp của Ta.
5821. (Người này) đã quỳ xuống ở cạnh bàn chân của Ta với thiện ý hướng đến một điều: Vị ấy phát nguyện về vị thế ấy là bản thể của vị thuyết giảng hay.
5822. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
5823. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Kumārakassapa.
5824. Do nhờ tác động của các loại bông hoa cùng vải vóc đã được trang hoàng và của các loại châu báu, người ấy sẽ thành tựu tư cách đứng đầu trong số các vị thuyết giảng hay.”
5825. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
5826. Giống như vũ công ở giữa sân khấu, trong khi quay cuồng ở không gian của các cõi tôi đã hạ sanh vào bụng của con nai cái và đã trở thành nai (đực), con của con nai tên Sākha.
5827. Lúc bấy giờ, khi tôi nhập thai là thời điểm trừng phạt xảy đến. Mẹ tôi đã bị con nai Sākha ruồng bỏ và đã đi đến nương tựa vào (nai chúa) Nigrodha.
5828. Lúc bấy giờ, nhờ vào con nai chúa ấy mẹ tôi đã được thoát khỏi sự chết. Sau khi đã được ban cho mạng sống, mẹ tôi đã giáo huấn tôi như vầy:
5829. “Con nên phục vụ chỉ riêng Nigrodha, chớ có sống thân cận với Sākha. Thà bị chết ở nơi Nigrodha còn tốt hơn nếu phải sống cùng Sākha.”
5830. Được chỉ dạy bởi con nai đầu đàn ấy, tôi cùng mẹ và những con nai khác cũng như vậy đã đi đến trú ngụ ở cõi trời Đẩu Suất đáng yêu, rồi đã đi đến nơi cư trú khác cũng có chỗ ở tương tợ như thế.
5831. Lần khác nữa, trong khi Giáo Pháp của đấng Anh Hùng Kassapa đang đi đến hoại diệt, (bảy vị chúng tôi) đã leo lên đỉnh ngọn núi và đã gắn bó vào lời dạy của đấng Chiến Thắng.
5832. Giờ đây, tôi đã được sanh vào gia tộc triệu phú ở thành Rājagaha. Mẹ của tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình khi đã mang thai.
5833. Biết được mẹ tôi có thai, các vị đã đưa mẹ tôi đến gặp Devadatta. Vị ấy đã nói rằng: “Các người hãy trục xuất cô tỳ khưu ni xấu xa này.”
5834. Giờ đây, (mẹ tôi) cũng đã được đấng Chiến Thắng bậc Hiền Trí Vương thương xót. Được an toàn, mẹ đã sanh ra tôi tại tu viện của các tỳ khưu ni.
5835. Biết được điều ấy, đức vua xứ Kosala đã nuôi dưỡng tôi. Và do việc có phẩm hạnh từ lúc nhỏ, tôi có tên là Kassapa.
5836. So sánh với vị Mahākassapa (Kassapa Lớn), tôi là Kumāra-kassapa (Kassapa thiếu niên). Tôi đã lắng nghe điều đã được đức Phật thuyết giảng rằng xác thân là tương tợ tổ mối.
5837. Do đó, tâm của tôi đã được giải thoát không còn chấp thủ mọi thứ. Tôi đã cảm hóa được đức vua Pāyāsi và đã đạt được vị thế tối thắng.
5838. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5839. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5840. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kumārakassapa đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kumārakassapa là phần thứ năm.
(Tụng phẩm thứ hai mươi bốn).
--ooOoo--
5841. Trước đây một trăm ngàn kiếp đã hiện khởi đấng Lãnh Đạo tên Padumuttara là vị có hào quang chói lọi, đứng đầu tam giới.
5842. Tôi đã lắng nghe đấng Hiền Trí đang tán dương đức hạnh của vị tỳ khưu có thắng trí nhạy bén. Với tâm phấn chấn tôi đã thể hiện sự tôn kính đến bậc Đại Ẩn Sĩ.
5843. Lúc bấy giờ, sau khi dâng cúng vật thí đến bậc Hiền Trí cùng các đệ tử trong bảy ngày, tôi đã đảnh lễ bậc Toàn Giác và đã phát nguyện vị thế ấy.
5844. Do đó, đức Phật đã chú nguyện cho tôi rằng: “Các ngươi hãy nhìn xem người Bà-la-môn này đã quỳ xuống cạnh bàn chân của Ta với ánh mắt và khuôn mặt được tịnh tín.
5845. Có làn da mỏng manh màu trắng, có thân hình được mang sợi dây quàng vai vàng chói, có môi đỏ như là trái bimba được treo lơ lửng, có răng màu trắng sắc bén.
5846. (Người này) có dồi dào năng lực về đức hạnh, có thân hình vươn cao, là nguồn nước về các hạnh lành, có khuôn mặt nở rộ niềm phỉ lạc.
5847. Người này phát nguyện vị thế của vị tỳ khưu có thắng trí nhạy bén. Trong ngày vị lai sẽ có bậc Đại Hùng tên là Gotama.
5848. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Bāhiya.”
5849. Khi ấy, vô cùng hớn hở tôi đã đứng dậy. Tôi đã thể hiện sự tôn kính đến bậc Đại Hiền Trí đến hết cuộc đời. Mệnh chung, tôi đã đi đến cõi trời như là (đi đến) nhà của chính mình.
5850. Dầu trở thành vị Thiên nhân hay là nhân loại, do nhờ tác động của nghiệp ấy tôi được sung sướng. Tôi đã luân hồi và đã thọ hưởng sự thành đạt.
5851. Lần khác nữa, trong khi Giáo Pháp của đấng Anh Hùng Kassapa đang đi đến hoại diệt, (bảy vị chúng tôi) đã leo lên đỉnh ngọn núi và đã gắn bó vào lời dạy của đấng Chiến Thắng.
5852. Là những người thực hành lời dạy của đấng Chiến Thắng, có giới trong sạch, có trí tuệ, mệnh chung từ nơi ấy năm người chúng tôi đã đi đến thế giới của chư Thiên.
5853. Sau đó, Bāhiya tôi đã được sanh ra ở kinh thành Bhārukaccha. Từ nơi ấy, tôi dùng thuyền lao vào khu vực biển cả ít có sự an toàn.
5854. Do đó, sau khi ra đi một vài ngày chiếc thuyền đã bị vỡ tan. Khi ấy, tôi đã rơi vào khu vực có cá dữ, khủng khiếp, gây ra sự kinh hoàng.
5855. Khi ấy, tôi đã ra sức và đã tự vượt qua được đại dương. Tôi đã đến được bến tàu Suppāra quý báu, lờ đờ, run lẩy bẩy.
5856. Tôi đã khoác lên y phục vỏ cây và đã đi vào làng để khất thực. Khi ấy, dân chúng ấy đã hớn hở nói rằng: “Vị A-la-hán này đã ngự đến nơi đây.
5857. Sau khi hậu đãi người này với cơm ăn, nước uống, vải vóc, giường nằm, và thuốc men chữa bệnh, chúng ta sẽ được an lạc.”
5858. Khi ấy, được họ tôn kính và cúng dường, tôi đã có được lợi lộc về các vật dụng cần thiết. Tôi đã khiến họ có sự suy nghĩ một cách không đúng đắn rằng: “Tôi là vị A-la-hán.”
5859. Vì thế, sau khi biết được tâm của tôi, vị Thiên nhân (trong số bảy vị) trước đây đã quở trách rằng: “Ngươi không biết phương pháp và đường lối, làm sao ngươi có thể trở thành bậc A-la-hán?”
5860. Bị quở trách bởi vị ấy, bị chấn động, khi ấy tôi đã hỏi rằng: “Các bậc tối thượng nhân A-la-hán ở trên đời là những ai? Các vị này ở đâu?”
5861. “Ở tại Sāvatthī là cung điện của xứ Kosala, có đấng Chiến Thắng là bậc có trí tuệ dồi dào, có sự sáng suốt bao la cao quý. Là người con trai dòng Sakya, là bậc A-la-hán, không còn lậu hoặc, Ngài thuyết giảng Giáo Pháp đưa đến sự thành tựu phẩm vị A-la-hán.”
5862. Lúc bấy giờ, sau khi lắng nghe lời nói của vị này, tôi vô cùng sung sướng, và sửng sốt tợ như người ăn xin đã đạt được của chôn giấu. Tôi đã có tâm phấn chấn để được yết kiến bậc A-la-hán tối thượng, có hình dáng tốt đẹp, có hành xứ không giới hạn.
5863. Lúc bấy giờ, tôi đã rời khỏi nơi ấy (nghĩ rằng): “Khi nào tôi (sẽ) nhìn thấy đấng Chiến Thắng, con người cao quý, bậc có khuôn mặt không vết bẩn?” Tôi đã đi đến khu rừng đáng yêu tên Vijita và đã hỏi những người Bà-la-môn rằng: “Bậc đem lại niềm hân hoan cho thế gian ở nơi đâu?”
5864. Do đó, họ đã nói rằng: “Bậc được tôn vinh bởi chư Thiên và nhân loại đã đi vào thành phố với ý định tìm kiếm vật thực. Nếu mong mỏi diện kiến bậc Hiền Trí, ngươi hãy mau mau đi đến và hãy lễ bái nhân vật cao cả ấy.”
5865. Do đó, tôi đã mau chóng đi đến kinh thành Sāvatthī. Tôi đã nhìn thấy Ngài đang đi đó đây vì mục đích vật thực, không thèm khát, không ham hố.
5866. Có bình bát ở tay, mắt không ước vọng, như là đang phân phát sự Bất Tử, có khuôn mặt mang vẻ sáng lạn của mặt trời, tợ như chỗ ngụ của điều may mắn.
5867. Tôi đã đi đển gặp Ngài và đã nói lời nói này: “Bạch đấng Gotama, xin Ngài hãy là chốn nương nhờ cho kẻ đã bị lầm lạc vào con đường sai trái.”
5868. Bậc Hiền Trí tối thượng đã nói rằng: “Ta đang đi loanh quanh để khất thực nhằm mục đích tế độ chúng sanh, không phải là lúc thuyết Pháp cho ngươi.”
5869. Khi ấy, khát khao về Giáo Pháp tôi đã liên tục cầu xin đức Phật. Ngài đã thuyết giảng cho tôi Giáo Pháp thâm sâu về đường lối của Không tánh.
5870. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của Ngài, tôi đã thành tựu sự đoạn tận các lậu hoặc. Tôi là người có tuổi thọ đã tận cùng. Ôi bậc Đạo Sư quả là đấng có lòng thương xót!
5871. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5872. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5873. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
5874. Vị trưởng lão Bāhiya Dārucīriya đã giải thích như thế. Vị ấy đã bị té ngã vào đống rác bởi con bò cái đã bị quỷ nhập vào.
5875. Bậc đại trí đã thuật lại cuộc sống trước đây của bản thân. Vị anh hùng ấy đã Viên Tịch Niết Bàn tại kinh thành Sāvatthī.
5876. Bậc Ẩn Sĩ tối thượng, trong khi đi ra khỏi thành phố, đã nhìn thấy vị Bāhiya trí tuệ ấy mặc y phục vỏ cây có sự tái sanh đã xa lìa.
5877. Tợ như ngọn cờ của đức vua đã bị đổ xuống, bậc đã được rèn luyện bị ngã ở trên đất, có tuổi thọ đã hết, có phiền não đã lìa, đã là vị thực hành lời dạy của đấng Chiến Thắng.
5878. Do đó, bậc Đạo Sư đã bảo các vị Thinh Văn nhiệt tình với Giáo Pháp rằng: “Các người hãy khiêng lên, đưa đi, rồi hỏa thiêu thi thể của bậc Phạm hạnh.
5879. Các người hãy xây dựng ngôi bảo tháp. Vị đại trí ấy đã Niết Bàn. Vị này là vị Thinh Văn đứng đầu trong số các vị có thắng trí nhạy bén, là người thực hành theo lời dạy của Ta.”
5880. Nếu một ngàn câu kệ chỉ chứa đựng những từ vô ý nghĩa, một (phần tư) câu kệ vẫn là tốt hơn (nếu) người đã nghe điều ấy được an tịnh.[24]
5881. Nơi nào nước, đất, lửa, và gió không trụ vững, nơi ấy đạo đức không chiếu sáng, mặt trời không rực sáng, nơi ấy không có mặt trăng tỏa sáng, nơi ấy bóng tối không được biết đến.
5882. Và khi nào vị Bà-la-môn hiền trí đã tự thân biết được với sự sáng suốt, thì được giải thoát khỏi sắc, khỏi vô sắc, khỏi lạc, và khỏi khổ,” đấng Bảo Hộ, bậc Hiền Trí, đấng Nương Nhờ của tam giới đã nói như thế.
Đại đức trưởng lão Bāhiya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bāhiya là phần thứ sáu.
--ooOoo--
5883. Trước đây một trăm ngàn kiếp, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Hiền Trí, đấng hiểu biết về toàn bộ thế giới, bậc Hữu Nhãn đã hiện khởi.
5884. Là bậc giáo giới, là vị làm cho hiểu rõ, là vị giúp cho tất cả chúng sanh vượt qua, được thiện xảo trong việc thuyết giảng, đức Phật đã giúp cho nhiều người vượt qua.
5885. Bậc Thương Tưởng, đấng Bi Mẫn, vị tầm cầu sự lợi ích cho tất cả chúng sanh, cũng đã an trú vào ngũ giới cho tất cả các ngoại đạo đã đi đến.
5886. Như thế, được tô điểm với các vị A-la-hán có năng lực như thế ấy, (thế gian) đã không bị rối loạn và trống vắng các vị ngoại đạo.
5887. Bậc Đại Hiền Trí ấy cao năm mươi tám ratana (14.50 m) tợ như cây cột trụ bằng vàng, có ba mươi hai hảo tướng.
5888. Cho đến khi ấy, tuổi thọ được biết là một trăm ngàn năm. Trong khi tồn tại như thế, Ngài đã giúp cho nhiều người vượt qua.
5889. Khi ấy, tôi là người Bà-la-môn ở tại Haṃsavatī, thông suốt các bộ Vệ Đà. Tôi đã đi đến bậc Ưu Tú cao cả của chúng sanh và đã lắng nghe việc thuyết giảng Giáo Pháp.
5890. 5891. Khi ấy, đấng Anh Hùng ấy đã thiết lập vào vị thế tối thắng đối với vị Thinh Văn có hành xứ về sự hiểu biết đã được rạch ròi và là vị rành rẽ về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và về phép biện giải. Nghe được điều ấy, tôi đã trở nên hoan hỷ. Khi ấy, tôi đã cung cấp vật thực đến đấng Chiến Thắng cao quý cùng các vị Thinh Văn trong bảy ngày.
5892. Sau khi khoác lên bậc Đại Đương của giác ngộ cùng với các đệ tử bằng các tấm vải, tôi đã quỳ xuống ở cạnh bàn chân (Ngài) và đã phát nguyện vị thế ấy.
5893. Do đó, bậc Cao Cả của thế gian đã nói rằng: “Các ngươi hãy nhìn xem vị Bà-la-môn cao thượng này, vị có ánh sáng từ lòng đóa hoa sen phát ra, đã cúi mình ở bàn chân của Ta.
5894. Với đức tin ấy, với sự dứt bỏ, và với sự lắng nghe Giáo Pháp, người này phát nguyện vị thế vị tỳ khưu hàng đầu của đức Phật.
5895. Sau khi đã được sung sướng ở mọi nơi và sau khi đã luân hồi ở cõi này cõi khác, trong thời vị lai xa xăm người này sẽ đạt được điều ước nguyện ấy.
5896. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
5897. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Koṭṭhita.”
5898. Nghe được điều ấy, tôi đã trở nên hoan hỷ, có niệm, có tuệ, định tĩnh. Với tâm từ ái, tôi đã phục vụ đấng Chiến Thắng từ đó cho đến hết cuộc đời.
5899. Do quả thành tựu của nghiệp ấy và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
5900. Và tôi đã cai quản Thiên quốc ba trăm lần. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương năm trăm lần.
5901. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm. Do nhờ tác động của nghiệp ấy tôi đã được sung sướng ở tất cả các nơi.
5902. Tôi (đã) luân hồi ở hai cảnh giới trong bản thể Thiên nhân và loài người, tôi không đi đến cõi tái sanh khác; điều này là quả báu của việc khéo hành trì.
5903. Tôi (đã) được sanh ra ở hai gia tộc, Sát-đế-lỵ và Bà-la-môn, tôi không biết đến gia tộc hạ tiện; điều này là quả báu của việc khéo hành trì.
5904. Khi đạt đến lần hiện hữu cuối cùng, tôi đã là thân quyến của đấng Phạm Thiên (dòng dõi Bà-la-môn). Tôi đã được tái sanh trong gia tộc Bà-la-môn có tài sản lớn lao ở thành phố Sāvatthī.
5905. Người mẹ tên là Candavatī, người cha của tôi tên là Assalāyana. Và đức Phật đã hướng dẫn cha tôi về sự thanh tịnh toàn diện.
5906. Khi ấy, được tịnh tín tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình ở đấng Thiện Thệ. Thầy chỉ dạy là vị Moggallāna, thầy tế độ là vị xuất thân từ bà Sārī.[25]
5907. Khi các sợi tóc đang được cạo, tà kiến đã được chặt đứt tận gốc. Và trong khi đang quấn y ca-sa, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
5908. Và sự hiểu biết của tôi về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và về phép biện giải là đã được phân giải; vì thế đấng Cao Cả của thế gian đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng.
5909. Được vị Upatissa[26]hỏi, tôi đã giải thích không bị lầm lẫn. Vì thế tôi đã là vị đứng đầu về các pháp phân tích trong Giáo Pháp của đấng Toàn Giác.
5910. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5911. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5912. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Mahākoṭṭhita đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Mahākoṭṭhita là phần thứ bảy.
--ooOoo--
5913. Trước đây một trăm ngàn kiếp, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Hiền Trí, đấng hiểu biết về toàn bộ thế giới, bậc Hữu Nhãn đã hiện khởi.
5914. Là bậc giáo giới, là vị làm cho hiểu rõ, là vị giúp cho tất cả chúng sanh vượt qua, được thiện xảo trong việc thuyết giảng, đức Phật đã giúp cho nhiều người vượt qua.
5915. Bậc Thương Tưởng, đấng Bi Mẫn, vị tầm cầu sự lợi ích cho tất cả chúng sanh, cũng đã an trú vào ngũ giới cho tất cả các ngoại đạo đã đi đến.
5916. Như thế, được tô điểm với các vị A-la-hán có năng lực như thế ấy, (thế gian) đã không bị rối loạn và trống vắng các vị ngoại đạo.
5917. Bậc Đại Hiền Trí ấy cao năm mươi tám ratana (14.50 m) tợ như cây cột trụ bằng vàng, có ba mươi hai hảo tướng.
5918. Cho đến khi ấy, tuổi thọ được biết là một trăm ngàn năm. Trong khi tồn tại như thế, Ngài đã giúp cho nhiều người vượt qua.
5919. Khi ấy, là người Bà-la-môn được công nhận là tốt lành ở tại Haṃsavatī, tôi đã đi đến gặp đấng Quang Đăng của thế gian và đã lắng nghe việc thuyết giảng Giáo Pháp.
5920. Khi ấy, Ngài đang thiết lập vị Thinh Văn, là bậc đại nhân, có hội chúng lớn vào vị thế tối thắng. Tôi đã lắng nghe và đã trở nên hoan hỷ.
5921. Tôi đã thỉnh mời đấng Chiến Thắng vĩ đại cùng với đoàn tùy tùng đông đảo. Cùng với một ngàn vị Bà-la-môn, tôi đã dâng cúng vật thí.
5922. Sau khi dâng cúng cuộc đại thí, tôi đã đảnh lễ đấng Lãnh Đạo rồi đã đứng ở một bên. Được mừng rỡ, tôi đã nói lời nói này:
5923. “Bạch đấng Anh Hùng, với đức tin của con ở Ngài và với công đức của việc làm hướng thượng, mong sao con luôn có được hội chúng đông đảo khi sanh ra ở nơi này nơi khác.”
5924. Khi ấy, với âm điệu ngọt ngào được rống lên bởi loài voi, được hót lên bởi loài chim karavīka, bậc Đạo Sư đã nói với hội chúng rằng: “Các ngươi hãy nhìn xem người Bà-la-môn này.
5925. (Người này) có màu da vàng chói, có cánh tay lực lưỡng, có khuôn mặt và ánh mắt như đóa hoa sen, có lông dựng đứng sanh lên ở cơ thể, được mừng rỡ, có niềm tin vào đức hạnh của Ta.
5926. Người này phát nguyện vị thế của vị tỳ khưu có âm thanh của loài sư tử. Trong thời vị lai xa xăm người này sẽ đạt được điều ước nguyện ấy.
5927. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
5928. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Kassapa.”
5929. Trước đây chín mươi hai kiếp, đã có đấng Đạo Sư, bậc Vô Thượng, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Phussa, không có vị tương tợ, không có ai sánh bằng.
5930. Và sau khi đã tiêu diệt tất cả sự tăm tối, đã tháo gở mối rối rắm lớn lao, trong lúc làm hài lòng thế gian luôn cả chư Thiên, Ngài đã đổ mưa cơn mưa Bất Tử.
5931. Chính vào lúc ấy, chúng tôi đã là hàng hậu duệ của đức vua ở thành Bārāṇasī. Tất cả ba anh em chúng tôi đều được thân cận đối với đức vua.
5932. Chúng tôi có cơ thể và dáng vóc của vị anh hùng, có sức mạnh, không bị đánh bại ở chiến trường. Khi ấy, vùng biên địa bị dấy loạn, vị lãnh chúa đã nói với chúng tôi rằng:
5933. “Này các con, hãy đi đến vùng biên địa, hãy càn quét lực lượng lục lâm, hãy làm cho vương quốc của ta được thanh bình, rồi hãy quay trở về và trình báo.”
5934. Do đó, chúng tôi đã nói rằng: “Nếu bệ hạ có thể ban đấng Lãnh Đạo cho chúng con về việc hộ độ, do việc đó chúng con sẽ làm tốt nhiệm vụ cho bệ hạ.”
5935. Do đó, chúng tôi đã đạt được điều ân huệ. Được phái đi bởi vị quân vương, chúng tôi đã làm cho vùng biên địa buông khí giới và đã đi đến gặp đức vua lần nữa.
5936. Chúng tôi đã thỉnh cầu đức vua về việc hộ độ bậc Đạo Sư và đã đạt được đấng Lãnh Đạo Thế Gian, bậc Hiền Trí Anh Hùng, chúng tôi đã cung phụng Ngài cho đến hết cuộc đời.
5937. (Chúng tôi đã dâng cúng) các tấm vải vô cùng giá trị, các vị nếm thượng hạng, các chỗ nằm ngồi đáng yêu, và các dược phẩm có lợi ích.
5938. Sau khi dâng cúng đến bậc Hiền Trí cùng với Hội Chúng các phẩm vật được phát sanh đúng pháp của chúng tôi, chúng tôi là những người có giới, có lòng bi mẫn, có tâm gắn bó với sự tu tập.
5939. Chúng tôi đã luôn luôn phục vụ đấng Lãnh Đạo với tâm từ ái. Khi bậc Cao Cả của thế gian ấy Niết Bàn, chúng tôi đã cúng dường tùy theo năng lực.
5940. Mệnh chung từ nơi ấy, tất cả chúng tôi đã đi đến cõi trời Đẩu Suất, đã thọ hưởng sự an lạc lớn lao ở tại nơi ấy; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
5941. Giống như người làm trò ảo thuật ở sân khấu biểu diễn nhiều hình thức, tương tợ như thế trong khi xoay vần ở hiện hữu tôi đã là vị chúa tể xứ Videha.
5942. 5943. Có thiên hướng tà kiến theo lời nói của đạo sĩ lõa thể tên Guṇa, tôi đã bước lên đạo lộ đi địa ngục. Tôi đã không chấp nhận lời khuyên nhủ của người con gái của tôi là Rujā. Trong khi được chỉ dạy theo nhiều cách thức bởi đấng Phạm Thiên Nārada, tôi đã từ bỏ tà kiến ác xấu.
5944. Sau khi đã làm tròn đủ mười đường lối về nghiệp (thiện) một cách đặc biệt, tôi đã từ bỏ xác thân và đã đi đến cõi trời như là (đi đến) nhà của chính mình.
5945. Khi đạt đến lần hiện hữu cuối cùng, tôi đã là thân quyến của đấng Phạm Thiên (dòng dõi Bà-la-môn). Tôi đã được sanh ra trong đại gia tộc Bà-la-môn ở thành phố Bārāṇasī thịnh vượng.
5846. Bị hãi sợ về sự chết, sự bệnh, và sự già, tôi đã từ bỏ tài sản lớn lao, trong lúc tầm cầu đạo lộ Niết Bàn, tôi đã xuất gia ở những đạo sĩ tóc bện.
5947. Khi ấy, hai người em trai của tôi đã xuất gia cùng với tôi. Tôi đã tạo dựng khu ẩn cư ở tại Uruvelā và đã cư ngụ (ở đó).
5948. Kassapa là tên theo gia tộc và là người cư trú ở Uruvelā, do đó đã có sự định đặt tên cho tôi là Uruvelakassapa.
5949. Người em trai của tôi ở lân cận khu vực Nādī có tên là Nādīkassapa và (người em trai) ở lân cận khu vực Gayā có tên là Gayākassapa.
5950. Người (em trai) nhỏ nhất có hai trăm, người em trai giữa có ba trăm, tôi có năm trăm đệ tử không thiếu sót, tất cả đều đi theo (sự hướng dẫn của) tôi.
5951. Khi ấy, đức Phật đã đi đến gặp tôi và đã thực hiện đối với tôi những phép kỳ diệu nhiều loại khác nhau. Đấng Cao Cả của thế gian, bậc Điều Phục Nhân đã hướng dẫn cho tôi.
5952. Cùng nhóm tùy tùng một ngàn người, tôi đã trở thành vị tỳ khưu theo lối “được gọi đến.” Cùng với tất cả các vị ấy, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
5953. 5954. Các vị ấy và luôn cả nhiều người đệ tử khác đã tháp tùng theo tôi. Và tôi có khả năng để chỉ dạy. Do đó trong sự hiện diện của đại chúng, bậc Ẩn Sĩ tối thượng đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng. Ôi việc tôn kính đã được thực hiện ở đức Phật đã có quả báu sanh lên cho tôi!
5955. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5956. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5957. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Uruvelakassapa đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Uruvelakassapa là phần thứ tám.
--ooOoo--
5958. Trước đây một trăm ngàn kiếp, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Hiền Trí, đấng hiểu biết về toàn bộ thế giới, bậc Hữu Nhãn đã hiện khởi.
5959. Là bậc giáo giới, là vị làm cho hiểu rõ, là vị giúp cho tất cả chúng sanh vượt qua, được thiện xảo trong việc thuyết giảng, đức Phật đã giúp cho nhiều người vượt qua.
5960. Bậc Thương Tưởng, đấng Bi Mẫn, vị tầm cầu sự lợi ích cho tất cả chúng sanh, cũng đã an trú vào ngũ giới cho tất cả các ngoại đạo đã đi đến.
5961. Như thế, được tô điểm với các vị A-la-hán có năng lực như thế ấy, (thế gian) đã không bị rối loạn và trống vắng các vị ngoại đạo.
5962. Bậc Đại Hiền Trí ấy cao năm mươi tám ratana (14.50 m) tợ như cây cột trụ bằng vàng, có ba mươi hai hảo tướng.
5963. Cho đến khi ấy, tuổi thọ được biết là một trăm ngàn năm. Trong khi tồn tại như thế, Ngài đã giúp cho nhiều người vượt qua.
5964. Khi ấy, là người Bà-la-môn thông suốt về chú thuật ở tại Haṃsavatī, tôi đã đi đến gặp bậc Quý Nhân ấy và đã lắng nghe việc thuyết giảng Giáo Pháp.
5965. Được tự tin ở nơi các hội chúng, đấng Đại Hùng bậc Hướng Đạo đang tuyên bố vị tỳ khưu có tài biện giải ở vào vị thế tối thắng.
5966. Khi ấy, sau khi thể hiện sự tôn kính đến đấng Lãnh Đạo Thế Gian cùng với Hội Chúng, tôi đã quỳ xuống đê đầu ở chân (Ngài) và đã phát nguyện vị thế ấy.
5967. Do đó, đức Thế Tôn, vị có ánh sáng tợ như khối vàng đã nói với tôi bằng giọng nói thu hút (có khả năng) mang đi các phiền não và ô nhiễm rằng:
5968. “Mong sao ngươi có sự an vui, sống thọ. Mong sao ước nguyện được thành tựu cho ngươi. Sự tôn kính đã được ngươi thể hiện đến Ta cùng Hội Chúng thật vô cùng rộng lớn.
5969. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
5970. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên gọi là Rādha.
5971. Được hoan hỷ về chủng tử đức hạnh của ngươi, người con trai dòng Sakya, bậc Nhân Ngưu, đấng Lãnh Đạo ấy sẽ tuyên bố (ngươi là) vị đứng đầu trong số các vị có tài biện giải.”
5972. Nghe được điều ấy, tôi đã trở nên hoan hỷ, có niệm, có tuệ, định tĩnh. Với tâm từ ái, tôi đã phục vụ đấng Chiến Thắng từ đó cho đến hết cuộc đời.
5973. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
5974. Và tôi đã cai quản Thiên quốc ba trăm lần. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương năm trăm lần.
5975. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm. Do nhờ tác động của nghiệp ấy tôi đã được sung sướng ở tất cả các nơi.
5976. Khi đạt đến lần hiện hữu cuối cùng, tôi đã được sanh ra tại kinh thành Giribbajja[27]trong gia tộc Bà-la-môn không được sung túc, bị thiếu thốn về y phục và thức ăn.
5977. Tôi đã dâng lên một muỗng thức ăn đến vị Sāriputta như thế ấy. Đến khi già nua và lớn tuổi, khi ấy tôi đã đi đến tu viện.
5978. Là người già cả yếu đuối không có thể lực, các vị không ai cho tôi xuất gia. Vì thế, khi ấy tôi đã trở nên thê thảm, cơ thể bị xuống sắc, có sự sầu muộn.
5979. Sau khi nhìn thấy, đấng Đại Bi, bậc Đại Hiền Trí ấy đã nói với tôi rằng: “Này con trai, lý do gì khiến ngươi lại bị khổ đau vì sầu muộn. Hãy trình bày nỗi khổ đau đã sanh lên ở tâm của ngươi.”
5980. “Bạch đấng Anh Hùng, con không đạt được sự xuất gia trong Giáo Pháp khéo được thuyết giảng của Ngài. Vì thế, con trở nên thê thảm vì sầu muộn. Bạch đấng Lãnh Đạo, xin Ngài hãy là nơi nương nhờ (của con).”
5981. Khi ấy, bậc Hiền Trí tối thượng đã triệu tập các vị tỳ khưu lại và đã hỏi rằng: “Những vị nào nhớ được hành động hướng thượng của người này, những vị ấy hãy nói lên.”
5982. Khi ấy, vị Sāriputta đã nói rằng: “Con nhớ được hành động của người này. Trong khi con đang đi khất thực, ông đã bảo dâng cúng một muỗng thức ăn đến con.”
5983. “Lành thay! Lành thay! Này Sāriputta, ngươi quả là người biết ơn. Ngươi hãy cho người Bà-la-môn lớn tuổi này xuất gia. Người này sẽ là chủng tử tốt.”
5984. Do đó, tôi đã đạt được sự xuất gia và sự tu lên bậc trên với lời tuyên ngôn hành sự. Trong thời gian không bao lâu, tôi đã thành tựu sự đoạn tận các lậu hoặc.
5985. Vì tôi lắng nghe lời nói của bậc Hiền Trí một cách nghiêm chỉnh, do đó đấng Chiến Thắng đã thiết lập tôi là vị đứng đầu trong số các vị có tài biện giải.
5986. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
5987. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
5988. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Rādha đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Rādha là phần thứ chín.
--ooOoo--
5989. Trước đây một trăm ngàn kiếp, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Hiền Trí, đấng hiểu biết về toàn bộ thế giới, bậc Hữu Nhãn đã hiện khởi.[28]
5990. Là bậc giáo giới, là vị làm cho hiểu rõ, là vị giúp cho tất cả chúng sanh vượt qua, được thiện xảo trong việc thuyết giảng, đức Phật đã giúp cho nhiều người vượt qua.
5991. Bậc Thương Tưởng, đấng Bi Mẫn, vị tầm cầu sự lợi ích cho tất cả chúng sanh, cũng đã an trú vào ngũ giới cho tất cả các ngoại đạo đã đi đến.
5992. Như thế, được tô điểm với các vị A-la-hán có năng lực như thế ấy, (thế gian) đã không bị rối loạn và trống vắng các vị ngoại đạo.
5993. Bậc Đại Hiền Trí ấy cao năm mươi tám ratana (14.50 m) tợ như cây cột trụ bằng vàng, có ba mươi hai hảo tướng.
5994. Cho đến khi ấy, tuổi thọ được biết là một trăm ngàn năm. Trong khi tồn tại như thế, Ngài đã giúp cho nhiều người vượt qua.
5995. Lúc bấy giờ, tôi đã ở trong một gia đình nọ tại thành Haṃsavatī. Bị vướng bận trong sự quán xuyến công việc của người khác, tài sản riêng của tôi là không có gì.
5996. Trong khi cư ngụ tại gian nhà nghỉ chân có nền đất đã được sửa soạn, tôi đã đốt lên ngọn lửa ở tại nơi ấy (khiến) nền đất ấy đã trở nên đen và cứng.
5997. Khi ấy, đấng Bảo Hộ, bậc giảng giải về bốn Sự Thật, đã tán dương vị Thinh Văn là vị mặc y thô xấu ở hội chúng.
5998. Hoan hỷ về đức hạnh đó của vị ấy, tôi đã quỳ xuống ở đức Như Lai và đã phát nguyện vị thế tối thượng là vị đứng đầu trong số các vị mặc y thô xấu.
5999. Do đó, đức Thế Tôn Padumuttara đã nói với các vị Thinh Văn rằng: “Các ngươi hãy nhìn xem người nam có y phục thô xấu và thân hình gầy ốm này.
6000. (Người này) với khuôn mặt tịnh tín và có sự phỉ lạc, được sở hữu tài sản về đức tin, có lông dựng đứng sanh lên ở cơ thể, được mừng rỡ, không cử động, có nhúm bông sālā.
6001. Người này phát nguyện vị thế ấy của vị tỳ khưu có được đạo binh về sự chân thật và có thiên hướng về hình tướng của vị mặc y thô xấu ấy.”
6002. Nghe được điều ấy, tôi đã trở nên hoan hỷ và đã quỳ xuống đê đầu ở đấng Chiến Thắng. Tôi đã thực hiện việc làm tốt đẹp trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng cho đến hết cuộc đời.
6003. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
6004. Do hành động đốt nền đất ở gian nhà nghỉ chân, tôi đã bị thiêu đốt, bị khổ đau về cảm thọ ở địa ngục một ngàn năm.
6005. Do phần dư sót của nghiệp ấy, trong năm trăm kiếp sống dầu đã được may mắn sanh ra làm người, tôi đã bị đóng dấu từ lúc mới sanh.
6006. Tôi đã bị nhiễm bệnh phong cùi luôn cả năm trăm kiếp sống. Do tác động của nghiệp ấy, tôi đã trải qua khổ đau lớn lao.
6007. Ở vào kiếp Bhadda này, với tâm ý tịnh tín tôi đã làm hài lòng vị có danh vọng tối cao bằng món thức ăn.
6008. Do tính chất đặc biệt của nghiệp ấy và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
6009. Khi đạt đến lần hiện hữu cuối cùng, tôi đã được sanh ra trong gia tộc Sát-đế-lỵ. Khi cha tôi băng hà, tôi đã được kế thừa vương quốc rộng lớn.
6010. Bị bệnh phong cùi chế ngự, tôi không đạt được sự vui sướng và sự an lạc. Vì sự sung sướng về vương quốc là rỗng không, cho nên tôi là Mogharājā.[29]
6011. Sau khi nhìn thấy sự xấu xa của thân thể, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Tôi đã đi đến làm học trò của vị Bà-la-môn cao cả tên Bāvarī.
6012. Cùng với đoàn tùy tùng đông đảo, tôi đã đi đến gặp đấng Lãnh Đạo nhân loại. Tôi đã hỏi đấng Anh Hùng ấy là vị (có khả năng) khuất phục người đối đáp một câu hỏi khôn khéo.
6013. Thế giới này, thế giới khác, thế giới Phạm Thiên, luôn cả thế giới chư Thiên không biết rõ quan điểm của Ngài, của vị Gotama có danh vọng.
6014. “Bằng cách nào Thần Chết không nhìn thấy người đang suy xét về thân này?” Là người có mục đích, tôi đã đi đến với người có sự thấy biết vượt trội như vậy bằng câu chất vấn.
6015. “Này Mogharāja, hãy luôn luôn có niệm. Ngươi hãy suy xét thân này là không. Sau khi dẹp bỏ tà kiến về tự ngã,[30]như vậy ngươi có thể vượt trội Thần Chết.
6016. Thần Chết không nhìn thấy người đang suy xét về thân này là như thế.” Đức Phật, người thầy thuốc chữa tất cả các loại bệnh đã giảng cho tôi như vậy.
6017. Với sự chấm dứt của câu kệ, tôi có râu tóc đã được cạo bỏ, có sự mặc lên tấm vải ca-sa, tôi đã trở thành vị tỳ khưu A-la-hán như thế.
6018. Bị hành hạ bởi căn bệnh, tôi đã không cư ngụ trong các trú xá thuộc về hội chúng (nghĩ rằng): “Chớ để trú xá bị dơ bẩn,” tôi đã bị hành hạ bởi các cơn bệnh về gió.
6019. Sau khi đã đem về từ đống rác, từ bãi tha ma, và từ các đường lộ, từ đó tôi đã làm nên y hai lớp và tôi đã mặc y thô xấu.
6020. Hoan hỷ về đức hạnh ấy của tôi, bậc Thầy Thuốc vĩ đại, đấng Hướng Đạo đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng trong số các vị mặc y thô xấu.
6021. Có sự đoạn tận thiện và ác, đã được dứt bỏ mọi cơn bệnh, tợ như ngọn lửa không còn nhiên liệu, tôi đã Niết Bàn không còn lậu hoặc.
6022. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6023. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6024. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Mogharāja đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Mogharāja là phần thứ mười.
--ooOoo—
Vị Kaccāna, vị trưởng lão Vakkali, vị có tên là Mahākappina, vị Dabba, vị có tên là Kumāra, vị Bāhiya, vị Koṭṭhita có năng lực, vị Uruvelakassapa, vị Rādha, và bậc trí tuệ Mogharājā. Ở đây có ba trăm và luôn cả sáu mươi hai câu kệ đã được gộp chung lại.
Phẩm Kaccāna là phẩm thứ năm mươi bốn.
--ooOoo—
[1] Kurañjiyaphaladāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) kurañjiya.”
[2] Kapitthaphaladāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) táo rừng.”
[3] Kosumbhaphaladāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái (phala) kosumbha.”
[4] Ketakapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) ketaka.”
[5] Nāgapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) nāga.”
[6] Ajjunapupphiya nghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) ajjuna.”
[7] Kuṭajapupphiyanghĩa là “vị liên quan đến bông hoa (puppha) kuṭaja.”
[8] Ghosasaññakanghĩa là “vị nhận biết (saññaka) âm vang (ghosa).”
[9] Sabbaphaladāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) tất cả (sabba) trái cây (phala).”
[10] Padumadhārakanghĩa là “vị nắm giữ (dhāraka) đóa hoa sen (paduma).”
[11] Tiṇamuṭṭhidāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) nắm (muṭṭhi) cỏ (tiṇa).”
[12] Mañcadāyakanghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) cái giường (mañca).”
[13]Câu chuyện này được thấy ở ký sự 359 về trưởng lão Saraṇagamaniya (Apadāna - Thánh Nhân Ký Sự, tập I).
[14] Saraṇagamaniyanghĩa là “vị liên quan đến việc đi đến (gamana) nương nhờ (saraṇa).”
[15] Abbhañjanadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) dầu thoa (abbhañjana).”
[16] Supaṭadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) tấm vải đẹp (supaṭa).”
[17] Daṇḍadāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) cây gậy (daṇḍa).”
[18] Girinelapūjaka nghĩa là “vị cúng dường (pūjaka) bông hoa nela ở núi (giri).”
[19] Bodhisammajjaka nghĩa là “vị quét dọn (sammajjaka) ở cội cây Bồ Đề (bodhi).”
[20] Āmaṇḍaphaladāyaka nghĩa là “vị dâng cúng (dāyaka) trái cây (phala) āmaṇḍa.”
[21] Sugandha nghĩa là “vị có hương thơm (gandha) ngạt ngào (su).”
[22]Nghĩa của từ dabba là củi, gỗ.
[23]Có hai câu chuyện được ghi lại ở phần câu chuyện dẫn nhập của 2 điều saṅghādisesa 8 và 9 ở Tạng Luật.
[24] Dhammapada - Pháp Cú, câu 101.
[25]Vị xuất thân từ bà Sārī ám chỉ ngài Sāriputta, con trai (putta) của bà Sārī.
[26] Upatissa là tên gọi của ngài Sāriputta lúc còn tại gia (ND).
[27]Một tên gọi khác của thành Rājagaha (ND).
[28] Một câu chuyện khác về vị Mogharājā được tìm thấy ở Phẩm Bốn, ký sự 35.
[29]Mogharājā nghĩa là vị vua (rājā) rỗng không (mogha), rajja là vương quốc, vương quyền.
[30] Xem phần nói về Tùy Ngã Kiến, Paṭisambhidāmagga I - Phân Tích Đạo I, trang 266-281 (Tam Tạng Pāḷi - Việt tập 37).
6025. Trước đây một trăm ngàn kiếp, vị Lãnh Đạo, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Hữu Nhãn về tất cả các pháp đã hiện khởi.
6026. Vào lúc bấy giờ, tôi là con trai nhà triệu phú có đại tài sản ở tại Haṃsavatī. Trong khi đi bộ lang thang, tôi đã đi đến tu viện của Hội Chúng.
6027. Khi ấy, bậc Quang Đăng của thế gian, đấng Lãnh Đạo ấy đang thuyết giảng Giáo Pháp. Ngài đã tán dương vị Thinh Văn ưu tú trong số các vị có giọng nói ngọt ngào.
6028. Nghe được điều ấy, tôi đã trở nên hoan hỷ và đã thể hiện sự tôn kính đến bậc Đại Ẩn Sĩ. Tôi đã đảnh lễ ở bàn chân của bậc Đạo Sư và đã phát nguyện vị thế ấy.
6029. Khi ấy, đức Phật, đấng Hướng Đạo đã chú nguyện ở giữa hội chúng rằng: “Trong thời vị lai xa xăm người này sẽ đạt được điều ước nguyện ấy.
6030. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên là Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
6031. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Bhaddiya.”
6032. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
6033. Trước đây chín mươi hai kiếp, bậc Lãnh Đạo Phussa, vị khó tiếp cận, khó chinh phục, đấng Chiến Thắng tối thượng của tất cả thế gian đã hiện khởi.
6034. Là vị hội đủ tánh hạnh, cao thượng, ngay thẳng, có sự huy hoàng, là người tầm cầu sự lợi ích cho tất cả chúng sanh, Ngài đã giải thoát cho nhiều người khỏi sự trói buộc.
6035. Tôi đã là con chim cu cu cườm ở khu rừng Nandārāma. Tôi sống ở cành cây xoài gần hương thất của Ngài.
6036. Khi ấy, sau khi nhìn thấy đấng Chiến Thắng tối thượng, bậc xứng đáng cúng dường, đang đi khất thực, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín và đã hót lên với tiếng hót ngọt ngào.
6037. Khi ấy, tôi đã đi đến khu vườn của đức vua và đã gắp lấy chùm xoài chín muồi có màu da vàng chói rồi đã dâng đến bậc Toàn Giác.
6038. Khi ấy, biết được tâm của tôi, bậc Đại Bi Mẫn, đấng Chiến Thắng, bậc Lãnh Đạo đã nhận lấy bình bát từ tay của vị thị giả.
6039. 6040. Với tâm hớn hở, tôi đã dâng cúng chùm xoài đến bậc Đại Hiền Trí. Sau khi đặt vào bình bát, tôi đã chắp hai cánh lại đồng thời hót lên với tiếng hót ngọt ngào, quyến rũ, êm tai, vui vẻ nhằm mục đích cúng dường đức Phật. Rồi tôi đã bay về tổ và nằm xuống.
6041. Khi ấy, tôi đã có tâm hoan hỷ, có thiên hướng yêu mến đức Phật. Có con chim ưng với tâm ý xấu xa đã đi đến và đã giết chết tôi.
6042. Từ nơi ấy chết đi, tôi đã thọ hưởng sự sung sướng lớn lao ở cõi trời Đẩu Suất. Do nhờ tác động của nghiệp ấy, tôi đã đi đến nhập vào thai của loài người.
6043. Ở vào kiếp Bhadda này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên Kassapa, thuộc dòng dõi, có danh tiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên (dòng dõi Bà-la-môn).
6044. Ngài đã làm chói sáng Giáo Pháp, đã khuất phục các ngoại đạo xấu xa, đã huấn luyện những người đáng được huấn luyện, và đã Niết Bàn cùng các vị Thinh Văn.
6045. Khi đấng Cao Cả ấy của thế gian đã Niết Bàn, được tịnh tín nhiều người tạo nên ngôi bảo tháp nhằm mục đích cúng dường đến đức Phật, đến bậc Đạo Sư.
6046. Họ bàn thảo như vầy: “Chúng ta sẽ tạo nên ngôi bảo tháp bảy do-tuần được trang hoàng bằng bảy loại châu báu dành cho bậc Đại Ẩn Sĩ.”
6047. Khi ấy, tôi đã là vị thống lãnh quân đội của đức vua của xứ Kāsi (tên) là Kiki. Tôi đã nói đến việc giảm thiểu kích thước ở ngôi bảo tháp.
6048. Khi ấy, do lời nói của tôi họ đã xây dựng ngôi bảo tháp một do-tuần được trang hoàng bằng bảy loại châu báu dành cho bậc Anh Hùng của nhân loại.
6049. Do nghiệp ấy đã được thực hiện hoàn tất và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
6050. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, tôi đã được sanh vào gia đình triệu phú sung túc, thịnh vượng, có tài sản lớn lao ở tại kinh thành Sāvatthī.
6051. Sau khi nhìn thấy đấng Thiện Thệ ở lối đi vào thành phố, tôi đã có tâm ý sửng sốt. Sau khi xuất gia không lâu, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
6052. Do hành động tôi đã làm về kích thước của ngôi bảo tháp, tôi đã được sanh ra có thân hình thấp bé, đáng bị khinh thường.
6053. Sau khi cúng dường bậc Ẩn Sĩ tối thượng với giọng hót ngọt ngào, tôi đã thành tựu bản thể hàng đầu trong số các vị tỳ khưu có giọng nói ngọt ngào.
6054. Do việc dâng cúng trái cây và sự tưởng nhớ đến đức hạnh của đức Phật, tôi được thành tựu quả vị Sa-môn, tôi sống không còn lậu hoặc.
6055. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6056. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6057. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Lakuṇṭakabhaddiya[1]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Lakuṇṭakabhaddiya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
6058. Trước đây một trăm ngàn kiếp, vị Lãnh Đạo, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Hữu Nhãn về tất cả các pháp đã hiện khởi.
6059. Ngài có hàm sư tử, có giọng nói của Phạm Thiên, có âm điệu của loài chim thiên nga và tiếng trống, có sự bước đi hùng dũng của loài rồng, có ánh sáng vượt trội mặt trăng và mặt trời.
6060. Bậc Đại Trí, đấng Đại Hùng là có thiền chứng lớn lao, có sức mạnh lớn lao. Bậc Đại Bi, đấng Bảo Hộ là có sự xua đi màn tăm tối lớn lao.
6061. Có lần nọ, đấng Cao Cả của tam giới ấy, bậc Toàn Giác, đấng Hiền Trí, vị hiểu biết về thiên hướng của chúng sanh, trong lúc đang huấn luyện cho nhiều người đáng được huấn luyện, Ngài đã thuyết giảng Giáo Pháp.
6062. Trong lúc tán dương ở hội chúng về vị anh hùng có thiền chứng, thỏa thích về thiền, an tịnh, không bị chộn rộn, đấng Chiến Thắng đã làm cho dân chúng được hoan hỷ.
6063. Khi ấy, tôi đã là vị Bà-la-môn thông suốt các bộ Vệ Đà ở thành Haṃsavatī. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp, được hoan hỷ tôi đã phát nguyện vị thế ấy.
6064. Lúc bấy giờ, đấng Chiến Thắng, bậc Hướng Đạo đã chú nguyện ở giữa hội chúng rằng: “Này Bà-la-môn, ngươi hãy hoan hỷ, ngươi sẽ đạt được điều ước nguyện ấy.
6065. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên là Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
6066. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Revata.”
6067. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
6068. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, tôi đã được sanh ra ở thành Koliya, được thành tựu gia tộc Sát-đế-lỵ sung túc, thịnh vượng, có tài sản lớn lao.
6069. Vào lúc đức Phật đã thuyết giảng Giáo Pháp ở Kapilavatthu, khi ấy được tịnh tín ở đấng Thiện Thệ, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
6070. Tôi đã có nhiều sự hoài nghi về điều được phép và không được phép, ở việc này việc nọ. Sau khi thuyết giảng về Giáo Pháp tối thượng, đức Phật đã hướng dẫn tất cả các điều ấy.
6071. Do đó, tôi đã vượt qua luân hồi và tôi sống luôn luôn được thỏa thích trong sự an lạc của thiền. Khi ấy, đức Phật, sau khi nhìn thấy tôi, Ngài đã nói điều này:
6072. “Bất cứ điều hoài nghi nào ở nơi đây hoặc ở cõi khác, do sự hiểu biết của chính mình hoặc do sự hiểu biết của người khác, những vị nào có thiền chứng, có sự tinh cần, đang thực hành Phạm hạnh, dứt bỏ tất cả những hoài nghi ấy.”
6073. Việc làm đã được thực hiện ở một trăm ngàn kiếp đã cho tôi nhìn thấy quả báu tại đây. Như là tốc độ của mũi tên khéo được bắn ra, tôi đã thiêu đốt các phiền não của tôi.
6074. Do đó, sau khi nhìn thấy tôi được thỏa thích trong thiền, đức Phật, vị đã đi đến tận cùng của thế giới, bậc Hiền Trí, đấng Đại Trí đã tuyên bố tôi là đứng đầu trong số các vị tỳ khưu có thiền chứng.
6075. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6076. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6077. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kaṅkhārevata[2]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kaṅkhārevata là phần thứ nhì.
--ooOoo--
6078. Trước đây một trăm ngàn kiếp, vị Lãnh Đạo, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Hữu Nhãn về tất cả các pháp đã hiện khởi.
6079. Giới của vị ấy là không thể đo lường, định được sánh với kim cương, trí tuệ cao quý là không thể ước lượng, và sự giải thoát là không có tương đương.
6080. Ở cuộc hội họp của loài người, chư Thiên, các loài rồng và các đấng Phạm Thiên, được đông đảo các vị Sa-môn và Bà-la-môn, bậc Lãnh Đạo đã thuyết giảng Giáo Pháp.
6081. Được tự tin ở nơi các hội chúng, Ngài đã thiết lập vị Thinh Văn có lợi lộc nhiều, có phước báu rạng ngời vào vị thế tối thắng.
6082. Khi ấy, tôi đã là vị Sát-đế-lỵ ở thành phố tên là Haṃsā. Tôi đã nghe được lời nói ấy của đấng Chiến Thắng (nói) về nhiều đức hạnh của vị Thinh Văn.
6083. Tôi đã thỉnh mời và đã cung cấp vật thực đến Ngài cùng với các vị Thinh Văn trong bảy ngày. Sau khi cúng dường cuộc đại thí, tôi đã phát nguyện vị thế ấy.
6084. Khi ấy, sau khi nhìn thấy tôi khom mình ở bàn chân, bậc Nhân Ngưu đấng Đại Hùng với âm điệu dịu dàng đã nói lời nói này.
6085. Do đó, có ước muốn được nghe lời nói của đấng Chiến Thắng, đám đông người gồm có chư Thiên, A-tu-la, Càn-thát-bà, và các đấng Phạm Thiên có đại thần lực.
6086. Luôn cả các vị Sa-môn và Bà-la-môn đã chắp tay lên lễ bái rằng: “Bạch đấng Siêu Nhân, xin kính lễ Ngài. Bạch đấng Tối Thượng Nhân, xin kính lễ Ngài.
6087. Bạch đấng Đại Hiền Trí, cuộc đại thí đã được vị Sát-đế-lỵ dâng cúng đến Ngài trọn bảy ngày, xin Ngài hãy chú nguyện quả báu cho vị ấy, (chúng tôi) có ước muốn được nghe.”
6088. 6089. Khi ấy, đức Thế Tôn đã nói rằng: “Các ngươi hãy lắng nghe lời nói của Ta. Sự cúng dường đã khéo được thiết lập ở đức Phật vô lượng, ở Hội Chúng, ai là người thông báo rằng chính việc cúng dường ấy là có quả báu vô lượng? Và luôn cả người có của cải dồi dào này cũng phát nguyện vị thế tối thượng rằng:
6090. ‘Giống như vị tỳ khưu Sudassana là có lợi lộc trong số các vị có lợi lộc dồi dào, mong rằng ta cũng có thể được tương tợ như thế,’ (người này) sẽ đạt được điều ấy trong ngày vị lai.
6091. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
6092. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Sīvali.”
6093. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
6094. Trước đây chín mươi mốt kiếp, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Vipassī là vị có ánh mắt thu hút, vị thấy rõ tất cả các pháp đã hiện khởi.
6095. Lúc bấy giờ, tôi đã bị bận rộn với việc buôn bán, là người được cảm tình và còn được mong mỏi nữa của một gia đình nọ ở tại thành Bandhumatī.
6096. Khi ấy, có hội đoàn nọ đã thực hiện bữa ăn lớn lao vô cùng nổi tiếng đến bậc Đại Ần Sĩ Vipassī.
6097. Và khi cuộc đại thí được hoàn tất, họ đã dâng cúng món bánh tổng hợp. Trong lúc tìm kiếm, người ta vẫn không nhìn thấy sữa đông tươi và luôn cả mật ong nữa.
6098. Khi ấy, tôi đã cầm lấy sữa đông tươi ấy luôn cả mật ong rồi đã đi đến nhà của người chủ công việc. Trong lúc tìm kiếm vật ấy, họ đã nhìn thấy tôi.
6099. Dầu họ đã xuất ra đến một ngàn nhưng vẫn không nhận được hai món ấy. Do đó, tôi đã suy nghĩ như vầy: “Việc này sẽ không là chuyện nhỏ.
6100. Giống như tất cả những người này tôn trọng đức Như Lai, thì ta cũng sẽ thể hiện sự tôn kính ở nơi đấng Lãnh Đạo Thế Gian cùng với Hội Chúng.”
6101. Khi ấy, sau khi suy nghĩ như thế, tôi đã nghiền nát sữa đông và mật ong chung lại rồi đã dâng cúng đến đấng Lãnh Đạo Thế Gian cùng với Hội Chúng.
6102. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
6103. Lần khác nữa, tôi đã trở thành vị vua có danh vọng lớn lao ở thành Bārāṇasī. Khi ấy, bị bực mình đối với quân thù, tôi đã cho thực hiện sự ngăn chận ở cổng thành.
6104. Khi ấy, mọi người cùng với các quân lính đã bị ngăn cản và đã bị canh giữ bảy ngày. Sau đó, do kết quả của việc ấy, tôi đã thường xuyên bị rơi vào địa ngục.
6105. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, tôi đã được sanh ra ở thành Koliya. Và mẹ của tôi là Suppavāsā, cha là Mahāli người xứ Licchavī.
6106. Do nghiệp phước thiện khi là vị Sát-đế-lỵ và do tác động của việc ngăn chận cổng thành, tôi đã sống bảy năm trong bụng mẹ, chịu khổ đau.
6107. Trong bảy ngày, tôi đã bị mê man ở cửa (sanh ra), gánh chịu sự khổ đau lớn lao. Mẹ của tôi đã bị vô cùng đớn đau như thế do việc bày tỏ sự đồng tình (về quyết định ngăn chận cửa thành trong bảy ngày).
6108. Được đức Phật thương tưởng, tôi đã được sanh ra an toàn. Ngay vào ngày được hạ sanh, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
6109. Thầy tế độ của tôi là vị Sāriputta và vị Moggallāna có đại thần lực. Trong khi đang xuống tóc, bậc đại trí đã chỉ dạy cho tôi.
6110. Khi các sợi tóc đang được cạo, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán. Chư Thiên, các loài rồng, và nhân loại đem lại cho tôi các vật dụng.
6111. Việc tôi đã hoan hỷ cúng dường đến đấng Bảo Hộ Padumuttara và đấng Hướng Đạo Vipassī với các vật dụng một cách đặc biệt.
6112. Do đó, với tính chất đặc biệt của các nghiệp ấy, tôi đạt được lợi lộc dồi dào và thượng hạng ở mọi nơi, ở rừng rú, ở làng mạc, ở sông nước, ở đất liền.
6113. Vào lúc đấng Hướng Đạo ra đi nhằm mục đích thăm viếng vị Revata, đấng Lãnh Đạo cao cả của thế gian đã ra đi cùng với ba mươi ngàn vị tỳ khưu.
6114. Khi ấy, bậc Đại Trí, đấng Đại Hùng, vị Lãnh Đạo Thế Gian cùng với Hội Chúng đã có các vật dụng được chư Thiên đem lại vì sự lợi ích cho tôi.
6115. Được tôi phục vụ, đức Phật đã đi đến và thăm viếng Revata. Sau đó, Ngài đã đi đến Jetavana và đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng.
6116. Bậc Đạo Sư, nguồn lợi ích của tất cả thế gian, đã tán dương tôi ở các hội chúng rằng: “Này các tỳ khưu, trong các đệ tử của Ta, Sivalī là vị đứng đầu trong số các vị có được lợi lộc.”
6117. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6118. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6119. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sīvalī đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sīvalī là phần thứ ba.
--ooOoo--
6120. Trước đây một trăm ngàn kiếp, vị Lãnh Đạo, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Hữu Nhãn về tất cả các pháp đã hiện khởi.
6121. Cũng giống như sóng ở biển cả, tợ như các vì sao ở bầu trời, tương tợ như thế lời giảng dạy của Ngài được tô điểm bằng các vị A-la-hán.
6122. Ngài đứng đầu chư Thiên, các hàng A-tu-la, các loài rồng, và nhân loại. Ngài là bậc tối thượng ở giữa dân chúng có đông đảo các vị Sa-môn và Bà-la-môn.
6123. Đấng Chiến Thắng, vị đã đi đến tận cùng của thế giới, đang chiếu sáng thế gian bằng các tia sáng. Ngài đang đánh thức những đóa hoa sen xứng đáng được dẫn dắt bằng ngôn từ.
6124. Bậc Tối Thượng Nhân được hội đủ bốn pháp tự tín, có sự sợ hãi và quyến luyến đã được dứt bỏ, đã đạt đến sự bình an, có lòng tự tín.
6125. Đấng Cao Cả của thế gian chứng tỏ vị thế hùng tráng quý cao và toàn bộ nền tảng của bậc đã được giác ngộ, không có tự trách cứ về bất cứ điều gì.
6126. Trong khi Ngài là bậc như thế ấy đang rống lên tiếng rống không chút hãi sợ của loài sư tử, không có người nào phản bác lại dầu là Thiên nhân, hoặc loài người, hay là đấng Phạm Thiên.
6127. Trong khi thuyết giảng Giáo Pháp quý cao, trong khi giúp cho (nhân loại) luôn cả chư Thiên vượt qua, bậc tự tín ở nơi các hội chúng (đã) chuyển vận bánh xe Chánh Pháp.
6128. Sau khi tán dương vị Thinh Văn đứng đầu trong số các vị có tài biện giải được công nhận là tốt lành về nhiều đức hạnh, Ngài đã thiết lập vị ấy vào vị thế tối thắng.
6129. Khi ấy, tôi đã được sanh ra ở thành Haṃsavatī, là người Bà-la-môn được công nhận là tốt lành, là người hiểu biết về tất cả các bộ Vệ-đà, là vị chúa tể của việc tranh cãi, là bậc có sự tiêu diệt người đối đáp.
6130. Tôi đã đi đến gặp đấng Đại Hùng ấy và đã lắng nghe về sự thuyết giảng Giáo Pháp ấy. Được thỏa thích với đức hạnh của vị Thinh Văn, tôi đã đạt được niềm phỉ lạc cao quý.
6131. Tôi đã thỉnh mời đấng Thiện Thệ là niềm vui thích của thế gian cùng với Hội Chúng. Sau khi cung cấp vật thực trong bảy ngày, khi ấy tôi đã khoác lên (các vị) với những tấm vải.
6132. Tôi đã quỳ xuống đê đầu ở bàn chân (Ngài). Được sự cho phép, tôi đã chắp tay lại, đứng ở một bên, mừng rỡ, tôi đã ngợi ca đấng Chiến Thắng tối thượng rằng:
6133. “Bạch đấng tranh luận (dũng mãnh) tợ loài beo, con kính lễ Ngài! Bạch đấng Tối Thượng Nhân, con kính lễ Ngài! Bạch đấng Cao Cả của tất cả thế gian, con kính lễ Ngài! Bạch đấng làm cho không còn hãi sợ, con kính lễ Ngài!
6134. Bạch đấng khuấy động Ma Vương, con kính lễ Ngài! Bạch đấng có sự tiêu diệt tà kiến, con kính lễ Ngài! Bạch đấng ban cho sự thanh tịnh và an lạc, con kính lễ Ngài! Bạch đấng tạo sự nương nhờ, con kính lễ Ngài!
6135. Ngài đang là đấng Bảo Hộ cho những ai không người bảo hộ, là người ban phát sự không sợ hãi cho những ai bị hãi sợ, là vùng đất nghỉ ngơi của chúng sanh, là nơi nương nhờ cho những ai tầm cầu sự nương tựa.”
6136. Sau khi ngợi ca đấng Toàn Giác có đức hạnh lớn lao như thế, v.v... Tôi đã nói rằng: “Con sẽ đạt đến số phận của vị tỳ khưu tranh luận dũng cảm.”
6137. 6138. Khi ấy, đức Thế Tôn, bậc có tài biện giải không giới hạn đã nói rằng: “Được tịnh tín, người này đã tự tay mình chăm lo bữa ăn đến đức Phật cùng với (các) Thinh Văn trong bảy ngày và đã ngợi ca đức hạnh của Ta. Người này ước nguyện vị thế của vị tỳ khưu là người tranh luận dũng cảm.
6139. Trong thời vị lai xa xăm người này sẽ đạt được điều ước nguyện ấy sau khi đã thọ hưởng sự thành tựu ở cõi Trời và cõi người không phải là ít.
6140. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
6141. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Vaṅgīsa.”
6142. Nghe được điều ấy, tôi đã trở nên hoan hỷ. Khi ấy, với tâm từ ái tôi đã chăm sóc đấng Chiến Thắng, đức Như Lai bằng các vật dụng cho đến hết cuộc đời.
6143. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đẩu Suất.
6144. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, tôi đã được tái sanh vào gia đình du sĩ ngoại đạo. Và đến lúc tôi đã được bảy tuổi tính từ lúc sanh.
6145. Tôi đã trở thành người hiểu biết tất cả các bộ Vệ-đà, được tự tin trong nghệ thuật về tranh luận, là vị chúa tể của các nhà tranh luận, có sự thuyết giảng hay, đánh bại các nhà tranh luận khác.
6146. Vaṅgīsa nghĩa là “Được sanh ra ở xứ Vaṅga” hoặc là “Vị chúa tể về lời nói.” Được đồng tình bởi thế gian, tên của tôi đã là Vaṅgīsa.
6147. Vào lúc tôi đạt đến sự hiểu biết, tôi đã đứng đầu trong lớp trẻ. Khi ấy tôi đã nhìn thấy vị Sāriputta ở thành Rājagaha đáng yêu.
(Tụng phẩm thứ hai mươi lăm).
6148. Trong lúc đi đó đây để khất thực, vị ấy tay ôm bình bát, khéo thu thúc, mắt không láo liên, có lời nói cân nhắc, có tầm nhìn xuống một cán cày.
6149. Sau khi nhìn thấy vị ấy, tôi đã trở nên sửng sốt và đã tức thời nói lên câu kệ văn vẻ thuận theo tâm ý được sáng tác tại chỗ.
6150. Vị ấy đã nói với tôi về đấng Đạo Sư, bậc Toàn Giác, đấng Lãnh Đạo của thế gian. Khi ấy, bậc anh hùng ấy đã nói cho tôi câu trả lời.
6151. Vị ấy đã nói về lời giảng dạy có sự xa lìa tham ái, khó hiểu thấu, cao thượng. Với các sự hiểu biết rõ ràng, tôi đã trở nên hoan hỷ với vị như thế ấy. Tôi đã quỳ xuống đê đầu ở bàn chân (vị Sāriputta) và đã nói rằng: “Xin ngài hãy cho tôi xuất gia.”
6152. Do đó, bậc đại trí tuệ ấy đã đưa tôi đến gặp đức Phật tối thượng. Tôi đã quỳ xuống đê đầu ở bàn chân (Ngài) rồi đã ngồi xuống gần bên bậc Đạo Sư.
6153. Bậc Tối Thượng trong số những người tranh luận đã nói với tôi rằng: “Này Vaṅgīsa, ngươi biết được điều gì, có tài nghệ gì?” Và tôi đã nói với Ngài rằng: “Con có biết.”
6154. “Với tài nghệ đặc biệt của ngươi, nếu ngươi có khả năng thì hãy cho biết về cái sọ người đã chết bị quăng bỏ ở trong rừng cũng đã mười hai năm.”
6155. “Xin vâng.” Khi tôi đồng ý, Ngài đã chỉ cho thấy ba cái sọ người. Tôi đã cho biết rằng đã đạt đến địa ngục, loài người, và cõi trời.
6156. Khi ấy, đấng Lãnh đão đã chỉ cho thấy cái sọ của đức Phật Độc Giác. Do đó, tôi đã bị thất bại và tôi đã cầu xin sự xuất gia.
6157. Sau khi xuất gia, tôi ngợi ca đức Thiện Thệ ở nơi này nơi khác. Do đó, các vị tỳ khưu ở đây than phiền về tôi là “Nhà sáng tác thơ ca.”
6158. Do đó, nhằm mục đích tìm hiểu, đức Phật bậc Hướng Đạo đã nói với tôi rằng: “Những câu kệ này đã được suy nghĩ (trước đây) hay là (vừa mới) nảy sanh theo sự việc?”
6159. “Bạch đấng Đại Hùng, con không phải là nhà sáng tác thơ ca, chúng (vừa mới) nảy sanh theo sự việc.” “Này Vaṅgīsa, như thế thì người hãy ngợi ca về Ta theo sự việc.”
6160. Khi ấy, tôi đã ngợi ca đấng Anh Hùng, bậc Ẩn Sĩ tối thượng với những câu kệ theo sự việc. Khi ấy, được hoan hỷ về tôi, đấng Chiến Thắng đã thiết lập tôi vào vị thế đứng đầu.
6161. Do tâm sáng láng, tôi đã vượt trội các vị tốt lành khác. Do điều ấy, tôi đã bị tác động, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
6162. “Không tìm thấy bất cứ vị nào khác là vị đứng đầu trong số các vị có tài biện giải như là vị tỳ khưu Vaṅgīsa này. Này các tỳ khưu, các ngươi hãy ghi nhận như thế.”
6163. Việc làm đã được thực hiện ở một trăm ngàn kiếp đã cho tôi nhìn thấy quả báu tại đây. Như là tốc độ của mũi tên khéo được bắn ra, tôi đã thiêu đốt các phiền não (của tôi).
6164. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6165. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6166. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Vaṅgīsa đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vaṅgīsa là phần thứ tư.
--ooOoo--
6167. Trước đây một trăm ngàn kiếp, vị Lãnh Đạo, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Hữu Nhãn về tất cả các pháp đã hiện khởi.
6168. Đấng Siêu Nhân, bậc cao quý trong số các vị đang thuyết giảng đã ngự đến (thế gian) có cả chư Thiên vì sự tấn hóa, vì sự lợi ích, vì sự an lạc của tất cả chúng sanh.
6169. Đấng Chiến Thắng đạt được danh vọng cao cả, có sự vinh quang, được mang lại sự ca ngợi về tiếng thơm, được cúng dường, được nổi tiếng ở khắp mọi phương của toàn thể thế gian.
6170. Ngài đã vượt lên trên sự nghi hoặc, đã vượt qua hẳn sự lưỡng lự, đã được tròn đủ về tâm ý và sự suy tư, đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng.
6171. Bậc Vĩ Nhân là người đã làm sanh lên con đường chưa được hiện khởi, đã công bố điều chưa được công bố, và đã biết điều chưa được biết.
6172. Là người biết về Đạo Lộ, hiểu rõ về Đạo Lộ, bậc Nhân Ngưu ấy đã nói về Đạo Lộ. Được thiện xảo về Đạo Lộ, bậc Đạo Sư là đấng cao quý tối thượng trong số những người điều khiển xe.
6173. Khi ấy, đấng Đại Bi, bậc Lãnh Đạo thuyết giảng Giáo Pháp. Ngài tiếp độ những sanh mạng bị chìm đắm trong vũng lầy mê muội.
6174. Trong lúc tán dương vị Thinh Văn được công nhận là đứng đầu trong việc giáo giới các tỳ khưu ni, bậc Đại Hiền Trí đã tuyên bố về vị thế tối thắng.
6175. Nghe được điều ấy, tôi đã trở nên hoan hỷ. Tôi đã thỉnh mời đức Như Lai cùng với Hội Chúng, và sau khi đã chăm lo bữa ăn tôi đã phát nguyện vị thế tối thượng ấy.
6176. Khi ấy, được hoan hỷ đấng Bảo Hộ, bậc Đại Ẩn Sĩ đã nói với tôi rằng: “Mong rằng ngươi được an lạc và trường thọ, ngươi sẽ đạt được điều ước nguyện ấy.
6177. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
6178. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Nandaka.”
6179. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
6180. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, tôi đã được sanh vào gia đình triệu phú sung túc, thịnh vượng, có tài sản lớn lao ở trong kinh thành Sāvatthī.
6181. Sau khi nhìn thấy đấng Thiện Thệ ở lối đi vào thành phố, tôi đã có tâm ý sửng sốt. Vào lúc tiếp nhận tu viện Jeta, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
6182. Trong thời gian không bao lâu tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán. Sau đó, có sự luân hồi đã được vượt qua, tôi đã được chỉ dạy bởi đấng Toàn Tri.
6183. 6184. Theo sự yêu cầu, tôi đã thực hiện việc thuyết giảng Giáo Pháp cho các tỳ khưu ni. Được chỉ dạy bởi tôi, tất cả năm trăm vị ni ấy không thiếu người nào đã trở thành các bậc Vô Lậu. Khi ấy, được hoan hỷ bậc có sự lợi ích lớn lao đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng trong số các vị giáo giới các tỳ khưu ni.
6185. Việc làm đã được thực hiện ở một trăm ngàn kiếp đã cho tôi nhìn thấy quả báu tại đây. Như là tốc độ của mũi tên khéo được bắn ra, tôi đã thiêu đốt các phiền não (của tôi).
6186. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6187. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6188. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Nandaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Nandaka là phần thứ năm.
--ooOoo--
6189. Trước đây một trăm ngàn kiếp, vị Lãnh Đạo, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Hữu Nhãn về tất cả các pháp đã hiện khởi.
6190. Bậc Đạo Sư là đấng cao quý trong số các đấng Lãnh Đạo, là bậc hiểu biết về thiện hạnh và ác hạnh, là đấng Chiến Thắng, là bậc ghi nhớ ân nghĩa, là bậc biết được hậu quả, Ngài giúp cho các sanh mạng gắn bó vào niềm tin.
6191. Có thiên hướng về lòng trắc ẩn, Ngài phân định bằng trí tuệ biết được tất cả. Có sự tích lũy về đức độ vô biên, Ngài thuyết giảng về Giáo Pháp quý cao.
6192. Có lần nọ, bậc Đại Anh Hùng ấy thuyết giảng Giáo Pháp ngọt ngào bao gồm bốn Sự Thật ở cuộc hội họp gồm dân chúng vô số kể.
6193. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp cao quý có sự tốt đẹp ở phần đầu phần giữa và phần cuối ấy, đã có sự lãnh hội Giáo Pháp của hàng trăm ngàn sanh mạng.
6194. Khi ấy, trái đất đã gây ra tiếng động, và các đám mây mưa đã gào thét. Chư Thiên, Phạm Thiên, nhân loại, và các A-tu-la đã thể hiện hành động tán thán:
6195. “Ôi đấng Bi Mẫn, bậc Đạo Sư! Ôi sự thuyết giảng Giáo Pháp! Ôi đấng Chiến Thắng đã tiếp độ những kẻ bị chìm đắm trong đại dương của hiện hữu!”
6196. Trong khi nhân loại, chư Thiên, và Phạm Thiên sanh lên nỗi niềm bày tỏ như thế, đấng Chiến Thắng đã tán dương vị Thinh Văn đứng đầu trong số các vị tạo niềm tịnh tín cho các gia đình.
6197. Khi ấy, được sanh ra trong gia đình vị quan cận thần ở tại Haṃsavatī, tôi đã là người đáng mến, đáng nhìn, có dồi dào về tài sản và lúa gạo.
6198. Tôi đã đi đến tu viện Haṃsa và đã đảnh lễ đức Như Lai ấy. Tôi đã lắng nghe Giáo Pháp ngọt ngào và đã thể hiện hành động tôn kính đến vị như thế ấy.
6199. Tôi đã quỳ xuống ở cạnh bàn chân (Ngài) và đã nói lời nói này: “Bạch đấng Hiền Trí, vị đứng đầu trong số các vị tạo niềm tịnh tín cho các gia đình đã được Ngài ngợi khen,
6200. Bạch đấng Anh Hùng, con sẽ là vị như thế ấy trong Giáo Pháp của đức Phật tối thượng.” Khi ấy, đấng Đại Bi đang rước lên tôi bằng (dòng nước) Bất Tử.
6201. Ngài đã nói với tôi rằng: “Này con trai, hãy đứng dậy, ngươi sẽ đạt được điều ước nguyện ấy. Sao lại không có kết quả sau khi đã thể hiện hành động tôn kính đến đấng Chiến Thắng?
6202. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
6203. (Người này) sẽ trở thành Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Udāyi.”
6204. Nghe được điều ấy, tôi đã trở nên hoan hỷ. Khi ấy, với tâm từ ái tôi đã chăm sóc đấng Chiến Thắng, bậc Hướng Đạo bằng các vật dụng cho đến hết cuộc đời.
6205. Do kết quả của nghiệp ấy và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
6206. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, tôi đã được sanh ra trong gia đình vị quan đại thần của vị lãnh chúa Suddhodana ở tại thành Kapilavatthu đáng yêu.
6207. Vào lúc đấng Nhân Ngưu Siddhattha đã được sanh ra ở tại khu rừng Lumbinī đáng yêu vì lợi ích và vì sự an lạc của tất cả thế gian.
6208. Tôi đã được sanh ra đúng vào ngày hôm ấy. Cùng với Ngài ấy, tôi đã lớn lên, trở thành người bạn yêu dấu, được cảm tình, có học thức, rành rẽ về lề lối.
6209. Đến khi hai mươi chín tuổi, trong lúc ra đi Ngài đã xuất gia. Sau khi trải qua sáu năm, Ngài đã trở thành đức Phật, đấng Hướng Đạo.
6210. Sau khi đã chiến thắng Ma Vương cùng với đạo quân binh, sau khi đã làm cho các lậu hoặc bị quăng bỏ, sau khi đã vượt qua đại dương của hiện hữu, Ngài đã trở thành đức Phật (ở thế gian) luôn cả chư Thiên.
6211. Ngài đã đi đến nơi có tên là Isi(patana) và đã hướng dẫn nhóm năm vị. Sau đó, đức Thế Tôn đã đi đến nơi này, đã đi đến nơi khác và đã hướng dẫn.
6212. Khi ấy, trong lúc đang huấn luyện những người đáng được huấn luyện, trong lúc tiếp cận (thế gian) cùng với chư Thiên, đấng Chiến Thắng ấy đã đi đến ngọn núi Māgadha và đã cư ngụ ở tại nơi ấy.
6213. Khi ấy, được phái đi bởi vị lãnh chúa Suddhodana, tôi đã đi đến, đã gặp đấng Thập Lực, đã xuất gia, và đã trở thành vị A-la-hán.
6214. Khi ấy, tôi đã cầu xin bậc Đại Ẩn Sĩ và đã thuyết phục Ngài đi đến Kapila. Sau đó, tôi đã trở lại thành phố và đã tạo được niềm tịnh tín cho đại gia tộc.
6215. Được hoan hỷ về đức hạnh ấy, đấng Chiến Thắng, bậc Hướng Đạo ấy ở hội chúng đông đảo đã tuyên bố tôi là vị đứng đầu trong số các vị tạo niềm tịnh tín cho các gia đình.
6216. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6217. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6218. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kāḷudāyi đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kāḷudāyi là phần thứ sáu.
--ooOoo--
6219. Trước đây một trăm ngàn kiếp, vị Lãnh Đạo, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Hữu Nhãn về tất cả các pháp đã hiện khởi.
6220. Đức Như Lai giúp cho người an trú vào việc đi đến nương nhờ, giúp cho người an trú vào giới, vào mười đường lối tối thượng về (thiện) nghiệp.
6221. Đấng Đại Hùng ấy ban cho người quả vị Sa-môn tối thượng. Tương tợ như thế Ngài ban phát tám sự thể nhập (thiền) và ba minh.
6222. Bậc Tối Thượng Nhân giúp cho chúng sanh gắn bó vào sáu thắng trí. Bậc Bảo Hộ ấy ban cho người bốn pháp phân tích
6223. Sau khi nhìn thấy người có khả năng giác ngộ dầu (ở xa) vô số do-tuần, đấng Điều Phục Nhân trong phút chốc vẫn đi đến gặp và hướng dẫn.
6224. Lúc bấy giờ, tôi đã là con trai của vị Bà-la-môn ở thành Haṃsavatī, là người thông suốt tất cả các bộ Vệ-đà, được công nhận về (khả năng) giảng giải.
6225. Được thiện xảo về ngôn từ, và tự tin về từ đồng nghĩa, là người rõ về cú pháp, hiểu biết về nghi lễ, rành rẽ về việc kết hợp âm điệu thi ca.
6226. Trong khi đi bộ lang thang tôi đã đi đến tu viện Haṃsa. Tôi đã nhìn thấy bậc hàng đầu trong số các vị đang thuyết giảng, được đám đông dân chúng ái mộ.
6227. Trong khi Ngài đang thuyết giảng Giáo Pháp không bị ô nhiễm, (dầu) có sự hiểu biết trái nghịch tôi đã đi đến và đã lắng nghe những lời nói không bị bợn nhơ của Ngài.
6228. Tôi đã không nhìn thấy lời đã được nói ra của bậc Hiền Trí ấy là bị lập lại, lạc đề, hoặc không có ý nghĩa; do đó tôi đã xuất gia.
6229. Trong thời gian không bao lâu, được tự tin về tất cả các học thuật, tôi đã được công nhận bởi tập thể là vị thông thạo về lời dạy của đức Phật.
6230. Khi ấy, tôi đã sáng tác bốn câu kệ có sự diễn tả khéo léo. Tôi đã ngợi ca bậc Cao Cả của tam giới và tôi đã diễn giảng ngày này qua ngày khác:
6231. “Bạch đấng Đại Hùng, Ngài không bị ái luyến trong khi sống trong luân hồi (đầy) sự kinh hãi. Vì lòng bi mẫn Ngài đã không Niết Bàn; do đó bậc Hiền Trí là đấng Bi Mẫn.
6232. Người nào dầu còn là phàm nhân mà đã không bị sự chi phối của phiền não, có sự nhận biết mình, được gắn liền với niệm; do đó người này là không thể nghĩ bàn.
6233. Đối với người nào các phiền não ở trạng thái ngủ ngầm đã trở nên yếu ớt, đã bị thiêu đốt bởi ngọn lửa trí tuệ mà không bị cạn kiệt, điều ấy là kỳ diệu.
6234. Vị nào là thầy của tất cả thế gian và thế gian tôn kính như thế đối với vị nào, cũng tương tợ như vậy vị nào là thầy dạy của thế gian, thế gian là xu hướng theo vị ấy.”
6235. Trong khi tán dương đấng Toàn Giác như thế, v.v... Sau khi thực hiện việc thuyết giảng Giáo Pháp đến hết cuộc đời, từ nơi ấy chết đi tôi đã đi đến cõi trời.
6236. Kể từ khi tôi đã tán dương đức Phật cho đến một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc tán dương.
6237. Ở thế giới chư Thiên, tôi đã cai quản vương quốc rộng lớn và vùng địa phận. Là đấng Chuyển Luân Vương, tôi đã thường xuyên thọ hưởng vương quốc rộng lớn.
6238. Tôi (đã) được sanh ra ở hai cảnh giới trong bản thể Thiên nhân và loài người, tôi không biết đến cõi tái sanh khác; điều này là quả báu của việc tán dương.
6239. Tôi (đã) được sanh ra ở hai gia tộc, Sát-đế-lỵ và Bà-la-môn, tôi không biết đến gia tộc hạ tiện; điều này là quả báu của việc tán dương.
6240. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, tôi là con trai của đức vua Bimbisāra ở tại kinh thành Giribbajja và có tên là Abhaya.
6241. Sau khi rơi vào sự ảnh hưởng của bạn xấu, tôi đã bị mê muội vì ngoại đạo. Được phái đi bởi (Giáo chủ) Nātaputta, tôi đã đi đến gặp đức Phật tối thượng.
6242. Tôi đã hỏi câu hỏi khôn khéo và đã lắng nghe lời giảng giải xuất chúng. Tôi đã xuất gia, chẳng bao lâu tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
6243. Sau khi tán dương đấng Chiến Thắng cao quý, tôi được ca ngợi vào mọi lúc. Với thân hình và khuôn mặt có hương thơm ngát, tôi đã đạt được sự an lạc.
6244. Tôi có được tuệ sắc bén, tuệ vi tiếu, tuệ nhẹ nhàng và tuệ vĩ đại tương tợ y như thế,[3]và tôi có tài biện giải đa dạng nhờ vào tác động của nghiệp ấy.
6245. Với tâm tịnh tín, sau khi ngợi ca danh xưng (của đức Phật) Padumuttara, đấng Tự Chủ, không người sánh bằng, tôi (đã) không đi đến khổ cảnh trong một trăm ngàn kiếp nhờ vào quả báu của nghiệp ấy.
6246. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6247. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6248. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Abhaya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Abhaya là phần thứ bảy.
--ooOoo--
6249. Ở vào kiếp Bhadda này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên Kassapa, có danh tiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên (dòng dõi Bà-la-môn).
6250. Lúc bấy giờ, tôi và luôn cả Candana đã xuất gia trong Giáo Pháp và đã làm tròn đầy bổn phận trong Giáo Pháp cho đến phút cuối của cuộc đời.
6251. 6252. Từ nơi ấy chết đi, cả hai chúng tôi đã đạt đến cõi trời Đẩu Suất. Tại nơi ấy, chúng tôi đã vượt trội những vị còn lại về mười chi phần là sắc, v.v... về các điệu vũ, các lời ca, và các khúc tấu nhạc. Chúng tôi đã sống cho đến hết tuổi thọ và đã trải qua sự an lạc lớn lao.
6253. Sau khi mệnh chung từ nơi ấy, Candana đã đi đến cõi trời Đạo Lợi, tôi đã trở thành người con trai dòng Sakya ở thành Kapilavatthu.
6254. Vào lúc được thỉnh cầu bởi trưởng lão Udāyi, vì lòng thương tưởng đối với các vị dòng Sakya, đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã ngự đến thành Kapila.
6255. Khi ấy, các vị dòng Sakya vô cùng tự cao, không biết về hạnh lành của đức Phật, chấp nhất về sanh chủng, không tôn trọng, nên không cúi chào đấng Toàn Giác.
6256. Biết được ý định của họ, đấng Chiến Thắng đã đi kinh hành ở trên không trung, đã đổ mưa xuống tương tợ Thần Mưa, đã phát cháy như là ngọn lữa.
6257. Ngài đã làm cho nhìn thấy sắc thân vô song rồi lại biến mất, chỉ là một biến thành nhiều, rồi đã biến thành mỗi một mình trở lại.
6258. Ngài đã thị hiện bóng tối và ánh sáng theo nhiều cách. Sau khi đã tạo ra điều kỳ diệu, bậc Hiền Trí đã hướng dẫn các quyến thuộc.
6259. Liền khi ấy có đám mây lớn khắp bốn châu lục đã đổ mưa. Chính vào khi ấy, đức Phật đã thuyết giảng chuyện Bổn Sanh Vessantara.
6260. Khi ấy, tất cả các vị Sát-đế-lỵ ấy đã tiêu diệt sự tự hào khởi lên do sanh chủng. Họ đã đi đến nương nhờ đức Phật. Khi ấy, (đức vua) Suddhodana đã nói rằng:
6261. “Bạch đấng có tuệ bao la, bạch đấng Toàn Nhãn, đây là lần thứ ba cha đảnh lễ các bàn chân của Ngài, vào lúc đản sanh Ngài đã làm rung động trái đất, và vào lúc bóng cây Jambu đã không rời bỏ Ngài.”
6262. Khi ấy, sau khi nhìn thấy năng lực ấy của đức Phật, với tâm ý sửng sốt, tôi đã xuất gia ở ngay tại nơi ấy và đã sống là người phụng dưỡng mẹ.
6263. Khi ấy, vị Thiên tử Candana đã đi đến gặp tôi và đã hỏi về cách thức tóm tắt và giải rộng của bài Kinh Bhaddekaratta.[4]
6264. Khi ấy, bị thúc đẩy bởi vị ấy, tôi đã đi đến gặp đấng Lãnh Đạo loài người. Sau khi lắng nghe bài Kinh Bhaddekaratta, tôi đã chấn động và đã trở thành người nhiệt tình với khu rừng.
6265. Khi ấy, tôi đã hỏi mẹ về việc tôi sẽ sống mỗi một mình ở trong rừng. Mẹ của tôi đã ngăn cản rằng: “Con là mảnh mai.” Khi ấy, tôi đã nói với mẹ rằng:
6266. “Bằng ngực con sẽ đầy lùi cỏ dabba, cỏ kusa, cỏ poṭakila, cỏ usīra, cỏ muñja, và cỏ babbaja trong khi thực hành hạnh độc cư.”[5]
6267. Khi ấy, tôi đã đi vào trong rừng. Tôi đã nhớ lại lời dạy của đấng Chiến Thắng, về sự giáo giới bài Kinh Bhaddekaratta, và tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
6268. Hiển nhiên, người ta có thể tưởng nhớ quá khứ nhưng không thể mong mỏi tương lai, vì việc quá khứ ấy đã được từ bỏ và việc tương lai là chưa đến.
6269. Và người nào nhìn thấy rõ pháp hiện tại ở nơi này ở nơi kia, sau khi biết được điều ấy là không dời đổi không lay chuyển, người ấy có thể tiến bộ.
6270. Người nào đang nhiệt tâm với phận sự trong chính ngày hôm nay, có thể biết được Tử Thần vào ngày mai. Nếu không, (sẽ) không có sự chạm trán với Tử Thần cùng với đạo quân binh đông đảo.
6271. Quả vậy, bậc Hiền Trí nói về vị đang sống có sự nhiệt tâm như thế đêm ngày không biếng nhác là vị được an tịnh là “Người hiền một đêm.”
6272. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6273. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6274. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Lomasakaṅgiya đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Lomasakaṅgiya là phần thứ tám.
--ooOoo--
6275. Ở vào kiếp Bhadda này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên Kassapa có danh tiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên (dòng dõi Bà-la-môn).
6276. Lúc bấy giờ, tôi đã xuất gia trong Giáo Pháp của đức Phật ấy. Tôi đã thực hành Phạm hạnh đến hết cuộc đời và đã chết đi từ nơi ấy.
6277. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
6278. Mệnh chung từ nơi ấy, tôi đã trở thành con chim bồ câu ở trong khu rừng. Tại nơi ấy có vị tỳ khưu đầy đủ đức hạnh cư ngụ, luôn luôn thỏa thích với thiền.
6279. Vị anh hùng vĩ đại luôn luôn có tâm từ ái, có lòng bi mẫn, có vẻ mặt hoan hỷ, là vị có hành xả, rành rẽ về các tâm vô lượng.
6280. (Vị ấy) có sự suy tầm không bị chướng ngại, có thiên hướng về sự lợi ích cho tất cả chúng sanh. Không bao lâu sau, tôi đã có được niềm tin ở vị Thinh Văn ấy của đấng Thiện Thệ.
6281. Khi ấy, tôi đây đã đi đến ở cạnh bàn chân của vị ấy đang ngồi. Có lần nọ, vị ấy cho thức ăn, và có một lần thuyết giảng Giáo Pháp.
6282. Khi ấy, tôi đã phục vụ người con trai của đấng Chiến Thắng với lòng yêu thương bao la. Từ nơi đó chết đi, tôi đã đi đến cõi trời như là đã đi về nhà của chính mình sau cuộc hành trình ở xứ lạ.
6283. Mệnh chung từ cõi trời, tôi đã hạ sanh vào loài người nhờ vào nghiệp phước thiện. Tôi đã từ bỏ gia đình và đã xuất gia một cách mau chóng.
6284. Tương tợ y như thế, sau khi trở thành vị Sa-môn, đạo sĩ khổ hạnh, Bà-la-môn, du sĩ ngoại đạo, tôi đã sống ở trong rừng hàng trăm (kiếp sống).
6285. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, ở thành Kapilavatthu đáng yêu có người Bà-la-môn Vacchagotta. Tôi đã nhập thai ở người vợ của ông ta.
6286. Khi tôi đã nhập thai, mẹ của tôi (là sản phụ) đã có niềm khao khát và đã có quyết định về việc cư ngụ ở rừng vào lúc gần được lâm bồn.
6287. Do đó, mẹ đã sanh ra tôi ở bên trong khu rừng đáng yêu. Khi tôi đang ra khỏi bào thai, mọi người đã đỡ lấy tôi bằng tấm y ca-sa.
6288. Sau đó, vương tử Siddhattha biểu tượng của gia tộc Sakya đã được sanh ra. Tôi đã trở thành người bạn yêu quý của vị ấy, được tin tưởng, vô cùng tự hào.
6289. Khi con người ưu tú của chúng sanh đang ra đi sau khi đã từ bỏ danh vọng vĩ đại, tôi cũng đã xuất gia và đã đi đến núi Hi-mã-lạp.
6290. Tôi đã nhìn thấy vị (Mahā) Kassapa là người thuyết giảng về pháp giũ bỏ, có sự cư ngụ ở rừng, vị đáng được tôn kính. Tôi đã được nghe về sự hiện khởi của đấng Chiến Thắng và tôi đã đi đến gặp đấng Điều Phục Nhân.
6291. Trong lúc giảng giải về mọi ý nghĩa, Ngài đã thuyết giảng Giáo Pháp cho tôi. Sau đó, tôi đã xuất gia và cũng đã quay về lại khu rừng.
6292. Tại nơi ấy, trong khi sống không xao lãng, tôi đã chạm đến sáu thắng trí. Ôi, điều lợi ích đã được đạt thành tốt đẹp cho tôi, tôi đã được người bạn tốt thương tưởng!
6293. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6294. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6295. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Vanavaccha[6]đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vanavaccha là phần thứ chín.
--ooOoo—
6296. Ở vào kiếp Bhadda này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên Kassapa có danh tiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên (dòng dõi Bà-la-môn).
6297. Ngài đầy đủ các tướng phụ, có ba mươi hai hảo tướng, được bao quanh bởi quầng ánh sáng, được bao trùm bởi mạng lưới hào quang.
6298. Là người làm cho thoải mái tương tợ mặt trăng, là nguồn tạo ra ánh sáng tợ như mặt trời, là người dập tắt (lửa phiền não) như là cơn mưa, là kho chứa của đức hạnh ví như biển cả.
6299. Với giới như là trái đất, với định như là núi Hi-mã-lạp, với tuệ tợ như bầu trời, không bị dính mắc giống như làn gió.
6300. Vào lúc bấy giờ, tôi được sanh ra tại thành Bārāṇasī trong đại gia tộc có tài sản và lúa gạo dồi dào, có sự tích lũy nhiều loại châu báu khác nhau.
6301. Vào lúc đấng Lãnh Đạo Thế Gian đang ngồi cùng đoàn tùy tùng đông đảo, tôi đã đi đến gần và đã lắng nghe Giáo Pháp tợ như cao lương mỹ vị có sự thu hút tâm ý.
6302. Ngài có ba mươi hai hảo tướng như là mặt trăng có chòm tinh tú, được đầy đủ các tướng phụ tợ như cây sālā chúa đã được trổ hoa.
6303. Ngài phát ra xung quanh mạng lưới hào quang tợ như ngọn núi vàng cháy rực, được bao quanh bởi quầng ánh sáng tợ như mặt trời có các tia sáng.
6304. Đấng Chiến Thắng cao quý có khuôn mặt vàng chói tợ như tảng đá có viên ngọc ma-ni, có trái tim tràn đầy lòng bi mẫn cùng với đức hạnh như là biển cả.
6305. Và đấng Anh Hùng, bậc Hiền Trí có danh tiếng lẫy lừng ở thế gian tợ như ngọn núi tối thượng Sineru, đã được lan rộng với sự vinh quang tương tợ bầu trời.
6306. Đấng Lãnh Đạo có tâm không bị ràng buộc với tất cả các nơi như là làn gió. Bậc Hiền Trí thứ bảy là sự nâng đỡ đối với tất cả chúng sanh tợ như trái đất.
6307. Ngài không bị vấy bẩn bởi thế gian giống như hoa sen không bị lấm lem bởi nước. Ngài chiếu sáng như là khối lửa có sự đốt cháy những lùm cây ngoại giáo.
6308. Ngài là người tiêu diệt chất độc phiền não ở tất cả các nơi như là phương thuốc chữa bệnh. Ngài được trang sức bằng hương thơm của đức hạnh tợ như viên đá nghiền nát hương liệu.
6309. Đấng Chiến Thắng là kho chứa của các đức hạnh tợ như biển cả (là nơi chứa đựng) đối với các loại châu báu, là người mang đi các phiền não và ô nhiễm tợ như con sông Sindhu đối với những dãy rừng.
6310. Với sự tiêu diệt đạo binh của Ma Vương, Ngài như là người chiến sĩ lực lưỡng có sự chiến thắng. Ngài là vị chúa tể của các loại châu báu là các chi phần đưa đến giác ngộ tợ như đấng Chuyển Luân Vương.
6311. Ngài là người thầy thuốc về cơn bệnh sân hận tương tợ vị y sĩ vĩ đại. Ngài là người mổ xẻ mụt nhọt tà kiến giống như phẫu thuật viên hạng nhất.
6312. Khi ấy, được loài người và chư Thiên kính trọng, bậc Quang Đăng của thế gian, ánh Mặt Trời của nhân loại, đấng Chiến Thắng ấy thuyết giảng Giáo Pháp ở các hội chúng.
6313. Ngài đã chỉ dạy như vầy: “Sau khi dâng cúng vật thí thì trở nên có tài sản lớn lao, nhờ vào giới đi đến nhàn cảnh, và do sự tham thiền đạt đến Niết Bàn.”
6314. Toàn thể các hội chúng lắng nghe sự thuyết giảng có phẩm vị cao cả ấy, có sự tốt đẹp ở phần đầu phần giữa và phần cuối, như là cao lương mỹ vị có chất bổ dưỡng lớn lao.
6315. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp có vị ngọt tuyệt vời, tôi được tịnh tín với Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Tôi đã đi đến nương nhờ đức Thiện Thệ và đã tôn kính Ngài đến hết cuộc đời.
6316. Khi ấy, tôi đã lau chùi nền đất ở hương thất của bậc Hiền Trí bằng chất thơm được sanh lên từ bốn loại (bông hoa) vào tám ngày trong một tháng.
6317. Tôi đã ước nguyện về trạng thái có hương thơm ở thân thể bị mùi khó chịu. Khi ấy, đấng Chiến Thắng đã chú nguyện về việc đạt được cơ thể có hương thơm rằng:
6318. “Người nào lau chùi nền đất của hương thất bằng chất thơm một lần, do kết quả của nghiệp ấy được sanh lên ở nơi này nơi khác.
6319. Ở tất cả các nơi, người nam này sẽ có được thân hình có hương thơm ngạt ngào. Sau khi được gắn liền với hương thơm của đức hạnh, (người này) sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
6320. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
6321. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, tôi đã được sanh vào gia đình Bà-la-môn. Khi tôi đang trú ở trong bào thai, mẹ của tôi đã trở thành người có hương thơm ở cơ thể.
6322. Và vào lúc tôi rời khỏi lòng mẹ, khi ấy thành Sāvatthī đã tỏa ra như là được tẩm bằng tất cả các loại hương thơm.
6323. Và có cơn mưa bông hoa thơm ngát làm thích ý với các hương thơm của cõi trời và có các hương trầm có giá trị cao đã thổi đến liền khi ấy.
6324. Và ở ngôi nhà tôi đã được sanh ra, chư Thiên đã tẩm hương thơm ngôi nhà ấy bằng mọi thứ hương thơm, bằng hương trầm và các bông hoa.
6325. Và vào lúc tôi còn trẻ, hiền thiện, đang ở vào giai đoạn đầu của tuổi thanh niên, khi ấy đấng Điều Phục Nhân đã hướng dẫn Sela cùng nhóm tùy tùng.
6326. Cùng với tất cả những người ấy, Ngài đã ngự đến thành Sāvatthī. Sau khi nhìn thấy năng lực ấy của đức Phật, tôi đã xuất gia.
6327. Sau khi làm cho phát triển bốn pháp: Giới, Định, Tuệ, và sự Giải Thoát vô thượng, tôi đã thành tựu sự đoạn tận các lậu hoặc.
6328. Và vào lúc tôi đã được xuất gia, vào lúc tôi trở thành vị A-la-hán, và vào lúc tôi sẽ Niết Bàn, khi ấy sẽ có cơn mưa hương thơm.
6329. Hương thơm ở cơ thể của tôi luôn luôn vượt trội các loại hương trầm, hương campaka, và hương sen vô cùng giá trị, tương tợ như thế ấy khi tôi đi nơi này nơi khác tôi tỏa ra hương thơm át hẳn tất cả các loại hương thơm khác về mọi phương diện.
6330. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6331. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6332. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Cūḷasugandha đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Cūḷasugandha là phần thứ mười.
Phẩm Bhaddiya là phẩm thứ năm mươi lăm.
--ooOoo--
Vị Bhaddiya, vị trưởng lão Revata, và vị Sīvali có lợi lộc lớn lao, vị Vaṅgīsa, vị Nandaka, và luôn cả vị Kāḷudāyi, và tương tợ là vị Abhaya, vị Lomasa, vị Vanavaccha, và vị Sugandha đã được thực hiện là thứ mười. Ở đây, có ba trăm câu kệ và mười sáu câu thêm vào đó nữa.
--ooOoo--
Phẩm tên Kaṇikāra, phẩm về vị dâng cúng trái cây, phẩm về vị dâng cúng cỏ, phẩm Kaccāna, và phẩm Bhaddiya. Và các câu kệ này đã được tính đếm ở đây là chín trăm và tám mươi bốn. Có năm trăm năm mươi ký sự đã được giảng giải. Cùng với các câu kệ tóm lược, đây là sáu ngàn hai trăm câu kệ và mười tám câu thêm vào đó nữa.
--ooOoo--
6333. Chỗ cư ngụ của tôi đã được hóa hiện ra ở gần biển cả, có hồ nước đã khéo được hóa hiện ra, được líu lo bởi loài ngỗng đỏ.[7]
6334. (Hồ nước) được che phủ bởi các cây mạn-đà-la, bởi các đóa sen xanh và sen đỏ. Và con sông chảy qua nơi ấy có bến nước cạn xinh xắn làm thích ý.
6335. (Dòng sông) chứa đầy dẫy những cá và rùa, đông đúc với nhiều loại chim khác nhau, náo nhiệt bởi các chim công và chim cò cùng với những loài dơi và loài chim sáo, v.v...
6336. Và ở đây có các loài sống ở sông như là các con chim bồ câu, các loài ngỗng trời, các con ngỗng đỏ, các chim le le, các con chim cu, các loài pampaka, và các con jīvaṃjīvaka.
6337. (Dòng sông) có các chim thiên nga, chim cò làm ầm ĩ, có nhiều chim cú và loài piṅgala, được đầy đủ bảy loại châu báu, với bãi cát có ngọc ma-ni và ngọc trai.
6338. Tất cả các cây đều làm bằng vàng được tỏa ra với nhiều hương thơm khác loại. Chúng thắp sáng chỗ trú ngụ ngày và đêm vào mọi thời điểm.
6338. Sáu mươi ngàn loại nhạc cụ được phát ra âm thanh sáng chiều. Mười sáu ngàn người nữ luôn luôn quây quần bên tôi.
6340. Tôi đã rời khỏi nơi cư ngụ (đi đến gặp) đấng Lãnh Đạo Thế Gian Sumedha. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã đảnh lễ bậc có danh vọng lớn lao ấy.
6341. Sau khi đảnh lễ bậc Toàn Giác, tôi đã thỉnh mời Ngài cùng Hội Chúng. Đấng Lãnh Đạo Thế Gian Sumedha trí tuệ ấy đã chấp nhận.
6342. Sau khi thực hiện việc thuyết giảng Giáo Pháp cho tôi, bậc Đại Hiền Trí đã giải tán. Tôi đã đảnh lễ bậc Toàn Giác và đã đi về chỗ cư ngụ của tôi.
6343. Tôi đã thông báo với nhóm tùy tùng rằng: “Vào buổi sáng, đức Phật sẽ đi đến chỗ ngụ (này).” Khi ấy tất cả đã tụ hội lại (đáp rằng):
6344. “Điều lợi ích cho chúng tôi đã được chúng tôi thành đạt khéo léo là chúng tôi sống thân cận với ngài. Chúng tôi cũng sẽ cúng dường đến bậc Đạo Sư là đức Phật tối thượng.”
6345. Sau khi sắp đặt thức ăn và nước uống, tôi đã thông báo về thời gian. Đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã ngự đến cùng với một trăm ngàn vị có năng lực.
6346. Tôi đã thực hiện việc tiếp đón với các loại nhạc cụ có đủ năm yếu tố. Bậc Tối Thượng Nhân đã ngồi xuống chiếc ghế làm toàn bằng vàng.
6347. Khi ấy, ở phía trên đã có chiếc lọng làm toàn bằng vàng. Có những cái quạt quạt gió đến Hội Chúng tỳ khưu vô thượng.
6348. Tôi đã làm toại ý Hội Chúng tỳ khưu với cơm ăn nước uống dồi dào. Tôi đã dâng cúng đến Hội Chúng tỳ khưu mỗi vị một xấp vải đôi.
6349. Sau khi ngồi xuống ở nơi Hội Chúng tỳ khưu, vị thọ nhận các vật hiến cúng mà mọi người gọi là “Sumedha” đã nói lên lời kệ này:
6350. “Người nào đã làm toại ý Ta và tất cả các vị này với cơm ăn nước uống, ta sẽ tán dương người ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
6351. Người này sẽ sướng vui ở thế giới chư Thiên một ngàn tám trăm kiếp và sẽ trở thành đấng Chuyển Luân Vương một ngàn lần.
6352. Người này sanh lên chốn nào, là bản thể Thiên nhân hay nhân loại, có chiếc lọng làm toàn bằng vàng sẽ che cho người ấy.
6353. Vào ba mươi ngàn kiếp (về sau này), bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
6354. Là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, (người này) sẽ biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc và sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.
6355. (Người này) sẽ ngồi xuống ở Hội Chúng tỳ khưu và sẽ rống lên tiếng rống của loài sư tử. Nhiều người cầm chiếc lọng ở giàn hỏa thiêu, và (người này) được thiêu ở bên dưới chiếc lọng.”
6356. Trạng thái Sa-môn đã được tôi đạt đến, các phiền não đã được tôi thiêu đốt. Dầu ở mái che hoặc ở gốc cây, sự run sợ không được biết đến ở tôi.
6357. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây ba mươi ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu sự dâng cúng mọi thứ.
6358. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6359. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6360. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Yasa đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Yasa là phần thứ nhất.
--ooOoo—
6361. Nhân dịp đức Thế Tôn Padumuttara bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy đang hành hạnh khất thực, tôi đã cầm lấy trái cây đầu mùa danh tiếng hạng nhất và đã dâng cúng đến bậc Đạo Sư.
6362. Do nghiệp ấy, tôi trở thành vị chúa của chư Thiên, bậc trưởng thượng của thế gian, là vị ưu tú của nhân loại, tôi đã từ bỏ hơn thua và đã đạt đến vị thế Bất Động.
6363. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây đầu mùa.
6364. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6365. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6366. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Nadīkassapa đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Nadīkassapa là phần thứ nhì.
--ooOoo--
6367. Vào lúc bấy giờ, tôi mặc y da dê, mang túi vật dụng. Tôi đã cầm lấy gói trái táo và đã mang về khu ẩn cư.
6368. Vào thời điểm ấy, đức Thế Tôn, đấng Chiến Thắng là đơn độc không người thứ hai. Trong khi đang làm cho sáng tỏ vào mọi thời điểm, Ngài đã đi đến khu ẩn cư của tôi.
6369. Sau khi làm cho tâm của mình được tịnh tín, tôi đã đảnh lễ vị có sự hành trì tốt đẹp. Bằng cả hai bàn tay, tôi đã nâng lên trái táo và đã dâng cúng đến đức Phật.
6370. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây ba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái táo.
6371. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6372. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6373. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Gayākassapa đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Gayākassapa là phần thứ ba.
--ooOoo--
6374. Khi đấng Bà-la-môn toàn hảo Kakusandha Niết Bàn, tôi đã cầm lấy tràng hoa salala và đã cho thực hiện mái che.
6375. Trong khi đi đến cõi trời Đạo Lợi, tôi đã đạt được tòa lâu đài hạng nhất. Tôi rực rỡ hơn chư Thiên khác; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
6376. Và vào ban ngày hoặc vào ban đêm, trong khi đi kinh hành và trong khi đứng tôi được bao phủ bởi các bông hoa salala; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
6377. Việc tôi đã cúng dường đức Phật là ngay trong kiếp này, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
6378. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6379. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6380. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Kimbila đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Kimbila là phần thứ tư.
--ooOoo—
6381. Đức Thế Tôn có ngàn ánh hào quang, đấng Tự Chủ, vị không bị đánh bại sau khi xuất ra khỏi sự độc cư đã ra đi về việc khất thực.
6382. Có được nắm tay trái cây, tôi đã nhìn thấy đấng Nhân Ngưu và đã đi đến gần Ngài. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng cúng trái cây savanṭa.
6383. Kể từ khi tôi đã dâng cúng trái cây trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng trái cây.
6384. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6385. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6386. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Vajjiputta đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Vajjiputta là phần thứ năm.
--ooOoo--
6387. Đấng Toàn Giác tên Sumedha có ba mươi hai hảo tướng. Có ước muốn độc cư, đức Thế Tôn đã đi đến núi Hi-mã-lạp.[8]
6388. Sau khi đã đi sâu vào núi Hi-mã-lạp, đấng Bi Mẫn cao cả, bậc Hiền Trí, đấng Tối Thượng Nhân đã xếp chân thế kiết già rồi đã ngồi xuống.
6389. Khi ấy, tôi đã là người nắm giữ pháp thuật, là vị du hành ở không trung. Sau khi cầm lấy cây chỉa ba được thực hiện khéo léo, tôi đi ở trên không trung.
6390. Đức Phật chói sáng ở trong khu rừng giống như ngọn lửa ở trên đỉnh núi, tợ như mặt trăng ngày rằm, như là cây sālā chúa được trổ hoa.
6391. Hào quang của đức Phật vượt ra khỏi chóp đỉnh của khu rừng và tỏa rộng giống như là màu sắc ngọn lửa của cây sậy, sau khi nhìn thấy tôi đã làm cho tâm được tịnh tín.
6392. Trong khi chọn lựa, tôi đã nhìn thấy bông hoa kaṇikāra có hương thơm của cõi trời. Sau khi cầm lấy ba bông hoa, tôi đã cúng dường đến đức Phật tối thượng.
6393. Khi ấy, do nhờ năng lực của đức Phật, ba bông hoa của tôi (xoay ngược lại) có các cuống hoa ở bên trên và các cánh hoa ở bên dưới, tạo thành bóng râm che cho đức Phật.
6394. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
6395. Tại nơi ấy, có cung điện được kiến tạo khéo léo dành cho tôi được biết (với tên) là “kaṇikārī” có chiều dài sáu mươi do-tuần, chiều rộng ba mươi do-tuần.
6396. (Cung điện) có một ngàn cột trụ chống có màu lục, với một trăm mái tròn được trang hoàng với những ngọn cờ. Có một trăm ngàn tháp nhọn đã hiện diện ở cung điện của tôi.
6397. Có những chiếc ghế bành làm bằng vàng, làm bằng ngọc ma-ni, và cũng làm bằng hồng ngọc nữa, luôn cả ngọc pha-lê (hiện ra) ở bất cứ nơi nào và bất cứ khi nào theo ước muốn.
6398. Và có chiếc giường vô cùng giá trị được trải loại nệm bông gòn có một phần lông rái cá, và được gắn liền với chiếc gối.
6399. Khi nào tôi ước muốn việc ra đi, thì sau khi rời khỏi nơi cư ngụ và trong lúc thực hiện cuộc du hành cùng với chư Thiên, tôi dẫn đầu hội chúng chư Thiên..
6400. Tôi đứng ở phía bên dưới là bông hoa, ở phía bên trên của tôi xung quanh một trăm do-tuần có mái che được phủ bằng các bông hoa kaṇika.
6401. Có sáu mươi ngàn nhạc công đã phục vụ sáng chiều. Họ thường xuyên vây quanh tôi ngày đêm không biếng nhác.
6402. Ở tại nơi ấy, tôi sướng vui với các điệu vũ, các lời ca, các tiếng chũm chọe, và các khúc tấu nhạc, với niềm sướng vui của việc giải trí. Tôi vui thích theo sự mong muốn này mong muốn khác.
6403. Lúc bấy giờ, ở tại nơi ấy tôi đã ăn, tôi đã uống, tôi vui thích ở cõi trời Tam Thập. Được gần gũi với các đám nữ nhân, tôi vui thích ở lâu đài tuyệt hảo.
6404. Và tôi đã cai quản Thiên quốc năm trăm lần. Và tôi đã trở thành đấng Chuyển Luân Vương ba trăm lần. Lãnh thổ vương quốc là bao la, không thể đo lường bằng phương diện tính đếm.
6405. Trong khi luân hồi ở cõi này cõi khác, tôi nhận lãnh của cải lớn lao, tôi không có sự thiếu hụt về của cải; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
6406. Tôi (đã) luân hồi ở hai cảnh giới trong bản thể Thiên nhân và loài người, tôi không biết đến cõi tái sanh khác; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
6407. Tôi (đã) được sanh ra ở hai gia tộc, Sát-đế-lỵ và luôn cả Bà-la-môn, tôi không biết đến gia tộc hạ tiện; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
6408. Về phương tiện di chuyển bằng voi, phương tiện di chuyển bằng ngựa, kiệu khiêng, và cỗ xe kéo, tôi đạt được tất cả mọi thứ này; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
6409. Về đám tôi trai, bầy tớ gái, và các nữ nhân đã được trang điểm, tôi đạt được tất cả mọi thứ này; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
6410. Về y phục làm bằng tơ lụa, bằng sợi len, bằng chỉ lanh, và bằng bông vải, tôi đạt được tất cả mọi thứ này; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
6411. Về vải vóc mới, trái cây tươi, thức ăn mới lạ có phẩm vị cao sang, tôi đạt được tất cả mọi thứ này; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
6412. “Ngài hãy nhai món này, ngài hãy ăn món này, ngài hãy nằm ở chiếc giường này,” tôi đạt được tất cả mọi thứ này; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
6413. Tôi được tôn vinh ở tất cả các nơi, danh vọng của tôi được thăng tiến, tôi luôn luôn có phe cánh đông đảo, luôn luôn có hội chúng không bị chia rẽ.
6414. Tôi không biết đến sự lạnh (và) sự nóng, sự bực bội không được biết đến. Sự khổ sở thuộc về tâm ở trái tim của tôi không được biết đến.
6415. Sau khi có được làn da màu vàng ròng, tôi luân hồi ở cõi này cõi khác, tôi không biết đến việc tàn tạ sắc thân; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
6416. Sau khi mệnh chung ở thế giới chư Thiên, được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch tôi đã được sanh ra trong nhà đại bá hộ vô cùng sang trọng ở thành phố Sāvatthī.
6417. Sau khi từ bỏ năm phần dục lạc, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Vào lúc bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
6418. Sau khi nhận biết đức hạnh (của tôi), đức Phật bậc Hữu Nhãn đã cho tu lên bậc trên, tôi là vị trẻ tuổi xứng đáng được cúng dường; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
6419. Thiên nhãn của tôi được thanh tịnh, tôi là thiện xảo về định, đã đạt đến sự toàn hảo về các thắng trí; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
6420. Tôi đã thành tựu các pháp phân tích, là vị rành rẽ về các nền tảng của thần thông, đã đạt đến sự toàn hảo về các pháp; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
6421. Việc tôi đã cúng dường đức Phật trước đây ba mươi ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
6422. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6423. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6424. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Uttara đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Uttara là phần thứ sáu.
--ooOoo--
6425. Khi bậc Bảo Hộ Thế Gian, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Siddhattha Niết Bàn, tôi đã tập hợp quyến thuộc của tôi lại và tôi đã cúng dường xá-lợi.
6426. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường xá-lợi trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường xá-lợi.
6427. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6428. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6429. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Uttara khác đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Uttara khác là phần thứ bảy.
--ooOoo—
6430. Lúc bấy giờ, tôi đã lội xuống hồ nước đã bị nhiều con voi sử dụng, và vì lý do đói (bụng) tôi (đã) nhổ lên củ sen ở tại nơi ấy.[9]
6431. Vào thời điểm ấy, đức Thế Tôn danh hiệu Padumuttara là vị Phật mặc y màu đỏ (đang) di chuyển ở trên không trung.
6432. Khi ấy, trong khi Ngài đang phất phơ các lá y may từ vải bị quăng bỏ, tôi đã nghe được tiếng động. Trong khi chú ý ở phía bên trên, tôi đã nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
6433. Trong khi đứng ngay tại nơi ấy, tôi đã thỉnh cầu đấng Lãnh Đạo Thế Gian rằng: “Xin đức Phật, bậc Hữu Nhãn, vì lòng thương tưởng hãy thọ lãnh mật ong cùng với các củ sen, sữa, bơ lỏng, và rễ sen của con.”
6434. Do đó, đấng Bi Mẫn, bậc Đạo Sư có danh vọng lớn lao đã ngự xuống. Bậc Hữu Nhãn vì lòng thương tưởng đã thọ nhận vật thực của tôi. Sau khi thọ nhận, bậc Toàn Giác đã thực hiện lời tùy hỷ đến tôi rằng:
6435. “Này người có đại phước, mong rằng ngươi được an lạc. Mong rằng cảnh giới tái sanh được thành tựu cho ngươi. Do việc dâng cúng củ sen này, ngươi sẽ đạt được sự an lạc lớn lao.”
6436. Sau khi nói lên điều ấy, đấng Toàn Giác tên Padumuttara, bậc Toàn Giác, đấng Chiến Thắng đã cầm lấy thức ăn rồi đã ra đi bằng đường không trung.
6437. Sau đó, tôi đã cầm lấy củ sen và đã đi về lại khu ẩn cư của mình. Sau khi đã treo củ sen ở trên cây, tôi đã tưởng nhớ lại việc dâng cúng của mình.
6438. Khi ấy, có cơn gió lớn đã nổi lên và đã làm lay chuyển khu rừng. Bầu trời đã gào thét và sấm sét đã nổ ra.
6439. Sau đó, tia sét đánh xuống đã giáng vào đầu của tôi. Khi ấy, trong khi bị khuỵu xuống tôi đây đã lìa đời ở tại nơi ấy.
6440. Được gắn liền với nghiệp phước thiện, tôi đã đi đến cõi trời Đẩu Suất. (Khi) thân thể của tôi bị ngã xuống, tôi sướng vui ở thế giới chư Thiên.
6441. Có tám mươi sáu ngàn nữ nhân đã được trang điểm hầu cận sáng tối; điều này là quả báu của việc dâng cúng củ sen.
6442. Sau khi đi đến sự sanh ra ở loài người, tôi luôn luôn được sung sướng, tôi không có sự thiếu hụt về của cải; điều này là quả báu của việc dâng cúng củ sen.
6443. Là người được thương tưởng bởi vị Trời của chư Thiên như thế ấy, (tôi có) tất cả các lậu hoặc đã được đoạn tận, giờ đây không còn tái sanh nữa.
6444. Kể từ khi tôi đã dâng cúng rễ sen trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng củ sen.
6445. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6446. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6447. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Bhaddaji đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Bhaddaji là phần thứ tám.
--ooOoo--
6448. Khi bậc Đại Ẩn Sĩ Vipassī đang đi về việc tìm kiếm (vật thực). Tôi đã nhìn thấy bình bát trống trơn và tôi đã để đầy sữa kem.
6449. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thực trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của sữa kem.
6450. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi đực (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
6451. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
6452. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Đại đức trưởng lão Sīvaka đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão Sīvaka là phần thứ chín.
--ooOoo--
Vị Yasa, vị Nadīkassapa, vị Gayākassapa, vị Kimbila, vị Vajjiputta, hai vị Uttara, vị Bhaddaji, và luôn cả vị Sīvaka tối thượng.
Phẩm Yasa là phẩm thứ năm mươi sáu.
TRƯỞNG LÃO KÝ SỰ
được đầy đủ.
--ooOoo--
[1] Lakuṇṭakabhaddiya nghĩa là “vị tên Bhaddiya thấp lùn (lakuṇṭaka).”
[2] Kaṅkhārevatanghĩa là “vị Revata có sự hoài nghi (kaṅkhā).”
[3]Xem phần Giảng về Tuệ ở Paṭisambhidāmagga II - Phân Tích Đạo II, trang 187-191 (Tam Tạng Pāḷi - Việt tập 38).
[4] Majjhimanikāya III - Kinh Trung Bộ III, Kinh Nhất Dạ Hiền Giả (HT. Minh Châu).
[5]Câu kệ này được thấy Theragāthā - Trưởng Lão Kệ, câu 27.
[6] Vanavaccha nghĩa là “vị có sự cư ngụ (vaccha) ở rừng (vana).”
[7]Ký sự này giống y như ký sự 399 về trưởng lão Sabbadāyaka (Apadāna - Thánh Nhân Ký Sự, tập I).
[8]Ký sự này tương tợ như ký sự 501 về trưởng lão Tikaṇikārapupphiya.
[9]Ký sự này tương tợ như ký sự 483 về trưởng lão Bhisadāyaka.
1. Vào thời đức Thế Tôn Koṇāgamana, chúng tôi gồm ba người bạn gái[1]thân thiết đã dâng cúng trú xá ở tại chỗ cư ngụ mới là tu viện của hội chúng.
2. Chúng tôi đã tái sanh mườilần, trăm lần, ngàn lần, mười ngàn lần ở các cõi trời thì ở cõi người có điều gì để nói.
3. Chúng tôi đã có đại thần lực ở cõi trời thì ở cõi người có điều gì để nói. Tôi đã là hoàng hậu, là báu vật nữ nhântrong số bảy loại báu vật.
4. Ở nơi này, do phước thiện đã được tích lũy, Dhanañjānī, Khemā, và tôi nữa, ba người đã là hậu duệ của các gia tộc vô cùng giàu có.
5. Sau khi tạo lập tu viện được xây dựng khéo léo và được trang hoàng về mọi phương diện, chúng tôi đã dâng đến hội chúng có đức Phật đứng đầu và (chúng tôi) đã được hoan hỷ.
6. Do mãnh lực của nghiệp ấy, ở bất cứ nơi nào tôi sanh ra, ở các cõi trời và cũng y như thế ở giữa loài người, tôi đềuđạt được phẩm vị cao quý.
7. Ngay trong kiếp này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên Kassapa, thuộc dòng dõi, có danhtiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên.
8. Khi ấy, đức vua của xứ Kāsī tên Kikī ở tại kinh thành Bārāṇasī, vị chúa tể của nhân loại đã là người hộ độ chobậc Đại Ẩn Sĩ.
9. Bảy người con gái của đức vua đã là những nàng công chúa khéo được nuôi dưỡng. Được vui thích trong việc hộ độ đức Phật, các nàng đã thực hành Phạm hạnh (của người thiếu nữ).
10. Là bạn của những cô (công chúa) ấy, tôi đã khéo chuyên chú vào các giới, đã dâng cúng các vật thí một cách cung kính, và đã thực hành phận sự dầu chỉ là người tại gia.
11. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
12. Từ nơi ấy chết đi, tôi đã đi đến cõi trời Dạ Ma, từ đó đã đi đến cõi trời Đẩu Suất, và từ đó đến cõi Hóa Lạc Thiên, rồi từ đó đến cõi Tha Hóa Tự Tại.
13. Là người đã được thành tựu thiện nghiệp, ở bất cứ nơi nào tôi sanh ra tôi đều đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu của các vị vua ở chính tại các nơi ấy.
14. Từ nơi ấy chết đi (sanh) vào thân nhân loại, tôi đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu của các đấng Chuyển Luân Vương và của các vị vua cai quản các lãnh thổ.
15. Tôi đã thọ hưởng sự thành đạt ở giữa chư Thiên và ở giữa loài người, đã được an vui ở tất cả các nơi, và đã luân hồi qua nhiều kiếp sống.
16. Nhân ấy, nguồn sanh khởi ấy, căn nguyên ấy, sự chăm chỉ ấy trong Giáo Pháp, sự liên kết đầu tiên ấy, việc Niết Bàn ấy là do sự thỏa thích trong Giáo Pháp.
17. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu[2]đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
18. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
19. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Sumedhā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Sumedhā là phần thứ nhất.
--ooOoo--
20. Tôi đã là người cho thực hiện ngôi bảo tháp của đức Thế Tôn Siddhattha. Tôi đã dâng cúng sợi dây thắt lưng đến công trình xây dựng dành cho bậc Đạo Sư.
21. Và khi ngôi đại bảo tháp đã hoàn tất, được tịnh tín tôi đã tự tay mình dâng cúng thêm sợi dây thắt lưng đến bậc Hiền Trí, đấng Bảo Hộ Thế Gian.
22. Kể từ khi tôi đã dâng cúng sợi dây thắt lưng trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc xây dựng ngôi bảo tháp.
23. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
24. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
25. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Mekhalādāyikā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Mekhalādāyikā là phần thứ nhì.
--ooOoo--
26. Mái che dành cho đấng Hiền Trí Koṇāgamana đã được tôi cho thực hiện. Và tôi đã thường xuyên dâng cúng y đến đức Phật, bậc quyến thuộc của thế gian.
27. Bất cứ xứ sở, phố chợ, kinh thành nào tôi đi đến, ở tại tất cả các nơi ấy tôi đều được tôn vinh; điều này là quả báu của nghiệp phước thiện.
28. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
29. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
30. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được (tôi) đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Maṇḍapadāyikā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Maṇḍapadāyikā là phần thứ ba.
--ooOoo--
31. Trong lúc đức Thế Tôn Vipassī, bậc Trưởng Thượng của thế gian như thế ấy đang bước đi trên đường, đang tiếp độ chúng sanh.
32. Tôi đã bước ra khỏi nhà, cúi mình, và nằm dài xuống. Bậc Thương Tưởng, đấng Bảo Hộ Thế Gian đã bước lên đỉnh đầu của tôi.
33. Sau khi bước lên đầu (của tôi), đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã ra đi. Do sự tịnh tín ấy ở trong tâm, tôi đã sanh lên cõi trời Đẩu Suất.
34. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
35. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
36. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáuthắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Saṅkamanatthā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Saṅkamanatthā là phần thứ tư.
--ooOoo--
37. Khi ấy, tôi đã là loài kim-sỉ-điểu[7]cái ở bờ sông Candabhāgā. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại.
38. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tràn đầy niềm phấn khởi, tôi đã chắp taylên. Tôi đã cầm lấy tràng hoa sậyvà đã cúng dường đến đấng Tự Chủ.
39. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹpvà do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân xác kim-sỉ-điểu, tôi đã đi đến cõi Tam Thập.
40. Tôi đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu của ba mươi sáu vị Thiên Vương. Tôi đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu của mười đấng Chuyển Luân Vương. Sau khi đã khiến cho tâm của tôi bị chấn động, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
41. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường bông hoa trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều nàylà quả báu của việc cúng dường bông hoa.
42. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờđây không còn tái sanh nữa.
43. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voicái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
44. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiềncủa đức Phật tối thượng.
45. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáuthắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Naḷamālikā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Naḷamālikā là phần thứ năm.
--ooOoo--
46. Ở thành phố Bandhumatī, có vị Sát-đế-lỵ tên là Bandhumā. Tôi đã là người vợ của vị vua ấy. Có một lần tôi đã khiến (người) đưa tôi đi (du ngoạn).
47. Khi ấy, tôi đã đi đến nơi thanh vắng và ngồi xuống, tôi đã suy nghĩ như vầy: “Dầu đã đạt được vị thế xứng đáng, nhưng không điều lành nào đã được ta thực hiện!
48. Có lẽ ta sẽ đi đến địa ngục là nơi vô cùng nóng bức, khổ sở, có dáng vẻ rùng rợn, vô cùng khiếp đảm; điều này đối với ta là không có sự hoài nghi (nữa).”
49. Tôi đã đi đến gặp đức vua và đã nói lời nói này: “Tâu vị Sát-đế-lỵ, xin hãy ban cho thiếp một vị sa-môn. Thiếp sẽ chăm lo về vật thực.”
50. Vị đại vương đã ban cho tôi (một) vị sa-môn có (các) giác quan đã được tu tập. Sau khi nhận lấy bình bát của vị ấy, tôi đã đặt đầy (bình bát) với vật thực thượng hạng.
51. Sau khi đã đặt đầy (bình bát) với vật thực thượng hạng, tôi đã thoa dầu thơm. rồi đã che đậy lại bằng xấp vải đôi có giá trị đến một ngàn.
52. Đối với tôi, tôi (sẽ) ghi nhớ cảnh tượng này đến hết cuộc đời. Sau khi làm cho tâm được tịnh tín vào điều ấy, tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
53. Tôi đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu của ba mươi vị Thiên Vương. Điều ước nguyện trong tâm của tôi là được tái sanh theo như ước muốn.
54. Tôi đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu của hai mươi đấng Chuyển Luân Vương. Sau khi thành tựu kết quả, tôi luân hồi ở nhiều cõi.
55. Tôi đã được giải thoát khỏi tất cả các điều trói buộc. Đối với tôi, các sự liên quan đến tái sanh đã xa lìa, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
56. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của món vật thực.
57. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
58. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
59. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Ekapiṇḍapātadāyikā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Ekapiṇḍapātadāyikā là phần thứ sáu.
--ooOoo--
60. Trong khi bậc Đạo Sư tên Tissa đang đikhất thực, tôi đã nâng lên muỗng vật thực và đã dâng cúng đến đức Phật tối thượng.
61. Sau khi thọ lãnh, đấng Toàn Giác Tissa bậcĐạo Sư vị Lãnh Đạo cao cả của thế gian, đứng ở đường lộ, đã thực hiện lời tùy hỷ (phước báu) đến tôi:
62. “Sau khi bố thí muỗng vật thực, con sẽ đi đến cõi trời Đạo Lợi. Con sẽ làm chánh hậu của ba mươi sáu vị Thiên Vương.
63. Con sẽ làm chánh hậu của năm mươi đấng Chuyển Luân Vương. Con sẽ luôn luôn thành tựu tất cả các điều ước nguyện ở trong tâm.
64. Sau khi thọ hưởng sự thành đạt, con sẽ xuất gia không có (tài sản) gì. Sau khi biết toàn diện về tất cả các lậu hoặc, con sẽ Niết Bàn không còn lậu hoặc.”
65. Nói xong điều ấy, đấng Toàn Giác Tissa bậcTrí Tuệ vị Lãnh Đạo cao cả của thế gian đã bay lên không trung, tợ như loài thiên nga chúa ở trên bầu trời.
66. Đối với tôi, sự bố thí cao quý là đã được bố thí tốt đẹp, sự thành công trong việc cống hiến là đã được cống hiếntốt đẹp. Sau khi bố thí muỗng vật thực, tôi đã đạt đến vị thế không bị lay chuyển.
67. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây chín mươi hai kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng vật thực.
68. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
69. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sựhiện tiền của đức Phật tối thượng.
70. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Kaṭacchubhikkhādāyikā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Kaṭacchubhikkhadāyikā là phần thứ bảy.
--ooOoo--
71. Ở thành phố Aruṇavatī, có vị Sát-đế-lỵ tên là Aruṇavā. Tôi đã là người vợ của vị vua ấy. Tôi (thường) bảo (người)đưa tôi đi đó đây.
72. Sau khi nhận được bảy đóa sen xanh có hương thơm của cõi trời, tôi đã ngồi xuống ở nơi cao quý của tòa lâu đài, vàngay khi ấy đã suy nghĩ như vầy:
73. “Với bảy đóa hoa này được gắn ở đầu của ta thì ta có được gì? Điều cao quý đối với ta là được vươn đến trí tuệ của đức Phật tối thượng.”
74. Trong lúc chờ đợi đấng Toàn Giác, tôi đã ngồixuống ở gần cánh cửa lớn (nghĩ rằng): “Khi nào đấng Toàn Giác ngự đến, ta sẽ cúng dường đến bậc Đại Hiền Trí.”
75. Nổi bật, chói sáng, y như con sư tử là vua của các thú rừng, đấng Chiến Thắng được tháp tùng bởi Hội Chúng tỳ khưuđã đi đến ở trên đường lộ.
76. Sau khi nhìn thấy hào quang của đức Phật, tôi đã trở nên mừng rỡ, có tâm ý phấn khởi. Tôi đã mở cửa ra và đã cúng dường đến đức Phật tối thượng.
77. Bảy đóa hoa sen xanh đã được phân tán ra ở trên không trung. Chúng tạo thành hình mái che và nằm yên ở trên đỉnh đầu của đức Phật.
78. Với tâm phấn chấn, với ý vui mừng, tràn đầy niềm phấn khởi, tôi đã chắp tay lên. Sau khi làm cho tâm được tịnh tín vào điều ấy, tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
79. Chúng hình thành tấm che màu xanh thẩm ở trên đầu của tôi, tôi tỏa ra hương thơm của cõi trời; điều này là quả báu của bảy đóa sen xanh.
80. Lúc bấy giờ, vào một lần nào đó trong khi tôi được tập thể quyến thuộc dẫn đi, hết thảy nhóm người của tôi đều được khoác lên (một) màu xanh thẩm.
81. Tôi đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu của bảy mươi vị Thiên Vương. Sau khi trở thành vị nữ hoàng ở khắp mọi nơi, tôi (đã) luân hồi ở cõi này cõi khác.
82. Tôi đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu của sáu mươi ba đấng Chuyển Luân Vương. Tất cả đều thuận theo tôi, tôi đã có lời nói hợp lý.
83. Màu da của tôi chính là (màu) của hoa sen xanh và còn tỏa ra hương thơm nữa. Tôi không biết đến làn da xấu xí; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
84. Được thiện xảo về các nền tảng của phép thần thông, được thích thú trong việc tu tập các chi phần đưa đến giác ngộ, được thành tựu các thắng trí và các pháp toàn hảo; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
85. Được thiện xảo trong các sự thiết lập về niệm, có các hành xứ về thiền định, được gắn bó với các sự nỗ lực đúng đắn; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
86. Tôi có sự tinh tấn, có khả năng tiến hành các phận sự là điều kiện đưa đến sự an ổn khỏi các điều ràng buộc, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
87. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đâyba mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc dâng cúng bông hoa.
88. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
89. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
90. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Sattuppalamālikā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Sattuppalamālikā là phần thứ tám.
--ooOoo--
91. Khi ấy, tôi đã là nữ du sĩ ở thành phốHaṃsavatī. Là người tầm cầu sự tốt đẹp, tôi đi từ tu viện này đến tu viện khác.
92. Vào một ngày thuộc hạ huyền, tôi đã nhìnthấy cội cây Bồ Đề tối thượng. Tại đó, sau khi làm cho tâm được tịnh tín tôi đã ngồi xuống ở gốc cây Bồ Đề.
93. Sau khi thiết lập tâm cung kính, tôi đã chắptay lên ở đầu và bày tỏ lòng hoan hỷ. Ngay khi ấy tôi đã suy nghĩ như vầy:
94. “Nếu đức Phật có đức hạnh vô lượng, không người sánh bằng, xin cội Bồ Đề này hãy thị hiện thần thông, hãy chói sáng cho tôi thấy.”
95. Cùng với điều suy nghĩ của tôi, ngay khi ấycội Bồ Đề đã phát sáng, đã biến thành vàng toàn bộ, và đã chiếu sáng tất cả các phương.
96. Tôi đã ngồi xuống tại nơi ấy, ở gốc cây Bồ Đềbảy ngày đêm. Khi đạt đến ngày thứ bảy, tôi đã thực hiện việc cúng dường các ngọn đèn.
97. Sau khi được đặt quanh chỗ ngồi, năm ngọn đèn đã phát sáng. Khi ấy, các ngọn đèn của tôi đã phát sáng cho đến khi mặt trời mọc lên.
98. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trờiĐạo Lợi.
99. Tại nơi ấy, có cung điện đã khéo được kiến tạo dànhcho tôi gọi tên là “Ngũ Đăng,” có chiều cao là sáu mươi do-tuần, chiều rộng ba mươi do-tuần.
100. Xung quanh tôi có vô số ngọn đèn chiếusáng. Cho đến cung điện của chư Thiên cũng sáng rực bởi ánh sáng của các ngọn đèn.
101. Sau khi ngồi xuống với mặt quay về hướng khác, nếu tôi muốn nhìn thấy ở bên trên, bên dưới, và chiều ngang, tôi đều nhìn thấy tất cả bằng mắt.
102. Ngay cả khi tôi mong muốn nhìn thấy những sự việc tốt đẹp hoặc xấu xa thì không có gì che đậy được việc ấy, dầu ở các cây cối hoặc ở các núi non.
103. Tôi đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu của tám mươi vị Thiên Vương. Tôi đã được thiết lập vào ngôichánh hậu của một trăm đấng Chuyển Luân Vương.
104. Mỗi khi tôi tái sanh dầu là cảnh giới chưThiên hoặc loài người, có một trăm ngàn ngọn đèn quây quần xung quanh tôi và chiếu sáng.
105. Sau khi mệnh chung từ thế giới chư Thiên, tôi đã tái sanh vào bụng mẹ. Trong khi đi vào bụng mẹ và trụ lại,mắt của tôi không nhắm lại.
106. Một trăm ngàn ngọn đèn là kết quả của nghiệp phước thiện, chúng chiếu sáng ở nhà bảo sanh; điều này là quả báu của năm ngọn đèn.
107. Khi đạt đến cuộc sống cuối cùng, tôi đã gìn giữ tâm ý. Tôi đã chạm đến Niết Bàn là trạng thái mát mẻ, không già, khôngchết.
108. Bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán. Sau khi biết được đức hạnh (của tôi), đức Phật Gotama đã cho tôi tu lên bậc trên.
109. Trong lúc tôi tham thiền ở mái che hoặc ở gốc cây, ở các tòa nhà lớn hoặc ở các hang động, và ở nơi trống vắng, có năm ngọn đèn chiếu sáng tôi.
110. Thiên nhãn của tôi được thanh tịnh, tôi được thiệnxảo về định, được thành tựu các thắng trí và các pháp toàn hảo; điều này là quả báu của năm ngọn đèn.
111. “Bạch đấng Đại Hùng, bậc Hữu Nhãn, con là Pañcadīpā có toàn bộ nguồn nhiên liệu đã cạn, có các phận sự đã được làm xong, không còn các lậu hoặc, con xin đảnh lễ ở bàn chân (Ngài).”
112. Kể từ khi tôi đã dâng cúng ngọn đèn trước đâymột trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của năm ngọn đèn.
113. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cảcác hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
114. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thànhtựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
115. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, vàsáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Pañcadīpikā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Pañcadīpikā là phần thứ chín.
--ooOoo--
116. Ở thành phố Bandhumatī, tôi đã là cô gái đội nước.[13]Tôi sống nhờ vào việc đội nước. Nhờ vào việc ấy, tôi nuôi dưỡng các đứa trẻ.
117. Và tôi không có gì xứng đáng để dâng cúng đến phước điền vô thượng. Tôi đã đi đến bể chứa và đã cung cấp nước.
118. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp, tôi đã đi đếncõi trời Đạo Lợi. Ở nơi ấy, có cung điện đã được kiến tạo khéo léo, đã được hóa hiện ra dành cho tôi do (công đức của) việc đội nước.
119. Khi ấy, chính tôi là người đứng đầu của một ngàn tiên nữ, tôi luôn luôn cai quản tất cả các nàng ấy cùng với mười khuvực.
120. Tôi đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu của năm mươi vị Thiên Vương. Tôi đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu củahai mươi đấng Chuyển Luân Vương.
121. Tôi (đã) luân hồi trong hai cảnh giới, ở bản thểchư Thiên và nhân loại. Tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc bố thí nước.
122. Cho dù ở đỉnh núi hoặc ở ngọn cây, ở trên khôngtrung và ở trên mặt đất, khi nào tôi ước muốn về nước thì tôi đạt được ngay lập tức.
123. Không có phương nào là không có mưa, và không bị nóng bức hoặc bị thiêu đốt; sau khi biết được ý định của tôi đám mây lớn(sẽ) đổ mưa xuống.
124. Lúc bấy giờ, vào một lần nào đó trong khi tôi được tập thể quyến thuộc dẫn đi, khi nào tôi muốn mưa thì khi ấy đámmây lớn đổ mưa xuống.
125. Sự nóng nực hoặc bực bội không được biết đến ở cơ thể của tôi, và bụi bặm không có ở trên thân thể của tôi; điều này làquả báu của việc bố thí nước.
126. Hiện nay, do tâm ý thanh tịnh, các ác pháp đãlìa, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
127. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc bố thí nước.
128. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
129. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
130. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Udakadāyikā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Udakadāyikā là phần thứ mười.
--ooOoo--
TÓM LƯỢC CỦA PHẨM NÀY
Vị ni Sumedhā, cô gái dâng dây nịt, dâng cúng mái che, và con đường đi, cô gái có tràng hoa sậy, cô gái thí vật thực, muỗng (thức ăn), và cô gái dâng cúng đóa sen xanh, cô gái dâng các ngọn đèn, và luôn cả cô gái bố thí nước. Các câu kệ ngôn đã được tính đếm ở đây là một trăm câu kệ ngôn và ba mươi câu thêm vào đó nữa.
Phẩm Sumedhā là phẩm thứ nhất.
--ooOoo--
131. Ở thành phố Bandhumatī, có vị Sát-đế-lỵ tên là Bandhumā. Vào ngày trăng tròn, vị ấy thực hành Bát quantrai giới.
132. Vào lúc bấy giờ, tôi đã là cô nô tỳ đội nước ởtại nơi ấy. Sau khi nhìn thấy đoàn quân cùng với đức vua, khi ấy tôi đã suy nghĩ như vầy:
133. “Ngay cả đức vua cũng đã buông bỏ vương quyền và thực hành Bát quan trai giới, chắc hẳn việc làm ấy là có quả báu khiến đám đông người hứng thú.”
134. Sau khi suy xét chính chắn về cảnh giới khổ đauvà sự nghèo khó, tôi đã tự làm cho tâm được hoan hỷ và đã thực hành Bát quan trai giới.
135. Tôi đã thực hành Bát quan trai giới theo lờidạy của đấng Chánh Đẳng Giác. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp, tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
136. Tại nơi ấy, có cung điện đã được kiến tạo khéoléo dành cho tôi, phía bên trên vươn cao một do-tuần, được kề cận với ngôi nhà mái nhọn quý giá, được trang hoàng với các chỗ nằm ngồi.
137. Một trăm ngàn tiên nữ luôn luôn kề cận tôi.Tôi luôn luôn vượt trội và rực rỡ hơn các vị Thiên nhân khác.
138. Tôi đã được thiết lập vào ngôi hoàng hậu củasáu mươi bốn vị Thiên Vương. Tôi đã được thiết lập vào ngôi hoàng hậu của sáu mươi ba đấng Chuyển Luân Vương.
139. Có được màu da vàng chói, tôi luân hồi ở các cảnh giới. Tôi là người cao quý ở tất cả các nơi; điều này là quả báu củaBát quan trai giới.
140. Về phương tiện di chuyển bằng voi, phương tiệndi chuyển bằng ngựa, phương tiện di chuyển bằng xe, và kiệu khiêng, tôi cũng đều đạt được tất cả (các) điều ấy; điều này là quả báu của Bát quan trai giới.
141. Khi ấy, ngay cả vật làm bằng vàng, làm bằng bạc, làm bằng ngọc pha-lê, luôn cả vật làm bằng hồng ngọc, tôi đều đạt được tất cả.
142. Các tấm mền làm bằng tơ lụa, bằng sợi len và bông vải, cùng với các tấm vải có giá trị cao, tôi đều đạt được tất cả.
143. Thức ăn, nước uống, vật để nhai, vải vóc, và các chỗ nằm ngồi, tôi đều đạt được tất cả (các) thứ ấy; điều này là quả báu của Bát quan trai giới.
144. Hương thơm cao quý, tràng hoa, bột phấn thơm, dầu thoa, tôi đều đạt được tất cả (các) thứ ấy; điều này là quả báu của Bát quan trai giới.
145. Ngôi nhà mái nhọn, tòa lâu đài, mái che, tòa nhà dài, hang động, tôi đều đạt được tất cả (các) thứ ấy; điều này là quả báu của Bát quan trai giới.
146. Bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Chưa đầy nửa tháng, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
147. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
148. Kể từ khi tôi đã thực hiện việc làm ấy trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của Bát quan trai giới.
149. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
150. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Ekuposathikā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Ekuposathikā là phần thứ nhất.
--ooOoo--
151. Khi ấy, tôi đã là loài kim-sỉ-điểu cái ở bờ sông Candabhāgā. Tôi đã nhìn thấy đấng Nhân Ngưu, vị Trời của chư Thiên, đang đi kinh hành.
152. Sau khi hái xuống bông hoa salala, tôi đã dâng lên đức Phật tối thượng (nói rằng): “Bạch đấng Đại Hùng thỉnh ngài ngửi bông hoa salala có hương thơm của cõi trời.”
153. Sau khi thọ nhận, đấng Toàn Giác Vipassī, bậc Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đại Hùng đã ngửi (bông hoa ấy), trong khi ấy tôi đang chăm chú nhìn.
154. Tôi đã chắp tay lên và đã đảnh lễ đấng Tối Thượng Nhân. Sau khi làm cho tâm của mình được tịnh tín, từ nơi ấy tôi đã đi lên ngọn núi.
155. Kể từ khi tôi đã dâng cúng bông hoa trước đây chín mươi mốt kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của việc cúng dường đức Phật.
156. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
157. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
158. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Salalapupphikā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Salalapupphikā là phần thứ nhì.
--ooOoo--
159. Ở thành phố Bandhumatī, tôi đã là người nữ tỳ đội nước. Là người vận chuyển nước, tôi đã ra đi sau khi nhận lấy phần (nước) của mình.
160. Ở đường lộ, tôi đã nhìn thấy vị sa-môn có tâm thanh tịnh, định tĩnh. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã dâng ba cục thịt vò viên.
161. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, tôi đã không đi đến đọa xứ chín mươi mốt kiếp.
162. Sau khi đã làm thành tựu điều ấy, tôi đạt được mọi thứ. Sau khi bố thí ba cục thịt vò viên, tôi đã đạt đến vị thế không bị lay chuyển.
163. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
164. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
165. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Modakadāyikā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Modakadāyikā là phần thứ ba.
--ooOoo--
166. Lúc bấy giờ, tôi đã là cô thiếu nữ ở tại thành phố Haṃsavatī. Mẹ và luôn cả cha của tôi, họ đều đã đi làm công việc.
167. Vào lúc mặt trời ở chính ngọ, tôi đã nhìn thấy vị sa-môn đang đi dọc theo đường lộ nên tôi đã xếp đặt chỗ ngồi.
168. Sau khi xếp đặt chỗ ngồi bằng nhiều loại lông cừu, v.v... rồi với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tôi đã nói lời nói này:
169. “Mặt đất bị nóng bỏng, bị thiêu đốt, mặt trời đã đứng ở chính ngọ, và các cơn gió ngưng thổi, vậy là lúc ngài hãy nghỉ ở đây.
170. Thưa bậc đại hiền trí, đây là chỗ ngồi đã được sắp xếp dành cho ngài. Vì lòng thương tưởng, xin ngài hãy ngồi xuống chỗ ngồi của con.”
171. Với tâm ý thanh tịnh, vị sa-môn được rèn luyện chu đáo đã ngồi xuống ở tại nơi ấy. Tôi đã nhận lãnh bình bát của vị ấy và đã dâng cúng không chút sai sót.
172. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
173. Tại nơi ấy, tôi có cung điện đã khéo được xây dựng, đã khéo được hóa hiện ra với chỗ ngồi, có chiều cao sáu mươi do-tuần, chiều rộng ba mươi do-tuần.
174. Cũng vào khi ấy, tôi có các ghế dài nhiều kiểu làm bằng vàng, làm bằng ngọc ma-ni, làm bằng ngọc pha-lê, và làm bằng hồng ngọc nữa.
175. Các ghế dài của tôi khéo được trải lót với các tấm nệm bằng len dệt, với nhiều loại tấm trải bằng tơ dệt có đính các viên ngọc, và với các tấm trải viền ren ở một bên.
176. Khi nào tôi ước muốn sự ra đi với mục đích giải trí nô đùa, điều ước nguyện của tôi là tôi ra đi bằng chiếc ghế dài thù thắng của tôi.
177. Tôi đã được thiết lập vào ngôi hoàng hậu của tám mươi vị Thiên Vương. Tôi đã được thiết lập vào ngôi hoàng hậu của bảy mươi đấng Chuyển Luân Vương.
178. Trong khi luân hồi ở cõi này cõi khác, tôi đã đạt được tài sản lớn lao. Đối với tôi không có sự thiếu hụt về của cải; điều này là quả báu của một chỗ ngồi.
179. Tôi (đã) luân hồi ở hai cảnh giới, trong bản thể chư Thiên và nhân loại. Tôi không còn biết đến các cõi khác; điều này là quả báu của một chỗ ngồi.
180. Tôi (đã) được sanh ra ở hai gia tộc, Sát-đế-lỵ và cả Bà-la-môn nữa. Ở mọi nơi, tôi đều thuộc gia đình thượng lưu; điều này là quả báu của một chỗ ngồi.
181. Tôi không biết đến tâm sân hận và sự bực bội của tâm. Tôi không biết đến việc tàn tạ dung nhan; điều này là quả báu của một chỗ ngồi.
182. Các nữ tỳ hầu hạ tôi, nhiều người bị gù lưng, bị chảy nước dãi. Tôi đã (được ẳm bồng) di chuyển từ hông này đến hông khác; điều này là quả báu của một chỗ ngồi.
183. Luôn luôn có các cô này tắm (cho tôi), các cô kia chăm lo thức ăn, các cô khác làm cho tôi vui thích, các cô nọ thoa dầu thơm (cho tôi); điều này là quả báu của một chỗ ngồi.
184. Trong lúc tôi sống ở mái che, ở gốc cây, hoặc ở ngôi nhà trống vắng, chiếc ghế dài biết được ý định của tôi hiện diện kề bên.
185. Đây là kiếp sống cuối cùng của tôi, là lần hiện hữu cuối cùng trong sự luân chuyển. Hiện nay, tôi đã từ bỏ vương quốc và đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
186. Kể từ khi tôi đã dâng cúng vật thí trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của một chỗ ngồi.
187. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
188. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
189. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Vị tỳ khưu ni Ekāsanadāyikā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Ekāsanadāyikā là phần thứ tư.
--ooOoo--
190. Khi ấy, tôi đã là nữ du sĩ ở thành phố Haṃsavatī. Có sự tầm cầu thiện pháp, tôi (đã) đi từ tu viện này đến tu viện khác.
191. Vào một ngày thuộc hạ huyền, tôi đã nhìnthấy cội cây Bồ Đề tối thượng. Tại đó, sau khi làm cho tâm được tịnh tín tôi đã ngồi xuống ở gốc cây Bồ Đề.
192. Sau khi thiết lập tâm cung kỉnh, tôi đãchắp tay lên ở đầu và bày tỏ lòng hoan hỷ. Ngay khi ấy tôi đã suy nghĩ như vầy:
193. “Nếu đức Phật có đức hạnh vô lượng, không người sánh bằng, xin cội Bồ Đề này hãy thị hiện thần thông,hãy chói sáng cho tôi thấy.”
194. Cùng với điều suy nghĩ của tôi, ngay khi ấy cội Bồ Đề đã phát sáng, đã biến thành vàng toàn bộ, và đã chiếu sángtất cả các phương.
195. Tôi đã ngồi xuống tại nơi ấy, ở gốc cây Bồ Đềbảy ngày đêm. Khi đạt đến ngày thứ bảy, tôi đã thực hiện việc cúng dường các ngọn đèn.
196. Sau khi được đặt quanh chỗ ngồi, năm ngọn đèn đã phát sáng. Khi ấy, các ngọn đèn của tôi đã phát sáng cho đến khimặt trời mọc lên.
197. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõitrời Đạo Lợi.
198. Tại nơi ấy, cung điện đã được kiến tạo khéoléo dành cho tôi được gọi là “Ngũ Đăng,” có chiều cao sáu mươi do-tuần, chiều rộng ba mươi do-tuần.
199. Xung quanh tôi có vô số ngọn đèn chiếu sáng. Cho đến cung điện của chư Thiên cũng sáng rực bởi ánh sáng của các ngọn đèn.
200. Sau khi ngồi xuống mặt quay về hướng khác, nếu tôi muốn nhìn thấy ở bên trên, bên dưới, và chiều ngang, tôi đều nhìn thấy tất cả bằng mắt.
201. Ngay cả khi tôi mong muốn nhìn thấy nhữngviệc tốt đẹp hoặc xấu xa thì không có gì che đậy được việc ấy, dầu ở các cây cối hoặc ở các núi non.
202. Tôi đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu của tám mươi vị Thiên Vương. Tôi đã được thiết lập vào ngôi chánh hậucủa một trăm đấng Chuyển Luân Vương.
203. Mỗi khi tôi nhập thai bào dầu là cảnh giới chư Thiên hoặc loài người, có một trăm ngàn ngọn đèn chiếu sáng ở xung quanh tôi.
204. Sau khi mệnh chung từ thế giới chư Thiên, tôi đã tái sanh vào bụng mẹ. Trong khi đi vào bụng mẹ và trụ lại, mắt của tôi không nhắm lại.
205. Một trăm ngàn ngọn đèn là kết quả của nghiệp phước thiện, chúng chiếu sáng ở nhà bảo sanh; điều này là quả báu của năm ngọn đèn.
206. Khi đạt đến cuộc sống cuối cùng, tôi đã gìn giữ tâm ý. Tôi đã chạm đến Niết Bàn là trạng thái mát mẻ, không già, không chết.
207. Bảy tuổi tính từ khi sanh, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán. Sau khi biết được đức hạnh (của tôi), đức Phật Gotama đã cho tôi tu lên bậc trên.
208. Trong lúc sinh sống ở mái che, ở gốc cây, hoặc ở ngôi nhà trống vắng, luôn luôn có ngọn đèn chiếu sáng; điều này là quả báu của năm ngọn đèn.
209. Thiên nhãn của tôi được thanh tịnh, tôi được thiện xảo về định, được thành tựu các thắng trí và các pháp toàn hảo; điều này là quả báu của năm ngọn đèn.
210. “Bạch đấng Đại Hùng, bậc Hữu Nhãn, con là Pañcadīpā có toàn bộ nguồn nhiên liệu đã cạn, có các phận sự đã được làm xong, không còn các lậu hoặc, con xin đảnh lễ ở bàn chân (Ngài).”
211. Kể từ khi tôi đã dâng cúng ngọn đèn trước đây một trăm ngàn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của năm ngọn đèn.
212. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
213. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
214. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Vị tỳ khưu ni Pañcadīpadāyikā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Pañcadīpadāyikā là phần thứ năm.
--ooOoo--
215. Khi ấy, tôi đã là loài kim-sỉ-điểu cái ở bờ sông Candabhāgā. Tôi đã nhìn thấy đức Phật, bậc Vô Nhiễm, đấng Tự Chủ, bậc không bị đánh bại.
216. Với tâm tịnh tín, với ý vui mừng, tràn đầy niềm phấn khởi, tôi đã chắp tay lên. Tôi đã cầm lấy tràng hoa sālā và đã cúng dường đến bậc Tự Chủ.
217. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân xác kim-sỉ-điểu, tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
218. Tôi đã được thiết lập vào ngôi hoàng hậu của ba mươi sáu vị Thiên Vương. Điều ước nguyện trong tâm của tôi là được tái sanh theo ước muốn.
219. Tôi đã được thiết lập vào ngôi hoàng hậu của mười đấng Chuyển Luân Vương. Sau khi thành tựu kết quả, tôi luân hồi ở nhiều cõi.
220. Điều tốt lành của tôi đã được tìm thấy, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Hiện nay, tôi là bậc xứng đáng sự cúng dường ở trong Giáo Pháp của người con trai dòng dõi Sakya (Thích Ca).
221. Hiện nay, với tâm ý đã được thanh tịnh, các ác pháp đã không còn, tất cả các lậu hoặc đã cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
222. (Kể từ khi) tôi đã cúng dường đến đức Phật trước đây chín mươi bốn kiếp, tôi không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của tràng hoa sālā.
223. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
224. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
225. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Vị tỳ khưu ni Sālamālikā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Sālamālikā là phần thứ sáu.
--ooOoo--
226. Một thời, bậc Quang Đăng của thế gian, đấng Điều Phục Nhân trú tại thành Vesālī, khu Đại Lâm, ở ngôi nhà mái nhọn, trong giảng đường xinh xắn.
227. Khi ấy, người dì ruột của đấng Chiến Thắng là tỳ khưu ni Mahāgotamī đã cư ngụ tại tu viện của tỳ khưu ni được xây dựng ở tại nơi ấy, trong thành phố đáng yêu.
228. Khi đang ở nơi thanh vắng cùng với năm trăm vị tỳ khưu ni đã được giải thoát, có điều suy tầm đã khởi đến tâm của vị ni ấy như vầy:
229. “Ta sẽ không thể chứng kiến sự viên tịch Niết Bàn của đức Phật, hoặc của hai vị Tối Thượng Thinh Văn, của Rāhula, Ānanda, vā Nanda.
230. Trước khi có thể buông bỏ thọ hành rồi thành tựu Niết Bàn, ta cần được đấng Bảo Hộ Thế Gian, bậc Đại Ẩn Sĩ cho phép.”
231. Sự suy tầm của năm trăm vị tỳ khưu ni cũng như thế, chính điều suy tầm này cũng đã khởi đến các vị ni như là Khemā, v.v...
232. Khi ấy, đã có sự lay động của trái đất, tiếng trống của cõi trời đã vang lên. Các Thiên nhân cư ngụ ở ni viện đã bị dày vò bởi sầu muộn. Tại nơi ấy, trong khi than vãn với niềm bi mẫn họ đã tuôn rơi những giọt nước mắt.
233. Cùng với các vị (Thiên nhân) ấy, các vị tỳ khưu ni bạn đã đi đến gặp bà Gotamī. Họ đã quỳ xuống đê đầu ở bàn chân và đã nói lời nói này:
234. “Thưa ni sư, chúng tôi đã tưới nước ở tại nơi ấy rồi đã đi đến nơi thanh vắng.Trái đất có sự vững chải đã bị lay động, tiếng trống của cõi trời đã được vang lên, và những tiếng than khóc đã được nghe đến. Bà Gotamī, chẳng lẽ có sự việc gì hay sao?”
235. Khi ấy, bà Gotamī đã kể lại mọi việc theo như đã được suy tầm. Các vị ni ấy cũng đã kể lại mọi việc theo như đã được suy tầm:
236. “Thưa ni sư, thưa vị có sự hành trì tốt đẹp, nếu Niết Bàn tối thắng thù diệu được bà thích thú, thì tất cả chúng tôi cũng sẽ Niết Bàn với sự chấp thuận của đức Phật.
237. Chúng tôi sẽ cùng nhau rời khỏi ngôi nhà và rời khỏi luôn cả sự hiện hữu, chúng tôi sẽ cùng nhau đi đến thành phố Niết Bàn tối thượng.”
238. Bà Gotamī đã nói rằng: “Ta sẽ nói gì đây đối với những người đang đi đến Niết Bàn?” Khi ấy, bà Gotamī cùng với tất cả các vị ni ấy đã rời khỏi chỗ cư ngụ của các tỳ khưu ni.
239. “Xin chư Thiên đang ngự tại trú xá hãy thông cảm cho ta. Đây là sự nhìn thấy ni viện lần cuối cùng của ta.
240. Nơi nào sự già hoặc sự chết, sự gần gũi với những gì không yêu thích, sự xa lìa với những gì yêu thích là không có, thì ta nên đi đến nơi ấy là nơi không bị tạo tác.”
241. Nghe được lời nói ấy, những vị tỳ khưu ni của đấng Thiện Thệ có tham ái chưa được xa lìa bị dằn vặt bởi sầu muộn nên đã than vãn rằng: “Than ôi, chúng tôi có phước báu kém cỏi.
242. Trú xứ này của các tỳ khưu ni thiếu vắng các vị ấy (sẽ) trở nên trống không. Các vị tỳ khưu ni của đấng Chiến Thắng (sẽ) không còn được nhìn thấy, ví như các vì sao không còn được nhìn thấy vào ban ngày.
243. Bà Gotamī đi đến Niết bàn cùng với năm trăm vị tương tợ như sông Gaṅgā cùng với năm trăm dòng sông chảy về biển cả.”
244. Sau khi nhìn thấy bà Gotamī đang đi ở trên đường, các nữ cư sĩ thành tín đã di ra khỏi nhà rồi đã quỳ xuống ở hai bàn chân (của bà) và đã nói điều này:
245. “Hỡi vị có tài sản vĩ đại, xin người hoan hỷ. Xin chớ lìa bỏ chúng con (trở thành) không người bảo hộ. Xin người chớ quyết định Niết Bàn,” họ đã than van ầm ĩ như thế.
246. Nhằm mục đích xóa đi nỗi sầu muộn của họ, bà Gotamī đã nói với giọng nói ngọt ngào rằng: “Này các con, than khóc đã đủ rồi, hôm nay đây là thời điểm vui cười của các con.
247. Khổ đã được ta biết toàn diện, nhân của Khổ đã được ta dứt bỏ, sự Diệt Tận đã được ta tác chứng, và Đạo cũng đã được ta thực hành khéo léo.
Tụng phẩm thứ nhất.
248. Bậc Đạo Sư đã được ta phục vụ, lời dạy của đức Phật đã được ta thực hành, nhiệm vụ nặng nề đã được đặt xuống, lối dẫn đi tái sanh đã được xóa tan.
249. Vì mục đích nào ta đã rời khỏi gia đình xuất gia vào đời sống không gia đình, mục đích ấy tức là sự đoạn tận tất cả các sự trói buộc đã được ta đạt đến.
250. Này các con, đức Phật và Chánh Pháp không bị thiếu sót của Ngài vẫn còn tồn tại vào thời điểm Niết Bàn của ta, chớ có khóc than cho ta.
251. Koṇḍañña, Ānanda, Nanda, v.v..., vị Rāhula chiến thắng còn tại tiền, hội chúng là được an lạc, hòa hợp, còn đối với các ngoại đạo thì niềm kiêu hãnh đã bị tiêu tan.
252. Danh tiếng của dòng tộc Okkāka với sự tiêu diệt Ma Vương đã được giương cao. Này các con, chẳng phải chính lúc này là thời điểm cho mục đích Niết Bàn của ta hay sao?
253. Điều ước nguyện của ta được nung đúc từ lâu hôm nay được thành tựu. Này các con, giờ đây là thời điểm của những tiếng trống vui mừng, việc gì với những giọt nước mắt của các con?
254. Nếu có lòng thương mến đối với ta, và nếu có lòng bi mẫn, tất cả các con hãy thể hiện sự tinh tấn kiên cố cho sự tồn tại của Chánh Pháp.
255. Khi được ta thỉnh cầu, đấng Toàn Giác đã ban cho sự xuất gia một cách lưỡng lự. Do điều đó, ta đã hoan hỷ như thế nào thì các con hãy thuận theo điều ấy như thế.”
256. Sau khi dặn dò như thế, bà Gotamī dẫnđầu các vị tỳ khưu ni đã đi đến đảnh lễ đức Phật, rồi đã nói lời nói này:
257. “Bạch đấng Thiện Thệ, con là mẹ của Ngài. Và bạch đấng Anh Hùng, Ngài là cha của con. Bạch đấng Bảo Hộ, Ngài là người ban cho niềm an lạc trong Chánh Pháp. Bạch ngài Gotama, con đã được sanh ra bởi Ngài.
258. Bạch đấng Thiện Thệ, hình hài và thân xác này của Ngài đã được lớn mạnh là nhờ con. Còn Pháp thân không thể phê phán của con đã được tăng trưởng là nhờ vào Ngài.
259. Nhờ con, Ngài đã được uống nước sữa làm dịu đi sự khao khát trong chốc lát. Nhờ Ngài, con cũng đã được uống chính dòng sữa Giáo Pháp thanh tịnh vô cùng tận.
260. Bạch đấng Đại Hiền Trí, trong việc dưỡng nuôi chăm sóc của con Ngài không có nợ nần. Mong sao cho các phụ nữ có lòng mong mỏi con trai có thể đạt được người con trai như thế này.
261. Mẹ của các vị vua như đức vua Mandhātu, v.v... là ở trong biển cả của hiện hữu. Này con trai, ta đã bị chìm đắm, nhờ Ngài ta đã vượt qua khỏi đại dương của hiện hữu.
262. Đối với hàng phụ nữ, danh xưng ‘Hoàng hậu mẹ của đức vua’ là dễ dàng đạt được. Còn danh xưng ‘Người mẹ của đức Phật’ là đạt được vô cùng khó khăn.
263. Và bạch đấng Anh Hùng, nhờ Ngài con đã đạt được điều ước nguyện ấy của con. Với con toàn bộ điều ấy dầu nhỏ bé hay lớn lao đều đã được tròn đủ.
264. Con muốn từ bỏ xác thân này, con muốn viên tịch Niết Bàn. Bạch đấng Anh Hùng, bậc Lãnh Đạo, vị Đoạn Tận Khổ Đau, xin Ngài hãy cho phép con.
265. Xin Ngài hãy duỗi ra (hai) bàn chân mềm dịu như hoa sen được điểm tô bằng những cây căm bánh xe và các ngọn cờ, con sẽ thể hiện sự tôn kính đến Ngài với lòng yêu mến đối với người con trai.
266. Bạch đấng Lãnh Đạo, xin Ngài hãy thể hiện rõ ràng thân thể tợ như khối vàng, sau khi thực hiện việc chiêm ngưỡng thân thể của Ngài, con sẽ đi về chốn an tịnh.”
267. Đấng Chiến Thắng đã khiến cho người dì nhìn thấy thân thể được thành tựu ba mươi hai tướng trạng và được điểm tô với những hào quang xinh xắn trông giống như ánh mặt trời non trẻ từ đám mây chiều.
268. Sau đó, bà Gotamī đã đê đầu ở lòng bàn chân được in dấu hình bánh xe, trông tợ như đóa hoa sen nở rộ có ánh sáng của mặt trời buổi bình minh.
269. “Con xin đảnh lễ đấng mặt trời của nhân loại, vị tiêu biểu của dòng dõi mặt trời. Đây là lần tử biệt cuối cùng của con, con không gặp Ngài nữa rồi.
270. Bạch đấng Cao Cả của thế gian, hàng nữ nhân gây nên mọi điều xấu xa rồi chết đi. Và bạch đấng Thể Hiện lòng bi mẫn, nếu con có điều sai trái gì xin Ngài tha thứ.
271. Và bạch đấng Nhân Ngưu, con đã liên tục cầu xin sự xuất gia cho hàng phụ nữ, trong việc này nếu con có điều sai trái xin Ngài hãy thứ tha điều ấy.
272. Bạch đấng Đại Hùng, các tỳ khưu ni đã được con dạy dỗ với sự cho phép của Ngài. Bạch đấng Chúa Tể về kham nhẫn, trong trường hợp này nếu có vấn đề huấn luyện kém cỏi, xin Ngài hãy thứ tha điều ấy.”
273. (Đức Phật đáp lại rằng): “Này người có đức hạnh là vật trang điểm, có thể kham nhẫn những điều gọi là không thể kham nhẫn thì còn có việc gì? Ta sẽ nói điều gì hơn nữa đối với bà là người đang tiến đến Niết Bàn?
274. Khi hội chúng tỳ khưu của Ta là thanh tịnh không khiếm khuyết đang tiến bước để ra khỏi thế gian này, ví như quầng trăng ra đi vào lúc rạng đông sau khi nhìn thấy sự biến mất dần của các vì thiên thể.”
275. Khi ấy, các vị tỳ khưu ni kia đã hướng vai phải nhiễu quanh đấng Chiến Thắng cao cả, trông giống như các vì sao theo gót mặt trăng di chuyển xung quanh núi Sumeru. Sau đó họ đã quỳ xuống đê đầu ở bàn chân (đức Phật) rồi đứng lên chiêm ngưỡng khuôn mặt (của Ngài).
276. “Mắt chưa có sự thỏa mãn đối với việc nhìn ngắm Ngài, tai chưa có sự thoả mãn đối với việc được (nghe) Ngài thuyết giảng, chỉ riêng một mình tâm của con đã đạt được sự thoả mãn ấy nhờ vào hương vị của Giáo Pháp.
277. Bạch đấng Cao Quý của loài người, trong khi Ngài tuyên thuyết ở hội chúng, những người nào nhìn thấy khuôn mặt của Ngài là vị đánh đổ sự kiêu căng của những người đối chất, những người ấy là hữu duyên.
278. Bạch đấng có lóng (tay chân) dài, những người nào sẽ khom mình ở bàn chân xinh đẹp có gót chân nhô ra, bạch bậc Thượng Đức, những người ấy cũng là hữu duyên.
279. Bạch đấng Thượng Nhân, những người nào sẽ lắng nghe những lời nói ngọt ngào, vui vẻ, tiêu diệt lỗi lầm, và có lợi ích của Ngài, những người ấy cũng là hữu duyên.
280. Bạch đấng Đại Hùng, với sự nhiệt tâm trong việc lễ bái bàn chân (Ngài), con đã vượt qua khu rừng rậm luân hồi nhờ vào lời thiện thuyết của đấng Quang Vinh, con là hữu duyên với Ngài.”
281. Sau đó, vị ni có hạnh kiểm tốt đẹp ấy cũng đã thông báo đến hội chúng tỳ khưu. Và sau khi đảnh lễ các vị Rāhula, Ānanda, Nanda, bà đã nói điều này:
282. “Mẹ nhờm gớm cái xác thân tợ như chỗ trú của rắn độc, là chỗ ngụ của bệnh tật, bị chồng chất khổ đau, là chốn lai vãng của sự già và sự chết, –
283. – đầy rẫy nhiễm ô và tội lỗi, bị lệ thuộc vào người khác, không năng động. Vì thế Mẹ muốn Niết Bàn. Này các con trai, hãy thông cảm (cho Mẹ).”
284. Vị Nanda và bậc hiền thiện Rāhula, có sầu muộn đã lìa, không còn lậu hoặc, bền vững, không bị lay động, chắc chắn, kiên quyết, đã suy xét về lẽ tự nhiên rằng:
285. “Thật là xấu hổ cho (xác thân) bị tạo tác, chao đảo, không có lõi, tương tợ như cây chuối, giống như trò xảo thuật hay ảo ảnh, ngắn ngủi, không bền vững.
286. Ngay cả bà Gotamī này, đối với đấng Chiến Thắng là người dì, là người nuôi dưỡng Đức Phật, rồi cũng đi đến sự tử vong; tất cả pháp hữu vi là vô thường.”
287. Và lúc bấy giờ, ngài Ānanda, vị có lòng thương mến đối với đấng Chiến Thắng, là bậc hữu học, đã bị dằn vặt vì sầu muộn. Tại đó, trong khi tuôn trào những giọt lệ, vị ấy rên rĩ nỗi tiếc thương:
288. “Hỡi ôi! Bà Gotamī đi đến chốn thanh tịnh. Hiển nhiên, chẳng bao lâu nữa đức Phật cũng đi đến tịch diệt ví như ngọn lửa hết nguồn nhiên liệu.”
289. Bà Gotamī đã nói với vị Ānanda đang than vãn ấy như vầy: “Này vị sâu sắc như biển cả về việc nghe (học hỏi). Này vị nhiệt tâm trong việc hầu cận đức Phật.
290. Này con trai, chớ miệt mài thương tiếc khi thời điểm cười vui đã đến đối với con. Này con trai, nơi nương nhờ của ta là Niết Bàn đã đến.
291. Này con yêu, được cầu khẩn bởi con (đức Phật) đã cho phép sự xuất gia đến chúng tôi. Này con trai, chớ có phiền muộn, sự nỗ lực của con là có kết quả.
292. Đạo lộ ấy thậm chí không được nhìn thấy bởi các vị ngoại đạo sư trước đây lại được biết đến bởi những bé gái hiền thiện bảy tuổi.
293. Này vị hộ trì Giáo Pháp của đức Phật, (giờ là) lần nhìn thấy cuối cùng của con. Này con trai, nơi nào khi đã đi đến là không được nhìn thấy thì ta đi đến nơi ấy.”
294. Có lần nọ đấng Lãnh Đạo cao cả của thế gian bị hắt hơi trong khi đang thuyết giảng Giáo Pháp, khi ấy với lòng thương tưởng tôi đã nói lời mong mỏi rằng:
295. “Bạch đấng Đại Hùng, xin Ngài hãy sống thọ. Bạch bậc Đại Hiền Trí, xin Ngài hãy tồn tại trọn kiếp. Vì lợi ích của tất cả thế gian, xin Ngài hãy là vị Thiên Thần bất lão.”
296. Với tôi là người nữ có lời nói như thế về điều ấy, đức Phật ấy đã nói điều này: “Này Gotamī, chư Phật không nên được tôn vinh như thế, giống như cách bà đã tôn vinh.”
297. “Bạch đấng Toàn Tri, vậy thì các đấng Như Lai là nên được tôn vinh như thế nào? Chư Phật là không nên được tôn vinh như thế nào? Được hỏi, xin Ngài hãy giảng cho con về điều ấy.”
298. “Bà hãy nhìn xem các vị đệ tử là có sự hòa hợp, có sự ra sức tinh tấn, có tính khẳng quyết, có sự nỗ lực mạnh mẽ một cách bền bĩ; ấy là sự tôn vinh chư Phật.”
299. Từ nơi ấy, sau khi đi về ni viện, chỉ có một mình tôi đã suy nghiệm rằng: “Đấng Bảo Hộ, vị đi đến tận cùng Tam Giới hài lòng về tập thể có sự hòa hợp.
300. Vậy thì ta sẽ Niết Bàn, ta chớ chứng kiến sự băng hoại ấy.” Sau khi suy nghĩ như thế, tôi đã diện kiến bậc Đệ Nhất Ẩn Sĩ.
301. Tôi đã thông báo thời điểm viên tịch Niết Bàn của tôi đến bậc Hướng Đạo. Do đó, Ngài đã đồng ý rằng: “Này Gotamī, bà hãy biết lấy thời điểm.”
302. “Các phiền não của con đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), con sống không còn lậu hoặc.
303. Quả vậy, con đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
304. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được con đắc chứng; con đã thực hành lời dạy của đức Phật.”
305. “Này Gotamī, những kẻ ngu có khuynh hướng không chú tâm và trì trệ trong việc lãnh hội Giáo Pháp, bà hãy thị hiện thần thông vì lợi ích cho sự từ bỏ tà kiến của những kẻ ấy.”
306. Khi ấy, với sự cho phép của đức Phật, bà Gotamī đã quỳ xuống (đảnh lễ) đấng Toàn Giác rồi đã bay lên không trung và đã thị hiện nhiều loại thần thông.
307. 308. Là một, bà đã trở thành nhiều, và tương tợ như thế là nhiều trở thành một. Bà đã hiện ra, biến mất, đi xuyên qua vách tường, xuyên qua ngọn núi không bị chướng ngại. Bà cũng đã chìm vào trong trái đất. Bà đã đi ở trên nước mà không làm chao động như là ở trên đất liền.
309. Khi ấy, bà đã di chuyển với thế kiết già tương tợ như loài chim ở trên không trung. Bằng thân bà đã thể hiện sự tác động đến tận chỗ ngụ của đấng Phạm Thiên.
310. Sau khi đã làm ngọn núi Sineru thành cây cán lọng và đã làm đại địa cầu thành cái lọng che, bà đã xoay ngược lại đến tận gốc rễ. Trong khi cầm (lọng che), bà đã đi kinh hành ở hư không.
311. Và bà đã làm thế gian mù mịt khói đúng vào lúc mọc lên của sáu mặt trời. Bà đã gây rối ren bằng những tràng hoa rực lửa như là thế gian vào lúc hoại kiếp.
312. Về tảng đá khổng lồ Mucalinda, núi Meru, núi Mandāra, và núi Daddara, bà đã nắm lấy toàn bộ bằng một nắm tay như là (nắm lấy) những hạt cải.
313. Với đầu ngón tay bà đã che khuất mặt trời cùng với mặt trăng. Bà đã nắm giữ một ngàn mặt trăng và mặt trời như là (nắm giữ) tràng hoa đội đầu.
314. Bà đã nắm giữ nước của bốn bể bằng một bàn tay, đã làm đổ mưa trận mưa lớn có hình dáng của đám mây đen vào lúc tận thế.
315. Bà đã biến hóa thành đấng Chuyển Luân Vương cùng với tùy tùng ở bề mặt của không trung. Bà đã khiến cho nhìn thấy loài kim-sỉ-điểu, loài voi, và loài sư tử đang gầm rống.
316. Chỉ một mình, bà đã biến hóa thành hội chúng tỳ khưu ni vô số kể sau đó lại làm cho biến mất chỉ còn một mình, rồi đã nói với bậc Hiền Trí rằng:
317. “Bạch đấng Đại Hùng, bạch bậc Hữu Nhãn, người dì cùa Ngài là người nữ thực hành theo lời dạy của Ngài và đã đạt được lợi ích cho bản thân, giờ (xin) đảnh lễ ở bàn chân (Ngài).”
318. Sau khi thị hiện nhiều thể loại thần thông, vị ni ấy đã từ bề mặt của không trung đáp xuống đảnh lễ đấng Quang Đăng của thế gian rồi đã ngồi xuống ở một bên.
319. “Bạch đấng Đại Hiền Trí, con đây đã được một trăm hai mươi tuổi tính từ lúc sanh. Bạch đấng Anh Hùng, chừng ấy là vừa đủ. Bạch đấng Lãnh Đạo, con sẽ Niết Bàn.”
320. Khi ấy, toàn thể hội chúng ấy vô cùng sửng sốt đã chắp tay lên nói rằng: “Thưa ni sư, làm thế nào bà đã trở thành vị có thần thông và sự nỗ lực không thể sánh bằng?”
321. Trước đây một trăm ngàn kiếp, vị Lãnh Đạo, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Hữu Nhãn về tất cả các pháp đã hiện khởi.
322. Khi ấy, tôi đã được sanh ra ở tại Haṃsavatī, trong gia đình vị quan cận thần được đầy đủ mọi thứ tiện nghi, sung túc, thịnh vượng, có đại tài sản.
323. Có lần nọ, tôi đã dẫn đầu nhóm nữ tỳ cùng người cha với đoàn tùy tùng đông đảo đi đến đấng Nhân Ngưu ấy.
324. Tợ như vị (Thiên Vương) Vāsava đang làm mưa, đấng Chiến Thắng bậc không còn lậu hoặc, rực rỡ với quầng hào quang giống như mặt trời của mùa thu, đang làm đổ xuống cơn mưa Pháp.
325. Sau khi nhìn thấy, tôi đã làm cho tâm được tịnh tín và đã lắng nghe (Giáo Pháp) khéo được thuyết giảng của đấng Lãnh Đạo nhân loại ấy trong khi Ngài đang thiết lập vị tỳ khưu ni Mātucchā vào vị thế hàng đầu.
326. Sau khi lắng nghe, tôi đã dâng cúng đại thí và nhiều vật dụng trong bảy ngày đến bậc Tối Thượng Nhân như thế ấy cùng với hội chúng (của Ngài).
327. Tôi đã nằm dài xuống ở bàn chân (Ngài) và đã phát nguyện vị thế ấy. Sau đó, vị Đệ Nhất Ẩn Sĩ đã nói với đoàn tùy tùng đông đảo rằng:
328. “Người nữ nào đã chăm lo bữa ăn đến đấng Lãnh Đạo Thế Gian cùng với hội chúng trong bảy ngày, Ta sẽ tán dương người nữ ấy. Các người hãy lắng nghe Ta nói.
329. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
330. (Người nữ này) sẽ trở thành nữ Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Gotamī.
331. Người nữ này sẽ là người dì nuôi dưỡng mạng sống của vị Phật ấy và sẽ đạt được vị thế hạng nhất trong số các tỳ khưu ni kỳ cựu.”
332. Sau khi nghe được điều ấy, tôi đã trở nên hoan hỷ. Khi ấy, tôi đã hộ độ đấng Chiến Thắng bằng các vật dụng cho đến hết cuộc đời, sau đó đã từ trần.
333. Được sanh lên giữa chư Thiên thuộc cõi Đạo Lợi có các sự dồi dào về mọi dục lạc, tôi đã vượt trội các vị (Trời) khác về mười phương diện:
334. Là các sắc, các thinh, các hương, các vị, và các xúc, luôn cả tuổi thọ và sắc đẹp, sự an lạc và luôn cả danh tiếng nữa.
335. Với ưu thế như thế ấy, tôi đã nổi bật và sáng chói. Tôi đã là hoàng hậu yêu dấu của vị Trời Đế Thích ở tại nơi ấy.
336. Trong khi trôi nổi luân hồi, bị dời chuyển dưới tác động của nghiệp, tôi đã được sanh ra ở trong ngôi làng dân nô lệ thuộc lãnh địa của đức vua Kāsi.
337. Khi ấy, có không dưới năm trăm người nô lệ cư ngụ ở nơi ấy. Tại đó, người nào là đứng đầu của tất cả (nhóm người), tôi đã trở thành vợ của người ấy.
338. Năm trăm bậc Tự Chủ đã đi vào làng để khất thực. Sau khi nhìn thấy các vị ấy, tôi cùng với tất cả quyến thuộc đã vui mừng.
339. Chúng tôi cùng với những người chồng đã xây dựng năm trăm cốc liêu, đã hộ độ trong bốn tháng, đã dâng cúng ba y, và đã trở nên hoan hỷ.
340. Từ nơi ấy chết đi, chúng tôi cùng với những người chồng đã đi đến cõi trời Đạo Lợi. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, chúng tôi đã được sanh ra ở thành phố Devadaha.
341. Cha của tôi là Añjana thuộc dòng Sakya, mẹ của tôi là (hoàng hậu) Sulakkhaṇā. Sau đó, tôi đã đi đến nhà (làm vợ) của (đức vua) Suddhodana ở thành Kapilavatthu.
342. Những người còn lại đã được sanh vào gia tộc Sakya, đã đi đến nhà (làm vợ) của các vị dòng Sakya. Là ưu việt trong số tất cả, tôi đã là người bảo mẫu của đấng Chiến Thắng.
343. Người con trai của tôi sau khi lìa bỏ ra đi đã trở thành đức Phật, bậc Hướng Đạo. Về sau, tôi đã xuất gia cùng với năm trăm vị (công nương).
344. Cùng với các công nương dòng Sakya, tôi đã chạm đến sự an lạc của Niết Bàn. Khi ấy, những người nào đã là chồng của chúng tôi trong cuộc sống trước đây, –
345. – những người cùng thực hiện phước báu, những người đã tạo ra thời điểm trọng đại, được đấng Thiện Thệ thương tưởng những người ấy đã chạm đến phẩm vị A-la-hán.
346. Khi ấy, các vị tỳ khưu ni kia đã ngự lên bề mặt của không trung. Có đại thần lực, các vị ni đã chói sáng như là các vì sao đã được quần tụ lại.
347. Các vị ni đã thị hiện nhiều loại thần thông, tương tợ như những thợ vàng khéo được huấn luyện đã làm ra nhiều mẫu mã trang sức đối với kim loại vàng đã được chế biến.
348. Khi ấy, các vị ni đã thị hiện các phép lạ đa dạng nhiều loại và đã làm hoan hỷ bậc Hiền Trí, vị thuyết giảng hàng đầu, cùng với đồ chúng.
349. Sau khi từ không trung đáp xuống, các vị ni đã đảnh lễ bậc Ẩn Sĩ tối thượng. Được sự cho phép của đấng Tối Thượng Nhân, các vị ni đã ngồi xuống đúng theo vị thế (nói rằng):
350. “Ôi! Bạch đấng Anh Hùng, bà Gotamī là người có lòng từ mẫn đối với tất cả chúng con. Được sống nhờ vào những phước báu của Ngài, chúng con đã đạt được sự đoạn tận các lậu hoặc.
351. Các phiền não của chúng con đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là những con voi cái (đã được cởi trói), chúng con sống không còn lậu hoặc.
352. Quả vậy, chúng con đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
353. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được chúng con đắc chứng; chúng con đã thực hành lời dạy của đức Phật.
354. Bạch đấng Đại Hiền Trí, chúng con đã có năng lực về các loại thần thông và thiên nhĩ giới, chúng con đã có năng lực về trí biết tâm của người khác.
355. Chúng con biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
356. Bạch đấng Đại Hùng, trí của chúng con về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và về phép biện giải được phát hiện và được thành tựu trong sự hiện diện của Ngài.
357. Bạch đấng Lãnh Đạo, Ngài đã hành sử đối với chúng con bằng các tâm từ ái. Bạch đấng Đại Hiền Trí, xin Ngài cho phép về việc Niết Bàn đến tất cả (chúng con).”
358. Đấng Chiến Thắng đã nói rằng: “Khi các nàng nói: ‘Chúng con sẽ Niết Bàn,’ như thế thì Ta còn nói điều gì nữa. Vậy thì giờ đây, các nàng hãy suy nghĩ về thời điểm của các nàng.”
359. Khi ấy, các vị tỳ khưu ni ấy đứng đầu là Gotamī, v.v... đã đảnh lễ đấng Chiến Thắng. Rồi các vị ni ấy đã từ chỗ ngồi ấy đứng dậy và đã ra đi.
360. Bậc Anh Hùng ấy, vị Lãnh Đạo cao cả của thế gian cùng với đại chúng đông đảo đã cùng đi theo người dì cho đến tận cổng.
361. Khi ấy, bà Gotamī đã cúi xuống ở các bàn chân của đấng quyến thuộc thế gian, là sự đảnh lễ bàn chân lần cuối cùng với tất cả các vị ni kia.
362. “Đây là lần nhìn thấy đấng Bảo Hộ Thế Gian lần cuối cùng của con. Con sẽ không còn nhìn thấy lại khuôn mặt của Ngài là nguồn phát sanh lên sự Bất Tử.
363. Và bạch đấng Anh Hùng, (đây) không phải là sự đảnh lễ của con ở bàn chân vô cùng mềm mại của ngài. Bạch đấng Cao Cả của thế gian, con sẽ sờ nắn (chúng); hôm nay con đi đến nơi an tịnh.
364. Có gì với sắc tướng này của Ngài khi pháp đã được thấy đúng theo bản thể? Toàn bộ sắc tướng này chỉ là hữu vi, không được thoải mái, là tạm bợ.”
365. Sau khi đi về tu viện tỳ khưu ni của mình cùng với các vị ni ấy, bà Gotamī đã xếp chân bán già ngồi xuống ở trên chỗ ngồi cao nhất.
366. Khi ấy, các nữ cư sĩ mến chuộng Phật Pháp ở tại nơi ấy, sau khi nghe được tin tức về bà ấy, đã đi đến đảnh lễ ở bàn chân (của bà).
367. Bị dằn vặt vì sầu muộn, họ đã đấm vào ngực bằng những bàn tay. Rồi giống như là các dây leo bị chặt đứt gốc rễ, họ đã ngã xuống ở trên đất trong khi nức nở tiếng khóc lóc thảm thương rằng:
368. “Hỡi người ban bố sự nương nhờ, hỡi người bảo hộ, xin người đừng từ bỏ chúng con mà đi đến nơi an tịnh. Toàn thể người nữ chúng con quỳ xuống đê đầu thỉnh cầu (người).”
369. Trong khi xoa đầu của người nữ cư sĩ có sự nỗ lực cao nhất, có tín tâm, có trí tuệ trong số ấy, bà Gotamī đã nói lời nói này:
370. “Này các con, thôi đủ rồi bởi vì thất vọng là sự xoay vần theo mưu kế của Ma Vương. Tất cả pháp hữu vi là vô thường, sự chia lìa và sự tử vong là không chừng đổi.”
371. Sau đó, bà ấy đã giã từ những người nữ ấy rồi đã thể nhập thiền tối thượng bậc thứ nhất, thứ nhì, thứ ba, và luôn cả bậc thứ tư.
372. Tương tợ như thế, theo tuần tự bà đã thể nhập (các bậc thiền) không gian xứ, thức xứ, vô sở hữu, phi tưởng.
373. Bà Gotamī đã thể nhập các bậc thiền theo chiều nghịch về lại bậc thiền thứ nhất, rồi từ đó tiến đến bậc thứ tư.
374. Từ đó bà đã xuất ra và đã Niết Bàn tợ như ngọn lửa của cây đèn cạn dầu. Đã có sự chuyển động dữ dội của trái đất, sét đã giáng xuống từ bầu trời.
375. Các tiếng trống đã được vang lên, chư Thiên đã than vãn, và cơn mưa bông hoa từ bầu trời đã đổ xuống trái đất.
376. Ngọn núi chúa Meru cũng đã rung động tương tợ như người vũ công ở giữa sàn nhảy. Chính vì sầu muộn, biển cả đã có sự gào thét vô cùng thảm thiết.
377. Vào giây phút ấy, chư Thiên, các Long Vương, các Atula, và đấng Phạm Thiên bị chấn động đã thốt lên rằng: “Các pháp hữu vi quả thật là vô thường, theo như thế ấy vị ni này đã đi đến sự hoại diệt.
378. Và các vị ni nào là những người thực hành theo lời dạy của bậc Đạo Sư đã tháp tùng vị ni này, các vị ni ấy cũng không còn chấp thủ, như là ngọn lửa của cây đèn đã bị lụi tàn.”
379. Và đã có sự than vãn rằng: “Chao ôi! Các sự hội tụ có sự chia lìa là điểm kết thúc. Chao ôi! Tất cả pháp hữu vi là vô thường. Chao ôi! Cuộc sống có sự tiêu hoại là điểm kết thúc.”
380. Sau đó, chư Thiên và đấng Phạm Thiên (đã) tiến hành công việc thuận theo pháp thế gian, thích hợp thời điểm, rồi đã đi đến gần vị Đệ Nhất Ẩn Sĩ.
381. Khi ấy, bậc Đạo Sư đã bảo ngài Ānanda là vị có sự học ví như biển cả rằng: “Này Ānanda, hãy đi thông báo đến các tỳ khưu về việc Niết Bàn của mẹ.”
382. Khi ấy, ngài Ānanda, không còn nét hân hoan,[21]mắt đẫm lệ, đã nói với giọng nói nghẹn ngào rằng: “Hỡi chư tỳ khưu, hãy cùng nhau đi đến.
383. Hỡi chư tỳ khưu là các đệ tử của đấng Thiện Thệ đang ngụ ở các hướng đông, nam, tây, bắc, xin hãy lắng nghe lời nói của tôi.
384. Bà gotamī ấy, người đã ra sức nuôi dưỡng xác thân cuối cùng của đấng Hiền Trí, đã đi đến nơi an tịnh như là vì sao vào lúc ló dạng của mặt trời.
385. Sau khi đã thiết lập danh xưng cho vị ni đã ngự đến Niết Bàn là ‘Người Mẹ của đức Phật,’ đấng Lãnh Đạo, dầu là bậc Ngũ Nhãn, cũng không nhìn thấy nơi nào là nơi (bà) đã đi đến.
386. Vị nào có niềm tin vào đấng Thiện Thệ, và vị nào yêu quý bậc Đại Hiền Trí, xin vị đệ tử của đấng Thiện Thệ hãy thể hiện sự tôn kính đối với người mẹ của đức Phật.”
387. Sau nghe được điều ấy, các vị tỳ khưu thậm chí từ quốc độ vô cùng xa xôi đã nhanh chóng đi đến, một số vị là nhờ vào năng lực của đức Phật, một số vị là được rành rẽ về các phép thần thông.
388. Ở trong ngôi nhà mái nhọn cao quý đáng yêu toàn bộ làm bằng vàng sáng chói, các vị đã cùng nhau sắp đặt chiếc giường nhỏ là nơi bà Gotamī an nghỉ.
389. Bốn vị (Trời) hộ trì thế gian ấy đã cùng nhaugánh vác bằng những bả vai. Chư Thiên còn lại như là (vua Trời) Sakka, v.v... đã cùng nhau khiêng các ngôi nhà mái nhọn.
390. Toàn bộ đã có đến năm trăm ngôi nhà máinhọn có màu sắc như ánh mặt trời vào mùa thu đều đã được tạo nên bởi vị Trời Vissakamma.
391. Toàn thể các vị tỳ khưu ni ấy đã được đặt nằm trên những chiếc giường được nâng lên đặt ở vai của chư Thiên rồiđược tuần tự rước đi.
392. Có mái che đã che phủ toàn bộ bề mặt củakhông trung. Mặt trăng, mặt trời, cùng các vì sao đã được ghi dấu hiệu bằngvàng.
393. Vô số ngọn cờ đã được dựng lên, các tấmmànhoa đã được trải rộng. Từ trên không trung những đóa hoa sen đã rơi xuống, ở trên mặt đất là bông hoa đã được vun cao.
394. Mặt trăng và mặt trời được nhìn thấy và cácvì sao lấp lánh. Và mặt trời dầu đã đi đến chính ngọ nhưng không làm cho nóng bức, tợ như là mặt trăng vậy.
395. Chư Thiên đã cúng dường bằng các hương thơm ở cõi trời, những tràng hoa thơm ngát, các khúc nhạc, những điệuvũ, và các bản đồng ca.
396. Và các vị Long Vương, chư Thiên, và các Phạm Thiên tùy theo khả năng, tùy theo sức lực đã cúng dường ngườimẹ củađức Phật đã Niết Bàn đang được rước đi.
397. Toàn bộ các vị ni đệ tử của đấng Thiện Thệ đã tịch diệt là được rước đi ở phía trước, bà Gotamī, người đã nuôi dưỡngđức Phật, được kính trọng, đã được rước đi ở phía sau.
398. Chư Thiên và nhân loại cùng với các LongVương, A-tu-la, Phạm Thiên là ở phía trước, đức Phật cùng các vị ThinhVăn đi ở phía sau nhằm mục đích tôn vinh người mẹ.
399. Lễ viên tịch Niết Bàn của đức Phật đãlà nhưthế nào chứ không được như thế này, lễ viên tịch Niết Bàn của bà Gotamī đã là vô cùng phi thường.
400. Ở lễ Niết Bàn của đức Phật, đức Phật khônghiện diện (chỉ có) các vị tỳ khưu. Ở lễ Niết Bàn của bà Gotamī có đức Phật cũng như có các vị Sāriputta, v.v...
401. Các vị ấy đã thực hiện các giàn hỏa thiêu được làm bằng tất cả các loại vật thơm, được rải rắc các loại bột phấn thơm, rồi đã hỏa thiêu bà ở nơi đó.
402. Các phần còn sót lại đã được đốt cháy toàn bộ, toàn bộ phần còn lại là các hạt xương. Và khi ấy, ngài Ānanda đã nói lời nói khơi dậy nỗi chấn động:
403. “Bà Gotamī đã đi đến sự yên nghỉ, và thi thể của bà ấy đã được thiêu đốt. Tôi e rằng sự Niết Bàn của đức Phật sẽ là không lâu.”
404. Sau đó, được đức Phật khuyên bảo vị Ānanda ấy đã dâng lên đấng Bảo Hộ các xá-lợi của bà Gotamī đã được đặt vào trong bình bát của bà ấy.
405. Sau khi đã nâng lên các xá-lợi bằng bàn tay, vị Đệ Nhất Ẩn Sĩ đã nói rằng: “So sánh với thân cây to lớn có lõi đang đứng thẳng, –
406. – giống cây nào dầu có tầm vóc lớn hơn vẫn bị ngã xuống bởi vì tính chất vô thường, tương tợ như thế bà Gotamī của hội chúng tỳ khưu ni đã viên tịch Niết Bàn.
407. Ôi! Quả là ngạc nhiên đối với Ta! Ngay cả trong sự Niết Bàn của người mẹ chỉ còn lại phần nhỏ về xá-lợi, và không có sự sầu muộn hay than vãn.
408. Không có sự sầu khổ ở những người khác. Bà ấy có biển cả luân hồi đã được vượt qua, có sự bực bội đã lìa, được trạng thái mát mẻ, đã Niết Bàn tốt đẹp.
409. Bà đã là vị thông thái có tuệ vĩ đại, và tương tợ như thế ấy bà là vị có tuệ bao quát, là vị kỳ cựu trong số các tỳ khưu ni. Này các tỳ khưu, các ngươi hãy ghi nhận như thế.
410. Bà Gotamī đã có năng lực về thần thông, về thiên nhĩ giới, và đã có năng lực về trí biết tâm của người khác.
411. Bà đã biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, đối với bà ấy không còn tái sanh nữa.
412. Bà ấy đã có được trí hoàn toàn thanh tịnh về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và tương tợ y như thế về phép biện giải; vì thế không nên sầu muộn.
413. Giống như đối với ngọn lửa cháy sáng hủy hoại luôn cả chiếc búa sắt (nhưng khi) đã được dập tắt theo tuần tự thì nơi đi đến cũng không được biết.
414. Tương tợ như vậy, đối với những người đã được giải thoát đúng đắn, có sự vượt qua dòng lũ ràng buộc của các dục lạc, đã đạt được vị thế bất động thì không còn cảnh giới tái sanh nào đế nhận biết nữa.
415. Do đó, các ngươi hãy là hòn đảo của chính bản thân, có hành xứ là các sự thiết lập niệm. Sau khi tu tập bảy chi phần giác ngộ, các ngươi sẽ làm chấm dứt sự khổ đau.”
Vị tỳ khưu ni Mahāpajāpatigotamī đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Mahāpajāpatigotamī là phần thứ bảy.
--ooOoo--
416. Trước đây một trăm ngàn kiếp, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Hữu Nhãn về tất cả các pháp, đấng Lãnh Đạo đã hiện khởi.
417. Khi ấy, tôi đã được sanh ra ở tại Haṃsavatī trong gia đình triệu phú được rạng rỡ với nhiều loại châu báu, tôi đã được thừa hưởng lạc thú lớn lao.
418. Tôi đã đi đến đấng Đại Hùng ấy và đã lắng nghe lời giảng Pháp. Sau đó, với niềm tịnh tín sanh khởi tôi đã đi đến nương tựa vào đấng Chiến Thắng.
419. Và tôi cũng đã yêu cầu mẹ cha rồi đã thỉnh mời đấng Hướng Đạo cùng với các vị Thinh Văn và đã cung ứng vật thực trong bảy ngày.
420. Và khi bảy ngày đã trôi qua, đấng Điều Phục Nhân đã thiết lập vị tỳ khưu ni đứng đầu trong số các vị ni có đại trí tuệ vào vị thế tối thắng.
421. Được hoan hỷ sau khi lắng nghe điều ấy, tôi đã thể hiện sự tôn kính đến bậc Đại Ẩn Sĩ ấy lần nữa rồi đã nằm dài xuống và đã phát nguyện vị thế ấy.
422. Do đó, đấng Chiến Thắng ấy đã nói với tôi rằng: “Điều phát nguyện của nàng (sẽ) được thành tựu. Sự tôn kính đã được nàng thực hiện ở nơi Ta cùng với Hội Chúng là có quả báu vô lượng.
423. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
424. Nàng sẽ có tên là Khemā, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, và sẽ đạt được vị thế tối thắng.”
425. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
426. Mệnh chung từ nơi ấy, tôi đã đi đến cõi trời Dạ Ma, từ đó đã đi đến cõi trời Đẩu Suất, và từ đó đến cõi Hóa Lạc Thiên, rồi từ đó đến cõi Tha Hóa Tự Tại.
427. Do mãnh lực của nghiệp ấy, ở bất cứ nơi nào tôi sanh ra, tôi đều đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu của các vị vua ở chính tại các nơi ấy.
428. Từ nơi ấy chết đi (sanh) vào thân nhân loại, tôi đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu của các đấng Chuyển Luân Vương và các vị vua cai quản các lãnh thổ.
429. Tôi đã thọ hưởng sự thành đạt ở giữa chư Thiên và loài người, đã được an vui ở tất cả các nơi, và đã luân hồi trong nhiều kiếp.
430. Trước đây chín mươi mốt kiếp, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Vipassī là vị có ánh mắt thu hút, vị thấy rõ tất cả các pháp đã hiện khởi.
431. Tôi đã đi đến gặp bậc Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Điều Phục Nhân ấy. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp cao quý, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
432. Sau khi thực hành Phạm hạnh trong Giáo Pháp của đấng Anh Hùng ấy mười ngàn năm, tôi đã gắn bó vào thiền tập, có sự nghe nhiều (học rộng).
433. Là vị thiện xảo về các biểu hiện của duyên (tùy thuận sanh khởi), có niềm tự tín ở bốn Sự Thật, là người khôn khéo, là vị thuyết giảng hay, là người thực hành theo lời dạy của bậc Đạo Sư.
434. Từ nơi ấy chết đi, tôi đã đạt đến cõi trời Đẩu Suất, là tiên nữ có danh tiếng. Tại nơi ấy, tôi đã vượt trội những người khác nhờ vào quả báu của việc thực hành Phạm hạnh.
435. Ở bất cứ nơi nào tôi được sanh ra, tôi đều có nhiều của cải, nhiều tài sản, là người có sự sáng suốt, có sắc đẹp, và có luôn cả hội chúng đã được rèn luyện nữa.
436. Do nghiệp ấy có sự gắn bó với Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, tất cả các sự thành tựu của tôi đều đạt được dễ dàng và là các niềm yêu quý của tâm.
437. Thậm chí ở bất cứ nơi đâu tôi sanh đến, bất cứ người nào là chồng của tôi đều không khinh miệt tôi nhờ vào quả báu tu tập của tôi.
438. Ở vào kiếp Bhadda này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên Koṇāgamana, có danh tiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên.
439. Khi ấy, tôi là hậu duệ của một gia đình vô cùng giàu có ở tại Bārāṇasī. Dhanañjāni, Sumedhā, và tôi nữa là ba người.
440. Là những người cộng sự trong việc bố thí trước đây và là những người tạo lập, chúng tôi đã xác định trú xá là của Hội Chúng rồi đã dâng cúng tu viện đến Hội Chúng.
441. Từ nơi ấy chết đi, tất cả chúng tôi đã đi đến cõi Đạo Lợi, đã đạt được tư cách cao tột về danh vọng, và tương tợ y như thế ở giữa loài người.
442. Chính ở vào kiếp này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên Kassapa, thuộc dòng dõi, có danh tiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên.
443. Khi ấy, có vị quân vương là đức vua xứ Kāsi tên Kikī ở tại kinh thành Bārāṇasī là người hộ độ của bậc Đại Ẩn Sĩ.
444. Tôi đã là người con gái lớn nhất của vị ấy, được nổi danh là Samaṇī. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng cao cả, tôi đã xin xuất gia.
445. 446. Cha đã không cho phép chúng tôi. Khi ấy, là những người con gái của đức vua khéo được nuôi dưỡng, chúng tôi đã thực hành Phạm hạnh của người thiếu nữ ngay tại nhà trong hai chục ngàn năm, không xao lãng. Được hoan hỷ, bảy người con gái đã vui thích trong việc hộ độ đức Phật.
447. Samaṇī, Samaṇaguttā, Bhikkhunī, Bhikkhudāsikā, Dhammā, luôn cả Sudhammā nữa, và Saṅghadāsikā là thứ bảy.
448. Tôi, Uppalavaṇṇā, Paṭācārā, Kuṇḍalā, Kisāgotamī, Dhammadinnā, và Visākhā là thứ bảy (vào thời hiện tại).
449. Có lần nọ đấng Mặt Trời của nhân loại ấy thuyết giảng Giáo Pháp tuyệt vời. Sau khi lắng nghe bài Kinh Mahānidāna[22]tôi đã học thuộc lòng bài Kinh ấy.
450. Do các nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
451. Và trong kiếp cuối cùng hiện nay, tôi là người con gái vui tính, đáng mến, đáng yêu của đức vua Madda ở tại kinh thành Sāgalā.
452. Cùng với sự việc đã được sanh của tôi là trong kinh thành ấy đã có sự thái bình. Vì thế, tên “Khemā” đã được sanh lên cho tôi phát xuất từ công đức (ấy).
453. Khi đạt đến tuổi thanh xuân, tôi được tô điểm bởi sắc đẹp và sự mặn mà, khi ấy người cha đã dâng tôi cho đức vua Bimbisāra.
454. Tôi đã là người nữ vô cùng yêu quý của vị (vua) ấy. Thích thú trong việc trau chuốt xác thân, tôi đã không tỏ ra rộng lượng đối với những lời nói về sự xấu xa của các sắc thân.
455. Khi ấy, với sáng kiến nhằm giúp đỡ cho tôi, đức vua Bimbisāra đã ngợi khen về Veḷuvana(Trúc Lâm) và đã bảo các ca sĩ ca hát cho tôi nghe rằng:
456. “Chúng tôi quan niệm rằng: ‘Người nào chưa nhìn thấy Veḷuvana đáng yêu, chốn ngụ cư của đấng Thiện Thệ, thì người ấy chưa nhìn thấy (vườn hoa) Nandana (của cõi trời).
457. Người nào đã nhìn thấy Veḷuvana là (vườn hoa) hoan lạc Nandana của nhân loại, người ấy đã nhìn thấy (vườn hoa) Nandana vô cùng hoan lạc của vị Thiên Vương.
458. Chư Thiên sau khi rời (vườn hoa) Nandana ngự xuống mặt đất và đã nhìn thấy Veḷuvana đáng yêu thì vô cùng sửng sốt và không còn tiếc nuối nữa.
459. (Veḷuvana) đã được sanh lên do phước báu của đức vua, được làm đẹp nhờ vào phước báu của đức Phật, có ai là người thuật lại một cách trọn vẹn về tổng thể các đức tính tốt đẹp của khu vườn ấy?”
460. Sau khi nghe được sự thành công của khu rừng ấy, đối với tôi là có sự quyến rũ vào tai. Lúc bấy giờ, có lòng mong muốn nhìn thấy khu vườn ấy tôi đã trình lên đức vua.
461. Và khi ấy, vị lãnh chúa ấy đã sốt sắng ra lệnh cho đoàn tùy tùng đông đảo đưa tôi đi để nhìn xem khu vườn ấy (và đã nói với tôi rằng):
462. “Hỡi nàng là của cải vĩ đại, nàng hãy đi, hãy nhìn xem khu rừng đem lại sự bổ ích cho cặp mắt, là nơi luôn luôn chói sáng với sự vinh quanh, được rực rỡ với hào quang của đấng Thiện Thệ.”
463. Và vào lúc đấng Hiền Trí đã đi vào kinh thành Giribbaja để khất thực, đúng vào lúc ấy tôi đã đi đến để nhìn thấy khu rừng.
464. Khi ấy, khu rừng cây trải dài ấy[23]được rì rào tiếng vo ve của ong vò vẽ các loại, được phối hợp với tiếng rù rù của loài chim cu, được nhảy múa bởi đám chim công.
465. (Khu rừng cây) có ít tiếng động, không bị phân tán, được điểm tô bằng các đường kinh hành khác nhau, được rải rác với các cụm liêu cốc, được nổi bậc với các hành giả cao quý.
466. Trong khi dạo quanh, tôi đã suy nghĩ rằng: “Mắt ta có được thành quả.” Cũng tại nơi ấy, tôi đã nhìn thấy vị tỳ khưu trẻ gắn bó (thiền tập) và đã suy gẫm rằng:
467. “Vị này ở vào độ tuổi rất trẻ và được phú cho dáng vóc dễ thương như là mùa xuân lại chịu ở trong khu rừng dẫu cho là đáng yêu như vầy.
468. Ngồi ở gốc cây, đầu cạo, đắp y hai lớp, tham thiền, quả nhiên vị tỳ khưu này đã từ bỏ khoái lạc sanh lên từ đối tượng (bên ngoài).
469. Phải chăng con người vô cùng hiền thiện này nên thọ hưởng (ngũ) dục cho thoải mái với cuộc đời tại gia, sau này về già mới nên thực hành Giáo Pháp?”
470. Sau khi biết được rằng “Suññaka” là hương thất, là chỗ ngụ của đấng Chiến Thắng, tôi đã đi đến gần và đã nhìn thấyđấng Chiến Thắng tợ như mặt trời đang mọc lên.
471. (Tôi đã nhìn thấy đấng Chiến Thắng) ngồi mỗi một mình một cách an lạc, đang được quạt bởi người nữ quý phái. Sau khi nhìn thấy tôi đã suy gẫm như vầy: “Bậc Nhân Ngưu này không có quê kệch.”
472. Người thiếu nữ ấy có diện mạo (sáng) như vàng, có khuôn mặt và đôi mắt như đóa sen, có môi đỏ, có răng màu hoa nhài,có sự thuhút con tim và ánh mắt.
473. Có đôi tai lấp lánh khuyên vàng, có ngực dạng bầu bầu, có eo thon, có mông đẹp, có đùi thân chuối, và có đồ trang sức xinh xắn.
474. Với chiếc áo khoác ngoài lên đôi vai gợi tình, với y phục tinh khiết màu xanh, được sở hữu tính chất phụ nữ với hình dáng (nhìn) không thể nào thỏa mãn.
475. Sau khi nhìn thấy nàng ấy, tôi đã suy nghĩ như vầy: “Ôi, nàng này tuyệt đẹp, ta chưa từng nhìn thấy trước đây bằng (cặp) mắt này.”
476. Kế đó, bị chế ngự bởi sự già, nàng ấy (trở nên) có dung nhan tàn tạ, khuôn mặt chảy dài, răng sứt mẻ, đầu bạc, miệng có nước dãi, dơ dáy.
477. (Nàng ấy) có tai bị co rút, mắt trắng (đục), bộ ngực xấu xí đong đưa, tất cả các bộ phận cơ thể bị nhăn nheo chảy xệ, thân thể nổi đầy gân.
478. (Nàng ấy) có lưng bị còng, có gậy là bạn, vô cùng nhợt nhạt, gầy còm, trong lúc run rẩy bị té nhào, chốc chốc lại bị hụt hơi.
479. Do đó, tôi đã có sự chấn động, kinh ngạc, lông dựng đứng: “Thật là xấu hổ cho xác thân bất tịnh là nơi mà những kẻ ngu hứng thú!”
480. Lúc bấy giờ, sau khi nhìn thấy (tôi có) tâm bị chấn động, đấng Đại Bi, bậc Thiện Thệ với tâm phấn chấn đã nói lên những lời kệ này:
481. “Này Khemā, hãy nhìn xem thân thể bệnh hoạn, bất tịnh, hôi thối đang tiết ra, đang rò rỉ lại được hứng thú đối với những kẻ ngu.
482. Nàng hãy tu tập tâm cho được chuyên nhất khéo tập trung về đề mục bất mỹ, niệm hãy được hướng đến thân, nàng hãy có nhiều sự nhàm chán.
483. Thân này như thế nào thì xác kia như vậy, xác kia như thế nào thì thân này như vậy. Nàng hãy lìa bỏ sự mong muốn về thân ở bên trong lẫn bên ngoài.
484. Và nàng hãy tu tập về vô tướng, hãy dứt bỏ ngã mạn ngũ ngầm. Từ đó, có được sự lãnh hội về ngã mạn nàng sẽ sống thanh tịnh.
485. Những người bị đắm nhiễm ái dục rơi vào dòng chảy, tương tợ như con nhện sa vào mạng lưới được tạo nên bởi chính nó, sau khi cắt đứt luôn cả điều ấy, xuất gia, từ bỏ dục lạc, trở thành những người vô tư lự.”
486. Kế đó, sau khi biết được tôi có tâm đã được sẵn sàng, đấng Điều Phục Nhân đã thuyết giảng bài Kinh Mahānidāna[24]nhằm hướng dẫn cho tôi.
487. Sau khi lắng nghe bài kinh tuyệt vời ấy, tôi đã tưởng nhớ về quá khứ. Tôi được an tịnh ngay khi đang đứng tại nơi ấy, tôi đã làm cho Pháp nhãn được thanh tịnh.
488. Ngay khi ấy, tôi đã cúi xuống ở nơi bàn chân của bậc Đại Hiền Trí nhằm mục đích bày tỏ tội lỗi, và đã nói lời nói này:
489. “Bạch đấng Toàn Tri, con kính lễ Ngài! Bạch đấng hành bi mẫn, con kính lễ Ngài! Bạch đấng đã vượt qua luân hồi, con kính lễ Ngài! Bạch đấng ban cho sự Bất Tử, con kính lễ Ngài!
490. Con đã lao theo sự nắm bắt tà kiến, bị lầm lạc trong ái dục, nhờ vào Ngài với phương pháp đúng đắn con đã được dẫn dắt, được thỏa thích trong sự rèn luyện.
491. Do việc không nhìn thấy các bậc Đại Hiền Trí như thế ấy, các chúng sanh không có phước phần phải gánh chịu khổ đau lớn lao trong biển cả luân hồi.
492. Vào lúc con đã không nhận ra Ngài là chốn nương nhờ của thế gian, là bậc không dục vọng đã đạt đến tận cùng của sự chết, là sự lợi ích cận kề, con xin bày tỏ lỗi lầm ấy.
493. Bị đắm say xác thân, con đã không đến gần bậc có lợi ích lớn, vị có sự bố thí cao quý, hoài nghi là: ‘Không có lợi ích,’ con xin bày tỏ lỗi lầm ấy.”
494. Khi ấy, trong lúc rưới rắc sự Bất Tử đến tôi, bậc Đại Bi, đấng Chiến Thắng, vị có giọng nói vang ngọt ngào, đã nói rằng: “Này Khemā, hãy đứng lại.”
495. Khi ấy, sau khi đã đê đầu đảnh lễ và đã thực hiện việc nhiễu quanh vị ấy, tôi đã ra đi. Sau khi nhìn thấy đấng quân vương, tôi đã nói lời nói này:
496. “Ôi vị khuất phục kẻ thù, phương pháp đúng đắn này đã được suy tính bởi bệ hạ. Do ước muốn nhìn thấy khu rừng mà bậc Hiền Trí, vị ban phát Niết Bàn, đã được nhìn thấy.
497. Tâu bệ hạ, nếu ngài vui thích thiếp sẽ xuất gia trong Giáo Pháp của vị như thế ấy. Nhờ vào lời nói của bậc Hiền Trí, thiếp đã nhàm chán sắc thân.”
Tụng phẩm thứ nhì.
498. Khi ấy, vị lãnh chúa ấy đã chắp tay lên và nói rằng: “Này hiền thê, trẫm cho phép nàng. Cầu chúc sự xuất gia được thành tựu đến nàng.”
499. Và sau khi xuất gia, khi ấy đã được nửa tháng, sau khi nhìn thấy sự sáng lên của ngọn đèn và sự diệt tắt, tôi có tâm bị chấn động.
500. Nhàm chán tất cả các hành, được rành rẽ về biểu hiện của duyên (tùy thuận sanh khởi), sau khi đã vượt qua bốn dòng nước lũ,[25]tôi đã đạt được phẩm vị A-la-hán.
501. Tôi đã có năng lực về thần thông, về thiên nhĩ giới, và tôi cũng đã có năng lực về trí biết tâm của người khác.
502. Tôi biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
503. Trí tuệ hoàn toàn thanh tịnh của tôi về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và tương tợ y như thế về phép biện giải là được thành tựu trong Giáo Pháp của đức Phật.
504. Tôi được thiện xảo về các (pháp) thanh tịnh, tự tin trong vấn đề tranh luận, biết về phương thức của vi diệu pháp, và đã đạt được năng lực ở Giáo Pháp.
505. Sau đó, được đức vua (Pasenadi) chủ quản xứ Kosala hỏi các câu hỏi khôn khéo về vấn đề vật thực, tôi đã giải thích đúng theo bản thể.
506. Sau đó, vị vua ấy đã đi đến gặp đấng Thiện Thệ và đã hỏi lại. Các điều ấy đã được tôi giải thích như thế nào thì đức Phật đã giải thích y như thế ấy.
507. Đấng Chiến Thắng, bậc Tối Thượng Nhân hoan hỷ về đức hạnh ấy đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng là “Vị đứng đầu các vị có đại tuệ” trong số các vị tỳ khưu ni.
508. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
509. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
510. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Khemā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Khemā là phần thứ tám.
--ooOoo--
511. Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā, được đạt đến sự toàn hảo về thần thông, đã đảnh lễ ở bàn chân của bậc Đạo Sư rồi đã nói lời nói này:
512. “Bạch đấng Đại Hiền Trí, con xin trình rằng con đã vượt qua sự tái sanh luân hồi, đã đạt được vị thế bất động, con đã cạn kiệt tất cả khổ đau.
513. Cho đến nhóm người có lòng tịnh tín vào Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, và con có lỗi lầm đối với những ai, mong rằng họ hãy tha thứ ở trước mặt đấng Chiến Thắng.
514. Bạch đấng Đại Hùng, con xin trình rằng trong khi luân chuyển ở vòng luân hồi, nếu con có điều lầm lỗi xin Ngài tha thứ cho điều sai trái ấy.”
515. “Nàng cũng nên phô bày thần thông cho những người hành theo Giáo Pháp của Ta được thấy. Hôm nay nàng hãy cắt đứt sự hoài nghi cho cả tứ chúng.”
516. “Bạch đấng Đại Hùng, bậc Trí Tuệ, đấng Quang Minh, con là con gái của Ngài, con đã làm được nhiều công việc khó làm và vô cùng khó làm.
517. Màu da của con chính là màu của hoa sen, tên gọi Uppala là theo tên gọi của hoa sen. Bạch đấng Đại Hùng, con là nữ Thinh Văn của Ngài. Bạch đấng Hữu Nhãn, con xin đảnh lễ ở bàn chân (của Ngài).
518. Trong nhiều trăm lần tái sanh, Rāhula và luôn cả con nữa đã được sanh ra trong cùng một dòng tộc do ý muốn tương tợ nhau.
519. Có sự sanh ra cùng nhau trong nhiều lần tái sanh của con. Trong kiếp sống cuối cùng được thành tựu, cả hai lại có dòng tộc khác nhau.
520. Và người con trai tên là Rāhula, người con gái tên gọi Uppala. Bạch đấng Anh Hùng, xin hãy nhìn xem thần thông của con, con sẽ thị hiện năng lực đến bậc Đạo Sư.”
521. Vị ni đã đặt bốn đại dương ở trong lòng bàn tay, tương tợ như vị y sĩ Jīvaka Komārabhacca đã đổ dầu vào bàn tay.
522. Vị ni đã bứng trái đất lên rồi đặt ở trong lòng bàn tay, tương tợ như người thiếu niên trẻ tuổi đã nhổ lên cọng cỏ muñja nhiều màu sắc.
523. Vị ni đã đưa bàn tay tợ như vũ trụ che ở đỉnh đầu và đã làm đổ xuống giọt mưa nhiều màu sắc thành nhiều đợt.
524. Vị ni đã biến mặt đất thành cái cối giã, đã biến hạt cát thành thóc lúa, đã biến ngọn núi Sineru thành cái chày, rồi đã giã nát tương tợ như cô thiếu nữ (giã lúa gạo).
525. “Con là con gái của đức Phật tối thượng có tên gọi là Uppala, đã có được năng lực về các thắng trí, là người thực hành theo lời dạy của Ngài.
526. Bạch đấng Hữu Nhãn, sau khi đã thực hiện và đã phô bày vô số phép biến hóa đến vị Lãnh Đạo Thế Gian, sau khi công bố tên và dòng họ, con xin đảnh lễ ở bàn chân (của Ngài).
527. Bạch đấng Đại Hiền Trí, con đã có năng lực về thần thông, về thiên nhĩ giới, và đã có năng lực về trí biết tâm của người khác.
528. Con biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
529. Trí tuệ của con về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và tương tợ y như thế về phép biện giải là được trong sạch, không bợn nhơ nhờ vào quyền năng của bậc Đại Ẩn Sĩ.
530. Bạch đấng Đại Hiền Trí, nhiều việc làm hướng thượng của con đến các đấng Chiến Thắng cao cả trong quá khứ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp là nhằm mục đích về Ngài.
531. Bạch đấng Hiền Trí, thiện nghiệp nào của con đã được con làm tròn đủ, xin Ngài hãy nhớ lại. Bạch đấng Đại Hùng, phước báu đã được tích lũy bởi con là nhằm mục đích về Ngài.
532. Bạch đấng Đại Hùng, sau khi tránh xa những nơi không xứng đáng, trong khi từ bỏ tánh hạnh xấu, mạng sống quý báu đã được từ bỏ là nhằm mục đích về Ngài.
533. Bạch đấng Đại Hiền Trí, con đã bố thí mười ngàn koṭi, và mạng sống của con đã được con dứt bỏ là nhằm mục đích về Ngài.”
534. Khi ấy, vô cùng sửng sốt, tất cả đã chắp tay lên ngay ở đầu và đã nói rằng: “Thưa ni sư, làm thế nào ni sư có được sự nỗ lực về thần thông không thể sánh bằng?”
535. Trước đây một trăm ngàn kiếp, khi ấy tôi đã là con gái của Long Vương, có tên Vimalā, được công nhận là tốt lành trong số những người con gái.
536. Có vị chúa rồng là loài rồng khổng lồ, được tịnh tín với Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, nên đã thỉnh mời đấng Đại Quyền Lực Padumuttara cùng với các vị Thinh Văn.
537. (Vị ấy đã cho chuẩn bị) mái che làm bằng châu báu, ghế dài làm bằng châu báu, và vật dụng làm bằng châu báu được rắc rải các hạt cát châu báu.
538. Và vị ấy đã cho chuẩn bị đường đi được trang hoàng với các ngọn cờ bằng châu báu. Trong khi được vang lên bởi các nhạc cụ, vị ấy đã đi ra tiếp rước bậc Toàn Giác.
539. Được tháp tùng bởi tứ chúng, đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã ngồi xuống ở chỗ ngồi cao nhất trong cung điện của vị chúa rồng.
540. Vị Long Vương có danh tiếng vĩ đại đã dâng lên thức ăn nước uống vật thực cứng, vật thực mềm có giá trị lớn lao vô cùng quý báu.
541. Sau khi thọ thực, đấng Toàn Giác đã rửa bình bát theo khuôn phép, rồi đã nói lời tùy hỷ đến vị Long Vương có đại thần lực.
542. Sau khi nhìn thấy đấng Toàn Tri một cách trọn vẹn, người con gái có danh vọng lớn lao của vị Long Vương đã được tịnh tín đối với bậc Đạo Sư, và tâm đã được gắn liền chặt chẽ với ý.
543. Và sau khi biết được tâm của tôi, bậc Đại Hùng, đấng Lãnh Đạo Padumuttara vào giây phút ấy đã bảo vị tỳ khưu ni thị hiện thần thông.
544. Được tự tin, vị tỳ khưu ni ấy đã thị hiện nhiều loại thần thông. Được hoan hỷ, tràn đầy niềm phấn khởi, tôi đã nói với bậc Đạo Sư điều này:
545. “Bạch đấng Anh Hùng, con cũng đã nhìn xem loại thần thông này nhưng với tâm vui mừng khác. Làm thế nào nàng ấy đã được vô cùng tự tin về thần thông?”
546. “Người con gái có đại thần lực của Ta là chánh thống, được sanh ra từ miệng, là người thực hành theo Giáo Pháp của Ta, vô cùng tự tin về thần thông.”
547. Sau khi lắng nghe lời nói của đức Phật, khi ấy tôi đã ước nguyện như vầy: “Mong sao cho tôi cũng được vô cùng tự tin về thần thông như thế ấy.”
548. Được hoan hỷ, với tâm vui mừng, tôi đã đạt đến ý nghĩ cao quý rằng: “Bạch đấng Lãnh Đạo, mong sao trong tương lai xa vời con sẽ là như thế ấy.”
549. Ở chiếc ghế dài làm bằng ngọc ma-ni tại mái che sáng ngời, tôi đã làm hài lòng đấng Lãnh Đạo Thế Gian cùng với hội chúng bằng cơm ăn và nước uống.
550. Tôi đã cúng dường đấng Lãnh Đạo Thế Gian đóa hoa sen xanh cao quý của loài rồng tên là Aruṇa (nguyện rằng): “Mong sao cho tôi có được màu da như thế này.”
551. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
552. Từ nơi ấy chết đi, được sanh vào loài người, tôi đã dâng vật thực được đậy lại bằng những đóa sen xanh đến đấng Tự Chủ.
553. Trước đây chín mươi mốt kiếp, đã hiện khởi đấng Lãnh Đạo tên Vipassī, là vị có ánh mắt thu hút, là bậc Hữu Nhãn về tất cả các pháp.
554. Khi ấy, là con gái của người triệu phú ở kinh thành Bārāṇasī, tôi đã thỉnh mời đấng Toàn Giác vị Lãnh Đạo Thế Gian cùng với hội chúng.
555. Sau khi dâng cúng đại thí và đã cúng dường những đóa sen xanh đến đấng Hướng Đạo, tôi đã ước nguyện về sự xinh đẹp của làn da chỉ bằng tâm ý.
556. Ở vào kiếp Bhadda này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên Kassapa, thuộc dòng dõi, có danh tiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên.
557. Khi ấy, có vị quân vương là đức vua xứ Kāsi tên Kikī ở tại kinh thành Bārāṇasī là người hộ độ của bậc Đại Ẩn Sĩ.
558. Tôi đã là người con gái thứ hai của vị (vua) ấy có tên là Samaṇagutta. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng cao cả, tôi đã xin xuất gia.
559. 560. Cha đã không cho phép chúng tôi. Khi ấy, là những người con gái của đức vua khéo được nuôi dưỡng, chúng tôi đã thực hành Phạm hạnh của người thiếu nữ ngay tại nhà trong hai chục ngàn năm, không xao lãng. Được hoan hỷ, bảy người con gái đã vui thích trong việc hộ độ đức Phật.
561. Samaṇī, Samaṇaguttā, Bhikkhunī, Bhikkhudāsikā, Dhammā, luôn cả Sudhammā nữa, và Saṅghadāsikā là thứ bảy.
562. Tôi, Khemā có trí tuệ, Paṭācārā, Kuṇḍalā, Kisāgotamī, Dhammadinnā, và Visākhā là thứ bảy (vào thời hiện tại).
563. Do các nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
564. Từ nơi ấy chết đi, được sanh vào giữa loài người, trong đại gia tộc, tôi đã dâng đến vị A-la-hán tấm vải màu vàng mịn màng quý giá.
565. Từ nơi ấy chết đi, tôi đã được sanh vào gia tộc dòng Bà-la-môn ở trong thành Ariṭṭha, là con gái của Tiriṭavaccha, có nét quyến rũ, tên là Ummādantī.
566. Từ nơi ấy chết đi, được sanh ra vào gia đình nọ không được giàu có lắm ở trong quốc độ, khi ấy tôi đã chăm sóc lúa sāli.
567. Sau khi nhìn thấy vị Độc Giác Phật, tôi đã dâng năm trăm hạt cốm được che đậy bởi những đóa hoa sen (và đã ước nguyện) năm trăm người con trai.
568. Sau khi dâng cúng mật ong đến đấng Tự Chủ, tôi đã ước nguyện về những người con trai ấy.[26]Từ nơi ấy chết đi, tôi đã được sanh ra ở trong lòng đóa hoa sen ở trong rừng.
569. Tôi đã trở thành chánh hậu của đức vua xứ Kāsi, được tôn vinh kính trọng. Tôi đã sanh ra năm trăm vị hoàng tử không thiếu (một vị).
570. Khi đạt được tuổi thanh niên, những người con trai ấy trong lúc chơi giỡn cuộc vui ở trong nước đã nhìn thấy đóa hoa sen bị rụng cánh, họ đã trở thành các vị Lãnh Đạo Độc Giác.
571. Không có những người con trai cao quý ấy, tôi đây có sự sầu muộn. Chết đi, tôi đã được sanh ra ở ngôi làng nhỏ tại sườn núi Isigili.
572. 573. Khi ấy, tôi đã lớn lên, có con cái. Và tôi đã mang món cháo cho những người con trai và cả người chồng nữa. Trong khi đi tôi đã nhìn thấy tám vị Lãnh Đạo Độc Giác đang đi vào làng để khất thực, và đã tưởng nhớ lại những người con trai. Khi ấy, bầu sữa tôi đã tiết ra ngoài bởi lòng thương yêu những người con trai của tôi.
574. Sau đó, được tịnh tín tôi đã tự tay mình dâng món cháo đến các vị ấy. Từ nơi ấy chết đi, tôi đã đạt đến vườn hoa Nandana ở cõi Tam Thập.
575. “Bạch đấng Đại Hùng, con đã trải qua an lạc khổ đau, đã luân hồi cõi này cõi khác, và mạng sống đã được dứt bỏ là nhằm mục đích về Ngài.”
576. Như vậy là đã có khổ đau đa dạng và thành công nhiều hình thức. Khi đạt đến cuộc sống cuối cùng, tôi đã được sanh ra ở thành Sāvatthī.
577. Tôi đã có được sự thành tựu về tất cả các dục lạc ở trong gia đình triệu phú có đại tài sản, được rực rỡ bởi nhiều loại châu báu khác nhau, được an vui, được chu cấp như thế ấy.
578. Tôi đã được kính trọng, được tôn vinh, được nể vì, được cung kỉnh như thế ấy, được thành tựu vẻ xinh đẹp của dáng vóc, được trọng vọng ở các gia đình.
579. Và tôi đã được ao ước vô cùng mãnh liệt bởi những người có sắc tướng, giàu có, sang trọng, và được ao ước bởi hàng trăm người con trai nhà triệu phú.
580. Sau khi từ bỏ gia đình, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Không đầy nửa tháng, tôi đã đạt được phẩm vị A-la-hán.
581. Sau khi đã hóa hiện bằng thần thông thành chiếc xe bốn ngựa, tôi đã đảnh lễ ở bàn chân của đức Phật, đấng Bảo Hộ Thế Gian, bậc Quang Vinh.
582. “Hỡi vị tỳ khưu ni, sau khi đi đến tột đỉnh của việc đã được phát triển toàn diện, nàng một mình đứng ở gốc cây Sālā. Và này người có phẩm chất về sắc đẹp, nàng không có người thứ nhì, nàng không hãi sợ lũ ngu dốt trong số những kẻ tồi bại hay sao?”[27]
583. “Cho dầu là trăm ngàn kẻ tồi bại như ngươi có đi đến nơi đây, ta cũng không chao động sợi lông, ta cũng không bối rối. Này Ma Vương, ngươi chỉ một mình, ta không hãi sợ ngươi.”
584. “Hỡi nàng, ta sẽ biến mất hoặc ta sẽ đi vào trong bụng của nàng. Dẫu ta đang đứng ở ngay giữa lông mày, nàng vẫn không nhìn thấy ta.”
585. “Các nền tảng của thần thông đã khéo được tu tập ở trong tâm, có được năng lực. Này ông bạn, ta đã được thoát khỏi mọi sự trói buộc, ta không sợ hãi ngươi.”
586. “Các dục như là gươm giáo, các uẩn như là cái thớt của chúng. Điều ngươi gọi là sự thích thú trong các dục, điều ấy giờ đây là sự không thích đối với ta.”
587. “Sự vui thích đã được phá hủy ở tất cả các nơi. Khối đống mê mờ đã được phá tan. Này Ác Nhân, ngươi hãy biết như thế. Này Tử Thần, người đã bị đánh bại.”
588. Hoan hỷ về đức hạnh ấy, đấng Chiến Thắng, bậc Lãnh Đạo, ở giữa các chúng đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng là “Vị đứng đầu trong số các vị ni có thần thông.”
589. Bậc Đạo Sư đã được tôi phục vụ, lời dạy của đức Phật đã được tôi thực hành, nhiệm vụ nặng nề đã được đặt xuống, lối dẫn đi tái sanh đã được xóa tan.
590. Vì mục đích nào tôi đã rời khỏi gia đình xuất gia vào đời sống không gia đình, mục đích ấy tức là sự đoạn tận tất cả các sự trói buộc đã được tôi đạt đến.
591. Trong phút chốc, hàng ngàn người từ các nơi dâng lên y phục, đồ ăn khất thực, thuốc men, và chỗ nằm ngồi.
592. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
593. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
594. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Uppalavaṇṇā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Uppalavaṇṇā là phần thứ chín.
--ooOoo--
595. Trước đây một trăm ngàn kiếp, vị Lãnh Đạo, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc thông suốt về tất cả các pháp đã hiện khởi.
596. Khi ấy, tôi đã được sanh ra ở tại Haṃsavatī, trong gia đình triệu phú được rạng rỡ với vô số loại châu báu, tôi đã được thừa hưởng lạc thú lớn lao.
597. Tôi đã đi đến bậc Đại Hùng ấy và đã lắng nghe lời giảng Pháp. Sau đó, với niềm tịnh tín sanh khởi tôi đã đi đến nương tựa vào đấng Chiến Thắng.
598. Sau đó, đấng Lãnh Đạo đã tán dương vị tỳ khưu ni có sự tự tin về các điều được phép hoặc không được phép và khiêm tốn như thế ấy, là đứng đầu trong số các vị ni thông suốt về Luật.
599. Khi ấy, với tâm hoan hỷ, có sự mong muốn về vị thế ấy, tôi đã thỉnh mời đấng Thập Lực, vị Lãnh Đạo Thế Gian cùng với hội chúng.
600. Sau khi đã dâng vật thực trong bảy ngày, tôi đã dâng cúng ba y, rồi đã quỳ xuống đê đầu ở bàn chân và đã nói lời nói này:
601. “Bạch đấng Anh Hùng, vị ni đã được Ngài tán dương vào tám ngày trước đây. Bạch đấng Lãnh Đạo, nếu được thành tựu con sẽ trở thành như vị ni ấy.”
602. Khi ấy, bậc Đạo Sư đã nói với tôi rằng: “Này cô gái hiền thục, chớ lo ngại, hãy yên tâm. Trong thời vị lai xa xôi, nàng sẽ đạt được điều mong ước ấy.
603. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
604. Nàng sẽ trở thành nữ Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Paṭācārā.”
605. Khi ấy, tôi đã được hoan hỷ. Với tâm từ mẫn, tôi đã phục vụ đấng Chiến Thắng, bậc Lãnh Đạo Thế Gian cùng với hội chúng từ đó cho đến hết cuộc đời.
606. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
607. Ở vào kiếp Bhadda này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên Kassapa, thuộc dòng dõi, có danh tiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên.
608. Khi ấy, có vị quân vương là đức vua xứ Kāsi tên Kikī ở tại kinh thành Bārāṇasī là người hộ độ của bậc Đại Ẩn Sĩ.
609. Tôi đã là người con gái thứ ba của vị (vua) ấy, được nổi danh là Bhikkhunī. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng cao cả, tôi đã xin xuất gia.
610. 611. Cha đã không cho phép chúng tôi. Khi ấy, là những người con gái của đức vua khéo được nuôi dưỡng, chúng tôi đã thực hành Phạm hạnh của người thiếu nữ ngay tại nhà trong hai chục ngàn năm, không xao lãng. Được hoan hỷ, bảy người con gái đã vui thích trong việc hộ độ đức Phật.
612. Samaṇī, Samaṇaguttā, Bhikkhunī, Bhikkhudāsikā, Dhammā, luôn cả Sudhammā nữa, và Saṅghadāsikā là thứ bảy.
613. Tôi, Uppalavaṇṇā, Khemā, Bhikkhunī hiền thục, Kisāgotamī, Dhammadinnā, và Visākhā là thứ bảy (vào thời hiện tại).
614. Do các nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
615. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, tôi đã được sanh vào gia đình triệu phú sung túc, thịnh vượng, có tài sản lớn lao ở trong kinh thành Sāvatthī.
616. Và khi đã đạt đến tuổi thanh xuân, tôi đã bị tác động của sự suy tầm. Sau khi gặp người đàn ông quê mùa, tôi đã bỏ đi cùng với người ấy.
617. Tôi đã sanh ra một người con trai, đứa thứ nhì còn ở trong bụng của tôi. Khi ấy, tôi đã ước muốn mãnh liệt rằng: “Ta sẽ gặp lại cha mẹ.”
618. Người chồng của tôi đã không bằng lòng. Khi ấy, trong lúc người ấy đi vắng, mỗi một mình tôi đã rời khỏi ngôi nhà để đi đến kinh thành Sāvatthī.
619. Sau đó, người chồng của tôi đã đi đến và đã gặp tôi ở trên đường lộ. Khi ấy, có cơn gió vô cùng khủng khiếp sanh lên do nghiệp của tôi đã ào tới.
620. Và có trận mưa lớn đã xuất hiện vào lúc lâm bồn của tôi. Khi ấy, người chồng đã ra đi vì mục đích củi gỗ (để sưởi ấm) và đã bị chết bởi con rắn.
621. Khi ấy, do đau đớn vì đã sanh đẻ, không người bảo hộ, tôi đã trở nên khốn khổ. Trong khi đi đến chỗ trú ngụ của gia đình, tôi đã nhìn thấy con sông cạn bị tràn ngập.
622. Sau khi ẳm lấy đứa bé tôi đã lội qua, và còn mỗi một đứa ở bờ bên kia. Tôi đã đặt đứa con trai thơ dại nằm xuống vì việc mang đứa kia sang.
623. Tôi đã quay trở lại. Có con chim ưng đã tha đi đứa nhỏ đang kêu khóc và dòng nước đã cuốn trôi đứa kia; tôi đây đã bị xâm chiếm bởi sầu muộn.
624. Sau khi đi đến thành Sāvatthī, tôi đã nghe rằng những người thân đã chết. Khi ấy, bị dằn vặt bởi nỗi sầu muộn, bị xâm chiếm bởi nỗi sầu muộn lớn lao, tôi đã nói rằng:
625. “Cả hai người con trai đã lìa đời, chồng của tôi đã bị chết ở trên đường, mẹ cha và người em trai đã được thiêu chung ở một giàn hỏa táng.”
626. Khi ấy, trở nên ốm yếu, vàng vọt, không người bảo hộ, tâm ý thê lương, trong lúc đi quanh quẩn đó đây tôi đã nhìn thấy đấng Điều Phục Nhân.
627. Sau đó, bậc Đạo Sư đã nói với tôi rằng: “Này con gái, chớ khóc than, hãy bình tâm. Con hãy tìm kiếm lại chính mình. Sao con lại buồn đau một cách vô ích?
628. Không có những người con trai, không có người cha, cũng không có những người thân trong việc bảo vệ. Đối với người đã bị khuất phục bởi sự chết, sự bảo vệ ở những người thân là không có.”[28]
629. Sau khi lắng nghe lời nói ấy của bậc Hiền Trí, tôi đã chứng đạt quả vị thứ nhất. Sau khi xuất gia không bao lâu, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
630. Là người thực hành theo lời dạy của đấng Đạo Sư, tôi có năng lực về các thần thông, về thiên nhĩ giới, tôi biết được tâm của người khác.
631. Tôi biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh. Sau khi quăng bỏ tất cả các lậu hoặc, tôi được thanh tịnh, hoàn toàn không ô nhiễm.
632. Sau đó, trong sự hiện diện của đấng Toàn Tri, tôi đã học toàn bộ về Luật cùng tất cả phần chi tiết và đã trình bày đúng theo như thế.
633. Hoan hỷ về đức hạnh ấy, đấng Chiến Thắng đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng rằng: “Chỉ mỗi một mình Paṭācārā là đứng đầu trong số các vị ni thông suốt về Luật.”
634. Bậc Đạo Sư đã được tôi phục vụ, lời dạy của đức Phật đã được tôi thực hành, nhiệm vụ nặng nề đã được đặt xuống, lối dẫn đi tái sanh đã được xóa tan.
635. Vì mục đích nào tôi đã rời khỏi gia đình xuất gia vào đời sống không gia đình, mục đích ấy tức là sự đoạn tận tất cả các sự trói buộc đã được tôi đạt đến.
636. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
637. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
638. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Paṭācārā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Paṭācārā là phần thứ mười.
TÓM LƯỢC CỦA PHẨM NÀY
Vị ni Ekuposathikā, luôn cả vị ni Saḷalā, rồi vị ni Modakā, vị ni Ekāsanā, vị ni Pañcadīpā, vị ni Naḷamālī, và vị ni Gotamī, vị ni Khemā, vị ni Uppalavaṇṇā, và tỳ khưu ni Paṭācārā, (tổng cộng) là năm trăm câu kệ ngôn và chín câu nữa cũng được thêm vào đó.
Phẩm Một Lần Trai Giới là phẩm thứ nhì.
--ooOoo--
[1] Là Sumedhā và hai người bạn gái là Dhanañjanī và Khemā được đề cập ở phần dưới.
[2] kāmabhavādayo sabbe nava bhavā mayā samūhatā (ApA. 295) = Toàn bộ chín (9) hữu như là dục hữu, (sắc hữu, vô sắc hữu), v.v... đã được tôi xóa sạch.
[3] Mekhalādāyikā nghĩa là “người nữ dâng cúng sợi dây thắt lưng.”
[4] Maṇḍapadāyikā nghĩa là “người nữ dâng cúng mái che.”
[5] Saṅkamanatthā nghĩa là “người nữ thành lập con đường đi.”
[6] Naḷamālikā nghĩa là “người nữ có tràng hoa sậy.”
[7] Kinnara, kinnarī: loài nhân điểu nam hoặc nữ, có thân người đầu chim (ND).
[8] Ekapiṇḍapātadāyikā nghĩa là “người nữ dâng cúng một phần vật thực.”
[9] Kaṭacchubhikkhādāyikā nghĩa là “người nữ dâng cúng muỗng vật thực.”
[10] Sattuppalamālikā nghĩa là “người nữ có bảy đóa hoa sen xanh.”
[11] Pañcadīpikā nghĩa là “người nữ có năm ngọn đèn.”
[12] Udakadāyikā nghĩa là “người nữ dâng cúng nước.”
[13] Từ udakahārikā được dịch sát nghĩa là người vận chuyển nước (đội, gánh, mang, vác, v.v...).
[14] Ekuposathikā nghĩa là “người nữ có một lần thực hành Bát quan trai giới.”
[15] Salalapupphikā nghĩa là “người nữ có bông hoa salala.”
[16] Modakadāyikā nghĩa là “người nữ dâng cúng thịt vò viên.”
[17] Ekāsanadāyikā nghĩa là “người nữ dâng cúng một chỗ ngồi.”
[18] Pañcadīpadāyikā nghĩa là “người nữ dâng cúng năm ngọn đèn.” Câu chuyện này tương tợ câu chuyện số 9 của Pañcadīpikā (người nữ có năm ngọn đèn).
[19] Sālamālikā nghĩa là “người nữ có tràng hoa sālā, tương tợ câu chuyện số 5.
[20] Mahāpajāpatigotamī nghĩa là “người nữ lãnh tụ vĩ đại thuộc dòng họ Gotama.”
[21] “ānando nir-ānando” là phép chơi chữ , không thể diễn tả bằng tiếng Việt.
[22] Xem Mahānidānasuttaṃ - Kinh Đại Duyên, Trường Bộ II.
[23] Dịch theo các bản Pāḷi của Thái, Miến, Anh: tadā taṃ phullapivinaṃ ...
[24] Xem Mahānidānasuttaṃ - Kinh Đại Duyên, Trường Bộ II.
[25] Tứ bộc: dục bộc, hữu bộc, kiến bộc, vô minh bộc.
[26] tepi patthesuṃ = các vị ấy cũng đã ước nguyện (?), vì thế đã dịch theo Tam Tạng Thái Lan: patthesiṃ tesu puttesu.
[27] Các câu kệ từ 581 đến 587 được thấy ở Trưởng Lão Ni Kệ, Phẩm Mười Một - Tập Mười Hai Kệ, miêu tả cuộc đối thoại giữa Ma Vương và vị trưởng lão ni.
[28] Kinh Pháp Cú, câu 288.
639. Trước đây một trăm ngàn kiếp, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc Hữu Nhãn về tất cả các pháp, đấng Lãnh Đạo đã hiện khởi.
640. Khi ấy, tôi đã được sanh ra tại Haṃsavatī, trong gia đình triệu phú được rạng rỡ bởi vô số loại châu báu, được đầy đủ với những lạc thú lớn lao.
641. Tôi đã đi đến đấng Đại Hùng ấy và đã lắng nghe lời giảng Pháp. Sau đó, có niềm tịnh tín sanh khởi, tôi đã đi đến nương tựa vào đấng Chiến Thắng.
642. Khi ấy, đấng Đại Bi tên Padumuttara đã thiết lập tỳ khưu ni Subhā vào vị thế tối thắng trong số các vị ni có thắng trí nhạy bén.
643. Sau khi nghe được điều ấy, tôi đã trở nên hoan hỷ và đã dâng cúng vật thí đến bậc Đại Ẩn Sĩ, rồi đã quỳ xuống đê đầu ở bàn chân và đã phát nguyện vị thế ấy.
644. Đấng Đại Hùng đã nói lời tùy hỷ rằng: “Này cô gái hiền thục, điều nào đã được nàng ước nguyện toàn bộ điều ấy sẽ được thành tựu. Hãy được an lạc, hãy được Niết Bàn.
645. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
646. Nàng sẽ là Bhaddā Kuṇḍakesā, nữ Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp.”
647. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
648. Từ nơi ấy chết đi, tôi đã đi đến cõi trời Dạ Ma, từ đó đã đi đến cõi trời Đẩu Suất, và từ đó đến cõi Hóa Lạc Thiên, rồi từ đó đến cõi Tha Hóa Tự Tại.
649. Do mãnh lực của nghiệp ấy, ở bất cứ nơi nào tôi sanh ra, tôi đều đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu của các vị vua ở chính tại các nơi ấy.
650. Từ nơi ấy chết đi, (sanh lên) ở giữa loài người tôi đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu của các vị vua có quyền lực và của các vị vua có lãnh thổ.
651. Tôi đã thọ hưởng sự thành công ở giữa chư Thiên và nhân loại, tôi đã được an vui ở trong mọi nơi, tôi đã luân hồi vô số (đại) kiếp.
652. Ở vào kiếp Bhadda này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên Kassapa, thuộc dòng dõi, có danh tiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên.
653. Khi ấy, có vị quân vương là đức vua xứ Kāsi tên Kikī ở tại kinh thành Bārāṇasī là người hộ độ của bậc Đại Ẩn Sĩ.
654. Tôi đã là người con gái thứ tư của vị (vua) ấy được nổi danh là “Bhikkhudāsī.” Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng cao cả, tôi đã xin xuất gia.
655. 656. Cha đã không cho phép chúng tôi. Khi ấy, là những người con gái của đức vua khéo được nuôi dưỡng, chúng tôi đã thực hành Phạm hạnh của người thiếu nữ ngay tại nhà trong hai chục ngàn năm, không xao lãng. Được hoan hỷ, bảy người con gái đã vui thích trong việc hộ độ đức Phật.
657. Samaṇī, Samaṇaguttā, Bhikkhunī, Bhikkhudāsikā, Dhammā, luôn cả Sudhammā nữa, và Saṅghadāsikā là thứ bảy.
658. Khemā, Uppalavaṇṇā, Paṭācārā, thêm vào tôi, Kisāgotamī, Dhammadinnā, và Visākhā là thứ bảy (vào thời hiện tại).
659. Do các nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
660. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, tôi đã được sanh ra tại kinh thành Giribbaja, trong gia đình triệu phú thịnh vượng. Rồi đến lúc tôi đã ở vào lứa tuổi thanh xuân.
661. Sau khi nhìn thấy kẻ trộm đang bị dẫn đi để xử tử, tôi đã bị luyến ái với gã. Do đó, cha của tôi đã giải cứu gã ấy khỏi cái chết bằng ngàn đồng tiền.
662. Sau khi biết được tâm ý của tôi, cha đã ban gã ấy cho tôi. Tôi đã trở nên thân thiết, vô cùng yêu thương, gắn bó đối với gã ấy.
663. Vì lòng tham đối với các đồ trang sức của tôi, gã nghịch thù ấy có ý định gây tội đã đưa (tôi) đến ngọn núi có vực thẳm Kẻ Trộm và đã nghĩ đến việc giết chết (tôi).
664. Khi ấy, trong lúc bảo vệ mạng sống của mình, tôi đã cúi lạy, nghiêm chỉnh chắp tay lại với người chồng, và đã nói lời nói này:
665. “Thưa tướng công, vàng vòng ngọc trai ngọc bích này có nhiều, xin chàng hãy tự mang đi tất cả. Và hãy thông báo rằng thiếp là ‘Nô tỳ.’”[1]
666. “Này người đẹp, nàng phải chết. Chớ than vãn nhiều quá. Và ta biết chắc rằng không giết thì tài sản không mang đi được.”
667. “Kể từ khi thiếp ghi nhớ được bản thân, kể từ khi thiếp đạt được sự hiểu biết, và thiếp biết chắc rằng không ai khác được yêu thương hơn là chàng.
668. Xin chàng hãy đến, thiếp sẽ ôm lấy chàng và sẽ nhiễu quanh chàng. Và giờ đây không còn có sự gần gũi nào giữa thiếp và chàng nữa.”
669. Không hẳn trong mọi trường hợp người nam là khôn ngoan. Người nữ có sự cẩn thật nhiều bề cũng là khôn ngoan.
670. Không hẳn trong mọi trường hợp người nam là khôn ngoan. Người nữ cân nhắc điều lợi ích một cách mau chóng cũng là khôn ngoan.
671. Quả nhiên, một cách nhẹ nhàng và mau chóng tôi đã suy nghĩ mưu kế. Giống như bộ lông (giết chết) con thú, khi ấy tôi đã giết chết gã Sattuka như thế.
672. Và người nào không mau chóng nhận ra điều lợi ích đã bị vuột mất, người có trí kém cỏi ấy sẽ bị giết như là kẻ trộm ở hẻm núi.
673. Và người nào thật mau chóng nhận ra điều lợi ích đã bị vuột mất, (người ấy) thoát khỏi sự quấy rối của kẻ thù, giống như tôi và Sattuka vào lúc ấy vậy.
674. Khi ấy, tôi đã quăng gã Sattuka ấy vào hóc núi, rồi đã đi đến gặp những người (ngoại đạo) mặc vải trắng, và đã xuất gia.
675. Và khi ấy, sau khi đã nhổ lên toàn bộ những sợi tóc của tôi bằng nhíp,[2]họ đã cho tôi xuất gia và đã chỉ dạy giáo lý không có gián đoạn.
676. 677. Tôi đã học xong (giáo lý) ấy từ họ. Tôi đã ngồi xuống mỗi một mình và đã suy xét về (giáo lý) ấy. Có con chó tha bàn tay người đã bị đứt lìa và đã đánh rơi ở cạnh tôi rồi bỏ chạy. Sau khi nhìn thấy cảnh tượng (ấy), tôi đã nhặt lấy bàn tay có đầy dòi bọ ấy.
678. Sau khi từ chỗ ấy đứng dậy, bị chấn động tôi đã hỏi những người đồng đạo. Họ đã nói rằng: “Những vị tỳ khưu dòng Sakya biết rõ ý nghĩa ấy.”
679. (Nghĩ rằng) “Ta sẽ hỏi ý nghĩa ấy,” tôi đây đã đi đến các vị Thinh Văn của đức Phật. Sau khi đón nhận tôi, các vị ấy đã đi đến bên đức Phật Tối Thượng.
680. Và đấng Lãnh Đạo ấy đã thuyết Pháp cho tôi về: “Uẩn, xứ, giới, đề mục bất mỹ, vô thường, khổ não, vô ngã.”
681. 682. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của vị ấy, tôi đã làm cho Pháp nhãn được thanh tịnh. Sau đó, được hiểu rõ Chánh Pháp, tôi đã yêu cầu sự xuất gia và sự tu lên bậc trên. Khi ấy, đấng Lãnh Đạo ấy đã nói rằng: “Này cô gái hiền thục, hãy đến.” Khi ấy, tôi đã được tu lên bậc trên. Tôi đã nhìn thấy một ít nước.
683. Với sự rửa sạch bàn chân, tôi đã biết được là có sự tiêu hoại với nước. Khi ấy, tôi đã tự suy xét rằng: “Tất cả các hành cũng là tương tợ như thế.”
684. Do đó, tâm tôi đã được giải thoát trọn vẹn không còn chấp thủ. Khi ấy, đấng Chiến Thắng đã tuyên bố tôi là đứng đầu trong số các vị ni có thắng trí nhạy bén.
685. Là người thực hành theo lời dạy của bậc Đạo Sư, tôi có năng lực về các thần thông, về thiên nhĩ giới, tôi biết được tâm của người khác.
686. Tôi biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh. Sau khi đã quăng bỏ tất cả các lậu hoặc, tôi đã được thanh tịnh, hoàn toàn không ô nhiễm.
687. Bậc Đạo Sư đã được tôi phục vụ, lời dạy của đức Phật đã được tôi thực hành, nhiệm vụ nặng nề đã được đặt xuống, lối dẫn đi tái sanh đã được xóa tan.
688. Vì mục đích nào tôi đã rời khỏi gia đình xuất gia vào đời sống không gia đình, mục đích ấy tức là sự đoạn tận tất cả các điều trói buộc đã được tôi đạt đến.
689. Trí tuệ của tôi về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và tương tợ y như thế về phép biện giải là bao la, trong sạch ở Giáo Pháp của đức Phật tối thượng.
690. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
691. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
692. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Bhaddā Kuṇḍalakesā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Bhaddā Kuṇḍalakesā là phần thứ nhất.
--ooOoo--
693. Trước đây một trăm ngàn kiếp, vị Lãnh Đạo, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc thông suốt về tất cả các pháp đã hiện khởi.
694. Khi ấy, tôi đã được sanh ra ở một gia đình nọ trong (thành) Haṃsavatī. Tôi đã đi đến và đã nương nhờ vào bậc Quý Nhân ấy.
695. Và tôi đã lắng nghe Giáo Pháp ngọt ngào của vị ấy bao gồm bốn Sự Thật, có phẩm vị tối thắng, đưa đến sự an lạc và tịnh lặng của vòng luân hồi.
696. Và khi ấy, trong khi thiết lập vị tỳ khưu ni mặc y thô vào vị thế tối thắng, đấng Anh Hùng bậc Tối Thượng Nhân đã khen ngợi.
697. Sau khi đã làm sanh lên niềm phỉ lạc không nhỏ nhoi, sau khi lắng nghe đức hạnh của vị tỳ khưu ni, tôi đã làm công việc phục vụ đến đức Phật tùy theo khả năng, tùy theo sức lực.
698. Tôi đã quỳ xuống ở bậc Hiền Trí Anh Hùng ấy và đã ước nguyện vị thế ấy. Lúc đó, bậc Toàn Giác, đấng Lãnh Đạo đã nói lời tùy hỷ về sự lợi ích của vị thế (ấy) rằng:
699. “Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
700. (Người nữ này) sẽ trở thành nữ Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Gotamī.”
701. Nghe được điều ấy, tôi đã trở nên hoan hỷ. Khi ấy, với tâm từ ái tôi đã chăm sóc đấng Chiến Thắng, bậc Hướng Đạo bằng các vật dụng cho đến hết cuộc đời.
702. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
703. Ở vào kiếp Bhadda này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên Kassapa, thuộc dòng dõi, có danh tiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên.
704. Khi ấy, có vị quân vương là đức vua xứ Kāsi tên Kikī ở tại kinh thành Bārāṇasī là người hộ độ của bậc Đại Ẩn Sĩ.
705. Tôi đã là người con gái thứ năm của vị (vua) ấy, được nổi danh với tên là Dhammā. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng cao cả, tôi đã xin xuất gia.
706. 707. Cha đã không cho phép chúng tôi. Khi ấy, là những người con gái của đức vua khéo được nuôi dưỡng, chúng tôi đã thực hành Phạm hạnh của người thiếu nữ ngay tại nhà trong hai chục ngàn năm, không xao lãng. Được hoan hỷ, bảy người con gái đã vui thích trong việc hộ độ đức Phật.
708. Samaṇī, Samaṇaguttā, Bhikkhunī, Bhikkhudāsikā, Dhammā, luôn cả Sudhammā nữa, và Saṅghadāsikā là thứ bảy.
709. Khemā, Uppalavaṇṇā, Paṭācārā, Kuṇḍalā, tôi, luôn cả Dhammadinnā, và Visākhā là thứ bảy (vào thời hiện tại).
710. Do các nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
711. Và trong kiếp cuối cùng hiện nay, tôi đã được sanh ra trong gia đình triệu phú bị lâm cảnh khốn cùng, không tài sản, bị khánh tận, và tôi đã được gả vào gia đình có tài sản.
712. Ngoại trừ người chồng, những người còn lại giễu (tôi) là “Nữ nhân không tài sản.” Và đến khi tôi có con trai, khi ấy tôi đã được cảm tình của tất cả.
713. Vào lúc đứa bé trai hiền hậu ấy, có cơ thể mềm mại, được nuôi dưỡng trong sung sướng, được yêu quý như chính mạng sống của tôi đã đi đến cõi chết.
714. Bị dằn vặt bởi sầu muộn, có vẻ mặt thê lương, mắt đẫm lệ, miệng khóc than, tôi đã bồng ẳm thi thể đã chết. Trong lúc than vãn, tôi đã đi lang thang.
715. Khi ấy, tự nhận định (sự việc) một mình tôi đã đi đến vị Đệ Nhất Lương Y và đã nói rằng: “Thưa ông, xin ông hãy cho thuốc đem lại sự sống cho con tôi.”
716. Đấng Chiến Thắng, bậc rành rẽ về phương thức huấn luyện, đã nói rằng: “Những người chết không được tìm thấy ở tại ngôi nhà nào thì nàng hãy mang lại hạt cải từ nơi (ngôi nhà) ấy.”
717. Khi ấy, tôi đã đi ở trong thành Sāvatthī, và đã không đạt được ngôi nhà như thế ấy. Do đó, tôi đã đạt được trí nhớ rằng: “Hạt cải ở đâu, từ nơi đâu?”
718. Sau khi đã quăng bỏ thây chết, tôi đã đi đến đấng Lãnh Đạo Thế Gian. Sau khi nhìn thấy tôi từ rất xa, vị có âm giọng ngọt ngào đã nói rằng:
719. “Và người nào đã sống trăm năm không nhìn thấy sự sanh diệt, cuộc sống một ngày là tốt hơn đối với người đang nhìn thấy sự sanh diệt.[3]
720. Không phải là quy luật thuộc về ngôi làng, không phải là quy luật thuộc về phố chợ, quy luật này cũng không phải thuộc về một gia đình, mà thuộc về tất cả thế gian luôn cả chư Thiên; quy luật ấy chính là tính chất vô thường.”
721. Sau khi lắng nghe lời kệ này, tôi đây đã làm cho Pháp nhãn được thanh tịnh. Sau đó, được hiểu rõ Chánh Pháp, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
722. Trong khi đã được xuất gia như thế, trong khi gắn bó vào Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng, trong thời gian không bao lâu tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
723. Là người thực hành theo lời dạy của đấng Đạo Sư, tôi có năng lực về các thần thông, về thiên nhĩ giới, tôi biết được tâm của người khác.
724. Tôi biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh. Sau khi đã quăng bỏ tất cả các lậu hoặc, tôi đã được thanh tịnh, hoàn toàn không ô nhiễm.
725. Bậc Đạo Sư đã được tôi phục vụ, lời dạy của đức Phật đã được tôi thực hành, nhiệm vụ nặng nề đã được đặt xuống, lối dẫn đi tái sanh đã được xóa tan.
726. Vì mục đích nào tôi đã rời khỏi gia đình xuất gia vào đời sống không gia đình, mục đích ấy tức là sự đoạn tận tất cả các sự trói buộc đã được tôi đạt đến.
727. Trí tuệ của tôi về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và tương tợ y như thế về phép biện giải là trong sạch, không bợn nhơ, nhờ vào sự tác động của đức Phật tối thượng.
728. Sau khi mang về từ đống rác, từ mộ địa, và thậm chí từ đường lộ, từ đó tôi đã thực hiện y hai lớp và đã mặc y thô.
729. Hoan hỷ về đức hạnh ấy, đấng Chiến Thắng, bậc Hướng Đạo, ở giữa các chúng đã thiết lập (tôi) vào vị thế tối thắng trong việc mặc y thô.
730. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
731. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
732. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Kisāgotamī đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Kisāgotamī là phần thứ nhì.
--ooOoo--
733. Trước đây một trăm ngàn kiếp, vị Lãnh Đạo, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc thông suốt về tất cả các pháp đã hiện khởi.
734. Khi ấy, tôi đã ở trong một gia đình nọ tại thành Haṃsavatī. Tôi đã là người nữ làm thuê cho người khác, cẩn trọng, gìn giữ tánh hạnh.
735. Sujāta, vị Thinh Văn hàng đầu của đức Phật Padumuttara, đã rời khỏi trú xá đi khất thực.
736. Là người nữ đội nước, khi ấy trong lúc cầm lấy bầu nước đang đi, tôi đã nhìn thấy vị ấy. Được tịnh tín, tôi đã tự tay mình dâng (vị ấy) món bánh ngọt.
737. Sau khi thọ lãnh, vị ấy đã ngồi xuống ngay tại nơi ấy và đã thọ dụng. Sau đó, tôi đã đưa vị ấy về nhà và đã dâng vật thực đến vị ấy.
738. Do đó, người chủ của tôi hoan hỷ đã nhận làm con dâu của mình. Tôi đã cùng với người mẹ chồng đi đến và đã đảnh lễ bậc Toàn Giác.
739. Khi ấy, Ngài đã tán dương và đã thiết lập vị tỳ khưu ni là vị thuyết giảng Giáo Pháp vào vị thế tối thắng. Sau khi nghe được điều ấy, tôi đã hoan hỷ.
740. Tôi đã thỉnh mời đức Thiện Thệ đấng Lãnh Đạo Thế Gian cùng với hội chúng, rồi đã dâng cúng đại thí và đã ước nguyện vị thế ấy.
741. 742. Sau đó, với giọng có âm điệu đều đều vang vang, đấng Thiện Thệ đã nói với tôi rằng: “Này người thiếu nữ hiền thục là người dâng vật thực, được vui thích trong việc hộ độ Ta cùng với hội chúng, được gắn bó trong việc lắng nghe Chánh Pháp, với tâm ý được tăng trưởng về đức hạnh, nàng hãy hoan hỷ, nàng sẽ đạt được kết quả của điều nguyện ước.
743. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
744. Nàng sẽ trở thành nữ Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Dhammadinnā.”
745. Nghe được điều ấy, tôi đã trở nên hoan hỷ. Khi ấy, với tâm từ ái tôi đã chăm sóc đấng Chiến Thắng, bậc Hướng Đạo bằng các vật dụng cho đến hết cuộc đời.
746. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
747. Ở vào kiếp Bhadda này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên Kassapa, thuộc dòng dõi, có danh tiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên.
748. Khi ấy, có vị quân vương là đức vua xứ Kāsi tên Kikī ở tại kinh thành Bārāṇasī là người hộ độ của bậc Đại Ẩn Sĩ.
749. Tôi đã là người con gái thứ sáu của vị (vua) ấy được nổi danh là Sudhammā. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng cao cả, tôi đã xin xuất gia.
Tụng phẩm thứ ba.
750. 751. Cha đã không cho phép chúng tôi. Là những người con gái của đức vua khéo được nuôi dưỡng có sự cư ngụ cùng với gia đình, chúng tôi đã thực hành Phạm hạnh của người thiếu nữ trong hai chục ngàn năm, không xao lãng. Được hoan hỷ, bảy người con gái đã vui thích trong việc hộ độ đức Phật.
752. Samaṇī, Samaṇaguttā, Bhikkhunī, Bhikkhudāsikā, Dhammā, luôn cả Sudhammā nữa, và Saṅghadāsikā là thứ bảy.
753. Khemā, Uppalavaṇṇā, Paṭācārā, Kuṇḍalā, Gotamī, tôi, và luôn cả Visākhā là thứ bảy (vào thời hiện tại).
754. Do các nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
755. Và vào kiếp sống cuối cùng hiện nay, tôi đã được sanh ra ở kinh thành Giribbaja, trong gia đình triệu phú, thịnh vượng, có sự dồi dào về tất cả các dục lạc.
756. Vào lúc đạt đến sắc đẹp và đức hạnh ở vào thời đầu của tuổi thanh xuân, khi ấy tôi đã đi đến gia tộc khác (làm vợ) và đã sống thọ hưởng lạc thú.
757. Sau khi đi đến đấng Nương Nhờ của thế gian và đã lắng nghe thuyết giảng Giáo Pháp, chồng của tôi đã đạt đến quả vị Bất Lai, có trí giác ngộ hoàn hảo.
758. Khi ấy, tôi đã thuyết phục vị ấy rồi đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Trong thời gian không bao lâu, tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
759. Khi ấy, vị nam cư sĩ ấy đã đi đến tôi và đã hỏi về các tuệ thâm sâu và khôn khéo. Tôi đã giảng giải về tất cả các điều ấy.[4]
760. Hoan hỷ về đức hạnh ấy, đấng Chiến Thắng đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng: “Ta không nhìn thấy vị tỳ khưu ni nào khác là vị thuyết giảng Giáo Pháp như là vị ni này.
761. Này các tỳ khưu, Dhammadinnā là vị ni sáng trí, các ngươi hãy ghi nhớ như thế.” Được đấng Lãnh Đạo thương xót, tôi đã trở thành vị ni trí tuệ như thế.
762. Bậc Đạo Sư đã được tôi phục vụ, lời dạy của đức Phật đã được tôi thực hành, nhiệm vụ nặng nề đã được đặt xuống, lối dẫn đi tái sanh đã được xóa tan.
763. Vì mục đích nào tôi đã rời khỏi gia đình xuất gia vào đời sống không gia đình, mục đích ấy tức là sự đoạn tận tất cả các sự trói buộc đã được tôi đạt đến.
764. Là người thực hành theo lời dạy của đấng Đạo Sư, tôi có năng lực về các thần thông, về thiên nhĩ giới, tôi biết được tâm của người khác.
765. Tôi biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh. Sau khi đã quăng bỏ tất cả các lậu hoặc, tôi được thanh tịnh, hoàn toàn không ô nhiễm.
766. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
767. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
768. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Dhammadinnā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Dhammadinnā là phần thứ ba.
--ooOoo--
769. Trước đây một trăm ngàn kiếp, vị Lãnh Đạo, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc thông suốt về tất cả các pháp đã hiện khởi.
770. Vì sự tấn hóa, vì sự lợi ích, vì sự an lạc của tất cả chúng sanh, đấng Siêu Nhân, bậc cao quý trong số các vị đang thuyết giảng đã sanh ra ở thế gian gồm cả Thiên giới.
771. Đã đạt đến danh vọng cao tột, đấng Chiến Thắng có sự vinh quang, có được sự tán dương ca ngợi. Ngài được tôn vinh, được nổi danh ở tất cả các phương của toàn thể thế gian.
772. Ngài đã vượt lên trên sự hoài nghi, đã vượt qua sự lưỡng lự, đã tròn đủ tâm tư, đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng.
773. Là người khai mở con đường chưa được khai mở, đấng Tối Thượng Nhân đã nói đến điều chưa được nói đến và đã nhận thức điều chưa được nhận thức.
774. Đấng Nhân Ngưu là vị biết được Đạo lộ, là vị rành mạch về Đạo lộ, là vị thuyết về Đạo lộ. Được thiện xảo về Đạo lộ, đấng Đạo Sư là cao quý tối thượng trong số các bậc Điều Ngự (người điều khiển xe).
775. Đấng Đại Bi, bậc Đạo Sư, vị Lãnh Đạo đã thuyết giảng Giáo Pháp. Ngài tiếp độ những chúng sanh (đang) bị đắm chìm trong đầm lầy ái dục.
776. Khi ấy, tôi đã được sanh ra ở tại Haṃsavatī, là niềm hoan hỷ của dòng Sát-đế-lỵ. Và tôi đã có sắc đẹp tuyệt vời, có tài sản, được yêu quý, và có sự vẻ vang.
777. Là người con gái vô cùng xinh đẹp của vị đại vương Ānanda, và cũng là người em gái khác mẹ của vị (Phật) tên Padumuttara.
778. Được tháp tùng bởi các người con gái của đức vua, được trang điểm với tất cả các đồ trang sức, tôi đã đi đến đấng Đại Hùng và đã lắng nghe thuyết giảng Giáo Pháp.
779. Chính vào khi ấy, bậc Thầy của thế gian ấy ở giữa các chúng đã tán dương vị tỳ khưu ni có thiên nhãn và đã thiết lập vị ni ấy vào vị thế tối thắng.
780. Sau khi lắng nghe điều ấy, được mừng rỡ tôi đã dâng cúng vật thí đến bậc Đạo Sư. Và sau khi cúng dường đến bậc Toàn Giác, tôi đã ước nguyện về thiên nhãn.
781. Do đó, bậc Đạo Sư đã nói với tôi rằng: “Này người thiếu nữ vui vẻ, nàng sẽ đạt được điều đã ước nguyện. Điều đã khéo được mong muốn này là quả báu của các việc dâng cúng đèn và Giáo Pháp.
782. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
783. Nàng sẽ trở thành nữ Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Sakulā.”
784. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
785. Ở vào kiếp Bhadda này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên Kassapa, thuộc dòng dõi, có danh tiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên.
786. Khi ấy, tôi đã là nữ du sĩ ngoại đạo có hạnh độc hành. Sau khi đi lang thang để khất thực tôi đã nhận được một số lượng dầu thắp.
787. Sau khi thắp sáng ngọn đèn với số (dầu) đó, với tâm ý trong sạch tôi đã phục vụ ngôi bảo tháp của đấng Tối Thượng Nhân trọn cả đêm.
788. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
789. Do mãnh lực của nghiệp ấy, ở bất cứ nơi nào tôi sanh ra thì có các ngọn đèn lớn chiếu sáng ở chính tại các nơi ấy khi tôi đi đến.
790. Nếu tôi muốn, tôi (có thể) nhìn thấy ngọn núi sau khi đã vượt lên xuyên qua bức tường, xuyên qua tảng đá; điều này là quả báu của việc dâng cúng đèn.
791. Tôi có cặp mắt trong ngần, và tôi chói sáng với danh vọng, lại còn có đức tin và trí tuệ nữa; điều này là quả báu của việc dâng cúng đèn.
792. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, tôi đã được sanh vào gia đình Bà-la-môn có nhiều tài sản và lúa gạo, được hài lòng, được đức vua tôn trọng.
793. Được thành tựu toàn vẹn về cơ thể, được trang điểm với tất cả các đồ trang sức, đứng ở cửa sổ tôi (đã nhìn thấy) đấng Thiện Thệ ở lối đi vào thành.
794. Tôi đã nhìn thấy Ngài đang chói sáng với danh vọng, được trọng vọng bởi chư Thiên và nhân loại, được hội đủ các tướng mạo phụ, được điểm tô bằng những tướng mạo chính.
795. Với tâm phấn chấn, với ý vui mừng, tôi đã xin xuất gia. Trong thời gian không bao lâu tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
796. Là người thực hành theo lời dạy của đấng Đạo Sư, tôi có năng lực về các thần thông, về thiên nhĩ giới, tôi biết được tâm của người khác.
797. Tôi biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh. Sau khi đã quăng bỏ tất cả các lậu hoặc, tôi đã được thanh tịnh, hoàn toàn không ô nhiễm.
798. Bậc Đạo Sư đã được tôi phục vụ, lời dạy của đức Phật đã được tôi thực hành, nhiệm vụ nặng nề đã được đặt xuống, lối dẫn đi tái sanh đã được xóa tan.
799. Vì mục đích nào tôi đã rời khỏi gia đình xuất gia vào đời sống không gia đình, mục đích ấy tức là sự đoạn tận tất cả các sự trói buộc đã được tôi đạt đến.
800. Do đó, đấng Đại Bi, bậc Tối Thượng Nhân đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng “Sakulā là vị ni đứng đầu trong các vị ni có thiên nhãn.”
801. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
802. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
803. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Sakulā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Sakulā là phần thứ tư.
--ooOoo--
804. Trước đây một trăm ngàn kiếp, vị Lãnh Đạo, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc thông suốt về tất cả các pháp đã hiện khởi.
805. Là vị giáo giới, vị làm cho hiểu rõ, vị hành xử đối với tất cả chúng sanh, là thiện xảo trong việc chỉ dạy, đức Phật đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
806. Là bậc Thương Tưởng, đấng Bi Mẫn, vị tầm cầu sự lợi ích cho tất cả chúng sanh, Ngài đã an trú vào ngũ giới cho tất cả các ngoại đạo đã đi đến.
807. Như thế, được tô điểm với các vị A-la-hán có được năng lực như thế ấy, (thế gian) đã không bị rối loạn và không có các ngoại đạo.
808. Bậc Đại Hiền Trí ấy cao năm mươi tám ratana (14. 50 m) tợ như cây cột trụ bằng vàng, có ba mươi hai quý tướng.
809. Cho đến khi ấy, tuổi thọ được biết là một trăm ngàn năm. Trong khi tồn tại như thế, Ngài đã giúp cho nhiều người vượt qua.
810. Khi ấy, tôi đã được sanh ra ở tại Haṃsavatī, trong gia đình triệu phú được rạng rỡ với vô số loại châu báu, được đầy đủ với những lạc thú lớn lao.
811. Tôi đã đi đến đấng Đại Hùng ấy và đã lắng nghe thuyết giảng Giáo Pháp Bất Tử, có phẩm vị tối thắng, làm rõ về chân lý tuyệt đối.
812. Khi ấy, được tịnh tín tôi đã thỉnh mời đấng Lãnh Đạo Thế Gian cùng với hội chúng và đã tự tay mình dâng cúng đại thí đến vị ấy.
813. Tôi đã quỳ xuống đê đầu đến bậc Anh Hùng đấng Lãnh Đạo Thế Gian cùng với hội chúng, tôi đã ước nguyện vị thế tối thắng trong số các tỳ khưu ni có thiền chứng.
814. Khi ấy, bậc Điều Phục những ai chưa được điều phục, đấng Nương Nhờ của ba cõi, vị Chúa Tể, bậc Nhân Báo đã chú nguyện rằng: “Nàng sẽ đạt được điều đã khéo được ước nguyện ấy.
815. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
816. Nàng sẽ trở thành nữ Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Nandā.”
817. Nghe được điều ấy, tôi đã trở nên hoan hỷ. Khi ấy, với tâm từ ái tôi đã chăm sóc đấng Chiến Thắng, bậc Hướng Đạo bằng các vật dụng cho đến hết cuộc đời.
818. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
819. Mệnh chung từ nơi ấy, tôi đã đi đến cõi trời Dạ Ma, từ đó đã đi đến cõi trời Đẩu Suất, và từ đó đến cõi Hóa Lạc Thiên, rồi từ đó đến cõi Tha Hóa Tự Tại.
820. Do mãnh lực của nghiệp ấy, ở bất cứ nơi nào tôi sanh ra, tôi đều đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu của các vị vua ở chính tại các nơi ấy.
821. Mệnh chung từ nơi ấy (sanh) vào thân nhân loại, tôi đã được thiết lập vào ngôi chánh hậu của các đấng Chuyển Luân Vương và các vị vua cai quản các lãnh thổ.
822. Tôi đã thọ hưởng sự thành đạt ở giữa chư Thiên và loài người, đã được an vui ở tất cả các nơi, và đã luân hồi qua nhiều đại kiếp.
823. Khi đạt đến kiếp sống cuối cùng, tôi đã là người con gái hoàn hảo của đức vua Suddhodana tại thành phố tên là Kapila.
824. Nhìn thấy (tôi) có nét đẹp vô cùng rạng rỡ, gia đình ấy đã trở nên vui vẻ; vì thế tôi có tên là “Nandā” (vui vẻ). Tôi đã được công nhận là xinh đẹp.
825. Và cũng ở trong thành phố đáng yêu ấy, tôi đã được nổi danh là “Mỹ nhân” trong số tất cả các thiếu nữ ngoại trừ Yasodharā.
826. Người anh trai đầu là đấng Cao Cả của tam giới, cũng vậy người út là vị A-la-hán. Mỗi một mình tôi là người tại gia, tôi đã bị mẹ quở trách rằng:
827. “Này con, được sanh trong gia tộc dòng Sakya (Thích Ca), con là em gái của đức Phật. Con cũng không còn có Nanda nữa, việc gì con lại ở tại gia?
828. Tuổi trẻ có sự già là nơi cư ngụ, xác thân được xem là bất tịnh, sức khỏe cũng có cơn bệnh là điểm cuối cùng, mạng sống có sự chết là nơi chấm dứt.
829. Sắc thân này của con dầu là xinh đẹp, được yêu dấu như là mặt trăng, quyến rũ, có sự trang điểm của những đồ trang sức tợ như được gắn liền với sự rạng rỡ.
830. (Sắc thân này của con) được gộp chung lại thuần sự tinh túy của thế gian, là sự đem lại chất vị cho những con mắt, là sự sản xuất ra danh thơm của các điều phước thiện, là niềm vui của gia tộc Okkāka.
831. Vào thời gian chẳng bao lâu nữa, sự già sẽ ngự trị. Này cô gái trẻ, hãy từ bỏ gia đình. Này cô gái hoàn hảo, hãy thực hành Giáo Pháp.”
832. Được vui thích với sắc đẹp và tuổi thanh xuân, sau khi nghe lời nói của người mẹ, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình bằng thân chứ không phải bằng tâm.
833. Và với sự cố gắng lớn lao, mẹ (tôi đã) nói để thuyết phục tôi gắn bó vào việc tham thiền, nhưng tôi đã không năng nổ về việc ấy.
834. Do đó, bậc Đại Bi, đấng Chiến Thắng, đã nhìn thấy tôi có lòng khao khát về các dục, và đối với tôi ý nghĩa của sự nhàm chán về xác thân là qua lộ trình của mắt.
835. Bằng năng lực tự thân, Ngài đã làm hiện ra người phụ nữ lộng lẫy, đáng nhìn, rất dễ thương, vô cùng xinh đẹp hơn hẳn luôn cả tôi.
836. Sau khi nhìn thấy người nữ có thân thể vô cùng kinh ngạc ấy, tôi đã sửng sốt. Và tôi đã suy nghĩ về sự lợi ích thuộc về nhân gian đối với con mắt rằng: “Có quả báu đến ta.”
837. (Tôi đã nói rằng): “Này em yêu dấu, hãy đến với chị đây. Có cần gì em hãy nói với chị. Hãy nói với chị về gia đình, tên, dòng họ của em nếu em ưng ý.”
838. (Cô gái đáp): “Này chị yêu dấu, không phải là lúc hỏi han. Hãy cho em tựa vào lòng. Tay chân của em như là chìm xuống. Chị hãy ru em ngủ một chốc.”
839. Sau đó, nàng có đôi mắt xinh đẹp ấy đã kê đầu vào hông của tôi rồi đã thiếp đi. Có con nhện vô cùng ghê rợn đã rơi xuống ở trán của nàng.
840. Cùng với sự rơi xuống của con nhện ấy, mụn nhọt đã nổi lên. Chúng đã rò rỉ, vỡ ra, và toàn thân là mủ và máu.
841. Và khuôn mặt đã bị nứt nẻ, thi thể có mùi hôi thối. Toàn thân bị trương lên, đổi sang màu tím, và thối rửa.
842. Với tất cả các chi thể bị run rẩy, chốc chốc lại bị hụt hơi, nàng ấy trong khi cảm nhận sự khổ đau của mình đã than vãn một cách thê lương rằng:
843. “Em bị khổ sở vì nỗi đau đớn, và các cảm thọ được chạm đến, em bị đắm chìm trong nỗi khổ đau lớn lao. Này cô bạn gái, chị hãy là nơi nương nhờ của em.”
844. “Vẻ đẹp ở khuôn mặt của cô đâu rồi? Lỗ mũi cao của cô đâu rồi? Làn môi màu đỏ của trái cây bimba tuyệt hảo của cô, khuôn mặt của cô đã đi đâu rồi?
845. Gương mặt tợ như mặt trăng đâu rồi? Chiếc cổ ba ngần đã đi đâu rồi? Và các lỗ tai run rẩy lung linh của cô đã đi đến tình trạng thay đổi rồi.
846. Bộ ngực có hình dáng đóa hoa sen còn dạng chồi tợ như bầu nước đã trở thành thi thể hôi thối, bị phân rã, có mùi khó chịu.
847. Eo thon, mông đầy đặn bị sưng lên, có sự lở lói và độc hại, trở thành nơi chứa đầy vật không trong sạch; ôi xác thân là không vĩnh viễn!
848. Toàn bộ nguồn gốc của thân thể là có mùi hôi thối, có sự hãi sợ, như là bãi tha ma kinh hoàng, lại là nơi mà những kẻ ngu hứng thú!”
849. Lúc bấy giờ, sau khi nhìn thấy tôi có tâm bị chấn động, đấng Đại Bi, bậc Lãnh Đạo Thế Gian, người anh trai của tôi, đã nói lên những lời kệ này:
850. “Này Nandā, hãy nhìn thân thể bệnh hoạn, bất tịnh, hôi thối. Em hãy tu tập tâm về đề mục bất mỹ (tử thi) trở thành chuyên nhất, khéo được tập trung.
851. Thân này như thế nào thì xác kia như vậy, xác kia như thế nào thì thân này như vậy, (là vật) có mùi khó chịu hoặc hôi thối lại được hứng thú đối với những kẻ ngu.
852. Trong khi xem xét xác thân này như thế đêm ngày không mệt mỏi, từ đó với niệm với tuệ sau khi đã nhàm chán thì em sẽ nhìn thấy.”
853. Do đó, sau khi nghe được các lời kệ khéo thuyết, tôi đã bị vô cùng chấn động. Đứng tại chỗ ấy, trong lúc quán sát tôi đã đạt được phẩm vị A-la-hán.
854. Ngồi xuống ở bất cứ nơi nào, tôi luôn luôn có mục đích chính là thiền. Hoan hỷ về đức hạnh ấy, đấng Chiến Thắng đã thiết lập tôi vào vị thế tối thắng.
855. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
856. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
857. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Nandā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Nandā là phần thứ năm.
--ooOoo--
858. Trước đây một trăm ngàn kiếp, vị Lãnh Đạo, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc thông suốt về tất cả các pháp đã hiện khởi.
859. Khi ấy, tôi đã được sanh ra trong gia đình triệu phú, được hạnh phúc, được tôn vinh, yêu quý. Tôi đã đi đến bậc Hiền Trí cao quý ấy và đã lắng nghe lời nói ngọt ngào.
860. Đấng Chiến Thắng đã tán dương vị tỳ khưu ni đứng đầu trong số các vị ni có sự ra sức tinh tấn. Sau khi nghe được điều ấy, tôi đã trở nên hoan hỷ và tôi đã thể hiện sự thành kính đến bậc Đạo Sư.
861. Khi ấy, tôi đã đảnh lễ bậc Toàn Giác và đã ước nguyện vị thế ấy. Đấng Đại Hùng đã nói lời tùy hỷ rằng: “Ước nguyện của nàng sẽ được thành tựu.
862. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
863. Nàng sẽ trở thành nữ Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Soṇā.”
864. Nghe được điều ấy, tôi đã trở nên hoan hỷ. Khi ấy, với tâm từ ái tôi đã chăm sóc đấng Chiến Thắng, bậc Hướng Đạo bằng các vật dụng cho đến hết cuộc đời.
865. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại tôi đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
866. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, tôi đã được sanh vào gia đình triệu phú sung túc, thịnh vượng, có tài sản lớn lao ở trong kinh thành Sāvatthī.
867. Và khi đã đạt đến tuổi thanh xuân, tôi đã đi đến nhà người chồng và đã sanh ra mười người con trai, hết thảy đều có vóc dáng hoàn hảo.
868. Và tất cả bọn chúng đều được nuôi dưỡng trong sung sướng, có sự thu hút ánh mắt của mọi người. Ngay cả đối với những kẻ nghịch thù, chúng cũng được ưa thích. Chúng được yêu mến còn hơn cả tôi nữa.
869. Sau đó, với sự không mong muốn của tôi, người chồng ấy của tôi được khích lệ bởi mười người con trai đã xuất gia trong Giáo Pháp của vị Trời của chư Thiên.
870. Khi ấy, còn mỗi một mình tôi đã suy xét rằng: “Đã đủ cho cuộc sống của ta là kẻ bị chồng và những người con trai bỏ rơi, lại già cả, và thảm thương.
871. Ta cũng sẽ đi đến nơi nào mà người chồng của ta đã đạt đến.” Sau khi suy xét như thế, tôi đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
872. Và sau đó, các vị tỳ khưu ni đã để tôi ở lại tu viện của các tỳ khưu ni như thế rồi đã đi (nghe) giáo giới (bảo rằng): “Bà hãy đun nóng nước.”
873. Khi ấy, tôi đã đem nước lại đổ vào trong nồi, sau đó đặt ở bếp lửa, rồi đã ngồi xuống. Do đó tâm đã được định tĩnh.
874. Sau khi nhìn thấy các uẩn là vô thường, là khổ não, và là vô ngã, tôi đã cắt đứt tất cả các lậu hoặc và đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
875. Khi ấy, các vị tỳ khưu ni đã quay lại và đã hỏi về nước nóng. Sau khi chú nguyện vào bản thể của lửa, tôi đã đun nóng nước một cách mau chóng.
876. Ngạc nhiên, các vị ni ấy đã trình lại sự việc này đến đấng Chiến Thắng cao quý. Sau khi nghe điều ấy, được hoan hỷ, đấng Bảo Hộ đã nói lên lời kệ này:
877. “Và người nào đã sống trăm năm, lười biếng, có sự tinh tấn thấp thỏi, cuộc sống một ngày của người đang ra sức tinh tấn một cách bền bĩ là tốt hơn.”[5]
878. Được hài lòng với sự thực hành tốt đẹp của tôi, đấng Đại Hùng, bậc Đại Hiền Trí ấy đã nói tôi là đứng đầu trong số các vị ni có sự ra sức tinh tấn.
879. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
880. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
881. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Soṇā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Soṇā là phần thứ sáu.
--ooOoo--
882. Trước đây một trăm ngàn kiếp, vị LãnhĐạo, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc thông suốt về tất cả các pháp đã hiện khởi.
883. Khi ấy, ở tại Haṃsavatī có người triệuphú tên là Videha có rất nhiều châu báu. Tôi đã là vợ của người ấy.
884. Có lần nọ, người ấy cùng nhóm tùytùng đã đi đến đấng Mặt Trời của nhân loại và đã lắng nghe Giáo Pháp đưa đến sự diệt tận tất cả khổ đau của đức Phật.
885. Đấng Lãnh Đạo đã ngợi khen vị Thinh Văn đứng đầu trong số các vị thuyết về sự giũ bỏ (pháp đầu-đà). Saukhi lắng nghe, chồng tôi đã dâng cúng vật thí đến đức Phật như thế ấy trong bảy ngày.
886. Chồng tôi trong khi làm hội chúng vuivẻ đã quỳ xuống đê đầu ở bàn chân và đã ước nguyện vị thế ấy. Chính vào khi ấy, đấng Cao Quý của loài người –
887. – vì lòng thương tưởng đến người triệuphú, đã nói những lời kệ này: “Này con trai, ngươi sẽ đạt được vị thế đã ước nguyện rồi ngươi hãy Niết Bàn.
888. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, thuộc dòng dõi, xuất thân gia tộc Okkāka sẽ xuất hiện ở thế gian.
889. Ngươi sẽ trở thành nam Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là Kassapa.”
890. Nghe được điều ấy, chồng tôi đã trở nên hoan hỷ. Khi ấy, với tâm từ ái chồng tôi đã chăm sóc đấng Chiến Thắng, bậc Hướng Đạo bằng các vật dụng cho đến hết cuộc đời.
891. Vị (Phật) ấy đã làm chói sáng Giáo Pháp, đã chế phục các ngoại đạo, đã hướng dẫn những ai đáng được hướng dẫn, rồi đã Niết Bàn cùng các vị Thinh Văn.
892. Khi đấng Cao Cả của thế gian ấy đã Niết Bàn, nhằm mục đích cúng dường đến bậc Đạo Sư chồng tôi đã tập hợp các bạn bè quyến thuộc, rồi cùng với những người ấy đã cho xây dựng –
893. – ngôi bảo tháp làm bằng châu báu cao bảy do-tuần, chói sáng như là trăm ánh hào quang, được tỏa rộng ra như là bông hoa sālā chúa.
894. Tại nơi ấy, chồng tôi đã cho thực hiện bảy trăm ngàn chiếc đĩa nhỏ bằng chính bảy loại châu báu, chúng đang chói sáng như là ngọn lửa của cây sậy.
895. Chồng tôi đã cho đổ đầy với dầu thơm rồi đã cho thắp sáng các ngọn đèn tại nơi ấy nhằm mục đích cúng dường đến bậc Đại Ẩn Sĩ, đấng Bi Mẫn của mọi sanh linh.
896. Chồng tôi đã cho thực hiện bảy trăm ngàn chậu đầy đặn được chứa đầy với thuần các loại châu báu nhằm mục đích cúng dường đến bậc Đại Ẩn Sĩ.
897. Ở giữa của mỗi nhóm tám chậu là những vật giá trị như vàng được chất đống. Chúng sáng rực với màu sắc tợ như ánh mặt trời vào mùa thu.
898. Chiếu sáng ở bốn cửa là các vòm cổng làm bằng châu báu. Chiếu sáng là những tấm ván xinh xắn làm bằng châu báu được dựng đứng.
899. Chói sáng là các lẳng hoa khéo tạo ra được đặt vòng quanh. Chói sáng là các cờ xí bằng châu báu được dựng đứng.
900. Và ngôi bảo tháp làm bằng ngọc quý này khéo được tô màu, khéo được thực hiện, sáng rực với màu sắc tợ như mặt trời vào lúc hoàng hôn.
901. Ngôi bảo tháp có ba bệ thờ. Chồng tôi đã chất đầy một bệ với đá màu vàng, một bệ với đá màu đỏ, và một bệ với đá màu đen.
902. Sau khi đã cho thực hiện việc cúng dường đáng yêu như thế ấy đến bậc Thuyết Giảng cao quý, chồng tôi đã dâng cúng vật thí đến Hội Chúng tùy theo năng lực cho đến hết cuộc đời.
903. Sau khi đã cùng với người triệu phú ấy thực hiện toàn bộ những việc phước báu ấy cho đến hết cuộc đời, tôi đã đi đến nhàn cảnh cùng với chính người ấy.
904. Sau khi đã thọ hưởng sự thành công ở bản thể chư Thiên rồi nhân loại, tôi đã luân hồi cùng với chính người ấy như là hình bóng với xác thân vậy.
905. Trước đây chín mươi mốt kiếp, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Vipassī, vị có ánh mắt thu hút, bậc thấy rõ tất cả các pháp đã hiện khởi
906. Khi ấy ở tại Bandhumatī, người này là vị Bà-la-môn được công nhận là tốt lành, dồi dào về việc thâu đạt kiến thức, và đã bị lâm vào cảnh vô cùng khó khăn về tài sản.
907. Cũng vào khi ấy, với tâm ý tương đồng tôi đã là nữ Bà-la-môn (vợ) của người ấy. Có lần, người Bà-la-môn cao quý ấy đã đi đến bậc Đại Hiền Trí.
908. (Đức Phật) ngồi ở đám người đang thuyết giảng về vị thế Bất Tử. Sau khi nghe Pháp, được hoan hỷ người ấy đã dâng cúng một tấm vải choàng.
909. Quay về lại nhà với một mảnh vải, người ấy đã nói với tôi điều này: “Nàng hãy tùy hỷ việc phước lớn lao; tấm vải choàng đã được dâng đến đức Phật.”
910. Khi ấy, được hài lòng xiết bao tôi đã chắp tay lên nói lời tùy hỷ rằng: “Phu quân à, tấm vải choàng là đã khéo được dâng đến đức Phật tối thượng như thế ấy.”
911. Được an vui, trở nên gắn bó, trong khi luân hồi cõi này cõi khác, người ấy đã trở thành đức vua, vị lãnh chúa ở thành phố Bārāṇasī đáng yêu.
912. Khi ấy, tôi trở thành chánh hậu của người ấy, là tối cao trong đám nữ nhân. Tôi đã được cảm tình rất mực của người ấy do sự yêu mến trước đây của chồng.
913. Sau khi nhìn thấy tám vị Lãnh Đạo Độc Giác đang đi quanh để khất thực, người ấy đã trở nên hoan hỷ và đã dâng vật thực vô cùng giá trị.
914. Sau khi thỉnh mời lần nữa, người ấy đã thực hiện mái che bằng châu báu. Lọng che bằng vàng (rộng) trăm cánh tay đã được những người thợ rèn kiến thiết.
915. Sau khi đã hướng dẫn tất cả các ngài ấy tiến vào các chỗ ngồi bằng vàng, được tịnh tín người ấy đã tự tay mình dâng cúng vật thí đến các ngài ấy.
916. Khi ấy, tôi cũng đã dâng cúng vật thí ấy cùng với đức vua xứ Kāsi. Tôi đã được sanh ra ở Bārāṇasī lần nữa, tại ngôi làng nhỏ ngoại thành.
917. (Sanh ra) ở trong gia đình giàu có thịnh vượng, người ấy được an lạc, có em trai. Tôi đã là người vợ vô cùng chung thủy của người anh cả.
918. Sau khi nhìn thấy vị Phật Độc Giác, người em gái của chồng tôi đã dâng phần cơm đến vị ấy, và đã thuật lại khi chồng tôi đi đến.
919. Chồng tôi không hoan hỷ với việc dâng cúng. Do đó, tôi đã lấy lại phần cơm ấy từ bình bát rồi đã trao cho chồng. Chồng tôi đã dâng cúng (phần cơm ấy) một lần nữa đến chính vị Phật ấy.
920. Khi ấy, tôi đã quăng bỏ đi phần cơm ấy và đã độc ác đối với đức Phật. Tôi đã dâng bình bát ấy chứa đầy bùn đến vị Phật như thế ấy.
921. Về vật cho cũng như việc nhận giống như là vật không trong sạch và đóa hoa sen, khi ấy tôi đã nhìn khuôn mặt có tâm bình thản và đã vô cùng chấn động.
922. Sau khi nhận lại bình bát, tôi đã làm sạch bằng chất thơm, rồi với tâm tịnh tín, tôi đã chứa đầy với bơ lỏng và đã dâng lên một cách cung kính.
923. Ở bất cứ nơi đâu tôi được sanh ra, tôi đều có sắc xinh đẹp do sự bố thí và có mùi hôi do lời nói và do thái độ không phải phép đối với đức Phật.
924. Lần khác, khi ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng Kassapa đang được hoàn tất, được hoan hỷ tôi đã dâng cúng phiến ngói cao quý bằng vàng.
925. Tôi đã tẩm phiến ngói ấy bằng hương thơm sanh lên từ bốn nguồn. Tôi đã được thoát khỏi khuyết điểm về mùi hôi thối và đã được thành tựu tốt đẹp về toàn bộ các phần thân thể.
926. (Chồng tôi) đã cho thực hiện bảy ngàn cái đĩa bằng chính bảy loại châu báu, được chứa đầy bơ lỏng và hàng ngàn tim đèn.
927. Với tâm ý thanh tịnh, sau khi đã đặt (tim đèn) vào và thắp sáng, người ấy đã xếp thành bảy hàng nhằm mục đích cúng dường đến bậc Bảo Hộ Thế Gian.
928. Khi ấy, tôi cũng có phần đóng góp đặc biệt trong việc phước thiện ấy. Người ấy đã được sanh ra ở xứ Kāsi lần nữa, được nổi danh là Sumitta.
929. Tôi đã là vợ của người ấy, được an vui, được gắn bó, được yêu quý. Khi ấy, người ấy cũng đã dâng đến vị Hiền Trí Độc Giác tấm vải choàng bền chắc.
930. Tôi đã hoan hỷ về việc bố thí tối thượng và cũng đã có phần trong việc ấy. Vị ấy cũng đã sanh ra lần nữa trong quốc độ Kāsi thuộc dòng dõi Koliya.
931. Khi ấy, cùng với năm trăm người con trai dòng Koliya, người ấy đã hộ độ năm trăm vị Phật Độc Giác.
932. Và sau khi đã làm hài lòng (chư Phật Độc Giác) trong ba tháng, người ấy đã dâng ba y. Khi ấy, đi theo lộ trình của nghiệp phước thiện tôi đã là vợ của người ấy.
933. Từ nơi ấy chết đi, người ấy đã trở thành vị vua tên là Nanda có danh tiếng vĩ đại. Tôi cũng đã trở thành chánh hậu của người ấy, có sự thành tựu về tất cả các điều dục lạc.
934. Và khi ấy, người ấy đã trở thành vị lãnh chúa Brahmadatta. Khi ấy, những người con trai của bà Padumavatī đã trở thành các bậc Hiền Trí Độc Giác.
935. Người ấy đã hộ độ năm trăm vị không thiếu vị nào cho đến hết cuộc đời. Chư Phật Độc Giác đã cư ngụ tại vườn hoa của đức vua rồi đã Niết Bàn, và người ấy đã cúng dường.
936. Và sau khi cho xây dựng các ngôi bảo tháp, cả hai chúng tôi đã xuất gia. Sau khi tu tập các vô lượng (tâm), chúng tôi đã đi đến cõi Phạm Thiên.
937. Từ nơi ấy chết đi, người ấy đã khéo được sanh ra tại Mahātittha (tên) là Pipphalāyana Mẹ là Sumanadevī, cha là người Bà-la-môn dòng tộc Kosiya.
938. Tôi đã là người con gái của vị Bà-la-môn Kapila, mẹ là Sucīmatī, ở tại kinh thành Sāgalā trong xứ sở Madda.
939. Sau khi tạo ra tôi với hình tượng bằng vàng khối, người cha đã gã tôi cho bậc trí Kassapa là người đã kiêng cử các dục.
940. Lần nọ, con người có lòng bi mẫn ấy đã đi xem xét công việc làm. Sau khi nhìn thấy các sinh vật bị những loài như là quạ, v.v... ăn thịt, người ấy đã bị động tâm.
941. Và tôi ở nhà, sau khi nhìn thấy những cây mè mọc lên trong sự thiêu đốt của ánh nắng mặt trời và loài sâu bọ bị các con quạ ăn thịt, khi ấy tôi đã có sự động tâm.
942. Lúc bấy giờ, con người trí tuệ ấy đã xuất gia. Tôi đã xuất gia theo vị ấy. Tôi đã sống theo hạnh du sĩ ngoại đạo trong năm năm.
943. Đến khi bà Gotamī người nuôi dưỡng đấng Chiến Thắng đã được xuất gia, khi ấy tôi đã đi theo bà ấy và đã được chỉ dạy bởi đức Phật.
944. Trong thời gian không bao lâu tôi đã thành tựu phẩm vị A-la-hán. Ôi, tính chất bạn hữu tốt lành đối với vị Kassapa vinh quang!
945. Kassapa là con trai, là người thừa tự của đức Phật, khéo được định tĩnh, nhìn thấy được cõi trời và địa ngục, và là vị đã biết được đời sống trước đây.
946. Rồi (vị ấy) đã đạt đến sự diệt tận của sự sanh, là vị hiền trí được hoàn hảo về thắng trí, với ba sự hiểu biết ấy trở thành vị Bà-la-môn có tam minh.
947. Tương tợ như thế ấy, Bhaddā Kāpilānī là vị ni có tam minh, có sự dứt bỏ Tử Thần, mang thân mạng cuối cùng sau khi đã chiến thắng Ma Vương cùng với đạo quân binh.
948. Sau khi nhìn thấy điều tai hại ở thế gian, cả hai chúng tôi đã xuất gia. Chúng tôi đây có các lậu hoặc đã cạn kiệt, đã được huấn luyện, đã có được trạng thái mát mẻ, đã được Niết Bàn.
949. Các phiền não của tôi đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), tôi sống không còn lậu hoặc.
950. Quả vậy, tôi đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
951. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được tôi đắc chứng; tôi đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Bhaddākāpilānī đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Bhaddākāpilānī là phần thứ bảy.
--ooOoo--
952. Vào một thuở nọ, đấng Lãnh Đạo nhân loại đang ngự tại một sườn núi cao quý ở thành Rājagaha đáng yêu, trù phú.[6]
953. Khi đang cư ngụ tại trú xứ đáng yêu của các tỳ khưu ni ở trong thành phố ấy, đã có suy nghĩ như vầy khởi đến vị tỳ khưu ni Yasodharā rằng:
954. “Nanda, Rāhula hiền thiện, và tương tợ y như thế (hai) vị tối thượng Thinh Văn, đại vương Suddhodana, và bà Pajāpatī Gotamī.
955. Cùng các vị đại trưởng lão đã đạt thắng trí, và các trưởng lão ni có đại thần lực, các vị ấy đã ngự đến nơi an tịnh không còn lậu hoặc, như là tim của cây đèn hết nhiên liệu.
956. Và luôn cả ta nữa cũng sẽ đi đến vị thế an toàn ngay trong khi đấng Lãnh Đạo Thế Gian còn hiện tiền.” Trong khi xem xét tuổi thọ của mình, vị ni đã suy nghĩ như thế.
957. Sau khi xem xét thọ hành sẽ đi đến sự hoại diệt trong chính ngày hôm ấy, vị ni đã cầm lấy bình bát và y rồi đã rời khỏi chốn tịnh cư của mình.
958. Vị ni có đại thần lực có đại trí tuệ ấy đã dẫn đầu một trăm ngàn vị tỳ khưu ni đi đến bậc Toàn Giác.
959. Sau khi đảnh lễ bậc Toàn Giác, vị ni ấy đã ngồi xuống ở một bên và đã nói lời nói này với bậc Đạo Sư là vị có dấu hiệu bánh xe:
960. “Bạch đấng Đại Hiền Trí, con đã bảy mươi tám tuổi. Giai đoạn cuối cùng của tuổi tác đang tiến đến. Con đã đạt đến ngay ở sườn dốc, con xin thưa rõ.
961. Sự tiêu hoại của con đã chín muồi, mạng sống của con còn chút ít. Rời bỏ Ngài, con sẽ ra đi. Sự nương nhờ của bản thân đã được con thực hiện.
962. Chính ở thời điểm cuối cùng, sự chết chận đứng tuổi thọ. Bạch đấng Đại Hùng, hôm nay vào ban đêm con sẽ thành tựu Niết Bàn.
963. Bạch đấng Hiền Trí, (Niết Bàn) là nơi không có sự sanh, sự già, sự bệnh và sự chết. Bạch đấng Anh Hùng, nơi nào khi đã đi đến là không còn được nhìn thấy thì con đi đến nơi ấy.
964. Bạch đấng Hiền Trí, cho đến nhóm người của bậc Đạo Sư ngồi chung ở nơi đây (nếu) nhận biết lỗi lầm (nào của tôi), xin quý vị hãy tha thứ ở trước mặt.
965. Và sau khi đã xoay vần trong vòng luân hồi, nếu có điều sai trái của con đối với Ngài, bạch đấng Đại Hùng con xin thưa rõ, xin Ngài hãy tha thứ lỗi lầm cho con.”
966. Sau khi lắng nghe lời nói của vị ni ấy, đấng Hiền Trí Vương đã nói điều này: “Ta sẽ nói điều gì hơn về nàng là người đang đi đến Niết Bàn?
967. Và nàng cũng nên thị hiện thần thông cho các vị hành theo Giáo Pháp của Ta được thấy. Và hãy chặt đứt sự nghi ngờ về Giáo Pháp cho tất cả các chúng.”
968. Sau khi lắng nghe lời nói của bậc Hiền Trí ấy, vị tỳ khưu ni Yasodharā ấy đã đảnh lễ đấng Hiền Trí Vương ấy và đã nói lời nói này:
969. “Bạch đấng Anh Hùng, con là Yasodharā, ở tại gia là người vợ của Ngài. Được sanh ra trong gia tộc Sakya, con đã duy trì phận sự của người nữ.
970. Bạch đấng Anh Hùng, trong số một trăm chín mươi sáu ngàn phụ nữ ở nhà của Ngài, con là người đứng đầu, là người chủ quản tất cả.
971. Là người có được sắc đẹp, tánh tình, và đức hạnh, ở vào tuổi thanh xuân, có lời nói đáng yêu, tất cả chư Thiên cũng như loài người đều quý trọng con.
972. Con đứng đầu một ngàn thiếu nữ ở trong cung của người con trai dòng Sakya. Các cô ấy cùng vui buồn giống nhau tợ như chư Thiên ở (vườn hoa) Nandana.
973. Con đã vượt lên trên lãnh vực dục tình, được khẳng định về mặt thể hình, không có người tương đương về sắc đẹp ngoại trừ đấng Lãnh Đạo Thế Gian.”
974. Sau khi đã nói như thế, v.v... Yasodharā, với sự cho phép của đức Phật, đã bay lên không trung và đã thị hiện vô số thần thông.
975. (Yasodharā đã thị hiện) cơ thể tương đương với bầu vũ trụ, đầu là (đảo) Kuru ở về phía bắc, hai cánh là hai hòn đảo, thân mình là đảo Jambu.[7]
976. Và đuôi công là cái hồ ở phía nam nhưng các cánh chim là các cành lá khác nhau, mặt trăng và mặt trời là mắt, núi Meru là chóp đỉnh.
977. Ngọn núi của bầu vũ trụ là mỏ chim. Trong lúc phe phẩy cây Jambu cùng với cội rễ (làm cây quạt), vị ni đã đi đến và đảnh lễ đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
978. Tương tợ y như thế, vị ni đã thị hiện hình dáng con voi, con ngựa, ngọn núi, và biển cả, rồi mặt trăng, mặt trời, núi Meru, và vóc dáng của vị trời Sakka.
979. “Bạch đấng Anh Hùng, bạch đấng Hữu Nhãn, con là Yasodharā đảnh lễ ở bàn chân (Ngài). Con đã che khuất một ngàn thế giới bằng đóa sen nở rộ.”
980. Và sau khi hóa hiện ra vóc dáng của đấng Brahma, vị ni đã thuyết giảng Giáo Pháp về không tánh. “Bạch đấng Anh Hùng, bạch đấng Hữu Nhãn, con là Yasodharā xin đảnh lễ ở bàn chân (Ngài).
981. Bạch đấng Đại Hiền Trí, con đã có năng lực về các loại thần thông và thiên nhĩ giới, con đã có năng lực về trí biết tâm của người khác.
982. Con biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
983. Bạch đấng Đại Hùng, trí của con về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và tương tợ y như thế về phép biện giải là được thành tựu trong sự hiện diện của Ngài.
984. Sự gặp gỡ đối với chư Phật là các đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã được Ngài nhìn thấy rõ. Bạch đấng Đại Hiền Trí, có nhiều hành động hướng thượng của con là nhằm mục đích về Ngài.
985. Bạch đấng Hiền Trí, xin Ngài nhớ lại thiện nghiệp trước đây của con. Bạch đấng Đại Hùng, phước báu đã được con tích lũy là nhằm mục đích về Ngài.
986. Bạch đấng Đại Hùng, sau khi đã tránh xa những nơi không thích hợp và đã ngăn trừ điều không giới hạnh, mạng sống đã được con hy sinh là nhằm mục đích về Ngài.
987. Bạch đấng Đại Hiền Trí, Ngài đã bố thí con nhằm mục đích làm vợ (kẻ khác) nhiều ngàn koṭi[8]lần. Con không có bất bình về điều ấy là nhằm mục đích về Ngài.
988. Bạch đấng Đại Hiền Trí, Ngài đã bố thí con vì sự hỗ trợ (kẻ khác) nhiều ngàn koṭi lần. Con không có bất bình về điều ấy là nhằm mục đích về Ngài.
989. Bạch đấng Đại Hiền Trí, Ngài đã bố thí con nhằm mục đích vật thực (cho kẻ khác) nhiều ngàn koṭi lần. Con không có bất bình về điều ấy là nhằm mục đích về Ngài.
990. Con đã từ bỏ nhiều ngàn koṭi mạng sống. Con từ bỏ mạng sống của con (nghĩ rằng): ‘Ta sẽ thực hiện sự giải thoát khỏi nỗi sợ hãi.’
991. Bạch đấng Đại Hiền Trí, con không cất giấu các đồ trang sức được dùng cho cơ thể, nhiều vải vóc các loại, các vật dụng của phụ nữ là nhằm mục đích về Ngài.
992. Con đã dứt bỏ tài sản, lúa gạo, các làng, và các phố chợ. Bạch đấng Đại Hiền Trí, các ruộng vườn, những người con trai, và con gái là đã được dứt bỏ.
993. Bạch đấng Đại Hùng, không thể đếm được những con voi, ngựa, trâu bò, luôn cả các nữ tỳ và tớ gái đã được dứt bỏ là nhằm mục đích về Ngài.
994. Về việc Ngài bảo con rằng: ‘Ta sẽ cho vật thí đến người hành khất,’ con không nhìn thấy sự bất bình của con trong khi Ngài bố thí vật thí tối thượng.
995. Bạch đấng Đại Hùng và con đã trải qua nhiều khổ đau khác loại không thể đếm được, ở nhiều hình thức trong sự luân hồi là nhằm mục đích về Ngài.
996. Bạch đấng Đại Hiền Trí, đạt được sung sướng con không vui thích và không có tâm bực bội trong những khổ đau, con được quân bình trong mọi trường hợp là nhằm mục đích về Ngài.
997. Theo lộ trình mà bậc Toàn Giác (quá khứ) đã khẳng định về pháp (giải thoát), thì đấng Đại Hiền Trí đã đạt đến sự Giác Ngộ sau khi trải qua an lạc và khổ đau.
998. Bạch đấng Phạm Thiên, bậc Toàn Giác, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Gotama, Ngài với con đã có nhiều lần gặp gỡ với các đấng Bảo Hộ Thế Gian khác.
999. Bạch đấng Đại Hiền Trí, nhiều hành động hướng thượng của con là nhằm mục đích về Ngài. Con là nữ tỳ của Ngài trong lúc Ngài tầm cầu Phật Pháp.”
1000. Vào thuở bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp, bậc Đại Anh Hùng, vị Lãnh Đạo Thế Gian Dīpaṅkara đã hiện khởi.
1001. Sau khi đã thỉnh mời đức Như Lai, những người ở khu vực vùng biên địa làm sạch sẽ con đường đi đến của Ngài với tâm hoan hỷ.
1002. Vào thời điểm ấy, người ấy đã là vị Bà-la-môn tên Sumedha, và đã sửa soạn con đường của đấng Toàn Tri đang đi đến.
1003. Vào thời điểm ấy, con đã là người thiếu nữ xuất thân Bà-la-môn tên Sumittā. Con đã đi đến cuộc tụ hội.
1004. Con đã cầm tám nắm hoa sen nhằm mục đích cúng dường đến bậc Đạo Sư. Con đã nhìn thấy vị ẩn sĩ được nổi bậc ở giữa đám người.
1005. Sau khi nhìn thấy con người đang ngồi khoác áo vỏ cây vô cùng đáng yêu quyến rũ đang ngồi, khi ấy con đã nghĩ rằng: ‘Mạng sống của ta là có kết quả.’
1006. Khi ấy, con đã nhìn thấy sự nỗ lực ấy của vị ẩn sĩ là có được kết quả. Do nghiệp quá khứ, tâm của con cũng đã tịnh tín vào đấng Toàn Giác.
1007. Con đã có tâm tịnh tín hơn nữa đối với vị ẩn sĩ có tâm ý hướng thượng. (Con đã nói rằng):‘Này vị ẩn sĩ, tôi không nhìn thấy vật nào khác nên được dâng cúng, tôi cho ông các đóa hoa.
1008. Này vị ẩn sĩ, hãy là của ông năm nắm, hãy là của tôi ba nắm. Này vị ẩn sĩ, như thế sự thành tựu hãy là bằng nhau đối với mục đích giác ngộ của Ngài.’
Tụng phẩm thứ tư.
1009. Sau khi cầm lấy các đóa hoa, vị ẩn sĩ ở giữa đám người đã cúng dường đến bậc Đại Ẩn Sĩ có danh tiếng vĩ đại đang đi đến nhằm mục đích giác ngộ.
1010. Bậc Đại Hiền Trí Dīpaṅkara, đấng Đại Hùng đã nhìn thấy ở giữa đám người và đã chú nguyện cho vị ẩn sĩ có tâm ý hướng thượng rằng:
1011. ‘Này vị đại ẩn sĩ, (người nữ này) sẽ có tâm tương đương, có nghiệp tương đương, có hành động tương đương, sẽ trở thành người vợ do nghiệp báu đối với mục đích của ngươi.’
1012. (Người nữ này) có dáng nhìn xinh đẹp, vô cùng đáng yêu, vui vẻ, có lời nói đáng mến, sẽ trở thành người vợ yêu quý, người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy.
1013. Cũng giống như các người chủ gìn giữ cái rương của cải, người nữ này sẽ hộ trì như thế ấy đối với các thiện pháp.
1014. Trong khi thương tưởng đến ngươi đây, (người nữ này) sẽ làm tròn đủ các pháp toàn hảo, sẽ đạt được quả vị giác ngộ tương tợ như con sư tử phá vỡ cái chuồng.’
1015. Ấy là điều đức Phật đã chú nguyện cho con trước đây vô lượng kiếp. Trong khi tùy hỷ lời nói ấy, con đã là người có hành động như vậy.
1016. Tại nơi ấy, con đã có tâm tịnh tín đối với việc làm đã được thực hiện tốt đẹp ấy. Con đã sanh vào bản thể trời và người với số lần không thể đếm được.
1017. Con đã trải qua lạc và khổ ở các cõi trời và ở loài người. Khi đạt đến kiếp sống cuối cùng, con đã sanh ra trong gia tộc Sakya.
1018. Con có sắc đẹp, có của cải, có danh vọng và giới hạnh tương tợ như thế. Con có sự thành tựu vẹn toàn thân thể, được vô cùng kính trọng về các điều lành.
1019. Lợi lộc, danh vọng, cung kính, sự hội tụ của các pháp thế gian, và tâm bị khổ não là không có, con sống không sợ hãi.[9]
1020. Con đã nhàm chán các sự luân hồi và đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Sau khi xuất gia cùng với một ngàn người hầu cận, con không có gì.
1021. Sau khi từ bỏ gia đình, con đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Khi chưa đạt đến nửa tháng, con đã đạt được bốn Sự Thật.
1022. Nhiều người, không phải một, đem lại y phục, vật thực, thuốc men, và chỗ nằm ngồi tợ như các làn sóng của biển cả.
1023. Các phiền não của con đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), con sống không còn lậu hoặc.
1024. Quả vậy, con đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
1025. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được con đắc chứng; con đã thực hành lời dạy của đức Phật.
1026. Như vậy là có khổ đau đa dạng và thành công nhiều hình thức. Được đạt đến trạng thái thanh tịnh, con nhận lãnh mọi sự thành tựu.
1027. Nàng ấy bố thí chính bản thân mình vì mục đích phước báu của vị đại ẩn sĩ. Họ có sự thành tựu về bạn hữu. Vị thế Niết Bàn là không còn tạo tác.
1028. “Quá khứ, hiện tại, và vị lai đã được cạn kiệt, tất cả nghiệp của con đã được cạn kiệt. Bạch đấng Hữu Nhãn, con xin đảnh lễ ở bàn chân (Ngài).”
Tỳ khưu ni Yasodharā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Yasodharā là phần thứ tám.
--ooOoo--
1029. Vào thuở bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp, đấng Chiến Thắng, vị Lãnh Đạo Thế Gian tên là Dīpaṅkara đã hiện khởi.
1030. Đấng Đại Hùng, bậc Hướng Đạo Dīpaṅkara đã chú nguyện cho Sumedha và Sumittā có trạng thái hạnh phúc và khổ đau tương tợ như nhau.
1031. Trong lúc nhìn thấy (thế gian) cùng với chư Thiên và trong lúc đi đó đây ở thế gian) luôn cả cõi trời, chúng con đã đi đến nơi tụ hội vào dịp tuyên dương của hai người ấy (và đã nói rằng):
1032. “Trong lần tụ hội ở ngày vị lai, xin ngài hãy là chồng của tất cả chúng tôi. Hết thảy tất cả sẽ là những người vợ vui vẻ, có lời nói đáng yêu của ngài.”
1033. Bạch đấng Đại Hiền Trí, tất cả chúng con có bố thí với trì giới, và tham thiền đã khéo được tu tập. Và mọi thứ thuộc về chúng con đã được buông bỏ từ lâu.
1034. Bạch đấng Đại Hiền Trí, bất cứ điều gì đã được ao ước (như là) hương thơm, vật thoa, tràng hoa, đèn, vật làm bằng châu báu, tất cả đã được buông bỏ.
1035. Bạch đấng Đại Hiền Trí, và luôn cả nghiệp nào khác đã được thực hiện cũng như sự thụ hưởng thuộc về nhân loại, mọi thứ thuộc về chúng con đã được buông bỏ từ lâu rồi.
1036. Trong khi luân hồi nhiều kiếp sống, chúng con đã làm được nhiều phước báu. Chúng con đã thọ hưởng quyền thế và đã luân hồi cõi này cõi khác.
1037. Khi đạt đến kiếp sống cuối cùng ở trong cung của người con trai dòng Sakya, chúng con đã được sanh ra trong nhiều gia tộc khác nhau, là những mỹ nhân có ái dục và sắc đẹp.
1038. Chúng con đã đạt đến danh vọng cùng với lợi lộc tột đỉnh, được tôn vinh, được tất cả tôn trọng, luôn luôn được cung cấp các lợi lộc về cơm ăn nước uống.
1039. Sau khi từ bỏ gia đình, chúng con đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Khi chưa đạt đến nửa tháng, tất cả chúng con đã đạt được Niết Bàn.
1040. Nhiều người đem lại mọi thứ lợi lộc về cơm ăn nước uống, y phục và chỗ nằm ngồi. Chúng con luôn luôn được tôn kính cúng dường.
1041. Các phiền não của chúng con đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là những con voi cái (đã được cởi trói), chúng con sống không còn lậu hoặc.
1042. Quả vậy, chúng con đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
1043. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được chúng con đắc chứng; chúng con đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Mười ngàn vị tỳ khưu ni đứng đầu là Yasodharā trước mặt đức Thế Tôn đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về mười ngàn vị tỳ khưu ni là phần thứ chín.
--ooOoo--
1044. Mười tám ngàn vị tỳ khưu ni xuất thân dòng Sakya đứng đầu là Yasodharā đã đi đến gặp đấng Toàn Giác.
1045. Tất cả mười tám ngàn vị ni đều có đại thần lực. Trong khi đảnh lễ ở bàn chân của bậc Hiền Trí, các vị ni trình rõ đúng theo năng lực rằng:
1046. “Bạch đấng Đại Hiền Trí, sự sanh, sự già, sự bệnh, và sự chết đã được cạn kiệt. Bạch đấng Lãnh Đạo, chúng con đã đi đến vị thế Bất Tử, an tịnh, không còn lậu hoặc.
1047. Bạch đấng Đại Hiền Trí, nếu có điều sai trái gì trước đây của tất cả chúng con vì không biết là lỗi lầm, bạch đấng Hướng Đạo xin Ngài hãy tha thứ cho chúng con.”
1048. “Là những người thực hành theo Giáo Pháp của Ta, các nàng cũng nên thị hiện thần thông. Và hãy chặt đứt sự nghi ngờ đã có cho tất cả các chúng.”
1049. “Bạch đấng Đại Hùng, là những vị ni danh tiếng, vui vẻ, có dáng vóc đáng yêu, bạch đấng Đại Hùng, tất cả đã là vợ của Ngài lúc còn tại gia.
1050. Bạch đấng Anh Hùng, trong số một trăm chín mươi sáu ngàn phụ nữ ở nhà của Ngài, chúng con là những vị đứng đầu, là những người chủ quản tất cả.
1051. Là những người có được sắc đẹp, tánh tình, và đức hạnh, ở vào tuổi thanh xuân, có lời nói đáng yêu, tất cả chư Thiên cũng như loài người đều quý trọng (chúng con).
1052. Khi ấy, tất cả mười tám ngàn vị ni đều xuất thân dòng Sakya, một ngàn vị ni có danh tiếng là những vị đứng đầu, là những người chủ quản.
1053. Bạch đấng Đại Hiền Trí, (các cô ấy) đã vượt qua dục giới, đã được an trú vào sắc giới. Không có gì tương đương với sắc đẹp của một ngàn cô ấy.”
1054. Sau khi đảnh lễ bậc Toàn Giác, các vị ni đã phô bày thần thông đến bậc Đạo Sư. Các vị ni cũng đã thị hiện đại thần lực với nhiều hình thức khác loại.
1055. (Các vị ni đã thị hiện) cơ thể tương đương với bầu vũ trụ, đầu là (đảo) Kuru ở về phía bắc, hai cánh là hai hòn đảo, thân mình là đảo Jambu.
1056. Và đuôi công là cái hồ ở phía nam nhưng các lông chim là các cành lá khác nhau, mặt trăng và mặt trời là cặp mắt to, núi Meru là chóp đỉnh.
1057. Ngọn núi của bầu vũ trụ là mỏ chim. Trong lúc phe phẩy cây Jambu cùng với cội rễ (làm cây quạt), các vị ni đã đi đến và đảnh lễ đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
1058. Tương tợ y như thế, các vị ni đã thị hiện hình dáng con voi, con ngựa, ngọn núi, và biển cả, rồi mặt trăng, mặt trời, núi Meru, và vóc dáng của vị trời Sakka.
1059. “Bạch vị Anh Hùng, bạch đấng Hữu Nhãn, chúng con là các vị Yasodharā xin đảnh lễ ở bàn chân (Ngài). Bạch vị Anh Hùng, bạch đấng Lãnh Đạo của nhân loại, chúng con đã được hoàn thành nhờ vào quyền uy của Ngài.
1060. Bạch đấng Đại Hiền Trí, chúng con đã có năng lực về các loại thần thông và thiên nhĩ giới, chúng con đã có năng lực về trí biết tâm của người khác.
1061. Chúng con biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
1062. Bạch đấng Đại Hùng, trí của chúng con về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và tương tợ như thế về phép biện giải là được thành tựu trong sự hiện diện của Ngài.
1063. Bạch đấng Đại Hiền Trí, sự gặp gỡ đối với các đấng Lãnh Đạo Thế Gian trước đây đã được chúng con nhìn thấy rõ. Nhiều hành động hướng thượng của chúng con là nhằm mục đích về Ngài.
1064. Bạch bậc Hiền Trí, xin Ngài nhớ lại thiện nghiệp trước đây của chúng con. Bạch đấng Đại Hùng, phước báu đã được tích lũy bởi chúng con là nhằm mục đích về Ngài.
1065. Bạch đấng Đại Hùng, sau khi đã tránh xa những nơi không thích hợp và đã ngăn trừ điều không giới hạnh, mạng sống đã được chúng con hy sinh là nhằm mục đích về Ngài.
1066. Bạch đấng Đại Hiền Trí, Ngài đã bố thí chúng con nhằm mục đích làm vợ (kẻ khác) nhiều ngàn koṭi lần. Chúng con không có bất bình về điều ấy là nhằm mục đích về Ngài.
1067. Bạch đấng Đại Hiền Trí, Ngài đã bố thí chúng con vì sự hỗ trợ (kẻ khác) nhiều ngàn koṭi lần. Chúng con không có bất bình về điều ấy là nhằm mục đích về Ngài.
1068. Bạch đấng Đại Hiền Trí, Ngài đã bố thí chúng con nhằm mục đích vật thực (cho kẻ khác) nhiều ngàn koṭi lần. Chúng con không có bất bình về điều ấy là nhằm mục đích về Ngài.
1069. Chúng con đã từ bỏ nhiều ngàn koṭi mạng sống. Chúng con đã từ bỏ các mạng sống (nghĩ rằng): ‘Chúng ta sẽ thực hiện sự giải thoát khỏi nỗi sợ hãi.’
1070. Bạch đấng Đại Hiền Trí, chúng con không cất giấu các đồ trang sức được dùng cho phụ nữ, cùng nhiều vải vóc các loại, và các vật dụng của phụ nữ là nhằm mục đích về Ngài.
1071. Chúng con đã dứt bỏ tài sản, lúa gạo, các ngôi làng, và các phố chợ. Bạch đấng Đại Hiền Trí, các ruộng vườn, những người con trai và những người con gái đã được dứt bỏ.
1072. Bạch đấng Đại Hùng, không thể đếm được những con voi, ngựa, trâu bò, luôn cả các nữ tỳ và tớ gái đã được dứt bỏ là nhằm mục đích về Ngài.
1073. Về việc Ngài bảo chúng con rằng: ‘Ta sẽ cho vật thí đến người hành khất,’ chúng con không nhìn thấy sự bất bình của chúng con trong khi Ngài bố thí vật thí tối thượng.
1074. Bạch đấng Đại Hùng,chúng con đã trải qua nhiều khổ đau khác loại không thể đếm được, và ở sự luân hồi với nhiều hình thức là nhằm mục đích về Ngài.
1075. Bạch đấng Đại Hiền Trí, đạt được sung sướng chúng con không vui thích và không có tâm bực bội trong những khổ đau, chúng con được quân bình trong mọi trường hợp là nhằm mục đích về Ngài.
1076. Theo lộ trình mà bậc Toàn Giác (quá khứ) đã khẳng định về pháp (giải thoát), thì đấng Đại Hiền Trí đã đạt đến sự Giác Ngộ sau khi trải qua an lạc và khổ đau.
1077. Bạch đấng Phạm Thiên, bậc Toàn Giác, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Gotama, Ngài với chúng con đã có nhiều lần gặp gỡ với các đấng Bảo Hộ Thế Gian khác.
1078. Bạch đấng Đại Hiền Trí, nhiều hành động hướng thượng của chúng con là nhằm mục đích về Ngài. Chúng con là những nữ tỳ của Ngài trong lúc Ngài tầm cầu Phật Pháp.”
1079. Vào thuở bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn kiếp, bậc Đại Anh Hùng, vị Lãnh Đạo Thế Gian Dīpaṅkara đã hiện khởi.
1080. Sau khi đã thỉnh mời đức Như Lai, những người ở khu vực vùng biên địa làm sạch sẽ con đường đi đến của Ngài với tâm hoan hỷ.
1081. Vào thời điểm ấy, người ấy đã là vị Bà-la-môn tên Sumedha, và đã sửa soạn con đường của đấng Toàn Tri đang đi đến.
1082. Vào thời điểm ấy, tất cả chúng con đã có xuất thân là Bà-la-môn. Chúng con đã mang đến cuộc tụ hội những đóa hoa mọc trên đất liền và dưới nước.
1083. Vào lúc ấy, đức Phật Dīpaṅkara, bậc Đại Hùng có danh tiếng vĩ đại ấy đã chú nguyện cho vị ẩn sĩ có tâm ý hướng thượng.
1084. Trong khi tuyên dương hành động của vị ẩn sĩ có tâm ý hướng thượng ấy, quả đất (đã) lay chuyển, gào thét, rung động cùng với Thiên giới.
1085. Các tiên nữ và loài người, luôn cả chúng con cùng với chư Thiên đã dâng lên phẩm vật cúng dường khác nhau rồi đã ước nguyện.
1086. Đức Phật tên Jotidīpa (Dīpaṅkara) đã chú nguyện cho các vị ấy rằng: “Những điều đã được ước nguyện vào ngày hôm nay sẽ trở thành hiện thực.”
1087. Ấy là điều đức Phật đã chú nguyện cho chúng con trước đây vô lượng kiếp. Trong khi tùy hỷ lời nói ấy, chúng con đã là những người hành động như thế.
1088. Tại nơi ấy, chúng con đã có tâm tịnh tín đối với việc làm đã được thực hiện tốt đẹp ấy. Chúng con đã sanh vào bản thể trời và người với số lần không thể đếm được.
1089. Chúng con đã trải qua an lạc và khổ đau ở các cõi trời và loài người. Khi đạt đến kiếp sống cuối cùng, chúng con đã sanh ra trong gia tộc Sakya.
1090. Chúng con có sắc đẹp, có của cải, do đó có danh vọng và giới hạnh. Chúng con có sự thành tựu vẹn toàn thân thể, được vô cùng kính trọng ở các gia đình.
1091. Lợi lộc, danh vọng, cung kính, sự hội tụ của các pháp thế gian, và tâm bị khổ não là không có, chúng con sống không sợ hãi.
1092. Khi ấy, điều này đã được đức Thế Tôn nói ra ở trong kinh thành của đức vua (Suddhodana). Và đấng Anh Hùng đã chỉ ra việc hỗ trợ trước đây của các vị Sát-đế-lỵ:
1093. “Người nữ nào là hữu ân, người nữ nào cùng chung vui sướng khổ đau, người nữ nào nói lời hữu ích, và người nữ nào có lòng thương tưởng,
1094. – thời hãy thực hành pháp thiện hạnh, chớ thực hành ác hạnh ấy. Người thực hành Giáo Pháp thọ hưởng an lạc ở đời này và đời sau.”
1095. Sau khi từ bỏ gia đình, chúng con đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Chưa đạt đến nửa tháng, chúng con đã chạm đến bốn Sự Thật.
1096. Nhiều người đem đến cho chúng con y phục, vật thực, thuốc men, và chỗ nằm ngồi tợ như các làn sóng của biển cả.
1097. Các phiền não của chúng con đãđược thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi tói), chúng con sống không còn lậu hoặc.
1098. Quả vậy, chúng con đã thànhcông mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
1099. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được chúng con đắc chứng; chúng con đãthực hành lời dạy của đức Phật.
1100. Như vậy là có khổ đau đa dạngvà thành công nhiều hình thức. Được đạt đến trạng thái thanh tịnh, chúng con nhận lãnh mọi sự thành tựu.
1101. Những nàng nào bố thí chính bảnthân mình vì mục đích phước báu của vị đại ẩn sĩ là có sự thành tựu về bạn hữu, còn vị thế Niết Bàn là không còn tạo tác.
1102. “Quá khứ, hiện tại, và vị lai đãđược cạn kiệt, tất cả nghiệp của chúng con đã được cạn kiệt. Bạch đấng Hữu Nhãn, chúng con xin đảnh lễ ở bàn chân (Ngài).”
1103. “Ta sẽ nói điều gì hơn nữa về các nàng là những người đang tiến đến Niết Bàn? Bởi vì các nàng đã đạtđược vị thế Bất Tử, (là cảnh giới mà) sự tạo tác và điều sai trái đã được tịnh lặng.”
Mười tám ngàn vị tỳ khưu ni đứng đầu là Yasodharā trước mặt đức Thế Tôn đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về mười tám ngàn vị tỳ khưu ni có Yasodharā đứng đầu là phần thứ mười.
Phẩm Kuṇḍalakesī là phẩm thứ ba.
--ooOoo--
TÓM LƯỢC CỦA PHẨM NÀY
Vị ni Kuṇḍalā, vị ni Kisāgotamī, luôn cả vị ni Dhammadinnā, vị ni Sakulā, vị ni Nandā cao quý, vị ni Soṇā, vị ni Bhaddākāpilānī, vị ni Yasodharā, mười ngàn tỳ khưu ni, và mười tám ngàn vị ni, (tổng cộng) là bốn trăm bảy mươi sáu câu kệ cả thảy.
--ooOoo--
1104. “Bạch đấng Đại Hiền Trí, chúng con xin trình rằng, tất cả các hữu của chúng con đã được cạn kiệt, mối liên hệ với sự tái sanh của chúng con đã được mở ra, và các lậu hoặc của chúng con không còn.
1105. Bạch đấng Đại Hiền Trí, bất cứ thiện nghiệp nào trước đây đã được ước nguyện tốt đẹp (và) vật dụng đã được bố thí là nhằm mục đích về Ngài.
1106. Bạch đấng Đại Hiền Trí, vật dụng đã được bố thí đến các vị Phật, đến các vị Phật Độc Giác, và đến các vị Phật Thinh Văn là nhằm mục đích về Ngài.
1107. Bạch đấng Đại Hiền Trí, hành động cao cả hoặc tầm thường đến các vị tỳ khưu đã được ước nguyện tốt đẹp, hành động khởi đầu này đây cho việc (sanh vào) các gia tộc thượng lưu đã được thực hiện.
1108. Sự thành tựu của nghiệp được thúc đẩy bởi nhân tố trong sạch, trong khi vượt trội loài người chúng con đã được sanh vào gia tộc Sát-đế-lỵ.
1109. Trong sự sanh ra và trong việc làm đã được thực hiện, và luôn cả trong sự tái sanh cùng với nhau, chúng con đã được sanh ra chung với nhau trong (kiếp sống) cuối cùng, có xuất thân gia tộc Sát-đế-lỵ.
1110. Bạch đấng Đại Hùng, có sắc đẹp, có của cải, được tôn vinh bằng các lợi lộc và sự kính trọng, chúng con ở trong kinh thành như là ở (vườn hoa) Nandana của chư Thiên.
1111. Chúng con đã nhàm chán và đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Trong vài ngày, tất cả chúng con đã đạt được Niết Bàn.
1112. Nhiều người đem đến cho chúng con y phục, vật thực, thuốc men, và chỗ nằm ngồi, chúng con luôn luôn được kính trọng tôn vinh.
1113. Các phiền não của chúng con đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), chúng con sống không còn lậu hoặc.
1114. Quả vậy, chúng con đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
1115. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được chúng con đắc chứng; chúng con đã thực hành lời dạy của đức Phật.”
Mười tám ngàn vị tỳ khưu ni công nương dòng Sát-đế-lỵ đứng đầu là Yasavatī trước mặt đức Thế Tôn đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về mười tám ngàn vị tỳ khưu ni đứng đầu là Yasavatī là phần thứ nhất.
--ooOoo--
1116. “Bạch đấng Đại Hiền Trí, tám mươi bốn ngàn vị ni xuất thân gia tộc Bà-la-môn, có tay chân mềm mại, là thuộc về Ngài trước đây.
1117. Bạch đấng Đại Hiền Trí, nhiều thiếu nữ đã được sanh ra trong gia tộc thương buôn và nô lệ, là chư Thiên, loài rồng, và kim-sỉ-điểu, thuộc bốn châu lục, là thuộc về Ngài trước đây.
1118. Có một số đã được xuất gia, nhiều vị có sự nhìn thấy Sự Thật. Còn chư Thiên, kim-sỉ-điểu, loài rồng sẽ được giác ngộ trong ngày vị lai.
1119. Sau khi thọ hưởng danh vọng, sau khi đạt đến thành công toàn diện, tất cả đã đạt được niềm tịnh tín ở Ngài, sẽ được giác ngộ trong ngày vị lai.
1120. Bạch đấng Đại Hùng, bạch đấng Hữu Nhãn, chúng con là những người con gái của các Bà-la-môn, xuất thân gia tộc Bà-la-môn, chúng con xin đảnh lễ ở bàn chân của Ngài là vị đang xem xét chúng con.
1121. Tất cả các hữu đã được phá hủy, ái dục cội nguồn đã được thủ tiêu, các khuynh hướng ngủ ngầm đã được chặt đứt, các sự tạo tác đem lại phước báu đã được xé tan.
1122. Chúng con có tất cả các hành xứ về định, tương tợ như thế về khả năng thể nhập. Nhờ thiền, chúng con sẽ luôn luôn sống với sự thỏa thích trong Giáo Pháp.
1123. Lối dẫn đến tái sanh, vô minh, và luôn cả các pháp còn tạo tác đã được quăng bỏ. Bạch đấng Lãnh Đạo, xin Ngài cho phép (chúng con) đi đến vị thế khó nhìn thấy vô cùng.”
1124. “Các nàng là nguồn hỗ trợ cho Ta là người đã có sự thực hành dài lâu. Tất cả các nàng hãy cắt đứt sự hoài nghi của bốn (chúng) rồi hãy đi đến Niết Bàn.”
1125. Sau khi đảnh lễ ở bàn chân của bậc Hiền Trí và đã thực hiện sự biến hóa thần thông, một số vị ni thị hiện ánh sáng, còn một số khác thị hiện bóng tối.
1126. Các vị ni thị hiện mặt trăng, mặt trời, và biển cả có cả loài cá. Các vị thị hiện dãy núi Sineru và giống cây san hô (thuộc cõi trời).
1127. Với thần thông, các vị ni làm cho nhìn thấy cung trời Đạo Lợi, Dạ Ma, Đẩu Suất, các vị trời có uy lực lớn lao ở cõi Hóa Lạc Thiên và Tha Hóa Tự Tại.
1128. Một số vị ni làm cho nhìn thấy con đường kinh hành vô cùng giá trị của đấng Phạm Thiên. Và sau khi biến hóa thành hình dáng của đấng Phạm Thiên, các vị ni thuyết giảng Giáo Pháp về không tánh.
1129. Sau khi đã thực hiện sự biến hóa khác nhau và đã phô bày thần thông đến bậc Đạo Sư, tất cả đã trình bày năng lực và đã đảnh lễ ở bàn chân của bậc Đạo Sư.
1130. “Bạch đấng Đại Hiền Trí, chúng con có năng lực về các loại thần thông và thiên nhĩ giới, chúng con có năng lực về trí biết tâm của người khác.
1131. Chúng con biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
1132. Bạch đấng Đại Hùng, trí của chúng con về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và tương tợ y như thế về phép biện giải là được thành tựu trong sự hiện diện của Ngài.
1133. Bạch đấng Đại Hiền Trí, sự gặp gỡ đối với các đấng Lãnh Đạo Thế Gian trước đây đã được chúng con nhìn thấy rõ. Nhiều hành động hướng thượng của chúng con là nhằm mục đích về Ngài.
1134. Bạch đấng Hiền Trí, xin Ngài nhớ lại nghiệp thiện đã được chúng con thực hiện. Bạch đấng Đại Hùng, phước báu đã được tích lũy bởi chúng con là nhằm mục đích về Ngài.”
1135. Trước đây một trăm ngàn kiếp, có bậc Đại Hiền Trí Padumuttara. Thành phố tên Haṃsavatī là chỗ cư ngụ của gia đình đấng Toàn Giác.
1136. Sông Gaṅgā luôn luôn chảy qua cửa khẩu của thành Haṃsavatī. Bị khuấy rồi bởi dòng sông, các vị tỳ khưu ấy không có được đường đi.
1137. Các vị ấy không có được đường đi đã hai ngày, ba ngày, và luôn cả bảy ngày, sau đó là một tháng, thậm chí bốn tháng đã được tròn đủ.
1138. Khi ấy, bậc ưu tú của loài người đã là viên quan lại tên là Jaṭila. Sau khi nhìn thấy các vị tỳ khưu bị ngăn trở, người đã cho xây dựng cây cầu ở sông Gaṅgā.
1139. Khi ấy, người đã cho xây dựng cây cầu ở sông Gaṅgā với một trăm ngàn, và đã cho xây dựng ngôi trú xá của hội chúng ở bờ sông bên này.
1140. Những người đàn bà luôn cả đàn ông cùng các gia đình thượng và hạ lưu, họ đã góp phần bằng nhau cho cây cầu và ngôi trú xá của vị ấy.
1141. Với tâm ý vui mừng, chúng con và những người khác ở thành phố và ở các quốc độ là những người thừa tự các việc làm của vị ấy.
1142. Những người đàn bà, đàn ông, thiếu niên, và luôn cả nhiều thiếu nữ, họ đã rải cát cho cây cầu và ngôi trú xá.
1143. Sau khi làm việc quét dọn con đường, họ đã thực hiện các lá phướn, các chum đầy (nước), các cây cờ, nhang thắp, bột phấn, tràng hoa là việc tôn kính đến bậc Đạo Sư.
1144. Sau khi cho thực hiện cây cầu và ngôi trú xá, người đã thỉnh mời đấng Hướng Đạo, rồi đã dâng cúng đại thí, và đã ước nguyện quả vị Toàn Giác.
1145. Bậc Đại Hiền Trí, đấng Đại Hùng Padumuttara, bậc giúp cho tất cả các chúng sanh vượt qua đã nói lời tùy hỷ đến vị Jaṭila rằng:
1146. “Khi một trăm ngàn kiếp đã trôi qua sẽ là kiếp Bhadda, (người này) sau khi trải qua kiếp này kiếp khác sẽ đạt đến quả vị giác ngộ.
1147. Những người đàn ông và đàn bà nào đã thực hiện công việc hỗ trợ bằng tay, trong tương lai dài lâu tất cả sẽ gặp lại nhau.”
1148. Do kết quả của nghiệp ấy và do các nguyện lực của tác ý, những người nữ tỳ ấy của Ngài đã được sanh lên cung điện của chư Thiên.
1149. Trong khi thọ hưởng sự sung sướng vô lượng thuộc về cõi trời và vô lượng thuộc về nhân loại một thời gian dài, chúng con đã luân hồi cõi này cõi khác.
1150. Trong một trăm ngàn kiếp về trước, sự thành tựu của nghiệp đã được thể hiện tốt đẹp, chúng con được trẻ đẹp ở giữa loài người rồi ở cung trời cao quý.
1151. Chúng con liên tục thọ lãnh trọn vẹn sự thành tựu của nghiệp đã khéo được thể hiện về sắc đẹp, của cải, danh vọng, luôn cả tiếng tăm, và sự kính trọng.
1152. Khi đạt đến kiếp sống cuối cùng, chúng con đã được sanh ra trong gia tộc Bà-la-môn, có tay chân mềm mại, ở trong cung của người con trai dòng Sakya.
1153. “Bạch đấng Đại Hiền Trí, thậm chí trong mọi thời điểm chúng con cũng không nhìn thấy quả đất là không được trang hoàng, chúng con không nhìn thấy đầm lầy và mặt đất là bị ô nhiễm.
1154. Trong khi sống tại gia, chúng con có được sự tôn trọng trong mọi thời điểm. Do năng lực của nghiệp trước đây, người ta luôn luôn đem lại cho chúng con mọi thứ.
1155. Sau khi từ bỏ gia đình, chúng con đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Chúng con đã được thoát khỏi đạo lộ luân hồi, có tham ái đã được lìa bỏ.
1156. Từ nơi kia từ nơi nọ, người ta luôn luôn đem lại cho chúng con hàng ngàn y phục, vật thực, thuốc men, và chỗ nằm ngồi.”
1157. Các phiền não của chúng con đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), chúng con sống không còn lậu hoặc.
1158. Quả vậy, chúng con đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
1159. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được chúng con đắc chứng; chúng con đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tám mươi bốn ngàn vị tỳ khưu ni thiếu nữ Bà-la-môn trước mặt đức Thế Tôn đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về tám mươi bốn ngàn vị tỳ khưu ni là phần thứ nhì.
--ooOoo--
1160. Ở thành phố Aruṇavatī, có vị Sát-đế-lỵ tên là Aruṇa. Con đã là người vợ của vị vua ấy. Có một lần con đã khiến (người) đưa con đi (du ngoạn).
1161. Khi ấy, con đã đi đến nơi thanh vắng và ngồi xuống, con đã suy nghĩ như vầy: “Dầu đã đạt được vị thế xứng đáng, nhưng không điều lành nào đã được ta thực hiện!
1162. Có lẽ ta sẽ đi đến địa ngục là nơi vô cùng nóng bức, khổ sở, có dáng vẻ rùng rợn, vô cùng khiếp đảm; điều này đối với ta là không có sự hoài nghi (nữa).”
1163. Sau khi suy nghĩ như thế và sau khi đã làm cho tâm được mừng rỡ, con đã đi đến gặp đức vua và đã nói lời nói này:
1164. “Tâu bệ hạ, chúng thiếp là phụ nữ luôn luôn đi theo sau người nam. Tâu vị Sát-đế-lỵ, xin hãy ban cho thiếp một vị sa-môn. Thiếp sẽ chăm lo về vật thực.”
1165. Khi ấy, đức vua đã ban cho con (một) vị sa-môn có (các) giác quan đã được tu tập. Sau khi nhận lấy bình bát của vị ấy, con đã đặt đầy (bình bát) với vật thực thượng hạng.
1166. Sau khi đã đặt đầy (bình bát) với vật thực thượng hạng, con đã đậy lại bằng tấm vải lớn trị giá một ngàn và đã dâng lên với tâm ý hớn hở.
1167. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại con đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
1168. Con đã được thiết lập vào ngôi hoàng hậu của một ngàn vị trời Đế Thích. Con đã được thiết lập vào ngôi hoàng hậu của một ngàn đấng Chuyển Luân Vương.
1169. Vương quyền của địa phận là bao la, vô lượng về phương diện tính đếm. Từ đó, quả báu của nghiệp ấy còn có nhiều hình thức đa dạng khác nữa.
1170. Màu da của con chính là màu của hoa sen, con là người nữ đẹp vô cùng, có dáng nhìn xinh xắn, được thành tựu toàn vẹn về cơ thể, được sanh vào nơi quyền quý, có sự lộng lẫy.
1171. Khi đạt đến kiếp sống cuối cùng, con đã được sanh ra trong gia tộc Sakya, đứng đầu một ngàn nữ nhân của người con trai của (đức vua) Suddhodana.
1172. Nhàm chán cuộc sống tại gia, con đã xuất gia vào đời sống không gia đình. Chưa đến đêm thứ bảy, con đã đạt được bốn Sự Thật.
1173. Con không thể nào ước lượng được số lượng y phục, vật thực, thuốc men, và chỗ nằm ngồi; điều này là quả báu của món vật thực.
1174. Bạch đấng Hiền Trí, xin Ngài nhớ lại việc làm tốt đẹp trước đây của con. Bạch đấng Đại Hùng, nhiều thứ đã được con buông bỏ là nhằm mục đích về Ngài.
1175. Kể từ khi con đã dâng cúng vật thí trước đây ba mươi mốt kiếp, con không còn biết đến khổ cảnh; điều này là quả báu của món vật thực.
1176. Con nhận biết hai cảnh giới là bản thể chư Thiên và nhân loại, con không biết đến cảnh giới nào khác; điều này là quả báu của món vật thực.
1177. Con được sanh vào gia tộc thượng lưu, có đại sảnh đường, có tài sản lớn lao, con không biết đến gia tộc nào khác; điều này là quả báu của món vật thực.
1178. Sau khi luân hồi cõi này cõi khác, được thúcđẩy bởi nhân tố trong sạch con không nhìn thấy điều không vừa ý; (điều này) là quả báu đã được thực hiện với tâm hoan hỷ.
1179. Bạch đấng Đại Hiền Trí, con đã có năng lực vềcác loại thần thông và thiên nhĩ giới, con đã có năng lực về trí biết tâm của người khác.
1180. Con biết được đời sống trước đây, thiên nhãn đượcthanh tịnh, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
1181. Bạch đấng Đại Hùng, trí của con về ý nghĩa, vềpháp, về ngôn từ, và tương tợ như thế về phép biện giải là được thành tựu trong sự hiện diện của Ngài.
1182. Các phiền não của con đã được thiêu đốt, tất cảcác hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), con sống không còn lậu hoặc.
1183. Quả vậy, con đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền củađức Phật tối thượng.
1184. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắngtrí đã được con đắc chứng; con đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Uppaladāyikā trước mặt đức Thế Tôn đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Uppaladāyikā là phần thứ ba.
--ooOoo--
1185. Trước đây một trăm ngàn kiếp, vị Lãnh Đạo, đấng Chiến Thắng tên Padumuttara, bậc thông suốt về tất cả các pháp đã hiện khởi.
1186. Khi ấy, con đã được sanh ra tại Haṃsavatī, trong gia đình vị quan cận thần được rạng rỡ với châu báu khác loại, sung túc, thịnh vượng, có đại tài sản.
1187. Sau khi cùng với người cha dẫn đầu đám đông người đi đến và lắng nghe Giáo Pháp của đức Phật, con đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
1188. Sau khi xuất gia, con đã lánh xa nghiệp ác do thân. Sau khi từ bỏ sở hành xấu xa về lời nói, con đã thanh lọc sự nuôi mạng sống.
1189. Con được tịnh tín với đức Phật, có sự tôn sùng Giáo Pháp và Hội Chúng. Con được gắn bó với việc lắng nghe Chánh Pháp và có lòng khao khát về việc nhìn thấy đức Phật.
1190. Khi ấy, con đã nghe về vị tỳ khưu ni đứng đầu trong số các vị ni có khuynh hướng về đức tin. Sau khi ước nguyện vị thế ấy, con đã làm tròn đủ Tam Học. Do đó, đấng Thiện Thệ với khuynh hướng thuận theo lòng bi mẫn đã nói với con rằng:
1191. “Đức tin của người nào đối với đức Như Lai là không bị lay chuyển, khéo được thiết lập, và giới của người nào là tốt đẹp, tương xứng với bậc Thánh, được ngợi khen.
1192. Người nào có niềm tịnh tín vào Hội Chúng, có bản thể chính trực và có sự nhận thức, người ta nói về vị ấy là ‘kẻ không nghèo,’ đời sống của vị ấy là không vô ích.
1193. Vì thế, người sáng suốt, trong khi ghi nhớ lời dạy của chư Phật, hãy gắn bó vào đức tin, vào giới, vào niềm tịnh tín, và vào việc nhận thức Giáo Pháp.”
1194. Sau khi lắng nghe điều ấy, được hoan hỷ con đã hỏi về điều phát nguyện của con. Khi ấy, đấng Hướng Đạo tối cao, vô lượng, đã chú nguyện rằng:
1195. “Này người thiện nữ, được tịnh tín vào đức Phật nàng sẽ đạt được điều đã ước nguyện ấy. Vào một trăm ngàn kiếp về sau này, bậc Đạo Sư tên Gotama, xuất thân gia tộc Okkāka, sẽ xuất hiện ở thế gian.
1196. Nàng sẽ trở thành nữ Thinh Văn của bậc Đạo Sư, là người thừa tự Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, là chánh thống, được tạo ra từ Giáo Pháp, có tên là ‘Mẹ của Sigālaka.’”
1197. Nghe được điều ấy, con đã trở nên hoan hỷ. Khi ấy, với tâm từ ái con đã phụng sự đấng Chiến Thắng, bậc Lãnh Đạo với các sự hành đạo cho đến hết cuộc đời.
1198. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại con đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
1199. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, con đã được sanh ra ở kinh thành Giribbaja, trong gia đình triệu phú, thịnh vượng, có sự tích lũy các châu báu lớn lao.
1200. Người con trai của con tên Sigālaka là thích thú vào con đường sái quấy. Trong khi lao theo việc nắm giữ tà kiến, nó có sự nhiệt thành với việc cúng dường các phương hướng.[12]
1201. Trong khi đi vào thành phố để khất thực, đức Phật bậc có sự giáo huấn, sau khi nhìn thấy nó đang lễ bái các phương hướng khác nhau, đấng Hướng Đạo đã thiết lập Sigālaka vào Đạo Lộ.
1202. Trong khi Ngài đang thuyết giảng Giáo Pháp, âm điệu của Ngài đáng kinh ngạc. Đã có sự lãnh hội Giáo Pháp của hai koṭi người nam và người nữ.[13]
1203. Khi ấy, con đã đi đến đám đông và đã lắng nghe lời thuyết giảng của đức Thiện Thệ. Con đã đạt đến quả vị Nhập Lưu và đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
1204. Có lòng khao khát về việc nhìn thấy đức Phật, sau khi tu tập pháp tùy niệm ấy trong thời gian không bao lâu, con đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
1205. Con luôn thường xuyên đi đến nhằm mục đích chiêm ngưỡng đức Phật. Con nhìn không biết chán diện mạo có sự hoan hỷ ở đôi mắt.
1206. Con sống, không biết chán với sắc thân cao quý, được hiện hữu với tất cả các pháp toàn hảo, được phân bố với mọi sự tốt lành, là nơi chứa đựng các điều may mắn.
1207. Hoan hỷ về đức hạnh ấy, đấng Chiến Thắng đã thiết lập con vào vị thế tối thắng: “Mẹ của Sigālaka là vị có khuynh hướng về đức tin hạng nhất.”
1208. Bạch đấng Đại Hiền Trí, con đã có năng lực về các loại thần thông và thiên nhĩ giới, con đã có năng lực về trí biết tâm của người khác.
1209. Con biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
1210. Bạch đấng Đại Hùng, trí của con về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và tương tợ như thế về phép biện giải là được thành tựu trong sự hiện diện của Ngài.
1211. Các phiền não của con đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), con sống không còn lậu hoặc.
1212. Quả vậy, con đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
1213. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được con đắc chứng; con đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Sigālamātā trước mặt đức Thế Tôn đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Sigālamātā là phần thứ tư.
--ooOoo--
1214. Trước đây chín mươi mốt kiếp, đã hiện khởi đấng Lãnh Đạo tên Vipassī, là vị có ánh mắt thu hút, là vị thấy rõ tất cả các pháp.
1215. Khi ấy, con đã được sanh ra trong một gia đình nọ tại thành Bandhumatī. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của bậc Hiền Trí, con đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
1216. Là người nghe nhiều (học rộng), thông thạo Giáo Pháp, tài biện giải cũng như thế, là vị thuyết giảng hay, và cũng là người thực hành theo lời dạy của đấng Chiến Thắng.
1217. Khi ấy, con đã thực hiện việc thuyết Pháp có nhiều lợi ích cho dân chúng. Từ nơi ấy chết đi, con đã đạt đến cõi trời Đẩu Suất, có được danh tiếng.
1218. Trước đây ba mươi mốt kiếp, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi ở thế gian bậc Chiến Thắng Sikhī cao quý, chói sáng với danh tiếng như là ngọn lửa.
1219. Khi ấy, con cũng đã xuất gia. Là vị rành rẽ về lời dạy của đức Phật, con đã làm rạng rỡ những lời giảng của đấng Chiến Thắng, sau đó cũng đã đi đến cõi Đạo Lợi.
1220. Trước đây ba mươi mốt kiếp, đấng Lãnh Đạo tên Vessabhū có đại trí tuệ đã hiện khởi. Và cũng vào lúc ấy, con đã được sanh ra tương tợ y như thế.
1221. Sau khi xuất gia, thông thạo Giáo Pháp, con đã làm rạng rỡ lời dạy của đấng Chiến Thắng. Sau khi đi đến thành phố chư Thiên xinh đẹp, con đã thọ hưởng lạc thú lớn lao.
1222. Trong kiếp Bhadda này, đấng Chiến Thắng tối thượng Kakusandha, bậc Nhân Báo đã hiện khởi. Và cũng vào lúc ấy, con đã được sanh ra tương tợ y như thế.
1223. Sau khi xuất gia, con đã làm rạng rỡ quan điểm của bậc Hiền Trí cho đến hết tuổi thọ. Từ nơi ấy chết đi, con đã đi đến cõi trời Đạo Lợi tợ như đi đến chỗ ngụ của mình.
1224. Chính ở trong kiếp này, đã hiện khởi đấng Lãnh Đạo Koṇāgamana, bậc Nương Nhờ của thế gian, là đấng Tối Thượng của tất cả chúng sanh.
1225. Cũng vào khi ấy, sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của bậc như thế ấy, là người nghe nhiều (học rộng), thông thạo Giáo Pháp, con đã làm rạng rỡ lời dạy của đấng Chiến Thắng.
1226. Chính ở trong kiếp này, đã hiện khởi đấng Tối Thượng Nhân Kassapa, là con mắt của thế gian, không dục vọng, bậc đã đi đến tận cùng của sự chết.
1227. Con cũng đã xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng của loài người ấy, có Chánh Pháp đã được học tập, là tự tin trong việc chất vấn.
1228. Có giới tốt đẹp, có sự khiêm tốn, và rành rẽ về Tam Học (Giới, Định, Tuệ). Con đã nhiều lần thực hiện việc thuyết Pháp đem lại điều lợi ích cho đến hết cuộc đời.
1229. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại con đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
1230. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, con đã được sanh ra tại kinh thành Giribbaja, trong gia đình triệu phú, thịnh vượng, có sự tích lũy châu báu lớn lao.
1231. Vào lúc ấy, được tháp tùng bởi một ngàn vị tỳ khưu, đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã đi vào thành Rājagaha, và đã được ca ngợi bởi vị có ngàn mắt (trời Sakka):
1232. “Là bậc đã chế ngự cùng với các vị đã được chế ngự, là bậc đã giải thoát cùng với các vị đã được giải thoát trước đây là các đạo sĩ tóc bện, đức Thế Tôn có màu da tợ như vàng đã đi vào thành Rājagaha.”[14]
1233. Sau khi nhìn thấy oai lực ấy của đức Phật, và sau khi lắng nghe sự tích lũy về đức hạnh, con đã làm cho tâm được tịnh tín ở đức Phật và đã cúng dường Ngài tùy theo năng lực.
1234. Và vào thời điểm khác, trong sự hiện diện của vị ni Dhammadinnā, con đã rời khỏi gia đình và đã xuất gia vào đời sống không gia đình.
1235. Trong khi các sợi tóc đang được cạo, con đã tham thiền về các phiền não. Sau khi xuất gia không bao lâu, con đã học xong toàn bộ Giáo Pháp.
1236. Sau đó, con đã thuyết giảng Giáo Pháp ở hội chúng đông người. Trong khi Giáo Pháp đang được thuyết giảng, đã có sự lãnh hội Giáo Pháp –
1237. – của nhiều ngàn người. Sau khi biết được điều đó, có vị Dạ Xoa đã vô cùng ngạc nhiên. Vô cùng tịnh tín đối với con, vị Dạ Xoa đã đi quanh thành Giribbaja (thông báo rằng):
1238. “Những người dân này ở Rājagaha đã làm gì? Họ ngồi yên như là đã uống (say) mật ong mà không đi đến vị ni Sukkā đang thuyết giảng về vị thế Bất Tử?
1239. Và Giáo Pháp ấy là không thể cưỡng lại, không bị trộn lẫn, có dưỡng chất. Tôi nghĩ rằng những người có trí tuệ uống (Giáo Pháp ấy) tợ như người lữ hành uống (nước từ) đám mây mưa.”
1240. Bạch đấng Đại Hiền Trí, con đã có năng lực về các loại thần thông và thiên nhĩ giới, con đã có năng lực về trí biết tâm của người khác.
1241. Con biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
1242. Bạch đấng Đại Hùng, trí của con về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và tương tợ y như thế về phép biện giải là được thành tựu trong sự hiện diện của Ngài.
1243. Các phiền não của con đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), con sống không còn lậu hoặc.
1244. Quả vậy, con đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
1245. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được con đắc chứng; con đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Sukkā trước mặt đức Thế Tôn đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Sukkā là phần thứ năm.
Tụng phẩm thứ năm.
--ooOoo--
1246. Trước đây chín mươi mốt kiếp, đã hiện khởi đấng Lãnh Đạo tên Vipassī, là vị có ánh mắt thu hút, là bậc Hữu Nhãn về tất cả các pháp.
1247. Khi ấy, con đã được sanh ra ở Bandhumatī, trong gia tộc lớn, sung túc, thịnh vượng, có sắc đẹp, được yêu quý, và xứng đáng sự tôn vinh của dân chúng.
1248. Con đã đi đến đấng Đại Hùng, bậc Lãnh Đạo Thế Gian Vipassī. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp, con đã đi đến nương nhờ vào bậc Lãnh Đạo của nhân loại.
1249. Con đã thu thúc trong các giới. Và khi đấng Tối Thượng Nhân Niết Bàn, con đã cúng dường chiếc lọng che bằng vàng ở bên trên ngôi bảo tháp xá-lợi.
1250. Là người nữ có sự xả bỏ đã được mở ra, có giới hạnh cho đến hết cuộc đời, con đã mệnh chung từ nơi ấy. Sau khi từ bỏ thân nhân loại, con đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
1251. Khi ấy, con đã hưởng thụ mười điều thừa thải là: các sắc, các thinh, các hương, các vị, các xúc, –
1252. – cùng với tuổi thọ, sắc đẹp, sung sướng, danh vọng, và quyền uy là tương tợ y như thế. Con đã vượt trội, con đã huy hoàng.
1253. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, con đã được sanh ra ở thành Kapila, là con gái của Khemaka dòng Sakya, được nổi danh với tên là Nandā.
1254. Sắc đẹp tuyệt trần là tên hiệu công nhận về vẻ yêu kiều của con. Khi đạt đến tuổi thanh xuân, con đã được điểm tô với sắc đẹp mặn mà.
1255. Khi ấy, sự tranh chấp giữa các vị dòng Sakya về việc của con đã trở nên vô cùng trầm trọng. Do đó, cha đã khiến (con) xuất gia: “Chớ để dòng Sakya bị hủy hoại.”
1256. Sau khi xuất gia, nghe rằng đức Như Lai bậc Tối Thượng Nhân là người có sự chỉ trích về sắc thân, tự hào về sắc đẹp của mình con đã không đến (gặp Ngài).
1257. E ngại về việc diện kiến đức Phật, con cũng không đi về việc giáo giới. Khi ấy, bằng phương kế đấng Chiến Thắng đã đưa (con) đến gặp Ngài.
1258. Nhờ vào thần thông, bậc rành rẽ về Đạo Lộ đã thị hiện ra ba người phụ nữ có sắc đẹp tương tợ tiên nữ, còn trẻ tuổi, bị già, và bị chết.
1259. Sau khi nhìn thấy ba người nữ ấy, bị vô cùng chấn động, không còn tham ái ở xác thân, con đã ổn định, đã nhàm chán hiện hữu. Khi ấy, bậc Lãnh đạo đã nói với con rằng:
1260. “Này Nandā, hãy xem xét thân thể bệnh hoạn, bất tịnh, hôi thối, đang tiết ra, đang rò rỉ lại được hứng thú đối với những kẻ ngu.
1261. Nàng hãy tu tập tâm được chuyên nhất khéo tập trung về đề mục bất mỹ (tử thi), thân này như thế nào thì xác kia như vậy.
1262. Trong khi quán xét xác thân này như thế, đêm ngày không mệt mỏi, sau đó với tuệ của chính mình nàng hãy nhàm chán rồi an trú.”
1263. Trong khi con đây đang sống không xao lãng ở nơi đây một cách đúng đắn, thân xác này đã được nhìn thấy bên trong lẫn bên ngoài đúng theo thực thể.
1264. Khi ấy, con đã nhàm chán về thân, và con đã ly tham nội phần. Con không xao lãng, không vướng bận, an tịnh, Niết Bàn.
1265. Bạch đấng Đại Hiền Trí, con đã có năng lực về các loại thần thông và thiên nhĩ giới, con đã có năng lực về trí biết tâm của người khác.
1266. Con biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
1267. Bạch đấng Đại Hùng, trí của con về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và tương tợ y như thế về phép biện giải là được thành tựu trong sự hiện diện của Ngài.
1268. Các phiền não của con đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), con sống không còn lậu hoặc.
1269. Quả vậy, con đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
1270. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được con đắc chứng; con đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Rūpanandātrước mặt đức Thế Tôn đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Rūpanandā là phần thứ sáu.
--ooOoo--
1271. Ở vào kiếp Bhadda này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên là Kassapa, có danh tiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên.
1272. Khi ấy, sau khi xuất gia trong Giáo Pháp của vị Phật ấy, con đã thu thúc trong giới bổn Pātimokkha và ở năm giác quan.
1273. 1274. Là người có sự tri túc trong vật thực và còn được gắn bó trong việc tỉnh thức nữa, trong khi sống con có thiền tập được gắn bó. Với tâm ác xấu, con đã mắng nhiếc vị tỳ khưu ni có lậu hoặc đã được xa lìa. Và khi ấy, con đã nói rằng: “Đồ kỹ nữ.” Do ác nghiệp ấy, con đã bị nung nấu ở địa ngục.
1275. Do phần dư sót của chính nghiệp ấy, con đã bị sanh ra trong gia đình kỹ nữ, đa phần bị phụ thuộc vào người khác cho đến cuộc sống cuối cùng.
1276. Do quả báu của việc thực hành Phạm hạnh, con đã được sanh ra ở xứ Kāsi trong gia đình triệu phú. Con đã có sự thành tựu về sắc đẹp như là cô tiên nữ ở giữa chư Thiên.
1277. Sau khi nhìn thấy con là (xinh xắn) đáng nhìn, họ đã sắp xếp con vào thân phận gái điếm ở trong kinh thành Giribbaja, vì quả báu về sự mắng nhiếc của con.
1278. Con đây sau khi lắng nghe lời thuyết giảng Chánh Pháp của đức Phật Tối Thượng, con đã xuất gia vào đời sống không gia đình; con đã đạt được cuộc sống trước đây.
1279. Sau đó, trong khi đi đến gặp đấng Chiến Thắng vì mục đích tu lên bậc trên, con đã nghe rằng các kẻ vô lại đứng chận ở trên đường, và con đã đạt được sự tu lên bậc trên bằng sứ giả.[15]
1280. Tất cả các nghiệp đã được cạn kiệt, và tương tợ như thế về phước thiện và điều ác xấu. Con đã vượt qua tất cả các sự luân hồi, và thân phận gái điếm đã được quăng bỏ.
1281. Bạch đấng Đại Hiền Trí, con đã có năng lực về các loại thần thông và thiên nhĩ giới, con đã có năng lực về trí biết tâm của người khác.
1282. Con biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
1283. Bạch đấng Đại Hùng, trí của con về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và tương tợ như thế về phép biện giải là được thành tựu trong sự hiện diện của Ngài.
1284. Các phiền não của con đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), con sống không còn lậu hoặc.
1285. Quả vậy, con đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
1286. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được con đắc chứng; con đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Aḍḍhakāsī trước mặt đức Thế Tôn đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Aḍḍhakāsī là phần thứ bảy.
--ooOoo--
1287. (Trong Giáo Pháp) của đức Thế Tôn Vipassī, Sikhī, Vessabhū, Kakusandha, và như thế ấy (trong Giáo Pháp) của bậc Hiền Trí Koṇāgamana.
1288. Và trong Giáo Pháp của đức Phật Kassapa, sau khi xuất gia con đã là vị tỳ khưu ni thành tựu về giới, cẩn trọng, có các giác quan được thu thúc.
1289. Là người nghe nhiều (học rộng), thông thạo Giáo Pháp, là người vấn hỏi các ý nghĩa của Giáo Pháp, là người học tập và lắng nghe các Pháp, là người phục vụ (bậc Đạo Sư).
1290. Trong khi thuyết giảng ở giữa dân chúng, con đã ở trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Với sự học rộng ấy, hạnh tốt, con đã tự cao.
1291. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, con đã được sanh ra tại kinh thành Sāvatthī trong nhà của Anāthapiṇḍika, (con) của người nữ tỳ lo việc đội nước.
1292. Đi đội nước, con đã nhìn thấy vị Bà-la-môn Sotthiya bị khổ sở vì lạnh ở trong nước. Sau khi nhìn thấy vị ấy, con đã nói điều này:
1293. “Là người nữ đội nước, tôi ở trong sự lạnh lẽo, tôi đã thường xuyên lội xuống nước. Tôi sợ hãi vì nỗi lo về hình phạt của những người chủ, bị khổ sở vì nỗi lo về sự sai trái của lời nói.
1294. Này người Bà-la-môn, ngài sợ hãi điều gì khiến ngài đã thường xuyên lội xuống nước? Với các bộ phận của cơ thể đang run rẩy, ngài tự biết sự lạnh là kinh khủng.”
1295. “Này cô Puṇṇikā quý mến, quả nhiên trong khi cô biết lại còn chất vấn ta là người đang thực hiện việc tốt và đang cản ngăn điều ác đã làm.
1296. Này cô, người nào dầu già hoặc còn trẻ thực hiện nghiệp ác, nhờ vào việc tắm gội bằng nước (người ấy) được thoát khỏi nghiệp ác.”
1297. Con đã nói cho người đang lội ra (khỏi nước) về Đạo Lộ hội đủ Pháp và ý nghĩa. Và sau khi biết được điều ấy, bị chấn động, người ấy đã xuất gia và đã trở thành vị A-la-hán.
1298. Do việc con đã được sanh ra ở gia đình nô bộc làm tròn đủ một trăm (người) không thiếu hụt, vì việc đó tên của con là Puṇṇā. Những người (chủ) ấy đã cho con trở thành người tự do.
1299. Nhờ vào điều ấy, con đã làm cho người triệu phú được hoan hỷ và con đã xuất gia vào đời sống không gia đình Trong thời gian không bao lâu con đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
1300. Bạch đấng Đại Hiền Trí, con đã có năng lực về các loại thần thông và thiên nhĩ giới, con đã có năng lực về trí biết tâm của người khác.
1301. Con biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
1302. Trí tuệ của con về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và tương tợ y như thế về phép biện giải là trong sạch, không bợn nhơ, nhờ vào sự tác động của đức Phật tối thượng.
1303. Do việc tu tập con trở thành vị ni có đại trí tuệ, và do việc nghe con trở thành vị ni thông thái, Việc bị sanh ra trong gia tộc hạ tiện do ngã mạn chính là vì nghiệp không bị tiêu hoại.
1304. Các phiền não của con đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), con sống không còn lậu hoặc.
1305. Quả vậy, con đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
1306. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được con đắc chứng; con đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Puṇṇā trước mặt đức Thế Tôn đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Puṇṇā là phần thứ tám.
--ooOoo--
1307. Vị có vòng hoa đội đầu được phát ra hào quang là bậc Đại Hiền Trí tên Phussa. Con đã là người em gái của vị ấy. Con đã được sanh ra trong gia tộc Sát-đế-lỵ.
1308. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của vị ấy, với tâm tư trong sạch con đã dâng cúng đại thí và đã ước nguyện sự thành tựu về sắc đẹp.
1309. Trước đây ba mươi mốt kiếp, đã hiện khởi bậc Quang Đăng của thế gian, đấng Chiến Thắng, vị Lãnh Đạo Thế Gian Sikhī, bậc Nương Nhờ của tam giới.
1310. Khi ấy, con xuất thân gia tộc Bà-la-môn ở trong thành Aruṇa xinh đẹp. Bị sân hận, con đã cho người nguyền rủa vị tỳ khưu ni có tâm giải thoát rằng:
1311. “Cô chính là gái điếm, không có hạnh kiểm, là kẻ làm bại hoại Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.” Con đã cho người mắng nhiếc như thế. Do hành động xấu xa ấy, –
1312. – con đã đi đến địa ngục khắc nghiệt, bị thọ lãnh khổ đau cùng cực. Từ nơi ấy chết đi, con đã được sanh ra giữa loài người, là nữ đạo sĩ khổ hạnh.
1313. Con đã bị buộc làm thân phận gái điếm mười ngàn kiếp sống. Do việc ác ấy con đã không được giải thoát, như là đã thọ dụng chất độc xấu xa vậy.
1314. Con đã rèn luyện Phạm hạnh trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng Kassapa. Do kết quả của nghiệp ấy, con đã được sanh ra ở cõi trời Đạo Lợi.
1315. Khi đạt đến kiếp sống cuối cùng, con đã là người được hóa sanh. Con đã được sanh ra ở giữa cành cây xoài, vì thế con là “Ambapālī.”
1316. Được tùy tùng với nhiều koṭi sanh mạng, con đã xuất gia trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng. Con đã đạt đến vị thế bất động, được tồn tại, là chánh thống của đức Phật.
1317. Bạch đấng Đại Hiền Trí, con đã có năng lực về các loại thần thông và sự thanh tịnh về nhĩ giới, con đã có năng lực về trí biết tâm của người khác.
1318. Con biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
1319. Trí tuệ của con về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và tương tợ y như thế về phép biện giải là trong sạch, không bợn nhơ, nhờ vào sự tác động của đức Phật tối thượng.
1320. Các phiền não của con đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), con sống không còn lậu hoặc.
1321. Quả vậy, con đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
1322. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được con đắc chứng; con đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Ambapālī trước mặt đức Thế Tôn đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Ambapālī là phần thứ chín.
--ooOoo--
1323. Ở vào kiếp Bhadda này, trong số các vị đang thuyết giảng đã hiện khởi đấng cao quý tên là Kassapa, có danh tiếng vĩ đại, là thân quyến của đấng Phạm Thiên.
1324. Con đã được sanh ra trong gia đình cư sĩ tại kinh thành Sāvatthī. Sau khi nhìn thấy đấng Chiến Thắng cao quý ấy con đã lắng nghe lời thuyết giảng.
1325. Sau khi đi đến nương tựa vào vị Anh Hùng ấy, con đã thọ trì các giới. Có lần nọ bậc Đại Hùng ấy ở tại cuộc tụ hội của đám đông dân chúng.
1326. Đấng Nhân Ngưu đã công bố quả vị Chánh Đẳng Giác của mình: “Về các pháp trước đây chưa từng được nghe, về khổ, v.v...
1327. (Pháp) nhãn, trí, tuệ, minh, và ánh sáng đã có cho Ta.” Sau khi lắng nghe điều ấy, con đã học và đã vấn hỏi các vị tỳ khưu.
1328. Do nghiệp ấy đã được thực hiện tốt đẹp và do các nguyện lực của tác ý, sau khi từ bỏ thân nhân loại con đã đi đến cõi trời Đạo Lợi.
1329. Và trong kiếp sống cuối cùng hiện nay, được sanh ra trong đại gia đình triệu phú con đã đi đến đức Phật và đã lắng nghe Chánh Pháp bao gồm các Sự Thật.
1330. Sau khi xuất gia chẳng bao lâu, trong khi suy xét về ý nghĩa của các Sự Thật, con đã quăng bỏ tất cả các lậu hoặc và đã thành tựu phẩm vị A-la-hán.
1331. Bạch đấng Đại Hiền Trí, con đã có năng lực về các loại thần thông và thiên nhĩ giới, con đã có năng lực về trí biết tâm của người khác.
1332. Con biết được đời sống trước đây, thiên nhãn được thanh tịnh, tất cả các lậu hoặc đã được cạn kiệt, giờ đây không còn tái sanh nữa.
1333. Trí tuệ của con về ý nghĩa, về pháp, về ngôn từ, và tương tợ y như thế về phép biện giải là trong sạch, không bợn nhơ, nhờ vào sự tác động của đức Phật tối thượng.
1334. Các phiền não của con đã được thiêu đốt, tất cả các hữu đã được xóa sạch. Sau khi cắt đứt sự trói buộc như là con voi cái (đã được cởi trói), con sống không còn lậu hoặc.
1335. Quả vậy, con đã thành công mỹ mãn, đã thành tựu tam minh, đã thực hành lời dạy của đức Phật trong sự hiện tiền của đức Phật tối thượng.
1336. Bốn (tuệ) phân tích, tám giải thoát, và sáu thắng trí đã được con đắc chứng; con đã thực hành lời dạy của đức Phật.
Tỳ khưu ni Pesalā đã nói lên những lời kệ này như thế ấy.
Ký sự về trưởng lão ni Pesalā là phần thứ mười.
Phẩm Sát-đế-lỵ là phẩm thứ tư.
--ooOoo--
TÓM LƯỢC CỦA PHẨM NÀY
Các vị ni dòng Sát-đế-lỵ, luôn cả các vị ni dòng Bà-la-môn, tương tợ như thế là vị ni Uppaladāyikā, vị ni Sigālamātā, vị ni Sukkā, vị ni vô cùng xinh đẹp (Rūpanandā), vị ni Aḍḍhakāsikā, vị ni Puṇṇā, vị ni Ambapālī, và vị ni Pesalā ấy là mười. Ở đây, có hai trăm câu kệ ngôn và thêm vào bốn mươi hai câu nữa.
--ooOoo--
GIỜ LÀ PHẦN TÓM LƯỢC CỦA CÁC PHẨM
(Bốn Phẩm) Sumedhā, Ekūposathā, Kuṇḍalakesī, Khattiyā được gộp chung lại có một ngàn ba trăm bốn mươi bảy kệ ngôn. Cùng với các câu kệ của phần tóm lược đã được tính đếm bởi các bậc trí là một ngàn ba trăm năm mươi bảy câu kệ cả thảy.
Ký Sự về Trưởng Lão Ni được đầy đủ.
Bộ Kinh Apadāna được đầy đủ.
--ooOoo--
[1]Xem Bổn Sanh Sulasā, tích chuyện 419.
[2] Sau khi đã được nhổ sạch, những sợi tóc mọc lại đã bị xoắn nên có biệt hiệu là Kuṇḍalakesā (tóc xoắn).
[3] Kinh Pháp Cú, câu 113.
[4] Xem thêm Kinh Cūlavedallasuttaṃ - Tiểu Kinh Phương Quảng, Trung Bộ I.
[5] Kinh Pháp Cú, câu 112.
[6] Các câu kệ từ 952 - 957 không thấy ở Tạng Thái và Tạng Anh.
[7] Jambudīpa: bán đảo Ấn Độ.
[8] Một koṭi là mười triệu.
[9] Kế tiếp có hai mươi câu kệ được thấy ở Tạng Thái, Miến, Anh, nhưng không thấy ở Tạng Sri Lanka. Vì nội dung không có gì đặc sắc nên không thêm vào.
[10] Uppaladāyikā có ý nghĩa là “người nữ dâng cúng hoa sen xanh.”
[11] Sigālamātā nghĩa là “mẹ của Sigāla.”
[12] Xem Sigālasuttaṃ, Kinh Trường Bộ III.
[13] Hai koṭi là hai mươi triệu.
[14] Việc này được đề cập ở Luật Đại Phẩm, Chương 1.
[15] Việc này được đề cập ở Luật Tiểu Phẩm, Chương 10.
PHẦN GIỚI THIỆU
Tập kinh Buddhavaṃsa được xếp vào Tạng Kinh, thuộc Tiểu Bộ. Chú Giải có tên là Madhuratthavilāsinī được thực hiện do công của Ngài Buddhadatta, một trong ba vị Chú Giải Sư nổi tiếng sống vào khoảng cuối thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên (Hai vị kia là ngài Buddhaghosa và ngài Dhammapāla).
Về nội dung, tập kinh Buddhavaṃsa trình bày quá trình tu tập và chứng đạt quả vị Toàn Giác của đức Phật Gotama (Cồ Đàm), tức là đức Phật Thích Ca đang được chúng ta thờ phượng hiện nay. Tập kinh được bắt đầu với việc đấng Phạm Thiên thỉnh cầu đức Phật Gotama thuyết Pháp và giới thiệu sơ lược về quá trình tế độ chúng sanh của Ngài từ lúc chuyển vận Pháp Luân cho đến lúc quay trở về thành Kapilavatthu để tế độ đức vua cha Suddhodana (Tịnh Phạn). Lúc ấy, ở bờ sông Rohiṇī Ngài đã sử dụng thần thông làm hiện ra con đường kinh hành được trang hoàng bằng châu báu ở trên không trung. Cũng vào lúc đó, ngài Sārīputta (Xá-lợi-phất) đang đứng ở núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu) tại thành Rājagaha (Vương Xá), tuy khoảng cách rất xa có thể lên đến cả ngàn cây số (?) nhưng ngài Sārīputta vẫn có thể chiêm ngưỡng được đức Phật. Kế đó, ngài Sārīputta đã cùng năm trăm vị A-la-hán trong đó có các ngài Moggallāna (Mục-kiền-liên), Mahākassapa (Đại Ca-diếp), Anuruddha, Upāli, Puṇṇa dùng thần thông bay đến bên đức Phật để hỏi đức Phật về công hạnh nào được thực hiện trong quá khứ khiến Ngài có được oai lực cao quý như thế. Bằng trí tuệ hướng về các kiếp sống trước đây, đức Phật đã giảng giải về lịch sử của chư Phật nhằm mục đích đem lại điều lợi ích cho chư thiên và nhân loại.
Chương kế là câu chuyện về đức Bồ Tát Sumedha, tiền thân của đức Phật Gotama. Đây là lời giải bày cụ thể về những điều kiện đầu tiên cần phải có của một vị Bồ Tát để đạt được sự chú nguyện (vyākaraṇa) về việc chắc chắn được thành tựu quả vị Phật Toàn Giác trong ngày vị lai: Trước hết, vị Bồ Tát phải có sự phát nguyện ban đầu (abhinīhāra), và lời phát nguyện ban đầu chỉ có hiệu quả khi nào vị Bồ Tát hội đủ tám điều kiện: 1/- Bản thân là loài người, 2/- Là người nam thành tựu nam căn, 3/- Có chủng tử (có khả năng chứng đắc quả vị A-la-hán trong kiếp sống ấy), 4/- Nhìn thấy bậc Đạo Sư (phải sanh vào lúc vị Phật đang còn tại tiền), 5/- Là vị xuất gia (sống đời ẩn sĩ), 6/- Hội đủ đức hạnh (chứng đắc về thiền và thần thông), 7/- Có hành động hướng thượng (đến vị Phật đương thời), 8/- Và có lòng ước muốn theo đuổi thực hành hạnh nguyện (Chương I: câu kệ 58). Vị Bồ Tát cần phải thể hiện hành động hướng thượng (adhikāra) đến đức Phật đương thời và được vị Phật ấy chú nguyện (I: 59-69). Kế đến, vị Bồ Tát cần quán xét về bản thân (I: 77-80) và các pháp tu tập cần phải thực hành để đạt đến quả vị Phật cao quý. Trong thời gian dài đăng đẳng kế tiếp, trải qua không biết là bao nhiêu kiếp sống trôi nổi luân hồi, vị Bồ Tát cần phải đạt đến sự toàn hảo về mười pháp (10 pháp ba-la-mật) là: bố thí, trì giới, xuất ly, trí tuệ, tinh tấn, nhẫn nại, chân thật, quyết định, từ ái, và hành xả (I: 115-165). Và mức độ của sự thực hành mười pháp này là vị Bồ Tát phải đạt đến sự toàn hảo tối thượng (paramatthapāramī). Đơn cử về pháp bố thí, vị Bồ Tát cần phải hoàn thành năm phép đại thí (pañca mahāpariccāya) là: bố thí vợ, con, vương quốc, mạng sống, bộ phận của cơ thể.
Điểm quan trọng cần đề cập đến là thời gian kéo dài trong việc thực hành 10 pháp này kể từ lúc nhận được sự chú nguyện của vị Phật đầu tiên cho đến khi chứng đắc quả vị Toàn Giác. Đơn cử trường hợp đức Phật Gotama: Ngài là vị Bồ Tát hạnh Trí Tuệ nên thời gian hành pháp Bồ Tát của Ngài là ngắn nhất (heṭṭhimapariccheda) gồm có 4 a-tăng-kỳ (asaṅkheyya) và 100.000 kiếp (kappa) tính từ thời điểm của đức Bồ Tát Sumedha. Còn vị Bồ Tát hạnh Đức Tin thời gian sẽ là 8 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp, và vị Bồ Tát hạnh Tinh Tấn thời gian sẽ là 16 a-tăng-kỳ và 100.000 kiếp.
Như thế, thời gian kéo dài của một kiếp (kappa) sẽ là bao lâu? Trong Samyuttanikāya, đức Phật đã cho ví dụ khi giải thích vấn đề này: “ Ví như, này Tỷ-kheo, có một hòn núi đá lớn, một do tuần bề dài, một do tuần bề rộng, một do tuần bề cao, không có khe hở, không có lỗ hổng, một tảng đá thuần đặc. Rồi một người đến, cứ sau một trăm năm lại lau hòn đá ấy một lần với tấm vải kàsi. Này Tỷ-kheo, hòn núi đá lớn ấy được làm như vậy có thể đi đến đoạn tận, đoạn diệt mau hơn là một kiếp.” Hoặc “Ví như, này Tỷ-kheo, có một thành bằng sắt, dài một do tuần, rộng một do tuần, cao một do tuần, chứa đầy hột cải cao như chóp khăn đầu. Một người từ nơi chỗ ấy, sau mỗi trăm năm lấy ra một hột cải. Này Tỷ-kheo, đống hột cải ấy được làm như vậy, có thể đi đến đoạn tận, đoạn diệt mau hơn là một kiếp.”[1]Như vậy là khoảng thời gian kéo dài của một kiếp.
Về định nghĩa của từ a-tăng-kỳ (asaṅkheyya), đa số các tài liệu giải thích đều cho trích dẫn ở Tạng Kinh Aṅguttaranikāya: “Này các Tỷ-kheo, có bốn vô lượng của kiếp (kappassa asaṅkheyyāni) này. Thế nào là bốn? 1/- Khi kiếp chuyển thành, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì để ước tính có bao nhiêu năm như vậy, có nhiều trăm năm như vậy, có nhiều ngàn năm như vậy. Có nhiều trăm ngàn năm như vậy. 2/- Khi kiếp đã chuyển thành và dừng lại, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì ước tính như vậy. 3/- Khi kiếp chuyển hoại, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì ước tính có nhiều năm như vậy ... như vậy. 4/- Khi kiếp đã chuyển hoại và dừng lại, này các Tỷ-kheo, thật không dễ gì ước tính ... như vậy. Này các Tỷ-kheo, có bốn vô lượng của kiếp này.”[2]Theo định nghĩa này, asaṅkheyya (a-tăng-kỳ) là một đơn vị đo thời gian và bốn asaṅkheyya (a-tăng-kỳ) thành, trụ, hoại, không sẽ tạo thành một kappa (kiếp). Theo ngữ cảnh của Buddhavaṃsa, định nghĩa asaṅkheyya (a-tăng-kỳ) như trên xem không được thích hợp lắm. Trong ngữ cảnh này, bản thân chúng tôi nghĩ rằng asaṅkheyya có thể là con số đếm theo nghĩa đơn thuần của asaṅkheyya là một con số rất lớn không thể đếm được.[3]Làm sao để giải thích 4 asaṅkheyya, 8 asaṅkheyya 16 asaṅkheyya như đã đề cập ở trên? Chúng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm lời giải thích trong tương lai. Vả lại, chỉ riêng khoảng thời gian kéo dài của 100.000 kiếp (kappa) cũng đủ để chúng ta mường tượng ra khoảng thời gian ấy là bao lâu và công hạnh của một vị Phật Toàn Giác đối với chúng sanh là như thế nào.
Trong tập kinh Buddhavaṃsa (Phật Sử), tên của hai mươi tám vị Phật Toàn Giác thuộc thời quá khứ đã được đề cập đến nhưng chỉ trình bày sử liệu của các vị từ đức Phật Dīpaṅkara, là vị đầu tiên đã ban lời chú nguyện cho đức Bồ Tát Sumedha, cho đến đức Phật Gotama tức là Phật Thích Ca gồm các chi tiết như sau: Thời điểm của vị Phật tính theo kiếp (kappa), tên của vị Phật vào thời kỳ đó, số lần lãnh hội (abhisamaya), số lần của các cuộc hội tụ (samāgama). Bản thân đức Bồ Tát vào thời kỳ ấy về nguồn gốc xuất thân, tên, phẩm hạnh, hành động thù thắng đã được thực hiện đến đức Phật, lời chú nguyện của đức Phật. Chi tiết của vị Phật vào thời kỳ ấy gồm có: Tên của thành phố, cha và mẹ, thời gian sống tại gia, tên của ba tòa lâu đài, số lượng người nữ hầu hạ, tên vợ, tên con trai, bốn điều báo hiệu, phương tiện di chuyển lúc ra đi, thời gian hành khổ hạnh, Phạm Thiên thỉnh cầu, địa điểm chuyển vận Pháp Luân, tên hai vị tỳ khưu Thinh Văn hàng đầu, tên vị thị giả, tên hai vị tỳ khưu ni Thinh Văn hàng đầu, tên cội Bồ Đề, tên hai vị thí chủ hộ độ hàng đầu, tên hai vị nữ thí chủ hộ độ hàng đầu, chiều cao của đức Phật, hào quang, tuổi thọ của đức Phật, Niết Bàn, bảo tháp và xá-lợi.
Cũng cần nói thêm về sự phân loại của kappa (kiếp). Có hai loại kappa (kiếp): suñña-kappa (kiếp trống không) tức là kiếp không có đức Phật Toàn Giác, Phật Độc Giác, hoặc Chuyển Luân Vương xuất hiện, nghĩa là kiếp không có những nhân vật có đức hạnh sanh lên. Và a-suñña-kappa (kiếp không trống không) là có năm hạng: sāra-kappa (có một vị Phật Toàn Giác xuất hiện), maṇḍa-kappa (có hai ...), vara-kappa (có ba ...), sāramaṇḍa-kappa (có bốn ...), và bhadda-kappa (có năm vị Phật Toàn Giác xuất hiện); nhiều vị Phật hơn nữa trong một kiếp là không có. Thứ tự các vị Phật được sắp xếp theo các kappa (kiếp) được trình bày như sau:
- Sāramaṇḍa-kappa: Bốn vị Phật là Taṇhaṅkara, Medhaṅkara, Saraṇaṅkara, và Dīpaṅkara (1)
- Sāra-kappa: Một vị Phật là Koṇḍañña (2)
- Sāramaṇḍa-kappa: Bốn vị Phật là Maṅgala, Sumana, Revata, Sobhita (3-6)
- Vara-kappa: Ba vị Phật là Anomadassī, Paduma, Nārada (7-9)
- Sāra-kappa: Một vị Phật là Padumuttara (10)
- Maṇḍa-kappa: Hai vị Phật là Sumedha, Sujāta (11-12)
- Vara-kappa: Ba vị Phật là Piyadassī, Atthadassī, Dhammadassī (13-15)
- Sāra-kappa: Một vị Phật là Siddhattha (16)
- Maṇḍa-kappa: Hai vị Phật là Tissa, Phussa (17-18)
- Sāra-kappa: Một vị Phật là Vipassī (19)
- Maṇḍa-kappa: Hai vị Phật là Sikhī, Vessabhū (20-21)
- Bhadda-kappa: Năm vị Phật là Kakusandha, Koṇāgamana, Kassapa, Gotama (22-25), và đức Phật Metteyya vào thời vị lai.
Về sử liệu của các vị Phật Toàn Giác này, có các điểm đáng được lưu ý như sau: Các Ngài đều hiện khởi ở Jambudīpa (Ấn Độ). Đức Phật Gotama (Thích Ca) của chúng ta có nhiều điểm thua sút so với các vị khác: Tuổi thọ ngắn nhất (80 năm), dài nhất là 100.000 năm của các vị Dīpaṅkara, Koṇḍañña, Anomadassī, Paduma, Padumuttara, Atthadassī, Dhammadassī, Siddhattha, Tissa). Thời gian hành khổ hạnh dài nhất (6 năm), ngắn nhất là 7 ngày của các vị Sobhita, Nārada, Padumuttara, Dhammadassī, Kassapa. Chiều cao, tuổi thọ thời gian sống tại gia, hào quang phát ra đều thua sút tất cả các vị khác. Về sự ra đi vĩ đại, trong số 25 vị Phật đã được trình bày chi tiết, có sáu vị sử dụng phương tiện voi, sáu vị khác sử dụng phương tiện cỗ xe, năm vị có cả đức Phật Gotama sử dụng phương tiện ngựa, bốn vị sử dụng phương tiện là tòa lâu đài, ba vị sử dụng phương tiện kiệu khiêng, và một vị đi bộ. Về xuất thân, chỉ có ba vị Phật xuất thân dòng Bà-la-môn là Kakusandha, Konāgamana, Kassapa, các vị còn lại đều xuất thân dòng Sát-đế-lỵ. Các yếu tố khác như là cội cây Giác Ngộ, hành động hướng thượng, số lần của các cuộc hội tụ, v.v... đều có sự khác biệt.
Về hình thức, tập kinh này được thực hiện dựa theo lối trường thi (tương tợ như thể Mahā Kāvya của ngôn ngữ Sanskrit) gồm nhiều câu kệ (gāthā) hợp thành. Mỗi câu kệ được ghi thành 2 dòng và được chia làm 4 pāda; thông thường mỗi câu kệ như vậy là một câu văn hoàn chỉnh về phương diện văn phạm.
Về nguyên tác Pāli, chúng tôi căn cứ vào văn bản Pali La tinh từ Compact Disk BUDSIR IV của trường đại học Mahidol ở thủ đô Bangkok, Thái Lan. Văn bản của Tạng Thái chỉ cho số thứ tự ở đầu các chương và không ghi số thứ tự cho mỗi một câu kệ nên có nhiều khó khăn trong việc trích lục. Trong quá trình phiên dịch, chúng tôi đã ghi lại số thứ tự căn cứ vào văn bản Pāli của hội Pali Text Society (Anh Quốc), theo thói quen thường gọi là Tạng Anh. Những đoạn thơ có trong Tạng Thái nhưng không thấy ở Tạng Anh sẽ được nhận diện do không có ghi số thứ tự; ngược lại những đoạn được thêm vào từ Tạng Anh sẽ được đặt vào dấu ngoặc [ ] và ghi rõ ở phần cước chú. Văn bản Buddhavaṃsa-pāli của các xứ quốc giáo như Sri Lanka, Thái Lan, Miến Điện, Cam-pu-chia, Anh có nhiều điểm sai khác về từ ngữ hoặc cấu trúc của một số câu kệ do kết quả của việc hiệu đính đã được thực hiện riêng rẽ của mỗi quốc gia trong thời gian sau này. Sự khác biệt này không làm ành hưởng đến nội dung tổng quát của tập kinh. Chúng tôi không trình bày những điểm khác biệt này trong bản dịch của chúng tôi.
Về khía cạnh dịch thuật, có một số điểm cần được nêu lên như sau: Về các thì của động từ, trong nguyên tác có nhiều hành động ở vào thời quá khứ được trình bày ở thời hiện tại và một vài hành động ở vào thời vị lai lại được trình bày ở thời quá khứ. Chúng tôi ghi lại các thì theo sát văn bản nghĩ rằng những điểm này dễ dàng nhận diện qua ngữ cảnh và không làm xáo trộn ý nghĩa. Một số từ dịch được ghi lại theo lời giải thích của Chú Giải. Đa số các phần cước chú đều được căn cứ vào Chú Giải, lời giải thích nào của người dịch sẽ được ghi rõ trong ngoặc đơn (ND). Các đơn vị đo lường được tính dựa theo tài liệu Thái Lan Vinayamukha của ngài Mahasamaṇa Chao.
Về phương thức trình bày, thay vì sắp xếp tập kinh Buddhavaṃsa thành 28 chương theo văn bản, chúng tôi đã tách riêng Chương Dẫn Nhập và bắt đầu đánh số 27 chương kế tiếp theo thứ tự của 25 vị Phật khởi đầu là đức Phật Dīpaṅkara cho đến đức Phật Gotama (Thích Ca) và hai chương cuối cùng của phần kết thúc. Lý dó của việc làm này để số thứ tự của các chương phù hợp với thứ tự xuất hiện của các vị Phật hầu giúp cho việc tham khảo được phần thuận tiện. Về việc trình bày tập kinh theo lối song ngữ, chúng tôi có các dụng ý sau: 1/- Nhấn mạnh cho độc giả thấy được rằng tập kinh này được lưu truyền theo hình thức thơ ca và đây là nét phong phú về hình thức của nền văn chương truyền khẩu của Phật Giáo. Chúng tôi cố tránh việc tạo nên ngộ nhận trong sự thâu thập kiến thức Phật Giáo của quý vị. 2/- Giúp cho độc giả người Việt có được văn bản Pāli để tham khảo lúc cần thiết, đồng thời cũng thuận tiện cho quý độc giả dễ dàng kiểm tra lại chất lượng của lời dịch Việt. Chúng tôi đã ghi lại các câu kệ thơ Pāli bằng dạng chữ nghiêng xen kẽ với lời dịch Việt theo lối văn xuôi bằng dạng chữ đứng; mỗi câu kệ Pāli tương đương với hai hoặc ba dòng văn Việt được trình bày thành từng đoạn tách biệt. Hầu hết các câu văn nói khi được dịch sang tiếng Việt được trình bày bằng dạng chữ nghiêng để dễ phân biệt.
Cũng cần nói thêm về mục đích của chúng tôi trong khi nghiên cứu tài liệu này nhằm rèn luyện kiến thức Pāli của cá nhân, chú trọng về việc tìm hiểu ý nghĩa và cấu trúc văn phạm Pāli ở thể loại gāthā (kệ thơ). Vì lý do này, lời văn tiếng Việt được cố ý ghi lại rất gần với nguyên tác nhằm thuận tiện cho việc kiểm tra ôn luyện của cá nhân, đồng thời có thể giảm bớt phần nào khó nhọc cho quý độc giả có đồng sở thích nghiên cứu và học hỏi lời Phật dạy qua văn bản gốc. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng lời văn tiếng Việt cũng tạm đủ phần trong sáng ngõ hầu giúp cho quý độc giả phổ thông hiểu được nội dung của tập kinh. Do thời gian của chúng tôi rất hạn hẹp nên thời gian đầu tư cho công việc ghi lại tiếng Việt của tài liệu này rất hạn chế, vì thế không tránh khỏi những điều thiếu sót. Ngưỡng mong quý độc giả niệm tình hỷ xả. Mọi sự góp ý phê bình xin email về: dinda@u.washington.edu
Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành tán dương sự sách tấn và ủng hộ của quý vị Phật Tử hữu ân: Dr. Bình Anson, gia đình Chú Lương Xuân Lộc, gđ. Phạm Trọng Độ, gđ. Lý Hoàng Anh, Cô Tư Khánh Huy và nhóm Phật Tử hải ngoại, Bà Ba Diệu Đài, Cô Diệu Bình (Sáu Dép) và các con cháu, gđ. Trương Tuyết Anh, Chú Nguyễn Hữu Danh, Cô Nguyễn Ngọc Vivian, Cô Kim Leung, Phật tử Ngọc Ngân, v.v... Thành tâm cầu chúc quý vị luôn giữ vững niềm tin và thành tựu được nhiều kết quả trong công việc tu tập giải thoát cũng như hộ trì Tam Bảo.
Công đức này xin dâng đến Hòa Thượng trụ trì chùa Sri Jayawardhanaramaya, Colombo, Tích Lan, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong công việc tu học và nghiên cứu Phật Pháp thời gian qua.
Mong sao hết thảy chúng sanh đều được tấn hóa trong ánh hào quang của Chánh Pháp.
Colombo, ngày 27 tháng 12 năm 2005
Tỳ khưu Indacanda
(Trương đình Dũng)
-ooOoo-
[1]Tương Ưng tập II: Thiên Nhân Duyên, Chương IV: Tương Ưng Vô Thỉ (Anamatagga), I. Phẩm Thứ Nhất V. Núi, VI. Hột Cải. Lời dịch Việt của HT. Minh Châu.
[2]Kinh Tăng Chi, Chương IV Bốn Pháp, XVI Phẩm Các Căn, (VI) Kiếp. Lời dịch Việt của HT. Minh Châu (hình thức trình bày đã được sắp xếp lại).
[3]Concise Pāli-English Dictionary của ngài A. P. Buddhadatta ghi là “không thể đếm được, là con số đếm lớn nhất được ghi với 141 con số không” (tr. 37).
RATANACAṄKAMANAKAṆḌO
[1]
Brahmā ca lokādhipatī sahampati
katañjalī anadhivaraṃ ayācatha
santīdha sattā apparajakkhajātikā
desehi dhammaṃ anukampimaṃ pajanti. (1)[1]
Khi ấy, vị Phạm Thiên Sahampati chúa tể của thế gian đã chắp tay thỉnh cầu đức Phật rằng: “Ở đây có những chúng sanh có bản chất ít bị ô nhiễm, xin Ngài hãy vì lòng bi mẫn thuyết giảng Giáo Pháp đến hạng chúng sanh này.”
Bhagavā lokādhipatī naruttamo
katañjalībrahmagaṇehi yācito
santīdha dhīrāpparajakkhajātikā
desetu dhammaṃ anukampimaṃ pajaṃ.
Đức Thế Tôn, vị chúa tể của thế gian và là đấng tối thượng của loài người, đã được hội chúng Phạm Thiên chắp tay lên thỉnh cầu rằng: “Ở đây có những chúng sanh có bản chất ít bị ô nhiễm, xin Ngài hãy vì lòng bi mẫn thuyết giảng Giáo Pháp đến hạng chúng sanh này.
Desetu sugato dhammaṃ - desetu amataṃ padaṃ
lokānamanukampāya - dhammaṃ desetu nāyaka.
Xin đấng Thiện Thệ hãy thuyết giảng Giáo Pháp. Xin Ngài hãy thuyết giảng đạo lộ Bất Tử. Hỡi đấng Lãnh Đạo, vì lòng bi mẫn đối với thế gian xin Ngài hãy thuyết giảng Giáo Pháp.
Sampannavijjācaraṇassa tādino
jutindharass’antimadehadhārino
tathāgatass’appaṭipuggalassa
uppajji kāruññatā sabbasatte. (2)
Lòng bi mẫn đối với tất cả chúng sanh đã sanh khởi đến Ngài là vị đã thành tựu toàn vẹn trí tuệ và đức hạnh (Minh Hạnh Túc) như thế ấy, là đấng Quang Minh có thân mạng cuối cùng, là đức Như Lai không người sánh kịp.”
Taṃ sutvā bhagavā satthā idaṃ vacanamabravi.
Nghe vậy, đức Thế Tôn bậc Đạo Sư đã nói lời này:
Apārutā te amatassa dvārā
ye sotavanto pamuñcantu saddhaṃ
vihiṃsasaññī paguṇaṃ na bhāsiṃ
dhammaṃ paṇītaṃ manujesu brahmeti.
“Những ai có tai nghe hãy cởi trói niềm tin. Các cánh cửa bất tử là không còn che lấp đối với các vị ấy. Này Phạm Thiên, do suy nghĩ là tai hại nên ta đã không thuyết giảng cho các chúng sanh về Giáo Pháp tuyệt vời đã được thuần thục.”
Bhagavā tasmiṃ samaye - veneyyānaṃnukampako
ajapālanigrodhadumā - pāyāsi munipuṅgavo.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn, đấng Hiền Triết cao thượng, vị có lòng bi mẫn đối với những người cần được huấn luyện, đã khởi đầu từ cội cây Nigrodha của những người chăn dê.
Anukkamena gamanena - bārāṇasimupāgami
tasmiṃ hi pallaṅkavare - nisīdi bhagavā tadā.
Với sự ra đi theo tuần tự, đức Thế Tôn đã ngự đến Bārāṇasī. Khi ấy, Ngài đã ngồi xuống trong chính tư thế kiết già cao quý ấy.
Pañcannaṃ vaggiyānañca - dhammacakkappavattayi
dukkhaṃ dukkhasamuppādaṃ - nirodhaṃ maggamuttamaṃ.
Và Ngài đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp về Khổ, về sự sanh khởi của Khổ, về Diệt, và về Đạo Lộ tối thượng đến nhóm năm vị.
Pavattayi taṃ bhagavā - isī te pañcavaggiyā
aṭṭhārasakoṭi tadā - brahmadevagaṇā saha.
Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn đã chuyển vận điều ấy đến nhóm ẩn sĩ năm vị ấy cùng với hội chúng Phạm Thiên gồm mười tám koṭi vị.[2]
Paṭhamasmiṃ sannipāte - dhammābhisamayā labhu
koṇḍañño bhaddiyo vappo - mahānāmo ca assaji.
Trong lần tụ hội thứ nhất, Koṇḍañño, Bhaddiyo, Vappo, Mahānāmo, và Assaji đã đạt được sự lãnh hội Giáo Pháp.
Vinītā tena parena - sabbepi anupubbaso
aṭṭhārasakoṭi tadā - brahmadevagaṇā saha.
Khi ấy, tất cả đã được huấn luyện theo tuần tự từ vị này đến vị khác cùng với hội chúng Phạm Thiên gồm mười tám koṭi vị.
Paṭhamasmiṃ sannipāte - sotāpattiphalaṃ tadā
anukkamena gamanena - rājagahamupāgami.
Khi ấy, trong lần tụ hội thứ nhất đã có quả vị Nhập Lưu. Với sự ra đi theo tuần tự, Ngài đã ngự đến Rājagaha (Vương Xá).
Veḷuvanamahāvihāre - vihāsi munipuṅgavo
taṃ sutvā bimbisāro ca - bhagavantamupasaṅkami.
Vị Hiền Triết cao thượng đã ngự tại đại tu viện Veḷuvana. Và sau khi nghe được điều ấy, (đức vua) Bimbisāra (Bình Sa Vương) đã đi đến gặp đức Thế Tôn.
Ekādasanahuteneva - parivārā mahā ahu
dīpagandhadhūpamālādīni - bhagavantamabhipūjayi.
Đám tùy tùng là đông đảo với mười một nahuta (110.000) người.[3](Đức vua) đã cúng dường đèn, hương thơm, nhang, tràng hoa, v.v... đến đức Thế Tôn.
Tasmiṃ samāgameyeva - kāmādīnava desayi
desanāpariyosāne - rājānampamukhaṃ tadā.
Khi ấy tại chính cuộc hội tụ này, Ngài đã thuyết giảng về tai hại của các dục đến vị vua lãnh tụ cho đến khi chấm dứt cuộc thuyết giảng.
Caturāsītisahassānaṃ - dhammābhisamayo ahu
taṃ sutvāna pitā rājā - nava dūtāni pesayi.
Đã có sự lãnh hội Giáo Pháp của tám mươi bốn ngàn người. Nghe được điều ấy, vua cha đã phái đi chín vị sứ giả.
Navasahassaparivārehi - pabbajjaṃ yācate muniṃ
navasahassaparivārā - arahattamupāgamuṃ.
Cùng với chín ngàn tùy tùng, họ đã cầu xin đấng Hiền Triết về việc xuất gia. Họ và đoàn tùy tùng chín ngàn người đã đạt đến phẩm vị A-la-hán.
Kāḷudāyi pariyosāne - bhikkhuvesaṃ gahetvā so
sahassaparivārehi - bhagavantaṃ nimantayi.
Cuối cùng, vị Kāḷudāyi ấy sau khi đạt được hình tướng tỳ khưu cùng với một ngàn tùy tùng đã mời thỉnh đức Thế Tôn.
Nimantamadhivāsetvā - mahāmaggaṃ paṭipajjati
vīsatisahassabhikkhūhi - pāyāsi sakyapuṅgavo.
Sau khi nhận lời thỉnh mời, đấng thực hành đạo lộ vĩ đại, vị Sakya cao thượng, đã lên đường cùng với hai mươi ngàn vị tỳ khưu.
Anukkamena gamanena - kapilavatthumupāgami
rohiṇiyā nadītīre - pāṭihāramakāsi so.
Với sự ra đi theo tuần tự, Ngài đã ngự đến Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ). Vị ấy đã thực hiện điều kỳ diệu ở bờ sông Rohiṇī.
Tasmiṃ pallaṅkamajjhamhi - nisīdi sakyapuṅgavo
mahāvessantaradhammaṃ - desetvā bhagavā pitu
caturāsītisahassānaṃ - dhammābhisamayo ahu.
Vị Sakya cao thượng đã ngồi xuống ở trung tâm với thế kiết già ấy. Đức Thế Tôn đã thuyết giảng Giáo Pháp về (Bổn Sanh) Vessantara vĩ đại đến người cha. Đã có sự lãnh hội Giáo Pháp của tám mươi bốn ngàn người.
Na h’ete jānanti sadevamanussā
buddho ayaṃ kīdisako naruttamo
iddhibalaṃ paññābalañca kīdisaṃ
buddhabalaṃ lokahitassa kīdisaṃ. (3)
(Đức Phật quán rằng:) “Bởi vì chư thiên và đám người này không biết được đức Phật đấng Tối Thượng Nhân này là như thế nào, (không biết được) năng lực của thần thông và năng lực của trí tuệ là như thế nào, (không biết được) Phật lực của đấng tế độ chúng sanh là như thế nào.
Na h’ete jānanti sadevamanussā
buddho ayaṃ īdisako naruttamo
iddhibalaṃ paññābalañca īdisaṃ
buddhabalaṃ lokahitassa īdisaṃ. (4)
Bởi vì chư thiên và đám người này không biết được đức Phật đấng Tối Thượng Nhân này là như vầy, (không biết được) năng lực của thần thông và năng lực của trí tuệ là như vầy, (không biết được) Phật lực của đấng tế độ chúng sanh là như vầy.
handāhaṃ dassayissāmi - buddhabalaṃ anuttaraṃ
caṅkamaṃ māpayissāmi - nabhe ratanamaṇḍitaṃ. (5)
Như vậy, ta sẽ thị hiện Phật lực tối thượng. Ta sẽ làm hiện ra con đường kinh hành được trang hoàng bằng châu báu ở trên không trung.”
Bhummā mahārājikā tāvatiṃsā
yāmā ca devā tusitā ca nimmitā
paranimmitā yepi ca brahmakāyikā
ānanditā vipulamakaṃsu ghosaṃ. (6)
Chư thiên thuộc địa cầu, thuộc cõi Tứ Đại Thiên Vương, thuộc cõi Đạo Lợi, thuộc cõi Dạ Ma, thuộc cõi Đẩu Suất, thuộc cõi Hóa Lạc Thiên, thuộc cõi Tha Hóa Tự Tại, luôn cả đoàn tùy tùng thuộc cõi Phạm Thiên nữa đều hoan hỷ và đã tạo nên tiếng hò reo vang dội.
Obhāsitā ca paṭhavī sadevakā
puthū ca lokantarikā asaṃvutā
tamo ca tibbo vihato tadā ahu
disvāna accherakapāṭihīraṃ. (7)
Khi ấy, sau khi chứng kiến điều kỳ diệu phi thường, quả địa cầu cùng với các cõi trời đã được chiếu sáng và vô số khoảng không gian tối đen dầy đặc phân chia các cõi thế giới đều bị tiêu tan.
Sadevagandhabbamanussarakkhase
ābhā uḷārā vipulā ajāyatha
imasmiṃ loke parasmiṃ cūbhaye
adhopi ca uddhaṃ tiriyañca vitthataṃ. (8)
Ánh sáng chói lọi rực rỡ đã hiện ra bên dưới, bên trên, chiều ngang, và chiều dọc ở giữa các hạng thiên nhân, càn-thát-bà, nhân loại, và quỷ sứ ở cả hai nơi: ở thế gian này và ở thế giới khác.
Sattuttamo anadhivaro vināyako
satthā ahu devamanussapūjito
mahānubhāvo satapuññalakkhaṇo
dassesi accherakapāṭihīriyaṃ. (9)
Được chư thiên và nhân loại cúng dường, đấng Đạo Sư, bậc Tối Thượng của chúng sanh, không ai vượt trội, là nhà lãnh đạo có đại oai lực có trăm tướng mạo về phước báu, đã thị hiện điều kỳ diệu phi thường.
tasmiṃ samāgame satthā - abbhuggantvā nabhe tale
sinerupabbataṃ rammaṃ - caṅkamaṃ māpayī jino.
Trong cuộc hội tụ ấy, đấng Đạo Sư đấng Chiến Thắng, sau khi bay lên trên bề mặt không trung, đã làm hiện ra ngọn núi Sineru có con đường kinh hành xinh đẹp.
Dasasahassilokadhātu- - devatā - jinasantike
tathāgataṃ namassitvā - buddhapūjaṃ kariṃsu te.
Trong sự hiện diện của đấng Chiến Thắng, chư thiên của mười ngàn thế giới đã kính lễ đức Như Lai. Họ đã thực hiện sự cúng dường đến đức Phật.
So yācito devavarena cakkhumā
atthaṃ samekkhitvā tadā naruttamo
caṅkamaṃ māpayi lokanāyako
suniṭṭhitaṃ sabbaratananimmitaṃ. (10)
Khi được thỉnh cầu bởi vị thiên nhân cao quý, bậc Hữu Nhãn ấy, đấng Tối Thượng Nhân, vị Lãnh Đạo Thế Gian, sau khi quán xét về điều lợi ích đã làm hiện ra con đường kinh hành được hoàn thành khéo léo và đã được thực hiện bằng tất cả các loại châu báu.
Iddhi ca ādesanānusāsanī
tipāṭihīre bhagavā vasī ahu
caṅkamaṃ māpayi lokanāyako
suniṭṭhitaṃ sabbaratananimmitaṃ. (11)
Đức Thế Tôn đã thuần thục về ba điều kỳ diệu là: thần thông, tài thuyết giảng, và sự giáo hóa. Đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã làm hiện ra con đường kinh hành được hoàn thành khéo léo và đã được thực hiện bằng tất cả các loại châu báu.
Dasasahassīlokadhātuyā - sinerupabbatuttame thambheva
dassesi paṭipāṭiyā - caṅkame ratanāmaye. (12)
Ở tại mười ngàn thế giới, Ngài đã thị hiện theo tuần tự những con đường kinh hành làm bằng châu báu giống như các cột trụ ở ngọn núi Sineru tối thắng.
Dasasahassaṃ atikkamma - caṅkamaṃ māpayī jino
sabbasoṇṇamayā passe - caṅkame ratanāmaye.(13)
Sau khi vượt qua mười ngàn thế giới, đấng Chiến Thắng đã tạo ra con đường kinh hành làm toàn bằng vàng ở bên cạnh con đường kinh hành làm bằng châu báu.
Tulāsaṅghāṭānuvattā - sovaṇṇaphalakatthatā
vedikā sabbasovaṇṇā - dubhato passesu nimmitā.(14)
Cả hai con đường đều tương đương, được lót nền bằng vàng miếng. Các lan can đều toàn bằng vàng đã được thực hiện ở cả hai bên.
Maṇimuttāvālukākiṇṇo - nimmito ratanāmayo
obhāseti disā sabbā - sataraṃsīva uggato.(15)
Được thực hiện bằng các loại châu báu, được rải rắc lớp cát là ngọc ma-ni và ngọc trai, con đường rọi sáng khắp cả các phương giống như ánh mặt trời đã mọc lên.
Tasmiṃ caṅkamane dhīro - dvattiṃsavaralakkhaṇo
virocamāno sambuddho - caṅkame caṅkamī jino.(16)
Trong việc đi kinh hành ấy, vị thông thái, bậc Toàn Giác, đấng Chiến Thắng, rực rỡ với ba mươi hai tướng trạng cao quý, đã đi kinh hành ở con đường kinh hành.
Dibbaṃ mandāravaṃ pupphaṃ - padumaṃ pārichattakaṃ
caṅkamane okiranti - sabbe devā samāgatā.(17)
Tất cả chư thiên đã tụ hội lại rải rắc xuống bông hoa mạn-đà-la, hoa sen, hoa san hô thuộc về cõi trời (tán thán) sự việc đi kinh hành (của đức Phật).
Passanti taṃ devasaṅghā - dasasahassī samāgatā
namassamānā nipatanti - tuṭṭhahaṭṭhā pamoditā.(18)
Hội chúng chư thiên thuộc mười ngàn thế giới đã tụ hội lại chiêm ngưỡng đức Phật. Trong lúc kính lễ, họ hớn hở, vui mừng, hoan hỷ hạ thấp người xuống.
Tāvatiṃsā ca yāmā ca - tusitā cāpi devatā
nimmānaratino devā - ye devā vasavattino
udaggacittā sumanā - passanti lokanāyakaṃ.(19)
Chư thiên ở cõi Đạo Lợi, cõi Dạ Ma, luôn cả cõi Đẩu Suất, chư thiên ở cõi Hóa Lạc Thiên và chư thiên ở cõi Tha Hóa Tự Tại chiêm ngưỡng vị Lãnh Đạo Thế Gian với tâm phấn khởi hân hoan.
Sadevagandhabbamanussarakkhasā
nāgā supaṇṇā athavāpi kinnarā
passanti taṃ lokahitānukampakaṃ
nabheva accuggatacandamaṇḍalaṃ. (20)
Cùng với chư thiên, các hạng càn-thát-bà, nhân loại, quỷ sứ, các loài rồng, thiên điểu, luôn cả loài kim-sỉ-điểu, nhìn thấy đấng tế độ chúng sanh có lòng bi mẫn ấy giống như mặt trăng tròn đã mọc lên ở ngay trên bầu trời.
Ābhassarā subhakiṇhā - vehapphalā akaniṭṭhā ca
susuddhasukka vatthavasanā - tiṭṭhanti pañjalīkatā.(21)
(Chư thiên) ở các cõi Quang Âm Thiên, Biến Tịnh Thiên, Quảng Quả Thiên, và Vô Tưởng Thiên với trang phục vô cùng tinh khiết thanh bạch đứng chắp tay.
Muñcanti pupphaṃ pana pañcavaṇṇikaṃ
mandāravaṃ candanacuṇṇamissakaṃ
bhamanti celāni ca ambare tadā
aho jino lokahitānukampako. (22)
Hơn nữa, các vị còn rắc xuống bông hoa mạn-đà-la năm màu được trộn lẫn với bột phấn gỗ đàn hương và vung vẫy các tấm vải ở trên không trung (ca ngợi rằng): “Ôi Đấng Chiến Thắng, bậc có lòng bi mẫn tế độ chúng sanh.
Tuvaṃ satthā ca ketu ca - dhajo yūpo ca pāṇinaṃ
parāyano patiṭṭhā ca - dīpo ca dipaduttamo.(23)
Ngài là vị thầy, là ngọn cờ, là biểu hiện, là trụ cột của chúng sanh, là nơi chốn nâng đỡ, là ngọn đèn (là hòn đảo),[4]là bậc tối thượng của loài hai chân.”
Dasasahassilokadhātuyā - devatāyo mahiddhikā
parivāretvā namassanti - tuṭṭhahaṭṭhā pamoditā. (24)
(Với vẻ) hớn hở, vui mừng, hoan hỷ, chư thiên thuộc mười ngàn thế giới có đại thần lực vây quanh lại tỏ sự tôn kính.
Devatā devakaññā ca - pasannā tuṭṭhamānasā
pañcavaṇṇikapupphehi - pūjayanti narāsabhaṃ.(25)
Với tâm tư hớn hở tín thành, các thiên nhân và các tiên nữ cúng dường những bông hoa ngũ sắc đến bậc Nhân Ngưu.
Passanti taṃ devasaṅghā - pasannā tuṭṭhamānasā
pañcavaṇṇikapupphehi - pūjayanti narāsabhaṃ.(26)
Chiêm ngưỡng vị ấy, hội chúng chư thiên (khởi tâm) tín thành, có tâm tư hoan hỷ, rồi cúng dường những bông hoa ngũ sắc đến bậc Nhân Ngưu (tán thán rằng):.
Aho acchariyaṃ loke - abbhūtaṃ lomahaṃsanaṃ
na medisaṃ bhūtapubbaṃ - accheraṃ lomahaṃsanaṃ.(27)
“Ôi thật là điều kỳ diệu ở thế gian! Thật là phi thường khiến lông dựng đứng! Điều kỳ diệu khiến lông dựng đứng giống như việc này trước đây chưa từng xảy ra!”
Sakasakamhi bhavane - nisīditvāna devatā
hasanti tā mahāhasitaṃ - disvānaccherakaṃ nabhe.(28)
Sau khi nhìn thấy điều kỳ diệu ở trên bầu trời, các thiên nhân ấy đã ngồi xuống ở cung điện của mỗi một vị và nở nụ cười vang vang.
Ākāsaṭṭhā ca bhummaṭṭhā - tiṇosadhinivāsino
katañjalī namassanti - tuṭṭhahaṭṭhā pamoditā. (29)
Các vị ngự ở không trung và ngự ở trên đất liền trang phục bằng lá cỏ, chắp tay lên nghiêng mình kính lễ (với vẻ) hớn hở, vui mừng, hoan hỷ.
Yepi dīghāyukā nāgā - puññavanto mahiddhikā
pamoditā namassanti - pūjayanti naruttamaṃ.(30)
Ngay cả các loài rồng trường thọ có phước báu và đại thần lực cũng hoan hỷ lễ bái và cúng dường đến bậc Tối Thượng Nhân.
Saṅgītiyo pavattanti - ambare anilañjase
cammanaddhāni vādenti - disvānaccherakaṃ nabhe.(31)
Sau khi nhìn thấy điều kỳ diệu ở trên bầu trời, các vị xướng lên những bài đồng ca ở khoảng không gian trên bầu trời và trình tấu những chiếc trống da.
Saṅkhā ca paṇavā c’eva - athopi ḍeṇḍimā bahū
antalikkhasmiṃ vajjayanti - disvānaccherakaṃ nabhe.(32)
Sau khi nhìn thấy điều kỳ diệu ở trên bầu trời, nhiều vị cũng đã biểu diễn các tù và vỏ ốc, có các phèng la nữa, và luôn cả những chiếc trống con ở trên không trung.
Abbhūto vata no ajja - uppajji lomahaṃsano
dhuvam-attha-siddhiṃ labhāma - khaṇo no paṭipāṭito.(33)
(Rồi tán thán rằng:) “Quả nhiên, điều phi thường khiến lông dựng đứng đã sanh khởi đến chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta đạt được sự thành tựu lợi ích bền vững. Thời điểm của chúng ta đã đến rồi.”
Buddhoti tesaṃ sutvāna - pīti uppajji tāvade
buddho buddhoti kathayantā - tiṭṭhanti pañjalīkatā.(34)
Khi nghe rằng: “Đức Phật!” niềm phỉ lạc đã tức thời sanh khởi đến các vị ấy. Họ đã đứng yên, chắp tay, thốt lên rằng: “Đức Phật! Đức Phật!”
Hiṅkāraṃ sādhukārañ ca - ukkuṭṭhisampanādanaṃ
pajā ca vividhā gagane - vattanti pañjalīkatā.(35)
Và ở trên không trung, nhiều hạng chúng sanh chắp tay, thốt lên lời tán thán, ca ngợi, cổ vũ, reo hò.
Gāyanti seḷenti ca vādayanti ca
bhujānipphoṭenti ca naccayanti ca
muñcanti pupphaṃ pana pañcavaṇṇikaṃ
mandāravaṃ candanacuṇṇamissakaṃ. (36)
Các vị ca hát, hò hét, tấu nhạc, vỗ tay, và nhảy múa. Hơn nữa, các vị còn rắc xuống bông hoa ngũ sắc, bông hoa mạn-đà-la được trộn lẫn với bột phấn gỗ đàn hương.
Yathā tuyhaṃ mahāvīra - pādesu cakkalakkhaṇaṃ
dhajaṃ vajirapaṭākaṃ - vaḍḍhamānaṅkusāpitaṃ.(37)
(Họ thốt lên rằng:) “Hỡi bậc Đại Hùng, tương tợ như dấu hiệu của bánh xe ở hai bàn chân của Ngài có ngọn cờ, lưỡi tầm sét, huy hiệu, sự hưng thịnh, và gậy móc câu là vật tô điểm.
Rūpe sīle samādhimhi - paññāya ca asādiso
vimuttiyā asamasamo - dhammacakkappavattane.(38)
Không có ai tương đương về dáng vóc, về giới, về định, về tuệ. Ngài ngang bằng với các bậc không thể sánh bằng về sự giải thoát và trong việc chuyển vận bánh xe Chánh Pháp.
Dasanāgabalaṃ kāye - tuyhaṃ pākatikaṃ balaṃ
iddhibalena asamo - dhammacakkappavattane.(39)
Sức mạnh tự nhiên trong cơ thể của Ngài là sức mạnh của mười con voi. Không ai sánh bằng Ngài về năng lực thần thông trong việc chuyển vận bánh xe Chánh Pháp.
Evaṃ sabbaguṇūpetaṃ - sabbaṅgasamupāgataṃ
mahāmuniṃ kāruṇikaṃ - lokanāthaṃ namassatha.(40)
Các vị hãy kính lễ bậc Đại Hiền Triết, đấng Từ Bi, vị Chúa Tể Thế Gian đã được thành tựu tất cả các đức hạnh và đã đạt được toàn bộ các chi phần như thế ấy.
Abhivādanaṃ thomanañca - vandanañca pasaṃsanaṃ
namassanañca pūjañca - sabbaṃ arahasī tuvaṃ.(41)
Ngài xứng đáng tất cả các sự tôn kính, ca tụng, đảnh lễ, tán dương, lễ bái, và cúng dường.
Ye keci loke vandaneyyā - vandanaṃ arahanti ye
sabbaseṭṭho mahāvīra - sadiso te na vijjati. (42)
Bạch đấng Đại Hùng, ở trên thế gian bất cứ những ai nên được đảnh lễ, những ai xứng đáng sự đảnh lễ, Ngài là vị đứng đầu tất cả. Người bằng Ngài không tìm thấy được.”
Sāriputto mahāpañño - samādhijjhānakovido
gijjhakūṭe ṭhitoyeva - passati lokanāyakaṃ.(43)
Sāriputta có đại trí tuệ, thông thạo về định và thiền, chiêm ngưỡng đấng Lãnh Đạo Thế Gian dầu đang đứng ở núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu).
Suphullaṃ sālarājaṃva - candaṃva gagane yathā
majjhanhikeva suriyaṃ - oloketi narāsabhaṃ. (44)
Vị ấy nhìn thấy đấng Nhân Ngưu trông giống như cây Sālā chúa nở hoa đều khắp, tương tợ như mặt trăng ở trên bầu trời, y như là mặt trời lúc chính ngọ.
Jalantaṃ dīparukkhaṃva - taruṇasuriyaṃva uggataṃ
byāmappabhānurañjitaṃ - passati lokanāyakaṃ.(45)
Vị ấy nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian rực rỡ ánh hào quang trông giống như cây trụ đèn đang cháy rực, tương tợ như mặt trời hừng đông đã ló dạng.
Pañcannaṃ bhikkhusatānaṃ - katakiccāna tādinaṃ
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - khaṇena sannipātayi.(46)
Sāriputta đã tức thời tựu hội lại năm trăm vị tỳ khưu là những vị có các lậu hoặc đã tận, không còn ô nhiễm, có các phận sự đã được hoàn thành như thế ấy (nói rằng):
Lokappasādanaṃ nāma - pāṭihīraṃ nidassayi
amhepi tattha gantvāna - vandissāma mayaṃ jinaṃ.(47)
“Đức Phật đã làm hiện rõ điều kỳ diệu tên là ‘Sự phô bày thế giới.’ Chúng ta cũng sẽ đi đến nơi ấy và chúng ta sẽ đảnh lễ đấng Chiến Thắng.
Etha sabbe gamissāma - pucchissāma mayaṃ jinaṃ
kaṅkhaṃ vinodayissāma - passitvā lokanāyakaṃ.(48)
Hãy đến, tất cả chúng ta sẽ đi. Chúng ta sẽ hỏi đấng Chiến Thắng. Chúng ta sẽ xua tan mối hoài nghi sau khi nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian.”
Sādhūti te paṭissutvā - nipakā saṃvutindriyā
pattacīvaramādāya - taramānā upāgamuṃ.(49)
Sau khi đáp lại rằng: “Lành thay!” các vị thông thái ấy, có các căn được hộ trì, đã cầm lấy y và bình bát rồi mau chóng đi đến.
Khīṇāsavehi vimalehi - dantehi uttame dame
sāriputto mahāpañño - iddhiyā upasaṅkami.(50)
Bậc đại trí tuệ Sāriputta đã đi đến bằng thần thông cùng với các vị Lậu Tận đã được rèn luyện trong sự rèn luyện tối thượng, không còn ô nhiễm.
Tehi bhikkhūhi parivuto - sāriputto mahāgaṇī
liḷanto devova gagane - iddhiyā upasaṅkami.(51)
Được tháp tùng bởi các vị tỳ khưu ấy, vị có hội chúng đông Sāriputta đã đi đến bằng thần thông tợ như vị thiên nhân đang đùa giỡn ở trên không trung.
Ukkāsitañca khipitañca - ajjhupekkhitvāna subbatā.
sagāravā sappatissā - sambuddhaṃ upasaṅkamuṃ.(52)
Sau khi ngăn lại tiếng tằng hắng và sự khịt mũi, các vị có đức hạnh đã tiến đến gần bậc Toàn Giác với sự kính cẩn, thận trọng.
Upasaṅkamitvā passanti - sayambhuṃ lokanāyakaṃ
nabhe accuggataṃ vīraṃ - candaṃva gagane yathā.(53)
Sau khi đến gần, các vị nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian, bậc tự mình chứng ngộ, vị Anh Hùng, đã ngự lên ở trên không trung trông tợ như mặt trăng ở trên bầu trời.
Jalantaṃ dīparukkhaṃva - vijjuva gagane yathā
majjhanhikeva suriyaṃ - passanti lokanāyakaṃ.(54)
Các vị nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian tương tợ như là cây trụ đèn đang cháy rực, như là tia chớp ở trên không trung, như là mặt trời lúc chính ngọ.
Pañcabhikkhusatā sabbe - passanti lokanāyakaṃ
rahadamiva vippasannaṃ - suphullaṃ padumaṃ yathā.(55)
Toàn bộ năm trăm vị tỳ khưu nhìn thấy đấng Lãnh Đạo Thế Gian tương tợ như là hồ nước sâu thẳm không bị chao động, như là đóa hoa sen đang nở rộ.
Añjaliṃ paggahetvāna - tuṭṭhahaṭṭhā pamoditā
namassamānā nipatanti - satthuno cakkalakkhaṇe. (56)
Hớn hở, vui mừng, hoan hỷ, các vị đã chắp tay lên và trong lúc kính lễ các vị quỳ xuống ở dấu hiệu bánh xe (nơi bàn chân) của bậc Đạo Sư.
Sāriputto mahāpañño - koraṇḍasamasādiso
samādhijjhānakusalo - vandati lokanāyakaṃ.(57)
Vị có đại trí tuệ Sāriputta, thiện xảo về định và thiền, được xem như tương đương với loài hoa koraṇḍa, đảnh lễ đấng Lãnh Đạo Thế Gian.
Gajjito kālameghova - nīluppalasamasādiso
iddhibalena asamo - moggallāno mahiddhiko.(58)
Vang động như là đám mây đen, vị có đại thần lực Moggallāna, được xem như tương đương với đóa sen xanh, là không ai sánh bằng về năng lực thần thông.
Mahākassapatheropi - uggatakanakasannibho
dhūtaguṇe agganikkhitto - thomito satthuvaṇṇito.(59)
Còn vị trưởng lão Mahākassapa tương tợ vàng nguyên chất, được công nhận là vị đứng đầu trong đức hạnh đầu-đà, được (chư thiên và nhân loại) tán dương, được bậc Đạo Sư khen ngợi.
Dibbacakkhūna yo aggo - anuruddho mahāgaṇī
ñātiseṭṭho bhagavato - avidūreva tiṭṭhati.(60)
Đứng đầu trong số các vị có thiên nhãn là Anuruddha, có đồ chúng đông đảo, hạng nhất trong hàng quyến thuộc của đức Thế Tôn, đang đứng không xa.
Āpatti-anāpattiyā - satekicchāya kovido
vinaye agganikkhitto - upāli satthuvaṇṇito.(61)
Upāli là vị rành rẽ về sự phạm tội, về sự không phạm tội, về việc sám hối tội, được công nhận là vị đứng đầu về Luật, được bậc Đạo Sư khen ngợi.
Sukhumanipuṇatthapaṭividdho - kathikānaṃ pavaro gaṇī
isi mantāniyā putto - puṇṇo nāmāti vissuto.(62)
Vị ẩn sĩ con trai của bà Mantānī, phân tích ý nghĩa vi tế và bén nhạy, đứng đầu các vị Pháp sư, có đồ chúng, được nổi tiếng với tên là Puṇṇa.[5]
Etesaṃ cittamaññāya - opammakusalo muni
kaṅkhacchedo mahāvīro - kathesi attano guṇaṃ.(63)
Biết được tâm của các vị ấy, bậc Hiền Triết, là vị thiện xảo về sự so sánh, là đấng Đại Hùng, là vị dứt trừ sự nghi hoặc, đã thuyết giảng về đức hạnh của bản thân:
Cattāro te asaṅkheyyā - koṭi yesaṃ na ñāyati
sattakāyo ca ākāso - cakkavāḷā anantakā
buddhañāṇaṃ appameyyaṃ - na sakkā ete vijānituṃ.(64)
“Có bốn điều không thể tính đếm được và không ai biết được điểm tận cùng của các điều ấy: Tập hợp các chúng sanh, bầu không gian, các cõi thế giới vô biên, trí tuệ vô lượng của chư Phật; những điều này là không thể biết rõ.
Kimetaṃ acchariyaṃ loke - yaṃ me iddhivikubbanaṃ
aññe bahū acchariyā - abbhūtā lomahaṃsanā.(65)
Có phải sự biến hóa thần thông của ta là điều kỳ diệu ở thế gian? Còn có nhiều sự việc khác nữa là kỳ diệu, phi thường, khiến lông dựng đứng.
Yadāhaṃ tusite kāye - santusito nāmahaṃ tadā
dasasahassī samāgamma - yācanti añjalī mamaṃ.(66)
Vào lúc ta ở tại cung trời Đẩu Suất, khi ấy ta có tên là Santusita. Các vị thuộc mười ngàn thế giới đã tụ hội lại chắp tay thỉnh cầu ta rằng:
Kāloyaṃ te mahāvīra - uppajja mātukucchiyaṃ
sadevakaṃ tārayanto - bujjhassu amataṃ padaṃ.(67)
- Hỡi bậc Đại Hùng, giờ là thời điểm của Ngài. Hãy sanh vào bụng mẹ. Trong khi giúp cho thế gian luôn cả chư thiên vượt qua, Ngài sẽ giác ngộ đạo lộ Bất Tử.
Tusitā kāyā cavitvāna - yadā okkami kucchiyaṃ
dasasahassī lokadhātu - kampati dharaṇī tadā.(68)
Sau khi mạng chung ở cõi trời Đẩu Suất, vào lúc ta hạ sanh vào bụng (mẹ), khi ấy mười ngàn thế giới và quả đất rúng động.
Yadāhaṃ mātukucchito - sampajānova nikkhamiṃ
sādhukāraṃ pavattanti - dasasahassī pakampatha.(69)
Khi ta rời khỏi bụng mẹ với sự giác tỉnh, mười ngàn thế giới đã rúng động, thốt lên tiếng “Lành thay!”
Okkanti me samo natthi - jātito abhinikkhame
sambodhiyaṃ ahaṃ seṭṭho - dhammacakkappavattane.(70)
Không gì sánh bằng việc nhập thai của ta. Từ việc sanh ra, trong việc ra đi cao cả, trong việc tự mình giác ngộ, và trong việc chuyển vận bánh xe Chánh Pháp, ta là vị đứng đầu.
Aho acchariyaṃ loke - buddhānaṃ guṇamahantatā
dasasahassī lokadhātu - chappakāraṃ pakampatha
obhāso ca mahā āsi - accheraṃ lomahaṃsanaṃ.(71)
(Chư thiên đã thốt lên rằng): “Ôi Tính chất vĩ đại về đức hạnh của chư Phật là điều kỳ diệu ở trên đời!” Khi ấy, mười ngàn thế giới đã rúng động sáu cách.[6]Và có ánh sáng vĩ đại đã xuất hiện. Là điều phi thường khiến lông dựng đứng!”
Bhagavā ca tamhi samaye - lokajeṭṭho narāsabho
sadevakaṃ dassayanto - iddhiyā caṅkamī jino.(72)
Và vào khoảng thời gian ấy, trong lúc hiện ra cho thế gian luôn cả chư thiên chiêm ngưỡng, đức Thế Tôn, bậc Tối Thượng của thế gian, đấng Nhân Ngưu, vị Chiến Thắng đã đi kinh hành bằng thần thông.
Caṅkame caṅkamantova - kathesi lokanāyako
antarā na nivatteti - catuhatthe caṅkame yathā.(73)
Ngay trong lúc đang đi kinh hành ở đường kinh hành, đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã thuyết giảng. Như thể (đang đi) ở trên con đường kinh hành (có chiều dài) bốn cánh tay, Ngài không quay ngược trở lại (khi đang) ở vào khoảng giữa (con đường).[7]
Sāriputto mahāpañño - samādhijjhānakovido
paññāya pāramippatto - pucchati lokanāyakaṃ.(74)
Là vị có đại trí tuệ, thiện xảo về định và thiền, đã đạt đến sự toàn hảo về trí tuệ, Sāriputta hỏi bậc Lãnh Đạo Thế Gian rằng:
Kīdiso te mahāvīra - abhinīhāro naruttama
kimhi kāle tayā vīra - patthitā bodhimuttamā.(75)
- Bạch đấng Đại Hùng, bậc Tối Thượng Nhân, lời phát nguyện của Ngài là như thế nào? Bạch đấng Anh Hùng, sự giác ngộ tối thượng đã được Ngài mong mỏi vào thời gian nào?
Dānaṃ sīlañca nekkhammaṃ - paññāviriyañca kīdisaṃ
khantisaccamadhiṭṭhānaṃ - mettūpekkhā ca kīdisā.(76)
Bố trí, (trì) giới, xuất ly, trí tuệ, tinh tấn là như thế nào? Nhẫn nại, chân thật, quyết định, bác ác, hành xả là như thế nào?
Dasapāramī mahāvīra - kīdisā lokanāyaka
kathaṃ upapāramī puṇṇā - paramatthapāramī kathaṃ.(77)
Bạch đấng Đại Hùng, vị Lãnh Đạo thế gian, mười ba-la-mật là như thế nào? Thế nào là ba-la-mật bậc trên được tròn đủ? Thế nào là ba-la-mật bậc tối thượng?
Katikamma-adhiṭṭhāya - adhipati ca kīdisā
kīdisā pāramī honti - dhīrā lokasmi kīdisā.
Đã quyết định bao nhiêu việc làm? Và điều chủ đạo là như thế nào? Các ba-la-mật là như thế nào? Các điều chắc chắn ở thế gian là như thế nào?
Mettā karuṇā muditā - upekkhā cāpi kīdisā
kīdisaṃ buddhadhammānaṃ - kevalaṃ paripūraya
Từ, bi, hỷ, và xả là như thế nào? Làm cho tròn đủ toàn bộ các pháp của vị Phật là như thế nào?
Tassa puṭṭho viyākāsi - karavīkamadhuragiro
nibbāpayanto hadayaṃ - hāsayanto sadevakaṃ.(78)
Được vị ấy hỏi, Ngài đã trả lời với giọng nói ngọt ngào (như giọng hót) của loài chim karavīka (ca-lăng-tần-già) làm mát mẻ con tim, làm hoan hỷ thế gian luôn cả chư thiên.
Atītabuddhāna jināna desitaṃ
nikīḷitaṃ buddhaparamparāgataṃ
pubbenivāsānugatāya buddhiyā
pakāsayī lokahitaṃ sadevake.(79)
Bằng trí tuệ hướng về các kiếp sống trước đây, Ngài đã giảng giải về (lịch sử) của chư Phật quá khứ, của các đấng Chiến Thắng, đã được thuyết giảng, đã được truyền thừa theo tuần tự chư Phật, là điều lợi ích cho thế gian luôn cả chư thiên.
Pītipāmojjajananaṃ - sokasallavinodanaṃ
sabbasampattipaṭilābhaṃ - cittaṃ katvā suṇātha me.(80)
(Lời đức Phật:) - (Lịch sử ấy) là điều làm sanh lên niềm hoan hỷ vui mừng, là sự nhổ lên mũi tên sầu muộn, là việc đạt được mọi sự thành tựu, các ngươi hãy chú tâm lắng nghe ta.
Madanimmadanaṃ sokanudaṃ - saṃsāraparimocanaṃ
sabbadukkhakkhayaṃ maggaṃ - sakkaccaṃ paṭipajjathāti.(81)
(Lịch sử ấy) là điều làm tiêu tan các sự đắm say, là sự xua đi các nỗi buồn rầu, là việc hoàn toàn thoát khỏi luân hồi, là đạo lộ tiêu diệt tất cả khổ đau, các ngươi hãy nghiêm trang theo dõi.
Ratanacaṅkamanakaṇḍo niṭṭhito.
Dứt Chương Con Đường Kinh Hành Bằng Châu Báu.
--ooOoo--
[1]Số thứ tự này được căn cứ theo Tạng Pāli của Anh (Pali Text Society) để tiện việc tham khảo. Những câu kệ thấy ở Tạng Thái (CD Budsir IV) nhưng không có ở Tạng Anh sẽ không được ghi số.
[2]Là 180.000.000 vị. 1 koṭi = 10.000.000 (ND = người dịch).
[3]1 nahuta = 10.000 (ND).
[4]Chú giải ghi nghĩa của dīpa theo cả hai cách: ngọn đèn và hòn đảo.
[5]Puṇṇa Mantāniputta, đệ nhất về thuyết Pháp, con trai nữ bà-la-môn Mantānī.
[6]Sáu cách là: trái đất ở trong mười ngàn thế giới đã nghiêng từ đông sang tây, từ tây sang đông, từ bắc qua nam, từ nam qua bắc, từ trung tâm ra bên ngoài, từ bên ngoài vào trung tâm.
[7]Con đường kinh hành này nối dài từ thế giới ở phía đông sang đến thế giới ở phía tây. Và đức Phật đã đi kinh hành từ đầu đường phía bên này sang đến điểm cuối con đường ở phía bên kia chứ không quay ngược trở lại lúc đang đi ở vào khoảng giữa.
-ooOoo-
PAṬHAMO DĪPAṄKARABUDDHAVAṂSO
I. LỊCH SỬ ĐỨC PHẬT DĪPAṄKARA
***
SUMEDHA KATHĀ
PHẦN NÓI VỀ SUMEDHA
[2]
Kappe ca satasahasse - caturo ca asaṅkhiye
amaraṃ nāma nagaraṃ - dassaneyyaṃ manoramaṃ. (1)
Vào thuở một trăm ngàn kiếp[1]và bốn a-tăng-kỳ, có thành phố tên Amara[2]là đáng nhìn, xinh xắn.
Dasahi saddehi avivittaṃ - annapānasamāyutaṃ
hatthisaddaṃ assasaddaṃ - bherisaṅkharathāni ca.
(Thành phố này) dồi dào thức ăn nước uống và nhộn nhịp với mười loại âm thanh như tiếng voi, tiếng ngựa, tiếng trống, tiếng tù và vỏ ốc, tiếng xe cộ.
Khādatha pīvatha ceva - annapānena ghositaṃ (2)
nagaraṃ sabbaṅgasampannaṃ - sabbakammamupāgataṃ.
Và còn được giới thiệu về thức ăn nước uống: “Xin hãy nhai, xin hãy uống.” Thành phố được đầy đủ về mọi yếu tố và thành tựu tất cả hoạt động về nghề nghiệp.
Sattaratanasampannaṃ - nānājanasamākulaṃ
samiddhaṃ devanagaraṃva - āvāsaṃ puññakamminaṃ. (3)
(Thành phố) có đầy đủ bảy loại châu báu, đông đảo với đủ hạng người, thịnh vượng, tương tợ như thành phố của chư thiên, là nơi cư ngụ của những người có được thiện nghiệp.
Nagare amaravatiyā - sumedho nāma brāhmaṇo
anekakoṭisannicayo - pahūtadhanadhaññavā. (4)
Vị bà-la-môn tên Sumedha ở thành phố Amaravatī là có được nhiều koṭi[3]tiền tích lũy, có tài sản và lúa gạo dồi dào.
Ajjhāyako mantadharo - tiṇṇaṃ vedāna pāragū
lakkhaṇe itihāse ca - saddhamme pāramiṃ gato. (5)
Là vị chuyên về phúng tụng, nắm vững chú thuật, thông thạo ba bộ Vệ Đà, đã đạt đến sự toàn hảo về khoa tướng số, về truyền thuyết, và về phận sự chánh yếu (của vị bà-la-môn).
Rahogato nisīditvā - evaṃ cintesahantadā
dukkho punabbhavo nāma - sarīrassa pabhedanaṃ. (6)
Khi ấy, sau khi ngồi xuống ở nơi thanh vắng ta[4]đã suy nghĩ như vầy: “Sự tái sanh, sự tiêu hoại của xác thân là khổ.
Sammohaṃ maraṇaṃ dukkhaṃ - jarāya abhimadditaṃ
jātidhammo jarādhammo - byādhidhammo cahantadā
ajaraṃ amataṃ khemaṃ - pariyesissāmi nibbutiṃ. (7)
Sự mê mờ, sự chết, bị đày đọa bởi sự già là khổ. Và trong khi còn có trạng thái sanh, trạng thái già, trạng thái bệnh hoạn, ta sẽ tầm cầu sự không già, sự không chết, sự an ổn, Niết Bàn.
Yannūnimaṃ pūtikāyaṃ - nānākuṇapapūritaṃ
chaḍḍayitvāna gaccheyyaṃ - anapekkho anatthiko. (8)
Hay là ta nên từ bỏ tấm thân hôi thối chất chứa đủ loại chất phế thải này và trở thành người không vướng bận, không mong cầu?
Atthi hehiti so maggo - na so sakkā na hetuye
pariyesissāmi taṃ maggaṃ - bhavato parimuttiyā. (9)
Đạo lộ ấy là có và sẽ xuất hiện. Đạo lộ ấy không thể không có nguồn cội. Ta sẽ tầm cầu đạo lộ ấy để hoàn toàn giải thoát khỏi hiện hữu.
Yathāpi dukkhe vijjante - sukhaṃ nāmapi vijjati
evaṃ bhave vijjamāne - vibhavo icchitabbako. (10)
Cũng giống như khi khổ đau được tìm thấy thì điều gọi là an lạc cũng được tìm thấy, tương tợ như thế khi hiện hữu được tìm thấy thì phi hữu cũng là điều cần được mong mỏi.
Yathāpi uṇhe vijjante - aparaṃ vijjati sītalaṃ
evaṃ tividhaggi vijjante - nibbānaṃ icchitabbakaṃ. (11)
Cũng giống như khi sự nóng được tìm thấy thì điều khác là sự lạnh cũng được tìm thấy, tương tợ như thế khi ba loại lửa (tham sân si) được tìm thấy thì Niết Bàn cũng là điều cần được mong mỏi.
Yathāpi pāpe vijjante - kalyāṇamapi vijjati
evameva jāti vijjante - ajāti icchitabbakaṃ. (12)
Cũng giống như khi điều ác được tìm thấy thì điều thiện cũng được tìm thấy, tương tợ y như thế khi sanh được tìm thấy thì vô sanh cũng là điều cần được mong mỏi.
Yathā gūthagato puriso - taḷākaṃ disvāna pūritaṃ
na gavesati taḷākaṃ - na doso taḷākassa so. (13)
Giống như người bị dính phẩn nhìn thấy hồ nước đầy không tìm đến hồ nước ấy; việc sai trái ấy không phải là của hồ nước.
Evaṃ kilesamaladhovanaṃ - vijjante amatantaḷe
na gavesati taḷākaṃ - na doso amatantaḷe. (14)
Tương tợ như vậy, khi hồ nước Bất Tử được tìm thấy cho việc gột rửa bợn nhơ phiền não, người không tìm đến hồ nước thì không phải là điều sai trái của hồ nước Bất Tử.
Yathā arīhi pariruddho - vijjante gamanaṃpathe
na palāyati so puriso - na doso añjasassa so. (15)
Giống như người bị vây hãm xung quanh bởi những kẻ đối nghịch, khi con đường thoát ra được tìm thấy, người ấy không tẩu thoát thì việc sai trái ấy không phải là của con đường.
Evaṃ kilesapariruddho - vijjamāne sive pathe
na gavesati taṃ maggaṃ - na doso sivamañjase. (16)
Tương tợ như vậy, người bị vây hãm toàn diện bởi phiền não, khi đạo lộ thánh thiện được tìm thấy, người không chịu tìm đến đạo lộ ấy thì không phải là điều sai trái của đạo lộ thánh thiện.
Yathāpi byādhito puriso - vijjamāne tikicchake
na tikicchāpeti taṃ byādhiṃ - na so doso tikicchake. (17)
Cũng giống như người bị bệnh, khi vị thầy thuốc được tìm thấy, người không để cho (vị thầy thuốc) chữa trị căn bệnh ấy thì việc sai trái ấy không phải là của vị thầy thuốc.
Evaṃ kilesabyādhīhi - dukkhito paripīḷito
na gavesati ācariyaṃ - na so doso vināyake. (18)
Tương tợ như vậy, người bị khổ đau bị hành hạ toàn diện bởi những căn bệnh phiền não (nhưng) không chịu tìm đến vị thầy thì điều sai trái ấy không phải là của vị thầy hướng dẫn.
Yannūnimaṃ pūtikāyaṃ - nānākuṇapapūritaṃ
chaḍḍayitvāna gaccheyyaṃ - anapekkho anatthiko.[5]
Hay là ta nên từ bỏ tấm thân hôi thối chất chứa đủ loại chất phế thải này và trở thành người không vướng bận, không mong cầu?
Yathāpi kuṇapaṃ puriso - kaṇṭhe bandhaṃ jigucchiyaṃ
mocayitvāna gaccheyya - sukhī serī sayaṃ vasī. (19)
Cũng giống như người sau khi rủ bỏ thây chết ghê tởm vướng ở cổ có thể đạt đến an lạc, sống tự tại, theo ý muốn.
Tathevimaṃ pūtikāyaṃ - nānākuṇapasañcayaṃ
chaḍḍayitvāna gaccheyyaṃ - anapekkho anatthiko. (20)
Tương tợ y như thế, sau khi từ bỏ tấm thân hôi thối tập hợp đủ loại chất phế thải này ta có thể trở thành người không vướng bận, không mong cầu.
Yathā uccāsaṭhānamhi - karīsaṃ naranāriyo
chaḍḍayitvāna gacchanti - anapekkhā anatthikā. (21)
Giống như những người nam hoặc nữ sau khi thải bỏ phẩn ở nhà tiêu rồi ra đi không vướng bận, không mong cầu.
Evamevāhaṃ imaṃ kāyaṃ - nānākuṇapapūritaṃ
chaḍḍayitvāna gacchissaṃ - vaccaṃ katvā yathā kuṭiṃ. (22)
Tương tợ y như thế, sau khi từ bỏ tấm thân được chất chứa đủ loại phế thải này ta sẽ ra đi giống như người sau khi đi tiêu rồi thì (rời khỏi) nhà xí.
Yathāpi jajjaraṃ nāvaṃ - paluttaṃ udakagāhiniṃ
sāmikā chaḍḍayitvāna - anapekkhā anatthikā. (23)
Cũng giống như những chủ nhân sau khi quăng bỏ con thuyền cũ kỹ, rã rời, có sự rò rỉ nước, thì không còn vướng bận, không mong cầu.
Evamevāhaṃ imaṃ kāyaṃ - navacchiddaṃ dhuvassavaṃ
chaḍḍayitvāna gacchissaṃ - jiṇṇanāvaṃva sāmikā. (24)
Tương tợ y như thế, sau khi từ bỏ tấm thân có chín khiếu thường xuyên tiết ra chất dơ này, ta sẽ ra đi giống như những chủ nhân quăng bỏ con thuyền cũ kỹ.
Yathā puriso corehi - gacchanto bhaṇḍamādiya
bhaṇḍacchedabhayaṃ disvā - chaḍḍayitvāna gacchati. (25)
Giống như người mang theo hàng hóa đi cùng bọn trộm cướp, sau khi nhận thấy nỗi lo sợ bởi việc cướp giật hàng hóa liền tách biệt ra đi.
Evameva ayaṃ kāyo - mahācorasamo viya
pahāyimaṃ gamissāmi - kusalacchedanābhayā. (26)
Tương tợ y như thế, thân này được ví như tương đương với kẻ cướp lớn, ta sẽ chối bỏ thân này và ra đi, không còn nỗi sợ hãi về việc bị cướp đoạt thiện pháp.”
Evāhaṃ cintayitvāna - nekakoṭisataṃ dhanaṃ
nāthānāthānaṃ datvāna - himavantaṃ upāgamiṃ. (27)
Sau khi suy nghĩ như thế, ta đã bố thí của cải hàng trăm koṭi [6]đến những người có nơi nương tựa lẫn những người không nơi nương tựa rồi đã đi đến Hy-mã-lạp sơn.
Himavantassāvidūre - dhammiko nāma pabbato
assamo sukato mayhaṃ - paṇṇasālā sumāpitā. (28)
Ở không xa Hy-mã-lạp sơn có ngọn núi tên là Dhammika, khu ẩn cư khéo được tạo lập dành cho ta có ngôi nhà lá khéo được xây dựng.[7]
Caṅkamaṃ tattha māpesiṃ - pañcadosavivajjitaṃ
aṭṭhaguṇasamupetaṃ - abhiññābalamāhariṃ. (29)
Ở nơi ấy ta đã tạo lập đường kinh hành không vi phạm vào năm điều sai trái.[8]Ta đã đạt được năng lực của thắng trí hội đủ tám đức tính.[9]
Sāṭakaṃ pajahiṃ tattha - navadosamupāgataṃ
vākacīraṃ nivāsesiṃ - dvādasaguṇamupāgataṃ. (30)
Ở nơi ấy ta đã quăng bỏ tấm vải choàng liên quan đến chín điều sai trái.[10]Ta đã mặc y phục vỏ cây có được mười hai đức tính.[11]
Aṭṭhadosasamākiṇṇaṃ - pajahiṃ paṇṇasālakaṃ
upāgamiṃ rukkhamūlaṃ - guṇehi dasahupāgataṃ. (31)
Ta đã từ bỏ ngôi nhà lá dính líu tám điều sai trái.[12]Ta đi đến ngụ ở gốc cây có được mười đức tính.[13]
Vāpitaṃ ropitaṃ dhaññaṃ - pajahiṃ niravasesato
anekaguṇasampannaṃ - pavattaphalamādayiṃ. (32)
Ta đã hoàn toàn từ bỏ mễ cốc đã được gieo đã được trồng. Ta đã thọ dụng trái cây rơi rụng được hội đủ vô số đức tính.
Tatthappadhānaṃ padahiṃ - nisajjaṭṭhānacaṅkame
abbhantaramhi sattāhe - abhiññābalapāpuṇiṃ. (33)
Tại nơi ấy, ta đã ra sức nỗ lực trong khi ngồi, đứng, đi kinh hành. Trong thời gian bảy ngày, ta đã đạt được năng lực của thắng trí.
Evaṃ me siddhippattassa - vasībhūtassa sāsane
dīpaṅkaro nāma jino - uppajji lokanāyako. (34)
Trong khi ta đạt được sự thành tựu (năm thắng trí, ngũ thông) và có sự an trú trong pháp tu tập (của đạo sĩ), đấng Chiến Thắng tên Dīpaṅkara, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đã hiện khởi.
Uppajjante ca jāyante - bujjhante dhammadesane
caturo nimitte nāddasaṃ - jhānaratisamappito. (35)
Đắm chìm trong sự thỏa thích của thiền, ta đã không chứng kiến bốn điều báo hiệu sự nhập thai, đản sanh, giác ngộ, và thuyết giảng Giáo Pháp.
Paccantadesavisaye - nimantetvā tathāgataṃ
tassa āgamanaṃ maggaṃ - sodhenti tuṭṭhamānasā. (36)
Sau khi thỉnh mời đức Như Lai, những người dân ở khu vực biên địa với tâm tư mừng rỡ đã dọn sạch sẽ con đường ngự đến của Ngài.
Ahantena samayena - nikkhamitvā sakassamā
dhunanto vākacīrāni - gacchāmi ambare tadā. (37)
Vào lúc bấy giờ, ta rời khỏi khu ẩn cư của bản thân rồi vừa đi ở trên không trung vừa chỉnh lại bộ y phục bằng vỏ cây.
Vedajātaṃ janaṃ disvā - tuṭṭhahaṭṭhaṃ pamoditaṃ
orohitvāna gaganā - manusse pucchi tāvade. (38)
Nhìn thấy dân chúng tràn ngập niềm phấn khởi, hớn hở, vui mừng, hoan hỷ, ta đã từ không trung đáp xuống rồi lập tức hỏi mọi người rằng:
Tuṭṭhahaṭṭho pamudito - vedajāto mahājano
kassa sodhiyatī maggo - añjasaṃ vaṭumāyanaṃ. (39)
“Dân chúng được tràn ngập niềm phấn khởi, hớn hở, vui mừng, hoan hỷ. Đạo lộ, con đường, lối đi, ngõ vào được dọn sạch sẽ cho ai vậy?”
Te me puṭṭhā viyākaṃsu - buddho loke anuttaro
dīpaṅkaro nāma jino - uppajji lokanāyako
tassa sodhiyate maggo - añjasaṃ vaṭumāyanaṃ. (40)
Được ta hỏi, họ đã đáp rằng: “Đức Phật, bậc Tối Thượng ở thế gian, đấng Chiến Thắng, vị Lãnh Đạo Thế Gian tên là Dīpaṅkara đã hiện khởi. Đạo lộ, con đường, lối đi, ngõ vào được dọn sạch sẽ cho vị ấy.”
Buddhoti mama sutvāna - pīti uppajji tāvade
buddho buddhoti kathayanto - somanassaṃ pavedayiṃ. (41)
Khi nghe rằng: “Đức Phật,” pháp hỷ đã sanh khởi đến ta ngay lập tức. Ta đã bày tỏ tâm hoan hỷ, thốt lên rằng: “Đức Phật! Đức Phật!”
Tattha ṭhatvā vicintesiṃ - tuṭṭho saṃviggamānaso
idha vījāni ropissaṃ - khaṇo ve mā upaccagā. (42)
Đứng tại nơi ấy, với tâm tư hớn hở rộn ràng ta đã suy nghĩ rằng: “Ta sẽ gieo các nhân lành ở nơi đây (đức Phật). Đương nhiên chớ để thời khắc trôi đi.”
Yadi buddhassa sodhetha - ekokāsaṃ dadātha me
ahaṃpi sodhayissāmi - añjasaṃ vaṭumāyanaṃ. (43)
(Nói rằng): “Nếu các người dọn sạch sẽ vì đức Phật. Xin các người hãy nhường cho tôi một khu vực. Tôi cũng sẽ dọn sạch sẽ con đường, lối đi, ngõ vào.”
Adaṃsu te mamokāse - sodhetuṃ añjasaṃ tadā
buddho buddhoti cintento - maggaṃ sodhemahantadā. (44)
Khi ấy, họ đã nhường cho ta dọn sạch sẽ con đường ở một khu vực. Rồi ta làm sạch sẽ con đường trong lúc nghĩ tưởng đến “Đức Phật! Đức Phật!”
Aniṭṭhite mamokāse - dīpaṅkaro mahāmuni
catūhi satasahassehi - chaḷabhiññehi tādihi
khīṇāsavehi vimalehi - paṭipajji añjasaṃ jino. (45)
Khi khu vực của ta còn chưa hoàn tất, bậc Đại Hiền Triết Dīpaṅkara, đấng Chiến Thắng, đã bước lên con đường cùng với bốn trăm ngàn vị Lậu Tận không còn ô nhiễm, có sáu thắng trí (lục thông) như thế ấy.
Paccuggamanā vattanti - vajjanti bheriyo bahū
āmoditā naramarū - sādhukāraṃ pavattayuṃ. (46)
Nhiều người di chuyển từ phía đối diện. Họ vỗ kêu những chiếc trống. Chư thiên và nhân loại vui mừng đã thốt lên tiếng “Lành thay!”
Devā manusse passanti - manussā passanti devatā
ubhopi te pañjalikā - anuyanti tathāgataṃ. (47)
Chư thiên ngắm nhìn loài người. Loài người nhìn ngắm chư thiên. Cả hai nhóm ấy cũng đã chắp tay lên đi theo sau đức Như Lai.
Devā dibbehi turiyehi - manussā mānusakehi ca
ubhopi te vajjayantā - anuyanti tathāgataṃ. (48)
Chư thiên với nhạc khí thiên đình, loài người với nhạc khí của nhân gian, cả hai nhóm ấy vừa trình tấu vừa đi theo sau đức Như Lai.
Dibbaṃ mandāravaṃ pupphaṃ - padumaṃ pārichattakaṃ
disodisaṃ okiranti - ākāse nabhagā marū. (49)
Ở trên bầu trời, chư thiên di chuyển trong không gian rải rắc hoa mạn-đà-la, hoa sen, hoa san hô của thiên đình xuống khắp các phương hướng.
Dibbaṃ candanacuṇṇañca - varagandhañca kevalaṃ
disodisaṃ okiranti - ākāse nabhagā marū.
Ở trên bầu trời, chư thiên di chuyển trong không gian rải rắc toàn là bột gỗ đàn hương và hương thơm quý báu của thiên đình xuống khắp các phương hướng.
Campakaṃ salaḷaṃ nīpaṃ - nāgapunnāgaketakaṃ
dīsodisaṃ okiranti - bhūmitalagatā narā. (50)
Loài người di chuyển ở trên mặt đất ném các bông hoa chăm-pa, bông hoa salaḷa, bông hoa nīpa, bông hoa nāga, punnāga, và ketaka ra khắp các phương hướng.
Kese muñcitvāhaṃ tattha - vākacīraṃ ca cammakaṃ
kalale pattharitvāna - avakujjo nipajj’ahaṃ. (51)
Tại nơi ấy, sau khi xõa tóc ta đã trải ra bộ y phục vỏ cây và da thú ở trên bãi bùn lầy rồi ta đã nằm sấp xuống (nói rằng):
Akkamitvāna maṃ buddho - saha sissehi gacchatu
mā naṃ kalalaṃ akkamittha - hitāya me bhavissati. (52)
“Xin đức Phật hãy bước lên (người) con. Xin Ngài cùng các đệ tử hãy tiến bước. Xin các vị chớ bước đi ở bãi bùn lầy ấy; (việc này) sẽ đem lại sự lợi ích cho con.” (53)
Paṭhaviyaṃ nipannassa - evaṃ me āsi cetaso
icchamāno ahaṃ ajja - kilese jhāpaye mama.
Khi đang nằm ở trên mặt đất, tư tưởng như vầy đã khởi đến ta: “(Nếu) mong muốn ta có thể thiêu đốt các phiền não của ta ngày hôm nay.
Kiṃ me aññātavesena - dhammaṃ sacchikatenidha
sabbaññutaṃ pāpuṇitvā - buddho hessaṃ sadevake. (54)
Ta có được gì ở đây khi chứng đắc Giáo Pháp theo phương thức không được tiếng tăm? Ta nên thành tựu quả vị Toàn Tri và trở thành đức Phật ở thế gian có cả chư thiên.
Kiṃ me ekena tiṇṇena - purisena thāmadassinā
sabbaññutaṃ pāpuṇitvā - santāressaṃ sadevake. (55)
Ta có được gì khi là người biết được sức mạnh (của bản thân) lại vượt qua chỉ một mình? Ta nên thành tựu quả vị Toàn Tri và giúp cho thế gian luôn cả chư thiên vượt qua.
Iminā me adhikārena - katena purisuttame
sabbaññutaṃ pāpuṇāmi - tāremi janataṃ bahuṃ. (56)
Với hành động hướng thượng này của ta đã được thực hiện đến bậc Tối Thượng Nhân, ta sẽ thành tựu quả vị Toàn Tri và sẽ giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Saṃsārasotaṃ chinditvā - viddhaṃsetvā tayo bhave
dhammanāvaṃ samāruyha - santāressaṃ sadevake. (57)
Sau khi cắt đứt giòng chảy luân hồi và phá hủy ba cõi (tái sanh), ta sẽ ngự lên con tàu Chánh Pháp và sẽ giúp cho thế gian luôn cả chư thiên vượt qua.”
[Manussattaṃ liṅgasampatti, hetu satthāradassanaṃ;][14]
pabbajjā guṇasampatti, adhikāro ca chandatā;
aṭṭhadhammasamodhānā, abhinīhāro samijjhati. (58)
Sự phát nguyện được thành tựu nhờ vào sự tổng hợp của tám pháp: [Bản thân là loài người, thành tựu nam căn, có chủng tử, nhìn thấy bậc Đạo Sư,] là vị xuất gia, hội đủ đức hạnh, có hành động hướng thượng, và lòng ước muốn.
Dīpaṅkaro lokavidū - āhutīnaṃ paṭiggaho
ussīsake maṃ ṭhatvāna - idaṃ vacanamabravi. (59)
Đấng Thông Suốt Thế Gian Dīpaṅkara, vị thọ nhận các vật cúng dường, đã đứng kề cận đỉnh đầu của ta và đã nói lời này:
Passatha imaṃ tāpasaṃ - jaṭilaṃ uggatāpanaṃ
aparimeyye ito kappe - buddho loke bhavissati. (60)
[15]“Các người hãy nhìn đạo sĩ tóc bện có khổ hạnh cao tột này. Trong vô lượng kiếp tính từ thời điểm này, (người này) sẽ trở thành vị Phật ở thế gian.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ. (61)
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti. (62)
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti. (63)
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakkhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso. (64)
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo. (65)
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā (66)
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā (67)
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati (68)
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā (69)
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.[16]
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ. (70)
Sau khi nghe được lời nói này của vị Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā. (71)
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (72)
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ. (73)
Giống như những người băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (74)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Dīpaṅkaro lokavidū - āhutīnaṃ paṭiggaho
mama kammaṃ pakittetvā - dakkhiṇapādamuddhari. (75)
Đấng Thông Suốt Thế Gian Dīpaṅkara, vị thọ nhận các vật cúng dường đã công bố về hành động của ta rồi đã hướng vai phải nhiễu quanh.[17]
Ye tattha āsuṃ jinaputtā - sabbe padakkhiṇamakaṃsu maṃ.
devā manussā asurā ca yakkhā - abhivādetvāna pakkamuṃ. (76)
Những vị là Thinh Văn của đấng Chiến Thắng ở tại nơi ấy, tất cả các vị đã đi nhiễu quanh (ta). Chư thiên, nhân loại, A-tu-la, và các Dạ-xoa đã đảnh lễ (ta) rồi ra đi.
Dassanaṃ me atikkante - sasaṅghe lokanāyake
sayanā vuṭṭhahitvāna - pallaṅkaṃ ābhujiṃ tadā. (77)
Vào lúc vị Lãnh Đạo Thế Gian cùng hội chúng đã đi khỏi tầm nhìn của ta, khi ấy ta đã từ chỗ nằm vươn dậy rồi xếp vào thế kiết già.
Sukhena sukhito homi - pāmojjena pamodito
pītiyā ca abhissanno - pallaṅkaṃ ābhujiṃ tadā. (78)
Khi ấy, ta được an lạc với sự an lạc, mừng rỡ với sự mừng rỡ, được tràn ngập với pháp hỷ, và ta đã xếp vào thế kiết già.
Pallaṅkena nisīditvā - evaṃ cintesihaṃ tadā
vasībhūto ahaṃ jhāne - abhiññāpāramiṅgato. (79)
Sau khi ngồi xuống với tư thế kiết già, khi ấy ta đã suy nghĩ như vầy: “Được tự tại trong pháp thiền, ta đã đạt đến sự toàn hảo về thắng trí.
Sahassiyamhi lokamhi - isayo natthi me samā
asamo iddhidhammesu - alabhiṃ īdisaṃ sukhaṃ. (80)
Ở trong (mười) ngàn thế giới, các ẩn sĩ ngang bằng với ta là không có. Không có vị nào bằng về các phép thần thông. Ta đã đạt được sự an lạc như thế ấy.”
Pallaṅkābhujane mayhaṃ - dasasahassādhivāsino
mahānādaṃ pavattesuṃ - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (81)
Khi ta đã xếp vào tư thế kiết già, cư dân thuộc mười ngàn (thế giới) đã phát ra lời nói vang dội rằng: “Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Yā pubbe bodhisattānaṃ - pallaṅkavaramābhuje
nimittāni padissanti - tāni ajja padissare. (82)
Trước đây, những điềm báo hiệu nào đã được thể hiện khi các vị Bồ Tát xếp vào tư thế kiết già cao quý, những điều ấy được thể hiện ngày hôm nay.
Sītaṃ byāpagataṃ hoti - uṇhañca upasammati
tāni ajja padissanti - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (83)
Sự lạnh lẽo được biến đi và sự nóng nảy được lắng dịu. Những điều ấy được thể hiện ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Dasasahassī lokadhātu - nissaddā honti nirākulā
tāni ajja padissanti - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (84)
Mười ngàn thế giới không có tiếng động và không bị chộn rộn. Những điều ấy được thể hiện ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Mahāvātā na vāyanti - na sandanti savantiyo
tāni ajja padissanti - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (85)
Những cơn gió lớn ngừng thổi, những giòng nước ngừng chảy. Những điều ấy được thể hiện ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Thalajā jalajā pupphā - sabbe pupphanti tāvade
te’p’ajja pupphitā sabbe - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (86)
Những bông hoa mọc ở trên đất và mọc ở trong nước, tất cả lập tức nở hoa. Tất cả các bông hoa ấy cũng nở hoa ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Latā vā yadivā[18]rukkhā - phalaṃ dhārenti tāvade
tepajja phalitā sabbe - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (87)
Những dây leo hay là những cây cho quả lập tức trĩu quả. Tất cả các cây ấy cũng được kết trái ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Ākāsaṭṭhā ca bhūmaṭṭhā - ratanā jotanti tāvade
tepajja ratanā jotanti - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (88)
Ở trên không trung và ở đất liền, các châu báu lập tức rực sáng. Các châu báu ấy cũng rực sáng ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Mānussikā ca dibbā ca - turiyā vajjanti tāvade
tepajjubho abhiravanti - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (89)
Các loại nhạc cụ của loài người và của cõi trời lập tức tấu nhạc. Cả hai loại nhạc cụ ấy cũng trình tấu ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Vicittapupphā gaganā - abhivassanti tāvade
tepi ajja padissanti - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (90)
Những bông hoa các loại đã lập tức rơi xuống từ bầu trời. Chúng cũng được thể hiện ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Mahāsamuddo ābhujati - dasasahassī pakampati
tepajjubho abhiravanti - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (91)
Đại dương lùi ra xa, mười thế giới rúng động. Cả hai việc ấy cũng ầm ĩ ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Niraye dasasahassā - aggī nibbanti tāvade
tepajja nibbutā aggī - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (92)
Mười ngàn ngọn lửa ở địa ngục lập tức được dập tắt. Các ngọn lửa ấy cũng được dập tắt ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Vimalo hoti suriyo - sabbā dissanti tārakā
tepi ajja padissanti - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (93)
Mặt trời không bị u ám, tất cả các ngôi sao được nhìn thấy. Các việc ấy cũng được thể hiện ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Anovaṭṭhena udakaṃ - mahiyā ubbhijji tāvade
tampajjubbhijjate mahiyā - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (94)
Dầu không có mưa nhưng nước lập tức được phun lên từ mặt đất. Nước ấy cũng được phun lên từ mặt đất ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Tārāgaṇā virocanti - nakkhattā gaganamaṇḍale
visākhā candimāyuttā - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (95)
Các chòm sao, các vì tinh tú chiếu sáng ở trên vòm trời. Chòm sao Visākhā được liên kết với mặt trăng. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Vilāsayā darīsayā - nikkhamanti sakāsayā
tepajja āsayā chuddhā - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (96)
Các loài thú ở hang, các loài thú ở hốc rời khỏi chỗ ngụ của chúng. Chúng cũng chối từ chỗ ngụ ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Na hoti arati sattānaṃ - santuṭṭhā honti tāvade
tepajja sabbe santuṭṭhā - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (97)
Không có sự không vui thích ở các chúng sanh. Họ lập tức trở nên hớn hở. Tất cả bọn họ cũng hớn hở ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Rogā tanūpasammanti - jighacchā ca vinassati
tānipajja padissanti - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (98)
Tật bịnh được giảm thiểu và nạn đói được tiêu trừ. Các điều ấy cũng được thể hiện ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Rāgo tadā tanu hoti - doso moho vinassati
tepajja vigatā sabbe - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (99)
Khi ấy, tham dục trở nên nhỏ nhoi, sân hận si mê được tiêu trừ. Tất cả các điều ấy cũng đã biến mất ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Bhayaṃ tadā na bhavati - ajjapetaṃ padissati
tena liṅgena jānāma - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (100)
Khi ấy, nỗi sợ hãi không hiện diện. Điều ấy cũng được thể hiện ngày hôm nay. Với hiện tướng ấy, chúng tôi biết được chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Rajonuddhaṃsati uddhaṃ - ajjapetaṃ padissati
tena liṅgena jānāma - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (101)
Bụi bặm không bốc lên phía bên trên. Điều ấy cũng được thể hiện ngày hôm nay. Với hiện tướng ấy, chúng tôi biết được chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Aniṭṭhagandho pakkamati - dibbagandho pavāyati
sopajja vāyati gandho - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (102)
Mùi khó chịu biến đi. Mùi hương của thiên đình tỏa đến. Hương thơm ấy cũng tỏa ra ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Sabbe devā padissanti - ṭhapetvā ca arūpino
tepajja sabbe dissanti - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (103)
Tất cả chư thiên đều hiện ra ngoại trừ các vị ở cõi vô sắc. Tất cả các vị ấy cũng được nhìn thấy ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Yāvatā nirayā nāma - sabbe dissanti tāvade
tepajja sabbe dissanti - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (104)
Cho đến các nơi gọi là địa ngục, toàn bộ lập tức được nhìn thấy. Tất cả các nơi ấy cũng được nhìn thấy ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Kuṭā kavāṭā selā ca - na hontāvaraṇā tadā
ākāsabhūtā tepajja - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (105)
Khi ấy, các bức tường thành, các cánh cửa, và các tảng đá không còn là các vật chướng ngại. Chúng cũng đều trở thành những khoảng không ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Cuti ca upapatti ca - khaṇe tasmiṃ na vijjati
tāni ajja padissanti - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (106)
Sự chết và sự tái sanh không xảy ra vào thời khắc ấy. Chúng không được nhìn thấy ngày hôm nay. Chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.
Ime nimittā dissanti - sambodhatthāya pāṇinaṃ
daḷhaṃ paggayha viriyaṃ - mā nivatta abhikkama
mayaṃpetaṃ vijānāma - dhuvaṃ buddho bhavissasi. (107)
Những hiện tướng này được nhìn thấy vì mục đích Toàn Giác cho chúng sanh. Hãy nỗ lực tinh tấn một cách bền bĩ. Chớ có quay lui, hãy tiến bước. Chúng tôi cũng biết rõ điều này là chắc chắn ngài sẽ trở thành đức Phật.”
Buddhassa vacanaṃ sutvā - dasasahassīna - cūbhayaṃ
tuṭṭhahaṭṭho pamodito - evaṃ cintesahantadā. (108)
Nghe được lời nói của cả hai là của đức Phật và của (chư thiên) mười ngàn thế giới, khi ấy ta hớn hở, vui mừng, hoan hỷ suy nghĩ như vầy:
Advejjhavacanā buddhā - amoghavacanā jinā
vitathaṃ natthi buddhānaṃ - dhuvaṃ buddho bhavāmihaṃ. (109)
“Chư Phật các đấng Chiến Thắng không có nói hai lời, không có lời nói rồ dại. Chư Phật không có sự dối trá, chắc chắn ta sẽ trở thành vị Phật.
Yathā khittaṃ nabhe leṇḍaṃ - dhuvaṃ patati bhūmiyaṃ
tatheva buddhaseṭṭhānaṃ - vacanaṃ dhuvasassataṃ. (110)
[vitathaṃ natthi buddhānaṃ - dhuvaṃ buddho bhavāmihaṃ.][19]
Giống như cục đất được ném ở khoảng không thì chắc chắn rơi xuống đất, tương tợ y như thế lời nói của chư Phật là chắc chắn và có cơ sở. Chư Phật không có sự dối trá, chắc chắn ta sẽ trở thành vị Phật.
yathāpi sabbasattānaṃ - maraṇaṃ dhuvasassataṃ
tatheva buddhaseṭṭhānaṃ - vacanaṃ dhuvasassataṃ. (111)
[vitathaṃ natthi buddhānaṃ - dhuvaṃ buddho bhavāmihaṃ.]
Cũng giống như sự chết của tất cả chúng sanh là chắc chắn và có cơ sở, tương tợ y như thế lời nói của chư Phật tối thượng là chắc chắn và có cơ sở. Chư Phật không có sự dối trá, chắc chắn ta sẽ trở thành vị Phật.
Yathā rattikkhaye patte - suriyuggamanaṃ dhuvaṃ
tatheva buddhaseṭṭhānaṃ - vacanaṃ dhuvasassataṃ. (112)
[vitathaṃ natthi buddhānaṃ - dhuvaṃ buddho bhavāmihaṃ.]
Giống như khi đêm tàn đã đến thì có sự mọc lên của mặt trời là điều chắc chắn, tương tợ y như thế lời nói của chư Phật tối thượng là chắc chắn và có cơ sở. Chư Phật không có sự dối trá, chắc chắn ta sẽ trở thành vị Phật.
Yathā nikkhantasayanassa - sīhassa nadanaṃ dhuvaṃ
tatheva buddhaseṭṭhānaṃ - vacanaṃ dhuvasassataṃ. (113)
[vitathaṃ natthi buddhānaṃ - dhuvaṃ buddho bhavāmihaṃ.]
Giống như tiếng rống của con sư tử khi rời khỏi chỗ nằm là điều chắc chắn, tương tợ y như thế lời nói của chư Phật tối thượng là chắc chắn và có cơ sở. Chư Phật không có sự dối trá, chắc chắn ta sẽ trở thành vị Phật.
Yathā āpannasattānaṃ - bhāramoropanaṃ dhuvaṃ
tatheva buddhaseṭṭhānaṃ - vacanaṃ dhuvasassataṃ. (114)
[vitathaṃ natthi buddhānaṃ - dhuvaṃ buddho bhavāmihaṃ.]
Giống như việc lâm bồn của các sản phụ là điều chắc chắn, tương tợ y như thế lời nói của chư Phật tối thượng là chắc chắn và có cơ sở. Chư Phật không có sự dối trá, chắc chắn ta sẽ trở thành vị Phật.
Handa buddhakare dhamme - vicināmi itocito
uddhaṃ adho dasadisā - yāvatā dhammadhātuyā. (115)
Vậy, ta hãy xem xét các pháp tạo thành quả vị Phật từ nơi này và từ nơi này, ở bên trên (cõi trời), ở bên dưới (cõi nhân loại), và các phương hướng cho đến tận bản thể của các pháp ấy.”
Vicinanto tadā dakkhiṃ - paṭhamaṃ dānapāramiṃ
pubbakehi mahesīhi - anuciṇṇaṃ mahāpathaṃ. (116)
Khi ấy, trong lúc xem xét ta đã nhận ra pháp thứ nhất là sự toàn hảo về bố thí (bố thí ba-la-mật), là đạo lộ thênh thang đã được thực hành bởi các vị đại ẩn sĩ tiền bối.
Imaṃ tvaṃ paṭhamaṃ tāva - daḷhaṃ katvā samādiya
dānapāramitaṃ gaccha - yadi bodhiṃ pattumicchasi. (117)
Ngươi[20]hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ nhất này. Ngươi hãy đạt đến sự toàn hảo về bố thí nếu ngươi muốn đạt được quả vị Giác Ngộ.
Yathāpi kumbho sampuṇṇo - yassa kassaci adhokato
vamate udakaṃ nissesaṃ - na tattha parirakkhati. (118)
Cũng giống như cái chum được chứa đầy đã bị úp ngược lại bởi bất cứ điều gì, thì tuôn nước ra không còn dư sót, hoàn toàn không giữ lại ở trong đó.
Tatheva yācake disvā - hīnamukkaṭṭhamajjhime
dadāhi dānaṃ nissesaṃ - kumbho viya adhokato.(119)
Tương tợ y như thế, khi nhìn thấy những người cầu xin dầu hèn, sang, hay trung bình, ngươi hãy cho ra vật thí không chừa lại ví như cái chum đã được úp ngược lại.
Na hete ettakāyeva - buddhadhammā bhavissare
aññepi vicinissāmi - ye dhammā bodhipācanā. (120)
Nhưng các pháp tạo thành quả vị Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, ta sẽ xem xét các điều khác nữa là các pháp làm chín muồi sự giác ngộ.
Vicinanto tadā dakkhiṃ - dutiyaṃ sīlapāramiṃ
pubbakehi mahesīhi - āsevitaṃ nisevitaṃ. (121)
Khi ấy, trong lúc xem xét ta đã nhận ra pháp thứ nhì là sự toàn hảo về giới đã được các vị đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
Imaṃ tvaṃ dutiyaṃ tāva - daḷhaṃ katvā samādiya
sīlapāramitaṃ gaccha - yadi bodhiṃ pattumicchasi. (122)
Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ nhì này. Ngươi hãy đạt đến sự toàn hảo về giới nếu ngươi muốn đạt được quả vị Giác Ngộ.
Yathāpi cāmarī vālaṃ - kismiñci paṭilaggitaṃ
upeti maraṇaṃ tattha - na vikopeti vāladhiṃ. (123)
Cũng giống như con bò mộng có cái đuôi bị vướng vào bất cứ vật gì thà chấp nhận cái chết ở tại nơi ấy chứ không làm đứt cái đuôi.
Tatheva catūsu bhūmīsu - sīlāni paripūraya
parirakkha sabbadā sīlaṃ - cāmarī viya vāladhiṃ. (124)
Tương tợ y như thế, hãy làm tròn đủ các giới luật trong bốn lãnh vực,[21]hãy luôn luôn gìn giữ vẹn toàn giới luật giống như là con bò mộng hộ trì cái đuôi vậy.
Na hete ettakāyeva - buddhadhammā bhavissare
aññepi vicinissāmi - ye dhammā bodhipācanā. (125)
Nhưng các pháp tạo thành quả vị Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, ta sẽ xem xét các điều khác nữa là các pháp làm chín muồi sự giác ngộ.
Vicinanto tadā dakkhiṃ - tatiyaṃ nekkhammapāramiṃ
pubbakehi mahesīhi - āsevitaṃ nisevitaṃ. (126)
Khi ấy, trong lúc xem xét ta đã nhận ra pháp thứ ba là sự toàn hảo về xuất ly đã được các vị đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
Imaṃ tvaṃ tatiyaṃ tāva - daḷhaṃ katvā samādiya
nekkhammapāramitaṃ gaccha - yadi bodhiṃ pattumicchasi. (127)
Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ ba này. Ngươi hãy đạt đến sự toàn hảo về xuất ly nếu ngươi muốn đạt được quả vị Giác Ngộ.
Yathā aṭṭaghare puriso - ciraṃ vuṭṭho dukkhaddito
na tattha rāgaṃ abhijaneti - muttiṃyeva gavesati. (128)
Giống như người sống đã lâu ở trong nhà tù, bị hành hạ khổ sở, không khởi lên lòng ái luyến đối với nơi ấy mà tầm cầu chỉ mỗi sự tự do.
Tatheva tvaṃ sabbabhave - passa aṭṭaghare viya
nekkhammābhimukho hohi - bhavato parimuttiyā. (129)
Tương tợ y như thế, ngươi hãy nhìn tất cả các cõi tái sanh (dục giới, sắc giới, vô sắc giới) như là các nhà tù. Hãy hướng về xuất ly nhắm đến sự hoàn toàn giải thoát khỏi các cõi.
Na hete ettakāyeva - buddhadhammā bhavissare
aññepi vicinissāmi - ye dhammā bodhipācanā. (130)
Nhưng các pháp tạo thành quả vị Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, ta sẽ xem xét các điều khác nữa là các pháp làm chín muồi sự giác ngộ.
Vicinanto tadā dakkhiṃ - catutthaṃ paññāpāramiṃ
pubbakehi mahesīhi - āsevitaṃ nisevitaṃ. (131)
Khi ấy, trong lúc xem xét ta đã nhận ra pháp thứ tư là sự toàn hảo về trí tuệ đã được các vị đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
Imaṃ tvaṃ catutthaṃ tāva - daḷhaṃ katvā samādiya
paññāpāramitaṃ gaccha - yadi bodhiṃ pattumicchasi. (132)
Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ tư này. Ngươi hãy đạt đến sự toàn hảo về trí tuệ nếu ngươi muốn đạt được quả vị Giác Ngộ.
Yathāpi bhikkhu bhikkhanto - hīnamukkaṭṭhamajjhime
kulāni na vivajjento - evaṃ labhati yāpanaṃ. (133)
Cũng giống như vị tỳ khưu trong khi đi khất thực không bỏ qua các gia đình dầu hèn, sang, hay trung lưu, và như thế ấy đạt được phương tiện sinh sống.
Tatheva tvaṃ sabbakālaṃ - paripucchanto budhaṃ janaṃ
paññāpāramitaṃ gantvā - sambodhiṃ pāpuṇissasi. (134)
Tương tợ y như thế, trong khi vấn hỏi người có trí tuệ vào mọi thời điểm, ngươi sẽ đạt đến sự toàn hảo về trí tuệ và sẽ thành tựu quả vị Toàn Giác.
Na hete ettakāyeva - buddhadhammā bhavissare
aññepi vicinissāmi - ye dhammā bodhipācanā. (135)
Nhưng các pháp tạo thành quả vị Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, ta sẽ xem xét các điều khác nữa là các pháp làm chín muồi sự giác ngộ.
Vicinanto tadā dakkhiṃ - pañcamaṃ viriyapāramiṃ
pubbakehi mahesīhi - āsevitaṃ nisevitaṃ. (136)
Khi ấy, trong lúc xem xét ta đã nhận ra pháp thứ năm là sự toàn hảo về tinh tấn đã được các vị đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
Imaṃ tvaṃ pañcamaṃ tāva - daḷhaṃ katvā samādiya
viriyapāramitaṃ gaccha - yadi bodhiṃ pattumicchasi. (137)
Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ năm này. Ngươi hãy đạt đến sự toàn hảo về tinh tấn nếu ngươi muốn đạt được quả vị Giác Ngộ.
Yathāpi sīho migarājā - nisajjaṭṭhānacaṅkame
alīnaviriyo hoti - paggahitamano sadā. (138)
Cũng giống như con sư tử, vua các loài thú, trong khi ngồi, đứng, đi tới lui, có sự tinh tấn không uể oải và luôn luôn có tâm cảnh giác.
Tatheva tvaṃ sabbabhave - paggayha viriyaṃ daḷhaṃ
viriyapāramitaṃ gantvā - sambodhiṃ pāpuṇissasi. (139)
Tương tợ y như thế, ở tại tất cả các cõi tái sanh ngươi hãy nỗ lực sự tinh tấn bền vững, sau khi đạt đến sự toàn hảo về tinh tấn ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn Giác.
Na hete ettakāyeva - buddhadhammā bhavissare
aññepi vicinissāmi - ye dhammā bodhipācanā. (140)
Nhưng các pháp tạo thành quả vị Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, ta sẽ xem xét các điều khác nữa là các pháp làm chín muồi sự giác ngộ.
Vicinanto tadā dakkhiṃ - chaṭṭhamaṃ khantipāramiṃ
pubbakehi mahesīhi - āsevitaṃ nisevitaṃ. (141)
Khi ấy, trong lúc xem xét ta đã nhận ra pháp thứ sáu là sự toàn hảo về nhẫn nại đã được các vị đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
Imaṃ tvaṃ chaṭṭhamaṃ tāva - daḷhaṃ katvā samādiya
tattha advejjhamānaso - sambodhiṃ pāpuṇissasi. (142)
Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ sáu này. Với tâm trí không chao động ở trong pháp ấy, ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn Giác.
Yathāpi paṭhavī nāma - suciṃpi asuciṃpi ca
sabbaṃ sahati nikkhepaṃ - na karoti paṭighaddayaṃ. (143)
Cũng giống như trái đất chịu đựng tất cả các vật quăng bỏ, cả sạch sẽ lẫn dơ dáy, không tỏ ra bực bội hay thích thú.
Tatheva tvaṃpi sabbesaṃ - sammānāvamānakkhamo
khantipāramitaṃ gantvā - sambodhiṃ pāpuṇissasi. (144)
Tương tợ y như thế, ngươi cũng hãy chấp nhận sự trọng vọng hoặc khinh khi của tất cả, sau khi đạt đến sự toàn hảo về nhẫn nại ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn Giác.
Na hete ettakāyeva - buddhadhammā bhavissare
aññepi vicinissāmi - ye dhammā bodhipācanā. (145)
Nhưng các pháp tạo thành quả vị Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, ta sẽ xem xét các điều khác nữa là các pháp làm chín muồi quả vị Giác Ngộ.
Vicinanto tadā dakkhiṃ - sattamaṃ saccapāramiṃ
pubbakehi mahesīhi - āsevitaṃ nisevitaṃ. (146)
Khi ấy, trong lúc xem xét ta đã nhận ra pháp thứ bảy là sự toàn hảo về chân thật đã được các vị đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
Imaṃ tvaṃ sattamaṃ tāva - daḷhaṃ katvā samādiya
tattha advejjhavacano - sambodhiṃ pāpuṇissasi. (147)
Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ bảy này. Không có nói hai lời trong pháp này (thì) ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn Giác.
Yathāpi osadhi nāma - tulābhūtā sadevake
samaye utuvasse vā - na vokkamati vīthito. (148)
Cũng giống như (ngôi sao) Osadhi, có trạng thái cân bằng ở tại thế gian luôn cả các cõi trời, không đi lệch ra ngoài quỹ đạo vào thời điểm trong năm hoặc mùa tiết.
Tatheva tvaṃpi saccesu - mā vokkamasi vīthito
saccapāramitaṃ gantvā - sambodhiṃ pāpuṇissasi. (149)
Tương tợ y như thế, chớ đi lệch ra khỏi đường lối của các sự thật, sau khi đạt đến sự toàn hảo về chân thật ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn Giác.
Na hete ettakāyeva - buddhadhammā bhavissare
aññepi vicinissāmi - ye dhammā bodhipācanā. (150)
Nhưng các pháp tạo thành quả vị Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, ta sẽ xem xét các điều khác nữa là các pháp làm chín muồi sự giác ngộ.
Vicinanto tadā dakkhiṃ - aṭṭhamaṃ adhiṭṭhānapāramiṃ
pubbakehi mahesīhi - āsevitaṃ nisevitaṃ. (151)
Khi ấy, trong lúc xem xét ta đã nhận ra pháp thứ tám là sự toàn hảo về quyết định đã được các vị đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
Imaṃ tvaṃ aṭṭhamaṃ tāva - daḷhaṃ katvā samādiya
tattha tvaṃ niccalo hutvā - sambodhiṃ pāpuṇissasi. (152)
Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ tám này. Sau khi trở nên không còn giao động trong pháp này ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn Giác.
Yathāpi pabbato selo - acalo supatiṭṭhito
na kampati bhusavātehi - sakaṭṭhāneva tiṭṭhati. (153)
Cũng giống như hòn núi đá bền vững, khéo được kết cấu, đứng yên tại chính vị trí của nó, không rung động vì những cơn gió dữ dội.
Tatheva tvampi adhiṭṭhāne - sabbadā acalo bhava
adhiṭṭhānapāramitaṃ gantvā - sambodhiṃ pāpuṇissasi. (154)
Tương tợ y như thế, ngươi cũng hãy luôn luôn không chao đảo trong sự quyết định, sau khi đạt được sự toàn hảo về quyết định ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn Giác.
Na hete ettakāyeva - buddhadhammā bhavissare
aññepi vicinissāmi - ye dhammā bodhipācanā. (155)
Nhưng các pháp tạo thành quả vị Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, ta sẽ xem xét các điều khác nữa là các pháp làm chín muồi sự giác ngộ.
Vicinanto tadā dakkhiṃ - navamaṃ mettāpāramiṃ
pubbakehi mahesīhi - āsevitaṃ nisevitaṃ. (156)
Khi ấy, trong lúc xem xét ta đã nhận ra pháp thứ chín là sự toàn hảo về từ ái đã được các vị đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
Imaṃ tvaṃ navamaṃ tāva - daḷhaṃ katvā samādiya
mettāya asamo hohi - yadi bodhiṃ pattumicchasi. (157)
Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ chín này. Hãy là không so đo với lòng từ ái nếu ngươi muốn đạt được quả vị Giác Ngộ.
Yathāpi udakaṃ nāma - kalyāṇe pāpake jane
samaṃ pharati sītena - pavāheti rajomalaṃ. (158)
Cũng giống như nước tẩy sạch bụi bặm cáu ghét, và đem lại sự mát mẻ cho những người hiền những kẻ ác một cách bình đẳng.
Tatheva tvaṃ hitāhite - samaṃ mettāya bhāvaya
mettāpāramitaṃ gantvā - sambodhiṃ pāpuṇissasi. (159)
Tương tợ y như thế, ngươi hãy phát triển tâm từ ái một cách bình đẳng đối với người thân hay kẻ nghịch. Sau khi đạt được sự toàn hảo về từ ái ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn Giác.
Na hete ettakāyeva - buddhadhammā bhavissare
aññepi vicinissāmi - ye dhammā bodhipācanā. (160)
Nhưng các pháp tạo thành quả vị Phật sẽ không chỉ có chừng ấy, ta sẽ xem xét các điều khác nữa là các pháp làm chín muồi sự giác ngộ.
Vicinanto tadā dakkhiṃ - dasamaṃ upekkhāpāramiṃ
pubbakehi mahesīhi - āsevitaṃ nisevitaṃ. (161)
Khi ấy, trong lúc xem xét ta đã nhận ra pháp thứ mười là sự toàn hảo về hành xả đã được các vị đại ẩn sĩ tiền bối thực hành, gắn bó.
Imaṃ tvaṃ dasamaṃ tāva - daḷhaṃ katvā samādiya
tulābhūto daḷho hutvā - sambodhiṃ pāpuṇissasi. (162)
Ngươi hãy củng cố và thọ trì cho được pháp thứ mười này. Được cân bằng và trở nên vững chải, ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn Giác.
Yathāpi paṭhavī nāma - nikkhittaṃ asuciṃ suciṃ
upekkhati ubhopete - kodhānunayavajjitā. (163)
Cũng giống như trái đất bình thản đối với vật dơ vật sạch đã được ném xuống, không phạm vào cả hai điều là giận dữ hay ưu đãi ấy.
Tatheva tvaṃ sukhadukkhe - tulābhūto sadā bhava
upekkhāpāramitaṃ gantvā - sambodhiṃ pāpuṇissasi. (164)
Tương tợ y như thế, ngươi hãy luôn luôn giữ trạng thái cân bằng đối với lạc và khổ, sau khi đạt đến sự toàn hảo về hành xả ngươi sẽ thành tựu quả vị Toàn Giác.
Ettakāyeva te loke - ye dhammā bodhipācanā
taduddhaṃ natthi aññatra - daḷhaṃ tattha patiṭṭhahi. (165)
Các pháp làm chín muồi sự giác ngộ ở thế gian chỉ có chừng ấy, không có pháp nào khác hơn thế nữa. Ngươi hãy thiết lập bền vững trong các pháp ấy.
Ime dhamme sammasato - sabhāvasarasalakkhaṇe
dhammatejena vasudhā - dasasahassī pakampatha. (166)
Trong khi ta đang suy nghiệm các pháp này về bản thể, tính chất, và đặc điểm, do oai lực của các pháp quả đất và mười ngàn thế giới đã rúng động.
Calati ravati paṭhavī - ucchuyantaṃva pīḷitaṃ
telayantaṃ yathā cakkaṃ - evaṃ kampati medanī. (167)
Quả đất lay động gào thét như là máy ép mía bị khuấy rối. Máy ép dầu có bánh xe rung chuyển như thế nào thì trái đất rung động như thế ấy.
Yāvatā parisā āsi - buddhassa parivesane
pavedhamānā sā tattha - mucchitā seti bhūmiyaṃ. (168)
Cho đến nhóm người ở tại nơi dâng cúng vật thực đến đức Phật, trong lúc run rẩy họ bị choáng váng rồi nằm dài trên mặt đất tại nơi ấy.
Ghaṭānekasahassāni - kumbhīnañca satā bahū
sañcuṇṇamathitā tattha - aññamaññaṃ paghaṭṭitā. (169)
Hàng ngàn hũ đựng nước và nhiều trăm chiếc lu va chạm lẫn nhau bị vỡ tan, bị nghiền nát ở tại nơi ấy.
Ubbiggā tasitā bhītā - bhantā byathitamānasā
mahājanā samāgamma - dīpaṅkaramupāgamuṃ. (170)
Với tâm trí lo âu, sợ hãi, hoảng hốt, hồi hộp, bối rối, dân chúng đã tụ hội lại rồi đi đến gặp (đức Phật) Dīpaṅkara (hỏi rằng):
Kiṃ bhavissati lokassa - kalyāṇaṃ atha pāpakaṃ
sabbo upadduto loko - taṃ vinodehi cakkhumā. (171)
“Điều gì sẽ xảy ra ở thế gian? Là điều tốt hay điều xấu? Toàn bộ thế gian bị khuấy động, xin bậc Hữu Nhãn hãy xua tan điều ấy.”
Tesaṃ tadā saññāpesi - dīpaṅkaro mahāmuni
visaṭṭhā hotha mā bhātha - imasmiṃ paṭhavikampane. (172)
Khi ấy, bậc Đại Hiền Triết Dīpaṅkara đã giải thích rõ cho họ rằng: “Hãy yên tâm. Chớ có hoảng hốt về việc động đất này.
Yamahaṃ ajja byākāsiṃ - buddho loke bhavissati
eso sammasatī dhammaṃ - pubbakaṃ jinasevitaṃ. (173)
Người mà hôm nay ta công bố sẽ trở thành vị Phật ở thế gian, người ấy suy nghiệm về pháp đã được thực hành bởi các đấng Chiến Thắng thời quá khứ.
Tassa sammasato dhammaṃ - buddhabhūmimasesato
tenāyaṃ kampatī paṭhavī - dasasahassī sadevake. (174)
Trong khi vị ấy đang suy nghiệm về pháp là nền tảng của chư Phật không có thiếu sót. Vì thế quả đất này với mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên đã rúng động.”
Buddhassa vacanaṃ sutvā - mano nibbāti tāvade
sabbe maṃ upasaṅkamma - punapi abhivandisuṃ. (175)
Sau khi lắng nghe lời nói của đức Phật, lập tức tâm (mọi người) được lắng dịu. Tất cả đã đến gần ta rồi cũng đã đảnh lễ lần nữa.
Samādayitvā buddhaguṇaṃ - daḷhaṃ katvāna mānasaṃ
dīpaṅkaraṃ namassitvā - āsanā vuṭṭhahiṃ tadā. (176)
Sau khi đã thọ trì đức hạnh của chư Phật và lập tâm kiên cố, khi ấy ta đã cúi lạy (đức Phật) Dīpaṅkara và đã từ chỗ ngồi đứng dậy.
Dibbaṃ mānussikaṃ pupphaṃ - devā mānusakā ubho
samokiranti pupphehi - vuṭṭhahantassa āsanā. (177)
Với những bông hoa, cả hai hạng chư thiên và nhân loại rải rắc bông hoa của cõi trời và của loài người xuống Sumedha đang từ chỗ ngồi đứng dậy.
Vedayanti ca te sotthiṃ - devā mānusakā ubho
mahantaṃ patthitaṃ tuyhaṃ - taṃ labhassu yathicchitaṃ. (178)
Và cả hai hạng chư thiên và nhân loại ấy phát biểu lời chúc tốt lành rằng: “Lời phát nguyện của ngài thật vĩ đại. Mong rằng ngài sẽ đạt được điều ấy theo như ước muốn.
Sabbītiyo vivajjantu - soko rogo vivajjatu
mā te bhavatvantarāyo - phussa khippaṃ bodhimuttamaṃ. (179)
Mong rằng tất cả điều rủi ro đều được xa lánh. Mong rằng sầu não, bệnh tật được tiêu trừ. Mong rằng sự nguy hiểm đừng xảy đến cho ngài. Ngài hãy mau mau đạt đến quả vị Giác Ngộ tối thượng.
Yathāpi samaye sampatte - pupphanti pupphino dumā
tatheva tvaṃ mahāvīra - buddhañāṇena pupphasi. (180)
Cũng giống như cây cho hoa nở hoa khi đến mùa, tương tợ y như thế, hỡi đấng Đại Hùng, xin ngài hãy trổ hoa với trí tuệ của vị Phật.
Yathā ye keci sambuddhā - pūrayuṃ dasapāramiṃ
tatheva tvaṃ mahāvīra - pūraya dasapāramiṃ. (181)
Giống như bất cứ các vị nào là Toàn Giác đã làm tròn đủ sự toàn hảo của mười pháp, tương tợ y như thế, hỡi đấng Đại Hùng, xin ngài hãy làm tròn đủ sự toàn hảo của mười pháp.
Yathā ye keci sambuddhā - bodhimaṇḍamhi bujjhare
tatheva tvaṃ mahāvīra - bujjhassu jinabodhiyaṃ. (182)
Giống như bất cứ các vị nào là Toàn Giác đã giác ngộ ở khuôn viên cội Bồ Đề, tương tợ y như thế, hỡi đấng Đại Hùng, xin ngài hãy giác ngộ ở cội Bồ Đề của đấng Chiến Thắng.
Yathā ye keci sambuddhā - dhammacakkaṃ pavattayuṃ
tatheva tvaṃ mahāvīra - dhammacakkaṃ pavattaya. (183)
Giống như bất cứ các vị nào là Toàn Giác đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp, tương tợ y như thế, hỡi đấng Đại Hùng, xin ngài hãy chuyển vận bánh xe Chánh Pháp.
Puṇṇamāyaṃ yathā cando - paripuṇṇo virocati
tatheva tvaṃ puṇṇamano - viroca dasasahassiyaṃ. (184)
Giống như mặt trăng vào ngày rằm là đầy đặn và chiếu sáng, tương tợ y như thế, xin ngài hãy là vẹn toàn và chiếu sáng mười ngàn thế giới.
Rāhumutto yathā suriyo - tāpena atirocati
tatheva lokā muñcitvā - viroca siriyā tuvaṃ. (185)
Giống như mặt trời thoát khỏi thần Rāhu[22]thì vô cùng rạng rỡ với nguồn năng lượng, tương tợ y như thế sau khi thoát ra khỏi thế gian xin ngài hãy tỏa sáng với sự vinh quang.
Yathā yā kāci nadiyo - osaranti mahodadhiṃ
evaṃ sadevakā lokā - osaranti tavantike. (186)
Giống như mọi con sông đều chảy xuôi về biển cả, tương tợ như thế các thế gian luôn cả chư thiên xuôi giòng trong sự hiện diện của Ngài.”
Tehi thutippasattho so - dasadhamme samādiya
te dhamme paripūrento - pavanaṃ pāvisī tadāti. (187)
Khi ấy, được họ tán dương và ca ngợi, sau khi thọ trì mười pháp và trong khi làm tròn đủ các pháp ấy, vị ấy đã tiến vào khu rừng thẳm.
Sumedhakathā niṭṭhitā.
Dứt phần nói về Sumedha.
--ooOoo--
Tadā te bhojayitvāna - sasaṅghaṃ lokanāyakaṃ
upagañchuṃ saraṇaṃ tassa - dīpaṅkarassa satthuno. (188)
Kế đến, sau khi đã dâng vật thực đến đấng Lãnh Đạo Thế Gian cùng với hội chúng (tỳ khưu), họ đã đi đến nương nhờ (quy y) bậc Đạo Sư Dīpaṅkara ấy.
Saraṇāgamane kañci - nivesesi tathāgato
kañci pañcasu sīlesu - sīle dasavidhe paraṃ. (189)
Đức Như Lai đã an lập người này vào việc nương nhờ, người kia vào năm giới, người khác vào mười giới.
Kassaci deti sāmaññaṃ - caturo phalamuttame
kassaci asame dhamme - deti so paṭisambhidā. (190)
Ngài ban cho vị này tư cách sa-môn trong bốn quả vị tối thượng. Ngài ban cho vị kia tuệ phân tích thuộc về các pháp không gì sánh kịp.
Kassaci varasamāpattiyo - aṭṭha deti narāsabho
tisso kassaci vijjāyo - chaḷabhiññā pavecchati. (191)
Đấng Nhân Ngưu ban cho người này tám tầng thiền quý báu, ban tặng cho người kia ba minh, sáu thắng trí (lục thông).
Tena yogena janakāyaṃ - ovadati mahāmuni
tena vitthārikaṃ āsi - lokanāthassa sāsanaṃ. (192)
Bậc Đại Hiền Triết giáo huấn đám đông bằng phương thức ấy. Nhờ vậy, Giáo Pháp của đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã được phổ biến rộng rãi.
Mahāhanūsabhakkhandho - dīpaṅkarasanāmako
bahū jane tārayati - parimoceti duggatiṃ. (193)
Vị có tên Dīpaṅkara, có quai hàm lớn vai rộng, giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua, giúp cho họ hoàn toàn thoát khỏi khổ cảnh.
Bodhaneyyajanaṃ disvā - satasahassepi yojane
khaṇena upagantvāna - bodheti taṃ mahāmuni. (194)
Sau khi nhìn thấy chúng sanh có thể giác ngộ dầu ở cách trăm ngàn do-tuần, bậc Đại Hiền Triết đi đến trong khoảnh khắc và giác ngộ người ấy.
Paṭhamābhisamaye buddho - koṭisatamabodhayi
dutiyābhisamaye nātho - navutikoṭimabodhayi. (195)
Trong sự lãnh hội lần thứ nhất, đức Phật đã giác ngộ một trăm koṭi (1 tỷ) vị. Trong sự lãnh hội lần thứ nhì, Ngài đã giác ngộ chín mươi koṭi (chín trăm triệu) vị.
Yadā ca devabhavanamhi - buddho dhammamadesayi
navuti koṭi sahassānaṃ - tatiyābhisamayo ahu. (196)
Và khi đức Phật thuyết giảng Giáo Pháp ở tại cung trời, đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của chín mươi ngàn koṭi (chín trăm tỷ) vị.
Sannipātā tayo āsuṃ - dīpaṅkarassa satthuno
koṭi satasahassānaṃ - paṭhamo āsi samāgamo. (197)
Bậc Đạo Sư Dīpaṅkara có ba lần tụ hội. Cuộc hội tụ thứ nhất là của một trăm ngàn koṭi (một ngàn tỷ, một triệu triệu) vị.
Puna nāradakūṭamhi - pavivekagate jine
khīṇāsavā vītamalā - samiṃsu satakoṭiyo. (198)
Hơn nữa, khi đấng Chiến Thắng sống biệt cư tại đỉnh núi Nārada, một trăm koṭi bậc Lậu Tận không còn ô nhiễm đã tụ hội lại.
Yamhi kāle mahāvīro - sudassanasiluccaye
navutikoṭisahassehi - pavāresi mahāmuni. (199)
Vào thời gian đấng Đại Hùng ngự ở ngọn núi Sudassana, bậc Đại Hiền Triết đã hành lễ Pavāraṇā với chín mươi ngàn koṭi vị.
Ahaṃ tena samayena - jaṭilo uggatāpano
antalikkhamhi caraṇo - pañcābhiññāsu pāragū. (200)
Vào lúc bấy giờ, ta là đạo sĩ bện tóc có khổ hạnh cao tột, đi lại ở trên không trung, toàn hảo về năm thắng trí.
Dasavīsasahassānaṃ - dhammābhisamayo ahu
ekadvinnaṃ abhisamayo - gaṇanāto asaṅkhiyo. (201)
Đã có sự lãnh hội Giáo Pháp của mười ngàn, hai mươi ngàn vị. Sự lãnh hội của một hai vị là không kể đến theo cách thức tính toán.
Vitthārikaṃ bāhujaññaṃ - iddhaṃ phītaṃ ahū tadā
dīpaṅkarassa bhagavato - sāsanaṃ suvisodhitaṃ. (202)
Khi ấy, Giáo Pháp vô cùng thanh tịnh của đức Thế Tôn Dīpaṅkara đã được phát triển, thành công, và phổ biến rộng rãi đến số đông người.
Cattāri satasahassāni - chaḷabhiññā mahiddhikā
dīpaṅkaraṃ lokaviduṃ - parivārenti sabbadā. (203)
Bốn trăm ngàn vị Lục Thông có đại thần lực luôn luôn tề tựu xung quanh bậc Thông Suốt Thế Gian Dīpaṅkara.
Ye keci tena samayena - jahanti mānusambhavaṃ
appattamānasā sekkhā - garahitā bhavanti te. (204)
Vào lúc bấy giờ, những ai từ bỏ bản thể nhân loại còn là những bậc Hữu Học có tâm trí chưa được thành đạt, những người ấy bị chê trách.
Supupphitaṃ pāvacanaṃ - arahantehi tādihi
khīṇāsavehi vimalehi - upasobhati sabbadā. (205)
Nhờ vào các vị A-la-hán có các lậu hoặc đã tận không còn ô nhiễm như thế ấy, lời tuyên thuyết được khéo léo đươm hoa luôn luôn sáng chói.
Nagaraṃ rammavatī nāma - sudevo nāma khattiyo
sumedhā nāma janikā - dīpaṅkarassa satthuno. (206)
Thành phố có tên là Rammavatī, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Sudeva, người mẹ của đấng Đạo Sư Dīpaṅkara tên là Sumedhā.
Dasavassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasī jino
haṃsā koñcā māyurākkhya - tayo pāsādamuttamā. (207)
Đấng Chiến Thắng đã ở đời sống gia đình trong mười ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời gọi tên là Haṃsā, Koñcā, và Māyurā.
Tīṇi satasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
padumā nāma sā nārī - usabhakkhandho nāma atrajo. (208)
Có ba trăm ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Padumā. Con trai tên là Usabhakkhandha.
Nimitte caturo disvā - hatthiyānena nikkhami
anūnadasamāsāni - padhānaṃ padahī jino. (209)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện voi và đã ra sức nỗ lực mười tháng không thiếu sót.
Padhānacāraṃ caritvāna - abujjhi mānasā muni
brahmunā yācito santo - dīpaṅkaro mahāmuni. (210)
Sau khi thực hành hạnh nỗ lực, bậc Hiền Triết đã giác ngộ bằng tâm. Bậc Đại Hiền Triết Dīpaṅkara đã được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu.
Vattacakko mahāvīro - nandārāme vasī jino
nisinno sirisamūlamhi - akāsi titthiyamaddanaṃ. (211)
Bậc Đại Hùng, đấng Chiến Thắng oai lực, có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận tại tu viện Nandā. Ngồi ở gốc cây Sirisa, Ngài đã khuất phục hàng ngoại đạo.
Sumaṅgalo ca tisso ca - ahesuṃ aggasāvakā
sāgato nāmupaṭṭhāko - dīpaṅkarassa satthuno. (212)
Sumaṅgala và Tissa đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đạo Sư Dīpaṅkara tên là Sāgata.
Nandā ceva sunandā ca - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - pipphalīti pavuccati. (213)
Nandā và luôn cả Sunandā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là “Pipphalī.”
Tapussabhallikā nāma - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
sirimā soṇā upaṭṭhikā - dīpaṅkarassa satthuno. (214)
Tapussa và Bhallika đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Sirimā và Soṇā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ của bậc Đạo Sư Dīpaṅkara.
Asītihatthamubbedho - dīpaṅkaro mahāmuni
sobhati dīparukkhova - sālarājāva phullito. (215)
Cao tám mươi cánh tay,[23]vị Đại Hiền Triết Dīpaṅkara sáng ngời như cây cột đèn, như là cây Sālā chúa đã được trổ hoa.
Pabhā niddhāvatī tassa - samantā dasayojane
satasahassavassāni - āyu tassa mahesino.
Hào quang của vị ấy tỏa ra xung quanh mười do-tuần. Tuổi thọ của vị Đại Ẩn Sĩ ấy là một trăm ngàn năm.
Tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ (216)
jotayitvāna saddhammaṃ - santāretvā mahājanaṃ.
Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua. Ngài đã làm rạng rỡ Chánh Pháp và đã giúp cho dân chúng vượt qua.
Jalitvā aggikkhandhova - nibbuto so sasāvako (217)
sā ca iddhi so ca yaso - tāni ca pādesu cakkaratanāni.
Sau khi rực cháy như là khối lửa, Ngài cùng với các vị Thinh Văn đã Niết Bàn. Thần thông ấy, danh tiếng ấy, và các bánh xe châu báu ấy ở hai bàn chân,
Sabbaṃ samantarahitaṃ - nanu rittā sabbasaṅkhārāti (218)
dīpaṅkaro jino satthā - nandārāmamhi nibbuto.
Tất cả đều hoàn toàn biết mất, phải chăng tất cả các hành là trống không? Đấng Chiến Thắng, bậc Đạo Sư Dīpaṅkara đã Niết Bàn tại tu viện Nandā.
Tattheva tassa jinathūpo - chattiṃsubbedhayojano. (219)
Bảo tháp của đấng Chiến Thắng dành cho vị ấy có chiều cao ba mươi sáu do-tuần ở ngay tại nơi ấy.
Pattacīvaraṃ parikkhāraṃ - paribhogañca satthuno
bodhimūle tadā thūpo - tiyojanasamuggato.
Khi ấy, có ngôi bảo tháp đã được xây dựng cao ba do-tuần ở tại cội cây Bồ Đề (để thờ phượng) y, bình bát, vật phụ tùng, và đồ dùng của đấng Đạo Sư.
Dīpaṅkarabuddhavaṃso paṭhamo.
Lịch sử đức Phật Dīpaṅkara là phần thứ nhất.
--ooOoo--
[1]Theo chú giải là đại kiếp (mahākappa) chứ không phải là kiếp sống (āyukappa).
[2]Amara hoặc Amaravatī đều là tên của thành phố này.
[3]Xin nhớ rằng 1 koṭi = 10.000.000. Từ koṭi sẽ được sử dụng thường xuyên trong văn bản này (ND).
[4]Tiền thân Sumedha trong thời quá khứ.
[5]Tạng Anh không có câu kệ này nên không có số thứ tự.
[6]Nhiều tỷ (1.000.000.000).
[7]Do thiên tử Vissakamma thực hiện theo lệnh của Chúa Trời Sakka.
[8]Năm điều sai trái của đường kinh hành là: cứng không bằng phẳng, cây mọc ở bên trong, lợp dày, quá chật hẹp, quá rộng. Đường kinh hành nên dài 60 ratana, rộng 1.5 ratana (15 mét và 37.5 cm - ND).
[9]Tám đức tính của thắng trí là: tâm được định tĩnh, thanh tịnh, trong sáng, không bợn nhơ, dứt khỏi tùy phiền não, trạng thái nhu nhuyến thích hợp cho hành động, vững vàng, bất động.
[10]Chín điều sai trái của việc sử dụng tấm vải choàng là: có giá trị, trạng thái phụ thuộc vào người khác, mau dơ khi sử dụng và khi bị dơ phải giặt rồi nhuộm màu lại, trạng thái sờn cũ do sử dụng và khi bị sờn cũ phải mạng vá lại, khó đạt được khi tầm cầu, không thích hợp cho vị xuất gia làm ẩn sĩ, được phổ biến đối với các kẻ thù nghịch và phải lo gìn giữ để khỏi bị trộm cắp, là đồ trang sức khi mặc vào, có dục vọng lớn lao khi mặc đi đường.
[11]Mười hai đức tính của việc mặc y phục vỏ cây là: có giá trị thấp, không phụ thuộc vào người khác, có thể tự tay làm lấy, khi bị sờn cũ do sử dụng không cần phải may vá, không phải sợ trộm cắp, dễ dàng thực hiện khi có nhu cầu, thích hợp cho vị xuất gia làm ẩn sĩ, không được xem là vật trang sức, có ước muốn nhỏ nhoi về y phục, trạng thái thoải mái lúc sử dụng, vỏ cây đạt được dễ dàng, trạng thái thản nhiên khi y phục vỏ cây bị mất.
[12]Tám điều sai trái của việc cư ngụ ở ngôi nhà là: thành tựu do nhiều công sức, việc thường xuyên quan tâm đến, cỏ, lá, đất sét, v.v..., thức giấc vào ban đêm nghĩ rằng: “Chỗ ngụ bị cũ kỷ” khiến tâm không định, cơ thể yếu đuối vì được ngăn cách với thời tiết nóng lạnh, nguyên nhân của việc che giấu điều bị chê trách (vì nghĩ rằng): “Đi vào nhà rồi có thể làm bất cứ điều gì xấu xa,” việc gìn giữ của cải (nghĩ rằng): “Cái này là của ta,” có người cùng sống chung trong nhà, có nhiều sự chung đụng với các loài rận rệp, bọ chét, thằn lằn, v.v...
[13]Mười đức tính của việc ngụ ở cội cây là: ít bị bận rộn, (nghĩ rằng): “Chỉ việc đi đến cư ngụ” không phạm tội lỗi do dễ dàng đạt được, thường xuyên sanh khởi sự nghĩ tưởng về vô thường khi nhìn sự biến đổi hình thức của lá cây, không bỏn xẻn về chỗ ngụ, không thuận tiện làm việc xấu xa (nghĩ rằng): “Bị xấu hổ trong khi làm điều xấu xa ở nơi ấy,” không phải gìn giữ, sống chung với chư thiên, việc từ bỏ mái che, an lạc trong việc thọ dụng, không lo lắng khi đi đến mọi nơi vì việc dễ dàng có được chỗ ngụ ở gốc cây.
[14]Tạng Thái Lan không có câu này, được thêm vào từ Tạng Anh.
[15]Từ câu kệ 60-69 là lời chú nguyện của đức Phật Dīpaṅkara cho Bồ Tát Sumedha. Lời chú nguyện này sẽ được 23 vị Phật kế tiếp lập lại để chú nguyện cho vị Bồ Tát tiền thân của đức Phật Gotama.
[16]Nếu dịch đúng theo từ sẽ là: “Tuổi thọ của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.” Vì tuổi thọ của đức Phật Gotama chỉ là tám mươi năm nên đã dịch như ở trên. Dòng kệ thứ nhì này không có ở Tạng Anh.
[17]Dịch sát nghĩa sẽ là “rồi đã nâng bàn chân phải lên” thay vì “đã hướng vai phải nhiễu quanh.” Chú Giải đề cập cả hai cách dịch.
[18]Chú giải ghi rằng “phalabhārā” thay vì “vā yadivā.” Lời dịch được ghi theo Chú Giải.
[19]Câu khẳng định lập đi lập lại này được thêm vào từ Tạng Anh.
[20]Ngươi (tvaṃ) là ngôi thứ hai số ít, có thể là bất cứ thính giả nào, không hẳn là ngài Sārīputta vì ngài đã là Phật Thinh Văn (ND).
[21]Bốn lãnh vực của giới là: thu thúc trong giới bổn Pātimokkha, thu thúc các giác quan, nuôi mạng thanh tịnh, và liên quan đến các vật dụng.
[22]Hiện tượng nhật thực được giải thích theo truyền thuyết là mặt trời bị thần Rāhu nuốt lấy (ND).
[23]80 hattha (cánh tay) = 40 mét (1 hattha = 0.50 mét. ND).
[3]
Dīpaṅkarassa aparena - koṇḍañño nāma nāyako
anantate jāmitayaso - appameyyo durāsado. (1)[1]
Sau (đức Phật) Dīpaṅkara, vị Lãnh Đạo tên Koṇḍañña có vinh quang vô tận, danh tiếng vô cùng, không thể đo lường, khó thể đạt đến.
Dharaṇūpamo so khamanena - sīlena sāgarūpamo
samādhinā merūpamo - ñāṇena gaganūpamo. (2)
Vị ấy được ví như trái đất về sự kham nhẫn, như biển cả về giới hạnh, như núi Meru về thiền định, như bầu trời về trí tuệ.
Indriyabalabojjhaṅga- - maggasaccappakāsanaṃ
pakāsesi sadā buddho - hitāya sabbapāṇinaṃ. (3)
Vì lợi ích của tất cả chúng sanh, đức Phật luôn luôn giảng giải bài giảng về Căn Quyền, về Lực, về các Chi Phần đưa đến Giác Ngộ, về Đạo Lộ, về Chân Lý.
Dhammacakkaṃ pavattente - koṇḍaññe lokanāyake
koṭisatasahassānaṃ - paṭhamābhisamayo ahu. (4)
Trong khi đấng Lãnh Đạo Thế Gian Koṇḍañña chuyển vận bánh xe Chánh Pháp, đã có sự lãnh hội lần thứ nhất là của một trăm ngàn koṭi.
Tato paraṃpi desente - naramarūnaṃ samāgame
navutikoṭisahassānaṃ - dutiyābhisamayo ahu. (5)
Về sau vào lúc khác, trong khi thuyết giảng ở cuộc hội tụ của loài người và chư thiên, đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của chín chục ngàn koṭi.
Titthiye abhimaddanto - yadā dhammamadesayi
asīti koṭisahassānaṃ - tatiyābhisamayo ahu. (6)
Trong khi khuất phục các ngoại đạo, lúc ấy đức Phật đã thuyết giảng Giáo Pháp; đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của tám chục ngàn koṭi.
Sannipātā tayo āsuṃ - koṇḍaññassa mahesino
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - santacittāna tādinaṃ. (7)
Bậc Đại Ẩn Sĩ Koṇḍañña đã có ba lần tụ hội gồm các vị Lậu Tận, không còn ô nhiễm, có tâm thanh tịnh như thế ấy.
Koṭisatasahassānaṃ - paṭhamo āsi samāgamo
dutiyo koṭisahassānaṃ - tatiyo navuti koṭinaṃ. (8)
Cuộc hội tụ thứ nhất gồm có một trăm ngàn koṭi vị, thứ nhì gồm có một ngàn koṭi vị, thứ ba gồm có chín mươi koṭi vị.
Ahaṃ tena samayena - vijitāvī nāma khattiyo
samudda-antamantena - issariyaṃ vattayāmihaṃ. (9)
Vào lúc bấy giờ, ta là vị sát-đế-lỵ tên Vijitāvī. Ta thể hiện quyền thống trị từ đầu này đến đầu kia của biển cả.
Koṭisatasahassānaṃ - vimalānaṃ mahesinaṃ
sahalokagganāthena - paramannena tappayiṃ. (10)
Ta đã làm hài lòng một trăm ngàn koṭi vị đại ẩn sĩ không còn ô nhiễm cùng với đấng Lãnh Đạo Tối Thắng của thế gian bằng vật thực tuyệt hảo.
Sopi maṃ buddho byākāsi - koṇḍañño lokanāyako
aparimeyye ito kappe - buddho loke bhavissati. (11)
Đức Phật ấy, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Koṇḍañña, cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong vô lượng kiếp tính từ thời điểm này, (người này) sẽ trở thành vị Phật ở thế gian.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ.
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso. (12)
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo. (13)
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ. (14)
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati. (15)
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là “Assattha.” Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino. (16)
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ. (17)
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā. (18)
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (19)
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ. (20)
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (21)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāhaṃ vacanaṃ sutvā - bhiyyo cittaṃ pasādayiṃ
tameva atthaṃ sādhento - mahārajjaṃ jine adaṃ
mahārajjaṃ daditvāna - pabbajiṃ tassa santike. (22)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Trong khi làm hoàn mỹ cho chính mục đích ấy,[2]ta đã dâng lên đấng Chiến Thắng vương quốc rộng lớn. Sau khi bố thí vương quốc rộng lớn, ta đã xuất gia trong sự chứng minh của vị ấy.
Suttantaṃ vinayañcāpi - navaṅga satthusāsanaṃ
sabbaṃ pariyāpuṇitvāna - sobhayiṃ jinasāsanaṃ. (23)
Sau khi học tập toàn bộ Kinh và luôn cả Luật tức là Giáo Pháp của bậc Đạo Sư gồm chín thể loại, ta đã làm rạng rỡ Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.
Tatthappamatto viharanto - nisajjaṭṭhānacaṅkame
abhiññāpāramiṃ gantvā - brahmalokamagañchihaṃ. (24)
Trong khi sống không xao lãng trong Giáo Pháp ấy trong khi ngồi, đứng, đi kinh hành, sau khi làm toàn hảo các thắng trí, ta đã đạt đến thế giới của Phạm Thiên.
Nagaraṃ rammavatī nāma - sunando nāma khattiyo
sujātā nāma janikā - koṇḍaññassa mahesino. (25)
Thành phố có tên là Rammavatī, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Sunanda, người mẹ của vị Đại Ẩn Sĩ Koṇḍañña tên là Sujātā.
Dasavassasahassāni - agāramajjhe ca so vasi
suci suruci subho ca - tayo pāsādamuttamā. (26)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình mười ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Suci, Suruci, và Subha.
Tīṇi satasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
rucidevī nāma sā nārī - jīvitaseno nāma atrajo. (27)
Có ba trăm ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Rucidevī. Con trai tên là Jīvitasena.
Nimitte caturo disvā - rathayānena nikkhami
anūnadasamāsāni - padhānaṃ padahī jino. (28)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện cỗ xe và đã ra sức nỗ lực mười tháng không thiếu sót.
Brahmunā yācito santo - koṇḍañño dipaduttamo
vattacakko mahāvīro - devānañca mahāvane. (29)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, bậc Tối Thượng Nhân, đấng Đại Hùng Koṇḍañña có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở khu rừng lớn của chư thiên.
Bhaddo ceva subhaddo ca - ahesuṃ aggasāvakā
anuruddho nāmupaṭṭhāko - koṇḍaññassa mahesino. (30)
Bhadda và luôn cả Subhadda đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Koṇḍañña tên là Anuruddha.
Tissā ca upatissā ca - ahesuṃ aggasāvikā
sālakalyāṇiko bodhi - koṇḍaññassa mahesino. (31)
Tissā và luôn cả Upatissā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của vị Đại Ẩn Sĩ Koṇḍañña là cây Sāla tốt lành (Sālakalyāṇika).
Soṇo ca upasoṇo ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
nandā ceva sirīmā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (32)
Soṇa và Upasoṇa đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Nandā và luôn cả Sirimā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
So aṭṭhāsīti hatthāni - accuggato mahāmuni
sobhate uḷurājāva - suriyo majjhanhike yathā. (33)
Cao tám mươi tám cánh tay (40 mét), bậc Đại Hiền Triết ấy sáng ngời tợ như mặt trăng,[3]giống như mặt trời lúc chính ngọ.
Vassasatasahassāni - āyu vijjati tāvade
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (34)
Tuổi thọ được biết là kéo dài đến một trăm ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Khīṇāsavehi vimalehi - vicittā āsi medanī
yathā gaganaṃ uḷubhi - evaṃ so upasobhatha. (35)
Trái đất được điểm tô với những bậc Lậu Tận không còn ô nhiễm giống như là bầu trời được tô điểm bởi các vì tinh tú, khi ấy vị ấy đã rạng rỡ như thế.
Tepi nāgā appameyyā - asaṅkhobbhā durāsadā
vijjupātaṃva dassetvā - nibbutā te mahāyasā. (36)
Các bậc long tượng ấy là vô lượng, không bị dao động, khó thể đạt đến. Sau khi thị hiện giống như là tia chớp, các vị có danh tiếng vĩ đại ấy đã Niết bàn.
Sā ca atuliyā jinassa iddhi - ñāṇaparibhāvito ca samādhi
sabbaṃ samantarahitaṃ - nanu rittā sabbasaṅkhārāti. (37)
Thần thông ấy và (thiền) định được phát triển toàn diện bằng trí tuệ của đấng Chiến Thắng là vô song, tất cả đều hoàn toàn biết mất, phải chăng tất cả các hành là trống không?
Koṇḍañño siridharo buddho - nandārāmamhi nibbuto
tattheva cetiyo tassa - sattayojanamussitoti. (38)
Đức Phật Koṇḍañña, bậc có niềm vinh quang, đã Niết Bàn tại tu viện Nandā. Ngôi bảo tháp dành cho vị ấy đã được dựng lên cao bảy do-tuần ở ngay tại nơi ấy.
Koṇḍaññabuddhavaṃso dutiyo.
Lịch sử đức Phật Koṇḍañña là phần thứ nhì.
--ooOoo--
TATIYO MAṄGALABUDDHAVAṂSO
***
[4]
Koṇḍaññassa aparena - maṅgalo nāma nāyako
tamaṃ loke nihantvāna - dhammokkamabhidhārayi. (1)
Sau (đức Phật) Koṇḍañña, vị Lãnh Đạo tên là Maṅgala đã hủy diệt bóng tối ở thế gian và nâng cao ngọn đuốc Chánh Pháp.
Atulāsi pabhā tassa - jinehaññehi uttari
candasuriyapabhaṃ hantvā - dasasahassī virocati. (2)
Hào quang của vị ấy là vô song, vượt trội các đấng Chiến Thắng khác, tiêu diệt ánh sáng mặt trăng mặt trời, và rọi sáng mười ngàn thế giới.
Sopi buddho pakāsesi - caturo saccavaruttame
te te saccarasaṃ pitvā - vinodenti mahātamaṃ. (3)
Đức Phật ấy cũng đã giảng giải về bốn Chân Lý cao quý tối thượng. Những ai đã uống chất tinh túy của Chân Lý, những vị ấy xua tan bóng tối mịt mùng.
Patvāna bodhimatulaṃ - paṭhame dhammadesane
koṭisatasahassānaṃ - paṭhamābhisamayo ahu. (4)
Sau khi đạt đến quả vị Giác Ngộ vô song, trong buổi thuyết giảng Giáo Pháp lần đầu tiên, đã có sự lãnh hội lần thứ nhất của một trăm ngàn koṭi.
Surindadevabhavane - buddho dhammamadesayi
tadā koṭisatasahassānaṃ - dutiyābhisamayo ahu. (5)
Đức Phật đã thuyết giảng Giáo Pháp ở cung điện của vị Chúa Trời. Khi ấy đã có sự lãnh hội lần thứ nhì của một trăm ngàn koṭi.
Yadā sunando cakkavatti - sambuddhamupasaṅkami
tadā āhani sambuddho - dhammabheriṃ varuttamaṃ. (6)
Khi đức chuyển luân vương Sunanda đi đến gặp đấng Toàn Giác, khi ấy đấng Toàn Giác đã gióng tiếng trống cao quý tối thượng của Giáo Pháp.
Sunandassānucarā ca - tadāsuṃ navutikoṭiyo
sabbe te niravasesā - ahesuṃ ehi bhikkhukā. (7)
Và khi ấy, những người tùy tùng của (đức vua) Sunanda gồm có chín mươi koṭi. Tất cả những người ấy không thiếu sót ai đã trở thành tỳ khưu theo hình thức gọi đến.[4]
Sannipātā tayo āsuṃ - maṅgalassa mahesino
koṭisatasahassānaṃ - paṭhamo āsi samāgamo. (8)
Vị Đại Ẩn Sĩ Maṅgala đã có ba lần tụ hội. Cuộc hội tụ thứ nhất gồm có một trăm ngàn koṭi vị.
Koṭisatasahassānaṃ - dutiyo āsi samāgamo
tatiye navutikoṭīnaṃ - tatiyo āsi samāgamo.
Cuộc hội tụ thứ nhì gồm có một trăm ngàn koṭi vị. Cuộc hội tụ thứ ba gồm có chín mươi koṭi vị.
Khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - tadā āsi samāgamo (9)
Ahaṃ tena samayena - suruci nāma brāhmaṇo.
Khi ấy, đã có cuộc hội tụ của các bậc Lậu Tận không còn ô nhiễm. Vào lúc bấy giờ, ta là vị bà-la-môn tên Suruci.
Ajjhāyiko mantadharo - tiṇṇaṃ vedāna pāragū (10)
tamahaṃ upasaṅkamiṃ - saraṇaṃ gantvāna satthuno.
Là vị trì tụng, nắm vững chú thuật, thành thạo ba bộ Vệ Đà, ta đã đi đến gặp và đã quy y bậc Đạo Sư ấy.
Sambuddhappamukhaṃ saṅghaṃ - gandhamālena pūjayiṃ
pūjetvā gandhamālena - gavapānena tappayiṃ. (11)
Ta đã cúng dường hương thơm và tràng hoa đến hội chúng có bậc Toàn Giác đứng đầu. Sau khi cúng dường hương thơm và tràng hoa, ta đã làm hài lòng (các vị) với món gavapāna.[5]
Sopi maṃ buddho byākāsi - maṅgalo dipaduttamo
aparimeyye ito kappe - ayaṃ buddho bhavissati. (12)
Vị Phật ấy, đấng Tối Thượng Nhân Maṅgala, cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong vô lượng kiếp tính từ thời điểm này, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ.
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso. (13)
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ.
Anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - bhiyyo cittaṃ pasādayiṃ
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsiṃ - dasapāramipūriyā. (14)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Tadā pītiṃ nubrūhanto - sambodhivarapattiyā
buddhe datvāna maṃ gehaṃ - pabbajiṃ tassa santike. (15)
Khi ấy, trong lúc đang tăng trưởng niềm hoan hỷ đối với việc đạt đến quả vị Toàn Giác cao quý, ta đã cúng dường ngôi nhà của ta đến đức Phật và đã xuất gia trong sự chứng minh của vị ấy.
Suttantaṃ vinayañcāpi - navaṅgasatthusāsanaṃ
sabbaṃ pariyāpuṇitvāna - sobhayiṃ jinasāsanaṃ. (16)
Sau khi học tập toàn bộ Kinh và luôn cả Luật tức là Giáo Pháp của bậc Đạo Sư gồm chín thể loại, ta đã làm rạng rỡ Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.
Tatthappamatto viharanto - brahmaṃ bhāvetvā bhāvanaṃ
abhiññāsu pāramiṃ gantvā - brahmalokamagañchihaṃ. (17)
Trong khi sống không xao lãng trong Giáo Pháp ấy, sau khi tu tập pháp hành của Phạm Thiên và làm toàn hảo các thắng trí, ta đã đạt đến thế giới của Phạm Thiên.
Nagaraṃ uttaraṃ nāma - uttaro nāma khattiyo
uttarā nāma janikā - maṅgalassa mahesino. (18)
Thành phố có tên là Uttara, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Uttara, người mẹ của vị Đại Ẩn Sĩ Maṅgala tên là Uttarā.
Nava vassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
yasavā sucimā sirīmā - tayo pāsādamuttamā. (19)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình trong chín ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Yasavā, Sucimā, và Sirimā.
Samatiṃsasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
yasavatī nāma nārī - sīvalo nāma atrajo. (20)
Có đầy đủ ba mươi ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Yasavatī. Con trai tên là Sīvala.
Nimitte caturo disvā - assayānena nikkhami
anūna-aṭṭhamāsāni - padhānaṃ padahī jino. (21)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện ngựa và đã ra sức nỗ lực tám tháng không thiếu sót.
Brahmunā yācito santo - maṅgalo lokanāyako
vattacakko mahāvīro - caresi dipaduttamo. (22)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đại Hùng, bậc Tối Thượng Nhân Maṅgala, có bánh xe (Chánh Pháp) được chuyển vận, đã tiến bước.
Sudevo dhammaseno ca - ahesuṃ aggasāvakā
pālito nāmupaṭṭhāko - maṅgalassa mahesino. (23)
Sudeva và Dhammasena đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Maṅgala tên là Pālita.
Sīvalā ca asokā ca - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - nāgarukkhoti vuccati. (24)
Sīvalā và Asokā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là “Cây Nāga.”
Nando ceva visākho ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
anuḷā ceva sumanā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (25)
Nanda và luôn cả Visākha đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Anuḷā và luôn cả Sumanā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Aṭṭhāsītiratanāni - accuggato mahāmuni
tato niddhāvatī raṃsi - anekasatasahassiyo. (26)
Bậc Đại Hiền Triết cao tám mươi tám ratana.[6]Từ thân vị ấy phát ra hàng trăm ngàn ánh hào quang.
Navuti vassasahassāni - āyu vijjati tāvade
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (27)
Tuổi thọ được biết là kéo dài đến chín mươi ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Yathāpi sāgare ummi - na sakkā te gaṇetuye
tatheva sāvakā tassa - na sakkā te gaṇetuye. (28)
Cũng giống như sóng ở biển không thể nào tính đếm chúng được. Tương tợ y như thế, các Thinh Văn của vị ấy không thể nào tính đếm các vị ấy được.
Yāva aṭṭhāsi sambuddho - maṅgalo lokanāyako
na tassa sāsane atthi - sakilesamaraṇaṃ tadā. (29)
Trong khi bậc Toàn Giác đấng Lãnh Đạo Thế Gian Maṅgala còn hiện tiền, vào khi ấy không có cái chết vẫn còn phiền não ở trong Giáo Pháp của vị ấy.
Dhammokkaṃ dhārayitvāna - santāretvā mahājanaṃ
jalitvā dhumaketūva - nibbuto so mahāyaso. (30)
Sau khi đã nâng đỡ ngọn đuốc Chánh Pháp, sau khi đã giúp cho đại chúng vượt qua, sau khi rực cháy như là cây cột khói, vị có danh tiếng lớn lao ấy đã Niết Bàn.
Saṅkhārānaṃ sabhāvattaṃ - dassayitvā sadevake
jalitvā aggikkhandhova - suriyo atthaṅgato yathā. (31)
Sau khi đã chỉ cho thế gian luôn cả chư thiên thấy được bản chất cơ bản của các hành, (vị ấy) đã phát cháy như là khối lửa, tương tợ như mặt trời đã lặn.
Uyyāne vassare nāma - buddho nibbāyi maṅgalo
tattheva tassa jinathūpo - tiṃsayojanamuggatoti. (32)
Đức Phật Maṅgala đã Niết Bàn tại công viên tên là Vassara. Ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng dành cho vị ấy đã được dựng lên cao ba mươi do-tuần ở ngay tại nơi ấy.
Maṅgalabuddhavaṃso tatiyo.
Lịch sử đức Phật Maṅgala là phần thứ ba.
--ooOoo--
CATUTTHO SUMANABUDDHAVAṂSO
***
[5]
Maṅgalassa aparena - sumano nāma nāyako
sabbadhammehi asamo - sabbasattānamuttamo. (1)
Sau (đức Phật) Maṅgala, vị Lãnh Đạo tên Sumana là bậc Tối Thượng của tất cả chúng sanh, không ai sánh bằng về tất cả các pháp (giới, định, tuệ).
Tadā amatabheriyo - āhani mekhale pure
dhammasaṅkhasamāyuttaṃ - navaṅgajinasāsanaṃ. (2)
Khi ấy ở thành phố Mekhala, Ngài đã gióng lên những tiếng trống bất tử được liên kết với những hồi tù và Giáo Pháp là lời giáo huấn của đấng Chiến Thắng gồm chín thể loại.
Vijinitvā kilese so - patto sambodhimuttamaṃ
māpesi nagaraṃ satthā - saddhammapuravaruttamaṃ. (3)
Sau khi chiến thắng các phiền não, đấng Đạo Sư ấy đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng và đã tạo lập thành phố là thành phố Chánh Pháp cao quý tối thượng.
Nirantaraṃ akuṭilaṃ - ujuṃ vipulavitthataṃ
māpesi so mahāvīthiṃ - satipaṭṭhānavaruttamaṃ. (4)
Vị ấy đã tạo ra con đường lớn không bị cách khoảng, không khúc khuỷu, thẳng tắp, dài và rộng, (ấy là) Tứ Niệm Xứ cao quý tối thượng.
Phale cattāri sāmaññe - catasso paṭisambhidā
chaḷabhiññāṭṭhasamāpattī - pasāresi tattha vīthiyaṃ. (5)
Nơi đó, ở tại con đường Ngài đã trưng bày bốn quả vị sa-môn, bốn tuệ phân tích, sáu thắng trí, và tám thiền chứng.
Ye appamattā akhilā - hiriviriyehupāgatā
te te ime guṇavare - ādiyanti yathā sukhaṃ. (6)
Những ai không bị xao lãng, (tâm) không bị ngăn trở, có được sự hổ thẹn tội lỗi và sự tinh tấn, chính những người ấy đạt được các đức hạnh cao quý này một cách dễ dàng.
Evametena yogena - uddharanto mahājanaṃ
bodhesi paṭhamaṃ satthā - koṭisatasahassiyo. (7)
Như thế bằng phương thức ấy, trong lúc nâng đỡ đại chúng bậc Đạo Sư đã giác ngộ trước tiên một trăm ngàn koṭi vị.
Yamhi kāle mahāvīro - ovadi titthiye gaṇe
koṭisatasahassāni - dutiye dhammadesane. (8)
Trong dịp thuyết giảng Giáo Pháp lần thứ nhì là lúc đấng Đại Hùng giáo huấn các đồ chúng ngoại đạo, đã có một trăm ngàn koṭi (người lãnh hội).
Yadā devā manussā ca - samaggā ekamānasā
nirodhapañhaṃ pucchiṃsu - saṃsayañcāpi mānasaṃ. (9)
Vào lúc chư thiên và nhân loại có sự đồng lòng nhất trí đã vấn câu hỏi về sự Tịch Diệt và luôn cả sự nghi ngờ ở trong tâm nữa.
Tadāpi dhammadesane - nirodhaparidīpane
navutikoṭisahassānaṃ - tatiyābhisamayo ahu. (10)
Khi ấy, cũng vào dịp thuyết giảng Giáo Pháp giải thích rõ ràng về sự Tịch Diệt, đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của chín mươi ngàn koṭi vị.
Sannipātā tayo āsuṃ - sumanassa mahesino
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - santacittāna tādinaṃ. (11)
Bậc Đại Ẩn Sĩ Sumana đã có ba lần tụ hội gồm các vị Lậu Tận không còn ô nhiễm, có tâm thanh tịnh như thế ấy.
Vassaṃ vuṭṭhassa bhagavato - abhisaṅghuṭṭhe pavāraṇe
koṭisatasahassehi - pavāresi tathāgato. (12)
Khi đức Thế Tôn đã trải qua mùa (an cư) mưa, vào ngày lễ Pavāraṇā đã được công bố, Như Lai đã hành lễ Pavāraṇā cùng với một trăm ngàn koṭi vị.
Tato paraṃ sannipāte - vimale kañcanapabbate
navutikoṭisahassānaṃ - dutiyo āsi samāgamo. (13)
Sau đó vào lúc khác, khi các vị không còn ô nhiễm đã tụ hội ở ngọn núi Kañcana, đã có cuộc hội tụ thứ nhì của chín mươi ngàn koṭi vị.
Yadā sakko devarājā - buddhadassanupāgami
asītikoṭisahassānaṃ - tatiyo āsi samāgamo. (14)
Khi Chúa Trời Sakka đi đến chiêm ngưỡng đức Phật, đã có cuộc hội tụ thứ ba của tám mươi ngàn koṭi vị.
Ahaṃ tena samayena - nāgarājā mahiddhiko
atulo nāma nāmena - uppannakusalasañcayo. (15)
Vào lúc bấy giờ, ta là vị Long Vương tên là Atula, có đại thần lực, có sự tích lũy các thiện pháp đã được thành tựu.
Tadāhaṃ nāgabhavanā - nikkhamitvā sañātibhi
nāgānaṃ dibbaturiyehi - sasaṅghaṃ jinamupaṭṭhahiṃ. (16)
Khi ấy, sau khi rời khỏi long cung ta đã cùng thân quyến phục vụ đấng Chiến Thắng cùng với hội chúng bằng các nhạc cụ thiên đình của loài rồng.
Koṭisatasahassāni - annapānena tappayiṃ
paccekadussayugaṃ datvā - saraṇaṃ tamupāgamiṃ. (17)
Ta đã làm hài lòng một trăm ngàn koṭi vị với thức ăn và nước uống. Sau khi đã dâng mỗi một vị hai xấp vải, ta đã quy y vị ấy.
Sopi maṃ buddho byākāsi - sumano lokanāyako
aparimeyye ito kappe - ayaṃ buddho bhavissati. (18)
Đức Phật ấy, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Sumana, cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong vô lượng kiếp tính từ thời điểm này, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ.
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (19)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - bhiyyo cittaṃ pasādayiṃ
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsiṃ - dasapāramipūriyā. (21)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Mekhalaṃ nāma nagaraṃ - sudatto nāma khattiyo
sirimā nāma janikā - sumanassa mahesino. (21)
Thành phố có tên là Mekhala, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Sudatta, người mẹ của vị Đại Ẩn Sĩ Sumana tên là Sirimā.
Navavassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
cando sucando vaṭaṃso - tayo pāsādamuttamā. (22)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình chín ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Canda, Sucanda, và Vaṭaṃsa.
Tesaṭṭhisatasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
vaṭaṃsakī nāma nārī - anupamo nāma atrajo. (23)
Có sáu mươi ba trăm ngàn (sáu triệu ba trăm ngàn) phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Vataṃsakī. Con trai tên là Anupama.
Nimitte caturo disvā - hatthiyānena nikkhami
anūnadasamāsāni - padhānaṃ padahī jino. (24)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện voi và đã ra sức nỗ lực mười tháng không thiếu sót.
Brahmunā yācito santo - sumano lokanāyako
vattacakko mahāvīro - mekhale puravaruttame. (25)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đại Hùng Sumana có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở thành phố Mekhala cao quý tối thượng.
Saraṇo bhāvitatto ca - ahesuṃ aggasāvakā
udeno nāmupaṭṭhāko - sumanassa mahesino. (26)
Saraṇa và Bhāvitatta đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Sumana tên là Udena.
Soṇā ca upasoṇā ca - ahesuṃ aggasāvikā
sopi buddho asamasamo - nāgamūle abujjhatha. (27)
Soṇā và Upasoṇā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Đức Phật ấy, là vị tương đương với các bậc không thể sánh bằng, đã giác ngộ cũng ở cội cây Nāga.
Varuṇo ceva saraṇo ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
cālā ca upacālā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (28)
Varuṇa và luôn cả Saraṇa đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Cālā và Upacālā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Uccattanena so buddho - navutihatthamuggato
kañcanagghikasaṅkāso - dasasahassī virocati. (29)
Đạt đến chín mươi cánh tay (45 mét) về chiều cao, đức Phật ấy tỏa sáng mười ngàn thế giới tợ như kim loại vàng quý giá.
Navutivassasahassāni - āyu vijjati tāvade
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (30)
Tuổi thọ được biết là kéo dài đến chín mươi ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Tāraṇīye tārayitvā - bodhaneyye abodhayi
parinibbāyi sambuddho - uḷurājāva atthami. (31)
Sau khi đã giúp cho vượt qua những người xứng đáng được vượt qua và đã giác ngộ những người xứng đáng được giác ngộ, đấng Toàn Giác đã Vô Dư Niết Bàn ví như mặt trăng (vua của các vì sao) đã lặn.
Te ca khīṇāsavā bhikkhū - so ca buddho asādiso
atulaṃ pabhaṃ dassayitvā - nibbutā te mahāyasā. (32)
Đức Phật ấy là không gì sánh được và các vị tỳ khưu ấy là các bậc Lậu Tận. Sau khi thị hiện ánh sáng vô song, các vị có danh tiếng lớn lao ấy đã Niết Bàn.
Tañca ñāṇamatuliyaṃ - tāni ca atuliyāni ratanāni
sabbaṃ samantarahitaṃ - nanu rittā sabbasaṅkhārāti. (33)
Trí tuệ vô song ấy và các châu báu không gì so sánh ấy, tất cả đều hoàn toàn biết mất, phải chăng tất cả các hành là trống không?
Sumano yasadharo buddho - aṅgārāmamhi nibbuto
tattheva tassa jinathūpo - catuyojanamuggato. (34)
Đức Phật Sumana, bậc có danh tiếng, đã Niết Bàn tại tu viện Aṅgāra. Ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng dành cho vị ấy đã được dựng lên cao bốn do-tuần ở ngay tại nơi ấy.
Sumanabuddhavaṃso catuttho.
Lịch sử đức Phật Sumana là phần thứ tư.
--ooOoo--
PAÑCAMO REVATABUDDHAVAṂSO
***
[6]
Sumanassa aparena - revato nāma nāyako
anupamo asadiso - atulo uttamo jino. (1)
Sau (đức Phật) Sumana, có vị Lãnh Đạo, đấng Chiến Thắng tên Revata là vô song, tối thượng, không có tương đương, không gì sánh được.
Sopi dhammaṃ pakāsesi - brahmunā abhiyācito
khandhadhātuvavatthānaṃ - appavattaṃ bhavābhave. (2)
Được thỉnh cầu bởi đấng Phạm Thiên, vị ấy cũng đã giảng giải Giáo Pháp, định nghĩa về (năm) Uẩn (mười tám) Giới chưa từng được chuyển vận ở tam giới.
Tassābhisamayā tīṇi - ahesuṃ dhammadesane
gaṇanāya na vattabbo - paṭhamābhisamayo ahu. (3)
Trong sự thuyết giảng Giáo Pháp của vị ấy, đã có ba lần lãnh hội. Sự lãnh hội lần thứ nhất là không thể nói được bằng cách tính đếm.
Yadā arindamaṃ rājaṃ - vinesi revato muni
tadā koṭisahassānaṃ - dutiyābhisamayo ahu. (4)
Vào lúc bậc Hiền Triết Revata chỉ dạy đức vua Arindama, khi ấy đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của một ngàn koṭi vị.
Sattāhaṃ paṭisallānā - vuṭṭhahitvā narāsabho
koṭisataṃ naramarūnaṃ - vinesi uttame phale. (5)
Sau khi xuất ra khỏi thiền tịnh bảy ngày, đấng Nhân Ngưu đã chỉ dạy về các quả vị tối thượng cho một trăm koṭi chư thiên và nhân loại.
Sannipātā tayo āsuṃ - revatassa mahesino
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - suvimuttāna tādinaṃ. (6)
Bậc Đại Ẩn Sĩ Revata đã có ba lần tụ hội gồm các vị Lậu Tận không còn ô nhiễm, đã khéo giải thoát như thế ấy.
Atikkantagaṇanapathā - paṭhamā ye samāgatā
koṭisatasahassānaṃ - dutiyo āsi samāgamo. (7)
Các vị đi đến vào lần đầu tiên là vượt quá phương thức tính đếm. Cuộc hội tụ thứ nhì gồm có một trăm ngàn koṭi vị.
Yo so paññāya asamo - tassa cakkānuvattako
so tadā byādhiko āsi - patto jīvitasaṃsayaṃ. (8)
Người phụ trợ trong việc chuyển vận bánh xe (Chánh Pháp) của đức Phật là không ai sánh bằng về trí tuệ. Khi ấy, vị ấy bị bệnh và đã đạt đến tình trạng bấp bênh về mạng sống.
Tassa gilānapucchāya - ye tadā upagatā muniṃ
koṭisatasahassānaṃ - tatiyo āsi samāgamo. (9)
Khi ấy, những người đã đến với vị hiền triết để thăm hỏi bệnh tình của vị ấy; đã có cuộc hội tụ thứ ba của một trăm ngàn koṭi vị.
Ahaṃ tena samayena - atidevo nāma brāhmaṇo
upagantvā revataṃ buddhaṃ - saraṇaṃ tassa gañchahaṃ. (10)
Vào lúc bấy giờ, ta là vị bà-la-môn tên Atideva. Ta đã đi đến gặp đức Phật Revata. Ta đã quy y vị ấy.
Tassa sīlaṃ samādhiñca - paññāguṇamanuttaraṃ
thomayitvā yathāthāmaṃ - uttariyaṃ adāsahaṃ. (11)
Sau khi ca tụng giới, định, và đức hạnh tối thắng về tuệ của vị ấy, ta đã dâng lên thượng y phù hợp với khả năng.
Sopi maṃ buddho byākāsi - revato lokanāyako
aparimeyye ito kappe - ayaṃ buddho bhavissati. (12)
Đức Phật ấy, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Revata, cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong vô lượng kiếp tính từ thời điểm này, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ.
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - bhiyyo cittaṃ pasādayiṃ
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsiṃ - dasapāramipūriyā. (14)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Tadāpi taṃ buddhadhammaṃ - saritvā anubrūhayiṃ
āharissāmi taṃ dhammaṃ - yaṃ mayhaṃ abhipatthitaṃ. (15)
Cũng vào khi ấy, ta đã nhớ lại và làm cho tăng trưởng pháp của chư Phật (nghĩ rằng): “Điều gì ta đã phát nguyện thì ta sẽ đem lại điều ấy.[7]”
Nagaraṃ sudhaññakaṃ nāma - vipulo nāma khattiyo.
vipulā nāma janikā - revatassa mahesino. (16)
Thành phố có tên là Sudhaññaka, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Vipula, người mẹ của vị Đại Ẩn Sĩ Revata tên là Vipulā.
Chabbassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
sudassano ca ratanagghi - āveḷo ca vibhūsito
puññakammābhinibbattā - tayo pāsādamuttamā. (17)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình trong sáu ngàn năm. Ba tòa lâu đài tuyệt vời đã được trang hoàng Sudassana, Ratanagghi, và Āveḷa là đã được phát sanh lên do thiện nghiệp.
Tettiṃsasatasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
sudassanā nāma nārī - varuṇo nāma atrajo. (18)
Có ba mươi ba ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân (người vợ) tên là Sudassanā. Con trai tên là Varuṇa.
Nimitte caturo disvā - rathayānena nikkhami
anūnasattamāsāni - padhānaṃ padahī jino. (19)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện xe và đã ra sức nỗ lực bảy tháng không thiếu sót.
Brahmunā yācito santo - revato lokanāyako
vattacakko mahāvīro - varuṇārāme vasī jino. (20)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Chiến Thắng, bậc Đại Hùng Revata có oai lực, có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở tại khu vườn Varuṇa.
Varuṇo brahmadevo ca - ahesuṃ aggasāvakā
sambhavo nāmupaṭṭhāko - revatassa mahesino. (21)
Varuṇa và Brahmadeva đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Maṅgala tên là Sambhava.
Bhaddā ceva subhaddā ca - ahesuṃ aggasāvikā
sopi buddho asamasamo - nāgamūle abujjhatha. (22)
Bhaddā và luôn cả Subhaddā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Khi ấy, đức Phật ấy, vị tương đương với các bậc không thể sánh bằng, cũng đã giác ngộ ở cội cây Nāga.
Varuṇo ca sarabho ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
pālā ca upapālā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (23)
Varuṇa và Sarabha đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Pālā và Upacālā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Uccattanena so buddho - asītihatthamuggato
obhāsesi disā sabbā - indaketuva uggato. (24)
Đạt đến tám mươi cánh tay (40 mét) về chiều cao, đức Phật ấy tỏa sáng khắp cả các phương như là cây cờ hiệu của thần Inda đã được giương cao.
Tassa sarīre nibbattā - pabhāmālā anuttarā
divā vā yadivā rattiṃ - samantā pharati yojanaṃ. (25)
Vòm hào quang tối thắng phát xuất từ cơ thể của vị ấy tỏa ra xung quanh một do-tuần dầu là ban ngày hay ban đêm.
Saṭṭhivassasahassāni - āyu vijjati tāvade
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (26)
Tuổi thọ được biết là kéo dài đến sáu mươi ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Dassayitvā buddhabalaṃ - amataṃ loke pakāsayi
nibbāsi anupādāno - yathaggupādānasaṅkhayā. (27)
Sau khi đã thị hiện Phật lực, Ngài đã giảng giải pháp Bất Tử ở thế gian và đã Niết Bàn không còn chấp thủ tợ như ngọn lửa đã cạn nguồn nhiên liệu.
So ca kāyo ratananibho - so ca dhammo asādiso
sabbaṃ samantarahitaṃ - nanu rittā sabbasaṅkhārāti. (28)
Và thân thể như là châu báu ấy, Giáo Pháp không gì tương đương ấy, tất cả đều hoàn toàn biết mất, phải chăng tất cả các hành là trống không?
Revato yasadharo buddho - nibbuto so mahāpuñño
dhātuvitthārikaṃ āsi - tesu tesu padesatoti. (29)
Đức Phật Revata, bậc có danh tiếng, vị đại trí tuệ ấy đã Niết Bàn. Đã có sự phân tán xá-lợi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.
Revatabuddhavaṃso pañcamo.
Lịch sử đức Phật Revata là phần thứ năm.
--ooOoo--
[1]Bản Pāli của CD Budsir IV không ghi số thứ tự các câu kệ. Số thứ tự này được căn cứ theo Tạng Pāli của Anh để tiện việc trích dẫn. Những đoạn nào có ỏ Tạng Thái nhưng không được tìm thấy ở Tạng Anh sẽ không có ghi số. Các điểm sai khác giữa hai Tạng sẽ không được đề cập đến.
[2]Là tròn đủ về bố thí ba-la-mật cho mục đích thành tựu quả vị Phật.
[3]uḷurāja: vị vua của các vì tinh tú, tức là mặt trăng (ND).
[4]Đức Phật chỉ gọi “ehi bhikkhu = Này tỳ khưu hãy đến” thì vị được gọi tự nhiên có tóc được cạo sạch, mặc y mang bình bát, tướng mạo giống như các vị tỳ khưu đã tu lâu năm vậy. Nhiều vị sẽ được gọi là “etha bhikkhavo = Này các tỳ khưu hãy đến”(ND).
[5]Ganapāna được thực hiện từ bốn thứ mật ong, đường mật, bột, và bơ lỏng nấu chung lại, còn được gọi tên là catumadhurabhojanan (= món ăn gồm bốn thứ mật).
[6]22 mét (1 ratana =25cm) (ND).
[7]Ý nói đến quả vị Toàn Giác.
***
[7]
Revatassa aparena - sobhito nāma nāyako
samāhito santacitto - asamo appaṭipuggalo. (1)
Sau (đức Phật) Revata, vị Lãnh Đạo tên Sobhita là định tĩnh, có tâm thanh tịnh, không kẻ sánh bằng, không người đối thủ.
So jino sakagehamhi - mānasaṃ vinivattayi
patvāna kevalaṃ bodhiṃ - dhammacakkaṃ pavattayi. (2)
Ở tại ngôi nhà của mình, đấng Chiến Thắng ấy đã chuyển đổi tâm trí, đã đạt đến sự Giác Ngộ hoàn toàn, và đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp.
Yāva uddhaṃ avīcito - bhavaggā cāpi heṭṭhato
etthantare ekaparisā - ahosi dhammadesane. (3)
Từ địa ngục Avīci tính lên phía trên và từ cõi trời cao nhất tính xuống phía dưới, phần không gian ở giữa này đã có một tập thể (tụ hội) trong cuộc thuyết giảng Giáo Pháp.
Tāya parisāya sambuddho - dhammacakkaṃ pavattayi
gaṇanāya na vattabbo - paṭhamābhisamayo ahu. (4)
Đấng Toàn Giác đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp ở tại hội chúng ấy. Đã có sự lãnh hội lần thứ nhất là không thể nói được bằng cách tính đếm.
Tato paraṃpi desente - naramarūnaṃ samāgame
navutikoṭisahassānaṃ - dutiyābhisamayo ahu. (5)
Về sau vào lúc khác, trong khi thuyết giảng ở cuộc hội tụ của loài người và chư thiên, đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của chín chục ngàn koṭi.
Punāparaṃ rājaputto - jayaseno nāma khattiyo
ārāmaṃ ropayitvāna - buddhe niyyādayī tadā. (6)
Vào lần khác nữa, có vị vương tử dòng sát-đế-lỵ tên Jayasena sau khi cho trồng trọt khu vườn đã cống hiến đến đức Phật trong dịp ấy.
Tassa yāgaṃ pakittento - dhammaṃ desesi cakkhumā
tadā koṭisahassānaṃ - tatiyābhisamayo ahu. (7)
Trong khi công bố sự hiến dâng của vị ấy, bậc Hữu Nhãn đã thuyết giảng Giáo Pháp. Khi ấy, đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của một ngàn koṭi.
Sannipātā tayo āsuṃ - sobhitassa mahesino
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - santacittāna tādinaṃ. (8)
Bậc Đại Ẩn Sĩ Sobhita đã có ba lần tụ hội gồm các vị Lậu Tận, không còn ô nhiễm, có tâm thanh tịnh như thế ấy.
Uggato nāma so rājā - dānaṃ deti naruttame
tamhi dāne samāgañchuṃ - arahantā satakoṭiyo. (9)
Đức vua tên Uggata ấy dâng cúng vật thí đến đấng Tối Thượng Nhân. Trong lần cúng dường ấy, một trăm koṭi vị A-la-hán đã tụ hội lại.
Punāparaṃ pūgagaṇo - dānaṃ deti naruttame
tadā navutikoṭīnaṃ - dutiyo āsi samāgamo. (10)
Vào lần khác nữa, có nhóm người thuộc đoàn thể dâng cúng vật thí đến đấng Tối Thượng Nhân. Khi ấy, đã có cuộc hội tụ thứ nhì của chín mươi koṭi vị.
Devaloke vasitvāna - yadā orohatī jino
tadā asītikoṭīnaṃ - tatiyo āsi samāgamo. (11)
Vào lúc đấng Chiến Thắng giáng trần sau khi đã cư ngụ ở cõi trời, khi ấy đã có cuộc hội tụ thứ ba của tám mươi koṭi vị.
Ahantena samayena - sujāto nāma brāhmaṇo
tadā sasāvakaṃ buddhaṃ - annapānena tappayiṃ. (12)
Vào lúc bấy giờ, ta là vị bà-la-môn tên Sujāta. Khi ấy, ta đã làm hài lòng đức Phật cùng các vị Thinh Văn bằng thức ăn nước uống.
Sopi maṃ buddho byākāsi - sobhito lokanāyako
aparimeyye ito kappe - ayaṃ buddho bhavissati. (13)
Đức Phật ấy, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Sobhita, cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong vô lượng kiếp tính từ thời điểm này, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ. (14a)
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ.
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (14b)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - tuṭṭho saṃviggamānaso
tamevatthamanuppattiyā - uggaṃ dhitimakāsahaṃ. (15)
Nghe được lời nói của vị ấy, được hoan hỷ, với tâm trí phấn chấn, ta đã thực hiện sự nỗ lực tích cực nhằm theo đuổi chính mục đích ấy.
Sudhammaṃ nāma nagaraṃ - sudhammo nāma khattiyo
sudhammā nāma janikā - sobhitassa mahesino. (16)
Thành phố có tên là Sudhamma, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Sudhamma, người mẹ của vị Đại Ẩn Sĩ Sobhita tên là Sudhammā.
Navavassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
kumudo nāḷinī padumo - tayo pāsādamuttamā. (17)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình chín ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Kumuda, Nāḷinī, và Paduma.
Ticattāri sahassāni - nāriyo samalaṅkatā
makilā nāma sā nārī - sīho nāmāsi atrajo. (18)
Có bốn mươi ba ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Makilā. Con trai tên là Sīha.
Nimitte caturo disvā - pāsādenābhinikkhami
sattāhaṃ padhānacāraṃ - caritvā purisuttamo. (19)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, bậc Tối Thượng Nhân đã ra đi bằng tòa lâu đài[1]và đã thực hành sự nỗ lực bảy ngày.
Brahmunā yācito santo - sobhito lokanāyako
vattacakko mahāvīro - sudhammuyyānamuttame. (20)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đại Hùng Sobhita có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở vườn thượng uyển Sudhamma tuyệt vời.
Asamo ca sunetto ca - ahesuṃ aggasāvakā
anomo nāmupaṭṭhāko - sobhitassa mahesino. (21)
Asama và Sunetta đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Sobhita tên là Anoma.
Nakulā ca sujātā ca - ahesuṃ aggasāvikā
bujjhamāno ca so buddho - nāgamūle abujjhatha. (22)
Nakulā và Sujātā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Và khi ấy trong lúc giác ngộ, đức Phật ấy đã giác ngộ ở cội cây Nāga.
Rammo ceva sunetto ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
nakulā ceva cittā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (23)
Ramma và luôn cả Sunetta đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Nakulā và luôn cả Cittā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Aṭṭhapaṇṇāsaratanaṃ - accuggato mahāmuni
obhāseti disā sabbā - sataraṃsīva uggato. (24)
Cao năm mươi tám ratana (14 mét rưỡi), vị Đại Hiền Triết chiếu sáng tất cả các phương như là mặt trời mọc.
Yathā suphullaṃ pavanaṃ - nānāgandhehi dhūpitaṃ
tatheva tassa pāvacanaṃ - sīlagandhehi dhūpitaṃ. (25)
Giống như khu rừng lớn nở rộ hoa tỏa hương với các hương thơm khác loại, tương tợ y như thế lời tuyên thuyết của vị ấy tỏa hương với các hương thơm của giới.
Yathāpi sāgaro nāma - dassanena atappiyo
tatheva tassa pāvacanaṃ - savanena atappiyaṃ. (26)
Cũng giống như biển cả không thể được thỏa mãn bởi sự ngắm nhìn, tương tợ y như thế lời tuyên thuyết của vị ấy không thể được thỏa mãn bởi sự lắng nghe.
Navutivassasahassāni - āyu vijjati tāvade
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (27)
Tuổi thọ được biết là kéo dài đến chín mươi ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Ovādaṃ anusiṭṭhiñca - datvāna sesake jane
hutāsanova tāpetvā - nibbuto so sasāvako. (28)
Sau khi đã ban lời giáo huấn và nhắc nhở các chúng sanh còn lại,[2]vị ấy cùng với các vị Thinh Văn đã phát cháy giống như ngọn lửa rồi đã Niết Bàn.
So ca buddho asamasamo - te ca sāvakā balappattā
sabbaṃ tamantarahitaṃ - nanu rittā sabbasaṅkhārāti. (29)
Đức Phật ấy là vị tương đương với các bậc không thể sánh bằng, và các vị Thinh Văn ấy là đã thành tựu các năng lực, tất cả đều hoàn toàn biết mất, phải chăng tất cả các hành là trống không?
Sobhito varasambuddho - sīhārāmamhi nibbuto
dhātuvitthārikaṃ āsi - tesu tesu padesatoti. (30)
Đức Phật Sobhita, đấng Toàn Giác cao quý đã Niết Bàn tại tu viện Sīha. Đã có sự phân tán xá-lợi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.
Sobhitabuddhavaṃso chaṭṭho.
Lịch sử đức Phật Sobhita là phần thứ sáu.
--ooOoo--
SATTAMO ANOMADASSIBUDDHAVAṂSO
***
[8]
Sobhitassa aparena - sambuddho dipaduttamo
anomadassī amitayaso - tejasī duratikkamo. (1)
Sau (đức Phật) Sobhita, đấng Toàn Giác Anomadassī là đấng Tối Thượng Nhân có danh tiếng vô lường, có oai lực khó mà vượt trội.
So chetvā bandhanaṃ sabbaṃ - viddhaṃsetvā tayo bhave
anivattigamanaṃ maggaṃ - desesi devamānuse. (2)
Sau khi cắt đứt tất cả các sự trói buộc và hủy diệt (nghiệp tái sanh ở) ba cõi, vị ấy đã thuyết giảng cho chư thiên và loài người về Đạo Lộ đưa đến việc không còn luân hồi.
Sāgarova asaṅkhobbho - pabbatova durāsado
ākāsova ananto so - sālarājāva phullito. (3)
Vị ấy không chao động ví như biển cả, khó thể đạt đến như là ngọn núi, không có điểm cuối cùng ví như bầu không gian, và đã nở hoa như là cây Sālā chúa.
Dassanenapi taṃ buddhaṃ - tositā honti pāṇino
byāharantaṃ giraṃ sutvā - amataṃ pāpuṇanti te. (4)
Chỉ với sự nhìn thấy đức Phật ấy là chúng sanh khởi lên hoan hỷ. Sau khi lắng nghe lời nói đang diễn giải, họ đạt được Bất Tử.
Dhammābhisamayo tassa - iddho phīto tadā ahu
koṭisatāni abhisamiṃsu - paṭhame dhammadesane. (5)
Khi ấy, sự lãnh hội về Giáo Pháp của vị ấy là thành công và đạt được số lượng. Hàng trăm koṭi (chúng sanh) đã lãnh hội trong cuộc thuyết giảng Giáo Pháp lần thứ nhất.
Tato paraṃ abhisamaye - vassante dhammavuṭṭhiyo
asītikoṭī abhisamiṃsu - dutiye dhammadesane. (6)
Về sau vào lúc khác, trong khi đang đổ xuống những cơn mưa Giáo Pháp vào thời điểm thù thắng, tám chục koṭi (chúng sanh) đã lãnh hội trong cuộc thuyết giảng Giáo Pháp lần thứ nhì.
Tato paraṃ hi vassante - tappayanteva pāṇinaṃ
aṭṭhasattatikoṭīnaṃ - tatiyābhisamayo ahu. (7)
Về sau vào lúc khác, khi đang đổ xuống cơn mưa (Giáo Pháp) và ngay trong lúc đang làm hài lòng chúng sanh, đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của bảy mươi tám koṭi.
Sannipātā tayo āsuṃ - tassāpi ca mahesino
abhiññābalappattānaṃ - pupphitānaṃ vimuttiyā. (8)
Và bậc Đại Ẩn Sĩ ấy cũng đã có ba lần tụ hội gồm các vị đã đạt đến năng lực của các thắng trí và đã được đơm hoa trong sự giải thoát.
Aṭṭhasatasahassānaṃ - sannipātā tadā ahu
pahīnamadamohānaṃ - santacittāna tādinaṃ. (9)
Khi ấy, đã có cuộc tụ hội của tám trăm ngàn vị có sự tham đắm si mê đã được đoạn tận và có tâm thanh tịnh như thế ấy.
Sattasatasahassānaṃ - dutiyo āsi samāgamo
anaṅgaṇānaṃ virajānaṃ - upasantāna tādinaṃ. (10)
Lần hội tụ thứ nhì là của bảy trăm ngàn vị không còn ô nhiễm, thoát khỏi bụi trần, có sự an tịnh như thế ấy.
Channaṃ satasahassānaṃ - tatiyo āsi samāgamo
abhiññābalappattānaṃ - nibbutānaṃ tapassinaṃ. (11)
Lần hội tụ thứ ba là của sáu trăm ngàn vị đã đạt đến năng lực của các thắng trí, có sự nỗ lực cao, đã chứng Niết Bàn.
Ahantena samayena - yakkho āsiṃ mahiddhiko
nekānaṃ yakkhakoṭīnaṃ - vasavattimhi issaro. (12)
Vào lúc bấy giờ, ta là dạ-xoa có đại thần lực, là chúa tể cai quản nhiều koṭi dạ-xoa.
Tadāpi taṃ buddhavaraṃ - upagantvā mahesinaṃ
annapānena tappesiṃ - sasaṅghaṃ lokanāyakaṃ. (13)
Khi ấy, ta cũng đã đi đến gặp bậc Đại Ẩn Sĩ, đức Phật cao quý ấy, và đã làm hài lòng đấng Lãnh Đạo Thế gian cùng hội chúng bằng cơm nước.
Sopi maṃ tadā byākāsi - visuddhanayano muni
aparimeyye ito kappe - ayaṃ buddho bhavissati. (14)
Khi ấy, bậc Hiền Triết ấy, có nhãn quan thanh tịnh, cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong vô lượng kiếp tính từ thời điểm này, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ. (15a)
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyatta varamaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassa sataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (15b)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - tuṭṭho saṃviggamānaso
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsiṃ - dasapāramipūriyā. (16)
Nghe được lời nói của vị ấy, được hoan hỷ, với tâm trí phấn chấn, ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Nagaraṃ candavatī nāma - yasavā nāma khattiyo
mātā yasodharā nāma - anomadassissa satthuno. (17)
Thành phố có tên là Candavatī, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Yasavā, người mẹ của bậc Đạo Sư Anomadassī tên là Yasodharā.
Dasavassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
siri upasiri vaḍḍho - tayo pāsādamuttamā. (18)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình trong mười ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Siri, Upasiri, và Vaḍḍha.
Tevīsatisahassāni - nāriyo samalaṅkatā
sirimā nāma sā nārī - upasālo nāma atrajo. (19)
Có hai mươi ba ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Sirimā. Con trai tên là Upasāla.
Nimitte caturo disvā - sivikāyābhinikkhami
anūnadasamāsāni - padhānaṃ padahī jino. (20)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng kiệu khiêng và đã ra sức nỗ lực mười tháng không thiếu sót.
Brahmunā yācito santo - anomadassī mahāmuni
vattacakko mahāvīro - sudassanuyyānamuttame. (21)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Đại Hiền Triết, đấng Đại Hùng Anomadassī, có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở tại công viên Sudassana tuyệt vời.
Nisabho ca anomo ca - ahesuṃ aggasāvakā
varuṇo nāmupaṭṭhāko - anomadassissa satthuno. (22)
Nisabha và cả Anoma đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đạo Sư Anomadassī tên là Varuṇa.
Sundarā ca sumanā ca - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - ajjunoti pavuccati. (23)
Sundarā và Sumanā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là “Ajjuna.”
Nandivaḍḍho sirivaḍḍho - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
uppalā ca padumā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (24)
Nandivaḍḍha và Sirivaḍḍha đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Uppalā và Padumā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Aṭṭhapaṇṇāsaratanaṃ - accuggato mahāmuni
pabhā niddhāvatī tassa - sataraṃsīva uggato. (25)
Bậc Đại Hiền Triết cao năm mươi tám ratana (14 mét rưỡi). Hào quang của vị ấy phát ra như là ánh mặt trời mọc.
Vassasatasahassāni - āyu vijjati tāvade
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (26)
Tuổi thọ được biết là kéo dài đến một trăm ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Supupphitaṃ pāvacanaṃ - arahantehi tādihi
vītarāgehi vimalehi - sobhati jinasāsanaṃ. (27)
Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng được rạng rỡ, lời tuyên thuyết khéo được đơm hoa nhờ vào các vị A-la-hán đã ly tham ái, không còn ô nhiễm như thế ấy.
So ca satthā amitayaso - yugāni tāni atuliyāni
sabbaṃ tamantarahitaṃ - nanu rittā sabbasaṅkhārāti. (28)
Bậc Đạo Sư có danh tiếng vô lượng ấy và hai vị (Thinh Văn hàng đầu) vô song ấy, tất cả đều hoàn toàn biết mất, phải chăng tất cả các hành là trống không?
Anomadassī jino satthā - dhammārāmamhi nibbuto
tattheva tassa jinathūpo - ubbedho pana vīsatīti. (29)
Đấng Chiến Thắng, bậc Đạo Sư Anomadassī đã Niết Bàn tại tu viện Dhamma. Hơn nữa, ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng dành cho vị ấy có chiều cao hai mươi (do-tuần) ở ngay tại nơi ấy.
Anomadassibuddhavaṃso sattamo.
Lịch sử đức Phật Anomadassī là phần thứ bảy.
--ooOoo--
AṬṬHAMO PADUMABUDDHAVAṂSO
***
[9]
Anomadassissa aparena - sambuddho dipaduttamo
padumo nāma nāmena - asamo appaṭipuggalo. (1)
Sau (đức Phật) Anomadassī, đấng Toàn Giác, bậc Tối Thượng Nhân tên Paduma là không kẻ sánh bằng, không người đối thủ.
Tassāpi asamaṃ sīlaṃ - samādhipi anantako
asaṅkheyyaṃ ñāṇavaraṃ - vimuttipi anūpamā. (2)
Giới của vị ấy là không ai sánh bằng, định là không có giới hạn, trí tuệ cao quý là không thể tính đếm, và giải thoát là không có tương đương.
Tassāpi atulatejassa - dhammacakkappavattane
abhisamayā tayo āsuṃ - mahātamapavāhanā. (3)
Cũng vào lúc chuyển vận bánh xe Chánh Pháp của vị có oai lực vô song ấy, đã có ba cuộc lãnh hội là sự xua đuổi đi bóng đêm mù mịt.
Paṭhamābhisamaye buddho - koṭisatamabodhayi
dutiyābhisamaye dhīro - navutikoṭimabodhayi. (4)
Ở sự lãnh hội lần thứ nhất, đức Phật đã giác ngộ một trăm koṭi. Ở sự lãnh hội lần thứ nhì, bậc Thông Minh đã giác ngộ chín mươi koṭi.
Yadā ca padumo buddho - ovadi sakamatrajaṃ
tadā asītikoṭīnaṃ - tatiyābhisamayo ahu. (5)
Và vào lúc đức Phật Paduma giáo huấn người con trai của mình, khi ấy đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của tám chục koṭi.
Sannipātā tayo āsuṃ - padumassa mahesino
koṭisatasahassānaṃ - paṭhamo āsi samāgamo. (6)
Bậc Đại Ẩn Sĩ Paduma đã có ba lần tụ hội. Cuộc hội tụ thứ nhất là của một trăm ngàn koṭi vị.
Kaṭhinatthārasamaye - uppanne kaṭhinacīvare
dhammasenāpatitthāya - bhikkhū sibbiṃsu cīvaraṃ. (7)
Vào dịp tiến hành lễ Kaṭhina, khi y Kaṭhina được phát sanh, các vị tỳ khưu đã may y để giao cho vị Tướng Quân Chánh Pháp.
Tadā te vimalā bhikkhū - chaḷabhiññā mahiddhikā
tīṇi satasahassāni - samiṃsu aparājitā. (8)
Khi ấy, ba trăm ngàn vị đã tụ hội lại. Các vị tỳ khưu ấy là không còn ô nhiễm, có sáu thắng trí, có đại thần lực, không bị thất bại.
Punāparaṃ so narāsabho - pavane vāsaṃ upāgami
tadā samāgamo āsi - dvinnaṃ satasahassānaṃ. (9)
Cũng vào dịp khác, đấng Nhân Ngưu ấy đã vào mùa (an cư) mưa ở trong rừng. Khi ấy, đã có cuộc hội tụ của hai trăm ngàn vị.
Ahantena samayena - sīho āsiṃ migādhibhū
vivekamanubrūhantaṃ - pavane addasaṃ jinaṃ. (10)
Vào lúc bấy giờ, ta là con sư tử chúa tể của các loài thú. Ta đã nhìn thấy đấng Chiến Thắng đang thực hành hạnh độc cư ở trong rừng.
Vanditvā sirasā pāde - katvāna taṃ padakkhiṇaṃ
tikkhattuṃ abhināditvā - sattāhaṃ jinamupaṭṭhahiṃ. (11)
Ta đã đê đầu đảnh lễ ở chân (của đức Phật) rồi đã đi nhiễu quanh vị ấy, sau đó đã rống lên ba lần rồi đã phục vụ đấng Chiến Thắng bảy ngày.
Sattāhaṃ varasamāpattiyā - vuṭṭhahitvā tathāgato
manasā cintayitvāna - koṭibhikkhū samānayi. (12)
Sau khi xuất khỏi bảy ngày nhập thiền cao quý, đức Như Lai dụng tâm suy xét rồi đã triệu tập một koṭi (mười triệu) vị tỳ khưu.
Tadāpi so mahāvīro - tesaṃ majjhe viyākari
aparimeyye ito kappe - ayaṃ buddho bhavissati. (13)
Khi ấy, ở giữa các vị (tỳ khưu) ấy, đấng Đại Hùng ấy cũng đã chú nguyện rằng: “Trong vô lượng kiếp tính từ thời điểm này, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ. (14a)
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyatta varamaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (14b)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - bhiyyo cittaṃ pasādayiṃ
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsiṃ - dasapāramipūriyā. (15)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Campakaṃ nāma nagaraṃ - asamo nāma khattiyo
asamā nāma janikā - padumassa mahesino. (16)
Thành phố có tên là Campaka, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Asama, người mẹ của vị Đại Ẩn Sĩ Paduma tên là Asamā.
Dasavassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
nando vasu yasattaro - tayo pāsādamuttamā. (17)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình trong mười ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Nanda, Vasu, và Yasattara.
Tettiṃsa ca sahassāni - nāriyo samalaṅkatā
uttarā nāma sā nārī - rammo nāmāsi atrajo. (18)
Và có ba mươi ba ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Uttarā. Con trai tên là Ramma.
Nimitte caturo disvā - rathayānena nikkhami
anūna-aṭṭhamāsāni - padhānaṃ padahī jino. (19)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện xe và đã ra sức nỗ lực tám tháng không thiếu sót.
Brahmunā yācito santo - padumo lokanāyako
vattacakko mahāvīro - dhanañjuyyānamuttame. (20)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đại Hùng Paduma có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở tại công viên Dhanañja tuyệt vời.
Sālo ca upasālo ca - ahesuṃ aggasāvakā
varuṇo nāmupaṭṭhāko - padumassa mahesino. (21)
Sāla và cả Upasāla đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Paduma tên là Varuṇa.
Rādhā ceva surādhā ca - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - mahāsoṇoti vuccati. (22)
Rādhā và luôn cả Surādhā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là “Soṇa vĩ đại.”
Sabhiyo ceva asamo ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
rucī ca nandimārā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (23)
Sabhiyo và luôn cả Asama đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Rucī và Nandimārā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Aṭṭhapaṇṇāsaratanaṃ - accuggato mahāmuni
pabhā niddhāvatī tassa - asamā sabbato disā. (24)
Vị Đại Hiền Triết ấy cao năm mươi tám ratana (14 mét rưỡi). Hào quang không gì sánh bằng của vị ấy chiếu sáng tất cả các phương.
Candappabhā suriyappabhā - ratanagghimaṇippabhā
sabbāpi tā hatā honti - patvā jinappabhuttamaṃ. (25)
Ánh sánh của mặt trăng, ánh sáng của mặt trời, ánh sánh của châu báu và ngọc ma-ni đắt giá, tất cả các loại ánh sáng ấy cũng đều bị tiêu tan sau khi sánh cùng hào quang tối thắng của đấng Chiến Thắng.
Vassasatasahassāni - āyu vijjati tāvade
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (26)
Tuổi thọ được biết là kéo dài đến một trăm ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Paripakkamānase satte - bodhayitvā asesato
sesaññe anusāsetvā - nibbuto so sasāvako. (27)
Sau khi đã giác ngộ những chúng sanh có tâm trí đã được chín muồi không thiếu sót (người nào), sau khi chỉ dạy những người còn lại vị ấy cùng các vị Thinh Văn đã Niết Bàn.
Uragova tacaṃ jiṇṇaṃ - vuḍḍhapattaṃva pādapo
jahitvā sabbasaṅkhāre - nibbuto so yathā sikhīti.
Ví như con rắn bỏ đi lớp da già cỗi, ví như cây cối rủ bỏ lá úa tàn, vị ấy sau khi buông bỏ các hành đã Niết Bàn tương tợ như ngọn lửa đã được dập tắt.
Padumo jinavaro satthā - dhammārāmamhi nibbuto
dhātuvitthārikaṃ āsi - tesu tesu padesatoti. (29)
Bậc Đạo Sư Paduma, đấng Chiến Thắng cao quý đã Niết Bàn tại tu viện Dhamma. Đã có sự phân tán xá-lợi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.
Padumabuddhavaṃso aṭṭhamo.
Lịch sử đức Phật Paduma là phần thứ tám.
--ooOoo--
NAVAMO NĀRADABUDDHAVAṂSO
***
[10]
Padumassa aparena - sambuddho dipaduttamo
nārado nāma nāmena - asamo appaṭipuggalo. (1)
Sau (đức Phật) Paduma, có đấng Toàn Giác, bậc Tối Thượng Nhân tên Nārada là không kẻ sánh bằng, không người đối thủ.
So buddho cakkavattissa - jeṭṭho dayita-oraso
āmuttamaṇyābharaṇo - uyyānaṃ upasaṅkami. (2)
Đức Phật ấy, người con trai trưởng yêu quý của vị chuyển luân vương, có sự trang sức với ngọc trai và ngọc ma-ni đã đi (bộ) đến công viên.
Tatthāsi rukkho vipulo - abhirūpo brahā suci
tamajjhapatvā nisīdi - mahāsoṇassa heṭṭhato. (3)
Ở tại nơi ấy có cội cây hùng vĩ, tuyệt đẹp, to lớn, thanh khiết. Sau khi đi đến nơi ấy, vị ấy đã ngồi xuống ở dưới cội cây Soṇa vĩ đại.
Tattha ñāṇavaruppajji - anantaṃ vajirūpamaṃ
tena vicini saṅkhāre - ukkujjamavakujjataṃ. (4)
Ở tại nơi ấy, trí tuệ cao quý, vô biên, (sắc bén) tợ kim cương đã được sanh khởi. Nhờ đó, vị ấy đã khảo sát các hành theo lối ngửa lên và theo lối úp xuống.
Tattha sabbakilesāni - asesamabhivāhayi
pāpuṇi kevalaṃ bodhiṃ - buddhañāṇe ca cuddasa. (5)
Ở tại nơi ấy, vị ấy đã xua đi tất cả các phiền não không còn dư sót, đã đạt đến quả vị Giác Ngộ hoàn toàn và mười bốn trí tuệ[3]của vị Phật.
Pāpuṇitvāna sambodhiṃ - dhammacakkaṃ pavattayi
koṭisatasahassānaṃ - paṭhamābhisamayo ahu. (6)
Sau khi đạt đến quả vị Toàn Giác, vị ấy đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp. Đã có sự lãnh hội lần thứ nhất là của một trăm ngàn koṭi.
Mahādoṇaṃ nāgarājaṃ - vinayanto mahāmuni
pāṭiheraṃ tadākāsi - dassayanto sadevake. (7)
Trong lúc huấn luyện Long Vương Mahādoṇa, bậc Đại Hiền Triết đã thể hiện điều kỳ diệu ấy (Song Thông) cho thế gian luôn cả chư thiên nhìn thấy.
Tadā devamanussānaṃ - tamhi dhammappakāsane
navutikoṭisahassāni - tariṃsu sabbasaṃsayaṃ. (8)
Khi ấy, trong lần giảng giải Giáo Pháp ấy cho chư thiên và nhân loại, chín chục ngàn koṭi đã vượt qua tất cả các mối nghi hoặc.
Yamhi kāle mahāvīro - ovadi sakamatrajaṃ
asītikoṭisahassānaṃ - tatiyābhisamayo ahu. (9)
Vào thời điểm đấng Đại Hùng giáo giới người con trai của mình, đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của tám chục ngàn koṭi.
Sannipātā tayo āsuṃ - nāradassa mahesino
koṭisatasahassānaṃ - paṭhamo āsi samāgamo. (10)
Bậc Đại Ẩn Sĩ Nārada đã có ba lần tụ hội. Cuộc hội tụ thứ nhất là của một trăm ngàn koṭi vị.
Yadā buddho buddhaguṇaṃ - sanidānaṃ pakāsayi
navutikoṭisahassāni - samiṃsu vimalā tadā. (11)
Vào lúc đức Phật giảng giải về đức hạnh của chư Phật có cả phần duyên khởi, khi ấy chín mươi ngàn koṭi vị không còn ô nhiễm đã tụ hội lại.
Yadā verocano nāgo - dānaṃ dadāti satthuno
tadā samiṃsu jinaputtā - asītisatasahassino. (12)
Vào lúc con rồng Verocana dâng cúng vật thí đến bậc Đạo Sư, khi ấy tám mươi trăm ngàn (tám triệu) người con trai của đấng Chiến Thắng đã tụ hội lại.
Ahantena samayena - jaṭilo uggatāpano
antalikkhacaro āsiṃ - pañcābhiññāsu pāragū. (13)
Vào lúc bấy giờ, ta là đạo sĩ tóc bện, có khổ hạnh cao tột, đi lại ở trên không trung, toàn hảo về năm thắng trí.
Tadāpāhaṃ asamasamaṃ - sasaṅghaṃ saparijanaṃ
annapānena tappetvā - candanenābhipūjayiṃ. (14)
Khi ấy, sau khi làm hài lòng vị tương đương với các bậc không thể sánh bằng cùng với hội chúng và đoàn tháp tùng bằng cơm nước, ta đã cúng dường gỗ đàn hương.
Sopi maṃ tadā byākāsi - nārado lokanāyako
aparimeyye ito kappe - buddho loke bhavissati. (15)
Khi ấy, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Nārada ấy cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong vô lượng kiếp tính từ thời điểm này, (người này) sẽ trở thành vị Phật ở thế gian.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ. (16a)
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyatta varamaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (16b)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāhaṃ vacanaṃ sutvā - bhiyyo hāsetvāna mānasaṃ
adhiṭṭhahiṃ vattaṃ uggaṃ - dasapāramipūriyā. (17)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã khiến tâm được hoan hỷ bội phần. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Nagaraṃ dhaññavatī nāma - sudevo nāma khattiyo
anomā nāma janikā - nāradassa mahesino. (18)
Thành phố có tên là Dhaññavatī, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Sudeva, người mẹ của vị Đại Ẩn Sĩ Nārada tên là Anomā.
Navavassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
jito vijitābhirāmo - tayo pāsādamuttamā. (19)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình chín ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Jita, Vijita, và Abhirāma.
Ticattārisasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
vijitasenā nāma sā nārī - nanduttaro nāma atrajo. (20)
Có bốn mươi ba ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Vijitasenā. Con trai tên là Nanduttara.
Nimitte caturo disvā - padasā gamanena nikkhami
sattāhaṃ padhānacāraṃ - acari purisuttamo. (21)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Tối Thượng Nhân đã ra đi bằng sự đi bộ (sự đi bằng bàn chân) và đã thực hành hạnh nỗ lực bảy ngày.
Brahmunā yācito santo - nārado lokanāyako
vattacakko mahāvīro - dhanañjuyyānamuttame. (22)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đại Hùng Nārada có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở công viên Dhanañja tuyệt vời.
Bhaddasālo jitamitto - ahesuṃ aggasāvakā
vāseṭṭho nāmupaṭṭhāko - nāradassa mahesino. (23)
Bhaddasāla và Jitamitta đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Nārada tên là Vāseṭṭha.
Uttarā phaggunī ceva - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - mahāsoṇoti vuccati. (24)
Uttarā và luôn cả Phaggunī đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là “Soṇa vĩ đại.”
Uggarindo vasabho ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
indavarī ca gaṇḍī ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (25)
Uggarinda và Vasabha sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Indavarī và Gaṇḍī sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Aṭṭhāsītiratanāni - accuggato mahāmuni
kañcanagghikasaṅkāso - dasasahassī virocati. (26)
Cao tám mươi tám ratana (22 mét), bậc Đại Hiền Triết ấy chiếu sáng mười ngàn thế giới tương tợ như cột trụ bằng vàng có gắn tràng hoa.
Tassa byāmappabhākāyo - niddhāvati disodisaṃ
nirantaraṃ divā rattiṃ - yojanaṃ pharate sadā. (27)
Thân thể có ánh sáng hào quang của vị ấy chiếu ra các phương liên tục ngày dêm và luôn luôn tỏa sáng (xung quanh) một do-tuần.
Na keci tena samayena - samantā yojane janā
ukkā padīpe ujjalenti - buddharaṃsīhi otthatā. (28)
Vào lúc bấy giờ, được tràn ngập bởi các hào quang của đức Phật, những người ở xung quanh một do-tuần không ai thắp sáng các ngọn đèn đuốc.
Navutivassasahassāni - āyu vijjati tāvade
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (29)
Tuổi thọ được biết là kéo dài đến chín mươi ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Yathā uḷubhi gaganaṃ - vicittaṃ upasobhati
tatheva sāsanaṃ tassa - arahantehi sobhati. (31)
Giống như bầu trời được trang điểm và chói sáng bởi các vì sao, tương tợ như thế ấy Giáo Pháp của vị ấy rạng rỡ nhờ vào các vị A-la-hán.
Saṃsārasotaṃ tāraṇāya - sesake paṭipannake
dhammasetuṃ daḷhaṃ katvā - nibbuto so narāsabho. (31)
Sau khi đã thiết lập vững chắc cây cầu Chánh Pháp để giúp vượt qua giòng chảy luân hồi đối với số người còn lại đã đạt được (đạo quả Hữu Học), đấng Nhân Ngưu ấy đã Niết Bàn.
Sopi buddho asamasamo - tepi khīṇāsavā atulatejā
sabbaṃ tamantarahitaṃ - nanu rittā sabbasaṅkhārāti. (32)
Đức Phật ấy là vị tương đương với các bậc không thể sánh bằng, và các bậc Lậu Tận ấy là có oai lực vô song, tất cả đều hoàn toàn biết mất, phải chăng tất cả các hành là trống không?
Nārado jinavusabho - nibbuto sudassane pure
tatheva jinathūpavaro - catuyojanamuggatoti. (33)
Đấng Chiến Thắng hàng đầu Nārada đã Niết Bàn tại thành phố Sudassana. Ngôi bảo tháp cao quý của đấng Chiến Thắng đã được dựng lên cao bốn do-tuần ở ngay tại nơi ấy.
Nāradabuddhavaṃso navamo.
Lịch sử đức Phật Nārada là phần thứ chín.
--ooOoo--
DASAMO PADUMUTTARABUDDHAVAṂSO
***
[11]
Nāradassa aparena - sambuddho dipaduttamo
padumuttaro nāma jino - akkhobbho sāgarūpamo. (1)
Sau (đức Phật) Nārada, có đấng Toàn Giác, bậc Tối Thượng Nhân tên Padumuttara là không bị chao động, tương tợ như biển cả.
Maṇḍakappo ca so āsi - yamhi buddho ajāyatha
ussannakusalā janatā - tamhi kappe ajāyatha. (2)
Và đức Phật đã sanh lên vào kiếp Maṇḍa ấy.[4]Chúng sanh đã sanh lên trong kiếp ấy là vô cùng tốt lành.[5]
Padumuttarassa bhagavato - paṭhame dhammadesane
koṭisatasahassānaṃ - dhammābhisamayo ahu. (3)
Trong khi đức Thế Tôn Padumuttara thuyết giảng Giáo Pháp lần thứ nhất, đã có sự lãnh hội Giáo Pháp của một trăm ngàn koṭi.
Tato paraṃpi vassante - tappayante ca pāṇine
sattatiṃsasatasahassānaṃ - dutiyābhisamayo ahu. (4)
Về sau vào lúc khác nữa, trong lúc đổ xuống cơn mưa (Giáo Pháp) khiến cho các hạng chúng sanh được hài lòng, đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của ba mươi bảy trăm ngàn (ba triệu bảy trăm ngàn) koṭi.
Yamhi kāle mahāvīro - ānandaṃ upasaṅkami
pitusantikaṃ upagantvā - āhani amatadundubhiṃ. (5)
Vào thời điểm đấng Đại Hùng đi đến gặp (người cha là) Ānanda, sau khi đã đi đến trong sự hiện diện của người cha, Ngài đã gióng lên tiếng trống Bất Tử.
Āhate amatabherimhi - vassante dhammavuṭṭhiyo
paññāsasatasahassānaṃ - tatiyābhisamayo ahu. (6)
Khi tiếng trống Bất Tử đã được gióng lên và trong khi cơn mưa Pháp Bảo đang rơi xuống, đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của năm mươi trăm ngàn (năm triệu) koṭi.
Ovādako viññāpako - tārako sabbapāṇinaṃ
desanākusalo buddho - tāresi janataṃ bahuṃ. (7)
Là vị giáo giới, vị làm cho hiểu rõ, vị giúp cho tất cả chúng sanh vượt qua, đức Phật thiện xảo về thuyết giảng đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Sannipātā tayo āsuṃ - padumuttarassa satthuno
koṭisatasahassānaṃ - paṭhamo āsi samāgamo. (8)
Bậc Đạo Sư Padumuttara đã có ba lần tụ hội. Cuộc hội tụ thứ nhất là của một trăm ngàn koṭi vị.
Yadā buddho asamasamo - vasi vebhārapabbate
navutikoṭisahassānaṃ - dutiyo āsi samāgamo. (9)
Khi đức Phật, vị tương đương với các bậc không thể sánh bằng, cư ngụ ở tại ngọn núi Vebhāra, đã có cuộc hội tụ thứ nhì của chín mươi ngàn koṭi vị.
Puna cārikaṃ pakkante - gāmanigamaraṭṭhato
asītikoṭisahassānaṃ - tatiyo āsi samāgamo. (10)
Hơn nữa, trong khi ra đi du hành từ các làng mạc, thị trấn, và quốc độ, đã có cuộc hội tụ thứ ba của tám mươi ngàn koṭi vị.
Ahantena samayena - jaṭilo nāma raṭṭhiko
sambuddhappamukhaṃ saṅghaṃ - sabhattaṃ dussamadāsihaṃ. (11)
Vào lúc bấy giờ, ta là vị lãnh chúa tên Jaṭila. Ta đã cúng dường vải cùng với bữa ăn đến hội chúng (tỳ khưu) có bậc Toàn Giác đứng đầu.
Sopi maṃ buddho byākāsi - saṅghamajjhe nisīdiya
satasahasse ito kappe - ayaṃ buddho bhavissati. (12)
Đức Phật ấy, ngồi giữa hội chúng, cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong một trăm ngàn kiếp tính từ thời điểm này, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ. (13a)
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (13b)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - uttariṃ vattamadhiṭṭhahiṃ
akāsiṃ uggaṃ daḷhaṃ dhitiṃ - dasapāramipūriyā. (14)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã quyết định sự thực hành tối thắng. Ta đã thực hiện sự nỗ lực vô cùng bền bĩ để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Byāhatā titthiyā sabbe - vimanā dummanā tadā
na tesaṃ keci paricaranti - raṭṭhato nicchubhanti te. (15)
Khi ấy, tất cả các người ngoại đạo bị ruồng bỏ trở nên hốt hoảng, tâm trí chán nản. Không còn những người phục vụ bọn họ. Mọi người xua đuổi họ ra khỏi quốc độ.
Sabbe tattha samāgantvā - upagacchuṃ buddhasantike
tuvaṃ nātho mahāvīra - saraṇaṃ hohi cakkhumā. (16)
Tất cả đã tụ hội lại tại nơi ấy và đã đi đến gặp đức Phật (nói rằng): “Bạch đấng Đại Hùng, ngài là vị lãnh đạo. Hỡi bậc Hữu Nhãn, ngài hãy là chốn nương nhờ.”
Anukampako kāruṇiko - hitesī sabbapāṇinaṃ
sampatte titthiye sabbe - pañcasīle patiṭṭhahi. (17)
Bậc có lòng thương xót, đấng Bi Mẫn, vị tầm cầu lợi ích cho tất cả chúng sanh đã an trú tất cả những người ngoại đạo đã đi đến vào năm giới cấm.
Evaṃ nirākulaṃ āsi - suññataṃ titthiyehi taṃ
vicittaṃ arahantehi - vasībhūtehi tādihi. (18)
Như thế, Giáo Pháp đã không bị pha trộn, không còn các ngoại đạo, và được tô điểm bởi các vị A-la-hán ở vào trạng thái thu thúc như thế ấy.
Nagaraṃ haṃsavatī nāma - ānando nāma khattiyo
sujātā nāma janikā - padumuttarasatthuno. (19)
Thành phố có tên là Haṃsavatī, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Ānanda, người mẹ của bậc Đạo Sư Padumuttama tên là Sujātā.
Navavassa sahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
nārī bāhano yasavatī - tayo pāsādamuttamā. (20)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình chín ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Nārī, Bāhana, và Yasavatī.
Ticattāri sasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
vasuladattā nāma nārī - uttamo nāma atrajo. (21)
Có bốn mươi ba ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Vasuladattā. Con trai tên là Uttama.
Nimitte caturo disvā - pāsādenābhinikkhami
sattāhaṃ padhānacāraṃ - acari purisuttamo. (22)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, bậc Tối Thượng Nhân đã ra đi bằng tòa lâu đài và đã thực hành hạnh nỗ lực bảy ngày.
Brahmunā yācito santo - padumuttaro vināyako
vattacakko mahāvīro - mithiluyyānamuttame. (23)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Hướng Đạo, đấng Đại Hùng Padumuttara có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở công viên tuyệt vời Mithila.
Devilo ca sujāto ca - ahesuṃ aggasāvakā
sumano nāmupaṭṭhāko - padumuttarassa satthuno. (24)
Devila và Sujāta đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đạo Sư Padumuttara tên là Sumana.
Amitā asamā ceva - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - salaḷoti pavuccati. (25)
Amitā và luôn cả Asamā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là “Salaḷa.”
Amito ceva tisso ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
haṭṭhā ceva sucittā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (26)
Amita và luôn cả Tissa đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Haṭṭhā và luôn cả Sucittā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Aṭṭhapaññāsaratanaṃ - accuggato mahāmuni
kañcanagghikasaṅkāso - dvattiṃsavaralakkhaṇo. (27)
Đạt đến năm mươi tám ratana (14 mét rưỡi) về chiều cao, đấng Đại Hiền Triết với ba mươi hai tướng trạng cao quý tương tợ như cột trụ bằng vàng có gắn tràng hoa.
Kuḍḍā kavāṭā bhitti ca - rukkhā nagasiluccayo
na tassāvaraṇaṃ atthi - samantā dvādasayojane. (28)
Các tường thành, cửa lớn, vách đất, cây cối, mỏm đá ở xung quanh mười hai do-tuần không có che khuất vị ấy.
Vassasatasahassāni - āyu vijjati tāvade
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (29)
Tuổi thọ được biết là kéo dài đến một trăm ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Santāretvā bahujaññaṃ - chinditvā sabbasaṃsayaṃ
jalitvā aggikkhandhova - nibbuto so sasāvako. (30)
Sau khi đã giúp cho nhiều người vượt qua, sau khi đã cắt đứt tất cả các điều nghi hoặc, vị ấy đã rực cháy như là khối lửa rồi đã Niết Bàn cùng với các vị Thinh Văn.
Padumuttaro jino buddho - nandārāmamhi nibbuto
tattheva tassa thūpavaro - dvādasamubbedhayojanoti. (31)
Đức Phật, đấng Chiến Thắng Padumuttara đã Niết Bàn tại tu viện Nandā. Ngôi bảo tháp cao quý dành cho vị ấy có chiều cao mười hai do-tuần ở ngay tại nơi ấy.
Padumuttarabuddhavaṃso dasamo.
Lịch sử đức Phật Padumuttara là phần thứ mười.
--ooOoo--
[1]Tòa lâu đài bay lên không trung đưa vị Bồ Tát đến gần cội cây Bồ Đề để thực hành khổ hạnh và sau đó chứng đắc quả vị Toàn Giác.
[2]Nghĩa là chưa chứng đắc được Đạo Quả.
[3]Mười bốn trí tuệ của vị Phật gồm có 8 trí về Đạo Quả và sáu trí không phổ thông là: trí biết được khuynh hướng ngũ ngầm của chúng sanh (āsayānusayañāṇaṃ), trí biết được năng lực của người khác (indriyaparopariyañāṇaṃ), trí thị hiện song thông (yamakapāṭihāriyañāṇaṃ), trí thể nhập đại bi (mahākaruṇāsamāpattiñāṇaṃ), trí toàn tri (sabbaññutaññāṇaṃ), trí không chướng ngại (anāvaraṇañāṇaṃ).
[4]Đức Phật Padumuttara sanh lên vào sārakappa (kiếp chỉ có một vị Phật) nhưng có tánh chất tương đương như là maṇḍakappa (kiếp có hai vị Phật) vì thành tựu được nhiều đức hạnh; nên được gọi là maṇḍakappa.
[5]Chú Giải ghi như sau: ussannakusalāti upacitapuññā: “vô cùng tốt lành” nghĩa là đã tích lũy được nhiều phước báu.
EKĀDASAMO SUMEDHABUDDHAVAṂSO
***
[12]
Padumuttarassa aparena - sumedho nāma nāyako
durāsado uggatejo - sabbalokuttamo jino. (1)
Sau (đức Phật) Padumuttara, có bậc Lãnh Đạo tên Sumedha là đấng Chiến Thắng tối thượng của toàn thể thế giới, có oai lực nỗi bật, khó thể đạt đến.
Pasannanetto sumukho - brahā uju patāpavā
hitesī sabbasattānaṃ - bahū mocesi bandhanā. (2)
Có cặp mắt an tịnh, khuôn mặt đầy đặn, (thân hình) cao lớn, ngay thẳng, hùng dũng, là người tầm cầu lợi ích cho tất cả chúng sanh, (vị ấy) đã giúp cho nhiều người thoát khỏi sự trói buộc.
Yadā buddho pāpuṇitvā - kevalaṃ bodhimuttamaṃ
sudassanamhi nagare - dhammacakkaṃ pavattayi. (3)
Khi đã thành tựu toàn vẹn quả vị Giác Ngộ tối thượng, đức Phật đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp ở tại thành phố Sudassana.
Tassāpi abhisamayā tīṇi - ahesuṃ dhammadesane
koṭisatasahassānaṃ - paṭhamābhisamayo ahu. (4)
Trong việc thuyết giảng Giáo Pháp của vị ấy, cũng đã có ba sự lãnh hội. Sự lãnh hội lần thứ nhất là của một trăm ngàn koṭi.
Punāparaṃ kumbhakaṇṇaṃ - yakkhañca damayī jino
navutikoṭisahassānaṃ - dutiyābhisamayo ahu. (5)
Hơn nữa vào lần khác, đấng Chiến Thắng đã thuần phục Dạ-xoa Kumbhakaṇṇa. Đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của chín chục ngàn koṭi (chín trăm tỷ).
Punāparaṃ amitayaso - catusaccaṃ pakāsayi
asītikoṭisahassānaṃ - tatiyābhisamayo ahu. (6)
Hơn nữa vào lần khác, bậc có danh tiếng vô hạn đã giảng giải về bốn Chân Lý. Đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của tám chục ngàn koṭi (tám trăm tỷ).
Sannipātā tayo āsuṃ - sumedhassa mahesino
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - santacittāna tādinaṃ. (7)
Bậc Đại Ẩn Sĩ Sumedha đã có ba lần tụ hội gồm các vị Lậu Tận không còn ô nhiễm có tâm thanh tịnh như thế ấy.
Sudassanamhi nagare - upagañchi jino yadā
tadā khīṇāsavā bhikkhū - samiṃsu satakoṭiyo. (8)
Vào lúc đấng Chiến Thắng ngự đến thành phố Sudassana, khi ấy một trăm koṭi (một tỷ) vị tỳ khưu là các bậc Lậu Tận đã tụ hội lại.
Punāparaṃ devakūṭe - bhikkhūnaṃ kaṭhinatthate
tadā navutikoṭīnaṃ - dutiyo āsi samāgamo. (9)
Hơn nữa vào lần khác, lúc tiến hành lễ Kaṭhina cho các vị tỳ khưu ở tại Devakūṭa, khi ấy đã có cuộc hội tụ thứ nhì của chín chục koṭi vị.
Punāparaṃ dasabalo - yadā carati cārikaṃ
tadā asītikoṭīnaṃ - tatiyo āsi samāgamo. (10)
Hơn nữa vào lần khác, vào lúc đấng Thập Lực đi du hành, khi ấy đã có cuộc hội tụ thứ ba của tám chục koṭi vị.
Ahantena samayena - uttaro nāma māṇavo
asītikoṭiyo mayhaṃ - ghare sanniccitaṃ dhanaṃ. (11)
Vào lúc bấy giờ, ta là người thanh niên bà-la-môn tên Uttara. Tài sản đã được tích lũy trong nhà của ta là tám mươi koṭi (tám trăm triệu).
Kevalaṃ sabbaṃ datvāna - sasaṅghe lokanāyake
saraṇaṃ tassa upagañchiṃ - pabbajjaṃ abhirocayiṃ. (12)
Sau khi đã cúng dường toàn bộ tất cả đến đấng Lãnh Đạo Thế Gian cùng với hội chúng (tỳ khưu), ta đã đi đến nương nhờ vị ấy và đã hứng thú với việc xuất gia.
Sopi maṃ tadā byākāsi - karonto anumodanaṃ
tiṃsakappasahassamhi - ayaṃ buddho bhavissati. (13)
Khi ấy, trong khi thể hiện sự tùy hỷ (phước báu) vị ấy cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong ba chục ngàn kiếp, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ. (14a)
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (14b)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - bhiyyo cittaṃ pasādayiṃ
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsī - dasapāramipūriyā. (15)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Suttantaṃ vinayañcāpi - navaṅgasatthusāsanaṃ
sabbaṃ pariyāpuṇitvāna - sobhayiṃ jinasāsanaṃ. (16)
Sau khi học tập toàn bộ Kinh và luôn cả Luật tức là Giáo Pháp của bậc Đạo Sư gồm chín thể loại, ta đã làm rạng rỡ Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.
Tatthappamatto viharanto - nisajjaṭṭhānacaṅkame
abhiññāpāramiṃ patvā - brahmalokamagañchihaṃ. (17)
Trong khi sống không xao lãng trong Giáo Pháp ấy trong khi ngồi, đứng, đi kinh hành, sau khi làm toàn hảo các thắng trí, ta đã đạt đến thế giới của Phạm Thiên.
Sudassanaṃ nāma nagaraṃ - sudatto nāma khattiyo
sudattā nāma janikā - sumedhassa mahesino. (18)
Thành phố có tên là Sudassana, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Sudatta, người mẹ của bậc Đại Ẩn Sĩ Sumedha tên là Sudattā.
Navavassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
sucando kañcano sirivaḍḍho - - tayo pāsādamuttamā. (19)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình trong chín ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Sucanda, Kañcana, và Sirivaḍḍha.
Tisoḷasasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
sumanā nāma sā nārī - punabbo nāma atrajo. (20)
Có ba lần mười sáu ngàn (bốn mươi tám ngàn) phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Sumanā. Con trai tên là Punabba.
Nimitte caturo disvā - hatthiyānena nikkhami
anūnakaṃ aḍḍhamāsaṃ - padhānaṃ padahī jino. (21)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện voi và đã ra sức nỗ lực tám tháng không thiếu sót.
Brahmunā yācito santo - sumedho lokanāyako
vattacakko mahāvīro - sudassanuyyānamuttame. (22)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đại Hùng Sumedha, có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở tại công viên Sudassana tuyệt vời.
Saraṇo ca sabbakāmo ca - ahesuṃ aggasāvakā
sāgaro nāmupaṭṭhāko - sumedhassa mahesino. (23)
Saraṇa và Sabbakāma đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Sumedha tên là Sāgara.
Rāmā ceva surāmā ca - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - nimbarukkhoti pavuccati. (24)
Rāmā và luôn cả Surāmā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là “Cây Nimba.”
Uruvelā ceva yasavā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
yasā nāma sirivā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (25)
Uruvelā và luôn cả Yasavā đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Yāsā và Sirivā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Aṭṭhāsītiratanāni - accuggato mahāmuni
obhāseti disā sabbā - cando tāragaṇe yathā. (26)
Cao tám mươi tám ratana (22 mét), bậc Đại Hiền Triết chiếu sáng tất cả các phương tương tợ như mặt trăng ở giữa tập thể các vì sao.
Cakkavattimaṇi nāma - yathā tapati yojanaṃ
tatheva tassa ratanaṃ - samantā pharati yojanaṃ. (27)
Giống như viên ngọc ma-ni của vị Chuyển Luân Vương chiếu sáng một do tuần, tương tợ y như thế, ngọc quý[1]của vị ấy tỏa sáng một do-tuần ở xung quanh.
Navutivassasahassāni - āyu vijjati tāvade
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (28)
Tuổi thọ được biết là kéo dài đến chín chục ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Tevijjā chaḷabhiññāhi - balappattehi tādihi
samākulamidaṃ āsi - arahantehi sāsanaṃ. (29)
Giáo Pháp này đã được hưng thịnh nhờ vào các vị A-la-hán đã thành tựu tam minh, sáu thắng trí, và năng lực như thế ấy.
Tepi sabbe amitayasā - vippamuttā nirūpadhī
ñāṇālokaṃ dassayitvā - nibbutā te mahāyasā. (30)
Tất cả các vị ấy đều có danh tiếng vô hạn, đã được giải thoát, không còn tái sanh. Sau khi thị hiện ánh sáng của trí tuệ, tất cả các vị có danh tiếng lớn lao ấy đã Niết Bàn.
Sumedho jinavaro buddho - medhārāmamhi nibbuto
dhātuvitthārikaṃ āsi - tesu tesu padesatoti. (31)
Đức Phật, đấng Chiến Thắng cao quý Sumedha đã Niết Bàn tại tu viện Medha. Đã có sự phân tán xá-lợi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.
Sumedhabuddavaṃso ekādasamo.
Lịch sử đức Phật Sumedha là phần thứ mười một.
--ooOoo--
DVĀDASAMO SUJĀTABUDDHAVAṂSO
***
[13]
Tattheva maṇḍakappamhi - sujāto nāma nāyako
sīhahanu usabhakkhandho - appameyyo durāsado. (1)
Cũng chính trong kiếp Maṇḍa ấy,[2]có vị Lãnh Đạo tên Sujāta là có hàm sư tử, vai rộng, không thể đo lường, khó thể đạt đến.
Candova vimalo suddho - sataraṃsīva patāpavā
evaṃ sobhati sambuddho - jalanto siriyā sadā. (2)
Không bợn nhơ và tinh khiết như mặt trăng, huy hoàng như mặt trời, luôn chói sáng với sự vinh quang, đấng Toàn Giác rạng rỡ như thế ấy.
Pāpuṇitvāna sambuddho - kevalaṃ bodhimuttamaṃ
sumaṅgalamhi nagare - dhammacakkaṃ pavattayi. (3)
Sau khi thành tựu toàn vẹn quả vị Giác Ngộ tối thượng, đấng Toàn Giác đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp ở tại thành phố Sumaṅgala.
Desento pavaraṃ dhammaṃ - sujāto lokanāyako
asītikoṭī abhisamiṃsuṃ - paṭhame dhammadesane. (4)
Trong khi đấng Lãnh Đạo Thế Gian Sujāta thuyết giảng Giáo Pháp cao quý vào dịp thuyết giảng Giáo Pháp lần thứ nhất, tám mươi koṭi (tám trăm triệu) đã lãnh hội.
Yadā sujāto amitayaso - deve vassamupāgami
sattatiṃsasatasahassānaṃ - dutiyābhisamayo ahu. (5)
Khi vị có danh tiếng vô lượng Sujāta vào mùa (an cư) mưa ở cõi trời, đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của ba mươi bảy trăm ngàn (ba triệu bảy trăm ngàn).
Yadā sujāto asamo - upagañchi pitusantikaṃ
saṭṭhisatasahassānaṃ - tatiyābhisamayo ahu. (6)
Vào lúc (đức Phật) Sujāta, bậc không ai sánh bằng, đi đến gặp người cha, đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của sáu mươi trăm ngàn (sáu triệu).
Sannipātā tayo āsuṃ - sujātassa mahesino
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - santacittāna tādinaṃ. (7)
Bậc Đại Ẩn Sĩ Sujāta đã có ba lần tụ hội gồm các vị Lậu Tận không còn ô nhiễm, có tâm thanh tịnh như thế ấy.
Abhiññābalappattānaṃ - appattānaṃ bhavābhave
saṭṭhisatasahassāni - paṭhamaṃ sannipatiṃsu te. (8)
Trong số các vị đã đạt được năng lực của các thắng trí, không còn tái sanh vào cõi này cõi khác, các vị ấy (với số lượng) sáu trăm ngàn đã tụ hội lại là lần thứ nhất.
Punāparaṃ sannipāte - tidivorohaṇe jine
paññāsasatasahassānaṃ - dutiyo āsi samāgamo. (9)
Vào lần khác nữa, trong cuộc tụ hội vào dịp đấng Chiến Thắng từ cõi trời hạ thế, đã có cuộc hội tụ lần thứ nhì của năm chục trăm ngàn (năm triệu) vị.
Upasaṅkamma naravusabhaṃ - tassa yo aggasāvako
catūhi satasahassehi - sambuddhaṃ upasaṅkami. (10)
Vị Thinh Văn hàng đầu của vị ấy, khi đi đến gặp đấng Nhân Ngưu bậc Toàn Giác, đã đi đến với bốn trăm ngàn vị (là lần thứ ba).
Ahantena samayena - catudīpamhi issaro
antalikkhacaro āsiṃ - cakkavatti mahabbalo. (11)
Vào lúc bấy giờ, ta là vị lãnh chúa ở bốn hòn đảo, là vị chuyển luân vương có năng lực lớn lao, di chuyển ở trên không trung.
[Loke acchariyaṃ disvā - abbhūtaṃ lomahaṃsanaṃ
upagantvāna vandiṃ so - sujātaṃ lokanāyakaṃ].[3](12)
Sau khi chứng kiến điều kỳ diệu ở thế gian, (là việc) phi thường, khiến lông dựng đứng, ta đã đi đến và đảnh lễ đấng Lãnh Đạo Thế Gian Sujāta ấy.
Catudīpe mahārajjaṃ - ratane satta uttame
buddhe niyyādayitvāna - pabbajiṃ tassa santike. (13)
Sau khi đã dâng lên vương quốc rộng lớn gồm bốn hòn đảo và bảy vật báu tối thắng đến đức Phật, ta đã xuất gia trong sự chứng minh của vị ấy.
Ārāmikā janapade - uṭṭhānaṃ paṭipiṇḍiya
upanenti bhikkhusaṅghassa - paccayaṃ sayanāsanaṃ. (14)
Những người hộ tự ở trong xứ sở, sau khi gom góp phẩm vật đã đem lại đồ dùng thiết yếu, vật trải nằm lót ngồi, dâng lên hội chúng tỳ khưu.
Sopi maṃ tadā byākāsi - dasasahassamhi issaro
tiṃsakappasahassānaṃ - ayaṃ buddho bhavissati. (15)
Khi ấy, vị Chúa Tể trong mười ngàn thế giới cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong ba mươi ngàn kiếp, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ. (16a)
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (16b)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - bhiyyo hāsaṃ jane ahaṃ
adhiṭṭhahiṃ vattaṃ uggaṃ - dasapāramipūriyā. (17)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã sanh khởi niềm hoan hỷ bội phần. Ta đã quyết định sự thực hành tột bực để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Suttantaṃ vinayañcāpi - navaṅgasatthusāsanaṃ
sabbaṃ pariyāpuṇitvāna - sobhayiṃ jinasāsanaṃ. (18)
Sau khi học tập toàn bộ Kinh và luôn cả Luật tức là Giáo Pháp của bậc Đạo Sư gồm chín thể loại, ta đã làm rạng rỡ Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.
Tatthappamatto viharanto - brahmaṃ bhāvetvā bhāvanaṃ
abhiññāsu pāramiṃ gantvā - brahmalokamagañchihaṃ. (19)
Trong khi sống không xao lãng trong Giáo Pháp ấy, sau khi tu tập thiền Phạm Thiên và đạt đến sự toàn hảo trong các thắng trí, ta đã đi đến thế giới của Phạm Thiên.
Sumaṅgalaṃ nāma nagaraṃ - uggato nāma khattiyo
mātā pabhāvatī nāma - sujātassa mahesino. (20)
Thành phố có tên là Sumaṅgala, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Uggata, người mẹ của vị Đại Ẩn Sĩ Sujāta tên là Pabhāvatī.
Navavassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
siri upasiri cando - tayo pāsādamuttamā. (21)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình chín ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Siri, Upasiri, và Canda.
Tevīsatisahassāni - nāriyo samalaṅkatā
sirinandā nāma nārī - upaseno nāma atrajo. (22)
Có hai mươi ba ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Sirinandā. Con trai tên là Upasena.
Nimitte caturo disvā - assayānena nikkhami
anūnanavamāsāni - padhānaṃ padahī jino. (23)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện ngựa và đã ra sức nỗ lực chín tháng không thiếu sót.
Brahmunā yācito santo - sujāto lokanāyako
vattacakko mahāvīro - sumaṅgaluyyānamuttame. (24)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đại Hùng Sujāta có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở công viên tuyệt vời Sumaṅgala.
Sudassano sudevo ca - ahesuṃ aggasāvakā
nārado nāmupaṭṭhāko - sujātassa mahesino. (25)
Sudassana và Sudeva đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Sujāta tên là Nārada.
Nāgā ca nāgasamānā ca - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - mahāveḷūti vuccati. (26)
Nāgā và Nāgasamānā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là Mahāveḷu (cây tre vĩ đại).
So ca rukkho ghanakkhandho - acchiddo hoti pattiko
uju vaṃso brahā hoti - dassaneyyo manoramo. (27)
Và cây tre ấy có thân đặc, không có bọng, rậm lá, là loại cây thẳng đuột, to lớn, đáng nhìn, xinh xắn.
Ekakkhandho pavaḍḍhitvā - tato sākhā ca bhijjati
yathā subandho morahattho - evaṃ sobhati so dumo. (28)
Giống cây ấy có một thân, khi đã phát triển thì được phân thành các nhánh từ thân ấy như là chùm lông đuôi của chim công được buộc chặt lại; giống cây ấy xinh đẹp như thế.
Na tassa kaṇṭhakā honti - nāpi chiddaṃ mahā ahu
vittiṇṇasākho aviraḷo - sandacchāyo manoramo. (29)
Không có các gai ở cây ấy và cũng không có lỗ bọng lớn, cành cây xòe rộng, không thưa thớt, bóng râm dày đặc, xinh xắn.
Sudatto ceva citto ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
subhaddā ca padumā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (30)
Sudatta và luôn cả Citta đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Subhaddā và Padumā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Paññāsaratano āsi - uccattanena so jino
sabbākāravarūpeto - sabbaguṇamupāgato. (31)
Với chiều cao năm mươi ratana (12 mét rưỡi), đấng Chiến Thắng ấy đạt được sự cao quý về mọi phương diện và thành tựu tất cả các đức hạnh.
Tassa pabhā asamasamā - niddhāvati samantato
appamāṇo atuliyo - upamehi anūpamo. (32)
Tương đương với các loại hào quang không thể sánh bằng, hào quang của vị ấy tỏa sáng xung quanh. Vị ấy là vô lượng, vô song, không giống như các vị tương tợ.
Navutivassasahassāni - āyu vijjati tāvade
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (33)
Tuổi thọ được biết là kéo dài đến chín mươi ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Yathāpi sāgare ummi - gagane tārakā yathā
evaṃ tadā pāvacanaṃ - arahantehi cittakaṃ. (34)
Cũng giống như các làn sóng ở biển cả, giống như các vì sao ở bầu trời, tương tợ như thế, vào khi ấy lời tuyên thuyết (của đức Phật ấy) được tô điểm nhờ vào các vị A-la-hán.
Tevijjā chaḷabhiññāhi - balappattehi tādihi
samākulamidaṃ āsi - arahantehi tādibhi.[4]
Với các vị A-la-hán như thế ấy, (là các vị) đã thành tựu tam minh, sáu thắng trí, và năng lực như thế ấy, Giáo Pháp này đã được hưng thịnh.
So ca buddho asamasamo - guṇāni ca tāni atuliyāni
sabbaṃ samantarahitaṃ - nanu rittā sabbasaṅkhārāti. (35)
Đức Phật ấy, vị tương đương với các bậc không thể sánh bằng, và các đức hạnh vô song ấy, tất cả đều hoàn toàn biết mất, phải chăng tất cả các hành là trống không?
Sujāto jinavaro buddho - selārāmamhi nibbuto
tattheva cetiyo satthu - tīṇi gāvutamuggatoti. (36)
Đức Phật, đấng Chiến Thắng cao quý Sujāta đã Niết Bàn tại tu viện Sela. Ngôi bảo tháp được dựng lên cao ba gāvuta[5]dành cho bậc Đạo Sư ở ngay tại nơi ấy.
Sujātabuddhavaṃso dvādasamo.
Lịch sử đức Phật Sujāta là phần thứ mười hai.
--ooOoo--
TERASAMO PIYADASSIBUDDHAVAṂSO
***
[14]
Sujātassa aparena - sayambhū lokanāyako
durāsado asamasamo - piyadassī mahāyaso. (1)
Sau (đức Phật) Sujāta, đấng Lãnh Đạo Thế Gian Piyadassī là vị tự mình chứng ngộ, khó thể đạt đến, tương đương với các vị không thể sánh bằng, có danh tiếng vĩ đại.
Sopi buddho amitayaso - ādiccova virocati
nihantvāna tamaṃ sabbaṃ - dhammacakkaṃ pavattayi. (2)
Có danh tiếng vô hạn, đức Phật ấy cũng chiếu sáng tợ như mặt trời. Sau khi hủy diệt tất cả bóng tối, Ngài đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp.
Tassāpi atulatejassa - ahesuṃ abhisamayā tayo
koṭisatasahassānaṃ - paṭhamābhisamayo ahu. (3)
Đối với vị có oai lực vô song ấy, cũng đã có ba sự lãnh hội. Sự lãnh hội lần thứ nhất là của một trăm ngàn koṭi.
Sudassano devarājā - micchādiṭṭhimarocayi
tassa diṭṭhiṃ vinodento - satthā dhammamadesayi. (4)
Thiên Vương Sudassana đã thuận theo tà kiến. Trong khi xua tan tà kiến của vị ấy, bậc Đạo Sư đã thuyết giảng Chánh Pháp.
Janasannipāto atulo - mahā sannipatī tadā
navakoṭisahassānaṃ - dutiyābhisamayo ahu. (5)
Cuộc tụ hội của các hạng chúng sanh là vô song. Khi ấy, đám đông đã tụ hội lại. Đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của chín ngàn koṭi.
Yadā doṇamukhaṃ hatthiṃ - vineti narasārathi
asītikoṭisahassānaṃ - tatiyābhisamayo ahu. (6)
Khi ấy, bậc Điều Khiển nhân loại huấn luyện con voi Doṇamukha. Đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của tám mươi ngàn koṭi.
Sannipātā tayo āsuṃ - tassāpi piyadassino
koṭisatasahassānaṃ - paṭhamo āsi samāgamo. (7)
Vị Piyadassī ấy cũng đã có ba lần tụ hội. Cuộc hội tụ thứ nhất là của một trăm ngàn koṭi vị.
Tato paraṃ navutikoṭī - samiṃsu ekato munī
tatiye sannipātamhi - asītikoṭiyo ahu. (8)
Sau đó vào lúc khác, chín mươi koṭi vị hiền triết đã hội họp chung lại với nhau. Ở cuộc hội tụ thứ ba, đã có tám mươi koṭi vị.
Ahantena samayena - kassapo nāma māṇavo
ajjhāyiko mantadharo - tiṇṇaṃ vedāna pāragū. (9)
Vào lúc bấy giờ, ta là người thanh niên bà-la-môn tên Kassapa, là vị trì tụng, nắm vững chú thuật, thành thạo ba bộ Vệ Đà.
Tassa dhammaṃ suṇitvāna - pasādaṃ janayiṃ ahaṃ
koṭisatasahassehi - saṅghārāmaṃ amāpayiṃ. (10)
Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của vị (Phật) ấy, ta đã sanh khởi niềm tin. Với một trăm ngàn koṭi (đồng tiền) ta đã tạo lập tu viện cho hội chúng.
Tassa datvāna ārāmaṃ - haṭṭho saṃviggamānaso
saraṇe pañcasīle ca - daḷhaṃ katvā samādiyiṃ. (11)
Sau khi dâng cúng tu viện đến vị ấy, được vui mừng, có tâm trí phấn chấn, ta đã tạo lập sự vững chãi trong việc nương nhờ và đã thọ trì năm giới.
Sopi maṃ buddho byākāsi - saṅghamajjhe nisīdiya
aṭṭhārasakappasate - ayaṃ buddho bhavissati. (12)
Đức Phật ấy, ngồi giữa hội chúng, cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong mười tám trăm (một ngàn tám trăm) kiếp, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ. (13a)
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (13b)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - bhiyyo cittaṃ pasādayiṃ
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsiṃ - dasapāramipūriyā. (14)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Sudhaññaṃ nāma nagaraṃ - sudatto nāma khattiyo
sucandā nāmā janikā - piyadassissa satthuno. (15)
Thành phố có tên là Sudhañña, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Sudatta, người mẹ của đấng Đạo Sư Piyadassī tên là Sucandā.
Navavassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
sunimmalavimalagiriguhā - tayo pāsādamuttamā. (16)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình trong chín ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Sunimmala, Vimala, và Giriguhā.
Tettiṃsasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
vimalā nāma sā nārī - kañcanāveḷa-atrajo. (17)
Có ba mươi ba ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Vimalā. Con trai là Kañcanāveḷa.
Nimitte caturo disvā - rathayānena nikkhami
chamāsaṃ padhānacāraṃ - acari purisuttamo. (18)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện xe. Bậc Tối Thượng Nhân đã thực hành sự nỗ lực sáu tháng.
Brahmunā yācito santo - piyadassiṃ mahāmuni
vattacakko mahāvīro - usabhuyyāne manorame. (19)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, bậc Đại Hiền Triết, đấng Đại Hùng Piyadassī có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận tại công viên Usabha xinh đẹp.
Pālito sabbadassī ca - ahesuṃ aggasāvakā
sobhito nāmupaṭṭhāko - piyadassissa satthuno. (20)
Pālita và Sabbadassī đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của đấng Đạo Sư Piyadassī tên là Sobhita.
Sujātā dhammadinnā ca - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - kakudhoti pavuccati. (21)
Sujātā và Dhammadinnā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là “Kakudha.”
Sandako dhammiko ceva - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
visākhā dhammadinnā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (22)
Sandaka và luôn cả Dhammika đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Visākhā và Dhammadinnā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Sopi buddho amitayaso - dvattiṃsavaralakkhaṇo
asītihatthamubbedho - sālarājāva dissati. (23)
Có danh tiếng vô hạn, với ba mươi hai tướng trạng cao quý, và chiều cao tám mươi cánh tay (40 mét),[6]đức Phật ấy được nhìn thấy như là cây Sālā chúa.
Aggiyā candasuriyānaṃ - natthi tādisikā pabhā
yathā ahu pabhā tassa - asamassa mahesino. (24)
Không có ánh sáng của ngọn lửa, của mặt trăng hay mặt trời, tương tợ như hào quang của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng ấy.
Tassāpi devadevassa - āyu tāvattakā ahu
navutivassasahassāni - loke aṭṭhāsi cakkhumā. (25)
Tuổi thọ của vị ấy cũng kéo dài như là (tuổi thọ) của các hàng thiên nhân. Bậc Hữu Nhãn đã tồn tại ở thế gian chín mươi ngàn năm.
Sopi buddho asamasamo - gugānipi tāni atuliyāni
sabbaṃ samantarahitaṃ - nanu rittā sabbasaṅkhārāti. (26)
Đức Phật ấy, vị tương đương với các bậc không thể sánh bằng, luôn cả các đức hạnh vô song ấy, tất cả đều hoàn toàn biết mất, phải chăng tất cả các hành là trống không?
Piyadassī munivaro - assatthārāmamhi nibbuto
tattheva tassa jinathūpo - tīṇi yojanamuggatoti. (27)
Đấng Hiền Triết cao quý Piyadassī đã Niết Bàn tại tu viện Assattha. Ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng dành cho vị ấy đã được dựng lên cao ba do-tuần ở ngay tại nơi ấy.
Piyadassibuddhavaṃso terasamo.
Lịch sử đức Phật Piyadassī là phần thứ mười ba.
--ooOoo--
CUDDASAMO ATTHADASSĪBUDDHAVAṂSO
***
[15]
Tattheva maṇḍakappamhi - atthadassī mahāyaso
mahātamaṃ nihantvāna - patto sambodhimuttamaṃ. (1)
Cũng chính trong kiếp Maṇḍa ấy,[7]vị có danh tiếng lớn lao Atthadassī sau khi hủy diệt bóng đêm mịt mù đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng.
Brahmunā yācito santo - dhammacakkaṃ pavattayi
amatena tappayī lokaṃ - dasasahassī sadevakā. (2)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị ấy đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp và đã làm hài lòng thế gian mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên bằng sự Bất Tử.
Tassāpi lokanāthassa - ahesuṃ abhisamayā tayo
koṭisatasahassānaṃ - paṭhamābhisamayo ahu. (3)
Đối với đấng Lãnh Đạo Thế Gian ấy, cũng đã có ba sự lãnh hội. Sự lãnh hội lần thứ nhất là của một trăm ngàn koṭi.
Yadā buddho atthadassī - carati devacārikaṃ
koṭisatasahassānaṃ - dutiyābhisamayo ahu. (4)
Vào lúc đức Phật Atthadassī đi du hành ở cõi trời, đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của một trăm ngàn koṭi.
Punāparaṃ yadā buddho - desesi pitusantike
koṭisatasahassānaṃ - tatiyābhisamayo ahu. (5)
Vào dịp khác nữa, khi đức Phật thuyết giảng trong sự hiện diện của người cha, đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của một trăm ngàn koṭi.
Sannipātā tayo āsuṃ - tassāpi ca mahesino
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - santacittāna tādinaṃ. (6)
Và bậc Đại Ẩn Sĩ ấy đã có ba lần tụ hội gồm các vị Lậu Tận không còn ô nhiễm, có tâm thanh tịnh như thế ấy.
Aṭṭhanavutisahassānaṃ - paṭhamo āsi samāgamo
aṭṭhāsītisahassānaṃ - dutiyo āsi samāgamo. (7)
Cuộc hội tụ thứ nhất là của chín mươi tám ngàn koṭi. Cuộc hội tụ thứ nhì là của tám mươi tám ngàn koṭi.
Aṭṭhasattatisahassānaṃ - tatiyo āsi samāgamo
anupādāvimuttānaṃ - vimalānaṃ mahesinaṃ. (8)
Cuộc hội tụ thứ ba là của bảy mươi tám ngàn koṭi (bảy trăm tám mươi tỷ) vị đại ẩn sĩ đã hoàn toàn giải thoát khỏi chấp thủ, không còn ô nhiễm.
Ahantena samayena - jaṭilo uggatāpano
susimo nāma nāmena - mahiyā seṭṭhasammato. (9)
Vào lúc bấy giờ, ta là vị đạo sĩ tóc bện có sự khổ hạnh cao tột tên là Susima, được xem là hạng nhất ở trên trái đất.
Dibbaṃ mandāravaṃ pupphaṃ - padumaṃ pārichattakaṃ
devalokā āharitvā - sambuddhaṃ abhipūjayiṃ. (10)
Sau khi mang lại từ thế giới chư thiên bông hoa mạn-đà-la, hoa sen, hoa san hô của cõi trời, ta đã cúng dường đến đấng Toàn Giác.
Sopi maṃ buddho byākāsi - atthadassī mahāmuni
aṭṭhārase kappasate - ayaṃ buddho bhavissati. (11)
Đức Phật ấy, bậc đại hiền triết Atthadassī, cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong mười tám trăm (một ngàn tám trăm) kiếp, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ. (12a)
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (12b)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - tuṭṭho saṃviggamānaso
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsiṃ - dasapāramipūriyā. (13)
Nghe được lời nói của vị ấy, được hoan hỷ, với tâm trí phấn chấn, ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Sobhaṇaṃ nāma nagaraṃ - sāgaro nāma khattiyo
sudassanā nāma janikā - atthadassissa mahesino. (14)
Thành phố có tên là Sobhaṇa, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Sāgara, người mẹ của bậc Đại Ẩn Sĩ Atthadassī tên là Sudassanā.
Dasavassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
amaragisuragigiribāhanā - tayo pāsādamuttamā. (15)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình mười ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Amaragiri, Suragiri, và Giribāhana.
Tettiṃsatisahassāni - nāriyo samalaṅkatā
visākhā nāma sā nārī - selo nāmāsi atrajo. (16)
Có ba mươi ba ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Visākhā. Con trai tên là Sela.
Nimitte caturo disvā - assayānena nikkhami
anūna-aṭṭhamāsāni - padhānaṃ padahī jino. (17)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện ngựa và đã ra sức nỗ lực tám tháng không thiếu sót..
Brahmunā yācito santo - atthadassī mahāyaso
vattacakko mahāvīro - anomuyyāne narāsabho. (18)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị có danh tiếng lớn lao, đấng Đại Hùng, bậc Nhân Ngưu Atthadassī có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở công viên Anoma.
Santo ca upasanto ca - ahesuṃ aggasāvakā
abhayo nāmupaṭṭhāko - atthadassissa mahesino. (19)
Santa và Upasanta đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Atthadassī tên là Abhaya.
Dhammā ceva sudhammā ca - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - campakoti pavuccati. (20)
Dhammā và luôn cả Sudhammā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là “Campaka.”
Nakulo ceva nisabho ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
makilā ca sunandā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (21)
Nakula và luôn cả Nisabha sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Makilā và Sunandā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Sopi buddho asamasamo - asītiratanamuggato
sobhati sālarājāva - uḷurājāva pūrito. (22)
Cao tám mươi ratana (20 mét), được vẹn toàn như là mặt trăng (chúa của các vì sao), đức Phật ấy, vị tương đương với các bậc không thể sánh bằng, sáng chói như là cây Sālā chúa.
Tassa pākaṭikā raṃsi - anekasatakoṭiyo
uddhaṃ adho dasadisā - pharanti yojanaṃ sadā. (23)
Hàng trăm koṭi (nhiều tỷ) hào quang tự nhiên[8]của vị ấy luôn luôn tỏa rộng một do-tuần ở khắp mười phương, bên trên và bên dưới.
Sopi buddho naravusabho - sabbasattuttamo muni
vassasatasahassāni - loke aṭṭhāsi cakkhumā. (24)
Đức Phật ấy, bậc Nhân Ngưu, đấng Hiền Triết tối thượng của tất cả chúng sanh, bậc Hữu Nhãn cũng đã tồn tại ở thế gian một trăm ngàn năm.
Atulaṃ dassetvā obhāsaṃ - virocetvā sadevake
sopi aniccataṃ patto - yathaggupādānasaṅkhayā. (25)
Sau khi thị hiện hào quang vô song và đã chiếu sáng thế gian luôn cả chư thiên, vị ấy cũng đạt đến hiện trạng vô thường tương tợ như ngọn lửa cạn nguồn nhiên liệu.
Atthadassī jinavaro - anomārāmamhi nibbuto
dhātuvitthārikaṃ āsi - tesu tesu padesatoti. (26)
Đấng Chiến Thắng cao quý Atthadassī đã Niết Bàn tại tu viện Anoma. Đã có sự phân tán xá-lợi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.
Atthadassibuddhavaṃso cuddasamo.
Lịch sử đức Phật Atthadassī là phần thứ mười bốn.
--ooOoo--
PAṆṆARASAMO DHAMMADASSIBUDDHAVAṂSO
***
[16]
Tattheva maṇḍakappamhi - dhammadassī mahāyaso
tamandhakāraṃ vidhamitvā - atirocati sadevake. (1)
Cũng chính trong kiếp Maṇḍa ấy, vị có danh tiếng lớn lao Dhammadassī đã xua tan bóng đêm tăm tối và chiếu sáng thế gian luôn cả các cõi trời.
Tassāpi atulatejassa - dhammacakkappavattane
koṭisatasahassānaṃ - paṭhamābhisamayo ahu. (2)
Cũng trong việc chuyển vận bánh xe Chánh Pháp của vị có oai lực vô song ấy, đã có sự lãnh hội lần thứ nhất là của một trăm ngàn koṭi.
Yadā buddho dhammadassī - vinesi sañjayaṃ isī
tadā navutikoṭīnaṃ - dutiyābhisamayo ahu. (3)
Vào lúc đức Phật Dhammadassī hướng dẫn vị ẩn sĩ Sañjaya, khi ấy đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của chín chục koṭi.
Yadā sakko upagañchi - sapariso vināyakaṃ
tadā asītikoṭīnaṃ - tatiyābhisamayo ahu. (4)
Vào lúc (Thiên Vương) Sakka cùng với tùy tùng đi đến gặp bậc Hướng Đạo, khi ấy đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của tám chục koṭi.
Tassāpi devadevassa - sannipātā tayo āsuṃ
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - santacittāna tādinaṃ. (5)
Đấng Thiên Nhân của chư thiên ấy cũng đã có ba lần tụ hội gồm các vị Lậu Tận không còn ô nhiễm, có tâm thanh tịnh như thế ấy.
Yadā buddho dhammadassī - saraṇe vassaṃ upāgami
tadā koṭisahassānaṃ - paṭhamo āsi samāgamo. (6)
Lúc đức Phật Dhammadassī vào mùa (an cư) mưa ở Saraṇa, khi ấy đã có cuộc hội tụ thứ nhất của một ngàn koṭi vị.
Punāparaṃ yadā buddho - devato eti mānusaṃ
tadāpi satakoṭīnaṃ - dutiyo āsi samāgamo. (7)
Vào lần khác nữa, lúc đức Phật từ cõi trời đi đến cõi nhân loại, khi ấy cũng đã có cuộc hội tụ thứ nhì của một trăm koṭi vị.
Punāparaṃ yadā buddho - pakāsesi dhute guṇe
tadā asītikoṭinaṃ - tatiyo āsi samāgamo. (8)
Vào lần khác nữa, lúc đức Phật giảng giải về các đức hạnh là các pháp đầu-đà, khi ấy đã có cuộc hội tụ thứ ba của tám mươi koṭi vị.
Ahantena samayena - sakko āsiṃ purindado
dibbagandhena mālena - turiyena abhipūjayiṃ. (9)
Vào lúc bấy giờ, ta là (Chúa Trời) Sakka, (có danh hiệu là) Purindada. Ta đã cúng dường hương thơm của cõi trời, tràng hoa, nhạc cụ (đến đức Phật).
Sopi maṃ tadā byākāsi - devamajjhe nisīdiya
aṭṭhārasakappasate - ayaṃ buddho bhavissati. (10)
Khi ấy, vị ấy ngồi ở giữa chư thiên cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong mười tám trăm (một ngàn tám trăm) kiếp, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ. (11a)
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (11b)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - bhiyyo cittaṃ pasādayiṃ
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsiṃ - dasapāramipūriyā. (12)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã thực hiện sự nỗ lực tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Saraṇaṃ nāma nagaraṃ - saraṇo nāma khattiyo
sunandā nāma janikā - dhammadassissa satthuno. (13)
Thành phố có tên là Saraṇa, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Saraṇa, người mẹ của bậc Đạo Sư Dhammadassī tên là Sunandā.
Aṭṭhavassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
arajo virajo sudassano - tayo pāsādamuttamā. (14)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình tám ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Araja, Viraja, và Sudassana.
Cattāḷīsasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
vicikolī nāma nārī - atrajo puññavaḍḍhano. (15)
Có bốn mươi ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Vicikolī. Con trai tên là Puññavaḍḍhana.
Nimitte caturo disvā - pāsādenābhinikkhami
sattāhaṃ padhānacāraṃ - acari purisuttamo. (16)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, bậc Tối Thượng Nhân đã ra đi bằng tòa lâu đài và đã thực hành hạnh nỗ lực bảy ngày.
Brahmunā yācito santo - dhammadassī narāsabho
vattacakko mahāvīro - migadāye naruttamo. (17)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, bậc Nhân Ngưu, đấng Đại Hùng, vị Tối Thượng Nhân Dhammadassī có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở vườn nai.
Padumo phussadevo ca - ahesuṃ aggasāvakā
sudatto nāmupaṭṭhāko - dhammadassissa satthuno. (18)
Paduma và Phussadeva đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đạo Sư Dhammadassī tên là Sudatta.
Khemā ca saccanāmā ca - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - timbajāloti vuccati. (19)
Khemā và Saccanāmā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là “Timbajāla.”
Subhaddo kaṭissaho ceva - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
sāḷisā ca kaḷissā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (20)
Subhadda và luôn cả Kaṭissaha sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Sāḷisā và Kaḷissā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Sopi buddho asamasamo - asītihatthamuggato
atirocati tejena - dasasahassamhi dhātuyā. (21)
Cao tám mươi cánh tay (40 mét), đức Phật ấy, vị tương đương với các bậc không thể sánh bằng, nổi bật trong mười ngàn thế giới nhờ vào oai lực.
Suphullo sālarājāva - vijjuva gagane yathā
majjhanhikeva suriyo - evaṃ so upasobhatha. (22)
Tợ như cây Sālā chúa nở rộ bông, giống như tia sét ở trên bầu trời, như là mặt trời lúc chính ngọ, khi ấy vị ấy đã chiếu sáng như thế.
Tassāpi atulatejassa - samakaṃ āsi jīvitaṃ
vassasatasahassāni - loke aṭṭhāsi cakkhumā. (23)
Mạng sống (tuổi thọ) của vị có oai lực vô song ấy cũng tương tợ (như loài người), bậc Hữu Nhãn đã tồn tại ở thế gian một trăm ngàn năm.
Obhāsaṃ dassayitvāna - vimalaṃ katvāna sāsanaṃ
cavi candova gagane - nibbuto so sasāvakoti. (24)
Sau khi đã thị hiện hào quang và làm cho Giáo Pháp không còn ô nhiễm, vị ấy cùng với các Thinh Văn đã Niết Bàn tương tợ như mặt trăng đã lặn ở trên bầu trời.
Dhammadassī mahāvīro - kesārāmamhi nibbuto
tasseva sa thūpavaro - tīṇi yojanamuggatoti. (25)
Đấng Đại Hùng Dhammadassī đã Niết Bàn tại tu viện Kesa. Ngôi bảo tháp cao quý được dựng lên cao ba do-tuần dành cho chính vị ấy ở ngay tại nơi ấy.
Dhammadassibuddhavaṃso paṇṇarasamo.
Lịch sử đức Phật Dhammadassī là phần thứ mười lăm.
--ooOoo--
[1]Nghĩa là hào quang từ cơ thể của vị ấy tỏa sáng khuôn viên đường tròn bán kính một do-tuần.
[2]Kiếp Maṇḍa (maṇḍakappa) là kiếp có hai vị Phật xuất hiện. Trường hợp này là đức Phật Sumedha và đức Phật Sujāta.
[3]Tạng Thái Lan ghi đoạn này ở cước chú và có ghi xuất xứ là Tạng Anh, v.v...
[4]Tạng Anh không có câu này nên không ghi số thứ tự.
[5]Tương đương 12 km, 1 gāvuta là 4km (ND).
[6]1 hattha (cánh tay) là 50 cm (ND).
[7]Maṇḍakappa là kiếp có hai vị Phật xuất hiện. Đúng ra phải gọi là varakappa vì kiếp này có đến ba vị Phật xuất hiện là Piyadassī, Atthadassī, và Dhammadassī. Chú giải chỉ nói: “Tuy nhiên, trong trường hợp này varakappa có ý nghĩa là maṇḍakappa.”
[8]Hào quang tỏa ra do trạng thái tự nhiên, không phải do nguyện lực của thiền định. Khi nào đức Thế Tôn muốn, khi ấy Ngài có thể phát ra hàng trăm ngàn koṭi hào quang ở trong mười ngàn thế giới
SOḶASAMO SIDDHATTHABUDDHAVAṂSO
***
[17]
Dhammadassissa aparena - siddhattho lokanāyako
nihantvāna tamaṃ sabbaṃ - suriyo abbhuggato yathā. (1)
Sau (đức Phật) Dhammadassī, bậc Lãnh Đạo Thế Gian Siddhattha đã tiêu diệt tất cả tăm tối như là mặt trời đã mọc lên ở không trung.
Sopi patvāna sambodhiṃ - santārento sadevakaṃ
abhivassi dhammameghena - nibbāpento sadevakaṃ. (2)
Sau khi đạt được quả vị Toàn Giác và trong lúc giúp cho thế gian luôn cả chư thiên vượt qua, vị ấy cũng đã làm cơn mưa với đám mây Chánh Pháp tế độ thế gian luôn cả chư thiên chứng ngộ Niết Bàn.
Tassāpi atulatejassa - ahesuṃ abhisamayā tayo
koṭisatasahassānaṃ - paṭhamābhisamayo ahu. (3)
Đối với vị có oai lực vô song ấy, cũng đã có ba sự lãnh hội. Sự lãnh hội lần thứ nhất là của một trăm ngàn koṭi.
Punāparaṃ bhīmaraṭṭhe - yadā āhani dundubhiṃ
tadā navutikoṭīnaṃ - dutiyābhisamayo ahu. (4)
Cũng vào dịp khác, khi Ngài gióng lên tiếng trống ở Bhīmaraṭṭha (quốc độ của sự kinh hoàng), khi ấy đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của chín mươi koṭi.
Yadā buddho dhammaṃ desesi - vebhāre so naruttamo
tadā navutikoṭīnaṃ - tatiyābhisamayo ahu. (5)
Vào lúc đức Phật, bậc Tối Thượng Nhân ấy, thuyết giảng Giáo Pháp ở Vebhāra, khi ấy đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của chín mươi koṭi.
Sannipātā tayo āsuṃ - siddhatthassa mahesino
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - santacittāna tādinaṃ. (6)
Và bậc Đại Ẩn Sĩ Siddhattha đã có ba lần tụ hội gồm các vị Lậu Tận không còn ô nhiễm, có tâm thanh tịnh như thế ấy:
Koṭisatānaṃ navutiyā - asītiyāpi ca koṭinaṃ
ete āsuṃ tayo ṭhānā - vimalānaṃ samāgame. (7)
Đây là ba số liệu về việc hội tụ của các vị không còn ô nhiễm: của một trăm koṭi vị, của chín mươi (koṭi) vị, và của tám mươi koṭi vị.
Ahantena samayena - maṅgalo nāma tāpaso
uggatejo duppasaho - abhiññābalasamāhito. (8)
Vào lúc bấy giờ, ta là vị đạo sĩ khổ hạnh tên Maṅgala có oai lực cao tột, khó thể vượt trội, đã thành tựu thiền định và năng lực của các thắng trí.
Jambuto phalamāhatvā - siddhatthassa adāsahaṃ
paṭiggahetvāna sambuddho - idaṃ vacanamabravi. (9)
Sau khi mang lại trái cây từ cây Jambu,[1]ta đã dâng đến (đức Phật) Siddhattha. Sau khi nhận lãnh, bậc Toàn Giác đã nói lên lời này:
Passatha imaṃ tāpasaṃ - jaṭilaṃ uggatāpanaṃ
catunnavuti ito kappe - ayaṃ buddho bhavissati. (10)
- Các ngươi hãy nhìn vị đạo sĩ khổ hạnh tóc bện có khổ hạnh cao tột này. Trong chín mươi bốn kiếp tính từ thời điểm này, người này sẽ trở thành vị Phật
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ. (11a)
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (11b)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - bhiyyo cittaṃ pasādayiṃ
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsiṃ - dasapāramipūriyā. (12)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Vebhāraṃ nāma nagaraṃ - udeno nāma khattiyo
suphassā nāma janikā - siddhatthassa mahesino. (13)
Thành phố có tên là Vebhāra, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Udena, người mẹ của bậc Đại Ẩn Sĩ Siddhattha tên là Suphassā.
Dasavassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
kokāsuppalakokanudā - tayo pāsādamuttamā. (14)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình trong mười ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Kokā, Suppalā, và Kokanudā.
Tisoḷasasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
sumanā nāma sā nārī - anupamo nāma atrajo. (15)
Có ba lần mười sáu ngàn (bốn mươi tám ngàn) phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Sumanā. Con trai tên là Anupama.
Nimitte caturo disvā - sivikāyābhinikkhami
anūnadasamāsāni - padhānaṃ padahī jino. (16)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện kiệu khiêng và đã ra sức nỗ lực mười tháng không thiếu sót.
Brahmunā yācito santo - siddhattho lokanāyako
vattacakko mahāvīro - migadāye naruttamo. (17)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đại Hùng, bậc Tối Thượng Nhân Siddhattha có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở tại vườn nai.
Sambalo ca sumitto ca - ahesuṃ aggasāvakā
revato nāmupaṭṭhāko - siddhatthassa mahesino. (18)
Sambala và Sumitta đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Siddhattha tên là Revata.
Sīvalā ca surāmā ca - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - kaṇṇikāroti vuccati. (19)
Sīvalā và Surāmā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là “Kaṇṇikāra.”
Suppiyo ca samuddo ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
rammā ceva surammā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (20)
Suppiya và Samudda đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Rammā và Surammā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
So buddho saṭṭhiratanaṃ - ahosi nabhamuggato
kañcanagghikasaṅkāso - dasasahassī virocati. (21)
Vươn lên bầu trời (chiều cao) sáu mươi ratana (15 mét), đức Phật ấy chiếu sáng mười ngàn thế giới tương tợ như cột trụ bằng vàng có gắn tràng hoa.
Sopi buddho asamasamo - atulo appaṭipuggalo
vassasatasahassāni - loke aṭṭhāsi cakkhumā. (22)
Đức Phật ấy, vị tương đương với các bậc không thể sánh bằng, là bậc vô song, không người đối địch. Bậc Hữu Nhãn đã tồn tại ở thế gian một trăm ngàn năm.
Vipulappabhaṃ dassayitvā - pupphāpetvāna sāvake
vilāsetvā varasamāpattiyā - nibbuto so sasāvako. (23)
Sau khi thị hiện hào quang tuyệt vời và giúp cho các môn đồ đơm hoa kết trái. Sau khi đã được rạng rỡ với sự chứng ngộ cao quý, vị ấy cùng với các Thinh Văn đã Niết Bàn.
Siddhattho munivaro buddho - anomārāmamhi nibbuto
tattheva tassa thūpavaro - catuyojanamuggatoti. (24)
Đức Phật Siddhatta, đấng Hiền Triết cao quý đã Niết Bàn tại tu viện Anoma. Ngôi bảo tháp cao quý dành cho vị ấy đã được dựng lên cao bốn do-tuần ở ngay tại nơi ấy.
Siddhatthabuddhavaṃso soḷasamo.
Lịch sử đức Phật Siddhattha là phần thứ mười sáu.
--ooOoo--
SATTARASAMO TISSABUDDHAVAṂSO
***
[18]
Siddhatthassa aparena - asamo appaṭipuggalo
anantasīlo amitayaso - tisso lokagganāyako. (1)
Sau (đức Phật) Siddhattha, bậc Lãnh Đạo hàng đầu của thế gian Tissa là không ai sánh bằng, không người đối địch, có giới hạnh vô biên, có danh vọng vô lường.
Tamandhakāraṃ vidhamitvā - obhāsetvā sadevakaṃ
anukampako mahāvīro - loke uppajji cakkhumā. (2)
Sau khi đã xua tan bóng đen tăm tối và chiếu sáng thế gian luôn cả các cõi trời, vị có lòng thương xót, đấng Đại Hùng, bậc Hữu Nhãn đã hiện khởi ở thế gian.
Tassāpi atulā iddhi - atulā sīlasamādhiyo
sabbattha pāramiṃ gantvā - dhammacakkaṃ pavattayi. (3)
Cũng có thần thông vô song, giới và định vô song, sau khi đạt đến sự toàn hảo về mọi phương diện, vị ấy đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp.
So buddho dasasahassamhi - viññāpesi giraṃ suciṃ
koṭisatāni abhisamiṃsu - paṭhame dhammadesane. (4)
Đức Phật ấy đã công bố lời diễn thuyết thanh tịnh ở trong mười ngàn thế giới. Hàng trăm koṭi đã lãnh hội trong cuộc thuyết giảng Giáo Pháp lần thứ nhất.
Dutiyo navutikoṭīnaṃ - tatiye saṭṭhikoṭiyo
bandhanāto pamocesi - sampatte naramarū tadā. (5)
Lần thứ nhì là của chín mươi ngàn koṭi. Lần thứ ba là của sáu mươi ngàn koṭi. Khi ấy, Ngài đã giúp cho nhân loại và chư thiên đã tề tựu lại được giải thoát khỏi các sự trói buộc.
Sannipātā tayo āsuṃ - tissassa ca mahesino
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - santacittāna tādinaṃ. (6)
Bậc Đại Ẩn Sĩ Tissa cũng đã có ba lần tụ hội gồm các vị Lậu Tận không còn ô nhiễm, có tâm thanh tịnh như thế ấy.
Khīṇāsavasatasahassānaṃ - paṭhamo āsi samāgamo
navutisatasahassānaṃ - dutiyo āsi samāgamo. (7)
Đã có cuộc hội tụ thứ nhất của một trăm ngàn bậc Lậu Tận. Đã có cuộc hội tụ thứ nhì của chín chục trăm ngàn (chín triệu) vị.
Asītisatasahassānaṃ - tatiyo āsi samāgamo
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - pupphitānaṃ vimuttiyā. (8)
Đã có cuộc hội tụ thứ ba của tám chục trăm ngàn (tám triệu) bậc Lậu Tận, không còn ô nhiễm, đã nở hoa trong sự giải thoát.
Ahantena samayena - sujāto nāma khattiyo
mahābhogaṃ chaḍḍayitvā - pabbajiṃ isipabbajaṃ. (9)
Vào lúc bấy giờ, ta là vị sát-đế-lỵ tên Sujāta. Sau khi buông bỏ tài sản lớn lao, ta đã xuất gia làm ẩn sĩ.
Mayi pabbajite sante - uppajji lokanāyako
buddhoti saddaṃ sutvāna - pīti me upapajjatha. (10)
Khi ta đã xuất gia, đấng Lãnh Đạo Thế Gian đã xuất hiện. Sau khi nghe được tiếng nói rằng: “Đức Phật!” khi ấy phỉ lạc đã phát khởi ở ta.
Dibbaṃ mandāravaṃ pupphaṃ - padumaṃ pārichattakaṃ
ubho hatthehi paggayha - dhunamāno upāgamiṃ. (11)
Sau khi nắm lấy hoa mạn-đà-la, hoa sen, hoa san hô của cõi trời bằng cả hai tay, ta đã vội vã đi đến.
Pātuvaṇṇaparivutaṃ - tissaṃ lokagganāyakaṃ
tamahaṃ pupphaṃ gahetvā - matthake dhāraye jinaṃ. (12)
Ta đã cầm lấy bông hoa ấy và đặt lên đỉnh đầu của đấng Chiến Thắng, bậc Lãnh Đạo Thế Gian Tissa đang được vây quanh bởi bốn thành phần (giai cấp).[2]
Sopi maṃ tadā byākāsi - janamajjhe nisīdiya
dvānavute ito kappe - ayaṃ buddho bhavissati. (13)
Khi ấy, ngồi giữa mọi người vị ấy cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong chín mươi hai kiếp tính từ thời điểm này, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ. (14a)
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (14b)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - bhiyyo cittaṃ pasādayiṃ
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsiṃ - dasapāramipūriyā. (15)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Khemakaṃ nāma nagaraṃ - janasando nāma khattiyo
padumā nāma janikā - tissassa ca mahesino. (16)
Thành phố có tên là Khemaka, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Janasanda, người mẹ của bậc Đại Ẩn Sĩ Tissa tên là Padumā.
Sattavassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
guṇaselanādiyanisabho - tayo pāsādamuttamā. (17)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình bảy ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Guṇasela, Nādiya, và Nisabha.
Samatiṃsasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
subhaddā nāma sā nārī - ānando nāma atrajo. (18)
Có đầy đủ ba mươi ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Subhaddā. Con trai tên là Ānanda.
Nimitte caturo disvā - assayānena nikkhami
anūnakaṃ aḍḍhamāsaṃ - padhānaṃ padahī jino. (19)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện ngựa và đã ra sức nỗ lực nửa tháng[3]không thiếu sót.
Brahmunā yācito santo - tisso lokagganāyako
vattacakko mahāvīro - yasavatīdāyamuttame. (20)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, bậc Lãnh Đạo hàng đầu của thế gian Tissa, đấng Đại Hùng có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở khu rừng tuyệt vời Yasavatī.
Brahmadevo udayo ca - ahesuṃ aggasāvakā
samago nāmupaṭṭhāko - tissassa ca mahesino. (21)
Brahmadeva và Udaya đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Tissa tên là Samaga.
Phussā ceva sudattā ca - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - asanoti pavuccati. (22)
Phussā và luôn cả Sudattā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là “Asana.”
Sambalo ca siri ceva - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
kīsāgotamī upasenā - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (23)
Sambala và luôn cả Siri sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Kīsāgotamī và Upasenā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
So buddho saṭṭhiratano - ahu uccattane jino
anūpamo asadiso - himavā viya dissati. (24)
Cao sáu mươi ratana (15 mét), đức Phật, đấng Chiến Thắng ấy, không có vị tương đương, không có ai sánh bằng, được nhìn thấy như là núi Hy-mã-lạp.
Tassāpi atulatejassa - āyu āsi anuttaro
vassasatasahassāni - loke aṭṭhāsi cakkhumā. (25)
Tuổi thọ của vị có oai lực vô song ấy là tối thắng.[4]Bậc Hữu Nhãn đã tồn tại ở thế gian một trăm ngàn năm.
Uttamaṃ pavaraṃ seṭṭhaṃ - anubhotvā mahāyasaṃ
jalitvā aggikkhandhova - nibbuto so sasāvako. (26)
Sau khi đã thọ hưởng danh vọng lớn lao, tối thượng, cao quý, nhất hạng, vị ấy đã rực cháy như là khối lửa rồi đã Niết Bàn cùng với các vị Thinh Văn.
Valāhakova anilena - suriyena viya ussavo
andhakārova dīpena - nibbuto so sasāvako. (27)
Tương tợ như đám mây (biến mất) bởi làn gió, như là làn sương (biến mất) bởi mặt trời, như là bóng tối (biến mất) bởi ngọn đèn, vị ấy cùng với các Thinh Văn đã Niết Bàn.
Tisso jinavaro buddho - nandārāmamhi nibbuto
tattheva tassa jinathūpo - tīṇi yojanamuggatoti. (28)
Đức Phật, đấng Chiến Thắng cao quý Tissa đã Niết Bàn tại tu viện Nanda. Ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng dành cho vị ấy đã được dựng lên cao ba do-tuần ở ngay tại nơi ấy.
Tissabuddhavaṃso sattarasamo.
Lịch sử đức Phật Tissa là phần thứ mười bảy.
--ooOoo--
AṬṬHĀRASAMO PUSSABUDDHAVAṂSO
***
[19]
Tattheva maṇḍakappamhi - ahu satthā anuttaro
anūpamo asamasamo - pusso lokagganāyako. (1)
Cũng chính trong kiếp Maṇḍa ấy, đã có bậc Đạo Sư Phussa, là đấng Vô Thượng, không có vị tương tợ, tương đương với các bậc không thể sánh bằng, là bậc Lãnh Đạo hàng đầu của thế gian.
Sopi sabbaṃ tamaṃ hantvā - vijaṭetvā mahājaṭaṃ
sadevakaṃ tappayanto - abhivassi amatambunā. (2)
Sau khi đã hủy diệt tất cả bóng tối và tháo gỡ mạng lưới khổng lồ, trong lúc làm hài lòng thế gian luôn cả chư thiên, vị ấy cũng đã đổ cơn mưa bằng nước Bất Tử.
Dhammacakkaṃ pavattente - pusse nakkhattamaṅgale
asītisatasahassānaṃ - paṭhamābhisamayo ahu. (3)
Khi (đức Phật) Phussa đang chuyển vận bánh xe Chánh Pháp ở lễ hội tinh tú, đã có sự lãnh hội lần thứ nhất là của tám chục trăm ngàn (tám triệu).
Navutisatasahassānaṃ - dutiyābhisamayo ahu
asītisatasahassānaṃ - tatiyābhisamayo ahu. (4)
Đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của chín chục trăm ngàn koṭi (chín triệu). Đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của tám chục trăm ngàn (tám triệu).
Sannipātā tayo āsuṃ - pussassa ca mahesino
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - santacittāna tādinaṃ. (5)
Và bậc Đại Ẩn Sĩ Phussa đã có ba lần tụ hội gồm các bậc Lậu Tận không còn ô nhiễm có tâm thanh tịnh như thế ấy.
Saṭṭhisatasahassānaṃ - paṭhamo āsi samāgamo
paññāsasatasahassānaṃ - dutiyo āsi samāgamo. (6)
Đã có cuộc hội tụ thứ nhất của sáu chục trăm ngàn (sáu triệu). Đã có cuộc hội tụ thứ nhì của năm chục trăm ngàn (năm triệu).
Cattāḷīsasatasahassānaṃ - tatiyo āsi samāgamo
anupādā vimuttānaṃ - vocchinnapaṭisandhinaṃ. (7)
Đã có cuộc hội tụ thứ ba của bốn chục trăm ngàn (bốn triệu) vị đã được giải thoát, không còn chấp thủ, có sự tái sanh đã được đoạn tận.
Ahantena samayena - vijito nāma khattiyo
chaḍḍayitvā mahārajjaṃ - pabbajiṃ tassa santike. (8)
Vào lúc bấy giờ, ta là vị sát-đế-lỵ tên Vijita. Sau khi buông bỏ vương quốc rộng lớn, ta đã xuất gia trong sự chứng minh của vị ấy.
Sopi maṃ buddho byākāsi - pusso lokagganāyako
dvenavute ito kappe - ayaṃ buddho bhavissati. (9)
Bậc Lãnh Đạo hàng đầu của thế gian Phussa ấy cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong chín mươi hai kiếp tính từ thời điểm này, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ. (10a)
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati. (10b)
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
[Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.][6]
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - bhiyyo cittaṃ pasādayiṃ
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsiṃ - dasapāramipūriyā. (11)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Suttantaṃ vinayañcāpi - navaṅgasatthusāsanaṃ
sabbaṃ pariyāpuṇitvāna - sobhayiṃ jinasāsanaṃ. (12)
Sau khi học tập toàn bộ Kinh và luôn cả Luật tức là Giáo Pháp của bậc Đạo Sư gồm chín thể loại, ta đã làm rạng rỡ Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.
Tatthappamatto viharanto - brahmaṃ bhāvetvā bhāvanaṃ
abhiññāsu pāramiṃ gantvā - brahmalokamagañchihaṃ. (13)
Trong khi sống không xao lãng trong Giáo Pháp ấy, sau khi tu tập thiền Phạm Thiên và làm toàn hảo các thắng trí, ta đã đi đến thế giới của Phạm Thiên.
Kāsikaṃ nāma nagaraṃ - jayaseno nāma khattiyo
sirimā nāma janikā - pussassa ca mahesino. (14)
Thành phố có tên là Kāsika, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Jayasena, người mẹ của vị Đại Ẩn Sĩ Phussa tên là Sirimā.
Navavassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
garuḷahaṃsasuvaṇṇatārā - tayo pāsādamuttamā. (15)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình chín ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Garuḷa, Haṃsa, và Suvaṇṇatārā.
Tevīsatisahassāni - nāriyo samalaṅkatā
kīsāgotamī nāma - ānando nāma atrajo. (16)
Có hai mươi ba ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Kīsāgotamī. Con trai tên là Ānanda.
Nimitte caturo disvā - hatthiyānena nikkhami
sattāhaṃ padhānacāraṃ - acari purisuttamo. (17)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Tối Thượng Nhân đã ra đi bằng phương tiện voi và đã thực hành hạnh nỗ lực bảy ngày.
Brahmunā yācito santo - pusso lokagganāyako
vattacakko mahāvīro - migadāye naruttamo. (18)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, bậc Lãnh Đạo hàng đầu của thế gian Phussa, đấng Đại Hùng, bậc Tối Thượng Nhân có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở vườn nai.
Surakkhito dhammaseno - ahesuṃ aggasāvakā
sabhiyyo nāmupaṭṭhāko - pussassa ca mahesino. (19)
Surakkhita và Dhammasena đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Phussa tên là Sabhiyya.
Cālā ca upacālā ca - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - āmalakoti vuccati. (20)
Cālā và Upacālā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là Āmalaka.
Dhanañcayo visākho ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
padumā sirināgā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (21)
Dhanañcaya và Visākha đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Padumā và Sirināgā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Aṭṭhapaṇṇāsaratanaṃ - sopi accuggato muni
sobhati sataraṃsīva - uḷurājāva pūrito. (22)
Đạt đến chiều cao năm mươi tám ratana (14 mét rưỡi), được vẹn toàn như là mặt trăng (chúa của các vì sao), bậc Hiền Triết ấy cũng chiếu sáng tương tợ mặt trời.
Navutivassasahassāni - āyu vijjati tāvade
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (23)
Tuổi thọ được biết là kéo dài đến chín mươi ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Ovaditvā bahū satte - santāretvā bahū jane
sopi satthā atulayaso - nibbuto so sasāvako. (24)
Sau khi đã giáo giới nhiều chúng sanh và đã giúp cho nhiều người vượt qua, bậc Đạo Sư có danh tiếng vô song ấy cùng với các vị Thinh Văn đã Niết Bàn.
Pusso jinavaro satthā - senārāmamhi nibbuto
dhātuvitthārikaṃ āsi - tesu tesu padesatoti. (25)
Đấng Chiến Thắng cao quý, bậc Đạo Sư Phussa đã Niết Bàn tại tu viện Sena. Đã có sự phân tán xá-lợi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.
Pussabuddhavaṃso aṭṭhārasamo.
Lịch sử đức Phật Phussa là phần thứ mười tám.
--ooOoo--
EKŪNAVĪSATIMO VIPASSIBUDDHAVAṂSO
***
[20]
Pussassa ca aparena - sambuddho dipaduttamo
vipassī nāma nāmena - loke uppajji cakkhumā. (1)
Sau (đức Phật) Phussa, bậc Toàn Giác, đấng Tối Thượng Nhân, vị Hữu Nhãn tên Vipassī đã sanh lên ở thế gian.
Avijjaṇḍaṃ padāletvā - patto sambodhimuttamaṃ
dhammacakkaṃ pavattetuṃ - pakkāmi bandhumatīpuraṃ. (2)
Sau khi làm vỡ tung quả trứng vô minh và đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng, Ngài đã đi đến thành phố Bandhumatī để chuyển vận bánh xe Chánh Pháp.
Dhammacakkaṃ pavattetvā - ubho bodhesi nāyako
gaṇanāya na vattabbo - paṭhamābhisamayo ahu. (3)
Bậc Lãnh Đạo đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp và đã giác ngộ cả hai người.[7]Đã có sự lãnh hội lần thứ nhất là không thể nói được bằng cách tính đếm.
Punāparaṃ amitayaso - tattha saccaṃ pakāsayi
caturāsītisahassānaṃ - dutiyābhisamayo ahu. (4)
Vào lần khác nữa, bậc có danh tiếng vô hạn đã giảng giải về Chân Lý ở tại nơi ấy. Đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của tám mươi bốn ngàn vị.
Caturāsītisahassāni - sambuddhamanupabbajuṃ
tesamārāmapattānaṃ - dhammaṃ desesi cakkhumā. (5)
Tám mươi bốn ngàn người đã xuất gia theo đấng Toàn Giác. Bậc Hữu Nhãn đã thuyết giảng Giáo Pháp đến những người ấy khi họ về đến tu viện.
Sabbākārena bhāsato - ṭhatvā upanissā jino
tepi dhammavaraṃ gantvā - tatiyābhisamayo ahu. (6)
Sau khi an trú và nương tựa vào (Giáo Pháp) đang được đấng Chiến Thắng thuyết giảng theo nhiều phương thức, các vị ấy cũng đã đến với Giáo Pháp cao quý; (đây) là sự lãnh hội lần thứ ba.
Sannipātā tayo āsuṃ - vipassissa mahesino
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - santacittāna tādinaṃ. (7)
Bậc Đại Ẩn Sĩ Vipassī đã có ba lần tụ hội gồm các vị Lậu Tận không còn ô nhiễm, có tâm thanh tịnh như thế ấy.
Aṭṭhasaṭṭhisatasahassānaṃ - paṭhamo āsi samāgamo
bhikkhusatasahassānaṃ - dutiyo āsi samāgamo. (8)
Cuộc hội tụ thứ nhất là của sáu mươi tám trăm ngàn (sáu triệu tám trăm ngàn) vị. Cuộc hội tụ thứ nhì là của một trăm ngàn vị tỳ khưu.
Asītibhikkhusahassānaṃ - tatiyo āsi samāgamo
tattha bhikkhugaṇamajjhe - sambuddho atirocati. (9)
Cuộc hội tụ thứ ba là của tám mươi ngàn vị tỳ khưu. Tại nơi ấy, ở giữa tập thể tỳ khưu, đấng Toàn Giác đã chói sáng.
Ahantena samayena - nāgarājā mahiddhiko
atulo nāma nāmena - puññavanto jutindharo. (10)
Vào lúc bấy giờ, ta là vị Long Vương tên Atula có đại thần lực, có phước báu, có luồng hào quang.
Nekānaṃ nāgakoṭīnaṃ - parivāretvānahaṃ tadā
vajjanto dibbaturiyehi - lokajeṭṭhaṃ upāgamiṃ. (11)
Khi ấy, sau khi bảo vô số koṭi con rồng tụ hội xung quanh (đức Phật), trong lúc các nhạc cụ của cõi trời đang được trình tấu, ta đã đi đến gặp đấng Tối Cao của thế gian.
Upasaṅkamitvā sambuddhaṃ - vipassiṃ lokanāyakaṃ
maṇimuttāratanakhacitaṃ - sabbābharaṇavibhūsitaṃ
nimantetvā dhammarājassa - suvaṇṇapīṭhamadāsahaṃ. (12)
Sau khi đi đến gặp đấng Toàn Giác, bậc Lãnh Đạo Thế Gian Vipassī, ta đã thỉnh cầu rồi đã dâng lên đấng Pháp Vương chiếc ghế bằng vàng được cẩn ngọc ma-ni, ngọc trai, châu báu, và được trang điểm với tất cả các đồ trang sức.
Sopi maṃ buddho byākāsi - saṅghamajjhe nisīdiya
ekanavuti ito kappe - ayaṃ buddho bhavissati. (13)
Đức Phật ấy, ngồi giữa hội chúng, cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong chín mươi mốt kiếp tính từ thời điểm này, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ. (14)
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti. (15)
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti. (16)
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakkhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assatthamūle sambodhiṃ - bujjhissati mahāyaso. (17)
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo. (18)
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā (19)
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā (20)
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati (21)
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - bhiyyo cittaṃ pasādayiṃ
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsiṃ - dasapāramipūriyā. (22)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Nagaraṃ bandhumatī nāma - bandhumo nāma khattiyo
mātā bandhumatī nāma - vipassissa mahesino. (23)
Thành phố có tên là Bandhumatī, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Bandhuma, người mẹ của vị Đại Ẩn Sĩ Vipassī tên là Bandhumatī.
Aṭṭhavassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
nando sunando sirimā - tayo pāsādamuttamā. (24)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình trong tám ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Nanda, Sunanda, và Sirimā.
Ticattārisahassāni - nāriyo samalaṅkatā
sudassanā nāma nārī - samavattakkhandho nāma atrajo. (25)
Có bốn mươi ba ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Sudassanā. Con trai là Samavattakkhandha.
Nimitte caturo disvā - rathayānena nikkhami
anūna-aṭṭhamāsāni - padhānaṃ padahī jino. (26)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện xe. Bậc Tối Thượng Nhân đã ra sức nỗ lực tám tháng không thiếu sót.
Brahmunā yācito santo - vipassī lokanāyako
vattacakko mahāvīro - migadāye naruttamo. (27)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đại Hùng, bậc Tối Thượng Nhân Vipassī có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở vườn nai.
Khandho ca tissanāmo ca - ahesuṃ aggasāvakā
asoko nāmupaṭṭhāko - vipassissa mahesino. (28)
Khandha và vị tên Tissa đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Vipassī tên là Asoka.
Candā ca candamittā ca - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - pāṭalīti pavuccati. (29)
Candā và Candamittā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là Pāṭalī.
Punabbasumitto nāgo ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
sirimā uttarā ceva - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (30)
Punabbasumitta và Nāga đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Sirimā và luôn cả Uttarā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Asītihatthamubbedho - vipassī lokanāyako
pabhā niddhāvatī tassa - samantā sattayojane. (31)
Đấng Lãnh Đạo Thế Gian Vipassī có chiều cao tám mươi cánh tay (40 mét). Hào quang của vị ấy tỏa sáng bảy do-tuần ở xung quanh.
Asītivassasahassāni - āyu buddhassa tāvade
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (32)
Tuổi thọ được biết là kéo dài đến tám mươi ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Bahudevamanussānaṃ - bandhanaṃ parimocayi
maggāmaggañca ācikkhi - avasesaputhujjane. (33)
Vị ấy đã giải thoát sự trói buộc cho nhiều chư thiên và nhân loại. Ngài đã chỉ ra đạo lộ và không phải đạo lộ cho các phàm nhân còn lại.
Ālokaṃ dassayitvāna - dassetvā amataṃ padaṃ
jalitvā aggikkhandhova - nibbuto so sasāvako. (34)
Sau khi đã thị hiện ánh sáng và chỉ cho thấy vị thế Bất Tử, vị ấy đã rực cháy như là khối lửa rồi đã Niết Bàn cùng với các vị Thinh Văn.
Iddhivaraṃ puññavaraṃ - lakkhaṇacakkasumitaṃ
sabbaṃ samantarahitaṃ - nanu rittā sabbasaṅkhārāti. (35)
Thần thông cao quý, phước báu cao quý, dấu hiệu bánh xe khéo được hình thành, tất cả đều hoàn toàn biết mất, phải chăng tất cả các hành là trống không?
Vipassī naravaro vīro - sumittārāmamhi nibbuto
tattheva tassa thūpavaro - sattayojanamussitoti. (36)
Con người cao quý, đấng Anh Hùng Vipassī đã Niết Bàn tại tu viện Sumitta. Ngôi bảo tháp cao quý dành cho vị ấy đã được dựng lên cao bảy do-tuần ở ngay tại nơi ấy.
Vipassibuddhavaṃso ekūnavīsatimo.
Lịch sử đức Phật Vipassī là phần thứ mười chín.
--ooOoo--
VĪSATIMO SIKHIBUDDHAVAṂSO
***
[21]
Vipassissa aparena - sambuddho dipaduttamo
sikhivhayo nāma jino - asamo appaṭipuggalo. (1)
Sau (đức Phật) Vipassī, có bậc Toàn Giác, vị Tối Thượng Nhân, đấng Chiến Thắng tên gọi Sikhī là bậc không ai sánh bằng, không người đối thủ.
Mārasenaṃ pamadditvā - patto sambodhimuttamaṃ
dhammacakkaṃ pavattesi - anukampāya pāṇinaṃ. (2)
Sau khi trừ diệt binh đội của Ma Vương và đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng, vị ấy đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp vì lòng thương xót chúng sanh.
Dhammacakkaṃ pavattente - sikhimhi jinapuṅgave
koṭisatasahassānaṃ - paṭhamābhisamayo ahu. (3)
Trong khi đấng Chiến Thắng hàng đầu Sikhī đang chuyển vận bánh xe Chánh Pháp, đã có sự lãnh hội lần thứ nhất là của một trăm ngàn koṭi.
Aparampi dhammaṃ desente - gaṇaseṭṭhe naruttame
navutikoṭisahassānaṃ - dutiyābhisamayo ahu. (4)
Cũng vào lúc khác, trong khi đấng Tối Thượng Nhân, bậc đứng đầu tập thể, đang thuyết giảng Chánh Pháp, đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của chín mươi ngàn koṭi.
Yamakapāṭihāriyaṃ - dassayante sadevake
asītikoṭisahassānaṃ - tatiyābhisamayo ahu. (5)
Trong khi thị hiện song thông đến loài người luôn cả chư thiên, đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của tám mươi ngàn koṭi.
Sannipātā tayo āsuṃ - sikhissāpi mahesino
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - santacittāna tādinaṃ. (6)
Bậc Đại Ẩn Sĩ Sikhī đã có ba lần tụ hội gồm các vị Lậu Tận không còn ô nhiễm có tâm thanh tịnh như thế ấy.
Bhikkhusatasahassānaṃ - paṭhamo āsi samāgamo
asītibhikkhusahassānaṃ - dutiyo āsi samāgamo. (7)
Cuộc hội tụ thứ nhất là của một trăm ngàn vị tỳ khưu. Cuộc hội tụ thứ nhì là của tám chục ngàn vị tỳ khưu.
Sattatibhikkhusahassānaṃ - tatiyo āsi samāgamo
anupalitto padumaṃva - toyamhi sampavaḍḍhitaṃ. (8)
Cuộc hội tụ thứ ba của bảy chục ngàn vị tỳ khưu là không bị lấm nhơ, tương tợ như đóa hoa sen không bị vấy bùn dầu sanh trưởng ở trong nước.
Ahantena samayena - arindamo nāma khattiyo
sambuddhappamukhaṃ saṅghaṃ - annapānena tappayiṃ. (9)
Vào lúc bấy giờ, ta là vị sát-đế-lỵ tên Arindama. Ta đã thỏa mãn hội chúng (tỳ khưu) có đấng Toàn Giác đứng đầu với cơm ăn nước uống.
Bahudussavaraṃ datvā - dussakoṭiṃ anappakaṃ
alaṅkataṃ hatthiyānaṃ - sambuddhassa adāsahaṃ. (10)
Sau khi cúng dường nhiều vải vóc quý giá không dưới mười triệu tấm vải, ta đã dâng đến đấng Toàn Giác con voi đã được trang hoàng làm phương tiện di chuyển.
Hatthiyānaṃ nimminitvā - kappiyaṃ upanāmayiṃ
pūrayiṃ mānasaṃ mayhaṃ - niccaṃ daḷhamupaṭṭhitaṃ. (11)
Ta đã tạo lập ra phương tiện di chuyển là voi và đã được biết rằng là điều được phép. Ta đã làm tròn đủ tâm ý đã được phát nguyện trường kỳ và bền vững của ta.
Sopi maṃ buddho byākāsi - sikhī lokagganāyako
ekatiṃse ito kappe - ayaṃ buddho bhavissati. (12)
Đức Phật ấy, đấng Lãnh Đạo cao quý của thế gian, cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong ba mươi mốt kiếp tính từ thời điểm này, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato (13a)
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ.
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (13b)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - bhiyyo cittaṃ pasādayiṃ
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsiṃ - dasapāramipūriyā. (14)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Nagaraṃ aruṇavatī nāma - aruṇo nāma khattiyo
pabhāvatī nāma janikā - sikhissa ca mahesino. (15)
Thành phố có tên là Aruṇavatī, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Aruṇa, người mẹ của bậc Đại Ẩn Sĩ Sikhī tên là Pabhāvatī.
Sattavassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
suvaḍḍhako giri nārīvāhano - tayo pasādamuttamā. (16)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình trong bảy ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Suvaḍḍhaka, Giri, và Nārīvāhana.
Catuvīsasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
sabbakāmā nāma sā nārī - atulo nāma atrajo. (17)
Có hai mươi bốn ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Sabbakāmā. Con trai tên là Atula.
Nimitte caturo disvā - hatthiyānena nikkhami
aṭṭhamāsaṃ padhānacāraṃ - acari purisuttamo. (18)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện voi và đã thực hành hạnh nỗ lực tám tháng.
Brahmunā yācito santo - sikhī lokagganāyako
vattacakko mahāvīro - migadāye naruttamo. (19)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo cao quý của thế gian, đấng Đại Hùng, bậc Tối Thượng Nhân Sikhī có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở tại vườn nai.
Abhibhū sambhavo nāma - ahesuṃ aggasāvakā
khemaṅkaro nāmupaṭṭhāko - sikhissa ca mahesino. (20)
Abhibhū và Sambhava đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Sikhī tên là Khemaṅkara.
Makhilā ca padumā ca - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - puṇḍarīkoti vuccati. (21)
Makhilā và Padumā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là “Puṇḍarīka.”[8]
Sirivaḍḍho ca nando ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
cittā ceva sucittā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (22)
Sirivaḍḍha và Nanda đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Cittā và luôn cả Sucittā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Uccattanena so buddho - sattatihatthamuggato
kañcanagghikasaṅkāso - dvattiṃsavaralakkhaṇo. (23)
Đức Phật ấy có chiều cao bảy mươi cánh tay (35 mét), với ba mươi hai tướng trạng cao quý tương tợ như cột trụ bằng vàng có gắn tràng hoa.
Tassāpi byāmappabhā kāyā - niccharanti nirantaraṃ
disodisaṃ niccharanti - tīṇi yojanāni so pabhā. (24)
Ánh sáng hào quang phát ra không gián đoạn từ cơ thể của vị ấy. Hào quang ấy phát ra khắp các phương xa ba do-tuần.
Sattativassasahassāni - āyu tassa mahesino
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (25)
Tuổi thọ của bậc Đại Ẩn Sĩ ấy là bảy chục ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Dhammameghaṃ vassitvāna - - temayitvā sadevake
khemataṃ pāpayitvāna - nibbuto so sasāvako. (26)
Sau khi đổ cơn mưa đám mây Chánh Pháp và làm cho chúng sanh luôn cả chư thiên được thấm nhuần, vị ấy sau khi đạt đến bản thể an tịnh đã Niết Bàn cùng với các vị Thinh Văn.
Anubyañjanasampannaṃ - dvattiṃsavaralakkhaṇaṃ
sabbaṃ samantarahitaṃ - nanu rittā sabbasaṅkhārāti. (27)
Ba mươi hai tướng trạng cao quý đã đạt được cùng với các tướng phụ, tất cả đều hoàn toàn biết mất, phải chăng tất cả các hành là trống không?
Sikhī munivaro buddho - assārāmamhi nibbuto
tattheva tassa thūpavaro - tīṇi yojanamuggatoti. (28)
Đức Phật Sikhī, đấng Hiền Triết cao quý, đã Niết Bàn tại tu viện Assa. Ngôi bảo tháp cao quý dành cho vị ấy đã được dựng lên cao ba do-tuần ở ngay tại nơi ấy.
Sikhibuddhavaṃso vīsatimo.
Lịch sử đức Phật Sikhī là phần thứ hai mươi.
--ooOoo--
[1]Trái Jambu là trái mận đỏ, đào đỏ.
[2]Bốn thành phần giai cấp là sát-đế-lỵ, bà-la-môn, thương buôn, và nô bộc (ND).
[3]Tạng Anh ghi là aṭṭhamāsaṃ nên được dịch là tám tháng.
[4]Tuổi thọ là một trăm ngàn năm, không quá dài và không quá ngắn.
[5]Tạng Thái ghi là Pussa. Tuy nhiên, trong bản dịch tiếng Việt chúng tôi sẽ ghi là Phussa theo Tạng Anh, Miến Điện, và Tích Lan.
[6]Tạng Thái Lan không có đoạn này, Tạng Anh cũng vậy, CD Chaṭṭhasaṅgāyana version 3 có đoạn này ở phần đã được giản lược.
[7]Là hoàng tử Khaṇḍa người em trai cùng cha khác mẹ và Tissa con trai của viên quan tế tự. Hai người này đã trở thành hai vị Thinh Văn hàng đầu của vị Phật này.
[8]Theo chú giải, cây puṇḍarīka là cây xoài trắng (setambarukkha).
EKAVĪSATIMO VESSABHŪBUDDHAVAṂSO
***
[22]
Tattheva maṇḍakappamhi - asamo appaṭipuggalo
vessabhū nāma nāmena - loke uppajji so jino. (1)
Cũng chính trong kiếp Maṇḍa ấy, đấng Chiến Thắng tên Vessabhū ấy, bậc không ai sánh bằng, không người đối thủ, đã hiện khởi ở thế gian.
Ādittaṃ ida rāgaggi - taṇhānaṃ vijitaṃ jānaṃ
nāgova bandhanaṃ chetvā - patto sambodhimuttamaṃ. (2)
Biết rằng ngọn lửa ái dục, nổi trội trong các ái, đang thiêu đốt thế gian này, vị ấy sau khi cắt đứt sự trói buộc đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng, ví như con long tượng (được tự do) sau khi đã giật đứt xích xiềng.
Dhammacakkaṃ pavattesi - vessabhū lokanāyako
asītikoṭisahassānaṃ - paṭhamābhisamayo ahu. (3)
Đấng Lãnh Đạo Thế Gian Vessabhū đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp; đã có sự lãnh hội lần thứ nhất là của tám mươi ngàn koṭi.
Pakkante cārikaṃ raṭṭhe - lokajeṭṭhe narāsabhe
sattatikoṭisahassānaṃ - dutiyābhisamayo ahu. (4)
Trong khi đấng Hàng Đầu Thế Gian, bậc Nhân Ngưu, ra đi du hành trong xứ sở, đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của bảy mươi ngàn koṭi.
Mahādiṭṭhiṃ vinodento - pāṭiheraṃ karoti so
samāgatā naramarū - dasasahassīsadevake. (5)
Trong khi xua tan tà kiến nghiêm trọng, vị ấy thể hiện thần thông. Nhân loại và chư thiên trong mười ngàn thế giới tính luôn các cõi trời đã hội tụ lại.
Mahā-acchariyaṃ disvā - abbhūtaṃ lomahaṃsanaṃ
devā ceva manussā ca - bujjhare saṭṭhikoṭiyo. (6)
Sau khi nhìn thấy điều kỳ diệu vĩ đại, phi thường, khiến lông dựng đứng, sáu mươi koṭi (sáu trăm triệu) chư thiên và luôn cả loài người đã được giác ngộ.
Sannipātā tayo āsuṃ - vessabhussa mahesino
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - santacittāna tādinaṃ. (7)
Bậc Đại Ẩn Sĩ Vessabhū đã có ba lần tụ hội gồm các vị Lậu Tận không còn ô nhiễm, có tâm thanh tịnh như thế ấy.
Asītikoṭisahassānaṃ - paṭhamo āsi samāgamo
sattatibhikkhusahassānaṃ - dutiyo āsi samāgamo. (8)
Đã có cuộc hội tụ thứ nhất của tám mươi ngàn koṭi vị. Đã có cuộc hội tụ thứ nhì của bảy chục ngàn vị tỳ khưu.
Saṭṭhibhikkhusahassānaṃ - tatiyo āsi samāgamo
jarādibhayabhītānaṃ - orasānaṃ mahesino. (9)
Đã có cuộc hội tụ thứ ba của sáu chục ngàn vị tỳ khưu đã được bậc Đại Ẩn Sĩ đào tạo, có sự hãi sợ các hiểm nạn như là sự già, v.v...
Tassa buddhassa asamassa - cakkaṃ vattitamuttamaṃ
sutvāna paṇītaṃ dhammaṃ - pabbajjamabhirocayi. (10)
Bánh xe tối thắng của đức Phật không gì sánh bằng ấy đã được chuyển vận. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp tuyệt vời, ta đã thích thú sự xuất gia.
Ahantena samayena - sudassano nāma khattiyo
annapānena vatthena - sasaṅghaṃ jinamapūjayiṃ. (11)
Vào lúc bấy giờ, ta là vị sát-đế-lỵ tên Sudassana. Ta đã cúng dường đấng Chiến Thắng cùng với hội chúng (tỳ khưu) cơm nước và y phục.
Mahādānaṃ pavattetvā - rattindivamatandito
pabbajjaṃ guṇasampannaṃ - pabbajiṃ jinasantike. (12)
Sau khi đã tiến hành cuộc đại thí không ngơi nghỉ đêm ngày, ta đã tiến hành sự xuất gia hội đủ các ưu điểm trong sự chứng minh của đấng Chiến Thắng.
Ācāraguṇasampanno - vattasīlasamāhito
sabbaññutaṃ gavesanto - ramāmi jinasāsane. (13)
Được thành tựu sở hành và đức hạnh, nghiêm túc trong phận sự và giới điều, trong lúc tầm cầu quả vị Toàn Tri, ta được thỏa thích trong Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.
Saddhāpītiṃ uppādetvā - buddhaṃ vandāmi sattharaṃ
pīti uppajjati mayhaṃ - bodhiyāyeva kāraṇā. (14)
Sau khi đã làm sanh khởi đức tin và niềm hoan hỷ, ta đảnh lễ đức Phật, đấng Đạo Sư. Niềm hoan hỷ được sanh lên cho ta có nguyên nhân chính là quả vị giác ngộ.
Anivattamānasaṃ ñatvā - sambuddho etadabravi
ekatiṃse ito kappe - ayaṃ buddho bhavissati. (15)
Biết được tâm ý (của ta) không còn thối chuyển, đấng Toàn Giác đã nói lên điều này: “Trong ba mươi mốt kiếp tính từ thời điểm này, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato (16a)
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ.
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng)
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (16b)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāhaṃ vacanaṃ sutvā - bhiyyo cittaṃ pasādayiṃ
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsiṃ - dasapāramipūriyā. (17)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Anomaṃ nāma nagaraṃ - suppatito nāma khattiyo
mātā yasavatī nāma - vessabhussa mahesino. (18)
Thành phố có tên là Anoma, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Suppatita, người mẹ của bậc Đại Ẩn Sĩ Vessabhū tên là Yasavatī
Chabbassasasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
ruci surati vaḍḍhakā - tayo pāsādamuttamā. (19)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình trong sáu ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Ruci, Surati, và Vaḍḍhakā.
Anūnatiṃsasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
sucittā nāma sā nārī - suppabuddho nāma atrajo. (20)
Có không dưới ba mươi ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Sucittā. Con trai tên là Suppabuddha.
Nimitte caturo disvā - sivikāyābhinikkhami
chamāsaṃ padhānacāraṃ - acari purisuttamo. (21)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Tối Thượng Nhân đã ra đi bằng kiệu khiêng và đã thực hành hạnh nỗ lực sáu tháng.
Brahmunā yācito santo - vessabhū lokanāyako
vattacakko mahāvīro - aruṇepi naruttamo. (22)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đại Hùng, bậc Tối Thượng Nhân Vessabhū có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận cũng ở tại Aruṇa.
Soṇo ca uttaro ceva - ahesuṃ aggasāvakā
upasanto nāmupaṭṭhāko - vessabhussa mahesino. (23)
Soṇa và luôn cả Uttara đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Vessabhū tên là Upasanta.
Rāmā ceva samālā nāma - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - mahāsāloti vuccati. (24)
Rāmā và luôn cả Samālā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là “Mahāsālā” (Đại Sālā, Sālā lớn, cổ thụ Sālā).
Sotthiko ceva rammo ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
gotamī ca sirimā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (25)
Sotthika và luôn cả Ramma đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Gotamī và Sirimā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Saṭṭhiratanamubbedho - hemayūpasamūpamo
kāyā niccharati raṃsi - rattiṃva pabbate sikhī. (26)
Có chiều cao sáu mươi ratana tương đương với cây cột bằng vàng. Hào quang phát ra từ cơ thể giống như là ngọn lửa ở trên ngọn núi vào ban đêm.
Saṭṭhivassasahassāni - āyu tassa mahesino
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (27)
Tuổi thọ của vị Đại Ẩn Sĩ ấy là sáu chục ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Dhammaṃ vitthārikaṃ katvā - vibhajjitvā mahājanaṃ
dhammanāvaṃ ṭhapetvāna - nibbuto so sasāvako. (28)
Sau khi đã hoằng khai Giáo Pháp, đã phân hạng quần chúng, và đã thiết lập con thuyền Chánh Pháp, vị ấy cùng với các Thinh Văn đã Niết Bàn.
Dassaneyyaṃ sabbajanaṃ - vihāraṃ iriyāpathaṃ
sabbaṃ samantarahitaṃ - nanu rittā sabbasaṅkhārāti. (29)
Tất cả những người (đức Phật và các vị Thinh Văn) đáng được chiêm ngưỡng, cách sinh hoạt, lề lối oai nghi, tất cả đều hoàn toàn biết mất, phải chăng tất cả các hành là trống không?
Vessabhū jinavaro satthā - khemārāmamhi nibbuto
dhātuvitthārakaṃ āsi - tesu tesu padesatoti. (30)
Đấng Chiến Thắng cao quý, bậc Đạo Sư Vessabhū đã Niết Bàn tại tu viện Khema. Đã có sự phân tán xá-lợi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.
Vessabhūbuddhavaṃso ekavīsatimo.
Lịch sử đức Phật Vessabhū là phần thứ hai mươi mốt.
--ooOoo--
DVĀVĪSATIMO KUKKUSANDHABUDDHAVAṂSO
***
[23]
Vessabhussa aparena - sambuddho dipaduttamo
kukkusandho nāma nāmena - appameyyo durāsado. (1)
Sau (đức Phật) Vessabhū, có bậc Toàn Giác, đấng Tối Thượng Nhân tên Kakusandha là vị không thể đo lường, khó thể đạt đến,
Ugghāṭetvā sabbabhavaṃ - cariyāya pāramiṅgato
sīhova pañjaraṃ bhetvā - patto sambodhimuttamaṃ. (2)
Sau khi làm tiêu hoại tất cả các sự tái sanh và đã đạt đến sự toàn hảo trong các hạnh, vị ấy đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng, tương tợ như con sư tử (đã được tự do) sau khi bẻ gãy chiếc lồng giam giữ.
Dhammacakkaṃ pavattente - kukkusandhe lokanāyake
cattāḷīsakoṭisahassānaṃ - paṭhamābhisamayo ahu. (3)
Trong khi đấng Lãnh Đạo Thế Gian Kakusandha đang chuyển vận bánh xe Chánh Pháp, đã có sự lãnh hội lần thứ nhất là của bốn mươi ngàn koṭi (bốn trăm tỷ).
Antalikkhamhi ākāse - yamakaṃ katvā vikubbanaṃ
tiṃsakoṭisahassānaṃ - bodhesi devamānuse. (4)
Sau khi đã hóa hiện song thông ở không trung trên bầu trời, vị ấy đã giác ngộ ba mươi ngàn koṭi chư thiên và nhân loại.
Naradevassa yakkhassa - catusaccappakāsane
dhammābhisamayo tassa - gaṇanāto asaṅkhiyo. (5)
Sự lãnh hội Giáo Pháp của vị ấy trong lần giảng giải về bốn Chân Lý cho dạ-xoa Naradeva là không thể đếm được theo cách thức tính toán.
Kukkusandhassa bhagavato - eko āsi samāgamo
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - santacittāna tādinaṃ. (6)
Đức Thế Tôn Kakusandha đã có một lần tụ hội gồm các bậc Lậu Tận không còn ô nhiễm, có tâm thanh tịnh như thế ấy.
Cattāḷīsasahassānaṃ - tadā āsi samāgamo
dantabhūmimanuppattānaṃ - āsavādigaṇakkhayā. (7)
Khi ấy, đã có cuộc hội tụ của bốn mươi ngàn vị đã đạt đến nền tảng của việc huấn luyện nhờ vào sự diệt tận các nhóm lậu hoặc, v.v...
Ahantena samayena - khemo nāmāsi khattiyo
tathāgate jinaputte - dānaṃ datvā anappakaṃ. (8)
Vào lúc bấy giờ, ta là vị sát-đế-lỵ tên Khema. Ta đã dâng lên vật thí không nhỏ đến đức Như Lai và những người con trai của đấng Chiến Thắng.
Pattañca cīvaraṃ datvā - añjanaṃ madhulaṭṭhikaṃ
imetaṃ patthitaṃ sabbaṃ - paṭiyādemi varaṃ varaṃ. (9)
Sau khi cúng dường bình bát, y, thuốc bôi, mật mía, ta đã chuẩn bị tất cả mọi thứ này nọ vô cùng quý giá đã được mong mỏi.
Sopi maṃ muni byākāsi - kukkusandho vināyako
imamhi bhaddake kappe - ayaṃ buddho bhavissati. (10)
Đấng Hiền Triết, bậc Hướng Đạo Kakusandha ấy, cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong kiếp Bhadda này,[2]người này sẽ trở thành vị Phật.”
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato (11a)
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ.
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (11b)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - bhiyyo cittaṃ pasādayiṃ
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsiṃ - dasapāramipūriyā. (12)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Nagaraṃ khemāvatī nāma - khemo nāmāsahaṃ tadā
sabbaññutaṃ gavesanto - pabbajiṃ tassa santike. (13)
Thành phố có tên là Khemāvatī. Khi ấy, ta có tên là Khema. Trong khi tầm cầu quả vị Toàn Tri, ta đã xuất gia trong sự chứng minh của vị ấy.
Brāhmaṇo aggidatto ca - āsi buddhassa so pitā
visākhā nāma janikā - kukkusandhassa mahesino. (14)
Và vị bà-la-môn Aggidatta ấy đã là người cha của đức Phật. Người mẹ của bậc Đại Ẩn Sĩ Kakusandha tên là visākhā.
Vasati tattha khemapure - sambuddhassa mahākulaṃ
narānaṃ pavaraṃ seṭṭhaṃ - jātimantaṃ mahāyasaṃ. (15)
Có dòng dõi cao quý hạng nhất trong loài người, có danh tiếng vĩ đại, gia tộc vĩ đại của đấng Toàn Giác cư trú tại nơi ấy, trong thành Khemā.
Catuvassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
kāmavaḍḍha-kāmasuddhi-rativaḍḍhano tayo pāsādamuttamā. (16)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình trong bốn ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Kāmavaḍḍha, Kāmasuddhi, và Rativaḍḍha.
Samatiṃsasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
ropinī nāma sā nārī - uttaro nāma atrajo. (17)
Có đầy đủ ba mươi ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Ropinī. Con trai tên là Uttara.
Nimitte caturo disvā - rathayānena nikkhami
anūnakaṃ aṭṭhamāsaṃ - padhānaṃ padahī jino. (18)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện xe và đã ra sức nỗ lực tám tháng không thiếu sót.
Brahmunā yācito santo - kukkusandho lokanāyako
vattacakko mahāvīro - migadāye naruttamo. (19)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đại Hùng, bậc Tối Thượng Nhân Kakusandha có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở tại vườn nai.
Vidhuro sañjīvanāmo ca - ahesuṃ aggasāvakā
buddhijo nāmupaṭṭhāko - kukkusandhassa mahesino. (20)
Vidhura và Sañjīva đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Kakusandha tên là Buddhija.
Sāmā ca campānāmā ca - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - sirisoti pavuccati. (21)
Sāmā và Campā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là “Sirisa.”
Accuggato ca sumano - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
nandā ceva sunandā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (22)
Accuggata và Sumana đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Nandā và luôn cả Sunandā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Cattāḷīsaratanāni - accuggato mahāmuni
kanakappabhā niccharati - samantā dasayojanaṃ. (23)
Bậc Đại Hiền Triết cao bốn mươi ratana (10 mét). Hào quang màu hoàng kim phát ra mười do-tuần ở chung quanh.
Cattāḷīsavassasahassāni - āyu tassa mahesino
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (24)
Tuổi thọ của bậc Đại Ẩn Sĩ ấy là bốn chục ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Dhammāpaṇaṃ pasāretvā - naranārīnaṃ sadevake
naditvā sīhanādaṃva - nibbuto so sasāvako. (25)
Sau khi đã phô bày gian hàng Giáo Pháp đến những người nam nữ luôn cả chư thiên, sau khi rống lên như là tiếng rống của loài sư tử, vị ấy đã Niết Bàn cùng với các Thinh Văn.
Aṭṭhaṅgavacanasampanno - acchiddāni nirantaraṃ
sabbaṃ samantarahitaṃ - nanu rittā sabbasaṅkhārāti. (26)
(Đức Phật) đã thành tựu tám chi phần về lời nói,[3]những phẩm chất không bao giờ khiếm khuyết, tất cả đều hoàn toàn biết mất, phải chăng tất cả các hành là trống không?
Kukkusandho jinavaro - khemārāmamhi nibbuto
tattheva tassa thūpavaro - gāvutanabhamuggatoti. (27)
Đấng Chiến Thắng cao quý Kakusandha đã Niết Bàn tại tu viện Khemā. Ngôi bảo tháp cao quý dành cho vị ấy đã vươn lên bầu trời một gāvuta ở ngay tại nơi ấy.
Kukkusandhabuddhavaṃso dvāvīsatimo.
Lịch sử đức Phật Kakusandha là phần thứ hai mươi hai.
--ooOoo--
TEVĪSATIMO KONĀGAMANABUDDHAVAṂSO
***
[24]
Kukkusandhassa aparena - sambuddho dipaduttamo
konāgamano nāma jino - lokajeṭṭho narāsabho. (1)
Sau (đức Phật) Kakusandha, có đấng Toàn Giác, bậc Tối Thượng Nhân, đấng Chiến Thắng, bậc Nhân Ngưu đứng đầu thế gian tên là Konāgamana.
Dasadhamme pūrayitvāna - kantāraṃ samatikkami
pavāhāya malaṃ sabbaṃ - patto sambodhimuttamaṃ. (2)
Sau khi làm tròn đủ sự toàn hảo về mười Pháp, vị ấy đã vượt qua bãi sa mạc (luân hồi). Sau khi tẩy rửa mọi điều nhơ bẩn, vị ấy đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng.
Dhammacakkaṃ pavattente - konāgamane vināyake
tiṃsakoṭisahassānaṃ - paṭhamābhisamayo ahu. (3)
Trong khi đấng Hướng Đạo Konāgamana đang chuyển vận bánh xe Chánh Pháp, đã có sự lãnh hội lần thứ nhất là của ba mươi ngàn koṭi (ba trăm tỷ).
Pāṭihīraṃ karonte ca - paravādappamaddane
vīsatikoṭisahassānaṃ - dutiyābhisamayo ahu. (4)
Và trong khi thể hiện thần thông trừ diệt các học thuyết khác, đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của hai mươi ngàn koṭi.
Tato vikubbanaṃ katvā - jino devapuraṃ gato
vasati tattha sambuddho - silāya paṇḍukambale. (5)
Kế đến, sau khi thể hiện sự biến hóa (thần thông), đấng Chiến Thắng đã đi đến thành phố của chư thiên. Tại nơi ấy, bậc Toàn Giác đã ngự trên tảng đá là ngai vàng của vị Chúa Trời Sakka.
Pakaraṇe satta desento - vassaṃ vasati so muni
dasakoṭisahassānaṃ - tatiyābhisamayo ahu.(6)
Bậc Hiền Triết ấy an cư mùa mưa (ở cõi trời), trong khi thuyết giảng bảy bộ sách (Vi Diệu Pháp), đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của mười ngàn koṭi.
Tassāpi devadevassa - eko āsi samāgamo
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - santacittāna tādinaṃ. (7)
Vị Thiên Nhân ấy của chư thiên đã có chỉ một lần hội tụ gồm các bậc Lậu Tận không còn ô nhiễm, có tâm thanh tịnh như thế ấy.
Tiṃsabhikkhusahassānaṃ - tadā āsi samāgamo
oghānamatikkantānaṃ - bhijjitānañca maccuyā. (8)
Khi ấy, đã có cuộc hội tụ của ba mươi ngàn vị tỳ khưu đã vượt qua khỏi giòng nước lũ và đã làm tiêu tán sự tử vong.
Ahantena samayena - pabbato nāma khattiyo
mittāmaccehi sampanno - balabāhananappakaṃ. (9)
Vào lúc bấy giờ, ta là vị sát-đế-lỵ tên Pabbata hội đủ các thân hữu và quan viên, có binh lực và xe cộ không phải là ít.
Sambuddhadassanaṃ gantvā - sutvā dhammamanuttaraṃ
nimantetvā sajinaṃ saṅghaṃ - dānaṃ datvā yadicchakaṃ. (10)
Sau khi đã đi đến diện kiến đấng Toàn Giác và lắng nghe Giáo Pháp tối thượng, ta đã thỉnh mời hội chúng cùng với đấng Chiến Thắng và đã dâng cúng vật thí theo như ước muốn.
Pattuṇṇaṃ cīnapaṭañca - koseyyaṃ kambalaṃpi ca
sovaṇṇapādukañceva - adāsi satthusāvake. (11)
Ta đã cúng dường bậc Đạo Sư và các vị Thinh Văn vải xứ Pattuṇṇa, vải Trung Quốc, tơ lụa xứ Kāsī, cùng với mền len, và luôn cả đôi dép vàng nữa.
Sopi maṃ muni byākāsi - saṅghamajjhe nisīdiya
imasmiṃ bhaddake kappe - ayaṃ buddho bhavissati. (12)
Bậc Hiền Triết ấy, ngồi giữa hội chúng, cũng đã chú nguyện cho ta rằng: “Trong kiếp Bhadda này, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato (13a)
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ.
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlasmiṃ - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ paggayha - nerañjaramupehiti.
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ adi so jino
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti.
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assattharukkhamūlamhi - bujjhissati mahāyaso.
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo.
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati.
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ.
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā.
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ.
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ.
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (13b)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Tassāpi vacanaṃ sutvā - bhiyyo cittaṃ pasādayiṃ
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsiṃ - dasapāramipūriyā. (14)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Sabbaññutaṃ gavesanto - dānaṃ datvā naruttamo
ohāyāhaṃ mahārajjaṃ - pabbajiṃ jinasantike. (15)
Trong khi tầm cầu quả vị Toàn Tri, ta đã cúng dường vật thí đến đấng Tối Thượng Nhân. Sau khi từ bỏ vương quốc rộng lớn, ta đã xuất gia trong sự chứng minh của đấng Chiến Thắng.
Nagaraṃ sobhavatī nāma - sobho nāmāsi khattiyo
vasati tattha nagare - sambuddhassa mahākulaṃ. (16)
Thành phố có tên là Sobhavatī , vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Sobha. Gia tộc vĩ đại của đấng Toàn Giác cư trú tại nơi ấy, trong thành phố.
Brāhmaṇo yaññadatto ca - āsi buddhassa so pitā
uttarā nāma janikā - konāgamanassa satthuno. (17)
Và vị bà-la-môn Yaññadatta ấy đã là người cha của đức Phật. Người mẹ của bậc Đạo Sư Konāgamana tên là Uttarā.
Tīṇi vassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
tusitasantusitasantuṭṭhā - tayo pāsādamuttamā. (18)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình trong ba ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Tusita, Santusita, và Santuṭṭha.
Anūnasoḷasasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
rucigattā nāma nārī - satthavāho nāma atrajo. (19)
Có không dưới mười sáu ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Rucigattā. Con trai tên là Satthavāha.
Nimitte caturo disvā - hatthiyānena nikkhami
chamāsaṃ padhānacāraṃ - acari purisuttamo. (20)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng phương tiện voi và đã thực hành hạnh nỗ lực sáu tháng.
Brahmunā yācito santo - konāgamano lokanāyako
vattacakko mahāvīro - migadāye naruttamo. (21)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đại Hùng, bậc Tối Thượng Nhân Konāgamana có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở tại vườn nai.
Bhiyyoso uttaro nāma - ahesuṃ aggasāvakā
sotthijo nāmupaṭṭhāko - konāgamanassa yasassino. (22)
Bhiyyosa và Uttara đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc có danh tiếng Konāgamana tên là Sotthija.
Samuddā uttarā ceva - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - udumbaroti vuccati. (23)
Samuddā luôn cả Uttarā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là “Udumbara.”
Uggo ca somadevo ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
sīvalā ceva sāmā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (24)
Ugga và Somadeva đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Sīvalā và luôn cả Sāmā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Uccattanena so buddho - tiṃsahatthasamuggato
ukkāmukhe yathā tambaṃ - evaṃ raṃsīhi maṇḍito. (25)
Đức Phật ấy đạt đến chiều cao ba mươi cánh tay (15 mét). Tương tợ như chiếc vòng vàng ở trong lò lửa của thợ rèn, vị ấy đã rực rỡ với các hào quang như thế ấy.
Tiṃsavassasahassāni - āyu buddhassa tāvade
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (26)
Tuổi thọ của đức Phật đã kéo dài đến ba chục ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Dhammacetiṃ samussitvā - dhammadussavibhūsitaṃ
dhammapupphaguḷaṃ katvā - nibbuto so sasāvako. (27)
Sau khi giương cao ngôi bảo tháp Chánh Pháp được tô điểm với những biểu ngữ về Chánh Pháp, vị ấy đã kết thành chùm hoa Chánh Pháp rồi đã Niết Bàn cùng với các Thinh Văn.
Mahāvilāso tassa jano - siridhammappakāsano
sabbaṃ samantarahitaṃ - nanu rittā sabbasaṅkhārāti. (28)
Môn đồ của vị ấy có thần lực vĩ đại, có sự giảng giải Giáo Pháp huy hoàng, tất cả đều hoàn toàn biết mất, phải chăng tất cả các hành là trống không
Konāgamano sambuddho - pabbatārāmamhi nibbuto
dhātuvitthārikaṃ āsi - tesu tesu padesatoti. (29)
Đấng Toàn Giác Konāgamana đã Niết Bàn tại tu viện Pabbata. Đã có sự phân tán xá-lợi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.
Konāgamanabuddhavaṃso tevīsatimo.
Lịch sử đức Phật Konāgamana là phần thứ hai mươi ba.
--ooOoo--
CATUVĪSATIMO KASSAPABUDDHAVAṂSO
***
[25]
Konāgamanassa aparena - sambuddho dipaduttamo
kassapo nāma nāmena - dhammarājā pabhaṅkaro. (1)
Sau (đức Phật) Konāgamana, có bậc Toàn Giác, đấng Tối Thượng Nhân tên Kassapa là vị Pháp Vương tỏa sáng hào quang.
Sa chaḍḍitaṃ kulamūlaṃ - bahūnaṃ pāṇapūjitaṃ
datvāna dāyake dānaṃ - pūrayitvāna mānasaṃ
usabhovāḷakaṃ bhetvā - patto sambodhimuttamaṃ. (2)
Vị ấy đã xả bỏ tài sản gia đình dầu (tài sản ấy) được nhiều người trân trọng. Sau khi biếu tặng vật thí đến những người ăn xin và được tròn đủ ý nguyện, vị ấy đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng, ví như con bò mộng đã (được tự do sau khi) phá vỡ chuồng trại.
Dhammacakkaṃ pavattente - kassape lokanāyake
vīsatikoṭisahassānaṃ - paṭhamābhisamayo ahu. (3)
Trong khi đấng Lãnh Đạo Thế Gian Kassapa đang chuyển vận bánh xe Chánh Pháp, đã có sự lãnh hội lần thứ nhất là của hai mươi ngàn koṭi (hai trăm tỷ).
Catumāsaṃ yadā buddho - loke carati cārikaṃ
dasakoṭisahassānaṃ - dutiyābhisamayo ahu. (4)
Vào lúc đức Phật đi du hành ở thế gian trong bốn tháng, đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là của mười ngàn koṭi (một trăm tỷ).
Yamakaṃ vikubbanaṃ katvā - ñāṇadhātuṃ pakittayi
pañcakoṭisahassānaṃ - tatiyābhisamayo ahu. (5)
Sau khi đã thể hiện sự biến hóa song thông, vị ấy đã giảng giải về bản thể của trí tuệ; đã có sự lãnh hội lần thứ ba là của năm ngàn koṭi (năm mươi tỷ).
Sudhammadevapure ramme - tattha dhammaṃ pakittayi
tīṇi koṭisahassāni - devānaṃ bodhayī jino. (6)
Ở tại thành phố của chư thiên Sudhammā xinh xắn, đấng Chiến Thắng đã giảng giải Giáo Pháp ở tại nơi ấy và đã giác ngộ ba ngàn koṭi (ba mươi tỷ) chư thiên.
Naradevassa yakkhassa - apare dhammadesane
etesānaṃ abhisamayo - gaṇanāto asaṅkhiyo. (7)
Trong lần thuyết giảng Giáo Pháp khác cho dạ-xoa Naradeva, đã có sự lãnh hội của những người ấy là không thể đếm được theo cách thức tính toán.
Tassāpi devadevassa - eko āsi samāgamo
khīṇāsavānaṃ vimalānaṃ - santacittāna tādinaṃ. (8)
Vị Thiên Nhân ấy của chư thiên đã có chỉ một lần hội tụ gồm các bậc Lậu Tận không còn ô nhiễm, có tâm thanh tịnh như thế ấy.
Vīsatibhikkhusahassānaṃ - tadā āsi samāgamo
atikkantabhavantānaṃ - hirisīlena tādinaṃ. (9)
Khi ấy, đã có cuộc hội tụ của hai mươi ngàn vị tỳ khưu có đức hạnh vượt trội với sự hổ thẹn (tội lỗ) và giới hạnh như thế ấy.
Ahaṃ tadā māṇavako - jotipāloti vissuto
ajjhāyiko mantadharo - tiṇṇaṃ vedāna pāragū. (10)
Vào lúc bấy giờ, ta là người thanh niên bà-la-môn nổi tiếng với tên Jotipāla, là vị trì tụng, nắm vững chú thuật, thành thạo ba bộ Vệ Đà.
Lakkhaṇe itihāse ca - saddhamme pāramiṃ gato
bhummantalikkhe kusalo - katavijjo anāmayo. (11)
Ta đã đạt đến sự toàn hảo về khoa tướng mạo, về truyền thuyết, và về các phận sự chánh yếu, là vị rành rẽ về trời đất, có trí tuệ đã được hoàn tất, không sai lầm.
Kassapassa bhagavato - ghaṭikāro nāmupaṭṭhako
sagāravo sappatisso - nibbuto tatiye phale. (12)
(Thợ làm đồ gốm) Ghaṭikāra, vị hộ độ của đức Thế Tôn Kassapa, là người có sự tôn kính, có sự vâng lời, đã đạt Niết Bàn trong quả vị thứ ba (Bất Lai).
Ādāya maṃ ghaṭikāro - upagañchi kassapaṃ jinaṃ
tassa dhammaṃ suṇitvāna - pabbajiṃ tassa santike. (13)
Ghaṭikāra đã đưa ta đi đến gặp đấng Chiến Thắng Kassapa. Sau khi lắng nghe Giáo Pháp của vị ấy, ta đã xuất gia trong sự chứng minh của vị ấy.
Āraddhaviriyo hutvā - vattāvattesu kovido
na kvaci parihāyāmi - pūremi jinasāsanaṃ. (14)
Sau khi đã khởi sự tinh cần và là người thông thạo trong các phận sự lớn nhỏ, ta không bỏ sót bất cứ điều gì và làm tròn đủ Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.
Yāvatā buddhabhaṇitaṃ - navaṅgasatthusāsanaṃ
sabbaṃ pariyāpuṇitvāna - sobhayiṃ jinasāsanaṃ. (15)
Cho đến những gì đã được đức Phật nói lên tức là Giáo Pháp của bậc Đạo Sư gồm chín thể loại, sau khi học tập toàn bộ ta đã làm rạng rỡ Giáo Pháp của đấng Chiến Thắng.
Mama acchariyaṃ disvā - sopi buddho viyākari
imamhi bhaddake kappe - ayaṃ buddho bhavissati. (16)
Sau khi nhìn thấy điều kỳ diệu ở nơi ta, đức Phật ấy cũng đã chú nguyện rằng: “Trong kiếp Bhadda này, người này sẽ trở thành vị Phật.
Ahu kapilavhayā rammā - nikkhamitvā tathāgato
padhānaṃ padahitvāna - katvā dukkarakārikaṃ. (17)
Sau khi rời khỏi (thành phố) xinh đẹp tên là Kapila, đức Như Lai ra sức nỗ lực và thực hiện hành động khó thực hành được (khổ hạnh).
Ajapālarukkhamūlamhi - nisīditvā tathāgato
tattha pāyāsaṃ samādāya - nerañjaramupehiti. (18)
Sau khi ngồi xuống ở cội cây của những người chăn dê, đức Như Lai nhận lấy món cơm sữa ở tại nơi ấy rồi đi đến Nerañjarā (Ni-liên-thiền).
Nerañjarāya tīramhi - pāyāsaṃ paribhuñjiya
paṭiyattavaramaggena - bodhimūlamhi ehiti. (19)
Ở tại bờ sông Nerañjarā, đấng Chiến Thắng ấy hưởng dụng món cơm sữa rồi đi đến cội cây Bồ Đề bằng đạo lộ cao quý đã được dọn sẵn.
Tato padakkhiṇaṃ katvā - bodhimaṇḍaṃ anuttaraṃ
assatthamūle sambodhiṃ - bujjhissati mahāyaso. (20)
Kế đó, sau khi nhiễu quanh khuôn viên của cội Bồ Đề tối thắng, vị có danh tiếng vĩ đại sẽ được giác ngộ ở tại cội cây Assattha.
Imassa janikā mātā - māyā nāma bhavissati
pitā suddhodano nāma - ayaṃ hessati gotamo. (21)
Người mẹ sanh ra vị này sẽ có tên là Māyā. Người cha tên là Suddhodana. Vị này sẽ là Gotama.
Kolito upatisso ca - aggā hessanti sāvakā
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā (22)
ānando nāmupaṭṭhāko - upaṭṭhissatimaṃ jinaṃ.
Kolita và Upatissa không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh sẽ là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda sẽ phục vụ đấng Chiến Thắng này.
Khemā uppalavaṇṇā ca - aggā hessanti sāvikā (23)
anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā.
Khemā và Uppalavaṇṇā sẽ là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm an tịnh và định tĩnh.
Bodhi tassa bhagavato - assatthoti pavuccati (24)
citto ca hatthāḷavako - aggā hessantupaṭṭhakā.
Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi tên là ‘Assattha.’ Citta và Haṭṭhāḷavaka sẽ là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggā hessantupaṭṭhikā (25)
āyu vassasataṃ tassa - gotamassa yasassino.
Nandamātā và Uttarā sẽ là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu. Tuổi thọ (vào thời) của vị Gotama có danh tiếng ấy là một trăm năm.”
Idaṃ sutvāna vacanaṃ - asamassa mahesino
āmoditā naramarū - buddhavījaṅkuro ayaṃ. (26)
Sau khi nghe được lời nói này của bậc Đại Ẩn Sĩ không ai sánh bằng, chư thiên và nhân loại mừng rỡ (nghĩ rằng): “Vị này là chủng tử mầm mống của chư Phật.”
Ukkuṭṭhisaddā vattanti - apphoṭenti hasanti ca
katañjalī namassanti - dasasahassī sadevakā. (27)
Mười ngàn thế giới luôn cả chư thiên thốt lên những tiếng reo hò, vỗ tay, nở nụ cười, chắp tay cúi lạy (nói rằng):
Yadimassa lokanāthassa - virajjhissāma sāsanaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (28)
“Nếu chúng tôi thất bại với lời giáo huấn của đấng Lãnh Đạo Thế Gian này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.
Yathā manussā nadiṃ tarantā - paṭititthaṃ virajjhiya
heṭṭhā titthaṃ gahetvāna - uttaranti mahānadiṃ. (29)
Giống như những người đang băng ngang giòng sông không đạt được bến bờ đối diện, họ vượt qua giòng sông rộng lớn sau khi đạt được bến bờ ở bên dưới.
Evameva mayaṃ sabbe - yadi muñcāmimaṃ jinaṃ
anāgatamhi addhāne - hessāma sammukhā imaṃ. (30)
Tương tợ y như thế, nếu tất cả chúng tôi lỡ dịp với đấng Chiến Thắng này thì chúng tôi sẽ đối diện vị kia trong tương lai xa vời.”
Tassāpi vacanaṃ sutvā - bhiyyo cittaṃ pasādayiṃ
uttariṃ vattamadhiṭṭhāsiṃ - dasapāramipūriyā. (31)
Nghe được lời nói của vị ấy, ta đã tăng thêm niềm tín tâm. Ta đã quyết định sự thực hành tối thắng để làm tròn đủ sự toàn hảo về mười pháp.
Evamahaṃ saṃsaritvā - parivajjento anācaraṃ
dukkaraṃ pakataṃ mayhaṃ - bodhiyāyeva kāraṇā. (32)
Như thế, sau khi đã trôi nổi (luân hồi) và trong khi tránh xa điều sai trái, ta có điều khó thực hành được đã được thực hành, và nguyên nhân chính là vì quả vị Giác Ngộ của ta.
Nagaraṃ bārāṇasī nāma - kikī nāmāsi khattiyo
vasati tattha nagare - sambuddhassa mahākulaṃ. (33)
Thành phố có tên là Bārāṇasī, vị vua dòng sát-đế-lỵ tên là Kikī. Gia tộc vĩ đại của đấng Toàn Giác cư trú tại nơi ấy, trong thành phố.
Brāhmaṇo brahmadatto ca - āsi buddhassa so pitā
mātā dhanavatī nāma - kassapassa mahesino. (34)
Và vị bà-la-môn Brahmadatta ấy đã là người cha của đức Phật. Người mẹ của bậc Đại Ẩn Sĩ Kassapa tên là Dhanavatī.
Duve vassasahassāni - agāraṃ ajjhāvasi so
haṃso yaso siricando - tayo pāsādamuttamā. (35)
Vị ấy đã sống đời sống gia đình hai ngàn năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Haṃsa, Yasa, và Siricanda.
Tisoḷasasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
sunandā nāma sā nārī - vijitaseno nāma atrajo. (36)
Có ba lần mười sáu ngàn (bốn mươi tám ngàn) phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Sunandā. Con trai tên là Vijitasena.
Nimitte caturo disvā - pāsādenābhinikkhami
sattāhaṃ padhānacāraṃ - acari purisuttamo. (37)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, đấng Chiến Thắng đã ra đi bằng tòa lâu đài và đã thực hành hạnh nỗ lực bảy ngày.
Brahmunā yācito santo - kassapo lokanāyako
vattacakko mahāvīro - migadāye naruttamo. (38)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, vị Lãnh Đạo Thế Gian, đấng Đại Hùng, bậc Tối Thượng Nhân Kassapa có bánh xe (Chánh Pháp) đã được chuyển vận ở tại vườn nai.
Tisso ca bhāradvājo ca - ahesuṃ aggasāvakā
sabbamitto nāmupaṭṭhāko - kassapassa mahesino. (39)
Tissa và Bhāradvāja đã là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả của bậc Đại Ẩn Sĩ Kassapa tên là Sabbamitta.
Anulā ca uruvelā ca - ahesuṃ aggasāvikā
bodhi tassa bhagavato - nigrodhoti pavuccati. (40)
Anulā và Uruvelā đã là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Cội cây Bồ Đề của đức Thế Tôn ấy được gọi là “Nigrodha.”
Sumaṅgalo ghaṭikāro ca - ahesuṃ aggupaṭṭhakā
vijitasenā ca bhaddā ca - ahesuṃ aggupaṭṭhikā. (41)
Sumaṅgala và Ghaṭikāra đã là (hai) thí chủ hộ độ hàng đầu. Vijitasenā và Bhaddā đã là (hai) nữ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Uccattanena so buddho - vīsatiratanuggato
vijjulaṭṭhiva ākāse - candova gahapūrito. (42)
Đạt đến chiều cao hai mươi ratana (5 mét), đức Phật ấy tương tợ như lằn tia chớp ở trên bầu trời, như là mặt trăng được quây quần bởi các thiên thể.
Vīsativassasahassāni - āyu tassa mahesino
tāvatā tiṭṭhamāno so - tāresi janataṃ bahuṃ. (43)
Tuổi thọ của bậc Đại Ẩn Sĩ ấy là hai chục ngàn năm. Trong khi tồn tại đến chừng ấy, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Dhammataḷākaṃ māpayitvā - sīlaṃ datvā vilepanaṃ
dhammadussaṃ nivāsetvā - dhammamālaṃ vibhajjiya. (44)
Sau khi đã tạo ra hồ nước Chánh Pháp, đã ban hành dầu thơm giới (đức), đã mặc vào tấm vải Chánh Pháp, đã phân phối tràng hoa Chánh Pháp.[5]
Dhammavimalamādāsaṃ - ṭhapayitvā mahājane
keci nibbānaṃ patthentā - passantu me alaṅkaraṃ. (45)
Sau khi đã thiết lập cho đại chúng tấm gương Giáo Pháp không tỳ vết, (vị ấy nói rằng): “Những ai mong mỏi Niết Bàn, hãy nhìn vào vật trang sức của ta.”
Sīlakañcukaṃ datvāna - jhānakavacacammikaṃ
dhammacammaṃ pārupitvā - datvā sannāhamuttamaṃ. (46)
Sau khi đã ban cho tấm áo giáp là Giới có tấm da chắn bảo vệ là Thiền phủ lên, sau khi đã trùm lên tấm da Giáo Pháp (là Niệm và Tỉnh Giác), sau khi đã ban cho tấm chiến bào tối thắng (là Tứ Chánh Cần).
Satiphalakaṃ datvāna - tikhiṇañāṇakuntimaṃ
dhammakhaggavaraṃ datvā - sīlasattuppamaddanaṃ. (47)
Sau khi đã ban cho tấm mộc che là Niệm, cây thương là Trí Tuệ sắc bén, sau khi đã ban cho cây gươm cao quý là Giáo Pháp và Giới nhằm mục đích trừ diệt kẻ thù.
Tevijjābhūsaṃ datvāna - āveḷaṃ caturo phale
chaḷabhiññābharaṇaṃ datvā - dhammapupphapilandhanaṃ. (48)
Sau khi đã ban cho vật tô điểm là ba Minh, vòng nguyệt quế là bốn Quả Vị, sau khi đã ban cho vật trang sức là sáu Thắng Trí và tràng hoa Giáo Pháp (là chín Pháp Siêu Thế).
Saddhammapaṇḍaracchattaṃ - datvā pāpanivāraṇaṃ
māpayitvā abhayaṃ pupphaṃ - nibbuto so sasāvako. (49)
Sau khi đã ban cho chiếc lọng trắng Diệu Pháp ngăn chặn các điều sai trái, sau khi làm hiện ra bông hoa Vô Úy, vị ấy đã Niết Bàn cùng với các Thinh Văn.
Eso hi sammāsambuddho - appameyyo durāsado
eso hi dhammaratano - svākkhāto ehipassiko. (50)
Chính vị này là bậc Chánh Đẳng Chánh Giác không thể đo lường, khó thể đạt đến. Đây chính là Pháp Bảo đã khéo được thuyết giảng, hãy đến và thấy.
Eso hi saṅgharatano - suppaṭipanno anuttaro
sabbaṃ samantarahitaṃ - nanu rittā sabbasaṅkhārāti. (51)
Đây chính là Tăng Bảo đã thực hành đúng đắn và tối thượng, tất cả đều hoàn toàn biết mất, phải chăng tất cả các hành là trống không?
Mahākassapo jino satthā - setabyārāmamhi nibbuto
tattheva tassa jinathūpo - yojanubbedhamuggatoti. (52)
Đấng Chiến Thắng, bậc Đạo Sư Mahākassapa, đã Niết Bàn tại tu viện Assa. Ngôi bảo tháp của đấng Chiến Thắng dành cho vị ấy đã được dựng lên có chiều cao một do-tuần ở ngay tại nơi ấy.
Kassapabuddhavaṃso catuvīsatimo.
Lịch sử đức Phật Kassapa là phần thứ hai mươi bốn.
--ooOoo--
PAÑCAVĪSATIMO GOTAMABUDDHAVAṂSO
***
[26]
Ahametarahi sambuddho - gotamo sakyavaḍḍhano.
padhānaṃ padahitvāna - patto sambodhimuttamaṃ. (1)
Sau khi ra sức nỗ lực, ta đã đạt được quả vị Toàn Giác tối thượng trở thành đấng Toàn Giác Gotama trong thời hiện tại và là sự vinh hiển của dòng họ Sākya (Thích Ca).
Brahmunā yācito santo - dhammacakkaṃ pavattayiṃ
aṭṭhārasannaṃ koṭīnaṃ - paṭhamābhisamayo ahu. (2)
Được đấng Phạm Thiên thỉnh cầu, ta đã chuyển vận bánh xe Chánh Pháp. Đã có sự lãnh hội lần thứ nhất là của mười tám koṭi (một trăm tám chục triệu).
Tato parañca desento - naradevasamāgame
gaṇanāya na vattabbo - dutiyābhisamayo ahu. (3)
Sau đó vào dịp khác, trong khi đang thuyết giảng ở cuộc hội tụ của loài người và chư thiên, đã có sự lãnh hội lần thứ nhì là không thể nói được bằng cách tính đếm.
Idhevāhaṃ etarahi - ovadiṃ mama atrajaṃ
gaṇanāya na vattabbo - tatiyābhisamayo ahu. (4)
Trong thời hiện tại, ta đã giáo giới người con trai của ta ngay ở nơi đây; đã có sự lãnh hội lần thứ ba là không thể nói được bằng cách tính đếm.
Ekosi sannipāto me - sāvakānaṃ mahesinaṃ
aḍḍhateḷasasatānaṃ - bhikkhūnāsi samāgamo. (5)
Ta đã có một lần tụ hội gồm các vị Thinh Văn đại ẩn sĩ. Đã có cuộc hội tụ của một ngàn hai trăm năm chục vị tỳ khưu.
Virocamāno vimalo - bhikkhusaṅghassa majjhato
dadāmi patthitaṃ sabbaṃ - maṇīva sabbakāmado. (6)
Sáng chói không ô nhiễm ở giữa hội chúng tỳ khưu, ta đã ban phát tất cả các điều đã được mong mỏi,[6]tương tợ như ngọc ma-ni ban cho mọi điều ước muốn.
Phalamākaṅkhamānānaṃ - bhavacchandaṃ jahesinaṃ
catusaccaṃ pakāsesi - anukampāya pāṇinaṃ. (7)
Vì lòng thương thưởng chúng sanh, ta đã giảng giải bốn Chân Lý đến những người tầm cầu sự dứt bỏ lòng mong muốn tái sanh và đang ước ao (Thánh) Quả.
Dasavīsasahassānaṃ - dhammābhisamayo ahu
ekadvinnaṃ abhisamayo - gaṇanāto asaṅkhiyo. (8)
Đã có sự lãnh hội Giáo Pháp của chục ngàn, hai chục ngàn. Sự lãnh hội của một hoặc hai người là không thể đếm được theo cách thức tính toán.
Vitthārikaṃ bāhujaññaṃ - iddhaṃ phītaṃ suphullitaṃ
idha mayhaṃ sakyamunino - sāsanaṃ suvisodhitaṃ. (9)
Ở đây, giáo lý của ta, của đấng Hiền Triết dòng Sākya, là khéo được thanh lọc, phổ biến đến nhiều người, có kết quả, phong phú, đã được nở rộ bông hoa.
Anāsavā vītarāgā - santacittā samāhitā
bhikkhū nekasatā sabbe - parivārenti maṃ sadā. (10)
Hàng trăm vị tỳ khưu, không còn lậu hoặc, tham ái đã lìa, có tâm thanh tịnh, định tĩnh; tất cả luôn quây quần xung quanh ta.
Idāni ye etarahi - jahanti mānusaṃ bhavaṃ
appattamānasā sekkhā - te bhikkhū viññūgarahitā. (11)
Giờ đây trong thời hiện tại, những vị nào buông bỏ sự tái sanh trong cõi người (nhưng) tâm ý chưa đạt,[7](còn) là các bậc Hữu Học, những vị tỳ khưu ấy bị bậc trí chê trách.
Ariyañjasaṃ thomayantā - sadā dhammaratā janā
bujjhissanti jutimanto - saṃsārasaritā narā. (12)
Những người ca ngợi đạo lộ của các bậc Thánh Nhân, luôn luôn thỏa thích trong Giáo Pháp, có sự sáng suốt, là những người sẽ được giác ngộ dầu còn bị xuôi giòng chảy luân hồi.
Nagaraṃ kapilavatthu me - rājā suddhodano pitā
mayhaṃ janettikā mātā - māyādevīti vuccati. (13)
Thành phố của ta là Kapilavatthu , người cha là đức vua Suddhodana, người mẹ sanh ra ta gọi là “Hoàng Hậu Māyā.”
Ekūnatiṃsavassāni - agāraṃ ajjhāvasihaṃ
sucando kokanudo koñco - tayo pāsādamuttamā. (14)
Ta đã sống đời sống gia đình trong hai mươi chín năm. Có ba tòa lâu đài tuyệt vời là Sucanda, Kokanuda, và Koñca.
Cattāḷīsasahassāni - nāriyo samalaṅkatā
yasodharā nāma nārī - rāhulo nāma atrajo. (15)
Có bốn mươi ngàn phụ nữ được trang điểm. Nữ nhân ấy (người vợ) tên là Yasodharā. Con trai tên là Rahula.
Nimitte caturo disvā - assayānena nikkhamiṃ
chavassaṃ padhānacāraṃ - acariṃ dukkaraṃ ahaṃ. (16)
Sau khi nhìn thấy bốn điều báo hiệu, Ta đã ra đi bằng phương tiện ngựa và đã thực hành hạnh nỗ lực trong sáu năm là việc khó thực hành được.
Bārāṇasī-isipatane - jino cakkaṃ pavattayiṃ
ahaṃ gotamasambuddho - saraṇaṃ sabbapāṇinaṃ. (17)
Ta là bậc Toàn Giác Gotama, đấng Chiến Chắng, đã chuyển vận bánh xe (Chánh Pháp) tại Isipatana, thành Bārāṇasī, và là nơi nương nhờ của tất cả chúng sanh.
Kolito upatisso ca - dve bhikkhū aggasāvakā
ānando nāmupaṭṭhāko - santikāvacaro mama. (18)
Hai vị tỳ khưu Kolita và Upatissa là (hai vị) Thinh Văn hàng đầu. Vị thị giả tên là Ānanda luôn hiện diện bên cạnh ta.
Khemā uppalavaṇṇā ca - bhikkhunī aggasāvikā
citto ca hatthāḷavako - aggupaṭṭhākupāsakā. (19)
Tỳ khưu ni Khemā và Uppalavaṇṇā là (hai vị) nữ Thinh Văn hàng đầu. Citta và Haṭṭhāḷavaka là (hai) nam cư sĩ thí chủ hộ độ hàng đầu.
Nandamātā ca uttarā - aggupaṭṭhākupāsikā
ahaṃ assatthamūlamhi - patto sambodhimuttamaṃ. (20)
Nandamātā và Uttarā là (hai) nữ cư sĩ thí chủ hộ độ hàng đầu. Ta đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng ở cội cây Assattha.
Byāmappabhā sadā mayhaṃ - soḷasahatthamuggato
appaṃ vassasataṃ āyu - mametarahi vijjati. (21)
Ánh sáng hào quang của ta luôn luôn vươn cao mười sáu cánh tay (8 mét). Vào thời hiện tại của ta, được biết tuổi thọ là ít ỏi (chỉ) một trăm năm.
Tāvatā tiṭṭhamānohaṃ - tāresiṃ janataṃ bahuṃ
ṭhapayitvāna dhammokkaṃ - pacchimajanabodhanaṃ. (22)
Trong khi tồn tại đến chừng ấy, ta đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua. Sau khi thiết lập ngọn đuốc Chánh Pháp và sự giác ngộ cho chúng sanh sau này.
Ahaṃpi na cirasseva - saddhiṃ sāvakasaṅghato
idheva parinibbissaṃ - aggivāhārasaṅkhayā. (23)
Cũng chẳng bao lâu nữa, ta cùng với hội chúng Thinh Văn sẽ Viên Tịch Niết Bàn ở ngay tại nơi này, như là ngọn lửa cạn nguồn nhiên liệu.
Tāni atulatejāni - imāni ca yasabalāni iddhiyo
ahaṃ guṇadhāraṇo deho - dvattiṃsavaralakkhaṇavicitto. (24)
Ta có các oai lực vô song ấy,[8]có danh tiếng và các năng lục thần thông này, có cơ thể chứa đựng các đức hạnh được tô điểm với ba hai tướng trạng cao quý.
Dasadisā pabhāsetvā - sataraṃsīva chappabhā
sabbā samantarahessanti - nanu rittā sabbasaṅkhārāti. (25)
Các hào quang sáu loại tợ như mặt trời, sau khi chiếu sáng khắp mười phương, tất cả sẽ hoàn toàn biết mất, phải chăng tất cả các hành là trống không?
Gotamabuddhavaṃso pañcavīsatimo.
Lịch sử đức Phật Gotama là phần thứ hai mươi lăm.
--ooOoo--
BUDDHAPPAKIṆṆAKAKAṆḌO
***
[27]
Aparimeyye ito kappe - caturo āsuṃ vināyakā
taṇhaṅkaro medhaṅkaro - athopi saraṇaṅkaro
dīpaṅkaro ca sambuddho - ekakappamhi te jinā. (1)
“Vô lượng kiếp trước đây, đã có bốn bậc Hướng Đạo là Taṇhaṅkara, Medhaṅkara, cùng với Saraṇaṅkara, và đấng Toàn Giác Dīpaṅkara. Các đấng Chiến Thắng ấy là thuộc về chung một kiếp.
Dīpaṅkarassa aparena - koṇḍañño nāma nāyako
ekova ekakappamhi - tāresi janataṃ bahuṃ. (2)
Sau (đức Phật) Dīpaṅkara, có bậc Lãnh Đạo tên là Koṇḍañña. Chỉ một mình trong một kiếp, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Dīpaṅkarassa bhagavato - koṇḍaññassa ca satthuno
etesaṃ antarā kappā - gaṇanāto asaṅkheyyā. (3)
Ở vào khoảng giữa của hai vị này, (tức là) đức Thế Tôn Dīpaṅkara và đấng Đạo Sư Koṇḍañña, (số lượng) các kiếp là không thể đếm được theo cách thức tính toán.
Koṇḍaññassa aparena - maṅgalo nāma nāyako
tesampi antarā kappā - gaṇanāto asaṅkheyyā. (4)
Sau (đức Phật) Koṇḍañña, có bậc Lãnh Đạo tên là Maṅgala. (Số lượng) các kiếp ở vào khoảng giữa của hai vị này cũng là không thể đếm được theo cách thức tính toán.
Maṅgalo ca sumano ca - revato sobhito muni
tepi buddhā ekakappe - cakkhumanto pabhaṅkarā. (5)
Maṅgala, Sumana, Revata, và bậc Hiền Triết Sobhita, các đức Phật, các bậc Hữu Nhãn, các đấng Quanh Minh ấy cũng ở vào một kiếp.
Sobhitassa aparena - anomadassī mahāmuni
tesaṃpi antarā kappā - gaṇanāto asaṅkheyyā. (6)
Sau (đức Phật) Sobhita là bậc Đại Hiền Triết Anomadassī. (Số lượng) các kiếp ở vào khoảng giữa của hai vị ấy cũng là không thể đếm được theo cách thức tính toán.
Anomadassī padumo - nārado cāpi nāyako
tepi buddhā ekakappe - tamantakaraṇā munī. (7)
Anomadassī, Paduma, luôn cả bậc Lãnh Đạo Nārada, các đức Phật, các đấng chấm dứt bóng đêm, các bậc Hiền Triết ấy cũng ở vào một kiếp.
Nāradassa aparena - padumuttaro nāma nāyako
ekakappamhi uppanno - tāresi janataṃ bahuṃ. (8)
Sau (đức Phật) Nārada, có bậc Lãnh Đạo tên là Padumuttara. Được sanh lên (riêng biệt) trong một kiếp, vị ấy đã giúp cho nhiều chúng sanh vượt qua.
Nāradassa bhagavato - padumuttarassa satthuno
tesaṃpi antarā kappā - gaṇanāto asaṅkheyyā. (9)
Ở vào khoảng giữa của hai vị ấy, (tức là) đức Thế Tôn Nārada và đấng Đạo Sư Padumuttara, (số lượng) các kiếp là không thể đếm được theo cách thức tính toán.
Kappasatasahassamhi - eko āsi mahāmuni
padumuttaro lokavidū - āhutīnaṃ paṭiggaho. (10)
Một trăm ngàn kiếp (trước đây) đã có một bậc Đại Hiền Triết, đấng Hiểu Biết Thế Gian Padumuttara, là vị thọ lãnh các vật cúng dường .
Tiṃsakappasahassamhi - duve āsiṃsu nāyakā
sumedho ca sujāto ca - orato padumuttaro. (11)
Ba chục ngàn kiếp sau (đức Phật) Padumuttara, đã có hai bậc Lãnh Đạo là Sumedha và Sujāta.
Aṭṭhārasakappasate - tayo āsiṃsu nāyakā
piyadassī atthadassī - dhammadassī ca nāyakā. (12)
Mười tám trăm (một ngàn tám trăm) kiếp (trước đây), đã có ba bậc Lãnh Đạo là các bậc Lãnh Đạo Piyadassī, Atthadassī, và Dhammadassī.
Orato ca sujātassa - sambuddhā dipaduttamā
ekakappamhi sambuddhā - loke appaṭipuggalā. (13)
Và sau (đức Phật) Sujāta, có (ba) bậc Toàn Giác là các đấng Tối Thượng Nhân. Các bậc Toàn Giác ở trong cùng một kiếp và là không người đối thủ ở trên thế gian .
Catunavute ito kappe - eko āsi mahāmuni
siddhattho so lokavidū - sallakkhato anuttaro. (14)
Chín mươi bốn kiếp trước đây, đã có một bậc Đại Hiền Triết. Vị ấy là đấng Hiểu Biết Thế Gian Siddhattha, sâu sắc và tối thượng .
Dvenavute ito kappe - duve āsiṃsu nāyakā
tisso pusso ca sambuddho - asamo appaṭipuggalo. (15)
Chín mươi hai kiếp trước đây, đã có hai bậc Lãnh Đạo. Tissa và đấng Toàn Giác Phussa là không kẻ sánh bằng, không người đối thủ.
Ekanavute ito kappe - vipassī lokanāyako
sopi buddho kāruṇiko - satte mocesi bandhanā. (16)
Chín mươi mốt kiếp trước đây, (đã có) đấng Lãnh Đạo Thế Gian Vipassī. Đức Phật ấy, cũng là đấng Bi Mẫn, đã giải thoát chúng sanh khỏi sự trói buộc.
Ekatiṃse ito kappe - duve āsiṃsu nāyakā
sikhī ca vessabhū ceva - asamā appaṭipuggalā. (17)
Ba mươi mốt kiếp trước đây, đã có hai bậc Lãnh Đạo. Sikhī và luôn cả Vessabhū là không kẻ sánh bằng, không người đối thủ.
Imamhi bhaddake kappe - tayo āsiṃsu nāyakā
kukkusandho konāgamano - kassapo cāpi nāyako. (18)
Trong kiếp Bhadda này đã có ba bậc Lãnh Đạo là Kakusandha, Konāgamana, và luôn cả bậc Lãnh Đạo Kassapa.
Ahametarahi sambuddho - metteyyo cāpi hessati
etepime pañca buddhā - dhīrā lokānukampakā. (19)
Hiện nay, ta là đấng Toàn Giác và cũng sẽ có vị Metteyya nữa. Cả năm vị Phật này là các bậc thông thái và là những vị có lòng thương xót thế gian.”
Etesaṃ dhammarājūnaṃ - aññesaṃ nekakoṭinaṃ
ācikkhitvāna taṃ maggaṃ - - nibbuto so sasāvakoti. (20)
Sau khi chỉ ra Đạo Lộ ấy của các đấng Pháp Vương này cho những người khác (có số lượng) vô số koṭi, vị ấy đã Niết Bàn cùng với các vị Thinh Văn.
Buddhappakiṇṇakakaṇḍo niṭṭhito.
Dứt Chương Tổng Hợp về Chư Phật.
--ooOoo--
DHĀTUBHĀJANĪYAKATHĀ
***
[28]
Mahāgotamo jinavaro - kusināramhi nibbuto
dhātuvitthārikaṃ āsi - tesu tesu padesato. (1)
Đấng Chiến Thắng cao quý Gotama vĩ đại đã Niết Bàn tại Kusinārā. Đã có sự phân tán xá-lợi từ xứ sở ấy đến khắp các nơi.
Eko ajātasattussa - eko vesāliyā pure
eko kapilavatthusmiṃ - - eko ca allakappake. (2)
Một phần thuộc về (đức vua) Ajātasattu. Một phần ở thành Vesālī. Một phần ở thành Kapilavatthu. Và một phần dành cho người dân ở Allakappa.
Eko ca rāmagāmamhi - eko ca veṭṭhadīpake
eko pāveyyake malle - eko ca kosinārake. (3)
Và một phần ở Rāmagāma. Và một phần dành cho người dân ở Veṭṭhadīpa. Một phần dành cho người dân Malla ở Pāvā . Và một phần dành cho người dân ở Kusinārā.
Tumbhassa thūpaṃ kāresi - brāhmaṇo doṇasavhayo
aṅgārathūpaṃ kāresuṃ - moriyā tuṭṭhamānasā. (4)
Bà-la-môn tên Doṇa đã xây dựng ngôi bảo tháp cho bình đựng (xá-lợi). Những người Moriya với tâm hoan hỷ đã xây dựng ngôi bảo tháp thờ tro.
Aṭṭha sārīrikā thūpā - navamo tumbhacetiyo
aṅgārathūpo dasamo - tadāyeva patiṭṭhito. (5)
Chính vào thời ấy, có tám ngôi bảo tháp (thờ) xá-lợi, ngôi bảo tháp của bình đựng (xá-lợi) là thứ chín, ngôi bảo tháp thờ tro là thứ mười đã được thiết lập.
Ekā dāṭhā tidasapure - ekā nāgapure ahu
ekā gandhāravisaye - ekā kaliṅgarājino. (6)
Một chiếc răng nanh ở thành phố của cõi trời Ba Mươi, một ở Long Cung, một ở lãnh địa Gandhāra, một thuộc về đức vua xứ Kaliṅga.[9]
Cattāḷīsasamā dantā - kesā lomā ca sabbaso
devā hariṃsu ekekaṃ - cakkavāḷaparamparā. (7)
Chư thiên của mỗi một thế giới theo tuần tự đã mang đi bốn mươi chiếc răng bằng nhau và toàn bộ tóc lông.
Vajirāyaṃ bhagavato - patto daṇḍo ca cīvaraṃ
nivāsanaṃ kulaghare - paccattharaṇaṃ silavhaye. (8)
Bình bát, cây gậy, và y của đức Thế Tôn là ở Vajirā. Y nội là ở Kulaghara. Tấm trải nằm là ở Sila.
Pāṭalīputtanagare - karakaṃ kāyabandhanaṃ
campāyaṃ udakasāṭakā - uṇṇalomañca kosale. (9)
Bình đựng nước, dây thắt lưng là ở thành Pāṭaliputta. Vải lọc nước là ở Campā. Và sợi lông giữa hai lông mày là ở Kosala.
Kāsāvakaṃ brahmaloke - veṭhanaṃ tidase pure
[pāsāṇake padaṃ seṭṭhaṃ - yathāpi kacchataṃ puraṃ][10]
nisīdanaṃ avantīsu - devaraṭṭhe attharaṇaṃ tadā. (10)
Khi ấy, y ca-sa là ở cõi Phạm Thiên. Vải che đầu là ở thành phố của cõi trời Ba Mươi. [Dấu chân ở tảng đá là nhất hạng, tương tợ như thành phố kinh đô.] Tấm lót ngồi là ở Avantī. Tấm trải lót là ở vương quốc của chư thiên.
Araṇi ca mithilāyaṃ - videhe parisāvanaṃ
vāsī sūcigharañcāpi - indapatthapure tadā. (11)
Và cái bật lửa là ở Mithilā. Đồ lọc nước là ở Videha. Khi ấy, dao cạo và luôn cả hộp đựng kim là ở thành phố Indapattha.
Parikkhārā avasesā - janapadantake tadā
paribhuttāni muninā - mahessanti manujā tadā. (12)
Khi ấy, dân chúng ở vùng ven của xứ sở sẽ cung kính các vật dụng thiết yếu còn lại đã được sử dụng bởi bậc Hiền Triết.
Dhātuvitthārikaṃ āsi - gotamassa mahesino
pāṇīnaṃ anukampāya - ahu porāṇikaṃ tadāti. (13)
Khi ấy, tài liệu cổ (porāṇikaṃ) đã nói rằng: “Vì lòng thương tưởng chúng sanh, đã có sự phân tán xá-lợi của bậc Đại Ẩn Sĩ Gotama.”
Dhātubhājanīyakathā niṭṭhitā.
Dứt Phần Giảng Giải về Việc Phân Chia Xá-Lợi
Buddhavaṃso niṭṭhito.
Phật Sử được chấm dứt.
--ooOoo--
[1]Tạng Thái ghi là Kukkusandha. Tuy nhiên, trong bản dịch tiếng Việt chúng tôi sẽ ghi là Kakusandha theo Tạng Anh.
[2]Kiếp Bhadda (bhaddakappa) có năm vị Phật sanh lên. Chúng ta đang ở vào kiếp Bhadda gồm có bốn vị Phật đã sanh lên là Kakusandha, Koṇāgamana, Kassapa, Gotama (Phật Thích Ca). Vị Phật sẽ sanh lên trong thời vị lai là Meteyya.
[3]Tám chi phần về lời nói là: lưu loát, dễ hiểu, dịu ngọt, nghe rõ ràng, sung mãn, phân minh, thâm sâu và vang động (Trường Bộ II, Kinh Xa-ni-sa – Javanasabhasutta, lời dịch của HT. Minh Châu).
[4]Tạng Anh ghi là Koṇāgamana, chỉ khác ở ṇ (âm nóc họng), thay vì n (âm răng) như ở Tạng Thái.
[5]Hồ nước ví như Pháp Học, dầu thơm là Tứ Thanh Tịnh Giới, tấm vải là hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, tràng hoa là ba mươi bảy Pháp đưa đến Giác Ngộ.
[6]Nghĩa là sự an lạc các loại thuộc về thế gian và siêu thế.
[7]Chưa đạt được quả vị A-la-hán.
[8]Ám chỉ hai vị Thinh Văn hàng đầu Sārīputta và Moggallāna (Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên).
[9]Như vậy là bốn chiếc răng nanh, hai ở hàm trên hai ở hàm dưới (ND).
[10]Câu này được thêm vào từ Tạng Anh.
Mục Lục |
|
[01] | I. Dānapāramitā - Sự Toàn Hảo về Bố Thí:
II. Sīlapāramitā - Sự Toàn Hảo về Giới:
|
[02] | III. Nekkhamma pāramitā - Sự Toàn Hảo về Xuất Ly:
IV. Adhiṭṭhāna pāramitā - Sự Toàn Hảo về Quyết Định:
V. Sacca pāramitā - Sự Toàn Hảo về Chân Thật:
VI. Mettā pāramitā - Sự Toàn Hảo về Từ Ái:
VII. Upekkhā pāramitā - Sự Toàn Hảo về Hành Xả:
Uddānagāthā - Bài Kệ Tóm Tắt |
CHỮ VIẾT TẮT:
BvA : Buddhavaṃsa-aṭṭhakathā (PTS) - Chú Giải Phật Sử.
CpA : Cariyāpiṭaka-aṭṭhakathā (PTS) - Chú Giải Hạnh Tạng.
PTS : Nhà Xuất Bản Pali Text Society (Anh Quốc)
-ooOoo-
LỜI GIỚI THIỆU
Cariyāpiṭaka (Hạnh Tạng) là tập Kinh cuối cùng Tiểu Bộ (Khuddakanikāya). Chú Giải của tập Kinh Cariyāpiṭaka (Hạnh Tạng) có tên là Paramatthadīpanī do công của Ngài Dhammapāla thực hiện vào khoảng cuối thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên.
Về nội dung, tập kinh Cariyāpiṭaka (Hạnh Tạng) có tựa đề nêu bật được nội dung chứa đựng ở bên trong. Cụ thể tập Kinh này trình bày về 35 câu chuyện các tiền thân của đức Bồ-tát đã chuyên tâm thực hành các đức hạnh để đạt đến sự toàn hảo (pāramitā) của các đức hạnh ấy trong thời gian bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nhằm làm chín muồi quả vị Giác Ngộ. Nói về mười sự toàn hảo này, các dịch giả tiền bối đã dịch là mười pháp ba-la-mật hay thập độ. Điều đáng ngạc nhiên trong tập Kinh này là chỉ có bảy sự toàn hảo được đề cập đến thay vì mười, và số lượng các câu chuyện cho mỗi đức hạnh lại không thống nhất, không rõ do bị thất thoát trong việc truyền thừa hay là việc thực hiện tập Kinh chưa được hoàn tất. Sở dĩ chúng tôi có nhận xét như vậy vì tập Kinh này được chia làm ba chương: Chương I nói về bố thí có 10 chuyện, chương II nói về trì giới có 10 chuyện, và chương III bao gồm 15 chuyện còn lại: xuất ly 5 chuyện, quyết định 1 chuyện, chân thật 6 chuyện, từ ái 2 chuyện, và hành xả 1 chuyện. Muốn tìm hiểu rõ hơn về điểm này, chúng ta có thể tham khảo chương Pakiṇṇakakathā thuộc Chú Giải của tập Kinh Cariyāpiṭaka (Hạnh Tạng) này vì có giảng đầy đủ về mười đức hạnh đồng thời có đầy đủ những chi tiết liên quan đến vị mong mỏi việc thực hành hạnh nguyện Bồ Tát (CpA. 276-332).
Xét về hình thức, tập Kinh Cariyāpiṭaka (Hạnh Tạng) được thực hiện dựa theo lối trường thi (tương tợ như thể Mahā Kāvya của ngôn ngữ Sanskrit) gồm nhiều câu kệ (gāthā) hợp thành. Mỗi câu kệ được ghi thành 2 dòng và được chia làm 4 pāda; thông thường mỗi câu kệ như vậy là một câu văn hoàn chỉnh về phương diện văn phạm. Văn bản Pāḷi Roman được trình bày ở đây đã được phiên âm lại từ văn bản Pāḷi-Sinhala của bộ Tam Tạng Buddha Jayanti Series đang được sử dụng tại nước Sri Lanka. Về việc này, chúng tôi cũng xin tri ân Ven. Mettāvihārī (Đan Mạch) đã hoan hỷ cho phép chúng tôi sử dụng văn bản đã được phiên âm sẵn đang phổ biến trên mạng internet (www.metta.lk). Điều này đã tiết kiệm cho chúng tôi nhiều thời gian và công sức, chúng tôi chỉ việc kiểm tra và điều chỉnh lại những điểm thiếu sót hoặc không chính xác.
Bản tiếng Việt chúng tôi đã được phiên dịch trực tiếp từ nguyên bản Pāḷi của tập Kinh trên, một số từ dịch đã được dựa theo lời giải thích ở bản Chú giải Pāḷi Paramatthadīpanī. Chúng tôi ghi lại lời dịch Việt theo tinh thần "hiểu văn bản như thế nào thì cố gắng ghi lại đúng như thế ấy;" đối với các bản văn cổ, chúng tôi không có tham vọng vươn đến các tiêu chuẩn phiên dịch cao hơn. Các sự sai sót trong phiên dịch đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ yếu kém. Tuy nhiên, điều khiến cho chúng tôi được hoan hỷ là chúng tôi đã tận dụng hết khá năng của bản thân cho công việc nghiên cứu và hoàn tất lời Việt cho tập Kinh này.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành tán dương công đức các thí chủ đã có sự quan tâm đến công việc tu học và phiên dịch kinh điển của chúng tôi trong thời gian qua. Về Nam Cư Sĩ có các vị: Dr. Bình Anson, Chú Lương Xuân Lộc, Phật tử Phạm Trọng Độ, PT. Lưu Xuân An và nhóm Phật tử California, PT. Lý Hoàng Anh, PT. Trương Đình Nguyên, về Nữ Cư Sĩ có các vị: Bà Diệu Giới, Bà Diệu Đài, Cô Diệu Bình và các con cháu, Cô Phạm Thị Thi, Cô Phạm Xuân Lan, Cô Lê Thị Huế, Cô Lê Thị Tích, Cô Visākhā An Trương, Cô Minh Hạnh, Cô Hồ Hoàng Anh, Cô Nguyễn Ngọc Vivian, và gia đình Cô Trương Tuyết Anh.
Công đức này xin dâng đến Hòa Thượng Devahandiye Paññāsekara Nāyaka Mahāthera, trụ trì chùa Sri Jayawardhanaramaya, Colombo, Tích Lan, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong công việc tu học và nghiên cứu Phật Pháp thời gian qua.
Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc ghi lại lời Việt cho tập Kinh này được thành tựu đến tất cả chúng sanh. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ, và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.
Kính bút,
đêm rằm tháng bảy
ngày 08 tháng 08 năm 2006
Tỳ Khưu Indacanda (Trương đình Dũng)
-ooOoo-
http://www.tamtangpaliviet.net/VHoc/42/Cp_00.htm
Cariyāpiṭaka (Hạnh Tạng) là tập Kinh cuối cùng Tiểu Bộ (Khuddakanikāya). Chú Giải của tập Kinh Cariyāpiṭaka (Hạnh Tạng) có tên là Paramatthadīpanī do công của Ngài Dhammapāla thực hiện vào khoảng cuối thế kỷ thứ 5 sau Công Nguyên.
Về nội dung, tập kinh Cariyāpiṭaka (Hạnh Tạng) có tựa đề nêu bật được nội dung chứa đựng ở bên trong. Cụ thể tập Kinh này trình bày về 35 câu chuyện các tiền thân của đức Bồ-tát đã chuyên tâm thực hành các đức hạnh để đạt đến sự toàn hảo (pāramitā) của các đức hạnh ấy trong thời gian bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp nhằm làm chín muồi quả vị Giác Ngộ. Nói về mười sự toàn hảo này, các dịch giả tiền bối đã dịch là mười pháp ba-la-mật hay thập độ. Điều đáng ngạc nhiên trong tập Kinh này là chỉ có bảy sự toàn hảo được đề cập đến thay vì mười, và số lượng các câu chuyện cho mỗi đức hạnh lại không thống nhất, không rõ do bị thất thoát trong việc truyền thừa hay là việc thực hiện tập Kinh chưa được hoàn tất. Sở dĩ chúng tôi có nhận xét như vậy vì tập Kinh này được chia làm ba chương: Chương I nói về bố thí có 10 chuyện, chương II nói về trì giới có 10 chuyện, và chương III bao gồm 15 chuyện còn lại: xuất ly 5 chuyện, quyết định 1 chuyện, chân thật 6 chuyện, từ ái 2 chuyện, và hành xả 1 chuyện. Muốn tìm hiểu rõ hơn về điểm này, chúng ta có thể tham khảo chương Pakiṇṇakakathā thuộc Chú Giải của tập Kinh Cariyāpiṭaka (Hạnh Tạng) này vì có giảng đầy đủ về mười đức hạnh đồng thời có đầy đủ những chi tiết liên quan đến vị mong mỏi việc thực hành hạnh nguyện Bồ Tát (CpA. 276-332).
Xét về hình thức, tập Kinh Cariyāpiṭaka (Hạnh Tạng) được thực hiện dựa theo lối trường thi (tương tợ như thể Mahā Kāvya của ngôn ngữ Sanskrit) gồm nhiều câu kệ (gāthā) hợp thành. Mỗi câu kệ được ghi thành 2 dòng và được chia làm 4 pāda; thông thường mỗi câu kệ như vậy là một câu văn hoàn chỉnh về phương diện văn phạm. Văn bản Pāḷi Roman được trình bày ở đây đã được phiên âm lại từ văn bản Pāḷi-Sinhala của bộ Tam Tạng Buddha Jayanti Series đang được sử dụng tại nước Sri Lanka. Về việc này, chúng tôi cũng xin tri ân Ven. Mettāvihārī (Đan Mạch) đã hoan hỷ cho phép chúng tôi sử dụng văn bản đã được phiên âm sẵn đang phổ biến trên mạng internet (www.metta.lk). Điều này đã tiết kiệm cho chúng tôi nhiều thời gian và công sức, chúng tôi chỉ việc kiểm tra và điều chỉnh lại những điểm thiếu sót hoặc không chính xác.
Bản tiếng Việt chúng tôi đã được phiên dịch trực tiếp từ nguyên bản Pāḷi của tập Kinh trên, một số từ dịch đã được dựa theo lời giải thích ở bản Chú giải Pāḷi Paramatthadīpanī. Chúng tôi ghi lại lời dịch Việt theo tinh thần "hiểu văn bản như thế nào thì cố gắng ghi lại đúng như thế ấy;" đối với các bản văn cổ, chúng tôi không có tham vọng vươn đến các tiêu chuẩn phiên dịch cao hơn. Các sự sai sót trong phiên dịch đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ yếu kém. Tuy nhiên, điều khiến cho chúng tôi được hoan hỷ là chúng tôi đã tận dụng hết khá năng của bản thân cho công việc nghiên cứu và hoàn tất lời Việt cho tập Kinh này.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành tán dương công đức các thí chủ đã có sự quan tâm đến công việc tu học và phiên dịch kinh điển của chúng tôi trong thời gian qua. Về Nam Cư Sĩ có các vị: Dr. Bình Anson, Chú Lương Xuân Lộc, Phật tử Phạm Trọng Độ, PT. Lưu Xuân An và nhóm Phật tử California, PT. Lý Hoàng Anh, PT. Trương Đình Nguyên, về Nữ Cư Sĩ có các vị: Bà Diệu Giới, Bà Diệu Đài, Cô Diệu Bình và các con cháu, Cô Phạm Thị Thi, Cô Phạm Xuân Lan, Cô Lê Thị Huế, Cô Lê Thị Tích, Cô Visākhā An Trương, Cô Minh Hạnh, Cô Hồ Hoàng Anh, Cô Nguyễn Ngọc Vivian, và gia đình Cô Trương Tuyết Anh.
Công đức này xin dâng đến Hòa Thượng Devahandiye Paññāsekara Nāyaka Mahāthera, trụ trì chùa Sri Jayawardhanaramaya, Colombo, Tích Lan, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong công việc tu học và nghiên cứu Phật Pháp thời gian qua.
Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc ghi lại lời Việt cho tập Kinh này được thành tựu đến tất cả chúng sanh. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ, và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.
Kính bút,
đêm rằm tháng bảy
ngày 08 tháng 08 năm 2006
Tỳ Khưu Indacanda (Trương đình Dũng)
-ooOoo-
CHỮ VIẾT TẮT:
BvA : Buddhavaṃsa-aṭṭhakathā (PTS) - Chú Giải Phật Sử.
CpA : Cariyāpiṭaka-aṭṭhakathā (PTS) - Chú Giải Hạnh Tạng.
PTS : Nhà Xuất Bản Pali Text Society (Anh Quốc)
Namo tassa bhagavato arahato sammā sambuddhassa
Kính lễ đức Thế Tôn, bậc A-la-hán, đấng Chánh Biến Tri!
I. DĀNAPĀRAMITĀ
1. Akitticariyaṃ
1. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Akitti: [1]
1. Kappe ca satasahasse caturo ca asaṅkhiye
etthantare yaṃ caritaṃ sabbaṃ taṃ bodhipācanaṃ.
1. Các hạnh nào được thực hành trong khoảng thời gian này,[2] (tức là) bốn a-tăng-kỳ và một trăm ngàn đại kiếp,[3] tất cả các hạnh ấy là điều kiện làm cho chín muồi quả vị giác ngộ.
2. Atītakappe caritaṃ ṭhapayitvā bhavābhave
imamhi kappe caritaṃ pavakkhissaṃ suṇohi me.
2. Trừ ra các hạnh đã được thực hành trong kiếp quá khứ thuộc đời này hoặc đời khác, ta sẽ nói đến hạnh đã được thực hiện trong kiếp này, ngươi hãy lắng nghe. [4]
3. Yadā ahaṃ brahāraññe suññe vipinakānane
ajjhogahetvā vihārāmi akitti nāma tāpaso.
3. Lúc bấy giờ, ta là vị đạo sĩ khổ hạnh tên Akitti. Ta đã đi sâu vào và cư ngụ ở khu rừng rậm, hoang vắng, là lâm viên có nhiều cây.
4. Tadā maṃ tapatejena santatto tidivādhibhū
dhārento brāhmaṇavaṇṇaṃ bhikkhāya maṃupāgami.
4. Khi ấy, Chúa của chư thiên Sakka [5] bị nóng bức [6] bởi năng lực khổ hạnh của ta nên đã đi đến gần ta để xin vật thực trong dáng vóc vị Bà-la-môn.
5. Pavanā ābhataṃ paṇṇaṃ atelañca aloṇikaṃ
mama dvāre ṭhitaṃ disvā sakaṭāhena ākiriṃ.
5. Nhìn thấy (vị ấy) đứng ở cánh cửa (căn chòi lá) của ta, ta đã bày ra chỉ có một tô lá cây đã được gió gom lại, không có dầu và cũng không có muối.[7]
6. Tassa datvānahaṃ paṇṇaṃ nikkujjitvāna bhājanaṃ
punesanaṃ jahitvāna pāvisaṃ paṇṇasālakaṃ.
6. Sau khi bố thí lá cây đến vị này, ta đã lập úp cái tô lại, từ bỏ việc tìm kiếm (thức ăn) một lần nữa, và đã đi vào căn chòi lá.
7. Dutiyampi tatiyampi upagañchi mamantikaṃ
akampito anolaggo evamevamadāsahaṃ.
7. Lần thứ nhì, rồi lần thứ ba, vị ấy cũng đã đi đến gặp ta. Không dao động, không dính mắc, ta đã bố thí như hai lần trước.
8. Na me tappaccayā atthi sarīrasmiṃ vivaṇṇiyaṃ
pītisukhena ratiyā vītināmemi taṃ divaṃ.
8. (Nhưng) không vì nguyên nhân ấy mà thân thể của ta trở nên tiều tụy; ta đã trải qua ngày hôm ấy với niềm phỉ lạc và hứng thú.
9. Yadi māsampi dve māsaṃ dakkhiṇeyyaṃ varaṃ labhe
akampito anolīno dadeyyaṃ dānamuttamaṃ.
9. Nếu như ta có được một vị xứng đáng để cúng dường thì ta có thể dâng cúng vật thí tối thượng luôn cả một tháng, hai tháng, mà không dao động, không lưỡng lự.
10. Na tassa dānaṃ dadamāno yasaṃ lābhañca patthayiṃ
sabbaññutaṃ patthayāno tāni kammāni ācarinti.
10. Trong khi bố thí phẩm vật cho vị ấy, ta đã không mong cầu danh và lợi. Ta đã thực hiện những hành động ấy trong khi ước mong phẩm vị Toàn Tri.
Akitticariyaṃ paṭhamaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Akitti là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2. Saṅkhacariyaṃ
2. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Saṅkha: [8]
***
11. Punāparaṃ yadā homi brāhmaṇo saṅkhasavhayo
mahāsamuddaṃ taritukāmo upagacchāmi paṭṭanaṃ.
11. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là vị Bà-la-môn tên gọi Saṅ-kha. Có ý định băng qua đại dương, ta đã đi đến bến tàu.
12. Tatthaddasāmi paṭipathe sayambhuṃ aparājitaṃ
kantāraddhāna paṭipannaṃ tattāya kaṭhinabhūmiyā.
12. Tại nơi ấy, ta đã nhìn thấy ở phía bên kia đường một vị Phật Độc Giác, là bậc không bị kẻ khác hàng phục, đang đi ở con đường xa vắng, trên mặt đất gồ ghề, nóng bỏng.
13. Tamahaṃ paṭipathe disvā imamatthaṃ vicintayiṃ
idaṃ khettaṃ anuppattaṃ puññakāmassa jantuno.
13. Sau khi nhìn thấy vị ấy ở phía bên kia đường, ta đã suy xét về sự việc này: “Đây là phước điền đã được thành tựu đến cho người mong cầu phước báu.”
14. Yathāpi kassako puriso khettaṃ disvā mahāgamaṃ.
tattha bījaṃ na ropeti na so dhaññena atthiko.
14. Cũng giống như người nông phu nhìn thấy thửa ruộng có triển vọng thu hoạch lớn, người ấy không gieo hạt giống ở nơi ấy (nghĩa là) người ấy không có nhu cầu về thóc lúa.
15. Evamevāhaṃ puññakāmo disvā khetta varuttamaṃ
yadi tattha kāraṃ na karomi nāhaṃ puññena atthiko.
15. Tương tợ như thế, là người có mong cầu về phước báu, sau khi nhìn thấy phước điền cao quý tối thượng, nếu ta không thể hiện hành động ở phước điền ấy thì ta không phải là người mong cầu về phước báu.
16. Yathā amacco muddikāmo rañño ante pure jane
na deti tesaṃ dhanadhaññaṃ muddito parihāyati.
16. Giống như vị quan đại thần mong muốn có uy quyền đối với những người trong cung mà không ban cho những người ấy tài sản và thóc gạo thì sẽ bị suy giảm về uy quyền.
17. Evamevāhaṃ puññakāmo vipulaṃ disvāna dakkhiṇaṃ
yadi tassa dānaṃ na dadāmi parihāyissāmi puññato.
17. Tương tợ như thế, là người có mong cầu về phước báu sau khi nhìn thấy bậc cao thượng xứng đáng để cúng dường, nếu ta không dâng cúng vật thí đến vị ấy thì ta sẽ bị suy giảm về phước báu.
18. Evāhaṃ cintayitvāna orohitvā upāhanā
tassa pādāni vanditvā adāsiṃ chattupāhanaṃ.
18. Sau khi suy nghĩ như thế, ta đã cởi ra đôi dép, rồi đảnh lễ ở hai bàn chân của vị ấy, và đã cúng dường dù và dép.
19. Tenevāhaṃ sataguṇato sukhumālo sukhedhito
apica dānāṃ paripūrento evaṃ tassa adāsahanti.
19. Mặc dầu ta có cơ thể mảnh mai và được nuôi dưỡng cẩn thận gấp trăm lần so với vị ấy, tuy nhiên trong khi làm tròn đủ hạnh bố thí, ta cũng đã cúng dường đến vị ấy như thế.
Saṅkhacariyaṃ dutiyaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Saṅkha là phần thứ nhì.
--ooOoo--
3. Kurudhammacariyaṃ
3. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Kurudhamma: [9]
***
20. Punāparaṃ yadā homi indapatthe puruttame
rājā dhanañjayo nāma kusale dasahupāgato.
20. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là vị vua tên Dhanañjaya ở tại kinh thành Indapattha, và được thuần thục về mười thiện nghiệp.
21. Kāliṅga raṭṭhavisayā brāhmaṇā upagañchu maṃ
āyācuṃ maṃ hatthināgaṃ dhaññaṃ maṅgalasammataṃ.
21. Những người Bà-la-môn từ lãnh thổ vương quốc Kaliṅga đã đi đến gặp ta. Họ đã cầu xin ta con long tượng được xem là biểu hiện của sự thịnh vượng và may mắn.
22. Avuṭṭhiko janapado dubbhikkho chātako mahā
dadāhi pavaraṃ nāgaṃ nīlaṃ añjanasavhayaṃ.
22. (Họ đã nói rằng): “Xứ sở chúng tôi không có mưa, thức ăn hiếm hoi, đói kém trầm trọng. Xin ngài hãy ban cho con hắc long tượng cao quý có tên là Añjana.”
23. Na me yācakamanuppatte paṭikkhepo anucchavo
mā me bhijji samādānaṃ dassāmi vipulaṃ gajaṃ.
23. (Ta nghĩ rằng): “Đối với ta, khi có được người cầu xin thì sự từ chối là điều không đúng đắn. Sự thọ trì của ta chớ có bị đổ vỡ. Ta sẽ bố thí con voi vĩ đại.”
24. Nāgaṃ gahetvā soṇḍāya bhiṅkāre ratanāmaye
jalaṃ hatthe ākiritvā brāhmaṇānaṃ adaṃ gajaṃ.
24. Sau khi nắm lấy con voi ở chiếc ngà và rưới nước từ chiếc bình làm bằng ngọc quý lên bàn tay, ta đã cho con voi đến các vị Bà-la-môn.
25. Tassa nāge padinnamhi amaccā etadabrūvuṃ
kinnu tuyhaṃ varaṃ nāgaṃ yācakānaṃ padassasi.
25. Khi con voi ấy đã được cho đi, các quan đại thần đã nói điều này: “Sao ngài lại cho con voi quý báu của ngài đến những kẻ cầu xin?
26. Dhaññaṃ maṅgalasampannaṃ saṅgāmavijayuttamaṃ
tasmiṃ nāge padinnamhi kinte rajjaṃ karissati.
26. Con voi là tối ưu trong việc chiến thắng ở trận tiền, được thành tựu sự thịnh vượng và may mắn. Khi con voi ấy đã được cho đi thì cái gì sẽ vận hành vương quốc của ngài?”
27. Rajjampi me dade sabbaṃ sarīraṃ dajjamattano
sabbaññutaṃ piyaṃ mayhaṃ tasmā nāgaṃ adāsahanti.
27. Ta có thể bố thí luôn cả toàn bộ vương quốc của ta. Ta có thể bố thí cả thân mạng của mình. Ðối với ta, quả vị Toàn Tri là yêu quý; vì thế ta đã bố thí con long tượng.
Kurudhammacariyaṃ tatiyaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Kurudhamma là phần thứ ba.
--ooOoo--
4. Mahāsudassanacariyaṃ
4. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Mahāsudassana:[10]
***
28. Kusāvatimhi nagare yadā āsiṃ mahīpati
mahāsudassano nāma cakkavatti mahabbalo.
28. Khi ở thành phố Kusāvatī, ta đã là vị lãnh chúa, đấng Chuyển Luân Vương có quyền lực lớn lao tên Mahāsudassana.
29. Tatthāhaṃ divase tikkhattuṃ ghosāpemi tahiṃ tahiṃ
ko kiṃ icchati pattheti kassa kiṃ dīyatu dhanaṃ.
29. Tại thành phố ấy, ta đã cho thông báo ba lần trong ngày ở khắp các nơi rằng: “Ai muốn (hoặc) mong mỏi vật gì? Của cải gì nên được ban phát? (Ban phát) đến ai?
30. Ko chātako ko tasito ko mālaṃ ko vilepanaṃ
nānārattāni vatthāni ko naggo paridahissati.
30. Ai đói? Ai khát? Ai (cần) vòng hoa? Ai (cần) dầu thoa? Có các loại vải vóc đủ màu, ai trần truồng thì sẽ mặc vào?
31. Ko pathe chattamādeti ko pāhanā mudū subhā
iti sāyañca pāto ca ghosāpemi tahiṃ tahiṃ.
31. Ai đi đường cần đến dù? Ai (cần đến) giày dép mềm mại, đẹp đẽ?” Ta đã cho thông báo sáng chiều ở khắp các nơi như thế.
32. Na taṃ dasasu ṭhānesu na pi ṭhānasatesu vā
anekasataṭhānesu paṭiyattaṃ yācake dhanaṃ.
32. Của cải ấy đã được chuẩn bị cho những người cầu xin không phải chỉ ở mười địa điểm, hoặc ở một trăm địa điểm, mà ở hàng trăm địa điểm.
33. Divā vā yadi vā rattiṃ yadi eti vaṇibbako
laddhā yadicchakaṃ bhogaṃ pūrahatthova gacchati.
33. Nếu có người nghèo khổ đi đến cho dù ban ngày hoặc ban đêm, họ đều được nhận lãnh tài sản theo như ý thích rồi ra đi với hai tay tràn đầy của cải.
34. Evarūpaṃ mahādānaṃ adāsiṃ yāvajīvikaṃ
napāhaṃ dessaṃ dhanaṃ dammi napi natthi nicayo mayi.
34. Ta đã bố thí những phẩm vật lớn lao có hình thức như thế cho đến trọn đời. Ta cho ra của cải không phải là vì không thích ý, cũng không phải là vì ta không có chỗ để cất giữ.
35. Yathāpi āturo nāma rogato parimuttiyā
dhanena vejjaṃ tappetvā rogato parimuccati.
35. Cũng giống như người bị bệnh, sau khi làm hài lòng vị thầy thuốc với vàng bạc cho việc chữa lành căn bệnh, thì (sẽ) được hoàn toàn thoát khỏi căn bệnh.
36. Tathevāhaṃ jānamāno paripūretumasesato
ūnamanaṃ pūrayituṃ demi dānaṃ vaṇibbake
nirālayo apaccāso sambodhimanupattiyāti.
36. Tương tợ y như thế, khi biết được (điều ấy), để làm viên mãn (pháp bố thí) không bị thiếu sót và làm cho đầy đủ tâm ý còn khiếm khuyết, ta đã ban phát vật thí cho những người cầu xin, không luyến tiếc, không mong mỏi sự đền đáp nhằm thành tựu quả vị Toàn Giác.
Mahāsudassanacariyaṃ catutthaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Mahāsudassana là phần thứ tư.
--ooOoo--
5. Mahāgovindacariyaṃ
5. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Mahāgovinda: [11]
***
37. Punāparaṃ yadā homi satta rājapurohito
pūjito naradevehi mahāgovindabrāhmaṇo.
37. Vào một thời điểm khác nữa, khi là Bà-la-môn Mahāgovinda, ta đã là viên quan tế tự của bảy vị vua và được các đấng quân vương cung phụng.
38. Tadāhaṃ sattarajjesu yaṃ me āsi upāyanaṃ
tena demi mahādānaṃ akkhobhaṃ sāgarūpamaṃ.
38. Khi ấy, phẩm vật ở trong bảy vương quốc đã là của ta. Với phẩm vật ấy ta đã ban phát cuộc đại thí, tợ như biển cả không bị xáo động
39. Na me dessaṃ dhanaṃ dhaññaṃ napi natthi nicayo mayi
sabbaññutaṃ piyaṃ mayhaṃ tasmā demi varaṃ dhananti.
39. Không phải là của cải và lúa gạo là không được vừa ý đối với ta và cũng không phải là ở nơi ta không có sự tích trữ. Quả vị giác ngộ đối với ta rất là cao quý, do đó ta bố thí tài sản quý giá.
Mahāgovindacariyaṃ pañcamaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Mahāgovinda là phần thứ năm.
--ooOoo--
6. Nimirājacariyaṃ
6. Hạnh của Đức Vua Nimi:[12]
***
40. Punāparaṃ yadā homi mithilāyaṃ puruttame
nimi nāma mahārājā paṇḍito kusalatthiko.
40. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là vị đại vương tên Nimi, là bậc trí tuệ và là người tầm cầu thiện pháp ở tại kinh thành Mithilā.
41. Tadāhaṃ māpayitvāna catussālaṃ catummukhaṃ
tattha dānaṃ pavattesiṃ migapakkhinarādinaṃ.
41. Khi ấy, ta đã cho thực hiện bốn sảnh đường (mỗi sảnh đường) có bốn cổng ra vào (ở bốn hướng chính). Ở tại nơi ấy, ta đã cho tiến hành việc bố thí đến các thú vật, chim chóc, loài người, v.v...
42. Acchādanañca sayanañca annaṃ pānañca bhojanaṃ
abbocchinnaṃ karitvāna mahādānaṃ pavattayiṃ.
42. Ta đã thực hiện không ngừng nghỉ[13] và đã cho tiến hành cuộc đại thí (gồm có) y phục, giường ghế, cơm ăn, nước uống, và thực phẩm (các loại),
43. Yathāpi sevako sāmiṃ dhanahetumupāgato
kāyena vācā manasā ārādhaniyamesati.
43. Cũng giống như người đầy tớ, vì lý do lương bổng, tiếp cận chủ nhân và suy tầm cách làm hài lòng bằng thân, khẩu, ý (bằng hành động, lời nói, và tư tưởng).
44. Tathevāhaṃ sabbabhave pariyesissāmi bodhijaṃ
dānena satte tappetvā icchāmi bodhimuttamanti.
44. Tương tợ y như thế, trong tất cả mọi kiếp sống ta cũng sẽ tầm cầu việc làm sanh khởi sự giác ngộ. Sau khi làm thỏa mãn các chúng sanh với vật bố thí, ta mong cầu quả vị giác ngộ tối thượng.
Nimirājacariyaṃ chaṭṭhamaṃ.
Hạnh của đức vua Nimi là phần thứ sáu.
--ooOoo--
7. Candakumāracariyaṃ
7. Hạnh của Hoàng Tử Canda: [14]
***
45. Punāparaṃ yadā homi ekarājassa atrajo
nagare pupphavatiyā kumāro candasavhayo.
45. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là vị hoàng tử tên Canda, con trai của Ekaràja, ở tại thành phố Pupphavatī.
46. Tadāhaṃ yajanā mutto nikkhanto yaññavāṭato
saṃvegaṃ janayitvāna mahādānaṃ pavattayiṃ.
46. Khi ấy, ta đã được thoát khỏi cuộc tế thần và đã rời khỏi khu vực cuộc lễ tế. Sau khi đã tạo nên niềm xúc động, ta đã tiến hành cuộc đại thí.
47. Nāhaṃ pivāmi khādāmi napi bhuñjāmi bhojanaṃ
dakkhiṇeyye adatvāna api chappañca rattiyo.
47. (Khi) không được bố thí đến những người xứng đáng sự bố thí, ta không uống, không ăn, cũng không thọ dụng vật thực, thậm chí đến năm sáu đêm.
48. Yathāpi vāṇijo nāma katvāna bhaṇḍasañcayaṃ
yattha lābho mahā hoti tattha taṃ harati bhaṇḍakaṃ.
48. Cũng giống như người thương buôn sau khi đã tích trữ hàng hóa thì sẽ đem hàng hóa ấy đến nơi nào có nhiều lợi nhuận.
49. Tatheva sakabhuttāpi pare dinnaṃ mahapphalaṃ
tasmā parassa dātabbaṃ satabhāgo bhavissati.
49. Tương tợ y như thế, ngay cả việc bố thí đến người khác vật đã được thọ dụng bởi bản thân cũng có quả báu lớn; vì thế nên bố thí đến tha nhân, sẽ có được (kết quả) gấp trăm lần.
50. Etamatthavasaṃ ñatvā demi dānaṃ bhavābhave
na paṭikkamāmi dānato sambodhimanupattiyāti.
50. Biết được năng lực của chân lý ấy, ta đã ban phát vật bố thí kiếp này đến kiếp khác. Ta không suy giảm việc bố thí nhằm thành tựu quả vị Toàn Giác.
Candakumāracariyaṃ sattamaṃ.
Hạnh của Hoàng Tử Canda là phần thứ bảy.
--ooOoo--
8. Sivirājacariyaṃ
8. Hạnh của Đức Vua Sivi: [15]
***
51. Ariṭṭhasavhaye nagare sivi nāmāsiṃ khattiyo
nisajja pāsādavare evaṃ cintesahaṃ tadā.
51. Ở tại thành phố có tên gọi là Ariṭṭha, ta đã là vị Sát-đế-lỵ tên Sivi. Vào lúc ngồi ở tòa lâu đài quý báu, ta đã suy nghĩ như vầy:
52. Yaṃ kiñci mānusaṃ dānaṃ adinnaṃ me na vijjati
yopi vāceyya maṃ cakkhuṃ dadeyyaṃ avikampito.
52. “Không có bất cứ vật thí nào thuộc về nhân loại mà ta chưa từng bố thí. Thậm chí người nào yêu cầu ta về con mắt thì ta cũng có thể bố thí, không bị dao động.”
53. Mama saṅkappamaññāya sakko devānamissaro
nisinno devaparisāya idaṃ vacanamabruvi.
53. Biết được tâm tư của ta, vị Chúa Trời Sakka ngồi ở giữa tập thể chư thiên đã nói lên lời này:
54. Nisajja pāsādavare sivirājā mahiddhiko
cintento vividhaṃ dānaṃ adeyyaṃ so na passati,
54. “Đức vua Sivi có đại oai lực trong khi ngồi ở tòa lâu đài quý báu suy nghĩ về vật bố thí đủ các loại, vị ấy không nhìn thấy vật chưa từng được bố thí.
55. Tathannu vitathannetaṃ handa vīmaṃsayāmi taṃ
muhuttaṃ āgameyyātha yāva jānāmi taṃ manaṃ.
55. Điều này là đúng hay không đúng sự thật? Vậy hãy để ta thử thách vị ấy. Các người hãy chờ một chốc lát đến khi ta biết được tâm ý ấy.”
56. Pavedhamāno palitasiro valitagatto jarāturo
andhavaṇṇova hutvāna rājānaṃ upasaṅkami.
56. Sau khi biến thành dáng vóc người mù lòa, đang run rẩy, có đầu tóc bạc phơ, cơ thể nhăn nheo, già yếu, bệnh hoạn, (Chúa Trời Sakka) đã đi đến gặp đức vua.
57. So tadā paggahetvāna vāmaṃ dakkhiṇabāhu ca
sirasmiṃ añjaliṃ katvā idaṃ vacanamabruvi.
57. Khi ấy, ông ta đã giơ cánh tay trái và cánh tay phải lên chắp lại ở đầu, rồi đã nói lời này:
58. Yācāmi taṃ mahārāja dhammikaraṭṭhavaḍḍhana
tava dānaratā kitti uggatā devamānuse.
58. “Tâu đại vương, tôi cầu xin ngài. Ôi vị làm tiến triển vương quốc về phương diện đạo đức, danh tiếng của ngài về sự hoan hỉ trong bố thí đã vang khắp chốn nhân thiên.
59. Ubhopi nettā nayanā andhā upahatā mama
ekaṃ me nayanaṃ dehi tvampi ekena yāpaya.
59. Cả hai con mắt dẫn đường của tôi bị mù lòa, hư hỏng. Hãy bố thí cho tôi một con mắt, ngài cũng hãy còn sống với một con mắt vậy.”
60. Tassāhaṃ vacanaṃ sutvā haṭṭho saṃviggamānaso
katañjalī vedajāto idaṃ vacanamabruviṃ.
60. Nghe được lời nói của người ấy, ta đã mừng rỡ, có tâm trí phấn chấn. Tràn ngập niềm phấn khởi, ta đã chắp tay lại rồi đã nói lời này:
61. Idānāhaṃ cintayitvā pāsādato idhāgato
tvaṃ mama cittamaññāya nettaṃ yācitumāgato.
61. “Lúc này đây, sau khi suy nghĩ trẫm đã rời tòa lâu đài đi đến nơi đây. Còn ngươi, sau khi biết được tâm của trẫm đã đi đến để cầu xin con mắt.
62. Aho me mānasaṃ siddhaṃ saṅkappo paripūrito
adinnapubbaṃ dānavaraṃ ajja dassāmi yācake.
62. Ôi, ý định của ta đã được thành tựu, điều ước mong đã được vẹn toàn! Hôm nay, ta sẽ ban cho người hành khất tặng vật cao quý chưa từng được bố thí trước đây.
63. Ehi sīvaka uṭṭhehi mā dandhayi mā pavedhayi
ubhopi nayane dehi uppāṭetvā vaṇibbake.
63. Này Sīvaka, [16]hãy lại gần. Hãy mạnh dạn lên, đừng chần chờ, chớ có run rẩy. Hãy móc ra cả hai con mắt và trao cho người cầu thỉnh.”
64. Tato so codito mayhaṃ sīvako vacanaṅkaro
uddharitvāna pādāsi tālamiñjaṃva yācake.
64. Sau đó, bị ta thúc giục vị Sīvaka ấy là người thi hành mệnh lệnh đã lấy ra (hai con mắt) giống như nạo cơm dừa, rồi đã trao cho cho người hành khất.
65. Dadamānassa dennassa dinnadānassa me sato
cittassa aññathā natthi bodhiyā yeva kāraṇā.
65. Trong khi chuẩn bị bố thí, khi đang bố thí, khi tặng vật đã được ta bố thí, tâm không có thay đổi với lý do chỉ là vì quả vị giác ngộ.
66. Na me dessā ubho cakkhu attā na me na dessiyo
sabbaññutaṃ piyaṃ mayhaṃ tasmā cakkhuṃ adāsahanti.
66. Hai con mắt không có bị ta ghét bỏ, bản thân không có bị ta ghét bỏ, đối với ta quả vị Toàn Giác là yêu quý; vì thế ta đã bố thí con mắt.
Sivirājacariyaṃ aṭṭhamaṃ.
Hạnh của Đức Vua Sivi là phần thứ tám.
--ooOoo--
9. Vessantaracariyaṃ
9. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Vessantara: [17]
***
67. Yā me ahosi janikā Phusatī nāma khattiyā
sā atītāsu jātisu sakkassa mahesī piyā.
67. Người mẹ ruột của ta là nữ nhân dòng Sát-đế-lỵ tên Phusatī. Bà ấy là hoàng hậu yêu quý của (Chúa Trời) Sakka vào những kiếp sống trước.[18]
68. Tassā āyukkhayaṃ disvā devindo etadabruvi
dadāmi te dasavare vara bhadde yadicchasi.
68. Nhìn thấy sự dứt tuổi thọ của bà ấy, vị Chúa Trời đã nói điều này: “Này quý phi, trẫm ban cho khanh mười điều ân huệ, hãy chọn lựa theo như ý thích.”
69. Evaṃ vuttā ca sā devī sakkaṃ punidamabruvi
kinnū me aparādhatthi kinnu dessā ahaṃ tava
rammā cāvesi maṃ ṭhānā vātova dharaṇīruhaṃ.
69. Và khi được nói như vậy, bà hoàng hậu ấy đã đáp lại (Chúa Trời) Sakka điều này: “Thiếp có lỗi lầm gì vậy? Phải chăng thiếp bị ngài ghét bỏ khiến ngài lưu đày thiếp khỏi chốn bồng lai như là ngọn gió thổi trốc gốc cây vậy?”
70. Evaṃ vutto ca so sakko puna tassīdamabruvi
na ceva te kataṃ pāpaṃ na ca me tvamasi appiyā.
70. Và khi được nói như vậy, vị (Chúa Trời) Sakka ấy đã đáp lại bà ta điều này: “Chẳng phải khanh đã làm điều sai trái và cũng chẳng phải là ta không yêu quý khanh.
71. Ettakaṃ yeva te āyu cavanakālo bhavissati
paṭiggaṇha mayā dinne vare dasa varuttame.
71. Sở dĩ như thế ấy chính là vì tuổi thọ của khanh, thời điểm tử vong sắp đến. Hãy tiếp nhận mười điều ân huệ quý báu tối cao đã được trẫm ban thưởng.”
72. Sakkena sā dinnavarā tuṭṭhahaṭṭhā pamoditā
mama abbhantaraṃ katvā phusatī dasavare varī.
72. Với mười điều ân huệ được (Chúa Trời) Sakka ban thưởng, bà Phusatī ấy, hớn hở, mừng rỡ, vui sướng, đã lựa chọn mười điều ân huệ sau khi đã tính gộp luôn cả ta (vào các điều ân huệ ấy).
73. Tato cutā sā phusatī khattiye upapajjatha
jetuttaramhi nagare sañjayena samāgamī.
73. Mệnh chung từ nơi đó, bà Phusatī ấy đã sanh vào dòng dõi Sát-đế-lỵ ở thành phố Jetuttara và đã kết hôn với Sañjaya.
74. Tadāhaṃ phusatiyā kucchiṃ okkanto piyamātuyā
mama tejena me mātā sadā dānaratā ahū.
74. Khi ấy, ta đã hạ sanh vào lòng bà Phusatī, người mẹ yêu quý. Do nhờ oai lực của ta, người mẹ của ta đã luôn luôn hứng thú trong việc bố thí.
75. Adhane āture jiṇṇe yācake addhike jane
samaṇe brāhmaṇe khīṇe deti dānaṃ akiñcane.
75. Bà bố thí cho những người không có tài sản, người không có của cải, người bệnh hoạn, người già cả, người ăn xin, người đi đường, các vị Sa-môn, các Bà-la-môn, và những người bị khánh tận.
76. Dasamāse dhārayitvāna karonto purapadakkhiṇaṃ
vessānaṃ vīthiyā majjhe janesi phusatī mamaṃ.
76. Sau khi mang thai ta được mười tháng, bà Phusatī trong lúc đang đi quanh thành phố đã sanh ta ở giữa đường phố của những người thương buôn.
77. Na mayhaṃ mattikaṃ nāmaṃ napi pettikasambhavaṃ
jātomhi vessavīthiyā tasmā vessantaro ahū.
77. Tên của ta không liên quan đến họ mẹ, cũng không xuất phát từ họ cha. Ta đã được sanh ra ở đường phố của những người thương buôn, vì thế ta đã là Vessantara.
78. Yadāhaṃ dārako homi jātiyā aṭṭhavassiko
tadā nisajja pāsāde dānaṃ dātuṃ vicintayiṃ.
78. Đến khi ta đã trở thành đứa bé trai được tám tuổi tính từ lúc sanh, khi ấy ta đã ngồi ở tòa lâu đài và đã suy nghĩ về việc bố thí tặng vật.
79. Hadayaṃ dadeyyaṃ cakkhuṃ maṃsampi rudhirampi ca
dadeyyaṃ kāyaṃ sāvetvā yadi koci yācaye mamaṃ.
79. Ta có thể bố thí tim, mắt, luôn cả thịt và máu của mình. Ta đã thông báo là ta có thể bố thí xác thân của mình nếu có người van xin.
80. Sabhāvaṃ cintayantassa akampitamasaṇṭhitaṃ
akampī tattha paṭhavī sineruvanavaṭaṃsakā.
80. Trong khi ta đang suy xét về bản tánh không dao động không hẹp hòi, tại nơi ấy trái đất với tràng hoa là khu rừng ở núi Sineru đã rúng động.
81. Anvaddhamāse paṇṇarase puṇṇamāse uposathe
paccayaṃ nāgamāruyha dānaṃ dātuṃ upāgamiṃ.
81. Mỗi nửa tháng, vào ngày mười lăm và ngày cuối tháng là ngày trai giới, ta đã cưỡi lên con voi Paccaya và đã đi đến để bố thí tặng phẩm.
82. Kāliṅgaraṭṭhavisayā brāhmaṇā upagañchu maṃ
āyācuṃ maṃ hatthināgaṃ dhaññaṃ maṅgalasammataṃ.
82. Những người Bà-la-môn từ lãnh thổ vương quốc Kaliṅga đã đi đến gặp ta. Họ đã cầu xin ta con long tượng được xem là biểu hiện của sự thịnh vượng và may mắn:
83. Avuṭṭhiko janapado dubbhikkho chātako mahā
dadāhi pavaraṃ nāgaṃ sabbasetaṃ gajuttamaṃ.
83. “Xứ sở chúng tôi không có mưa, thức ăn hiếm hoi, đói kém trầm trọng. Xin ngài hãy ban cho con long tượng cao quý, toàn màu trắng, tối thắng của loài voi.”
84. Dadāmi na vikampāmi yaṃ maṃ yācanti brāhmaṇā
santaṃ nappatiguhāmi dāne me ramatī mano.
84. Ta bố thí điều mà những người Bà-la-môn yêu cầu ta; ta không rung động. Ta không thu giấu vật đang sở hữu. Tâm ý của ta hoan hỉ trong việc bố thí.
85. Na me yācakamanuppatte paṭikkhepo anucchavo
mā me bhijji samādānaṃ dassāmi vipulaṃ gajaṃ.
85. (Nghĩ rằng): “Đối với ta, khi có được người cầu xin thì sự từ chối là điều không đúng đắn. Sự thọ trì của ta chớ có bị đổ vỡ. Ta sẽ bố thí con voi vĩ đại.”
86. Nāgaṃ gahetvā soṇḍāya bhiṅkāre ratanāmaye
jalaṃ hatthe ākiritvā brāhmaṇānaṃ adaṃ gajaṃ.
86. Sau khi nắm lấy con voi ở chiếc ngà và rưới nước từ chiếc bình làm bằng ngọc quý lên bàn tay, ta đã cho con voi đến các vị Bà-la-môn.
87. Punāparaṃ dadantassa sabbasetaṃ gajuttamaṃ
tadāpi paṭhavī kampi sineruvanavaṭaṃsakā.
87. Lại một lần nữa, trong khi ta đang bố thí con voi tối thắng toàn màu trắng, khi ấy trái đất với tràng hoa là khu rừng ở núi Sineru cũng đã rúng động.
88. Tassa nāgassa dānena sivayo kuddhā samāgatā
pabbojesuṃ sakā raṭṭhā vaṅkaṃ gacchatu pabbataṃ.
88. Do việc bố thí con voi ấy, những người dân xứ Sivi giận dữ đã tụ họp lại và đã trục xuất (ta) ra khỏi vương quốc của ta (nói rằng): “Hãy cho ông ta đi đến ngọn núi Vaṅka.”
89. Tesaṃ nicchuhamānānaṃ akampitamasaṇṭhitaṃ
mahādānaṃ pavattetuṃ ekaṃ varamayācisaṃ.
89. Trong khi bọn họ xua đuổi, ta đã yêu cầu một ân huệ để tiến hành cuộc đại thí, không dao động, không hẹp hòi.
90. Yācitā sivayo sabbe ekaṃ varamadaṃsu me
sāvayitvā kaṇṇabheriṃ mahādānaṃ dadāmahaṃ.
90. Khi được yêu cầu, tất cả những người dân xứ Sivi đã ban cho ta một ân huệ. Sau khi cho vỗ kêu hai chiếc trống lớn, ta đã trao tặng món quà vĩ đại.
91. Athettha vattatī saddo tumulo bheravo mahā
dānena maṃ nīharanti puna dānaṃ dadātayaṃ.
91. Lúc bấy giờ, tại nơi ấy có âm thanh ầm ĩ, ồn ào, ghê rợn vang lên. Bởi sự bố thí (này), họ đã lôi kéo ta đi; một lần nữa ta đã trao tặng món quà vĩ đại.
92. Hatthi asse rathe datvā dāsidāsaṃ gavaṃ dhanaṃ
mahādānaṃ daditvāna nagarā nikkhamiṃ tadā.
92. Sau khi đã bố thí voi, ngựa, xe cộ, tôi trai, tớ gái, trâu bò, của cải, và đã ban phát cuộc đại thí, vào khi ấy ta đã rời khỏi thành phố.
93. Nikkhamitvāna nagarā nivattitvā vilokite
tadāpi paṭhavī kampī sineruvanavaṭaṃsakā.
93. Sau khi rời khỏi thành phố, ta đã quay người lại quan sát, khi ấy trái đất với tràng hoa là khu rừng ở núi Sineru cũng đã rúng động.
94. Catuvāhiṃ rathaṃ datvā ṭhatvā cātummahāpathe.
ekākiyo adutiyo maddideviṃ idamabrūviṃ.
94. Sau khi bố thí cỗ xe bốn ngựa kéo, ta đứng ở ngã tư đường, chỉ một mình không người hầu cận, và ta đã nói với Hoàng Hậu Maddī điều này:
95. Tvaṃ maddi kaṇhaṃ gaṇhāhi lahukā esā kaniṭṭhikā
ahaṃ jāliṃ gahessāmi garuko bhātiko hi so.
95. “Này Maddī, nàng hãy ẵm Kaṇhā(jinā), con bé nhẹ và là em gái. Ta sẽ ẵm Jāli bởi vì nó nặng và là anh trai.”
96. Padumaṃ puṇḍarīkaṃ va maddikaṇhājinaggī
ahaṃ suvaṇṇabimbaṃ va jāliṃ khattiyamaggahiṃ.
96. Maddī đã ôm lấy Kaṇhājinā như thể ôm lấy đóa sen xanh hoặc đóa sen trắng. Ta đã ôm lấy vị Sát-đế-lỵ Jāli như thể ôm lấy bầu đựng nước bằng vàng.
97. Abhijātā sukhumālā khattiyā caturo janā
visamaṃ samaṃ akkamantā vaṅkaṃ gacchāma pabbataṃ.
97. Bốn người Sát-đế-lỵ, dòng dõi quý tộc, có vóc dáng mảnh mai, tiến bước trên mặt đất lúc gồ ghề lúc bằng phẳng đi về hướng ngọn núi Vaṅka.
98. Ye keci manujā enti anumagge paṭippathe
maggaṃ te paṭi pucchāma kuhiṃ vaṅkatapabbato.
98. Chúng tôi đã hỏi những người đi cùng đường hoặc theo hướng ngược lại về lộ trình: “Ngọn núi Vaṅka ở nơi nào?”
99. Te tattha amhe passitvā karuṇaṃ giramudīrayuṃ
dukkhante paṭivedenti dūre vaṅkatapabbato.
99. Nhìn thấy chúng tôi ở nơi ấy, họ đã thốt lên lời thương xót. Họ bày tỏ nỗi đau xót (nói rằng): “Ngọn núi Vaṅka ở xa lắm.”
100. Yadi passanti pavane dārakā phalite dume
tesaṃ phalānaṃ hetumhi uparodanti dārakā.
100. Nếu hai đứa trẻ nhìn thấy những cây có trái ở trong khu rừng, hai đứa trẻ bật khóc vì nguyên nhân của những trái cây ấy.
101. Rodante dārake disvā ubbiggā vipulā dumā
sayamevonamitvāna upagacchanti dārake.
101. Trông thấy hai đứa trẻ khóc lóc, những cội cây cao lớn xum xuê tự động khom mình xuống đến gần hai đứa trẻ.
102. Idaṃ acchariyaṃ disvā abbhutaṃ lomahaṃsanaṃ
sādhukāraṃ pavattesi maddī sabbaṅgasobhanā.
102. Sau khi nhìn thấy điều kỳ diệu phi thường khiến lông tóc rởn ốc này, (hoàng hậu) Maddī, với sự rạng rỡ ở toàn thân, đã thốt lên lời tán thán (rằng):
103. Accheraṃ vata lokasmiṃ abbhutaṃ lomahaṃsanaṃ
vessantarassa tejena sayamevonatā dumā.
103. “Quả thật là điều kỳ diệu phi thường ở thế gian khiến lông tóc rởn ốc. Những cội cây đã tự động khom mình xuống bởi vì oai lực của Vessantara.”[19]
104. Saṅkhipiṃsu pathaṃ yakkhā anukampāya dārake
nikkhantadivase yeva cetaraṭṭhamupāgamuṃ.
104. Vì lòng thương xót hai đứa trẻ, các hàng Dạ-xoa đã thâu ngắn đường đi; chỉ nội trong ngày khởi hành họ đã đi đến vương quốc Ceta.
105. Saṭṭhirājasahassāni tadā vasanti mātule
sabbe pañjalikā hutvā rodamānā upāgamuṃ.
105. Lúc bấy giờ có sáu mươi ngàn vị vua cư ngụ ở Mātulā.[20] Tất cả đã chắp tay lên, than khóc, và đã đi đến gần.
106. Tattha vattetvā sallāpaṃ cetehi cetaputtehi
te tato nikkhamitvāna vaṅkaṃ agamuṃ pabbataṃ.
106. Ở tại nơi ấy, sau khi trao đổi trò chuyện cùng với các vị vương tử xứ Ceta ấy, rồi từ đó bốn người đã đi đến ngọn núi Vaṅka.
107. Āmantayitvā devindo vissakammaṃ mahiddhikaṃ
assamaṃ sukataṃ rammaṃ paṇṇasālaṃ sumāpaya.
107. Chúa Trời đã triệu tập vị Vissakamma có đại thần lực (ra lệnh rằng): “Khanh hãy khéo biến hóa ra một khu ẩn cư được xây dựng tốt đẹp có gian nhà lá xinh xắn.”
108. Sakkassa vacanaṃ sutvā vissakammo mahiddhiko
assamaṃ sukataṃ rammaṃ paṇṇasālaṃ sumāpayī.
108. Nghe theo lời của (Chúa Trời) Sakka, vị Vissakamma có đại thần lực đã khéo biến hóa ra một khu ẩn cư được xây dựng tốt đẹp có gian nhà lá xinh xắn.
109. Ajjhogahetvā pavanaṃ appasaddaṃ nirākulaṃ
caturo janā mayaṃ tattha vasāma pabbatantare.
109. Sau khi đã đi sâu vào khu rừng có ít tiếng động không có xáo trộn, bốn người chúng tôi đã sống ở tại nơi ấy, phía bên trong ngọn núi.
110. Ahañca maddidevī ca jālī kaṇhājinā cubho
aññamaññaṃ sokanudā vasāma assame tadā.
110. Khi ấy, ta và Hoàng Hậu Maddī cùng với hai con là Jāli và Kaṇhājinā đã sống ở khu ẩn cư giúp nhau xóa tan nỗi niềm sầu muộn.
111. Dārake anurakkhanto asuñño homi assame
maddī phalaṃ āharati poseti sā tayo jane.
111. Trong khi chăm nom hai đứa trẻ, ta không có đơn độc ở khu ẩn cư. Nàng Maddī mang về trái cây; nàng ấy nuôi dưỡng ba người.
112. Pavane vasamānassa addhiko maṃ upāgami
āyāci puttake mayhaṃ jāliṃ kaṇhājinañcubho.
112. Khi ta đang sống ở trong khu rừng, có người khách đi đường đã đến gặp ta và đã cầu xin cả hai người con của ta là Jāli và Kaṇhājinā.
113. Yācakaṃ upagataṃ disvā hāso me upapajjatha
ubho putte gahetvāna adāsiṃ brāhmaṇe tadā.
113. Khi trông thấy người cầu xin đi đến gần, sự mừng rỡ đã sanh khởi ở ta. Khi ấy, ta đã dắt cả hai người con và đã trao tặng cho vị Bà-la-môn.
114. Sake putte cajantassa jūjake brāhmaṇe yadā
tadāpi paṭhavī kampi sineruvanavaṭaṃsakā.
114. Khi ta dứt bỏ hai người con của chính bản thân cho vị Bà-la-môn Jūjaka, khi ấy trái đất với tràng hoa là khu rừng ở núi Sineru cũng đã rúng động.
115. Punadeva sakko oruyha hutvā brāhmaṇasannibho
āyāci maṃ maddideviṃ sīlavantiṃ patibbataṃ.
115. Hơn thế nữa, (Chúa Trời) Sakka, sau khi ngự xuống với dáng vóc vị Bà-la-môn, đã cầu xin ta Hoàng Hậu Maddī là người vợ có giới hạnh và chung thủy.
116. Maddiṃ hatthe gahetvāna udakañjali pūriya
pasantamanasaṅkappo tassa maddimadāsahaṃ.
116. Sau khi nắm lấy nàng Maddī ở cánh tay và làm đầy hai bàn tay bụm lại với nước, ta đã ban bố nàng Maddī cho vị ấy với tâm ý và tư duy hoan hỷ.
117. Maddiyā dīyamānāya gagane devā pamoditā
tadāpi paṭhavī kampī sineruvanavaṭaṃsakā.
117. Khi nàng Maddī đang được bố thí, chư thiên ở cõi trời đã mừng rỡ. Khi ấy, trái đất với tràng hoa là khu rừng ở núi Sineru cũng đã rúng động.
118. Jāliṃ kaṇhājinaṃ dhītaṃ maddideviṃ patibbataṃ
cajamāno na cintesiṃ bodhiyāyeva kāraṇā.
118. Trong khi dứt bỏ (người con trai) Jāli, người con gái Kaṇhājinā, và Hoàng Hậu Maddī người vợ chung thủy, ta đã không phải nghĩ ngợi với lý do chỉ là vì quả vị giác ngộ.
119. Na me dessā ubho puttā maddidevī na dessiyā
sabbaññutaṃ piyaṃ mayhaṃ tasmā piye adāsahaṃ.
119. Cả hai người con không có bị ta ghét bỏ, Hoàng Hậu Maddī không có bị ta ghét bỏ, đối với ta quả vị Toàn Giác là yêu quý; vì thế ta đã bố thí những người thân yêu.
120. Punāparaṃ brahāraññe mātāpitusamāgame
karuṇaṃ paridevante sallapante sukhaṃ dukhaṃ.
120. Vào một dịp khác nữa, khi hội ngộ cùng cha mẹ ở tại khu rừng bao la, trong khi bọn họ đang than khóc bi thảm nói về nỗi niềm hạnh phúc và khổ đau.
121. Hirottappena garunā ubhinnaṃ upasaṅkamiṃ
tadāpi paṭhavī kampi sineruvanavaṭaṃsakā.
121. Do sự tôn kính, ta đã đến gặp song thân với sự hổ thẹn và ái ngại. Khi ấy trái đất với tràng hoa là khu rừng ở núi Sineru cũng đã rúng động.
122. Punāparaṃ brahāraññe nikkhamitvā sañātibhi
pavisāmi puraṃ rammaṃ jetuttara puruttamaṃ.
122. Vào một dịp khác nữa, ta cùng với thân quyến đã lìa khỏi khu rừng bao la và đi vào thành phố tráng lệ là kinh thành Jetuttara.
123. Ratanāni satta vassiṃsu mahāmegho pavassatha
tadāpi paṭhavī kampi sineruvanavaṭaṃsakā.
123. Khi ấy, bảy loại châu báu đã đổ xuống cơn mưa, có đám mây lớn đã đổ tuôn mưa. Lúc bấy giờ, trái đất với tràng hoa là khu rừng ở núi Sineru cũng đã rúng động.
124. Acetanāyaṃ paṭhavī aviññāya sukhaṃ dukhaṃ
sāpi dānabalā mayhaṃ sattakkhattuṃ pakampathāti.
124. Ngay cả trái đất vô tư này không nhận thức được nỗi niềm hạnh phúc và khổ đau, nó cũng đã rung chuyển bảy lần bởi vì năng lực bố thí của ta.
Vessantaracariyaṃ navamaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Vessantara là phần thứ chín.
--ooOoo--
10. Sasapaṇḍitacariyaṃ
10. Hạnh của Con Thỏ Hiền Trí:
***
125. Punāparaṃ yadā homi sasako pavanacāriko
tiṇapaṇṇasākaphalabhakkho paraheṭhanavivajjito.
125. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là con thỏ lang thang ở trong rừng, có thức ăn là cỏ, lá cây, rau cải, và quả củ. Ta lánh xa việc hãm hại các kẻ khác.
126. Makkeṭo ca sigālo ca uddapoto cahaṃ tadā
vasāma ekasāmantā sāyaṃ pāto padissare.
126. Lúc bấy giờ, có một con khỉ, một con chó rừng, một con rái cá nhỏ, và ta sống trong cùng một khu vực, gặp gỡ nhau sáng chiều.
127. Ahaṃ te anusāsāmi kiriye kalyāṇapāpake
pāpāni parivajjetha kalyāṇebhinivissatha.
127. Ta giảng dạy cho chúng về các hành động lành dữ: “Các ngươi hãy xa lìa các điều ác, các ngươi hãy gắn bó với các việc thiện.”
128. Uposathamhi divase candaṃ disvāna pūritaṃ
etesaṃ tattha ācikkhiṃ divaso ajjuposatho.
128. Sau khi nhìn thấy mặt trăng đã tròn vào ngày trai giới, tại nơi ấy ta đã chỉ bảo chúng rằng: “Hôm nay là ngày trai giới.
129. Dānāni paṭiyādetha dakkhiṇeyyassa dātave
datvā dānaṃ dakkhiṇeyye upavassathuposathanti.
129. Các ngươi hãy chuẩn bị những tặng phẩm để bố thí đến bậc xứng đáng được dâng cúng. Sau khi đã bố thí tặng phẩm đến bậc xứng đáng được dâng cúng, các ngươi hãy thực hành ngày trai giới.”
130. Te me sādhūti vatvāna yathāsatti yathābalaṃ
dānāni paṭiyādetvā dakkhiṇeyyaṃ gavesisuṃ.
130. Chúng đã nói với ta rằng: “Sādhu, lành thay!” Rồi tùy theo khả năng, tùy theo sức lực, sau khi chuẩn bị các tặng phẩm chúng đã đi tìm bậc xứng đáng được dâng cúng.
131. Ahaṃ nissajja cintesiṃ dānaṃ dakkhiṇānucchavaṃ
yadihaṃ labhe dakkhiṇeyyaṃ kiṃ me dānaṃ bhavissati.
131. Ta đã ngồi xuống và suy nghĩ về tặng phẩm thích hợp với bậc xứng đáng được dâng cúng: “Nếu ta đạt được một bậc xứng đáng được dâng cúng thì tặng phẩm của ta sẽ là gì?
132. Na me atthi tilā muggā māsā vā taṇḍulā ghataṃ
ahaṃ tiṇena yāpemi na sakkā tiṇa dātave.
132. Ta không có mè, đậu xanh, đậu tây, gạo, hay bơ. Ta sống bằng cỏ nhưng bố thí cỏ là không thể được.
133. Yadi koci eti dakkhiṇeyyo bhikkhāya mama santike
dajjāhaṃ sakamattānaṃ na so tuccho gamissati.
133. Nếu có người là bậc xứng đáng được dâng cúng đi đến nơi ta để khất thực, ta sẽ cúng dường bản thân của mình; người ấy sẽ không (phải) ra đi mà không có gì.
134. Mama saṅkappamaññāya sakko brāhmaṇavaṇṇinā
āsayaṃ me upāgañchi dānaṃ vīmaṃsanāya me.
134. Biết được ý định của ta, (Chúa Trời) Sakka với dáng vóc của vị Bà-la-môn đã đi đến chổ ngụ của ta nhằm việc xác định việc bố thí của ta.
135. Tamahaṃ disvāna santuṭṭho idaṃ vacanamabrūviṃ
sādhu khosi anuppatto ghāsahetu mamantike.
135. Khi nhìn thấy vị ấy, ta đã hớn hở nói lên điều này: “Quả thật là tốt đẹp về việc ông đã đi đến chỗ tôi vì nguyên nhân thực phẩm.
136. Adinnapubbaṃ dānavaraṃ ajja dassāmi te ahaṃ
tuvaṃ sīlaguṇūpeto ayuttante paraheṭhanaṃ.
136. Hôm nay, tôi sẽ biếu ông tặng phẩm cao quí chưa từng được bố thí trước đây. Ông là con người thành tựu giới đức nên việc hãm hại kẻ khác là không thích hợp đối với ông.
137. Ehi aggiṃ padīpehi nānā kaṭṭhe samāniya
ahaṃ pacissamattānaṃ pakkaṃ tvaṃ bhakkhayissasi.
137. Ông hãy đi đến và đốt lên ngọn lửa. Hãy đem lại nhiều cây củi. Tôi sẽ nướng chín bản thân. Ông sẽ thọ thực vật đã được nấu chín.”
138. Sādhūti so haṭṭhamano nānā kaṭṭhe samānayi
mahantaṃ adāsi citakaṃ katvānaṅgāragabbhakaṃ.
138. Vị ấy, với tâm ý mừng rỡ, (nói rằng): “Sādhu, lành thay!” rồi đã đem lại nhiều cây củi đốt lên đống lửa lớn và đã tạo nên một cụm than hồng.
139. Aggiṃ tattha padīpesi yathā so khippaṃ mahā bhave
phoṭetvā rajagate gatte ekamantaṃ upāvisiṃ.
139. Vị ấy đã đốt lên ngọn lửa ở tại nơi ấy và ngọn lửa ấy đã mau chóng trở nên mãnh liệt như thế. Sau khi rủ sạch các chi thể bị lấm bụi, [21] ta đã tiến vào một bên (đống lửa).
140. Yadā mahā kaṭṭhapuñjo āditto dhama dhamāyati
taduppatitvā papatiṃ majjhe jālasikhantare.
140. Khi đống cây củi to lớn đã phát cháy bùng lên mạnh mẽ, ta đã nhảy lên và rơi vào ở chính giữa ngọn lửa.
141. Yathā sītodakaṃ nāma paviṭṭhaṃ yassa kassaci
sameti darathapariḷāhaṃ assādaṃ deti pīti ca.
141. Giống như bất cứ ai đã đi vào trong làn nước mát lạnh thì được dịu đi nỗi bực bội và cơn phiền muộn (của mình) đồng thời làm sanh khởi [22] sự hứng thú và phỉ lạc.
142. Tatheva jalataṃ aggiṃ paviṭṭhassa mamaṃ tadā
sabbaṃ sameti darathaṃ yathā sītodakaṃ viya.
142. Tương tợ y như thế, khi ta đi vào ngọn lửa đang cháy rực, tất cả nỗi bực bội đã được dịu đi, tợ như (đi vào) làn nước mát lạnh vậy.
143. Chavi chammaṃ maṃsaṃ naharuṃ aṭṭhiṃ hadayabandhanaṃ
kevalaṃ sakalaṃ kāyaṃ brāhmaṇassa adāsahantī.
143. Ta đã bố thí đến vị Bà-la-môn hết thảy toàn bộ thân thể gồm có lớp da ngoài, da trong, thịt, gân, xương, và cơ tim.
Sasapaṇḍitacariyaṃ dasamaṃ.
Hạnh của Con Thỏ Hiền Triết là phần thứ mười.
--ooOoo--
144. Akitti brāhmaṇo saṅkho kururājā dhanañjayo
mahā sudassano rājā mahāgovinda brāhmaṇo.
144. Bà-la-môn Akitti, Saṅkha, Dhañanjaya vua xứ Kuru, đức vua Mahāsudassana, Bà-la-môn Mahāgovinda,
145. Nimi canda kumāro ca sivi vessantaro saso
ahameva tadā āsiṃ yo te dānavare adā.
145. Nimi, hoàng tử Canda, Sivi, Vessantara, và con thỏ chính là ta vào lúc bấy giờ, và là người đã bố thí những tặng phẩm cao quý.
146. Ete dānaparikkhārā ete dānassa pāramī
jīvitaṃ yācake datvā imaṃ pārami pūrayiṃ.
146. Những hạnh này là những phần cơ bản của sự bố thí. Những hạnh này là các sự toàn hảo của sự bố thí. Sau khi bố thí mạng sống đến người cầu xin, ta đã làm đầy đủ sự toàn hảo (về bố thí) này.
147. Bhikkhāyupagataṃ disvā sakattānaṃ pariccajiṃ
dānena me samo natthi esā me dānapāramīti.
147. Sau khi nhìn thấy người đi đến gần để khất thực, ta đã xả bỏ bản thân mình. Không có ai bằng ta về sự bố thí; đây là sự toàn hảo về bố thí của ta.
Dānapāramitā niṭṭhitā.
Dứt sự toàn hảo về bố thí.
--ooOoo--
[1] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 480.
[2] ettha caritanti cariyā = ở đây, điều đã được thực hành là hạnh, CpA. 17.
[3] Chú Giải Sư Dhammapāla giải thích về từ asaṅkheyya như sau: “Ở đây, asaṅkheyya là không có khả năng để đếm, không thể tính đếm được, có ý nghĩa là vượt quá sự tính đếm.” Ngài còn giải thích rõ thêm: “Ý nghĩa ở đây là bốn lần không thể đếm được (bốn a-tăng-kỳ) của các đại kiếp cọng thêm một trăm ngàn đại kiếp” (CpA. 12). Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng “bốn a-tăng-kỳ cọng thêm một trăm ngàn” là một con số có giá trị vô cùng lớn.
[4] Đức Phật đang giảng giải cho ngài Sāriputta (Xá-lợi-phất), CpA. 20.
[5] Tidivādhibhū là Chúa cõi trời Tidivā, tức là cõi Tāvatiṃsa (Đạo Lợi), CpA. 24.
[6] Bị oi bức do hơi nóng phát ra ở tảng đá ngồi có phủ gấm vàng của vị ấy CpA. 24.
[7] Mô tả tính chất bố thí bất cứ vật gì thuộc về bản thân không phân biệt, CpA. 24. Như vậy, lúc này, đức Bồ-tát chỉ sử dụng lá cây ở trong rừng để làm thức ăn.
[8] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 442.
[9] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 276.
[10] Kinh Đại Thiện Kiến Vương, Trường Bộ Kinh II; Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 95.
[11] So sánh với Kinh Đại Điền-tôn (Mahāgovindasuttaṃ), Trường Bộ Kinh II.
[12] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 541.
[13] Nghĩa là đã tiến hành ngày đêm không gián đoạn đến lúc dứt tuổi thọ, CpA. 54.
[14] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 542.
[15] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 499.
[16] Sīvaka là tên vị ngự y của đức vua Sivi, CpA. 66.
[17] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 547.
[18] Chú giải ghi rằng: vào kiếp sống quá khứ liền trước đó, CpA. 74.
[19] Do nhờ năng lực phước báu của Vessantara, CpA. 87.
[20] Mātulā là tên của một thành phố thuộc vương quốc Ceta, CpA. 87.
[21] Nếu có các chúng sanh ở trong bộ lông thì “chớ để chúng bị chết,” (nghĩ thế) ta đã rúng rẩy các phần thân thể đang bị lấm bụi của ta ba lần, CpA. 106.
[22] deti được giải thích là uppādeti (làm sanh khởi), CpA. 107.
II. SĪLAPĀRAMITĀ
1. Mātuposakacariyaṃ
1. Hạnh của Vị Nuôi Dưỡng Mẹ:
***
148. Yadā ahosi pavane kuñjaro mātuposako
na tadā atthi mahiyā guṇena mama sādiso.
148. Vào lúc ta là con voi nuôi dưỡng voi mẹ ở trong rừng rậm. Lúc bấy giờ, ở trên trái đất không có người tương đương với ta về giới đức.
149. Pavane disvā vanacaro rañño maṃ paṭivedayi
tavānucchavo mahārāja gajo vasati kānane.
149. Có người đi rừng, sau khi nhìn thấy ta ở khu rừng rậm, đã thông báo với đức vua rằng: “Tâu đại vương, có con voi được xứng đáng với ngài đang sống ở trong rừng.
150. Na tassa parikhāya’ttho napi āḷhakakāsuyā
samaṃ gahite soṇḍāya sayameva idhehiti.
150. Không cần phải gây thương tích cho nó, cũng không cần đến cọc trói và hầm hố. Khi được nắm ở vòi của chính nó, tự thân nó sẽ đi đến chỗ này.”
151. Tassa taṃ vacanaṃ sutvā rājāpi tuṭṭhamānaso
pesesi hatthidamakaṃ chekācariyaṃ susikkhitaṃ.
151. Nghe được lời nói ấy của ông ta, ngay cả đức vua cũng có tâm trí hớn hở và đã phái đi người thuần hóa voi, là bậc thầy kinh nghiệm, đã được huấn luyện rành rẽ.
152. Gantvāna so hatthidamako addasa padumassare
bhisamulālaṃ uddharantaṃ yāpanatthāya mātuyā.
152. Sau khi đi đến, người thuần hóa voi ấy đã nhìn thấy (ta), ở trong hồ sen, đang nhổ lên rễ và ngó sen nhằm mục đích nuôi dưỡng mẹ.
153. Viññāya me sīlaguṇaṃ lakkhaṇaṃ upadhārayi
ehi puttāti vatvāna mama soṇḍāya aggahi.
153. Biết được giới đức của ta, người này đã xác định các đặc điểm và đã nói rằng: “Này con trai, hãy đi đến,” rồi đã nắm chặt cái vòi của ta.
154. Yaṃ me tadā pākatikaṃ sarīrānugataṃ balaṃ
ajja nāgasahassānaṃ balena samasādisaṃ.
154. Khi ấy, sức mạnh tự nhiên đồng hành với cơ thể của ta là tương đương với sức mạnh của một ngàn con voi ngày hôm nay.
155. Yadihaṃ tesaṃ pakuppeyyaṃ upetānaṃ gahanāya maṃ
paṭibalo bhave tesaṃ yāva rajjampi mānusaṃ.
155. Nếu ta nổi cơn giận dữ với những người đã đi đến để bắt ta, ta có thừa khả năng đối với bọn họ, thậm chí luôn cả vương quốc của những người ấy nữa.
156. Api cāhaṃ sīlarakkhāya sīlapāramī pūriya
na karomi citte aññathattaṃ pakkhipante mamāḷhake.
156. Hơn nữa, vì gìn giữ giới để làm viên mãn sự toàn hảo về giới, ta không làm thay đổi tâm ý trong khi họ xô đẩy ta vào cây cọc trói.
157. Yadi te maṃ tattha koṭṭeyyuṃ phrasūhi tomarehi ca
neva tesaṃ pakuppeyyaṃ sīlakhaṇḍabhayā mamāti.
157. Nếu bọn họ có làm tổn thương ta bằng những cái rìu và những cây thương, ta cũng chẳng nổi cơn giận dữ đối với bọn họ vì ta có nỗi lo sợ bị đứt giới.
Mātuposakacariyaṃ paṭhamaṃ.
Hạnh của Vị Nuôi Dưỡng Mẹ là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2. Bhūridattacariyaṃ
2. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Bhūridatta:[23]
***
158. Punāparaṃ yadā homi bhūridatto mahiddhiko
virūpakkhena mahāraññā devalokamagacchahaṃ.
158. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là Bhūridatta có đại thần lực. Ta đã đi đến cõi trời cùng với vị Đại Vương Virūpakkha.[24]
159. Tattha passitvāhaṃ deve ekantaṃ sukha samappite
taṃ saggaṃ gamanatthāya sīlabbataṃ samādiyiṃ.
159. Sau khi nhìn thấy chư thiên ở tại nơi ấy được thọ hưởng an lạc trọn vẹn, ta đã thọ trì giới cấm nhằm mục đích đi đến cõi trời ấy. [25]
160. Sarīrakiccaṃ katvāna bhūtvā yāpanamattakaṃ
caturo aṅge adhiṭṭhāya semi vammikamuddhani.
160. Sau khi làm phận sự đối với cơ thể [26] và thọ dụng chỉ đủ để nuôi sống, ta đã quyết định về bốn chi phần (của cơ thể) [27] rồi đã nằm ở trên đỉnh của gò mối.
161. Chaviyā cammena maṃsena nahāruaṭṭhikehi vā
yassa etena karaṇīyaṃ dinnaṃ eva harātu so.
161. Đối với người nào có việc cần dùng đến da ngoài, da trong, thịt, các sợi gân, hoặc các khúc xương (ở cơ thể ta), chính vì là vật đã được bố thí nên hãy để người ấy mang đi.
162. Saṃsito akataññunā ālambano mamaggahi
peḷāya pakkhipitvāna kīḷeti maṃ tahiṃ tahiṃ.
162. Khi ta đang nằm, kẻ vô ơn Ālambana [28] đã nắm lấy ta ném vào trong giỏ rồi đã bắt ta làm trò vui ở nơi này nơi khác.
163. Peḷāya pakkhipantepi sammaddantepi pāṇinā
ālambane na kuppāmi sīlakhaṇḍabhayā mama.
163. Ngay cả trong khi ông ấy ném (ta) vào giỏ, thậm chí trong khi ông ấy dùng bàn tay đè bẹp (ta) xuống, ta không giận dữ đối với Ālambana vì ta có nỗi lo sợ bị đứt giới.
164. Sakajīvitapariccāgo tiṇato lahuko mama
sīlavītikkamo mayhaṃ paṭhavī-ubbattanā viya.
164. Sự xả bỏ sanh mạng bản thân của ta là nhẹ hơn cọng cỏ. Sự phá giới đối với ta tương tợ như việc đảo ngược trái đất.
165. Nirantaraṃ jātisataṃ cajeyyaṃ mama jīvitaṃ
neva sīlaṃ pabhindeyyaṃ catudīpānahetupi.
165. Liên tục một trăm kiếp sống, ta có thể xả bỏ mạng sống của ta chứ không thể nào làm đứt giới cho dù là vì nguyên nhân (làm vua cai trị) bốn châu lục.
166. Api cāhaṃ sīlarakkhāya sīlapāramipūriyā
na karomi citte aññathattaṃ pakkhipantamhi peḷaketi.
166. Hơn nữa, vì gìn giữ giới để làm viên mãn sự toàn hảo về giới, ta không làm thay đổi tâm ý trong khi (Ālambana) ném (ta) vào trong giỏ.
Bhūridattacariyaṃ dutiyaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Bhūridatta là phần thứ nhì.
--ooOoo--
3. Campeyyanāgacariyaṃ
3. Hạnh của Con Rồng Campeyya: [29]
***
167. Punāparaṃ yadā homi campeyyako mahiddhiko
tadāpi dhammiko [30]āsiṃ sīlabbatasamappito.
167. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là Campeyyaka có đại thần lực. Vào thời ấy, ta cũng đã là người nghiêm túc, hành trì giới cấm.
168. Tadāpi maṃ dhammacāriṃ upavutthaṃ uposathaṃ
ahituṇḍiko gahetvāna rājadvāramhi kīḷati.
168. Cũng vào khi ấy, trong khi ta là người hành pháp đang thực hành ngày trai giới, một người luyện rắn đã tóm bắt lấy ta rồi đã bắt ta làm trò vui ở cổng hoàng cung.
169. Yaṃ so vaṇṇaṃ cintayati nīlaṃ pītañca lohitaṃ
tassa cittānuvattento homi cintitasantibho.
169. Gã ấy nghĩ về màu nào, xanh, vàng, hoặc đỏ, còn ta, trong khi biến đổi theo ý nghĩ của gã ấy, trở thành (có màu sắc) giống như đã được suy nghĩ (bởi người ấy).
170. Thalaṃ kareyyaṃ udakaṃ udakampī thalaṃ kare
yadihaṃ tassa pakuppeyyaṃ khaṇena jārikaṃ kare.
170. Ta có thể biến đất thành nước, và cũng có thể biến nước thành đất. Nếu ta nổi giận đối với gã ấy, ta có thể biến (gã ấy) trở thành tro bụi trong một sát-na.[31]
171. Yadi cittavasī hessaṃ parihāyissāmi sīlato
sīlena parihīṇassa uttamattho na sijjhati.
171. Nếu như ta thể hiện năng lực của tâm, ta sẽ từ bỏ giới; (và) mục đích tối thượng không được thành tựu đến người từ bỏ giới.
172. Kāmaṃ bhijjatu yaṃ kāyo idheva vikirīyatu
neva sīlaṃ pabhindeyyaṃ vikirante bhusaṃ viyāti.
172. Dầu sao đi nữa, hãy để thân xác này bị tan vỡ, hãy để nó bị phân tán ở ngay đây; trong khi bị tan tác giống như bụi phấn, ta cũng không thể nào làm đứt giới.
Campeyyanāgacariyaṃ tatiyaṃ.
Hạnh của Con Rồng Campeyya là phần thứ ba.
--ooOoo--
4. Cullabodhicariyaṃ
4. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Cullabodhi:[32]
***
173. Punāparaṃ yadā homi cullabodhi susīlavā
bhavaṃ disvāna bhayato nekkhammaṃ abhinikkhamiṃ.
173. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là Cullabodhi, là người có giới hạnh. Nhìn thấy hiện hữu là nguy hiểm, ta đã ra đi theo hạnh xuất ly.
174. Yā me dutiyikā āsi brāhmaṇī kanakasantibhā
sāpi vaṭṭe anapekkhā nekkhammaṃ abhinikkhamī.
174. Ta có người vợ dòng dõi Bà-la-môn có nước da như vàng ròng. Cô ta cũng không mong muốn luân hồi nên đã ra đi theo hạnh xuất ly.
175. Nirālayā chinnabandhū anapekkhā kule gaṇe
carantā gāmanigamaṃ bārāṇasimupāgamuṃ.
175. Không dính mắc, thân quyến đã lìa, không mong muốn về gia đình, (hay) về đồ chúng, chúng tôi du hành qua làng mạc phố chợ và đã đi đến Bārāṇasī.
176. Tattha vasāma nipakā asaṃsaṭṭhā kule gaṇe
nirākule appasadde rājuyyāne vasāmubho.
176. Ở tại nơi ấy, chúng tôi đã sống khôn khéo, không cấu kết gia đình, bè đảng. Cả hai đã sống trong khu vườn của đức vua, không bị quấy rầy, ít có tiếng động.
177. Uyyānadassanaṃ gantvā rājā addasa brāhmaṇiṃ
upagamma mamaṃ pucchi tuyhesā kassa bhāriyā.
177. Đức vua đã đi đến ngoạn cảnh khu vườn và đã nhìn thấy người nữ Bà-la-môn. Ngài đã đi đến gặp ta và hỏi rằng: “Nàng ấy là vợ của khanh hay của ai?”
178. Evaṃ vutte ahaṃ tassa idaṃ vacanamabravi
na mayhaṃ bhariyā esā sahadhammā ekasāsanī.
178. Được nói như vậy, ta đã nói với đức vua lời này: “Nàng ấy không phải là vợ của thần, nàng là người đồng đạo, cùng chung giáo lý.”
179. Tassāsārattādhigato gāhāpetvāna ceṭake
nippīḷayanto balasā antepuraṃ pavesayī.
179. Bị ái luyến và khát khao nàng ấy, đức vua đã ra lệnh các thuộc hạ bắt giữ rồi dùng sức mạnh để ép buộc đưa nàng vào nội cung.
180. Odapattakiyā mayhaṃ sahajā ekasāsanī
ākaḍḍhitvā nayantiyā kopo me uppajjatha.
180. Nàng là người vợ của ta theo nghi thức chạm vào bát nước, đồng thời xuất gia cùng chung giáo lý. Trong khi nàng bị lôi kéo đưa đi, sự giận dữ đã khởi lên ở ta.
181. Saha kope samuppanne sīlabbatamanussariṃ
tattheva kopaṃ niggaṇhiṃ nādāsiṃ vaḍḍhitūpari.
181. Cùng lúc khi cơn giận đã được phát khởi, ta đã nhớ lại giới cấm. Ngay tại nơi ấy, ta đã nén lại cơn giận và đã không cho bộc phát lên.
182. Yadihaṃ brāhmaṇiṃ koci koṭṭeyya tiṇhasattiyā
neva sīlaṃ pabhindeyyaṃ bodhiyāyeva kāraṇā.
182. Nếu như có ai dùng con dao bén đâm chém người nữ Bà-la-môn ấy, ta cũng không thể nào làm đứt giới với lý do chỉ là vì quả vị giác ngộ.
183. Na me sā brāhmaṇī dessā na pi me balaṃ na vijjati
sabbaññutaṃ piyaṃ mayhaṃ tasmā sīlānurakkhissanti.
183. Người nữ Bà-la-môn ấy không có bị ta ghét bỏ, cũng không phải là sức mạnh của ta không có. Ðối với ta quả vị Toàn Giác là yêu quý; vì thế ta sẽ gìn giữ giới hạnh.
Cullabodhicariyaṃ catutthaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Cullabodhi là phần thứ tư.
--ooOoo--
5. Mahisarājacariyaṃ
5. Hạnh của Con Trâu Chúa: [33]
***
184. Punāparaṃ yadā homi mahiso pavanacāriko
pavaḍḍhakāyo balavā mahanto bhīmadassano.
184. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là con trâu lang thang ở trong khu rừng rậm, có thân thể phát triển, khỏe mạnh, to lớn, trông thấy phải sợ hãi.
185. Pabbhāre giridugge ca rukkhamūle dakāsaye
hotettha ṭhānaṃ mahisānaṃ koci koci tahiṃ tahiṃ.
185. Nơi ấy, trong hang động, ở sườn núi dốc, dưới cội cây, (gần) nơi hồ nước, có (các) khu vực rải rác đó đây dành cho loài trâu.
186. Vicaranto brahāraññe ṭhānaṃ addasa bhaddakaṃ
taṃ ṭhānaṃ upagantvāna tiṭṭhāmi ca sayāmi ca.
186. Trong khi đi lang thang ở khu rừng rậm, ta đã nhìn thấy một nơi thuận tiện. Ta đã đi đến nơi ấy, đứng lại, rồi nằm xuống.
187. Athettha kapimāgantvā pāpo anariyo lahu
khandhe nalāṭe bhamuke mutteti ohaṇeti maṃ.
187. Rồi có con khỉ đê tiện, thô lỗ, nhanh nhảu đã đi đến nơi ấy và tiểu tiện, đại tiện ở trên lưng, trên trán, và lông mày của ta.
188. Sakimpi divasaṃ dutiyaṃ tatiyaṃ catutthampi ca
dūseti maṃ sabbakālaṃ tena homi upadduto.
188. Một lần trong ngày, rồi lần thứ hai, lần thứ ba, và thậm chí đến lần thứ tư, nó làm ta bị nhơ bẩn vào mọi lúc; vì điều ấy, ta trở nên bực bội.
189. Mamaṃ upaddutaṃ disvā yakkho maṃ idamabravi
nāsehetaṃ chavaṃ pāpaṃ siṅgehi ca khurehi ca.
189. Nhìn thấy sự bực bội của ta, có con Dạ-xoa đã nói với ta điều này: “Ngươi hãy giết chết cái loài tồi tệ đê tiện ấy bằng các sừng và các móng chân.”
190. Evaṃ vutte tadā yakkhe ahaṃ taṃ idamabraviṃ
kiṃ tvaṃ makkhesi kuṇapena pāpena anariyena maṃ.
190. Được con Dạ-xoa nói như vậy, khi ấy ta đã nói với con Dạ-xoa ấy điều này: “Sao ngươi lại bôi nhọ ta với cái thây ma đê tiện và thô lỗ?
191. Yadihaṃ tassa kuppeyyaṃ tato hīnataro bhave
sīlañca me pabhijjeyya viññū ca garaheyyu maṃ.
191. Nếu ta nổi giận với nó, vì điều đó ta sẽ trở nên tồi tệ hơn, giới của ta có thể bị đứt, và người trí có thể khiển trách ta.
192. Hīḷitā jīvitā cāpi parisuddhena mataṃ varaṃ
kyāhaṃ jīvitahetupi kāhāmi paraheṭhanaṃ.
192. Vả lại, sống mà hổ thẹn thì chết với sự trong sạch là cao quý. Cho dù nguyên nhân là mạng sống, không thể nào ta lại gây ra sự tổn hại cho kẻ khác?
193. Mame vāyamaññamāno aññepevaṃ karissati
teva tattha vadhissanti sā me mutti bhavissati.
193. Trong khi suy nghĩ về những người khác là giống như ta, con khỉ này cũng sẽ hành động như thế. Chính họ sẽ giết chết nó tại nơi ấy, còn ta thì sẽ có được sự giải thoát này.[34]
194. Hīnamajjhimaukkaṭṭhe sahanto avamānitaṃ
evaṃ labhati sappañño manasā yathāpatthitanti.
194. Trong khi nhẫn nhịn sự khinh miệt ở những người kém cỏi, trung bình, hoặc cao quý, như thế bậc thiện trí đạt được theo như điều đã được mong mỏi bởi tâm ý.[35]
Mahisarājacariyaṃ pañcamaṃ.
Hạnh của Con Trâu Chúa là phần thứ năm.
--ooOoo--
6. Rurumigarājacariyaṃ
6. Hạnh của Con Nai Chúa Ruru: [36]
***
195. Punāparaṃ yadā homi sutattakanakasannibho
migarājā rurunāma paramasīlasamāhito.
195. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là vua của loài nai, có tên là Ruru, có màu lông tợ như vàng nung đỏ, đang chú tâm vào giới hạnh tối cao.
196. Ramme padese ramaṇīye vivitte amanussake
tattha vāsaṃ upagañchiṃ gaṅgākūle manorame.
196. Ta đã đi đến trú ngụ tại nơi ấy, ở một khu đất xinh xắn, đáng yêu, thanh vắng, không có loài người, bên bờ sông Gaṅgā [37] thích ý.
197. Atho uparigaṅgāya dhanikehi paripīḷito
puriso gaṅgāya papati jīvāmi vā marāmi vā.
197. Khi ấy, ở thượng nguồn sông Gaṅgā, có người đàn ông bị bức bách bởi những chủ nợ nên đã gieo mình xuống dòng sông Gaṅgā (nghĩ rằng): “Ta hoặc là sống hay là chết.”
198. Rattindivaṃ so gaṅgāya vuyhamāno mahodake
ravanto karuṇaṃ rāvaṃ majjhe gaṅgāya gacchati.
198. Trong khi bị cuốn trôi ở giòng nước lớn và kêu la thảm thiết ngày đêm, người ấy trôi ra giữa dòng sông Gaṅgā.
199. Tassāhaṃ saddaṃ sutvāna karuṇaṃ paridevato
gaṅgāya tīre ṭhatvāna apucchiṃ kosi tvaṃ naro.
199. Nghe được tiếng kêu la thảm thiết của người ấy đang than khóc, ta đã đứng ở bờ sông Gaṅgā hỏi rằng: “Ông là người nào?”
200. So me puṭṭho ca vyākāsi attano kāraṇaṃ tadā
dhanikehi bhīto tasito pakkhantohaṃ mahānadiṃ.
200. Và khi được ta hỏi, người ấy đã giải thích hành động của mình: “Sợ hãi những người chủ nợ, bị hoảng hốt, tôi đã lao mình xuống dòng sông lớn.”
201. Tassa katvāna kāruññaṃ cajitvā mama jīvitaṃ
pavisitvā nīhariṃ tassa andhakāramhi rattiyā.
201. Khởi tâm thương xót người ấy, ta đã buông bỏ mạng sống của mình, lao vào (dòng nước), và đã vớt người ấy lên trong bóng tối của ban đêm.
202. Assattha kālamaññāya tassāhaṃ idamabruviṃ
ekaṃ taṃ varaṃ yācāmi mā maṃ kassaci pāvada.
202. Nhận biết được thời điểm đã được hồi phục, ta đã nói với người ấy điều này: “Ta yêu cầu ngươi một ân huệ là ngươi chớ có nói về ta đối với bất cứ người nào.”
203. Nagaraṃ gantvāna ācikkhi pucchito dhanahetuko
rājānaṃ so gahetvāna upagañchi mamantikaṃ.
203. Sau khi đi đến thành phố, người ấy vì nguyên nhân của cải đã nói ra khi được hỏi, rồi đã đưa đức vua đi đến vùng phụ cận của ta.
204. Yāvatā kāraṇaṃ sabbaṃ rañño ārocitaṃ mayā
rājā sutvāna vacanaṃ usuṃ tassa pakappayī
idheva ghātayissāmi mittadubbhiṃ anāriyaṃ.
204. Toàn bộ sự việc đến đâu đã được ta tường thuật cho đức vua. Nghe được lời kể lại, đức vua đã hướng mũi tên vào người ấy (nói rằng): “Trẫm sẽ giết chết kẻ đê tiện phản bội bạn bè ngay tại chỗ này.”
205. Tamahaṃ anurakkhanto nimminiṃ mama attano
tiṭṭhateso mahārāja kāmaṅkāro bhavāmi te.
205. Trong khi bảo vệ cho người ấy, ta đã hoán đổi (người ấy) bằng bản thân của ta (nói rằng): “Tâu đại vương hãy để cho người ấy sống. Thần sẽ là người tạo ra lạc thú cho ngài.”
206. Anurakkhiṃ mama sīlaṃ nārakkhiṃ mama jīvitaṃ
sīlavā hi tadā āsiṃ bodhiyā eva kāraṇāti.
206. Ta đã bảo vệ giới của ta. Ta đã không bảo tồn mạng sống của mình. Bởi vì, vào lúc ấy ta đã là người có giới hạnh với lý do chỉ là vì quả vị giác ngộ.
Rururājacariyaṃ chaṭṭhamaṃ.
Hạnh của Con Nai Chúa Ruru là phần thứ sáu.
--ooOoo--
7. Mātaṅgacariyaṃ
7. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Mātaṅga: [38]
***
207. Punāparaṃ yadā homi jaṭilo uggatāpano
mātaṅgo nāma nāmena sīlavā susamāhito.
207. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là đạo sĩ tóc bện nghiêm trì khổ hạnh, có giới đức, định tâm bền vững, tên là Mātaṅga.
208. Ahañca brāhmaṇo eko gaṅgākūle vasāmubho
ahaṃ vasāmi upari heṭṭhā vasati brāhmaṇo.
208. Ta và một vị Bà-la-môn, cả hai sống ở bên bờ sông Gaṅgā. Ta sống ở thượng nguồn, còn vị Bà-la-môn sống ở hạ nguồn.
209. Vicaranto anukūlamhi uddhaṃ me assamaddasa
tattha maṃ paribhāsetvā abhisapi muddhaphālanaṃ.
209. Trong khi đi lang thang dọc theo bờ sông, vị Bà-la-môn đã nhìn thấy khu ẩn cư của ta ở thượng nguồn. Tại nơi ấy, sau khi mắng nhiếc ta, vị ấy đã nguyền rủa về sự vỡ tan cái đầu (của ta).
210. Yadihaṃ tassa pakuppeyyaṃ yadi sīlaṃ na gopaye
oloketvāna’haṃ tassa kareyyaṃ chārikaṃ viya.
210. Nếu ta nổi cơn giận dữ đối với vị này, nếu ta không gìn giữ giới, thì sau khi nhìn vào vị ấy ta có thể làm cho trở thành như là tro bụi.
211. Yaṃ so tadā maṃ abhisapi kupito duṭṭhamānaso
tasseva matthake nipati yogena taṃ pamocayiṃ.
211. Lúc bấy giờ, điều mà vị ấy nguyền rủa ta trong lúc bị bực tức và có tâm ý xấu xa lại được áp dụng ở trên cái đầu của chính vị ấy. Ta đã giúp cho vị ấy được thoát khỏi (việc bị bể đầu thành bảy mảnh) bằng thủ thuật. [39]
212. Anurakkhiṃ mama sīlaṃ nārakkhiṃ mama jīvitaṃ
sīlavā hi tadā āsiṃ bodhiyā yeva kāraṇāti.
212. Ta đã bảo vệ giới của ta. Ta đã không bảo tồn mạng sống của mình. Bởi vì, vào lúc ấy ta đã là người có giới hạnh với lý do chỉ là vì quả vị giác ngộ.
Mātaṅgacariyaṃ sattamaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Mātaṅga là phần thứ bảy.
--ooOoo--
8. Dhammadevaputtacariyaṃ
8. Hạnh của Thiên Tử Dhamma: [40]
***
213. Punāparaṃ yadā homi mahesakko mahiddhiko
dhammo nāma mahāyakkho sabbalokānukampako.
213. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là Đại Dạ-xoa tên là Dhamma, có tùy tùng đông đảo, có đại thần lực, có lòng bi mẫn đối với tất cả thế gian.
214. Dasa kusalakammapathe samādapento mahājanaṃ
carāmi gāmanigamaṃ samitto saparijjano.
214. Trong lúc khuyến khích dân chúng hành trì thập thiện nghiệp đạo, ta cùng với bạn bè và những người hầu cận đi đến các thôn làng phố chợ.
215. Pāpo kadariyo yakkho dīpento dasa pāpake
sopettha mahiyā carati samitto saparijjano.
215. Có con Dạ-xoa độc ác, bỏn xẻn, trong lúc giảng giải về thập ác, nó với bạn bè và những người hầu cận cũng đi khắp trái đất này.
216. Dhammavādī adhammo ca ubho paccanikā mayaṃ
dhūre dhūraṃ ghaṭṭayantā samimhā paṭipathe ubho.
216. Là những người nói về chánh pháp và tà pháp, cả hai chúng tôi là đối thủ. Trong khi va chạm càng xe với càng xe ở lối đi ngược chiều, cả hai đối mặt nhau.
217. Kalaho vattatī bhesmā kalyāṇapāpakassa ca
maggā okkamanatthāya mahāyuddho upaṭṭhito.
217. Cuộc xung đột giữa thiện và ác đã xảy ra một cách ghê rợn, và trận chiến đấu lớn lao vì việc rời khỏi đường lộ là sắp sửa xảy ra.
218. Yadihaṃ tassa pakuppeyyaṃ yadi bhinde tapoguṇaṃ
saha parijanaṃ tassa rajabhūtaṃ kareyyahaṃ.
218. Nếu như ta nổi cơn giận dữ đối với gã ấy, nếu như ta phá vỡ đức tính khổ hạnh, ta có thể làm cho gã ấy và đoàn tùy tùng trở thành tro bụi.
219. Api cāhaṃ sīlarakkhāya nibbāpetvāna mānasaṃ
saha janenokkamitvā pathaṃ pāpassa’dāsahaṃ.
219. Tuy nhiên, nhằm mục đích gìn giữ giới hạnh, ta đã làm nguội lạnh tâm ý. Sau khi cùng với đám người bước xuống, ta đã nhường đường cho kẻ ác.
220. Saha pathato okkante katvā cittassa nibbutiṃ
vivaraṃ adāsi paṭhavī pāpayakkhassa tāvadeti.
220. Cùng lúc ta đang rời khỏi đường lộ sau khi đã làm nguội lạnh tâm ý, trái đất ngay lập tức đã tạo ra khe nứt dành cho con Dạ-xoa ác xấu.
Dhammadevaputtacariyaṃ aṭṭhamaṃ.
Hạnh của thiên tử Dhamma là phần thứ tám.
--ooOoo--
9. Alīnasattacariyaṃ
9. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Alīnasatta: [41]
***
221. Pañcālaraṭṭhe nagaravare kampillāyaṃ puruttame
rājā jayaddiso nāma sīlaguṇamupāgato.
221. Ở trong kinh thành Kampillā, thành phố tráng lệ thuộc vương quốc Pancāla, có đức vua tên Jayaddisa đã được thành tựu giới đức.
222. Tassa rañño ahaṃ putto sutadhammo susīlavā
alīnasatto guṇavā anurattaparijano sadā.
222. Là Alīnasatta, người con trai của đức vua ấy, ta được học tập, có giới hạnh tốt, có đức độ, luôn luôn quan tâm đến người hầu cận.
223. Pitā me migavaṃ gantvā porisādaṃ upāgami
so me pitumaggahesi bhakkhosi mama mā cali.
223. Cha ta đã đi săn thú rừng và đã đến gần bên Porisāda (kẻ ăn thịt người). Gã ấy đã bắt giữ cha ta (nói rằng): “Ngươi là thức ăn của ta, chớ có vùng vẫy.”
224. Tassa taṃ vacanaṃ sutvā bhīto tasitavedhito
ūrukkhambho ahū tassa disvāna porisādakaṃ.
224. Sau khi được nghe lời nói ấy của gã, đức vua đã trở nên hoảng hốt, run rẩy vì sợ hãi, cứng đờ chân cẳng khi trông thấy kẻ ăn thịt người.
225. Migavaṃ gahetvā muñcassu katvā āgamanaṃ puna
brāhmaṇassa dhanaṃ datvā pitā āmantayī mamaṃ.
225. (Đức vua đã nói rằng:) “Hãy giữ lấy con thú rừng, rồi trả tự do cho ta,” và đã hứa hẹn việc sẽ quay trở lại. Sau khi giao lại tài sản cho vị (quan đại thần) Bà-la-môn, cha (ta) đã nhắn nhủ ta rằng:
226. Rajjaṃ putta, paṭipajja mā pamajjī puraṃ idaṃ
kataṃ me porisādena mama āgamanaṃ puna.
226. “Này con, hãy cai quản vương quốc. Chớ bỏ bê thành phố này. Cha đã hứa với kẻ ăn thịt người về việc sẽ quay trở lại của cha.”
227. Mātu pitu ca vanditvā nissajitvāna attānaṃ
nikkhipitvā dhanuṃ khaggaṃ porisādamupāgamiṃ.
227. Sau khi cúi lạy mẹ cha và buông bỏ bản thân, ta đã đặt cung kiếm xuống rồi đã đi đến gặp kẻ ăn thịt người.
228. Sasatthahatthūpagataṃ kadāci so tasissatī
tena bhijjissati sīlaṃ parittāsaṃ kate mayi.
228. Có lẽ gã ấy sẽ sợ hãi người đi đến có vũ khí trong tay. Khi ta đã gây nên nỗi lo sợ, vì điều ấy giới sẽ bị hư hỏng.
229. Sīlakhaṇḍabhayā mayhaṃ tassa dessaṃ na byāhariṃ
mettacitto hitavādī idaṃ vacanamabruviṃ.
229. Vì ta có nỗi lo sợ về việc đứt giới, ta đã không nói điều gây khó chịu đối với gã ấy. Là người nói điều lợi ích, có tâm từ ái, ta đã nói điều này:
230. Ujjālehi mahā-aggiṃ papatissāmi rukkhato
sampakka kālamaññāya bhakkhaya tvaṃ pitāmaha.
230. “Hãy đốt lên ngọn lửa lớn, tôi sẽ lao từ trên cây xuống. Này ông chú, ông hãy biết lúc đã được chín tới, rồi ông hãy thọ thực.”
231. Iti sīlavataṃ hetu nārakkhiṃ mama jīvitaṃ
pabbājesiṃ cahaṃ tassa sadā pāṇātipātikanti.
231. Như thế với việc thực hành giới là nguyên nhân, ta đã không bảo tồn mạng sống của ta. Và ta đã khiến cho gã (ăn thịt người) ấy luôn luôn xa lánh việc giết hại sanh mạng.
Alīnasattacariyaṃ navamaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Alīnasatta là phần thứ chín.
--ooOoo--
10. Saṅkhapālacariyaṃ
10. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Saṅkhapāla: [42]
***
232. Punāparaṃ yadā homi saṅkhapālo mahiddhiko
dāṭhāvudho ghoraviso dvijivho uragādhibhū.
232. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là Saṅkhapāla, chúa tể của loài rồng, có đại thần lực, có răng nanh [43] là vũ khí, có nọc độc ghê gớm, và có hai lưỡi.
233. Catuppathe mahāmagge nānā janasamākule
caturo aṅge adhiṭṭhāya tattha vāsamakappayiṃ.
233. Ở tại ngã tư của con đường lớn có sự tụ hội của nhiều hạng người, sau khi quyết định về bốn chi phần (của cơ thể), ta đã thiết lập chỗ cư ngụ ở tại nơi ấy.
234. Chaviyā cammena maṃsena nahāru aṭṭhikehi vā
yassa etena karaṇīyaṃ dinnaṃ yeva harātu so.
234. Đối với người nào có việc cần dùng đến da ngoài, da trong, thịt, các sợi gân, hoặc các khúc xương (ở cơ thể ta), chính vì là vật đã được bố thí nên hãy để người ấy mang đi.
235. Addasaṃsu bhojaputtā kharā luddā akāruṇā
upagañchuṃ mamaṃ tattha daṇḍamuggarapāṇino.
235. Có những gã vô lại thô lỗ, hung dữ, bất nhân, đã nhìn thấy và đã tiến đến gần ta ở tại nơi ấy, các bàn tay có nắm gậy gộc.
236. Nāsāya vinivijjhitvā naṅguṭṭhe piṭṭhikaṇṭake
kāje āropayitvāna bhojaputtā hariṃsu maṃ.
236. Sau khi chọc thủng ở lỗ mũi, ở đuôi, và ở xương sống lưng, những gã vô lại đã đặt ta lên cáng rồi lôi đi.
237. Sasāgarantaṃ paṭhaviṃ sakānanaṃ sapabbataṃ
icchamāno cahaṃ tattha nāsāvātena jhāpaye.
237. Và ở nơi ấy, với luồng gió từ lỗ mũi ta, trong khi mong muốn ta có thể thiêu đốt trái đất có biển bao bọc, có rừng, có núi.
238. Sūlehi vijjhiyantepi koṭṭayantepi sattihi
bhojaputte na kuppāmi esā me sīlapāramīti.
238. Mặc dù đang bị đâm thọc bởi những cọc nhọn, mặc dầu đang bị chặt chém bởi những con dao, ta cũng không tức giận những gã vô lại; đây là sự toàn hảo về giới của ta.
Saṅkhapālacariyaṃ dasamaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Saṅkhapāla là phần thứ mười.
--ooOoo--
239. Hatthināgo bhūridatto campeyyo bodhi māhiso
rurumātaṅgo dhammo ca atrajo ca jayaddiso.
239. Con long tượng, Bhūridatta, (con rồng) Campeyya, (Culla) bodhi, con trâu (chúa), (con nai chúa) Ruru, (đạo sĩ tóc bện) Mātaṅga, (thiên tử) Dhamma, (đức vua) Jayaddisa và người con trai.
240. Ete sabbe sīlabalā parikkhārā padesikā
jīvitaṃ parirakkhitvā sīlāni anurakkhissaṃ.
240. Tất cả (chín) hạnh này đều có năng lực của giới, là những phần thiết yếu, là những yếu tố góp phần (vào sự toàn hảo về giới); (tuy nhiên), ta còn bảo tồn mạng sống rồi mới gìn giữ các giới.
241. Saṅkhapālassa me sato sabbakālampi jīvitaṃ
yassa kassaci nīyantaṃ tasmā sā sīlapāramīti.
241. (Trái lại), mạng sống của ta khi là Saṅkhapāla luôn luôn được ban phát đến bất cứ người nào; do đó, điều ấy là sự toàn hảo về giới.
Sīlapāramīniddeso niṭṭhito.
Dứt phần giảng giải sự toàn hảo về giới.
--ooOoo--
[23] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 543.
[24] Cõi trời này là cõi trời Tāvatiṃsa (Đạo Lợi) và Virūpakkha là một vị thủ lãnh của loài rồng rắn (nāgādhipati), CpA. 117.
[25] Đi đến bằng phương thức tái sanh (uppattivasena), CpA. 117.
[26] Là thực hiện việc chăm sóc cơ thể như rửa mặt, v.v... CpA. 117.
[27] Bốn chi phần của cơ thể là da (ngoài và trong), thịt, gân, xương, CpA. 117, như sẽ được đề cập đến ở câu kế.
[28] Câu chuyện được ghi lại ở CpA. 118-122.
[29] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 506.
[30] dhammiko (người nghiêm túc) được giải thích là dhammacārī (người hành pháp) (CpA. 126). Kế đó, dhammacārī được giải thích là “người thực hành thập thiện nghiệp đạo như là bố thí, trì giới, v.v... và không thực hành điều sai trái dầu là nhỏ nhen” (CpA. 129-30).
[31] Người luyện rắn này hành hạ ta vô cùng tàn bạo và không biết ta thần lực của ta. Khi nỗi cơn giận dữ, ta đã nghĩ rằng: “Vậy thì ta sẽ phô bày thần lực của ta đối với gã này.” Cho dầu chỉ là một sự suy xét, nhưng nếu như ta thể hiện năng lực của tâm thì gã ấy đã bị phân tác tương tợ như một nắm bụi phấn (CpA. 130).
[32] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 443.
[33] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 278.
[34] Là sự giải thoát khỏi khổ đau và sự giết hại sanh mạng, CpA. 143.
[35] Là đạt được trí Toàn Giác theo như ước muốn.
[36] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 482.
[37] Tên con sông này được ghi lại theo âm là Hằng Hà.
[38] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 497.
[39] Đức Bồ-tát đã bảo dùng cục đất sét đặt ở trên đầu của vị Bà-la-môn rồi cho vị ấy lội xuống và đứng ở trong nước. Khi mặt trời mọc lên thì vị Bà-la-môn hụp xuống, đầu chìm ở trong nước. Còn cục đất sét (thay thế cái đầu) ở trên mặt nước đã bị mặt trời làm vỡ tan thành bảy mảnh (CpA. 159).
[40] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 457.
[41] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 513.
[42] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 524.
[43] Có bốn răng nanh, hai trên hai dưới, CpA. 175.
-ooOoo-
III. NEKKHAMMAPĀRAMITĀ
1. Yudhañjayacariyaṃ
1. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Yudhañjaya: [1]
***
242. Yadā ahaṃ amitayaso rājaputto yudhañjayo
ussāvabinduṃ suriyātape patitaṃ disvāna saṃvijiṃ.
242. Khi ta là hoàng tử Yudhañjaya có danh tiếng vô lượng, ta đã động tâm sau khi nhìn thấy giọt sương mai bị tiêu tan dưới ánh nắng mặt trời. [2]
243. Taññevādhipatiṃ katvā saṃvegamanubrūhayiṃ
mātāpitu ca vanditvā pabbajjamanuyācahaṃ.
243. Sau khi trầm tư về chính điều ấy, ta đã làm cho nỗi động tâm tăng trưởng. Ta đã cúi lạy mẹ cha và xin phép xuất gia.
244. Yācanti maṃ pañjalikā sanegamā saraṭṭhakā
ajjeva putta paṭipajja iddhaṃ phītaṃ mahāmahiṃ.
244. Họ cùng với các thị dân và các cư dân của xứ sở, hai tay chắp lại, thỉnh cầu ta rằng: “Này con, ngay ngày hôm nay con hãy cai quản lãnh địa rộng lớn, tiến triển, và thịnh vượng.”
245. Sarājake sahorodhe sanegame saraṭṭhake
karuṇaṃ paridevante anapekkho hi pabbajiṃ.
245. Trong khi họ, có cả đức vua, có cả phi tần, có thị dân, có cư dân của xứ sở, đang khóc lóc thảm thương, bởi vì ta đã xuất gia, không lưu luyến.
246. Kevalaṃ paṭhaviṃ rajjaṃ ñāti parijanayasaṃ
cajamāno na cintesiṃ bodhiyāyeva kāraṇā.
246. Trong khi từ bỏ toàn bộ trái đất, vương quốc, quyến thuộc, người hầu, và danh vọng, ta đã không suy nghĩ (đến điều gì khác) với lý do chỉ là vì quả vị giác ngộ.
247. Mātā pitā na me dessā napi dessaṃ mahāyasaṃ
sabbaññutaṃ piyaṃ mayhaṃ tasmā rajjaṃ pariccajinti.
247. Me cha không có bị ta ghét bỏ, danh vọng lớn lao cũng không có bị ta ghét bỏ, đối với ta quả vị Toàn Giác là yêu quý; vì thế ta đã từ bỏ vương quốc.
Yudhañjayacariyaṃ paṭhamaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Yudhañjaya là phần thứ nhất.
--ooOoo--
2. Somanassacariyaṃ
2. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Somanassa: [3]
***
248. Punāparaṃ yadā homi indapatte puruttame
kāmito dayito putto somanassoti vissuto.
248. Vào một thời điểm khác nữa, khi ở tại kinh thành Indapatta, ta là người con trai được mong mỏi, được yêu quý, được nổi tiếng (với tên) là Somanassa.
249. Sīlavā guṇasampanno kalyāṇapaṭibhāṇavā
vuddhāpacāyī hirimā saṅgahesu ca kovido.
249. Ta là người có giới, được thành tựu đức hạnh, có lối ứng xử lịch thiệp, có sự tôn kính bậc trưởng thượng, có sự khiêm tốn, và rành rẽ về các cách tiếp độ.
250. Tassa rañño patikaro ahosi kuhakatāpaso
ārāmaṃ mālāvacchañca ropayitvāna jīvati.
250. Có gã đạo sĩ giả trá được đức vua ấy yêu mến. Ông ta trồng trọt rau quả hoa màu rồi sinh sống.
251. Tamahaṃ disvāna kuhakaṃ thusarāsiṃva ataṇḍulaṃ.
dumaṃ anto va susiraṃ kadaliṃ va asārakaṃ.
251. Nhận biết ông là giả trá ví như đống trấu không có hạt gạo, ví như thân cây có lỗ bọng lớn ở bên trong, ví như cây chuối không có lỏi cứng.
252. Natthi ’massa sataṃ dhammo sāmaññāpagato ayaṃ
hirisukkadhammajahito jīvitavuttikāraṇā.
252. Không có pháp của các bậc thiện trí ở người này. Vì lý do nuôi dưỡng mạng sống, người này đã xa rời Sa-môn hạnh, đã từ bỏ pháp trong sạch là sự khiêm tốn.
253. Kupito ahosi paccanto aṭavīhi parantihi
taṃ nisedhetuṃ gacchanto anusāsi pitā mamaṃ.
253. Vùng biên giới đã bị khuấy động bởi những kẻ lâm tặc thuộc các xứ lân bang. Khi ra đi để dẹp yên việc ấy, cha (ta) đã dạy bảo ta rằng:
254. Mā pamajji tuvaṃ tāta jaṭilaṃ uggatāpanaṃ
yadicchakaṃ pavattehi sabbakāmadado hi so.
254. “Này con yêu dấu, con chớ có lơ là với vị đạo sĩ tóc bện nghiêm trì khổ hạnh. Hãy thi hành điều (vị ấy) ước muốn bởi vì vị ấy là người ban bố (cho chúng ta) mọi điều lạc thú.”
255. Tamahaṃ gantvā’nupaṭṭhānaṃ idaṃ vacanamabraviṃ
kaccite gahapati kusalaṃ kiṃ vā te āharīyatu.
255. Ta đã đi đến phục vụ vị ấy và đã nói lời này: “Này gia chủ, ông có được an vui không?” hoặc “Vật gì cần được mang lại cho ông?”
256. Tena so kupito āsi kuhako mānanissito
ghātāpemi tuvaṃ ajja raṭṭhā pabbājayāmi vā.
256. Vì thế, kẻ giả trá, chất chứa ngã mạn ấy đã giận dữ (nói rằng): “Hôm nay, ta sẽ làm cho ngươi hoặc là bị giết chết, hoặc là bị trục xuất ra khỏi vương quốc.”
257. Nisedhayitvā paccantaṃ rājā kuhakamabravi
kacci te bhante khamanīyaṃ sammāno te pavattito
tassa ācikkhati pāpo kumāro yathā nāsiyo.
257. Sau khi bình định khu vực biên giới, đức vua đã nói với kẻ giả trá (ấy) rằng: “Thưa ngài, ngài có được thoải mái, có được sự tôn kính không?” Gã xấu xa đã nói với đức vua rằng: “Hoàng tử cần phải bị trừng trị như thế.”
258. Tassa taṃ vacanaṃ sutvā āṇāpesi mahīpati
sīsaṃ tattheva chinditvā katvāna catukhaṇḍikaṃ
rathiyā rathiyaṃ dassetha sā gatī jaṭilahīḷito.
258. Sau khi nghe được lời nói ấy của kẻ ấy, vị chúa tể của trái đất đã ra lệnh rằng: “Hãy chém đầu ngay tại chỗ, rồi phân (thây) thành bốn mảnh, và cho trưng bày ở khắp các ngã đường; đó là phần số dành cho kẻ miệt thị vị đạo sĩ tóc bện.”
259. Tattha kāraṇikā gantvā caṇḍā luddā akāruṇā
mātu aṅke nisinnassa ākaḍḍhitvā nayanti maṃ.
259. Tại nơi ấy,[4] những người hành quyết độc ác, hung dữ, bất nhân đã lôi kéo ta đang ngồi ở lòng mẹ rồi dẫn đi. [5]
260. Tesāhaṃ evamavacaṃ bandhataṃ gāḷhabandhanaṃ
rañño dassetha maṃ khippaṃ rājakiriyāni atthime.
260. Ta đã nói với họ như vầy: “Hãy cấp tốc đưa ta đã bị trói bằng gông xiềng chắc chắc đến trình diện đức vua, ta có các việc cần làm cho đức vua.”
261. Te maṃ rañño dassayiṃsu pāpassa pāpasevino
disvāna taṃ saññapesiṃ mamañca vasamānayiṃ.
261. Bọn họ đã đưa ta đến gặp vị vua ác xấu là người thân cận với kẻ ác xấu. Sau khi tiếp kiến, ta đã làm cho đức vua hiểu rõ và ta đã tạo được uy thế cho ta.
262. So maṃ tattha khamāpesi mahārajjamadāsi me
sohaṃ tamaṃ dāḷayitvā pabbajiṃ anagāriyaṃ.
262. Đức vua đã yêu cầu thứ lỗi về việc ấy và đã trao vương quốc rộng lớn lại cho ta. Ta đây, sau khi phá tan sự mê muội, đã xuất gia theo hạnh không nhà.
263. Na me dessaṃ mahārajjaṃ kāmabhogo na dessiyo
sabbaññutaṃ piyaṃ mayhaṃ tasmā rajjaṃ pariccajinti.
263. Vương quốc rộng lớn không có bị ta ghét bỏ, sự hưởng thụ các dục không có bị ta ghét bỏ, đối với ta quả vị Toàn Giác là yêu quý; vì thế ta đã từ bỏ vương quốc.
Somanassacariyaṃ dutiyaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Somanassa là phần thứ nhì.
--ooOoo--
3. Ayogharacariyaṃ
3. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Ayoghara: [6]
***
264. Punāparaṃ yadā homi kāsirājassa atrajo
ayogharamhi saṃvaḍḍho nāmenāsi ayogharo.
264. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là người con trai của đức vua Kāsi, ta đã lớn lên trong căn nhà bằng sắt [7] và đã được gọi với tên là Ayoghara.
265. Dukkhena jīvito laddho sampīḷe patiposito
ajjeva putta paṭipajja kevalaṃ vasudhaṃ imaṃ.
265. (Vua cha đã phán rằng:) “Này con, mạng sống của con được tiếp nhận một cách khó khăn, được nuôi dưỡng ở nơi bực bội. Ngay chính ngày hôm nay, con hãy cai quản toàn thể trái đất này
266. Saraṭṭhakaṃ sanigamaṃ sajanaṃ vanditvā khattiyaṃ
añjalimpaggahetvāna idaṃ vacanamabruviṃ.
266. cùng với cư dân trong xứ sở, luôn cả phố chợ, và loài người nữa.” Sau khi đảnh lễ vị Sát-đế-lỵ, ta đã chắp tay lên và đã nói lời này:
267. Ye keci mahiyā sattā hīnamukkaṭṭhamajjhimā
nirārakkhā sake gehe vaḍḍhanti saha ñātihi.
267. “Bất cứ chúng sanh nào ở trên trái đất, dầu kém cỏi, cao quý, hoặc trung bình, lớn lên trong nhà của chính họ cùng với các thân quyến không cần sự bảo vệ.”
268. Idaṃ loke uttariyaṃ sampīḷe mama posanaṃ
ayogharamhi saṃvaḍḍho appabhe’candasūriye.
268. (Rồi ta đã suy nghĩ rằng:) “Sự nuôi dưỡng này của ta ở trong nơi bực bội là hy hữu ở trên thế gian. Ta đã được lớn lên trong căn nhà bằng sắt thiếu hẳn ánh sáng mặt trăng và mặt trời.
269. Pūtikuṇapasampuṇṇā muccitvā mātukucchito
tato ghoratare dukkhe puna pakkhitto ayoghare.
269. Có được tấm thân hối thối này sau khi rời khỏi bụng mẹ, từ đó ta lại bị ném vào căn nhà sắt khổ sở và kinh hãi hơn một lần nữa.
270. Yadihaṃ tādisaṃ patvā dukkhaṃ paramadāruṇaṃ
rajjesu yadi rañjāmi pāpānaṃ uttamo siyā.
270. Nếu sau khi đã đạt đến khổ đau vô cùng ghê rợn như thế ấy, nếu ta còn thích thú trong vương quyền thì ta là kẻ tồi tệ nhất trong số những kẻ ác xấu.”
271. Ukkaṇṭhitomhi kāyena rajjenamhi anatthiko
nibbutiṃ pariyesissaṃ yattha maccu na maddiye.
271. Ta nhàm chán xác thân, ta không mong muốn vương quyền, ta sẽ tầm cầu sự tịch diệt Niết-bàn là nơi tử thần không thể đày đọa.”
272. Evāhaṃ cintayitvāna viravantaṃ mahājanaṃ
nāgova bandhanaṃ chetvā pāvisiṃ kānanaṃ vanaṃ.
272. Trong lúc đó đám đông đang kêu gào, ta đã suy nghĩ như vậy và đã đi vào khu rừng rậm, giống như con voi đã giật đứt xiềng xích.
273. Mātā pitā na me dessā napi me dessaṃ mahāyasaṃ
nabbaññutaṃ piyaṃ mayhaṃ tasmā rajjaṃ pariccajinti.
273. Mẹ cha không có bị ta ghét bỏ, danh vọng lớn lao cũng không có bị ta ghét bỏ, đối với ta quả vị Toàn Giác là yêu quý; vì thế ta đã từ bỏ vương quốc.
Ayogharacariyaṃ tatiyaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Ayoghara là phần thứ ba.
--ooOoo--
4. Bhisacariyaṃ
4. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Bhisa: [8]
***
274. Punāparaṃ yadā homi kāsīnaṃ puravaruttame
bhaginī bhātaro satta nibbattā sotthiye kule.
274. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta ở tại kinh thành của xứ Kāsi, (ta có) một người em gái và bảy người em trai được sanh ra trong gia đình quý phái (dòng Bà-la-môn).
275. Etesaṃ pubbajo āsiṃ hirisukkamupāgato
bhavaṃ disvāna bhayato nekkhammābhirato ahaṃ.
275. Trong số những người này, ta đã được sanh ra trước tiên, đạt được pháp trong sạch là sự khiêm tốn. Sau khi nhận thấy sự hiện hữu là nguy hại, ta đã thỏa thích trong việc xuất gia.
276. Mātā pitūhi pahitā sahāyā ekamānasā
kāmehi maṃ nimantenti kulavaṃsaṃ dharehīti.
276. Các thân hữu, được mẹ và cha nhắn đến, đồng tâm mời mọc (ta) bằng các dục lạc: “Bạn hãy duy trì dòng dõi gia tộc.”
277. Yaṃ tesaṃ vacanaṃ vuttaṃ gihī dhamme sukhāvahaṃ
tamme ahosi kaṭhinaṃ tattaphālasamaṃ viya.
277. Lời nào của những người ấy được nói ra về việc đem lại lạc thú trong cuộc sống gia đình, điều ấy đối với ta được xem tương tợ như lưỡi cày đã được nung đỏ, thô thiển.
278. Te maṃ tadā ukkhipantaṃ pucchiṃsu patthitaṃ mama
Kiṃ tvaṃ patthayasī? Samma ! Yadi kāme na bhuñjasi.
278. Khi ấy, họ đã hỏi ta, kẻ từ khước (cuộc sống gia đình), về nguyện vọng của ta: “Này bạn, nếu bạn không hưởng thục các dục thì bạn mong muốn điều gì?”
279. Tesāhaṃ evamavacaṃ atthakāmo hitesinaṃ
nāhaṃ patthemi gihībhāvaṃ nekkhammābhirato ahaṃ.
279. Là người mong muốn điều tốt đẹp, ta đã nói với họ, những người đang tầm cầu lợi ích (cho ta) rằng: “Tôi không mong muốn trạng thái người tại gia, tôi thỏa thích trong sự xuất ly.”
280. Te mayhaṃ vacanaṃ sutvā pitu mātu ca sāvayuṃ
mātā pitā evamāhu sabbepi pabbajāma bho.
280. Sau khi lắng nghe lời nói của ta, họ đã thuật lại cho cha mẹ (ta). Mẹ cha ta đã nói như vầy: “Này quí vị, tất cả chúng tôi cũng xuất gia.”
281. Ubho mātā pitā mayhaṃ bhaginī ca satta bhātaro
amitaṃ dhanaṃ chaḍḍhayitvā pāvisimhā mahāvananti.
281. Cả hai mẹ cha của ta, người em gái, và bảy em trai đã buông bỏ của cải vô số rồi đi vào trong khu rừng lớn.
Bhisacariyaṃ catutthaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Bhisa là phần thứ tư.
--ooOoo--
5. Soṇapaṇḍitacariyaṃ
5. Hạnh của vị Hiền Trí Soṇa: [9]
***
282. Punāparaṃ yadā homi nagare brahmavaḍḍhane
tattha kulavare seṭṭhe mahāsāḷe ajāyahaṃ.
282. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta sống ở thành phố Brahma-vaḍḍhana, tại nơi ấy ta đã được sinh ra trong gia đình cao quý, ưu tú, vô cùng giàu có.
283. Tadāpi lokaṃ disvāna andhabhūtaṃ tamotthataṃ
cittaṃ bhavato patikuṭati tuttavegahataṃ viya.
283. Khi ấy, ta cũng đã nhận thấy thế gian là bị mù quáng, bị bao phủ bởi bóng tối. Tâm (ta) chối từ sự hiện hữu như thể bị châm chích thô bạo bởi cây gậy nhọn.
284. Disvāna vividhaṃ pāpaṃ evaṃ cintesahaṃ tadā
kadāhaṃ gehā nikkhamma pavisissāmi kānanaṃ.
284. Sau khi nhận thấy sự xấu xa dưới nhiều hình thức khác nhau, ta đã suy nghĩ như vầy: “Lúc nào ta sẽ lìa bỏ gia đình, ta sẽ đi vào rừng?”
285. Tadāpi maṃ nimantiṃsu kāmabhogehi ñātayo
tesampi chandamācikkhiṃ mānimantetha tehi maṃ.
285. Cũng vào khi ấy, các thân quyến đã mời mọc ta với các sự thọ hưởng về dục lạc, ta cũng đã nói cho những người ấy về ước muốn (của ta) rằng: “Xin các vị chớ có mời mọc ta bằng những thứ ấy.”
286. Yo me kaṇiṭṭhako bhātā nandonāmāsi paṇḍito
sopi maṃ anusikkhanto pabbajjaṃ samarocayī.
286. Em trai của ta tên là Nanda là bậc trí tuệ. Vị ấy, trong khi học tập theo ta, cũng đã thích thú với việc xuất gia.
287. Ahaṃ soṇo ca nando ca ubho mātā pitā mama
tadāpi bhoge chaḍḍetvā pāvisimhā mahāvananti.
287. Khi ấy, ta Soṇa và Nanda cùng với cả hai cha mẹ của ta cũng đã buông bỏ của cải vô số rồi đi vào trong khu rừng lớn.
Soṇapaṇḍitacariyaṃ pañcamaṃ.
Hạnh của vị hiền triết Soṇa là phần thứ năm.
Nekkhammapāramitā niṭṭhitā.
Dứt sự toàn hảo về xuất ly.
--ooOoo--
IV. ADHIṬṬHĀNAPĀRAMITĀ
6. Temiyapaṇḍitacariyaṃ
6. Hạnh của vị Hiền Trí Temiya: [10]
***
288. Punā paraṃ yadā homi kāsirājassa atrajo
mūgapakkhoti nāmena temiyoti vadanti maṃ.
288. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là người con trai của đức vua Kāsi có tên là Mūgapakkha, nhưng mọi người gọi ta là Temiya. [11]
289. Soḷasitthisahassānaṃ na vijjati pumo tadā
ahorattānaṃ accayena nibbatto ahamekako.
289. Khi ấy, mười sáu ngàn phi tần (của đức vua) không có được một người con trai (luôn cả con gái). Sau nhiều ngày đêm, chỉ mỗi một mình ta đã được sanh ra.
290. Kicchā laddhaṃ piyaṃ puttaṃ abhijātaṃ jutindharaṃ
setacchattaṃ dhārayitvāna sayane poseti maṃ pitā.
290. (Vua) cha đã nuôi dưỡng ta, người con trai yêu quý, đạt được một cách khó nhọc, đã được sanh ra vẹn toàn, có thân tâm sáng lạng, ở trên chiếc giường đã được che chiếc lọng màu trắng.
291. Niddāyamāno sayanavare pabujjhitvānahaṃ tadā
addasaṃ paṇḍaraṃ chattaṃ yenāhaṃ nirayaṃ gato.
291. Khi ấy, trong lúc đang ngủ trên chiếc giường cao quý, ta đã thức giấc và nhìn thấy chiếc lọng nhạt màu, nghĩa là ta sẽ bị đi địa ngục.
292. Sahadiṭṭhassa me chattaṃ tāso uppajji bheravo
vinicchayaṃ samāpanno kadāhaṃ imaṃ muñcissaṃ.
292. Có nỗi sợ hãi ghê gớm đã khởi lên ở ta khi được nhìn thấy chiếc lọng. Ta đã đi đến quyết định: “Ta sẽ được thoát khỏi điều này [12]bằng cách nào?”[13]
293. Pubbasālohitā mayhaṃ devatā atthakāminī
sāmaṃ disvāna dukkhitaṃ tīsu ṭhānesu yojayī.
293. Có vị tiên nữ trước đây cùng huyết thống với ta [14] có lòng mong muốn điều tốt đẹp cho ta, sau khi nhìn thấy bản thân ta bị đau khổ, đã căn dặn về ba thái độ:
294. Māpaṇḍiccaṃ vibhāya bālamato bhava sabbapāṇinaṃ
sabbo jano ocināyatu evaṃ tava attho bhavissati.
294. “Chớ ra vẻ khôn ngoan, hãy là kẻ ngu si đối với tất cả chúng sanh, hãy làm cho mọi người khinh khi; như thế sẽ có sự tốt đẹp cho con.”
295. Evaṃ vuttāya’haṃ tassā idaṃ vacanamabraviṃ
karomi te naṃ vacanaṃ yaṃ tvaṃ bhaṇasi devate
atthakāmāsi me amma! Hitakāmāsi devate!
295. Khi được nói như vậy, ta đã nói với bà ấy lời này: “Bà tiên ơi, con sẽ thực hành theo lời mà bà đã chỉ bảo. Mẹ ơi, mẹ đã có lòng mong muốn điều tốt đẹp cho con. Bà tiên ơi, bà đã có mong muốn điều lợi ích cho con.”
296. Tassāhaṃ vacanaṃ sutvā sāgareva thalaṃ labhiṃ
haṭṭho saṃviggamānaso tayo aṅge adhiṭṭhahiṃ.
296. Sau khi nghe được lời nói của bà ấy, ta đã thọ nhận như là đã đến được đất liền ở giữa biển khơi. Mừng rỡ, với tâm ý phấn chấn, ta đã quyết định ba điều:
297. Mūgo ahosiṃ badhiro pakkho gati vivajjito
ete aṅge adhiṭṭhāya vassānaṃ soḷasaṃ vasiṃ.
297. Ta đã là người câm, điếc, què quặt, việc đi lại đã được từ bỏ. Ta đã quyết định các điều này và đã sống mười sáu năm.
298. Tato me hatthapāde ca jivhaṃ sotañca maddiya
anūnataṃ me passitvā kālakaṇṇīti nindisuṃ.
298. Do đó, họ đã xoa bóp tay chân, lưỡi và mắt của ta. Sau khi nhận thấy không có sự khiếm khuyết ở ta, họ đã chê bai là “Kẻ bất hạnh.”
299. Tato jānapadā sabbe senāpati purohitā
sabbe ekamanā hutvā chaḍḍanaṃ anumodiṃsu.
299. Sau đó, tất cả dân chúng trong xứ sở, các tướng lãnh quân đội, các viên quan tế tự, tất cả đã nhất trí bằng lòng việc truất phế.
300. Sohaṃ tesaṃ matiṃ sutvā haṭṭho saṃviggamānaso
yassatthāya tapo ciṇṇo so me attho samijjhatha.
300. Sau khi nghe ý kiến của những người ấy, ta đây đã trở nên mừng rỡ, có tâm trí phấn chấn. Sự khổ hạnh đã được thể hiện (bởi ta) vì mục đích nào thì mục đích ấy của ta đã được thành công.
301. Nahāpetvā anulimpitvā veṭhetvā rājaveṭhanaṃ
chattena abhisiñcitvā kāresuṃ purapadakkhiṇaṃ.
301. Sau khi đã tắm rửa, xức dầu, đội lên vương miện, làm lễ rưới nước (cho ta), rồi với chiếc lọng che họ đã tiến hành việc đi nhiễu vòng quanh thành phố.
302. Sattāhaṃ dhārayitvāna uggate ravimaṇḍale
rathena maṃ nīharitvā sārathī vanamupāgamī.
302. Sau khi đã duy trì chiếc lọng trong bảy ngày, đến lúc vầng sáng của mặt trời hiện ra, người đánh xe đã đưa ta ra khỏi (thành phố) bằng chiếc xe ngựa rồi đi về phía khu rừng.
303. Ekokāse rathaṃ katvā sajjassaṃ hatthamuñcito
sārathī khaṇatī kāsuṃ nikhātuṃ paṭhaviyā mamaṃ.
303. Sau khi dừng chiếc xe ở một khoảng trống, người đánh xe đã buộc ngựa để được rảnh tay rồi đã đào cái hố để chôn ta ở trong lòng đất.
304. Adhiṭṭhitamadhiṭṭhānaṃ tajjento vividhakāraṇā
nābhindiṃ vatamadhiṭṭhānaṃ bodhiyā yeva kāraṇā.
304. Trong khi nhiều nguyên nhân đủ các loại đang đe dọa điều quyết tâm đã được khẳng định, ta đã không làm đổ vỡ việc tuân thủ đã được quyết định với lý do chỉ là vì quả vị giác ngộ.
305. Mātā pitā na me dessā attā me na ca dessiyo
sabbaññutaṃ piyaṃ mayhaṃ tasmā vatamadhiṭṭhahiṃ.
305. Mẹ cha không có bị ta ghét bỏ, bản thân cũng không có bị ta ghét bỏ, đối với ta quả vị Toàn Giác là yêu quý; vì thế ta đã quyết định việc tuân thủ.
306. Ete aṅge adhiṭṭhāya vassāni soḷasiṃ vasiṃ.
adhiṭṭhānena samo natthi esā me adhiṭṭhānapāramīti.
306. Sau khi quyết định các điều này, ta đã sống trong mười sáu năm. Không có ai bằng (ta) về sự quyết định, điều này là sự toàn hảo về quyết định của ta.
Temiyacariyaṃ chaṭṭhamaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Temiya là phần thứ sáu.
Adhiṭṭhānapāramitā niṭṭhitā.
Dứt sự toàn hảo về quyết định.
--ooOoo--
V. SACCAPĀRAMITĀ
7. Kapirājacariyaṃ
7. Hạnh của con Khỉ Chúa:[15]
***
307. Yadā ahaṃ kapi āsiṃ nadī kule darīsaye
pīḷito suṃsumārena gamanaṃ na labhāmihaṃ.
307. Vào lúc ta là con khỉ sống trong hang ở bờ sông, ta đã bị đe dọa bởi con cá sấu nên không đạt được việc ra đi.
308. Yamhokāse ahaṃ ṭhatvā orapāraṃ patāmahaṃ
tatthacchi sattu vadhako kumbhīlo luddadassano.
308. Tại địa điểm ta thường đứng ở bờ bên này rồi nhảy qua bờ bên kia, tại chỗ ấy có con cá sấu là kẻ thù, là kẻ sát thủ, có dáng vóc hung tợn.
309. Somaṃ asaṃsi ehīti ahamemīti taṃ vadiṃ
tassa matthakamakkamma parakule patiṭṭhahiṃ.
309. Con cá sấu đã thông báo với ta rằng: “Cứ việc đi đến.” Ta đã nói với nó rằng: “Tôi đang đi đến,” rồi đã bước lên đầu của nó và đã đứng vững bờ bên kia.
310. Na tassa alikaṃ bhaṇitaṃ yathā vācaṃ akāsahaṃ
saccena me samo natthi esā me sacca pāramīti.
310. Điều đã được nói với con cá sấu không phải là không đúng sự thật (vì) ta đã hành động đúng theo lời nói. Không có ai bằng (ta) về sự chân thật, điều này là sự toàn hảo về chân thật của ta.
Kapirājacariyaṃ sattamaṃ.
Hạnh của con khỉ chúa là phần thứ bảy.
--ooOoo--
8. Saccatāpasacariyaṃ
8. Hạnh của Đạo Sĩ Sacca:
***
311. Punāparaṃ yadā homi tāpaso saccasavhayo
saccena lokaṃ pālesiṃ samaggaṃ janamakāsahanti.
311. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là đạo sĩ khổ hạnh tên gọi Sacca. Ta đã hộ trì thế gian bằng sự chân thật; ta đã làm cho mọi người hợp nhất.
Saccapaṇḍitacariyaṃ aṭṭhamaṃ.
Hạnh của đạo sĩ Sacca là phần thứ tám.
--ooOoo--
9. Vaṭṭapotakacariyaṃ
9. Hạnh của Chim Cút Con: [16]
***
312. Punāparaṃ yadā homi magadhe vaṭṭapotako
ajātapakkho taruṇo maṃsapesi kulāvake.
312. Vào một thời điểm khác nữa, khi ở tại Magadha, ta là con chim cút con, cánh chưa được mọc, còn non nớt, (như) là miếng thịt ở trong tổ.
313. Mukhatuṇḍake nāharitvā mātā posayatī mamaṃ
tassā phassena jīvāmi natthi me kāyikaṃ balaṃ.
313. (Chim) mẹ tha (mồi) lại ở trong mỏ và nuôi dưỡng ta. Ta sống còn do sự tiếp xúc với chim mẹ; ta không có sức mạnh ở thân.
314. Saṃvacchare gimhasamaye davaḍāho padippati
upagacchati amhākaṃ pāvako kaṇhavattanī.
314. Trong năm vào mùa nóng, có nạn cháy rừng bộc phát. Ngọn lửa cuộn khói đen tiến về hướng chúng tôi.
315. Dhūmadhūmaṃ janitvevaṃ saddāyanto mahāsikhī
anupubbena jhāpento aggī mamamupāgami.
315. Ngọn lửa lớn lao trong lúc gào thét đã tạo ra luồng khói này cuộn khói nọ. Trong khi lần lượt làm phát cháy, ngọn lửa đã tiến đến gần ta.
316. Aggivegabhayā bhītā tasitā mātā pitā mama
kulāvake maṃ chaḍḍhetvā attānaṃ parimocayuṃ.
316. Lo sợ vì sự ồ ạt của ngọn lửa, mẹ cha của ta trở nên kinh hãi, hoảng hốt, đã bỏ rơi ta lại ở trong tổ và đã giải thoát cho bản thân.
317. Pāde pakkhe pajahāmi natthi me kāyikaṃ balaṃ
so’haṃ agatiko tattha evaṃ cintesahaṃ tadā.
317. Ta đã ra sức hai chân, hai cánh; ta không có sức mạnh ở thân. Ta đây không đi được. Khi ấy tại nơi ấy, ta đã suy nghĩ như vầy:
318. Yesāhaṃ upadhāveyyaṃ bhīto tasitavedhito
te maṃ ohāya pakkantā kathaṃ me ajja kātave.
318. “Bị kinh hãi, hoảng hốt, run sợ, ta có thể chạy đến gần cha mẹ, nhưng họ đã bỏ rơi ta và tẩu thoát. Ta nên hành động như thế nào ngày hôm nay?
319. Atthi loke sīlaguṇo saccaṃ soceyyanuddayā
tena saccena kāhāmi saccakiriyamuttamaṃ.
319. Đức hạnh của giới, sự chân thật, sự trong sạch, lòng bi mẫn hiện hữu ở trên đời; với sự chân thật ấy, ta có thể hiện hành động chân thật tối thắng.”
320. Āvajjetvā dhammabalaṃ saritvā pubbako jine
saccabalamavassāya saccakiriyamakāsahaṃ.
320. Ta đã hướng về sức mạnh của Giáo Pháp, tưởng nhớ đến các đấng Chiến Thắng [17] trước đây, và nương tựa vào sức mạnh của sự chân thật, ta đã thể hiện hành động chân thật rằng:
321. Santi pakkhā apatanā santi pādā avañcanā3
mātā pitā ca nikkhantā jātaveda paṭikkama.
321. “Có cánh không thể bay, có chân không thể đi. Mẹ cha đã lìa khỏi, lửa ơi hãy lui đi.”
322. Saha sacce kataṃ mayhaṃ mahā pajjalito sikhī
vajjesi soḷasa karīsāni udakampatvā yathā sikhī
saccena me samo natthi esā me saccapāramīti.
322. Với sự chân thật đã được thực hiện bởi ta, ngọn lửa cháy rực to lớn đã lùi trở lại mười sáu karīsa, [18] giống như ngọn lửa đã gặp phải nước. Không có ai bằng (ta) về sự chân thật, điều này là sự toàn hảo về chân thật của ta.
Vaṭṭapotakacariyaṃ navamaṃ.
Hạnh của chim cút con là phần thứ chín.
--ooOoo--
10. Maccharājacariyaṃ
10. Hạnh của Vua Cá:[19]
***
323. Punāparaṃ yadā homi maccharājā mahāsare
uṇhe suriyasantāpe sare udakaṃ khīyatha.
323. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là vua của loài cá ở trong cái hồ rộng lớn. Và nước ở trong hồ bị khô cạn vào mùa nắng, dưới sự đốt cháy của ánh mặt trời.
324. Tato kākā ca gijjhā ca bakā kuḷalasenakā
bhakkhayantī divā rattiṃ macche upanisīdiya.
324. Do đó, các con quạ, các con diều hâu, các con cò, các con chim ưng và chim ó đã đáp xuống, ăn các con cá ban ngày lẫn ban đêm. [20]
325. Evaṃ cintesahaṃ tattha saha ñātīhi pīḷito
kena nukho upāyena ñāti dukkhā pamocaye.
325. Tại nơi ấy, cùng với các thân quyến ta đã bị áp bức, và ta đã suy nghĩ như vầy: “Vậy thì bằng cách nào để ta có thể giải thoát cho thân quyến khỏi khổ đau?”
326. Vicintayitvā dhammatthaṃ saccaṃ addasa passayaṃ
sacce ṭhatvā pamocesiṃ ñātīnaṃ taṃ atikkhayaṃ.
326. Sau khi xem xét ý nghĩa của các pháp, ta đã nhận ra sự chân thật là nơi nương tựa. Căn cứ vào sự chân thật, ta đã cởi bỏ thảm họa bị diệt chủng ấy cho các thân quyến.
327. Anussaritvā saddhammaṃ paramatthaṃ vicintayaṃ
akāsiṃ saccakiriyaṃ yaṃ loke dhuvasassataṃ.
327. Sau khi hồi tưởng về thiện pháp, ta đã suy nghiệm về chân lý tuyệt đối. Ta đã thể hiện hành động chân thật là pháp bền vững và thường còn ở thế gian rằng:
328. Yato sarāmi attānaṃ yato pattosmi viññutaṃ
nābhijānāmi sañcicca ekapāṇaṃ vihiṃsitaṃ
etena saccavajjena pajjunno abhivassatu.
328. “Kể từ lúc ta nhớ được về bản thân, kể từ khi ta đạt đến sự hiểu biết, ta không biết đến việc đã cố ý hãm hại dầu chỉ một sanh mạng. [21] Do lời nói chân thật này, xin Thần Mây [22]hãy đổ mưa xuống.
329. Abhitthanaya pajjunna nidhiṃ kākassa nāsaya
kākaṃ sokāya rundhehi macche sokā pamocaya.
329. Hỡi Thần Mây, hãy vang lên tiếng sấm, hãy làm tiêu tan kho lương dự trữ của loài quạ, [23] hãy vây hãm loài quạ bằng sự buồn rầu, hãy giải thoát loài cá khỏi nỗi phiền muộn.”
330. Sahakate saccavare pajjunto cābhigajjiya
thalaṃ ninnañca pūrento khaṇena abhivassatha.
330. Đồng lúc với sự chân thật cao quý được thể hiện, Thần Mây đã gầm lên tiếng sấm và trong giây lát đã đổ mưa xuống, làm tràn ngập vùng đất liền và trũng thấp.
331. Evarūpaṃ saccavaraṃ katvā viriyamuttamaṃ
vassāpesiṃ mahāmeghaṃ saccatejabalassito
saccena me samo natthi esā me saccapāramīti.
331. Sau khi thể hiện sự tinh tấn tột đỉnh là pháp chân thật cao quý có hình thức như thế, (có sự) tin cậy vào năng lực và uy quyền của sự chân thật, ta đã làm cho đám mây lớn đổ mưa xuống. Không có ai bằng (ta) về sự chân thật, điều này là sự toàn hảo về chân thật của ta.
Maccharājacariyaṃ dasamaṃ.
Hạnh của vua cá là phần thứ mười.
--ooOoo--
11. Kaṇhadīpāyanacariyaṃ
11. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Kaṇhadīpāyana: [24]
***
332. Punāparaṃ yadā homi kaṇhadīpāyano isī
paro paññāsavassāni anabhirato cariṃ ahaṃ.
332. Vào một thời điểm khác nữa, khi là vị ẩn sĩ Kaṇhadīpāyana, ta đã sống không được hoan hỷ hơn năm mươi năm.
333. Na koci etaṃ jānāti anabhiratimanaṃ mama
ahaṃ kassaci nācikkhiṃ arati me carati mānase.
333. Không ai biết tâm ý không hoan hỷ này của ta. Ta đã không nói ra với ai cả và sự không hoan hỷ diễn tiến ở trong tâm ý của ta.
334. Sabrahmacārī maṇḍabyo sahāyo me mahā isī
pubbakammasamāyutto sūlamāropaṇaṃ labhī.
334. Bà-la-môn Maṇḍabya, bạn của ta, là một vị đại ẩn sĩ đã bị thọ lãnh (hành phạt) cắm cọc nhọn do trả quả của nghiệp quá khứ. [25]
335. Tamahaṃ upaṭṭhahitvāna ārogyamanupāpayiṃ
āpucchitvāna āgañchiṃ yaṃ mayhaṃ sakamassamaṃ.
335. Ta đã chăm sóc và đã phục hồi sức khỏe cho vị ấy. Sau khi cáo từ, ta đã trở về lại chốn ẩn cư của mình.
336. Sahāyo brāhmaṇo mayhaṃ bhariyaṃ ādāya puttakaṃ
tayo janā samāgantvā āgañchuṃ pāhunāgataṃ.
336. Người bạn Bà-la-môn của ta đã đưa vợ và đứa con trai nhỏ đến. Ba người cùng đi và đã đi đến với tư thế của những người khách.
337. Sammodamāno tehi saha nisinno sakamassame
dārako vaṭṭamanukkhipaṃ āsivisamakopayī.
337. Trong lúc ta đang ngồi tại chốn ẩn cư của mình chuyện trò với những người ấy, đứa bé trai đã ném trái banh và làm cho làm con rắn có nọc độc giận dữ.
338. Tato so vaṭṭagataṃ maggaṃ anvesanto kumārako
āsivisassa hatthena uttamaṅgaṃ parāmasī.
338. Sau đó, trong lúc dõi theo lộ trình di chuyển của trái banh, đứa bé trai ấy đã chạm bàn tay vào đầu của con rắn độc.
339. Tassa āmasane kuddho sappo visabalassito
kupito paramakopena aḍaṃsi dārakaṃ khaṇe.
339. Do sự đụng chạm của đứa bé, con rắn đã trở nên giận dữ. Ỷ lại vào sức mạnh của nọc độc, bị bực bội với sự bực bội cùng tột, con rắn ngay lập tức đã cắn đứa bé.
340. Saha daṭṭho āsivisena dārako papati bhūmiyaṃ
tenāhaṃ dukkhito āsiṃ mama vāhasi taṃ dukkhaṃ.
340. Khi bị cắn bởi con rắn độc, đứa bé đã ngã xuống ở trên nền đất. Vì điều ấy, ta đã trở nên đau buồn; nỗi buồn đau ấy đã tác động đến ta.
341. Tyāhaṃ assāsayitvāna dukkhite sokasallite
paṭhamaṃ ākāsiṃ kiriyaṃ aggaṃ saccaṃ varuttamaṃ.
341. Sau khi an ủi họ (là những người) đang bị đau khổ, đang bị mũi tên sầu muộn, ta đã thể hiện hành động chân thật tột đỉnh cao quý tối thượng lần đầu tiên rằng:
342. Sattāhamevāhaṃ pasannacitto
puññatthiko acariṃ brahmacariyaṃ
athāparaṃ yañcaritaṃ mamayidaṃ
vassāni paññāsa samādhikāni.
342. “Là người mong mỏi phước thiện, ta đã thực hành Phạm hạnh với tâm tín thành chỉ được bảy ngày. Từ đó về sau, Phạm hạnh của ta là năm mươi năm và thêm nữa.
343. Akāmako vāhi ahaṃ carāmi etena saccena suvatthi hoti
hataṃ visaṃ jīvatu yaññadatto.
343. Ta thực hành (Phạm hạnh) không có nhiệt tình, chỉ qua ngày. Do lời nói chân thật này, hãy có được sự tốt lành, chất độc hãy được tiêu trừ, và Yaññadatta [26] hãy sống.”
344. Saha sacce kate mayhaṃ visavegena vedhito
abujjhitvāna vuṭṭhāsi ārogo cāsi māṇavo
saccena me samo natthi esā me saccapāramīti.
344. Với sự chân thật của ta đã được thể hiện, đứa bé Bà-la-môn bị run rẩy bởi sức mạnh của nọc độc đã được tỉnh lại, đã đứng lên, không tật bệnh. Không có ai bằng (ta) về sự chân thật, điều này là sự toàn hảo về chân thật của ta.
Kaṇhadīpāyanacariyaṃ ekādasamaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Kaṇhadīpāyana là phần thứ mười một.
--ooOoo--
12. Sutasomacariyaṃ
12. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Sutasoma: [27]
***
345. Punāparaṃ yadā homi sutasomo mahīpatī
gahito porisādena brāhmaṇe saṅgaraṃ sariṃ.
345. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta là đức vua Sutasoma. Bị bắt giữ bởi Porisāda (kẻ ăn thịt người), ta đã nhớ lại lời hứa với vị Bà-la-môn.
346. Khattiyānaṃ ekasataṃ āvuṇitvā karatale
ete sampamilāpetvā yaññatthe upanayī mamaṃ.
346. Sau khi xỏ dây ở lòng bàn tay của một trăm vị Sát-đế-lỵ rồi (treo lên) phơi khô họ, kẻ ấy đã đưa ta đi nhằm mục đích tế thần.
347. Apucchi maṃ porisādo kintvaṃ icchasi nissajaṃ.
yathāmati te kāhāmi yadi me tvaṃ punehisi.
347. Kẻ ăn thịt người đã hỏi ta rằng: “Có phải ngài mong muốn việc cởi trói? Ta sẽ làm theo ý thích của ngài nếu ngài còn quay trở lại.”
348. Tassa paṭissuṇitvāna paṇhe āgamanaṃ mama
upāgantvā puraṃ rammaṃ rajjaṃ nīyādayiṃ tadā.
348. Vào lúc ấy, sau khi đã hứa hẹn đối với câu hỏi của kẻ (ăn thịt người) ấy về việc trở lại của ta, ta đã đi đến thành phố tráng lệ và đã chối từ vương quốc.
349. Anussaritvā saddhammaṃ pubbakaṃ jinasevitaṃ
brāhmaṇassa dhanaṃ datvā porisādaṃ upāgamiṃ.
349. Sau khi tưởng nhớ đến Chánh Pháp đã được thực hành bởi các đấng Chiến Thắng thời quá khứ, ta đã trao lại tài sản cho vị Bà-la-môn và đã đi đến gặp kẻ ăn thịt người.
350. Natthi me saṃsayo tattha ghātayissati vā na vā
saccavācānurakkhanto jīvitaṃ cajitumupāgamiṃ
saccena me samo natthi esā me sacca pāramīti.
350. Trong trường hợp ấy, không có sự phân vân ở ta về việc kẻ ấy sẽ giết hay không (giết). Trong khi bảo vệ lời nói chân thật, ta đã đi đến để buông bỏ mạng sống. Không có ai bằng (ta) về sự chân thật, điều này là sự toàn hảo về chân thật của ta.
Sutasomacariyaṃ dvādasamaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Sutasoma là phần thứ mười hai.
Saccapāramitā niṭṭhitā.
Dứt sự toàn hảo về chân thật.
--ooOoo--
VI. METTĀ PĀRAMITĀ
13. Suvaṇṇasāmacariyaṃ
13. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Suvaṇṇasāma: [28]
***
351. Sāmo yadā vane āsiṃ sakkena abhinimmito
pavane sīhabyagghehiva mettāya-m-upanāmayiṃ.
351. Vào lúc ta là Sāma ở trong khu rừng đã được (Chúa Trời) Sakka hóa hiện ra. Ở trong khu rừng lớn, ta đã rải tâm từ ái đến các loài sư tử và cọp.
352. Sīhabyagghehi dīpīhi acchehi mahisehi ca
pasadamigavarāhehi parivāretvā vane vasiṃ.
352. Ta đã sống ở trong khu rừng, được quây quần xung quanh bởi các loài sư tử, cọp, beo, gấu, trâu rừng, nai đốm, và heo rừng.
353. Na maṃ koci uttasati, napihaṃ bhāyāmi kassaci,
mettābalenupatatthaddho ramāmi pavane tadāti.
353. Không loài thú nào e ngại ta, ta cũng không sợ hãi loài thú nào. Lúc bấy giờ, được duy trì nhờ vào năng lực từ ái, ta hứng thú ở trong khu rừng lớn.
Suvaṇṇasāmacariyaṃ terasamaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Suvaṇṇasāma là phần thứ mười ba.
--ooOoo--
14. Ekarājacariyaṃ
14. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Ekarāja: [29]
***
354. Punāparaṃ yadā homi ekarājāti vissuto
paramaṃ sīlaṃ adhiṭṭhāya pasāsāmi mahāmahiṃ.
354. Vào một thời điểm khác nữa, khi ta được nổi tiếng (với tên) là Ekarāja. Ta đã phát nguyện về giới hạnh tối cao và đã cai quản trái đất to lớn. [30]
355. Dasakusalakammapathe vattāmi anavasesato
catūhi saṅgahavatthūhi saṅgaṇhāmi mahājanaṃ.
355. Ta đã thực hành về thập thiện nghiệp đạo không thiếu sót. Ta đã thâu phục đám đông dân chúng bằng bốn phép tiếp độ.
356. Evaṃ me appamattassa idhaloke parattha ca
dabbaseno upāgantvā acchindanto puraṃ mamaṃ.
356. Trong lúc ta đang tinh tấn như thế vì lợi ích ở đời này và thế giới khác, Dabbasena [31] đã tiến đến chiếm cứ thành phố của ta.
357. Rājūpajīve nigame sabalaṭṭhe saraṭṭhake.
sabbaṃ hatthagataṃ katvā kāsuyaṃ nikhaṇī mamaṃ.
3357. Sau khi thực hiện việc thâu tóm tất cả gồm có nhân sự của đức vua, các thị dân, cùng với quân đội, vá các cư dân của xứ sở, (vị ấy) đã chôn ta ở trong cái hố.
58. Amaccamaṇḍalaṃ rajjaṃ phītaṃ antepuraṃ mama
acchinditvāna gahitaṃ piyaṃ puttaṃva passahaṃ
mettāya me samo natthi esā me mettāpāramīti.
358. (Vị ấy) đã chiếm đoạt quần thần, vương quốc thịnh vượng, và hậu cung của ta. Ta đã nhìn thấy chính đứa con trai yêu dấu đang bị bắt đi. Không có ai bằng (ta) về từ ái, điều này là sự toàn hảo về từ ái của ta.
Ekarājacariyaṃ cuddasamaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Ekarāja là phần thứ mười bốn.
Mettā pāramitā niṭṭhitā.
Dứt sự toàn hảo về từ ái.
--ooOoo--
VII. UPEKKHĀPĀRAMITĀ
15. Mahālomahaṃsacariyaṃ
15. Hạnh của (Đức Bồ-tát) Mahālomahaṃsa: [32]
***
359. Susāne seyyaṃ kappemi chavaṭṭhikaṃ upanidhāya ’haṃ
gomaṇḍalā upāgantvā rūpaṃ dassenti nappakaṃ.
359. Ta nằm ở trong bãi tha ma tựa vào bộ xương người chết. Đám trẻ con nhà quê đã đi đến và đã phô diễn hình thức (khuấy rối) không phải là ít.
360. Apare gandhañca mālañca bhojanaṃ vividhaṃ bahuṃ
upāyanānyupanenti haṭṭhā saṃviggamānasā.
360. Các đứa khác mừng rỡ, với tâm trí phấn chấn, mang lại các quà tặng là hương thơm, vòng hoa, và vô số thực phẩm các loại.
361. Ye me dukkhaṃ upadahanti ye ca denti sukhaṃ mama
sabbesaṃ samako homi dayākopo na vijjati.
361. Ta đều bình đẳng đối với tất cả những ai gây ra khổ đau cho ta cũng như những ai đem lại cho ta an lạc; thương và giận đều không được biết đến.
362. Sukhadukkhatulā bhūto yasesu ayasesu ca
sabbattha samako homi esā me upekkhā pāramīti.
362. Là thăng bằng giữa an lạc và khổ đau, giữa các danh thơm và những tiếng xấu, ta đều bình đẳng trong mọi trường hợp; điều này là sự toàn hảo về hành xả của ta.
Mahālomahaṃsacariyaṃ paṇṇarasamaṃ.
Hạnh của (đức Bồ-tát) Mahālomahaṃsa là phần thứ mười lăm.
Upekkhā pāramitā niṭṭhitā.
Dứt sự toàn hảo về hành xả.
--ooOoo--
UDDĀNA GĀTHĀ
***
363. Yudhañjayo somanasso ayoghara bhisenaca
soṇanando mūgapakkho kapirājā saccasavhayo.
363. Chuyện Yudhañjaya, chuyện Somanassa, chuyện Ayoghara (ngôi nhà sắt), và chuyện Bhisa, chuyện Soṇa và Nanda, chuyện Mūgapakkha (Temiya), chuyện con khỉ chúa, và chuyện vị (đạo sĩ) tên Sacca.
364. Vaṭṭako maccharājā ca kaṇhadīpāyano isi
sutasomo puna āsiṃ sāmoca ekarājahu
upekkhā pāramī āsi iti vuttaṃ mahesinā.
364. Chuyện chim cút con, và chuyện vua cá, chuyện ẩn sĩ Kaṇhadīpāyana, lại nữa ta đã là Sutasoma, Sāma, và Ekarājā, và đã có sự toàn hảo về hành xả; như thế đã được thuyết giảng bởi vị Đại Ẩn Sĩ.
365. Evaṃ bahuvidhiṃ dukkhaṃ sampatti ca bahuvidhā
bhavā bhave anubhavitvā patto sambodhimuttamaṃ.
365. Sau khi kinh nghiệm khổ đau dưới nhiều hình thức và thành công với nhiều thể loại ở lần tái sanh này đến lần tái sanh khác như thế, ta đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng.
366. Datvā dātabbakaṃ dānaṃ sīlaṃ pūretvā asesato
nekkhamme pāramiṃ gantvā patto sambodhimuttamaṃ.
366. Sau khi bố thí những gì cần được bố thí, sau khi làm viên mãn giới hạnh không thiếu sót, sau khi đạt đến sự toàn hảo về xuất ly, ta đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng.
367. Paṇḍite paripucchitvā viriyaṃ katvāna muttamaṃ.
khantiyā pāramiṃ gantvā patto sambodhi muttamaṃ.
367. Sau khi đã vấn hỏi các bậc hiền trí, sau khi đã thể hiện sự tinh tấn tối thượng, sau khi đã đạt đến sự toàn hảo về nhẫn nại, ta đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng.
368. Katvā daḷhamadhiṭṭhānaṃ saccavāvānurakkhiya
mettāya pāramiṃ gantvā patto sambodhimuttamaṃ.
368. Sau khi đã thực hành sự quyết định vững chắc, sau khi đã hộ trì lời nói chân thật, sau khi đã đạt đến sự toàn hảo về từ ái, ta đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng.
369. Lābhālābhe yasāyase sammānanāvamānane
sabbattha samako hutvā patto sambādhi muttamaṃ.
369. Ðối với lợi lộc và không lợi lộc, đối với danh thơm và tiếng xấu, đối với sự kính trọng và chê bai, sau khi đã là bình đẳng trong mọi trường hợp, ta đã đạt đến quả vị Toàn Giác tối thượng.
370. Kosajjaṃ bhayato disvā viriyārambhañca khemato
āraddhaviriyā hotha esā buddhānusāsanī.
370. Sau khi thấy được sự biếng nhác là nguy hiểm và việc khởi sự tinh tấn là an toàn, hãy nỗ lực tinh tấn; đây là lời giáo huấn của chư Phật.
371. Vivādaṃ bhayato disvā avivādañca khemato
samaggā sakhilā hotha esā buddhānusāsanī.
371. Sau khi thấy được sự tranh cãi là nguy hiểm và sự không tranh cãi là an toàn, hãy hợp nhất, thân thiện; đây là lời giáo huấn của chư Phật.
372. Sau khi thấy được sự dễ duôi là nguy hiểm và sự không dễ duôi là an toàn, hãy tu tập đạo lộ tám chi phần; đây là lời giáo huấn của chư Phật. [33]
Yudhañjayavaggo tatiyo.
Phẩm Yudhañjaya là thứ ba.
--ooOoo--
Itthaṃ sudaṃ bhagavā attano pubbacariyaṃ sambhāvayamāno
buddhāpadāniyaṃ nāma dhammapariyāyaṃ abhāsitthāti.
Ở đây, trong khi trình bày về phẩm hạnh quá khứ của bản thân, đức Thế Tôn đã thuyết giảng về bản thể của Giáo Pháp có tên là Buddhāpadāniyaṃ. [34]
Cariyāpiṭakapāḷi samattā.
Hạnh Tạng được đầy đủ.
--ooOoo--
[1] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 460.
[2] Do tác động của sự tưởng đến vô thường, CpA. 183.
[3] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 505
[4] tattha, được giải thích là: “với sự ra lệnh của đức vua ...,” CpA. 191.
[5] Lúc ấy, đức Bồ-tát được bảy tuổi, CpA. 189.
[6] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 510.
[7] Đức Bồ-tát đã được nuôi lớn lên trong ngôi nhà lớn hoàn toàn bằng sắt được xây dựng theo hình thức gian nhà hình tứ giác nhằm mục đích ngăn ngừa các tai họa do phi nhân. Hai người anh trai của đức Bồ-tát đã bị con nữ Dạ-xoa ăn thịt lúc mới sanh ra (CpA. 195-6).
[8] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 488.
[9] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 532.
[10] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 538.
[11] Vào ngày đức Bồ-tát được sanh ra, trời đã đổ cơn mưa xuống toàn thể vương quốc Kāsi, nên được gọi là Temiya (được ầm ướt), CpA. 216-7.
[12] Là thoát khỏi vương quốc xui xẻo này, CpA. 218.
[13] Dịch theo kathāhaṃ imaṃ muñcissaṃ thay vì kadāhaṃ ...? (Khi nào ta sẽ ...?)
[14] Vị này ngự ở trên chiếc lọng ấy và là người mẹ ruột trong một kiếp sống trước đây, CpA. 218.
[15] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 57.
[16] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 35.
[17] Jina (đấng Chiến Thắng) cũng là danh hiệu đề cập đến đức Phật.
[18] karīsa là đơn vị đo diện tích.
[19] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 75.
[20] Lúc này, hồ đã bị cạn nước, các con cá nằm trong các bãi bùn rải rác đó đây, CpA. 237.
[21] Dịch theo câu văn Pāḷi ở phần cước chú.
[22] Dịch theo Chú Giải ... pajjuno megho abhivassatu, CpA. 238.
[23] Kho lương dự trữ ám chỉ đến các con cá đang vướng trong bùn. Nếu trời đổ mưa làm đầy nước trong hồ thì kho lương dự trữ của loài quạ sẽ bị tiêu tan (CpA. 238-9).
[24] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 444.
[25] Trong thời quá khứ, tiền thân vị này đã dùng một mảnh gỗ mun đâm xuyên qua con ruồi, CpA. 243.
[26] Tên của đứa bé trai, CpA. 245.
[27] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 537.
[28] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 540.
[29] Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 303.
[30] Đã cai quản vùng đất rộng lớn ở vương quốc Kāsi ba trăm do-tuần, CpA. 264.
[31] Dabbasena là đức vua xứ Kosala, CpA. 264.
[32] Có thể liên quan đến Chuyện Tiền Thân Đức Phật, câu chuyện 94.
[33] Câu kệ 372 không có ở Tạng Tích Lan, nhưng được thấy ở Tạng Thái, Miến Điện, Anh:
Pamādaṃ bhayato disvā, appamādañca khemato
bhāvethaṭṭhaṅgikaṃ maggaṃ esā buddhānusāsanī.
[34] Buddhāpadāniyaṃ là đề tài được thuyết giảng, là đề tài được trình bày có liên quan đến công hạnh khó làm thuộc thời xa xưa nghĩa là việc làm quá khứ của chư Phật, CpA. 335.
-ooOoo-