(19 – 4 – 2009)
CHỈ THẲNG PHÁP MÔN TU TẬP
Những lời dạy trên đây của đức Phật, chúng ta nhận thấy có chín pháp tu tập gồm có:
1- THÂN CẬN THIỆN HỮU TRI THỨC
Người mới bắt đầu vào đạo phải tu pháp môn nào trước? Như đức Phật dạy: Mới bắt đầu tu tập là phải thân cận thiện hữu tri thức. Thân cận thiện hữu tri thức là thân cận bậc tu đã chứng đạo, có nghĩa là phải sống ở gần bên người chứng đạo để được thưa hỏi những điều mình chưa hiểu biết. Như vậy pháp thứ nhất là pháp “thân cận thiện hữu tri thức”
Khi sống được thân cận với bậc tu chứng đạo thì phải thưa hỏi chân lý giải thoát. Vậy chân lý giải thoát là cái gì?
2- NGHE VI DIỆU PHÁP.
Như lời đức Phật đã dạy: nghe vi diệu pháp. Vậy nghe vi diệu pháp là nghe pháp gì?
Nghe vi diệu pháp của đức Phật là nghe dạy bốn chân lý: Khổ, tập, diệt, đạo. Khổ, tập, diệt, đạo nghĩa là gì?
- Khổ là nói về đời sống con người không ai là không khổ. Cho nên khi hiểu được đời là khổ thì ai cũng muốn đi tu cả.
- Tập là nguyên nhân sinh ra mọi thứ đau khổ tức là lòng tham muốn. Khi hiểu được lòng tham muốn là nguyên nhân sinh ra đau khổ thì ai cũng muốn tu tập để diệt trừ lòng ham muốn.
- Diệt là một trạng thái tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Khi hiểu biết và nhận ra tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự là chân lý giải thoát của Phật giáo thì ai cũng muốn gìn giữ và bảo vệ nó để sống cho được với trạng thái này.
- ĐẠO là tám lớp học để thực hiện những phương pháp tu tập giữ gìn và bảo vệ tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Khi nhận ra tám lớp học và những pháp tu tập để bảo vệ và giữ gìn tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự thì ai cũng muốn tu tập để được giải thoát.
3- LÒNG TIN
Khi nghe và nhận hiểu bốn chân lý này là sự thật của kiếp người thì còn ai mà không tin đạo Phật.
Khi chúng ta có lòng tin thì pháp đầu tiên chúng ta tu tập là pháp như lý tác ý.
4- NHƯ LÝ TÁC Ý
Pháp như lý tác ý như thế nào?
Pháp như lý có nghĩa là như lý của sự giải thoát. Vậy như lý của sự giải thoát như thế nào?
Như lý của sự giải thoát là tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Đó là chân lý thứ ba của pháp môn “TỨ DIỆU ĐẾ”
Khi chúng ta thường xuyên tu tập pháp như lý tác ý thì tâm chúng ta ở trong trạng thái chánh niệm tĩnh giác.
5- CHÁNH NIỆM TĨNH GIÁC
Pháp chánh niệm tĩnh giác nghĩa là gì?
Chánh niệm nghĩa là niệm đúng theo như lời đức Phật dạy, còn niệm không đúng lời Phật dạy là tà niệm. Vậy niệm đúng lời Phật dạy là niệm gì?
Niệm tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự (niệm chân lý thứ ba), đó là chánh niệm. Chánh niệm tức là tứ niệm xứ – tứ niệm xứ là chỉ cho một trạng thái tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự.
Tỉnh giác nghĩa là gì?
Tỉnh giác có nghĩa là im lặng và sáng suốt.
Nghĩa chung của bốn từ này chánh niệm tỉnh giác là “luôn luôn im lặng sáng suốt tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự”
Khi tâm luôn luôn im lặng sáng suốt trên tâm bất động thanh thản, an lạc, vô sự thì các căn không tiếp xúc các trần. Các căn không tiếp xúc các trần nên gọi là chế ngự các căn.
6- CHẾ NGỰ CÁC CĂN
Pháp chế ngự các căn nghĩa là gì?
Pháp độc cư, độc bộ, độc hành. Nhờ pháp độc cư, độc bộ, độc hành mới chế ngự các căn và làm cho các căn không còn phóng dật chạy theo các trần. Do đó thân hành, khẩu hành và ý hành đều được thanh tịnh tức là thân hành, khẩu hành và ý hành không còn làm điều ác nên gọi là ba thiện hạnh.
7- BA THIÊN HẠNH
Pháp ba thiện hạnh nghĩa là gì?
Pháp ba thiện hạnh là pháp tứ chánh cần, người sống với ba thiện hạnh là người đang ngăn ác diệt ác pháp sinh thiện tăng trưởng thiện pháp.
Ba thiện hạnh tức là ba hành động thân, khẩu, ý thanh tịnh. Ba hành động thân, khẩu, ý thanh tịnh là toàn thân thanh tịnh. Toàn thân thanh tịnh tức là bốn chỗ thanh tịnh. Bốn chỗ là thân, thọ, tâm, pháp thanh tịnh. Thân, thọ, tâm, pháp là tứ niệm xứ. Tứ Niệm Xứ thanh tịnh là thân tâm thanh tịnh.
8- TỨ NIỆM XỨ
LUÔN LUÔN IM LẶNG SÁNG SUỐT TRÊN TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC, VÔ SỰtức là tâm đang ở trên TỨ NIỆM XỨ. Tâm ở trên trạng thái TỨ NIỆM XỨ này lần lượt xuất hiện đủ BẢY NĂNG LỰC GIÁC CHI.
9- BẢY NĂNG LỰC GIÁC CHI
Khi tâm tinh tấn siêng năng LUÔN LUÔN IM LẶNG SÁNG SUỐT TRÊN TÂM BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC, VÔ SỰthì TINH TẤN GIÁC CHI xuất hiện, khi TINH TẤN GIÁC CHI xuất hiện thì NIỆM GIÁC CHI xuất hiện, khi NIỆM GIÁC CHI xuất hiện thì ĐỊNH GIÁC CHI xuất hiện; ĐỊNH GIÁC CHI xuất hiện thì KHINH AN GIÁC CHI xuất hiện; KHINH AN GIÁC CHI xuất hiện thì HỶ GIÁC CHI xuất hiện; HỶ GIÁC CHI xuất hiện thì XẢ GIÁC CHI xuất hiện; XẢ GIÁC CHI xuất hiện thì TRẠCH PHÁP GIÁC CHI xuất hiện.
Khi BẢY NĂNG GIÁC CHI xuất hiện đầy đủ thì thân tâm chúng ta có TỨ THẦN TÚC. TỨ THẦN TÚC gồm có:
1- TINH TẤN NHƯ Ý TÚC (Tứ Niệm Xứ)
2- DỤC NHƯ Ý TÚC (Lục Thông)
3- ĐỊNH NHƯ Ý TÚC (Tứ Thánh Định)
4- TUỆ NHƯ Ý TÚC (Trí tuệ Tam Minh)
Tu tập đến đây là chúng ta đã CHỨNG ĐẠO, không còn tu tập một pháp nào nữa cả. Vì thân tâm chúng ta có đủ nội lực làm chủ sự sống chết, chấm dứt tái sinh, tự tại trong sinh tử, không còn bị nhân quả chi phối, điều hành nữa.