THƯ GỬI KIM QUANG VÀ KIM TIÊN

Kính gửi: Kim Quang và Kim Tiên

Khi các con về Tu Viện thì không gặp được Thầy, nhưng chắc các con đều thông suốt giáo pháp xả tâm ly dục, ly ác pháp của Phật, mà không còn bị lầm lạc rơi vào những pháp ức chế thân tâm của các Tổ sư tưởng giải tu hành, nên Thầy không lo cho các con lắm. Vì các con đã từng gặp các pháp môn này ở các trường thiền của Phật giáo phát triển từ Đông sang Tây, từ Tây sang Đông.

Thầy xin có lời khuyên nhắc các con: tu hành theo Phật giáo chỉ có xả tâm bằng tri kiến, vì thế, phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì xả tâm mới không bị ức chế. Các con đừng xem thường giới luật mà hãy xem giới luật là mạng sống của các con thì sư tu tập mới dễ dàng chứng đạo.

Như các con đã hiểu, muốn chứng đạo tức là chứng đạt chân lí thì phải giác ngộ chân lí, giác ngộ chân lí là phải hiểu biết rõ chân lí. Có hiểu biết rõ chân lí mới hộ trì và bảo vệ được chân lí; có hộ trì và bảo vệ được chân lí mới chứng nhập vào chân lí tức là chứng đạo.

Vậy, hiện giờ các con có ngộ được chân lí hay chưa ?

Chân lí là một trạng thái tâm bất động, là tâm thanh thản, an lạc và vô sự, là tâm ly dục li ác pháp, là tâm không phóng dật, là tâm không có ba lậu hoặc: dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, là tri kiến giải thoát, là tâm định trên thân, là tâm trên thân quán thân v.v… trong những tên gọi trên đây là chỉ cho trạng thái chân lí. Vậy trong các danh từ này các con có nhận tâm mình ở trạng thái chân lí này chưa?  Nếu chưa thì phải thân cận bậc thiện hữu tri thức, những người chứng đạo họ sẽ chỉ và sẽ khai ngộ cho.

Nếu nhận được rồi thì sự tu tập của các con không còn khó khăn, mệt nhọc, chỉ ngồi chơi mà đuổi các chướng ngại pháp; chỉ  ngồi chơi mà bảo vệ và hộ trì chân lí, khi nào chướng ngại pháp không còn tác động vào thân tâm thì chân lí hiện tiền trong cuộc sống của các con hằng ngày. Lúc bấy giờ là các con đã chứng đạo.

Đây, các con hãy đọc lại đoạn kinh này trong kinh Trường Bộ thì sẽ rõ sự chứng đạo của Phật giáo không phải khó khăn, mà mọi người ai cũng có thể nhận thấy sự chứng đạo rõ ràng qua tri kiến của mình. Đoạn kinh dạy:

 “Tôn giả Xá Lợi Phất đến tại chỗ Thế Tôn, đãnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Tôn giả Xá Lợi Phất bạch Thế Tôn:

-  Bạch Thế Tôn, con tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng: “Ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở hiện tại không thể có một Sa Môn, một Bà La Môn nào có thể vĩđại hơn, sáng suốt hơn Thế Tôn về phương diện Chánh Giác.

Do lời tuyên bố đức Phật vĩ đại mạnh mẽ như vậy nên đức Phật gạn hỏi:

-  Có phải ông dùng THA TÂM THÔNG để biết về quá khứ, vị lai và hiện tại của tất cả các bậc tu hành có giới đức như vậy, có thiền định như vậy, có trí tuệ như vậy, có hạnh túc như vậy và có giải thoát như vậy mà cả gan rống lên tiếng rống sư tử như vậy không ?

Ông Xá Lợi Phất nói : Bạch Thế Tôn, không ?

Do đó đức Phật bảo: “Này Xá Lợi Phất như vậy Ngươi không có tha tâm thông đối với các vị ỨngCúng, Chánh Biến Tri ở quá khứ, vị lai và hiện tại. Như vậy, này Xá Lợi Phất, vì sao Ngươi lại thốt ra những lời đại ngôn, lời nói gan dạ, rống lên tiếng rống của con sư tử?

Khi được hỏi như vậy, ông Xá Lợi Phất trả lời: “Bạch Thế Tôn, con không có tha tâm thông... Chỉ vì, con biết truyền thống về chánh pháp. Bạch Thế Tôn tất cả các vị A La Hán Chánh Đẳng Giác trong quá khứ, tương lai và hiện tại đã diệt trừ Năm Triền Cái, những nhiễm tâm khiến cho trí tuệ yếu ớt không còn dục, đã an trú tâm vàoBốn Niệm Xứ, đã chân chánh tu tập Bảy Giác Chi, đã chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Giác” (kinh Đại Bát Niết Bàn trang 558 thuộc kinh Trường Bộ tập I )

Đọc đoạn kinh này các con lưu ý: ông Xá Lợi Phất nhận xét thấy sự chứng đạo của đức Phật bằng ý thức tri kiến của mình, của một người bình thường. Ông hiểu biết Phật qua ý thức sự nhận xét, nên tin tưởng đức Phật là một người sáng suốt về phương diện chánh giác vĩ đại hơn bất cứ một Sa Môn nào, Bà La Môn nào ở mọi thời quá khứ, vị lai và hiện tại, nghĩa là suốt thời gian quá khứ, vị lai và hiện tại từ khi có Trời đất và loài người thì không có một người nào tu chứng trí tuệ hiểu biết vĩ đại như đức Phật.

Cũng đoạn kinh trên đây chúng ta nhận thấy một người tu chứng không phải căn cứ vào thần thông mà căn cứ vào chỗ Năm Triền Cái tham, sân, si, mạn, nghi và tâm không còn dục nhiễm (giới), kế đó tâm đã an trú vào Bốn Niệm Xứ, đã chân chánh có Bảy Giác Chi (định), đã chứng được Vô Thượng Chánh Đẳng Giác (tuệ). Đây là giới, đây là định, đây là tuệ rõ ràng cụ thể không có một người nào dám phủ nhận nói sai được.

 Nhưng đoạn kinh dưới đây cũng trong kinh Đại Bát Niết Bàn thuộc kinh Trường Bộ tập I trang 559 kết tập sai do tri kiến học giả của các Tổ không có công phu tu chứng đạt chân lí nên kết tập không đúng. Các con đọc mà suy ngẫm.

“Định cùng tu với Giới sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tuệ cùng tu với Định sẽ đưa đến quả vị lớn, lợi ích lớn. Tâm cùng tu với Tuệ sẽ đưa đến giải thoát hoàn toàn các món lậu hoặc, tức là dục lậu, hữu lậu vô minh lậu(kinh đại Bát Niết Bàn trang 559 thuộc kinh Trường Bộ tập 1). Đoạn kinh có 2 chỗ sai:

 Câu thứ nhất “ĐỊNH cùng tu với GIỚI” là sai, thường kinh dạy Giới sanh Định thế mà đoạn kinh này dạy Định cùng tu với Giới. Vậy Định chưa có lấy gì cùng tu với Giới. Vậy xin các bạn suy ngẫm lại đoạn kinh này đúng hay sai? Cho nên đức Phật bảo: “Đừng tin vào kinh tạng” là vậy.

Câu thứ hai TUỆ cùng tu với ĐỊNH câu này cũng sai, Theo Phật dạy thì ĐỊNH sanh TUỆ. Vậy chưa có tuệ, mà lấy tuệ tu định. Vậy xin các bạn cũng suy ngẫm câu kinh này có phải Phật thuyết không hay các Tổ thuyết? Điều này để cho người tu chứng sẽ trả lời. Phải không các con?

Theo kinh nghiệm tu hành của Thầy, ở câu kinh này phải hiểu cho rõ ràng là lấy TÂM tu GIỚI, là lấy TÂM tu ĐỊNH, là lấy TÂM tu TUỆ. Đó là đúng nghĩa theo lời Phật dạy. Vì Phật dạy: “Hãy tin những gì là thiện mang đến kết quả giải thoát cho mình cho người”.

Cho nên, khi lấy tâm tu giới là có kết quả ngay liền. Kết quả ngay liền tức là giới luật nghiêm túc không hề vi phạm những lỗi nhỏ nhặt nào trong giới luật. Không hề vi phạm những lỗi nhỏ nhặt nào trong giới luật tức là tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh là tâm an trú trên Tứ Niệm Xứ, Tâm an trú trên Tứ Niệm Xứ là định, khi tâm an trú trong định là tâm có tri kiến giải thoát và tuệ Tam Minh.

Cho nên muốn xét người tu chứng là nên xét ở GIỚI LUẬT, ở sự an trú trên TỨ NIỆM XỨ và ở TRÍ TUỆ TRI KIẾN GIẢI THOÁT chứ không nên xét qua THẦN THÔNG hay ngồi thiền năm, bảy ngày, một tháng hoặc hai, ba tháng.

Cho nên trong khi tu tập phải giữ trọn vẹn giới ăn, ngủ, độc cư cho nghiêm chỉnh và những giới nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, nhờ giữ gìn những giới luật đó nên mới xả tâm được rất ráo. Các con hãy đọc kỹ những lời dạy trên đây để tu tập không bị ức chế tâm khi Thầy vắng mặt tại Tu Viện. Thầy đang lo cho các con có một cơ sở mới nữa, nếu đủ duyên.

Hiện nay các con tu tập có ba phần:

1- Giữ gìn nghiêm chỉnh hạnh ĐỘC CƯ, không được vi phạm những lỗi nhỏ nhặt trong đó.

2- Ngồi chơi xả chướng ngại của tâm, của thân, bằng pháp môn NHƯ LÝ TÁC Ý, bằng TRI KIẾN, bằng ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ, bằng THÂN HÀNH NIỆM.

3- Phải để tự nhiên tâm AN TRÚ TRÊN TỨ NIỆM XỨ.

Các con hãy cứ tu tập như vậy khi nào BẢY NĂNG LỰC GIÁC CHI xuất hiện đủ là tu tập xong.

Tu hành theo Phật giáo các con đừng nghĩ đến và cầu mong TAM MINH, LỤC THÔNG mà chỉ ước nguyện tu hành sao có được sức làm chủ bốn chỗ đau khổ: sinh, già, bệnh, chết và biết nơi chốn sau khi chết các con sẽ về đó.

Trong cuộc sống hằng ngày mà các con đã làm chủ được bốn sự đau khổ, nhất là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm tạo thì hạnh phúc biết baọ. Phải không các con?

Nếu các con đủ lòng tin nơi Phật, nơi Thầy thì sự chứng đạo không còn bao lâu nữa. Vì những pháp hành trên đây là những pháp gạn lọc tâm rốt ráo để sớm đạt được tâm thanh tịnh chân thật để nhập vào chân lí mà những người tu chứng đều phải trải qua.

Thăm và chúc các con tu tập tốt, nhớ đừng tu tập ức chế tâm bằng mọi hình thức, bằng mọi pháp môn ức chế thân tâm rất nguy hiểm cho cuộc đời tu hành.

Thân thương chào các con