TÂM THƯ GỬI QUÝ TU SINH

(Ngày 27 - 1 – 2007)

Kính gửi: Quý tu sinh tại Tu Viện Chơn Như.

Kính thưa quý vị! Đây là một lớp học đầu tiên dạy về giới đức của NGŨ GIỚI, trong lớp học tu sinh có nhiều tuổi tác chênh lệch khác nhau, và cũng có nhiều trình độ kiến thức văn hóa không đồng điều. Mục đích của lớp học là truyền đạt kiến thức tư tưởng đạo đức, chứ không phải truyền đạt kiến thức văn học và nghề nghiệp chuyên môn. Cho nên ở đây việc chấm điểm sắp xếp cho đúng tiêu chuẩn để lên lớp là một điều rất khó cho giảng viên, vì thế chúng ta cần phải biết phân biệt giữa hai nền giáo dục rõ ràng:

Nền giáo dục kiến thức văn hoá đạo đức và nền giáo dục kiến thức văn hoá nghề nghiệp nó khác nhau; một bên thuộc về đức trí một bên thuộc về tài trí.

Chương trình giáo dục đào tạo của Bộ Giáo Dục là chương trình giáo dục đào tạo tài trí, chứ không phải chương trình giáo dục đào tạo đức trí, vì thế sự chấm điểm sắp xếp lên lớp rất dễ dàng. Lớp học của chúng ta là lớp học dạy theo chương trình giáo dục đào tạo đức trí. Cho nên chúng ta phải gặp nhiều khó khăn, nhất là học viên tuổi tác khác nhau và trình độ kiến thức văn hoá cũng không đồng đều như trên đã nói, rồi môn học đạo đức thuộc về môn học tinh thần. Từ cái khó này lại gặp cái khó khác, nhưng chúng ta biết trên đời không có gì khó, mà khó vì lòng người ngại núi e sông.

Kính thưa quý vị! Như quý vị đã biết: Chương trình giáo dục đào tạo là phải có lớp thấp, lớp cao, chứ không phải có một lớp học suốt năm giới hay hoặc 10 giới, nhưng có lớp thấp, lớp cao là phải căn cứ vào điểm tri kiến đạo đức (học lực đạo đức), nhưng ở đây là môn học đạo đức làm người, để sống một cuộc sống không làm khổ mình, khổ người. Vì thế căn cứ vào kiến thức hiểu biết về đạo đức cho lên lớp như vậy là chưa đủ mà còn phải căn cứ vào hành động sống hằng ngày trong lớp học cùng với anh chị em tu sinh, giảng viên và giao tiếp với mọi người bên người mà cho điểm.

Đạo đức phải thể hiện qua thân hành, khẩu hành và ý hành, vì thế người giảng viên dễ nhận xét đức hạnh của người học viên để cho điểm. Nhưng người giảng viên phải thực hiện đức thương mình, thương người, nên khi chấm điểm là một sự khuyến khích rất lớn đối học viên của mình. Nếu học viên trả lời đúng câu hỏi thì cho 10 điểm và còn kèm theo một lời khen tặng sách tấn và khích lệ cho một tràng pháo tay. Về điểm thực hành mỗi học viên phải trình bày một ngày qua đã áp dụng đạo đức hiếu sinh vào cuộc sống đã làm được những gì.

Ví du 1: Một học viên trình bày một ngày qua học đạo đức hiếu sinh đã áp dụng thân hành, khẩu hành, ý hành bằng sức tỉnh thức thường nhắc tâm nên tránh không dậm đạp lên chúng sinh; bằng sức tỉnh thức đã vớt một con kiến rơi vào hầm cầu; bằng sức tỉnh thức đã kêu gọi chúng sinh tránh nơi bước chân đi kinh hành. Đó là đức hiếu sinh thân hành, khẩu hành và ý hành mà học viên đã áp dụng được vào đời sống hằng ngày.

Ví dụ 2: Trong khi đang ngồi ăn cơm bỗng dưng tôi nghe tiếng của một con nhái kêu: Éo! Éo! Éo!!!! Tôi nghĩ ngay rằng: Có một con nhái bị con rắn bắt ăn, tôi liền chạy ra dùng cây đập trên cỏ, làm cho con rắn sợ nhả con nhái ra, khi ấy tôi đem con nhái vào chỗ có đất ẩm ướt để cho con nhái tỉnh lại và đem cơm ra kêu con rắn ăn và kêu gọi: “Hãy ra ăn cơm đây rắn ơi! Đừng bắt con nhái tội nghiệp, nó sợ chết lắm!” Đó là đức hiếu sinh thân hành, khẩu hành và ý hành mà học viên đã áp dụng vào đời sống.

Sau khi trình bày những hành động đạo đức hiếu sinh sống hằng ngày mà học viên đã từng áp dụng được, để tất cả tu sinh trong lớp học và giảng viên cùng nghe. Nghe xong thầy giảng viên xét thấy học viên của mình nói là sự thật. Nghe xong thầy giảng viên chấm điểm 10 và hết lời ca ngợi, khuyến khích trước tu sinh và khích lệ khen tặng một tràng pháo tay.

Kính thưa quý tu sinh! Tại sao chúng ta phải khen tặng và cho một tràng pháo tay?

Bởi vì, chúng ta chưa phải là Phật, nên sự khen tặng và một tràng pháo tay cũng là trợ duyên cho chúng ta rèn luyện nhân cách làm người nhiều hơn. Các tu sinh đừng tưởng mình là Phật, vì Phật là phải có trí tuệ thông suốt luật nhân quả, không chỗ nào là không thấy, thông suốt Tam Minh không chỗ nào trong vũ trụ này còn che khuất được, thì khen tặng và một tràng pháo tay thì không đúng, vì họ là những người tu chứng. Còn các tu sinh là những người đang tu học đạo đức chưa chứng đạo mà được khích lệ và ca ngợi khen tặng khiến cho tu sinh nổ lực, cố gắng tu tập hơn thì đó là một việc làm có ích lợi cho tu sinh.

Trong khi các con trả lời câu hỏi về đạo đức nhân quả hiếu sinh lạc chủ đề nên Thầy gợi ý một số quy luật nhân quả của nhân quả để các con hiểu rằng sự hiểu biết về nhân quả của các con còn nông cạn mà còn nông cạn thì không nên bàn nhân quả mênh mông mà nên nhắm vào chủ đề trả lời vì bài văn nói rất rõ về chủ đề.

Những bài học ở lớp 1 nghĩa lý đạo đức hiếu sinh như vậy là vừa đủ theo đúng đáp án, nhưng ở lớp khác cùng những bài học đó mà dạy thì nghĩa lý nhân quả phải được rộng rãi hơn và sâu hơn. Vậy Kim Quang hãy chờ đợi lên lớp trên, còn bây giờ Thầy trả lời riêng cho con thì mất thời giờ quá nhiều, mà những câu trả lời như vậy chưa sâu rộng bằng ở lớp học. Càng lên lớp cao hơn thì sự học đạo đức nhân quả càng sâu mầu hơn. Cho nên ở lớp nào thì phải học đúng nghĩa lý đạo đức nhân quả của lớp nấy. Bởi học đạo đức không phải học suông mà còn học để áp dụng vào đời sống, để trở thành thói quen đạo đức, nếu không biết áp dụng thì uổng phí thời gian, chỉ học lý luận suông như con chim học nói tiếng người. Cứ học hiểu đến đâu áp dụng đến đó, từ lớp này sang lớp khác thì đạo đức sẽ thấm nhuần và trở thành những thói quen đạo đức mà không hay biết, chừng đó mới thấy chứng đạo của đạo Phật không có khó khăn.

Về mặc đạo đức nhân bản- nhân quả trong NGŨ GIỚI được chia ra làm ba cấp học:

1- Cấp học đạo đức bản thân có hai giới: Đức hiếu sinh, Đức ly tham, từ bỏ lấy của không cho.

2- Cấp học đạo đức gia đình có một giới: Đức chung thủy.

3- Cấp học đạo đức xã hội có hai giới: Đức thành thật, đức minh mẫn từ bỏ không uống rượu, hút thuốc lá, thuốc lào, thuốc phiện, bài bạc, xì ke, ma tuý v.v…

Những học viên kém về văn hoá viết văn không thông suốt, nhưng tri kiến hiểu biết trả lời rất đúng câu hỏi, giảng viên cho học viên điểm 10. và lời khen tặng, khuyến khích một tràng pháo tay.

Những học viên kém về văn hoá viết văn không thông suốt, nhưng tri kiến hiểu biết trả lời không đúng câu hỏi thì giảng viên, đánh dấu vào tên học viên, mời học viên đến thất riêng của mình để giúp cho học viên hiểu bài học và hướng dẫn bằng cách thực hành đức hiếu sinh vào cuộc sống. Khi học viên hiểu đúng, trả lời đúng thì giảng viên cho 10 điểm để cuối khoá học không có học viên nào ở lại lớp, Đó là giáo viên dạy tốt, có đức hiếu sinh với học viên của lớp mình.

Lớp học này không phải học vì danh mà học vì đạo đức hiếu sinh để biết thương mình, thương người; để cuộc sống tâm hồn được thanh thản, an lạc và vô sự.

Lớp học này không phải học vì danh, mà học vì đạo đức hiếu sinh biết thương mình, thương người, nên chúng ta học không phải cố gắng để có điểm cao, tranh hơn tranh thua, mà cố gắng học để sống có đạo đức, để đem lại sự bình an và yêu thương cho nhau trên hành tinh này. Chính học và áp dụng thực hành được như vậy thì không cầu điểm cao mà vẫn có điểm cao; không cầu lên lớp mà vẫn được lên lớp. Cứ ngày ngày đều đặn lên lớp học đạo đức, học tới đâu thì áp dụng tới đó, khi nào áp dụng chỉ còn có một tình thương duy nhất trong lòng của các con là các con đã thành tựu đạo đức.

Tâm các con rất bất an khi có một sự chuyển biến trong lớp học là các con tưởng giải ra nhiều lý do, hiểu theo kiểu đời sống thường tình, hiểu theo lớp học văn hoá thế gian. Cho nên lớp học không lúc nào yên. Còn về việc chấm điểm học đạo đức không giống như chấm điểm học văn hoá và vì vậy các con không thể lấy trí phàm phu mà suy luận lớp học đạo đức này được Thầy sẽ hướng dẫn giảng viên cách thức chấm điểm rất công bằng mà không thiên lệch.

Cho nên trong lớp học có những gì chưa thông suốt thì viết thư góp ý với Thầy, nhờ có sự góp ý của tu sinh mới làm sáng tỏ và xây dựng lớp học trong tinh thần bình đẳng đúng nghĩa đạo đức nhân bản - nhân quả.

Đến đây Thầy có lời thăm và chúc các tu sinh cùng giảng viên mạnh khỏe, học tu đạo đức hiếu sinh cho thật tốt.

Thầy của các con