BỨC TÂM THƯ

Ngày 15 tháng 7 năm 2007

Kính gửi: Các tu sinh.

Nói đến tăng đoàn Chơn Như là nói đến những người con Phật, có ý  chí quyết tâm tu hành chứng đạt chơn lý, để  làm sống lại con đường chánh pháp của đức Phật, nhất là sẽ mang nền đạo đức nhân bản bản - nhân quả sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh của đức Phật, bằng thân, giáo thuyết giáo đi khắp mọi nơi để truyền đạt tư tưởng đạo đức ấy. 

Với mục đích cao cả và quan trọng ấy, vì lợi ích và sự an vui của loài người, người tu sĩ trong giáo đoàn Chơn Như không lùi bước trước bất cứ những gian nan, khó khăn nào, luôn luôn tiến bước để đem lại sự lợi ích ấy cho muôn người, muôn loài.

Tăng đoàn Chơn Như không phân biệt các hệ phái tôn giáo Phật giáo cũng như các tôn giáo giáo khác. Khi muốn xin gia nhập vào tăng đoàn Chơn Như các tu sĩ đã xuất gia trong các hệ phái của mình từ sa di đến tỳ kheo thì không phải xin xuất gia trở lại, mà chỉ cần làm đơn xin gia nhập và một bản cam đoan giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh và chấp nhận tu tập đúng chánh pháp của Phật mà tu viện Chơn Như đã triển khai qua sự tu chứng và làm chủ sống chết, chấm dứt luân hồi của trưởng lão Thích Thông Lạc.

Người cư sĩ Phật tử cũng như người không tôn giáo và tất cả tín đồ các tôn giáo khác muốn gia nhập vào tăng đoàn Chơn Như thì làm đơn xin xuất gia thọ Sa Di và một bản cam đoan giữ gìn giới luật tu hành theo lời dạy đúng chương trình giáo dục của tu viện Chơn Như đã đề ra. Đó là một chương trình giáo dục đào tạo những người con Phật để có đủ sức làm gương sáng thân giáo, thuyết giáo, truyền đạt tư tưởng đạo đức chánh pháp của đức Phật để đem lại sự bình an cho loài người và tất cả sự sống trên hành tinh này.

Như quý vị đều biết theo pháp luật về tự do tin ngưỡng tôn giáo của Nhà nước thì mỗi người công dân trong nước đúng tuổi trưởng thành đều có quyền tự do tín ngưỡng theo một tôn giáo nào mà mình thích, không ai có quyền cấm cản và cũng không ai có quyền dụ dỗ, Nếu ai ngăn cản và dụ dỗ người khác theo tôn giáo hoặc cấm không cho theo là vi phạm pháp luật về tôn giáo của Nhà nước. Cho nên khi quý vị đúng tuổi trưởng thành mà muốn theo một tôn giáo nào thì không cần phải xin phép ai cả, nhưng vì đạo đức làm người: “Cây có cội, nước có nguồn”, do đó khi muốn xuất gia tu hành và gia nhập vào tăng đoàn Chơn Như để chiến đấu với giặc sinh tử luân hồi thì phải xin phép cha mẹ hoặc vợ hay chồng, nếu họ không chấp nhận thì phải thuyết phục những người thân trong gia đình như cha mẹ vợ con cho họ vui vẻ bằng lòng chấp nhận cho xuất gia thì việc làm đó mới xứng đáng là người xuất gia của Phật giáo đạo đức tròn đủ. Vì xuất gia không có nghĩa bỏ cha mẹ vợ con như bốn chữ “ly gia cắt ái” mà từ xưa đến giờ mọi người đều hiểu quá nông cạn “lìa bỏ gia đình”. Nghĩa của nó ở đây là “lìa xa những dục lạc thấp hèn”. Đạo Phật là đạo đức của con người, nên nó có nền đạo đức nhân bản – nhân quả hiếu sinh, nó luôn luôn mang tình thương yêu cho mình, cho mọi người và cho tất cả chúng sinh, nhất là thương yêu những người thân trong gia đình một tình cảm và ơn nghĩa sâu nặng vô cùng như công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, cũng như tình nghĩa chung thủy chia sẻ cay đắng ngọt bùi của tình chồng nghĩa vợ. Người tu sĩ trong tăng đoàn Chơn Như có làm được như vậy thì mới mang đầy đủ ý nghĩa xuất gia tu hành làm lợi ích cho mình cho người.

Xưa đức Phật cũng vậy, khi tu hành chứng đạo xong, Ngài trở về nước độ cả cha mẹ vợ con và anh em ruột thịt trong giồng họ không bỏ một nguời nào cả. Cho nên “cắt ái ly gia” không có nghĩa là bỏ mặc không biết đến những người thân trong gia đình, đó là một điều hiểu sai, vì thế khi muốn xin xuất gia và gia nhập vào tăng đoàn là việc cần thiết về thăm gia đình và giải thích cho mọi người thân của mình để giúp họ hiểu biết con đường tu tập theo Phật giáo có lợi ích rất lớn như thế nào của kiếp làm người. Vì thế trong gia đình có người đi tu theo Phật giáo là có lợi ích rất lớn là mọi người trong gia đình hiểu rõ con đường tu tập của Phật giáo là con đường tự nguyện, tự giác, tự thắp đuốc lên mà đi, chứ không phải cầu nguyện, cúng tế, cầu siêu, cầu an như các chùa Đại thừa mê tín, dị đoan.

Cho nên việc xin phép cha mẹ cho xuất gia là một ĐỨC HẠNH LỄ ĐỘ HIẾU THẢO HIẾU SINH mà người tu sinh Chơn Như đều phải thực hiện không thể thiếu được. Còn đối với gia đình vợ con hay chồng con xin phép cho xuất gia là một ĐỨC HẠNH LỄ ĐỘ CHUNG THỦY HIẾU SINH mà người cư sĩ tu viện Chơn Như cần phải thực hiện. nhưng đừng dùng uy quyền bắt buộc vợ con hay chồng con cho xuất gia là một điều trái đạo đức chung thủy hiếu sinh mà hãy giải thích cho vợ con hiểu biết xuất gia có lợi ích như thế nào cho bản thân và gia đình.

Hiện giờ những người thân trong gia đình đều hiểu hai chữ “xuất gia”, họ hiểu theo nghĩa của các nhà Đại thừa là người xuất gia không còn biết đến gia đình cha mẹ vợ con, không trở về thăm viếng gia đình nữa. Chính vì sợ mất người thân nên họ không chấp nhận cho xuất gia hoặc vì thương người thân xuất gia tu hành khổ hạnh ép xác, chịu nhiều điều đau khổ mà không ích lợi gì.

Giới đức chung thủy mà đức Phật đã dạy mọi người trong gia đình đều phải đối xử tôn trọng, kính mến và thương yêu nhau rất rõ ràng, khi nào học đến quý tu sinh sẽ hiểu rõ. Cho nên xuất gia đâu có nghĩa “bỏ mặc” những người thân trong gia đình mà không thăm viếng.

Giáo đoàn Chơn Như ra đời không có nghĩa là thành lập một hệ phái riêng như các giáo đoàn hệ phái khác mà thành lập giáo đoàn Chơn Như với mục đích:

Thứ nhất: Ổn định cư sĩ và tu sĩ đang theo học tại tu viện Chơn Như vào nề nếp oai nghi tế hạnh.

Thứ hai: Chọn người giới đức làm sứ giả Như Lai đem nền đạo đức đến với mọi người.

Thứ ba: Chọn người biết sống một mình hướng dẫn vào thiền định chứng đạt chân lí làm nồng cốt cho Phật giáo sau này.

Thứ tư: Tu sĩ của Tăng đoàn Chơn Như đều mặc đồng phục một màu sắc, một kiểu y áo nguyên thủy như nhau không lẫn lộn với với màu y sắc áo của các hệ phái khác.

Thứ năm: Cư sĩ của tu viện Chơn Như ăn mặc đồng phục như nhau khi vào lớp học.

Thứ sáu: Tu sĩ xin xuất gia thì được trắc nghiệm sống đúng giới luật trong 4 tháng mới cho gia nhập vào giáo đoàn.

Thứ bảy: Cư sĩ thì được cho phép học và tu tập thời gian ngắn hạng hay dài hạng tùy hoàn cảnh gia đình không bắt buộc.

Do những điều trên đây mà giáo đoàn tu viện Chơn Như ra đời là để đáp ứng cho chương trình giáo dục văn hóa của loài người là một nền đạo đức nhân bản – nhân quả kịp thời đại mà xã hội đang hội nhập các nước thế giới xây dựng chung một nền kinh tế kỷ nghệ tiền tiến khoa học hiện đại.

Trong giai đoạn này chúng ta phải có một chương trình đào tạo cấp tốc những sứ giả Như Lai bằng hai hướng:

1- Chọn những tu sĩ có đặc tướng thiền định, đặc cách cho vào lớp Tứ Niệm Xứ nhập định và thực hiện Tam minh làm sứ giả Như Lai nồng cốt cho Phật giáo.

2- Chọn những tu sĩ có đặc tướng giới luật đức hạnh cho vào lớp 250 giới tỳ kheo tăng và 348 giới tỳ kheo ni học đức hạnh và oai nghi tế hạnh của 250 giới đức tỳ kheo tăng và 348 giới đức tỳ kheo ni để làm sứ giả Như Lai đem nền đạo đức nhân bản – nhân quả truyền dạy khắp nơi, đem lại hạnh phúc cho loài người.

Còn những tu sĩ không có những đặc tướng trên thì được đào tạo chính quy từ thấp lên cao, bắt đầu từ Ngũ giới, Tam Quy, Bát Quan Trai Giới, Thập Thiện, Thập Giới Sa Di, 250 giới tỳ kheo tăng và 348 giới tỳ kheo ni cùng học thêm những giới kinh mà trong kinh sách nguyên thủy đã còn để lại muôn đời cho những hậu thế mai sau.

Cho nên việc thành lập giáo đoàn Chơn Như không phải thành lập một hệ phái mới mà chỉ là mong muốn đào tạo những tu sĩ chân chánh của Phật giáo nguyên thủy để còn đi ra làm lợi ích cho mọi người.

Còn riêng những tu sĩ không xin gia nhập vào giáo đoàn đều được dự vào các lớp đạo đức Ngũ Giới hoặc lớp Thọ Bát Quan Trai ngắn hạng hay dài hạng đều được tu viện chấp nhận cho học tập nhưng phải cố gắng giữ gìn giới luật để chuẩn bị lên những lớp học cao hơn.

Còn riêng tất cả cư sĩ Phật tử ở xa hay ở gần đang theo dự lớp học đạo đức hiếu sinh và lớp học ly tham đều được tu viện chấp nhận cho tu học được bao nhiêu ngày đều quý bấy nhiêu ngày, nhưng phải cố gắng giữ gìn giới luật của người cư sĩ cho nghiêm chỉnh để tu viện đi vào nề nếp.

Khi cư sĩ về tu viện thì nên tập những giới luật về đời sống tại tu viện để cùng hòa hợp với chúng ở đây.

Đến đây quý vị không còn thắc mắc điều gì nữa về giáo đoàn phải không? Nếu còn thì xin quý vị cứ thưa hỏi đừng để thắc mắc trong lòng.

Thăm và chúc quý vi thân tâm thường an lạc và nhớ giữ gìn đức hiếu sinh thì ngay đó là tâm giải thoát.

Thầy của các con