GỬI CHƠN NIỆM

Đây là lớp học đạo đức tình thương của Thầy triển khai nên lúc nào Thầy cũng ở sau lưng để dạy dỗ các con, cái suy nghĩ của con không đúng tinh thần đạo đức ở trong lớp học này, tu sinh trong lớp học đạo đức là những người đang ươm giống đạo đức, có đâu lại có những tư tưởng sân giận, nếu sân giận thì phải biết xả tâm, xả tâm là một bài học đạo đức rất tuyệt vời.

Qua bài học đạo đức về chú bé ném đá, con không hiểu phát biểu ý kiến sai, Khi người tài xế bước xuống xe quá tức giận nên nắm cổ áo chú bé để đánh thì chú bé sợ hãi phải khóc chứ sao? Lúc bây giờ chú bé vừa khóc vừa nói thì bác tài xế không đánh nhưng sửng sờ. Cho nên muốn phát biểu một điều gì cần phải hiệu rõ, Chính con hiểu tâm con qua tâm niệm của người khác nên thấy mọi người không thiện. Vì thấy mọi người không thiện, nên làm tâm con khổ.

Không ai nổi nóng, họ chỉ thấy con nói sai ý bài học mà phát biểu chỉnh đốn sự hiểu sai của con mà thôi.

Người đứng lớp dù có tài mà học viên không tin tưởng thì cũng đành chịu thôi. Huống là thầy Chơn Thành chỉ tập sự đứng lớp dạy được như vậy cũng rất đạt chất lượng.

Về giới luật và các pháp Yết Ma các con chưa thông suốt còn phải học nhiều nữa. Chỉ đọc sơ sơ giới cấm mà nghĩ như thế này, như thế khác là không hiểu gì hết. Cái sai của các con là hiểu lầm lớp học giới luật và lớp học kinh điển. Hai lớp học không giống nhau, vì giới phải dạy đúng giới, kinh phải dạy đúng kinh. Qua những bức thư các con gửi Thầy thì trình độ kinh và giới của các con còn phải học nhiều hơn nữa. Tu thì chẳng đến đâu mà học thì chưa thông suốt thật tội cho các con lắm

Giảng viên chỉ có bổn phận là dạy theo đúng giáo án chứ không được dạy ngoài giáo án, đó là lớp học sơ cấp của giới luật đức hạnh NGŨ GIỚI bằng cách đưa ra một mẫu chuyện đạo đức và đặt nhiều câu hỏi quanh mẫu chuyện đó để bắt buộc học viên động não nhờ đó mới thấm nhuần đạo đức. Đó là chương trình giáo dục đào tạo.

Những câu hỏi và những ý kiến ngoài bài học với mục đích xây dựng học viên biết cách xưng hô chào hỏi, đứng, ngồi trả lời những câu hỏi cho có nề nếp đạo đức. Lỗi này là do Thầy không chuẩn bị trước cho các con, nhưng nó là bài học đạo đức khó quên. Cái hay nhất là tinh thần đóng góp đạo đức bằng mọi ý kiến của tu sinh xây dựng lớp học

Thời gian tu học mà tất cả tu sinh xin thêm 30 phút thì giảng viên phải chấp nhận, nhưng một người xin thì không được.

Câu hỏi phải rõ ràng, thì câu trả lời mới xác định đúng, chứ hỏi chung chung thì không thể trả lời đúng được, thầy Chơn Thành trả lời ở góc độ trong tu viện chứ không phải trả lời ở ngoài tu viện, Vì đây là một bài học đạo đức trong giáo  án mà các tu sinh chưa học đến. 

Thầy Chơn Thành người đang tập đứng lớp chứ chưa phải là giảng viên, vì giảng viên phải biết biên soạn giáo án của lớp mình,

Thầy Chơn Thành còn đang tập sự đứng lớp nên ngồi ngang như các tu sinh vì Thầy còn đang tu học chứ chưa phải là tu xong.

Hình Thầy trong lớp học mới là giảng viên chánh thức nên được ngồi trên cao hơn các tu sinh. Đó là đúng theo tinh thần kính trọng Phật. Phật thường ngồi cao hơn chúng tỳ kheo. Sự xưng hô giữa giảng viên và học viên Thầy có gửi cho các con một bức thư rồi.

Tất cả những gì không hiểu thì các con có quyền thưa hỏi, một người hỏi là giải quyết cho bao nhiêu người, vì lợi lạc Thầy cho phổ biến những bức thư của Thầy gửi cho các con làm lợi lạc cho mọi người, có gì mà các con sợ, vì các con còn đang tu học chứ đâu phải tu xong, nếu tu xong các con có cần gì thưa hỏi.

Thầy của các con