TRẢ LỜI KIM QUANG bài 6

 

TÌNH THƯƠNG

 MỘT HƯỚNG HAY ĐA HƯỚNG

 

Hỏi:Theo như trong Giáo Án, tình thương đa hướng là tình thương có sự cân bằng 2 vế: Thương mình và Thương người. Có phải chăng đối với một người chưa tu xong, khi họ thể hiện tình thương đối với bất kỳ ai đều là tình thương một hướng?

 

Đáp: Không phài vậy đâu con ạ! Mặc dù con tu hành chưa chứng đạo, nhưng con giúp ai vui và chính lòng con cũng vui thì đó là tình thương đa hướng, chỉ một hướng là con vui mà người khác khổ. Hoặc người khác vui mà con khổ . Cho nên trong đời người sinh ra là có sẵn tình thương nhất hướng và đa hướng chứ không phải tu xong mới có đa hướng, nếu đợi tu xong mới có tình thương đa hướng thì tình thương đa hướng không phải là của con người. Những gì đức Phật dạy chúng ta trong đời sống con người đều đã có sẵn chứ không phải đợi tu xong rồi mới có, Chân lí của con người là những gì của con người đã có sẵn, còn những gì chưa có mà mới tạo ra chân lí đâu được gọi là chân lí của loài người..

 

Hỏi:Khi thể hiện lòng thương đối với mọi người lòng con luôn vui vẻ, làm giúp ai được việc gì thì lòng con vui vui. Cảm giác mình có ích cho mọi người. Mặc dù là những việc nhỏ. Nhưng dưới mắt của người tu sĩ giữ giới luật nghiêm chỉnh thì những việc đó là phá giới là phạm giới luật, phá giới độc cư.

 

Đáp: Khi con thể hiện đức hiếu sinh đúng trong Giáo Án Rèn Nhân Cách lớp Ngũ Giới không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh thì người giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh họ lại càng mến phục và kính trọng con nhiều hơn. Tai sao vậy?

Vì người sống không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai là người sống phòng hộ sáu căn (độc cư) tuy họ tiếp xúc với mọi người mà hạnh độc cư không lìa. Bởi vì năm giới đức họ phải giữ gìn nghiêm chỉnh theo đúng pháp, nghĩa là lúc nào lòng yêu thưong của họ cũng ngự trị trong tâm như hình với bóng không lìa xa nửa bước, nhờ đó họ mới giữ được giới thứ nhất và kế tiếp lúc nào tâm họ cũng ly tham đối với sáu trần, đối với từng tâm niệm không tham muốn một vật gì. cả; lúc nào họ đối với nhưng người trong gia đình đều thương yêu và quý trọng, họ luôn luôn dùng lời ái ngữ, không bao giờ dùng lời hung ác nạt nộ la mắng; lúc nào cũng ôn tồn, nhã nhặn, không bao giờ nói dối, nói không thật, luôn luôn giữ gìn uy tín đối với mọi người; lúc nào cũng sáng suốt minh mẫn không bị cám dỗ bởi rượu chè cà phê thuốc là, cờgian, bạc lận, cá cược v.v...Người giữ gìn năm giới là người phòng hộ sáu căn (độc cư) bằng năm đức hạnh. Vậy người giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh nào dám cho rằng phá hạnh độc cư, chỉ người không hiểu giới hạnh độc cư mới cố chấp cho người nói chuyện là phá hạnh độc cư. Chúng ta phải hiểu người nói chuyện phạm giới độc cư và người nói chuyện mà không phạm giới độc cư; Chuyên nào nói ra không phạm giới độc cư; chuyện nào nói ra bị phạm giới độc cư; thời gian nói chuyên bị phạm giới độc cư và thời gian nào nói chuyện không bị phạm giới độc cư. Học giới luật là phải th6ng suốt những điều này

Giới luật của Phật chúng ta cần phải học nhiều hơn nữa, chứ cố chấp trong giới luật thì cũng bị sai pháp, sai hạnh tự làm khổ mình khổ người mà mình không biết. Đó là trình độ hiểu biết giới luật còn kém lắm.

 

Hỏi:Vậy khi chúng ta giúp đỡ ai mà bị ám ảnh rằng mình đang phá giới luật thì khác gì mình đang làm khổ mình. Nếu mình chỉ biết giúp đỡ mọi người, mình biết mình làm việc này là đem lại hạnh phúc cho mọi người và đem sự an vui đến cho mình và không có bị giới luật ràng buộc thì mình không có tâm lo lắng rằng mình không làm sai cái gì cả. Vậy tình thương này có phải là tình thương đa hướng hay không?

 

Đáp: Giới luật là thiện pháp, giúp người sống trong thiện pháp thì làm sao phạm giới, chí có giúp người trong ác pháp thì mời phạm giới, còn giới hạnh độc cư là pháp phòng hộ sáu căn nó có ba giai đoạn tu tập, chứ nó đâu phải là pháp câm, không nói như đã dạy ở trên.

 

Hỏi:Vậy thì giới luật độc cư phải hiểu rõ như thế nào để không bị hiểu sai mà không dẫn đến làm khổ mình? Nếu hiểu sai về giới luật thì hóa ra tu để giải thoát mà không giải thoát, tu bị ức chế có phải không thưa Thầy?

 

Đáp: Thầy đã dạy ở trên

 

Hỏi:Mặc dù con chưa tu xong, nhưng đâu phải chưa tu xong thì mọi hành động thương yêu của mình được gọi là không phải đức hiếu sinh, phải không Thầy?

Đáp: Thầy đã dạy ở trên

 

Hỏi: Tất cả mọi người xung quanh đều cần có tình thương của người khác. Nhất là trong gia đình cha mẹ anh chị em, bà con, làng xóm, mọi người đều cần có tình thương yêu của chúng ta. Khi chúng ta thể hiện tình thương đối với những người thân mà không bị dính mắc vào tình cảm nhớ, thương, sầu, bi, ưu, khổ thì đâu có bị ái kiết sử trói buộc phải không Thầy? hay là khi đã có tình cảm giữa mình với người thân thì bị gọi là ái kiết sử ràng buộc? Vì có thể khi mình thể hiện lòng thương yêu của mình đối với mọi người thì chính mình làm cho sợi dây ái kiết sử của họ trói buộc thêm, như vậy là mình cũng có lỗi hay sao?

 

Đáp: Tình thương nhất hướng hay đa hướng đều là đức hiếu sinh, vì thương đa hướng nên không làm khổ mình, khổ người, còn tình thương nhất hướng không là khổ người nhưng làm khổ mình.

Ái kiết sử là tình thương làm khổ mình, khổ người. Thương cha mẹ, anh, em chị em, vợ chồng con cái mà không làm khổ cho nhau là đức hiếu sinh, còn thương mà làm khổ nhau là ái kiết sử.

Con người ai cũng có sẵn đức hiếu sinh, nhưng chúng ta không biết, không phân biệt nó với ái kiết sử. Vì vậy chúng ta mới học đức hiếu sinh lớp Ngũ Giới để loại trừ ái kiết sử và luôn luôn sống với đức hiếu sinh..

 

Hỏi:Khi người thân bị bệnh hay sắp chết thì người có đạo đức hiếu sinh phải làm gì hả Thầy?

 

Đáp: Khi có người thân bệnh sắp chết thì phải về lo chăm sóc giúp đỡ thuốc thang và an ủi, đem giáo pháp của Phật hướng dẫn giúp cho tinh thần người sắp chết không sợ hãi v.v...

 

Hỏi: Khi bị ái kiết sử trói buộc là có nhớ thương, sầu, bi, khổ, ưu, có trăn trở, có sự níu kéo, day dứt. Khi ở xa thì không bị tình cảm gia đình lôi kéo thì không bị ái kiết sử trói buộc. Nhưng khi chúng ta nghe tin người nhà, người thân bị bệnh hoặc sắp chết, rồi ta trở về thăm thì có bị gọi là ái kiết sử ràng buộc hay không?

 

Đáp: Không bị ái kiết sử, mà đức hiếu sinh. Khi nghe người thân bệnh sắp chết mà khóc than, ưu bi sầu khổ, buồn đau là ái kiết sử . Còn về thăm và chăm sóc giúp đỡ thuốc thang cho ăn uống bồng ẳm, an ủi, trấn an tinh thần là đức hiếu sinh..

 

Hỏi:Vì tình thương yêu mà ta về thăm an ủi, trấn an, động viên; vì tình thương yêu mà ta tùy thuận về để người đó an vui khi thấy mặt ta. Nhưng ta vẫn quán xét và biết mọi chuyện rằng: bệnh, chết là vô thường, là nhân quả. Do vậy mà tâm luôn bất động không lo lắng không đau buồn, không khóc lóc. Như vậy thì có phải gọi là không bị ái kiết sử trói buộc hay không Thầy?

Đáp: Không.

 

Hỏi:Ai cũng có gia đình, cha mẹ luôn mong ngóng người con ở xa về thăm gia đình. Nếu mình là người có đạo đức hiếu sinh thì mình phải làm sao thưa Thầy?

 

Đáp: Đi tu chứ đâu phải chết, đức Phật ngày xưa khi tu xong Ngài trở về độ cha mẹ dòng họ anh em và chị em, còn chúng ta tuy tu chưa chứng thỉnh thỏang chúng ta về thăm cha mẹ anh chị em nếu chúng ta có tu học những điều hay biết của Phật thì chúng ta nên tryuền đạt lại cho những người thân thì đó là đức hiếu sinh. Chỉ trừ khi chúng ta quyết tử trên Tứ Niệm Xứ 7 ngày 7 tháng 7 năm để chừng đạo thì sống độc cư độc bộ độc hành ở giai đoạn 3 thì mới không về thăm.

 

Hỏi:Nếu mình là người có đạo đức hiếu sinh sống biết yêu thương người thì lâu lâu mình về thăm người thân. Vậy có phải là bị ái kiết sử trói buộc hay không? hay là tâm phải như thế nào mới gọi là không bị trói buộc vào ái kiết sử, như thế nào gọi là bị trói buộc vào ái kiết sử?

 

Đáp: Không! Ái kiết sử là lòng thương mà ưu bi sầu khổ khóc than lo lắng sợ hãi v.v..

 

Hỏi:Sự thăm viếng nhau là sự thể hiện tình thương của mình đối với cha mẹ anh chị em trong nhà, để cho gia đình bớt lo lắng, khi thấy mặt người con của mình ở xa về thăm thì đỡ nhớ hơn. Vậy mình vì người mà về thăm thì như vậy có gọi là bị ái kiết sử ràng buộc hay không?

Đáp: Không.

 

Hỏi:Nếu đi tu để mà cắt đứt mọi tình cảm gia đình, người thân thì có đúng với người có đạo đức hiếu sinh hay không?

Đáp: Không.

 

Hỏi:Dù cho mình nói mình đã cắt đứt tình cảm gia đình để đi tu, nhưng làm sao mà có thể quên được những kỷ niệm khi còn sống chung với gia đình? Theo con nghĩ tình cảm gia đình mình luôn vẫn phải giữ, nhưng tình thương yêu của người tu sĩ đã nhân rộng, phóng rộng ra rồi cho nên không còn ích kỷ chỉ nghĩ đến người thân nữa mà đối với người tu mọi người như nhau, khi nghe ai khổ vẫn đến thăm viếng như nhau, không còn phân biệt người thân hay người ngoài. Chính vì vậy mà người thân của mình vẫn nằm trong số người mình yêu thương nhưng không phải vì những người thân mà tình cảm của mình bị quỵ lụy, day dứt, trói buộc. Có phải như vậy không thưa Thầy?

Đáp: Đúng như vậy.

 

Hỏi:Nói chung con nói hơi nhiều, điều con quan tâm là khi con học đức hiếu sinh rồi thì con rất cần xác định cho đúng tình cảm của mình đối với gia đình làm sao cho sống đúng là người có đạo đức hiếu sinh: không làm khổ mình và không làm khổ người. Kính xin Thầy chỉ dạy

- Cám ơn Thầy - Con- Kim Quang

 

Đáp: Những điều chưa hiểu cần phải hiểu, người tu hành theo Phật giáo không phải tu hành để trở thành cây đá như Thiền Tông.