Kính thưa quý Phật tử khắp mọi nơi đã về đây dự buổi lễ hôm nay!
Kính thưa quý Tu Sinh tại Tu Viện Chơn như!
Kính thưa quý vị! Sau những cơn sóng gió bão tố tại Tu Viện Chơn Như tưởng chừng như Tu Viện Chơn Như sụp đổ, nhưng không ngờ Tu Viện Chơn Như lại vươn mình lên, từ lớp tu tập Bốn Định bình thường của các Tu Sinh được dừng lại, thì lớp Chánh tri kiến mở cửa. Sau bốn tháng tu học lớp Chánh tri kiến thì Chơn Như sóng gió lại nổi dậy nữa. Lớp Chánh tri kiến dừng lại, thì lớp bảy tháng chứng đạt chân lí mở màn, để đào tạo những người thân giáo thuyết giáo đứng lớp giảng dạy, chỉ mới tu học được năm tháng thì Chơn Như lại nổi sóng một lần nữa. Thầy rời khỏi Tu Viện để Tu Sinh được yên ổn tiếp tục tu hành. Cho nên lớp tu học vẫn duy trì cho đến ngày hôm nay. Ngày mãn khóa và ngày khai mở các lớp dạy đạo đức ra đời để hoàn thành sứ mạng dựng lại Chánh pháp của Phật giáo từ cơ bản đến thiền định trí tuệ Tam minh.
Mỗi lần sóng gió Chơn Như là mỗi lần Chơn Như vươn mình dựng lại Chánh pháp của Phật từ thấp đến cao để trở thành chương trình giáo dục đào tạo những bậc đức hạnh Vô Lậu hoàn toàn của Phật giáo.
Muốn hoàn thành sứ mạng dựng lại Chánh pháp của Phật giáo đều phải do tất cả những bàn tay, khối óc, công sức của Tu sinh tu viện Chơn Như và tất cả Phật tử trong nước cũng như ở nước ngoài phải đoàn kết chặt chẽ; phải kiên trì, bền chí vượt qua những khó khăn, gian khổ thì mới mong có được như ngày hôm nay.
Kính thưa quý Phật tử! Ngày mãn khóa bảy tháng tu học chứng đạt chân lí còn hơn 10 ngày nữa, nhưng Ban Tổ chức lễ khai giảng lớp Thọ Bát Quan Trai vào mùng 1 tháng 10 Âm lịch, nhằm ngày 21 tháng 11 năm 2006. Được ý kiến của Thầy từ xa gửi về hướng dẫn các Ban nên tổ chức lấy ngày đó làm ngày mãn khóa và khai giảng luôn lớp mới thì rất thuận tiện cho cả hai lớp, có nghĩa là làm lễ mãn khóa lớp học cũ thì khai giảng cho lớp học mới. Vì thế Ban Tổ chức xin thông báo cho quý tu sinh và quý phật tử hay.
Sau khóa bảy tháng tu học này là một bằng chứng cụ thể có người tu làm chủ sinh, già, bệnh, chết, nhưng số lượng không nhiều, đó là một niềm tin vững chắc của mọi người. Vì thế các Ban ngành được tổ chức để điều khiển các lớp học trong tu viện Chơn Như. Các tu sinh là những người được tham dự khóa tu học bảy tháng chứng đạt chân lí và tu tập có kết quả, xứng đáng thay Thầy đứng lớp dạy. Mỗi người đứng trong Ban ngành của mình mặc dù có người tu chưa xong, nhưng trước cảnh sóng gió Chơn Như nên vừa làm việc vừa tu tập, vừa đứng lớp dạy mọi người rèn luyện nhân cách, vừa ổn định tu viện bằng sự đoàn kết chặt chẽ, không nghi kỵ lẫn nhau và đầy lòng yêu thương đối sử với nhau như nước với sữa, ngày càng tốt đẹp hơn, để tu viện được bình an, yên ổn; để tu viện xứng đáng là nơi đào tạo những người tu chứng đạt quả giải thoát (A La Hán); để tu viện là nơi điểm tựa cho những người khao khát tìm về xứ Phật; để tu viện đi vào lòng người bằng những trang sử xây dựng nền đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình khổ người, mà nhân loại không bao giờ quên ơn.
Sau khóa bảy tháng tu học này tu viện Chơn Như lần lượt thay hình đổi dạng, nhà ở có ngăn nắp hơn, đường sá đi lại trong tu viện được sạch đẹp và thẳng tấp, mở mang thêm nhiều khu nhà ở để sẵn sàng đón tiếp những người con Phật từ bốn phương trở về với quyết tâm tìm về với Chánh pháp của Phật; với quyết tâm tìm nền đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai.
Tu viện Chơn Như kể từ ngày hôm nay không phải là của riêng ai mà của mọi người đang tu học, cho nên mọi người phải có bổn phận trách nhiệm bảo vệ giữ gìn, tiết kiệm điện nước để cùng sống chung nhau mà không làm hao tốn của đàn na thí chủ.
Hỡi các Tu Sinh! Hỡi các nam nữ cư sĩ phật tử bốn phương! Hỡi những người con Phật có mặt trong buổi lễ hôm nay! Người đàn na thí chủ làm ra của bằng mồ hôi nước mắt quá vất vả gian nan. Vì Phật pháp được sống mãi trong lòng người; vì hạnh phúc, an vui của loài người; vì nền đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình khổ người, nên những người Phật tử chia sớt sự sống từng miếng cơm manh áo để cúng dường cho các Tu Sinh, để các Tu Sinh được rảnh rang tu tập xả tâm làm chủ sự sống, chết và chấm dứt luân hồi, ơn ấy biết bao giờ quên. Phải không các tu sinh?
Tu viện Chơn Như ngày nay có được như vầy là nhờ bao công lao mồ hôi nước mắt của Phật tử; là nhờ bao công sức của mọi người, của cô Diệu Quang, chúng ta không có quyền phi ơn mọi người; chúng ta không có quyền nói xấu nhau, vì chúng ta là anh em, chị em chung một nhà, cùng một thầy, cùng sống trong một mái chùa, cùng tu hành một pháp môn, cớ sao chúng ta lại mạt sát nhau, chà đạp lên nhau không chút lòng thương nhau, chị ngã em nâng, lá lành đùm lá rách, đóng cửa dạy nhau, cớ sau lại vạch lưng cho người xem thẹo, nồi da xáo thịt có tốt không hỡi các tu sinh? Mở miệng nói xấu anh, chị em của mình có ai khen đâu. Tu sinh càng nói xấu lẫn nhau càng làm cho tu viện lụn bại, điêu tàn, tan nát; làm cho quý Phật tử phải đau lòng xót dạ; làm cho quý phật tử mất lòng tin đối với Phật Pháp thì tội ấy về ai, hỡi các tu sinh? Các tu sinh có biết không?
Trước cảnh sóng gió Chơn Như dồn dập Thầy phải đứng trên đầu sóng chèo chóng để con thuyền Chơn Như vững vàng lướt sóng gió, để tu sinh được bình an tu tập trong bảy tháng chứng đạt chân lí, nhưng có một số tu sinh cố ý hay vô tình phạm giới, phá giới, tập hợp nhau nói chuyện trong những ngày quyết liệt tu tập để chứng đạt chân lí của những tu sinh khác. Họ đã phạm giới lại còn lôi những người khác phạm giới theo họ, để làm cho tu viện náo động không còn ai tu tập được nữa, mình tu không được cũng muốn cho người khác tu không được như mình, thật đáng trách. Cho nên những tu sinh quyết tâm tu tập và giữ gìn giới luật thì gặp trở ngại biết bao sự khó khăn, gian nan vô cùng, rất đáng thương.
Trong khi Thầy quá vất vả chịu đựng từ mọi phía để bảo vệ tu viện bình an thì những tu sinh ấy lại nghi ngờ Thầy thế này, thế khác để tự làm mất lòng tin của chính mình đối với một vị Thầy đã vạch cho mình con đường đi. Thật đáng thương!
Họ nghĩ rằng: dù có Thầy hay không có Thầy họ vẫn tu giải thoát được như thường. Họ đâu cần Thầy nữa. Phải không các tu sinh? Họ đã lầm con đường tu tập có từ pháp thấp đến pháp cao, chứ không phải chỉ có một pháp duy nhất tu tập đến nơi đến chốn được, nếu không có một vị Thầy đã tu tập chứng đạo thì không đủ tư cách hướng dẫn, vì không có đủ kinh nghiệm bản thân, nên hướng dẫn người khác tu tập như một người mù dẫn dắt một số người mù và như vậy thầy trò đồng rơi xuống ố thẳm.
Biết rõ tâm niệm tu sinh như vậy Thầy buông lơi tay chèo sóng gió ập tới Thầy ra đi. Trong cảnh mất Thầy tu sinh Chơn Như như gà con mất mẹ, họ sống bơ vơ như vậy mà còn không biết đoàn kết nhau, không biết thương yêu nhau, lại còn tìm cách rời khỏi tu viện bằng lý do này hay lý do khác để lánh nặng tìm nhẹ. Thật đáng thương cho họ.
Ra đi, nhưng Thầy không nỡ bỏ các con, nên dù ở bất cứ nơi đâu Thầy cũng điều khiển con thuyền Chơn Như vượt lên, không đầu hàng trước quy luật nhân quả. Do đó ngày nay các Ban ngành đã thành lập, chứng tỏ tu viện Chơn Như ngày càng lớn mạnh hơn và sáng loạng hơn, phát triển đi lên một cách vững vàng chững chạc, có tổ chức các lớp học đạo đức Phật giáo đầy đủ từ thấp đến cao.
Từ đây về sau tu viện Chơn Như là một trường học chuyên khoa dạy đạo đức làm người của Phật giáo đầu tiên trên hành tinh này. Vì thế các con hãy cùng chung lưng đâu cật, cùng chia sẻ từng sự nhọc nhằn khó khăn, để vượt qua những nỗi gian truân thử thách, để bảo bọc sự bình an cho tu viện ngày càng đi lên vững mạnh hơn. Tu viện Chơn Như có bình an thì các con mới có nơi tu hành tốt đẹp.
Trước mắt chúng ta còn biết bao nhiêu chông gai cản trở; còn biết bao nhiêu thử thách khó khăn, nhưng chúng ta tin tưởng vào việc làm của chúng ta là đem lại sự sống bình an cho mọi người, cho hành tinh này, vì thế chúng ta vững bước, kiên gan, bền chí vượt qua mọi gian lao, mọi chông gai.
Lần lượt các lớp học đạo đức sẽ mở cửa khắp mọi miền đất nước thân yêu của chúng ta để con cháu của chúng ta là những đứa con ngoan hiền sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Đó là niềm hy vọng và mong ước của Thầy, còn được hay không là nhờ duyên phước của chúng sinh.
Theo như thông báo thì tu viện Chơn Như đang vươn mình vượt lên trước sóng gió và bão tố. Cho nên bắt đầu ngày mùng 1 tháng 10 năm Bính Tuất, nhằm ngày 21 tháng 11 năm 2006 tu viện sẽ mở các lớp tu học THỌ BÁT QUAN TRAI, từ một ngày, bảy ngày, một tháng đến ba tháng. Phật tử nào có thì giờ rảnh rang thì về xin dự khóa tu trong bảy ngày hoặc nhập thất tu tập một tháng hoặc ba tháng, còn những Phật tử nào không có thì giờ rảnh rang thì xin đăng ký tu học vào những ngày chủ nhật trong mỗi tháng .
* Bắt đầu ngày 1 tháng 11 năm Bính Tuất, nhằm ngày 20 tháng 12 năm 2006 Tu Viện sẽ mở các lớp tu học THỌ TAM QUY, từ một ngày, bảy ngày, một tháng đến ba tháng. Phật tử nào không có thì giờ nhiều thì về xin dự khóa tu trong những ngày chủ nhật, có thời gian rộng hơn thì tu học trong bảy ngày, còn nếu có thời gian nhiều hơn nữa thì tu học một tháng. Lớp tu học này là lớp dạy đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người.
* Bắt đầu ngày 1 tháng 12 năm Bính Tuất, nhằm ngày 19 tháng 1 năm 2007 tu viện sẽ mở các lớp tu học THỌ NGŨ GIỚI, từ một ngày, bảy ngày, một tháng đến ba tháng. Phật tử nào không có thì giờ nhiều thì về xin dự khóa tu trong những ngày chủ nhật, có thời gian rộng hơn thì tu học trong bảy ngày, còn nếu có thời gian nhiều hơn nữa thì tu học một tháng. Lớp tu học này là lớp dạy đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người.
* Bắt đầu ngày 1 tháng 2 năm Đinh Hợi, nhằm ngày 19 tháng 1 năm 2007 Tu Viện sẽ mở các lớp tu học THẬP THIỆN, từ một ngày, bảy ngày, một tháng đến ba tháng. Phật tử nào không có thì giờ nhiều thì về xin dự khóa tu trong những ngày chủ nhật, có thời gian rộng hơn thì tu học trong bảy ngày, còn nếu có thời gian nhiều hơn nữa thì tu học một tháng. Lớp tu học này là lớp dạy đạo đức nhân bản – nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người
Kính thưa quý phật tử! Phương hướng của tu viện Chơn Như đã vạch ra cho tu viện một lối đi rất rõ ràng, có các Ban điều khiển, có kỷ luật nghiêm chỉnh để đi vào nề nếp đào tạo đức hạnh cho mọi người. Vậy mong quý phật tử về đây tu học hãy chấp hành nghiêm chỉnh, làm gương sáng cho con cháu của chúng ta, cho nhiều thế hệ mai sau.
Còn những tu sinh nào thấy khả năng tu hành theo giới luật không nổi thì nên xin rời khỏi tu viện, chứ đừng để phạm giới luật và lôi cuốn người khác phạm giới theo, thì tệ lắm. Mình xấu muốn người khác xấu theo, làm cho tu viện bất an, khiến cho mọi người tu hành rất khó khăn, những việc làm này rất tội lỗi. Các tu sinh có biết không?
Vì lợi ích chung cho mọi người đang tu học trong tu viện, khi bắt gặp tu sinh phạm giới, Ban giám luật sẽ lập biên bản, mời ra khỏi tu viện thì xấu hổ lắm và để tiếng muôn đời hạnh kiểm xấu. Nhất là gửi thư về gia đình báo cho những người thân trong gia đình biết sự việc sai phạm kỷ luật trong tu viện như vậy.
Thầy mong rằng các con đừng làm lỗi như vậy. tu viện bây giờ là trường học chứ không phải tu viện như lúc trước nữa, nó là trường học đào tạo đạo đức con người các tu sinh nên thông cảm và hiểu cho. Đây là kỷ luật của Ban Giám Luật điều hành trong tu viện, chứ không phải Thầy điều hành nữa. Vì thế pháp bất vị thân, các con nên lưu ý.
Sau khi dứt lời Thầy xin có lời thăm và chúc quý tu sinh cùng quý phật tử dồi dào sức khỏe, nhớ xả tâm cho thật tốt.
Thân thương chào các con.