Kim Quang hỏi đạo
Hỏi:Kính thưa Thầy, xin cho con hỏi: Khi tu Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ, nếu vọng niệm, cảm thọ đến thì con phải dùng câu tác ý đuổi đi phải không Thầy? Hay là giữ tâm bất động trước các cảm thọ đó, không cần phải nhắc câu hướng tâm đuổi đi?
Theo con hiểu thì khi các niệm ác, cảm thọ nóng, lạnh, đau nhức đến thì phải dùng câu tác ý đuổi đi. Còn giữ tâm bấtđộng trước các pháp và các cảm thọ là tâm không tham, sân giận, kiêu mạn, nghi ngờ, sợ hãi, ảo tưởng… trước các ác pháp và các cảm thọ.
Đáp: - Khi tu tập Tứ Niệm Xứ là tu tập để tâm thanh thản an lạc và vô sự tự nhiên chứ không được bắt buộc ức chế tâm giữ gìn thanh thản, an lạc và vô sự. Mục đích của Tứ Niệm Xứ là khắc phục đẩy lui những điều làm cho thân, thọ, tâm, pháp bất an, cho nên có vọng niệm hay cảm thọ đến là con dùng câu tác ý đuổi đi là đúng, không cần phải dùng câu pháp hướng dài dòng, chỉ ngắn gọn đủ nghĩa.
Kim Quang hỏi đạo
Hỏi: Kính thưa Thầy, khi ngồi tu thì con thấy các cơ mặt của con tự nhiên bị giựt nhẹ nhẹ, con dùng câu tác ý : “Tưởng hành lui đi”, vậy có đúng không thưa Thầy? Bởi vì sự giựt cơ này không phải do con ý thức làm mà do tự nhiên nó giựt, nhưng nó cũng không phải là trạng thái bình thường nên con nghĩ là do tưởng điều khiển.
Đáp:Khi ngồi tu có những trạng thái gì xảy ra đều do tưởng cả, con nên tác ý đuổi đi: “tưởng hành lui đi” là đúng.
Kim Quang hỏi đạo
Hỏi: Hôm qua con có viết thơ hỏi Thầy về việc nghỉ học tiếng Anh. Con nghĩ hiện nay con sống trong môi trường xã hội, muốn tu tập xả bỏ mọi thứ thì con phải sống trong nó và xả bỏ trong mọi hoàn cảnh, chứ nếu con lý luận rằng bởi vì khi đi học tiếng Anh làm cho tâm con lo lắng không an, nên con nghỉ học tiếng Anh thì đó là hèn nhát chạy trốn, chứ không phải xả tâm. Có phải như vậy không Thầy?
Đáp:Đúng vậy, nếu con bỏ học tiếng Anh không có nghĩa là con xả bỏ những ác pháp. Xả bỏ những ác pháp là xả bỏ những pháp tác động vào thân tâm con làm con khổ đau, chứ phải không xả bỏ tiếng Anh là xả bỏ các ác pháp, vì tiếng Anh đâu phải là ác pháp. Cho nên, con học tiếng Anh là một điều cần thiết cho những người Việt ở nước ngoài. Có lợi ích chứ có hại cho con đâu.
Kim Quang hỏi đạo
Hỏi: Khi tâm ưa lý luận, phân tích việc làm, lời nói, ý kiến, điệu bộ, oai nghi, tư cách của người khác là tâm còn chấp ngã phải không Thầy? Có phải là tâm kiêu mạn, chưa có sống tùy thuận theo mọi người. Con dùng câu tác ý: “Bản ngã hãy lui đi”. Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức này đâu phải là ta, là của ta, vậy thì lý luận, phân tích so sánh làm gì, cho ai, hãy sống biết tôn trọngtất cả mọi thứ, mọi hành vi của mọi người (suy nghĩ, việc làm, lời nói, ý kiến, điệu bộ, oai nghi, tư cách…).
Đáp:Đúng vậy, khi tâm ưa lý luận phân tích việc làm, lời nói, ý kiến, điệu bộ, oai nghi, tư cách của người khác là tâm con còn chấp ngã, còn kiêu mạn v.v..
Vậy con hãy từ bỏ, con hãy nghe Phật dạy: “Biết chuyện mình đừng biết chuyện người”. “Đừng thấy lỗi người mà hãy thấy lỗi mình”. Thấy lỗi người là tâm con bất an, tự con đã làm khổ cho con, cho nên nói xấu người khác là mình xấu đấy con ạ!
Kim Quang hỏi đạo
Hỏi: Kính thưa Thầy, xin cho con hỏi:
Khi con ngồi tu Tứ Niệm Xứ, các cảm thọ (ngứa, lạnh, đau…), các hành (tay, chân, thân bị co giật, hoặc đầu bị căng), các niệm (xấu, ác, quá khứ, tương lai…) xuất hiện liên tục. Con dùng câu hướng tâm: “Ác lui đi” để đuổi các pháp trên đi.
Hết giờ này sang giờ khác con cứ đuổi liên tục như vậy, không có được giây phút nào ngừng nghỉ, nghĩa là thân tâm của con không có thanh thản, an lạc và vô sự.
Con tự hỏi mình rằng: Nếu có ý muốn nhắc câu tác ý để đuổi các ác pháp và các cảm thọ đi thì không biết có rơi vào Tưởng hay không? Vì Tưởng biết được là ý con muốn gì, và nó sẽ dẫn dắt đi sâu vào Tưởng.
Đáp: Khi tu tập Tứ Niệm Xứ con bị trạo cử như vậy thì nên tác ý nhắc tâm đuổi ác pháp đó đi. Do ý thức chủ động điều khiển tâm nên không bị tưởng lôi. Tình trạng trạo cử thân tâm con là do nghiệp nhân quả cộng thêm tưởng uẩn tác động vào thân tâm con. Do đó, con dùng ý thức tác ý dẹp trạo cử tức là chuyển nghiệp nhân quả. Chuyển nghiệp nhân quả tức là dẹp luôn tưởng uẩn, cho nên dù tưởng uẩn có biết nó cũng phải ra đi theo nghiệp.
Kim Quang hỏi đạo
Hỏi: Mục đích của Tứ Niệm Xứ là giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Nghĩa là tâm phải bất động trước các pháp ác và các cảm thọ xuất hiện. Vậy khi các ác pháp và các cảm thọ xuất hiện con nhắc câu tác ý là để tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, chứ không phải là để đuổi các ác pháp và các cảm thọ đó đi. Vì theo con hiểu Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức là vô thường, khổ và vô ngã. Vậy thì ta không nên để tâm dính mắc vào các ác pháp và các cảm thọ đó, nghĩa là không cần phải cố gắng tiêu diệt hết các cảm thọ và các ác pháp, chỉ cần nhắc tâm không bị dính mắc vào những ác phápđó thôi. Và đừng để cho có tâm ham muốn xuất hiện kể cả ham muốn diệt các ác pháp và các cảm thọ, hoặc là tu như thế này thì sẽ có kết quả như thế này, là diệt được cái này. Nếu con còn lý luận như thế thì con nghĩ con vẫn còn lẩn quẩn trong ảo tưởng.
Đáp:Những lý luận của con ở trên đây là con đã chịu ảnh hưởng của các hệ phái phát triển, những lý luận này trong kinh sách phát triển rất đầy đủ, đó là những lý luận lẩn quẩn không lối thoát. Cho nên, diệt dục cả thiện lẫn ác thì con người là đá, là vật vô tri vô giác, diệt dục cả thiện lẫn ác là không đúng nghĩa của Phật giáo. Đạo Phật ai cũng biết: “Ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện” là đường lối tu tập của Phật giáo. Do đó, chúng ta biết diệt dục ác, chứ dục thiện còn giữ lại. Cho nên, đạo Phật là đạo diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp nhưng diệt ngã ác, xả tâm ác, ly dục ác, ly ác pháp, chứ không diệt ngã thiện, không xả tâm thiện, không xả dục thiện, không ly thiện pháp. Vì thế đạo Phật mới chấp nhận Bát Chánh Đạo và không chấp nhận Bát Tà Đạo. Cho nên, đạo Phật có bờ bên này và bờ bên kia; bờ bên này là ác, bờ bên kia là thiện. Vì thế, đạo Phật có hai lộ trình: một là lộ trình thiện; hai là lộ trình ác.
Do chỗ tà, chánh, thiện, ác này mà đức Phật đã chỉ cho chúng ta biết có bốn chân lý của đời người. Đó là đức Phật gợi ý cho chúng ta hướng về sự thoát khổ. Hướng về sự thoát khổ tức là muốn thoát ra mọi sự khổ đau, nếu diệt hết lòng ham muốn thì lấy cái gì để tu tập hay biến mình thành cây đá thì có lợi ích gì cho mình cho người.
Do ý muốn mà con người càng ngày càng tiến bộ trên hành tinh này về khoa học, kỹ nghệ, thông tin v.v..; do ý muốn thoát khổ nên các tôn giáo trong đó có Phật giáo mới có mặt trên hành tinh này. Vì thế, Pháp của Phật là pháp môn tu tập để “muốn” làm chủ sanh, già, bệnh, chết; muốn giải thoát ra khỏi mọi sự khổ đau của kiếp làm người, nếu không có ý muốn thoát khổ thì chúng ta đi tu để làm gì? Nghe đạo Phật nói diệt dục (Diệt Đế) là các con điên đảo hiểu biết một cách sai lạc, diệt hết tâm dục là thành tựu đất đá, tu hành để thành đất đá thì còn có nghĩa gì là con người nữa phải không con? Nếu hiểu nghĩa như vậy là không đúng nghĩa của Phật giáo. Vì mục đích của Phật giáo là làm chủ nghiệp nhân quả và các cảm thọ. Cho nên, trong Tứ Niệm Xứ dạy: “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu ở đời, trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu ở đời, trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu ở đời, trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu ở đời”. Khắc phục có nghĩa là làm cho hết đau chứ không phải chỉ có giữ tâm bất động không. Mục đích của đạo Phật là chỗ tâm bất động, nhưng tâm bất động trong sự làm chủ nghiệp và các ác pháp bằng Tứ Thần Túc chứ không phải bất động trong sự chịu đựng của các ác pháp và sự chịu đựng của các cảm thọ.
Cho nên, sự hiểu biết của con như vậy là sự hiểu biết theo kinh sách phát triển, là sai không đúng nghĩa của Phật giáo.
Đức Phật dạy:
“Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Nhất thiết thế gian
Sanh, lão, bệnh, tử”
Tạm dịch:
Trên trời, dưới trời
Khắp trong thế gian
Con người là duy nhất
Làm chủ: sanh. già, bệnh, chết
Kim Quang hỏi đạo
Hỏi:Xin Thầy cho con biết khi nào thì nhắc câu tác ý “Thân tâm phải thanh thản, an lạc và vô sự.” và câu “Ác pháp lui đi”.
Đáp:Khi nào thân tâm con bình an yên ổn thì thỉnh thoảng con tác ý một lần: “Thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự”, để duy trì trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự, còn khi thân tâm con bị chướng ngại pháp tức là bị các cảm thọ, bị trạo cử, bị các niệm ác xen vào hay bị hôn trầm, thùy miên, vô ký và ngoan không thì con nên tác ý: “Ác pháp lui đi” hoặc con tác ý rõ ràng hơn từng đối tượng của nó như: đầu, cổ, tay, chân, lưng, ngực, bụng: “Thọ là vô thường, cái đầu đau nhức này phải lui đi và thân tâm phải thanh thản, an lạc và vô sự” hoặc về tâm thì con bảo: “Tâm là vô thường, ái kiết sử này phải ra khỏi nơi đây, thân tâm phải thanh thản, an lạc và vô sự”.
Câu hỏi của Kim Quang
Hỏi: Khi con ngồi tu Tứ Niệm Xứ, các cảm thọ hay các hành xuất hiện con dùng câu tác ý “Ác pháp lui đi”. Khi con nhắc như vậy thì các cảm thọ hay là các hành mất ngay, nhưng sau đó thì các cảm thọ hoặc hành khác mới xuất hiện và con lại nhắctiếp đuổi bọn nó đi. Con thấy rằng những cảm thọ và các hành này giảm dần về cường độ mạnh và nhỏ đi. (Con không biết con có bị Tưởng hay không?)Và cứ như vậy suốt nhiều tiếng đồng hồ.
Xin Thầy chỉ dạy kỹ lại cho con hiểu rõ để con biết đúng phương hướng tu tập không phải rơi vào Tưởng. Cám ơn Thầy.
Đáp:Con nên lưu ý kỹ về pháp môn Tứ Niệm Xứ mà đức Phật đã dạy:“Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu ở đời”.Cụm từ này cần phải hiểu rõ nghĩa:“Khắc phục tham ưu ở đời”. Khắc phục tham ưu ở đời có nghĩa là làm cho hết đau khổ và hết ưu phiền. Vậy phải làm bằng cách nào? Căn cứ vào bài kinhnào mà chúng ta khắc phục được bệnh khổ nơi thân?
Con hãy đọc lại đoạn kinh Đại Bát Niết Bàn này: “Trong khi Thế Tôn an cư trong mùa mưa, một cơn bệnh trầm trọng khởi lên, rất đau đớn, gần như muốn chết. Nhưng Thế Tôn giữ chánh niệm tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán... Vậy Ta hãy lấy sức tinh tấn, nhiếp phục cơn bệnh này, duy trì mạng căn và tiếp tục sống”. Và Thế Tôn với sức tinh tấn, nhiếp phục bệnh ấy duy trì mạng căn. Rồi Thế Tôn lành bệnh”. (Kinh Trường Bộ tập I trang 582 kinh Đại Bát Niết Bàn).
Đọc đoạn kinh này chúng ta nhận xét rất rõ khi bị bệnh đức Phật giữ tâm chánh niệm tỉnh giác không một chút rên la đau đớn:“Nhưng Thế Tôn giữ chánh niệm tỉnh giác, chịu đựng cơn đau ấy, không một chút ta thán”.Đây là cách thức giữ tâm bất động trong cơn đau dữ dội. Có lẽ con đã biết cách giữ tâm chánh niệm tỉnh giác rồi chứ. Giữ tâm chánh niệm tỉnh giác tức là nhiếp tâm an trú trên thân hành nội hoặc thân hành ngoại.
Khi nhiếp tâm an trú được trên thânhành nội hay ngoại thì bắt đầu nhiếp phục bệnh đau trên thân. Con hãy lắng nghe Phật dạy tiếp: “Và Thế Tôn với sức tinh tấn, nhiếp phục bệnh ấy, duy trì mạng căn. Rồi Thế Tôn lành bệnh”. Với sức tinh tấn, nhiếp phục bệnh ấy. Vậy Với sức tinh tấn, nhiếp phục bệnh ấy là làm gì?
Với sức tinh tấn tức là siêng năng; nhiếp phục bệnh ấy tức là tác ý ngay bệnh đau đó ra khỏi thân tâm, như đứcPhật đã dạy: “Tác ý một tướng khác thì tướng kia bị diệt”.
Với cảm nhận của con về sự tác ý đuổi bệnh ra khỏi thân, cơn đau giảm từ từ, đó không phải là tưởng.
Kim Quang hỏi đạo
Hỏi:Kính thưa Thầy! Con muốn hỏi Thầy về việc ngồi kiết già có cần thiết hay không?
Hiện nay con chỉ ngồi trên ghế thường thôi. Con có cố gắng ngồi kiết già mỗi ngày 10-15 phút, nhưng sau đó con thấy chân bị đau.
Con nghĩ việc ngồi kiểu gì đâu có quan trọng, quan trọng là tâm ly dục ly ác pháp phải không Thầy?
Đáp:Đúng vậy, hiện giờ sự tu tập của con, quan trọng nhất là ở chỗ tâm bất động ly dục ly ác pháp, chứ không phải ở chỗ ngồi kiết già, cho nên sự tu tập của con là phải tu tập trong bốn oai nghi: đi, đứng, nằm, ngồi. Đi, đứng, nằm, ngồi cách nào cũng được, miễn: đi, đứng, nằm, ngồi sao cho thoái mái, dễ chịu, an ổn v.v..
Tâm bất động ly dục ly ác pháp là tâm thanh thản an lạc và vô sự. Tâmthanhthản an lạc và vô sự là tâm Tứ Niệm Xứ. Như vậy con đang Tứ Niệm Xứ: “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu ở đời, trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu ở đời, trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu ở đời, trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu ở đời”.Có các chướng ngại trên thân, thọ, tâm và các pháp thì phải đuổi ngay liền. Cho nên,không cần phải ngồi kiết già, nhưng nếu ngồi được kiết già cũng tốt vì nó là tướng phước điền nên nhiếp phục được mọi người khi họ nhìn thấy con đang tu tập.
Tóm lại,khi tu tập Tứ Niệm Xứ để diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp thì không cần ngồi kiết già, ngồi cách nào tu tập cũng được.