SƠ LƯỢC

TỨ CHÁNH CẦN:
Tứ là bốn, chánh cần là siêng năng, cần mẫn, chân chánh. Đây là bốn phép chân chính mà người tu Phật phải siêng năng, cần mẫn tu tập từng giây, từng, phút, từng giờ, không được biếng trễ, hay dễ dãi, lơ đểnh.
TỨ NIỆM XỨ:
Tứ là bốn; niệm là nhớ, là suy tư, là pháp; xứ là nơi, chốn, chỗ . Tứ niệm xứ là bốn chỗ đặt pháp môn tu tập, trao dồi, làm cho bốn chỗ đó thanh tịnh, trở thành giải thoát, không còn ô nhiễm các pháp thế gian.
TỨ THÁNH ĐỊNH:
Thánh là bậc trong sạch, thanh tịnh không còn nhiễm ô thế tục, dính mắc dục lạc thế gian; định là sự bất động của tâm, sự yên lặng của thân tâm, sự vắng lặng của không gian, sự ngưng hoạt động trong thân và sự thanh tịnh của tâm.
Tứ Thánh Định là pháp môn của bậc thánh đạt được sự thanh tịnh, yên lặng, và bất động của các hành nơi thân, thọ, tâm và pháp.
TỨ NHƯ Ý TÚC: (Bốn Phép Như Ý) Như ý là theo ý muốn của mình; túc là đủ, đầy đủ. Đây là pháp thực hiện tâm muốn điều gì thì thực hiện đầy đủ điều ấy. Tứ Như Ý Túc là:
1/. Dục như ý túc : Lòng mong muốn đạt được đạo quả giác ngộ.
2/. Định như ý túc (Tâm/Niệm như ý túc): tâm chuyên chú vào đạo quả giác ngộ.
3/. Tinh tấn như ý túc: chí kiên trì tiến tới đạo quả giác ngộ.
4/. Quán như ý túc (Tư duy như ý túc): Tham cứu, suy tư, quán chiếu về thực tại để đạt được đạo quả giác ngộ.
THANH TỊNH TÂM:
Khi tâm thanh tịnh thì tâm có đủ đạo lực điều khiển sự sống chết và luân hồi:
1/. Tâm thanh tịnh là tâm ly dục, ly ác pháp.
2/. Tâm thanh tịnh là tâm đoạn dứt lậu hoặc.
3/. Tâm thanh tịnh là tâm đoạn dứt các kiết sử, vén sạch màn vô minh, ngũ triền cái.
4/. Tâm thanh tịnh là tâm bất động trước các pháp.
5/. Tâm thanh tịnh là tâm của đạo Phật.
6/. Tâm thanh tịnh là mục đích, cứu cánh của đạo phật.
7/. Tâm thanh tịnh là giới hạnh nghiêm túc của một vị tỳ kheo.
8/. Tâm thanh tịnh là tâm tuyet thông, đạo thông của một vị tỳ kheo.
TU ĐỊNH VÔ LẬU CÓ RƠI VÀO TÙY MIÊN KHÔNG ?
Hỏi: Trong khi tu định vô lậu để thấu rõ thân tứ đại nầy là vô thường, quán xét từ đầu đến chân, rồi từ chân đến đầu, quán đi, quán lại, quán tới, quán lui, rồi chuyển sang quán thân bất tịnh, vv.. Quán cho tới hết thời gian, quán liên tục như vậy có rơi vào tùy miên không? Xin Thầy chỉ dạy.
Đáp : Quán xét tư duy của định vô lậu, mục đích là sự tìm hiểu sự thật của các pháp để thấu rõ các kiến chấp lầm lạc của loài người từ xưa đến nay (cho rằng các pháp đều có thật; sắc, thọ, tưởng là ngã, là của mình, là tự thể bản ngã, là có, là không, vv..) Do sự quán xét để thấu rõ lý của các pháp, không lầm chấp, nên sự quán xét ấy không thể gọi là tùy miên. Tùy miên có nghĩa là một trạng thái miên man, suy tư liên tục, chuyển từ cái nầy sang cái khác mà mất sự chủ động. Còn quán xét vô lậu thì có tâm chủ động điều khiển từng đề mục quán.
TỌA THIỀN, NGỌA THIỀN Tọa Thiền là ngồi thiền, hoặc bán già, hoặc kiết già. Ngọa Thiền có nghĩa là nằm thiền, nằm theo kiểu kiết tường.
Thiền không phải ở chỗ ngồi hay nằm, mà chính ở chỗ tâm ly dục, ly ác pháp, ở chỗ tâm bất động trước các pháp . Thiền chuyên ngồi sẽ đưa hành giả thành “cóc” tọa thiền. Thiền chuyên nằm sẽ đưa hành giả thành “rắn” ngọa thiền.
Tọa thiền là hình thức tu tập để gom tâm và nhiếp phục chớ không phải tọa thiền để làm Phật, để được giải thoát. Còn ngọa thiền là một hình thức tu tập lười biếng, dễ rơi vào thùy miên, vô ký, mộng tưởng, vv..
SỔ TỨC QUÁN VÀ ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ có giống nhau không:
Sổ Tức Quán và Định Niệm Hơi Thở khác nhau rất xa. Sổ tức quán là ức chế tâm bằng cách đếm số. Định niệm hơi thở là dùng pháp như lý tác ý nên nhẹ nhàng diệt tầm, tâm tỉnh thức hoàn toàn, không bị loạn tưởng, hôn trầm, thùy miên, vô ký.
Sổ tức quán do ức chế tâm diệt tầm tứ, nhưng chẳng đưa hành giả đến đâu. Chỉ lanh quanh ở mê hồn trận của xúc tưởng hỷ lạc, nên chẳng có ích lợi gì cho người tu.
Định niệm hơi thở là pháp môn giúp cho hành giả tu tập nhập các loại định khác để đạt được viên mãn cứu cánh, cho nên nó là pháp môn có hiệu quả và lợi ích lớn.
Hành giả tu tập mà bỏ định niệm hơi thở thì kết quả chẳng có ích gì. (II / 152) TẠI SAO NGƯỜI TA GỌI TỨ THÁNH ĐỊNH LÀ THIỀN TIỂU THỪA, THIỀN PHÀM PHU, THIỀN NGOẠI ĐẠO ?
Tứ Thánh Định là một loại Thiền rất đặc biệt mà từ xưa, trước khi có đạo Phật cho đến ngày nay, chưa ai thông hiểu cách thức tu tập cơ bản của nó, và cũng không có một học giả nào tưởng giải ra được, ngoài Đức Phật. Ngài đã phát hiện ra cách tu tập thiền định nầy rất cụ thể và rõ ràng. Tiếc thay, các nhà học giả không có tu tập và thực hành được, các ngài không tưởng giải ra được, cho nên các ngài lập luận quăng ném nó ra ngoài kinh điển phát triển (Đại Thừa). Những nhà viết kinh điển Đại Thừa cũng không sao giải thích được Tứ Thánh Định nầy, nên họ bịa đặt ra cái tên Tiểu Thừa Thiền, Phàm phu Thiền; và độc ác hơn nữa, họ gọi đó làThiền ngoại đạo! Đến bây giờ cũng chẳng có nhà học giả nào triển khai Tứ Thánh Định được, nên gặp Tứ Thánh Định là họ lờ đi. Kinh sách thì các nhà học giả viết rất nhiều về Tứ niệm Xứ, Tứ Diệu Đế, Sổ Tức Quán, Thập Nhị Nhân Duyên. Chưa hề có cuốn sách nào nói về Tứ Thánh Định rõ ràng.
Tứ Thánh Định là pháp môn làm chủ được “sanh , lão, bệnh, tử” , tức là p háp môn giải quyết kiếp sống con người, chấm dứt đau khổ và luân hồi. Đây là một pháp môn tuyệt vời, có đạo lưc kinh khủng, tịnh chỉ hơi thở và các hành trong thân một cách tài tình. Vậy mà có mấy ai biết được pháp môn quý vô giá nầy? Người ta không hiểu, không thực hành được mà dám gọi là Tiểu Thừa thiền, phàm phu thiền, ngoại đạo thiền! (II / 151)
TẠI SAO PHẬT GIÁO LẤY GIỚI LUẬT LÀM PHÁP MÔN ĐẦU TIÊN ĐỂ TU TẬP, CÒN CÁC NHÀ ĐẠI THỪA (BẮC TÔNG) VÀ THIỀN TÔNG THÌ CHÚ TRỌNG VÀO THIỀN ĐỊNH VÀ TRÍ TUỆ ĐỂ TU TẬP ?
Đạo Phật thấy suốt được lý nhân quả nên tất cả giáo pháp của mình đều xây dựng trên nền tảng của thiện pháp (sơ thiện, trung thiện và hậu thiện).
Giới luật của đạo Phật gồm có: giới bổn, giới đức, giới hạnh, giới tuệ và giới hành. Nói đến giới tức là nói đến thiện, nói đến thiện tức là nói đến sự an vui, thanh thản của tâm hồn, mà đã an vui thanh thản là giải thoát cái khổ của cuộc đời.
Muốn được an vui thanh thản trong đời không gì hơn là sống đúng giới luật.
Nhờ giới luật mà tâm mới ly đươc ác pháp, và lòng ham muốn của mình . Tâm ly được ác pháp và lòng ham muốn thì tâm trong sạch và thanh tịnh. Vì thế Đức Phật dạy:
“Giới sanh định”. Khi tâm đã có định, thì định là một sự nghỉ ngơi của thân và tâm.
Do sự nghỉ ngơi nầy tâm được lóng sáng, nên tâm rất sáng suốt, không còn bị kiến chấp, ngã chấp, thấy suốt lậu hoặc của con người là khổ.
Nhờ sự thấu suốt nầy mà hành giả giải thoát hoàn toàn khỏi lậu hoặc. Đó là lý do Đức Phật dạy: “Định sanh tuệ”.
Cho nên trong Tứ Thánh Định, Đức Phật dạy rằng: “ ly dục, ly ác pháp, nhập sơ thiền”; tức là do ly dục sanh hỷ lạc. Khi nào tâm định trên thân, thân định trên tâm thì hành giả hướng đến tam minh sẽ thấu rõ túc mạng minh, thiên nhãn minh, và lậu tận minh. Ba minh nầy đã viên mãn tức là trí tuệ giải thoát của đạo Phật đã hiển hiện, hành giả hoàn toàn giải thoát, “làm chủ sanh tử”, chấm dứt luân hồi.
Ngược lại, đạo Phật Đại Thừa Bắc Tông lấy kiến thức học tập làm trí tuệ (sự hiểu biết), còn Thiền Tông nhắm diệt trừ vọng tưởng làm trọng và cho rằng không cần giữ giới (“Tâm bình chẳng cần giữ giới, hạnh thẳng nào dụng tham thiền”, Lục Tổ, Pháp bảo Đàn Kinh). Thế nên, ngày nay, nhiều người than phiền về oai nghi và đức hạnh của các vị tỳ kheo và tỳ kheo. Một số tu sĩ sống đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo, cũng có vợ, con, danh lợi giống như người thế gian. (II/ 152, 153)