Trong các câu tác ý của quán thân theo 4 Niệm Xứ thì có ba giai đoạn.
Giai đoạn 1 và giai đoạn 2 con hãy còn trong pháp quán thân, chừng qua đến giai đoạn 3 con mới hoàn toàn vô sự. Nhưng con phải tu qua các giai đoạn đầu, chừng tâm con trải qua những trạng thái kế tiếp tiến bộ con mới vào giai đoạn vô sự này bởi vì con còn can dự vào các trạng thái của hơi thở, các trạng thái đó giúp cho con dễ vô sự, chớ nếu không thì con bị hữu sự thôi, không vô sự được. Con phải tu một thời gian thì con mới qua được giai đoạn 3 này chứ không thì con chỉ ở giai đoạn một và hai thôi. Cũng quán thân nhưng chỉ ở giai đoạn 1 và 2 chứ không qua giai đoạn hoàn toàn vô sự được. Tới chỗ vô sự rồi thì thấy như mình không có tu tập gì cả. Con phải qua giai đoạn giảm lần sự vận dụng mới tới vô sự chứ không khéo...
Con phải theo hơi thở thấy nó tác động lên thân con như thế nào thì cứ để tự nhiên như vậy, không can thiệp thay đổi. Nó nhẹ, nó chậm như thế nào thì cứ để cho nó như thế ấy, không làm gì lên nó hết. Con chỉ ngồi ghi nhận nó thôi, ghi nhận sự tác động của hơi thở lên thân con thôi để thấy thân con dưới tác động của hơi thở mà không có sự can thiệp thay đổi nào của con. Nó làm gì thì cứ để nó làm, mình chỉ có bổn phận nhìn nó thôi, bởi vì thân yên thì nó làm theo kiểu yên của nó. Khi nó chưa yên thì nó làm theo kiểu chưa yên.
Mình chỉ có một bổn phận nhìn nó thôi tức là quán thân thôi. Đó là quán.
Đừng có sửa soạn gì trong đó hết, đừng có hướng dẫn gì hết, chỉ có bổn phận quán trong đó thôi.
Đầu tiên con nhìn coi hơi thở. Đừng vận dụng gì hết, đừng can thiệp gì hết chỉ nhìn xem hơi thở tự nhiên của nó, con sẽ thấy hơi thở có nhiều tốc độ nhanh, chậm, nhẹ, mạnh, dài, ngắn đủ hết trong đó. Con lắng nghe con sẽ thấy. Đôi lúc con cảm giác những cảm thọ hiện ra trên thân con. Nếu con thấy thân con phát nhiệt thì trong thân đang có bệnh gì đó nên nó phát nhiệt để giải trừ. Nếu thân con không có gì hết, đang khoẻ mạnh thì nó không có gì, chỉ cảm nghe mát mẻ thôi. Khi con nghe có chỗ nào hiện ra đau nhức gì thì con giữ tâm yên tịnh và đưa tưởng về đó để chữa trị, dùng tưởng và tác ý chữa những cảm thọ làm thân không an. Phải đẩy lui cảm thọ mới trở về quán thân theo 4 Niệm Xứ tu mới được. Con dùng câu tác ý của Định Niệm Hơi Thở, nếu cảm thọ trên thân thì “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”; nếu cảm thọ thuộc về tâm như thương nhớ ân hận hối tiếc,... thì con dùng câu tác ý “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô; an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”, rồi con dùng tưởng đẩy các chướng pháp lui khỏi thân con, xong đâu đấy mới trở về tu quán thân theo 4 Niệm Xứ.
Khi mình tu, tâm mình yên tịnh thì các thân nghiệp của mình càng ngày càng hiện ra, vì nó là thân nghiệp thì làm sao không hiện ra được. Khi nó hiện ra thì mình đẩy lui, mình tu mình đẩy lui thì cái lực đẩy lui của mình đó trở thành 4 Thần Túc. Cho nên mình tu có nghiệp chừng nào mà mình đẩy lui chúng hết thì lực mình mau thành tựu. Nhưng bịnh cũng phải vừa với sức đẩy lui của mình chứ nếu không thì mình sử dụng năng lượng nhiều hao quá sức chịu đựng, mình mới tu an trú mới chút xíu mà đẩy lui bịnh nặng thì sao được.
Mình phải tu cho đến khi có đủ lực rồi thì có bịnh nào mà đẩy lui không được.
Cũng như sức mình nhỏ mà tảng đá lớn thì làm sao di chuyển nó được.
Bây giờ con ngồi tu 4 Niệm Xứ quán thân trên thân mà đúng với giai đoạn 3 thân tâm đều an tịnh thì trạng thái tâm thanh thản phải hiện ra, khi con kéo dài trạng thái an tịnh đủ một thời gian cần thiết thì buộc nó phải hiện ra, không cách nào không hiện ra. Tâm thanh thản hiện ra chính là 7 năng lực giác chi chứ không phải cái gì khác. Đó là Khinh an giác chi, Hỉ giác chi, Niệm giác chi,.... mình kéo dài được thì nó phải hiện ra. Trên 4 Niệm Xứ mà mình bảo vệ chơn lí đó dài lâu không bị gián đoạn thì 7 năng lực giác chi phải hiện ra.
Nếu thân tâm con còn những chướng ngại pháp thì 7 năng lực giác chi không hiện ra đâu, con phải trở về giai đoạn 1, 2 mà chiến đấu với các cảm thọ đó chứ ở giai đoạn 3 không thể thắng nó được đâu. Con phải trở về các tác ý của Định Niệm Hơi Thở đúng với cảm thọ con đang có để đẩy ra. Nếu xả tâm mà chưa thành tựu thì con cũng phải tu tập thêm xả tâm để nó li hết các tâm tham sân si mới vào giai đoạn 3 giữ tâm mình bất động mới được. Con đang ở trên 4 Niệm Xứ nhiếp phục tham ưu thì làm sao còn chướng ngại được. Mà nếu còn chướng ngại thì bắt buộc con phải trở vế Định Niệm Hơi Thở, cũng như sức con chưa tới mà con trèo cao quá thì đâu được. Vậy khi có chướng ngại pháp thì buộc con phải trở lui Định Niệm Hơi Thở để tác ý khắc phục, xong con mới trở về quán thân theo 4 Niệm Xứ giữ tâm bất động thanh thản. Cứ mỗi khi có chướng ngại thì con lại trở lui Định Niệm Hơi Thở, xong lại trở về quán thân theo 4 Niệm Xứ. Chừng các chướng ngại không còn thì con chỉ còn tâm bất động thanh thản an lạc vô sự thôi. Con bảo vệ tâm này kéo dài “nhất dạ hiền” được 7 ngày là con chứng đạo.