9.- KHÔNG SÂN HẬN

Người tu theo Phật giáo phải thực hành cho kỳđược tâm không hờn giận. Đứng trước các đối tượng ta phải cố tránh đừng để mọi sự , mọi việc xảy ra. Phải luôn luôn giữ sắc mặt bình thường, nghĩa là nếu sắc mặt đang vui vẻ, gặp điều nghịch ý bỗng nhiên thay đổi, cau có, đỏ gay thì đó không phải là người tu. Người tu Thập Thiện lúc nào cũng giữ tánh nết hiền hòa, đừng để nổi cơn hung ác.

Kinh dạy: Một niệm sân tâm nổi lên thì trăm ngàn tai họa đến (Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai). Người xưa cũng nói: Hãy dằn tâm giận xuống, chỉ trong một giây mà thôi, để rồi khỏi sợ cả trăm ngày, hoặc là Một đóm lửa sân cháy tiêu cả rừng công đức. Nếu không dằn được cơn nóng giận, ta có thể nói hoặc hành động sơ hố mà khi bình tĩnh ta sẽ thấy xấu hổ và ân hận vô cùng. Từ một chuyện nhỏ, không quan trọng, hoặc hiểu lầm, người ta có thể biến nó thành chuyện lớn. Như hai vợ chồng là bạn đạo trong nhóm tu học tại chùa, thấy ông chồng có vẻ săn đón một chị bạn trong nhóm, bà vợ nổi ghen. Thế là vợ chồng có chuyện cãi nhau, thành to chuyện, và sau đó thì họ không tu nữa, không đi chùa, không theo Ban Hộ Niệm. Nếu không có thầy và bạn can thiệp thì họ sẽ dẹp luôn bàn thờ Phật trong nhà! Đó là chưa kể có nhiều trường hợp sân hận nổi lên, người ta có thể tự tử hoặc gây án mạng, tạo cảnh tù tội chung thân.

Bởi vậy người tu hành phải ý thức sự sân hận là một tai họa lớn. Nó làm mất đi sắc tướng của người tu (tăng tướng), và mất lòng nhân ái của người thế tục. Chúng ta phải đem hết ý chí dũng mãnh để chiến thắng những cơn sân phát khởi ào ào như thác đổ. Muốn hoàn toàn làm chủ tinh thần, không để một phút giây sân hận, thì phải dùng trí tuệ quán xét cho thấu suốt ngọn nguồn của đối tượng để ngăn chận chúng ở bên ngoài.

Thông thường người ta khuyên mình khi nóng giận thì đi uống một ly nước, nó sẽ hết. Thật ra, đi uống nước thì cơn giận có giảm xuống. Nhưng nó vẫn tiếp tục tuôn trào, nhất là khi ta ngồi thiền. Muốn diệt trừ tâm sân hận, ta phải thực hành hạnh từ bi. Tha thứđược cho người thì lòng mình mới an. Bình thường thì ta có thể tha thứ cho người lớn tuổi hơn hoặc đẳng cấp cao hơn ta thật dễ dàng, nhưng tha thứ cho người nhỏ tuổi hơn, hoặc ở cấp dưới thì ta khó tha thứ hơn. Phải quán chiếu để cảm thông nỗi khổ của người (Có lẽ tại vì anh ấy đang có chuyện buồn, nên mới có lời nói không tốt đẹp ấy, hoặc là chịấy hiểu lầm ý mình nên mới buông ra những lời khiếm nhã như thế ...). Phải đặt mình vào trong hoàn cảnh của người thử xem mình phản ứng như thế nào?

Để diệt tâm sân, có vị thiền sư dạy hãy quán không, thân này là không, lời nói như gió thoảng, có gì đâu mà buồn, giận. Kể ra không phải dễ gì mà không cho được. Có một thiền sư khác thì dạy thực tập thiền quán trong khi giận như sau: Thở vào tôi biết tôi đang giận, thở ra tôi biết cái giận còn ở trong tôi; hoặc đọc thầm một bài kệ trong tâm, mỗi câu là một hơi thở ra vào. Phương pháp này cũng giúp cho ta thấy nhẹ, khỏe, cường độ cơn sân sẽ giảm ngay.

Thật ra, muốn diệt trừ sự sân hận trong tâm thì ta phải tập diệt ngã (chấp ngã nên mới sân: Nó còn nhỏ tuổi, đi tu học sau tôi, vậy mà mỗi lần tụng kinh thì nó đứng trước tôi; đã vậy tụng kinh còn hét lớn lên át hết tiếng của người khác...) và quán từ bi: Người ta không biết tu nên mới ăn nói hoặc hành động thiếu suy nghĩ như thế; còn mình hiểu đạo, tu tập lâu năm, chẳng lẽ mình cũng như vậy sao? Có gì đâu mà phải giận? Tôi xin nguyện tha thứ cho người. Nếu quán sát kỹ, thấy mình cũng có lỗi một phần nào (trong khi sân hận, lời qua tiếng lại, thì ai mà không lỡ lời, nói nặng, làm cho người kia đau khổ), ta hãy đến xin lỗi người ấy thì mọi gút mắc đều được giải tỏa, cả hai đều cảm thấy nhẹ khỏe, an vui. Nhớ chỉ nhận phần lỗi của mình, không đề cập đến lỗi của người. Chỉ nhìn thấy lỗi của mình, chứ thấy lỗi của người thì cái lỗi của mình đã gần kề. Nên nhớ phải thực tập để có đủ nghị lực (can đảm và chân thành) nói lên lời xin lỗi. Nói được lời xin lỗi xuất phát tự đáy lòng của mình (giống như khi mình thành tâm sám hối trước Phật) thì cũng như nước sôi đổ vào tuyết, những hờn giận chất chứa sẽ tan biến ngay.

Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo dạy rằng: Kẻ nào làm chủđược tâm sân thì sẽđược tám món công đức:
1/. Tâm không tổn não.
2/. Tâm không giận hờn.
3/. Tâm không tranh giành.
4/. Tâm được nhu hòa, ngay thẳng.
5/. Tâm được từ bi như Phật.
6/. Tâm thường làm lợi ích và an ổn cho chúng sanh.
7/. Thân tướng được trang nghiêm, mọi người đều tôn kính.
8/. Có đức nhu hòa, nhẫn nhục, sau được lên cõi Trời Phạm Thiên.