Hỏi 1: Trong giới luật có giới trọng và giới khinh, xin Thầy chỉ dạy?
Đáp: Tất cả giới luật của Phật đều là giới trọng, còn giới khinh là những lỗi lầm nhỏ nhặt trong các giới trọng.
Ví dụ 1: khi đi, đứng, nằm, ngồi mà thiếu đức cẩn thận là phạm vào giới khinh.
Ví dụ 2: khi nói ra lời thiếu ôn tồn nhã nhặn là phạm vào giới khinh.
Hỏi 2: Trong tăng đoàn có năm Thầy, và nhiệm vụ của mỗi Thầy tuy có khác nhau nhưng mục đích xây dựng tăng đoàn. Vì vậy mỗi khi có việc cần thì con nên thưa hỏi.
Thầy trưởng đoàn có trách nhiệm của Thầy, Thầy giảng viên có trách nhiệm lớp học, Thầy giám luật có trách nhiệm về giới luật, Thầy thư ký có trách nhiệm về biên tập báo cáo. Để tỏ sự cung kính và thưa hỏi trong công việc hằng ngày con nên ứng dụng thế nào cho khỏi phạm lỗi? Con xin cung kính thỉnh lên Thầy chỉ dạy.
Đáp: Câu hỏi của con không rõ ràng. Mục đích con hỏi điều gì? Thưa hỏi điều gì thì nên thưa hỏi người có trách nhiệm đó trong đoàn.
Ví dụ: Hỏi về giới luật thì hỏi thầy giám luật; hỏi về bài học đạo đức thì hỏi thầy Giảng viên đoàn; hỏi về biên bản thì hỏi thầy Thư ký đoàn; hỏi về tổ chức các buổi họp của tăng đoàn và những đoàn viên có vào nề nếp tu tập thanh tịnh chưa, thì nên hỏi Trưởng đoàn và Phó đoàn.
Hỏi 3: Hôm nay chúng con gồm có 5 người được Thầy chỉ định để giúp đỡ cho chúng con học tập tốt, sinh hoạt hằng ngày và nhắc nhở oai nghi đức hạnh.
Mỗi khi có họp thì thầy Trưởng đoàn và thầy Thư ký là phải sát bên, thầy Trưởng đoàn chủ tọa, còn thầy Thư ký thì biên tập ý kiến trong tăng đoàn để liên kết chặt chẽ trong mỗi buổi họp.
Vì vậy con xin Thầy xem xét lại mỗi khi có cuộc họp là thầy Trưởng đoàn làm chủ toạ, thầy Thư ký, thầy Giám luật, thầy Giảng viên là phải thống nhất ngồi gần nhau. Có được như vậy cuộc hợp mới thành công trong một không khí hòa ái tốt đến trong tu học.
Sau buổi họp thầy Thư ký đúc kết biên bản và giao lại cho thầy Trưởng đoàn trình lên Thầy để phê duyệt.
Đáp: Khi các buổi họp thì năm thầy phải ngồi gần nhau, trước mặt đoàn viên để làm việc và điều hành buổi họp.
Hỏi 4: Theo sự hiểu biết của con là mục đích tiến tới học tập tốt. Không nên kéo dài buổi họp làm mất rất nhiều thì giờ trong việc tu tập mà cứ lặp đi lặp lại. Giờ nào ra việc đó mà thầy Giám luật đưa ra rất họp lý.
Giờ lên lớp học 7 giờ đến 9 giờ không được lạm dụng thành thói thói quen trễ nải.
Giờ đi khất thực 10 giờ đến 10 giờ 15 phút đến địa điểm là con thấy phù hợp với sự tu học của con.
Về tu viện là mục đích con sửa đổi tu tập lại bản thân để khỏi mắc lại bịnh cũ thói hư tật xấu, mà bỏ phí một thời gian rất uổng để kiến giải đúng sai mà cũng chẳng đi tới đích thật đáng tiếc.
Đáp: Phải giữ gìn giờ giấc cho nghiêm chỉnh, giờ nào công việc nấy không được kéo dài lê thê leo qua giờ khác, hết giờ là phải chấm dứt ngay như trường học ngoài đời.
Cuộc đời tu hành chỉ có những giờ sống độc cư tu tập trong thất là quan trọng nhất, vì đó là những giờ xả tâm bảo vệ chân lí. Cho nên tăng đoàn các thầy cần phải quý trọng. Sau khi thành lập tăng đoàn xong để đi vào nề nếp tu tập, nếu ai phạm giới phá giới thì phải bỏ ra khỏi đoàn. Có gạn lọc như vậy thì mới mong có người tu chứng đạo.
Hỏi 5: Công sức của Thầy bỏ ra rất nhiều mà chúng con chẳng học, chẳng nghe lời Thầy thật là xấu hổ, thẹn cho bản thân.
Hôm vừa rồi Thầy về thăm tăng đoàn con nhìn Thầy mà con ứa lệ.
Năm xưa cách đây mới hai năm, Thầy đến chùa Chưởng Phước thăm chúng con, giờ đây con nhìn lại thời gian này Thầy xuống sức quá nhiều, giọng nói Thầy hỏi run run con rất cảm động vô cùng.
Mấy hôm nay con luôn suy nghĩ về sự tu tập và đem hết khả năng rèn luyện đạo tâm mà Thầy đã trao, một pháp hành quý báu vô giá.
Dù đường đời có đổi thay con vẫn ôm pháp của Thầy không bao giờ thay đổi, một tâm hồn thanh thản kính nhớ ơn Thầy, chỉ có con đường duy nhất, tâm bất động trên mọi nẻo đường rèn luyện tu học.
Đáp: Chỉ có tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi thì đó là các thầy sẽ không phụ lòng Thầy.