TRẢ LỜI MỘT TU SINH CHƠN NHƯ

Hỏi 1: Do có hữu duyên có được thưa chuyện cùng quý Phật tử N.N, bác ấy có đưa ra một câu hỏi như sau: Bác định hỏi Thầy là tại sau đất nước Miến Điện (Myanmar), Trung Quốc, Tây Tạng, v.v... Dân chúng các nước đó rất có lòng tin vào đạo Phật, số Phật tử rất đông, mà đời sống lại khổ, hay bị thiên tai nặng nề. Kể cả Việt Nam, đời sống của người dân rất khổ, tình trạng kinh tế giai đoạn này rất suy thoái. Con đã mạn phép để trao đổi và thưa chuyện cùng bác.
Con đã giải thích, rằng mặc dù đất nước và người thân nơi đó theo đạo Phật, có đức hạnh hơn các nước khác, mà sao đời sống kinh tế vẫn đói khổ, là vì họ chưa được học  và rèn luyện nhân cách đạo đức hiếu sinh một cách thực tế và cụ thể vào đời sống. Vẫn còn giết hại và ăn thịt chúng sinh. Chưa có phương pháp để áp dụng đạo đức nhân bản - nhân quả, vẫn còn sống vô tình và cố ý làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh, v.v... Do vậy, cuộc sống của người dân vẫn phải gánh chịu những quả khổ đau do chính họ gây ra đúng với luật nhân quả, không một người nào tránh khỏi.
Người dân các nước đó, kể cả Việt Nam chúng ta, đến với đạo Phật bằng sự mê tín, họ tin rằng đức Phật là một vị thánh có thể ban phước, giáng họa nếu không bằng lòng.
Do vậy, quý vị chỉ lo cầu cúng, tế lễ mà không được biết đạo Phật là một nền đạo đức rất cụ thể thực tế, sẵn sàng đem lại niềm vui an lạc cho con người, nếu họ sống đúng với những lời dạy của đức Phật. Nhưng điều này từ xưa đến nay ít ai triển khai và dạy đúng lộ trình này, nên ít ai biết. Chỉ hiện nay đức Trưởng Lão đang đào tạo những hạt giống để gây dựng cho tương lai. Chính những hạt giống mà đức Thầy đang chăm bón, vun trồng này, tương lai sẽ góp phần làm cho đời sống người dân bớt khổ đau bằng đạo đức nhân bản - nhân quả. Đạo đức và những oai nghi chánh hạnh, mà quý tu  sinh đã được học và áp dụng vào cuộc sống hằng ngày.
Kính thưa thầy, đó là sự hiểu biết nông cạn của con, kính xin Thầy từ bi hoan hỉ chỉ dạy.

Đáp: Đúng vậy, con hiểu đúng không sai.
Các nước từ dân đến quan, vua đều tôn thờ Phật giáo, lấy Phật giáo làm quốc giáo của đất họ, thế mà chỉ biết tụng niệm cầu cúng cho đất nước bình an và thế giới hòa bình, nhưng tụng niệm cầu cúng vẫn tụng niệm cầu cúng còn đất nước và thế giới nào có bình an và hòa bình đâu. Bằng chứng tại đất nước của họ đâu có bình an, nay biểu tình chống đối, mai khủng bố thế này thế khác, luôn luôn là nhân dân sống trong sự bất an, còn thế giới không nước này chiến tranh thì nước khác.
Vậy thế giới có hòa bình đâu! Cho nên, việc cầu cúng cho hòa bình thế giới là một việc làm mê tín lạc hậu.
Quý vị cứ xem, ngay cả những nước lấy Phật giáo làm quốc giáo, nhưng nạn khủng bố, biểu tình chống đối nhau khiến cho những người dân các xứ đó sống bất an. Cho nên tụng niệm cầu cúng chỉ là một ảo tưởng hòa bình, chứ đạo Phật không có dạy họ làm những điều đó, mà đức Phật chỉ dạy: “Các  con hãy tự thắp đuốc lên mà đi...” Vậy mà các nước Phật giáo hiện giờ lại đi ngược lại lời dạy của Người. Thật là đau lòng!
Các nước lấy Phật giáo làm quốc giáo như:
Thái Lan, Campuchia, Miến Điện, Tây Tạng, v.v... Đó là các nước được xem như Phật giáo trong lòng dân tộc của họ. Nhưng chính các nước này thường biểu tình chống đối nhau, thật là bất an. Nhất là nạn khủng bố, hằng loạt người chết oan vô tội. Thật là khủng khiếp và man rợ.
Xét qua những biến cố đã xảy ra trên các nước này, thì biết ngay Phật giáo đến với xứ sở của họ là đến với sự mê tín, biến ông Phật thành ông thần có đủ thần thông pháp thuật, để phò hộ cho nước họ thoát mọi sự khổ đau, đem lại sự bình an. Nhưng đó là một ảo tưởng. Đó là một hiện tượng mê tín của dân tộc các nước này; một việc làm sai không đúng lời Phật dạy thì nhân dân cả nước của họ phải gánh chịu những nỗi sống bất an.
Vào thế kỷ thứ 21, sau khi tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết, Thầy mạnh dạn đứng lên triển khai dựng lại con đường chánh pháp của Phật. Dù biết rằng dựng lại chánh pháp của Phật thì phải chịu biết bao gian nan thử thách, nhưng vẫn kiên gan bền chí, luôn luôn  thay đổi theo hoàn cảnh nhân quả của chúng sinh. Nhưng mỗi lúc thay đổi vị trí chỗ ở của Thầy thì chánh pháp của Phật lại sáng tỏ, khiến cho mọi người tu hành dễ dàng hơn và tiến đến mục tiêu nhanh chóng hơn. Và ước mong của Thầy là nền đạo đức nhân bản - nhân quả của Phật giáo sẽ được truyền rộng ra khắp nơi trên thế giới.
Các nước này mang danh là đất nước Phật giáo, nhưng lại hiểu sai Phật giáo, nên chẳng lợi ích gì. Toàn dân sống trong ác pháp, ngày nào cũng giết hại và ăn thịt chúng sinh, sống thường làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai, thì làm sao đất nước đó bình an cho được. Vì thế lũ lụt, bão tố, sóng thần, động đất, v.v... không đến thăm đất nước họ sao được.
Một đất nước mà toàn dân sống bằng xương máu của các loài chúng sinh như: trâu, bò, heo, dê, gà, vịt, cá, tôm, sò, ốc, v.v... thì đất nước ấy làm sao nhân dân tránh khỏi thiên tai, lũ lụt, bão tố, sóng thần, động đất.
Thử hỏi trước cái chết thảm thương của loài vật trong bàn tay của con người, mà chính con người đã tận mắt nhìn thấy sự giãy giụa, kêu la cầu cứu của loài vật. Cảnh tượng ấy con người còn có chút lòng thương tâm không?
 Còn trước cái chết thê thảm của con người khi thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt, bão tố, động đất, sóng thần đến, thì con người có thương tâm không?
Chắc chắn ai cũng phải xót xa nhìn cảnh nhà tan, người chết nằm vất vưởng trên cành tre, bên bờ suối, cơ thể sình trương hôi thối; nhìn cảnh người còn kẻ mất, v.v... Thật là thương tâm vô cùng. Phải không quý vị?
Nhưng sao quý vị không thương con cá, con gà đang giãy giụa trên dao dưới thớt của quý vị?
Có bao giờ quý vị khóc một con cá đang lăn lộn giãy giụa trên chảo dầu sôi của quý vị không?
Cả thế giới loài người đang khổ đau là vì loài người đã đánh mất lòng yêu thương của mình đối với sự sống của muôn loài. Quý vị có biết không?
Hỏi 2: Qua những lời dạy gần đây nhất của Thầy, đặc biệt là bức thư trả lời cho cô Liễu Ngọc, con nhận thấy một điểm đáng chú ý về việc xuất gia của những người cư sĩ đã đang và sẽ xuất gia, có những vấn đề mà bản thân họ chưa thấu hiểu. Theo con nghĩ, họ chưa giải quyết triệt để dứt khoát giai đoạn căn bản, cho nên khi được xuất gia,  khoác trên người bộ y áo của người tu sĩ, nhưng họ rất lúng túng:
- Thứ nhất: Trước khi xuất gia quý Phật tử chưa nghiên cứu kỹ để thông hiểu những gì cần thông hiểu về đời sống của một tu sĩ.
- Thứ hai: Chưa thật sự ý thức được đời là bể khổ một cách như thật, chỉ xuất gia theo lòng ham muốn, chứ chưa thấy bổn phận và trọng trách khi trở thành một người xuất gia.
Khi xuất gia phải nỗ lực phấn đấu rèn luyện hết sức mình, với lý tưởng và mục đích cao thượng là đem lại niềm an vui cho mình, cho người trên con đường giải thoát khỏi nhà sanh tử; xuất gia là vì nền đạo đức nhân bản - nhân quả; xuất gia là vì mọi người, trong đó có bản thân mình.
Chưa áp dụng những bài học rèn luyện nhân cách đạo đức hiếu sinh một cách thường xuyên, cụ thể trong cuộc sống hằng ngày, do vậy tu tập xả tâm trở thành ức chế tâm thể hiện rất rõ.
Do chưa thông suốt ý nghĩa xuất gia, nên đi đường thì đi hàng hai, hàng ba chuyện trò rôm rả.
Thường xuyên đi học trễ, vào lớp thì xá chào nhấp nhô, ra khỏi lóp thì chuyện qua chuyện lại, v.v...
Trên đây là một số điển hình trong tu viện hằng ngày, mà người tu sinh hay mắc phải.
Theo con hiểu, những lỗi nhỏ nhặt này mà mình không tự chấn chỉnh, sửa chữa thì cuộc đời tu học thật uổng công phí sức. Có phải vậy không thưa Thầy?
Theo như lời chỉ dạy của Thầy, khi đã xuất gia rồi tuyệt đối không rời khỏi tu viện, không nên đi ra ngoài giải quyết việc thế gian, chỉ có mỗi việc lo tu học. Vậy con thấy hầu như tu sĩ họ không chấp hành đúng, coi tu viện như cái chợ, thích thì ở, không thích thì lại đi, đi năm ngày hoặc nửa tháng, thậm chí 4, 5 tháng, v.v... Khi không có nơi dung chứa lại quay về tu viện ăn gởi nằm nhờ. Cá biệt có người còn không lên lớp tham gia các khoá học rèn luyện các đạo đức hiếu sinh, chẳng hạn như sư cô T.B, hoặc có học cũng chỉ là đối phó cho xong chuyện. Vì vậy mà kết quả tu học không đi đến đâu.
Theo cách hiểu của con, tu viện giờ đã đổi mới về mọi mặt, trong đó có cả việc tu học.
Vấn đề ở đây là những tu sĩ như vậy thì có nên cho ở lâu dài hay không? Quy định đối với những trường hợp như vậy thì xử lý ra sao? Vì theo con thấy ít nhiều phải tự nguyện  tự giác, chấp hành đúng như lời dạy của Phật, của Thầy. Vì đã là trường học thì phải có kỷ luật rõ ràng nghiêm túc. Nếu về tu viện chỉ là hỏi pháp hoặc thọ bát quan trai thì phải có thời gian nhất định, cụ thể rõ ràng.
Còn về tu học phải chấp hành đúng thanh qui. Có như vậy kết quả tu học mới có chất lượng, không uổng công người chỉ dạy. Con rất mong đức Thầy chỉ dạy để làm sao mọi chuyện được tốt đẹp và không ngừng đi lên.

Đáp: Những điều con góp ý trên đây là đúng, Thầy đang chỉnh đốn tăng đoàn, nam cư sĩ đoàn và khoá sổ không nhận thêm người vào tăng đoàn và cư sĩ đoàn nữa, để tăng đoàn và cư sĩ đoàn bước vào sinh hoạt học tập và tu luyện đi vào kỷ luật hơn.
Nếu Thầy không chấn chỉnh tăng đoàn và cư sĩ đoàn, thì không biết chừng nào có người tu chứng đạo. Tu sĩ mà sống thiếu giới luật đức hạnh, oai nghi chánh hạnh không có thì tu tập được cái gì. Cho nên tập THỜI KHÓA TU TẬP TRONG THỜI ĐỨC PHẬT và tập THANH QUI TU VIỆN CHƠN NHƯ được nhuận lại trong lúc này là để đưa ra kịp thời, và gạt bỏ những người không có ý chí quyết tu tập giải thoát, thường phá hạnh độc cư. Mình đã tu tập không được lại lôi thêm một số người khác cũng tu tập không được. Thật là xót xa!
Các con hãy chờ đợi một thời gian nữa, Thầy sẽ quyết định tổ chức Ban Điều Hành Tu Viện và các Ban Điều Hành Tăng Đoàn, Ban Điều Hành Nam Cư Sĩ Đoàn, Ban Điều Hành Ni Đoàn và Ban Điều Hành Nữ Cư Sĩ Đoàn. Khi các ban này đi vào hoạt động, Thầy tin rằng giáo đoàn Chơn Như sẽ tốt hơn và mọi người sẽ tu tập tốt hơn.
Hỏi 3: Kính thưa Thầy! con được lời Thầy dạy, khi một người đã nhập thất tu là phải nghiêm mật không còn ra vô nữa. Nhưng con thấy, có quý sư cô khi xin nhập thất chỉ năm ba ngày lại ra khỏi thất, có người thì nói đi xin đồ vật dụng cá nhân. Khi ra khỏi thất thì kết thân với người này hoặc người kia.
Những trường hợp như vậy có nên nhập thất hay không, nhập thất như vậy có đem lại ích lợi gì không?
Một người cứ tu như vậy thì con đường tu sẽ đi về đâu? Có xứng đáng để được nhận sự cúng dường của đàn na thí chủ hay không?
Con kính mong đức Thầy chỉ dạy.
Trên đây là một số suy nghĩ nông cạn của bản thân, với mong muốn góp phần đem lại kết quả tu học cho quý tu sinh được chất lượng và hiệu quả, con kính mong quý tu sinh hết sức thông cảm.
Con xin cám ơn. Kính ghi! Tu sinh Chơn Như.

Đáp: Thầy xin thành thật cảm ơn, con đã dám nói thẳng, góp ý với Thầy để chấn chỉnh lại Giáo đoàn Chơn Như.
Từ lâu, Thầy cứ nghĩ rằng mọi người khi vào tu viện là quyết chí tu tập cho đến khi giải thoát. Nhưng nào ngờ nghiệp lực thói quen lâu đời, nên quá khó khăn buông bỏ cái ăn, cái ngủ, cái nói chuyện, v.v... nên sống độc cư không nổi.
Nhập thất ra vào như vậy là nhập thất để có tiếng nhập thất tu hành, chứ tu hành được những gì đâu. Tâm chưa xả sạch những chướng ngại pháp mà vào thất là chưa thông hiểu phương pháp tu hành.
Muốn nhập thất tu hành là để đi đến làm chủ sinh, già, bệnh và chết, thì phải có người trắc nghiệm xem mình tu tập Tâm Tỉnh Thức đến mức độ nào mới được vào thất tu tập.
Chứ không phải muốn vào thất thì vào. Khi nhập thất tu tập thì người tu sĩ giới luật không còn vi phạm những lỗi nhỏ nhặt nào, những oai nghi chánh hạnh phải được tròn đủ, hạnh độc độc cư phải nghiêm chỉnh, không đi nói chuyện với bất cứ một ai cả.